PDA

View Full Version : Cổ Hy Khoan



Longhai
12-26-2012, 05:45 AM
Cổ Hy Khoan


Nguyễn Khắp Nơi - 27 11 2012

Ba tôi làm công chức, vì nhu cầu công vụ, ba tôi đã được luân phiên đổi đi làm việc ở nhiều tỉnh của Miền Trung. Vì thế, thủa nhỏ, tôi được học ở rất nhiều trường khác nhau : Đệ Thất, Đệ Lục, tôi học ở trường Đồng Khánh, Huế. Qua lớp Đệ Tứ, tôi học ở Nha Trang và cuối cùng, sau khi đậu Tú Tài, tôi được vào Saigòn học Luật. Mỗi buổi sáng Chú Nhật, tôi thường đến dự thánh lễ lúc 10 giờ sáng ở Nhà thờ Đắc Lộ, trên đường Trương Minh Giảng. Lý do mà tôi thích đến dự lễ ở đây là vì, đa số giáo dân đến vào giờ này đều là những người trẻ tuổi, những sinh viên đại học, những nguời cùng một tuổi và cùng một trình độ với tôi, nên chúng tôi rất dễ thông cảm và làm bạn với nhau. Lý do thứ hai là cha xứ không giảng đạo theo hình thức thông thường là đứng trên bục rồi giáo dân ngồi ở dưới nghe và đọc kinh theo, mà cha cho xếp ghế theo hình tròn để cùng nhau ngồi mà thảo luận. Ai đến sớm thì còn ghế, ai đến trễ thì cứ việc tìm ghế tìm chỗ mà ngồi chen vào. Cuối năm 1972, mùa thi đầu tiên của năm thứ nhất của tôi.

Tôi và các bạn bè hồi hộp học gạo học tủ, một số khác đi làm quen các sinh viên đàn anh đàn chị để hỏi kinh nghiệm và tìm đề thi cũ mà học theo. Không những đám con gái chúng tôi lo thi cử, mà đám Sinh viên con trai lại càng lo hơn nữa, vì chỉ có thi đậu thì mới được tiếp tục hoãn dịch để học cho đến khi tốt nghiệp, lơ mơ mà thi rớt thì chỉ còn cách . . . “Đường Trường Xa” đếm bước mà thôi. Tôi từ Nha Trang vào Sàigòn, không quen biết ai, nên chẳng có cách nào mà học hỏi kinh nghiệm, thôi thì cứ theo cách thức cổ điển là học hết đủ mọi bài là xong.

