"Ngũ Đại Tiền Bối"




Antonio Vivaldi (1678-1741)

Nền nhạc cổ điển tây phương (Classical Musics) là khoảng thời gian từ năm 1550 tới năm 1900, được hình thành vào thời Phục Hưng (Renaissance, từ thế kỷ thứ 14 tới thế kỷ thứ 16); và phát triển mạnh vào cuối thế kỷ thứ 17 đầu thế kỷ thứ 18.

Một cách chi tiết, nền nhạc cổ điển ấy được chia ra làm ba thời kỳ – thời kỳ Baroque, thời kỳ Vàng son, và thời kỳ Lãng mạn.

Trước hết nói về thời kỳ Baroque.

Tại Ý và các nước Tây Âu khác như Anh, Pháp, Đức, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha…, giai đoạn hình thành và bước đầu phát triển của nền nhạc cổ điển được gọi là thời kỳ Baroque. “Baroque” nói chung là hình thái văn chương, hội họa, và âm nhạc mạnh dạn, tươi sáng, mà Giáo hội Công giáo đã đề xướng sau Công đồng Trento (Council of Trent), nhóm họp vào giữa thế kỷ thứ 16.

Năm tên tuổi lớn nhất của giai đoạn phát triển nền nhạc cổ điển – mà chúng tôi gọi là “Ngũ đại tiền bối” – gồm ba vị người Ý và hai vị người Đức, đều thuộc thời kỳ Baroque...

...Vị đại tiền bối người Ý thứ nhì là Antonio Vivaldi, ra chào đời tại Cộng hòa Venice năm 1678, sau Arcangelo Corelli một thế hệ.

Cuộc đời của vị linh mục kiêm nhạc sĩ tài hoa này khá ly kỳ và đầy huyền thoại: ông vừa lọt lòng mẹ thì xảy ra một trận động đất lớn ở Venice, nhưng vì con trai quá yếu ớt, èo uột, không biết có sống được hay không, cho nên ngay sau đó, bất chấp động đất, bà mẹ đã cho người đưa con tới nhà thờ để rửa tội, và hứa rằng nếu con mình sống được thì sẽ “dâng cho Chúa”, nghĩa là lớn lên sẽ đi tu làm linh mục.

Ông bố Giovanni Vivaldi của Antonio là một người thợ cạo kiêm nhạc sĩ vĩ cầm, bắt đầu dạy đàn cho con trai từ năm cậu lên 3 tuổi. Sau đó, vì Antonio tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về vĩ cầm, ông Giovanni Vivaldi đã bỏ hẳn nghề hớt tóc, để cùng con trai đi biểu diễn dạo ở khắp nơi, và trở nên giàu có.

Nhưng bà mẹ vẫn không quên lời thề hứa năm xưa. Khi Antonio Vivaldi lên 15 tuổi, bà cho cậu đi tu, và 10 năm sau, trở thành linh mục. Tuy nhiên, vì Antonio Vivaldi vốn ốm yếu từ thuở lọt lòng mẹ – mà ngày ấy người ta cho rằng cậu bị suyễn, nhưng ngày nay, y học chỉ coi đó là một chứng tức ngực bẩm sinh – ít lâu sau khi trở thành linh mục, ông đã được miễn hẳn công việc dâng thánh lễ mỗi ngày, và dần dần về sau, ông không còn làm bất cứ công việc gì có liên quan tới chức vụ linh mục nữa, mặc dù suốt đời ông vẫn tuân giữ mọi lề luật của cuộc sống linh mục.

Tháng 9 năm 1703, sau khi thụ phong linh mục, Antonio Vivaldi được bổ nhiệm làm thầy giáo dạy vĩ cầm tại Pio Ospedale della Pietà – tức (nữ) Cô nhi viện Tình thương, một trong bốn cô nhi viện của thành Venice, nơi ông sẽ phục vụ trong suốt 30 năm liên tục.

Tại cô nhi viện, ngoài công việc dạy vĩ cầm, Antonio Vivaldi còn dạy nhạc lý và dạy hát, vì thế bên cạnh các bản độc tấu, song tấu, tứ tấu cho vĩ cầm, ông còn sáng tác thánh ca, các vở ca nhạc kịch opera…

Dưới sự hướng dẫn của Antonio Vivaldi, dàn nhạc và ban hợp xướng của Cô nhi viện Tình thương đã nổi tiếng khắp Cộng hòa Venice, nhờ đó không ít cô bé mồ côi sau này đã trở thành mệnh phụ!

Về phần Antonio Vivaldi, trong thời gian 30 năm sống và làm việc tại đây, ông đã để lại cho đời 40 vở opera, 60 bản thánh ca, và trên 500 sáng tác cho các loại nhạc cụ.

Một trong những tác phẩm bất hủ của Antonio Vivaldi là bản tứ tấu dành cho vĩ vầm (violin concerti) có tựa đề “Bốn mùa” (The Four Seasons). Có thể nói “Bốn mùa” là bản tứ tấu dành cho vĩ cầm nổi tiếng nhất, được ưa chuộng nhất từ xưa tới nay, của một nhà soạn nhạc thuộc thế hệ đầu tiên, nhưng không bao giờ bị xem là xưa cũ.

Chỉ có điều đáng buồn là vào những năm cuối đời, Antonio Vivaldi đã không được thỏa nguyện.

Nguyên sau 30 năm sống và làm việc tại Cô nhi viện Tình thương, Antonio Vivaldi được gặp gỡ Hoàng đế Charles đệ Lục của Đế quốc Áo, khi ông này tới thăm viếng Venice, và tham dự buổi trình diễn một vở opera của Vivaldi.

Vị hoàng đế rất thích thú, và ngỏ ý muốn đỡ đầu cho Antonio Vivaldi trong việc phổ biến thể loại ca nhạc kịch này tại kinh đô Vienne của Áo. Nhưng ít lâu sau khi Antonio Vivaldi khăn gói tới thành Vienne, Hoàng đế Charles đệ Lục băng hà. Không có mạnh thường quân tài trợ, giúp đỡ, Antonio Vivaldi sống trong nghèo khổ và chết trong cô đơn nơi đất khách quê người năm 1741.

Hoài Nam (trích "Những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt – Dẫn Nhập")