Sàigòn, nhìn lại.


Phạm Văn Phan


Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát.
Bởi vì em mặc áo lụa Hà đông …



Đấy là hình ảnh tươi mát của Sài Gòn mà Thi sĩ Nguyên Sa đã viết, hay Sài Gòn đẹp quá Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi ! mà Nhạc sĩ Y Vân đã reo vui bằng tiếng nhạc. Sài Gòn với những trận mưa ào ào trong khoảnh khắc rồi nắng lại chan hòa, Sàigòn với những tà áo trắng tha thướt của các thiếu nữ nhàn tản trên hè phố Bô na, của các nam thanh gái lịch ngồi uống cà phê ăn bánh ngọt bên quán ven đường nói cười rộn ràng như không bao giờ dứt. Sài Gòn nơi tôi đã sống nhiều năm, từ ngày còn “Độc thân vui tính “ biết bao nhiêu những kỷ niệm vui buồn đã đi qua Nhưng tôi đã rời Sài Gòn vội vã vào một buổi sáng náo loạn; Saigòn không còn những tà áo trắng bay, không còn những trai thanh gái lịch tay trong tay dìu nhau ngoài hè phố; Sài Gòn chỉ còn những toán người quần áo sốc xếch, vẻ mặt ngơ ngác chạy bộ có trên xe có tìm cách bỏ Sài Gòn, bỏ Việt nam để lánh nạn Cộng sản tràn vào. Câu chuyện được bắt đầu, vào cuối năm 1974 tôi đang làm CHT/PB/SĐ25BB ở Củ chi thì được thay thế bởi Trung Tá Phạm hữu Nghĩa để về Sàigòn theo học khóa Cao đẳng Quốc phòng. Viết tới đây tôi phải ngưng giây lát để tưởng nhớ và thầm cảm ơn cố Trung tướng Nguyển xuân Thính CHT/PB/QLVNCH đã tạo cho tôi cơ hội rời khỏi Việt nam một cách an toàn trước khi Cộng sản tới.

Vào cuối tháng 4 năm 1975 thì khóa học được coi như chấm dứt, các khóa sinh được trở về với gia đình nghỉ ngơi chờ tới đầu tháng 5 trở lại trình luận án. Ngày 28 thì Sài Gòn đã náo loạn, các đại đơn vị Cộng sản đã tiến gần sát tới Thủ đô; tất cả mọi người đều tìm đường ra khỏi VN, gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Chúng tôi đã săn sàng khăn gói nhưng đi đâu và đi bằng cách nào thì chưa rõ.

Sáng sớm ngày 29 tháng 4 tôi định gọi điện thoại thì đường dây đã đứt, ngay lúc đó thì bà chị vợ tôi cho người vào Cư xá gọi chúng tôi ra nhà chị. Gia đình tôi và gia đình cô em vợ tôi vội lên xe chạy đi liền, chúng tôi rời khỏi cư xá Chí hòa, lúc đó cổng Cư xá có lính gác ra vào rất khó. Tôi lái xe chạy thẳng tơi nhà chị vợ tôi ở đường Trương minh ký Sài Gòn; khi tới nơi thì mọi người đã tề tựu đông đủ gồm : gia đình anh Bùi văn Lại, gia đình chú Nguyễn thế Lương , gia đình chú Đoàn vĩnh Sơn, tất cả đều yên lặng trong một không khí chờ đới nắng nề; chờ đợi , chờ đợi cái gì ? chờ đợi người ta đến đón đi. Ông anh tôi vừa mới ở Long bình về đang đi đi lại lại ra chiều đăm chiêu trong phòng khách. Tôi hội nhập vào đám đông và hỏi nhỏ : "Chúng ta đang chờ cái gì ? Chị vợ tôi nói : Chờ Mỹ họ đến bốc đi. Gia đình chúng tôi ngồi vào một góc phòng yên lặng. Tiếng chuông đồng hồ điểm 12 giờ, nhìn ra đường vẫn yên lặng chẳng thấy xe cộ gì; tôi vội vào phòng khách gặp anh tôi và nói : Này anh có lẽ chúng ta ra phi trường Tân sơn Nhất tìm đường đi chứ ngồi chờ ở đây xem ra không ổn rồi anh đồng ý không ? Anh tôi gật đầu.

Đoàn xe do tôi hướng dẫn, có cả Đại liên hộ tống rời Trương minh Ký hướng về phía phi trường vào lúc 12 giờ 30 trưa. Trên đường đi chúng tôi đã nghe nhiều tiếng súng nổ rải rác khắp nơi, khi tới phi trường thì tình hình bên trong đã vô cùng hỗn độn; phi đạo đã bị pháo kích phá hỏng phi cơ cánh quạt không cất cánh được nữa, ngoài ra lính gác đã bỏ chạy hết.

Trước nhất chúng tôi tới tư thất của Tướng Nguyễn cao Kỳ, khi tới cổng cửa mở toang, khẩu Đại liên 30 nằm chềnh ềnh bên điếm canh không người giữ, bước vào trong nhà gõ cửa, một Hạ sĩ nhất mở cửa tôi hỏi : Thiếu tướng Kỳ đâu anh ta trả lời vỏn vẹn hai chữ : Đi rồi. Chúng tôi vội quay đầu xe qua nhà Tướng Phan phụng Tiên, cũng giống vậy chẵng còn ai ; thất vọng chúng tôi hướng xe về phia DAO ( Defense Attache’ Office ). Khi đoàn xe còn cách cồng vào chừng 200 thước, xe tôi đi đầu lĩnh ngay một tràng tiểu liên cảnh cáo; tôi ngừng xe ra khỏi xe giơ hai tay lên trời và tiến tới điếm canh, tôi xưng danh tánh, cấp bậc ; tên lính gác chận họng tôi ngay : Anh là Sĩ quan mà giặc tới bỏ chạy hả ? Tôi bức mình nhìn hắn và nói : ông Tướng của tôi muốn gặp cấp Chỉ huy của anh ! Hắn nhìn thấy ba sao gắn trên xe vội lẳng lặng đi vào điếm canh gọi điếm trưởng ra. Hành động của tên lính canh tuy thất lễ nhưng không thể trách được tại vì phi trường lúc đó đã đầy Việt cộng lọt vào, nó có thể nghi Việt cộng trá hình tấn công. Năm phút sau thì một ông Đại úy đi ra gặp anh tôi và mời chúng tôi vào trong DAO; ở đây chúng tôi gặp Đại tá Legros, Đai tá Legros cho anh tôi hay có nhận được lệnh của Trung tướng Mc Clelan là đón gia đình anh tôi nhưng không làm sao xuất trại được, may là chúng tôi tới kịp thời nếu không thì lỡ hết. Tôi đề nghị anh tôi ở lại DAO để giữ liên lạc còn tôi về đón gia đình.

Một giờ đồng hồ sau tôi trở lại với một đoàn xe dài gồm gia đình anh tôi, gia đình mấy cô chị và em vợ; chúng tôi vào phi trường trót lọt tuy nhiên khi gần tới cổng DAO là lúc phi trường bị pháo kích nặng; đoàn xe phải ngừng, tất cả nhảy xuống mấy cái rãnh đào đang sửa đường ở ven đường, tội nghiệp cho bà cô tôi và chị vợ tôi vì mập quá nên không xuống được mương phải nằm dài ở trên đường nhựa, còn vợ tôi lúc đó đẩy hết bầy con tôi xuống mương và ôm đứa con út của tôi nằm xuống lấy thân mình che chở và bảo vệ con. Viết tới đây tôi chợt nhớ tới mấy vần thơ của nhà văn Hồ Dzếnh viết về sự hy sinh cao cả của Mẹ và chị gái ông :

Cô gái Việt Nam ơi !
Nếu chữ hy sinh có ở đời.
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực.
Cho lòng cô gái Việt nam tươi ...


Đoàn xe tới DAO đã có người đón vào và hướng dẫn thẳng tới trạm Tiếp liên vào sâu trong nữa, chúng tôi chờ không lâu thì được một Sĩ quan ra mời vào bãi trực thăng; lần này chỉ có gia đình anh tôi, gia đình tôi và gia đình cô em vợ tôi là được bốc đi bằng một chiếc trực thăng CH 54 đã nổ máy chờ sẵn, chúng tôi được lệnh liệng hành lý đi hết chỉ mang theo một chiếc xách tay không nặng quá hai pounds. Trên máy bay lúc này đã có sẵn một số phóng viên nhà báo và một số Quân nhân Hoa kỳ.

Máy bay cất cánh trực chỉ biển Đông, tôi nhìn xuống thành phố Sài Gòn lần chót, Thành phố thân yêu mà tôi đã sống nhiều năm tháng vui buồn; Sài Gòn ơi giã biệt !

Máy bay đáp xuống một chiếc tầu há mồm ngoài khơi, rồi từ tầu há mồm chở chúng tôi tới một tầu lớn chờ sẵn ngoài khơi. Từ tầu há mồm chúng tôi phải leo lên boong tầu lớn bằng những cầu thang giây thừng cao cỡ tòa nhà hai tầng đu đưa rất nguy hiểm; tôi bồng một cháu nhỏ, vợ tôi bồng cháu nhỏ khác và bốn con còn lại lần lượt leo lên cầu thang giây, chúng tôi lên tới boong tầu thở phào nhẹ nhõm, may mắn không một ai rớt xuống biển cả. Trên boong tôi gặp một viên Sĩ quan Hải quân Hoa kỳ và được biết đây là một chiếc tầu tiếp tế đạn đã được chuyển hướng để đón người Việt di tản trên biển Đông. Tầu lúc đó đã đông nghẹt người; tiếng trẻ khóc, tiếng gọi nhau hòa lẫn tiếng máy bay trực thăng thành một âm thanh vô cùng hỗn độn; phía đầu tầu từng chiếc trực thăng UH1 đáp, Pilot và hành khách ra khỏi là tầu được đẩy xuống biển không thương tiếc .

Tầu chạy lênh đênh trên biển cả hướng về Phi luật tân lâu lâu lại ngưng để bốc người tỵ nạn từ tầu há mồm, từ thuyền nhỏ; số người trên tầu càng ngày càng đông, tới ngày thứ hai thì số người trên tầu đã vượt quá bốn ngàn người không còn chỗ nhét nữa chúng tôi chỉ đứng hoặc ngồi chứ không có chỗ nằm ban đêm. Hai ngày đầu đồng bào đã không được phát thực phẩm, có lẽ tầu vì bận việc đi bốc người trên biển cả hay là thiếu chuẩn bị; may mắn cho gia đình chúng tôi là vợ tôi có trang bị cho các con tôi trong sắc cá nhân mỗi đứa một túi cơm khô, một hộp sữa đặc con chim và hai gói kẹo nhờ thế mà cả ba gia đình đều có thực phẩm ăn đỡ đói. Ngày thứ ba thì tầu phát cho mỗi người một chén cơm trộn cá mòi hay thịt hộp với một quả trứng vịt luộc, may sang ngày thứ tư thì tầu được tiếp tế đồ hộp ( searation ) vì thế mà nhiều người vớ được cà phê, thuốc lá mừng hết xảy. Còn khoảng vài tiếng đồng hồ thì tầu tới Subic Bay Phi luật tân, lúc đó vào khoảng năm giờ chiều thì ông Trung tá mà tôi gặp ở DAO tìm đến gặp tôi và nói : Đại tá giúp tôi một việc, tôi muốn anh đi theo tôi và nhận diện các vị Bộ trưởng, và Tướng lãnh để tôi bốc họ và gia đình lên Subic Bay trước để chở tới đảo Guam bằng máy bay trong khi số còn lại sẽ tiếp tục cuộc hành trình tới Guam băng tầu. Việc này làm cho tôi thật khó xử vì có nhiều vị Đại tá năn nỉ xin tôi cho họ và gia đình nhập bọn, tôi đâu có dám làm như vậy vì nếu chuyện vỡ lở ra thì tôi biết trả lời sao với vị Sĩ quan liên lạc của tầu. Những gia đình Bộ trưởng và Tướng lãnh, dĩ nhiên gia đình tôi là ngoại lệ được bốc lên Subic Bay ngay khi tầu cập bến; tất cả được đưa tới Câu lạc bộ Sĩ quan cho ăn và ở rất chu đáo và ngay đêm hôm đó được máy bay chở thẳng tới đảo Guam .

Đảo Guam nằm giữa biển Thái bình Dương cách lục địa Hoa kỳ 900 dặm về phía Bắc đảo do người Bồ đào nha tìm ra vào năm 1521; đến năm 1565 thì thành thuộc địa của Tây ban nha. Người Nhật chiếm đảo này từ năm 1941 đến 1944. Vào tháng 10 năm 1944 thì Quân đội Mỹ chiếm đảo và biến đảo thành thuộc địa vào năm 1950.

Dân bản xứ thuộc giống người Chảmorros Philippinos. Diện tích của đảo Guam là 212 square miles, chiều dài của đảo là 30 mile và chiều rộng từ 5 đến 9 mile, dân số ước độ 140,000 người trong đó kể cả Quân nhân và gia đình. Chúng tôi tới đảo Guam vào buổi trưa ngày 5 tháng 5 năm 1975. Không khí đảo mát dịu, cây cối xanh tươi, gió biển thổi ào ào làm cho lòng người thật thư thái và an bình

Đảo lúc này đã đông nghẹt người; tôi đã gặp lại nhiều người quen, phần lớn là thất lạc người thân, thế mới biết gia đình chúng tôi thật là may mắn được toàn vẹn. Chúng tôi được đưa vào lều vải tạm trú và đước cấp phát mền, khăn tắm, xà bông, thuốc đánh răng v.v…

Chúng tôi ở lại Guam ba ngày lo thủ tục giấy tờ nhập Mỹ. Trong lúc rảnh rỗi tôi lượn vòng quanh trại quan sát; lều vải san sát, người chen người; có những bộ mặt vui tươi, có những bộ mặt ủ rũ. Tôi ghé vào lều thông tin, ở đây dán đầy những mảnh giấy vụn nhắn tin đại để vợ tìm chồng hay ngược lại, cha tìm con, bạn bè tìm nhau thôi thì đủ hoàn cảnh chia ly, đủ hoàn cảnh xa cách; cuối mỗi mãnh nhắn tin như vậy thường để lại địa chỉ ở trại tỵ nạn sắp tới hoặc sẽ tới.

Sau ba ngày làm xong thủ tục chúng tôi được lệnh chuẩn bị hành lý để nhập trại tỵ nạn tại Mỹ, sáng sớm ngày thứ tư chúng tôi được chất lên xe để chở ra sân bay; đoàn xe gồm mười chiếc, mỗi chiếc chở chừng sáu chục người hướng ra phi trường. Đi được một đoạn đường thì đoàn xe ngừng lại, chừng mười phút sau thì sáu xe đầu chuyển bánh trong những xe đó có gia đình chị và em gái vợ tôi, gia đình tôi ngồi ở xe thứ bảy mấy phút sau cũng chuyển bánh nhưng đi về hướng khác, tôi sốt ruột nhấp nhổm chẳng biết làm gì, mà cũng chẳng hỏi ai. Nửa giờ sau thì xe tới phi trường đậu trước một một trạm Tiếp liên mái tôn rộng lớn, chúng tôi xuống xe vào trong chờ. Tại trạm Tiếp liên này tôi được gặp gia đình anh Nguyễn ngọc San, gia đình anh Nguyễn đình Lân; và ở đây tôi cũng tìm ra được tại sao đại gia đình của chúng tôi lại phân đôi một nửa đi Fort Chaffee một nửa đi nơi khác; giản dị tại Fort Chaffee hết chỗ chứa. Chúng tôi sẽ đi một nơi khác mới mở, đó là trại Eglin ở Florida .

Chúng tôi tới trại Eglin vào buổi trưa, từ phi trường vào trại tỵ nạn chạy dọc theo biển Đại tây dương, biển xanh bát ngát, hai bên đường nối tiếp những dinh thự đồ sộ bao quanh bởi nhiều loại hoa nhất là hoa giấy đỏ, hồng sặc sỡ thật đẹp mắt, nhìn lên trời xanh điểm những cụm mây trắng; Florida quả là lý tưởng cho những người hồi hưu về đây an vui tuổi già.

Trại Eglin dựng lên vội vã ở cuối phi trường Eglin AFB (Air force Base); những nhà tôn lớn được dùng làm văn phòng, phòng ăn, nhà bếp còn chúng tôi đều ở trong lều vải. Một điều đáng sợ ở đây là nhiều rắn rung chuông ( Rattle snake); đêm đầu tiên chúng tôi đã bị đánh thức dậy vì lều bên cạnh có rắn rung chuông xuất hiện, tuy nhiên ít ngày sau thì hết nên cũng yên tâm. Chúng tôi sống ở đây nhưng ngày tháng nhàn tản, ngày đi ăn chiều đến xem chiếu bóng hoặc kịch nhạc, đêm về ngủ ngon và ngày hôm sau lại tiếp diễn, và chờ đợi, chờ đợi cái gì ? Xuất trại ! Hai chữ " Xuất trại " nó quan trọng ghê gớm đối với những người sống trong tại tỵ nạn, nó định đoạt cả một tương lai cho gia đình cũng như người con gái đi lấy chồng, sướng nhờ khổ chịu mà người xưa đã có câu :

Thân gái như hạt mưa xa.
Hạt vào giếng mát hạt ra vũng lầy.


Tôi là Sĩ quan có cấp bậc cao nhất trong trại nên trại trưởng thường mời tôi lên để giải quyết những việc liên quan đến đồng bào tỵ nạn, một đôi khi làm Thông dịch viên cho trại trưởng.

Tháng sáu trời Florida đã bắt đầu nóng và thường xuyên đổ xuống những trận mưa rào như ở Sài Gòn. Chúng tôi ở đây đã được một tháng, người trong trại đã xuất trại đông để hòa nhập với xã hội Hoa kỳ; thường là những chàng trai độc thân, những cặp vợ chồng không con, hoặc ít con; phần lớn là do nhà thờ hoặc giáo hội hoặc tiệm ăn bảo trợ. Gia đình tôi tám người mà trong đó sáu đứa con nít nhỏ tuổi nên chẳng ai muốn lãnh, dễ hiểu họ cần nhà lớn và chỉ có hai người là lao động được thôi.

Vào cuối tháng sáu ông trại trưởng mỗi buổi sáng gặp mặt tôi thường tỏ vẻ ái ngại, ông ta cho tôi hay là trại sẽ đóng cửa trong vòng bốn tuần nữa, điều đó làm cho tôi suy tư. Ngày hôm sau ông cho gọi tôi lên văn phòng và nói với tôi là có một nhà hàng ở New Jersey muốn mướn chúng tôi làm bồi bàn và dọn dẹp cho nhà hàng. Chúng tôi về lều phân vân, đành rằng mình cần xuất trại nhưng nếu bố mẹ làm nhà hàng thì lũ con mình lớn lên sẽ học hành ra sao, chúng sẽ làm cái gì ? Điều đó chúng tôi không muốn và ngày hôm sau chúng tôi lên Văn phòng từ chối không đi.

Sang đầu tháng bảy thì có một phái đoàn từ Gia nã Đại sang phỏng vấn và muốn bảo trợ một số đồng bào tỵ nạn qua Gia nã đại lập nghiệp. Phái đoàn chỉ phỏng vấn những người có trình độ; gia đình tôi được sự giới thiệu của trại trưởng nên họ nhận ngay. Tôi vui vẻ ký giấy và chờ ba ngày nữa sẽ lên đường; đêm hôm đó về lều tôi chẳng sao ngủ được cứ phân vân đi Gia nã Đại có phải là một chọn lựa tốt không ? Mình đã ở Mỹ, nói và viết thông thạo tiếng Anh, qua bên đó ngôn ngữ có phải là vấn đề không, hơn thế nữa Mỹ có trách nhiệm việc mất miền Nam VN họ sẽ lo cho dân mình chu đáo hơn chứ, vợ tôi thì nôm na nói : “ Mình nắm kẻ có tóc chứ có ai nắm kẻ trọc đầu bao giờ.”; thế là chúng tôi quyết định không đi Gia nã Đại nữa, nhưng mình đã ký giấy rồi biết làm sao đây ? Tôi lại kiếm ông trưởng trại để vấn kế, ông ta tỉnh bơ trả lời : Muốn đi thì khó chứ không muốn đi thì dễ thôi, tới giờ họ đón gia đình anh đóng cửa lều không ra, họ chờ chừng mười phút không thấy ai ra là họ đi.

Tôi thở phào nhẹ nhõm trở về lều chờ dịp may khác thế là hai lần hụt rồi.

Vào trung tuần tháng Bảy (Trại sẽ đóng cửa vào cuối tháng Bảy) lúc đó trại đã vắng hoe, ông trại trưởng cho gọi tôi lên văn phòng, tôi vội vã tới liền, chạm mặt ông trại trưởng ông ta nói ngay : ” Tôi đã tìm được người bảo trợ cho gia đình anh “, anh lại tiếp chuyện với ông ta. Tôi cầm máy điện thoại nói lời chào mừng; bên kia đầu giây một giọng khàn khàn và nặng của người miền Nam, tiếng nói chậm chạp cách quãng. Ông ta tự giới thiệu ông ta là Charles Harrison Quarles chủ trại ‘ Triple Q’s Farms ‘ gồm ba trại gà mái đẻ tổng số trên ba trăm ngàn gà mái đẻ, ngoài ra còn nuôi heo đẻ, heo thịt và bò nữa. Ông ta nói tiếp : tôi muốn anh về làm quản lý trại cho tôi, vợ anh sẽ làm trong nhà máy lựa trứng hoặc kiếm việc ở Thị xã còn tùy. Nếu anh thuận anh sẽ làm với tôi tối thiểu là hai năm sau đó anh muốn ở hay đi là tùy ở anh. Trước khi chấm dứt ông ta còn hỏi thêm : Thế nào sức khỏe của anh tốt không, anh có hiểu biết về xã hội Hoa kỳ không ? Tôi trả lời không chút do dự : Sức khỏe tôi tốt, tôi đã du học Hoa kỳ hai lần, tôi hiểu biết xã hội Hoa kỳ nếu ông mướn tôi và bảo trợ cho gia đình tôi, tôi hứa sẽ cố gắng hết mình để không phụ lòng tin cậy của ông. Thôi được anh trao máy cho ông trại trưởng để chúng tôi sắp xếp ngày cho gia đình anh xuất trại. Tới đây tôi ngưng vài giây để nói về ông trưởng trại tỵ nạn Eglin; ông ta cấp bậc Trung úy, tên ư tôi không nhớ, Lục quân hay Không quân cũng chẳng nhớ luôn chỉ biết ông ta giúp đỡ tôi và gia đình tôi rất nhiều, ông ta viết thư cho bộ Quốc phòng để xin bản sao Huy chương mà tôi đã đươc ân thưởng trong chiến tranh VN, ông liên lạc với trường Pháo binh Fort sill để xin cho tôi những bản sao Bằng cấp mà tôi đã học thế mà tôi không nhớ tên ông ta, tôi quả thực là một người vô tình.

Tôi trả máy cho ông trại trưởng và không kịp nói lời cảm ơn, tôi chạy thẳng về lều báo cho vợ con tôi hay là gia đình tôi sắp xuất trại; bố sẽ làm quản lý trại chăn nuôi gà đẻ, heo đẻ, heo thịt và bò nữa. Được tin này vợ con tôi mừng lắm, chúng nhao nhao hỏi mình sắp đi nuôi gà hả bố; ừ nuôi gà vui lắm, tôi khựng lại : Mình có nuôi gà bao giờ đâu, nhưng tôi tự nhủ : Ồ ăn thua gì nhà banh mà, làm cái quái gì chả được .



Phạm Văn Phan