Khốn nỗi, bể học Luật thật là mênh mông, Giáo sư lại chỉ giảng qua loa rồi đưa ra một đống sách để tham khảo, làm sao mà tôi có thể đọc cho hết? Ngồi dự thánh lễ Chủ Nhật mà tôi cứ bồn chồn nghĩ tới kỳ thi sắp tới, nên vừa hết thánh lễ là tôi vọt ra leo lên chiếc Honda Dame đạp máy để chạy tới thư viện cho lẹ. Tôi đang gấp mà nhè cái xe lại dở chứng, tôi đạp máy đã mỏi cả chân rồi mà máy xe vẫn không nổ. Chưa bao giờ tôi gặp trường hợp này, vì tôi có dậy kèm cho một cô gái nhỏ mà ba của cô là thợ sửa xe Honda, nên mỗi lần đến dậy học là xe của tôi lại được kiểm soát kỹ càng lắm, không bao giờ có chuyện chết máy dọc đường. Tôi gạt chân chống dựng xe tìm cách sửa, nhưng đến cái môtơ xe tôi còn không biết nó nằm ở đâu, thì làm sao mà tôi biết sửa nó cho được. Nên tôi đành đưa mắt nhìn chung quanh cầu cứu. Các bạn bè dự lễ còn nhanh hơn tôi nữa, trong sân nhà thờ chẳng còn ai để mà cứu ứng cho tôi. Đang khi tôi đứng lóng nhóng không biết làm gì, bất chợt, một giọng nói vang lên sau lưng tôi: “Xe của cô không nổ máy hả? Cô có cần tôi giúp gì không?” Tôi quay lại nhìn, một người con trai lạ hoắc đang đứng kế bên tôi, vừa nhìn chiếc xe, vừa nhìn tôi dò hỏi. Tôi ấp úng trả lời: “Dạ . . . chiếc xe của tôi không biết tại sao mà lại không chịu nổ máy, mà tôi lại có hẹn với đám bạn để cùng học thi . . .” Tôi định mở miệng nhờ anh ta sửa xe dùm, nhưng nhìn lại anh chàng đang đứng trước mặt tôi, anh ta dáng cao gầy lại còn đeo kính trắng nữa, chẳng có vẻ gì là thợ sửa xe cả, chắc là chỉ hỏi tôi cho vui vậy thôi chứ cỡ như anh thì nhiều lắm là biết chạy xe như tôi thôi chứ làm gì có chuyện anh sửa được chiếc xe. Nhưng bí lối quá, tôi đành phải nhờ vả: “Xin anh coi dùm . . . nếu được thì . . . sửa dùm tôi . . .” Anh đeo kính trắng thò tay vào trong túi quần rút ra một cái gì mầu trắng, quay quay trên ngón tay mà giảng cho tôi bài học về sửa xe: "Xe chết máy, chỉ có hai lý do: Xăng và lửa. Xe cô đổ xăng lâu chưa?" "Dạ, tôi mới đổ đầy bình chiều hôm qua." "Nếu vậy thì chỉ còn có lửa mà thôi. Có thể là bugi bị nghẹt hoặc bị chết, để tôi mở ra xe sao." Nói rồi, anh thò tay vào chỗ gắn bugi xe, dựt cái dây cao su cho nó rớt ra, rồi đưa cái mà tôi tưởng là cây viết vào đó mà lấy sức tháo cái bugi ra. Một tay anh cầm bugi, tay kia anh lấy khăn mùi soa ra lau cái chốt nhỏ ở trên cho thật sạch, anh lại thò tay vào trong túi quần lấy ra một miếng giấy nhám luồn vào trong cái chốt nhỏ mà mài nhẹ nhẹ. Xong rồi, anh đưa cái bugi lên ngang mắt mà ngắm nhìn cái gì đó, rồi kê miệng thổi một hơi mạnh vào cái chốt, nói với tôi: "Bugi xe hơi bị ngộp xăng một chút, tôi đã lau cho nó khô rồi, còn chùi đầu nạp lửa nữa, chắc là máy sẽ nổ ngay đấy. " Nói xong, anh gắn cái bugi vào trong xe, xiết chặt, đậy cái nắp cao su vào như cũ, rồi leo