PDA

View Full Version : Tâm Sự Người Lính Chiến



Longhai
02-27-2013, 11:05 AM
Tâm Sự Người Lính Chiến



LGT : Đây là một chuyện tình có thật, được viết dựa theo lời kể của một cựu Sĩ quan Nhảy Dù. Thành kính tri ân những chiến sĩ VNCH oai hùng đã vì nước quên mình và quên cả tình riêng.



Tôi trở lại xóm làng sau những năm tháng miệt mài trong quân ngũ. Trải qua biết bao nhiêu hiểm nguy, đôi lúc cứ ngỡ là đã bỏ thây ngoài chiến địa. Những lúc nhìn đồng đội ngã gục dưới lằn đạn quân thù, tôi nghe như tim mình đau nhói như có ai cấu, ai cào và cõi lòng tan nát. Tình đồng đội quá thắm thiết và thiêng liêng cao cả như thế, khiến cho tôi nhiều lần quyết định ở lại quân ngũ, thay vì được về phép như mọi người.

Về lại xóm làng để thăm Cha Mẹ già lưng còng tóc bạc đang mỏi mắt chờ con và tìm lại một chút gì đó gọi là kỷ niệm. Con đường làng cũ năm nào vẫn không thay đổi. Ngôi nhà mái ngói do Ba Má tôi đã cả đời chắt chiu gầy dựng đã bị đổ nát vì đạn pháo của cộng sản được thay bằng một mái tranh vá víu tạm bợ. Ba Má tôi bây giờ già quá, tóc bạc, da nhăn, mắt mờ, chân yếu. Riêng tôi sau những năm tháng xông pha ngoài chiến trận, nước da đen xạm, tóc không cắt, râu không cạo đã làm cho Ông Bà nhìn một hồi mới nhận ra tôi. Đôi môi run run, mắt rưng rưng hai hàng ngấn lệ chạy dài trên đôi má nhăn nheo, Ông Bà ôm chầm lấy tôi vào lòng và nghẹn ngào nức nở:

- Trời ơi ! Tám năm nay con đi đâu mà mất tăm biệt dạng, không tin tức thư từ, không một lời từ giã? Ba Má cứ tưởng con đã chết ở một phương trời nào đó. Trời Phật thương nên còn cho Ba Má và con có phút giây tương hội. Về lần này đừng đi nữa nhe con! Ba Má chỉ có một mình con để nối dõi tông đường.

Vì không muốn làm Ông Bà buồn lòng, nên tôi đành hứa ở lại. Nhưng thật ra, trong lòng tôi muốn trở lại đơn vị càng sớm càng tốt để chia xẻ nổi gian khổ hiểm nguy cùng anh em đồng đội và nhất là tôi muốn quên đi một cuộc tình nhiều chua xót, lắm trái ngang mà trong suốt tám năm qua, tôi cố muốn quên nhưng lại càng thêm nhớ vô vàn chẳng nguôi.

Tám năm về trước, cách nhà tôi không xa là nhà Hồng Hạnh, người con gái mà tôi hết dạ yêu thương. Nàng hiền, đẹp, duyên dáng, thùy mị đoan trang và yêu tôi nhiều, nhiều lắm. Nhưng định mệnh thật trái ngang, trò đời dâu bể và sự sang hèn, môn đăng hộ đối đã làm cho tôi và nàng vĩnh viễn xa nhau. Nàng vâng lệnh song thân để khoác áo cưới lên xe hoa về nhà chồng giữa lúc vẫn còn yêu tôi tha thiết mặn nồng. Cha Mẹ nàng cho rằng gia đình tôi nghèo nàn, còn tôi là một thằng bất tài vô dụng, giang hồ phiêu bạc, rày đây mai đó, không có sự nghiệp tương lai. Vì thế bằng mọi cách Cha Mẹ nàng đã ngăn cản và đôi lúc có những lời lẽ thiếu tế nhị, nhiều lần làm buồn lòng Ba Má tôi. Ba tôi thì vốn tánh ít nói và ít khi nào xen vào chuyện tình cảm riêng tư của tôi. Riêng Má tôi thì thường hay khóc khi nhắc đến chuyện tôi và Hạnh vì Bà vô cùng bi quan trước thái độ tự cao tự đại của gia đình nàng. Biết tôi buồn, mỗi ngày sau khi tan trường, Hạnh thường hay đến an ủi để tôi vui và hứa sẽ thuyết phục để Cha Mẹ thay đổi thái độ mà tác hợp cho hai đứa.

Cuộc tình của tôi tan vỡ vào một buổi chiều khi mà Cha Mẹ Hạnh dùng những lời lẽ khinh khi miệt thị, dao to búa lớn, hăm dọa đủ điều khiến cho Ba Má tôi phẫn nộ và hai bên đã lớn tiếng nặng lời với nhau. Trước nghịch cảnh đó tôi quyết định xa người yêu bằng cách từ bỏ xóm làng lên tỉnh ở trọ nhà của một người chú bà con, vừa đi làm vừa tiếp tục việc học. Tôi ra đi không một lời từ giã, vì nghĩ rằng càng gần gũi, quyến luyến giây phút chia ly sẽ càng làm cho cả hai đau khổ thêm mà thôi.

“ Đã biết trăm năm không gặp gỡ. Bận lòng chi nữa phút chia ly.”

Đi được khoảng hai tháng thì Ba Má tôi lên thăm. Gặp tôi, Ông Bà mừng lắm nhưng sự lo lắng lúc nào cũng hiện rõ trên gương mặt. Biết tôi rất buồn và đau khổ vì phải xa Hạnh, nên Ông Bà hết lời khuyên lơn và an ủi. Sợ Ba Má buồn, tôi hứa là sẽ quên Hạnh, người con gái nết na, hiền thục mà tôi hết dạ yêu thương.

Khoảng một năm sau ngày tôi đi, vì áp lực ngày càng đè nặng từ Cha Mẹ cộng thêm sự ra đi biền biệt, không tin tức, thư từ và không một lời từ biệt của tôi, nàng đã vâng lệnh song thân để khoác áo cưới lên xa hoa về nhà chồng, trong sự khổ đau, tuyệt vọng vì vĩnh viễn mất tôi. Đám cưới được tổ chức thật linh đình vì chồng nàng là con của một gia đình giàu sang, quyền thế nhất xóm. Được tin Hạnh lấy chồng, tôi không buồn vì biết rằng chuyện gì đến sẽ đến.

Tiếp tục vừa đi làm, vừa đi học chẳng bao lâu thì cường độ chiến tranh ngày càng ác liệt. Được sự viện trợ ồ ạt của cả khối cộng quốc tế, cộng sản Bắc Việt (CSBV) leo thang chiến tranh bằng cách tung hàng mấy sư đoàn bộ đội chính quy áp lực thường trực vùng giới tuyến bằng những trận đánh ác liệt và đẫm máu cấp Trung và Sư đoàn.

Đáp lời kêu gọi của núi sông, tôi tạm gác bút nghiên lên đường nhập ngũ để bảo vệ từng tấc đất thân yêu khỏi bàn tay bạo tàn, hiếu chiến và khát máu CS. Ngày lên đường, tôi đã cố nén những giọt lệ và giấu tất cả những người thân trong gia đình nhất là Ba Má tôi.

Những buổi tối trên chiến hào ngoài địa đầu giới tuyến, tôi ngước nhìn trời cao thăm thẳm, nhìn ánh trăng gầy với những vì sao lấp lánh, tôi nhớ đến Hạnh, nhớ đến nụ cười, ánh mắt thương yêu của nàng. Nhớ đến những kỷ niệm đẹp, thân thương mà hai đứa đã tạo cho nhau. Chiếc khăn tay do chính nàng thêu tặng vẫn còn nằm trong túi. Những trang thư tình tứ hẹn hò, những cánh phượng ép vào trang vỡ mà có lần hai đứa đã hái tặng cho nhau và những đêm trăng tròn ngồi bên nhau mà ước mơ chuyện tương lai mai sau. Thế là hết, tôi đã vĩnh viễn mất nàng. Lời thề hẹn và nguyện ước năm xưa, giờ đây chỉ là một cơn gió thoảng mây trôi, tôi cất tiếng thở dài trong đêm khuya tĩnh mịch.

Lang thang trên đường vắng, tình cờ gặp lại Tâm, một đứa em trong đại đội mà có một thời gian ngắn tôi làm Đại đội trưởng. Gặp tôi, Tâm vô cùng ngỡ ngàng và mừng rỡ. Tâm reo lên:

- Trời ơi ! Lâu lắm mới gặp lại đại úy. Lúc này Đại úy đen và ốm quá. Cả đại đội ai cũng nhắc đến Đại úy. Sao Đại úy lang thang một mình ở đây vậy?

- Tâm lúc này vẫn khỏe hả? Quê tôi ở đây nè. Được nghĩ phép nên về thăm nhà. Còn Tâm sao em ở đây?

- Em cưới vợ được một năm nay ở xóm này. Em đâu ngờ, Đại úy cũng ở đây. Mấy lần hỏi, nhưng Đại úy cứ lãng sang chuyện khác, không bao giờ cho biết quê quán.

- Mấy anh em trong Đại đội bây giờ ra sao rồi em ? Thanh Lùn, Đức Mập, Tuấn râu,… có khỏe không?

Đang vui bỗng Tâm trở nên buồn thảm, nói với giọng nghẹn ngào:

- Thanh và Đức đã …hy sinh rồi Đại úy. Riêng Tuấn thì bị cụt hai chân vì đạp nhằm mìn. Còn em thì cũng bị mấy cái miểng B40 nhưng may mắn thoát chết.

Thôi thế là hết! những đứa em thân yêu mới hôm nào chia xẻ sự gian khổ hiểm nguy cùng tôi hôm nay không còn nữa. Tuổi trẻ Việt Nam bất hạnh như thế là cùng. Người lính Miền Nam không có tội, họ không phải là những kẻ hiếu chiến, họ chỉ chiến đấu để sống còn và chiến đấu để bảo vệ sự tự do của Miền Nam thân yêu. Chính bọn CSBV mới là những kẻ gieo rắc tai ương, cuồng tín, hiếu chiến, cực đoan và khát máu. Và chính CSBV mới là những kẻ có tội, tội chôn sống anh em và vấy máu đồng bào ruột thịt của mình. Vĩnh biệt Đức và Thanh. Cầu nguyện cho Tuấn vơi bớt đi sự đau khổ trong kiếp sống tật nguyền.

Đang nghĩ ngợi mong lung thì có tiếng kèn xe inh ỏi phía trước, tôi giật mình quay lại. Trước mắt tôi là một chiếc xe hơi sang trọng màu trắng đang dừng lại bên đường. Trong xe bước ra một người đàn bà nhan sắc mặn mà, tay trong tay âu yếm đi bên chồng và cùng đi bên cạnh là bé gái khoảng sáu tuổi. Trời! người đàn bà ấy là Hạnh, người yêu thuở nào của tôi. Gặp Tâm nàng hỏi:

- Ủa Tâm, sao đi có một mình vậy, bà xã đâu ?

- Dạ, vợ em ở nhà đang nấu cơm. Em đi chợ mua ít đồ. Sẵn tiện, anh chị lại đây em giới thiệu: Đây là Đại úy Long, từng là Đại đội trưởng của em đó.

- Tôi là Hạnh, hân hạnh được biết Đại úy.

Khuôn mặt nàng tỏ vẻ ngạc nhiên lắm khi nghe đến tên Long, một cái tên vô cùng quen thuộc của tám năm về trước. Nhưng làm sao nàng có thể nhìn ra tôi cho được, khi chiến tranh tàn khốc và sương gió cuộc đời đã làm cho tôi ngày thêm cằn cỗi thì nhung lụa phấn son đã làm cho nàng càng trẻ đẹp hẳn ra. Câu nói của nàng, kéo tôi về thực tại:

- Xin giới thiệu với Đại úy, đây là Hùng, chồng tôi và bé Oanh con gái đầu lòng của chúng tôi. Chào bác đi con.

- Dạ con kính chào bác.

- Cháu ngoan. Hân hạnh được biết anh Hùng.

Tâm xen vào :

- Anh Hùng là Quận trưởng ở đây. Oai ghê lắm.

Hùng quay sang Tâm nói với giọng khiêm nhường:

- Quận trưởng, quận triết gì, ở đây chúng ta đều là bạn với nhau cả. Quân dân như cá vơí nước. Không có các anh nằm gai nếm mật, chiến đấu gian khổ ngày đêm, chưa chắc xóm làng này được yên vui như ngày hôm nay.

Hạnh thoáng nhìn tôi và chen vào câu chuyện:

- Chắc là Đại úy đánh giặc cừ khôi lắm phải không ? Trên bốn vùng chiến thuật ai mà không biết đến danh tiếng của những Chiến sĩ Nhảy dù oai hùng.

Tâm chen vào:

- Quả chị Hạnh nhận xét không sai về binh chủng nhảy dù. Riêng đối với ông thầy em là một quân nhân can trường, dày dạn kinh nghiệm chiến trường, luôn được thuộc cấp kính mến. Và tất cả cấp bực của Đại úy Long đều được vinh thăng ngoài mặt trận.

