PDA

View Full Version : Rượu



Longhai
01-25-2013, 03:59 AM
Rượu



Nếu không có cái ngày 30 tháng 4 với bọn Cộng Sản « mắc toi, mắc dịch » đến từ phương Bắc, tàn phá cả một nền văn minh Nam Bộ mà tôi đã thấm nhuần vào từng thớ thịt, làn da, thì lúc này hẳn mỗi buổi chiều tôi thong thả xuống bến Ninh Kiều kêu một cái lẫu lươn hay một dĩa cua rang muối rồi cùng với bạn bè vui hưởng tuổi già .

Tôi đến với Miền Tây thực ra bởi số mạng, thời cuộc mà thôi.

Thuở còn đi học, tôi đâu biết đến cái vùng được mô tả bằng những câu thơ sau đây :

Tới đây xứ sở lạ lùng.
Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh.

Nói là nói vậy chứ Cần Thơ vào những năm cuối thập niên 60, buồn nhưng dễ thương lắm. Dễ thương không phải chỉ riêng ở những tà áo trắng mà sau này hai anh bạn của tôi, Nguyễn Thanh Bình, Trần Cao Thăng, cùng tôi lê lết tại Tây Đô với giầy sô, áo ka-ki; người làm thơ, người phổ nhạc để ca tụng vẻ đẹp của các nữ sinh Đoàn Thị Điểm. Cần Thơ còn đáng nhớ ở những quán ăn, quán cà phê, quán nhậu, và nhất là với rượu đế :

Hiu hiu gió thổi đầu non.
Mấy thằng uống rượu là con Ngọc Hoàng

Rượu đế theo tôi chính là biểu tượng của nền văn hóa sông nước này. Đừng nói tôi ca tụng một tật xấu, một thói hư. Ngay trong những đám cưới, đám tang, có thể nào không có rượu ? Rượu trong sinh hoạt hàng ngày, trong các nghi lễ, hội hè, đình đám. Rượu trong những lời thề ước, trong lễ thôi nôi, ngày đầy tháng, và trong các đám tang.

Không thể nói tới đời sống của một người dân đồng bằng sông Cửu Long mà không nói đến rượu đế, đến nước mắt quê hương.

Rượu, thực ra đân tộc nào cũng biết uống . Nhưng trong khi người Tây Phương uống rượu đỏ, thì dân Á Châu mình uống rượu trắng.

Gọi là rượu đế vì hồi đó trong thời Pháp Thuộc, Tây đoan cấm người dân nấu rượu lậu. Dân nấu rượu khi khi nghe Tây đoan đến bắt, bê tất cả bình rượu, nồi rượu chạy vội dấu dưới đồng cỏ hoang dại, nơi đó mọc đầy những cây đế, tức là một loại lau sây, cao vút đầu người. Từ đó có tên rượu đế.

Thời đó là thời mà ông Phan Bội Châu đã căm phẫn thốt ra :

- Rượu ta nấu, nó cho rượu lậu, muối ta làm, nó bảo muối gian (Á Tế Á ca)

Rượu của người dân miền Nam được nấu từ nếp.

Ở các vùng khác, có nơi người ta nấu rượu bằng gạo. Trong Nam, nếp để nấu rượu không được lẫn một hạt gạo nào

Mỗi một miền có một các nấu rượu khác nhau, nhưng nổi tiếng nhất trong Nam, phải kể đến rượu Gò Đen.

Rượu Gò Đen là một loại quốc tửu (National spirit) !

Đặc điểm của rượu Gò Đen là người ta phải lựa được một loại nếp rất tốt, chỉ ở miền này mới có (tương tự như vùng Bordeaux nếu nói về các loại rượu chát). Nếp lại phải ngâm đến 7 ngày mới được dùng để cất rượu.Người cất rượu lại phải làm việc với tất cả cái « tâm » của mình. Dân uống rượu sành, dùng cách lắc chai để nhận diện rượu Gò Đen : Rượu trong như nước mưa, khi lắc chai, bọt chậm tan, chai rượu phân thành 3 tầng rõ rệt. Khi rót rượu vào ly, tiếng rượu chẩy, vị cay nồng đã đủ làm người uống, chưa uống đã say.