lên xe đạp nhẹ một cái. Tiếng máy xe nổ hơi lớn một chút, khói tuôn ra từ ống bô ra đen ngòm, một lúc sau thì khói đen hết phun ra và máy xe nổ nhẹ nhàng êm tai như mới. Tôi mừng quá, hóa ra anh ta là thợ sửa xe lành nghề đội lốt thư sinh. Tôi nhận lại chiếc xe từ tay anh, vui vẻ nói lời cảm ơn : "Anh sửa xe giỏi quá, cứ như là thợ sửa xe chính gốc vậy. Anh có thường đến nhà thờ không ? Để khi nào thi xong, thế nào tôi cũng xin thọ giáo anh cái nghề này." Anh cũng vui vẻ trả lời tôi : "Nghề gì đâu! Chẳng qua tôi chạy xe bị hư riết nên tự biết cách sửa mà thôi. Cô đang học thi hả ? Cô học phân khoa nào ?" "Tôi học Luật anh ạ, thì lần đầu tiên, lại chẳng quen ai để hỏi bài, nên càng lo hơn." "Cô học năm thứ Nhất Luật hả ? Nếu cô muốn hỏi về các đề thi cũ, tôi cũng có một ít bài, để tôi cho cô mượn." "Anh học Luật hả? Anh cũng học năm thứ nhất nữa sao ?" "Không, tôi học năm cuối, đang lo thi ra trường." Thế là tôi và anh Đức quen nhau, anh cho tôi mượn những bài học cũ của anh và vài đề thi cũ để tìm cách trả lời. Mỗi sáng Chủ Nhật, đám bạn của tôi thay vì đến thư viện Pháp để học, tụi nó theo tôi đến nhà thờ ngồi học với nhau ở hàng hiên, chữ nào không hiểu lại hỏi anh Đức. Học đầy đầu rồi, chúng tôi rủ nhau ra ngoài ăn hàng rồi lại trở vào thư viện trường Đắc Lộ học tiếp. Kết quả đưa ra, chúng tôi đều đậu hết, lên năm thứ hai, còn anh Đức, anh tốt nghiệp Cử Nhân Luật, ban Tư Pháp. Ngày nhật chứng chỉ tốt nghiệp, anh Đức mời tôi đi ăn mừng. Ngậm míêng kem dừa mát lạnh ở tiệm kem bên hông Hồ Con Rùa (Đài Kỷ Niệm Quốc Tế Viện Trợ, đường Duy Tân, gần trường Luật), tôi hỏi anh Đức về dự tính tương lai, anh tính đi tập sự Luật sư hay thi vào khóa Thẩm Phán? Tôi chưng hửng khi nghe anh nói : "Anh còn được hoãn dịch học vấn một năm nữa để học Cao học hoặc lo dự thi vào Đốc Sự Hành Chánh hoặc Thẩm phán, nhưng anh muốn nhập ngũ." Tôi nói ra suy nghĩ của tôi, suy nghĩ của một người con gái: "Phục vụ tổ quốc có nhiều cách, làm Luật Sư bào chữa cho người bị hàm oan, cũng là phục vụ tổ quốc. Làm Chánh án, Biện lý kết án kẻ phạm tôi, cũng là phục vụ tổ quốc. Em nghe nói quân đội cũng có ngành Quân Pháp, nếu anh muốn nhập ngũ, xin vào phục vụ ở Tòa Án Quân Sự, cũng là phục vụ tổ quốc vậy, mà lại đúng ngành học của anh nữa." Anh Đức ăn một muỗng kem nữa, nói hết ý nghĩ của anh cho tôi nghe: "Anh đi lính, không có ý nghĩ xin về ngành Quân Pháp, mà anh muốn tình nguyện đi . . . Biệt Kích. Chiến tranh đã kéo dài trên quê hương mình quá lâu rồi, phải chấm dứt nó đi, phải xung trận đánh đuổi bọn Việt Cộng xâm lược ra khỏi bờ cõi thì mới có hòa bình cho Miền Nam Việt Nam." Ngày ra trường, anh hớn hở tới nhà thăm tôi với bộ quân phục rằn đen và chiếc bê rê Xanh lá cây với dấu hiệu Biệt Cách đỏ chói. Anh tươi cười khoe tôi :

"Anh đã được chọn vào Liên Đoàn Biệt Cách 81, được nghỉ vài ngày phép rồi lại đi học khóa Viễn Thám, mưu sinh thoát hiểm và chất nổ." Lần đi chơi lần cuối với nhau trước khi anh trở về trình diện đơn vị, lần đầu tiên Đức nắm tay tôi, xưng anh thật là ngọt ngào với tôi" "Ngày mai anh đi, anh muốn nói với em . . . anh thương em . . . Nếu em đồng ý, hãy chờ ngày anh trở lại . . ." Tôi cũng thương anh, nhưng mà . . . chừng nào anh trở lại? Anh không biết, và tôi thì lại càng không biết. Nhưng tôi thương anh, và đồng ý chờ ngày anh trở lại. Đức có trở lại thăm tôi nhiều lần, có lần từ bệnh viện ra với cái chân băng bột, có lần với cái huy chương sáng chói trên ngực. Giáng Sinh năm 1972 ,tôi dự Thánh Lễ Nửa đêm, có Đức lần đầu tiên bên cạnh tôi. Lễ Giáng Sinh 1973, tôi trơ trọi đi dự lễ một mình. Đức vừa mới ra đơn vị, chắc là anh đang còn nhấy toán ở đâu đó trên Đường Mòn Hồ Chí Minh, đường mòn của những kẻ "Sinh Bắc Tử Nam" nên không thể về dự thánh lễ với tôi được. Lễ Giáng Sinh năm nay – 1974 – tôi cũng lại một mình một bóng. Tôi chỉ biết cúi đầu cầu xin Chúa cho Đức được yên lành. Mọi người về hết rồi, trong nhà thờ chỉ còn có mình tôi. Cha Xứ từ trong đi ra, vui vẻ hỏi tôi: "Con cầu nguyện với chúa điều gì mà có vẻ thành khẩn quá vậy ?" Tôi cố làm ra vẻ mặt vui tươi mà trả lời cha: "Con cầu cho anh Đức được bình an để trở về với con như anh đã hứa." Cha vừa tiễn tôi ra khỏi hội trường nhà thờ, vừa nói : "Chúa sẽ chấp nhận lời cầu xin của con, sẽ ban phước lành cho mọi người và cho cả anh Đức nữa." Vừa ở trong vùng ánh sáng bước ra ngoài, tôi chưa quen với màn đêm nên không thấy rõ những gì ở sân nhà thờ, chỉ thấy loáng thoáng một vài bóng người đi ngang. Đột nhiên, một bóng người cao lớn vụt chạy vào, tôi hoảng hốt thối lui, nhưng cha xứ vẫn điềm nhiên nhìn bóng người lạ. Bóng người lạ đã hiện ra trong ánh đèn, với bộ quân phục mới tinh, huy chương gắn một hàng trước ngực, gương mặt rạng rở : ĐỨC. Đức, người yêu Biệt Cách Dù của tôi đã trở về. Cha xứ vui vẻ thốt lên lời chúc mừng : "Con thấy chưa ? Lời cầu xin của con đã được chưẩn y rồi đó." Cha bắt tay chúc mừng anh Đức rồi xin phép đi vào trong. Tôi cứ đứng như trời trồng mà nhìn Đức, hai giòng lệ từ từ tuôn trào. Đức ôm chặt lấy tôi: "Anh đã cố gắng hết sức để xin máy bay về Saigòn dự Thánh Lễ Nửa Đêm với em, nhưng không thể nào kịp, vì nhiều người ghi tên quá. May là vào giờ chót, một anh trong đơn vị phải ở lại vì công vụ, nên anh mới xin đổi tên của anh mà về đó. Anh về tới nhà thờ thì Thánh Lễ đã cử hành, anh còn mặc quân phục nên không tiện vào nhà thờ tìm em, phải đứng chờ ở ngoài này. Mọi người về hết rồi mà cũng không thấy em ra, anh tưởng là em không đi lễ, nên đã bước ra ngoài rồi, thì may quá, cửa nhà thờ lại mở, em và cha xứ bước ra, anh mừng quá, vội vàng chạy thật nhanh trở vào. Anh làm em giật mình hả? Anh xin lỗi em nha." Tôi khóc cho niềm hạnh phúc nhỏ nhen vừa được trọn vẹn, khóc cho sự trở lại an toàn của Đức. Đức bối rối không có khăn tay lau nước mắt cho tôi, cuối cùng, anh gỡ ống tay áo xuống, lấy vải áo trận mà thấm nước mắt cho tôi. Về đến nhà, cả gia đình tôi đang chờ đợi tôi (vì tôi là người cuối cùng chưa về) đã "Ồ" lên một tiếng reo vui mừng và đón chào tôi với Đức vào nhà. Vừa ăn cháo, anh vừa kể cho tôi nghe chuyện đời lính của anh và khoe tôi cặp lon Thiếu Úy sáng ngời mà anh vừa được gắn buổi sáng hôm đó: "Toán của anh nhẩy đêm, ngay vào bộ chỉ huy hậu cần của cả một trung đoàn Việt Cộng. Sáng sớm, thằng Việt cộng vừa thò đầu ra khỏi hầm, trông thấy anh, nó hoảng hồn run lên bần bật : " Ma . . . Ối đồng chí ơi . . . Ma . . ."

Nó chưa kịp nói lời tiếp theo là bọn anh đã cho nó về chầu bác Hồ của nó. Bọn anh lục soát, thấy rất nhiều kho gạo, đạn dược, súng ống. Anh báo cáo đầy đủ, cho biết điểm bốc sau khi phá kho, rồi cho gài chất nổ chung quanh kho súng , tưới săng lên kho thuốc, kho đạn, châm lửa đốt rồi vừa chạy về phía dốc núi vừa bấm ngòi nổ. Lửa cháy khắp nơi, nhưng tụi Việt cộng túa ra đông quá là đông, vây chặt tụi anh lại, nhất quyết bắt sống. Tụi anh phá vòng vây, đứa nào cũng bị trúng đạn, nhưng ráng leo lên đồi gọi Gunship tiếp cứu. Trực thăng tới bắn xuống như mưa rồi thòng dây xuống mấy lần mà không làm sao cứu được toán biệt kích. Cuối cùng, trưởng toán cấp cứu dùng kế "Điệu Hổ Ly Sơn" bắn phá tơi bời quanh một ngọn đồi khác, rồi cũng cho trực thăng thả dây nhưng không kéo được ai lên cả. Bọn Việt cộng tưởng bọn anh đã chạy được qua khu đồi bên kia, nên cũng ào ào kéo súng ống qua bên đó bắn trực thăng.

Bất ngờ một chiếc Kingbee từ tít tận mây xanh tắt máy nhào xuống tới mức thấp nhất mới mở máy đáp xuống thật nhanh bốc gọn bốn Biệt kích và hai người bị thương lên rồi biến đi trong chớp mắt. Khi bọn anh thoát khỏi vùng nguy hiểm rồi, những Gunship và trực thăng cấp cứu mới rời vùng oanh kích bay về tổ. Bọn anh mỗi đứa được thăng một cấp. Nhẩy toán trận này, đánh . . . đã quá." Anh vui mừng, nhưng còn tôi, với tâm tư của một người yêu của lính, tôi không cảm thấy . . . đã quá như anh Đức nói, mà tôi cảm thấy ngày về của anh vẫn . . . không thấy đâu cả, vì anh có nói thêm với tôi: "Chúng nó đông lắm em ạ, bắn mãi cũng vẫn còn." Đó cũng là Thánh Lễ cuối cùng mà tôi có Đức ở bên cạnh tôi. . .

Những ngày cuối tháng Tư 1975, chiến trường từ từ thu hẹp tới tận thủ đô Saigòn, những người lính cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã dàn hàng kéo về phòng thủ thành trì cuối cùng. Tôi xách xe Honda chạy hết đường này qua khu nọ, cố thâu vào trong tâm khảm hình ảnh cuối cùng của thành phố thân yêu. Nhìn những người lính Cộng Hòa làm nút chặn ở từng khu phố, tôi vẫn có cảm giác an toàn của một người dân được bảo vệ. Dân chúng và những người lính từ Xa lộ Đại Hàn kéo về thật đông, tôi chạy về hướng đó xem tình hình. Từ cầu xa lộ, tôi thấy rõ những xe tăng hai bên bắn nhau, từng toán lính giao tranh với nhau, đạn bắn khắp nơi, xác chết, người bị thương nằm la liệt. Tôi đi đâu đây? Tôi cũng không biết nữa. Đạn bắn rát quá, tôi quay đầu xe rồ máy chạy trở lại Saigòn. Từ những loa phóng thanh, từ những chiếc radio tôi nghe được lời của Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, kêu gọi những người lính Cộng Hòa buông súng chờ phía bên kia tới bàn giao. Đầu hàng rồi sao? Những người lính Cộng Hoà ở chung quanh tôi sẽ ra sao? Họ còn đang chiến đấu đây mà? Nước mắt tôi ứa ra, không còn nhìn thấy gì nữa, tôi vẫn cứ thế phóng xe chạy, nhắm hướng ngã tư Xa lộ Thị Nghè mà chạy. Thấp thoáng ở phía trước tôi thấy những bộ quân phục mầu rằn ri đen xẫm đang di chuyển theo đội hình, những người lính Biệt Cách 81 đây rồi, tôi phóng xe thật nhanh để bắt kịp toán quân. Khi tôi gần bắt kíp toán lính thì thấy một chiếc chở đầy lính chạy ngang, tiếng súng nổ vang lên khắp nơi nhắm vào chiếc xe, cả vào tôi nữa. Tôi hoảng hốt thắng xe, té nhào xuống mặt đường. Những tiếng la, tiếng súng từ lề đường bắn ra nghe rõ mồn một: "Xe chở bọn bộ đội Việt Cộng đó . . . Bắn . . . Bắn đi . . .” Tiếng hô này tôi nghe quen lắm. Tôi ráng lết vào lề đường, chạy về hướng những người lính, chung quanh tôi, dân chúng cũng chạy tứ tung, tan tác. Những người lính lại hô lên: “Đồng bào xin hãy chạy vào lề đường để được chúng tôi bảo vệ . . . hãy tìm cách về nhà ngay đi.” Trước mặt tôi là những người lính Biệt Cách với súng ống đầy đủ đang bắn về phía bọn Việt Cộng. Đây rồi, tôi đã tìm thấy cái gì tôi cần tìm, tôi lao vào người lính đang ở trước mặt tôi: “Anh Đức . . . em đây . . .” Đức hoảng hốt khi thấy có ai đó nhào vào người anh, khi biết người đó là tôi, anh hoảng hốt la lên: “Trang . . . em đi đâu đây ? Sao em không ở nhà mà lại chạy ra đây ? Em về ngay đi . . . ở đây nguy hiểm lắm.” “Em đi tìm anh . . . Em nghe Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng rồi.” “Đầu hàng? Hồi nào ? Anh được lệnh đem lính về bảo vệ cho ổng đây mà ! Em về đi, anh còn nhiệm vụ phải làm.” Tôi cứ đứng yên không đi đâu cả. Đức buông tôi ra hiệu cho toán lính tiếp tục đi về phía Saigòn. Một người lính vừa bước đi vừa nói với lại :