Tôi cười mỉm :

- Cám ơn bà Quận trưởng và Tâm đã quá khen. Chiến tranh ly loạn đã làm cho quê hương mình điêu tàn đổ nát. Bổn phận và trách nhiệm của một người lính như tôi là phải bảo vệ từng tấc đất quê hương không bị mhuộm đỏ bởi CSBV bạo tàn, khát máu chớ có gì đâu mà gọi là danh tiếng và oai hùng phải không thưa bà Quận trưởng?

- Đại úy thật là khiêm nhường. Ủa! sao Đại úy lại có mặt nơi này? Bộ quê quán ở đây hả? Tôi ở đây từ nhỏ đến lớn, nhưng hình như tôi chưa gặp Đại úy bao giờ?

Câu hỏi của nàng làm tôi đau nhói trong tim, nhưng cũng phải gắng gượng để trả lời :

- Vâng, tôi ở xóm này, nhưng đã rời xa nó cách đây tám năm. Hôm nay được nghĩ phép cho nên tôi về đây thăm Cha Mẹ già, thăm lại xóm làng xưa cũng nhưng tìm một chút gì gọi là… kỷ niệm.

- Xin phép Đại úy và Tâm, vợ chồng tôi mua chút đồ rồi có chuyện phải đi, Đại úy ở lại đây nói chuyện với Tâm.

Nhìn nàng đi bên cạnh một người đàn ông sang trọng và uy quyền mà lòng tôi tê tái, đâu biết rằng chuyện tình giữa tôi và nàng giờ đây chỉ còn là một kỷ niệm mà thôi.

Tâm vỗ vai tôi:

- Hình như ông thầy đang có tâm sự?

- Tâm có biết người đàn bà quí phái sang trọng vừa rồi là ai không?

- Là chị Hạnh, là bà Quận trưởng, người cùng xóm với vợ chồng em và Đại úy chớ ai.

- Phải người đàn bà đó là Hạnh, là người mà tám năm trước đây đã yêu anh tha thiết mặn nồng, nhưng định mệnh cai nghiệt và sự sang hèn đã chia cắt tình tôi vĩnh viễn.

Tâm trố mắt nhìn tôi, nói với giọng vô cùng sửng sốt:

- Chị Hạnh là…người yêu trước đây của Đại úy. Trời ơi! Em đâu ngờ rằng Đại úy lại có một mối tình trái ngang như thế. Chị Hạnh thiệt là tệ gặp Đại úy mà không nhận ra.

- Nhận ra để làm gì? Chỉ thêm buồn thôi Tâm. Hãy để Hạnh sống trong sự giàu sang và hạnh phúc ấm êm của nàng đi.

Tâm suy nghĩ một lúc rồi nói :

- Nghịch cảnh đã làm cho đại úy già trước tuổi và ngày càng trầm ngâm suy tư hơn. Nhưng biết làm sao hơn khi cuộc đời là dâu bể khôn lường và tất cả chúng ta đều phải sống một đất nước triền miên khói lửa như thế này. Hiện nay chị Hạnh đã có chồng con và an hưởng một cuộc sống ấm êm hạnh phúc. Vì thế em khuyên Đại úy hãy quên đi tình cũ mà vui với hiện tại và hướng về tương lai bên cạnh những người thân yêu và chiến hữu của mình.

Tâm vỗ vai tôi lần cuối và nói :

- Thôi bây giờ em phải về, sợ vợ em trông. Lát chiều mời Đại úy ghé nhà em dùng cơm. Lúc ấy em và ông thầy sẽ có dịp tâm sự nhiều hơn, đi về trể sợ vợ em…nhằn.

- Nhà Tâm ở đâu?

- Gần đây nè. Đại úy đi cuối con đường này quẹo phải. Đi đến gặp con đường đầu quẹo trái, bỏ hai cái nhà là đến nhà vợ chồng em có cây xương rồng trước cửa. Thôi em xin chào Đại úy, hẹn chiều nay gặp lại.

Lang thang trên đường vắng, văng vẳng bên tai tôi là lời Tâm: “Hiện nay chị Hạnh đã có chồng con và an hưởng một cuộc sống ấm êm hạnh phúc…” Những chiếc lá vàng rơi lác đác và bầu trời âm u như muốn chia xẻ tâm sự cùng tôi.


Hồ Nguyễn
Melbourne, Úc Châu 17/06/11