Sân Trường Kỷ Niệm

Tác Giả: Lê Minh Quốc

---&&&---

Phần I


Cô gái ơi anh nhớ em
Như con nít nhớ cà rem vậy mà
Như con dế trống đi xa
Một hôm bỗng nhớ quê nhà gáy chơi
Con dế thì gáy một hơi
Còn anh thì gáy hết thời con trai

Thơ Bùi Chí Vinh


Tôi đặt tờ giấy plure mỏng, màu hồng nhạt, lên bàn để viết những câu thơ đó. Có lẽ, Bích Châu sẽ cảm động đến bỏ ăn sáng, sẽ nằm ngủ mỗi đêm thấy toàn bướm và dế trong mộng mị của mình. Em sẽ đọc những câu thơ này và yêu tôi gấp một triệu lần? Suy nghĩ như vậy, nên tôi quyết định đúng đắn là phải đưa tên em và bài thơ này. Ôi ông thi sĩ – tác giả của những câu thơ trên – xin đừng giận tôi nhé? Khi yêu nhau ai mà không khờ khạo và độ lượng?

Con dế thì gáy một hơi
Còn anh thì gáy hết thời con trai
Bích Châu tóc ngắn ngang vai
Ước chi được đặt trên tay anh hoài


Thật tuyệt diệu. Em thường đi học rất chăm chỉ, một năm có ba trăm sáu lăm ngày, trong niên khóa này tôi chưa lần nào thấy em trốn học như bọn con trai chúng tôi. Vốn là sinh viên Khoa Văn với nhau, tôi biết Bích châu rất yêu thơ. Những bài thơ như thế này chứa đựng sự lay chuyển tâm hồn em hơn bao nhiêu lời… văn xuôi tán tỉnh. Ðừng phụ lòng tôi nhé Bích Châu ơi! Ðể các bạn dễ hình dung về Bích Châu, tôi xinh thành thật nói rằng Bích Châu là một cô gái đẹp. Chiều hôm nay, sau khi rời giảng đường, tôi ôm sách vở đi lang thang ngoài khu ký túc xa. Dọc hai bên đường là những hàng cây râm mát. Lá xanh biếc. Trên vòm trời có một bóng mây trôi lặng lẽ. Bất chợt tôi thấy phía trước là một tà áo trắng, một mái tóc dài – có nghĩa là một cô gái đang đi ngược về phía mình. Tôi nhận ra Bích Châu. Cơ hội tốt để tôi có thể nói với em một vài lời làm quen. Trong lớp học, hễ gặp em là tôi đỏ mặt tía tai. Và thằng Quốc Chánh bao giờ cũng giành phần “phỏng vấn” Bích Châu - chứ làm sao đến phần tôi.

- Châu đi dạo mát một mình à?
- Dạ, em đi một mình.

Giọng Sàigòn sao nghe ngọt ngào quá vậy? Bây giờ phải hỏi thêm câu gì nữa để tranh thủ cơ hội tuyệt đẹp này. Ôi cái lưỡi thông minh của tôi đâu rồi? Phải mất đến vài phút tôi mới mở được miệng:

- Vậy, Lê đi chung với Châu để nói chuyên cho vui nhé?
- Chuyện gì vậy anh?
- Ờ ờ chuyện học hành, chuyện sinh hoạt của lớp mình đó mà …
- Chuyện học hành thì ngày nào bọn mình cũng gặp ở giảng đường rồi, còn chuyện sinh hoạt lớp thì tuần nào chi đoàn mình không… sinh hoạt!

Trời đất! Vậy là em hiểu sai điều tôi muốn nói rồi. Sao tôi lại ngu ngốc đến như vậy. Khi tôi định mở miệng thì từ phía nhà bếp đã rung lên hồi chuông hấp dẫn. Ăn cơm chiều. Có lẽ cùng nghe và cùng đồng cảm như tôi nên Bích Châu đã nói:

- Ðến giờ cơm rồi. Thôi em về nghe anh Lê. Hẹn mai mốt gặp nhau.