“Thiếu Úy đã nói rồi, chị và đồng bào lo ai về nhà nấy đi, chúng tôi có nhiệm vụ, phải đi gấp.”

Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy Đức và toán lính Biệt Cách 81 hành quân, thật là oai hùng, thật là uy dũng. Và đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp Đức. Suốt ba năm trời, sáng Chủ Nhật nào tôi cũng ra nhà thờ Đắc Lộ dự thánh lễ, Đức hoàn toàn vắng bóng. Tôi hỏi thăm hết cả mọi nơi, nhưng không có tin gì của Đức cả. Có người nói, rất nhiều lính Biệt Cách đã đi về Vùng IV, nơi có Tướng Nguyễn Khoa Nam trấn thủ. Nhưng Tướng Nam đã tự sát rồi, còn đâu nữa? Có bạn bè lại cho hay, toán lính Biệt Cách cuối cùng trên xa lộ đã gom súng lại rồi tan hàng. Họ đi về đâu không ai biết. Từ ngày đó, cả Miền Nam Việt Nam bị cai trị dưới đủ mọi hình thức đàn áp trả thù dã man của bọn Việt Cộng. Ở trường Luật, bọn sinh viên thân cộng trước đây hiện nguyên hình là những tên “Giải Phóng Miền Nam” đeo băng đỏ, đeo súng vào tận lớp học mà tuyên bố thắng trận, những môn học ngày xưa của chúng tôi cũng bị thay đổi và chúng tôi bắt buộc phải sử dụng những từ ngữ mà chúng tôi chưa bao giờ dùng và không hiểu gì cả. Tôi với Đức thông cảm nhau, thương yêu nhau. Nhưng giữa hai chúng tôi, chỉ có một lời hứa của Đức : "Hãy chờ ngày anh trở lại . . ." Ba năm trôi qua, tôi không có tin gì của Đức cả, bao giờ anh mới trở lại? Tôi ra trường và xin được việc làm ở Ngân Hàng xa lắc xa lơ mãi tận vùng Tân Quý Đông. Đường xá xa xôi, tôi phải mướn nhà ở lại, chỉ có Chủ Nhật mới về Saigòn thăm gia đình. Tôi nghe rất nhiều về những vụ vượt biên vượt biển đi tìm tự do, nhưng muốn đi tìm tự do cũng phải có cái giá của nó. Có người bị lừa chết trong rừng bụi, trên biển cả mông mênh, có người bị bắt tù thê thảm, nhưng con số người đi tìm tự do chỉ có tăng mà không vì những khó khăn nguy hiểm đó mà giảm đi. Tôi có cái can đảm để vượt qua mọi chông gai, nhưng không quen biết ai cả, làm sao mà vượt biên đây? Một buổi sáng, sau khi dự lễ xong, cha xứ bước ra ngoài, gặp tôi đang đi lững thững trong sân nhà thờ. Cha đã từng làm lễ cho chúng tôi từ thời còn là sinh viên, cha biết cả tôi và Đức. Nói chuyện một lúc, cha chợt hỏi tôi : “Nhìn thấy con buồn quá, chắc là có tâm sự gì đó phải không? Cha có giúp gì được cho con không? Con có muốn nói với cha không?” Tôi cười buồn, nhìn ra xa : “Con muốn sống ở một nơi mà con muốn làm gì cũng được, miễn là không gây hại cho ai. Con muốn . . . tìm được anh Đức nữa . . .” Cha nhìn lên cao, nơn ngày xưa có treo lá cờ Việt Nam Cộng Hoà, nói nho nhỏ cho tôi đủ nghe : “Con có muốn đi gặp anh Thang hay không? Cha có thể giúp con chuyện này, còn về Anh Đức, cha cũng muốn tìm anh ta nhưng không biết anh ta ở đâu.” (Anh Thang là anh lớn của tôi. Anh được qua Úc du học về môn Thần Học và sắp sửa được thụ phong Linh Mục.) Tôi hiểu ý cha nói . . . “Muốn gặp anh Thang hay không? Có nghĩa là có muốn vượt biên qua Úc hay không? Tôi mừng rỡ trả lời cha: “Thưa cha, con muốn gặp anh con lắm, nhưng không có phương tiện.” Vẫn vừa đi vừa nói chuyện, cha cho tôi hay, có một gia đình người Hoa đang tổ chức vượt biên, họ cần một người biết nói tiếng Anh và tin tưởng được, nên đã mời cha cùng đi. Nhưng cha từ chối vì còn phải ở lại phụng sự con chiên ở xóm đạo này, họ xin cha giới thiệu cho một người có đủ điều kiện để đi chung, bao hết cả mọi sở phí. Tôi đồng ý ngay lập tức. Cha sứ nói vắn tắt là sẽ có người tới gặp tôi tại nhà, xưng tên là “Cổ”. Mọi chuyện cứ làm theo lời họ dặn, không cần gặp lại cha nữa. Nếu có gặp anh Thang, cho cha gởi lời hỏi thăm. Ngay tối hôm đó, đã có một người đàn bà đến nhà tôi, xưng tên là “Cổ”, tôi mời bà vào trong nhà ngay, bà người Hoa, nói tiếng Việt không rành cho lắm, nhưng đủ để chúng tôi hiểu nhau. Sau khi uống ly trà nóng, bà móc trong bọc giấy nilông ra một tờ báo cũ mèm in bằng tiếng Anh, nhờ tôi đọc và dịch ra tiếng Việt dùm, vì bà không hiểu. Tôi hiểu ngay là bà muốn thử khả năng tiếng Anh của tôi, tôi cầm tờ giấy đọc ngay cho bà và sau đó dịch liền qua tiếng Việt. Nghe xong, bà mừng rỡ (chắc là trước khi đến đây, bà đã nghe người khác dịch cho bà nghe rồi) mà nói với tôi, sẽ tới liên lạc với tôi vào tuần tới. Chủ Nhât sau, tôi vừa về nhà được một lúc thì bà Cổ cũng tói thăm tôi, bà đi hai người hai chiếc xe gắn máy, nói với tôi rằng, cho tôi mượn một chiếc để mỗi ngày đi làm xong, tôi về Saigòn chứ không ở lại Tân Quý Đông, vì chuyện đi đứng sẽ bất chợt, bà phải gặp tôi ngay bất cứ lúc nào. Vào một buổi tối có trăng có sao (nhưng mà ở xa lắm) tôi chưa kịp ăn cơm thì bà Cổ lại tới, cũng với người đàn ông hôm trước, nhưng chỉ có một chiếc xe Honda thôi. Bà nói tôi phải đi theo bà ngay tối nay, tới ở nhà của bà ở vùng Chợ Lớn, để sống chung và làm quen với mọi người trong nhà. Tôi vào trong nhà nói cho ba má hay, lấy ít quần áo đem theo rồi từ giã mọi người. Ba mẹ tôi đã biết mọi chuyện nên chỉ chúc tôi may mắn chứ không đưa tôi ra cửa. Tôi chở bà Cổ và chạy theo sau người đàn ông. Tôi ở Saigòn đã lâu nhưng chưa bao giờ bước tới khu Chợ Lớn, nên chỉ tập trung tinh thần chạy theo cho khỏi bị lạc mà thôi, chứ còn qua những con đường nào? Tôi hoàn toàn không biết. Chạy một hồi tói một căn nhà lầu kiểu cổ xưa, có hàng rào gạch bên ngoài và cổng sắt đóng kín. Khi người đàn ông dừng lại nhấn kèn thì đã có người chờ sẵn mở cổng cho chúng tôi vào. Bà Cổ dắt tôi lên lầu. Cả nhà bà đã chờ sẵn, đón chào tôi bằng tiếng . . . Hoa. Đương nhiên là tôi không hiểu gì hết rồi. Bà Cổ giói thiệu tôi với từng người . . . Nào là Coóng, Xầy, Lìn . . . Nào là A Xinh, A Vòng, Ả Hứng . . . mà tôi không thể nào nhớ hết.

