Remember ?

Trang 1/3 123 cuốicuối
kết quả từ 1 tới 6 trên 16

Tựa Đề: Alexis Zorba - Con Người Chịu Chơi

  1. #1
    Moderator
    saomai's Avatar
    Status : saomai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jun 2008
    Posts: 2,146
    Thanks: 23
    Thanked 31 Times in 19 Posts

    Default Alexis Zorba - Con Người Chịu Chơi

    ALEXIS ZORBA - CON NGƯỜI CHỊU CHƠI

    LTS: Nhật báo Người Việt hân hạnh kính mời bạn đọc theo dõi tác phẩm“Alexis Zorba con người chịu chơi,” sáng tác nổi tiếng thế giới của nhà văn Nikos Kazantzaki, qua bản dịch bay bướm, tài hoa của dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu, xuất bản tại Saigon trước 1975.



    Hy Lạp, Nietzsche và Henry Miller



    Không biết từ đời thuở nào tôi đã vô cùng ái mộ nền văn minh Hy Lạp. Hy Lạp với những đền đài uy nghi tráng lệ song lại rất giản đơn, thanh nhã.

    Hy Lạp với những thần linh uy mãnh song lại mỹ miều như những con người ngọc và đầy đam mê rất người. Và rồi dưới ảnh hưởng của Nietzsche, tôi biết ái mộ thêm tinh thần sáng lóa, tinh khôi của thiên tài Hy Lạp, biểu lộ một cách bi tráng, lẫm liệt qua những bi kịch gia vĩ đại, những triết gia độc đáo tiền Socrates, Plato. Cuối cùng, Henry Miller với cuốn du ký tuyệt vời “The Clossus of Maroussi” đã đưa tôi vào những vườn olive, vườn chanh thơm ngát bên bờ biển, gặp gỡ những người Hy Lạp đầy sức sống, nồng nàn tình người.

    Với tình yêu Hy Lạp đó tôi đã dịch Alexis Zorba vào năm 1969.



    Alexis Zorba ở Việt Nam



    Zorba đã được nhiều vòng tay mở rộng, nồng nhiệt đón chào, đặc biệt giới thanh niên Phật tử và những tu sĩ trẻ. Zorba đã trở thành một mẫu mực, một bàn đạp vững mạnh.

    Zorba đã cho thanh niên một nhận định táo bạo: Ðức Phật là người cuối cùng, còn ta là những con người thứ nhất. Ta chưa sống đủ, chưa yêu thương đủ để đến mức chán chường, có thể rứt bỏ dễ dàng không tiếc nuối những đam mê.

    Zorba và Tất Ðạt (“Câu chuyện dòng sông” của Herman Hesse) đã cho họ một phương châm táo tợn, một giải pháp quyết liệt và hợp tình lý: Bất cứ một kinh nghiệm nào nếu không kinh qua đến cùng sẽ trở lại, bắt ta lập lại, chi bằng “dĩ tận vi độ” à la Zorba” (“đi đến cùng theo kiểu Zorba”).

    Zorba và Freud lại cung cấp thêm cho họ một kinh nghiệm sống mà dân tộc Pháp đã thực chứng từ ngàn năm qua: “Chasser le naturel, il revient au galop” (“xua đuổi nhiên tính, nó sẽ phi nước đại trở lại”).

    Zorba và Vivekananda, một người bằng kinh nghiệm bản thân, một người bằng trí tuệ viên mãn, đã cho thanh niên Việt Nam trong thời buổi tao loạn cùng cực đó, một lối thoát thênh thang, hài hòa cả tâm cơ lẫn khế cơ: “Hãy ước muốn sống một trăm năm, hãy có tất cả những khát vọng trần gian, nếu bạn muốn; có điều hãy thần thánh hóa chúng, biến chúng thành thiên đàng. Hãy có ước muốn sống một cuộc đời dài hữu ích, diễm phúc và năng động trên trái đất này. Làm việc cách đó, các bạn sẽ tìm thấy đường ra. Không có con đường nào khác.” (“Tôn Giáo là gì? 100”)

    (“Desire to live a hundred years, have all earthly desires, if you wish, only deify them, convert them into heaven. Have the desire to live a long life of helpfulness, of blissfulness and activity on this earth. This working, you will find the way out. There is no other way.”) “What Religion Is”, p.100.

    Ðó là lý do tại sao Alexis Zorba lại trở thành một mẫu người lý tưởng, hay ít ra là một nửa kiểu mẫu, một nửa khát vọng.

    Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có lần tâm sự:

    “Mình luôn luôn bị giằng co giữa Alexis Zorba và Hoàng Tử Bé.” (“Hoàng Tử Bé” là một tác phẩm của Saint Exupéry do Bùi Giáng dịch).

    Nhận định trên không chỉ đúng cho riêng nhạc sĩ thiên tài này mà còn đúng cho nhiều người, ở nhiều nơi, nhiễu lúc. Ðó là một nan đề muôn thuở của con người trên trần gian. Theo tác giả Nikos Kazantzaki:

    “Thế giới là một đấu trường nơi chúng ta đã đến để vật lộn ngõ hầu chuyển biến xác thịt chúng ta thành tinh thần.”

    (“The World is an arena where we have come to wrestle in order to turn our flesh into spirit”) Saint Francis, p.168.

    Trong cuộc vật lộn này điên dại là một cần thiết điên dại vì khát vọng trần gian, như Alexis Zorba hay điên dại vì khát vọng thần thánh, như Thánh Francis, đều có tác dụng tương tự.

    “Ðiên dại là muối ngăn cho lương tri khỏi rữa nát.”

    (“Madness is the salt which prevents good sense from rotting” Ibid 269).

    Chỉ bằng cách đam mê điên dại con người mới có đủ dũng lực để phá vỡ ngục tù thể xác, đập tan xiềng xích nô lệ phận người để vươn lên.

    Nguyễn Hữu Hiệu

    13. VII. 2012

  2. #2
    Moderator
    saomai's Avatar
    Status : saomai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jun 2008
    Posts: 2,146
    Thanks: 23
    Thanked 31 Times in 19 Posts

    Default Alexis Zorba


    Alexis Zorba



    Không biết từ đời thuở nào tôi đã vô cùng ái mộ nền văn minh Hy Lạp. Hy Lạp với những đền đài uy nghi tráng lệ song lại rất giản đơn, thanh nhã. Hy Lạp với những thần linh uy mãnh song lại mỹ miều như những con người ngọc và đầy đam mê rất người. Và rồi dưới ảnh hưởng của Nietzsche, tôi biết ái mộ thêm tinh thần sáng lóa, tinh khôi của thiên tài Hy Lạp, biểu lộ một cách bi tráng, lẫm liệt qua những bi kịch gia vĩ đại, những triết gia độc đáo tiền Socrates, Plato. Cuối cùng, Henry Miller với cuốn du ký tuyệt vời “The Clossus of Maroussi” đã đưa tôi vào những vườn olive, vườn chanh thơm ngát bên bờ biển, gặp gỡ những người Hy Lạp đầy sức sống, nồng nàn tình người.

    Với tình yêu Hy Lạp đó tôi đã dịch Alexis Zorba vào năm 1969.



    Kỳ 2




    Tôi gặp hắn lần đầu tiên tại Piraeus. Tôi xuống bến để đáp tàu về Crete. Ngày sắp rạng. Trời mưa. Một cơn gió Ðông Nam Ðịa Trung Hải thổi mạnh và tiếng rào rào của sóng vẳng đến tận quán café nhỏ.

    Những cánh cửa kính khép kín, không khí nồng mùi hơi người trộn với mùi rượu đan sâm. Bên ngoài trời lạnh và hơi thở làm mờ những gương cửa sổ. Năm sáu thủy thủ đã thức suốt đêm tại đây, co ro trong những cái áo khoác da dê nâu, đang uống café hay rượu đan sâm và nhìn biển qua những khuôn cửa mờ hơi nước. Những con cá váng vất vì biển động tìm chỗ ẩn trong những vùng nước lặng dưới đáy sâu; ở đó chúng đợi chờ bình lặng bên trên trở lại. Những ngư phủ trong những quán café cũng chờ đợi bão rứt và những chú cá, yên tâm, ngoi lên trên mặt nước và đớp mồi. Cá lờn bờn, cá miêu, cá đuối đang trở về sau những cuộc chinh phạt ban đêm. Ngày ló rạng.

    Cửa kính mở. Một phu bến tàu mập lùn, rám nắng, đầu trần, đi chân không, toàn thân vấy bùn, bước vào.

    - Kìa! Kostandi, một thủy thủ mặc áo khoác rộng màu xanh da trời kêu lên, hồi này ra sao bạn già?

    Kostandi nhổ bọt.

    - Mày muốn tao ra sao? hắn gắt gỏng trả lời. Chào chủ quán! Chào cả nhà! Chào chủ quán! chào cả nhà! Ðời tao vậy đó. Thất nghiệp dài dài!

    Một vài người bắt đầu cười, những kẻ khác lắc đầu và nguyền rủa.

    - Thế giới là tù ngục của cuộc đời, một lão để ria mép, đã học triết lý ở tuồng múa rối Thổ Nhĩ Kỳ* nói. Phải, tù ngục của cuộc đời. Khốn kiếp!

    - Hừ, quân phá gia chi tử chó đẻ! Gã gầm lên và ngậm bộ ria mép xám.

    Tôi ngồi thu mình trong một góc vì lạnh. Tôi gọi ly đan sâm thứ hai. Tôi thèm ngủ, nhưng tôi chiến đấu chống lại giấc ngủ, chống lại sự mệt mỏi và chống lại nỗi cô liêu của ngày mới rạng. Tôi nhìn qua những khuôn cửa mờ đục ra bến tàu đang thức giấc, nhộn nhạo bởi những tiếng còi tàu, tiếng kêu la của những phu kéo xe và những người lái đò. Và vì nhìn ngắm lâu, một tấm lưới vô hình, dệt nên bởi biển, bởi cơn mưa, và bởi chuyến ra đi, đã xoắn chặt tim tôi bằng những cái mắt lưới dầy của nó.

    Mắt tôi dán chặt vào cái mũi đen ngòm của một con tàu lớn. Toàn thân tàu vẫn còn chìm đắm trong đêm tối. Trời vẫn mưa và tôi nhìn thấy những sợi nước mưa nối liền trời với bùn.

    Tôi nhìn con tàu đen, bóng tối, cơn mưa và nỗi buồn của tôi thành hình. Những kỷ niệm nổi dậy. Trong không khí ẩm ướt, tạo thành bởi cơn mưa và niềm hối tiếc, khuôn mặt của người bạn chí thiết thân yêu lại hiện ra. Tôi đã xuống bến này tiễn biệt hắn bao giờ? Năm ngoái? Trong một cuộc đời khác hay mới hôm qua? Tôi còn nhớ buổi sáng hôm đó trời cũng mưa gió giá lạnh, và ngày cũng mới lên. Lần đó nữa, tâm hồn tôi cũng trĩu buồn.

    Phải chia lìa dần những kẻ thân yêu, cay đắng biết bao! Thà giang tay cắt đứt phũ phàng và tìm lại cô đơn, khí hậu tự nhiên của con người còn hơn. Tuy nhiên, trong buổi rạng đông mưa gió ấy, tôi không thể chia lìa bạn tôi. (Sau này khi hiểu tại sao, than ôi, đã quá muộn rồi còn đâu!) Tôi đã lên tàu cùng với hắn và ngồi trong ca-bin của hắn, giữa những cái va-li ngổn ngang. Tôi chăm chú nhìn hắn thật lâu khi hắn mải nhìn đi chỗ khác, như thể muốn lần lượt ghi sâu vào tâm trí những nét đặc biệt của hắn - cặp mắt trong xanh long lanh, khuôn mặt trẻ trung đầy đặn, cách diễn tả tế nhị và khinh bạc, và, trên tất cả, hai bàn tay quí phái với những ngón thon dài.

    Một lát sau bắt gặp cái nhìn tha thiết và quyến luyến của tôi, hắn quay lại với vẻ giễu cợt thường có mỗi khi hắn muốn che dấu cảm xúc. Hắn nhìn tôi. Hắn hiểu. Và để khuây khỏa nỗi buồn biệt ly, hắn hỏi với một nụ cười chế nhạo:

    - Cho đến bao giờ?

    - Cho đến bao giờ cái gì mới được chứ?

    - ... Còn tiếp tục gậm nhấm giấy và bôi vẽ mực? Ði với tôi thầy nhé! Ở Caucasus đó, hàng ngàn đồng bào ta đang lâm nạn. Mình hãy đi cứu họ.

    Hắn cất tiếng cười như để nhạo báng cái sứ mệnh cao cả của hắn.

    - Có thể chúng ta không thể cứu họ được, nhưng chúng ta sẽ cứu vớt chúng ta trong khi chúng ta cứu vớt những kẻ khác. Có phải thầy đã thuyết pháp thế không, thưa thầy? “Cách duy nhất để cứu mình là tranh đấu cứu vớt những kẻ khác...” Vậy hãy tiến lên, thầy, thầy thuyết pháp hay lắm. Tại sao thầy không đi với tôi?

    Tôi không trả lời. Tôi nghĩ tới mảnh đất Ðông Phương thiêng liêng, từ mẫu của những thần thánh, rặng núi cao vòi vọi còn vang dội tiếng gầm thét của Prometheus. Cũng bị trói vào những tảng đá đó, giống nòi tôi đang kêu gào. Một lần nữa giống nòi lại lâm nguy và kêu gọi các con đến cứu. Và tôi thụ động nghe lời kêu cứu đó, như thể nỗi đau đớn chỉ là một giấc mộng và cuộc đời một tấn bi kịch mê say mà trong đó không có ai, trừ kẻ thô lỗ hay khờ khạo, mới nhảy lên sân khấu vào tham gia vào hành động.

    Không cần chờ câu trả lời, bạn tôi đứng dậy. Tàu hú lên lần này nữa là lần thứ ba. Hắn chìa tay ra cho tôi và một lần nữa lại dấu cảm xúc trong lời chế nhạo.

    - Au revoir nhé, mọt sách!



    * Karagheuz hay Karagoz - N.H.H

    Kỳ 3



    Giọng hắn run run. Hắn biết rằng không chế ngự nổi con tim là một điều đáng xấu hổ. Nước mắt, lời nói dịu dàng, cử chỉ rối loạn, sự suồng sã bình dân, tất cả những thứ đó hình như đối với hắn là những cái yếu đuối không xứng đáng với con người.

    Chúng tôi, dầu yêu quí nhau đến thế mặc lòng, chẳng bao giờ trao đổi với nhau một lời nói ngọt ngào. Chúng tôi đùa giỡn và châm chọc nhau như dã thú. Hắn, con người tinh tế, châm biếm, văn minh. Tôi, dân man di. Hắn, tự chủ, khéo léo diễn tả tất cả những xúc động của tâm hồn trong tiếng cười... Tôi, thốt nhiên buông ra một tiếng cười lạc điệu và mọi rợ.

    Tôi cũng cố gắng che đậy những cảm xúc của tôi dưới lời cứng rắn, nhưng tôi mắc cỡ, đúng hơn, tôi không đạt tới. Tôi siết tay hắn. Tôi nắm lấy và chẳng chịu buông. Hắn nhìn tôi, ngạc nhiên.

    - Xúc động đến thế kia? hắn gượng cười hỏi.

    - Ừ, tôi bình tĩnh trả lời.

    - Tại sao? Chúng ta đã quyết định thế nào? Bao năm nay chúng ta đã chẳng từng đồng ý với nhau về điểm đó sao? Những người Nhật Bản yêu quí của thầy nói thế nào? “Fudoshin! Ataraxia”. Ðiềm nhiên, tĩnh mặc trên khuôn mặt: Một cái mặt nạ tươi cười và bất động. Còn cái gì xảy ra dưới cái mặt nạ là việc của chúng ta.

    - Phải, tôi lại vừa trả lời, vừa cố gắng không làm tổn thương mình bằng cách buông theo một câu dài. Tôi không dám chắc có thể giữ được giọng nói khỏi run.

    Gồng trên tàu vang lên, xua đuổi khách tiễn đưa khỏi các phòng tàu. Trời mưa nhỏ hạt. Không khí đầy ắp những lời tiễn biệt não nề, những lời hứa hẹn, những chiếc hôn dài, những câu dặn dò hớt hải và hổn hển. Mẹ ôm chầm lấy con, vợ quấn chặt lấy chồng. Như thể cuộc chia ly ngắn ngủi này nhắc nhở họ cuộc chia ly khác - cuộc Vĩnh Biệt. Và đột nhiên trong không khí ẩm mục, âm thanh rất dịu dàng của tiếng cồng ngân lên, từ cuối lái tới đầu tàu, như một hồi chuông tang tóc. Tôi rùng mình.

    Bạn tôi cúi xuống.

    - Sao, hắn hạ giọng, thầy linh cảm thấy điều gì không hay?

    - Ừ, tôi lại trả lời.

    - Thầy tin những cái nhảm nhí đó à?

    - Không, tôi trả lời một cách quả quyết.

    - Sao nữa?

    Không có “sao nữa” gì hết. Tôi không tin, nhưng tôi sợ.

    Bạn tôi nhẹ nhàng đặt bàn tay trái lên đầu gối tôi như hắn thường làm những lúc tâm sự thân mật nhất. Tôi đã thúc đẩy hắn phải đi đến một quyết định rứt khoát, hắn phản đối, khước từ để rồi cuối cùng nhượng bộ, và bây giờ hắn rờ đầu gối tôi, như muốn nói: “Ðược rồi, vì tình bạn, tôi sẽ làm điều anh muốn...”

    Hắn chớp mắt hai ba lần rồi lại nhìn tôi. Hắn hiểu rằng tôi đang ưu sầu và lưỡng lự chưa muốn dùng những thứ khí giới quen thuộc của chúng tôi: Tiếng cười, nụ cười, sự chế giễu...

    - Ðược lắm, hắn nói. Thầy đưa tay đây. Nếu kẻ nào trong hai chúng ta gặp cơn hiểm nghèo...

    Hắn ngừng bặt, như thể hắn mắc cỡ. Chúng tôi, những kẻ từ bao năm nay, thường nhạo báng những cuộc “chạy trốn” siêu hình và bỏ tất cả những kẻ ăn chay, những nhà thông linh học, thông thần học và ngoại chất học vào cùng một rọ...

    - Sao nữa?

    Tôi gặng hỏi, cố gắng phỏng đoán ý hắn.

    - Chúng ta hãy coi đó như một trò chơi, thầy chịu không?

    Hắn nói nhanh, để thoát ra khỏi câu nói nguy hiểm hắn vừa mắc vào. Nếu kẻ nào trong hai chúng ta gặp cơn hiểm nghèo, chúng ta hãy nghĩ đến nhau thật mãnh liệt để báo nguy cho người kia dầu ở nơi nào... Ðồng ý?

    Hắn gượng cười, nhưng môi hắn, như bị đông giá, vẫn bất động.

    - Ðồng ý, tôi nói.

    Bạn tôi, sợ bộc lộ cảm xúc quá lộ liễu, vội thêm:

    - Dĩ nhiên, tôi chẳng tin thần giao cách cảm chút nào...

    - Không sao, tôi thì thầm. Kệ...

    - Thôi được rồi, thây kệ, hả. Ðồng ý?

    - Ðồng ý, tôi đáp.

    Ðó là những lời cuối cùng chúng tôi nói với nhau. Chúng tôi lặng lẽ siết tay nhau, ngón tay chúng tôi đan vào nhau tha thiết, rồi đột nhiên rời ra. Tôi vội vã quay đi không ngoái lại như kẻ bị theo dõi. Tôi hoảng hốt muốn quay lại nhìn bạn tôi một lần cuối, nhưng tôi kìm hãm mình. “Không được quay lại!” tôi tự ra lệnh. “Tiến tới!”

    Tâm hồn con người, sa lầy trong xác thịt, còn ở trạng thái thô kệch, bất toàn. Với những khả năng phát triển chưa đủ độ, tâm hồn không thể tiên cảm một cách minh bạch và chắc chắn. Nếu tâm hồn có khả năng ấy, cuộc chia ly này đã khác biết bao!

    Trời sáng dần. Hai buổi sáng hòa lẫn vào nhau. Khuôn mặt thân yêu của bạn tôi, bây giờ tôi càng thấy rõ hơn, hãy còn bất động và cô độc trong cơn mưa, và trong không khí hải cảng. Cửa quán café bật mở, biển gầm thét, một thủy thủ mập lùn bước vào, chân dạng ra, ria dài thòng. Nhiều tiếng kêu thét lên vui mừng:

    - Chào thuyền trưởng Lemoni!

    Tôi thu mình trong góc, cố gắng tập trung tư tưởng lần nữa. Nhưng khuôn mặt bạn tôi đã tan ra trong mưa.

    Kỳ 4




    Ánh sáng tăng thêm, thuyền trưởng Lemoni cau có và trầm mặc lấy chuỗi tràng hạt hổ phách ra và bắt đầu lần. Tôi cố chống lại không nhìn, không nghe để giữ lại đôi chút hình ảnh đã điêu tàn.

    Sống lại cơn giận dữ xâm chiếm tôi thuở ấy, cơn giận pha xấu hổ, khi bạn tôi gọi tôi là “mọt sách”. Từ đó tôi nhớ ra rằng, tất cả nỗi ghê tởm của tôi đối với cuộc đời tôi đã sống, đã thể nhập trong danh từ đó. Tại sao tôi, kẻ tha thiết yêu đời đến thế, lại để mình vướng mắc trong đống sách vô giá trị và đống giấy mực đen ngòm lâu đến như vậy! Trong buổi chia tay đó, bạn tôi đã giúp tôi thấy rõ. Tôi cảm thấy khuây khỏa. Biết rõ từ nay tên của nỗi sầu đau của mình, có thể tôi sẽ chiến thắng nó một cách dễ dàng hơn. Nó không còn tản mát và vô hình; nó đã mặc lấy một danh từ và một hình thể và cuộc chiến đấu chống lại nó trở nên dễ dàng đối với tôi...

    Câu nói đó chắc chắn đã lặng lẽ tiến triển ngầm trong tôi. Từ đó tôi tìm cớ để bỏ rơi sách vở và lao mình vào hành động. Tôi ghê tởm đã mang con vật gậm nhấm khốn khổ đó trên tấm huy chương của tôi. Và một tháng trước đây, cơ hội ao ước đã tới. Tôi thuê trên bờ đảo Crete, bên bờ biển Lybia, một mỏ than bùn cũ bỏ hoang, và tôi sắp sống với những người đơn giản, những thợ thuyền, nông dân, xa cách loài mọt sách.

    Tôi rất xúc động khi sửa soạn ra đi, như thể cuộc du lịch này có một ý nghĩa nào thầm kín. Tôi đã quyết định thay đổi cuộc sống. “Cho tới nay, tâm hồn ta ơi”, tôi tự nhủ, “mi chỉ nhìn thấy bóng tối và bằng lòng với nó; bây giờ, ta dẫn mi về với xác thân”.

    Cuối cùng tôi đã sẵn sàng. Buổi tối trước ngày ra đi, trong khi lục lọi chồng sách vở, tôi tìm thấy một tập bản thảo dở dang. Tôi cầm lên, nhìn ngắm và lưỡng lự. Từ hai năm nay, trong cõi sâu thẳm của con người tôi, rung động một ước vọng lớn lao, một hạt giống: Ðức Phật. Lúc nào tôi cũng cảm thấy nó ngấu nghiến tôi và chín mùi trong lòng tôi. Nó lớn dần, cử động, bắt đầu đạp ngực tôi để thoát ra. Bây giờ tôi không đủ can đảm rứt bỏ nó. Không thể được nữa rồi. Ðã quá muộn cho một cuộc trụy thai tinh thần như thế này.

    Ðột nhiên, tôi phân vân cầm lấy tập bản thảo, nụ cười của bạn tôi nở trong không khí, chế giễu và dịu dàng. “Tôi sẽ mang đi?” Tôi nói bướng. “Tôi sẽ mang đi cho mà xem. Ðừng có cười!” Tôi cẩn thận gói lại như quấn tã cho một hài nhi và mang theo.

    Người ta nghe thấy tiếng thuyền trưởng Lemoni, trầm và khàn khàn. Tôi lắng nghe. Ông ta nói về những con quỉ lùn đã leo lên liếm cột buồm tầu ông, trong cơn giông bão.

    - Chúng mềm nhũn và dính, ông ta nói. Khi mó vào chúng, tay mình bắt lửa. Một lần tôi vuốt ria thế là suốt đêm tôi sáng bừng lên như một con quỉ. Rồi nước biển tràn vào tàu và làm ướt hết hàng hóa của tôi. Hàng nặng thêm và tàu bắt đầu nghiêng. Tôi sắp mất nghiệp thì may mắn thay ông trời ngó lại giáng cho một lưỡi tầm sét đánh bật tung những cửa hầm tàu và tất cả than theo. Biển đầy than, nhưng con tàu nhẹ đi và lại trồi thẳng lên được. Lần này tôi lại thoát hiểm như vậy đó.

    Tôi thò tay vào túi lấy ra cuốn Dante, ấn bản bỏ túi - người bạn đường của tôi. Tôi châm tẩu, dựa vào tường cho thoải mái. Tôi lưỡng lự một lát: Phải đọc đoạn thơ nào bây giờ? đoạn về nhựa thông nóng bỏng của Ðịa Ngục, về đống lửa tẩy uế của Lò Luyện Tội hay nhào ngay vào bình diện cao nhất của Hy Vọng nhân loại? Tôi lựa chọn. Cầm trong tay cuốn Dante bỏ túi, tôi khoan khoái hưởng sự tự do của tôi. Những câu thơ mà tôi sắp chọn trong buổi tinh mơ này sẽ cầm nhịp cho cả một ngày.

    Tôi cúi mình trên rừng viễn tượng đó để quyết định, nhưng tôi không có thì giờ. Thốt nhiên, tôi ngẩng lên, lo âu. Không hiểu tại sao, tôi có cảm tưởng có hai con mắt mở ra trên chóp sọ tôi; tôi vội quay lại nhìn ra sau theo hướng cửa kính ra vào. Như một tia chớp, hy vọng điên cuồng thấy bạn xưa vụt qua tâm trí. Tôi sẵn sàng đón nhận phép lạ. Nhưng phép lạ không xảy ra. Một người lạ mặt, trạc lục tuần, rất cao và khô gầy, mắt mở lớn, đã dí mũi vào cửa kính từ lúc nào và đang nhìn tôi. Hắn kẹp dưới nách một gói quần áo giẹp lép.

    Ðiều làm tôi xúc động nhất là cặp mắt buồn bã, lo âu, chế giễu và đầy những lửa của hắn. Ít ra, tôi thấy như vậy.

    Ngay khi tia mắt chúng tôi gặp nhau - dường như hắn đang xác nhận thầm trong trí rằng tôi đúng là người hắn đang tìm kiếm, - người lạ mặt của tôi quả quyết giang tay mở cửa. Hắn bước qua các bàn bằng một bước đi nhanh nhẹn, mềm dẻo và dừng lại trước mặt tôi.

    - Du lịch? hắn hỏi. Ði đâu vậy?

    - Ði Crete. Sao?

    - Cho tôi theo.

    Kỳ 5



    Tôi chăm chú nhìn hắn. Hai má hóp, quai hàm bạnh, lưỡng quyền cao, tóc xám và quăn, cặp mắt sáng như sao.

    - Tại sao? Bác muốn gì?

    Hắn nhún vai.

    - Tại sao với chẳng tại sao! Hắn nói một cách khinh bỉ. Người ta không thể làm điều gì mà không cần biết tại sao à? Tại vậy đó, để chơi? Thôi được, cho tôi theo, làm đầu bếp chẳng hạn. Tôi biết nấu súp.

    Tôi bật cười. Tôi thích cử chỉ và lời nói quả quyết sắc bén của hắn. Cả cái món súp của hắn cũng vậy. Mang cái gã ngúng nguẩy này với mình tới cái bờ biển xa xôi và hiu quạnh đó không phải là điều không hay, tôi nghĩ thầm. Những đĩa súp, những câu chuyện... Hắn có vẻ phiêu bạt giang hồ lắm, một thứ Sinh Bá* nhà hàng hải đây... Tôi thích hắn.

    - Ông đang nghĩ gì đó? hắn thân mật hỏi vừa lúc lắc cái đầu to lớn. Ông cũng cân nhắc nữa, phải không? Cân nhắc từng chút một, đúng không? Thôi, quyết định đi nào, can đảm lên!

    Gã cao lớn thô kệch đó đứng sừng sững trước mặt tôi, và ngẩng lên nói với hắn khiến tôi phát mệt. Tôi gập Dante lại.

    - Ngồi xuống đây, tôi bảo hắn. Làm một ly rượu đan sâm nhé?

    Hắn ngồi xuống, cẩn thận đặt gói quần áo của hắn lên cái ghế bên cạnh.

    - Một ly rượu đan sâm? Hắn khinh bỉ hỏi. Chủ quán, một rhum!

    Hắn nhấm nháp ly rhum của hắn từng ngụm nhỏ, chậm lâu trong miệng để thưởng thức, đoạn chậm rãi cho trôi xuống và sưởi ấm lòng. “Hiếu cảm, tay chơi sành sỏi, lọc lõi...” tôi nghĩ bụng.

    - Bác làm nghề gì?

    - Ðủ nghề, tay chân, đầu óc, làm tuốt. Chúng ta bị giới hạn nếu chúng ta lựa chọn.

    - Hồi gần đây, bác làm ở đâu?

    - Trong hầm mỏ. Tôi làm phu mỏ giỏi. Tôi biết đôi chút về kim loại. Tôi biết tìm mạch mỏ, khai đường hầm, xuống giếng; tôi không biết sợ. Tôi làm việc khá, tôi từng là đốc công, không có gì phải phàn nàn cả. Nhưng rồi ma quỉ xen vào công việc. Tối thứ bẩy rồi, tôi ngà ngà say, chẳng nói chẳng rằng tôi tới kiếm lão chủ mới đến hôm đó để kiểm soát và cho ngay lão một trận...

    - Một trận? Sao vậy? Hắn làm gì bác?

    - Làm gì tôi? không! Không làm gì hết, thực đấy! đó là lần đầu tiên tôi thấy lão. Lão quỉ đáng thương đó còn phân phát thuốc lá cho chúng tôi nữa chứ.

    - Sao nữa?

    - Ở Crete đã xẩy ra chuyện gì, Zorba? Kể đi!

    - Chúng ta có cần phải khua chiêng gõ mõ không? Zorba bực tức nói. Khổ quá, ông ơi! Tôi đã nói rằng thế giới này là một điều bí ẩn và con người chỉ là một con mãnh thú lớn.

    “Một con mãnh thú lớn và một ông trời con. Một tên phiến loạn đê tiện từ Macedonia đến cùng với tôi - người ta gọi hắn là Yorga, quân du thủ du thực, một con heo dơ dáy, sao cũng được - Hắn khóc lóc. “Sao mi khóc, tên trời đánh Yorga kia?” Tôi hỏi và tôi cũng khóc như mưa. “Sao mi khóc, đồ con heo?” Nhưng hắn không nói, ôm choàng lấy tôi và khóc sướt mướt như một đứa con nít. Thế rồi tên bủn xỉn thượng hạng ấy móc túi, lấy ra những đồng vàng thổ phỉ của dân Thổ, tung lên trời từng nắm đầy. Ông hiểu chưa, ông chủ, đó là tự do!”

    Tôi đứng dậy và lên boong để hứng cơn gió phũ phàng của biển.

    “Ðó là tự do, tôi nghĩ. Có một đam mê, chất hàng đống vàng và đột nhiên, chiến thắng nỗi đam mê của mình và tung hê kho hàng của mình cho gió bốn phương. Giải thoát khỏi một đam mê để tuân theo một đam mê khác, cao cả hơn. Nhưng việc đó, phải chăng cũng là hình thức của nô lệ? Hy sinh cho một ý tưởng, cho một giống nòi, cho Thượng Ðế? Hay điều đó có nghĩa là kiểu mẫu đặt càng cao, sợi dây nô lệ càng dài? Rồi lúc đó chúng ta có thể nô giỡn và đú đởn trong một đấu trường rộng lớn hơn và chết đi không gặp sợi dây. Vậy có phải cái đó người ta gọi là tự do không?”

    Xế chiều chúng tôi ghé vào bờ biển cát và thấy cát trắng mịn, những cây trúc đào còn hoa, cây minh quyết và xa hơn nữa, về bên tay phải, một ngọn đồi thấp và xám, không cây, tựa khuôn mặt một người đàn bà lộn ngược. Và dưới cằm nàng, trên cổ, có những mạch nâu sẫm của mỏ than bùn chạy qua.

    Một trận gió thu thổi nhẹ, những đám mây tua từ từ và dịu dàng đi qua trái đất và phủ bóng rợp lên mặt địa cầu. Những đám mây khác đang xây thành trên trời, đầy vẻ đe dọa. Mặt trời ló ra và ẩn đi, mặt đất sáng và tối lại như một khuôn mặt sống động và băn khoăn.

    *Sindbad - N.H.H



    Kỳ 6



    Tôi dừng lại giây lát và ngắm nhìn. Nỗi cô liêu thiêng liêng trải rộng trước mặt tôi, u hoài, nhưng quyến rũ, như sa mạc. Bài thơ Phật giáo bốc khỏi lên mặt đất và len lỏi vào trong tận đáy lòng tôi.

    Bao giờ sẽ rút vào trong cô liêu, đơn độc, không bạn đồng hành, không vui mà cũng chẳng buồn, với một niềm xác tín thiêng liêng duy nhất rằng tất cả chỉ là giấc mộng? Bao giờ quần áo tả tơi - không dục vọng - tôi sung sướng ẩn mình trong núi? Bao giờ thấy rằng thân thể chỉ là bệnh hoạn và tội lỗi, già lão và tử diệt - tự do, không sợ hãi đầy hân hoan, - tôi sẽ rút vào rừng? Bao giờ? Bao giờ? Bao giờ?

    Zorba lại gần, santuri cặp dưới nách.

    - Mỏ than bùn kia! Tôi nói để che giấu cảm xúc. Và giơ tay về phía ngọn đồi giống như khuôn mặt đàn bà.

    Nhưng Zorba cau mày không ngoái lại.

    - Ðể sau sẽ hay. Bây giờ chưa phải lúc, thưa ông chủ, hắn nói. Trước hết, phải chờ trái đất ngừng. Nó hãy còn tròng trành, con chó, nó tròng trành như một con tầu say, con đĩ chó. Chúng ta hãy vào trong làng.

    Nói đoạn hắn rảo bước đi.

    Hai đứa trẻ đi chân đất, sạm đen như dân Ả Rập chạy tới và đỡ va-li. Một nhân viên quan thuế to lớn, mắt xanh đang rít ống điếu trong căn lều dùng làm trụ sở quan thuế. Hắn liếc mắt nhìn chúng tôi, uể oải đưa mắt nhìn mấy cái va-li, cựa quậy một chút trên ghế như để đứng dậy. Nhưng hắn không có can đảm. Hắn chậm rãi nâng cái xe điếu lên và nói bằng giọng còn ngái ngủ:

    - Chào các ông!

    Một trong hai đứa trẻ lại gần tôi. Nó nháy cặp mắt xanh màu ô-liu:

    - Chả không phải dân Crete đâu! Nó nói, giọng chế nhạo. Trông chả làm biếng quá!

    - Dân Crete không làm biếng sao?

    - Họ làm biếng... phải, họ cũng làm biếng... đứa trẻ Crete trả lời, nhưng làm biếng cách khác.

    - Làng có xa đây không?

    - Ngay kia! Bằng một tầm đạn! Kìa, sau những vườn cây, trong khe suối. Làng đẹp lắm, ông chủ. Có đủ thú - cây minh quyết, cây đậu ván, đậu Hòa Lan, dầu, rượu vang. Còn đằng kia, trong đụn cát, dưa chuột, cà tô mát, cà và dưa hấu sớm nhất ở Crete. Gió Phi Châu làm cho chúng mau lớn, ông chủ. Nếu ông chủ ngủ trong vườn cây ăn trái ban đêm, ông chủ sẽ nghe thấy chúng nó kêu: rắc! rắc! Và lớn như thổi.

    Zorba đi trước, hơi xiên lệch. Ðầu óc hắn hãy còn choáng váng.

    - Cố gắng lên, Zorba! Tôi gọi với. Chúng ta thoát nợ rồi. Không việc gì phải sợ hết.

    Chúng tôi đi nhanh. Ðất cát trộn lẫn với vỏ sò vỏ ốc. Thỉnh thoảng có một cây tân-hà-liễu, một cây vả dại, một bụi cói, một vài cây thảo-bản bông vàng hắc. Không khí ngột ngạt. Mây mỗi lúc một thêm lũng thấp, gió tắt dần.

    Chúng tôi đi qua một cây vả lớn thân chẻ đôi, ngoằn ngoèo bắt đầu rỗng ruột vì già cỗi. Một đứa trẻ dừng lại. Nó hất cằm chỉ cho tôi cây cổ thụ.

    - Cây vả của Cô! Nó nói.

    Tôi sửng sốt. Trên đất Crete này, mỗi hòn đá, mỗi cái cây đều có một lịch sử bi thảm.

    - Của Cô! Tại sao vậy?

    - Thời ông nội tôi, con gái của một kỳ mục phải lòng một mục đồng. Nhưng cha cô ta không chịu; cô gái khóc lóc, kêu la, van xin lậy lục, nhưng ông già vẫn không đổi ý! Thế rồi một đêm cả hai cô cậu biến mất. Người ta đổ đi tìm, một, hai, ba hôm, một tuần cũng không thấy họ đâu hết! Nhưng họ bắt đầu bị bệnh truyền nhiễm, bởi thế người ta lần theo mùi hôi thối và tìm thấy họ dưới cây vả này, thối rữa, nhưng vẫn ôm ghì lấy nhau. Ông thấy chưa, người ta tìm thấy họ vì mùi hôi thối.

    Ðứa trẻ phá lên cười. Chúng tôi nghe tiếng xôn xao trong làng. Chó bắt đầu sủa, đàn bà nói the thé, gà gáy báo hiệu sự thay đổi trong thời tiết. Trong không khí thoang thoảng mùi bã nho bốc lên từ những thùng cất rượu raki.

    - Làng đây rồi! Hai đứa nhỏ la lên và lao đầu chạy.

    Khi chúng tôi đi vòng hết đồi cát, thôn làng nhỏ hiện ra, cheo leo trên sườn suối nước. Những ngôi nhà thấp, quét vôi trắng, sát vách nhau; và vì những cửa sổ mở làm thành những chấm đen, những ngôi nhà giống như những cái sọ người nêm trong đá.

    Tôi theo kịp Zorba.

    - Bây giờ chúng ta đã vào đến trong làng rồi, phải để ý lắm đến cách cư xử đấy nhé, Zorba, tôi khẽ ra lệnh cho hắn. Không được để họ nghi ngờ gì hết, Zorba! Mình hãy tỏ ra là những người làm ăn đứng đắn: Tôi là chủ và bác là đốc công. Dân Crete không đùa giỡn đâu, bác phải biết điều đó. Một khi họ để mắt tới mình là họ khám phá ra ngay cái kỳ cục nơi mình và gán cho mình một biệt hiệu. Không có cách nào thoát được. Tựa một con chó chạy rong với cái xoong cột vào đuôi.

    Zorba đưa bàn tay to lớn lên vuốt râu và chìm đắm trong suy tư. Sau cùng hắn nói:

    - Này ông chủ nếu có một bà góa trong nội địa, ông không việc gì phải sợ cả. Nếu không có...

  3. #3
    Moderator
    saomai's Avatar
    Status : saomai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jun 2008
    Posts: 2,146
    Thanks: 23
    Thanked 31 Times in 19 Posts

    Default Alexis Zorba - Con Người Chịu Chơi

    Kỳ 7,8,9,10,11 và 12



    Ngay lúc đó, ở cổng làng một mụ ăn mày quần áo tả tơi chạy tới chúng tôi, chìa tay ra. Mụ đen đủi, dơ dáy và có một hàng ria đen và cứng.

    - Ê, bà con! Mụ thân mật gọi Zorba. Này, bà con có một linh hồn không?

    Zorba dừng lại.

    - Tôi có, hắn nghiêm trang trả lời.

    - Vậy cho tôi xin năm đồng đi!

    Zorba móc túi lấy ra một cái ví da rách mướp.

    - Ðây! Hắn nói.

    Và nụ cười xoa dịu cặp môi hãy còn nét chua cay. Hắn nhìn quanh và nói:

    - Theo tôi thấy ở đây không lấy gì làm đắt đỏ lắm, ông chủ! Năm đồng một linh hồn.

    Chó trong làng lăn xả vào chúng tôi, đàn bà thập thò ngoài hiên, trẻ con vừa nối đuôi theo chúng tôi vừa la ó. Một vài đứa kêu ăng ẳng, một vài đứa khác giả làm còi xe hơi, còn có đứa, chạy lên trước chúng tôi, ngoái cổ nhìn lại với cặp mắt mở lớn đầy ngạc nhiên.

    Chúng tôi đi tới ngã tư làng, ở đấy chúng tôi thấy hai cây bạch dương um tùm, xung quanh có những thân cây vát vuông một cách thô sơ dùng làm ghế ngồi. Trước mặt là quán café, trên treo một tấm bảng lớn, đã nhạt mầu sơn: “Khiêm Tốn quán Café-và-Hàng Thịt.”

    - Tại sao ông chủ cười? Zorba hỏi.

    Nhưng tôi chưa kịp trả lời thì từ quán café và hàng thịt năm sáu đứa khổng lồ mang áo lót xanh sẫm với thắt lưng đỏ túa ra. Họ kêu lớn:

    - Chào các bạn! Mời các bạn vào đây làm một ly raki. Rượu mới lấy trong thùng nấu ra hãy còn nóng hổi đây.

    Zorba tắc lưỡi:

    - Ông chủ nghĩ sao?

    Hắn quay lại nháy tôi.

    - Chúng ta vào uống một ly chăng?

    Chúng tôi uống một ly đốt cháy ruột gan. Lão chủ quán café và hàng thịt, một lão già to lớn tráng kiện và lanh lợi, mang ghế ra cho chúng tôi ngồi.

    Tôi hỏi xem chúng tôi có thể trọ ở đâu.

    - Các ông hãy đến nhà Madame Hortense, một người nào đó nói to.

    - Một người đàn bà Pháp ở đây sao? Tôi ngạc nhiên hỏi.

    - Mụ từ góc biển chân trời tới đây. Mụ đã đi hầu hết các nơi, khi trở về già mụ trôi giạt đến đây và mở một lữ quán sinh sống.

    - Bà ấy bán cả kẹo nữa! Một đứa trẻ nói leo.

    - Bà ấy còn thoa son trát phấn bứ bự! Một đứa khác nói. Bà ấy quấn dây băng quanh cổ... Bà ấy còn có một con két nữa.

    - Góa phụ? Zorba hỏi. Bà ấy có phải là góa phụ không?

    Lão chủ quán túm lấy một bên ria mép rậm xám của hắn.

    - Thử đếm đây xem có được bao nhiêu sợi râu, ông bạn? Bao nhiêu? Ấy, mụ ấy là bà góa của từng ấy đức ông chồng. Nghe thủng chưa?

    - Nghe thủng rồi, Zorba vừa trả lời vừa liếm môi.

    - Mụ có thể làm ông thành một kẻ góa vợ lắm ạ?

    - Coi chừng đấy nhé, ông bạn! Lão già la, và tất cả đều phá lên cười.

    Chúng tôi được đãi rượu lần nữa, lão chủ quán café mang rượu ra trên một cái khay cùng với bánh lúa mạch phô-mai dê, và lê.

    - Thôi, để họ yên! Lão nói. Không có đi tới nhà bà nào hết! Họ sẽ ngủ ở nhà tôi.

    - Họ sẽ trọ ở nhà tôi, Kondomanolia! Lão già nói. Tôi không có trẻ con, nhà lại rộng, thừa chỗ.

    - Xin lỗi, chú Anagnosti, lão chủ quán café ghé vào tai lão già nói to. Tôi nói trước.

    - Mày chỉ được giữ một thôi, lão Anagnosti nói. Tao sẽ lấy lão già.

    - Lão già nào? Zorba sừng sộ.

    - Chúng tôi đi cùng với nhau, tôi vừa nói vừa ra hiệu cho Zorba đừng nổi nóng. Chúng tôi đi cùng với nhau. Chúng tôi sẽ tới nhà Madame Hortense...

    - Xin chào quí khách! Xin chào quí khách!

    Một mụ đàn bà mập mạp, thấp lùn, tóc mầu gai đã phai mầu, hiện ra dưới những cây bạch dương, chân vòng kiềng đi núng na núng nính. Một nốt ruồi trang điểm cằm mụ. Mụ đeo một giải băng đỏ xung quanh cổ và cặp má úa héo của mụ trát đầy phấn mầu hoa cà. Một chùm tóc nghịch ngợm phất phơ trên trán mụ, khiến mụ giống hệt Sarah Berhnardt lúc về già trong vở L'Aiglon.

    - Hân hạnh được biết bà, bà Hostense! Tôi vừa đáp vừa sửa soạn hôn tay mụ, tôi bị lôi cuốn bởi một nỗi yêu đời bất chợt.

    Cuộc đời thình lình hiện ra như một câu chuyện thần tiên hay màn giáo đầu vở Giông Tố của Shakespeare. Chúng tôi vừa đặt chân lên hải đảo, ướt như chuột lột sau một cuộc đắm tàu tưởng tượng. Chúng tôi đang thám hiểm miền bờ biển kỳ thú, và trịnh trọng đón chào thổ dân. Mụ Hortense này là nữ chúa đảo, một giống hải thát vàng và bóng loáng, bị trôi dạt lên bờ biển cát này. Sau mụ, hiện ra vô số những cái đầu dơ dáy, lông lá vui tươi của thổ dân - hay của Caliban đang kiêu hãnh và khinh bỉ nhìn mụ.

    Zorba, hoàng tử giả trang, cũng nhìn mụ, cặp mắt mở lớn, như nhìn một người bạn đồng hành cố tri, một tầu buồm cũ kỹ đã giao chiến trên những mặt bể xa xôi lần lượt nếm mùi chiến thắng và thất bại, cửa sổ bên hông tầu chìm xuống nước, cột buồm gẫy - buồm rách - và bây giờ, bị rạch khía bởi những đường nứt nẻ mà mụ trét đi bằng kem và phấn, đã lui về bờ biển này và chờ đợi.

    Dĩ nhiên mụ chờ đợi Zorba, thuyền trưởng ngàn sẹo. Và tôi thích thú nhìn hai diễn viên này cuối cùng gặp nhau trong bối cảnh Crete, trang trí sơ sài và nguệch ngoạc vài nét bút lông đậm nét.

    - Cho hai giường, bà Hortense! Tôi vừa nói vừa cúi rạp mình trước người diễn viên tình ái lão thành. Hai giường không rệp...

    - Không có rệp, không, không có rệp mà! Mụ vừa la lên vừa đưa mắt thách thức nhìn tôi.

    - Có! Có mà! Những cái miệng của Caliban nhạo báng thốt lên.

    - Không có! Không có! Mụ vừa nhắc lại vừa lấy chân mập ú giậm những viên đá bành bạch. Mụ đi tất màu xanh da trời và một đôi giầy khiêu vũ cũ méo mó, với những cái nơ xinh xắn bằng lụa.

    - Hu! Hu! Ma quỉ bắt mụ đi! Caliban lại cười rộ lên.

    Nhưng mụ Hortense đường bệ bỏ đi và hướng dẫn chúng tôi theo. Mụ ngạt ngào mùi phấn và xà bông rẻ tiền.

    Zorba đi sau nuốt chửng mụ bằng mắt.

    - Ông chủ nhìn nhá! Hắn thì thầm. Lối con đĩ nó ưỡn ẹo: Pờ láp! Pờ láp! Giống như con cừu có cái đuôi đầy mỡ!

    Hai ba giọt mưa rơi xuống, trời tối sầm lại. Những lằn chớp xanh chém xối xả vào núi. Những cô gái nhỏ, cuộn mình trong tấm áo khoác da dê trắng, vội vã lùa bầy dê và cừu từ đồng cỏ về. Những thiếu phụ, quì trước lò sưởi, đang nhúm lửa chiều.

    Zorba bứt rứt ngoạm ria mắt không rời đôi mông nhún nhẩy của mụ đàn bà.

    - Hừm! Ðột nhiên hắn lẩm bẩm thở dài. Cuộc đời chó đẻ, con đĩ ngựa không bao giờ ngừng cợt nhả!

    Những phòng tắm cũ kê sát vào nhau hợp thành lữ quán nhỏ bé của mụ Hortense. Phòng thứ nhất là cửa tiệm bán kẹo bánh, thuốc lá, đậu phụng, bấc đèn, sách học vỡ lòng, nến và cánh-kiến-trắng. Bốn phòng khác, tiếp giáp nhau, làm thành phòng ngủ. Sân sau là nhà bếp, chỗ giặt quần áo, chuồng gà vịt và chuồng nuôi thỏ. Những bụi tre rậm rạp và những cây lê gai được trồng trong dải cát mịn xung quanh. Tất cả nồng mùi biển, phân thú vật và nước tiểu. Nhưng thỉnh thoảng, khi mụ Hortense đi qua, không khí đổi mùi hương - như thể người ta đổ chậu nước gội đầu của người thợ hớt tóc trước mũi ta.

    Giường đã dọn xong, chúng tôi đi nghỉ và đánh một giấc tới sáng. Tôi không nhớ đêm qua đã mơ những gì, nhưng khi thức dậy, tôi cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái như vừa tắm ở biển lên.

    Hôm nay là Chủ Nhật, ngày mai thợ thuyền từ các làng lân cận sẽ tới bắt đầu làm mỏ. Bởi thế hôm nay tôi có thì giờ đi dạo một vòng để thăm thú bãi biển mà định mệnh đã xô tôi tới. Bình minh mới hơi le lói khi tôi bước ra. Tôi đi qua những mảnh vườn, dọc theo mép biển, vội vàng làm quen với đất, nước, không khí thổ ngơi, ngắt những cây cỏ dại, và lòng bàn tay tôi ngào ngạt mùi rau thơm, đan sâm và bạc hà.

    Tôi trèo lên một ngọn đồi và nhìn quanh. Một vùng khắc khổ toàn đá hoa cương và đá vôi rất rắn chắc. Những cây minh-quyết đậm mầu, những cây ô-liu tráng bạc, những cây vả và những cây nho. Trong những lòng chảo khuất, có những vườn cam, chanh và sơn-tra-tử; sát nên bờ nước, có những vườn rau. Về phía Nam, một vùng biển mênh mông, hãy còn cuồng nộ, gầm thét, xô ầm từ Phi Châu tới, gậm nhấm bờ biển Crete. Ngay gần bên, một hòn đảo nhỏ đầy cát, rực hồng dưới những tia nắng đầu tiên.

    Ðối với tôi phong cảnh Crete này, tựa một áng văn vần hay: bố cục kỹ lưỡng, giản dị, không cầu kỳ, mãnh liệt và thận trọng. Diễn tả điều chính yếu một cách cô đọng nhất, nó không suồng sã, không mảy may giả tạo. Nó nói điều phải nói với một vẻ khắc khổ hùng tráng. Nhưng giữa những dòng khô khan người ta có thể nhận thấy một vẻ đa cảm và dịu dàng bất ngờ; trong những lũng khuất, những cây chanh và những cây cam dâng hương, và từ biển bao la cuối trời, tỏa ra một nguồn thơ lai láng.

    - Crete, tôi thầm thì, Crete..., và tim tôi đập rộn ràng.

    Tôi bước xuống trái đồi nhỏ và đi men theo bờ nước. Những thiếu nữ líu lo chợt xuất hiện, khăn choàng trắng như tuyết, giầy ống vàng, váy xắn cao; các cô sắp đi dự lễ Misa tại tu viện xa xa, trắng xóa một mầu bên bờ biển kia.

    Tôi dừng lại. Khi vừa thấy tôi, tiếng cười của các cô vụt tắt. Khuôn mặt các cô khi thấy một người đàn ông, chợt khép lại một cách hung dữ. Từ đầu tới chân, thân thể của các cô giữ thế thủ và ngón tay các cô hốt hoảng bíu chặt lấy áo cánh cài khuy chặt.

    Sợ hãi nổi lên trong máu các cô. Trên suốt một miền bờ biển Crete quay về Phi Châu này, từ nhiều thế kỷ nay, quân cướp biển thường đột nhập, cướp đi dê cừu, đàn bà, trẻ con. Chúng trói họ bằng những sợi dây lưng đỏ, ném họ vào hầm tầu và nhổ neo để đem bán ở Algiers, Alaxandria, Beirut. Từ nhiều thế kỷ nay, trên miền duyên hải viền những bím tóc này, biển đã thốt lên lời than thở. Tôi nhìn đám thiếu nữ hung tợn đang lại gần, cô nọ bám sát vào cô kia, như để làm thành một hàng rào không thể vượt qua. Ðó là một phản ứng tự nhiên, không thể thiếu trong những thế kỷ qua, và ngày hôm nay trở lại không duyên cớ, theo nhịp một điều tất yếu đã biến mất.

    Khi các thiếu nữ đi qua mặt tôi, tôi lặng lẽ tránh sang bên, mỉm cười. Thế là ngay lập tức như thể các cô đột nhiên cảm thấy nỗi nguy hiểm sợ hãi đã qua hàng thế kỷ rồi, thảng thốt thức dậy trong thời đại an bình của chúng ta, khuôn mặt các cô tươi lên, chiến tuyến hàng ngũ chặt chẽ giãn ra và nhất loạt, các cô cất tiếng vui tươi và trong trẻo chào tôi. Ngay lúc đó, chuông ở tu viện xa xa, reo vui, cuồng nhiệt, vang rền không gian với những âm thanh hân hoan.

    Mặt trời đã lên cao, bầu trời trong vắt. Tôi thu mình trong đá, đậu như một con hải âu trên một tảng đá ngầm, và ngắm biển. Tôi cảm thấy thân thể tôi đầy sinh lực, tươi mát, thuần thục. Và tâm trí tôi, theo sóng trở thành một lượn sóng và cũng tuân theo nhịp biển, không chống cưỡng.

    Tim tôi dần dần căng phồng lên. Nhiều giọng nói mờ ám, hống hách và nài nỉ cất lên trong tôi. Tôi biết ai đang kêu gọi tôi. Bất cứ khi nào tôi ở một mình trong giây lát, nó lại kêu gào, xao xuyến vì những linh cảm kinh khủng, vì những mối sợ hãi điên cuồng, vì những cảm hứng bồng bột và chờ đợi nơi tôi sự giải thoát.

    Tôi vội vàng mở Dante, người “bạn đồng hành” ra, để không nghe và để yểm trừ con quỉ khủng khiếp. Tôi lật giở đọc chỗ này một câu, chỗ kia một tiết, hồi tưởng lại cả đoạn ca dài, và từ những trang mãnh liệt đó, những bị kẻ đọa đầy vừa đứng lên vừa gào thét. Trên cao hơn, những linh hồn bị thương đang cố gắng trèo lên một sườn núi cheo leo. Cao hơn nữa, trong những cánh đồng ngọc bích, những tâm hồn được ân phúc thơ thẩn tựa những con đom đóm sáng rực. Tôi đi đi lại lại từ trên xuống dưới tòa dinh thự khủng khiếp của định mệnh, tôi lang thang dạo chơi trong Ðịa Ngục, Lò Luyện Tội, Thiên Ðàng như ở nhà riêng. Tôi đau khổ, hy vọng hay thưởng thức vĩnh phúc trong khi buông theo những vần thơ kỳ diệu.

    Ðột nhiên tôi gập Dante lại và nhìn ra khơi. Một con hải âu, bụng đặt trên mặt nước, lên xuống dập dình theo sóng biển, sung sướng hưởng niềm hoan lạc tuyệt vời của buông xả. Một thiếu niên sạm nắng hiện ra bờ nước, đi chân không và miệng hát những bản tình ca. Có thể cậu ta hiểu nỗi đau khổ những bài hát đó diễn tả, bởi giọng cậu ta bắt đầu khan như giọng một con gà trống con.

    Trong bao năm, bao thế kỷ nay, những vần thơ của Dante cũng được ngâm lên như thế trong xứ sở của thi sĩ. Và giống như những bản tình ca sửa soạn cho thanh thiếu nữ yêu nhau, những vần thơ nóng bỏng Florentine sửa soạn trai tráng Ý tranh đấu cho giải thoát. Tất cả, từ thế hệ nọ sang thế hệ kia, cảm thông với tâm hồn thi nhân, đổi nô lệ họ thành tự do.

    Tôi nghe thấy tiếng cười sau lưng và lập tức rớt từ những đỉnh cao của Dante xuống. Tôi quay lại và thấy Zorba đứng sau lưng tôi, tươi cười rạng rỡ.

    - Làm cái trò gì lạ vậy, ông chủ? Hắn nói to. Tôi đi kiếm ông cả giờ, nhưng biết ông ẩn ở đâu mà kiếm?

    Thấy tôi yên lặng, hắn tiếp:

    - Quá trưa rồi, con gà đã chín; con vật đáng thương đó sắp rừ nát ra cả rồi đấy! Ông biết chưa?

    - Tôi biết rồi, nhưng tôi không đói.

    - Không đói! Zorba vừa kêu lên vừa vỗ đánh đét một cái vào đùi. Nhưng từ sáng tới giờ ông đã có chút gì dính răng đâu. Cũng phải chăm nom đến thân thể nữa chứ, hãy thương nó một chút. Cho nó ăn với. Ðó là con lừa kéo xe của chúng ta, ông thấy không? Nếu mình không cho nó ăn, nó sẽ bỏ rơi mình ngang xương giữa đường cho mà coi.

    Từ bao năm nay tôi khinh miệt những lạc thú của xác thịt, và nếu thuận tiện, tôi ăn vụng trộm, như phạm một hành động nhục nhã. Nhưng để Zorba khỏi kỳ kèo, tôi nói:

    - Ðược rồi, tôi tới đây.

    Chúng tôi hướng về phía làng. Những giờ phút trong núi đá vụt qua như những giờ ân ái, nhanh như chớp.

    - Ông nghĩ tới mỏ than bùn phải không? Zorba hỏi, hơi ngần ngại.

    - Bác muốn tôi nghĩ đến điều gì khác bây giờ? Tôi vừa cười vừa hỏi lại. Ngày mai, chúng ta sẽ bắt đầu làm việc. Tôi phải tính toán chứ.

    Zorba liếc mắt quan sát tôi và nín lặng. Tôi hiểu hắn lại cân nhắc tôi, bán tín bán nghi.

    - Tính toán kết quả ra sao? Hắn dò hỏi một cách thận trọng.

    - Sau ba tháng mỗi ngày chúng ta phải lấy lên được mười tấn than để bù lại những khoản chi phí.

    Zorba nhìn tôi, nhưng lần này hắn có vẻ lo âu. Lát sau hắn nói:

    - Nhưng ma quỉ, tại sao ông ra bờ biển để tính với toán? Ông chủ tha lỗi cho câu hỏi đó, nhưng quả thực tôi không hiểu. Khi tôi phải vật lộn với những con số, tôi thích chui xuống một cái hố để khỏi nhìn thấy gì hết. Nếu tôi ngẩng lên và nhìn thấy biển, hay một cái cây, hay một người đàn bà, dù là một bà già, hừ! Xéo đi cho rảnh! Thế là tính toán với những con số khỉ gió chuồn gấp, người ta nói chúng mọc cánh...

    - Nhưng đó là lỗi tại bác, Zorba! Tôi nói để trêu hắn. Bác không đủ sức mạnh tập trung tư tưởng.

    - Tôi không rõ, ông chủ. Cái đó còn tùy. Có những trường hợp ngay cả đến lão Salomon khôn ngoan... Thí dụ, một hôm tôi đi qua một thôn nhỏ thấy một ông cố nội tám chín mươi tuổi đang trồng một cây hạnh đào. “Ê! Nội ơi, tôi gọi lão, nội trồng một cây hạnh đấy à?” Và lão, lọm khọm, quay lại và bảo tôi: “Lão, con ơi, lão hành động như không bao giờ lão phải chết cả.” Còn tôi, tôi trả lời lão: “Tôi hành động như tôi phải chết từng giây từng phút.” Trong hai chúng tôi ai là người có lý, ông chủ?

    Hắn nhìn tôi một cách đắc thắng và nói:

    - Tôi chờ ông trả lời đó!

    Tôi nín lặng. Hai con đường cheo leo và táo bạo như nhau đều có thể cùng dẫn đến một đỉnh. Hành động như thể cái chết không có, vừa hành động vừa nghĩ đến cái chết từng giây, từng phút, có lẽ giống nhau. Nhưng lúc Zorba hỏi, tôi không biết điều đó.

    - Sao? Zorba chế giễu hỏi. Ðừng lo ngại, ông chủ, ông không lý luận ra đâu. Thôi chúng ta nói chuyện khác. Tôi, lúc này tôi nghĩ đến bữa ăn trưa, đến món cơm trộn thịt cay với quế ở trên và đầu óc tôi bốc hơi như đĩa cơm trộn thịt cay. Ăn trước đã, nặng bụng trước đã rồi chúng ta sẽ thấy. Việc nào vào lúc nấy. Bây giờ, trước mặt chúng ta là món cơm trộn thịt cay, vậy, hãy để tâm trí chúng ta trở thành cơm trộn thịt cay. Ngày mai, than bùn sẽ ở trước mặt chúng ta, vậy tâm trí chúng ta phải trở thành than bùn. Không chơi trò nửa vời, ông hiểu không?

    Chúng tôi đi vào trong làng. Những người đàn bà đang ngồi trò chuyện trên ngưỡng cửa; những cụ già, lặng lẽ tì tay trên gậy. Dưới một cây lựu trĩu trái; một mụ già nhỏ bé nhăn nheo đang bắt rận cho cháu.

    Trước quán café một lão già mặt khắc khổ, đăm chiêu, mũi quặm, vẻ ông lớn đang đứng thẳng. Ðó là Mavrandoni, bô lão trong làng, người đã cho chúng tôi thuê mỏ than bùn. Ðêm qua lão đã ngủ tại nhà mụ Hortense để dẫn chúng tôi về nhà lão. Lão nói:

    - Các ông ở trọ tại lữ quán thật là một điều rất xấu hổ cho chúng tôi, làm như trong làng này không có ai để đón tiếp các ông.

    Lão nghiêm trang, cân nhắc lời ăn tiếng nói. Chúng tôi đã từ chối. Lão bị mếch lòng nhưng không nài ép.

    - Tôi làm bổn phận tôi, lão nói lúc cất bước ra về; các ông tự do.

    Ít lâu sau, lão sai người mang lại cho chúng tôi hai bánh phô mai, một giỏ lựu, một bình nho khô và một hũ rượu raki trong bọc mây. Người nhà lão nói trong khi dỡ đồ do con lừa nhỏ chở xuống:

    - Thuyền trưởng Mavrandoni gửi lời chào ông! Ông nói của ít nhưng lòng nhiều.

    Chúng tôi niềm nở chào vị hương mục.

    - Chúc các ông trường thọ! Lão vừa nói vừa chắp tay lên ngực.

    Rồi lão im lặng.

    - Lão không ưa nói nhiều, Zorba thì thầm. Một lão già gàn.

    - Lão kiêu hãnh, tôi nói. Tôi thích lão.

    Chúng tôi đến nơi. Hai cánh mũi Zorba hớn hở phập phồng. Vừa nhìn thấy chúng tôi từ ngưỡng cửa mụ Hortense kêu lên một tiếng và bỏ chạy vào trong bếp.

    Zorba đặt bàn trong sân, dưới giàn nho rụi lá. Hắn cắt những lát bánh to, mang rượu vang ra đặt chén bát, muỗng nĩa. Hắn quay lại nhìn tôi một cách tinh quái, và chỉ bàn ăn: Hắn đã sắp ba bộ muỗng nĩa!

    - Ông hiểu chứ, ông chủ? Hắn thì thào.

    - Tôi hiểu rồi, tôi đáp. Tôi hiểu rồi, lão phóng đãng.

    - Càng già, càng cay, hắn vừa nói vừa liếm môi. Tôi biết quá mà.

    Hắn nhanh nhẹn lăng xăng chạy qua chạy lại, mắt sáng lên. Hắn hát nho nhỏ những bản tình ca cũ kỹ.

    - Sống là vậy, ông chủ. Lúc này, tôi hành động như thể tôi phải chết ngay bây giờ. Bởi vậy tôi hối hả để khỏi lăn đùng ra chết trước khi ăn con gà.

    - Ngồi vào bàn, mụ Hortense ra lệnh.

    Mụ mở vung và đặt cái nồi trước mặt chúng tôi. Nhưng mụ há hốc miệng: mụ nhận thấy ba bộ muỗng nĩa. Ðỏ mặt vì sung sướng, mụ nhìn Zorba và cặp mắt sắc, xanh tươi của mụ chớp chớp.

    - Mụ bốc lửa trong quần lót, Zorba nói thầm với tôi.

    Ðoạn, với một vẻ lễ phép quá đáng, hắn quay về phía mụ già và nói:

    - Hỡi nữ thần của sóng, chúng tôi là những kẻ đắm tầu và biển đã xô dạt chúng tôi vào vương quốc ngài. Xin ngư nữ hãy cho chúng tôi hân hạnh được mời ngài dùng bữa với chúng tôi.

    Mụ ca sĩ già dang hai cánh tay, và khép lại như thể mụ muốn ôm cả hai chúng tôi, đong đưa một cách duyên dáng, lướt qua Zorba, đoạn vượt qua tôi, và cun cút chạy vào phòng. Lát sau mụ lại xuất hiện, đong đưa, nhún nhẩy, và mặc bộ đồ diện nhất của mụ: một tấm váy nhung xanh óng ánh có những giải băng vàng sờn rách. Áo che thân trên mở rộng một cách niềm nở và mụ đã gài trong chỗ khoét lõm vào một bông hồng bằng vải nở hết cánh. Tay mụ xách một cái lồng két mụ đem ra treo ở giàn nho.

    Chúng tôi để mụ ngồi giữa, Zorba phía bên phải, tôi phía bên trái mụ.

    Cả ba chúng tôi ăn ngấu nghiến. Một hồi lâu chúng tôi không ai nói năng gì. Trong chúng tôi, con thú đang ăn no, uống say. Ðồ ăn chẳng bao lâu biến thành máu, thế giới trở nên đẹp đẽ hơn, người đàn bà ngồi kế bên chúng tôi mỗi lúc một trẻ thêm và những vết nhăn biến mất. Con két treo trước mặt chúng tôi, áo mặc ngoài xanh, áo gilet vàng, cúi xuống nhìn chúng tôi. Trông nó khi thì giống như một gã quái dị nhỏ thó bị bùa mê, khi thì tựa như linh hồn mụ ca sĩ già, mặc áo xanh vàng. Và trên đầu chúng tôi giàn nho trụi lá đột nhiên đầy những chùm nho đen lớn.

    Zorba đảo mắt qua lại, mở rộng hai tay như muốn ôm cả trần gian.

    - Sao kỳ vậy, ông chủ? Hắn ngạc nhiên kêu lên. Mới uống có một ly rượu nhỏ mà đã thấy thế giới đảo điên. Ðời cũng lạ lùng vậy đó, ông chủ! Thực thế, kìa, ở trên đầu chúng ta là nho hay là thiên thần, tôi chịu không thể phân biệt được. Hay là không có gì hết, và không có gì tồn tại, không có gà, không có ngư nhân mỹ nữ, không có cả Crete? Nói, ông chủ nói đi, không tôi phát điên lên mất!

    Zorba bắt đầu lanh lợi. Hắn đã làm hết con gà giò và bắt đầu nhìn mụ Hortense một cách thèm thuồng. Cặp mắt hắn chằm chặp nhìn mụ, đưa lên, đưa xuống, luồn vào trong bộ ngực nở nang như mơn trớn. Ðôi mắt nhỏ nhắn của mụ già cũng sáng lên nữa, mụ thích rượu vang và đã nốc cạn vài ba ly. Và con quỉ nghịch ngợm trong rượu đã đưa mụ trở lại thuở vàng son xa xưa. Mụ trở nên dịu dàng, vui vẻ và cởi mở hơn. Mụ đứng lên, gài chốt cửa ngoài để dân làng - “những quân mọi rợ” như mụ thường gọi - khỏi nhòm ngó. Mụ châm một điếu thuốc, và cái mũi hếch nhỏ đặc Pháp của mụ bắt đầu thở ra từng luồng khói cuồn cuộn.

    Vào những giây phút như thế tất cả những cửa ngỏ của người đàn bà mở tung. Lính gác ngủ yên và một lời nói dịu dàng cũng có sức mạnh như vàng hay tình yêu. Tôi châm tẩu và đưa đẩy lời nói dịu dàng.

    - Bà Hortense, bà làm tôi nhớ tới Sarah Bernhardt... hồi son trẻ. Tôi không thể ngờ có thể tìm thấy ở nơi hoang dã này một vẻ đẹp thanh lịch, duyên dáng, lịch sự và diễm lệ nhường ấy. Shakespeare nào đã đưa bà đến đây, giữa đám dân mọi rợ này?

    - Shakespearse? Mụ vừa hỏi vừa giương cặp mắt xanh lợt lên. Shakespeare nào?

    Tâm trí mụ bay bổng về những hí viện ngày xưa mụ đã lui tới. Trong nháy mắt, mụ lượn một vòng quanh những quán café - ca nhạc, tửu quán, từ Ba Lê đến Beirut, và từ đó dọc theo bờ biển Anatolia và đột nhiên mụ nhớ ra: chính tại Alexandria, trong một gian phòng lớn với những đèn treo, ghế bọc nhung, đàn ông và đàn bà, những tấm lưng trần, hương thơm, hoa. Thình lình, tấm màn nhung kéo lên và một tên da đen khủng khiếp hiện ra...

    - Shakespeare nào? Mụ hỏi lại, kiêu hãnh vì cuối cùng nhớ ra. Có phải cái người mà người ta cũng còn gọi là Othello ấy không?

    - Chính hắn. Shakespeare nào đã xô dạt bà lên hoang đảo này, thưa bà?

    Mụ nhìn quanh. Những cánh cửa đã khép kín, con két đã ngủ, những con thỏ đang làm ái tình, chúng tôi trơ trọi. Xúc động, mụ bắt đầu mở bầu tâm sự như người ta mở một cái rương cũ đầy hương liệu, thư tình vàng theo thời gian và cổ kính tàn y...

    Mụ nói tiếng Hy Lạp tàm tạm, nuốt chữ, lộn vần. Tuy nhiên, chúng tôi khó mà nín cười được, đôi khi - chúng tôi uống đã khá nhiều - chúng tôi òa khóc.

    - Ðó (đại khái là điều mụ kiều nữ già đã kể cho chúng tôi nghe trong sân thơm ngát nhà mụ) đó, người các ông đang thấy trước mặt đây không phải là ca sĩ phòng trà, không! Trước kia tôi là một nghệ sĩ nổi danh. Tôi mặc quần áo lót bằng lụa viền đăng-ten thứ thiệt. Nhưng tình yêu...

    Mụ thở dài, châm một điếu thuốc mới từ điếu của Zorba.

    - Tôi yêu một thủy sư đô đốc. Crete đang trong thời kỳ cách mạng và hạm đội của các cường quốc thả neo trong hải cảng Suda. Mấy hôm sau tôi cũng cắm neo tại đây. A! Thật tuyệt vời! Các ông phải thấy bốn thủy sư đô đốc: Anh, Pháp, Ý, Nga. Tất cả đầy vàng, giầy bóng, mũ gài lông. Hệt như những con gà trống. Những con gà trống lớn mỗi con nặng từ tám mươi đến một trăm kí-lô. Và râu ơi là râu, ria ơi là ria! Quăn, óng mượt, nâu, vàng, xám, hung, thơm tho làm sao! Mỗi người có một hương thơm riêng, vì thế tôi có thể phân biệt được họ trong đêm tối. Nước Anh có mùi eau-de-Cologne, nước Pháp mùi đổng thảo, nước Nga mùi xạ và nước Ý, a! nước Ý mê ly long-diên-hương! Chúa ơi! Râu ơi là râu, ria ơi là ria!

    “Thường thường, chúng tôi họp nhau trên soái hạm và bàn bạc về cách mạng. Tất cả binh phục đều được cởi bỏ, còn tôi chỉ còn một tấm áo chemise cộc tay dính vào da thịt, bởi vì các ông tướng đã đổ champagne lên đó. Chúng tôi bàn bạc về cách mạng, chuyện trò nghiêm trang đứng đắn, tôi túm lấy râu họ và xin họ đừng pháo kích đám dân Crete thân yêu khốn khổ. Chúng tôi có thể nhìn thấy họ qua ống nhòm, trên một mỏm đá, gần La Canea. Trông họ nhỏ, nhỏ li ti như những con kiến, với những cái quần cụt xanh và giầy ống vàng. Và họ kêu la, kêu la, và họ cầm một lá cờ...”

    Dẫy lau sậy rào giậu quanh sân lay động. Người nữ chiến già dừng lại, sợ hãi. Trong đám lá, những cặp mắt tinh quái sáng rực. Ðám trẻ trong làng đánh hơi thấy bữa tiệc xa hoa của chúng tôi, đang rình mò xem.

    Người ca sĩ cố gắng đứng lên nhưng đứng không nổi: mụ đã ăn uống quá nhiều, mụ ngồi xuống, toát mồ hôi. Zorba lượm một hòn đá. Lũ trẻ vừa chạy vừa la làng.

    - Nói tiếp đi, người đẹp của tôi, nói tiếp đi, cưng! Zorba nói và xích lại gần mụ hơn chút nữa.

    - Vì thế tôi nói với thủy sư đô đốc Ý, người thân mật với tôi nhất, tôi nắm lấy râu lão và nói: “Canavaro của em - tên lão - Canavaro yêu quí của em, đừng làm bum! Bum! Ðừng làm bum! Bum!”

    “Biết bao lần người đàn bà mà các ông đang thấy đây đã cứu dân Crete khỏi chết! Biết bao lần súng đại bác sẵn sàng nhả đạn và tôi đã nắm lấy râu viên thủy sư đô đốc và tôi không để lão làm bum! Bum! Nhưng có ai nhớ ơn tôi không? Tôi có được một cái huy chương nào không...”

    Mụ Hortense nổi giận vì lòng vô ơn bạc nghĩa của con người. Mụ già nắm bàn tay mềm và nhăn nheo đập xuống bàn. Và Zorba, xòe hai bàn tay lão luyện đặt lên hai đầu gối dang ra của mụ, nắm lấy, giả vờ xúc động, kêu lên:

    - Bouboulina* của tôi, cho tôi xin, đừng làm bum! Bum!

    - Bỏ tay xuống! Mụ quang quác nói. Ông coi tôi là hạng người nào?

    Và mụ đờ đẫn liếc nhìn hắn.

    - Dù sao cũng còn trời cao kia, lão quỉ quyệt nói. Ðừng giận dỗi, Bouboulina của tôi. Có chúng tôi đây, đừng sợ!

    Mụ kiều nữ già ngước đôi mắt xanh gay gắt nhìn trời; mụ nhìn thấy con két xanh lè của mụ đang ngủ trong lồng.

    - Canavaro của em, Canavaro yêu quí của em! Mụ thì thầm một cách âu yếm.

    Con két nhận ra giọng nói của mụ, choàng mở mắt, bám lấy nan lồng và bắt đầu kêu bằng cái giọng khàn khàn của một người chết đuối!

    - Canavaro! Canavaro!

    - Có mặt! Zorba vừa kêu lớn vừa đặt tay lên hai đầu gối đã được xiết bao thờ phụng một lần nữa, như thể hắn muốn chiếm hữu lần này.

    Mụ ca sĩ quằn quại trên ghế và lại mở cái miệng rúm ró ra:

    - Tôi cũng can đảm sát cánh chiến đấu... Nhưng những ngày đen tối bắt đầu... Crete được giải phóng, những hạm đội được lệnh triệt thoái. “Còn tôi, tôi sẽ ra sao? Tôi vừa la vừa nắm lấy bốn hàm râu. Các ông sẽ bỏ tôi nơi đâu? Tôi đã quen với quyền cao chức trọng, tôi đã quen dùng rượu champagne với gà rô-ti, tôi đã quen với những chú lính thủy kháu khỉnh chào tôi kiểu nhà binh. Tôi sẽ ra sao? Bốn lần góa bụa hay sao, các quan thủy sư đô đốc ơi!”

    “Ô hô”, họ cười hô hố. A! Ðàn ông! Họ thích cho đầy bảng Anh, lire Ý, rúp Nga và đồng napoléons. Tôi nhét trong vớ, trong ngực áo và trong giầy. Buổi tối cuối cùng, tôi khóc lóc kêu gào đến nỗi các ông đô đốc phải mủi lòng thương hại tôi. Họ đổ champagne vào đầy bồn tắm, ẵm tôi dìm vào đó - chúng tôi rất thân mật nhau, ông thấy chưa - và sau đó, họ uống tất cả champagne trong bồn để tỏ lòng quí trọng tôi và họ say khướt. Sau đó, họ tắt đèn...

    “Buổi sáng hôm sau, tôi ngửi thấy đủ mọi hương thơm lớp lớp chồng lên nhau: mùi đổng-thảo eau-de-Cologne, xạ hương và long-diên-hương. Bốn đại cường - Anh, Pháp, Nga, Ý - tôi đặt ở đây, đây này, trên đầu gối tôi, và tôi điều khiển họ, nhìn đây, như vậy đó!”

  4. #4
    Moderator
    KiwiTeTua's Avatar
    Status : KiwiTeTua v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2008
    Posts: 2,964
    Thanks: 33
    Thanked 110 Times in 40 Posts

    Default The musical Zorba The Greek

    Bài đọc trên được dịch từ cuốn tiểu thuyết "Zorba the Greek", viết bởi nhà văn Hy Lạp Nikos Kazantzakis. Cuốn sách nói về một tay trí thức Hy Lạp, đã từ bỏ cuộc sống "con mọt sách" của mình, lăn xã vào đời với sự giúp đở của một tay giang hồ, "tay chơi" Alexis Zorba (Zorba the Greek).
    Cuốn phim "Zorba the Greek" ra đời năm 1964 bởi đạo diển Michael Cacoyannis và thủ diển vai Zorba là tài tử Anthony Quinn. Đồng thời vở nhạc kịch "Zorba" được hình thành năm 1968.

    Zorba the Greek (Life and Times of Alexis Zorbas) is a novel written by the Greek author Nikos Kazantzakis, first published in 1946. It is the tale of a young Greek intellectual who ventures to escape his bookish life with the aid of the boisterous and mysterious Alexis Zorba. The novel was adapted into a successful 1964 film of the same name by Michael Cacoyannis as well as a 1968 musical, Zorba.

    The song "Zorba the Greek" - Franck Pourcel


    Vài đoạn phim "Zorba the Greek"




    People were inspired by the song "Zorba the Greek", they came out and started to dance in the strẹet......

  5. #5
    Moderator
    saomai's Avatar
    Status : saomai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jun 2008
    Posts: 2,146
    Thanks: 23
    Thanked 31 Times in 19 Posts

    Default Alexis Zorba

    Kỳ 13



    Mụ Hortense dang cánh tay mũm mĩm, đưa lên đưa xuống như khiến một chú bé nhẩy trên đầu gối mụ.

    - Ðó, như vậy đó! Như vậy đó!

    “Khi trời sáng họ bắt đầu khai hỏa súng thần công, tôi không nói dối đâu, tôi xin thề danh dự với các ông, và một con thuyền trắng mười hai tay chèo đến đón tôi và đưa tôi vào đất liền.”

    Mụ rút một chiếc khăn tay nhỏ xíu ra và bắt đầu khóc, không tài nào dỗ nổi.

    - Bouboulina của tôi, Zorba say sưa kêu lên. Nhắm mắt lại đi, nhắm mắt lại đi cưng. Anh là Canavaro đây!

    - Tôi nói bỏ tay xuống! Mụ đàn bà dễ thương của chúng tôi làm bộ nhõng nhẽo nói. Thử nhìn lại bộ mặt đẹp trai của mình xem! Ngù vai vàng đâu, mũ tam giác, hàm râu thơm phức đâu? Ai không biết xấu.

    Mụ dịu dàng siết tay Zorba và lại khóc.

    Không khí trở nên mát mẻ hơn. Chúng tôi cùng im lặng trong giây lát. Biển cả đằng sau dẫy lau sậy thở dài. Sau cùng, biển êm ả và trầm lặng. Gió lịm đi, mặt trời lặn. Hai con quạ chiều hôm bay qua đầu chúng tôi và cánh chúng rít lên như xé lụa - tấm áo lụa của một nàng ca kỹ.

    Ánh hoàng hôn rơi lả tả như một đám bụi vàng rắc trên sân. Mái tóc mụ Hortense bắt lửa và rung động trong cơn gió hiu hiu buổi chiều như thể muốn bay để truyền lửa sang đầu óc những người bên cạnh. Bộ ngực nửa trần của mụ, hai đầu gối không khép liền, đẫy ra vì tuổi tác, những nếp nhăn trên cổ, đôi giầy khiêu vũ nhuộm ánh vàng.

    Mụ kiều nữ già của chúng ta rùng mình. Lim dim đôi mắt đỏ hoe vì nước mắt và rượu, mụ hết nhìn tôi rồi lại nhìn Zorba, lúc này, môi khô ráo, đang chết mê chết mệt vì bộ ngực của mụ. Bây giờ trời tối sẩm hơn. Mụ nhìn cả hai chúng tôi với một vẻ dò hỏi, cố gắng phân biệt kẻ nào trong chúng tôi là Canavaro.

    - Bouboulina của tôi, Zorba đắm đuối thì thầm trong khi kê đầu gối vào đầu gối mụ. Ðừng lo ngại, không có Thượng Ðế mà cũng chẳng có ma quỉ gì hết. Ngẩng mái đầu nho nhỏ xinh xinh của em lên, tay chống lên má và hãy hát cho chúng tôi nghe một bài nào. Hoan hô cuộc sống và cho cái chết chết luôn!...

    Zorba rạo rực. Trong khi tay trái hắn xoắn ria mép, tay phải hắn sờ soạng trên người ca kỹ say. Hắn nói không ra hơi và cặp mắt hắn lờ đờ. Chắc chắn không phải mụ già xác ướp và trang điểm thái quá này hắn nhìn thấy trước mặt mà là tất cả cái “giống cái” như hắn thường gọi đàn bà. Cá nhân biến mất, bộ mặt bị xóa nhòa. Trẻ hay già, đẹp hay xấu, đó chỉ là những biến thể không quan trọng. Sau mỗi người đàn bà lồ lộ cái khuôn mặt khắc khổ, thiêng liêng và đầy bí ẩn của Aphrodite.

    Chính khuôn mặt đó Zorba đang nhìn thấy, chính khuôn mặt đó hắn đang nói với và thèm muốn; mụ Hortense chỉ là cái mặt nạ phù du và trong suốt mà Zorba xé rách toang để hôn lên cái miệng vĩnh cửu.

    - Ngẩng khuôn cổ ngà ngọc của em lên, cưng, cưng, hắn hổn hển khẩn khoản. Ngẩng khuôn cổ ngà ngọc của em lên, hát cho chúng tôi nghe đi nào!

    Mụ ca kỹ già tỳ má trên bàn tay mũm mĩm, bị cắt cứa bởi giặt giũ; cặp mắt mụ trở nên thờ thẫn. Mụ thốt lên một tiếng than não nuột, man rợ và bắt đầu bản nhạc ưa thích, hát đi hát lại nhiều lần trong khi nhìn Zorba bằng cặp mắt lim dim ngây ngất - mụ đã thực hiện xong cuộc lựa chọn:

    Au fil de mes jours

    Pourquoi t'ai-je rencontrée...*

    Zorba nhẩy cẳng lên đi tìm cây santuri của hắn, ngồi xếp bằng trên mặt đất, giở đồ nghề, tỳ trên đầu gối và duỗi hai bàn tay to lớn ra.

    - Ôi chao! Ôi chao! Hắn rống lên. Lấy dao cắt cổ họng tôi đi, Bouboulina của tôi ơi!

    Khi đêm bắt đầu buông xuống, khi sao mọc ở trên trời và tiếng đàn santuri tán tỉnh và đồng lõa ngân lên, mụ Hortense, tọng đầy thịt gà và cơm, hạnh đào nướng và rượu, lảo đảo vùi đầu trên vai Zorba thở dài. Mụ cọ xát nhè nhẹ vào hai bên cạnh sườn trơ xương của hắn, ngáp và lại thở dài thườn thượt.

    Zorba ra hiệu cho tôi và hạ thấp giọng thì thầm:

    - Mụ đang lên cơn, ông chủ. Ði đi, để mặc chúng tôi.

    4

    Trời vừa sáng, tôi mở mắt ra và trông thấy Zorba ngồi đối diện với tôi phía cuối giường, hai chân xếp lại; hắn hút thuốc và đang trầm tư mặc tưởng. Ðôi mắt bé nhỏ và tròn xoe của hắn đăm đăm nhìn về phía trước tới khuôn cửa trổ trên mái nhà mà những tia sáng đầu tiên đã nhuộm một mầu trắng sữa. Hắn có đôi mắt lộ, khuôn cổ trần và gân guốc vươn ra dài một cách khác thường, giống như cổ một con chim mồi.

    Ðêm qua, tôi đã cáo lui sớm và để hắn ta một mình với người đẹp già của hắn.

    - Tôi đi đây, tôi nói. Chơi cho vui nhé Zorba, và hãy can đảm lên nhé!

    - Chào ông chủ, hắn đáp. Xin ông mặc cho chúng tôi giải quyết công việc của chúng tôi; xin chào ông chủ và chúc ông chủ ngon giấc!

    Quả nhiên họ đã giải quyết vấn đề của họ, vì trong khi ngủ dường như tôi có nghe những tiếng rù rì đè nén và, có một hồi, những chấn động làm rung chuyển phòng bên cạnh. Rồi sau đó tôi lại ngủ thiếp đi. Già nửa đêm, Zorba đi chân không vào và nằm dài trên giường thật nhẹ nhàng để khỏi làm tôi thức giấc.

    Kỳ 14



    Bây giờ, khi trời vừa tang tảng sáng, hắn ta đã ngồi đấy, đôi mắt chìm vào xa xăm, hướng về vùng ánh sáng, mắt còn lim dim. Người ta tưởng chừng như hắn ta đang ở trong cơn hôn mê nhè nhẹ; thái dương hắn dường như chưa thoát khỏi giấc ngủ.

    Ðiềm tĩnh, thụ động, hắn ta buông mình trong vùng tranh tối tranh sáng dầy đặc như mật ong. Vũ trụ như trôi chẩy, đất đai, sông nước, tư tưởng, con người, tất cả đều trôi chẩy về một miền biển xa xôi, và Zorba cũng hân hoan trôi chẩy cùng với chúng, không kháng cự, không thắc mắc hỏi han chi.

    Thôn làng bắt đầu thức dậy - tiếng gà gáy inh ỏi cùng với tiếng lợn, lừa và người ta. Tôi muốn nhẩy xuống giường và la lên: “Này Zorba! Hôm nay chúng ta có việc làm rồi đấy!” Nhưng tôi tự cảm thấy vô cùng diễm phúc khi đắm mình như thế, im lặng, bất động, vào những tia hồng thắm len lỏi, chập chờn của buổi bình minh. Trong những giây phút thần kỳ này, tất cả cuộc đời nhẹ tựa lông hồng. Như một áng mây chờn vờn và mềm nhũn, trái đất thay hình đổi dạng theo cơn gió thổi.

    Tôi nhìn Zorba hút thuốc, tôi cũng thèm hút nữa, và tôi với tay lấy cái tẩu thuốc. Tôi ngắm nghía và bồi hồi cảm động. Ðó là một cái tẩu thuốc Ăng-lê vừa to vừa quí giá, một tặng phẩm mà một người bạn thân - người có đôi mắt xám xanh và bàn tay ngón búp măng - cách đây nhiều năm, ở ngoại quốc đã tặng cho tôi vào một buổi trưa. Việc học vừa xong, bạn tôi đã lên đường sang Hy Lạp ngay chiều hôm đó. “Bỏ thuốc lá, hắn nói với tôi như thế; anh đốt thuốc, anh hút một nửa và anh quẳng nó đi như một con đĩ. Xấu lắm. Tốt hơn hết anh hãy dùng tẩu thuốc. Ðó là một người vợ trung thành. Khi anh trở về nhà, nó sẽ luôn luôn ở đó, lặng lẽ chờ đợi anh. Anh sẽ châm tẩu, anh sẽ nhìn theo làn khói tỏa trong không khí, và anh sẽ nhớ đến tôi!”

    Giữa trưa, chúng tôi bước ra khỏi một viện bảo tàng ở Bá Linh nơi bạn tôi đến đó để giã từ bức tranh hắn thích, bức Chiến Sĩ của Rembrant, đội nón đồng, má hốc hác, với cái nhìn đau đớn và cương quyết. “Trong đời tôi, nếu có bao giờ tôi thực hiện được một hành động nào xứng đáng với con người, đó là nhờ hắn!” Anh bạn tôi vừa thì thầm vừa ngắm chàng chiến sĩ ghê gớm và tuyệt vọng.

    Chúng tôi đang tựa lưng vào một cột trụ trong sân viện bảo tàng. Ðối diện với chúng tôi là một pho tượng đồng - một nữ kỵ sĩ khỏa thân cưỡi trên lưng con ngựa rừng với một vẻ duyên dáng khó tả. Một con chim nhỏ mầu xám, con chim chìa vôi, đến đậu một lát trên đầu nàng kỵ sĩ, hót hai ba lần với vẻ nhạo báng rồi vỗ cánh bay.

    Tôi rùng mình nhìn bạn tôi:

    - Anh có nghe con chim hót không? Tôi hỏi. Nó có vẻ như muốn nói với chúng ta điều gì?

    Bạn tôi mỉm cười:

    “Ðó là một con chim, hãy để yên cho nó hót, đó là một con chim, hãy để cho nó nói!” Hắn đáp lại bằng một câu vè trích từ một bài ai-ca của dân gian.

    Tại sao giây phút này, khi trời vừa sáng, trên bãi biển đảo Crete này, kỷ niệm kia lại hiện về nơi ký ức tôi cùng với câu thơ ảo não khiến tinh thần tôi tràn trề cay đắng?

    Tôi thong thả nhồi thuốc vào tẩu và châm lửa. Tất cả đều có một ý nghĩa thầm kín trong thế gian này, tôi nghĩ. Con người, thú vật, cỏ cây, tinh tú, tất cả chỉ là một tượng hình; hạnh phúc thay cho kẻ nào bắt đầu đọc ra được những chữ ấy và minh giải được điều chúng muốn nói, nhưng cũng bất hạnh thay cho kẻ ấy. Khi chúng ta thấy chúng, chúng ta không hiểu chúng. Chúng ta tưởng đó là những con người, thú vật, cỏ cây, tinh tú. Chỉ nhiều năm sau, lâu lắm, chúng ta mới khám phá ra được cái ý nghĩa đích thực của chúng.

    Người chiến sĩ với cái nón đồng, anh bạn tựa lưng vào cột trụ, trong ánh sáng dầy đặc của buổi trưa ấy, con chim chìa-vôi và những gì nó nói qua tiếng chim kêu chim chíp, câu thơ trong bài ai ca, tất cả những điều ấy, hôm nay tôi nghĩ rất có thể có một ý nghĩa thầm kín nào đó, nhưng ý nghĩa nào mới được chứ?

    Tôi đưa mắt nhìn theo làn khói cuồn cuộn và từ từ tản mát trong vùng tranh tối tranh sáng. Và tâm hồn tôi quấn quít theo làn khói, chầm chậm tan biến trong những cuộn khói xanh lơ. Một hồi lâu trôi qua, không cần sự can thiệp của luận lý, tôi trực nhận ra một cách vô cùng đích xác nguồn gốc, sự triển nở cùng sự tiêu diệt của thế giới. Dường như tôi bị chìm ngập một lần nữa trong Ðức Phật nhưng lần này không có những danh từ phỉnh phờ và những trò múa rối vô liêm sỉ của tinh thần. Làn khói kia là tinh hoa của giáo lý ngài, những cuộn khói tan biến kia, đó là cuộc đời, thanh thản, tự tại và hoan hỷ đạt tới Niết Bàn xanh biếc. Tôi không suy nghĩ, không tìm kiếm, không chút nghi ngờ. Tôi sống trong niềm tin tưởng xác thực.

    Kỳ 15



    Tôi thở ra nhẹ nhõm. Như thể hơi thở này đưa tôi trở về với giây phút hiện tại, tôi nhìn quanh và thấy trong túp lều nghèo nàn bằng ván có một mảnh gương con treo trên ván phản chiếu lại tia sáng đầu tiên của mặt trời. Trước mặt tôi, trên tấm nệm, Zorba ngồi quay lưmg lại và đang hút thuốc.

    Trong một thoáng, hình ảnh ngày hôm qua sống lại nơi tôi với tất cả những dời đổi bi-hài. Hương vị hoa tím bị hở gió - mùi đổng thảo, mùi eau-de-Cologne, mùi xạ hương, mùi long-diên - một con két, một sinh vật nửa người biến thành con két, đập cánh trong lồng sắt trong khi gọi tên một tình nhân cũ; một chiếc thuyền buồm nhỏ duy nhất còn sống sót của đoàn tầu, trần thuật lại những trận thủy chiến xưa...

    Zorba nghe tôi thở dài, lắc đầu quay lại.

    - Chúng ta đã cư xử tệ quá, hắn lẩm bẩm, chúng ta đã cư xử tệ quá, ông chủ ạ. Ông đã cười cợt, tôi cũng vậy, và mụ đã nhìn thấy, cái mụ khốn khổ ấy! Và ông bỏ đi, không một lời dịu dàng, như thể mụ là một mụ già khú đế. Thật nhục nhã! Ðấy không phải là phép lịch sự, ông chủ. Một người đàn ông không thể cư xử như thế được, không, xin ông cho phép tôi nói với ông điều đó! Dù sao đó cũng là một người đàn bà, đúng không? Một sinh vật yếu đuối, sướt mướt. May mắn thay còn có tôi ở lại để an ủi mụ.

    - Nhưng bác muốn nói cái gì mới được chứ, Zorba? Tôi vừa nói vừa cười. Có thực bác cho rằng tất cả mọi người đàn bà đều chỉ có cái đó trong đầu không?

    - Vâng, họ chỉ có cái đó trong đầu. Tin tôi đi, ông chủ. Tôi đã thấy đủ thứ và làm đủ mọi chuyện lăn lóc. Tôi, như ai đó đã nói đó, tôi đã có chút kinh nghiệm. Người đàn bà không có điều gì khác trong đầu họ. Họ là một sinh vật bệnh hoạn, tôi xin nói với ông như vậy, một sinh vật sướt mướt. Nếu ông không nói với họ rằng ông yêu họ và thèm muốn họ thì họ sẽ khóc. Rất có thể họ sẽ từ chối ông, có thể họ không thích ông chút nào, có thể ông làm họ tởm, thì đó lại là chuyện khác. Nhưng ai đã thấy họ thì phải thèm muốn họ. Ðó là điều họ muốn, cái giống khốn khổ đó, và như thế ông rất có thể làm vừa lòng họ!

    “Tôi có một bà nội, bà phải làm đến tám mươi tuổi rồi chứ không ít. Chuyện bà lão đúng là một cuốn tiểu thuyết. Nhưng thôi, đó lại là một mục khác... Bà lão ấy phải đến tám mươi tuổi rồi và ngay trước nhà chúng tôi có một cô gái tươi như hoa. Tên nàng là Krystallo. Mỗi chiều Thứ Bẩy, chúng tôi, bọn trai làng còn non choẹt, chúng tôi đi nhậu một mách và rượu nho đã khiến chúng tôi hăng tiết vịt. Mỗi đứa trong bọn đều cài một cành hoắc-hương ở sau tai, một thằng anh em bà con với tôi xách lục huyền cầm theo và chúng tôi đến tổ chức sérenade trước cửa nhà nàng. Tình tứ làm sao! Say đắm làm sao! Chúng tôi rống lên như đàn bò. Tất cả chúng tôi đều muốn nàng và chiều Thứ Bẩy nào chúng tôi cũng tụ họp thành đàn để nàng tha hồ lựa chọn.

    “Ðó, ông có tin lời tôi không ông chủ? Ðây là một điều bí ẩn ghê gớm: nơi đàn bà có những vết thương không bao giờ lành cả. Tất cả những vết thương đều ngậm miệng, nhưng vết thương kia - ông đừng nghe mấy lời quyển sách nhảm nhí của ông - nó không bao giờ ngậm miệng cả. Sao, bởi vì người đàn bà đã tám mươi tuổi ư? Vết thương vẫn còn mở miệng!

    “Vậy là, mỗi Thứ Bảy, mụ già kéo tấm nệm của mụ tới trước cửa sổ, mụ lén lấy cái gương con và mụ chải lại mấy sợi tóc lơ thơ còn lại và cẩn thận rẽ đường ngôi... Mụ lén nhìn quanh mình, sợ có người thấy được; nếu có ai đến gần, mụ co mình lại như một kẻ giả nhân giả nghĩa và vờ ngủ. Nhưng làm thế nào mà ngủ được? Mụ ta chờ đợi cuộc hòa nhạc. Tám mươi tuổi! Ông thấy chưa, ông chủ, đàn bà thật khó hiểu! Ngay bây giờ điều ấy làm cho tôi muốn khóc lên được. Nhưng thuở ấy, tôi chỉ là một kẻ dại dột, tôi không hiểu và điều đó làm tôi tức cười. Một hôm tôi phát cáu với mụ ta. Mụ làm nhục tôi vì tôi chạy theo các cô gái, thế là tôi nói trắng việc làm của mụ ra: “Tại sao mỗi Thứ Bẩy bà đều lấy lá hồ đào bôi lên môi, và bà rẽ đường ngôi làm chi vậy? Bà tưởng tụi tôi hòa nhạc vì bà à? Chúng tôi chạy theo Krystallo kìa. Còn bà, bà gần kề miệng lỗ rồi đó!”

    “Ông có tin được không ông chủ? Ngày hôm đó, lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là một người đàn bà khi thấy hai giọt nước mắt to tướng từ mắt mụ nội tôi tuôn ra. Mụ thu hình trong một xó như một con chó cái và cằm mụ run rẩy. ‘Krystallo!’ Tôi thét lên và đi lại gần mụ để mụ nghe rõ hơn. Tuổi trẻ thật là một con thú dữ, vô nhân đạo và không hiểu gì cả. Mụ nội đưa đôi cánh tay xương xẩu lên trời và thét to lên: “Tao nguyền rủa mày tự đáy lòng tao!”

    Kỳ 16



    Kể từ ngày ấy trở đi, mụ bắt đầu xuống dốc, mụ chết dần chết mòn và hai tháng sau, mụ chờ chết. Trong lúc hấp hối, mụ nhận thấy tôi. Mụ thở như một con rùa và mụ giơ bàn tay héo hắt túm lấy tôi: “Chính mày đã giết tao, Alexis, chính mày đã giết tao, quân độc ác. Tao nguyền rủa mày, cầu trời cho mày phải đau đớn như tao đã từng cam chịu đau đớn!”

    Zorba mỉm cười.

    - A! Lời nguyền rủa của mụ già không làm tôi hề hấn gì, hắn vừa nói vừa vuốt bộ ria mép. Hình như năm nay tôi sáu mươi lăm tuổi rồi, nhưng dù tôi có sống đến một trăm tuổi đi chăng nữa tôi cũng không bao giờ trở nên khôn ngoan cả. Tôi sẽ vẫn giữ mảnh gương con trong túi và tôi vẫn chạy đuổi theo giống cái như thường.

    Hắn lại mỉm cười, ném điếu thuốc lá qua cửa thông ánh sáng trên mái nhà, vươn vai nói:

    - Tôi còn có biết bao tật xấu khác nữa, nhưng tật xấu kia sẽ giết tôi.

    Hắn nhẩy phóc xuống khỏi giường.

    - Thế đủ rồi, nói hơi nhiều. Hôm nay ta làm việc!

    Hắn mặc quần áo chớp nhoáng, mang giày và đi ra.

    Tôi gục đầu xuống nghiền ngẫm những lời nói của Zorba và đột nhiên tôi nhớ đến thành phố xa xôi đầy tuyết phủ.

    Trong một phòng triển lãm tác phẩm của Rodin, tôi ngừng lại ngắm một bàn tay khổng lồ bằng đồng, Bàn Tay của Thượng Ðế. Lòng bàn tay nắm lại nửa chừng và trong lòng bàn tay ấy, một người đàn ông và một người đàn bà đang ngây ngất quấn quít vào nhau, phấn đấu để hòa hợp với nhau.

    Một thiếu nữ đến gần và dừng lại bên cạnh tôi. Nàng cũng xúc động khi ngắm nhìn vòng tay ôm ghì vĩnh cửu đầy lo âu của người đàn ông và người đàn bà. Nàng dáng thanh thanh, ăn mặc lịch sự, với mái tóc dầy vàng hoe, một cái cằm bướng bỉnh và đôi môi mỏng. Nàng có vẻ quả quyết và đàn ông. Thường thường tôi rất ghét gợi chuyện dễ dãi nhưng lần này tôi không hiểu điều gì đã thúc dụ tôi quay sang hỏi:

    - Cô nghĩ gì?

    - Nếu người ta có thể trốn thoát! Nàng thì thầm một cách giận dỗi.

    - Ðể đi đâu? Bàn tay Thượng Ðế ở khắp nơi. Không có sự cứu chuộc. Cô tiếc sao?

    - Không. Có thể tình yêu là niềm hoan lạc mãnh liệt nhất trên thế gian này. Ðiều ấy rất có thể. Nhưng bây giờ khi nhìn thấy bàn tay bằng đồng kia, tôi muốn tìm cách thoát thân.

    - Cô thích tự do hơn?

    - Dạ.

    - Nhưng nếu chỉ khi nào người ta vâng lời theo bàn tay đồng kia thì người ta mới được tự do? Nếu danh từ “Thượng Ðế” không có nghĩa tiện lợi như đám đông gán cho nó?

    Nàng nhìn tôi lo âu. Mắt nàng có một mầu xám chì, môi nàng khô và cay đắng.

    - Tôi không hiểu, nàng nói, rồi nàng lảng ra xa như hoảng sợ.

    Nàng biến mất. Từ đó, tôi không bao giờ nghĩ ngợi tới nàng. Tuy nhiên, chắc chắn nàng vẫn sống trong đáy lòng tôi - và hôm nay, trên bờ biển hoang vắng này, nàng tự phần sâu thẳm của con người tôi bước ra, xanh xao và ai oán.

    Vâng, tôi đã xử sự tệ quá. Zorba có lý. Bàn tay đồng ấy là một cớ chính đáng. Sự va chạm đầu tiên đã thành tựu, những lời nói dịu dàng đã được đổi trao, và dần dần chúng ta có thể, không ai lưu tâm đến ai, siết chặt lấy nhau và cùng nhau lẳng lặng hòa hợp trong lòng bàn tay Thượng Ðế. Nhưng tôi, tôi lại bất thần nhẩy vọt từ dưới đất lên trời khiến người đàn bà hoảng kinh chạy trốn.

    Con gà trống già đứng gáy trước sân nhà mụ Hortense. Ánh sáng ban mai trắng xóa giờ đây lùa qua khung cửa nhỏ. Tôi đứng phắt dậy.

    Bọn thợ bắt đầu đến với cuốc, đòn bẩy, cuốc chim của họ. Tôi nghe Zorba ra lệnh. Hắn lăn xả ngay vào công việc; người ta nhận thấy nơi hắn một người biết điều khiển và thích nhận lãnh trách nhiệm.

    Tôi thò đầu ra cửa sổ và nhìn thấy hắn đứng đấy như một tên khổng lồ nặng nề giữa đám khoảng độ ba mươi người gầy gò, thô kệch, mưa nắng dãi dầu và thân hình mảnh dẻ. Tay dang ra đầy quyền uy, hắn nói một cách vắn tắt và minh bạch. Ðột nhiên, hắn thộp ót một gã thiếu niên đang nói lầm bầm và ngập ngừng bước tới.

    - Mi có điều gì muốn nói? Hắn quát. Hãy nói to lên! Tao không ưa nói lí nhí. Muốn làm việc phải vui vẻ. Bằng không cút đi nhậu cho rồi!

    Lúc đó mụ Hortense hiện ra, đầu bù tóc rối, má phị, phấn không thoa. Mụ mặc một áo chemise bẩn và đôi giầy hàm ếch mòn gót. Mụ ho, tiếng ho khàn khàn của những ả ca kỹ già, giống tiếng lừa kêu. Mụ dừng lại và nhìn Zorba một cách kiêu hãnh. Mắt mụ mơ màng. Mụ lại dặng hắng cốt để hắn ta nghe thấy; rồi mụ vừa bước lại gần hắn vừa nhún nhẩy đôi mông. Chỉ còn cách một kẽ tóc nữa thôi là tay áo rộng của mụ chạm vào hắn ta. Nhưng dù thế hắn cũng vẫn không quay lại nhìn mụ. Hắn lấy của một người thợ một mẩu bánh bột lúa mạch và một nắm ô-liu và kêu to:

    -Nào, các bạn hãy làm dấu thánh giá đi nào!



    Kỳ 17



    Và hắn xài bước dẫn toán thợ sắp hàng ngay ngắn hướng về phía núi!

    Ở đây tôi sẽ không mô tả những công việc ở hầm mỏ. Muốn làm việc đó cần phải kiên nhẫn mà tôi thì không có cái đức tính ấy. Với lau sậy, sợi mây và mấy bi-đông xăng, chúng tôi cất được một cái chòi cạnh biển. Hừng đông, Zorba đã chồm dậy, chụp lấy cuốc rồi đi ra mỏ trước bọn thợ. Hắn đào một đường hầm, rồi bỏ đó, gặp một mạch than non lóng lánh như than đá và nhẩy cẫng lên vì sung sướng. Nhưng vài ngày sau, mạch mỏ mất tăm và Zorba nằm dài trên đất, chổng cả bốn vó lên trời mà chế nhạo ông trời.

    Hắn để hết tâm trí vào công việc. Hắn không hỏi ý kiến tôi nữa. Ngay từ những ngày đầu, tất cả mọi phiền phức và trách nhiệm đều được chuyền từ tay tôi qua hắn. Hắn có bổn phận quyết định và thi hành. Còn tôi thì bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên sự phân công này không làm tôi phật ý chút nào. Vì tôi cảm thấy rõ ràng là những tháng ngày này sẽ là những tháng ngày hạnh phúc nhất trong đời tôi. Thế nên, sau khi tính toán cân nhắc đủ điều, tôi ý thức rằng tôi đang mua được hạnh phúc với một giá hời.

    Ông ngoại tôi, sống trong một thôn nhỏ ở Crete; mỗi buổi chiều xách đèn lồng và đi một vòng quanh làng để xem may ra có một người ngoại quốc nào đến không. Ông rước người khách về nhà, mời người ta ăn uống no say, rồi sau đó, ông ngồi xuống bộ ván, đốt cái ống điếu Thổ Nhĩ Kỳ dài, quay mặt về phía người khách lạ - đã đến lúc phải trả nợ - bằng một giọng kẻ cả:

    - Kể đi!

    - Kể gì, cố Mustoyorgi?

    - Ông là gì, ông là ai? Ông từ đâu đến, ông đã được thấy những thành phố và làng mạc nào, tất cả, hãy kể lại tất cả. Kìa, nói đi chứ!

    Và người khách bắt đầu kể lăng nhăng, bịa đặt lẫn với sự thật, trong khi đó ông tôi phì phà ống điếu, lặng lẽ ngồi trên phản, lắng tai nghe và du lịch với hắn. Và nếu người khách làm ông thích chí, ông bảo hắn:

    - Ngày mai, ông cũng sẽ ở lại đây. Ông chưa đi được. Ông còn nhiều chuyện để kể lắm.

    “Ông tôi không bao giờ ra khỏi làng. Ông cũng chưa đi đến Canada hay Canea nữa. “Ðến đó để làm gì chứ? Ông nói. Có những người Candia và Canea đi ngang qua đây. Candia và Canea đến nhà tôi rồi, thế thì tôi cần gì phải đến đó nữa?”

    Ngày hôm nay tôi tiếp tục cái tật ấy của ông tôi trên bờ biển Crete này. Tôi cũng thế, tôi đã tìm được một người khách, dường như tôi cũng bắt gặp hắn ta nhờ ánh đèn lồng. Tôi không để hắn bỏ đi. Hắn làm tôi tốn kém hơn một bữa cơm, nhưng hắn đáng được thế. Mỗi buổi chiều tôi đợi hắn sau giờ làm việc, tôi bắt hắn ngồi đối diện với tôi, chúng tôi cùng ăn. Ðến lúc hắn phải trả nợ, tôi bảo hắn: “Kể đi!” Tôi châm tẩu và lắng nghe. Người khách này đã thám hiểm đất đai và thám hiểm tâm hồn con người thật tài ba. Tôi lắng nghe hắn ta mà không thấy chán.

    - Kể đi Zorba, kể đi!

    Vừa khi hắn ta mở miệng nói là tất cả thành phố Macedonia phơi bầy ra trước mắt tôi, trải ra trong khoảng chật hẹp giữa tôi và Zorba, với tất cả núi đồi, rừng rú, thác ghềnh, với đoàn quân cách mạng, những người đàn bà lam lũ với công việc và những người đàn ông thô kệch nặng nề. Ngọn núi Athos với hai mươi mốt tu viện, những xưởng đóng tàu, và những tên ăn không ngồi rồi bàn tọa lớn. Zorba lúc lắc cái cổ áo vừa chấm dứt câu chuyện về các thầy tu vừa phá lên cười: “Cầu trời cho ông chủ đừng gặp đít la và đầu thầy tu!”

    Mỗi buổi chiều, Zorba đưa tôi đi dạo qua các xứ Hy Lạp, Bảo Gia Lợi và Constantinople. Tôi nhắm mắt lại và thấy các nơi đó. Hắn ta đã đi qua vùng Balkans rối loạn và quan sát tất cả mọi sự với đôi mắt nhỏ của con chim ưng, luôn luôn mở rộng vì kinh ngạc. Những sự vật quen thuộc với chúng ta và chúng ta đi qua một cách thản nhiên, những sự vật ấy lại đập vào mắt Zorba như những điều bí ẩn kinh khủng. Thoáng thấy một người đàn bà đi ngang qua, hắn ta sửng sốt dừng lại:

    - Bí ẩn gì đây? Hắn hỏi. Một người đàn bà là gì? Tại sao mụ ta lại khiến đầu óc chúng ta đảo điên? Người ấy còn là gì nữa chớ, hãy nói hộ tôi một tí!

    Hắn cũng tự hỏi với sự kinh ngạc như thế trước một gã đàn ông, một cây đơm hoa, một ly nước lạnh. Mỗi ngày Zorba nhìn tất cả mọi sự như nhìn thấy lần thứ nhất.

    Hôm qua chúng tôi ngồi trước lều. Vừa nốc xong một ly rượu nho, hắn ta quay về phía tôi, la hoảng:

    - Ông chủ ơi, thứ nước đỏ kia là gì thế, ông nói cho tôi biết với. Một cội cây già cỗi đâm nhánh non, có những trái nhỏ chua chua treo lủng lẳng, và thời gian qua, nắng làm trái chín, trái trở nên ngọt như mật và lúc đó người ta gọi chúng là những trái nho; ta đem ép nho, rồi vắt lấy nước ngọt chứa trong thùng. Tự nó nước ngọt ấy lên men, người ta bốc thùng ra vào dịp lễ Thánh George - Tửu Ðồ, thế là người ta có rượu nho. Thật kỳ diệu! Ông uống chất nước nho đỏ này và tự nhiên tâm hồn ông lẫm liệt, lẫm liệt quá nó không còn chịu ở trong thân thể già nua nữa, và nó thách đố Thượng Ðế chiến đấu với nó. Cái đó là cái gì ông chủ, ông chủ hãy nói đi!

    Kỳ 18



    Tôi không nói. Trong lúc Zorba nói, tôi cảm thấy thế giới khôi phục lại được vẻ tinh tuyền ban sơ. Tất cả mọi sự vật tẻ nhạt thường nhật lấy lại vẻ sáng choang rực rỡ chúng có thuở hồng hoang khi chúng vừa vuột ra khỏi bàn tay Thượng Ðế.

    Nước, đàn bà, tinh tú, bánh mì, tất cả đều trở về nguồn gốc nguyên thủy huyền bí, và cơn lốc thần thánh lại nổi lên trong không gian.

    Ðó là lý do tại sao mỗi buổi chiều nằm dài trên lớp đá cuội của bãi biển, tôi nóng lòng chờ đợi Zorba. Mình mẩy dính đầy bùn và nhem nhuốc vì than, hắn nhô lên khỏi lòng đất, giống như một con chuột khổng lồ với bước đi dài và thân thể đong đưa. Từ xa, tôi đoán được công việc ngày hôm nay trôi chẩy thế nào, căn cứ vào điệu bộ của thân hình hắn, vào đầu hắn cúi xuống hay ngẩng lên, vào cách vung vẩy của hai cánh tay lực lưỡng.

    Lúc đầu tôi đi với hắn. Tôi quan sát nhân công. Tôi cố gắng tìm một con đường mới, chú ý tới những công việc thực tiễn, tìm hiểu và yêu thương chất liệu nhân loại rơi vào tay tôi, để cảm thấy niềm hân hoan mong ước từ lâu là không dính líu gì với chữ nghĩa nữa mà chỉ liên đới với những con người sống động. Và tôi có những dự định lãng mạn - nếu việc khai thác mỏ than thành công: Tổ chức một thứ đoàn thể trong ấy tất cả chúng ta đều đồng lao công tác, tất cả đều là của chung, mọi người đều ăn cùng một thực phẩm và mặc cùng một thứ quần áo như anh em một nhà. Tôi sáng tạo ra trong trí tôi một giáo hội mới, chất men của một cuộc sống mới...

    Nhưng tôi chưa quyết định trình bày những dự tính này với Zorba. Hắn bực mình thấy tôi đi đi lại lại giữa đám công nhân, hỏi han can thiệp và luôn luôn đứng về phía người thợ.

    Zorba bậm môi nói:

    - Ông chủ, ông không ra ngoài dạo một vòng sao? Mặt trời và biển, ông hiểu chưa?

    Mới đầu tôi nằn nì, không chịu đi ra ngoài. Tôi thăm hỏi, chuyện trò, tôi biết rõ lai lịch của tất cả bọn thợ: Những đứa con mà họ phải nuôi dưỡng, những chị em mà họ phải lo cưới gả, cha mẹ què quặt, những lo âu, bệnh tật cùng những nỗi dầy vò của họ.

    - Ðừng đi sâu vào chuyện của họ, ông chủ, Zorba cau có gắt tôi. Ông sẽ bị xiêu lòng, ông sẽ thương yêu họ quá mức và như thế không có lợi cho công việc của chúng ta. Ông sẽ tha thứ cho họ tất cả... Thế là có hại cho họ nữa, ông nên biết điều đó. Khi chủ nhân cứng rắn, thợ thuyền sẽ sợ hãi, kính nể ông chủ và họ làm việc. Khi chủ nhân dễ dãi, họ sẽ xỏ mũi chủ, bỏ bê công việc, ông hiểu chưa?

    Một buổi tối khác, công việc xong xuôi, hắn ném cái cuốc trước lều, bực tức la lên:

    - Nào, hãy nói đi, ông chủ, tôi van ông đừng xen tí gì vào việc cả. Tôi, tôi xây dựng còn ông, ông phá hoại. Hôm nay ông nói những gì với tôi thế? Xã hội chủ nghĩa và những điều bá láp! Ông là một nhà truyền giáo hay một nhà tư bản? Ông phải chọn lựa đi!

    Nhưng chọn lựa cách nào? Tôi bị xâu xé bởi ước vọng ngây thơ muốn nối kết hai sự việc lại, muốn tìm một tổng hợp trong ấy những đối kháng quyết liệt sẽ hòa giải với nhau, và muốn đạt được cùng một lúc đời sống trần gian và thiên đàng. Ước vọng đó kéo dài từ nhiều năm qua, từ thuở tôi còn nhỏ. Lúc tôi còn ở ghế nhà trường, tôi cùng với một số bạn thân nhất tổ chức một Hội Ái Hữu bí mật - và khép mình trong phòng ngủ khóa chặt cửa của tôi, chúng tôi phát thệ rằng tất cả chúng tôi sẽ hy sinh trọn đời mình để chiến đấu chống lại bất công. Chúng tôi khóc ròng khi tay đặt lên phía trái tim, chúng tôi phát lời thệ nguyện.

    Ôi những lý tưởng trẻ con! Tuy nhiên khốn khổ cho ai nghe những điều ấy mà lại cười! Khi thấy những hội viên của Hội Ái Hữu trở thành lang băm, thầy kiện tồi, chủ tiệm tạp hóa, chính trị gia xảo quyệt, nhà báo quèn, lòng tôi quặn đau. Có lẽ khí hậu thế gian này hà khắc và cuồng bạo quá nên những hạt giống quí báu nhất không nẩy mầm hoặc bị chèn ép ngột ngạt bởi hoa hèn cỏ dại. Ngày hôm nay tôi thấy rõ ràng tôi chưa bị chết ngộp bởi lý trí. Cám ơn Thượng Ðế! Tôi vẫn còn cảm thấy rất sẵn sàng lăn mình vào những cuộc viễn chinh anh hùng rơm.

    Ngày chủ nhật, cả hai chúng tôi sửa soạn như những chàng trai sắp lấy vợ: Chúng tôi cạo râu, mặc áo chemise trắng mới tinh, vào lúc xế chiều, chúng tôi đến nhà mụ Hortense. Mỗi Chủ Nhật, mụ làm thịt cho chúng tôi một con gà mái, và cả ba chúng tôi lại ngồi vào bàn ăn uống; rồi Zorba thò hai bàn tay dài đặt lên bộ ngực mời mọc của mụ đàn bà tử tế và chiếm hữu nó. Khi chúng tôi trở về bờ biển lúc hoàng hôn, cuộc đời đối với chúng tôi có vẻ giản dị và đầy hảo ý, già nua, nhưng rất đáng yêu và niềm nở, giống như mụ Hortense.

    Và trong một những Chủ Nhật ấy, trên đường về sau bữa ăn thân mật thịnh soạn, tôi quyết định bầy tỏ với Zorba những dự định của tôi. Hắn há hốc miệng, cố gắng dằn lòng nghe. Nhưng thỉnh thoảng hắn lúc lắc cái đầu to tướng vẻ tức giận. Những lời nói đầu tiên của tôi đã khiến hắn tỉnh rượu ngay, đầu óc sáng suốt trở lại. Khi tôi dứt lời hắn bứt rứt nhổ hai ba sợi ria mép:

    - Mong ông chủ thứ lỗi cho, tôi có cảm tưởng óc ông chưa được đặc lắm, nó mới chỉ sền sệt như đậu hũ. Ông bao nhiêu tuổi?

    - Ba mươi lăm.

    - Thôi xong! Thế là nó sẽ không bao giờ đặc lại được nữa rồi.

    Kỳ 19



    Nói xong hắn phá lên cười. Bị chọc tức, tôi la lên:

    - Bác không tin tưởng vào con người sao?

    - Xin ông chủ đừng nổi giận. Không, tôi không tin tưởng vào bất cứ điều gì hết. Nếu tôi tin vào con người, tôi sẽ phải tin vào Thượng Ðế, tôi cũng sẽ phải tin vào ma quỉ nữa. Và đó là cả một vấn đề. Mọi sự rồi sẽ rối bời, ông chủ, và điều đó sẽ mang đến cho tôi không biết bao nhiêu là bực mình.

    Hắn nín lặng, lột mũ nồi ra, gãi đầu như điên, lại kéo mạnh ria mép như định nhổ đi. Hắn muốn nói điều gì nhưng lại thôi. Hắn liếc mắt nhìn tôi, nhìn thẳng lần nữa và quả quyết nói:

    - Con người là một con thú! Hắn la vừa lấy cây gậy đập lên mấy cục đá một cách giận dữ. Thú vật tàn bạo. Quí ông không thể tưởng tượng được điều đó đâu. Tất cả đều có vẻ quá dễ dãi đối với ông. Ông hỏi tôi đấy à? Tôi xin thưa: Họ là loài vật! Nếu ông tàn nhẫn với họ: Họ sẽ kính nể và sợ hãi ông. Nếu ông tử tế với họ: Họ sẽ khoét mắt ông.

    - Hãy xa cách họ, ông chủ, đừng để con người bạo dạn quá, đừng nói với họ là tất cả đều bình đẳng, tất cả đều có những quyền lợi như nhau, nếu không họ sẽ chà đạp lên quyền lợi của chính ông, họ sẽ cướp đoạt phần cơm áo của ông và bỏ ông chết đói ngay. Hãy xa cách họ ông chủ, tôi muốn ông được yên!

    - Nhưng bác không tin tưởng vào bất cứ điều gì sao? Tôi điên tiết la lên.

    - Không, tôi không tin tưởng vào bất cứ điều gì hết. Tôi còn phải nói với ông điều ấy bao nhiêu lần nữa? Tôi không tin tưởng vào bất cứ điều gì cũng không tin tưởng vào bất cứ ai, tôi chỉ tin vào Zorba. Không phải vì Zorba tốt hơn những kẻ khác, không phải vì thế. Không phải vì thế chút nào! Nó cũng là một con thú như tất cả mọi người. Nhưng tôi tin tưởng vào Zorba bởi vì hắn là kẻ duy nhất mà tôi biết: Tất cả những người khác đều là bóng ma. Chính với mắt nó mà tôi thấy, với tai nó mà tôi nghe, với ruột nó tôi tiêu hóa. Tất cả những người khác, đều chỉ là những bóng ma, tôi xin nhắc lại. Tôi, khi tôi chết đi, tất cả sẽ chết theo. Toàn thể thế giới Zorba sẽ chìm nghỉm xuống đáy!

    - Ích kỷ quá sức! Tôi châm biếm.

    - Ðiều đó không thể tránh được, ông chủ! Ðúng như vậy đó. Tôi ăn đậu, nói đậu, không ăn sóng nói gió; tôi là Zorba, tôi nói theo điệu Zorba.

    Tôi không nói gì cả. Tôi cảm thấy những lời nói của Zorba như những lằn roi quất lên mình tôi. Tôi thán phục hắn mạnh đến thế, có thể khinh bỉ con người đến độ đó mà đồng thời vẫn muốn sống và cùng làm việc với họ như vậy. Tôi, hoặc sẽ trở thành một kẻ ẩn tu, hoặc tôi sẽ tô điểm cho con người bằng bộ lông giả để có thể chịu đựng được họ.

    Zorba quay lại nhìn tôi. Dưới ánh sao, tôi nhận thấy hắn đang cười miệng ngoác đến tận mang tai.

    - Ông có giận tôi không, ông chủ? Hắn nói và im bặt.

    Chúng tôi về đến lều. Zorba dịu dàng và ái ngại nhìn tôi.

    Tôi không trả lời. Tôi cảm thấy lý trí tôi đồng ý với Zorba, nhưng trái tim tôi chống lại, muốn vươn lên thoát khỏi con mãnh thú, mở một con đường riêng.

    - Tối nay tôi không buồn ngủ, Zorba, tôi nói. Bác đi ngủ đi.

    Sao long lanh, biển thở dài và liếm mãi những vỏ sò ốc, một con đom đóm thắp ngọn dâm đăng nhỏ lập lòe dưới bụng. Tóc đêm dài đầm đìa sương.

    Tôi nằm úp mặt trên bãi biển, đắm chìm trong im lặng, không nghĩ ngợi điều gì hết. Tôi làm một với đêm và biển; tôi cảm thấy tâm hồn tôi giống như một con đom đóm, ngọn đèn nhỏ mầu xanh sáng rực, đậu trên mặt đất ẩm ướt tối đen và chờ đợi.

    Những vì tinh tú đi du lịch vòng quanh, thời khắc trôi qua - và khi tôi đứng dậy, không hiểu tại sao, tôi đã ghi sâu trong tâm khảm một phận sự song trùng mà tôi phải hoàn tất trên bãi biển này:

    Giải thoát khỏi Ðức Phật, trút bỏ trong chữ nghĩa mọi ưu tư siêu hình và giải thoát tâm hồn tôi khỏi nỗi xao xuyến vô ích.

    Thiết lập một cuộc tiếp xúc sâu xa và trực tiếp với con người, ngay từ giờ phút này.

    Tôi thầm nhủ: “Có lẽ mình còn đủ thì giờ.”

    5

    - Bác Anagnosti, kỳ mục, xin gửi lời chào ông và nếu ông vui lòng, xin ông chịu khó dời gót đến nhà dùng bữa cơm đạm bạc. Gã thợ thiến hôm nay sẽ đến làng ta thiến mấy con lợn. Ðây là một dịp đặc biệt, “của quí” thực là một món cao lương mỹ vị, Kyria Maroulia nội tướng của lão già sẽ đặc biệt lo việc nấu nướng phần “của quí” đó cho ông. Hôm nay cũng là ngày sinh nhật của Minas, cháu họ, ông có thể nhân dịp này chúc mừng cháu họ luôn thể.”

    Ðược bước vào nhà một nông dân Crete là một điều vô cùng thích thú. Mọi vật xung quanh đều cổ kính: lò sưởi, cái đèn dầu, những cái bình đất sắp hàng dọc theo vách nhà, một cái bàn với dăm ba cái ghế và, ở phía bên trái từ cửa bước vào, trong một hốc vách có một bình đựng nước mát. Trên sàn nhà treo lủng lẳng mấy tràng hạt mộc-qua, hạt lựu và hạt cây mùi: đan-sâm bạc-hà, hạt tiêu đỏ, mê-điệt và rau quế.

    Kỳ 20



    Cuối nhà, cái cầu thang hay ba bốn bậc gỗ dẫn lên cái bục nơi có để một cái sập và phía trên cao là những thánh tượng với cây đèn ngày đêm chong. Ngôi nhà có vẻ trống trải nhưng đủ đồ cần thiết, thực ra những nhu cầu thiết thực của con người chẳng có bao nhiêu.

    Ngày diễm lệ với mặt trời thu rất đỗi dịu dàng. Chúng tôi ngồi trong mảnh vườn nông phu trước nhà, dưới một cây ô-liu trĩu trái. Qua những chiếc lá tráng bạc, biển lấp lánh xa xa, bình lặng, êm ả hoàn toàn. Những đám mây mù bay ngang đầu chúng tôi, nối tiếp bay qua mặt trời và khiến trái đất hiện ra lúc vui lúc buồn, như thể nó đang hô hấp vậy.

    Cuối mảnh vườn, trong một cái chuồng nhỏ, con heo bị thiến la réo vì đau đớn làm chúng tôi điếc cả tai. Từ lò sưởi mùi “của quí” nướng trên than hồng của mụ Kyria Maroulia bay đến mũi chúng tôi.

    Chúng tôi nói về những sự việc ngàn đời: ngũ cốc, nho, mưa. Chúng tôi bắt buộc phải la to vì vị kỳ mục không còn nghe rõ. Lão bảo rằng tai lão rất là “kiêu kỳ.” Cuộc đời của vị bô lảo đảo Crete này suôn sẻ và bình thản như cuộc đời của một cái cây mọc bên khe nước khuất gió ngàn. Lão sinh ra, trưởng thành và lập gia đình. Lão có con cháu đầy đàn. Vài người đã qua đời, nhưng nhiều kẻ còn sống: việc nối dõi tông đường được bảo đảm chắc chắn.

    Vị bô-lão đảo Crete nhắc nhở đến thời xa xưa, thời kỳ Thổ đô hộ, nhớ lại những lời giáo huấn của thân phụ lão, những phép lạ xẩy ra vào thời kỳ đó vì thuở ấy dân chúng biết sợ Thượng Ðế và có đức tin.

    - Này, tôi, kẻ đang hầu chuyện với các ngài đây, tôi, bác Anagnosti, tôi được sinh ra do một phép lạ. Vâng, do một phép lạ. Và khi tôi thuật lại với các ngài sự việc như thế nào, các ngài sẽ vô cùng ngạc nhiên mà bảo rằng “Thượng Ðế thương xót chúng ta” và các ngài sẽ đi đến tu viện thờ Ðức Mẹ Ðồng Trinh để thắp nến lễ.

    Lão làm dấu thánh giá và bình thản nói với giọng dịu dàng:

    - Vào thời kỳ đó, ở làng tôi có một người đàn bà Thổ Nhĩ Kỳ giầu có - mụ khốn kiếp! Một ngày nọ mụ ta mang bầu, mụ quái ác ấy, và đã đến lúc mụ sinh nở. Người ta để mụ ngồi trên một cái ghế và mụ ngồi đấy mà rống lên như một con bò cái trong ba ngày ba đêm. Nhưng đứa con không chịu ra. Bởi thế một người bạn gái của mụ ta - cũng lại là một ả trời đánh nữa - cô này khuyên mụ như thế này: “Tzafer Hanum, chị phải cầu xin mẹ Mariré cứu giúp mới được!” Mẹ Mariré là tên người Thổ gọi Ðức Mẹ Ðồng Trinh. Oai quyền Ðức Mẹ lớn lắm! “Gọi bà ấy à?” Cái con chó cái Tzafer rống lên, gọi bà đó à? Thà chết còn hơn!” Nhưng mỗi lúc cơn đau càng dữ dội. Y thị phải chịu đựng một ngày một đêm nữa. Y thị vẫn rống lên và y thị vẫn không đẻ được. Làm sao bây giờ? Y thị không thể chịu đau lâu hơn nữa. Thế là y thị lại gọi: “Mẹ Mariré! Mẹ Mariré!” Y thị tha hồ mà kêu la nhưng cơn đau không buông tha y thị và đứa nhỏ cũng chưa chịu chui ra. “Bà không nghe chị đâu, người bạn gái của y thị nói. Có lẽ bà không hiểu tiếng Thổ. Vậy chị hãy gọi bà bằng tên Cơ Ðốc Giáo!” Lúc đó con đĩ chó mới kêu lên:

    “Hỡi Thánh Nữ Ðồng Trinh của dân Thiên Chúa Giáo!” Dân Thiên Chúa Giáo khốn kiếp! Cơn đau mỗi lúc mỗi gia tăng. Người bạn gái của y thị lại bảo: “Chị không gọi bà ấy đúng cách, Tzafer Hanum, chị không gọi bà ấy đúng cách nên bà ấy không đến.” Thế là con chó cái tà giáo ấy nhận thấy nguy cơ đã đến bèn rống lên một tiếng thật lớn: “Nữ Thánh Ðồng Trinh!” Tức thì đứa bé tuồn từ bụng y thị ra như một con lươn ra khỏi bùn.

    “Việc đó xẩy ra vào Chủ Nhật tuần này thì Chủ Nhật tuần sau đến lượt mẹ tôi đau đớn như vậy. Bà cũng thế, tội nghiệp quá, bà cũng đau, bà cũng rống lên, bà mẹ khốn khổ của tôi. Bà thét: “Hỡi Thánh Nữ Ðồng Trinh! Hỡi Thánh Nữ Ðồng Trinh!” Nhưng bà không được giải thoát. Cha tôi ngồi bệt dưới đất ở giữa sân. Ông đau lòng quá đến nỗi không ăn uống gì được cả. Ông không hài lòng với Ðức Mẹ Ðồng Trinh lắm. “Tuần trước, em thấy không, cái con đĩ chó Tzafer nó kêu gọi bà ta, và bà ta cắm đầu cắm cổ chạy đến để giải thoát nó. Bây giờ...” Ngày thứ tư, cha tôi không chịu đựng nổi nữa. Không chút lưỡng lự, ông xách cây gậy chạc đôi đi một mạch đến tu viện Nữ Thánh Ðồng Trinh Thống Khổ. Cầu cho chúng tôi! Ông bước vào nhà thờ mà không làm dấu Thánh giá, cơn thịnh nộ của ông lớn biết chừng nào, ông khóa cửa và dừng lại trước tượng Thánh Mẫu: “Xin bà cho tôi biết, hỡi Thánh Nữ Ðồng Trinh, vợ tôi, mụ Krinio, bà biết chứ? Bà phải biết, mụ thường mang dầu đến đây vào mỗi buổi chiều Thứ Bẩy và mụ thắp sáng hết các ngọn đèn chong ở đây, vợ tôi, mụ Krinio, đã đau đớn từ ba đêm ba ngày rồi và mụ kêu gọi bà. Bà không nghe thấy hay sao? Nhất định bà phải điếc nếu bà không nghe thấy. Chắc hẳn nếu mụ là một con đĩ chó nào đó như Tzafer, quân bẩn thỉu Thổ Nhĩ Kỳ thì bà đã cắm cổ chạy đến để giúp nó rồi đấy. Nhưng vợ tôi, chỉ là một tín đồ Cơ Ðốc Giáo bởi thế nên bà trở nên điếc đặc, không nghe thấy vợ tôi kêu van! Bà biết không, nếu bà không phải là Nữ Thánh Ðồng Trinh, tôi đã cho bà một bài học, với cây gậy mà bà đã thấy đây!”


    * Pháp văn trong nguyên bản - (N.H.H)

  6. #6
    Moderator
    saomai's Avatar
    Status : saomai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jun 2008
    Posts: 2,146
    Thanks: 23
    Thanked 31 Times in 19 Posts

    Default Alexis Zorba - Con Người Chịu Chơi

    Kỳ 21



    “Nói xong, không thèm cúi đầu lạy lục gì hết cha tôi quay lưng bỏ đi. Nhưng Chúa thiêng liêng làm sao, cùng lúc ấy, thánh tượng bắt đầu kêu răng rắc thật lớn như thể nó đang nứt ra.

    Những thánh tượng kêu răng rắc như thế khi sắp ban phép lạ, ghi nhớ lấy điều ấy nếu các ngài không biết. Cha tôi hiểu ngay. Ông quay lại, quì gối xuống và làm dấu thánh giá. “Con đã xúc phạm đến Ngài, Nữ Thánh Ðồng Trinh, con đã nói nhiều điều quá đáng, xin Mẹ bỏ qua cho!”

    “Cha tôi vừa về đến làng là người ta đã báo tin mừng cho ông hay: ‘Mừng ông đó, Kostandi, vợ ông đã sinh con trai rồi.’ Ðó là tôi, lão Anagnosti này. Nhưng tôi sinh ra với lỗ tai hơi kiêu kỳ. Cha tôi, như các ngài biết, đã phạm thượng, ông bảo Mẹ Ðồng Trinh điếc.

    “A, được rồi, làm như thế đó phải không? Ðức Mẹ Ðồng Trinh hẳn phải nói như thế. Ðược lắm, hãy chờ một chút, con ơi, ta sẽ làm cho con ngươi điếc để dạy ngươi biết thế nào là phạm thượng!”

    Và bác Anagnosti làm dấu thánh giá.

    - Nhưng như thế cũng chẳng sao. Lạy Chúa! Bà có thể làm tôi đui mù, ngốc nghếch hay gù lưng hoặc - xin Thượng Ðế phù hộ cho chúng tôi - bà có thể làm tôi thành một đứa con gái không sao, tôi xin quì trước ơn cả của Ngài.

    Lão rót thêm rượu đầy ly.

    - Xin Mẹ phò trợ chúng ta! Lão vừa nói vừa nâng ly.

    - Uống mừng bác mạnh khỏe, bác Anagnosti. Xin cầu chúc bác sống trăm năm tuổi để nhìn thấy đàn chút chít của bác!

    Lão già nốc một hơi cạn ly rượu nho và lau ria mép:

    - Không con ạ, lão nói, thế này là đủ lắm rồi! Không nên đòi hỏi nhiều quá. Thời của lão đã đến rồi. Ta đã già, các bạn này, thận ta khô cạn, ta không thể - chứ không phải không muốn - ta không thể gieo giống được nữa; như thế, ta còn sống để làm gì chứ?

    Lão lại rót đầy các ly, móc thắt lưng ra mấy trái hồ đào, và mấy trái vải khô gói trong mớ lá nguyệt quế và chia cho chúng tôi.

    - Ta đã cho con cái tất cả những gì ta có. Chúng ta sa vào cảnh khốn cùng xơ xác, vâng, cảnh khốn cùng xơ xác, nhưng ta không ta thán gì hết. Thượng Ðế có tất cả những cái cần thiết!

    - Thượng Ðế có thể có tất cả những cái cần thiết, thưa bác Anagnosti, Zorba kề tai lão già la. Thượng Ðế có chứ không phải chúng ta. Nhưng lão keo kiết không cho chúng ta gì cả!

    Vị hương mục kỳ cựu nhíu mày.

    - Ðừng ăn nói thế, đừng nặng lời với Ngài như vậy ông bạn, lão nghiêm nghị nói. Xin đừng nặng lời vì Ngài cũng tin cậy vào chúng ta!”

    Trong lúc đó, cụ bà Anagnosti lặng lẽ đi vào và líu díu mang món cao lương mỹ vị đặt trên đĩa bằng đất và một bầu bằng đồng đầy rượu nho. Bà lão đặt tất cả xuống bàn, đứng đấy khoanh tay lại và cúi mặt xuống.

    Tôi cảm thấy lợm giọng phải nếm món ăn chơi này, nhưng tôi cũng xấu hổ nếu từ chối, Zorba liếc nhìn tôi và tinh quái cười trước sự lúng túng của tôi.

    - Ðó là món ngon nhất đấy ông chủ ạ, hắn quả quyết với tôi. Ðừng làm bộ chê chớ.

    Lão Anagnosti cười khúc khích.

    - Ông bạn nói đúng đấy, hãy thử dùng mà xem. Cũng như óc vậy mà! Khi hoàng tử George thăm viếng tu viện của chúng tôi ở phía ngọn núi trên kia, các tu sĩ sửa soạn một bữa ăn vương giả, mời tất cả mọi người dùng thịt heo. Riêng phần hoàng tử thì chỉ có một đĩa súp. Hoàng tử cầm muỗng và quấy đĩa súp của mình. Ngài ngạc nhiên hỏi: Ðậu trắng phải không? Kính mời hoàng tử nếm thử, vị tu viện trưởng nói, kính mời ngài nếm thử rồi chúng tôi sẽ thưa sau.” Hoàng tử nếm thử một muỗng, hai muỗng, ba muỗng rồi cạn hết đĩa và ngài liếm mép. Ngài hỏi: “Món ăn gì tuyệt diệu thế? Ðậu ngon quá! Như óc heo vậy! - Thưa hoàng tử, đó không phải là đậu, vị tu viện trưởng thưa. Ðó không phải là đậu. Chúng tôi đã thiến tất cả gà ở quanh vùng này!”

    Vừa phá lên cười ông lão vừa lấy cái nĩa ghim vào một miếng “của quí” của con heo.

    - Một món ăn vương giả! Lão nói. Há miệng ra.

    Tôi há miệng ra và lão nhét miếng thịt vào.

    Lão lại rót rượu đầy ly và chúng tôi uống chúc mừng cháu bé lão. Ðôi mắt của ông nội ngời sáng.

    - Bác ước muốn cháu bác trở thành gì, thành gì, thưa bác Anagnosti? Tôi hỏi lão như thế. Xin bác cho biết để chúng tôi chúc cháu.

    - Lão có thể ước muốn gì con? Vậy thì, mong rằng nó sẽ theo con đường ngay, nó sẽ trở thành một con người lương thiện, một người gia trưởng tốt; nghĩa là nó cũng sẽ lập gia đình và có con, có cháu. Và mong rằng một đứa con của nó sẽ giống lão. Ðể các bô lão trong làng khi nhìn thấy nó sẽ bảo rằng: “Coi này, nó giống lão Anagnosti làm sao! Mong rằng lão được yên nghỉ nơi suối vàng! Lão thật là một con người tốt.”

    “Maroulia! Lão gọi mà không nhìn vợ, Maroulia cho đầy bầu rượu nữa đi!”

    Ngay lúc đó, cửa chuồng heo bị tông thật mạnh và con heo vừa chạy ra sân vừa réo ầm ĩ.

    - Nó đau, tội nghiệp con vật... Zorba thương hại nói.

    - Dĩ nhiên là nó đau! Lão già Crete vừa cười vừa nói. Nếu người ta làm chú như thế, chú có đau không?

    Kỳ 22



    Zorba giẫy giụa trên ghế.

    - Thụt lưỡi đi, lão điếc lòi tai! Zorba sợ hãi càu nhàu.

    Con heo chạy qua lại trước mặt chúng tôi và nhìn chúng tôi một cách giận dữ.

    - Tin tôi đi, hình như nó hiểu rằng mình đang ăn của nó! Lão Anagnosti nói, cao hứng vì đã ngà ngà say.

    Nhưng chúng tôi, như những kẻ chuyên ăn thịt người, chúng tôi bình tĩnh và thỏa mãn tiếp tục vừa ăn vừa uống rượu vang đỏ; trong khi nhìn, qua những cành ô-liu tráng bạc, tới biển cả mà giờ đây hoàng hôn đã nhuộm hồng.

    Chúng tôi từ nhà vị kỳ mục trở về lúc chiều tà. Zorba lúc này chuếnh choáng say, ngứa ngáy muốn nói:

    - Ngày hôm kia mình nói gì nhỉ ông chủ? Ông nói ông muốn soi sáng đám dân, mở mắt họ ra. Ðược lắm, ông hãy thử mở mắt bác Anagnosti! Ông có thấy bà vợ lão đứng trước mặt lão, chờ lệnh lão như một con chó ăn xin không? Ông hãy đến dậy cho lão ta biết ngay bây giờ rằng đàn bà cũng có quyền như người đàn ông và ngồi đó mà ăn miếng thịt lợn trong khi con lợn còn đang sống rên xiết trước mắt mình như vậy là một điều tàn nhẫn và cám ơn Thượng Ðế vì lão có tất cả trong khi ông đang chết đói chỉ là một việc điên cuồng! Lão sẽ thu lượm được gì, cái lão già quỉ quái! Anagnosti ấy, với những lời giải thích phỉnh phờ của ông? Ông sẽ chỉ làm cho lão ấy bực mình. Và lão bà Anagnosti sẽ thu lượm được gì? Chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa: những vụ lộn xộn sẽ bắt đầu, con gà mái muốn trở thành gà trống, và trong gia đình rồi sẽ những cuộc lục đục... xin ông hãy để cho họ yên, đừng mở mắt họ làm gì. Nếu ông mở mắt họ, họ sẽ thấy gì? Nỗi khốn cùng của họ! Hãy để mắt họ nhắm, ông chủ, để mặc họ tiếp tục mơ ngủ!

    Hắn ngừng nói giây lát rồi gãi đầu. Hắn suy nghĩ và cuối cùng tiếp tục:

    - Trừ phi... trừ phi...

    - Trừ phi gì... Cứ nói toạc ra đi!

    - Trừ phi khi họ được mở mắt, ông có thể chỉ cho họ một thế giới, tuyệt hảo hơn cái bóng tối mà hiện tại họ đang rờ rẫm đây... Ông có thể làm được chứ?

    Tôi không biết. Tôi biết rõ cái gì sẽ sụp đổ trên những đổ nát kia. Tôi nghĩ không ai biết được điều ấy một cách chắc chắn. Cuộc đời cũ và hiển nhiên vững vàng, chúng ta sống trong nó và tranh đấu với nó từng giây từng phút - nó hiện hữu đó. Cuộc đời vị lai chưa sinh ra, nó chưa thể sờ mó được, nó còn lỏng, cấu tạo bởi ánh sáng của mộng mơ dệt thành; đó là đám mây bị những cơn cuồng phong lùa đi - tình yêu, hận thù, trí tưởng tượng, sự tình cờ, Thượng Ðế... Nhà tiên tri vĩ đại nhất trên trái đất chỉ có thể ban cho con người một ám hiệu và ám hiệu càng mơ hồ, vị tiên tri càng vĩ đại.

    Zorba nhìn tôi với nụ cười chế giễu khiến tôi mếch lòng.

    - Tôi có thể chỉ cho họ một thế giới tuyệt hảo hơn! Tôi phát cáu trả lời hắn.

    - Thực không? Ðược lắm, ông hãy nói nghe!

    - Tôi không thể nói được, bác không hiểu đâu.

    - Thế có nghĩa là ông không có rồi! Zorba vừa nói vừa lắc đầu. Ðừng tưởng tôi là một tên ngốc nghếch, ông chủ. Nếu có ai nói với ông tôi là một tên đần độn người ta lừa ông đấy. Có thể tôi cũng dốt đặc như lão Anagosti, nhưng tôi không đến nỗi đần độn đến thế đâu! Á! Không! Ðược rồi, nhưng nếu tôi không hiểu thì ông hy vọng gì ở lão đáng thương kia và mụ đầu đặc như bí của lão? Còn tất cả những chàng Anagnosti khác trên thế giới sẽ ra sao? Họ sẽ chỉ thấy bóng tối mới dầy đặc hơn? Thôi, để họ giữ những bóng tối cũ; họ đã quen rồi. Họ đã tự biết lo liệu đàng hoàng cho đến bây giờ rồi, ông không thấy sao? Họ sống và sống rất hay, họ sinh con đàn cháu đống nữa. Thượng Ðế làm cho họ đui điếc để họ kêu rằng: “Vinh danh thay Thượng Ðế!” Họ sống thoải mái trong cùng khổ. Vậy ông để mặc họ và đừng nói gì cả.

    Tôi lặng thinh. Chúng tôi đi ngang vườn của góa phụ. Zorba dừng lại giây lát, thở dài nhưng không nói gì. Dường như trời đã đổ trận mưa rào đâu đây. Mùi đất mới, mát rượi đầy không khí. Những ngôi sao thứ nhất xuất hiện. Trăng non chiếu sáng, ánh vàng xanh dịu dàng. Bầu trời tràn ngập êm ái.

    Tôi thầm nghĩ: “Người đàn ông này không cắp sách đến trường và trí óc hắn không bị phá hỏng. Hắn đã điêu đứng quá nhiều, tâm trí hắn mở rộng, tâm hồn hắn mở phơi bát ngát, không đánh mất mảy may lòng táo bạo nguyên thủy. Mọi vấn đề phức tạp, nan giải đối với chúng ta, hắn đều cắt phăng bằng một đường gươm như Alexander Ðại Ðế cắt cái nút của vua Gordian*. Hắn khó lòng nghiêng lật vì hai chân hắn trồng vững trên mặt đất bởi sức nặng của toàn thân. Dân man rợ Phi Châu tôn thờ con rắn vì toàn thân nó tiếp xúc mặt đất và do đó hiểu tất cả những điều bí ẩn của trái đất. Nó biết những điều bí ẩn bằng bụng, bằng đuôi, bằng đầu nó. Nó luôn luôn tiếp xúc, hòa hợp, làm một với Ðất Mẹ. Zorba cũng thế. Còn chúng ta những kẻ trí thức, chúng ta chỉ là những con chim trời đầu óc trống rỗng.”

    Sao mỗi lúc một nhiều. Cứng rắn, lạnh lùng, ngạo mạn và tàn khốc đối với loài người.



    * Thần thoại Hy Lạp: Vua Gordian xứ Phrygia kết một cái nút mà theo sấm truyền chỉ có vị chúa tể tương lai của Á Châu mới cởi được. Alexander Ðại Ðế không cởi được bèn rút gươm cắt béng. (N.H.H.)



    Kỳ 23



    Chúng tôi không nói gì thêm nữa. Cả hai chúng tôi đều kinh hãi nhìn trời. Mỗi lúc chúng tôi lại thấy những ngôi sao mới bừng lên ở phương Ðông và kéo dài đám cháy lớn.

    Chúng tôi về đến lều. Tôi không còn muốn ăn uống gì nữa, và tôi ngồi bệt xuống tảng đá bên bờ biển. Zorba đốt lửa, hắn định ngồi bên cạnh tôi nhưng hắn đổi ý trèo lên nệm lăn ra ngủ.

    Mặt biển im lặng như tờ. Dưới trận mưa sao tới tấp đất cũng nằm bất động và lặng lẽ. Không một tiếng chó sủa, không một tiếng chim đêm thất thanh. Một sự im lặng hoàn toàn len lén, nham hiểm, làm thành bởi muôn vàn tiếng kêu xa xăm hay sâu thẳm quá nơi chúng ta đến nỗi chúng ta không nghe nổi. Tôi chỉ nhận ra dòng máu trong tôi rào rạt đập trong thái dương và tĩnh mạch cổ.

    “Hòa khúc hổ!” Tôi vừa nghĩ vừa run rẩy.

    Ở Ấn Ðộ, khi đêm xuống, một điệu hát nho nhỏ, một điệu ca trầm buồn thê thảm, man rợ và chậm rãi, như một tiếng ngáp của dã thú từ xa - hòa khúc hổ. Tâm hồn con người tràn ngập một niềm mong đợi căng thẳng.

    Và tôi nghĩ đến hòa khúc ghê gớm ấy, lồng ngực trống trải của tôi dần dần được lấp đầy. Tai tôi thức tỉnh, sự im lặng trở thành một tiếng thét. Như thể tâm hồn cũng được cấu tạo bằng hòa khúc ấy và nó thoát khỏi thân xác để lắng nghe.

    Tôi cúi xuống vốc nước biển vỗ lên trán và thái dương. Tôi cảm thấy tươi mát trở lại. Tận đáy lòng tôi, những tiếng kêu vang dội hăm dọa, rối loạn, nóng nẩy - con hổ ở trong tôi đang gầm thét.

    Ðột nhiên, tôi nghe thấy giọng nói một cách rõ ràng:

    - Ðức Phật! Ðức Phật! Tôi đứng phắt dậy và kêu lên.

    Tôi bắt đầu bước đi thật nhanh dọc theo mé nước như thể muốn trốn thoát. Ðã từ lâu lắm rồi, khi tôi cô đơn lúc đêm về và khi im lặng trì ngự, tôi lại nghe tiếng nói của Ngài - mới đầu buồn bã than van như một khúc ai ca - rồi dần dần trở nên giận dữ, quát tháo và phán quyết. Và nó lồng lộn trong lồng ngực tôi như đứa bé đã đến lúc rời lòng mẹ.

    Chắc phải đến nửa đêm rồi. Nhiều cụm mây đen xây thành ở trên trời, một vài hạt mưa lớn rớt trên tay tôi. Nhưng tôi không chú ý tới. Tôi đang chìm đắm trong một bầu không khí nóng bỏng; tôi cảm thấy có một ngọn lửa leo lét ở hai bên thái dương tôi.

    “Ðã đến lúc rồi đây, tôi thầm nghĩ và run rẩy, bánh xe Phật Giáo lôi cuốn tôi xa, đã đến lúc tôi phải tự giải thoát khỏi cái gánh nặng kỳ diệu này.”

    Tôi vội vã trở lại lều và đốt đèn lên. Khi ánh sáng hắt lên Zorba, hắn dụi mắt và mở mắt ra nhìn thấy tôi đang cúi mình viết trên giấy. Hắn càu nhàu điều gì tôi không nghe thấy, quay ngoắt về phía vách và lại chìm vào giấc ngủ ngay.

    Tôi viết rất nhanh, hối hả. “Ðức Phật” hoàn toàn ở trong tôi, tôi nhìn thấy Ngài hiện trước thần trí tôi như một giải băng xanh đầy biểu tượng. Ngài hiện ra rất mau và tôi cố gắng chụp bắt Ngài một cách tuyệt vọng. Tôi viết, tất cả trở nên đơn giản, thật đơn giản. Tôi không viết, tôi đang ghi chép lại. Cả một thế giới hiện ra trước mắt tôi, cấu thành bởi lòng từ bi, hỉ xả và hư không - những lâu đài của Ðức Phật, những cung tần mỹ nữ, cỗ xe ngựa bằng vàng, ba lần gặp gỡ tiền định với một cụ già, một người bệnh và một tử thi; cuộc trốn ra đi, cuộc sống khổ hạnh, sự giải thoát và lời phát thệ cứu độ chúng sinh. Mặt đất phủ hoa vàng, hành khất và vua chúa đều mặc áo mầu khương hoàng, đất đá, cây cối, xác thịt trở nên thanh thoát. Mọi tâm hồn đều trở thành hơi, hơi trở thành tinh thần và tinh thần trở thành hư không... Mấy ngón tay tôi mỏi rời rã nhưng tôi không muốn, tôi không thể ngừng viết. Sự trực thị qua, mau chóng rồi biến mất; tôi phải bắt kịp.

    Sáng hôm sau, Zorba thấy tôi nằm ngủ, đầu gối lên trang bản thảo.

    6

    Khi tôi thức dậy, mặt trời đã lên cao đến hai con sào rồi. Khớp xương tay phải của tôi bị tê cứng vì cầm bút quá lâu. Tôi không thể co những ngón tay khít lại. Cơn giông tố Phật Giáo đã qua đi và để tôi ở lại, mệt mỏi và trống trải.

    Tôi cúi xuống lượm những tờ giấy rải rác trên mặt đất. Tôi không muốn cũng như không đủ sức nhìn chúng. Như thể tất cả nguồn hứng khởi bộc phát này chỉ là một giấc mơ mà tôi không muốn nhìn thấy mình bị tù túng trong những chữ, trở thành đê hèn vì chúng.

    Trời mưa hiu hắt, âm thầm. Trước khi đi ra, Zorba đã đốt lò than, và suốt buổi sáng hôm ấy tôi ngồi xếp bằng, tay hơ trên ngọn lửa, không ăn, bất động, chỉ lắng nghe cơn mưa đầu mùa dìu dịu rơi rơi...

    Tôi không nghĩ ngợi gì hết. Cuộn tròn như con chuột chũi trong đất ẩm, trí óc tôi yên nghỉ. Tôi nghe thấy những cử động nhẹ nhàng, những tiếng xì xào và gậm nhấm sần sật của đất, và mưa rơi với những hạt giống căng phồng. Tôi cảm thấy trời đất giao hòa như trong buổi ban sơ khi chúng phối hợp với nhau tựa một người đàn ông và một người đàn bà và tạo ra con cái. Trước mặt tôi, dọc theo suốt một vùng duyên hải, tôi nghe thấy biển gầm thét và táp vào bờ như một con dã thú lè lưỡi ra liếm cho dịu cơn khát.

Trang 1/3 123 cuốicuối

Similar Threads

  1. Cười chút chơi !
    By DnThuy in forum Vui cười
    Trả lời: 315
    Bài mới nhất : 10-18-2014, 09:22 PM
  2. Tôi đưa em đi chơi.......
    By KiwiTeTua in forum Vui cười
    Trả lời: 3
    Bài mới nhất : 07-02-2014, 11:03 PM
  3. Dân Chơi Ả Rập (Saudi Arabia)
    By hieunguyen11 in forum Hình Trong Tuần
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 07-02-2014, 06:59 PM
  4. Chơi đòn Cẩu Xực Xí Quách ở World Cup 2014
    By hieunguyen11 in forum Linh Tinh
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 06-27-2014, 04:16 AM
  5. Biết đâu là khởi điểm cuộc rong chơi
    By loibangTQLC in forum Tham Luận
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 01-06-2011, 06:17 PM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •