VƯỢT QUA GIAN KHỔ


Khi đọc những trang hồi ký nầy, xin các độc giả đừng để những thành kiến về chính trị và đảng phái bóp méo vì đó là những sự thật và những sự kiện mà tôi viết từ trong đáy lòng.
Tôi xin chân thành cảm tạ ơn trên, cha mẹ đôi bên và tất cả các bạn bè bà con quyến thuộc đã giúp đỡ và hỗ trợ cho tôi và gia đình từ tinh thần đến vật chất để có được một cuộc sống ổn định như ngày hôm nay.
Tôi cũng chân thành cảm tạ các độc giả đã bỏ chút thì giờ quý báu để đọc những trang hồi ký nầy.

NGUYỄN CÔNG TRỨ

THAY LỜI TỰA

Bác Sĩ Nguyễn Công Trứ, “người cha trẻ của tù nhân K18.”

(Nhân đọc bài “Thêm một mộ tập thể 47 tử sĩ VNCH những ngày cuối cuộc chiến,” của Huy Phương trên Người Việt Online).

Ðặng Phú Phong

Tôi tình cờ đọc bài báo của tác giả Huy Phương, viết về lòng dũng cảm và tinh thần thương mến binh sĩ của Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông, đăng trên báo Người Việt ngày 31 tháng 12, 2010. Trong bài viết, tác giả Huy Phương có nhắc đến một vị bác sĩ, tên là Nguyễn Công Trứ. Ðọc xong bài báo, tôi vừa mừng rỡ, vừa xúc cảm.

Xúc cảm, vì thương cho cái chết bi phẫn và hào hùng của một đại tá QLVNCH. Mừng rỡ vì biết được tin tức một người bác ái, nhân từ, từng cứu giúp cho anh em tù nhân trại tù K18, Kim Sơn, Bình Ðịnh, trong đó có tôi.
Vị bác sĩ này, tôi đã dò tìm tin tức 30 năm nay mà không Ra. Người ấy là Bác Sĩ Nguyễn Công Trứ.

Trung Úy Bác Sĩ Nguyễn Công Trứ làm việc tại bệnh viện Quân Y Qui Nhơn cho đến ngày cuối cùng khi tỉnh Bình Ðịnh lọt vào tay cộng sản, khi mà gần như tất cả các bác sĩ, nhân viên của quân y viện Qui Nhơn đã di tản, bỏ lại ông là bác sĩ duy nhất với la liệt thương binh. Với tinh thần nhân ái, ông hết mình tận tình cứu chữa. Rồi Việt cộng xuất hiện, ném ông vào trại cải tạo.

K18 Kim Sơn là trại tù nằm trong thung lũng của vùng rừng núi thuộc quận An Lão, Tây Bắc tỉnh Bình Ðịnh, ma thiêng và nước độc. Bác Sĩ Trứ và Bác Sĩ Khải cùng khoảng 2, 3 y tá (lấy từ anh em tù) được đưa vào công tác y tế dưới quyền của một nữ thượng úy công an tên Luận. Một thời gian sau, Bác Sĩ Khải được phóng thích, chỉ còn ông Trứ là bác sĩ duy nhất lo cho anh em trong trại.

Mỗi buổi sáng, tù nhân sắp hàng theo từng phòng để cán bộ trực trại phân phối đi Lao động. Bác Sĩ Trứ có nhiệm vụ khám những AI xin khai bệnh. Tiêu chuẩn mỗi phòng (khoảng 50 người) được 1 hay 2 người nghỉ là tối đa. Gặp mùa sốt rét, dịch tả, kiết lỵ, anh em tù nhân khai bệnh đông đảo hơn.

Mặc dù đã hết sức dằn lòng, Bác Sĩ Trứ không thể không cho những người bệnh nặng ở nhà. Vì thế, con số nghỉ bệnh của mỗi phòng thường lên đến 3, 4 hay 5 người. Thượng Úy Luận nhiều lần công khai mắng chửi thậm tệ Bác Sĩ Trứ trước hàng ngàn tù nhân. Ông chỉ biết khóc, nước mắt đọng mờ cặp mắt kính cận thị của một tấm lòng đầy vị tha.

Bác Sĩ Nguyễn Công Trứ người gầy ốm, dong dỏng cao, trông càng cao trong bộ đồ tù màu xám, thùng thình, xốc xếch, ống thấp ống cao. Bước chân ông khá dài và nhanh nên lúc nào cũng thấy ông như bận rộn. Ðôi mắt có vẻ ngơ ngác sau cặp kính cận thị dày cộm, cái mắt kính mà suýt có lần gãy vụn vì đi Ra vào cổng phải đứng nghiêm, quên lấy kính xuống để báo cáo cán bộ. (Nhiều tù nhân từng bị đập mắt kính, có khi ăn đòn, vì “tội” mang kính cận trước mặt cán bộ).

Những lúc rảnh việc trong trạm xá, Bác Sĩ Trứ xin phép Ra ngoài trại, Mon men đâu đó, hái một ôm cải trời, mò mẫm vài vũng nước, bắt một vài con cá, con cua, đem về “cải thiện.” Có điều, ông không cải thiện cho ông, mà cho các bệnh nhân đang nằm trong trạm xá. Có khi thì ông dành những tặng vật ấy cho những đứa trẻ mồ côi, bụi đời lâu lâu gặp “chiến dịch,” bị công an hốt quăng vô trại. Vậy mà cũng nhiều phen, khi vào cổng, gặp công an hách dịch bắt ném đi, ông không mang được nắm rau, con ốc ấy vô trại.

Mỗi lần được thăm nuôi, ông chỉ ăn một bữa, dành lại vài thứ chí thiết (nhưng để rồi cho, khi có người cần, như thuốc tây chẳng hạn). Còn bao nhiêu ông đem hết Ra, chia cho bệnh nhân “con bà sơ, bà phước” và trẻ bụi đời bên trại thiếu nhi. Thế là xong, ông trở lại cơm tiêu chuẩn của trại.

Buổi sáng: Một chén khoai mì khô với nước muối. Trưa, chiều: một chén cơm hẩm mục, một chén khoai mì, một chút mắm và một chén canh “đại dương.”

Vậy mà Bác Sĩ Trứ, rất nhiều khi, chỉ ăn chén mì lát, nhường chén cơm cho một bệnh nhân vừa mới lành bệnh cần ăn nhiều hơn để lấy sức, hoặc cho một đứa trẻ đói ăn, trông như bộ xương khô biết cử động. Ông cho, nhường những thứ quí hơn vàng như vậy với một lý do thật đơn giản: “Tôi không đi lao động, ăn thiếu, không đến nỗi nào.” Ôi! tấm lòng bao dung của biển.

Tháng 10, 1979, ông được phóng thích. Cán bộ mang lệnh tha xuống trạm xá, đưa ông ra khỏi trại một cách lặng lẽ. Cũng có một vài tù nhân tình cờ biết. Họ khóc, vẫy tay chào ông. Họ gọi ông là “người cha trẻ của tù nhân K18.” Ông đã cứu chữa tận tâm cho không biết bao nhiêu tù nhân, và cũng lắm lúc không cầm lòng được, hai tay ôm lấy xác của tù nhân, ông để cho những giọt lệ từ tâm tuôn trào.

Tôi tìm được số điện thoại của Bác Sĩ Trứ thông qua tác giả bài báo, nhà văn Huy Phương. Gọi mãi mấy lần, mấy số mới gặp được Bác Sĩ Trứ.

Vượt biên tháng 10, 1980. Sống ở Indonesia 10 tháng. Ði định cư ở Buffalo, New York. Ðến California, ở nhờ một ông bác sĩ mù người Pháp. Làm tài xế, nấu ăn giúp cho ông này được một năm thì vào Airforce của Hoa Kỳ, trở lại học Y khoa. Hiện là bác sĩ về quang tuyến tại Ðại Học Cornell và một bệnh viện tại New York.
Bác Sĩ Trứ ngưng kể về mình bằng một câu: “Nhớ hồi đó tôi nấu một chảo lớn thuốc nam, thêm vào chỉ 1 viên kí ninh để chữa sốt rét cho cả trại, mà kinh.”

Như vậy đó, cái tấm lòng “Từ Mẫu” của một vị lương y lúc nào cũng tiềm tàng trong ông. Lúc nào ông cũng lo lắng cho bệnh nhân, có lẽ cả ngay trong giấc ngủ.

ĐẶNG PHÚ PHONG


GIẤC MƠ ĐỜI TÔI

Thời gian thấm thoắt trôi qua, tôi đã gần 70 tuổi, cuộc đời là bể khổ, ngồi ngẫm nghĩ lại, từ lúc mở mắt chào đời cho đến khi ngồi viết lại cuốn hồi ký nầy, tôi đã phải trải qua biết bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống, những ngày vui không có được bao nhiêu, còn lại là những tháng ngày đau buồn dằn vặt tâm tư cùng thể xác. Tuy nhiên trong mỗi hoàn cảnh mà tôi phải đối phó cho sự sinh tồn, tôi đã cố gắng hành động, giữ gìn đúng tư cách của một người công dân tốtđối với quốc gia mà tôi đã phục vụ, một người thầy thuốc tận tâm và có trách nhiệmđối với xã hội, một người chồng chung thủy và là mộtngười cha tận tâm trong gia đình. Tôi đã cố gắng làm theo lời dạy mà tôi đã thấm nhuần từ lúc còn ấu thơ, là phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất.

Thời niên thiếu

Tôi không biết rõ chính xác ngày sinh của tôi. Theo lời mẹ tôi kể lại, tôi sinh ra vào khoảng giữa tháng 11 năm Quý Mùi, trong hầm tránh bom sau Bệnh viện Đà Lạt. Bệnh viện nầy được người Pháp xây cất vào khoảng năm 1940, tôi sinh ra vào lúc người Nhật Bản tấn công người Pháp ở Đà Lạt.

Mẹ tôi có lẽ vì tinh thần quá căng thẳng do bom đạn chiến tranh và ăn uống thiếu thốn nên không đủ sữa cho tôi bú. Ba tôi đã phải đi mua sữa dê về nuôi trong hoàn cảnh thiếu thốn này. Vì thiếu vệ sinh trong khi sanh đẻ nên 2 ngày sau khi chào đời thì tôi bị nhiễm trùng, cổ bị sưng tấy lên làm tôi thở không được. Không có bác sĩ, một thầy y-tá ở bệnh viện đã dùng dao cấp cứu mở rộng vết thương ở cổ và tháo mũ ra. Nhờ ơn cứu mạng của thầy y-tá mà tôi còn sống sót cho đến ngày hôm nay với vết sẹo dài ở bên phải cổ như một bằng chứng cứu tử.

Tôi sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, ba tôi làm nhân viên kỹ thuậtcho Viện Pasteur Đà-lạt, mẹ tôi ở nhà chăm lo việc gia đình. Tôi có tất cả 6 anh em (3 em trai và 3 em gái), tôi là con trai trưởng. Ngoài anh em tôi ra , ba mẹ tôi còn cấp dưỡng thêm cho 3 người anh em họ. Những người nầy cùng tuổi với tôi, họ xuất thân từ gia đình nghèo, nên ba mẹ tôi đã đem về chung sống với chúng tôi và chăm sóc, đối xử như con ruột, với mong ước giúp đỡ cho những người nầy mai sau sẽ có một tương lai tốt đẹp và thoát khỏi cảnh nghèo nàn cơ cực như cha mẹ họ. Ba mẹ tôi đã dạy cho chúng tôi bài học thương mến và chia xẻ cho những người kém may mắn ngay từ khi chúng tôi còn ấu thơ.

Ngay từ thuở niên thiếu, tôi đã yêu mến các loài động vật và cây cảnh; mỗi ngày sau giờ học, tôi thường đi dạo chơi dưới hàng thông của núi đồi Đà Lạt, nghe chim hót và ngắm bông hoa. Ở nhà, thay vì học hành, tôi dành phần lớn thì giờ để lo nuôi chim sáo cưởng và gà vịt; tôi ước mơ sau nầy sẽ trở thành một người lính kiểm lâmđể trồng trọt, săn sóc và bảo vệ cây rừng, hay làm bác sĩ thú-y chăm sóc cho gia súc ở các nông trại. Vì ỷ lại vào sự thương yêu của cha mẹ ở nhà, phần mất quá nhiều thì giờ cho việc ngắm hoa bắt bướm, nên tôi không phải là một học trò giỏi ở trong lớp trong những năm ở trường tiểu học và trung học đệ I cấp (cấp 2).

Tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, những người bạn học cùng trường hay ở cùng xóm lớn tuổi hơn tôi, khi học xong trung học và thi rớt trung học đệ nhất cấp, một phần vì hoàn cảnh gia đình, đã phải lần lượtnhập ngũ tòng quân ra chiến trường. Lần lượt, những người nầy không sớm thì muộn, đã trở về trong cái chết, hay bị tàn phế bởi bom đạn. Những hình ảnh đau buồn và chết chóc của bạn bè, đã làm cho tôi thức tỉnh và có một cách nhìn khác về tương lai của mình.

Tôi thấy chỉ có một con đường độc nhất để sinh tồn là phải học để tiến thân, tôi đã cố gắng tự khép mình vào kỷ luật, quên đi những sở thích trước đây để lo cho việc đèn sách. Những sự cố gắng đó đã được đền bù lại, tôi đã trúng tuyển kỳ thi trung học đệ nhất cấp. Được sự khuyến khích của cha mẹ và các thầy giáo trong trường, với bản tính cần cù chăm chỉ, tôi tiếp tục theo học các lớp đệ II cấp (cấp 3) của trường trung học Trần Hưng Đạo. Tôi được giải thưởng học sinh xuất sắc của trường năm tôi học lớp đệ tam do Tổng thống Ngô Đình Diệmban tặng. Tôi còn nhớ trong buổi phát phần thưởng của trường ở rạp hátNgọc-Hiệp, không hiểu vì quá xúc động hay vì bản tánh vụng về nên khi lên nhận phần thưởng, tôi đã vấp phải tấm thảmtrên đường lên sân khấu và té ngã làm cho mọi người đi dự giải thưởng hôm đó phải cười ầm lên.

Cố gắng học, tôi đã đỗ tú tài 1 và tú tài 2 hạng bình thứ. Trong những năm cuối cùng của trung học, tôi là một trong những người học trò nổi tiếng là học giỏi, xuất sắc nhất tỉnh. Giấc mơ của tôi là muốn học ngành thuốc, như y-tá hay cán sự điều dưỡng, sau dó sẽ về giúp đỡ cho bà con hàng xóm, như người y-tá già đã cứu tôi khi tôi còn sơ sinh, hay là theo ngành thầy giáo, dạy học, giúp đỡ cho các con em sau này có chí lớn phụng sự quốc gia và dân tộc. Học làmbác sĩ là ngoài sự mơ ước của tôi vì tôi học chương trình Việt, làm sao có đủ sức để theo đuổi ngành Y-khoa.

Ước mơ và xây dựng tương lai

Sau khi đậu tú tài 2 vào tháng 7/1963, tôi về Sài-gòn dự thi học bổng đi Úc, học về ngành hàng hải và hải dương học và tôi đã được học bổng đi Melbourn học hai năm. Vì không có người hướng dẫn và chỉ bảo, cũng không biết đút lót cho những người làm việc trong Hội đồng Du học nên hồ sơ của tôi đã bị xếp xó, không ai thèm dở ra, rồi lần lữa thời gian qua, hết hạn, học bổng của tôi bị hủy bỏ .

Trong thời gian chờ đợi đi du học nước ngoài, vì quá tự tin và cũng không có ai chỉ bảo nên tôi không biết xin thi vào các trường chuyên nghiệp khác trong nước; đến khi biết thì mọi việc đều quá trễ. Không cách nào hơn, tôi đành phải chịu phí mất thêm một năm ở nhà, rồi chuẩn bị thi vào các trường chuyên nghiệp cho năm tới. Nếu vì sự ủi ro không được vào đại học, tôi sẽ phải nhập ngũ tòng quân như các bạn bè đồng khóa kém may mắn.

Vào khoảng tháng 11 năm 1963, có tin người Mỹ muốn tổ chức mộthệ thống Y-khoa mới trong nước. Họ muốn tách rời ảnh hưởng của Pháp và cải cách lại hệ thống giáo dục của trường Y-khoa cũ do người Pháp cai quản. Họ dự định tổ chức một khóa thi đặc biệt để tuyển chọn sinh viên cho lớp Dự bị Y khoa, trong đó, các thí sinh không phải thuộc chương trình Pháp nếu hội đủ điều kiện cũng được dự thi. Thí sinh khi dự thi sẽ thi bằng tiếng Việt hay tiếng Pháp, thời gian chuẩn bị cho khóa thi là một tháng. Thế là tôi phải học ngày, học đêm, vì trong những môn thi có những môn mà tôi chưa bao giờ học tới. Sau một tháng chuẩn bị, tôi may mắn được trúng tuyển vào lớp Dự bị Ykhoa .

Thi vào lớp học đã khó và để theo kịp các bạn bè trong lớp lại càng khó hơn nữa, vì đại đa số các giáo sư dạy học ở đây là người ngoại quốc và sinh ngữ chính trong lớp vẫn là tiếng Pháp. Nhưng dù có khó mấy đi chăng nữa, với ý chí ham học hỏi, chuyên cần và tự tin, tôi đã qua được năm dự bị và chính thức vào trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Đó là một giấc mơ mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Vì sự thay đổi đột ngột về văn hóa, lúc đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng dần dần với ý chí, tự tin cùng với bản năng cần cù, nhẫn nại và cầu tiến nên tôi vượt qua được mọi trở ngại đó .

Trong 4 năm của trường Y khoa, lúc nào tôi cũng là một trong những người xếp hạng từ 1 đến 10 của lớp và lúc nào cũng là một trong những sinh viên xuất sắc trong lớp. Giấc mơ của tôi đã thay đổi, tôi muốn trở thành một người thầy thuốc giỏi có tiếng trong nước và muốn sau nầy trở thành một giáo sư dạy tại Đại học Y-khoa Sài-gòn, nối gót theo các thầy như Giáo sư Nguyễn Hữu, Giáo sư Phạm Biểu Tâm, tiếp tục học hỏi và dạy dỗ cho các đàn em trở thành những người thầy thuốc giỏi, phục vụ cho xã hội và quốc gia dân tộc. Vào cuối năm thứ 4 của trường, tôi và các bạn học cùng lớp tập họp thành một tổ để học chung, chuẩn bị thi tuyển vào nội trú bệnh viện. Ngoài giờ học trong lớp và thời gian đi thực tập ở bệnh viện, chúng tôi vào thư viện mượn sách, soạn bài và học chung với nhau. Chỗ chúng tôi gặp mặt và học chung là phòng trực gác của Bệnh viện lao phổi Hồng Bàng, dưới sự chấp thuận của bác sỉ Hautier người Pháp, Trưởng khoa hô hấp.

