Hội luận với tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng



Về cuốn sách TÂM TƯ TỔNG THỐNG THIỆU



Nguyễn Ðạt Thịnh




Việc tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng thành công vượt bực khi ông ra mắt quyển TÂM TƯ TỔNG THỐNG THIỆU tại Quận Cam không làm ai ngạc nhiên cả. Quyển sách dầy trên 700 trang, bìa dầy, ấn loát đẹp, lại tràn đầy những tài liệu vô giá, chỉ một mình ông có được, vì tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ tâm sự với một mình ông.


Ngay sau khi ông phát hành quyển sách, anh Dương Phục, giám đốc đài phát thanh Sài Gòn-Houston, rủ tôi hội thoại với ông về quyển sách này.


Tôi thích thú nhận lời ngay vì, cũng như tôi, anh Dương Phục (và cả bà xã ảnh nữa) đều là những phóng viên chiến tranh, biết khá nhiều sự thật về những cuộc giao tranh hào hùng, nhưng cũng vô cùng bi thương, của nhiều đơn vị VNCH, mà quyển sách lại thảo luận về những giao tranh đó.
Một lý do khác nữa khiến tôi nhận lời mời hội luận là tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là nhân vật chịu trách nhiệm nhiều nhất về việc chúng ta mất nước, mà ông Hưng lại là người thân tín của ông Thiệu, và là một tác giả uy tín trong địa hạt viết về ông này; tôi biết ít nhất 3 tác phẩm ông Hưng viết về sự phản bội của đồng minh Hoa Kỳ trên chiến trường Việt Nam, về thái độ trịch thượng của viên chức Mỹ, và về những nhịn nhục cay đắng của các chính khách Việt Nam, nhất là những nhịn nhục của ông Thiệu.


Tôi đề nghị cuộc hội luận tay 3 giữa chúng tôi sẽ xoay quanh cái điểm tâm tư lớn nhất, do chính ông Thiệu nói ra với nhiều người qua câu “Je suis responsable mais pas coupable”, (tôi có trách nhiệm, nhưng tôi không có tội.)



Tôi hỏi ông Hưng, “thưa tiến sĩ, việc một vị tổng tư lệnh gây ra tổn thất cho một nửa quân đội, (tôi muốn nói đến sự tan hàng, rã ngũ của hai Quân Ðoàn I và II), và tạo ra cảnh mất một nửa lãnh thổ, trong lúc người lính chưa được giao tranh với địch một trận nào cả, thì điều đó là “tội” hay chỉ là “trách nhiệm”? Và nếu ông Thiệu chỉ có trách nhiệm, chỉ có lỗi thì lỗi đó là lỗi gì, và ông Thiệu nói ông không có tội, thì tội đó là tội gì?”


Ông Hưng trả lời, “Việc thất trận, mất nước của VNCH có rất nhiều nguyên nhân, hai trong những nguyên nhân đó là thái độ của người Mỹ, và hoàn cảnh của chính VNCH chúng ta.”


Thất vọng ngay từ câu trả lời “ầu ơ” đầu tiên, nhưng tôi vẫn hỏi câu hỏi thứ nhì, “Việc Cao Nguyên thất thủ vô cùng quan trọng, vì nó đưa tới việc mất nước; trong việc Cao Nguyên thất thủ, ông Thiệu đổ lỗi cho ông Phú; dĩ nhiên ông Phú có lỗi chiến thuật, nhưng lỗi chiến lược là lỗi của ai?


Ông Phú xin quân, tăng viện cho Quân Ðoàn 2, ông Thiệu, ông Viên không cho ông Phú thêm một người lính nào cả; trong lúc, vào sáng sớm hôm đó, ngày 14 tháng Ba, trước phút ra Cam Ranh hội nghị với 4 vị chính khách và tướng lãnh -quý ông Thiệu, Quang, Viên và Khiêm- ông Phú đã sử dụng trực thăng thả trung đoàn 45 xuống cứu viện trung đoàn 53 đang tử thủ trên vòng đai phi trường Phụng Dực, Ban Mê Thuột. (Ngày hôm đó, người viết bài này đã tháp tùng trung đoàn 45 nhẩy xuống Ban Mê Thuột với tư cách một phóng viên), và do đó đã biết rất rõ trung đoàn 45 là đại đơn vị cơ hữu cuối cùng ông Phú có trong tay.



Câu hỏi của tôi là “ngồi đối diện với thiếu tướng Phú trên bàn hội nghị Cam Ranh là hai vị trung tướng, và hai vị đại tướng, mà không vị nào thấy việc không tăng viện cho thiếu tướng Phú là chấp nhận mất Ban Mê Thuột, và bỏ trống Cao Nguyên cho địch hay sao?”


Ông Hưng đáp, “địa bàn quân sự không phải là sở trường của tôi, tôi không biết lúc đó ông Phú có sư đoàn gì hay trung đoàn nào ở Pleiku.”


Thất vọng đậm thêm một nấc nữa, nhưng tôi vẫn hỏi thêm câu thứ ba, “Xin tiến sĩ nhận xét về nguyên nhân thứ nhất trong 3 nguyên nhân tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nêu ra để giải thích lệnh rút bỏ Pleiku, Kontum; ông Thiệu nói ông muốn bỏ bớt hai thị trấn cao nguyên này để bảo toàn lực lượng cho 2 sư đoàn 22 và 23, rút xuống vùng duyên hải, rồi từ đó tập trung lực lượng, phản công tái chiếm Ban Mê Thuột; ông Thiệu nói ‘nếu lấy lại Ban Mê Thuột thì việc tái chiếm Pleiku và Kontum sẽ dễ dàng…’.”



Ông có thấy là vế thứ nhất của câu nói, cái vế nói rằng, “nếu lấy lại Ban Mê Thuột …” là điều khó thực hiện hơn vế thứ nhì không? Câu nói conditional này của tổng thống có thể có giá trị bằng câu, “nếu chúng ta trói chân được quân lực Bắc Việt vào thế phải phòng thủ duyên hải Bắc Việt, thì chúng đã không có khả năng tiến đánh Nam Việt 2 lần trong 2 năm 1972 và 1975.”


Tôi không biết tiến sĩ có nghĩ như tôi nghĩ là câu ‘nếu lấy lại Ban Mê Thuột thì việc tái chiếm Pleiku và Kontum sẽ dễ dàng…’ giống như một điều ao ước hơn là một kế hoạch chiến lược không?


Tiến sĩ Hưng, “Tôi đã nói là tôi không biết nhiều về những vấn đề quân sự.”


HỎI: xin tiến sĩ nhận xét tiếp về nguyên nhân thứ nhì của quyết định bỏ Pleiku. Tiến sĩ viết ông (Thiệu) muốn dùng Sư Ðoàn 23 Bộ Binh để tiêu diệt Sư Ðoàn 320 Bắc Việt đang chiếm giữ Ban Mê Thuột. Ông Thiệu nói, “Nếu ta đánh bại được sư đoàn này, cuộc tổng tấn công có thể bị chậm lại.” Câu nói này cũng đặt trong thể ‘nếu’, như câu “nếu trúng số độc đắc tôi sẽ nghỉ hưu, không viết báo nữa.”


Việc dùng một sư đoàn 23 đã tổn thất 2 trung đoàn (53 và 45) để “đánh bại” một sư đoàn chủ lực 320, còn nguyên vẹn của Bắc Việt có thực tế hơn niềm ao ước trúng số của tôi không?


Câu hỏi kế tiếp của tôi là xin tiến sĩ Hưng nhận định về một phần khác vẫn của câu tổng thống Thiệu nói về quyết định rút quân ra khỏi Pleiku. Tổng thống nói, “Năm 1972, sở dĩ ta chiếm lại được Quảng Trị là nhờ tướng Trưởng tiêu diệt được chủ lực quân của địch.” Câu nói này không đúng, vì tổng thống Thiệu còn dấu không nói lên một yếu tố lớn, lớn đến mức là yếu tố chính của cuộc chiến thắng tại Quảng Trị năm 1972: không phải các đơn vị cơ hữu của Quân Ðoàn 1 đánh tan những sư đoàn chủ lực Bắc Việt, mà chính lực lượng tổng trừ bị -nhẩy dù và TQLC- đã giúp trung tướng Ngô Quang Trưởng tiêu diệt chủ lực quân cộng sản trong trận tổng tấn công 1972, để tái chiếm Quảng Trị.


Năm 1975, nếu có được một sư đoàn tổng trừ bị tăng viện, tướng Phú cũng dễ dàng đánh tan sư đoàn 320 của địch.


Trong số những câu hỏi đã viết sẵn trên giấy, tôi còn một câu nữa để hỏi ông Hưng, “tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có ý thức được việc Quân Ðội VNCH không còn lực lượng tổng trừ bị nữa không? Và vào thời điểm nào ông ý thức được việc này?” nhưng lại thôi, không hỏi nữa, vì biết ông Hưng cũng sẽ trả lời là ông không biết.


Viết về TÂM TƯ TỔNG THỐNG THIỆU, nhưng tiến sĩ Hưng chỉ biết cái góc “tâm tư” tủi nhục của vị quốc trưởng một nước nghèo, đi xin viện trợ của Hoa Kỳ và gặp những chính khách đốn mạt nhất mà dân tộc Hoa Kỳ đã sản xuất ra; ông không nắm vững, không hiểu rõ “tâm tư” của TRUNG TƯỚNG THIỆU, tổng tư lệnh quân lực VNCH, không hiểu góc cạnh quân sự của cuộc chiến Việt Nam, nên ông Hưng không biết là năm 1975, ông Thiệu vẫn có thể làm cho quân lực VNCH đánh tan cuộc tổng tấn công của Bắc Việt như họ đã đánh tan 15 sư đoàn quân xâm lược năm 1972.


Giả thuyết chiến thắng này, nghe đẹp như những “mơ ước” của vị trung tướng tổng tư lệnh, nhưng lại không chỉ là mơ ước, mà còn thực hiện được, nếu chúng ta đem thành quả của sư đoàn 18 bộ binh “giết 6,000 lính Bắc Việt” trước phòng tuyến Xuân Lộc, (xin nhấn mạnh là sư đoàn này cũng tác chiến cu ky như sư đoàn 23 bộ binh tại Ban Mê Thuột) nhân lên 13 lần, cho 13 sư đoàn của Nam Việt Nam. Ấy là chưa nói đến việc NẾU được sử dụng phối hợp, 13 sư đoàn đó có khả năng tạo phép lạ như đã một lần họ tạo phép lạ- năm 1972.


Ông Thiệu không đem Sư Ðoàn 21 ra Long Khánh, phối hợp với Sư Ðoàn 18 để bắt lực lượng Việt Cộng đối đầu với mặt trận thứ nhì, như ông đã làm năm 1972 để giải vây cho Sư Ðoàn 5 tại An Lộc.



Nhưng ông Thiệu không làm; ông bỏ 1 triệu người lính đang chiến đấu chống đạo quân xâm lược Bắc Việt để chạy thoát thân.


Không gánh vác trọng trách TỔNG TƯ LỆNH của mình, để mặc mọi đơn vị cu ky chống đỡ sức tấn công của địch quân, không nhìn thấy cuộc tấn công Phước Long tháng Giêng 1975 là thử nghiệm của địch để đánh lớn 2 tháng sau, và vội vã rút quân ra khỏi Cao Nguyên, là những điểm để chúng ta cân nhắc xem trung tướng tổng tư lệnh Nguyễn Văn Thiệu có tội hay có lỗi với quân lực VNCH và với dân tộc Việt Nam.


Anh Dương Phục còn nêu lên câu hỏi, “trong lúc từ chức, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nói ông chỉ thôi không làm tổng thống nữa, chứ vẫn là một quân nhân, vẫn không bỏ ngũ, và ông sẽ trở về quân ngũ, tác chiến như một quân nhân VNCH.”


Ông Hưng giải thích là ông Thiệu không thể không bỏ đi ngoại quốc, vì nhiều áp lực bắt ông phải đi.



Ðáng tiếc là ông Hưng chỉ hiểu có một nửa TÂM TƯ của nhân vật ông bênh vực, nên quyển sách thảo luận về chiến tranh ông viết ra chỉ có giá trị trên góc cạnh chính lược; ông thú nhận vì không nắm vững nên đã bỏ sót 2 góc cạnh chiến lược và chiến thuật; và cũng do đó 5 chữ TTTTT, tên quyển sách, không có nghĩa là TÂM TƯ TRUNG TƯỚNG THIỆU, một nhân vật quan trọng hơn TỔNG THỐNG THIỆU trong 4 tháng đầu năm 1975, thời điểm quân đội và nhân dân Nam Việt bị tắm trong máu của chính mình và nướng trên lửa đỏ của chiến tranh.


Từ người binh nhì đến những vị tướng lãnh tư lệnh quân khu, tất cả những người mặc chiến phục đã làm hết sức mình, nhưng trong tình trạng trống vắng của một tư tưởng chiến lược, một đường lối chiến thuật, và sau 2 quyết định rút quân không giải thích được của tổng thống Thiệu, họ chỉ vẫy vùng vô vọng trong thế của đoàn kình ngư mắc lưới.


Phục hồi danh dự cho tổng thống Thiệu có thể là một nỗ lực chính đáng, tôi chỉ ngạc nhiên về việc ông Hưng không nhận thức đưọc một sự thật rất lớn là viết hay nói bất cứ điều gì xẩy ra tại Việt Nam trong những năm trước 1975 là viết và nói về chiến tranh Việt Nam .


Trước khi chấm dứt cuộc hội thảo, ông Hưng mời anh Dương Phục và tôi có mặt trong buổi ra mắt sách của ông tại Houston vào ngày thứ Bẩy 12 tháng Sáu tại nhà hàng Phoenix, trên đường Bellaire.



Ông bảo chúng tôi rằng trong buổi hội luận phát thanh, ông thiếu chuẩn bị, nhưng 2 tuần sau, chuẩn bị đầy đủ, ông sẽ đến Houston, và sẽ trả lời mọi yếu tố nằm trong quyển sách mà ông là tác giả.


Xin ông Hưng vui lòng chuẩn bị trả lời câu hỏi này, “khoảng 10 trang, từ trang 394, ông mô tả những áp lực bắt buộc ông Thiệu rời khỏi Việt Nam, không cho ông cơ hội được mặc quân phục để tiếp tục cuộc chiến đấu bảo vê quê hương, trong đó áp lực của tổng thống Trần Văn Hương được ông liệt kê vào hàng đầu. Ông dẫn chứng nhiều nhân vật để chứng minh là ông Hương tạo áp lực từ nhiều phiá ép ông Thiệu phải tự “rút quân” sang Ðài Loan, sau khi tự tay ông hoàn thành hai cuộc rút quân đau thương tại Quân Khu I và Quân Khu II.


Ông viết, “… ông Hương e ngại vì ông đã làm Phó tổng thống cho ông Thiệu, nên người ta cho răng bây giớ ông chỉ điều hành một chính phủ theo ý ông Thiệu,” do đó ông Hương yêu cầu người Mỹ đưa ông Thiệu ra khỏi Việt Nam .


Ông Hưng có biết rằng ông Hương vẫn để ông Thiệu sử dụng dinh Ðộc Lập, hành sử nhiều quyền bính của một vị tổng thống ngay cả sau khi ông Thiệu đã từ chức rồi hay không? Trong cuộc hội thoại truyền thanh với tôi và anh Dương Phục, nhiều lần ông Hưng trả lời tôi là ông chỉ viết lại những điều người trong cuộc nói với ông, lời nói của những nhân chứng này đúng hay không là trách nhiệm của họ. Ông Hưng không cần kiểm chứng hoặc đánh giá xem những điều đó có đáng tin hay không.


Nếu ông Thiệu nói với ông Hưng là ông Hương yêu cầu người Mỹ đuổi ông Thiệu ra khỏi Việt Nam, đúng vào lúc Việt Cộng đã đến Long Khánh, thì quả ông Thiệu không ý thức được là ông Hương đã làm ơn cho ông.


“Sự vụ lệnh” cho ông Thiệu và ông Khiêm dắt một đoàn tùy tùng trên 10 người sang Ðài Loan dự tang lễ tổng thống Tưởng Giới Thạch là một tờ giấy viết tay, do chính đại tá Cầm, chánh võ phòng của ông Thiệu viết, chứng minh hùng hồn là sáng kiến rút lui sang Ðài Loan là ý muốn của ông Thiệu, và chữ ký cho phép ông ra đi là thái độ quân tử của ông Trần Văn Hương.


Nếu ông Thiệu đã nói những lời vô ơn với ông Hương, thì tôi xin ông Hưng thuật lại hết những lời ông Thiệu nói về các tướng lãnh, các quân nhân VNCH tuẫn tiết để không phải đầu hàng giặc.



Một trong những “đức tính” giai thoại của ông Thiệu là đa nghị, trong tiểu đề mục viết về việc ông Thiệu “thoát chết lúc ra đi”, ông Hưng có mô tả hai giai đoạn nguy hiểm ông Thiệu trải qua, một là hai anh binh nhì trong lực lượng phòng vệ tổng thống phủ, anh Sanh và anh Khình, đã làm tổng thống đứng tim vì hai anh lù lù đổi phiên gác đúng vào lúc tổng thống bắt đầu cuộc rút quân sang Ðài Loan; và hai là đại sứ Hoa Kỳ Martin vô duyên, muốn bảo mật chuyến vi hành của nguyên tổng thống VNCH, mà lại ra lệnh tắt đèn tối thui trên đoạn đuờng vào sân bay Tân Sơn Nhất, khiến tổng thống lo sợ một âm mưu phản loạn của quân đội VNCH muốn sát hại ông.


Tôi tôn trọng quyền của ông Hưng bênh vực ông Thiệu, nhưng tôi phản đối việc ông Hưng đạp trên danh dự của tổng thống Trần Văn Hương, của thiếu tướng Phạm văn Phú, hay của những người khác để bênh vực ông Thiệu. Hai vị anh hùng này, và hàng trăm ngàn chiến sĩ VNCH đã chịu mọi đầy ải của Việt Cộng, hay đã tự tử để tránh những đầy ải đó để mở cho ông Thiệu một lối thoát.


Tôi không tin ông Hưng có thể thành công trong nỗ lực vinh danh ông Thiệu bằng cách hạ nhục những vị anh hùng tiết tháo, sống chết theo sự mất hay còn của đất nước.


Nguyễn Ðạt Thịnh


Lưu ý: tuy toàn bộ bài báo này trung thực trên bình diện trao đổi quan điểm trong cuộc hội luận, nhưng không đúng từng chữ, vì tác giả chỉ viết theo trí nhớ chứ không viết theo băng ghi âm. Tuy nhiên cuộc hội thoại vẫn được vừa ghi âm, vừa phát thanh trực tiếp, nên vẫn có băng ghi âm; quý vị nào cần nghe lại nguyên văn xin gọi anh Dương Phục, đài Sài Gòn-Houston.


Những đoạn viết thêm vào là những điều tác giả bài báo này muốn được tiếp tục thảo luận với tác giả quyền TTTTT ngày ông đến ra mắt sách tại Houston