PDA

View Full Version : Một chuyến thăm nhà



Longhai
11-09-2012, 12:04 PM
Một chuyến thăm nhà


Thanh Vân


Giữa tháng chín Tây người viết có việc phải về Việt Nam. Máy bay của hãng Japan Airlines hạ cánh xuống phi trường Nội Bài vào lúc 9 giờ 20 tối, giờ địa phương. Như vậy là chuyến đi từ Los Angeles vào lúc 1 giờ trưa, ghé qua phi trường Tokyo - Narita lúc 4g20 chiều ngày hôm sau, lên lại phi cơ lúc 6 giờ chiều để đến Nội Bài, Hà nội mất gần hai mươi tiếng đồng hồ. Phi trường Nội Bài mới được xây lại nên rất đẹp, không thua gì Tân Sơn Nhất của Saigon. Bước xuống máy bay là đi thẳng ngay vào nơi làm giấy tờ, lấy hành lý, không còn cảnh leo lên xe ca.

Hànội mùa Thu trời mát dịu, lắc rắc mưa bay. Chuyện giấy tờ bây giờ cũng dễ dàng. Mấy cán bộ Hải Quan ngồi nghiêm chỉnh sau những chiếc bàn có vách bao bọc. Trước khi đi người viết có nghe nói rằng cảnh nạp tiền mãi lộ đã chấm dứt nhưng vì người viết có mang về thật nhiều thuốc men do bạn bè thân quen gởi đem về cho mấy viện Dưởng lảo nên nghĩ thầm "đâu có ai chê tiền, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" và không muốn có cảnh hành lý bị mở tung (lo xa thôi) nên đã cặp vào passeport 20 dollars cho bốn chiếc valy. Cô cán bộ Hải quan nghiêm trang xét giấy, tờ 20 đô đã được cô kín đáo đẩy xuống hộc bàn. Sau chừng một phút cô ngẫng đầu lên mĩm cười thật tươi và chúc người viết có những ngày vui vẻ ở Hà nội. Vậy là xong, không biết là đúng hay sai nhưng số thuốc đem về cho các cụ già còn nguyên và người viết không bị cảnh ngồi sắp lại hành lý có thể bị lục tung ...

Bạn bè thân nhân đã ngồi chờ ở phòng khách phi trường. Valy được chất lên chiếc xe minibus 12 chổ ngồi. Được biết xe này bạn người viết mướn, đi từ Hà nội lên Nội Bài và từ Nội Bài về lại Hà nội với giá 580 ngàn (chưa đầy 30 đô la, giá đô la hôm đó là một đô ăn 19.330 đồng tiền Việt Cộng), một giá quá rẻ nếu so với đi taxi ở Mỹ, Nhật hay Pháp.

Con đường từ Nội Bài về Hà nội tương đối tốt, hai bên đường là phố xá, tuy về đêm nhưng đèn vẫn sáng trưng, không nhộn nhịp nhưng không có vẻ u buồn, tang thương như ta tưởng sẽ được trông thấy tại một đất nước mang tiếng nghèo đói nhất nhì trên thế giới. Xe về đến Hà nội thì đã gần nửa đêm. Những con đường của Thủ Đô vào một đêm mùa Thu thật đẹp. Những con đường đầy cây cao chụm đầu vào nhau, mưa đan nhè nhẹ... Sau bao nhiêu thăng trầm, ban đêm, Hà nội vẫn còn giữ lại cái đẹp ngày nào từng được các văn nhân thi sĩ ca tụng trong sách báo. Trong xe, tiếng hát của Hồng Nhung từ cassette vọng ra :

Hà Nội mùa Thu
Đi giữa mọi người
Lòng như thầm hỏi
Tôi đang nhớ ai Sẽ có một ngày
trời Thu Hà Nội
trả lời cho tôi
Sẽ có một ngày
từng con đường nhỏ
trả lời cho tôi

Tôi thương nhớ ai trong đêm đầu tiên từ nơi xa xứ trở về Quê Hương ? Mắt tôi chợt như mờ lệ, đêm Thu nhạt nhòa ngoài cửa xe... Hình ảnh người cha rồi người anh chết trong trại cải tạo hơn ba mươi năm về trước hiện về trong ký ức... Ngoài kia, Hà Nội vẫn sáng ánh đèn... Trịnh Công Sơn nghĩ gì khi chấm dứt bài Mùa Thu Hà Nội với câu "Nhớ đến một người, để nhớ đến mọi người" ? Giờ tôi đang nhớ đến cái chết thảm khốc của người anh ruột trong trại cải tạo Vĩnh Phú : anh chỉ còn cân nặng 37 ký, đã trượt chân té chết khi đang gánh phân tưới rau vào một chiều mùa Thu hơn ba mươi năm về trước. Phải rồi, tôi đang nhớ đến một người bị chết thảm để nhớ đến mọi người dân giờ đây đang dãy dụa trong chế độ cộng sản vô luân.

Những ngày đầu trôi qua trên Quê Hương gặp lại tương đối nhẹ nhàng. Đồng đô la có giá nên đời sống ở Hà nội thật rẻ. Đi gội đầu, làm móng tay móng chân mỗi lần chưa đến bốn chục ngàn, hơn hai đô la mà được xoa bóp đầu, giựt tóc mai, tóc trên đỉnh đầu, chuyện này ở Mỹ Pháp là không có rồi! Nhưng có điều hơi phiền là Hà nội mùa Thu ẩm thấp quá, và chắc độ rày bị ô nhiểm nhiều (mọi con đường lớn nhỏ đều kẹt xe cứng ngắt, xe Honda Trung cộng đua nhau phun khói, muốn qua đường thì cứ qua, xe tránh người chứ người không làm sao chờ bớt xe được) nên tóc tha hồ được vặn vẹo, cuốn sấy, ra khỏi tiệm là thẳng băng ngay. Hànội đang chạy theo mốt Hàn Quốc, son Hàn quốc tím bầm như huyết heo thịnh hành nhất, đàn bà con gái tới tiệm gội đầu để được ép tóc cho thẳng ra (mà không ép thì tóc gặp ẩm thấp cũng thẳng vậy) cho giống ca sĩ Đại Hàn. Buổi tối nằm phòng lạnh ngủ, sáng ra chải đầu tóc dợn sóng mơ màng nhưng thò chân ra khỏi cửa tóc bạn sẽ thẳng tắp ngay. Mấy năm trước về nhằm mùa Hè không thấy có hiện tượng này. Giờ đây phái Nữ Việt Nam làm như chỉ có một kiểu tóc để thẳng túm lại sau lưng, diện thì cột thêm cái nơ màu nữa mà thôi. Một tô phở ở Hà nội mười lăm ngàn, ở Bạch Mai mười ngàn, bún chả mười ngàn, đổi ra đô la chỉ hơn vài chục xu... rẻ quá !

Trước khi đi có nghe bạn bè dặn dò ăn hàng ở Việt Nam coi chừng... chết vì trúng độc. Về Hà nội thấy Tây, Mỹ vào chợ ăn quà thật đông mới nghĩ rằng những người này sống ở ngoại quốc từ khi chưa lọt lòng mẹ, đi ra khỏi xứ là đi tìm thưởng thức ngay món ăn lạ, dân ta ra đời ở Việt Nam rồi mới chạy qua xứ người tỵ nạn, Mỹ thật, Tây thật ăn quà không chết ta chỉ là Mỹ giấy, Tây tỵ nạn thì làm sao chết được nên người viết vững tâm ăn nhậu lu bù. Một dĩa cơm chiên ở hàng Buồm khác với cơm chiên Dương Châu ở Mỹ là có trộn thêm dưa chua, thịt quay xắt nhỏ và hành phi vàng ngậy rắc lên trên cũng chỉ có mười hai ngàn, hơn năm mươi lăm xu, quá rẻ với người quen tiêu tiền đô la, nói vậy chứ công chức các công sở ở trung tâm Hà Nội buổi trưa đi ăn tiệm khá nhiều.

Hà Nội năm nay ăn Trung Thu thật lớn, phố nào cũng có vài tiệm bán bánh Trung Thu, giá từ năm mươi đến tám mươi ngàn một hộp bốn cái, bằng giá một chiếc bánh Trung Thu ba tàu bán ở chợ Việt tại Mỹ. Hình như bánh trung Thu hiệu Kinh Đô nổi tiếng nhất, người nào, nhà nào cũng cố mua cho được bánh Trung Thu Kinh Đô. Đèn Trung Thu không còn thấy được bày bán. Nhìn bề ngoài, Hà Nội đông đúc dân, buôn bán nhì nhằng vì người bán nhiều hơn người mua, xe Honda chạy chật đường, không hiểu dân chúng lấy tiền đâu mua xe mà giá rẻ nhất là giá xe Trung Cộng nhập cảng lậu qua biên giới Lạng Sơn cũng đã sáu triệu, đúng giá xe Honda Nhật là hai ngàn năm trăm đô trong khi lương chính thức của một Bác sĩ tại bệnh viện công chỉ có bốn triệu, lương một sinh viên Đại học mới ra trường xin làm được hãng tư nhân là hai triệu, tài xế Taxi không biết được bao nhiêu nhưng chắc không nhiều vì giá xăng bằng giá bên Mỹ, một cuốc xe chừng hai mươi lăm ngàn hay hơn một đô la, Hà Nội đi Hà Đông chừng một trăm ngàn, vậy mà xe Honda chạy chật đường... hỏi thì người nào cũng cười nói rằng đâu có người dân nào ở Việt Nam sống bằng tiền lương, cả nước "mánh mung", công an mánh mung theo công an, công chức, thường dân có mưu khác. Lương một dân biểu Quốc Hội là năm triệu mốt một tháng, chưa đến hai trăm năm mươi đô la mà ... ở nhà lầu chạy xe SUV Toyota loại lớn ! Nếu trước 1975 Saigon bị xem là như đang sống trong sự phồn vinh giả tạo thì ngày hôm nay... cả nước Việt Nam dưới ách Cộng Sản đang đắm chìm trong một sự phồn vinh giả tạo lớn hơn gấp mấy lần.

Đêm rằm Trung Thu người viết được mời đi dự một buổi trình diễn nhạc thính phòng để lấy tiền giúp đỡ trẻ em khuyết tật Hà Nội ở Hanoi Horison Hotel, một khách sạn năm sao ở Việt Nam. Cả Hà nội thượng lưu trí thức có mặt nơi này. Đến đây mới thấy được... cái học không đến nơi đến chốn của giới nhà giàu mới của Cộng Sản Việt Nam. Đi dự một buổi trình diễn nhạc có đông đủ tùy viên ngoại giao, văn hóa và quan khách ngoại quốc tham dự mà các bà mặc áo dạ hội, mang nữ trang nhưng... chân đi dép. Quan khách Việt Nam, người thì mặc quần tây, áo bỏ ngoài, chân mang dép râu, người mặc đồ lớn nhưng không mang cà vạt và dẫn theo bà vợ với y phục mặc ở nhà chân đi dép cao kiểu Việt Cộng (trước cao, sau cao chứ không phải chỉ cao gót). Ban hợp xướng gồm mấy chục các cô các bà nhưng mạnh ai người ấy diện, mỗi người mỗi kiểu áo, mỗi màu ...

Cuối tháng chín Tây, các đài phát thanh, truyền hình Việt Cộng đang đua nhau ca tụng Bác Đảng và chỉ trích nước Mỹ nhưng ở khách sạn Horison giữa thủ Đô Hànội, ban hợp xướng của Dàn nhạc thính phòng Nhà Hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam chấm dứt buổi nhạc xin tiền bằng bài hợp ca America the Beautiful mà họ dịch ra là "Liên khúc bài ca yêu nước Mỹ" bằng hai tiếng Mỹ Việt để... lắc túi quan khách Mỹ. Nói chung, sau hơn ba mươi năm học làm người thượng lưu, trí thức, giới nhà giàu Việt Cộng chỉ mới học được một nửa, mặc áo dạ hội mà đi dép cao su, mặc đồ lớn nhưng không thắt cà vạt, đi nghe nhạc thính phòng đem theo con nít khóc ỏm tỏi và người đi dự nói chuyện ào ào.

Ngày hôm sau người viết và bạn hữu chừng bốn người thuê xe du lịch đi Vịnh Hạ Long. Xe, tài xế, xăng nhớt tất cả trong hai ngày, từ sáu giờ sáng cho đến chín giờ tối ngày hôm sau tốn hết ba triệu triệu hai tiền Hồ, hơn hai trăm đô la tiền Mỹ. Vừa rẻ vừa thoải mái. Đi theo hãng du lịch mỗi người trả bốn mươi đô la mà phải đi xe Honda ôm ra bến xe đò và đi xe đò đến Vịnh Hạ Long, đi từng đoàn. Đi xe riêng tài xế lái theo lộ trình của người thuê, dừng lại mua quà, giải khát thoải mái. Vịnh Hạ Long vào cuối tháng chín Tây vắng khách du lịch, từng dãy phố toàn là khách sạn mini hotels giá mổi phòng có máy lạnh, hai giường là bốn trăm ngàn cho đến chiều hôm sau du di không tính thêm tiền từ 12 giờ trưa cho đến tối như luật thuê phòng quốc tế.

Buổi sáng thuê riêng một chiếc tàu, loại chở hai mươi người, đi thăm các đảo... Đi từ tám giờ sáng đến bốn giờ chiều bao ăn uống hết hai triệu hai, cũng chừng hơn trăm đô la, nếu đi theo đoàn du lịch mổi người trả hai mươi đô la (hơn bốn mươi ngàn), hai mươi người là tám trăm .. đi riêng trên biển bao la theo ý mình suốt một ngày trời mà giá chỉ như vậy... ở Mỹ hay các nước khác làm sao có được hạnh phúc đó ?

Thuê xe đi Lạng Sơn từ sáu giờ sáng đến chín giờ tối chỉ có một triệu sáu trăm ngàn, đi từ Hà nội đến cột cây số 0 KM ở biên giới Hữu Nghị, nơi có cây đa già Hồ trồng mấy mươi năm về trước giờ có thêm cột mốc KM 0 và đường lằn biên giới có chử Tàu chia ngang hai xứ Tàu Việt và sau đó xe chạy lên phía biên giới có chợ Tân Thanh mua hàng lậu thuế từ Tàu đưa sang.

Những ngày lưu lại Hànội thật đáng ghi nhớ ... Chuyện vui là hoa hồng ở Hà nội bây giờ rất rẻ. Làng Ngọc Hà giờ toàn nhà lầu ba tầng của giới giàu mới nổi nên không còn trồng hoa nhưng mỗi sáng sớm các cô gái quê gánh hoa từ ngoại ô ra Hà nội bán lẻ, mỗi chục hoa hồng (không phải mini rose nhưng hoa thật nhỏ nhắn không như hoa hồng bên Mỹ) chỉ có bốn ngàn tiền Hồ nên nhà nào dù giàu hay nghèo cũng có một bình hoa bày ở phòng khách, bàn thờ. Hoa rẻ quá nên Việt Cộng học làm sang, trong mổi buổi trình diễn văn nghệ, ca sĩ, người giới thiệu chương trình, quan khách phát biểu ý kiến được tặng hoa dài dài. Hoa được mua sẳn từ trước xếp đầy trên một chiếc bàn đặt gần sân khấu. Chuyện buồn, Hà nội phố nào cũng giống nhau, đông đúc chật hẹp, buôn bán lan cả ra vĩa hè. Hàng Đào không khác hàng Điếu, chỗ nào cũng tiệm ăn, chỗ nào cũng cửa tiệm tạp hóa bán đủ mọi thứ chứ không đặc biệt một món nào như ngày xưa trong sách báo thường ca tụng. Hai mươi ngày ở Hà Nội, ngày lên lại phi trường Nội Bài, người viết học được của dân Hà Nội hai chử "linh tinh" và "vô tư".. Đối với dân chúng Hà Nội, ngoài chuyện kiếm ra tiền, mọi chuyện khác chỉ là "linh tinh" và ai cũng có quyền phát biểu ý kiến của mình một cách "vô tư"! No comments ! Đúng là " cứ tự nhiên như người Hà Nội "!

Đầu tháng 10 người viết đi máy bay vào Saigon. Mỗi ngày có sáu chuyến bay Hànội-Saigon nên không cần phải mua vé trước. Lại cũng không còn giá Việt Kiều nên chỉ phải trả chừng hơn 2 triệu, chưa đầy hai trăm đô la ... giá tiền không là bao với du khách quen xài ngoại tệ nhưng với người dân hai miền Nam Bắc Việt Nam, mỗi chuyến vào Nam hay ra Bắc cũng là một giấc mơ khó đạt. Việt Kiều về thăm Quê Hương bị lắc túi mệt nghỉ nhưng vẫn thấy rẻ ... đó cũng là lý do những cô gái trẻ Việt Nam chỉ mong lấy chồng nước ngoài ... để sau vài năm làm Việt Kiều về Quê Hương tiêu tiền trước sự thèm muốn của bạn bè, thân nhân. Ở Mỹ vào tiệm Việt Nam ăn chén chè hết hai đô la, về Saigon ăn ly sâm bổ lượng đầy đủ hột sen táo tàu có sáu ngàn, chỉ hơn ba mươi xu tiền Mỹ !

Tháng 10, buổi chiều Saigon hay mưa, những cơn mưa giông sấm sét chừng nữa tiếng đồng hồ hay những cơn mưa phùn dai dẳng từ trưa đến tối. Nhưng dù mưa làm sao thì những con đường Saigon vẫn kẹt xe và ngập nước. Hết mưa, người lại cùng xe cộ chiếm hết đường xá. Người và xe ở đâu ra mà nhiều quá. Theo báo Saigon thì nước Việt Nam Cộng Sản có 80 triệu dân nhưng có hơn mười triệu xe gắn máy rồi. Đó là chỉ kể những chiếc xe gắn máy có đăng bộ, xe mua từ biên giới Trung Cộng đem qua gắn số giả, không đóng thuế cũng quá nhiều. Giá khách sạn năm sao như Rex chừng 80 đô la một ngày, ba sao như Hữu Nghị (Palace cũ), Kim Đô 60 đô la, làng nhàng mini Hotels có đủ máy lạnh, nước nóng chừng 40 đô la. Rẻ chán nên Việt Kiều về Saigon, ngoài tiền máy bay, đem thêm chừng một ngàn đô la có thể ăn tiêu phè phởn, cắt cỏ xưng kỹ sư, sống huy hoàng một tháng, mấy em tre trẻ dưới quê lên theo đếm không xuể ... Ở Mỹ, giá motel hạng bét cũng đã 40 đô la rồi! Các cô gái trẻ ham tiền theo mấy ông già về Mỹ mới vỡ mộng, điểm tâm, ăn trưa, ăn tối mì gói muôn năm, nhà thì đi share một phòng nhỏ, muốn nấu nước sôi đổ lên mì cũng phải có giờ giấc. Ui, thương cho dân ta, xót cho dân ta và căm thù Việt Cộng đã biến đất nước gấm hoa cho dân tư bản mọi nơi về hưởng thụ. Những thằng Việt Cộng chóp bu ăn hối lộ, nhận tham nhũng giàu có thì đã có nhà, có xe, có vợ nhỏ con riêng ở ngoại quốc, chúng chỉ sống lấy lệ ở Việt Nam nên ... đất nước có xuống cấp chúng cũng đâu có màng, miễn sao giá sinh hoạt thật rẻ để thu hút được khách du lịch cho chúng kiếm ngoại tệ bỏ ngân hàng ngoại quốc là chúng mãn nguyện rồi!

Đầu tháng 10, các phòng trà ca nhạc ở Saigon quảng cáo có ca sĩ Hương Lan, Tuấn Vũ về trình diễn. Phòng trà Tiếng Tơ Đồng (rạp ciné Eden cũ) quảng cáo hai ca sĩ này trình diễn ba buổi cuối tuần đầu tháng. Khách, ngoài tiền nước như thường lệ, đóng thêm 80 ngàn (4 đô la) tiền phụ thu. Hương Lan giờ mập như thùng đựng nước, chỉ còn câu được những anh già nhà quê răng đen mả tấu, Tuấn Vũ quảng cáo đã cai xì ke nhưng cũng chỉ có những bà già xồn xồn dưới tỉnh lên Saigon nghe chứ mấy em nho nhỏ xinh xinh, tốt nghiệp xong Đại học ra đi làm lương chỉ hơn hai triệu đồng một tháng đâu dám bỏ ra hai trăm ngàn đi nghe anh hát nhạc Trường Sơn? Ờ mà cũng oái ăm, các ca sĩ mới trong nước toàn hát nhạc vàng của Việt Nam cộng Hòa, lâu lâu thêm vài bài nhạc Trung Quốc, Thái Lan nên được hoan hô nhiệt liệt nhưng đặc biệt nữ ca sĩ Hương Lan chỉ hát nhạc Việt Cộng để câu mấy anh già cán bộ ngố. Thấy bộ mặt phản trắc của bà ta vừa mập vừa xấu mà nghỉ rằng "thôi cho bà ta về với Việt Cộng cũng đở bẩn mắt" !

Trong buổi xuất hiện vào tối chủ nhật giữa tháng 10 bà ta nói ngày hôm sau phải về Mỹ và hứa sẽ về Saigon trình diễn lại vào tháng 12 sắp tới. Saigon có ba phòng trà lớn là Tiếng Tơ Đồng ở rạp ciné Eden cũ (Queen Bee giờ là Dancing, cũng bắt chước Mỹ cho mấy bà mấy cô vào free), M và Tôi ở đường Lê Duẩn (Thống Nhất cũ)giờ đã đóng của và Lan Anh ở đường Cách Mạng tháng Tám, quận 10. Dinh cố Đại tướng Lê văn Tỵ ở đường Cường Để ngày xưa giờ được xây lại thành một nhà lầu ba mươi hai tầng, nguyên tầng ba mươi hai là một phòng trà ca nhạc kích động cho giới có tiền đến vừa uống cà phê, ăn kem vừa nhìn toàn vẹn Saigon ban đêm. Một ly cà phê hay kem chừng mười đô la, học sinh, sinh viên làm gì có tiền ... chỉ có bọn trẻ con nhà giàu, bọn làm ăn mánh mung mới đưa nhau đến đó hưởng thú văn minh, trưởng giả. Saigon ăn chơi lành mạnh nhất chỉ có vậy còn toàn là những vũ trường nho nhỏ, tối đen, những quán cà phê "đùi" (báo Thanh Niên tố cáo các cô tiếp viên mặc váy ngắn đưa hết bộ đùi ra câu khách), những nhà tắm hơi trên hầu hết những con đường lớn ... Nhiều cô gái dáng dấp như nữ sinh, mặc áo dài màu đứng trên các vỉa hè đường Tự Do, Nguyễn Huệ cũ chìa mời những danh thiếp quảng cáo dịch vụ tắm hơi, xoa bóp.

Không làm sao tìm lại được một Saigon thanh lịch ngày xưa, Givral đã bị phá bỏ , Brodard còn đó thật nhưng giờ đây nhà hàng này chỉ dành cho ngoại kiều vào ăn khoe giàu khoe sang chứ giá một ly cà phê 40 ngàn, một đĩa hai cái trứng chiên năm mươi ngàn, dân Saigon trung lưu lương thiện làm sao dám bước chân vào ? Phòng trà Tiếng Tơ Đồng có ca sĩ Lan Ngọc thời ca sĩ Khánh Ly hát mổi đêm. Ca sĩ Lan Ngọc vẫn còn rất đẹp, dáng dấp mệnh phụ phu nhân, người "mát" hơn Lệ Thu, Khánh Ly bây giờ thật xa nhưng trông cô lạc lõng giữa đám ca sĩ trẻ người gầy như que củi nhưng nhảy loi choi thật dẻo theo các điệụ nhạc Tàu ... Nhìn cô trình diễn mới thấy ngậm ngùi và thấm thía cho những lời của bài hát Limelight... Một nữ ca sĩ hát nhạc ngoại quốc của các Club Mỹ ngày xưa, cô Tuyết Loan, giờ vẫn trình diễn nhạc ngoại quốc mổi đêm. Cô này già và mập nhưng tụi cán ngố nghe cô hát tiếng Mỹ không hiểu nên vỗ tay đôm đốp, cô chắc ít tủi thân hơn ca sĩ Lan Ngọc.

Gần cuối tháng 10 người viết trở lại Cali, lòng nặng trĩu buồn. Hơn một tháng về thăm lại Quê Hương chỉ đem lại chán chường. Nhật Tiến đã biết nhận xét rằng "Đất nước giờ đây như nồi cám heo" nhưng không tìm cách làm cho tình trạng sáng sủa hơn mà lại đang tâm đi cộng tác với kẻ thù Việt Cộng để quậy nát thêm nối cám, giờ đây chúng ta phải làm gì để nối tiếp giấc mơ khôi phục lại đất nước thân yêu của những ngày mới xa quê lưu lạc ?

Nước Việt Nam còn đây, Quê Hương gấm vóc vẫn còn đây, tất cả chỉ cần chúng ta cương quyết một lòng trở về khôi phục lại Quê Hương, quên những hận thù vụn vặt, chỉ còn một kẻ thù duy nhất đáng bị tiêu diệt là Cộng Sản Việt Nam, rồi thì ... con cháu chúng ta sẽ cùng chúng ta trở về, sẽ gặp lại nhau, sẽ mừng vui rưng rưng lệ cùng đứng nhìn, Hà Nội, Huế Saigon... huy hoàng dưới rừng cờ vàng ba sọc đỏ phải không các bạn ?

Hẹn ngày về gặp lại trên Quê Hương.


Thanh Vân