Cuối cùng, bà giới thiệu tôi tên là . . . CỔ HY KHOAN. Trước gương mặt đầy ngạc nhiên của tôi, bà giải thích: “Gia đình của tôi họ Cổ. Khoan là đứa con gái của tôi đã vuợt biên đến Indonesia rồi. Bây giờ đến lượt cả gia đình cùng đi vượt biên bán chính thức, theo số người trong “Sổ Gia Đình” cũ, do dó, kể từ hôm nay, cô sẽ mang tên Cổ Hy Khoan và là con gái của chúng tôi. Trong khi chờ đợi ngày đi, cô sẽ học tiếng Quan Thoại để nói chuyện với mọi người trong gia đình. Khi ròi khỏi Việt Nam, cả gia đình sẽ tuỳ thuộc vào cô mà nói tiếng Anh liên lạc với nơi sẽ đến và điều cần nhất là giúp chúng tôi liên lạc với Cổ Hy Khoan thiệt, đang ở Indonesia. Sau đó, bằng mọi cách xin cho cả nhà đi định cư ở Úc, vì chúng tôi đã có thân nhân ở đó rồi. Nhiệm vụ đã rõ ràng, tôi thay quần áo và bới tóc y hệt một á xẩm rồi xuống dưới nhà ăn cơm cùng với cả gia đình. Ai cũng khen tôi là . . . giống Á Kho y hệt. Phần tôi, tôi lo học ăn những món ăn người Hoa mà tôi đôi khi đã được ăn hoặc có thấy mà chưa từng ăn bao giờ và học nói cái tiếng nói mà tôi cũng chưa bao giờ thử. Chỉ vài ngày sau là tôi đã có thể ra ngoài đi chợ với má Cổ và nói vài câu Quan Thoại rồi. Sửa soạn cho ngày đi, tôi được giao cho mang nhiều đồ nữ trang, nhẫn và một thùng đồ ăn, trong đó có mì gói, có khoai lang, có mía chặt từng khúc, có đường có muối và đặc biệt có cà phê và môt thùng sữa đặc với những lon sữa đặc có đường hiệu “Con Chim – Nestle ” mà sáng nào cả nhà cũng uống cà phê pha loại sữa này. Má Cổ dặn tôi đặc biệt phải giữ cái thùng sữa đặc này với bất cứ giá nào, không được dời nó một bước. Tôi cầm một lon sữa lên thử, thấy nó có vẻ . . . nặng hơn những hộp sữa khác.

Tới ngày đi, cả gia đình chúng tôi được đưa tới bến tầu, có Công an mang súng đi dọc hai bên chúng tôi như đi giải tội phạm, họ đọc danh sách từng người rồi mới cho bước xuống tầu nhỏ. Tôi hồi hộp nghe xuớng danh, vừa nghe vừa tự đọc tên mình cho khỏi quên. Khi người Công An vừa đọc: “Cổ Hy Khoan” Là tôi đã nhanh nhẹn đứng dậy, khiêng thùng đồ ăn của mình bước xuống tầu. Chung quanh tầu chúng tôi có nhiều tầu khác nữa, cũng có Công an đi kèm. Điểm danh xong, tầu chaỵ khoảng một tiếng đồng hồ mới tới một nơi tạm trú, giống như một nhà kho. Hết chiếc tầu này tới chiếc tầu khác, toàn là người Hoa thôi, gia đình nào sống vói gia đình đó, không ai nói chuyện với ai. Công an mang súng gác ở bên ngoài, không cho bất cứ một ai tới gần nơi chúng tôi tạm trú. Đêm xuống, chúng tôi lại được đưa lên tầu để ra tầu lớn đậu ở ngoài khơi.

Chiếc tầu vượt biên là tầu sắt, thật là lớn, lớn tới nỗi tôi chưa từng thấy bao giờ, đèn đuốc chung quanh tầu thắp sáng trưng. Mọi người ào ào leo lên tầu chứ không chờ đọc tên theo danh sách nữa. Gia đình chúng tôi tạm trú tại một góc của chiếc tầu. Khi mọi người đã lên hết rồi, tầu bắt đầu nhổ neo rời bến. Tôi đã vượt biên rời khỏi nước Việt Nam, với gia đình mới của tôi, bỏ lại sau lưng cha mẹ anh em và người tình Biệt Cách 81.


Nguyễn Khắp Nơi

( Còn tiếp )