PDA

View Full Version : Ngày về



Longhai
02-18-2013, 12:37 AM
Ngày về


Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích


Trong cơn nắng gắt của ngày tháng Tám, dân Thị Trấn Sông Vàng để ý thấy một cán bộ mặc áo quần đại cán, dáng người tóp tọp, mồ hôi nhễ nhại, lảng vảng trên đường phố tìm nhà người thân.

Sau lưng ông là chiếc ba lô bộ đội, một vai treo chiếc radio, vai kia đeo túi dết màu đen. Lũ trẻ dựa theo câu đồng dao: “Cán bộ lớn mang xách đỏ, cán bộ nhỏ mang xách đen, cán bộ lằng xằng mang bao cát, cán bộ hợp tác mang bao tời” sắp hạng ông ta thuộc hàng cán bộ nhỏ. Ði hỏi hết mấy dãy phố mà chẳng người nào biết bà Hương, cuối cùng, ông sực nhớ bà vợ ngày trước ghiền thuốc lá cẩm lệ nên ông tìm được người vợ đã xa cách suốt hai mươi mốt năm.

Người ta chỉ nhà bà Cẩm Lệ cho ông khách lạ. Ông đứng tần ngần trước cổng , nửa muốn kêu cửa, nửa sợ lầm. Con chó trong nhà đánh hơi có kẻ lạ chạy ào ra rào sắt. Vân nghe tiếng chó sủa vội vàng ra sân hỏi :

- Ông tìm ai ?

- Tìm nhà bà Hương.

Không đợi Vân hỏi tiếp, ông giới thiệu thêm.

- Tôi là chồng bà ấy, từ Bắc vào thăm.

Vân nhìn đăm đăm ông cán bộ. Ông cán bộ nhìn Vân. Nàng nhủ thầm: “Chẳng lẽ bố nàng như thế đó sao?

Cái khuôn mặt quắt queo xương xẩu. Ðôi tròng mắt trắng dã nằm lọt thỏm trong hai hố mắt để lộ cặp lông mày sâu róm làm nổi bật cái trán vồ cháy nắng. Ðôi môi to như hai tép bưởi ươn ướt thâm thâm.”

Giây phút đầu gặp gỡ ấy chẳng gây cho người con gái một xúc cảm nào của tình phụ tử. Tiếng chó gầm gừ bên chân khiến Vân sực tỉnh. Nàng vội mời ông khách vào nhà, rồi chạy đến quày bán vải báo tin cho mẹ.

Ông đặt chiếc ba lô nơi góc hè, đứng quan sát ngôi nhà. Thật là lộng lẫy từ ngoài vào trong, lại có hàng rào sắt sơn xanh bao quanh sân vườn. Ngôi nhà còn sang trọng hơn cả biệt thự của cấp bộ trưởng ở thủ đô Hà Nội. Phòng khách có bộ sa lông lợp da màu huyết dụ, một chiếc trường kỉ bằng gỗ mun cẩn xà cừ. Kế bên là phòng ăn có tủ lạnh và tivi đặt trên tủ chén. Cửa của hai phòng ngủ đều treo màn rủ màu xanh dương. Ông lắc đầu. Dường như không tin vào mắt mình nữa, ông lẩm bẩm: “phồn vinh giả tạo!”

Nghe tin Vân báo, bà Cẩm Lệ vứt túi đựng tiền lẻ cho con gái rồi chạy một mạch về nhà. Ông cán bộ đang đứng ngắm bức ảnh phóng lớn của vợ chồng Vân chụp trong ngày cưới. Nàng mặc chiếc áo dài nữ sinh màu trắng còn chồng thì bộ đồ lính trận. Lão quay lưng ra cửa chính. Dù chiếc áo đại cán rộng thùng thình cũng không giấu được phần gù của đôi vai. Chiếc cổ đầy gân xanh thụt sâu giữa hai bờ vai cao như người bị lao phổi.

Bà Cẩm Lệ sững sờ khi ông quay lại nhìn bà. Khuôn mặt đầy đặn, dáng người cân đối ngày xưa hoàn toàn biến mất. Hình ảnh của một Ðại đội trưởng Vệ Quốc Đoàn trong bộ quân phục màu xám vải xi-ta-Bà-Tân đã khắc sâu trong kí ức bà. Kỷ niệm đêm đầu đời trong cuộc sống vợ chồng đã nuôi dưỡng lòng chung thủy của bà qua hai mươi mốt năm. Giờ đây, đối diện với thân thể tàn tạ của chồng, bà Cẩm Lệ không khỏi động lòng xót xa. Bà bước tới định nắm tay chồng, nhưng trước khuôn mặt lạnh lùng khắc khổ của ông ta, bà khựng lại, chỉ kịp thốt lên :

- Anh Thanh đấy à?

Rồi bà ôm mặt khóc nức nở. Giọt nước mắt vui mừng, trở thành lệ hờn tủi. Bà vừa lau mắt vừa bước vào phòng ngủ. Chợt lão gọi :

“ Hương !”.

Như một luồng hơi ấm lùa thẳng vào tim bà. Tên Hương sao mà êm đềm quá, thân thương quá. Ðã hơn hai mươi năm qua, tên Hương của bà gần như bị quên lãng, thay vào đó là cái tên Cẩm Lệ để che giấu lý lịch của mình. Giờ đây, chính ông, người chồng sống với nhau chưa đầy một tháng đã gọi bà. Như liều thuốc an thần giúp bà quên mọi hờn trách. Bà đứng lại rồi ngồi xuống chiếc ghế sa-long đối diện. Bà không nhìn ông mà chỉ nhìn vào đôi dép nhựa màu nâu nhốt bàn chân xương xẩu trong cái rọ rộng quá cỡ.

Tay chỉ lên bức hình phóng đại treo trên vách, ông hỏi :

- Chúng nó là ai ?

Một giọng nói pha trộn xa lạ, không phải giọng Bắc mà cũng chẳng giống giọng Trung. Nó lờ lợ như nước chè hai ở dòng sông gần biển. Nó tanh tanh làm sao ấy, uống chẳng được mà ngậm càng thêm lợm giọng. Bà Hương gắt gỏng trả lời :

- Con Vân và chồng của nó.

Ông Thanh hừ một tiếng rồi hằn học hỏi :

- Thế ra bà đã lấy chồng khác rồi đấy à?

Bà Hương gằn giọng hỏi lại chồng:

-Vậy ông không biết con Vân là con của ông sao?

- Con của tôi ?!

Ông tỏ ra không tin, mà tin làm sao được. Ông đã theo chính sách đảng cưới người đàn bà lớn tuổi hơn ông sống với nhau chưa đầy một tháng. Một lễ cưới tập thể không họ hàng rước dâu. Vị chủ hôn là đồng chí chính trị viên tiểu đoàn. Cha mẹ hai bên chỉ là khách tham dự. Những cuộc hôn nhân như thế đầy dẫy trong các vùng Việt Minh chiếm giữ. Họ để người vợ mới cưới ở lại miền Nam trong sách lược cấy tình cảm ràng buộc cho mục đích chính trị của đảng Cộng Sản lấn chiếm miền Nam sau này.

Vân vội vàng dọn hàng sớm, lo mua sẵn thức ăn làm cơm đãi khách. Nàng lặng lẽ đi vào nhà nơi cửa sau chợt nghe ông Thanh hỏi :

- Chồng nó bây giờ ở đâu ?

- Ðang học tập cải tạo.

Lặng thinh một hồi lâu, ông bảo :

- Tôi muốn bà lấy bức hình nầy xuống. Tôi không thích thấy hình một tên lính ngụy trong nhà, phải treo hình bác Hồ vào đấy.

Vân chờ đợi một lời phản đối của mẹ. Nhưng bà lặng thinh. Vân bực tức tự hỏi sao mẹ nàng yếu đuối và bất lực trước một ý muốn ngang ngược như thế. Nhưng rồi chính nàng cũng đành nhượng bộ vì hạnh phúc của mẹ.

Mâm cơm được dọn lên với đĩa thịt gà, canh bún, thịt heo, rau sống và một chai bia ướp lạnh. Mắt ông Thanh sáng lên trước những món ăn mà lâu lắm ông chưa được thưởng thức trong đời sống kham khổ ở miền Bắc.

Sau bữa cơm no nê thỏa thích, ông Thanh đứng lên vuốt bụng mới sực nhớ đến chiếc ba lô để ngoài hè.

Ông vội mang vào nhà soạn ra những món quà biếu. Dân miền Bắc tin vào lời tuyên truyền của Hà-Nội rằng bom Mỹ đã tàn phá cả miền Nam. Ðồng bào đói khổ. Ngay cả chén sành cũng không còn, họ phải dùng gáo dừa thế chén bát.

Ðứng trước cảnh sang trọng và sung túc của mẹ con bà Hương, ông Thanh rất ngượng ngùng với một chục chén sành mà ông đã năn nỉ cô mậu dịch viên chọn loại chén đẹp nhất.

Nhìn tấm màn cửa, nhìn bộ quần áo bà Hương đang mặc rồi nhìn bốn mét vải phin màu nâu mang về cho vợ, ông lại cất vào ba lô.

Còn năm cân gạo ẩm mốc và đầy mọt nầy nữa không khéo bà ấy lại cười cho. Ông soạn ra rồi cất vào các món quà quý ở miền Bắc.

Ðể che giấu cái “hố” của mình, ông bảo với vợ rằng đó là phần tiêu chuẩn mười ngày phép của ông !

Qua hai mươi năm dài chờ đợi, niềm hi vọng chồng về đã mỏi mòn. Bà Hương dồn cả tình thương cho con gái. Tuổi đời bà nay đã cận kề năm mươi, những háo hức yêu đương không còn nữa. Niềm hạnh phúc hiện giờ của bà là Vân đã có cha và bé Vân Chuyên có đầy đủ ông bà ngoại.

Qua mười ngày phép , ông Thanh trở ra Hà Nội mang theo một chiếc xe đạp mới ráp toàn hàng ngoại nhập, một radio bốn băng hiệu Phillip. Áo quần quà cáp sắp đầy một va-li lớn. Bà Hương cũng không quên đeo vào ngón tay ông mấy khâu vàng.

Trước khi từ giã, ông Thanh nhắc lại những điều kiện bà Hương phải thực hiện nếu muốn ông thuyên chuyển về Nam. Ðiều tiên quyết là bắt buộc Vân làm đơn li dị chồng. Việc nầy bà Hương đã tâm sự với con gái trong đêm hôm trước, bà nói:

- Con Vân nó hỏi, ông đối với nó trên tình nghĩa của người cha hay trên cương vị người của đảng?

Ông cười gằn:

- Bà nên biết rằng: Tôi, các đồng chí của tôi và nhân dân cả nước đều nhờ ơn Bác và Ðảng mới có được ngày hôm nay. Mọi hành động, mọi suy nghĩ đều phải vì Ðảng. Ngay cả tình yêu, hôn nhân đều phải được sự chỉ đạo của Ðảng. Theo bà nói con Vân là con của tôi tạm thời tin như vậy. Do đó, nó là máu của Ðảng. Con bé Vân Chuyên cháu ngoại của bà mang dòng máu Ngụy, vì vậy nó là máu của Ðế quốc.

Bà Hương chưa hiểu hết ý nghĩa câu trả lời của chồng nhưng bà lờ mờ cảm thấy ông như một tên cuồng tín.


***

Bốn tháng sau, ông Thanh được chính thức chuyển vào Nam nhận nhiệm sở tại trường Ðảng của tỉnh nhỏ nầy. Tài sản của lão mang về vẫn là chiếc ba lô bộ đội và cái thân thể lần nầy có da có thịt hơn.

Mẹ Vân đi Sài gòn mua hàng đã vài ngày qua. Dân chúng đồn đãi sắp có chiến dịch kiểm kê tài sản. Vì vậy con buôn đã bắt đầu cất giấu hàng hóa.

Vân tiếp đãi ông Thanh rất ân cần. Nàng muốn gọi ông bằng Ba, tiếng Ba thân thương mà thuở nhỏ nàng thường ao ước. Những tháng năm đó nàng ngỡ mình không có cha. Chỉ sau ngày “Giải phóng” mẹ mới nói thực là cha nàng hiện còn sống ngoài Bắc. Mỗi khi ông Thanh nhìn nàng không phải ánh mắt của một người cha, ánh mắt đó chỉ nhận biết qua cảm quan nhạy bén của người phụ nữ đã khiến nàng sợ hãi và tiếng Ba bị nghẹn lại từ trong cổ họng.

Theo thói quen, Vân tỉnh giấc vào lúc tiếng chim chích chòe hót đầu tiên trong buổi sáng. Nàng dậy sớm lo cơm nước cho cả nhà. Ðâu vào đấy, nàng mới đưa con đến nhà giữ trẻ trước khi đi làm ở Hợp tác xã Mành trúc. Từ ngày Chương vào tù, Vân được mẹ bao bọc, nên cuộc sống của mẹ con nàng đỡ vất vả. Vì thuộc diện có chồng tham gia chế độ cũ nên nàng phải ghi tên, góp vốn vào hợp tác xã mành trúc để khỏi phải đi kinh tế mới.

Tháng vừa rồi Vân lên trại giam thăm chồng. Chương độ nầy tiều tụy và xanh xao. Gặp mặt chồng mười lăm phút lại ngồi cách xa nhau qua một dãy sạp bằng nứa nên chẳng tâm sự được gì. Vân chỉ biết nhìn chồng qua dòng nước mắt. Nàng tin cho Chương biết là cha nàng từ Hà Nội đã trở về. Nàng giấu kín việc ông buộc nàng phải li dị chồng.

Bé Vân Chuyên đang mỉm miệng cười trong giấc ngủ say. Khuôn mặt con gái tròn trĩnh giống Chương như hai giọt nước. Nàng tự hỏi:

“Tại sao phải buộc vợ bỏ chồng, con phải xa cha? Tình vợ chồng, tình phụ tử là cả một gắn bó thiêng liêng. Không có bạo lực nào có thể chà đạp lên tình yêu cao quí đó”. Vân hôn lên trán con rồi khép cửa phòng ngủ, nhè nhẹ đi vào phòng tắm.

Nước lạnh làm cho tâm trí nàng tươi tỉnh hẳn . Vân cảm thấy yêu đời và nhớ Chương quay quắt. Nước từ vòi sen chảy ngập trên thân thể đầy đặn, tươi mát của nàng như vuốt ve bộ ngực căng tròn của thiếu phụ một con. Nàng đẹp như một bức tượng khỏa thân. Mẹ Vân đã từng kiêu hãnh vóc dáng của con gái mình.

Vân đang kì cọ, chợt cánh cửa phòng tắm xịch mở. Nàng nhìn ra thấy một con mắt đang nhìn vào. Vân chỉ kịp hét lên trước khi choàng chiếc khăn tắm lên thân thể. Cánh cửa khép lại rồi tiếng chân đi từng bước nhẹ. Vân bủn rủn cả tay chân, tim nàng như ngưng đập bởi cơn sợ hãi tột cùng. Cái ánh mắt kinh khiếp quá, súc vật quá. Ánh mắt ngời lên cơn thèm muốn nhục tình như ánh mắt loài hổ chực phóng tới một con mồi. Nàng lạnh toát cả người, chỉ kịp mặc chiếc quần lót chạy vào phòng quấn mền rồi thiếp đi...

Năm ngày sau, bà Hương từ Sài gòn chở hàng hóa về. Bà rất vui mừng biết chồng mình được chuyển công tác phục vụ tại tỉnh nhà. Bà cảm thấy hạnh phúc vì từ nay gia đình được đoàn tụ.


***

Ðiện đường đã bật sáng mà mẹ con Vân vẫn chưa về. Mọi khi, giờ này chúng đã có mặt ở nhà và mâm cơm đã đặt sẵn trên bàn. Con bé Vân Chuyên thì chạy ra sân ôm cổø Ngoại từ lúc bà ở chợ về.

Bà Hương sốt ruột chạy đến nhà giữ trẻ nhưng cửa đóng. Bà chạy đến Hợp Tác Xã, người xã viên trực cho biết năm ngày quaVân không đi làm. Bà lại quay về nhà hỏi chồng. Ông Thanh trả lời mấy bữa nay bận bịu ở cơ quan khơng về nhà. Bà hỏi thăm từng người bạn quen thân với Vân nhưng chẳng một ai biết nàng đi đâu. Bà Hương kiểm lại số vàng vẫn còn nguyên. Riêng tủ nữ trang và quần áo của hai mẹ con Vân thì trống trơn.

Suốt một tuần lễ, bà Hương bỏ buôn bán đi dò la tin tức mà vẫn không tìm ra manh mối Vân đang cư ngụ nơi nào. Trương Thanh thì khẳng định mẹ con Vân đã vượt biên. Bà sực nhớ tháng trước đây Vân lên trại tù thăm chồng. Biết đâu, Chương khuyên vợ đưa con trốn ra nước ngoài. Ý nghĩ đó giúp bà Hương yên tâm phần nào. Bà thầm trách Vân không tâm sự với bà. Dù không khuyến khích nhưng bà cũng không ngăn cản ý muốn của con. Bà có thể chi thêm vàng cho Vân ra đi được thoải mái hơn.

Bà Hương vẫn biết tình cảm cha con giữa ông Thanh và con gái còn xa cách. Tuy vậy, bà luôn hi vọng dần dà hai người sẽ thông cảm nhau. Bà có ngờ đâu ông ta hoài nghi Vân không phải là con ruột của mình. Chỉ là đứa con ngọai hôn của vợ tư tình, giờ đây muốn gán ghép nó vào dòng máu ông để hưởng cái địa vị chính trị ngày đang lên. Nghĩ như thế nhưng ông không bao giờ để lộ ý nghĩ ấy ra ngoài . Trong thâm tâm, ông chỉ lợi dụng bà vợ già giàu có này, một căn nhà để ở và một thân thể đàn bà để hưởng thụ.

Bản chất thật thà và trung hậu, bà Hương đã đặt cả niềm tin vào chồng, mặc dầu ở ngoài Bắc ông đã có ba đời vợ. Người vợ đầu tiên và người vợ thứ hai đều làm đơn xin đảng hủy bỏ cuộc hôn nhân sau ngày cưới chưa đầy vài tháng với lý do căn bệnh cuồng dâm của chồng. Người vợ sau cùng to con lực lưỡng nhưng đần độn. Trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, y thị được bầu làm nữ anh hùng tải đạn. Ông yêu quý người vợ sau nầy bởi y thị đồng điệu với chồng trong chăn gối, nhưng nỗi bất hạnh lại đến với ông . Trận dội bom của không lực Hoa Kỳ đã chôn thị trong hầm tác chiến bên chân ổ súng phòng không tại thành phố Vinh. Ông cay đắng, hận đời và đặc biệt căm thù “giặc lái”.

Ông Thanh âm thầm gởi đơn báo cáo lên chính quyền địa phương về việc con riêng của bà Hương bỏ nhà ra đi. Ông vu cho Hoàng Thúy Vân đã lấy cắp vàng của mẹ bồng con trốn ra nước ngoài. Kể từ nay, bà Hương không còn trách nhiệm trước hành động phản quốc của con gái bà. Ông cũng không quên gởi một bản thông báo cho trại tù để theo dõi tên Lê Hồng Chương, chồng của y thị đang cải tạo tại đó.

Ba tháng qua đi, bà Hương mong ngóng từng ngày thư tín của Vân từ đảo gởi về. Thông thường những thuyền nhân tới được đảo là họ gởi thư về báo tin mừng cho thân nhân. Riêng con gái bà vẫn bặt vô âm tín. Bà nóng lòng, nhớ con nhớ cháu. Bắt gặp một vật dụng nào có hơi hướng của mẹ con Vân là bà chảy nước mắt xót xa. Bà tự trách mình nhẹ dạ nghe lời ông Thanh đã hạ bức hình của vợ chồng Vân để bây giờ muốn nhìn mặt con cũng không còn.

Nhân ngày Tết, bà Hương quét dọn căn phòng của Vân. Bà muốn sửa soạn, trang hoàng lại cho bớt cảnh hoang lạnh. Chợt bà phát giác một chiếc quần lót của con gái bị xé rách nằm sâu trong kẹt góc giường ngủ. Bên trong chiếc quần lót có một mảnh giấy ghi mấy dòng chữ nghuệch ngoạt cuả Vân: “Mẹ ơi, con rất đau đớn vì phải xa mẹ và con cũng vô cùng xấu hổ khi phải tiết lộ điều này: Tên Trương Thanh đã “làm nhục” con. Bà Hương sững sờ! Cơn giận bùng lên trên đôi mắt hực lửa, bà hiểu hết nguồn cơn của sự việc đã khiến con gái bà bỏ nhà ra đi. Tim bà đau nhói, lòng bà quặn thắt. Bà nhớ lại những cơn động tình của tên Trương Thanh đối với bà: thô bạo và cuồng dâm. Từ nỗi đau đớn của tình mẫu tử biến thành nỗi căm hờn vượt ngoài sự kiềm chế. Bà rút con dao găm quân đội của Chương tông cửa vào phòng chồng đang say ngủ. Bà đâm tới tấp vào mặt, vào ngực và hạ bộ của lão. Vừa đâm, bà vừa gầm thét: “Ðồ súc sinh, vô thần, đồ mặt người dạ thú !”

Sáng hôm sau, người ta phát giác xác ông Trương Thanh nằm sóng soài trên vũng máu bên chân giường với bộ sinh dục bị cắt rời. Xác bà Hương nằm cứng đờ trong phòng Vân. Trên đầu giường, hai gói thuốc diệt chuột đã hết sạch. Hai tay bà Hương đặt trên ngực còn ôm chiếc quần lót của con gái.

Công an chuyên ngành và giám sát viện về tận nơi điều tra vụ án. Phần kết luận trong biên bản phúc trình là:

“ Gia đình ông Trương Thanh đã xảy ra một cuộc cãi vả đi đến xô xát giữa hai vợ chồng. Sau cùng, Hoàng Thị Hương giết chồng rồi tự sát bằng thuốc độc. Người được hưởng gia tài là đứa con gái duy nhất Hoàng Thúy Vân. Nhưng y thị thuộc diện phản quốc trốn ra nước ngoài nên toàn bộ tài sản bị tịch thu giao cho chính quyền địa phương quản lý.”

Và căn nhà ấy trở thành Trung tâm Giữ Trẻ của thị trấn Sông Vàng.



Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích