Remember ?

Trang 1/2 12 cuốicuối
kết quả từ 1 tới 6 trên 9

Tựa Đề: Lá Thư Úc Châu - NNS

  1. #1
    Moderator
    chimtroi's Avatar
    Status : chimtroi v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2007
    Posts: 1,263
    Thanks: 5
    Thanked 3 Times in 3 Posts

    Default Lá Thư Úc Châu - NNS

    Có lẽ đôi lần Bạn tình cờ bắt gặp trên YouTube một nhạc phẩm Việt Nam nào đó với những hình ảnh minh hoạ lộng lẫy hớp hồn cuốn quyện theo nội dung bài hát mà người thực hiện mang tên NNS. Vâng, NNS hay Nguyễn Nam Sơn từ Úc Châu với "Lá Thư Úc Châu" mà hàng tuần từ nhiều năm qua đã liên tục cung cấp cho bạn bè thân hữu gần xa những công trình sưu tập độc đáo trong mọi thể loại văn, thơ, nhạc... Nhưng trên hết phải kể đến những hình ảnh quê hương đẹp tuyệt vời mà anh đã thu thập được và ghép vào những nhạc phẩm dưới hình thức PPS được kèm theo email mang tên Trang Thơ Nhạc điện tử. Từ những đoạn phim dạng pps nầy lẽ ra đã không thể xem trực tiếp trên internet đã được chuyển sang phim ngắn và post vào YouTube.
    Lần lượt xin hân hạnh giới thiệu cùng quý Bạn Lá Thư Úc Châu của anh NNS, sự sắp xếp có thể không theo thứ tự thời gian, kèm theo là những nhạc phẩm do anh NNS chọn lọc đã được ông Phung Nang Tran đưa vào YouTube. Xin chân thành cám ơn anh Nguyễn Nam Sơn và Phung Nang Tran.


    Lá Thư Úc Châu

    Chúc Thân hữu Thân Tâm An Lạc
    Trang Thơ Nhạc cuối Tuần: 22-6-2013
    Nhạc: Nỗi Lòng Người Đi
    Nhạc sĩ: Anh Bằng
    Tiếng hát: Vũ Khanh
    Tình thân,
    Kính.
    NNS





    Bài đọc:

    (1) Ts Nguyễn Hưng Quốc

    Lợi dụng tự do dân chủ và lợi dụng quyền lực


    Chỉ trong hơn hai tuần, chính quyền Việt Nam ra lệnh bắt khẩn cấp hai blogger nổi tiếng ở Việt Nam: bắt Trương Duy Nhất tại Đà Nẵng vào ngày 26/5 và sau đó, bắt Phạm Viết Đào tại Hà Nội vào ngày 13/6. Cả hai đều bị buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 Luật hình sự Việt Nam.
    Trước đó, ở Việt Nam, công an và chính quyền cũng đã từng bắt bớ và kết án nhiều người với tội danh tương tự: “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Tôi tò mò vào đọc lại bộ Luật hình sự Việt Nam, thấy ghi:

    1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

    2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

    Đọc xong, thú thực, tôi vẫn không hình dung được cụ thể cái gọi là tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” ấy là như thế nào cả. Tôi sống ở Tây phương khá lâu, hiếm khi nghe đến các tội thuộc loại đó. Ở Tây phương, người ta nói nhiều đến tội lợi dụng quyền lực chứ không ai nói đến tội lợi dụng tự do dân chủ. Noam Chomsky có một cuốn sách nổi tiếng tiêu biểu cho cách nhìn ấy: Failed States: The Abuse of Power and the Assault on Democracy (Các nhà nước thất bại: Lợi dụng quyền lực và tấn công dân chủ) do Holt Paperbacks xuất bản năm 2007, ở đó, Chomsky tập trung sự phê phán vào chính phủ, chủ yếu là chính phủ Mỹ, trong việc can thiệp bằng quân sự vào nội bộ các nước khác.

    Chomsky là một trí thức khuynh tả nổi tiếng vừa như một người có những suy nghĩ độc lập vừa như một người chống chính phủ (Mỹ) đến mức cực đoan, do đó, ông vừa được nể trọng vừa bị phê phán gay gắt bởi chính giới trí thức Mỹ. Tuy nhiên, điều ông nhấn mạnh hoàn toàn đúng: điều đáng lo ngại trong việc bảo vệ tự do và dân chủ không phải là vấn đề lợi dụng hay lạm dụng các quyền tự do dân chủ của dân chúng mà chính là việc lợi dụng và lạm dụng quyền lực của những kẻ cầm quyền. Có thể nói nếu bản chất của dân chủ là vấn đề phân quyền và kiểm soát quyền lực, nguy cơ lớn nhất mà mọi nền dân chủ lúc nào cũng phải đối diện là việc lợi dụng quyền lực. Nói đến nhu cầu hoàn thiện dân chủ chủ yếu là nói đến việc hoàn thiện các phương thức hạn chế các sự lợi dụng và lạm dụng ấy.
    Cách nói “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” của chính quyền Việt Nam, vốn rất xa lạ với thế giới Tây phương, vừa nghịch lý vừa vô lý.
    Nó nghịch lý ở nhiều điểm. Thứ nhất, trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, ai cũng biết, dân chúng không có nhiều tự do dân chủ để lợi dụng. Thứ hai, nói đến lợi dụng là nói đến giới hạn, một người bị buộc tội là lợi dụng một cái gì đó khi người ấy vượt qua khỏi cái giới hạn mà nó cho phép; tuy nhiên, tự do của mỗi người vốn lại vô giới hạn trong chừng mực nó không đụng đến tự do của người khác. Như vậy, ở đây sẽ có ba trường hợp: Một, đối với những lãnh vực hoàn toàn không có quan hệ đến người khác, đến bất cứ ai cả, tôi có quyền tự do tuyệt đối; hai, tôi phải biết dừng lại khi chạm đến biên giới của quyền tự do của người khác (ví dụ, tôi có thể nói bất cứ điều gì về tôi nhưng tôi lại không có quyền bới móc đời tư của người khác; tuy nhiên, trong trường hợp này, tôi sẽ không bị buộc tội là lợi dụng tự do của tôi mà là tội xâm phạm vào đời tư người khác hoặc làm hại đến thanh danh người khác); và ba, cái gọi là “biên giới” của tự do của mỗi người lại không phải là một cái khung cố định: một số người, khi quyết định tham gia vào chính sự, trở thành một thứ nhân vật công cộng (public figure), đã mặc nhiên tự nguyện hy sinh phần lớn cái gọi là riêng tư của mình: Với những người ấy, việc vạch trần nhiều chi tiết thuộc về đời tư, ví dụ thu nhập hay tài sản của họ hoặc gia đình họ, không còn bị xem là xâm phạm vào đời tư của nhau nữa. Trong cả ba trường hợp ấy, cái gọi là lợi dụng quyền tự do không hề hiện hữu. Thứ ba, cách nói lợi dụng dân chủ lại càng nghịch lý vì dân chủ, tự bản chất, là quyền từ dưới lên (của dân chúng đối với giới lãnh đạo qua việc bầu cử cũng như phê bình và kiểm tra), nhưng trên thực tế, về phương diện cơ cấu, lại thuộc về phía trên, ở những người cầm quyền: Chỉ có những người cầm quyền mới có thể lợi dụng dân chủ; với dân chúng, những người thấp cổ bé miệng thì vô phương.

    Hơn nữa, việc lên án các hành vị lợi dụng quyền tự do dân chủ của dân chúng còn vô lý vì ở Việt Nam hiện nay, nguy cơ phổ biến và trầm trọng nhất, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của mọi người và vận mệnh của đất nước nhất, chính là việc lợi dụng quyền lực chứ không phải là lợi dụng tự do dân chủ. Tham nhũng: lợi dụng quyền lực. Mua quan bán chức: lợi dụng quyền lực. Đưa con cháu mình vào những chức vụ vượt quá khả năng và không đúng quy định về bổ dụng: lợi dụng quyền lực. Tạo cơ hội cho thân nhân làm giàu một cách bất chính: lợi dụng quyền lực. Trấn áp các quyền tự do căn bản và các biểu hiện căn bản của dân chủ: lợi dụng quyền lực. Chà đạp lên nhân quyền, bắt bớ những người không làm gì khác ngoài việc phát biểu ý kiến và chính kiến của mình: lợi dụng quyền lực. Khẳng định thế lãnh đạo độc tôn của đảng mình, bất chấp nguyện vọng của dân chúng, yêu cầu của dân chủ và xu hướng phát triển của nhân loại: lợi dụng quyền lực.
    Ở Việt Nam hiện nay, nhìn đâu cũng thấy lợi dụng quyền lực. Quyền lực nhỏ: lợi dụng ít; quyền lực lớn: lợi dụng nhiều. Lợi dụng quyền lực từ tên công an đứng đường đến đến các bộ trưởng, các thứ trưởng, thủ tướng, chủ tịch nước và vô số những kẻ gọi là lãnh đạo chủ chốt khác. Tai họa lớn nhất mà dân chúng Việt Nam phải gánh chịu hiện nay là lợi dụng quyền lực. Nhu cầu khẩn thiết nhất để xây dựng một nước Việt Nam dân chủ và phát triển cao phải bắt đầu từ một điểm chính: hạn chế lợi dụng quyền lực.
    Bắt bớ và trấn áp những người dân bình thường với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” là một cách lợi dụng quyền lực một cách thô bạo. Và trơ trẽn. Trơ trẽn vì nó đánh tráo khái niệm “lợi dụng”.

    (2) Tưởng Năng Tiến

    Văn hóa thổ tả


    Nhược điểm lớn nhất của thể chế chính trị của chúng ta là gì? Là chế độ đảng trị, chuyên chế và mất dân chủ rất nặng nề.
    Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

    ————————————-
    Khi mới bước chân vào đến miền Nam, có người đã “nẩy ra” một ý tưởng (hơi) ngộ nghĩnh như sau:
    “Quan sát cảnh vật và sinh hoạt của con người từ Bắc vào Nam, tôi nảy ra ý khái quát này: từ Bắc vào Nam là đi từ miền đất nghèo đến nơi giầu có, từ chỗ hàng năm hễ gặp hạn hán hay lụt lội là đói khát, đến nơi dường như sờ đâu cũng có cái ăn, cây trái, tôm cá ê hề, muốn chết đói cũng khó.
    Nhưng mặt khác, đi từ Bắc vào Nam là đi từ nơi văn hoá cao đến nơi văn hoá thấp.” (Hồi Ký Của Giáo Sư Nguyễn Đăng Mạnh).
    Cách “khái quát này” này đã khiến cho nhà thơ Thiếu Khanh , một người sinh trưởng ở miền Trung, buồn lòng thấy rõ:
    “Đó là khẩu khí của một bậc đại trí thức ở đất kinh kỳ ngàn năm văn vật nhìn về miền đất tuổi đời non nớt mới ba trăm năm, một cách bao dung và rộng lượng, như một hoàng đế ở trung nguyên nhìn ra man di bốn cõi...”
    Nói sao (nghe) đắng cay dữ dội vậy Trời ? Bắc/Nam/Trung gì cũng một nhà hết trơn mà, đúng không?
    Tôi e là có đôi chút hiểu lầm giữa ông nhà thơ và ông nhà giáo thôi. Khi đưa ra nhận xét về “độ chênh” của hai nền văn hóa Bắc/Nam (chắc) ý giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh chỉ muốn đề cập đến những nét nền nã của vùng đất cũ (so với miền đất mới) chứ ông không có ý đề cao văn hoá cộng sản – hay còn gọi là văn hóa công nông, văn hóa vô sản, văn hoá A.K… – chỉ mới xuất hiện, vài chục năm qua, ở đất nước chúng ta.
    Và sự hiểu lầm này – phần nào – có thể là do cái “khẩu khí” của kẻ phát ngôn (thuộc bên thắng cuộc) và cái màng nhĩ (vốn đã mỏng tang) của người buộc phải lắng nghe, bên phe thua cuộc.
    Trên một chuyến tầu xuôi Nam khác, một cây bút khác, thuộc thế hệ khác, không có dính dáng chi nhiều đến chuyện thắng/thua trong cuộc chiến vừa qua, đã ghi lại tỉ mỉ một mẫu đối thoại của hai người đồng hành, cùng với nhận xét (rất) khác về văn hoá Bắc/Nam:
    - Tên chị là gì? - Thưa em tên Mơ.
    - Mơ gì? Mộng mơ hay quả mơ? - Tùy, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu…
    - Quê quán ở đâu vậy? - Em ở Thạch Thất, Hà Tây.
    - Chị công tác ở cơ quan nào? - Thưa, ở ty Văn Hóa Thông Tin Hà Sơn Bình.
    - Chắc chưa vào Ðảng…? - Vâng, em mới phấn đấu ở cương vị đoàn…
    - Chị lập gia đình chưa? - Em chưa lập, nhưng đối tượng thì có rồi!
    - Các cụ nhà ta còn cả chứ? - Vâng, thầy u em vẫn còn.
    - Gia đình được mấy anh chị em nhỉ? - Thưa, được tám cả thảy…
    - Chị đi đâu mà hành lý cồng kềnh thế này?
    “Nơi em về trời xanh không em…?” Bên này vĩ tuyến 17 không có một câu hỏi thơ mộng, lãng mạn như vậy … Vì vậy những lời yêu đương được mở đầu bằng “Ðồng chí công tác ở cơ quan nào ?” (Thế Giang. Thằng Người Có Đuôi. Westminster, CA: Nguời Việt, 1987).
    Chúng ta, tất nhiên, cũng “không nên” chỉ vì vài câu đối thoại (ghi trên) mà lại “nẩy ra cái ý khái quát” ngược lại rằng “đi từ Bắc vào Nam là đi từ nơi văn hoá thấp đến nơi văn hoá cao” – nơi mà người ta gặp nhau chỉ để hỏi (chơi) xem: - Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?
    Hay: - Anh đi về đâu mà bụi đường vương trên mái tóc?
    Sau một niên học, hay một trại hè – không chừng – dám có những những câu hỏi sát sườn hơn nhưng tuyệt đối vẫn không liên quan gì (ráo) đến lý lịch của nhau: - Anh ơi nếu mộng không thành thì sao?
    Nói tóm lại, và nói nào ngay, là thái độ sống nghi kỵ, dò xét không thuộc vô cái nền văn hóa (chết tiệt) nào hết trơn hết trọi – của cả bốn miền, tính luôn miền núi. Hoặc giả, nếu có, đó cũng chỉ là cái thứ văn hóa chi bộ, văn hoá đảng ủy,văn hoá lý lịch, văn hoá công an, văn hóa điềm chỉ, hay nói tóm lại là là văn hóa đảng trị mà thôi.
    Tôi không tin rằng giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh có chút (xíu xiu) nào thích thú hay hãnh diện gì về cái loại văn hoá thổ tả này, vì chính ông cũng đã (đôi lần) suýt bị “gay go” với nó:
    “Vào năm 1983, tôi còn bị đánh một trận nữa. Người ta đánh một bài viết của tôi chưa hề được công bố. Hồi ấy cuộc xung đột ta với Tầu ở biên giới còn nóng hổi. Anh Nguyên Ngọc vừa ở chiến trường ra, được đề bạt làm bí thư đảng đoàn Hội nhà văn, chủ trương làm một cuộc cách mạng trong đời sống văn học, đặc biệt là chống Maoít.
    Hôm ấy nhân có một cuộc họp của giới lý luận phê bình văn học ở trụ sở báo Văn nghệ, Nguyên Ngọc và Nguyễn Khải đến hô hào chúng tôi dũng cảm nói sự thật, đảm bảo không sợ bị ‘tai nạn lao động’. Một số người phát biểu hưởng ứng, trong đó có Hoàng Ngọc Hiến và tôi. Thấy ý kiến nghe được, anh Từ Sơn ở báo Văn nghệ đề nghị viết thành bài để đăng báo.
    Bài của Hiến chính là bài ‘hiện thực phải đạo’ nổi tiếng, được coi như mở đầu cuộc đổi mới văn học. Bài đăng được ít lâu thì bị phê phán quyết liệt cùng với bản Đề cương của Nguyên Ngọc.
    Vì thế bài của tôi đã lên khuôn vội rút về. Nhưng nhiều người cứ đồn bài này còn táo tợn hơn cả bài của Hiến, và lời đồn đại này cứ lan rộng mãi. Hoàng Trung Thông lúc bấy giờ là Viện trưởng viện văn học phát biểu trong một cuộc hội nghị ở Viện, nói tôi đã đối lập tư tưởng chính trị với tư tưởng Văn nghệ.
    Chuyện này tôi chẳng quan tâm làm gì nếu không liên quan đến kỳ phong học hàm phó giáo sư của tôi lúc bấy giờ. Hồi ấy, người đăng ký phong học hàm, trước khi được đưa ra bầu bán về chuyên môn, phải thông qua đảng uỷ của cơ quan công tác về tư tưởng. Trường hợp của tôi trở thành gay go vì tiếng đồn về bài viết của tôi đã vang đến đảng uỷ trường đại học Sư phạm và đảng bộ khoa văn.”
    1983 – 2013: hơn một phần tư thế kỷ đã qua, cả đống nước sông, nước suối, nước mắt, nước mưa – cùng với vô số máu lệ – đã (ào ạt) tuôn ngang qua cầu và qua cống. Tuy vậy, cái thứ văn hoá phong chức thì vẫn còn nguyên vẹn (ở trường Đại Học Sư Phạm, Hà Nội) theo như tường thuật của Nhóm Phóng Viên Điều Tra, thuộc báo Người Cao Tuổi.
    Đây là một bài tường trình rất dài, vô cùng luộm thuộm vì quá nhiều điệp ngữ cũng như điệp ý, được đăng thành nhiều kỳ từ hôm 22 đến 30 tháng 5 năm 2013 (và đã được in lại trên trang Dân Luận, vào ngày 1 tháng 6) nhưng chỉ cần xem qua vài câu, trong phần kết luận, người đọc vẫn có thể hiểu được khái quát vấn đề:
    “Hội đồng phong giáo sư Ngành Vật lý gồm các giáo sư danh tiếng đầu ngành đã loại ứng viên Nguyễn Văn Minh khỏi danh sách phong chức danh Giáo sư, vì ông Minh không thể là nhà khoa học chân chính, khi ‘man khai, thiếu trung thực’ vi phạm đạo đức nhà giáo, có dấu hiệu vi phạm pháp luật…. Bản lí lịch bí ẩn của gia đình, ông Minh cố tình che dấu, đã bị lộ rõ có 2 thế hệ (4 người) tham gia nguỵ quân nguỵ quyền phản cách mạng.”
    Sự việc rõ ràng, đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng xem xét lại có nên để ông Minh làm Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, thậm chí ông Minh không xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam vì man khai lí lịch.”
    Ông Minh, phen này, chắc chết – chết chắc. Nếu may mà sống sót e cũng khó có thể hết ngóc đầu lên nổi. Cụm từ này (“ngóc đầu lên nổi”) tôi cóp lại từ phản hồi của một độc giả, với bút danh TM 1111, bên dưới bài viết (“Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Gian dối trong hồ sơ tranh cử Hiệu trưởng của PGS,TS Nguyễn Văn Minh”) trên trang Dân Luận:
    “Chiến tranh huynh đệ tương tàn đã kết thúc gần 40 năm. Nhà nước VN vẫn ra rả ngày từ ngày đầu về chính sách hòa hợp hòa giải dân tộc. Nếu đến năm 2013 mà cách xét hồ sơ xem một người trí thức có thể đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng một trường ĐH để phục vụ đất nước vẫn phải quyết liệt phân biệt địch-ta bạn-thù, vẫn phải soi mói, sắt máu và sùng sục căm thù, vẫn phải truy tìm từng người bà con thân thuộc xem có người nào là ngụy quân, ngụy quyền, ác ôn, nợ máu, v.v., thì đất nước này làm sao có thể ngóc đầu lên nổi?”. Ủa, có ai nói gì đến chuyện “đất nước này … ngóc đầu lên nổi” hồi nào đâu, cha nội? Chỉ có ông Tiến Sĩ Vũ Minh Khương nói thế này thôi, và cũng đã lâu rồi: “Khó khăn trong quyết định của mỗi người chúng ta hôm nay không phải là làm cách gì để đất nước tiến lên mà là làm gì để chúng ta không lùi tiếp nữa, bởi đường lùi của chúng ta còn rộng rãi thênh thang lắm.”
    Với chế độ hiện hành, cùng với nền văn hoá đảng trị hiện nay – có lẽ – ngay cả đến bác Hồ cũng không biết làm cách nào để “chúng ta không lùi tiếp nữa.” Dù sao, vẫn còn điều may mắn là “đường lùi của chúng ta còn rộng rãi thênh thang lắm.” Giời ạ!