Trong thời gian nầy, ngoài việc học hành, một sự kiện lớn đã làm thay đổi cuộc sống và ước mơ của tôi, đó là tình yêu. Người đẹp mà tôi mơ tưởng là cô Tuyết Hoa, sinh viên nămthứ nhấtcủa trường Y khoa Sài Gòn. Tôi gặp cô ấy trong lúc giúp đỡ các sinh viên năm thứ nhất đi giải phẩu xác chết ở Cơ thể Học viện. Cô bé vừa ngoan vừa xinh đẹp như một con búp bê Nhật-Bản.

Tôi tự thầm nhủ trong lòng là sẽ cố gắng học để đoạt chức thủ khoa kỳ thi nội trú sắp tới, như một món quà tặng cho người đẹp nhưng thực tế và ước mơ thì hoàn toàn khác nhau. Trong kỳ thi nội trú sắp đến, đối thủ của chúng tôi là một nhóm bạn được sự hướng dẫn tận tình của giáo sư Trần Văn Bản ở Bệnh viện Nguyễn Văn Học (Gia Định). Một bên có người hướng dẫn chỉ đạo, còn một bên thì phải tự học, chưa thi thì ai cũng biết bên nào sẽ là người đoạt giải.

Tôi đậu vào nội trú thứ hạng 3 sau bác sĩ Nguyễn Lương Tuyến và bác sĩ Trần Đình Đôn, học trò giỏi của bác sĩ Trần Văn Bản. Mối tình đầu của tôi đã tan vỡ theo thời gian vì tôi quá bận rộn với việc học và việc thực tập trong khi làm nội trú bệnh viện. Quả là “tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở; đời mất vui khi đã vẹn câu thề!”

Vào cuối năm thứ 4 nội trú bệnh viện, tôi trúng tuyển trong kỳ thi tuyển chọn làm giảng nghiệm viên của trường Đại học Y khoa Sài Gòn về môn sản phụ khoa. Với sự cần cù nhẫn nại và tinh thần cầu tiến, chịu khó học hỏi, tôi gần như hoàn thành được giấc mơ làmbác sĩ để phục vụ cho đồng bào và đất nước, và trong tương lai sẽ là giáo sư của trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Con đường của tôi trong tương lai sẽ đầy hoa gấm với tiền bạc và danh vọng trongtay, tôi sẽ thực hiện những gì mà tôi muốn, chỉ có một chuyện buồn là tan vỡ mối tình đầu. Nhưng tôi tin tưởng với thời gian sẽ gặp được một người đẹp khác sẽ cùng tôi chung hưởng trong hạnh phúc và vinh hoa..

Nhưng...

Tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, giấc mơ và cuộc sống của tôi đã thay đổi với cuộc chiến tranh tàn khốc huynh đệ tương tàn.

Sau khi tốt nghiệp 4 năm nội trú bệnh viện, tôi cũng như tất cả những người thanh niên khác sau khi tốt nghiệp đại học, chỉ có 2 con đường để chọn. Hoặc nhập ngũ tòng quân hay do một lý do đặc biệt nào đó như con một, hoặc là giáo sư biệt phái, thì sẽ được miễn hoặc hoãn quân dịch.

Tôi đã được chính thức tuyển chọn vào chức giảng nghiệm viên của trường Đại học Y khoa Sài gòn , trên giấy tờ tôi cũng sẽ được miễn dịch và ở lại trường tiếp tục công việc huấn luyện và giảng dạy cho các sinh viên. Không biết vì lý do gì, tôi đã bị sót tên trong danh sách được miễn dịch của trường.

Tôi làm đơn khiếu nại lên bộ Quốc Phòng qua sự can thiệp của Khoa trưởng trường Đại học Y khoa Sài Gòn là Giáo sư Phạm Văn Chiêu. Thay vì giúp tôi bổ túc giấy tờ, thầy Chiêu lại nói chuyện “tái ông mất ngựa.” Theo thầy, biết đâu, trong cái rủi lại có cái may và hơn nữa, đi tòng quân giúp nước trong một thời gian ngắn, đó là mộtsự hãnh diện và là bổn phận của người thanh niên trong lúc đất nước đang bị chiến tranh, để bảo vệ tự do và màu cờ của tổ quốc. Sau hai năm làm xong bổn phận, thầy bảo đảm với tôi rằng sẽ được chính thức nhận giấy tờ giải ngũ và biệt phái về lại trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Ngẫm nghĩ lại, ở lại trường đại học đảm nhiệm công việc dẫn dắt các đàn em, hay nhập ngũ tòng quân, cứu giúp phục vụ các thương bệnh binh, đó cũng là mộttrong những niềm mơ ước và hãnh diện của tôi là sinh ra và lớn lên, được phục vụ cho đồng bào và tổ quốc. Thế là tôi lên đường.

Sau một tháng huấn luyện thao diễn cơ bản ở quân trường, tôi được chính thức thuyên chuyển về Quân y viện Qui Nhơn thuộc Vùng II chiến thuật, nơi dầu sôi lửa bỏng, với chức vụ trung-uý bác sĩ giải phẩu quân y (09/1972).

Trong công việc hằng ngày ở quân y viện, tôi đã thấy tận mắtnhững thảm cảnh đau buồn của chiến tranh. Những hình ảnh cha mẹ già lặn lội từ các nơi xa xôi đến quân y viện, chờ đợi để chăm sóc cho những người con thương mến của mình đang giành giựt sự sống với tử thần trong phòng mổ hay phòng hồi sức. Những người vợ trẻ, những người quả phụ lăn lộn bên xác chết của người chồng thương yêu, những đứa trẻ mồ côi lang thang trước quân y viện để xin ăn và không có nơi nương tựa.

Tinh thần của tôi bị dằn vặtvà đau xót về các thảm cảnh tàn khốc của chiến tranh, tôi nghĩ lại chuyện tôi đi quân đội cũng là một cơ hội tốt để thử thách và rèn luyện thêm cho bản thân, cho tinh thần của mình được cứng cáp và vững vàng hơn. So sánh với tất cả những người cùng lứa tuổi của tôi, tôi còn có quá nhiều may mắn hơn cả trăm ngàn người khác đang phải hy sinh tính mạng để bảo vệ tự do và quyền sống của con người, trong đó có tôi và cả gia đình tôi nữa.

Để trả ơn lại, tôi phải làm gì để giúp đỡ đồng bào và đất nước của tôi, nhằm xoa dịu và hàn gắn những đau thương mất mát nầy, trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Tôi đã tự nguyện hiến dâng cuộc đời của tôi cho tự do và cho sự sinh tồn của tổ quốc. Trong công việc hằng ngày, tôi đã cố gắng làmtròn bổn phận của người thầy thuốc, tận tâm phục vụ cứu chữa các thương bệnh binh và gia quyến của họ , những người đã hy sinh tính mạng và thân xác của mình cho cuộc chiến đại nghĩa .

Ngoài công việc hằng ngày trong quân y viện, tôi đã vào trại cùi ở Qui Hòa để giúp các mẹ người Pháp, chăm sóc cho các bệnh nhân bị bệnh phong cùi đã bị người đời hất hủi và xa lánh do sợ bị lây truyền bệnh Tôi cũng chia sẻ thời gian để thăm hỏi và chăm sóc sức khoẻ cho các em bé ở Cô nhi viện Ghềnh Ráng (Qui Nhơn). Thêm vào đó, tôi đã bí mật giúp đỡ cho mộtngười bạn cố vấn Mỹ, mà tôi quen biết trong công việc, chuyển dịch các văn bản tài liệu
tịch thu được từ Việt-cộng.

Chính từ những văn bản tịch thu được của địch, tôi đã hiểu thêm về những âm mưu thâm độc của Việt cộng trong những chuyện như lợi dụng tôn giáo, sự khờ dại và thiếu suy nghĩ của đàn bà và trẻ em trong những vụ khích động quần chúng, khủng bố phá hoại sự an ninh và nền kinh tế của địa phương, những âmmưu và dự tính thảm sátcác đồng bào vô tội và các bạn bè chiến hữu trong các vùng bị địch tạm chiếm, như điển hình trong vụ tết Mậu thân 1968.

Những đồng nghiệp và bộ chỉ huy quân y viện không hiểu về tôi nên đã chế nhạo tôi là một người khùng và không thực tế, có hoàn cảnh và có phương tiện nhưng không biết hưởng thụ. Nhưng dù có ai nói ra , nói vào, tôi vẫn cố gắng làm những gì tôi có thể làm được để giúp đỡ và xoa dịu những nổi đau khổ cho đồng bào ruột thịt của tôi
Tháng Ba đen và
những năm tháng tù trong, tù ngoài

Vào giữa tháng 3/1975, 2 tháng trước khi Sài-Gòn thất thủ, vì những lý do gì tôi không hiểu rõ, toàn bộ hành chánh an ninh của thành phố Qui Nhơn, bao gồm các công sở của chính quyền Sài-gòn , trong đó có cả quân y viện, đã rút chạy trong đêm 10/3/1975. Dân chúng trong thành phố hoang mang và hoảng sợ, vội vã thu dọn đồ đạc di chuyển về phía nam, nơi mà họ tin tưởng sẽ được bảo vệ và an toàn hơn.

Một sự thật mỉa mai và xấu hổ là trong khi toàn bộ thành phố hoàn toàn bị bỏ trống như rắn không đầu, bên ngoài cuộc chiến vẫn diễn Ra ác liệt, sư đoàn 22 vẫn tiếp tục trấn thủ và bảo vệ các vùng ngoại ô của thành phố. Chán ghét một chế độ hèn nhát, phản bội và đầy rẫy tham ô thối nát, trên đội dưới đạp, không nhân nghĩa, tôi tự suy nghĩ về một tương lai bất ổn của tôi và cái thảm cảnh được làm vua, thua làm giặc. Đầu óc tôi quay cuồng với ý nghĩ đi hay ở lại.

Những người y-tá trẻ ở địa phương, sanh Ra và lớn lên ở vùng đất Nam- Ngãi- Bình-Phú, hiểu rõ sự tàn ác, dã man của Việt cộng đối với tù binh địch, đã đến giúp ý kiến và khuyên tôi nên sáng suốt trong sự định đoạt sinh tử nầy. Tôi có lúc bị ngã lòng, nhưng rồi nhìn những chiếc trực thăng lên xuống, tiếp tục chở bệnh binh đến quân y viện, phòng cấp cứu thì đầy thương bệnh binh không có chỗ nằm, tôi đã trấn tỉnh lại tinh thần và quyết định làm chiến sĩ trong thời chinh chiến, lấy DA ngựa bọc thây, sống cùng nhau sống, chết cùng nhau chết, tôi không thể phản bội lại những người thân, những người bạn không quen biết đã hy sinh đem xương máu của mình để bảo vệ cho sự an toàn của tôi và cho đất nước. Tôi chấp nhận ở lại bệnh viện tiếp tục cùng bạn bè và các thương bệnh binh cho đến lúc bộ đội miền Bắc vào tiếp thu quân y viện ngày 20/3/1975.

Trong buổi lễ bàn giao bệnh viện cho bộ đội miền Bắc, tôi đã bị kết án trước mặt các anh em y tá đồng nghiệp -- những người đã tình nguyện ở lại giúp đỡ tôi trong công việc chăm sóc thương bệnh binh- là Việt-gian, phản quốc vì đã cấu kết với người ngoại quốc (Pháp và Mỹ) để phá hoại nhà nước và cách mạng!

Bốn năm tám tháng ở trại cải tạo Kim Sơn ( Nghĩa Bình), tôi đã phải cắn răng chịu đựng những sự đau khổ, nhục nhằn cả về thể xác lẫn tinh thần của một người thua cuộc, phải làm nô lệ trong địa ngục trần gian. Trong mọi hoàn cảnh, tôi đã tận dụng những khả năng tôi có và một trái Tim thương yêu để chia xẻ và giúp đỡ cho những người cùng cảnh ngộ như tôi.

Sau khi Ra trại cải tạo, tôi nghĩ là cuộc đời tôi sẽ tương đối khá hơn trong trại, nhưng sự thật lại khác hẳn, tôi đã sống trong sự kềm kẹp của công an và chính quyền địa phương, vì tôi là "Việt gian phản quốc".

Mọi người trong địa phương, chỗ tôi tạm trú, đã dần dần xa lánh tôi vì sợ phải liên lụy, ngay cả đến bạn bè cũ của tôi cũng vậy. Trong đầu óc tôi lúc nào cũng bị ám ảnh cái viễn cảnh một ngày nào đó tôi sẽ bị bắt trở lại trại cải tạo và sẽ chết mòn, chết dần trong chốn ngục tù của cộng sản.
Trong lúc tuyệt vọng, một trong những người bạn của tôi là bác sĩ Ngô Anh Tuấn đã giúp đỡ tôi tìm được một việc làm ở trạm y-tế duyên hải, huyện Cần Giờ thuộc thành phố Sài Gòn đã đổi tên.

Đó là một hòn đảo cô quạnh trong cửa sông Đồng-Nai xuôi Ra biển Đông, người dân trên đảo đều là thành phần gạo cội "cách mạng" trong thời chiến tranh chống Mỹ và đánh "ngụy". Tôi đổi Ra đây như một người tù bị giam lỏng, nhưng tinh thần của tôi cảm thấy thoải mái hơn, vì tôi thoát khỏi cảnh phải ghi chép hằng ngày tên tuổi của những người tôi tiếp xúc, với lý do và mục đích, rồi lại nhức óc khi phải trả lời các câu hỏi vào mỗi cuối tuần tại công-an phường cai quản, sau khi họ đọc bản báo cáo hằng tuần mà tôi nộp lên cơ quan. Ngoài Ra, với phương tiện chuẩn và khám bệnh khó khăn vì thiếu thốn dụng cụ y-tế, nhưng tôi còn có cơ hội để phục vụ đồng bào quần chúng với nghề nghiệp chuyên môn của mình. Một lần nữa với bản tính thật thà và nhân hậu, làm việc phục vụ quần chúng với tình thương mến và bất vụ lợi, chẳng mấy lúc tôi đã chinh phục được sự tin yêu và cảm mến của đồng bào và chính quyền địa phương. Họ không còn đối xử với tôi như một tội nhân mà là một ân nhân cho chính bản thân và gia đình của họ. Thông cảm đến niềm đau xót và tủi nhục của một người trí thức sinh ra không hợp thời, sau cùng họ đã mở cửa giúp tôi một con đường đi tìm tự do một cách an toàn.

Vượt thoát tối tăm, làm lại cuộc đời

Sau 11 ngày đêm lênh đênh trên biển, trong lúc nửa tỉnh nửa mê, không lương thực và thực phẩm, tôi nằm trong một góc hầm tàu đầy rác và dơ bẩn, tôi và các hành khách đi trên tàu vượt biên đã được tàu hải quân Indonesia cứu vớt. Vì bị sưng phổi và nhiễm trùng mắt và da trên biển, nên sau khi được cứu vớt, tôi đã được đưa vào bệnh viện của trại tỵ nạn Tanjung Pinang cứu chữa.

Sau khi bình phục, tôi đã được các bác sĩ của hội Hồng Thập Tự Quốc Tế và các bác sĩ Việt Nam tỵ nạn trên đảo, bầu lên làm Trưởng ban y tế của trại, đại diện cho người tỵ nạn. Trong khoảng thời gian 9 tháng ở trại tỵ nạn, tôi đã làm mối dây liên kết giữa ban y tế của hội Hồng Thập Tự Quốc Tế và các bác sĩ Việt-Nam tỵ nạn, cùng chung tay lo công việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào tỵ nạn.

Trong thời gian ở trại tỵ nạn tôi đã gặp được người bạn ý trung nhân qua sự tiếp xúc và giúp đỡ của bạn bè và cũng trong thời gian nầy tôi đã học thêm ngoại ngữ, sau cùng tôi được phái đoàn Mỹ phỏng vấn và chấp thuận cho tôi được định cư tại Hoa-Kỳ, và tôi rời trại tỵ nạn đi định cư vào cuối tháng 7 năm 1980.

Trái đắng và quả ngọt trên bước đường xây dựng cuộc đời mới

Tôi cũng như đại đa số các đồng bào tỵ nạn, khi đến nước Mỹ chỉ với hai bàn tay trắng, không bà con ruột thịt và không nơi nương tựa, nhưng rồi với ý chí phấn đấu và chịu đựng gian khổ, tôi đã vượt qua bao nhiêu trở ngại và khó khăn để tạo dựng nên một gia đình yên vui và hạnh phúc, có một nghề nghiệp vững chắc và là một người công dân tốt phục vụ cho xã hội và cộng đồng.

Cám ơn Thượng đế, bạn bè và những người thân hai bên nội và ngoại đã giúp đỡ tôi và gia đình vượt qua bao nhiêu khó khăn để có được ngày hôm nay. So với bạn bè, tôi không giàu có bằng họ , nhưng tôi cảm thấy sung sướng và vui hưởng với những gì mà tôi và gia đình tôi đã tạo dựng nên. Nhìn con cái tôi một ngày một lớn, cố gắng học hành, chăm lo cho tương lai và sự nghiệp, đó là niềm vui và là niềm hãnh diện của tôi.

Dạy học là một trong những ước mơ hoài bão mà tôi mơ tưởng ngay từ thuở thiếu thời. Ngạn ngữ có câu, muốn có thu hoạch tốt, một năm trồng lúa , mười năm trồng cây và một trăm năm trồng người. Tôi muốn chia sẽ những kinh nghiệm bản thân, những điều mà tôi học hỏi, thu nhặt được qua nhiều năm trong nghề và trong sách vở, cho những người trẻ tuổi tập tểnh bước vào nghề.

Tôi không muốn họ bước vào con đường cũ đầy gian khổ mà tôi đã đi qua, đã vấp phải. Vì quá tự tin, thiếu suy nghĩ trong khi hoạch định, tôi đã phải rơi vào một đường hầm không có lối thoát, thiếu điều mất tất cả những gì mà tôi đã trải qua, phải trả bằng máu và nước mắt để cố gắng xây dựng một tương lai, trong đó có cả nghề nghiệp và hạnh phúc gia đình.

Vào khoảng năm 1984, 4 năm sau khi định cư ở Mỹ, tôi đã được tuyển vào làm nội trú không công cho Bệnh viện Thương phế binh ở Los Angeles (VALAMC). Sau 4 tháng theo học lớp Radiology do thầy Jorgen ở UCLA tổ chức cho những bác sĩ người nước ngoài đến tỵ nạn ở Mỹ, vì nhiều lý do đã không được may mắn chính thức làm lại ngành nghề cũ của mình. Những người trúng tuyển qua kỳ thi tuyển sẽ được đi làm nội trú ở bệnh viện VALAMC một năm không lương. Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ chính thức có bằng hành nghề tại tiểu bang California.

Thay vì ra hành nghề mở phòng mạch để kiếm tiền nuôi gia đình, tôi có tham vọng muốn tiến xa hơn bằng cách xin thầy Jorgen cho tham gia chương trình Radiology để trở thành bác sĩ chuyên khoa quang tuyến, bằng cách tự nguyện ở lại bệnh viện VALAMC thêm 4 năm nữa và làm việc không công.

Tôi nghĩ với ý chí ham học, cầu tiến, chịu khó và với hoài bão đã sống sót trong trại cải tạo và trại tỵ nạn, mang thân qua xứ người thì tôi phải làm một cái gì khác hơn với các bạn đồng hành. Vì tự cao, tự đại, không để ý đến khả năng và tài sức của chính bản thân mình, và bị mờ mắt với cái ảo ảnh của một tương lai chói lòa đã làm cho tôi trở thành mù quáng và ngu xuẩn. Vì khi va chạm vào thực tế, mới thấy sự thật lúc nào cũng phũ phàng.

Khi vào trong chương trình, các người bác sĩ tu nghiệp cùng khóa hay lớn hơn, phần lớn là người dân bản xứ tốt nghiệp đại học ở đây, họ đã coi thường tôi, xem tôi như một người ngu, không biết tự lượng sức mình, đã dốt mà còn muốn trèo cao, nhất là nói ngoại ngữ không thông thạo thì làm sao có thể đảm nhiệm chức vụ của một bác sĩ quang tuyến.

Một nghề nghiệp, ngoài kiến thức chuyên môn ra , cách ăn nói và giao tiếp với các bác sĩ đồng nghiệp, các bác sĩ không cùng ngành nghề và với bệnh nhân chiếm một phần tối quan trọng. Thêm vào đó, các bác sĩ trong ban giảng huấn của bệnh viện và các bạn tu nghiệp trên hoặc dưới lớp đã coi tôi như một người cấp dưới. Họ đã lợi dụng vào sự yếu kém của tôi, bắt tôi phải làm những công việc mà họ không muốn làm trong lúc đi thực tập, như chụp hình quang tuyến, đọc films và trực gác, vì những công việc nầy vừa nhàm chán và vừa tốn kém quá nhiều thì giờ nên không mấy ai thích làm.

Học hỏi các môn học mới trong ngành quang tuyến như CT, SONO, và MRI, đi dự các buổi thuyết trình ngoài bệnh viện để mở mang thêm kiến thức và lấy thêm kinh nghiệm, được coi là ưu tiên độc quyền của họ vì tôi thuộc diện làm việc tự nguyện không công cho bệnh viện.

Phóng lao thì phải theo lao, tôi nghĩ rồi đây với thời gian, một ngày nào đó, có cơ hội và phương tiện, tôi sẽ học hỏi thêm để giúp cho tay nghề thêm phần vững chắc. Vào cuối năm thứ 3 của chương trình huấn nghệ, tôi bắt đầu lo sợ cho một tương lai u tối mà tôi phải đương đầu. Làm sao tôi có thể mưu sống với một tay nghề quá yếu kém và không kinh nghiệm, thêm vào đó một khuyết điểm lớn là thiếu khoa ăn nói trong công việc giao tiếp với bệnh nhân và đồng nghiệp, vì không thông thạo ngoại ngữ.

Để giải quyết vấn đề, tôi nghĩ có hai cách chọn lựa, một là đăng ký vào quân đội, hai là tham gia vào chương trình của các bác sĩ tự nguyện đi phục vụ cho các quốc gia ở xa một thời gian để lấy thêm kinh nghiệm và học hỏi. Sau cùng tôi đăng ký vào US AIR FORCE với một niềm hy vọng mong manh sẽ được các bạn đồng nghiệp giúp đỡ tôi trong những bước đầu đầy khó khăn nầy.
Sau 4 năm với tất cả sự cố gắng có giới hạn, tôi đã ra trường tựa như một đứa trẻ mới chập chững biết đi trong ngành nghề chuyên môn của mình. Đó là bước đầu tiên cho cuộc thử lửa đầy cam go sắp tới mà tôi phải hứng chịu.

Tốt nghiệp chương trình huấn nghệ, nhưng vì không được huấn luyện chỉ bảo kỹ càng, không có nhiều kinh nghiệm, chỉ trong vòng 6 tháng hành nghề, tôi đã bị tước bỏ tất cả các chỉ tiêu hành nghề của người bác sĩ chuyên khoa quang tuyến về những lỗi lầm mà tôi mắc phải. Để bảo vệ danh dự, uy tín và nghề nghiệp của mình, tôi đã phải dành nhiều thì giờ hơn để làm việc, đọc thêm sách báo và tài liệu học về chuyên môn của mình. Tôi đã hạn chế và rút ngắn lại thời gian nghỉ hè cùng với gia đình. Tôi đã lợi dụng những quyền lợi của US AIR FORCE mà tôi có, đi đến các bệnh viện lớn của quân đội ở Texas và California trong những ngày nghỉ, để trao đổi kiến thức và học hỏi thêm và cũng để chuẩn bị cho kỳ thi vấn đáp của Radiology Board.

Những việc này đã gây nên sự hiểu lầm giữa tôi và gia đình, nhất là với vợ tôi vì đã phải một mình gánh vác công việc gia đình trong lúc tôi đi vắng. Đền bù lại, có công mài sắt, có ngày nên kim.

Sau 4 năm vất vả mài dũa trong quân đội, dần dần tôi có đủ những gì mà tôi muốn, ngoại trừ sự hiểu lầm giữa tôi và gia đình.

Tôi thường nói với các sinh viên đi thực tập trong bệnh viện, muốn làm một người bác sĩ giỏi thì ngoài sách vở, mình cần phải học hỏi thêm kinh nghiệm của các đàn anh, rất là cần thiết trong sự tạo dựng tương lai nghề nghiệp của mình. Không có ai chê cười hoặc cảm thấy xấu hổ khi hỏi các bậc đàn anh những điều mà mình không biết. Ngạn ngữ ta có câu con có khóc thì mẹ mới biết con đói. Khi bị các sinh viên chất vấn, tôi thấy đó là một dịp tốt cho tôi cầu tiến. Nếu tôi không biết thì vào thư viện mở sách vở ra, đọc và tham khảo để tìm đúng câu trả lời.

Một người có giỏi và có tài năng mấy đi chăng nữa, nếu cứ làm một công việc nhàm chán hằng ngày, đầu óc và kiến thức của họ dần dần sẽ bị lụn bại với thời gian. Dạy học và dành nhiều thì giờ tìm tòi tra cứu sẽ giúp đầu óc và kiến thức luôn luôn được bén nhạy, và thích ứng với nhu cầu tiến bộ. Tôi thường tự hào nói với các sinh viên thực tập, thể chất của tôi bị suy kém vì tuổi tác, nhưng đầu óc và trái tim của tôi vẫn còn sáng suốt, bén nhạy và đầy sinh lực của một người thanh niên.

Truyền đạt những kinh nghiệm, sự hiểu biết của mình cho thế hệ đàn em là một niềm cao quý và hãnh diện. Chúng ta hằng ngày tiếp xúc với bao nhiêu người, nhưng rồi với thời gian, tên tuổi của những người nầy sẽ lần lượt đi vào dĩ vãng và bị quên lãng. Ngược lại sau bao nhiêu năm, chúng ta vẫn còn nhớ đến tên các thầy hay các cô giáo dạy lớp mẫu giáo vỡ lòng. Những người nầy đã âm thầm cống hiến cho xã hội và tổ quốc biết bao nhiêu mầm non, nhân tài cho đất nước.

Tôi cũng thường nói với các sinh viên thực tập, tôi không phải là thầy giáo của họ, mà là một người đàn anh đi trước, sẵn sàng dẫn dắt những người đi sau. Bổn phận của tôi không phải chỉ dạy cho họ những bệnh trạng hiếm hoi, chỉ thấy trong sách vở hay chỉ gặp một hay hai lần trong suốt cuộc đời hành nghề làm bác sĩ, mà trách nhiệm của tôi trong việc chỉ dạy sinh viên như là một người giàu kinh nghiệm giúp họ trong việc xây dựng một ngôi nhà kiến thức, trước hết là tạo dựng một cái nền móng vững chắc, sau đó với thời gian, kinh nghiệm, học hỏi và tìm hiểu thêm, dần dần họ sẽ có ngôi nhà kiến thức to lớn, vững chãi rất cần thiết đối với ngành nghề mà họ theo đuổi.

Ngay từ thuở thiếu thời, cha mẹ tôi đã chỉ dạy và làm gương cho tôi biết thế nào là tình thương, thế nào là cách chia sẻ cùng những người kém cảnh ngộ, cho họ có một phương tiện, một cơ hội tốt để vươn mình lên. Ba mẹ thường nói với tôi những câu nói như “một miếng khi đói bằng một gói khi no” hay “lá lành đùm lá rách.” Những lời chỉ dạy đó đã dần dần ăn sâu và thấm nhuần vào tiềm thức của tôi và là những bài học có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của tôi sau nầy.

Gia đình và sự nghiệp

Sau 4 năm phục vụ trong US AIR FORCE, tôi và gia đình đã chính thức định cư tại New York (1995). Gần 20 năm phục vụ trong ngành quang tuyến ở New York, tôi đã cố gắng làm tròn bổn phận của một người thầy thuốc giỏi và có nhiều uy tín trong công việc chuẩn đoán bệnh trạng và là một người thầy, một người đàn anh luôn tận tâm hướng dẫn cho sinh viên thực tập.

Với bản tính cần cù, nhẫn nại, hòa đồng, biết người biết ta, tôi được các bạn bè trong bệnh viện gọi tôi bằng tên thân mật là DOCTOR YES. Tôi làm việc không kể thời gian và không tính toán, không phân biệt chuyện lớn hay chuyện nhỏ, mỗi khi tôi hứa là tôi sẽ hết lòng làm tròn công việc được giao phó. Tôi phục vụ bệnh nhân xem họ như một người bạn hay một người thân trong gia đình. Chỉ tiêu của tôi là không muốn người khác làm cho tôi đau đớn hay khổ sở, thì tại sao tôi lại làm cho người khác phải đau khổ vì tôi. Không cằn nhằn cau có, lúc nào tôi cũng làm việc với nụ cười trên môi, và một tinh thần động viên khích lệ những người y-tá làm việc chung với tôi. Trong mọi hoàn cảnh tôi đã cố gắng làm tròn bổn phận và chức vụ mà xã hội đã giao phó, và tôi cố gắng giữ gìn tư cách của một người công dân gương mẫu, một người thầy thuốc giỏi có lương tâm, một bậc đàn anh và là một người thầy tận tâm hướng dẫn cho các sinh viên.

Trong gia đình vì có sự khác biệt quá lớn về tuổi tác của tôi với các con, vì bận rộn với công việc làm ăn sinh sống, tôi không có nhiều thời gian gần gũi với con cái , nhất là khi chúng sắp bước vào trung học và lên đại học. Nhưng tôi cũng cố gắng làm hết sức mình với bổn phận làm chồng và là một người cha hiền và gương mẫu.

Tôi gặp vợ tôi ở trại tỵ nạn Tangjung Pinang qua sự giới thiệu của một người bạn thân là bác sĩ Tăng Quang Kiệt, hiện đang định cư ở Montreal (Canada). Chúng tôi lập gia đình sau 7 năm quen biết, khi hoàn cảnh và tài chính cho phép.

Một năm sau, chúng tôi có cháu Lisa. Bận rộn với công việc mưu sinh và học hành, cháu Lisa mới sanh được vài ngày, đã được tôi mang vào bệnh viện trong lúc tôi trực gác. Cháu rất ngoan không quấy rầy tôi nhiều; khoảng được 5 tháng, cháu được gửi ở nhà trẻ ban ngày, nhưng ban đêm cháu lại được mang vào bệnh viện chỗ tôi đi thực tập và đang chuẩn bị thi viết ra trường, để thuận tiện cho tôi vừa chăm sóc cháu, vừa làm và vừa học.

Mặc dù cháu được chăm sóc chu đáo, nhưng cháu phát triển chậm, đến 15 tháng tuổi, cháu cũng chưa biết đứng và nói chuyện được, may mà lúc đó có cha mẹ vợ và gia đình sang Mỹ qua chương trình đoàn tụ. Nhờ sự chăm sóc tận tụy của ông bà ngoại, chẳng bao lâu sau cháu đã phát triển và tăng trưởng bình thường. Tôi nghĩ là nếu không có sự hổ trợ và giúp đỡ về tinh thần của ông bà ngoại và gia đình bên vợ, chúng tôi không thể nào có thêm các cháu khác.

Ba năm sau, chúng tôi có thêm cháu Brenda, sau đó có thêm một cháu trai Bryan. Ngoài ba cháu ra , tôi còn nhận làm cha đỡ đầu cho Christopher Mao, là con thứ ba của anh vợ tôi. Tôi nhận làm cha đỡ đầu cho cháu, khi bố của cháu bị bệnh nặng, ung thư trực tràng, đang chờ ngày lên phòng mổ, để trả ơn cho bố mẹ cháu đã cho tôi chỗ ở, và nương tựa, khi tôi mới ở New York về lại California (1982), trên đường tìm kiếm một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn.

Trong các con của tôi, bàn luận về học hành và tánh tình, cháu Bryan tương đối là xuất sắc và khôn ngoan nhất, cháu Lisa đã tốt nghiệp 4 năm đại học và đang chọn trường đi học thêm về ngành luật. Cháu Brenda năm nay là năm cuối của college; cháu ham chơi hơn các anh chị, tính tình không được vững chãi và bướng bỉnh hơn các anh chị, nhưng được cái là cháu rất thông minh. Tôi và vợ tôi rất lo ngại về cháu, nhưng gần đây nghe cháu chuẩn bị dự thi M CAT vào dịp hè năm nay (2013) đã làm cho chúng tôi bớt lo lắng nhiều về tương lai của cháu. Cháu Bryan năm nay học năm thứ 3 của college, cháu cũng sẽ dự thi M CAT vào kỳ nghỉ hè sắp tới cùng với người chị. Cháu Chistopher đã ra trường, tốt nghiệp PA, hiện nay cháu đã có nghề nghiệp vững vàng.

Nhìn các con một ngày một lớn, cố gắng học hành, xây dựng sự nghiệp và tương lai, chúng tôi cảm thấy đó là một nguồn an ủi và hãnh diện của gia đình.

Với tuổi của tôi, tôi không có hy vọng nhìn các cháu trưởng thành, có nghề nghiệp vững chắc, phục vụ cho xã hội và quần chúng, và thành gia thất. Nhưng tôi đã mãn nguyện vì đó là những điều mà tôi luôn mong ước. Với một số tiền khiêm nhường mà tôi để dành, tôi cũng đã thiết lập xong một học bổng cho cháu nội, cháu ngoại nào học hành xuất sắc nhất trong đám con cháu sau nầy; đó là một món quà tặng nhỏ của tôi cho thế hệ con cháu tương lai mai sau.
Hoàng hôn nhìn lại

“Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Xưa nay các bậc anh hùng làm nên những chuyện gian nan không AI làm nổi là vì không biết cái khó là gì.”

Câu nói này của ông Nguyễn Bá Học tôi đã nhớ rõ trong một bài học học thuộc lòng năm xưa, từ thời niên thiếu. Tôi không dám mong làm anh hùng, nhưng cố gắng vượt khó khăn để đạt cho được mục đích mình mơ ước thì quả nhiên tôi đã trải qua.

Nhìn lại trong cuộc đời của tôi, từ thưở thiếu thời qua từng giai đoạn một, từ một cậu bé bướng bỉnh, ham chơi trong những năm ở trường tiểu học Lê Thánh Tôn hay trung học Trần Hưng Đạo (Đà Lạt), tôi đã phấn đấu khép mình vào kỹ luật để trở thành một người học trò giỏi .

Rồi những năm cuối của trường trung học đệ II cấp Trần Hưng Đạo (Đà Lạt) và trường Đại học Y khoa Sài Gòn, tốt nghiệp bác sĩ Ra trường với 4 năm nội trú, trở thành một chiến binh phục vụ cho chính nghĩa, tự do và quyền sống của con người. Sau đó làm thân tôi mọi trong cảnh địa ngục trần gian, lưu lạc sang trại tỵ nạn, vất vả trong cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người, để rồi có được một ngày tạo dựng nên một nghề nghiệp vững vàng, được các đồng nghiệp trong và ngoài nghề yêu mến, kính trọng và có được một gia đình ấm cúng.

Đó không phải là một chuyện dễ dàng. Những hạnh phúc vinh quang đó , đã được trả bằng máu và nước mắt , không riêng gì bản thân tôi mà cả vợ con tôi và cả người thân trong gia đình bên vợ tôi đều cùng Chung vai gánh chịu.

Tôi gặp vợ tôi trong những ngày còn ở trại tỵ nạn, tuy Chung sống với nhau, nhưng chúng tôi không có cùng Chung một quan điểm, chính kiến về cuộc sống của gia đình. Tôi là người thích sống hòa mình, làm việc cho cộng đồng và xã hội, vợ tôi thích một cuộc sống thu hẹp giữa các người thân trong gia đình. Tôi không để ý nhiều đến cuộc sống bề ngoài, cuộc đời cũa tôi chỉ cần có đủ cơm ăn , áo mặc, nhưng với một điều là phải có một tinh thần sảng khoái, phóng khoáng và một gia đình an vui, hạnh phúc, đủ làm cho tôi thư thái và thỏa mãn. Vợ tôi là điển hình cho người đàn bà Á-đông, lo lắng cho chồng con, lúc nào cũng mơ đến một cuộc sống yên lành và trầm lặng. Vợ tôi thường chỉ trích tôi, nếu tôi muốn có một cuộc sống như vậy, thì lập gia đình làm gì, để phải làm khổ đến những người thân.

Khi vào nội trú trong bệnh viện thương phế binh ở Los Angeles, vợ tôi khi đó vẫn còn là bạn gái, ngay từ lúc đầu, đã không đồng ý cho tôi tiến thêm một bước nữa trong ngành chuyên môn của tôi. Vợ tôi chỉ muốn có một cuộc sống trầm lặng như các bạn bè đồng nghiệp, chồng mở phòng mạch, vợ đứng bán thuốc là có đủ tiền mưu sinh và lo dạy dỗ cho con cái. Nhưng tôi cố thuyết phục với vợ tôi về những ước mơ trong tương lai, thà chịu cực khổ hy sinh trong một vài năm, sau đó sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn. Sau khi tốt nghiệp chương trình huấn nghiệp, tôi vào quân đội. Vì tự ái, tôi đã không muốn cho vợ tôi phải suy nghĩ thêm nhiều lo lắng về một tương lai bất ổn, nên tôi không nói rõ cho vợ tôi nghe về những khó khăn mà tôi đã vấp phải hằng ngày trong công cuộc mưu sinh. Giữa chúng tôi có rất nhiều chuyện hiểu lầm, thậm chí có thể đưa đến sự gãy đổ trong gia đình.

Thêm vào đó tính tình của tôi từ lúc bị bắt vào trại tù cải tạo và sau ngày Ra trại đã có nhiều thay đổi. Tôi cũng như đại đa số những người lính chiến đấu trên chiến trường hay ở trại cải tạo lâu năm, đã mắc phải một căn bệnh thần kinh mà người at thường gọi là post stress syndrome. Càng bị stress nhiều, tinh thần tôi lại càng bị căng thẳng giao động, tôi không thể kiềm chế được những cơn tức giận và cách ăn nói cộc cằn. Thêm vào đó, ngoài công việc hằng ngày trong bệnh viện, tôi về nhà, thay vì trò chuyện cùng vợ và con cái, tôi lại thích được yên tĩnh, không bị AI quấy rầy, ngồi một mình trong phòng, không muốn nói chuyện với vợ con, mắt thì nhìn vào bức tường với một đầu óc trống rỗng, không suy nghĩ.

Tôi không để ý nhiều đến tiền bạc, nhưng trong đầu của tôi lúc nào cũng nghĩ đến và ám ảnh bởi cái đói trong những năm đi cải tạo. Tôi cảm thấy yên tâm khi tích trữ được nhiều thức ăn, ngay cả trong chỗ tôi làm việc trong bệnh viện. Tôi có bệnh đói con mắt, ăn uống thì không bao nhiêu, nhưng tốn tiền mua các thức ăn về dự trữ, sau một thời gian phải hủy bỏ vì bị hư hỏng và hết thời hạn dùng.

Vợ và các con tôi than phiền tôi hằng ngày, về bản tính kỳ dị, nhưng đó là một triệu chứng tâm thần đã ăn sâu vào xương tủy thì làm sao mà bỏ được. Vợ tôi chê tôi là người mắc bệnh thần kinh, đã qua đến nước Mỹ mà lúc nào cũng có ý tưởng như đang còn trong trại cải tạo của Việt cộng. Tôi không giải thích hoặc có giải thích thì cũng chẳng ai nghe, đành chỉ mỉm cười mà không trả lời.

Tôi cũng cảm thấy ân hận khi con cái của tôi thấy cha mẹ xào xáo vì những chuyện hiểu lầm không đâu. Nhưng tôi hy vọng một ngày nào đó, khi chúng trưởng thành, sẽ hiểu, thông cảm, và sẽ thương cha chúng nó nhiều hơn. Đó cũng là một trong những động lực đã thúc đẩy tôi viết lại cuốn hôi ký nầy, để khi các con tôi có thời gian ôn lại quá khứ, sẽ hiểu nhiều hơn về người cha của mình, học hỏi thêm và tránh xa những lỗi lầm mà cha mình đã mắc phải khi còn trẻ .

Tôi nhớ đến một bài hát của Phạm Duy: “Tôi yêu đất nước tôi, từ khi mới ra đời ...” một đất nước nhỏ với một dân tộc anh hùng và bất khuất. Tổ tiên chúng ta đã phải mất ngàn năm chống lại sự đô hộ của nước Tàu, mất cả trăm năm mới thoát được ách đô hộ của người Pháp, dành lại tự do, độc lập cho đất nước. Sau một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn trên 20 năm, tôi là một trong những người thua trận của chế độ cũ, vì không đất sống phải đau lòng bỏ nước ra đi. Kể lại cuộc chiến tranh tàn khốc nầy cho con cái của tôi cũng như đem đàn gảy tai trâu.

Cũng không trách được vì các cháu sanh ra và lớn lên ở đây, hấp thụ một nền văn hóa khác biệt với chúng tôi. Hơn nữa cuộc sống của các cháu cũng rất là khó khăn mà các cháu phải đương đầu hằng ngày trong công việc tạo dựng tương lai cho mình. Đất nước tôi bên kia bờ đại dương và tổ tiên của tôi, là những cái gì quá xa lạ với các cháu. Tôi chỉ hy vọng một ngày nào đó, khi các cháu đã trưởng thành sẽ có thời gian ngẫm nghĩ lại và nhớ về cội nguồn. Còn tôi ăn cơm vua, hưởng lộc vua, uống nước phải nhớ nguồn. Đầu óc của tôi lúc nào cũng nhớ nhiều về quá khứ.

Những hình ảnh từng chiếc trực thăng hằng ngày đáp xuống bên hông cửa bệnh viện, phòng cấp cứu lúc nào cũng đầy bệnh binh, các anh em y tá quân y, làm việc không ngại gian lao cực khỗ, lo lắng và phục dịch cho các anh thương bệnh binh, phòng mổ lúc nào cũng tấp nập và bận rộn, phòng hồi sức lúc nào cũng đầy thương binh. Những hình ảnh đó đã đi sâu vào trong ký ức của tôi, nói lên những sự tàn khốc của một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, tình thương và tình huynh đệ chi binh của những người phục vụ.

Tôi còn nhớ đến những nụ cười, những niềm vui của các anh em y tá, của các thượng sĩ trưởng phòng, khi hoàn tất xong những cuộc giải phẫu, đã cứu sống lại rất nhiều bệnh nhân thoát khỏi bàn tay của tử thần, hay cũng đau buồn khi phải bó tay chịu trận để người bệnh rũ áo ra đi. Chúng tôi thương mến nhau như một gia đình nhỏ bé trong quân y viện, có vui cùng vui, có khổ cùng chịu, không hề than vản và trách móc.

Trước khi cuộc chiến chấm dứt, chúng tôi là những người ở lại, đã chứng kiến cảnh tử thi của các anh hùng tử sĩ nằm ngang dọc, trong và trước nhà xác sau quân y viện, cảnh heo và chó đã xé xác các tử thi không người chăm sóc. Tôi cùng với các anh em y tá ở lại đã phải chảy nước mắt, chôn cất các anh hùng tử sĩ đã xả thân vì nước, trong một nấm mộ tập thể dưới chân cột cờ sau bệnh viện. Những hình ảnh đó đã đi sâu vào ký ức và cả trong những giấc mơ của tôi. Tôi còn nhớ trong khi chôn cất các anh em tử sĩ, tôi có hứa với họ sau nầy, khi tôi mất đi, một phần thân xác của tôi sẽ theo cát bụi về với các anh em, với tổ quốc thân yêu mà tôi đã sống và phục vụ.

Tôi cũng còn nhớ trong những ngày cuối cùng, trước khi bệnh viện rơi vào tay Việt cộng, khi các anh em y tá vào báo cho tôi biết, kho lương thực và thuốc men để cấp dưỡng và điều trị cho các thương bệnh binh đã bị mất cắp vì không đủ người canh gác, tôi rất bối rối, lo sợ , không biết làm thế nào để giải quyết vấn đề thiếu thuốc men và lương thực cho anh em đây. Tôi đã phải nhờ các anh em đi từng phân trại bệnh bị bỏ hoang, vơ vét và thu nhặt lại tất cả những loại thuốc men còn bỏ sót lại trong các kho mang về để tiếp tục cứu chữa và điều trị cho bệnh nhân.

Chúng tôi cũng đã cố gắng duy trì lương thực cấp dưỡng cho thương bệnh binh bằng cách cắt giảm khẩu phần của các nhân viên phục vụ, trong đó có cả tôi. Cũng may cho chúng tôi là tình trạng hao hụt đó chỉ kéo dài trong vài ngày. Sau đó, Việt cộng vào tiếp thu bệnh viện, giải tán và trả các anh em y tá về lại nguyên quán, còn các thương bệnh binh thì được chuyển qua bệnh viện dân sự gần bên để tiếp tục điều trị.

Trong những giờ phút cuối cùng đó, tôi rất lấy làm cảm phục về những sự hy sinh cao cả của các anh em y tá trẻ, đã không kể đến hiểm nguy và sự an toàn của bản thân, luôn cả gia đình của họ, đã dấn thân vào một cuộc phiêu lưu không có ngày mai, cùng chung tay giúp sức với tôi trong công việc điều trị và phục vụ bệnh nhân. Họ đã sống và giúp đỡ lẫn nhau với tình huynh đệ chi binh và tình người , có sướng cùng chia, có khổ cùng chịu. Chúng tôi rất lấy làm vinh dự vì đã sống và được phục vụ cho lá cờ tổ quốc, cho sự tự do và bảo vệ nhân quyền.

Hình ảnh các anh em đã âm thầm tủi nhục rời bệnh viện sau ngày bàn giao bệnh viện cho bộ đội miền Bắc cũng đã đi sâu vào ký ức của tôi. Tôi cố ngăn nước mắt khi phải chia tay với các anh em. Tôi cầu nguyện Thượng đế và các vong hồn anh hùng tử sĩ che chở cho anh em được trở về nguyên quán yên lành, và không gặp khó khăn hay trở ngại nào cho một tương lai bất ổn không biết trước được.

Chính trong giờ phút chia tay đau đớn nầy, tôi đã nhận thức được ai là người tốt, và ai là người xấu, ai là người trung và ai là kẻ nịnh. Những người y tá trẻ, không tên tuổi đã tình nguyện ở lại phục vụ cho các thương bệnh binh, đến giờ phút cuối cùng của chế độ, đối với tôi là những người chiến sĩ anh hùng vô danh của quốc gia và dân tộc, đã quên mình hy sinh cho cuộc đại nghĩa và cho tình thương của nhân loại. Thương người như thể thương thân.

Bạn bè và các bà con bên nội và ngoại thường hỏi tôi tại sao tôi phải ở một chỗ xa xôi, lạnh lẽo, ít người biết như mai danh ẩn tích vậy. Đó là một câu hỏi mà câu trả lời đã được tôi cất giữ sâu tận đáy lòng trong nhiều năm nay. Nếu tôi có nói ra thì cũng chẳng ai hiểu hay giúp đỡ gì nhiều, có khi lại làm cho tôi phải đau khổ, bực mình vì sự hiểu lầm, làm liên lụy đến cả tương lai con cái của tôi sau nầy.

Tôi sinh ra và lớn lên trong cuộc chiến tranh khốc liệt, một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, trong đó mọi người trong đất nước, từ miền quê đến thành thị, từ miền Nam ra đến miền Bắc, đã phải đau khổ vì sự mất mát của những người thân, tiêu tan của cải, tài sản, nhà cửa bởi bom đạn của hai bên. Tôi cũng là một thành viên trong cái xã hội đó, đến lúc trưởng thành, nếu ở miền Bắc tôi cũng sẽ phải đi bộ đội, nếu ở miền Nam tôi cũng phải tham gia nhập ngũ vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đi chiến đấu cho màu cờ và sự sinh tồn cùa đất nước và gia đình nơi chúng tôi sinh sống.

Theo lời ba tôi kể, gần một năm sau khi tôi vào trại cải tạo, cả gia đình không ai biết tôi còn sống hay đã chết vì không có thư từ và tin tức gi, có hỏi thì chính quyền địa phương cũng nói là không biết, và ngay cả bác ruột của tôi là thượng tá quân đội Việt cộng hồi hưu cũng giải thích rằng, đi cải tạo như đi huấn luyện ở quân trường vậy, người đi học tập cải tạo được cho ăn uống đầy đủ, học tập theo đường lối của bác và đảng. Sau đó khi tất cả những người học tập cải tạo đã thông suốt chính sách của đảng và nhà nước, sẽ được an toàn trở về nguyên quán với một đầu óc tư tưởng tốt, để cùng chung tay phục vụ xây dựng cho đất nước.

Tám tháng sau, đến ngày lễ sinh nhật "bác hồ" đầu tiên sau khi "thống nhất đất nước", cả nhà mới nhận được bức thơ đầu tiên của tôi, trong đó có ghi địa chỉ chỗ tôi bị giam giữ. Ba tôi mất cả tuần lễ mới xin được giấy tờ do phường khóm ký và xác nhận để đi thăm nuôi tôi. Vấn đề vận chuyển giao thông từ Đà Lạt đến Qui Nhơn lúc đó rất là khó khăn; ba tôi đi xe lửa đến Qui Nhơn, sau đó phải mất cả tuần lễ chờ đợi để làm thủ tục đi thăm nuôi. Ba tôi cùng với những người thăm nuôi khác, đã phải quá giang xe đò chở hàng từ thành phố đến chỗ hẹn ở quốc lộ 1, rồi sau đó được bộ đội hướng dẫn đến trại cải tạo.

Ba tôi cùng với những người thăm nuôi khác, phải băng rừng, vượt suối cả ngày trời mới đến được cổng trại. Lúc đến nơi thì trời đã tối, ông cùng với các người thăm nuôi khác tạm trú ở trong nhà thăm nuôi vừa mới cất. Đó là một nhà tranh vách lá, không đèn không nước. Vì không biết để chuẩn bị trước, nên ba tôi và đại đa số các người đi thăm nuôi đã phải nhịn đói và khát cả ngày trong khi di chuyển. Sáng hôm sau mới chính thức được gặp mặt chúng tôi.

Sau 8 tháng ở trại cải tạo, chúng tôi, những người may mắn không phải chết vì bệnh tật hay bị tra tấn, mặc dù đã được ngụy trang, cho ăn mặc quần áo lành lặn, nhưng dưới mắt ba tôi và những người đi thăm nuôi khác, nhìn thấy rất là tiều tụy và bệnh hoạn, trông giống như những con ma đói trong rừng sâu. Ba tôi nhìn tôi quá xúc động, không nói được lên lời. Tôi vì đã được căn dặn kỷ lưỡng về cách ăn nói trong lúc được thăm nuôi, nên cũng không dám nói nhiều lời. Thời gian gặp gỡ người thân có giới hạn, chẳng mấy chốc giờ chia tay đã đến, chúng tôi âm thầm trở vào trại. Ba tôi ngậm ngùi nuốt nước mắt nhìn chúng tôi trong lúc chia tay.

Trước khi ba tôi rời trại, ông đã cởi cái áo lạnh mà ông đang mặc đưa cho tôi với hy vọng, chiếc áo mong manh nầy sẽ giúp tôi sưởi ấm trong vùng rừng sâu nước độc nầy. Vì bị lừa dối và tuyên truyền, nay thấy được sự thật rất là đau lòng, Ba tôi đã ngã bệnh khi về đến nhà. Ông nói với gia đình là sẽ không bao giờ trở lại vùng đất nầy lần thứ hai. Mẹ tôi vì đường xa, đi lại quá khó khăn, và qua nhiều thủ tục giấy tờ xin phép mới đi thăm nuôi được, nên để giúp tôi trong khoảng thời gian khốn cùng nầy, bà đã cố gắng dùng đến một số tiền lớn ( số tiền nầy ba mẹ tôi dùng để dưỡng già) gửi cho một người bạn gái của tôi ở Qui Nhơn, nhờ đi thăm nuôi, giúp cung cấp thức ăn và thuốc men cho tôi trong lúc bị tù tội.

Cha mẹ vợ tôi cũng đã đóng góp phần không nhỏ trong công cuộc tạo dựng sự nghiệp của chúng tôi ở vùng đất mới nầy. Nhờ sự chăm sóc tận tụy và tình thương của ông bà, cháu Lisa đã nhanh chóng phát triển thành một đứa bé bình thường. Cũng nhờ công ơn chăm sóc, phụ giúp cùa ông bà đối với các cháu, tôi đã yên tâm đi xây dựng sự nghiệp, tạo nên một tương lai vững chắc. Tôi cũng phải cám ơn anh Quốc, người anh lớn trong gia đình vợ tôi, đã cho tôi cư ngụ trong khoảng thời gian tôi mới di chuyển từ New York về California. Các em vợ tôi, Ngọc Ánh, Hải, Tâm, cũng giúp đỡ chúng tôi một phần không nhỏ trong việc củng cố lại hạnh phúc gia đình, vượt qua những cơn sóng gió để tránh khỏi cảnh tan nát cửa nhà bằng cách nâng đỡ và ủng hộ tinh thần cho vợ tôi.

Chúng tôi phải cám ơn đến các bạn bè, nhất là anh chị nha sĩ Lang, đã giúp ý kiến và khuyến khích tôi rời New York về lại California, và anh chị đã mở rộng cửa cho tôi trú ngụ trong những ngày đầu tiên ở nơi đất lạ quê người.

Ở trại tỵ nạn, bác sĩ Ivan và bác sĩ King đã giúp đỡ chữa trị cho tôi, khi tôi vừa được cứu thoát. Các bác sĩ nầy đã khuyến khích và giúp tôi có lại niềm tự tin mà tôi đã mất trong thời gian đi ở tù cải tạo và thời gian sau khi rời khỏi trại cải tạo về đời thường mà thực chất là ra nhà tù nhỏ để vào nhà tù lớn.

Bác sĩ W.Denise ở Bright Light Center (Santa Ana, California) đã giúp đỡ và hỗ trợ tinh thần cho tôi, trong lúc tôi bị tuyệt vọng vì không còn hy vọng gì trở lại nghề chuyên môn cũ. Lời khuyên của ông, tôi còn nhớ rất rõ, "Không có nghề nào gọi là lớn hay là nhỏ. Ví dụ như làm thư ký cho một cơ quan từ thiện, mở một tiệm ăn hay hành nghề y-sĩ, đó cũng chỉ là một phương tiện mưu sinh. Điều quan trọng là làm nghề nào cũng vậy, phải để hết tâm huyết và tinh thần của mình vào công việc, giữ đúng uy tín với khách hàng và người mình phục vụ, và quan trọng nhất là phải cố gắng bảo vệ hạnh phúc gia đình, vì có an cư thì mới lạc nghiệp".

Bác sĩ Jorgen (UCLA), người đã giúp và hỗ trợ cho tôi trở lại nghề nghiệp cũ; bác sĩ Rubeinstein (Cornell MC) đã chịu nhiều áp lực khi cố giữ tôi, trong thời gian chờ đợi bằng hành nghề New York. Binh nhất John mà tôi đã gặp lúc anh còn là sinh viên theo học ngành quang tuyến ở Wichita Fall. Sau khi tốt nghiệp, anh được đổi về làm ở March Airforce Base.

Anh là một nhân chứng sống của cuộc đời nhiều sóng gió và cay đắng của tôi. Trong thời gian hành nghề trong quân đội, với một chức vụ nhỏ, anh chỉ biết ủng hộ tinh thần cho tôi. Khi tôi rời quân đội, anh ấy đã tình nguyện giúp đỡ tôi di chuyển từ California đến New York để tạo dựng một tương lai mới.

Bác sĩ Cavalario, Trưởng Trung tâm Chỉnh hình LMA, người đã cố gắng giúp đỡ tôi qua hiểm nghèo, phục hồi chức năng cho tôi trở lại một cuộc sống bình thường, sau một tai nạn xe cộ gần đây.

Ngoài những bậc ân nhân kể trên, tôi không quên ơn US AIR FORCE. Bạn bè và các đồng nghiệp hằng ngày, đã chia sẽ và ủng hộ tinh thần, giúp đỡ tôi chèo chống qua bao cơn sóng gió, để có được ngày hôm nay.

Đồng thời cũng cám ơn em Trung Nguyễn đã giúp ý kiến cho tôi, biên soạn và hoàn tất những trang hồi ký mộc mạc mà có nhiều ý nghĩa nầy.

Một lần nữa, để có được ngày hôm nay, tôi và gia đình đã phải chịu ơn của biết bao nhiêu người. Chúng tôi luôn cầu nguyện Thượng đế và ơn trên bảo vệ và phù hộ cho những bậc ân nhân đó, như đã bảo vệ tôi và gia đình của tôi vượt qua các cơn sóng to gió dữ của cuộc đời.

Nguyễn Công Trứ