Tiếc một điều là về sau này, những người nấu rượu lưu manh truyền nhau một phương pháp rất nguy hiểm là để rượu được trong vắt, họ thêm vào rượu một chút chất sát trùng (DDT) làm ngộ độc nhiều người. Mới đây, có 2 nữ du khách người Montréal bị chết vì ngộ độc ở Thái Lan. Dư luận cho rằng các cô đã uống phải loại rượu này.

Những năm đó, rất may anh em chúng tôi chưa có ai bị ngộ độc.

Thường thì rượu mầu trắng, nhưng nếu ta dùng nếp than để nấu rượu, thì rượu lại có mầu sậm vì hạt nếp than mầu đen. Người nấu rượu nếp than cho thêm vào nước và đường cho nên rượu nếp than mầu hồng sẫm và vị ngọt. Rượu nếp than sau khi được nấu, đem chôn dưới đất nhiều tháng, đào lên, uống rất ngon. Người ta gọi loại rượu này là « lão tửu ».

Vì nếp than ngọt, dễ uống, nên cũng rất dễ say.

Có lần, tôi lên Trà Nóc uống với mấy người bạn Hải Quân xong, lái xe Honda về gần tới cầu Bình Thủy, say quá, bỏ xe nằm quay ra đường, ói. Cũng chỉ vì nếp than.

Sau này nghĩ lại, thấy hồi còn trẻ, mình hoang đàng dễ sợ.

Một lần nữa, trong đám cưới của một anh bạn Y Sĩ Biệt Động Quân, dấu tên nhưng chắc các bạn ở Paris đều biết, vì anh hiện đang định cư tại đô thành hoa lệ này, tôi và Nguyễn Thanh Bình còn trở thành « hai người lính quân y lâm nạn » ghê sợ hơn. .Chỉ vì hôm đó, Bình giò nổi cơn thách thức các sĩ quan Biệt Đông Quân « anh một ly thì tôi một ly ». One !Two !Three !Drink !

Một, Hai, Ba-Dô !

Dô cái gì không biết, chỉ biết sau đám cưới của PPL, Bình cho ra tất cả những gì đã « dô » trước đó, lại còn kèm theo tất cả mật xanh, mật vàng.

Đó là đời lính của chúng tôi

Khi ở Quân Y Viện, tôi có 2 cô y tá nữ quân nhân uống hay dễ sợ. Tôi còn nhớ một cô tên Thiện, một cô tên Hường. Cô tên Thiện người Miên lai. Cô tên Hường trắng trẻo, rất xinh đẹp. Mỗi buổi sáng, các cô mang hồ sơ theo ông thầy khám bịnh. Thỉnh thoảng cuối tuần, ông Thượng sĩ già, tên Hiền, y tá trưởng, sai các cô đi mua thịt, cá, tôm, rau trái, đến nhà « ông thầy » nhậu với các nhân viên khác. Thầy trò vui với nhau, tạm quên những bệnh tật, và chiến tranh. Bao giờ tôi cũng đầu hàng các cô.

Tôi không bao giờ quên được những ngày tôi tôi hành nghề tại Việt Nam, tuy chỉ vỏn vẹn có vài năm.

Sau 1975, Việt Cộng vào Thành phố.

Thượng sĩ Hiền ra ngoài đường vá xe kiếm tiền nuôi con.

Tôi còn làm lại tại Quân Y Viện mấy ngày trước khi trình diện đi cải tạo. Khoảng ngày 4 hay 5 tháng 5 năm 1975, Thiện và Hường đến nhà tôi một lần chót. Chúng tôi ăn với nhau một bữa cơm sau cùng.

Hôm đó chúng tôi không uống rượu.

Ăn xong, ba thầy trò ôm nhau, khóc, rồi chia tay.

Các cô về quê nhà, còn tôi sẽ phải ra trình diện để đi vào trại cải tạo. Hồn ai, nấy giữ.

Từ đó, tôi không còn được tin gì về hai cô nữa. Cầu mong các cô được bình an.

Tôi bị đi học tập cải tạo 2 năm, bị đưa xuống tận vùng Kim Quy, hòn đá bạc của tỉnh Cà Mau làm lao động. Đây là một căn cứ địa của Việt Công ngày trước. Dân ở đây mắc giống gì không biết, theo Việt Cộng dễ sợ. Trên đường di chuyển vào nơi tập trung, khi đi qua các nhà người dân, chúng tôi bị họ chưởi rủa, ném đá nữa. Đó là thời đầu tiên, khi Việt Cộng mới chiến thắng. Sau này người dân vùng này chắc đã nhìn ra những sự gian ác của Việt Công, nên thái độ họ có đổi thay. Nhưng mà, những ngày đầu tiên xuống chó đó, suốt đời tôi không thể nào quên.

Tôi cũng không bao giờ quên được một cái món tạm gọi theo bọn Việt Công là “đặc sản” của vùng này. Ngày hôm đó, bọn tù chúng tôi được thả từ một chiếc tầu chở hàng, dơ dáy, bẩn thỉu, chở 500 tên tù suốt một ngày trời, xuống một vùng xình lầy . Trong lúc chờ di chuyển đến nơi được chỉ định để làm lao động cưỡng bách, bỗng nhiên chúng tôi thấy xuất hiện một cái xuồng của một người dân quê. Duyên trời dun dủi, người lái thuyền tạt ngay vào chỗ đội của tôi (10 người) đang ngồi. Hỏi họ có gì bán cho chúng tôi ăn được không vì cả bọn đói quá. Người dân quê này nói họ chỉ có cơm trắng và mắm ba khía thôi.Chúng tôi hùn tiền, mua hết nồi cơm và cái hũ mắm ba khía đó. Hôm đó, tôi được ăn một bữa cơm ngon chưa từng bao giờ được ăn.

Trời đất ! tôi đã lang bang từ rượu đế sang mắm ba khía hồi nào không hay rồi. Thôi, để khi khác tôi sẽ có dịp nói tiếp về Kim Quy. Xin trở lại với rượu đế.

Rượu đế khác với cà phê ở chỗ nào ?

Rượu và cà phê,cả hai đều là những thức uống khiến người ta say mê.

Nhưng cà phê uống vào là để suy nghĩ, chuyện trên trời, chuyện dưới đất, chuyện chính trị, chính em. Cà phê thuộc về giới trí thức.

Rượu uống là để “chẳng suy nghĩ gì hết”, rượu uống là để nói lung tung,

Ở đời chẳng biết sợ ai.
Sợ thằng uống rượu nói dai tối ngày.

Chúng ta hãy nghe bài vè sau đây của bợm nhậu :

Một xị mở mang trí hóa.
Hai xị đả phá cơn sầu.
Ba xị mũi chẩy đầy râu.
Bốn xị nằm đâu gục đó.
Năm xị cho chó ăn chè.
Sáu xị ai nói nấy nghe.
Bầy xị làm xe lội nước.
Tám xị chân bước, chân quỳ,.
Chín xị còn gì mà kể.
Mười xị khiêng để xuống xuồng.

Rượu uống ít thì hưng phấn, bao nhiêu sầu muộn đều quên hết, nhất là trong những lúc gặp hoạn nạn, như những năm sau 1975.

Sau khi đi tù , được trả tự do, tôi lại trở lại Cần Thơ. Lúc đó tôi cũng chẳng muốn làm việc gì, ngoài việc ra phường Cái Khế làm vớ vẩn ở trạm Y Tế phường. Đang vui, thì nhận được giấy phải vào Vị Thanh (Chương Thiện) làm giáo viên của trường Trung Học Y Tế Hậu Giang. Trong số các giáo viên, có anh Trương Hải là bác sĩ ngoài Bắc cử vào để cùng dậy học. Dĩ nhiên anh ta sống dưới chế độ Công Sản từ 1954. Tôi là thằng ngụy vừa đi cải tạo về. Giữa chúng tôi có một khoảng cách, gặp nhau, chào hỏi một vài câu vô duyên, tuy chúng tôi cùng sống tập thể trong dẫy nhà lá dành cho công nhân viên. Cho đến một ngày, không hiểu vì tò mò, hay vì cơ duyên nào đó không biết, anh theo tôi đi nhậu tại nhà bác Năm, một người hớt tóc lâu năm tại Vị Thanh, tôi quen được nhờ đi hớt tóc. Cùng đi với chúng tôi lại có mấy anh tài xế, hậu cần, trước cũng ở trong quân đội miền Nam. Bác Năm đã sửa soạn sẵn khoảng 4 hay năm lít đế, đựng trong một cái can nhựa, lại có những con khô cá sặc, khô cá trê, những trái chuối chát, trái me dốt, mấy trái ớt, và chén mắm ruốc. Chúng tôi cứ thế uống, bác Năm làm chủ xị.

Cả bọn dùng chung một ly. Chủ xị rót rượu và chuyền. Đến phiên ai thì phải cạn ly,mà phải uống cạn tới đáy, không được bỏ một giọt .Bác Năm lại cho chúng tôi hay là bác đã ngâm thuốc bắc vào can rượu, nên uống rất đã.

Đến vòng thứ 4 hay thứ 5 không biết, Trương Hải có lẽ vì ít uống rượu nên bắt đầu líu lưỡi, nói lảm nhảm. Đến một lúc tự nhiên anh ta nói với cả bọn :

- Hồi đó chúng tớ cứ tưởng các cậu trong Nam ra giải phóng bọn tớ ngoài này chứ. Thấy Mỹ nó bỏ bom , tưởng khá rồi,nào ngờ nó ngưng bất tử…

Sau này tôi mới biết anh Trương Hải này nhà cũng khá giả, 1954 đã học Y Khoa Đại Học Hà Nội nhưng không theo trường vào Nam, nghĩa là anh ấy là đàn anh của tôi rất xa. Tôi lúc đó tuy cũng say, nhưng còn biết sợ, vội vàng bấm mạnh vào đùi anh, rồi lảng sang chuyện khác. Cũng may, toàn dân ngụy, lại đang say, không ai để ý câu nói phản động này của Bác Sĩ Trương Hải, đến từ Hà Sơn Bình.

Thuật chuyên này chỉ để nói đến tác dụng của rượu, nó làm cho con người cởi mở và dễ dàng làm người ta “giai huynh đệ” , nghĩa là trở thành anh em với nhau. Sau này tôi và Trương Hải còn có dịp tâm sự với nhau nhiều, khi chúng tôi hàng ngày rủ nhau ra sông Chương Thiện tắm, vì không có phòng tắm trong trường.Tất cả những chuyện đó, nay chỉ là những kỷ niệm , một thời dĩ vãng xa xăm.

Thế nhưng ngày hôm nay, ngồi tại Canada, nếu có dịp gặp lại anh Trương Hải, thì tôi cũng sẽ vẫn mời anh đi uống rượu với tôi, cũng như anh Y Sỹ Bạch Thái Hưng (dòng giõi Bạch Thái Bưởi theo lời anh nói với tôi), cũng như anh Bác Sỹ Nguyễn Hải. Tôi biết các anh đó cũng chỉ là những người trí thức, nạn nhân của CS như tôi . Nếu 1954, cha tôi không đem anh em tôi vào Nam,hay năm 1978, tôi không liều chết vượt biên, thì tôi cũng giống mấy anh mà thôi.

Cuộc đời như một chuyến xe métro. Biết bao giờ có thể đi lại một chuyến tầu, với những bạn đồng hành xa xưa ấy để tôi có thể

Bắt con cá lóc nướng trui.
Làm mâm rượu trắng đãi người phương xa.

Cá lóc, thì vẫn có thể tìm được nơi đất trích này, nhưng rượu đế, thì những chàng Tư Mã áo xanh, làm sao kiếm được.

Đúng như nhạc sĩ Y Vân đã viết năm nào :

Buồn, như ly rượu đầy, không có ai để cùng cạn.
Buồn, như ly rượu cạn, không còn rượu để được say.



Trần Mộng Lâm