Em vừa nói xong thì đã quay gót bước đi. Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn theo. Những chiết lá vàng úa cũng rơi theo – như bỗng dưng có một nỗi buồn vô cớ của tôi cũng rơi đâu đó trong buổi chiều tắt nắng…

Buổi chiều nay tôi ăn không thấy ngon miệng. Bữa cơm dành cho sinh viên bao giờ cũng vậy: Một tô nước rau muống trong veo, một đĩa rau muống luộc, một đĩa thức ăn mặn với vài ba miếng thịt nằm khiêm tốn. Trên bàn ăn bao giờ cũng quy tụ bạn bè cùng phòng với nhau để hợp ý trò chuyện cho bữa ăn thêm…thú vị. Thằng Chánh vừa thò đũa tìm miếtn thịt vừa nói:

- Ê, Lê tao thấy nhỏ Bích Châu rất hay liếc mày. Liếc một cách cực kỳ tình tứ …
- Xạo!
- Hừ, xạo thì tao miễn kể tiếp nữa …

Cái thằng này hay xạo – nhưng biết đâu nó thấy sự thật thì sao? Chỉ mới nghĩ như vậy tôi đã thấy tim mình rung lên những âm thanh rạo rực.

- Ừ! Tao tin mày nói thật, nhưng có ai làm chứng mày đã thấy điều đó?

Thằng Chánh tỉnh bơ:

- Môn tiếng Nga làm chứng!

Thế thì hết biết. Ðây là môn học mà tôi kém nhất. Thường xuyên thi lại. Tôi phát âm rất tồi, đến nỗi có lần cô Dung dạy tiếng Nga phải ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Tội nghiệp cho bạn, lưỡi của bạn bị cụt bao giờ vậy?”

Từ đó, mỗi lần đến tiết Nga Văn là bao giờ tôi cũng lầm rầm cầu nguyện “cô giáo ốm”. Nhưng như tất cả mọi chuyện trớ trêu trên đời này có thể xảy ra, cô Dung chẳng ốm yếu chút nào mà càng ngày càng khỏe như voi.

Có lẽ, không muốn thấy tôi cụt hứng nên thằng Anh Kiệt đã chen vào:

- Thằng Chánh nói vậy đúng đó Lê ơi! Trong lớp mình có hai mươi nữ và mười sáu nam, nhưng chỉ mỗi mày là đi thanh niên xung phong về nên nhỏ Bích Châu hay liếc mày là phải. Nhưng tao nói thật với mày, ông Marxim Gorky có nói: “Từ vú mẹ đến vú người yêu là một chặng đường dài”, nhưng từ liếc nhình nhau đến yêu nhau là một thời gian rất ngắn. Mày đồng ý như vậy không?

Tôi nghe cũng thấy thinh thích nhưng không dám gật đầu, sợ bị cho là bộp chộp. Và khi trở về phòng ký túc xá, tôi nhẹ nhàng leo lên giường nằm viết những chữ cho Bích Châu. “Cô gái ơi anh nhớ em” - từng dòng chữ nắn nót của tôi đã được viết một cách say đắm và:
Tái bút:

Bích Châu thân ái,
Bài thơ trên đã giải bày hết mọi điều mà Lê muốn tâm sự với Bích Châu. Mong rằng Châu sẽ hiểu nỗi lòng của Lê và đừng cười cho sự đường đột này nhé. Xin Bích Châu giữ Bí Mật giùm…
Ký tên,
Trần Lê


Chữ ký của tôi vốn ngoằn ngèo như cọng rau muống, nên lá thư tình đầu tiên này tôi phải viết đi viết lại đến… tám lần. Lần nào viết xong và hồi hộp ký tên xong thì tôi cũng phải lập tức xé bỏ viết lại từ đầu. Làm sao có thể chinh phục được tình cảm của người khác phái khi chữ ký của anh giống hệt như cọng rau muống? Ðến lúc làm xong mọi động tác cần thiết, thư đã cho vào phong bì dán kín lại. Tôi cẩn thận để lá thư ấy dưới gối và nằm miên man suy nghĩ về mọi điều tốt đẹp sẽ đến. Nằm suy nghĩ một hồi thì tôi sực nhớ - phải nhờ ai chuyển bức thư này đến tận tay Bích Châu? Không lẽ nhờ thằng Chánh, thằng Kiệt, thằng Hương? Mấy ông nội này có thể mở ra đọc thì có nước mà độn thổ. Không lẽ tự mình mang qua phòng của em? Thôi, kỳ cục lắm, phòng toàn con gái có nước đau tim mà xỉu. Vậy ta phải nhờ ai? Hỡi đầu óc thông minh của tôi có còn cách nào không?


