Remember ?

Trang 58/58 đầuđầu ... 848565758
kết quả từ 343 tới 344 trên 344

Tựa Đề: Bạch Mã

  1. #343
    Moderator
    BachMa's Avatar
    Status : BachMa v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Nguyên quán: VA is 4 Lovers
    Posts: 1,293
    Thanks: 27
    Thanked 104 Times in 59 Posts

    Button Xanh Khóa 17 & Không Quân

    Khóa 17 & Không Quân
    Bắc Đẩu Võ Ý - K17



    Hình minh họa

    Vào trung tuần tháng 11 năm 1960, hơn hai trăm thanh niên khắp các tỉnh thành miền Nam đã hội tụ về thành phố sương mù Đà Lạt để tình nguyện gia nhập Khóa 17 (K17) Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

    Ngày 30 tháng 3 năm 1963, 180 tân sĩ quan của K17 tốt nghiệp Thiếu Úy Hiện Dịch, trong đó có 30 sĩ quan đã được tuyển qua Không Quân từ năm học thứ 2, vào năm 1962.

    Mùa xuân năm 1962, Bộ Tư Lệnh Không Quân đề cử một số sĩ quan Không Quân lên Trường Võ Bị Đà Lạt thuyết trình về tổ chức, hoạt động của Không Quân Việt Nam Cộng Hoà trong cuộc chiến tự vệ, để chiêu mộ một số Sinh Viên Sĩ Quan K17 chọn quân chủng nầy.

    Hơn một trăm Sinh Viên Sĩ Quan K17 ghi danh chọn Không Quân. Thời gian ngắn sau, Bộ Tư Lệnh Không Quân đưa máy móc, thiết bị lên Quân trường để kiểm tra (TEST) về khả năng phản ứng tay chân của 100 Sinh Viên Sĩ Quan đã ghi danh.

    Hình như khoảng 70 Sinh Viên Sĩ Quan qua (pass) được TEST nầy. Không lâu sau, 70 vị được mời về Trung Tâm Giám Định Y Khoa trong căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt để khám nghiệm sức khoẻ tổng quát, tai mắt mũi họng, và tim gan phèo phổi. Mọi cơ phận phải tuyệt hảo để trở thành một phi công!

    Cuối cùng chỉ còn 30 Sinh Viên Sĩ Quan qua được cửa ải khe khắt nầy. Ngay sau khi mãn khoá, 30 tân sĩ quan K17 được tuyển, về trình diện Bộ Tư lệnh Không Quân để nhận giấy nghỉ phép hai tuần, sau đó tất cả trình diện Đại Úy Truyền, Liên Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan tại Trung Tâm Huấn Luyện.

    Tại Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân, 30 tân sĩ quan được cải danh thành Sĩ Quan Khoá Sinh để theo học ESL (English as Second Language) tại Trường Anh ngữ thuộc Trung Tâm nầy. Để được tuyển chọn du học Hoa Kỳ, mọi khoá sinh phải đạt điểm 70 ESL qua một cuộc trắc nghiệm sau 3 tháng học tập.

    30 Sĩ Quan Khoá Sinh đều “pass test ESL” nầy, nhưng thay vì học bay tại Mỹ, họ được (hay bị) học bay tại Nha Trang. Về điểm nầy, có bạn cho rằng, cánh cửa du học Mỹ ngày càng hẹp lại. Có bạn lại nghĩ, cấp trên muốn huấn luyện 30 sĩ quan Đà Lạt thành hoa tiêu sao cho nhanh!

    Số là, vào năm 1963, Không Quân Mỹ áp dụng thử kế hoach huấn luyện cho các Không Quân Đồng Minh tại quốc gia sở tại thay vì tại Hoa Kỳ. (Cho đỡ tốn kém chăng?) Một toán huấn luyện lưu động (trainning mobile team) gồm các Huấn Luyện Viên địa huấn & phi huấn (ground school & fly school), chuyên viên cơ khí ,và máy bay Cessna U17 (máy bay huấn luyện, một động cơ, 6 chỗ ngồi) được gởi qua Nha Trang để huấn luyện phi công quan sát tại đây cho các khoá sinh Việt Nam.

    Tất cả 30 tân sĩ quan Khoá 17 (và một số Sinh Viên Sĩ Quan Không Quân khác) được theo học Khoá L1 Cessna U17, khai giảng vào khoảng tháng 7 (hay 8) năm 1963, là khoá thí nghiệm đầu tiên, do Không Quân Mỹ huấn luyện phi công Việt Nam tại bản địa. Vì các Huấn Luyện Viên địa huấn và phi huấn đều là Không Quân Mỹ, nên khoá sinh Việt Nam bắt buộc phải học, phải hiểu và phải nói tiếng… Mỹ!

    Chương trình địa huấn khoảng 3 tuần, gồm cấu tạo phi cơ, tác động của gió (khí động học), sức nâng, sức cản, công dụng của bình ổn ngang, bình ổn đứng, cánh cản, cánh phụ, v.v…

    Mỗi khoá sinh phải học bay với Huấn Luyện Viên (instructor pilot) trung bình từ 10 đến 15 giờ bay. Các cựu Huấn Luyện Viên hoa tiêu phi cơ T41, Nguyễn Duy, K17 (Houston) và Nguyễn Văn Phúc, (Quận Cam) cho rằng, phải mất từ 25 giờ đến 30 giờ mới được thả bay một mình, còn gọi là bay solo. Khi thả học trò solo, coi như thầy tin tưởng vào khả năng bay bổng an toàn (safety first) của học trò của mình.

    Ngày thả bay solo là một ngày khởi đầu vô cùng trọng đại của một phi công. Ngày đó, học trò (một mình một tàu) cất cánh và đáp liên tục 3 lần. Sau lần đáp thứ 3 (full stop) coi như xong và học trò taxi phi cơ (di chuyển) về bến đậu. Nếu phi vụ solo diễn ra tốt đẹp, nghĩa là safety, học trò sẽ nhận nghi lễ truyền thống là được thầy của mình dội một xô nước lạnh lên đầu!

    Những tháng sau, khoá sinh học bay hoàn bị như điều khiển phi cơ quẹo gắt bên trái, bên phải, bay lượn thành hình số 8 (lazy eight), lấy lại thăng bằng khi phi cơ bị triệt nâng (stallrecovery)…

    Thêm vào đó là học kỹ thuật đáp sân ngắn gió ngang, cất cánh trên sân ngắn, tập bay đêm, bay phi cụ (instrument flight) để có thể bay trong mây, trong mưa, ban đêm hay khi trời mù. Bài học quan trọng nhất vẫn là thực tập đáp khẩn cấp (emergency landing) trong trường hợp phi cơ gặp trục trặc kỹ thuật. Sau cùng học cách lập một phi trình để bay du hành (cross country) từ điểm A đến điểm B, điểm C…

    Sau 5 tháng học bay (từ tháng 8 đến tháng 01/1964), 30 Thiếu úy Khoá 17 Lê Lai Trường Võ Bị Quốc Gia tốt nghiệp thành 30 hoa tiêu quan sát trên phi cơ U17 hay còn gọi là Cessna 185. Sau ngày tốt nghiệp, 30 tân phi công được chuyển về căn cứ Không Quân Biên Hoà để tiếp tục học bay hành quân trên phi cơ bird dog Mỹ (phi cơ O1- hay còn gọi phi cơ L19 hay máy bay bà già) trong vòng 1 tuần với các hoa tiêu của Lục Quân Mỹ (Army Aviation).

    Sau một tuần học bay hành quân trên O1 (L19), 30 phi công Khoá L1 Không Quân Nha Trang sẵn sàng tung cánh. Họ được phân phối về 03 Phi Đoàn Quan Sát bấy giờ (1964) là:

    Phi Đoàn 110 (Đà Nẵng): Lê Hoành Anh, Nguyễn Duy Diệm, Lê Sĩ Thắng, Hoàng Đức Thịnh, Bùi Văn Lợi, Trần Minh Vũ, Võ Ý.

    Phi Đoàn 112 (Biên Hoà): Nguyễn Hữu Xuân, Lê Hữu Trí, Cao Ngọc Quang, Nguyễn Văn Hoàng, Võ Phi Hổ, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Quang Kim, Huỳnh Văn Tòng, Trần Bạch Thanh.

    Phi Đoàn 114 (Pleiku): Nguyễn Duy, Nguyễn Xuân Tám, Nguyễn Văn Xuân, Hà Thuyên, Vũ Khắc Huy, Dương Thanh Long, Nguyễn Phụng.

    Khoảng đầu năm 1965, Phi Đoàn 114 chuyển về Nha Trang, đồng thời Phi Đoàn 116 được thành lập và đặt tại căn cứ Không Quân Trà Nóc, Cần Thơ.

    Phi Đoàn 116 (Cần Thơ): Nguyễn Đức Gia, Ngô Nhơn, Huỳnh Cao Khải, Huỳnh Công Đặng, Hoàng Thiên Hựu, Nguyễn Minh Nhựt, Nguyễn Văn Thình.

    Sau một năm phục vụ, nếu các hoa tiêu đạt trên 500 giờ bay hành quân trên các loại phi cơ quan sát (L19, L20, và U17), có thể làm đơn xin xuyên huấn qua các loại phi cơ khu trục hay vận tải.

    Các Không Quân K17 xuyên huấn qua khu trục là: Lê Hoàng Anh, Nguyễn Hữu Xuân, Dương Thanh Long, Cao Ngọc Quang, Nguyễn Quang Kim, Nguyễn Văn Hùng, Võ Phi Hổ, Lê Hữu Trí, Bùi Văn Lợi, Huỳnh Cao Khải và Huỳnh Công Đặng.

    Các Không Quân K17 xuyên huấn qua vận tải là: Ngô Nhơn, Nguyễn Minh Nhựt, Trần Bạch Thanh, Huỳnh Văn Tòng.

    Một vài ghi nhận không chính thức là:

    Khi các sĩ quan Võ Bị Đà Lạt về Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang để học Anh Văn, một số Sinh Viên Sĩ Quan cán bộ Không Quân tại đây rất muốn “lên mặt” ta đây là niên trưởng, là cán bộ, ra oai kiểm soát giày dép giường chiếu của các tân Thiếu Úy, nhưng không được! Khi các Không Quân gốc Đà Lạt được bổ nhiệm về đơn vị, các staff (tham mưu) của Phi Đoàn (Phi Đoàn Trưởng, Phi Đoàn Phó, Trưởng Phòng Hành Quân, sĩ quan An Phi, sĩ quan Huấn Luyện) không mấy chiếu cố. Bởi vì, trên thực tế, các vị staff đó có khi mang cấp Chuẩn Úy, hoặc Thiếu Úy giả định, trong khi các Không Quân gốc Đà Lạt mang Thiếu Úy thực thụ, hai năm sau tự động thăng cấp Trung Úy!

    Trên lãnh vực chuyên môn (bay bổng) và kinh nghiệm chiến trường thì các vị staff coi như dày dạn hơn các ông Thiếu Úy Đà Lạt, nhưng trên lãnh vực lãnh đạo chỉ huy thì mấy Không Quân gốc Đà Lạt được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp hơn.

    Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang tuyển mộ hằng năm để đào tạo thành hoa tiêu, quan sát viên hay chuyên viên kỹ thuật…
    Khi các Sinh Viên Sĩ Quan Không Quân nầy tốt nghiệp dù ở Mỹ hay tại Nha Trang, họ tự cho mình là “Không Quân truyền thống”, nghĩa là từ dân sự vào không quân, được không quân đào tạo thành… Không Quân truyền thống!

    Như vậy có nghĩa là, khi các sĩ quan tốt nghiệp tại các trường bộ binh (như Võ Bị Đà Lạt hay Bộ Binh Thủ Đức) mà chuyển qua Không Quân, được Không Quân đào tạo thành hoa tiêu hoặc quan sát viên, họ được xem là “Không Quân lai giống”!

    Chắc hẳn thượng cấp đã có kế hoạch trẻ trung hoá các Quân Binh chủng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà nên mới tuyển các Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Đà Lạt qua Hải Quân và Không Quân sau khi tốt nghiệp kể từ Khoá 16. Một điều khẳng định là, khi một thanh niên dân sự được đào tạo 4 năm để trở thành cấp chỉ huy Trung Đội Trưởng Bộ Binh trên cả hai lãnh vực về quân sự lẫn lãnh đạo chỉ huy, vẫn tốn kém hơn đào tạo một phi công.

    Rất tiếc, kế hoạch chưa thành vì vận nước suy vong. Tự hào về màu cờ sắc áo của quân binh chủng mình là điều đáng trân trọng. Nhưng nếu tự hào thái quá sẽ thành tự kiêu. Giữa tự kiêu và kiêu binh nhiều khi không có ranh giới.

    Người xưa bảo, ăn cây nào rào cây ấy. Những K17, gốc Đà Lạt được tuyển qua Không Quân, phục vụ quân chủng thân yêu với tất cả nhiệt tình và trách nhiệm của một Sĩ Quan Không Quân gốc Võ Bị Quốc Gia.

    Trái tim của họ là Tổ Quốc Không Gian. Khối óc của họ là Tự Thắng Để Chi Huy! Họ tự hào là Không Quân của đất nước. Họ hãnh diện là phi công từ nguồn gốc Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

    Cho đến cuối cuộc chiến, các Không Quân K17 đảm nhiệm những chức vụ sau:

    - Nguyễn Duy Diệm: Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Không Quân Phú Bài, Huế.

    - Hà Thuyên: Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Trợ Lực Không Đoàn Yểm Cứ Pleiku.

    - Huỳnh Cao Khải: Liên Đoàn phó Liên Đoàn Phòng Thủ Không Đoàn Yểm Cứ Cần Thơ.

    - Dương Thanh Long: Trưởng Phòng Hành Quân Chiến Cuộc Sư Đoàn 6 Không Quân, Pleiku.

    - Huỳnh Công Đặng: Trưởng Phòng Hành Quân Chiến Cuộc Sư Đoàn 4 Không Quân, Cần Thơ.

    - Huỳnh Văn Tòng và Trần Bạch Thanh: Phi Đoàn Trưởng và Phi Đoàn Phó Phi Đoàn Hoả Long 817, Tân Sơn Nhứt.

    - Lê Sĩ Thắng: Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 110 Thiên Phong, Đà Nẵng.

    - Nguyễn Xuân Tám: Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 114 Sơn Ca, Nha Trang.

    - Nguyễn Đức Gia: Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 116 Thần Ưng, Cần Thơ.

    - Võ Ý: Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu, Pleiku.

    Trong biến cố đau thương ngày 30 tháng 4/1975, có vị bay thoát Việt Nam, có vị bị kẹt lại và phải chịu cảnh tù đày như bao Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hoà khác. Hiện nay, hầu hết các Không Quân gốc K17 đều định cư tại Hoa Kỳ. Tuổi trung bình là 77 tuổi đời. Một cụ còn đi cày (Cụ Trần Bạch Thanh, khoẻ thật!), còn hầu hết đã ăn tiền hưu, có người ăn tiền già, sống trong nỗi hoài niệm về khung trời cũ núi sông xưa!

    Những cánh chim K17 sau đây đã bay vào hư vô, trước và sau ngày 30 tháng 4 năm 1975: Nguyễn Văn Xuân, Lê Hoàng Anh, Hoàng Đức Thịnh, Bùi Văn Lợi, Lê Hữu Trí, Cao Ngọc Quang, Huỳnh Văn Tòng, Hà Thuyên, Trần Minh Vũ, Huỳnh Cao Khải.

    Phi công Nguyễn Văn Xuân, tự là Xuân Mẫm, người hy sinh đầu tiên trên L19 (cuối năm 64 hoặc đầu năm 65) tại vùng biển Vũng Rô, Nha Trang.

    Phi công Hoàng Đức Thịnh, trên đường bay chiếc Cessna U17 6 chỗ ngồi từ Saigon về lại Đà Nẵng, gặp thời tiết xấu nên bị crash gần Quảng Ngãi, bị Việt Cộng bắt làm tù binh và tử vong sau đó.

    Phi công Trung Tá Hà Thuyên, sau khi ra tù (vào khoảng năm 1985), tổ chức vượt biển, gặp trời gió bão, vỡ thuyền đành vùi thân trong biển cả.v.v…

    Hiện nay, duy nhất Khoá 17 trong 31 khoá, đã thiết lập được Bia Tưởng Niệm K17 đã nằm xuống tại Victor Memorial Veterans Park, thành phố Greer thuộc Tiểu bang South Carolina, USA.

