PDA

View Full Version : Father and Daughter



chimtroi
11-15-2012, 09:54 AM
Mời xem một phim ngắn rất cảm động
29136540

chimtroi
12-03-2012, 10:33 PM
Tác giả:

Micheal Duduk De Wit sinh năm 1953 tại một miền quê Hoà Lan, sinh sống và học tập tại đó suốt quãng thời gian thơ ấu. Năm 1978 ông tốt nghiệp trường ĐH Mỹ Thuật Nam Surrey và cho ra đời bộ phim hoạt hình đầu tiên "The Interview".

Sau một thời gian làm việc tại Barcelona, ông định cư tại Anh và thành lập một xưởng phim chuyên làm phim quảng cáo trên truyền hình. Sau đó vào năm 1992 ông bắt tay vào làm "Tom Sweep" và sau nữa là "The Monk and the Fish"(1994) và mới đây nhất là "Father and Daughter" (2000).

Sau thành công của bộ phim hoạt hình này đã có rất nhiều lời mời từ các hãng phim lớn đề nghị ông sản xuất phim dài (phim nhựa), nhưng Micheal vẫn chưa nhận một lời mời nào vì theo ông "tự do và cảm hứng là quan trọng nhất, mọi sự gượng ép đều không mang lại hiệu quả".

Hiện tại ông đang làm minh họa sách và làm giảng viên về ngành họat hình trong các trường ĐH Mỹ thuật ở Anh và một số trường khác ở nhiều nước khác nhau

*****

Góc Suy ngẫm : Father and Daughter !

HẢI-VÂN

Giòng nhạc “Waves of the Danube,” của Iosif Ivanovici vang lên. Giai điệu Valse lúc nhẹ nhàng-khoan thai-êm ái như dải lụa mềm, lúc cuồn cuộn-réo rắt-chơi vơi như sóng nước biếc, ru lòng người vào khung cảnh lãng mạn trữ tình cổ điển của thế kỷ thứ mười tám.

“Một giòng sông sâu cuồn cuộn sóng trôi về nơi đâu. Gió đưa buồm nâu mang tâm hồn vào cõi mơ hồ. Một vầng trăng nhô rung mình dưới muôn đợt sóng vỗ. Lá thu vàng khô đang gieo mình vào cõi mơ hồ. Sóng lớp lớp, sóng lớp lớp, sóng đem nguồn vui. Đang chơi vơi, đang chơi vơi, sóng lan mọi nơi . Khi đau thương, khi yêu thương thiết tha vô ngần. Sóng dâng trong lòng ta mơ màng…” (*)

Trên nền giao hưởng tuyệt vời của “Sóng Nước Biếc,” giữa đường đồi an nhiên tĩnh lặng, người cha và cô con gái nhỏ cùng song hành, cùng đi theo vòng quay của bánh xe đạp. Hàng dương trên đồi chung chia một cảnh đời ly biệt, chỉ có hai lữ khách là cha và con. Người cha xuống bến. Con gái nhỏ của ông thinh lặng dõi mắt nhìn theo. Dợm bước vào thuyền, nhưng hốt nhiên người cha quay lại, chạy lên đồi nhấc bổng đứa con thơ bé lên cao, ôm ghì trong lòng. Rồi ông ra đi. Thuyền trôi giữa giòng hải lý. Bến đời khuất nẻo còn ghi. Bóng con gái buồn châu lụy. Một giòng sóng biếc lâm ly!

Từ đó, sáng sáng chiều chiều

đường đèo xưa dẫu xa vời,
vòng quay xe đạp giữa trời con đi.
Bánh xe lăn dốc đồi ghì,
miệt mài sức nhỏ đường thi đọ đường.
Con từ bến đợi thái dương,
biển xanh sóng biếc tâm thường nhớ cha.
Gió sương phai mảnh trăng ngà,
biển ngân ngấn nước lệ nhòa mắt con.

Vẫn cứ như vậy. Xuân đi. Hạ về. Thu sang. Đông đến.

Đường đèo xưa dẫu xa vời,
miệt mài năm tháng biển khơi sóng nguồn.
Thời gian luân hoán viễn phương,
cha đi mấy độ hàng dương hồ tàn.

Cô bé hôm nào giờ đã thành thiếu nữ. Cô cùng bạn hữu cùng người yêu, cùng chồng con đạp xe lên đồi. Lần nào cũng vậy, cô luôn đứng ngẩn trông vời tại bến nước ngày xưa. Thuyền ra cửa biển không hẹn ngày về. Cha cô giữa giòng sóng biếc vẫn biền biệt mù khơi.

Trăng xưa một cõi hiện tiền,
từ hoang vu cát triền miên trải dài.
Thiên thu lời trăn trối mai,
bóng chiều tàn xế cảm hoài khúc dương.
Giã từ cõi mộng vô thường,
nhất phương hồ vọng ngàn thương cha hiền.

Là cô bé thuở ấu thời. Là thanh nữ đang xuân. Là thiếu phụ đằm thắm. Là lão bà da mồi tóc bạc lưng còng. Dù hóa thân dưới bất cứ hình ảnh nào, người con gái vẫn hằng trông ngóng bóng thuyền cũ, vẫn hằng chờ đợi người cha ra khơi chưa trở về. Một hôm bỗng cạn thủy triều, phiến sương phi ảnh sóng phiêu diêu. Và….

Con thuyền tỉnh mộng can qua,
cội nguồn hạnh phúc kìa cha đợi mình.

Trong nắng trong gió thời gian đem ánh sáng vào lâu đài ký ức, để từng hóa thân ảo hiện. Cô gái ôm ấp niềm tin và hy vọng sẽ được gặp cha, vươn mình thức giấc. Người cha ân cần đứng chờ gặp đứa con gái mà ông rất thương yêu.

“…Sóng lớp lớp, sóng lớp lớp, sóng đem nguồn vui. Đang chơi vơi, đang chơi vơi, sóng lan mọi nơi. Khi đau thương, khi yêu thương thiết tha vô ngần. Sóng dâng trong lòng ta mơ màng…”

Trên bến nước ngày xưa, cha và con đoàn tụ trong cõi vĩnh hằng.


Chỉ dài tám phút ba mươi giây, nhưng bộ phim hoạt hình “Father and Daughter” đã làm rung động tâm hồn của muôn vạn người trên thế giới. Những hình vẽ vô cùng đơn giản, phác thảo bóng người cha, bóng cô con gái, đồi dốc, hàng dương, và vòng quay của bánh xe đạp. Chẳng có âm thanh. Vậy mà người xem vẫn cảm nhận sự sinh động của những vòng quay nhịp nhàng, không nhanh không chậm ấy. Thời gian thinh lặng trôi theo nhịp kêu vang vang của sợi dây xích còn mới, theo điệu lóc cóc khô khan của sợi dây xích đã chùng, theo tiếng cóc cách ngập ngừng của sợi dây xích đã cũ mòn. Từng biến động của vòng bánh xe quay là từng cảnh đời của cô gái nhỏ. Từ lúc cô trưởng thành, lập gia đình, cho đến lúc lưng còng tóc bạc. Tuổi đời chồng chất, nhưng tình cha con trong lòng cô không phai. Cô vẫn đạp xe lên dốc đồi, vẫn dừng lại đúng nơi ngày xưa cha và cô đã nói lời từ biệt. Cô vẫn chờ đợi, vẫn mong được gặp lại cha. Cuối cùng cô đã gặp. Cái ôm siết của tình phụ tử đưa cô trở về thời thơ ấu, trở về đồi dốc cũ, trở về nhịp kêu vang vang của vòng quay xe đạp thuở ấu thời. Cô gái biết cô là công chúa của cha, và cô luôn tâm niệm: Cảm ơn cha đã sinh thành ra con.

Ngần ấy hình ảnh giản dị, ngần ấy vòng xe đạp vô thanh nhưng sinh động, ngần ấy bốn mùa đến rồi đi rồi trở lại, được vẽ bằng bút chì hoặc bằng than. Những gam màu tinh tế của sắc trắng, sắc đen, sắc nâu, sắc xám, và đôi khi có ẩn dụ sắc đỏ, sắc xanh lá cây tươi được sử dụng để phô diễn tình cha con của một đời người. “Father and Daughter” do Michael Dudol De Wit viết kịch bản và đạo diễn. Tuy là sản phẩm hợp tác giữa hãng phim Cloudrunner Ltd của Anh Quốc, và Ciné Té Filmproductie BV của Hà Lan, nhưng “Father and Daughter” được xem là tác phẩm kinh điển của nền hoạt hình Hà Lan, với đặc trưng nổi bật là “không lời,” là “non-verbal,” là “no-dialogue.” Chính nét đặc trưng này đã giúp “Cha và con gái” đóng ấn vĩnh cửu trong lòng khán giả.

Trình chiếu năm 2000, bộ phim chỉ dài tám phút ba mươi giây đã được các nhà điện ảnh và công chúng không tiếc lời khen tặng. “Father and Daughter” là bộ phim hoạt hình ngắn đạt kỷ lục về giải thưởng, đã được trao tặng trên 40 giải thưởng, trong đó có giải Oscar danh giá năm 2001. Trước và sau “Father and Daughter” chưa có phim hoạt hình ngắn nào, lại có thể đạt được kỳ tích tuyệt vời như vậy. Câu chuyện cảm động không lời về cô gái suốt đời mong gặp lại người cha đã mất tích, là biểu tượng bất hủ về tình gia đình, là thông điệp đặc biệt của tình cha con. Tình yêu thương, niềm hy vọng, sự mong đợi này được dàn trải theo giòng nhạc chủ đề “Waves of the Danube” do hai nhạc sĩ tài hoa Normand Roger, Denis L. Chartrang hòa âm phối khí, khiến bất cứ ai xem “Father and Daughter”rồi đều cảm nhận nước mắt rơi đầy tâm tưởng, vì biết rõ lòng cha mẹ thương yêu con, lòng con thương yêu cha mẹ muôn đời bất biến. “…Sóng lớp lớp, sóng lớp lớp, sóng đem nguồn vui. Đang chơi vơi, đang chơi vơi, sóng lan mọi nơi. Khi đau thương, khi yêu thương thiết tha vô ngần. Sóng dâng trong lòng ta mơ màng…” trong “Waves of the Danube”của Iosif Ivanovici là giai điệu tuyệt vời, mà đạo diễn Michael Dudol De Wit và đoàn làm phim đã đặt vào khuôn nhạc “Father and Daughter” để thân tặng cõi người ta.

(*) “Sóng Nước Biếc” Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đặt lời Việt.
Từ nguyên tác “Waves of the Danub” Của nhạc sĩ Iosif Ivanovici.