Ðầu óc của tôi thông minh thật. Dù không tham khảo ý kiến của ai, nhưng tôi vẫn tìm ra được một giải pháp tuyệt vời. Sáng nay, tôi diện bộ quần áo đẹp nhất. Và dậy thật sớm. Khu ký túc xá này nằm ở ngoại ô nên không khí buổi sáng rất trong lành. Tôi đi tắt qua ngõ sân bóng đá để đến giảng đường. Trên cỏ, trên cây vẫn còn long lanh những giọt sương. Với suy nghĩ sắp thực hiện một điều trọng đại nên trong cơn gió sớm thổi qua cũng làm tôi se lạnh… Tôi chọn một chỗ ngồi yên tĩnh nhất dưới gốc hoa sứ. Giả vờ lật quyển giáo trình tiếng Nga như đang ôn bài – nhưng thật sự mắt tôi cứ liếc vè phía cổng trường. Năm phút, mười lăm phút trôi qua. Bạn bè từng tốp lũ lược đi vào… Sao vẫn chưa thấy Bích Châu. Có lẽ nào em ốm? Sao em dậy trễ quá vậy? Kìa, Bích Châu! Tôi đứng lên và nhanh chóng bước ra phía cổng trường.

- Bích Châu, cho anh hỏi thăm chút xíu.
- Dạ, có chuyện gì vậy anh Lê?

Tôi ngó trước ngó sau thấy lũ con gái đã đi khá xa, tôi nói nhỏ:

- Châu cho anh mượn quyển vở bài tập Nga văn để anh… tham khảo lại câu hỏi số 3. Câu đó hóc búa quá, không biết phải đổi qua cách năm hay cách sáu?

Nghe tôi nói đến chuyện học hành - nhất là môn tiếng Nga mà tôi nổi tiếng là học kém nhất lớp nên Bích Châu tỏ ý thông cảm. Em liền đưa ngay cho tôi mượn vở và không quên dặn thêm:

- Ðến tiết văn học cổ của thầy Mai Cao Chương thì anh Lê trả lại giùm em nghen.

Tôi chỉ chờ có vậy và gật đầu chào “đầy ý nghĩa”. Em có hiểu vậy không? Vào lớp học, tôi hồi hộp cầm tập vở của Bích Châu. Trang vở của em có điều gì bí ẩn mà mỗi lần lật đến trang nào tôi cũng đều thấy xúc động lạ lùng:

Trang vở mỏng lật hoài không hết
Lật từng trang rồi lại lật từng trang
Tôi chưa dám một lần trốn học
Sao vở của em mới lạ huy hoàng

Thơ Lê Minh Quốc


Câu thơ của ai đó bất chợt vọng đến trong trí nhớ của tôi, như muốn xẻ chia đôi điều tâm sự. Những dòng chữ mực tím viết rất tròn, ngay ngắn này cũng là một điều lạ. Thông thường sinh viên đại học có mấy ai viết mực tím như Bích Châu đâu. Suốt hai tiết văn học cổ tôi chỉ ngồi nhìn trang vở của Bích Châu, hơn là chăm chú nghe thầy giảng bài. Sau khi xem xong thì tôi để quyển vở của em dưới hộc bàn. Thằng Chánh ngồi bên cạnh đang ghi ghi chép chép nên không để ý điều gì cả. Hay lắm, tôi cẩn thận lấy lá thư đã viết đêm hôm qua đặt vào giữa trang vở của em. Tôi thấy tim mình đập thình thịch như đang thực hiện một điều gì vụn trộm. Trong lúc đó thầy Chương vẫn thao thao giảng bài. Thầy đâu biết rằng trong lớp này, trong lúc này, có một cậu sinh viên chỉ để tâm trí vào một chuyện duy nhất: Làm sao chuyển được lá thư tình đến cô bạn ngồi bàn thứ hai, mặc áo màu trắng rất duyên dáng kia.

Và tiết học cũng đã chậm rãi trôi qua. Tôi thở phào sung sướng. Và có lẽ may mắn hơn là Bích Châu cũng ngồi trong lớp - chứ không xuống căn-tin như mọi ngày.

- Châu nè, cho anh trả lại quyển tập Nga. Chữ viết đẹp ghê!

Em quay lại:

- Anh khen thật hay chỉ nịnh cho vui vậy?

Không đợi tôi trả lời em đã nói tiếp:

- Câu hỏi số ba em dùng ở cách năm có trùng với giải đáp của anh không?

Nghe Bích Châu hỏi như vậy tôi ngớ người ra. Cách năm hay cách sáu thì có trời mới biết. Tôi vội vàng đánh trống lãng:

- Ừ, anh cũng nghĩ là ở cách thứ năm như em. Thôi xin cảm ơn Châu nhé, anh phải đi ra ngoài một chút…

Thế là xong một “bài toán” khá phức tạp và tế nhị, không phải bất cứ ai cũng thực hiện được như tôi. Chỉ cần vài ba phút nữa, đến tiết Nga Văn thì em sẽ lật vở ra. Rồi em sẽ thấy lá thư tình của tôi. Em sẽ tò mò. Em sẽ đọc ngấu nghiến. Ðọc xong em sẽ cảm động và yêu tôi lập tức. Ðôi cánh thần tiên của tình yêu sẽ đậu xuống vai tôi và vai em. Trong khi đó bọn thằng Kiệt, thằng Chánh sẽ phục tôi sát đất. Chúng nó sẽ đãi tôi vài chầu cà phê để nhờ tôi “bật mí” bí quyết làm quen. Nhưng tao sẽ không bao giờ tiết lộ đâu Chánh ạ. Chỉ nghĩ đến vậy, tôi đã thấy tôi là người hạnh phút nhất trần gian này. “Cô gái ơi anh nhớ em” tôi lẩm nhẩm câu thơ ấy như một thắng lợi của mình đã đạt được.

Bỗng đâu sự việc ấy diễn ra như sét đánh ngang tai. Tôi không dám tin ở trên đới này lại có thể xảy ra chuyện như vậy. Trên cánh cửa của phòng 4B của các bạn gái lớp tôi lại có dán một “thông cáo”. Cả khu ký túc xá đốn ấm ĩ và mọi ngườii đều lũ lượt kéo đến xem. Ác nhất lá bọn sinh viên khoa văn của chúng tôi vốn giàu óc tưởng tượng nên kể Lại câu chuyện trên rất hài hước. Nghĩa lá có thêm mắm thêm muối chút đỉnh... Thằng Chánh thì quả quyết sự việc như sau:

- Ðêm qua có kẻ trộm vào dãy B chúng mày ạ. Dãy B thì toàn con gái. Tên trộm này đi rón rén qua từng phòng một. Phòng nào hắn cũng đều liếc mắt ngó vào để xem động tĩnh ra sao. Hắn thấy phòng nào cũng như phòng nào, chính vì vậy mà bi kịch mới xảy ra. Tao cam đoan là xảy ra vào lúc 12 giờ khuya. Tên trộm nhìn vào phòng thấy toàn là sách vở nên đã động lòng... trắc ẩn. hắn vốn có trình độ văn hoá nên đã làm thơ để lại chúng mày ạ! Lạy Chúa, hắn làm thơ và dán ngay cửa phòng 4B thế mới hay chứ. Xin thưa quý vị khán thính giả quý mến, bài thơ ấy nguyên văn như sau...

Chỉ cần kể đến đó là hắn đã toang toác cái mồm đọc ngay bài thơ mà tôi đã gởi cho... Bích Châu.

Tôi sượng chín ngưới. Tôi đành ngồi êm re không dám bính luận gì thêm. Không hiểu Bích Châu hay bạn bè đã đem lá thư tình của tôi dán ngay cửa phòng. Ðể trêu hay để thông báo cho mọi ngưới biết đến tình cảm của tôi dành cho em? Nhưng khổ nổi lá lá thư ấy còn ghi thêm dòng này: “Ðặc biệt người viết lá thư này rất mê cà-rem. Nếu ai có lòng tương tư vậy thì sẽ được ăn kem dài dài... Nay thông báo. Ký tên, Tập thể sinh viên nữ phòng 4B”. Chính trò chơi quái ác như vậy mà bọn con gái phòng 4B “nổi tiếng” như cồn. Trong khi đó thì tôi mắc cỡ trốn né hết quan hệ với mọi người, nhất là Bích Châu. Và giữa lúc tôi thật sự “nốc ao” như vậy thì bạn bè tôi bắt đầu chú ý đến em. Bích Châu ơi! Có còn cơ hội nào dành cho tôi nữa không? Không hiểu sao, tôi không giận em một chút nào mà lại càng mê em hơn trước nữa chứ mới lạ. Một buổi tối, trên trời đầy trăng sao nhưng cả khu ký túc xá cúp điện. Tất cả tối om om. Chỉ còn có những ngọn đèn dầu lập lòe trong mỗi căn phòng. Ðàn hát một hồi cũng chán. Tôi nói với Chánh:

- Chánh ơi! Trăng sáng như thế này mà ngủ thì cũng uổng. Tao đề nghị là bọn mình kéo nhau đi chặt những cành tràm khô để đốt lửa chơi cho vui đi...

Cả khu chúng tôi ở toàn là tràm xanh biếc. Mỗi lần muốn có cuổi nấu nướng cái gì thì chúng tôi chỉ việc... bẻ cây tràm nấu thoải mái. Nghe tôi nói như vậy thì thằng Hương lên tiếng:

- Ý kiến này hay đó. Tao xung phong đi kiếm cành tràm về làm củi. Nhưng với điều kiện là thằng Kiệt, thằng Lê qua rủ bọn con gái phòng 4B qua ngồi tán phét với bọn mình. Có như vậy thì mới... hấp dẫn.

Thằng Chánh vốn liến láu và thực dụng rất đáng yêu nên bổ sung thêm:

- Nhưng hai đứa bây qua đó nhớ dụ khị các em đem đậu xanh và đường qua đây nấu chè luôn thì mới ngon. Nếu không có gì nấu nướng thì uổng lắm...

Tôi phân vân:

- Bây giờ lửa củi chưa có mà qua nói như vậy tao sợ mấy em chê mình là đồ háu ăn thì phiền lắm.
- Mày ngu lắm. Qua đó mày đừng gợi ý trắng trợn như tao nói vừa rồi. Mày với thằng Kiệt chỉ cần mời các em qua đây. Khi các em chuẩn bị đóng cửa phòng thì mày mới nói rằng “Ước chi Kiệt nhỉ” thằng Kiệt sẽ nói “Ước cái gì vậy?” thì lúc đó mày mới hét lên thật to “Ước chi có đậu đường để nấu chè đãi các bạn nữ phòng 4B”. Chỉ cần động tác đơn giản như vậy thì các em sẽ hiểu ngay ý đồ của mày. Các em sẽ khoái tính dũng cảm nói thẳng nói thật của mày rồi sẽ đem đường đậu qua đây. Thế là chúng mình đã thành công một cách rực rỡ. Mày hiểu chưa?


Thế là nhiệm vụ đã được phân công một cách chu đáo. Tôi và Kiệt xăm xăm bước qua dãy 4B. Trong lúc thằng Kiệt bô bô nói về tình hình thế giới mà sáng nay hắn có đọc được ở thư viện, còn tôi cứ lẩn quẩn với suy nghĩ: Khi gặp Bích Châu thì mình sẽ nghiêm mặt như không hề quen biết hay sẽ kín đáo cười tình tứ với em? Mà quả thật, người mở cửa cho chúng tôi chính là Bích Châu. Tôi đứng im re. Thằng Kiệt lên tiếng rất... mùi:

- Xin chào các cô nương phòng 4B, nhân lúc tắt lửa tối đèn như thế này, chúng tôi xin mời các bạn qua dãy A để tham dự lửa trại với chúng tôi... vậy.

Nhỏ Thu An hỏi ngay:

- Ðốt lửa trại nhưng lớp mình gồm có những ai vậy anh Kiệt?
- Chỉ có mấy đứa phòng bọn anh với các bạn thôi. Bọn mình làm lễ kết nghĩa với nhau để... cùng tiến bộ. Các bạn có đồng ý không?
- Hay đó, kết nghĩa với nhau kèm cho anh Lê thêm môn Nga Văn.

Nhỏ Thu An đã nói như thế. Không rõ có ẩn ý gì không? Ðầu óc tôi rối bời. Và thay vì để nói một lời nào thật đúng điệu thì thằng Kiệt thúc cùi chỏ vào bụng tôi:

- Thằng Chánh dặn rồi đó. Mày nói tiếp đi...

Tôi nói như một cái máy:

- Ước gì Kiệt nhỉ?

Có lẽ chỉ chờ có vậy nên thằng Kiệt đã quay sang Bích Châu mà nói lớn:

- Châu ơi! Châu nghe thằng Lê nói điều ước lớn nhất, thiêng liêng nhất trong năm thứ hai này nè...

Không hiểu sao tôi lại mở miệng như một cái máy và dũng cảm hét to lên:

- Ước gì có đậu đường nấu chè...

Trời ơi! Ma bắt quỷ tha cho cái lưỡi tôi đi. Trời ơi! Ma tha quỷ bắt cái thằng Chánh chết tiệt kia đi cho rồi... Tôi chỉ kịp giật mình thấy sự hài hước của mình thì các bạn trong phòng đã cười lên rũ rượi, cười như nắc nẻ. Còn tôi, tôi đứng trân người. Và thằng Kiệt cũng chớp lấy cơ hội nói nghiêm chỉnh:

- Ừ, ý kiến đó hay lắm. Bọn mình vừa ngồi quanh đống lửa, vừa nấu chè, rồi vừa ăn chè vừa nói chuyện thì rất tuyệt... vậy.

Cả phòng nữ hoàn toàn hưởng ứng với đề nghị trên. Như vậy là chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Khi trở về phòng, chúng tôi đã thấy phía ngoài sân một đống củi lớn. Những ngọn lửa cháy bập bùng rất sáng. Thiên nhiên bao giờ cũng thân thiện với con người. Gần gũi với thiên nhiên con người bao giờ cũng cảm thấy dễ gần nhau về mặt tâm hồn. Qua ánh lửa, tôi thấy đôi mắt Bích Châu rất sáng. Có lúc nào em liếc nhìn tôi không? Còn tôi mỗi phút mỗi giây đều len lén liếc nhìn sang phía của em. Chính như thế tôi cảm thấy một hạnh phúc, bâng khuâng khó tả. Và khi ánh trăng chênh chếch bóng thì nồi chè cũng bắt đầu chín tới...

Ðiều làm tôi khổ tâm nhất, bạn bè cùng phòng chẳng đứa nào biết tôi là tác giả của bức thư được tuyên dương trên cánh cửa của phòng nữ. Giữa lúc chuyện trò vui vẻ nhất thì thằng Kiệt lại buột mồm nói câu dễ ghét nhất:

- Tao đố thằng Lê, ai là tác giả của bài thơ đã gửi cho các bạn phòng 4B? Nếu mày nói trúng thì tao xung phong đi rửa nồi rửa chén.

Tôi biết nói gì bây giờ? Thằng Kiệt không biết thật hay chỉ giả vờ như vậy để chọc quê tôi? Thằng Chánh vội chen vào:

- Mày hỏi như vậy thì sao thằng Lê trả lời được. Có các bạn nữ đây sao mày không hỏi thử, có hay hơn không?

Các bạn nữ thân mến của chúng tôi lại cười rộ lên. Chưa bao giờ tôi thấy dễ ghét như bây giờ. Thu An đủng đỉnh đứng lên xô nhánh củi vào để ngọn lửa sáng hơn và õm ờ:

- Ai là tác giả thì khoan hãy nói tới, nhưng nếu được người đó “để ý” tới mình thì cũng hay lắm. Thứ nhất là có thơ để đọc, thứ nhì là có kem ăn dài dài... Có đúng như vậy không Bích Châu?
- Không, mình không thích ăn kem đâu. Ăn nhiều ê răng.

Sao Bích Châu lại nói vậy? Tôi thấy tim mình đau buốt. Trò chơi này kéo dài đến bao giờ hở trời. Lại giọng thằng Chánh:

- Con gái sướng thật. Ðược bao nhiêu người ái mộ gửi thư đến tán tỉnh, còn bọn mình có được như vậy đâu. Anh đề nghị với Thu An, Bích Châu, Thủy Ðại, Phong Lan như vầy, nếu có ai gửi thư cho mấy bạn thì mấy bạn cứ giữ lại. Biết đâu mình sẽ có một tập thư tình hay nhất thế giới.

Phong Lan lâu nay vốn tỏ ra dè dặt khi nói chuyện, tự nhiên nói oang oang:

- Em có ý kiến, từ nay anh em mình “kết nghĩa” với nhau, thì không ai trong nhóm được làm thơ tán tỉnh với nhau nhé! Nếu ai không chấp hành thì bị nghỉ chơi luôn.

Ý kiến đó là sao tôi chấp nhận được. Tôi đang “để ý” đến Bích Châu, mọi người có hiểu được điều đó không? Hay là nhỏ Phong Lan ngụ ý “răn đe” tôi trước. Bích Châu vẫn không nói thêm gì cả. Thôi từ nay đừng hòng mà thư với từ gì nữa cho mệt xác.

Những đóm lửa bắt đầu tàn. Sương khuya đã chùng xuống. Trên vùng đất mênh mông này, chúng tôi đều cảm thấy lạnh. Các bạn phòng nữ đều đứng dậy để về. Ngày mai có tiết Nga Văn thì đâu có thể mà giỡn được. Dù biết vậy tôi vẫn láu lỉnh xung phong được đi theo với bọn con gái để... xách nồi, chén về phòng giùm. Ðó là một ý đồ mà bọn thằng Chánh không thể nào hiểu nổi. Tôi lẽo đẽo đi theo sau Bích Châu. Khi gần đến phòng nữ, tôi quyết định... vấp ngã. Tôi lé lăn cù với nồi chén lỉnh kỉnh. Bọn con gái thấy tội nghiệp cho tôi, nên đã dành nhau xách hết mọi thứ cho tôi. Lúc này tôi thấy là lúc thuận tiện để có thể nói với em điều gì đó. Tôi nói:

- Sao lại nghịch ngợm quá vậy? Châu đem tình cảm chân thật nhất của anh để làm trò đùa quái ác như thế... Châu biết anh sẽ như thế nào không?

Em đã tròn xoe mắt nhìn tôi. Như có một sự ngập ngừng lẫn bối rối:

- Như thế nào hở anh Lê?

Bị hỏi lại như thế tôi không biết phải trả lời ra sao nữa. Tôi đáp rất... vu vơ:

- Thì anh buồn lắm chứ sao!
- Tại mấy đứa bạn cùng phòng xúi Châu, chứ Châu đâu có muốn...
- Bộ Châu từ chối không được à?
- Trong phòng bọn em có quy ước với nhau là thư của ai gửi đến cho bất cứ ai trong phòng thì cũng được đọc lẫn nhau cả, đọc chung để chia xẻ tình cảm với nhau đó anh Lê.

Tôi còn biết bắt bẻ em sao nữa. Ước chi tôi có tài mồm mép như thằng Chánh thì sẽ hay biết chừng nào. Mặc dù còn ức lắm nhưng tôi đành... chào thua. Trong lúc tôi im lặng để tìm câu đối phó lại thì em đã nói trước:

- Anh Lê nè, anh viết thư cho Châu như vậy bộ không sợ... không sợ cô Kim Oanh bên khoa Sử buồn à?

Tôi đớ người ra:

- Kim Oanh nào vậy?
- Thì cô bạn trước đây hay đi khiêu vũ với anh đó, bộ anh quên rồi sao?

À! Ra vậy. Ai dám nói người phụ nữ là phái yếu? Trí nhớ của họ mạnh mẽ lắm chứ không “yếu” chút nào đâu. Kim Oanh chính là người tuyên bố trong đêm văn nghệ toàn trường một câu xanh rờn “Học khiêu vũ nếu không ứng dụng nó vào đời sống, trong sinh hoạt hàng ngày thì học để làm gì? Thú thật với các bạn nếu chúng ta bước đi giống điệu nhảy thì cũng là một nghệ thuật cao cấp lắm rồi.” Hồi đó mới chân ướt chân ráo từ môi trường thanh niên xung phong trở về trường đại học nên tôi rất mê câu nói ấy, và thường xuyên cập kè với cô ta đến giảng đường. Vì quá mê khiêu vũ nên Kim Oanh thường đến giảng đường trễ giờ quy định. Khi dừng xe trước cổng cô ta đã vội vàng sửa sang lại quần áo để... quay một vòng và bước lên ba bước để chào mọi người. Cứ thế, như một con chim nhí nhảnh giữa sân trường, Kim Oanh đã thu hút cặp mắt tò mò của tất cả sinh viên. Cánh con gái cũng phải phát ghen lên trước sự thu hút đó. Từ đó, bất cứ nơi nào cô ta cũng trổ tài khiêu vũ của mình. Có lần chúng tôi rủ nhau đi xem phim – chỉ riêng cái tựa phim cũng đủ làm Kim Oanh mê mệt: Sàn nhảy dành cho hai người. Khi vào cửa soát vé, như một thói quen cô ta đã uốn éo cánh tay ôm choàng lấy tôi và nói nhỏ: “Hai đứa mình vào cửa bằng điệu Cha-cha-cha anh Lê nhé!”. Bất ngờ quá, tôi muốn ngăn cản, muốn nói một điều gì đó thì... Kìa, cô ta đã lui chân phải, lên chân trái, ngước mắt nhìn mọi người và nhảy một mình... vào cửa soát vé. Lập tức mọi người cười ồ lên. Tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra, cô ta lại huýt sáo theo điệu nhảy Cha-cha-cha quen thuộc của mình. Có lần khác, chúng tôi vào nhà ăn của ký túc xá, đáng tiếc là hôm ấy loa phóng thanh của ban tự quản sinh viên lại cho phát những điệu nhạc du dương êm ái. Tôi đang ngồi ăn với thằng Chánh, thằng Kiệt thì Kim Oanh từ đâu lò mò tới và cúi xuống nói nhỏ với tôi: “Anh Lê ơi, em lại thấy ngứa tay ngứa chân quá! Bản nhạc này thích hợp với điệu Cha-cha-cha phải không anh?” Vì đang nhai những cọng rau muống dài loằng ngoằng nên tôi không thể trả lời được. Nhưng vừa nói xong thì cô ta đã đứng lên và … nhảy. Lúc đó, mọi người đều dừng ăn để tròn xoe mắt mà nhìn. Riêng tôi, tôì muốn lạy trời “Nhờ ai bẻ giùm đôi chân nhún nhảy ấy đi”.

Vì chính Bích Châu đã đột ngột nhắtc tới Kim Oanh nên tôi bỗng bật cười một mình và nhớ lại những kỷ niệm khó quên của năm học thứ nhất. Chính vì từ chuyện đó nên bây giờ ở chung phòng với nhau, bọn thằng Chánh cấm tôi quan hệ với Kim Oanh nữa. Nhưng chuyện ấy đã “xưa như học kỳ một” mà Bích Châu còn nhắc đến tên Kim Oanh là có dụng ý gì? Có phải, sau trò chơi quái ác kia, em đã có cảm tình “đặc biệt” với tôi rồi phải không? Hồi nãy vì đông người nên em không nói chăng? Hay bây giờ mới đúng là lúc để em nói? Tôi chờ đợi.

- Thôi mình về đi anh Lê ơi! Khuya rồi, mai mốt còn gặp nhau thì chúng mình nói chuyện nữa. Chúc anh ngủ ngon.

Không lẽ chỉ có vậy thôi sao? Vâng, chỉ có những lời rất xã giao như vậy, chứ đâu có gì “đặc biệt” như tôi chờ đợi. Em đã bước đi rồi …

Ðêm đã khuya. Cả khu ký túc xa yên tĩnh lạ lùng. Những cánh chim ăn đêm bay vút qua xao động những nhánh tràm. Lúc ấy mới biết vai áo mình hơi ẩm ướt sương đêm.


Xem tiếp phần II