    Xin cầu nguyện cho hương linh của quý đồng môn hoà nhập vào hồn thiêng sông núi, phù hộ cho đồng bào, đồng đội và đàn chim tiếp nối, nuôi chí quật cường, để có một ngày mai, đàn chim Việt Tự Do tung cánh, bay rợp trời quê hương, từ ải Nam Quan đến mủi Cà Mâu và các hải đảo xa xôi…

    Mong thay!

    Bắc Đẩu Võ Ý - K17
    Ngày Father Day 2017

    https://www.facebook.com/photo.php?f...&theater&ifg=1

  2. The Following 3 Users Say Thank You to BachMa For This Useful Post:

    BaNai (08-20-2020), nguyenphuong (08-30-2020), Phạm Văn Bản (08-30-2020)

  3. #344
    Moderator
    BachMa's Avatar
    Status : BachMa v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Nguyên quán: VA is 4 Lovers
    Posts: 1,293
    Thanks: 27
    Thanked 104 Times in 59 Posts

    Button Xanh Thương Tiếc Người Phi Công Trẻ

    Thương Tiếc Người Phi Công Trẻ
    Hoàng Ánh Nguyệt

    Cuộc chiến tranh Việt Nam đã khép lại 40 năm qua, nhưng những dư âm tang thương từ “Tháng Tư Đen” vẫn còn là nỗi đau vang vọng trong lòng chúng ta, trong lòng từng gia đình, nhất là những gia đình có những người thân yêu đã một thời khoác áo kaki…


    Thiếu Úy Hồ Xuân Đạt

    Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Anh, em trai hầu hết là quân nhân. Chồng tôi, Hoàng Ngọc Thái Đại Úy Công Binh, anh Hai Thiếu Tá Pháo Binh, anh Ba Chiến Tranh Tâm Lý, em thứ Năm Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng Công Binh, em thứ Sáu Trung Sĩ Pháo Binh, và em thứ Bảy Thiếu Úy Không Quân. Tất cả những quân nhân trong gia đình đã chiến đấu hào hùng vì lý tưởng, chính nghĩa Quốc Gia, sẵn sàng hy sinh mạng sống cho một Tổ Quốc Tự Do toàn vẹn.

    Năm 1967, Em tôi, Hồ Xuân Đạt, khi vừa đậu xong bằng tú tài I, dù vẫn được hoãn dich vì lý do học vấn, vẫn tình nguyện lên đường theo tiếng gọi của non sông. Em đã xếp áo thư sinh, Từ giã học đường, gia đình, bạn bè…gởi lại sau lưng những kỷ niệm, những ước mơ thật đẹp, thật hồn nhiên của tuổi mới lớn.

    Năm 1968, sau khi tốt nghiệp trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức, em được chọn vào ngành Không Quân và được gửi đi Hoa Kỳ thụ huấn khóa đào tạo phi công trực thăng (Helicopter) tại tiểu bang Texas Hoa Kỳ.

    Năm 1970, khi tốt nghiệp em về lại Việt Nam, phục vụ tại phi trường Biên Hòa thuộc Sư Đoàn III Không Quân QLVNCH. Ngay chính nơi chôn nhau cắt rún của mình.


    Bằng Lái Máy Bay

    Hai năm sau, vì nhu cầu chiến trường, em nhận lệnh thuyên chuyển ra vùng I chiến thuật, công tác tại phi trường Đà Nẵng rất gần với đơn vị của chồng tôi. Khi ấy, chồng tôi, đại úy Hoàng Ngọc Thái, đại đội trưởng đại đội Biệt Lập 127 Cầu Nổi.

    Hàng tuần vào những ngày nghỉ, em hay về nhà tôi chơi trong khu cư xá Phước Tường Đà Nẵng. Chị em có nhiều dịp gần gũi nhau hơn. Em hay kể cho tôi nghe về những chuyến bay tác chiến, những phi vụ tiếp tế và tải thương tại chiến trường về đêm đầy những hiểm nguy mà em tham dự. Về những người lính can đảm đã anh dũng chiến đấu, đã hy sinh bỏ mình cho tổ quốc.

    Chiến tranh vẫn tiếp diễn và em tôi, vẫn hằng đêm thực hiện những phi vụ hiểm nguy để yểm trợ, sát cánh cùng chiến hữu các đơn vị để chiến đấu bảo vệ mảnh đất quê hương.


    Bằng Lái Máy Bay

    Tháng 3 năm 1975, Đà Nẵng trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng. Tin tức địch quân sắp chiếm Đà Nẵng làm dân chúng xôn xao, hỗn loạn tìm đường thoát chạy. Trong khu cư xá sĩ quan của Liên Đoàn 8 Công Binh, tôi không làm sao liên lạc được với chồng vì anh đang phải cấm trại tại đơn vị. Vừa lo lắng cho chồng, vừa lo cho Đạt em tôi, vừa lo cho chính bản thân mình và các con. Sau này nghĩ lại, thời gian ấy thật sự đáng sợ và kinh khủng nhất trong đời tôi.

    Bỗng nhiên một buổi sáng trước ngày Đà Nẵng thất thủ, Đạt lái trực thăng đáp xuống khoảng sân rộng trước nhà tôi ở khu cư xá sĩ quan Công Binh Phước Tường. Khi bước vào nhà gặp tôi, trông em có vẻ căng thẳng và lo lắng. Em nói “Chị và các cháu chuẩn bi sẵn sàng. Em sẽ trở lại đón vào phi trường tìm đường về Sàigòn càng sớm càng tốt”.

    Nói xong, em quay lưng bước vội về chiếc trực thăng vẫn còn đang nổ máy ngoài sân. Trước khi cất cánh, em nhìn tôi rồi gượng nở nụ cười qua khung cửa gió của con tàu..
    Tôi không bao giờ ngờ rằng đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy Đạt. Cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy nụ cười của em tôi. Một nụ cười buồn, rất buồn. Bởi, em chẳng bao giờ trở lại đón tôi như lời đã hứa.

    Ngày 29/03/1975 Đà Nẵng thất thủ.

    Ngày 05/05/1975 với nhiều vất vả, khổ cực, tôi một mình dìu dắt bốn đứa con nheo nhóc từ Đà Nẵng về nhà mẹ ở Sàigòn. Về đến nhà Mẹ thì mới hay Thái, ông xã tôi, đã có mặt ở nhà Mẹ cả tháng, vì nghĩ rằng chú các cháu đưa vợ con vào phi trường về Sài Gòn trước nên trong lúc thất thủ anh cũng vất vả tìm cách về Sài Gòn, anh có ngờ đâu vợ con anh còn kẹt lại Đà Nẵng. Bỏ ăn, bỏ ngủ với thân hình tiều tụy, vì nhớ thương vợ con, anh đã không từ một xác trôi nổi nào được tấp vào bất cứ bãi biển, bến tàu nào anh cũng tìm đến nhìn mặt, anh lang thang khắp nơi như người mất hồn

    Tôi cũng không gặp được anh vì anh đã đi ngược ra Đà Nẵng tìm vợ con sau một tháng trời mất liên lạc. Giữa đường anh bị bắt, bị bịt mắt còng tay ra sau lưng, bị dẫn độ đi ngày đêm trong rừng sâu, và từ đó anh bặt tăm, một lần nữa tôi lại đi tìm chồng, không biết địch có để cho anh sống hay chúng đã giết anh rồi…Nhưng may mắn anh còn sống. Tôi đã gặp anh và anh đang bị tù mãi tận trong núi Kỳ Sơn Quãng Nam…

    Ngày tháng trôi qua cả nhà tôi lại tiếp tục đi tìm em trai Đạt, hết trại tập trung này đến trại cải tạo kia, vẫn không nơi nào có tên em, cứ tưởng Đạt bay đi được ra khỏi Việt Nam và đang tị nạn ở Hoa Kỳ, Canada hay một nước nào đó trên thế giới, không ngờ đến tháng 11/1975 một anh quân nhân VNCH cùng đi trên chuyến bay định mệnh, sau khi máy bay bị bắn rớt, anh bị bắt đi tù gần 8 tháng về kể lại:

    Máy bay cất cánh vội vàng với số lượng quá tải, cũng cố cất cánh bay cao rời khỏi phi trường Đà Nẵng với bao nhiêu người trên chuyến bay định mệnh trong những giờ phút mà đạn pháo quân thù bay ra xối xả, Đạt có ngờ đâu đó là phi vụ cuối cùng của cuộc đời binh nghiệp…

    Khi phi cơ bay qua vùng Bồng Sơn thuộc tỉnh Bình Định thì bị một loạt mưa đạn AK của địch từ phía dưới bắn lên nhắm ngay buồng lái, Đạt bị trúng thương, người phi công nữa vào thay cũng bị bắn, trong lúc Đạt bị bắn trọng thương anh lính đã chăm sóc, Đạt biết mình không thể sống, nên đọc địa chỉ nhờ nhắn tin về nhà, cả hai phi công đều tử nạn, chiếc trực thăng không người lái, bay chúi xuống ruộng, sát chân núi. Những người trên chuyến bay còn sống đã bị địch bắt…

    Vẫn giữ lời, sau khi ra tù anh quân nhân tốt bụng, đã tìm đến tận nhà báo tin về chiếc phi cơ của Đạt bị địch bắn và rơi xuống vùng Bồng Sơn (Bình Định) ngày 27/03/1975 như tôi đã kể trên. Và chỉ rõ địa điểm máy bay lâm nạn.

    Quá bất ngờ lẫn đau sót và vô cùng bối rối, và cũng vì anh lính vội vã về gia đình nên anh lính chỉ báo tin cho biết và đi ngay, cả nhà tôi nghe tin sét đánh, đã lặng người, không còn nghe thấy gì, không còn nhớ tên anh lính cũng như địa chỉ hay quê quán nơi anh cư ngụ…

    Theo lời anh lính chỉ đường, tôi và Má tôi đi xe đò ra Bồng Sơn, mặc dù không rành đường, nhưng khi xe chạy gần đến nơi tôi linh tính như có ai dẫn đường, tôi kêu xe ngừng lại đúng ngay địa điểm chiếc máy bay vẫn còn nằm dưới đám ruộng tuốt trong xa, gần chân núi, chỉ cần sơ ý xe chạy lướt qua, coi như không thể tìm thấy.

    Xuống xe quan sát, tôi nhìn thấy ngay nấm mộ đất dưới bờ ruộng, sát lề đường QL.I. ,không mộ bia. Hai bên đường là ruộng, xa xa mới có một căn nhà. Má và tôi tìm đến căn nhà gần nhất để hỏi thăm, cũng may mắn chính ông chủ căn nhà là một trong số những người dân ở đó chôn em tôi khi bị nạn giữa đường mà không có thân nhân… Mộ em nằm cách nhà ông khoảng 50 m. Thuộc thôn Vân Cang, Xã Hoài Đức Huyện Hoài Nhơn, Tỉnh Bình Định.

    Ông chủ nhà rất tử tế, khi được biết chúng tôi đi tìm mộ người thân, ông mời Má và tôi ở lại nhà ông,vì khi tìm đến nhà ông trời cũng đã chạng vạng. Một căn nhà tường xây thật lớn, coi như ông là người khá giả nhất vùng đó, tắm rửa xong, ông mời dùng cơm, một bửa cơm thịnh soạn, thật cảm động, ông kể:

    Khi máy bay rớt ông là người đứng ra chôn cất em tôi và một phi công nữa cùng bị nạn chung trên chuyến bay này. Nhưng anh phi công đó được gia đình biết sớm nên đã di dời về quê. Đêm đó ông lại nhường phòng ngủ của ông cho hai má con tôi ngủ, cái đặt biệt nữa là cái bóp của Đạt, tôi đã nhận ra ngay vì khi em tôi du học Mỹ em mua về sử dụng tôi có biết cái bóp da có hình đầu con Ngựa được đóng nổi. Trong bóp lại còn có tấm hình em mặc bộ đồ bay, tôi mang ra và xin phép ông được nhận lại kỷ vật…

    Ông rất vui vẻ. Ông cho biết khi ông chôn cất em tôi ông giữ lại kỷ vật này, ông vẫn để trên đầu giường (giường hộp) của ông.

    Sáng hôm sau, Má tôi nhờ ông làm dùm tấm bia bằng gổ cắm trên mộ em tôi. Vì mộ mới nên không thể hốt cốt mang về. Và lần gặp này gia đình tôi rất mang ơn ông, mỗi khi có dịp vào Sài Gòn ông và các con ông đều ghé nhà chơi.

    Năm năm sau Má tôi trở ra Bình Định hốt cốt em về và hỏa thiêu, sau đó gửi cốt vào chùa, Đạt mất khi em mới 25 tuổi.

    Cái kỷ niệm đau thương, buồn rầu ấy cứ mãi đeo đẳng theo tôi đến tận bây giờ, trong trí tôi lúc nào cũng hình dung cái chết tức tưởi, đau đớn của em mình và trong lòng tôi như có một vết thương chưa lành hẵn…

    Bài viết này, tôi ôn lại và ghi lại những gì tôi còn nhớ, những gì tôi được biết. Tôi chỉ còn nhớ và chắc chắn là không đầy đủ chi tiết.

    Đã 40 năm qua, thời gian cứ trôi, bao kỷ niệm cay đắng vẫn còn, càng cố quên hình ảnh đứa em thân thương đó tôi lại càng cứ nhớ, càng yên lặng là lúc hồn tôi miên man nhớ về quá khứ, cái quá khứ đau xót mà gia đình tôi nhận lấy.

    Có nhiều kỷ niệm, kỷ niệm vui buồn, nhiều thứ để quên, nhưng nỗi đau mất mát này không thể nào phai nhạt. Đạt là đứa em gần gũi tôi nhiều nhất.

    Chiến tranh qua đi, là một nỗi đau hằn sâu vết thương lòng cho những người còn lại, sau cuộc chiến là sự mất mát tang thương, bao nhiêu người con yêu của tổ quốc đã xong nợ xương máu không trở về, bao nhiêu quả phụ chít khăn tang khi mái tóc còn xanh, trở thành góa phụ ngây thơ với nỗi buồn và sự mất mát to lớn.

    Không có người Mẹ, người vợ nào trên thế giới lại không tan nát trái tim, trước sự mất mát quá lớn này, sự ra đi vĩnh viễn của những người con, những người chồng, người cha của mình “Vị Quốc Vong Thân” ! Đã hy sinh một cách âm thầm.

    “Tổ Quốc Không Gian”, vùng mây trời mênh mông bao la đã vương giọt máu đào của em tôi, của Đạt, của những người anh hùng nghiêng cánh sắt. Cố bảo vệ, gìn giữ quê hương, đã đem sinh mạng đổi lấy hai chữ “Tự Do”.

    Hồ Xuân Đạt một phi công trẻ của QLVNCH, đã chết vì quê hương, dân tộc. Là người thanh niên Biên Hòa, lớn lên trên dãy giang sơn hoa gấm thân yêu hình chữ “S”, một đất nước hiền hòa đầy tình dân tộc được dựng xây bằng xương máu của các bậc tiền nhân bốn ngàn năm văn hiến, sẽ mãi mãi làm trang sử QLVNCH đời đời sống dậy và người lính Việt Nam Cộng Hòa sẽ không bao giờ chết.

    Xin chân thành biết ơn những anh em Thương Phế Binh VNCH đã hy sinh một phần thân thể cho quê hương, cho chúng tôi còn được nguyên vẹn.

    Xin chân thành gởi nén hương lòng “Tưởng Niệm” đến những Anh Hùng QLVNCH. Những người nằm xuống trong cuộc chiến, những người tuẫn tiết vì quốc nạn 30/04/1975 và những người ngã gục trong lao tù cộng sản. Những Anh Hùng Bất Tử trong dòng lịch sử Việt Nam.

    Hoàng Ánh Nguyệt

    https://www.facebook.com/photo.php?f...type=3&theater

  4. The Following 3 Users Say Thank You to BachMa For This Useful Post:

    BaNai (08-31-2020), nguyenphuong (08-30-2020), Phạm Văn Bản (08-30-2020)

Trang 58/58 đầuđầu ... 848565758

Similar Threads

  1. Trả lời: 20
    Bài mới nhất : 12-17-2019, 03:19 AM
  2. Trả lời: 18
    Bài mới nhất : 08-20-2017, 06:40 PM
  3. Hình Ảnh Kỷ Niệm Xưa Không Bao Giờ Quên !
    By TAM73F in forum Phòng Chiếu Phim Dài
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 03-14-2013, 01:33 AM
  4. Không Cho Phép Mình Quên
    By Longhai in forum Truyện ngắn
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 11-03-2012, 12:42 AM
  5. 27 Tháng Giêng 1973 : Không Thể Nào Quên
    By Longhai in forum Chuyện Đời Lính
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 08-03-2012, 11:36 PM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •