Kỳ 81



Lão già nhỏ bé uống cạn ly và chẳng bao lâu bình tĩnh trở lại. Lão ngồi trên giường tôi, dựa lưng vào tường.

Tôi nói:

- Kính thưa Ðức Cha, tiếng súng lúc đó là tiếng súng lục nào vậy?

- Cha không biết con ạ... Cha làm việc tới nửa đêm và đi ngủ, khi cha nghe thấy, trong phòng cha Demetrios bên cạnh...

Zorba cười rộ lên:

- A! A! Mi có lý, Zaharia!

Ðức giám mục cúi đầu, lẩm bẩm:

- Chắc có một tên trộm nào đó.

Trong hành lang, những tiếng thét đã im bặt và tu viện lại chìm vào yên lặng. Bằng cặp mắt hiền từ, sợ hãi, đức giám mục nhìn tôi có vẻ khẩn khoản:

- Con có buồn ngủ không, con? Lão hỏi.

Tôi thấy rõ ràng là lão không muốn đi và ở một mình trong phòng mình. Lão sợ. Tôi trả lời:

- Không, con không buồn ngủ, cha cứ ở lại đây.

Chúng tôi bắt đầu nói chuyện. Zorba tựa vào gối, đang cuộn một điếu thuốc.

Ðức giám mục bảo tôi:

- Con có vẻ một thanh niên có học thức. Ở đây cha không kiếm được ai để trò chuyện. Cha có ba lý thuyết giúp đời sống cha thoải mái. Cha muốn chia sẻ với con, con ạ.

Lão không chờ tôi đáp, bắt đầu nói thẳng một hơi:

- Lý thuyết thứ nhất của cha là: Hình thể các đóa hoa có ảnh hưởng tới màu sắc của chúng; màu sắc của chúng ảnh hưởng tới đặc tính chúng. Cũng vậy mỗi một bông hoa có một hiệu quả trên thân thể con người và do đó, trên linh hồn hắn. Vì thế chúng ta phải hết sức thận trọng khi đi qua một cánh đồng đang nở hoa.

Lão ngừng nói như để chờ ý kiến của tôi. Tôi thấy lão già nhỏ bé thơ thẩn qua một cánh đồng, cắm cúi tìm hình thể và màu sắc hoa trên mặt đất với một sự kích thích bí mật. Lão già đáng thương hẳn phải run lên vì một niềm sợ hãi huyền bí: Vào Mùa Xuân, cánh đồng hẳn đầy thiên thần và quỉ dữ muôn màu.

- Ðây là lý thuyết thứ hai của cha: Bất cứ ý tưởng nào có một ảnh hưởng đích thực đều có một đời sống đích thực. Nó hiện hữu ở đây. Nó không bay lượn chập chờn trong không gian. Nó có một thân thể thực - một đôi mắt, một cái miệng, hai chân, một cái bụng. Nó là đàn ông hay là đàn bà, nó theo đuổi những người đàn ông hay những người đàn bà. Vì lẽ đó Tân Ước mới nói: “Ngôi lời trở thành xác thịt...”

Lão lại lo lắng nhìn tôi.

- Lý thuyết thứ ba của cha, lão vội vã nói vì không chịu nổi sự im lặng của tôi, đó là: Vĩnh cửu có thực ngay cả trong cuộc đời phù du của chúng ta, có điều chúng ta rất khó khám phá ra nó một mình. Những âu lo thường nhật khiến chúng ta lầm lạc. Chỉ có đôi ba người, những tinh hoa của nhân loại mới, có thể đạt được vĩnh cửu, dầu trong cuộc sống không bền trần gian. Vì tất cả những người khác có thể hư mất, Thượng Ðế thương hại họ và gửi cho họ tôn giáo - và như thế đám đông có thể sống vĩnh cửu.

Lão dứt lời và rõ ràng nhẹ nhõm vì đã nói. Lão ngước cặp mắt ti hí trụi lông mi và nhìn tôi cười. Như thể lão muốn nói: “Ðó, ta cho con tất cả những gì ta có, lấy đi!” Tôi vô cùng xúc động khi thấy lão già nhỏ bé đã hiến cho tôi trọn vẹn kết quả của một đời lão, khi vừa mới quen tôi.

Lão rơm rớm nước mắt.

- Con nghĩ sao về những lý thuyết của ta?

Lão vừa hỏi vừa cầm tay tôi trong hai bàn tay lão và nhìn vào mắt tôi. Tôi có cảm tưởng rằng câu trả lời của tôi sẽ cho lão thấy cuộc đời lão có chút ích lợi nào hay không.

Tôi biết rằng trên chân lý còn có bổn phận khác quan trọng hơn và nhân đạo hơn rất nhiều. Tôi đáp:

- Những lý thuyết này có thể cứu vớt được bao linh hồn.

Khuôn mặt vị giám mục rạng rỡ. Ðó là sự biện minh cho tất cả cuộc đời lão.

- Cám ơn con, lão thì thầm trong khi âu yếm xiết tay tôi.

Zorba từ trong góc nhẩy xổ ra.

- Tôi có một lý thuyết thứ tư! Hắn la to.

Tôi lo âu nhìn hắn. Vị giám mục quay sang hắn:

- Nói đi, con, cầu Chúa ban phước lành cho lý thuyết của con! Lý thuyết thế nào?

- Hai lần hai là bốn! Zorba nghiêm trang nói.

- Và lý thuyết thứ năm, ông già, Zorba nói tiếp: Hai lần hai không phải là bốn. Hãy chọn lý thuyết nào phù hợp với mình!

- Tôi không hiểu, vị giám mục ấp úng trong khi đưa mắt hỏi tôi.

- Tôi cũng vậy! Zorba vừa nói vừa phá lên cười.

Tôi quay sang lão già đáng thương đang bối rối, và nói sang chuyện khác. Tôi hỏi:

- Thưa Cha, hiện nay cha đang nghiên cứu gì ở tu viện đây?

- Cha ghép lại những thủ bản cũ của tu viện, con ạ, và trong những ngày gần đây, cha sưu tập tất cả những hình dung từ thiêng liêng mà giáo hội đã dùng để trang điểm Ðức Mẹ Ðồng Trinh.

- Cha già rồi, cha không thể làm gì khác. Cha cảm thấy khuây khỏa trong khi kê cứu tất cả những trang sức bằng danh từ của Ðức Mẹ Ðồng Trinh, và do đó quên đi những khổ não của thế gian.

Kỳ 82



Gã chống tay lên gối và bắt đầu lẩm bẩm như thể mê sảng:

“Ðóa hồng không bao giờ tàn, mảnh đất mầu mỡ, cây nho, suối, nguồn của phép lạ, cây thang lên trời, cầu, chìa khóa thiên đàng, bình minh, ánh sáng vĩnh cửu, cột lửa, nguyên soái vô địch, tháp bất di dịch, pháo đài bất khả xâm phạm, an ủi, hoan lạc, gậy cho kẻ mù lòa, mẹ của những trẻ mồ côi, bàn, thực phẩm hòa bình, thanh bình, sữa và mật...

- Lão già mê sảng rồi, Zorba nói khẽ, để tôi đắp chăn cho lão khỏi cảm lạnh...

Hắn đứng dậy, ném một tấm chăn lên người lão và sửa lại gối cho ngay ngắn.

- Tôi nghe người ta nói có bẩy mươi bẩy loại điên hắn nói, loại này hẳn phải là thứ bẩy mươi tám.

Ngày ló rạng. Chúng tôi nghe thấy tiếng mõ gỗ. Tôi nghiêng đầu ra ngoài cửa sổ. Trong ánh sáng đầu tiên của bình minh, tôi trông thấy một tu sĩ gầy gò, đội một cái mũ trùm đầu dài, vừa chậm rãi đi vòng quanh sân vừa cầm một cái búa nhỏ gõ vào một tấm gỗ có âm điệu cực kỳ êm ái. Âm thanh của mõ gỗ ngân lên trong không khí buổi mai, đầy dịu dàng, du dương và mời mọc. Chim họa mi đã thôi hót và những con chim đầu tiên của ngày bắt đầu ríu rít kêu trong lùm cây.

Tôi lắng nghe, mê mẩn tâm thần vì hòa khúc ngọt ngào và khuyến dụ của cái mõ gỗ. Ngay cả trong sự suy đồi, tôi nghĩ, một nhịp đời đã lên cao vẫn còn có thể duy trì được hình thức bân ngoài, oai nghiêm và cao nhã xiết bao! Tinh thể đã bỏ đi, nhưng còn để lại trú sở vẹn toàn mà, tự bao thế kỷ, từ từ chuyển hóa thành một nơi an trú thoải mái tựa một cái vỏ hến.

Những nhà thờ chính tòa người ta gặp trong đô thị náo nhiệt và vô thần giống hệt như những cái vỏ hầu hến rỗng ruột này, tôi nghĩ. Những con quái vật tiền sử chỉ còn để lại những bộ xương, bị xoi mòn vì mưa nắng.

Người ta gõ cửa phòng. Chúng tôi nghe thấy cái giọng chơn chớt của cha phụ trách khoản đãi khách vọng vào.

- Mời các huynh dậy đi thôi, đến giờ hát kinh kỳ-đảo buổi sáng rồi đấy!

Zorba nhẩy lên:

- Tiếng súng lục nào đó hồi đêm qua? Hắn nổi đóa hỏi.

Hắn chờ một lát. Yên lặng. Lão thầy tu hẳn còn phải đứng sau cửa bởi chúng tôi có thể thấy hơi thở rộn ràng của y. Zorba giậm chân, tức tối hỏi lại:

- Tiếng súng lục nào đó?

Chúng tôi nghe thấy bước chân vội vã đi ra. Zorba nhẩy một bước tới cửa. Hắn mở toang cửa ra:

- Quân đê tiện bẩn thỉu! Hắn vừa la lớn vừa nhổ bọt về phía lão thầy tu bỏ chạy. Cha cố, sơ vã, thầy tu, giáo khu lý sự viên, những tên giữ đồ thánh, tao phỉ nhổ lên bọn chúng bay tuốt hết!

Và hắn lại nhổ bọt. Tôi nói:

- Ði thôi, có mùi máu phảng phất đâu đây.

- Không phải máu, Zorba càu nhàu. Nếu ông muốn, ông đi nghe hát kinh kỳ-đảo buổi sáng đi, ông chủ. Tôi đi quanh quẩn xem có khám phá ra điều gì không?

- Ði thôi! Tôi lợm giọng nhắc lại. Bác làm ơn đừng có xen vào việc gì không phải của mình cho tôi nhờ.

- Nhưng đây chính là việc tôi muốn xen vào đó! Zorba la lên.

Hắn suy nghĩ giây lát rồi mỉm cười một cách tinh quái:

- Ma quỉ đã cho ta một đặc ân. Tôi nghĩ nó đang đem sự việc về một mối. Ông có biết phát súng đó làm tu viện tốn bao nhiêu tiền không? Bẩy ngàn đồng.

Chúng tôi xuống sân. Hương thơm của cây trổ hoa, sự êm đềm của buổi mai, diễm phúc tuyệt trần. Zaharia rình mò đợi chúng tôi. Gã chạy tới nắm lấy cánh tay Zorba.

- Ðồng chí Canararo, gã run run thì thầm. Lại đây, chúng ta đi đằng này.

- Tiếng súng lục nào đó? Chúng nó giết ai? Nói đi thầy tu, nói không tôi bóp cổ chết bây giờ!

Cằm gã thầy tu run lên. Gã nhìn quanh. Sân vắng các phòng đều đóng kín; những luồng sóng nhạc lan truyền sang cánh cửa giáo đường đang mở rộng.

- Cả hai người theo tôi, gã lẩm bẩm, Sodom và Momorrah!

Chúng tôi len lén men theo tường vượt qua sân và ra khỏi vườn. Cách tu viện chừng trăm thước là nghĩa địa. Chúng tôi bước vào.

Chúng tôi nhảy qua mộ. Zaharia đẩy cánh cửa nhỏ của giáo đường và chúng tôi vào theo gã. Ở giữa, trên một cái chiếu, một thân thể nằm ngay đơ, một cái áo tu sĩ phủ lên trên. Một ngọn nến cháy ở gần đầu, một ngọn ở chân tử thi.

Tôi cúi xuống nhìn xác chết.

- Tiểu tăng! Tôi rùng mình lẩm bẩm. Chú tóc vàng của Cha Demetrios!

Thượng đẳng thiên sứ Michael cánh cửa mở rộng, gươm rút ra khỏi bao và chân đi dép đỏ sáng chói trên cửa giáo đường.

- Thượng đẳng thiên sứ Michael! Gã thầy tu la lên. Xin hãy cho lửa và lưu hoàng xuống, thiêu tất cả chúng đi! Thượng đẳng thiên sứ Michael, đá cho chúng một cái! Xin ngài hãy rời khỏi thánh tượng! Giơ gươm lên và đập chúng! Ngài không nghe thấy tiếng súng lục sao?

- Ai giết gã? Ai? Demetrios? Nói đi, đồ râu xồm!



Kỳ 83



Gã thầy tu vùng khỏi tay Zorba và nằm sấp dưới chân tượng thượng đẳng thiên sứ. Gã nằm bất động một lát đầu ngẩng lên, mắt trợn trừng, miệng há hốc, chăm chú rình rập thánh tượng.

Ðột nhiên gã nhẩy cỡn lên vì sung sướng.

- Tôi sẽ thiêu chúng! Gã quả quyết tuyên bố. Thượng đẳng thiên sứ đã cử động, tôi đã trông thấy, ngài đã ra dấu cho tôi!

Gã lại gần thánh tượng và dán cặp môi dầy lên thanh gươm của thượng đẳng thiên sứ.

- Cảm tạ Chúa! Gã nói, tôi được an ủi!

Zorba lại nắm lấy cánh tay gã thầy tu, hắn nói:

- Lại đây, Zaharia. Bây giờ bạn làm điều tôi đã nói với bạn.

Và hắn quay sang tôi:

- Cho tôi xin tiền, ông chủ, tôi sẽ đi ký giấy tờ một mình. Trong đó, tất cả bọn chúng đều là lang sói, còn ông là một con cừu non, chúng sẽ ăn thịt ông. Ðể đấy cho tôi. Ông đừng lo, tôi sẽ trị bọn chúng, những con heo thiến mập. Ðến trưa, chúng ta sẽ rời khỏi đây với cánh rừng trong túi. Ði thôi, bạn Zaharia!

Họ lén trở lại tu viện. Tôi đi dạo dưới những rặng thông.

Mặt trời đã lên cao, sương lóng lánh trên những phiến lá. Một con sáo bay trước mặt tôi, đậu trên cành cây lê dại, vẫy đuôi, há mỏ, và hót lên đôi ba tiếng diễu cợt.

Qua rặng thông tôi nhìn thấy những tu sĩ xếp hàng ra sân, đầu cúi xuống, những tấm khăn đen vắt trên vai. Tế thức đã chấm dứt, bây giờ họ đang đi tới phòng ăn.

Tôi tự nhủ: “Tiếc thay một sự khắc khổ như thế, và một sự cao nhã như thế từ nay không có linh hồn!”

Tôi mệt mỏi, đêm qua không ngủ được, tôi nằm dài trên cỏ. Những cây đổng-thảo dại, cây kim-tước-chi, cây mê-điệt, cây đan-sâm dâng hương trong không gian. Côn trùng bay vo ve, đói khát, chúng lăn xả vào những đóa hoa như quân cướp biển và hút mật hoa. Xa xa, rặng núi lấp lánh, trong suốt, thanh thản, như một đám hơi nước di động trong ánh mặt trời thiêu đốt.

Tôi nhắm mắt, tâm hồn lắng dịu. Một niềm hân hoan lặng lẽ, bí ẩn tràn ngập tôi - như thể tất cả cái phép lạ xanh xung quanh này là Thiên Ðàng, như thể tất cả vẻ tươi mát này, sự nhẹ nhàng này, nỗi say sưa ngây ngây này là Thượng Ðế. Thượng Ðế thay đổi hình dung trong từng giây phút. Sung sướng thay cho kẻ nào có thể nhận biết ngài dưới tất cả những mặt nạ ngài mang! Khi thì ngài là một ly nước lạnh, khi thì ngài là một đứa trẻ nhẩy nhót trong lòng ta, hoặc là một người đàn bà quyến rũ, hay có thể chỉ là một cuộc đi dạo buổi mai.

Dần dần, vạn vật xung quanh tôi, không thay đổi hình thể, trở thành mộng. Tôi hân hoan. Trần gian và thiên đàng chỉ là một. Một bông hoa trong cánh đồng với một giọt mật lớn trong lòng hoa, đó là hình ảnh cuộc đời hiện ra với tôi. Và tâm hồn tôi, một con ong man rợ hút nhụy hoa.

Ðột nhiên tôi bị lôi ra khỏi niềm vĩnh phúc này một cách tàn bạo. Tôi nghe thấy tiếng bước chân và những tiếng thì thầm sau lưng tôi. Ðồng thời một giọng nói vui vẻ vang lên:

- Ông chủ, chúng ta đi thôi!

Zorba đứng trước mặt tôi và đôi mắt nhỏ của hắn lóe lên một tia sáng ma quái.

- Chúng ta đi? Tôi nói một cách khoan khoái. Xong xuôi tất cả rồi à?

- Tất cả! Zorba vừa nói vừa vỗ vào túi trên chiếc áo khoác ngắn của hắn. Cánh rừng đây rồi. Mong nó mang lại may mắn cho chúng ta! Và đây là bẩy ngàn đồng Lola đã nuốt của chúng ta!

Hắn móc túi trong lấy ra một tập giấy bạc. Hắn nói:

- Ông cầm lấy! Tôi trả nợ của tôi, tôi không còn mắc cỡ trước mặt ông nữa. Trong đó có cả bít tất, xắc tay, nước hoa và dù của mụ Bouboulina. Cả đậu phọng cho con két! Và cả halva mà tôi đã mang về cho ông nữa!

- Giữ lấy đi, Zorba! Tôi tặng bác đó, tôi nói. Hãy tới đốt một cây nến to bằng người bác để tạ tội Ðức Mẹ Ðồng Trinh mà bác đã xúc phạm.

Zorba quay lại. Cha Zaharia đang tiến về phía chúng tôi trong tấm áo choàng dơ dáy, đang ngã mầu xanh, và đôi giầy ống vẹt gót. Gã dắt hai con la đến cho chúng tôi.

Zorba đưa cho hắn một tập giấy bạc:

- Chúng ta chia nhau, cha Joseph. Bạn có thể mua một trăm kí lô cá thu muối và bạn sẽ nhồi nhét cho đến khi bụng bạn căng lên như cái trống. Cho đến khi bạn mửa ra và bạn sẽ thoát khỏi cá thu mãi mãi và mãi mãi! Nào chìa tay ra!

Gã thầy tu vồ lấy những đồng tiền bẩn thỉu và giấu trong ngực áo. Gã nói:

- Tôi sẽ mua dầu hỏa!

Zorba hạ thấp giọng và ghé vào tai gã thầy tu, ra lệnh:

- Phải chờ đến đêm, khi tất cả bọn chúng ngủ say và gió thổi mạnh. Bạn tưới dầu ở bốn góc.

Kỳ 84



Bạn chỉ cần những giẻ, hay bùi nhùi, hoặc bất cứ cái gì bạn tìm thấy vào dầu hỏa và châm lửa. Hiểu chưa?

Gã thầy tu run rẩy.

- Ðừng run như vậy, ông bạn! Thượng đẳng thiên sứ chẳng ra lệnh cho bạn sao? Hãy đặt đức tin vào dầu hỏa và thánh sủng của Chúa! Chúc bạn may mắn!

Chúng tôi lên yên. Tôi nhìn tu viện lần cuối cùng. Tôi hỏi:

- Bác có biết được điều gì mới lạ không, Zorba?

- Về phát súng lục phải không? Ðừng lo âu về chuyện đó, ông chủ. Gã Zaharia đó có lý: Sodom và Momorrah! Demetrios đã giết chết gã thầy tu đẹp trai đó. Sự thực như vậy đó!

- Demetrios? Tại sao vậy?

- Ðừng tìm hiểu chuyện đó làm gì, ông chủ, toàn là rác rưởi và nhơ nhớp thối tha.

Hắn quay về phía tu viện. Những tu sĩ đang ra khỏi phòng ăn, đầu cúi xuống, tay khoanh trước ngực, và trở về khép mình trong phòng riêng. Hắn kêu lên:

- Hãy nguyền rủa tôi đi! Các đức cha!



19



Người đầu tiên chúng tôi gặp khi chúng tôi đặt chân xuống bãi biển của chúng tôi đêm đó là mụ Bouboulina, đang ngồi co ro trước cửa lều chúng tôi. Khi đèn đã được thắp lên và tôi trông thấy mặt mụ, tôi hoảng sợ.

- Bà làm sao đó, bà Hortense? Bà ốm à?

Từ lúc niềm hy vọng vĩ đại - hôn nhân - lóe lên trong tâm trí mụ, mụ ngư nữ già của chúng ta đã mất hết tất cả vẻ quyến rũ mơ hồ không diễn tả được của mụ. Mụ cố gắng xóa tất cả quá khứ và nhổ đi tất cả những chiếc lông lòe loẹt mà mụ trang điểm bằng những chiến lợi phẩm của các quan Thổ Nhĩ Kỳ, quan tổng đốc Thổ Nhĩ Kỳ và những thủy sư đô đốc. Mụ không có một ước vọng nào cao hơn ước vọng trở thành một người đàn bà tầm thường nghiêm trang và khả kính, một người đàn bà đức hạnh. Mụ không tô điểm son phấn nữa, không trang điểm nữa, mụ để tự nhiên: một kẻ đáng thương muốn được lấy chồng.

Zorba không hé răng. Hắn bứt rứt xoắn bộ ria mới nhuộm. Hắn cúi xuống, nhóm bếp và đun nước để pha cà phê.

- Tàn nhẫn! Mụ ca kỹ già đột nhiên cất giọng khàn nói.

Zorba ngẩng đầu lên, nhìn mụ. Cặp mắt hắn trở nên dịu dàng. Hắn không thể nghe một người đàn bà nói với mình bằng một giọng nói bi thảm mà không xúc động. Một giọt nước mắt đàn bà có thể dìm ngập hắn.

Hắn không nói gì hết, xúc đường và quay ly cà phê.

- Tại sao để tôi mong mỏi quá lâu như vậy trước khi cưới tôi, mụ ngư nữ già nói. Tôi không dám thò mặt ra với làng nước nữa. Tôi bị sỉ nhục! Sỉ nhục! Tôi sẽ tự tử!

Tôi nằm dài trên giường, mệt mỏi chống tay lên gối, tôi thưởng thức màn bi hài kịch này.

- Tại sao anh không mang những vòng hoa cưới về?

Zorba cảm thấy tay mủm mỉm của mụ Bouboulina run rẩy trên đầu gối mình. Cái đầu gối này là tấc đất vững vàng cuối cùng mà kẻ đáng thương đã đắm tàu một ngàn lẻ một lần này có thể bám vào.

Zorba hình như hiểu điều đó và lòng hắn bớt nghiêm khắc hơn. Nhưng một lần nữa, hắn vẫn không nói gì cả. Hắn rót ra ba tách cà phê.

- Tại sao anh không mang những vòng hoa đám cưới về, anh yêu? Mụ run run nhắc lại.

- Ở Candia không có vòng hoa nào đẹp hết. Zorba trả lời bằng một giọng khắc bạc.

Hắn trao cho mỗi người một tách và thu mình trong một góc.

- Anh đã viết thư về Nhã Ðiển nhờ họ gửi về cho những vòng hoa đẹp hơn, hắn nói tiếp. Anh cũng gửi mua những cây nến trắng nữa và bánh hạnh nhân với chocolat.

Hắn càng nói, trí tưởng tượng của hắn càng bị kích thích. Cặp mắt hắn sáng lên và giống như một thi sĩ trong giây phút sáng tạo mãnh liệt, Zorba bay lên những đỉnh cao nơi mộng và thực lẫn lộn và giống nhau như hai giọt nước. Hắn ngồi xổm, nghỉ ngơi sì sụp thổi cà phê. Hắn châm điếu thuốc thứ hai - ngày hôm nay tốt ngày, hắn đã có cánh rừng trong túi, hắn đã trả nợ và hắn cảm thấy hài lòng. Hắn để cho trí tưởng tượng lôi cuốn:

- Ðám cưới của chúng ta phải thật lớn, Bouboulina yêu quí của anh. Em sẽ thấy tấm áo cưới mà anh đã gửi mua cho em đẹp thế nào! Chính vì lý do đó mà anh mới ở lại Candia lâu đến như vậy, em yêu. Anh cho gọi hai bà chủ tiệm may y phục phụ nữ lớn ở Nhã Ðiển tới và bảo họ: “Người đàn bà mà tôi sắp cưới vô song ở cả Ðông phương lẫn Tây phương! Nàng là hoàng hậu của bốn đại cường quốc nhưng hôm nay nàng là góa phụ, Tứ Cường đã chết và nàng bằng lòng lấy tôi làm chồng. Vậy tôi muốn áo cưới của nàng cũng phải độc nhất vô nhị: phải toàn bằng lụa, ngọc trai, và sao bằng vàng!” Hai bà phó may kêu lên: “Nhưng như thế sẽ đẹp quá! Tất cả những khách mời sẽ bị lóa mắt hết! Thây kệ họ! Anh nói, như thế thì đã làm sao? Miễn là người yêu tôi vừa lòng thì thôi!”



Kỳ 85



Mụ Hortense tựa lưng vào vách lắng nghe. Một nụ cười rộng, đầy thịt nở ra trên khuôn mặt nhăn và xệ của mụ, và giải băng đỏ quanh cổ mụ muốn đứt ra.

- Em muốn nói thầm với anh câu này, mụ vừa thì thầm vừa say đắm đưa mắt nhìn Zorba.

Zorba nháy tôi và cúi xuống.

- Tối nay em mang lại cho anh cái này, vợ tương lai của hắn thì thầm trong khi cái lưỡi nhỏ của mụ gần lọt vào cái tai lông lá của hắn.

Mụ lấy trong áo nịt ngực ra một cái khăn tay thắt gút một đầu, và chìa cho Zorba.

Hắn thò hai ngón tay ra nhón cái khăn tay và đặt lên đầu gối phải, đoạn quay ra cửa, hắn nhìn biển.

- Anh không cởi nút ra xem, Zorba? Mụ nói. Em thấy anh không có vẻ gì là vội vã cả?

Hắn đáp:

- Ðể anh uống cà phê và hút điếu thuốc đã. Anh không cần phải cởi, anh biết trong này có cái gì rồi.

- Cởi ra đi, cởi ra đi! Mụ ngư nữ già khẩn khoản.

- Trước hết để anh hút xong điếu thuốc đã, anh đã nói như thế mà.

Và hắn đưa mắt nhìn tôi trách móc như muốn nói: “Lỗi tại ông hết!”

Hắn chậm rãi hút, thở khói qua lỗ mũi và nhìn biển. Hắn nói:

- Ngày mai sẽ có một cơn gió Ðông Nam. Thời tiết thay đổi. Cây cối căng lên, ngực các thiếu nữ cũng vậy, vú không chịu nằm trong áo nịt ngực nữa. Mùa Xuân ba que xỏ lá! Một phát minh của ma quỉ.

Hắn nín lặng. Một lát sau hắn thêm:

- Ông có để ý điều này không, ông chủ: tất cả mọi sự tốt đẹp trên thế gian này đều là phát minh của quỷ: đàn bà đẹp, mùa Xuân, lợn sữa quay, rượu - tất cả đều do ma quỷ làm ra cả! Chúa chỉ tạo ra tu sĩ, trai giới, và đàn bà xấu, khiếp!

Trong khi nói vậy hắn đưa mắt dữ tợn nhìn mụ Hortense đáng thương, đang thu mình trong một góc, lắng nghe hắn:

- Zorba! Zorba! Mụ van xin hắn luôn miệng.

Nhưng hắn lại đốt một điếu thuốc khác và lại tiếp tục nhìn biển. Hắn nói:

- Mùa Xuân là thời ma quỉ Satan ngự trị. Những cái thắt lưng giãn ra, áo nịt ngực mở cúc, bà già thở dài... Ê! Bỏ tay ra, Bouboulia!

- Zorba! Zorba!... mụ đàn bà đáng thương lại khẩn khoản van xin.

Mụ cúi xuống, cầm lấy cái khăn tay nhỏ và ấn vào tay Zorba.

Hắn liệng điếu thuốc đi, nắm cái nút và cởi ra. Hắn xòe bàn tay ra và nhìn.

- Cái gì đây, mụ Bouboulina? Hắn ghê tởm hỏi.

- Nhẫn, những cái nhẫn nhỏ, cưng. Những cái nhẫn cưới, mụ ngư nữ già run run thì thầm. Người làm chứng có mặt ở đây, đêm đẹp quá, Thượng Ðế nhìn chúng ta... Chúng ta hãy đính hôn đi, Zorba của em!

Zorba hết nhìn tôi, mụ Hortense, lại nhìn những cái nhẫn. Một bầy quỷ đang giao chiến trong hắn và trong giây lát, chưa có con nào thắng thế. Mụ đàn bà đáng thương nhìn hắn một cách sợ hãi.

- Zorba! Zorba của em!... Mụ âu yếm gọi.

Tôi nhổm dậy trên giường và chờ đợi. Trong tất cả những con đường mở rộng trước mặt hắn, Zorba sẽ lựa chọn con đường nào?

Ðột nhiên, hắn lắc đầu. Hắn đã quyết định. Khuôn mặt hắn sáng lên. Hắn vỗ tay và đứng phắt dậy. Hắn la:

- Chúng ta hãy ra ngoài kia! Chúng ta hãy ra ngoài trời sao, để Chúa có thể nhìn thấy chúng ta! Ông cầm lấy cái nhẫn, ông chủ; ông có biết tụng thánh ca không?

- Không, tôi vui vẻ đáp. Nhưng điều đó quan trọng gì!

Tôi nhảy xuống giường và giúp mụ đàn bà đứng dậy.

- Tôi biết. Tôi quên chưa nói với ông rằng trước kia tôi đã từng là lễ sinh! Tôi theo cha dự những đám cưới, lễ rửa tội, tống táng, tôi thuộc lòng những bài hát lễ. Lại đây, Bouboulina của anh, trương buồm lên, cái thuyền buồm Pháp quốc của anh, lại đứng bên phải anh!

Trong tất cả những con quỷ của Zorba, con quỷ khôi hài tốt bụng lại thắng thế. Zorba thương hại mụ ngư nữ già, lòng hắn quặn đau khi hắn nhìn thấy cặp mắt mờ đục của mụ chăm chú nhìn hắn với xiết bao âu lo.

- Thây kệ, hắn lẩm bẩm trong khi quyết định, ta còn có thể đem lại vui vẻ cho giống cái, hăng hái lên!

Hắn lao ra ngoài bãi, nắm lấy cánh tay mụ Hortense, trao nhẫn cho tôi, quay ra biển và bắt đầu tụng thánh ca:

“Cảm tạ Chúa trong thế giới không cùng, Amen!”

Hắn quay sang tôi nói:

- Ông hãy làm công việc của ông! Ông chủ!

- Ðêm nay không có ai là “ông chủ” hết, tôi nói. Tôi là phù rể chính của bác.

- Ðược rồi, ông hãy ráng cho nhanh nhẹn. Khi tôi kêu: Ô ê! Ô ê! Thì ông trao nhẫn cho chúng tôi.

Hắn lại bắt đầu tụng thánh ca bằng cái giọng lừa ồ ề của hắn:

- Vì tên đầy tớ trai của Chúa, Alexis, và kẻ hầu gái của Chúa, Hortense, đính hôn với nhau, và vì sự cứu rỗi của họ, chúng con khẩn cầu Chúa!

- Kyrie eleison! Kyrie eleison! Tôi vừa run run hát vừa khó khăn lắm mới giữ mình khỏi cười và khóc.

- Còn một câu xướng nữa, Zorba nói, trời đánh nếu tôi nhớ! Nhưng thôi chúng ta làm lẹ lên.

Hắn nhẩy cẫng lên như con choi choi và la to:

- Ô ê! Ô ê! Vừa chìa bàn tay hộ pháp về phía tôi. Em cũng chìa tay ra, hắn nói với vị hôn thê của hắn.

Kỳ 86



Bàn tay mập mạp, xù xì vì giặt giũ và việc nội trợ, run run chìa ra về phía tôi. Tôi đeo nhẫn cho họ, trong khi Zorba, hoàn toàn như mất trí, la lên như một giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ:

- Kẻ tôi tớ trai của Chúa, Alexis, đã đính hôn với tớ gái của Chúa, Hortense, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Ðức Thánh Thần, Amen! Kẻ tớ gái của Chúa, Hortense, đã đính hôn với tớ trai của Chúa, Alexis... Thôi, xong rồi! Lại đây cưng, để anh cho em cái hôn đoan chính đầu tiên của đời em!

Nhưng mụ Hortense đã ngồi sụp xuống đất. Mụ ôm lấy chân Zorba và khóc. Zorba thương hại lắc đầu:

- Ðáng thương thay cho đàn bà! Họ điên cuồng làm sao! Hắn lẩm bẩm.

Mụ Hortense đứng dậy, dũ váy và mở vòng tay ra. Zorba kêu lên:

- Ê, không được! Hôm nay là thứ ba trước tuần Chay, hãy ngoan ngoãn! Bây giờ đang là tuần Chay.

- Zorba của em..., mụ đắm đuối thì thầm.

- Hãy kiên nhẫn, em yêu. Hãy đợi cho đến lễ Phục Sinh, chúng ta sẽ ăn thịt, và đập những trái trứng đỏ tươi đã. Bây giờ, đến giờ em phải về rồi đó. Dân làng sẽ nói sao khi họ nhìn thấy em đi vơ vẩn vào giờ này!

Bouboulina khẩn khoản nhìn hắn. Zorba nói:

- Không! Không! Hãy chờ đến lễ Phục Sinh đã! Ði với chúng tôi, ông chủ.

Hắn cúi xuống nói khẽ vào tai tôi:

- Ðừng để chúng tôi đi một mình, vì Chúa! Tôi không được vui.

Chúng tôi đi về phía làng. Bầu trời long lanh, mùi biển mặn nồng bao bọc chúng tôi, những con chim đêm rúc lên. Mụ ngư nữ già, níu lấy cánh tay Zorba, để hắn dìu đi, sung sướng nhưng thất vọng.

Cuối cùng mụ đã tới cái bến mà mụ ao ước bao lâu nay. Suốt đời mụ, mụ đã ca hát và nhẩy múa, chơi bời phóng đãng, nhạo báng những người đàn bà đoan trang, nhưng trái tim mụ tan nát. Khi mụ đi trong những phố phường ở Alexandria, Beirut, Constantinpole, phấn son ngào ngạt, quần áo sặc sỡ, lòe loẹt, và nhìn thấy những người đàn bà vạch vú cho con bú, vú mụ cũng ngứa và căng lên, núm vú cứng lại cũng đòi hỏi một cái miệng trẻ thơ nhỏ xíu. “Lấy chồng, lấy chồng, có một đứa con...,” đó là giấc mơ trìu mến suốt đời của mụ. Nhưng mụ không bao giờ thổ lộ những khát vọng đau đớn này với bất cứ kẻ nào. Bây giờ, cảm tạ Chúa, hơi muộn nhưng còn hơn không; mụ đang ghé bến xiết bao mong ước dầu bị sóng gió dập vùi.

Chốc chốc mụ lại đưa mắt lên nhìn trộm gã thô kệch to lớn đang đi cạnh mụ. Mụ nghĩ thầm: “Hắn không phải là một ông quan Thổ Nhĩ Kỳ với mũ fez búp vàng, hắn cũng không phải là một đứa con trai đẹp trai của quan Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cảm tạ Chúa như thế còn hơn không! Hắn sẽ là chồng mình, chồng mình thực sư, cảm tạ Chúa!”

Zorba cảm thấy mụ đè nặng trên cánh tay hắn và hắn vội vã dìu mụ tới làng để mau thoát khỏi mụ. Và mụ đàn bà đáng thương lảo đảo trên đường đá, những móng chân mụ muốn tuột ra, những chai ở bàn chân làm mụ đau nhưng mụ không nói gì cả. Tại sao nói? Tại sao than thở? Dẫu sao, tất cả đều tuyệt vời!

Chúng tôi vượt qua cây Vả Của Cô và khu vườn của góa phụ. Chúng tôi dừng lại khi những ngôi nhà đầu tiên của làng hiện ra.

- Ngủ ngon nhé, cưng của em, mụ ngư nữ già vừa âu yếm nói vừa kiễng chân lên cho tới môi vị hôn-phu.

Nhưng Zorba không cúi xuống.

- Hay để em quì xuống hôn chân anh vậy, anh yêu! Mụ Bouboulina vừa nói vừa định nhào xuống đất.

- Không! Không! Zorba cản lại. Hắn cảm động ôm lấy mụ. Chính anh phải hôn chân em mới phải cưng ạ. Chính anh phải quì xuống mới phải... nhưng anh làm biếng quá. Ngủ ngon nhé!

Chúng tôi từ biệt mụ và lặng lẽ trở về, hít hương thơm của đêm tận đáy phổi. Zorba đột nhiên quay sang hỏi tôi:

- Chúng ta phải làm gì bây giờ, ông chủ? Cười hay khóc? Ông làm ơn cho biết.

Tôi không trả lời. Cổ họng tôi cũng se lại, và tôi không biết vì sao: vì đã khóc hay cười.

Zorba đột nhiên nói:

- Ông chủ, cái lão thần ba que không để một người đàn bà nào than thở tên là gì nhỉ? Tôi có nghe nói sơ qua về gã. Hình như gã thường nhuộm râu và xăm những trái tim, những mũi tên, và những ngư nữ trên cánh tay; gã thường hóa trang thành bò mộng, thiên nga, cừu, lừa... Thành bất cứ con gì mà những con đĩ thích. Tên gã là gì nhỉ?

- Tôi chắc bác muốn nói đến Zeus. Ðiều gì làm cho bác nhớ Zeus?

- Cầu cho gã được yên giấc ngàn thu! Zorba vừa nói vừa giơ tay lên trời. Chắc chắn gã đã gặp những lúc khổ cực! Gã phải chịu đau khổ biết bao nhiêu! Ðó là một kẻ tuẫn giáo vĩ đại, tin tôi đi, ông chủ. Ông đã nuốt tất cả những gì những cuốn sách nhảm nhí của ông nói, nhưng ông hãy thử nghĩ giây lát xem những người viết sách là những người thế nào! Hừ! Một bọn lên mặt học giả! Chúng biết gì về đàn bà và những kẻ chạy theo đàn bà? Không biết gì hết!

- Tại sao bác không viết, Zorba, để giải thích cho chúng tôi những bí ẩn của thế giới! Tôi chế nhạo.
Kỳ 87



- Tại sao? Vì lý do đơn giản là tôi sống tất cả những bí ẩn mà ông nói đó, và tôi không có thì giờ để viết. Khi chiến tranh, khi đàn bà, khi rượu chè, khi đàn santuri: hỏi thì giờ đâu mà cầm cây bút cùn mằn này. Vì thế công việc này rơi vào tay bọn cạo giấy! Tất cả những kẻ nào thực sự sống những bí ẩn của đời sống đều không có thời giờ để viết, và tất cả những kẻ nào có thì giờ thì lại không sống những bí ẩn ấy! Ông nghe thủng chưa?

- Ta hãy trở lại đề tài cũ! Zeus làm sao?

- A! Gã đáng thương! Zorba thở dài. Tôi là người duy nhất hiểu rõ điều làm gã đau khổ. Gã yêu đàn bà, dĩ nhiên, nhưng không phải như các ông tưởng, những ông cạo giấy! Không phải thế chút nào! Gã hiểu tất cả đau khổ vì lẽ gì, và gã hy sinh vì họ! Khi gã thấy ở một xó xỉnh nào đó một mụ gái già đang mòn mỏi vì khát vọng và hối tiếc, hay một thiếu phụ trẻ đẹp - hoặc dầu nàng không đẹp chút nào chăng nữa, dầu nàng là con quỷ dạ xoa - không thể ngủ được vì chồng nàng xa vắng, gã sẽ làm dấu, gã tử tế đó, thay đổi quần áo, mang bất cứ hình dáng nào người đàn bà có trong trí, và đi vào phòng nàng.

“Thường thường gã không thích để ý tới những mối tình bỡn cợt. Không! Gã thường mệt lử cò bợ luôn và điều đó rất dễ hiểu: làm sao có thể thỏa mãn được từng ấy con dê cái? A! Zeus! Con dê đực đáng thương. Ðã hơn một lần gã chán chường, gã cảm thấy khó chịu, ông đã bao giờ nhìn thấy một dê đực sau khi đã phủ mấy con dê cái chưa? Nó sùi bọt mép, mắt lờ đờ và có ghèn. Nó ho, và không đứng nổi. Ðó, gã Zeus đáng thương hẳn luôn luôn ở trong trạng thái khốn khổ đó. Rạng ngày gã nhủ thầm trên đường trở về: ‘A! Lạy Chúa tôi! Cho đến bao giờ tôi mới có thể đi nằm và ngủ no chán? Tôi không đứng nổi nữa!’ Và gã không ngừng chùi bọt mép.

“Nhưng thình lình gã nghe thấy một tiếng thở dài: dưới kia trên mặt đất, một người đàn bà đã liệng khăn trải giường, gối, chạy ra ngoài bao lơn, gần như trần truồng và thở dài đủ làm quay cánh quạt cối xay lúa. Lập tức bạn Zeus của tôi lại động lòng trắc ẩn.

“Thật khốn khổ, ta lại phải xuống trần gian! Gã rên rỉ. Có một người đàn bà đang than thân trách phận! Ta phải xuống an ủi nàng!

“Và cứ như thế đàn bà làm gã kiệt quệ hoàn toàn. Gã bị đau thận, gã bắt đầu ói mửa, trở nên tê bại và gã chết. Chính lúc đó Chúa Cứu Thế, người thừa kế của gã tới. Chúa nhìn thấy tình trạng khốn khổ của lão già nên ngài kêu lên: ‘Hãy tránh xa đàn bà!’”

Tôi thán phục trí tuệ mẫn nhuệ của Zorba và tôi ôm bụng cười.

- Ông cứ cười đi, ông chủ! Nhưng nếu quỉ thần độ trì cho công việc của chúng ta thành công - việc đó đối với tôi hầu như không thể được, nhưng biết đâu - ông có biết tôi sẽ mở một cửa hàng gì không? Một sở giới thiệu hôn nhân. Vâng..., đúng như vậy. “Sở Hôn Nhân Zeus” Lúc đó những người đàn bà đáng thương không vớ nổi một tấm chồng đều có một cơ hội cuối cùng: gái già, đàn bà vô duyên, đui què, mẻ sứt, và tôi sẽ tiếp tất cả trong một phòng khách nhỏ, trên tường đầy hình những chàng thanh niên khỏe mạnh đẹp trai và tôi sẽ nói với họ: “Xin các bà hãy lựa chọn, lựa chọn người nào bà thích, và tôi sẽ thu xếp để hắn trở thành chồng bà.” Rồi tôi kiếm bất kỳ gã nào hao hao giống bức hình, cho gã ăn mặc giống như vậy, dúi cho gã tiền và bảo gã: “Tới số nhà đó, phố đó, kiếm mụ đó và tán tỉnh mụ cho thật dữ vào. Ðừng ghê tởm, tôi trả tiền mà. Rót vào tai mụ tất cả những lời đường mật một người đàn ông thường nói với một người đàn bà mà mụ đáng thương đó chưa bao giờ được nghe. Hãy thề nguyền cưới mụ. Cho mụ khốn khổ đó một chút lạc thú, thứ lạc thú những con chó cái và ngay cả con sâu cái kiến cũng biết.”

“Và nếu đôi khi có một vài con dê già thuộc loại Bouboulina của chúng ta - Xin Chúa ban phước lành cho mụ - không ai thèm đến an ủi dầu trả bao nhiêu vàng bạc cũng thế thôi, được rồi, tôi làm dấu và tôi, giám đốc sở hôn nhân, tôi sẽ thân hành đến! Lúc đó ông sẽ nghe thấy những đứa ngu ngốc bên hàng xóm nói: ‘Nhìn kìa! Thiệt là một lão dâm đãng! Lão không có mắt để ngó cũng không có mũi để ngửi nữa à, hở trời?’ - Có chứ, đồ lừa, ta có mắt chứ! Có chứ bọn nhẫn tâm, ta có mũi chứ! Nhưng ta còn có lòng tốt nữa và ta thương hại mụ! Và khi người ta có một tấm lòng tốt thì mắt mũi chẳng dùng để làm gì trên thế gian. Khi gặp cơ hội, chúng chẳng kể số gì!”

- Rồi, khi tôi đã hoàn toàn bất lực vì những điên cuồng của tuổi trẻ và ngoẻo. Thánh Pierre-giữ-chìa-khóa sẽ mở cửa Thiên Ðàng cho tôi và bảo: “Vào đây, Zorba đáng thương, vào đây, kẻ tuẫn đạo vĩ đại Zorba. Vào nằm cạnh đồng chí Zeus của ngươi! Nghỉ ngơi cho khỏe đi, dũng sĩ, ngươi đã vất vả khó nhọc nhiều trên thế gian! Ta ban phước lành cho ngươi!”

Zorba tiếp tục nói. Trí tưởng tượng của hắn giăng bẫy và hắn sa vào bẫy chính hắn đặt ra. Dần dần hắn tin vào những truyện thần tiên của hắn. Khi chúng tôi đi qua cây Vả Của Cô, hắn thở dài. Rồi dang tay ra như thuyết pháp, hắn nói:

- Ðừng lo phiền, Bouboulina của tôi, cái tàu mục nát và bị bạc đãi! Ðừng lo phiền, tôi sẽ an ủi em! Tứ Cường đã bỏ em, nhưng tôi, Zorba, tôi sẽ không bỏ em!

Khi chúng tôi về đến bãi thì đã quá nửa đêm. Gió nổi lên. Từ Phi Châu xa xôi kia cơn gió nồm nóng ấm thổi tới làm căng phồng cây cối, cây nho và những bộ ngực của Crete. Toàn thể hải đảo, nằm dài bên bờ nước, hồi sinh dưới những đợt gió ấm làm nhựa dâng lên trong cây, Zeus, Zorba và cơn gió nồm trộn lẫn với nhau, và trong đêm tối, tôi trông thấy rất rõ - một khuôn mặt đàn ông râu đen, và tóc trơn bóng, cúi xuống kề cặp môi đỏ và ấm áp lên mụ Hortense, Trái Ðất.

Kỳ 88



20



Vừa về tới lều, chúng tôi đi ngủ liền. Zorba khoái chí xoa tay vào nhau:

- Ngày hôm nay tốt ngày, ông chủ! Có thể ông sẽ hỏi tôi muốn ám chỉ gì khi dùng chữ “tốt ngày?” Tôi định ám chỉ nhiều thứ lắm. Này nhé: Sáng hôm nay chúng ta ở mãi tận đâu đâu, tận trên tu viện và chúng ta đã bỏ tu viện và tu viện trưởng vào rọ - hẳn lão phải nguyền rủa chúng ta! Sau đó, chúng ta trở xuống, thấy mụ Bouboulina và tôi đính hôn. Này, nhìn nhẫn đây. Vàng nhất đấy... Mụ nói mụ còn hai bảng Anh mà lão đô đốc người Anh cho mụ vào cuối thế kỷ trước. Mụ nói mụ giữ để cho đám táng mụ, nhưng bây giờ mụ thích đưa cho thợ kim hoàn để làm nhẫn cưới hơn. Con người thật kỳ quái!

- Ngủ đi, Zorba! Bình tĩnh lại đi nào! Ngày hôm nay như thế là quá đủ rồi. Ngày mai chúng ta sẽ phải tổ chức một cuộc lễ nghiêm trọng: Trồng cây trụ đầu tiên. Tôi đã cho mời giáo trưởng Stephanos tới.

- Ông làm vậy phải lắm, ông chủ, không đến nỗi tệ. Ðể lão tới, để lão tư tế râu dê đó tới, để cả đám hương mục trong làng tới đây nữa; chúng ta sẽ phân phát cho họ những ngọn đèn cầy nhỏ và họ sẽ thắp lên. Những việc như thế này rất dễ kích động và có lợi cho công việc của chúng ta. Ðừng để ý tới những việc tôi làm; tôi có một Thượng Ðế riêng và một con quỉ riêng. Nhưng những kẻ khác...

Hắn cất tiếng cười. Hắn không ngủ được. Ðầu óc hắn sôi nổi. Lát sau hắn nói:

- A, Nội ơi, chúc nội an giấc ngàn thu! Ông tôi cũng là một lão dâm đãng, hệt như tôi vậy. Tuy nhiên, lão du côn đó đã tới Thánh Mộ và đã trở thành một hadji (*).Có Chúa biết tại sao! Khi lão trở về làng, một ông bạn nối khố của lão, một gã chuyên ăn trộm dê, một kẻ chưa từng làm một việc gì đứng đắn trong đời, bảo lão: “Sao, bạn già, anh không mang về cho tôi một mẩu Thánh Giá ở Thánh Mộ sao? - Sao anh biết là tôi không mang gì về cho anh? Ông nội quỉ quái của tôi nói. Anh tưởng tôi quên anh sao? Tối nay tới nhà tôi và dẫn lão tư tế lại để lão ban phước lành cho và tôi sẽ trao lại cho anh. Mang thêm một con lợn sữa quay nữa, và rượu, tối nay chúng ta tổ chức tiệc mừng”.

“Tối hôm đó ông trở về và cắt ở cánh cửa đã hoàn toàn mục nát ra một miếng gỗ, không lớn hơn một hạt gạo, bọc trong một nắm bông, giỏ lên hai ba giọt dầu và chờ đợi. Lát sau, người bạn đó tới cùng lão tư tế, con lợn sữa và rượu. Lão tư tế lấy khăn choàng cổ ra và ban phước lành. Cuộc lễ trao gỗ quí chấm dứt, sau đó cả ba ngấu nghiến con lợn sữa. Ông muốn tin tôi hay không tùy ý ông chủ! Gã du côn quì xuống trước miếng gỗ cửa sau đó gã đeo ở cổ, từ hôm đó, gã trở thành một người khác. Gã thay đổi hoàn toàn. Gã lên núi nhập bọn với tụi Armatoles và Klephts, gã đốt những làng mạc Thổ Nhĩ Kỳ. Gã xông xáo một cách gan dạ giữa những trận mưa đạn. Tại sao gã phải sợ hãi nhỉ? Gã đã có một miếng Thánh Giá lấy từ Thánh Mộ trên mình, không súng đạn nào đụng tới gã được.”

Zorba phá cười lên. Hắn nói:

- Tư tưởng là tất cả. Ông có đức tin? Lúc đó một miếng cửa mục trở thành thánh tích. Ông không có đức tin. Toàn thể Thánh Giá trở thành một cánh cửa mục.

Tôi thán phục người đàn ông này mà đầu óc vận động xiết bao quả quyết và liều lĩnh, và tâm hồn, bất cứ chỗ nào người ta đụng tới, đều tóe lửa.

- Bác đã bao giờ ra trận chưa, Zorba?

- Tôi làm sao biết được? Hắn cau mày hỏi. Tôi không nhớ. Trận nào?

- Tôi muốn nói đã bao giờ bác ra trận vì tổ quốc chưa?

- Ông không thể nói chuyện khác được sao, hả? Tất cả những chuyện tầm bậy đã qua, không nên nhắc tới nữa.

- Bác gọi những chuyện đó là những chuyện tầm bậy à, Zorba? Bác không biết xấu hổ sao? Bác nói về tổ quốc như vậy à?

Zorba ngẩng đầu lên nhìn tôi. Tôi đang nằm trên giường và ngọn đèn dầu soi sáng trên đầu tôi. Hắn nghiêm nghị nhìn tôi một lúc lâu, đoạn, nắm chặt lấy ria mép. Cuối cùng hắn nói:

- Ông ngây thơ và thông thái dởm... xin ông miễn chấp. Tất cả những gì tôi nói với ông thẩy đều như những chuyện tào lao cả.

- Sao vậy? Tôi phản đối. Tôi hiểu rất rõ, Zorba, đừng quên điều đó!

- Vâng, ông hiểu với cái đầu ông. Ông nói: “Cái này đúng, cái kia sai; cái này phải, cái kia không phải; anh có lý hay anh nhầm”. Nhưng cái đó đưa chúng ta tới đâu? Tôi, trong khi ông nói, tôi quan sát tay ông, ngực ông. Và chúng làm gì? Chúng câm lặng. Chúng không nói gì cả. Như thể chúng không có một giọt máu nào. Vậy thì ông hiểu bằng cái gì? Bằng cái đầu ông à? Hừ!

(*) Tước phong cho tín đồ Hồi Giáo nào đã đi hành hương tới La Mecque. Một số tín đồ Cơ Ðốc Giáo Ðông Phương hay chính thống giáo Hy Lạp cũng nhận được trước ấy sau khi hành hương tới Thánh Ðịa - C.W.



Kỳ 89



- Nào, nói tiếp đi, nói cho rõ ràng, Zorba đừng lảng tránh câu hỏi! Tôi nói để khiêu khích hắn. Tôi chắc bác chẳng bận tâm bao nhiêu với tổ quốc, đồ giá áo túi cơm!

Hắn nổi giận đấm một cú vào vách làm những bi đông sắt kêu loảng xoảng. Hắn la lên:

- Người đứng trước mặt ông đây xưa đã có lần rứt tóc để thêu nhà thờ Saint-Sophia đeo trước ngực làm bùa hộ mệnh. Vâng, ông chủ, tôi đã thêu bằng những bàn tay hộ pháp vụng về này và bằng những sợi tóc này, vào thời đó, đen như mun. Tôi, người đang nói với ông đây, thường lang thang trong những rặng núi đá ở Maccedonia với Pavlos Melas (*) - lúc đó tôi là một gã khổng lồ, cao hơn cả lều này, với váy ngắn, mũ fez đỏ, đồ trang sức bằng bạc, bùa hộ mệnh, Yataghan (**) bao đạn và súng lục. Tôi trang bị đầy sắt, bạc và đinh. Khi tôi đi, nó phát ra tiếng kêu xoang xoảng như cả một đạo quân xuống phố! Này, nhìn đây! Nhìn đây!

Hắn cởi áo chemise và tụt quần xuống.

- Ðem đèn lại đây! Hắn ra lệnh.

Tôi mang đèn lại gần tấm thân gầy gò và rám nắng: với những vết sẹo sâu hoắm, vết đạn và những lát kiếm, thân thể hắn đúng là một cái rá lọc.

- Nào bây giờ nhìn phía bên kia!

Hắn quay lại và chìa cho tôi xem lưng.

- Không có ngay cả một vết xước trên lưng. Ông hiểu gì không? Thôi bây giờ đem đèn đi.

- Chuyện tầm bậy vô nghĩa! Hắn tức tối gào lên. Thật nhục nhã! Khi nào người đàn ông sẽ thực sự trở nên một người đàn ông? Chúng ta mặc quần chùng áo-lượt, cổ cồn, mũ mãng nhưng chúng ta vẫn là con lừa, con sói, con cáo, con lợn. Người ta nói chúng ta được dựng lên theo hình ảnh của Thượng Ðế! Ai? Chúng ta à? Khoác lác phỉnh gạt!

Những kỷ niệm kinh hoàng hình như trở lại tâm trí hắn và mỗi lúc hắn một trở nên tức tối thêm. Hắn lẩm bẩm qua hàm răng lung lay trống hổng những lời nói khó hiểu.

Hắn đừng dậy, vồ lấy bình nước, tu một hơi, sau đó hắn có vẻ tỉnh táo và dịu dần. Hắn nói:

- Bất cứ chỗ nào ông đụng tới tôi, tôi đều đau đớn muốn thét lên. Người tôi đầy vết thương, sẹo và cục u và ông nói với tôi về đàn bà! Khi tôi khám phá tôi thực sự là một người đàn ông, tôi không thèm quay lại để nhìn họ nữa. Tôi đụng chạm tới họ một phút, như vậy đó, qua đường, như một con gà trống, rồi tôi lại tiếp tục đi. Tôi tự nhủ: “Những con chồn hôi bẩn thỉu. Chúng muốn hút hết sinh lực của ta. Khiếp! Cho chúng đi về cái nhà bò đi!”

“Ðoạn tôi vác súng lên đường! Tôi đi vào chiến khu như một giải phóng quân comitadji. Một hôm, vào lúc nhọ mặt người, tôi vào một làng Bảo-Gia-Lợi và nấp vào một chuồng bò. Ðó chính là nhà của một tên tư tế, một tên biệt động quân comitadji khát máu, dã man. Ban đêm, hắn cởi bỏ áo thầy tu, mặc quần áo kẻ chăn chiên, đeo khí giới và xâm nhập những làng Hy Lạp lân cận. Hắn trở về trước khi trời sáng, gọt sạch bùn và máu và vội vã đến nhà thờ đọc lễ Mi-sa cho tín đồ. Trước đó mấy hôm hắn đã giết một giáo viên Hy Lạp đang ngủ trong giường. Bởi vậy tôi vào chuồng bò tên tư tế, nằm trên đống phân, sau hai con bò và chờ đợi. Vào lúc sẩm tối, tên thầy tư tế vào chuồng bò cho mấy con vật của hắn ăn. Tôi chồm lên hắn và chọc tiết hắn như chọc tiết một con cừu, cắt tai hắn bỏ vào túi. Tôi sưu tầm tai Bảo-Gia-Lợi, ông rõ chưa; bởi vậy tôi lấy tai tên thầy tư tế và tẩu thoát.

“Mấy hôm sau tôi trở lại chính làng đó, giữa trưa, giả dạng làm một người bán hàng rong. Tôi giấu vũ khí trong núi và tôi xuống làng mua bánh, muối và giầy cho các đồng chí của tôi. Trước một căn nhà, tôi trông thấy năm đứa con nít mặc quần áo đen, đi chân đất nắm tay nhau đi ăn xin. Ba đứa con trai. Ðứa lớn nhất không quá mười tuổi, đứa nhỏ nhất, hãy còn ẵm. Ðứa con gái lớn ôm nó trong tay, hôn nó và nựng nó để nó khỏi khóc. Tôi không hiểu tại sao và có lẽ do thiên khải, tôi lại gần chúng: “Các cháu là con cái nhà ai? Tôi hỏi chúng bằng tiếng Bảo-Gia-Lợi.

“Ðứa con trai lớn nhất ngẩng cái đầu nhỏ bé lên: “Con thầy tư tế mà người ta cắt cổ hôm nọ trong chuồng bò,” nó trả lời.

“Nước mắt tôi giàn giụa. Trái đất quay cuồng như cái chong chóng. Tôi dựa lưng vào tường và nó ngừng lại. ‘Lại đây, các cháu, tôi nói, lại gần đây.’”

“Tôi lần thắt lưng móc túi tiền ra; nó đầy tiền Thổ Nhĩ Kỳ, medjidie. Tôi quì xuống và đổ hết tiền trên mặt đất. ‘Này, lấy đi! Tôi la, lấy đi! Lấy đi!’”

“Những đứa trẻ ngồi thụp xuống đất và lượm những đồng tiền Thổ và medjidie. ‘Cho các cháu đó, cho các cháu đó! Tôi la, lấy hết đi!’”

“Ðoạn tôi để lại cho chúng cái giỏ với tất cả những thứ tôi đã mua: ‘Tất cả những cái này nữa, cho các cháu đó! Lấy tất cả đi!’”

“Và tôi chuồn thẳng. Tôi chạy ra khỏi làng, cởi áo chemise ra, nắm lấy nhà thờ Saint-Sophia tôi đã thêu, xé ra từng mảnh, tung lên trời và vắt giò lên cổ chạy.

“Và tôi vẫn còn chạy...”

(*) Một sĩ quan xuất sắc trong trận chiến tranh chống lại những Comitadjis Bảo Gia Lợi.

(* *) Trường kiếm Thổ Nhĩ Kỳ - N.H.H.

Kỳ 90



Zorba tựa vào vách và quay lại nhìn tôi, hắn nói:

- Tôi được giải thoát như vậy đó.

- Giải thoát khỏi tổ quốc?

- Vâng, khỏi tổ quốc, hắn nói bằng một giọng quả quyết và trầm tĩnh.

Rồi một lát sau:

- Giải thoát khỏi tổ quốc, giải thoát khỏi thầy tu, giải thoát khỏi tiền bạc. Tôi gạn lọc. Càng ngày tôi càng gạn lọc kỹ. Tôi làm nhẹ gánh nặng của tôi bằng cách đó. Tôi ghê tởm tôi. Làm sao nói cho ông hiểu? Tôi tìm thấy sự giải thoát của chính tôi, tôi trở thành một người đàn ông.

Cặp mắt Zorba long lanh, cái miệng rộng của hắn cười một cách mãn nguyện.

Sau khi im lặng một lát, hắn lại tiếp tục nói. Tâm hồn hắn tràn trề, hắn không thể chỉ huy được nó nữa.

- Có một thời tôi thường nói: người này là một tên Thổ Nhĩ Kỳ, một tên Bảo-Gia-Lợi, người kia là một người Hy Lạp. Vì tổ quốc, tôi đã làm những điều khiến ông phải dựng tóc gáy lên, ông chủ. Tôi đã cắt cổ người ta, trộm cướp, đốt phá làng mạc, hãm hiếp đàn bà con gái, giết trọn nhiều gia đình. Tại sao? Vì họ là dân Bảo Gia Lợi hay Thổ Nhĩ Kỳ. “Ghê! Cút xéo đi! Quân thô bỉ!” Ðôi khi tôi rủa thầm tôi như vậy: “Cút xéo đi, quân đê tiện!” Ngày nay tôi nói: người nầy là một người chính trực, kẻ kia là một tên chó đẻ. Hắn có thể Bảo Gia Lợi, Thổ Nhĩ Kỳ hay Hy Lạp điều đó không quan trọng. Hắn tử tế hay xấu xa? Ðó là điều duy nhất tôi thắc mắc ngày hôm nay. Và bây giờ già cả, tôi xin thề có miếng bánh cuối cùng mà tôi ăn, tôi cảm thấy dường như tôi sẽ không thắc mắc về điều đó nữa. Dẫu hắn tử tế hay xấu xa, tôi cũng thương hại hắn, thương hại tất cả mọi người. Khi tôi trông thấy một người, dầu tôi làm bộ tỉnh bơ như kẻ coi trời bằng vung, tôi vẫn dứt từng khúc ruột. Kìa, gã đáng thương kia, tôi nghĩ thầm, gã cũng ăn uống và làm ái tình, gã cũng sợ hãi, dù gã là ai: gã cũng có Thượng Ðế và ma quỉ của gã, và gã cũng sẽ ngoẻo củ tỏi và nằm cứng đơ dưới ba tấc đất và làm mồi cho dòi bọ. Thật khốn khổ! Anh em bốn bể một nhà; anh em bốn bể làm quà cho sâu!”

“Và nếu đó là một người đàn bà, thì tôi muốn khóc lòi con mắt ra. Các hạ không ngừng chế nhạo tôi sao quá yêu thương đàn bà. Tại sao ông lại muốn tôi không yêu thương họ khi họ chỉ là những sinh vật yếu đuối chẳng hiểu điều mình làm và chịu trận tức thì khi ta vừa túm được một bên vú nàng?”

“Một lần khác tôi vào một làng Bảo Gia Lợi. Một tên Hy Lạp, một hương mục trong làng, thấy tôi. Tên khốn kiếp đó tố giác tôi và chúng vây căn nhà tôi ở trọ. Tôi leo qua sân thượng và truyền từ nóc nhà nọ qua nóc nhà kia như con mèo. Nhưng trăng lên, chúng nhìn thấy bóng tôi. Chúng leo lên nóc nhà và bắt đầu bắn như mưa bấc. Phải làm sao bây giờ? Tôi nhẩy xuống một cái sân và thấy một người đàn bà Bảo Gia Lợi đang ngủ. Nàng nhỏm dậy, phong phanh trong tấm áo ngủ, thấy tôi định mở miệng la lên, nhưng tôi giơ tay ra nói khẽ: ‘Làm ơn! Làm phúc! Ðừng kêu!’ Và tôi chụp lấy ngực nàng. Nàng tái xanh và muốn ngất đi: ‘Vào trong nhà,’ nàng thì thầm. ‘Vào trong kẻo họ nhìn thấy chúng ta... ’ ’”

“Tôi vào nhà, nàng siết chặt tay tôi: ‘Ông là người Hy Lạp?’ Nàng hỏi ‘Vâng. Hy Lạp. Ðừng tố cáo tôi.’ Tôi ôm lấy eo nàng, nàng không nói gì cả. Tôi ngủ với nàng và tim tôi run lên vì khoái cảm dịu dàng. Tôi thầm nhủ: Ðó thấy chưa thằng chó Zorba, đó là một người đàn bà, đó là ý nghĩa của nhân tình! Nàng là người gì? Bảo Gia Lợi? Hy Lạp? Papu! Hay gì nữa cũng thế thôi! Nàng là một con người, một con người có miệng, có vú, và biết yêu thương. Mi không biết xấu hổ vì đã giết tróc sao? Ðồ đê tiện bẩn thỉu?”

“Tôi nghĩ thầm như vậy trong khi tôi ở bên nàng, trong hơi ấm của nàng. Nhưng tổ quốc, con đĩ dại, nó đâu chịu để tôi yên. Sáng hôm sau tôi ra đi trong bộ quần áo mà góa phụ Bảo Gia Lợi đã cho tôi. Nàng mở rương lấy quần áo cũ của chồng cho tôi, và nàng ôm lấy đầu gối tôi, năn nỉ tôi trở lại.”

“Vâng, tối hôm sau tôi trở lại. Tôi là một người ái quốc, nghĩa là một con dã thú, ông hiểu chưa, tôi trở lại với một thùng dầu hôi và tôi phóng hỏa đốt làng. Tội nghiệp, chắc nàng cũng chết cháy cùng với những kẻ khác. Tên nàng là Ludmilla.”

Zorba thở dài. Hắn châm một điếu thuốc, hít hai ba hơi rồi quẳng đi.

- Ông nói tổ quốc à?... Ông tin những chuyện vớ vẩn mà những cuốn sách nhảm nhí của ông kể với ông! Ông phải tin vào tôi đây này. Khi nào còn có những tổ quốc, con người còn là một con thú, một con thú dữ... Nhưng đội ơn Thượng Ðế! Tôi đã giải thoát khỏi tất cả những thứ đó. Ðối với tôi thế là hết, không còn gì nữa! Còn ông?