Kỳ 111



- Trời sáng. Tôi trốn trong rừng. Tôi run. Mặt trời mọc và tôi nghe thấy bọn thầy tu sục sạo kiếm tôi trong bờ bụi. Nhưng Chúa đã cho một đám sương mù xuống phủ lấy tôi và chúng không thấy tôi.

Ðến chiều tôi nghe thấy một tiếng nói vang lên: “Trốn xuống biển mau! -Thượng đẳng thiên sứ, xin dẫn dắt con!” Tôi kêu lên và lên đường. Tôi không biết đi đường nào, nhưng thượng đẳng thiên sứ dẫn dắt tôi, khi thì bằng những tia chớp, khi thì bằng một con chim đen trong rặng cây, hay bằng một con đường xuống núi. Và tôi cố sức chạy theo ngài, hoàn toàn phó mặc cho ngài. Và lòng tốt của ngài thật vô biên! Tôi đã thấy bạn, bạn Canavaro thân mến! Tôi được cứu rồi!

Zorba không nói gì cả, nhưng trên khuôn mặt hắn một nụ cười rộng ngoác, xác thịt nở từ mép đến tận hai cái tai lừa lông lá của hắn.

Bữa tối đã sẵn sàng, hắn nhấc nồi xuống khỏi bếp. Hắn hỏi:

- Zaharia, bánh thiên thần là gì?

- Tinh thần, gã tu sĩ vừa trả lời vừa làm dấu.

- Tinh thần? Nói cách khác, gió? Gió đâu có nuôi dưỡng con người, ông bạn lại đây ăn bánh súp cá và một chút thịt cho nó lại người. Bạn đã làm được một việc hay! Vậy hãy ăn đi!

- Tôi không đói, gã thầy tu nói.

- Zaharia không đói, nhưng còn Joseph? Hắn cũng không đói nữa sao, Joseph?

Gã tu sĩ nói khẽ như gã đang tiết lộ một bí ẩn lớn lao:

- Joseph, tên bị nguyền rủa đó đã bị đốt cháy, cảm tạ Chúa!

- Ðốt cháy? Zorba vừa la lên vừa cười. Hắn bị đốt cháy ra sao? Bao giờ? Bạn có nhìn thấy không?

- Ðồng chí Canavaro, hắn bị đốt cháy lúc tôi châm nến ở ngọn đèn chầu của Chúa. Chính mắt tôi trông thấy hắn từ miệng tôi vọt ra như một giải băng đen viết chữ lửa. Ngọn lửa của cây đèn cầy bắt vào người hắn, hắn quằn quại như một con rắn và cháy thành than. Dễ chịu biết bao! Cảm tạ Chúa! Tôi có cảm tưởng tôi đã đi vào Thiên Ðàng rồi!

Gã từ bên bếp lửa, nơi gã ngồi co ro, đứng lên:

- Tôi ra ngủ ngoài bãi biển tôi được lệnh làm như vậy.

Gã đi dọc theo bờ nước và mất hút trong đêm tối.

Tôi nói:

- Bác phải chịu trách nhiệm về gã, Zorba. Nếu những tu sĩ kia tìm thấy gã, gã đi đời mất.

- Họ không thể tìm thấy gã, ông đừng lo, ông chủ. Tôi biết rõ trò chơi này lắm. Sáng sớm mai, tôi sẽ cạo râu cho gã, cho gã mặc quần áo thực sự con người và đưa gã xuống thuyền. Ðừng bận tâm về gã, không đáng gì cả, súp có ngon không? Hãy thưởng thức bánh của con người và đừng lo âu khắc khoải về bất cứ điều gì cả!

Zorba ăn rất ngon lành, uống và vuốt ria. Bây giờ hắn muốn nói:

- Ông có để ý không, ông chủ? Con quỉ của gã đã chết. Và bây giờ gã hoàn toàn trống rỗng, tội nghiệp, hoàn toàn trống rỗng, bỏ đi! Bây giờ gã giống như bất kỳ kẻ nào khác!

Hắn suy nghĩ giây lát đoạn tiếp:

- Ông chủ, ông có nghĩ rằng con quỉ của gã là...

- Dĩ nhiên, tôi đáp. Ý tưởng đốt nhà thờ đã ăn sâu trong đầu óc gã, gã đã đốt và bình tĩnh trở lại. Ý tưởng đó muốn ăn thịt, uống rượu chín mùi và trở thành hành động. Zaharia khác không cần rượu hay thịt. Nó trưởng thành bằng cách chay tịnh.

Zorba nghiền ngẫm hồi lâu:

- Hay! Tôi tin rằng ông có lý, ông chủ, tôi nghĩ có lẽ tôi phải có tới năm hay sáu con quỉ trong tôi!

- Tất cả chúng ta đều có, Zorba đừng sợ. Chúng ta càng có nhiều quỉ bao nhiêu, càng hay bấy nhiêu. Chỉ cần qua những đường lối khác nhau chúng cùng hướng về một mục đích giống nhau.

Những lời nói ấy làm Zorba hoảng sợ. Hắn chúi đầu vào giữa hai đầu gối và suy nghĩ. Cuối cùng hắn ngẩng đầu lên hỏi tôi:

- Mục đích nào?

- Làm sao tôi biết được Zorba? Bác hỏi những câu khó quá. Làm sao tôi giải thích được?

- Ông hãy nói thật giản dị để tôi có thể lãnh hội. Cho đến nay tôi luôn luôn để những con quỉ của tôi tự do muốn làm gì thì làm, muốn đi đường nào thì đi - vì thế người chê tôi bất lương, kẻ khen lương thiện, người bảo tôi gàn, kẻ cho tôi khôn ngoan như Solomon. Tôi là tất cả những thứ ấy và còn là nhiều thứ khác nữa, đúng là một thứ hổ loan. Ông hãy soi sáng giúp tôi, ông chủ... mục đích nào?

- Theo tôi, Zorba - nhưng tôi có thể nhầm lẫn - có ba loại người: Có những kẻ coi việc sống đời mình là mục đích, như họ nói, ăn uống, làm ái tình, làm giầu, trở nên nổi tiếng. Rồi, có những kẻ coi là mục đích, không phải đời họ, mà là đời của tất cả mọi người. Họ cảm thấy tất cả chỉ là một và cố gắng khai hóa họ, hết sức thương yêu họ cà giúp đỡ họ. Cuối cùng, có những kẻ mà mục đích là sống cuộc sống của toàn thể vũ trụ: tất cả, con người, thú vật, cây cối, tinh tú, chúng ta chỉ là một, chúng ta chỉ là một thực thể cùng chiến đấu một cuộc chiến khủng khiếp. Cuộc chiến nào? - biến đổi vật chất thành tinh thần.


Kỳ 112



Zorba gãi đầu:

- Sọ tôi cứng quá, ông chủ, tôi không rõ lắm... À, nếu ông có thể nhẩy những điều ông vừa nói thì tôi hiểu liền!

Tôi thất kinh, cắn môi. Tất cả những tư tưởng tuyệt vọng này, ước gì tôi có thể nhẩy múa chúng! Nhưng tôi không thể nhẩy, đời tôi đã hỏng rồi.

- Hay nếu ông có thể kể tất cả những điều đó thành một truyện thần thoại. Như Hussein Aga. Ðó là một lão già Thổ Nhĩ Kỳ, ở bên cạnh nhà tôi. Già lắm, nghèo lắm, không vợ, không con, hoàn toàn trơ trọi một mình. Quần áo tả tơi, nhưng rất bóng vì sạch sẽ. Chính tay lão giặt giũ, làm bếp, lau chùi sàn nhà. Buổi tối lão thường đến chơi nhà chúng tôi. Lão hay ngồi trong vườn với bà tôi và mấy bà lão khác và đan vớ.

“Lão Hussein Aga là một người thánh thiện. Một hôm lão đặt tôi lên đầu gối lão và đặt tay lên tôi như thể lão ban phước lành cho tôi: Alexis, lão nói, ta sắp nói với con một điều bí ẩn. Nhưng bây giờ hãy còn bé quá chưa có thể hiểu nổi, nhưng khi nào con lớn lên con sẽ hiểu. Nghe lão đây, con: bẩy tầng trời cũng như bẩy tầng đất đều không đủ để chứa Thượng Ðế. Nhưng tâm hồn con người chứa đựng được Ngài. Bởi vậy hãy cẩn thận, Alexis, chớ có bao giờ làm thương tổn tâm hồn con người!”

Tôi lẳng lặng nghe Zorba. Ước gì tôi chỉ mở miệng khi ý tưởng trừu tượng đã đạt tới đỉnh cao nhất của nó - khi nó trở thành một truyện thần thoại! Nhưng đỉnh cao đó chỉ có những đại thi hào mới đạt được, hay một dân tộc, sau bao thế kỷ cố gắng lặng lẽ.

Zorba đứng dậy.

- Tôi đi thăm cái khúc củi cháy dở của chúng ta đã lại người chưa và ném cho gã cái mền để gã khỏi cảm lạnh. Tôi sẽ mang theo cái kéo, có việc phải dùng đến nó.

Hắn vừa đi vừa cười dọc theo mé biển. Trăng vừa mọc và trải một ánh sáng xanh ngoét, bệnh hoạn trên trái đất.

Ngồi một mình bên ngọn lửa tàn, tôi cân nhắc những lời nói của Zorba - ý nghĩa phong phú và toát ra một hương vị ấm áp của trần gian. Người ta có cảm tưởng chúng bốc lên từ lòng hắn và vẫn còn giữ được sức nóng nhân loại. Lời nói của tôi bằng giấy. Chúng từ đầu tôi xuống, hơi vấy một giọt máu. Và nếu chúng có một chút giá trị nào là nhờ giọt máu đó.

Nằm sấp trên mặt đất, tôi đang cời than ấm, thì Zorba trở về, tay buông thõng, vẻ thảng thốt.

- Ông chủ, đừng hoảng hốt...

Tôi đứng nhỏm dậy.

- Gã thầy tu chết rồi, hắn nói.

- Chết rồi?

- Tôi thấy gã nằm trên một tảng đá, trong ánh trăng chan hòa. Tôi quì xuống và bắt đầu cắt râu gã và phần ria còn lại. Tôi mặc sức cắt, cạo, gã không nhúc nhích. Hứng chí tôi cạo trọc đầu gã. Tôi cắt đi ít ra là nửa ký râu tóc. Lúc đó khi tôi trông thấy gã bị cạo trọc lóc như một con cừu tôi phá lên cười. “Này, signor Zaharia! Tôi vừa cười vừa lay gã, dậy mà xem phép lạ của Ðức Mẹ Ðồng Trinh!” Tha hồ lay, gã không thèm cựa quậy! Tôi lại lay nữa. Không ăn thua gì cả! Chẳng lẽ gã đáng thương đó chết! Tôi tự nhủ. Tôi cởi áo gã, banh ngực ra và đặt tay lên phía trái tim. Xem có tiếng thình thịch không? Không có gì cả! Bộ máy không chạy nữa.

Hắn càng nói, càng vui vẻ. Cái chết đã khiến hắn lặng đi trong giây lát, nhưng hắn đã đặt nó vào vị trí của nó ngay.

- Bây giờ chúng ta phải làm gì, ông chủ?

Tôi nghĩ chúng ta nên đốt gã. Kẻ nào giết người bằng dầu hôi sẽ chết bằng dầu hôi. Tân Ước chẳng nói vậy là gì? Với quần áo bẩn thỉu khô cứng và tẩm đầy dầu hôi, gã sẽ bắt lửa như Judas vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh.

- Bác muốn làm gì thì làm, tôi khó chịu nói.

Zorba trầm ngâm suy nghĩ. Cuối cùng hắn nói:

- Thực là bực mình, bực mình ghê gớm... Nếu tôi châm lửa gã, quần áo gã sẽ cháy như một bó đuốc, nhưng tội nghiệp gã chỉ có da bọc xương! Ốm nhom như gã, phải mất một thời gian lâu lắm mới cháy thành than được. Trên người gã không có nổi một chút mỡ để giúp ngọn lửa.

Hắn lắc đầu, thêm:

- Nếu Thượng Ðế hiện hữu, ông có nghĩ rằng ngài đã biết trước tất cả việc này và tạo ra cho gã mập mạp với thật nhiều mỡ để gỡ rối cho chúng ta không? Ông nghĩ sao?

- Ðừng lôi kéo tôi vào việc này. Bác muốn làm gì thì làm, nhưng làm nhanh lên.

- Tốt nhất là có một thứ phép lạ nào đó xẩy ra! Bọn thầy tu phải tin rằng Thượng Ðế trở thành một bác phó cạo, sau khi cạo cho gã ngài đã giết gã để trừng trị gã về tội đã gây tổn thất cho tu viện.

Hắn gãi đầu:

- Nhưng phép lạ nào? Phép lạ nào bây giờ? Ðây là chỗ ta trông cậy nơi ngươi, Zorba!

Mảnh trăng lưỡi liềm sắp lặn đang lơ lửng trên đường chân trời, vàng ửng như một miếng kim loại nung đỏ.


Kỳ 113



Mệt mỏi, tôi đi ngủ. Khi tôi trở dậy vào lúc bình minh, tôi trông thấy Zorba đang pha cà phê bên tôi. Cặp mắt hắn mọng đỏ vì đã thức đêm. Nhưng đôi môi chề ra như môi dê của hắn mỉm cười một cách ranh mãnh.

- Ðêm qua tôi không ngủ, ông chủ, tôi phải làm vài việc.

- Việc gì, lão ba que xỏ lá?

- Tôi làm phép lạ.

Hắn cười và đặt ngón tay lên:

- Tôi không nói đâu! Ngày mai là ngày khánh thành đường dây cáp. Những con heo thiến mập sẽ đến ban phước lành, lúc họ sẽ báo phép lạ mới của Ðức Bà Trừng Phạt - vĩ đại thay uy quyền Ðức Mẹ!

Hắn đưa tôi cà phê, tôi tiếp:

- Ông biết không, tôi sẽ là một tu viện trưởng tốt. Nếu tôi mở một tu viện, tôi cá với ông là tôi sẽ làm cho tất cả những tu viện khác phải đóng cửa và sẽ cướp hết khách hàng của họ. Bạn thích nước mắt ư? Một miếng bọt biển nhỏ thấm nước đặt sau những thánh tượng và tất cả những ông thánh của tôi sẽ khóc theo ý muốn. Sấm sét ư? Tôi sẽ nhét vào gầm Bàn Thánh một bộ máy phát ra tiếng nổ như pháo. Ma quỉ ư? Hai gã tu sĩ tâm phúc của tôi quấn khăn trải giường đêm đêm đi đi lại lại trên nóc tu viện. Và hàng năm, vào ngày lễ Ðức Mẹ tôi tụ tập một bọn què quặt, mù lòa và tê liệt cho người ta thấy họ lại nhìn thấy ánh sáng và đứng dậy nhẩy múa ca ngợi Ðức Bà!

-Tại sao ông cười, ông chủ? Trước kia tôi có một ông chú, ông thấy một con la sắp chết. Người ta bỏ nó trong núi cho nó chết. Chú tôi mang về nhà. Buổi sáng nào ông cũng mang nó đi ăn cỏ và buổi tối lại dẫn nó về. Dân làng kêu: “Kìa, cha nội Haralambos, cha nội định làm gì với con lừa sống dở chết dở đó?”

- Tôi dùng nó để mở xưởng chế tạo phân lừa. Này, ông chủ, trong tay tôi, tu viện sẽ trở thành một xưởng chế tạo phép lạ!



25



Suốt đời tôi không bao giờ quên được buổi chiều trước ngày mồng một Tháng Năm. Ðường dây cáp đã sẵn sàng, cột trụ, dây cáp và ròng rọc sáng chói trong ánh mặt trời ban mai. Những thân cây thông lớn đã được chất đống trên đỉnh núi và thợ thuyền đã túc trực trên đó chờ lúc móc thân cây vào dây cáp và thả xuống biển.

Một lá cờ Hy Lạp lớn phất phới trên đỉnh cột ở điểm khởi hành trên núi và một lá trên đỉnh cột ở mức đến, trên bờ biển. Trước cửa lều, Zorba đã đặt một thùng vang nhỏ. Cạnh đó, một công nhân đang quay một con cừu béo trên một cây sắt nhọn. Sau lễ ban phước lành và lễ khánh thành, quan khách phải uống một ly rượu và chúc mừng chúng tôi trịnh trọng.

Zorba cũng đã tháo lồng két và đặt nó trên một tảng đá cao gần cột trụ thứ nhất.

- Cũng như tôi thấy chủ nó vậy, hắn vừa lẩm bẩm vừa nhìn nó một cách dịu dàng.

Hắn móc túi lấy một nắm đậu phộng cho con két.

Zorba mặc bộ quần áo diện nhất của hắn: áo chemise mở nút, veston xanh lá cây, quần dài xám, giầy gót cao su mềm. Quá hơn nữa, hắn còn lấy sáp chuốt bộ ria lúc này đã bắt đầu bạc mầu.

Như một đức ông tiếp đón những công hầu bá tử khác, hắn lăng xăng chạy ra chào mừng những thân hào đang lục đục đến, và giải thích cho họ thế nào là đường sắt treo, đâu là lợi ích mà làng sẽ thâu lượm được, và Ðức Mẹ Ðồng Trinh trong ân sủng vô biên của Ðức Mẹ - đã mang lại cho hắn ánh sáng để thực hiện kế hoạch này ra sao. Hắn nói:

- Ðó là một công trình quan trọng. Phải tìm độ dốc cho chính xác - cả một khoa học! Tôi đã moi óc hàng mấy tháng trường, nhưng vô hiệu quả. Hiển nhiên là đối với những công việc vĩ đại, đầu óc con người chưa đủ, cần phải có sự phò trợ của Thượng Ðế... Ðức Mẹ Ðồng Trinh thấy tôi lao khổ và Ðức Mẹ thương hại tôi: “Tội nghiệp Zorba, Ðức Mẹ nói, hắn không phải là một kẻ xấu, hắn làm tất cả vì lợi ích của làng, ta phải giúp hắn một tay mới được.” Ôi, phép lạ!

Zorba ngừng lại và làm dấu ba lần...

- Ôi, phép lạ! Một đêm, trong lúc tôi đang ngủ, một thiếu phụ mặc quần áo đen đến trước mặt tôi - đó là Ðức Mẹ Ðồng Trinh. Ðức Mẹ cầm trong tay một đường sắt treo kiểu mẫu, không lớn hơn chừng này. Ðức Mẹ nói: “Zorba, ta mang cho mi kiểu mẫu từ trên Thiên Ðàng. Ðây, theo độ dốc này và hãy nhận phước lành của ta!” Nói xong, Ðức Mẹ biến mất. Tôi hốt hoảng thức dậy, chạy tới chỗ thí nghiệm, và tôi thấy gì? Ðường dây tự nó đã mắc đúng độ dốc chính xác! Và nó ngào ngạt mùi an-tức-hương, chứng tỏ rằng bàn tay Ðức Mẹ đã chạm đến!

Kondamanolio há miệng định hỏi, thì từ con đường đá lởm chởm, năm tu sĩ cưỡi la đã lần lượt kéo ra. Một người thứ sáu, vác một cây thánh giá gỗ lớn trên vai vừa chạy vừa la hét đằng trước họ. Chúng tôi cố gắng đoán xem y la hét gì, nhưng đành chịu.

Chúng tôi nghe thấy những bài thánh ca. Ðám tu sĩ vẫy tay, làm dấu, móng lừa phản chiếu ánh sáng từ núi đá.


Kỳ 114



Tu sĩ đi chân đất đến gần chúng tôi, mồ hôi đầm đìa. Y nâng cây thánh giá lên cao, kêu to:

- Hỡi tín đồ Cơ Ðốc Giáo, phép lạ! Hỡi tín đồ Cơ Ðốc Giáo, phép lạ! Các cha đang mang Ðức Mẹ Ðồng Trinh tới. Quì xuống và tôn kính ngài!

Dân làng, hương mục và thợ thuyền xúc động chạy tới vây quanh tu sĩ làm dấu. Tôi đứng lên một chỗ. Zorba đưa mắt nhìn tôi thật nhanh, cặp mắt hắn sáng như sao. Hắn nói:

- Ông cũng lại gần đi, ông chủ. Lại nghe phép lạ của Ðức Mẹ Ðồng Trinh rất nhiệm màu!

Gã thầy tu hổn hển, bắt đầu kể:

- Quì xuống, tín đồ Cơ Ðốc Giáo, nghe phép lạ thiêng liêng! Nghe đây, tín đồ Cơ Ðốc Giáo! Ma quỉ đã bắt hồn tên Zaharia đáng nguyền rủa và ngày hôm kia, thúc đẩy hắn lấy dầu tưới khắp tu viện. Nửa đêm, các cha trông thấy lửa. Các cha vội vàng thức dậy. Tu viện, hành lang, phòng các cha đều cháy. Các cha vừa rung chuông vừa kêu: “Xin cứu giúp chúng con! Ðức Bà Trừng Phạt!” và các cha sách bình và thùng chạy lại. Rạng ngày lửa tắt.

Các cha tới tiểu giáo đường quì trước tượng thánh mẫu mầu nhiệm kêu gào: “Ðức Mẹ Ðồng Trinh Trừng Phạt! Xin Ðức Mẹ nâng dáo lên và đánh kẻ có tội!” Rồi các cha tụ họp trong sân và nhận thấy sự vắng mặt của Zaharia, tên Judas. Các cha la lên: “Chính hắn đã đốt chúng ta! Chính hắn đã đốt chúng ta! Và các cha đi kiếm hắn. Các cha lục soát suốt ngày, nhưng không thấy gì cả. Nhưng sáng hôm nay, các cha tới tiểu giáo đường một lần nữa và các cha thấy gì, các bạn? Một phép lạ kinh khủng! Zaharia nằm chết dưới chân tượng thánh mẫu và ở đầu ngọn dáo của Ðức Mẹ Ðồng Trinh hãy còn dính một giọt máu lớn!”

- Kyrie eleison! Kyrie eleison! (*) dân làng kinh sợ lẩm bẩm.

(*) “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!” - N.H.H

- Chưa hết đâu; gã tu sĩ vừa nói tiếp vừa nuốt nước bọt. Khi các cha cúi xuống nhấc tên Zaharia bị nguyền rủa lên, các cha thất kinh: Ðức Mẹ Ðồng Trinh đã cạo tóc, râu ria hắn - giống như một mục sư Thiên Chúa Giáo!

Cố gắng lắm mới nhịn cười được, tôi quay sang nói khẽ với Zorba:

- Ðồ bất nhân!

Nhưng hắn chăm chú nhìn gã thầy tu, mắt mở lớn, đầy trang nghiêm và không ngớt làm dấu, tỏ sự kinh ngạc:

- Lạy Chúa, Chúa cao cả thay, lạy Chúa, Chúa cao thay! Tuyệt diệu thay, công việc của Chúa!

Ngay lúc đó những tu sĩ khác đến và xuống la. Cha phụ trách khoản đãi khách ôm tượng thánh mẫu; ông trèo lên một tảng đá và tất cả chạy lại, chen lấn nhau quì trước Ðức Mẹ Ðồng Trinh nhiệm màu. Sau cùng, lão Demetrios to béo bưng một đĩa quyên tiền và vẩy lên những cái đầu cứng rắn của dân quê một thứ nước màu hồng. Ba tu sĩ đứng xung quanh lão ta tụng thánh ca, bàn tay lông lá khoanh trước bụng, mồ hôi vã ra những hột lớn trên mặt lão. Lão Demetrios to béo nói:

- Chúng tôi rước Ðức Mẹ đi vòng quanh những làng mạc ở Crete để những tín đồ có thể quì trước Ðức Thánh Mẫu và dâng lễ vật. Chúng tôi cần tiền, rất nhiều tiền để trùng tu tu viện...

- Những con heo thiến mập! Zorba càu nhàu. Chúng lại định nhân cơ hội đó kiếm chác đây!

Hắn lại gần tu viện trưởng:

- Thưa Ðức tu viện trưởng tất cả đã sẵn sàng cho buổi lễ. Cầu Ðức Mẹ Ðồng Trinh ban phước lành cho công việc của chúng tôi!

Mặt trời đã lên cao, không một đợt gió, trời nóng như thiêu. Những tu sĩ đứng xung quanh cột cờ cao. Họ lấy vạt áo rộng lau mồ hôi trán và bắt đầu đọc kinh cầu cho “sự xây dựng nhà cửa!”

“Lạy Chúa, lạy Chúa, xin Chúa xây dụng cụ này trên đá rắn chắc để cho gió mưa không thể làm hư hoại được...”

Họ nhúng cây ngù rảy nước thánh vào cái bát đồng và rảy lên đồ vật người ta, cột trụ và cuối cùng, dân quê, thợ thuyền và biển.

Ðoạn, thận trọng như nâng giấc một người đàn bà đau ốm, họ nâng tượng thánh mẫu lên và đặt cạnh con két và đứng vây quanh. Bên kia là các vị hào mục, ở giữa là Zorba. Tôi đứng lảng ra gần biển và chờ đợi.

Cuộc thí nghiệm được thực hiện với ba thân cây: Tam vị nhất thể. Tuy nhiên người ta thêm một cây thứ tư để tỏ lòng cám ơn Ðức Bà Trừng Phạt.

Tu sĩ, dân làng và thợ thuyền làm dấu.

- Nhân danh Ðức Chúa ba ngôi và Ðức Mẹ Ðồng Trinh! Họ lâm râm khẩn cầu.

Bước một bước, Zorba đã ở cạnh cột trụ thứ nhất. Hắn kéo dây và hạ cờ xuống. Ðó là dấu hiệu những người thợ trên đỉnh núi chờ đợi. Toàn thể khán giả lùi lại và chú mục hướng về đỉnh núi.

- Nhân danh Ðức Chúa Cha! Tu viện trưởng kêu to.

Không thể tả được cái gì xảy ra lúc đó. Tai họa nổ tung như sấm sét. Những người dự lễ không kịp chạy. Toàn thể cơ cấu lung lay. Những thân cây thông mà thợ thuyền đã móc vào dây cáp lao xuống với một sức hung hăng ma quỉ. Tia lửa tóe ra, mảnh gỗ bắn tung trong không gian, và chỉ vài phút sau khi thân cây xuống thấp hơn chút nữa, nó chỉ còn lại một khúc củi gần cháy thành than.


Kỳ 115



Zorba lấm lét nhìn tôi. Tu sĩ và dân làng rút lui một cách thận trọng. Những con la bị cột bắt đầu hí lên. Lão Demetrios to lớn quị xuống, hổn hển.

- Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con! Lão sợ hãi cầu nguyện.

Zorba giơ tay lên, quả quyết:

- Không sao hết. Cây đầu tiên bao giờ cũng vậy. Bây giờ máy đã trơn rồi... Nhìn đây!

Hắn phất cờ, ra hiệu lần nữa và bỏ chạy.

- Và Ðức Chúa Con! Tu viện trưởng run run kêu lên.

Thân cây thứ hai đã thả xuống. Cột trụ lung lay, thân cây phóng nhanh, nhẩy nhót như một con cá heo và lao về phía chúng tôi. Nhưng nó không đi xa, nó tan tành ở lưng chừng núi.

- Ma quỉ bắt nó! Zorba vừa lẩm bẩm vừa ngậm ria. Ðộ dốc trời đánh này chưa đúng!

Hắn nhẩy tới cột trụ và điên cuồng phất cờ ra hiệu lần thứ ba. Những tu sĩ lúc bấy giờ đứng sau những con la của họ, làm dấu. Những hương mục thấp thỏm đứng chờ, sẵn sàng chạy.

- Và Ðức Chúa Thánh Thần! Tu viện trưởng ấp úng cầu nguyện vừa vén áo lên chuẩn bị.

- Nằm xuống! Zorba hét lên trong khi chuồn thật mau.

Những tu sĩ nằm sấp xuống đất, dân làng chạy vắt giò lên cổ.

Thân cây nhẩy lên một cái, rồi lại rơi xuống đường dây cáp, xẹt ra những chùm tia lửa và trước khi chúng tôi kịp trông thấy cái gì xảy ra, nó lướt qua sườn núi, bãi biển, cắm sâu xuống biển, tung bọt lên mãi tận ngoài xa.

Cột trụ lung lay một cách đáng sợ. Nhiều cột ngả xuống. Những con la dứt đứt dây cương chạy trốn.

Zorba nổi xung la lên:

- Không sao hết! Không sao hết! Bây giờ máy đã trơn tru, có thể bắt đầu thực sự được rồi!

Hắn phất cờ một lần nữa. Người ta cảm thấy hắn tuyệt vọng và vội vã muốn thấy tất cả những cái đó kết liễu ngay.

- Và Ðức Mẹ Trừng Phạt! Cha tu viện trưởng lắp bắp trong khi ba chân bốn cẳng chạy tới tảng đá.

Thân cây thứ tư lao xuống. Một tiếng “rắc!” khủng khiếp vang lên, rồi một tiếng “rắc!” thứ hai và tất cả cột trụ, tiếp theo nhau sụm xuống như một cỗ bài tây.

- Kyrie eleison! Kyrie eleison! (*) dân làng, thợ thuyền vừa la hét vừa bỏ chạy tán loạn.

Một mình Ðức Mẹ Ðồng Trinh đứng thẳng trên bệ đá, dáo trong tay, nghiêm khắc và lạnh lùng nhìn đám người phía dưới. Bên cạnh Ðức Mẹ lông xanh dựng cả lên, con két đáng thương run rẩy, thừa chết thiếu sống.

Những tu sĩ ôm lấy Ðức Mẹ Ðồng Trinh, đỡ Demetrios đang rên rỉ đứng dậy, tụ tập la, cưỡi lên và rút lui. Người thợ phụ trách quay thịt, trong lúc hoảng hốt, đã bỏ con cừu chạy và thịt bắt đầu khét.

- Con cừu sắp cháy thành than mất! Zorba vừa lo lắng kêu lên vừa nhào tới để quay cái xiên nướng.

Tôi ngồi xuống bên hắn. Không còn ma nào trên bãi, chúng tôi hoàn toàn cô độc. Hắn quay lại nhìn tôi một cách dụt dè, lưỡng lự. Hắn không biết tôi sẽ có thái độ nào đối với tai biến đó, cũng không hiểu cuộc phiêu lưu này sẽ kết thúc ra sao.

Hắn cầm lấy con dao cúi xuống con cừu, xẻo một miếng, nếm, lập tức lôi ngay con vật ra khỏi đống lửa và dựng xiên nướng vào một thân cây. Hắn nói:

- Chín rồi, chín rồi ông chủ! Ông có muốn dùng một miếng không?

- Mang cả rượu và bánh lại đây nữa, tôi đáp, tôi đói rồi.

Zorba nhanh nhẩu lao tới lăn cái thùng rượu nhỏ lại gần con cừu, mang lại một ổ bánh trắng và hai cái ly.

Mỗi người chúng tôi cầm một con dao, cắt hai miếng thịt, những lát bánh lớn và bắt đầu nhồm nhoàm ăn.

- Ngon quá phải không, ông chủ? Nó tan trong miệng! Ở đây không có cỏ tươi, súc vật quanh năm ăn thuần những cỏ khô, vì thế thịt nó mới ngon như vậy. Thịt ngon như thế này, trong đời tôi, tôi chỉ được ăn có mỗi một lần. Tôi còn nhớ đó là hồi tôi thêu nhà thờ Saint-Sophia bằng tóc tôi và mang trên mình như bùa hộ mệnh. Tôi đã kể cho ông nghe rồi, chuyện cũ rích!

- Kể đi, kể đi!

- Chuyện cũ rích ấy mà, ông chủ! Những cái ngông cuồng Hy Lạp, những cái ngông cuồng điên rồ!

- Kể đi Zorba, tôi thích!

- Một buổi chiều tụi Hung Gia Lợi vây chúng tôi. Tôi nhìn thấy chúng đốt lửa trên sườn núi, xung quanh chúng tôi. Ðể làm chúng tôi sợ, bọn chúng bắt đầu đánh não bạt và hú lên như một bầy chó sói. Ít ra phải có tới ba trăm tên. Trong khi đó chúng tôi chỉ có hai mươi tám mống thêm Rouvas, xếp chúng tôi - Chúa cứu vớt linh hồn ông ta, nếu ông ta chết, ông ta là một thanh niên bảnh lắm! Ê, Zorba, ông ta nói, đặt cừu lên xiên nướng đi! Thưa, đào lỗ quay ngon hơn đại úy, tôi nói. Tùy, muốn làm sao thì làm, nhưng phải làm nhanh lên, anh em đói rồi!” Chúng tôi đào một cái lỗ đặt con cừu xuống đó, phủ một lớp than hồng lên trên, lấy bánh trong túi dết ra và ngồi quanh ngọn lửa. “Ðây rất có thể là con cừu cuối cùng của chúng ta ăn! Xếp Rouvas nói, ở đây có ai sợ không?” Cả bọn chúng tôi phá lên cười. Không ai thèm trả lời ông ta. Chúng tôi lấy bình rượu ra. “Mừng xếp!” Chúng tôi uống, uống nữa đoạn lôi con cừu ra khỏi lò. A, con cừu tuyệt làm sao, ông chủ! Khi tôi nghĩ tới nó, tôi còn chẩy nước miếng ra! Nó tan ra như kẹo loukoum. Không ngần ngại, chúng tôi nhai ngấu nghiến “Trong đời tôi chưa bao giờ được ăn con cừu nào ngon hơn!” Xếp của chúng tôi nói.


Kỳ 116



“Xin Chúa cứu vớt chúng con!” Và dầu chưa hề uống rượu bao giờ, ông ta uống một hơi cạn ly. “Các bạn hãy hát một bài hát Klepht!” Ông ta ra lệnh. “Những quân ở trên kia, chúng nó tru tréo như chó sói, chúng ta hãy ca hát như những con người. Bắt đầu bằng bài Lão Dimos”. Chúng tôi ăn ngấu nghiến, uống một chầu nữa. Rồi tiếng hát nổi lên, lớn dần, lớn dần, vang vọng qua những khe suối: “Ta đã là quân cướp Klepht trong bốn mươi năm, anh em ơi!...” Chúng tôi hát to và hăng hái. Ðại úy nói: “Hê! Hê! Vui quá! Miễn là nó kéo dài! Này, Alexis, nhìn thử cái lưng con cừu một chút... Nó nói gì?” Tôi bắt đầu cạo lưng con cừu và lại gần lửa để nhìn cho rõ hơn: “Thưa đại úy, tôi không thấy mồ mả gì cả, tôi la. Tôi cũng không thấy người chết. Chúng ta có thể thoát trùng vây lần nữa, anh em ơi! Ước gì Thượng Ðế nghe thấy lời mi, xếp của chúng tôi, người vừa lập gia đình, nói. Làm sao tôi có được một đứa con trai! Sau đó, muốn ra sao thì ra!”

Zorba cắt một miếng thịt lớn quanh trái cật. Hắn nói:

- Con cừu đó tuyệt vời lắm, nhưng con cừu này cũng chẳng kém gì!

- Rót rượu nữa đi, Zorba. Rót đến tận miệng ly và chúng ta hãy uống cạn!

Sau khi cụng ly, chúng tôi thưởng thức rượu, một thứ rượu vang hảo hạng Crete, hồng thắm như máu thỏ rừng. Uống rượu đó, là cảm thông với máu trái đất và người ta trở thành một thứ ba bị ăn thịt trẻ con! Mạch căng sinh lực, lòng đầy nhân từ. Con cừu trở thành sư tử. Người ta quên đi những cái ti tiện của cuộc sống, những khuôn khổ nhỏ hẹp gẫy vụn. Hợp nhất với người vật và Thượng Ðế, người ta trở thành một với vũ trụ.

Tôi nói:

- Chúng ta cũng thử nhìn cái lưng cừu này và xem nó nói gì nào. Bắt đầu đi, Zorba!

Hắn mút những miếng thịt lưng rất cẩn thận, nạo sạch nó bằng con dao của hắn và lại gần lửa chăm chú nhìn.

- Mọi sự đều tốt lành. Chúng ta sẽ sống một ngàn năm, ông chủ; chúng ta có một tấm lòng sắt đá!

Hắn cúi xuống, xem xét cái lưng một lần nữa:

- Tôi thấy một cuộc du lịch, một cuộc du lịch vĩ đại. Tôi nhìn thấy ở cuối cuộc hành trình là một ngôi nhà lớn có rất nhiều cửa. Chắc đó phải là kinh đô của một vương quốc nào, ông chủ. Hoặc tu viện nơi tôi sẽ là một tên gác cửa và buôn lậu, như chúng ta đã nói.

- Rót rượu nữa đi, Zorba, và dẹp những lời tiên tri đi. Tôi xin nói cho bác biết, ngôi nhà lớn nhiều cửa đó là gì: Ðó là trái đất với những nấm mồ Zorba. Ðó là chặng cuối của cuộc hành trình. Chúc bác mạnh khỏe, đồ ba que xỏ lá!

- Chúc ông mạnh khỏe, ông chủ! Người ta nói rằng vận may mù quáng. Nó không biết đi ngả nào, nó đụng vào người đi đường và người bị nó húc phải, được người ta gọi là kẻ có số đỏ! Cho cái thứ may mắn kiểu đó xuống địa ngục, chúng ta không cần, phải không ông chủ?

- Chúng tôi không cần, Zorba! Chúc bác mạnh khỏe!

Chúng tôi uống và ăn hết con cừu. Thế giới phiêu bồng hơn, biển tươi cười, trái đất lắc lư như boong một con tàu, hai con hải âu đi trên đá sỏi, chuyện trò như người ta.

Tôi đứng dậy la lớn:

- Lại đây Zorba, dạy tôi nhảy!

Zorba nhảy lên, khuôn mặt hắn sáng ngời:

- Nhảy hả ông chủ? Nhảy hả? Tuyệt diệu! Lại đây!

- Nào bắt đầu đi Zorba, cuộc đời tôi đã thay đổi! Cố lên!

- Ðể bắt đầu, tôi sẽ dạy ông điệu Zéimbékiko. Một vũ điệu man rợ, hùng dũng; chúng tôi, dân comtadji, chúng tôi thường nhảy trước khi lâm trận.

Hắn cởi giầy, tất màu hoa cà, chỉ giữ lại áo chemise. Nhưng cảm thấy vẫn còn vướng vít, hắn cởi luôn cả chemise. Hắn ra lệnh cho tôi:

- Nhìn chân tôi, ông chủ chú ý nhé!

Hắn duỗi chân ra, đầu ngón chân chạm nhẹ mặt đất, đoạn duỗi chân kia; những bước chân lẫn vào nhau một cách tàn bạo, hân hoan, mặt đất vang dội như mặt cái trống.

Hắn nắm lấy bả vai tôi, nói:

- Nào, bạn, cả hai chúng ta cùng nhảy.

Chúng tôi miệt mài nhảy. Zorba sửa cho tôi trang nghiêm kiên nhẫn, và rất đỗi dịu dàng. Tôi trở nên bạo dạn và cảm thấy những bàn chân nặng nề của tôi mọc cánh.

- Hoan hô! Ông là một tay lỗi lạc! Zorba vừa la vừa vỗ tay làm nhịp. Hoan hô bạn trẻ! Cho sách vở bút mực đi đời nhà ma! Cho tài sản lời lãi đi đời nhà ma! Cho thợ thuyền và những tu viện đi đời nhà ma! Bây giờ ông có thể nhảy và học ngôn ngữ của tôi, tại sao chúng ta lại không có thể đối thoại được với nhau?

Hắn nện sỏi bằng chân không và vỗ tay:

- Ông chủ, tôi có nhiều điều muốn nói với ông. Tôi chưa hề yêu ai như yêu ông. Tôi có nhiều điều muốn nói với ông, nhưng lưỡi tôi không đạt đến. Bởi thế, tôi sẽ nhảy chúng! Ông hãy tránh ra kẻo tôi giẫm lên mất! Tiến lên! Hốp! Hốp!


Kỳ 117



Hắn nhẩy lên không, tay chân hắn như mọc cánh. Hắn càng nhẩy vút lên không, trên cái bối cảnh trời đất non nước này, hắn càng giống một thượng đẳng thiên sứ nổi loạn. Bởi vũ khúc của Zorba đầy thách đố, bướng bỉnh và nổi loạn.

Dường như hắn đang la hét với trời: “Mi không làm gì được ta hết ngoài việc giết ta. Ðược rồi, giết ta đi, ta bất cần. Ta đã cho nỗi phiền muộn của ta tuôn ra rồi, ta đã nói tất cả những gì ta muốn nói rồi: ta đã có thì giờ nhẩy múa và ta không cần mi nữa!”

Trong khi nhìn Zorba nhẩy múa, lần đầu tiên tôi hiểu nỗ lực chiến thắng trọng lực dị thường của con người hắn. Tôi khâm phục sức chịu đựng bền bỉ của hắn, sự khéo léo và niềm kiêu hãnh của hắn. Những bước chân hùng hổ và khéo léo của Zorba viết lại trên sỏi đá lịch sử quỉ quái của nhân loại.

Hắn ngừng lại, ngắm đường dây cáp treo đổ thành những đống nối tiếp nhau. Mặt trời đang lặn, bóng đổ dài ra. Zorba quay sau tôi, và với cử chỉ quen thuộc của hắn, che miệng bằng lòng bàn tay.

- Ô! Là! Là! Ông chủ, ông có trông thấy những tia lửa từ của quỉ đó tóe ra như mưa không?

Chúng tôi phá lên cười.

Zorba chồm lên tôi, ôm chầm lấy tôi và hôn tôi. Hắn dịu dàng nói:

- Ông cũng đùa giỡn nữa à? Ông cũng đùa giỡn nữa à, ông chủ? Hoan hô, ông bạn!

Chúng tôi lăn lộn cười, vật nhau vui vẻ một lúc lâu. Rồi, cả hai chúng tôi buông mình xuống đất, nằm dài trên sỏi, ôm nhau ngủ.

Sáng sớm, tôi thức dậy và rảo bước đi dọc theo bờ biển về phía làng. Tim tôi đập rộn ràng. Trong đời tôi, ít khi tôi cảm thấy vui như vậy. Ðó không phải là một nỗi vui thông thường, đó là một sự khoan khoái phi phàm, phi lý và không thể chứng minh được. Lần này tôi mất hết tất cả tiền bạc, thợ thuyền, đường dây sắt treo, xe chở quặng! Chúng tôi đã thiết lập một hải cảng nhỏ để xuất cảng than và bây giờ chúng tôi không có gì để xuất cảng. Mất hết tất cả.

Vậy mà chính vào giây phút đó, tôi có một cảm thức bất ngờ về giải thoát. Như thể trong mê lộ tối tăm và buồn thảm của tất yếu, tôi đã khám phá ra tự do đang nô giỡn một mình trong góc. Và tôi nô giỡn với nó.

Khi tất cả đều đi ngược ý mình, còn có nỗi hân hoan nào lớn hơn mang tâm hồn mình ra thử thách xem nó đủ sức chịu đựng và can đảm? Một kẻ thù vô hình và toàn năng - kẻ gọi là Thượng Ðế, người kêu là ma quỉ - dường như lao vào tấn công chúng ta; nhưng chúng ta vẫn đứng vững. Mỗi lần khi trong thâm tâm chúng ta là những kẻ chiến thắng, mặc dù bên ngoài thảm bại hoàn toàn, con người đích thực cảm thấy một niềm kiêu hãnh và hân hoan vô tả. Tai họa ngoại tại biến thành một diễm phúc tối thượng và vững vàng.

Tôi nhớ có một buổi chiều Zorba kể với tôi:

-Một đêm, trên một ngọn núi tuyết phủ ở Macedonia, một trận cuồng phong khủng khiếp nổi lên. Nó lay chuyển cái lều nhỏ nơi tôi trú và muốn lật úp nó. Nhưng tôi đã làm cho nó trở nên vững chắc. Tôi ngồi một mình bên bếp lửa. Tôi cười cợt và la lên thách thức cơn gió: “Mi không vào lều của ta được, ta không mở cửa cho mi đâu, mi không dập tắt ngọn lửa của ta được, mi không lật úp lều của ta được đâu!”

Với những lời nói đó của Zorba, tôi hiểu con người phải cư xử cách nào và hắn phải dùng ngôn ngữ nào với tất yếu quyền năng và mù quáng.

Tôi đi nhanh trên bãi biển, tôi cũng nói với kẻ thù vô hình, tôi la: “Mi không vào tâm hồn ta được, ta không mở cửa cho mi đâu, mi không dập tắt ngọn lửa của ta được, mi không lật nhào ta được đâu!”

Mặt trời chưa nhô lên khỏi núi. Mầu sắc pha trên nước - xanh da trời, xanh lá cây, hồng và sắc xà cừ; sâu trong nội địa, giữa những cây ô-liu, những con chim nhỏ thức giấc và hót ríu rít, ngây ngất vì ánh sáng ban mai.

Tôi đi men theo mé nước để gửi lời từ biệt bãi biển cô liêu này, để ghi khắc nó vào tâm trí tôi và mang nó đi theo với tôi.

Tôi đã biết nhiều nỗi hân hoan trên bãi biển này. Cuộc sống của tôi với Zorba đã mở rộng lòng tôi; một đôi lời của hắn đã khiến tâm hồn tôi lắng dịu. Người đàn ông này với bản năng không thể sai lầm và cặp mắt nguyên thủy sắc như diều hâu, đã đi bằng những con đường tắt chắc chắn và đã đến chóp đỉnh của nỗ lực - vượt qua cả nỗ lực, mà không hụt hơi.

Một đám đàn ông, đàn bà đi qua, mang những giỏ đầy thực phẩm và những chai rượu vang lớn. Họ tới vườn để tổ chức ngày lễ mồng một tháng năm. Một thiếu nữ cất tiếng hát và giọng nàng trong như nước suối. Một cô bé, ngực non sớm nhú, hổn hển chạy vượt qua tôi và ẩn trên một tảng đá cao. Một người đàn ông râu đen, xanh xao và tức giận, đuổi theo cô bé...

- Xuống ngay, xuống ngay..., ông ta hét bằng một giọng khàn khàn.


Kỳ 118



Nhưng cô bé, má đỏ au, giơ tay lên gập lại sau gáy và nhẹ nhàng đong đưa tấm thân ướt đẫm, tiếp tục hát:

“Hãy nói với em trong tiếng cười, hãy nói với em trong tiếng khóc.

Hãy nói rằng anh không yêu em, em cóc cần đâu.”

- Xuống mau, xuống mau..., người đàn ông có râu hét, và cất giọng khàn khàn của ông ta lúc năn nỉ, lúc dọa nạt. Thình lình ông ta nhẩy lên, ôm lấy chân cô bé, ghì chặt. Cô bé khóc nức nở như thể cô ta chỉ chờ cử chỉ tàn bạo này để khóc cho nguôi.

Tôi rảo bước. Tất cả những niềm vui bất chợt này xáo động lòng tôi. Mụ ngư nữ già trở lại tâm hồn tôi, mập mạp, thơm phức và thỏa thích vì hẳn mụ đã trương lên và xám ngoét. Da mụ chắc rạn nứt, thể dịch chắc đã rịn ra và những con sâu chắc chắn bây giờ đang bò lổn nhổn trên người mụ.

Tôi lắc đầu kinh hoàng. Ðôi khi trái đất trở nên trong suốt và chúng ta trông thấy kẻ thống trị cuối cùng của chúng ta, con sâu, đêm ngày làm việc trong những xưởng thợ dưới đất của nó. Nhưng chúng ta vội quay mặt đi, bởi con người có thể chịu đựng được tất cả, trừ con sâu trắng nhỏ xíu đó.

Ở cổng làng, tôi gặp người phát thư đang sửa soạn thổi cái kèn đồng của lão.

- Một lá thư, ông chủ! Lão vừa nói vừa trao cho tôi một phong bì mầu xanh.

Tôi giật mình, sung sướng, khi nhận ra nét chữ thanh nhã. Tôi vội vã qua làng, đi vào rừng ô liu và mở lá thư ra một cách bất nhẫn. Bức thư vắn tắt và được viết hối hả. Tôi đọc một hơi:

“Chúng tôi đã tới biên thùy Georgia; chúng tôi đã thoát bọn Kurds, tất cả đều tốt đẹp. Cuối cùng, tôi hiểu thế nào là hạnh phúc. Câu cách ngôn: Hạnh phúc là làm tròn bổn phận, và bổ phận càng khó khăn bao nhiêu, hạnh phúc càng lớn bấy nhiêu, bây giờ tôi mới hiểu nổi, bởi vì bây tôi mới thực sự sống nó.

“Trong vài ngày nữa, những sinh vật bị xua đuổi và sống dở chết dở này sẽ tới Batum, và tôi vừa nhận được một bức điện tín: ‘Những con tầu đầu tiên đã xuất hiện!’

“Hàng ngàn người Hy Lạp thông minh, cần cù, với những người vợ háng rộng và những đứa con mắt sáng quắc chẳng bao lâu nữa sẽ được di cư tới Macedonia và Thrace. Chúng ta sắp truyền một dòng máu mới và can trường vào những mạch máu cổ của Hy Lạp.

“Thú thực tôi hơi mệt, nhưng đáng kể gì? Chúng tôi đã chiến đấu, thưa thầy, và đã chiến thắng. Tôi sung sướng.”

Tôi giấu lá thư và bước vội, tôi cũng sung sướng. Tôi theo con đường dốc cheo leo lên núi, vò nát giữa những ngón tay một cọng bách-lý-hương đang trổ hoa thơm ngát. Ðã gần đến trưa, bóng thu vào chân tôi. Một con két bay trên cao, cánh nó vỗ quá nhanh nên dường như bất động. Một con đa đa nghe thấy bước chân tôi, lao ra khỏi bụi và cất cánh bay vù vù trong không khí.

Tôi sung sướng. Nếu tôi có thể, tôi đã cất tiếng hát lên để cảm xúc của tôi lắng xuống, nhưng tôi chỉ thốt lên được những tiếng kêu không rõ ràng. “Mi làm sao thế? Tôi tự hỏi một cách chế giễu. Mi ái quốc đến thế kia, vậy mà mi không biết nhỉ? Hay mi yêu quí bạn mi quá? Mi không biết xấu hổ sao? Hãy chế ngự mình và bình tĩnh lại đi.”

Nhưng tôi, lòng lâng lâng khoan khoái, tôi tiếp tục vừa đi theo con đường mòn vừa la hét. Tôi nghe thấy tiếng lục lạc. Dê đen, nâu và xám hiện ra trên những tảng đá, trong ánh mặt trời chan hòa. Con dê đực đi đầu, cổ cứng ngắc. Mùi nó hôi nồng không gian.

Một tên chăn dê nhẩy lên một tảng đá, đưa ngón tay vào miệng huýt sáo gọi tôi:

- Ê, bạn! Bạn đi đâu? Bạn đuổi theo ai?

- Tôi có việc bận! Tôi vừa nói vừa tiếp tục trèo.

- Dừng lại một lát! Lại đây uống một chút sữa dê giải khát đã! Gã chăn dê lại hét, trong khi nhẩy từ tảng đá nọ qua tảng đá kia.

- Tôi có việc bận! Tôi lại la. Tôi không muốn dừng lại nói chuyện làm cụt hứng niềm vui của tôi.

- Ê! Bạn chê sữa của tôi nhé! Gã chăn dê giận dỗi nói. Thôi bạn đi đi, chúc bạn may mắn, khỏi cần!

Gã lại đưa tay lên miệng huýt gió, và dê, chó, gã chăn dê khuất sau những tảng đá.

Chẳng bao lâu, tôi tới đỉnh núi. Lập tức như thể đỉnh núi này là mục tiêu của tôi, tôi trở nên bình tĩnh. Tôi nằm dài trên một tảng đá trong bóng mát và nhìn đồng bằng và biển xa xa. Tôi hít thở thẳm sâu, không khí phảng phất mùi đan sâm và bách lý hương.

Tôi đứng dậy, hái một ôm đan sâm làm gối và tôi lại nằm xuống. Tôi mệt. Tôi nằm nhắm mắt lại.

Trong giây lát thần trí tôi bay bổng tới những cao nguyên tuyết phủ ở cuối trời. Tôi cố gắng tưởng tượng một đám đàn ông, đàn bà, bò đang hướng về miền Bắc và bạn tôi đi đầu, như con cừu đực đầu đàn. Nhưng chẳng bao lâu tâm trí tôi tối sầm lại và tôi cảm thấy muốn ngủ không thể nào cưỡng lại được.


Kỳ 119



Tôi muốn chống lại. Tôi không muốn bị chìm vào giấc ngủ. Tôi giương mắt thao láo. Một con quạ đậu trước mặt tôi trên một tảng đá, ngay trên đỉnh núi. Bộ lông xanh đen của nó sáng lóa trong ánh mặt trời và tôi thấy rõ cái mỏ vàng lớn của nó. Tôi lượm một hòn đá ném nó. Con chim bình tĩnh và khoan thai dang cánh.

Tôi mở mắt ra, không thể chống lại lâu hơn nữa và giấc ngủ bỗng chụp lấy tôi trong chớp nhoáng.

Tôi ngủ có lẽ không quá vài giây thì bỗng thốt lên một tiếng kêu và ngồi nhỏm dậy. Ngay lúc đó con quạ bay qua đầu tôi. Tôi tựa vào vách đá, toàn thân run rẩy. Một giấc mơ tàn bạo đã cắt ngang tâm trí tôi như một lưỡi gươm.

Tôi thấy tôi đang ở Nhã Ðiển, một mình đi dọc theo phố Hermes. Mặt trời thiêu đốt, phố xá vắng vẻ, những cửa tiệm đóng cửa, cô độc hoàn toàn. Khi đi gặp nhà thờ Kapnikarea, tôi trông thấy bạn tôi, xanh xao hổn hển, từ công trường Lập Hiến chạy lại phía tôi. Bạn tôi bị một người rất cao gầy bước những bước khổng lồ đi theo. Bạn tôi mặc bộ quần áo ngoại giao chỉnh tề. Hắn nhận ra tôi và gọi tôi từ đàng xa, giọng hết hơi:

- Kìa, thầy! Thầy mạnh giỏi? Biết bao năm nay tôi không được gặp thầy. Tối nay mời thầy lại chúng ta sẽ nói chuyện.

- Ở đâu? Tôi cũng la rất lớn như thể bạn tôi ở rất xa và tôi phải hét rất lớn hắn mới có thể nghe thấy.

- Công trường Ðoàn Kết, sáu giờ tối nay. Tại quán café “Suối Thiên Ðàng.”

Tôi đáp:

- Ðược rồi, tôi sẽ đến.

- Thầy nói thầy sẽ đến, nhưng thầy không đến đâu, hắn nói bằng một giọng trách móc.

Tôi la lớn:

- Chắc chắn tôi sẽ đến! Ðưa tay đây!

- Tôi vội lắm.

- Tại sao vội? Ðưa tay đây!

Hắn chìa tay ra, bỗng cánh tay hắn tuột ra khỏi vai và bay qua không khí tới nắm tay tôi.

Tôi kinh hoàng vì bàn tay lạnh giá của hắn, hoảng hốt thức dậy và hét lên.

Ngay lúc đó tôi chợt thấy con quạ liệng trên đầu tôi. Môi tôi dường như tiết ra nọc độc.

Tôi quay về phương Ðông, đăm đăm nhìn chân trời như muốn xuyên qua khoảng cách và nhìn... Bạn tôi, tôi chắc chắn hắn đang trong cơn hiểm nghèo, tôi gọi to tên hắn ba lần:

- Stavridaki! Stavirdaki! Stavridaki!

Như thể tôi muốn cho hắn thêm can đảm. Nhưng tiếng nói của tôi chìm mất trong một vài sải tay trước mặt tôi và tan loãng trong không gian.

Tôi cất bước trở về. Tôi chạy bổ xuống núi, cố gắng di chuyển nỗi đau đớn của tôi bằng sự mệt mỏi. Trí óc tôi nỗ lực nối kết một cách vô ích những mảnh thông điệp huyền bí mà đôi khi xuyên qua được thân thể và đi tới linh hồn. Trong tận cùng con người tôi, một sự xác thực sơ khai, sâu thẳm hơn lý trí, hoàn toàn thú vật, tràn ngập kinh hoàng. Sự xác thực mà một loài vật như cừu và chuột cảm thấy trước khi trận động đất phát khởi. Trong tôi thức giấc tâm hồn những con người đầu tiên như nó còn nguyên vẹn trước khi hoàn toàn tách lìa khỏi vũ trụ, khi nó còn cảm thấy chân lý một cách trực tiếp, không có sự can thiệp méo mó của lý trí.

Tôi lẩm bẩm:

- Hắn đang gặp nguy hiểm! Hắn đang gặp nguy hiểm! Hắn sắp chết! Có thể chính hắn cũng không ý thức được điều đó, nhưng tôi biết, tôi biết chắc chắn.

Tôi chạy xuống núi, tôi loạng choạng trên một đống đá và ngã xuống đất, lôi cuốn theo những viên sỏi. Tôi đứng dậy, tay chân trầy chợt, vấy máu. Áo tôi rách, nhưng tôi cảm thấy khuây khỏa.

“Hắn sắp chết, hắn sắp chết!” Tôi tự nhủ và cổ họng tôi se lại.

Con người, kẻ bất hạnh, đã dựng xung quanh cuộc hiện hữu nhỏ bé đáng thương của hắn một thành lũy cao mà hắn tưởng là kiên cố lắm. Hắn ẩn náu trong đó và cố gắng mang lại một chút an ninh và trật tự. Một chút hạnh phúc. Tất cả mọi sự đều phải đi theo con đường đã vạch sẵn, tập quán tôn nghiêm, tuân theo những luật lệ đơn giản và an toàn. Trong hàng rào được phòng thủ để chống lại những cuộc xâm nhập khốc liệt của huyền bí này, những sự xác thực nhỏ nhoi của hắn lết đi một cách vững vàng như những con rết trăm chân. Chỉ có một kẻ thù ghê gớm, khủng khiếp và không đội trời chung: sự Ðại Xác Thực. Thế mà bây giờ sự Ðại Xác Thực ấy đã vượt qua những bức tường thành ngoài cùng và sẵn sàng lăn xả vào tâm hồn tôi.

Khi về đến bãi biển của chúng tôi, tôi đứng lại thở một lát. Dường như tôi đã rút về đến chiến tuyến phòng thủ thứ hai của tôi và tôi đã trấn tĩnh lại. Tôi nhủ thầm: “Tất cả những thông điệp này đều phát sinh từ nỗi xao xuyến bên trong của chúng ta, và đã mặc bộ y phục sáng chói của biểu tượng. Nhưng chính chúng ta đã tạo ra chúng...” Tôi trở nên bình tĩnh hơn. Lý trí đã vãn hồi trật tự trong lòng tôi, hớt cánh con dơi lạ lùng, hớt cánh nó, hớt cánh nó cho đến khi biến nó thành một con chuột quen thuộc.

Khi về đến lều, tôi cười sự ngây thơ của tôi! Tôi xấu hổ vì tâm trí tôi hoảng hốt quá nhanh như vậy. Tôi lại rơi xuống thực tại thường nhật, tôi đói khát, tôi cảm thấy kiệt lực, và những vết thương mà đá đã gây ra nhức nhối. Nhưng trên hết, tôi cảm thấy vô cùng an tâm; kẻ thù khủng khiếp đã thâm nhập vào những bức tường thành bên ngoài đã bị chặn đứng bởi chiến tuyến phòng thủ thứ hai của tâm hồn tôi.


Kỳ 120



26

Thế là hết. Zorba thu dọn dây cáp, dụng cụ, xe goòng nhỏ, sắt vụn và gỗ để làm nhà và chất thành một đống trên bãi biển để chờ thuyền đến chở đi.

Tôi nói:

- Tôi tặng bác đó, Zorba. Của bác hết tất cả. Chúc bác may mắn.

Zorba nuốt nước bọt như thể hắn muốn nén một tiếng nức nở.

Hắn thì thầm:

- Chúng ta chia tay nhau ư? Ông định đi đâu, ông chủ?

- Tôi sắp đi ngoại quốc, Zorba. Hãy còn khá nhiều giấy má cho nó gậm nhấm, cái con dê ở trong tôi.

- Ông chưa sửa đổi mình sao, ông chủ?

- Có chứ, Zorba, nhờ bác, nhưng tôi đang đi con đường của bác, tôi sắp làm với sách vở điều bác đã làm với những trái anh đào; tôi sắp ngốn sách vở đến độ buồn nôn, tôi sẽ mửa ra và sẽ thoát khỏi nó mãi mãi.

- Và tôi sẽ ra sao khi không có ông bầu bạn, ông chủ?

- Ðừng phiền não, Zorba, chúng ta sẽ còn gặp lại nhau, biết đâu, sức mạnh con người thật khủng khiếp. Một ngày kia chúng ta sẽ thực hiện dự định vĩ đại của chúng ta; chúng ta sẽ xây một tu viện của riêng chúng ta, không Thượng Ðế cũng chẳng ma quỉ gì ráo, chỉ có những con người tự do; và bác sẽ đứng ở cổng. Zorba, tay cầm một chùm chìa khóa thật lớn để mở và đóng cổng, hệt như Thánh Peter...

Zorba, ngồi bệt dưới đất, lưng dựa vào lều, rót rượu không ngừng, uống cạn và không nói gì cả.

Ðêm đã xuống, chúng tôi dùng bữa xong. Chúng tôi nhắp rượu từng ngụm nhỏ và chuyện trò với nhau lần cuối cùng.

Sáng sớm mai chúng tôi sẽ chia tay.

- Vâng, vâng..., Zorba vừa nói vừa bứt ria và cạn ly. Vâng, vâng...

Trời đầy sao, đêm trên đầu chúng tôi lai láng, xanh biếc; trong chúng tôi, tâm hồn chúng tôi muốn nguôi sầu, nhưng tự kìm hãm.

“Hãy nói với hắn lời từ biệt mãi mãi, tôi nghĩ. Hãy nhìn hắn thật kỹ; không bao giờ, không bao giờ nữa mắt ngươi còn thấy lại Zorba!”

Chút nữa thì tôi lao vào bộ ngực già nua của Zorba và nức nở khóc, nhưng tôi xấu hổ. Tôi cố gắng cười để che đậy cảm xúc, nhưng tôi không đạt được mục đích. Cổ họng tôi se lại.

Tôi nhìn Zorba đang vươn cái cổ như cổ chim mồi ra lặng lẽ uống. Tôi nhìn hắn và mắt tôi mơ màng. Cuộc đời, miền bí ẩn tàn khốc là gì? Người ta gặp nhau để biệt ly như những chiếc lá mà gió cuốn bay; cặp mắt cố ghi giữ uổng công hình ảnh của khuôn mặt, thân thể hay cử chỉ của “người yêu dấu” trong một vài năm ta không còn nhớ được đôi mắt chàng xanh hay đen.

“Nó phải được làm bằng đồng, nó phải được làm bằng thép, cái tâm hồn con người! Tôi kêu thầm trong tôi. Nó không được làm bằng hư không!”

Zorba uống, giữ cái đầu to lớn thẳng, bất động. Dường như hắn lắng nghe trong đêm những bước chân lại gần hay dời xa trong tận cùng con người hắn.

- Bác đang nghĩ gì đó, Zorba?

- Ông muốn tôi nghĩ gì, ông chủ? Không nghĩ gì hết. Không nghĩ gì hết. Tôi không nghĩ ngợi gì hết!

Lát sau, hắn lại rót rượu đầy ly:

- Chúc ông chủ mạnh khỏe!

Chúng tôi cụng ly. Cả hai chúng tôi cùng hiểu rằng một nỗi buồn tê tái như thế này không thể kéo dài lâu hơn nữa. Chúng tôi phải bật khóc hay say sưa hoặc bắt đầu nhẩy một cách cuồng dại.

- Chơi đàn đi, Zorba! Tôi đề nghị.

- Tôi đã nói rồi mà, ông chủ. Cây santuri cần một tâm hồn vui vẻ. Tôi sẽ chơi trong một tháng, có thể trong hai tháng, trong hai năm, tôi không biết! Tôi sẽ hát hai kẻ ly biệt nhau mãi mãi thế nào!

- Mãi mãi! Tôi kinh sợ la lên.

Tôi đã thầm nhủ cái tiếng không thể cứu vãn được này trong tôi, nhưng tôi không chờ đợi nghe nói ra. Tôi sợ hãi.

- Mãi mãi! Zorba vừa nhắc lại vừa nuốt nước miếng một cách khó khăn. Vâng, mãi mãi. Ðiều ông vừa nói rằng chúng ta sẽ còn tái ngộ, xây dựng tu viện của chúng ta là những lời an ủi không xứng đáng, tôi không chấp nhận! Tôi không muốn vậy. Sao? Chúng ta có phải là đàn bà yếu đuối đâu mà phải cần những lời an ủi? Vâng, mãi mãi!

- Có thể sẽ ở lại đây với bác..., tôi nói, thất kinh vì sự dịu dàng man rợ của Zorba. Có thể tôi sẽ đi với bác. Tôi tự do!


Kỳ 121



Zorba lắc đầu:

- Không, ông không tự do. Cái dây trói buộc của ông dài hơn người khác một chút. Có thế thôi. Ông có một sợi dây trói buộc dài, ông chủ, nhưng ông không bao giờ cắt đứt nó. Và khi người ta không cắt đứt sợi dây đó...

- Một ngày kia tôi sẽ cắt đứt nó! Tôi nói một cách thách đố, bởi những lời nói của Zorba đã đụng vào một vết thương hé miệng trong tôi và tôi đau đớn.

- Khó lắm, ông chủ, khó lắm. Muốn vậy, phải có một chút điên; điên, ông nghe chưa? Phải liều lĩnh! Nhưng ông, ông có một cái đầu rắn chắc và nó sẽ thắng ông. Ðầu óc là một tên chủ tiệm bán thực phẩm sổ sách, tôi đã chi bao nhiêu, tôi đã thu bao nhiêu nó ghi giữ tiền, đây là lời của tôi, đây là lỗ lã! Ðó là một tên lái buôn, có con thận trọng; nó không chịu chơi hết mình, nó luôn dè sẻn dành dụm lại. Nó không bao giờ cắt đứt sợi dây. A, không! Nó nắm thật chặt lấy, quân chó đểu! Nếu sợi dây tuột khỏi tay nó, nó hỏng, lúa đời, thật đáng thương! Nhưng nếu ông không cắt đứt sợi dây, nói tôi nghe, đời có còn hương vị gì? Hương vị nước ốc ao bèo! Không phải là rượu rhum khiến ta nhìn thấy mặt trái của đời!

Hắn nín lặng, tự chuốc rượu uống, nhưng đổi ý kiến.

- Ông phải thứ lỗi cho tôi, ông chủ, tôi là một kẻ quê kệch vụng về. Những chữ dính vào răng tôi như bùn dính vào chân. Tôi không thể đặt những câu hoa mĩ và khen tặng. Tôi không thể làm được. Nhưng ông hiểu, ông chủ.

Hắn cạn ly và nhìn tôi:

- Ông hiểu! Hắn la lớn như thể thình lình cơn giận dữ bỗng tràn ngập hắn. Ông hiểu, và chính vì thế ông bất an. Nếu ông không hiểu, ông đã sung sướng! Ông thiếu cái gì? Ông còn trẻ thông minh, ông có tiền, có sức khỏe, ông là một kẻ trung hậu nhân từ; ông không thiếu gì hết. Không thiếu gì hết, thế mới giận chứ! Trừ một điều duy nhất - điên cuồng. Và khi thiếu cái đó, ông chủ...

Hắn lắc cái đầu to lớn và lại im lặng.

Tôi suýt bật khóc. Tất cả những điều Zorba nói đều đúng. Lúc còn nhỏ, tôi đầy những rung động điên cuồng những ước vọng vượt quá con người và thế giới không thể chứa đựng nổi tôi.

Dần dần, với thời gian tôi trở nên khôn ngoan. Tôi thiết định những giới hạn, tách biệt cái khả thể khỏi cái bất khả, nhân loại khỏi thần linh, tôi giữ chặt cái diều của tôi để nó khỏi thoát bay.

Một ngôi sao băng lớn rạch ngang trời; Zorba giật nẩy mình, trợn tròn mắt, như thể lần đầu tiên hắn nhìn thấy một ngôi sao băng.

- Ông thấy ngôi sao không? Hắn hỏi.

- Có.

Chúng tôi yên lặng.

Hốt nhiên Zorba vươn cao cái cổ khẳng khiu căng lồng ngực ra và thốt lên một tiếng kêu man rợ và tuyệt vọng. Và lập tức tiếng kêu đó biến thành tiếng nói của con người, và từ đáy lòng Zorba dâng lên một điệu Thổ Nhĩ Kỳ buồn bã, đầy thê lương và cô đơn.

Lòng đất cũng bửa ra làn đôi, nọc độc êm ái dịu dàng của Ðông Phương trào ra. Tôi cảm thấy trong tôi bao nhiêu dây nhợ còn nối kết tôi với can đảm và hy vọng mục nát dần:

Iki kiklik tependé otiyor

Otme dé, kiklik, bemin dertim yetiyor, aman! Aman!

Sa mạc, cát mịn ngút mắt. Không khí rung động, hồng,xanh, vàng; thái dương nổ vỡ, tâm hồn thốt lên một tiếng điên cuồng và mừng quýnh vì bởi không có tiếng thét nào đáp lại. Mắt tôi đầm đìa lệ.

“Ðôi đa đa hót trên non;

Mày đừng hót nữa đa đa, sầu riêng đã đủ héo hon ta rồi, aman, aman!”

Zorba nín lặng. Hắn lấy ngón tay quyệt phắt những giọt mồ hôi trên trán. Hắn cúi xuống, đăm đăm nhìn mặt đất.

Một hồi lâu sau tôi hỏi.

- Bài hát Thổ Nhĩ Kỳ đó là bài nào thế, Zorba?

- Bài hát của người chăn giữ lạc đà. Ðó là bài hát tên chăn lạc đà hát trong sa mạc. Bao năm qua tôi không nhớ nó. Thế mà tối nay...

Hắn ngẩng đầu lên nhìn tôi; giọng hắn tắc nghẹn cổ họng hắn se lại.

- Ông chủ, đã đến giờ ông đi ngủ rồi đó. Ngày mai ông phải dậy từ sớm để đến Candia kịp chuyến tầu. Chúc ông ngủ ngon!

- Tôi không buồn ngủ, tôi đáp. Tôi sẽ thức với bác. Ðây là buổi tối cuối cùng chúng ta sống với nhau.

- Chính vì lẽ đó chúng ta phải sớm kết thúc nó! Hắn vừa la vừa úp cái ly không, dấu hiệu hắn không muốn uống nữa. Ðó, như vậy đó, như những người đàn ông đích thực dứt hẳn thuốc lá, rượu hay cờ bạc. Như một vị anh hùng Hy Lạp, một Palikari.

“Cha tôi cũng là một Palikari dũng cảm. Ðừng thèm nhìn tôi. Tôi chỉ là một kẻ yếu đuối cạnh cha tôi. Tôi không bén gót cha tôi. Cha tôi là một trong những người Hy Lạp ngày xưa mà người ta thường nhắc đến. Khi ông bắt tay người ta, ông gần như nghiền nát xương người ta ra.
Kỳ 123



Trên mặt sau bưu thiếp là hình Zorba, tươi tỉnh, mặc quần áo tân lang, với cái mũ trùm đầu lông thú, một cây gậy lịch sự và một cái áo khoác dài mới tinh. Ðu vào cánh tay hắn là một người đàn bà Tư Lạp Phu xinh xắn không quá hai mươi lăm tuổi, một con ngựa rừng cái hông háng đồ sộ, vẻ thách thức, bướng bỉnh, chân cao, ngực nở. Dưới bức hình thêm vài chữ như gà bới của Zorba:

“Tôi, Zorba và cái công việc bất tận, đàn bà - lần này nàng tên là Lyuba.”

Suốt mấy năm đó tôi du lịch ở ngoại quốc. Tôi cũng có công việc bất tận của tôi. Nhưng nó không có ngực nở, không có áo khoác mới, không có heo cho tôi.

Một hôm ở Bá Linh, tôi nhận được một bức điện tín:

“Tìm thấy một viên đá xanh tuyệt vời. Tới ngay, Zorba.”

Ðó là thời kỳ nạn đói lớn đang hoành hành ở Ðức. Ðồng mark sụt xuống quá thấp đến nỗi muốn mua một vật nhỏ nào, ngay cả một con niêm, người ta bắt buộc phải mang hàng va-li tiền. Ðói lạnh, quần áo rách, giầy lủng lỗ khắp nơi và những gò má Ðức hồng hào trở nên xanh xao. Gió bấc thổi và người ngả xuống lòng phố tựa những chiếc lá úa trước cuồng phong. Người ta nhét vào miệng trẻ những miếng cao su để nhá cho bớt khóc. Ban đêm cảnh sát phải gác trên những cây cầu để ngăn những bà mẹ khỏi ôm con nhảy xuống sông cho thoát nợ.

Lúc đó đang vào Mùa Ðông, tuyết đổ. Trong một căn phòng kế phòng tôi, một giáo sư Ðức chuyên dạy Ðông Phương ngữ cố sưởi ấm mình bằng cách cầm một cây cọ, và theo một tập quán vất vả ở Viễn Ðông, chép lại mấy bài cổ thi Trung Quốc hay một câu châm ngôn của Ðức Khổng Tử. Ðầu cây cọ, khuỷu tay nâng cao và tim của nhà bác học làm thành một hình tam giác.

Ông ta thường nói với tôi:

- Sau một vài phút, mồ hôi bắt đầu từ nách tuôn ra. Tôi sưởi ấm bằng cách đó.

Chính trong những ngày cay đắng này tôi nhận được bức điện tín của Zorba. Trước hết, tôi phẫn nộ. Hàng triệu người đang suy đồi, tồi tệ bởi họ không có nổi ngay cả một mẩu bánh để nâng đỡ thân thể và tâm hồn họ và đây bức điện tín mời tôi vượt hàng ngàn cây số để xem một viên đá xanh đẹp đẽ! Xéo đi, cái đẹp! Nó vô tình và không quan tâm mẩy may tới nỗi thống khổ của con người!

Nhưng chẳng bao lâu, tôi hốt hoảng: Cơn giận dữ của tôi đã lắng xuống, tôi kinh sợ nhận thấy trước tiếng kêu gọi phi nhân của Zorba, một tiếng kêu phi nhân khác trong tôi đang vỗ cánh muốn xa bay.

Tuy nhiên tôi không đi. Tôi không nghe theo tiếng la thét thần thánh và man rợ dâng lên trong tôi: Tôi không hành động một cách phi lý và cao nhã. Tôi nghe theo tiếng nói ôn hòa, lạnh lùng, nhân loại của luận lý. Bởi thế tôi cầm bút viết cho Zorba, giải thích lý do.

Và hắn trả lời:

“Xin ông thứ lỗi cho tôi, ông là một tên cạo giấy, ông chủ. Ông cũng có thể thấy một viên đá xanh đẹp đẽ ít nhất là một lần trong đời ông, kẻ đáng thương, và ông không nhìn. Ðôi khi rảnh rỗi tôi tự hỏi: “Ðịa Ngục có hay không?” Nhưng hôm qua, khi nhận được thư ông, tôi nói: “Chắc chắn phải có một cái địa ngục cho một vài tên cạo giấy như ông!”

Từ đó hắn không viết thư cho tôi nữa. Những biến cố kinh khủng mới lạ chia cách chúng tôi. Thế giới tiếp tục lảo đảo như một kẻ bị thương, như một tên say rượu. Mặt đất mở ra và tình bằng hữu và những lo âu cá nhân đều bị lấp vùi.

Tôi thường nói với các bạn tôi về tâm hồn vĩ đại này. Chúng tôi thán phục phong độ kiêu hãnh và chắc chắn, ở bên kia lý trí, của con người thất học này. Những đỉnh cao tinh thần chúng tôi phải mất nhiều năm tháng nỗ lực lao khổ để khắc phục, Zorba nhảy phắt một cái đã tới. Lúc đó chúng tôi bảo nhau: “Zorba là một tâm hồn lớn!” Hoặc hắn nhảy qua những đỉnh cao này, khi ấy chúng tôi nói: “Zorba điên!”

Thời gian trôi qua như vậy, bị đầu độc một cách êm ái bởi kỷ niệm. Một bóng đen khác, bóng bạn tôi, đổ trên tâm hồn tôi. Nó không bao giờ rời bỏ tôi - bởi chính tôi không muốn rời bỏ nó.

Nhưng tôi không nói với ai về cái bóng này. Tôi nói với nó trong thầm lén, và nhờ nó, tôi hòa giải với cái chết. Nó là cây cầu bí mật của tôi bắc qua bên bờ kia. Khi linh hồn tôi vượt qua, tôi thấy nó mệt mỏi và xanh xao; nó không đủ sức để bắt tay tôi nữa.


Kỳ cuối



Tôi la lên:

- Quan trọng gì đâu? Tình yêu mạnh hơn cái chết.

Hắn lại mỉm cười chua chát, nhưng không nói gì cả. Tôi cảm thấy thân thể hắn tan rã trong bóng tối, trở thành tiếng nức nở, thở dài và chế lời diễu cợt.

Hương vị cái chết đọng trên môi tôi trong nhiều ngày. Cái chết đã đi vào đời tôi với một khuôn mặt quen thuộc thân yêu, như một người bạn đến đón ta và kiên nhẫn ngồi chờ trong một góc cho đến khi ta làm xong công việc.

Nhưng bóng của Zorba luôn luôn lởn vởn quanh tôi ghen tuông.

Một đêm, tôi ngồi một mình trong nhà tôi bên bờ biển trên đảo Aegina. Tôi cảm thấy sung sướng, cửa sổ hướng ra biển mở rộng, ánh trăng đi vào, biển thở dài, nó cũng sung sướng. Thân thể tôi mệt mỏi một cách khoái lạc vì bơi quá nhiều, say giấc điệp.

Ðột nhiên giữa hạnh phúc chứa chan đó, Zorba hiện lên trên giấc mơ của tôi vào lúc bình minh. Tôi không nhớ nổi hắn nói gì cũng không nhớ tại sao hắn tới. Nhưng khi tỉnh dậy, trái tim tôi muốn nổ tung ra. Không biết tại sao, mắt tôi đầm đìa nước mắt. Tôi vô cùng ao ước phục hồi lại cuộc sống chúng tôi đã sống bên nhau trên bờ biển Crete, bắt trí nhớ tôi hồi tưởng và thu thập tất cả những lời nói, tiếng la hét, điệu bộ, tiếng cười, tiếng khóc, những bước nhẩy của Zorba tản mác trong đầu óc tôi, để bảo toàn chúng.

Ước vọng này mãnh liệt đến nỗi tôi sợ hãi thấy đó là dấu hiệu chỉ ở một nơi nào đó trên trái đất, Zorba đang hấp hối. Bởi vì tôi cảm thấy tâm hồn tôi ràng buộc mật thiết với tâm hồn hắn đến nỗi không thể người này chết mà người kia không bị lay động và kêu gào đau đớn.

Tôi lưỡng lự giây lát không muốn thu góp tất cả những kỷ niệm của tôi về Zorba và biến nó thành lời. Một sự sợ hãi trẻ con choáng ngợp tôi. Tôi tự nhủ: “Nếu ta làm như vậy, như thế có nghĩa là Zorba thật sự đang trong cơn hiểm nghèo. Ta phải chống lại bàn tay vô hình thúc đẩy tay ta.”

Tôi chống cự hai ngày, ba ngày, một tuần lễ. Tôi chuyên chú vào việc viết lách khác, du ngoạn suốt ngày và đọc rất nhiều. Với chiến lược đó tôi cố lẩn tránh sự hiện diện vô hình. Nhưng toàn thể tâm trí tôi tập trung với một cảm thức lo âu nặng trĩu trên Zorba.

Một hôm, tôi ngồi trên sân thượng nhà tôi, trên mặt biển. Lúc ấy vào giữa trưa. Mặt trời thiêu đốt và tôi đang ngắm sườn núi trần trụi và duyên dáng của đảo Salamis. Thình lình, bị thúc đẩy bởi bàn tay thần thánh, tôi lấy giấy, nằm dài trên sân cát nóng bỏng của sân thượng và bắt đầu thuật lại những lời nói và việc làm của Zorba.

Tôi viết một cách say mê, vội vàng làm sống lại quá khứ, cố gắng nhớ lại và phục sinh trọn vẹn Zorba một cách trung thành. Tôi cảm thấy nếu hắn biến mất chính tôi là kẻ hoàn toàn phải chịu trách nhiệm, vì thế tôi làm việc ngày đêm để vẽ chân dung bạn tôi một cách vẹn toàn.

Tôi làm việc như những tên phù thủy của những bộ lạc man di ở Phi Châu vẽ hình tổ tiên mà trông thấy trong mộng lên vách động, cố gắng vẽ càng giống chừng nào càng hay chừng ấy, để linh hồn tổ tiên có thể nhận ra thể xác và nhập vào.

Trong vài tuần lễ huyền sử vàng son về Zorba đã hoàn tất.

Hôm đó, vào lúc xế chiều, tôi lại ngồi trên sân thượng ngắm biển. Trên lòng tôi là tập bản thảo đã hoàn tất.

Tôi cảm thấy hân hoan và nhẹ nhõm như vừa cất được một gánh nặng. Tôi giống như một bà mẹ vừa sinh nở và bồng đứa trẻ sơ sinh trên tay.

Sau rặng núi Peloponnesus, mặt trời đỏ rực đang lặn. Ngay lúc đó Soula, một cô thôn nữ nhỏ bé mang thư từ trên tỉnh gởi về cho tôi, lên sân thượng. Cô ta trao cho tôi một lá thư và chạy biến. Tôi hiểu. Ít ra hình như tôi hiểu, bởi vì, khi tôi giở lá thư ra đọc, tôi không đứng nhỏm dậy và thốt lên một tiếng kêu, tôi không kinh hoàng. Tôi biết chắc. Tôi biết rằng vào giây phút đích xác, trong khi tôi đặt tập bản thảo trên đùi và nhìn mặt trời lặn, tôi sẽ nhận được lá thư này.

Bình thản, tôi đọc lá thư. Lá thư từ một làng gần Skoplije ở Serbia gửi đến, và được viết tàm tạm bằng tiếng Ðức. Tôi dịch:

“Tôi là giáo viên trong làng và tôi viết để báo cho ông tin buồn rằng Alexis Zorba, chủ nhân hầm đá trắng ở đây, mất vào hồi 6 giờ chiều Chủ Nhựt tuần trước. Trong lúc hấp hối, ông ta mời tôi tới. Ông ta nói:

“- Lại đây, ông thầy giáo. Tôi có một người bạn ở Hy Lạp. Khi tôi chết rồi, viết cho ông ấy rằng cho đến phút cuối cùng, tôi rất tỉnh táo và nghĩ đến ông ấy và tôi không hề hối hận mảy may về bất cứ việc gì tôi làm. Nói với ông ấy tôi mong ông ấy được khỏe mạnh và đã đến lúc ông ấy phải tỏ ra thông minh.

“- Nghe thêm đã. Nếu một gã tư tế đến để tôi xưng tội và làm phép bí tích cho tôi, bảo lão hãy xéo cho mau và ban cho tôi sự nguyền rủa của lão! Tôi đã làm vô khối và làm vô khối chuyện trong đời tôi, nhưng tôi thấy như thế vẫn chưa đủ. Những người như tôi phải sống hàng ngàn năm. Chúc ông ngủ ngon!

“Ðó là những lời cuối cùng của ông ta. Ngay sau đó ông ta ngồi nhỏm dậy trên giường, xô khăn trải giường và muốn đứng dậy. Chúng tôi chạy lại ngăn ông ta - Lyuba, vợ ông ta, tôi cùng với vài người hàng xóm khỏe mạnh khác. Nhưng ông ta gạt phắt chúng tôi ra, nhẩy xuống giường và đi tới cửa sổ. Ở đó, ông ta bám lấy khuôn cửa, nhìn về dẫy núi xa xa, mở to mắt và bắt đầu cười, đoạn hí lên như một con ngựa. Ông ta đứng như vậy, móng tay cắm sâu vào khuôn cửa sổ mà chết.

“Vợ ông ta, Lyuba, nhờ tôi viết cho ông rằng bà gửi lời chào ông, rằng người quá cố thường nói với bà ta về ông, và ra lệnh cho bà gửi biếu ông cây santuri làm kỷ niệm sau khi ông ta mất.

“Do đó bà góa phụ yêu cầu ông, khi nào ông có dịp qua làng chúng tôi, xin mời ông quá bộ tới nghỉ đêm tại nhà bà, và buổi sáng khi ông ra đi, ông mang theo cây santuri.”

(Hết)



André Rieu - Zorba's Dance (Sirtaki)