    (3) Thơ
    Luân Hoán


    Năm 2008 tôi ấn hành tập Em Từ Lục Bát Bước Ra, đây là một trường thiên lục bát, cũng có thể gọi là trường ca, theo xếp loại của nhà thơ Đỗ Quyên. Ngoài đoạn mở và kết, phần giữa ở mỗi cụm 4 câu, tôi chọn lựa một số từ lẫn quí danh của nhiều thi, họa, nhạc sĩ, điêu khắc gia, nhiếp ảnh gia, ca sĩ... ghép vào câu thơ. Làm thơ kiểu này giống như một trò chơi. Thú vị ở chỗ được sống cùng với xúc cảm, tư tưởng của nhiều người. Sau tập thơ, tôi còn thấy tiếc câu Em Từ Lục Bát Bước Ra của Lê Hân, nên bày ra chuyện rủ các bạn khác cùng góp tay cho vui. Cách tham gia đơn giản: dùng câu Em Từ Lục Bát Bước Ra làm câu mở đầu và tùy nghi viết 3 câu tiếp hoặc nhiều câu tiếp. Kết quả thật khả quan, 42 tác giả khắp năm châu, kể cả Việt Nam đã gưởng ứng. Bài tập họp này chưa được in ấn thành sách, tôi đã giới thiệu trên Vuông Chiếu và trang Saimonthidan có phổ biến tiếp. Hôm nay, xin được tái giới thiệu với lời mời rộng rãi đến các bạn đọc xa gần, mong quí bạn cùng vui vẻ tham gia. Lục Bát được gọi là thể thơ dân tộc, mỗi người chúng ta, đều có thể viết được, các bạn đừng e ngại, thử dạn tay một lần mua vui. (chúng ta không phân biệt bất cứ ai).

    Em từ lục bát bước ra
    .... (mời viết tiếp vào đây)....

    Những đoạn viết của quí bạn, xin gởi về cho chúng tôi qua email: lebao_hoàng@yahoo.com Chúng tôi sẽ giới thiệu sau mỗi tuần, đầy đủ. Cách chơi làm thơ tập thể này, chúng tôi nghĩ rất thú vị, giống như dịp thư giãn vậy.

    Để quí bạn sớm hứng thú, xin mời đọc những đoạn đã đóng góp của các anh chị:


    em từ lục bát bước ra
    lạc cửa lạc nhà lạc chợ lạc sông
    phất phơ phơ phất cỏ bồng
    biết ai ai biết có không dặm về
    Nam Chi (Đặng Tiến), Orleans, France 18-12-2008

    em từ lục bát bước ra
    liến ngang ngó dọc bắt tà ma anh
    câu thơ con chữ loanh quanh
    còn anh trốn giữa xuân xanh em rồi ?
    Song Thao, Montréal Canada

    em từ lục bát bước ra
    bỏ xiêm áo, hái bông hoa vô thường
    eo ôi, cái cõi đoạn trường
    ngựa hoang vó đạp đứt cương một đời
    gió ơi cơn gió lưng trời...
    Nam Dao, Québec Canada

    em từ lục bát bước ra
    dáng thanh tân rộ chút tà huy bay
    mở lòng ra giữa cõi này
    đón em nguyệt lặn sương bay tối trời
    Phan Xuân Sinh, W.Tawakoni USA

    em từ lục bát bước ra
    ngày ta quýnh quáng la cà cùng thơ
    hỡi ơi sáu, tám cơ đồ
    vì đâu biến dạng vào thô nhám này
    giờ chim vẫn hót trên cây
    hay thanh đã nghẹn giữa bầy chia xa
    kêu thương vọng tiếng hằng hà
    cho sáu tìm tám mặn mà thủy chung
    Hoàng Xuân Sơn, Laval Canada

    em từ lục bát bước ra
    ham nhìn, quên nặn màu ra vẽ rồi
    thì thôi, đợi lúc em ngồi
    đừng quên vén yếm rạng ngời dáng em
    hs Đinh Cường, Virginia USA

    em từ lục bát bước ra
    còn anh ở cõi ta bà ngó vô
    em từ lục bát bước ra
    hiên sân anh đã mùa hoa cải vàng
    Hoàng Lộc, USA

    em từ lục bát bước ra
    hồn nghiêng lật sấp theo tà nắng xiêu
    chênh chao tôi nhập bóng chiều
    theo em lặng lẽ nắm liều câu thơ
    vịn tay nâng dắt ven bờ
    tôi loay hoay với hững hờ em trao
    đến khi nắng biết phai màu
    mới hay tôi đã úa sầu từ khi
    Quan Dương, USA

    em từ lục bát bước ra
    ngẩn ngơ lối gió nắng sà ngõ mây
    tóc bồng rối cả ngàn cây
    nghe xưa rụng cả tháng ngày xanh xao
    Mạc Phương Đình, USA

    em từ lục bát bước ra
    trăng khuya chưa dậy tiếng gà lạnh sương
    nửa trời đông chí nam phương
    đã nghe xuân một hào dương trở về
    Trần Huiền Ân,Tuy Hòa Việt Nam

    em từ lục bát bước ra
    bóng em nghiêng xuống bóng ta cuối ngày
    ta hồn nhiên mở vòng tay
    ôm ngang, chiếc bóng đã bay mất rồi
    buồn vào bảy chữ dạo chơi
    gặp em đứng đó mỉm cười vu vơ
    bàn tay em thả câu thơ
    cong năm ngón lại thành tờ ngũ ngôn
    Trần Mộng Tú, USA

    em từ lục bát bước ra
    vẫn ta xuôi ngược bôn ba đường trần
    mộng nào chẳng mộng phù vân
    yêu em ta đã một lần ngu si
    Sương Mai, Fair Oaks California USA

    em từ lục bát bước ra
    lòng xưa hóa mới tình xa hoa gần
    câu thơ nào cũng sang xuân
    cánh hoa nào cũng dành phần sớm mai
    tóc tơ nuôi mộng đêm dài
    gừng cay muối mặn nối bài ca dao
    khi cùng đăm đắm nhìn nhau
    em thành ánh sáng ngấm vào mắt anh
    Thiếu Khanh, Sài Gòn

    em từ lục bát bước ra
    vườn không bỗng nở trăng và dáng thơ
    từ em lục bát bước vô
    nhân gian chợt ảo bên bờ thiên thu
    Phạm Nhã Dự, USA

    em Từ Lục Bát Bước Ra
    bỏ đi có nhớ thơ ta thơ mình
    ơi chàng Luân Hoán đa tình
    đã nghe lòng nhớ bóng hình kim lan ?
    ơi chàng Luân Hoán đa đoan
    mau tìm trả lại bóng nàng vào thơ
    kẻo nàng thơ khóc bây giờ ….
    Trần Hoan Trinh, Đà Nẵng Việt Nam

    Em từ lục bát bước ra
    Làm ta lính quýnh bể cha cái bình
    đang khi thí nghiệm, thiệt tình
    khổ thân ta...ngồi một mình buồn hiu
    Nguyễn Nam Sơn, Úc Châu
    ( Thơ lục bát (con cóc) của NNS, xin Anh Luân Hoán châm chế..hi..hi..)

    .................................................. .................................................. .................................
    Kính.
    NNS

  2. #2
    Moderator
    chimtroi's Avatar
    Status : chimtroi v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2007
    Posts: 1,263
    Thanks: 5
    Thanked 3 Times in 3 Posts

    Default

    Lá Thư Úc Châu

    Chúc Thân hữu như mỗi ngày: Vui vẻ, Bình an
    Trang Thơ Nhạc điện tử hôm nay: 10 Aug. 2011

    Nhạc:

    Tình Quê Hương


    Nhạc sĩ: Việt Lang
    Giọng hát: Ngọc Hạ



    Việt Lang nổi tiếng với bài “Tình Quê Hương”. Bài hát được lưu truyền trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

    Ðây hoàn toàn là một bản Tình ca, ca ngợi vẻ đẹp của đất nước Việt Nam, và lòng tư hương dường như người Việt nào cũng mang theo trong lòng.
    Ngoài "Tình Quê Hương", Việt Lang còn viết bài “Mùa Không Biên Giới”. Nhưng bài hát này, lại không được phổ biến lắm, ít người biết, ở ngay các vùng gọi là hậu phương.

    Hai ca khúc khác của Việt Lang, ghi được nhiều không khí những ngày kháng chiến là bài “Thu Trên Sông” và "Đoàn Quân Đi".

    Ông là cộng sản thật hay ông mắc chứng lãng mạn một mình ông? Vào những ngày ấy chưa có ông lãnh tụ Văn nghệ nào kịp và dám viết về cái đề tài “không biên giới “ đó cả, ít nhất là trong Nhạc. Ông đã đi trước người khác.
    Việt Lang có lẽ là người ít nói nhất trong giới Văn nghệ sĩ miền Bắc. Chúng ta cũng không biết Ông còn, mất hay sinh sống như thế nào (NNS).

    Bài đọc:

    • Hà Hiển: Điểm Sử Thấp Có Phải Là Thảm Họa

    Thơ:

    • Trần Trung Đạo: Nhớ Cây Đa Chùa Viên Giác

    Tình Thân,
    Kính.
    NNS

    .................................................. .................................................. ................................



    Điểm Sử Thấp Có Phải Là "Thảm Họa".
    Hà Hiển
    (Gửi cho BBCVietnamese.com từ Việt Nam)
    Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn riêng của Tác giả, một Blogger ở Việt Nam.


    Một trong những câu chuyện thời sự nóng sốt thu hút rất nhiều ý kiến tranh luận trên báo chí và các website trong suốt cả tuần nay là việc có hàng ngàn điểm 0 trong các bài thi Sử của các thí sinh thi đại học năm nay. Nhiều người cho đó là thảm họa, thậm chí cho rằng thanh niên học sinh mà kiến thức Lịch sử kém cỏi như vậy thì mất nước đến nơi.
    Trước luồng dư luận chỉ trích gay gắt này, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã phát biểu trên báo chí rằng điều này là “bình thường”, “điểm Sử thấp, môn Sử kém hấp dẫn là chuyện của thời đại, của thế hệ này dưới tác động của cách mạng khoa học công nghệ, sự đòi hỏi của thị trường lao động…” và vấn đề được nhiều người nhân đó phàn nàn rằng nhiều người thuộc lịch sử Tàu mà ít biết sử Ta được ông Luận lý giải “không phải là chuyện của giáo dục mà đó là vấn đề của xã hội".
    Phát biểu này của ông Luận chẳng những không làm dịu đi bầu không khí tức giận mà còn như dầu đổ vào lửa, càng khiến cho người ta nổi xung lên. Thậm chí, trên nhiều trang mạng có nhiều ý kiến đòi phải cách chức ông.
    Tôi thì cho rằng ở một mức độ nào đó ông Luận đã phát biểu khá thẳng thắn, và trong toàn bộ bài phát biểu của ông , không phải là không có những nhận xét có lý rằng đây là vấn đề chung của xã hội. Nhưng người bình thường nếu nói vậy thì dễ được chấp nhận, đằng này ông Luận lại là cán bộ cao cấp nhất của ngành giáo dục nên phát biểu của ông dễ bị “ném đá” cũng là điều dễ hiểu vì với phát biểu đó, người ta nghĩ ngay là người lãnh đạo cao nhất của ngành giáo dục tìm cách đối phó, cứ lấy “xã hội” ra để đổ trách nhiệm trong khi những người như các ông lại thuộc bộ phận chỉ đường dẫn lối, là “bộ phận ra quyết định” của cái “xã hội” ấy!
    Nhưng mục đích của người viết bài này không nhằm chỉ trích cá nhân ông Luận, thậm chí còn đồng cảm với ý kiến của ông rằng bản thân cái việc hàng ngàn thí sinh điểm 0 về môn sử là điều rất “bình thường”.
    Theo cách nhìn của người viết bài này thì những điểm 0 này không đáng ngại lắm, có khi lại hóa… hay vì nhiều sự kiện ghi trong “sử” mà các em đang học cũng đã bị “meo méo”, bị chính trị hóa theo quan điểm của các “nhà viết sử chính thống” rồi. Người lớn nhiều khi cứ lo xa này nọ cho bọn trẻ, nào là điểm sử thấp, nào là “thảm họa Vpop” (như báo chí vừa qua cũng kêu la om sòm). Tôi thì cho rằng bọn trẻ chẳng gây ra thảm họa gì đâu mà chính là rất nhiều người lớn, trong đó có nhiều ông “già đầu”, đang gây ra những thảm họa thật sự.
    Người lớn mà tạo ra một môi trường trong sạch, công bằng, văn minh, không thành kiến thì chẳng cần bảo bọn trẻ cũng tự hướng đến những điều chân, thiện, mỹ. Người lớn không bảo “việc nước để chúng tao lo, không việc gì đến chúng mày”, thì bọn trẻ tức khắc sẽ quan tâm tìm hiểu đến những vấn đề của đất nước, trong đó có lịch sử vẻ vang mà cũng đầy thăng trầm của dân tộc. Đừng đổ lên đầu con trẻ những vấn đề của người lớn!
    “Điểm sử thấp” của bọn trẻ chưa gây ra tai họa gì đến nỗi “mất nước” đâu! Hãy nhìn những gương mặt bừng sáng của những thanh thiếu niên Hà Nội trong các cuộc biểu tình thể hiện tấm lòng yêu nước gần đây để mà lạc quan. Yên tâm đi các bạn!
    Quan điểm này của tôi có thể bị nhiều người phản đối. Nhưng ý kiến cho rằng các môn văn, sử đang được dạy trong các nhà trường thực chất đã bị chính trị hóa để không còn là chúng nữa đã được chia sẻ bởi nhiều nhà sử học và văn hóa nổi tiếng, kể cả các giáo viên dạy sử tại các trường phổ thông. Và theo lời của chính các nhà văn và nhà giáo này thì đây là nguyên nhân học sinh chán ghét các môn văn, sử.
    Trong một bài báo đăng trên VietNamNet với tiêu đề: “Không thể lẫn lộn lịch sử với chính trị”, nhà văn Nguyên Ngọc viết: "Nói trắng ra, hiện nay người ta chán, ghét học văn, học sử, là vì dạy văn thì có thật sự dạy văn đâu mà là dùng văn để dạy chính trị, chủ yếu để dạy chính trị. Sử cũng hoàn toàn như vậy, không hề khác…”
    Trên một diễn đàn khác, Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng phát biểu: “Rõ ràng sử học Việt Nam trong thời gian rất dài nó phục vụ chính trị. Cái nhiệm vụ chính trị tôi cho là không sai nhưng nó đã sơ cứng rồi, nó làm cho chương trình không tạo nên sự hấp dẫn cho bọn trẻ."
    Còn nhà nghiên cứu lịch sử Đinh Kim Phúc thì nói: "Vấn đề dạy và học lịch sử hiện nay đã bị bóp méo. Nó được xây dựng trên một nền tảng không khoa học. Chính vì vậy nên thầy thì không muốn dạy mà trò thì không muốn học."
    Phản ứng tích cực?
    Với cái môn học đã bị “bóp méo” nên” thầy thì không muốn dạy mà trò thì không muốn học" như ý kiến của ông Đinh Kim Phúc mà có hàng ngàn thí sinh được điểm 0 thì có gì mà đáng ngại nhỉ? Sao không thể coi đó là một phản ứng tích cực, một thông điệp của sự thật đáng để cho các nhà giáo dục và những người có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết một cách thỏa đáng.
    Tôi cho rằng nếu một môn học có nhiều khuyết tật, bị “bóp méo” như các nhà văn nhà giáo đã phải thừa nhận như thế mà các thí sinh toàn được điểm 10 thì mới là điều bất bình thường, mới là điều đáng lo hơn nhiều và đó mới tiềm ẩn một thảm họa thực sự. Vì không có kiến thức thì vẫn còn có cơ may chữa được, chứ kiến thức bị méo mó thì khó chữa gấp trăm lần.
    Các câu hỏi trong đề thi đặt ra không chuẩn cũng được một số nhà giáo nêu ra như là một nguyên nhân quan trọng khiến nhiều thí sinh không biết đường nào mà trả lời, hoặc nếu có trả lời thì với lý sự khá “cùn”.
    Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, đồng thời cũng là người trực tiếp chấm thi môn sử nói rằng rất nhiều bài làm của các thí sinh làm ông cười ra nước mắt vì sự ngây ngô của chúng. Chẳng hạn như có thí sinh viết rằng "Nguyễn Tất Thành thuở nhỏ tình tình rất ngổ ngáo, người thường xuyên trốn học đi biểu tình, bị thực dân Pháp bắt được, đuổi học! Từ đó người căm thù thực dân, đế quốc mà ra đi tìm đường cứu nước” để trả lời cho câu hỏi vì sao Nguyễn Tất Thành lại ra đi tìm đường cứu nước.
    Tình trạng các thí sinh viết ra những câu có vẻ ngây ngô như thế khi làm các bài thi về văn hay sử là khá phổ biến. Nhưng theo tôi thì đừng vội cho là tất cả các em đều ngây ngô khi viết ra những chuyện buồn cười đó. Biết đâu đây chỉ là một cách phản ứng, một kiểu giả vờ ngây ngô của những cô cậu học trò tinh quái đối với môn học mà các em không thích. Còn tại sao các em lại không thích môn học này thì Nhà văn Nguyên Ngọc đã đưa ra lý giải khá xác đáng như đề cập ở trên.

    Không thích nhưng vẫn phải làm bài, vẫn phải thi thì phản ứng bằng cách bịa. Và phải nói rằng bọn trẻ bịa rất giỏi! Ở một góc độ nào đó thì phải nói các em rất thông minh đấy chứ!
    Điểm sử thấp chưa phải là thảm họa là như thế. Bởi vì như chính Nhà văn Nguyên Ngọc trong bài viết trên VietNamNet đã dẫn ở trên cũng phát biểu “học sử học văn như thế, thú thật đến tôi cũng chán ghét, và đi thi chưa chắc đã được 0,5 điểm…”.
    Vì vậy, một mặt người viết bài này xin chia buồn với các thí sinh nếu các em trượt đại học vì điểm sử thấp, mặt khác cũng xin các em và tất cả chúng ta đừng quá thất vọng về việc này. Vì những người như nhà văn Nguyên Ngọc mà đi thi bây giờ cũng có thể bị trượt cơ mà!
    Trên trang blog có tên là “Lý Toét”, chủ blog đã có nhận xét vui vui mà rất khó bắt bẻ rằng để phân tích nguyên nhân ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành thì “về phương diện sự thật, không một ai có thể trả lời thay anh Thành hay là bất kỳ ai khác câu hỏi này. Bởi sự thật thì, rất tiếc chỉ có anh Thành mới biết là anh ấy ra đi vì nguyên nhân gì.”
    Vì thế giả sử Cụ Hồ (tức là anh Thành khi còn trẻ) mà còn sống rồi đi thi sử mà gặp phải câu hỏi trên thì chắc gì Cụ đã có điểm!

    Đáp án thay đổi

    Hơn nữa, nếu một môn học, cũng như bất kỳ vấn đề gì, đã có hơi hướng “chính trị” thì điểm số không phải là chuẩn mực để đánh giá trình độ cao thấp nữa, mà nó phản ánh mức độ phù hợp của bài làm so với quan điểm của người cho điểm.
    Ví dụ như vừa qua, mục thăm dò ý kiến trên trang Ba Sàm, cho thấy có đến 98% số độc giả đồng ý với việc vinh danh các liệt sỹ thuộc quân lực VNCH hy sinh trong cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và chỉ có 2% là không đồng ý.
    Điều ấy có nghĩa là giả sử nếu năm nay toàn bộ số độc giả ấy là thí sinh mà đề thi đại học có câu hỏi này và nếu đáp án trả lời do Bộ Giáo dục đưa ra là “không” thì sẽ chỉ có 2% là đạt yêu cầu, và 98% thí sinh còn lại sẽ được 0 điểm. Nhưng điều ấy có phải là “thảm họa” không?
    Đối với những vấn đề lịch sử thì các “đáp án” liên quan đến các quan điểm chính trị chỉ có tính tương đối và có thể thay đổi theo thời gian. Và với những sự thay đổi về đáp án ấy thì việc điểm 0 lúc này lại là điểm 10 lúc khác hoặc ngược lại là điều rất có thể xảy ra.
    Ví như vào những năm của thập kỷ 70 của thế kỷ trước mà các thí sinh ở xứ Hungary đi thi viết rằng sự kiện xảy ra ở Hungary năm 1956 là “phản cách mạng” thì chắc họ sẽ được điểm 10. Thời ấy, ai mà biết được mấy chục năm sau những điểm 10 ấy sẽ trở thành những điểm 0 tròn trĩnh.
    Vì vậy “điểm sử thấp” chưa phải là tai họa gì cả. “Mất nước” (nếu xảy ra) và “điểm sử thấp” không có mối quan hệ nhân – quả với nhau, mà chúng cùng là hậu quả của một nguyên nhân lớn khác. Nhưng chuyện ấy nếu bàn ở đây thì rất dài.
    Tính hấp dẫn của lịch sử nằm ở sự thật mà nó cần phải phản ánh. Hãy trả lịch sử về đúng vị trí của nó là một môn khoa học với mục đích hết sức giản dị là “dạy cho con tiếng nói thật thà” – như lời ca trong ca khúc “Gia tài của Mẹ” của Trịnh Công Sơn mà mỗi lần hát lên tôi lại thấy rưng rưng, lại như thấy lịch sử cả trăm năm, ngàn năm của đất nước đang hiện về, yêu biết mấy và cũng thương biết mấy!

    Chú Thích:

    Nếu bàn về viết Sử, Thân hữu xin đọc (thử) đoạn Văn sau đây (NNS không ý kiến):

    "...Lúc sắp rời Việt nam đi du học tôi có được nghe nói khá nhiều về một cuốn sách mới xuất bản với một cái tên khá ngộ nghĩnh "Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử". Hình như là của Nguyễn Kiên Trung nếu tôi không nhớ sai.
    Cuốn sách đó tôi không đọc một phần vì không có cơ hội, một phần cũng vì cái tên ngộ nghĩnh đó. Tại sao lại có thể lấy "tâm tình" mà viết Lịch sử? Lịch sử phải chính xác và khách quan mới có thể dùng làm tài liệu để suy nghĩ và làm việc. Đem tâm tình để đọc lịch sử cũng đã là điều phải rất thận trọng, còn đem tâm tình mà viết lịch sử là điều hết sức nguy hiểm. Tâm tình nhất định là chủ quan rồi. Nếu tâm tình của mình sai lệch thì sao? Mình có thể đầu độc những tâm hồn trong trắng.
    Nhưng "Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử" là một truyền thống của các Xã hội thuộc văn hóa Trung Hoa. Các quan viết sử nhục mạ và bôi bẩn một số nhân vật làm cho họ bị đời sau nguyền rủa... đồng thời cũng tâng bốc, làm đẹp và thần thánh hóa một số nhân vật khác để làm gương mẫu cho các thế hệ sau.
    Cách viết sử này chỉ nhắm một mục đích chính trị ngắn hạn nhưng với thời gian nó đã tạo ra một tâm lý tai hại là lấy người xưa và việc xưa làm mẫu mực. Không những tai hại mà còn nguy hiểm, bởi vì qua các anh hùng, một số giá trị bệnh hoạn được lưu truyền và làm ô nhiễm trí tuệ.
    Một thí dụ. Còn gì trong trắng hơn tâm tình các em bậc học sinh tiểu học? Vậy mà đa số các em lại say mê Quang Trung Nguyễn Huệ, một con người vô cùng hung bạo và hiếu sát. Trong đầu họ, và trong đầu chính tôi vào lứa tuổi đó, Nguyễn Huệ là tấm gương sáng. Đó cũng là vì đầu óc ngây thơ của tôi đã bị ảnh hưởng của những bậc chú bác đem tâm tình viết và đọc lịch sử. Nhìn vào lịch sử để hiểu tâm lý và tập quán của Dân tộc mình, để thấy cái mạnh cái yếu của nước mình, để biết cái gì có thể làm và cái gì không nên làm thì rất hay. Những bắt chước cả kỹ thuật của người xưa là điều rất khờ khạo. Tâm lý bắt chước người xưa thực ra còn mạnh lắm...".
    Ví dụ, lấy trường hợp của vua Quang Trung: đức và phép trị nước của vua Quang Trung, mưu thuật Quang Trung để học tập và làm một thứ cẩm nang hành động thì sao?.
    "..Sự tôn thờ thần tượng đã làm cho chúng ta quên mất rằng thời đại của chúng ta đã tiến bộ rất nhiều so với thời xưa. Chúng ta có thê rút tỉa ra bài học chính trị nào của một thời đại trong đó vị hoàng dế muốn làm gì thì làm, muốn giết ai thì giết? Chúng ta có thể rút tỉa ra bài học văn hóa nào ở thời đại chỉ có chiến tranh và chém giết chứ không có máy in, và thiếu cả bút mực? Chúng ta có thể bắt chước chiến thuật nào nơi những người đi bộ đánh nhau bằng gươm giáo? (NGK)"...

    .................................................. .................................................. ...................

    Thơ:

    Trần Trung Đạo

    Nhớ Cây Đa Chùa Viên Giác


    Tôi chưa kịp trở về thăm Viên Giác
    Mười hai năm bèo dạt bến sông đời
    Cây đa cũ chắc đã già hơn trước
    Biết có còn rụng lá xuống sân tôi
    Ðời lưu lạc tôi đi hoài không nghỉ
    Ðể niềm đau chảy suốt những mùa thu
    Thời thơ ấu cây đa già tri kỷ
    Vẫn còn đây trong ký ức xa mù
    Tôi khổ cực từ khi cha mất sớm
    Nên bà con, thân thuộc cũng xa dần
    Khi tôi khóc, đa đau từng cuống lá
    Khi tôi cười, xào xạc tiếng quen thân
    Ða làm mẹ vỗ về tôi giấc ngủ
    Ða làm cha che mát những trưa hè
    Ða làm bạn quây quần khi rảnh rỗi
    Ða làm người chơn thật chẳng khen chê
    Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổi
    Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn
    Lá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tới
    Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn
    Chùa thanh tịnh chẳng dung hồn lữ thứ
    Một chiều thu tôi lạy Phật ra đi
    Bỏ lại tiếng chuông chùa vang khuya sớm
    Cây đa già đứng lặng khóc chia ly
    Ðường tôi qua đã không còn bóng mát
    Ngày nhọc nhằn mưa lũ xuống đêm khuya
    Ða ở lại âm thầm ru khúc hát
    Ngậm ngùi buông theo mỗi tiếng chuông chiều
    Ða thân mến dẫu có vàng thương nhớ
    Cũng xin đừng gục xuống dưới sân tôi
    Xin cố đứng để chờ nghe tôi kể
    Chuyện trầm luân của một kiếp con người
    Tôi sẽ đến ngôi chùa xưa Viên Giác
    Nhặt mảnh đời rơi rớt ở đâu đây
    Ôi thằng bé nghèo nàn xưa đã lớn
    Ði làm người du thực ở phương Tây
    Tôi viết nốt những bài thơ dang dở
    Vá tình người rách nát thuở hoa niên
    Ða sẽ hát bài đồng dao muôn thuở
    Nhạc thu buồn nước mắt chảy trong đêm.

    .................................................. .......................................
    Kính.
    NNS

  3. #3
    Moderator
    chimtroi's Avatar
    Status : chimtroi v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2007
    Posts: 1,263
    Thanks: 5
    Thanked 3 Times in 3 Posts

    Default

    Lá Thư Úc Châu

    Chúc Thân Hữu luôn Bình an, May mắn
    Trang Thơ Nhạc điện tử ngày 24/8

    Nhạc:

    Hòn Vọng Phu (New version)

    Nhạc sĩ: Lê Thương
    Giọng hát: Thái Thanh, Ánh Tuyết & ban Hợp xướng Ngàn Khơi
    Tình Thân,
    Kính.

    NNS




    Bài đọc:

    Hậu Ý...

    Bs Nguyễn Hồng Sơn
    (Từ Viet Nam, trích mail (Bác) Nguyễn Ngọc Phách, Úc)

    Hồi còn học phổ thông và cả khi học đại học, khi học về giai đoạn lịch sử của Việt Nam từ 1956-1975, chúng tôi luôn được dạy rằng chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là của những kẻ “ngụy quyền bán nước”, hoặc “quân tay sai, bán nước” cho “kẻ xâm lược Mỹ”. Nhiều hình ảnh và phim ảnh minh họa cho các bài học đó bao giờ cũng có những cuộc biểu tình, tuần hành nườm nượp người đi ngay giữa các đường phố của thủ đô Hà Nội mến yêu, với những khẩu hiệu, băng-đơ-rôn rất to: “Đả đảo bè lũ tay sai bán nước”, “Đả đảo quân xâm lược”. Nhưng sau này khi tự tìm hiểu thêm thì chúng tôi không thấy một tư liệu hay một nguồn tin nào cho thấy Việt Nam Cộng Hòa “quân tay sai bán nước” đã ký hiệp định hay đàm phán gì với Mỹ hay với bất kỳ quốc gia nào dẫn đến để mất lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc. Ngược lại, các tư liệu còn cho thấy chính quyền Việt Nam Cộng Hòa còn thể hiện một lập trường dứt khoát, cương quyết trong việc phản đối và bảo vệ Hoàng Sa khi Trung Quốc cộng sản của Mao Trạch Đông tấn công chiếm Hoàng Sa năm 1974. Thời còn sinh viên non nớt đó nhiều đứa chúng tôi, những người có bà con sống ở miền Nam trước 1975, cũng thấy một điều rất lạ là “ngụy quyền bán nước” không bao giờ để ảnh của tổng thống Mỹ được treo cạnh ảnh của tổng thống “ngụy quyền” trong các công sở. Đó là vài chuyện vụn vặt của khoảng vài chục và nhiều năm về trước.
    Từ đầu tháng Sáu năm 2011 đến nay, ở giữa thủ đô Hà Nội cũng có các cuộc biểu tình với nhiều khẩu hiệu, băng-đơ-rôn rất to, với thiết kế, màu sắc rất bắt mắt, ấn tượng để phản đối, đả đảo quân xâm lược Trung Quốc, nhưng tuyệt không có một chữ nào nói đến từ “bán nước” hay “đả đảo bè lũ tay sai bán nước”. Thậm chí còn có nhiều khẩu hiệu, biểu ngữ ca ngợi, trích dẫn lời nói, hình ảnh của các vị lãnh tụ, lãnh đạo của nhà nước, của chế độ hiện nay- một nhà nước, một chế độ đã có những công hàm đặc biệt như Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, có những hiệp định đặc biệt với Trung Quốc như Hiệp ước Biên giới năm 1999 và Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ năm 2000, có những so sánh hình tượng bất hủ về mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là “Mối tình thắm thiết đơm hoa vừa là đồng chí, vừa là anh em” và biết bao những thỏa thuận đặc biệt khác với Trung Quốc mà nhiều lão thành cách mạng cũng đã phải lên tiếng đòi bạch hóa hay phản đối.
    Chúng tôi thầm nghĩ phải chăng những người biểu tình chống quân xâm lược Trung Quốc vừa qua lại mắc sai lầm, ấu trĩ như thời trước, chỉ có khác là ngày trước nhiều người đã đả đảo lầm người yêu nước là kẻ bán nước, còn nay thì ngược lại, quên mất kẻ bán nước?
    Đó là điều rất có thể vì con người là một thực thể có khả năng mắc sai lầm (fallible creature). Nhưng cũng rất có thể chính chúng tôi lại mới là kẻ sai lầm, cứ đinh ninh rằng những người cầm quyền rất yêu nước của chế độ này là kẻ bán nước hoặc là kẻ đồng lõa với quân Trung Quốc xâm lược. Nhưng liệu những người tham gia, trợ giúp biểu tình chống Trung Quốc xâm lược vào ngày hôm qua (21/08/2011) vẫn đang bị giam cầm ở Hỏa Lò (hay ở Mỹ Đình) và những gia đình của họ, những người ủng hộ, yêu mến, kính trọng họ có đồng ý rằng chúng tôi là kẻ sai lầm như vậy hay không? Chắc phải chờ đến lúc tất cả những người biểu tình yêu nước đó bước chân ra khỏi nhà tù thì mới biết được.
    © Phạm Hồng Sơn
    21:30 22/08/2011



    Tiết cương phá thiết khâu phần

    Nhà Văn Hoàng Tiến
    (Từ Viet Nam, trích mail (Anh) Trần Việt Hải, Mỹ)


    Tặng nghệ sĩ nhiếp ảnh K.C.
    Nhà văn Hoàng Tiến


    1.

    Tiết Cương là con Tiết Nhân Quý và Phàn Lê Hoa. Bố mẹ bị vu oan. Triều đình hành quyết. Phần mộ để trên một cái gò, còn bị chằng dây xích sắt, nên gọi thiết khâu phần. Tiết Cương nhỏ tuổi được vú mẫu bế chạy. Sau lên núi, tìm thầy học đạo. Lúc hạ sơn, quyết chí báo thù. Tiết Cương tìm đến phần mộ làm lễ tế bố mẹ, phá dây xích vây quanh, thề giết hết bọn quyền thần xảo quyệt.

    2.

    Quan thượng thư bộ Công là Ðào Tấn đi đi lại lại. Bóng ông chập chờn trên vách. Ðài nến cháy gần tàn. Những giọt nến đọng lại quanh chân nến sần sùi như bộ mặt người hủi được nặn bằng sáp trắng. Nghiên mực đen như cửa ngục thất nổi xác vài con thiêu thân vào ăn đèn rớt xuống. Vở kịch "Tiết Cương phá thiết khâu phần" để mở trên án thư.
    Ngoài kia trời đã tối mịt. Hàng đàn đom đóm lập loè ánh lửa ma trơi trên dòng Huơng Giang. Rồi chúng bốc lên cao, theo luồng gió thổi, giạt vào bãi tha ma cạnh thôn Vĩ Dạ. Vẳng lên từ bãi phần mộ một tiếng cú kêu dài như sợi chỉ giăng suốt không gian. Oan hồn những người chết như thức dậy trong đêm khuya hoang vắng. Ðào Tấn rùng mình, khi nghe tiếng cánh cửa gỗ lim bị gió thổi, xoay trên bản lề, ken két giống tiếng một người nghiến răng tức giận. Ông thở dài.
    Thời nào cũng có những người chết oan. Công bằng viễn lộ hà thị xứ ? (con đường công bằng xa lắc biết ở đâu đây?) Bọn gian thần thời nào cũng lộng hành. Chúng đâu có sợ luật pháp. Vì luật pháp do chúng làm ra. Chúng lại bẻ queo luật pháp để che giấu những âm mưu đen tối. Ông bước vào hoạn lộ đã lâu. Ông hiểu rõ hơn ai hết. Những dàn cảnh hậu trường của việc kiện tụng. Nỗi oan khiên dâng sớ tâu trình viết bằng máu và nước mắt, bị vứt vào sọt rác không chút tiếc thương. Những mánh lới tinh vi để được lòng vua, được lòng quan trên, bố trí kỳ công như một chiến dịch công đồn.
    Ông ngán ngẩm việc làm quan của cái thời "đạo dĩ chính, tề dĩ hình" (dùng sức mạnh để trị nước, dùng hình phạt để yên dân); ông thèm khát cái trật tự của thời "đạo dĩ đức, tề dĩ lễ" (dùng đạo đức để trị nước, dùng lễ nghĩa để yên dân); cái thời đêm ngủ không phải đóng cửa ngõ, đồ để quên không ai lấy đi, con người cử xử đầy tình nhân ái với nhau. Ông muốn noi gương Ðào Tiềm lui về trồng cúc vàng sống cùng bầu rượu túi thơ, để đêm đêm được mơ giấc mơ của Từ Thức lên động Hoa Vàng ngủ say cùng trời cùng đất. Nhưng đâu có được. Ai cho phép ông treo ấn từ quan? Vì làm thế là lộ rõ sự trái quấy của nhà vua, là nhổ vào mặt hàng ngũ đám quan lại tham quyền cố vị, là tỏ ý chê họ rặt phường ô trọc giá áo túi cơm, chỉ riêng mình là thanh cao mây ngàn gió nội. Những thế lực hắc ám ấy được vây bủa bằng những hàng rào định chế chằng chịt, đã trói buộc ông trong vòng cương tỏa. Ðã đen thì cùng đen cả, mèo nào chẳng ăn thịt chuột, chứ ai cho anh nhô cái đầu trắng anh lên hoà đồng dị biệt.
    Ông đã tìm cách nhô cái đầu trắng lên chứ không chịu cá mè một lứa. Ông làm quan mà lập gánh tuồng, tự viết lấy vở và chỉ đạo diễn xuất, nổi tiếng là một ông thày tuồng trong quan giới. Người thích ông, người ngại ông. Người yêu quý ông, người thù ghét ông. Mặc. Ông không tạo dựng được sự nghiệp trong kinh bang tế thế, thì bộc lộ chí khí mình trong nghệ thuật thơ văn. Vở "Tiết Cương phá thiết khâu phần" được nhiều người tán thưởng. Quan đại thần phụ trách Cơ Mật Viện là Trương Như Cương, người hoàng tộc, cậu ruột vua Thành Thái, có tật giật mình, cho là viên thày tuồng họ Ðào muốn xỏ hắn. Và để hại viên quan ương ngạnh Ðào Tấn, hắn đã mật tâu vua Thành Thái.
    Lệnh vua triệu đoàn tuồng vào diễn tại cung đình để vua thưởng lãm.
    Tin ấy truyền đến đoàn tuồng. Mọi người run sợ. Họ đề nghị ông sửa lại câu nói chết tiệt ấy đi. Cái câu nói biểu diễn ở mọi nơi, đều được quần chúng hò reo tán thưởng, đã thành cái gai chọc nhói tim Trương Như Cương. Số là vở tuồng có một đoạn diễn lính hầu vào báo quan:
    Lính hầu: Cấp báo!... Cấp báo!... Tên Cương về phá thiết khâu phần.
    Quan lớn (đạp bàn quát): Tên Cương nào?
    Lính hầu: Dạ! Dạ!... Một tên Cương mọi người đã khổ quá rồi, quan lớn còn muốn có mấy tên Cương nữa ạ?
    Quan lớn: Cha chả ... là nguy!... Quân bay đâu!... ...
    Trương Như Cương biết là Ðào Tấn chửi xỏ hắn. Và mọi người vui cười hả hê, chính vì cái câu nói đã vạch rõ chân tướng hắn. Là quan đầu triều, hắn thường thì thọt ra vào dinh khâm sứ Pháp đóng bên kia sông; lại kình địch với cánh Tôn Thất Thuyết kiên định chống Pháp. Hắn được phụ trách một cơ quan quan trọng nhất của triều Nguyễn là Cơ Mật Viện, liền kéo bè kết cánh, thăng trật những quan lại thân tín, chuyến dịch những quan lại cứng đầu có ý kháng Pháp đi xa. Mọi người sợ hắn như sợ cọp. Ai cũng muốn lấy lòng hắn. Cúi rạp chào nhác trông hắn từ xa. Toe toét cười khi thấy hắn đến gần. Và xanh xám mặt mày đến ngất xỉu lúc hắn nhăn mũi nhíu mày. ấy vậy mà cái lão thượng thư bộ Công dám vuốt râu hùm, dám chửi vỗ vào mặt hắn trước bàn dân thiên hạ. Không trị được tên quan gàn dở này thì còn gì là thể thống quan đại thần Cơ Mật Viện. Tất cả sẽ được định đoạt ở buổi diễn tối mai.
    Ðào Tấn suy nghĩ lao lung. Ông gấp vở kịch lại, ra trước song cửa nhìn về bãi tha ma mộ địa tối om trong cảnh đêm dầy như địa ngục. Lần này đàn đom đóm lại từ bãi tha ma bay về sà xuống dòng sông Hương lượn khúc qua cửa nhà ông. Tiếng xào xạc lá cây nghe như lời thở than của những vong linh không nơi nương tựa. Ông trở lại án thư, tiếp ngọn nến khác, lật vở kịch ra, cầm chiếc bút lông, chấm vào nghiên mực, xoe xoe cho đầu bút tròn trịa, và gạch một vết đen thẫm lên trang giấy muốn chôn vùi những hàng chữ nguy hiểm ấy đi. Chiếc bút bỗng khựng lại như có một bàn tay giữ chặt. Một tiếng nói ngay đàng sau gáy:
    "Tiên sinh bẻ queo ngòi bút vì sợ mất chức ư? "
    Ông quay đầu lại xem ai, chỉ thấy cái khoảng trống vắng lặng sau lưng, và trên bức vách bóng hình ông to tướng rung rung. Ông lại đặt bút lên trang giấy. Chiếc bút lại bị giữ chặt, và một tiếng nói lại vang lên lần nay ngay bên tai ông:
    "Tiên sinh bẻ queo ngòi bút vì sợ chết ư?"
    Ai đấy? Ông đứng bật dậy quay nhìn xung quanh. Ai nói đấy? Vẫn không thấy gì ngoài bóng hình ông trên vách. Ông hoảng hốt ngó ngang một lúc, và bất chợt nhận ra xác mấy con thiêu thân nằm giữa nghiên mực đen như những cánh hoa cau trắng phớ. Ông thở dài, gác bút lên giá, rồi ngả người trên ghế ngắm nhìn ngọn nến đang tiêu hủy chính cơ thể mình để đốt lên ngọn lửa làm sáng gian phòng. Ông cứ nhìn trân trân như thế.
    Sáng ra, lúc người hầu vào thư phòng, thấy quan thượng thư đang ngủ vùi trên chiếc ghế mây. Vở kịch vẫn để mở trên án thư. Chiếc bút lông vẫn cắm trên giá bút.

    3.

    Buổi trình diễn bắt đầu.
    Vua Thành Thái ngồi chiếc ghế chạm rồng trước sàn diễn, tay cầm dùi trống giữ nhịp khen chê. Bên cạnh là Trương Như Cương, thỉnh thoảng lại ghé vào tai vua thì thào. Quan thượng thư kiêm thày tuồng Ðào Tấn ngồi lùi phía sau, vừa quan sát thái độ nhà vua vừa theo dõi tích trò. Các viên quan khác có mặt trong thành nội đều cho phép đến dự. Sau nữa là các cung tần mỹ nữ, cùng đám thái giám phục dịch trong cung.
    Trước khi diễn Ðào Tấn đã gặp gỡ các nghệ sĩ của mình. Họ vẫn xin ông bỏ câu ấy đi. Có người quỳ dưới chân ông, vái lậy mà nói: "Bẩm quan lớn, chúng con còn mẹ già con dại. Quan lớn thương cho, chúng con xin kết cỏ ngậm vành". Ông đã nâng người diễn viên ấy lên, nghiêm khắc nói: "Nếu bỏ đi, nhà vua truy hỏi, mắc tội dối vua, thì bị chém ngang lưng chứ chẳng chơi đâu". Rồi ông dịu giọng: "Tôi cũng nặng gánh không kém gì các ông. Có làm sao tôi xin chịu. Các ông cứ đổ hết lên đầu tôi".
    Và bây giờ trống đã giục, đàn đã dạo, những ngọn bạch lạp được thắp sáng choang sàn diễn. Và những nghệ sĩ của ông oai phong lẫm liệt trong những bộ giáp trụ, mắt sáng lung linh, da mặt bừng bừng tiết tháo, đang vung chân múa tay theo nhịp trống đàn. Họ như quên bẵng cả cảnh vật chung quanh.
    Tới đoạn lính hầu vào báo quan. Nhiều tiếng cười trong đám cung nữ rộ lên. Bỗng cắc! cắc! dùi trống nhà vua gõ mạnh vào tang trống. Buổi diễn ngừng lại. Mọi người thót tim. Ðào Tấn cũng vã mồ hôi hột. Rồi ngài ngự truyền: "Diễn lại đoạn vừa rồi!".
    Các diễn viên lo quá. Nguy to rồi! Phen này thì không còn cái gáo để về lễ tổ tiên. Họ sợ đến mức nói nhíu cả lưỡi.
    Lính hầu: Cấp báo!...Cấp báo!...Tên...tên...tên...Cương...Cương... Cương...về phá thiết... thiết...khâu...âu...âu...phần...ần...ần ...
    Quan lớn (đập bàn quát): Tên Cương...Cương...Cương...nào..ào..ào?
    Lính hầu: Dạ! Dạ ạ ạ ! Một tên Cương...Cương...Cương, mọi người đã khổ...khổ... khổ quá rồi, quan lớn còn muốn có mấy tên Cương...Cương ...Cương...nữa...ạ...ạ...?
    Quan lớn: Cha chả... là...nguy...uy! Quân...uân...bay...ay đâu...âu!
    Diễn xuất tâm trạng hốt hoảng như thế là tuyệt đỉnh.
    Một hồi trống khen thưởng rung lên. Rồi ngự truyền: "Diễn tiếp!". Ðám người xem bỗng reo to: "Thánh thượng vạn tuế! Vạn vạn tuế!".
    Tan buổi diễn, Trương Như Cương theo sát vua Thành Thái đi vào cung. Hắn ghé tai nhà vua:
    - Tâu bệ hạ, tên Ðào Tấn đã dám ám chỉ người bề tôi trung thành của bệ hạ, cũng có nghĩa là ám chỉ bệ hạ. Sao bệ hạ lại tha cho nó?
    Vua Thành Thái quay lại và nói:
    - Một Ðào Tấn chứ mười Ðào Tấn ta cũng chém cả. Nhưng ngặt vì đàng sau nó còn có hàng vạn người hâm mộ tuồng của nó. Ta không dại gì mà đương đầu với bọn họ. Người cầm quyền thì phải biết điều đó, chứ không phải muốn giết ai là giết đâu.
    Rồi ngài nhìn ông cậu từ đầu xuống chân, phán tiếp: "Còn cậu cũng vừa vừa chứ. Nếu không, cháu cũng chẳng bênh nổi cậu đâu". Ngài phảy tay, quay lưng, đi vào cung.
    Trương Như Cương đứng như trời trồng.

    4.

    Ðào Tấn ngồi bên án thư, ngắm nhìn những diễn viên tuồng đang ôm nhau ngủ say trên sàn nhà. Nhiều người còn chưa kịp rửa phấn son trên mặt. Nom họ lúc này thật đáng yêu như những đứa trẻ thơ. Họ vừa trải qua cái chết trở về. Ðào Tấn mỉm một nụ cười. Ông mở rộng trang giấy, cầm chiêc bút lông, chấm vào nghiên mực, xoe xoe cho đầu bút tròn trịa, vén tay áo thảo một bài thơ:


    Ta sĩ rách hề, sinh buổi nhiễu nhương
    Mượn cây bút hề, tỏ chí can trường
    Ðường chông gai hề, ta không lùi bước
    Ðời đen bạc hề, lòng ta bi thương.
    Ngẫm thế sự hề, đầu ta sớm bạc
    Nghĩ nhân tình hề, miệng ta cười vang
    Múa cây bút hề, ta thay đao kiếm
    Phá dối lừa hề, thông thoáng thế gian.


    .................................................. .................................................. .................................................. ............................

    Thơ:

    Hồ Chí Bửu
    (Từ Viet Nam)

    NGỰA HOANG..


    em cho chùm lục lạc
    vó ngựa tung bụi mù
    nên mây là viễn xứ
    nên tình là thiên thu

    đường dài xa hun hút
    tóc ai màu liêu trai
    môi ai màu huyết dụ
    hồn ta là đà say

    một con đường thênh thang
    mình ta phi lặng lẽ
    sau nhiều lần mất mát
    ta đói thèm vuốt ve

    thèm chiếc quán bên đường
    che nghiêng hồn lữ thứ
    phủi sạch bụi vô thường
    ấm chút tình cố hương

    ta tung hứng phận mình
    phơi khô niềm kiêu hãnh
    tình như là sương khói
    đời chỉ là mong manh

    phất phơ lòng cố xứ
    ta dong ruỗi một đời
    tình là vô biên giới
    ta vẫn là ta thôi..


    MAI PHỤC ..

    bụi giang hồ trêu áo
    rượu tứ hải một bầu
    ừ, thì ta khờ ngạo
    yêu chỉ mùi hoa ngâu !

    chở nỗi buồn khép kín
    ta đóng băng đời mình
    cần gì mà luồn lách
    ta cười mình phiêu linh

    em mai phục chờ ta
    bắn mũi tên tình ái
    đời lồng lộng bao la
    ta thọ tiển em rồi ?

    đừng nhân danh gì cả
    ta chán nản ngậm ngùi
    khi chưa là gỗ đá
    vết thương còn chưa nguôi..

    .................................................. .....................
    Kính.
    NNS

  4. #4
    Moderator
    chimtroi's Avatar
    Status : chimtroi v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2007
    Posts: 1,263
    Thanks: 5
    Thanked 3 Times in 3 Posts

    Default

    Lá Thư Úc Châu
    Chúc Thân hữu đầu Tuần Vui vẻ.
    Trang Thơ Nhạc sáng ngày 10 Oct.

    Nhạc:

    Áo Lụa Hà Đông
    Nhạc: Ngô Thụy Miên
    Giọng hát: Vũ Khanh



    Thơ
    Luân Hoán : Quà Từ Hương Đất Quê Nhà

    Tình thân,
    Kính.
    NNS


    Áo Lụa Hà Đông là một bài hát nổi tiếng của Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, được phổ Nhạc từ bài Thơ cũng rất nổi tiếng của Thi sĩ Nguyên Sa (Trần Bích Lan).
    Ai trong chúng ta cũng từng một lần hát bài hát trên, nhưng ít người biết xuất xứ bài Thơ từ một cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở Viet Nam. Vào năm 1930, xứ Bắc kỳ tổ chức cuộc thi Hoa hậu ở Hanoi, cho bất cứ ai, làm nghề gì, không kể tuổi tác..miễn là khi đi thi phải mặc Áo Lụa Hà Đông. Cuối cùng, người được đăng quang trong cuộc thi là người đẹp Lý Lệ Hằng. Cô xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở Thái Bình, vì mưu sinh phải trôi nổi lên Hanoi kiếm sống và làm nghề hát Cô đầu cho các quán rượu.
    Sau khi thay đổi cuộc đời, Cô trở nên nổi tiếng và là niềm ước mơ của bao Công tử nhà giàu trong cả nước. Tuy nhiên chẳng ai có thể với tới được người đẹp "chân lấm, tay bùn" này và chỉ một thời gian sau Lý lệ Hằng trở thành người tình của Quốc Vương Bảo Đại.

    Có lẽ cũng như bao chàng trai si mê sắc đẹp khác, dù đã trải qua hơn 20 năm sau, nhà thơ Nguyên Sa vẫn mơ tưởng đến nụ cười, ánh mắt khuynh đảo của Hoa hậu đầu tiên và buộc Ông phải viết bài thơ ca ngợi người đẹp mặc áo lụa ấy.
    Mãi đến năm 1969, khi nghe câu chuyện về Hoa hậu "thuần nông" phút chốc trở thành người yêu của ông Vua cuối cùng Việt Nam, chàng trai Ngô Thụy Miên đã viết nên ca khúc nổi tiếng "Áo Lụa Hà Đông" khi mới 21 tuổi, được phổ lời từ bài Thơ của Nguyên Sa như để ngưỡng mộ những cô gái tựa như đóa sen vươn lên từ đầm lầy.

    Và đây là nguyên văn bài Thơ "Áo Lụa Hà Đông":

    Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát
    bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
    anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
    thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

    anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
    mà mua thu dài lắm ở chung quanh
    linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
    bay vội vã vào trong hồn mở cửa

    gặp một bữa, anh đã mừng một bữa
    gặp hai hôm thành nhị hỹ của tâm hồn
    thơ học trò anh chất lại thành non
    và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu

    em không nói đã nghe từng gia điệu
    em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
    anh trông lên bằng đôi mắt chung tình
    với tay trắng, em vào thơ diễm tuyệt

    em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
    trời chợt mưa, chợt nắng, chẳng vì đâu
    nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
    để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại

    để anh giận, mắt anh nhìn vụng dại
    giận thơ anh đã nói chẳng nên lời
    em đi rồi, sám hối chạy trên môi
    những tháng ngày trên vai buồn bỗng nặng

    em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
    giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
    anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
    giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng


    Vậy Lụa Hà Đông xuất xứ ra sao mà đã đi vào Thơ Nhạc lãng mạng như thế?

    Cách Hanoi 10km có một làng chuyên nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước, là Làng lụa Hà Đông hay Làng lụa Vạn Phúc, thuộc quận Hà Đông. Nằm bên bờ sông Nhuệ, làng lụa Vạn Phúc vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ kính quê ngày xưa như hình ảnh cây đa cổ thụ, giếng nước, sân đình, buổi chiều vẫn họp chợ dưới gốc đa trước đình...
    Làng Vạn Phúc vốn có tên Vạn Bảo, do kị húy nhà Nguyễn nên đã đổi thành Vạn Phúc. Theo truyền thuyết, cách đây khoảng 1200 năm, có bà A Lã Thị Nương là vợ của Thái Thú Giao Chỉ là Cao Biền, từng sống ở trang Vạn Bảo, đã từng dạy dân cách làm ăn và truyền nghề dệt lụa. Bà Lã Thị Nga, vốn người Hàng Châu (nơi có thương hiệu lụa Hàng Châu nổi tiếng), theo chồng chinh chiến khắp nơi rồi ở lại nơi này. Thấy dải đất trù phú ven sông Nhuệ xanh trong, bà dạy người dân trồng dâu, nuôi tằm rồi cho những người thợ lành nghề nhất đến dạy ươm tơ, dệt vải. Từ một ấp nhỏ, Vạn Phúc đã phát triển thành làng nghề sôi động, nức tiếng gần xa. Sau khi mất, bà được phong làm Thành hoàng Làng.
    Lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại các hội chợ Marseille (1931) và Paris (1932), được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương thuộc Pháp. Trong tổng số 18 thợ thủ công lành nghề Việt Nam được vinh danh trong 2 cuộc triễn lãm trên, thì có 3 người là con của đất tơ tằm Vạn Phúc (trong đó có cụ Nguyễn Chấp Chung, cụ nội nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh hôm nay, người đang làm lụa khá nổi tiếng tại Vạn Phúc). Từ 1958 sản phẩm lụa Vạn Phúc hầu hết được xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên Thế giới. Đến ngày nay, làng Vạn Phúc có khoảng hơn 1000 khung dệt, trong nhiều gia đình, khung dệt cổ vẫn được giữ lại, xen lẫn với các khung dệt cơ khí hiện đại. Lụa Vạn Phúc có nhiều mẫu hoa văn và lâu đời bậc nhất Việt Nam và từng được chọn may trang phục cho Triều đình.
    Đặc biệt, theo Ca dao truyền miệng, nổi tiếng nhất trong các loại lụa Vạn Phúc có lẽ là lụa Vân - loại lụa mà hoa văn nổi vân trên mặt lụa mượt.
    The La, lĩnh Bởi, chồi Phùng
    Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn.
    Lụa Vân nói riêng và lụa Vạn Phúc nói chung có đặc điểm ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Hoa văn trang trí trên vải lụa rất đa dạng như mẫu Song hạc, mẫu Thọ Đỉnh, mẫu Tứ Quý ...
    Tóm lại, với đặc tính mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông, nhẹ nhàng, mềm mại làm nên giá trị vật chất của Lụa thì cái hồn cốt, cái in dấu trong lòng người từ bao năm qua lại nằm ở cái tình mà người Làng lụa gửi gắm đến chúng ta hôm nay: “Tiếng thơ buồn vọng lại…”
    Mời Thân hữu cùng nghevới NNS : Áo Lụa Hà Đông của Ngô Thụy Miên và Nguyên Sa để nhớ một thời...


    Thơ:


    Quà Từ Hương Đất Quê Nhà
    Luân Hoán


    1.
    quà từ quê hương món nào cũng quí
    một nụ măng dòi, một búp nấm rơm
    một vật đơn sơ quê mùa nào khác
    cũng chợt linh thiêng ấm áp hương thơm

    con về quê hương loanh quanh tháng rưỡi
    diện kiến ông bà qua những mộ bia
    ruộng đất phần ta xưa kia nghiệp chủ
    con chẳng dẫm lên vì đã đoạn lìa

    con chẳng đi nhiều như trong dự định
    lụt lội bao vây, thời giá cầm chân
    lẩn quẩn Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Lạt...
    đi ngắm quê hương vẫn xa trong gần

    thật quá giỏi, đã về Hội An được
    đứng bao lâu trên đất ta ra đời ?
    năm mười phút cũng kể như tạm đủ
    cho cái thân thương cổ kính truyền hơi

    con đã gặp những người thân ruột thịt
    đã hiểu ra được cái đói cái nghèo
    dẫu vô tâm với ít nhiều hời hợt
    lòng ngậm ngùi là đã biết thương yêu

    một ông bác bỗng cuối đời mù mắt
    một bà cô đã nhớ trước quên sau
    may còn có hai bà dì quá phụ
    chăm sóc cho con thong thả mỗi ngày

    qua một đêm con được mời ra trụ sở
    khúc ruột ngàn xưa tốt bụng nạp tiền
    ngôi nhà ngoại ngày xưa con từng ở
    thân mà xa như tùy thuộc chính quyền


    2.
    con trở lại quê hương từ quê hương đích thực
    với nhiều quà từ đất ruột mẹ cha
    những món quà đương nhiên thành vô giá
    bởi thương yêu nồng hương vị quê nhà

    đống quần áo không hoàn toàn hão hạng
    không chắc gì ăn nhịp với thời trang
    nhưng vang vọng bao nhiêu là tiếng đập
    từ nhịp tim đang đậu xuống món hàng

    phần ba có được hai bộ đồ ngủ
    một tượng Phật nằm trong dáng suy tư
    hành lý quá cân không mang về đủ
    món quà thiêng liêng rõ đã thặng dư

    Phật đã chẳng cho phép ta chiêm ngưỡng
    nhưng không sao, con mô tả tốt rồi
    má con có đèn hoa sen đã đủ
    vì nhà ta giàu hương Phật khắp nơi

    hồn quê hương có đọng trên phiến đá
    khắc số nhà của má, Bích và Bình ?
    đá Non Nước cầm lên nghe nặng trịch
    hương thiên nhiên cộng với nỗi ân tình

    quà con mang về thật là phong phú
    ngoài áo quần, đồ trang sức địa phương
    trà Ô Long, Phấn Hoa Rừng, đặc sản...
    giày, dép, đồ chưng... ngan ngát tình thương

    kể tỉ mỉ sẽ trở thành lẩm cẩm
    ta thật tình khen ngợi, cảm ơn con
    và dĩ nhiên không quên lời cảm tạ
    những người thân vừa thoáng hiện chập chờn

    ngày hôm nay, ba trở về góc cũ
    cháu nội không về thì ngắm cá chim
    uổng buổi sáng trời nắng khô thật đẹp
    không ra ngoài, chỉ ngồi, đứng lặng im.


    .................................................. .................................................. ...............
    Kính.
    NNS

  5. #5
    Moderator
    chimtroi's Avatar
    Status : chimtroi v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2007
    Posts: 1,263
    Thanks: 5
    Thanked 3 Times in 3 Posts

    Default Trúc Đào

    Lá Thư Úc Châu

    Chúc Thân hữu Vui vẻ & Bình an

    Trang Thơ Nhạc điện tử 28 Sept.

    Nhạc:

    Trúc Đào

    Thơ: Nguyễn Tất Nhiên
    Nhạc: Anh Bằng
    Giọng hát: Lệ Quyên



    Trúc đào có tên khoa học Nerium Oleander, thuộc họ Apocynaceceae. Mủ rất độc, do 2 độc tố chính Oleandrin và Neriin, nhưng nếu dùng lượng vừa phải thì là thuốc.
    NNS thật có duyên nợ với cây Trúc đào. Ngày từ Âu châu qua Úc, trồng ngay một hàng trúc đào bên nhà, và một hàng Mai tứ quí phía bên kia để đỡ nhớ Quê hương. Buổi bình minh năm đầu đang trổ bông có đôi chim họa mi (nightingale) bay về hót thánh thót, nghe thật gợi nhớ những tháng ngày sống ở Âu châu vô cùng.
    Ngày mới đến định cư vào mùa Thu, từ trên chiếc SAS nhìn xuống, thành phố Copenhagen trải một màu đỏ thẳm xa xa, đẹp như trong thần thoại. Bước xuống máy bay để đổi chuyến đi Stockhom, hãng hàng không Bắc Âu biếu cho mỗi người một chiếc mềm vì lần đầu tiên chưa từng nếm cơn gió lạnh 8 độ C. Sau này mãi thành quen. Có những mùa Đông hàn thử biểu chỉ xuống 15 độ âm, tuyết rơi trên mái nhà đã đóng thành băng, sáng thức dậy còn thấy dấu chân thú sau nhà, nhưng NNS ngày nào cũng thấy trời đẹp làm sao. Đúng là tuổi trẻ, những ngày tháng rong chơi, không ngơi nghỉ. Khi mùa Hè về, tuyết đã tan, trên không những đàn chim thiên di bay về lại những hồ nước xanh biếc của xứ Phần Lan, là NNS rủ Bạn bè xuôi Nam, xuống tận xứ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha...Có lần bồi hồi đứng nhìn núi non nhuộm màu hồng trong nắng sớm ở miền trung nước Anh. Đi qua những cánh đồng nho xứ Đức, nghe tiếng chim chiền chiện kêu rộn ràng trong bụi cỏ xanh non. Lặng nhìn những cánh đồng hoa tulip muôn sắc ở Hòa lan. Gác chân cùng bạn uống rượu vang hảo hạng ở Table de Nuit bên Pháp. Rồi những ngày hết tiền, ăn mì gói mang theo dự phòng.. Chuyến Giang hồ sau cùng, NNS có mang theo về một chậu Trúc đào chiết cành dưới Nam Âu châu, biếu Mẹ, về làm cảnh trong nhà. Mỗi sáng trước khi đi làm, Mẹ tưới chút nước và luôn bảo: "Loại này mọc xứ nóng, nhưng chịu lạnh tương đối tốt. Mẹ phải giữ cho đâm chồi, kết hoa, đỡ nhớ Quê hương"...Thời tuổi trẻ của NNS tươi đẹp, đầm ấm và hồn nhiên biết bao.

    Rồi cuộc sống 2 Mẹ con ở xứ lạ quê người đã hội nhập bình thường. Mẹ đi làm trên Thư viện ngày 2 buổi, NNS cũng đã xong bậc Trung học và sau 5 năm học Kỹ sư Hóa Công Nghệ, sẵn dòng máu giang hồ, NNS xin Mẹ xuống Đức học tiếp Master in Engineering.. Tưởng cuộc đời rồi mãi bình lặng vui vẻ trôi qua, không ngờ Mẹ NNS bị chứng nan y và vì ỷ lại nền Y khoa tân tiến của Châu Âu, khi khám phá ra đã quá trễ, NNS đành vĩnh viễn tiễn mẹ ra đi. NNS buồn, bán nhà theo di huấn của Bà, mang theo hũ tro, tìm xuống đất nước phương Nam định cự. Khi chuyến bay của Singapore Airline bay qua trung bộ nước Úc, Cô chiêu đãi viên đánh thức dậy, chỉ buổi hừng Đông, da trời màu ngọc thạch chuyển màu hồng rực rõ. Đó là hình ảnh đẹp đầu đời NNS về xứ Úc xa xôi, mà khi về đó, người Âu châu gọi bằng tiếng thân thương "Down-Under", miệt dưới. NNS lúc đầu từ giã Âu châu cũng không biết về đâu, miễn là đừng nhìn lại cảnh cũ đau lòng. NNS nộp đơn xin 6 cái học bỗng Tiến sĩ (Ph.D.) cùng một lúc: 2 ở Úc, 1 Tân Tây Lan, 2 ở Mỹ và 1 ở Anh. Thời ấy Schoolarship rất khó, quan trọng là phải có nhiều publications ở các International Journal và 3 referee letters. NNS may mắn được 3 referee: một Thụy Điển, một Đan mạch và một Đức. Trong đó có một Giáo sư "nặng ký": Prof. Villassen, người đầu tiên chuyển những phương trình Vi phân (Partial difference equation) qua Đại số (Algebra) để giải bằng Approximation method, gọi Collocation techniques, với lá thư gởi cho 6 Đại học có ghi : "Các Ông nhận người này sẽ không có gì phải hối hận". Thế là 6 trường Đại học cấp học bỗng toàn phần cho NNS. NNS ra hãng du lịch mua vé "World Around" mà trạm cuối là một Đại học Mỹ, để tìm "đất lành chim đậu". Khi xuống Úc (trạm đầu) vào tháng 7, đang vào Hạ, NNS thấy cây chuối, cây xoài, cây bưởi...Ôi niềm nhớ Quê hương dạt dào sống dậy, NNS đã chọn xứ này mà dung thân. Thế mà đã gần 15 năm qua. Nhớ Mẹ, NNS lại trồng hàng Trúc đào bên nhà, nay trổ hoa rực rõ mỗi mùa, nhưng Mẹ đã không còn.

    Thời gian như nước chảy qua cầu, người xưa nói quả thật không sai. Ngày Tô Vũ bị đày ra miền quan ngoại chăn dê, khi nhìn mây bay trên đỉnh núi Tần lĩnh, mà than: "Vân hoành Tần lĩnh, Gia hà tại" (Nhìn mây bay trên đỉnh Tần Lĩnh, không biết Quê nhà ta ở đâu). Thế mà NNS cũng đã ly hương từ tấm bé trên 30 năm dư.
    Đời người như giấc chiêm bao.
    Sáng nay lòng chợt bồi hồi nhớ Quê, xin gởi chút tâm sự cùng Thân hữu.
    Xin mời Thân hữu thưởng thức: Trúc Đào.

    Tình Thân,
    Kính.
    NNS

    ***********

    Thơ
    (Từ Bạn bè gởi)

    NGÀN GIỌT CÀN KHÔN
    Trần thị Lai Hồng


    Có lúc tưởng lên ngọn Nam Sơn
    nằm gối đá vớt được làn mây bay
    say say
    say say
    ngủ mãi trong tay …
    nhưng thuyền chưa thoát vượt được dòng sông
    mênh mông
    mênh mông
    không cánh buồm lướt sóng
    chưa về
    chưa tới
    thôi, nằm gối cội tùng
    ẩn mảnh vườn xanh

    Nơi này
    mỗi sớm mai thức dậy
    có sao Mai long lanh nhìn qua song
    ngày mới mỏng tang
    trong như hạt sương
    nhả thánh thót
    từng giọt
    từng giọt
    theo giọng chèo bẻo lảnh lót
    đong đưa đọng lời kinh Kim cương trên lá cỏ
    Trong vũng ao nho nhỏ
    con cóc uềng oang gõ mõ
    và chú rùa thong thả giộng chuông
    ngân nga
    ngân nga
    lời bát nhã hòa giọng gọi mặt trời
    soi sức sống cho hoa tô tươi màu sắc
    mời gió uống ánh sáng
    mơn man
    mơn man
    hân hoan từng lọn tóc ôm mặt
    và mắt ngát thơm mùi hoàng lan
    nghe mạch sống tuôn tràn
    dưới bàn chân dẫm đất
    lòng thấy thật thênh thang
    thênh thang
    thênh thang
    theo áng mây trắng trôi ngang trời
    giăng giăng
    giăng giăng
    Ra bờ cát trắng vắng người
    sóng vỗ về lên liếm bàn chân rười rượi
    lòng bỗng ngọt ngào rạt rào mở hội
    tươi mươi
    tươi mươi
    nghe từng bọt nước hóa thân
    làm làn mây bay về ngàn tìm ngọn Nam Sơn
    đụng đầu non chợt tỉnh mộng
    buông
    buông
    buông xuống ruộng đồng
    ngàn giọt càn khôn …

    (Hoa bang, Thu phân 2011)
    - Ngọn Nam Sơn South Mountain, Maryland


    .................................................. ............................

    Trần Mộng Tú

    Khi Đợi Ở Phi Trường


    Bỗng dưng lạc giữa bao người lạ
    muốn níu bàn tay để hỏi tên
    mỗi kẻ ngược xuôi về một hướng
    lạ như hành lý ai bỏ quên
    mỗi bến em đi đều rất khác
    từng chuyến bay qua như đời qua
    chẳng để lại gì trên cánh sắt
    mây thì gần hơn nỗi chia xa

    Chân bước mắt nhìn từng trạm đến
    lòng nao trên mỗi bước ai đi
    kẻ đi người đến đều xa lạ
    mỗi người là một cuộc phân ly

    Em đã bay qua bao nhiêu chặng
    khăn áo nghe theo tiếng gió mời
    mỗi chuyến mở một pho sách mới
    chữ rơi trên cả ghế em ngồi
    Thức ngủ nương mình đôi cánh sắt
    không biết mình trôi hay mây trôi
    bay cao xuống thấp hồn nghe mỏi
    hạt bụi em bay không định nơi.

    9/2011
    (Ở phi trường Kennedy-New York)


    HÌNH NHƯ LÀ THU PHÂN

    Ở trong rừng sáng nay có chiếc lá vừa ửng chín
    một chút vàng loang trên mầu xanh
    em cuối xuống nghe hơi rừng thở nhẹ
    nghe tiếng chân nai bước rất ngập ngừng
    nghe tiếng ai cười bên vai áo mỏng
    hình như rừng rơi vào thu phân

    có gì trong gió nghe lạ lắm
    như hạ chưa qua thu đã vội vã sang
    gió mang một chút nồng như hơi rượu mạnh
    làm những hàng cây nhìn nhau hoang mang

    tiếng bước chân nai chạy cuồng trong cỏ ấm
    tiếng chân em bước rất ngập ngừng
    tóc em rối giữa hai đầu ngọn gió
    hình như rừng rơi vào thu phân.
    tmt
    (Khi ở Vienna,VA.).
    9/2011

    .................................................. .........................

    Tình Thân,
    Kính.
    NNS

  6. #6
    Moderator
    chimtroi's Avatar
    Status : chimtroi v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2007
    Posts: 1,263
    Thanks: 5
    Thanked 3 Times in 3 Posts

    Default Mưa (22.09.2011)

    Lá Thư Úc Châu

    Chúc Thân hữu luôn May mắn, Bình an.
    Trang Thơ Nhạc điện tử: Mưa

    Nhạc:

    Hai Mùa Mưa
    Nhạc: Lê Minh Bằng
    Giọng hát: Hương Lan



    Lê Minh Bằng là một nhóm nhạc hoạt động từ từ 1966 đến 1975. Tên lấy từ nghệ danh ghép của các nhạc sĩ: Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng, 3 thành viên trong nhóm đến từ 3 miền Bắc Trung & Nam.
    • Anh Bằng là thành viên lớn tuổi nhất, sinh năm 1925 tại Ninh Bình, gần ranh giới tỉnh Thanh Hóa. Ông di cư vào Nam năm 1954 và sinh sống ở Sài Gòn cho đến năm 1975.
    • Minh Kỳ (1930-1976) sinh tại Nha Trang. Ông thuộc dòng dõi hoàng tộc và tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, có vai vế ngang hàng với vua Bảo Đại và phục vụ trong ngành cảnh sát VNCH với cấp bậc đại úy.
    • Lê Dinh sinh năm 1934, người tỉnh Gò Công. Ông ghi tên học hàm thụ âm nhạc với trường Ecole Universelle de Paris khi còn học trung học ở Gò Công. Ông từng làm công chức cho Đài Phát thanh Sài Gòn từ năm 1958 cho đến tháng 4 năm 1975.

    Truyện:

    Chuyện Tình Kể Trong Đêm Mưa
    (Nguyễn Huy Thiệp)

    ( Nguyễn Huy Thiệp thật sâu sắc, đáo để. Đọc nhiều lần vẫn thấy hay. Xin chia sẻ cùng Thân hữu).

    Thơ:
    • Bùi Giáng
    • Phạm Thiên Thư
    Tình Thân,
    Kính.
    NNS

    *********************

    Thơ:

    Bùi Giáng

    Chiều Sài Gòn


    Vội vàng mưa rớt hột mau
    Nắng đi vội vã rớt màu lang thang
    Ghé qua ngẫu nhĩ đôi hàng
    Chào thưa hấp tấp thoái tàng u hoa
    Ngày mai dâu biển ghé qua
    Làm ghi vẫn một chút quà bình nguyên
    Gửi trao ngần ấy sương phiền
    Bình minh xuân mọc qua miền trăng lu.

    .................................................. ...................................

    Phạm Thiên Thư

    Hạ hoa


    đêm nghe mưa nhỏ
    động mái lều thơ
    dưng nhớ người xưa
    áo vàng thuở nọ

    người tình nho nhỏ
    nhỏ mãi trong ta
    như chùm hạ hoa

    buồn ơi, đốt thuốc
    lần trang sách nhòa
    này những đóa hoa
    ép từ hạ cũ

    tưởng em tóc rũ
    trong dòng mưa sa


    Biếc phố

    Lắng nghe từng sợi mưa dài
    Cơn mây xõa tóc bên ngoài hè xanh
    Hạt nào biếc phố long lanh
    Hạt nào cẩn ngọc trên nhành tay hương.
    Lắng nghe ủ rũ con đường
    Mùa thu lấp ló trên tường rêu hoang
    Lắng nghe đôi ngọn lá vàng
    Xạc xào như tiếng thời gian thở dài
    Lắng nghe đôi cánh mày ai
    Dường như đậm nét cảm hoài bâng khuâng
    Lắng nghe hồn nhẹ lâng lâng
    Cảm ơn! Từng sợi tóc bồng bềnh mưa.


    .................................................. .................................................. ....

    Truyện:

    Truyện Tình Kể Trong Đêm Mưa
    Nguyễn Huy Thiệp


    Hồi ở Tây Bắc, tôi có quen một người Thái tên là Bạc Kỳ Sinh. Tôi quen Bạc Kỳ Sinh trong dịp tình cờ. Sự việc như sau:
    Hôm ấy, tôi đi chợ Mường La. Chợ Mường La họp ngay bên đường phố núi. Chợ khá sầm uất, vàng giả thật lẫn lộn. Các cô gái Thái, gái Xá ngồi bán đào, mận, mắccoọc...hái ra từ trong núi. Những sạp vải hoa, phích nước, xoong nồi...buôn từ Trung Quốc sang bày bán la liệt. Những người đàn ông, đàn bà H mông dắt ngựa, gùi những gùi,a. nhân, đẳng sâm, ba kích...gùi cả nhừng gùi nếp tan là thứ gạo nếp đặc sản có một không hai của họ, mầu hồng hồng như nhuộni phẩm, rất thơm và dính.
    Chợ Mường La họp từ sáng sớm, khi sương mù đang còn dày đặc, người đi chợ như đi trong mơ, cách một sải tay chẳng nhìn thấy gì. Sương mù ở rùng núi cao khác với sương mù ở vùng đồng bằng: nó dày dặc, nó như màn sữa loãng, mênh mông bí ẩn, không hoang tưởng, không làm hại ai, nó là khí núi tan ra rồi tụ lại; nó không phải hơi nước, hơi bụi và mưa nhỏ mà ta vẫn gọi là sương ở dưới đồng bằng.
    Khoảng gần trưa, khi sương tan đấy là khi chợ náo nhiệt nhất. Người H“mông xúm xít quanh nồi thắng cố, uống rượu, thổi khèn bè. Người Thái, người Xá cũng uống rượu, thổi khèn bè. Người La Hụ thổi khèn lá. Các cô gái Thái, gái Xá, gái Dao đứng tụm lại hát đối, hát ghẹo, hát giao duyên với các chàng trai. Có vài người nổi hứng bắn lên trời mấy loạt súng kíp, đám đông xung quanh chạy dạt ra như ong vỡ tổ.
    Tôi đi chợ cũng chẳng định mua bán gì. Cũng có nhiều người đi chợ như tôi. Chợ miền núi là nơi gặp gỡ, giao tiếp, là lễ hội nhỏ, là nơi đi chơi, nơi người ta thoát ra khỏi nếp sống thường tẻ nhạt. Tôi đi dọc phố chợ, đi hết chợ rồi ngược trở lại. ở giữa chợ có một ông già người Hoa đang ngồi xem bói. Trước mặt ông già có một cái đa đựng ba viên súc sắc. Người xem bói đặt tiền rồi cho ba viên súc sắc vào một quả bầu khô lắc mạnh, sau đó đổ ra đa gọi là „gieo quẻ“. ông già căn cứ vào tổng số điểm trên ba viên súc sắc để nói về định mệnh của họ. Người ta xuýt xoa, trầm trồ, sợ hãi. Tất cả đều thành thực, tin tưởng. Có cái gì vừa như huyền bí, vừa như đe dọa, lại vừa như lường gạt trắng trợn lơ lửng đâu đây ở trên đầu đám đông. Tôi thấy vui vui, thấy hồi hộp lạ lùng và cũng định xen vào để thử vận hạn. Ngay khi ấy có người níu lấy tay tôi. Tôi quay lại, thấy một gã người Thái mặc quần áo chàm, đội mũ nồi, khuôn mặt thật thà, nói tiếng Kinh rất sõi lắc đầu:
    - Đừng có tin Lừa dối đấy! Mời ông xem cái này!
    Gã giơ ra trước mặt tôi một vật đen đen ám khói bếp, bẩn và hôi không tưởng tượng được, trông giống như một cái mề gà sấy khô:
    Đây là mật gấu 100%. Tôi bắn được con gấu này ở trong Xốp Cộp. Nặng 137 cân. Tôi để cho ông giá rẻ...
    Tôi cười lắc đầu. Tôi đã biết người ta làm giả mật gấu bằng mật lợn như thế nào. Tôi còn biết người ta đã dùng xilanh để rút mật gấu thật ra rồi bơm vào đầy nước lã ra sao. Gã người Thái nài nỉ vài câu, cuối cùng tỏ ra thất vọng. Gã giơ hai tay lên trời, phàn nàn vài câu bằng tiếng Thái rồi bỏ đi Tôi quay lại chỗ cũ, nhận ra chiếc đồng hồ đeo tay đã biến mất từ lúc nào. Tôi vừa tức giận vừa bực mình. Đấy là vì khi ấy tôi còn trẻ tuổi! Cảm giác bị kẻ khác lường gạt, bị lỡm, bị hố, bị xỏ mũi chỉ vì mình cả tin thật thà khiến tôi mất cả bình tĩnh. Với một giáo viên quèn, chiếc đồng hồ đeo tay khi ấy với tôi là một gia tài, một của quý, một sĩ diện, dù chiếc đồng hồ ấy luôn chạy sai giờ.
    Tôi đi xuyên qua chợ, tìm gã bán mật gấu, tôi định sẽ cho hắn bài học đích đáng. Bỗng tôi thấy một cô gái Thái dắt một con ngựa tiến lại phía tôi.
    Cô gái Thái trẻ trung, xinh đẹp, đôi mắt nông, hoang vắng và tinh khôn có phầ n dạn dĩ. Đi sau cô gái có hai ông già tay ôm hai con gà chọi.
    Cô gái chào tôi:
    - Hầy à...Thưa ông, em muốn nhờ ông giữ hộ con ngựa một lát được không?
    Tôi lúng túng, không biết trả lời ra sao thì cô gái đã giúi cương ngựa vào trong tay tôi. Cô gái nói: ông đứng ở vệ đường này. Chỉ một lát thôi là em quay lại...
    Cô gái cười, nụ cười rất nhiều hứa hẹn rồi chạy bỏ đi. Hai ông già đi theo cô gái ngồi thụp ngay xuống lòng đường rồi thả gà ra. Lập tức, hai con gà xông vào đánh nhau túi bụi. Đám đông bu lại thành một vòng tròn, lộn xộn, điên cuồng, phấn khích không tưởng tượng được.
    Có tiếng la hét dẹp đường rồi một chiếc xe „com măng ca“ đi tới. Trên xe có mấy cảnh sát chở một người tù bị khóa tay bằng còng số 8. Chiếc xe phải dừng lại vì bị đám chọi gà cản đường. Mấy cảnh sát vừa bước xuống xe thì đám đông ồn cả lên, bao vây quanh họ, bụi cát mù mịt tung trời. Một tổ ong vàng không biết ở đâu xuất hiện, vỡ tung ngay trên đầu đám đông. Người ta hò nha u chạy, ngã dúi ngã dụi vào nhau. Tôi chưa kịp định thần thì thấy cô gái Thái lúc này xuất hiện giằng lấy tay cương. Người tù trên xe nhảy ào lên lưng con ngựa. Tôi chỉ thoáng thấy anh ta để tóc dài, mặc bộ quần áo chàm xanh. Cô gái Thái nhảy lên theo và họ lập tức phi ngựa băng qua các mẹt hàng, sạp hàng chạy về phía đường rừng Tạ Bú, tả ngạn sông Đà.
    Tôi bị bắt gia m vào đồn canh sát. Người ta coi tôi là can phạm trong vụ cướp tù, cuối cùng không đủ chứng cớ quy tội nên chuyển tôi làm nhân chứng. Tôi phải ký tên vào một tờ khai chữ nghĩa hết sức rắc rối mập mờ. Tôi được biết người tù kia là một tên thổ phỉ, một kẻ sống ngoài vòng cương tỏa xã hội. Hắn tên là Bạc Kỳ Sinh.
    *
    Trường học miền núi nơl tôi ở nằm trên một qủa đồi trọc gọi là đồi Thông mặc dầu trên ấy chẳ ng có một ngọn thông nào. Trên một vạt đất bằng phăng người ta dựng lên ba dãy lớp học làm bằng gianh tre nứa lá có phần nào giống một trại nuôi bò. Khu nhà giáo viên gần kề ngay đó lợp ngói, vách trát „toocsi „ nhưng khi mưa xuống dột còn nhiều hơn cả mái nhà lợp gianh. Vốn thích độc lập, tôi tự mình dựng một ngôi nhà nhỏ cách biệt hẳn ra, có hàng rào bao quanh cẩn thận. ở riêng một chỗ, tôi có cái thú của kẻ tự do, nghĩa là tha hồ buông xuôi ở trong cảm giác cô đơn mà không để người khác nhòm thấy, không làm lụy ai cả. ở ta, tự cô đơn là cách rẻ rúng nhất, vô hại nhất để tạo ra ảo giác về tự do, một điều xét cho cùng cũng chẳng ra gì nhưng thiết yếu để rèn luyện nhân cách cho tuổi trẻ vốn lắm mê say và dễ sa ngã.
    Mùa hè năm ấy, tôi phải ở lại trông nom, bảo vệ trường học. Mưa lũ kéo dài từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 9 khiến nơi tôi ở không khác gì một ốc đảo. Số gạo dự trữ sắp hết. Tôi rất buồn rầu và thương thân mình. Tôi có thể ốm rồi chết ở nơi khỉ ho cò gáy này vô ích. Tôi đã thấy mộ những giáo viên vô danh chết như thế ở Mường Hum và Chiềng Cọ, cả ở trong bản Chi cuối đường 19 nữa. Suy đi tính lại, tôi quyết dịnh vượt qua thung lũng Chiềng Sạ vào bản Pò Mật tìm người giúp đỡ. Tôi mặc áo mưa, mang theo khẩu súng săn đã han rỉ và bị hóc đạn bên mình, mang đi theo để cho oai chứ thực ra chẳng có tác dụng gì cả. Tôi tìm đường đi xuống thung lũng.
    Loay hoay hết buổi, tôi không làm sao vượt qua được thung lũng ngập đầy nước. Tôi không dám liều mạng bởi tôi không thuộc địa hình địa vật ở đây, nếu bị nước cuốn vào một khe hẻm coi như toi mạng. Tuyệt vọng, tới gần tối tôi quay về nhà, ngạc nhiên thấy ở trong nhà mình có sáng ánh đèn.
    Trong nhà tôi, ở giữa nhà có một đống lửa mới được nhen lên. Một người đàn ông Thái đang ngồi thản nhiên nướng thịt gà rừng. Thấy tôi, y chẳng buồn nhìn mặt mà chỉ liếc xéo trông chừng khẩu súng săn của tôi với vẻ đề phòng.
    - Ông là chủ nhà à? - Y hỏi tôi sau khi tôi đã treo súng lên tường.
    Tôi chán nản gật đầu. Người đàn ông Thái nói:
    - Chúng tôi sẽ ở đây ba ngày đợi lũ rút đi. Tôi hơi ngạc nhiên vì y dùng chữ „chúng tôi“.
    Như vậy, chắc y không phải chỉ có một mình.
    - Tôi không còn gì ăn cả. - Tôi thông báo trước với khách như vậy, không tỏ ý thiện cảm chút nào.
    - Tôi biết rồi, - người đàn ông Thái gật đầu với tôi - trước khi ông về tôi đã lục lọi khắp trong nhà này. Cô Muôn đang đi lấy gạo.
    Tôi hơi phật ý vì thái độ tự nhiên của khách.
    Chừng như nhận ra, y mỉm cười giới thiệu:
    - Tên tôi là Bạc Kỳ Sinh.
    Tôi hơi giật mình. Bạc Kỳ Sinh nói:
    - Tôi đi với cô gái. Cô ấy là Muôn.
    Đúng lúc ấy, cô gái Thái mà tôi đã gặp trước đây ở chợ Mường La bước vào, vai đeo gùi, người ướt như chuột lột. Bạc Kỳ Sinh đứng dậy đỡ lấy gùi gạo. Tôi không hiểu họ moi đâu ra gùi gạo trắng tinh ở giữa trời mưa, ở giữa nơi mênh mông đầy nước ngập này.
    Bạc Kỳ Sinh và cô gái nói chuyện với nhau bằng tiếng Thái. Cô gái nhìn tôi mỉm cười:
    - Em nhận ra ông rồi! Ông đã giúp em giữ ngựa ở chợ Mường La.
    Bạc Kỳ Sinh lấy gạo thổi cơm, còn cô gái lui vào buồng trong thay áo. Tôi nghe thấy tiếng lục lọi đồ đạc rồi cô gái thò đầu ra cửa hỏi tôi:
    - Ông giáo! Ông cho em mượn cái áo của ông được không?
    Tôi nhìn Bạc Kỳ Sinh và thấy y có vẻ tán thành nên nói:
    - Được!
    Tôi ở miền núi đã lâu, tôi biết đàn ông Thái nhiều người có máu ghen tuông ghê gớm! Anh có thể chết như bỡn vì một nhát dao nếu như vô tình ghẹo cô gái có chồng đã „tằng cẩu „ tức là đã buộc ngược tóc lên đỉnh đầu. ở Yên Châu vài năm trước đây đã có một vụ như thế: có một tay giáo viên người Kinh quê ở Hưng yên đã bị xẻo mất „của quý“ bằng con dao quắm to bản dùng để chẻ lạt, gã „pháo thủ“ không bao giờ còn ra trận được nữa, gã phải „hồi hưu“ khi gã mới hai mươi tuổi. Tôi không muốn như thế, năm ấy tôi mới hai mươi mốt tuổi đầu, chưa biết tí ti gì về chuyện „phong hoa tuyết nguyệt“.
    Một lúc sau, cô gái ở trong buồng trong bước ra, mặc chiếc áo phông sặc sỡ của tôi và chiếc váy mới. Trông cô rất đẹp, vẻ đẹp vừa hoang vắng, vừa mê đắm lại vừa man rợ.
    Chúng tôi ngồi ă n cơm và cùng trò chuyện với nhau. Bạc Kỳ Sinh ít nói, đôi mắt của y lạnh lẽo, căng thẳng như mắt diều hâu, thỉnh thoảng lại sáng rực lên như có tia chớp, tia lửa. Chỉ khi nào ánh mắt của y gặp ánh mắt của Muôn nó mới dịu đi đôi chút, nó mới có vẻ như ánh mắt người. Bạc Kỳ Sinh có nụ cười dè dặt, lúc nào cũng có vẻ như giễu cợt bản thân mình hay giễu cợt ai. Chúng tôi ngồi nói chuyện về các sản vật ở vùng Tây Bắc, về phong tục người Thái, về việc người Kinh lên đây làm ăn sinh sống. Bạc Kỳ Sinh có vẻ không thích thú lắm với việc ngày càng có nhiều người Kinh lên Tây Bắc „đi xa hơn nữa“, „khai hóa văn minh“, „thắp lên ánh sáng văn hóa“. Muôn thì khác, cô tỏ ý chê bai lối sống khép kín, quá gần tự nhiên, thậm chí có phần tăm tối của dân miền núi. Qua câu chuyện, tôi thấy hai người hiểu biết nhiều thứ, không hề ngơ ngẩn hoặc quá hẹp hòi như cách thức mà dân thành thị chúng ta vẫn hình dung về "người dân tộc“.
    Cơm nước xong, Bạc Kỳ Sinh dựa lưng vào vách, màt đăm đăm nhìn vào đống lửa bập bùng. Ngoài trời đêm mưa vẫn không ngớt. Bạc Kỳ Sinh hát ê a một bài hát bằng tiếng Thái, lời lẽ rất ấn tượng. Có nhiều đoạn, cô Muôn cùng hát với y. Tôi nghe loáng thoáng, cố gắng tìm cách sắp xếp lại lời của bài hát này:
    Pò mệ ơi! Bố mẹ ơi.../ Pò mệ sinh con từ hang núi / Nơi ấy có nhiều gió, lạnh lắm / Đêm mưa, nhiều gió lạnh lắm / Tiếng hổ gầm, tiếng chó sói hú / Những con rắn con trăn tìm mồi / Bọn cáo chồn hôi hám rình mò / Con don, con dím nấp trong hang / Con mình trần thân trụi run rẩy / Gió lạnh lùa vào ngực con / Con nhen lửa, gió làm tắt lửa / Con sờ soạng trong bóng đêm / Và nhặt được một vật mềm, ướt át / Con sợ hãi, không biết vật gì / Nó phập phồng trong tay con / Ôi đau quá, đau nhói ở đây / Cái vật mềm, ướt át ấy / Là trái Tim con rơi trên đất / Mặt đất ấy nhiều gió, lạnh lắm...
    Pò mệ ơi, ai thương con / Pò mệ ơi, ai thương pò mệ...
    Tiếng hát của Bạc Kỳ Sinh rất lạ, đơn giản như lời người nói. Tôi chưa thấy ai hát như thế bao giờ: người hát không lấy hơi, không rán sức, khi nhấn lời hoặc ngân nga thì dịu dàng không sao kể xiết; ngậm ngùi, tê tái mà không mủi lòng; tâm trạng cô đơn lạnh buốt lẫn lộn với những khao khát nồng nàn. Tiếng hát sóng sánh, đặc như những giọt mật ong. Mỗi từ là một giọt mật. Tôi nghe hát mà nước mắt cứ thế chảy ra ràn rụa, tự nhiên không kìm lại được.
    Bài hát chấm dứt. Tất cả lặng đi. Tiếng mưa rơi và tiếng côn trùng bỗng nhiên ùa vào trong nhà riết róng nghe rõ mồn một. Không ai nói năng gì cả. Tiếng hát vẫn còn như lơ lửng bay trong không gian, vướng vào mái nhà, kèo nhà, vướng vào mái tóc, vướng vào đôi môi, cháy xèo xèo trên ngọn lửa đỏ rực.
    Bạc Kỳ Sinh hát xong, y cười một nụ cười nhợt nhạt thất thần, hình như bao nhiêu sinh lực của y đã trút hết vào cho bài hát. Một lúc sau như không chịu đựng nổi sự yên lặng, Muôn cũng ê a hát. Bài hát này cũng xót xa tê tái chẳng kém gì bài hát của Bạc Kỳ Sinh:
    Ing noọng ơi, ing noọng ơi / Nếu em xây nhà / Thì đó là ngôi nhà nhỏ với cửa sổ rộng / Trong nhà có bếp lửa hồng / Trên bàn có cắm bông hoa đỏ và bông hoa trắng / Chăn đệm mới thơm tho / Bên cạnh em có anh / Em muốn anh ở bên cạnh em / Đấy là ước mơ của em
    Anh yêu ơi, bây giờ đi đâu rồi / Ma rùng bắt anh hay ngọn lửa nào gọi anh / Anh đi về hướng nào / Không có ai đợi anh ở đấy / Anh yêu ơi, về đây với em / Ta xây ngôi nhà nhỏ với cửa sổ rộng / Anh yêu ơi, bây giờ đi đâu rồi / Người thương ơi, bây giờ đi đâu rồi ....
    Tôi lặng nghe Muôn hát, thấy giọt nước mắt lăn trên gò má của cô. Bạc Kỳ Sinh có vẻ xúc động. Y đưa tay ôm lấy bả vai cô gái kéo về phía mình. Khi Muôn hát xong, y nói một câu tiếng Thái rất nhanh, tôi không nghe rõ nhưng đoán là một lời chửi rủa hay một lời thề độc. Muôn trừng mắt nhìn y rồi ngồi xích ra có vẻ bất bình. Họ nói về một người nào đó có tên là Ngân.
    Đêm về khuya, mưa càng ngày càng nặng hạt. Mưa thấm vào đất, vào vách nhà, vào lòng người... Chúng tôi ngồi yên như thế rất lâu. Lát sau Bạc Kỳ Sinh lên tiếng trước. Y phàn nàn về những điều kiện sinh sống khốn khổ ở nơi nào đó, chắc là ở quê hương y. Vùng Tây Bắc tôi đã đi nhiều, điều kiện sống của con người ở đây thật khắc nghiệt. Dân nhiều nơi chỉ đủ gạo ăn có ba tháng, còn chín tháng trong năm phải vào rừng đào củ mài. Săn bắt và hái lượm vẫn là những hình thức kiếm sống phổ biến của nhiều tộc người ở đây hệt như một ngàn năm trước. Nạn du canh du cư và triệt phá rừng làm cho quang cảnh rừng núi ngày càng thêm tiêu điều. Tôi cố tình dò hỏi tông tích, gốc gác của Bạc Kỳ Sinh. Y trả lời dè dặt, y nói chung chung:
    - Tôi là đứa con hoang của rừng.
    Y nói câu đó thì thầm như lời thú tội, có phần nào chán chường nhưng vẫn ngấm ngầm một niềm kiêu hãnh đặc biệt. Tôi gợi lại chuyện xảy ra bữa trước ở chợ Mường La thì y mỉm cười:
    - Rắc rối cho ông ghê lắm phải không?
    Y ngượng nghịu xoa tay vào nhau rồi nói tiếp:
    - Tôi đã mang ơn ông.
    Sau đó y chỉ vào Muôn:
    - Nhờ có con nhím này!
    Mãi về sau, do nhiều người kể lại tôi mới biết rõ về câu chuyện xảy ra hôm ấy.
    Đêm về khuya, tôi ngủ ở bên bếp lửa, nằm thao thức nghe tiếng mưa rơi. Trong giấc mơ, tôi cứ chập. chờn về hình ảnh trái tim mềm mại, ướt át, phập phồng rơi trên đất lạnh và ngôi nhà nhỏ có cửa sổ rộng. Những hình ảnh ấy phải chăng là nỗi ám ảnh thân phận tình yêu đôi lứa của hai người?
    *
    Bạc Kỳ Sinh là hậu duệ của dòng họ Bạc đất Mường Vài. Đây là một dòng họ quý tộc xa xưa, đồn rằng ông tổ là người Kinh đã từng làm chức thượng thư, bỏ lên Tây Bắc vì chán thời thế. Đấy là vào khoảng thế kỷ XVIII, thời vua Lê, chúa Trịnh, một thời nhiễu nhương trong lịch sử. ông tổ của Bạc Kỳ Sinh lấy vợ người Thái, lập trang trại, sống nhờ vào việc buôn bán thuốc phiện với người Lào và người Hoa. Đến đời Bạc Kỳ Sinh, thời thế thay đổi, chính quyền mới đang tồn tại cùng chúng ta đây thành lập. Một đồn biên phòng đóng ngay ở đất Mường Vài. Việc buôn bán thuốc phiện bị cấm. Những người lính biên phòng thường xuyên xuống bản, giúp dân làm ăn, dạy học cho trẻ và giữ gìn trật tự an ninh trong vùng. Đồn trưởng biên phòng là Lò Văn Ngân, người Thái ở Yên Châu, một thiếu úy mẫn cán và sắt đá. Số phận éo le, giữa Lò Văn Ngân và Bạc Kỳ Sinh có những mối quan hệ thật trớ trêu.
    Một lần, vào dịp Tết cổ truyền, người ta tổ chức một cuộc đua ngựa cho thanh niên trong vùng. Chặng đua khá nguy hiểm, phải vượt qua nhiều suối và núi đá tai mèo. Có nhiều giải thưởng, giải nhất là một con ngựa tuyệt đẹp. Muôn là cô gái xinh đẹp nhất đất Mường Vài sẽ trao dây cương cho người thắng trận.
    Mười bảy kỵ sĩ tham gia cuộc đua, trong đó có Lò Văn Ngân và Bạc Kỳ Sinh. Hai người ganh đua từng phân một và họ bỏ xa các ky sĩ khác. ở chặng cuối cùng, nguy hiểm nhất là phải băng qua vực đất sụt. Nghe nói dưới đó có mạch nước ngầm từ xa xưa, mạch nước ngầm này còn lớn hơn cả con sông Đà, nhiều chỗ mạch nước ngầm phun lên làm nơi đó biến thành bùn lầy vô cùng nguy hiểm. Lò Văn Ngân là kỵ sĩ giỏi. Con ngựa anh cưỡi là con ngựa giống sông Đông ở Nga. Hồi ấy loại ngựa này chỉ nhập vào Việt Nam có sáu con để phối giống, được nuôi ở trại ngựa Bá Vân, Thái Nguyên theo tiêu chuân đặc biệt, người ta tìm cách nhân nó lên để cung cấp cho lính biên phòng. Con ngựa này phi rất nhanh, nếu đường sá tốt có thể phi tới 300 cây số một giờ, bước nhảy của nó xa tới 4 mét. Nó cao gấp rưỡi con ngựa bình thường. Bạc Kỳ Sinh cưỡi con ngựa của người miền núi Tây Bắc, chân thấp, tướng mạo xấu xí, trông giống một con la già, chạy không nhanh nhưng dai sức, khi leo núi thì không khác gì sơn dương. Loại ngựa này đặc biệt nhạy cảm với địa hình miền núi, nó ăn rất ít và chịu được khát.
    Khi qua đèo, con ngựa sông Đông của Ngân chạy song song với con ngựa của Bạc Kỳ Sinh. Đường rất hẹp, hai con ngựa chèn nhau khi vượt khúc quanh ở hem núi. Gió thổi mạnh, con ngựa sông Đông khỏe hơn nên hất con ngựa của Bạc Kỳ Sinh xuống khe núi. Bạc Kỳ Sinh thoát chết nhờ vào sự nhạy cảm thần kỳ của con tuấn mã. Con ngựa chụm bốn vó lăn tròn ở vạt dốc nghiêng, không hiểu làm sao móc được một ch ân vào thân cây dâu da. Sau này Bạc Kỳ Sinh kể lại: „Lúc đó mạng sống thật là „ngàn cân treo sợi tóc“. Con ngựa hình như cũng biết điều đó, nó chỉ doãi cẳng chân ra là cả hai sẽ lao xuống vực sâu 300 mét. Gió thổi, đá cào làm nó lột xước hết cả da. Nó rnn bắn lên, mồ hôi túa ra đầm đìa. Mắt nó như muốn dò hỏi: „Tại sao? Tại ao lại chết vô lý thế này?“ Thế là nó vùng vẫy sức lực của nó như được nhân lên gấp bội...
    Loay hoay mãi, Bạ Kỳ Sinh móì gỡ được mình ra và dìu được con ngựa từ trên cây xuống. Bạc Kỳ Si n h bị thương khá nặng: xương đùi gãy, một chân bị trẹo khớp. Nhưng một kỵ sĩ miền núi thì chẳng bao giờ bỏ cuộc. Y vẫn tiếp tục cuộc đua. Để đến đích, nếu theo con đường cũ dễ dàng thì thất bại là chắc chắn: với hơn 20 cây số đường rừng như vậy thì người và ngựa sẽ kiệt sức vì mất máu. Bạc Kỳ Sinh quyết định vượt qua núi đá tai mèo để về thung lũng: đường ngắn hơn, chỉ có hơn hai cây số nhưng làm như thế nghĩa là „leo núi“ chứ không phải còn là „đua ngựa“ nữa. Được cái cuộc đua không hề quy định lộ trình bắt buộc. Từ xa xưa, dâ n miền núi đã quen chỉ xác định hướng đi chứ không xác định sẽ đi như thế nào, con người phải tự mò mẫm một mình và chỉ có linh cảm, trực giác mới giúp họ vượt qua tất cả.
    Bạc Kỳ Sinh vượt qua vách núi tai mèo, nghĩa là cầm chắc cái chết trong tay, hy vọng sống trong một phần nghìn. Không hiểu làm thế nào mà Bạc Kỳ Sinh vượt qua được. Máu loang lổ bết đầy người và ngựa. Y đến đích không khác gì một con ma rừng.
    Cuộc đua kết thúc. Không ai trao giai thưởng cho con ma rừng. Giải thưởng thuộc về Lò Văn Ngân và con ngựa giống sông Đông. Bạc Kỳ Sinh chỉ được sự tán thưởng ngầm của ít người dân miền núi lầm lì nhất, họ có cách đánh giá riêng cửa họ về các giá trị con người.
    Bạc Kỳ Sinh dưỡng bệnh ở nhà ông Sùng là bố của Muôn. ông là thầy thuốc biết chữa bệnh bằng nhiều thứ lá cây rừng. Tình yêu của y với Muôn bắt đầu nảy nở trong những ngày đó. Nhưng Lò Văn Ngân, viên thiếu úy đồn trưởng biên phòng cũng rất yêu Muôn.
    Bạc Kỳ Sinh khỏi bệnh vào cuối mùa thu. Lúc ấy rừng đang thay lá. Rặng cây sau nhà Muôn từ màu xanh chuyển sang màu đỏ như mận và màu đỏ của máu. Hoa đinh lăng là thứ hoa đơn ở rừng có màu vàng như là hoa tai vàng nở rất nhiều ở hàng rào đầy những dây tơ hồng cũng màu vàng như màu nhẫn vàng. Bạc Kỳ Sinh ngồi bên cửa sổ. Muôn ngồi xe sợi ở ngoài chái nhà, cô ê a hát bài hát mà cô ưa thích:
    Ing noọng ơi, ing noọng ơi / Nếu em xây nhà / Thì đó là ngôi nhà nhỏ với cửa sổ rộng / Trong nhà có bếp lửa hồng...
    Ông Sùng hỏi Bạc Kỳ Sinh:
    - Này Sinh, mày có nghĩ rằng dân miền núi sẽ có hạnh phúc hay không?
    Bạc Kỳ Sinh cười:
    - Khi còn mê muội...
    Muôn hỏi:
    - Vậy văn minh?
    - Không tốt gì! - Một người đàn ông Thái vừa bước lên cầu thang vừa nói. Đây là Lò Văn Cường, em trai ông Sùng, chú ruột của Muôn. Ông ta gùi một gùi hàng nặng. Ông ta vẫn buôn thuốc phiện từ Tam giác vàng qua đường Thượng Lào sang Tây Bắc.
    Đêm hôm đó, Lò Văn Cường ngủ ở nhà anh trai mình. ông bảo Bạc Kỳ Sinh:
    - Cháu Sinh ạ, tao đã thấy mày đua ngựa với người của chính phủ. Theo tao đi! Mày là ma rừng phải đi đường hẻm. Mày muốn con Muôn thì hãy nghe tao! Mày hãy đi gùi hàng lên Hoàng Su Phì! Hãy nghĩ đến tự do và tiền bạc rồi sau hãy nghĩ đến đàn bà. Con Mnôn nó sẽ giết mày! Nửa tháng sau, Lò Văn Cường bị bắn chết.
    Những người lính biên phòng do Lò Văn Ngân chỉ huy phục kích đã bắn chết ông ta khi mang thuốc phiện vượt qua biên giới. Lò Văn Ngân được thăng chức trmg úy. Ngân cưõi con ngựa sông Đông đến chơi nhà Muôn. Anh tặng Muôn đôi vòng tay bạc. Muôn hỏi:
    - Nếu giết được một người thì được tăng một chức à?
    Ngân bảo:
    - Điều ấy tùy vào người bị giết là ai.
    Muôn nói:
    - Ông ta là chú tôi.
    Ngân bảo:
    - Tôi không biết.
    Khi Ngân đi xuống cầu thang thì con ngựa sông Đông của anh đã bị cắt mất gân chân đang nằm gục bên hàng rào. Ngân chạy lên cầu thang rút súng chĩa vào Bạc Kỳ Sinh:
    - Mày giết ngựa! Mày có biết con ngựa ấy đáng giá bằng mấy mày không?
    Bạc Kỳ Sinh nói:
    - Cần thì tao cắt gân mày chứ không cắt gân con ngựa!
    Bạc Kỳ Sinh bị bắt. Muôn than thở:
    - Anh ta đang ốm.
    Ngân nói:
    - Con ngựa này mỗi ngày ăn hết 20 cân thóc, 6 lít sữa với 2 cân đường. Cả nước bây giờ chỉ còn hai con như thế!
    Bạc Kỳ Sinh bị giam chín tháng trong tù. ở trong tù, những người bạn của Lò Văn Cường chỉ cho y các mối hàng, cách đi rừng, cách chơi gái sao cho không bị mang bệnh, cách trốn lính biên phòng, cách phân biệt tiền giả thật, tiền bạt Thái Lan và tiền kíp Lào, rất nhiều thứ mà người ta không biết phân biệt đấy là những kiến thức về tự do hay sự từng trải phóng đãng.
    Một tay ăn trộm người Dao tên là Triệu Phú Đại rủ Bạc Kỳ Sinh vượt ngục. Đêm hôm ấy trời mưa to, hai người rỡ mái tôn chuồn được ra ngoài luồn rừng chạy về phía rừng Thuận Châu trốn tránh.
    Ít ngày sau Bạc Kỳ Sinh tìm đường về đến nhà Muôn. Triệu Phú Đại cằn nhằn:
    - Chúng ta phải chuồn sang Thượng Lào ngay lập tức. Loanh quanh ở đây rồi chết có ngày.
    Bạc Kỳ Sinh nói:
    - Mày biết gì về Tình yêu?
    Triệu Phú Đại thở dài:
    - Đấy là thứ tình cảm không lương thiện.
    Muôn chạy ra đón Bạc Kỳ Sinh, trên tay đeo đôi vòng bạc của Ngân tặng cô.
    Bạc Kỳ Sinh hỏi:
    - Cô yêu nó à?
    Muôn nói:
    - Không biết! Em chỉ thích bộ quân phục.
    Bạc Kỳ Sinh và Triệu Phú Đại ở nhà Muôn ba ngày. Triệu Phú Đại bảo Bạc Kỳ Sinh:
    - Mày lựa chọn đi. Hoặc đi Thượng Lào. Hoặc ở đây rúc váy con Muôn để đợi thằng Ngân đến bắt. Năm giờ sáng, lính biên phòng bao vây nhà Muôn. Triệu Phú Đại và Bạc Kỳ Sinh nấp trong buồng kín. Triệu Phú Đại nói:
    - Phen này chết là chắc. Tao không tiếc gì. Chỉ tiếc mày mới hai mươi lăm tuổi.
    Bạc Kỳ Sinh nói:
    - Khi thằng Ngân bước lên cầu thang tao sẽ dí dao vào cổ nó...Khi người ta đưa ngựa tới, mỗi thằng chạy về một phía... Bạc Kỳ Sinh treo người ở trên chái nhà giống như con dơi. May cho y là 5 giờ sáng thì trời vùng núi còn tối như mực. Lúc ấy trời lại đổ mưa to. Hai người chạy thoát sang đất Thượng Lào.
    Bạc Kỳ Sinh nói:
    - Chắc cha con ông Sùng bị bắt mất.
    Triệu Phú Đại cười:
    - Có con Muôn thì chẳng sợ. Biết "mèo nào cắn mỉu nào“!
    Bạc Kỳ Sinh buôn bán dọc ngang ở vùng Thượng Lào, nhiều khi sang cả Thái Lan. Y có tiền, có nhiều thứ nhưng trong lòng khôn nguôi nhớ Muôn và nhớ quê hương. Thỉnh thoảng y tìm đường liều lĩnh về thăm đất Mường Vài. Một lần về y bị bắt và xảy ra vụ trốn chạy ở chợ Mường La mà tôi chứng kiến.
    *
    Bạc Kỳ Sinh và Muôn trú ở nhà tôi sang ngày thứ hai thì họ cãi lộn với nhau. Cả hai đều mất bình tĩnh. Tôi không hiểu lắm vì họ nói bằng tiếng Thái rất nhanh, tôi chỉ lõm bõm biết một số từ. Tôi đoán hai người đã không đồng ý về cách giải thoát tình trạng hiện thời. Muôn nài nỉ điều gì đó nhưng Bạc Kỳ Sinh dứt khoát chối từ. Một lúc sau, Bạc Kỳ Sinh cũng nài nỉ điều gì đó nhtng Muôn không chịu. Cuối cùng Bạc Kỳ Sinh đứng lên tru một tiếng khủng khiếp như chó sói hú. Trông y rất đau đớn. Muôn ôm mặt chạy ra ngoài trời mưa. Lúc ấy trời đâ khuya lắm. Bạc Kỳ Sinh chạy theo. Họ giằng co nhau một lúc lâu rồi Muôn chạy về phía rừng. Bạc Kỳ Sinh quay vào nhà, y nằm vật ra ở bên đống lửa.
    Tôi ngồi lặng lẽ chứng kiến hai vị khách trọ. Tôi mơ hồ thấy một nỗi thương cảm xót xa. Tại sao lại phải dày vò mình, phải dày vò nhau như thế? Hồi ấy tôi còn trẻ tuổi, tôi chưa nếm trải vị ngọt cũng như vị đắng tình yêu. Ôi tình yêu! Sau này tôi mới biết đấy là thế nào! Bạn trẻ, bạn hãy yêu đi! Nó sẽ làm cho bạn hóa rồ hóa dại, nó sẽ làm cho bạn tốt lên hoặc xấu đi thì tôi cũng chẳng biết nữa nhưng tôi biết chắc chắn đó là một điều tuyệt vời nhất trên đời, đó là thứ giá trị nhất trong mọi thứ giá trị mà Thượng đế ban cho con người. Bạn trẻ! Bạn đừng tin những kẻ nói với bạn rằng tình yêu là sai lầm! Không có tình yêu sai lầm...Đấy là những kẻ ghen tị với tình yêu, những kẻ không có cơ hội để có tình yêu, vu khống, xúc xiểm tình yêu...
    Suốt đêm hôm ấy chúng tôi không thấy Muôn trở lại. Bạc Kỳ Sinh ngồi bên bếp lửa như hóa đá. Tôi cố gợi chuyện y. Y thở dài:
    - Cô ấy sẽ không trở lại...Đàn bà rất thích những ngôi nhà có cửa sổ rộng để chuồn ra ngoài...
    Trầm ngâm một lúc, y nói tiếp:
    - Về bản chất, đàn bà đứng về phía trật tự... Không có trật tự nào dung được tình yêu to lớn...
    Tôi lấy củi chất thêm vào đống lửa. Mưa rất to. Hai chúng tôi ngồi bên đống lửa đến tận sáng bạch. Bạc Kỳ Sinh đã kể cho tôi nghe về tình yêu nồng cháy của y. Y nói về phụ nữ, về cuộc đời, về nhiều thứ khác. Y nói:
    - Không ai mang lại cho tôi nhiều hạnh phúc và đau khổ như Muôn. ông đã yêu bao giờ chưa? Tình yêu dạy cho ta bước đi của hổ, của báo, cho ta sức mạnh của mãnh thú. Nó dạy cho ta sự giảo hoạt của cáo, của rắn độc...Nó khiến ta nhân đạo hơn hoặc độc ác hơn...Những kẻ hèn hạ không có tình yêu. Tôi dò hỏi Bạc Kỳ Sinh về Muôn. Y nói:
    - Cô ta cũng giống như mọi người đàn bà khác. Tôi quá điên rồ, quá nguy hiểm đối với cô ta. Trước sau gì cô ta cũng sẽ trèo qua cửa sổ để về với một môi trường tầm thường hơn nhưng an toàn hơn. Cô ta chết chậm hơn tôi. Nhưng thôi, tất cả những điều tôi nói không có ích gì, sau này rồi ông sẽ hiểu...
    Bạc Kỳ Sinh ở với tôi đến trưa hôm sau. Y dứt khoát trả tôi tiền trọ. Món tiền khá lớn, bằng tổng số tiền lương giáo viên của tôi trong nhiều tháng. Tôi và Bạc Kỳ Sinh chia tay nhau. Y nói rằng y sẽ đi Thái Lan ngay hôm ấy. Cả hai không nghĩ rằng rồi sẽ gặp nhau. Tôi cũng không ngờ hai mươi lăm năm sau, tôi đã gặp Bạc Kỳ Sinh trong một hoàn cảnh lạ lùng kỳ dị.
    ít năm sau, tôi có dịp quay lại Mường La. Tôi gặp Lò Vàn Ngân, bấy giờ đã lên chức thiếu tá. Ngôi nhà của Ngân ở ngay cổng chợ Mường La, ngôi nhà thiết kế giống như những ngôi nhà khác ở thành phố, tầng dưới để bán hàng hay để cho thuê văn phòng, tầng trên để ở. Ngân và Muôn lấy nhau, họ có hai đứa con, cả hai đang học Đại học. Tôi gặp Ngân nhưng anh tiếp chuyện tôi dè dặt, thậm chí có phần lạnh lùng. Chúng tôi không nói gì về chuyện cũ.
    Lựa dịp thuận tiện, tôi tìm cơ hội để gặp riêng Muôn. Muôn còn rất đẹp. Cô mặc quần áo sang trọng theo lối dân thành phố. Tôi gợi lại chuyện về Bạc Kỳ Sinh thì Muôn thất kinh, hốt hoảng nói:
    - Bò hụ...! Ai nhá nhắc lại chuyển cẩu nưa...
    (Không biết! Anh chớ nhắc lại chuyện cũ nữa).
    Tôi quay lại chợ Mường La. Cũng không khác xưa nhiều lắm: các cô gái Thái, gái Xá...ngồi bán đào, mận, mắccoọc...hái ra từ trong núi, những người đàn ông, đàn bà người H“mông gùi những gùi sa nhân, đẳng sâm, ba kích, nếp tan...ở góc chợ vẫn có ông già người Hoa ngồi xem bói. Không có đám đông nào vây quanh ông già. Tôi đến gần ông già đặt tiền, gieo quẻ và hỏi về số phận của Bạc Kỳ Sinh. ông già đọc cho tôi nghe một bài thơ chữ Hán:
    - Ngộ bất ngộ
    Phùng bất phùng
    Nguyệt trần hải để
    Nhân tại mộng trung...(1)
    Tôi thở dài quay đi ngẫm nghĩ. Tôi tự hỏi mình:
    - Này số phận! Những gì tạo nên số phận? Điều gì giá trị? Điều gì vô giá trị? Điều gì trên đời này có ý nghĩa nhất cho một con người?
    *
    Tôi đã gặp Bạc Kỳ Sinh tình cờ khi tôi đến Mỹ mấy năm trước đây. Hôm ấy ở New York, tôi đến một quán cà phê nơi vẫn tụ tập khá nhiều nhà thơ và nghệ sĩ. ở đấy có một người Việt Nam chơi đàn ghita rất điệu nghệ. Người này hát những bài hát bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Khi nghe một bài hát tôi đã lặng đi không thể tin được. Đấy chính là một phần bài hát tôi từng được nghe ngày nào:
    Pò mệ ơi! Bố mẹ ơi.../ Pò mệ sinh con từ hang núi. / Nơi ấy có nhiều gió, lạnh lắm / Đêm mưa, nhiều gió lạnh lắm / Ôi Tự do, Tình yêu, Quê hương / Những con đường chông gai, nhọc nhằn / Con mình trần thân trụi run rẩy / Và sờ soạng trong bóng đêm / Con nhặt được một vật mềm, ướt át / Con sợ hãi, không biết vật gì / Nó phập phồng trong tay con / Đau quá, đau nhói ở đây / Con ngửa mặt lên trời và hỏi:
    Đâu tình yêu? Đâu tự do? Đâu quê hương../ Pò mệ ơi.../ Pò mệ sinh con từ hang núi...
    Người đánh đàn ghita và hát là Bạc Kỳ Sinh. Tối hôm ấy, Bạc Kỳ Sinh đưa tôi về nhà. Đó là một ngôi nhà nhỏ với cửa sổ rộng trên gác của một chung cư. Ngôi nhà khá đầy đủ tiện nghi. Bạc Kỳ Sinh thuê ngôi nhà này ở đây và sống độc thân. Sau lần gặp tôi, y sang Thượng Lào, sang Thái Lan rồi tới định cư ở Mỹ. Chúng tôi uống rượu suốt đêm. Bạc Kỳ Sinh hỏi tôi rất nhiều về vùng Tây Bắc Việt Nam. Tôi hỏi Bạc Kỳ Sinh xem có cơ hội trở về Việt Nam hay không. Y buồn bã lắc đầu, chỉ vào ngực mình:
    - Tôi không biết. Tôi vẫn thường đau ở trong ngực này...
    Y cười, vẫn nụ cười như diễu cợt ai hay giễu cợt mình.
    Trên tường nhà Bạc Kỳ Sinh có treo ảnh Muôn. Nước ảnh đã cũ, đã ố vàng nhưng Muôn trông rất đẹp. Tôi không nỡ nói với Bạc Kỳ Sinh là ở Việt Nam, Muôn đang sống hạnh phúc. Bạc Kỳ Sinh ép tôi uống rượu mạnh. Cả tôi và y đều say khướt. Tôi hỏi y thế nào là Tình yêu. Bạc Kỳ Sinh bảo:
    - Tin tôi đi! Đấy là một hung thần...
    Đêm hôm ấy ở New York trời mưa rất to, mưa như ở vùng Tây Bắc Việt Nam, một thứ mưa nhiệt đới dai dẳng, tưởng như không dứt, tưởng như không thôi, tưởng như không bao giờ hết được...

    .............................................
    (1) Gặp như không gặp
    Được như không được
    Như trăng dưới biển
    Người ở trong mộng...

    .................................................. ..................

    Kính.
    NNS

Trang 1/2 12 cuốicuối

Similar Threads

  1. Những Đóm Mắt Hoả Châu
    By hieunguyen11 in forum Chuyện Đời Lính
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 05-07-2013, 12:41 AM
  2. Mỹ bố trí B-2 ở Châu Á
    By TAM73F in forum Nhận Định Thời Cuộc
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 02-26-2013, 02:49 AM
  3. Trường ca Trọng Thủy Mỵ Châu
    By chieutim in forum Nhạc Thơ Chọn Lọc
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 01-03-2013, 01:59 PM
  4. Tin Úc Châu
    By Phòng Trực in forum Góc Suy Gẫm
    Trả lời: 1
    Bài mới nhất : 08-29-2011, 02:07 AM
  5. Viêt Nam Minh Châu Trời Đông
    By buingocthang1965 in forum Hùng ca
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 06-05-2011, 10:04 AM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •