Chiến Dịch Hồ chí Minh - Phần I
TS. Nguyễn Đức Phương

Lời Giới Thiệu của Ngụy Saigon

Ngụy tui rất hân hạnh được Tiến Sĩ Nguyễn Đức Phương gửi cho tập tài liệu : “Chiến Dịch Hồ Chí Minh “ Phần 1. Định viết lời giới thiệu nhưng tự thân bài viết đã có giá trị. Đã đưa ra, đã tham khảo nhiều tài liệu từ nhiều phía. Hơn nữa hãy đọc thư TS Nguyễn Đức Phương gửi cho Ngụy tui :

“Nhân ngày 30/4 sắp đến, tôi có viết loạt bài tổng kết các mặt trận trong tháng 4/1975. Tôi kèm phần đầu tiên theo điện thư này để anh đọc và chuyển cho bằng hữu xem để cùng nhớ lại giây phút bàng hoàng cũ nghe anh. Đọc xong loạt bài, anh sẽ thấy đúng ra mình không phải bàng hoàng như vậy vì tụi nó khó vào được SG nếu các “đại bàng cánh cụp” đừng bay đi quá sớm. Tôi sẽ tiếp tục gửi đến anh các phần kế tiếp một khi sửa chữa xong. Tôi viết đã lâu nhưng vì viết bằng VNI. Bây giờ VNI này hư rồi nên tôi phải chuyển lại thành Unicode, mất thời gian quá nên chậm. Hy vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến từ độc giả vì tôi cần kiểm chứng nhiều hơn nữa, nhất là những gì xảy ra chung quanh các cầu chính. Cứ tự nhiên đóng góp ý kiến nếu có, nghe anh….”

Mời Quý vị độc giả giở lại từng trang sử của những ngày cuối cùng cuộc chiến Bảo Quốc An Dân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa để nhớ lại, để ngâm ngùi và để tri ân những chiến sĩ QLVNCH vì nước vong thân

Ngụy Sàigòn

***************

Chiến Dịch Hồ chí Minh

Lời tác giả: Đây là loạt bài ghi lại những sự kiện trong tháng 4/1975 dẫn đến sự sụp đổ của VNCH. Phần đầu tiên là chương cuối cùng được trích từ quyển sách “Chiến Tranh Việt Nam toàn tập” của tác giả, đã được Làng Văn xuất bản tại Canada năm 2001 (xem trang giới thiệu đính kèm). Những bài kế tiếp được viết gần đây cho ấn bản thứ nhì của quyển sách (sẽ được xuất bản). Qua đó, độc giả sẽ có một cái nhìn tổng quát khắp các mặt trận chung quanh Sài Gòn, chưa được ghi lại trước đây.

Tác giả rất mong nhận được những phản hồi từ độc giả, nhất là những độc giả ở ngay tại Sài Gòn lúc bấy giờ, hầu bổ sung thêm những chi tiết cần giữ lại cho mai hậu. Mọi liên lạc xin gửi cho tác giả theo địa chỉ điện thư sau : phuong@sky.com


Nguyễn Đức Phương, Anh Quốc, Xuân 2013

***************

Hai sự kiện quan trọng đưa đến chiến dịch tổng tấn công miền Nam năm 1975 của quân đội CSBV là (1) :

Hội nghị Bộ Chính trị (BCT) Ban Chấp hành Trung ương Đảng được mở ra từ ngày 30/9 đến ngày 8/10/1974. Sau khi phân tích tình hìnhquân sự tại miền Nam, hội nghị rút ra một kết luận quan trọng là “Mỹ đã rút ra khỏi miền Nam thì khó có khả năng nhảy trở lại miền Nam và dù chúng có thể can thiệp thế nào đi chăng nữa cũng không thể cứu vãn được nguy cơ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn”. Trong bối cảnh đó, BCT nhận xét : Chúng ta đã thúc đẩy thời cơ chiến lược chín muồi, tạo nên những yếu tố chiến lược quan trọng để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Hội nghị BCT đã đồng ý thông qua phương án “giải phóng” miền Nam trong hai năm 1975-1976. Cũng trong hội nghị này, BCT còn chỉ rõ Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng về mặt quân sự, là chiến trường chủ yếu trong cuộc tiến công lớn năm 1975.
Trên cơ sở nghị quyết này, hội nghị BCT từ cuối tháng 12-1974 đến đầu tháng 1-1975 đã bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

Ngày 8/4/1975, Lê Đức Thọ (1911-1990) chủ tọa một phiên họp tại Lộc Ninh gồm các cán bộ của Trung ương cục miền Nam và một số khác từ Bộ TTM quân đội CSBV gửi vào để học tập nghị quyết ngày 25/3 của Bộ Chính trị, trong đó nêu rõ (2) : “Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam … Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa” (trước tháng 5-1975)”. Sau đó Lê Đức Thọ đã tuyên bố thành lập BTL chiến dịch giải phóng Sài Gòn Chợ Lớn theo chỉ thị của Bộ Chính trị (3). Thành phần của BTL này gồm :

Tư lệnh : Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917-2002)
Chính ủy : Phạm Hùng (1912-1988)
Phó Tư lệnh : Thượng tướng Trần Văn Trà (1919-1996), Trung tướng Lê Đức Anh (1920- ), Trung tướng Lê Trọng Tấn (1914-1986), Trung tướng Đinh Đức Thiện (1914-1986) và Thiếu tướng Bùi Phùng (1920-1999) phụ trách tiếp liệu
Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị : Trung tướng Lê Quang Hòa (1914-1993)
Tham mưu trưởng : Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền (1928-2006).

BTL này đã bàn thảo kế hoạch đánh chiếm năm vị trí quan trọng tại Sài Gòn gồm : Bộ TTM/QL-VNCH, dinh Độc Lập, BTL Biệt khu Thủ đô, BTL Cảnh sát Quốc gia và phi trường Tân Sơn Nhất. Theo Tướng Văn Tiến Dũng thì (3) :

“Đây là những mục tiêu đầu não của ngụy quân và ngụy quyền Sài Gòn, đây là những thành phần của bộ máy chiến tranh để kềm kẹp nhân dân ta mà đế quốc Mỹ đã dựng lên. Đây là những nơi tập trung hoàn toàn cốt tũy của tập đoàn lãnh đạo bù nhìn bán nước khủng bố nhân dân ta, là nơi để chúng âm mưu kéo dài chiến tranh, tiếp tục đàn áp mọi người yêu nước, cách mạng và tiến bộ, tiếp tục chống Cộng Sản đến cùng”.

Thể theo đề nghị của BCH chiến dịch, Lê Duẩn (1907-1986) đã ký công điện số 37TK ngày 14/4/1975 đồng ý chiến dịch tấn công vào Sài Gòn lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh (4), xem Hình 1-5.

Trung tướng Nguyễn Văn Toàn (1932-2005), Tư lệnh quân đoàn III/QLVNCH đã tổ chức phòng thủ Sài Gòn trên năm tuyến chính với khoảng cách đến trung tâm thành phố xa hơn tầm đại bác 130 ly đồng thời để bảo vệ các căn cứ quân sự quan trọng tại Biên Hòa, Củ Chi, Lai Khê và Long Bình. Phía tây-bắc là tuyến Củ Chi với sư đoàn 25 BB và ba liên đoàn 8, 9 và 32 Biệt động quân (BĐQ). Tuyến Bình Dương ở phía bắc với sư đoàn 5 BB. Tuyến Biên Hòa phía đông-nam với sư đoàn 18 BB, sư đoàn TQLC và Lực lượng Xung kích quân đoàn III. Tuyến Vũng Tàu và quốc lộ 15 do lữ đoàn 1 Dù cùng với một tiểu đoàn thuộc sư đoàn 3 BB và các đơn vị thiết giáp, ĐPQ&NQ của tiểu khu Phước Tuy phụ trách. Tuyến Long An bảo vệ hướng tây-nam với sư đoàn 22 BB.

Do yếu tố địa hình, năm tuyến phòng thủ quan yếu của QLVNCH cũng trùng với năm hướng tấn công chính mà CS đã hoạch định :

1) Hướng đông và đông-nam do hai quân đoàn 2 và 4 chịu trách nhiệm. Quân đoàn 2 với Tư lệnh là Thiếu tướng Nguyễn Hữu An (1926-1995) và Chính ủy là Thiếu tướng Lê Linh (1925-1998) gồm các sư đoàn 3 Sao Vàng, 304, 324B và 325 bắt đầu tập kích Long Thành, Vũng Tàu và Phước Lễ. Quân đoàn 4 với Tư lệnh là Thiếu tướng Hoàng Cầm (1920- ) và Chính ủy là Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922-1995) gồm các sư đoàn 6, 7 và 341 sau khi chiếm được Xuân Lộc đang trên đường tiến về Trảng Bom.

2) Hướng tây và tây-nam là đoàn 232 với Tư lệnh là Trung tướng Lê Đức Anh và Chính ủy là Thiếu tướng Lê Văn Tưởng (1919-2007) gồm các sư đoàn 3, 5, 8, 9 BB và 27 đặc công cùng các trung đoàn biệt lập 16, 24, 88, 71 và 262 pháo phòng không bắt đầu tiến từ sông Vàm Cỏ Đông và tỉnh Hậu Nghĩa.

3) Hướng tây-bắc của quân đoàn 3 với Tư lệnh là Thiếu tướng Vũ Lăng (1921-1988) và Chính ủy là Đại tá Nguyễn Hiệp gồm các sư đoàn 70, 316, 320 và 968 tiến về phía Tây Ninh.

4) Hướng bắc là quân đoàn 1 với Tư lệnh là Thiếu tướng Nguyễn Hòa (1927- ) và Chính ủy là Thiếu tướng Hoàng Minh Thi (1922-1981) gồm các sư đoàn 312, 320B và 338 từ Lộc Ninh và Phước Long tiến về khu tập trung ở phía nam sông Bé.

Kế hoạch chi tiết của CS như sau (5) :

“Hướng Tây Bắc, quân đoàn 3 phối hợp với bộ đội địa phương Tây Ninh, Củ Chi, các lực lượng đặc công, biệt động, pháo binh và xe tăng … tiêu diệt căn cứ Đồng Dù, ngăn chận và tiêu diệt sư đoàn 25 ngụy từ Củ Chi đến Trảng Bàng, sau đó đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, phối hợp với quân đoàn 1 đánh vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy, sau đó phát triển về quận 3 và tiến về dinh Độc Lập. Hướng Bắc và Đông Bắc, quân đoàn 1 được tăng cường trung đoàn 95 (sư đoàn 325) cùng lực lượng đặc công, pháo binh, tên lửa chiến dịch, phối hợp với các lực lượng địa phương Bình Phước, Bình Dương … tiêu diệt và bao vây căn cứ Phú Lợi, Bình Dương, Tắc Nghĩa, Bến Cát … rồi đánh vào Bộ Tổng Tham mưu, khu bộ tư lệnh các binh chủng ở Gò Vấp, sau đó tiến về dinh Độc Lập. Hướng Đông, quân đoàn 4 có nhiệm vụ đánh chiếm Biên Hòa và sân bay rồi tiến vào Sài Gòn đánh chiếm quận 1, dinh Độc Lập, Tân Cảng. Hướng Đông Nam, quân đoàn 2 được tăng cường đặc công, biệt động và lực lượng địa phương có nhiệm vụ đánh chiếm Bà Rịa, Ô Cấp, khúc sông Lòng Tàu để cắt đường rút lui ra biển của địch, đánh chiếm căn cứ Nước Trong, Long Thành, Nhân Trạch, pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất, đánh chiếm Long Bình, Cát Lái rồi phát triển vào nội đô, quận 4 và quận 9. Hướng Tây và Tây Nam, đoàn 232 và lực lượng chủ lực quân khu 8, phối hợp với địa phương đánh chiếm Hậu Nghĩa, cắt đứt lộ 4 rồi đánh chiếm Biệt khu Thủ đô, Tổng Nha Cảnh Sát, khu vực Nhà Bè, cảng Bạch Đằng, các quận 5, 6, 7, 8, 10 và 11. Các quân đoàn đều có nhiệm vụ đánh chiếm dinh ‘Độc Lập’, quân đoàn nào vào nhanh cứ tiến đánh ngay”.

Về tương quan lực lượng giữa hai bên thì QLVNCH chỉ có khoảng sáu sư đoàn để bảo vệ thủ đô chống lại một lực lượng đông đảo với quân số gần 20 sư đoàn CSBV. Ba sư đoàn 7, 9 và 21 BB thuộc quân đoàn IV QLVNCH không thể dùng để tiếp ứng do điều kiện an ninh lãnh thổ của vùng đồng bằng sông Cửu Long. CS cũng đã xác nhận các cân lực lượng trong chiến dịch này như sau (6) :

TA : Bốn quân đoàn 1, 2, 3, 4 và 232 bao gồm 15 sư đoàn bộ binh, năm lữ đoàn bộ binh biệt lập, bốn trung đoàn tăng thiết giáp và sáu trung đoàn đặc công. Quân số tổng cộng khoảng 280 ngàn với 400 xe tăng và 420 pháo.
ĐỊCH : Năm sư đoàn bộ binh 5, 18, 22 và 25, sư đoàn TQLC, hai lữ đoàn Dù, lữ đoàn 3 Kỵ binh và bốn liên đoàn Biệt động quân. Quân số tổng cộng khoảng 240 ngàn với 625 xe tăng thiết giáp và 400 pháo.

1. DIỄN TIẾN

CS bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 26/4/1975 khi tấn công vào trường thiết giáp tại Long Thành và căn cứ Nước Trong. Đồng lúc đó các đơn vị đặc công cũng đã tấn công Tân Cảng, cầu xa lộ và đài “ra đa” Phú Lâm, tuy nhiên các cuộc tấn công này đều bị thất bại (xem Hình 6-11).

Sáng ngày 27/4, sư đoàn 3 Sao Vàng tấn công chi khu Đức Thành và chiếm được Phước Lễ. Lữ đoàn 1 Dù lui về Vũng Tàu. Sư đoàn 18 BB được lệnh lui binh về giữ Trảng Bom. Phía tây, các căn cứ dọc theo sông Vàm Cỏ Đông đã lần lượt bị quân CS chiếm. Đồng lúc đó, pháo binh của CS bắn phá một cách dữ dội phi trường Biên Hòa. Sư đoàn 3 Không quân được lệnh di tản về hai căn cứ không quân Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) và Trà Nóc (Cần Thơ). Phía tây-nam, các đơn vị CS thuộc đoàn 232 đã cắt đứt quốc lộ 4 tại nhiều nơi với mục đích ngăn chận viện binh của quân đoàn IV QLVNCH. Trên phía bắc, quân đoàn 1 CSBV theo liên tỉnh lộ 16 tiến về Thủ Dầu Một. Phía tây-bắc, các lực lượng thuộc quân đoàn 3 CSBV đã cắt đứt quốc lộ 1 và quốc lộ 21 để chặn đường rút lui của sư đoàn 25 BB.

Ngày 28/4, Tướng Dương Văn Minh (1916-2001) tuyên thệ nhậm chức Tổng thống VNCH. Trong buổi chiều cùng ngày, phi công nội tuyến Nguyễn Thành Trung (1947- ) hướng dẫn các phản lực cơ chiếm được của không quân VNCH oanh tạc phi trường Tân Sơn Nhất. Đến tối, BTL quân đoàn III từ Biên Hòa di chuyển về đóng tại BCH/TG tại Gò Vấp.

Từ bốn giờ sáng ngày 29/4, Bộ TTM/QLVNCH, phi trường Tân Sơn Nhất và BTL Hải quân bị pháo kích. Kết quả phi trường Tân Sơn Nhất bị thiệt hại nặng. Các bãi đậu phi cơ, bồn chứa nhiên liệu và nơi tồn trữ đạn dược bị trúng đạn gây ra nhiều đám cháy lớn. Sư đoàn 325 CSBV sau khi chiếm được Nhơn Trạch và Thành Tuy Hạ, tiếp tục tiến về Cát Lái. Sư đoàn 304 CSBV cũng đã thanh toán xong căn cứ Nước Trong.

Tại Biên Hòa, sư đoàn 18 BB và Lực lượng Xung kích quân đoàn III với các chiến đoàn 315, 318, 322 cùng với lữ đoàn 2 Dù và lữ đoàn 469 TQLC vẫn giữ được tuyến phòng thủ. Sau chiến tranh, Trung tướng Nguyễn Hòa, nguyên Tư lệnh quân đoàn Quyết Thắng xác nhận ông mất 585 cán binh chỉ trong hai ngày đụng độ với Lực lượng Xung kích quân đoàn III. Chính ông cũng đã bị thương nặng trong những cuộc đụng độ này (7).

Chiều ngày 29/4, hai BTL Không quân và Hải quân bắt đầu di tản. Một liên đoàn BĐQ tại Bến Tranh phía bắc Mỹ Tho đã được lệnh trực thăng vận về Cần Đước để ngăn chận CS trên liên tỉnh lộ 5A nhưng không có trực thăng. Chợ Lớn do đó được xem như bỏ ngõ. Đến tối các lực lượng của CS bắt đầu đụng độ với hai chiến đoàn 315 và 322 tại hai hướng đông và đông-bắc của thành phố. Trong khi đó, Trung tướng Vĩnh Lộc (1926-2009) với chức vụ TMT/QLVNCH ra lệnh cho sư đoàn 18 BB về trấn giữ khu vực Thủ Đức, nghĩa trang quân đội.

Trên mạn bắc, căn cứ Lai Khê thuộc tỉnh Bình Dương bị CS pháo kích dữ dội. Quận Bến Cát bị tấn công. Quốc lộ 13 giữa Lai Khê và Phú Cường bị CS đóng chốt tại nhiều nơi.

Bên phía tây, liên đoàn 32 BĐQ giữ trục QL-1 đoạn Củ Chi – Trảng Bàng và liên đoàn 9 BĐQ chung quanh giao tuyến giữa xa lộ Đại Hàn và QL-1 đã tan hàng do tác dụng lòn tránh của VC. Riêng liên đoàn 8 BĐQ chịu trách nhiệm chung quanh giao tuyến giữa xa lộ Đại Hàn và TL-10 đẩy lui cuộc tấn công của trung đoàn 117 đặc công (8) nhưng sau cùng phải lui binh khi VC đưa chiến xa từ Đức Hòa xuống và tan hàng tại đây khi có lệnh đầu hàng. Liên đoàn đã phải trả giá đắt vào giờ thứ 25 khi Liên đoàn phó, Trung tá Trịnh Thanh Xuân, sĩ quan Trưởng ban 3 tiểu đoàn 84, Thiếu tá TĐP tiểu đoàn 86 đều bị tử trận; TĐT tiểu đoàn 86 bị thương (9).

Tại phía nam, sư đoàn 22 BB chạm địch tại nhiều nơi nhưng vẫn làm chủ được tình hình.

Ngày 30/4, trung đoàn 24 thuộc sư đoàn F10 của CSBV đụng mạnh với lực lượng Dù tại ngã tư Bảy Hiền và Lăng Cha Cả. Số thương vong của CS lên đến 50% (10). Quân CS sau đó đã tấn công BTL Không quân và trại Hoàng Hoa Thám. Căn cứ của sư đoàn 25 BB tại Củ Chi thất thủ. Chuẩn tướng Lý Tòng Bá (1931- ), Tư lệnh sư đoàn bị bắt.

Chiến trận chung quanh Bộ TTM đã được chỉ huy trưởng BCH 3 Chiến thuật thuộc liên đoàn 81 Biệt Cách Dù kể lại như sau (11) :

”VC bắt đầu xâm nhập vào Ngã Tư Bảy Hiền. Đầu tiên, một chiến xa T54 xuất hiện ở Ngã Tư Bảy Hiền, bắn một trái đạn vào Bệnh Viện Vì Dân nhưng không trúng đích mà trúng các nhà dân sát Bệnh Viện. Cây 90 ly không giựt của Toán Biệt Cách ở đó chỉ một trái, hạ nó ngay. Chiếc T54 thứ hai vừa ló dạng thì bị ‘phụt’ ngay. Xong đời hai mạng ! Chiếc thứ ba vừa rẽ về đường Nguyễn Văn Thoại thì đụng toán của Đ/U Thạch. Cũng ‘phụt’ một cái là chiếc T54 hết cục cựa. Một chiếc thứ tư kèm theo một chiếc PT76 chạy về hướng Tân Sơn Nhất bị chúng tôi chận đánh và nằm yên trước cách Bộ TTM độ 50 thước. Sau đợt đầu, đợt thứ hai cũng cùng chung số mạng. Trong vòng khoảng 15 phút, đã có 6 chiến xa VC nằm rải rác chung quanh Bộ Tổng Tham Mưu cùng với một ổ pháo phòng không loại có bánh xe. Bộ binh VC đành phải chấp nhận cận chiến với Biệt Cách Dù vì đã đến quá gần mà các chiến xa che chở đều đã bị đánh cháy … để bị diệt dần và lui dần ra khỏi Ngã Tư Bảy Hiền … Khi chúng tôi đang chuẩn bị các cây 90 không giựt và M72 để đón đợt tấn công thứ 3 của VC (đã nghe được tiếng tăng ở hướng Trường Đắc Lộ) thì chúng tôi nhận được lệnh ngưng bắn từ Trung Tâm Hành Quân Bộ Tổng Tham Mưu. Vì địch chưa tới nên chúng tôi đã ‘thôi bắn’ nhưng tôi hết đổi ngạc nhiên không hiểu lệnh này có nghĩa là gì nhưng vì tinh thần trọng kỹ luật quân đội, tôi vẫn ra lệnh ngưng bắn, dù vô cùng lúng túng khi phải trả lời những ‘tại sao’ của anh em Biệt Cách kèm theo những câu chữi thề mà bình thường ít được nghe trong các đơn vị. Câu trả lời duy nhất của tôi là sẽ điện về Tổng Tham Mưu xin cho biết lý do … Tôi gọi ngay về Tổng Tham Mưu, không còn ai ! Gọi Trung Tâm Hành Quân thì chỉ còn các Ban Chuyên Môn”.

Đến 10 giờ rưỡi, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Tướng Lê Nguyên Vỹ (1933-1975), Tư lệnh sư đoàn 5 BB tự sát.

Quang cảnh sau đó tại Sài Gòn đã được một quân nhân kể lại (12) :

“Chiếc Honda Dame của tôi mới ra tới quân y viện Trần Ngọc Minh thì một cảnh tượng vừa hỗn loạn vừa thương tâm đang bày ra trước mắt. Dân chúng ở khu vực lân cận đang tấp nập ùa vào quân y viện để “hôi của”. Thôi thì mạnh ai vác được gì thì vác, khuân được gì thì khuân. Thậm chí có những trẻ em không lấy nổi vật nặng, cũng ráng ôm những vật nhẹ như quần áo bệnh nhân, chiếu gối … Trong khi đó một đoàn thương bệnh binh âm thầm lặng lẽ dìu nhau trong Quân Y Viện đi ra. Người thì chống nạng tay chân còn băng bó tùm lum, kẻ thì ngồi xe lăn được một thương binh khác đẩy đi … Có thương binh đầu còn băng bó kín mít chỉ còn chừa một mắt, vừa khập khiểng đi, vừa ráng đẩy một thương bệnh binh khác ngồi trên xe lăn với một thanh sắt cắm bên cạnh treo lơ lững một bình nước biển còn đang chuyền vào cơ thể của anh ta. Cứ thế người còn khoẻ dìu ngươì yếu bước từng bước lặng lẽ đi, bên cạnh đám đông dân chúng đang la hét chạy tới chạy lui, vui mừng giành giựt nhau những món đồ lấy cắp được. Cảnh tượntg bi thương này là một cảnh tượng trong suốt đời tôi khó mà quên được. Thân phận của người lính chiến VNCH sau mà đau đớn quá vậy. Họ đã hy sinh tánh mạng, xương máu bảo vệ quê hương, đến khi bị thương tích nằm trong bệnh viện cũng không yên. Dân chúng chung quanh hình như không hề biết đến đoàn thương bệnh binh này trước đây đã từng xả thân ngoài chiến trường để cho họ có những giây phút ấm êm với gia đình. Nay chỉ mới những giây phút đổi đời đầu tiên, đã không còn ai ngó ngàng tới họ nữa!! Hai mắt tôi cảm thấy cay cay trước cảnh tượng đó, trong lòng dâng lên một nỗi chua xót, đau buồn không tả được trước hình ảnh quá phủ phàng này!!

Tôi chạy lòng vòng qua những đường phố một cách bất định. Đâu đâu cũng thấy những hình ảnh đau lòng tương tự. Ở những cửa tiệm lớn và những kho hàng, những thành phần bất hảo lợi dụng cơ hội này ra tay cướp bóc thẳng tay. Mạnh ai nấy lấy. Mạnh ai nấy khiên. Nhìn những khuôn mặt hí hửng của họ khi khuân vác những món hàng béo bở từ trong kho hoặc cửa hàng nào đó đi ra mà thấy thật buồn. Một số bọn thời cơ 30-4, tay đeo băng đỏ mang súng ống trên những chiếc xe jeep chúng lấy được ở đâu đó, chạy nghênh ngang trên đường. Còn người dân hiền hòa của Sài Gòn thì đa số chỉ biết từ trong nhà giương mắt nhìn những giây phút đổi đời đầu tiên trong cảnh hỗn loạn với một trạng thái e dè, thụ động. Một điều mà tôi không bao giờ ngờ là lá cờ MTGPMN nửa đỏ nửa xanh không biết ở đâu được tung ra bán ngay trên nhiều ngã đường. Đúng là tụi CS nằm vùng đã âm thầm làm chuyện này ngay lúc Sài Gòn chưa thất thủ. Tôi không khỏi thở dài! Một trong những nguyên nhân làm cho Sài Gòn sụp đổ là đã quá dung dưỡng cho bọn ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản bấy lâu nay.

Trên đường phố thì đâu đâu cũng thấy súng ống, quân trang, quân dụng, giày vớ lính vứt đầy khắp cả. Tôi lái xe gần như lúc nào cũng phải né tránh những quân trang quân dụng này, nếu không sẽ chạy dẫm lên ngay. Càng đau lòng hơn khi đến gần cầu Thị Nghè, tôi thấy xác của một người lính nằm ở ven đường. Một người dân tốt bụng nào đó đã phủ lên một chiếc chiếu nhỏ không đủ che hết thân xác anh. Qua màu áo rằn ri anh mặc, tôi biết anh thuộc binh chủng Biệt Động Quân. Nhìn bát cơm trắng, đôi đũa và mấy nén nhang còn đang cháy để trên đầu của ngươì lính bạc số, tôi đã rướm nước mắt khi đi ngang qua. Ôi! Còn hình ảnh nào thê lương hơn những hình ảnh người Sài Gòn đã chứng kiến trên đường phố ngày 30-4-75 hay không? Những bài ca kể về một ngày thanh bình lúc tàn cuộc chiến mà tôi biết trước đây sao hoàn toàn trái ngược với những gì tôi đã thấy vậy?

Qua khỏi ngã tư Bảy Hiền, ngang qua trại Hoàng Hoa Thám[1] tôi không khỏi bùi ngùi. Hình ảnh kiêu hùng của người chiến sĩ mũ đỏ ngày nào nay không còn nữa. Phía trước cổng cũng thấy cảnh dân chúng đang hối hả ra vào khiêng những đồ “hôi của”!”.

Một phóng viên ghi lại cảm tưởng của mình trước đoàn quân chiến thắng (13) :

“Cuộc bại trận nhanh quá, nhanh đến độ dân Sài Gòn phải ngỡ ngàng. Kẻ nào không chạy thoát theo những chuyến di tản thì đổ ra đường xem đoàn quân chiến thắng đi dép, đội mũ cối hay mũ tai bèo vào thành phố. Có những xác người dân hoặc lính chế độ cũ chưa được thu nhặt còn sót ở những góc đường, trên những quân trang quân dụng ném đầy trên đường đi, cả vũ khí nữa chưa kịp thu nhặt.

Những con người đang đứng ngơ ngác ngỡ ngàng ở đó, bị nhét vào tay những lá cờ giấy, và anh “cách mạng” đeo súng mang băng tay đỏ mặt gườm gườm những kẻ không nhiệt tình vẫy cờ chào đón các anh bộ đội cụ hồ tiến vào thành phố. Tôi thấy một người đàn ông cũng bị nhét vào tay một lá cờ, một anh mang băng đỏ đeo súng ra huých vào sườn người đàn ông đó một cái. Ông ta có lẽ hiểu ý liền nhẩy chồm lên phất cờ lia lịa, mồm la hoan hô liên tục. Thế cũng là quá đủ, tôi lủi vào đám đông kiếm đường chạy về nhà. Ngoài kia những dòng người dầy đặc dần trên đường, có người đang tìm kiếm người thân, người tung hô những khẩu hiệu chiến thắng, người ngơ ngác ngẩn ngơ đứng nhìn. Họ không chịu tin vào sự thực là Sài Gòn bị thất thủ”.

Các mũi tấn công của quân CSBV đã lần lượt chiếm đóng các mục tiêu như sau :

Quân đoàn 1 : Bộ TTM/QLVNCH
Quân đoàn 2 : Dinh Độc Lập
Quân đoàn 3 : Phi trường Tân Sơn Nhất
Quân đoàn 4 : Bộ Quốc phòng, bến Bạch Đằng và đài phát thanh
Đoàn 232 : BTL Biệt khu Thủ đô và Bộ Tư lệnh CSQG.

2. HẬU QUẢ

Theo chỉ thị của Bộ trưởng quốc phòng J R Schlesinger (1929- ), Phụ tá bộ trưởng quốc phòng đặc trách an ninh quốc tế E V Marbod đến VN để cố gắng tìm cách tránh cho các quân dụng của QLVNCH khỏi lọt vào tay của CS (9). Tuy nhiên chỉ có 132 phi cơ bay sang được sang Thái Lan (14) và một số trực thăng đáp trên các hàng không mẫu hạm của Mỹ. Riêng hàng không mẫu hạm USS Midway giữ được 45 trực thăng khi rời vùng cấp cứu (15). Theo một tài liệu khác thì có 165 phi cơ của không quân VNCH đáp tại phi trường Utapao của Thái. Trong số này có 21 chiếc F-5E chỉ có khoảng tối đa 115 giờ bay nên đã được không quân Mỹ đem về Mỹ để thành lập một phi đoàn thực tập tại căn cứ không quân Williams thuộc tiểu bang Arizona. Đến khoảng 1988-89, một số các phi cơ này được bán lại cho Ba Tây và Honduras. Số còn lại được hải quân Mỹ tiếp tục sử dụng (16), xem Hình 12-13.

CS đã chiếm được một số vũ khí và quân dụng được liệt kê như sau (17-18), xem Hình 14-16 :

791 000 tiểu liên M-16
50 000 đại liên M-60
47 000 súng phóng lựu đạn M-79
63 000 súng chống chiến xa M-72
90 000 súng lục Colt .45
12 000 súng cối 60 ly và 81 ly
857 580 súng các loại khác
80 đại bác 175 ly, 250 đại bác 155 ly và 1000 đại bác 105 ly
Khoảng 50 000 máy truyền tin các loại
42 000 xe vận tải
300 chiến xa M-41, 250 chiến xa M-48 cùng với 1200 thiết vận xa M-113 và khoảng hơn 1000 thiết giáp các loại khác.
CS đã thu được một số phi cơ các loại như sau (17, 19) :

430 trực thăng UH-1 và 36 trực thăng CH-47
73 phản lực cơ F-5, 36 A-1, 10 C-130, 40 C-119, 40 C-7, 36 C-47, 22 T-41, 144 T-34 và nhiều phi cơ các loại khác.
Tài liệu của CS sau chiến tranh cho biết họ chỉ thu được các phi cơ sau đây (20) :

23 phi cơ A-37, 41 phi cơ F-5 (cả ba biến dạng F-5A/E và RF-5 đều lọt vào tay CS)
28 C-7A, 36 C-119, 7 C-130, 21 C-47, 3 DC-3, 5 DC-4, và 2 DC-6
15 U-17 và 41 L-19
18 T-41, 5 U-6A và một PL-1
50 trực thăng UH-1 và 5 trực thăng CH-47.
Cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, tất cả trực thăng UH-1 đều ngưng hoạt động do thiếu phụ tùng thay thế. Năm 1996, nhà máy A-41 được Bộ Quốc phòng CSVN phê chuẩn kế hoạch khôi phục, sử dụng trực thăng UH-1. Hiện đã có khoảng 12 chiếc UH-1 được tái trang bị cho không quân (21).

CS cũng thu được một số tàu bè của hải quân gồm (22-24) :

18 giang vận hạm (LCU), 5 hải vận hạm (LSM), 3 dương vận hạm (LST), 19 tuần duyên hạm (PGM)
26 tuần duyên đĩnh (WPB), 107 duyên tốc đĩnh (PCF), 293 tuần giang đĩnh (PBR), 67 tiền phong đĩnh (22 Monitor MK4 và 45 Monitor MK5), 100 quân vận đĩnh (ATC), 9 soái đĩnh (CCB), 84 trợ chiến đĩnh (ASPB), 16 trục lôi đĩnh (8 MSM và 8 MSR).

Ngoài ra còn có khoảng 130 000 tấn đạn dược đủ loại cũng đã bị CS chiếm. Tổng số chiến lợi phẩm này trị giá khoảng 5 tỷ mỹ kim. Theo thời giá năm 1975 thì một viên đạn đại bác giá khoảng 100 mỹ kim, một khẩu tiểu liên M-16 giá 142 mỹ kim, súng cối 81 ly là 4500 mỹ kim, một trực thăng khoảng 250 000 mỹ kim và một chiến xa M-41 khoảng 280 000 mỹ kim. Các chiến đĩnh của hải quân từ khoảng 225 000 mỹ kim cho tiền phong đĩnh đến 400 000 mỹ kim cho trợ chiến đĩnh.

CS đã tóm tắt thành công của họ như sau (25) :

“Riêng trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã hơn 20 vạn tên địch, 10 sư đoàn chủ lực và tổng trừ bị, 12 chiến đoàn thiết giáp, 5 sư đoàn không quân, đánh sụp toàn bộ ngụy quyền trung ương và địa phương gồm 22 vạn tên, giải phóng Sài Gòn và toàn bộ các tỉnh còn lại”.

Một tài liệu phân tích quân sự đã cho rằng với số quân dụng to lớn trên, quân đội CSBV có thể thành lập thêm các đơn vị sau (26) :

1 sư đoàn thiết giáp
28 sư đoàn bộ binh
3 sư đoàn thủy quân lục chiến
2 sư đoàn pháo binh
1 sư đoàn phòng không không quân
1 sư đoàn công binh
5 trung đoàn thiết giáp biệt lập
15 trung đoàn cơ giới biệt lập
35 trung đoàn pháo binh biệt lập
50 trung đoàn phòng không biệt lập
15 trung đoàn công binh biệt lập.
Trên thực tế, quân đội CS từ 25 sư đoàn đã tăng lên đến 51 sư đoàn với quân số tổng cộng hơn một triệu quân (27).

Không quân CS tăng thêm 4 trung đoàn :

Trung đoàn không quân tiêm kích 935 sử dụng phản lực cơ F-5, được thành lập ngày 30/5/1975
Trung đoàn không quân cường kích 937 gồm các phản lực cơ A-37 được thành lập cùng ngày
Trung đoàn không quân vận tải 918 trang bị các phi cơ C-130, C-47 và C-119 để phục vụ nhu cầu chuyển vận. Trung đoàn được thành lập ngày 5/7/1975
Trung đoàn không quân vận tải 917 trang bị trực thăng UH-1, CH-47 và các phi cơ quan sát L-19, U-17 để yểm trợ hỏa lực, trinh sát, vận tải và cấp cứu. Trung đoàn được thành lập ngày 20/7/1975.
Sư đoàn không quân 372 được thành lập ngày 15/9/1982 gồm 4 trung đoàn không quân được trang bị hoàn toàn bằng các phi cơ thu được của không quân VNCH và đã tham dự các cuộc hành quân chống Khmer Đỏ trong suốt thập niên 80 của thế kỷ trước.

Tổng số tàu của hải quân là 1500 chiếc các loại trong đó 940 chiếc đã chiếm được của hải quân VNCH.

Tháng 11/1975, VC đưa chuyên viên Nga đến Đà Nẵng để khảo sát các phi cơ chiến lợi phẩm. Một trong những chuyên viên này là Đại tá Victor Kyznechov. Ông mô tả chi tiết như sau (28) :

“Tại đây chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo tình trạng kỹ thuật cho những phương tiện hàng không này, chuẩn bị di dời chúng bằng đường biển, đường bộ sang Liên Xô. Đầu tiên chúng tôi có nhiệm vụ nghiên cứu một chiếc F-5. Bởi các máy bay đều ở tình trạng tốt nên chúng tôi có thể xem xét kỹ từng chi tiết tại nhà chứa máy bay. Chiếc F-5 đầu tiên đã bị chảy dầu ở bộ tản nhiệt và hỏng hệ thống liên lạc với trạm vô tuyến. Chúng tôi buộc phải chọn chiếc thứ nhì, trong tình trạng hoàn hảo, và niêm phong lại để tránh bị đánh tráo thiết bị.

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là F-5 có nhiều điểm nổi trội hơn so với MiG-21[2]. Hầu hết các bộ phận đều có kích thước khá lý tưởng. Chẳng hạn bộ phận máy phát có kích thước chỉ bằng 1/2, 1/3 so với máy bay của Liên Xô. Máy bay dễ dàng sử dụng đến nỗi hầu như chúng tôi không phải dùng đến tài liệu hướng dẫn. Để nạp thêm dầu thì dùng một chiếc xe đẩy chuyên dụng có chứa diesel. Về cấu tạo, khoang lái của F-5 khá giống với MiG-21, tuy nhiên các bộ phận lại nhỏ gọn hơn, rất nhiều trong số đó có chỉ thị dạng băng chuyền. Khoang lái được sơn màu ngọc lam nhẹ (giống màu của MiG-23 sau này).

Cùng với máy bay, chúng tôi được nhận thêm rất nhiều bộ phận thay thế và tài liệu kỹ thuật. Ngoài ra, các bạn Việt Nam còn chuyển cho chúng tôi rất nhiều trang thiết bị mặt đất: cả một hệ thống đầy đủ cần thiết để phục vụ cho việc kiểm tra, sửa chữa máy móc cho máy bay, cả một hệ thống bao gồm cả thiết bị kiểm tra và đo đạc, dùng cho 4 máy bay.

Chúng tôi cũng có cơ hội xem xét một chiếc máy bay cường kích A-37 cùng các thiết bị phụ tùng thiết yếu và các tài liệu kỹ thuật đi kèm. Máy bay này còn đơn giản hơn cả F-5. Khoang lái có cấu tạo theo kiểu tổ hợp nhưng lại vô cùng thuận tiện, các thiết bị được lắp đặt giống như trên trực thăng.

Phía Việt Nam chuyển giao lại cho chúng tôi hai động cơ dự phòng, được đóng trong hai container đóng kín, có bơm khí trơ bên trong. Đây là cách giúp thiết bị không chịu tác động xấu của môi trường và giúp bỏ qua khâu kiểm tra trước khi lắp đặt động cơ vào máy bay.

AC-119 là loại máy bay vận tải hạng nhẹ được mệnh danh là “máy bay chống du kích”, có khả năng lắp đặt thêm vũ khí để tấn công mục tiêu trên mặt đất, cũng được các bạn Việt Nam gửi đến cho chúng tôi xem xét. Tuy nhiên, loại máy bay này không gây cảm hứng với chúng tôi ngoại trừ các trang thiết bị đặc biệt trên máy bay.

Trực thăng CH-47 Chinook và UH-1 biến thể chiến đấu là 2 loại trực thăng thu hút được sự chú ý của chúng tôi. So với Mi-8, UH-1 có nhiều ưu thế hơn[3]. Máy bay nhỏ gọn hơn, nhưng lại được trang bị nhiều vũ khí hiện đại hơn: 2 súng máy 6 nòng, rocket và tên lửa có điều khiển. Khoang lái được thiết kế thấp, 2 bên sườn trực thăng được bọc thép.

Trong vòng 10 ngày chúng tôi đã xem xét kĩ lưỡng, tỉ mẩn từng loại máy bay trên và gửi chúng sang Liên Xô. Những chiếc máy bay này sau đó được Viện Nghiên cứu khoa học thuộc Lực lượng Không quân Liên Xô nghiên cứu.

Những chiến lợi phẩm trên chắc chắn đã giúp ích ít nhiều cho các kỹ sư Nga trong việc nghiên cứu và chế tạo các mẫu máy bay mới, hiện đại và tiện dụng”.


Miền Nam VN bị mất về tay CS sau 30 năm chiến tranh. Về vật chất, người Mỹ đã tiêu tốn khoảng 300 tỷ mỹ kim, Nga và Trung Cộng đã viện trợ cho CSBV gần 5 tỷ mỹ kim. Về nhân mạng, QLVNCH tổn thất trung bình 2.5% tổng số lực lượng. Trong khoảng thời gian từ năm 1961 đến năm 1973, có 184 ngàn quân nhân QLVNCH bị tử thương. Quân đội Mỹ có khoảng 58 ngàn binh sĩ chết và khoảng 300 ngàn người bị thương (29). Tổn thất của phía CS không được công bố. Tuy nhiên theo con số phỏng định thì đã có khoảng 900 ngàn cán binh đã chết từ năm 1961 đến 1974 (30). Tại miền Nam đã có khoảng 250 ngàn thường dân chết và khoảng 900 ngàn người khác bị thương theo con số ước tính của ủy ban tị nạn của thượng viện Mỹ.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày cưỡng chiếm miền Nam, chính quyền CSVN đã chính thức công bố thiệt hại về nhân mạng gồm 1.1 triệu cán binh CS, 250 ngàn binh sĩ QLVNCH và khoảng 2 triệu thường dân (31).

3. NHẬN XÉT

Về những nguyên nhân đã đưa đến việc miền Nam mất về tay CS trong vòng không tới 60 ngày đã được khá nhiều người tranh luận. Người Mỹ đổ lỗi cho VNCH (32), người VN thì cho rằng Mỹ đã bỏ rơi đồng minh (33). Tuy nhiên có lẽ đúng như cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ R Kennedy đã nói : “Lỗi lầm tại VN nhiều đến nỗi bất cứ ai liên hệ cũng đã ít nhiều phạm phải”. Những nguyên nhân thất bại do đó đã đến từ cả hai phía VNCH và Mỹ.

3.1. Việt Nam Cộng Hòa

Những đặc điểm chiến thuật của chiến dịch HCM sẽ được đề cập đến cho từng mặt trận trong các bài kế tiếp. Trên phương diện nghệ thuật chiến dịch, chiến dịch HCM không cần thiết để đạt được mục tiêu chiến lược bởi những lỗi lầm của VNCH, cũng sẽ được bàn luận sau. Trên phương diện chiến lược, có ba nguyên nhân chính đưa đến sự sụp đổ của VNCH.

Đầu tiên là miền Nam VN thiếu một lãnh tụ có đủ khả năng để lãnh đạo đất nước. Hệ thống quân giai từ Bộ TTM xuống đến các BTL quân đoàn đã cho thấy nhiều khuyết điểm. Người ta đã nói nuôi quân ba năm dùng một giờ thế nhưng tiếc thay QLVNCH đã không có được một hệ thống chỉ huy tài ba và đầy đủ khả năng để chu toàn trách nhiệm khi tổ quốc lâm nguy.

Hai cuộc lui binh thất bại của quân đoàn I và II đã cho thấy rõ ràng khuyết điểm trong hệ thống chỉ huy của QLVNCH. Một quân nhân thuộc BTL quân đoàn II đã tự nhận xét (34) :

“Sự vô kỹ luật, vô trách nhiệm không phục tùng, không tuân lệnh, bất mãn, đố kỵ của những sĩ quan có trách nhiệm, cao cấp nhất của quân đoàn II phụ thêm vào, là nguyên nhân đưa đến sự thảm bại nặng nề”.

Thất bại tương tự tại quân đoàn I cũng bắt nguồn từ hệ thống chỉ huy cao cấp nhất như Phạm Huấn đã ghi lại (35) :

“Những sĩ quan và quân nhân sống sót trong cuộc rút quân từ Huế về kể rằng sự hỗn độn vô tổ chức, dối trá trong hệ thống chỉ huy, so với cuộc rút quân cao nguyên, còn bi thảm, tồi tệ hơn nhiều. Hình như có những sắp xếp thật dã man, để mang tất cả chiến xa, đại bác, cùng với các tướng lãnh, các cấp chỉ huy cao cấp về Đà Nẵng, còn những sĩ quan cấp nhỏ và những người lính đều bị bỏ rơi, kể cả các đơn vị TQLC, Biệt Động Quân”.

Trong các lần tiếp xúc và khi bàn luận về cuộc chiến tranh vừa qua với cựu Đại tướng Cao Văn Viên trước khi ông mất, Đại tướng hoàn toàn đồng ý với tác giả về yếu điểm của tư lệnh quân đoàn II nhưng lại không đồng ý về khả năng hạn chế của tư lệnh quân đoàn I trong những quyết định đã đưa đến thất bại khi tổ chức lui binh và mặc dù tác giả đã trình bày chi tiết về kế hoạch của quân đội CSBV lúc bấy giờ qua bài viết của Đại tá Lê Hữu Đức,Trưởng cục Tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh quân đội CSBV. Tác giả cũng đã được Đại tướng đồng ý là sẽ trình bày chi tiết những luận bàn này khi viết lại chiến dịch tấn công Ban Mê Thuột của CS.

Đại tá TMT Tổng cục Tiếp vận đã viết về các cấp chỉ huy của QLVNCH trong lúc cuộc chiến sắp tàn như sau (36) :

“Vậy là các vị lãnh đạo quân đội ‘đã bỏ chạy gần như theo hệ thống quân giai’ cho dù đó là một hệ thống quân giai ngẫu nhiên cũng vậy. Bắt đầu là Trung tướng Tổng thống Nguyễn văn Thiệu, vị Tướng đã hai lần đặt tay lên hiến pháp tuyên thệ ‘bảo vệ quốc gia, bảo vệ hiến pháp’ khi nhận chức Tổng thống và Tổng tư lệnh quân đội, bỏ chạy. Kế đến là Đại tướng Trần thiện Khiêm, hơn 5 năm trong chức vụ Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng, bỏ chạy. Rồi Đại tướng Cao văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam Cộng Hòa, bỏ chạy. Và bây giờ, đến Trung tướng Đồng văn Khuyên, Tham mưu trưởng Tổng tham mưu kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Tiếp vận, bỏ chạy. Và khi Tham mưu trưởng đã bỏ chạy, thì các vị tướng và đa số các Đại tá Trưởng phòng của Tổng tham mưu cũng bỏ chạy. Bộ Tổng tham mưu, lúc 12 giờ trưa ngày 29.04.1975, không còn một vị nào có thẩm quyền quyết định bất cứ một mệnh lệnh gì hết, ngay cả đến công tác phòng thủ doanh trại này cũng không ai trách nhiệm nữa. Quân nhân và công chức quốc phòng của Tổng tham mưu gần 2.000 người, không còn cấp chỉ huy, nên họ tự quyết định bản thân họ !”.

Người ta đã bảo rằng ở trên mà không nghiêm thì bên dưới ắt có loạn. Cấp chỉ huy trung gian tự động rã ngũ khắp các đơn vị nhất là khi không còn người chỉ huy và cảnh dầu sôi lửa bỏng cận kề. Trước thảm cảnh rút lui tại cửa Thuận An, một sĩ quan TQLC đã chua chát viết lại như sau (37) :

“Thật tôi không thể hiểu nổi tại sao mấy ông xếp lại có thể nhẫn tâm bỏ lại lính tráng mà chạy lấy thân như vậy, trong khi tình hình đâu đến nỗi. Trung đội 2 của Huy mập đã bị mấy ông xếp bỏ rơi. Không, tiểu đội nghĩa quân này bị lừa ở lại đúng hơn. Những loại ông xếp vô liêm sĩ này trong quân đội chắc chắn không phải là ít. Không hiểu hiện giờ ở khắp Quảng Trị Thừa Thiên này có bao nhiêu đơn vị nhỏ còn đang phải thi hành nhiệm vụ nào đó trong khi các ông xếp của họ đã ung dung ở Đà Nẵng hoặc Sài Gòn”.

Phía đại diện dân cử, ngành lập pháp cũng không khác mấy. Buổi chuyển giao quyền hành Tổng thống của VNCH vào chiều ngày 27/4/1975 đã được một ký giả mô tả lại như sau (38):

“Lúc 6 giờ 45, Trần Văn Lắm rung chuông để lưu ý sự im lặng của Quốc hội, các thượng nghị sĩ và dân biểu chợt nhận ra rằng phòng họp chỉ có khoảng phân nửa hiện diện. Họ nhìn quanh và đếm thầm một cách hoãng hốt : chỉ võn vẹn 136 trong tổng số 219 đại biểu đúng ra phải có mặt ngày hôm nay. Những người vắng mặt đã chọn con đường để tự cứu họ, đó là bỏ chạy”.

Khả năng lãnh đạo đất nước một cách sai lầm khiến xã hội băng hoại, tham nhũng, thối nát. Các hình thức tham nhũng tại miền Nam đã được nhóm nghiên cứu thuộc tổ hợp Rand xếp thành bốn loại chính là buôn lậu, hối lộ, mua quan bán chức và lính kiểng, lính ma (34). Hậu quả của tình trạng tham nhũng này đã được một sĩ quan nhận xét (39) :

“Tham nhũng luôn luôn tạo ra sự bất công trong xã hội. Tại Việt Nam, một nước đang trong thời chiến thì sự bất công trong xã hội lại càng rõ ràng hơn so với các nước khác. Tham nhũng đã tạo ra một thiểu số nắm giữ tất cả quyền lực và tài nguyên, phần lớn giai cấp trung lưu và nông dân trở thành nghèo hơn và phải chịu hy sinh. Họ mới chính là người đã đóng thuế cho chính phủ, hối lộ cho cảnh sát, phải mua phân bón với giá cắt cổ để rồi phải bán gạo với giá do chính phủ ấn định, và cũng chính họ đã cho con cái đi chiến đấu và hy sinh cho đất nước trong khi các công chức cao cấp của chính phủ và những kẻ giàu có lại gửi con cái ra nước ngoài. Một bác sĩ quân y đã nói với tôi rằng ông đau lòng khi nhìn thấy những thương binh, những binh sĩ cụt chân tay nằm đầy tại các quân y viện đều thuộc giai cấp bình dân, thuộc các gia đình nông dân, các thương binh này phải chịu đựng và hy sinh cho thiểu số tham nhũng thống trị. Chính phủ tuyên bố tìm cách chiếm lòng dân nhưng thực tế chỉ làm lớn hơn khoảng cách giữa giai cấp lãnh đạo và quần chúng; việc gia tăng đấu tranh, đối kháng nội tại, nói theo danh từ của Cộng Sản, không thể nào kéo dài, bằng một phương cách nào đó tình trạng này phải được giải quyết. Không may là đường hướng giải quyết đã theo phương cách của Cộng sản”.

Trên phương diện chiến lược, các cấp lãnh đạo đất nước và quân đội không có kế hoạch để đáp ứng với tình hình sau hiệp định Paris. Quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam, QLVNCH không đủ lực lượng để bảo vệ diện địa; tuy nhiên không một ai có ý kiến gì về việc tái phối trí lực lượng cho đến khi quá muộn. Cũng có thể Tổng thống Thiệu (1923-2001) và Bộ TTM/QLVNCH không tìm được một kế hoạch khả thi vì từ năm 1974, Chuẩn tướng Francis Philip “Ted” Serong (1915-2002), một sĩ quan Úc đang làm cố vấn cho chính phủ VNCH, đã nhận xét (40) :

“Các sư đoàn của QLVNCH đã được dàn trải mỏng, đồng thời cố gắng đáp ứng các cuộc tấn công của CS bằng các lực lượng cấp liên đoàn hay trung đoàn. Theo đường lối huấn luyện của Mỹ, các cuộc phản công này thường sử dụng tối thiểu bộ binh và tối đa hỏa lực phi pháo yểm trợ. Như đã nói ở trên, phần lớn các cuộc phản công này đều do lực lượng địa phương quân đảm trách. Các lực lượng địa phương này phải chịu đựng tất cả các mũi tấn công của Cộng Sản (do đó đôi khi không chống cự nỗi) để hy vọng sau đó sẽ được tiếp viện bởi các trung đoàn bộ binh. Trong khi đó thì hai sư đoàn tổng trừ bị, TQLC và Dù, đã bị cầm chân tại quân khu 1. Mặc dù hiện tại không có nhiều hoạt động của CS trong vùng này nhưng hiển nhiên đây sẽ là vùng bị đe dọa nhiều nhất. Tuy nhiên lực lượng tổng trừ bị đúng ra phải ở tại trung ương để có thể tiếp viện kịp thời khi có một cuộc tấn công chính của CS … Hiện tại Bộ TTM/QLVNCH đang mơ hồ và lúng túng trước quá nhiều phương kế mà CS có thể thi hành :

CS sẽ chờ đợi cho đến khi nền kinh tế của Sài Gòn sụp đổ
Chờ đợi một cuộc đảo chính tại Sài Gòn
Mở rộng chiến dịch giành dân chiếm đất
Mở một cuộc tổng tấn công tương tự như trong năm 1972
Mở một cuộc tổng tấn công tương tự như trong năm 1968
Một hỗn hợp giữa hai phương sách sau cùng.
Tất cả những phương kế này hiện tại đều nằm trong tầm tay của Hà Nội. Cái nguy hiểm cho chính phủ Sài Gòn chỉ có thể tránh được bằng các hành động tiên phong về chiến lược. Tuy nhiên Hoa-Thịnh-Đốn sẽ không ủng hộ các hành động như vậy”.

Nguyên nhân thất bại đầu tiên, sự yếu kém của giai cấp lãnh đạo VNCH đã được giáo sư Laqueur tổng kết như sau (41) :

“Lý do sâu xa hơn khiến CS chiến thắng tại Đông Dương không có gì bí mật. Việt Cộng tác chiến khá giỏi tuy nhiên không có gì mới lạ về chiến lược và chiến thuật của họ. Cũng không có vũ khí chính trị bí mật nào; khuynh hướng quốc gia tại Algérie và EOKA của đảo Chypre đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh của họ với lực lượng ít hơn và đối đầu với kẻ thù đông hơn so với VC; họ đã thu đạt được thắng lợi trong điều kiện địa hình kém thuận lợi hơn so với VC tại Việt Nam, cũng như không có được lợi điểm về lý tưởng CS. Lý do họ thành công chỉ đơn giản là thế lực ngoại bang chỉ có thể hủy diệt được nội loạn với việc sử dụng một chiến lược không được thể chế dân chủ chấp nhận. Trên tất cả mọi thứ, Việt Nam không có được một giai cấp lãnh đạo tương đương với phía CS về sự nhiệt tâm, cương quyết và hy sinh; người Mỹ có thể cung cấp cố vấn, tiền bạc và vũ khí, nhưng họ không thể nào tạo ra những phẩm chất cần thiết nhất để thắng một cuộc chiến tranh”.

Nguyên nhân thứ nhì là dân chúng miền Nam không tích cực yểm trợ cho công cuộc chiến đấu dù chỉ để tự vệ. Cuộc chiến tranh quá dài đã khiến mọi người mệt mõi, giao khoán hoàn toàn việc bảo vệ đất nước cho quân đội. Phần lớn thanh niên không thiết tha, đôi khi còn trốn tránh nghĩa vụ quân sự trong thời chiến. Tất cả những mục nát của chính quyền, thờ ơ của dân chúng và sự ung thối của xã hội miền Nam đã cấu thành yếu tố tự hủy. Ông Nguyễn Bá Cẩn (1930-2009), Thủ tướng sau cùng của VNCH có lẽ đồng ý về tâm trạng của dân chúng miền Nam khi cho rằng (35) : “Chiến tranh đã kéo dài quá lâu, quá đắt giá, và không hứa hẹn bao giờ sẽ chấm dứt”.

Tâm trạng sống bên lề cuộc chiến của một gia đình tiêu biểu cho giai cấp trung lưu tại miền Nam VN đã được một ký giả Anh ghi lại (42) :

“Tôi thường bàn luận về chiến tranh với gia đình này khi ngồi tại phòng khách nhỏ của họ, chỉ cách con sông và các con chuột cống khoảng 20 thước Anh. Bà chủ nhà là một phụ nữ rộng lượng và tử tế, bà lắng nghe một cách lễ độ khi tôi cho rằng để bảo vệ được lối sống hiện tại thì mọi người phải chiến đấu. Bà đồng ý và mĩm cười nhưng lại nói rằng cầu trời cho đứa con trai lớn nhất của bà, sắp đến tuổi động viên, chẳng bao lâu sẽ được đi Thụy Sĩ. Lúc đó chiến tranh hãy còn quá xa. Mỗi khi tôi trở về sau khi tham dự các cuộc hành quân với quân đội Mỹ hay QLVNCH, gia đình này rất muốn nghe mọi chi tiết. Tuy nhiên những cuộc hành quân lớn luôn luôn ở phía bắc hay tại Kampuchia. Bất cứ khi nào tôi hỏi họ là có thể CS sẽ trở lại Sài Gòn với một cuộc tấn công giống như Tết Mậu Thân thì họ đều cho rằng đó là một ý nghĩ vô lý. Với họ thì chiến tranh là một việc thông thường phải sống cận kề. Người chết, đôi khi là thân thuộc trong gia đình nhưng đó là một phần đời sống mà người VN phải chịu đựng. Mục đích của đời sống là không chiến đấu trong cuộc chiến này, lại càng không nên dính líu vào mà chỉ nên đè nén khổ đau. Với quan niệm sống như vậy, năm này qua năm khác, các bạn của tôi lo làm ăn để có thể tích tụ tiền tiết kiệm gửi bên Pháp và Thụy Sĩ. Con cái của họ sẽ vào học trường Tây và ra trường, cách biệt hẳn với đồng bào khốn khổ của họ. Đời sống của họ là một bọt nước nhỏ của sự cao xa, quí phái giữa cảnh hỗn loạn tại Việt Nam. Khi tôi từ giã họ năm 1971, nghịch cảnh này vẫn còn tiếp diễn”.

Nguyên nhân sau cùng là quân đội CSBV đã nhanh chóng khai thác thời cơ, lợi dụng các yếu điểm của QLVNCH. Trận Ban Mê Thuột lúc khởi đầu chỉ là một trận đánh thăm dò, giành dân chiếm đất như Phước Long trước đó. Những quyết định sai lầm tiếp theo của Tổng thống Thiệu cùng với những khuyết điểm của các BTL quân đoàn đã đưa đến thất bại. Trong khi đó, CS đã chuẩn bị một hệ thống tiếp liệu qui mô, được xây dựng từ năm 1973 qua kinh nghiệm thất bại trong mùa Hè năm 1972. Sau khi ký kết hiệp định Paris, không còn phải lo ngại sự can thiệp của không quân Mỹ, binh đoàn 559 phụ trách chuyển vận tiếp liệu trên đường mòn Hồ Chí Minh đã được tổ chức qui mô hơn với các đơn vị như sau :

Hai sư đoàn xe 471 và 571
Ba sư đoàn công binh 470, 472 và 473
Ba sư đoàn pháo cao xạ 365, 367 và 377
Sư đoàn bộ binh 968
Sư đoàn đường ống
Trung đoàn giao liên cơ giới 574
Trung đoàn cầu truyền vượt sông.
Một sĩ quan cao cấp thuộc BTL binh đoàn này đã tổng kết công tác tích trữ quân dụng và tiếp liệu tính đến cuối năm 1974 (43) :

“Được chi viện thêm 50 xe chở vật liệu. Đến tháng 4/74 mới hoàn thành được 240000 m2 kho trong 4 khu vực đã đưa vào dự trữ 60000 tấn đạn pháo, cối, 100000 tấn lương thực, 30 tấn thực phẩm, quân trang và thuốc quân y. Với khối lượng ấy khi tình thế đã đến, ta có thể mở được một chiến dịch nhanh chóng đấy anh. Điều đáng mừng là ta dự trữ được 50 triệu lít xăng. Nếu khi có thời cơ ta đưa đại quân vào giải phóng miền Nam, ta sử dụng chừng 20000 chiếc xe các loại, thì mỗi xe được cấp 2500 lít, là một sự chuẩn bị khá dài về nhiên liệu. Về lương thực, nếu ta mở một chiến dịch lớn, sử dụng khoảng 200000 quân, thì mỗi người lính được cấp 500 ký gạo, có thể chiến đấu được hơn một năm. Về đạn pháo, có hàng triệu quả đạn cũng là một sự dự trữ hỏa lực đáng kể”.

Công binh CS cũng đã tu sửa hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh thành hệ thống đường hai chiều cho xe vận tải (43) :

“Trong 400 ngày qua xem như chúng ta tái tạo lại đường Hồ Chí Minh một lần nữa. Đã mở rộng mặt đường chiến lược 5920 Km và 3930 Km đường chiến dịch với tổng khối lượng đất đá đào bằng ¼ tổng số lượng đất đá làm đường trong 13 năm. Làm được 1,8 triệu m3 đá rải cấp phồi, 1,3 vạn m3 đá tôn. Các ngầm vượt sông. Làm lại 134 chiếc cầu. Xây được 489 chiếc cống. Rải nhựa từ đường 9 vào được 50 Km”.

Số lượng xe vận tải cũng được gia tăng vì không còn bị thiệt hại do các cuộc đánh phá của không quân Mỹ (43) :

“Hơn năm nay ta tập trung sửa chữa khôi phục được 1000 đầu xe, đưa tổng số xe vận tải là 6000 chiếc. Mỗi sư đoàn có 3000 xe, tải trọng trung bình 4 tấn/chiếc. Mỗi sư đoàn có 12000 tấn tải trọng. Như vậy mỗi sư đoàn có thể đưa một quân đoàn có đủ trang bị, chỉ ba ngày đêm cơ động có thể đến vây chặt thành đô quân Ngụy là Sài Gòn. Vì ta biên chế xe 2 lái, thay nhau chạy cả ngày đêm”.

Từ những thắng lợi sơ khởi cùng với những chuẩn bị qui mô trên, CSBV đã nhanh chóng di chuyển toàn bộ lực lượng vào phía Nam để tấn công Sài Gòn trước khi QLVNCH có đủ thời gian tập trung và tái trang bị các lực lượng của mình. Trong khi đó thì QLVNCH lại không có một kế hoạch nào để ngăn cản hoặc trì hoãn tốc độ tiến quân của cơ giới CS. Các cầu cống trên quốc lộ 1 không được phá hủy sau khi lui binh. Đến khi quân CSBV lăm le tại cửa ngõ Sài Gòn, BTL quân đoàn III phạm phải lỗi lầm tương tự. Một thí dụ tiêu biểu là xa lộ Biên Hòa, thuộc vùng trách nhiệm của sư đoàn 18 BB trong khi cầu xa lộ do một đại đội Dù trấn giữ. Đại đội này lại được đặt dưới quyền chỉ huy của Lực lượng Xung kích quân đoàn III. Hậu quả là khi đại đội này rút lui, cầu được giữ nguyên vì không ai có trách nhiệm phá hủy.

Nghệ thuật chiến dịch và chiến lược của CS được tóm tắt như sau (6) :

“Đây là chiến dịch tiến công chiến lược binh chủng hợp thành có qui mô lớn nhất trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta. Chiến dịch được thực hiện trong tình huống hai bên mặt đối mặt, cùng biết rõ ý đồ và lực lượng của nhau, khó tạo nên yếu tố bất ngờ ngay cả trong phạm vi chiến thuật, do đó, là một bước phát triển về nghệ thuật chỉ huy. Ta tiến công trên tất cả các hướng, tạo thành thế hợp vây ngay từ đầu, khiến địch chỉ còn cách chấp nhận tác chiến hay đầu hàng. Trong đột phá chiến dịch, ta vừa đánh địch phòng ngự vòng ngoài, vừa dùng các binh đoàn mạnh thọc thẳng vào chiều sâu và đầu não địch, đánh quỵ địch nhanh chóng. Lần đầu tiên, ta sử dụng bộ đội tăng thiết giáp tập trung ở qui mô binh đoàn (lữ đoàn), đảm nhận một hướng tấn công chủ yếu với tính chất là cụm cơ động thọc sâu, phát huy được sức đột kích nhanh và tăng cường khả năng tác chiến trong hành tiến. Về chỉ đạo chiến lược, ta đã kết hợp chiến dịch với tiến công chiến lược trên toàn chiến trường, giành thắng lợi hoàn toàn”.

Theo Clausewitz thì bạo lực là nồng cốt cho một cuộc chiến tranh. Không có một phương cách giải quyết nào khác ngoài chiến trường. Chiến thắng là tuyệt đối và phải được đánh đổi bằng máu. Áp dụng binh thuyết Clausewitz, các nhà lãnh đạo quân sự CSBV đã đưa lực lượng đối đầu trực tiếp với QLVNCH và đồng minh. Những trận đánh đẫm máu năm 1965, Tổng Công kích Tết Mậu Thân 1968 và mùa hè đỏ lửa năm 1972 với những thiệt hại to lớn về nhân mạng đã khiến CS phải xét lại đường lối chiến tranh của họ.

Tuy nhiên, Clausewitz cũng đã viết (44) :

“Giao tranh là những phương tiện duy nhất để tiêu diệt lực lượng địch, tuy nhiên người ta có hai cách khác nhau là trực tiếp hoặc gián tiếp bằng cách phối hợp trong khi giao tranh. Một trận đánh là phương tiện chính nhưng không phải là một cách duy nhất. Việc chiếm đóng một pháo đài hay lãnh thổ địch vẫn có thể đưa đến việc tiêu diệt được địch quân. Đồng thời có thể đưa đến sự tàn phá và như vậy cũng trở thành một phương tiện gián tiếp … Phân tán địch quân khỏi nơi họ đã chiếm đóng cũng không khác mấy do đó chỉ nên xem là gián tiếp hơn là cho rằng đây là thành công về quân sự. Những phương cách này thường được đề cao một cách sai lầm vì chúng ít khi mang lại kết quả như một trận đánh và thường dẫn theo nhiều nhược điểm. Người ta sử dụng chỉ vì thiệt hại nhỏ”.

Tại Đông phương, người ta thường biết nhiều đến binh thuyết của Tôn Tử. Khi bàn về chiến lược tấn công, Tôn Tử viết (45) :

Chính sách tốt nhất là chiếm một quốc gia còn nguyên vẹn
Bắt được quân địch hay hơn tiêu diệt chúng
Đánh thắng trăm trận không phải là tài giỏi. Đàn áp được quân địch mà không cần phải chiến đấu mới là tài ba.
Nói một cách khác thì chiến lược tấn công của Tôn Tử có thể xem như phương pháp gián tiếp mà Clausewitz đã đề cập. Chiến lược gián tiếp này có thể tóm tắt qua bốn chữ dương đông kích tây. Mặt trận chính do đó thường là những nơi địch quân không ngờ. Chiến lược này còn bao gồm cả chiến tranh chính trị với mục đích làm rối loạn hàng ngũ địch quân, lung lạc tinh thần chiến đấu của binh sĩ địch. “Tứ diện sở ca” của mưu sĩ Trương Lương thời nhà Hán là một thí dụ điển hình của chiến lược này[4].

Binh thuyết gia nổi tiếng của thế kỷ 20, B H Liddell Hart đã tán đồng phương pháp gián tiếp khi viết (46) :

“Mục tiêu của chiến tranh là làm cho địch quân phải đầu hàng. Nếu ý chí chiến đấu của địch bị tê liệt thì sự giết chóc không chỉ là thừa thãi mà còn là phương cách vụng về và đắt giá để đạt được chiến thắng. Phương pháp gián tiếp là cho vi khuẩn xâm nhập vào thân thể của nước đối địch, tạo mầm mống bệnh tật trong ý chí của địch quân sẽ hữu hiệu hơn”.

Phương pháp gián tiếp đã được Hitler (1889-1945) sử dụng một cách tài tình trong những năm đầu của chiến tranh thế giới thứ II. Mở đầu là chiến dịch đánh chiếm Ba Lan năm 1939. Quân đội Đức với ưu thế về không quân và chiến xa thừa sức để đè bẹp quân đội Ba Lan, tuy nhiên Hitler không chọn lối đối đầu trực tiếp theo qui ước chiến tranh cổ điển Clausewitz. Đức khai thác tối đa yếu điểm của Ba Lan. Về địa thế, vùng kỹ nghệ chính của Ba Lan nằm kẹp giữa hai đầu bởi lãnh thổ Đức (47). Quân đội Ba Lan do đó đã tập trung phần lớn lực lượng tại đây. Ngày 3/9/1939, ba phương diện quân (army group) của Đức với chiến xa là lực lượng xung kích đã tấn công và cô lập phần lớn chủ lực của Ba Lan. Tổng TMT quân đội Ba Lan, Thống chế Edward Rydz-Smigly (1886-1941) đã ra lệnh lui binh, tuy nhiên quyết định của ông đã quá muộn. Ngày 19, quân đội Ba Lan tan rã khi Hồng quân Nga tràn qua biên giới phía đông nước Ba Lan để chia phần với Đức.

Khoảng 9 tháng sau, phương pháp gián tiếp lại được quân đội Đức sử dụng lần nữa tại mặt trận phía Tây. Bộ TTM Đức đã lập kế hoạch tấn công Pháp qua chiến lũy Maginot. Tuy nhiên Tướng Manstein (1887-1973), TMT phương diện quân phía nam đã đề nghị sử dụng trục tiến quân chính qua rừng Ardennes với hai lý do. Đầu tiên là nếu tấn công trực tiếp chiến lũy Maginot, quân Đức sẽ phải chịu nhiều thiệt hại do sự phòng thủ vững chắc và quân số đông của Pháp tại đây. Lý do thứ nhì là không ai tin rằng rừng Ardennes thuận lợi cho một cuộc hành quân với chiến xa do đó quân Đức sẽ có được yếu tố bất ngờ. Mở đầu chiến dịch, quân đội Đức tấn công Hòa Lan, Bĩ và Lục Xâm Bảo theo kế nghi binh. Tướng Maurice Gamelin (1872-1958), Tổng TMT quân đội Pháp nhanh chóng gửi liên quân Anh – Pháp sang Bĩ để ngăn chận. Trong lúc đó thì nhiều sư đoàn chiến xa của Đức đã bí mật băng rừng Ardennes để cắt đứt đường rút lui của liên quân Anh Pháp. Bộ TTM Pháp do đó phải ra lệnh lui binh. Như đã biết, sơ hở nghiêm trọng này đã đưa đến sự thất trận của Pháp.

Phân tích hai thí dụ tiêu biểu trên để có thể thấy được lợi điểm của phương pháp gián tiếp. Không cần phải đối đầu trực tiếp mà chỉ cần khai thác các yếu điểm và sơ hở của đối phương, Hitler đã chiến thắng đồng thời còn tiết kiệm được nhiều xương máu. Chiến dịch đánh chiếm Ba Lan chỉ kéo dài trong 19 ngày. Quân đội Đức có khoảng 13 000 người chết và 30 000 thương binh. Quân đội Ba Lan có đến 70 000 binh sĩ tử trận, 133 000 thương binh. Đức đã bắt giữ được 694 000 tù binh. Trong khi đó thì sau khi hưu chiến, Pháp có khoảng 92 000 binh sĩ bị thiệt mạng, 250 000 thương binh cùng với 1 triệu 450 000 tù binh. Đức chỉ có 27 000 binh sĩ bị thiệt mạng, 111 000 thương binh và 16 000 binh sĩ bị mất tích. Chỉ trong vòng 45 ngày, phần lớn nước Pháp đã bị Đức chiếm đóng.

Trở lại Việt Nam, với sự rút lui của Mỹ cùng với những cắt xén về quân viện và những rối loạn chính trị tại Sài Gòn, chính quyền CSBV đã nắm chắc được thời cơ để đánh chiếm miền Nam. Tuy nhiên họ không dùng lối trực diện của những năm 65, 68 và 72. Những cuộc đột kích chiến lược của CS trong năm 1974 chỉ là kế nghi binh để QLVNCH phải dàn mỏng quân trấn giữ khắp nơi (48). Cuộc tấn công Ban Mê Thuột chỉ là sự lập lại yếu tố bất ngờ của rừng Ardennes. Hàng đoàn chiến xa của CS sau đó đã vội vã tiến theo quốc lộ 21 và liên tỉnh lộ 7B để cắt đứt miền Nam làm hai đồng thời cô lập các sư đoàn của QLVNCH tại quân khu 1. Tổng thống Thiệu cũng giống như Thống chế Rydz-Smigly và Tướng Gamelin đã hoãng hốt ra lệnh lui binh. Cùng số phận với quân đội Ba Lan và Pháp, QLVNCH phải liên tiếp lui binh và sau cùng tan rã.

3.2. Hoa Kỳ

Trong khi đó thì người Mỹ sau khi ký kết hiệp định Paris đã xem chiến tranh VN là câu chuyện của quá khứ.

Ngày 1/7/1973, quốc hội Mỹ biểu quyết đạo luật ngăn cấm các hoạt động quân sự của Mỹ trên cả hai miền VN kể từ ngày 15/8/1973. Đến tháng 10, sắc luật về quyền tuyên chiến (War Powers Act) được biểu quyết. Đây chẳng những là một sự tai hại cho VNCH mà còn là một hình thức hạn chế quyền hạn của Tổng thống Mỹ bởi quốc hội kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai. Theo sắc luật này thì từ nay Tổng thống Mỹ phải hỏi ý kiến của quốc hội trước khi cho quân đội tham chiến. Nói một cách khác thì đây là một sự bảo đảm với Hà Nội rằng quân đội Mỹ sẽ không can thiệp nếu CS vi phạm hiệp định Paris mà họ vừa ký kết.

Quốc hội Mỹ tiếp tục cho thấy quyết định bỏ rơi miền Nam một cách rõ ràng hơn khi cắt xén quân viện tài khóa 74 cho VNCH từ 1,6 tỷ xuống 1,1 tỷ mỹ kim. Hậu quả của việc cắt xén quân viện này đã được Đại tướng Cao Văn Viên (1921-2008), Tổng TMT/QLVNCH mô tả lại như sau (33):

“Không quân phải cho hơn 200 phi cơ ngưng bay … giảm số giờ bay yểm trợ và huấn luyện khoảng 50%, số giờ bay thám thính khoảng 58%, các phi vụ trực thăng giảm 70% … Các hoạt động của hải quân cũng đã bị cắt giảm khoảng 50%. Sáu trăm tàu chiến các loại đã nằm ụ”.

Tệ hơn nữa là các chiến cụ cũng như quân dụng bị thất thoát hư hỏng lại không được thay thế trên căn bản một đổi một chiếu theo điều 7 của hiệp định Paris. Chỉ có khoảng 33% các chiến cụ được thay thế mà thôi. Tổng số đạn dược dự trữ chỉ đủ dùng cho đến tháng 6/1975. Giới hạn quân trang, quân dụng, vũ khí, đạn dược cùng với nền kinh tế lạm phát khiến tinh thần binh sĩ xuống thấp. Một phúc trình của Văn phòng Tùy viên Quốc phòng Mỹ (DAO) đã ghi nhận (49) :

“Quân nhân VNCH bị bắt buộc phải sống với những nhu cầu dưới mức bình thường khiến khả năng cũng như sự chu toàn nhiệm vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày đã làm sút giảm khả năng của họ. Tình trạng này không cho phép kéo dài nếu muốn duy trì một lực lượng quân sự có khả năng”.

Người Mỹ ký hiệp định Paris với mục đích rút ra khỏi vũng lầy VN đồng thời trao đổi tù binh Mỹ. Quyền lợi chính của miền Nam VN không được chú trọng đến. Một chuyên viên về du kích chiến, Sir R Thompson, khi thảo luận về việc ký kết hiệp định Paris viết (50) :

“Sự sống còn của miền Nam VN bị đe dọa chỉ vì để tránh cho nước Mỹ khỏi phải cấu xé nhau tan nát. Một điều trái ngược ở đây là miền Bắc VN bắt buộc phải ngồi vào bàn hội nghị tại Paris không phải để tự cứu họ mà là để cứu nước Mỹ”.

Vì lý do vừa kể nên mặc dù có quá nhiều khuyết điểm, hiệp định Paris vẫn phải được phê chuẩn với bất cứ giá nào. Tổng thống Nixon phải thú nhận (51) :

“Tôi đã nhìn thấy được những vấn đề nan giải của hiệp định Paris. Đầu tiên là chắc chắn hai Ủy hội Kiểm soát và Giám sát sẽ không làm được gì … Những nguyên tắc thiết lập các ủy hội này chỉ tốt trên văn bản nhưng đã sai trên cơ bản … Vấn đề thứ hai là thỏa hiệp đã không bắt buộc miền Bắc VN rút các lực lượng vũ trang của họ ra khỏi miền Nam VN”.

Sau khi Đà Nẵng rơi vào tay CS, ông M Gauvin (1919-2003), Đại sứ Gia Nã Đại tại Hy Lạp, nguyên là chủ tịch Ủy hội Kiểm soát và Giám sát Quốc tế (ICCS) tại VN đã tuyên bố ngày 4/4/1975 tại Athens rằng (52) :

“Có lẽ miền Nam VN thất bại do quyết tâm bỏ rơi đồng minh của Mỹ nhiều hơn là do thiếu thốn đạn dược. Nguyên nhân thất bại bắt nguồn từ hiệp định Paris không phản ảnh được ý muốn và nguyện vọng của miền Nam VN”.

Với những nguyên nhân như vừa kể trên cùng với âm mưu thôn tính phần đất tự do còn lại với bất cứ giá nào của CSBV thì sự sống còn của miền Nam VN chỉ là vấn đề thời gian. Đúng như Trung tướng Hoàng Xuân Lãm (1928- ) đã nói (53) : “Cuối cùng rồi mình cũng thua CS”, hay như Thiếu tướng Phạm Văn Phú (1929-1975) đã trình bày với Tổng thống Thiệu tại hội nghị Cam Ranh ngày 14/3/1975 (33) : “Tôi và các chiến hữu của tôi có chết ở cao nguyên bây giờ, cũng không khác gì sẽ chết ở Sài Gòn trong năm tới”.

3.3. Toàn cầu

Kết luận về phiên họp cuối cùng của quốc hội VNCH để trao quyền cho Đại tướng Dương Văn Minh, vị thủ tướng sau cùng của VNCH viết (54):

“Dân biểu Phạm Anh gọi điện thoại cho tôi để báo cáo kết quả phiên họp khoáng đại lịch sử và cũng là phiên họp cuối cùng của quốc hội VNCH, một phiên họp đã nói lên hoàn cảnh chiến đấu nghiệt ngã của quân dân miền Nam bị đồng minh bỏ rơi và bán đứng cho đế quốc Cộng Sản. Bắt đầu từ giờ phút này, đêm 27 tháng 4 năm 1975, VNCH đã bị khai tử. Nước mắt và xương máu của quân dân miền Nam đã đổ ra hàng mấy thập niên để miền Nam được sống trong tự do và dân chủ đã trở thành vô nghĩa. Để cho đồng minh đở phần nhục nhã, miền Nam tự do đang được tô hồng trước khi bị Cộng Sản nhuộm đỏ trong những ngày sắp tới. Bắt đầu từ giờ phút này, trách nhiệm không còn nằm trong tay của chính quyền VNCH nữa”.

Đây có lẽ cũng là nhận xét tiêu biểu của hầu hết người dân miền Nam sau cuộc chiến. Nước Việt Nam đã bị một mất mát hết sức là to lớn tuy nhiên sẽ không hoàn toàn vô nghĩa nếu nhìn trên một bình diện rộng rãi hơn. Nếu nhớ lại sự mất ổn định của vùng Đông Nam Á trong những năm 1964- 65, người ta sẽ giải thích được sự tham chiến của quân đội Mỹ tại Việt Nam cũng như giá trị về lòng quyết tâm của quân và dân VNCH chống lại sự bành trướng của làn sóng đỏ. Chẳng những CS đang xâm chiếm miền Nam VN mà còn lăm le thôn tính luôn cả vùng Đông Nam Á. Tổng thống Sukarno (1901-1970) cấu kết với chủ tịch đảng CS Indonesia đồng thời liên kết với Nga và Trung Cộng để gây hấn với Mã Lai. Khối thịnh vượng chung của Anh phải tập trung khoảng 80 tàu chiến xuống eo biển Malacca để bảo vệ Mã Lai. Thủ tướng Lý Quang Diệu (1923- ) đã có lần cảnh cáo các nước trong vùng : “Có thể rồi tất cả chúng ta sẽ bị nghiền nát”. Năm 1966, khi phân tích sự kiện rằng Mỹ đang cố gắng kéo dài thời gian để châu Á kịp thời đoàn kết lại trước hiểm họa CS, ông phát biểu : “Nếu chúng ta cứ ngồi đây và tin tưởng rằng người ta sẽ giúp đỡ chúng ta mãi mãi thì rõ ràng chúng ta đáng tội chết”. Không lâu sau đó, Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN) ra đời (1967) không ngoài mục đích để tự vệ trước hiểm họa vừa nói.

Đến năm 1973, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã có thể yên tâm tuyên bố tại câu lạc bộ báo chí quốc gia (55) :

“Nếu điều tệ hại nhất xảy ra, Việt Cộng và CSBV kiểm soát được miền Nam giữa những năm 70, điều này không có nghĩa là phần còn lại của Đông Nam Á đều sẽ trở thành CS. Tâm lý của các nước khác tại Đông Nam Á lúc bây giờ khác khác xa với hồi Điện Biên Phủ năm 1954. Chẳng hạn người dân Thái Lan ngày hôm nay đã chuẩn bị tâm lý để đối phó với tình huống”.

Lập luận trên càng vững chắc hơn khi người ta biết được rằng trong một dịp thăm viếng Sài Gòn năm 1965, Thiếu tướng Sir W Cawthorn (1896-1970), Giám đốc ngành tình báo của Úc-Đại-Lợi đã nói với Chuẩn tướng T Serong rằng : “Hãy cố gắng giữ [VNCH] cho được 10 năm”. Ông giải thích thêm rằng nếu VNCH tồn tại được 10 năm thì các nước Tân Gia Ba, Mã Lai, Nam Dương và Thái Lan sẽ đủ mạnh để chống lại ảnh hưởng của CS (56). Như vậy rõ ràng miền Nam VN đã là tiền đồn của thế giới tự do trong đúng một thập niên. Không có sự hy sinh của quân và dân VNCH thì bộ mặt của khu vực Đông Nam Á châu ngày nay chắc chắn đã khác đi rất nhiều.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Quỳnh Cư, Nguyễn Hữu Đạo & Đỗ Thị Nguyệt Quang, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1945-1975), trang 523; nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2003.

2. Lương Ninh, Chương XVIII – Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1975, trang 596; Lịch Sử Việt Nam Giản Yếu, nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2000.

3. Văn Tiến Dũng, Đại Thắng Mùa Xuân; nxb Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 1977.

4. Lê Quang Hòa, Những Chặng Đường Chống Mỹ; nxb QĐND, Hà Nội, 1982.

5. Võ Nguyên Giáp, Tổng Hành Dinh Trong Mùa Xuân Toàn Thắng; nxb CTQG, Hà Nội, 2000.

6. Văn Hóa Việt Nam Tổng Hợp 1989-1995; Ban Văn Hóa Văn Nghệ Trung Ương, Hà Nội, 1989.

7. Vietnam’s renewal achievements after 1975 victory, http:// http://www.vov.org.vn /2003-05-01 /english /chinhtri1.htm, 17/3/2004.

8. Trung tướng GS, TS. Hoàng Phương & Đại tá Nguyễn Văn Minh, Chủ biên, Lịch Sử Quân Sự Việt Nam – tập 11: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975; nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2005.

9. Điện thoại viễn liên với cựu Thiếu tá Nguyễn Văn Nam, nguyên TĐT tiểu đoàn 84 BĐQ, ngày 24/3/2013.

10. W W Momyer, The Vietnamese Air Force 1951-1975; U.S. Government Printing Office, Washington, D.C., 10 September 1975.

11. Nguyễn-Tiến-Hưng & Jerrold L. Schecter, Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập, trang 572; nxb C & K Promotions, Inc., Los Angeles, 1986.

12. Vĩnh Khanh, Saigon, những ngày cuối tháng Tư; http:// http://www.daiviet.org /default2.aspx? ID=546&CID=15, 1/5/2010.

13. Nguyễn Thụy Long, 30 tháng 4; http:// toquocvietnam.org /30thang4.htm, 30/3/2013.

14. Duy Việt, Sáng Ngày 30/4/75, Chính Tướng Dương Văn Minh Đã Ra Lệnh Buộc Tôi “Bỏ Súng Đầu Hàng” !; Đặc San Hậu Nghĩa, Xuân Kỷ Mão 1999, trang 32-36, Westminster, California.

15. J Patrick, The South Vietnamese Airforce, in its time the fourth largest in the world, fought it out to the bitter end, trang 56-66; tập san Vietnam, August 1999.

16. R Wetterhahn, Escape to U Taphao, Air&Space Magazines; http:// http://www.airspacemag.com, 7/ 11/2002.

17. Intelligence Watch, Reserve; May-June-July, 1977.

18. O Todd, Cruel April – The Fall of Saigon, trang 445; nxb W W Norton & Company, New York, 1990.

19. R J Francillon, Vietnam Air War; Aerospace Publishing Ltd., London, 1987.

20. Không quân VN có bao nhiêu máy bay VNCH ?; http:// http://www.baodatviet.vn /quoc-phong /201210 /Khong-quan-VN-co-bao-nhieu-may-bay-VNCH-2215783, 13/3/2013.

21. Phượng Hồng, Chiến lợi phẩm của Không quân Việt Nam sau 1975, Kinh tế – Chính Trị – Pháp Luật; http:// nangluongvietnam.vn /news /vn /kinh-te-chinh-tri-phap-luat/chien-loi-pham-cua-khong-quan-viet-nam-sau-1975.html, 21/1/2013.

22. T J Cutler, Brown Water, Black Berets; Naval Institute Press, Maryland, 1988.

23. Đông Chí, Thân phận những con kình ngư của HQ/VN sau 1975, trang 85-99; đặc san Đa Hiệu, số 15, California, tháng 8/1988.

24. N Friedman, Small Combatants including PT boats, Subchaser, and the Brown Water Navy – An Illustrated Design History; U.S. Naval Institute, Annapolis, Maryland, 1987.

25. Việt Nam Những Sự Kiện 1945-1975, Tập II, Tháng Giêng 1965 – 15 Tháng 5/1975; Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Viện Sử Học.

26. The Military Balance, trang 464-465; 1979-1980.

27. D Pike, PAVN : People’s Army of Vietnam, trang 102; Presidio Press, California, 1986.

28. Hé lộ ‘món quà’ Việt Nam tặng Liên Xô sau 30/4/1975; http:// baodatviet.vn /quoc-phong /201206 /He-lo-mon-qua-Viet-Nam-tang-Lien-Xo-sau-3041975-2228226/, 16/3/2013.

29. J Reed, Cost of the War, Nam – The Vietnam Experience 1965-1975, số 19, tập 2; Orbis Publishing Ltd., London, 1988.

30. Tin tức / Việt Nam, Đánh dấu 40 năm ngày quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam; http:// http://www.voatiengviet.com /content /danh-dau-bon-muoi-nam-ngay-quan-doi-my-rut-khoi-vietnam /1631214.html, 29/3/2013.

31. Vietnam forgives and forgets; The Economist, 29 April 1995.

32. G Kolko, Vietnam – Anatomy of War 1940-1975; nxb Allen & Unwin Ltd., London, 1986.

33. Cao Van Vien, The Final Collapse, trang 154; U.S. Government Printing Office, Washington, D.C., 1983.

34. Phạm Huấn, Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975, trang 193; tác giả xuất bản, California, 1987.

35. Phạm Huấn, Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975, trang 48; tác giả xuất bản, San José, 1988.

36. Phạm Bá Hoa, Đôi Dòng Ghi Nhớ, trang 9-269 – 9-270; nxb Ngày Nay, Texas, 1995.

37. Cao Xuân Huy, Tháng Ba Gãy Súng, trang 71-72; nxb Việt Nam, California, 1989.

38. T Terzani, Giai Phong !, trang 29; nxb Angus & Robertson (U.K.) Ltd., 1976.

39. S T Hosmer, K Kellen and B M Jenkins, The Fall of South Vietnam : Statements by Military and Civilian Leaders; nxb Crane, Russack & Company, Inc., New York, 1980.

40. F P Serong, Vietnam’s Menacing Cease Fire; Conflict Studies, số 51, November 1974.

41. W Laqueur, Guerrilla Warfare – A Historical & Critical Study, trang 276-277; Transaction Publishers, New Jersey, 1998.

42. J Manyon, The Fall of Saigon, trang 43; nxb Rex Collings Ltd., London, 1975.

43. Trường Sơn, Cuộc Hành Trình Năm Ngàn Ngày Đêm; nxb Văn Nghệ Thành Phố HCM, 1992.

44. C V Clausewitz, On War, M Howard and P Paret, Eds.; Princeton University Press, New Jersey, 1994.

45. S Tzu, The Art of War; Oxford University Press, New York, 1963.

46. B H Liddell Hart, Strategy; Meridian Printing, London, 1991.

47. J Keegan, Atlas of the Second World War, trang 38-39; nxb Times Books Ltd., London, 1989.

48. Colonel W E Le Gro, Vietnam from Cease-Fire to Capitulation, trang 96-109, ấn bản lần thứ nhì; U.S. Government Printing Office, Washington, D.C., 1985.

49. S A Herrington, Peace with Honor ? An American Reports on Vietnam 1973-75, trang 105; Presidio Press, California, 1983.

50. R Thompson, Make for the Hills, trang 179; nxb Leo Cooper Ltd., London, 1989.

51. R Nixon, No More Vietnam; nxb W H Allen & Co. plc., London, 1985.

52. The Times, số 59362; 5/4/1975.

53. Phạm Huấn, Trận Hạ Lào 1971, trang 314; nxb PC Art, Inc., California, 1980.

54. Nguyễn Bá Cẩn, Đất Nước Tôi, trang 443; tác giả xuất bản, California, 2003.

55. W W Rostow, The Case for the Vietnam War, Parameters, trang 39-50; số mùa đông 1996-97.

56. A Blair, ‘Get Me Ten Years’ : Australia’s Ted Serong in Vietnam, 1962-1975, 1996 Vietnam Symposium, After the Cold War : Reassessing Vietnam, 18-20 April 1996; Vietnam Center, Texas Tech University.

symbol_hoa

CHÚ THÍCH:


[1] Từ Sài Gòn đi theo đường Lê Văn Duyệt lên Bà Quẹo, khi còn cách ngã 4 Bảy Hiền khoảng một cây số thì phía bên phải là trại Hoàng Hoa Thám, nơi đặt bản doanh của BTL sư đoàn Dù, hậu cứ các tiểu đoàn Dù và trại gia binh của sư đoàn (MĐ Vũ Viên, Trại Hoàng Hoa Thám – Một Đời Để Nhớ, trang 132-140; Đặc san Mủ Đỏ, số 65, tháng 1 năm 2012).


[2] Có sự so sánh này vì phi cơ F-5A/B Freedom Fighter hay F-5E/F Tiger II và MiG-21 Fishbed có khả năng tương tự khi không chiến và được chế tạo khoảng đầu thập niên 60 của thế kỷ 20. Chính điểm tương đồng này khiến không quân và hải quân Mỹ đều sử dụng F-5 để huấn luyện phi công trong không chiến.

Trong chiến tranh, hai loại phi cơ này cũng từng đụng độ nhau thí dụ như trong chiến tranh Ogaden (1977-1978) giữa Ethopia và Somalia hay giữa Iran và Iraq trong thập niên 80.

So sánh về trọng lượng thì F-5 tương đối nhẹ hơn (4349 kg so với 7800 kg) nhưng giá bảo trì đắt hơn MiG-21. Khả năng linh hoạt trong không chiến của F-5 vượt trội so với Mig-21 đã khiến Nga thiết kế MiG-23.


[3] Có sự so sánh này vì trực thăng Mil Mi-8 đã được thiết kế từ năm 1958 nhưng không được hồng quân Nga chọn để chế tạo hàng loạt cho đến khi trực thăng Bell UH-1 của Mỹ trở thành thông dụng trên chiến trường VN. Năm 1967, không quân Nga mới nhanh chóng được trang bị trực thăng Mi-8 để chở quân đổ bộ đường không. Trực thăng có hai động cơ turbine khí 1120 kW. Trực thăng của lục quân và không quân có hai biến dạng chính là Mi-8 và Mi-17 với vị trí cánh quạt đuôi nằm bên phải cho Mi-8 và bên trái trên trực thăng Mi-17. Hải quân được trang bị hai biến dạng là Mi-14 và Mi-24. Điểm khác biệt chủ yếu so với trực thăng UH-1 là Mi-8 chở được đến 24 binh sĩ trong khi UH-1 chỉ chuyên chở 13 người kể cả phi hành đoàn (biến dạng UH-1H). Ngoài ra trực thăng vũ trang Mi-24 có thể sử dụng để yểm trợ hỏa lực cũng như để chở quân trong khi trực thăng UH-1 không thể thực hiện cả hai nhiệm vụ trong cùng một lúc được. Quân đội CSVN cũng đã sử dụng một số trực thăng Mi-24 trong chiến tranh với Khmer Đỏ đầu thập niên 80.


[4] Trương Lương (tên chữ Hán: 張良; ?-188 trước công nguyên), tự là Tử Phòng (子房), là khai quốc công thần nổi tiếng thời nhà Hán. Ông cùng với Hàn Tín, Tiêu Hà được người đời xưng tụng là “Hán triều tam kiệt”, giữ vai trò quan trọng khi giúp Lưu Bang đánh đổ nhà Tần và sau đó thắng Hạng Võ trong chiến tranh Hán – Sở, sáng lập ra nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc (phi tam kiệt tất vô Hán thất).

Điểm cao về tài trí của Trương Lương chính là mưu kế “tứ diện sở ca” trong trận quyết chiến tại Cai Hạ giữa Sở Bá Vương Hạng Võ và Hán Bái Công Lưu Bang. Lúc bấy giờ, Hạng Võ bị tướng soái nhà Hán là Hàn Tín bao vây tại Cửu Lý san ở phía bắc thành Từ Châu. Tuy lâm vào tình thế nguy ngập nhưng dưới trướng của Hạng Võ vẫn còn 8000 quân tinh nhuệ, ở vào lúc cùng, họ quyết tử chiến mở con đường máu, vẫn còn hy vọng thẳng thế để đi về Giang Đông tiếp tục chiến tranh. Quân Hán dù có thắng trận bằng binh lực vẫn phải trả giá rất đắt bằng xương máu. Vì thế, Trương Lương đặt ra bài hát “Bi ca tán Sở” để đánh phá tinh thần quân Sở hầu cô lập Hạng Võ để bắt sống. Vốn biết người dân nước Sở yêu quê hương, thích ca hát, Trương Lương thừa lúc đêm khuya thanh vắng, trời cuối thu lạnh lẽo, Trương Lương đi qua lại từ Kê Minh san đến Cửu Lý san, vừa thổi tiêu vừa hát, đồng thời ông cũng huấn luyện quân Hán tập hát theo bằng tiếng Sở rồi đứng vây quanh 4 mặt (tứ diện) của trại quân Sở mà hát vọng vào. Quân Sở vốn theo Hạng Võ chinh chiến đã lâu chưa được về nhà, mệt mõi vì chiến tranh, nay lại bị vây khốn, lương thực cạn kiệt, thêm tác động tâm lý, nên nhanh chóng tan rã. Hạng Võ chỉ còn lại 800 quân kỵ trung thành nên phải tìm đường rút chạy. Sáng hôm sau bị quân Hán truy kích đến Ô Giang, cùng đường nên Hạng Võ phải tự vẫn.


[5] Trần Trọng Trung, Lịch sử và nhân chứng – Đaị tướng Võ Nguyên Giáp ở Tổng hành dinh; http:// http://www.sggp .org.vn /chinhtri /35namgiaiphongmiennam /2010 /4 /224795, 30/4/2010.


[6] Ảnh chụp tại Sơn Tây năm 1974.


[7] Ảnh chụp tại ngoại ô Hà Nội vào tháng 10 năm 1973.


[8] Ảnh sưu tầm của Ngày Xửa Ngày Xưa; http:// http://www.panoramio.com /photo /10278969, 28/9/2009.


[9] Ảnh trực thăng CH-47 được quân đội CS sử dụng trong chiến tranh với quân Khmer Đỏ năm 1979 (Phượng Hồng, Chiến lợi phẩm của Không quân Việt Nam sau 1975, Kinh tế – Chính Trị – Pháp Luật; http:// nangluongvietnam.vn /news /vn /kinh-te-chinh-tri-phap-luat /chien-loi-pham-cua-khong-quan-viet-nam-sau-1975.html, 21/1/2013).


[10] Ảnh chụp phi công CS sử dụng bộ phận biến cải trên phi cơ C-130 để ném bom trong chiến tranh biên giới với Khmer Đỏ (Phượng Hồng, Chiến lợi phẩm của Không quân Việt Nam sau 1975, Kinh tế – Chính Trị – Pháp Luật; http:// nangluongvietnam.vn /news /vn /kinh-te-chinh-tri-phap-luat /chien-loi-pham-cua-khong-quan-viet-nam-sau-1975.html, 21/1/2013).


[11] Ảnh các phi cơ bị nằm ụ vì thiếu phụ tùng thay thế. Ảnh cùng nguồn trên.


[12] M-113 trong lực lượng tăng thiết giáp quân sự Việt Nam; http:// hanowindow.com /index.php?pc=info& act=Detail_News&cat_id=42&news_id=837, 16/3/2013.

[13] Lưu ý hỗn hợp giữa xe vận tải M-135 6×6 chiếm được của QLVNCH sau năm 1975 kéo pháo 130 ly của CS. Ảnh chụp năm 1989.



chiendichHCM_2

HÌNH 1 : BỘ CHỈ HUY CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI CĂM XE, QUẬN BẾN CÁT, TỈNH BÌNH DƯƠNG

(Hàng ngồi, từ trái sang phải là Văn Tiến Dũng, Lê Chí Thọ & Phạm Hùng)


chiendichHCM_3

HÌNH 2 : CỤC TÁC CHIẾN BỘ TTM QUÂN ĐỘI CSBV TRONG CHIẾN DỊCH HCM


chiendichHCM_4

HÌNH 3 : BỘ TTM QUÂN ĐỘI CSBV SAU CHIẾN DỊCH HCM
[5]


chiendichHCM_5

HÌNH 4 : THỰC TẬP HỢP ĐỒNG BINH CHỦNG TRƯỚC KHI TẤN CÔNG MIỀN NAM
[6]


chiendichHCM_6

HÌNH 5 : NHỮNG CHUẨN BỊ ĐỂ XÂM CHIẾM MIỀN NAM [7]


chiendichHCM_7

HÌNH 6 : CHIẾN XA CỦA CS BỊ BẮN CHÁY TẠI LĂNG CHA CẢ SÁNG NGÀY 30/4/1975
[8]


chiendichHCM_8a

HÌNH 7 : CHIẾN XA CỦA CS BỊ BẮN CHÁY TẠI NGÃ TƯ BẢY HIỀN


chiendichHCM_8b

HÌNH 8 : THỦY XA PT-76 VÀO DINH ĐỘC LẬP


chiendichHCM_9

HÌNH 9 : CHIẾN XA T-54 VÀO DINH ĐỘC LẬP


chiendichHCM_10

HÌNH 10: THỦY XA PT-76 TIẾN VÀO SÀI GÒN


chiendichHCM_11a

HÌNH 11 : GIỮA ĐƯỜNG PHỐ SÀI GÒN


chiendichHCM_11b

HÌNH 12 : PHI CƠ F-5 ĐÁP XUỐNG PHI TRƯỜNG UTAPAO TẠI THÁI LAN


chiendichHCM_12

HÌNH 13 : CHIẾN HẠM MỸ NÉM TRỰC THĂNG DI TẢN XUỐNG BIỂN


chiendichHCM_13

HÌNH 14 : CHIẾN TRANH TẠI BIÊN GIỚI TÂY-NAM
[9]


chiendichHCM_14

HÌNH 15 : CS BIẾN CẢI VẬN TẢI CƠ C-130 THÀNH OANH TẠC CƠ
[10]


chiendichHCM_15

HÌNH 16 : PHI CƠ CHIẾN LỢI PHẨM TẠI PHI TRƯỜNG TÂN SƠN NHẤT
[11]


chiendichHCM_16

HÌNH 17 : THIẾT VẬN XA M-113 ĐƯỢC VC SỬ DỤNG TRÊN CHIẾN TRƯỜNG CAMPUCHIA
[12]


chiendichHCM_17

HÌNH 18 : ẢI NAM QUAN TRONG CHIẾN TRANH TRUNG – VIỆT
[13]


(còn tiếp)