PDA

View Full Version : Góc Truyện Tình HOÀI HƯƠNG...



Pages : [1] 2

Tinh Hoai Huong
10-29-2011, 12:53 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1382671092.jpg

/uploadpics/mp3pdf_2019/1588734243-Hai Vi Sao Lac - Tuan Vu.mp3
Hai vì sao e ấp quỳ gối bên nhau
Tình Hoài Hương


Ánh hoàng-hôn bảng lảng dần dần rơi nhè nhẹ trên mặt hồ Xuân Hương gợn sóng. Gió buốt lao xao lay động làm vỡ những tảng mây ngà qùy gối nơi chân núi, tạo thành những thuyền mây bồng bềnh, xôm xốp, lênh đênh bơi bơi về cuối trời. Hai hàng cây anh đào xanh ngắt, ngút ngàn rủ bóng ven lề phố núi. Trên đồi Cù, có năm bảy cây thông đứng thành một chụm, tỏa bóng râm tối thẫm xuống đồi cỏ mướt. Tiếng thông reo vi vu, hòa lẫn tiếng hót líu lo của bầy chim nhỏ ríu rít gọi đàn đậu trên hàng dây điện. Từng làn sương mỏng dìu dịu buông. Đồi cỏ ánh vàng dưới tia nắng yếu ớt chiếu xiên. Mấy con đường mòn màu nâu đất trơn bóng vắt mình trên đồi, bao bọc bởi sườn dốc thoai thoải, giống con mãng xà khổng lồ dường như muốn chia ngọn đồi ra làm hai. Con suối lớn uốn lượn trong thành phố có những bụi hoa dã qùy luôn xanh lá vàng hoa nở to hết cánh, có cả hoa mắc cỡ, hoa bìm bìm mọc tự do dọc ven bờ suối yên tĩnh duỗi mình bên dòng nước đục vàng, lờ đờ trôi trôi về cuối phố dẫn nước đến thác Cam Ly.

Tại thành phố Đà Lạt khí hậu Á Ôn, có phù sa tụ bồi, rửa trôi, bào mòn các ao, hồ, khe, suối, kết lắng nơi sườn đồi. Núi có nhiều đất đỏ bazan ưa thích cho các đồi trà, cà phê, dâu tằm, các loại rau cải, cà rốt, khoai tây, nhất là hoa. Tiếng chuông giáo đường ngân nga trong rừng chiều êm ả gọi nhau về ngủ trên chóp đỉnh Lâm Viên cao 2.163 mét, (tính từ mặt biển). Đà Lạt thơ mộng quyến rũ, duyên dáng, ngàn đời ăn sâu vào lòng du khách; thì tình cảm của Nam cũng chớm nở vào một chiều nhạt nắng. Nam nhớ rõ, và có lẽ bao giờ anh vẫn còn nhớ rõ: Hôm ấy khi đi chơi leo núi về, có ông anh rể người Mỹ lái xe hơi chầm chậm trên đại lộ Yersin.
Nhìn vu vơ ra ngoài, Nam thấy có bốn cô gái đứng trên lề đường, một cô có ánh mắt long lanh quen thuộc, khuôn mặt truyền cảm, đôi má phơn phớt màu hoa đào, mũi cao, nụ cười nở trên làn môi tươi thắm, hàm răng trắng bóng nhỏ đều như hạt bắp. Cuối cùng, trời ban cho người con gái ấy có mái tóc thề lượn sóng, óng ả phủ trên thân hình thon thon, mái tóc là là ve vuốt bờ vai thon thon tình tự giữa bụi mưa phùn bay bay, có hấp lực đặc biệt như từ trường êm êm theo nhạc thông vi vu reo.

Tự dưng Nam quay lại nhìn cô gái cười thật tươi, thiện cảm vẫy vẫy tay mấy cái, ra vẻ như mình có bà con họ hàng từ mấy mươi đời. Xe đậu vào garage Hotel Du Parc xong, Nam vội nhảy xuống kéo tay cậu em trai đi về phía mấy cô gái, cho có bạn và thêm phần dạn dĩ. Nam áy náy vì lối phục sức của mình: nào là quần Jean Lewis chính hiệu cao bồi Texas, áo T Shirt trắng trước ngực vẽ hình thù dị hợm. Anh vẫn biết diện mạo ban đầu quan trọng lắm! Có mấy ai thèm quen với người đầu bù tóc rối, ăn mặc xốc xếch lôi thôi, (nếu không muốn nói là hôi hám bẩn thỉu). Ngược lại, nếu ta có chút thanh lịch, áo quần tươm tất; người khác nhìn vô vẫn có cảm tình, (dù cốt mình có ăn mày ăn trộm, đi chăng nữa). Thế mới biết thực trạng của xã hội là cuộc đời quá thiên về vật chất. "Con người là sản phẩm của xã hội, chịu tác dụng nặng nề trên cái bẩm sinh" mà! Cho nên, Nam khoát chiếc overcoat lên vai, hầu che bớt bộ cánh kém chỉnh tề, (sau cuộc leo núi cùng gia đình, vừa trở về phố thị hoa đèn).

Bước qua đường, anh nhẹ nhàng nhìn cô gái dễ thương nhứt (trong khi ba cô kia cũng dễ thương không kém), Nam nở nụ cười tươi như hoa mắc cỡ “mớm mồi” làm quen. Mấy cô gái dường như biết trước ý định anh em chàng, nên thay vì cười, "cô ấy" tinh nghịch le lưỡi ra "nhái" một cái, cô trợn to mắt như con mắt ốc nhồi, hai tay cô banh miệng ra làm ông kẹ, rồi vội vàng quay đi. Nam cười ngất không chịu thua, cũng bắt chước nhái lại y chang như vậy. Bỗng nhiên cả hai phe cùng cười dòn tan. Hai anh em đi đi lại lại mấy vòng trước mặt các cô; sau đó Nam theo họ vào giáo đường. Có lẽ cô ngạc nhiên khi thấy Nam làm dấu đọc kinh.

Lúc ra về, mấy cô gái đi bên nầy lề đại lộ, anh em Nam đi song song bên kia. Thỉnh thoảng cả “hai phe” cứ liếc liếc, lí lí lắc lắc xù xì to nhỏ... nhìn nhau nháy mắt, bặm môi, lè lưỡi coi rất trẻ thơ; để khoe tiếng cười hồn nhiên dòn tan vỡ ra giữa lòng cuộc đời. Cứ như thế, không ai chịu thua ai, và cuộc hành trình kéo dài màn hài kịch câm chuyển từ đại lộ Yersin, xuống đường Bà Triệu, lên Ngọc Lan, dạo quanh khu Hòa Bình. Nụ cười họ tươi nở trên con đường lất phất mưa phùn bay bay, cùng niềm vui trong sáng. Em trai Nam và mấy cô bạn kia do đi bộ khá xa mỏi chân quá, đã lần lượt bỏ về. Cuối cùng, chỉ còn hai cô đi xuống bậc tam cấp lầu chợ mua bắp nướng. Họ đứng lại than:
- Mệt quá.
- Mỏi chân quá.
Đến bên cô gái mà Nam có thiện cảm ngay từ buổi đầu, nụ cười trìu mến nở trên môi, Nam mở lời làm quen:
- Xin lỗi cô, làm ơn chỉ dùm tôi, lối về Hotel Du Parc, ở đâu vậy?
Cô gái ngẩng nhìn dáng người cao ráo, văn nhã, pha chút khí phách nam nhi, mái tóc anh màu nâu đen cắt tỉa gọn gàng, vài nhúm tóc ngả xuống vầng trán rộng, khuôn mặt anh đầy đặn, mũi cao, làn da trắng hồng, đôi mắt mí lót mầu hạt dẻ, (người ta nói: “mắt mí lót không bỏ sót cô nào”, thật ghê quá ta, hê hê hê...). Bờ mi khẽ lay động hài hòa nụ cười mỉm chi có hai lúm đồng tiền nhỏ xíu bằng hạt tiêu sâu sâu bên khóe miệng. Vài sợi râu tơ lún phún mọc trên mép, như trêu ghẹo cô muốn cười theo. Khiến Hạnh ngẩn người giây lát ngắm nhìn. Và cuộc sống, tương lai, tình cảm của giây phút bốn mắt nhìn nhau mến mộ nầy; tình cờ quyết định vận mệnh đời họ vào tháng năm bất ngờ quá đỗi. Không ai biết trước đây là: bắt đầu giây phút hạnh phúc nhứt. Hay là bất hạnh, đau buồn nhứt!?
Tần ngần giây lát, Hạnh bước đi, nói nho nhỏ:
- Anh không biết đã đành. Tôi... tôi cũng không biết luôn.
- Cô giận vì tôi đi theo quấy rầy, nên nói vậy. Í dà! Ác lắm nhe.
- Có người... ác hơn rứa nữa kià.
- Thật ư! Người nào vô lễ, vô duyên, vô thứ tự vậy? Cho tôi biết đi, xin tình nguyện đánh họ mấy hèo, cho bỏ ghét.
- Đừng nổi máu anh hùng lên, sẽ khổ "chị nhà" đa.
Nam cười tươi, dí dỏm nhìn cô, giả vờ dừng lại bên cầu Ông Đạo:
- Tôi độc thân, độc mã, độc hành như "ai rứa","cô ni" nói tôi có "chị nhà", thì mất duyên, chết tôi rùi.
Hạnh không chịu thua:
- Vậy, tôi thấy có người đẹp ngồi trong xe... mà!
- Mèn ơi! Chị Ba của tôi đó.
- Không... Ý của tôi muốn hỏi thăm... về "chị nhà" cơ.
- Xin hân hạnh giới thiệu với "cô ni, cô nớ": tôi tên gọi ở nhà là: Anton, tên đi học là Hoàng Phương Nam, lại có tên tự trong giấy rửa tội là Hoàng Nam Tony,) xin nghiêng mình ra mắt nhị vị. Tôi kém thông minh, cứ bị hai cô gài vô bẫy, rồi trêu ghẹo chơi, cho bỏ ghét. Vì tôi chưa hân hạnh biết qúy danh, nên gọi nhị cô nương là “cô ni, cô nớ", mong hai cô không buồn tôi nhe. Điều cuối cùng, tôi kính cẩn nghiêng mình trước Trời, Đất, nhờ ơn thiên địa, và dung nhan mùa Xuân của hai cô. Cho đến nay: may mắn là tôi vẫn còn độc thân, như ai rứa.

Nói xong, Nam dừng lại giữa lòng đại lộ đã lên đèn, vờ như lấy mũ xuống, áp tay vào ngực, anh xòe một bàn tay ra trước mặt hai cô, tay kia đặt ra sau lưng, Nam cúi thấp đầu, lưng cong vèo như lối chào cuả vương tôn qúy tộc chốn cung đình. Hai cô cười to. Quy nói:
- Anh tên chi mà lung tung beng Tây với Ta, loạn xà ngầu ai nhớ nỗi!
Hạnh mỉm cười:
- Thiệt là... rắc rối hả Quy.
- Gọi tôi là Hoàng Nam, hoặc Phương Nam cũng được mà.
- Ơ! chị Hồng Hạnh quên mất chiêu... "Bát cô ni" há. Đem chùy ra đối phó với ảnh đi.
Cô nheo mắt nhìn đứa em họ, cười tươi:
- Qủy thần thiên điạ ơi! Anh Nam ảnh biết bọn mình tu luyện hồi nào, mà gọi đúng là "cô ni" rứa hả?
- À há.
- Ah! Nam biết Hồng Hạnh và Quy đã đi tu, còn tóc mô để chải, thôi thì cho Nam xin cái lượt cho rồi. Nhen.
Quy tinh nghịch đưa Nam nửa trái bắp nướng lúc mua ở dốc chợ. Nam mời hai cô mấy viên kẹo Arcor. Tình bạn chớm nở trên mười ngón tay hồng. Tình bạn ngây ngây trên đỉnh thông già vi vút gió. Tình bạn nghiêng nghiêng theo đợt sóng lao xao uốn quanh bờ cỏ nâu mềm. Tình bạn bay bay cùng làn sương mỏng đậu trên cánh hoa dại không tên ven đường. Tình bạn say say ánh mắt chứa chan tình xanh đầy bẽn lẽn ngại ngùng. Tình bạn êm êm mà dễ chịu. Tình bạn vui vui, đầm ấm ngọt ngào. Tình bạn ví như túp lều đơn sơ cất trên triền đồi thoai thoải, không cần nhiều vật liệu, dụng cụ đơn sơ, không cần xây trên tỷ lệ vàng bạc, tầng lớp giàu sang, giai cấp, học vấn, chủng tộc, màu da, thì họ mới có thể quen nhau. Tình bạn êm ả nhẹ nhàng, ngây thơ như hai vì sao e ấp qùy gối bên nhau trên bến Ngân Hà. Tình bạn hồn nhiên dễ chịu. Thật dễ thương. Trong sáng. Dịu êm. Hạnh phúc biết ngần nào!

Dưới bầu trời đêm đầy trăng sao long lanh. Mảng mây đen cuộn lang thang trên đầu, đôi khi vầng trăng có vòng tán lớn chiếu tia sáng dịu như vòng hào quang. Kỳ thực đó là lớp tinh thể dày, hơi nước ngưng tụ trên độ cao khoảng bốn năm ngàn bộ, độ sóng dài của phổ quang xuyên qua lớp khí quyển, hơi nước, bụi khói tạo thành mây đen báo hiệu trời sẽ mưa lớn. Họ ngước nhìn hai vì sao nhấp nháy e ấp qùy gối bên nhau thì thầm trò chuyện trên Ngân Hà. Sương toả lạnh nhạt nhòa phố thị thấp thoáng đèn mờ. Thỉnh thoảng có vài đợt mưa phùn rất nhỏ, rất nhẹ vướng trên mái tóc, vướng theo gót chân.

Nam và Hạnh ước mong sao níu kéo không gian, thời gian lại thật chậm; ngỏ hầu họ có thể trò chuyện cùng nhau. Nhưng... ước vọng nào ngăn được bước thời gian lạnh lùng trôi tuột qua kẽ tay. Và, đêm về! Sương giá với đêm mưa phùn tràn ngập trên đất hoa đào lạnh buốt. Như vô vàn luyến tiếc về mãi trong lòng Nam. Trong lòng Hạnh.
* * *
Vào buổi chiều cuối tuần, ngồi trên sân thượng lầu tư râm mát, giữa lúc lòng băn khoăn, xao xuyến, Nam tự đặt nhiều câu hỏi: “Tưởng mình chỉ chuyện trò đơn sơ, vui đùa thoáng chốc như bao lần. Thế thôi. Mai kia trở về nơi chốn phồn hoa đô hội cũ, mình sẽ quên người con gái bé nhỏ nơi xứ sương mù quanh năm buồn hiu”. Nào ngờ... Tay anh run run, lòng băn khoăn, bồi hồi, cảm xúc tràn ngập niềm vui dạt dào, Nam vui vẻ, trang trọng đối với người sẽ nhận lá thư màu xanh dễ thương nầy. Cánh thư từ phương xa bay đến, mong rằng mang theo hương nồng tỏa khắp vườn cây trái mùi thơm kỷ niệm đằm thắm dịu êm. Run theo từng nhịp đập trái tim hân hoan nhảy nhót trong lồng ngực anh, em nhé. Mỉm cười, Nam mắt nhắm lại vài giây bỡ ngỡ, rồi cúi xuống trang giấy, Nam thong thả viết lá thư đầu tiên:

Sài Gòn, ngày 2 tháng 06 năm 19 ...
Hồng Hạnh thân mến,
Cho phép Nam gọi Hạnh bằng tên hay em, và xưng là anh hoặc tên nhé! Dù rằng còn ở giai đoạn sơ giao, nhưng thiết tưởng thành thật như vậy, tốt hơn nhỉ. Anh biết dẫu sao thì Hạnh vẫn nhỏ tuổi hơn anh, là cái chắc, vậy thì khách sáo làm gì, phải không nào!? Để Hạnh có khái niệm về Hoàng Phương Nam, anh xin nói sơ qua về cuộc sống, sở thích, sở trường, hoài bão mình. Xem quan niệm chúng ta có khác nhau nhiều không nhé!
- Anh sanh ra trong gia đình thương gia. Hai chị có gia đình, kế đó là một chị còn độc thân. Tới Nam, tiếp đó em trai hôm trước đi chung tên Toma, sau em ấy là ba em gái hiện học Couvent des Oiseaux Đà Lạt.
- Hồi nhỏ anh học trường Jean Jacques Rousseau, rồi qua Tabert, lớp Đệ Nhứt, Ban B. Mặc dù vậy, anh yêu văn thơ, lâu lâu có cảm hứng thì sáng tác vài bài (nhưng dở ẹc em à!) Kèm theo một tâm hồn yêu văn nghệ, văn gừng, (như "ai rứa"). Nay anh đang học Dự Bị Y Khoa.
- Anh vui tính, đơn sơ hồn nhiên, bình đẵng, chuộng tự do. Mong em nghĩ như anh, nghĩa là càng đơn sơ, vui tính, càng hay.
- Anh "mồ côi chị nhà" (lại cũng như "ai rứa"). Thư nầy gởi đến em, mong Hạnh giới thiệu giúp anh một "chị nhà" ở chốn hoa Đào. Em chịu làm mai "chị ấy" cho Nam không? Đùa tí cho vui, em đừng giận nhé!
- Ngoài ra, anh thích du dịch các danh lam thắng cảnh trong nước cũng như ngoại quốc. Ước vọng sau nầy khi tốt nghiệp đại học, anh sẽ đi Không Quân, hoặc Hải quân. Em đồng ý chứ?
Tóm tắt lá thư nầy anh không mong gì hơn là kết bạn cùng em, để: - Trau dồi tư tưởng - Mở rộng kiến thức - Nâng cao tâm hồn - Cho nhau niềm thành tín cậy trông vào tình bạn bất diệt - Vã chăng: Ở đời muôn sự đều lầm lẫn và chút giả dối, chỉ có thành thật mới đáng qúy trọng mà thôi. Hạnh nhỉ! Em nhớ hồi âm nhe. Mong thư lắm. Cho anh kính lời thăm các anh chị, và Quy. Mến chúc em vui vẻ, trẻ đẹp, mạnh tiến trên con đường học vấn. Riêng anh vẫn vui và bình an.
Thân chào em,
Hoàng Phương Nam

Anh viết thư thế đó. Tính tình Nam đơn sơ, hồn nhiên như trang thư mở đầu chuỗi ngày êm ái kết bạn cùng Hạnh. Có cái gì êm đềm, dịu dàng, thắm thiết tiềm ẩn, như cây non nẩy lộc, như hoa thơm cỏ lạ trồng trên đất phù sa tươi tốt. Cứ thế, hai người liên lạc trên trang thư dí dỏm, dễ thương từ tuổi học trò trẻ dại, mỗi tuần họ gởi một thư đều đặn trong ba tháng liền. Ngày hai buổi đi học về, cô ép vô trang sách học trò nhiều cánh bướm rực rỡ, đóa hoa Mimosa, Mắc cỡ. Pensée. Coquelico. Forget Me Not. Violette. Cẩm Chướng. Mãn Đình Hồng; Hạnh không quên kèm theo trang thư ít sương mai, gió lạnh đầu mùa, ít bài ca hùng tráng của thác nước muôn trùng, và nhạc thông reo vi vu muôn thuở.

Còn Nam khi gởi thư về cô, anh kèm theo hình ảnh các danh lam thắng cảnh quê hương Việt Nam tuyệt vời từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Trong ngăn kéo vô hình nơi tiềm thức từ phong thư số 01 đến số 14, Nam hình dung bóng dáng Hạnh qua từng nét chữ lời thư ghi chú ở sau lưng tấm ảnh. Đúng! “Chúng mình” đã học nhiều điều hữu ích. Nam tặng cô tạp chí giá trị, Nam có viết ít bài quan điểm. Lập trường. Nhận Định khá sâu sắc. Nam có quan niệm chính xác về cuộc sống. Về thời cuộc. Về môi trường hiện tại. Nhớ ngày nào, tay run run viết cánh thư đầu tiên, anh băn khoăn, xao xuyến, bồi hồi làm sao ấy. Thư bay đi từ niềm khắc khoải, bồn chồn đợi trông.
Rồi Nam nhận được thư cô, anh lâng lâng niềm vui ngất ngây khó tả cùng nỗi hân hoan kỳ diệu. Chẳng hiểu tại sao lạ vậy! Đọc trang thư vui vẻ, hồn nhiên, ân cần, lời văn gọn gàng, chân thành dễ thương. Nam không sao ngăn cảm xúc tràn ngập cõi lòng. Tuy nhiên, đôi khi bốc đồng cô viết cho anh ý tưởng lạ lùng, xa xôi, lơ lững như áng mây vàng trôi lênh đênh về cuối đèo, man mác như trời mùa Thu miền núi khi lá thư số 22, Hạnh viết thế nầy:

... Nam có thể quên Hạnh như quên một chiếc lá cuối mùa bay giữa vời, quên một giọt mưa cuối phố, quên một cánh hoa dại đọng sương mù, quên một làn khói tỏa bay. Có thể quên. Phải! Vì chúng mình chỉ gặp nhau thật tình cờ phút giây. Bỗng chốc đã chia tay. Kẻ ở lại với gió núi mây ngàn hoang lạnh. Người ra đi về nơi phồn hoa đô hội cũ, nơi có biết bao điều quyến rũ, bao khúc ca dìu dập bên lòng.
Ngược lại, em có thể quên anh như quên ảo ảnh phù du, như quên cánh bướm chập chờn do dự buổi hoàng hôn lãng đãng trôi. Hay một chiều khi mặt trời lặn sâu vào mây ngàn đất Lâm Viên, anh chỉ thoáng qua như hạt bụi lãng tử, rồi bay đi biền biệt vào không gian bao la. Càng hơn nữa, anh là du khách đa tình, một lữ khách tài hoa tạm dừng chân khoảnh khắc. Rồi lãng tử ấy vội vàng nhổ neo đi: như khách trể tàu, như người lỡ hẹn. Biết làm sao níu kéo hình ảnh cũ trở về với tâm tư. Buồn biết mấy cho “tình bạn chúng mình”. Anh nhỉ? …

Thấm thoát hơn bốn tháng trời ròng rã trôi qua. Tình cảm Nam như con đò xuôi dòng nước: Ngập ngừng, e ấp, do dự, băn khoăn mãi, Nam mới thở lời tâm sự vô dòng chữ nghiêng nghiêng viết gởi Hạnh thế nầy:
... Biển Nhớ ơi! Hồng Hạnh ơi! (dạ đi em!) Em sẽ không bao giờ đơn côi nữa cả, vì từ nay em đã có một người nguyện đem hết tin yêu chân thật, để an ủi lúc em ưu phiền. Mai sau, dù em có sang bờ bên kia sông cuộc đời, có cặp bến hạnh phúc. Lớp bụi thời thế càng lúc càng sâu đậm, có xóa tên anh trong ký ức em. Thì ở phương trời nầy anh vẫn hoài vọng về em, với tất cả tình cảm thiết tha, nồng hậu, ân cần nhứt.

Phải rồi Hạnh à, tim anh sẽ tung bay đi vạn nẽo, sẽ rơi bên loài hoa mắc cỡ tim tím đầy thương nhớ, ẩn bên đóa trà mi u sầu. Tim anh đuổi theo cánh lá cuối mùa, rơi theo giọt sương khuya, bay cùng gió sớm buổi ban mai. Chỉ vì “ai đó" có nỗi nhớ thương, ưu phiền giống như Nam, mới hiểu được lòng anh. Và, mới thông cảm, thấu hiểu tình yêu của anh đối với... "ai kia". Em đừng lo sẽ có người nào chi phối tình yêu nầy nhé. Bao giờ có một người đứng nép bên song cửa, dáng dấp thon thả, giếng mắt u hoài, giống y chang như Hồng Hạnh, "cô ấy" gởi tâm tư hướng về anh. Thì đó chính là tình yêu của Hoàng Phương Nam. Nhưng ai? Ai? Ai? Hẳn là không có ai giống đúc như người em nhỏ của riêng anh rồi!
Thôi! Em đừng nói với anh câu "tim của anh trao cho ai, thì em nào biết"... Cho anh thêm buồn, thêm tủi. Ngần ấy vô tình, thờ ơ, chưa đủ khiến anh đau đớn sao. Mà em dọa “sẽ treo cổ anh lên chín tầng mây, đánh anh một trăm hèo. Kéo xuống ngâm nước hồ Than Thở buốt giá. Tha lên rừng phơi nắng, phơi sương, phơi mưa, phơi gió. Cho anh thành khô nai, khô bò, khô mực, khô cá, khô tôm. Rồi em ăn luôn. Cho bỏ ghét”. Em "ác kinh khủng" hơn bao điều viết trong thư nữa. Vì, em đã để dấu chân trần lún sâu trong tim anh. Dấu vết ấy có hấp lực in ấn suốt đời người, chẳng bao giờ lạt phai. Nó chỉ tàn tạ khi nào tim anh ngừng đập, máu không tìm thấy đường trở về tim. Tinh cầu chìm sâu vô bóng tối miên viễn.

Bởi vì, đôi mắt Hồng Hạnh đã cuốn hút, niú giữ đời anh lãng tử phiêu bạt mất rồi. Anh đã dừng hẳn lại một bến đậu duy nhất, em hiểu không? Vậy, đừng nỡ giết chết anh bằng ngôn ngữ thơ ngây vô tình của em nữa, Hồng Hạnh nhé! Em đã mang tâm tư anh trôi lênh đênh giữa biển khơi mịt mù, dìu anh về trong cơn sóng ngầm ồ ạt tận đại dương bao la. Hạnh có biết eo biển Manche không em?
Ở đó có những đợt sóng ngầm, làm vỡ tung nước mắt khát khao tháng ngày xôn xao tưởng nhớ. Nỗi nhớ nhung đốt thiu trăm ngàn băn khoăn, bâng khuâng, cuống quít, bao yêu thương say đắm làm dại tâm hồn anh. Em đã đưa anh về lãnh địa sầu muộn, dẫn anh đi trên đỉnh thông già vi vút gió. Đôi lúc anh dừng chân trên đỉnh đèo thì thầm lời vụng dại, dìu anh về bên thác mộng, hồ mơ. Tim anh ở nơi cuối ghềnh, lang thang trôi theo giọt nắng Thu về. Vậy thì; nếu khi nào em có lãng du qua vùng trời nầy, nhớ dừng gót phiêu bồng, em hãy gọi anh trở về thực tế. Xin gởi tặng bài thơ "Em Dị Thảo" nhé!
Em dị thảo, xưa tròn đôi tám.
Buổi ban đầu giao ngộ, thẹn e.
Đến kề em, mỉm cười nói khẽ:
- “Anh phong sương du khách lỡ đường.
Làm ơn chỉ hộ. Được không cưng?
Lối nào về “Ho-tel Du Parc”? (*)
Anh lạ đường. Mong em dẫn hướng”.
Trai hài hoà, trầm mặc, viễn phương.
Mộng chiều Xuân nắng ngả bên tường.
Tôi viết tên anh trên phiến lá.
Buổi kỳ phùng... bỗng dưng thương lạ!
Này anh! Môi thắm buổi hè sang.
Đời cứ ngỡ như Xuân… lãng mạn!
Cuộn phong ba bão táp dâng tràn.
Ươm vô lòng tình thơ trẻ dại,
Tôi, bão lùa bạc phơ mộng ảo!
Hoài mơ tưởng một đời gắn bó?
Lướt thuyền hoa, sớm khuya bỏ ngỏ.
Trên đường xa dệt đầy thảm đỏ,
Đón nhau về mộng vàng ươm lối.
Đứng bên đời ngậm ngùi nỗi nhớ!
Bao nhiêu năm... nhẫn cỏ hoen mờ!
Thân cỗi cằn lời ngát trên môi:
"Mong anh về. Tình thắm tinh khôi…”
*
Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
11-05-2011, 09:52 PM
2174

/uploadpics/mp3pdf_2019/1588734916-Nguoi Em Vy Da - Quang Le.mp3
Nhứt Qủi, Nhì Ma, Thứ Ba: Lũ Nhỏ quậy Tưng Trời
Tình Hoài Hương
***



Ánh mặt trời tinh nghịch chiếu lung linh trong kẽ lá, xuyên qua khung cửa sổ hẹp nhìn ra khoảng vườn cây ăn trái, tạo thành góc hiên rợp bóng. Ngôi nhà của ba má để lại cho chị Khánh ở, phải đi xuống một con dốc khá sâu. Vào năm năm mươi tư, con lộ nầy rộng rãi dễ đi lại. Nhưng càng ngày dân phố ở ven dốc tự ý lấn chiếm dần dần, thành thử con lộ nầy từ từ teo tóp nhỏ hẹp càng chật chội hơn. Bậc cấp nện đất bị nước mưa xoi mòn, không còn là bậc cấp nữa, mà là con dốc liền trơn trợt. "Của chung" không ai khóc, trái lại... người ta không chăm sóc sửa sang gì, gia đình nầy ní nạnh gia đình kia, không ai chịu hùn nhau bỏ tiền ra, để làm con đường và những bậc tam cấp gạch. Vì thế, nhiều căn nhà ở dưới cuối thung lũng khá khổ sở, vất vả khi mùa mưa xói mòn con dốc tróc lở, suốt bao năm vẫn lầy lội bóng láng trơn như da lươn.
Gần cuối dốc đứng có ngôi nhà gỗ rộng ba gian hai chái, mái lợp tôn, trong một góc nhà có căn phòng nhỏ dành riêng cho Hạnh và Thơ, để học và ngủ. Cạnh cửa sổ là bàn học xinh xinh, kê bên cửa sổ có rèm che màu xanh lạt. Hai ghế dựa sát góc bàn có tập sách ngăn nắp gọn gàng. Lọ thuỷ tinh cắm cánh nhung hồng vàng mượt mà, óng ả vừa nở hết cánh. Đèn néon nhỏ, chụp che màu xanh dương, cạnh hai chú nai gỗ mảnh khảnh trau chuốt mỹ thuật. Trên kệ con búp bê nhấp nháy mắt nhìn thủy tinh. Cuối phòng là tủ đựng quần áo. Cặp giường chiếc song song gối nệm ấm áp, mền bông dày sạch sẽ. Table de nuit có vài vật linh tinh, và bức ảnh bán thân nho nhỏ của “chàng” (do Hạnh lén chị Tư chưn lên, để chút nữa tụi bạn tới thăm thì cô khoe với bạn xi). Đối diện cửa lớn, bức ảnh cô chụp ở tiệm Mỹ Dung.
Cô mến thích chủ tiệm ảnh Mỹ Dung, bà vợ tiệm là người hoà nhã, hiếu khách, tươi tắn vui vẻ, ngọt ngào, họ làm ăn đứng đắn, uy tín, đàng hoàng, thu hút khách nội thành và thu hút du khách. Lúc nầy cậu Kỳ là em trai bà chủ đã lớn lên thành một thanh niên tao nhã, vui vẻ hoạt bát, thanh lịch, Kỳ là học sinh ưu tú tại trường Trần Hưng Đạo. Sau giờ học, cậu em ít khi được phép gia đình cho đi "lang thang". Cậu về phụ giúp anh chị trông coi cửa tiệm, học hỏi cách thức xã giao. Họ là chỗ thân tình, có bà con họ hàng xa xa với Hồng Hạnh. Nhớ từ thuở lên năm lên bảy, khi gia đình cô ở trong biệt thự La Rose dưới Ga. “Hai cô bé” ấy thuận thảo, thường thân mật chơi nhảy dây, u mọi, bán hàng, ru em, dạy học… thật dễ thương. Sau thời gian xa cách dài, hai cô bé lớn lên. Dung đã lập gia đình rất sớm, chí thú lo làm ăn, hạnh phúc. Họ có một bé gái mủm mỉm xinh xắn đầu lòng. Mỗi khi đến thăm Dung, Hạnh yêu thích cháu bé, cô luôn bế bồng, cưng nựng cháu với tình cảm dịu êm. Tiệm ảnh nầy, và vài ba tiệm khác đã treo ảnh Hạnh để làm mẫu. Có người nói:
- "Chụp hình mà ăn ảnh, sẽ khổ tâm, đào hoa bạc mệnh". Không biết có đúng không.
*
Mối sinh hoạt học-đường tiến triển đều đều, cho đến ngày trường mừng Đệ Nhị Chu Niên. Sân trường mở hội. Mà chính lòng học trò reo hoan theo nhạc thông reo vi vu muôn thuở. Năm lên lớp Mười, thì Hạnh xin chuyển từ trường Tây qua trường Việt, do Hạnh rất mê Thơ, yêu Văn chương của người Việt Nam, nhưng ở Couvent hầu như chỉ chuyên dạy tiếng Pháp, văn chương Tây. Thế nên Hạnh phải cuốn gói "ra đi".
Bây giờ Hạnh cùng các bạn có tên trong ban biên tập, ráo riết lo làm việc suốt tuần, ngỏ hầu kịp hoàn tất tập san của lớp mình. (Học sinh toàn trường ai có năng khiếu và ưa thích môn gì, thì ghi tên vô bộ môn ấy) Hạnh tham dự văn nghệ qua các mục đồng ca, vũ khúc, do Tùng khổ công tập luyện cho các bạn cùng lớp suốt hai tuần nay. Thầy hiệu trưởng cổ động, khích lệ toàn thể học sinh, ban giảng huấn sẽ tặng các giải thưởng có giá trị, cao qúy, xuất sắc nhứt trường, nhứt lớp, giải chuyên cần học tập - Bích báo. Tập san. Cắm trại. Văn nghệ. Thể thao. Năng khiếu đặc biệt. V.v... Lại có phần thưởng "đức-hạnh cao qúy ưu hạng" nầy thật khó lường nỗi. Vì chúng em là: "Nhứt qủy nhì ma, thứ ba học trò" mà thầy ơi. Chưa hẳn bọn em xấu tính xấu nết đâu, đôi khi có vài nữ sinh "cao qúy kia" dám cả gan "làm chuyện động trời, ác-ôn-ngầm". Thầy không biết đâu. Chúng em không nói khoác lác, thầy cứ nghiệm rồi xem! Vì, quả thật đã có vụ "mìn nổ chậm" rồi! (giữa "thầy Phô kia; và trò thị Là đó rồi, ui mà chính con nhỏ nầy lại được lãnh bảng danh dự cao quý mới chết người chứ! Thầy hiệu trưởng không biết gì ráo, cho đến khi con nhỏ mang cái bụng to chình ình, thật đẹp mặt cho bốn chữ “danh dự cao quý”!). Ai chớ bọn "bát nữ ni qủy" cảm thấy xấu hổ khi "con qủi cái" có tên trong "bảng danh dự", á thầy.
Đống lửa to tướng giữa sân trường đã bừng cháy, thì phần văn nghệ bắt đầu khai mạc dạ hội. Khối Đệ Thất, Đệ Lục, Đệ Ngũ dự thi trước tiên. Vì khuôn viên trường hạn hẹp, nên chỉ có học sinh lớp: Đệ Tứ, Đệ Tam, Đệ Nhị, Đệ Nhứt; mới được trường phát cho thiệp mời thân nhân đến tham dự. Thùy, Mười... viết thiệp mời bạn trai gái ngồi bên hướng phải của sân trường, nơi nhìn lên sân khấu lộ thiên khá tốt. Họ trao nhau mấy mẫu chuyện vui buồn lẫn lộn. Lễ ngồi ở băng ghế trước, quay xuống hỏi Thùy:
- Thùy! ai là tác giả bài "Em là gái trời bắt xấu" vậy?
- Cô có mái tóc dài, mặc áo màu xanh da trời đó.
Nhóm bạn Phú quay nhìn tác giả. Lệ Khánh thấy nhóm người xa lạ nhìn mình đăm đăm, thì hơi khó chịu, bẽn lẽn, ngượng ngùng, cô ngoảnh mặt đi. Vinh nói nhỏ:
- Đọc thơ Lệ Khánh, bọn nầy tưởng nàng xấu cỡ... có bằng cấp với Chung Vô Diệm. Nào có xấu gì lắm cho cam. Chẳng qua nữ thi sĩ khiêm nhường hoặc tự ti mặc cảm thôi.
Các bạn đồng ý về nhận xét đó, Thùy nói:
- Tính tình Lệ Khánh dễ mến, trội hơn con nhỏ đạt chức "đức hạnh toàn trường" nhe!
Thùy nhìn Phú, mỉm cười hỏi:
- Ở xứ lạnh, Phú thấy dễ chịu không?
- Mấy tuần đầu buồn lắm, vì chưa tới mười giờ đêm, mà phố vắng tanh, không như ở Sài Gòn. Thấy lạ, thấy buồn. Nhưng bây giờ quen rồi, có hơi dễ chịu xí.
- Ở xứ lạnh, quanh năm chỉ thấy sương mù, mà Phú.
Lễ cười, vỗ vai Phú:
- Bố già Phú dọa rồi: Nếu kỳ nầy bọn mình rớt tú tài nữa. Bố già để tụi tui đi đong luôn, không cho xuống núi, xuống đèo, đi về thành phố làm gì, cho mệt.
- Tài nói cho nghe: không cần bố già hăm dọa đâu. Nguyên nhân nầy mới là quan trọng nè! Được sống ở nơi thơ mộng, gần người đẹp đất Đà thành, mà Phú đã "cảm nàng từ lâu". Tài nói trong cái ngoặc kép à nha. Còn bố già cho chúng tôi lên núi "tu luyện đèn sách", chỉ là cái cớ. Ở đâu chẳng học được. Hứ! Ai có ở xứ nầy, mới đậu tú tài chắc? Khéo vẽ! Tui biết Phú mê người đẹp xứ hoa Đào nầy lắm, thì có.
Phú cười tươi lộ hàm răng trắng đều, hai lúm đồng tiền sâu hoắm bên má. Anh ta nhìn Hạnh trìu mến, lặng thinh. Trong khi Lễ, Tài, Ngữ, nhao nhao lên:
- Còn tôi nữa… Giới thiệu cô áo vàng đó, cho Tài. Nhe.
- Lễ chịu Vân.
- Cô gái quàng khăn hồng đó, có duyên quá!
- Lâm Viên là kiều nữ đất Thần Kinh. Yến, cô gái mặc váy đỏ, Phú chịu không?
Lễ nghiêng người đá lông nheo, cười cười:
- Tên nầy bí mật quân sự. Vậy mà, bọn nầy biết tỏng tòng tong hắn trồng cây si ai rồi!
Thùy khoát nhẹ tay, trêu lại:
- Các bạn yên chí, thể nào Phú cũng trình diện người đẹp thôi. Còn các anh. Trước khi tôi làm mai mối, phải hối lộ cho bà mai cái gì? Vụ nầy, coi khá vất vả à nha.
Lễ giơ một ngón tay ra phiá trước mặt:
- Yên chí, Lễ hậu tạ bà mai cái đầu heo.
- Ngữ lì xì Thùy một tờ giấy bạc mới toanh.
- Thùy "yêu sách" gì mà chẳng được.
Tài nhướng lông mày lên:
- Tôi thì đầu, sừng, và đuôi... dê.
Bạn hữu cùng cười đùa vui vẻ, hồn nhiên. Đêm văn nghệ kết thúc khoảng hai giờ khuya. Đường dài phố nhỏ buồn tênh bởi cái khuya sắc bén, khuya im lặng thật ghê rợn và lạnh lẽo. Từng mảng sương mù dày đặc rơi ướt mái đầu. Khuya băng giá xoáy buốt vào thịt da. Nhưng không mất đi vẻ quyến rũ, tràn lan thi vị, qua làn hơi thở ấm áp và khoan khoái. Vì hương thơm trong lành của mùi lá, mùi nhựa thông, mùi hoa đồng cỏ nội thiên nhiên.
*
Trên đỉnh đồi Lâm Viên có ánh trăng tròn trĩnh, to và sáng đang lơi lả nhún lên nhún xuống trong vừng mây trắng mỏng tanh. Vành trăng óng ả tròn vo như có ai vừa ném một chiếc dĩa men bạc ươm viền vàng lóng lánh lơ lửng vô không trung. Nền trời trên cao trong vắt gờn gợn một ít mây phiêu lãng. Duy ở cuối hồ Xuân Hương thì có một mảng sương mong mỏng, mềm mại như dải lụa vừa vắt ngang tháp chuông trường Grand Lycée Yersin. Nhạc thông ngân cung đàn muôn điệu giữa khung cảnh nên thơ bên hồ Xuân Hương huyền ảo, mơ mòng và giá rét căm căm.
Sau mấy tháng vùi đầu vô trang sách mở rộng, thì Hồng Hạnh, Thơ, Bảo, Quốc, Toàn, Thịnh, Trình, Phượng: được chị Khánh cho phép đi xem ciné. Vả lại phim "Les Miserables", truyện của văn hào bất hủ Victor Hugo, viết rất hay. Thế nên không đi xem thì uổng lắm. Thường thường đi trên đường mấy dì cháu ưa kể những chuyện vui ở trong lớp học, chuyện nầy chuyện nọ sang chuyện thơ, văn, hoặc cổ tích, lịch sử Việt Nam. Hôm nay họ bắt đầu chuyện đây chuyện đó bằng hai câu thơ ca dao:
Khôn ngoan qua cửa sông La
Dễ ai có cánh bay qua Lũy Thầy.
Bảo hỏi:
- Cháu học trường Tây, nên không biết mấy về lịch sử Việt Nam. Dì mới chuyển từ trường Tây qua trường Việt, nên học được nhiều tiếng Việt độc đáo, hay lắm! Dì phải giải thích cho rõ về ý nghiã tại sao lại có chữ “sông La” và “lũy Thầy”, ở đâu ra nhen?
- A! Cháu nên nói với các Free ở trong trường cần phải dạy thêm môn Sử, nhứt là lịch sử Việt Nam nha, vì hồi xưa có nhiều tướng quân và nhiều trận đánh oanh liệt nữa hay lắm. Sông La nầy gần cửa biển, tên La Hà, thuộc Quảng Bình, rộng 170 trượng, gồm có các hợp lưu tạo thành: Sông ấy có ba nguồn: Nguồn 1: có 70 dặm bắt đầu từ Tây Nam Hà Tĩnh chảy tới sông Lổ Cảng mà nhập thành. Chi nhánh phía Bắc 13 dặm nước chảy đến An Lệ. (Từ làng Văn Phú, phía Nam Cao Lao, và phía Tây sông Cổ Bồng: Tất cả những chi nhánh sông ấy chảy về hướng Đông Nam, tạo thành sông Gianh). Nguồn 2: nước từ Kim Linh chảy vô La Hà. Nguồn 3: từ sông An Niệu. Tất cả những nguồn sông trên: đã hợp lại và tạo thành Sông La, tuy sông không rộng lắm, nhưng vào mùa nước lũ thì lòng sông rất sâu, và dòng sông nước chảy xiết.
- Còn chữ “Lũy Thầy” là do ông Đào Duy Từ đắp từ năm 1630, thuộc thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, để chống cự với quân Trịnh Tráng. Lũy Thầy ở vùng đất hiểm trở được làm rất chắc chắn, kiên cố. Lũy Thầy bắt đầu đắp xây từ làng Trường Dục (Huyện Phong Lộc, Tỉnh Quảng Bình) chạy dài dọc theo sông Nhật Lệ và hữu ngạn sông Rào Đá, qua các làng: Động Hải. Quảng Xá. Trường Dục. Xuân Dục. Cổ Hiền, cuối cùng lũy thành rẽ về đông cuả hướng Bình Thôn. Năm 1672 quân Trịnh đại chiến với quân Nguyễn bảy lần. Nhưng nhờ có lũy Thầy nầy, nên quân Trịnh muốn tiến quân vô Phú Xuân hoài, vẫn thất bại không thể nào lọt vô thành, do đó bên phía Nguyễn đã gìn giữ trọn vẹn lãnh thổ.
Mấy dì cháu tà tà xuống dốc Bà Triệu, vừa đi vừa chuyện trò, coi như cũng đã học được bài học lịch sử. Họ qua khu giữa cuả dãy nhà Ấp Ánh Sáng, nơi có con đường đi rộng sát những hiên nhà của hai khu nhà thiết kế giống nhau, (tương tự như trại gia binh). Đi ở lòng lề đường nầy coi như ta đang đi trên thềm nhà cuả họ, nơi con hẽm có người trong nhà đi ra đi vô đông vui hơn. Ban ngày người ta thường đi lên những bậc cấp cao tít ở hông trái của hai dãy nhà ấy. Nhưng ban đêm đi như thế, trời tối thui, vắng vẻ, dễ sợ lắm. Khi mấy dì cháu leo lên lưng chừng lối mòn của khu xóm nầy, về phía bên phải của hai dãy nhà Ấp Ánh Sáng, nhà nhà ai nấy đốt đèn trước ngỏ rực rỡ “sáng mắt lên”. Do suốt tháng Bảy thì nhà nhà ưa cúng tế ở ngoài sân cho các vong hồn mồ côi, bơ vơ vất vưỡng, đói khát, thiếu thốn, được Diêm Vương xá tội kẻ chết nhờ phước người trần, vong hồn sẽ đi lang thang khắp nơi mà kiếm ăn. Cúng ở ngoài sân họ vãi gạo, muối đi tứ phương, có khi các mụ các mệ hào phóng vãi cả lên trên đầu trên cổ khách bộ hành. Lúc tàn cây nhang, bà chủ đốt giấy tiền vàng bạc, áo quần, ngựa xe bằng giấy, để tiếp tế các vong hồn có cơm ăn áo mặc, có phương tiện ngựa xe đi rong chơi đó đây chút xí trên trần thế, có rượu đế Bà Điểm Hóc Môn ngon nổi tiếng. Rồi nhà chủ cúng ấy sẽ gõ thùng, lon, vân vân… để cho đám trẻ con trong xóm xông vào chụp giựt bánh kẹo, thức ăn.
Nhà Kim Tuyến có cửa sổ trên gác hẹp nhìn ra am cô cậu nhỏ. Tuyến nói với bạn:
- “Cô, cậu” ưa hiện về để phò hộ, làm phúc ban đức cho mọi người. Đồng thời cô cậu không ngại vặn tay, bẽ chân. Nếu ai cả gan phá phách “cô cậu”, nghen mi.
Lúc dì cháu đi ngang qua cái am nầy, họ thấy một người đàn bà đã bày dọn la liệt linh đình trên bàn cúng: hai bình hoa vạn thọ lớn, lư hương nghi ngút khói thơm kê sát bên dốc vắng và mù tối. Trong am có ngọn đèn dầu hột vịt không đủ sáng. Người đàn bà hắt chiếc bóng mờ mờ, gầy còm, lung linh lên bức tường loang lổ. Bà ta khum khum người, nhoi nhoi cái đít, chùm hum cúi xuống đất, bà ta nhổm lên, nhổm xuống lạy mấy lạy… miệng lẩm bẩm van vái khấn xin ước nguyện gì đó. Thì ở ngoài nầy bọn trẻ “du côn mất nết” quên tiệt cái điều Kim Tuyến nói “cô cậu” linh thiêng ưa hiện hồn về bẻ tay vặn cổ… Bọn trẻ choai choai, dé dé, xíu xíu hồn nhiên, cười đùa chỉ nhớ điều tinh quái, ưa phá phách nghịch ngợm vàng trời mây: Bảo nhanh tay bưng dĩa trái cây. Quốc bưng dĩa xôi vò. Toàn xách nải chuối sứ (trái chuối no tròn mủm mỉm, trông thật dễ thương). Thơ chộp con gà trống béo ngậy. Hạnh thủ hộp mứt bí đao. Các thứ đó mấy đứa nhỏ mau lẹ tộng vô một túi xách vải tám (họ xách theo, định sẽ mua bắp sống đem về nhà). Không đi xem ciné ở rạp Ngọc Lan nữa. Bảo lanh chân lẹ tay hơn, nó vác túi vải đi về phía Thủy-Tạ trước.
Hồng Hạnh và Thơ đứng xớ rớ gần am, làm ra vẻ tự nhiên, vô tội, ung dung, nhàn hạ, (coi hiền lành nhứt thế giới). À, thì ra là mụ Mơ có đôi mắt kèm nhèm, lẩm cà lẩm cẩm. Mụ đến góc bàn lấy giấy áo, nhà, xe, vàng bạc đem đi đốt. Thì mụ đã phát giác ra “cô cậu” chưa về hưởng tí lộc nào, đã có bọn “cô hồn sống cõng cô hồn chết”, bợ ngon ơ mất toi những món ăn béo bở của mụ dâng cúng rồi! Tức điên người, mụ liền chổng mông lên van lạy Trời đất tha cho mụ; vì tội mụ đám đứng trước bàn thờ chưởi đổng quân cướp cạn Trời không dung, đất không dưỡng kia. Mụ "đào mồ cuốc mả" quân ăn cướp, quân khố rách áo ôm, trẻ không tha già không thương, âm ty địa ngục không chừa! Mụ la làng, dậm chân đấm ngực vỗ bành bạch vô mông kêu gào dữ dội.
Khiến bà con lối xóm ở trong Ấp Ánh Sáng rần rần chạy về phía am coi có chuyện gì, mà náo động vậy không biết! Mụ Mơ mọi ngày hiền như bụt, không hề làm mích lòng ai, từ đứa trẻ con cho đến người lớn, ai ai ở trong Ấp Ánh Sáng cũng biết mụ: cọng rau đến con gà con ngoé, mụ chẳng thèm "tơ vương" của ai hết. Thế mà tối nay mụ bị "nó chơi" mụ một vố khá đau điếng. Tức hơn bò đá chớ! Mụ Mơ chưởi cha chúng là còn may! Hễ vô phúc đứa nào bị mụ túm bắt được, mụ sẽ vặt hết răng, nhổ hết tóc “hóa giải” cho chúng về chung kiếp với tổ tiên. Cái gan mụ Mơ là rứa đó. Khiến bà con Ấp Ánh Sáng nghe mụ Mơ la làng chưởi đổng, họ đều khiếp vía. Lúc ấy tự nhiên có người nói câu ca dao:
Cá không ăn câu, chê rằng con cá dại
Cá mắc câu rồi, lại nói tại cá tham ăn.
- Rứa là con ma nó dụ dỗ cho người ăn trộm. Chớ người mô mà ăn cắp mau hè!
- Chao! Cậu thiêng hỉ! Bị mất cắp, là cậu cho mụ biết liền hí!
- Hèn chi! Cái bóng điện trước am không đỏ tề.
- Xời ơi! Mi nói nghe hổng được rồi. Lảng nhách hà.
Nghe người con gái lạ đứng bên cạnh nói câu vô duyên, Thơ khúc khích cười, cào cào vô tay Hạnh. Khiến cô la to:
- Nhỏ này, khi không cào người ta... đau điếng à.
Mọi người quay nhìn, hoảng hốt, có tật giật mình… hai cô lo lủi mau ra khỏi đám đông, đi xuống dốc, qua cầu Ông Đạo, rẽ về lối nhà hàng Thủy Tạ. Thơ sung sướng soạn túi vải xách mà Bảo đã để trên đám cỏ bồng, phiá bên hông của Thủy Tạ, cô lấy xôi vò, trái cây, chuối ra. Thế là họ xúm lại bốc các thứ đó mà ăn, thích thú cười đùa ha hả, cười đau thắt bụng, họ nói hoài về chuyện ăn cắp, ăn trộm đó không biết chán. Cả bọn nằm lăn trên đám cỏ mềm ướt đẫm sương đêm, nhưng không ai cảm thấy lạnh. Họ thích chí ngửa mặt lên trời nhìn ánh trăng tròn trịa mà cười ngất như đười ươi! Chắc bể bụng chết quá. Thơ ngâm nga:
Khôn ngoan chẳng lọ thật thà
Lường thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy. (cd)
Quốc cười ha hả:
Khôn ngoan qủy quyệt chết lao tù
Lủ khủ lù khù chết già chết rũ
- Hừ! Nói vậy mà nghe được hả! “khôn ngoan” cái kiểu tụi bây, đi ăn cắp ăn trộm, họ bắt được, chết trong lao tù là cái chắc.
- Thì… thì dì có vui vẻ tham gia vậy!
- Tự dưng khi đó dì cũng "nổi hứng" bắt chước mà.
Dì nghe Quốc nói nè:
- Ăn trộm ăn cướp thành Phật thành tiên.
Đi chùa đi chiền ăn mày thất nghiệp.
Có phải câu ca dao trên có ý nói rằng: Nếu mình có là phường trộm cướp đi chăng nữa, nhưng sau đó biết sám hối ăn năn, thì chết sẽ thành chánh quả. Còn ai đi chùa mà trong bụng vẫn chứa “một bồ dao găm” thì không có ích gì, phải không?
- Ồ, tuy cháu học trường Tây, nhưng cũng hiểu số ít tiếng Việt ha, giỏi đó chứ! Nhưng mà nè, dì nói lời thật mất lòng nghen: Lần sau nếu làm gì, phải nói trước, chứ như hồi nãy các cháu bốc đồng làm chuyện động trời vậy, lỡ ra họ “bắt được tay day được cánh”, các cháu quơ hết thức ăn trên bàn cúng, ngay cả dì đứng ở sát bên, cũng bàng hoàng sửng sốt, không kịp trở tay và sợ kinh khủng đó.
- Dạ… dạ! Nhưng lời thật, sao lại mất lòng?
- À, đa số ai ai cũng thích nghe những lời người khác tâng bốc, khen mình. Nhưng ít có ai muốn nghe người ta chê mình xấu, chê mình hèn, chê mình ngu dốt, không hiểu biết gì cả. Để dì kể cho các cháu nghe câu chuyện nầy nha: Ông vua Tề Cảnh Công là người nghiện rượu, thường say sưa bí tỉ cả tuần, ông vua nầy xao lãng việc dân, việc nước, luôn. Có ông quan thanh liêm đàng hoàng nọ tên Huyền Chương thấy vua như vậy, thì ông quan buồn bực trong lòng. Ông là người trầm tĩnh và khôn ngoan, đắn đo suy nghĩ hoài. Vì ông ta muốn khuyên can vua, đâu phải là chuyện dễ. Nếu ông nói không ra lẽ, lơ tơ mơ có khi ông bị chém đầu.
Một hôm ông quan lựa lời khuyên can vua:
- Bệ hạ ưa say sưa như thế. Tôi xin can. Nếu bệ hạ không nghe, tôi sẽ tự tử.
Vua trợn mắt nhìn. Nói xong Huyền Chương lui ra ngay. Ông Án Tử vô chầu. Vua Tề Cảnh Công nói:
- Huyền Chương vừa vô đây khuyên trẫm phải bỏ uống rượu. Nếu trẫm không nghe, thì Huyền Chương sẽ tự vận. Trẫm nghĩ: Nếu trẫm nghe theo lời khuyên cuả Huyền Chương, thì hoá ra trẫm là người dỡ, non kém và sợ hắn. Nhưng nếu trẫm không nghe theo lời Huyền Chương, thì hắn sẽ chết. Trẫm rất tiếc… vì hắn là một người hiền tài khôn ngoan đức độ.
Ông Án Tử biết vua bị mặc cảm vì mình là vua một nước, mà phải nghe theo lời khuyên cuả bề tôi, nên Án Tử cũng khôn khéo thâm trầm không kém gì Huyền Chương, ông Án Tử lựa lời khôn khéo nhỏ nhẹ nói với vua:
- Ồ… thế là ông Huyền Chương quá may mắn. Vì nếu ở thời vua Kiệt, vua Trụ… thì ông Huyền Chương đã bị chết rồi!
- Thời xưa có những câu chuyện bổ ích hữu dụng khuyên người rất hay. Tiếc là bây giờ ít lưu truyền trong thiên hạ.
- Phải. Cháu nên tìm sách “Cổ Học Tinh Hoa” mà đọc thêm, rất hữu ích.
Tám giờ rưỡi tối, dì cháu lững thững về đến nhà, thì thấy Lễ, Phú, Tài, Vinh, đã ngồi nói chuyện với chị Khánh (các bạn trai nầy đã lên Đà Lạt trọ tại đường Hai Bà Trưng, để luyện thi tú tài. Thỉnh thoảng họ đến nhà anh chị chơi). Thấy bọn trẻ về sớm, chị Khánh ngạc nhiên hỏi lý do. Thơ liếng thoắng trả lời:
- Tụi em "trúng tủ", đi ciné không nỗi nữa.
Quay qua các bạn, cô ta mời họ:
- Nếu các anh không sợ cậu về bẻ tay, vặn cổ. Mời xuống nhà bếp ăn chùa.
Các bạn không hiểu gì, ngây ra nhìn như ngỗng đực. Chị Khánh (chị Khánh là vợ anh Tư) nhạy cảm nhất (vì hồi nhỏ chị từng chọc phá chị em Ni Ni, Na Na, hai bà đó mê lên đồng lên cốt). Chị Khánh la mắng mấy đứa một trận đích đáng trước mặt các chàng trai:
- Tụi bây coi chừng có ngày bắt được; họ nhổ không còn sợi tóc, vặn không còn răng ăn cơm, ở đó mà múa may, lờn mặt. Tao nói lần nầy là lần chót nghe. Coi chừng họ bắt được, họ đánh mặt tụi bây sưng bằng cái mâm. Mới tởn. Nghe!
Dì cháu mắc cỡ muốn độn thổ. Nếu chị Khánh biết trong túi xách còn con gà. Có lẽ chị sẽ đánh mấy em và con của chị thật, chứ chẳng chơi. Ngày hôm kia ở nhà chị mới làm thịt hai con gà trống thiến, thịt gà ăn không hết, chị bếp hâm đi hâm lại, mềm nhừ, không ai thèm ăn, trông thấy sợ! Chớ́ nào có nhịn thèm nhịn khát gì cho cam. Chị Khánh nuôi một chuồng gà vịt vài ba chục con. Trong nhà nếu thích ăn thịt gà, vịt, là có liền, ăn lai rai hoài. Về khoảng ăn uống, chi tiêu trong nhà, chị Khánh hậu hĩnh, tươm tất, chu đáo lắm. Bọn trẻ nháy nhau lẽn vô phòng học, vội gài cửa lại. Trái cây thì họ chia nhau "thủ tiêu" vô dạ dày cho chắc ăn. Con gà mới gay chứ! Bỏ thì thương (tiếc của trời) mà vương thì tội. Thơ bàn:
- Con gà đó, lát nữa mấy anh kia về. Mình cho họ nhe.
- Ừa, em nói kheo khéo, kẽo mấy ảnh buồn. Sợ chị Tư biết, chị sẽ la mắng tụi mình, mất mặt bầu cua lắm. Mà chị la đúng. Ở đây có vài người bạn, mình còn xấu hổ vậy. Lỡ ra ở ngoài Ấp Ánh Sáng họ bắt được, thì có nước độn thổ. Lần sau chớ dại nữa nghe.
Bảo nói:
- Dì không nhớ: "Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt, ăn vặt quen mồm" sao?
- Biết vậy, phải chừa đi là vừa. “Con sâu làm rầu nồi canh. Một người làm xấu, nhơ danh cả nhà”. Bây giờ ngồi đây chính chắn suy nghĩ lại, dì mới thấy quá sợ… mất mặt nà!
Khoảng mươi phút sau, Phú cùng các bạn qua phòng học, chơi cờ Cá Ngựa vui lắm! Họ đánh tù tì bốc thăm, chia thành hai nhóm, nếu phe nào thua, bị quẹt lọ nghẹ thành anh hề. Chín giờ rưỡi thì các bạn ra về. Phú đến mời chị em Thùy, cháu, dự sinh nhật anh, vào ngày mười tháng tới.
Hồng Hạnh bỗng nhớ dạo trước mấy dì cháu chọc phá người bán bánh mì tháng ở nhà; cứ mỗi buổi sáng, dì cháu thức dậy sớm học bài, chuẩn bị đi học. Có một thanh niên bán bánh mì dạo bỏ bánh mì tháng cho nhà, hắn ưa lấc xấc, mặt mày coi láu cá, thật cà chớn dở trò "dê xồm" với chị Hạc, hoặc bà bếp mỗi khi họ ra cổng sắt, để tính tiền mua bánh mì, hoặc lấy bánh mì. Thế là bọn trẻ bàn nhau "xử tội" tên nầy (không cho chị Tư biết). Hôm nào hắn giao bánh mì sớm, thì yên ổn. Hôm nào quá sáu giờ sáng mà hắn chưa giao bánh mì, bắt bọn nầy chờ-đợi, bọn nhỏ sợ trể giờ đi học, là y như rằng có chuyện. Thấy hắn đến gần, Bảo liền xỏ cây ống sắt tròn đã cưa cụt (cây ống nước sắt dùng làm ống thổi lửa) qua song cửa cổng, thổi phù phù. Khiến hắn giật mình. Quốc lấy que củi dài chọt vô hông, thò tay ra giật tóc, kéo tay áo hắn, khiến hàng nút trên ngực áo hắn văng đi mất tiêu. Vài tháng sau chịu không nỗi bầy nhỏ "quậy phá dàn trời mây" kia, hắn không thèm bỏ bánh mì tháng nữa. Thế là bọn trẻ nhịn ăn sáng đói bụng hết biết.
Hồng Hạnh viết thư kể thêm chuyện “quậy” của mình cho Nam nghe:
- Bọn nầy rủ rê bạn cùng xóm như Minh, Ngọc, Phú Nhỏ, Chức, Kính, Xuân, Kim Anh. Đám nhóc họp thành đám giặc con, chơi u mọi, trốn tìm, rượt bắt, giật cờ, đá kiện, bắt banh. Bầy nhóc ưa tụ tập trong sân nhà rộng rãi, láng bóng. Anh Khánh bắt ở hai đầu hồi nhà mấy bóng điện sáng choang, nên tha hồ cho lũ nhỏ chạy nhảy nô đùa hò hét. Hết chơi những "trò chơi nổi", bầy nhỏ kéo nhau "chơi trò chìm", họ âm thầm lặng lẽ đến nhà ông Bốn Tùng, ông Huynh, ông Mai, leo trèo, hái trộm trái cây, nên cây nào cây nấy của họ đều xác xơ rũ liệt, chả còn gì ráo trọi. Ông bà Nhâm có nhà ở phía dưới, giáp ranh khu vườn nhà chị Khánh một cấp taluy. Hể bà cụ nói ít thì thôi, nếu bà la chửi, kêu gào nhiết mắng, thì y như rằng vài ngày sau, có một đứa nhỏ ngồi trên cây cao tại nhà chị Khánh, thằng nhỏ ấy có bổn phận canh gác nhà cụ Nhâm. Nếu nó thấy trong nhà cụ Nhâm có bóng người thấp thoáng ra vào, thì nó bụm hai tay trên miệng, thổi "xíp xì, xíp xì…", cho đàn em nghe ám hiệu, là rút êm, rút lẹ.
Nếu thấy bình yên, nghiã là ở nhà cụ Nhâm không có ai, thì nó ra mật hiệu cho bầy nhỏ đứng dưới đất rón rén bò bò xuống vườn nhà cụ, đứa nọ bò theo sau lưng đứa kia, sắp thành hàng một như cái đuôi dài cỡ ba thước. Chúng hái quả dâu, quả mận, quả ổi, từ tay đứa cuối ở nhà cụ Nhâm, chúng chuyền đến đứa ngồi ở trên sân nhà chị Khánh: trái lớn, trái bé, già, non, đều bị chúng vặt sạch, không còn cái giống gì ráo trọi! Lại còn có cái màn thỉnh thoảng có một quả ổi khô, bưởi héo, hòn đá... từ cửa sổ nhà mình, "phóng pháo" xuống vài nhà ở dưới thấp kêu một tiếng "ầm", y như lựu đạn nổ trên nóc nhà tôn. Khi ấy đố ai tìm được bọn trẻ, chúng trốn kỹ trên trần nhà̀, cười rúc rích suốt buổi. Chúng phá "dàn trời mây khói". Khiếp lắm!
Nào có trẻ thơ non dại gì cho cam, mới năm ngoái, năm nay còn nóng hổi trò đùa ngu dại! Tính tình Hồng Hạnh ở khoảng đời niên thiếu phần lớn bị ảnh hưởng tính trẻ thơ, tinh nghịch, phá làng phá xóm là do từ đám cháu trai con chị Khánh, con trai chị Lê, chị Huyền mà ra. Tuy là dì và cháu thật, nhưng họ xấp xỉ hơn thua nhau vài ba tuổi, thì tha hồ "ý hợp tâm đầu" nhen. Mà, Hồng Hạnh và Thơ là hai tên "Nữ đầu đảng cao bồi nho nhỏ" trong xóm ấy á!
Đọc xong thư người anh yêu, Nam tủm tỉm cười vội lấy giấy bút ra viết kể cho Hạnh nghe:
- Anh nghịch chả thua kém gì dì cháu em. Anh em rủ nhau vô hẽm ăn quịt hoành thánh mì của chú xì thẫu Voòng. Ăn xong tụi anh em nhà nầy ù té chạy. Chú Voòng rượt theo, vừa chạy chú vừa la bai bải riết đến tận nhà ba má anh, chú Voòng bấm chuông inh ỏi. Má anh ở trên lầu hai vội vàng chạy xuống, má nghe chú Voòng phân trần đầu đuôi. Má là chủ hãng lớn, thì nhằm nhò gì ba đồng tiền lẽ. Cưng chìu con, má đưa tiền trả cho chú Voòng, thì-thầm nói với chú:
- Cháu có ăn bao nhiêu, thì tôi trả, hổng có sao... để tôi rầy chúng. Ha.
Chú Voòng xin lỗi rối rít. Riêng anh và cậu em cảm thấy “mất mặt”, nên tẩy chay chú Voòng, không thèm ăn mì hoành thánh nữa, mặc dù anh khá thèm.
*
Một lần kia, khi Nam ở Sài Gòn lên thăm gia đình cô, chị Tư đã cho phép: Hạnh, Thơ, Bảo, Quốc, Toàn, Thịnh, Trình, Phượng, và (Loan, Hùng, con chị Lê) đi picnic với Nam suốt ngày tại Thác Preen. Là ngày lễ, nên du khách thưởng ngoạn thắng cảnh rất đông. Nam xách hai tay hai giỏ thức ăn nặng trĩu. Họ chọn địa điểm tốt trên một nhà dù cao ở ngọn đồi sạch và râm mát, nơi nầy có thể nhìn xuống tổng quát mọi phía. Hồng Hạnh và Thơ ở lại trông chừng đồ đạc, hai cô lo nhồi bánh mì thịt nguội, làm bánh hỏi ra thành từng phần ăn, họ chuẩn bị các thứ đàng hoàng tươm tất. Nam dẫn các cháu xuống chơi thác Preen. Chúng nghịch ngợm len vào cầu gỗ ẩm ướt ẩn trong hốc thác; nước trên đầu của mỏm đá to đã chìa nhô ra phía ngoài, tạo thành một mái hiên dội nước xuống ầm ầm. Đứng trong cầu gỗ nhìn ra ngoài, Nam có cảm tưởng như mình ở bên trong nhà nhìn ra ngoài trời mưa thật lớn.
Bụi nước bay vào cầu gỗ ướt lạnh, khiến bọn trẻ thích chí ưỡn ngực hứng nước rơi từ trên cao xuống. Đứa cởi quần tây, hai ống quần cột về phía trước ngực, đứa mặc quần xà lỏn rộng thùng thình, sợi dây thun lỏng lẻo nên quần tuột lên tuột xuống. Mấy cháu mua cà rem vừa chạy vừa mút, có đứa mãi nô đùa không nhớ cà rem cầm trên tay, để cà rem chảy hết, nó ngẩn người ngần ngừ nhìn cây tăm tre giây lát, liếm lên cây tăm rồi mới chịu vất đi.
Anh em gọi nhau ơi ới chạy lên chóp núi, rồi tuột tuồng tuột xuống chân đồi. Chúng nhặt được cái bao gạo ở đâu đó, lại kêu réo nhau chạy lên cao, cháu ngồi trên bao gạo tuột xuống chân đồi đầy lá thông khô trơn bóng. Các cháu ngã lăn quay mấy vòng, có khi chúng dính chùm với nhau. Mỗi đứa lăn ra một góc, cháu lại lóp ngóp bò dậy, chạy lên đồi, giành nhau cái bao gạo chơi trò tuột núi nữa. Chúng thích nhất trò chơi leo núi, tuột núi nầy. Tiếng cười vô-tư-lự hồn nhiên đầy sảng khoái vang vọng trên các ngọn đồi xa. Khi chiếc bao rách như xơ mướp, không thể ngồi, chúng mới ngừng chơi.
Các cháu kêu nhau đi chọc phá cầm thú. Mấy con khỉ già trẻ lớn bé sợ quá leo tít trên nóc chuồng, khỉ dồn nhau nép kín vào một góc. Bảo tìm cách leo lên ở góc cột, nấp vô một xó rón rén không cho bầy khỉ thấy. Còn mấy đứa khác đứng trước chuồng khỉ múa máy tay chân, cốt để cho bầy khỉ chú ý. Toàn lấy trong túi áo lạnh ra cái bánh, nó dụ bầy khỉ xuống ăn. Thịnh cầm trái chuối dập trong túi quần (cháu đã cột hai ống quần trên cổ hồi nãy), nó bóc vỏ chuối ra, giả vờ đưa vô miệng ăn, rồi cháu đút vô lỗ mắt cáo, hầu dụ khị bầy khỉ thèm ăn, mà mò xuống phía dưới góc chuồng. Trong khi bầy khỉ háu ăn lo nhìn Thịnh hí hoáy đút trái chuối vô lỗ mắc cáo, Bảo len lén thò hai ngón tay qua lưới sắt B 40, túm lấy đuôi một chú khỉ đột, Bảo kéo giật đuôi khỉ ra ngoài nhanh như chớp, trong tay Bảo còn nắm chùm lông đuôi. Khiến con khỉ ngã dúi đầu xuống, tay chân nó chụp vô chuồng.
Khỉ dùng cả sức mạnh kéo đuôi kẹp vào bụng, nó phóng mau lên nóc chuồng. Bầy khỉ la chí choé, rối loạn chạy lung tung, nhốn nháo trong chuồng. Con đầu đàn to lớn “mặt mày hung dữ coi bặm trợn” nhứt, liền nhảy xồ tới Trình, nó thò tay qua mắc cáo xé rách toang vạt áo, nó cào xướt cánh tay Trình tươm máu một đường dài. Khỉ đột bị lưới sắt kẹp cứng ở khuỷu tay, nó nhăn răng trợn mắt khọt khẹt, bờm, lông cổ dựng đứng, vì tức giận. Con khỉ lớn khác (có lẽ là đàn em của “đại ca khỉ̉” vừa cào Trình) đu cả thân lên thanh sắt, khà khà khọt khọt kêu chí chóe, nó rung chuồng dữ dội. Quốc, Toàn, Thịnh tìm cành cây đâm tứ tung vô con khỉ. Con đầu đàn nhảy tót lên phiá đà ngang, nó đứng hai chân trên sà ngang vừa đái vừa chỉ huy. Cả bọn trẻ sợ văng nước đái, lo giạt ra xa. Con khỉ đàn em thì ngồi vắt vẻo, miệng chí choé "mắng chưởi" mấy cậu bé tinh nghịch. Bầy khỉ mà cũng... quá sợ mấy cháu “nhứt quỷ nhì ma thứ ba học trò” nầy.
Đôi má các cháu đỏ như gấc, mồ hôi vã ra như tắm, tóc ướt dính chùm thành từng lọn nhỏ. Đứa nào đứa nấy giọng nói cũng khàn khàn, ồ ồ, vì la hét, khan cả cổ, y như con vịt xiêm la đực. Mệt đừ, chúng chạy lên nhà dù, nằm lăn ra đồi cỏ. Vui vẻ cười đùa khoái chí. Dì cháu nhìn nhau nheo mắt, ra dấu chỉ chỏ sau lưng Nam, để "đánh điện ngầm mí nhau" biết tin thôi. Uổng quá, nếu không có Nam, thì dì cháu nhà ta được một phen quậy phá, tha hồ tự do bay nhảy tung hoành, vui vẻ thú vị giữa bầu trời thênh thang thoải mái.
Nam và Hồng Hạnh ngồi trên nhà dù ôn chuyện xưa thì Vinh đến, hai người con trai ân cần chào hỏi nhau. Cả nhóm ăn uống chuyện trò thân ái. Ăn trưa xong thu dọn đồ đạc, áo quần gom lại một chỗ, cho Nam, Hạnh, trông coi. Thơ và Vinh lại dẫn các cháu đi chơi thác, xem voi, gấu, hổ, sư tử, nai, vân vân... Vòm cây rợp bóng cúi đầu rũ lá thông dày trơn mịn dưới gốc. Tiếng thác chảy xa xa nghe rì rào, hòa lẫn tiếng đồi thông cao chót vót, reo vi vu bất tận. Tiếng cây cỏ hoa lá vặn mình răn rắc đâu đây, cùng tiếng muôn chim hót líu lo. Tiếng voi rền rú, tiếng vượn hú buồn thảm gọi đàn, chen lẫn tiếng hổ báo gầm thét. Tiếng cười nói ồn ào từ nơi xa xôi vẳng lại, chuông bán cà rem kêu leng keng. Tiếng rao hàng quà bánh trái, đủ mọi giọng điệu, lên bổng xuống trầm: Tạo thành bản đại hòa tấu muôn điệu say sưa, hùng tráng giữa cảnh gió núi mây ngàn.
Cho dù… “nàng Hồng Hạnh” (đã to bự nhứt trong bọn trẻ choai choai dé dé xíu xíu nầy vẫn không quên phượng đỏ thắm sân trường qua tiếng ve sầu, nức nở khúc ca biệt ly). Dù “nàng” đang ở tuổi cặp kê… mà còn “mọc sừng quỷ xứ” như vậy. Thế thì xin cho phép Hồng Hạnh hỏi nhỏ nhe:
- Nếu ở cùng lứa tuổi trẻ trung xuân xanh đầy vui tính như cô, quý vị có… thích “nghịch ngầm” không ạ?
*
Tình HOÀI HƯƠNG

*

Tinh Hoai Huong
11-08-2011, 08:20 PM
2190
Hoa Mắc Cỡ bên đồi Cù
Tình Hoài Hương
***


Sau ngày mừng Chu Niên trường, để tưởng thưởng công lao khó nhọc, khích lệ con em có tinh thần trách nhiệm. Biết đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữ kỷ luật nhà trường tốt, & hăm hở tham gia mọi sinh hoạt cộng đồng. Thầy hiệu trưởng cho học sinh nghỉ học một tuần. A ha! Ăn tiền hốt bạc ở chỗ đó đó! Học sinh còn muốn gì hơn! Như đàn ong vở tổ, sung sướng làm sao khi tan hàng. Mệt. Nắng. Khát nước. Mỏi chân. Đói cồn cào. Đủ thứ chuyện khiến cô nhỏ muốn khùng. Ra ngoài garage sau hông trường, Hạnh lấy xe đạp chạy một mạch về nhà thay bộ áo quần bám đầy mồ hôi, bụi bặm. Cô nhỏ mặc cái áo rộng thùng thình đi rửa sơ sơ mặt mũi, tay chân, rồi xuống bếp lấy xôi thập cẩm ra ăn. Hạnh ăn vội vàng như người chết đói lâu ngày. Phát nghẹn.
Bỗng tiếng chông reo trên phòng khách, cô bưng dĩa xôi vừa ăn vừa đi lên phòng khách ra mở cửa. Nào ngờ... Nam. Phải! Chính anh đang đứng chống một tay lên hông nhìn vu vơ ra ngoài vườn hoa. Nhỏ mừng quá, quýnh quáng chạy xuống bếp cất dĩa xôi, cô uống ừng ực mấy ngụm nước lọc, trở lên phòng khách định mở cửa. Nhìn áo quần luộm thuộm, thấy kỳ, cô len lén thụt vô phòng thay áo quần cho tươm tất xí. Nhỏ soi gương chải tóc trước chiếc tủ đứng, rồi chạy xuống bếp với cái khăn mặt. Đi về say nắng một phần, phần nữa vì vui mừng, nên mặt Hạnh đỏ như người uống rượu say. Chuông reo lần nữa, chị bếp lên nhà trên mở cửa, và bưng nước trà mời Nam. Cô nhỏ nhút nhát, e thẹn rón rén đi vô phòng khách, Hạnh mỉm cười chào anh rồi e dè ngồi nép bên góc sofa. Nam cười tươi:
- Anh và hai bạn thân là Thạch, Trung, đã lên Đà Lạt tối hôm qua.
- Chà… Nào... ai biết.
- Ghét ghê.
- Em có người thương rồi.
- Biết từ khuya mà.
Hai người nhìn nhau, cười thích thú. Nam đi về phía tủ trà lấy giỏ xách da lấy quà tặng anh chị Khánh là nho, táo. Các cháu hộp đồ chơi chạy bằng pin. (Mấy thứ nầy các cu cậu sẽ khoái chí ghê à nha). Thơ đôi dép da. Quà của Hạnh là áo nhung ép màu vàng lạt đựng trong hộp kiếng, kèm hai quyển sách: "Luyện trí nhớ" của Nguyễn Hiến Lê" và "Tình Bằng Hữu" của Tứ Hải. Chị Hạc chục cuộn len màu trắng, (Nam tặng len cho chị, để chị chuẩn bị đan áo lạnh em bé). Cô đứng bên Nam:
- Em cám ơn anh. Anh chu đáo quá!
Khi soạn quà, anh nhìn cô mỉm cười nói nhỏ:
- Anh mong từng ngày… sớm lên Đà Lạt. Em biết không?
Hạnh ngẩng nhìn đôi mắt màu hạt dẽ, lòng cảm thấy xúc cảm bồi hồi, run rẩy, trái tim cô đập mạnh, co thắt nhảy nhót không đều nhịp trong lồng ngực. Tháng ngày chưa biết anh, trái tim Hạnh đã đập những nhịp đều đặn, thảnh thơi, hồn nhiên, thật an hòa trên cánh đồng tuổi trẻ yên vui. Đến nay thì... trái tim cô nhỏ trổi cơn bão khô, gió gào sóng tuôn, sóng cuốn con thuyền ra khỏi lục địa, giạt trôi trên đại dương bao la. Ở đó “có anh có em”, có cánh đồng đầy hương hoa ngào ngạt thơm thơm, có bông hồng kiêu hãnh đầy gai nhọn. Tình yêu nầy, phải chăng là hạt kim cương qúy giá lóng lánh khi còn ở xa, hay chỉ là giọt sương long lanh đọng trên cành cây ngọn cỏ, lúc ánh mặt trời chiếu lung linh qua kẽ lá? Làm sao nhỏ có thể biết?
Sau một giờ trò chuyện, cô nhỏ tiễn Nam ra về, Hạnh đứng dưới gốc thông già, nhìn theo Nam dần khuất với khách bộ hành qua lại. Im lặng đằm thắm nhìn nhau không nói, nhưng ánh mắt trìu mến, nụ cười ấm áp ngọt ngào như nói muôn lời, như trao nhau nghìn ý.
Hồi nãy chị Khánh đã nói chuyện với Nam khoảng ửa giờ, chị mời Nam ngày mai đi picnic ở thác Cam-Ly với mấy dì cháu. Chị Tư Khánh hiếu khách, vui vẻ, nhã nhặn, đàng hoàng, nhưng chị khó tính vàng trời mây, mà không ai ngờ nỗi.
Đúng giờ hẹn, Nam đến nhà cùng đi picnic có chị Tám Hạc, cô nhỏ, Thơ, Bảo, Quốc, Toàn, Thịnh, Trình, Phượng, (các cháu con của chị Khánh) và hai cháu Loan, Hùng (con chị Lê).
Đã bao lần cô nhỏ đến thác Cam Ly, đứng cheo leo trên mô đá trơn trợt, dõi mắt nhìn từng giải mây mềm như giải lụa vắt dài qua sườn núi. Nghe tiếng thông reo triền miên bất tận giữa non ngàn, Nhỏ đứng hàng giờ nhìn trời nhìn đất với đám bạn nghịch ngợm như "qủy xứ", cô nhỏ nào thấy cảnh đẹp đâu nà! Hôm nay thì cái nhìn của nhỏ có thể khác.
Xong việc lều trại, Nam dẫn các cháu đi lên suối Cam Ly Thượng, chúng leo núi, nhảy nhót trên mô đá rong rêu trơn ướt, không sợ ngã chúng leo trèo trên nhánh cây già cỗi, nằm lăn trên thảm cỏ bồng bềnh êm ái như nhung. Mấy cháu xắn quần lên tận gối, đứa bắt ốc, bắt cá, đứa hái qủa sim tím no tròn mọng chín ngọt lịm, thơm ngon lạ lùng, trông thật dễ thương, nhưng ăn nhiều sim bị khô cả cổ, đôi môi tím ngắt như nhuộm chàm. Vài đứa cháu đi hái trái mác mác, loại trái cây dây leo đặc biệt, có lẽ nó chỉ mọc ở vùng rừng núi, trái tròn lớn hơn quả chanh một tí, khi chín, vỏ trái mác mác màu vàng xanh. Có trái vỏ màu tím đỏ đậm, ruột nhiều hột mọng nước, chín vàng như nhau. Họ ưa mua mác mác, cắt đôi, múc hột bỏ vô ly có ít đường, đá, khuấy đều lên ăn... là ngon hết sẩy!
Tuy là bữa ăn ngoài trời, thế mà chị Hạc chuẩn bị chu đáo: nào bánh hỏi thịt quay, xôi gà, bánh mì thịt nguội, chuối, quít, nước đá chanh đường đựng trong bình nhôm to. Nam đem hai két coca, mấy thỏi chewing gum. Người lớn ăn uống nói chuyện phiếm. Các cháu bày đủ trò chơi, ca hát líu lo. Buổi du ngoạn ngoài trời rất vui vẻ, hồn nhiên, thoải mái. Ăn uống xong mấy cháu gọi nhau chạy lên trăm bậc cấp cao tới lăng ông Nguyễn Hữu Hào. Nam ngồi bên cạnh cô, hai người tựa lưng vô thân cây thông non đầy bóng mát, Nam thong thả kể:
- Có một lần, anh mơ thấy mình ngủ từ ngày nầy qua ngày khác trên đỉnh thông cao. Tuy ngủ, nhưng anh nhìn thấy em đi học về ngang. Anh cố mở mắt ra, muốn gào to gọi tên em. Nhưng muộn mất rồi! Em ôm cặp đi quá mau. Đôi mắt em buồn nhìn anh hờ hững, xa lạ. Dường như ta chưa từng quen biết nhau. Tà áo nữ sinh trắng toát vờn bay trong gió, tóc em dài vướng trên mặt anh thoang thoảng mùi thơm hoa đồng cỏ nội dịu dàng, mộc mạc đơn sơ. Anh nhẹ nhàng vuốt mái tóc em, và biết rằng em sắp sữa ra đi khỏi giấc mộng, mà anh hằng muốn duy trì. Tim anh bừng lên ngọn lửa nồng nhiệt, đã từng ấp ủ không dám nói ra. Anh cố gắng mỉm cười, để khỏi thổn thức trong giấc mơ lời chưa nói được là: "Anh nhớ em, anh say đắm vì em". Nhưng, em vụt tan biến vào ráng chiều đỏ thắm, không hề ngoảnh lại. Anh bàng hoàng mở mắt nhìn theo.
Khi nghe Nam nói, cô cầm cụm lá thông khô mượt mà, lòng tràn ngập niềm vui, băn khoăn, xao xuyến, bồi hồi, trái tim nhỏ đập mạnh trong lồng ngực như một đột biến quá đỗi nhanh. Không biết làm gì hơn, Hạnh cúi đầu đan lá thông khô rụng trên thảm cỏ mềm thành con rít li ti. Cuộc tình nào vừa chớm nở cũng có nét diễm kiều, ngọt ngào say đắm, ngất ngây, dễ thương và lãng mạn. Cô ngập ngừng:
- Giấc mộng đẹp, có điều buồn, anh nhỉ?
- Em buồn vì đời không phải là giấc mộng. Nhưng em ơi! Giấc mộng cũng không phải là đời.
- Anh nói phải.
Qua giọng nói nhỏ nhẹ, nhìn đôi má ửng hồng như màu hoa đào in trên má nhỏ, Phương Nam nhìn thấy vẽ bẽn lẽn tươi nguyên từ người con gái miền Cao Nguyên Lâm Viên luôn e thẹn, sợ lỡ lời, sợ làm buồn lòng anh. Nam âu yếm mỉm cười, nhìn nhỏ đan con rít khô rồi sắp lại thành chữ N & H .
Ba giờ chiều, chị Hạc gọi các cháu rời trại, cả nhóm lên xe taxi ra về. Chị và Thơ xuống xe vô chợ Đà Lạt. Còn Nam, Hạnh các cháu lên sân Cù trước, họ sẽ ở đó chơi và chờ chị. Mấy cậu bé mặc quần ngắn, ôm banh chạy lên khoảng đất trống đá banh thỏa thích. Hạnh và Nam ngồi dưới chòm thông giữ đồ đạc. Nam nhìn cô tủm tỉm cười hoài. Hạnh không biết tại sao Nam cứ ngó mình chòng chọc mà cười. Cô ngượng quá, bặm môi:
- Nhỏ chứ ai, mà anh nhìn kỹ quá vậy?
Từ từ lấy trong ví da ra một tấm ảnh, Nam úp bề phải lên lòng bàn tay, không cho cô thấy, tay kia chỉ vào tấm ảnh, anh nghiêng đầu nhìn nhỏ cười:
- Nhờ em nói lại với “anh bạn” trong tấm ảnh nầy là: "anh nhớ người đó, yêu người đó rất nhiều. "Anh ấy” đừng quá vô tình, làm khổ anh nữa nhé!
Nói xong, vẫn cử chỉ thư thái nhẹ nhàng cũ, Nam nghiêng đầu nhìn cô đá lông nheo kịch kịch mấy cái, Nam từ từ lật tấm ảnh lên. Trời ơi! Tấm ảnh mà hồi xưa ở Thượng Phước, cô nhỏ đã chụp giả làm con trai, trông du côn hết chỗ nói: Áo ca rô sọc lớn bỏ trong thùng, quần tây đen bó sát mông, nịt to bản. Bên hông đeo lưỡi lê, giày ống, đầu đội nón rộng vành, miệng nhỏ ngậm điếu thuốc lá. Tay cầm khẩu súng săn hai nòng của ba, trông “cao bồi leo cây”, qủy quái không chịu được. Nam đã “dớt” tấm ảnh trong album của mình hồi nào mau vậy!?
Ngượng quá! nhỏ chụp... hụt. Nhanh hơn, Nam né tránh và cất tấm ảnh vào túi áo, tay phải Nam chận lên ngực giữ lại. Hạnh năn nỉ:
- Trả tấm ảnh đó cho em đi.
Nam lắc đầu, trên môi giữ nụ cười trêu ghẹo. Nhỏ van lơn:
- Trả lại cho em đi! Kỳ quá!
Đứng dậy, Nam vin tay vô cành thông với điếu thuốc thơm gài trên môi. Nam nhìn Hạnh say đắm mà lắc đầu không nói. Nhỏ giận hờn, đôi mắt ướt lưng tròng, răng cắn làn môi, đầu cúi gầm, tay bứt cọng cỏ cú dai làm đỏ cả bàn tay, không thèm nói nữa. Thật lâu, Nam đến ngồi gần bên nhỏ, tiếng nói như pha mật ngọt tình yêu:
- Cho anh xin lỗi. Em nhé!
Cằm cô nhỏ tựa lên hai đầu gối, ngón chân cái xủi xuống đất, cạy lõm một ô đất mềm, mái tóc dài chấm trên mấy ngón chân, che khuất hầu hết khuôn mặt hờn dỗi. Nam muốn vuốt lọn tóc buông lơi, và quàng tay qua vai Hạnh, ôm cô vô lòng để dỗ dành, nói lời xin lỗi, mà anh không dám. Nam sợ Hạnh giận. Nếu em giận thật, thì anh không biết phải làm thế nào đây! Nam nghiêng đầu mình cụng nhẹ trên tóc cô, thì thầm nói câu:
- Giận anh đó à? Mới đùa có tí ti, mà em nhè ra rồi. Anh xin lỗi lần nữa nhe... Cái mặt anh sao thấy ghét quá ha! Trả lại tấm ảnh nè... Ớ... Coi kià, hổng thèm cầm hả? O xịt anh rồi à? Nghỉ chơi mí anh thật hả cưng?
Nhìn Nam châm điếu thuốc khác gài lên môi, cô từ tốn ngắm nhìn:
- Anh hút thuốc vàng hết ngón tay, hút nhiều không lợi, mà chỉ có hại.
Nam nhìn nhỏ trách móc, liền nghe giọng nói đặc biệt miền Đà Lạt ngọt lịm:
- Đôi mắt gì lạ! Ưng móc làm sao!
Nam dụi điếu thuốc vô gốc cây thông, hai tay anh che mắt. Qua kẽ hở mười ngón tay, mắt Nam sáng long lanh đang nhìn nhỏ trêu ghẹo, & đá lông nheo kịch kịch mấy cái. Hạnh cười to, giơ một ngón tay trỏ lên:
- Anh bịt mắt vậy á hả, ăn gian thấy mồ đi. Em móc mắt anh thật à.
- Nếu em móc mắt anh, thì em chỉ móc một mắt thôi nhe.
- Vì sao?
- Cho anh còn một con mắt, mới thấy em. Một mắt kia anh cho em vay...
- Vậy sao!?
Hạnh lắc đầu nhìn Nam cười tươi, anh rủ cô đi dạo bên khúc đồi thưa có nhiều lùm cây dã qùy rất to, hoa màu vàng nghệ, nhụy màu nâu tươi tốt mọc um tùm bên đồi cỏ. Còn có loại bông dại màu tím, chen với hoa màu vàng nho nhỏ không tên, không hương sắc đang hé nở. Chúng nép mình chúm chím rung rinh sau cành lá mềm mại khép hờ, trông ẻo lả và nên duyên. Cạnh đó là lùm cây mắc cỡ màu tim tím đầy gai, có hai hàng lá kép li ti, mặt trên lá màu xanh, mặt dưới lá màu tím thẫm quá đỗi thẹn thùng khép chặt hàng mi, mỗi khi có người vô tình dụng phải. Dưới cành lá đầy gai nhọn ấy điểm nhiều bông hoa tím pha hồng rưng rưng, to to, tròn đều êm êm như hạt bi bằng nhung. Bông hoa mắc cỡ nhẹ nhàng, thảnh thơi rung rinh theo làn gió thoảng. Nam cẩn thận ngắt cành hoa mắc cỡ e ấp và mong manh, thì cánh lá đồng loạt rủ nhau khép mắt lại rất mau. Dù thế, tay anh bị mấy gai nhọn đâm vào, xướt một đường dài tươm máu. Hạnh lật đật lấy khăn tay chặm chặm vết thương, rồi xuýt xoa chu miệng thổi phù phù. Cử chỉ chí tình chia sẻ nhỏ nhặt của người con gái ngoan hiền nầy, khiến Nam càng yêu qúy cô đằm thắm mặn mà như trăng tàn sao rụng. Nam đưa hoa mắc cỡ kèm chùm cỏ mướt lên môi hôn, rồi cài trên mái tóc cô, Nam cười:
- Em yêu qúy... dễ thương như loài hoa mắc cỡ và lá cỏ dại nầy.
- ... Em sẽ ép hoa lá anh thương, rồi trao về anh.
- Kỷ niệm dù nhẹ nhàng, đơn sơ, nhỏ bé đến đâu. Cũng được chúng mình nâng niu, gữi gìn và trân trọng. Hạnh à.
- Em đồng ý với anh.
Mấy chú ngựa còn bú mẹ, lông màu xám đậm, có con lông màu trắng chạng bốn chân yếu ớt, run rẩy, gầy gầy, đầu gối rất to. Ngựa con cúi xuống uống nước suối, con mẹ sợ con nhỏ té xuống suối, nó hí vang kêu tìm con, làm huyên náo một góc đồi yên tĩnh. Hai người về chỗ cũ khi chị Tám Hạc và Thơ đến. Nam Hạnh ăn chung một ngăn cào mên mì quảng, vừa ăn vừa cười khúc khích, Nam không thích ăn mì quảng, nhưng chìu ý người yêu, anh cố trợn mắt lên mà nuốt. Chị Hạc nhìn hai cô cậu yêu nhau đằm thắm, lòng bồi hồi tưởng nhớ đến chồng xiết bao! Ăn uống xong, chị em thu dọn đồ đạc chuẩn bị ra về. Nam nhìn trước ngó sau, rồi cúi xuống đề nghị nho nhỏ bên tai côg:
- Sáng mai, em đi dạo với anh nhe?
- Em chưa bao giờ đi dạo như vậy.
- Do đi một mình, em ngại ngùng và ưa giận hờn, vì anh thích trêu ghẹo em hả? Khổ nỗi, anh thích nhìn thấy em nhõng nhẽo, hờn giận như hôm nay. Anh biết em đang "ghét cay ghét đắng" anh. Dù vậy, anh muốn nghe nhỏ nói phản nghĩa chữ "ghét" đó vô cùng.
Khuôn mặt Nam trắng trẻo bỗng đỏ bừng, biểu lộ cảm xúc nội tâm chân thành, Nam lặng nhìn đôi mắt màu hạt dẻ cô nhỏ ngời sáng, đôi môi phớt hồng thường chúm chím nụ cười khả ái. Dễ thương đến nỗi khiến Nam càng yêu thích Hạnh, nhưng anh chỉ ngây ra nhìn cô nhỏ. Buổi chiều xuống đậm trên những sườn đồi quạnh vắng, sương mù quyện từng đám bên vườn Bích Câu Kỳ Ngộ. Sóng vẽ lăn tăn trên mặt hồ Xuân Hương thỉnh thoảng gợn mấy vòng tròn, lan rộng ra dần dần rồi chìm lẫn vào nước.
Cuối hồ, ngôi trường Grand Lycée gạch hồng mờ tỏ thấp thoáng ẩn hiện dưới chòm thông xanh reo vi vu. Nhiều cánh én lạng xuống mặt hồ rồi vút bay lên cao, muôn tiếng kêu chiêm chiếp gọi đàn về tổ. Vài chiếc lá vàng lững lờ bay lượn, và đáp nhẹ trên con thuyền độc mộc neo ở đầu cầu gỗ cạnh cây cầu Ông Đạo. Trước khi lặn mặt trời le lói từ các áng mây xám bất chợt lóe hồng lên, dọi sáng lữ khách nhàn du thả bước trên phố thị. Mấy chuyến xe đò vội vã tải hàng vô chợ Đà Lạt, bao khách bộ hành lo rảo bước. Năm sáu cặp nhân tình dìu nhau đi thật chậm trên khu Hòa Hình, hình như họ không nhìn thấy cảnh bon chen phố phường rộn rã người qua kẻ lại, náo nhiệt ồn ào. Họ không biết thời gian trải bóng qua song cửa đã lên đèn.
* * *
Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
11-21-2011, 04:31 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd/HQPD_1321849469.jpg
Theo Dòng Cùng Cuốn
Tình Hoài Hương
***


Thân tròn trịa thấp tủn thời trai tráng.
Thầy thảnh thơi trong trướng tại thôn trang.
Tía Thuợng-Thư từ thời thầy trai trẻ.
Tía “thấu triệt” tôi thương thầm thầy Thắng.
Thì… tía tức tối treo tôi trên tường.
Thoi tôi tới tấp trên thân trắng trẻo.
Trò thù tía thật. Thì tại thầy thôi.
Thắng trai tơ thiếu thốn tình trò Tám.
Thầy trở thành trọc tóc, thêm từ tâm?!
Trò tiếc thương thầy thui thủi thâu trăng.
Trò tiến tới: Ta tu trên thôn thượng.
Thiệt tình tại tim trò thoi thóp thở.
Trái tim trò trao tận tay tới thầy.
Trò thương thầy tự thuở trò tòn ten.
Treo thân trên tường. Tuổi trò trọm trẹm
thím Tám tứ tuần, thì thầy thích thôi. (*)

Hai người cười tươi, thong thả dạo bước trên đường, đọc xong hàng chữ cuối cùng, Nam bỏ bài thơ tiếu lâm của cô vào phong bì, hai người cùng cười ngất, anh cất trong quyển "Kim chỉ nam của học sinh". Nam nghiêng đầu trên mái tóc cô. Nhìn Hạnh khả ái ngây thơ và chân thật, Nam muốn ôm cô vào lòng, lần đầu tiên anh cũng muốn hôn Hạnh giữa lòng đại lộ thênh thang, nơi thanh thiên bạch nhật thế nầy. Nhưng... Nam sợ Hạnh mắc cỡ, sợ em dỗi hờn, viền mắt ướt long lanh ngấn thủy tinh tròn rung rinh bên khóe em yêu. Nam sợ nắng ấm thấp thoáng dưới đôi má ửng hồng, khiến cô càng e thẹn. Nam sợ! nên không dám làm gì hết; Nam chỉ âu yếm xiết nhẹ bàn tay cô, nhìn Hạnh say đắm nồng nàn, nụ cười dịu ngọt biết bao. Nam thân ái:
- Chaneolier Oxenstierin đã nói: "Thân thiết mở cửa ái tình, và đóng cửa tình bạn". Em thấy sao?
- Tình yêu có tình bạn hậu thuẫn. Nhưng, tình bạn không nên kèm song song với tình yêu, thì tình bạn sẽ vô tư lự, chân thật, bền lâu. Anh nhỉ!
- Đồng ý.
Tay trong tay Nam khe khẽ ca bài "Mộng Dưới Hoa" của Đinh Hùng. Ồ! Thật không ngờ! giọng Nam trầm ấm trữ tình ca quá hay. Thế mà cô không biết để bắt anh ta ca hoài cho nghe. Tình xanh nhẹ như hơi thở, mỏng như làn sương, êm ái như nệm cỏ nhung mềm trên đồi, dịu mát như dòng suối quê hương, hồng thắm như cành hoa anh đào hé nở tô điểm vòm trời Cao Nguyên thêm sắc, thêm duyên, thêm thơ mộng.
Hai người chia tay ở đầu ngõ, cô vào nhà cất quyển sách, thay quần áo rồi đi lấy nước cắm hoa. Bây giờ cô mới thấy tờ giấy báo gói hoa hồng rách te tua, chục hoa hồng có cái gãy lìa cuống, cái xù cánh rơi lả tả trơ nắm nhụy vàng, có búp chưa kịp nở, cuống hoa mềm èo, lúc lắc như chiếc răng rụng. Chỉ có cái năm hoa còn tươi. Nhìn bó hoa thảm hại hết chỗ nói. Hạnh vụng về loay hoay cắm hoa, thì chị Khánh đi vô phòng khách, chị dừng lại nhìn, rồi la em một hơi dài:
- Trời đất qủy thần ơi! Sao con nhỏ nầy ngu quá ta? Mua hoa phải lựa từng cái, đem về ngay. Đem hoa xuống hết dưới bếp, đổ đầy xô nước, ngâm một tí, rồi cắm vô bình. Làm ăn như vậy há. Có chết tui không! La cà ở đâu bây giờ mới mò về nhà, để hoa héo hết trơn vậy! Hả?!
Hạnh rất sợ chị Khánh, nhưng cô buồn cười khi nhìn bó hoa coi thật dễ sợ, cái gục đầu, cái xù cánh. Thấy mà ghê. Hoa hồng đi ngao du thắng cảnh với tình yêu, nó cảm động đến độ “gục gặc”, xù cả tai cả tóc ra. Thế là nhất rồi. Còn gì bằng!
Buổi chiều, Nam đến chào gia đình. Chị Khánh sai các em hái rổ mận giống Trại Hầm. Nam hái mận giúp các em, cháu. Vừa làm việc, cô rù rì bên tai Nam kể lại chuyện "hoa hồng xù lông nhím" cho Nam nghe. Hai người liếc nhìn nhau cười thật tươi, họ quên cả mọi sự trên đời. Hai “anh chị nhỏ” lại len lén nhìn nhau mỉm cười, ra dấu chỉ chỏ về bó hoa hồng như thầm nói: "Nếu chúng mình không đi bên nhau. Có lẽ hoa tươi không ủ dột, tàn úa mau trước thời gian đâu nhỉ!". Họ bắt gặp thoáng mắt trong veo liếc liếc nhìn nhìn, nheo nheo, lí lí lắc lắc ngó về phía chị Khánh đang gói hai kí trà La Ba loại Bạch Mao, gói mận, chị gởi anh đem về làm quà biếu gia đình. Cuộc chia tay thầm lặng, mắt môi đã nói thay lời, họ quên hết mọi chuyện trên đời, quên cả trời choạng vạng. Dù chưa tối, mà nhà nhà đã lên đèn.
* * *

Nếp sinh hoạt bình nhật ở Đà Lạt, thành phố trên cao luôn có sương mù mỗi sáng mỗi chiều và đêm sang. Thiên nhiên ưu ái đãi ngộ con người, ban cho khí hậu thoáng mát, tiết trời thuận lành, man mác, trong veo vương đọng gió rì rào trên đầu cây ngọn cỏ. Tạo thành một Đà Thành lãng mạn đa tình, thơ mộng, duyên dáng quyến rũ dường bao. Nên tâm hồn họ cũng có ít nhiều chất thơ, chất nhạc đầy men tình nồng đượm hương yêu. Đa số người dân sống êm ái hiền hòa, lặng lẽ không huyên náo.
Dân Đà Lạt hiền hòa như thảo mộc, họ trắng da dài tóc, mập mạp hồng hào, ưa quây quần trong nhà, đêm đêm đi ngủ sớm, ít khi họ la cà ngoài phố vắng (trừ người có công kia việc nọ cần đi sớm về khuya). Khoảng mười giờ đêm thành phố hầu như chìm trong giấc mộng với nệm ấm chăn êm. Trong Thị-xã ít khi có chuyện "động trời", ngỏ hầu khuấy động tính hiếu kỳ tới mọi người. Ngoại trừ những đêm có đoàn cải lương, hay đại hội ca nhạc kịch, thì phố thị Đà Thành huyên náo giây lát lúc vào họ đi xem hoặc khi ra về. Sau đó thành phố thơ và mộng được trả về sự yên tĩnh canh khuya cố hữu đơn điệu ngàn đời.
Buổi sáng hôm nay cô dậy sớm chui qua phòng chị Hạc nằm nói chuyện. Chị đi làm thư ký đánh máy, kiêm bán hàng cho nhà sách Họ Nhà Thờ Chính Tòa. Chị hiền lành đôn hậu, chất phác nhất trong gia đình có mười anh chị em. Chị dạy bảo em điều hay lẽ phải ôn tồn hoà ái không nghiêm khắc, la lối om sòm, (như chị Khánh). Ai cũng sợ chị Khánh một phép, mặc dù đôi khi cao hứng, chị Khánh kể chuyện vui buồn ngày trước, thuở gia đình còn ở làng quê. Năm 1925, ba má đi khai phá đồi hoang núi sâu ở vùng đất "Hoàng Triều Cương Thổ". Chị kể những gian truân khốn khó thăng trầm từ ngày gia đình thực sự bước vào con đường "vạn sự khởi đầu nan". Chị Khánh kể chuyện lưu loát, duyên dáng thu hút người nghe tài tình. Gia đình anh chị em ngồi quây quần bên nhau vào lúc "trà dư tửu hậu", há hốc mồm nghe chị nói. Chị pha trò khá hấp dẫn, ai ai cũng cười ngất, cười ra nước mắt. Thỉnh thoảng hoàng hậu Nam Phương cho gọi chị Khánh vào dinh thự, để chị nhận lãnh phần đan, thêu, may, móc: cho bà và hoàng tử, công chúa. Tay nghề của chị thì ít có ai theo kịp.
Chín giờ sáng, Hạnh, chị Hạc đi ra chợ mua hộp dâu tây, trái hồng Đà Lạt tặng Nam. Ngồi trên xe đò Nam trông thấy chị em Hạnh đến, anh vui mừng giới thiệu chị em cô với hai anh bạn: Trung dáng người trung bình. Không mập không ốm, da trắng trán cao, miệng rộng, mắt mí lót hơi nhỏ. Hạnh coi Trung hơi “lù đù” nhưng nào ngờ anh đấm chết “voi cái” í. Anh có mộng ước sẽ trở thành bác sĩ để tận hiến muôn điều đã đạt được trong kiến thức, hầu giúp đời. Anh Trung có thể thành công, vì anh xuất sắc từ mọi lĩnh vực. Anh Thạch dáng người cao ráo, da ngăm ngăm, vài chiếc răng khểnh trông ngồ ngộ mỗi khi anh cười. Anh là nhà thơ My Sơn có nhiều bài thơ Mười rất thích như: "Viết tên Em":
Nếu tôi xin phép viết tên em
Gần với tên tôi gần một đêm.
Em sẽ mỉm cười không nói.
Hay yêu cầu đừng ai bán bút nghiên.
Nếu tôi nói thật “tôi mến em”
Em có bao giờ mở ngỏ tim
Cho tôi cung kính vào thăm viếng...
Để viết thành thơ và nhạc tiên?

Hoặc bài thơ "Tôi sẽ kể" :
Tôi sẽ kể, dù cho em có trách
Chuyện chúng mình cho thiên hạ giải sầu.
Bởi phụ phàng nào có lạ gì đâu!
Yêu, đau khổ, vẫn thường trong thiên hạ.
... Nếu em biết: Tôi yêu em tình thứ nhất...

Giống như bạn, Thạch học giỏi, làm thơ hay. Tuy vậy, anh thích trở thành một tổng lãnh sự, một nhà ngoại giao, một nhà chính trị lỗi lạc. Phần Nam thì ước mộng sau nầy sẽ trở thành phi công giang hồ qua bốn bể, cho phỉ chí tang bồng hồ thỉ nam nhi! Ba người bạn chí thân ấy: có sở thích, sở trường, lý tưởng, hoài bão khác nhau. Thế mà họ vẫn hợp ý nhau kinh khủng.

Mặc cho hai bạn nói với chị Hạc về chuyện nắng mưa Đà Lạt. Nam nhìn cô tần ngần e thẹn đứng nép bên hông xe nhìn vu vơ lên khoảng trời cao lồng lộng, Nam thấy nắng yếu vương trong lòng mắt cô. Gió bâng khuâng ngại ngần tiễn đưa nhau., có khói lam cuộc tình quấn quít trên bờ môi ngất ngây vụng dại. Nam gục đầu trên đôi cánh tay đan vào băng ghế trước khá lâu. Trung ngồi giữa hai bạn, anh lấy cùi chỏ húc vô người Nam mấy cái, Trung đá nhẹ hàng mi, mỉm cười thân ái khi Nam ngẩng nhìn. Xe từ từ lăn bánh. Hai anh bạn nói lời từ biệt vẫy tay chào với chị em. Nam nhìn Hạnh đắm đuối. Khi ấy Nam vội thò tay ra tìm bàn tay Hạnh xiết chặt mà thì thầm:
- Tạm biệt em yêu dấu. Em đứng bên anh nhưng bẽn lẽn quá, đơn điệu, nhút nhát thơ ngây, bơ vơ vô cùng. Thương em, người yêu đơn sơ bé nhỏ trước tương lai mù mịt của chúng ta. Và vì thế, bỗng dưng nỗi buồn se sắt, thấm thía, dâng ngập hồn anh. Tạm biệt em yêu dấu. Giữ gìn sức khỏe nhé.
Người con gái ngoan hiền bẽn lẽn trao tình:
- Dạ anh thương!
Nam lại gục đầu lên thành ghế không nói thêm lời nào. Chị em Hạnh đứng lại trên lề phố Hàm Nghi, trước cửa cà phê Domino. Họ nhìn theo lớp bụi nhỏ vướng ở bánh xe lăn.
Mây chia ly phủ trên mảnh tim cô gái nỗi buồn nhẹ nhàng đằm thắm, Hạnh đã biết ưu sầu từ đó, nhớ nhung từ đó, thiết tha từ đó. Khởi đi từ phiến đàn lòng thứ nhất.
Hai chị em trở về nhà, Hạnh vội gởi đến Nam một lá thư, có đoạn:
... “Phải rồi anh ạ! Trên đời nầy, nếu không có em, thì từ nay xin sẽ không còn anh. Chúng ta hãy xiết chặt tay nhau đi hết cuộc đời, có khi phẳng lặng bình an, hoặc có lần dốc đá cheo leo cách trở. Anh nhé. Từ ngày hôm nay của anh là của em. Tương lai cuộc sống của Nam là của em. Đếm được bao nhiêu sao trên trời, anh sẽ gom lại: trao về em bằng ngần ấy tình yêu tha thiết, nâng niu và trân trọng. Tất cả… Bầu trời, tinh tú, gió mây, sông nước, biển cả, núi non, ao hồ trên vũ trụ nầy là của chúng ta. Của muôn người yêu nhau say đắm trên trái đất. Chúng ta theo nhau suốt đời, dù có “ráng vàng thì nắng, ráng trắng thì mưa”. Cũng đành. Anh có muốn anh thổ lộ tâm tư thầm kín trong đáy lòng em? Hay là anh đã biết tỏng tong rồi! Khiến em cảm thấy ngại ngùng, không dám nói ra. Hở anh!?”.
Cũng phải Nam ạ! em yêu anh không biết nhân chia trừ cộng, không hề tính toán suy nghĩ thiệt hơn, một tình yêu chân thành, hồn nhiên vô vụ lợi. Em yêu anh, từ ánh bình minh đầu tiên bừng lên tia hào quang lấp lánh, xuyên qua kẻ lá chiếu trên đồi cỏ xa xa. Yêu anh khi thành phố tỉnh giấc mộng chuyển mình qua mọi sinh hoạt thường ngày. Yêu anh khi gác chuông giáo đường cao vút tôn nghiêm thánh thót ngân nga mỗi sáng, trưa, chiều. Cộng với tiếng chuông chùa vẵng đưa trong vòng tay từ ái, rộng mở của Phật từ bi hỉ xả.
Em yêu anh giữa biển sương mù trắng xóa núi đồi. Yêu anh qua tiếng còi hụ báo hiệu giờ ngọ trên đỉnh nóc phố Khu Hòa Bình. Yêu anh khi tia nắng cuối cùng chen lẫn màu hoàng hôn và màu ven đêm. Khi cánh sao hôm nhấp nháy trên bầu trời bảng lảng. Yêu anh khi đêm sa hẳn trên phố phường, khuya về lạnh buốt, gió lồng lộng thổi quanh dốc núi cao. Con đường mòn chật hẹp bóng láng nằm duỗi mình giữa tháng năm dài, có bước chân ai cô quạnh âm thầm đi về mỗi ngày buồn tênh. Yêu anh qua từng mùa thu lá rụng xào xạc bên suối, khi tiếng mưa phùn dầm dề rã rích tuông suốt ngày đêm không biết mệt. Yêu anh khi tiếng xe thổ mộ đầu tiên báo hiệu hừng đông lóc cóc cô đơn đi họp chợ. Mặc dù em mỏi mệt gục đầu trên đôi cánh tay vòng trên bàn học. Trong giấc mộng thiêm thiếp chập chờn, em biết ngày ngày qua tháng tháng. Năm rồi lại qua năm trong cơn mơ, em vẫn gọi tên anh, và yêu anh mãi mãi...
Tiễn anh về quê mẹ, chưa bao giờ Hạnh buồn đến thế! Anh đã chia nửa hồn em, mang con tim đi trên lộ trình thiên lý, khuất xa nghìn trùng. Tình yêu nầy đọng lại trên giếng mắt. Trên bờ môi vụng dại nụ cười ngây ngô. Trên đôi bàn tay nâng niu quấn qiút mà trang trọng. Tình yêu sống mãi trong tư tưởng, đầy luyến-lưu hồi tưởng nơi tiềm thức, trong hoài niệm của Hồng Hạnh... vui vẻ gởi tặng lại anh bài thơ nầy nhé:
Tình ta nắng mai ươm hồng lãng mạn.
Hoa lá xanh tươi sương thấm trên cành.
Thật dễ thương bến cũ thuở trâm anh.
Vì mây gió hay dòng sông nước cuộn?
Bồi đục lở trôi theo làn lũ cuốn.
Như tình chúng ta bên lở bên bồi.
Buồn nhớ hợp tan khúc khuỷu cuộc đời.
Lá lìa cành cỏ sương rơi ướt sũng.
Đến đảo ân tình đôi mình ước mong...
Xin hãy đợi ta ven sông gợn sóng.
Người hãy chờ ta lá cỏ thong dong.
Đến đảo ân tình thỏa nguyện ước mong.
Cuồng phong đêm tối nổi lên hồn mộng.
Đợi ta ven sông, dù lở một dòng.
Xin hãy đợi ta bên đồng ven sông
nước lặng. Lững lờ thuyền mơ vượt sóng.
Bồi đục lở trong theo dòng cùng cuốn.
Khúc khuỷu cuộc đời có lúc phân ly.
Thuyền trăng tình ta sông lở khúc bồi.
Lá liền cành cỏ thân tình êm trôi.
Ta vẫn đợi, người ơi xin hãy tới.
Thầm hẹn ven sông dù đêm tối mưa sa.
Cuốn mây mưa trên ngọc đảo đào hoa.
Thuyền cột bến đôi ta say cõi mộng... (*)
* * *
Mùa hè ấm áp... Phú cùng các bạn từ Sài Gòn lên Đà Lạt & ở trọ trong một ngôi nhà nép bên sườn đồi đầy hoa dã qùy mọc tự do nở vàng rực gần suốt dọc con đường Hai Bà Trưng. Ngôi nhà nầy có hòn non bộ xây ở góc trái hiên ngoài, mặt nước ao tù phủ từng mảng bèo li ti khẽ lay động. Cá bảy màu bơi lui bơi tới uốn lượn trong hồ dần tối lại. Từng đàn kiến đen nho nhỏ, tấp nập tha trứng trắng phóng chạy như điên, kiến leo lên góc cột cao, chui qua trần nhà đen nghịt. Hạnh nghĩ thầm: “Móng dài trời lụt, móng cụt trời mưa”. Kiến dời tổ lên chỗ cao thì lát nữa đây đám mây sẽ vỡ tan, sẽ có cơn mưa lớn nhỏ, nhiều ít chi đây.
Ngoài sân có bốn cây mimosa hoa nở đầy cành, từng chùm bông óng ánh vàng tươi, thoảng mùi hăng hắc đặc biệt. Mười yêu hoa mimosa nên không thấy khó chịu. Từng chùm bông vàng tròn tròn đều đặn, mịn màng, êm như nhung, hoa mimosa đong đưa dưới cánh lá nhung lam, xám mốc phớt bạc, hình lá bầu dục trông đẹp mắt. Cô thích hái chùm hoa mimosa, pensée, violette, forget me not, cocorico, ép vào trang sách học trò, để gửi về bạn ở phương xa. Mấy loài hoa kia dễ ép, cánh lá mềm mại, mong manh. Duy chỉ có hoa mimosa và hoa mắc cỡ là khó ép, hoa có chùm nụ chưa nở, nên cứng như cành lá nó cưu mang, làm cộm lên dưới quyển tự điển dày. Do hoa khó tính khó nết vậy, nên nàng thích nâng hoa trên tay như nâng trứng, hứng như hứng hoa.
Chiều nay Nguyệt, Mười, Nhi, Thương, Vân, Hồng, Viên, Đào, rủ nhau đến dự sinh nhật Phú. Phòng khách vừa đủ rộng, cửa ra vào, cửa sổ kính, màn voan hồng mỏng che ráng chiều. Ngọn đèn vàng mờ đục, chao lụa móc trên tường, toát lên vẻ ấm áp, nên thơ, thanh bình trong căn biệt thự nho nhỏ xinh xinh. Các bạn ăn bánh ngọt, uống trà Tàu, cắn hạt dưa, họ ngồi nhìn Nhi mở màn khiêu vũ với Phú, qua bản “Đêm tàn bến Ngự” của Dương Thiệu. Thu Nhi có nét đẹp kiêu sa, áo dài màu hoàng anh, tóc dài buông thả trên thân hình cân đối, đường nét hài hòa, khuôn mặt xinh xinh, khiến ai cũng muốn nhìn. Viên đẹp dịu dàng như hoa đồng cỏ nội Đế Đô, Lâm Viên hay cười tít mắt duyên dáng liếm ướt làn môi, giọng nói nhỏ nhẹ, dịu dàng. Mặc dù có ưu điểm thế, thân nhau như thế, nhưng hai cô ấy vẫn khác tính nhau: một cô mê nhảy đầm, một cô nhút nhát ngượng ngập kiểu bồ câu. Nếu chưa biết chuyện riêng tư về họ, suy nghĩ của họ, thì Hạnh không thể nào tin được đó là hai cô ý hợp tâm đầu. Phải chăng sự tương đắt đó bao gồm cả sự tương thân tương ái, người này cần người kia cái mà mình không có, để bổ sung cho bạn cái mà mình vượt trội. Hai cô gái Huế ấy đã "nhặt được bạn qúy", nên thấu hiểu và thông cảm nhau lạ.
Mấy bạn trai đến mời Hạnh nhảy, cô đều từ chối. Bởi lẽ cô thấy kỳ cục quá sá. Nói ra thì có thể các bạn cho mình nhà quê, không sành điệu. Thời buổi nầy nhảy đầm là chuyện bình thường, thuộc lẽ tự nhiên khi giao tế lịch lãm ở đời. Nhưng cô thuộc loại "nhà quê" thật sự, không văn minh tiến bộ nỗi. Lạ hoắc lạ huơ đâu không biết đến mời nhau, ôm nhau, giậc lui giậc tới, va chạm thân thể tới tấp điệu nhảy cuồng quay nóng bỏng, vòng tay siết chặt thân thể. Ngượng chết người! Gì chứ “mấy pha mê ly hấp dẫn” đó, mãi mãi không nằm trong "chương mục văn nghệ tính" của Hạnh. Ai chê cười "quê một cục", em xin chịu, xin giơ hai tay lên đầu hàng vô điều kiện. Hạnh ra ngoài hàng hiên, ngồi trên bờ tường thấp xây chung quanh ngôi biệt thự, để các bạn tự do thoải mái và tự nhiên đôi chút.
Khoảng giờ sau, Phú ngọn thuốc mãi miết cháy trên môi ra lan can đứng gần bên cô tần ngần nhìn lên cành hoa mimosa mập mờ trong bóng tối. Mỗi người chìm vào suy tư riêng. Tiếng cười reo của các bạn ở trong nhà nghe vô tư lự, tiếng đàn ca lùi hẳn về phía sau, nhường chỗ cho nỗi buồn nhẹ nhàng, tinh tế len lõi vào hồn Hạnh, thành nỗi nhớ nhung choáng ngợp lòng nàng. Mãi lâu, Phú buông tiếng thở dài. Cô quay nhìn nét mặt đăm chiêu như dò hỏi. Phú rít dài hơi thuốc cuối cùng, dụi tắt, vất đi:
- Sao Hạnh nỡ đùa dai vậy? Vừa phải thôi.
- Đùa gì cơ!
- Anh rất khổ tâm.
Lần đầu tiên Phú xưng "anh", thay vì vẫn gọi tên nhau. Ngạc nhiên, cô ngẩn người giây lát, rồi dè dặt hỏi:
- Về việc gì chứ?
- Còn giả vờ nữa.
- Không đâu.
- Sao Hạnh gán ghép người mà anh không thích vậy?
Hạnh lặng thinh cúi đầu. À phải! Các bạn đang trêu đùa trong nhà. Họ trêu chọc Yến và anh ta đó.
- Hạnh nghĩ gì về... Phú vậy?
Câu hỏi quá bất ngờ, khiến cô lúng túng xí:
- Nghĩ gì? Ơ... Phú như bạn thân thương khác. Có lẽ hiểu Hạnh. Chịu nghe mình nói. Cùng... muốn học hỏi, trau dồi kiến thức... cho nhau.
- Vậy ha! Còn gì nữa không! Hồng Hạnh?
Ngập ngừng giây lát, quay hẳn về phiá Phú, cô nói:
- Phú đẹp trai, Yến là kiều nữ, không phải ai Yến cũng có cảm tình đâu. Cho phép Hạnh nói về Yến như vậy... Nếu ở vào địa vị của Phú, thì Hạnh sẽ chịu Yến gấp. Yến mến Phú nhiều. Trong cái nền chung của các bạn trai thân quen, Phú nổi bật như ánh chớp nguồn trên nền trời xám đục. Mình muốn nói là Yến có cảm tình đặc biệt. Phú có đáp tình là tất nhiên. Điều đó tốt chứ. Yến dễ thương!
- Không đùa chứ?
Hai cô Đào, Vân đi ra cửa, họ nghe lõm bõm, nên hỏi:
- Ê Hồng Hạnh, không nói đùa, thì nói chuyện thật gì vậy?
- À mình khen Yến... đó mà.
Được thể, mấy cô gái kêu to lên, chọc phá Yến:
- Yến ơi! Phú khen mày nè. Gớm! Nó vờ không nghe, lờ đi, mới dễ ghét chứ.
Phú nhìn Hạnh ánh mắt đượm buồn xa xôi và trách móc không thể tả. Sợ mấy con nhỏ làm Phú buồn, vì anh ấy không biết chúng nó là "bát cô nớ" thần sầu đất lở, trẻ không tha, già không thương, Phú chấp nhất họ làm gì chứ. Hạnh vội giả lả sang chuyện khác. Phú vô nhà, đến bên tủ lấy chai rượu ra, giơ lên trước mặt,Phú cười:
- Uống tí rượu bỏ quên đời, dông tuốt lên chùa, quét lá đa cho xong.
Mấy anh chịu chơi hết cỡ thợ rèn rồi! Mỗi anh làm một cái ly nhỏ xíu bằng ngón chân cái, cho ra vẻ ta đây "trai tráng mới nhớn", là dân chơi cầu ba cẳng, lỡ qua sông phải lụy đò, dù có say mút mùa lệ thủy, vẫn OK. Các cô thì "em chã, em chê, em chịu thôi".
Ngày rồi có lúc tối đêm lại. Cuộc vui dù nhộn nhịp, hân hoan thích thú đến đâu, có lúc tàn và chia tay. Giờ chỉ còn những cuộn mây xám giăng giăng, những hạt mưa tròn giọt thánh thót rơi rơi, từ đài hoa mimosa rớt xuống nền gạch lạnh, như muôn giọt thuỷ tinh tròn tròn, lăn lăn ly ti. Trên con đường thấp thoáng mưa phùn rơi, các bạn tiễn đưa nhau, hai ba người đi chung từng nhóm nhỏ. Lễ xỏ tay trong túi quần, đi bên Hồng (có người yêu, là cháu chú Cửu Hiền, chú là em họ ba Hạnh); Vì thế mình bà con tùm lum tà la, bắn mấy phát cà nông, có lẽ mới tới đầu dây mối rễ và tới Hạnh. Đắn đo giây lát, Lễ mở lời:
- Hôm nay sinh nhật của Phú, mà... nó buồn lắm.
- Vui chứ! Sao lại buồn?
- Dễ thương xinh đẹp như Hạnh, sao Lễ thấy Hạnh "ác dễ sợ".
Hồng nghe Lễ nói thế, vội đỡ lời bạn:
- Làm như Hạnh ăn thịt, ăn cá, ai không bằng.
- Nếu nó là cá thịt, cho người ta ăn, có lẽ đỡ đau khổ.
- Chi lạ rứa?
- Không lạ đâu Hồng Hạnh! Phú yêu Hạnh lắm đó.
- Điều nầy khiến Hạnh không vui. Giữa Phú và Hạnh có thường viết thư. Lễ biết phải không? Giá như ngày ấy, Phú ngỏ lời ...có lẽ mình sẽ không yêu ai khác. Sở dĩ nói vậy, vì Hạnh không dấu bạn điều gì. Nay thì Hạnh đã gặp và yêu anh ấy...
Ba người lầm lũi đi qua lối Cẩm Đô. Hồng chia tay bạn rẽ về phiá Ngọc Hiệp. Còn lại hai người, Lễ xỏ hai tay vô túi áo blousson, anh đá hòn cuội trắng, nó lăn từng đoạn trên đường. Khá lâu, Lễ nói:
- Chưa nghe Hạnh nói về "anh ấy" bao giờ.
- Không có dịp gặp nhau, Hạnh chưa giới thiệu thôi.
- Dù sao Lễ... không muốn cho Phú biết điều nầy, Phú sẽ thất vọng lắm, và sẽ ảnh hưởng không tốt về việc nó thi cử sắp đến nữa.
- Cảm ơn Lễ. Hạnh... mến Phú như Lễ vậy. Chúng ta có với nhau nhiều kỷ niệm trong sáng, hồn nhiên, ngọt ngào vô cùng, một tình bạn dễ chịu, dịu êm.
Tình bạn muôn thuở còn đẹp mãi như xưa, khi họ biết về mình không nhỉ? Hồng Hạnh tha thiết mong tình bằng hữu bất diệt, sống mãi trong mỗi chúng ta, không muốn mất các bạn, cũng như không bao giờ Hạnh mất Nam.
*
(*) Thơ Tình và Thơ tiếu lâm: Tình Hoài Hương

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
01-11-2012, 01:38 AM
Tình Vờ len lén vu vơ
Tình Hoài Hương
***


Con đường dốc bên cạnh rừng, đầy lá thông khô được sương chiều đã rửa sạch trơn, nó trơn tuột, láng mướt, ve vuốt đôi chân êm ái mát lạnh khi mình dẫm lên. Khiến Mười muốn ngã lưng nằm trên thảm nhung nâu nâu, mượt mà, mơ màng nhìn lên trời cao, xao xuyến nghĩ về… sự học hành chẳng biết lúc nào mới có “bảng vàng ghi tên”, mà thời gian đã nuốt chững tuổi xanh, sức lực hao gầy theo nhịp trời đổ cơn mưa, gõ lóc cóc miết mãi trên dáng người gây gây lạnh, ú ớ ngây ngô khờ câm khờ dại, bước thấp bước cao nơi con đường gập ghềnh thấp thoáng mưa rơi trên mái đầu lơ thơ tóc... khi nghĩ về Nam.
Chờ Mười ở tiệm Vĩnh Chấn, Nguyệt vui vẻ nói:
- Chúng ta hãy đi giải trí xí nghe. Anh em ta muốn nhờ Mười Noel này về Cầu Đất có chút chuyện... Khổ quá, là thế nầy nè... anh Minh tao ảnh, ảnh nhờ... tao nói với mày là... là...
- Là là là... Mi muốn cái gì, cứ nói toạt móng heo ra đi. Ấp a ấp úng, vòng vo tam quốc chí. Nghe phát mệt.
- Hì hì! Tụi nầy nhờ mày đóng vai... "tình hờ" của anh Minh, ừ! chỉ "giả vờ thôi mờ. Tất cả bọn mình sẽ đi qua nhà vợ tương lai của ảnh, cho họ hàng nhà chị ấy đừng tưởng bở, đừng làm bộ, làm tịch làm cao. Anh em nhà tao chịu hết nỗi rồi.
- Thôi đi má! Đùa dai kiểu nầy, hại tim lắm. Tui sợ ăn dao phay, hay bị tạt ác xít, mà tui chả được "chấm mút" gì.
- Không sợ tao méc "ôn xã" sao?
- Khi không bắt tao làm chuyện quân tử tàu. Mệt.
- Vì hạnh phúc của ảnh mà.
- Thương họ hén. Nếu tao có bề gì, thì làm gì nhau nà?
- Bảo đảm có anh em bạn bè đi quanh mày mà.
- Để xem sao.

Thế là Minh và hai cô em gái đến nhà xin phép chị Khánh, cho Mười về Cầu Đất "ăn giỗ bà cố". Chiếc xe khách chở mười sáu người. Anh Minh năm nay khoảng hai chín tuổi, anh có những người bạn đã vào đời, người đi dạy học, người đi lính, người sinh viên: Biên, Thuật, Cư, Sĩ, Tòng, Phán, Hội. Thuyết, Tâm, An. Cọng với bảy cô gái nhỏ ưa quậy phá nghịch ngợm. Nên chuyện vui nổ dòn như bắp rang trong chiếc xe đò:
Con quỳ lạy Chúa trên trời
Sao cho con trốn được người con yêu
Rằng con thiếu nợ đã nhiều
Nàng còn mua sắm đủ điều, Chúa ơi! (*)

Do có bàn tính trước, nên bạn hữu xuống xe dưới đầu dốc. Cầu Đất có độc nhất một con đường Cái Quan. Quốc lộ chính nối liền thành phố Đà Lạt với Đơn Dương, Krông Pha, Ba Ngòi, Cam Ranh, và Liên tỉnh miền Đông. Xem ra phố bé nầy tuy nhỏ, nhưng không kém phần quan trọng! Phố chợ nằm trên quốc lộ chính, đi lên đi xuống vài lần đã rõ mặt nhau. Cô vợ tương lai ở giữa phố phía tay phải. Nhà Minh an tọa trên dốc trái, nhích lên lưng đồi cao. Đứng ngoài sân, Minh có thể nhìn thấy nhà bà xã tương lai hoa khôi Cầu Đất.

Chỉ cần một giờ thôi, thì từ đầu dưới lên xóm trên đều biết tin giáo sư Minh, cùng bạn bè đông đủ về làng. Ở thôn xóm cần lao nầy, người dân đa số đầu tắt mặt tối với ruộng vườn, nương rẫy. Một giáo sư tà tà về quê, liền được thiên hạ ngưỡng phục, y như Quan Trạng về Làng vậy. Nhất là anh ta "kề vai bá cổ" con nhỏ thị thành "mặt hoa da phấn". Nói ra thì mắc cỡ, xấu hỗ chết đi. Mười có đẹp đẽ chi, chẳng qua nàng ưa lấy le muốn quậy tưng trời xí và “ham dzui” thôi. Bọn Nguyệt chọn nàng vì Mười "lì". Điếc, thì lấy gì sợ súng mà lo!) Mười dám cả gan "vai ôm cánh ấp, đồng sàng dị mộng" hai người nũng nịu đi giữa lòng quốc lộ, nói chuyện "tìn...iêu", mà ríu ra ríu rít mắt liếc liếc lườm lườm, đưa tình đắm say. Run thấy mồ, nhưng Mười làm ra vẻ yêu đương mặn nồng, ỏng à ỏng ẹo, nhoi nhoi cái đít vịt. Tay trái Mười vờ quàng ra sau lưng túm đuôi áo veste của Minh, cho khỏi ngã dúi về phiá trước. Tay phải nàng bèn nựng cằm Minh, "tát yêu tát quái" trước đám rước. Minh vờ cúi sát bên mái đầu Mười, anh ta xổ một tràng tiếng Thượng, tiếng Miên, Lào, Miến Điện, Ấn Độ, chi mô. Không ai hiểu ất giáp gì, mà cả nhóm lườm lườm nguýt nguýt và cười reo, Biên đọc thơ khôi hài để trêu Minh:
Con cày hai job hụt hơi
Người con yêu dấu đua đòi chơi xe
Biểu gì con cũng phải nghe
Nếu con cãi lại, tua te cả đời.
Long vừa cười khà khà, nổ một tràng:
- Giáo sư hỏi cả lớp:
- Ai có thể nêu hai sự kiện lớn trong cuộc đời của nhà thơ Anh Milton?
Một nam sinh viên nhanh nhẩu phát biểu:
- Sau khi kết hôn, nhà thơ viết tác phẩm "Thiên đường đã mất".
Đến khi vợ ông mất, ông viết tác phẩm "Thiên đường trở lại".... (*)

Họ quậy phá "dễ xợ"! Đã đóng kịch, ta phải đóng cho trọn vở tuồng mà. Thú thật Mười níu rịt vạt áo của Minh, nàng hết dám đi ngang qua nhà “chị ấy” lần thứ nhì. Vì nàng thấy những cái nhìn nẩy lửa ném vào cặp tình hờ trên phố. Khuôn mặt họ nhà gái quê xệ đanh lại bên luống rau, ở góc đường, cuối ngõ. Có tiếng kêu gọi nhau ơi ới, xầm xì trò chuyện, thì họ ù té chạy đi báo tin với “họ nhà vợ” anh Minh. Y như báo tin bão khẩn cấp! Mười sợ bị ăn dao phay, bị tạt ác xít quá chừng. Đám bạn gái, trai, hộ tống phía sau hai người, họ không khỏi rùng mình ớn lạnh, le lưỡi trợn mắt, nổi da gà, dựng đứng lông mày lên, vì khiếp đảm.

Thôi nhé! Một lần "dại thì vái tới già". Ham "dzui" có ngày lãnh thẹo, chết nghe con. Không có cái dại nào bằng cái dại nầy thật. Eo ơi! Cái lạnh bất chợt ập xuống, vuốt sống lưng Mười, như có ai lấy kim sắt to tướng, đâm vào đốt xương sống, chọc tủy ra, làm lưng buốt cóng đến rợn tóc gáy. Dĩ nhiên, người ta phải bảo vệ “quyền tư hữu danh nhân Thôn Xóm” chứ. Minh sinh ra, lớn khôn, thành nhân, thành tài, từ nơi chôn rau cắt rốn nầy mà:
Trước đây con tưởng gặp thời
Chúa ban con được tìm người con yêu
Giờ đây thân xác tiêu điều
Đời con phải chịu rất nhiều đắng cay (*)

Gia đình Nguyệt mời bạn về nhà thiếu hẳn cách tổ chức. Đã hơn một giờ mà bếp lạnh tro tàn. Bà Ngoại của Minh đau nằm một chỗ. Cha mẹ họ mất sớm, Minh là thanh niên mà phải quáng xuyến mọi việc trong gia đình, thì làm sao đàng hoàng tươm tất, bằng có bàn tay phụ nữ chu toàn. Hai cô em gái của Minh đi học ở thành phố còn non nớt. Mỗi tháng eṃ về quê thăm ngoại vài lần. Minh dạy học truưừường Tư ở Đà Lạt và Cầu Đất, chàng hết chạy lên, lại lóc xóc chạy xuống, vừa chăm sóc ngoại già, em dại, một chốn đôi quê, như gà trống nuôi con trong cảnh vườn trống nhà đơn. Ngoại già ở dưới quê lụm cụm, nên trăm sự Minh phải nhờ lối xóm đỡ đần sớm hôm trông coi ngoại khi tắt lửa tối đèn.

Kịp lúc mấy người bên nhà gái mời Minh qua nói chuyện. Minh xanh mặt nhe! Như sực tỉnh cơn mơ, Minh đưa tiền cho cô em Thủy đi chợ mua: trứng vịt, thịt bò, thịt heo, rau quả về nấu cơm canh ăn tạm, đúng là ngày Noel mà anh cho bạn và em ăn trứng vịt nha. Giờ nầy còn lác đác vài hàng rau thịt sơ sài, ruồi bu tám lớp, thấy ghê! Cơm nước giao cho bọn học trò nầy lôi thôi quá! Đi chợ nấu ăn cái gì, mãi đến hơn ba giờ chiều chưa có cơm ăn. Nguyệt vụng về lười nhác, giao Thủy cặm cụi lò mò xào nấu. Bếp núc tối om, chật chội, khói tỏa mù mịt, mắt mũi cay xè. Chẳng ra làm sao cả! Mấy cô gái túm tụm với nhau mỗi người một tay. Cuối cùng cơm canh cũng dọn lên bàn.

Ăn cơm dở dang, thì Minh về, mặt mày anh ta tươi rói, vì kế hoạch đã thành đạt: Anh sẽ cưới vợ sớm hơn dự tính. Cười nói huyên thuyên. Bỗng Minh im bặt, khi thấy mấy cô gái ngồi xù ra. Anh hỏi Nguyệt, Thủy. Vỡ lẽ mới biết là các cô nấu nồi cơm nhỏ xíu, chỉ vừa cho ấy anh kia “xơi” thôi. Nên bọn con gái đói meo, chờ nấu nồi khác.
Minh cười, phân bua:
Thân con chẳng khác trâu cày
Nợ nần con trả đời đời chưa xong
Con giờ như cá lòng tong
Sụt ba chục ký ốm nhong rã rời
Thế mà đâu hết nợ đời
Nấu cơm rửa chén trả bài … tí ti
Người đâu gặp gỡ làm chi
Để cho khổ thế còn gì tuổi Xuân? (*)

- Vì vậy, tôi cần phải cưới người vợ đảm đang gấp. Tiện thể, xin cám ơn các cô em, các bạn tôi. Nhờ có bữa cơm đói meo nầy, mà chúng tôi mới có dịp xí xóa làm lành mí nhau, chúng tôi sẽ làm đám cưới. Xin mời qúy vị ân nhân đến tham dự nhe:
Bảy cười ha hả:
- Khi đó thì toa đừng có than thở nha:
Chúa ơi! Con khổ vô ngần
Chúa mà không giúp là thân con tàn
Con đang thiếu nợ trăm ngàn
Nhìn đồ nàng sắm hai hàng lệ rơi
Con quỳ lạy Chúa trên trời
Giúp cho con trốn được người con yêu. (*)
Hoặc là giống như: Hai ông chồng ngồi kể khổ với nhau về chuyện vợ con. Một ông rầu rĩ nói:
- Nhiều lúc tôi muốn chết quách cho rồi. Không biết trên thiên đường có đàn bà không nhỉ?
Ông kia trợn mắt:
- Vớ vẩn! Có đàn bà sao còn gọi là thiên đường được!
Tòng khoát tay phản đối:
- Gác việc đó goa một bên. Hổng phải anh đi đã đời, rồi dìa đây ba goa chích chòe. Phải bồi goàn thiệt hại dề dật chất, tinh thần anh em chớ. Nội cái tội: Hôm qua, qua nói qua goa, mà sao qua hổng qua ăn cum dí tui cà? Rùi hôm nay qua nói qua hổng qua, mà sao qua lai mò qua nhà con dợ để tạ ơn hè:
Tạ ơn trời đàn bà vẫn còn đó
Để đàn ông vẫn còn có niềm vui
Chỉ đàn ông. Thôi chết quách cho rồi
Không đàn bà. Ôi chẳng thà tận thế. (*)

Nhao nhao chọc phá nhau, họ cười đùa, mỗi người một câu:
- Coi ảnh xoa xoa hai tay, ngon ơ dậy. Làm gì có chiện đi không dề rồi. Dễ ợt dậy! Phải khao bọn nầy bữa nhậu, cho quắc cần câu chớ:
Cho tôi hỏi đàn bà là chi rứa?
Là những gì rung động trái tim ta
Làm cho ta cảm thấy nổi da gà
Là gặp gỡ, xốn xang, là tiếng sét...
Là hợp gu vì cùng chung tính nết
Là âm thầm nhung nhớ lúc chia xa
Là nụ hôn. Ôi rợn cả thịt da
Là ẻo lả vòng tay nhưng rất chắc
Là mái tóc mùi chanh thơm hăng hắc... (*)
- En (anh) đi náng (nướng) cá cho bợn (bọn) tui dậu (nhậu) lơi rơi (lai rai) cho tui tiếp tụ hói:
Là môi mềm ẩm tẩm bùa mê
Là đôi chân thoăn thoắt đến, đi ,về
Là son phấn ngào ngạt hương rực rỡ...
Là niềm vui cho hồn ta cởi mở
Là đắng cay, nhục nhã lúc ghen tuông
Là dễ thương trong những lúc thẹn thùng
Là bẳn gắt dữ dằn khi la lối... (*)

Thế là các anh cười ha hả đi mua rượu, và mồi về, họ uống cho đã một bữa. Các cô thì chui vào phòng nằm chèo queo đợi nồi cơm sau chín tới. Họ ra ngồi chò hỏ dưới nhà bếp, ăn cơm với su su xào tôm khô ngon ơi là ngon.
* * *

Mười không ân hận khi làm chuyện "ruồi bu" mà người khác có hạnh phúc, tưởng nên lắm. Mười nghĩ có lẽ do tính "lí lắc, lóc chóc, tành hanh, xí xọn, cao hứng", chứ ta chẳng xinh đẹp quyến rũ, đào hoa đào hiếc gì để được hai anh Biên và Sĩ theo tán kỹ quá. Nàng không thích họ, vì mới gặp chưa bao lâu họ tán vội tán vàng. Như kiểu chụp giựt món hàng sold không bằng. Rồi... giống người chuyên làm áp phe, anh nầy tán không được, bỏ đi. Anh kia đến. Xí!

Mười tiếc không có Thùy, tính nó hồn nhiên thẳng thắng. Thấy vậy, chắc là nó quậy phá cho mà biết. Dẫu chưa vướng mấy bụi trần, Mười có cái nhìn chân thật, tâm hồn thẳng thắng riêng. Vì phép lịch sự nàng phải xã giao vui vẻ xí, (tuy lòng băn khoăn). Chớ trách họ đã vào đời, từng trãi qua kinh nghiệm sống, chết, và chiến đấu trên chíến trường. Họ yêu cuồng sống vội giữa phong ba cuộc đời. Có ba trợn hoặc nói đăm ba chuyện tào lao chi đế, vẫn là thường.
* * *

Năm giờ chiều, trừ Minh ở lại thảo luận chương trình tổ chức hôn lễ sắp đến. Tất cả bạn bè, em cháu, đều lên xe trở về Đà Lạt. Ngồi phía trước cạnh bác tài xế, Mười nhìn lên bầu trời đầy mây xám giăng giăng. Mười cảm thấy buồn buồn nhớ nhớ trong lòng. Nàng tì tay lên cửa xe, nhìn vu vơ xuống núi đồi trùng điệp. Thung lũng nầy có những con đường đất đỏ vòng lên vòng xuống, quanh năm chìm trong biển sương mù, lớp sương mù đọng suốt con đèo uốn lượn quanh co nhấp nhô thấp cao. Dãy đồi lồng lộng chập chùng, cao lớn tiếp nối hào hòa đẹp mắt lạ thường. Nhiều đám hoa qùy chen lấn lau sậy lô xô. Bao bụi sim mọc lô nhô chạy giật lùi sau những khúc ngoặt. Đồi thông cao to nhọn hoắt.

Dân cư ở đây đa số làm vườn, làm rẫy, họ trồng từng đồi su su, rau cải, bắp sú, cà rốt, khoai tây, hoa, trái cây đủ loại dưới thung lũng hoặc lưng chừng các triền đồi. Họ cần cù nhẫn nại phá đồi làm nương rẫy từ tháng nầy qua năm khác. Họ tưới biết bao giọt mồ hôi trên luống đất hoang, rừng thành ruộng rau xanh tốt màu mỡ phì nhiêu. Những mái nhà tôn cũ, mới, nhấp nhô lẩn khuất, ẩn hiện dưới vòm cây ăn quả tỏa làn khói quấn qúit, bịn rịn ấm áp, gợi thèm nhớ bữa cơm chiều. Mấy bác nông thôn cần lao sớm tối quảy gánh trên vai, bước chân vững chãi đi lên đồi hoặc xuống dốc, nhịp nhàng uyển chuyển theo đôi thúng gióng đong đưa. Con chó vàng loăng quăng chạy theo mừng chủ trở về, sủa gâu gâu vài tiếng nó vặn hết cả người theo cái đuôi ngoắt lia ngoắt lịa. Bỗng chốc nó nhảy chồm lên người chủ, khiến bác nông thôn phải gỡ nón lá ra đập, đuổi nó đi.

Sát lề đường, cạnh trường Tiểu học Đa Lộc, nơi bác tài ngừng xe, để châm thêm xăng nước, vài thanh niên mặc áo quần lao động, đầu đội nón vải đà, mang gùi thưa đựng đầy lá trà tươi, tay cậu ta cầm gậy trúc, miệng huýt sáo bản nhạc vui tươi. Họ cùng đi với ba em bé nhảy bước chân chim cạnh bốn thiếu nữ. Các cô trạc tuổi mười tám đôi mươi, những cô gái Đà Lạt có làn da trắng mịn, hai má thắm hồng, mắt ngời sáng, đẹp như hai em bé bầu bĩnh kia. Họ mang găng tay cao su, nón lá móc vào khuỷu tay. Họ mặc áo rộng thùng thình, quần đen bỏ trong đôi giày ống cao lấm lem đất đỏ, lưng đeo gùi đầy lá trà xanh nặng trĩu vai.

Các em bé và các cô cười khúc khích, hồn nhiên vô tư không bối rối. Họ cười khi thấy cậu thanh niên cỡi xe đạp chạy quá trớn từ trên triền đồi xuống đường, giăng hai chân ra, thân hình cậu ta xiêu vẹo qua một bên, cậu ta cố ghì chặt tay lái cho xe khỏi ngã, khi thả dốc. Vai và lưng gùi nặng, họ vẫn thảnh thơi bước đi, không chút nhọc nhằn, hình như không biết mỏi mệt, vất vả, dù đôi quai gùi thô cứng siết chặt vào vai.

Bác tài chạy thẳng về đường Cường Để, Duy Tân, Minh Mạng, Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng. Nhà Chung sẽ là trạm sau cùng. Xe ngừng ở Duy Tân. Mười bỗng giật mình run rẩy như con chim nhỏ bị tên, khi nàng thấy Nam và các cháu, đứng chọn sách, mua đèn Noel. Anh ấy xuất hiện bất ngờ, khiến Mười sững sờ quá sức, không thốt nên lời để nói bác tài cho nàng xuống xe chạy đến bên họ. Nàng ngẩn ngơ nhìn. Trái tim bình an đột ngột nhảy tưng tưng, cơ mô không hề biết mỏi mệt, đập thình thịch trong lồng ngực Muời. Nàng mệt nhoài như muốn đứt hơi. Trái tim ơi! Hãy nghỉ mệt một vài giây mừng rỡ đi nhe! Cho tôi bớt bồn chồn xao xuyến, đến tận cùng tế bào run rẩy. Giữa buổi hoàng hôn chớm buông thả bức màn sương mỏng tanh xuống thành phố thấp thoáng hoa đèn, chàng đến bất thần như mang theo làn gió xuân nồng say ấm áp, làm xôn xao tâm hồn Mười trào dâng mối xúc động choáng ngợp mãnh liệt.

Đào, Yến, xuống xe ở dốc Minh Mạng. Mấy chàng trai ngồi sau lưng Mười, bỗng chồm người ra, huýt gió cười đùa, chỉ chỏ, xuýt xoa lung tung. Trong ngôi nhà bên phố có người con gái rất xinh đẹp. Khiến nàng ngẩng nhìn đăm đăm, và mến thích ngưỡng mộ. Nàng không thể ngờ cuộc sống, tình yêu, hoài bão, tương lai hạnh phúc của mình, sẽ chạm trán gay gắt kinh khủng, đớn đau đột ngột, tóe lên thành suối nước mắt li ti, chảy hoài không cạn khô. Cả cô gái kia cũng không thể ngờ: Đó là hai dòng giông bão:
*Nguyễn Phước Quyên Hà & *Trần Ngô Thương Mười.

Do quá nể lời mời chị em Nguyệt, nên Mười đến nhà Nguyệt chơi xí. Vào nhà bạn nàng ngạc nhiên thấy Biên đã có mặt, anh chạy xe lambretta về trước. À, thì ra, hai cô nể trọng anh thúc bá của nó, nên nài nỉ nàng về nhà í mà. Đã lâu, có vài lần đến nhà Nguyệt, tình cờ gặp Biên, Mười chào hỏi xã giao. Chẳng có gì bận tâm, thậm chí hồi sáng gặp nhau ở Cầu Đất, nàng không nhớ Biên. Mười tự trách "Mình kém cõi xã giao, tệ mạt trí nhớ thế, không biết".

Hai cô kia làm cơm, nhưng khóa cửa bếp, không cho Mười xuống phụ. Họ thật vụng về, khiến Mười cảm thấy ngượng và mất tự nhiên, tự dưng nàng cần cảnh giác, đề phòng cả mọi người. Nói chuyện với Biên chả vui vẻ, chả biết nói gì, không có chuyện gì nói! Mình đã kém cỏi, gặp phải... trường hợp càng kém cỏi tệ. Không tế nhị chút nào, trách sao Mười khó chịu quá!

Biên mến thích nàng. Điều đó thuộc lẽ tự nhiên qua cái nhìn Mười vô tình bắt gặp khi ngẩng nhìn Biên. Cái nhìn khác hẳn bạn trai cùng lớp, cái nhìn giống hệt Phú, chứa đựng niềm cảm mến, âu yếm dịu vợi! nàng hãnh diện về Nam, được anh ưu ái thương yêu. Hãnh diện về chính mình, nàng càng được đẩy xa hơn khi Mười biết chắc chắn có vài ba chàng trai thực sự mến mình.

Đã yêu và được hồi đáp, Mười biết “cái nhìn” Biên trìu mến dường nào, lúc mà Biên đột ngột đề nghị Mười cho phép anh ta nắm bàn tay nàng, để xem bói. Dẫu bị từ chối, Biên vẫn vui vẻ bám riết ý định làm thầy bói... dở hơi kìa! Muời không chịu cho Biên điều đó đâu, chỉ nói chuyện tào lao, tào khào, chẳng có đề tài gì hấp dẫn.

Khi Nguyệt mở cửa lớn, dọn cơm lên bàn. Bàn nầy dùng tiếp khách, vừa học, cũng là nơi ăn cơm. Mười vụt đứng lên nhất định đi về. Nguyệt thấy mặt Mười xù ra, biết bạn không bằng lòng, cô gái cười giả lả. Tiễn Mười ra tận ngõ, nói:
- Tao biết mày không bằng lòng. Đừng giận tao. Thông cảm tao ở thế kẹt. Nghe! Nếu tao không nhiệt tình tạo cơ hội cho ảnh gặp mày theo yêu cầu, ảnh trách tao không hưởng ứng. Dù tao giải thích cái gì, ảnh cũng không tin.
- Thông cảm mày kiểu nầy, có ngày chết tao à.
- Tao biết mày có thừa bản lãnh. Của César ta đã trả về cho César rồi.
- Chưa chắc à, bạn ơi!
- Anh Biên là người tư cách, là lính chiến chỉ có vài ngày phép, không có thì giờ đi theo đuôi ai, tán hươu tán vượn dài dòng. Dù vậy, tao tin tưởng tình cảm của ảnh đối với mày đặc biệt, và chân thật. Hiểu không?
- Hiểu... quá đi chứ.
Nguyệt đẩy bạn ra khỏi cổng, nàng cười tít mắt:
- Hiểu rồi đừng giận bọn tao. Chúc Noel vui vẻ.
- Hổng dám đâu.

(*) Thơ lươm lặt sưu tầm...

_ * _


Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
04-22-2012, 08:59 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd1/HQPD_1335127832.jpg

Tinh Hoai Huong
05-16-2012, 10:57 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd1/HQPD_1337208795.jpg
Hiến Chương Tình Yêu
Tình Hoài Hương
***


Dãy trường sơn hùng vĩ duỗi mình dưới cuộn mây trắng xóa đang vương tơ trời mong manh, rồi quấn thành từng dãi lụa mây giăng mắc trên đỉnh thông cao, xanh ngắt, ngút ngàn rũ rượi đứng thẳng. Hoa lan qúy giá mọc từng chùm, thân tầm gửi giao mình trên cành cây cổ thụ thân to xù xì, già nua không đếm nỗi tháng năm. Hương hoa thoang thoảng ngây ngây mùi thơm dễ chịu phảng phất bay bay cùng khắp núi đồi. Đôi chim chích chòe nhảy nhót hồi lâu thấm mệt, khép cánh dấu mỏ, đậu bên nhánh cây bằng lăng hoa tím, gần bụi dã qùy nở xòe hoa vàng rực ở góc đồi. Những đài hoa mắc cỡ bối rối e lệ, thẹn thùng khép chặt hàng mi. Cạnh lùm cây không tên có tán lá bóng mượt chim cúi nhìn xuống đôi trẻ ngồi dưới gốc cây.
Dọc bờ sườn dốc thoai thoải đầy lá khô, Hạnh ngồi nghiêng gối đầu lên gốc cây ngo già, thân tựa trên rể cây thông. Nam đọc lại tập thư đã viết và thỉnh thoảng mỉm cười. Hồng Hạnh thấy anh thật có duyên, một tay cầm chùm hoa mắc cỡ, Nam khẽ khàng cài bên mái tóc cô. Nam vén lọn tóc Hạnh khá dài vuốt ra sau lưng, tay kia anh vuốt nhẹ lên đôi má cô phớt hồng. Cuối cùng, không gian rủ thời gian ngừng trôi, bầu trời im ắng, lắng nghe lời chàng trai ân cần thỏ thẻ bên tai người yêu. Nam mỉm cười, lòng gợn lên tình yêu thương say đắm, nồng nhiệt qua lời thì thầm trao yêu:
- Đố em biết, nốt ruồi bên má em, trời sinh ra để làm gì?
Ngạc nhiên kinh khủng, mở to đôi mắt nhìn người yêu, Hạnh nào biết nốt ruồi mà Trời sinh ra, để làm gì đâu? Đột nhiên nghe anh hỏi, cô biết trả lời sao, Hạnh nũng nịu lắc đầu cười nhẹ không đáp. Mãi lâu, Nam cúi xuống thật gần, khe khẽ lời trao yêu nho nhỏ, (hầu như anh sợ đôi chim non nghe thấy, thì... cả hai anh chị sẽ ngượng ngùng hết biết):
- Em không biết, thì… anh nói em nghe. Nhe?
Cô gật đầu nín khe. Nam nhẹ nhàng vuốt tóc cô:
- Để anh hôn em. Chứ để làm gì!
Hạnh muốn ngoảnh mặt đi… Nhưng khó chối từ trước chàng trai duyên dáng, quyến rũ như thế, và tuổi đời, trình độ, kiến thức, nét hào hoa văn nhã lịch lãm ở đời, cuộc sống ấy đều hơn hẳn cô. Một người con trai đã cho mình tình yêu lãng mạn, nhưng không kém say đắm, tin yêu chân thật. Nam đủ bản lãnh để lôi cuốn, quyến rũ “em” tài tình. Sự quyến rũ ngọt ngào, nồng thắm, dịu êm đắm say, chân thành đã xuất hiện trước cánh hoa mắc cỡ nhẹ nhàng, đang e lệ run run khép hờ rèm mi. Nam hôn nhẹ lên mái tóc cài đóa hoa sim tim tím. Nam hôn lên trán, hôn nơi má có nốt ruồi duyên, hôn lên đôi mắt mình nhắm nghiền.
Ngượng quá! “cô nàng” co rúm dúm dó kéo mái tóc dài qua một bên để che khuôn mặt, Hạnh chụp chiếc áo cuả Nam trùm kín lên đầu, che ánh mặt trời chói chang, hay che ánh mắt thiết tha trìu mến cuả Nam vậy? Nam ôm Hạnh vô lòng, từ từ gỡ chiếc áo lạnh ra. Nam nhìn cô trân trối, em ấy còn vẹn tuyền nét ngây thơ nguyên thủy của tuổi thanh xuân ngọc ngà tươi trẻ lạ thường. Đôi má em ấy hây hây nóng bừng, đỏ như người uống rượu quá say, khiến Nam cũng cảm thấy hai vành tai và mặt mình nóng bừng theo. Nam trìu mến ôm khuôn mặt người yêu, lòng đầy xúc cảm, như giòng nước lũ tình yêu ào tới, cuốn trôi mọi ý niệm về không gian lẫn thời gian.
Nhẹ nhàng êm ái, Nam vén nhóm tóc dài vuốt ra sau gáy. Bây giờ anh hôn em, hôn đôi môi Hạnh luôn mím thật chặt, Nam hôn thật nhẹ, êm ả nâng niu dịu dàng và trang trọng cho hai hàng mi vụng dại ấy run run. Hạnh bẽn lẽn khẽ nghiêng người ngoảnh mặt đi, hai bàn tay xinh xinh bưng lấy mặt, nụ cười ngượng ngùng vô song hé nở, lộ ra hàm răng nho nhỏ̉ trắng rất đều như hạt bắp, làm thắm thiết làn môi hồng hồng mòng mọng. Môi hôn Nam đọng mãi trên môi Hạnh, khiến không gian e thẹn ngập ngừng rủ thời gian rón rén e ấp len lén trôi đi, trôi đi thật nhanh.
Gió thổi lá khô xào xạc, rung bụi phấn thông vàng bay bay. Hai con chim chích chòe càng bẽn lẽn, chúng im lặng nằm yên trên tổ không chút cử động, chim tròn xoe đôi mắt cúi nhìn đôi trẻ, rồi chúng lại nheo mắt nhìn nhau khe khẽ quệt cái mỏ dài lên gáy bạn tình. Chúng ngẩn ngơ nhìn họ mãi, chim hân hoan lắng nghe đôi bạn trân trọng trao nhau hiến-chương tình-yêu. Chắc chắn một điều Nam là người tình đầu tiên vinh dự đã hôn. Mảnh trời bé nhỏ qua kẽ lá trong vắt trên bầu trời bỗng như ghen hờn với mối tình thơ dại. Tình thắm thiết đã nở tiếng đàn trên mỗi phím loan.
Nam thì thầm bên tai em:
- Ôi! Nam yêu êm hơn cả ao hồ sông biển từ phương Đông qua phương Tây. Anh yêu em trải dài từ Bắc-cực xuống Nam- cực. Từ kinh tuyến thứ nhất đến vĩ tuyến cuối cùng. Từ Aỉ Nam Quan đến mũi Cà Mau. Anh yêu em bằng tinh tú trên bầu trời đêm. Yêu em mãi mãi như hai vì sao khuya đang qùy gối bên nhau lấp lánh trò chuyện trên bến Ngân Hà suốt canh thâu. Yêu em nhiều... như cát vàng vùng sa mạc Sahara. Như nước đại dương mênh mông. Như hàng tỷ tỷ người, đã, đang, sẽ yêu nhau trên trái đất từ ngàn kiếp trước, như triệu ngày đang sống và triệu ngàn ngày sẽ đến.
Cầu xin cho đôi ta sống đến ngàn năm. “Mình” nhỉ! Anh yêu em bằng không gian và thời gian hiện hữu trên trái đất. Bằng tóc của em và tóc của anh cộng lại, lũy thừa, lũy thừa lên. Em chịu không? Không có em, anh sẽ chết. Cuộc đời anh rồi sẽ một sớm một chiều tàn phai, vô ý nghĩa. Mắt anh sẽ mờ nhòa, trũng sâu. Tóc anh sớm bạc màu. Em ơi! Đêm sẽ lạnh lùng hoang vắng. Ngày buồn tênh, dài lê thê những bước chân quạnh quẽ trên nẻo đường cô độc. Đời chỉ là chuỗi ngày héo hắt, muộn phiền dai dẳng. Biết không em?! Đôi môi em in đậm dấu ấn hiến chương tình yêu, đã nở hoa tinh tuyền ngát hương thề! Đó là một tình yêu đơn sơ, trong sáng, hồn nhiên, hoang dại, êm đềm như cây cỏ núi rừng mộc mạc của xứ hoa Đào. Em ơi!:
Tình yêu bồng bềnh bay theo chân mây.
Cho đến một hôm dáng chiều hây hây.
Mình đã thân thiết quá đỗi thương yêu.
Người ấy yêu thắm thiết mối tình đầu.
Mỉm cười khe khẽ nhìn nhau thật lâu.
Đằm thắm gửi nụ hôn nhẹ trên tóc.
Bàng hoàng đắm say dường như em khóc.
Bởi từ lâu... Vâng! Quả thật không đâu.
Chưa có ai in dấu ấn hôn môi.
Đôi môi kia biết có nồng giọt mật?
Hay sẽ nếm lầm mật đắng chia phôi!?
Dẫu sao em vẫn thưởng thức hôn môi.
Thần tượng tình yêu mình đẹp muôn màu.
Dù kiếp nầy hay hẹn đến kiếp sau.
Trái đắng có trào lên đôi mắt ướt.
Nở xuống bờ môi em giấc mơ đầu. (*)
Chiều tà đã sa sầm mây tím bao phủ núi đồi. Trời tối lại rất nhanh. Gió gào thét trên đỉnh cây, cuốn theo cơn mưa phùn thật nhẹ, thật nhỏ vướng theo gót chân, mà đôi trẻ nào có hay biết gì. Bởi vì Nam rất kinh ngạc, khi nghe Hạnh e ấp rụt rè nói nhỏ:
- Anh ơi, em sợ lắm, khi anh hôn em thế nầy.
- Tại sao?
- Em sẽ có bầu, thì chết mất. Ba má giết em thiệt.
- Anh có làm gì em đâu.
- Vậy mà không à! Anh vừa hôn em đó thôi.
- Ui! là Trời đất ơi. Sao em ngây thơ đến thế. Chết thật.
Nam đỏ mặt, ấp úng nói tiếp:
- Chuyện đó, rất tế nhị nhưng vô cùng khó nói. Tuy nhiên, anh sẽ cố gắng giải thích sơ sơ, để em hiểu mà tránh, đề phòng. Chứ anh hôn em, bảo đảm không có chuyện đó. Anh xin hứa giữ gìn tình yêu chúng mình trọn vẹn, thanh cao. Em yên tâm. Đừng băn khoăn. Nhé.
Hôm sau, Nam đến nhà, khi các cháu đã đi học thêm đằng nhà thầy Minh. Chị Khánh đi hội Dòng Ba Phanxico. Ở nhà chỉ có Hạnh và, Thơ. Nam vào phòng học dạy hai cô môn Toán, Lý, Hóa. Mấy anh em ở trong phòng. Nam đứng đắn nghiêm trang, đàng hoàng, chứ không lợi dụng trong nhà vắng người lớn, mà cười nói lơi lả. Anh giảng đi giảng lại vài chỗ họ không hiểu, ra bài tập cho hai chị em làm, ngày mai anh đến chấm. Y như thầy giáo tư gia đến dạy kèm trẻ vậy. Ước gì anh ở Đà Lạt mãi, có lẽ hai cô em không "dốt đặc cán mai" môn Toán, Lý Hóa. Nam nhỉ! Mười một giờ Nam về chỗ trọ, hẹn chiều gặp.
Hồng Hạnh lên khỏi dốc nhà đã thấy Nam chờ ở đầu ngõ. Hai anh em đi taxi, thoáng chốc đến nơi. Buổi chiều râm mát, nắng ấm chan hòa trên sườn đồi. Nước chảy róc rách trên những mô đá, lượn theo con suối nhỏ, lẫn khuất bên bờ lau khô. Họ chụp hai kiểu ảnh kỷ niệm. Chưa bao giờ chụp ảnh chung với ai, nên cô ngượng ngùng, bối rối. Điều nầy thật táo bạo đối với Hạnh, nếu trong gia đình biết, thì sẽ bị đòn. Hạnh đã vượt bức tường lễ giáo gia phong, do quan niệm cổ kính của các cụ là: "Nam nữ thọ thọ bất thân". Nếu chưa thành hôn, thì hai người không được chụp ảnh chung. Cô quên hết rồi ư? Hồi xưa chị Khánh mặc quần áo đàn ông giả làm con trai, để chụp ảnh với bạn gái của chị, thì ba lầm tưởng chị chụp ảnh với con trai, nên ba đánh chị một trận đòn nên thân.
Hai người đến chỗ ngày trước. Sao có thể quên nơi chốn cũ, dù chỉ một lần đi qua, nhưng dấu chân kỷ niệm còn đầy ắp hương thơ. Làm sao quên được bóng dáng thân thương dấu ái ngày ấy, khi lần đầu tiên họ đi chơi cùng anh chị và các cháu với nhau, lại là ngày in đậm dấu ấn tình yêu sắt son canh cánh bên lòng!
Ở bên nhau, Nam & Hạnh quên tất cả, họ nào biết buồn rầu lo âu gì, (giữa cảnh nên thơ, tình yêu tuyệt vời lướt qua tuổi hoa niên phơi phới). Nam sống cho Hạnh, nàng sống bởi chàng. Tay trong tay, vai kề vai, tình nồng trong mắt thắm môi trao. Hai người thả bộ dọc theo con suối, cùng hái mấy cánh hoa dại không tên. Họ vuốt lá dương xỉ non vừa ý ép vào quyển sách Toán mang theo. Hái được hoa lá đẹp, ép vào trang sách xong, họ thưởng cho nhau nụ hôn nồng cháy; đến mệt.
Hạnh quay đi né tránh, dịu dàng:
- Nam ăn gian. Không chịu ép hoa, cứ hôn em hoài.
- Anh hôn em, cho bỏ nhớ ngày xa nhau.
Nam đắm đuối hôn lên môi Hạnh, lòng rộn rã niềm hạnh phúc đến thật bất ngờ. Tuy nhiên, không vì quá yêu nhau, mà họ tỏ ra sỗ sàng, lợi dụng nơi vắng vẻ, để làm chuyện gì quá trớn. Nhẹ nhàng vuốt tóc ngưởi yêu, Nam nói:
- Anh chưa có tương lai sự nghiệp, hai bàn tay trắng, công ăn việc làm là con số không vĩ đại, mà có gia đình, là vấn đề khôi hài. Vã lại em còn quá trẻ, phải không? Chẳng lẽ chúng mình cưới nhau về, suốt ngày ngồi nhìn nhau, hôn nhau, yêu nhau, rồi uống nước lạnh trong túp lều tranh có hai trái tim vàng sao!? Mặc dù khi yêu nhau chúng mình rất muốn sống gần nhau, hầu chia sẻ niềm vui nỗi buồn, đắng cay ngọt bùi. Anh muốn em chờ đợi ngày anh được công thành danh toại, thì hạnh phúc xiết bao. Em chịu không?
Nam nói rất chí lý. Dĩ nhiên là Hạnh chịu, rất chịu là đằng khác, mình còn rất trẻ chưa đủ chính chắn lớn khôn, ít hiểu biết sâu rộng và chưa biết lo cho một mái ấm gia đình hạnh phúc bền lâu. Muốn tạo dựng một mái nhà an vui, trong đó có anh, có em, có con của chúng ta, mình cần phải có nhiều dụng cụ để làm nên, cần nhiều yếu tố căn bản xây dựng tương lai, hạnh phúc vững chắc. Hiện nay, chúng mình còn thiếu nhiều thứ quá! Dù gia đình Nam rất giàu, họ có thể cưới vợ cho anh. Nhưng đó là chuyện ba má anh ta giàu, chứ có tự Nam giàu và có địa vị danh vọng hoặc có công ăn việc làm gì đâu!
Yêu nhau tha thiết, vẫn chưa đủ tạo nên mái gia đình hạnh phúc: khi hai bàn tay của mỗi người trắng trơn, không kinh nghiệm, thì những khó khăn buồn bã âu lo về vật chất áo cơm hằng ngày, những thử thách gian nan thử thách ấy sẽ căm go, cay đắng nhiều hơn vui vẻ, thì tương lai hạnh phúc riêng mình bấp bênh mù mịt. Điều nầy khiến cho đôi bạn tình sẽ hối hận và vô tình làm mất đi sự tin tưởng người yêu, cuộc sống chung sẽ khô héo nhăn nhó, không còn quan trọng và chẳng vững bền. Khi hai người yêu nhau chưa sống bên nhau, tuy có đôi khi cùng nhìn về một hướng đấy. Nhưng lúc thực tế đã sống và lâu ngày va chạm với nhau rồi, dù một người bất bình, phản bội lời thề, chỉ một người muốn “thôi”, cũng đủ chia xa.
Tình bạn! Thật là dễ chịu. Nó đơn sơ như túp lều sơ sài, muốn cất tại nơi nào cũng được, chẳng cần khang trang tươm tất, giàu sang, danh vọng, mới có thể... làm bạn với nhau. Tình bạn không đòi hỏi điều phức tạp so đo, ràng buộc. Vì thế thường mong manh, xa cách, tàn phai dễ dàng. Có thương bạn, tình thương dễ chịu. Có nhớ bạn, nỗi nhớ nhẹ nhàng. Gặp bạn hiền chân thật, ta sẽ kết thân tình-bằng-hữu. Tình bạn không có lắm băn khoăn khắc khoải. Nếu người không tốt, ta xem như khách qua đường, chẳng gặp không quen. Không lệ thuộc vào điều kiện vật chất, không gian, thời gian, hoặc bởi ưu tư khát vọng tương lai sao cho vẹn toàn sung mãn, (như trong tình yêu).
- Em có vẻ buồn.
- Em buồn khi nghĩ ngày mai... mình ở bên nhau, còn xa!
- Ngày chúng ta thật sự ở bên nhau, tuy vậy không lâu. Em ạ. Trong nháy mắt, thời gian sẽ trôi tuột qua kẽ tay, mà mình không nắm bắt được đó. Đền bù lại, cho phép anh hôn em thật nhiều. Bắt đền cái tội em... lười viết thư cho nè.
Hạnh nũng nịu dụi đầu vào ngực người yêu:
- Mòn hết má, hết môi em rồi. Bắt đền anh đó.
Né tránh nụ hôn, mất thăng bằng nên họ ngã trên đám cỏ bồng. Giữ nàng trong vòng tay thư sinh ấm áp, vuốt lọn tóc dài trên tay, Nam ân cần nói:
- Em giữ cho bình lặng tâm hồn, là điều tốt nhất. Em muốn bắt đền cái gì, anh cũng chịu hết... Kể cả việc muốn bắt nạt anh.
- Làm như anh dễ bị người khác bắt nạt, hớp hồn à.
- Khà khà khà…
Tiếng hát Thanh Thúy vang lên từ loa phóng thanh móc trên đỉnh cột trụ khu Hòa Bình, khiến người nghe cảm thấy thật não nùng, ngây ngất lạ thường. Nam thấy lòng mình lắng dịu thanh thản và bình yên. Bước chân anh hớn hở yên vui dẫm trên đám cỏ nâu vàng, lúc họ trìu mến nắm tay nhau chạy trở về. Mặt trời chiếu lung linh giữa kẽ lá, mơn trớn cỏ cây, reo cười theo gió rì rào, hòa cùng tiếng thông vi vu ngân trên đồi cao lồng lộng. Không khí trong lành, Đà Lạt thanh thoáng mát rượi lạ thường. Ven suối lượn quanh sườn đồi có mặt trời ấm áp, dịu êm phản chiếu trên giòng nước long lanh lung linh lặng lờ chảy, nhìn mà muốn nổi hoa sao đầy trong mắt.
Mặt trời đan trong mây, bơi trong mây và trời hồng hòa tan trong sương, ngâm mình trong sương, rồi “chàng bình minh” hé nụ cười chúm chím quyện trong mây với sương. Đà Lạt yên ắng đến độ khi tiếng cá quẫy đuôi trên hồ Than Thở, cũng nghe rõ mồn một. Người bạn đường cuả Nam lại hồn nhiên vui ca như chim hót, trong sáng như giọt sương rung rinh, long lanh mọng thắm trên cành lá vui tươi giao mùa.
***
Ngày lại ngày qua nhanh! qua nhanh! Nam và Hạnh quấn quít bên nhau như hình với bóng, như mười ngón tay khắng khít đan kín cuộc tình thơ dại. Họ dìu nhau đi giữa xứ lạnh mộng mơ, dưới phố thấp lên đường vòng núi cao. Từ thị thành hoa đèn mộng mơ đến tận vùng gió núi mây ngàn. Từ đỉnh thác cao ngất chân mây cuối ghềnh, bên dòng suối bạc lẩn khuất, nhờ mặt trời rụng xuống đáy suối mà khí hậu thêm an hoà ấm áp. Không nơi nào là không có dấu chân tình yêu cuả đôi trẻ dẫm lên từng bước, từng bước kỷ niệm ngọt ngào. Họ yêu nhau đằm thắm như hương hoa cây đồng cỏ nội mộc mạc, như núi rừng sạch mát mỗi buổi nắng lên tỏa ra rừng thông già trùng điệp. Tình yêu của họ êm ái, nhẹ nhàng như áng mây nghiêng nghiêng bay.
Họ đến bên nhau mang theo làn gió mới, không kém phần trang trọng làm nồng thắm, xúc động, xôn xao cõi lòng nhau, sau mỗi buổi vào lớp hoặc tan trường, và tay trong tay sánh bước bên nhau, hai bạn cùng vui vẻ song ca: Em tan trường về Đường mưa nho nhỏ. Em tan trường về. Đường mưa nho nhỏ. Ôm nghiêng tập vở. Tóc dài tà áo vờn bay. Em đi dịu dàng. Bờ vai em nhỏ. Chim non lề đường. Nằm im giấu mỏ. Anh theo Ngọ về. Gót giày lặng lẽ đường quê. Em tan trường về. Anh theo Ngọ về. Chân anh nặng nề. Lòng anh nức nở. Mai vào lớp học. Anh còn ngẩn ngơ ngẩn ngơ. Em tan trường về. Mưa bay mờ mờ. Anh trao vội vàng. Chùm hoa mới nở. Ép vào cuốn vở. Muôn thuở còn thương còn thương… (*)
*

Tình Hoài Hương
(*) Thơ Tình Hoài Hương

hieunguyen11
05-17-2012, 03:35 AM
Cám ơn chị Ai Ưu Du rất nhiều. Đọc bài này làm tôi nhớ lại những kỷ niệm đẹp, thơ mộng của mối tình đầu. Còn mối tình cuối thì ngán hơn cơm nếp nhão !

PhiLan
05-17-2012, 05:56 AM
Cám ơn chị Ai Ưu Du rất nhiều. Đọc bài này làm tôi nhớ lại những kỷ niệm đẹp, thơ mộng của mối tình đầu. Còn mối tình cuối thì ngán hơn cơm nếp nhão !

... hieunguyen11 thiệt là xăm mình khi dám nói lên sự thật... (cái đoạn tình cuối áh)...

Tinh Hoai Huong
05-19-2012, 02:47 AM
Cám ơn chị Ai Ưu Du rất nhiều. Đọc bài này làm tôi nhớ lại những kỷ niệm đẹp, thơ mộng của mối tình đầu. Còn mối tình cuối thì ngán hơn cơm nếp nhão !
-----------

:rose: & :rose: :ukliam2:

Chân thành cám ơn anh hieunguyen11 đã dám "gồnh mình cả gan" & "xâm mình" để nói lên cảm tưởng của mình .
Tuy nhiên cho phép tôi gửi tặng 2 cành hoa hồng cho "mối tình đầu" và "cơm nếp tình cuối" nha anh ... Hoan ho^^^^
Tình thân,
HH

hieunguyen11
05-19-2012, 03:54 AM
Nói giỡn chớ:

Tình cuối nhiều khi cũng dễ thương
Nghe ai khuyên đó chớ chán chường
Tình cuối dù như cơm nếp nhão
Đói lòng hơn cả gạo Nàng Hương

Hieunguyen11

PhiLan
05-19-2012, 04:39 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd1/HQPD_1337402320.jpg


Nói giỡn chớ:

Tình cuối nhiều khi cũng dễ thương
Nghe ai khuyên đó chớ chán chường
Tình cuối dù như cơm nếp nhão
Đói lòng hơn cả gạo Nàng Hương

Hieunguyen11

Hối hận khi anh đã lỡ lời
Chấp chi lời nói để vui chơi
Em đừng chống nạnh nhìn anh nữa
Khi giận... nhìn em đẹp... rạng ngời...

Ẹc... :04:

tranqu1991
05-19-2012, 04:41 AM
Bài viết chất lượng và mình thích nội dung này :) Like mạnh

Tinh Hoai Huong
05-19-2012, 06:24 AM
Nói giỡn chớ:

Tình cuối nhiều khi cũng dễ thương
Nghe ai khuyên đó chớ chán chường
Tình cuối dù như cơm nếp nhão
Đói lòng hơn cả gạo Nàng Hương

Hieunguyen11

Anh Hieunguyen11 thân kính,

A ha!... "Rét" rồi răn???
Xin tặng anh mấy câu thơ của THH sau đây nè: (thì chị nhà hổng "ngắt, nhéo" nữa ha!

. . .
Đong tình cũ mỗi đêm thu sáng nguyệt
Ánh trăng vào rọi chiếu cánh song khuya
Nghe cô đơn sao rơi lạnh bốn bề
Tan sầu héo cung đàn ơi nguyệt quyện.

Sương gậm nhấm hương tình đêm rớt muộn
Tiếng rì rào sóng vỗ cuối biển khơi
Bóng ai về ẩn dấu nụ cười tươi
Kề môi má trao những lời xa vắng.

Vui tan hợp ánh trăng ta uống cạn
Bạn tình ơi hãy dừng bước phương này
Như vầng trăng lả lướt Đào Nguyên mây
Tình cuối tuyệt hơn tình đầu xưa ấy.

*

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
05-22-2012, 02:14 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd1/HQPD_1337402320.jpg



Hối hận khi anh đã lỡ lời
Chấp chi lời nói để vui chơi
Em đừng chống nạnh nhìn anh nữa
Khi giận... nhìn em đẹp... rạng ngời...

Ẹc... :04:

Anh PHLAN thân kính,
Cám ơn anh đã ghé đọc truyện & ghi lại hình ảnh vui nhộn cùng lời Thơ hay nhé.
Tình thân,
THH

hieunguyen11
05-22-2012, 03:31 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd1/HQPD_1337402320.jpg



Hối hận khi anh đã lỡ lời
Chấp chi lời nói để vui chơi
Em đừng chống nạnh nhìn anh nữa
Khi giận... nhìn em đẹp... rạng ngời...

Ẹc... :04:

Anh Philan ơi đừng lo. Giận cái gì mà giận:

Đàn bà cần phải có đàn ông
Nếu không xả láng mất lưng ong
Để ông chắc lưỡi khen ai đẹp !
Ai sẽ mỉm cười cám ơn ông

hieunguyen11

Tinh Hoai Huong
07-11-2012, 12:18 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd1/HQPD_1341965554.jpg
Giữa Anh & Em là …
Cánh Hồng Nhung Đầy Gai
Tình Hoài Hương
***


Đà Lạt có lữ quán Thanh niên rất rộng lớn an toạ trên ngọn đồi cao. Lữ quán có đầy đủ tiện nghi dành cho đoàn thể, công, cán, chính, sinh viên học sinh và giới cần lao. Câu Lạc Bộ lữ quán bán cơm bình dân, giá rẽ. Hội trường rộng mênh mông, đầy đủ phòng ốc cho mọi giới thuê mướn, hội họp, ở trọ. Dưới chân đồi lữ quán là đường Hàm Nghi, nhìn xuống dưới thấp là phố Phan Đình Phùng khá dài chạy từ ngã ba Duy Tân đến cuối Ấp Số Bốn.

Từ lữ quán Thanh Niên nhìn về góc phải là khu Số Bốn, có “thành phố buồn” nơi an nghỉ của bao người “chán sống”, họ quyết vĩnh viễn ra đi không thèm ngoảnh lại thế trần ô trọc... Đối diện với đỉnh đồi lữ quán là khu Domain de Marie. Bên trái là ngả ba chùa Linh Sơn an tọa trên một ngọn đồi rợp bóng cây, gần sát trường Trung-học Bồ Đề. Đi lên khỏi ngọn đồi cao, sẽ thấy trường nữ Trung-học Bùi Thị Xuân. Đứng sau lưng trường nầy nhìn qua viện Đại Học Đà Lạt uy nghi, xa thật xa là trường Lycée Yersin.

Một buổi canh khuya gần rạng sáng chủ nhật, các trường trong Thị xã Đà Lạt , các Quận, Hạt đã tập trung lên lữ quán Thanh Niên. Bởi do qúy ông bà hiệu-trưởng cẩn thận chấp hành thông tư của Phó Tỉnh-trưởng Nội An, bắt học sinh đến chầu chực từ năm giờ sáng. Ôi! Thầy cô tưởng mấy ông bà bự sẽ đến dự lễ lúc sáu giờ sáng ấy chắc!? Dạ thưa!… giờ nầy qúy vị đó còn "úm" trong nệm ấm chăn êm, sức mấy ngu dại gì mà đi làm cái chuyện khờ me! Học sinh không dám cải lệnh thầy cô, thì ráng nai lưng ra chịu rét! Chiều hôm qua dưới sân cờ thầy cô tuyên bố học sinh sẽ bị trừ mười điểm trong học bạ, nếu em nào vắng mặt, dù bất cứ lý do gì. Các em học sinh sợ một phép, không chấp hành sao được.

Trời trở lạnh kinh khủng, cho nên mọi người ai nấy đều co ro, cúm rúm xuýt xoa run rẩy. Họ đứng chịu trận dưới bầu trời tối mờ ướt đẫm sương khuya. Đom đóm nhấp nháy bay chập chờn thành một chuỗi sao xinh xinh. Họ thở ra từng làn khói, mặt mày ai nấy đều xám xịt, xanh lét như màu lá vẽ trên khung lụa ướt. Nước sương mọng dính từng chùm tóc rối trên trán. Mấy đầu ngón tay ngón chân ai ai cũng bị teo tóp. Học sinh đứng như thế khoảng ba giờ liền có hàng ngũ chỉnh tề, dần dần không ai bảo ai, mọi người ngồi bẹp xuống bãi cỏ trước sân lữ quán, mặc sương giá thấm ướt đủng quần, người duỗi thẳng chân, người co tay giật cẳng, vặn mình kêu răn rắc, người gục đầu lên gối, ôm bộ giò mỏi mệt cứng đơ mà ngủ gà ngủ gật, (dân chúng thức dậy lúc bốn giờ sáng, đến nơi nầy chầu chực suốt gần năm giờ liền). Mãi đến hơn chín giờ sáng, thì loa phóng thanh ngừng phát nhạc hòa tấu, xướng ngôn viên vặn lớn haut parleur, thông báo mọi người chỉnh tề, chờ đón quan khách.

Có thiệp mời đến lữ quán, nên Nam đi chung phái đoàn, anh ngồi trên khán đài nói chuyện với Tuấn. Đám học sinh đau khổ ngồi bệt dưới đất coi thật bệ rạc, dĩ nhiên họ tức lộn ruột lộn gan, vì nụ cười của một thanh niên trẻ trung nhất trong phái đoàn ấy. Sau ngôi sao sáng chói của đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân, thì “chàng” là thí điểm, là bình phông, là cái rốn vũ trụ, để các cô cậu học sinh choai choai dé dé xiú xíu nho nhỏ ngẩn ngơ nhìn vào… Một số ít bạn trai gái của Mười có biết “nàng” là người yêu của “chàng”, nên họ cố ý châm chọc, đay nghiến phê bình Nam, khiến bọn con trai càng cay cú rủa sã Nam trắng trợn. Họ muốn cho Mười mất mặt. Nhóm học sinh chỉ chỏ Nam, hậm hực cay cú, không ngại nói huỵch toẹt ra giữa đám đông nhiều ngôn ngữ chẳng hay ho chút nào, mà không hề ngượng miệng:
- Thằng nào mặt còn hôi sữa, ngồi chễm chệ đó, bắt tụi mình chào đón hắn vậy?
- Nó chả ra cái thớ gì, mà bố láo.
- Phì phèo hút thuốc, coi cà chớn, dễ giận thấy mẹ à.
- Tao muốn lên dộng một cái, cho nó lọt xuống đài ghê.
- Lát nữa, thì mày nhừ đòn với chúng tao, nghe con!
Mười rất bực bội khó chịu, nhưng nhớ lời ba dặn nàng:
- Thấy người hung ác, con im lặng chỉ ngả mũ cúi chào, "kính nhi viễn chi" mỉm cười, mà lẹ bước đi xa. Nghe.

Thế nên Mười im re. Không biết họ ganh tức cái nỗi gì? Buổi lễ kết thúc lúc một giờ. Mười cảm thấy khó chịu, buồn bực trong lòng, ấm ức tức tức muốn điên, Mười lầm lũi ra về. Xế chiều Nam đến nhà anh chị của Mười để dạy thêm cho Mai, Mười... môn Toán, Lý, Hoá. Học xong, cất sách tập vào cặp, Nam đã kể lại chuyện bọn học sinh ban sáng là: Trương Anh, Điều, Thiên, Tuấn Anh, Khôi, Lang, Bích, đã chận đường để gây sự, đòi khiêu chiến với Nam. Anh thật sự ngạc nhiên, vì Nam không hề quen biết bọn họ, mà bọn ấy nói: "nghinh há". Vã lại, Nam nghinh làm gì với hạng người bặm trợn, du côn du kề, cô hồn hết biết, hỉ.

Nam có nghe Mười kể sơ sơ về bọn họ ở trong lớp ưa quậy tưng trời đất. Nam có biết về trình độ thấu hiểu học thức của họ chỉ vừa đến đấy, đến đấy thôi. Nhưng về việc yêu đương, côn đồ, ma lanh, gian trá, thì họ tiến nhanh rất xa. Mặt trơ trán bóng, tính tình lông bông, buông thả tình cảm trong những hộp đêm rẻ tiền, họ dang díu lăng nhăng với gái ăn sương, rồi hèn hạ trắng trợn đi rêu rao trong lớp, cười ha hả; giống tên ma cô ở đầu đường xó chợ, lại hoan hỉ tự hào ta là kẻ hào hoa lả lướt bay bướm dày dạn, sành sỏi nhất. Dẫu sao… là con trai lêu lổng chuyên đi cua gái, thì cừ khôi, chứ sao người đời ưa gọi chúng là “mặt chai mày đá” hì? Họ thành công vì đã làm cho các cô sợ hãi và tức cành hông, với kiểu trợn mắt phun khói thuốc lá phù phù vào mặt người đối diện. Họ bắt chước nhau bĩu môi, cà nghinh cà bật, so vai nhún lên nhún xuống, thân nhô lên hụp xuống đi kênh kênh ra oai cho khác đời. Họ tự xưng "là ông, là bác”, và thích nghe “đàn em” kêu mình là “đại ca”.

Nam nghĩ đó là đứa trẻ miệng còn hôi sữa tự kiêu, khinh bạc. Mỉa mai thay cái thứ ngu như bò tót, mà cứ nghĩ mình là đại ca, là cha là bác thiên hạ. Ở đâu trồi ngoi ra từ trong lớp nầy lại tập họp cái bọn du thủ du thực, mặt mày chẳng sáng sủa, chả đôn hậu, chẳng đẹp hơn ai, có thể nói là dị hợm xấu xí. Bọn “ngưu đầu mã diện, đá cá lăn dưa” như vậy, như vậy đó, vậy đó… mà cứ tưởng bở ta đây là "yên hùng mã tấu", ưa dợt le nổi đám nổi đình, càng làm ô danh đa số học sinh đoan chính. Nam dại gì mà dây dưa vào chứ.
*

Ở gần nhà chị Ba, Tuấn Anh là bạn học cùng lớp với Mười, hắn tới nhà chị Ba và tò le mách lẽo với chị, hắn không tiếc lời chỉ trích, nhạo cười Nam là tên hèn nhát, mà bày đặt kênh đời! Chuyện nhỏ không ra gì ấy đã đến tai các chị. Thế là hai bà chị lên án Nam dữ dội, nào là:
- Nam ở trong băng quậy, chuyên môn đi đánh lộn, giành gái giếc, đàng điếm…

Hai bà chị của Mười không chịu tìm hiểu nguyên nhân dữ kiện, mà chỉ nhìn sự kiện xảy ra trước mắt, rồi vội vàng kết luận. Thật buồn thay! Mấy hôm nay Mười buồn bã vô cùng, chán trường, chán lớp, nhất là chán đám bạn bè cư xử thiếu tế nhị, ganh ghét ra mặt. Họ cố ý ngồi trước mặt Mười, dùng lời lẽ thô tục để bêu rếu Mười và Nam, cốt cho mình mất mặt giữa đám đông. Rõ ràng họ muốn gây hấn, Mười hổ thẹn cúi gầm mặt xuống, hai giọt lệ rung rinh trên khoé mắt (vì Mười lầm tưởng họ là mấy bạn thân quen, tử tế). Nhớ khi trước chưa xảy ra chuyện, MườI nhìn họ sao mà dễ chịu thế! Bây giờ, họ đã tự lột mặt nạ ra lúc nào, khiến Mười kinh hãi, sợ họ hết biết, không dám xớ rớ lại gần chạm mặt! Thầy Đệ văn võ song toàn còn khiếp sợ họ, muốn rút lui không dạy lớp nầy, huống gì ai.

Hôm nay Mười đã cúp cua hai giờ toán, Nam và Mười đi lang thang suốt đường Hoàng Diệu, Duy Tân, lên Phạm Phú Thứ, Huỳnh Thúc Kháng, Pasteur. Đi trên các nẽo đường, Nam đọc chuyện Bonjour Tristesse của Francoise Sagan. Bà nầy theo chủ thuyết hiện sinh. Mười không thích chủ thuyết ấy tí nào. Vì: không vì nguồn cội, không vì tha nhân, không vì người yêu qúy, mà chỉ vì chính mình. Thì thật quá ích kỷ. Ngồi trên hàng rào xi măng, bên khu biệt thự vắng. Mở tập học cuả Mười ra, Nam hỏi:
- Chiều nay, em cúp cua hả?
- Mười "dạ" lí nhí trong cổ họng. Nam lắc đầu, nói tiếp:
- Ôi trời! Cái gì đây. Em?
Mười giật mình, nhìn vào hướng chỉ tay cuả Nam, không dám cười, nàng cúi đầu nói nhỏ:
- Hai con… oóc toọt.
- Vì sao vậy?
- Lâu lắm rồi, em lỡ dại quậy phá trong lớp. Không thuộc bài nữa. Nên bị...
- Nếu em không hiểu bài nầy, thì sẽ không hiểu bài khác. Em hiểu không? À, hiểu rồi... làm ơn cho anh mượn cây thước kẻ.

Mười sợ Nam, chứ em không sợ cây thước kẻ đâu anh. Hai mái đầu xanh chụm lại dưới hàng cây giao nhánh bên đường, cùng chia sẻ học bài một hồi lâu. Khi thấy Mười thực hiểu bài, Nam cười, khen:
- Em của anh thông minh, nhưng phải cái tội… em "lì và lười" kinh khủng.
Hờn mát, Mười ôm cặp bỏ đi. Nam đi theo sau Mười, gọi:
- Đứng lại! Một tiếng. Hai tiếng. Ba tiếng… Đứng lại!
- …
- Không đứng lại thì anh... đi theo em luôn.

Nhưng đi ngược lại phiá cổng sắt, Nam mở cửa vào ngôi biệt thự kế cạnh. Mười chưng hửng đứng ở ngoài. Không hiểu Nam tán hay ho thế nào, mà người gác dan đã cắt cho chàng năm cành nhung hồng tuyệt đẹp. Nam đến bên Mười, đầu chàng nghiêng nghiêng, miệng cười chúm chím, Nam đặt hoa giữa làn môi hai người, họ ỏn ẻn cười tình, cả hai ríu ra ríu rít hôn lên đóa hoa hồng thơm ngát. Qua kẽ hở đều giữa những phiến lá răng cưa xanh xanh, Mười e e thẹn thẹn, nhìn nhìn, liếc liếc, hít hít, hôn hôn.

Hơi thở Nam ấm nồng... ngất ngây len len lỏi lỏi từ bờ môi nầy, chuyền sang vành môi kia; quyện với hương hoa hồng thoang thoảng thơm thơm, khiến Mười càng ngây ngây, ngất ngất... bừng bừng nhột nhạt rờn rợn đến dại khờ. Chàng quàng tay qua vai nàng dìu nhau đi về lối nhà, và hai bạn chia tay ở đầu con dốc đứng cong cong uốn lên uốn xuống, khi phố núi giăng mắc sương mù dày đặc đã lên đèn.

Các bè mây xô xô đẫy đẫy, gặp gỡ nhau trên bầu trời vàng tím buổi hoàng hôn xiên xiên lảo đảo. Chiều lụi tàn dần dần trong ánh sáng mờ mờ, đục đục. Gió nhè nhẹ phe phẫy hàng bông giấy đong đong, đưa đưa quệt lui quệt tớI bên gó tường vi. Chim chóc hót líu lo, ríu rít chuyền cành chen nhau vào tổ ấm.
Cắm mấy cánh nhung hồng vào lọ sứ, nàng đem đặt trên phòng khách. Thay áo quần xong, Mười vừa ngồi vào bàn ăn, thì chị Khánh cho biết:
- Chị đã đến trường em học hồi chiều.
Mười bủn rủn cả tay chân, thân thể chân tay hầu như lảo đảo muốn rụng rời. Chị Khánh giận dữ la mắng, tra hỏi Mười đủ thứ chuyện. Dù có nói thế nào, chị Khánh vẫn không tin việc Mười cúp cua hôm nay, là do tự ý mình thấy chán trường, chán bạn bè trong lớp. Chứ hoàn toàn không hề có chuyện do Nam xúi giục. Nhưng chị Khánh quả quyết chính là do Nam rủ rê xúi giục, nên Mười mới trốn học đi lêu lỗng, phá phách trong lớp. Chị có trăm lý do để buộc tội Nam dụ dỗ em của chị. Mười không có cách gì thuyết phục, hay gây dựng niềm tin trong lòng chị. Chị đùng đùng nổi giận, phẫn nộ thực sự, sự phẫn nộ bùng nổ như lửa cháy; làm tiêu tan căn nhà tình yêu lý tưởng đơn sơ trong sáng của Nam Mười chỉ trong nháy mắt.

Mười biết mình có lỗi trong việc nghỉ học, nên không dám dùng ngày giờ ngắn ngủi còn lại đi gặp Nam, hầu chia sẻ, và xóa đi nỗi đớn đau trong lòng. Mười thấy lòng vỡ tan từng mãnh vụn, Mười không dám nghĩ tới ngày mai sẽ ra sao, khi chị Khánh buộc Mười bốn điều:
- Đi nói lời tuyệt giao với chàng.
- Nghỉ học.
- Chị trả Mười về Huế ở với cha mẹ.
- Chị đã đánh điện tín gọi má vào rước Mười về quê.
Chị nói:
- Nếu thằng Nam thực sự yêu thương mầy, thì trong vòng mấy ngày nay, khi ba má lên tới Đà Lạt, là thằng Nam lo liệu mà tới đây làm đám hỏi. Nghe. Còn bây giờ, tao cấm cửa.

Trời! Đi hỏi vợ, chứ có phải chỉ là một món hàng trao đổi tầm thường, không cần chuẩn bị gì cả sao ta? Mười ứa nước mắt, ấm ức khóc thầm trong lòng. Mình không có quyền hạn về mọi quyết định cho chính bản thân. Không trách chị quá khắt khe, độc đoán, hay Mười nghi ngờ lòng chị mến thương em. Mười chỉ kinh ngạc là chuyện đâu đến nỗi nào to tát đến thế. Ví dù em bỏ học vài giờ, thì chưa đến nỗi nào bị thất học, khiến chị có thể nghiêm cấm và cương quyết bắt buộc em đủ mọi điều. Chị chỉ la mắng em, răn đe em đây là lần đầu tiên, cũng có thể là lần cuối cùng em sẽ không dám tái phạm. Sau đó, nếu chị thấy em tính nào vẫn tật ấy, em không sữa đổi, thì chị quyết chí ra tay, vẫn chưa muộn kia mà! Nhưng... Vấn đề chính không phải là ở chỗ đó, nhân chuyện Mười bỏ học hai giờ, thêm chuyện em còn trẻ mà yêu thương Nam, thì chị muốn trả Mười về cho ba má “coi chừng nó”, để chị khỏi có trách-nhiệm-vụ, lo cái bổn-phận-sự là nuôi em. Khỏi mang tiếng với gia đình chồng là nuôi "báo cô".

Sự thật thì ba má vẫn gửi ngân phiếu vào cho Mười đóng tiền ăn học. Làm chị, thì chị Khánh phải biết lúc nào chị nên cứng rắn, lúc nào chị nên ôn hòa, ngọt ngào thân thiết; thì em cúi đầu kính phục và ngưỡng trọng chị. Cách xử sự của chị quá gay gắt, khắt khe, khiến lòng Mười càng đau đớn, tái tê hơn. Em sợ gia đình chị vì em mà ồn ào, nhưng em không phục chị! Phần Nam, anh ta không thể tự biện hộ điều gì cả, khi chị Khánh không muốn tiếp Nam. Thấy chàng, chị im lặng, mặt chị lạnh như tiền, chị đùng đùng đóng cửa lớn cái “rầm”, rồi chị hầm hầm quày quả bỏ đi.
***


Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
09-08-2012, 12:48 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd1/HQPD_1347064071.jpg
12.- Xa... Nhớ ... Nhiều... !
Tình Hoài Hương
***


Tình yêu đã đem lại cho lứa đôi niềm an thư, vui vẻ, hạnh phúc trong mấy ngày, rồi cũng đem đến cho nhau bao nỗi ưu buồn, lo âu và run sợ. Do có gay gắt đột ngột giữa chị Khánh và chuyện hai người yêu nhau, nên chàng không xuống nhà chị Khánh nữa, mà “hai anh chị nhỏ” lén lén lút lút hẹn nhau ở nhà anh chị Tuế. Việc anh chị Tuế bao che “chứa chấp nàng, và chàng” có nghĩa là chị Hách cho họ ngồi nói chuyện với nhau trong phòng khách thôi, cũng khiến chị Khánh nổi giận hơn. Chị Khánh gọi chị Hách (vợ anh Tuế) qua nhà la cho một trận. Thế là con nhỏ hết đường đi. Chị Khánh dồn cô em vào ngỏ cụt không lối thoát, tiến thối lưỡng nan rồi.

Đêm đêm nằm úp mặt xuống giường con nhỏ khóc ướt gối. Khi nhỏ chạy qua được bên nhà chị Hách, chàng đã đợi con nhỏ ở đó ba giờ liền. Nam và Mười đi lên giáo đường “con gà”, hai cô cậu quỳ bên nhau cầu nguyện thật lâu, mong cho lòng thanh thản, dịu êm đôi chút. Nhỏ không thể ngăn dòng nước mắt uất nghẹn tuôn trào. Nàng thì thầm van xin cùng Mẹ Maria cho mình thoát khỏi đắng cay, xin gìn giữ tình yêu bền chặt, lâu dài.

Khi quá lo âu, đau khổ, buồn phiền, run sợ cùng tuyệt vọng, người ta thường tìm đến Đấng Tối Cao nhiệm mầu, xin Ngài mở rộng vòng tay từ ái. Ngài là nơi an hoà, bình yên, yêu thương tuyệt diệu, là điểm tựa vững chắc miên viễn. Chàng cũng rướm lệ, uất ức, buồn phiền khi qùy trong giáo đường. Nam lấy khăn tay lau khô hàng nước mắt trên má nàng, và tự lau nước mắt. Ra khỏi giáo đường nàng và chàng đến văn phòng hội quán, nơi chị Hách làm việc, chàng giúp chị đánh máy thật nhanh, chị Hách mừng lắm. Mấy chị em buồn rầu chuyện trò nho nhỏ, chị khuyên nhủ hai em cố chịu đựng, lo gắng học hành cho có tương lai. Chị nồng nhiệt an ủi, vỗ về hai em. Chiều đến, ba chị em chia tay, mỗi người đi mỗi nơi.

Nam trằn trọc trên giường, chàng vắt tay lên trán nghĩ ngợi mông lung, đăm đăm nhìn qua khung cửa sổ đóng kín. Nam không thấy gì hơn là nỗi tức giận, buồn phiền. Nam muốn đến nói thẳng, nói thật, nói với chị Khánh. Nhất là Nam sẽ nói nhiều với nàng khi ngày chia tay gần kề, chàng sẽ nói với người con gái, tha thiết hơn là bạn thân, dù em chưa là vị hôn thê, chưa là vợ anh, rằng:

- Anh yêu Mười – Em quan trọng hơn thế gấp ngàn lần, trong đời của Phương Nam nầy. Bởi vì Mười chính là Tình Yêu. Và, anh đã yêu em nhiều, yêu nhiều lắm! Cho dù mai đây anh sẽ xa xa xa... Mười. Nhưng anh luôn nhớ nhớ nhớ... Mười. Anh mãi thương thương thương... Mười. Nhiều! Nhiều! Nhiều...!

Tình yêu, là hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời anh, sao bây giờ vô cùng mong manh bé nhỏ, đau buồn đến thế!? Như đám mây hồng thoáng bay qua nơi tầm tay, Nam không thể làm cho lòng mình yên vui thanh thảng lại tháng ngày hồn nhiên, nên thơ, yên vui xưa cũ. Hở em!? Nhưng sao hôm sau, khi chàng gặp Mười trong chốc lát thì những lời định nói: ngọt ngào như trái dâu chín nép bên lá xanh, bỗng dưng rụng rời, khô héo, tóp teo vì dâu đã bị hong khô trên giàn bếp!

Bây giờ Nam không nói được, mai kia giữa Sài Gòn và Đà Lạt, hay giữa Sài Gòn và Huế xa xôi nghìn trùng, sẽ ngăn chia biết bao sông núi ao hồ, tít mù ngót nghìn cây số đường trường, xa xăm đến tận chân trời mút tầm mắt, đường dài như vô tận. Mười và Nam sẽ bị ngăn cách bởi không gian, thời gian, bởi đỉnh núi rất hiểm trở, biển đèo, hồ ao, sông ngòi vạn dặm, chia lìa bởi vực thẳm cheo leo hun hút. Mặt cách mặt, lòng xa lòng. Biết ra sao ngày sau!? Bây chừ muốn nói; mà chàng sẽ nói gì đây?

Buổi trưa ngày thứ mười ba, Nam thấy Mười cùng mấy bạn đi học về ngang qua cầu Bá Hộ Chúc như mọi khi, Mười không cười nói tung tăng vô-tư-lự như trước, nàng lầm lũi bước đi bên bạn. Bỗng chàng thấy hai chị Lê, Khánh, từ trong ngỏ Đoàn thị Điểm đi ra, hai chị đứng sững lại chỉ chỏ con nhỏ em, họ nhìn Mười chằm chằm. Nam không hiểu Mười có thấy hai chị không, mà nàng cúi đầu lẫn trong các bạn đi lên con dốc Bà Triệu để về nhà? Tựa lưng bên cầu Bá Hộ Chúc, cây cầu gỗ đen sì như tương lai hắc ám của hai người bạc phận. Chàng nhìn theo bóng Mười mãi.

Khi bóng Mười dần khuất sau dốc vòng cao, Nam quay người chống hai tay lên thành cầu, cúi nhìn khá lâu xuống con suối chảy siết dưới chân cầu. Nước chảy qua cầu cuộn sóng, cuốn theo cây lá bồng bềnh lênh đênh trôi trên mặt. Tự dưng chàng cảm thấy buồn bã, đơn điệu, trống vắng vô ngần; một sự đau đớn phiền muộn nặng nề, đầy tức giận phủ chụp xuống tâm hồn Nam, khiến chàng buông nhiều tiếng thở dài. Nam quên tiệt, và không thể ngờ bên kia quán cóc cô Lượm, có hai bà chị của Mười còn đứng như trời trồng, họ đang dán mắt nhìn Nam, theo dõi từng cử chỉ nhỏ nhặt nhất của chàng.

Nam đến chào gia đình anh chị Lê, chị Khánh, chị Hách, để ngày mai chàng về Sài Gòn. Còn Mười thì xin phép chị Khánh cho mình đi nói chuyện "dứt khoát với Nam". Ngày cuối cùng sánh bước bên nhau. Nam âu yếm hôn lên đôi mắt nàng ứa lệ. Chàng không thổn thức như nàng, nhưng hai hàng lệ từ trong tuyến nước mắt Nam tự động lăn trên má, uất nghẹn. Vì, nhiều điều không thể nói hết, vì bao trăn trở ưu phiền, lo lắng buồn đau, tức giận chính thân Nam chưa đem đến cho Mười điều vui, chàng mong Mười là người trước tiên cần an hòa trong tâm hồn. Sau là để hai chị lớn của Mười thấu hiểu, thông cảm, yêu thương cô em của họ hơn.

Dòng lệ chảy từ đôi mắt dấu yêu từng nén lại nỗi nghẹn ngào, uất ức có tác dụng mạnh hơn cả ngàn lời chia tay. Nỗi đau của Mười, Nam, đột ngột bất ngờ phủ chụp xuống đầu, khiến họ không thể chịu nỗi cuộc chia tay, chưa hẹn ngày tái ngộ ở phương nào? Họ không lường chuyện gì sẽ xảy ra từ phía trước. Nơi Mười sẽ đến, nơi chàng quay về chốn phồn hoa đô hội cũ? Nơi họ sẽ sống thấp thỏm lo âu, khắc khoải, bồn chồn, mòn mõi, quắt quay nỗi đau, nỗi nhớ, nỗi thương yêu và, nỗi ân hận dày vò.

Ngồi trên đám cỏ bồng bềnh ở góc đường Phạm Phú Thứ, hai bạn nhìn xuống nhà thờ Tịnh Tâm. Họ cảm thấy rã rời, đau đớn, cái đau tâm hồn làm dại khờ thể xác. Nam và Mười, không muốn cất bước dìu nhau đi nhặt trái thông khô, hái hoa hoặc lượm lá vàng rơi, đem về ép trong trang sách. Mặc dù thả bộ trên con đường rợp bóng cây, nhặt lá hái hoa là điều hai người cùng yêu thích. Họ nhìn xe cộ, người người qua lại rải rác.

Thỉnh thoảng có nhiều đôi trai gái nắm tay nhau cười vui tung tăng trên đường. Không hiểu chàng nói điều gì, khiến cô gái cười dòn tan, đầy vui thích. Có lẽ họ là những cặp tình hạnh phúc thực sự, không rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt, gia đình họ không lấy “quyền huynh thế phụ”, buộc em chấm dứt đủ mọi thứ. Nhất là buộc em nghỉ học trong lúc mùa thi cử sắp đến, mất cả niên học, chẳng còn cơ hội đến trường. Nghĩ vậy, nàng và chàng càng tủi thân, thương cảm biết mấy! Nam cầm tay Mười, âu yếm nói:
- Nếu gia đình quyết định về việc em ra Huế, thì cho anh biết gấp. Nhé.

Mười gật đầu im lặng. Chàng ôm chặt Mười trong vòng tay thư sinh, như sợ Mười sẽ xa mình, cô nhỏ sẽ tan biến vào giấc mộng trắng toát tuổi học trò. Nam dặn dò:
- Giữ liên lạc thường xuyên nhe. Chờ đợi anh, đừng nãn lòng nhe. Lúc nào buồn, nhớ viết thư thật dài, kể cho anh nghe về mọi sinh hoạt của em, qua đó, anh có thể an lòng. Tình yêu của anh. Hạnh phúc của anh là ở nơi nầy.

Nam chỉ tay lên ngực nàng, nơi Mười đeo một mặt dây chuyền vàng, có khắc chữ NM. Đó là lời trao yêu tha thiết, chân thành nồng nhiệt, lời hứa hẹn đầy ắp ân tình trìu mến, tương kính như tân. Bằng cử chỉ dịu dàng, thân ái và trân trọng, Nam đắm đuối hôn lên môi Mười, nụ hôn có nhiều vị đắng, vị cay, vị chua, vị mặn, vị nồng: từ hai hàng nước mắt lăn xuống đôi má phớt hồng và bầu bĩnh, để bù đắp lại bao ngày trống vắng, chia lìa mai đây.

Xa! Xa! Xa... là xao xuyến, nhớ nhung ngẩn lòng. Là mến tiếc bâng khuâng. Là lo lắng băn khoăn, bồn chồn ray rứt. Là bất ổn đớn đau trong lòng nhiều lắm! Là quạnh vắng nhớ thương, mòn mõi đợi trông. Là suy tư đắm chìm về từng kỷ niệm, vui buồn xếp lớp lăn tăn trong tiềm thức. Là kéo dĩ vãng về với hiện tại, để sống cho tương lai. Là ước nguyện và hy vọng trùng phùng một thuở bên nhau. Là nguồn yêu thương chân thật, an ủi nhất. Là điểm tựa cuối cùng, trong muôn điều đắng cay, đau khổ, vừa ập đến. Và, thực tế là xóa sạch nỗi hận không ngờ, tẩy bỏ niềm đau buồn đột ngột, làm bàng hoàng, vò xé, ân hận, thương tổn tình yêu ít nhiều. Ôi! Còn đâu nữa những tiếng cười hồn nhiên rơi trên từng giọt mực tím trái mồng tơi? Còn đâu sự ân cần âu yếm, gọi nhau bằng "bậu" mà xưng là "qua". Hoặc ngọt ngào xưng "đây" goị "đấy". Hay là “ta” với “mình” ríu ra ríu rít âu yếm thủ thỉ thì thầm bên tai:
- Thôi! Em hãy về bên con sông Hương điệp trùng xa cách, em uống nước thượng nguồn, sẽ nhớ người anh hậu giang. Em như con cò hiu hắt đơn độc, nép mình bên bờ ruộng khô lững thững côi cút đi tìm mồi. Em ơi! Anh muốn mình hóa thành bóng mây bồng bềnh, lang thang phiêu lãng cùng Mười bay về vùng trời quê hương của em, hai đứa mình sẽ cùng nhau nhìn con đò nho nhỏ êm êm lướt nhẹ trên dòng sông xưa, mà có lần Mười thân thiết gọi:
- Con thuyền hoa chở Mười đi gặp Nam".

Chúng ta sẽ cùng nhau tìm lại dĩ vãng hoang dại, có một thời thân thương xiết đỗi mến yêu dưới mái nhà ấm áp, gợi nhớ bữa cơm chiều thân mật. Anh sẽ về tìm em, nơi phương trời xa xôi vạn dặm ấy, nơi xứ lạ phương xa mà anh chưa hề biết đến. Anh sẽ về tìm em, dù xa xôi và muôn vàn cách trở. Anh sẽ về bên em, dù bất cứ giá nào!

Quá thương yêu Mười, Nam càng ôm chặt nàng vào lòng, dường như chàng sợ mất em. Nam muốn ghì xiết Mười như con sên suốt kiếp bám chặt vào ốc vỏ. Những giờ phút cuối trong giờ chia tay thật yên lặng, buồn bã, đầy xúc động bên nhau. Hai người thong thả đứng dậy, từ từ dời gót như còn cả tương lai và chân trời trước mặt, họ không vội vàng chi. Một giờ trưa. Họ dìu nhau đi thật chậm trong lòng phố thênh thang. Cúi đầu trên mái tóc nàng, một tay chàng xách valy, một tay Nam ôm bờ vai người yêu bé nhỏ.

Nam, Mười, đứng khuất sau bức tường, trên bến xe cũ ở đường Hàm Nghi. Họ ngắm nhìn nhau, không thốt lời nào. Hình như trải qua bao nhiêu đắng cay, buồn phiền, trong tích tắc thời gian nóng bỏng nhất, cổ họng họ đã tuôn trào mật đắng. Đắng nghét. Không còn hơi sức thốt nên lời. Chàng lấy mũi dao nhỏ, trong cái kéo bấm móng tay, khắc vào bức tường:
Phương Nam Thương Mười
* * *

Rồi việc gì sẽ đến, đã đến dưới buổi hoàng hôn lảo đảo! Má nàng từ Huế vào Đà Lạt trên chuyến xe tốc hành đêm mười lăm tháng Chạp áp Tết cổ truyền. Mới vài năm xa mẹ hiền, mà nay má già lắm! Ở chốn quê nhà lam lũ, một nắng hai sương, má vất vả trăm chiều, lặn lội sớm hôm tần tảo, để kiếm tiền nuôi Mười ăn học. Mười vô cùng ân hận, một sự hối lỗi khẩn thiết, rất chân thành, phát xuất tự đáy lòng.

Mười biết má buồn lắm! Khiến lòng nàng càng tái tê, càng dày vò! Má ơi! Hãy nhìn con, nói lời tha thứ, cho con chạy đến ngã vào lòng mẹ hiền, như con hoang đàng trong thánh kinh, được vòng tay cha nhân ái rộng mở đón mừng. Con muốn được như vậy. Má ơi! Mười nghỉ học, nàng cảm thấy như ngồi trên ổ kiến lửa, ngu si thọc tay vào tổ ong quậy phá, khiến chúng đốt sưng vù. Càng hơn nữa Mười như tên tội phạm đứng trên giàn hỏa thiêu, bồn chồn sợ hãi tột đỉnh, nàng giống như tên tử tội thấy người khác thọc ngọn dáo nhọn sắt cạnh vào tim mình.

Phòng ăn treo bức ảnh đại gia đình họ tộc, từ ông bà cố trở xuống hàng con, cháu, chắt. Dường như từ những khung ảnh lạnh lẽo, nhiều người ngồi trên đó, luôn dõi mắt nhìn đàn con, cháu, chắt, nhắc nhở họ thường xuyên nhớ phong tục tập quán cổ truyền, đạo lý gia phong tổ tiên dòng dõi Nhà Trần, Nhà Ngô. Bữa cơm thịnh soạn họp mặt ở nhà chị Khánh có đầy đủ con, cháu, để mừng mẹ từ xa đến. Trên bàn ăn tươm tất các thứ đã sắp sẵn: Củ hành tím phi vàng, hai tô nước mắm me (gồm có: tỏi vàng óng với ớt chỉ thiên chín đỏ rất cay, đã bằm nhuyển, nước mắm me dốt thì me đâm nát lọc lấy nước), dĩa xoài tượng xắt mỏng còn vỏ, dĩa điều vàng, dĩa giá sống, kèm mấy miếng chanh, dĩa sung và chuối chát, ớt trái tươi rói. Hai dĩa bánh tráng, tô nước trong để nhúng bánh tráng, ba dĩa bún. Mấy dĩa rau gồm: xà lách, đọt đinh lăng, lá đọt sộp, đọt vạn thọ, lá xoài non, lá sung, quế, dấp cá, tía tô, ngò, húng cây, húng lũi, hẹ, cần ta, cải cốm, cần nước, tần ô... Thịt gà thịt vịt thịt bò thịt heo, kể cả thịt dê thì ê hề... Ôi là đủ thức ăn ngon làm sao kể xiết.

Ăn uống xong xuôi, khi Mười bưng chè đậu xanh đánh lên, ăn tráng miệng, thì chị Khánh mở đầu buổi họp gia phong, hạch hỏi tình yêu của Nam Mười, rồi nói:
- Má liệu đem nó về. Không khéo nó có bầu rồi. Con thấy nó giã lá thuốc ngãi cứu, uống mấy ngày nay đó.

Như có ai vừa tạt gáo dầu sôi bỏng. Đớn đau kinh khủng, khiến Mười lịm đi, để chống đối lời lăng nhục đó, Mười bèn trợn trừng mắt lườm nguýt chị, mặt bừng bừng đỏ, nàng nhún nhẹ đôi vai, và trề môi ra. Mặt chị Khánh đỏ như trái gấc, chị quắt đôi mắt sáng, sắc như dao cau, hướng về phía em, chị "hừ" một tiếng lớn, nghe thật ớn lạnh. Có ai trong đời mà không trải qua năm, bảy lần hỗn láo với người lớn không nhỉ? Mười phải bảo vệ tình yêu và danh dự. Cho dù nàng biết cử chỉ đó người lớn cho là “mất dạy” cách mấy đi chăng nữa.

Bởi chưng, chưa bao giờ Nam có lời nói kém nhã nhặn, chớ nói chi đến cử chỉ thất thố, suồng sã với Mười. Chưa bao giờ! Nam và Mười yêu nhau, mối tình hồn nhiên nên thơ rất trong sáng, chưa một lần quá trớn, lăng loàn. Vả lại chuyện vợ chồng có gì mà gấp rút, khi tuổi đời hai ta còn quá trẻ dại? Điều đó, giữa Nam và Mười, là sự thật trong sáng trăm phần trăm. Mười tôn trọng sự thật. Toà án lương tâm không bao giờ cắn rứt mình, mà toà án trong gia tộc nầy, sẽ khiến Mười khắt ghi nỗi hận, và anh chị nếu có ai vu oan cho Mười, sẽ người ấy sẽ ân hận mãi về buổi họp hôm nay.

Chị Khánh đánh giá con người và tình yêu sai lầm rồi. Không có gì sỉ nhục bằng nghĩ xấu cho một mối tình đẹp đến thế! Phải chăng, đa số anh chị thường mang định kiến không tốt về tình yêu? Tại sao họ nghĩ nông cạn đến độ cứ yêu nhau; là phải làm đến cái chuyện tầm bậy tầm bạ ấy? Mười thương Nam quá! Nơi chân trời xa xôi, chàng giữ mối thiện cảm, duy trì lòng mến mộ các anh chị, có ngờ đâu, họ nhìn anh ở một góc cạnh xấu nhất. Họ đang đóng đinh mối tình dẫy chết của chúng mình. Đó anh!
Chị Lê trợn mắt lên, chị xỉ vào mặt Mười, la:
- Mi ghê gớm thiệt. Để tao coi mi có lá gan bê lớn? Hắn dạy mi rứa đó hả?

Thấy tình trạng căng thẳng quá, Mười sợ, nên từ từ len lén đứng dậy, nàng thu dọn chén bát trên bàn, mặt Mười cúi gầm xuống và im lặng. Chị Khánh lại la, khi Mười định bưng chồng chén xuống bếp:
- Cuốn gói theo hắn đi? Cút xéo ngay. Cho ăn học uổng quá!
Liếc nhìn hai chị, rồi nhìn má, Mười trả lời:
- Con không muốn ở đây, sợ phiền anh chị thêm.
Chị Khánh trợn mắt, đứng lên, tay chống ngang hông:
- Đi ra khỏi nhà ngay.
- Em chờ má đi luôn.

Cả nhà nghĩ Mười có ý chế nhạo, trêu tức, hỗn hào, thách thức họ. Duy chỉ có anh Tư, vốn dĩ là người trầm tĩnh, thâm thúy, tế nhị nhất. Anh lịch sự, ôn tồn nói:
- Việc gì phải đi đâu. Muốn nên người, dì cần ở đây, ăn học tử tế. Chịu tất cả quy luật trong gia đình nầy.
- Em đã quyết định rồi.
- Tùy ý dì. Thế cậu ấy còn ở đây không?
- Ai cơ?
Chị Khánh quát tháo:
- Thằng Nam chớ ai. Nói nó lập tức đem mày đi đi.
- Em không có ý định đó. Tụi em thương yêu nhau đứng đắn, đàng hoàng, không tầm thường, không tầm bậy, tầm bạ, như chị nghĩ. Sao chị cứ vu oan cho em?
- Chuyện rành rành như ban ngày, còn chối leo lẻo nữa há, trả treo nè... Trả treo nè...

Liền với câu mắng nhiếc ồn ào la hét, chị Khánh xấn tới bên Mười, chị thắng tay cho mấy cái tát nẩy lửa vào giữa mặt, khiến Mười chảy máu mũi. Chồng chén bát kiểu trên tay Mười rơi loảng xoảng xuống nền gạch, vỡ nát.

Mười bưng mặt đầy máu mũi chạy vào phòng, nàng nằm vật lên giường, nghiến chặt hàm răng chịu đựng đau đớn, tay chân bủn rủn, rụng rời. Như nọc rắn cắn vào thân, trong tích tắt, nọc đủ làm bầm tím, rồi tái méc, xanh lướt đi, không vì máu mũi chảy trên nền áo trắng thư sinh. Máu chảy từ trong trái tim Mười đau đớn, quặn xiết đầu đời, dội ngược lên lứa tuổi ô mai, mận dòn khế ngọt. Lỡ chân còn gượng được, chứ lỡ lời đến bật máu ra, thì thôi. Còn chi nói nữa! Lời chị nói như ngọn giáo lạnh lùng, thọc qua lồng ngực nóng rang, khiến Mười quay quắt, đau hơn những cái tát. Máu mũi đã chảy ra, lằn tay đỏ bầm in trên hai má nàng nóng rần rần khắp thân thể, làm tê bại chân tay. Rồi máu cũng có lúc khô, ngừng chảy, không còn thấy tì vết. Thời gian sẽ xóa hết mọi dấu vết bầm tím sưng húp.

Nhưng... tuyệt nhiên lời nói của các chị dẫu có lâu ngày, vẫn hằn in sự sỉ nhục. Thì, không có cách gì tẩy xóa, kỳ cọ, không cách gì lấp đầy, tan biến được. Không bao giờ! Mười nhớ có một lần còn rất nhỏ, hồi ấy Mười lên khoảng bảy tám tuổi, hôm đó chị Khánh đi chợ về nhà trễ, ở nhà người bếp bị đau, bà ta chưa nấu cơm. Chị Khánh sai Mười đi nhóm bếp nấu cơm. Loay hoay mãi, Mười không thế nào gài đỏ bếp lửa. Chị Khánh càng la to, thì Mười càng sợ run, tay chân quýnh quáng Mười không thể nhóm bếp được. Chị Khánh tức lắm, chị giật đôi đũa sắt mà Mười đang gắp than, chị đánh mạnh lên đầu em mấy cái. Máu chảy thấm ướt cổ. Mười đau quắt quay, đau điếng, nên Mười khóc lớn. Chị bồi thêm mấy cái tát tai vào má cô em nữa. Mười run sợ, vụt đứng dậy chạy ra khỏi bếp. Con bé núp trong xó vườn mà thút thít khóc. Mười lấy tay bụm đầu mãi, đến khi máu ngừng chảy qua kẽ tay, máu khô và bết lại với tóc. Không hiểu tại sao hồi xưa chị Khánh hay nói:
- "Tụi bây mà học hành cục cứt gì. Hồi nhỏ, cha mẹ không cho tao đi ăn học ngày nào, vậy mà tao biết viết, biết đọc làu làu như ai. Ngày nay, tụi bây được cha mẹ cho đến trường, mà học hành chẳng ra cái quái gì".

Như Nam đã nói, đôi lúc Mười "lì" quá! Không chịu ra nói rõ phải trái, về việc quen chàng, việc học hành của mình. Lì lợm như vậy thì thôi đi. Vả lại, Mười nói gì cũng bằng thừa. Ai tin mình, khi lỗi Mười trốn học hai giờ, còn sờ sờ trong học bạ! Mặc kệ. Mười không muốn ở lại đây, thở than, xin xỏ, năn nỉ, rồi anh chị em tiếp tục phạm sai lầm, nghi kỵ, xem thường phẩm giá con người, chị đánh đập em như con chó, oán trách giận dữ, hành hạ đối xử với nhau như kẻ thù. Tình cảm gia đình, anh, chị, em, đã có vết rạn bên ngoài khung ảnh đại gia tộc đang treo trên tường, trong phòng ăn rồi. Tất cả anh, chị, em, không ai có thể xóa tan sự đau đớn, tủi nhục, nỗi muộn phiền quắt quay, ấn tượng không tốt đẹp, về tình máu mủ ruột thịt, sự thất học và có học, xua tan sự cứng rắn ra khỏi lòng Mười. Họ không bao giờ hiểu cô em nghĩ gì về họ? Họ không hiểu lý do. Và, Mười không tầm thường như thế. Mười sẽ giữ nguyên nhân sâu xa thầm kín nầy cho đến chết. Phải! Làm sao họ hiểu nỗi em?

Mười đi từ giã bạn vội vàng. Cô chủ tiệm chụp hình Mỹ Dung sửng sốt, đầy xúc động, băn khoăn, cầm tay Mười nói lời chia tay, ngấn nước mắt trào ra bốn khóe mi. Cậu Kỳ ngạc nhiên không kém, cậu thẳng thắng trách mấy bà chị họ sao độc đoán và hủ lậu, không chừa cho em một con đường thoát.

Tài, Phú, Ngữ đã về Sài Gòn. Chỉ còn Vinh và Lễ ở lại căn nhà thơ mộng bên sườn dốc Hai Bà Trưng, nhìn lên đồi hoa qùy. Lễ nói:
- Mười à! Phú rất buồn, thất vọng về điều gì đó.
Vinh nhìn Mười giây lát, ngập ngừng nói:
- Có lẽ, bọn nầy sẽ không ở Đà Lạt nữa.
Mười giật mình, vụt hỏi bạn:
- Vì chuyện của tôi, anh chị muốn xù nhau sao!?
- Không phải. Tôi về Sài Gòn làm việc, và kết thúc sự học.
- Có vậy chứ, không thì tôi buồn gấp ngàn lần.
* * *

Nam viết một bức thư dài mười trang giấy tiễn đưa Mười trên đoạn đường thiên lý định mệnh, xa mù xa. Mười dõi mắt nhìn từng chùm hoa anh đào đan trên cành, ngắm từng bụi cỏ bờ cây, như muốn ghi dấu tình yêu mến vào đáy lòng. Đà Lạt thân yêu ơi! Mình thật sự xa rời nơi chôn nhau cắt rốn rồi. Thương biết mấy ngày thơ ấu, Mười chạy lon ton theo ba, đi câu cá trên Cam Ly Hạ, đôi má hồng hồng bầu bĩnh, men theo bờ suối bắt ốc, hái hoa, đuổi bắt chuồn chuồn, bươm bướm. Mình ưa nằm lăn trong cánh rừng lá rộng, lá kim, cạnh bờ tre, nứa, lồ ô, bên cỏ bồng, đôi mắt nai tơ, nhìn lên trời xanh, băn khoăn hỏi:
- Ba ơi! Mây với sương, có giống nhau không?
- Không. Mây là mây, mà sương là sương.
- Mây có chở mình về Huế không?
- Hỏi cái chi mà tào lao, lác lác rứa hè! Huế có cầu Trường Tiền, sông Hương núi Ngự, lăng tẩm đẹp lắm. Vài năm nữa, ba cho cả nhà về Huế, ở đó luôn.
- Mà ở đó, có đẹp như ở Đà Lạt không? Ba!
- Đẹp lắm!
- Xa Đà Lạt, con nhớ lắm.

Thế mới biết, từ trong huyết quản, từ trong tư tưởng, từ trong tiềm thức, từ buổi thiếu thời, Mười đã có tình hoài hương, tình yêu thiên nhiên, quyến luyến chốn xưa biết ngần nào. Chính câu nói ngây thơ, trò chuyện lẩm cẩm, nên đi đâu, ba ưa dắt con gái út theo, nói chuyện, nghe đỡ buồn.

Chị Lê mua vé xe hãng Phi Lực cho mẹ con Mười về Huế vào giữa ngày hai mươi tháng chạp. Chợ búa vào mấy ngày cận Tết, đông đúc người qua kẻ lại, chật như nêm, ồn ào náo nhiệt, rộn rịp khác thường. Bến xe phức tạp đủ mọi người bán mua mời chào, chen lấn. Xe cộ dập dìu bon chen, cố tranh nhau một đoạn ngắn để khỏi trễ giờ, xe đưa má con Mười trở về một thời xuân trẻ quê xưa, xuôi Trung cập rập vào ngày cuối năm. Thật buồn da diết!
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
11-05-2012, 03:47 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1352085002.jpg

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1352085246.mp3
Ái Quốc & Tôi
Tình Hoài Hương
***


Mờ nhạt phía xa xa là dãy núi Lâm Viên tím đục, pha sắc sáng bạc trộn màu da cam lẫn màu ngà; mây bàng bạc lững lờ bay bay quệt lên mặt nước phẳng như phiên gương sáng loáng thành một dãi lụa lung linh vàng óng, rồi mây lang thang lả lướt rung rinh trở mình trôi giữa bầu trời êm mát như nhung & qùy gối bên hồ.

Gió yếu ớt xô chiếc bóng tôi buồn xo xiêu vẹo ẻo lả nằm dài trên con đường đất đỏ, lối cũ ngoằn ngoèo, trầm mặc lượn quanh rẽo đồi quạnh vắng. Gió vi vu nhè nhẹ thổi qua khu đồi thông bản trường ca hùng vĩ ngút ngàn muôn điệu du dương. Cảnh vật mơ màng dưới khung trời bao la, rưng rưng len lén phả hơi sương thấm đẫm cỏ cây và gây gây lạnh, tạo thành bức tranh hoàng hôn êm đềm, nên thơ, thanh bình và diễm lệ.

Một mình chìm đắm trong hoàng hôn phai nắng với nỗi buồn vu vơ, tôi đã vén cao hai ống quần đen, thòng đôi chân trần xuống vọc lượn nước trong vắt lặng lờ róc rách dưới lùm cỏ bạc đầu và rất lạnh. Cạnh đấy có tảng đá nâu vàng nghiêng mình ra góc hồ Lãng Ông. Tôi ngồi đây mà chợt cảm thấy hiu hắt buồn! Tôi chưa bao giờ tâm sự với một người nào ở chỗ làm việc nầy nghe về nỗi đau của mình. Họ là những bạn giao tế nghề nghiệp đơn thuần, quá vô tình, lạt lẽo, (và xin lỗi nha, chỉ lắm chuyện, tò le mách lẽo, quá ư vô duyên không hơn kém).
Sau giờ hội thảo, nhỏ Nuôi đi tìm tôi khắp nơi, báo tin là:
- Có người cần gặp nữa nè.

Tôi phân vân không biết ai lại đến thăm vào giờ nầy!? Tôi lững thững đi vào phòng khách. Bật ngữa ra là anh rể và Quốc đang ngồi hút thuốc lá trong phòng đợi, khi hoàng hôn nở sâu hơn cho thao thức vào đêm rải đường trăng tố nữ ngọc ngà rót xuống vạn vật. Không trung rưng rưng giọt sương rơi lộp độp trên phiến lá đong đưa, thơm nứt hương bưởi theo gió ùa vô căn phòng khách giá lạnh:
- Chào anh Quốc, chào anh Tuế. Chị bị đau ốm nữa rồi sao? Hở anh!?
- Bình yên. Chị khỏe rồi.
- Úi! Vậy mà thấy hai anh. Em lo quá. Cứ sợ chị lại đau nặng.

Bốn mắt giao nhau, họ kín đáo tinh tế nở nụ cười... Anh Tuế liếc nhìn tôi, cặp lông mày anh nhích lên một xí. Tôi nhìn xuống vuông gạch bông, lắng sâu vào những hoài niệm không vui về Quốc. Nhưng tôi không tỏ lộ cử chỉ khó chịu ra mặt, mà vờ vui vẻ ân cần, hỏi:
- Sao hai anh biết em ở nơi đây, rồi lên thăm vậy?

Anh rể vò đầu, gãi tai, xoa tay, anh hết nhìn Quốc, lại quay qua nhìn tôi cười giả lả:
- Anh và anh Quốc đi lên Đà Lạt có chút công chuyện. Tuần trước anh đã ghé vào nhà cậu Dzoãn thăm các em. Anh biết em học ở đây, hai anh em rũ nhau lên thăm em đó chớ.
- Ồ... Em cảm ơn hai anh.
Ngừng giây lát, anh Tuế vào vấn đề chính:
- Thụy! Hai bàn tay mười ngón, thì có ngón ngắn ngón dài, em hãy cân nhắc đo lường kỹ lưỡng trước khi quyết định. Em suy nghĩ coi: khi ta có một món đồ quý đã buông ra rồi, sau nầy tình cờ đột nhiên tìm thấy, mình có cảm giác vui vẻ mến thích và mừng rỡ biết bao. Em à.
- . . .
Tôi thầm nghĩ: Cha chả! Anh rể định “lên lớp” dằn mặt mình trước mặt Quốc, để ra oai lấy le với cấp chỉ huy cuả ảnh đây!
- Anh Quốc định hỏi vợ, ảnh nhờ anh đi “đánh tiếng chuông vàng” trước. Em biết không, “đánh tiếng” có nghĩa là anh chị thừa nhận việc Quốc tin tưởng nhờ cậy anh chị làm mai giúp, là đúng. Sự thật không thể nhìn thấy (dù dấu kín ở trong lòng), nhưng bằng hành động thì sự thật đó được mình đánh giá cao qua cung cách của một con người, em nên tôn qúy sự việc.
- Anh có say không hở anh!?
- Uống rượu mà không say, thì sao gọi là uống rượu hay!? Anh nhắc em nghe: Ông Vi Cố ngọan cảnh đêm trăng, thì gặp Nguyệt Lão râu tóc bạc phơ đang mân mê mớ chỉ hồng trước tòa cổ miếu. Vi Cố khẩn khoản hỏi thăm người vợ sau nầy là ai. Thì được biết vợ chàng sau nầy là: một cô bé bán rau nghèo khổ. Quả thật đúng như vậy! Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng. Các em ơi!
- Hơi sức đâu anh làm chuyện riêng của ai cho mệt.
Họ im lặng liếc nhìn nhau. Tôi cười ỏn ẻn:
- Chị có lên Đà Lạt cùng các anh không, hở anh?
- Lần nầy thì không. Tuần tới chị đi tái khám, sẽ đến thăm em nghe.
- Tuần sau ra trường, em về nhà rồi nhe anh.

Anh Tuế vội vội vàng vàng nói thêm năm bảy câu vớ vẩn qua loa, ảnh quay qua phía Quốc:
- Anh Quốc ngồi ở đây nói chuyện với em Thụy. Tôi bận lên thăm gia đình anh Thái một chút. Tối nay tôi sẽ gặp anh ở khu Hòa Bình, mình cùng trở về Tùng Nghĩa nghe.

Quốc chưa trả lời, anh Tuế vụt đứng dậy chào tôi, khiến tôi ngỡ ngàng, băn khoăn, lúng túng. Thì ra, anh Tuế muốn dàn xếp cho Quốc đến gặp tôi. Vì lần trước Quốc đã đi với Tôn (Tôn là bạn Quốc, cũng quen biết anh chị Tuế và tôi từ xưa). Hôm ấy họ đứng ngoài hiên trên lữ quán Thanh Niên lúc trời mưa suốt hơn một giờ, và chờ tôi. Tôi ngồi trong phòng ăn nhìn ra cửa kính, thấy họ. Tôi muốn lánh mặt, nên kề tai nói nhỏ với Dzưỡng và Thứ là:
- Có anh kia ưa theo quấy rầy, tôi không muốn, nhờ hai bạn đi kèm hai bên, giúp tôi đội áo mưa, che cho tôi đi giữa, để tôi trở về lớp chút nha.
- Cũng được. Không hề gì.

Thế là chúng tôi đội áo mưa che sụp xuống mặt, cả ba đứa cười hi hí, cúi đầu ngoảnh đi chỗ khác, vụt chạy nhanh, “chuồn” qua mặt họ. Không trông thấy ba chúng tôi, Tôn và Quốc vẫn đứng ngoài hiên chờ tôi dưới cơn mưa tầm tã đang tạt vô ướt hết áo quần họ.
* * *

Thú thật là tôi cảm thấy chán ghét cái tình yêu chóng vánh, bồng bột sôi nổi, quá ư là vô duyên, không đúng lúc của Quốc. Có thể ai cũng nghĩ tôi tươi cười, vui vẻ bặt thiệp như thế, là tôi dễ dãi, hòa đồng và “dễ chịu” hay “chịu đèn ai” chăng? Nhưng kỳ thực tôi biết là tôi rất khó tính, khó nết, kỳ khôi, coi rứa mà “kênh kiệu” khó chịu đáng sợ. Hình như tôi không hợp với thứ tình “nóng bỏng” chóng vánh gọi mời ấy. Tôi thích tình cảm có chút êm đềm, thanh nhã, lãng mạn nên thơ, nếu có trữ tình càng hay. Mặc dù anh chị Tuế đã nói toẹt ra với tôi:
- Quốc là biên tập viên xuất sắc, ngang hàng Đại úy Quận-trưởng, em à.

Thì tôi “mê” sao? Tầm thường dễ sợ. Cây to mọc cheo leo trên cao, thì cây dễ gãy, người ưa trèo cao, thì người ấy dễ té. Có thể bã phù vinh làm cho nhiều cô khác ước ao, mong đợi, thèm khát. Riêng ta thì không đời nào. Có địa vị, danh vọng, tiền tài, có ở sát bên cạnh nhau hay không, không thành vấn đề. Điều cần thiết ghi nhớ là: tuy ở xa, mà lòng trí mình có nghĩ về nhau trong sự tin yêu chân thật; như đang ở cạnh nhau, chân tình yêu nhau hay không, mới là chuyện quan trọng và trường cửu. Tình yêu tươi đẹp sáng rỡ trong vắt như ly thủy tinh, nhưng cũng vô cùng nhẹ tênh và mong manh (nếu ta không biết cách trân trọng giữ gìn).

Đưa anh Tuế xuống lầu xong, tôi chậm rãi buồn xo quay trở lại phòng khách, thì tôi thấy có lố nhố đông đúc mấy bạn trai gái ở chung phòng học, họ đang nhốn nháo đứng gần cánh cửa sổ, cửa lớn. Họ xô đẩy, chen lấn nhau để dòm ngó, xầm xì, chỉ chỏ Quốc, bàn tán về “hai chúng tôi”. Thấy tôi bất ngờ đi vào, họ vội tản hàng, lờ đi chỗ khác, nhưng lâu lâu họ lại láo liên chồm người ra cửa nhìn lén, cố ý làm kẽ “tình vờ”... mà họ lom lom dòm xem chúng tôi làm gì, nghe lén chúng tôi xù xì hú hí nói gì!? Con nhỏ Chánh liếc và háy tôi một cái thiệt dài. Thật nực cười. Cái đám nhiều chuyện nầy kinh ngạc nói "sao mi có nhiều người đến thăm vậy? Tôi muốn chỉ vào mặt bọn trơ trẽn vô duyên đó mà bảo:
- Thèm thuồng không, mà vụng về chùng lén dòm ngó lom lom dân quèn ni vậy!?

Phòng khách lữ quán rộng mênh mông như một đại sãnh đường sang trọng. Những dãy sofa bọc nệm đỏ dài mút tầm mắt dùng để tiếp tân. Ở tít đằng xa khuất trong góc phòng có ba bốn người khách ngồi lúi húi soạn quà bánh và nho nhỏ nói chuyện riêng, không sợ người khác nghe thấy. Hôm nay là ngày thường nên phòng khách vắng lặng, đến nỗi Quốc ngồi đối diện cách tôi xa xa, anh đánh diêm mồi thuốc lá, hay anh thở dài nhè nhẹ; tôi đều nghe rõ. Quốc nhìn tôi không chớp mắt. Anh đơn thuần kềm chế tình cảm bằng sự cay đắng thở dài thườn thượt. Cả hai chúng tôi lúng túng im lặng khá lâu. Tôi ngại ngần bối rối hết cúi xuống nhìn hoa văn tấm thảm, lại nhìn lên những bức tranh phong cảnh treo trên tường.

Dẫu vô cùng khó nói, nhưng tôi phải cố gắng cương trực giải quyết một lần chuyện éo le, dị hợm, nhập nhằng nầy, “dứt điểm” chuyện “phức tạp” cho xong. Tôi ú a ú ớ, hững hờ, lạnh lùng trông thấy, mặt nặng như chì, báo trước một cơn giông không hứa hẹn tốt đẹp. Tôi tránh nhìn thẳng vào đôi mắt Quốc sáng ngời, đôi mắt anh khá sắc sảo như xoáy vô da mình vết dao nhọn.
Đắn đo mãi, Quốc mới mở lời:
- Thuỵ! Tháng Mười Hai nầy, anh được chính phủ Việt Nam cho anh công du sang Singapore, và học bổ túc bên Mã Lai rồi. Anh muốn lên đây gặp em, chờ quyết định cuối cùng của em về việc hôn nhân. Em hãy cho anh biết... Như lần trước anh đã ngỏ ý cùng em đó.

Tôi khẽ rùng mình ớn lạnh, giống như ai vừa thọc dùi lửa vào lòng tay nóng bỏng. Kiếp tôi là cái kiếp gì, mà sao có lắm người xin đi hỏi, đi cưới, cưới cưới hỏi hỏi quá vậy không biết? Chuyện nầy, cũng như mấy lần trước, có nợ có duyên gì nhau không đây?
“Thân em như thể trái chanh.
Lắt lẽo trên cành, nhiều kẻ ước mơ”.

Hay là... hễ mở miệng ra, thì anh nào cũng xin tôi cho họ đến "đặt cọc" làm đám hỏi. Xong rồi, họ cứ để đó. Cho tôi chờ đợi dài người ra, hai, ba năm sau (như con heo thịt đã đóng mộc, ông chủ sẽ vỗ cho nó mập ú, chưa biết sẽ bị đưa vào lò “sát sinh” lúc nào). Chờ! Chờ... chờ đến bao giờ con cái họ tốt nghiệp “thành nhân, thành danh, thành tài”, thì coi như tôi hy vọng… “đi đon” theo ha!
“Đến ta, mới biết của ta.
Trăm nghìn năm trước, biết là của ai”.

Tôi bị phỏng nước sôi từ hồi Hoàng Năm, Cảnh rồi. Nay lại là Quốc. Nên lần nầy dù Quốc có thành thật, tha thiết, ân cần trao tôi ly nước đá chanh đường ngọt lịm, tôi vẫn phồng má thổi phù phù.
“Thà rằng chẳng biết cho xong.
Biết ra như xúc, như đong lấy sầu”.
Sự buồn phiền tức giận vì ba người kia nói y chang như Quốc đã nói. Nhân cơ hội không vừa ý nầy, tôi bùng nổ:
- Anh đùa cho vui ấy mà.
- Anh đùa thế nào được. Chuyện quan trọng mà. Em!
- Cưới vợ. Đâu phải là chuyện đùa. Phải. Em cảm thấy hình như anh coi chuyện tình yêu, hôn nhân, là cái giỏ xách. Anh đem tiền đi mua một món quà đắt giá về trao tặng. Mà, anh chả cần biết rõ người ấy có yêu thích hay không. Ỷ có tiền, anh chẳng cần biết nó có giá trị gì đối với người nhận hay không!? Anh lạ quá! Em chưa bao giờ nói yêu anh. Càng không nghĩ đến chuyện tình thật tình giả “hôn nhân, hít người” chi chi cả.
- Em nói gì kỳ cục vậy!?
- . . .
- Thụy! Anh ngỡ là em đồng ý từ lâu rồi mà.
- Trời đất. Anh đánh giá con người em thấp rồi. Em thấy câu chuyện nầy giống như em chỉ là cái giỏ xách, anh tự tiện xách đi nơi nầy, bỏ nó chỗ kia; tùy ý. Hoặc anh đi mua chiếc nón, anh mặc cả ì xèo, nếu thích, anh cà kê dê ngỗng tán gẫu, tán tỉnh vài câu bông đùa cho vui với cô bán hàng, cò kè thêm bớt vài đồng. Trả tiền xong, anh đội nón lên đầu, ung dung đi.

Những lời nói thẳng thừng hơn gáo nước lạnh tạt vô mặt Quốc, khiến anh buồn đau không ít, mặt Quốc đỏ bừng bừng:
- Anh chân thật. Không phải là hạng người ấy.
- Dạ vâng! Em xin lỗi. Tính em thẳng như ruột ngựa, biết nói như thế sẽ mất lòng anh. Mong anh bỏ quá đi cho. Tuy nhiên, chuyện anh nói rất kỳ cục. Vì... Giữa anh và em chưa hề có một lần trang trọng thân ái tay nắm bàn tay, thì nói gì đến chuyện yêu đương, hò hẹn, đợi chờ nhau chớ.
- Anh xin lỗi Thụy. Quả là bất nhã khi anh ngỏ lời cầu hôn với em ở trường hợp bất lợi, bất tiện, không đúng lúc nầy.
- Có chuyện ấy kia à!?
- Không phải sao!? Không phải em đang uất ức, buồn bực trong lòng?

Đôi mắt hạ xuống, không hiểu sao tôi hậm hực mủi lòng, mà ứa những giọt nước long lanh rung rinh bên khoé, biểu lộ cảm xúc nội tâm phiền muộn rất chân tình:
- Chao! Anh nói đúng. Buồn bực là cơn điên khiến tinh thần ta xáo trộn, căng thẳng không ít. Nó không thể chìu theo ý nguyện. Anh nên coi chừng tránh xa em trước, kẽo bị lây. Anh biết: nếu ai bị rơi vào dung dịch muối, thì trước sau gì cũng biến thành muối, á anh.
Quốc phì cười vì câu ví von kia:
- Nghe lạc hậu quá chừng.
Tôi khẽ cười theo:
- Thì… em đang ở trong biển muối mà.
- Có biển muối nào mà trở thành mật ong, thành đường phèn, đường mía, đường phổi đâu em.
- . . .
- Không hiểu vì cớ gì, khi anh đang ung dung làm việc ngon lành ở Sài Gòn. Tự dưng định mệnh nào xui khiến anh xin đổi lên Đà Lạt, đến nhà tìm anh Tuế. Chính lúc ấy tình cờ anh biết em. Để rồi cũng… không hiểu vì cớ gì, anh lặng lẽ yêu em âm thầm, mà rất chân thực và say đắm...
- . . .
- Em như bộ hành vào buổi chiều đông qua bến đò đã in hình bóng anh, (có cả em) chốc lát trên dòng đời chảy mãi không ngừng. Rồi tan, rồi nhạt, để khắc ghi lại đời anh nhiều nỗi muộn phiền, đau ghê lắm. Anh vẫn không thể hiểu ra: do đâu, tại sao mình lặng lẽ rời nhau. Hở em?

Quốc và tôi lại ngồi nói chuyện tâm tình (như hồi chúng tôi ở Tùng Nghĩa, rất gần gũi thân thiết, như đôi bạn hồng nhan tri kỷ tri ân và cũng xa rất xa... từ trong hai tư tưởng chẳng muốn xích lại gần nhau dung hòa đôi chút). Thật đúng như Quốc vừa nói, tôi không biết mình ra sao, tại sao nữa. Tôi tủi thân, xót thương anh và thương thân, đã ràn rụa nước mắt khóc sướt mướt trước mặt anh. Nhưng tôi lại từ chối anh mọi lời ân cần, cử chỉ trìu mến âu yếm an ủi vuốt ve. Tôi không biết nên giải thích sao cho ổn thoả. Suy nghĩ và dày vò mãi, tôi đã nói dối với Quốc:
- Anh đừng tìm em nữa. Vì anh Dzoãn biết được, em sẽ bị đánh đòn nhiều.

Do đó, Quốc nghĩ rằng: tôi cũng yêu Quốc, nhưng tôi bị gia đình ngăn cấm. Nên… tôi khóc. Phải đóng nốt vỡ tuồng, tôi thút thít khóc nấc: hu hu hu, hic hic hic..., vừa quệt nước mắt vào tay áo, tôi cúi thấp đầu nói nhỏ:
- Quốc về đi. Trời đã khuya và sắp mưa. Anh về đi. Đừng tìm em nữa.
- Hãy cho anh ngồi bên em vài giờ. Cho anh được nhìn thấy em giây phút. Anh muốn khắt sâu hình bóng em trong tim anh. Đừng xua đuổi anh. Mai mốt anh phải đi xa rồi.

Ôi Trời ơi! Không ngờ Quốc yêu tôi nhiều đến thế. Anh lẵng lặng ngồi đối diện nhìn tôi thật, anh nhìn tôi rất lâu. Không biết là lúc nói dối thì cái mặt mo của tôi coi thộn ra sao!? Chúng tôi quen biết nhau chưa đầy ba tháng, gặp nhau ít ỏi trong những ngày chị Tuế lâm trọng bệnh. Hai chúng tôi chỉ: Trao đổi chuyện trò, tâm tình vu vơ. Không một lá thư. Chẳng có một tấm hình lưu niệm. Không hề tay bắt mặt mừng rối rít, tôi chưa thân thiết trìu mến mặn mà âu yếm gửi trao ánh mắt nồng nàn.

Có phải một phần do lỗi tại tôi thật thà, thẳng thắng, chân tình? mà nay đâm ra quá ân hận... đã làm Quốc hiểu lầm về sự thân hữu bè bạn đơn thuần của chúng tôi ngày ấy không!? Dù có một lần Quốc bất ngờ "đột hứng" lụp chụp, vội vã, ôm chầm lấy tôi mà hôn, duy nhất chỉ một lần, nụ hôn chẳng có chút hương vị đằm thắm yêu thương gì ráo trọi!? Anh không cần biết tôi có thích anh hôn, tôi có ưng thuận nhận cái vị "mật" của tình anh? Quốc nào biết đó là mật gì? Mật đắng từ lá gan của tôi đang trào lên!? Hay là mật ong ngọt ngào từ bờ môi tình anh dâng tặng!?

Nên ngày nay tôi mới ra nông nỗi... tiến thoái lưỡng nan thế nầy?! Sao lạ quá! Quốc đã… “bắt chạch bằng đuôi. Bắt chim bằng cánh. Bắt người nơi tranh” mất rồi! Tôi đối với anh không bằng mặt cũng không bằng lòng. Lòng tôi không bằng thì làm sao bằng mặt cho đành; tôi nào dám thèm thuồng nụ hôn vụng dại uốn cong bờ môi nở sâu theo tháng năm dài thao thức!

Anh ngồi im lặng ngắm nhìn tôi hằng giờ không biết chán. Còn tôi thì cúi gục mặt hai tay bưng bên má, cảm thấy thật xấu hổ vì mình đã lừa dối, nói láo trắng trợn với một người rất có tình nghĩa đậm sâu như anh. Tôi cúi gầm mặt xuống, hàm răng trên cắn làn môi dưới. Tôi khóc ngất lên giữa cuộc tình tan vỡ của anh và của chính mình. Lần nầy không hiểu sao tôi khóc thật. Ôi chao! Vẫn im lặng. Giờ thì mọi ngôn từ đều câm nín, biến đi đâu hết?

Phải chi anh ngồi cạnh em đây là người yêu, thì câu chuyện sẽ xoay chiều vui vẻ hạnh phúc ngay. Tôi ngồi bất động trên sofa, vẫn cúi gầm mặt xuống, bặm miệng, tay run run tôi túm lấy cọng chổi lông gà rứt từng cọng lông trắng, lông hồng xù ra rơi xuống nền gạch bông. Trời sập khuya tự lúc nào. Bóng đêm bao trùm khắp nơi. Phòng khách không ánh đèn càng vắng hoe.

Quốc lặng lẽ rời sofa. Tôi uể oải mệt mỏi đứng dậy. Cả hai người lung linh chập chùng lún vào bóng tối sâu thẳm khi màn đêm buông kín. Hai chúng tôi ngập ngừng lúng túng im lặng ngượng ngùng vĩnh biệt nhau, coi thật chả giống con giáp nào, chẳng giống ai. Nơi cánh đồng tuổi trẻ thanh xuân kia, tôi đã đi vào giấc mơ dàn trải phía trước, là con đường dẫn đến tình yêu ngút ngàn, có rải từng cánh hoa hồng đỏ đong đưa trên phiến lá xanh xanh nép ẩn nhiều gai nhọn. Khi tôi muốn quay trở về lối an vui xưa, thì hỡi ơi! Tôi gục ngã, giống như cánh chim ưng vừa trúng viên đạn phũ phàng để kết thúc một tình yêu.

Phải rồi. Tôi, một người con gái biết mình trẻ trung khá đẹp, có thể thu hút đầy đủ mọi thứ, tôi bay bổng trên đôi cánh ước mơ bảy sắc cầu vồng, tưởng là mình sẽ hạnh phúc tơ rung trước mỗi phím loan. Nên tôi quyết liệt cự tuyệt chuyện tình Ái Quốc và Tôi; đó là con đường vĩnh biệt, khổ sở lẫn đau xót vô bờ tới anh: người tôi rất mến trọng, mà tôi chưa hề biết yêu Quốc. (Đền bù lại cuộc đời tôi sẽ trả một giá đắt kinh khủng, hơn trăm ngàn vàng! “Được lòng ta, xót xa lòng người” thiệt đa).

Trên triền đồi có phiến lá úa vàng phai hương sắc vừa chao nghiêng, lá hờ hững nhẹ nhàng rơi xuống đám cỏ xanh mượt mà... khi tôi vội vàng dúi vào tay Quốc bài thơ ngụ ý nhắn nhe anh: “Men” Kia Thôi Đã Hết...
Sông Ngân Hà cõi lòng xưa chết lịm.
Chiều phố cũ ngóng mây cao đây đó.
Bên nhau nhìn giọt lệ chợt tuôn trào.
Khiến tim tôi chới với ngược giòng bơi.

Lịm tắt vì sao quỳ gối chân trời.
Tôi đắm mình trong sóng chảy mây trôi.
Lệ lăn tròn đôi má chiều yên lặng.
Giờ chia xa người lính chớ ăn năn.

Sóng dậy mù khơi nhạc buồn sầu phủ.
Đan vào nhau sâu kín chợt nhủ mình.
Chia sẻ yêu thương vào cõi lặng thinh.
Phố nhỏ vùi "men" đời thôi đã hết.

Dịu tình xưa ưu ái mỗi đêm về.
Ánh trăng rũ chiếu vào nửa canh khuya.
Ngậm ngùi tỏa hoa sao lời non nỉ.
Tan sầu héo cung đàn ơi nguyệt quyện.

Suốt canh thâu đời gậm nhấm hạt sương.
Thấm đẵm theo sóng vỗ từng giọt ươm.
Bóng ai về ẩn dấu nụ cười tươi.
Tình kề môi thốt khẽ theo suối vắng.

Lửng giòng vơi, uống say cạn ánh trăng.
Bạn trìu mến ngày vui ở phương nầy.
Tình cuối tuyệt hơn tình đầu xưa ấy.
Như thuyền trăng lả lướt Đào Nguyên mây (*)

* *
(*) Thơ Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
11-12-2012, 07:00 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1352745369.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1352745647.mp3

Tinh Hoai Huong
11-14-2012, 08:32 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1352924137.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1353470305.mp3

Tinh Hoai Huong
11-19-2012, 10:16 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1353319619.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1353319839.mp3

Tinh Hoai Huong
11-22-2012, 05:25 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1353561253.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1353561514.mp3
Hiền Huynh Vui Tính Trong Thời Loạn
Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
11-27-2012, 04:32 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1353989775.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1353989951.mp3

Nỗi Yêu Thương Dày Vò Vô Tận
Tình Hoài Hương
***


Đồi cỏ mượt mà ướt đẫm sương giá mọng giọt long lanh trên từng ngọn lá. Trầm Mây thích vuốt những túm cỏ xanh dày mát rượi, để rửa hai bàn tay. Mặt trời mùa Thu chiếu ánh sáng yếu ớt, ảm đạm xuống ngọn đồi đọng nước bên góc hồ Lãng Ông, trông thật lạnh lẽo, đơn điệu. Từng bè mây trắng bay bay cuộn từng cụm như đàn cừu trắng in bóng xuống gương nước trong veo, đầy chỗ trũng.

Trầm Mây thấy rõ bóng mình in xuống trũng nước lúc áng mây lờ lững bay đi. Mai đây, khi mùa Xuân về ấm áp, nắng sớm chan hòa xua tan giá lạnh, vũng nước ấy sẽ khô, thì những áng mây cũ bay ngang lưng đồi, không in bóng xuống trũng nước lấp loáng nữa. Chưa chắc có nhiều áng mây cuộn từng cụm như đàn cừu ngập ngừng quay lại chốn nầy (mặc dù mây bay ngàn năm). Có còn chăng, là đọng lại ở đáy lòng người sự thờ ơ lãnh đạm, vượt lên mọi cảm nghĩ về không gian và thời gian, để tìm về dư hương kỷ niệm.

Trong số giáo học cấp bổ túc mới ra trường năm nay, có một thanh niên tên là Cilbebi tuy là người gốc thiểu số thuộc bộ tộc Ralđê, nhưng anh ấy khá bảnh trai, ăn mặc lịch sự, văn minh, tế nhị. Anh nói tiếng Pháp rành rõi như dân Tây (mà từ thuở nhỏ đến lúc lớn khôn anh đã học trường A’ Dran Đà Lạt thật). Ông tổ tổ của anh nguyên là cư dân bản địa Tứ Xuyên, thuộc bộ tộc Miao-Yao từ thế kỷ 13. Sau biến cố chính trị bên Tàu, thì tổ phụ anh đã di dân sang hạt Kengkhoai. Nhiều năm ở đấy dưới quyền thống trị của Lo Bliayao, dòng dõi họ lại lục tục chuyển về hạt Tougeu-Lyfung, Lào. Vẫn, do chấn động chính trị Lào, ông cố tổ tổ lại từ giã nấm mồ ông tiên bà tổ lâu đờI, ra đi... Ông cố cuả anh cùng bầu đoàn thê tử dắt díu nhau chạy thừa sống bán chết, trên con đường số 7 nối liền Luang Prabang (Lào) với Khe Sanh. Tại đây, dòng dõi anh được sống yên ổn an cư hơn. Và, ba của Cibebi (bộ tộc Miao-Yao) đã kết hôn với cô gái Thượng gốc Ralđê tại Đà Lạt, sinh sống từ bấy giờ.

Có một lần trong phiên họp giáo khoa định kỳ, khi “anh ấy” đứng giữa đám đông giáo chức đang chen lấn trong văn phòng Ty chật chội. Cilbebi bị lấn đến gần bàn giấy, làm chiếc xách tay của Trầm Mây rơi xuống đất. Cilbebi cúi xuống nhăt lên. Đồng thời, Mây cũng thò tay lượm, nên tay cô đụng phải tay anh. Cilbebi cầm xách tay cuả Mây lên, thân thiện mỉm cười:
- Xin lỗi cô. Một việc ngoài ý muốn.
- Không có chi. Cảm ơn anh.
- Làm ơn chỉ giúp tôi, cô Trầm Mây là ai vậy!?
- Dạ, chính tôi nè.
- Tôi tên Cilbebi. Giáo học cấp bổ túc mới ra trường. Hân hạnh làm quen với cô.
- Dạ… dạ… Mây chào anh.
- Cô vui lòng cho tôi xin mẫu thống kê: Nhân viên. Trường. Lớp. Nhe!

Đưa mấy tờ mẫu Cilbebi cần, Mây kín đáo liếc mắt quan sát chàng trai với lòng thiện cảm tự nhiên. Cilbebi chăm chú lấy bút mực paker ghi vào tờ trình. Có lẽ anh ấy đã có vợ, vì Mây thấy ngón tay anh ta đeo chiếc nhẫn tròn. Mây e dè hỏi:
- Không thấy anh ghi nơi phần gia cảnh?
- À phải. Tôi quên mất. Hèn gì thấy thiếu cái gì. Không nhớ ra.
- Quên gì, chứ quên mình có vợ, là bà xã giận à nhe.
- Ấy thế mà tôi quên thật đó. Tôi đi học xa gia đình khá lâu, không hân hạnh đi cưới vợ, có biết mặt vợ đâu mà... nhớ mình có gia đình chứ. Khà khà…
- Thế à, anh ghi thêm mục nầy vào, cho tôi... nhờ.

Hai người cùng nheo mắt nhíu mày vui cười, nụ cười mang tính chất “xã dao, xã búa” đầy hóm hỉnh bóng gió và dí dỏm. Họ lặng lẽ tò mò nhìn nhau, vui vui ngắm nhau ngầm ngầm, ưa ưa và nôn nao thích thích, dù chưa bao giờ họ biết về nhau, mà vẫn thầm hiểu nhau. Lòng họ hòa lẫn trong niềm vui ồn ào với các bạn chung quanh.
Thế là Trầm Mây và Cilbebi trở thành đôi bạn thân sau những lần hội họp hằng tháng kế tiếp. Mỗi khi đến văn phòng, Cilbebi chu đáo nộp giấy tờ cần thiết, chàng nói năm ba chuyện vui về trường, lớp, học sinh nơi mình dạy. Trước khi ra về, Cilbebi không quên chào câu:
- Xin phép chào Trầm Mây nhé. Chúc vui mạnh.

Cilbebi được lòng Thanh tra Diệu, Trưởng ty Phiếm nhiều. Họ mến anh qua tính tình hòa nhã, chân thật và tài năng. Thanh tra phó Crésis đang cùng Cibebi soạn thảo bộ tự điển ngôn ngữ học, tiếng Ralđê. Cilbebi ghi tên ở trên đại học Văn khoa, Đà Lạt, năm thứ hai, theo chính sách mở rộng cuả miền Nam Việt Nam Cộng Hoà ưu đãi người thiểu số, để dân tộc bán khai có cơ hội thăng tiến, vươn cao. Thế thì “lại cũng tình cờ", Cilbebi và Trầm Mây ngồi sát bên nhau học chung lớp trên giảng đường.

Có một lần cách lần đầu tiên gặp gỡ ấy gần cả năm, thừa lúc không ai để ý, Cilbebi cúi xuống trên mái tóc óng mướt của Mây, anh đầm ấm mỉm cười trìu mến nói nho nhỏ:
- Trầm Mây có chịu đi ciné với anh không?
- Ơ… A…
- Rất hân hạnh mời em. Phim "Gone with the wind", do Clark Gable và Vivien Leigh thủ vai chính. Rất hay. Mây à. Không đi xem, tiếc lắm đó.

“Có chịu không”? anh bạo gan bạo phổi quá chừng! Dám thách đố, khiêu khích một cô gái xinh đẹp, khác hẳn mình về mọi phương diện, (và, vốn dĩ Mây đã trần trụi rùi). Hay là vì… họ cùng có chung sở thích là rất yêu hoa “Forget me not”. Hay là… gót chân cô nàng đã đi sâu vào giếng mắt ướt ấy, chìm vào trái tim anh si mê, vướng lên đầu óc hoang dại, phù phiếm, lãng mạn, đa tình ấy mất rồi. Cũng như ngược lại!?
- Nếu Mây nói chịu. Hay nói không. Thì sao nào?
- Chịu hay không: đó là quyết định; tùy theo sức hấp dẫn, truyền cảm của đối phương kia có thể lôi cuốn thu hút mình bao nhiêu, rồi thử lại lòng mình xem ta có ngẩn ngơ, mê đắm, lả lướt bay bướm đến mức độ nào (trong mọi lĩnh vực). Phải không Mây?
- Vậy sao?
- Tự chúng ta đã rõ rồi. Còn phải hỏi.

Trầm Mây nghẹn cứng cổ họng, hồn vía bay lên chín tầng mây, chẳng thể thốt nên lời.
- Thế nào… Em?
- … Coi vậy chứ Mây khó tính mà trung thành khi yêu lắm. Cilbebi à.
- Thì anh nguyện sẽ giống… Adam & Eva yêu em từ bây giờ đến tận cùng trái đất. Mặc dù lòng anh luôn nghĩ là dòng họ cuả em sẽ phân biệt giai cấp chủng tộc Kinh và Thượng; Mặc dù lòng anh luôn nghĩ là em sẽ không phân biệt giai cấp, chủng tộc Kinh và Thượng như bài thơ lừng danh (Nominated by UN as the best Poem Written by an African Kid). Bài thơ viết bởi một em bé Châu Phi ở dưới:
When I born, I black
When I grow up, I black :
When I go in Sun, I black
When I scared, I black
When I sick, I black
And when I die, I still black

*.- And you white fellow
When you born, you pink
When you grow up, you white
When you go in sun, you red
When you cold, you blue
When you scared, you yellow
When you sick, you green
And when you die, you grey
And you calling me colored??

{Khi tôi sinh ra, tôi màu đen
Khi tôi lớn lên, tôi màu đen
Khi tôi đi dưới mặt trời, tôi màu đen
Khi tôi sợ, tôi màu đen
Khi tôi đau, tôi màu đen
Và khi tôi chết, tôi cũng màu đen

*.- Anh nói rằng anh trắng
Khi anh sinh ra, anh màu hồng
Khi anh lớn lên, anh màu trắng
Khi anh đi dưới mặt trời, anh màu đỏ
Khi anh lạnh, anh màu xanh
Khi anh sợ, anh màu vàng
Khi anh đau, anh màu tái (lục)
Và khi anh chết, anh màu xám
Và tại sao anh lại nói tôi là da màu?!}

Sau đó ít lâu. cô gái “Kinh thành” xinh đẹp, đầy kiêu kỳ cao ngạo ấy, đã “phải lòng” chàng trai "Thượng nguồn" đậm sâu mà không ngờ. Mặc cho các bạn dèm pha, bĩu môi khinh dễ. Tự Trầm Mây sống cho riêng mình và biết tình ta như thế nào. Ít ra giấy rách giữ lấy lề, chứ nhằm nhò gì chuyện “thắng” với “thua”, "Kinh" hay "Thượng"! “Đen” hoặc “Trắng”. Có người nhìn dáng vóc bên ngoài thật trắng đấy, nhưng trong lòng đen thui, thì sao?! Ôi! Ba cái miệng dèm pha lẻ tẻ kia là chuyện nhỏ mà! Bà giáo kia khi biết chuyện Mây, đã chì chiết xỏ xiên:

- Thứ gái ưa liếc ngang liếc dọc, dáng đi sóng rắn, uốn éo, răng hơi thưa, chân dài kia, có giọng cười the thé, là thứ đứng đường, là đồ “đĩ ngựa”. Các anh độc thân, đừng có sờ vào nó nhá. Trên ngực nó có đeo túi bùa yêu tinh, có cái kim châm hút bọn con trai cả tá. Coi chừng các anh sẽ yêu nó đến dại khờ, rồi toi mạng, nó móc cho anh chết tươi, không kịp ngáp đấy.

Trầm Mây nhún vai, trề môi. Chữ rằng: “hổ tử lưu bì. Làm người, phải để danh gì hậu lai”. Trầm Mây đã dám yêu “người ấy” chưa có giấy hôn thú, nào có sợ gì! Mặc dư luận bàn tán xôn xao: “Chỉ đâu mà buộc ngang trời. Tay đâu mà bịt miệng người thế gian”. Cứ coi như pha đi.

Tuy thế hai người còn e dè lén lút hẹn hò, chỉ dám đưa nhau đi ăn cơm tối, đi ciné trong đêm mưa tầm tã vắng tanh. Họ ôm xiết lấy bạn tình, họ hôn nhau đắm đuối trong bóng tối. Chưa đã thèm nhớ nhung, ban ngày thì họ từng hẹn hò đi Gougah, đi Cam Ly, Preen, suối Vàng, suối Bạc vào những ngày đẹp trời. Họ cần lánh xa thật xa mọi người. Họ nói với nhau biết bao lời âu yếm, vỗ về an ủi chia xẻ ngọt ngào, cùng thấm đẫm trong lòng mắt nhau những giọt lệ luyến thương hờn tủi xót xa vu vơ...

Nhưng... thời gian lặng lẽ trôi qua, tuyệt nhiên họ không có cách gì giải quyết hoàn cảnh nan giải hiện tại, họ lẫn lộn chênh vênh giữa hai thái cực: vui vẻ khi hợp nhau về những quan niệm sống, xử thế thì họ cười. Nhiều lần khóc, lần khác thì giận hờn oán trách bâng quơ. Dẫu thế, chả bao giờ họ tìm ra một lối thoát. Và, thời gian trôi chảy mãi, yêu quá đậm, hai người rủ nhau đến vườn hoa mimosa của nhà Hoài (bạn của hai người), tại số 2, đại lộ Pasteur. Vườn hoa rợp bóng mát, êm đềm lặng lẽ và thanh vắng, nơi chỉ có hai người rù rì nỉ non tâm sự dưới đám cỏ bồng cao lút đầu người.

Nắng sớm chan hòa trên vạn vật ươm hồng cỏ cây, gió hiu hiu thổi trên những đọt thông reo vi vu, lung lay cánh lá nhung lam mimosa ánh bạc lấp lánh phơi phới rung rinh, thật dễ chịu dường bao, phấn hoa vàng bay bay, thơm thơm. Thì, người con trai có hai dòng máu luân lưu trong huyết quản… đột nhiên hứng tình, rạo rực, nôn nao, xao xuyến… muốn xin Trầm Mây cho mình “cái chuyện trần tục ấy” .

Bỗng dưng Trầm Mây sửng người, hốt hoảng ngồi bật dậy nơi đám cỏ bồng lút ngực, dưới hàng hoa ánh vàng lả lơi lung linh, trên trời nắng xôn xao rung rinh lùa cây cỏ. Ôi chao! Mây đã cho anh rất nhiều rồi đấy, cho Cilbebi tất cả con tim, tình yêu, mạch sống đời mình. Nhất là Mây đã phớt lờ đạp trên dư luận ung dung đi. Trí óc và con tim Mây quý hơn ngàn vàng, mà Mây đã dám cho, không hề hối tiếc. Như vậy còn chưa đủ sao? Chi lạ rứa! Cilbebi đòi hỏi gì cái chuyện tầm thường đến vậy, hả?! Mây thất vọng, đớn đau đến dại khờ, lạnh lùng, tê buốt, hậm hực cả cõi lòng điếng lặng khi người yêu không thực sự hiểu mình! Cầu xin cho dòng thác lũ đến, cuốn trôi đi hết, cuốn bao thống khổ tình yêu, cuộc sống. Mặt nước sẽ cau mày xóa sạch những thăng trầm chán ngán, vì Mây vừa thốt ra lời vĩnh biệt với người… chẳng lẽ xây hồ phong nguyệt...!?
Lây lất chờ nhau mối tình băng tuyết.
Năm tháng trông mong nỗi buồn hoang huyền.
Quyện tơ trời mây nước động Đào Nguyên
Không nói chia ly chung tình ai biết.

Chiều buông, tình chia rã đời cạn kiệt.
Núi non cao gom lá rừng hàn huyên.
Chừ xa! Vĩnh viễn làm sao đoàn viên?
Nỗi niềm chung bóp trái tim từng phiến.

Những ngày mong đợi bao giờ ta đến?
Xa nhau rồi tình đau quặn vai nghiêng!
Ngân Hán khi mờ khi tỏ từng đêm.
Vì cớ chi mà thốt lời oan nghiệt.

Bởi vì đâu ta mang sầu ly biệt?
Thơ nặn hoài xin ai nối giòng trang.
Nếu phải qua nơi ngưỡng cửa trần gian.
Tôi mãi mãi xa thi đàn náo nhiệt.

Gom mây trời, hái hết vùng hoa tuyết.
Xây hồ phong nguyệt giả sơn bên triền.
Thành mộ phần hai nấm trên bình nguyên.
Trùng dương lá đổ không người tưới rượu.

Chiều vàng vọt ve sầu lên giai điệu.
Hoang phế ngàn thu giấc mộng tan tành.
Đêm hè sâu nghe dế khóc bên mành.
Ngoảnh mặt lại: một bức tranh Vân Cẩu. (*)
***

Mây cúi đầu thất thểu bước đi, từng bước rã rời, dưới hàng hoa mimosa vàng đong đưa trêu ghẹo rộ nở trên đại lộ Pasteur vắng lặng, lòng nàng buồn rười rượi. Giữa các ý nghĩ quay cuồng, hứng khởi, trong tâm tư xáo trộn, đầy tức giận, buồn phiền, lẫn yêu thương xiết đỗi dày vò Mây quá mâu thuẫn. Định mệnh cho Mây gặp Cilbebi làm chi thật tàn nhẫn, bước ngoặt đột ngột, tình yêu càng tàn khốc như vết dao chém trên ngực, dại khờ, ngất ngư, bàng hoàng đến thế. Đối với Mây tê buốt không cùng. Bởi lẽ, cơn chấn động tình cảm mãnh liệt đã dày xéo tâm tư, làm tan nát trái tim Mây (mà Mây tưởng là tình yêu nầy tuyệt diệu, cao vời, rất thấu hiểu và thông cảm Mây dường bao). Mây quay gót, dựa người trên thân cây mimosa.

Ngờ đâu... vẫn là sự đòi hỏi quá tầm thường! Bàng hoàng và tuyệt vọng, khiến cô muốn sụm bà chè, chưa tỉnh người ra theo từng đợt sóng tiếp nối nhau trào dâng trong lòng. Mây từng yêu say đắm, nồng nàn, tha thiết, thành thật nhất. Bây giờ, sau những ngày xáo trộn, đớn đau tột độ, thì khác hẳn. Không để trong sắc tố hiển nhiên ấy chứng cớ tình yêu tai ác, gậm nhấm dần mòn đời mình. Tình yêu, Mây nghĩ là sẽ dịu dàng đằm thắm và cao đẹp, để rồi thêm một lần phi lý.

Bỗng cô nghe văng vẳng có người gọi mình. Mây dáo dát nhìn quanh. Thì ra là Hạ, người bạn gái cùng nhau lớn lên, cùng học, cùng đi trên con đường, chung ý hướng cao cả, chung hoài bão đó. Gặp Hạ, bỗng nhiên hai hàng nước mắt lăn dài trên má Trầm Mây. Riêng Cilbebi, thành thật mà nói: trong chàng có nỗi nhớ nhung Mây khắc khoải, ray rứt, sự ân hận bất chợt trổi dậy, trùng lặp với kỷ niệm, và hoàn cảnh éo le hiện tại, chúng càng dày vò chàng, như cơn động kinh dẫy chết. Cilbebi cố níu kéo hình ảnh bà vợ quen thuộc, và hình bóng Mây thân yêu ở lại mãi trong cuộc đời. Khi cả ba người đã trót ràng buộc với nhau bằng sợi xích hoài niệm thân thiết và định mệnh. Cilbebi đối với bà vợ chuẩn mực trong nghiã phu thê. Nhưng chàng rất cần Trầm Mây; bởi vì Trầm Mây chính là tình yêu và hồng nhan tri kỷ.

Không ai có thể thay thế Mây và hiểu anh như nàng! Bao kỷ niệm thuở xưa về thời quá khứ vàng son; giờ đây trở thành phù phiếm, hư vô, chợt nhòa đi, trôi đi, hẫng đi khỏi ký ức. Dẫu vậy, chúng luôn dày vò Cilbebi, như chiếc cối xay lúa vẫn quay đều nỗi yêu thương vô tận. Sự hối hận vẫn gậm nhấm, nghiền nát trái tim anh, như nghiền nát cục sạn đắng cay đang trào lên bờ môi, ẩn dưới giếng mắt ướt ấy dẫy đầy tê tái và bất hạnh, tinh tuyền, tốt đẹp nhất.

(*) Thơ Tình Hoài Hương

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
12-01-2012, 07:03 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1354344401.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1354344536.mp3
Lãng Du Vào Không Gian Lả Lướt...

Tinh Hoai Huong
12-08-2012, 09:28 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1354957820.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1354958015.mp3
ĐÀ LẠT Tình Thơ Trên Đồi Cù
Tình Hoài Hương
***


Sau ngày mừng Chu Niên trường, để tưởng thưởng công lao khó nhọc, khích lệ con em có tinh thần trách nhiệm, biết đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữ kỷ luật nhà trường tốt, hăm hở tham gia mọi sinh hoạt cộng đồng. Thầy hiệu-trưởng cho học sinh nghỉ học một tuần. A ha! Ăn tiền hốt bạc ở chỗ đó đó! Học sinh còn muốn gì hơn! Như đàn ong vở tổ, sung sướng làm sao khi tan hàng. Mệt. Nắng. Khát nước. Mỏi chân. Đói cồn cào. Đủ thứ chuyện khiến cô nhỏ muốn khùng. Ra ngoài garage sau hông trường, Mười lấy xe đạp chạy một mạch về nhà, thay bộ áo quần bám đầy mồ hôi, bụi bặm. Cô nhỏ mặc cái áo rộng thùng thình, Mười rửa sơ sơ mặt mũi, tay chân. Mười xuống bếp lấy xôi thập cẩm ra ăn vội vàng như người chết đói lâu ngày. Phát nghẹn.

Bỗng tiếng chông reo trên phòng khách, Mười bưng dĩa xôi vừa ăn vừa đi lên phòng khách, mở cửa. Nào ngờ... Nam. Phải! Chính chàng đang đứng chống một tay lên hông nhìn vu vơ ra ngoài vườn hoa. Nhỏ mừng quá, quýnh quáng chạy xuống bếp cất dĩa xôi, nhỏ uống ừng ực mấy ngụm nước lọc, trở lên phòng khách, Mười định mở cửa, nhưng nhìn áo quần luộm thuộm, thấy kỳ, nhỏ len lén thụt vô phòng thay áo quần cho tươm tất xí. Nhỏ soi gương chải tóc trước chiếc tủ đứng, rồi chạy xuống bếp với cái khăn mặt. Đi về say nắng một phần, phần nữa vì vui mừng, nên mặt nàng đỏ như người uống rượu say.

Chuông reo lần nữa. Chị bếp lên nhà trên mở cửa, và bưng nước trà mời Nam. Cô nhỏ nhút nhát, e thẹn rón rén đi vào phòng khách, Mười mỉm cười chào anh, e dè ngồi nép bên góc sofa. Nam cười tươi:
- Anh và hai bạn thân là Thạch, Trung, lên Đà Lạt tối hôm qua.
- Chà…
- Vì sao hở em?
- Nào... ai biết.
- Ghét ghê.
- Em có người thương rồi.
- Biết từ khuya mà.

Hai người nhìn nhau, cười thích thú. Nam đi về phía tủ trà lấy giỏ xách da. Quà tặng anh chị Khánh là hộp trà ướp sen, nho, táo. Các cháu hộp đồ chơi chạy bằng pin. Mấy thứ nầy các cu cậu khoái chí ghê à nha. Mai đôi dép da. Quà của cô nhỏ là chiếc áo nhung ép màu vàng nhạt đựng trong hộp kiếng. Kèm hai quyển sách: "Luyện trí nhớ" của Nguyễn Hiến Lê" và "Tình Bằng Hữu" của Tứ Hải. Chị Hạc chục cuộn len màu trắng (để chuẩn bị đan áo lạnh cho em bé). Mười đứng bên Nam:
- Em cám ơn anh. Anh chu đáo quá!
Khi soạn quà, chàng nhìn nàng mỉm cười nói nhỏ:
- Anh mong từng ngày… từng giờ… sớm lên Đà Lạt. Em biết không?

Mười ngẩng nhìn đôi mắt màu hạt dẽ, lòng cảm thấy xúc cảm bồi hồi, run rẩy, trái tim đập mạnh, co thắt nhảy nhót không đều nhịp trong lồng ngực. Tháng ngày chưa biết anh, trái tim mình đã đập những nhịp đều đặn, thảnh thơi, hồn nhiên, thật an hòa trên cánh đồng tuổi trẻ yên vui. Đến nay thì... trái tim cô nhỏ trổi cơn bão khô, gió gào sóng tuôn, sóng cuốn con thuyền ra khỏi lục địa, giạt trôi trên đại dương bao la. Ở đó “có anh có em”, có cánh đồng đầy hương hoa ngào ngạt thơm thơm, có bông hồng kiêu hãnh đầy gai nhọn. Tình yêu nầy, phải chăng là hạt kim cương qúy giá, lóng lánh khi còn ở xa, hay chỉ là giọt sương long lanh đọng trên cành cây ngọn cỏ, lúc ánh mặt trời chiếu lung linh qua kẽ lá? Làm sao nhỏ có thể biết?

Sau một giờ trò chuyện, cô nhỏ tiễn Nam ra về, Mười đứng dưới gốc thông già, nhìn theo Nam dần khuất với khách bộ hành qua lại. Im lặng nhìn nhau không nói, nhưng ánh mắt trìu mến, nụ cười ấm áp ngọt ngào như nói muôn lời, như trao nhau nghìn ý.

Chị Khánh đã nói chuyện với Nam khoảng nửa giờ, chị mời anh đi picnic ở thác Cam-Ly với mấy dì cháu. Chị Khánh hiếu khách, vui vẻ, nhã nhặn, đàng hoàng, nhưng chị khó tính vàng trời mây, mà không ai ngờ nỗi. Đúng giờ hẹn, Nam đến nhà. Cùng đi picnic có chị Tám Hạc, cô nhỏ, Thùy, Bảo, Quốc, Toàn, Thịnh, Trình, Phượng, (các cháu con của chị Khánh) và hai cháu Loan, Hùng (con chị Lê).

Đã bao lần cô nhỏ đến thác Cam Ly, đứng cheo leo trên mô đá trơn trợt, dõi mắt nhìn từng giải mây mềm như giải lụa vắt dài qua sườn núi, nghe tiếng thông reo triền miên bất tận giữa non ngàn. Nhỏ đứng hàng giờ nhìn trời nhìn đất, với đám bạn nghịch ngợm như "qủy xứ", cô nhỏ nào thấy cảnh đẹp đâu nà! Sao hôm nay thì… cái nhìn của nhỏ có thể khác, đâu đâu cũng mộng và thơ, đầy thi vị. Nam và mấy cháu trai đi tìm cây lá rừng để dựng tạm lều trên địa điểm thơ mộng.

Nam dẫn các cháu đi lên suối Cam Ly Thượng. Chúng leo núi, nhảy nhót trên mô đá rong rêu trơn ướt, không sợ ngã. Chúng leo trèo trên nhánh cây già cỗi, nằm lăn trên thảm cỏ bồng bềnh êm ái như nhung. Mấy cháu xắn quần lên tận gối. Đứa bắt ốc, bắt cá, đứa hái qủa sim tím no tròn mọng chín ngọt lịm, thơm ngon lạ lùng, trái sim trông thật dễ thương, nhưng ăn nhiều sim thì bị khô cả cổ, đôi môi tím ngắt như nhuộm chàm. Vài đứa cháu đi hái trái mác mác loại trái cây dây leo đặc biệt, có lẽ nó chỉ mọc ở vùng rừng núi, trái tròn lớn hơn quả chanh một tí, khi chín, vỏ trái mác mác màu vàng xanh. Có trái vỏ màu tím đỏ đậm, ruột nhiều hột mọng nước, chín vàng như nhau. Chị em nàng ưa mua mác mác, cắt đôi, múc hột bỏ vào trong ly có ít đường, đá, khuấy đều lên ăn... là ngon hết sẩy!

Tuy là bữa ăn ngoài trời, thế mà chị Hạc chuẩn bị chu đáo: Nào bánh hỏi thịt quay, xôi gà, bánh mì thịt nguội, chuối, quít, nước đá chanh đường đựng trong bình nhôm to. Nam đem hai két coca, mấy thỏi chewing gum. Người lớn ăn uống nói chuyện phiếm. Các cháu bày đủ trò chơi, ca hát líu lo. Buổi du ngoạn ngoài trời rất vui vẻ, hồn nhiên, thoải mái. Ăn uống xong mấy cháu gọi nhau chạy lên trăm bậc cấp cao tới lăng ông Nguyễn Hữu Hào. Anh ngồi bên cạnh Mười, hai người tựa lưng vào thân cây thông non đầy bóng mát, Nam thong thả kể:

- Có một lần, anh mơ thấy mình ngủ từ ngày nầy sang ngày khác trên đỉnh thông cao. Tuy ngủ, nhưng anh nhìn thấy em đi học về ngang. Anh cố mở mắt ra, muốn gào to gọi tên em. Muộn mất rồi! Em ôm cặp đi quá nhanh, nhìn anh hờ hững, xa lạ. Dường như ta chưa từng quen biết nhau. Tà áo nữ sinh trắng toát vờn bay trong gió. Tóc em dài vướng trên mặt anh thoang thoảng mùi thơm hoa đồng cỏ nội dịu dàng, mộc mạc đơn sơ. Anh nhẹ nhàng vuốt mái tóc em, và biết rằng em sắp sữa ra đi khỏi giấc mộng, mà anh hằng muốn duy trì. Tim anh bừng lên ngọn lửa nồng nhiệt, (từng ấp ủ không dám nói ra). Anh cố gắng mỉm cười, để khỏi thổn thức trong giấc mơ lời chưa nói được: "Anh nhớ em, anh say đắm vì em". Nhưng, em vụt tan biến vào ráng chiều đỏ thắm, không hề ngoảnh lại. Anh bàng hoàng mở mắt nhìn theo.

Khi nghe Nam nói, Mười cầm cụm lá thông khô mượt mà, lòng tràn ngập niềm vui, băn khoăn, xao xuyến, bồi hồi, trái tim nhỏ đập mạnh trong lồng ngực như một đột biến quá đỗi nhanh. Mười không biết làm gì hơn, cúi đầu đan lá thông khô rụng trên thảm cỏ mềm thành con rít ly ti. Cuộc tình nào vừa chớm nở cũng có nét diễm kiều, ngọt ngào say đắm, ngất ngây, dễ thương và lãng mạn. Nhỏ ngập ngừng:
- Giấc mộng đẹp, nhưng buồn, anh nhỉ?
- Em buồn vì đời không phải là giấc mộng. Nhưng em ơi! Giấc mộng cũng không phải là đời.
- Anh nói phải.

Qua giọng nói nhỏ nhẹ, nhìn đôi má ửng hồng như màu hoa đào in trên má nhỏ, Phương Nam nhìn thấy vẽ bẽn lẽn tươi nguyên từ người con gái miền Cao Nguyên Lâm Viên luôn e thẹn, sợ lỡ lời, sợ làm buồn lòng anh. Chàng âu yếm mỉm cười, nhìn nhỏ đan con rít khô rồi sắp lại thành chữ… TM & HPN .
Ba giờ chiều, chị Hạc gọi các cháu rời trại. Cả nhóm lên xe taxi ra về. Chị và Mai đi vô chợ, còn Mười và các cháu lên sân Cù trước, họ ở đó chơi và chờ chị. Mấy cậu bé mặc quần ngắn, ôm banh chạy lên khoảng đất trống đá banh thỏa thích. Mười và Nam ngồi dưới chòm thông giữ đồ đạc. Nam nhìn Mười tủm tỉm cười hoài. Cô gái ngượng quá, bặm môi:
- Nhỏ chứ ai, mà anh nhìn kỹ quá vậy?

Từ từ lấy trong bóp da cuả anh ra một tấm ảnh, Nam úp bề phải lên lòng bàn tay, không cho Mười thấy, tay kia Nam chỉ vào tấm ảnh, Mười nghiêng đầu nhìn nhỏ cười:
- Nhờ em nói lại với “anh bạn” trong tấm ảnh nầy là: anh nhớ người đó, yêu người đó rất nhiều. “Anh ấy” đừng quá vô tình, làm khổ anh nữa nhé!

Nói xong, vẫn cử chỉ thư thái nhẹ nhàng cũ, Mười nghiêng đầu nhìn nhỏ, đá lông nheo kịch kịch mấy cái, Nam từ từ lật tấm ảnh lên. Trời ơi! Tấm ảnh mà hồi xưa cô nhỏ đã chụp giả làm con trai, trông du côn hết chỗ nói: Áo ca rô sọc lớn bỏ trong thùng, quần tây đen bó sát mông, nịt to bản. Bên hông đeo lưỡi lê, giày ống, đầu đội nón rộng vành, miệng nhỏ ngậm điếu thuốc lá. Tay cầm khẩu súng săn hai nòng của ba, trông nhỏ “cao bồi leo cây”, qủy quái không chịu được. Nam đã “dớt” tấm ảnh trong album của nhỏ hồi nào, mà nhanh vậy!? Ngượng quá! nhỏ rướng người chụp... hụt. Nhanh hơn, Nam né tránh và cất tấm ảnh vào túi áo, tay phải Nam chận lên ngực giữ lại. Mười năn nỉ:
- Trả tấm ảnh đó cho em đi.
Nam lắc đầu, trên môi giữ nụ cười trêu ghẹo. Nhỏ van lơn:
- Trả lại cho em đi! Kỳ quá!

Đứng dậy, Nam vin tay vào cành thông với điếu thuốc thơm gài trên môi, nhìn nàng say đắm mà lắc đầu không nói. Nhỏ giận hờn, đôi mắt ướt lưng tròng, răng cắn làn môi, đầu cúi gầm, Mười xù mặt, giận thật! Tay Mười bứt cọng cỏ cú dai, làm đỏ cả bàn tay. Mười không thèm nói nữa. Thật lâu, Nam đến ngồi gần bên nhỏ, tiếng nói như pha mật ngọt tình yêu:
- Cho anh xin lỗi. Em nhé!

Cằm cô nhỏ tựa lên hai đầu gối, ngón chân cái xủi xuống đất, mấy ngón chân ngọ nguậy cạy lõm một ô đất mềm, mái tóc dài chấm trên mấy ngón chân, che khuất hầu hết khuôn mặt phụng phịu hờn dỗi. Nam muốn vuốt lọn tóc buông lơi, và quàng tay qua vai Mười, ôm nàng vào lòng để dỗ dành, nói lời trìu mến vuốt ve và xin lỗi, mà Nam không dám, sợ Mười giận. Mười giận thật, thì Nam không biết phải làm thế nào đây!? Nam nghiêng đầu mình cụng nhẹ trên tóc Mười, thì thầm nói câu:
- Giận anh đó à? Mới đùa có tí ti, mà nhỏ nhè ra rồi. Anh xin lỗi lần nữa nhe... Cái mặt anh sao thấy ghét quá. Mười ha! Trả lại tấm ảnh nè... Ớ... Coi kià, hổng thèm cầm hả? O xịt anh rồi à? Nghỉ chơi mí anh thật hả cưng?
Nhìn Nam châm điếu thuốc khác gài lên môi, Mười hết giận từ tốn ngắm nhìn:
- Anh hút thuốc vàng hết ngón tay, hút nhiều không có lợi, chỉ có hại.
Nam nhìn nhỏ trách móc, liền nghe giọng nói đặc biệt miền Đà Lạt ngọt lịm:
- Đôi mắt chi lạ! Ưng móc làm sao!

Nam dụi điếu thuốc vào gốc cây thông. Hai tay che mắt. Qua kẽ hở mười ngón tay, mắt Nam sáng long lanh đang nhìn nhỏ trêu ghẹo, đá lông nheo kịch kịch mấy cái. Mười cười to, giơ một ngón tay trỏ lên xỉ xỉ về Nam:
- Anh bịt mắt vậy á hả, ăn gian thấy mồ đi. Em móc mắt anh thật à.
- Nếu em móc mắt anh, thì em chỉ móc một mắt thôi nhe.
- Vì sao?
- Anh còn một con mắt, mới thấy em. Một mắt kia anh cho em vay...
- Vậy sao!?
- Nhưng anh cho vay nặng lãi đó.

Mười trợn mắt phồng má lắc đầu nhìn Nam cười tươi. Nam rủ nhỏ đến đi dạo bên khúc đồi thưa có nhiều lùm cây dã qùy rất to, hoa quỳ màu vàng nghệ, nhụy màu nâu, tươi tốt mọc um tùm bên đồi cỏ. Cạnh đấy có loại bông dại màu tím, chen với hoa màu vàng nho nhỏ không tên, không hương sắc đang hé nở. Chúng nép mình chúm chím rung rinh sau cành lá mềm mại khép hờ, trông ẻo lả và nên duyên. Cạnh đấy là lùm cây mắc cỡ màu tim tím đầy gai, có hai hàng lá kép li ti, mặt trên lá màu xanh, mặt dưới lá màu tím thẫm, lá mắc cỡ quá đỗi thẹn thùng khép chặt hàng mi mỗi khi có người vô tình dụng phải. Dưới cành lá đầy gai nhọn điểm nhiều bông hoa tím hồng rưng rưng, to to, tròn tròn êm êm như hạt bi bằng nhung. Bông hoa mắc cỡ nhẹ nhàng, thảnh thơi rung rinh theo làn gió thoảng.

Nam cẩn thận ngắt cành hoa mắc cỡ e ấp và mong manh, thì cánh lá đồng loạt rủ nhau khép mắt lại rất nhanh. Dù thế, tay anh đã bị mấy gai nhọn đâm vào, xướt một đường dài tươm máu. Mười lật đật lấy khăn tay chặm chặm vết thương, xuýt xoa chu miệng thổi phù phù. Cử chỉ chí tình chia xẻ nhỏ nhặt của người con gái đằm thắm ngoan hiền, khiến Nam càng yêu qúy Mười mặn mà hơn. Mười đưa hoa mắc cỡ kèm chùm cỏ mướt lên môi hôn, rồi cài trên mái tóc Mười, Nam cười:
- Em yêu qúy... dễ thương như loài hoa mắc cỡ và lá cỏ dại nầy.
- ... Em sẽ ép hoa lá anh thương, rồi trao về anh.
- Kỷ niệm dù nhẹ nhàng, đơn sơ, nhỏ bé đến đâu. Cũng được chúng mình nâng niu, gữi gìn và trân trọng. Mười à.
- Nhỏ đồng ý với anh.

Mấy chú ngựa còn bú mẹ, lông màu xám đậm, có con lông màu trắng chạng bốn chân yếu ớt, run rẩy, gầy gầy, đầu gối rất to. Ngựa con cúi xuống uống nước suối. Con mẹ sợ con nhỏ té xuống suối, nó hí vang kêu tìm con, làm huyên náo một góc đồi yên tĩnh. Hai người về chỗ cũ khi chị Tám Hạc và Mai đến. Nam, Mười ăn chung một ngăn cào mên mì quảng, vừa ăn vừa cười khúc khích. Nam không thích ăn mì quảng nhưng chìu ý người yêu, anh cố trợn mắt lên mà nuốt. Chị Hạc nhìn hai cô cậu yêu nhau đằm thắm, lòng bồi hồi tưởng nhớ đến chồng xiết bao! Ăn uống xong, chị em thu dọn đồ đạc chuẩn bị ra về. Mười nhìn trước ngó sau, rồi đề nghị nho nhỏ bên tai Mười:
- Sáng mai, em đi dạo với anh nhe?
- Em chưa bao giờ đi dạo như vậy.
- Do đi một mình, em ngại ngùng và ưa giận hờn, vì anh thích trêu ghẹo em hả?
- . . .
- Khổ nỗi, anh thích nhìn thấy em nhõng nhẽo, hờn giận như hôm nay. Anh biết em đang "ghét cay ghét đắng" anh. Dù vậy, anh muốn nghe em nói phản nghĩa chữ "ghét" đó vô cùng.
- Thì em… thì em đã “phản nghĩa” rồi đó.

Khuôn mặt trắng trẻo cuả Mười bỗng đỏ bừng từ hai gò má thắm, biểu lộ cảm xúc nội tâm chân thành. Nam lặng nhìn đôi mắt màu hạt dẻ cô nhỏ ngời sáng, đôi môi phớt hồng thường chúm chím nụ cười duyên dáng khả ái. Dễ thương đến nỗi khiến Nam càng ngất ngây yêu thích. Nam rất muốn ôm chặt Mười vào lòng mà đắm đuối hôn nhỏ. Nhưng rồi… Nam ngại ngùng; chỉ vừa rạo rực nghĩ tới chút chút đó thôi, là Nam cảm thấy thân hình mình dường như run lên… và nóng sốt từng cơn xúc cảm, bồi hồi, bồng bềnh, đê mê, dật dờ, lơ lửng. Thế nên Nam cố nén… cơn thèm khát, chỉ ngây ra len lén nhìn cô nhỏ. A ha!... Nam lắc đầu bẽn lẽn như con gái e dè cắn môi, che dấu ý nghĩ nhát như cáy và...“đen tối” vừa nung nấu.

Buổi chiều xuống đậm trên những sườn đồi quạnh vắng, sương mù quyện từng đám bên vườn Bích Câu Kỳ Ngộ, sóng vẽ lăn tăn trên mặt hồ Xuân Hương thỉnh thoảng gợn mấy vòng tròn, lan rộng ra dần dần rồi chìm lẫn vào nước. Cuối hồ, ngôi trường Grand Lycé gạch hồng mờ tỏ thấp thoáng ẩn hiện dưới chòm thông xanh vẫn reo vi vu. Nhiều cánh én lạng xuống mặt hồ rồi vút bay lên cao, muôn tiếng kêu chiêm chiếp gọi đàn về tổ. Vài chiếc lá vàng lững lờ bay lượn, và đáp nhẹ trên con thuyền độc mộc neo ở đầu cầu gỗ cạnh cây cầu Ông Đạo.

Trước khi lặn mặt trời le lói từ các áng mây xám bất chợt lóe hồng lên, dọi sáng lữ khách nhàn du thả bước trên phố thị. Mấy chuyến xe đò vội vã tải hàng vào chợ Đà Lạt, bao khách bộ hành lo rảo bước. Năm sáu cặp nhân tình dìu nhau đi thật chậm trên khu Hòa Hình, hình như họ không nhìn thấy cảnh bon chen phố phường rộn rã, người qua kẻ lại, náo nhiệt ồn ào. Họ không biết thời gian trải bóng qua song cửa đã lên đèn.
* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
12-11-2012, 02:33 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1355192205.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1355192458.mp3

Tinh Hoai Huong
12-13-2012, 08:05 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd1/HQPD_1343257039.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1355385765.mp3
Phút Định Mệnh Trớ Trêu Trong Bốn Mắt
Tình Hoài Hương
***


Dĩ vãng đằm thắm êm đềm không kém thi vị thuở vàng son trước kia của tôi đã xao động, và sẻ sàng cướp đi những mộng mơ lãng mạn mất rồi! Điền vào đó là bao nỗi sầu đắng của con người trước cuộc sống xô bồ; nhưng vô cùng thực tế như chiếc lá úa thay mùa vùn vụt bay theo cơn gió chớm đông ùa về gờn gợn sống lưng và gây gây tê tê lạnh.

Thật ra khi đi chợ Đà Lạt, tôi lo chen chân với hàng hàng lớp lớp người người ồn ào lo mua sắm. Hầu ăn mừng ngày lễ các thánh đã ở trên trời, (và các vị mới toanh vừa đưa họ tót lên chầu trời). Tôi không hề để ý đến hai chàng sinh viên sĩ quan đã lẽo đẽo theo sau lưng mấy dì cháu. Tôi dặn dò các cháu: Bảo, Quốc, Toàn, Thịnh, Tí, Phượng đứng chờ tôi ngoài hàng hoa. Tôi len vào trong lòng chợ mua thịt, cá, rau, vân vân... Mua xong những thứ cần thiết, xách hai tay hai giỏ nặng, tôi quay lại chỗ hẹn cũ, nơi các cháu đã đứng xớ rớ tại góc quầy hàng bán hoa. Tôi thấy các cháu đang trò chuyện với hai anh sinh viên sĩ quan Võ Bị. Tôi đứng xa xa trên thềm chợ, lớn tiếng gọi các cháu lên xe lam về nhà.

Chị Tư cùng tôi và người làm lo chuẩn bị buổi ăn tối. Chị tôi nấu bún bò giò heo, tôi cuốn và chiên chả giò. Thế rồi cả nhà ăn uống mừng ngày lễ no nê và vui vẻ. Xong xuôi tôi cùng các cháu lên phòng học. Các cháu học bài, làm bài tập. Riêng tôi ngồi dưới ánh đèn néon thoăn thoắt đan áo lạnh. Phụ nữ sống ở miền lạnh thì đa số biết đan áo lạnh, đan nhiểu kiểu áo rất đẹp, thành thạo khéo tay, cần cù, và đan khá nhanh.

Bỗng chó sủa vang. Người làm ra mở cổng, mấy dì cháu được một phen ngạc nhiên khi hai chàng sinh viên sĩ quan Võ Bị lúc chiều ở ngoài chợ Đà Lạt đang hiện diện nơi phòng khách. À thì ra bây giờ tôi mới biết: các cậu cháu nhỏ nhà mình bùi tai nhẹ dạ nghe lời “đường mật” cuả mấy “anh chàng dễ ghét” khôn khéo kia; nên cháu Bảo đã cho họ biết địa chỉ ấy mà. Nhưng cũng rất thành thật mà nói thì các cháu trai nhà nầy "rất mê" quý vị sinh viên sĩ quan, họ là "thần tượng" của lớp thanh niên trai trẻ đã dệt nhiều mộng đẹp cho tương lai bùng nở.

Mấy cháu không ai chịu ra tiếp họ, mà chỉ rúc ở trong phòng học tắt hết điện đóm, rồi chen lấn nhau nhìn lén qua khe vách, để dòm ngó hai chàng Võ Bị. Các cháu trai cuả tôi rất “mê tít thò lò” những anh chàng Võ Bị. Các cháu xô đẩy nhau chỉ chỏ dòm ngó qua khe hở, thì thầm nói cười rúc rích với nhau. Tôi cũng tò mò nôn nao nhìn qua khe hở trong phòng học xuyên qua kẽ hở phòng khách. Tôi muốn nhìn cho biết mặt hai chàng ấy là ai mà dám bạo gan bạo phổi, ngang nhiên vào nhà người lạ? Họ không biết ở đây có “bà chằng Tư dữ như tinh” rồi. Chúng tôi nghe rõ họ tự giới thiệu với chị Tư:
- Dạ, ... em là Cảnh. Bạn em là Châu.
- Mời các cậu ngồi chơi.
Hai chàng xin phép chị, tuần tự ngồi xuống sofa. Người làm bưng nước lên mời. Chị Tư nhìn hai chàng Võ Bị, chị cười cười mở lời:
- Các cậu hỏi thăm ai rứa hỉ?
- Dạ… dạ ...
- Quen với ai ở nhà nầy nào?
- Dạ… Hồi chiều em gặp Bảo, Quốc, ở ngoài chợ í chị.
- Vậy là mới biết, chớ chưa quen thân ha.
- Dạ.
Họ ngồi đối diện với chị Tư nói chuyện trên trời dưới đất nhạt nhẽo thêm mươi lăm phút gì đó. Thế rồi hai chàng trai “ngố ngáo” lúng ta lúng túng xin kiếu từ “bà chị khíu chọ”, chắc họ cũng muốn chuồn lẹ lẹ đi cho khuất mắt “cái bà già” mà ban đầu Châu đã lỡ gọi là “bác”, vì chàng ngỡ chị Tư là mẹ cuả tôi, thì phải. Vã chăng chị là thứ tư, ngoài 45t, còn tôi là út thứ mười cơ mà! Chị còn búi tóc ăn trầu và nhuộm hai hàm răng đen thui, nên chi nhìn chị già thiệt; trách sao anh Châu không lầm!
*

Thời gian qua đi, tôi cũng quên mất một buổi tối có hai chàng trai sinh viên sĩ quan mà tôi chẳng hề chuyện trò, không quen biết ấy. Ba tuần lễ sau, tôi cùng các cháu đi xem lễ sáng chủ nhật ở nhà thờ “con Gà” (dạo nầy, cứ sau một tuần đi học trên đại học, & đi làm việc phụ thêm ngoài văn phòng khu phố I, tôi ưa xuống nhà thăm anh chị Tư và các cháu, tôi ở đó chơi suốt buổi. Mỗi khi đi đâu, tôi chỉ biết đi với các cháu).

Khi tan lễ, tôi ra phòng đọc sách Hội-quán của nhà thờ chính toà, nơi tụ điểm hẹn gặp nhau, rồi đi ăn sáng xong, thì dì cháu tôi sẽ lên Hotel Palace ngâm mình trong barthtup tắm nước nóng cho đã đời. Nói ra thì mắc cỡ, chứ do khí trời Đà Lạt khá lạnh, nên chúng tôi ít tắm ở nhà, mỗi buổi tối chỉ rưả ráy kỳ cọ sạch sẽ, một tuần tắm vài ba lần ngoài tiệm tắm nước nóng là cao. Thì thì… người Thượng sống trên núi chỉ thích tạt nước suối vô người nhau thôi, ngồi phơi nắng, phơi nắng đến nỗi cả người cháy khét nắng, “mùi” cuả họ rất lạ là gì!

Chợt tôi thấy Cảnh đang chuyện trò vui vẻ với đám con gái, em gái, hay bạn gái… gì gì đấy. Mấy cô đứng lố nhố bên quầy sách, và tíu ta tíu tít, ríu ra ríu rít bu lại bên ba anh Võ Bị vui cười hớn hở. Tôi thấy có mấy cô nhỏ nhảy tưng tưng bá vai vít cổ Cảnh, để vòi vĩnh eo xèo điều gì đó. Cảnh vô tình nhìn ra cửa lớn, thì anh khựng lại giây lát, Cảnh khá ngỡ ngàng, ngẩn ngơ nhìn tôi và mấy cháu đăm đăm. Hình như anh cố nặn óc ra để nhớ thử xem anh đã gặp chúng tôi ở nơi nào chăng!? Anh ngạc nhiên lắm thì phải!

Cảnh là một sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Tên trường oai hùng, lừng danh, nổi tiếng ngang hàng như trường Võ Bị West Point ở Mỹ. Hoặc giống Saint Cyr ở Pháp vậy! Qua bộ quân phục đẹp với hàng nút đồng lóng lánh nhũ kim trong buổi bình minh hay hoàng hôn. Mấy cánh Alpha chói sáng trên cổ áo hồ cứng thẳng nếp. Gù vai lủng lẳng hàng dây chiến thắng đỏ rực hào quang, anh ấy càng tăng thêm vẽ kiêu hùng, đỉnh đạt, oai phong làm sao ấy! Phần tôi, tôi còn nhớ và biết anh vào một buổi chiều nhạt nắng ở ngoài chợ, và buổi tối tháng Mười Một nơi nhà chị Tư.

Cảnh vội vã rời xa đám tình hờ, bạn gái, em gái chi chi đó, mặc cho mấy ẻm hậm hực, bực bội, phụng phịu tức tối nhìn theo, hoặc có em còn chạy theo lôi kéo cánh tay anh ta. Trong số bọn ấy, tôi thấy có Lộc lé, con Xuân ở gần khu Mã Thánh Tây, phiá sau nhà thờ con gà, nó có biệt danh khùng mát mặt đen đen, thân thể gầy nhom, nó nổi tiếng hung ác, bặm trợn, đanh đá.

Cảnh nhận ra tôi là do anh nhìn thấy đám cháu trai láu lỉnh trẻ trung vui nhộn cuả tôi. Anh vội đến bên các cháu vui vẻ nói chuyện như lần trước. Sau một hồi lâu tần ngần bàn tính, các cháu không chịu đi tắm nữa, mà ngỏ ý với tôi là cháu muốn rũ Cảnh về nhà ăn bánh khọt, bánh bèo. Tôi hơi khựng lại, hết e dè bối rối nhìn Cảnh, rồi quay qua trừng mắt lắc đầu nhìn các cháu, tôi ngập ngừng lúng túng, chưa biết trả lời ra sao cho phải phép xã giao. Thật ra tự trong thâm tâm tôi lúc bây giờ nửa muốn “làm quen” chàng trai Võ Bị cho "hợp thời trang" và le lói với đời! Nhưng tôi rất sợ chị Tư khó tính la mắng. Vì chị là chủ nhà nầy, không phải là nhà cuả tôi đang ở, mà tôi dám tự đắt có quyền muốn mời ai tới ai lui, thì mời đâu.

Tôi chưa kịp phản ứng thì Cảnh vui vẻ đồng ý ngay. Hầu như “mấy cu cậu tí hon nhà ta” rất có cảm tình, kính trọng, nể vì, và ngưỡng phục các anh chàng sinh viên sĩ quan Võ Bị (chứ chả phải riêng Cảnh). Các cháu có cảm tình dễ dàng thân thiện và mến thích Cảnh tự buổi đầu tiên gặp gỡ. Giữa Cảnh và các cháu hoà đồng với nhau như muối hay đường hoà tan dễ dàng trong nước. Anh thân thiện đi bên các cháu nói chuyện hân hoan vui vẻ. Thỉnh thoảng Cảnh hỏi tôi vài câu rặt giọng Nam (sông nước Đồng Nai), nhưng khá hỏm hỉnh, dí dỏm thật có duyên. Trai miền Nam hồn nhiên mà “thẳng như ruột ngựa” không cần “đĩ miệng” rào đón đong đưa làm quen làm gì cho mệt. Hoặc yêu cầu người đối diện có nhận lời không -một cách hợp lý- Khiến tôi liếc nhìn anh mà phải ỏn ẻn bật cười thành tiếng. Ơ! Làm như giữa anh và tôi đã thân quen nhau từ tiền kiếp hay sao ấy.

Bây giờ giưã trời đất bao la nầy hai chúng tôi mặc nhiên công nhận tình bạn đó, tình cảm đó là hữu lý! Cả bọn chúng tôi thủng thỉnh đi trên đại lộ Yersin trò chuyện, có thể nói chúng tôi khá hợp nhau qua văn thơ cùng hoài bão (dù chỉ trong tích tắt thời gian ngắn ngủi) hoạ thơ, làm thơ, đọc cho nhau nghe những vần thơ tình. Hồn thơ vui bỗng nhiên lai láng ào ào trong chúng tôi qua vần B: do trước tiên là chúng tôi cố ý chọc ghẹo cháu Bảo, (năm nay cháu Bảo đã mười sáu tuổi, dì cháu xấp xỉ tuổi nhau) mà xuất khẩu thành Thơ Vui:
Bà Bùi bèn bẹt bều bệu
Bà Bảng: bán bơ, bánh bèo, bí beng
Bủng bẻo bãi bỏ bán bông
Bốn bề bắt bớ: bắn bổng, bó, băng

Bị bại, buồn, buốt bụng, bừng…
Bị bể, bập bà bập bùng bay biến
Bà Bảo buồn, biểu bà Biên:
“Buôn bán bõ bèn, bắt, bệnh: bỏ bà

Bầu, bí, bắp. Bia bọt, bao”.
Bó buộc, buồn bực: bài bạc bối bê
Bốn bà bị bêu, bắt bẻ
Bỏm bẻm bôn ba bốn bể biền biệt

Bươn bả bồng bế… bờ biên
Bập bõm ba bề bảy bến bơi bướm!
Bện bìm bìm bụng bết bùn
Bồng bềnh… bái biệt biển bung bến bờ

Bu bờ. Bộ binh bốc bãi
Bồi bếp bồi bàn bàn bạc bầu ban
Bị bào bọt bởi bồng bềnh.
Bóng bay. Bộ binh bắn bông bừng bừng… (*)

Rồi khoái tỳ nhảy qua làm thơ vần C để chọc ghẹo Cảnh:
Cha chẳng chịu chọn Cúc cho…
Cảnh coi chuyện chưởng chơi cờ chán chưa!
Có chút cà-chớn cà chua,
Chôm chỉa cá cơm… chẳng chừa chuyện chi

Cúc còn chè chén, cãi chày
cãi cối. Con chó chỗ chuà cắn chân.
Cảnh cắc-cớ chỉ chơi chuyền
Chôm chiả chia chác cái chuyện: “chửa chồng

Chúm chím cục cưng cùng chàng!
Cúc Cảnh có con chung chăn chung chiếu”
Có con, Cúc càng cà cháo.
Chàng cùng “các chảnh” choai choai cạnh Chùa

Cố chấp cau-có, chán chưa!
Cúc cương cấm cản chồng chừa chảnh chơi.
Cảnh chỉ cợt cợt cười cười.
Cô cảnh-cáo chồng: “coi chừng chém cha”!

Cúc cầm cục cân cất cao
Cô chửi cha Cảnh: choảng, cào, cấu, cưa.
Cúc càng chanh chua cắn cấu
Chì chiết chát chúa: “chồng chừa chảnh chưa”? (*)

Thế là vô tình chúng tôi hân hoan vui vẻ thành thật và hãnh diện lết lết lại gần nhau tự lúc nào, chả rõ! Tình cảm đơn sơ chân thật đó rộ nở ra dưới ngôi nhà xinh xinh bên triền dốc đường Đào Duy Từ (mà cư dân địa phương ưa nói là Dốc Nhà Bò). Cũng may nhờ hôm nay chị Tư có biểu tôi đến nhà chị, để tổ chức đổ bánh xèo, bánh căn, cho các con cuả chị ăn uống vui vẻ. Vì buổi trưa chị Tư bận đi lễ, sau đó chị sẽ đi họp hội Dòng Ba, đến tối mịt chị mới về. Chị muốn nhờ tôi “chăn” bọn trẻ xí. Nên “bọn trẻ chúng tôi” ở đây “vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm”, tha hồ quậy tưng trời, mà không sợ có con mắt ốc nhồi giám sát của bà chị khó tính khó nết.

Cảnh ngồi bên các cháu ở dưới phòng ăn, anh xem người giúp việc và tôi thoăn thoắt làm công việc nội trợ. Có khi Cảnh ra vườn cùng mấy cháu tìm bắt dế. Bảo thích nhất con dế lửa cánh màu nâu đỏ sậm, đá hăng, càng to. Quốc đem nhốt dế trong hộp diêm quẹt, (hay hộp giấy cứng có đục sẵn mấy lỗ thông hơi). Bên trên nắp hộp, cháu đặt chú dế ấy một cái tên riêng. Cháu bỏ vào đấy mấy cọng cỏ tươi, vài hột cơm, hay chút bánh mì. Khi cháu muốn cho bầy dế đi làm “cách mạng, lâm chiến”, thì Bảo, Quốc, Toàn, bắt hai chú dế ở hai hộp khác nhau ra. Cháu nhổ vài sợi tóc dài trên đầu tôi quấn qua cổ con dế, rồi quay con dế năm bảy vòng. Chú dế xiễng liễng, chóng mặt chóng mày, tối tăm mặt mũi.

Sau đó cháu thả con dế xuống trên một cái hộp rộng. Hai con dế cứ thế giương hai càng, khật khừ khật khưỡng dạng cẵng ra hăng máu tỉ thí với nhau, chúng cắm đầu húc bừa vào đối phương. Con dế lửa hăng tiết vịt say sưa “đấu đá”; làm chú dế than “rét” quá chạy té re… chạy có cờ. Toàn bốc con dế than lên, cháu bụm dế vào hai lòng bàn tay, chúm miệng thổi phù phù mấy hơi. Có lúc cháu lấy ngón tay trỏ thấm nước bọt, hay để con dế uống xí nước cho đỡ mệt. Rồi cháu lại thả dế vào nghinh chiến.

Anh tâm sự với dì cháu chúng tôi: gia đình Cảnh trước năm 1960 còn phong lưu khá giả. Sau đó, cha mẹ anh làm ăn thất bại. Ba Cảnh lo buồn và mắc chứng trầm cảm luôn, thành thử không giúp ích gì. Mẹ anh một mình ên buôn bán, lo cho đàn con ăn học đến nơi đến chốn. Cảnh đi học về, phải phụ mẹ trông coi tiệm phở. Tuy tiệm không ế ẩm, không đắt khách, chỉ đủ nuôi sống gia đình đạm bạc qua ngày. Họ không nghèo, không bảnh bao, không vinh sang, nhưng vẫn ung dung vui vẻ nhiệt tâm hí hửng dắt nhau đi “dìa” thăm quê mỗi năm, để phóng khoáng lì xì họ hàng nội ngoại đôi bên khá hậu hỉ.

Thật không thể ngờ trong số mạng của mình... kể từ giờ phút bốn mắt bất ngờ thơ thẩn “giao tình” ấy, đã là phút định mệnh trớ trêu cúi xuống nhìn ngó chúng tôi; mà cả hai người đều không thể ngờ tới. Và tôi nữa… Dưới vòm trời Cao Nguyên Lâm Viên, cảm tình nầy có báo hiệu bình yên, an hoà, ấm áp? Hay sẽ bao phủ giông tố bão bùng nơi xứ lạnh sương mù quanh năm vây kín núi đồi? Nào ai biết được ngày mai sẽ ra sao?

Tôi lặng lẽ đón nhận tình bạn rất tình cờ biết anh là “Lính”… do Cảnh trao đến tôi êm ái, đằm thắm, nhẹ nhàng từ từ... vươn lên. Tuần tự theo thời gian trôi đi, bước từng bước một lên từng bậc thang dài và cao vút. Chúng tôi bình dị, thẳng thắng đến trao nhau nụ cười, kể với nhau nhiều chuyện vui, đến với với nhau chân tình thẳng thắng không điều kiện, vô vụ lợi, lả lướt bay lượng trong khoảng tơ trời xanh thẳm, cao ngất, ngút ngàn, mênh mông… Tự nhiên tôi lại nghĩ đến những câu thơ: "Hoa Tím Bên Sông"


Gặp chi cuối đường nhạc văn chương
Mến mộ thi tài dạ vấn vương
Trao đổi vần thơ xanh bát ngát
Đêm về từ đó ảo giòng Tương.

Tôi đây ai đó: một vầng dương
Đôi kẻ xa xăm mấy dặm trường
Chợt tỉnh mộng tàn không thấy trăng
Hư vô thăm thẳm cuối con đường.

Canh dài chẳng ngủ cứ ngồi trông
Ruột rối tơ vò nghĩ viễn vông
Tim nghẽn thì thầm: "sao rứa vậy”?
Nhớ hoài ai thấy, biết hay không?

Mình ta ấp ủ nỗi riêng lòng
Thao thức nhiều đêm ngọn nến chong
Canh cánh niềm tây, ôi chất ngất
Dấu buồn hoa tím rụng bên sông.

Hờn ghen thương giận: bởi tình say
Hương cũ đêm về thoáng bóng mây
Người hỡi nói đi... ta nghèo lắm
Thôi hoang dại trăng Tố Nữ lay…
* *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
12-16-2012, 08:20 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1355644323.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1355644528.mp3
Ngọt Ngào Niềm Luyến Lưu
Tình Hoài Hương
***


Sáu giờ sáng. Phố nhỏ chìm trong biển sương mù trắng xóa, khí trời ban mai khoáng đạt tỏa lạnh cùng khắp, thoáng mát. Thoang thoảng hương bưởi thơm từ ngoài vườn bay vào. Thật dễ chịu. Mười thức dậy, mở tủ lấy áo lạnh mặc vào, rồi xuống bếp cắm điện nấu nước sôi. Pha cà phê cho anh Khánh uống, đi làm sớm. (Anh Khánh làm việc tại Hotel Palace, anh nổi danh là một cây đánh ténnis xuất sắc, anh thường giật cúp vàng, bạc, mỗi khi thi đấu cùng các cao thủ từ Thủ Đô đến dự tranh. Mấy chiếc cúp danh dự chưng bày nơi phòng khách. Anh có biệt danh là Tư Cóc. Giới thể thao Đà Lạt và khu xóm nầy, không mấy ai không biết tên anh). Anh Khánh ngạc nhiên hỏi:
- Sao hôm nay cô đặc biệt thế?

Nàng ngại ngùng ghê. Làm sao nói được! Làm sao nói hết những xôn xao trẻ dại của người con gái trước cảnh đời rộng mở hôm nay! Sau đó cả nhà thức dậy khi mặt trời bừng lên ở phương đông. Mười mặc áo dài ''hắc y nữ hiệp", Mười thích màu tím, màu đen, màu vàng. Không hiểu tại sao!? Vừa mặc thêm áo lạnh màu xanh cẩm thạch, chị Khánh gọi:
- Út à! Ra đây chị biểu cái nầy.
- Dạ.

Trống ngực đánh loạn xạ. Nàng hồi hộp lo sợ, khi vào nhà kho gặp chị. Đang kiểm lại kho lương thực, chị nhìn em từ đầu đến chân, rồi nói:
- Đi đóng tiền huê ngoài cô Ba Chỉ cho chị, lúc về em mua một bóng đèn tròn, mua hai chục hoa hồng. Nhớ chưa?
- Dạ nhớ.
- Tính đi đâu đó?
- Em trả phù hiệu, trường cho mượn, chưa trả, chị à.

Không nói gì, đưa tiền cho em, chị nhìn nàng y như lần trước. Lồng ngực bé tí xíu của cô em nổi lên nhịp trống, mạnh đến nỗi em sợ chị nghe thấy, thì phiền lắm. Đây là lần đầu Mười nói dối ngọt xớt. Ra ngã ba Đào Duy Từ và Yersin, Mười thấy Nam mặc bộ complé đen đi tới đi lui ở điểm hẹn, điếu thuốc đỏ gài trên môi, từng làn khói vờn quanh khuôn mặt, vật vờ bay lên. Nhìn thấy nàng, anh vứt điếu thuốc xuống lề đường, lấy gót giày dậm tắt. Tiến về phía nàng, Nam cười vui. Mười hỏi:
- Anh chờ Mười có lâu không?
- Mười phút thôi, nhưng thấy… lâu ơi là lâu.
- Em đi đúng giờ mà.
- Đồng hồ tự động biết anh sốt ruột. Nên co giản kiểu cao su ấy mà.
- Nó hợp gu với hoàn cảnh của mỗi người. Anh nhỉ.

Nhìn nhau mỉm cười âu yếm, ánh mắt trao đưa nồng nàn. Đón taxi ra phố. Nam nghiêng đầu trên mái tóc nàng. Giọng nói êm ái, hơi thở ấm áp len vào tóc nàng:
- Đêm qua, em ngủ có ngon giấc không?
Nàng nũng nịu lắc đầu không nói, anh tiếp:
- Anh cũng vậy, trằn trọc mãi không sao ngủ được, khiến hai bạn mất ngủ luôn. Thạch, Trung, dậy trêu phá anh một hồi lâu. Họ pha cà phê uống, hút thuốc. Ra balcon ngắm thành phố mờ ảo, ẩn hiện trong biển sương mù. Bây giờ hai anh đó ngủ li bì. Mười có biết tại sao. Chúng mình ngủ không được. Hả em?

Tại sao? Nàng biết rồi. Biết, nên em nép đầu bên vai anh, e ấp kéo mái tóc dài che bớt bên má, dấu nỗi thẹn thùng cho Nam đừng trông thấy. Bởi vì, có nhiều điều quá sức lạ lùng, đến nỗi tim mình như chạm dòng phún thạch. Xe ngừng ở đầu tiệm Vĩnh Hòa, hai người làm công việc chị Khánh dặn xong. Nam mua quyển sách "Kim chỉ nam của học sinh" do Nguyễn Hiến Lê" viết. Mua tờ nhật báo. Mua kẹo, chewing gum. Chocolate. Anh định đón taxi, nhưng nàng gạt đi, sợ anh tốn tiền. Vả lại tản bộ bên nhau thú vị biết mấy. Dù cõng thêm chiếc nón lá bài thơ và mấy thứ đồ đạc lỉnh kỉnh lủng củng. Mặc kệ! Chả sao cả.

Qua khỏi cầu Ông Đạo rẻ về lối Thủy Tạ. Nam nắm tay nàng dừng lại, chờ chiếc xe hàng qua mặt. Có thế thôi. Thế mà, đôi bàn tay hai người chợt nóng chợt lạnh, như có dòng điện vút qua. Khiến tay nàng run rẩy trong tay anh. Dù chỉ có thế thôi. Nam mỉm cười thầm nghĩ: “Từ giờ phút nầy, tâm tư anh và em, sẽ chẳng bao giờ lặng yên nữa”.

Hai người thả bộ xuống cuối Thao Trường, ngồi dưới chòm thông cao xanh ngắt, ngút ngàn. Nhìn xéo về hướng Bích Câu Kỳ Ngộ ở bên kia hồ. Thỉnh thoảng Mười bóc chewing gum cho Nam. Chàng bóc chocolate đưa nàng. Chiếc nón lá kè kè cắp bên hông vô tình bị gió giật tung bay lông lốc xuống hồ! Hai anh chị ngỡ ngàng nhìn chiếc nón xoáy vòng trên mặt nước mà không kịp trở tay! Chả biết lát nữa về nhà Mười sẽ ăn nói làm sao với chị? Anh đốt điếu thuốc thơm, gió lộng thổi không cháy được. Nàng lấy tờ báo che chiều gió. Vẫn không cháy, lần nầy nàng lấy chiếc veston của Nam vắt trên băng ghế đá trùm trên đầu hai người, phía trước che tờ báo. Đánh hai cây diêm một lúc Nam cười, nói:
- Lần nầy nếu không có lửa, anh bỏ hút thuốc thật.
- Anh nói thật nhe.
- Ơ... nghe hù vậy, sợ anh giận. Gió ngừng thổi, anh có lửa để hút thuốc kià. Em có bắt chước gió. Dỗ dành khi anh giận không?
- Em không thèm dỗ người thích hút thuốc.
- Khổ thật.

Chàng quàng chiếc áo veste lên vai nàng cho đỡ lạnh, âu yếm cụng nhẹ vào đầu nàng. Hơi thở ấm nồng vương trên làn tóc rối, như làn sương mong manh. Cầm tay nàng, Nam muốn nhìn Mười có đôi má đào ửng hồng, hai hàng mi cong cong chơm chớp, bẽn lẽn ngại ngùng, hàm răng Mười trắng bóng đều đặn, e dè cắn lấy làn môi. Anh yêu nàng, vì nét ngây thơ hồn nhiên pha chút bối rối thẹn thùng tuổi thơ xanh ngát, đôi mắt sáng long lanh chưa vương bụi đời, nụ cười rạng rỡ làm thắm khuôn mặt. Nhất là Mười thông minh, hiểu anh. Mười cảm nhận sâu sắc điều anh chưa diễn tả về vấn đề nào đó.

Ôi! Nam yêu Mười như trời yêu đất, như suối yêu ngàn, như chim yêu cánh, như cây yêu cành, như đồi thông yêu tiếng thông reo, như dãy trường sơn yêu mây tím lưng trời, như tinh tú yêu hằng nga, như sao yêu đêm, như cá yêu nước. Nam yêu Mười rất nhiều, mình cùng nhau đếm từng sợi tóc cuả anh và của em cộng lại, rồi nhân, rồi lủy thừa lên, và sẽ bện chặt lại. Mười chịu không? Anh yêu em như những nàng yêu những chàng yêu nhau ở trên trái đất. Ôi! Đôi mắt ấy đã quyện hút lòng anh, soi dọi vùng hào quang rực rỡ huy hoàng, là bến bờ hạnh phúc đời mình. Là suối mát, tình yêu bất diệt. Là giấc mơ hoa không lụi tàn.

Từ ngày hôm nay của anh là của em. Tương lai cuộc sống của Nam là của Mười. Đếm được bao nhiêu sao trên trời, anh sẽ gom lại, trao về em bằng ngần ấy tình yêu tha thiết, nâng niu và trân trọng. Tất cả. Bầu trời, tinh tú, gió mây, sông nước, biển cả, núi non, ao hồ trên vũ trụ nầy, là của chúng ta. Của muôn người yêu nhau say đắm trên trái đất. Ta theo nhau suốt đời, dù có "ráng vàng thì nắng, ráng trắng thì mưa". Cũng đành. Anh muốn nói với em điều nầy, đừng giận anh nhe: "Phải rồi em ạ! Trên đời nầy, nếu không có em, thì từ nay sẽ không còn anh. Chúng ta hãy xiết chặt tay nhau, đi hết cuộc đời, có khi phẳng lặng bình an, hay có lần dốc đá cheo leo gian nan cách trở. Em nhé. Em có muốn anh thổ lộ tâm tư thầm kín trong đáy lòng? Hay là em đã biết tỏng tong rồi! Khiến anh cảm thấy ngại ngùng, không dám nói ra”.

Nhìn chiếc áo veste khoát trên vai, Mười nói:
- Tóc em cùng màu với chiếc áo anh.
- Về nhà nhớ em, anh chỉ biết đem chiếc áo ra nhìn.
- Thiệt hở anh?
- Anh đã nhớ em thật nhiều… À, có mấy câu thơ nầy trong: “Những bức thư tình hay nhất thế giới”. Anh đọc lại em nghe nhé: "Anh nhớ nụ cười, gương mặt, suối tóc, làn môi, Anh nhớ em ngay từ buổi chia phôi. Anh mong mỏi ngày về, gặp gỡ".
Hai người thảo luận hồi lâu, sau đó làm bài thơ kỷ niệm Tiễn Anh:
Bút trần nào tả được lưu luyến.
Thơ trần đành cam chịu vô duyên.
Ngưu Lang Chức Nữ, cầu Ô Thước
Mưa Ngâu ly biệt khóc ngoài hiên

Em ơi! thơ sầu dâng lên mi,
Nghẹn ngào khi rời tay chia ly.
Tình cờ gặp nhau trong giây phút,
Rồi người Sơn cước, kẻ Kinh kỳ.

Biết viết gì đây! Biết nói gì?
Lệ sầu loang lỗ, lúc phân ly.
Kẻ về, người ở. Hồn thương nhớ.
Vương vấn tràn lan, mỗi bước đi.

Em tiễn anh đi, lúc xế chiều,
Một mình trở lại chốni cô liêu,
Xa xôi cách trở, ngàn thương cảm.
Bỗng thấy tâm tư mến thương nhiều.

Linh hồn ôm ấp hoa Violette ,
Lê gót rời xa chốn viễn phương.
Bến Tầm Dương trời xám sa lệ.
Anh bước chân xa khúc Nghê Thường.

Thương cho duyên kiếp mối tầm tơ,
Ướt áo nàng Thơ, đứng đợi chờ
Khói thuốc thả hồn theo ánh mắt,
Nghẹn ngào vuốt mặt, tưởng mình mơ. (*)

Bàn tay vấn vít bàn tay cho tim Mười tan ra trăm ngàn mảnh, lòng dạo khúc hoan ca mừng vui cuống quýt. Mười một giờ trưa, họ dìu nhau trở về trên con đường lộng gió. Bóng mát hai hàng cây xá lị ven đại lộ quạnh vắng. Dẫn qua lối Hotel Palace nên thơ. Họ không thấy mỏi mệt, lòng chợt lắng xuống với niềm vui thả bộ. Ôm mấy thứ lỉnh kỉnh, tay kia Nam nắm tay Mười như sợ em "thất lạc" mất:
- Nếu em bị mệt mỏi, vì phải đi bộ nhiều hôm nay. Lát nữa về nhà, em pha khoảng trăm gram muối, vào nước ấm mà tắm. Hoặc ngâm chân trong xô nước ấm có pha muối. Em sẽ thấy dễ chịu ngay.

Chưa kịp trả lời anh, nghe tiếng gọi tên mình ơi ới sau lưng. Mười giật mình quay nhìn: Nhan chở Nga bằng xe gắn máy, chạy về đường Trần Hưng Đạo. Hai cô nhìn Mười và cười tít mắt. Nhan giơ cao nắm đấm dọa nàng. Nga giơ cạnh bàn tay cứa lui cứa tới, ngang gáy Nhan. Chỉ về phía nàng. Họ cười ngất. Mười ngẩng nhìn anh, thỏ thẻ nói:
- Chết rồi! Bị bắt gặp, mai mốt tha hồ họ làm tội, làm thịt em. Anh à.
- Em có sợ không?
- Ồ! Có chứ. Thầy Đệ còn sợ, nữa là em. Họ nghịch như "quỷ xứ". Nhưng... anh biết, ai là đầu đảng không?
- Chắc là... em rồi đó.
Mười nhìn anh, phì cười:
- Anh đoán hay thật.
- Không hay! Sao ngày đó, anh quen em được kià.

Nàng kể nhiều chuyện đùa nghịch trong lớp, cho chàng nghe. Họ khoái chí cười to. Lúc đi ngang qua bưu điện, Mười ghé vào lấy thư lưu trữ. Đúng như dự đoán, có thư Nam. Thư Nam đã gửi trước khi đi cả tuần. Sau đó anh mới lên Đà Lạt. Thế mà người đã đến trước thư. Nàng nói “Nam đọc thư cho em nghe đi”. Chàng mỉm cười, cặp mấy quyển sách báo dưới nách, đưa chục hoa hồng, nhờ nàng cầm hộ. Xé thư ra, hắng giọng mấy lần lấy hơi. Như trêu đùa, Nam bắt đầu đọc:

Saigon, ngày 26 tháng 10 năm l9.
Thương Mười thân ái,

Vừa ở thư viện về, Toma cho anh biết có thư Mười. Anh mừng quá, định lấy thư xem. Nhưng Toma không chịu đưa. Cầm phong thư, nó chạy lên lầu ba, lên sân thượng. Bắt anh chạy theo năn nỉ bằng một chầu ciné, ăn cơm tiệm ở Victory. Em ấy mới chịu đưa thư cho anh. Thế đấy.

Mười ơi! (Em dạ dạ... đi) Khỏi cần dài dòng, em biết là anh nhớ em như thế nào rồi. Nhất là buổi chiều trời mây vần vũ trên Đô thành. Con đường Duy Tân xám ngắt như cuộc đời của chàng trai nhớ người yêu. Anh nhớ Mười. Anh yêu em. Lòng anh cố gắng gượng để khỏi thổn thức giữa cơn buồn. Anh ngồi đây giữa cánh thư màu xanh, với loài hoa Daisy. Tulip. Pensée. Mimosa. Violette. Forget Me Not. Cả loài hoa phù dung rất đẹp. Hoa qùy cánh lá toả rộng mọc dễ dàng, ở bất cứ nơi đâu. Không cần ai chăm sóc, vẫn xanh lá vàng hoa bốn mùa nữa chứ! A ha! Nói đến hoa phải nghĩ đến Đà Lạt. Nhớ đến hoa phải nhớ Đà Lạt. Chỉ vì ở nơi đây mới có đầy đủ một vườn hoa thành phố núi, đủ mọi loài tuyệt diệu. Trong thành phố hoa đó có cả người con gái diễm kiều độc đáo. Mà, anh rất yêu.

Nàng ưa ép hoa trong trang sách học trò, đã trao tặng anh. Anh ngồi đây với suy tư chất chồng, qua phong cách viết đặc biệt. Lời lẽ em giàu chất thơ, pha lẫn tính bông đùa tươi trẻ của mạch văn. Khiến người đọc cảm thấy mình sống lại tuổi thơ rong chơi thuở thiếu thời. Em như viên đá lóng lánh chói sáng hơn viên đá qúy, mà anh đã gặp. Bởi thế, khi em phân vân hỏi anh: "Sao ở nơi xa hoa hào nhoáng. Anh không chọn ai, mà chọn em, giữa chốn gió núi mây ngàn nầy?"
- Theo anh nghĩ, đó là một cách nói của người tự biết mình, và biết người nữa.

Thương Mười yêu! Trăng đêm nay buồn như ánh đèn ngoài phố. Sao rơi rụng từng mảng u sầu. Mây xám nhạt từng cuộn lang thang trôi. Đại lộ càng về khuya, càng ít người qua lại. Khuya về trắng cả tâm tư. Tiếc rằng thiếu một cơn mưa phùn, cho trọn vẹn khúc nhạc thê lương đang trổi. Ngồi trên sân thượng, anh miên man nghĩ đến em. Nghĩ đến bóng hình tha thiết, bắt anh lo âu chờ đợi khi chưa nhận thư. (Dư âm đó, bây giờ còn thấy sợ. Mặc dù anh vừa đọc thư em). Nầy nhé! Anh ngắt em một cái, đền cái tội bắt anh đi bộ, theo em trên con đường mưa phùn. Anh nhéo em hai cái, đền tội giận anh, không thèm viết thư đều đặn như đã hứa. Cào em ba cái, bắt đền (nhè nhẹ thôi mà, hổng đau đâu) vì anh nhớ mong và trông chờ. Cấu. . . _______

Coi kià! Sao em giựt cây bút, không cho anh viết tiếp hở? , anh giận em thật à. Ta giận nhau. Còn ai viết để anh lén đọc thư tình trong lớp học? Còn ai ngắm nhìn em, cho tình hồng dâng lên sóng mắt? Ai dìu em đi giữa buổi hoàng hôn sương trắng núi đồi? Ai đưa em về trên vũng nhạc, rừng thơ? Hai người cùng che chung một áo mưa, mặc cho gió bão gào thét trên đôi mái đầu! Ai đón em đi xem thắng cảnh Đào Nguyên thơ mộng: Cam-Ly, Prenn, Liên Khương, Gougah, Pongour, Suối Vàng, Suối Bạc, hồ Xuân Hương, hồ Lãng Ông, hồ Than Thở, Sân Cù, Rừng Ái Ân, Thung Lũng Tình Yêu, Đồi Thông Hai Mộ, cùng nhiều con đường mòn ngoằn ngoèo lượn khúc, uốn lên uốn xuống quanh sườn đồi có cỏ nâu vàng mịn óng như nhung?

Thương Mười ơi! Anh yêu buổi chiều trời mây vần vũ. Thích lang thang theo cánh gió lạc giữa phố phường. Yêu cơn mưa phùn thật nhỏ vướng theo gót chân, trên con đường khuya vắng độc hành. Có lúc anh ngừng lại giữa lòng thế kỷ, kiếm điếu thuốc lá gài trên môi, ngửa mặt thổi ngụm khói tròn như chữ O, dần tản mạn trong không gian. Anh vuốt mái tóc phiêu bồng, rồi lặng lẽ thả gót giày trên phố hoang vắng. Trong tâm tư anh mang theo hoài bão, mộng ước thời mới lớn. Và một bóng hình bé nhỏ thân yêu, canh cánh bên lòng. Với biến cố lịch sử, qua bi hài kịch trong cuộc đời anh đã dự kiến. Tất cả... Anh cố tìm nguồn an ủi từ người em nhỏ ở phương xa. Nhưng sao anh không đủ can đảm viết thư. Dù trong thư anh chỉ viết vỏn vẹn có ba chữ: "Anh nhớ Em". Hoặc "Anh yêu em".

Vì rằng... Mười tiết kiệm ngôn ngữ, bút từ ghê gớm. Khiến anh phải dè dặt. Nhưng... em hé mở cho người nhận thư một khung trời suy tư, mơ mộng, dạt dào cảm xúc dật dờ… Với hoài vọng và hy vọng. Có thế thôi.
Vâng! Chỉ có thế thôi. Em không thể hồi đáp lòng khao khát, mòn mõi nhớ nhung nầy hơn, qua ba tiếng: " Mười ghét Nam”, hoặc “anh dễ ghét". Nếu em nói "phản nghĩa" ba tiếng trên, thì qúy gíá biết bao! Cay đắng với niềm xót xa muộn màng. Anh vẫn thầm bên tai Mười ba dấu: chấm chấm chấm ... (tùy em muốn nghĩ gì ở ba dấu chấm nầy thì ...) Mười ơi! (em hổng thèm dạ nữa nghen, cứ dạ hoài mệt lắm).

Hôm nào nghỉ lễ, anh và hai bạn tên Ngọc Thạch và Tấn Trung, sẽ lên Đà Lạt quan sát tình hình vài ngày trước khi chọn lên học tại Viện Đại Học. Lúc ấy em có chịu đi dạo phố phường? Có vui vẻ chuyện trò? Có nhớ nhung, trong nỗi nhớ nhung tràn ngập cõi lòng anh? Có vui cho anh cùng vui ? Có cười cho anh tận hưởng dung nhan mùa xuân tươi mát. Nơi thiên nhiên đặc biệt ưu ái đến các kiều nữ xứ hoa đào? Có yêu, một tình yêu hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng màu lá non?

Anh mong Mười là gió, hầu thổi về dự định sông hồ, của người trai trước ngưỡng đời. Anh mong em là mây chở anh đến bến sông Ngân Hà ước mơ và hy vọng. Em là con thuyền vững chãi đưa nhau ra tận đại dương mênh mông. Nơi có nắng chói, biển cả, bầu trời. Lục địa ở phương xa. Có bến bờ tự do, hạnh phúc vĩnh cữu một đời. Có Anh và Em – Thương Mười có chịu để hai chúng ta ngồi chung thuyền không?

À, nhớ viết thư đều nhe. Mười không viết thư, (nói nhỏ bên tai em nghe thôi, nhỡ các cháu nghe được, cười an, anh mắc cỡ, xấu hổ chết được, em à!) Anh sẽ lên Đà Lạt và khóc nhè ra, rống tướng lên. Cho em coi! Em dỗ mệt nghỉ à nha. Anh kính lời thăm gia đình chị Khánh, chị Lê, chị Hạnh, Thùy, các cháu. Riêng Mười của anh vui vẻ, mạnh khỏe, trẻ đẹp, vững tiến trên con đường học vấn.
Thương nhớ chào em.

Phương Nam.

Thong thả dạo bước trên đường, vừa đọc xong, Hoàng bỏ thư vào phong bì, cất trong quyển "Kim chỉ nam của học sinh". Anh nghiêng đầu trên mái tóc Mười, mỉm cười, dịu dàng hỏi:
- Còn "ghét" anh. Như em đã viết không?
- Nếu em nói "phản nghĩa" lại... anh nghĩ sao?

Nam muốn ôm Mười vào lòng, hôn nàng giữa lòng đại lộ thênh thang, nơi thanh thiên bạch nhật thế nầy, nhưng, anh sợ Mười mắc cỡ, dỗi hờn, viền mắt ướt long lanh, ngấn thủy tinh tròn bên khóe. Sợ nắng ấm thấp thoáng dưới đôi má ửng hồng, càng e thẹn. Anh sợ! nên không dám, chỉ âu yếm xiết nhẹ bàn tay, nhìn Mười nồng nàn, nụ cười dịu ngọt biết bao. Nam thân ái nói:
- Chaneolier Oxenstierin đã nói: "Thân thiết mở cửa Ái tình, và đóng cửa Tình bạn". Em thấy sao?
- Tình yêu có tình bạn hậu thuẫn. Tình bạn không nên kèm song song tình yêu, thì tình bạn sẽ vô tư, chân thật, bền lâu. Anh nhỉ!
- Đồng ý.

Tay trong tay, chàng khe khẽ ca bài "Mộng dưới hoa" của Đinh Hùng. Ồ. Thật không ngờ! Anh ca rất hay. Thế mà không biết, để Mười bắt anh ca hoài cho nghe. Tình xanh nhẹ như hơi thở, mỏng như làn sương, êm ái như nệm cỏ nhung mềm trên đồi, dịu mát như dòng suối quê hương, hồng thắm như cành hoa anh đào hé nở, tô điễm vòm trời Cao Nguyên thêm sắc, thêm duyên, thêm thơ mộng. Hai người mỉm cườI âu yếm chia tay ở đầu ngõ.

Mười cất quyển sách, thay quần áo, rồi đi lấy nước cắm hoa. Bây giờ nàng mới thấy tờ giấy báo gói hoa hồng, rách te tua. Chục hoa cái gãy lìa cuống. Cái xù cánh rơi lả tả, trơ nắm nhụy vàng. Có búp chưa kịp nở, cuống hoa mềm èo, lúc lắc như chiếc răng rụng. Chỉ có năm hoa còn tươi. Nhìn bó hoa thảm hại hết chỗ nói. Mười loay hoay cắm hoa. Chị Khánh vào phòng khách, dừng lại nhìn, chị la em một hơi dài:
- Trời đất qủy thần ơi! Con nhỏ nầy, sao ngu quá? Mua hoa, phải lựa từng cái. Đem về cắm ngay. Mang xuống hết dưới bếp, đổ đầy xô nước. Ngâm một tí. Rồi cắm vô lọ. Làm ăn như vậy. Có chết tui không! La cà ở đâu bây giờ mới mò về nhà, để hoa héo hết trơn vậy! Hả?!

Mười sợ chị Khánh, chị khó tính và dữ như cọp! Nàng buồn cười khi nhìn bó hoa thật dễ sợ, cái gục đầu, cái xù cánh. Thấy mà ghê. Hoa hồng đi ngao du thắng cảnh với tình yêu. Nó cảm động. Thông cảm đến độ “gục gặc”. Xù cả tai cả tóc ra. Thế là nhất rồi. Còn gì bằng!

Buổi chiều, Nam đến chào gia đình. Chị Khánh sai các em hái rổ mận giống Trại Hầm, chàng ra vườn hái mận giúp nàng. Vừa làm việc, nàng kể lại chuyện "Hoa hồng gục gặc xù lông nhím" cho Nam nghe. Hai người cười thật tươi. Quên cả mọi sự trên đời. Chị Khánh gói hai kí trà La Ba loại bạch mao, gói mận. Gửi chàng đem về làm quà biếu gia đình. Hai bạn nhỏ len lén nhìn nhau nheo mắt âu yếm mỉm cười. Ra dấu về bó hoa hồng như thầm nói: "Nếu chúng mình không đi bên nhau. Có lẽ hoa tươi không ủ dột, tàn úa nhanh. Trước thời gian đâu nhỉ!" Họ bắt gặp thoáng mắt trong veo, liếc nhanh về phía chị Khánh, nói với nhau lời chia tay thầm lặng. Mắt môi đã nói thay lời, họ quên hết mọi chuyện trên đời, quên cả trời choạng vạng, dù chưa tối, mà nhà nhà đã lên đèn.
***

Nếp sinh hoạt bình nhật ở Đà Lạt, thành phố trên cao, sương mù mỗi sáng mỗi chiều. Đa số người dân sống êm ái hiền hòa, lặng lẽ, không huyên náo. Họ quây quần trong nhà, đêm đêm đi ngủ sớm. Ít khi la cà ngoài phố vắng. Khoảng mười giờ đêm thành phố hầu như chìm trong giấc mộng. Ngoại trừ những đêm có đoàn cải lương, đại hội ca nhạc kịch, phố thị huyên náo giây lát, lúc vào xem hoặc khi ra về. Sau đó sự yên tĩnh cố hữu, của thành phố thơ và mộng, được trả về với canh khuya đơn điệu ngàn đời. (Trừ người có công kia việc nọ). Ăn ngủ đều hòa, đa số người ta trắng da dài tóc, mập mạp hồng hào! Nếp sống người dân Đà Lạt hiền hòa như thảo mộc, ít khi có chuyện "động trời" khuấy động tính hiếu kỳ, hoạ huần nếu có chuyện gì xảy ra, chỉ mười ngày nửa tháng, rồi mọi chuyện rơi vào quên lãng. Thiên nhiên ưu ái đãi ngộ con người. Ban cho khí hậu thoáng mát. Tiết trời thuận lành, man mác, trong veo, vương đọng trên đầu cây ngọn cỏ. Tạo thành một Đà Thành lãng mạn đa tình, thơ mộng, duyên dáng và quyến rũ dường bao. Nên tâm hồn họ cũng có ít nhiều chất thơ. Chất nhạc đầy men tình nồng đượm hương yêu.

Buổi sáng dậy sớm, Mười chui qua phòng chị Hạc, nằm nói chuyện. Chị đi làm thư ký đánh máy, kiêm bán hàng cho nhà sách Họ Nhà Thờ Chính Tòa. Chị hiền lành đôn hậu, chất phác nhất trong gia đình có mười người con. Chị dạy bảo em điều hay lẽ phải ôn tồn hoà ái. Không nghiêm khắc, la lối om sòm, như chị Khánh. Ai cũng sợ chị Khánh một phép. Mặc dù đôi khi cao hứng, chị Khánh kể chuyện vui buồn ngày trước, thuở gia đình còn ở làng quê. Năm 1925, ba má đi khai phá đất hoang ở vùng đất "Hoàng Triều Cương Thổ" Chị kể những gian truân khốn khó thăng trầm. Từ ngày gia đình thực sự bước vào con đường "vạn sự khởi đầu nan". Chị kể chuyện lưu loát, duyên dáng thu hút người nghe tài tình. Gia đình ngồi quây quần bên nhau vào lúc "trà dư tửu hậu". Há hốc mồm nghe chị nói. Chị pha trò khá hấp dẫn. Nhiều lần cười ngất, cười ra nước mắt. Thỉnh thoảng hoàng hậu Nam Phương, cho gọi chị vào dinh thự, để nhận lãnh phần đan, thêu, may, móc, cho bà và hoàng tử, công chúa. Tay nghề chị, ít có ai theo kịp.

Chín giờ sáng, Mười, chị Hạc, đi ra chợ mua hộp dâu tây, trái hồng Đà Lạt tặng Nam để trả lễ hôm trước chàng mua quà biếu gia đình. Ngồi trên xe đò thấy chị em Mười đến, Nam vui mừng giới thiệu họ với hai anh: Trung dáng người trung bình không mập không ốm, da trắng trán cao, miệng rộng, mắt mí lót hơi nhỏ. Coi như Trung “lù đù”, nhưng coi chừng “lù đù có ông Cù độ mạng! Anh Trung có mộng ước sẽ trở thành bác sĩ, tận hiến muôn điều đã đạt được trong kiến thức, hầu giúp đời. Có thể thành công, vì anh xuất sắc từ mọi lĩnh vực. Thạch dáng người cao ráo, da ngăm ngăm, vài chiếc răng khểnh trông ngồ ngộ mỗi khi anh cười. Anh là thi sĩ My Sơn, có nhiều bài thơ Mười rất thích như "Viết tên Em" hoặc "Tôi sẽ kể", v.v...
Nếu tôi xin phép viết tên em
Gần với tên tôi gần một đêm.
Em sẽ mỉm cười không nói.
Hay yêu cầu đừng ai bán bút nghiên.
Nếu tôi nói thật “tôi mến em”
Em có bao giờ mở ngỏ tim
Cho tôi cung kính vào thăm viếng...
Để viết thành thơ và nhạc tiên?

Hoặc bài thơ "Tôi sẽ kể" :
Tôi sẽ kể, dù cho em có trách
Chuyện chúng mình cho thiên hạ giải sầu.
Bởi phụ phàng nào có lạ gì đâu!
Yêu, đau khổ, vẫn thường trong thiên hạ.
... Nếu em biết: Tôi yêu em tình thứ nhất...

Như bạn, anh học giỏi, làm thơ hay. Tuy vậy, anh thích trở thành một tổng lãnh sự. Một nhà ngoại giao. Một nhà chính trị lỗi lạc. Nam ước mộng sẽ trở thành phi công, giang hồ qua bốn bể, phỉ chí tang bồng hồ thỉ nam nhi! Ba người bạn chí thân có sở thích, sở trường, lý tưởng, hoài bão khác nhau. Thế mà vẫn hợp ý nhau kinh khủng.

Mặc hai bạn nói với chị về chuyện nắng mưa Đà Lạt. Nam nhìn Mười tần ngần đứng nép bên hông xe. Em nhìn vu vơ lên khoảng trời cao lồng lộng. Anh thấy nắng yếu vương trong lòng mắt nàng. Gió bâng khuâng ngại ngần tiễn đưa nhau. Có khói lam cuộc tình quấn quít trên bờ môi vụng dại. Em đứng bên anh, nhưng bẽn lẽn vô cùng, đơn điệu vô cùng. Nhút nhát vô cùng. Bơ vơ vô cùng. Thương em, người yêu đơn sơ bé nhỏ, trước tương lai mù mịt xa xăm của hai người. Và vì thế, bỗng dưng nỗi buồn se sắt, thấm thía, dâng ngập hồn chàng thư sinh mặt trắng tay trơn trước đài danh vọng. Nam gục đầu trên đôi cánh tay, đan vào băng ghế trước khá lâu. Trung ngồi giữa, lấy cùi chỏ húc vào người Nam mấy cái, ra dấu cho Nam nên lịch sự, không buồn rầu gục mặt trước chị em Mười. Mười đá nhẹ hàng mi, mỉm cười thân ái. Xe từ từ lăn bánh. Hai anh bạn vẫy tay chào nói lời từ biệt với chị em nàng. Nam chào chị Hạc, rồi nhìn Mười đắm đuối, Nam thò tay ra hông xe xiết nhẹ tay nàng, qua tiếng thì thầm:
- Tạm biệt em yêu dấu.

Nam gục đầu lên thành ghế phiá trước, không nói thêm lời nào. Chị em đứng lại trên lề phố Hàm Nghi, trước cửa tiệm cà phê Domino. Họ nhìn theo lớp bụi nhỏ vướng theo bánh xe lăn. Mây chia ly phủ trên mảnhtim cô gái nỗi buồn nhẹ nhàng đằm thắm. Khởi đi từ phiến đàn lòng thứ nhất Mười đã biết ưu sầu từ đó, nhớ nhung từ đó, thiết tha từ đó.

Phải rồi Nam ạ! Mười yêu chàng không biết nhân chia trừ cộng, không hề tính toán suy nghĩ thiệt hơn, một tình yêu chân thành, hồn nhiên vô vụ lợi. Em yêu anh, từ ánh bình minh đầu tiên bừng lên tia hào quang lấp lánh, xuyên qua kẻ lá chiếu trên đồi cỏ xa. Em yêu anh khi thành phố tỉnh giấc mộng. Chuyển mình qua mọi sinh hoạt thường ngày. Em yêu Nam khi gác chuông giáo đường cao vút tôn nghiêm thánh thót ngân nga. Mỗi sáng, trưa, chiều, tiếng chuông chiêu mộ con chiên trở về trong vòng tay từ ái, rộng mở của Chúa. Em yêu anh giữa biển sương mù trắng xóa núi đồi. Em yêu anh qua tiếng còi hụ báo hiệu giờ ngọ trên đỉnh nóc phố Khu Hòa Bình. Em yêu anh khi tia nắng cuối cùng chen lẫn màu hoàng hôn, và màu ven đêm lấp ló trên nóc chùa Sư Nữ. Khi cánh sao hôm nhấp nháy trên bầu trời bảng lảng gờn gợn lớp sương dày bao phủ núi rừng.

Em yêu anh khi đêm sa hẳn trên phố phường, khuya về lạnh buốt, gió lồng lộng thổi quanh dốc đồi cao. Có con đường mòn chật hẹp bóng láng nằm duỗi mình giữa tháng năm dài. Có bước chân ai cô quạnh âm thầm đi về mỗi ngày buồn tênh. Từng mùa Thu lá rụng xào xạc bên suối vẵng tiếng mưa dầm rã rích suốt ngày đêm không biết mệt. Em yêu anh khi tiếng xe thổ mộ đầu tiên lóc cóc báo hiệu hừng đông, để người người đi họp chợ. Mặc dù em mỏi mệt gục đầu trên đôi cánh tay vòng trên bàn học. Trong giấc mộng thiêm thiếp chập chờn em biết ngày ngày qua tháng tháng, năm rồi lại qua năm... Trong cơn mơ, em vẫn gọi tên Phương Nam, và em yêu anh mãi mãi...

Tiễn anh về quê mẹ, chưa bao giờ Mười buồn đến thế! Anh đã chia nửa hồn em, mang con tim đi trên lộ trình thiên lý, khuất xa nghìn trùng. Tình yêu nầy còn đọng lại trên giếng mắt, trên bờ môi vụng dại nụ cườI ngời sáng tin yêu. Trên đôi bàn tay em nâng niu, trang trọng. Tình yêu sống mãi trong tư tưởng, đầy luyến-lưu hồi tưởng trong tiềm thức từ hoài niệm Thương Mười...
***

(*) Thơ Tình Hoài Hương

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
12-19-2012, 06:04 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1355895933.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1355896273.mp3
Những Giọt Sương Giao Tình… Xứ Hoa Đào
Tình Hoài Hương
***



Đêm Noel! Đêm về thật sâu lắng. Sương muối hạt to to mòng mọng tròn tròn lung linh là đà rơi đầy trên thành phố trầm lặng mà huyễn hoặc, nên thơ, thi vị và mơ mộng. Từng bè mây trắng xoá bay bay về cuối rừng phiêu lãng, cuộn thành từng lọn trắng bồng bềnh nhấp nhô lờ lững trôi trên không trung nhợt nhạt tan loãng. Gió lồng lộng lũ lượt thổi qua vườn thông sau đồi nhà, nhạc thông reo vi vu nghe lao xao, rì rào bất diệt.

Bầu trời tỏa lạnh cùng khắp mạch núi rừng hoang dại, cái lạnh xoáy buốt se se thịt da mà ăn sâu vào lòng người buốt giá vô cùng. Phố núi Lâm Viên chìm sâu vào giấc mộng đào nguyên muộn màng, nhưng đầy thi vị và hữu tình biết bao! Mùi thơm muôn hoa trong vườn quyện lẫn mùi nhựa thông thoang thoảng đưa vào phòng, bất giác lòng tôi se lại qua khe rèm hở giữa hai cánh cửa chớp. Tôi hồi tưởng không biết bao nhiêu buồn vui xếp lớp lăn tăn, và nhịp tim dập dồn đập mạnh cuồng quay trong những phím loan.

Sau khi các bạn đã đi rồi. Tôi tỉnh ngủ, nhưng vẫn leo lên giường nằm đắp mền kín cổ, nhìn mấy con thạch sùng cắn đuôi nhau chạy quanh ánh đèn néon. Lòng cảm thấy trống trải, ưu phiền, bâng khuâng vô ngần, chen lẫn nỗi buồn chán tiếc nhớ vẩn vơ, nghẹn ngào muốn ứa lệ. Tôi không thể hiểu tôi cần gì, muốn gì!? Bây giờ… Có thể “người ta” đang vui, tưng bừng rộn rã đón mừng đêm Noel, đang hoà mình vào làn sóng người lượn trên phố như trẫy hội. Chứ chả ai ngu dại trầm mình vào nỗi cô quạnh không cùng như tôi. Tôi hiểu rằng: Từng nầy cảm xúc, buồn phiền, tủi hờn, có thể quật ngã một con người khỏe mạnh, vui tươi nhanh chóng như vậy!

Ừ nhỉ! Lẽ ra mình không nên “ác” với Phú trước mặt các bạn. Không nên diễu cợt tình cảm với Nam đến thế! Để làm gì? Tất cả những thứ đó chỉ là đùa trò trẻ con và lố bịch. Vì những tha thiết mặn nồng yêu thương chân thật, tôi có thể tìm thấy ở Phú (nếu không phải là người xưa, hay là ai khác). Thế nhưng, tại sao tôi lại chối từ Phú? Sao tôi nỡ lòng quay lưng ngoảnh mặt, “tự dày vò và làm khổ nhau” đến vậy không biết?! Tại sao? Hay chả còn bao lâu nữa, tôi sẽ lạnh lùng quay mặt về hướng khác, vứt bỏ sau lưng quãng đời dài thân thiết nhất? Dù những chuyện đó sâu thẳm như thung lũng tình yêu, hấp dẫn đầy ắp như chân trời hứa hẹn một tương lai tươi sáng đang bừng tỉnh?

Bỗng chú kiến lửa cắn vào cổ tôi nhức nhối đau nhói. Tôi nhăn mặt xuýt xoa, vụt ngồi dậy. Tung mền ra, tôi quay quắt chà xát vào chỗ sưng vù và đau nhiều lần. Sợi dây chuyền (ngày xưa “chàng” trao tặng) vướng vít vào ngón tay, bị đứt lìa ra hai đoạn. Sợi dây chuyền nầy vào dịp Noel năm xưa, chàng đã ưu ái đeo vào cổ tôi, ân cần nói những lời âu yếm nồng nhiệt yêu thương xiết đỗi. Kỷ vật đó suốt tháng năm tôi mang trong cổ, dù qua thời gian bao giông tố vẫn không rời. sợi dây chuyền vàng có chữ H, là quà tặng đính ước của hôn phu đêm giáng sinh đã nói với tôi điều gì!? Tôi thấy trước mắt là những đợt sóng ngầm lạnh lùng xô bờ, vùi dập tan biến hình ảnh người yêu đã mất hút tầm nhìn vào vùng kỷ niệm tháng ngày qua.

Nay đã xa rồi, nhưng bừng sống lại, khiến tim tôi đau thắt và sợ hãi kinh khủng. Tôi ngẩn người cầm hai đoạn dây chuyền đưa ra ánh đèn xem xét, lòng cảm thấy tiếc ngẩn tiếc ngơ. Dường như tôi vừa đánh mất một cái gì quý giá nhất đời: hầu như tôi vừa đánh mất một cánh tay, một bàn chân, một nhịp thở lỗi nhịp, một mãnh tim vỡ, một chéo mộng quan hoài. Trời! Xin đừng nhắc lại làm gì chuyện cũ, để vết thương lòng thêm héo hắt hơn.

Bởi vì chuyện chia xa nầy rất phi lý là: do chính tôi đoạn tuyệt mối tình nên thơ êm đẹp rất trong sáng, đứng đắn đàng hoàng; cả hai người đối với nhau chẳng hề có lỗi lầm nho nhỏ nào (chỉ vì chàng ưa có thói buông thả tình cảm lả lơi đùa cợt tíu tít với mấy cô! Do lỗi tại tôi quá ghen, tức bực tự ý từ biệt, mà ra nông nỗi)! Muốn như thế, thì đừng khêu to đống tro tàn bên lò sưỡi. Đừng đốt thêm ngọn bạch lạp bên góc phòng xưa. Dư vị quá khứ đắng cay đọng trên lệ nến nầy. Khung ảnh gỗ xinh xinh lồng tấm ảnh chàng ngày ấy, nay còn trống chỗ, vẫn ở trên mặt bàn lạnh từ bao năm.

Bản tính muôn thuở của tôi vốn dĩ không thích thay đổi, tôi rất mến yêu kỷ niệm, thủy chung. Kỷ vật đã yên ổn an vui trong vị trí tôi đặt để: Lọ hoa màu huyết dụ còn cánh nhung hồng héo úa gục đầu đơn lẽ. Bàn viết, ghế dựa, sách vở, bút viết, tạp chí, giấy trắng với bình mực tím vơi cạn. Những phong thư bạn bốn phương nằm im trong hộp đựng. Tủ quần áo, giường nệm độc thân y chỗ cũ. Chúng lẵng lặng nhìn chân dung bột màu do Kim Oscar vẽ hình tôi rất đạt, nét ủ dột thẩn thờ đã treo trên bức tường vàng lạnh lẽo. Tôi tin rằng mình không sai lầm khi con búp bê biết cười nói đặt trên giá sách do anh Phong gửi từ Mỹ về.

Cạnh ô cửa là chú mèo lông xù của Thắng. Bên đàn gà mẹ gà con lít chít của Đan. Phía dưới là chú nai tơ xinh xắn của Phú ngơ ngác nhìn tôi buồn rầu đau đớn. Cạnh đó là gấu đen của Nam bừng giận lúc tôi chán chê cuộc đời. Trên tường là ống sáo đồng của Sanh. Mấy cành hoa giấy đỏ của Yến Nga. Lọ thủy tinh của Trúc. Hộp kính đựng cô gái Phù Tang của cô bạn Triều Nghi cúi đầu rơi lệ khi tôi khóc. Còn đây, gần khung cửa sổ là những kỷ vật của “người xưa”.

Những món quà vô tri vô giác nhưng thiết tha trìu mến vô ngần: Chúng từng theo gót chân tôi phong trần đi đó đây suốt quãng đời dài, lẵng lặng “đồng cảm” vui buồn thương giận, yêu và đau khổ không thốt nên lời chăng!? Sáng, trưa, khuya, chiều, sớm, tối; “chúng” đã lặng câm chia sẻ nỗi niềm. Tôi yêu chúng, vì chúng đã tận hiến cho tôi bao kỷ niệm đắm say yêu kiều dịu ngọt lẫn vò xé nỗi đớn đau tận cùng. Chúng trọn vẹn tận hiến tôi một lần duy nhất trong cuộc đời vô tri, rồi lặng lẽ xếp đời vào niềm vui kỷ vật lăn lăn sóng gợn. Chúng trân trân nhìn tôi đắm chìm trong cơn mê, như muốn nhắn nhủ tôi điều gì!? Gợi lên lòng mình những bài học đã bị vùi quên vào dĩ vãng xót xa. Chúng nhìn tôi như thầm trách bao điều không thể nói được. Vì thế, chúng lạnh lùng câm nín giận dỗi giương đôi mắt nai tơ chối từ thân thiện.

Cùng với sự giận dữ vô cớ bừng bừng dâng cao, phản ứng tuy vô tình nhưng chớp nhoáng, nhanh hơn nhịp đập tim co giật trong lồng ngực cuồng quay. Tôi nhảy phóc xuống giường, chạy đến mở cửa sổ, mạnh tay quăng hai khúc dây chuyền lủng lẳng chữ H vào đêm tối, xa thật xa khu vườn thông rợp bóng đêm. Gió lạnh ùa vào phòng tê buốt, khiến toàn thân tôi co ro, cúm rúm, mặt mày dúm dó, tái xanh, tay chân nổi ốc trâu sần sùi, hai hàm răng lập cập va vào nhau lộp cộp. Tôi bàng hoàng, xúc động, run rẩy ngẩn ngơ tựa lưng vào tường, đăm đăm nhìn giá sách mập mờ đong đưa kỷ niệm vàng son một thuở.

Tại sao thế nhỉ?! Nhất cử nhất động hôm nay, là bước lại những bước chân quá thuộc lối trên nẽo đường mòn hôm qua. Ở mỗi lối ngoặt trong cơn lốc đều hiện rõ từng nét mặt thân thiết, ân cần mời gọi, nhớ nhung, mơ hồ, hay tuyệt vọng!? Cho dù sóng thần có cuốn phăng đi chân dung người tình và gió bão uà về xua mây mù che khuất nẽo tương lai. Thì cái thế trong tôi vẫn không nao núng cơ mà! Tất cả kỷ niệm xa xưa về cuốn phim tình ẩn hiện chập chờn trên sóng nhấp nhô, bừng sống trong lòng tôi, dù chỉ khoảnh khắc, nhưng rõ đến nỗi tôi nhìn trân trân vào bóng tối mà hình dung bước tình xưa rón rén bên hiên nhà, có tiếng thì thầm rất khẽ lời tỏ tình vụng dại giữa đêm đông!

Bầy dế quay cuồng bay lượn reo hoan ca hát trong đêm muôn trùng, và bu quanh trên những ngọn đèn đường vàng vọt trước cổng nhà, vòng bay mỗi lúc một nhanh, khi chúng bay toả rộng ra, khi thu nhỏ lại, rồi bất thần chúng rơi phịch xuống đất. Ngay chỗ tôi đứng trên lầu một con cánh cam có lớp vỏ cứng bóng láng, ánh lên màu biếc xanh, trông rất đẹp, nó xòe đôi cánh cứng, bên trong lộ ra hai cánh màu nâu mỏng te, có nhiều sợi gân nổi trên lớp cánh thưa mềm mại, xinh xinh. Nó khéo léo uyển chuyển khép dần bốn cánh, coi thật gọn ơ. Nó lạI bay vù vù và bỗng dưng đập đầu vào ô cửa kính kêu cái cộp. Tôi mở cửa sổ ra, len lén thò tay nhón bắt con cánh cam, cúi xuống nâng niu trong hai bàn tay khẽ khàng bụm lại.

- Thụy! Làm gì mà ngẩn ngơ ra vậy? Em?

Giật bắn người, tôi bàng hoàng nhìn xuống đường, ngơ ngác ngó kỹ tìm kiếm trong bóng đêm khi ngờ ngợ nghe Cảnh gọi. Tôi cứ tưởng người đứng thấp thoáng dưới cánh cổng cao dày kia là kẻ trộm định leo tường vô nhà, mà run run. Con cánh cam thừa lúc tôi sơ hở không bụm chặt tay, nó vuột ra khỏi lòng bàn tay tôi, bay đi mất dạng. Những giọt sao đêm Noel qua ô cửa lấp lánh nghiêng mình vẫy gọi tôi vui mừng bước xuống lầu. Tôi đi trên lớp sỏi trắng nghiến lạo xạo dưới đôi dép da dọc theo khu vườn hoa đã thấm đẵm sương đêm, con lối rộng dẫn ra cánh cổng sắt rất to, dày và cao lút đầu người. Tôi do dự có chút ngỡ ngàng giây lát chào Cảnh, nhìn chàng chằm chằm, và tới gần cổng ngoài, tôi lách cách mở ổ khoá, rồi né qua một bên cho chàng vào. Cảnh bấm ổ khóa, quay nhìn tôi mỉm cười, e dè hỏi:

- Trong nhà đi lễ hết rồi sao? Em!?
- Dạ vâng. Chẳng còn ai.
- Anh đến bất ngờ. Xin lỗi em.
- Ư hừ…
- Em dám ở nhà một mình?
- Sao lại không.
- Ghê ha.
- Lẽ là người thì xa lạ. Còn ma quỷ sợ em, chẳng dám tới đây quậy phá.
- “Yên hùng” hơn anh rồi.

Cười tít mắt, tôi đi dẫn đường trước, anh theo sau bước vào phòng khách, tôi trêu ghẹo Cảnh:
- Anh không sợ gì bằng sợ bị ký củ ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật. Nên anh thấy em “yên hùng” hơn anh. Ha!?
- Em nhảy dô trong tim đen của anh rồi còn gì…
Tôi cười, nụ cười ngọt hơn mía lùi. Tôi nói:
- Mời anh ngồi tạm, để Thụy đi “pha chút ấm áp” nha.

Cảnh cười hì hì. Cảnh ngồi vào chiếc ghế bành da. Tôi loay hoay dưới bếp cắm điện, pha cho anh ly cà phê sữa bốc hơi thơm phức. Bưng ly cà phê ra đặt trên bàn, tôi mỉm cười thân thiện mời anh. Cảnh mồi diêm hút thuốc, anh nhả khói thuốc thành từng vòng chữ O uốn khúc bay lượn lên trần nhà. Dường như anh gắn chúng với dòng suy nghĩ, đắn đo nào đấy. Tôi lại trở vào bếp làm cho anh bốn miếng bánh mì lát kẹp thịt nguội quẹt bơ và ba tê. Khệ nệ bưng dĩa bánh ra, tôi vui vẻ ngồi xuống ghế đối diện Cảnh. Chúng tôi nhìn nhau mỉm nụ cười vu vơ. Tôi cũng hồn nhiên ăn lát bánh lạt phết chút đường và bơ.
Bất ngờ tôi nghe anh nói:

- Ngày lễ trọng đại, vui vẻ vậy, mà em không đi chơi đâu sao?
- Biết đi đâu bi giờ! Anh!
- … Anh được trường cho phép đi ra phố. Cố ý đến thăm em, anh cứ do dự, lo lo, thắc mắc riết. Anh đi qua đi lại ngoài đại lộ mấy vòng rồi. Anh thấy nhà tối đen, tưởng là không có ai ở nhà. Nào ngờ có em. Vui quá và may mắn thật.

Bây giờ tôi mới để ý thấy trên góc kệ cạnh cái bàn tròn có gói quà nho nhỏ thắt nơ hồng. Cảnh để xuống đó từ lúc nào.
- Anh có món quà mọn nầy gửi tặng em.
- Anh đến thăm em, dù bất ngờ... nhưng vui rồi, quà bánh làm gì anh.
- Em vui là anh mừng húm.

Tôi mỉm cười nhìn Cảnh giả vờ trợn mắt lên, rồi nheo nheo chớp chớp. Cảnh cũng không vừa, anh đá lông nheo kịch kịch. Chúng tôi cười to.
- Thụy nghĩ sao về việc chúng ta được quen biết nhau?
- “Được” quen biết nhau?!
- Chính vậy.
- Nếu anh nói “được”, thì em trả lời “rất hân hạnh”. Còn anh nói “bị”, thì em trả lời “không có chi”.
- Một câu đáp lễ sâu sắc.
- Còn anh nghĩ sao khi hỏi em câu đó?
- Sau bóng mây đen cùng cơn gió lộng, sẽ có trận mưa dầm ấm áp mát mẻ, giống như trời Đà Lạt luôn trong lành thoáng mát thi vị ấy em à.
- Chưa hẳn thích.
- Bởi vì chưa quen. À... Ngày mừng Tết Dương Lịch, anh có nhã ý mời em vào trường Võ Bị dự buổi dạ tiệc. Hen!
- Sao anh mời em? Em thiết nghĩ chị Dung thân anh hơn em nhiều.
- Thân không có nghĩa là thương. Thương lại chưa hẳn là yêu say đắm. Nhất là Dung kia không phải là Thụy nầy.
- Em chịu thua.
- Có nghĩa là em từ chối khéo ha?
Tôi cười cười, vui vui nhìn Cảnh giả lả:
- Anh nghĩ sao về việc kia?
- Dễ thương đến thế là cùng.

“Dễ thương” theo nghĩa của Cảnh vừa vang lên nghe hay hay thế nào ấy! Nó ẩn chứa cái gì đó vừa hờn mát, trách yêu, lẫn dịu ngọt, hóm hỉnh ân cần vẫy gọi nhau thân thiết, như nước suối giao hoà rì rào se sẻ chảy qua bờ bụi lau lách. Giống vết điêu khắc thần tiên sống động của nghệ nhân tài ba tạt trên đá. Không có nét “dễ thương” thì bức vẽ sẽ vô cảm, vô hồn. Tuy thế tôi không thể dễ dàng, tự do, nhanh chóng, đường đột nhận lời Cảnh đi vào trường Võ Bị ngay. Vì; đây là lần đầu tiên tôi trực diện Cảnh, (trong căn nhà vắng lặng đến rợn người và… khuya khoắt hoang sơ thế nầy) cùng trao đổi chuyện trò với người thanh niên mới quen biết vài tháng trước, cũng là điều quá đáng lắm rồi.

Chúng tôi ngồi nói chuyện về gia đình cha mẹ, bầy em của anh, Cảnh là anh Hai, trai trưởng mà! Tôi cũng nói về gia đình cha mẹ, anh chị, các cháu của tôi. Chúng tôi vui cười về vài sự kiện nào đó. Tếu tếu dí dỏm vui đùa nói với nhau những câu vớ vẩn, không thân mà chẳng nhạt, đôi khi đắt ý qua vài vấn đề nào đó, lại nhìn nhau đá long nheo kịch kịch khúc khích cười. Thế rồi không ngờ trong “tâm đầu ý hợp” vô tình và vu vơ pha chút thi vị lãng mạn, chúng tôi chụm đầu vào nhau, luyến lưu viết thành bài thơ:

Tình Sương Cỏ

Muôn thuở tình anh sương về bên cỏ.
Thao thức đêm trường chuyện ảo không thôi.
Cọng cỏ rung rinh môi hứng sương rơi.
Thời gian lắng đọng sương giao tình đó.

Bẽn lẽn thẹn thùng cùng sương nói nhỏ.
Trăng tàn sao rụng sương giọt tinh mơ.
Sương rơi lốt đốp lá cỏ đợi chờ.
Cỏ ẩn vào sương bên bờ sông ướt.

Đào Nguyên thơ mộng cỏ non xanh mướt.
Đà Lạt ru đời hòa nhịp hoan ca.
Cọng Cỏ dầm sương kết lá đơm hoa.
Dãi dầu mưa gió giao tình muôn ngả.

Mộng ước đêm dài luyến thương nhánh cỏ.
Nhạc sương gieo tình cọng cỏ tơ vương.
Nhún nhảy dưới trăng hoa cỏ ngậm sương
Sương rơi rụng ướt cỏ vườn đêm vắng.

Bông cỏ ngậm sương nở hoa trăng trắng.
Tình yêu thiên nhiên quyện lẫn cỏ cây.
Nghê Thường luân vũ tấu khúc đêm nầy.
Sương tưới cỏ đời ngạt ngào hương ngát... (*)

Chuông giáo đường rộn ràng ngân vang báo hiệu giờ tan lễ nửa đêm Noel. Biết anh chị Tuế đi lễ sắp về, từ giã tôi, Cảnh đi ra phố, anh đến tạm nghỉ ở nhà của anh chị bạn ngoài đường Phan Đình Phùng.

_ * _

(*) Thơ Tình Hoài Hương


Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
12-22-2012, 04:39 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1356150255.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1356150422.mp3
Nửa Hồn Ta Trên Nẽo Đường Khói Lửa

Tinh Hoai Huong
12-26-2012, 06:06 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1356501131.png
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1356501483.mp3
Hương Trầm Dạ Khúc NOEL
Tình Hoài Hương
***



Noel xưa anh nhớ
Khi hãy còn yêu nhau
Nhà thờ nơi cuối phố
Thấp thoáng sau ngàn dâu
Anh chờ em đi lễ
Chung dâng lời nguyện cầu...
Mimosa mimosa bừng nở
Đẹp như tình ban đầu

Đêm Noel Đà Lạt khai sinh Mười với tuổi xuân hồng phới phới rót mật vàng từ thinh không xuống lòng phố nở hoa mùa đông. Gió cuối đông lồng lộng thổi về làn hơi buốt giá tê người. Bầu trời ướt đẫm sương đêm, một Noel tuyệt vời ngọt ngào ngây ngất, đầy hương vị tình yêu miền núi. Từng hồi chuông dài ngân nga giữa đỉnh đồi bay qua các sườn dốc, các khe thung: tiếng chuông mừng vui réo gọi hoan hỉ reo vang cùng thế nhân. Một đêm hội lịch sử đón chào Chúa Giáng Sinh 24 tháng 12: là đêm lạnh lẽo buốt giá hạnh phúc vui vẻ tưng bừng rất mùa xuân. Mười chợt bừng tỉnh giấc ngủ nồng say. Sau mùa Thu héo úa, rồi mùa đông buốt giá gần tàn. Thỉnh thoảng gió thổi qua mát rượi khiến lòng cô em xôn xao, đủ làm cho da người con gái xứ lạnh càng thêm thắm hồng, dấy động từng thoáng nhớ đắm say, vấn vương, ngọt ngào mãi không rời, qua tiếng tơ lòng dìu dịu rung ngân trên mỗi phím loan.

Hàng cây tối mờ trong lớp sương mù dày bao bọc vòm trời ẩn hiện ánh đèn vàng vọt mờ nhạt ở đầu phố, tạo thành nhiều đóm sáng bất động. Các mái nhà dưới thấp trên cao chênh vênh bên sườn đồi thoai thoải. Những con đường mòn chạy dài xuống thung lũng âm u, văng vẳng đâu đây tiếng lao xao cười nói ồn ào. Nhiều tốp nam nữ thoáng chốc đến nhanh tấp nập ra phố đêm đi dự lễ. Trên các nẻo đường lớn trong thành phố, người đi kẻ lại đông vô số kể. Họ khoác bộ cánh rực rỡ, áo lạnh khăn quàng, găng tay, mũ len đủ mọi màu sắc. Phố phường tưng bừng rộn rã hoan ca khác hẳn ngày đầu đông ở xứ lạnh. Người người vui vẻ cười đùa chuyện trò ríu rít, họ đi lại ngược xuôi chen lấn nhau trên đại lộ. Không chiếc xe nào có thể qua lọt giữa rừng người đang bách bộ đông như kiến. Người ta vui vẻ nói cười, không cần biết những ông cảnh sát đang vất vả làm việc lưu thông không ngưng nghỉ.

Ở trong nhà: Bảo, Quốc Toàn, Thịnh, Trình loay hoay trang hoàng cây thông cao quá, đọt đụng trần nhà bị cong hẳn lại, Bảo phải cưa bớt một đoạn dài. Sau đó các cháu móc đầy dây kim tuyến, ngôi sao, quả cầu đủ màu sắc, thiệp Noel, thiên thần, ông già Noel, và giăng nhiều đèn màu chớp tắt. Dưới gốc thông có những gói quà nho nhỏ, xinh xinh, gói bánh, kẹo, đồ chơi linh tinh... Nhạc giáng sinh trỗi lên tưng bừng nhộn nhịp, hoan hỉ vui vẻ trong căn nhà ấm áp. Tiếng cười con cháu vang khắp nơi, ngôi nhà bây giờ vui như mở hội. Sau nhà ngang: chị Khánh, bà bếp chiên xào nấu nướng các món ăn thơm phức. Họ chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, lát nữa đi lễ về là gia đình ăn réveillon. Ăn cơm tối xong, Mười quét dọn, lau chùi nhà cửa sạch sẽ tươm tất. Mười ủi áo quần cho gia đình, Mai vừa lau bụi trên các kệ sách, nó nói:
- Hồi chiều, có anh Phú, Lễ, Tài, Vinh, đến nhà mời chị em mình, chín giờ rưỡi lên Couvent xem lễ, chứ ở nhà thờ con gà đông lắm! Rồi kéo nhau về nhà họ ăn réveillon, mở party... Em chưa kịp nói gì, thì anh Nam đến.
Ngạc nhiên, Mười ngừng ủi áo, ngẩng nhìn em, hỏi:
- Anh Nam gặp Phú? Họ nói chuyện vui vẻ há?
- Coi chừng cháy áo. Chị "táp pi" em tới tấp à? Họ chào hỏi nhau, vui vẻ cả làng.

Hồi chiều Mười bất ngờ thấy Nam ngoài phố, lòng Mười đã rộn ràng, xao xuyến, mừng rỡ. Về nhà Mười dấu kín niềm vui, giả vờ như chưa biết gì. Phần các cháu muốn Mười có chút bất ngờ thú vị, nên chúng cũng không nói Nam từ Sài Gòn đã lên Đà Lạt. Tâm trạng Mười lúc này thật kỳ, vừa mừng vừa lo, bồi hồi, quắt quay với nỗi mong chờ. Bây giờ nghe cô em vừa nói, lòng nàng nao nao, băn khoăn bồi hồi. Lãng mạn không? Nhắc đến Nam, Mười quên hết mọi sự, tươi vui nét mặt ngay, mọi thứ bỏ sang một bên. Khi tình yêu đến có khác gì cây khô gặp mưa thuận gió hòa trở nên xanh tốt. Muốn sớm gặp người yêu, nàng nôn nao, vui mừng, thấp thỏm, không yên ổn ấy mà.
- Chị cũng đi lễ với các anh kia chứ?
- Đi sao được!
- Đến nhà Phú xí, rồi chị về đi lễ với anh Nam. Không có chị, chẳng vui.
- Đủ rồi. Em không chuẩn bị gặp người yêu sao?

Mai cười hì hì, nàng mặc sẵn áo dài mới màu xanh nhạt, điểm cánh hoa vàng nhỏ rải rác trên tà, quàng chiếc manto đen. Từ khi có "bồ", thì vấn đề ăn mặc trở nên cần thiết với Mai, quần áo tuy lèng xèng giản dị, nhưng tươm tất. Nàng nghĩ: Dù sao nên "giữ kẽ" một tí, diện một tí, xuềnh xoàng quá coi cũng mất mặt bầu cua. "Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần" mà!

Mười đi lên, đi xuống con dốc mờ tối năm bảy lần, chờ đón, ngóng trông Nam kinh khủng. Ruột nóng như lửa đốt. Dưới ánh đèn vàng vọt đầu phố, hàng cây tối mờ, bụi qùy cánh lá xòe to nham nhám, thấp thoáng nhiều bông hoa màu nghệ, nhụy nâu nở hết cánh trông vui mắt, chúng nép mình dưới chân vách đá. Các mái nhà dưới thấp, trên cao, chênh vênh bên sườn đồi thoai thoải, chạy dài xuống thung lũng âm u, có ánh đèn mờ nhạt chiếu ra, tạo thành nhiều đóm sáng bất động, lớp sương mù dày bao bọc cả vòm trời. Cuối sân sau trường kỹ thuật Lasan, bờ khe nhỏ ăn xuống phiá dưới, khe mương nước chảy một bên đường.

Thỉnh thoảng có vài hòn đất, đá lăn trên khe cao rơi xuống. Một tiếng "bủm" khô khan to và lạnh lùng. Mười dừng lại, nhìn về phía đó đăm đăm, văng vẳng đâu đây tiếng lao xao cười nói ồn ào, thoáng chốc đến nhanh. Tốp nam nữ tấp nập ra phố đêm đi dự lễ, hình như có tiếng ai nói gì trong bóng tối, nơi ánh đèn đường không dọi tới. Ai nói gì vậy!? Coi vậy nàng nhác gan ghê! Có cái gì khiến Mười nhìn ra đầu đại lộ Yersin? Năm ba cây anh đào hoa nở rộ cài cánh hoa mong manh, ẻo lả, trên cành trơ trụi lá. Đồi thông rì rào trò chuyện dưới thung lũng, khu đất nhà ông Nguyễn Đệ rộng mênh mông, thì có gì để nàng phải đăm đăm nhìn về hướng đó, lòng thấp thỏm bồn chồn âu lo quá đỗi?

Chiếc taxi ngừng lại ở đầu dốc; Nam bước xuống, chàng mặc bộ veston mùa đông màu đen, cà vạt mầu nâu non ôm kín cổ áo sơ mi vàng nhạt, áo pardessuis màu kem vắt trên vai như khách lữ hành ngày xưa mà Mười mới gặp. Nam mang đôi giày da thời trang cùng màu với bộ veste. Mười cười rạng rỡ, rảo bước về phía Nam. Dưới cột đèn đường khi Nam nhìn thấy Mười, anh âu yếm trao nàng nụ cười tươi thắm, Nam nhận tình em yêu bằng cách chàng tìm bàn tay Mười trong bóng tối, ánh mắt tha thiết nồng nàn hơn. Nam nắm tay Mười đi xuống dốc. Nàng líu lo:
- Sao anh không viết thư, báo tin trước. Em sẽ đi đón?
Nam im lặng đưa Mười quyển album, hộp bánh, quyển "Trau Dồi Ý Chí" của Claude Maillard, một hộp nho nhỏ bao giấy kính vàng, cột nơ hồng (quà gia đình các anh chị, các cháu, thì Nam đã đem đến hồi chiều).
- Anh lên đây hồi nào vậy. Nam?
Chàng siết chặt tay nàng, khẽ thở dài, Nam không nói: Mặc cho Mười ríu rít hỏi chuyện, anh chỉ cười cười siết chặt tay Mười im lặng. Dừng lại dưới ánh đèn, nàng giựt tay ra khỏi tay Nam, ngẩng lên, hỏi:
- Giận em à, hở anh?
- Mười đi đâu, từ sáng sớm đến tối mịt vậy em?
- À, em đi xuống Cầu Đất với mấy nhỏ bạn, làm chuyện tào lao, ngu ngốc. Anh lên đây, em rất mừng, anh à.
- Biết có "họ", thì anh hổng thèm lặn lội từ Sài Gòn lên Đà Lạt để dự lễ Noel đầu tiên của chúng mình đâu. Mười có vài chàng trồng cây si, cây mơ. Thì… nhớ gì đến anh, mà mừng vui hé. Các bạn ấy đã chờ em suốt buổi chiều đó.
- Tự họ qúy mến cả nhà. Chẳng riêng ai. Không vì ai, anh ơi!
- Chưa chắc à. Hai người tiếp tục đi xuống con dốc nhà:
- Anh thấy Nghi “là bà con xa xa" của em đã đến đây.
- . . .
- Ủa! không bà con sao? Vậy không lẽ… họ là “bạn yêu” của chị Hạc?
- Mỉa mai gì ác thế? Em yêu anh nhiều mà.

Cảm động trước câu nói bất ngờ, Nam nhận tình em yêu bằng cách chàng tìm bàn tay Mười trong bóng tối, ánh mắt tha thiết nồng nàn hơn. Nam không nỡ trêu chọc nàng, sợ Mười hờn dỗi, thì mất vui. Họ sợ chị Tư "nom thấy" nên vội buông tay nhau khi đứng trên thềm nhà.

Nam, Mười, cùng các cháu đi lễ đêm Noel. Họ đi trong lòng phố giá băng buốt lạnh, mang trong lòng niềm hân hoan yêu đời, vui vẻ hạnh phúc, bình an, tuyệt vời nhất. Thỉnh thoảng gió đông thổi qua mát rượi, đủ làm cho da người con gái xứ lạnh càng thêm thắm hồng. Noel khai sinh tuổi xuân hồng phới phới đang rót mật vàng từ thinh không xuống: lòng phố nở hoa mùa đông trên đỉnh đồi mù mịt sương muối và trong cánh đồng thương yêu của Nam và Mười. Một Noel tuyệt vời ngọt ngào ngây ngất, đầy hương vị tình yêu miền núi. Từng hồi chuông dài ngân nga giữa đỉnh đồi, qua các sườn dốc, các khe thung tiếng chuông mừng vui réo gọi, hoan hỉ reo vang cùng thế nhân đón chào ngày Chúa giáng trần.

Hai vì sao sáng nhất thân ái quỳ gối bên nhau trò chuyện trên bến Ngân Hà. Vành trăng khuyết lơ lửng như chiếc thuyền con trôi đi trôi về giữa các tầng mây. Noel là một lễ giáng sinh tuyệt diệu, hạnh phúc nhất của đời cô gái mười sáu tuổi chớm lớn. Và, có lẽ là một Noel tươi đẹp thú vị nhất của một chàng trai mười chín tuổi. Lòng Nam và Mười xôn xao dấy động, họ vui không thể tả. Tay trong tay tình nồng trong mắt biếc trao đưa, đôi mái đầu xanh chụm lại, cùng dạo bước bên nhau quanh khu trường học.

Các cháu vào hội trường xem học sinh trường trình diễn văn nghệ. Triển lãm tranh ảnh. Bích báo. Tuần san. Máng cỏ. Riêng “hai anh chi”̣ ngồi ngoài băng ghế đá, cạnh vườn hoa trước nhà thờ Dòng, chàng lấy trong túi áo veste ra hộp sơn mài nhỏ, có sợi dây chuyền vàng l8k, mặt chữ NM. Anh đeo sợi dây chuyền vào cổ Mười, âu yếm nói:
- Kỷ niệm dù bé nhỏ, vẫn có giá trị về hạnh phúc một đời. Ta cảm ơn Chúa cho chúng mình gặp nhau, yêu nhau. Em nha.
- Dạ phải.
Vuốt lọn tóc buông dài trên bờ vai Mười:
- Mái tóc em dài, anh rất thích, đừng cắt ngắn nghen.
- Anh khen quá, em bể lỗ mũi, chết à.
- Ơ kìa! Ai khen em mà bể mũi. Mắc cỡ chưa!
- À há. Chi mà dị dạng rứa hè. Anh là khách lữ hành, dù đất lành chim vẫn chưa đậu. Rồi chốn phồn hoa đô hội cũ sẽ gọi anh quay về thôi. Có gì mà không bể mũi em chứ.
- Phượng hoàng đã gãy cánh trên đôi vai nầy rồi.

Vỗ vỗ trên vai Mười, Nam nói lời dịu ngọt, Nam nâng niu lọn tóc dài xõa bên má và đưa lên môi hôn. Mười cắn nhẹ làn môi, đầu nghiêng hẳn lên vai chàng. Hơi thở Nam ấm nồng, phả nhẹ vào mái tóc Mười như làn hơi sương nhút nhát mà ấm áp. Ngón tay thư sinh trắng trẻo mềm mại truyền qua làn tóc mỏng xõa trên vai Mười cảm giác đằm thắm, lâng lâng ngọt ngào dễ chịu. Nam biết, nếu anh cúi xuống đặt lên môi Mười nụ hôn đầu tiên, có thể nàng không phản đối; Nam đắm mình trong hạnh phúc bất tận, ngây ngất niềm vui dạt dào. Nam nâng niu, trân trọng mối tình nên thơ, hồn nhiên nở hết cánh trong đôi trái tim chân thật. Sao lạ quá! Cũng như lần Nam gặp gỡ Mười trước kia, ý nghĩ về việc Nam muốn ôm ghì Mười vào lòng mà hôn, cho thoả những nỗi niềm nhớ nhung bấy lâu Nam vẫn nung nấu trong lòng. Nhưng rồi… Nam nhìn Mười hồn nhiên và giản dị ngây thơ, thì Nam cố gắng “đè nén” xúc cảm và rạo rực… chìm xuống xí. Cứ vẩn vơ nghĩ đến là Nam cảm thấy người mình nóng rang trong trạng thái lâng lâng dật dờ rất khó chịu…

Tiếng chuông báo hiệu nửa đêm ngân dài giữa vùng núi đồi trùng điệp chập chùng. Biển sương mù trắng xóa, thì hai người dìu nhau vào giáo đường xem lễ. Nam dâng cuộc đời, tình yêu nầy và tương lai cho Chúa Hài Đồng gìn giữ. Sau lễ Nam về nhà chị Khánh ăn mừng, không khí gia đình ấm cúng, thân mật. Ba giờ khuya, chàng từ giã Mười để về nhà Tuấn ở cuối đường Hoàng Diệu. Chàng sẽ không bao giờ quên kỷ niệm vàng son một thuở yêu nhau, không thể nào quên… dù mai đây thời gian trôi chảy mãi, đời mỗi người trong hai chúng ta sẽ xa cách, phai mờ đi. Cuối cùng tình yêu nầy vẫn sống mãi trong tiềm thức, trong tư tưởng mỗi người.

Một mình Nam đi trên lòng phố vắng hồi lâu, chàng còn nghe rõ tiếng gót giày cô đơn thong thả gõ lóc cóc lộp cộp đều đặn trên mặt nhựa đẫm sương mù, giống như Nam đang đi trên dòng thác vừa tráng thêm lớp men tình. Sương rơi lốp đốp trên cành, hạt sương mọng tròn long lanh như ngấn lệ đọng, sương đậu lại đầu ngọn lá rung rinh dưới ánh trăng nhạt nhòa. Sương phủ trên thân Nam tê buốt thịt da. Nam dừng lại giữa lòng thế kỷ, lần tay tìm trong túi quần gói thuốc, hai lòng bàn tay Nam lạnh lẽo khum khum che đốm lửa, điếu thuốc gài lên môi. Nam ngửa mặt lên trời thả ngụm khói tản mạn trong không trung quyện lẫn hơi sương ngút ngàn bay bay.

Nam cảm thấy đơn điệu cô độc lạ thường đang choàng vô cái khuya buốt lạnh, giá băng, im ngắt đến ghê rợn. Đường về khuya tại thành phố Đà Lạt trữ tình càng hiu hắt hoang vu, khuya thăm thẳm, sắc bén ăn sâu vào lòng du khách, khuya lạnh lùng vây bọc nhận chìm Nam trong đam mê ngút ngàn phong thổ. Ngàn đời xứ Cao Nguyên Lâm Viên vẫn không thể mất đi vẻ thơ mộng, hữu tình, tràn lan quyến rũ, trọn vẹn những tấu ca hương trầm dạ khúc đêm trường qua cung đàn đắm say trần thế: Thôi thì anh xin hưá: Anh là Sương, em là Cỏ: chúng ta sẽ vĩnh hằng nha em:
Mây lang thang tình chẳng nhạt phai
Cỏ tàn rồi sương rớt với ai?
Mọi chuyện từ nay sương xin hứa
Đến cùng nhau, thôi nói chuyện dông dài.

Tuy vui tính nhưng ta chưa hề
Đến với ai kết mối duyên thề
Đem ân tình gửi theo sương gió
Nếu không tin: Cọng cỏ đã nghe.

Lời hẹn hò từ thuở bến mê
Có lần quên mất lối sương về
Nay trao nghĩa cỏ ân tình trọn
Đào nở Đà Lạt cảnh suối khe.

Anh và em vui tình nước non
Câu thơ tiếng nhạc mảnh trăng tròn
Tha phương vẫn giữ lòng chung thủy
Ấp ủ suốt đời một tấm son.

Đôi kẻ dìu nhau dưới bóng trăng
Rì rào sóng vỗ cuối trường giang
Yêu anh em kính, luôn trân trọng
Sương muộn trong tim cỏ vĩnh hằng. (*)

(*) Thơ Tình Hoài Hương
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
12-27-2012, 09:29 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1356599575.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1356599760.mp3

Nhánh Tình Lưu Vong Trên Chính Quê Ta:
Trại Tù “Cải Tạo” Z 30 Xuân Lộc [/B]
Tình Hoài Hương
***

Tinh Hoai Huong
01-01-2013, 06:00 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1357019008.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1357019585.mp3
Ngất Ngây "Tình Tu Huýt"
Tình Hoài Hương
***



Nhiều cuộn mây trắng lững lờ gợn trên lưng trời sáng bạc thêm óng ánh, mây là đà in bóng trên mặt hồ Than Thở, thoáng chốc mây trôi về chân núi Lâm Viên. Khi nắng ươm hồng những cành hoa anh đào lả lơi chúm chím nụ hồng xinh xinh, cánh lá nhung lam mông mốc mươn mướt rung rinh, từng chùm mimosa vàng lác đác phấn e ấp run run theo gió, hoa mimosa tỏa mùi hương thoảng nhè nhẹ là lạ vì mùi hoa hơi hăng hắc. Từng đàn chim én thoăn thoắt chao liệng trên không trung, chúng bay bướm vẽ những đường cong khá lả lướt, ngoạn mục. Bao tiếng chim ríu rít rủ gọi nhau về mở hội ngày đầu năm mới ở hiên ngoài.

Cảnh đến thăm tôi vào một ngày Chủ Nhật. Cảnh: Dáng người to to, cao cao, mái tóc quăn quăn gợn sóng cắt ngắn ép sát vào gáy, dưới vầng trán rộng và cao là cặp lông mày rậm nhưng không dữ dằn, đôi mắt hai mí to và đẹp, hàng mi cong cong, miệng rộng, nụ cười tươi với hàm răng trắng bóng khá đều, mũi lân to bè khoan khoái, làn da Cảnh ngăm ngăm nhuốm ít phong trần. Nói chung chung gương mặt và thân thể Cảnh tạo thêm phần hiên ngang, đĩnh đạc, an hoà & toát lên một vẻ gì độ lượng, mực thước, chững chạc, hiền hậu, ân cần mời gọi, mà tính anh lại thẳng thắng, trang nghiêm, làm cộm lên trong lòng tôi niềm thương thương, oai dũng, dạt dào trìu mến, hay hay sao sao ấy. Cảnh là chàng trai sinh trưởng ở miền sông Hậu. Ba của anh ấy ở miệt Cầu Kè (Trà Vinh) quê mẹ anh ấy ở Sóc Trăng (Long Phú). Nên Cảnh hấp thụ lối sống hồn nhiên, chân thật, vui tính, bộc trực, ăn nói thẳng thắn, thành thật. Cảnh không khách sáo, không ngại ngùng tự nhiên gõ cửa phòng riêng, khi ngày Chủ Nhật tôi cần nghỉ ngơi, đang chập chờn trong giấc ngủ trưa.

Cảnh cởi tấm áo quân-phục sinh-viên sĩ quan Võ Bị đã mặc ra, chàng máng chiếc áo có cầu vai đỏ lủng lẳng dây biểu chương lên lưng ghế dựa. Cảnh cởi bỏ cà vạt đen lủng lẳng trước ngực áo sơ mi trắng ngần, áo quần thẳng nếp ly hồ ủi cẩn thận. Chàng chỉ mặc áo thun trắng và mặc quần tây, chân mang đôi giày đen bóng loáng. Có một lần đến thăm tôi, Cảnh đã cởi đôi giày ra, chàng nhìn lui nhìn tới ở trong phòng (phòng phụ nữ độc thân thì làm gì có đôi dép loại đàn ông nào, mà tìm). Cảnh muốn đi chân không cho thoải mái, mát mẻ nhẹ nhàng xí. Tôi hiểu ý và tinh nghịch cầm đôi dép cao gót của mình giơ ra trước chân chàng. Cảnh tủm tỉm cười, ung dung xỏ ba ngón chân vào chiếc dép, còn ngón kế và ngón út thì chìa ra ngoài, cọ quệt xuống nền gạch. Rồi Cảnh hóm hỉnh đứng lên đi ưỡn ẹo, nhoi nhoi cái đít như… như đít vịt, ì ạch uốn éo vặn vẹo thân hình, Cảnh đủng đỉnh đi lui đi tới, hai tay đánh đằng xa giống mấy cô người mẫu điệu hạnh. Cho tới lúc đôi dép không chịu nổi sức mạnh “trăm cân”, đã xẹo qua một bên, khiến Cảnh đo ván nằm chổng cù đơ ngã lăn cù cù trên sàn gỗ.

Chúng tôi cùng cười rộ. Bốn mắt đã âu yếm lắng đọng say sưa niềm khát vọng yêu thương trong bể tình. Tôi cảm thấy xôn xao niềm hứng khởi vui thích, tự tay mở rộng cánh cửa đón nhận một hình ảnh tin yêu, nung nấu cồn cào “chất đam mê” đang âm ỉ cháy rực trong lòng. Gợn tình hây hây phơi phới mang nhiều luyến thương dĩ vãng mờ phai đã xốc đứng tôi dậy. Hiện tại khẽ khàng ỏn ẻn và líu ríu nhí nhảnh đọng lại ở giếng mắt tôi; kể từ khi chúng tôi tíu ta tíu tít rón rén nhón gót… nhè nhẹ lâng lâng ríu rít thầm hẹn nhô rủ rê nhau đi vào đời.
Cảnh nheo nheo mắt, cười cười:
- Hồi tối đi ăn trộm ở đâu, mà bi giờ ngủ say quá vậy. Em?
Vào phòng rửa mặt, tôi khúc khích cười, nói vọng ra:
- Ấy! Em “dừa dô” trong “Dõ” Bị, “ginh” anh “dìa” nè. Anh hổng thấy sao!
- Khỏi cần rinh anh. Anh cũng phải đến. Vì Ngân Thụy đó.
- Anh nhớ ai... mà ưa gọi em là “Ngân” Thụy há!?
- Ừa. Vì đôi mắt em long lanh như ngấn thụy… tinh.
- Ơ! ...Em?
- Chúc mừng em ngày đẹp năm mới và… happy birthday em mười tám tuổi, nửa tháng và ba ngày lẻ.
- Trời! Anh còn tính kỹ hơn cả em nữa.
- Có những điều… chính mình chưa nghĩ đến. Thì có thể người khác đã nghĩ thay cho em rồi.

Cảnh đến bên cạnh nâng tay tôi lên, chàng đặt gói quà to tướng vào lòng bàn tay tôi mát lạnh. Tôi ngỏ lời cảm ơn anh, khệ nệ bưng tới chiếc bàn rộng, từ tốn mở ra. Có hộp kẹo dâu nhỏ thơm ngon. Quyển “Đắc Nhân Tâm” của Dale Canergie. “Cách Mạng Con Người” của Krishnamurti. “Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ” của Alexandre Dumas. Mấy quyển sách nầy là do Cảnh đã mua vào trường, để đọc sau giờ giải trí, nay chàng mang ra cho tôi. Nhưng còn bức tranh lụa của Tạ Tỵ, như gợi lên lòng tôi bao nhớ nhung. Mỉm cười chỉ bức tranh, tôi hỏi:
- Anh thích bức tranh nầy sao?
- Hôm trước đi xem triển lãm, anh thấy em đứng ngẩn người, biến thân vào cả cái nhìn. Anh cho rằng: em thích bức tranh hoàng hôn bên suối, mà hoạ sĩ đã ghi lại rất thần bút. Phải không nào!?

Quả thật bức tranh sinh động, tuyệt vời, phong cảnh hoàng hôn chiếu trên bãi cát ươm vàng bên suối, thật mơ màng, trông rất đẹp. Trải tranh lên bàn rộng, thuận tay Cảnh ghi hai câu thơ của V.S. Yeats:
“Dưới chân nhau, ước mơ ta dàn trải
Hãy êm đềm nhẹ bước, kẽo mơ phai”.

Tôi thầm nghĩ: “Có lẽ anh chàng nầy thật xứng-hợp với mình”. Cảnh tự động xuống lầu lấy đinh búa ở dưới garage lên, chàng lúi húi đóng đinh, rồi treo bức tranh trên tường gạch:
- Treo thêm bức tranh, trong phòng coi sinh động lên đôi chút. Chớ không thì… căn phòng của em quả là buồn. Ha em.
- Anh chu đáo lắm. Cảm ơn anh.

Cười khà khà, Cảnh ngồi lên mép chiếc bàn vừa trải tấm tranh lúc nãy, chân phải gác lên ghế dựa, một tay chống ngang hông, tay kia có hai ngón kẹp điếu thuốc lá. Chỉ khung ảnh bỏ trống và lọ hoa hồng héo tàn từ lâu quá lâu, Cảnh nheo nheo mắt… kịch kịch. Chàng nhướng cao cặp lông mày nhúc nhích lên xuống, tỏ ý trêu ghẹo, anh ngạc nhiên nhìn tôi dò hỏi:
- Hư vô trong khung ảnh nầy ha!?
- Vô duyên như Thụy, thì làm gì có ảnh đối diện chứ.
- “Ảnh” có hai nghĩa chính: “ảnh” có nghĩa là tấm hình, tấm ảnh. Có nghĩa nữa là “anh ấy”. “Nhà tôi” hay “ông xã” đó Thụy à. Còn khung ảnh ở trên bàn nầy chưa có hình ai: có nghĩa là em chưa chọn một “ảnh” tâm đầu ý hợp, để lộng kiến ngắm nhìn. Phải không em?
- Dạ... Anh muốn hiểu sao thì hiểu.

Sau cơn bão lòng hấp hối gần kề vực sâu, tôi thường có trạng thái vật vờ dật dờ trôi từ hiện tại về quá khứ, rồi lơ lửng bay vào hư vô. Tôi đã im lặng đóng khung đời mình mấy chục tháng câm nín hờn giận rồi!? Vết rạn lớn nhất về mối tình đầu tiên ấy, làm hỏng niềm tin yêu, đó là: đam mê duy nhất một mối tình rất trong sáng. Tôi tôn “người ấy” lên hàng thần tượng, lý tưởng cao vời. Nhưng khi biết ra… thì tôi và "hoàng tử ấy" quá khác biệt, “cố nhân” đa tình bay bướm... lẽo lự lừa dối. Rất trái ngược tôi; thực chất tình cảm ấy giống cục đá, giống như con heo đất, nếu có mỹ cảm chăng, thì chỉ đáng đồng bạc nằm ngửa trên đất. Thật quá thất vọng!
- Thụy có nghĩ rằng: Nếu em có vài tấm ảnh của “chàng trai tập sự làm Lính” ở trường Võ Bị trong tập album của em, ấy là thời trang của mỗi thiếu nữ, sẽ tăng phần thi vị hoá cho cuộc sống hiện tại không? Em?!
- Anh có ý tưởng ngộ nghĩnh ghê à nha.
- Mong rằng em hãy “lộng kiến” hình anh nhe, chớ đừng “liệng cống” thì … đau khổ đời trai.
- Hay nhỉ!
- Nếu anh có nhã ý tặng em…
- Em nghiêng đầu nói: Rất hân hạnh.
- Không khách sáo chớ.
- Cũng tùy.
- “Ong độc là ở cây kim.
Độc nhất vẫn là con tim đàn bà…”
- Hứ! Nè anh, em là cô gái, chứ chưa phải... núi Bà Nà!
- “Em là cô gái anh yêu.
Nhớ em khôn tả sớm chiều bâng khuâng”.
- Anh xuất khẩu thành thơ đó à.

Cảnh tủm tỉm cười, dí dỏm và hồn nhiên tự tiện lồng tấm ảnh của chàng vào trong khung hình trống để trên bàn. Rồi Cảnh xuống lầu ra vườn hoa tự tay cắt mấy đoá hồng nhung. Cảnh đem vô cắm vào cái lọ, (vừa rửa sạch và thay nước mới). Cảnh đến gần bên tôi, tự nhiên đến nỗi… tôi cảm thấy như việc Cảnh quen biết tôi… cứ coi như thân thiết từ lâu lắm ở kiếp nào rồi. Cảnh nhìn tôi mỉm cười, nhẹ đá hàng lông mi dài cong cong, chàng tình tứ cười cười quàng tay qua vai tôi. Tay kia chàng chỉ bức ảnh và lọ hoa:
- Em thấy sao?
- Thanh lịch lắm. Anh biết cách cắm hoa.
- Không. Em hãy quan sát anh ấy chớ. Em thấy anh ra sao kìa?
- À. “Lính Võ Bị” oai hùng và khá dễ coi.
- Dễ thương không?
- Không biết nữa.
- Không biết là phải.
- Sao cơ?
- Vì… khi anh đã yêu, thì “Lính Võ Bị chưa sĩ quan” rất dễ thương.
- À ra vậy.
- Anh xin em cho “Lính ấy” ở mãi trong ngôi nhà nầy. Em chịu không?
- Anh không sợ chứ.
- Không có gì cản được, khi tình yêu chân thật đến.
- Anh tin như vậy à?
- Hẳn nhiên rồi.

Mém chút nữa thì tôi ...thì tôi ôm chầm cánh tay chàng. Và cũng xém chút nữa tôi ngâm những câu ca dao:
Thân tui thui thủi một mình.
Đêm đêm lạnh lẽo buồn tình lang thang.
Nếu ai nghĩ chuyện đá vàng.
Tôi xin được dạo cung đàn tình chung.
* * *

Câu chuyện “tình Lính Võ Bị” chợt đến, làm ngây ngất lòng nhau từ hai phía chúng tôi đã dừng lại ở đấy. Không thân thiết hơn qua vòng tay Cảnh buông hờ trên bờ vai áo len màu tím hoa sim. Cũng là lần đầu tiên Cảnh mời tôi đi ăn tối ngoài tiệm; trước khi tôi tiễn chàng lên xe taxi, để Cảnh trở vào quân trường. Nơi mà ngày thường Cảnh sẽ mặc quần áo kaki vàng, đội mũ nhựa, hoặc nhiều lần chàng kể cho tôi nghe:
- Anh ẵm vợ con giơ lên đầu, chạy quanh cột cờ, có khi anh bị hít đất lia chia, thiệt mệt bá thở.
- Ố! Anh nói sao? Dám ẵm vợ anh à!?
- Ah ha! Có nghĩa: súng là vợ, đạn là những thằng nhóc con. Úi! Nặng kinh khủng em à. Các anh phải cặp súng đạn ở sát bên mình như… đầu gối tay ấp vợ vậy mờ!
- Em ghét nhất là cái tướng cứng cỏi khi anh… ăn cơm.
- Em không rõ, chớ đó là một “đặc thù” rất lịch sự tuyệt vời của con nhà tướng, giống gà nòi đó em à! Trước khi vào “phạn xá” tân sinh viên áo quần thẳng tưng, không sổng sểnh, ngực ưỡn ra, “ta” đứng trước cửa đọc thuộc lòng quân số của mình, đọc thật to, không vấp váp, không ấp úng. Sau đó mới ngồi vô bàn ăn. Anh kéo ghế ra, thanh lịch nhẹ nhàng thôi, không gây tiếng động sồn sột à nha. Ngồi ăn lưng thẳng đứng.
- Coi giống người máy thấy mồ!
- … Tay bưng chén cơm giơ lên ngang miệng, và-cơm ăn nhanh, lịch sự không húp rột rột, không hả miệng nhai ngồm ngoàm, hay cười nói ba láp. láp dáp khi còn thức ăn ở trong miệng nghe em.
- Hứ. Ai… mà chẳng như vậy!
- Đôi khi cũng có người quên, vì đói, vội vã ăn, nên ưa rớt đài, bị phạt hoài đó chớ!
- Ui xà…

Từ nay như đã ước hẹn, thỉnh thoảng bất đắc dĩ thì Cảnh mới vào nhà anh chị Tuế. Lúc nào bất ngờ Cảnh có phép xuất trại, không thể hẹn trước với tôi, vì nhà không có đường phone (khuôn viên khu đất ngôi biệt thự nầy nằm ngay ở đầu góc hai đại lộ: Yersin và Pasteur; từ trong nhà ra ngoài sân quá rộng, khá xa. Người ở trong nhà không thể nào nghe tiếng gọi, nếu họ không bấm chuông ở ngoài cổng lớn). Ngoài ra, khi Cảnh thấy cửa sổ (phòng riêng của tôi trên lầu) mở; ấy là lúc tôi có ở nhà. Cảnh sẽ dùng cái còi tu huýt hướng đạo thổi lên hai tiếng ngắn và một tiếng dài lê thê, để báo hiệu. Nghe “tiếng tu huýt gợi tình xuân”, tôi sẽ hiện ra bên khung cửa vui vẻ vẫy chào chàng. Đó cũng là một câu chuyện của "mối tình có đặc thù riêng". Ha ha ha...

Nhìn thấy nhau rồi, Cảnh sẽ tà tà đi xuống đường Phạm Phú Thứ, chàng đi lui đi tới chờ đợi tôi nơi đó. Cái trò chơi cút bắt nầy khiến tôi thích thích, vui vui hẳn lên. Tôi đi dạo phố bên Cảnh kèm theo nhiều vui thích và cảm thấy thật hãnh diện, đôi má ửng hồng, tôi e lệ nép hờ bên cánh tay chàng. Tôi liếc nhìn thấy người người đang lượn phố, hầu như ai ai cũng quay đầu nhìn lại một kiều nữ thẹn thùng, ăn mặc model, đã sánh bước cùng một sinh viên sĩ quan Võ Bị tốt tướng. Họ không ngại trầm trồ xuýt xoa khen chúng tôi đẹp đôi.

Thật ra tôi đã lớn khôn, sắp ra trường và đang đi làm việc, tôi có chút tự do, độc lập cho chính thân hoặc quyết định tình yêu đời mình. Ấy vậy mà… khi sống chung dưới mái nhà anh chị Tuế, tôi không muốn Cảnh đến nhà nầy nhiều, dù anh chị Tuế có ưa hoặc không ưa ai, thì có mắc mớ gì! Họ không hề tìm hiểu về tâm tư, tình cảm hay lối sống của người nào tôi quen biết ra sao. Nhưng chúng tôi e ngại anh chị Tuế la. Vã lại, cá tính anh rể buồn vui bất chợt. Có khi anh rể vui vẻ nồng nhiệt chào hỏi bạn của tôi. Và, khi nào “trái gió trở trời” ủ dột, giông tố kéo tới, thì anh Tuế bốc đồng trở chứng nổi cơn tam bành lục tặc lên. Nếu ai đến nhà có là quan, là tướng tá đi chăng nữa, anh rể cũng la, cũng mắng và xua đuổi, anh rể bất lịch sự chưởi như tát nước vô mặt khách. Tôi quê xệ và người bạn ê mặt quá chừng. Thật xấu hổ!

Còn ý của tôi ngày nay đã nghiêng về Cảnh hơn vài ba bạn trai khác (bạn đúng nguyên nghĩa). Một cảm tình riêng tôi dành cho Cảnh khá đặc biệt, sâu thẳm từ từ vươn lên trong tâm hồn. Quả thật tình nhẹ như mây, đằm thắm như tơ trời vương trên đỉnh Lâm Viên… Cũng nhờ tiếng còi tu huýt thay tiếng chim cất giọng ngân vang réo gọi mời chào! Và, Cảnh là người con trai “dễ thương nhất” mà tôi muốn chọn, để bầu bạn. Tâm sự. Chia sẻ; hầu xoa dịu nỗi niềm. Đi bên nhau giữa khung trời thơ mộng, thoáng mát, từng giọt sương mọng rung rinh trên ngọn lá anh đào, rồi tí tách rơi xuống đám cỏ bồng bên vệ đường; Cảnh đã nói cho tôi nghe mấy câu sau:
I have been waiting for you to return.
To this home of yours and hear the enchanting heart.
From spring through summer to chilling autumm.
I have been consistent in keeping my thoughts for you only…
_ * _


Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
01-07-2013, 06:14 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1357537749.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1357537909.mp3
Cánh Hồng Nhung Đầy Gai
Tình Hoài Hương
***

Tinh Hoai Huong
01-10-2013, 10:04 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1357854293.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1357854467.mp3
Lính Nghe Em Thủ Thỉ Ngân Trầm Pha Chút Lẵng

Tinh Hoai Huong
01-15-2013, 07:15 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1358233259.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1358233401.mp3
Tháng Tư Gãy Gánh Gươm Đàn

Tinh Hoai Huong
01-18-2013, 09:54 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1358502311.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1358502448.mp3
Tình Vờ Dật Dờ Vu Vơ…
Tình Hoài Hương
***

Tinh Hoai Huong
01-20-2013, 06:17 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1358662533.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1358661584.mp3
Tình Hoài Hương
***

Tinh Hoai Huong
01-23-2013, 05:20 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1358917790.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1358917940.mp3
Đường Trăng Tố Nữ Giao Tình

Tinh Hoai Huong
01-29-2013, 06:03 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1359481018.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1359482425.mp3

Tinh Hoai Huong
02-06-2013, 10:17 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1360187952.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1360188112.mp3
Đà Lạt (vì kẻ xâm lăng) Bùng Lên Ngọn Lửa
(Nhớ về năm Mậu Thân 1968)
Tình Hoài Hương
***


Từng chòm thông tươi tốt mọc thẳng lên cao vút, xòe táng lá xanh mướt, um tùm, trông cao lớn, phơi phới, mát mẻ lạ thường. Tiết trời quang đãng, trong thanh ấm dịu, vừa xua tan đêm trừ tịch nơi thành phố Đà Lạt an hòa có lắm mộng nhiều mơ. Muôn ngàn chim én líu lo, xôn xao tưng bừng, ríu rít chao lượn từng đàn đông nghẹt trên mái ngói lầu cao. Tự lúc nào không biết gió xuân về mát rượi, khiến tôi cảm thấy trong lòng dâng lên nỗi an thư ngọt ngào lâng lâng, xao xuyến ngất ngây vô vàn, niềm vui đọng lại trên ngàn giọt sương long lanh, rưng rưng nơi hoa anh đào, hoa mimosa và nơi đài hoa mai chúm chím e ấp buổi giao mùa.

Kể từ ngày 23 tháng Chạp mọi người nôn nao đưa Ông Táo về Trời, nhờ ông tấu trình với Ngọc Hoàng công việc làm ăn ở trần thế. Thì ngày xưa ở cung điện hoàng gia vua chúa nước ta, từ nhất phẩm đến cửu phẩm sắp hàng thứ tự trước điện rồng, để làm lễ bái tạ Trời. Đất. Vua, quan chức quyền trong triều đình tới hàng dân dã, ai nấy đều làm lễ trừ tịch, tống cựu nghinh tân. Các lễ trong triều thần quan trọng là: Nguyên Đán. Phất thức. Tịch điền rước thần nông. Tế xuân. Du xuân (hưởng: Xuân, Hạ, Thu, Đông). Cúng tam sinh: Trâu (hoặc, bò, dê). Ngoài ra còn có lễ tế cờ: Có ba bài vị gồm: một viên tướng cờ đi đầu. Sáu vị tướng cờ đi giữa. Năm vị thần cờ đi hai bên.

Toàn dân đón xuân náo nhiệt, tưng bừng vui vẻ, linh đình. Người ta bày hương án bánh trái cúng gia tiên, mâm cổ đầy nhóc trên bàn: nào là xôi, gà, vịt, heo, bánh trái, vân vân... Sau đó họ đi thăm mồ mả. Đi lễ chùa hái lộc đầu năm, thăm đình đài lăng miếu. Dân gian được tự do chơi bài Chòi. Tam cúc. Cờ tướng. Xóc dĩa. Bài tây: xì lát, đánh xì tố, xóc bầu cua, vân vân... Sau ngày hạ cây nêu, thì có lễ hoá vàng, đốt vàng giấy, lúc giấy gần tàn, đổ ly rượu cúng vào là chấm dứt ngày Tết.

Nay thì nghi thức nghinh xuân ấy được đơn giản rất nhiều. Nhưng vẫn theo phong tục cổ truyền Việt Nam, dù bận rộn, đa đoan với muôn vàn công việc chất chồng. Dù cách trở xa xôi đến đâu, thì ba ngày Tết người ta vẫn quay về mái nhà xưa, hầu gặp gỡ người thân tay bắt mặt mừng hân hoan chúc tụng nhau, chuyện trò thân mật, hưởng Tết Nguyên Đán linh thiêng đầm ấm, là ngày sum họp rất quan trọng. Họ mong quay về với gia đình, thong dong vui hưởng những niềm vui, mừng ngày trọng đại của cả dân tộc. Ngày Tết là ngày hưởng lộc đầu năm, ngày linh thiêng, thế nên ai ai cũng trân trọng, kiêng cữ, không làm điều sai quấy, nói năng bậy bạ. Cúng giỗ thờ kính tổ tiên, vui vẻ hân hoan chúc tụng nhau bao ý lành.

Ngày mồng Một Tết, (tức là ngày 30, tháng Giêng, năm 1968, Mậu Thân). Gia đình tôi đi chúc tết ông bà Cương, và bà con thân nhân bên nội ở trong Hà Đông. Ai nấy chúc nhau:
Năm mới Tết đến
Rước hên vào nhà
Quà cáp bao la
Mọi nhà no đủ
Vàng bạc đầy hủ
Gia chủ phát tài
Già trẻ gái trai
Sum vầy hạnh phúc
Cầu tài chúc phúc
Lộc đến quanh năm
An khang thịnh vượng.
Đong cho đầy hạnh phúc
Gói cho trọn lộc tài
Giữ cho mãi an khang
Thắt cho chặt phú quý…
Cung chúc tân niên,
Sức khỏe vô biên,
Thành công liên miên,
Hạnh phúc triền miên,
Túi luôn đầy tiền,
Sung sướng như tiên. (*)

Xế trưa vợ chồng tôi chạy xe lên trên Couvent thăm hai gia đình anh chị Thái, Thiệu, rồi đến khu nhà Bò (Đào Duy Từ), qua bên Nhà Chung gần nhà thờ con gà thăm anh chị bên họ ngoại. Chúng tôi lại ra phố thăm hỏi anh chị, bạn bè xóm làng thân thương. Đâu đâu pháo cũng nổ dòn: đùng... đùng... đùng... thật vui vẻ rộn rã tưng bừng. Người người hớn hở tay bắt mặt mừng, muôn câu chúc tụng hân hoan ấm nồng luyến thương hoài nhớ. Nhà nhà người nào người nấy tụm lại gây sòng đánh xì phé, đánh chắn, xóc dĩa. Trẻ con chơi lắc bầu cua ở góc hiên nhà. Thanh niên nam nữ và tráng niên lại chúc:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Phúc lộc đưa nhau đến từng nhà
Vài lời cung chúc tân niên mới
Vạn sự an khang vạn sự lành.
Đầu xuân năm mới chúc BÌNH AN,
Chúc luôn TUỔI TRẺ chúc AN KHANG.
Chúc sang năm mới nhiều TÀI LỘC
Công thành danh toại chúc VINH QUANG.
Các cô tuổi Tý chưa chồng.
Năm mới sẽ hết nằm không một mình.
Còn riêng các bạn học-sinh.
Tương-lai sáng-lạng, quang-vinh một đời. (*)

Cận khuya chúng tôi mới lò mò trở về nhà. Nhà tôi ở tại ngả Tư Trần Bình Trọng và Mai Hắc Đế, cạnh bên trái hông nhà tôi là khu Dân Y Viện Đà Lạt, ngược về hướng dòng Domain (là đi xuống trường Đa Nghiã và Khu số Bốn). Trong tận cùng im vắng của đêm trường đầu xuân mát rượi lẫn ngọt ngào hương vị ngày Tết, bỗng nhiên tôi nghe từ nơi xa xa đạn réo vù vù trên không trung. Súng lớn súng nhỏ đồng loạt khạc đạn, làm rung chuyển mặt đất, tung tóe lửa dữ dội. Khu đồi Domain de Marie yên tĩnh ở phía bên kia vực thẳm, sau lưng nhà tôi dội lại tiếng gầm thét dị kỳ: xì xì, xẹt xẹt… ùm… ùm…, pằng… pằng…, tạch tạch…, cắt bụp, cắt bụp… xè…! Đạn rạch đêm tối vút vút bay qua bay lại, đan chéo qua chéo lại. Những đóm mắt sáng đục hỏa châu lơ lửng trên không trung nở vàng bầu trời khuya. Quả sáng tụt nhanh xuống mặt đất, tắt đột ngột, trả lại bóng đêm tối thui, như khi nó chưa nở rực ra trên bầu trời khuya quạnh vắng đẫm ướt sương mù.

Trong màn đêm đầy sương trắng xoá dày đặc bị xé rách bởi lằn đạn tóe lửa. Mặt đất phả ra làn hơi sương nhút nhát e dè lởn vởn bên mấy bụi cây. Ban đầu Lâm ngỡ là mình nằm mơ ngoài trời đốt pháo Tết, nhưng sau khi chàng thấy trái sáng rợp trời, súng đạn rạch không khí bay chíu chíu… xịt... xịt, có cả thứ súng “cắt, bụp, xè”; nên chàng tỉnh hẳn người. Lâm gọi mẹ, vợ con dậy ngay. Nhanh như chớp, vụt thoáng trong giây lát tôi và Lâm kéo nệm xuống gầm giường, hai chúng tôi lò mò trong bóng tối để giăng mùng cẩn thận, rồi Lâm bế hai đứa con mắt nhắm mắt mở chui vào. Chúng tôi nằm sát bên vách gỗ, đắp kín mền mà vẫn cảm thấy lạnh giá, hai hàm răng va vào nhau lụp cụp, tay chân run cầm cập. Tôi sợ hãi gần như nghẹt thở, lạnh toát cả người, bủn rủn tay chân. Súng nổ dập dồn không lúc nào ngơi hung hăng tống vào ngọn đồi thưa, nơi có mấy công xưởng, ty Hiến Binh hồi xưa (nay là chi nhánh của Ty Công An, nằm về phiá tay phải nhà tôi) nghe rát ù tai. Thật ghê hồn.

Lâm bấm bấm vô cánh tay tôi, để ngón tay trỏ lên miệng anh, khoèo vào hông tôi và ra dấu cho tôi bò theo. Chúng tôi mò mẫm lồm cồm bò bò từ phòng ngủ ra phòng khách tối đen. Lâm nhón người nhẹ vén bức màn voan, nhìn ra đường quan sát. Đường phố im lìm vắng lạnh. Nhà nhà đều cửa đóng then cài cẩn thận. Tuy vậy tôi thấy nhiều tấm màn bên những ngôi nhà ấy khẽ lay động. Do tôi mãi nhìn đường phố vắng lạnh, thì Lâm vội bụm miệng tôi, anh kéo tay vợ nép vào góc tường.

Khi ấy tôi thấy khoảng năm sáu tên đội nón cối, mặc đồ đen, đồ xanh rêu cháo lòng, hay mặc đồ lộn xộn, ống quần rộng thùng thình, lụng thụng cột túm vô mắt cá chân. Tay họ cầm súng lưng đeo đạn. Súng đạn va vô nhau kêu lộp cộp theo mỗi cử động của họ, tôi nghe mà sởn ốc trâu. Quanh thân dắt cành lá, họ cúi đầu lom khom lủi lủi gần sát bên hàng hiên của nhà tôi, họ chạy nhanh về phía đồn Công-an trên đồi. Tiếng kêu lách tách lạch cạch do súng đạn cặp bên hông va đập vào nhau lộp độp theo mỗi bước đi. Tôi nghe rõ, rùng rợn, hoảng sợ và ớn lạnh! khiến tôi càng rợn ngườI kinh khủng. Họ mò đi đêm thành thạo, hình như họ thích hợp, quen thuộc với bóng tối, hay do ý tất thắng chiếm đoạt, muốn vượt qua trở ngại, hầu đạt đến khát vọng xâm lăng điên cuồng? Hỏa châu đỏ nở rộ trên trời như những đôi mắt hung thần, soi rõ cảnh vật mồn một. Trên trời liên tục bừng sáng và hoả châu rơi xuống, chìm lẫn vào bóng đêm. Giây lát sau tôi nghe ở cửa cổng đồn Công An (rất gần khu nhà dân) có tiếng quát hỏI:
- Ai đó???. Đứng lại.
- Đứng lại, không tôi bắn.

Không trả lời, lập tức đạn nhỏ súng lớn đồng loạt bay vèo vèo Pằng… pằng… pằng… Đùng… Đùng… Đùng… Oằng… Ùm… vút vút bay tới tấp trên đầu người dân. Thành phố Cao Nguyên Lâm Viên truyền cảm xiết bao đã bị xâm lăng, thành phố Đà Lạt nổi danh là thành phố thơ mộng hiền hoà thực sự đã đi vào binh đao, và bùng lên ngọn lửa chiến tranh hung tàn rồi! Đạn nổ lốp đốp, rơi rào rào, loảng xoảng, ào ạt rớt xuống mái tôn nhiều nhà lân cận nghe sắt và lạnh. Khi chiến cuộc bước vào con đường an cư hòa ái của xứ lạnh hiền hậu nầy, dân cư ngơ ngơ ngáo ngáo và bàng hoàng lo sợ ghê lắm (ở nơi nầy yên bình ít chiến tranh). Vài phút trước đó trong xóm kêu gọi nhau chui xuống gầm giường, gầm bàn trốn đạn inh ỏi. Tiếng kêu rú khóc la, xen lẫn tiếng súng bắn, mìn nổ thật gần, nghe rợn xương sống, đinh tai nhức óc, tức ngực quá chừng.

Ôi lạy Chúa! Trẻ con bên hàng xóm cứ khóc thét toáng lên từng hồi, giống như có người nào ngắt nhéo chúng, hay cắt tay chặt chân chúng nó vậy. Còn đàn ông con trai thì im thin thít. Bây giờ có tiếng la giọng nói của đàn ông, là càng làm người khác lo sợ gấp ngàn lần. Người ta lo sợ sự giao tranh súng đạn ngoài kia, và tiếng đàn ông núp ở trong xó nhà lắm. Có khác nào mấy ông tự tố cáo "lạy ông tui ở bụi nầy". Việt-cộng sẽ chĩa súng vào ngực họ, mà bắt đàn ông thanh niên đi làm bia đỡ đạn. Hay bị bắn cái đùng. Thì khốn.

Nhưng khi căn nhà gỗ của bác Thao bị sập một bên, càng khiến cư dân trong khu xóm hoảng hốt la to, kêu rống, hét tướng lên réo gọi tên nhau, kêu khóc ồn ào huyên náo bội phần. Bảy căn nhà vách ván đơn sơ ở xóm nầy đã đứng chênh vênh, lẻ loi, trống trải, cô độc trong địa bàn giao tranh, bất lợi từ mọi phía, không ai có một tấc sắt để tự vệ. Biết lấy gì chống đỡ! Họ vẫn phơi bộ mặt cơ hàn, giơ cái bụng lép xẹp ra trước thời gian ở nơi lằn đạn mũi tên thế! Trốn tránh thế nào được! Khu xóm cao chênh chếch như một cù lao đứng giữa hai lằn đạn thì... có mà chạy trốn lên đằng trời. Chưa việc gì mà! Phải! Phải! Nhưng lạy Chúa! Sao tôi run lẩy bẩy, lo sợ tột cùng, miệng lưỡi co cứng, cổ họng đắng chát, khô khốc, hai bờ môi khô lông lốc dính chặt vào niếu, không một giọt nước miếng, không thốt được một âm!

Bầu trời bỗng dưng lặng ngắt như tờ, im ắng bao trùm còn đe dọa rùng rợn hơn cả sự chết chóc. Sương mù và bóng tối không đồng ý với bình yên, nó bốc đồng và phản bội con người lúc nào. Chẳng rõ. Bây giờ không còn dòng suối mát, không ao hồ, thác nước thơ mộng đầy quyến rũ mang vẻ duyên dáng nên thơ Đà Lạt với danh lam thắng cảnh xứ hoa đào rồi. Biết đâu sẽ diễn ra “u mê ám chướng chiến tranh”. Súng đạn chằn chịt theo khói lửa bay về thành phố nổi danh quyến rũ nên thơ! Đạn vèo vèo bay, xoắn tít hình trôn ốc ghim vào lòng đất, khiến địa hình Đà Lạt thi vị trở nên xấu xí, nhăn nhúm, biến dạng lởm chởm hẳn đi. Nhìn thấy nó mình mất cả hồn cả vía, chứ thơ mộng duyên dáng, gợi cảm cái nỗi gì nữa không biết.
* * *

Ánh nắng rực rỡ bừng lên. Lớp sương mù dày đặc đọng lại trên các cành hoa anh đào, chạy suốt con suối cạn gần khu Domain de Marie mọc đầy lùm dã qùy to lá, vàng hoa, nhụy nâu, hoa nở dọc theo bờ đất lỡ cuối vườn nhà tôi. Nước rỉ rả chảy xuống hố, rồi uốn lượn quanh co trong nhiều đám sậy nhấp nhô. Một ngày mới lại bắt đầu trong cuộc sống bất trắc âu lo. Phiền muộn. Hãi hùng âm thầm mà đau, đầy băng giá, mang mùi vị tởm lợm chết chóc và chiến chinh. Cái chết đe dọa từng giờ trên đầu mỗi người, ở trong thành phố Đà Lạt nổi tiếng hiền hòa thơ mộng xinh đẹp đang bị vây hãm. Súng đạn khiêu khích từng ngày, từng đêm, từng giờ, tệ mạt hơn là người dân phải chịu đựng những cơn xoáy lốc bốc lửa rít lạnh tê người khôn nguôi. Không vì trận gió từ đỉnh đồi Lâm Viên thổi về. Mà vì nhiều loạt súng của kẻ xâm lăng đùng đùng đùng… Cắt bụp cắt bụp… Xè xè… và loại súng bắn trả: Pằng pằng pằng… Tạch tạch tạch… vang lên tứ phía liên tục luôn mãi, nhức nhối tai. Tim mọi người đập thình thịch không ngừng.

Mỗi ngày khoảng ba giờ chiều, bà con cô bác từ các đường: Hoàng Diệu, Trần Bình Trọng, Mai Hắc Đế, Yết Kiêu, Số Bốn, Số Sáu, Hai Bà Trưng, vân vân… lại ùn ùn chạy lên nhà thờ Domain xin các bà dòng tu cho tạm trú dưới từng hầm. Họ mong tìm đến với nhau cho vơi sợ hãi và quên âu lo. Họ mong xích lại gần nhau tìm chút hơi ấm qua đêm. Sáng sáng họ lại lục tục kéo nhau đi, ai về nhà nấy. Từ trên dòng Domain về nhà, tôi nhìn trước ngó sau dáo dác như kẻ trộm. Căn nhà đêm trước bỏ hoang mở toang hoác cửa ngõ, chẳng cần cửa đóng then cài làm chi! Vì đã có súng đạn giữ gìn hộ rồi, chả lo gì mất của cải! Thời buổi nầy, lo giữ gìn bản thân chưa xong, chả an toàn, hơi sức đâu ai thèm đi giữ gìn của chìm của nổi, và hôi của người khác nữa không biết.

Tôi nấu vội nồi cơm thật lớn cho cả nhà ăn một hoặc hai ngày, rồi thấp thỏm tất tả chạy ra chợ xép ở đường Hoàng Diệu bòn mót đủ thứ đồ uống thức ăn cho có chất rau tươi. Tôi giành giật ở ngoài chợ mua nhặt từng chục trứng vịt, vài bó rau, dăm ba ký gạo. Thịt, cá, thì mắc như vàng! (còn khu chợ lầu Đà Lạt to lớn là thế, mà nay leo teo mươi hàng rau đậu héo uá, dập nát). Có bao giờ người dân phố núi nghĩ ra: nơi thành phố thơ mộng quyến rũ nầy, lại có bộ mặt cuả kẻ xâm lăng vô Nam khuấy nhiễu gây ra chiến tranh, hầu ngườI dân tích trữ thực phẩm khô, trong mùa xuân dồi dào nhựa sống chứ! Các tay đầu tư thì cất dấu thực phẩm thật kỹ, cửa đóng then cài kín mít. Thỉnh thoảng có vài tiệm buôn lớn he hé cửa ra, họ “bố thí” nhỏ giọt từng ký gạo cho đồng bào, rớ vào muốn phỏng tay với giá tiền cao cắt cổ kinh khủng. Đại lý gạo Sơn Hà lớn nhất thành phố, tuyệt nhiên không thấy xuất đầu lộ diện, không có một hột gạo nào thoát ra khỏi khe cửa. Người ta đồn tiệm nầy “kinh tài” cho Việt Cộng (!?) Ô ô hô... gạo thơm để nuôi dân lành cần cù lam lũ làm ăn, hay nuôi ong tay áo nuôi khỉ đốt nhà hử!?

Mấy ngày đầu năm mới (trong cuộc chiến Mậu Thân), người ta mang theo vào tầng hầm trú ẩn nào là: bánh chưng, bánh tét, xôi, thịt, cơm gà cá gỏi. Đủ loại mứt, trái cây, hạt dưa, vân vân... Hương vị ba ngày Tết chưa kịp ăn. Nhà nhà đều dư thừa thức ăn ê hề, không thiếu món gì! Sau đó thực phẩm ứ đọng, thiu thối, hư hại sạch. Mọi người hồi hộp lo sợ, băn khoăn ngao ngán, nên không nuốt trôi, nhịn đói mà khóc, không thể ăn. Họ đem ra vứt sau sườn đồi cạnh khu trường học, tha hồ cho lũ chuột cống, ruồi bọ tranh nhau lúc nhúc loi nhoi giành ăn.

Bất kể lúc nào, hễ nghe tiếng súng dồn dập, xa xa, về hướng Cam Ly. Khu Số 6. Khu Số 4. Dòng Chúa Cứu Thế. Lạc Dương. Là bà con trong xóm tôi tê tái, hoảng hốt, ơi ới gọi nhau, sẵn sàng tay ôm tay xách, cổ đìu lưng cõng con cháu chạy nhanh lên ngôi nhà thờ kiên cố trên đỉnh đồi, cần sự xích lại tương thân tương trợ ấm áp, mong xích lại gần nhau, tìm chút an tựa, cần sự lân mẫn tự nhiên của người đồng cảnh ngộ. Khoảng ba giờ chiều, người người lục tục kéo nhau đi đến các nơi kiên cố và đông đúc. Tại khu hầm trú mỗi gia đình "xí phần" một góc, vừa đủ trải vuông chiếu ngả lưng sơ sài. Trên manh chiếu nương thân, họ dùng làm chỗ ngồi, ngã lưng nằm, và ăn uống. Cả nhà ăn qua loa chén cơm với lọ mắm tương chao cà ghém, rau luộc, để cầm hơi. Cũng tại trên vuông chiếu nầy, người ta chồng chất đủ thứ lặt vặt cần thiết đã vội vàng mang theo.

Giống như những ngày hôm trước, sáng sáng tản mác mỗi người về mỗi nhà. Họ gồm đủ mọi thành phần trong xã hội, đủ khuôn mặt già trẻ lớn bé, xấu đẹp, ốm mập, đen trắng. Đặc biệt giữa đa số khuôn mặt bình dân thảng thốt ưu phiền, lo sợ, thì có bảy tám thanh niên thiếu nữ ưa náo nhiệt, xinh tươi ở đâu tập họp lại. Trước đó quần áo các cô cậu coi hợp thời trang, họ ung dung lượn quanh hầm, vui vẻ cười nói huyên thuyên, móng tay móng chân các cô đỏ chót. Vài ngày sau tôi dòm họ xộc xệch, túi vải lịu địu máng trên vai có tô thêm đất bùn lem luốc. Họ mệt mỏi cố vơ vét tất cả gia tài nhét trong xách da căng cứng bung hết dây kéo. Họ luôn mang kè kè bên hông. Họ không khóc được vì sự kinh sợ đã kéo dài khá lâu, vượt quá tầm mức chịu đựng của con người. Họ hãi hùng kêu tên nhau, i ỉ thút thít, nước mắt cạn khô, ráo hoảnh, ngơ ngáo bất động thì thôi.

Riết rồi ngày ngày tháng tháng chung đụng, người ta biết mặt, biết tên nhau, biết biết, quen quen, thân thân, hỏi hỏi, nói nói, ồn ào như vỡ chợ, nhưng nét mặt mọi người mỏi mệt bần thần băn khoăn đầy ngao ngán buồn thiu. Người ta mất ăn từng ngày, mất ngủ từng đêm âu lo tột độ. Sự đông đúc đầy dị hợm bắt đầu tẻ ngắt trong căn phòng chen chúc chật cứng, ngột ngạt như lò hồ quang, thiếu ánh sáng, thiếu không khí, thiếu mọi tiện nghi. Cảnh di tản có đủ thứ chuyện vui buồn. Tin tức nóng bỏng nhất được truyền khẩu trong ngày, trong tuần lan từ đầu nầy đến đầu kia, nhanh như chớp. Không gian và thời gian im lặng tẻ ngắt, đầy ghê rợn suốt buổi trong căn phòng chứa khoảng hơn ba ngàn người. Họ chen chúc, ở nơi ngột ngạt, thiếu không khí, thiếu ánh sáng. Đôi lúc trên đầu loé lên tia lửa rạch không khí, bay vù vù trong không gian. Lằn đạn xẹt qua. Hai ba chiếc phi cơ không nhìn thấy rõ bay vút trong bầu trời, qua khung kính trên vòm mái cao. Giây lát sau đó là tiếng rền rú uồm uồm uồm… ghê rợn. Hàng loạt đại bác trút xuống đỉnh đồi, vào khe suối xa xa…

Tôi xiết bao kinh hoàng lo lắng, và bồn chồn sợ hãi, vì Lâm đi trực về báo tin nhà ba mẹ tôi ở tại một Villa trên đường Pasteur, đối diện với Tiểu Khu Đà Lạt bị đốt cháy mất ¼. Ngôi nhà đồ sộ nay chỉ còn bức tường gạch (ở mặt trước đường Yersin), và bên mặt tiền phiá phải cuả ngôi nhà về hướng Pasteur) còn mấy hàng cột trơ trẽn (!?). Sau tiếng súng cắt, bụp, xè… thì mọi thứ bị đốt tan tành. Phố xá hỗn độn, khói lửa hừng hực bốc cao, khét lẹt bao ngày chưa dập tắt, kể từ khi cơn binh biến hùng hổ đến vỗ mãi những âm buồn. Nghe mà thật đau đớn bang hoàng hốt hoảng và lo âu xiết đỗi. (2)

Đứng trên một góc tầng lầu nhà của ba má tôi đã bị sập gần hết một phần tư, trong nhà tối om, vắng tanh, đồ đạc ngổn ngang hư nát. Ba má và anh chị tôi đi đâu hết rồi? Họ có an toàn không?! Tôi lo lắng, bồn chồn, lấp ló thụt thò, dáo dác len lén nhìn sang phía bên kia đại lộ Pasteur, (đối diện nhà ba má tôi là cổng Tiểu Khu Đà Lạt/Tuyên Đức), hai mặt tiền nhà ba má tôi và Tiểu Khu chỉ cách một đại lộ, gần xịt. Những anh lính trong doanh trại Tiểu-khu vội vã chạy lui chạy tới, lăng xăng, bồn chồn làm cái gì đó, xem có vẻ cấp bách, cần thiết lắm. Việt Cộng đã dùng bangalore phá một góc rào cuả Tiểu Khu. Một chiếc xe thiết giáp bị trúng ba quả B40 vẫn bốc cháy ngay trên đường Pasteur (sát cuối hông vườn sau nhà ba má tôi). Việt Cộng lẻn vào khu nhà xây gần Viện Pasteur để bắn vào Tiểu-khu. Nhưng xem ra không mấy thiệt hại. Kho Quân Tiếp Vụ bốc cháy, sáng rực cả một góc trại. Ty Cảnh Sát Đà Lạt sát bên nhà thờ Chánh Toà cũng bị hư hỏng nặng. Khẩu đại liên 30 đặt đâu đó, có thể là ở khu Quân Cụ thỉnh thoảng quạt một hồi vài tràng bâng quơ, tôi nghe rát bỏng, sợ hãi và điếc ù hai tai.

Trên bức rào cuả Tiểu Khu tôi thấy có ba thân thể cháy đen, mà rải rác gần đấy có năm cánh tay, ba bàn chân lủng lẳng quai dép râu. Những núm ruột người trắng hếu, dài lòng thòng còn lắc lẻo, đung đưa lắc lư vắt trên hàng rào gạch kiêm hàng rào B 40 rung rinh. Ruồi bọ lúc nhúc bu đông đen, rồi vụt ù ù bay lên đáp xuống, khi ấy có vài người rảo bước liếc nhìn vội vã đi qua. Úi trời ơi! Mùi thúi thì thật hôi ơi là hôi kinh khủng. Khiến tôi bịt hai lỗ mũi vẫn cảm thấy chịu không nỗi mùi thum thủm thúi hoắt. Có con chó lài hoang ốm tong ốm teo, lông lá lưa thưa nhô cao bộ xương sườn, từ góc đường Yersin + Pasteur nó rón rén lủi đi kiếm ăn, con chó rụt rè ngơ ngác nhìn quanh, nó vội cụp đuôi vô trong háng, cúi đầu cắm cổ chạy đến bên mấy xác Việt Cộng. Nó liếm liếm khúc ống quyển đen thui, và nó dỏng tai hếch mỏ lên... Trời ơi! Khúc ruột chỗ trắng chỗ đen vắt vẻo trên hàng rào gạch đong đưa, khúc ruột dài ngoẵng chui thật nhanh vào hai hàm răng con chó gầm gừ trắng trợn nhe ra.

Tôi sợ dựng tóc gáy, xớn rớn, chao đảo, giao động mạnh, điên cuồng, dày vò, và đau đớn cào xé con tim, hãi hùng tột cùng muốn xỉu, hai đầu gối run rẩy va đập vào nhau lộp cộp, như người mắc bệnh parkinson luôn tiết ra chất dopamine, khiến mình bại hoại rã rời tứ chi, lồng ngực tôi nhô lên hụp xuống sâu hơn. Tôi run bần bật ngồi bệt xuống dưới góc balcon, chẳng hiểu sao tôi cứ ói ra nước, rồi ói ra hoài, và toàn thân muốn rệu xuống.

Mấy tháng trước bà chị của tôi đã làm thịt chó, chị nấu đủ thứ, nào là: Rựa mận. Nướng. Hon. Thui. Thịt tái chanh. Thịt luộc. Xào lăn, vân vân... Hôm ấy có mấy gia đình anh chị em vui vẻ “xơi” thịt chó thơm phức ngon lành, chúng tôi ăn từ đầu chó tới đuôi chó, thậm chí cả bốn móng cẵng chân giò, xương chó cũng chặt ra làm nồi nước lèo xúp chó hầm ngon nhức nhĩ! Sao lúc ấy tôi chẳng thấy sợ hãi như bây giờ!? Bỗng dưng tôi sực nhớ tới chuyện rùng rợn ở Tây Tạng, nơi thủ phủ Lhasa đến một vùng hẽo lánh kia, có tục lệ rất kinh dị khủng khiếp. Họ thường làm nghi thức tiễn người chết rùng rợn từ lúc rạng đông: Họ từ tốn lấy dao lóc từng miếng thịt người chết ra miếng nhỏ, rồi để trên những tảng đá cho kênh kênh ăn. Lại có nơi lóc thịt người chết vất xuống nước cho cá ăn. Hoặc họ vạc một phần trên sọ, chẻ sọ người chết ra, dùng sọ người làm chén ăn. Họ nghĩ: hoả tang tốn kém than củi và tăng oxide carbone (CO) thì uổng. Thủy tang hại nguồn nước môi sinh, mất công uống cả xác tro người chết vô bụng. Chi bằng cho loài kênh kênh xực, cho chắc ăn! Do nghĩ như vậy, thịt chó và thịt người chết treo lủng lẵng nơi góc hàng rào kia; khiến tôi càng tởm lợm và nôn ọe ra mật xanh mật vàng!

Chiến cuộc từ thời kỳ giặc giã đã tàn phá biết nhiêu mà kể xiết trong đất nước nầy, chiến tranh gây hận thù và chết chóc, bao đau khổ người dân còn kẹt lại trong cái thế trên đe dưới búa. Làm gì được lúc con người gây ra chiến tranh thật phi nhân, phi đạo đức. Làm chi được hỉ với con cáo, con hồ, con cọp, con chó sói, thậm chí cả con chó nhà đang nhe hai hàm răng trắng, hoặc giống như loài bò sát rắn độc?: nếu ta không biết “thời thế thế thời thời phải thế” khôn ngoan trầm tĩnh thu mình dẽo dai chịu đựng! Mặc dù loài vật hung ác, nhưng nó biết đối xử tốt và bênh đỡ đồng loại. Tuy beo, cọp, chó sói: là giống ăn thịt sống chẳng hạng; nhưng đối với đồng loaị chúng vẫn hiền lành lui về hang ổ (nơi an tựa ấm áp, thân tình), và chúng biết yêu quý hổ con, sói con cuả mình. Càng hơn nưã chúng nhận biết đồng bọn, luôn trấn giữ bảo vệ bè-đàn cuả mình, không để tên “dị chủng” khác chủng loại xâm phạm.

Nhưng khi có những kẻ vượt lằn biên qua vĩ tuyến: táo tợn xâm lăng thành phố thơ mộng, họ ngang nhiên đặt chân vào miền đất hiền hòa, cẩu thả dùng súng đạn bay vèo vèo, ầm ầm, đùng đùng trút trên đầu nhân thế vui hưởng ngày Tết, lúc mọi người tưng bừng nôn nao rước tổ tiên ông bà về chung vui với con cháu, và dáng xuân huy hoàng êm đềm ngự trị trên thế trần. Thì xin mạn phép hỏi kẻ đi xâm lăng và xâm phạm tớI người khác, tàn ác gây ra đau thương tang tóc; thuộc về “hạng gì”?

Lo lắng rón rén bò bò trên hành lang nhà, và tụt xuống những bậc cấp, tôi tất tả chạy rõ nhanh về nhà mình, vừa chạy vừa thở hồng hộc, khiến tôi mệt kinh khủng! Từ nhà ba má ở đại lộ Pasteur, tôi cắm đầu chạy bán sống bán chết xuống đường Bà Triệu, tới Cầu Bá Hộ Chúc, qua góc Cường Để và vòng ngược lên đường Thành Thái, chạy qua rạp ciné Ngọc Lan. Tôi hổn hển ngơ ngác đi ra phố Hòa Bình: Hai chiếc xe jeep (ở khu Hòa Bình) bị Việt Cộng núp đâu đó bắn mấy quả B40, hai xe nầy cháy rụi. Tất nhiên là có người chết thảm rồi. Tiệm Hồng Châu ở sát bên cây cầu cuả Chợ Mới cũng cháy rụi, đen thui. Mấy tiệm lân cận ở quanh khu Hoà Bình, đường Phan Bội Châu cháy khét, khói lửa mịt mù, mùi hôi kỳ lạ tỏa ra cùng khắp. Phố xá buồn thiu, vắng hoe, tan hoang, lạnh lẽo như một thành phố chết.

Lác đác có mấy bộ hành tất ta tất tưởi, dáo dác lấm lét nhìn quanh, rồi dọt lẹ! Bốn người Thượng già: một người vạm vỡ đóng khố sọc ngang rằn ri. Một đàn ông trung niên thân quàng tấm mền len cũ. Một phụ nữ ở trần giơ bộ ngực no tròn có núm vú đen đen ra giữa lộ thiên, và một thằng bé con khoảng ba tuổi trần truồng. Họ thường bán hoa lan ở trên góc phố. Mấy người lớn đang khóc hụ hụ, họ hỉ mũi sột rột, họ bập bập cần tẩu cong cong như chữ S, mùi thuốc lá hăng hắc nồng nồng phả vào không trung mù khói đen xám, quyện lẫn làn sương núi mờ mờ vật vờ bay bay dưới nắng xuân chan hoà. Ông ta khạc nhổ bãi nước miếng văng xuống đất, coi gọn ơ:
- Khu Du Sinh trên cuối đường Huyền Trân Công Chúa, đã bị lửa cháy rụi hết, khiến nhà cửa tui tiêu tan. Mất hết! Kể cả gà chó ngựa và con người. Hụ hụ hụ... Các ôn ơi!

Tôi phiền não chạy riết về đường Minh Mạng, qua hướng Cẩm Đô, leo lên dốc ở nhà xác cạnh Nhà Thương. Chạy tắt trên đồi cỏ sau bệnh viện để về nhà, tôi nằm vật ra giường, thở hổn hển, mắt trợn ngược mở trừng trừng nhìn lên trần nhà, ngao ngán thở dài và lo lắng sầu khổ biết bao!
*

Tình Hoài Hương
(*) Sưu tầm đó đây

Tinh Hoai Huong
02-08-2013, 04:41 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1360296692.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1360298295.mp3
Dáng Xuân tại Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt
Tình Hoài Hương
***



Trường Võ Bị Võ Bị Liên Quân Viễn Đông Đặc Biệt của Pháp thành lập tháng 7-1946 tại Đà Lạt. Trường Sĩ Quan Hiện Dịch thành lập năm 1948 bắt đầu ở Huế. Khóa 1 tháng 12 tại Đập Đá. & Khóa 2 tháng 9-1949.
Tháng 4 năm 1949 có một hội-nghị đồng thuận bãi bỏ chế độ thuộc địa (do Pháp cai trị ở nước Việt Nam).
Tháng 5 năm 1950 quốc hội Pháp thông qua dự luật: Cho phép thành lập một đội quân Việt Nam.Thế nên bước khởi đầu thì Thủ Hiến Phan Văn Giáo cho một số trường quân đội Việt Nam ra đời.

Sau ngày 20-07-1954 khi hiệp định đình chiến ký kết tại Genève, Thụy Sĩ; thì Trường Sĩ Quan Việt Nam ở Huế đã được chuyển lên Đà Lạt, bắt đầu Khóa 3, và gọi là École Militaire Inter-Armes de Dalat. (Sát nhập vào trường Võ Bị Liên Quân Đặc Biệt của Pháp. Ngôi trường Võ Bị Liên Quân Đặc Biệt của Pháp, nay đương nhiên phải trao trả lại cho Việt Nam). Trường chánh thức đổi lại thành Trường Võ Bị Liên Quân (sau khi người Pháp rời Việt Nam năm 1955). Đầu tiên ngôi trường nầy lấy tên là: Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Cuối cùng Trường sĩ quan hiện dịch nầy chính thức đổi tên thành: Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt Việt Nam theo sắc Lệnh số 325-QP ngày 10.4.1963. Đất và Trường rộng mênh mông tọa lạc giữa vùng khu ấp Chi Lăng và khu Thái Phiên.

Gần cổng trường là doanh trại sinh viên, khu Văn Học, khu Bộ Chỉ Huy... Cổng trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt Việt Nam còn có tên là cổng "Nam Quan", nơi nầy luôn náo nhiệt trong những ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật, ngày hội, ngày lễ. Những lúc ấy tại Cổng Nam Quan trở nên vui vẻ náo nhiệt như ngày hội lớn, hân hoan tưng bừng hơn với những chàng sinh viên sĩ quan phong trần, và bao tà áo dài tha thướt e ấp tung bay trong gió lộng. Thỉnh thoảng ở phòng trực trong trường gọi tên sinh viên sĩ quan (được phát ra từ loa phóng thanh vang vang lên), thì sinh viên sĩ quan nào có tên gọi, hớn hở vui vẻ rảo bước ra Cổng Nam Quan: Đấy là nơi "gặp gỡ của tình thương".

Khu doanh trại sinh viên ở gồm: bốn dãy ba-ti-măng có ba tầng lầu. Mỗi ba-ti-măng có hai đại đội sinh viên sĩ quan cư trú. Hai bên nầy là sân cỏ của Trung Ðoàn. Gần dưới thung lũng là khu vườn luôn luôn đầy hoa đẹp và cây cối xanh tươi, do sinh viên chung vui tay trong tay góp công sức làm nên, tạo thành một khu vườn thật ngoạn mục.

Muốn gia nhập vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, thanh niên phải có:
- Học lực tú tài.
- Có sức khỏe tráng kiện.

Ban đầu thì sinh viên thụ huấn hai năm (sau nầy trường Võ Bị Đà Lạt đã tăng thời gian cho sinh viên sĩ quan thụ huấn lên bốn năm học). Bao gồm các bộ môn học như: Văn Học. Quân Sự. Thể Chất. Chương trình sinh viên sĩ-quan học gắt gao, rất nặng, ấn định có quy củ rõ ràng. Mỗi ngày, sau giờ học đầy căng thẳng trí óc; và sau bữa cơm chiều, là sinh viên có hai giờ: > từ 6 giờ tối đến > 8 giờ tối, thì sinh viên sĩ quan tự do đi những nơi giải trí tùy thích như: Bên trái là Hội Quán sinh viên có nhiều sofa và bàn ghế tươm tất, để cho mọi người ngồi với nhau thoải mái hàn huyên tâm sự; nghe nhạc sống do ban văn nghệ sinh viên sĩ quan đảm nhận, hay tập dượt văn nghệ. Hoặc giả sinh viên sĩ-quan vào Thư Viện đọc sách. Hay có sinh viên khác đi Câu Lạc Bộ ăn uống. Nhóm sinh viên đến Hội Quán thụt bi-da, uống cà-phê. Có người đi tới sân sau để chơi bóng rổ, bóng chuyền bóng tròn, bóng bàn, vân vân… Sau đó là giờ tự học. Tiếng kèn 10 giờ đêm là giờ báo đi ngủ. Một số sinh viên lo chuẩn bị đi gác. Trường có tám đại đội sẽ luân phiên nhau gác mỗi đêm.

Sinh viên sĩ quan đi bộ leo núi, luyện tập quân sự, chinh phục đỉnh Lâm Viên cao 2.163m rất lạnh giá, ngỏ hầu rèn luyện sinh viên sĩ quan dũng cảm kiên cường vượt thắng gian truân và chông gai. Khi các sinh viên sĩ quan đi tới đỉnh Lâm Viên xong, họ trở về trường; ấy là chuẩn bị ngày lễ gắn Alpha cho tân khóa sinh. Các cán bộ đến tại phòng của tân khóa sinh để trao: mũ cát kết, đai lưng màu đỏ, thắt lưng đại lễ, đôi găng tay trắng. Tân sinh viên sĩ-quan sẽ đọc lời hứa: Tôn trọng lá cờ của Trung Ðoàn sinh viên sĩ quan. Bảo vệ danh dự cuả Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam: "Tổ Quốc. Danh Dự. Trách Nhiệm"; thì khoá sinh ấy mới được chấp nhận đúng là sinh viên sĩ-quan của Trường Võ Bị Đà Lạt Việt Nam.
*
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1360296954.jpg
Hôm nay là ngày tất niên của trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt - Việt Nam. Tôi cùng Vân, Lan, Tâm, Mai bao chiếc taxi chạy thẳng vào ngoài cổng Nam Quan, thăm bạn thân. Đúng lúc đó, tôi gặp Oanh cùng Biên. Hồng cặp tay Đáo. Thúy Mai và Tin Tấn ở Phạn Xá, (còn gọi là nhà ăn). Chúng tôi hân hoan khôn xiết, nói cười tíu tít biết bao chuyện buồn vui xếp lớp lăn tăn. Chưa dứt câu nầy, bạn đã hỏi câu kia dồn dập. Oanh chỉ vào bạn trai của cô:
- Oanh đã hứa hôn với Biên rồi.
- Hồng sắp làm đám cưới với Đáo.
- Cả Oanh và Thuận nữa. Ôi thật là vui quá vui.
Oanh mở miệng:
- Nầy, Thụy thì sao?
Tôi cười buồn:
- Oanh có bao giờ ghé qua ngỏ nhà thăm tui đâu, mà biết hỉ!
- Xin lỗi nha. Tại Biên hết đó.
- Thì phải mà. Có bồ, hổng đi đâu là đúng. Thụy chúc các anh chị sớm thành đạt trong tất cả ý nguyện. Nghe.

Họ cười tươi, cám ơn tôi với hạnh phúc hân hoan ùa về. Tôi đến điểm hẹn hò với Cảnh. Chàng nở nụ cười hồng rõ tươi, Cảnh hớn hở đón tôi nồng nhiệt lắm. Trên khuôn mặt qua ánh mắt Cảnh hiện rõ sự mãn nguyện khi chàng giới thiệu tôi với bạn. Cảnh hãnh diện vì có bạn gái xinh tươi, hồn nhiên mộc mạc, duyên dáng không thua những bông hồng biết nói khác trong đêm hội tưng bừng nầy. Cảnh nhẹ nhàng nắm bàn tay tôi nóng hổi, tôi run run như con chim gãy cánh. Nửa ngập ngừng ưng chịu siết tay chàng, nửa tôi toan muốn rút tay về. Đây là cái “nắm tay thân tình đầu tiên”, từ khi chúng tôi quen biết nhau. Cảnh tinh ý nhìn thấy sự vô cớ dằng co và trầm mặc nơi tôi, chàng cố tìm hiểu nguyên nhân vì sao có sự thay đổi kia. Nhưng, tôi sẽ không kể cho Cảnh nghe, (kể cả những người thân yêu ruột thịt) về nỗi buồn đau vô hạn.

Dù tôi rất muốn ngỏ lời tâm sự với ai đó, hầu vơi đi nỗi niềm dày vò, cay đắng ấy đang bóp thắt trái tim tôi. Sung sướng xiết bao, nếu tôi có thể viết lên trời tất cả suy tư của mình, mà có người khác đọc và thông cảm nhỉ! ít ra trong giai đoạn ngắn ngủi nầy, Cảnh là người xứng đáng nắm bàn tay tôi (đang run rẩy vì… sương gió giá rét?!). Chàng có hiểu phần nào về tâm tư, nguyện vọng, tình yêu của tôi không? Chàng có thể lấp được khoảng trống ráo hoảnh trong tâm hồn rét mướt, mà tôi hằng ngất ngây mong đợi cùng "ai đó" xe mộng tương phùng chăng?
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1360297124.jpg

Dọc hai bên đường dẫn lối vào chính điện, những sinh viên sĩ quan ứng chiến đứng gác rải rác dưới những chòm cây thông cao ngất và tối đen. Họ đội mũ lưỡi trai, mặc áo jacket, quần treillis xanh lá cây sậm, áo quần hồ ủi thẳng nếp, giày đinh cao cổ ôm hai ống quần thon gọn. Trên sân hội, những sinh viên sĩ quan thân hình thẳng tắp, mặc quân phục dạ hội mùa đông, nổi bậc găn tay trắng nõn, gù vai màu đỏ, dây biểu chương màu vàng nghệ pha kim tuyến đọ̉ súng dài bồng lên tay, đôi khi tạo ra âm thanh do sắt thép khua vào nhau, nghe rập ràng đều đặn và chuẩn mực. Súng lại được vài phen kêu lên đều đặn, rập khuôn lúc bắt chào, và hạ súng xuống khi nào có những qúy khách đi vào khu đại lễ.

Đến giờ khai mạc đại hội thì buổi lễ long trọng được diễn ra tuần tự từng nghi thức bắt đầu và thủ tục cuối đã xong. Trước mặt các khán đài đang trình diễn các phân binh chủng: Nhảy Dù, Bộ Binh, Thủy Quân Lục Chiến. Biệt Động Quân. Thiết Giáp. Pháo Binh, vân vân... diễn hành các xe hoa… Thỉnh thoảng vọt lên trời những ngọn pháo bông đủ màu sắc rực rỡ, đủ hình thể khác nhau. Trông rất đẹp khi có mục biểu diễn nhảy dù tiếp theo. Bao cánh dù hoa bung nở, đủ màu bay lơ lửng trên không trung, lủng lẳng nhiều anh chàng Nhảy Dù bay bướm, trông quá tuyệt vời trên cao tít lưng trời bàng bạc hơi sương, gió rét căm căm cùng tiếng thông reo rì rào vi vu thoảng lại. Không Quân Việt Nam Cộng Hòa biểu diễn những đường bay quá điệu nghệ với dáng vẽ oai dũng riêng: Bay solo, bay ba, bay năm… bay vòng cung, bay vút lên và bay lộn ngược đầu… Ôi! Đủ thứ đường bay oai dũng mà lả lướt. Phi cơ kèm những làn khói đủ màu vẽ những hình ảnh lạ mắt, kéo dài sau đuôi tàu bay, rồi tỏa rộng trong bầu trời đêm lấp lánh ánh sao. Trông vô cùng hứng khởi, duyên dáng và ngoạn mục hết biết. Mọi người ngẩng đầu nhìn lên trời cao, mắt họ mở lớn, miệng xuýt xoa trầm trồ vui vẻ khen ngợi.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1360297228.jpg

Những hàng ghế ở khu khán đài B kêu răn rắc, suýt gãy dưới sức nặng của khách ngồi xem mê mãi. Giàn quân nhạc sống vang lên rộn ràng làm huyên náo góc trời u tịch và giá rét. Tiếng hợp xướng, tiếng đơn ca, đồng ca… vang dậy làm cho người đứng tuổi nghĩ nhiều về mình, đồng thời hồi tưởng lại quá khứ oanh liệt vàng son một thuở. Làm cho người vào độ tuổi tráng niên tạm lãng quên phiền nhọc, bực bội, lo toan, để ôn tồn thoải mái, vui vẻ hoà đồng với đám thanh niên trẻ trung tuấn tú, phong lưu hào hoa trong ngày hội lớn. Một số sĩ quan lão luyện tay bắt mặt mừng chào hỏi nhau, họ ung dung đi rải rác từng điểm hội, tuổi tác họ khác nhau.

Đa số đàn ông có khuôn mặt đượm phong trần, sương khuya gió chiều khiến mái tóc lấm tấm muối tiêu và thân thể rắn rỏi hơn. Họ mặc quân phục đại lễ mùa đông trông khác nhau, ai nấy đều lịch lãm oai hùng, phong độ theo mỗi dáng kiểu của từng binh chủng riêng. Nam nhân có những bộ râu quai hàm, râu mép, kính trắng đạo mạo tô điểm cho vầng trán cao, tạo thành khuôn mặt rắn rỏi thêm phần trí thức và trang trọng. Miệng nhiều ông ngậm thuốc lá thơm, xì gà, hay ống điếu. Đó là những cấp lãnh đạo, những cấp chỉ huy có đôi mắt sắc sảo tinh tường. Họ giàu kinh nghiệm, bản lĩnh để hướng dẫn thuộc quyền. Kiễu dáng họ ung dung thong dong thư thả pha chút cao ngạo, đôi khi vương chút bình dị hoà đồng vào cuộc vui chung. Họ cũng biệt lập về kinh nghiệm chiến trường, và cách điều binh khiển tướng khi xung trận. Bên cạnh bao quân nhân là những mệnh phụ phu nhân kiểu dáng chưng diện quần là áo lụa “đỏm đáng đài các” khác người. Cùng phụ huynh của sinh viên sĩ quan đa số thanh lịch, mềm mại, phục sức trông đoan trang mà giản dị, không lố bịch. Nhìn chung đa số quan khách cao sang, uyển chuyển qua nhiều kiểu cách hợp thời khác nhau.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1360297338.jpg

Bỗng một tiếng nổ giòn tan xé màn đêm, nghe như tiếng lọ thủy tinh gián mạnh xuống nền gạch, rồi nhiều tiếng súng cối bắn đi đâu đó, khiến tôi giật nẫy người, nép sát vào lòng Cảnh. Chàng nhìn quanh cũng thảng thốt giây lát, vòng tay Cảnh vội ôm qua thân thể tôi lúc nào, không nhớ. Mọi người đứng lên đồng loạt vỗ tay và la to:
- Ấy dá dà…
- Tuyệt vời quá!
Họ cười vang, có nhiều tiếng hét to:
- Giao thừa.
- Tiễn biệt năm cũ, chào mừng năm mới.
- Chúc mừng năm mới.
- Mừng xuân đến.
- Tết Nguyên Đán đến rồi.
- Happy new year.

Giờ phút linh thiêng nầy thật trang nghiêm, trân trọng. Họ nhìn lên bầu trời sáng rực pháo bông đủ mọi màu sắc và hình dáng. Ồ! Thì ra bây chừ đúng là giờ giao thừa: Súng lớn bắn đi để đón chào dáng xuân hồng thắm ngự trên vạn vật. Chỉ có rứa mà cũng khiến tôi giật mình mất hồn mất vía, run rẩy à! Mươi phút sau bắt đầu thủ tục khai hội dạ tiệc trong đại sãnh sang trọng. Những thức ăn bốc khói nóng sốt thơm ngon. Chuyện trò râm rang khắp nơi. Đêm dạ vũ tưng bừng và long trọng đã khai mạc. Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt khoản đãi mọi người đến dự tiệc tất niên tống cựu nghinh tân vui vẻ náo nhiệt tưng bừng biết chừng nào.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1360297446.jpg

Chúng tôi dìu nhau đi trong đêm giao thừa rộn ràng những tiếng pháo nổ rền vang khắp mọi nơi. Người người hứng khởi đón chào năm mới vui ơi là vui quá chừng chừng. Lòng tôi vui thích, say say theo cung đàn yêu thương, ngất ngây với nỗi ngọt ngào lâng lâng từ đâu ập đến. Một giao thừa và năm mới bắt đầu tuyệt vời nhất đời mình. Dù mai tôi sau có xa ơi là xa trong sự già thật là già, tôi vẫn trân trọng và mãi nhớ lần đầu tiên tôi vinh dự vô Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, để tiễn năm cũ và hân hoan đón chào năm mới, vui vẻ đón xuân. Chúng tôi dìu nhau đi thật chậm giữa khuya trăng sao muôn trùng rơi rụng, bên tai tôi tiếng pháo rộn rã nghinh xuân tưng bừng.

Lòng tôi cảm thấy bình yên vui vẻ kỳ lạ khi bước chân hai người líu ríu đặt lên từng bậc cấp để vào nhà. Trước thềm năm mới, Cảnh êm đềm trao tặng tôi nụ hôn nho nhỏ phơn phớt trên mái tóc nồng ấm hương xuân đầu năm. Tôi cảm thấy hạnh phúc nhè nhẹ len lén lâng lâng đến trong chân tơ kẽ tóc và trong đời sống riêng mình. Tình cảm ấy tuy nhẹ nhàng, đơn sơ, mà trĩu nặng ân tình trìu mến, thiết tha vẫy gọi nhau biết mấy! Niềm vui thật ngọt ngào trong sáng, cùng sự liên đới kỳ diệu của Trời cao giao hoà tuyệt vời với Đất thấp gợi tình, muôn hoa ngát hương, cỏ cây hoa lá đâm chồi nẩy lộc giữa thiên nhiên cẩm tú. Đà Lạt thoáng mát, thi vị, nên thơ, lãng mạn, mơ mộng, tuyệt diệu ươm mộng xuân tình từ: trên đỉnh Lâm Viên êm đềm rót xuống lòng thế nhân niềm vui chất ngất xiết bao!

_ * _


Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
02-14-2013, 08:33 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1360873407.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1360873575.mp3
Đàn Én Báo xuân & Nút Áo Chết Tiệt
Tình Hoài Hương
***



Mặt nước hồ Xuân Hương dịu êm, phẳng lặng, xanh biên biếc, như loáng men thủy ngân long lanh dưới ánh mặt trời trong veo phả sương bàng bạc. Gió hiu hiu hây hây vừa đủ lạnh xua chiếc thuyền con như chiếc lá tre bồng bềnh đơn độc phơi mình trên mặt nước. Con thuyền độc mộc nhè nhẹ trôi lui trôi tới bên cọc cắm. Buồm cột không chặt đang rung khe khẽ, hoà cùng tiếng thông reo vi vu và tiếng tơ trùng hòa ngân muôn điệu. Bỗng chốc bầu trời vần vũ mây xám, ánh sáng yếu ớt nhợt nhạt khiến tiết trời càng giá lạnh, cái lạnh bén ngọt sắt như dao cau quệt phớt vào da, khiến các trẻ con và đàn bà cô gái Đà Lạt đều có đôi má phớt hồng, hồn nhiên tươi tắn, môi mọng đỏ như hạt lựu.

Khi sương trắng đọng trên thành phố núi, tôi thích đứng bên ô cửa hà hơi vào những khung kính mà viết tên chàng. Khổ quá! Bất cứ đứng ngồi ở đâu, làm gì, tôi cũng gợi nhớ xôn xao đến tình xưa kinh khủng. Thời gian thấm thoát trôi qua, thế mà đã đến ngày bế giảng khóa hội thảo và huấn luyện thông tin dân vận. Tờ nguyệt san đầu tiên của khóa Một mang tên “Tự Nguyện” đã phát hành, gồm có những cây bút chuyên về văn, thi, hoạ sĩ... cây nhà lá vườn “sáng tác, chiều tác” những bài tùy bút, văn xuôi, thơ tình hay hay, thật dễ thương. Tôi cũng góp mặt trong tuyển tập I mấy bài văn và thơ. Đồng thời tôi sinh hoạt trong Ban Biên Tập cùng Thiên, Thanh, Thứ để viết những bài nhận định, thư ngỏ, bình luận và quan điểm lập trường của đoàn công tác thông tin dân vận Đà Lạt.

Rồi; trường tổ chức nguyên ngày cho khoá sinh đi thưởng ngoạn thắng cảnh dưới Quận Đức Trọng, địa điểm là suối Bồng Lai. Từ mờ sáng trong phòng rộn lên những tiếng cười nói vui vẻ, náo nhiệt hết biết! Ai nấy đều mặt hoa da phấn, hớn hở kêu gọi nhau chuẩn bị hành trang lên đường. Họ chia ra từng tốp năm tốp ba đi ra chợ mua thêm trái cây, nước uống, bánh mì. Mặc dù nhà trường đã chuẩn bị đâu vào đó tươm tất. Hai chiếc xe đò do trường bao chuyến có hai tấm biểu ngữ móc ở hai bên hông xe bay phần phật, chở bốn mươi người dự thảo viên và mười ông thầy giảng viên đi picnic. Nào ca hát, nào đàn, nào kể chuyện tiếu lâm, trên xe cứ om sòm ỏm tỏi như đám rước ngày hội lớn, vui vẻ chưa từng thấy.

Tới dòng suối Bồng Lai cắm lều. Con suối thong thả chảy lượn qua các mô đá nép mình bên những bụi sim tím, bên những đoá hoa dã quỳ vàng óng và những bụi hoa cỏ dại không tên. Nước trong xanh lấp lánh ánh mặt trời róc rách chảy dưới chân. Làn gió mát rung rinh thấp thoáng trong rừng thông rì rào đong đưa cành lá, và choài mình ra mé suối, thoang thoảng mùi hương hoa núi đồi dìu dịu thơm thơm lả tả hoa núi bay về. Lần đầu tiên các bạn thấy tôi mặc áo sơ mi trắng nõn, váy đầm đen, thắt nơ đen trên cổ, đi giày cao gót. Họ to nhỏ xầm xì với nhau là:
- Trông con Thụy đẹp giống như cô đầm lai hí.
- “Mi nhon” hết sẫy!

Lại vẫn cái tính xầm xì bàn tán to thật to bất lịch sự như hồi nào í. Có một hôm tôi mặc bộ đồ ngủ mỏng, bên ngoài khoác thêm chiếc áo ki mô nô, thì tôi bị mấy “anh chàng và mấy cô nàng nhà quê” ở trong phòng ngủ xúi giục, nên con bé Nuôi tài lanh và ngu xuẩn cứ chạy đến bên tôi cười hì hì. Bỗng nó tốc áo kimono của tôi lên cao hoài, cho mấy tên con trai dòm vô. Họ xem tôi có mặc quần lót không! Thật bất lịch sự, lố bịch, vô duyên, mất dạy, thô bỉ hết biết ha!

Trong đám bạn gái của tôi cũng có nhiều cô đẹp như: Thương Chi, nghe nói Chi đang mê Thư lắm. Chánh dễ thương có một đứa con gái ba tuổi, mà vẫn được Thanh làm cùng Ty mê tít thò lò. Anh chị nầy hẹn hò “nhảy dù đi đêm” hoài.
Nào là: Hằng sắp làm đám cưới vội nay mai, dù ba mẹ cô ta không đồng ý cho cô lấy người chồng mà họ cho rằng không xứng đáng. Nhưng Hằng đã mê muội và “lỡ dại” sắp có con! Hằng khóc than với bạn: “Thà rằng chẳng biết cho xong. Biết ra như xúc, như đong lấy sầu”. Đã lỡ mất rồi. Tình yêu hai người ấy nay ra nông nỗi nầy: “Chưa được thì hứng bằng rá. Được rồi thì đá bằng chân”. Hằng gặp phải thứ chồng “không chức không phận thấp hèn mà cứ tưởng là “ta đây”…
Huệ có chồng con đình huỳnh, nhưng hai vợ chồng không hợp, Huệ bỏ chồng về nhà sống với mẹ của cô. Nay Huệ được ông Tiến là Phó-giám-đốc khóa hội thảo thương yêu, hai anh chị “mùi” ráo riết.
Cả em Nuôi mới mười lăm tuổi nhưng cũng có anh bồ gộc là Dzuật (giảng viên) và Trung, Phong cùng làm trong văn phòng yêu thương Nuôi da diết. Nay em hẹn đi ăn với Trung, mai em đi chơi phố với Dzuật, hoặc Phong. Tay ba nầy ghen nhau loạn xạ. Trung là học viên nên không dám làm gì to chuyện, chỉ ghen ì xèo khi Nuôi bỏ anh, mà đi bồ với Dzuật.
Có Tuyết, cô em gái láng giềng Hà Đông của Thứ, Tuyết có anh bồ là Sao đang cặp kè, họ thề hẹn vài tháng nữa sẽ làm đám cưới. Có Lăng và Nở-Hoa cũng khắng khít “nhỏ to tâm sự riêng”. Ôi! Cứ loạn xà ngầu như đám bùi nhùi. Và, còn nữa… Còn tôi nữa…
- Mời Thụy vào gốc cây nghỉ chân uống nước, ăn bánh ngọt với chúng tôi.
- Cám ơn Dzưỡng, nếu có trái cây, thì tôi ghé. Còn ăn bánh uống nước, thì tôi no rồi.
Thứ đi dạo xem phong cảnh cạnh bên tôi, anh sợ mất lòng bạn, nên vội đỡ lời:
- Cô ấy đùa cho vui ấy mà.
Tôi vừa đi vừa mỉm cười:
- Thật đó. Bụng của tôi và các bạn lọc ọc bao nhiêu thức ăn, và cả lít nước rồi. Không biết sao mà còn mời lơi!

Vì Dzưỡng không biết là tôi rất không ưa Dưỡng, tôi đang giăng bẫy để đưa Dzưỡng vào tròng, cho bỏ ghét. Tôi dừng lại khi Dzưỡng ồn ào nói:
- Vậy chúng tôi gồm: Trung, Phương, Dzưỡng, Hạnh, Liễu, Thanh, mời Thụy và Thứ vào đây. Chứ làm gì mà hai anh chị “úp mở”, cố đi riêng lẽ thế!
- Hứ! Cảm ơn mỹ ý của bạn. Tiếc là tôi ớn lên tới cần cổ.

Đoàn học viên lên xe trở về Lữ quán thì tôi lanh lẹ vơ vội quần áo, rồi chạy đi xí phòng tắm. Bọn con gái giành hết mười mấy cái phòng tắm trước mấy bạn trai chậm chạp. Con gái bao giờ cũng có cái “ma lanh láu lỉnh” hơn con trai là gì! Ngày cuối cùng chúng tôi ăn cơm ở lữ-quán. Nhà bếp cũng tỏ ra biết điều, họ cho chúng tôi ăn cơm ngon hơn. Mọi ngày thì khẩu phần rất ẹ: Hôm nay nào gà rô ty, sườn heo nấu đậu, canh rau cải nấu tôm tươi, thịt bò trộn xà lách, cả món tráng miệng là chè hạt sen (thay vài bánh ngọt, hay chuối mỗi ngày).

Đêm văn nghệ thật vui, thật sôi động qua nhiều tiết mục: Đơn ca, song ca, tam ca, hợp ca. Hai vũ khúc. Hai hài kịch. Tôi tham gia trong mục song ca, vũ khúc, và thủ diễn vai chính trong một hài kịch. Tất cả mọi người phải tự biên tự diễn một vài thứ, miễn là có tham gia văn nghệ, để chấm thi ngày ra trường. Ông Giám-đốc Tào cũng như ông Trưởng Ty Triết sẽ tùy thuộc vào khả năng của mỗi người, hầu phân phối chúng tôi đi làm việc ở ngay Ty, (trong thành phố), hoặc phải tỏa đi ba quận huyện lân cận xa xôi.

Thứ ca bài “Đường Chiều” và “Con Thuyền Không Bến” và tự đánh đàn guitar, đàn Haiwaii. Ôi! Tiếng đàn trầm bổng thánh thót khi khoan khi nhặt, cùng tiếng hát trầm ấm ngọt ngào đầy tình người và rung cảm của anh, như xoáy sâu vào lòng người! Trong phòng không ai biết anh có biệt tài. Bây giờ cả hội trường đông nghẹt sinh viên học sinh và lớp hội thảo đang nồng nhiệt hoan hô Thứ, thì Trung, Phương, Thanh… hết thảy bọn họ đều rất thán phục, hết dám lên mặt làm “thầy đàn” khinh thường tài nghệ của Thứ.

Bởi vì những buổi ca hát trong khoá hội thảo nầy, Thứ chỉ cười cười ngồi im lặng ở dưới làm khán thính giả, nghe họ múa rìu qua mắt thợ! Tuyệt nhiên anh không hề lên sân khấu biểu diễn tài nghệ (duy chỉ có tôi ở trong đoàn là biết anh rất có biệt tài lẫy lừng mà thôi). Sau những giờ phút làm chao đảo lòng người ấy, mặc các bạn la ó đòi Thứ đích thân đệm đàn cho ban nhạc tự phát, vì Trung, Phương, Thanh, đánh đàn không có phương pháp, không học theo sách vở với thầy bà nào. Họ chỉ “đàn mò, học lóm lỏm bỏm”. Các “ca sĩ miệt vườn” hát một đường, họ đàn đệm đánh một nẽo! Bùm búm bum… từng tứng tưng… tằng tắng tăng.

Thứ học hai thứ đàn nầy đã chín năm do thầy nhạc sĩ kiêm hoạ sĩ Hoàng Hà dạy, anh đàn có căn bản hẳn hoi. Họ kêu gọi Thứ lên sân khấu, nhưng anh nhất định trốn vào phòng ngủ, không chịu ra hội trường. Hôm nay tình trạng giường nệm ở phòng ngủ rất lộn xộn, không sắp theo thứ tự như cũ, vì tất cả giường phải kê sát vào nhau, dồn vô trong góc vách, bên ngoài tấm phông che, vì cần có chỗ rộng để làm thêm sân khấu và làm sàn nhảy đầm. Nên ai muốn ngủ ở giường nào thì ngủ, thật ra không biết giường nào là của mình ở “góc mô” mà tìm.

Ngoài kia dù đã khá khuya, nhưng các bạn tổ chức “đêm không ngủ” ca hát, ăn uống, chuyện trò vui vẻ. Tôi đi tìm giường của mình, mới khám phá ra một điều bí mật lý thú không thể ngờ: Khi tôi vô phòng ngủ chuẩn bị leo lên chiếc giường của mình, mới giật mình thấy Thứ đứng ở một góc mờ mờ tối dưới đất, anh ta đang ngửa mặt lên cao, vòng tay Thứ ôm lên cổ Thương Chi. Còn cô ta thì nằm sấp trên chiếc giường cao ở tầng hai, cô ta cúi mặt xuống trên mặt Thứ đã ngửa lên. Bất chợt thấy tôi bất ngờ vào phòng ngủ, họ vội vàng buông nhau ra. Vờ như không trông thấy cử chỉ của hai người, tôi lúi húi cúi mặt lặng lẽ leo lên giường của mình, và thả mùng xuống. Tôi không thể ngủ được, vì ngoài kia còn ồn ào náo nhiệt kinh khủng. Tôi đang lim dim mơ màng thì Mai và Huệ vào phòng, tốc mùng kéo giật tay tôi lôi xuống giường:
- Lớp tổ chức cuộc chơi bắn tên, chơi mèo bắt chuột, trốn tìm. Có thưởng lớn. Thụy phải ra tham gia, không ai được ngủ cả.

Quả thực lúc đó trong phòng chỉ có mỗi mình tôi đi ngủ. Họ đi đâu cả rồi? Nằm một mình trong phòng mờ tối, không ngủ được, dù bên ngoài vọng vô ồn ào, nhưng tôi hơi sợ ma. Nên tôi theo hai bạn gia nhập vào cuộc chơi trẻ con nầy. Nhưng lòng tôi cảm thấy buồn lắm. Sau đó tôi lẽn vào phòng kế bên, là leo lên đống nệm, gối, mền, thật cao của lữ-quán. Tôi nhảy tủm xuống bên góc kín đầy nệm tối và khuất ở phía trong, tôi dự tính để trốn mấy bạn, hy vọng không ai tìm ra, tôi có thể ngủ chốc lát. Nhưng, tôi giật nẩy mình toan hét tướng lên, khi thấy Thứ đứng phắt dậy ở một xó góc như cái hang ổ kia. Anh lanh tay lấy tấm mền phủ lên sau lưng. Tôi hoảng hốt khựng lại:
- Úi chèn đét ơi! Anh làm cái gì đó?
- Thì… đi trốn.
- À… cái anh nầy! đã nói là “đêm không ngủ” sao định chui vào đây “ngủ lén” ha!? Có ra chơi với các bạn không thì bảo. Không thì tôi la lên. Họ vào đây lục soát, coi anh làm gì, thì chết đa. Ai nằm ngủ với anh đó?
- Ha… à… Bạn.

Tôi lại trèo lên đống nệm gối bị rách vứt bừa bãi, tôi nhặt mấy sợi lông vịt (những lông tơ vịt làm gối) đã dính trên tóc anh. Tôi kéo tay Thứ theo, anh nói:
- Em đi ra trước đi, rồi anh… sẽ đi ra.

Tôi tụt xuống đi ra ngoài hội trường và ca hát nghêu ngao. Gần ba giờ sáng khi Thương Chi từ trong phòng ngủ đi ra, cô ta lên sàn nhảy với bạn, tôi thấy vài lông vịt dính trên mái tóc dài của nàng, giống như lông vịt dính trên đầu Thứ lúc nãy. À… thì ra tôi đã hiểu… cô ta chính là “bầu bạn… Thứ”. Bốn giờ rưỡi sáng, hầu như không ai còn có thể thức trắng đêm như đã hẹn, nên họ lần lượt rút lui về giường ngủ. Tôi leo lên tầng trên một cái giường bỏ trống ở trong cùng, thả mùng xuống, tôi nằm yên và chợp mắt được một lát.

Bỗng tôi giật mình thức dậy, vì phía dưới cái giường đôi nầy cứ rung lên từng chặp, từng chặp. Tôi bực tức chồm người cúi xuống nhìn vào cái giường dưới lưng mình. Vì chiếc mùng trắng vải thưa hơi dày, nên tôi không nhìn rõ người con trai trùm kín đầu hắn, là ai!?. Tôi chỉ thấy cái sọ dừa tên kia đang nằm trên thân Chi. Cô ta nằm ngửa và mở mắt trừng trừng nhìn lên cái giường đôi, (là nơi tôi đã nằm)… Tự nhiên tôi nổi sùng, (có lẽ là lúc đó tôi “bực tức, ghen bóng ghen gió” khi biết hai người nầy thân thiết nhau?!), nên khẽ gắt:
- Thương Chi. Làm cái gì mà rung cái giường sắt dữ vậy! mầy?

Sợ bị lộ, mấy người con trai khác nằm ở giường sát bên giường của Chi, đã kéo hai cái mùng nhập cho vào nhau, để cho tên con trai đang nằm ở giường Chi, chui tọt qua bên giường của hắn. Rồi cả mấy tên lồm cồm luồn đi các giường kế tiếp, ở nơi cuối góc phòng tối. Thì ra, mấy tay con trai ranh ma quái qủy nầy quá quắt lắm, họ cùng nhau ngồi chung một giường ở trong mùng, để nhìn qua bên giường Tương Chi “coi… màn kịch tình câm, hay để “bề hội đồng?”. Khiếp! Cái lớp tự nguyện tự do thoải mái đầy hào hứng nầy là như thế đó!
* * *

Lễ bế giảng khóa học được tổ chức khá linh đình, trang trọng dưới sự chủ toạ của ông phó Tỉnh-trưởng nội-an, qúy ông Giám-đốc, Trưởng-ty các ban ngành đoàn thể. Trong lớp học có học viên tên Lăng, ba mươi bảy tuổi, có lẽ anh là người già nhất trong đoàn thông tin. Lăng đại diện khoá sinh lên sân khấu lãnh bằng tốt nghiệp; (sau những ngày chúng tôi vùi đầu vào trang sách mở rộng, đây là quà lưu niệm của qúy ông phó Tỉnh-trưởng, các Giám-đốc, Ban-ngành trao cho nhóm người “Tự Nguyện”, các bạn đã được chính phủ thừa nhận tốt nghiệp). Tiệc tùng khoản đãi tưng bừng, vui vẻ không kém gì ngày hội lớn. Ấy là nhận danh hiệu cao qúy nhất mà mỗi người tốt nghiệp khoá I vinh dự thụ hưởng.

Từ đầu đến cuối buổi lễ rất chu đáo, ông Châu phó nhòm chụp nhiều ảnh, quay thành phim tư liệu, mai mốt ông sẽ cho trình chiếu trên màn ảnh chương trình thời sự đó đây. Nhưng khi ông phó Tỉnh-trường và đoàn tùy tùng ung dung an vị trong những chiếc xe hơi đen bóng loáng ra về. Thì ở hội trường có ông đại diện Tỉnh-trưởng tai to mặt lớn nổi trận lôi đình với anh chị em khoá sinh. Chắp hai tay sau đít, ông đi lui đi tới:
- Anh chị em hãy cho tôi biết: Sao không có tấm bích chương móc lên ở chỗ được quy định ở bên ngoài khuôn viên lữ-quán vậy? Phía tay trái kia kìa! Câu biểu ngữ mà tôi định cho dán thêm bên hướng trái của lữ-quán, đâu rồi!? (đại ý là tỏ lòng tri ân và tâng bốc các vị quan to chức lớn, nịnh nọt lố bịch, coi thiệt chướng tai gai mắt thật. Vài ba người trong nhóm học đã đồng lòng cố ý bóc vứt đi, cho rãnh mắt).
Lăng đứng nghiêm chỉnh, cúi đầu thưa:
- Thưa ông, chúng tôi đã dán câu biểu ngữ như ông căn dặn. Nhưng khuya hôm qua có lẽ “kẻ gian” rình mò, phá hoại xé toạt đi. Chúng tôi không ngờ, nên đã dọn dẹp dụng cụ cần thiết. Sáng tửng bưng không thể nào chạy ra chợ mua vải về, làm lại tấm khác, cho kịp.
- Làm cái gì cũng phải phòng hờ chứ! Nước đến chân phải biết nhảy.
- Còn dấu hồ dán và chút giấy màu đỏ trên tường… Chúng tôi có…
- Tôi không phải là cha cố… để anh chị xưng tội lỗi của mình, xin tôi tha tội đâu!
Ông ta lại đi tới rồi đi lui:
- Tôi thấy chứ. Các anh chị tài giỏi, hay… hay lắm! Hệt như một…

Định nói thêm câu xỉ vả gì đó cho hả giận, nhưng ông ta cố gắng kềm chế. Ông ta run run thò tay vào túi áo bành tô, rút chiếc khăn tay ra lau mồ hôi rịn trên trán. Chiếc kính mát vô tình rơi xuống đất, mà ông cũng không hề hay biết. Không ai kịp mở miệng nói, hoặc chạy đến nhặt lên dùm. Gót giày của ông dẫm phải, đã bể nát cái kính vỡ vụn dưới ánh mặt trời ấm áp lấp lánh, hai cái tròng không kính chổng cọng nham nhở giơ lên trời, trông dị hợm làm sao! Từ trong thâm tâm tôi cảm thấy bất mãn.

Ông ơi! Không nên núp bóng cây cổ thụ lợi dụng quyền hành, để có thái độ kém tế nhị, to tiếng mắng kẻ dưới quyền ở ngoài công chúng. Khi bất ngờ họ có thể vô tình phạm ít sai sót lỡ lầm (đúng hay sai đến mức cần thiết) như thế! Ông đã lạm dụng quyền hành, lại tự hạ thấp mình vì chính bản thân chức vụ không cho phép ông đối xử kém tao nhã, thiếu phong cách một truyền nhân thông tin dân vận, như chúng tôi vừa học trong khoá hội thảo nầy. Mặc dù tôi biết bình thường ông là người khả ái ôn nhu cơ mà.

Môi hở thì răng lạnh nhưng răng cứ tàn nhẫn cắn lấy môi đến chảy máu ra, mà vẫn khoe khoang với đời: răng với môi cùng xương cùng thịt trong một cái miệng, (cùng một dòng máu và nguồn gốc, chung lý tưởng, cùng sinh ký tử quy bên nhau, để bảo vệ quê hương). Là sao thế nhỉ! Thế là thay vì buổi tiệc thân mật giữa ban Giám-đốc, giảng viên, khoá tuyển sinh cùng bạn hữu gần xa đến tham dự, lẽ ra vui vẻ say sưa men hoan ca chiến thắng hương nồng, “trọn vẹn yêu thương” hay “đoàn kết và xây dựng”. Hôm nay đã bay vèo theo “bài học bích chương” mất toi!

Tôi rầu rầu xách valy ra về với Huệ, Phương, Thứ, Luận, Thảo. Chúng tôi cùng chậm bước đi bộ xuống con dốc đường vòng trước mặt chùa Linh Sơn. Thứ hai tay bận rộn xách đàn, valy, amply cồng kềnh... vân vân… Thứ phải nhấc lên đặt xuống hoài. Bỗng dưng tôi nhớ lại mấy cái lông vịt dính trên đầu Thứ và Thương Chi, sau đó là chuyện cái giường cuả nó rung… Thành thật mà nói dù lúc ấy tôi chẳng luyến thương gì Thứ. Nhưng tôi cảm thấy muốn đoạt Thứ từ trên tay cuả Thương Chi luôn tỏ vẻ ta đây có bộ ngực to to. Cho bỏ ghét.

Tự nhiên lòng trào lên nỗi ghen, giận, hờn tức vu vơ. Tôi muốn Thứ tài hoa, điệu nghệ, lịch sự, và khá bảnh trai sẽ thuộc về tôi, vĩnh viễn. Tương Chi phải đau khổ khi mất người nó yêu. Chuyện toan tính nầy tôi biết là dị hợm, nhưng tôi có thể chắc chắn làm… được. Trời rất lạnh và mưa phùn bay lất phất, mà chiếc áo veston của Thứ không gài khuy nút, gió lùa bay giạt hai vạt áo về hai nơi, trên ngực Thứ lộ chiếc áo sơ mi trắng mong manh với cà vạt nâu sọc đen ướt đẫm nước mưa. Tôi dừng lại đặt va ly của mình trên lề đường, vui vẻ bảo anh:
- Sao anh không gài nút áo lại đi.
- … Ồ! Phải. Nhờ em tiện tay vui lòng gài nút áo hộ anh tí.
- Tôi tiện tay cũng định gài nút áo giúp anh đó.
- Cảm ơn Thụy.
Tôi chậm rãi gài nút áo cho anh. Nhìn Thứ, tôi thấy ánh mắt chàng ánh lên nét nồng nàn, xao xuyến, thân thiết, trữ tình kỳ lạ. Bốn mắt gặp nhau với niềm hân hoan trìu mến:
- Có lẽ từ nay anh phải nhờ em đi về chung lối, hầu ngày ngày gài giúp anh mấy nút áo, cho anh bớt lạnh.
Tôi mỉm cười trề môi ra, khẽ nhún vai:
- Vậy chứ để bà Tương Chi và bà Tuyết lại cho ai hả?
- Với họ, anh chỉ đùa cho vui…
- . . .
- Thật đấy.
- Anh đừng có mà… đa tình lãng mạn quá.
- Một người duy nhất khác, anh đã chọn, thì không bao giờ thay đổi…
- Có ngày chết à.
- Được chết với người mình thành thật yêu thương (mà chưa dám thổ lộ)… thì còn gì hạnh phúc bằng. Hở Thụy.
- Chỉ khéo đùa dai và giỏi nịnh.
- Thụy không tin anh sao?
- Ai thèm tin cái người chẳng biết thủy chung.
- Em quá lầm rồi, Thụy yêu cuả anh ơi!
- Xiá. Hứ…
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1360873134.jpg

Mỗi người leo lên một chiếc taxi riêng biệt chạy về hai hướng khác nhau. “Hai anh chị” lưu luyến trìu mến vẫy vẫy tay chào từ giã. Người con trai trở về hướng Hà Đông. Người con gái lên xe trở ra phố, về nhà ở đại lộ Pasteur. Tiếng gió lộng thổi vào tấm kính trên phòng bên góc lầu rít lên khô khan, nghe thật khó chịu. Đám mây mù đen đen buồn bã buông lơi xuống thấp, tạo thành từng cuộn khói trắng đục rồi lẫn khuất vào trong làn mưa xám đục. Chiều xuống thấp xe bon bon qua những hàng thông cao sừng sững đứng thẳng tắp làng mạc nương dâu lặng lẽ gật đầu lùi về nơi xa xôi với đêm buông.

Chính vì có với nhau nhiều ngày cùng làm chung một công việc, mà tình cảm êm đềm và thật mơ hồ trong tôi đã len lén nẩy sinh với Thứ từ lúc nào, thật tình tôi không rõ! Tôi không thể nào ngờ -và không bao giờ nghĩ đến mấy cái nút áo chết tiệt kia- đã có sức mạnh xoay cả vận mệnh tương lai tình yêu của hai người. Giây phút định mệnh tình cờ (hoặc gọi là số phận “tài lanh và xí xọn”) trớ trêu đó đã mở to mắt, để cúi nhìn xuống đời dân dã, và bện quyện buộc chặt một sợi tơ vàng tuy mong manh; nhưng có đủ sức mạnh dẽo dai bền bĩ! Đó là ngày muà xuân có cơn mưa phùn buốt tê, có gió lồng lộng thổi về tràn ngập trên xứ hoa anh đào, có chiếc nút áo định mệnh chắc chắn của Thứ đã tình cờ trao vào tận tay tôi. Phải! Có nhiều điều khác nhau, vô cùng xa lạ, nhất là về quan điểm, tính tình, đồng cảm, tình cảm. Một sự thiếu thông cảm đầy bất công, mâu thuẫn, mà lại xen lẫn niềm vui, hạnh phúc chợt đến, chợt đi, chợt về.

Tình cảm đó không có cách gì hủy diệt được về cái ngày tiền định duy nhất: từ đàn én báo xuân khoảng chục ngàn con vượt vài trăm ngàn ki lô mét, từ phương Nam bay về tu viện San Juan Capistrano ; ấy là ngày 17 tháng 3 được mệnh danh: Swalows Day. Chính lúc đó có một chú én lạc đàn đã mang mấy cái “nút áo thần” bay xa, xa hẳn đàn. Nút áo chết tiệt có sức mạnh xoay cả vận mệnh. Đó là nút áo đen đen xinh xinh của Thứ đẹp trai, tao nhã, tài hoa, nhưng không hề có sự đồng cảm, thân mật hay truyền cảm cho lắm. Ối Giời ạ! Dạ phải đấy…
* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
02-19-2013, 05:18 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1361250593.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1361250775.mp3
Ác-nhân tương-tàn Xứ Mai Anh Đào !
(Nhớ về năm Mậu Thân 1968)
Tình Hoài Hương
***



Khung trời Đà Lạt se lạnh giữa lưng núi gom từng phiến mây bạc ùn ùn trôi dưới nắng vàng tươi rói. Mây phơi phới hào phóng bay bay khắp đỉnh đồi thông, quyện lẫn mùi hương hoa ngâu, hoa lý, hoa lài, hoa bưởi tỏa ra thơm thơm. Gió lồng lộng vỗ vào hàng hiên bên giại nứa sau hè nhà ba má tôi, phối hợp cùng bầy chim én lý lắc ríu rít vút vút bay lên bay xuống. Nắng và gió vô tình lùa tới, thi nhau đẩy khói lửa bốc cao vào cuộc chiến. Cho đến lúc chết vẫn tranh chấp kịch liệt những con đường nhấp nhô trồng nhiều hàng hoa anh đào óng ả lả lơi uốn khúc, lượn sóng vòng vòng quanh co ven đồi núi Đà Lạt. Khiến ta thèm những đồng bằng ruộng dâu đất đai phì nhiêu, cả những luống hoa muôn màu tươi đẹp, bao đồi thông ngút ngàn xanh um bóng mát.

Đến chân khu nghĩa trang số 6, Lâm lúi húi đốt hương trầm bên những nấm mồ tiên tổ. Nào ngờ nơi ấy phơi ra mấy thi hài lõa lồ lắc lẽo, rửa nát, tanh hôi, sình bủng, không trọn vẹn hình dáng ai rải rác bên vệ đường ở thành phố cao nguyên Lâm Viên từ hai ba hôm nay chưa có người kịp nhặt đi chôn.

Tiếng súng bên nầy lẫn bên kia rau ráu ầm vang nhức nhối nổ thật rát tai, quá kinh thiên động địa, tạo thành một chiến trường bi phẫn, bạt ngàn khói lửa tuông về, chết chóc, rùng rợn, thê thảm sẽ ập đến nữa mà thôi! Chiến tranh ngang nhiên ngốn đi biết bao thanh niên trai tráng, và ông già bà lão trẻ thơ vô tội; kể cả động vật có hai chân, bốn chân, hoặc không có chân nào như giun, rắn... và bất động vật. Bất kể “chủng loại” nào “nó” cũng chẳng từ nan. Chiến sự không tốt đẹp gì. Phía Việt Nam Cộng Hòa chưa thể ra tay! Nếu có đề phòng trước, không bị bất ngờ, và có quyền quyết định như người xưa “tiền trảm hậu tấu”, vị tất họ chẳng nhường cho “kẻ dị tộc” vô Nam xâm lăng một tất đất.

Lẽ nào chính phủ Việt Nam Cộng Hoà để “người lạ phương xa” tự do ra vào tung hoành, tranh phần lãnh thổ của riêng ta, mặc nó thao túng!? Vì chính bọn họ đã ngang nhiên vi phạm quy ước hiệp định “The 1954 Geneva Cease-fire Agreements” ấn định: chia đôi đất nước Việt Nam ra làm hai phần: miền Bắc – miền Nam tách bạch (riêng rẽ chủ quyền lãnh thổ). Lấy cầu Hiền Lương, vĩ tuyến 17, con sông Gianh làm mốc chuẩn mực. Dù phải chia lìa quê hương, xa nơi chôn nhau cắt rốn - Ngăn cách đôi bờ xót xa, tủi nhục, một sự tủi hờn điếng lặng đớn đau muôn đời khắc in vết chàm, không bao giờ gột rửa sạch!

Miền Nam Việt Nam Cộng Hoà vẫn tôn trọng quy ước, tuyệt nhiên không xâm phạm lãnh thổ của ai. Ấy vậy mà, những tên bố tổ cha kia đã làm động mồ động mả, động những ngôi cổ mộ tôn kính từ lăng Nguyễn Hữu Hào xa tít trên triền núi Cam Ly Thượng, chạy dài xuống nghĩa trang khu Số Bốn, động cả thánh thần muốn yên nghỉ giấc nghìn thu ngoài nghiã trang khu Số 6. Ngay trên bàn thờ mọi gia đình cũng bị lật tung, dựng đứng dậy! Nhất là hương hoa đèn nến nghi ngút toả ra tại các chùa chiền linh thiêng, am tự, nhà thờ, nơi đình đám hội hè, mọi nhà cư dân yên ấm vui vẻ ba ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền, đâu đâu cũng bị bốc cháy, rụi tàn.

Thảng thốt. Bàng hoàng tột độ. Thật phi đạo đức! Tôi thương những người chân thật, mềm yếu rụt rè, phần nữa là họ cùng tôi có những nét tương giao đồng cảnh ngộ. Mặc dù sự phòng tránh bom đạn ở trong nhà tôi chẳng chắc chắn chu đáo gì, Lâm đã kê ở bốn chân giường lên những cục táp lô, rồi chất bao đất cát ở bốn phiá chung quanh cái giường đôi, làm thành căn hầm tạm trú. Nền xi măng lạnh lẽo đã quét sạch và lau đi lau lại bằng khăn lông vắt khô. Tôi trải tấm nệm xuống nền nhà để ngả lưng. Mới bốn giờ chiều mà cả nhà lo chui vô “hầm trú” nầy.

Buồn không nói nên lời! Ở thời buổi chiến tranh không biết nghỉ mệt, làm sao bây giờ? Không sáng tối nào mà tôi khỏi thấy đầu đạn mới, mìn cày xới trong vườn hoa trước sân nhà, trong phòng ngủ, phòng ăn. Có nhiều hôm đạn ghim vào nệm, vào gối. Dễ sợ chưa! Đầu đạn ghim vào vách ván thì không kể xiết. Tất cả cửa kính bể nát, tha hồ cho gió lạnh lộng hành rít vù vù, lật tung hết mọi trật tự trong gia đình. Mấy cái phuy chứa đầy nước uống đạn xuyên qua, nước chảy cạn xuống đáy thùng. Sáu bóng đèn điện trong nhà cứ vài hôm bị đạn "xơi tái" đi. Riết rồi trong nhà tôi, ngoài ngỏ, đường cái tối thui, không còn một bóng đèn nào. Không ai có thì giờ nghĩ đến chuyện dọn dẹp nhà cửa khang trang tươm tất hơn.

Thế rồi chúng tôi không thể nằm lì ở nhà, mà phải bồng bế nhau chạy lên khu nhà Dòng lánh nạn, vì đạn mìn nổ réo rát tai, tức lồng ngực kinh khủng. Sau ba tuần, cư dân trong thành phố tôi ai ai cũng đi đi về về lánh nạn (người dân ở vùng nào, thì tạm lánh ở những cao ốc an toàn nhất của vùng đó, (ví dụ khu ở nhà Chung, nhà Bò… họ sẽ chạy vô núp trong nhà thờ Chánh Toà). Dưới khu Điạ Dư thì dân vô ngủ nhờ ở trường Grand Lyce’), vân vân... Bảy gia đình ở khu Mai Hắc Đế cuả chúng tôi cư ngụ gần dòng tu Domain de Marie (dòng tu có biệt hiệu là: “Dòng Bà Xơ Xanh, và còn có tên là Dòng Nữ Tu Mai Anh, vì trên khu đồi nầy trồng toàn hoa Mai Anh Đào”).

Sau vài ngày sửng sốt bàng hoàng dáo dác lấp ló nhìn nhau; thì mấy ông mồ côi con nuôi (của các Bà Mẹ Dòng) không cho “cánh đàn ông ở ngoài Đời” (đây là “từ” mà các con cuả bà mẹ dòng Domain muốn ám chỉ về: Những người ngoài đời ấy không phải là con nuôi, con mồ côi “thuộc quyền cai trị” của các bà mẹ dòng tu). Mấy “ông mồ côi” không cho mấy “ông ở ngoài đời”, vào ngủ nhờ dưới tầng hầm nữa. Mấy “ông tướng mồ côi” nầy được các bà mẹ dòng Domain đi nhặt nhạnh ở đâu đó trong thành phố, hoặc vài nơi: Tỉnh, Thành nào… đã bị cha mẹ họ dã tâm bỏ rơi con. Rồi các bà dòng bác ái ấy cưu mang, ra tay làm phúc, gây đức, lụm khụm, tay bồng tay dắt đùm túm tha nhặt mang trẻ không cha mẹ, tứ cố vô thân về nhà dòng.

Khi các bà có “cục cưng” thì ôi thôi họ lo nuôi nấng, ấp ủ cho “đàn con côi cút” có cơm ăn áo ấm mặc, học hành tử tế. Nhưng dĩ nhiên các cục cưng cũng không khỏi bị các bà cho ăn cơm ngon với… ăn đòn (khi các con ưa quậy tưng trời)! Đàn con nuôi dần dà lớn lên thành nhân, thành tài, các bà mẹ dòng lại đứng ra dựng vợ gã chồng “hợp tác” cho con mồ côi có tổ ấm riêng. Các bà dòng làm một dãy nhà gỗ, hoặc nhà xây ở tít dưới thung lũng (khu đất rộng trong khuôn viên dòng). Các bà mong họ sống ấm no thoải mái, sanh con đẻ cháu ở đó cho tới già, tới chết. Khi họ lìa đời, mẹ dòng lại bưng họ đi chôn trong một góc tư điền tư thổ xa xa Dòng Domain nầy.

Trở lại chuyện mấy ông mồ côi: Mặc dù “mấy ông tướng mồ côi” dư biết bảy gia trưởng “ở ngoài đời” là những cư dân sống đàng hoàng, lương thiện, có công ăn việc làm cố định, có nhà cửa, đồng thời họ là hàng xóm láng giềng thân cận với khu đất dòng Domain. Ngày ngày mấy “ông tướng gia mồ côi” thường lui tới, ra vào nhà mấy ông “láng giềng bạn dân” ngoài kia; đôi bên tưng bừng vui vẻ la cà ăn nhậu lai rai. Chưa say, không đã, không xỉn, không quên nghêu ngao ca hát mà đưa lui đưa tới: “anh hân hoan đưa em về, rồi thì em lại dùng dằng chẳng chịu chia tay, lôi kéo em đưa anh ra”. Họ “khắng khít” với đàn anh ngoài đời chả chịu bò lết trở về nhà.

Thế mà hôm nay lúc bên ngoài súng đạn bay vèo vèo, nhưng bọn mồ côi ấy khoá chặt cửa nẽo, bình thản và tàn nhẫn đứng ở trong cửa hầm, vô tư lự nhìn ra nhóm đàn ông ở ngoài cửa. Dù mấy tay đàn ông đứng ở ngoài cửa ngoài trời hết hơi năn nỉ ba ông mồ côi thân quen gác cửa muốn gãy lưỡi, họ vẫn không cho mấy ông ở ngoài trời vào. Lâm giận run chửi họ một trận. Anh nổi cộc dùng tay không đấm rõ mạnh vào một ô cửa kính, khiến nó bể nát ra. Mảnh kính ghim vô bàn tay Lâm, máu tươi chảy ròng ròng. Tôi xanh mặt, ớn lạnh và run lẩy bẩy không thốt nên lời. Lâm xỉ tay vào bên trong cửa kính vừa bể, hét to:
- Không cho chúng tôi vào. Hãy mở cửa cho vợ con tôi ra ngay.
Bác Hải chống hai tay lên sườn:
- Ông không sợ lũ hèn nhát chúng mày. Nhớ nhá!
Báu rung mạnh cánh cửa bể:
- Bà dòng cho mọi người vào đó ở tạm. Chứ nào phải nơi nầy là của riêng bố tổ ...tổ cha chúng mày, mà không cho ông vào. Hử?
- Chúng mày là loài liu điu, nở ra dòng liu điu, cứ tưởng mình là chó sói, thị oai ở rừng ha. Có ngon, thì mở cửa ra đây. Sẽ biết tay ta.

May mà mấy cha nội mồ côi ác nhân đứng lấp ló ở bên trong hầm. Chứ nếu đám ông mồ côi đứng gần cánh cửa bể, thể nào cũng bị Lâm thộp ngực áo lôi ra ở ngoài tầng hầm, thì ...thể nào họ cũng bị “các ông ngoài đời” thẳng tay "nện, dần, đục, tộn" cho một trận nên thân.
Kẹt lại bên trong hầm không ra được, mẹ con tôi thấy cảnh tượng Lâm bị máu chảy ruột mềm, tôi đã chưởi vu vơ nhoi trời đất. Tôi bắt họ mở cửa lớn cho mấy gia đình chúng tôi (ở chung dưới xóm) đi ra. Nhưng tên giữ chìa khóa cửa lớn đã lủi trốn đi đâu, lúc nào không rõ. Đêm đó, bác Hải và Lâm nằm tơ hơ trống huếch trống hoác mà co quắp dưới chân bàn thờ bên hang đá Đức Mẹ, không mền chiếu. Vì có thiết quân luật sau 7giờ tối là không ai được phép đi ra ngoài đường.

Trời Đà Lạt lạnh vào khoảng 10/o C. Hai người cứng đơ như bị ướp đá. Lâm giơ tay vuốt bầy muỗi rơi khỏi khuôn mặt sưng vù, dày cộm. Muỗi tha hồ hút máu đông. Họ không còn cảm giác, gần như chết cóng. Hai anh em bạn láng giềng Hải, Lâm: dù cuống họng, lưỡi và môi không trỗi nhạc mà hai hàm răng va lộp cộp từng cơn. Họ thức trắng đêm thì thầm cầu nguyện, mong bình an và trời mau sáng. Họ nhìn chiến trường bốc lửa từ phía Khu Số 4. Khu Số 6. Họ lo sợ kinh khủng! Sau đêm đó, ban ngày Lâm vẫn đi làm việc, chiều chiều một mình Lâm đến nhà bác Chiểu ở đường Phan đình Phùng ngủ nhờ. Khi nào không có phiên trực ở Ty, choạng vạng tối Lâm ghé tạt về nhà thăm chừng mẹ con chút xiú, là đi. Nơi chốn nầy khá hẻo lánh, ai nấy đều thấy sợ.
* * *

Thỉnh thoảng hoả châu đỏ rực bầu trời suốt từ chập tối đến rạng sáng. Cứ mươi lăm phút thì súng lớn từ hướng Bắc câu đi đâu đó vút vút ầm ầm ầm. Súng nhỏ gần gần trong địa bàn thành phố lại nổ từng hồi pằng pằng pằng… Tạch tạch tạch… đùng đùng đùng. Ầm! Oành! Bầu trời rực sáng màu đỏ tía, do trực thăng bay vòng vòng rất gần đỉnh đầu chúng tôi đã khạc ra những tràng lửa đỏ lòm, những tia đạn dài ngoẵng vút vút lao xuống dưới, rồi bầu trời bỗng tối đen như đêm ba mươi. Trong đêm tối mà chứng kiến tận mắt những tia lửa từ nòng súng khạc ra, mới cảm thấy sự vô tri bạo tàn không kém phần oai dũng cuả súng ống lạnh tanh tua tủa bắn ra, để trừ kẻ gian kẻ xâm lăng. Khói bay toả trên tít tầng mây xám, không trung quyện lẫn màu khói pha sương mù mịt mùng. Mùi hôi theo gió lùa về khét lẹt, chua chua, thum thủm, hôi chịu không nỗi.

Suốt thời gian chiến cuộc, sau vụ Lâm đã đấm bể ô kính cửa ở nhà dòng Domain, dù bàn tay anh băng bó rồI, máu vẫn rỉ ra. Thỉnh thoảng mẹ chồng, tôi, và hai con trai nhỏ vẫn “làm mặt mo” lì lợm, thộn mặt mà mò lên ngủ nhờ dưới tầng hầm của nhà dòng Domain. Hôm nay thì chúng tôi bồng bế nhau lên ngủ nhờ trong dãy hành lang của Dân Y Viện Đà Lạt. Vào bệnh viện ngửi thấy mùi nồng nồng, hôi hôi, tanh tanh, mùi thuốc sát trùng thật khó chịu, hầu như ai nấy muốn nôn ọe. Nhưng gia đình chúng tôi phải ráng chịu đựng. Mẹ chồng, tôi và hai con trai nằm đất ẩm ướt lạnh lẽo luôn luôn. Các con bị ho, sỗ mũi, nóng lạnh. Nhất là bé Tuấn ọc sữa thường xuyên. Mặc dù tôi đã mặc cho bé Dzũng và bé Tuấn hai áo lót, áo cánh, hai áo ấm, quần nỉ dày, mũ len, bít tất, mền bông ủ kín cả người. Nhưng các con bé bỏng đã chịu cảnh gió sương, lạnh lẽo quá chừng không thể ấm hơn, vì hiên ngoài lồng lộng gió và sương muối đặc sệt giăng mắc. Tôi quá đổi buồn phiền, thương các con, đau khổ, lo lắng vô cùng. Tôi thương bé Tuấn tròn hai tháng, con nhỏ xíu, dù con còn đỏ hỏn mà ngày ngày tôi bế con đi ngủ nhờ ngoài hành lang lạnh lẽo lắm. Sáng sáng tôi lại bế con về nhà, giữa nắng mưa sương gió khuya chiều lạnh buốt xương sống.

Đêm đêm súng đạn vang rền, tôi vẫn chứng kiến quá nhiều cảnh đau đớn, rên siết, chết chóc của người già có, trẻ có, đang mang bệnh tật, kể cả thương binh trào máu tươi. Cảnh nào cũng đau đớn khổ sở, đắng cay như nhau. Thà ngủ gần người bệnh, ngủ gần nhà xác, còn hơn ngủ chung với người đang dẫy đùng đùng vặn mình chờ chết. Tôi cảm thấy sợ kinh khủng! Khi có quả bom dội xuống đất, (dù bom dội ở nơi khác) mọi người và vật vô phúc ở ngay đó, gần đó sẽ nát như như tương. Với phản ứng tự vệ tự nhiên, ai ai cũng ngồi bật dậy, lao xuống đất và chui vào gầm giường, gầm bàn. Trước muôn vàn chinh chiến điêu linh tang tóc, khổ sở đã vỡ bung ra trên mọi miền đất nước thân yêu, không một ai vô tình trong cơn quặn đau thắt ruột lịch sử dân tộc Việt Nam, là nỗi nhục nhã ê chề, đớn đau gớm ghiết, tủi hổ tột cùng. Triệu triệu người từng chứng kiến qua nhiều góc cạnh cuộc đời khác nhau, nơi bề trái lịch sử: Tham tàn, cuồng loạn vụng về núp bóng dưới lớp mây đen u tối nghịt trời, đang tỏa sức sống trên vòm trần kính.

Thời gian thấm thoát trôi qua… bé Tuấn vừa được ba tháng rưỡi, con biết lật vào một buổi tối nằm ngủ nhờ ở góc hiên ngoài bệnh viện. Mẹ chồng, tôi và bé Dzũng vui mừng sảng khoái cười la thật to, vỗ tay reo vui hoan hỉ. Khiến mấy cô y tá trực bệnh viện không hiểu chuyện gì, họ lo sợ mở cửa dáo dác nhìn quanh. Mẹ con bà cháu im bặt, chúng tôi sợ họ bực mình, sẽ đuổi đi không cho tá túc ở xó góc hành lang bệnh viện, thì biết trông cậy nương nhờ vào đâu! Đó là niềm vui mừng trong veo, duy nhất có tiếng cười hồn nhiên thoải mái kể từ hôm chạy giặc! Tôi vui mừng hết sức. Tôi cầu mong cho các con hay ăn chóng lớn, gia đình an mạnh một phần. Phần lớn nữa là mong quê hương sớm yên ổn, để chúng tôi và mọi người trở về ngủ dưới căn nhà bé nhỏ đơn sơ, tránh khỏi cảnh ăn đậu ở nhờ nơi đầu đường, xó xỉnh bẩn thỉu và buồn da diết thế nầy.
* * *

Kẻ xâm lăng thành phố Đà Lạt như thế đã hơn hai tháng ròng rã trôi qua… Chiến cuộc cứ thế bên thủ bên nằm, đôi khi quân lực Việt Nam Cộng Hoà tiến lên từng bước, từng bước tiến vào cửa ngỏ loạn ly. Dù lính có kế hoạch quy mô, có sách lược điều quân, và nguyên tắc phối hợp hành quân từ lăng kính thuần tuý quân sự. Nói nôm na hơn là sự tranh giành đất đai, quyền lực “với nhau”, việc nầy không phải đỗ lỗi là vì do chiến tranh hay không chiến tranh! Phía nào không củng cố, không bảo vệ, không cẩn trọng.

Nói một cách thẳng thắng lạnh lùng hơn: nếu không bổn phận trách nhiệm, mất cảnh giác– thì sẽ mất tất cả! Nhưng bắt buộc quân nhân Việt Nam Cộng Hoà phải uể oải nằm ù lì phơi nắng phơi sương dầm mưa nướng mình trên đất cỏ, để chờ đợi lệnh trên ban xuống. Lính ngao ngán mỏi mòn chờ đợi rồI đợI chờ… lệnh tổng tấn công. “Trò đánh giặc” nầy tương tự như “trò chơi đánh bạc”, ta cay cú vì thua mất tiền trong ván bài ấy, do ta không đoán biết trong lòng cuả cái tô úp trên diã đặt ở manh chiếu kia là: chẵn hay lẻ!? Thì khi ta thua, ta phải nghỉ vài ván để tìm “đối sách”. Tất nhiên người cầm cái tuyệt đối không muốn nghỉ, (nghỉ là đồng nghiã với thua). Họ nghỉ tức là buông mất cơ hội tốt lành vơ vét tiền khi “con bạc” đang say nước cờ đen đỏ!

Lính nằm dưỡng sức trên đám cỏ bồng cũng thế! Muốn thắng địch quân ngườI LÍNH TRUNG, TRÍ, NHÂN, DŨNG không những cần có vũ khí, mà còn cần: Kiên nhẫn, dũng khí và ý chí. Từng đường máu cộm phồng co giật bên mang tai người lính phong sương dãi dầu mưa nắng có một sự kiên định và vững chãi. Một số Lính Thủy Quân Lục Chiến các vùng khác biệt phái, Bộ-Binh, Biệt Động Quân nằm ép bụng sát đất, họ xã láng cuộc đời trên những thăng trầm đen đỏ số phận, xây dựng tình yêu nơi hoang tàn quê hương đổ nát. Mặc bao mưu toan đen đỏ trong cơn lốc chính trị lịch sử dùng dằng đẩy đưa, đầy cay đắng. Về phần dân thị thành Đà Lạt thì bị cô lập mọi mặt, mọi ngã đường. Cả bầu trời Đà lạt dường như thu gọn lại trong chiếc máy xay sinh tố cũ khô khan kêu cót két, rít rít, ù ù rột rột quay lông lốc, nghe điếc ù cả tai, xốn xang, nghẽn nghẹt buồng tim lá phổi.

Bầu trời bao la càng trống trải, trực thăng bay lừ đừ như con chuồn chuồn ốm, dễ làm mục tiêu cho các họng súng cối ở nơi xa xa dựng đứng dưới đất chĩa thẳng lên trời, súng bắn từng phát (nghe dường như về hướng khu Số 6 hay Tùng Lâm thì phải). Suốt hai ngày đêm, loa phóng thanh trên phi cơ chĩa xuống đất, kêu gọi người dân ai còn mắc kẹt giữa hai lằn đạn, hãy cố gắng di tản ra khỏi mục tiêu sẽ quầng thảo. Trực thăng bay lượn chậm chạp, từ trong lòng phi cơ tung thả vô số truyền đơn xuống đất, che mờ một góc trời miền núi. Thỉnh thoảng có nhiều tiếng súng rời rạc. Và Ùm… ùm… Ầm ầm… cắt… bụp… xè… rào rạo. Thật chói tai dễ sợ.

Thế mà đằng góc trời nầy, mấy chú chuồn chuồn sắt cứ điềm nhiên, tỉnh bơ lượn qua lượn lại trên đầu chúng tôi. Dường như họ coi đó là chuyện nhỏ, chả có gì quan trọng khi cơn binh lửa bừng bừng thổi về! Vì, phi vụ của họ là ủy lạo đồng bào, dùng truyền đơn từ trong lòng phi cơ vừa rải xuống đất, ngỏ hầu chỉ dẫn dân về cách di tản. Ấy là những tấm giấy phép có uy tín, hiệu lực, để mọi người dân còn mắc kẹt trong khu vực Số 4, Số 6, Tùng Lâm... vân vân… bị tạm chiếm, “dân ta” có thể đi ra an toàn khỏi vùng phong tỏa. Đồng thời loa trên trực thăng vẫn kêu gọi “bọn hàng binh” ra đầu thú, thì sẽ được chính phủ Việt Nam Cộng Hoà khoan hồng ưu đãi. Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà luôn khuyên "Vi ci":
- Hãy buông tha người dân vô tội đi.

Kết quả hữu hiệu là có nhiều thanh niên: bình tĩnh, khôn ngoan, kiên cường lủi trốn đi khỏi vùng số 4, số 6, Tùng Lâm. May mắn thoát ra, họ đã hổn hển kể lại:
- Đối phương chiếm nhiều căn nhà chắc chắn dùng làm nơi đặt biệt liên lạc với nhau.
- Việt-cộng đông lắm. Chúng tôi cố tìm mọi cách thoát thân. Nếu không may thì bị ai đó… bắn “cái đùng”.

Họ (Việt Cộng) tự động tổ chức nhân sự bị kẹt lại thành từng tổ tam tam. Họ vừa xoa, vừa tuyên truyền, vừa đánh đập, để kích động tâm lý trong lòng “kẻ bại”!? Họ bắt dân đen khiêng vác đất đá, đào hầm hố trú ẩn, rất cực khổ, ngỏ hầu trốn bom đạn, mà dân bị nhịn ăn. Vã lại ở trong vùng tạm chiếm nầy, làm gì có họp hành chợ búa đâu, không ai có thể mua lương thực ăn uống! May mà trong vườn của chúng tôi còn tí rau, củ, nên len lén ăn vụng trộm rau cải, mong cố sống còn, mà cầm cự qua ngày.

Xế trưa hôm ấy, vùng đồi núi Domain bị súng đạn đến thăm. Non vài giờ sau là cả đỉnh núi Lâm Viên tuyệt diệu xứ hoa đào thơ mộng cũng không được chú ý bằng mỏm đồi khu Số 4. “Khu Số Bốn”! Đại danh ngữ ấy mới thoảng nghe qua thiệt “quê quê”, nhưng đầy nồng ấm ngọt ngào mật thắm tình quê, dịu dàng êm ả thân thiết, chất phác, mộc mạc, đơn sơ gần gũi như tính ngữ danh xưng. Thân thương làm sao! Nồng thắm trìu mến dường bao! Ấy thế mà suốt bao ngày qua chiến tranh tàn ác đang bám riết lấy nó.

“Kẻ lạ” nhanh như sóc, lủi như chuột chù, chuột hôi len lỏi vào mọi ngóc ngách, họ ở lì trong mọi nhà. Bắt dân đào hầm hố, len lén trèo qua những hàng rào, lủi sâu vào vườn tượt nhà dân. Họ leo trèo lên cây quả, vụng trộm thập thò rình mò dáo dác dòm ngó coi rất gian, rù rì to nhỏ, nhìn trước ngó sau, lấm la lấm lét như kẻ cướp cạn. Trong khu Số 4, Số 6 đó, đa số dân lành còn bị kẹt lại vô tình làm bình phong, làm mấu chốt đỡ đạn từ hai phía.

Chiến tranh không tốt đẹp gì. Chưa thể phân định đâu đúng đâu sai, đâu là điều hay lẽ phải. Chưa thể chứ không phải là không thể. Nhưng chắc chắn một điều chính xác là “bên kia” đã hoàn toàn sai trái luật -do vi phạm hiệp định công ước quốc tế-, họ đã cố tình loang vết nhơ, sóng thần cào cuộn từng dòng máu chảy ruột mềm. Nếu không lầm thì hơn ba tuần sau ngày bé Tuấn biết lật, Quân đoàn II gửi một Tiểu Ðoàn Biệt Ðộng Quân. Tiểu Ðoàn của Trung Ðoàn 53 Bộ Binh tăng cường cho Thị-xã Ðà Lạt, để tiêu diệt tàn quân Việt Cộng ẩn nấp trong Khu Số 4. Khu số 6. Tùng Lâm, v.v… Toàn dân ở Đà Lạt Tuyên Đức nói chung và riêng khu xóm cùng gia đình tôi nói riêng trân trọng cám ơn qúy quân nhân Việt Nam Cộng Hoà.
* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
02-24-2013, 02:37 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1361672542.png
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1361672865.mp3
Mùa Xuân Mây Xám Vắt Ngang Đời Cơ Cực
Tình Hoài Hương
***


Đàn bươm bướm trắng xanh vàng nâu lí lí lắc lắc, chập chờn, nhởn nhơ, trêu trêu, ghẹo ghẹo mấy đài hoa dã qùy e lệ nép mình dọc con sông um tùm lau sậy lô nhô. Cỏ lau bông trắng bay đầy bãi ruộng lúa chỉ còn trơ gốc rạ vàng lởm chởm. Trên chiếc cầu gỗ cũ được mang tên Cầu Bông Nhị Tân lấp loáng nhiều giọt nắng lung linh, long lanh từ mặt nước trong vắt, phản chiếu muôn tia nắng rạo rực luôn lấp lánh đổi màu. Bầu trời lơ lửng năm ba đám mây trắng dài lê thê, dài ngoẵng như sợi tơ len. Mây kéo từ thôn nầy vắt qua thôn khác, in xuống lòng sông biếc xanh. Phút chốc bóng mây trăng trắng dài lướt thướt loang tỏa ra trùm kín bầu trời, mây đổi thành màu xám đen nặng trĩu đang lững thững trôi về nơi vô định.

Tôi lặng nhìn đám mây trắng xám im sửng trên trời, dường như mây giống một dải màn sô tang trắng viền chỉ len màu lam xám đã và đang vắt ngang kiếp đời cơ cực. Rồi bỗng đâu mây đen ùn ùn kéo cơn mưa dầm ào ạt trút xuống đời, suốt mấy ngày đêm, làm nặng nề thêm bầu trời u ám của:
“Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý.
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do”. (2)

Chúng tôi đã rớt xuống vực thẳm sâu hun hút, úp mặt xuống tận đáy xã-hội chủ-nghĩa. Dẫu vậy, các con trai tôi học hành ưu tú, xuất sắc. Hai con lớn dưới mười tuổi, ba giờ sáng các con đã thức dậy, lo chạy bộ đến lò bánh bò, lò cà rem, xa khoảng bốn cây số. Các con ngồi co ro cúm rúm ngoài vỉa hè, để chầu chực chủ mở cửa, hy vọng con có hàng bán chạy rong mời khách. Tháng nắng ngày mưa các con đều khổ cực lầm than như nhau. Ngày ế-ẩm, bánh bò bị thiu, cà rem chảy nước. Chúng tôi lặng-lẽ ngồi ở góc nhà, nhịn khát, nhịn đói, khóc thầm. Vì chồng, cha, là lính “ngụy” bị ở tù “cải tạo” (tôi dùng chữ "cải tạo" phải có hai ngoặt kép). Ai dám giúp! Nhưng, thiệt khổ là hầu như đa số dân lành cũng không có ăn, có mặc, thì lấy gì mà ai giúp ai!?
Đôi dép râu dẵm nát đời son trẻ.
Nón tai bèo che khuất nẽo tương lai”.
May không chút nữa em lầm.
Khoai lang khô xắt lát, em tưởng cao ly sâm bên Tàu (2)

Vài ba năm sau, thì con trai đầu mỗi buổi sáng con đi học, chiều con đi bán bánh bò, cà rem, tối tối con theo chủ ra tận Long Khánh, Hàm Tân, Phan Thiết…, con cùi cụi vác trấu thuê, vác bó mía thuê. Con leo lên nóc nhà dỡ tôn, dỡ nhà, (do chủ mua) và chủ tớ đem đi bán. Con làm bất cứ việc gì dù nặng nhọc, khổ sở, miễn sao con có tiền đem về cho mẹ mua gạo nuôi nhau sống lây lất qua ngày. Ngày hè không đi học, các con phải đi nông trường Nhị Xuân lo trồng thơm, trồng mía. Hoặc con làm dân công thủy lợi đi đào kênh rạch trên Lê Minh Xuân. Tối về, Đảng phát cho một tờ phiếu, dân tự vét tiền túi ra mua gạo, mua mắm (dĩ nhiên!). Ráng đi con ôi!:
Phượng hoàng ở chốn cheo leo.
Sa cơ lỡ vận phải theo đàn gà.
Bao giờ gió thuận mưa hòa.
Thay lông đổi cánh lại ra phượng hoàng. (2)

Con mẹ Thân là vợ của một sĩ quan Nhảy Dù ở “chế độ cũ”, miếng thịt Thân còn nhét trong kẽ răng, ấy thế mà bà ta đã toa rập với bọn cán bộ làm trong Xã Tân Thới Nhì, phản bội, lừa thầy phản bạn. Chúng cắt xén lương thực của dân đen đi làm thủy lợi đó. Dân muốn chết đói mà con mẹ ấy vẫn sống nhăn răng, phè phỡn và đú đa đú đởn. Thật xấu hổ! Sau giờ lao động nhọc nhằn, bà con lối xóm hò nhau xách tụng chạy đi, chen lấn vô cửa hàng, mắng nhiết nhau inh ỏi, vì sợ hết giờ, không có gạo đổ vô nồi. Bà Muôn, bà Cát, bà Liêm ơi ới gọi tôi:
- Cô đi mua gạo “liên xô”. Mau lên kẽo hết. Nhịn đói thì chết.
- Vâng.

Tôi lo ba chân bốn cẵng chạy theo mấy bà hàng xóm. Tôi rù rì nói nhỏ vào tai bà Cát (bà ta là người đàn bà đanh đá, chì chiết, hai hàm răng luôn nghiến lại, bà nói chuyện không hở môi. Bà luôn mồm nhắc tôi “giữ bí mật”. Ấ́y thế mà chính miệng bà ta bi bô không giữ được, và “bật mí” phun xì ra. Í dà da! Bà ta thèo lẽo, tò mò tọc mạch như con ma xó! Tôi trách chi bà.
- Sao chị dám nói là gạo Liên Xô hử?
- Chứ cô không thấy có bao giờ mình được mua gạo đàng hoàng, từ tốn đâu. Không “liên” tục chen lấn, giành giật, “xô” đẩy nhau, mà rách toạt cả quần ra, là gì!
Chị Dung cười toe:
- Ồ! Thì để cho… ông trùm sò dê Bảy De thèm một xí.
Tôi thật thà hỏi:
- Dê Bảy De là ai, hở chị Muôn?
- Là cái thằng cha mặt ngựa mỗi ngày rả rả trên “loa” phóng thanh, hắn ưa nói Dóc. Nói Dai. Nói Dở. Nói Dổm. Nói Dối. Nói Dốt… í mà.
- Ai vậy cà?
- Bộ thích ổng rồi hay sao, mà cô cứ hỏi tới dữ dậy he?!
- Hổng dám đâu.
- Bà Liêm, bà Muôn nhìn nhau nháy mắt, trêu tôi:
- À, cô giỏi văn, vậy tui nhờ ổng “nhất ngoặc, nhì thân, tam thần, tứ chế”. Ổng có thần thế, sẽ giới thiệu cô vô ngành giáo dục he.
- Hừ! Em mà giỏi cái nỗi gì.
- Cô nói láo một cây xanh dờn hén.
- Em hỏi chị chớ: Thầy cô đi dạy, ít ra cũng phải có ba bốn bộ đồ, để thay đổi. Còn em, chỉ có hai bộ dính da. Trời mưa em giặt đồ phơi, không kịp khô. Thì làm ăn cái nỗi gì!
- Tại vì: “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
Áo quần bán trước, cửa nhà bán sau.
Bác Hồ khuyên ăn cơm rau.
Đừng ăn thịt cá, mà đau dạ dày” (2). Nghe ra chưa?
- Ui Trời! Chị dám rên la he. Em… hổng dám à nha.
Bà Liêm háy nguýt một cái dài lê thê, chanh chua:
- Cô nghe cho rõ nè:
Một năm hai thước vải thô.
Nếu đem may áo, cụ Hồ ló ra.
May quần thì hở lá đa.
Chị em thiếu vải, hóa ra lõa lồ.
Vội đem cất ảnh bác Hồ.
Sợ rằng bác thấy tô hô, bác thèm.
Có áo mà chẳng có quần.
Lấy gì hạnh phúc hỡi dân cụ Hồ?
Có đói mà chẳng có no.
Lấy gì độc lập, tự do hỡi người? (2)
Bà Cát:
- Mắc mớ gì mà rên la. Tui có làm nên chế độ chế đá chi. Cô hổng thấy bên Tây, người ta có thịt, cá, ê hề, đầy nhóc, mà họ chỉ thèm ăn rau toàn là rau thôi đó sao.
- Thôi. Đừng nói nữa, không khéo bóp méo sự thật, nói lung tung beng, mang tội chống báng chế độ, thì bị tù mọt gông đa, mấy chị ui.
- Tui có hai cái cùi chỏ. Sức mấy dám “chống” đối ai. Chống gậy đi thủy lợi, thì có. Ai không đi thủy lợi, thì không có phiếu lương thực đã đành. Còn phải lên Ấp, lên Huyện “học tập cải tạo tư tưởng”. Hứ! Học tập cái ngữ gì hổng biết, một chữ bẻ đôi không rành, không biết, dốt còn hơn con bò tót, mà đòi đi dạy dỗ học tập “cải tạo” ai hử!? Đừng nên dùng chữ cải tạo nếu không có dấu ngoặt kép à nha.
- Đúng thế!
* * *

Có lần tôi bị đau nặng, không đi thủy lợi được, thì họ bắt bà mẹ già cuả Luật đi làm việc “bù” không công. Mẹ chồng hơn bảy mươi tuổi lặn lội mót lúa, mót sắn, mót khoai… . Vì “lao động là vinh quang”, mẹ đi bắt ốc mò cua, tửng bưng sáng mẹ mò mẫm ra đi khi trời còn đầy bóng tối. Rồi, tối mịt mù mẹ lò mò đội lúa trên đầu, mệt mỏi trở về. Mẹ làm việc nặng nhọc, cực khổ, nhưng mẹ luôn ăn cháo, không đủ sức “lao động phấn-đấu”. Nên đặc biệt ở trong nhà tôi chỉ một mình mẹ già được ăn cơm tấm pha ít cám chấm muối mè gói trong tàu mo cau! Sự thật 100%.

Hôm sau, hai đứa con nhỏ bé nhất của tôi có bổn phận phơi lúa, trở lúa, cào quét lúa đem vào nhà, không để mất sót hạt ngọc Trời ban. Chiều chiều, mấy mẹ con tôi lo giả gạo trong cái nón cối sắt (cuả “tàn dư đế quốc” ấy là nón “nhà binh”. Dù quân nhân chế độ cũ nay không còn, nhưng vẫn để lại những chiếc nón sắt, cho dân hữu dụng làm thành cái nồi để nấu thức ăn, hoặc giả gạo…). Mỗi lần tôi nâng niu chiếc nón sắt trân quý nầy, (vì đó là gia tài cần thiết nhất cuả chúng tôi sau ngày mất nước, thật sự tôi cảm thấy cảm động, thường trào nước mắt). Tuy lúa tươi còn mầm sữa, chúng tôi vẫn phải giả ra thành gạo. Sàng sảy thế nào vẫn bị trấu, cám, bám chặt vô hột tấm, vì lúa còn tươi, nghĩa là chưa phơi khô nên còn mầm sữa, đã vỡ nát. Đói quá, chúng tôi đành nấu nồi cháo tấm cám nham nhám độn củ mì rau dền, rau lang, rau đắng mọc hoang. Chúng tôi luôn ăn nồi cháo độn, bữa ăn quá sức tệ; thua bầy heo mập ú của nhà “con mẹ cán bộ xu thời xu thế Thân”.
Hết gạo ăn bo bo.
Học trò không có tập.
Độc Lập với Tự Do.
Nằm co mà hạnh phúc! (2)

“Nhà tôi” là một căn gia binh bỏ hoang trống-trơn từ trước ra sau, không có cửa lớn cửa sổ che kín lồng lộng gió. Không bàn, chẳng ghế, tủ, giường. Chúng tôi chỉ có: Một thau giặt, một thau rửa chén, một cái rổ, hai cái nồi đem theo từ ngày ở nhà thờ Huyện Sỹ: Nồi lớn chuyên dùng để nấu cháo, (họa huần lắm mới có một bữa cơm tấm pha xí cám. Một nồi nhỏ dùng luộc rau, hoặc kho tí muối quẹt. Một cái bình nhôm to nấu nước sôi. Đôi thùng gánh nước. Sáu tô nhựa lớn, sáu muỗng, sáu đôi đũa, vài cái dĩa sứt vành.

Một bao quần áo mặc thường ngày. Một bao cói đựng đồ vặt, một bao cói đựng hai chiếc mùng đôi màu xanh. Cái mền làm bằng bao cát Mỹ. Một valy da quý giá sang trọng mang theo từ ngày ở Đà Lạt di tản về đây (vì hồi xưa gia đình tôi ngồi trên nhung lục giàu sang với nhà lầu ba tầng gạch đúc, có xe hơi Peugeot 404 mới toanh, nhưng nhờ bác và đảng “giải phóng”, nên đã bỏ lại hết). Đó là tất cả gia tài quý giá của gia đình tôi trong XHCN. Chúng tôi phải giữ bo bo chằng chằng bên người những đồ vật cũ mèm ấy bất ly thân, vì hở ra một xí là bị mất trộm, kẻ cắp vờn quanh xóm nghèo như rươi!

Nằm dưới manh chiếu cũ nát láng đen và thô thiển, ngửa mặt nhìn trên nóc nhà, tôi thấy ngàn ánh sao xuyên qua lỗ tôn xi măng thủng vì bom đạn. Ngày nắng chói chang thì mặt trời soi rọi xuống vạt chiếu ẩm, khiến chiếc chiếu càng dòn đã bể nát vài chỗ, chiếu và nền xi măng hầm hập nóng, muốn lột da lưng. Mùa mưa ở trong nhà thì nước lụt ngập lên gần bắp chân. Nước trên mái tôn lủng trút xuống ào ào, nước ngoài sân cao hơn nền nhà ở tứ phía tràn vô. Mẹ, con, bà, cháu lội lủm bủm, bì bõm, chúng tôi cùng thi nhau cúi cúi tát tát nước, như tát ao, tát đìa. Chúng tôi cố gắng làm tận sức, vã mồ hôi hột trong cơn mưa, vẫn không thể ngăn nỗi cơn lũ ào ạt tràn vô căn nhà bị thấp hơn mặt đường. Trong nhà nầy đã giống như một cái ao. Nhiều lần chúng tôi đành chịu thua, bà cháu mẹ con vịn nhau, đứng dựa lưng vào tường, ngâm chân trong nước bùn hôi thối, mà ngủ gà ngủ gục.

Sau này biết khôn hơn, năm mẹ con tôi đi tìm các nhà gia binh bỏ hoang, con trai lớn mười hai tuổi mượn cái “búa tạ tày xồi” của ông bà Hùng, con dùng búa đập tường. Mẹ con khệ nệ ì ạch bưng từng viên gạch táp lô về, kê lên cao cao, để làm thành “cái giường”, hầu tránh nước lụt. Khổ nỗi, khi đã có cái giường “siêu tổ chức xã hội chủ nghiã” thì rệp, rận, gián, và muỗi núp dưới các khe hở, nhiều vô số kể, chúng luôn bòn rút máu của chúng tôi. Đó là “nhà của chúng tôi” luôn luôn nóng hầm hập như lò lửa, mưa ngập thành một cái ao bùn đầy nước bẩn trong chế độ xã hội chủ nghĩa thật. Đó là nơi nương thân của những kẻ không có tương lai, không có cuộc đời tươi sáng, không có ngày mai hứa hẹn hạnh phúc, tốt đẹp hơn.

Từ tửng bưng sáng mẹ già đi ruộng mò bắt được mươi con ốc, năm ba con cua, và một con cá lóc nhỏ bằng ngón chân cái. Về ngang bờ kinh, mẹ hái thêm chục dọc môn dại. Hôm đó, mẹ bảo tôi:
- Con nấu nồi cháo đặc, thật đặc nhá, chứ cả nhà ta luôn luôn ăn cháo lỏng bỏng, ruột mẹ cứ cồn cào, xót xa thế nào ấy.

Vâng lời mẹ, tôi cẩn thận nấu nồi cháo: độn một bó rau muống, ba phần củ sắn mì, hai phần dáu môn, và một phần gạo tẻ (gạo là do đi lượm mót lúa ngoài đồng, con trai đội về, tôi và con nhỏ giả bằng tay trong chiếc nón sắt, rất chu đáo và công phu). Các con tôi ra giếng công cộng tắm rửa xong. Các con gánh về hai thùng nước. Tôi múc ra sáu tô cháo, để xuống nền xi măng loang-lỗ vết đạn cày xới. Sau khi mời bà nội, mời mẹ, anh em vui vẻ mời nhau ăn cháo. Các con tôi hí-hửng cười reo dưới ánh trăng tròn, (chúng tôi sống ở “trong bóng tối”, chỉ nhờ trăng soi sáng, thì dùng đèn dầu làm chi, cho hoài phí của đi! Nếu ngày nào không có trăng tỏ, thì chúng tôi lo ăn cơm sớm).
Ai sinh ra cái củ mì?
Hỏi: Để làm gì? Đáp: Để mà ăn!
Nước nhà mãi mãi khó khăn.
Dân mình mãi mãi phải ăn củ mì (2)

Cứ thế, các con của tôi sung sướng bưng tô cháo, hí hửng đưa lên miệng, húp rột rột, (vì hôm nay đặc biệt có thêm mùi vị của cá lóc) coi thật ngon lành. Bỗng, các con đồng thanh hét to. Đứa quăng tô xuống nền nhà. Đứa nằm lăn lộn trên nền nhà lỗ chỗ. Đứa dùng hai bàn tay cào móc cổ họn. Các con vật vã rên siết la làng, khóc lóc tru tréo inh ỏi. Mẹ già kêu rú lên quá to, bà dựa lưng vào tường, trợn trắng mắt, thở dốc và ho sặc sụa. Tôi đã húp ba bốn muỗng cháo, tự dưng cổ họng rát bỏng, ngứa cồn cào, ngứa điên cuồng, tôi cào móc khạc nhổ thế nào, cũng không bớt. Mặt, môi, lưỡi, họng, cả nhà chúng tôi đã phồng rộp, sưng vù, đỏ choét. Thì ra, chúng tôi bị dị ứng hay suýt bị ngộ độc, vì ăn phải mấy dọc môn dại hay sao!?

Tôi vội chạy ra thùng thiết dật dờ múc gáo nước, khuấy muối, vắt mấy trái chanh đưa cho mẹ già. Tôi kéo các con chạy đến thùng nước thứ nhì, cứ như thế, tôi bắt các con móc họng ói ra, súc miệng, nhổ đi nhổ lại nhiều lần. Bà cháu, mẹ con chúng tôi đều bị đau nhức cổ họng kinh khủng ghê lắm. Thân thể chúng tôi đều bần thần, bụng cồn cào vì ói ra mật xanh mật vàng, và nhịn đói, rị mọ vất vưỡng lọt tọt dìu nhau đi ra giếng tắm giặt. Lòng buồn xo như xé tâm tư.
Từ khi ta có Bác Hồ.
Nhân dân chẳng được ăn no ngày nào.
Lương chồng, lương vợ, lương con.
Đi ba buổi chợ chỉ còn lương tâm.
Lương tâm đem chặt ra hầm.
Với rau muống luộc khen thầm là ngon. (2)

Ôi! khổ nỗi một miếng ăn độn tồi tàn hơn nồi cám của con mẹ Thân cho heo của bà ta ăn, thế mà cả nhà chúng tôi cũng không thể nuốt trôi vô khỏi cuống họng! Ngày Tết Nguyên Đán và suốt cả tháng Giêng nầy, gia đình tôi nằm co ro trên cái giường táp lô, chúng tôi bị đau đớn quá độ, không tiền thuốc thang, đành vật vã ôm bụng nhịn đói. Chúng tôi không thể ăn nồi cháo đặc khổ qua con cò rị mọ con rùa. Ôi! Bài học ăn cháo đặc ấy trong tận đáy xã hộI, chúng tôi ghi nhớ suốt đời. Ấy là lúc xuân xanh của tôi vừa tròn:
“Trai ba mươi tuổi còn xoan.
Gái ba mươi tuổi đã toan về già”
Bác Hồ chết phải giờ trùng
Nên bầy con cháu dỡ khùng dỡ điên.
Thằng tỉnh thì đã vượt biên.
Những thằng ở lại nửa điên nửa khùng. (2)
***

Kính gửi quý anh chị... & xin thông cảm về nỗi đau của người vợ tù “cải tạo”. Anh thương ơi! Bây giờ anh ở tù “cải tạo” nơi nao!? Anh có thấu chăng cho hoàn cảnh đau thương, bi đát, khốn cùng của bà cháu mẹ con em bây giờ không hở anh!? Ôi! Mùa Xuân năm 76 - 85!!!:
Như một người già ngồi nuối tiếc dĩ vãng xa xưa...
Như một danh tướng ôn lại những chiến tích oai hùng!
Như chim trong lồng ai oán nhìn bầu trời bao la.
Tôi mất Sài Gòn, nhưng thành phố vẫn sống mãi trong tim tôi.
Nhưng tôi không là người già, thì vẫn còn tương lai.
Tôi không là danh tướng, nên chẳng chiến công nhiều.
Tôi không là chim trời mãi mãi mất tự do.
Tôi chỉ là con bệnh trong cơn đau chung nầy.
Rồi sẽ hết, rồi sẽ hết những tháng năm đau thương trong cuộc đời!
Rồi sẽ khỏi, rồi sẽ khỏi. Hãy uống chén thuốc đắng nầy.
Rồi sẽ thấy, rồi sẽ thấy những tháng năm đau thương trong cuộc đời.
Rồi sẽ khỏi, rồi sẽ khỏi. Hãy uống chén thuốc đắng nầy. (1)
*
(1) “Uống chén đắng” Lời và nhạc: Cung Mi
(2) Lượm lặt sưu tầm
*

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
02-27-2013, 06:05 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1361943899.jpg


Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
03-02-2013, 07:19 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1362250520.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1362251028.mp3
XA...Xa Xa... Là Nhớ Nhung Ngẩn Lòng!
Tình Hoài Hương
***


Tình yêu đã đem lại cho lứa đôi niềm an thư, vui vẻ, hạnh phúc trong mấy ngày, rồi cũng đem đến cho nhau bao nỗi ưu buồn, lo âu và run sợ. Do có gay gắt đột ngột giữa chị Khánh và chuyện hai người yêu nhau, nên Nam không xuống nhà chị Khánh nữa, mà “hai anh chị nhỏ” lén lén lút lút thụt thò hẹn nhau ở nhà anh chị Tuế (Hạc). Việc anh chị bao che “chứa chấp nàng, và chàng” có nghĩa là chị Hạc chỉ cho phép họ ngồi nói chuyện với nhau trong phòng khách mà thôi, cũng khiến chị Khánh nổi giận hơn. Chị Khánh gọi chị Hạc (vợ anh Tuế) qua nhà la cho một trận. Thế là con nhỏ hết đường đi. Chị Khánh dồn cô em vào ngỏ cụt không lối thoát, tiến thối lưỡng nan rồi.
Đêm đêm nằm úp mặt xuống giường con nhỏ khóc ướt gối. Khi nhỏ chạy qua được bên nhà chị Hạc, chàng đã đợi con nhỏ ở đó ba giờ liền. Nam và Hạnh đi lên giáo đường “con gà”, hai cô cậu quỳ bên nhau cầu nguyện thật lâu, mong cho lòng thanh thản, dịu êm đôi chút. Nhỏ không thể ngăn dòng nước mắt uất nghẹn tuôn trào, cô thì thầm van xin cùng Mẹ Maria cho mình thoát khỏi đắng cay, xin gìn giữ tình yêu bền chặt, lâu dài. Khi quá lo âu, đau khổ, buồn phiền, run sợ cùng tuyệt vọng, người ta thường tìm đến Đấng Tối Cao nhiệm mầu, xin Ngài mở rộng vòng tay từ ái. Ngài là nơi an hoà, bình yên, yêu thương tuyệt diệu, là điểm tựa vững chắc miên viễn. Nam cũng rướm lệ, uất ức, buồn phiền khi qùy trong giáo đường. Nam lấy khăn tay lau khô hàng nước mắt trên má cô, và tự lau nước mắt.
Ra khỏi giáo đường nàng và anh đến văn phòng hội quán, nơi chị Hạc làm việc giúp chị đánh máy thật nhanh, chị mừng lắm. Mấy chị em buồn rầu chuyện trò nho nhỏ, chị khuyên nhủ hai em cố chịu đựng, lo gắng học hành cho có tương lai. Chị nồng nhiệt an ủi,
nhỏ nhẹ vỗ về hai em, chị Hạc không to tiếng la hét em như chị Tư. Chiều đến ba chị em chia người đi mỗi nơi.
Nam trằn trọc trên giường, chàng đăm đăm nhìn qua khung cửa sổ đóng kín, vắt tay lên trán nghĩ ngợi mông lung. Nam không thấy gì hơn là nỗi tức giận, buồn phiền. Khi ngày chia tay gần kề, Nam muốn đến nói thẳng, nói thật, nói với chị Khánh về chuyện Nam thành thật yêu Mười. Nhất là Nam sẽ nói nhiều với nàng, nói với người con gái tha thiết hơn là bạn thân. Dù Mười chưa là vị hôn thê, chưa là vợ chàng, rằng:
- Anh yêu Hạnh – Em quan trọng hơn thế gấp ngàn lần, trong đời của Phương Nam nầy. Bởi vì em chính là Tình Yêu. Và, anh đã yêu em nhiều, yêu em nhiều lắm! Cho dù mai đây anh sẽ xa xa xa... Hồng Hạnh. Nhưng anh luôn nhớ nhớ nhớ... em. Anh mãi thương thương thương... em nhiều! Nhiều! Nhiều...! Tình yêu, là hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời anh, sao bây giờ vô cùng mong manh bé nhỏ, đau buồn đến thế!? Như đám mây hồng thoáng bay qua nơi tầm tay, Nam không thể làm cho lòng mình yên vui thanh thảng lại tháng ngày hồn nhiên, nên thơ, yên vui xưa cũ. Hở em!?
Nhưng sao hôm sau khi gặp Hạnh trong chốc lát, thì những lời anh định nói: ngọt ngào như trái dâu chín nép bên lá xanh, bỗng dưng rụng rời, khô héo, tóp teo vì dâu đã bị hong khô trên giàn bếp! Bây giờ Nam không nói được, mai kia giữa Sài Gòn và Đà Lạt, hay giữa Sài Gòn và Huế xa xôi nghìn trùng, sẽ ngăn chia biết bao sông núi ao hồ, tít mù ngót nghìn cây số đường trường, xa xăm đến tận chân trời mút tầm mắt, đường dài như vô tận. Hạnh và Nam sẽ bị ngăn cách bởi không gian, thời gian, bởi đỉnh núi rất hiểm trở, biển đèo, hồ ao, sông ngòi vạn dặm, chia lìa bởi vực thẳm cheo leo hun hút. Mặt cách mặt, lòng xa lòng. Biết ra sao ngày sau!? Bây chừ muốn nói; mà anh sẽ nói gì đây?
Buổi trưa ngày thứ mười ba, Nam thấy Hạnh cùng mấy bạn đi học về ngang qua cầu Bá Hộ Chúc như mọi khi, cô không cười nói tung tăng vô-tư-lự như trước, nàng lầm lũi bước đi bên bạn. Nam vừa dợm bước tính qua bên lòng lề đường bên kia. Bỗng anh khựng lại khi thấy hai chị Lê, Khánh, từ trong ngỏ Đoàn thị Điểm đi ra, hai chị đứng sững, chỉ chỏ cô nhỏ em, họ nhìn Hạnh chằm chằm. Nam không hiểu cô có thấy hai chị không mà cứ cúi đầu lẫn trong các bạn đi lên con dốc Bà Triệu để về nhà?
Tựa lưng bên cầu Bá Hộ Chúc, cây cầu gỗ đen sì như tương lai hắc ám của hai người bạc phận, Nam nhìn theo bóng cô mãi. Khi bóng Hạnh dần khuất sau dốc vòng cao của trường dì phước Thiên Hương, Nam quay người chống hai tay lên thành cầu, anh cúi nhìn khá lâu xuống con suối chảy siết dưới chân cầu. Nước chảy qua cầu cuộn sóng, cuốn theo cây lá bồng bềnh lênh đênh trôi trên mặt. Tự dưng Nam cảm thấy buồn bã, đơn điệu, trống vắng vô ngần; một sự đau đớn phiền muộn nặng nề, đầy tức giận phủ chụp xuống tâm hồn Nam, khiến anh buông nhiều tiếng thở dài. Nam quên tiệt, và không thể ngờ bên kia quán cóc cô Lượm, có hai bà chị của cô còn đứng như trời trồng, họ đang dán mắt nhìn Nam, theo dõi từng cử chỉ nhỏ nhặt nhất của anh. Họ thì thầm nói với nhau:
- Hứ! chẳng lẽ thằng nầy muốn đâm đầu xuống suối tự tử sao ta?
Nam lững thững đến chào gia đình anh chị Lê, chị Khánh, chị Hạc, để ngày mai về Sài Gòn. Hạnh xin phép chị Khánh cho mình đi nói chuyện "dứt khoát với Nam". Ngày cuối cùng sánh bước bên nhau. Nam âu yếm hôn lên đôi mắt cô ứa lệ, anh không thổn thức như cô, nhưng hai hàng lệ từ trong tuyến nước mắt Nam tự động lăn trên má, uất nghẹn. Vì nhiều điều không thể nói hết, vì bao trăn trở ưu phiền, lo lắng buồn đau, tức giận chính thân Nam chưa đem đến cho Hạnh điều vui, mong cô là người trước tiên cần an hòa trong tâm hồn. Sau là để hai chị của Hạnh thấu hiểu, thông cảm, yêu thương cô em của họ hơn. Dòng lệ chảy từ đôi mắt dấu yêu từng nén lại nỗi nghẹn ngào, uất ức có tác dụng mạnh hơn cả ngàn lời chia tay. Nỗi đau của Hạnh, Nam, quá đột ngột, bất ngờ phủ chụp xuống đầu, khiến họ không thể chịu nỗi cuộc chia tay chưa hẹn ngày tái ngộ ở phương nào? Họ không lường chuyện gì sẽ xảy ra từ phía trước. Nơi cô sẽ đến, nơi anh quay về chốn phồn hoa đô hội cũ? Nơi ấy họ sẽ sống thấp thỏm lo âu, khắc khoải, bồn chồn, mòn mõi, quắt quay bao nỗi đau, nỗi nhớ, nỗi thương yêu và, nhất là nỗi ân hận dày vò.
Ngồi trên đám cỏ bồng bềnh ở góc đường Phạm Phú Thứ, hai bạn nhìn xuống nhà thờ Tịnh Tâm. Họ cảm thấy rã rời, đau đớn, cái đau tâm hồn mỏi mệt làm dại khờ thể xác. Nam và Hạnh không muốn cất bước dìu nhau đi lượm trái thông khô, hái hoa hoặc lượm lá vàng rơi, đem về ép trong trang sách. Mặc dù thả bộ trên con đường rợp bóng cây, nhặt lá hái hoa là điều hai người cùng yêu thích. Họ nhìn xe cộ, người người qua lại rải rác. Thỉnh thoảng có nhiều đôi trai gái nắm tay nhau cười vui tung tăng trên đường. Không hiểu chàng ấy nói điều gì, khiến cô gái cười dòn tan, đầy vui thích. Có lẽ họ là những cặp tình hạnh phúc thực sự, không rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt, gia đình họ không lấy “quyền huynh thế phụ”, buộc em chấm dứt đoạn tuyệt đủ mọi thứ. Nhất là buộc em nghỉ học trong lúc mùa thi cử sắp đến, mất cả niên học, chẳng còn tương lai, hoặc có cơ hội đến trường. Nghĩ vậy, "nàng và chàng" càng tủi thân, thương cảm biết mấy! Nam cầm tay côi, âu yếm nói:
- Nếu gia đình quyết định về việc em ra Huế, thì cho anh biết gấp. Nhé.
Hạnh gật đầu im lặng. Nam ôm chặt Hạnh trong vòng tay thư sinh, dường như sợ khi xa mình, cô nhỏ sẽ tan biến vào giấc mộng trắng toát tuổi học trò. Nam dặn dò:
- Giữ liên lạc thường xuyên nhe. Chờ đợi anh, đừng nãn lòng ha. Lúc nào buồn, nhớ viết thư thật dài, kể cho anh nghe về mọi sinh hoạt của em. Qua đó, anh có thể an lòng. Tình yêu của anh. Hạnh phúc của anh là ở nơi nầy nè.
Nam chỉ tay lên ngực cô, nơi Hạnh đeo một mặt dây chuyền vàng, có khắc chữ HH. Đó là lời trao yêu tha thiết, chân thành nồng nhiệt, lời hứa hẹn đầy ắp ân tình trìu mến, tương kính như tân. Bằng cử chỉ dịu dàng, thân ái và trân trọng, Nam đắm đuối hôn lên môi Hạnh, nụ hôn có nhiều vị đắng, vị cay, vị chua, vị mặn, vị nồng: từ hai hàng nước mắt lăn xuống đôi má phớt hồng và bầu bĩnh, để bù đắp lại bao ngày trống vắng, chia lìa mai đây.
Xa! Xa! Xa... là xao xuyến, nhớ nhung ngẩn lòng. Là mến tiếc bâng khuâng. Là lo lắng băn khoăn, bồn chồn ray rứt. Là bất ổn đớn đau trong lòng nhiều lắm! Là quạnh vắng nhớ thương, mòn mỏi bồn chồn khắc khoải lo lắng băn khoăn đợi trông. Là suy tư đắm chìm về từng kỷ niệm, vui buồn xếp lớp lăn tăn thức. Là kéo dĩ vãng về với hiện tại, để sống cho tương lai. Là ước nguyện và hy vọng trùng phùng một thuở bên nhau. Tình yêu Nam và Hạnh là nguồn yêu thương chân thật, an ủi nhất. Là điểm tựa cuối cùng trong muôn điều đắng cay, đau khổ vừa ập đến. Và, thực tế là xóa sạch nỗi hận không ngờ, tẩy bỏ niềm đau buồn đột ngột, làm bàng hoàng, vò xé, ân hận, thương tổn tình yêu ít nhiều.
Ôi! Còn đâu nữa những tiếng cười hồn nhiên rơi trên từng giọt mực tím trái mồng tơi? Còn đâu sự ân cần âu yếm, gọi nhau bằng "bậu" mà xưng là "qua". Hoặc ngọt ngào xưng "đây" goị "đấy". Hay là “ta” với “mình” ríu ra ríu rít âu yếm thủ thỉ thì thầm bên tai:
- Thôi! Em hãy về bên dòng sông Hương điệp trùng xa cách, em uống nước thượng nguồn, sẽ nhớ người anh hậu giang. Em như con cò hiu hắt đơn độc, nép mình bên bờ ruộng khô lững thững côi cút đi tìm mồi. Em ơi! Anh muốn mình hóa thành bóng mây bồng bềnh, lang thang phiêu lãng cùng em bay về vùng trời quê hương của em, hai đứa mình sẽ cùng nhau nhìn con đò nho nhỏ êm êm lướt nhẹ trên dòng sông xưa, mà có lần Hạnh thân thiết gọi: “Con thuyền hoa chở Hạnh đi gặp Nam". Chúng ta sẽ cùng nhau tìm lại dĩ vãng hoang dại, có một thời thân thương xiết đỗi mến yêu dưới mái nhà ấm áp, gợi nhớ bữa cơm chiều thân mật. Anh sẽ về tìm em, nơi phương trời xa xôi vạn dặm ấy, nơi xứ lạ phương xa mà anh chưa hề biết đến. Anh sẽ về tìm em, dù xa xôi và muôn vàn cách trở. Anh sẽ về bên em, dù bất cứ giá nào!
Quá thương yêu Hạnh, Nam càng ôm chặt cô vào lòng, dường như anh sợ mất em. Nam muốn ghì xiết cô như con sên suốt kiếp bám chặt vào ốc vỏ. Những giờ phút cuối trong giờ chia tay thật yên lặng, buồn bã, đầy xúc động bên nhau. Một giờ trưa, hai người thong thả đứng dậy, từ từ dời gót như còn cả tương lai và chân trời trước mặt. Không vội vàng chi. họ dìu nhau đi thật chậm trong lòng phố thênh thang. Cúi đầu trên mái tóc cô, một tay anh xách valy, một tay Nam ôm bờ vai người yêu bé nhỏ. Nam, Hạnh đứng khuất sau bức tường, trên bến xe cũ ở đường Hàm Nghi. Họ lặng ngắm nhìn nhau không thốt lời nào. Hình như trải qua bao nhiêu đắng cay, buồn phiền, trong tích tắc thời gian nóng bỏng nhất, cổ họng họ đã tuôn trào mật đắng. Đắng nghét. Không còn hơi sức thốt nên lời.
Nam lấy mũi dao nhỏ trong cái kéo bấm móng tay, khắc vô bức tường: Phương Nam Hồng Hạnh
* * *
Rồi việc gì sẽ đến, đã đến… dưới buổi hoàng hôn lảo đảo! Má cô từ Huế đến Đà Lạt trên chuyến xe tốc hành đêm mười lăm tháng Chạp áp Tết cổ truyền. Mới vài năm xa mẹ hiền, mà nay má già lắm! Ở chốn quê nhà lam lũ một nắng hai sương, má vất vả trăm chiều, lặn lội sớm hôm tần tảo, để kiếm tiền nuôi con ăn học. Hạnh vô cùng ân hận, một sự hối lỗi dày vò khẩn thiết, rất chân thành phát xuất tự đáy lòng. Cô biết má buồn lắm! Khiến lòng Hạnh càng tái tê, càng dày vò! "Má ơi! Hãy nhìn con, nói lời tha thứ, cho con chạy đến ngã vô lòng mẹ hiền, như con hoang đàng trong thánh kinh, được vòng tay cha nhân ái rộng mở đón mừng. Con muốn được như vậy. Má ơi"!
Hạnh nghỉ học, nàng cảm thấy như ngồi trên ổ kiến lửa, ngu si thọc tay vào tổ ong quậy phá, khiến chúng đốt sưng vù. Càng hơn nữa Mười như tên tội phạm đứng trên giàn hỏa thiêu, bồn chồn sợ hãi tột đỉnh, nàng giống như tên tử tội thấy người khác thọc ngọn dáo nhọn sắt cạnh vào tim mình.
Phòng ăn treo bức ảnh đại gia đình họ tộc từ "ông xơ bà cố tổ" trở xuống hàng con, cháu, chắt. Dường như từ những khung ảnh lạnh lẽo, nhiều người ngồi trên đó, luôn dõi mắt nhìn đàn con, cháu, chắt, nhắc nhở họ thường xuyên nhớ phong tục tập quán cổ truyền, đạo lý gia phong tổ tiên dòng dõi Nhà Trần, Nhà Ngô. Bữa cơm thịnh soạn họp mặt ở nhà chị Khánh có đầy đủ con, cháu, để mừng mẹ từ xa đến. Trên bàn ăn tươm tất các thứ đã sắp sẵn: Củ hành tím phi vàng, hai tô nước mắm me (gồm có: tỏi vàng óng với ớt chỉ thiên chín đỏ rất cay, đã bằm nhuyển, nước mắm me dốt thì me đâm nát lọc lấy nước), dĩa xoài tượng xắt mỏng còn vỏ, dĩa điều vàng, dĩa giá sống, kèm mấy miếng chanh, dĩa sung và chuối chát, ớt trái tươi rói. Hai dĩa bánh tráng, tô nước trong để nhúng bánh tráng, ba dĩa bún. Mấy dĩa rau gồm: xà lách, đọt đinh lăng, lá đọt sộp, đọt vạn thọ, lá xoài non, lá sung, quế, dấp cá, tía tô, ngò, húng cây, húng lũi, hẹ, cần ta, cải cốm, cần nước, tần ô... Thịt gà thịt vịt thịt bò thịt heo, kể cả thịt dê thì ê hề... Ôi là đủ thức ăn ngon làm sao kể xiết.
Ăn uống xong xuôi, khi em bưng chè đậu xanh đánh lên, ăn tráng miệng, thì chị Khánh mở đầu buổi họp gia phong, hạch hỏi tình yêu của Nam Hạnh, rồi nói:
- Má liệu đem nó về. Không khéo nó có bầu rồi. Con thấy nó giã lá thuốc ngãi cứu, uống mấy ngày nay đó.
Như có ai vừa tạt gáo dầu sôi bỏng. Đớn đau kinh khủng, khiến cô lịm đi, để chống đối lời lăng nhục đó, em bèn trợn trừng mắt lườm nguýt chị, mặt bừng bừng đỏ, và nhún nhẹ đôi vai, và trề môi ra. Mặt chị Khánh đỏ như trái gấc, chị quắt đôi mắt sáng, sắc như dao cau, hướng về phía em, chị "hừ" một tiếng lớn, nghe thật ớn lạnh. Có ai trong đời mà không trải qua năm, bảy lần hỗn láo với người lớn không nhỉ? Em phải bảo vệ tình yêu, tự trọng và danh dự. Cho dù em biết cử chỉ đó là “mất dạy” cách mấy đi chăng nữa. Bởi chưng, chưa bao giờ Nam có lời nói kém nhã nhặn, chớ nói chi đến cử chỉ thất thố, suồng sã với mình. Chưa bao giờ! Nam và Hạnh yêu nhau hồn nhiên nên thơ rất trong sáng, chưa một lần quá trớn, lăng loàn. Vả lại chuyện vợ chồng có gì mà gấp rút, khi tuổi đời hai ta còn quá trẻ dại? Điều đó, giữa Nam và Hạnh là sự thật trong sáng trăm phần trăm. Cô tôn trọng sự thật. Toà án lương tâm không bao giờ cắn rứt mình, mà toà án trong gia tộc nầy sẽ khiến người ấy sẽ ân hận mãi về buổi họp hôm nay.
Chị Khánh đánh giá con người và tình yêu sai lầm rồi. Không có gì sỉ nhục bằng nghĩ xấu cho một mối tình đẹp đến thế! Phải chăng, đa số anh chị thường mang định kiến không tốt về tình yêu? Tại sao họ nghĩ nông cạn đến độ cứ yêu nhau: là phải làm đến cái chuyện tầm bậy tầm bạ ấy? Cô thương Nam quá! Nơi chân trời xa xôi anh giữ mối thiện cảm, duy trì lòng mến mộ các anh chị, có ngờ đâu, họ nhìn anh ở một góc cạnh xấu nhất. Họ đang đóng đinh mối tình dẫy chết của chúng mình. Đó anh!
Chị Lê trợn mắt lên, chị xỉ vào mặt em, la:
- Mi ghê gớm thiệt. Để tao coi mi có lá gan bê lớn? Hắn dạy mi rứa đó hả?
Thấy tình trạng căng thẳng quá, em sợ, nên từ từ len lén đứng dậy thu dọn chén bát trên bàn, mặt cúi gầm xuống và im lặng. Chị Khánh lại la, khi em bưng chồng chén xuống bếp:
- Cuốn gói theo hắn đi? Cút xéo ngay. Cho ăn học uổng quá!
Liếc nhìn hai chị, rồi nhìn má, Hạnh trả lời:
- Con không muốn ở đây, sợ phiền anh chị thêm.
Chị Khánh trợn mắt, đứng lên, tay chống ngang hông:
- Đi ra khỏi nhà ngay.
- Em chờ má đi luôn.
Cả nhà nghĩ em có ý chế nhạo, trêu tức, hỗn hào, thách thức họ. Duy chỉ có anh Tư, vốn dĩ là người trầm tĩnh, thâm thúy, tế nhị nhất. Anh lịch sự, ôn tồn nói:
- Việc gì phải đi đâu. Muốn nên người, dì cần ở đây, ăn học tử tế. Chịu tất cả quy luật trong gia đình nầy.
- Em đã quyết định rồi.
- Tùy ý dì. Thế cậu ấy còn ở đây không?
- Ai cơ?
Chị Khánh quát tháo:
- Thằng Nam chớ ai. Nói nó lập tức đem mày đi đi.
- Em không có ý định đó. Tụi em thương yêu nhau đứng đắn, đàng hoàng, không tầm thường, không tầm bậy, tầm bạ, như chị nghĩ. Sao chị cứ vu oan cho em?
- Chuyện rành rành như ban ngày, còn chối leo lẻo nữa há, trả treo nè... Trả treo nè...
Liền với câu mắng nhiếc ồn ào, chị Khánh xấn tới bên êmm bưng mặt đầy máu chạy vào phòng, nàng nằm vật lên giường, nghiến chặt hàm răng chịu đựng đau đớn, tay chân bủn rủn, rụng rời. Như nọc rắn cắn vào thân, trong tích tắt, nọc đủ làm bầm tím, rồi tái méc, xanh lướt đi, không vì máu mũi chảy trên nền áo trắng thư sinh. Máu chảy từ trong trái tim em đau đớn, quặn xiết đầu đời, dội ngược lên lứa tuổi ô mai, mận dòn khế ngọt. Lỡ chân còn gượng được, chứ lỡ lời đến bật máu ra, thì thôi. Còn chi nói nữa! Lời chị nói như ngọn giáo lạnh lùng, thọc qua lồng ngực nóng rang, khiến Hạnh quay quắt, đau hơn những cái tát. Máu mũi đã chảy ra, lằn tay đỏ bầm in trên hai má nàng nóng rần rần khắp thân thể, làm tê bại chân tay. Rồi máu cũng có lúc khô, ngừng chảy, không còn thấy tì vết. Thời gian sẽ xóa hết mọi dấu vết bầm tím sưng húp. Nhưng tuyệt nhiên lời nói của các chị dẫu có lâu ngày, vẫn hằn in sự sỉ nhục. Thì, không có cách gì tẩy xóa, kỳ cọ, không cách gì lấp đầy, tan biến được. Không bao giờ!
Nhớ có một lần hồi ấy em rât nhỏ. ở nhà bà bếp bị đau không thể nấu cơm, chị Tư đi chợ về trễ, nên vội vàng sai em đi nhóm bếp nấu cơm. Loay hoay mãi em không biết làm sao gầy bếp lửa cho nó đỏ cháy. Chị Khánh làm cá gần đó thấy em không làm được, thì chị bực bội la to. Chị càng lo thì em càng sợ run, tay chân quýnh quáng không thể nhóm bếp được. Chị Khánh tức lắm, chị giật đôi đũa sắt mà em đang gắp than, chị đánh mạnh lên đầu em mấy cái. Máu chảy thấm ướt cổ. Hạnh quắt quay đau điếng, nên em khóc lớn. Chị bồi thêm mấy cái tát vào má em nữa. Hạnh run sợ vụt đứng dậy chạy ra khỏi bếp. Con bé núp trong xó vườn thút thít khóc, em lấy tay bụm đầu mãi, đến khi máu ngừng chảy qua kẽ tay, máu khô và bết lại với tóc.
Không hiểu tại sao hồi xưa chị Khánh hay nói:
- "Tụi bây mà học hành cục cứt gì. Hồi nhỏ, cha mẹ không cho tao đi ăn học ngày nào, vậy mà tao biết viết, biết đọc làu làu như ai. Ngày nay, tụi bây được cha mẹ cho đến trường, mà học hành chẳng ra cái quái gì".
Như Nam đã nói, đôi lúc Hạnh "lì" quá! Không chịu ra nói rõ phải trái, về việc quen anh, việc học hành của mình. Lì lợm như vậy thì thôi đi. Vả lại, em nói gì cũng bằng thừa. Ai tin mình, khi lỗi cô trốn học hai giờ còn sờ sờ trong học bạ! Mặc kệ. Hạnh không muốn ở lại đây, thở than, xin xỏ, năn nỉ, rồi anh chị em tiếp tục phạm sai lầm, nghi kỵ, xem thường phẩm giá con người, chị đánh đập em như con chó. Đôi bên oán trách, giận dữ, hành hạ đối xử với nhau như kẻ thù. Tình cảm gia đình, anh, chị, em, đã có vết rạn bên ngoài khung ảnh đại gia tộc đang treo trên tường, trong phòng ăn rồi. Tất cả anh, chị, em, không ai có thể xóa tan sự đau đớn, tủi nhục, nỗi muộn phiền quắt quay, ấn tượng không tốt đẹp, về tình máu mủ ruột thịt, sự thất học và có học, xua tan sự cứng rắn ra khỏi lòng cô. Họ không bao giờ hiểu cô em nghĩ gì về họ? Họ không hiểu lý do. Và, em không tầm thường như thế. Em sẽ giữ nguyên nhân sâu xa thầm kín nầy cho đến chết. Phải! Làm sao họ hiểu nỗi em?
Hạnh đi từ giã bạn vội vàng. Cô chủ tiệm Mỹ Dung sửng sốt, đầy xúc động, băn khoăn, cầm tay cô nói lời chia tay, ngấn nước mắt trào ra bốn khóe mi. Cậu Kỳ ngạc nhiên không kém, cậu thẳng thắng trách mấy bà chị họ sao độc đoán và hủ lậu, không chừa cho em một con đường thoát. Tài, Phú, Ngữ đã về Sài Gòn. Chỉ còn Vinh và Lễ ở lại căn nhà thơ mộng bên sườn dốc Hai Bà Trưng nhìn lên đồi hoa qùy. Lễ nói:
- Hồng Hạnh à! Phú rất buồn, thất vọng về điều gì đó.
Vinh nhìn cô giây lát, ngập ngừng nói:
- Có lẽ, bọn nầy sẽ không ở Đà Lạt nữa.
Hạnh giật mình, vụt hỏi bạn:
- Vì chuyện của tôi, anh chị muốn xù nhau sao!?
- Không phải. Tôi về Sài Gòn làm việc, và kết thúc sự học.
- Có vậy chứ, không thì tôi buồn gấp ngàn lần.
* * *
Nam viết một bức thư dài mười trang giấy pelure để tiễn đưa cô trên đoạn đường thiên lý định mệnh, xa mù xa. Hạnh dõi mắt nhìn từng chùm hoa anh đào đan trên cành, ngắm từng bụi cỏ bờ cây, như muốn ghi dấu tình yêu mến vào đáy lòng. Đà Lạt thân yêu ơi! thật sự xa rời nơi chôn nhau cắt rốn rồi. Thương biết mấy ngày thơ ấu, cô chạy lon ton theo ba, đi câu cá trên Cam Ly Hạ, đôi má hồng hồng bầu bĩnh, men theo bờ suối bắt ốc, hái hoa, đuổi bắt chuồn chuồn, bươm bướm. Mình ưa nằm lăn trong cánh rừng lá rộng, lá kim, cạnh bờ tre, nứa, lồ ô, bên cỏ bồng, đôi mắt nai tơ, nhìn lên trời xanh, băn khoăn hỏi:
- Ba ơi! Mây với sương, có giống nhau không?
- Không. Mây là mây, mà sương là sương.
- Mây có chở mình về Huế không?
- Hỏi cái chi mà tào lao, lác lác rứa hè! Huế có cầu Trường Tiền, sông Hương núi Ngự, lăng tẩm đẹp lắm. Vài năm nữa, ba cho cả nhà về Huế, ở đó luôn.
- Mà ở đó, có đẹp như ở Đà Lạt không? Ba!
- Đẹp lắm!
- Xa Đà Lạt, con nhớ lắm.
Thế mới biết, từ trong huyết quản, từ trong tư tưởng, từ trong tiềm thức, từ buổi thiếu thời, cô đã có tình hoài hương, tình yêu thiên nhiên, quyến luyến chốn xưa biết ngần nào. Chính câu nói ngây thơ, trò chuyện lẩm cẩm, nên đi đâu, ba ưa dắt con gái út theo, nói chuyện, nghe đỡ buồn.
Chị Lê mua vé xe hãng Phi Lực cho hai mẹ con về Huế vào giữa ngày hai mươi tháng chạp. Chợ búa vào mấy ngày cận Tết, đông đúc người qua kẻ lại, chật như nêm, ồn ào náo nhiệt, rộn rịp khác thường. Bến xe phức tạp đủ mọi người bán mua mời chào, chen lấn. Xe cộ dập dìu bon chen, cố tranh nhau một đoạn ngắn để khỏi trễ giờ, xe đưa má con cô trở về một thời xuân trẻ quê xưa, xuôi Trung cập rập vào ngày cuối năm. Thật buồn da diết!
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
03-07-2013, 09:06 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1362645699.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1362645858.mp3
Đà Lạt: Cuồng Loạn Dưới Tầng Hầm Domain De Marie
Tình Hoài Hương
***


Mấy con kiến dương, con cánh cam từ đâu bay vù vào tầng hầm đã bị bể những ô kính, chúng liệng đi liệng lại vài vòng, rồi đâm sầm vào vách tường đá, nghe cái "cộp". Chúng cố tìm chỗ thoát ra ngoài, nên bò đi bò lại trên vuông cửa bể, lớp vỏ cứng bóng láng, ánh lên màu xanh biếc, lẫn màu cánh cam lóng lánh xoè ra, phủ hai cánh bên trong mỏng te, có nhiều sợi gân nổi trên lớp vỏ mềm mại khép dần, rất duyên dáng hài hòa.

Ngày xưa ấy, tôi ưa ngồi dựa lưng vào cây thông chạc hai, chạc ba, để rình bắt cho bằng được con cánh cam, và bụm nó ở trong hai bàn tay, khum khum mà nương nhẹ, nâng niu. Tôi đong đưa đôi chân trên thân cây thông lùn, thân cây thông tách chẽ ra làm đôi. Tôi nhìn lên bầu trời xanh lồng lộng gió, nhìn chiếc máy bay lượn trên cao, tôi hy vọng hão huyền, vui vẻ hát nho nhỏ những bài tình ca, khi hai bàn tay tôi đan áo thật đều, thoăng thoắt, lướt nhanh trên cây kim mà chẳng thèm nhìn.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1362646111.jpg

Nay có nhiều phi cơ không nhìn thấy rõ vụt bay trên bầu trời, qua khung kính bể dưới vòm mái cao. Thì, câu chuyện hứng khởi về các kỳ công, thành tích của chiến binh giàu kinh nghiệm chiến trường, thường là đề tài bàn thảo đầy hấp dẫn, hứng thú, nuôi dưỡng trong lòng người dân đen niềm sung sướng, hứng khởi và kiêu hãnh khác thường. Chúng tôi đang ăn không ngồi rỗi ở dưới tầng hầm nầy. Những chiếc phi cơ thi nhau gào rú trên bầu trời, khẩu minigun sáu nòng có bốn ngàn viên đạn đang vút bay ra khỏi nòng, nhấp nháy chỉ vài phút, khiến lòng tôi càng nôn nao, bồn chồn, cuống quít, lo lắng, sợ hãi xiết bao khi hôm nay trời đổ mưa tầm tã, mưa trái mùa suốt từ trưa tới chiều, hạt mưa xiên xiên to tròn nặng hạt rơi lộp độp trên mái ngói mãi hoài không dứt, gió lồng lộng thổi vun vút theo dọc hai hàng hiên.

Đời có lắm chuyện tôi không hiểu. Không thể hiểu nỗi. Quá khứ rồi sẽ giống như cánh cửa sắt nầy đóng chặt lại sau lưng tôi. Rồi cũng giống như thau nước hứng mưa dột dưới góc nhà vừa bị sập. Tôi đã cong cong lưng bưng thau nước đầy sóng sánh bóng mình trong thau, nhanh nhẹn bước ra hiên nhà, tôi hắt mạnh nước vào màn mưa đục ngầu, cho nó hoà tan trong mưa, mất hút, như hắt cả hiện tại và tương lai lui về với quá khứ muộn phiền.

Từ lúc có “bọn giặc” về, mỗi ngày chúng tôi phải bồng bế con, cùng nhau đi ngang qua Tiểu-đoàn lính trấn thủ Thị Xã Đà Lạt, tôi ngẩng nhìn anh hiệu thính viên giữ máy truyền tin AN/PRC 25 đang liên lạc giữa Tiểu-đoàn và Đại-đội. Các chiến sĩ có người cài lựu đạn M 26, mang súng colt 45, có người mặc áo poncho đang mở nắp bi đông uống nước, vác khẩu M 16. Bên chiến xa M 48 trọng pháo cơ động họ nằm lăn lóc trên các nẽo đường, dưới ngọn đồi chiếm đóng, trên cành cây còn ngái ngủ. Người choàng áo ca pốt ngồi sưởi lửa, hong đôi bàn tay sạm nắng trên bếp than hồng từ những trái thông khô xẹt tia lửa ly ti nổ tí tách. Cành lá thông tươi chất thêm vào lửa, tỏa ra mùi nhựa thông thơm hăng hắc, nhưng thật dễ chịu. Họ hong lửa mong xua tan bớt gió rét. Giá lạnh ban mai làm tê cóng người lính phong sương dãi dầu mưa nắng. Bản tính chiến sĩ đa số thích phóng khoáng, tự do, hăng hái, nhiệt thành, nhất là trọng danh dự và bổn phận trách nhiệm.

Thời gian lạnh lùng nghiệt ngã trôi qua, họ không tính bằng gian lao cay cực, khó nhọc, hạnh phúc hay hoài bão, ước vọng. Dù mùa hạ tới, thu đi, đông về, xuân đến... Thời gian lạnh lùng trôi qua, đời chiến sĩ phong sương, dãi dầu nắng gió khuya chiều, không gian bàng quan chả nương nhẹ đôi tay: dù phũ phàng, cay nghiệt, và buốt giá. Niềm nhớ thương da diết mỗi lúc một hao gầy trong đớn đau thầm lặng. Khóe mắt lính choáng đọng huyết lệ bi ai cảnh chiến tranh quyết liệt. Chiến sĩ ấy chấp nhận chết ngoài sa trường vì quê hương, vì dân tộc, thì có sá gì cái lạnh rét run run ngoài da. Nhưng chiến sĩ ấy đã chết lịm trong lòng, vì cảnh huyết nhục tương tàn thật vô nghĩa trước tiên do bọn khát máu “đều têu” gây ra.

Lần đầu tiên, vấp phải sức kháng cự không tương xứng với đối phương, các chiến binh không dám ra tay càn quét cộng quân. Bởi vì, nơi vùng sẽ giao tranh tại khu Số 6 và khu Số 4 nầy, còn kẹt lại khá nhiều người dân vô tội trong tầm tay kềm tỏa. Khiến anh lính chiến có chiếc nón sắt rộng, thỉnh thoảng úp xuống tận mũi, che cả cằm đến nồng ngộp nghẹt thở, hơi mỏi mệt, ngỡ ngàng, và bồn chồn xôn xao bâng khuâng làm sao ấy. Lính nằm ngửa trên đám cỏ bồng chờ đợi quyết định của chính phủ, anh bực tức, vác súng đi lui đi tới, bồn chồn đứng ngồi không yên. Người lính chiến biết nghe đạn xoáy rít bên mang tai ù ù, mà không có mũ sắt đội đầu thì đời đi đong. Anh biết bổn phận làm trai phải trả nợ núi sông. Lính gồm đủ mọi thành phần phong tục khác nhau, đã sống trên miền đất quê hương khác nhau, với hoàn cảnh gia phong và ước muốn càng khác xa nhau hơn. Họ lũ lượt kéo nhau lên đây quyết giữ gìn thành phố Đà Lạt nho nhỏ xinh lịch nên thơ, và quê hương Việt Nam khỏi cảnh xâm lược nghịch lý hung tàn.

Khi vấn đề chiến tranh thật sự phức tạp, làm điên đầu các vị nguyên thủ quốc gia. Người khôn ngoan (của người khôn ngoan nhất), bình tĩnh sáng suốt, có lập trường dứt khoát, kiên định, cần giành lại từng tất đất, từng thành phố. Tất nhiên họ nhanh chóng đánh đuổi “bè lũ khát máu” đi khuất dạng (mỉa mai thay người dân da vàng mũi tẹt, đầu đen máu đỏ, sống từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau). Nay từ phương Bắc họ chuyên mò mẫm, xâm phạm qua vĩ tuyến 17, để xâm lăng phần đất của miền Nam Việt Nam. Gây nên cảnh chiến tranh tàn khốc, chém giết. Nồi da xáo thịt quá kinh hoàng thế nầy ư! Dân chúng nhìn chiến cuộc xảy ra rất gần, với vẻ tò mò nhút nhát, hiếu kỳ không chịu nỗi. Phải! Bên muôn nấm mồ tàn rụi hương nhang, là sự gặp gỡ giữa trùng trùng lớp lớp khuôn mặt lạ xa, hiện diện trong cuộc chiến phức tạp quá cay đắng. Lính Cộng-hoà miền Nam Việt Nam mang đến cho ta sự hy vọng và niềm tin yêu. Hy vọng bừng sáng, nụ cười rộng mở, ước mong an bình, thư thái, ôn hòa, từng ngày, từng giờ, lẫn trong chung cuộc sớm kết thúc. Dù chắc chắc cuộc sống không hứa hẹn an thư dễ chịu chút nào.

Bất dâng cao sơn, bất tri thiên chi cao.
Bất lâm thâm cốc, bất tri điạ chi hậu
(không lên núi cao, không biết trời cao đến mức nào.
Không xuống hang sâu thì không biết đất dày) (tục ngữ)
*
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1362646360.jpg
Ngoài dãy hành lang của khu bệnh viện Đà Lạt, người người tới tấp tha bùn sình, bê bết đất đỏ bẩn thỉu lê vào trên thềm nhà thương, nền xi măng ướt nhẹp nước mưa bì bỏm, lủng bủng, tanh tanh. Chúng tôi không thể ngủ nhờ ở góc hành lang, đành phải “làm mặt mo” xách chiếu mền lết bết, lội đồi cỏ trũng nước mưa băng qua đường Trần Bình Trọng, để xin vô ngủ nhờ trong tầng hầm nhà dòng Domain. Vừa chân ướt chân ráo lọt vào được trong khu tầng hầm, tôi mệt mỏi đứng thẫn thờ nhìn quanh. Chưa tìm thấy có chỗ nào còn trống, thì hai cánh cửa lớn kiên cố dẫn vào hội trường sau lưng tôi bị ai đó đóng ập nhanh lại, khóa chặt. Người giữ chìa khóa đã lủi vào trốn núp trong nhà dòng. Ông ta nhát hơn cáy! Do các bà dòng không muốn chứa thêm người lạ, các bà sợ "bọn lạ" trà trộn vào ẩn nấp, sẽ thừa cơ hoạt động bí mật chăng?

Ba khu tầng lầu của nhà dòng Domain: tất cả cửa sổ nhà thờ có những bức ảnh kính màu thủy tinh trang trí hình tuyệt đẹp, đều vỡ nát, rơi loảng xoảng khắp mọi nơi, rơi xuống tận khu tầng hầm. Từ dưới mặt đất của tầng hầm khu Domain ngó lên hàng cửa kính, (cao khoảng chừng bốn năm mét), tường đá phẳng lì, không có thể với tay lên hàng cửa sổ nhỏ ở tít chóp trần trên cao. Dù mấy tay đàn ông cao lớn kia đã chồng chất ba cái bàn, họ hy vọng trèo lên đó, dáo dác nhìn ngó lung tung ra bên ngoài, thăm chừng. Người ta và nhất là tôi vô cùng hối hận, vì tại sao ta không tìm nơi thuận tiện; hay mình tự đào hầm đào hố ở nhà riêng, mà ẩn nấp cho an toàn? Hoặc trốn núp tại tư gia nhà ai có hầm hào kiên cố. Có phải là hơn không, mà dồn cục một chỗ đông người như kiến. Mình tự chui vào cái hầm nhốt người kín bưng khổng lồ kinh khủng nầy, chẳng khác chi tự đem thân vô cửa tử.

Dưới tầng hầm thì người đạo Thiên Chúa đang lâm râm đọc kinh cầu nguyện, sám hối, đấm ngực ăn năn tội thống thiết. Đạo Tin Lành úp mặt trên hai bàn tay, run rẩy đọc kinh thánh. Phật Giáo niệm Phật, tụng kinh cầu khẩn Đức Phật Thích Mô Ni Ca rất chân thành. Cao Đài, Hòa Hảo bi thiết gọi tên Trời Phật, gọi tên các giáo chủ. Trong nguy cơ bị hủy diệt tập thể thì lành ít dữ nhiều, người ta không phân biệt giàu nghèo, đảng phái, tôn giáo. Vì tôn giáo nào cũng khuyên con người hướng thiện, luôn làm lành lánh dữ, chia sẻ, dùm bọc, bác ái, yêu thương. Tôn giáo cũng như gia đình là nền tảng của xã hội: có nề nếp gia phong, có tôn ty trật tự, biết tôn trọng tự do và nhân phẩm. Giờ phút thập tử nhất sinh gần kề cửa tử thần, họ tự động mở rộng vòng tay thân ái, ngỏ hầu chia sẻ, tìm đến với nhau, mong vơi hận sầu, thân thiết ôm chặt nhau, tựa vào nhau vỗ về an ủi. Họ thành tâm khẩn cầu van vái xin bình an rót xuống mọi nơi, nồng nhiệt kêu xin ơn Trên hãy ra tay cứu giúp tất cả mọi người.

Bây giờ là mười hai giờ trưa, trên trời trực thăng luôn bay lượn ì ầm, loa phóng thanh liên tục gọi đồng bào nhanh chóng tìm nơi ẩn nấp an toàn, vì tụ điểm giao chiến kịch liệt sẽ là chung quanh khu vực nhà thờ Domain de Marie. Ôi Trời ơi! Vậy chết là cái chắc rồi! Non giờ sau… Không thể tưởng tượng nỗi khi lựu đạn ì ì ầm ầm nổ, súng lớn, súng nhỏ rào rạo bay. Đạn vun vút vèo vèo, bay xuống, bay lên, bay qua, bay lại: Đùng đùng đùng… Pằng pằng pằng… Róc róc róc… Ùm ùm ùm… Oằng ùm… bay tới tấp trên đỉnh đầu người dân đang ẩn nấp dưới tầng hầm cuả ngôi giáo đường kiên cố, ép lồng ngực mọi người như vỡ tan ra từng mãnh. Ngoài sân nhà thờ đã có tàn quân “Vi ci” nép bên hông trên nhà thờ đang cố tìm đường trốn chạy tháo thân về khu Số Bốn.

Thỉnh thoảng mấy tay ấy chĩa súng lên trời bắn vài chiếc phi cơ trực thăng, bắn lép tép cắt cắt… bụp bụp… xè xè… từng phát súng nhát gừng nổ vu vơ. Qua trần kính tôi thấy rõ trực thăng bay ầm ầm và tràng đại liên tóe lửa nổ rền rất to. Phi cơ đang lượn qua lượn lại vòng vòng quanh nóc nhà thờ Domain. Những viên xạ thủ đeo mặt nạ mặc áo giáp ngồi trên ghế chiã họng súng xuống đất, khạc từng tràng rocket róc róc róc… xíu xíu… xít xịt… Dù ban ngày mà toé lửa qua họng sung đỏ lòm, đạn vùn vụt bay xuống hông nhà thờ. Vô cùng chát tai rùng rợn kinh khủng!

Thế là trong tầng hầm người ta đồng loạt nhốn nháo, hỗn độn, bừng bừng dâng cao nỗi lo sợ tột cùng: Già trẻ lớn bé đều rú to, kêu khóc inh ỏi, không chừa một ai. Tiếng la, khóc, gào, kêu cứu, rên rú, hét tướng lên to hết biết. Người ta dồn chặt cứng vào một góc chật như nêm, rồi đùn lại với nhau ở cuối tường hầm nhà đá. Họ dày xéo lên nhau, dẫm đạp lên nhau, bất kể người khác tắt thở, chết ngạt. Vài ngàn người dồn cục trong góc kẹt vách, họ đè nhau bẹp dí thành một đống, chồng chất lên nhau tại một chỗ. Người ta không còn liêm sĩ, chả cư xử nhã nhặn làm gì. Mặc xác! Người nào đang đứng ở bên ngoài, thì cố dằng kéo người đứng ở giữa ra, để họ chui tọt vào giữa đám đông mà ẩn nấp, cho an toàn chính thân, cần riêng bản thân ta an toàn thôi.

Nơi xó xỉnh ngột ngạt tối mờ khói thuốc súng, họ không muốn súng đạn nhìn thấy. Chỉ cần súng đạn bom mìn và Việt-cộng trên kia đừng nhìn thấy mình. Bản năng tự phát cần tự bảo vệ sinh tồn là điều tiên quyết, nếu có ai đối xử với đồng loại tàn nhẫn, có tỏ ra thô lỗ, hỗn loạn đến bàng hoàng, cũng đành. Mặc kệ. Là đủ. Ai ai cũng sợ súng đạn hơn cả mọi thứ trên đời! Lạy Trời xin tha thứ. Ấy thế mà súng đạn vô tình cứ bắn càng lúc càng rát bỏng, tai ù ù, điếc đặc. Rồi đạn cay, đạn ói, đạn khói, đạn mữa, khói thuốc súng, lựu đạn hoả mù tuông theo các khung cửa sổ bể tới tấp bay vào dưới tầng hầm.

Tại tầng hầm nầy không có người kinh nghiệm trong chiến tranh để hướng dẫn, vã lại giờ nầy không ai chịu nghe ai chỉ huy, mạnh ai nấy bon chen, hầu mong sống còn với đời. Đoàn người tị nạn hỗn độn hết biết (như bầy gà vịt nhốn nháo, bay lung tung, kêu quang quác khi con sói đến cửa chuồng). Nước mắt nước mũi ai ai cũng chảy tùm lum tà la. Họ ói mửa nôn ọe, hỉ mũi sột sột lên đầu lên cổ nhau. Thật kinh khủng và kinh tởm vô cùng. Tôi thật giận Lâm, hôm ấy tự dưng anh nổi sùng đấm bể một ô khung cửa kính làm chi, anh trét máu cục đông cứng trên miếng kính bể, còn đó; vô tình anh đã làm “đầu têu” làm gì, mà bây giờ mọi cửa kính cuả nhà dòng Domain đã vỡ toang, mùi khét cuốn theo chiều gió bay vào, càng hôi kinh khủng vậy!?

Cạnh đống đồ đạc ngổn ngang trong tầng hầm có từng dòng máu tươi của ai đó trây trét bừa bãi; cũng do những bàn chân ai đó vừa đạp lên mãnh kính vỡ, họ tha lê lết đi khắp mọi xó, máu tươi loang ra, loang ra... trộn với nước đái và phân trẻ con ị vãi ra bừa bãi. Người ta lớn giọng la hét, tru hú, rú rên, khóc hụ hụ hụ từng cơn. Nghe rùng mình dựng đứng tóc gáy.
Bỗng cánh cửa chính (khu nhà hầm có hai lớp cửa sắt chắc chắn) là cửa ngoài của khu từng hầm bằng sắt dày cui, vừa bị ai đó gài mìn ở phía bên ngoài, đã nổ tung. Toà nhà thờ đồ sộ rung rinh, tiếng rền rền âm âm nghe rất hãi hùng, mái ngói nhô lên hụp xuống rêm rêm, gầm gừ tha hồ rớt xuống rào rạo, loảng xoảng. Gạch đá vôi vữa rơi rào rào, dường như ngôi nhà đồ sộ đang tự đào hố để chôn vùi tập thể dân lành di trú xuống đáy mồ!? Thế nhưng sao tôi thấy cánh cửa sắt trong lớp thứ hai nầy vẫn chưa chịu bung ra? Cảnh ồn ào huyên náo, càng sôi sục, cồn cào, náo loạn gấp ngàn lần trước.

Kinh khủng! Kinh khủng trầm trọng! Người ta lại dày xéo lên nhau, dẫm đạp lên nhau, lôi kéo, giành giựt chỗ trốn, nên họ húc bừa vào nhau. Họ xô nhau chạy qua bên góc tường phía trái của căn hầm, nơi chưa bị rớt gạch và ngói, có cánh cửa phụ. Cửa hông nầy cũng làm bằng sắt dày kín mít. Tự dưng họ lại ùn ùn kéo nhau chạy qua bên phải. Họ cứ huà nhau chạy qua, rồI ùn ùn chạy lại. Xô nhau chạy theo sau lưng nhau, bất kể đàn bà trẻ con ốm yếu chết ngạt dưới chân. Bất kể tiếng la khóc, gào thét vang lên chát chúa. Tôi nghe thật hãi hùng, rùng rợn như nghe con dê, con heo, con bò, con trâu, con cừu bị chọc tiết, đang trợn mắt le lưỡi, rống rú man dại trong khu lò mổ ở ba toa.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1362646434.jpg

Gia đình tôi (và mấy gia đình bạn cùng xóm) biết khôn hơn, chúng tôi không chen lấn đến chỗ đông người, nhưng trong lòng cảm thấy rất ân hận, vì mấy mẹ con tôi hôm nay xui rủi làm sao, tự dưng lại chui vào ẩn núp trong hầm nầy. Sao tôi không đi qua trú nhờ trong hành lang khu bệnh viện như mấy ngày trước hỉ!? Thế mới đau khổ. Chúng tôi ngồi bệt dưới gầm bàn, lỏ hai con mắt ra thật to, miệng há hốc, hai hàm răng va vô nhau lộp cộp, hai đầu gối nhịp nhàng run rẩy, mà thấp thỏm nhìn người đàn ông đang nhảy lên đánh trống, tiếng trống dù làm chúng tôi điếc tai nhức óc và choáng váng. Nhưng chúng tôi tránh được cảnh tượng xô đẩy vùi dập nhau đằng kia vô cùng dã man và ác ôn.

Đó là người đàn ông trung niên sĩ khí dáng vóc khỏe mạnh, mặc áo sọc xanh, quần tây đen, dù qua nhiều đêm âu lo thức trắng, mái tóc nhuốm bạc. Ông ta thấy cảnh xô xát cuồng nộ thật đáng xấu hổ, nên ông ta bèn nhảy lên mấy cái bàn gỗ chất đầy ghế dựa. Ông ta cầm trên tay một cái vồ và đánh rất mạnh vào chiếc trống trường học đang treo lơ lửng trên đà ngang. Tiếng trống nghe rất tức ngực và điếc con ráy. Mọi người đứng ở góc tường quay lại, trợn mắt, im bặt, lo sợ rợn tóc gáy, sửng sốt ngó quanh. Họ không biết chuyện gì xảy ra. Ở đâu? Ông ta kêu gọi mọi người cố giữ trật tự, im lặng ngồi xuống tại chỗ, không ồn ào chen lấn. Ông giải thích về sự lâm nguy:
- Việt-cộng đang đứng rải rác trên sân nhà thờ. Tui đã thấy có người chết cháy đen thùi lùi ở trển. Khi qúy ông bà anh chị em ở trong khu hầm trú nầy dồn nén xô đẩy, dẫm đạp lên nhau, ồn ào. Ta không nghe được động tĩnh bên ngoài kia, thì chẳng khác nào: "lạy ông tui ở bụi nầy", sẽ tạo cơ hội thuận tiện cho Việt-cộng đã đứng trên sân nhà thờ, họ sẽ phá một cánh cửa nữa, là tràn vào đây. Họ sẽ lấy dân làm bình phong mà đỡ đạn. Thì chết hết cả đám.

Nghe thế, mọi người càng nhốn nháo, xì xào, dáo dác, tiếng ồn ào đồng loạt rộ to. Bỗng im bặt như ngọn đèn dầu phụt tắt trước gió. Mặt mày ai nấy xanh lè, tay chân run rẩy, họ cố bám bíu vào nhau… lết nhè nhẹ đến gần chỗ khuất kín hơn, và im thin thít. Khi đó, tôi nghe bên dãy nhà của các mẹ dòng có những đọc đoạn kinh lạy cha, rồi nhiều tiếng hát nhạc thánh ca cầu xin bình an vang lên.

Hai giờ chiều, lính Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và Thuỷ Quân Lục Chiến mặc quân phục, chân đi giày botte de saut, đầu đội nón sắt, lưng đeo đầy đạn, ngực móc hai quả lựu đạn. Họ mang súng máy lên đạn trên nòng, lăm le chĩa mũi súng về đằng trước, ngón trỏ đặt trong nòng. Đoàn quân nhanh chóng leo lên từ hướng nhà Thương, từ hướng Mai Hắc Đế, đường Hai Bà Trưng và Ngô Quyền. Họ tràn lên khu đồi Domain, chia ra bọc hết toàn diện khuôn viên nhà thờ Domain. Sau cùng họ vào hầm trú đang chứa lương dân. Họ đi một vòng lục soát mọi cửa nẽo, ngỏ ngách, xó xỉnh. Rồi lính giàn ra thành hai hàng ngang, họ cấp tốc cứu nguy những người bị thương, chết nghẹt, hoặc đã chết. Họ làm việc gọn gàng và nhanh thoăng thoắt.

Tất cả dân chúng ở trong căn hầm nầy đều im phăng phắc. Chả bù cho lúc nãy căn hầm ồn ào muốn đinh tai nhức óc. Vị sĩ quan chỉ huy dõng dạc kêu từng gia đình ở trong hầm hãy xếp thành hàng dọc, từ từ từng tốp một, từng người bước chầm chậm ra ở ngoài khu chỗ trống, ngay tại trong tầng hầm của nhà thờ. Khi vị sĩ quan đã đếm tất cả đầu người trong hầm xong, ông ta bảo cánh đàn ông, thanh niên, thiếu nữ, tuần tự đi qua bên góc trái căn hầm. Từng người một riu ríu trình báo giấy tờ tuỳ thân, thì làm ơn vui lòng lấy hai tay đan lại, giơ cao để trên đầu, tay ôm ra sau cổ. Ông già bà lão lụm khụm và trẻ con: thì đứng qua bên phía phải, theo hướng chỉ của anh lính phụ tá. Lính yêu cầu những đàn ông trai tráng nam nữ và đàn bà không có con thơ bận rộn ở trong hầm của nhà thờ, sau khi trình diện, từng người một đi ra khỏi tầng hầm của khu nhà thờ Domain.

Đồng bào đi giữa hai hàng quân lính đông đúc, nghiêm trang đứng bồng súng gác ở ngoài sân. Mọi người tay xách tay mang. Tay bế tay bồng. Họ lục tục ríu rít và trật tự kéo nhau ra cửa. Họ chạy xuống ngồi bên cạnh hang đá Đức Mẹ. Hoặc dân bò từ từ xuống chân nhà thờ, lủi nhanh về hướng Cẩm Đô. Họ chạy qua lối bệnh viện Đà Lạt. Một tay bế con trai Tuấn vừa ba tháng tuổi, khuỷu tay tôi lại kẹp chặt cánh tay bé Dzũng, lôi con xềnh xệch: ba mẹ con chạy ra ngoài sân sao nhanh đến thế! Không biết làm cách nào, mà tôi kéo thêm hai giỏ xách đồ dùng, giỏ thức ăn nặng trĩu to tướng? Tôi kẹp chặt cánh tay bé Dzũng, lôi con tuột dốc đồi xềnh xệch theo mình!? Hai tay tôi quắp hai đứa con nhỏ vào lòng, và cả "gánh” thức ăn, đồ dùng nữa. Quả thật tôi tự khen tôi tài tình. Từ trên dốc đồi cỏ Domain cao gần như thẳng đứng, tôi ngồi thụp xuống, hai chân chuồi thẳng về trước, lăn như khúc cây tròn.

Trước khi tuột dốc, đầu tôi trùm khăn, tôi mặc hết ba bộ đồ, với áo len lông xù, áo manto, nên mới thoạt nhìn ai cũng có thể nghĩ là tôi mập ú tét. Toàn thân tôi toát mồ hôi hột giữa nắng xế oi ả, tôi lạnh run vì sợ hãi. Chân tôi mang bít tất, chiếc giày thấp run lẩy bẩy trong cổ chân. Còn chiếc kia bay mất lúc nào không rõ. Tôi mặc cả thảy năm chiếc quần mỏng, bị vướng móc vào thép gai, đã rách toạt ra tự bao giờ. Khi cùng những người khác ngồi yên ổn dưới hang đá, lúc đó tôi cảm thấy đau nhức rần rần ở hai mông. Rờ tay vào, tôi mới biết là mông tôi bị chảy máu khá nhiều. Một bàn chân rơi mất chiếc giày, tôi đã đạp lên xác chết ở trên sân nhà thờ. Chiếc tất trắng nõn dính đầy máu tươi.

Ui trời ơi! Tôi sợ mất hồn, mất vía. Tôi đã thấy hai xác người trợn mắt phơi thây lúc nãy mà. Có một ông co quắp. Một ông nằm ngửa tênh hênh trên vũng máu. Chiếc áo màu cải úa chỗ thâm đỏ, chỗ tím bầm. Khô đọng. Ruồi bu đen nghịt trên thân thể họ. Cạnh đấy có hai cây khiêng bằng tầm dông, luồng qua lớp võng vải bố, loại bố của bao gạo. Họ dùng mấy thứ nầy làm đòn tải thương. Có lẽ khi vừa đến đây họ bị đại liên trên trực thăng nả cho chết tươi.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1362646650.jpg

Bà nội (của các con tôi), mặt mày hốc hác, bà đờ đẫn, mắt đã lạc thần. Bà muốn chết đứng, tay chân bà lắc lư đung đưa run rẩy như cầy sấy. Tay bà ôm bình thủy đựng đầy nước sôi, bà chạy theo đoàn người sơ tán. Chiếc bình thủy vỏ mây mà bà đang ôm trên ngực, bị bể tan, nước sôi chảy ra, hơi nóng bốc lên từ đám cỏ hoa vàng không tên, tàn úa héo dần. Ấy vậy, thật may mắn bà không bị phỏng nước sôi. Bà sợ Việt-cộng kinh khủng. Sợ quá chừng! Bà đã bỏ quê hương tận ngoài miền Bắc, bỏ làng xóm thân thương, bà vất hết của cải, bà chạy bán sống thừa chết từ Bắc vào Nam. Bà trốn tránh họ bao năm nay. Bà sống hiu hiu mong an vui nhàn hạ đôi chút cho qua kiếp già:
“Tân niên vạn phúc bình an đến.
Xuân nhật vinh hoa, phú quý lai”,
cho khỏi bỏ những ngày lao đao lận đận nơi quê xưa. Bà tưởng thoát nạn, tưởng đã yên ổn tấm thân còm. Bà sẽ hạnh phúc nhờ “phước thâm tự hải, lộc cao như sơn”, do ông cha cố tổ của bà ưu ái để lại. Nào ngờ... giờ đây họ đùng đùng xách súng đến bên đít, đuổi bà vắt giò lên cổ mà chạy có cờ! Bà ngồi thụp xuống đất, giống như em bé lên sáu tuổi chơi trò cầu tuột. Bà xoạt hai chân lướt phom phom trên đồi cỏ. Bà bị té nhào hai ba vòng, đầu bù tóc rối xổ ra dài lết thết trên đất cỏ. Tôi sợ thắt họng, tưởng bà sẽ bị u đầu bể trán chảy máu, hay ít ra cũng gãy cần cổ, lặt lìa lặt lọi tay chân. Thế mà bà tỉnh bơ không việc gì.

Bà chỉ hốt hoảng dáo dác nhìn quanh, đau khổ lo sợ tột cùng, không sao chịu thấu:
“Sông sâu có thể bắc cầu.
Lòng người nham hiểm, biết đâu mà mò”.
Vì, “Thà rằng chả biết cho xong.
Biết ra, như xúc, như đong lấy sầu”.

Bà than như thế! Tôi phải kính phục bà mẹ chồng vô biên, vì bà thuộc về lớp người từ thế kỷ thứ 19, nhất là ở nơi vùng quê Hưng Hiền tận ngoài Yên Mô miền Bắc, thuở xưa ấy ông bà cố đã cho bà đi học chữ quốc ngữ. Bà viết chữ thông thạo, đọc chữ làu làu. Bà nói những câu văn hoa tinh tế. Nhất là bà hát những câu ca đồng dao, quan họ trữ tình luyền nhớ quê hương, thì hay hết biết.

Sau khi bà cháu mẹ con chúng tôi an toàn tuột dốc Domain De Marie nầy cùng đồng bào trong Thị-Xã Đà Lạt bị dồn vào ngỏ cụt không lối thoát. Tôi và họ cũng bỏ lại sau lưng những gì quý giá nhất, hầu thoát thân mưu cuộc sống còn. Dù cùng cực đắng cay, lo toan, đớn hèn, đau khổ đối mặt với nỗi cô quạnh muộn phiền bất ngờ không lường trước được, và hãi hùng giữa cuộc đời muôn mặt. Nhưng xin cám ơn Trời đã cho thoát khỏi nanh vuốt cái người tôi không muốn xác nhận mà phải coi như quân thù.

_ * _

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
04-02-2013, 07:32 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1364885326.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1364886977.mp3
ĐÀ LẠT Bạch Đằng & Khu Số 4 Kinh Hoàng
Tình Hoài Hương
***


Triệu triệu giọt nắng vàng tươi lung linh lấp lánh trên mình những chú én có cái lưng mướt đen xanh đậm, cái bụng trăng trắng, hai chân đen đen, hai con mắt như hai hạt nhãn lồng và có cái đuôi chẽ ra làm đôi lắc qua lắc lại. Bầy én chào đón bình minh lạnh giá trên những cành mai anh đào run rẩy trong mùa xuân mới. Đàn én duyên dáng thân mật rù rì vui vẻ làm tổ dưới tán lá vòm cây, chúng chuyện trò lảnh lót huyên thuyên đủ mọi giọng điệu hân hoan những âm lên bổng xuống trầm ríu rít, quyện cùng tiếng thông reo triền miên, tạo thành khúc trường ca lả lướt thi vị hữu tình thơ mộng và bất hủ. Giữa khoảng trống yên ắng trong không trung ngan ngát hương hoa và khu đồi thông vừa lặng gió, bỗng dưng có muôn ngàn tiếng súng gầm thét gào rú trên đỉnh đầu mọi người, xen lẫn đàn én hốt hoảng chộn rộn chít chít tất bật bay lên bay xuống vun vút.

Lâm bế bé Dzũng, anh cho con đứng trên lan can, và gọi vợ ơi ới:
- Tí Nị! Em đến đây xem. Nhanh lên.
Lâm đưa vợ cái ống nhòm. Cả bầu trời chiến tranh xa xa đang thu gọn trong hai ống Field-glass xinh xinh. Tuy trông ở mắt thường thì quá xa, nhưng khi nhìn vô ống ngắm, thì tôi thấy rõ mồn một: Đứng trên lầu thông thoáng (từ một góc hướng Tây của thành phố Đà Lạt) nhìn về khu Số 4, tôi thấy nhiều mái đầu lô nhô bên hố lỗ hầm hào đắp vội, mấy đám cháy bỗng nhiên bừng lên, phừng phựt cháy. Không biết tại sao!? Lửa đỏ au chói lòa vẫn tưng bừng nhảy múa lấp lánh dưới ánh mặt trời long lanh. Khói và lửa bốc cao trên đầu ngọn thông bên kia sườn núi, tạo thành những cây nấm lửa, tỏa khói đen nghịt cuộn thành từng lọn, và thân cây oằn xuống vật vã xô qua xô lại theo chiều gió xoáy mạnh.

Lâm và tôi có tính tò mò và hiếu kỳ ghê lắm, nên hai vợ chồng bèn nhờ bà nội ở nhà trông coi giúp các cháu: Dzũng hai tuổi và Tuấn hơn hai tháng tuổi, chúng tôi tụt xuống thang lầu, vừa đi vừa chạy lên con dốc Mai Hắc Đế, tới trên cửa chính cuả nhà thờ Domain. Bên vai Lâm lủng lẳng máy chụp hình, còn tôi thở hổn hển ngực vẫn có cái ống dòm lắc lư đung đưa. Leo lên những bậc cấp cạnh tháp chuông giáo đường Domain, hoặc trên sân nhà thờ, dù không cần có ống dòm, tôi phóng tầm mắt lướt qua một vòng, vẫn thấy bên kia đồi ở Lữ quán Thanh Niên họ đứng đông nghẹt trên chỗ cao nhất. Nhà Thờ Tin Lành ở đường Hàm Nghi, góc phố Hòa Bình…

Mọi người lố nhố đứng ngồi, hoặc đang đi tới đường Hàm Nghi quẹo xuống trước ngã ba Chùa Linh Sơn, họ đu đeo trên mấy cây cổ thụ tại Chùa Linh Sơn. Chùa rất gần khu số 4, thế mà họ chẳng biết sợ súng đạn vô tình lạc tới? Có những người chạy xuống dốc Minh Mạng, người ở Phan Đình Phùng ùn ùn chạy cuối phố, họ nhón cao chân, giương to mắt nhìn về hướng Hà Đông, dòng Chúa Cứu Thế, Lạc Dương, vân vân... Xa xa về phiá Khu Số 6 vẵng nghe tiếng súng nổ dòn.

Lâm bạo gan bạp phổi kéo tay tôi chạy xuống trường Đa Nghĩa. Trên góc sân trường có vài xác chết ở trần sình to, chương phình bên gói bột ngọt. Một người khác nằm bất động thịt xé ra từng mảnh nhỏ, nửa thân dưới của ông ta bầy nhầy đầy máu thâm đen trên luống cải hoa vàng, cổ chân trái cột dính cuộn băng vệ sinh phụ nữ, máu tươi loang lổ thấm đỏ từng đám trên đất. Cạnh đấy là bầy chó hoang ốm tong ốm teo nhô cả bộ xương sườn, chúng cắn nhau, cào cào, vồ vập, bới bới. Tôi đã chứng kiến con chó hoang nhai một khúc ruột người chết thúi (hôm ở bên hàng rào Tiểu-khu Thị-xã Đà Lạt), nên tôi xanh mặt, cảm thấy run rẩy, sợ hãi, gớm ghiết bầy chó, và lợm giọng buồn nôn kỳ lạ.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1364890563.jpg

Tít sau góc vườn gần dốc nhà ai có ba em bé đang chạy lui chạy tới loăng quăng tìm kiếm cái gì đó. Chúng chụm đầu vào nhau rù rì rất lâu. Ôi Trời ơi là… tôi sợ thay cho các em. Ấy thế mà các em không hề biết lửa đạn súng ống chiến tranh là gì. Các em đang lúi húi chia nhau một thứ, hình như là củ khoai lang, miếng bánh mì cái bánh thì phải. Cuối cùng các em bỏ tọt vào miệng nhai ngấu nghiến. Một lúc khá lâu có một người đàn bà đầu bù tóc rối chân đất tất tả chạy ra, miệng la bai bải, bà ta vừa nheo nhéo chửi bầy trẻ vừa giáng mấy cái tát vô mặt đứa trẻ lớn nhất. Sau đó mỗi tay một đứa nhỏ bà ta lôi tuột chúng chạy tọt vào trong góc tường, khuất tầm nhìn, để mặc thằng lớn đứng dậm chân dậm cẳng vò đầu bứt tóc khóc hu hu. Khu phố Số 4 lại vắng teo điêu tàn như bãi tha ma.

Lâm và tôi cứ luân phiên chộp lấy ống nhòm nhìn lung tung tứ phía. Việt-cộng đã chiếm các nhà cao ốc cuả khu Số 4, Số 6, Tùng Lâm kiên cố, họ núp trên la phông, trên những ô cửa sổ tò vò mà bắn sẻ xuống đất, việt-cộng dùng nhà dân để làm chủ chiến địa (nếu quân nhân vô tình đi ngang qua khu vực nầy thì “lãnh thẹo” ngay! Mục tiêu giao tranh quá cận với nhà cư dân, nên đơn vị tiền sát của quân-lực Việt Nam Cộng Hoà nếu chiến đấu thì quá khó khăn. Không tạo được vòng đai an toàn, hầu ngăn chặn địch trà trộn vào vùng dân đang sinh sống. Không thể xin pháo binh yểm trợ lúc tiến quân. Có những ngày dài đằng đẵng người ta đành bất lực nhìn khu Số 4, khu Số 6, Tùng Lâm, Dòng Chúa Cứu Thế… chìm dần trong khói lửa ngút trời kinh dị. Mọi người bàng hoàng, ngẩn ngơ nhìn tai hoạ ác ôn đổ lên đầu bao gia đình vô tội không kịp chạy thoát thân.

Chân thật mà nói tôi thấy nét mặt dân thị thành ai ai cũng đầy lo lắng chia sẻ ngọt bùi đau đớn. Thương xót. Bối rối điếng đau. Hoảng hốt. Bủn rủn run sợ tột cùng. Người dân cùng cư thộn mặt thờ thẩn, ngơ ngơ ngáo ngáo không chút sinh khí hay hé lộ một lời. Hầu như hoàn toàn im lặng, họ giương to mắt nhìn về nơi lâm nguy. Mặt mày ai nấy đều hốc hác, âu lo tột cùng trong nỗi sợ hãi nên mặt mũi hoá ra xanh chàm, hết cỡ màu chàm. Sự khiếp sợ hãi hùng đang dâng trào lên tột đỉnh đau thương. Ôi! Thảm thương cho người dân hiền ở khu Số 4, khu Số 6 quá! Chiến tranh cúi xuống hành hạ, cưỡng bức mọi thứ tan hoang trên chính quê hương chúng ta. Dân đen biết lấy gì chống đỡ khi thế sự cúi mặt quét tầm nhìn xuống thành phố Đà Lạt nầy!
* * *
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1364885640.jpg

Trên đường gia đình đi đến nơi hầm trú ẩn, (mà tôi nghĩ đấy là nơi an toàn nhất). Tôi đã nghe anh lính ngồi trên một trong những chiếc GMC ngâm nga bài thơ Lương Từ Châu:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi.
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.
Tuý ngoạ sa trường, quân mạc tiếu.
Cổ lai chinh chiến, kỷ nhân hồi!
(Bồ đào uống chén dạ quang.
Tỳ bà thổi khúc lên đàng, giờ đây
Sa trường chén nhớ rượu nầy.
Xưa nay chinh chiến, đâu ngày gặp nhau!

Tôi nghe thật xót xa bồi hồi trong dạ sao đâu. Nếu ta đang sống trong thời thái bình thịnh trị; mà vô cớ đi giết người là trọng tội. Nhưng ta sống trong thời chiến thì chuyện giết người; để bảo tồn quê hương và dân tộc, lại là lẽ đương nhiên đáng tự hào & vinh danh.
Những gốc cây khô đét cằn cỗi, sần sùi khẳng khiu đã cháy đen không còn cành lá, dường như bị róc hết nhựa sống. Giọt nước đang chảy từng giòng ngoằn ngoèo trên thân cây sần sùi, cùng với cơn mưa to ở lưng trời thoáng chốc bỗng tạnh. Cả hồ Xuân Hương Đà Lạt mơ màng, nên thơ, quyến rũ với đồi Cù xanh um nệm cỏ mịn màng mướt mát. Hay đỉnh núi Lâm Viên huyền ảo kỳ diệu có phơi phới rì rào gió sương. Xứ hoa đào mơ mòng đầy quyến rũ, vẫn không được chú ý bằng: Mỏm đồi khu Số 4 - đã hãi hùng trải qua giờ phút đau thương kinh hoàng nhất.

L-19 bay lượn trên trời thám thính liên tục trên bầu trời. Bên phải cánh cửa lớn (của một chiếc trực thăng đang bay vòng vòng trên trời, có một anh lính cầm khẩu đại liên chĩa mũi súng xuống đất, nhưng anh ta không bắn đi đâu cả. Họ lo sợ đồng bào bị kẹt lại rất nhiều, một quân nhân khác ngồi bên cánh cửa trái phi cơ, thỉnh thoảng chĩa loa phóng thanh xuống dưới đất, phát ra đoạn băng ghi âm không ngớt hướng dẫn dân, đại khái kêu gọi đồng bào, đại khái: … Sau những thông báo trước (đã chiêu hồi và hướng dẫn).
- Từ giờ phút nầy tại ba khu vực: Khu Số 4. Khu Số 6. Khu Bạch Đằng bắt đầu thiết quân luật 24/24 giờ. Nếu ai còn mắc kẹt. Hãy cố gắng tự tìm mọi phương tiện, di tản gấp ra khỏi các vùng kể trên. Nay mai phi cơ sẽ có oanh tạc khu nầy.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1364885835.jpg

Nghe thế, đủ biết chính phủ quyết dồn mọi khả năng và nổ lực vào chiến lược, chiến thuật, và sách lược điều quân thuần túy quân sự. Ta phải công tâm mà nói là phía Việt Nam Cộng Hoà từ tâm và độ lượng khi loan báo tin trên cho Việt-cộng biết trước sẽ có bỏ bom. Buổi chiều, lại có L 19, và có vài chiếc trực thăng trang bị đại liên 12 ly 7 bay lượn và thả vô số truyền đơn xuống thành phố Đà Lạt lần thứ tư, lần thứ năm. Muôn vàn tờ giấy trắng chấp choá dưới ánh nắng ấm áp, ngọt ngào hương hoa mùa xuân phơi phới. Hoa giấy uốn éo bay bay che mờ một góc trời xanh xanh. Hoa giấy (confective) phơi phới bay bay trong bầu trời lồng lộng gió thênh thang, mênh mông trống trải và tiếng thông rì rào. Hoa giấy giống chuồn chuồn bươm bướm chập chờn nhảy múa trên không trung giát nắng vàng tươi rói. Nếu không phải là đã bị bao ngày dầm mưa dãi nắng lo âu sợ hãi và buồn tênh, thì tôi tưởng tượng những tấm giấy thông báo kia là những dáng tiên sa vui vẻ cỡi vừng mây mỏng dính, tà tà bay xuống thế trần lấp lánh ánh nắng lung linh gieo ấm áp tới thế trần.

Qua ngày 1 tháng Tư, đúng 10 giờ sáng, Quân-lực Việt Nam Cộng Hoà mang súng phòng lưu, tiểu liên M.3AL giàn trận thành hình cánh quạt. Các sĩ quan và binh lính người mang súng colt 45 chỉ huy. Người vác súng lớn, súng rouleau. Người cầm bản đồ, máy vô tuyến PRC 25. Sau đó tất cả quân nhân dừng lại nghỉ ngơi, chờ đợi lệnh trên. L 19 bắn khói điều chỉnh xuống mục tiêu xong, đã bay lên cao. Thoáng chốc tôi nhìn loạt máy bay bốn chiếc từ xa bay lượn xuống sát trên đỉnh đồi gần đụng đọt thông, tiếng phi cơ gầm gừ nghe rền rú ầm vang khi bỏ bom khu số 4 rõ mồn một, lần lượt mỗi lần một chiếc thi hành phi vụ, coi giống y như tôi đang xem chiếu phim trên màn ảnh rộng. Ùmmm! … Oằm! Ùuum… Bùuum! Mặt đất khu Số 4 nóng bỏng kêu oc... ọc... oọcc… ục ục ục… nhô lên hụp xuống, đất cát nhấp nhô rung chuyển dữ dội.

Tiếng nổ rền rền vang trời long lở đất. Khói đen nghịt từng cuộn khổng lồ vụt tỏa lên cao, như cây nấm phù thủy múa máy. Lửa đỏ rực cuồn cuộn bốc lên thấu trời xanh, cháy lan ra từng vùng khá rộng, nổ lốp đốp suốt mãi. Suốt thời gian phi cơ bỏ bom liên tục chính xác (vô những ổ sào huyệt kiên cố do Việt-cộng mới chiếm đóng đào sâu xây đắp dưới lòng đất hơn vài tháng qua) độ chừng mười lăm hoặc hai mươi phút gì đó. Thật quá hãi hùng: âm ầm ầm…. ùmm ùmm… Bùmm… nghe quá quái đảng. Dù hai tay tôi bịt kín lỗ tai, toàn thân rêm rêm, lồng ngực nóng hôi hổi nhô lên hụp xuống phập phồng ứ nghẽn muốn hụt hơi, đôi chân run rẩy, sống lưng lạnh toát, nhưng tôi hồi hộp ngóng cao cổ giương to mắt nhìn… coi cũng thiệt đã con mắt trần, thú vị vì được tận mắt chứng kiến những pha sống động ngoạn mục và oanh liệt!
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1364885927.jpg
Đoàn phi cơ bỏ bom bay đi không bao lâu, trực thăng ào ào lượn trên không trung (ba mẹ tôi ưa nói đó là chiếc tàu bay chuồn chuồn) không ngớt thả những tràng róc két viu viu viu…, xịt xịt xì xịt…, pằng pằng pằng… nòng đạn toé lửa trải dài dài trút xuống mục tiêu: KHU SỐ 4. Tôi chưa hết ngạc nhiên và sửng sốt dáo dác nhìn lên trời cao trầm trồ ngợi ca quân lực KQVNCH. Lập tức xe tăng bọc sắt rổn rảng đi trước, không gian rào rạo tiếng đạn trái phá xíu xít xì xịt..., đùng đùng đùng…, đại liên từ mấy chiếc trực thăng bắn roóoc… roóoc roóoc… Pằng pằng pằng… Tạch tạch tạch… Oằng…

Quân nhân Việt Nam Cộng Hoà (tôi chẳng thể nào nhớ hết đó là những binh chủng tinh nhuệ nào) từ các nơi: Khu phố Hoà Bình xuống đường Minh Mạng. Từ đường Cường Để qua Phan Đình Phùng. Từ suối Cam Ly qua ngả Hoàng Diệu. Từ Viện Đại Học xuống lối Bùi Thị Xuân… là những điểm quân ta bắt đầu xuất phát. Quân nhân tuần tự chia nhau đi lục soát khắp mọi nơi tình nghi, (dọc theo các đường chính). Tốp khác bọc hông lên khu đất đồi Bạch Đằng. Súng lớn, súng nhỏ, súng cối, súng trường nổ dưới đất ầm ầm rền vang, đảo điên hơn ngày núi lửa bùng phun nham thạch, lựu đạn, đạn cay, đạn khói, đạn ói, đạn mửa. Nhiều mùi hôi thối, khét lẹt nồng nặc lớp lớp lại ùa bay về phố. Sức nóng hừng hực theo hướng gió xô đi xô lại càng rát phỏng da. Ác chiến.

Phút chốc cây cối trụi cành lá, kêu răn rắc, nổ lép tép, cháy xì xèo, tàn tro và nhiều đốm lửa bay lông lốc. Gió ào ào thổi hơi nóng hừng hực, rực sáng ánh vàng xanh ngũ sắc lên cao. Lửa phừng phựt toả rộng ra hình cây nấm đen khổng lồ, táp vào mặt chúng tôi và nhiều người đang đứng lố nhố nơi các ngỏ đường (nơi đây chỉ cách khu Số 4 không đầy nửa cây số) nóng rát bỏng mặt tôi muốn lột da. Tiếng nổ lốp đốp liên hồi chẳng dứt, nghe thật chỏi tai. Độ nóng, khói đen nghịt tỏa lan dài ra cùng khắp bầu trời u ám. Mùi thối, mùi vỏ xe cao su cùng gỗ ván trộn lẫn mùi lông da heo, chó, gà vịt, mùi mỡ mùi khét mùi nhựa hỗn tạp, lùa theo gió cuốn về thành phố, hôi kinh khủng. Hôi kỳ lạ! Không sao chịu thấu.

Nhưng, mùi tử khí và mùi chiến tranh thì an nhiên ngủ nghỉ, dừng lại ở khu Số Bốn nầy miết mãi. Làm cháy rụi biết bao ngôi nhà đồ sộ. Làm rợn gáy người nhìn. Làm héo úa những hàng hoa mimosa, vườn mận sai trái rụi tàn đột ngột. Làm đen thui giàn bầu bí. Cháy trụi bao hàng rào dâm bụt. Héo nhanh từng bụi hoa dã quỳ, hoa bìm bìm tim tím cong cong. Tôi cảm thấy rùng mình ớn lạnh, run run, hai cánh tay rung rung như đôi cánh của con gà rù bị mắc mưa. Đầu mùa xuân tươi thắm ấm áp, mà dường như tôi chợt lạnh run trong cơn sốt rét da vàng cao độ, cái lạnh lan ra từ hai ống quyển run rẩy va đập vào nhau bồm bộp.

Bỗng dưng còi hụ vang rền... khiến ai ai cũng rợn tóc gáy dáo dác nhìn quanh lo sợ tột cùng. Họ quên tiệt đi mất rằng: Đặc điểm thân tình và đa dạng của phố Đà Lạt hữu duyên dễ thương nầy là ở ngay trên nóc nhà của Khu Hoà Bình, đã gắn một cái đồng hồ báo giờ có còi hụ nghe rất to và vang đi xa lắm là xa. Nhưng không phải để báo động chiến tranh như thời xưa, mà là dùng còi để hụ lên báo hiệu ấy là đúng 12 giờ trưa, và 6 giờ chiều, ngỏ hầu cho đồng bào biết giờ phút đó đã đúng ngọ, hoặc báo hiệu đến 6 giờ tối; đấy là giờ mọi người bắt đầu nghỉ ngơi sau một ngày bận rộn nhọc nhằn.

Tôi quên nói hôm mồng 2 Tết việt-cộng núp ở tiệm ảnh Hồng Châu bắn xuống một xe Jeep đã chở vài sĩ quan của trường Võ Bị đi ăn sáng, tà tà lái xe lên dốc Lê Đại Hành, họ không biết “bọn kia” lẽn đột nhập vô Thị-xã Đà Lạt. Nhưng Việt Cộng đã bắn trật. Các sĩ quan vội nhảy ra khỏi xe, chạy thoát xuống lối Modern Hotel, lo chạy nước rút về hướng cầu Ông Đạo. Xế chiều hôm ấy tôi từ công sở về nhà, phải đi qua phố vắng teo, thì thấy chiếc xe nhà binh vẫn nằm chình ình ở đấy, mui, nệm, bánh xe Jeep bị cháy rụi đen thui, chỉ còn trơ lại khung xe méo mó coi thiệt dị hợm, khói đen còn âm ỉ tản mác vật vờ uốn éo bay bay trong làn sương mờ mờ giăng mắc đó đây.

Mấy hôm sau Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bắt sống ba tên việt-cộng đã lẫn trốn trên nóc tháp cuả khu Hoà Bình, nguyên do chúng nằm bên đồng hồ báo giờ to tướng, lúc 12 giờ trưa, và 6 giờ tối bỗng nghe có tiếng còi hụ inh ỏi chát tai, thiệt điếc con ráy, e rằng chúng sợ són đái, mất hồn mất viá rợn tóc gáy, (tưởng khi còi hụ là thần chết hiện ra báo tử, cứ ngỡ mình trở về ngoài Bắc). Việt-cộng sợ hãi ngáp ngáp tụt xuống khỏi nóc nhà, đứng lớ ngớ xó góc phố vì run rẩy, đói và khát, họ chờ đợi lúc nào trời nhá nhem tối, thì sẽ tìm đường tấu thoát. Thế là phe ta tóm gọn!

Ngay sau khi tàu bay thả bom, trực thăng bắn rốc két và quân nhân Việt Nam Cộng Hoà càn quét lục soát tàn quân, thì cư dân ở Đà Lạt nườm nượp chạy chạy chạy..., rối rít ùn ùn thúc hối kéo nhau đi đi đi... xem khu Số 4 bị tàn phá, người ta ở đâu tụ họp lại đông quá chừng chừng. Tôi chạm trán với một người đàn bà gốc Ấn, chỉ có ngoài khoen vòng có hạt ngọc trai và mấy hột kim cương lấp lánh, đính trên trán sát chân mày dài rậm, bà có hàng mi dày cong cong nơi đôi mắt màu tro lánh đen tuyệt đẹp của bà thì mới lộ ra ngoài. Còn tai, mũi và miệng của bà bị cái mạng che mặt, cũng như toàn thân bà ẩn dấu trong bộ áo jellaba mầu xanh lục lụng thụng, áo dài từ cổ xuống tới gót chân, có nhiều lớp vải phủ kín mít thân thể bà, chiếc khăn voan mỏng cùng màu phủ lết bết từ trên đầu bà xuống hai bàn chân mang đôi dép thấp, quai dây cột chéo lên quá mắc cá. Tôi biết bà nầy có tiệm mỹ phẩm ngay khu Hoà Bình, bà có ông chồng hiếu khách đứng bán hàng, ông vui vẻ luôn miệng ca hát.

Một đứa con trai nho nhỏ ngồi bệt trên lề đường, nó ngẩng lên nhìn bà và nhẹ tay khều khều vào bàn chân ngăm đen, khiến bà sợ hãi né tránh và toan hét lên. Nhưng khi bà thấy nó ngước đôi mắt hiền lành và van lơn chìa bàn tay đen đen run run ra bà xin bố thí. Bà ta len lén nhìn trước ngó sau, liếc liếc dòm lui dòm tới, rồi bà ta thọc tay vô một bên hông, tìm mãi bà mới mò được túi áo. Bà ta ngọ ngoạy bên trong làn áo lụa, vùng bụng cộm lên dưới lớp vải một hồi lâu. Bà ta e dè lặng lẽ cúi xuống đưa cho thằng bé một nắm xôi đậu xanh và tờ giấy một đồng. Nhìn trước ngó sau lần nữa bà cúi đầu len lén lẫn vào đám đông, chen lên lề đường đi về hướng Phan Đình Phùng và ngả ba chùa Linh Sơn.

Tại khu Số Bốn đích xác có một ngôi nhà lầu đồ sộ, kiên cố, uy nghi chắc chắn to lớn khang trang xinh đẹp nhất vùng nầy đã sụm bà chè, gạch ngói ngổn ngang không còn miếng nào dính miếng nào. Nhà ấy nằm ngay cạnh mé góc đường Phan Đình Phùng, và đầu góc khu nghĩa địa Số 4, đã bị bom dập tơi tả, ấy là nơi đặt bộ chỉ huy cuả việt-cộng. Tòa nhà đã vùi dưới đống gạch ngói nghi ngút khói và lửa cuồn cuộn. Khá lâu, mất nhiều ngày giờ sau, người ta đã dào bới lên, và tìm thấy hai mươi mốt mạng người trú ẩn trong ngôi nhà kiên cố ấy. Đã tưởng là núp trong những ngôi nhà kiên cố thì an toàn. Nào ngờ... chúng tôi thấy họ trợn mắt chết tươi, chết nhiều cách, nhiều kiểu vô cùng thương tâm và kinh dị, chết không kịp ngáp, không nhắm mắt hay trối trăn nửa lời.
***

Sau khi dứt điểm khu Số Bốn là đến phiên càn quét khu BẠCH ĐẰNG – ĐÀ LẠT. Từ hơn hai tháng qua, đài phát thanh Đà Lạt ngưng hết mọi chương trình ca nhạc. Họ chỉ phát toàn bản tin thời sự đó đây nóng bỏng chung chung, lạt lẽo rất vắn tắt, hoặc trực tiếp truyền thanh chương trình đài Sài Gòn thông báo khẩn của các ban ngành ở trong nước, công sở, nhân viên công chức hãy túc trực tại nơi làm việc mỗi ngày. Nhất là kêu gọi: Binh-sĩ. Cảnh-sát, Cảnh-sát dã-chiến. An-ninh quân-đội. Sinh viên các trường đại học, hãy ứng chiến, hay trình diện từng nơi ở đơn vị gốc của mình.

Chính phủ miền Nam Việt Nam bắt buộc phải vùi dập khu Số 4 xong, suốt mấy ngày đêm, trực thăng quầng thảo mục tiêu, bay vù vù hoài. Máy bay L 19 bay lượn trên vùng Đà Lạt thám thính. Cư dân trong thành phố chẳng thiết làm ăn buôn bán, kiệt quệ, phố xá nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm, họ thường xuyên tụm năm tụm bảy, đứng ngồi đông đen trên nhiều ngỏ đường bồn chồn thấp thỏm xôn xao. Họ ngẩng đầu chỉ chỏ bàn tán nghe ngóng tiếng động, lo sợ dáo dác nhìn tứ phía. Bao gia đình thảng thốt, tay dắt lưng cõng vừa tất tả chạy băng đồi vượt dốc Thánh Mẫu, qua ngả Hà Đông xuống ruộng dâu về hướng thung lũng ấp Đa Thiện. Họ leo lên dốc Bùi Thị Xuân, cố thoát ra khỏi “vùng tử thù”. Nét mặt họ đầy lo lắng. Đau đớn. Thương xót. Bối rối. Dáo dác. Hớt hãi. Bủn rủn run sợ tột cùng. Họ đứng thừ người ngờ nghệch, đờ đẫn ngồi bệt xuống đất, hai mắt lờ đờ không cảm giác. Mặt mày ai nấy đều hốc hác. Người người điếng lặng, ngẩn ngơ nhìn tai hoạ đang đổ lên đầu, lên cổ anh chị em cùng mũi tẹt máu đỏ da vàng.

Bản tin địa phương ghi nhận: một toà nhà mái ngói đỏ au nghiêng qua nghiêng lại rồi sụm xuống. Xác người phơi trên nương khoai, dưới ruộng dâu tươi, bên vồng hoa rễ quạt tươi thắm. Cạnh xác một bà mẹ nằm vắt vẽo chân trần trên luống cải úa tàn, có đứa con nhỏ độ tám chín tháng, đứa bé bò lui lết tới khóc la, tìm vú mẹ. Mẹ của cháu bé thật chẳng còn gì ngoài vũng máu tươi đọng lại trên bờ ngực héo hon, đôi mắt đứng tròng mở thao láo, hàng nước mắt đọng trên bờ mi nỗi đau thương, đã vụng dại tuôn chảy qua bên thái dương. Bà cụ lom khom chống gậy, lẽo đẽo theo sau đoàn người tất tả cúi thấp đầu chạy dưới khe mương, mặc kệ người mẹ và đứa bé. Cụ ngoái đầu nhìn, bặm chặt hai hàm niếu móm mén, cụ cố gào lên trong tiếng nấc:
- Chị kia ơi cố gượng dậy, ngồi lên cho con bú. Bò lại gần mẹ cháu thêm chút đi! Cháu ơi!?

Nhờ bà cụ vừa đi vừa kêu gào, cụ chỉ lối đưa đường khi quân nhân Việt Nam Cộng Hoà vừa đến, nên em bé đã được cứu sống, mẹ bé thì đem về nhà xác Dân Y Viện chờ thân nhân mai táng. Chính phủ quyết “dứt điểm nợ” cho xong. Ba giờ chiều, khi ra phố tôi nghe dân chúng đồn đãi đâu đó là: Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa quyết định cho phi cơ phân chia ra nhiều phần tách bạch mà dội bom, (loại oanh tạc cơ nặng kí, trang bị toàn titanium, thép, aluminium, có 8 động cơ, Pratt và Whiteney, có trọng tải 35 tấn. Do dự án Patricia Lynn chỉ xem là một chương trình tạm, nhưng sau đó rất hữu hiệu, nên phi cơ B-57E đã thực sự tham chiến. Phi cơ này được đặt tên là Biệt đội 1/Phi đoàn 460 Không-Thám Chiến-thuật) thì phải.

Nếu, Việt-cộng vẫn ngoan cố ù lì bám sát, tướt đoạt lấy tất cả, từ mạng sống người dân, đến lương thực, của cải quý giá, đất vườn của dân lành vô tội. Thì… Đành phải xin lệnh từ trung tâm Không-trợ dội bom xuống khu Bạch Đằng ngay thôi. Không thể khoan dung nhân nhượng nữa!
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1364886565.jpg
***

Tôi đang đi chợ, nghe nhiều bản tin ngắn do xướng ngôn viên Diệu Thư của đài phát thanh Đà Lạt đọc, được phát ra từ bốn cái loa vang lên trên nóc nhà khu Hoà Bình, tôi hốt hoảng lo hộc tốc ba chân bốn cẵng chạy về nhà. Tôi và Lâm ôm hai con lên lầu, mở tung cửa sổ ra nôn nao chờ đợi, lại luân phiên dòm vô ống nhòm, chúng tôi phập phồng dáo dác nhìn đi tứ phía. Quả đúng như thế thật. Chỉ non hai giờ sau là phi cơ đến. Chiến cuộc thực sự bùng nổ quyết liệt không hấp dẫn chút nào trên chuyến tàu suốt cuộc sống vật vã rồi. Sau khi hai chiếc phi cơ dội xong những trái bom, là vút bay đi.

Chỉ vài giây phút sau lại có hai chiếc khác bay đến. Phi cơ cứ thay phiên nhau lượn trên vòm trời Đà Lạt, khi mấy quả bom xé gió vỡ bung ra, hủy diệt mọi thứ trong tầm ngắm, dội khoảng mấy chục quả bom rất chính xác xuống đồi Bạch Đằng và vùng lân cận trong khoảng chừng non nửa giờ. Trên ngọn đồi Bạch Đằng trống trải có nhiều hố bom khổng lồ, sâu hun hút, có thây ma không kém gì bên nghĩa địa Khu Số 4 dạo nọ.

Khu Bạch Đằng (do linh mục Phan Văn Đài thuộc dòng Chúa Cứu Thế xin chính phủ cho canh tác khu đất đỏ bazan và nâu vàng làm khu trù mật vô vụ lợi, cho tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo. Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã chấp thuận, vừa cho xây dựng ấp mới, được quy mô thành lập vài năm nay, nơi có rừng lá kim, rừng hổn giao lá rộng cùng các loại boxit, than bùn, cao lanh… bồi tụ bởi sự kết lắng các sản phẩm rửa trôi bào mòn từ sườn núi. Cư dân các nơi từ từ dồn về khu đất đỏ màu mỡ phì nhiêu nầy). Đa số đất toàn là đồi trọc, đất đỏ trộn màu nâu non còn trống trải và rộng rãi. Xe máy cày đất vẫn hì hục làm việc không ngừng, thì... đại liên từ trực thăng nã đạn xuống mục tiêu ấn định: Khu Bạch Đằng! Đạn bay roóc roóc roóc, pằng pằng pằng… xíu xiú… xít xít… xịt xịt…vun vút xẹt xẹt… ra những vệt lửa vàng vàng đỏ đỏ. Lựu đạn cay, đạn khói, đạn ói, đạn mửa đủ thứ vỡ bùng. Súng nổ dưới đất rền vang. Long trời lỡ đất như ngày động đất hay tận thế. Mặt đất rung chuyển dữ dội bởi súng lớn, nhỏ, súng cối, súng trường. Xe tăng bọc sắt ùn ùn vươn tới dưới chân đồi Bạch Đằng, và nằm ụ đó.

Từ xóm nhà tôi, có nhiều thanh niên leo lên mái ngói ngồi, ai ai cũng trông thấy rõ những tên việt-cộng từ trong các hầm trú khu Bạch Đằng kêu gào nhau lố nhố chạy ra, có người lũi trốn xuống ruộng dâu, hoặc có tên cố chạy lên đồi dốc đứng, mong sẽ thoát thân tới vùng ấp Nguyễn Siêu (thuộc khu Số 6) khu thổ cư đầy gió lốc cuốn mù đất cát bụi đỏ, ngỏ hầu vật lộn nhau, để tranh giành phù du cuộc đời, cuộc đua, cuộc chạy nước rút, cuộc chơi giữa người sống, người ngáp ngáp cơn hấp hối, và người đành đạch dẫy nẩy chết. Năm tên áo đen mang súng AK cắm đầu cắm cổ chạy riết lên lưng chừng đồi, nơi mấy cái hang đất, có lẽ họ định chui vào đó trú thân, thì chẳng may bị đạn từ trên trực thăng nã xuống viu viu… xít xí xít… pằng pằng pằng...

Thế là hai tên gục xuống dãy đành đạch mươi phút, rồi nằm im re tại chỗ. Một tên lăn cù cù xuống vạt đất đỏ nâu mới cày. Một tên khác gục tại lỗ hang đất. Tên kia cà nhắc cà thọt nhảy cóc năm bảy bước, ngực ưỡn ra phía trước, hai tay dong lên trời, từ cườm tay lên tới khuỷu tay trái cột miếng băng vệ sinh phụ nữ, mặt y úp vào bụi cỏ rồi cũng rệu xuống. Ngay đơ.

Trên trời L 19 thám thính quần thảo liên tục. Trực thăng bay lượn như chuồn chuồn, không ngớt thả những tràng róc két viu viu… xì xịt… pằng pằng pằng… Phía khu đất trống nho nhỏ trên đỉnh đồi Bạch Đằng, phi cơ tải thương binh đáp xuống, cánh quạt xoáy tít mù. Vài quân nhân và hai thường dân bị thương, cúi cúi co mình leo lên phi cơ, máy bay nổ ầm ầm, cánh quạt quay vun vút. Trực thăng vụt bốc thẳng lên cao, bay về hướng thành phố, hay bay vào trong khu Võ Bị, thì phải!? Bùm bùm bùm… Ùm ùm ùm… Ầm!... dài dài rải xuống mục tiêu. Nơi ác chiến, mồ mã bị cày xới tan hoang.

Gia đình tôi đứng trên balcon của nhà mình, nhờ có ống dòm, chúng tôi nhìn về hướng đồi Bạch Đằng rất rõ. Tiếng phi cơ gầm rú trên đầu dù đinh tai nhức óc, dù ở nơi xa xa nầy, mà tôi cũng bị điếc ù tai, ép lồng ngực mệt nhoài, nghẹt thở, muốn bể tim bể não. Huống hồ gì là những cư dân ở gần gần đó, làm sao họ chịu thấu nhỉ!? Trông những cột lửa đỏ rực ùn ùn đùn lên, đùn lên cao, lên cao. Lên cao. Những cây nấm lửa vừa đỏ đỏ vừa quyện khói đen đen, to khổng lồ quằn quại uốn éo trong tiếng Ùm. Ùm. Ùm… Oằm… Bùm! Khói đen nghịt từng cuộn nấm khổng lồ, rồi quyện với lửa đỏ rực, quay lông lốc bốc lên thấu trời xanh, cháy lan ra từng vùng khá rộng. Nhiều tiếng nổ xì xèo lốp đốp suốt mãi. Mùi hôi thối, mùi cháy khét nồng nặc. Sức nóng theo hướng gió xô về tận xóm nhà tôi rát phỏng da. Từng đám tro, từng đám khói lửa dày đen nghịt toả ra. Những cây nấm lửa khổng lồ khác lại quay cuồng lông lốc trong gió xoáy, ùn ùn bốc thẳng lên trời xanh, rồi toả ra mù mịt che kín khung trời thơ mộng mất rồi!
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1364887736.jpg

Tim rung lên từng hồi náo loạn, tôi có cảm tưởng như đang xem một cuốn phim quá hấp dẫn, vô cùng ngoạn mục mà kinh khiếp hãi hùng. Kinh dị tột đỉnh. Rõ ràng. Sống động. Trung thực. Ghê rợn hơn hẳn xem trên màn ảnh rộng stereo. Hơn gấp ngàn lần tôi đã xem các phim Đệ Nhất Thế Chiến. Đệ Nhị Thế Chiến xa xưa. Mấy phim đó chả nhằm nhò gì, so với chuyện tôi đã chứng thực bằng mắt thấy tai nghe. Oanh tạc cơ gầm thét trên đầu đã nhào xuống, và trong tích tắc lại vút bay lên trời. Hai trái bom xé gió vỡ bung ra, nhiều đợt lửa cuồn cuộn bùng lên. Ùm. Ùm. Ùm… Đùng. Đùng. Đùng… Pằng. Pằng. Pằng… Xíu xíu xíu… Xịt xịt xịt… Tạch … Tạch … Tạch… Bùm! Bùm! Bùm! Mưa chì. Gió lốc. Khói đen. Lửa đỏ. Chết chóc. Rùng rợn. Đau khổ. Tang thương. Kinh hoàng. Thảm thiết lắm! Mẹ Việt Nam ba miền: Bắc Trung Nam yêu dấu ơi! Giông tố ngập trời dâng lên cao ngút ngàn. Chao ôi! Hỡi Trời cao đất dày kia ơi!!! Ngày Tết Mậu Thân 1968, mà Ai đã bạo tàn ác ôn gieo chiến tranh thảm khốc, điêu linh đến thế nầy!?

Chiến tranh tàn sát ghê gớm, đã san bằng, cày xới, đào bới khai quật, lật tung không biết bao nhiêu là mồ mả ông bà cha cố tổ tiên trong nghĩa trang Số 4. Các thây ma đã muốn yên giấc nghìn thu vĩnh viễn. Ấy vậy mà hỡi ơi! Nào được an ổn tấm thây khô! Nhiều ngôi nhà trong khu Số 4 bị cháy rụi, người chết ở khu Số 4. Khu Số 6, và khu Tùng Lâm, Bạch Đằng chưa kiểm soát xác nhận nỗi. Chiến cuộc thực sự bùng nổ quyết liệt vì kẻ xâm lăng hung tàn. Dễ sợ quá! Trầm trọng kinh khủng quá chừng chừng! Rùng rợn biết bao!

Thật sự Tí Nị tôi rụng rời tay chân, không còn tin ở mắt thấy tai mình nghe nữa! Nhà cửa, ruộng vườn đất đai, đồ vật dẫu có hư hại, thì ta còn thời gian có thể từ từ sửa chữa lại khang trang tươm tất. Trộm cắp gian manh lừa đảo, thì có luật pháp trừng trị nghiêm minh, hữu hiệu và chuẩn xác. Mỗi lần tận mắt chứng kiến cuộc vĩnh biệt chia ly, hoặc nhìn lên màn ảnh xem những thước phim thời sự mô tả về tình đời và tình người sống đối với người đã khuất núi; người ta thường buồn bã u sầu đau đớn đứng trên đầu nguồn, để thả xuống dòng sông những chiếc thuyền giấy đựng cây nến lập lòe đốt sáng.

Tôi ngậm ngùi khôn tả, vô cùng xót xa về kiếp người. Cái chết chưa hẳn là điều đáng sợ, nhưng điều đáng sợ nhất là người còn sống mà tâm hồn đã chết, vô cảm lạnh lùng làm những việc hại đời hại người. Người sống cũng như kẻ chết đều ở bên dòng sông, và ở trên dòng sông. Có khác chăng là “kẻ” đang lơ lửng trên dòng nước, thì đành im lặng phú mặc cho con thuyền mang cây nến nhấp nhô trên sóng mãi xuôi dòng, trôi đi... trôi đi, trôi đi mất hút! “kẻ ấy” không thể nào và không bao giờ có thể tự quay trở lại bờ. Nhưng… trong giao cảm giữa con người với nhau, có người đánh mất ân tình quý giá, dã-tâm đứng trên bờ xâm chiếm miền Nam Việt Nam, đem chiến tranh về gieo rắc bao đớn đau tang thương, ngang nhiên công xúc tu sĩ, hãm hại hiền lương bá tánh, thì lấy ai xây dựng đạo lý vững chắc trên căn bản đạo đức và luân lý, cùng xoa dịu nỗi hãi hùng, ngỏ hầu bồi thường mạng sống con người rất đáng trân trọng và danh dự đây?

_ * _

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
04-05-2013, 08:18 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1365189481.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1365190984.mp3
Bách Niên Thương Hải Biến Vi Tang Điền
Tình Hoài Hương
***


Thật tình tôi không thể nào hiểu nỗi tại sao vận nước Việt Nam lại trở nên quá đen tối: sau khi hiệp định Genève 1954 diễn ra kể từ ngày 26 tháng 4 năm 1954 - rồi bản Hiệp Định được ký kết và kết thúc cùng ngày 21 tháng 7 năm 1954. Thành phần tham dự: Anh, Mỹ, Liên Xô, Pháp, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, Laos, Cambodia, Quốc Gia Việt Nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Phía Quốc Gia Việt Nam ban đầu do ông Nguyễn Quốc Định làm Trưởng Đoàn. Sau, ông Trần Văn Đổ thay thế. Đáng chú ý: Ông Trần Văn Đổ, Trưởng Đoàn Quốc Gia Việt Nam đã lên tiếng phản đối sự chia cắt đất nước. Chính phủ Quốc Gia Việt Nam (miền Nam Việt Nam) không ký Hiệp Định. Phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (miền Bắc Việt Nam) do Phạm Văn Đồng làm Trưởng Đoàn. Phái đoàn Hoa Kỳ từ chối công nhận Hiệp định Genève.

Kể từ ngày 21-7-1954– khi miền Bắc Việt Nam ký Hiệp-định Genève xé đôi lãnh thổ Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 và cầu Hiền Lương Bến Hải làm ranh giới, để chia lìa tách bạch hai miền Bắc Việt Nam và miền Nam Việt Nam ra đôi ngả phân ly nghẹn ngào:
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1365189792.jpg

- Ngày 11-11-1960 – Đại-tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu cuộc đảo chánh cùng Trung-tá Vương Văn Đông ở Liên-đoàn Dù, và Thiếu Tá Nguyễn Triệu Hồng, Đại-úy Phan Lạc Tuyên: đã đảo chánh nền Đệ-Nhất Cộng-Hoà hụt; thì “chiến tranh nội bộ” bắt đầu manh nha quyết liệt vì cốt nhục tương tàn, nồi da xáo thịt rối rắm bùng nổ liên miên. Từ xưa tới nay sự thôn tính đất đai, tranh giành quyền lực, thế lực, vinh hoa, là mạng lưới quyến rũ dẽo dai và khổng lồ. Nước càng trong thì không có cá. Dù lòng người đơn giản, phước thiện, trong sáng và cao cả; ấy mà nếu du nhập vào hệ thống chính trị, sau khi bị cuốn hút vào cung cầu đó, thì thật khó lòng ít có ai rứt ra được.

- Ngày 27-2-1962 - Có 2 chiếc khu trục A1 Skyraider dội bom dinh Độc Lập, do Trung-úy Phạm Phú Quốc và Thiếu-úy Nguyễn văn Cử ném bom bắn cháy dinh Độc Lập. Phi cơ của ông Phạm Phú Quốc bị bắn rớt trên sông Sài Gòn, ổng đã vô tù, tất cả bom đạn còn nguyên, nghĩa là ông ta chưa kịp thả trái bom nào. Ông Cử đào thoát bay mút qua hướng Nam Vang, dân chúng bàn tán là ổng bị chính phủ ở bển bắt nhốt vô tù rùi!?

- Sau biến cố 02-11-1963 – Tổng-thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu bị thảm sát. Trải qua bao thăng trầm chính trị sục sôi… thì nền Đệ II Cộng Hòa có Tổng-thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu lên ngôi.

* Ngày 8-3-1965 - Kể từ khi có đoàn Thủy-quân Lục-chiến Mỹ tiên khởi, đông đúc khoảng 3.500 người rầm rộ đổ bộ lên đất liền tại Đà Nẵng, Mỹ viện cớ muốn giữ “an ninh cứ địa”. Do tướng Maxwell Taylor, thỉnh thoảng hút xì gà Schimmelpennick làm đại sứ Sài Gòn, ông dẫn đầu một cuộc phô trương cường quốc Mỹ, để thị oai với các nước tụt hậu, chậm tiến, đang có chiến tranh. Rồi…

* Ngày 16-8-1965 - Chính phủ Nguyễn Khánh chủ trương thành lập Hiến Chương Vũng Tàu. Trong nước loạn xạ bởi nhiều phe phái chính trị phản đối chính quyền đã hoạt động ráo riết. Sau đó có nhiều bất đồng, các đảng phái, sinh viên lục đục nội bộ, nên tan đàn rẽ đám. Hội-đồng Quân-lực Cách-mạng truất phế ông Nguyễn Khánh, cho ông lưu vong ra ngoại quốc làm đại sứ.

* Ngày 9-5-1969 - Hạ-sĩ Henry Kissinger đi lính trong Đệ-nhị Thế-chiến, sau lên làm cố-vấn an ninh quốc gia cho Tổng-thống Richard Nixon. Về sau tiến sĩ Henry Kissinger khai mạc hoà đàm Ba Lê (không có chính phủ miền Nam hay Quân-lực miền Nam). Suốt thời gian hoà đàm dưới sự giám sát chặt chẽ của Nixon, ngoại trưởng Kissinger “ráo riết đi đêm” với quân Bắc Việt.

- Người dân luôn dán mắt nhìn vô ti vi trắng đen, theo dõi công ty Pecten Việt Nam (là chi nhánh của Shell) đã sản xuất khoảng 1.500 thùng dầu thô/ngày, trong giếng dầu mang tên Pioncer sâu 4.500 feet dưới lòng biển. Hoan hô đại thắng!

- Một phái đoàn Mỹ có tên Project Concern, và phái đoàn Thanh-Thương-Hội Việt Nam do ông Lê Bá Công làm hội trưởng, hướng dẫn phái đoàn săn sóc y tế cho đồng bào Thượng tại miền Nam Việt Nam. Phái đoàn nầy được đồng bào kính trọng và hoan hô nồng nhiệt.

* Ngày 27-1-1973 – Trong chương 2 điều 2 tại nhiều năm hội nghị, sau đó Hiệp định Ba Lê đã ký kết đình chiến: Ngưng bắn. Ấy thế mà vào ngày 9 tháng 3 năm 1974 Việt-cộng câu súng 81 vào trường Tiểu-học Nhị Quý, Cai-Lậy, Tỉnh Định Tường. Có vô số trẻ em bị chết oan thật đau đớn vô cùng thảm thiết.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1365189939.jpg

* Ngày 11-3-1975 - Mất Ba Mê Thuột. Thiếu-tướng Phạm Văn Phú, Tư-lệnh Quân-đoàn 2/Quân-khu 2, ra lệnh quân đội triệt thoái khỏi Pleiku – Kontum (do chỉ thị của TT Nguyễn Văn Thiệu).

* Ngày 19-3-1975 – Một Tiểu-đoàn của Trung-đoàn 43 Bộ-binh đóng chốt phòng ngự tại Định Quán, quanh vùng phụ cận núi Chứa Chan. Gia Rai, Tiểu-đoàn nầy anh dũng đánh trả đối phương rất phi thường.

* Ngày N+5, 21-3-1975 triệt thoái cuối cùng Lực-lượng Quân-đoàn 2 khỏi Cao Nguyên, trên tuyến đường Liên-tỉnh lộ B.

* Ngày 22-3-1975 - Tỉnh Quảng Đức thất thủ.

* Ngày 23-3-1975 – Công-binh VNCH làm xong chiếc cầu dã chiến. Lực-lượng Quân-đoàn 2 cuối cùng vượt qua sông Ba, triệt thoái về Phú Yên.

* Ngày 25-3-1975 – Các đơn vị Quân-đoàn 1/Quân-khu 1 (Việt Nam Cộng-Hoà) triệt thoái ra khỏi Huế.

* Đêm 28-3-1975 - Lực Lượng hùng hậu của Quân-đoàn 1 do tướng Ngô Quang Trưởng lãnh đạo, đã triệt thoái khỏi Đà Nẵng.

* Ngày 8-4-1975 – Các phi trường Tân Sơn Nhất. Cần Thơ. Biên Hoà, có nhiều chiến đấu cơ F 5 – oanh tạc cơ A 37. Không một ai mà không nghe đồn ầm lên là: từ Lâm Đồng dọc theo rặng trường sơn, sông La Ngà chảy từ khu Tánh Linh, qua phía nam Định Quán, Rừng Sát ra cửa biển Cần Giờ: Đang bị đe doạ trầm trọng. Người ta lại đồn máy bay oanh tạc dinh độc lập hụt hay sao đó? Bây giờ thì chuyện không nói có, chuyện có nói không. Chả ai có thể đi đâu kiểm chứng, vì mọi ngã đường đông nghịt người không thể chen chân. Nhưng than ôi! Đúng thế thật, Trung úy Nguyễn Thành Trung, quê ở Bến Tre, đã bay chiếc F5 cất cánh từ Biên Hoà về thả bom xuống dinh Độc Lập. Phi cơ mang bốn quả bom. Y thả hai quả bom trước bị rơi ra ngoài sân dinh.

* Việt Nam Cộng Hoà có Sư-đoàn 18 tăng cường Lữ Kỵ-binh: Sư-đoàn 5 Thiết-giáp. Các Liên-đoàn Biệt Động Quân từ Quân-khu 1, chuyển về Quân-khu 2 để bảo vệ Xuân-Lộc, do Chuẩn-tướng Lê Minh Đảo là Sư-đoàn-trưởng Sư-đoàn 18 đảm nhiệm. Trận đánh vô cùng ác liệt bắt đầu xảy ra giữa quân đội miền Nam Việt Nam, với Quân-đoàn 4 và Sư-đoàn 6 Chủ-lực Quân-khu 7 của Cộng-sản Bắc Việt.

* Ngày 10-4-1975 – Hai Trung-đoàn 43 và 48 (của Sư-đoàn 18 Việt Nam Cộng Hoà) và một Lữ-đoàn Dù. Lữ-đoàn 3 Kỵ-binh, từ Biên Hoà ra Xuân Lộc tiếp ứng. Giao tranh ác liệt dữ dội mạnh mẽ. Đường 12 bị cắt đứt là: Xuân Lộc > Biên Hoà. & Xuân Lộc > Bà Rịa.

* Ngày 17-4-1975 - Mất Phan Rang.

* Ngày 18-4-1975 - Mất thị xã Phan Thiết và toàn tỉnh Bình Thuận. Thành phần chính phủ do Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu lãnh đạo đã xảy ra đột biến. Mặc dù vậy tổng thống Thiệu họp báo, lên Truyền-thanh, Truyền-hình đọc hiệu triệu vấn an quốc dân đồng bào. Đài phát thanh cho nhai đi nhai lại bản tin nầy suốt cả tuần.

* Ngày 19-4-1975 – Bình Tuy sống trong sôi động. Giao tranh ở tuyến đường số 1, từ phía Đông và Đông-Bắc Sài Gòn, tới Trà Võ. Bàu Nâu. Gò Dầu Hạ.

* Ngày 20-4-1975 – Khu Rừng Lá, (cách Xuân Lộc độ 20km) coi như mất liên lạc: Bộ Tổng Tham Mưu. Sân Bay Tân Sơn Nhất. Bộ Tư-lệnh Biệt-khu Thủ-đô. Tổng Nha Cảnh-sát, vân vân… (Thủ đô Sài Gòn có 12 Quận Nội-thành: Bình Thạnh. Phú Nhuận. Tân Bình. Gò Vấp. 6 quận ngoại thành: Hóc Môn. Củ Chi. Thủ Đức. Bình Chánh. Nhà Bè. Duyên Hải) > Đều báo động đèn đỏ 100%.

* Bộ Giáo Dục ra lệnh đóng cửa không thời hạn tất cả các trường: Tiểu-học. Trung-học. Đại-học trong toàn lãnh thổ tại miền Nam Việt Nam.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1365190068.jpg
Ngày 21-4-1975 - Hằng triệu triệu người già trẻ lớn bé ở miền Nam Việt Nam chồm tới bu quanh nhìn sững vào vô tuyến truyền hình. Toàn dân lắng nghe miết mãi. Khoảng nửa giờ sau vị nguyên thủ quốc gia: Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu chính thức tuyên bố từ chức, ông trở về với quân đội Việt Nam Cộng-Hoà. Ôi! Bàng hoàng sững sốt. Vì; hằng triệu trai trẻ lính tráng, quân đội và dân tộc Nam Việt Nam (có bốn nghìn năm văn hiến quyết chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng trên chiến trường) tin vào chính phủ Nguyễn Văn Thiệu mà. Từ khi nền Đệ Nhất Cộng Hoà sụp đỗ, thì tất cả mọi thứ trên đời, trật tự xã hội bị đảo lộn tùng phèo sao?

Hồi xưa, nhà bác học lẫy lừng Pierre Curie khám phá ra chất phóng xạ radium vào năm 1900. Và, trước khi ông Mc Robert Namara cho trắc nghiệm khai quang hằng loạt chất độc màu da cam (Agent Orange), để tiêu diệt cỏ, hay tiêu diệt đối phương (?!). Thì ngày nay, Tổng thống Thiệu đã lưu lại danh thiên cổ gì cho núi sông? Khi mà ông Trạng Trình đã nói: “Bắc hữu kim thành tráng. Nam hữu ngọc bích thành”. Cố mà gìn giữ Việt Nam keo sơn gắn bó. Thật ra, Tổng-thống Thiệu làm tổng thống hai nhiệm kỳ, đã thành lập đảng Dân Chủ. Nhiều lần Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu lên đài truyền thanh và truyền hình mạnh mẽ đọc diễn văn; trong đó có những câu tuyệt vời bất hủ:
- Đừng nghe những gì Cộng-sản nói, hãy nhìn kỹ những gì Cộng-sản làm!
- Ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng-sản.
- Công đức ngàn đời con tố mẹ, tình nghĩa trăm năm vợ tố chồng.
- Đất nước còn, còn tất cả; Cộng-sản thắng, mất tất cả.
- Tôi mà tham nhũng, thì cái chính phủ này sẽ sụp đổ chỉ trong 3 ngày!
- Nếu Hoa Kỳ không viện trợ cho chúng tôi nữa, thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm, mà chỉ sau 3 giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập!
- Làm kẻ thù của Mỹ thì dễ, làm bạn với Mỹ thì rất khó.
- Sống không có tự do là đã chết.
- Mỹ còn viện trợ, thì chúng ta còn chống Cộng-sản.

TT Nguyễn Văn Thiệu hùng hồn khẳng định tuyên bố “bốn không” rất chí lý:
1.- Không thừa nhận Cộng-sản.
2.- Không lập chính phủ liên-hiệp.
3.- Không trung-lập-hoá miền Nam Việt Nam.
4.- Không nhường một tấc đất cho Cộng-sản.

* - Tin đồn đã rùm beng:
1.- Việt Nam trung lập.
2.- Chính phủ Việt Nam có ba thành phần.
3.- Miền Nam Việt Nam bị miền Bắc “giải phóng” lan nhanh (chứ chả phải như lời Phó Tổng-thống Nguyễn Cao Kỳ hô hào: “Xung phong > Bắc Tiến”). Tổng thống Thiệu đã ủng hộ chương trình “Người cày có ruộng”, rầm rộ khuyến khích nông dân, củng cố lúa Thần Nông IR 3 và AR 8. Nhờ thế kho vựa miền Nam dư thừa lúa gạo. Việt Nam sản xuất gạo đi các nước. Sau năm 1967 do sự quậy phá của Cộng-sản Bắc Việt, nên nông dân thuộc các tỉnh miền Nam, miền Trung, Cao Nguyên, không thể cày cấy, gieo trồng nhiều. Do đó miền Nam Việt Nam bị khan hiếm lúa. Kinh tế hạn hẹp, Cộng thêm an ninh không an toàn yên ổn. Chính trị, kinh tế, tham nhũng, bè phái, bị đe doạ khiến miền Nam suy thoái trầm trọng. Bây giờ miền Nam Việt Nam phải nhập cảng gạo và “binh khí”, xin viện trợ tiền bạc vào Nam Việt Nam. Là vậy!

* Tổng-thống Việt Nam Cộng-Hoà Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Phó Tổng-thống Trần Văn Hương lên thay thế! Thành phần nội-các do cụ Trần Văn Hương đảm nhận được mấy ngày vắn vỏi.

- Ngày 22-4-1975 – Đường quốc lộ 4 nối liền Sài Gòn > Cần Thơ. Các hướng Tây Bắc. Đông Đông Bắc. Đông Đông Nam. Tây Tây Nam bị cô lập với Sài Gòn.
Thứ Tư, ngày 23-4-1975 - Đô Đốc Noel Gayler Chỉ-huy-trưởng Hạm-đội Thái Bình Dương, đã lập cầu không vận Sài Gòn > Đệ Thất Hạm Đội (trong chương trình di tản người Mỹ và người Việt Nam ra đi), đang đậu ngoài khơi Vũng Tàu, người ta nghe & phao tin sẽ di tản khoảng vài ba trăm ngàn người Hoa Kỳ và người Việt Nam. (!?)
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1365192224.jpg

Bảy Ngày Đen Tối Nhất:

Đêm 24-4-1975 – Khói lửa bạo tàn đã gây đau khổ quá sức hằng triệu dân đen lầm than khốn đốn, cơ cực. Miền Nam Việt Nam dỡ sống tức tưởi, dỡ chết không kịp nhắm mắt, không thể há miệng than Trời! Chắc chắn là chính phủ Nguyễn Văn Thiệu & thành phần nội-các đều nghe bùi tai về tướng cố vấn Lục-quân Mỹ Weyand gián tiếp khuyên chính phủ Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Quân-đội miền Nam Việt Nam bằng mọi giá phải tử thủ! Toàn thể nam nữ thanh niên trai trẻ, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã vâng lời ở lại giữ gìn từng pháo đài bị vây hãm, giành lại từng tấc đất quê hương ta, quyết phục vụ dân tộc và tử thủ vì dân tộc Việt Nam!

Thì tin đồn chuyện Tổng-thống Thiệu bỏ rơi dân tộc, bỏ quê hương đất nước, chỉ là tin đồn nhảm nhí! Khi chung cuộc kết thúc trong bi thương thế ấy, ai nở ra đi phản bội dân tộc, ai lìa bỏ quê hương cẩm tú giàu đẹp sao? Ai đành cao chạy xa bay mưu tìm cho chính mình sự sống riêng, phủi tay trong thau men nước người cho đành?! Nơi chốn xa lạ đó, ai có dịp lắng nghe tiếng nói của hiền dân vô tội gào than kêu khóc? Ai tận mắt xem đồng bào đau thương bị cấp lãnh đạo bỏ rơi, dân đang sống quằn quại trong cơn lốc chính trị kinh hoàng vỡ vụn? Toàn dân sẽ chết thảm dưới cơn sóng thần cuồng phong dữ dội nhất lịch sử Việt Nam nầy. Họ làm sao đành đoạn phủi tay bỏ lại quê hương và dân tộc cho đành?!

* Thứ Sáu, ngày 25-4-1975 – Sáng sớm bạn Tonny Tơn từ Hạ Nghị Viện tất tả chạy về nhà, đã khẳng định với chúng tôi về việc Tổng-thống Thiệu và đoàn tùy tùng thân tín đã bôn tẩu bỏ nước ra đi!!! Người ta lại đồn ầm lên là ông Thiệu chở theo mấy chục tấn vàng của quốc gia (?!). Làm sao cõng cho nỗi hỉ?! Chuyện ấy rất khó tin, không bao giờ tin! Nhưng khuya Thứ Sáu, ngày 25-4-1975 đương kim Tổng-thống Trần Văn Hương lên đài Truyền-thanh Truyền-hình chính thức tuyên bố: - “Gia đình Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu, và một số thân tín trong chính quyền đương thời đã chính thức rời khỏi Việt Nam, bay đi ngoại quốc ngày 24-4-1975”.
Ôi! Sự đau đớn ấy có thật ở phi trường Tân Sơn Nhứt là Tướng Timmes, Đại-sứ Martin, một số đoàn tùy tùng đông đảo “viên chức lừng danh cao cấp nhất” của chính phủ miền Nam Việt Nam Cộng Hoà đang làm cuộc “tẩu tướng”. Họ nôn nao lo âu đứng xớ rớ ở đó từ rất lâu, chờ đợi sẵn sàng để dọt đi.

Một chiếc xe Mercedes chở ông Nguyễn Văn Thiệu từ bến Bạch Đằng chạy nhanh vào phi trường Tân Sơn Nhứt lúc 21 giờ 30 đêm 24 tháng 4 năm 1975. Chung quanh “các ngài” đông đúc nôn nao ung dung ra đi, có lính Thủy-quân Lục-chiến Mỹ đứng dàn ngang dàn dọc bu quanh, để bảo vệ phái đoàn “các ngài” tống lên chiếc phi cơ C-118 lịch sử của Không-quân Hoa Kỳ. Ông Thiệu, Tướng Khiêm và đoàn tùy tùng lẹ làng tót lên máy bay, không hề ngoảnh lại. Hỡi Ôi là Trời ơi Đất ơi!!!

* Thứ Bảy, ngày 26-4-1975 – Ông Khiêu Samphan dẫn một phái đoàn Trung Quốc từ Mimót Nam Vang, đi qua ngả Xa Cam. Tại đó có một Đại-tá Không-quân người Pháp, một Thiếu-tá Pháp, {họ trực thuộc Nha An Ninh Tình-báo hải ngoại Pháp (SDECE)}. Họ đưa phái đoàn Trung Quốc nầy vào ở trong toà Đại-sứ Pháp Sài Gòn (!?)

* Vẫn ngày 26-4-1975 - Bão lửa chiến tranh xâm lược đã ùa vào xâm chiếm các khu sau đây: Long Khánh từ hướng Đông-Bắc đi Sài Gòn xa khoảng 80km. Long Khánh nằm giữa hai quốc lộ: 1 và 20- 105 kinh độ đông- 11 vĩ độ bắc, ở múi giờ 17 GMT – Giáp giới mặt Đông hướng Đông Đông Nam về Sài Gòn. Long Khánh có đỉnh núi Gia Ray cao 916 mét, là tấm bình phong che chắn thuận lợi cho toàn vùng. Muốn đi từ miền Cao Nguyên, hay từ miền Trung vào Sài Gòn xuống miền Tây, tất cả loại xe đều phải đi ngang qua vùng Long Khánh. Sông Ray từ phía Nam của núi Gia Ray có đường đi qua Xuyên Mộc. Trảng Bom. Hố Nai. Biên Hoà. Long Thành. Nước Trong. Đức Thạnh (Bà Rịa). Lang qua vùng Phước Tuy. Xuyên Mộc. Đất Đỏ. Về hướng Tây Tây Nam > Bến Lức. Tân An. Trung Lương. Tân Hiệp. Long Định. Giao lộ 4. Cai Lậy đi An Hữu. Xuống tới Lộc Giang. Vàm Cỏ Đông qua Tây Vĩnh Lộc. Mỹ Hạnh. Hướng Bắc thì các đoạn đường 16 Phú Lợi. Thủ Dầu Một. Tây Bắc về Đồng Dù. Hóc Môn.

* Chủ Nhật, ngày 27-4-1975 - Mất thật rồi Bà Rịa. Phước Tuy. Nước Trong. Trảng Bom. Suối Đĩa. Cầu Rạch Chiếc. Rạch Cát. Cầu Bình Phước. Quán Tre lan ra tận xa lộ Đại Hàn.

* Vẫn ngày 27-04-1975 – Người ta bịa đặt ra: Caritas. Usaid. Usom. Juspao. Cords. The Asia Foundation. IUS, chỉ là những thành phần ấy vào miền Nam Việt Nam do CIA cầm đầu trá hình. Nay họ lo đóng cửa và chuồn bay đi hết rồi! Tất cả mọi liên lạc trong nội thành Sài Gòn với ngoại thành, đi các Tỉnh, hầu như tê liệt, trục giao thông chính dẫn đến phi trường, hải cảng, các bến xe miền Đông, miền Tây, miền Trung, hoàn toàn ứ đọng và “bế quang tắc lộ”. Chao! Lúc đó thì người người tụm trăm tụm ngàn ở các nẽo đường chính, để nghe ngóng thăm dò tin tức. Toàn là những giả thiết, những tin đồn hoang mang. Người ta nhốn nháo, ồn cả lên, chèn ép nhau, xô đẩy nhau mong tìm đường chạy thoát thân, mong khỏi bị trụ lại nơi thành phố đông nghẹt người, từ các nơi dồn về Thủ-đô Sài Gòn hối hả, ngột ngạt, nghẹt hơi. Mọi tiếng động đều đinh tai nhức óc nổi hoài thâu đêm suốt sáng, không bao giờ ngưng. Người ta muốn điên vì đủ thứ chuyện thay đổi liên tục xảy ra từng giờ trên tivi, tin đã xấu càng xấu thảm xấu tệ biết bao! Toàn là những tin chả lạc quan vui vẻ gì!

* Thứ Hai, 28-4-1975 – Sân bay Tân Sơn Nhứt to lớn đồ sộ sầm uất nhất miền Nam Việt Nam đến thế, có F5, hoặc A 15, A 37, C 130. Mà nay chỉ còn có một số ít bom Daisy Cutters, và những phi cơ dân sự thường dùng trong nội địa, có phi cơ dân sự cũ từ thời Pháp để lại dùng bay ra ngoại quốc (không kể những phi cơ quân sự hiện có). Ngày 28-4-1975 Phi công Nguyễn Thành Trung (y thả bom hai lần, lần đầu y thả ở dinh Độc lập bằng F5, y cất cánh từ phi trường Biên Hoà). Lần sau vào chiều 28/04/1975: Một tốp phi cơ Dragonfly A 37 (phi đội Quyết Thắng) do phi công Nguyễn Thành Trung & Nguyễn Văn Lục dẫn đường, ép Trần Văn On & Nguyễn Văn Xanh bay cùng mấy tên “giặc lái” Từ Đề, Mai Vượng, Hán Văn Quang, họ xuất phát từ phi trường Phan Rang bay về thả bom ở phi trường Tân Sơn Nhứt. Nhiều tiếng nổ long trời lở đất đâu đó vang rền, khói lửa ngùn ngụt bốc cháy, đen nghịt thành phố.

* Ngày 28-04-1975 – Tổng thống Trần Văn Hương lên nắm chính quyền quốc gia Việt Nam được bảy ngày (7) thì tuyên bố rút lui. Theo yêu cầu của Lưỡng-viện Quốc-hội Việt Nam Cộng-Hoà, cụ Trần Văn Hương sữa “hiến pháp, hiến dâng” chức “tổng thống không dân cử” cho Đại-tướng Dương Văn Minh. Chả hiểu sao cụ Hương tụt lẹ xuống, cho ông tướng Dương Văn Minh trồi lên nắm chính quyền nhanh như chớp!? Việt Nam như quả bóng tròn, khi thì đá dưới gót chân, khi đội đầu, khi quay giò lái đá qua đá lại rồi “sút” bóng lăn xuống vũng bùn. Một chính phủ sắp đến ngày diệt vong rồi hay sao, mà suy tàn đến độ xót xa thảm thiết tột cùng! Làm gì… thì cần ngồi lại thân thiện bên nhau và chia sẻ mọi quyền lực. Cần một lòng trung dũng đoàn kết vì nước vì dân. Thì toàn dân và toàn quân sẽ đứng vững như kiềng ba chân. Miền Nam Việt Nam sẽ không bị sụp đỗ toàn diện đâu. Lúc nầy Tổng thống Dương Văn Minh nói rất hùng hồn: “Không bao giờ đưa miền Nam Việt Nam cho Việt-cộng”.

* Thứ Ba, Ngày 29-04-1975 – Tổng-thống Dương Văn Minh ra lệnh trục xuất những người Mỹ cuối cùng phải đi ra khỏi đất nước Việt Nam. Chính lúc đó mất thật rồi: Nhơn Trạch. Thành Tuy Hạ. Cát Lái. Cầu Sông Buông. Long Bình. Biên Hoà. Phú Lợi. Lai Khê. Bến Cát. Bình Dương. Tân Uyên. Lái Thiêu. Gò Vấp: Hướng Tây Bắc Đồng Dù. Củ Chi. Hướng Tây Tây Nam Hậu Nghĩa. Tân Túc. Tân Hoà. Phú Lâm. Tin tức mỗi ngày mỗi giờ một xấu hẳn đi. Thế là trong thành phố Sài Gòn vốn dĩ ồn ào náo nhiệt, bon chen sợ hãi, càng tăng thêm nhốn nháo, xôn xao, xớn rớn hãi hùng hơn. Sài Gòn chìm trong biển tình đau thương tràn ngập mịt mùng. Sài Gòn như rắn mất đầu, người người xớn rớn ồn ào như núi lở, như động đất, như triều cường sóng thần vùi dập. Sài Gòn đã mất đi vẽ hào nhoáng thanh lịch sang trọng xa hoa của hòn ngọc viễn đông xưa. Thành phố ấy giờ đây ồn ào náo nhiệt hỗn loạn, bụi bặm và rác rưỡi ụ từng đống to tướng.

Sài Gòn càng hổn loạn, hoang mang lo sợ bùng lên dữ dội. Nhất là những gia đình giàu sang quyền qúy ở Sài Gòn, cư dân gốc Trung Hoa đã và đang sinh sống ở Chợ Lớn hãi hùng huyên náo loạn cả lên. Thuở xa xưa người Hoa có quốc tịch Anh, được người Pháp (đang cai trị nước Việt Nam lúc bấy giờ), cho phép người Hoa từ Singapore nhập cư vào Việt Nam. Họ giàu xụ! Có tiền rừng bạc bể nên độc chiếm thị trường kinh tế, thương mại sầm uất ở một giang sơn Chợ Lớn!

Dinh Độc Lập trước kia theo bản vẽ của kiến trúc sư Hermite, là dinh của Thống Đốc Pháp Charles Le Myre De Vilers rất uy quyền, xây cất năm 1875. Nhà văn Jules Boissiere đã nói: “Mounument don’t s’honoreraient avec raison les plus fíeres villes du monde” (Toà nhà ấy mà những thành phố kiêu hãnh nhất trên trái đất, sẽ lấy làm tự hào, thật là rất xác đáng). Dinh Dộc Lập và Sài Gòn đã lừng danh thành Hòn Ngọc Viễn Đông kể từ đó.
Lúc xưa hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc dội bom đã cháy Dinh Độc Lập, (vào tháng 2 năm l962), làm hư hại dinh. Tổng-Thống Ngô Đình Diệm cho xây lại dinh Độc Lập. Gia đình Ngô Tổng Thống phải dời sang Dinh Gia Long an vị, chờ kiến thiết lại. Bản vẽ Dinh Độc Lập do đồ án của kiến trúc sư đô thị gia Ngô Viết Thụ (đoạt giải Khôi Nguyên La Mã) đảm nhiệm. Theo thiết đồ của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, thì có hai vị Công-binh là: Đại-tá Nguyễn Văn Quý, Đại-tá Điển điều động một đoàn Công-binh Việt Nam xây dựng. Sau đó hoàn tất tốt đẹp.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1365192905.jpg

Tiền đình dinh Độc Lập có quảng trường Pigneau De Béhaine, có đại lộ rộng thênh thang rợp bóng cây, có tượng Đức Mẹ ngự ở trước công viên Hoà Bình làm bằng đá hoa trắc. Vương cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn kiến trúc theo lối roman và gothic, thế kỷ XII, thánh đường xây gạch trầm màu hồng có chiều dài 93m, rộng 35m, cao kể từ dưới đất lên ngọn tháp 57m, có sáu quả chuông to. Tất cả vật liệu chở từ Pháp qua Việt Nam, ngày 11 - 4 - 1880 là khánh thành.

Thuở còn Tây cai trị nước ta, con đường có tên là Norodom chạy từ Dinh Độc Lập suốt tới khu Thảo Cầm Viên. Trong đó có Viện Bảo Tàng tên gọi là Blanchard de la Bross, do Pháp xây dựng năm 1929. Ấy thế mà… Hết rồi vẽ sạch sẽ bóng loáng thanh cao rộng rãi trên những phố Catina, đại lộ sang trọng Norodom xa xưa, nào là đường Lê Văn Duyệt. Trần Hưng Đạo. Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ, vân vân… thậm chí cả đường Duy Tân cây dài bóng mát có từng tốp mười tốp hai ba mươi người tụ tập lo lắng, bồn chồn xôn xao, hốc hác, băn khoăn đứng ngồi không yên, kể từ khi phi trường Tân Sơn Nhứt bị pháo kích.

* Thứ Tư hắc ám Ngày 30 tháng 4 đen tối năm 1975. Sài Gòn nóng như một hoả lò. Càng ghê rợn hơn, tin từ đài phát thanh Sài Gòn loan báo kể từ giờ phút nầy: Thiết quân luật 24/24. Tình hình thủ đô Sài Gòn từ sáng tinh mơ vắng lặng như tờ, không giống một thành phố chết, là gì!? Cho đến ngày hãi-hùng. Ngày đớn-hèn bi thảm. Ngày tối đen hắc-ám nhất lịch sử Việt Nam. Ngày đánh dấu than trầm-uất, thống-hận:

- 8 giờ:00 ngày 30-4-1975 - Sáng sớm, Tổng-thống Dương Văn Minh lên Truyền-thanh Truyền-hình ra lệnh buộc các tuyến phòng thủ của Lữ-đoàn Liên-binh Phòng-vệ Phủ Tổng-thống không được nổ súng.
- 9 giờ:00 ngày 30-4-1975 - Ông Dương Văn Minh đọc diễn văn trên đài Truyền-thanh: Yêu cầu Toà Đại sứ Mỹ và văn phòng tùy viên DAO Hoa Kỳ, phải rời khỏi Việt Nam ngay lập tức.
- 10 giờ:00 ngày 30-4-1975: Ông Dương Văn Minh leo lên làm Tổng thống được ba ngày! (3), ông liền “mở cửa khẩu” kêu gọi Quân-lực Việt Nam Cộng Hoà: “Ở đâu, hãy giữ nguyên vị trí ở đó”. “Ngưng chiến. Chờ bàn giao chính quyền miền Nam Việt Nam cho lực lượng Mặt Trận Giải Phóng vào chiếm”. “Chuẩn bị giao nạp vũ khí cho đối phương”.

* Ngày 30 tháng 4 năm 1975 Khi Trịnh Công Sơn hát lui hát tới bài “Nối Vòng Tay Lớn”, không có nhạc đệm trên đài phát thanh Sài Gòn. Không những là ngày uất hận “nối vòng tay tang chế lớn”, mà còn là ngày co giật từng cơn run kinh phong nhăn nhúm rúm ró teo tóp lại. Ôi! Quả đúng là có một phép lạ như điềm dự báo trước kia, khi con chim bồ câu đã đậu trên bàn thờ Đức Mẹ Fatima, ở trên khu vực giáo dân Đà Lạt, nơi thường cung nghinh rước ảnh tượng Đức Mẹ đến từng nóc nhà vào năm 1974. Người ta nói: - “Con chim bồ câu tượng trưng cho sự hoà bình”. Nay “hoà bình” đã đến thật rồi sao?!

Dinh Độc Lập, vương cung Đức Bà và con đường Norodom độc đáo nầy, ấy vậy mà hôm nay đã do tướng Trần Văn Trà cầm đầu mặt trận Cách-mạng Lâm-thời 75 (!) tại Sài Gòn, cùng đoàn xe molotova rền rú ì ầm chạy đến cổng dinh cổng dinh Độc Lập lúc 11 giờ sáng. Khi ấy đại sứ Pháp tại Việt Nam là Jean Marie Mérilon, còn ở trong toà đại sứ ở trên “đường Thống Nhứt”. Ui chao! Chao ôi! Sụp đỗ toàn diện một chế độ. Bàng hoàng cả một dân tộc Việt Nam. Chiến tranh hai miền Nam Bắc đưa con người bải hoải lết lết tới đường cùng cuối bờ vực sâu. Khi có những chiếc xe tăng ì ầm chạy trên các đại lộ chính, chở đầy bộ đội đầu đội nón cối, chân mang dép râu, cổ quàng khăn lau mặt, thân hình dắt đầy cành cây. Đoàn xe vượt qua cán nát chôn vùi nền Đệ Nhị Cộng Hòa do Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu bôn tẩu lánh cư và do tân Tổng-thống Dương Văn Minh ngồi trên ngai vàng lãnh đạo chỉ có ba ngày!!!

Quân Bắc Việt được sự hổ trợ tối đa của Nga và Tàu-cộng cung cấp đầy đủ đạn dược, súng ống và xe tăng. Trong khi miền Nam Việt Nam bị Mỹ hứa lèo hứa cuội, rồi trở mặt phản bội, lãnh đạm bỏ rơi. Mỹ từ chối hết thảy, kể cả chính phủ miền Nam chỉ xin chi viện 300 triệu đồng. Cũng không!

Toàn Quân miền Nam thiếu thốn đủ mọi thứ. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phải tự anh hùng oai dũng kiên cường chiến đấu, quyết liệt chống trả đến viên đạn cuối cùng, trong sự cô độc, vô cùng đắng cay chua xót và tuyệt vọng dường bao!!! Những Người Lính dũng cảm ấy chưa hề buông súng bỏ cuộc. Họ không bao giờ phản bội dân tộc và cương quyết ở lại giữ gìn quê hương Việt Nam dấu yêu. Cho đến một *Ngày thứ Tư: 30-04-1975: Họ phải cúi gầm đầu bật khóc; vì buộc lòng phải tuân phục thượng-lệnh. Đời sống ấy phơi bày cuốn phim cay nghiệt, có cảnh-tượng kém thanh-lịch, bóc trần những điều quá thật, làm tan nát đời nhau. Chẳng bao giờ xóa nhòa, tàn phai trong ký-ức mọi người. Tan hoang kinh khủng. Đau đớn tột độ! “Hạnh phúc Hòa Bình” đến, vội-vã chợt đi giật theo tấm áo đơn bạc. Lộ ra quá-khứ trần trụi. Hiện tại đọa-đày, tương lai đen tối mịt mù. Vẫn hay, vô cùng nghẹn ngào cay đắng!!! Bách niên thương hải biến vi tang điền!
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1365190857.jpg

_ * _

Câu "Bách niên thương hải biến vi tang điền" là câu gồm 8 chữ, không phải là Thơ Đường Luật, có thể là loại Thơ Cổ Phong, nghĩa là thơ Cổ trước khi có Thơ Luật của Đời Đường ra đời. Cổ Phong có thể gồm thơ 3 chữ, 5 chữ, 6 và 8, không theo Luật Thi. Thơ Đường Luật thường gồm Thơ 5 Chữ và Thơ 7 Chữ theo Luật Bằng Trắc và Đối Ngẫu.
Bốn cuốn sách tham khảo gồm: Tự Điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh.

1. Tự điển Từ, & Ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân.
2. Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Tự Điển của GS Trịnh Văn Thanh.
3. Nguyễn Du Toàn Tập Quyển 1 Thơ Quốc Âm Truyện Kiều của Nguyễn Thạch Giang.
4. Theo cuốn Tự Điển Truyện Kiều (trang 68) & cuốn Tự Điển Từ & Ngữ VN (trang 1797) thì đa phần giống nhau trong sự giải thích: "Thương hải biến vi tang điền, mà viết tắt là 'Thương hải tang điền" nghĩa đen là "Biển xanh biến thành ruộng dâu", nghĩa bóng là những cuộc thay đổi lớn lao. Nhưng không ghi xuất xứ điển này từ đâu ra.

*5.- Theo cuốn Nguyễn Du Toàn Tập Quyển 1 Thơ quốc Âm Truyện Kiều của Nguyễn Thạch Giang thì điển Thương Hải Tang Điền, xuất xứ từ Thần Tiên Truyện vào thời Đông Hán. Tiên nhân Vương Phương Bình xưa đỗ Hiếu Liêm, làm quan chức Trung Tán Đại Phu, rồi bỏ quan đi tu tiên đắc đạo, giáng xuống nhà Thái Kinh (người đời Hậu Hán), cho mời tiên nữ Ma Cô đến. Ma Cô bảo Phương Bình rằng: "Tiếp thị dĩ lai, dĩ kiến Đông Hải tam vi tang điền." Nghĩa là: "Từ khi được tiếp hầu ông đến nay, tôi thấy bể Đông đã ba lần biến thành ruộng dâu."

6.- Cuốn Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Tự Điển của Trịnh Văn Thanh nói giống như cuốn Thơ Quốc Âm Truyện Kiều của Nguyễn Thạch Giang, nhưng đơn giản hơn một chút. (*)

(*) nguồn Wikipedia, & sưu tầm đó đây:

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
04-17-2013, 09:14 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1366187916.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1366189551.mp3
Chuyện Kinh Khủng: Từ Chiếc F 5 Rớt tại Hồ Xuân Hương Đà Lạt
Tình Hoài Hương
***



Từng cuộn mây trắng bồng bềnh trôi trôi, mây như đoàn thuyền con nhấp nhô trên sóng nước đang quỳ gối in bóng xuống mặt hồ Xuân Hương phớt xanh. Sương phơi phới rải rác đó đây nhã từng cụm dày là đà bay bay, như cô thiếu nữ xuân-thì khoát tấm áo lụa mỏng manh. Đôi khi mây chuyển thành màu ngà, trở qua màu hồng thắm pha ngai ngái vàng, rồi ánh bạc lấp lánh từng dãi dài. Mi Mi đang ngẩn ngơ nhìn từng cụm mây giống như bà tiên xõa tóc huyễn hoặc đứng trên đồi tuyết vào cuối tháng hai năm 1974.

Bỗng nhiên có một tiếng nổ gầm rú to kinh khủng ngân rền, như những nhịp sấm, làm rúng động, quặn thắt cả bầu trời trong xanh và cao mênh mông. Giây lát sau kèm theo một tiếng nổ long trời lở đất vang đinh tai nhức óc. Mi Mi tưởng chừng như núi Lâm Viên đã sụp đổ (hay vũ trụ tận diệt vào ngày tận thế). Đúng lúc ấy, những tiếng xì xì… xẹt xẹt… vút vút… bay trên đồi Cù (đối diện với nhà nàng), kèm một tiếng nổ phụ khác to to rền rền không kém tiếng nổ ban đầu. Mấy cửa kính, cửa sổ, đồ đạc bằng thủy tinh trong nhà tự động nhảy xuống đất, bể loảng xoảng. Gió lùa vào khung cửa bể khiến mùng màn trong nhà Mi lồng lộng bay phất phới.

Mi giật nẩy mình, hai tay đang bưng thau nước để tắm cho bé Hoàng đã rơi xuống đất, nước văng tung toé lênh láng trên nền gạch, văng ướt hết quần áo Mi. Chú bé hai tháng tuổi đang ngủ vùi khóc thét lên. Mi vội chạy đến ôm chầm lấy con trai. Mọi người trên phố đều nhốn nháo, thất thanh hốt hoảng, họ la hét tướng lên rõ to, gọi nhau không dứt, ơi ới kêu rống, giống như con heo, con bò trong ba toa bị chọc huyết.

Chỉ non mươi lăm phút sau, Mi nghe nhiều tiếng còi xe cứu thương hú inh ỏi, vang dội mấy góc phố. Phút chốc người nhà đi chợ về báo tin:
- Có một chiếc máy bay rớt ở ngoài hồ Xuân Hương. Mọi nẽo đường bị chận đứng hết.
Thôi chết rồi. Bây giờ là lúc tan trường, các con phải đi bộ về ngang qua cầu Ông Đạo. Làm sao đây hở Trời? Vô cùng lo lắng, ruột gan nóng như lửa đốt, Mi quá lo sợ run lập cập, nàng vội vàng trao con út cho mẹ chồng, nhờ me trông coi. Mi thay bộ đồ ướt, mặc thêm hai áo lạnh, Mi Mi run rẩy lần từng bước thấp bước cao, khi chạy khi đi, miệng nàng không ngớt lâm râm đọc kinh cầu nguyện. Từ nhà Mi đi bộ đến bờ hồ đến nhà hàng Thanh Thủy chỉ mất năm phút.

Vừa vòng ra đầu ngỏ đường Cộng Hoà và Võ Tánh, gần khu toà tổng Giám-mục, thì Mi đã thấy hàng hàng lớp lớp người và người, đông nghìn nghịt. Kẽ la người hét, họ chạy lui chạy tới lố nhố; ồn ào hơn vỡ chợ. Tất cả mọi con đường đều bị niêm phong bởi nhiều vòng kẽm gai. Quân-cảnh, Cảnh-sát Dã-chiến, Biệt-đội phòng vệ tay bồng súng, miệng luôn thổi còi báo động. Họ giải tán mọi người đang tò mò muốn đến gần ven hồ Xuân Hương, để nhìn cho tỏ tường.

Hình như mọi biện pháp an ninh đề phòng, đều không thể ngăn chặn được làn sóng người hiếu kỳ, mỗi lúc một kéo dồn về khu vực bị tai nạn, đông hết sức đông. Tất cả xe đạp, xe gắn máy, xe lam, xe ngựa, xe hơi, đều bị cấm vào khu vực cầu ông Đạo là nơi lâm nạn. Thế nên người đi coi cứ đứng ù lì ra không thể nhúc nhích cục cựa. Mặc kệ! Ai muốn la khàn cổ, cứ la. Ai muốn chửi cứ chửi. Người ta vẫn ùn ùn xô đẩy nhau chạy đi xem, càng lúc càng đông nghịt. Coi như điếc không sợ súng, cứ chen lấn xô đẩy nhau mà coi… "cho đã".

Mi run như cầy sấy, lo sợ tột đỉnh cố chen vai thích cánh với những người đi bộ san sát nhau. Bên kia dốc đường Lê Đại Hành đã bị xe cảnh sát chận ngang, họ không cho dân vào thành phố, hay vào khu phố chợ hoặc đi lên phố. Nội bất xuất, ngoại bất nhập rồi. Mi khiếp đảm, kinh hoàng, rụng rời bãi hoãi thân thể, đứng chôn chân xuống đất nhìn mặt hồ Xuân Hương tù hãm. Nước mắt cứ trào ra, mặc dù nàng không chủ định khóc. Mi Mi đứng thừ người nhìn xuống hồ Xuân Hương dường như muốn điên. Úi trời đất qủi thần ơi! Một cảnh tượng vô cùng hãi hùng đã phơi bày ra trước mắt: Mặt hồ thường ngày trong xanh dường bao, ta có thể soi rõ bóng mình dưới làn nước xanh biếc im sóng.

Thế mà nay hồ trở thành một đầm lầy, bầy nhầy đất bùn sền sệt, sủi bọt bong bóng lăn tăn to, nhỏ, đủ kiểu, nhiều vô số bong bóng cứ đứng yên một chỗ không bể tan. Dầu nhớt, xăng máy bay lênh láng, khói đen vần vũ trên mặt hồ, mặt nước bầy nhầy từng miếng thịt vụn, thịt mỡ, từng khúc ruột trắng lòng thòng, thịt tươi dính rong rêu, bùn đất, từng cánh tay, lóng chân, giày, dép, mũ, nón, đủ thứ, vân vân… và vân vân… loạn xà ngầu, đang tròng trành lờ đờ trôi đi, trôi lại trên mặt hồ sùi sụt sủi tăm.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1366188213.jpg
Ngay chính giữa hồ, nửa cánh bay trái của chiếc phi cơ F 5 lâm nạn chĩa thẳng lên trời, thân phi cơ nhấp nhô khỏi mặt nước đen ngòm, đuôi phi cơ chổng kềnh nhô cao lên khỏi mặt hồ (một phần cổ phi cơ đã cắm phập xuống đáy hồ, không hiểu sao cái phần đầu phi cơ lại bức thân mà bay vụt lên phía sân Cù, cắm phập xuống đất? Mi không thể nào hiểu nỗi tại sao??? Đó là nguyên nhân mà Mi đã nghe có tiếng nổ phụ lần thứ nhì lúc mười giờ sáng (liền sau khi nghe tiếng nổ to kinh khủng đầu tiên). Ngẫm nghĩ thì hết sức may mắn! Chứ nếu nguyên cả chiếc phi cơ, hoặc chỉ một cái đầu của phi cơ thôi, mà vô phúc rơi đúng vào khu vực phố Hoà Bình, hay rơi vào khu chợ mới, thì coi như người dân chết vô số kể! Xin cám ơn Thượng Đế vô ngần.

Xe cứu thương vẫn hú còi inh ỏi, tới tấp chạy bán sống lên bệnh viện Đà Lạt, hay chạy vào hướng trường Võ Bị Đà Lạt, lo cấp cứu thương nhân. Trong chớp nhoáng Ty Thông Tin Đà Lạt làm loa phóng thanh dã chiến đã móc tạm trên mấy cột điện, tiếp tay với Cảnh-sát, Biệt-đội phòng-vệ Tỉnh Thị-xã giữ gìn an ninh trật tự. Đồng thời, họ luôn kêu gào đồng bào hãy tản mác ra, ai về nhà nấy, hay có ai đã chứng kiến từ đầu các sự kiện xảy ra, hoặc muốn tìm thân nhân; lạc người thân, thì hãy đến ở sân bến xe đi các Tỉnh (có trạm văn phòng cứu nguy đặt tạm ngay ở cây xăng Shell, gần đầu hồi mấy dãy nhà ấp Ánh Sáng) ngỏ hầu khai báo hoặc tường trình các sự kiện.
Trên trời, bây giờ có chiếc bà già, L-19, luôn bay lượn vòng vòng. Một chiếc trực thăng đã hạ cánh xuống đồi Cù, khu vực nầy hoàn toàn bị cô lập. Mấy phi công Mỹ đang lúi húi tháo những cục bạch kim. Hồi sáng, cánh quạt của chiếc F 5 bị nạn, quay tít, đã chém chết một em bé chăn bò, và mấy con bò gặm cỏ trên đồi Cù. May quá, hôm nay là ngày thường nên không có những cặp tình ngồi rù rì hú hí dưới gốc thông trên sân Cù. Cám ơn Trời!

Ba dãy nhà bên ấp Ánh Sáng có nhiều mái tôn bị lột sạch mái, bay đi tứ tung tá lả. Căn nhà nào còn, thì mái tôn cũng cháy đen, bị cuốn cong lại. Ôi thật hãi hùng. Nặng nề nhất là dãy nhà thứ ba ở ven suối, đa số gia đình ấy còn làm nhà bằng gỗ, lợp mái tôn thiết, là bị cuốn sạch, hư hại, sụp đổ khá nhiều. Vì dãy nhà thứ ba nầy, nằm dưới sức ép, và sức nóng của đường bay khi phi cơ xẹt vút qua trên mái. Có những mái nhà, vách ván, giống như miếng bánh tráng bị nướng phồng rộp lổm chổm, cháy đen. Những hàng cột cháy trụi, nhà bị sập, hay còn lại bức tường vách chông chênh. Trông thật ngao ngán.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1366188487.jpg

Trở về nàng Mi Mi xem phi cơ rớt đã đời xong, mới sực nhớ tới chú con trai đầu lòng là bé Dzũng đang học giáo lý ở bên nhà thờ chính toà (mà cư dân địa phương, thường gọi nhà thờ “con gà”). Mi cố chen lấn, len lỏi, lùi ra xa. Vất vã lắm Mi mới tìm lối thoát ra được vòng người ngoài cùng, ở gần toà nhà tổng giám mục. Thế là, nàng đâm đầu chạy một mạch về phía đường Cộng Hoà, Võ Tánh, Phan Bội Châu, phố Hòa Bình vắng như chùa bà Đanh. Mi chạy ngược trên đường đến rạp ciné Ngọc Lan. Nàng không nhớ là mình có tiền trong túi để nhảy lên xe lam, hay ngồi xe taxi đi đón con cho lẹ. Nàng cứ cắm đầu, cắm cổ mà chạy một mạch xuống đường Cường Để. Chạy lên dốc Bà Triệu, lại chạy trên đại lộ Yersin, chạy tới nhà thờ. Hai chân bắt đầu run, Mi ngồi phịch xuống trên bờ cổng đá của nhà thờ, thở hổn hển. Khi bớt mệt, Mi vô sân nhà thờ vắng lặng. Chưa thấy các em học sinh. Mi không thấy con trai, nàng lo lắng dáo dác nhìn quanh, thì cha phụ trách lớp giáo lý từ vòm hội quán đi ra báo tin lành:
- Bình yên cả. Lẽ ra, cha cho lớp về đúng giờ. Nhưng không hiểu sao hôm nay cha cho các em về chậm mất một giờ. Nên thoát nạn. Cha đã cho các học sinh em nào cư ngụ ở ngoài phố, thì đi tắt về lối Lục Lộ, để qua cầu Bá Hộ Chúc, mà lên phố rồi.

Mi cám ơn cha. Vô cùng tạ ơn Chúa! Lòng khấp khởi vui mừng ngẩn ngơ. Cha phụ trách đã bỏ đi lúc nào không rõ. Mi vội chạy trở lại đường cũ, trở về nhà. Lúc nầy nàng mệt kinh khủng! Khắc khoải lo sợ và chạy bộ cả buổi như thế. Do vừa sanh con mới non hai tháng, nên hai chân run rẩy, dường như Mi Mi choáng váng muốn nghẹt thở, hụt hơi, muốn lả đi, tim đập thình thịch. Buộc lòng nàng phải đi từng bước ngắn, có khi Mi ngồi bừa lên lề đường, thở hổn hển, mà nghỉ mệt thật lâu.

Thế rồi, cũng cố gắng lê từng bước về tới nhà, Mi thấy bé Dzũng đang ngồi trên giường con toe toét cười, con kể lại chuyện đi về nhà cho bà nội, và mấy đứa em (của con) nghe:
- Học và tập dợt xong. Đáng lẽ là cháu về rồi. Nhưng cha phụ trách gọi các cháu ở lại, cho tụi cháu ăn bánh ngọt. May quá! Nếu cha không kêu tụi cháu ở lại, thì đúng lúc đó, là cháu đã đi về tới ngang cầu ông Đạo rồi.
Mi mừng rỡ đến ứa nước mắt, dịu dàng hỏi con trai:
- Sao con về nhà được?
- Dạ, tụi con đang đứng ngoài sân nhà thờ, thì thấy trên trời có những đám khói mù mịt, toả xịt từ trên trời xuống, lửa đỏ rực, kéo dài từ hướng Cam Ly. Có cả tiếng động, tiếng kêu rất điếc tai. Cha biểu tụi con lủi chạy vô núp dưới hầm nhà thờ, nằm xuống nền nhà ngay. Nhưng tụi con chỉ kịp chạy vô tới ngang cửa hông, là nghe mấy tiếng nổ to lắm. Nhà thờ rung rinh quá sá. Nằm một hồi lâu, không thấy gì nữa. Cha cho chúng con đi về nhà ngay.
- Mọi người đều bị cấm không đi qua cầu ông Đạo mà.
- Dạ phải. Con chạy xuống dốc nhà thờ, nhưng bị xe cảnh sát chận lại không cho đi. Người ta đứng coi ở trên phố, bên chợ, đông lắm. Con khóc rống lên vì sợ quá. Cuối cùng con tụt xuống đường Phạm Ngũ Lão, chạy qua cầu Bá hộ Chúc, con lên chỗ rạp ciné Ngọc Lan, mà về nhà.
Bé Tuấn mới bảy tuổi, cũng góp chuyện:
- Con ngồi viết bài trong lớp (trường Đoàn Thị Điểm). Nghe tiếng động điếc tai, nổ to lắm. Trong lớp rớt cái la phông và cái bảng đen. Bụi đất, gạch cát, bay rào rào trên đầu. Thầy Tu nói tụi con chui xuống gầm bàn, nằm úp mặt xuống đất, hai tay bưng lấy đầu. Nằm lâu lắm. Thầy đi đâu đó, rồi thầy trở vô lớp cho tụi con về nhà. Thầy nói bị rớt máy bay ở bờ hồ. Thầy cấm, không cho tụi con đi xuống chỗ cầu ông Đạo. Tụi con chạy xuống đứng ở trên sân của rạp ciné Ngọc Lan coi. Đông lắm. Đồng thời, lúc đó Thứ chân thấp chân cao, chạy về ở ngoài sân, chàng thở hổn hển, đã hỏi dồn dập:
- Em ơi! Các con về nhà chưa?
Mi quá mệt, không thốt nên lời, chỉ nhìn Thứ gật gật đầu.
Dzũng, con trai lớn nhanh nhẹn đáp lời ba, (thay cho mẹ):
- Dạ! Các con về nhà hết cả rồi. Ba yên tâm.

Đông đủ cả nhà mừng rỡ vô cùng. Không ngờ các con biết tìm lối về, khôn ngoan đến thế! Vậy mà, Mi quá lo lắng, run sợ các con có bề gì... Hay bị kẹp cứng giữa làn sóng người đông đúc. Các con chỉ mới chín tuổi, bảy tuổi đầu, nếu không bị kẹp cứng trong đám đông người hơn kiến, thì con sẽ bị nghẹt thở, bị người ta to lớn dềnh dàng, xô đẩy, dẫm đạp lên đầu lên cổ, tất bẹp dúm ra! Thì chết là cái chắc. Tạ ơn Chúa!
***

Xế trưa đã có tin ban đầu cho hay: Người bị nạn ở trên dọc hai bên bờ hồ, trên cầu Ông Đạo… là do bị sức gió của phi cơ F 5 thần tốc ào ào cuốn mạnh, nên đã hút họ và quăng họ xuống hồ mất tiêu: Trong đó hai người da trắng ngoại quốc. Hai ba cặp trai gái ngồi tâm tình bên gốc cây bách tùng. Sáu người bán dạo: Cà rem, kẹo kéo, bánh bò, khô mực, hột vịt lộn, vé số Kiến-thiết Quốc-gia. Ba bốn người ngồi câu cá rải rác ven mé hồ, gần nhà hàng Thanh Thủy. Những người đi tản bộ, hay người ngồi xe lam, đi honda, xe đạp trên cầu Ông Đạo, ai đi ở chung quanh khu vực hồ, thì Ty Thông Tin chưa thể kiểm chứng được. Một vài nguồn tin không hiểu có chính xác chăng, loan báo về thân phận chiếc phi cơ như thế nầy:

Tin thứ nhất: Anh phi công lái phi cơ F 5 từ Sài Gòn lên vùng Cao Nguyên làm nhiệm vụ. Sau khi xong việc, phi cơ bị trục trặc kỹ thuật sao đó, không thể quay về Sài Gòn ngay, nên chẳng may phi cơ lao rất nhanh từ hướng phi trường Cam Ly, vụt đâm đầu xuống hồ Xuân Hương?!

Tin thứ nhì: Một sĩ quan pilot Việt Nam tên Toàn, có hôn thê ở ngay ấp Ánh Sáng, còn độ tháng nữa là họ làm đám cưới. Anh ta đi làm nhiệm vụ trên vùng cao nguyên xong, đã ghé qua vùng trời nầy, anh bay lượn mấy vòng tại “khu nhà em” để dợt le… Chẳng may anh bay khá thấp, đà lướt quá trớn, nên phi cơ sa sầm đâm đầu xuống đất? Thật là huyền thoại hoang đường, mộng ảo, ba xàm ba láp, xạo xự, điên rồ không tưởng! Bố ai mà tin cho nỗi! Theo Mi thiển nghĩ: Tất nhiên anh là phi công lái loại F 5 là người từng am tường thiên thời địa lợi, giàu kinh nghiệm, nếu anh bay quá thấp, sức hút của trái đất sẽ kéo giật phi cơ hụp mạnh xuống. Anh ta không thể kềm chiếc phi cơ F 5 (đã trở thành nặng nề kinh khủng), để phi cơ có thể nhẹ nhàng tự vút bay bổng lên cao (giống như chiếc trực thăng uyển chuyển tự dựng đứng bốc lên cao). Nếu anh phi công F 5 tống ga, thì sức quay của cánh quạt tạo ra lực đẩy rất mạnh, anh ta không thể kéo phi cơ trở lại bình phi tối thiểu ở 200 bộ (tốc độ kinh hoàng của F 5), trong một khoảng không gian quá thấp, quá nhanh, lại vừa hạn hẹp đến thế. (!?)

Cô bạn của Mi nhà ở dãy nhà thứ nhất của Ấp Ánh Sáng đã kể:
- Lúc đó, tôi đang phơi quần áo trước sân nhà, bỗng nghe những tiếng động vô cùng điếc tai, ào ào, cuồn cuộn gầm rú. Rồi một sức nóng kinh khủng, nóng tột độ từ trên trời phủ chụp xuống đầu, rất nhanh. Kèm theo những đường khối lửa đỏ lòm, và khói đen nghịt chạy dài dài từ hướng Cam Ly về. Theo đà lướt rất sát của phi cơ, tôi bị xô chúi nhủi, nằm sấp, đập mặt xuống nền xi măng. Tôi cứ tưởng trời long đất lở. Tôi bị tức ngực, điếc tai, đau đầu ghê lắm.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1366188696.jpg

Bên kia lối Thuỷ Tạ có một chiếc trực thăng vừa đáp xuống bãi cỏ. Họ thả mấy người nhái ra, đồng thời xe GMC kéo mấy chiếc thuyền con tới. Cuộc tập trung mò kiếm chớp nhoáng bắt đầu. Hầu như tất cả người dân dự-kiến đều ngồi xếp lớp chung quanh vòng bờ hồ đen nghịt. Mặt mày ai nấy đều tái xanh tái xám, bất động, và tỏ lộ nét lo sợ tột cùng. Mấy “ngư ông” bắt đầu chèo thuyền đi thật nhẹ, chậm chạp, họ chèo bằng mái chèo gỗ. Mi nghĩ họ không dùng thuyền máy, vì sợ máy nổ sẽ khua động sóng to, họ không vớt được những miếng thịt rữa nát ra chăng? Bốn anh thợ lặn đủ đồ nghề đeo đựng đầy người, đã nhảy ùm xuống hồ nước lạnh giá và hôi thối đất bùn. “Ngư thuyền” cầm cái vợt lưới to rộng vành, có cây sắt khá dài. Một người khoan thai khua mái chèo, một người cầm cây vợt lưới tìm vớt những miếng thịt vụn, những khúc ruột, những lóng tay, lóng chân, vân vân...

Đứng trên bờ, người ta có thể nhìn thấy những miếng thịt vụn trôi đi trôi về, trôi vòng vòng loanh quanh, thịt dính từng chùm cỏ, bèo, lục bình bồng bềnh trên mặt nước ao tù. Lập tức, người đứng ở bờ hồ nầy la hét chỉ chỏ cho người bên kia bờ xem, rồi họ đồng loạt bụm hai tay vào miệng, làm loa kêu to, ngoắt, vẫy tay lia lịa, cho bác “ngư thuyền” thấy, mà bơi đến “vớt cái xác vụn” tẻo teo kia lên. Họ “lượm được” thứ gì của “cố nhân”, thì họ liền bỏ vào bọc ni lông, đựng trong mấy chiếc thau nhôm to. Rồi họ từ từ chèo thuyền vào mé bờ hồ, (phía bên gần nhà hàng Thanh Thủy). Trong khi đó, những thân nhân của người lâm nạn, nằm vật vã trên các gốc bách tùng, các bãi cỏ, họ gào khóc thảm thiết vô cùng. Họ chẳng cần biết những cái bọc ni lông đó là thịt xương bầy nhầy của bà con thân nhân của họ, hay của ai!? Cứ thế, họ ôm những bọc ny lông kia, vật vã dữ dội gào khóc rất buồn thảm.

Ngay tức khắc, xe thông tin bắt loa phóng thanh chạy cùng khắp đọc thông báo: ông Tỉnh Thị Trưởng Đà Lạt ra lệnh cấm:
- Người dân không được dùng nước máy ở khu vực hồ Xuân Hương. Nhà máy nầy phải đóng cửa. Thì, nhà máy nước ở Suối Vàng và hồ Than Thở, sẽ cung cấp nước cho toàn dân thành phố Đà Lạt.
- Thưa ông Tỉnh Thị Trưởng ơi! Thấy cảnh tang thương, rùng rợn kinh khủng kia, người dân Đà Lạt hiền lành đã sợ mất hồn mất vía, kinh thiên động địa hồn xiêu phách tán. Họ không lăn đùng ra dãy đành đạch mà chết bất đắc kỳ tử, là may thì thôi. Có mô dám ăn uống cái thứ nước bùn sền sệt, hôi tanh pha lẫn thịt thà, máu huyết không thể chịu nỗi chớ!
* * *

Tai nạn thương tâm đó đã xảy ra hơn một tuần rồi. Ấy thế mà mặt hồ luôn luôn sôi bọt bong bóng. Bọt bong bóng cứ hết bể bụp cái nầy, lại nổi lên đợt bong bóng khác, sủi bóng sì sụt hoài. Lúc nầy người hiếu kỳ đến xem, thưa thớt dần dần. Họ chỉ tập trung vào mỗi buổi chiều nhàn hạ, khi mặt trời chưa gác núi. Riêng Mi dạy học mỗi ngày đều dẫn hai con trai đi ngang qua bờ hồ, qua cầu ông Đạo để tới trường. Chung quanh khu vực nầy bắt đầu có mùi hôi tanh thoảng lại, rất khó chịu. Mi luôn chứng kiến những cảnh thật đau lòng, thương tâm vô cùng, không thể nào cầm lòng mà âm thầm rơi lệ.

Mi thấy những thân nhân (của người bị nạn) họ cùng nhau tụ họp lại ở ngay góc bờ hồ, phía bên lối đầu cầu Ông Đạo vào chợ (mấy bồn cây Tùng, gần quán Hạnh Tâm). Họ mở đàn để cúng cầu siêu suốt tuần. Họ đặt những hàng quách dài, mỗi quách độ vài ba tấc, quách để dưới thảm cỏ, sát ven bờ hồ. Từ trong quách nho nhỏ ấy, họ đắp tạm bậc cấp bằng đất, trên mỗi bậc cấp trải những tấm vải trắng dài thật dài (thành con đường từ ven hồ nước nối liền với những cái quách. Con đường trắng nầy tạo thành chiếc cầu giao cảm linh thiêng, ngỏ hầu chiêu hồn kêu gọi những vong linh vô quách an nghỉ). Thầy cúng đến lập bàn thờ cúng vái suốt mười ngày đêm, khói hương nhang trầm nghi ngút. Thân nhân khóc than não nuột. Tiếng khóc than rên siết không lúc nào ngưng bay lên trời cao. Thảm thiết lắm. Đau đớn lắm! Không ngày nào đi ngang qua khu vực cầu ông Đạo, Mi không khỏi bùi ngùi cảm động dù không muốn vẫn vô tình nhỏ nước mắt, khóc sưng đỏ hai con mắt xót thương người dưng.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1366188795.jpg

Sau mười ngày tụng niệm, một buổi sáng tinh sương Mi chứng kiến họ cuốn mười chín tấm khăn vải trắng kia, họ cuốn từng cái, từng cái, cuốn vải từ từ... trước tiên họ cuốn tròn tấm vải ở dưới nước lên ven bờ hồ, để đó, thầy tu cúng xong, hai chú tiểu tiếp tục cuốn từng tấm vải, cuốn vải rất chậm rãi, từ từ, dần dần tới cái quách. Cuốn tấm vải của cái quách nào xong, thì họ bỏ hẳn tấm khăn vải trắng ấy vào trong quách đó, chỉnh tề, ngay ngắn, nghiêm trang. Mỗi lần cuốn cổ quách nào, thì có hai thầy cúng đứng hai bên tụng kinh (do hai chú tiểu cuốn tấm vải). Thân nhân bò lết dưới đất vật vã, khóc rống lên. Thảm thiết vô cùng. Sau hết, thầy cúng cho người đóng kín cổ quách lại. Chở đi. Mặc dù người ta đi xem cuộc chiêu hồn, đông vô số kể, nhưng mọi người im lặng cúi đầu quệt nước mắt xót thương. Đó là chút tình “tứ hải giai huynh đệ. Máu chảy ruột mềm. Thương người như thể thương thân. Bầu ơi! Thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn”! Là vậy.

Mặt hồ Xuân Hương suốt mấy tháng qua vẫn sủi tăm, bồng bềnh những bèo bọt bong bóng nhớp nhúa. Bùn đất tráng lên mặt nước đen ngòm rờn rợn. Luôn thoảng mùi hôi thối tanh um thúi kỳ lạ. Dầu, mỡ, xăng nhớt, cứ đọng lại từng khóm, ánh lên từng vệt loang dưới mặt trời đỏ chói. Không có cách gì tẩy uế hết. Thật ngao ngán quá chừng. Dù mỗi ngày, chuyên viên tháo gỡ phi cơ lặn xuống hồ tìm kiếm... đôi khi họ tha xương cốt thịt thúi lên từng ít một.

Cuối cùng trước mùa mưa, ông giám đốc nhà máy thủy điện phải mở những ngăn cửa đập ở dưới chân cầu ông Đạo, xổ hết nước trong hồ Xuân Hương, cho nước chảy qua cầu Bá hộ Chúc. Con suối nhỏ uốn lượn chảy vào men đường phố Cường Để, rồi chảy vào thác cam Ly, lẫn khuất trong rừng sâu. Hồ Xuân Hương đã lồ lộ ra chiếc phi cơ méo mó nhăn nhúm như trái táo khô, cụt lủn, mất đầu mất đuôi, chỉ còn giơ ra bộ sườn trông vô cùng dị hợm khó coi! Vô duyên xấu xí hết chỗ nói. Lòng hồ Xuân Hương trơ trẽn sâu sâu hắc ám phơi ra giữa lộ thiên, giơ đầy sự bẩn thỉu lên trời. Đáy hồ lổm chổm những đụn rác rưởi ô tạp. Cỏ lác, cỏ năn, quyện chặt với xe đạp, vỏ xe hơi, xe Honda. Rải rác xác xương súc vật. Tôm búng mình, nhảy tưng tưng trên mặt bùn sền sệt. Ếch, nhái, cóc, lươn, cá lóc, cá trê, cá lớn cá bé phóng mình giãy giụa, đập đuôi bành bạch lủi thật nhanh trong sình lầy đặc quánh.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1366188979.jpg

Dạo trước, ai ai cũng thấy bề mặt của hồ Xuân Hương duyên dáng, thơ mộng, tuyệt diễm, quyến rũ, tràn lan thi vị là thế. Không ai trông thấy bề sâu của lòng hồ. Nay, lòng hồ Xuân Hương đã khác hẳn cách nhìn... Và Mi Mi nữa, nàng thường tư lự ngước mắt lên không trung: để ươm mộng vàng dõi mắt qua vạn sơn lâm, tìm bóng chim bằng rong nghìn núi, hoặc toả rung ngàn nốt nhạc mơ về dáng phi công nào… ở phương trời xa xôi lắm (!!!)
Đời phi công dọc ngang vượt ngàn non.
Từ đại dương bay qua vạn lâm sơn.
Giữa sáng nắng khuya chiều bồng bềnh trôi.
Tự hào đó muôn đời tôi ước muốn…

Ươm mộng vàng mây cuốn giữa non sông.
Thiều quang cánh chim bằng rong nghìn núi.
Đêm chập chờn thao thức vùi trăng vỗ.
Ngày tha phương cánh bạc tô vuông đời.

Bầu trời tròn hoài mong đợi trong tôi.
Từ thinh không anh nhìn đời bát ngát.
Tự do ấy toả rung ngàn nốt nhạc.
Mộng hải hồ hằng khao khát thế nhân.

Dưới chân mây tôi nhìn lên vạt nắng
Vờn trong gió mà mơ chuyện song hành.
Bỗng hoá thân anh tan vào vòng xoay.
Phiêu lãng về đâu tầm tay tang biến?

Anh: con nước lặng trôi về miên viễn
trên dãi ngân hà. Tôi nào giữ được.
Dẫu lãng du tình lả lướt lưng trời.
Biết bao giờ ta ôm trọn giòng trôi!? (*)
* * *

(*) Thơ Tình HOÀI HƯƠNG
(**) Những ảnh trong bài viết THH do sưu tầm lượm lặt đó đây. Xin mạn phép chân thành cám ơn qúy vị nhiếp ảnh gia (đã post hình phong phú lên internet) để độc giả thưởng thức.

Tinh Hoai Huong
04-20-2013, 03:21 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1366427492.jpg
Trọng kính thưa quý Đại-Sư-Huynh Không-Quân thân mến,




Bài viết: CHUYỆN KINH KHỦNG: Từ Chiếc F 5 Rớt tại hồ Xuân Hương Đà Lạt.
Dạ thưa, đó là một câu chuyện hoàn toàn có thật 100%, tác giả Tình Hoài Hương không hề biết thêu dệt, thêm bớt, hoặc hư cấu chút xí nào! Một sự thật xảy ra quá thương tâm và kinh hoàng tột độ, thế nhưng ngày ấy (từ khoảng cuối tháng Ba hay đầu tháng Tư năm 1974 - cho đến trước năm 1975, - và bây giờ); hầu như trên báo chí ít có ai gợi lại… hoặc nhắc nhở gì!
Phần (thị-dân cư ngụ tại Đà Lạt nói chung), và tác giả (nói riêng) vô tình chứng kiến và chứng nhân trong sự kiện lịch sử nầy, thỉnh thoảng khi tháng Tư về, tôi vẫn băn khoăn thắc mắc không thể biết được nguyên nhân cuả dữ kiện: tại sao chiếc phi cơ F 5 lại bị rớt như thế! Bởi do có những nguồn tin hoặc giả thiết ghi sau:
1*.- Tin thứ nhất: (giả thiết) Anh phi công lái phi cơ F 5 từ Sài Gòn lên vùng cao nguyên làm nhiệm vụ. Sau khi xong việc, phi cơ bị trục trặc kỹ thuật sao đó, không thể quay về Sài Gòn ngay, nên chẳng may phi cơ lao rất nhanh từ hướng phi trường Cam Ly, vụt đâm đầu xuống hồ Xuân Hương?!
2* .- Tin thứ nhì: (già thiết) Một sĩ quan pilot Việt Nam tên Toàn, có hôn thê ở ngay ấp Ánh Sáng, còn độ tháng nữa là họ làm đám cưới. Anh ta đi làm nhiệm vụ trên vùng cao nguyên xong, đã ghé qua vùng trời nầy, anh bay lượn mấy vòng tại “khu nhà em” để dợt le… Chẳng may anh bay khá thấp, đà lướt quá trớn, nên phi cơ sa sầm đâm đầu xuống đất?
3*.- Thật là huyền thoại hoang đường, mộng ảo, ba xàm ba láp, xạo xự, điên rồ không tưởng! Bố ai mà tin cho nỗi! Theo Mi thiển nghĩ: Tất nhiên anh là phi công đã bay tới loại F 5 thì thuộc về hạng "cừ khôi" từng am tường thiên thời địa lợi, giàu kinh nghiệm, nếu anh bay quá thấp, sức hút của trái đất sẽ kéo giật phi cơ hụp mạnh xuống. Anh ta không thể kềm chiếc phi cơ F 5 (đã trở thành nặng nề kinh khủng), để phi cơ có thể nhẹ nhàng tự vút bay bổng lên cao (giống như chiếc trực thăng uyển chuyển tự dựng đứng bốc lên cao). Nếu anh phi công F 5 tống ga, thì sức quay của cánh quạt tạo ra lực đẩy rất mạnh, anh ta không thể kéo phi cơ trở lại bình phi tối thiểu ở 200 bộ (tốc độ kinh hoàng của F 5), trong một khoảng không gian quá thấp, quá nhanh, lại vừa hạn hẹp đến thế. (!?)
Riêng về tác giả chỉ tin phi cơ F 5 lâm nạn, do bị trục trặc kỹ thuật, nên đã có sự kiện quá đỗi thương tâm, và tôi cũng không thể biết trong phi cơ F 5 kia có mấy phi công cùng bay trong chuyến đó, gồm những ai, tên gì!? Tôi không thể tin vào giả thiết thứ nhì (ở trên). Và do đó tác giả có những lý-luận-cùn như đã ghi ở mục (3*)
Trân trọng kính xin quý Đại-Sư Huynh lão luyện trong ngành Không-quân đã biết nguyên nhân cuả dữ kiện… và sự kiện, xin vui lòng chỉ giáo. THH chân thành cảm ơn được mở rộng kiến thức, học hỏi thêm những điều rất hữu ích và THH hết lòng ưu ái đa tạ.

*

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
04-23-2013, 05:16 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1366693109.jpg
Bên Lề Cuộc Sống
Tình Hoài Hương
***


Khổng Tử đã nói: “Kẻ sĩ lo trước cái lo của thiên hạ. Vui sau cái vui của thiên hạ”. Cũng như cổ nhân Nguyễn Trường Tộ đã nói:
“Nhất thất túc thành thiên cổ hận.
Tái hồi đầu thị bách niên thân”.
(Một bước lỡ để nghìn năm mang hận.
Ngoảnh đầu trông lại đã trăm năm).

Quả thực như thế. Những người lính làm viên gạch lót đường cho danh vọng, tham tàn, bạo lực, oằn vai nặng gánh, lưng gồnh mối thù phân chia hai miền Bắc. Nam: Nay người lính đem xương máu ra chiến trường đã là, đang là những viên gạch lót đường, dài dài… từ vĩ tuyến 17, nơi con sông Bến Hải có cầu Hiền Lương nghẹn ngào đớn đau tạm thời phân giới hai miền Nam Bắc. Họ quyết ở lại miền Nam Việt Nam dựng nước và giữ nước. Một thời gắn bó keo sơn mặc dù biết mình vô tình làm ván bài mưu lược chính trị sục sôi. Họ vẫn chia nhau ra trấn giữ đất nước, cố duy trì sự tồn-hưng một quốc gia trong thời chiến tranh: Giống như Mã Viện xưa đã nói: “Làm trai, nên chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thây mà chôn, mới đáng qúy. Chớ chết trong tay lũ trẻ nâng đỡ. Nào có hay gì"!

Phân chia là thế! Nhưng lòng yêu nước thiết tha và hoài bão mong ước tự do an bình, ấm no cho toàn dân, thì “Quan, Tướng và Lính” đều có ước vọng giống nhau. Hôm nay nếu trải qua chung cuộc ngậm ngùi trong cơn xoáy đục ngầu, tưởng đã chia phần đều nhau: Là vậy. Ngày đêm kề cận sự chết, chiến tranh tàn khốc xảy ra trên từng đoạn đường giao tranh, trên những bước ngắn bước dài, bước thấp bước cao. Lòng lính càng quặn từng cơn đau buốt, khi họ đi kè kè hai bên lề đường: để hộ tống từng đoàn dân di tản tất tả chạy dọc theo ven những quốc lộ trên triền quê hương.

Sau 21 giờ - ngày 29-4-1975 - thiết quân luật bắt đầu 100%. Màn đêm đã sớm về đến khi khuya lắc khuya lơ, chúng tôi vẫn đứng thấp thỏm, thập thò từ trong cửa sổ ở phòng ngủ Hotel Hưng Đạo 2 đã tắt hết đèn đóm, tôi nhìn xuống đại lộ Trần Hưng Đạo, thì thấy lố nhố hàng hàng lớp lớp lính tráng: Tôi âm thầm quan sát “những tình thương và sự hy sinh cao cả bên lề cuộc sống”: Nào là: Thủy-quân Lục-chiến. Nhảy Dù. Biệt Động Quân. Bộ-binh, vân vân... (không kể có ba Lữ đoàn Dù. Ba Liên đoàn Biệt Động Quân đóng tại Hóc Môn. Gò Vấp. Bình Chánh. Nhà Bè. Tân Sơn Nhứt). Quân đội đã đặt những ụ súng cối, súng máy, do các chiến hữu Sư-đoàn 5 – 18 – 22 – 25, ngỏ hầu chu tất việc bảo vệ an toàn lãnh thổ Việt Nam, Thủ-đô, và lương dân vô tội. Cứ một giờ, tốp lính nầy đến gác, là tốp kia lầm lũi âm thầm ra đi...

Súng dài gác bên nhau, mũi súng chụm vào chỉa lên trời, báng súng dựng dưới mặt đường nhựa. Họ nói rất khẽ hay chỉ lặng lẽ ra hiệu lệnh. Họ là những quân nhân Quân-lực Việt Nam Cộng Hòa anh dũng quyết chiến đấu, hy sinh đến giờ phút cuối cùng. Súng lại đeo lên vai nòng chĩa xuống đất, họ lặng lẽ và tuyệt đối vâng lời thượng cấp, từ từ rút lui có quy củ, trật tự tôn nghiêm trong hàng quân ngũ. Họ nhìn nhau lặng lẽ nhếch miệng cười qua cái bắt tay giã từ vừa đủ chặt, dường như âm thầm nói lên niềm đắng cay, trào dâng trên sóng mắt tiếc thương, quặn đau trong lòng họ sự hy sinh vô vụ lợi, không điều kiện.

Từng tốp lính mười tốp bảy người, nhiều vô số đang nằm gối đầu trên vĩa hè, tay gác lên trán tư lự. Có người đứng hoặc ngồi bên đường. Dù ở trên vĩa hè, quân nhân đều có trật tự, nhịp nhàng, kỷ cương. Họ chia nhau ra canh giữ quê hương trong giờ phút lâm nguy khốn cùng. Những đóm lửa nhỏ lập loè loé lên trên bờ môi khô. Những đôi mắt dường như đọng ngấn lệ tủi hận đầy bi ai. Có người đang mặc áo giáp, đăm chiêu suy tư, bơ phờ, hốc hác. Có người đội mũ sắt, hất ngược mũ ra sau gáy, sợi quai mũ cứa vào cục yết hầu oan gia nhô cao cay đắng chạy lên chạy xuống cuống cổ. Có người đội mũ sụp che xuống gần tới mí mắt. Có người đội mũ lệch qua một bên. Họ mang giày đinh lấm lem bụi đỏ, lưng đeo ba lô nặng trĩu đường hành quân, râu ria lởm chởm, tóc tai không mấy chỉnh tề. Những bàn tay anh tài vẫn đưa lên ngang tầm mắt, nghiêm nghị đứng thẳng, ngực ưỡn ra oai vệ chào thượng cấp.

Bỗng dưng tình hình chính trị quyết liệt căng thẳng, vận nước đột biến từ góc 45/o, chỉ trong một tuần ngắn ngủi, vụt nhảy tọt lên 360/o nhanh như chớp. Khiến tôi vô cùng hoang mang, bàng hoàng sửng sốt, lo lắng, buồn phiền, bối rối tột cùng. Trở lui mắc núi, đi tới mắc sông, xoay quanh mắc vòng lẩn quẩn đủ mọi thủ thuật rối rắm. Mặc dù các bạn trong nhóm có nhiều sáng kiến, có nhận thức thời cuộc chính xác và quyết định đúng đắn, nhưng dẫu sao họ ở nơi xứ lạ quê người ồn ào náo nhiệt, tột cùng hổn loạn thế nầy, bốn anh ấy giống chú khỉ bị nhốt trong chuồng kín ở hotel Hưng Đạo 2: lòng và trí nóng như lò lửa, thì có tài giỏi đến mấy, họ cũng không biết đâu mà mò.

Tuần trước, bốn anh trong nhóm chờ đợi bầy trẻ nhỏ ngủ yên, liền khều mấy bà qua phòng tôi, để bàn tính chuyện lủi xuống miền Tây. Vì, nghe nói tại miền Tây bây giờ hoàn toàn bình yên tĩnh mịch. Vã lại Ngọc đã cho ba của anh đi xuống miền Tây dò đường đi nước bước trước rùi. Ngọc dặn dò ông ba nếu thấy tình hình bất ổn, thì ông lo tìm đường trở về Sài Gòn, hoặc đi ra Phú Quốc. Ngọc ấn định ngày giờ sẽ gặp ông ba ở điạ điểm chính xác ở miền Tây, nếu không y hẹn, có nghĩa là Ngọc sẽ đưa bầu đoàn thê tử, “hò” bạn bè cùng nhau ra đi. Ý kiến cuối cùng: mình phải sáng suốt dứt khoát ra đi, khi thấy Quân-lực Việt Nam Cộng Hòa đã triệt thoái hết về miền Nam, thì ở miền Tây ắt sẽ còn là nơi vững chắc như đinh đóng cột.

Tôi sống tạm bợ nơi Sài Gòn xa hoa, nhộn nhịp, và lắm xô bồ trong tháng 4 năm 1975, với ngàn lo âu, run sợ hãi hùng đầy cay đắng, băn khoăn lo lắng trăm mối tơ vò. Tin dữ loan ra thì có, tin lành về lại không. Nhìn xuống lòng đại lộ Hưng Đạo 2, tôi càng run rẩy nghĩ rằng: “Trận chiến nầy, hẳn là sẽ đến hồi quyết liệt để giành thắng. Nay mai sẽ có giao tranh trên cùng khắp các nẽo đường. Chạy đi đâu cho thoát ra khỏi con ngỏ sâu hun hút, đầy đạn bom đây! Hở Trời!? Tôi vô cùng hối hận khi đưa gia đình về đô thành. Chạy đi đâu, cũng không thể thoát khỏi nanh vuốt chiến tranh bạo tàn. Thì thà rằng cứ ở yên lại Đà Lạt, có lẽ gia đình tôi không đến nỗi nào khổ sở đến thế”!

Trên những con đường lớn nhỏ tại Sài Gòn đều đông nghẹt người đi bộ, người ta đông hơn kiến tràn ra ngoài lòng lề đường, chen lấn nhau đi kẹt cứng. Mặc cho từng hàng xe hơi đủ loại, xe gắn máy, xe đạp, xe xích lô, xe ba gác vân vân… chồng chất đủ mọi thứ lỉnh kỉnh lên xe. Họ ùn ùn hối hả đi đi, về về! Đi đâu?! Về đâu?! Hầu hết các doanh trại ven đô, các công sở ty mỏ, và thường dân lo đào hầm hố cá nhân. Những đại công sở và cao ốc, cũng như ngoài những đại lộ, gần trung tâm Sài Gòn đều ráo riết chuẩn bị. Thế mà bà mẹ Ngọc và hai cô Quy, Cúc, ung dung dẫn nhau đi từ hotel Hưng Đạo 2 tà tà qua chợ Đũi, xuống chợ Thái Bình dạo chơi, rồi ba mẹ con tấp vào ăn bún ốc, bún thịt nướng, ăn xoài, dưa hấu, thơm. Họ ăn xã láng... ăn đã đời.

Mấy tháng trước lo lánh nạn súng ống từ Cam Ranh chạy riết dài dài về đây, họ ăn uống có phần tiết kiệm khổ sở. Bây giờ yên ổn nơi thành phố vinh sang giàu có, họ cũng sẵn tiền dư bạc rủng rỉnh như ai, ngày ngày ở không trong phòng ngủ không biết làm gì, chẳng lẽ có bộn tiền có vàng leng keng trong túi, mà phải nhịn thèm “ăn mì ngóng cháo ngó” sao. Thế là ngày ngày họ đem con cháu đi ăn hàng xã láng cho đã. Lúc nào về phòng ngủ cô Cúc cũng khệ nệ bưng thêm: Khi thì quày chuối già hương to bự sư, mít ướt, mít ráo, hoặc một chục xoài cát thơm lựng. Do mấy bà vợ thừa nước đục thả câu, được đằng chân lần lên đằng đầu, cô Cúc cô Quy tha hồ leo lên đầu lên cổ đức ông chồng nhẫn nhịn hiền lành, tha hồ ăn hiếp chồng. Cánh đàn ông yêu quá hóa sợ mấy mụ vợ một phép, mặc “bà” muốn làm gì thì làm, lớp đàn ông im re xép ve:
Lỗ mũi mười tám gánh lông.
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.
Đêm nằm thì ngáy o o.
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Đi chợ thì hay ăn quà.
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.
Trên đầu những rác cùng rơm.
Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu. (1)

Sau vài ba ngày no say ăn uống, thì bà cụ Tài đau bụng, trên ói dưới té re, thổ tả thổ te tá lả hoài! Bà cụ Tài tái phát bệnh đau bao tử ói ra máu tươi, máu bầm, máu loãng, rồi ói ra mật xanh mật vàng. Bà ôm bụng gò lưng quằn quại rên la dữ dội. Anh Ngọc vội vàng thuê xích lô chở bà đi cấp cứu tại bệnh viện Sài Gòn. Đã biết là bà cụ đau bao tử kinh niên, mà còn dám “tộn” mấy thức ăn mát mẻ thế, nếu bà không đau bao tử, cũng bị té re là cái chắc! Không biết bà cụ trúng độc do ăn bún ốc, hay cụ ăn quá nhiều thứ mà “trúng thực”? Ngày ngày chúng tôi ghé vô bệnh viện thăm, thấy bà cụ có phần thuyên giảm. Ngọc bảo cô Cúc ở lại bệnh viện trông coi mẹ. Còn anh sẽ đưa vợ con, gia đình cô em gái là Quy, cùng chúng tôi đi xuống miền Tây trước. Lúc nào bà mẹ khoẻ hẳn, thì cô Cúc sẽ đưa mẹ đi xuống Bạc Liêu.

Nghe thế, bà mẹ Ngọc dù rất yếu, bà lắc đầu quầy quậy, giẫy nẩy lên, chồm dậy khăng khăng nhất định đòi trở về hotel. Nếu có đi đâu, mà bà đi không nỗi, thì cõng bà đi cùng, chớ không trước không sau gì cả. Bà rất sợ con trai bỏ rơi. Bà thất kinh hồn vía, không dám kêu rêu con dâu bắt bà nhịn đói, không rên siết trước mặt Ngọc, bà không dám ăn uống bậy bạ nữa. Ngọc đành chìu ý mẹ già, anh đưa mẹ về nghỉ tại hotel Hưng Đạo 2. Thật kinh hồn, chúng tôi chỉ sợ lây lan hết cả đám, thì khốn. Bà phải ở cách ly mình ên. Ngọc đi rước bác sĩ tư đến khám bệnh ghi toa, liền đi mua thuốc về cho bà uống. Anh Bàn phụ Quy, Luật, khiêng những tấm nệm chuyển qua phòng của tôi, đặt nệm ở giữa nền gạch cùng nằm xếp lớp với nhau. Bốn gia đình ngủ chung hai phòng cho ấm áp tình người. Chúng tôi cảm thấy vui vui, cũng đỡ lo sợ và buồn. Do thế, chuyện dự tính cả nhóm về miền Tây trước ngày 30-4 đã không thành.

Phần vợ chồng tôi, khi thấy tình hình bất an, thì Luật chạy đến nhà anh Tạo rước bà mẹ anh xuống ở phòng ngủ. Tôi đến nhà Yến Nga để hỏi thăm tin tức. Ở nhà, bốn đứa con của tôi tự trông coi nhau. Chẳng may bé Tồ bị đau bụng ỉa chảy té re. Bé Tuấn thay đồ cho em, giặt giũ áo quần, lau chùi phòng sạch sẽ. Bé DZũng tắm rửa cho em, cõng em và dỗ em ngủ. Bé Bi sợ hãi chui vào gầm bàn trốn, và ngủ quên trong xó góc. Khi trở về phòng trọ, nghe các con nói lại, tôi sợ hết hồn. May mắn là bé Bi chỉ đi cầu hai lần. Tôi cho con uống thuốc, (tôi đã mua sẵn đầy đủ mọi thứ thuốc dự trữ phòng hờ). Ngày hôm sau con đã thuyên giảm nhiều. Tôi lo sợ là con bị lây chứng thổ tả từ bà cụ mẹ của Ngọc thì khốn!

Chỉ trừ những đứa trẻ ngây thơ vô tội là ngủ chập chờn trong bóng tối mờ mờ. Còn mọi người lớn thì tắt hết đèn đóm, ngồi tụ vòng tròn lại một góc phòng, nơm nớp lo sợ và mong trời mau sáng. Ngoài đường vắng ngắt đến ghê rợn, khuya Sài Gòn càng khuya càng hoang vắng lạnh lẽo, bầu trời vần vũ mây đen báo hiệu cơn mưa đầu mùa. Đến năm giờ sáng thì quả thật trời đổ cơn mưa rả rích, kéo dài hơn ba giờ, trông thật ngao ngán. Cánh đàn bà lo chuẩn bị làm mì gói cho cả nhóm ăn, uống nước suối Vĩnh Hảo. Bốn người đàn ông bàn tính với nhau là: để tránh tai mắt người khác tò mò dòm ngó, và không biết tông tích của mình làm gì, ra sao, đi đâu, thì bốn anh sẽ đưa từng nhóm ra đi.

Điểm hẹn là ở nhà thờ Ngã Sáu (nhà thờ thánh Jeanne D’ Arc, trong khu nghĩa trang Huê kiều, do người Pháp gọi là Plaine Des Tombeaux, ở 116b Hùng Vương, phường 9 quận 5). Luật hướng dẫn lộ trình chu đáo, anh nhắc đi nhắc lại: ai không nhớ, thì ghi vào sổ tay, kẽo nơi xứ lạ không thuộc đường, lớ quớ sẽ lạc nhau. Cứ mươi phút là có một nhóm rời phòng ngủ. (Làm như chúng tôi đi quỵt nợ, trốn nợ tiền phòng không bằng. Mặc dù chúng tôi đã chi trả hết tiền ba phòng nầy, và đặt cọc phòng thêm trước mười ngày). Anh Bàn không có vợ con gia đình bận bịu lu bu bên cạnh, nên anh rảnh tay dìu bà cụ Tài bệnh hoạn, cùng cô Cúc ẵm đứa con gái ba tuổi ra đi đầu tiên. Kế đến là gia đình Quy. Gia đình Ngọc, sau rốt là gia đình tôi gồm bảy mạng lủi thủi ra khỏi hotel. Tôi đứng trên cửa sổ tầng hai nhìn mấy anh chị lạ nước lạ cái cúi đầu lầm lủi ra đi, nhất là những đứa trẻ yếu ốm xanh xao, ngây thơ, hồn nhiên vô tội. Sao ai nỡ lòng để con em sớm bơ phờ nếm mùi đau khổ, gánh lấy nỗi ưu phiền, cơ cực đắng cay cuộc đời làm vậy! Tôi cảm thấy thật buồn.

Bốn nhóm gặp nhau ở nhà thờ ngã sáu rồi, lúc đó đã có nhiều người đi bộ, đi xe đạp, xe honda, xích lô qua lại trên đường đông đúc hơn. Tuyệt nhiên không thấy xe nhà, taxi hoặc xe bus. Chúng tôi ngoắt mãi vẫn không có chiếc xích lô máy, hay xích lô đạp nào chịu ngừng. Chẳng biết họ vội vã chạy đi đâu! Mãi về sau lâu thật lâu mới có hai chiếc xe ba gác trờ tới. Luật mặc cả giá xong, liền cho hai bà cụ cùng bầy nhóc ngồi lố nhố trên xe. Bốn anh kia phụ hai ông ba gác đẫy xe đi tà tà. Chúng tôi dắt díu nhau lẽo đẽo đi xuống khu Chợ Lớn. Quang cảnh ở Chợ Lớn khác hẳn ở khu Sài Gòn. Nơi đây ồn ào náo nhiệt đông đúc, người ta tụm năm tụm mười đông đen trên đường phố xí xa xí xô đi đi, nói nói, la la mắng chửi om sòm, buôn buôn bán bán đủ mọi thứ. Thỉnh thoảng mới có chiếc xe bus khác tuyến đường chật như nêm vút qua, chạy về hướng xa cảng miền Tây.

Ngọc vào nhà bạn thân cùng làm việc ở gần chợ Tam Biên, để dò hỏi tin tức cập nhật. Luật cũng có bạn Thành ở đường Nguyễn Tri Phương. Lúc bạn hai đến nhà đó, mọi người trong nhóm ngồi bệt ngoài vĩa hè nghỉ mệt chờ đợi Luật, Ngọc vào hỏi thăm tin tức. Kiểm chứng lại những tin nghe ngóng suốt dọc mấy lộ trình, thì mỗi người nghe một cách khác hẳn, người nói thế nầy, người nói thế nọ; càng hoang mang, băn khoăn, bồn chồn, lo lắng, rối tung rối mù, không phân định được điều gì xác thật là đúng, điều gì sai. Toàn nghe những tin vu vơ mù mờ như vịt nghe sấm. Chúng tôi không rành đường dưới khu Chợ Lớn, nên cứ đi lo lắng sợ sệt đi lung tung loanh quanh đường nọ qua đường kia, đi vòng vòng khá xa Chợ Lớn. Chẳng biết tại sao chúng tôi quay trở về ngã Bảy? Khùng thiệt. Cuộc ra đi nầy thật vô duyên ngớ ngẩn hết chỗ nói. Thế là chúng tôi mò mẫm tìm về nhà thờ Huyện Sĩ. Tôi bàn với Luật để tôi đến khách sạn Hưng Đạo 2 lấy lại những đồ dùng cần thiết, đem đến nơi nầy. Luật quát mắng tôi:
- Coi chừng tiếc của mà toi mạng. Bỏ hết.

Tôi tiu nghĩu buồn xo theo các bạn vào cha chánh xứ xin cho ở nhờ ngoài vĩa hè trong khuôn viên nhà thờ Huyện Sĩ. Nhà thờ hình cung nhọn oai dũng với công trình thiết kế quy mô, đặc thù, tinh xảo, khang trang xinh lịch, còn được gọi là nhà thờ Chợ Đũi xây năm 1902. Thiết kế giáo đường do đức cha Bouttier kiến trúc theo phong cách gothique tuyệt tác tinh vi, cao sang với vật liệu đá granit. Do ông bà Huyện Sĩ Lê Phát Đạt giàu có nhất thời ấy bỏ tiền ra xây dựng. Sau khi tạ thế hai ông bà có mộ xây bằng đá cẩm thạch ở hậu cung. Hầu hết mọi người quá mỏi mệt ngao ngán chán chường, chẳng thiết tha sự gì ngồi bó gối ủ rũ buồn chán nơi xó góc trong một lớp học bỏ trống. Ông trùm họ đạo nầy đi lễ về ngang chỗ chúng tôi đang ngồi co rúm một xó, thấy chúng tôi hốc hác, trẻ con bơ phờ lem luốc nằm la liệt lăn lóc trên vĩa hè nóng và hanh nắng. Ông vào tận nơi tôi ngồi, ân cần hỏi thăm qua loa, rồi ông bảo tôi cử đại diện vài người đến nhà ông, để ông tiếp tế cho ít thức ăn.

Cô Quy, Cúc và tôi lẽo đẽo theo sau lưng ông, đến bên hai cánh cổng sắt màu xanh kín mít to cao lút đầu người. Mở ổ khoá cánh cửa sắt nhỏ phụ kế bên, ông mời ba chị em vào nhà ba tầng lầu có vườn cây trước sân mát mẻ, rộng rãi, ngôi nhà bề thế sang trọng xây đá hoa cương lát gạch men bóng láng. Ông mời chúng tôi ngồi ở sofa da nhung đỏ. Ông đi xuống nhà bếp. Chúng tôi chưa kịp quan sát kỹ lối trang trí tân thời trang nhã vinh sang trong phòng khách, thì bà vợ ông trùm và mấy con cháu gì đó từ phòng bên cạnh, xách ra ba bốn tụng đồ ăn thức uống đầy nhóc, nhiều nhất là mì gói, bánh mì khô, cá khô, tôm khô, khoai lang, dưa leo và củ sắn. Thêm một tụng khá to quần áo trẻ con, một tụng nhỏ hơn bốn tụng kia đựng độ năm bảy lít gạo, (bà vợ chu đáo lo đầy đủ, hình như bà đã nghe ông chồng kể lại, hoặc là gia đình họ đã từng làm việc thiện nầy, tôi không biết).

Ba chị em tôi cảm động ứa nước mắt, rối rít cảm ơn lòng từ bi thiện nguyện của ông bà trùm họ đạo Huyện Sỹ. Khệ nệ bưng các giỏ xách về lại góc trường học, chúng tôi cảm thấy có phần vui vẻ an tâm. Cô Quy, Cúc và chị Ngọc xúm lại chia nhau áo quần con trẻ. Còn tôi không nhận (vì đang có, tôi đã vứt bỏ lại ở hotel nhiều lắm, chỉ mang đi những bộ quần áo cần thiết, vậy mà các con mang vác còn không nỗi, nữa là tham lam chi mà quơ vô thêm sao).

Mấy chị em rủ nhau đi ra chợ Đũi mua hai cái nồi lớn, mua tô chén, muỗng, đũa, rổ, rá, củi, ba bó rau muống, mắm muối, chút bột ngọt, chuối cau, mua bình để nấu nước, mấy chai ni lông đựng nước (vã chăng thấy ăn uống tầm bậy tầm bạ ở ngoài chợ, sợ trúng nước đi “ị” té re như bà cụ Tài, thì khốn; chúng tôi không dám uống nước trà đá bán sẵn). Có tiền là có của tươi rau ngon. Về lại chỗ cũ, Ngọc xin bà từ trông coi nhà thờ cho mượn hai cái lò để nấu ăn. Bà từ vui vẻ bảo chúng tôi cứ vào trong bếp tự tiện nấu nướng, khỏi mua củi hay mượn lò làm gì mất công. Nhưng chúng tôi không lấy củi của bà. Phụ nữ xăn tay áo lên lo làm bếp. Đàn ông đi tắm rửa cho con cháu, và tắm rửa chính họ ở ngoài giếng hay ở vòi nước. Chẳng mấy chốc nồi cơm trắng, canh mì gói nấu kèm với rau muống, trái bầu xắt nhỏ, khô cá sặc nướng, mọi thứ đã chín.

Sau một ngày nhịn đói nhịn khát, kéo nhau đi thất thểu lang thang cầu bơ cầu bất ở ngoài đường mệt mỏi rã rời. Giờ đây cả nhóm ngồi bệt dưới nền xi măng, quây quần quanh hai mâm cơm nóng sốt. Một mâm dành cho trẻ con được cho ăn trước. Một mân cơm của người lớn thì ăn sau. Đây là buổi cơm tối thanh đạm, nhưng quả thật lần đầu tiên trong những ngày xa xứ, kể từ khi tôi về Sài Gòn ăn bữa cơm nầy cảm thấy rất ngon miệng. Thiệt đúng:
Đầu tôm nấu với canh bầu
Chồng chan, vợ ngó lắc đầu “ham ăn.”
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Mai sau có lúc nấu chung một nồi! (1)

Lúc đó có hai gia đình ở Huế, Đà Nẵng di tản vào Sài Gòn, họ cũng tay xách tay mang, con cái đùm đề, vừa vào xin ở nhờ, kế bên lớp học cạnh chúng tôi. Luật, Ngọc qua bắt chuyện hỏi thăm, rồi mời cả sáu người ấy qua bên lớp học nầy, vì chúng tôi nấu cơm và canh thật nhiều, nên nhân tiện mời họ dùng cơm. Hai người đàn bà tỏ vẻ e dè khách sáo hơn hai ông kia. Nhưng khi thấy chúng tôi thành thật chứ không qua loa mời lơi, họ cũng vui vẻ nhập vào nhóm. Cô Cúc đi lấy chén đũa của bọn trẻ vừa ăn xong, chạy ra vòi nước rửa sạch và đem vô. Chúng tôi vừa ăn vừa tỉ tê trò chuyện. Chỉ vài giờ ngắn ngủi, chúng tôi đã thông cảm và hiểu thấu những gian khổ, cơ cực trên bước đường gian truân lưu lạc, đồng hội đồng thuyền thật hợp ý nhau. Được biết hai gia đình Tâm và Phương có ý muốn về Phú Quốc, vì hồi xưa họ đã sinh sống ở đó. Nghe bạn mới tâm tình, chúng tôi hoan hỉ vui mừng như mở được tấc lòng. Vì quả thực chúng tôi rất muốn đi Phú Quốc, mà ngại một nỗi không rành đường, không biết lối mô tê, sợ lạc vào “mê cung Vẹm”, nên quá ngại ngùng. Tâm nói:
- Năm giờ sáng ngày mai phải ra bến xe bus Sài Gòn, đón xe đi một lèo tới xa cảng miền Tây, xe không ngừng ở mấy trạm phụ. Một ngày chỉ có ba chuyến xe bus đông nghẹt thôi.
- Thì ra bây giờ tôi mới hiểu: nguyên ngày nay chúng tôi đón xe bus lẻ tẻ dọc đường tới Chợ Lớn, mà chả thấy chiếc nào ghé trạm, là do vậy.

Thế là mọi người bảo nhau đi ngủ sớm. Phụ nữ rửa dọn nồi son chén bát, lau chùi chỗ nằm dưới nền xi măng (vừa dùng nơi ăn cơm). Đàn ông lo lùa bọn trẻ về lớp học bên hông nhà thờ, để dỗ con cái ngủ. Chị em phụ nữ xin đi tắm nhờ ở nhà bà từ. Cũng may là ở trong miền Nam lúa gạo dồi dào cò bay thẳng cánh, hầu kịp thời cung ứng cho cư dân ở miền Cao Nguyên và miền Trung, sau mỗi khi thấp kém mùa màng hay thiên tai lũ lụt. Chúng tôi mò tìm về miền Tây là phải lắm. Thật cám ơn nông dân và cư dân ở miền Tây Việt Nam hết sức. Những giọt buồn lê thê xin gác lưng mây bay bay sau triền đồi Đà Lạt xa mờ xa nhé! Dù gần hay xa xôi muôn trùng sóng vỗ, thời khắc quý giá nầy vẫn mãi hoài ghi nhớ, chiếm ngữ trong hồn tôi giông bão. Chiến tranh biêu riếu đã hạ bức màn đen trong chung cuộc đầy bi kịch rồi chăng? Ví dù như thế thì họ và tôi hoàn toàn tin tưởng vào cấp lãnh đạo tối cao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tin các cấp chỉ huy đã và đang dấn thân từ các nơi còn trụ lại, rải rác khắp nơi… có thể là:
- Vùng I : Quảng Nam. Quảng Trị. Thừa Thiên.
- Vùng II : Dakto. Kontum. Pleiku. Đà Lạt. Khánh Dương.
- Vùng III : Bình Long. An Lộc. Long Khánh.
- Vùng IV : Nhất là hy vọng từ Long An về Miền Tây, vẫn còn… trấn giữ.

"Quốc hữu phân tắc thực" (nước có người giỏi, thì nước mới vững chắc). Mặc dù giàu sự dũng cảm hào hùng của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa: từ tất cả các binh chủng đang ở lại rải rác trên quê hương nầy; họ có kiên cường bất khuất anh dũng và oanh liệt quyết chiến đấu tại các chiến trường sôi động khói lửa, hay tại các địa phương, Tỉnh, Thành, nào... Nhưng nếu họ không còn những vị “thủ lĩnh”, họ đã mất cấp lãnh đạo. Hoặc giả họ không có những vị chỉ huy nữa. E là thua chắc!
“Nghĩ thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê!” (2)

(1) = ca dao.
(2) câu thơ của Nguyễn Gia Thiều.
* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
04-26-2013, 07:04 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367087635.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367000653.mp3

Cố Thiếu Tá Không Quân TRƯƠNG PHÙNG Khả Kính

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367002075.jpg

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367001775.jpg

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367002306.jpg

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367002493.jpg

bebau
04-27-2013, 06:27 PM
[CENTER]http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367094553.jpg

Tinh Hoai Huong
04-30-2013, 10:56 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367360004.jpg
Sinh Vi Tướng Tử Vi Thần (Anh Hùng Tử Khí Hùng Bất Tử)
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367361382.mp3

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367362475.jpg

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367360257.jpg

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367361103.jpg

Tinh Hoai Huong
05-07-2013, 12:26 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367886877.jpg

philong51
05-08-2013, 05:09 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367094553.jpg

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367094589.jpg

Tấm hình nầy là thân của chiếc AD-6 tụi Vẹm trưng bày ở Sài Gòn, đối diện với Thảo Cầm Viên vào thập niên trước KHÔNG phải là chiếc AD-5 của Th/Tá Trương Phùng.

Tinh Hoai Huong
05-10-2013, 02:27 AM
Tấm hình nầy là thân của chiếc AD-6 tụi Vẹm trưng bày ở Sài Gòn, đối diện với Thảo Cầm Viên vào thập niên trước KHÔNG phải là chiếc AD-5 của Th/Tá Trương Phùng.
***
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368152629.jpg

Dạ... dạ... thì ra là như thế đấy!
Quý anh đã lão luyện, từng trải trên đường binh nghiệp (Không-quân) ... nên chỉ cần nhìn một bên thân của chiếc máy bay "cụt đầu cụt đuôi, chả giống con gì" ; đã biết chắc đó là chiếc AD-6.
THH bội phục và cám ơn anh philong51 & Anh bebau nhiều.
Anh bebau thân kính, vậy THH kính xin anh bebau vui lòng delete GIÚP THH tấm hình "chiếc tàu bay méo mó" kia ra ngoài lề... cuộc sống chả có giá trị trung-thực và chính xác.
Có nên không, thưa quý anh?
Tình thân,
THH

Tinh Hoai Huong
05-11-2013, 04:42 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368247694.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368247850.mp3

Tinh Hoai Huong
05-12-2013, 07:56 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368386863.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368388097.mp3
Tóc Sương Mẹ Đã Bạc Rồi!
Nhân Mother’s Day- con xin trân trọng kính dâng về Mẹ (& cha): Hai đoá hoa hồng trắng
Tình Hoài Hương
***



Trăng sáng và xa xôi chiếu lung linh xuống vạn vật mờ nhòa dưới lớp sương mỏng như dải lụa đang vật vờ bay bay. Một dải mây hoe vàng xuyên qua lớp mây trắng xôm xốp lấp lánh ngoài ô cửa kính, trải ánh sáng bạc thành một con đường dài, rồi cắt khúc ngang ở tòa nhà lớn trên đồi dốc. Tiếng côn trùng râm ran ngân nga bản hoà tấu không nhịp nhàng âm điệu, bỗng chốc im bặt, rồi lại rè rè diệu vợi vang xa, khiến đêm khuya càng thêm mịt mùng, thăm thẳm...

Rất yếu tim và lo sợ, nhưng mẹ vẫn xin bác sĩ Phán và cô y tá cho phép mẹ đứng trên đầu giường tôi. Mẹ lâm râm đọc kinh, đôi mắt mẹ như lạc thần nhìn chằm chằm vào mặt con. Tiếng mẹ cầu nguyện nho nhỏ thành lời thống thiết van xin chí tình. Hai bên thái dương mẹ ướt đẫm mồ hôi, miệng há hốc mẹ bàng hoàng nắm chặt lấy bàn tay tôi, như tiếp thêm sức mạnh. Có mẹ ở bên cạnh, tôi xiết đỗi yên tâm và bình an. Khi thằng “cu tí” chào đời, mẹ chảy nước mắt mà hoan hỉ reo mừng. Mẹ thở phào như chính mẹ trút được cơn đau tột cùng sau cơn vượt cạn. Mẹ muốn san sẻ tất cả đớn đau, cũng như niềm vui mừng khôn tả xiết với tôi. Ôi thế mới biết tình mẹ thương yêu con biết ngần nào!

Còn thằng bé tí hon nhà tôi thì thuộc hạng rất ư khó chịu, con hay khóc nhè quá, đái dầm ướt đít, hay đi ị ra tã lót xí, thì cu cậu ngọ ngọe và la làng, mắt nhắm tít mà khóc thật to! Thấy cháu quấy thì mẹ lo sợ tôi không ngủ được, bà ngoại vội bế cháu ngồi nơi góc mùng, ru hời ru hỡi trong vòng tay già; cho con gái thiêm thiếp giây lát. Mẹ dỗ dành tôi như đứa trẻ lên năm:
- Con ăn hết dĩa thịt nạc kho tiêu, uống canh xúp ni đi.
Hoặc là:
- Mẹ thấy con không ngủ được. Phải ráng ngủ đi.
- Dạ… Dạ.

Thoạt tiên tôi len lén mở mắt nhìn mẹ say sưa, thấy mẹ ngẩng nhìn về phía tôi, tôi vờ nhắm mắt lại, sợ đôi mắt mình sẽ tiết lộ những ý nghĩ thầm kín. Mẹ nói lẩm bẩm một mình về sự tôi xanh xao gầy ốm. Mẹ đến bên giường, lấy khăn đuổi con ruồi đậu ở mũi tôi; tay tôi đang gác trên trán, mẹ nhẹ nhàng cầm tay con, đặt xuống nệm. Mẹ cúi sát xem tôi ngủ được không? Hơi thở mẹ thoảng qua gây cảm giác đầm ấm, thân thiết, trìu mến, ngọt ngào yêu thương, dễ chịu dường bao! giống như hơi nồng từ trái tim mẹ toả sức ấm ra cho tôi, chứ không phải do mền nệm, hay do lò lửa đỏ vùi tro đang đặt dưới gầm giường. Mẹ thuê phòng hạng đặc biệt trong viện của bác sĩ Phán cho tôi nằm.

Dù ở bệnh viện tư nhân đã có chương trình lo cho sản phụ, nhưng me chu đáo mua gạo thơm, kho thịt nạc, kho giò lụa, làm chà bông. Suốt mười ngày sáng sáng khoảng năm giờ mẹ lò mò dậy, tự tay mẹ nấu cho tôi ăn kèm một chén canh đổi món mỗi ngày. Mẹ vui khi thấy tôi ăn ngon miệng, âu sầu khi tôi non kém bữa. Mẹ lo lắng chu toàn từng ly từng tí. Khi tôi ăn uống xong, chén bát va chạm nhau lách cách vang nhè nhẹ, khi mẹ lau rửa. Chén dĩa, tô muỗng, mẹ rửa sạch trơn rồi úp lên khay khô ráo, lau chén và đậy khăn đàng hoàng. Sau đó mẹ đi giặt giũ phơi phong áo quần tã lót. Tưởng con và cháu đã ngủ say, mẹ tôi mỉm cười, nụ cười mẹ dịu hiền làm nhạt nếp nhăn trên khuôn mặt nhân hậu. Thỉnh thoảng mẹ ngồi trên bộ ván, ngoáy trầu trong cối đồng nhỏ xíu. Móm mém vừa nhai trầu mẹ vừa xếp cẩn thận áo ra áo, tả lót đúng chiều vuốt thẳng nếp. Khiến bà vợ ông bác sĩ phải khen:
- Bà cụ lo cho con gái út chu đáo lạ!
Không biết trả lời sao cho khỏi mất lòng bác sĩ, vốn dĩ là chỗ thân tình, mẹ cười hiền hậu.
Ngủ chập chờn tâm trí lâng lâng cái kiểu gì lạ, tôi bồn chồn khó chịu không thể mở mắt ra, nên choàng dậy, cả thân thể tôi mệt mỏi vô vàn. Mẹ đang ngồi bên bộ ván, vội nói:
- Chiều mà con ngủ rứa, là bị mộc đè, không dậy nỗi con à.
- Dạ phải. Bị mộc đè, không cách chi dậy nỗi.

Tôi nằm trên giường, người lâng lâng giữa trạng thái nửa thức nửa ngủ. Nhắm mắt thật lâu, tai tôi nghe bước chân mẹ nhẹ nhàng di động đi lại chỗ nầy chỗ kia. Mẹ đứng ở bên bàn rót nước trà. À không phải, mẹ đang châm nước sôi vào bình thủy, rồi đậy nắp, đặt bình thủy lên góc bàn. Mẹ đến cuối phòng thu dọn, Dọn dẹp xong, ấy là lúc mẹ ngồi xuống chỗ cũ, lò mò mở kim băng cài túi áo, mẹ lấy tiền ra đếm, tiền chẵn mẹ cất vào túi áo trong, tiền lẻ để túi áo ngoài, mẹ cẩn thận cài hai cây kim băng vào hai túi. Đôi mắt mẹ ánh lên niềm hãnh diện khiêm tốn. Mẹ có tiền riêng lo cho con, cháu, mẹ mua các thứ thiếu do chính đồng tiền tần tảo, vun vén của mình có.

Nằm mãi càng cảm thấy mệt, tôi ngồi dậy, đầu choáng váng, tôi nghĩ: “có lẽ vì nằm nhiều, không vận động, lại mất ngủ suốt tuần, nên tôi yếu người đi”. Quơ chân xuống nền gạch tìm đôi dép, tôi lừ đừ thờ thẫn đến bên cái bàn kê ở góc tường, tay run run bưng bình thủy lên mở nắp ra. Bỗng dưng, đầu óc tôi quay cuồng, tối tăm mặt mũi, thân thể nặng nề, tôi ngả lăn ra bất tỉnh nhân sự. Khi tôi hồi tỉnh, vợ chồng ông bác sĩ và cô y tá reo mừng.

Còn mẹ. Trời ơi! Tôi không thể nào diễn tả sự khiếp sợ, trên đôi mắt mẹ tưởng đã lạc thần, con gà bị cắt tiết mất hết máu ra sao, thì mặt mẹ xám xanh y như vậy. Tất cả sự yêu thương, lo lắng tột cùng lộ ra rõ nét. Mẹ quá run sợ phải lìa con. Run cầm cập, mẹ lụm khụm đi nấu nước sôi, mẹ đắp lên hai vết bầm trên đầu, cánh tay, bắp đùi của tôi. Bác sĩ khám rất kỹ vết thương rướm máu ở đầu, ông chích nhiều thứ thuốc, chăm sóc cẩn thận nơi tôi bị đập mạnh đầu lên một chân tủ gỗ lim chìa ra ngoài. Bên thái dương kia tôi lại bị một cục u, to hơn nửa quả trứng vịt, tím bầm. Đầu tôi đau nhức kinh khủng, y như có tảng đá nặng đè lên, ê ẩm cánh tay trái và một bên sườn. Cổ xoay qua trở lại không được, tôi phải nhờ người khác giúp.

Mẹ đã bận rộn nuôi con, lo cho cháu suốt tuần. Nay tôi có thêm các vết thương, khiến mẹ càng khổ cực. Mẹ lâm râm đọc kinh cầu nguyện. Vì sự bất tỉnh kia nên tôi phải nằm điều trị thêm nhiều ngày, tôi lại hoàn toàn mất ngủ. Mẹ phàn nàn:
- Sau nầy con sẽ bị đau đầu, đau nhức thân thể hoài đó.
Thấy tôi cựa mình, mẹ quay lại nhìn:
- Con cần chi? Để mẹ làm cho.
- Mẹ đừng lo cho con. Mẹ ngồi cả ngày, cả đêm, mệt lắm. Mẹ ngủ đi kẽo con càng bị bệnh bi giờ.
* * *
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368386950.jpg

Bầu trời nhàn-nhạt sau khi tráng nước mưa thì trở nên trong suốt như pha lê. Lưng trời sáng bạc ngất ngây đầy lâng lâng rung cảm điểm vài hoa mây phớt hồng thấp thoáng bay bay, trôi nhè nhẹ như bong bóng mây lơ lửng giữa bầu trời rộng thênh thang. Các mái nhà như kỳ cọ gội rửa sạch bon. Những con đường cành cây ngọn cỏ đều loáng nước và trở nên xanh tươi hơn.

Tôi rất mừng khi mẹ ở Tùng Nghĩa đến thăm, có mẹ ở lại giúp con, phụ chăm nom các cháu, là tôi rất an tâm. Mỗi lần đến thăm con cháu, mẹ mang rất nhiều quà bánh, mẹ khệ nệ bưng hết giỏ nầy đến giỏ khác, thậm chí cả gạo, rau, cá, thịt, tôm, vân vân… Có bao nhiêu tiền dành dụm, mẹ đã trút hết cho con cháu. Nhất là bà cưng các cháu ngoại hết sức; mặc dù chúng rất quậy, khiến ngoại mệt phờ người.

Mẹ cầm cái quạt giấy quạt cho mình và quạt cho con, cháu. Mùi dầu thoang thoảng bay, mẹ rất thích xức dầu Nhị Thiên Đường. Trời Đà Lạt khá mát mà mẹ dùng quạt, đủ biết mẹ mệt đến thế nào. Tôi muốn khóc hết sức khi ngồi cạnh mẹ. “Lên non, mới biết non cao. Nuôi con, mới biết công lao mẹ hiền” (cd) là thế. Tôi nhìn vẽ già nua hiện lên từng đường nét rõ ràng trên khuôn mặt già và mỏi mệt, mái tóc mẹ điểm muối tiêu, vành miệng móm mém, mẹ ưa nhai trầu dập từ cối đồng nhỏ xíu cầm lọt trong lòng bàn tay. Đôi mắt mẹ thoáng màu nâu, hấp háy sau làn mi dài lưa thưa, mẹ có cái nhìn ấm áp chuyển thành niềm vui dạt dào, bộc phát mừng rỡ:
- Cháu đói lắm hử? Mẹ cháu về rồi. Ù ơ... Cháu tham ăn y như con mẹ của cháu từ hồi nhỏ hè. Hì hì… Cháu biết không!?
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368387939.jpg

Ơ! Tôi đây có phải là đứa con gái út (trong gia đình có mười anh chị), út lên mười vẫn còn rúc vú mẹ, vòi vĩnh mọi thứ khi thích? Út sau giờ học, tối ngày thui thủi một mình, vì thế tôi luôn quanh quẩn bên mẹ đó ư? Ngày ấy mẹ pha nước nóng, và ngồi trên chiếc đòn nhỏ bên hiên lát gạch hoa, mẹ bế tôi vào lòng, tôi thòng cái cổ đeo hai ba sợi dây chuyền bằng đất. Tôi ngửa mặt lên trời cười sằng sặc lúc cảm thấy nhột. Mẹ gội đầu cho tôi bằng nước bồ kết nấu với lá sả, lá cam, lá chanh, lá bưởi. Tắm cho con bằng xà bong thơm hiệu "cô Ba đeo kiềng vàng". Tôi có tính hư nết xấu ưa làm nũng, dậm chân dậm cẳng không chịu tắm, khóc nhè hoài; dù mẹ đã dỗ ngọt hun hít và gói cho tôi đòn bánh tét nhỏ xíu bằng gan tay, có dây lạt làm quai xách cột từ đầu nầy qua đầu kia.

Có ngày tôi say sưa nhìn: mẹ đeo đôi mục kính trắng, khéo léo may từng bộ áo quần đẹp nhất đầu xuân. “Con bé tôi” năm sáu tuổi ngồi bên thềm gạch hoa trong tòa nhà cao và rộng, tôi la lết bên mẹ và quá phục nhìn mẹ thoăng thoắt may áo quần mới. Tôi nghe mẹ kể chuyện cổ tích Trầu Cau. Tấm Cám. Mẹ kể chuyện hay đến nỗi đôi khi tôi đòi cái gì đó, mà mẹ không có cho con, thì mẹ mỉm cười nói: "Ngày xưa... có một người tiều phu vào rừng..." là mọi thứ hấp dẫn trên đời, đều không bằng câu chuyện cổ tích của mẹ.

Ngày ấy, gia đình ba mẹ tôi sống tại ngôi biệt thự số 5 La Rose ở đường Quang Trung, gần nhà Ga xe lửa Đà Lạt. Tôi đeo đôi hoa tai vàng tòn ten đong đưa theo mỗi cử động, cổ đeo kiềng vàng chạm trổ thẫm mỹ. Tôi diện quần sa tanh trắng, xúng xính trong chiếc áo nhung đỏ do mẹ tự cắt may, chân tôi mang hài cườm cùng màu với áo. Đầu tôi đội nón lá mười hai vành do mẹ chằm. Vai tôi đeo chiếc bóp đầm đỏ. Hai mẹ con ngồi xe kéo đi chợ Đà Lạt mua sắm đồ Tết suốt ngày.

Trước khi mua sắm, mẹ cho tôi ăn bánh bèo xong, tôi lại lết qua hàng mì quảng ăn no nê. Sau đó hai mẹ con chen lấn vào chợ vải mua quần áo, giày dép, vân vân… Tôi bị người lớn chen lấn, nên tụt lại đằng sau, kẹt giữa làn sóng người đông như kiến. Hốt hoảng, tôi vừa khóc vừa kêu "Mẹ ơi! Mẹ". Tay tôi nắm chặt lấy đuôi áo dài của mẹ rị kéo mạnh lại. Dù rách toạt mất một thân áo, mẹ tôi không hề la rầy, hay giận dữ. Mẹ đằm thắm bế con lên, cùng với hai giỏ xách đầy vật dụng mua sắm đang móc vào khuỷu tay. Lúc ra về, mẹ lại mua cho tôi mấy bịch bánh thuẩn, nải chuối cau. Ngồi trên xe ngựa, tôi sung sướng có những món đồ chơi xinh đẹp. Nhưng, về nhà đồ chơi cũng không quyến rũ con bé mập tròn ú nù giống hột mít như tôi (vì háu ăn), tôi quanh quẩn bên chân mẹ, líu lo hỏi chuyện:
- Mẹ nấu phở cho cả nhà ăn ha mẹ?
- Ừ. Ra ngoài sân chơi đi con. Ây. Coi chừng bị phỏng lửa.
- Chín chưa mẹ?
- Chưa được. Coi chừng phỏng nước sôi.
- Được chưa mẹ?

Sốt ruột, do cái tật mê ăn của con, nên mẹ đã làm trước cho tôi một tô phở. Tôi cứ bu bên mẹ rồi nhón chân lên bốc một nhúm hành ngò trong dĩa ở trên bàn. Tôi chạy theo mẹ đến bên góc đi văng, bỏ đầy hành ngò vào tô. Tay cầm đủa tay cầm muỗng, tôi cúi xuống thổi phù phù vào tô phở nóng. Nước miếng ứa ra miệng, bụng sôi lọc ọc, tôi cảm thấy đói cồn cào vì mùi thơm ngào ngạt:
- Mẹ cho con ăn thiệt no. Nghen. Con đói.
- Để nguội đã. Ăn từ từ thôi. Ngán tới con mắt chừ. Chớ tham ăn chi hì.
- Con ăn từ từ cho đến khi nào no tới con mắt, thì thôi. Mẹ ui.
Mẹ tôi phì cười nguýt yêu con gái tham ăn. Qua nửa tô phở, tôi buông đũa, hét to:
- Chết con rồi! Ơ hơ! Cay quá! Mẹ ơi. Mẹ.

Cay thật. Cay đến nỗi mặt tôi đỏ rần, hai lổ tai ù ù, lùng bùng, đầu lưỡi nhứt nhối, rát bỏng, môi miệng đỏ chót phồng rộp lên. Tôi thọc tay vào miệng cào cào lưỡi, xít xà, phun nước miếng phì phì. Mắt thấy sao bay trong màng lệ, tôi hoảng hốt chạy quanh nhà, vừa kêu vừa khóc. Tôi bức tóc bức tai, rồi chui tọt xuống gầm bàn, nằm lăn lộn trên nền gạch hoa. Tôi lại bò ra, chui lòn mấy vòng qua hai chân của mẹ. Hai tay tôi quệt nước mắt! Khổ nỗi ớt dính ở mấy đầu ngón tay, nên càng bị cay mắt hơn. Mồ hôi vã ra trên trán như tắm, mặc dù trời khá lạnh. Khiếp quá. Cay kinh khủng. Tôi kêu khóc inh ỏi, mũi dãi lòng thòng (chỉ vì mắt nhắm mắt mở, và tham ăn, tôi không thấy trái ớt xiêm xanh lẫn trong nhúm hành ngò, dù mẹ tôi có ý để ớt qua một bên mép dĩa to).

Mẹ vội lấy nước lạnh khuấy chanh đường, bế con vào lòng cho con súc miệng nhiều lần, nhổ ra. Mẹ xổ mái tóc dài, lấy đuôi tóc lau trên đôi mắt con, lấy khăn ướt lau mặt mũi con, mẹ vạch vú da cho con mút, (mặc dù con khá lớn khôn). Có bầu vú mẹ, tôi dịu cơn đau, mà vẫn thút thít khóc và nấc lên từng cơn.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368388368.jpg

Ôi! Lần ăn phở muôn đời ghi nhớ ấy, nó ớn lên tới con mắt thật. Mà mẹ yêu dấu là người họa sĩ tài ba đầu tiên đã âm thầm vẽ nét ngây thơ, hồn nhiên duyên dáng vào tâm hồn con tươi trẻ. Hình ảnh mẹ bất diệt, nên thơ, trong sáng, thân thương từng ấp ủ nơi con đây một thời xuân trẻ luôn khát khao niềm tin yêu, chưa hề phai nhạt, và làm quặn thắt lòng con. Một tình mẫu tử bất diệt và bao la co xiết thành khối mật, vừa dịu êm ngọt ngào, vừa nồng nàn lâng lâng men tình say say, trào dâng lên bờ môi con ngọt lịm từ bầu sữa mẹ tinh tuyền ngát hương yêu trong chiếc nôi đời lắc lư đong đưa theo tháng năm qua. Trái tim con thèm khát nhịp đập cuồng quay trong lồng ngực phập phồng, bồng bềnh chơi vơi trên sóng biển rong chơi đầy dáng vẻ yêu thương mệt nhoài.

Tôi cảm thấy thương mẹ không làm sao tả xiết. Tình yêu thương nồng thắm của người mẹ, giờ đây tôi mới hiểu thấm thía, thâm thúy, tình mẹ bao la như trời biển, êm đềm ngọt ngào, nồng nàn xiết bao trong từng giờ, từng tháng, từng năm. Mẹ tôi tận tụy cần cù hy sinh lo cho chồng, con, cháu; là hạnh phúc duy nhất của mẹ; là lẽ sống thầm lặng, mẹ đầy tình thương yêu và thủy chung hết mực. Tôi yêu kính mẹ vô vàn, mẹ âm thầm chịu đựng, hy sinh gắn bó, nhẫn nại, dốc hết sức cạn hơi mòn, hầu chu toàn cho con, cháu, có sức khoẻ bình an, hạnh phúc. Dù con khá lớn khôn, có gia đình con cái, dù các con đã vững vàng lập thân, từng trải.

Mẹ thân yêu! Mẹ nâng niu giữ gìn cho con bao kỷ niệm yêu thương, đậm sâu, dạt dào ân tình mặn-mà thuở thiếu thời. Đôi mắt con lẫn vào lòng mắt mẹ êm ái, ẩn chứa tất cả niềm vui tột cùng, tuổi thơ con trong sáng từng ấp ủ tình thương thầm lặng đến tận bây giờ. Nó vừa hiền, vừa lành, vừa vui, và trọng lượng tình yêu trong lòng mắt mẹ đã dành cho con, muốn vỡ vụn ra thành muôn hạt nước mòng mọng, tròn trịa, li ti lăn tăn long lanh rung rinh trĩu nặng bờ mi rưng rưng, trôi đến tận cùng tơ rung suy nghĩ, làm gợn sóng lăn tăn lung linh chơi vơi trong từng tế bào con run rẩy.

Hạnh phúc vô ngần khi con trở về trên dáng xưa yêu kiều, đầy hoa mộng đó. Chao! Dòng đời xuôi ngược nhiều ước mơ, hoài bão, hy vọng dạt dào, tràn đầy mộng đẹp vụt tan biến quá đỗi là nhanh. Và, hôm nay con không khỏi ngỡ ngàng, bâng khuâng xao xuyến và kinh ngạc; khi mẹ nhắc khéo chuyện: “Con tham ăn” đã lẫn vào lòng thời gian lúc nào; chẳng rõ! Hẳn là mẹ đang nghĩ đến câu:
- "Mẹ cho con ăn tô phở, khi nào con no, no lên tới con mắt thì thôi"!

Vui tột độ, khiến tôi dại người trong giây lát, bỗng quay qua nhìn mẹ hiền đăm đăm, và toét miệng cười ngất. Mẹ nhìn con gái lắc đầu mỉm miệng cười đôn hậu, hòa ái. Thật đáng yêu xiết đỗi từ đôi mắt đầy bao dung, thông cảm và thấu hiểu của mẹ biết ngần nào! Đó là cái gốc rễ tình yêu nơi chiếc nôi đời hồng hoang trinh nguyên, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi quê hương dấu yêu nầy tôi đã bập bẹ tiếng: "Mẹ... Mẹ" đầu tiên. Mẹ là sợi dây vàng rắc đầy kim cương lóng lánh, nối liền con cháu với niềm vui buồn quá khứ, dạt dào hạnh phúc ân tình trân qúy. Mẹ hiền mẫu sung sướng mỉm cười từ ái hằng cầu nguyện cho các con suốt bao năm trường được hạnh phúc, bình an. Phải không mẹ? “Gió thúc cội thung nhánh tùng khua rúc rắc. Nhớ cha mẹ già ruột thắt gan teo” (cd).
Mẹ tôi mắt phượng mày ngài
Vai ngang dáng nhỏ tóc dài chấm chân
Cười xinh chúm chím hạt huyền
Không hề quản ngại thuyền quyên một thời

Sớm khuya nắng gió cuộc đời
Bán buôn tất bật (thảnh thơi bao giờ)!
Rảnh rang chằm nón bài thơ
Vá may quần áo, mẹ thờ song thân.

Nhiều khi mẹ đã ân cần
Viếng thăm người bệnh, bạn gần xóm xa
Chia cơm xẻ áo nhiều nhà
Những chiều tần tảo vào ra mẹ cười

Nhẹ nhàng gánh thúng hoa tươi
Luyến lưu mẹ nói: “Xin mời mua hoa”
Kẻ trên người trước dần dà
Trao tình quý mến. Thiết tha mẹ hiền.

Mẹ tôi là một bà tiên
Gia đình đầm ấm đoàn viên một nhà
Ngọt ngào Con Cháu Mẹ Cha.
Niềm vui hạnh phúc bao la tình nồng. (*)

Bây giờ, thời gian vút qua... “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều. Nhớ cha, nhớ mẹ chín chiều ruột đau”. (cd) Các con bé bỏng của mẹ đã lớn khôn, đã có gia đình, đã làm cha, làm mẹ. Dù vậy con đây vẫn còn nhõng nhẽo, quấy rầy mẹ và thút thít khóc hu hu hu hụ hụ hụ như thuở nào! … “Thương mẹ nhớ cha như kim châm vào dạ. Nghĩ đến chừng nào, lụy hạ tuôn rơi. Nước chảy ra thương cha nhớ mẹ. Nước chảy vào thương mẹ nhớ cha...” (cd) ... khi cha mẹ đã vĩnh viễn lìa bỏ chúng con. Cha mẹ ôi!
* * *
cd = ca dao

(*) Thơ Tình Hoài Hương

THH xin phép cám ơn quý vị nhiếp ảnh gia: đã post những tấm hình đầy nhân bản lên internet, cho tôi có thể copy vô bài viết, ngỏ hầu phong phú hoá hình ảnh sống động, và tài đức & nghệ thuật của quý vị.

Tinh Hoai Huong
05-15-2013, 11:05 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368659331.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368659798.mp3
Bước Ngoặt Phiêu Lãng Bất Ngờ
Tình Hoài Hương
***


Chớm Thu tràn dâng tê buốt qua từng mạn nhện giăng mắc thành những tua viền lắc lư, giống sợi đăng ten đong đưa dai dẽo theo từng cơn gió heo may run rẩy thổi về. Sáng nào các khung cửa kính cũng đầy sương đọng, sương uốn éo chảy thành từng hàng nước ngoằn ngoèo trên khung cửa kính. Ánh sáng trắng nhạt vàng thau lọt qua những tấm kính mờ đục, không làm cho không khí trong nhà ấm áp hơn.

Tôi yêu mùa Thu kinh khủng, yêu những chiếc lá vàng cuối cùng hững hờ đan trên cành cây khẳng khiu. Mưa Thu lất phất nghiêng nghiêng bay bay trên nền trời chơm chớm sang mùa đang ngã màu xanh lam, trông ảm đạm bâng khuâng và da diết buồn. Con đường dốc bên cạnh rừng đầy lá thông khô được sương đêm rửa sạch trơn, trở nên láng mướt, nước ve vuốt đôi chân tôi mát lạnh khi bước chân trần êm ái dẫm lên đồi cỏ. Khiến tôi muốn ngã lưng nằm trên tấm thảm lá thông nâu nâu mượt-mà, để mơ màng nhìn lên trời cao, mà xao xuyến nghĩ về… Cảnh chuẩn bị đi học nơi rừng núi sình lầy gian khó ở trường Biệt Ðộng Quân Dục Mỹ Nha Trang khoảng vài tháng.

Chúng tôi gồm: Thuý Mai, Hồng, Lan, Thiên, Thanh, và tôi, thích làm vui lòng theo “thời trang” mà ta đã chọn: Rộn ràng ríu rít dạt dào cảm xúc ngất ngây, họ kêu hú nhau đi vào Võ Bị thăm bồ. Nào quà bánh, khăn tay, khăn tắm, áo lạnh, vân vân… Họ kèm theo giọt nước mắt nóng hổi mà ngọt ngào, cuống quít đắm đuối mê say từ bạn lòng nồng nhiệt trìu mến trao nhau tình mơ. Thú thật là tôi có vẽ hững hờ hơn các cô bạn có người yêu khác. Bởi vì lòng tôi đang “lao đao lấn cấn” về chuyện chúng tôi sẽ “hứa hôn” đã qua. Khiến Cảnh phải cau mày, anh chỉ dạy tôi từng ly từng tí về sự ân cần, âu yếm, khuyến khích, vuốt ve:
- Anh có cảm tưởng là chưa được yêu say đắm.
- Thì ra anh nghĩ như vậy.
- Sắp xa nhau, anh chẳng thấy em có vẽ bịn rịn, lưu luyến. Có thể là anh chưa đủ sẻ chia cùng em trọn nỗi niềm…
- Anh đi học, rồi lại trở về trường. Chứ anh có đi luôn đâu. Mà… em có buồn thì em dấu kín ở trong lòng.
Cảnh không được vui. Anh muốn trước mặt bạn bè: tôi nên tỏ ra “thật tình” với anh. Đừng quá “hồn nhiên” bình thản “vô tư lự” như nai. Nghĩa là có thể anh thấy trong tôi có sự “bấn loạn” nào đó. Tôi ít biết chăm sóc đến người yêu mình, ha anh?
- Vâng. Thì em đang yêu chút xiú mà anh.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368659548.jpg

Sau khi Cảnh đi học chừng ba ngày, thì anh Tuế vội vã chạy lên nhà báo tin cho tôi biết chị Hạc đi cấp cứu ở bệnh viện. Chị bị băng huyết, anh chị lo sợ sẽ bị hư thai, anh Tuế phải túc trực ngày đêm bên chị. Ở nhà cháu Cường không biết ra sao. Nhà anh chị ở dưới Tùng Nghĩa một mình thật neo đơn. Tôi đành bỏ tất cả chuyện học hành, xin phép nghỉ làm việc một tháng không ăn lương. Tôi lo thu xếp ít quần áo, tất tả lên xe đò xuống Tùng Nghĩa ở lại nhà anh chị, để lo cho cháu Cường giúp anh chị.

Ngày hai buổi tôi đi chợ, cơm nước, giặt giũ, trông coi cháu. Công việc tuy chẳng nặng nề, nhưng lụi hụi mãi, luôn tay bận rộn. Ít có ai biết “việc nhà không tên” bao gồm đủ thứ chuyện lu bu, lắt nhắt chả ra gì, mà khá bù đầu nầy ha. Tuy vậy, tôi cảm thấy vui vui khi thay đổi không khí về vùng hoang dã. Ở Tùng Nghĩa không quá lạnh như ở Đà Lạt, khí hậu tương đối dễ chịu, ấm áp, ôn hoà hơn. Làm tan nhạt ít nhiều dư vị lạt nhẽo, buồn bã sau ngày Cảnh ra đi.

Khoảng thời gian nầy có Quốc là biên tập viên thường thấp thoáng ra vào, lui tới nhà anh chị Tuế, Quốc bồng bế nô đùa cùng cháu Cường, nên tôi cũng đỡ cực nhọc. Có đều khổ cho tôi là cu tí Cường nầy, ban ngày cháu được “cậu Quốc” dỗ dành, ẵm cháu đi chơi chỗ nầy, chỗ nọ. Nên cháu cũng bớt nhớ mẹ. Cháu quyến luyến “cậu Quốc” hơn là cháu đeo bu bám theo tôi. Cũng phải! Vì tôi ít xuống nhà anh chị Tuế, còn Quốc là người lối xóm “nhất cận thân nhì cận lân” mà. Có cậu Quốc, cháu Cường “khuây khỏa” nguôi ngoa, ít nhớ vú mẹ đôi chút. Nhưng khi về đêm, cháu càng nhớ mẹ, cháu lại thèm khát cái bú ti, nên cháu ưa khóc nhè hoài. Cháu nhất định đòi “cậu Quốc” bế trên tay ru, thì cháu mới chịu ngủ yên đến sáng. Tối tối, khi Quốc làm hết công việc ở sở, anh đi ăn cơm ngoài tiệm xong, anh vẫn mua quà về cho chúng tôi ở nhà. Có ngày anh xách nguyên cào mên phở, hay bún bò giò heo. Mặc dù tôi cảm thấy nhột, lúng túng nên phản đối. Anh nháy mắt với tôi, tủm tỉm cười cười, giọng miền Nam vui tươi, ân cần, đầm ấm, Quốc ngọt như mía lùi:
- Thôi mà, em đừng cười nhạo anh. Đã biết em ưa ăn bún bò, thì… em cứ để đó, lỡ đêm khuya nếu hai dì cháu đói bụng, sẽ có sẵn, em hâm nóng mà ăn. Em à.

Mấy đêm sau, có lần tôi nấu chè, nấu xôi. Anh sang chơi và phụ tôi múc chè ra chén, anh thổi phù phù cho bớt nóng, rồi anh đút cho cháu, và tự nhiên đút cho cả cho tôi ăn. Tôi bắt chước anh làm y chang như vậy. Có lần tôi tinh nghịch giơ muỗng chè đậu ván lên tới gần miệng anh, Quốc nháy mắt nheo mày cười hả miệng ra, thì tôi liền đút cho cháu Cường ăn; khiến anh chưng hửng. Cả ba người cùng rúc rích cười, tiếng cười hồn nhiên vui vẻ và trong sáng. Thế là bỗng nhiên tôi và Quốc vô tình xích lại gần nhau hơn, một phần nữa do bận rộn khá nhiều vì cháu Cường.
Tôi vui, buồn, tức giận, có vài lần tôi ứa nước mắt vì cháu; lúc ấy đều có sự sẵn sàng tham gia trực tiếp của Quốc. Qua dây ràng buộc thật tình cờ hồn nhiên mà mật thiết ấy, tình cảm hai người âm thầm nở ra trong bí mật. Tôi có cảm tưởng mình đang trôi tuột xuống vực thẳm nóng bỏng, như rơm sắp táp vào lửa. Ý nghĩ của tôi vọng theo cung đàn, rung rinh đu đưa từ mộng mơ nầy, qua mơ mộng khác. Tôi thấy bao chua cay kiếp người được phơi bày theo làn khói thuốc của Quốc đang uốn lượn lên trần nhà. Bên ly cà phê sánh đen của Quốc pha chế mỗi đêm anh thức trắng ru hời cháu nhỏ. Tôi có cảm tưởng như tim tôi bốc cháy theo khói thuốc, theo hơi nóng của ly cà phê đắng đen như cuộc đời mình… từ từ trôi vào bờ môi vụng dại kia.

Mỗi đêm khi anh trở về bên phòng, hình như Quốc không ngủ được, băn khoăn trăn trở hay sao, tôi thấy qua vách ván từ khe hở, đèn néon bên nhà trọ của phòng Quốc chong thật khuya lắc khuya lơ. Đôi khi tôi suy nghĩ:
- "Tại sao ở bên Cảnh, tôi không có những suy tư, đằn vặt, buồn rầu hay xao xuyến, bồn chồn giống như khi Quốc vừa đi vắng"!?
Tôi hồi hộp trông ngóng mong chàng mau trở về gần bên hai dì cháu? Hay là tôi… tôi đơn thuần “mong ngóng” anh, khi có Quốc là tôi rất mừng, vì anh sẽ dỗ dành được cháu Cường nín khóc, cháu không làm tôi quá mệt nhọc? Ôi! Hay là… hay là... tôi đã lãng du về miền hạnh phúc thắng cảnh đào nguyên tưởng tượng mất rồi!? Tư tưởng tôi luôn hư cấu, ưa vẽ ra dáng dấp “ai” phai mờ từ vùng thảo nguyên xa xôi nào đó. Tôi vẫn mong chờ “ai” bên gốc thông già thế hở? Nay trong mênh mông chiều sương giá rét, tôi quay về giữa mối thất vọng lớn lao -Cuộc tình giữa tôi và Cảnh- Chưa hẳn mình tìm đến nhau chia sẻ ngọt bùi ấm êm hạnh phúc nguyệt cầm. “Mình” có những phật ý, lấn cấn kỳ lạ, mà "ta" không thể thấu hiểu. Sung sướng thay khi bằng tư tưởng, tôi có thể dĩ tưởng về cảnh vàng son một thuở, cho tôi nhìn thấy trước bức tranh hạnh phúc sẽ phát thảo riêng mình trong tương lai nhỉ!
* * *
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368659664.jpg
Một buổi trưa giữa mùa Thu, nằm bên cạnh dỗ cháu Cường ngủ say rồi, tôi đọc sách. Tôi rất ít khi ngủ trưa, nếu khi nào ngủ trưa là tôi ưa bị nhức đầu chi lạ. Nhưng có lẽ hôm nay do cháu Cường "quậy" tưng trời, vì quá mệt nên tôi đã thiếp đi tự lúc nào.
Quốc ngồi ghé trên mép giường nệm, nhẹ đến nỗi tôi không hề hay biết. Tôi vẫn ngủ say như chết. Có lẽ Quốc ngồi lặng lẽ ngắm nhìn dì cháu chúng tôi ngủ lâu lắm hay sao, không rõ. Bỗng dưng giật mình choàng thức dậy, tôi mở mắt ra nhìn quanh. Hốt hoảng tôi định la lên, nhưng khi thấy bóng Quốc mập mờ trong tranh tối tranh sáng, tôi vừa mừng vừa sợ! Thấy tôi mở mắt ra, Quốc liền cúi xuống ôm siết tôi vào lòng, anh trìu mến thì thầm rất khẽ:
- Anh Quốc đây mà em…

Liền đó anh cúi xuống đắm đuối hôn vào đôi tôi mím chặt. Tôi sống qua giây phút tình cảm đột ngột, quả thật bất ngờ, bàng hoàng không thể ngờ đó, rồi vụt teo tóp héo hon rõ nhanh. Giống công tước Clarence nước Anh (vì mưu sát vua Edouartw thất bại, ông ta xin tự sát bằng cách nhảy vô trong thùng rượu nho mà trầm mình). Nếu ngày xưa tôi ngạc nhiên, phẫn uất vì tình yêu đầu đời đã hoàn toàn hủy diệt giấc mơ hạnh phúc cuả tôi nhanh chóng đến thế. Thì giờ đây, tôi khá kinh ngạc khi Quốc tự nhiên và liều lĩnh quá độ ấy (tôi không muốn nói là Quốc sỗ sàng, kém tế nhị). Khiến tôi bị tổn thương và hoàn toàn phật ý. Ôi dào! Chắc Quốc tưởng hể tôi gần gũi chuyện trò thân thiết, là có thể dễ dàng đưa đến tình yêu sao? Rất có thể Quốc nghĩ: “chúng ta” đút chè cho nhau ăn, là có trao nhau mau chóng tình yêu sao? Anh không biết là tính tôi ưa tinh nghịch, hay đùa dai. Nhưng thật ra tôi rất khó tính khó nết đấy!

Tôi nghĩ: “Nếu Quốc tinh tế nhã nhặn hơn một chút, nghĩa là anh không quá hấp tấp vội vàng hôn tôi đường đột. Có lẽ anh sẽ dần dà chiếm trọn tình cảm của tôi, và có thể khi đã yêu, thì tôi tha thiết say đắm nhiều”. Nhưng… Tuyệt nhiên tôi không thích chuyện anh “sỗ sàng & hấp tấp kém tế nhị” đó chút nào. Quốc chỉ hôn tôi một lần duy nhất. Vùng bật ngồi dậy rõ nhanh, tôi xô mạnh Quốc ra. Nhìn thái độ dứt khoát, cử chỉ ngắn gọn và mặt tôi đanh lại, thộn ra. Anh biết là tôi không bằng lòng. Quốc ngây người trong giây lát, rồi cúi đầu nhỏ nhẹ nói:
- Anh xin lỗi em.
- Không nên đột ngột thế. Ra ngoài sofa nói chuyện nghiêm trang đi anh.

Bỗng dưng tôi và Quốc đều cảm thấy ngượng. Tôi lúng túng e dè ngồi xuống ghế, hai cùi chỏ chống lên góc bàn, hai tay bưng lấy cằm, tôi nhíu mày (“xù lông nhím”) cúi gầm xuống nhìn sửng lọ hoa. Tôi không biết nên nói gì với anh cho phải phép. Khoảng năm bảy phút cả hai người đều ngượng nghịu im lặng, Quốc băn khoăn tỏ bày:
- Anh… yêu em từ lâu. Anh cảm thấy ngại ngùng, nên chưa dám nói ra. Rồi những ngày gần đây, được dịp tiếp xúc với nhau. Anh nghĩ tình yêu của anh đối với em được đáp lại. Anh hy vọng là em vui lòng chấp nhận.
- . . .
Quốc ngừng giây lát, đăm đăm nhìn tôi, dường như dò xét tình ý của người đối diện:
- Thế nên anh xin lĩnh hội ý kiến của em…
- Về việc gì? Anh!?
- Anh có ý định đưa ba má anh lên đây, đứng ra lo chuyện thưa trình cùng ba má em, xin cưới hỏi em. Vì, tháng Mười Hai nầy, anh sẽ công du qua Singapore, ít là một năm, anh mới trở về Việt Nam.

Tôi kinh ngạc đăm đăm nhìn người đối diện. Đôi mắt Quốc rất đẹp, đa tình và quyến rũ nhiều cô! Đôi mắt ở dưới trán ấy chỉ nhìn thấy sự việc trước mắt anh, nhưng đôi mắt tâm hồn của anh chưa soi rọi những điều bí ẩn thăm thẳm âm ỉ cháy trong lòng tôi, anh không thể chạm vào trái tim nầy. Đó là bước ngoặt khá bất ngờ của câu chuyện tình yêu... khởi điểm từ đâu, và sẽ kết thúc ở đâu!? Một chuyện tình thật chóng vánh, đột ngột kinh khủng. Mà tôi không bao giờ ngờ! Không bao giờ dám bàng hoàng nghĩ tới. Mãi lâu, thấy tôi ngồi im bất động, Quốc mồi điếu thuốc khác:
- Em có yêu Cảnh không?

Úi Trời! Lại một câu hỏi khá bất ngờ khác, khiến tôi kinh ngạc tròn xoe mắt ngẩng phắt lên nhìn Quốc đăm đăm. Chưa bao giờ tôi tự vấn lòng là: “tôi có yêu Cảnh hay không”? Thành thật thẳng thắng mà nói tôi cũng chưa bao giờ mở miệng ra nói với Cảnh: “Em yêu anh” cả. Tôi nhận tình yêu Cảnh trao không băn khoăn do dự, không tính toán so đo hơn thiệt, hay nồng nhiệt vồn vã quá đáng. Tình đó đến với tôi từ từ trong trái tim khắc khoải nhuốm ít ưu phiền, từ nơi phẳng lặng trong tâm tư nầy thường ẩn chứa nhiều đợt sóng ngầm. Tôi là một trong vô số người mang nhiều kỳ vọng, lý tưởng và hoài bão nhất; nhưng không thể điều gì cũng thành công và đạt tới mục đích.
Bị Quốc hỏi bất ngờ, tôi lờ mờ ngẩn ngơ ậm ự, ú a ú ớ… Tôi lúng ta lúng túng ngập ngừng những giải thích mông lung, không bằng cớ, băn khoăn, không phân định, chẳng chính xác đều bất lợi cho cả hai chàng trai phải lòng.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368660004.gif
Đã nhận Cảnh vào đời mình, tức là tôi tha thiết muốn được yên ổn. Bình an nương tựa vào người mà tôi tin tưởng: sẽ chóng vánh đem lại đời mình niềm an thư. Hơn nữa với Cảnh, tôi mong anh là người chồng chững chạc, vững vàng, làm cột trụ gia đình êm ấm. Ít ra, Cảnh đã yêu tôi tha thiết. Đã quyết định cưới tôi làm vợ. Có một lần tôi run lẩy bẩy, mặt mày tôi tái xanh; vì tôi chứng kiến Cảnh đã lấy con dao lam cắt vô ngón tay đeo nhẫn của Cảnh, cho máu nhỏ giọt xuống một cái chum nho nhỏ con con, rồi Cảnh hoà máu với mực đỏ để viết vào trang đầu tiên của quyển bút ký: “Câu chuyện tình yêu D T Cảnh – Thụy Mi”. Đó là lần Cảnh đã ghi lại bài thơ “Nụ Hôn Đầu” vào tập bút ký của Cảnh:
Tình yêu bồng bềnh bay theo chân mây.
Cho đến một hôm dáng chiều hây hây.
Mình đã thân thiết quá đỗi thương yêu
người ấy... yêu thắm thiết mối tình đầu.
Mỉm cười khe khẽ nhìn nhau thật lâu.
Đằm thắm gửi nụ hôn nhẹ trên tóc.
Bàng hoàng say đắm dường như em khóc.
Bởi từ lâu... Vâng! Quả thật lâu rồi.
Chưa có ai in dấu ấn hôn môi.
Đôi môi kia biết có nồng giọt mật?
Hay sẽ nếm lầm mật đắng chia phôi!?
Dẫu sao ta vẫn thưởng thức hôn môi.
Thần tượng tình yêu mình đẹp muôn màu.
Dù kiếp nầy hay hẹn đến kiếp sau.
Trái đắng có trào lên đôi mắt ướt.
Nở xuống bờ môi nhau giọt hôn đầu. (*)

Mỗi lần tôi đọc những trang bút ký có nét chữ nghiêng nghiêng, đều đặn rất đẹp của Cảnh nổi bật trên những tiết hoa tươi tắn kẻ khung trang trọng ấy, tôi vẫn rờn rợn nỗi nghẹn ngào và xúc động mãnh liệt. Như thể tôi vừa lãng du về miền hạnh phúc tuyệt vời muôn trùng xa tít, dường như tôi bị đánh mất những giọt máu từ lồng ngực quắt quay tiếc nhớ. Tưởng như đời mình đính chặt vào ô kẻ khung trân quý ở tên hai người ghép lại, và những giọt máu đỏ
trên lời thơ nồng nhiệt say đắm tin yêu từ trái tim Cảnh rỉ ra.

Lần đầu tiên Cảnh tỏ tình với tôi nhẹ nhàng, từ tốn và tự nhiên, tự nhiên trong cung cách hồn nhiên ở phương diện ngọt ngào duyên dáng khác. Có lẽ nên thơ tuyệt vời hơn nhiều, so với Quốc. Khổ thật, tôi thì tôi... không dám tự khoe là tôi đa tình lãng mạn, hoặc tự hào tôi là người ưa sự thanh cao, nhưng quả thật là tôi chỉ thích chuyện tình vui vẻ, êm đềm, lãng mạn mà nên thơ, (romantic xí), hơn là chuyện trần tục lộ liễu và vô duyên, thì “nom” thấy dị dị kỳ kỳ sao sao ấy.

Sau buổi trưa “hun hít dị hợm” đó. Tuyệt nhiên tôi không thích ngồi lâu một mình với Quốc. Tôi sợ anh lại tỏ ra bất nhã, hay có “sự kiện vồ vập lạ lùng” như hôm trước, khiến tôi sẽ buồn chán và bất mãn cự tuyệt Quốc hơn. Mặc dù thật tình là tôi đã có khoảnh khắc mến thương Quốc thật lòng trong phút giây nào đó, rồi lặng lẽ lìa xa (như tôi đã nói). Tôi mến anh như người thân thiết hằng mong. Tôi cảm thấy tiếc nuối một cái gì chưa toàn vẹn… như quỳnh hoa quá đẹp vẫn âm thầm vụt nở trong khuya muôn trùng, rồi hoa héo tàn ngay khi bình minh ló dạng. Lòng tôi cứ cảm thấy hối hận là mình đã để mất đi một người thân & thương. Tim tôi trống vắng, bâng khuâng, ray rứt, xót xa, băn khoăn, buồn buồn, mất mác, thương tiếc một điều gì đó, thật xa xăm mơ hồ mà quắt quay luyến nhớ vô vàn…

_ * _

Tình Hoài Hương

(*) Thơ Tình Hoài Hương
THH xin mạn phép cám ơn quý vị: nhạc sĩ & nhiếp ảnh gia: đã post nhạc & những tấm hình đầy nhân bản lên internet, cho tôi có thể copy vô bài viết, ngỏ hầu phong phú hoá hình ảnh sống động, và tài đức & nghệ thuật của quý vị.

thien ly
05-16-2013, 04:29 AM
"Tóc Sương Mẹ Đã Bạc Rồi!
Nhân Mother’s Day- con xin trân trọng kính dâng về Mẹ (& cha): Hai đoá hoa hồng trắng"



http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368678155.jpg



Chị Hoài Hương quí mến


Đọc qua hai bài chị viết về mẹ, em rất cảm động với những kỷ niệm chị tả từ suốt thời tuổi nhỏ cho đến lúc mẹ chị nằm xuống. Mỗi dòng cảm nghĩ như mỗi sợi tơ rung lên nỗi cảm xúc trong lòng, khiến cho em phải chảy nước mắt. Lại càng thấy nhớ mẹ em những ngày cơ cực sau tháng 4/75 buồn đau, mẹ đã phải thay cha em nuôi một đàn con tuổi còn đi học. Em không thể nhớ hết là cả lũ tụi em đã làm cho mẹ mình khóc biết bao nhiêu lần vì đủ thứ chuyện...Tình mẫu tử thật cao cả, bao dung. Dù đã có biết bao nhiêu bài hát, bài thơ, phim ảnh ca ngợi, em thấy, hình như vẫn không diễn tả được đến tận cùng tình yêu của người mẹ đối với con. Vì trong nhiều, nhiều, nhiều câu chuyện của những cảnh đời khác nhau, sự hy sinh, lo lắng cho con là vô vàn phải không chị? Đó cũng là lý do mà em chưa bao giờ viết được một bài trọn vẹn cho mẹ mình.
Cám ơn chị đã chia xẻ đến với độc giả nỗi niềm riêng về người mẹ yêu quí của chị.
Kính chúc chị, một người mẹ, một người bà luôn có nhiều sức khỏe, đời sống an lành, và mãi vui bên các con, các cháu.

Quí mến
Thiên Lý

Tinh Hoai Huong
05-19-2013, 10:32 PM
"Tóc Sương Mẹ Đã Bạc Rồi!
Nhân Mother’s Day- con xin trân trọng kính dâng về Mẹ (& cha): Hai đoá hoa hồng trắng"



http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368678155.jpg



Chị Hoài Hương quí mến


Đọc qua hai bài chị viết về mẹ, em rất cảm động với những kỷ niệm chị tả từ suốt thời tuổi nhỏ cho đến lúc mẹ chị nằm xuống. Mỗi dòng cảm nghĩ như mỗi sợi tơ rung lên nỗi cảm xúc trong lòng, khiến cho em phải chảy nước mắt. Lại càng thấy nhớ mẹ em những ngày cơ cực sau tháng 4 buồn đau, mẹ đã phải thay cha em nuôi một đàn con tuổi còn đi học. Em không thể nhớ hết là cả lũ tụi em đã làm cho mẹ mình khóc biết bao nhiêu lần vì đủ thứ chuyện...Tình mẫu tử thật cao cả, bao dung. Dù đã có biết bao nhiêu bài hát, bài thơ, phim ảnh ca ngợi, em thấy, hình như vẫn không diễn tả được đến tận cùng tình yêu của người mẹ đối với con. Vì trong nhiều, nhiều, nhiều câu chuyện của những cảnh đời khác nhau, sự hy sinh, lo lắng cho con là vô vàn phải không chị? Đó cũng là lý do mà em chưa bao giờ viết được một bài trọn vẹn cho mẹ mình.
Cám ơn chị đã chia xẻ đến với độc giả nỗi niềm riêng về người mẹ yêu quí của chị.
Kính chúc chị, một người mẹ, một người bà luôn có nhiều sức khỏe, đời sống an lành, và mãi vui bên các con, các cháu.

Quí mến
Thiên Lý

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1369002527.jpg

Em Thiên Lý thương,
Chị THH chân thành cám ơn em Thiên Lý đã vui lòng ghé vào đọc bài viết rất buồn, đồng thời em ghi lời chia sẻ chân tình và cảm động về ba mẹ của em. Em ơi! Cuộc chia tay vĩnh biệt nào mà không tràn đầy nước mắt & đau đớn vô-vàn.
Nhân đây chị mượn trang chủ HQPD thành thật xin chia sẻ cùng em về nỗi buồn đã mất người yêu dấu:
(Ba mẹ em): Trung-tá NGUYỄN HỮU THÔNG - Văn-Hoá-Vụ Phó Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.
Mến em,
THH

Tinh Hoai Huong
05-30-2013, 09:15 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1369903737.jpg
Tàn Chiến Chinh Lính Ấy Khát Miếng Nước Trong

Tinh Hoai Huong
06-12-2013, 11:46 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1371079018.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1371080243.mp3

Tinh Hoai Huong
06-22-2013, 12:57 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1371860027.jpg

Truyền Nhân Nam-Khoa-Y
Tình Hoài Hương
***


Hai người ăn mặc chỉnh tề, đeo kính mát, mang theo hai mũ bảo hiểm, chuẩn bị chu đáo cho một ngày đi xa… Năm đổ xăng thật đầy bình, vui vẻ chở Mi Mi từ Sài Gòn đi lên Nghiã Trang “Đô Thành”. Cơn triều cường chảy hoài đến khúc quanh cầu Bình triệu, Thủ Đức, vẫn ngập tới nửa bánh xe, mặc dù mưa chiều hôm trước không to lắm, nhưng nước đọng còn dâng cao. Ồ, đó là nơi nhà ga cũ, nơi xưa kia mỗi lần đi qua đây, Năm và Mi bị ngập lụt nước mưa, phải bỏ cả giày dép ra, hai người lội bì bõm dưới nước bùn sình hôi tanh đen ngòm. Hầu đẫy chiếc dream chết máy khó khăn nhọc nhằn vô cùng, hì hục mãi không đẫy xe nỗi. Hai anh em nâng đầu xe lên cao cho nước chảy ra. Sau đó anh đạp hoài đạp mãi, thì xe nổ máy.

Năm chen lấn đoàn xe đông như kiến đang bì bõm trong sình lầy dù nước đọng, họ vẫn chạy nhanh. Nước bắn tung toé lên đầy ngực Mi. Chỗ đó vẫn luôn bị ngập lụt. Năm chạy xe đến gần cầu Gò Dưa mới có đoạn đường tốt. Chạy xe mãi đến gần ngã tư xa lộ Thủ Đức. Anh rẽ vào lối đi tắt, đi lung tung vòng vèo đến nghĩa trang Đô Thành thăm bạn thân nhất đời đã về cõi vĩnh hằng. Gửi xe xong, Mi mua một bó hoa, một bó nhang, hộp quẹt, nến. Hai người đủng đỉnh tới ngôi mộ Tấn, khi mặt trời đang đứng trên đỉnh đầu.

Gia đình Tấn chọn nơi nầy thật đẹp, nghĩa trang rộng khoảng 10 hecta đất gò cao ráo, phóng khoáng. Nơi mà hồi xưa Trung-tướng Mai Hữu Xuân đã mua, rồi nhờ ba của Năm đứng ra chăm chút cai quản. Tấn được vào nằm trong nghĩa trang nầy (nghĩa trang uy linh tương tự như Arlington ở Washington DC), là một vinh dự to lớn, vì Tấn nổi tiếng là một bác sĩ khá giỏi. Trước ngôi mộ xây đá cẩm thạch đen khá cao, rất đẹp, bia mộ Tấn có ghi đầy đủ tiểu sử. Hình Tấn chụp vào độ tuổi trung niên thật phong độ, trẻ trung, vui tươi, hiền hoà. Sau lưng bia mộ lớn là tấm bảng đen bóng, trên đó khắc ghi một bài thơ tiếng Anh, đại ý là:
I burst into tears at my birth.
Whereas one laughed for congratulations!
Now I am brought at an early grave.
One mourns over me crying.
Only me that I smile quietly.
“Lúc tôi mới sinh ra đời.
Tôi khóc thét lên.
Mọi người đều vui cười hoan hỉ.
Nay tôi đã nằm xuống.
Mọi người tiếc thương và than khóc.
Chỉ riêng tôi lặng lẽ mỉm cười”. (THH)
(Chuyển ngữ câu tiếng Anh trên, không phải do nguyên bản của lời ghi từ bia mộ Tấn). Mi Mi cúi đầu lặng lẽ thì thầm gửi anh Tấn lời tống biệt cuối cùng:
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1371860214.jpg
- Thôi anh Tấn ơi! Nếu em có khóc thương tiếc nuối anh. Thì... Bây giờ em đành chấp nhận sự thật của tạo hoá ngàn năm an bài: Sinh. Lão. Bệnh. Tử. Sống. Gặp gỡ. Vĩnh biệt chia tay. Có tựu rồi tan. Có sống rồi chết. Ai ai cũng phải bước qua “cái Ải buồn phiền đau đớn” nầy! Mi thật buồn, và rất qúy trọng anh Tấn. Anh biết không? Nhớ ngày đầu tiên cách đây bốn chục năm, Mi Mi quen anh Tấn, hôm đó là ngày Mi Mi và anh Hoàng Năm Tony chia tay nhau ở trên bến xe Đà Lạt, gần tiệm cà phê Domino.

Dù Mi Mi chỉ gặp và trò chuyện cùng anh Tấn không đầy mười lăm phút, nhưng em thấy anh Tấn thật vui tính, dí dỏm, hiền lành, hóm hỉnh có duyên và dễ thương. Duy có một điều bây giờ em vô cùng nuối tiếc về anh Tấn. Vì, anh Tấn đã làm một chuyện rất tốt đẹp mãi lưu truyền đến nay. Mặc dù anh Tấn chết đi, nhưng anh đã để lại một kho tàng vô giá cho y học (nói chung, và cho cánh đàn ông nói riêng). Nếu em nhìn đúng khía cạnh thuần tuý về nghề nghiệp chuyên môn của anh Tấn. Em sẽ không nghĩ là anh Tấn “khích dục hay gia tăng độ dâm đãng”. Anh Tấn hãy lắng nghe Em, anh Năm, Sơn, đã từng thảo luận nè:
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1371860328.gif

* Đây là một khía cạnh không kém quan trọng của xã hội. Rất ít ai dám đề cập đến. Ai cũng sợ nó. Vì, nó tế nhị, nhạy cảm (nếu không muốn nói là hơi trắng trợn). Vã lại nếu đàn ông mà không “làm tròn bổn phận thiêng liêng cao cả tuyệt vời” trong điạ vị cuả người chồng đối với vợ. Người Nam nhút nhát thú nhận “mình bất lực” ; thì còn gì là “đàn ông tính”! Ở đây không đề cập đến vấn đề “trai gái lố lăng lẵng lơ đĩ thoả”.

* Khoa Y học NIỆU nầy, chính thức công nhận chỉ chừng 15 hoặc 25 năm nay. Gọi đó là Nam Khoa Andrology - được phơi bày ra dưới lăng kính Y Học nghiêm túc, đứng đắn đàng hoàng cần thiết rất khoa học - (chứ không phải dưới lăng kính kích dục, cường dục, hay... dâm đãng điếm đàng vui chơi). Trước kia, chỉ có khoa trị liệu về các bệnh liên quan về Niệu. Còn chuyện kín đáo riêng tư “tế nhị phòng the” giữa tình yêu hai vợ chồng, thì ai ai cũng sợ lộ ra. Họ cứ sợ nói ra thì... người khác sẽ chê mình… “phóng đãng dâm tặc”.
Tony Năm có một phần suy nghĩ trong vấn đề nầy:
- Nhất là một số các bà vợ cho rằng: do chồng mình ưa bay bướm, đàng điếm, ăn chơi, sa đoạ, mà ra nông nổi ấy! Chứ gì!?
Sơn phản đối kịch liệt:

- Tầm bậy nữa rồi. Khoa nầy hiện nay đã chứng minh được sự cần thiết của môn y học. Dân số trên thế giới đa số trên 65% đã rơi vào tuổi khá cao, nếu chưa muốn nói là già. Còn lại 35% là tuổi trẻ. Do đó những vị cao tuổi của NAM và NỮ, đều tối cần thiết là Andrology. Nếu họ muốn có cuộc sống gia đình hạnh phúc lứa đôi trường tồn. Vấn đề bạn Tấn theo môn Nam Khoa, không phải tự ên do Tấn hứng khởi đề xướng ra, (nhất là ở Việt Nam có phong tục tập quán khác biệt hẳn Tây Phương). Mà là do một vị giảng sư đại học Y khoa: Lichsteinberger là tên của vị linh mục khả kính trong dòng Tên, ông ấy là một bác sĩ rất tài ba, xuất chúng trên nhiều lĩnh vực y khoa.

- Em nghĩ anh Tấn chọn ngành Y nam khoa nầy, chỉ vì xu hướng cá nhân. Vì chính anh Tấn đèo bồng một lúc ba bốn bà. Hai bà vợ lớn, bé. Cộng thêm hai bà bồ hờ kia nữa, là gì!
- Không đúng đâu. Trước kia, Tấn chỉ là một bác sĩ đa khoa giỏi. Sự trở về ngành chuyên môn, là do tình cờ mà thôi: Lúc ấy có một bác-sĩ giảng-sư dòng Tên, khi cùng làm việc trong bệnh viện ở Việt Nam, ông ta đã tâm sự với Tấn:
- Anh nên chọn về ngành Y-Nam-khoa. Vì cánh đàn ông các anh rất thiệt thòi. Anh có điều kiện, nên lưu ý về khoa đặc biệt nầy. Tôi hy vọng anh sẽ phát huy y-học Nam-Khoa tốt, để giúp nam giới trong vấn đề tình yêu vợ chồng.

Thế là sau khi về Pháp, vị linh mục đó gửi cho Tấn những tư liệu, tài liệu, sách vở chuyên môn, để Tấn nghiên cứu, nghiền ngẫm, học hỏi thêm. Ông bác sĩ dòng Tên ấy nghiên cứu kỹ về những cặp vợ chồng, về hạnh phúc lứa đôi trong xã hội. Nhưng thực tế là ông ta hoàn toàn không có điều kiện, để phát huy hay thực hành. Vì vậy, ông ta truyền đạt vấn đề nầy lại cho môn sinh giỏi là: Tấn. Tấn làm “truyền nhân” nghiên cứu kỹ càng. Thành thật mà nói: Không biết bao giờ ngành Y học Việt Nam mới có được một bác sĩ khác: được kết nạp vào E.D.A.C.T (Hiệp Hội Suy Nhược Dương Cường Toàn Thế Giới). Vậy thì, em không nên nghĩ đó là chuyện “kích dục” nha.
- Em chưa đồng quan điểm với anh... về việc nầy tí nào cả.

- Tại sao em cứ nhìn “nó” với bản năng tầm thường của một người đàn bà ru rú thu mình trong trôn ốc? Như con ốc len rụt rè nhút nhát? Mà em không chịu vươn mình lên đỉnh cao của y học và nghệ thuật và sự thật!? Anh hỏi em: Tại sao nữ giới đã có phụ-khoa, có sãn-khoa? Trong khi đó người đàn ông không nhiều thì ít, bị “trục trặc” yếu xìu vấn đề ấy, lại không có phép đi khám Nam-khoa? Theo như thống kê gần nhất, đàn ông từ 40 -> 60; 70; 80 tuổi - đa số bị trục trặc đến 65%, 85%. Mà chả có môn y-học nào để chuyên trị! Hở? Không công bằng.

- Có phải anh gián tiếp khuyên em: Hãy cứ nhìn vấn đề Nam-khoa một cách khoa học, chính chắn, lành mạnh. Em sẽ thấy nó bổ ích lành mạnh cho nhân loại. Chứ không phải để cánh đàn ông lợi dụng điều đó mà đi “ăn chơi” trác táng chắc?
- Ư Ứ Ừ. Nó phục vụ cho sự hoà hợp gia đình giữa vợ chồng. Em cứ nghĩ anh như thế, thật oan ơi ông địa! Đó cũng là quan niệm chung chung của một số ít phụ nữ, có chút mặc cảm về chồng mình quá bay bướm.

- À ra thế! Vì lúc đề cập đến chuyện nầy, có không ít đàn bà Việt Nam “kín cổng cao tường -rất khó nói”. Biết thắc mắc cùng ai? Thì anh Tấn đã dày công nghiên cứu y học, và mạnh dạn phổ biến trong Nam-khoa chuyên về Niệu-đạo-học Urologist nè!
- Đúng Mi Mi ạ! Hãy cùng nhau nhìn vào lăng kính Y-Học mà tìm hiểu, nghiên cứu, nghiền ngẫm lại em nhé! Anh chỉ công bằng, và lấy công tâm ra để cùng nhau chia sẻ, tâm tình, tìm hiểu, nói với nhau vấn đề tế nhị. Anh không có ý tranh chấp chuyện nầy với em. Hay bất cứ với ai gì cả. Nhá.
- Dạ vâng! Thưa ông tướng!
- Ông... Tướng gì nào?
- Tướng công E.D.A.C.T (Hiệp Hội Suy Nhược Dương Cường Toàn Thế Giới) đó!
- Vậy, em sẽ là nữ “trợ tá đắc lực của Urologist” nha.

- Hahaha!!! Hổng dám đâu. Thưa Tướng công E.D.A.C.T !!! Nay, đã già lắm, cuộc tình giữa hai người: Thật ra chỉ là những ủi an, sẻ chia trên phone khi vắng xa nhau, thân thiết, nồng nhiệt, vui vẻ, nâng vực nhau những lúc gặp muộn phiền, thất vọng nào đó. Chúng ta nói những chuyện đôi khi ba xàm ba láp, ân cần san sẻ, cũng có chút xí vui vui và hữu ích. Cho đến một ngày nào đó… có một trong hai người vĩnh viễn nằm xuống, đành đoạn rứt áo ra đi... Thế thôi.
***
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1371860471.jpg

Nói rất thật tình thì Mi Mi không hề ưa thích gì bà Hoà, (là bà vợ bé) của bác sĩ Tấn. Vì Mi cho rằng: Bà Hoà giựt chồng người! Mi nghĩ cánh đàn ông các anh ưa bênh vực nhau. Nhất là Sơn, Năm Tony, họ với Tấn đã thân thiết từ hồi còn bé tí, nên họ coi nhau như ruột thịt. Kể cả con nhỏ Sáu (cháu ruột cuả bà Thủy) đang ngồi nói chuyện với Mi Mi về mấy anh ấy và bà Thuý:
- Cháu kêu bà Thúy bằng dì. Cháu mới thấy thấm thía nỗi đau của dượng Tấn. Chỉ vì dì Thúy và dượng Tấn thuở còn non trẻ: đã bồng bột vội vàng làm đám cưới. Họ chưa thật sự thấu hiểu nhau.

Khi về làm vợ chồng rồi, thì họ mới lộ ra cả trăm điều trái ngược, mà không ai có thể ngờ! Nhất là sau nầy khi dượng Tấn đã thành danh trên đường đời. Dượng Tấn càng không thể chấp nhận có một người vợ kém sút từ mọi mặt. Dì không biết ngọt ngào chia sẻ với chồng, không đảm đang. Theo cháu nhận xét thì: dì Thúy vốn là cô gái nông thôn, nên dì Thúy hơi nhà quê, ít học. Vì thế lối ăn nói cuả dì thiếu suy nghĩ, xử trí kém cỏi, không tế nhị, vô duyên, lại có chút trẻ con. Cộng thêm tính ghen là số một, làm mất danh dự chồng không kể xiết, cùng lười biếng và vô trách nhiệm. Ở nhà dì ưỡn ẹo rông rống ngồi chơi xơi nước, dì không làm gì cả. Nhàn cư vi bất thiện mà! Có tật xấu là khi dì Thúy tức giận, thì chuyên môn đi ngồi lê đôi mách nói xấu người nầy, nhún vai chê trách người kia. Dì Thúy chẳng chịu đi chợ búa cơm nước gì, chồng đi làm về luôn đói meo. Thế là dượng bỏ nhà ra đi ăn… “phở” mệt nghỉ. Trước tiên là tốn tiền, sau đó lây lan qua tốn tình! Dì Thúy nói:

- Tội gì chợ búa cơm nước chi cho mệt. Ổng làm tới chức bác sĩ, bác sĩ thiệt à, có nhiều tiền ổng cho gái ăn cũng vậy. Tui cứ kêu người ta bưng cơm tháng, tội gì tui chui vô bếp cho khổ! Ổng đi… coi kià:
Đi đâu? Nay mới về nhà???
Có thấy xó góc chổi chà dựng bên
Tôi hỏi: [“chỉ một mình ên
Sao mà thì thọt góc thềm làm thinh?
Nếu không có tật giật mình
Tại sao cúi mặt má phình tím thâm?
Dại khôn anh cứ thật tâm,
Kể ra… cho cả sơn lâm biết nào.
Thì tui… cha bảo chẳng gào
Ba bà có tức… ra ao nhảy ùm
Cùng nhau kéo cổ lùm lum
Cho anh chết ngộp khóc um mới chừa
Cái tật tành hanh ai ưa
Thấy gái, anh lấy vải thưa bịt liền
Anh mà mở mắt láo liên
Tui thề móc mắt rồi khiêng vô TÙ (*)
Mi ngậm ngùi nghe cô cháu gái cuả bà Thúy kể tiếp:
- Đúng ra, dượng Tấn rất mất mặt với bạn bè khi mang vợ ra ngoài xã hội giao tế. Dì Thúy luôn đốp chát những câu thiệt vô duyên, như gáo nước tạt vô mặt bạn. Sau nầy, khi Tấn gặp bà Hoà thì khác hẳn, Tấn yêu bà Hoà thông minh, tế nhị, khôn ngoan, đảm đang, vui vẻ. Có thể nói Tấn rất hãnh diện vì đã gặp và yêu bà Hoà (là vợ lẽ). Vì thế, thời gian sau dì Thúy cứ buồn xo “ngồi trong bóng tối”.
Mi liếc nhìn Sơn dò hỏi. Anh gật đầu:

- Ưà, Sáu nói nghe thật lạ lùng! Vậy mà thật đó. Bà Thúy có ba đứa con với Tấn, nay con cái khôn lớn, thành đạt cả. Các con Tấn rất yêu mẹ. Tấn đã tạo cho bà Thúy có cái nhà tươm tất, có cửa tiệm để các mẹ con sinh sống. Đặc biệt là Tấn chưa hề ly dị với bà Thúy. Trên pháp lý mọi tài sản đều là của Tấn (trừ khi Tấn làm di chúc để lại). Theo anh nghĩ Tấn không ngờ... Nên, em đừng nghĩ rằng bà Hoà “cướp” hết nha: Chồng, và 2 tài khoản: Một bank tiền Việt Nam. Một bank tiền USD. Bà Hoà chỉ giữ mấy quyển sổ ghi tên Tấn thôi.

Bà Thúy vợ chính thức mới là người thừa kế tài sản, (khi Tấn nằm xuống xuôi tay, ba đứa con cuả bà Thúy rất tốt đã xúm lại thuyết phục mẹ chúng, nên làm giấy ủy quyền (vợ lẽ cuả cha); cho bà Hoà có tiền nuôi hai đứa em nhỏ cùng cha khác mẹ. Bà Thúy rất thân với bà vợ cũ của Năm. Hai bà có những tính giống nhau, nên mỗi lần gặp mặt, là họ xúm lại chửi Năm và Tấn ác liệt. Thật oan uổng và tội nghiệp lắm em! Hãy lấy công tâm mà xét xử công bằng đi.
- Thì anh cũng kinh khủng không vừa gì! Chắc anh muốn nói: Tình yêu chân thật phát xuất từ hai trái tim đồng điệu, thông cảm. Thì sự cần thiết ấy không có tộI, có lỗi. Phải không nà?

- Thôi em! Moi móc làm gì. Chuyện buồn mà! Anh không muốn tranh luận với em điều nầy. Có thể em nghĩ anh không công bằng, thiên lệch, khi anh chỉ đến thăm mẹ con bà Hoà, mà hầu như ít đến thăm mẹ con bà Thúy (vợ chính thức). Nếu em biết sự thật, em sẽ thấy anh có lý. Tấn cũng “đào hoa” ra phết đó em à. Ai có ngờ con người coi như có vẽ chậm chạp, lù đù, hiền lành, ít nói. Thế mà có khối bà, khối cô mê Tấn tít thò lò! Kỳ xưa, anh Tấn bị “hai bà: vợ lớn, vợ bé” đuổi ra khỏi nhà, chỉ vì anh ta có thêm “bà Ba” nữa mới chết! Tấn phải đi lang thang ngoài phố, ăn cơm quán, ngủ hotel suốt một năm. Ấy là vì hồi đó Tấn lại cặp một con bồ xinh xắn luôn xà nẹo khác. “Một vợ nằm giường lèo. Hai vợ nằm chèo queo. Ba vợ ra chuồng heo mà... nằm”. Anh Tấn định thuê nhà để bà đó về ở chung.

- Trời! Thì hồi đó chính Sơn thuê nhà cho Tấn ở đó mà. Cả đến bây giờ, khi anh Tấn chết rồi, lại có cô bác sĩ trẻ măng mê anh Tấn hết sức. Lúc sắp sữa liệm, cô ta chạy ra ngoài ôm mặt khóc nức nở! Cô bác sĩ nầy trẻ tuổi lắm, cô chỉ hơn con của Tấn năm bảy tuổi là cao. Tôi có biết cô ta. Theo tôi nghĩ có lẽ do cô ấy quý trọng tài năng của Tấn, thì đúng hơn. Nghe chị nói, tôi mới té ngữa ra. Ai dè cái bề ngoài Tấn đạo mạo, nghiêm trang. Mà ẩn chứa trong lòng những “sống động tình cảm sôi sục cồn cào” chứ. Có điều làm sao mà anh ta “dàn xếp” tuyệt hữu khi chia tay với bà nầy, hẹn hò chung sống với bà kia yên ổn. Dù họ:
BA BÀ đấu khẩu bên thềm
Nạt nhau đừng có vác mền giữa đêm
Lưng dài cao cẵng lại thèm
Suốt đêm anh lỡ say mèm “Phở, Bia”
Cơm không thể nuốt "ôm bia mộ” buồn!!! (hê hê hê!!!)
Lỡ "khiêng về" BA vợ khùng!!!
Bởi vì: Bà(1) nói lung tung,
Bà(2) trợn mắt. Bà(3) lủng củng trong mùng
BA BÀ chẳng thể thủy chung
Đánh anh chí choé lùng bùng lỗ tai
Chàng bèn than thở vắn dài
Ba bà bỏ tuốt. Một hai vái chừa !!! (*)

Năm còn nhớ có lần đám bạn gặp nhau, Tấn mời tôi đi ăn cơm rồi giành trả tiền. Tấn moi trong ngăn bóp tờ một trăm xếp nhỏ xíu, nhét kỹ một góc kín.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1371860587.jpg
Ai ơi! ngó lại mà xem
Thời nay có một anh thèm cặp ba
Bà hầu quạt đêm Hạ. Bà
úm mền. Bà bóp hông ‘đá’ tứ tung
“Em ơi, khe khẽ anh cưng
Ôi dào đau quá cái lưng sụm rồi!!!”
Bởi do BA BÀ tơi bời
Bị đây, tại đó chẳng rời vén vun
‘Đây’ thì do ‘đấy’ ôm hun
Lim dim tám mắt môi chùn chụt thôi
Chu choa cái ấy em ơi
“Chắc là tui trốn cho rồi”. Về quê!!!
Trốn đâu BÀ cũng moi về
Nợ đời phải trả BÀ thề HƯỞNG DƯƠNG
ÔNG ở góc phố cuối vườn
Trốn đâu BÀ cũng tìm đường tương chao! (*)

- “ÔNG ở góc phố cuối vườn. Trốn đâu BÀ cũng tìm đường tương chao”! Nhưng bây giờ chết đi, anh Tấn chả mang theo được đồng nào. Thậm chí mấy nút áo, nút quần, cũng bị lặt ra để lại trên trần thế. Theo tục lệ Việt Nam, họ nói phải cắt hết mọi thứ để lại, không có đem theo sắt đá nút neo gì hết. Xác mới nhẹ nhàng, dễ siêu thoát. Tuy vậy Tấn chết đi, còn để lại mối ưu phiền cho hai bà vợ, cùng bầy con hai dòng máu một cha khác mẹ, quả thật là rất buồn! Thiệt! Xét cho cùng, Mi vẫn thấy thương bà vợ lớn hơn. Bà lớn tất nhiên không khôn khéo, thất học, không biết cư xử, không biết cách giữ chồng, (như lời cô Sáu và Sơn nói).

Nên bị người khác giựt chồng là phải! Vì bà lớn quá yêu chồng, sợ mất chồng, nên “kè kè giám sát” từng hành vi, cử chỉ chồng. Khiến anh ta nổi giận vì sự ràng buộc khắt khe quá mất tự do, mà... xa! Còn bà nhỏ lanh lẹ, khôn ranh hơn là ngoan, có học, tinh tế là có chủ đích cả! (như lời anh ca tụng). Bà Hoà rất biết là Tấn có vợ con “đình huỳnh”. Nhưng bà ta vẫn có cách ngầm ngầm ma lanh để câu móc chiều chuộng chồng người. Vỗ về an ủi chồng người! Rồi đương nhiên nhào vô giựt chồng người... Anh cho là... là phải nốt!?
- Thôi, dù sao cũng là chuyện nói cho vui, chứ chả còn gì! Giữa hai bên chỉ là khoảng trống mênh mông. Thấy tội cho mấy đứa nhỏ con cuả hao người đàn bà: chúng cũng là anh chị em ruột cùng cha khác mẹ, mà hai bên chưa bao giờ quen biết nhau, từ xưa đến bây giờ, và mãi mãi... Họ đứng trên hai “chiến tuyến” khác hẳn nhau.
***

(*) Thơ Vui Tình Hoài Hương

Tình Hoài Hương

THH xin phép cám ơn quý vị nhiếp ảnh gia: đã post những tấm hình đầy nhân bản lên internet, cho tôi có thể copy vô bài viết, ngỏ hầu phong phú hoá hình ảnh sống động, và tài đức & nghệ thuật của quý vị.

Tinh Hoai Huong
06-25-2013, 11:25 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1372156554.jpg
Chuyện: “Ăn. Ăn… Ăn” !!!
Tình Hoài Hương
***


Thời xa xưa… khi còn nhỏ xíu, tôi được ba mẹ cho đi “ăn học” tử tế, đàng hoàng như ai. Nếu tôi “ăn không nói có” biếng nhác , "ăn không ngồi rồi", tôi liền bị ba mẹ cho "ăn đòn", "ăn bạt tai". Thế là tôi khóc ré lên như con heo bị chọc tiết, lăn ra nhà "ăn vạ". Anh chị có "ăn ngay nói thẳng" la rầy mắng nhiếc, thì em bảo anh chị ỉ làm lớn đã "ăn hiếp" em út.

Nếu tôi có "ăn vóc học hay", là được ba mẹ cưng chìu hết biết. Lớn lên học đòi người ta, tôi bắt đầu "ăn diện" , cái đời tôi ở nhà phá gạo mẹ cha chuyên "ăn hại" , "ăn nói bậy bạ" , “ăn ốc nói mò” , có khi “ăn không nhai nói không nghĩ” , mà lẽo đẽo đi theo sau lưng nàng, liếc mắt đưa tình, tôi cho hai ngón tay vô miệng huýt gió, hoặc xíp xì… xíp xì… tán gái “ăn thề” , thì tôi thuộc vào hạng số dzách!

Lớn thêm chút nữa dù tôi chả học hành là bao, mà tôi nèo nẹo bám váy xin tiền mẹ. Mẹ thương con dấu cha dúi cho tí đỉnh. Thế là tôi hí hửng lo đàn đúm “ăn chơi” , "ăn chặn" , "ăn to xài lớn". Hết sạch tiền chả biết làm gì tôi đi "ăn trộm" , "ăn cắp" , "ăn cướp". Chơi với bạn lại chuyên môn "ăn bòn" , "ăn quỵt", "ăn bẻo" , "ăn hối lộ". Ai nhờ vã cái gì cũng đòi “ăn hoa hồng”. Ân nhân giúp cho không mang ơn thì chớ, đã "ăn cháo đá bát".

Khi tôi có bạn gái “ăn ý”, “ăn nhịp” , “ăn khớp” với nhau, thì trong lòng tôi nẩy sinh ra cái chuyện ấy… luôn rạo rực, nhúc nhích. Tôi chằm chằm tìm cách “ăn thịt”, "ăn non" cô bồ nhí xinh đẹp ra phết. Lúc tỉnh người, hỏi ra, thì “ẻm” còn ở trong tuổi vị thành niên. Ba tôi nghiến răng trèo trẹo:
- “Thôi chết, “cá không ăn muối cá ươn”, hỏng cả đời trai mới nhớn rồi con ạ”!

Dù tôi chỉ là đứa học trò học bè non choẹt, nhưng không dám “ăn mặn khát nước”, đành phải vác trầu cau cùng cha mẹ, họ hàng, thân hữu lò mò đến nhà nàng, ba bên bốn bề xúm nhau “ăn hỏi”. Rồi lật đật lo chuyện “ăn cưới”. Cưới nhau về là a lê hấp xáp lại “ăn nằm”, tự do “ăn dầm nằm dề”.
Ba mẹ tôi rất phiền bực về cái chuyện tôi chỉ là đứa “con nít ranh” cà chớn cà cháo “ăn dưng ngồi rồi” , mà bày đặt “ăn mảnh” dang díu tình cảm lăng nhăng. Thiệt xấu hổ! Tuy thế hai cụ cũng thương con đứt ruột, Con dại cái mang mà! Các cụ chuyển cho chúng tôi một phần tài sản kha khá, dặn con liệu đó lo mà siêng năng cần cù “làm ăn”.

Dịp may đưa tới như cờ gặp gió, như cá gặp nước, như rồng gặp mây, vợ chồng son mở một tiệm tạp hoá, chủ tiệm và khách hàng hai bên “ăn giá” với nhau. Thuận buồm xuôi gió, đúng là có một thời huy hoàng! nên vợ chồng tôi đình huỳnh "ăn trên ngồi trốc", "ăn nên làm ra". Chúng tôi nay có một mụn con kháu khỉnh, cả nhà ta “ăn trắng mặc trơn” luôn luôn “ăn gỏi” , "ăn tôm hùm, ăn thịt quay" cùng sơn hào hải vị . Thiệt là "ăn sung mặc sướng".

À… Vợ sanh con,tôi phải “ăn kiêng”, hoặc đôi khi tôi len lén "ăn vụng phở”. Tôi chả thể nhịn thèm, bèn nói láo vợ đi "ăn cơm khách" mai về! Nhưng thực ra là tôi đi "ăn vụng". Nhiều lần thành "ăn đàng sóng, nói đàng gió". Gọi là trai hào hoa "ăn bánh trả tiền" hậu hỉ cho gái "ăn sương". Chứ mình keo kiệt không chi địa ra, tôi sẽ bị bọn ma cô đầu nậu cho "ăn đấm", "ăn đá", “ăn đòn” , rụng răng phải “ăn cháo” làm sao!? Hoặc có khi “ăn xôi nghe kèn”… ra nhị tì mà “ăn đất” là nguy to!

Hạnh phúc chẳng được bao lâu, thì gia đình tôi "làm ăn thất bại" , chủ và khách đều “ăn chẹt” , “ăn gian” , “ăn bớt” , “ăn chịu” , "ăn thừa nói thiếu" hai bên “tận tình” lừa dối nhau. Cộng thêm cái tội có tiền là sinh tật nầy nọ! Ông “ăn chả bà ăn nem” . Thành ra vỡ nợ!

Bấy giờ vợ đi chợ phải “ăn đong”, cả nhà buồn rầu bắt đầu cúi gầm mặt chả ai thèm nói với ai câu nào mà "ăn mắm mút dòi"; "ăn bờ ở bụi". Chồng “ăn gió nằm sương” , vợ “ăn đường” , con "ăn bám" ông bà nội! Nằm vắt tay lên trán, bắt chân chữ ngũ, nhớ lại thuở xưa khi chúng tôi còn ngồi trên đỉnh vinh sang giàu có, sao mà sung sướng hạnh phúc thế! Chả bù cho bây giờ! Thiệt khổ hết biết vì “cái ăn”.

Vợ con trốn chui trốn nhủi “ăn hại đái nát”, chẳng còn giữ thể diện hai mẹ con nó lò mò đến nhà bạn giàu có, bởi vì bạn ấy “ăn tiêu”, “ăn bận” hoặc “ăn xài” đều có căn bản, đúng mức “ăn chắc mặc bền” . Mỗi bữa cơm bạn tôi chỉ “ăn hương ăn hoa”, Mồng một ngày rằm bạn “ăn chay” một tháng hai ngày. Nhưng bạn ấy thích nhất là “ăn xổi” dưa cải dưa cà, “ăn vã” thức ăn với thịt heo luộc chắm nước mắm ớt.

Phần mẹ con tôi dù “ăn gửi nằm nhờ” mà “ăn như mỏ khoét” , lì lợm cúi đầu “ăn như hạm”, “ăn hớt” cuả người ta hoài. Chúng tôi “ăn ở” nhà người ta “ăn chực nằm chờ” , lỏ hai con mắt nhìn bạn “ăn no vác nặng”. Còn chúng tôi thì “ăn thật làm giả”. Thiệt là chẳng “ăn rơ” tí nào! Bạn thấy chúng tôi “ăn đứt” bạn về việc “ăn tạp” quá sá, chịu không thấu, bạn khúc khích cười, nửa đùa nửa thật bảo:

- Bà chị định ở đây “ăn vạ” , “ăn trả bữa” đấy phỏng!?
- . . .
Rồi bạn bồi thêm một câu:
- Khiếp! Tôi “ăn uống” dường như cũng “ăn phải đũa” bà chị rồi!

Nghĩ cho cùng thì mẹ con tôi trước kia cũng “đài các” như ai, mà bi chừ chả khác nào “ăn mày đòi xôi gấc”, nên không dám “ăn nói” trả treo “ăn miếng trả miếng” đanh đá cho “ăn người”. Nếu mà rơi vào trường hợp khác á hả, thì tôi quyết “ăn thua” đủ! Bất quá thì vô tù, chứ nhằm nhò “ăn nhập” gì cái chuyện ruồi bu. Thời buổi nầy mình như kẻ “ăn mày” chuyên “ăn lông ở lỗ” ở đầu đường xó chợ! Cùi rồi không sợ lở!

Sau một thời gian "ăn năn đã muộn" vì mình với bạn chả phải "ăn đời ở kiếp" với nhau, thôi "ăn khế trả vàng" ; nghiã là ta phải làm việc cho bạn, tận lực vắt óc ra để làm “kế toán”, tức là tôi phải có… kế ... "ăn theo", mà tính toán chi ly thiệt hơn trong việc “ăn ở” sao cho vừa lòng người! Cho có… tí đỉnh… tương chao chắm mút... (lợi thì có lợi. Nhưng… răng không còn)!
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
06-28-2013, 02:58 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1372387391.jpg
Vòng Couronne Mortuaire Cườm Đen Băng Tím

Tinh Hoai Huong
07-05-2013, 01:45 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1372988039.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1369265256.mp3
PHƯƠNG NAM Bờ Môi Ấy…
Tình Hoài Hương
***


Ngày tháng qua đi, năm học mới bắt đầu, đại học đường mở cửa nghinh đón sinh viên. Mọi sinh hoạt trên đại học vẫn vui vẻ. Nam kể lại cho cô nghe nhiều điều thú vị pha mật ngọt tình yêu, giọng nói Nam êm đềm, ấm áp, cởi mở kèm theo nụ hôn ngọt lịm, nụ cười hồn nhiên, hòa nhã, tươi mát đến ngã lòng người.

Nam, Hạnh vào đại học dự lễ bổn mạng cha viện trưởng. Đêm dạ hội thật vui, anh làm Phó Tổng Hội sinh viên và điều khiển chương trình văn nghệ, phụ trách mục ảo thuật, Nam đã “thông đồng” với cô làm một pha ngoạn mục là: “gạt” qúy vị tiến sĩ, thạc sĩ không hà. Nghĩa là Nam nhờ Hạnh bí mật viết sẵn một câu (mà hai người đã rù rì bàn định trước ở tại nhà, rồi khi đến đại sãnh đường, thì để tờ giấy ấy tại chỗ cô ngồi, nơi mà Nam dặn dò trước) để làm trò ảo thuật. (Sau lần đó cha viện trưởng gọi Nam lên văn phòng, cha thắc mắc hỏi:
- Cha sẽ cho con một số tiền thưởng 500 đồng, nếu con cho cha biết bí quyết đó, là làm răn mà con đọc được những ý tưởng của cô nớ, hí?
Nam vui vẻ bật mí cho cha biết, nghe xong ngài cười quá chừng, Nam đã vui vẻ “móc túi tiền” cha viện trưởng thiệt).

Đặc biệt nhất khi anh đơn ca “Twist again, again” độc diễn màn vũ giật gân, hấp dẫn lạ lùng. Nổi hứng, Nam ca luôn ba bản nhạc ngoại quốc, khán thính giả vổ tay bốp bốp, rầm rầm rầm… nồng nhiệt hoan nghênh. Phải thú thật hôm nay Nam là người con trai “nổi nhất đám nhất đình” nầy. Xuống khán đài, anh đến ngồi bên cô vui vẻ trò chuyện mươi phút, sau đó Nam qua ngồi gần ban nhạc của trường. Trong lúc Thiên đánh đàn Hạ Uy Di bản “Tà Áo Xanh” cho Lộc đơn ca. Ngón đàn của Thiên điêu luyện, uyển chuyển, nhẹ nhàng, lâng lâng dìu dặc, đầy rung cảm, cuốn hút người nghe, quyến rũ, êm ái xoáy vào lòng người, chơi vơi bềnh bồng dường như trôi về miền quá khứ xa xăm mơ hồ nào xa lắm... Khiến Quyên-Hà ngồi hàng ghế sau lưng chàng vổ tay hoan hô không ngớt, cô trầm trồ khen ngợi Thiên, giống như Hà đã nhí nhảnh rất đáng yêu, vổ tay tán thưởng Nam lúc nảy vậy. Nhưng Thiên thật kỳ lạ, anh ta không hề thích Hà, chứ đừng nói là muốn bu bám cô, (như nhiều anh khác xôn xao đeo bén gót Hà trong vài phân khoa). Thiên thấy cô nàng sao mà ăn nói vô duyên quá, chả có gì xinh đẹp quyến rũ nỗi mình. Dù Hà là hoa-khôi ở đại học, ăn mặc model hở lưng, hở ngực, chiếc váy mini, chân dài vai mảnh dẻ càng tỏ lộ đường nét uốn lượn trên thân hình thon thon, mà ai ai cũng muốn ngắm nhìn.
Khi Nam đến ngồi gần Hà, Hà cười hỏi:
- Cô gái đó, có phải người yêu của anh không?
- Không phải chỉ là người yêu, mà còn là fiancé của tôi nữa.

Quyên Hà cười cười, quay lại nhìn Hồng Hạnh thật lâu, rất lâu. Bốn mắt họ giao nhau. Đấy là cái nheo mắt mở màn của định mệnh cúi xuống nhìn; đã chuyển hướng cuộc tình đến tương lai. Là cái nhìn từ giòng giông bão của đôi bờ vực ào ạt xô sóng vào những tháng năm sắp tới. Và, cuộc sống, hoài bão, dự kiến tương lai, tình yêu, hạnh phúc riêng ta, đã chạm trán gay gắt kinh khủng với muôn điều bất hạnh, đau khổ tột đỉnh. Mà, cả Hạnh lẫn Nam, Hà… đều gieo trên luống nước mắt vô tình đau thương tột độ, do định mệnh thờ ơ lạnh nhạt đến hững hờ cúi nhìn và ban tặng cho cả ba người.

Trong khi các bạn khác bận rộn trình diễn văn nghệ, Nam nháy mắt với cô lẽn ra ngoài xuống xem phòng ngủ, để biết nơi ăn chốn ngủ của nam sinh viên nội trú. Nam, Hạnh vừa đi vừa trao những nụ hôn rơi rụng trên sườn đồi thông im vắng, rồi dìu nhau xuống lưng đồi mờ tối dưới ánh trăng đêm treo chênh chếch trên đầu. Đúng lúc đó, Hà cùng Vũ Anh (học ở Grand Lycée trước kia) từ trong bóng tối dưới lùm cây bước ra. Hơi bất ngờ, họ khựng lại nhìn theo bóng Nam âu yếm và trìu mến quàng tay qua ôm lưng Hạnh. Hai người lẫn khuất sau chòm cây bên hiên nhà.
Cư xá sinh viên là hai dãy nhà ngói nép mình bên những bụi cây thưa. Ở đây nghiêm cấm người lạ, nhất là phụ nữ không được léng phéng chui vào trong khu nội trú của nam sinh viên, chuyện không cho phép phái nữ lui tới dòm ngó vô ký túc xá cuả nam sinh viên. Nếu có người nào vi phạm nội quy nầy, thì nam sinh đó bị đuổi ra khỏi ký túc xá ngay. Nhưng Nam “lén” dẫn cô xuống xem qua cho biết. Nam ở chung với Ninh. Mỗi người đều “trang trí nội thất” theo thẩm mỹ riêng: Một tủ lớn đựng quần áo ngăn giữa hai giường nệm sạch sẽ, trắng tinh, gối hoa đơn lẽ, kệ sách gần cửa ra vào, là bàn học nho nhỏ. Phòng ngủ nhìn ra dãy đồi thông bên khu Nguyên Tử Lực, cạnh hai chiếc ghế dựa là hai table de nuit. Trên tủ nhỏ có tấm hình bán thân của người yêu đặt trong khung kính. Hạnh đang gởi đến anh sinh viên ánh mắt thiết tha, nụ cười tin yêu, say đắm, trữ tình bình yên và chờ đợi.
Nhìn những ngọn đèn pha giọi sáng từng gốc cây, từng bụi cỏ, tường gạch cao quá đầu người, cô tủm tỉm cười:
- Thế nầy, thì anh hết đi chơi về khuya nhỉ!
- Vậy mà bọn anh đã trèo tường mấy lần rồi, cưng ơi.

Nam cười vui, anh hôn lên mái tóc ngắn ngủn (than ôi! vì mái tóc ngắn tủn ngắn tỉn nầy, "chàng" đã giận "nàng" mất mấy ngày). Hai người trở lại khu giảng đường xem các bạn đóng kịch. Sau buổi lễ, hai anh em chụp lưu niệm vài tấm ảnh. Nam chở Hạnh về trên chiếc xe vespa Italy lúc mười một giờ khuya. Nam ở lại ngủ trong phòng chung với anh Tuế.

Mấy hôm nay Nam bị cảm, ho, Hạnh bắt anh về trường nhớ uống thuốc mỗi ngày, đôi khi cô còn lật lưng Nam ra để cạo gió, lưng anh bị từng sọc đỏ bầm. Không quen cạo gió kiểu nầy, Nam oằn người cứ rên i ỷ, thấy mà thương! Chị Tuế bảo Hạnh nấu cháo thịt nạc, muối tiêu, xổ trứng gà, hành, ngò, rau tía tô, lót dưới lòng tô, múc cháo nóng đổ lên. Đôi lần chị còn bắt Nam xông nồi lá hương nhu, lá sả, các lọai lá trái cây. Nam sợ chị buồn, ngồi vô xông, Nam bị nóng gần lột da, khiến anh kêu trời không thấu. Mấy ngày sau anh hết đau, Nam cười vui:
- Thuốc của bàn tay cô tiên có khác, anh hết đau rồi.
Hai người chở nhau đi Ga ăn phở Quỳnh, sau đó họ mua bánh mì ba tê gà, trái cây, nước ngọt, đi picnic nguyên ngày ở thác Preen. Đến thác, Nam gởi xe, rồi hai anh em giung giăng giung giẻ tay trong tay đi trên đồi, nói đủ chuyện về dự tính tương lai của chúng mình:
- Cưng à, khi anh thành tài, đi làm việc, chúng ta đám cưới xong, em chỉ cần ở nhà chăm sóc gia đình nha. Từ từ em sẽ sanh cho anh một tá con, nếu là con trai đầu lòng, chúng mình sẽ đặt tên con là: Đỗ Trần Hương Hoàng, nếu là gái sẽ là: Đỗ Trần Hoàng Hương.
- Đặt tên thì được rồi, nhưng về chuyện con cái, em chỉ thích hai gái hai trai, là quá nhiều.
- Muốn như vậy cũng được, nhưng em hãy cho anh tự do... thoải mái tị chứ!
- Ơ... Tự do theo nghĩa nào mới được hở?
Nam cười giả lả:
- … Tự do theo kiểu í... là... "Tự Do, Bình Đẳng, Huynh Đệ" (Liberté, Égalité, Fraternité), của người Mỹ về "Đời Sống, Tự Do, Công Lý. Hạnh Phúc". Lòng ái quốc. Tình huynh đệ… và hồi tưởng những người đã hy sinh vì tự do, á em. (Life, Liberty and the Pursuit of Happiness). Ấy dà da...!
- Anh ngộ ghê à nhen.
Ngừng giây lát, Nam vui vẻ nói tiếp:

- Ý anh muốn nói thì… thì giống như bức tượng “Nữ thần Tự Do, mang vương niệm trên đầu có bảy mũi nhọn, là họ có ý tả về sự tự do được tỏa rộng tới bảy lục địa, và bảy đại dương ấy mà. Tượng đó ở hòn đảo Lyberty (New York). Bức tượng Nữ Thần Tự Do cao 152 feet (46 mét) và nặng 225 tấn, tượng đứng trên cái bệ cao 150 feet. Nền của bệ có thể tích 11,680 yard khối (8,916 mét khối). Tay phải Nữ Thần giơ cao bó đuốc, tượng trưng cho nhân cách, uy quyền và sự giải phóng. Tay trái bà cầm quyển Hiến Pháp tuyên bố độc lập của Nước Mỹ ngày 04 tháng 07 năm 1776. Dưới chân tượng đã đúc xiềng xích, gông cùm đều bị đập tan.

- Ồ bài thơ chuyển dịch sang tiếng Việt, mà em rất thích có phải là: bài thơ “The New Colossus” của nữ thi sĩ Emma Lazarus, có những câu sau đây:
“Hãy trao cho ta, những con người mệt nhọc, nghèo khổ.
Đám quầng chúng tả tơi. Khao khát tự do!
Những kẻ đói rách, đã từ chối những vùng bờ biển phì nhiêu khác.
Hãy gửi cho ta, những con người nầy:
Những kẻ vô giá, vừa bị bão tố vùi dập.
Ta giương ngọn đuốc bên cánh cửa vàng son...”

- Đúng phóc rồi em à. Nguyên bản bài thơ “The New Colossus” như thế nầy, Mười nghe nhé:

Not like the brazen giant of Greek fame
With conquering limbs astride from land to land
Here at our sea-washed, sunset gates shall stand
A mighty woman with a torch, whose flame

Is the imprisoned lightning, and her name
Mother of Exiles. From her beacon-hand
Glows world-wide welcome; her mild eyes command
The air-bridged harbor that twin cities frame.

Keep, ancient lands, your storied pomp! cries she
With silent lips. Give me your tired, your poor,
Your huddled masses yearning to breathe free,
The wretched refuse of your teeming shore.

Send these, the homeless, tempest-tossed to me:
I lift my lamp beside the golden door.

- Anh tạm đọc cho em nghe theo lời dịch:
Không giống như tượng đồng danh tiếng của Hy Lạp,
Với những cánh tay chinh phục sải dài từ xứ này sang xứ khác;
Nơi đây tại cửa biển hoàng hôn sóng vỗ
Đứng người đàn bà phi thường với ngọn đuốc, lửa đuốc

Là sấm sét bị cầm tù, và tên nàng
Mẹ của những kẻ tha hương.
Từ bàn tay cầm đèn hiệu đó
Sáng rực lời chào tỏa khắp thế giới;

đôi mắt dịu hiền của nàng trị vì
Hải cảng lộng gió giữa hai thành phố. *
“Cứ giữ lấy những mảnh đất xa xưa,
những cổ tích hoa lệ của các ngươi!”,

nàng kêu gào. Môi mím chặt.
“Trao ta những kẻ mệt mỏi, nghèo đói của các ngươi,
Những đám đông chen chúc của các ngươi
đang mong ước hít thở tự do,

Những rác rưởi khốn cùng trên bờ biển đông đúc của các ngươi.
Trao ta, những người vô gia cư, dập vùi trong bão tố,
Ta sẽ nâng đèn rọi bên cạnh cánh cửa vàng!” (Nguyễn Minh Hiển dịch)

- Anh à, cũng có người dịch lại bài thơ nầy từ nguyên bản tiếng Anh:
Hãy đưa đến cho ta,
Những kẻ kiệt quệ, nghèo khốn
Những đám đông hỗn độn thèm muốn được thở tự do,
Những kẻ vô dụng bần cùng từ những bến bờ chen chúc,
Hãy gởi tới những người cùng cực này cho ta,
Những kẻ không nhà,
Những kẻ bị vùi dập bởi bão tố phong ba,
Ta nâng cao ngọn đèn, ánh đuốc,
Bên cánh cừa đầy cơ hội bằng vàng của miền đất hứa Cờ Hoa. (*)

Hạnh suýt xoa:
- Ôi! Bài thơ quả thật quá tuyệt vời.
- Em cho anh một tá con nghen. Một tá mười sáu à nha. Vừa trai vừa gái...
- Trời đất qủi thần thiên địa ơi!
- Anh thấy còn hơi ít đó em.
- Làm gì mà... quá hơn con heo nái, “in ra” một bầy heo mọi, ủn ỉn ụt ịt chạy lăng quăng vậy anh!?
- Ui, anh yêu thích trẻ con và chó lắm. Đông vui càng tốt. Các con đi đâu, sẽ xếp hàng dọc, thẳng, bước đều, bước... Còn hai ông bà già lụ khụ, thì đi sau rốt!

Hạnh và Nam cười rõ to. Cười ngất. Đó là tiếng hét ân tình, khát khao về ảo tưởng thiên đường không kềm chế nỗi, ước mong niềm hạnh phúc vô biên, bất tận đang dâng tràn. Hạnh phúc đắm say trước mắt bừng tỉnh, ý thức nguồn hứng khởi dâng tràn trên sóng mắt đa tình, trôi vào bờ môi vụng dại.

Bây giờ Nam, Hạnh, nằm bên nhau, ôn lại những kỷ niệm đằm thắm dấu yêu một thuở vàng son ở Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng. Mình như đôi bạn chí thân đã vượt qua tình yêu thuần khiết giữa trai và gái, để tiến tới thứ tình cảm vô cùng trân quí và thiêng liêng, cao khiết, sạch-trong vô vàn. Đó là tình đồng-cảm, trân trọng nhau, tuyệt vời, thứ hạnh phúc ngọt ngào có thật. Vì... Chúng mình đã biết kềm chế cơn tình dại, khát khao đến cháy lòng, biết dập tắt ngọn tình bừng dậy khi thủy triều dâng sóng, biết xô đuổi cơn phong ba bão táp, muốn lôi kéo chúng mình chìm trong mê đắm. Chỉ cần một chao nghiêng, một vỗ cánh, một uốn khúc, là có thể... đạt đến tuyệt đỉnh yêu thương. Ấy thế mà... Anh vẫn là Nam, em còn là Hạnh. Đôi ta tuy hai nhưng là một, dẫu một nhưng là của riêng hai trắng trong nguyên vẹn, khi “trái cấm tuyệt vời” còn xanh chưa tròn độ hái, thì có vội chi mà “ăn vụng”. Bởi thế Nam, Hạnh ung dung chờ đợi ngày vui nhất đời sẽ sẽ sẽ... đến: Đám cưới đầy hạnh phúc, ngày trọn vẹn yêu thương chân tình sẽ đến. Việc yêu thương nhau chân thật, sẽ dẫn đến hôn nhân, không trước thì sau… cũng qua ngỏ nhà. Chúng mình đã đính ước rồi, nào có vội gì đâu!

Ngày hôm sau, là birthday của Hạnh ngày 04 tháng 12. Anh chị Tuế tổ chức sinh nhật cho em gái thật linh đình, (so với những sinh nhật cũ). Hạnh được phép mời Nam, Ninh, Cầu, Vinh, Quang, Hậu, Trí, Mô, Thành, Long, Ân, (họ là bạn của Nam). Bạn gái của cô có Yến, Vân, Hồng, Oanh, Nhi, Viên, Ngọc, Mỹ, cùng gia đình chị Ba, anh Thuyền, các cháu con của chị Tư, (cô không mời chị Tư, vì chị khó tính và rắc rối quá). Buổi tiệc trưa thân mật, vui vẻ thoải mái, hương vị thơm ngon đậm đà, đầy ắp thức ăn tươi được dọn ra trên hai dãy bàn dài trên lầu.

Bạn bè nâng ly chúc tụng những câu bông đùa dí dỏm và hóm hỉnh. Họ hào phóng tặng cô những món quà nho nhỏ dễ thương. Trong đó, Hạnh thích nhất quyển Album màu hồng phấn, ở ngoài bìa là hình ảnh hai cô cậu bé chụm đầu vào nhau nâng quả táo vàng, có chữ HH lên ngực. Quà tặng của Nam có ý nghĩa lắm mà.
Sau buổi ăn, bạn bè ra ngoài phòng khách, ăn bánh Croissant au Beurre hoặc bánh gateaux, uống nước trà, cà phê. Thấy các bạn mơ màng nhìn cà phê nhỏ tong tong từng giọt mọng tròn, đen đen xuống đáy ly sánh đặc, tỏa mờ hơi nóng, tạo thành những nhánh rong rêu, vo tròn từng hạt nước lung linh li ti, tí tách rơi rụng xuống đáy ly. Cà phê thoảng mùi thơm thơm, quyến rũ và lãng mạn thế nào ấy. Các bạn ung dung nhắm mắt, ngả đầu trên thành sofa, giữa khói thuốc vờn bay trong vùng tranh tối tranh sáng, nhấp môi nhâm nhi từng hớp nhỏ, trông lãng mạn quá chừng. Nhạc êm dịu du dương len lõi qua nhánh thời gian, mặc cuộc đời lâng lâng, bay bổng như bong bóng bay, ẩn hiện hay chìm khuất vào chân mây, muốn trôi đi đâu thì trôi. Thì Hạnh đâm ra thèm tự pha cà phê thưởng cho mình một ly. Lần đầu tiên uống cà phê đen, cô nhắm mắt nhăn mặt ngửa cổ uống ực một hơi, hết sạch, y như uống thuốc bắc, khiến các bạn cười ồ. Họ nào biết cô chẳng bao giờ uống cà phê đen, sợ muôn điều đắng cay và đen bạc từ đâu ập đến đời mình, trót lỡ vì sở dĩ cô đã có quá nhiều đắng, đen, như ly cà phê nầy. Họ ca hát vui vẻ thân tình đến tận chiều, mới chia tay.
*

Buổi trưa ngày chủ nhật hồng chẳng phai nắng có tiếng thông reo triền miên. Mây cuộn lại thành từng lọn rủ nhau về vần vũ ven đồi tạo thành đàn cừu trắng lênh đênh trôi. Không khí Đà Lạt ẩm ướt, man mác, mù sương vật vờ bay lên khỏi mặt nước hồ Lãng Ông, hòa lẫn cùng mây e ấp phiêu bồng sa xuống đầu núi. Bỗng nhiên trời trở dạ ưng rưng mưa phùn run rẩy trên lá cành oằn ngọn. Dường như gió hòa theo tiếng thông vi vu, phàn nàn khi tiết trời run run lạnh từ kiếp nầy sang kiếp khác, len lén đê mê lùa về xứ Cao Nguyên Lâm Viên ngàn đời quyến rũ và thơ mộng.

Sau ngày nhập học vài tuần, bất thần Nam hiện ra nơi cánh cửa mở rộng, ánh sáng xế trưa tràn ngập căn phòng ngập lụt niềm vui. Nam ôm cô vào lòng, hôn lên mái đầu lạnh lẽo.
- Em ơi! Có chị Liên đến thăm gia đình nè.
Hai anh em hí hửng nắm tay nhau vui vẻ chạy xuống thang lầu. Chị Liên ngồi nói chuyện với chị Tuế. Chị còn độc thân, chị đẹp nét tự nhiên đã có, lồng thêm vào đó là chị trang điểm cẩn thận, tỉ mỹ, đầy nghệ thuật, áo quần chị mặc thanh lịch, tao nhã, theo cung cách con nhà giàu được cưng chiều. Đặc biệt nhất là mái tóc chị dày rất dài, đen, óng mướt. Chị ăn nói lịch sự, có duyên. Chị nắm tay em, thân mật rủ Hạnh ra vườn hoa, chị vừa nói chuyện vừa ngắt những cánh hoa “Forget me not”, chị nhờ cô cài lên mái tóc đánh rối của chị. Và, chị cài lên mái tóc cụt ngủn của cô (vì mái tóc “quỉ xứ” nầy, Nam đã giận Hạnh mất mấy hôm). Chị cười xinh xinh:
- Theo chị nghĩ: Em xinh đẹp, nết na, ngoan hiền lắm. Không giống như vài cô gái mà Tony quen thân (Tony là Nam í). Họ dạn dĩ, láu lĩnh, quỉ quyệt làm sao đó. Nhất là con nhỏ Thảo, Tony à.

Hạnh ngạc nhiên, liếc mắt nhìn chị Liên, rồi nhìn Nam đăm đăm. Nam tủm tỉm cười tình, nhìn cô đá lông nheo mấy cái.
- Chị quý mến em Hồng Hạnh dễ thương sao đâu á. Cầu chúc hai em hạnh phúc. Gia đình ba má mai mốt lên Đà Lạt, sẽ đến thăm gia đình em. Thôi, chào em, chị về nha. Hôm nay, chị bận đi phù dâu con nhỏ Thảo, em à.

Hạnh bẽn lẽn nói lời chia tay chị trong cổ họng. Nam chở chị về nghỉ ở Hotel Palace. Cô trở vô phòng ngồi trước bàn học, Hạnh chống tay lên cằm nhìn vu vơ ra vườn thông bên hông nhà. Ngồi mãi cũng buồn, cô lại đi nằm một mình trong ngôi biệt thự ở số 2 Pasteur, tay vắt lên trán nhìn những chú kiến nhỏ do dự trong đoàn kiến vội vàng chăm chỉ cuống quýt tha trứng về tổ. Có một chú kiến ngập ngừng do dự bò đi bò lại trên vách tường, rồi bỗng dưng nó đơn độc rẽ về một lối khác, con kiến tách xa đàn, ngẩn ngơ, băn khoăn, bơ vơ và lạc lối. Nhìn chú kiến xa đàn, lòng Hạnh lại dấy lên nỗi băn khoăn về tình yêu và cuộc sống, cô đang nghĩ nhiều về Nam, nghĩ về mình.

Hạnh thay áo quần tươm tất, định xuống nhà Lâm Viên chơi xí, thì cô nghe tiếng xe vespa quen thuộc dừng ngoài cổng. Gặp nhau nơi ngưỡng cửa, Nam ôm cô vào lòng, hôn Hạnh rồi nói:
- Mình đi ăn cơm ở L'eau Vive Hotel Sans - Souci. Em!
- Em nấu cơm rồi. Anh chị Tuế đi ăn đám cưới, không ăn cơm nhà. Thơ đi thăm cô bạn ở Chi Lăng. Mình đi ăn tiệm làm gì? Anh!
- Để ăn mừng em đó.
- Mừng... em?
- Chị Liên "chịu đèn" em quá sá. Mặc dù chị khó tính dàng trời, như bà cụ non. À, như “cô cụ non” chứ. Vì chị ấy chưa có chồng mà. Kén lắm, chị còn ở nhà phá gạo. Chị nói:
- “Hèn gì mà Tony bỏ học Y Khoa Sài Gòn, để lên núi “tu hú”.
- Chị cho anh nhiều tiền, chị nói anh thay chị “khao em”, vì chị bận đi phù dâu, không mời em ăn cơm. Ui, có ai mà móc được túi tiền của “cô cụ non”, ngoại trừ em ha.

Hạnh chỉ biết âu yếm nhìn anh ỏn ẻn cười cười. Cô không có thì giờ đóng vẻ duyên dáng, đài các trước mặt chị Liên, và cả Nam bây giờ nữa. Đối với cô, gặp Nam là điều quý giá, không cần phải trau chuốt, đầu môi chót lưỡi, táng tụng hoa mỹ, không cần thoa son dồi phấn, mới có thể đạt đến tình yêu. Hạnh thật sự tin-yêu Nam, tin vào hạnh phúc hiện hữu, không gợn chút âu lo. Không cầu mong gì hơn, sống tự nhiên như tiếng thác nước Cam Ly dội ầm ầm, đều đều quyện lẫn với tiếng thông reo vi vu từ xa vọng đến, là đủ.

Sau khi chở nhau đi một vòng quanh hồ Xuân Hương, hai anh em vào tiệm ăn. Cơm nước xong, "chàng-nàng" trở về nhà. Điện bất chợt cúp tối om. Hạnh phải mò mẫm xuống dưới bếp tìm cây nến. Vì không thấy đường, nên cô tông vô Nam đang lui cui tra chìa khóa cửa vào ổ. Nam cười cười mở quẹt zippo, đốt nến. Cắm cây nến trên kệ sách, cởi áo veston, cởi giày, rồi Nam “hỏi tội” cô:
- Em tông vào anh, nè bầm cả má anh rồi.

Tưởng thật, Hạnh đi lấy hủ dầu con hổ định xức cho anh, Nam vội ôm cô vào lòng, môi hôn đắm đuối tìm trao, làm rộn ràng những ý nghĩ nấu nung, làm nóng hực những hình đá, những con thú nhồi bông trên kệ sách. Ánh sáng chao đảo lung linh từ ngọn bạch lạp, càng bừng lên ý nghĩ thiết tha: Ước muốn đôi ta thành vợ thành chồng. Thế nhưng, họ chỉ yêu nhau bằng những nụ hôn nóng bỏng, Nam không chinh phục ngọn núi lửa muốn bùng lên từ đáy lòng sâu. Nam nằm bên Hạnh như ngày cũ nơi vòm trời thơ mộng ở đất Thần Kinh. Như ngày tháng trước mới đây, khi Thái-Thạnh mượn xe vespa của Nam để chở Thơ đi chơi thác. Lúc ấy chỉ còn hai người tại Hotel du Lake, họ quấn quít bên nhau chẳng còn manh vải che thân. Ôi! "mém tí nữa" và “xém chút xíu” thôi… Nào ngờ... Phải! Chính lúc mà hiến chương tình yêu muốn gần lên chóp đỉnh, để hòa trong tiếng nói vô ngôn, sẽ rót hạnh phúc tuyệt vời có thật xuống đôi mái đầu trẻ dại, (như chùm hoa tinh tuyền uống những giọt mật ngọt ngào, long lanh ngấn thủy tinh rưng rưng tan biến vào nhau). Thì… bất chợt Thạnh vô tình gõ cửa phòng, Thạnh nhờ Nam lấy dùm cho Thạnh cái bóp tiền mà Thạnh để quên trên bàn. Thế là trong vòng tay hoang dại, Nam và Hạnh như bừng tỉnh cơn say tình ái. Họ đã hoàn trả về nhau những giọt mật ngọt ngào trinh nguyên, xiết đỗi trìu mến, rất ân tình, mà lung linh và mòng mọng giọt tinh tuyền. Trái cấm chưa một lần hao hụt, chẳng xúc phạm xí xi. Ô! Hạnh và Nam không hề mất mác điều gì. Bây giờ hôm nay cũng thế, mặc dù không còn ai vô tình cản trở, ấy thế mà... Nam âu yếm:
- Anh yêu em kinh khủng.
- Em cũng yêu anh, chứa chan.
- Ôi Trời, là chán chưa á hả?
- Vậy, cho em hỏi anh: Chán chưa?
- Chưa chán.

Nam lại ôm hôn Hạnh đắm đuối. Giữa hai người có sự song hành đồng cảm về tình yêu. Chung một mối tình say đắm, nên thơ, hồn nhiên và thanh sạch, không gợn mây mờ từ cát bụi phàm trần. Quả đúng thật như thế một trăm phần trăm. Và, đôi ta rất hãnh diện, trân trọng, cung kính, tin yêu mối tình nầy. Kể ra “trai gái” gần gũi mật thiết, say đắm nhau đến thế, mà Phương Nam và Hồng Hạnh không có “vấn đề ấy ấy”… Kễ cũng lạ! Không phải đâu! Tự bản thân họ biết kềm chế và trân trọng nhau thôi.

Trong lúc anh ôm ấp nằm kề bên Hạnh bình yên, thì đầu óc Nam cuồng quay với những mối tình quá táo bạo khác trước kia. Bằng chứng là chị Liên vừa mới nhắc đến con nhỏ Thảo. Trước đó, nhỏ Thảo tuy mới mười lăm tuổi, (là con nuôi trong nhà Nam, do má anh đỡ đầu). Nó học và nội trú trong trường bà xơ (soeur) gần nhà. Nên cứ mỗi cuối tuần, thì má sai Nam đến trường xin phép “ma soeur” cho nó ra ở lại nhà họ nghỉ ngày cuối tuần, sáng thứ Hai trở vô nội trú. Ở nhà Nam nó ngủ chung phòng với chị Liên. Tuy thỉnh thoảng Nam và nó vẫn hí hửng trò chuyện cười giỡn nắm tay lôi lôi kéo kéo, anh kêu cả bầy em đi xem cine, sau đó đi ăn uống... Thật tình thì anh coi nó như một đứa con nít. Một hôm trong nhà đi vắng, chỉ còn chi Liên, Nam và Thảo. Nam đang nằm đọc sách ở trong phòng riêng trên lầu ba, thì Thảo lọt vô phòng và tiện tay khoá chốt cửa phòng. Thảo liền chạy tới ôm chầm Nam, nó tự động cúi xuống hôn môi chàng tới tấp. Nam quá bất ngờ, hoảng hốt ngồi bật dậy, vội đứng lên, xô nó ra tới cửa, thì con Thảo kéo anh ập lưng vô tường, nó bắt Nam phải lấy nó. Miếng thịt mỡ đã treo trước mõm mèo, cọc đi tìm trâu, thì dại gì trâu không “húc”, tội gì Nam không xực. Tuy nhiên do bất ngờ đột ngột, và sợ người nhà bất thần trở về, anh tìm kế hoãn binh:
- Ở đây không được đâu.
- Thì vô toilet.

Nam bị con nhỏ cưỡng dâm thì đúng hơn. Lúc xong chuyện anh mới biết là: nó bị thằng Hoè phá trinh lâu rồi, hai đứa vụng trộm lấy nhau nhiều lần, hiện giờ nó đang mang thai đã hơn hai tháng. Nam nghe mà sợ rợn người. Nam sợ nó “đỗ vạ cáo gian” cho mình, thì khốn nạn chết điếng một đời trai trẻ.

Ai ngờ, chị Liên ở dưới nhà thấy vắng bóng nó khá lâu, chị biết con nhỏ trắc nết lẵng lơ lắm, chị liền đùng đùng đi lên lầu tìm nó, và chị giận dữ la mắng cả hai đứa. Chị biết rõ con Thảo nầy lăng loàng kinh khủng, bị chị bắt gặp quả tang con nhỏ quằn quại trong tay Nam. Chị Lan chửi nó và Nam tơi bời và méc với ba má, cấm tiệt không cho con Thảo đến nhà. Tuy vậy nó vẫn gọi phone lén lút hẹn hò anh. Ngựa cũ quen đường xưa, Nam không phải là tay vừa, cũng dữ dằn chằn ăn trăn quấn lắm! Đó là một trong mấy con bồ đạn dĩ, táo bạo mà chàng quen biết. Tuyệt nhiên Nam không hề yêu ai, và dấu kín Hạnh chuyện anh đã từng lăng nhăng với mấy ả.

Hôm nay là ngày cưới của nhỏ Thảo. Nó mời Nam và chị Liên đi dự tiệc cưới. Nam hân hạnh vinh dự ngồi với chị Liên ở bàn dành riêng cho cô dâu chú rể. Thảo ngồi ở giữa Nam và chú rể là thằng Hoè (hôm nay đã là chồng thứ thiệt của nó rồi). Cứ lâu lâu con Thảo mặt mày tỉnh bơ, tươi cười mà thò tay xuống dưới gầm bàn, nó đưa bàn tay vô ngắt ngay ở chỗ vắp vế non, sát háng của Nam, nó ngắt Nam những cú đau điếng xác, đau kinh khủng, nhưng Nam không hề dám cục cựa nhúc nhích, rên rĩ. Nam sợ chồng nó vô tình trông thấy, thì có nước độn thổ, (hắn nổi ghen cắt… cái đó của mình, mà liệng trong bồn cầu, thì tàn mớ đời). Nam sợ cả chị Liên tinh ý nhìn thấy từng cử chỉ của nó, sợ hai họ nhà trai gái trong bàn tiệc biết sự trắng trợn táo tợn của con nhỏ, thật Nam rất xấu hổ, nhục nhã trước đám đông. Nên anh phải cố nghiến răng im lặng, nén đau ngồi đơ người, thừ mặt mo ra, mà chịu trận một lúc. Cuối cùng, đau quá là đau không thể nào chịu nỗi mươi cú ngắt nhéo ác ôn côn đồ kinh hồn của Thảo, Nam đứng bật dậy vội vã bỏ dỡ buổi tiệc vừa mới bắt đầu chỉ hơn mươi phút. Nam lặng lẽ âm thầm lủi ra về, cay đắng nghẹn ngào mà không hề dám nói cho cô biết. Hạnh yêu thương của Nam quá thánh thiện, hiền lương, trong sáng, ngây thơ, dễ thương biết bao, có thể khi cô biết hoặc thấy những cục máu bầm đọng ở bên bắp vế và nơi háng của mình, thì cô không bao giờ thông cảm cho “nỗi khổ sở” của cái “thú đau thương tột cùng” ấy đâu.
Ba Má của Nam ở Sài Gòn lên Đà Lạt thăm Nam, đồng thời đưa các cô con gái vào nội trú tại trường Dòng Missionaires de Marie. Nhân tiện má Nam ở lại một vài tuần, lo công việc làm ăn buôn bán thế nào, và lo việc dạm ngỏ Hạnh.

Mấy lần chàng đưa má đến thăm gia đình anh chị Tuế. Một lần sau, anh chị Tuế mời anh chị Lê, anh chị Tư, anh Thuyền đến, cho má của chàng bàn tính công chuyện. Tự dưng cô lo sợ quá chừng. Run rẩy. Hồi hộp. Băn khoăn thế nào ấy. Làm như cô yêu Nam là một trọng tội không bằng, một chuyện không thể xảy ra, một cuộc đời không thể sống chung bên nhau. Tại sao vậy? Ngay các anh, chị, không thể ngờ là má của Nam tuy đã ngoài năm mươi tuổi vẫn sang trọng, môi son má phấn, móng tay móng chân đỏ tươi, áo quần đắt tiền, kim cương hột xoàn đầy cổ, tai, ngực, hai cổ tay… Má anh giàu có đến thế, đúng là có cung cách một đại thương gia.

Bây giờ, cô mới hiểu phần nào tính tình chàng qua cách ăn nết ở, sở thích, sở trường, hoài bão của Nam. Ba má hết sức cưng chiều, yêu thương chàng, đến độ Nam luôn luôn cảm thấy mình mất tự do. Bị gò bó, bị kiểm soát từng ly từng tí. Dù chính anh tự hào về song thân. Không những thế, bạn bè cũng mến trọng Nam đúng nghĩa con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai. Đó là ưu thế của Nam đã đành. Anh sống trong cảnh giàu sang, một phần dựa trên danh tiếng mẹ cha, được nhiều người kính trọng, nể vì. Thành tích gia đình có tiếng tăm trong giới thượng lưu, gia đình bề thế luôn hoạt động xã hội. Nam thật hạnh phúc! Nhưng… Từ khi biết gia đình Nam giàu có, Hạnh lại băn khoăn, thấp thỏm. Như cô đã từng băn khoăn về chuyện Đán là con nhà giàu, có tiếng tăm ở Huế vậy. Theo quan điểm riêng của cô thì:
- Em yêu Nam vì mối tình chân thật, say đắm, phát xuất từ con tim. Vì hai người thấu hiểu, thông cảm, trân trọng nhau, chứ không phải em yêu Nam vì gia tài của ba má anh.

Sự kiện nầy được Hạnh khẳng định từ lâu, có lập trường từ lúc lớn khôn. Khi các cô cậu bạn học cũ đã nói:
- Ráng giữ hắn nhe. Nhà của Nam giàu có lắm.
- Không phải tôi yêu Nam, vì vậy đâu.
- Đừng có xạo.
- Các bạn thấy tình yêu chỉ có bấy nhiêu thôi sao?
- Chứ còn gì nữa.
- Chán thật. Thế bạn không nhớ là tôi đã từ chối Nghi, anh ta cũng là con nhà giàu số một ở Đà Lạt kìa. Thời gian đã trả lời, và có mấy lần do tự ý tôi xa biệt Nam rồi.
- Tao tin rằng mày sẽ bám theo hắn như đĩa đói, chớ dễ gì buông.
- Vậy ư?
*

Qua tháng sau, ba má Nam lại có chuyến hàng chở lên Đà Lạt. Cũng kịp lúc ba cô ở Huế vào thăm các con. Rồi, anh chị Tuế làm cơm đãi ba má chàng. Bữa tiệc kéo dài đến nghẹt thở. Các ba, các má cuủa đôi họ, các anh chị Lê, chị Tư, chị Tuế, anh Thuyền, các cháu. Hạnh thấy mới có vài gia đình, (còn bốn gia đình nữa). Mà phát ớn lạnh, đông chi mà đông lạ, “cái họ nhà vợ”, Nam nhỉ?

Run run sợ sợ bưng mấy tách trà bốc khói lên phòng khách, Hạnh tần ngần ấp úng cúi chào hai bác, các chị em của Nam. Ba má anh ngẩng nhìn cô đăm đăm. Họ ý tứ dò xét, họ kín đáo gật gù to nhỏ với nhau. Nhưng khiến cô lo sợ, lạnh toát cả người. Sau đó, họ quay qua nói chuyện với ba cô về vụ trồng trọt, kinh nghiệm đất vườn, hoa màu và thương buôn. Hai bên phì phà thuốc lá, trà bánh. Thân tình giao hảo tương đắc tương phùng. Chuyện ngắn chuyện dài đến cả chuyện... đôi ta. Nào quà, nào bánh, nào rượu hồng dạm ngỏ đính ước, chờ ngày thành hôn. Ba má anh gọi Nam và Hạnh ra đứng trước mặt hai họ. Và đã nói lời giao hôn như đinh đóng cột:

- Thưa, gia đình tôi ở xa. Được biết Nam yêu thương cháu Hạnh xinh tươi, ngoan, hiền, nết na thùy mị. Chúng tôi vui mừng, rất tán thành. Tuy nhiên, việc hôn nhân, xin hãy để cho Nam học thành tài. Khi Nam công thành danh toại rồi. Là mọi việc sẽ mãn nguyện như ý. Chúng tôi sẽ xin ước mong cưới được vợ hiền cho con. Thương yêu dâu thảo vẹn toàn.

Ba và các anh, chị, đều đồng ý về quan điểm chính yếu trên. Ba Hoài mỉm cười, nói:
- Dạ phải! Muốn thành công trên mọi lĩnh vực, ít ra các con phải có căn bản về cuộc sống. Không cần giàu sang. Nhưng cần có kiến thức, chút tiền hậu thân hậu thổ khi ốm đau, bệnh nạn. Không ai lý tưởng hoá để nói “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” suốt đời không lo âu. Không bối rối. khi cuộc sống réo gọi chạy từng bữa ăn. Hãy như Exupery đã nói: “yêu nhau, không phải suốt ngày ngồi đó nhìn nhau, mà cùng nhìn về một hướng”.
Ba má Nam mừng năm phần, còn Hạnh mừng đến mươi phần. Như thế dù sao đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, khi “nhập đề”. Tuy nhiên, điều cô vẫn lo sợ nhất là các chị Lê, chị Tư, không đồng ý Nam. Họ nói là: “trai Sài Gòn thì phần lớn mấy anh đào hoa, có vợ lớn, vợ bé lôi thôi, con trai thích ăn nhậu, mèo mở lung tung. Em lấy cậu ấy, sợ e sẽ khổ thân”.
- Chao ơi! Định kiến gì mà ác ôn thế. Hở chị?

Trước khi về Sài Gòn, Nam lái xe hơi nhà trông ung dung, phong nhã, lẫm liệt, oai phong ghê. Anh chở ba má, các em gái Hoa, Cúc, Loan, và Hạnh đi du ngoạn danh lam thắng cảnh Đà Lạt một vòng lả lướt. Họ vào tiệm Mê-Kông ăn cơm, nhà hàng nầy là nơi rất thân tình với gia đình Nam. Tha hồ cho các cô bé con của họ nhỏng nhẽo, vòi vĩnh đủ thứ chuyện. Xí-xọn nhất là cô Cúc, nhưng em ấy lanh lẹ, vui vẻ, hòa ái, thân thiết cởi mở với Hạnh ngay, em ấy không e dè người lạ. Cơm trưa xong. Mọi người ghé đến ngôi biệt thự xinh xinh, có khu vườn hoa rực rỡ phía sân sau. Nhà nép mình gần bên dòng suối Cam Ly. Ba má Nam dự định sẽ mua ngôi biệt thự nầy để tặng Nam Hạnh sau ngày cưới.

Ba má Nam đưa các cô bé đi phố, mua sắm những thứ con cần thiết, và đã mua sắm quà bánh, rau quả đủ thứ để mang về Sài Gòn. Lại vào nhà hàng Chic Shangai ăn cơm tối. Có hôm đưa nhau đi ăn ở L’eau Vive Hotel Sans Souci, trước khi các cô em vào nội trú. Nam lái xe chở cô về nhà, sau khi anh đã đưa ba má về Hotel Palace nghỉ ngơi. Hạnh biết dù hôn nhân chưa hẳn là đoạn cuối một cuộc tình. Nhưng chắc chắn hôn nhân là cứu cánh đích thực, làm sợi dây xích muôn đời ràng buộc trai gái với nhau. Là khát vọng yêu thương sống chung: hợp tình, hợp pháp, hợp lý sau những mặn nồng đắm đuối nhớ thương khôn nguôi. Hai người quyết tâm cùng nắm tay nhau đi đến đích tin yêu. Yên tâm và đợi chờ ngày vui nhất.
*
Tình Hoài Hương
(*) Thơ sưu tầm lượm lặt

Tinh Hoai Huong
07-10-2013, 11:21 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1373494319.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1373494793.mp3
Những Ngọn Nến Lắt Lẽo Trong Đời


Một buổi sáng cuối mùa xuân dìu dịu, tiết trời êm ả dưới làn nước lấp lánh ngàn tia nắng mặt trời khá ấm áp. Chung quanh núi non hùng vĩ, con thác nho nhỏ len lỏi trên khe núi cao, chạy dài xuống triền dốc tắm nắng xa xa. Lũy tre làng bao bọc vườn quê có những sợi khói lẻ loi uốn lượn trên mấy nóc nhà tranh còn ướt đẫm sương mù. Lác đác giữa cánh đồng khô mấy mục đồng lững thững trên lưng trâu. Bầy cò trắng bay lên đáp xuống bên bờ đê.

Gà gáy te te sau bụi chuối, vườn môn. Chó gâu gâu sủa bâng quơ từng tiếng rời rạc. Thôn xóm tiêu điều vắng lặng và buồn tênh. Ngày thật sự rạng rồi, tách bóng đêm kinh hoảng u tối đối lập với nền trời sáng chói nắng, thắm hồng trên đầu cây ngọn cỏ, khắp nơi nơi. Tiếng máy phát thanh ủy lạo đồng bào cùng chiến sĩ được chị em trong Đoàn 5 cất lên từng hồi, giao hòa theo đôi cánh bình minh run rẩy, vang vọng lên tận đỉnh đèo, ngân nga đến ngàn non.

Trong buổi họp, sau khi anh Vị đọc bản tin tức xong, thì anh Cương ra lệnh: mỗi người phải làm ít nhất vài bài văn, thơ, truyện ngắn, tùy bút, vui cười, quan điểm, nhận định, vân vân... Anh trưởng phòng Phước duyệt xong, sẽ in thành tuần báo, nguyệt san, phát cho anh em chiến sĩ, gửi đồng bào, tự phát thanh trên haut parler, để ủy lạo tinh thần anh em; hậu phương tỏ lòng biết ơn chiến sĩ tiền tuyến đang xông pha ngoài trận điạ. Nhất là an ủi chia sẻ khổ nạn cùng đồng bào.

Ôi! Một con bé chết nhát còn thò lò mũi xanh, tóc thề thuở xưa mướt mát nay tả tơi héo úa vàng phai bụi nắng nên tóc rụng gần hết!!! Tuổi con bé chớm lớn nhưng tinh thần sa sút trầm trọng, giống cột thủy ngân tuột đáy chôn dưới tuyết. Một con bé run hơn cầy sấy giữa binh đao rổn rảng, điếc ù tai, nhức nhối, thốn tim, trí óc luôn dày vò. Con bé thường bị Trúc quệt hai tay vô má lêu lêu mắc cỡ, vì kém sút hẳn đàn anh, đàn chị đầy dũng lược can trường (họ quyết liệt chiến đấu, rất tài hoa ở chiến địa đại loạn). Con bé tép riu nầy xớ rớ xin làm tà lọt bưng bô còn thút thít, run run quệt nước mắt vô hai ống tay áo hít mũi hic hic hic..., con bé thua sút hẳn họ về mọi phương diện. Mà, trưởng phòng bắt phải cầm cây bút viết kịch đời thiên bẩm, nặng hơn ngàn cân, để: ủy lạo, yểm trợ chiến sĩ! Thật là trò hề quá tháu cáy, lạnh buốt xương sống! Múa rìu qua mắt thợ. Quả là lố lăng lố bịch! Quê không chịu thấu. Hoài nghĩ:

- Mình chuyên về “báo”: báo danh, báo an, báo hại, báo cô, báo đời, báo oán, báo gia, báo mộng, báo tịch, báo ứng, báo tử... & Chuyên “trị” về “làm”: Làm chứng, làm thinh, làm biếng, làm tàng, làm bộ, làm tịch, làm nũng, làm le, làm dóc, làm lơ, làm liều, làm lậu, làm loạn, làm reo, làm cao, làm cỏ, làm duyên, làm giá, làm loạn, làm tới… Chớ biết chi hơn mà “làm báo"! Hoài bắt đầu viết nhật ký từ năm 1957, 1958. Kể từ nay, Hoài sẽ cố gắng viết rất trung thực tất cả câu chuyện có thật, không thêm bớt, ghi lại rõ ràng với lòng gắng bó keo sơn từng chi tiết hiện hữu. Ghi về sự góp mặt từng người, từng nhân vật mình quen, biết, lẫn không quen hầu đưa vào đời sống. Không văn chương bóng bẩy thêm thắt hoa hoè, để trân trọng nâng niu giữ gìn làm báu vật, lưu kỷ niệm duy nhất đời mình. Dù Hoài thật bối rối, lo âu khi anh Phước bảo viết bài. Hoài đã đặt nhiều câu hỏi với các anh chị trong mấy buổi họp, và đăng trong các tuần báo rõ như sau:

1.- Về việc hư cấu trong từng câu chuyện, thì xin thú thật là em chịu thua, không có khả năng đó. -Chuyện đời Lính- có sống mới biết cuộc đời lính chiến gian truân vất vả cay đắng nhọc nhằn khổ cực ra sao. Không sống không biết, thì làm sao em dám hư cấu hì?

2.- Có thể vì thế đa số bạn trong Phòng 5 ưa viết truyện tình, làm thơ tình. Chuyện tình dễ dàng tả ân tả oán, muốn cho nhân vật đó sống, thì sống, mà không thích thì cho nó "ngũm", (hư cấu là thế đấy phải không anh?) ít "đụng chạm" tới ai, dù ai đó khó tính nhất, cũng có chút bao dung và thứ tha. Phải không thưa anh Phước! Theo thiển ý của em, thì có sao nói vậy, (người ơi!). Mình không biết cách hư cấu thiệt. Nên, những chuyện Hoài viết trong chiến tranh hừng hực bốc lửa: ít nhiều gì cũng bị coi là... “khuynh tả” với người nầy; “khuynh hữu” với người kia.

3.- Em muốn ghi lại sự kiện lịch sử chính xác. Bởi những điều đó không thể một mình ên tự ý ta thêm bớt, hay thêu dệt, hư cấu. Ta không thể tạo dựng nên dữ kiện, mà chỉ ghi lại đúng đắn những sự kiện mắt thấy tai nghe, trong một chu vi hạn hẹp. Thế thôi. Cũng như tự mình không bao giờ có thể làm nên lịch sử. Vâng! Chỉ tường tận nắm rõ năm bảy khía cạnh của vấn đề, ghi lại diễn tiến nào đó từng câu chuyện 90% là có thật. Em cũng biết, làm như thế thì dễ mất lòng, dễ xa nhau, dễ chửi nhau, dễ thù nhau. Nếu như chuyện thật sờ sờ ra đó, mà viết bố lếu bố láo, thì coi như bôi lọ nhau rồi, còn gì văn chương trung chỉnh chữ với nghĩa ha. Em chỉ viết lại sự thực. Thấy thì viết là thấy. Nghe thì nói là nghe. Biết sao viết vậy.

4.- Hoài tài hèn sức mọn, không bao giờ dám mơ mình là văn sĩ, thi sĩ cả. Càng không dám tự hào cầm cây bút chiến viết văn nghị luận - Vì; Rất cảm kích và chân thành cảm ơn anh chị em, qúy độc giả, bạn hữu, đã ưu ái nâng đỡ khích lệ em nên viết văn. - Dạ xin vâng! Hoài sẽ hết sức cố gắng ngỏ hầu: “Tôi ước mong được học hỏi cùng quý vi, hầu: Trau dồi tư tưởng. Mở rộng kiến thức. Nâng cao tâm hồn. Trao nhau niềm thành tín cậy trông và biết ơn”. Nếu có sai sót, kính mong quý vị niệm tình dung thứ và chỉ giáo thêm. Hoài biết ơn. Bởi vì trong vấn đề đi làm việc, hoặc viết lách nầy, thật sự em rất đơn độc (hoàn toàn không được sự hưởng ứng của gia đình thân nhân, dù chỉ lĩnh hội ý kiến 10%).

5.- Hoài xin nhấn mạnh: {Khi tôi sao chép lại một tài liệu, hoặc in một mẫu tin lên báo chí, thì người làm công việc đó chỉ muốn chia xẻ, hoặc giới thiệu với độc giả những gì mình thu thập được từ nơi nầy, nơi khác, mà mình cảm thấy cần thông báo cho bằng hữu, tùy nghi theo từng nhận định cảm quan cá nhân. “Bạn hay tôi” không phải là người tạo ra những mẫu tin thời sự nóng bỏng (nhất là về lịch sử hoặc chính trị đó. Do vậy “họ” không có trách nhiệm về việc đúng hoặc sai nội dung tin tức, mà họ đã copy hoặc in lên diễn đàn). Thế nên nếu có vị nào thắc mắc, muốn tìm hiểu thêm, xin đi ngược về nguồn: để trao đổỉ với người có đầy đủ tài liệu về bản gốc, có tư cách, thẩm định, và trách nhiệm; chắc chắn bạn sẽ được giải đáp thoả đáng}.

Sau nhiều lần đoàn tâm lý chiến phát thanh và rải truyền đơn, dán bích chương, ủy lạo chiến sĩ Cộng Hòa Việt Nam; qua những bài ca mang đầy hương sắc ân tình hoài nhớ. Pha trộn nhạc vui buồn trong lúc phát thanh đã tác động mạnh mẽ, gợi lên nỗi buồn bẩm sinh trong lòng người lính cơ cực thời chinh chiến. Hoài lại đắm mình trong cô đơn. Vì sao? Có phải vì con thác nhỏ len lỏi trên khe núi cao nầy dội lại lòng mình tiếng thác nước chảy muôn trùng, bên đồi thông xưa năm nào, xa cũ lắm?

Bao mẹ già dày dạn nắng mưa khuya chiều. Mẹ quê có nhiều kinh nghiệm chiến tranh xảy ra liên miên trong cuộc đời vũ bão. Họ chán ngán lắc đầu, tắc lưỡi ái ngại thương thương mấy cô lính mới tò te non đời lí lí lắc lắc nho nhỏ xinh xinh, đẹp đẹp. Những bà mẹ quê bàng hoàng nhìn cô gái nhí nhảnh mà lòng già đầy kinh hãi: như vừa thấy kẻ lạ từ hành tinh quái gở nào rơi xuống trần gian. Nơi khỉ ho cò gáy hầu như chưa xuất hiện lính nữ non đời lon ton xách giỏ đi chợ, có đôi lúc các con nhỏ hồn nhiên vui tươi tung tăng bên nhau sao?! Ồ! Làm con gái... cái gì cũng bị cấm.

Má nói: Con ăn nói phải từ tốn, dịu dàng, nhỏ nhẹ. Đi đứng phải đoan trang, uyển chuyển, nết na, thùy mị. Không leo trèo trên cây. Không chạy nhảy như ngưạ. Không ăn to nói lớn như hổ gầm voi rống. Không cười ha hả! Không xù mặt ra như con nhím xù lông. Ngủ không nằm ngửa tênh hênh, dù trời nóng hầm hập, mồ hôi rịn ra dưới lưng, cũng cấm. Không xoạt hai chân vô tư lự, không giăng hai tay ra giữa bộ ván mà gãi sồn sột. Con gái, không được nằm trơ trẽn tô hô ra vậy! Con không nằm cong queo như con tôm hùm. Chân không co lên tới ngực. Không nằm sấp tay ôm lấy đầu. Con chỉ nằm nghiêng, hai chân duỗi thẳng, khi mỏi mệt thì trở bên nầy, qua bên kia nhẹ nhàng thôi, không gây tiếng động ồn ào. Nghe!
- Con gái mà đi lính làm chi!

Nhất là “đại kỵ” chuyện đi lính, như các cụ già vừa nói. Họ e ngại cười cười, hiền hậu ỏn ẻn móm mém hàm niếu ngậm trầu đỏ au. Dường như họ bị lỡ lời, sợ vô tình đay nghiến làm chột dạ dày vò đau lòng bọn trẻ nhỏ ưa đùa dai với khói lửa chiến tranh uà về. Ờ! Thời xưa "liền bà con cấy" thuở xa xăm chỉ ở trong phòng the trướng rũ, cửa kín song cài. Chứ có mô mà "xông pha bụi trần" rứa... Con gái thời buổi loạn ly chừ... chi mà lạ!? Ố ồ! Làm con gái không đi lính được sao!? Thế ra các cụ bà quên tiệt đất nước mình có hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị lẫm liệt. Bà Triệu oai dũng khi: “giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh” rồi he!?
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1373495138.jpg

Các cô rủ nhau vào chợ mua cái nầy, cái nọ. Các cụ vội vội vàng vàng gói ít xôi đậu, xôi bắp, họ đùm trong tàu lá khô. Có cụ gói cho bọn “nữ tì thời chinh chiến” nải chuối, bọc kẹo. Có cụ cho củ khoai lang nóng đùm trong tàu mo cau cứng. Họ dúi vào tay con bé Hoài nhỏ xí nhất đàn. Các cụ già đời mỗi người một câu, ngập ngừng nhắn nhủ:
- “Dầu ai ỷ thế cậy tài. Con giữ lòng thục nữ, dùi mài trong gương”.
- Ăn đi con!
- Ăn kẽo đói.
- À không... mời con.
- À, à... ăn cho vui.
- Gái thì trinh trĩnh lòng son. Sớm hôm gìn giữ, kẽo còn chút sai.

Bất ngờ và sửng sốt, Hoài cảm động, ngơ ngác, e dè giơ hai bàn tay run run ra cầm những gói quà trĩu nặng tình nghiã. Con bé ấp úng cúi mặt nói câu cám ơn lí nhí trong họng. Khóe mắt bờ mi nàng mòng mọng, nằng nặng, rưng rưng... Hoài dìm bộ óc xuống cơn mê, biết chìm đắm trong nỗi dày vò, phiền muộn có thật, có nhiều dao đâm qua tim. Khi tự mình tìm cây đuốc trời thắp sáng ngọn nến riêng tư, những ngọn nến trong cuộc đời tự tay ta thắp lên, và cuộc sống vẫn là sự chấp nhận: Cho ta niềm an ủi, cố gắng vui vẻ, tăng hy vọng; dẫu quá lung linh và tê tái.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1373495548.jpg
***

Có thể nào ngờ không? Năm 1960, cô Ty ở Ba Tơ (là con của ông bà Tú, mà lần trước, khi ngồi phệt dưới áo quan của cô gái xấu số, Hoài tưởng ông Tú là ông ngoại của cô Ty. Vì so ra ông Tú già khú đế, già khọm quá chừng. Chớ có ai ngờ người đàn ông ngồi trên bàn thờ kia là con trai của ông bà Tú!!). Bà Tú chữ nghĩa không giỏi không rành, bà quên dấu chấm ở trước, quên dấu phết phía sau, nói nào ngay bi chừ cũng già rùi, nên bà Tú có phần nghễnh ngãng xí, ngày ấy bà nhớ thương chồng ở phương xa, chờ khi rãnh rang, bà đã lò mò khêu to ngọn tim đèn dầu hột vịt tù mù, để viết vội lá thư gửi thăm chồng, bà kể lể chuyện con cà con kê nhớ thương chồng vô hạn, trong đó bà có viết câu:
Ai về cho gởi bức thư.
Hỏi người bạn cũ bây giờ nơi nao?
Non kia ai đắp mà cao.
Sông kia biển nọ ai đào mà sâu!

* Có thương thì thương cho chắc.
Có bỏ thì bỏ cho luôn.
Đừng theo cái thói ghe buôn
Khi vui thì ở khi buồn lại đi. (cd)

… Tui nhớ ôn. Đôi ta là nghĩa “tạo phản” mà. (Nghiã “tào khang" mà bà ấy viết là “tạo phản”) Xuống khe bắt ốc, lên ngàn hái rau. Ôn ui ôn đi nhớ mau mau về À, ôn ui ai cũng hỏi tới ôn nay, râu tóc mọc tới đâu rùi ôn, nhớ kỳ cọ tắm rửa thường nghe, đừng để chí rận nó bu bám vô chỗ nớ... Nhớ chưa? Cho ‘boà’ vợ chú Teo gửi lời ‘thèm’ muốn ôn sống mãi trong quần chúng tui và sắp nhỏ, chờ ông vêề… tui mừng rơn hú hí xí húm nghen he. Tui gởi lời thèm hỏi anh em tất cả mạnh giỏi. .

Ông chồng hoan hỉ bóc thư ra xem, các anh em cô bác cũng ghé tới coi, họ chuyền tay nhau đọc, và thích chí, nức nở khen bà ấy có khiếu gợi cảm viết văn hoa bóng bẩy! Có ý tình thủy chung sau trước ân cần với mọi người. Hay lắm.. Ông Tú cười vang rất tự hào vinh dự khi ông có diễm phúc cưới được “bà vợ đậm đà tình quê” ấy:
Có phúc lấy được vợ già.
Sạch cửa sạch nhà lại ngọt cơm canh.
Vô phúc lấy phải trẻ ranh.
Nó ăn nó bỏ tan tành nó đi. (cd)

Bà vợ ông Tú ngọng nghịu lại ưa nói, mà nói lặp bặp, lắp bắp dài dài. Sau ngày chồng bị trọng thương, kế đến con gái đầu lòng chết ở ngoài bờ tre dại nứa khi gia đình bà lâm vào đại nạn: từ một gia đình giàu sang bậc nhì ba trong xã ấp, họ đã tụt xuống đáy xã hội, thì bà càng nói lái nói lịu kinh khủng hơn là:
- "Ẹ nó, đồ già dịch. Chính mi là ác…ác hồ ly tinh, lòm en chi ư… như cái con con… keéc…

Bởi do hồi xa xưa ấy, ông Tú làm việc bất cẩn, ông đi công tác bị mìn mượn mất của ông một bàn chân, “gậy ông đập lưng ông mà”, nên bây chừ chân trái của ông cụt lên tới gần đầu gối. Kèm theo một cánh tay trái cụt đến cùi chỏ. Ai ai cũng tưởng ông Tú chết thật. Nào ngờ Trời bắt ông chết hụt. Hú vía. Thiệt là may! Trời cao có con mắt! Ông ưa nói với hàng xóm thân nhân là:

- Trái thơm còn có cả trăm con mắt, huống hồ chi là ông Trời đứng trên cao ngó xuống, thì ông Trời phải có ít nhất là triệu ngàn con mắt, mới dòm được mười phương tám hướng hỉ. Bà con thấy không, Trời còn thương xót, nên chừa cho tui có "độc nhãn long" để nhìn cho rõ Đời. Hai lỗ tai tui bị điếc ù, điếc lác mất rồi, có ai nói gì, tui cũng khoan dung há hốc miệng ra: “Hả”? đó thê! Thấy chưa, tui có nói dóc làm chi!

Sức tàn hơi cạn, thân thể ông tật nguyền lê trên chiếc nạn tre cọc cạch ọp ẹp. Sau cơn ngoại thương và nội thương trầm trọng, ông Tú biến thành "cụ ông" vượt thời gian, trông ông càng già khọm cỡ bảy tám mươi tuổi, thiệt á. Lúc thật sự lành vết thương -thể chất và tinh thần- ông Tú đã trở về theo luật “chiêu hồi khoan hồng rộng lượng”, nên được chính phủ miền Nam Cộng Hòa Việt Nam cấp cho ông một chiếc xe lăn Mỹ Quốc Viện Trợ, (có hai bàn tay Việt và Mỹ bắt tay nhau chặt chẽ đề huề). Họ còn cho ông một máy trợ thính đặc biệt. Trong khu vườn rộng mà vợ chồng ông Tú đã trồng hoa màu, và cây ăn quả trĩu cành. Chính phủ lại cho Công-binh Kiến-tạo Tiểu-đoàn 25 về xây cho ông một căn nhà gạch nho nhỏ xinh xinh. Rồi họ lại cấp phát lương thực, và cho gia đình ông Tú một số tiền hậu hĩ, để gia đình ông nương nhờ nhau, mà sinh nhai độ nhật sống qua ngày đoạn tháng, chờ mưa thuận gió hòa rót xuống đời.

Bây giờ, trong lòng ông Tú thật sự đã có chiến tranh nóng lạnh bất ổn không bình yên, ông trở thành một cụ già đã biết xấu hổ, (từ “ông” hèn mọn thô thiển xưa, nay trở thành “cụ” hồi nào không rõ!?). “Cụ” Tú chột dạ, băn khoăn, ray rứt dày vò một điều bí mật chỉ riêng mình ta biết lỗi nơi ta, trong lòng cụ nổi lên từng cơn nội chiến giằng co nhau: bên phải phía trái tưng bừng. Cụ so sánh điều hơn lẽ thiệt giữa hai “phái”. Cụ Tú đã rướm lệ tâm tình cùng anh em Phòng Tâm Lý Chiến nhiều điều đau xót:
- Xin đừng nói là “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản" mà tội trên bước đường thống hối lỡ lầm! vì vậy tui ưa đeo "kính dâm", mắc cỡ che che đậy đậy một con mắt giả.

Con mắt giả ấy chi mà bố láo bố lếu, cứ trợn trừng tráo trưng, khiến cụ Tú cảm thấy thẹn muốn độn thổ. Cụ Tú lại thấy cái đùi cụt và cánh tay cụt trơ trẽn còn dính trong thân, ngày ngày phô bày ra giữa quần chúng, một lần đạp cứt, không lẽ mình chặt nốt chân kia? Cụ ước có phép tiên tung thần chưởng, luyện phù chú, để hóa bùa phép làm lại con mắt thiệt, kéo tay, kéo chân mình dài ra, lành lặn dễ thương như xưa. Thì hay biết mấy! Thôi thì, nhân vô thập toàn mà, ai ai cũng có vài ba lần có tội; ăn thua là mình có biết ăn năn hối cải, quyết chí không tái sai phạm, hay không.

Với sức cạn hơi tàn, tật nguyền cùng khắp, không thể làm gì hơn, là mỗi lần ở trong Huyện, Xã, có hội họp, đình đám vui vẻ, thì cụ Tú rất chân thành ra sức lấy thân mình làm ví dụ điển hình nhất. Điều cụ Tú nói ra đây không dụng ý phủ nhận việc mình bất cẩn, hay a dua khuyến khích, bác bỏ, bất bình châm chích chọc ghẹo ai. Tuyệt nhiên cụ cũng không muốn chụp mũ, trù ẻo, vênh váo lên mặt chỉ trích phê phán ai. Cụ Tú càng không thích chống đối, miệt thị bài xích, tố khổ ai cả. Tuyệt nhiên không. Cụ chỉ muốn thân thiện xích lại gần xóm giềng, gieo hạt giống tình người... mong kề vai chung sức an tựa lên vai nhau, và quyết chí kiến thiết xây dựng lại những gì đã có trong vinh sang xưa đã mất. Cụ Tú khác nào hòn đá lớn ném xuống lòng hồ sâu, làn sóng từ hòn đá lan sóng trên mặt nước rộng toả ra mãi.

Nầy! Chuyện ấy xưa quá rồi. Vì chính thân cụ Tú và nhiều tay bạn đi "kháng chiến" cũng là nạn nhân thật sự "khiến chán" thôi. Họ bị chiến tranh lừa bịp mình hụp xuống vực thẳm hố sâu tối đen, bị những lời đường mật bùi tai dễ ngã lòng không hơn kém. Chiến tranh phỉnh nịnh một người dân quê mộc mạc chất phác thiết tha yêu nước thương nòi: Mình tình nguyện đi làm anh hùng đấy mà! Nhưng thời thế không đãi ngộ, đã kéo lôi cụ xuống vực thẳm không đáy, chả có lối lên nà. Nay cụ đã ăn năn tỉnh ngộ! Vã lại, cụ vò đầu bứt tai suy nghĩ nát óc: Một mình ta không làm nỗi chuyện kinh hồn động địa là: xoay lại ván bài “thời thế thế thời phải thế” của định mệnh ấy. Cụ Tú càng không thể bôi bác, dựng đứng nên dữ kiện lịch sử. Mà thật tình là cụ quá ân hận, cay đắng, ưu tư nhìn sự kiện lịch sử đã xảy ra trước mắt, rồi dày vò mà thầm trách thân. Có thế thôi.
Lúc xưa có mấy người xì xầm với nhau:
- Quả thật cụ Tú quá rồ dại.
- Điên hết chỗ nói.
Cụ Tú quay ngoắt lại nhìn kẻ vừa nói, cụ trừng một con mắt thật, hét lên:
- Điên. Phải! Tui đã nhận thức những khổ đau rồi. Tôi miệt thị đời mình cuồng ngông si dại, phi nhân, phi nghĩa. Kêu Trời không thấu nà. Xóm làng đang yên tĩnh, trù phú mới hôm nao. Hôm nay… Trời ơi! Sự thể thế nầy. Chiến tranh tàn ác húc bừa bãi vào dân cư, bất chấp hành vi tội ác tày trời, xương máu đồng bào chất ngập lút đầu, lút cổ sao ta? hu hu hu... híc híc híc... Tui căm thù chính thân tui như con cờ trân tráo, bị thí cho cuộc cờ băng hoại. Hoàn cảnh và chiến tranh đã xô tui ngã chúi xuống một tình huống nan giải trong đời, không thể gượng đứng dậy bằng một chân còn lại nơi chính tui. Xin Đời hãy bằng lòng bao dung và độ lượng tha thứ cho tui chút xí mờ. Từ nay tui sẽ cố gắng học ở trường đời những điều sâu sắc và hứa nên nết hơn!
***

Sau bao ngày đoàn công tác Tâm Lý Chiến lo làm việc, họ gần gũi, thân thương, chí tình săn sóc đồng bào. Lần lần giọng nói bà con lối xóm không còn xa lạ, rụt rè, lưỡng lự, hay giữ mồm giữ miệng như trước. Họ mang đầy âm sắc ân tình trìu mến. Hoài nghĩ:
- "Người với Người cùng chung huyết thống, giống nòi, không đến nỗi coi nhau gớm ghiết, hung ác, như họ nghĩ về ta ha”.

Tuy vậy nàng lầm. Cũng có vài ba người trong Thôn không cùng chung chí hướng, họ có ác cảm, lạnh lùng biểu lộ ra ngoài mặt thái độ coi bất nhã, khiêu khích, châm chọc đó chớ. Ở chốn cuối núi đầu đèo, đầy gian nguy khốn khó, đau khổ và tang thương nầy, nơi mà chiến tranh đến thăm tới tấp ngủ nghỉ liên miên, và dừng lại chà đạp mạng sống. Nỗi đau đớn càng vò xé tâm can mỗi người. Sự cô quạnh cùng khổ, mất mác, đớn đau tràn đầy ngao ngán đang xảy ra mỗi ngày. Đáng lẽ ra, con người cùng chung huyết thống, nên nhích lại gần bên, ưu ái lân mẫn, thân thương an ủi đùm bọc nhau hơn. “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn” mới phải. Ấy thế mà... chính kiến tạo ra bao cảnh nồi da xáo thịt ở ngoài đời thì thấy rõ, mà đang chiến tranh cào xé trong lòng nhau thì không thể rõ mà đo lường kìa?!

Khi Cụ Tú gối đầu lên rỗ rau muống chết đi sống lại lần thứ ba, tự chống tay vào chiếc gậy trúc tàu màu vàng làm ba ton, đã đứng vững lên từ đôi chân và khối óc có lập trường kiên định, phân minh rõ ràng, thì cụ đã tận tâm chỉ bảo cho những anh em trong Đoàn 5 nên làm gì... làm gì... trước tai ách phân chia đôi bờ khá hữu ích!
Và khi cụ lạch bạch khập khễnh đi lại một mình tốt hơn, thì nhiệm vụ của Trúc và Hoài thật sự chấm dứt.

Nghe tin ấy, bà Tú có “văn-chương hoa-mỹ” ân cần nắm tay hai cô gái, lệ nhòe trên khóe mắt nhăn nheo, đôi môi móm mém run run, bà không thốt nên lời. Thương chi thương lạ: “Cụ ông” mất hàm răng trên, bà Tú mất hàm răng dưới, như cảnh trâu ngựa mượn răng của nhau mỗi lần dự tiệc! Thật là đôi tình già khổ hết biết đa. Cụ ông trầm tĩnh ngồi tréo chân dài lên chân cụt. Một tay cụ vo vê điếu thuốc tròn, cụ bỏ vào bát điếu gia truyền khảm xà cừ lên nước thời gian bóng láng. Cánh tay cụt của cụ cặp cần tẩu, làm bằng ống trúc ngà trăm mắt dài, cong vút. Tay kia cụ bật lửa mồi thuốc hút gọn ơ. Cũng bàn tay độc nhất đó cụ rót trà ra chén tống, rồi chuyên sang chén quân, nước trà vàng đậm sóng sánh trong chén, nổi lên lớp bọt sủi trên mặt. Buổi sáng chưa ăn gì, mà kéo điếu cày, uống ly trà Ô Long thì phải biết: Cụ Tú bật ngửa ra đi-văng vắt chân chữ ngũ mà say bí tỉ. Giọng nói cụ ông hơi yếu, dường như muốn kềm chế lại... một cái gì cứ muốn ứa trào ra, từ trái tim, từ một khoé bên con mắt thật, và bên một con mắt giả bất động thì... nhìn hai con bé một lính một lương-(dân) trợn trừng, tráo trưng.

Cô Ty mời hai cô gái ngồi chung chiếu với gia đình cụ Tú để ăn chén chè nóng, đạm bạc nhưng đầy ân tình. Thành thật mà nói: khoai môn là món ăn Hoài không ưa thích, vì khi múc khoai lên hay ăn vào, nó nhơn nhớt, lòng thòng sền sệt nước. Hoài có cảm tưởng như... như nước mũi. Nhưng sao hôm nay ăn vào, nàng thấy ngọt lịm ở bờ môi cuống cổ. Có phải do chất đường mía, hay do mật ngọt dạt dào ân nghĩa tình người thắm đượm lòng quê?

Hai tay áo của Ty ướt nước mắt, cô lật chiếc chiếu hoa trên bộ ván gõ dày láng bóng, cô quét bụi cẩn thận (bộ ván này, khi hữu sự mệnh chung, người ta sẽ xẻ mỏng ra, thành tám tấm dài, bốn tấm ngắn hầu làm bạn sáu tấm chung kiếp cho hai người ấy). Cô thôn nữ Ty thực thà, nết na và đôn hậu, đẹp hồn nhiên, miệng Ty lúc nào cũng chúm chím môi trầu cắn chỉ, mắt lá răm dưới vành nón lá kéo nghiêng, mặt cô Ty che khuất bởi nửa vành khăn vuông cột thắt ra phía sau gáy như mỏ quạ.

Anh Hai của Ty đã đi lính Biệt Động Quân đóng ở mãi tận Rạch Giá Hà Tiên. Chị Ba của cô bất hạnh đã lìa đời, (người chị nằm gối đầu lên đống gạch vụn, tay buông xuôi khi tuổi đời vừa chớm đôi mươi, mà có lần Hoài đã chứng kiến tháng vừa qua). Còn lại trơ trọi mỗi mình Ty là út ít - phải thay anh thế chị bươn bả lo toan đủ mọi thứ đắng cay trong thời loạn! Tuy ở nơi xó góc trong thôn làng đìu hiu quạnh vắng, nhưng cô Ty được sự dưỡng dục chu đáo của mẹ cha:
Con ơi! Mẹ bảo con nầy:
Học buôn học bán cho tầy người ta.
Con đừng học thói chua ngoa.
Họ hàng ghét bỏ người ta chê cười.
Dù no dù đói cho tươi.
Khoan ăn bớt ngủ liệu bài cho toan.
Phòng khi đóng góp việc làng.
Đồng tiền bát gạo lo toan cho chồng. (cd)
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1373497286.jpg

Cô Ty vì thương mẹ yếu cha già hom hem quá, dù rằng có một lần cô đã tựa cửa ngóng tin:
Buồn trông chênh chếch sao mai.
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ?
Buồn trông con nhện vương tơ.
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai?! (cd)
Ui chao! Buồn lắm chớ, anh Tùng ơi! nhưng em biết phải làm răn bây chừ:

Anh đi em ở lại nhà.
Vườn rau em tưới mẹ già em trông (cd)

Nàng nhớ người ấy rất nhiều, khi mà ... “Anh về qua xóm nhỏ. Em chờ dưới bóng dừa. Nắng chiều vương mái tóc. Tình quê hương đơn sơ. Quê em nghèo cát trắng. Tóc em cũng vừa xanh. Anh là người lính chiến. Áo bạc màu đấu tranh...”

Biết bạn hiền có tâm sự, nên đã có một lần Hoài làm bài thơ riêng tặng cô Ty:
Lời Cô Thôn Nữ
Gửi đến anh mối tình.
Chân thật và quang vinh.
Nụ hoa vẹn tuyền. Xinh
xinh hương ngát, đượm tinh

khôi. Dưới ánh bình minh.
Xóm vắng đứng một mình.
Thế mà sao lính quýnh?
Chẳng dám tỏ mối tình…

đằm thắm. Rồi lặng thinh.
nâng vạt áo trắng tinh.
Chùi lên đôi mắt mình.
Chẳng biết có ai khinh!?

Anh chỉ đùa. Cảm tình
anh coi nhẹ. Hư vinh
không mặn mà: Như vịnh
Hạ Long em đa tình. (*)
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1373497778.jpg

Gọi là chút quà mọn khi chiến tranh vô tội vạ chẳng đi vào lòng người, các cô nhỏ mong ước tìm tình yêu thương chân thật của "Tình Quân Dân, như cá với nước": Trúc tặng: cụ ông chiếc nón nỉ. Cụ bà con dao. Cô Ty bộ quần áo ngủ mầu xanh đọt chuối. Hoài tặng: cụ ông con dao cạo râu. Cụ bà cái cối giã trầu, đôi dép nhung, tặng cô Ty đôi bao tay vải dày làm cỏ, chiếc áo bà ba mầu nâu non, quần lãnh đen. Trúc và Hoài thì thầm nháy nhó nhau hùn chút tiền riêng đưa biếu bà cụ, để mẹ già lo cho gia đình đơn bạc bớt khó khăn. Họ ngỡ ngàng e ngại lắc đầu lia lịa quyết từ chối; nhưng hai nữ quân nhân tha thiết năn nỉ họ:
- Vì dù sao chúng con đi làm việc, cũng có tiền lương bạc tháng, mẹ à.

Mẹ quê ái ngại nhận những món quà thắm thiết tình thân yêu chân thật, mà bờ môi nghẹn ngào mấp máy run run... thút thít khóc, hỉ mũi rột rõt. Năm người có chín con mắt kia chảy ròng ròng những giọt nước mắt lăn dài trên má tủi mừng! Những con mắt nầy cũng mọng chín giọt buồn hoen mi dâng cao. Họ đứng lên ngồi xuống mãi không nở rời xa. Buổi chia tay thật bùi ngùi cảm động dường bao! Năm đôi mắt đỏ hoe, (à không, chỉ có bốn đôi mắt rưỡi, vị chi là có tất cả chín con mắt thôi nà). Không hiểu tại sao họ bùi ngùi quyến luyến nhau đến như vậy!? Hai cô quân nhân mới tò te đầu đội mũ sắt, mặc bộ đồ lính màu xanh cứt ngựa, bên ngoài khoát thêm chiếc field jacket xệ xệ vai (đã may sữa lại cho vừa khổ người), hai cô buồn xo, nghèn nghẹn, xót thương cúi đầu im lặng lủi thủi đi ra khỏi khúc quanh lộng gió.

Bỗng, hai cô nghe tiếng Ty gọi ơi ới sau lưng. Họ giật mình quay lại. Cô gái quê vừa chạy vừa thở hổn hển, tay cô khệ nệ xách buồng chuối cau khoảng bảy nải vừa chặt, nhựa mủ chuối còn chảy lòng thòng, có vài nải đang chín tới. Nếu đem bán buồng chuối nầy, thì gia đình cô Ty sẽ có mươi ký gạo đắp đổi qua ngày. Ty nhất định ấn vào tay bạn. Rồi Ty khóc hu hu hu... cô quệt nước mắt vào hai ống tay áo sờn, Ty vùng chạy rất nhanh về ngỏ nhà.

Hoài và Trúc ngẩn người… thật sự băn khoăn và da diết buồn. Ôi! Chân tình của người con gái miền quê sao mà đơn sơ mộc mạc, đằm thắm, thành thật, mặn-mà tình tự quê hương, ăn sâu vào lòng mình đến thế không biết! Hai cô quân nhân xúc động lại buồn xo, nghẹn ngào, nghẽn nghẹt buồng tim, cuống cổ, ngập ngừng, lủi thủi ra đi. Trên mái tóc rất dài buông lơi sau lưng vướng sót lại mấy lá tre vàng uá. Gót giày đinh thêm nặng nề nên hai cô nhỏ kéo lệch xệch, tạo thành bốn vệt dài ngoẵng uốn éo trên con đường đất. Hai cô khệ nệ khiêng vác theo quầy chuối nặng trĩu trái no tròn, bám đầy bụi phấn đỏ từ một góc trời đáng đau xót.

Họ ưu phiền trong cảnh chiến tranh đi vào giữa lòng dân tộc... mang theo (có lẽ suốt đời) những ân tình chân chất mộc mạc, rất đáng kính trọng, thiết tha hoài nhớ, ghi lòng tạt dạ về một phương trời xa mờ xa. Cảnh chia ly ấy khiến lòng Trúc, Hoài, ưu phiền thật sự trong từng tế bào run rẩy. Ôi! Đã mềm lòng bi lụy trước buổi biệt ly, mà họ đoán trước sẽ không có ngày tái ngộ. Người đi chao đảo với muôn ngàn bâng khuâng, băn khoăn, trăn trở vò xé trong lòng. Người ở lại sau hàng dậu thưa, bên hàng hoa tường vi sắc thắm đầy giông bão và tang thương kia, mắt ai nấy đều nhòa lệ dõi trông theo đầy lo âu, bồn chồn, khắc khoải, ray rứt. Họ đứng ngồi không yên trong cảnh tao loạn.

Hoài chợt nhớ đến cha mẹ già đơn độc đìu hiu ở quê nhà. Nhớ lạ lùng. Nhớ da diết. Thốt nhiên Hoài lo sợ kinh khủng! Rồi sẽ ra sao trên quê hương đang chinh chiến điêu linh nầy? Tháng ngày trước mặt sẽ có gì, còn gì? Hay chẳng còn gì tất cả, ngoài nỗi đớn đau kinh hoàng, hụt hẫng, mất mát vò xé tâm tư… bao ngày chiến tranh bùng nổ đã qua, đang tới? Bỗng nhiên Hoài nhớ tới lời văn hào Victor Hugo nói: "Sống khốn khổ. Cô độc. Phụ rẫy. Nghèo nàn. Tất cả là những chiến trường, tạo ra những anh hùng. Số anh hùng âm thầm nầy, đông đúc hơn anh hùng lừng lẫy."
*
(cd) = ca dao.


(*) Thơ Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
07-15-2013, 11:16 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1373929274.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1373937736.mp3
Trái Tim "Á Thánh" & Đại Mạc


Vài tháng sau ngày Phương Nam và Thương Mười đính ước, và sau cái đêm Nam ở lại trên phòng riêng của Mười, hai người vẫn vô-tư-lự và sạch trong với nhau, không hề có một gợn đục tình cảm nào. Mừng vui thay! Thì … hôm nay do cùng chung đường về, Thu Hồng mời Mười ghé đến nhà cô ăn chè đậu ván chơi. Món chè Mười thích ăn nhất.

Ngồi dưới bếp hai đứa ăn uống, chuyện trò vui vẻ xong, Mười vào phòng tắm rửa mặt. Gió lộng thổi cánh cửa đánh bật ra, nên Mười đến bên cửa sổ, vói tay định kéo cánh cửa vào. Bỗng nàng giật nẩy người, lùi hẳn nép người vào bóng tối, thập thò lấp ló nhìn qua bên khách sạn Mimosa. Phương Nam! Trời ơi! Phải! chàng đang hút thuốc lá, ở trần, khăn tắm vắt vai mà tựa bên cửa sổ. Sau cửa sổ là người đàn bà xoã mái tóc rối, cô ả đang kêu réo cười cợt, chớt nhã gọi Nam. Nam khuất vào một bên vách, để lộ ra giường nệm xô lệch, gối rơi xuống sàn nhà, cạnh bộ quần áo của chàng (mà tuần trước Mười đã giặt ủi cẩn thận). Tiếng người đàn bà bỗng gào rú lên, chen lẫn tiếng nước chảy trong phòng tắm lơi lả.

Thương Mười vẫn tự hào là người đẹp chưa bao giờ bị tình phụ, để nếm mùi đau khổ, cho biết đời. Người con gái diễm kiều rất thông minh, khôn ngoan, thùy mị nết na nầy luôn luôn có những “cây tình si” ao ước làm người bạn đời, thiết tha, trìu mến yêu thương cô em. Thế nên Mười vẫn hồn nhiên với tình yêu thần thánh, sạch trong, mà cuộc đời tỏ ra ưu ái khoan dung, nuông chiều theo sở vọng riêng ta. Đến mức Mười chẳng lo lắng về hạnh phúc, tình yêu sẽ vỗ cánh bay đi. Ngược lại, Mười rất bình yên, không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ bị phản bội.

Nào ngờ!... bây giờ sự thật đã phơi bày! Mười thấy lòng hẫng đi, điên cuồng, nhục nhã, xấu hổ, quay quắt. Giống như có vật gì bén nhọn như cây mã tấu đâm vào trái tim, khiến trái tim và đầu óc nàng tan nát, vỡ vụn ra từng mãnh, bèo bọt xót xa vô ngần. Lòng Mười trĩu nặng đớn đau, dày vò, tủi thương thân, điếng lặng. Tình yêu như chiếc mặt nạ vừa rơi tuột qua kẽ tay! Đáng lẽ ra anh không nên đưa ba má của anh lên làm dạm ngỏ, đính ước, đám hỏi, đám… “khỉ gió mốc xì” gì cả. Giờ đây ai ai cũng biết Mười là vị hôn thê của Nam. Trời ơi! Ba má anh ta đã mang quà sính hôn đến nhà, công nhận Mười là con dâu nhà họ Đỗ làm gì sớm thế. Hở Trời!?

Khi Mười lò mò kéo lê đôi guốc kêu xèn xẹt từng bước thấp bước cao trên đại lộ vắng hoe như con điên, bờ vai nàng khoát hờ chiếc áo lạnh xề xệ. Mười đi bộ về nhà dưới cơn mưa tầm tã, thì trên phòng riêng của mình đang sáng đèn. Chị Tuế nói Nam đã đến nhà chờ Mười khá lâu. Mười mới đi khỏi căn phòng thân yêu nầy chỉ có một ngày, một buổi chiều và gần nửa đêm thẩn thờ lang thang đó đây, mà nay tưởng chừng như mình xa đã gần cả đời người, mới về đến đích gần nhất, (trong cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc dường như vừa mất).
Gặp Nam ở balcon, Mười không thể khóc, chỉ lạnh nhạt nói:
- Đừng đụng tới em. Chờ chút, em có chuyện cần nói với anh.

Anh cười, nụ cười á thánh ngây thơ. Nam lẽo đẽo theo em vào phòng, Nam bình thản hút thuốc lá. Mười đi thay bộ quần áo ướt sũng nước. Lòng những tưởng là sau khi gặp anh, Mười sẽ vồ xé Nam cho tan ra từng mãnh. Hay Mười tìm những lời nói cay độc, để xỉ vả, đay nghiến, cằn nhằn Nam. Cũng có thể em lăn kềnh ra đất kêu gào, sẽ khóc lóc thảm thiết. Chứ có ngờ đâu tuy lòng đau hơn bị dao cắt, mà mặt Mười cố làm ra vẻ tỉnh bơ, lạnh tanh thế nầy! Mười bước ra phòng tắm, kéo ghế ngồi đối diện:
- Có lẽ, không còn gì để nói với nhau nữa. Ta nên xa nhau đi là vừa.
- Lại định giở trò gì đây? Cưng!
- Không dám. Nam yêu em chỉ chuốc thêm ưu phiền, bực bội. Chả ích lợi gì đâu.
- Kỳ quặc hết chỗ nói.
- Hẳn là anh chưa quên hỉ!
- Quên... sao được!
- Hừ!
- Em lộn xộn quá.
- Có lẽ anh ngạc nhiên, vì sao em biết anh vừa ở Hotel Mimosa về đây hả! Có gì đâu, tình cờ thôi à. Quả thật rất tình cờ đó, ông Trời mở mắt cho em thấy: từ chiếc khăn tắm sọc xanh đỏ anh vắt trên vai trần; đến cái mini robe màu đỏ tươi của người đàn bà kia, bả sung sướng hét to lên cơn thống khoái, cợt nhả bên cửa phòng tắm đó. Hẳn anh chưa quên hỉ! Nam nè, anh biết tính em; Không phải là em chủ tâm đi rình mò, theo dõi, dò xét anh đâu nha. Em ngu sao cần gì đeo mặt nạ đi làm vậy. Quê lắm, thộn lắm!

Nam trợn trừng mắt, bàng hoàng nhìn người yêu, kinh ngạc tột cùng. Có lẽ điều Mười vừa thốt ra, là một trong những chuyện quái ác, kinh dị hơn gáo dầu sôi bỏng tạt mạnh vào mặt nhau. Nóng bỏng. Lạnh lùng mà hết sức phũ phàng, đau đớn; đã để lại vết sẹo ghim trên trán Nam khó phai. Nó vô ý thức lột phăng cái mặt nạ trần trụi rơi tụt xuống, vô trách nhiệm trong cuộc tình chung nầy? Lẽ ra, Mười không nên thẳng thừng bốp chát quá vậy!? Mười đứng dậy, lấy chùm chìa khóa và đến cửa phòng mở cửa đi ra ngoài, rồi khóa trái lại. Trong lúc đó Nam cứ tưởng là em đi khóa cửa như mọi lần.

Ở trong phòng, Nam vội vàng nhảy đến, gạt tấm màn voan sang một bên, Nam gỏ gỏ vào cửa kính liên tục, mạnh và lớn đến nỗi Mười sợ anh chị Tuế ngủ dưới lầu nghe thấy. Lưỡng lự đôi phút, Mười đành bước lên bậc thang, đút chìa khóa vào ổ, mở ra. Mặt Nam đỏ bừng vì giận. Anh xoay tay nắm giật cánh cửa mở tung ra, cơn gió canh khuya ào ào lùa vô phòng lạnh giá. Anh kéo cánh tay Mười vô phòng, đóng sập lại, mạnh đến nỗi làm cánh cửa tung ra. Mười thản nhiên đến bên giường, rủ gối mền, cười gằn:
- Lãng chưa! Người đau khổ nhất cần được vỡ tung ra là em. Chứ cánh cửa nào có tội tình gì, mà anh hành hạ nó đau. Tội quá!
Nam khóa cửa lại, cất dấu chìa khóa ở đâu đó, Nam thay bộ veston vắt trên ghế dựa, (anh mặc bộ pirama vẫn để lại đây phòng hờ, mỗi khi đến nô đùa với cháu), Nam cởi giày, rồi lặng lẽ úp mặt nằm lên giường, hai tay ôm lấy đầu, thở vắn thở dài. Trong khi Mười quay mặt vào vách, hai hàm răng nghiến chặt, lòng dặn lòng cương quyết không khóc lóc, không kêu la, không rên xiết, không van nài, không xin xỏ. Phải nhất định quên chuyện đau đớn đang dày xéo lên trái tim, phải đoạn tuyệt với con người dã man tàn ác nầy.
- Thương Mười!
-. . .
- Em ơi, hãy cố gắng hiểu nguyên nhân của dữ kiện, đừng tìm hiểu sự kiện trước mắt, để rồi vội vàng kết luận. Sự việc xảy ra ít lâu nay, phần lớn do bạn bè thách thức, khiêu khích, cá độ anh, nhất là vì anh tự ái khi bạn bè thách đố anh. Họ nói: anh chỉ là thằng hề trước mặt người đẹp, anh không cua được cô hoa khôi kia đâu. Thế nên, để... xác minh cho họ tận mắt chứng kiến, thì hồi xế chiều họ đã đến đây tạ lỗi cùng em. Chờ em không nỗi, họ vừa về. Anh xin lỗi em.
- Hừ… Thật tình em không nghĩ các anh lại nỡ… “bẽ cành bán rao”.
- . . .
Hai người nói chuyện gần đến sáng. Mười cười khẩy:
- Họ không nhào vô cô đó, mà chỉ ranh ma đứng ngoài khiêu khích anh, để anh hí hửng nhập cuộc. Họ vỗ tay hoan hô ai đây? Ấy, tình yêu là gì? khi anh dám đánh giá… cá độ cả tình yêu, tương lai và hạnh phúc, để đổi lấy hư danh hão huyền. Vì chút danh dự hay tự trọng “dỡm đời”, bồng bột của thằng con trai háo sắc và háu chiến. Xin lỗi nếu em nói quá lố. Chữ “yêu” bắt đầu từ chỗ dễ dàng trao đổi một lần… năm bảy lần… và có con cái, dù không phải tác phẩm của anh chăng nữa, nhưng có bạn bè chứng kiến mà. Ừa, cũng vui ha.
- Làm gì có chuyện đó. Anh xin lỗi em.
- Anh có lỗi gì mà xin.
- Anh khẳng định trước em và bạn bè, anh không hề yêu cô ấy. Em nghe rõ nhé, anh không yêu ai cả, ngoại trừ anh yêu em.
- Lạ quá! Chờ đến lúc tình yêu giữa anh và em hoàn toàn tan vỡ, anh mới tỉnh ngộ chắc. Kể cũng lạ!
- Chuyện vớ vẩn xui xẻo qua đường mà em. Anh đã đạt đến đỉnh danh dự, xoa dịu lòng tự trọng, tự ái rồi, anh hứa chẳng bao giờ bị vấp ngã nữa.
- Anh biết là em rất yêu anh, em từ bỏ tất cả để có anh. Thế nhưng tại sao anh lại làm vậy? Gia đình em thấy anh với Hà nhiều lần, chính em và bạn bè cũng thấy. Ngồi trên xe lam em thấy anh chở Hà và Hoàng Hồng Anh đó. Họ nghĩ thế nào về chuyện nầy, hở anh?
- Anh với Hà, hay với Hồng Anh, chỉ đơn thuần là bạn.
- Hừ! Bạn gì mà ôm eo nhau, chở đi ngoài phố, bạn gì mà thân mật như anh với em bi giờ. Ngộ ghê.
- Em nói nhiều, ồn quá.
- Nếu không thích ồn... Anh có hoàn toàn tự do đi về nhà.

Thương Mười giận, nằm quay mặt vào sát tường, nàng nghiến chặt hai hàm răng, cho khỏi bật thành tiếng khóc. Chàng quay mặt ra ngoài hút thuốc liên miên. Thỉnh thoảng Nam thở dài thườn thượt. Thấy mà ghét. Khi điếu thuốc cuối cùng trong bao đã tàn, Nam xoay người trên nệm, nhẹ nhàng nâng tấm mền bông đắp lên ngực Mười. Nam vòng tay qua ôm Mười, anh hôn lên tóc, lên má cô em, rồi nói:
- Đừng buồn vì những chuyện nhỏ mà em. Em biết là anh rất yêu em. Ngoài em ra, trước em và sau em, anh không hề yêu ai. Anh nhắc lại: em không chỉ là người yêu thôi, mà em chính là tình yêu duy nhất, là tình đầu mà cũng là tình cuối của anh. Muôn năm.

Mười nhắm nghiền mắt, bĩu môi không đáp vì nghe “muôn năm” khiến em tức cười, nhưng Mười cố nìn khe không dám cười. Mãi lâu, anh tiếp:
- Chính vì vậy, có lần anh dấu em vài chuyện, vì anh xét thấy nó không là cái đinh gì cả. Không cần thiết. Không quan trọng. Chuyện nhỏ mà em! Nói chung, anh chỉ yêu một mình em. Hãy tin tưởng nơi anh.
Nam vuốt má, tha thiết hôn lên môi Mười, ân cần nói:
- Anh xin lỗi, vì anh có điều không phải với em. Nhưng anh muốn khuyên em một điều: Hãy tin tưởng và nghe những gì anh nói: Anh yêu em nhiều kinh khủng!
- Mười ngúng nguẩy nguýt Nam một cái rõ dài, bắt chước nói:
- Anh nói nhiều, ồn quá!
Nam cười say đắm, hai người ôm nhau vào lòng, môi tìm môi. Hơi thở dập dồn, nồng say, như quyện lấy hai thân thể. Mười quên giận Nam ngay, khe khẽ nói:
- Nam ơi! Hãy làm chồng em, đêm nay.
- Không được. Anh yêu em ngần ấy, đủ rồi.
- Anh chẳng yêu em.
- Chính vì yêu em kinh khủng, nên anh mới giữ gìn cho em đó. Mình để dành tuần trăng mật sau ngày cưới chứ em. Lo gì mà sợ mất. Đêm tân hôn thì em... chết mí anh.
- Vậy thì mình đi ngủ nghen anh. Chúc anh ngủ ngon.
- Từ hồi nhỏ đến giờ, anh quen ngủ một mình, không ngủ chung với ai, nhất là ai ôm anh, thì coi như anh thức trắng đêm. Em đừng ôm anh nhe. Chúc em ngủ ngon.
- Dạ, hổng thèm ôm anh đâu.
Nam hôn lên môi, lên má Mười, rồi nằm ngửa, mắt nhắm lại, hai tay vòng trước ngực, chỉ mươi phút sau, giấc ngủ an lành dễ dàng đã đến. Trong khi Mười nằm im, không dám nhúc nhích cục cựa, sợ quấy rầy Nam đang say giấc mộng đẹp. Chẳng hiểu tại sao Mười nhẹ dạ và dễ dàng tha thứ cho Nam, tha một sự phản bội tình yêu trắng trợn như thế!?

Hai người lại ở bên nhau đằm thắm như ngày tháng đong đưa sợi tơ nhện trên cành thông là đà, như đôi bạn chí thân, tri kỷ. Họ yêu nhau chân thành, say đắm, ngọt ngào và thanh cao. Vì hai tâm hồn đồng điệu, vì thấu hiểu hạnh phúc vô bờ. Chứ không vì thể xác hèn mọn. Đôi khi anh chỉ âu yếm Mười qua môi hôn ngọt lịm tươi nguyên nét xuân thì, nương nhẹ. Tuyệt đối Nam không tìm cơ hội “chiếm đoạt tài sản quốc cấm cuả Mười”. Điều nầy khiến Mười suy nghĩ nhiều... Rất có thể đúng: Nam thật yêu Mười kinh khủng! Một tình yêu cao khiết, thánh thiện, nâng niu giữ gìn và trân trọng. Nếu đêm hôm đó, Mười hân hạnh trở thành vợ Nam, dù chưa chính thức làm lễ cưới, hay nói đúng ra chưa làm giấy hôn thú, mà Mười đã trở thành người đàn bà của Nam, thì giờ đây chắc sẽ không có sự việc đáng tiếc xảy ra. Mười quả quyết như thế, sau khi suy nghĩ nhiều đêm ngày.
* * *

Suốt ngày Merry Christmas Mười trông đứng trông ngồi, nhưng bóng dáng Nam vẫn bặt tăm. Buổi tối, Thu Nhi, Vân, Đấu, tới rủ Mười đến nhà chàng dự party. Các anh ở cùng nhà trọ đã mời họ. Còn anh không hề nói với Mười việc nầy, cũng như không hề nhắc nhở Mười đi xem lễ Noel. Vì quá yêu Nam, Mười đâm ra mù quáng, quên cả tự trọng, nàng thay quần áo đẹp đi cùng các bạn. Các anh ở chung nhà nhìn Mười bằng con mắt xót thương, ái ngại. Họ không thể nói những điều khiến cả chính họ cũng thấy đau lòng thay. Họ im lặng và dè dặt, càng khiến Mười cảm thấy đắng cay, đau đớn tủi hờn hơn!

Anh Cầu đang ốm nặng nằm dưới lầu, mượn cớ đi thăm người đau, Mười ngồi riết trong phòng anh ấy, hai người nói đủ thứ chuyện vớ vẩn. Tuyệt nhiên Mười không đề cập đến chuyện Nam. Nhạc dìu dặt bắt đầu cho buổi “bum” khá lâu, những cặp trai gái đã dìu nhau nhảy lộp cộp trên đầu. Vả chăng ngồi hoài cũng thấy kỳ, nên để Cầu nghỉ ngơi, Mười từ giã anh ta trở lên lại trong phòng khách. Bất ngờ, Nghi hiện ra nơi khung cửa tối đèn. Nghi dạy Mười mấy điệu nhảy, nàng yếu kém trong chuyện “nhảy với nhót”, nên cứ bị dẫm lên chân Nghi hoài. Nghi trêu Mười. Thấy ngượng, nàng buông bạn ra ngồi trên ghế, xem các anh chị trình diễn “khiêu vũ thời trang”. Nghi thú nhận vẫn yêu Mười câm lặng, mặc dù Nghi biết trái tim nàng đã thuộc về ai. Và, Nghi đã có “bồ”, Nghi nói rõ ràng là bồ, chứ không phải người yêu, người tình!?

Khoảng hơn mười một giờ khuya, Nam về. Nhìn nét mặt anh, Mười biết chắc chắn là anh đang tức giận, bất đồng, để đưa đến chuyện bực bội gì đó với cô ta. Vì cuộc đi chơi riêng không thú vị đã qua. Hình như có ai đã tàn nhẫn tháo chiếc mặt nạ rời ra, để lộ khuôn mặt Nam ủ dột đầy buồn phiền trước mặt Mười rồi! Có lẽ anh không nghĩ là Mười đã có mặt trong buổi party nầy, nên Nam tỏ ra lúng túng, hơi ngượng, và bất ngờ. Nam ngồi thừ người ở góc phòng khá lâu, cạnh Mười xem các bạn nhảy đầm. Mười mở lời:
- Chào anh mới về.
- Chào em.
Một lúc sau anh thì thầm bảo Mười vào phòng riêng. Quả thật không ngờ Mười đến nhà hôm nay, anh không hề báo tin cho nàng biết là các bạn mở cuộc vui nầy, nên Nam quên lững chuyện tấm ảnh của Mười đã bị úp vào tường, (thay vào đó là tấm ảnh Hà). Nam vội quay lưng lại, thò tay để dấu khung ảnh của Hà vào trong hộc tủ. Mười làm ra vẻ không nhìn thấy cử chỉ ấy, nàng vén tà áo dài tím, e ấp ngồi xuống trên nệm, lòng thầm nghĩ: Đã muộn rồi, anh ơi!

Nam ôm hôn cô như bao lần gặp gỡ, Nam thẩn thờ âu yếm mình như người mất hồn, như kẻ mộng du, như khách phiêu bồng lỡ hẹn. Mật ngọt thật sự mất rồi ở đầu môi tình phụ! Một lần nữa, đáng lẽ ra thừa cơ hội nầy, Mười nên tỏ ra là người vợ tương lai dễ thương, khôn ngoan chìu chuộng, âu yếm vuốt ve Nam mới phải. Nhưng nàng buồn nãn, đau đớn, khổ sở buông xuôi. Mặc cho tình yêu vỗ cánh xa bay, kệ con thuyền tình muốn trôi đi đâu, thì đi, đến đâu thì đến. Mười không thèm khát nữa. Nói trắng ra nàng cảm thấy chán ngấy kinh khủng! Đó là mãnh tình-sầu đã trôi theo nụ hôn nhạt nhẽo lần cuối cùng.

Mười hai giờ kém mười lăm phút, cùng nhau đi lễ với các anh chị ở nhà thờ Domain De Marie. Gió lồng lộng thổi trên ngọn đồi cao, trời lạnh kinh khủng, cái lạnh tê buốt, xoáy vào thịt da, se sắt cả lòng người. Mười đăm đăm nhìn lên cung thánh, thì thầm lời cầu xin. Thật ra từ đáy lòng Mười bật lên tiếng rên xiết, than vãn, oán trách vô biên mọi vị thần linh đứng trên bục cao, sao vừa nhìn, vừa cúi, vừa lạnh, vừa im lìm, thờ ơ. Không chịu để tâm nhìn xuống kẻ phàm trần cơ-khổ, bỏ mặc Mười trong cơn đớn đau, khốn cùng thế nầy? Bao đau khổ đã xảy ra trong những ngày kế tiếp. Mười sống trong ngọn lửa yêu mến, với lòng nhớ nhung không tắt. Mười hy sinh tất cả, để sống trọn vẹn cho người chồng tương lai. Buồn một nỗi là nàng không uốn lòng biết niềm nở “dẽo mồm, dẽo miệng” săn đón chàng, hầu kéo Nam về với mình. Mặc dù chàng vẫn ân cần, niềm nở; nhưng Mười tự bảo lòng: đó là sự giả dối tráo trở đáng nguyền rủa. Vô tình Mười đứng về hướng đối nghịch, đá hất Nam ra khỏi vòng ôm mê đắm, xua chàng đi về hẳn với kẻ tình địch bất cộng đái thiên rồi.
*

Khi tán lá còn vương từng mảng tối, sương muối kéo từng bè, như chiếc sô tang mỏng tanh quấn trên đồi cỏ non. Rồi tấm màn mây màu lưu huỳnh trùm lên đỉnh đồi khu Domain dần dà hé mở ánh mặt trời vươn lên, trở lại màu sắc rạng rỡ tự nhiên mỗi ngày. Cả vùng rộn lên tiếng thông reo triền miên. Tiếng chim hót líu lo từ trong thinh không đang im vắng. Buổi sáng tinh mơ, một mình Mười đứng vẩn vơ trước ngôi biệt thự nơi Nam cư ngụ. Bỗng nhiên Mười cảm thấy do dự, ngập ngừng, không muốn gõ cửa vào nhà Nam. Lỡ đằng sau cánh cửa phòng riêng vô tình kia, lại vén lên tấm màn đau xót quá thật, thì tan nát cõi lòng hơn. Mười ngập ngừng, e dè rón rén quay gót trở về nhà. Thật não nùng!

Ôi! Noel năm xưa sao cả anh và em đều rộn ràng dấu ấn hoan ca, sao ngọt ngào, thắm thiết lạ thường, ríu rít trìu mến xiết đỗi! Thế sao Noel bây giờ không còn dư vị đắm say ngày cũ? Tình yêu bây giờ không còn tuyệt vời thuở trước? Bây giờ cũng là Noel rồi đó anh, sao anh nở lòng nào! Mình đã nhẫn tâm tạt vào mặt nhau hũ mật đắng, nhuộm đen cuộc đời kinh khiếp thế cho đành? Vòm trời Cao Nguyên Lâm Viên lồng lộng, có gió lạnh sương mù vây kín núi, có tiếng thông reo vi vu rất nên thơ, đầy xao xuyến một thuở tôi mến yêu người. Giờ nầy hết mộng với mơ, hết quyến rũ rồi. Mười đau đớn nhận thấy tự mình đã nhận chân được giá trị tình yêu hiện hữu, trước khi nó trở thành quá tệ. Đây chính là giờ phút Mười cần có nghị lực, kiên cường, quyết định dứt khoát mối tình say đắm nầy, chen lẫn nỗi niềm đắng cay, chua chát, buồn phiền, thách đố, chán nãn, và long trọng phủ định biện chứng tin yêu.

Nỗi đớn đau (và thù hận) làm Mười dại người. Mười trơ mắt nhìn cuộc đời trôi đi, (trong đó có chàng đã dối trá, đả thương nàng). Ở đâu, nghe gì, thấy gì lòng cô em cũng lạnh lùng, trắc ẩn, ngờ vực, khinh dễ. Chính vì thế Mười đã phá tan mối thâm giao với chàng từ gốc rễ. Mười nghĩ sự ân cần nhã nhặn của chàng đối với mình; chỉ là sự phỉnh phờ, lừa dối. Thất vọng làm sao khi dòng đời tách rời hai người đi về hai hướng riêng biệt: gạt Mười và Nam ra một bên, không có cục nam châm nào thu hút, quyến rũ lôi kéo hai người trở về nguyên thủy tình yêu thánh thiện, sáng ngần xưa cũ.

Những ngày tháng cuối cùng trong năm, Mười lấy làm lạ một điều là nàng không tìm cách chinh phục hay chiếm đoạt chàng. Tại sao? Mười không quá chán nãn, buồn phiền, hụt hẫng, đớn đau, như mình tưởng. Nàng chỉ băn khoăn, ray rứt, xót xa cảm nhận sâu sắc ngày vĩnh biệt sẽ đến. Mười phải cương quyết chối từ Nam. Phải cứng rắn đoạn tuyệt chàng cho nhẹ nỗi ưu phiền, dù đau thương hay tuyệt vọng suốt đời, cũng đành! Vì thế, mỗi lần chàng đến nhà, nàng không thể tha thứ bao lần Nam phạm lỗi lầm, Mười không vồn vã mời chào, ríu rít nói chuyện nọ chuyện kia. Nếu không trốn đi đâu được, Mười tiếp Nam nhạt nhẽo như người xa lạ. Ba bốn lần ngồi với hau hằng giờ, hai người im lặng nhìn vu vơ ra rặng thông xanh sau hiên nhà, Mười nhếch môi cười hờ hững, buồn tênh! nàng không còn thú vui mời Nam dạo bước dưới vườn hoa. Không mời lên phòng nhờ Nam chỉ dạy Anh-văn. Hay đòi chàng chở đi một vòng quanh bờ hồ Xuân Hương. Mà, Mười ngồi né một bên góc bàn, chỉ giả vờ cúi đầu chăm chú đọc sách, hoặc lặng lẽ ngồi một xó thoăng thoắt đan áo. Dù lòng nàng quặn siết cơn đau tê buốt, tim cào xé bởi những vết dao âm thầm xuyên qua trái tim, tan nát vì hận yêu thương.
* * *

Muôn vạn ánh đèn màu lung linh dưới kẽ thông ba lá đong đưa, rì rào. Anh chị Tuế, Mười, bé Cường đi phố đêm Trung Thu, mua bánh và đèn kéo quân cho con. Mười cùng gia đình chị đi phố lựa đèn, bất chợt Mười thấy Nam đi đến gần với một tốp năm sáu mạng trai gái đang nói cười “nhố nhăng”. Gặp anh chị Tuế, Nam dừng lại, khi mấy người kia kéo nhau vào cà phê Tùng. Để mặc chàng nói chuyện với anh chị Tuế hồi lâu. Mười bước qua tiệm giày Tân Việt, nàng dán mắt nhìn vào cửa kính, như say mê nhìn giày dép chưng bày trong tiệm. Kỳ thực Mười nào thấy gì! Thật chả thấy, chả nghe, chả biết cái gì sớt.

Như thế là hai người đã xa nhau gần chín tháng rồi! Không có cái gì có thể thu hút, quyến rũ được. Mười bây giờ – không phải là Thương Mười hoa hậu xinh đẹp ngày xưa, không là thiếu nữ yêu kiều vàng son hạnh phúc một thuở! Mắt đã nhuốm vẻ ưu tư kể từ đêm chứng kiến chàng ở khách sạn Mimosa. Thì, một bóng vô hình ập đến, khiến ngực nàng luôn ứa máu. Thì, kỷ niệm xưa dù vàng son một thuở, vẫn trở thành mỗi ám ảnh tột cùng kinh dị! Làm héo úa khuôn mặt Mười ủ dột, luôn nhíu mày suy nghĩ, như đang thể hiện điều gì gay cấn lắm.
Mãi một lúc lâu sau, đến gần Mười Nam nhìn nàng cười, ái ngại, bối rối, dè dặt:
- Chào em.
- Chào anh.
- Em đi phố, vui không?
- Vui.
- Em còn làm ở chỗ cũ. Hở?
- Còn.
- Công việc dễ chịu hơn trước. Ha?
- Cũng được.
- Mười à... Có chuyện nầy... Chuyện chị Tư của em đó. Anh rất muốn nói cho em biết, là chị Tư ngăn cấm anh... Không phải chị Tư cấm lúc xưa. Mà lần nầy, chỉ là mới đây thôi em.
- Em biết chị Tư ngăn cấm mình từ khuya, là phải rồi.
- Cho anh nói rõ với em chuyện nầy nhe!
- . . .
- Em có định đi đâu bây giờ không?
- Trời! Nam muốn dẫn em trở về đường hầm tự sát à? Lầm lỗi hai ba lần thôi chứ.
- Nói với nhau làm gì những lời chua cay đó. Em!

Trong giọng Nam, Mười nghe thấy một uẩn khúc vô bờ đau xót, Nam không muốn tỏ ra bất nhã. Mặc dù do thái độ lạnh nhạt, lời nói cuả Mười khiêu khích từng lát gừng, làm buồn lòng chàng không ít. Nam lặng lẽ nhìn Mười, chờ đợi nét thân thương hơn. Nhưng Nam chỉ thấy nơi Mười cái bĩu môi và nhún đôi vai nhè nhẹ. Nam bất mãn nhận lấy trái tim á thánh cô độc ấy, nên chàng đã bất cần theo.

Còn Mười, từ lúc bước chân vào đời, em chỉ thấy chiến tranh, thù hận, tàn phá, đau khổ, tang tóc vây bọc. Mười thu thập sự độc ác, phỉnh lừa, dối trá và nhất là sự phản bội tình cảm trắng trợn của người yêu dấu. Nàng nhặt lấy thứ vũ khí cay cú, mà con người, nhất là vị hôn phu- đã đả thương mình. Lòng bao dung, nhân ái, khoan hồng, tha thứ... Thế là hết! Nay, chả ngần ngại gì mà không lạnh lùng chứ!

Nửa tháng sau, chàng lại đến khi Mười đi phố về, áo quần chưa kịp thay. Nam nhìn vào giếng mắt u hoài của người yêu thật lâu. Khiến Mười bối rối, sợ hãi mình lại “lạt lòng”, nàng phải cúi mặt nhìn lãng đi chỗ khác. Chàng đến gần cô em, giọng nói trầm lắng, u uẩn, hay không thốt nên lời, (mà Mười nghe lại tưởng như tiếng thầm-thì ngọt ngào gọi nhau thuở trước kia). Thì... Bây giờ nàng nghe sao mà giống lời phỉnh phờ, dối gạt... thế nào ấy! Khổ thật! Mười chưa thể đặt niềm tin trọn vẹn nơi người yêu cũ. Dẫu thế, Mười bỏ buổi cơm trưa, cơm tối, bỏ đi làm việc, bỏ tất cả. Mặc chàng chở đi đâu thì đi. Đi cho biết Nam muốn nói gì. Làm cái trò trống gì nữa đây?

Dọc đường xe vespa bị hư, đạp hoài không nổ, anh dừng xe bên lề đường sữa mãi. Nam ngẩng lên nhìn cô em đăm đăm. Đôi khi Nam gục đầu lên yên xe, thở dài thườn thượt. Mười lờ đi, quay nhìn xuống thung lũng buồn. Nhìn cảnh vật ấy có lúc Mười thầm nghĩ: Giá mà cả hai người lọt xuống chân đèo Datanla, đâm đầu khuất bóng dưới con đường quanh co uốn lên cao, rồi uốn xuống vực thẳm, chết quách không ai biết, thì hay xiết bao! Ừ nhỉ! Tại sao đã đến lúc uống cạn đáy ly men hạnh phúc, tưởng ngọt ngào, say đắm, mà mình không chịu chết đi, có lẽ sẽ trọn vẹn hạnh phúc hơn. Để rồi từ nay mở bừng mắt ra, chỉ còn lại hủ mật đắng, rỉ từng giọt, thấm từng giọt; tạo thành từng giọt nước mắt, và tình yêu trổ màu đen bạc, đắng cay, đã trở thành mật đắng xuyên qua từng hơi thở, lồng vào từng chân tơ kẽ tóc thế nầy!?

Hai người xuống cuối chân thác, lò mò tìm lại chỗ ngày xưa mình thích ngồi. Mặc dù Mười chưa ăn cơm trưa, chẳng có giọt nước lót bụng buổi chiều. Nhưng nàng từ chối ổ bánh mì batê gà, chai nước ngọt. Mười giữ thái độ lạnh nhạt, xa cách, ngồi xa xa. Cách xa chàng hai vòng ôm, để khỏi chạm người vào Nam. Mười giữ nét mặt cố gắng bình thản, bất cần. Tự ái nàng cao hơn núi, sâu hơn thác Datanla mà. Thật ra trong lòng Mười cảm thấy đau ghê gớm, và thèm khát từng nụ hôn dịu ngọt, chút yêu thương cuồng nhiệt thuở xưa vô vàn. Nàng tựa đầu lên nhánh thông già, tay vân vê thảm cỏ nâu bồng, khiến nó nát nhừ cả vạt. Chàng lấy thuốc thơm ra hút liên miên mấy điếu, rồi mở lời:
- Em ơi! Anh rất ân hận, vì đã lỡ đánh mất niềm tin-yêu trong lòng em. Anh chỉ xin em đừng tự dày vò...
- Không đâu. Chỉ những lúc lặng lẽ thế nầy, dù ngồi một mình. Hay ngồi với ai, em cảm thấy thoải mái, vui vui.
- Đừng dối lòng. Em! Anh biết. Anh hiểu em như hiểu chính mình.

Ôi chao! Mười chỉ muốn ôm chầm lấy Nam, gục đầu vào ngực chàng mà khóc nức nở, cho vơi mối hận không sao xua tan đó. Nhưng, làm như thế để làm gì nữa! Khi Mười đã cảm thấy chán Nam thật. Nàng không còn nghị lực vượt lên con đường đất vòng vo quanh, co dù có trải hoa hồng. Những đoá hồng ẩn gai sắc nhọn, đã đâm nát tim mình. Chàng đã ôm nàng thẩn thờ hôn lên môi giá lạnh. Nhưng bờ môi ấy giờ đây không còn là những giọt mật nồng say. Mà chỉ còn lại những giọt mật đắng in dấu bờ môi tình phụ bẽ bàng!
- Thương Mười! Đã nhiều lần anh gọi tên em. Em bướng bỉnh quay mặt đi, không thèm dạ. Tiếng “dạ” ngoan hiền, dịu dàng mà anh rất đỗi yêu thương. Mười ơi! Em nghe những gì về anh? Thấy những gì về anh? Muốn biết những gì riêng anh, về mối tình đầu (mà anh đã yêu em đến cỡ nào). Xin em hãy đối diện với anh. Hãy nhìn thẳng vào mắt anh, hỏi ngay anh. Anh hứa sẵn sàng trả lời, và chịu trách nhiệm về lời hứa đó. Em đừng nghe ai, đừng hỏi ai. Đừng làm thế em. Vì nếu em làm như vậy, thì càng ngày em sẽ đẩy chúng ta càng xa rời nhau, càng xa hơn thôi. Em.

Cả hai lại im lặng khá lâu. Nắng lướt thướt trải mình trên đồi cỏ non, xa xa tiếng chim lạ lảnh lót, ríu rít hót bản tình ca muôn thuở, hoà cùng tiếng gió lao xao, tiếng thông reo triền miên, lồng trong tiếng thác rì rầm từ xa vọng lại. Chàng thẩn thờ ném những viên sỏi trắng, thỉnh thoảng rơi đánh “bủm” một tiếng gãy gọn trên con suối gợn sóng lăn tăn, xô bờ. Nam gằn giọng:
- Đối với những cô gái đó, cho đến giờ phút nầy, anh vẫn coi là chuyện tầm thường, lạt lẽo. Nếu không muốn nói là bạn. Hay là một tình hờ, tự do dễ dãi, không đòi buộc gì. Nhưng đôi khi cần thiết như... chẳng hạng như… khi anh đau khổ. Khi anh và em giận nhau thế nầy, anh cần đến bên kẻ ấy, để tìm an ủi. Em hiểu không!
- Anh có thể nói… Anh có thể làm cho mười đàn bà yêu anh một lần. Tuyệt nhiên anh không thể chỉ trọn vẹn thủy chung với mười đàn bà ấy - trong suốt năm mươi năm. Thế nên, em chỉ là một cô gái khờ dại và lù đù. Xin anh thứ lỗi.
- … ; … Mười. Em nhớ bài thơ “Cần thiết” của Nguyên Sa không? Chúng mình thuộc lòng, rất yêu bài thơ nầy nhỉ! Trong đó, anh yêu nhất đoạn kết:
Không có anh – Lỡ một mai em chết.
Thượng Đế hỏi anh: Sao tóc em buồn?
Sao vai gầy, sao đôi mắt héo hon?
Anh sẽ phải cúi đầu, đi về... địa ngục!
- Cám ơn anh đã “gợi giấc mơ xưa” cho em nghe. Rất tiếc, chuyện ấy không còn phù hợp. Chúng ta đã ở trên hai lối ngoặt chia xa, quan trọng hơn. Em không còn là người say đắm tin yêu, mà anh tìm gặp hôm nao. Em không là cô gái ngây thơ ra đi theo tiếng vẫy gọi tình đời, để giờ đây ôm mối hận, vì bị hắt lại nỗi thất vọng não nề... Nỗi đau đớn rã rời của Thương Mười chưa chai sạn đến mức có thể hy sinh, chịu đựng, vị tha, dung thứ lỗi lầm của người yêu, mà em không hãi hùng ghi dấu ấn trong tiềm thức, trong khối óc, {(theo quan điểm mỗi người) trong việc anh “lăng nhăng quá dễ sợ, chơi hoa rồi lại cùng bạn bẽ cành bán rao” với bạn bè cùng lớp kia}.

Bỗng nhiên Mười nhớ lại vụ Nam cùng cô gái áo đỏ trong Hotel, nhớ các bạn của chàng lấp ló rình mò đâu đó, để xem màn kịch họ diễn... Mười cười ngất, Nam thấy thái độ ngạo mạn và “bất cần đời” như vậy, đã rất bực mình, phiền lòng không ít. Mặt Nam trắng toát vì giận, lạnh lùng tiếp:
- Sao em cứ ghép mình ngang hàng với những hạng gái anh quen biết ấy? Lẽ ra, em nên dùng tình yêu say đắm. Nghĩa cử của vị hôn thê dịu dàng như ngày xưa, khả ái, bao dung và vị tha, em khoan dung nhân hậu giơ tay ra để kéo anh quay về. Đó là sợi dây bền chặt, mà chính em khôn ngoan đã ràng buộc anh chặt chẽ mới phải. Đằng nầy, em lại xô đẩy anh ra khỏi vòng tay em. Anh nhắc lại lần cuối cùng: Dù bây giờ hay mai sau. Nếu xa nhau nghìn trùng, anh vẫn yêu em kinh khủng. Vì em chính là tình yêu của anh.
- . . .
- Anh trao về em tất cả tình yêu, cuộc đời mình cho em giữ, em vẫn không chịu. Em có thấy ngày nầy năm trước, anh “ngoan” như thế nào. Sao bây giờ anh hư đốn đến thế? Em không chịu tìm hiểu nguyên nhân là em cũng có lý do riêng. Em không tin lời anh. Được rồi. Đời anh kể như đã hỏng. Anh đã phóng lao, thì phải theo lao. Từ nay, em sẽ thấy anh sống phóng khoáng, buông thả, tự do và “du đãng” cho mà xem.

Khổ nỗi! Mười không còn tin vào “những lời đường mật” khi mắt mình đã thấy rõ những hành động của Nam làm với kẻ khác. Bởi vì những hành động và lời nói của anh ta, khác xa với thực tế - Khác xa muôn trùng - Nên chi bây giờ đã trở thành nguyên nhân ngẫu nhiên cho những ngày tháng cãi cọ, xung đột xảy ra. Ngược lại, Mười càng ngờ vực chàng dối gạt, có dụng ý trả thù đẩy Nam vào cảnh tiến thối lưỡng nan. Trả thù chính Mười, Hà, hay trả thù đàn bà, mấy cô gái khác cũng nên. Nam có dự-mưu, tính toán chi đó. Nghĩ thế, Mười nhếch miệng cười khinh dễ, nghĩ mình phải nói câu gì khá nặng, để Mười có cái cớ, mà vĩnh viễn xa nhau - là vừa. Mười rất giận câu Nam nói nghe thiệt chói tai: “phóng lao, theo lao” là có ý thách thức, buông thả gì? Mười muốn dùng lời cay cú, để dày vò làm khổ Nam, cho hả giận. Mười đốp chát ngay một câu, (mà chính cô em không thể ngờ):
- Anh... em đã nhổ bãi nước bọt, nay em cúi xuống liếm lại rồi.

Nam giận run, bây giờ mặt chàng không trắng toát nữa mà đỏ bừng đau đớn kinh khủng, anh đứng phắt dậy, sửng sốt nhìn nàng. Những điều Mười vừa buột miệng nói câu vô ý thức do từ một hoa hậu. Nam khám phá điều thô thiển từ con ong khi thò nọc độc ra, để châm chích người khác. Anh thất vọng bỏ về, sau câu nói:
- Thật không thể ngờ...

Thì ra câu Nam nói “phóng lao, theo lao” ngày nay Mười đã hiểu: Vì mấy lần sau đó ít lâu không xa, nàng tình cờ gặp chàng cặp tay ca sĩ Lan (ca sĩ hạng bét hát phòng trà Maxim’s ở Đà Lạt). Họ vào tiệm Chà Và, cô ả mặt mày tầm thường, phấn son loè loẹt, áo quần diêm dúa, hở hang, đúng là hạng “gái tồi” chẳng giống con giáp nào. Ả trơ trẽn chỉ chỏ đủ thứ đồ đạc, đòi mồi chài xã láng nhiều thứ, bắt Nam mua cho. Mười nghe vài anh bạn nói: thời kỳ nầy Nam đã tâm sự với bạn là: Nam ăn ở chung với ả Lan như vợ chồng. Thật vậy, cô ả nầy sống với chàng lâu nhất, được khoảng năm sáu tháng. Tuy thế, vì kế sinh nhai riêng ả, chàng vẫn phải “thả” cho ả đi nhảy dù với kẻ khác những show thâu đêm suốt sáng. Những lúc đó, Nam không hề ghen tương, nhưng lòng thấy buồn bã và trống vắng, Nam mặc quần áo đi lang thang suốt đêm, như bóng ma.

Những ngày tháng sau đó trôi qua nặng nề, buồn thảm kéo dài sự xúc động, đớn đau triền miên, choáng ngợp góc trời thinh lặng mà Mười vẫn hít thở, run rẩy chờ đợi rất tuyệt vọng sự bình lặng trong tâm hồn. Đúng là nỗi đau đớn, tuyệt vọng, tủi nhục lần nầy, còn cay đắng dày xéo lên trái tim Mười gấp trăm ngàn lần cũ. Chết lịm từng ngày, từng tháng, từng năm, nàng chỉ muốn tan vào cõi vô cùng. Thì đó, mặt hồ muốn phẳng lặng, ấy mà, gió mưa cuốn trào những đợt sóng ngầm tàn khốc, xoáy thẳng vào đời nhau, làm xao động cuộc sống, luôn tách bạch hai tâm hồn đồng điệu, chia xa hai tầng cao, thấp. Quả thực ngày xưa ấy, họ sống bên nhau hài hoà theo nhịp đập cuồng quay, đầy rung cảm, cuống quýt, xao xuyến, rộn ràng vui tươi, trữ tình, niềm vui nỗi nhớ đập nhanh trong đôi trái tim.

Khi xa nhau họ cảm thấy trống vắng, hụt hẫng, quay quắt, đứng ngồi không yên, ưu phiền, hoang dại, thấm thía niềm cô lẽ. Thì ngày nay hai người quan niệm tình yêu hoàn toàn trái ngược nhau, đã trái ngược lại trăm phần trăm. Đó là lời đáp từ trong định nghĩa tình yêu đích thực là gì? nơi bến bờ hạnh phúc, tình yêu vĩnh cửu một đời của chàng và nàng là thế đấy! Tình yêu Phương Nam và Thương Mười đã xoáy mạnh theo dòng giông bão. Cơn lốc khốc liệt, xô đẩy hai người tốc về hai ngỏ chia xa, vĩnh viễn tách bạch mất rồi, hỡi tim đại mạc
Tôi gọi đò yêu, chẳng trả lời
Sáng chiều trưa tối vẫn im hơi
Tiếng kêu vọng giữa vùng sa mạc
Như áng mây trời gió cuốn trôi.

Đại mạc hoang vu cát cuộn bay
Đêm tường cô tịch ai nào hay
Tương tư... tôi trái tim mềm nhũn
Những buổi chiều buồn chén cúc say.

Bão tố phím loan sóng nhấp nhô
Hoàng hôn từng đợt nước triều xô
Gió trong gan ruột vờn tim lạnh
Lại nhớ kêu ai tựa gọi đò.

Kỷ niệm trao nhau đẹp thuở xưa
Dìu tay từng bước tránh cơn mưa
Tình sao đẹp mãi sân trường cũ
Ngây ngất thư nồng thuở ấy đưa...

Tôi vẫn chờ ai dưới rặng dừa
Đếm từng sợi nhớ buổi trời mưa
Một lời ước hẹn lòng không đổi
Tôi đợi ai về bến nước xưa... (*)
(*) Thơ Tình Hoài Hương

_ * _

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
07-25-2013, 05:28 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1374729179.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1374729413.mp3
Ván Bài Phiêu Lãng
(các lăng ở Huế)


Trả phòng ở bên Vĩ Dạ, hai người gọi taxi qua bên phố Phan Bội Châu vào Hotel Đồng Lợi. Phòng ốc ở đây tương đối sạch sẽ, thoáng khí, lịch sự, yên tĩnh. Khi Nam qua nhà Vinh ở bên kia sông, (đối diện gần phòng trọ hai người) thăm các bạn. Mười tắm rửa xong liền xuống lầu, ra chợ Đông Ba mua ít trái cây. Chàng về phòng, sau đó họ đi thuê bao một chiếc xe lam rộng thênh thang, họ không mời các bạn, muốn riêng tư đi với nhau, chỉ có hai người đi thăm các lăng tẩm nổi danh ở Huế: Minh Mạng. Thiệu Trị. Đồng Khánh. Tự Đức. Gia Long. Khải Định…

Lăng KHẢI ĐỊNH nằm riêng biệt ở phía Tây tĩnh mịch ở kinh thành Huế. Lăng tẩm uy nghi được xây dựng khi vua còn ngự trên ngai vàng nghinh tiếp tình yêu đôi trẻ. Họ dìu nhau đi dưới hai hàng hoa bằng lăng nở đầy cành, bước chân đôi trẻ phiêu bồng dẫm trên xác phượng vĩ đỏ thắm. Những con rồng to, những vị quan thần đá, mũ mão cân đai chỉnh tề, oai nghiêm. Hiện nay các lăng chẳng còn giữ được nguyên thể, dù đã nhiều lần trùng tu để nối dõi tông đường! Đầu tiên là hại bạn đi thăm: Lăng Khải Định (Ứng Lăng) tên thật của vua: Nguyễn Phúc Bửu Đảo, (1885-1925) Trị vì: 9 năm.

Chàng và nàng đã cười to, tiếng cười vang dội núi đồi thinh lặng, hai người nắm tay nhau, vừa chạy lên năm bậc thềm của các tầng sân tạo thành một trăm hai mươi bảy bậc cấp (127). Lăng đứng sừng sững trên triền núi phía Tây làng Châu Chữ, xã Thủy Bằng, Huyện Hương Thủy, có núi án núi chầu: Núi Chóp Vung, núi Kim Sơn. Lăng cách thành phố Huế 10 km, ngọn đồi nầy cao chót vót, chung quanh toàn cây đại thụ mọc um tùm, râm mát, che kín một vùng núi non có khe Châu Ê nước đục và độc. Lăng không trang trí hồ vọng nguyệt, không có cầu. Diện tích lăng rộng khoảng 330,05 héc ta. Lăng mới xây kết hợp hài hoà giữa kiến trúc Đông và Tây, bê tông, gạch nung, đá, cột paratonnetrre, tháp nhọn stoupa v.v...

Thanh long bạch hổ của tiền đình, hậu chấn, rồng chầu, hổ phục: tượng trưng bằng 2 voi. 2 ngựa. 10 tượng người đứng chầu quanh sân đại điện. Gian đại sãnh sơn son thiếp vàng, vòm cung nhọn, tường cột chạm trổ tinh vi, chi chít kỳ quan của ngành phù điêu khắc giao thoa độc đáo, đầy thẩm mỹ, khiến người xem rất kính phục, coi hùng vĩ, uy nghi hoành tráng bậc nhất với các loại bê tông, sắt, thép, sành sứ, long vân thủy họa, ghép ngàn vạn mãnh sành sứ thủy tinh, tạo thành nhiều bức họa long lanh sống động tinh xảo với “phúc” và “vạn thọ” phong thủy địa lý thủy thổ vững vàng:

Hai người bạn trẻ đứng trước ngai vàng có pho tượng đồng vàng bao phủ, ở ngoài tạc hình vua Khải Định, sau lưng vua ngự là phong cảnh mặt trời lặn. Còn một pho tượng vua Khải Định đứng thì đặt ở Trung Lập đình của cung An Định. Tay Mười nương nhẹ sờ lên nếp nhung-y, tưởng chừng nơi đây đang trỗi dậy thời oanh liệt, vàng son với vua chúa, quan đại cận thần, dũng tướng kiêu binh, cung phi mỹ nữ. Vua cai trị triệu dân, giữ gìn xã tắc sơm hà, giang sơn ấm no, hạnh phúc một thời lừng lẫy. Nam Mười cùng nhau hét thật to, tiếng vang ngân từ xa vọng lại, như những dịp sấm rung dồn. Khi chàng hái được bông hoa thọ sim, anh cười ngặt nghẽo, chọc quê Mười. Hai bạn trẻ vừa chạy lên rồi chạy xuống những bậc cấp lăng, vừa đếm những (127) bậc cấp:
- Một, hơi, boa, bốn, nem, séo, bởi, tém... chín mừi… một trem lẽ tớm...
- Cha cố bà, mấy lâu ni, tui mới tìm thấy một bông thọ sim để tặng em. Hí!
Thế là Mười lượm lặt sưu tầm ít văn thơ đặc biệt của thổ ngữ miền Trung, đọc lên cho Nam nghe. Anh con trai miền Nam khoái chí cười ha hả, cố học thuộc lòng:
"Khôn" là đồng nghĩa với không
Chẳng muốn lấy chồng = "khôn muốn lấy dôn"
"Đoản hậu" là "Ác" en ni.
Tui đã... im lặng cứ đi theo hoài
Nhà tui còn khoảng đường dài
Có chi noái nấy, ngày mai hết rồi
Trên cao thì nói "trên côi"
"Đi rượng" là lúc sóng đôi như chừ
"Phủ phê" là lúc thặng dư
Như là tình cảm "đã nư", no đầy
"Như ri" có nghĩa như vầy
Mô Tê Răng Rứa, em quay... mòng mòng. (*)

Bởi vì hôm nay là ngày thường, nên các lăng tẩm rất vắng khách vãng lai. Đôi bạn đi giữa hai hàng hoa bằng lăng tim tím, mỗi khi có gió lùa thì nhiều cánh hoa rơi lả tả ven tường. Trước thềm rộng, hồ vọng nguyệt sen nở rộ, lá sen ôm kín mặt nước ao tù thăm thẳm. Chàng và nàng tha hồ chơi trốn tìm, rượt bắt cứu tù náo loạn. Rồi họ đi đánh trống dộng chuông inh ỏi. Khiến một cô gái xinh đẹp, cỡ trạc tuổi Mười đang ngồi học bài (có lẽ là con gái của người gác lăng), cô gái nhăn mặt, nhíu mày tỏ vẻ khó chịu. Thấy thế, MườI và Nam trêu cô gái:
- Trời đéc thánh thiền thiên địa quơi, ui! tui noái thặc dư ri… em đừng théc méc nghen: reng mờ im đệp chi, mòa im đệp éc ôn, đệp ớc liệt rứa, hỉ!
- Em ui, cho anh Nam hỏi nè, có phải lờ” :
"Răng chừ" đồng nghĩa "khi mô"
"Khi mô" có nghĩa khi nào đó thôi
Khi mô có cặp có đôi
Răng chừ hết cảnh tuổi đời bơ vơ
Đơn côi "cái trốt" dật dờ
Là ôm đầu bạc "cà ngơ" một mình
Lặng yên thì nói "mần thinh".
Để nghe len lén duyên tình giăng tơ. (*)
Nói xong, Nam đưa thỏi chocolate cho cô gái:
- Cô đeng mần cới chi rứa, cô có en sô cu la khôn? Cô khôn en, thì cô tét đèn đi ngủ, hén. Chớ không thì, súng sép bén đùng đùng. Mà nè cô cô cầm cái kéo và noái: ẻm của tui cần két mớ tóc dời tới lưng dư rớ. Cô két tóc đứa em trụi lủi, thì em của tui sẽ giơ ra cấy trốt, lòi da đầu ra răng? Rùi cô hô: Cô sẽ đi xung phen, để bén cái thèng cha người Nôm ni phẻn động... Chéc là tui chết. Hỉ!

Cô gái không vừa, nàng cũng có một khối sưu tầm thơ văn nguyên bản của Cai Vĩnh, cô gái đã đem thơ ca ra đốp liền:
"Mần chi" ai hỏi làm chi
Em muốn làm gì, "răng hoải mần chi?"
Thế này thì nói "ri nì"
"Rứa tề", thế đó mần chi đây hè?
Cái cây thì noái cái "que"
Còn ở trước hè lại nói cái "cươi"
Cái "ôn" bản mặt tươi tươi
Ưa đi tán bậy là người "vô duyên" (*)
Sẵn trớn, Nam vui vẻ ôm Mười vào lòng và “ca” mấy câu thơ đã lượm lặt:
- A ha. Như vậy là O nớ đã có dôn rồi hí, để tui thỏ thẻ noái cho O nghe hí:
Nếu biết rằng em đã có chồng.
Cho anh gặp chàng có được không?
Để anh hậu đãi chồng em đã…
Rước giùm của nợ, lập đại công.
Nếu biết rằng em sắp lấy chồng
Anh về tát nước cạn dòng sông
Để cho đám cưới không qua được
Đừng có mà mong được động phòng. (*)

Cô gái ngượng quá nguýt hai người một cái dài, dài có đuôi… cô ta xù mặt ra, vội quơ tập sách chạy biến vào hậu trai, giữa tràng cười của Nam và Mười trải dài trên khu đồi quạnh vắng. Nam Mười cùng nắm tay nhau, chạy xuống trăm bậc tam cấp.
Hai người đến lăng TỰ ĐỨC xa thành phố Huế 7 km. Chu vi 1200/m, diện tích 10/ha. Lăng ngự tọa ở núi Khiêm Sơn, hướng Tây Đông có núi án, núi chầu Dẫn Khiên Sơn, Động Án tại thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân.

Lăng Tự Đức có cửa tam quan hai tầng, vào sâu bên trong sân là những tòa nhà xây gạch, có lối kiến trúc độc đáo; nhưng nhìn chung thì nhà cửa phòng ốc có phần rườm rà. Khiêm Lăng, tên thật vua là Nguyễn Đức Hồng Nhậm 1829-1883. Trị vì 35 năm. Vua là người nhân hậu, đa cảm, uyên thâm học vấn: Sử, Triết, Nho, xuất sắc nhất là văn học, một ông vua tinh tế có óc thẩm mỹ, và là một thi sĩ đa tình, thâm trầm, vua đã để lại nhiều bài thơ trữ tình. Khiến Mười hình dung đến vị vua cao trọng tôn qúy ấy mỗi khi rãnh việc nước, vua cùng đoàn mỹ nữ nhàn du, từng đặt chân đến nơi nầy, họ thi ca vịnh nguyệt, ngự tửu yến tiệc, đọc sách ngâm thơ. Phía tả hồ có bắc ba cây cầu, hồ mang tên Lưu Khiêm có dựng đảo Tịnh Khiêm. Trên hồ nước trong xanh mọc đầy sen trắng, tím, hồng coi sinh động, cạnh ven hồ là những con đường xinh xắn uốn lượn, và một rừng thông xanh ngút ngàn suốt tháng năm phóng khoáng reo vi vu dưới màu trời sắc nước rất yên tĩnh trầm lắng mà thơ mộng.

Qua phần núi Đại Thiên Thọ cách kinh thành Huế 16km, là lăng GIA LONG có chu vi 1800/m, diện tích 20/ha. Thọ Thiên Lăng tên thật vua là Nguyễn Phúc Ánh, 1762 – 1819. Trị vì 17 năm. Phong cảnh hữu tình, địa thế hài hòa, khung cảnh trầm lắng thơ mộng mà uy nghi. Đây là lăng của một ông vua đã tiên phong khai sáng một triều đại phong phú đa dạng. Lăng ở nơi xa xôi, rộng rãi mênh mông, hoang vu, và bình dị. Lên những bậc tam cấp, nơi chính điện xám xịt đồ sộ, mái cũ rêu rong thâm u, đặc biệt có hai ngôi mộ đá thanh xam xám, đơn giản, màu than đá không hoa mỹ, đó là: vua và hoàng hậu đã nồng ấm nằm an giấc ngàn thu bên nhau, không có lăng tẩm nào có hoàng hậu nằm chung mộ phần với vua giống lăng Gia Long như thế. Hai hàng quan Văn, Võ gồm 10 người.

Những con rồng chầu, kèm hai voi, hai ngựa. Sư tử đắp bằng vôi gạch mặt xanh, mắt đen, lưỡi thòng dài xuống quá cổ, đuôi cúp giữa bốn chân, mang tư thế trung thành, nhẫn nhục đứng chầu trước ngọ môn. Mặt hồ phẳng như gương soi, nước im phắt rất mang tên Dài, vẫn gợi lên trong lòng Nam Mười cảm giác rờn rợn, lạnh lẽo u tịch, đầy hình ảnh sự tích thời cổ xưa nối đuôi nhau lướt bóng thời gian, như bóng mây nhẹ lướt qua đời, bay trên cánh đồng cỏ xanh rờn vào những tháng ngày nắng ấm. Nơi đây, Mười thích nhất là lối kiến trúc độc đáo, sâu sắc, điêu khắc tinh tường, đặc biệt chiếc ngai vàng kê giữa chính điện, quả là một kiệt tác diễm lệ dường bao!

Hai người lững thững trở về lối cũ gọi đò đưa sang bên kia song. MườI và Naṃ đưa nhau đi qua lăng MINH MẠNG tức Hiếu Lăng, (tên thật vua Nguyễn Phúc Đảm 1791-1840) Trị vì 20 năm. Lăng an ngự ở hướng Tây Đông, chu vi 1732/m, diện tích 15/ha trên vùng núi Cẩm Kê. La Khê, xã Hương Thọ, Huyện Hương Trà. Lăng Minh Mạng cách xa thành phố Huế 12 km, có địa thế án núi do Kim Phụng núi chầu. Lăng đường bệ, hài hoà, được bao bọc bởi bức tường thành cao 3m, dày nửa mét. Mặt trước có ba cửa vào lăng đăng đối theo trục thẳng. Lăng nổi tiếng hoang-vu, ảm đạm, tàn phế. Lăng chiếm cư trên vùng đất xa xôi, vắng ngắt, rêu phong hoang dã, mái vòm gạch ngói tróc lở.

Suốt dọc hai bên đường đất đỏ cỏ rậm chằn chịt với cỏ tranh mọc lên lút ngực, trông càng tiêu điều, hoang phế, cô liêu. Buồn tênh phiền não đến ghê rợn. Trong lăng đường bệ, im ắng, uy nghiêm, đăng đối. Bên ngoài thỉnh thoảng có nhiều tiếng chim hót líu lo trên cành. Mấy cái hồ xanh biếc im lìm mọc đầy hoa sen và cảnh nước mây trời. Đứng trên cầu Hữu Bật chia đôi mặt hồ thành con dường dài dẫn lên lăng, thì nơi hoang tịch nầy chỉ có Nam và Mười. Cảm thấy rờn rợn, sợ hãi, nên hai người thì thầm bảo nhau trở về.

Ra tới bờ sông, hai người nằm ngửa trên lớp cỏ mềm và dày để đợi ông lái đò sang đón. Chàng hú lên những tiếng quái dị, đầy man rợ. Khi thì Nam trổ giọng kim, khi đổi giọng trầm ồ ồ. Rồi anh xổ một tràng dài tiếng Anh, tiếng Tây, tiếng Tàu, chen tiếng Ấn Độ, tiếng Miên, hay tiếng ba xàm ba láp “tào-lao” nghe rất quái gở! Trong khi đó Mười bụm hai tay trên miệng phụ-họa Nam là những tiếng hót chiêm chiếp, tiếng khẹt khẹt, tiếng ụt ịt, tiếng ò ó o...ù ú u... “Giỡn hớt” với nhau giữa chỗ không người, hai người sung sướng thoảI mái cười đau thắt ruột.

Bất thần, Mười Nam trông rõ có một đám du khách bốn người đang xuất hiện trên đường mòn, cỏ tranh lút gần tới bụng họ. Do Mười, Nam đang nằm trên cỏ bồng khuất lấp, bởi thế những du khách kia không thể trông thấy hai người, nhất là vùng nầy quá hoang vắng. Nên khi vô tình nghe những tiếng tru hú dị hợm ấy, họ hốt hoảng, lo sợ, xô nhau chạy về bên bờ song cạnh con đò ngang. Du khách yếu bóng vía đành trở về bên kia sông, không được thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh của Đế Đô rồi. Lăng Minh Mạng nổi tiếng là có yêu tinh, ma quái mà lị! Càng nổi tiếng là có phường gian, ăn cướp, kẻ cắp đang ẩn núp đó đây, nên ít ai dám lên đò qua sông vào lăng Minh Mạng lúc choạng vạng hoàng hôn cả.
Nam kéo tay Mười đứng lên, vội vàng chạy theo họ, để lên đò qua song. Trả tiền cho bác lái dò xong:
- Nếu có máy ảnh, lúc đó mình chụp lại vài tấm, để lộng-kiến, em nhỉ!
- Để liệng-cống thì có. Nhìn chúng mình cười rũ rượi như đười ươi í.
- Lý tưởng chứ.
- Lý tưởng gì! Lý tưởng là mình tưởng những điều ấy có lý ha.

Môi hôn chàng phớt nhẹ trên môi nàng, Nam tủm tỉm nhìn Mười, cười cười như trêu ghẹo. Họ nhảy tót lên xe lam lúc nãy đã thuê bao. Hai anh chị ngồi thở dồn, giả vờ đứng đắn, nghiêm trang nhất thế giới. Nhưng Nam và Mười âm thầm kín đáo liếc nhìn bốn anh chị du khách kia, (họ xin Nam cho họ đi nhờ theo xe Nam đã thuê bao để về phố). Nam không do dự, đã đồng ý. Trên xe Mười và Nam cứ tủm tỉm, nháy mắt nheo mày, ngầm ngầm hân hoan vui thích những chuyện trêu chọc người ta, mà khoái... Không có gì ở đời khiến đôi trẻ hạnh phúc bằng tình yêu chân thành, say đắm và sự trìu mến đạt đến mọi cảm thông.

Xe lam đưa họ tới chùa THIÊN MỤ xa kinh thành Huế 5 km, chùa uy linh nằm trên đồi Hà Khê, chùa cao bảy tầng, mỗi tầng có tượng Phật soi mình chếnh chếch trên sóng nước ở tả ngạn sông Hương. Người dân thị thành luôn nghe tiếng chuông mỏ ngân rền dưới tháp. Tựa mình bên nhau, Nam Mườị đứng nhìn xuống dòng sông Hương lờ lững trôi giữa hai bờ tre trúc uốn mình trong gió hiu hiu. Những con đò nhẹ nhàng khua sóng, tìm về bến đậu, tiếng hát câu hò thoảng đưa, nghe đượm màu dân tộc, chan chứa ngày mai, thì còn bức tranh tuyệt tác nào qua nỗi buổi hoàng hôn, nơi vùng tranh tối tranh sáng, mờ mờ ảo ảo, giữa bè mây vàng tía, nhẹ lâng lâng, dáng chiều ươm hồng thắm mặt đất theo: "Gió đưa cành trúc là đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương”.

Ngày thứ năm – chàng và nàng vào thăm THÀNH NỘI, thăm Hồ Tịnh Tâm. Buổi chiều họ đi biển THUẬN AN. Buổi tối, hai người ra ngoài balcon nhìn xuống phố Phan Bội Châu, (nơi nầy xe cộ chỉ có phép xuôi theo một chiều, để đi lên hướng chợ Đông Ba. Nếu xe cộ muốn đi về hướng Bao Vinh, là xe cộ chỉ được phép lưu thông trên con đường Huỳnh Thúc Kháng dài ngoẵng nầy ôm ven bờ sông Bạch Đằng). Người người đi bộ, hoặc chạy xe đạp, xe gắn máy, xe xích lô, xe hơi… Lòng phố đông như kiến chạy xuôi về hướng chợ Đông Ba. Chợt Mười thấy anh Bảy của nàng đang cởi chiếc xe vespa Italy, anh mặc bộ đồ sport trắng, anh đi đánh tennis. Mười chỉ cho Nam nhìn thấy anh, nàng nép sau lưng chàng, sợ anh trai vô tình ngước nhìn lên, sẽ bắt gặp mình, thì chết.

Ăn cơm nhà hàng xong, Mười vào nằm nghỉ trên phòng. Chàng đi hội chợ với các bạn. Trong phiên chợ đêm, Nam chơi ném tên, ném cổ vịt, chơi bắn súng. Nam chơi cái gì thì trúng lớn cái đó. Nam ăn được hai chục ngàn đồng. Trong khi ấy thì các bạn thua to. Nam bù cho các bạn gấp đôi số tiền họ đã thua. (Ấy thế mà anh chả đưa cho Mười đồng nào ha!?) Khi chàng đi chợ đêm về, Nam mở khóa cửa thật nhẹ, vì ngỡ là Mười đã ngủ. Nam đi tắm, rồi lên giường hôn phớt lên má Mười. Nàng quàng tay qua cổ anh ghì xuống. Chàng và nàng muốn trao nhau mật ngọt tình yêu chân thật, run rẩy và táo bạo. Giữa lúc đôi trẻ ngỡ rằng hai người phải hòa tan tuyệt đỉnh tình yêu trong nhau, thì Nam đã thắng lướt được khuynh hướng bẩm sinh, mặc dù khuya nay, cả hai người không còn mảnh vải che thân. Chàng dặn dò Mười:
- Nếu khi thấy anh “đi quá trớn”, em nhớ tát tát vào má anh, cho anh tỉnh người. Nhé.
- Dạ vâng!
- Mười yêu của anh. Anh quyết giữ gìn em trọn vẹn. Không muốn xâm phạm em. Bởi vì, anh rất yêu em.
- Chúng mình đã thắng định mệnh một ván bài rồi đó anh.

Kỳ diệu thay. Lý trí đã vượt lên cao, để dập tắt ngọn lửa tình hừng hực cháy trong đôi trái tim: Ôi! “chí lớn trong thiên hạ, không đựng đầy trong đôi mắt mỹ nhân”. Cả hai người cùng hiểu rất sâu sắc rằng: Chuyện trở thành vợ chồng, sẽ không bao giờ xảy ra giữa hai người. Khi mà Nam + Mười chưa chính thức làm đám hỏi, đám cưới. Chàng - nàng quyết giữ gìn tình yêu sạch trong, không xâm phạm đến tiết hạnh cuả nhau. Để lãng quên ngọn lửa tình đang bừng bừng, chực đốt cháy hai thân thể, chàng gọi Mười đi ra ngoài balcon. Họ nhìn qua nhà Vinh ở phía sau khách sạn, trước bến sông Bạch Đằng, họ ngắm trăng rụng xuống dòng sông mờ đục. Chàng nói:
- Anh đố em biết: Có hai người chạy đua xe đạp, trên đoạn đường dài ba cây số. Đích cuộc đua là một bờ sông. Ông A chấp ông B, chạy trước ông ta bảy phút. Hỏi em rằng: Ai sẽ thắng?
- Ông A dám chấp ông B, như vậy có lẽ ông A giỏi hơn, ông A sẽ thắng.
Chàng mỉm cười, hôn lên má Mười cái chụt, lắc đầu lia lịa. Nàng nói:
- Vậy thì ông B. Phải không anh?
- Sai quá sá rồi.
- Vậy chứ ai nào?
- Cả hai cùng thắng.
- Kỳ lạ nhỉ!
- Nếu cả hai ông không ai chịu thắng... xe, thì rơi tỏm xuống sông, chết đuối sao! Ngu gì chết? Hở em!

Cả hai người cùng cười vang. Tay trong tay, họ trở về phòng. Ngày thứ sáu- Nam Mười đi thăm Truồi, lúc về ghé núi Ngự, ăn bánh bèo ở Ga. Chiều qua ăn bánh xèo ở Trần Hưng Đạo. Ối Trời! Lúc đó Mười thấy Đan đứng trước sân nhà, anh ấy chống tay lên hông nhìn ngược lên hướng cầu Trường Tiền. Bên cạnh anh là mấy cô em gái rất xinh, họ đang nói chuyện vui vẻ. Chẳng hiểu sao Mười run run, lấm lét nhìn Đan, rồi quay phắt đi nép mình bên Nam. Mười nói nhỏ đến nỗi Nam phải cúi sát xuống đầu nàng, hỏi lại:
- Ấy, anh đừng qua lối đó. Anh Đan đứng kia kìa.
Theo hướng Mười chỉ, Nam ngước nhìn, rồi cười nhẹ:
- Anh Đan beau trai, em nhỉ!

Mười gật đầu. Hai người rẽ qua đầu cầu Gia Hội, lững thững trở về phòng. Chàng đã rõ câu chuyện Đan có dự tính sẽ về bàn tính với gia đình, xin làm đám cưới với Mười (sau ngày anh đi phép). Nam chỉ nghe Mười kể thoáng qua, không ngờ chàng vẫn ngậm ngùi. Buổi tối, chàng thuê chiếc đò, cùng Mười, Thạch, Vinh, Phong, Hải, Trí, ngồi đò chèo đi dạo trên sông Hương thơ mộng. Các anh có trò chơi chọc phá nhau ngộ lắm. Cứ thỉnh thoảng có một anh giả vờ gọi tên bạn nào ngồi ở trước, anh kia quay lại, liền bị ngón tay mình chỉ vô má. Thế là cả nhóm cười vang. Hoặc ai đó nói câu gì nho nhỏ, một vài anh không nghe rõ, liền quay lại, tức mình “há” lên một tiếng to. Thế mà cả nhóm vẫn vui vẻ cười vang.

Ngày thứ bảy cuối cùng – (trong một tuần lễ rất hạnh phúc), thật bình an – chàng - nàng nằm bên nhau suốt ngày, đêm, như đôi bạn chí thân, cả hai người đọc lại cho nhau nghe những lá thư đã viết. Sau khi đi ăn cơm tối, Nam đi mua vé xe bao các anh Thạch, Phong, Hải, Vinh, Trí, đi về Đà Nẵng. Nàng ở trong phòng, lo thu dọn hành trang, áo quần vào valy mỗi người, chuẩn bị sáng mai lên đường. Đúng lúc nầy Mười “bị” sớm hơn mọi tháng những 5 ngày. Không ngờ bị sớm thế, nên nàng đâu chuẩn bị gì. Nam đi mua vé xe xong đã về phòng, biết Mười “bị”, chàng lại xuống phố mua serviette giúp cho Mười. Ôi, nàng mắc cỡ, ngượng ngùng không sao tả hết, cúi cúi liếc liếc, ỏn ẻn Mười nhỏ nhẹ cám ơn chàng.
* * *

Trở về Đà Nẵng, Mười đã quyết định nghỉ việc, chấm dứt mọi liên lạc với bạn bè cũ. Nam ở nhà anh chị bạn tên Phong tại đường Hoàng Diệu. Thỉnh thoảng hai người gặp nhau ở nhà anh chị Thương. Những ngày ngắn ngủi còn lại, Mười sống riêng cho Nam. Ngày cuối, chàng & nàng, các cháu Châu, Trân, Vân, Sơn, đi picnic tại biển Mỹ Khê. Chưa đi tắm biển nầy lần nào, nên Mười dẫn Nam, các cháu, đi lạc vô khu dân chài sinh sống. Không có bãi tắm. Nước đục và dơ ơi là dơ. Trên bãi cát đủ thứ phóng uế bừa bãi. Bẩn thỉu kinh khủng. Ngồi một lúc, ruồi xanh ở đâu bu vào đầy người. Dì cháu Mười, Nam, đành xách giỏ thức ăn, đi bộ lên phía khác xa chỗ cũ. Nơi đây vẫn không lấy gì sạch sẽ tươm tất, tuy thế đỡ dơ hơn chỗ lúc nãy khá nhiều. Chàng, nàng đều tiếc rẻ, nếu biết bẩn thỉu như vậy, anh em dì cháu cứ đi đến biển Thanh Bình, như hôm trước có lẽ thích hơn.

Chàng mặc chiếc soọt đỏ chạy đi tắm, chiếc quần đỏ in hẳn màu da trắng ngần trên nền trời xanh biếc, biển bao la xanh thẳm một màu sau lưng Nam, mái tóc bay xô lệch theo chiều gió. Nam đứng chống tay lên ngang hông, nụ cười đầy tin tưởng, mắt ngời sáng nhìn những cánh buồm căng gió. Ngâm mình trong nước, chàng bơi lội thoải mái. Khá lâu, Nam lững thững lên bờ. Trong khi các cháu còn nô đùa với biển cả, anh chạy về dưới hàng phi lao. Nằm ngả lưng bên Mười, Nam quay sang ôm hôn Mười, bỗng đâu có đám trẻ con của làng chài đã phục kích ở mấy bụi cây lúp xúp, chúng đồng loạt bò lổm ngổm tới gần rình xem. Thật là quê xệ một cục! Mắc cỡ muốn dộn thổ! chàng, nàng, bẽn lẽn gọi các cháu đi về phố.

Buổi chia ly đã đến. Mười nghe tiếng gió rít trên tàng cây me trước sân nhà, cung đàn trầm lắng, xôn xao, ríu rít, bâng khuâng và băn khoăn vô ngần. Tai Mười nghe dư âm tiếng sóng gầm ngoài bờ biển Thanh Bình. Tiếng gió mưa ào ào, dội lên nóc nhà tôn bên Vĩ Dạ. Tiếng sóng nước vỗ vào mạn thuyền, với mái chèo khua sóng, tiếng hò khoan xuôi nhịp trên dòng Hương Giang. Muôn vàn xác hoa phượng rải trên lối cũ, dẫn đến các lăng tẩm hữu tình, thoảng nghe những lời ân tình, trìu mến.
Nam thắm thiết dặn dò:
- Anh về Sài Gòn, anh sẽ bỏ Đại-học Y Khoa. Anh xin ba má cho anh lên Đà Lạt học Văn-khoa vào niên khóa tới, để cho được gần em. Lúc anh ra đi, ba má đã nói rằng: Nếu em chưa lập gia đình, thì ba má rất sẵn lòng cưới vợ cho anh. Nhưng em biết rồi, sự nghiệp tương lai và hạnh phúc vợ chồng, do chính anh tạo nên. Mình phải có sự nghiệp trước, lập gia đình sau, là tốt. Còn em, em hãy xin ba má về Đà Lạt nhe. Chúng mình ở Đà Lạt, sẽ không sợ ai chia cách, phân ly nữa. Bây giờ, em yên tâm nghỉ ngơi ở nhà, em không đi làm nữa nha.

Mười gật đầu thật ngoan. Tuy nhiên, tự trong thân tâm nàng cảm thấy âu lo, vì chẳng lẽ Mười cứ ngồi ở nhà anh chị, không làm gì ra tiền phụ giúp họ trang trải tiền nhà, tiền chi phí sao? Nếu Mười cứ nhàn cư vi chờ đợi Nam một thời gian quá xa vời? Nhất là hiện nay nhà anh chị không khá giả, Mười không thể ăn không ngồi rồi. Coi sao được. Thậm chí ngay chính Mười cũng cần có tiền, để chi cho cá nhân những món cần thiết. Dứt khoát chàng là con nhà giàu, ăn Nam không phải lo, mặc Nam không sợ thiếu, nên chàng không nghĩ ra điều thực tế mà cần thiết đó.

Hình bóng Đan chợt hiện về trong tâm tư nàng, chàng lính chiến phong trần ấy đã yêu nàng tha thiết, dù chưa một lần tay nắm bàn tay, chưa một lần ở từ xa anh đưa bàn tay lên hôn gió. Hay anh hôn lên tóc Mười, dù chỉ nụ hôn phớt nhẹ trên mái tóc. Ấy thế mà Đan đã ngỏ lời cầu hôn với Mười. Anh tính chuyện hò hẹn đính ước hôn nhân, khi anh về phép thăm gia đình vừa qua. Ngày ấy nàng đã nói với Đan:
- Cho em suy nghĩ, và xin thỉnh ý của ba mẹ, Mười sẽ trả lời anh sau.

Mười vẫn suy nghĩ việc Mười từ chối lời ân cần cầu hôn của Đan với mình: thật sự xấu hay tốt, đúng hoặc sai đấy nhỉ!? Mười có cảm tưởng nửa tháng trọn vẹn hạnh phúc tinh tuyền bên Nam- một hạnh phúc trong vắt, sáng ngần- như phiên gương vừa rửa sạch- đã trôi tuột quá nhanh qua vùng trời Đế Đô êm đềm- là những ngày tươi thắm, đắm say, nồng nàn, tuyệt diệu nhất. Có lẽ, suốt đời người -mai sau- sẽ không bao giờ tìm thấy được, hình bóng thuở đầu đời! Vì, đó là hạnh phúc xanh xao, non nớt rất trinh nguyên, lồng trong áng mây hồng thắm sắc quyện tơ vàng giữa buổi hoàng hôn, làm rạng ngời mối tình niên thiếu tuyệt vời. Mười biết rằng: Hạnh phúc có thật rất tuyệt! khá trân quý nầy đang đứng gần bên, hay thoáng lướt qua - ở đâu đây. Mà, Mười không biết, để nắm giữ lại.

Phải chia tay nhau là chuyện thường tình, và nhất thời. Nhưng lần nầy Nam và Mười cảm thấy khác hẳn lần chia tay năm nào. Khi xưa chàng ở Đà Lạt - đau buốt, buồn xo đi về Sài Gòn. Mười bị chị Khánh cho mấy cái tát tai, chảy máu mũi, rồi nàng bị tống lên xe đi về Huế. Lần nầy, Nam đành lên xe trở về Sài Gòn, khi sương khuya rơi ướt đẫm mái nhà em. Nhưng lòng Nam hân hoan, vui vẻ, đầy tin tưởng và hy vọng vào mối tình chân chính. Mười ở lại Đà Nẵng huyên náo, vui nhộn. Cuộc sống trong thành phố như ngái ngủ và đơn điệu (đối với riêng nàng) xuôi dòng, cứ lặng lẽ trôi đi... cùng mối tình cháy lòng. Với bao kỷ niệm êm đềm, đắm say, còn tươi nguyên dấu vết. Mối tình bất diệt sẽ không ai có thể phân ly, chia cách được.

Dù không thể ở mãi bên nhau, chưa thể đi chung trên một con đường. Đôi ta chưa đủ điều kiện để có thể thực hiện lý tưởng, nguyện ước sum họp dưới mái nhà hạnh phúc bền lâu. Nhất là Nam và Mười biết rằng: Chúng mình yêu nhau tha thiết. Cần có nhau. Vì nhau. Sống cho nhau. Suốt đời. Điều chúng mình thiết tha mong ước và sự thành tựu - là hai điểm khác nhau. Không hiểu rồi đây - trong tương lai- Chúng mình sẽ thực hiện, đến mức độ tối đa nào?! Hở anh yêu !?

_ * _

(*) Sưu tầm lượm lặt.

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
08-03-2013, 07:10 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1375556427.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1375556572.mp3

Lối Cũ Dấu Chân In

Khi ánh nắng chiều cuối cùng trong ngày trở nên nhợt nhạt đang theo nhau rút qua song cửa, kéo bóng tối từ các xó xỉnh lan dần, lan dần ra…, đêm đen tràn ngập trên thành phố Đà Lạt, qua những con đường vòng luôn uốn lên uốn xuống như rắn lượn, nhà nhà nhấp nhô cao thấp bên những sườn đồi đã lên đèn, thì nỗi nhớ nhung xa vắng cũng choáng ngập cõi lòng Mười. Mười thu mình trong góc phòng lạnh lẽo rộng mênh mông không ánh nến, chẳng đèn soi. Nàng sống âm thầm lặng lẽ như con ốc sên suốt đời thu mình trong vỏ. Lòng Mười dâng lên nỗi dày vò xiết dỗi, hụt hẫng, đớn đau muộn phiền thấy rõ.

Cứ như thế như cơn mê trôi qua… cho đến một hôm người làm vào trong phòng của nàng báo là: “có cậu Thạnh ở Sài Gòn mới lên, và có cậu Nam đến thăm nhà, nữa cô”. Bỗng nhiên căn phòng nhỏ của Mười đang lạnh lẽo càng lạnh giá im lặng như tờ. Vừa muốn thoát ra khỏi phòng, quay lưng đi chạy trốn, vì Mười rất sợ phải chạm trán với Nam, nàng không muốn gặp mặt Nam nữa. Đúng lúc ấy Thạnh và Nam xuất hiện ở mấy bậc thềm. Mặt Mười đỏ rần nhưng toàn thân lạnh toát, nàng run rẩy, lúng túng nép sang một bên tường để nhường lối. Mười ấp úng câu chào hỏi nho nhỏ. Ngượng ngùng, Mười mỉm cười nhìn Thạnh, rồi quay ngoắt đi chỗ khác, không hề nhìn Nam và chào, làm như Thạnh đến thăm nhà chỉ có một mình. Mặc dù Nam đang đối diện và đăm đăm nhìn Mười. Đôi mắt tối sầm lại, trái tim nàng dường như có bàn tay vô hình bóp nát, khi Mười nghe Nam nói:

- “Toi” ngồi đây chơi, “moi” đi dạy kèm, lát nữa, mười giờ rưỡi “moi” quay lại đón nhe.

Sự thật là Nam vẫn đi dạy kèm Toán, và Pháp-văn cho cô bé Kiều Sa ở đường Phạm Phú Thứ từ mấy năm nay. Nam đi rồi, thì Mười vui vẻ mời Thạnh ra phòng khách ngồi, nàng nhanh nhẹn đi rót trà nóng mời Thạnh uống. Hai bạn nói quanh đi quẩn lại chuyện nắng mưa Sài Gòn – Đà Lạt. Rồi, cuối cùng Thạnh đằm thắm nhìn Mười mở đầu:

- Điều rất cần thiết hiện nay Mười nên biết là: Nam có ưu điểm đặc thù, đặc tính duy nhất ấy rất dễ thương đó nhe. Tuy nhiên, làm người mà, ai ai cũng có chút lầm lỡ. Ăn thua là mình có biết sữa sai, và từ bỏ hay không. Phải không Mười. Vã lại, khi thấy một người sắp chết đuối, Mười có chìa tay ra, để cứu vớt họ lên khỏi mặt nước hay không? Nam cũng vậy, anh ta giàu tình cảm, nhưng ẩn dấu bên trong nhiều đợt sóng ngầm và ủy mị yếu đuối. Nam rất cần vòng tay yêu thương và chân tình, mật thiết của Mười chia sẻ; như là một người bạn tri kỷ, một người yêu dịu dàng thấu hiểu, một người vợ yêu thương chịu đựng, thông cảm, tha thứ, hay có thể là như một người chị bao dung.

Ngừng giây lát, Thạnh nhìn sâu vào mắt Mười mỉm cười tiếp:

- Thương Mười chỉ cần biết Nam rất yêu Mười, yêu kinh khủng! Có những năm Nam đã vì yêu Mười tha thiết, mà Nam từ bỏ tất cả. Hẳn là Mườii không hay biết, nhưng Thạnh là bạn thân nên biết về Nam khá rõ. Rồi do đau khổ vì Mười, nay Nam sống buông thả, bất cần đời. Âu đó… do Mười có chút phần trách nhiệm. Thạnh nói “có chút” thôi. Không phải là Thạnh muốn “trăm dâu đem đổ đầu tằm” đâu nhe.

Mười trợn mắt nhìn bạn định phản đối, Thạnh mỉm cười tế nhị và đằm thắm:

- Mười biết không, bạn gái (ở đây Thạnh nói rất đơn thuần, không có hàm ý gì, đúng nghĩa là bạn gái của Nam à nghen), không phải là ai ai Nam cũng yêu họ, giống như Nam đã từng yêu Mười say đắm đâu nà.
- Mười nghĩ không đơn giản như vậy. Vì chính thân Mười chung thủy với Nam. Nên Nam khiến Mười thất vọng và đau khổ quá chừng. Niềm tin yêu đã bay mất rồi, thì khó lòng lấy lại được. Thạnh à.
- Nam và Mười phải có những điểm dị đồng, mới có thể chung sống với nhau trong mái gia đình.

Thạnh nêu ví dụ đơn sơ nè: Nam là cái ly đựng đầy nước trà nóng ha, thì Mười phải là cái dĩa, để cái ly có chỗ đặt lên điểm tựa, không bị rơi. Mười nên biết Nam là cái ly tràn đầy nước, mà Mười cũng muốn mình là cái ly đầy nước? Thì làm sao lồng trong nhau, úp lên nhau, mà không bị đổ, vỡ, hay tung toé nước đi? Mười phải là cái diã, cái diã để “chịu đựng và bao dung” Nam là cái ly sang ngời: Thì cả hai đều hoà hợp, tương xứng, ấp ủ nhau đêm ngày. Tình cảm tương tựa như thế! Cần có sự khoan dung, nhường nhịn, tha thứ, và đặt đúng chỗ, đúng nơi. Mười à!? Mười đã yêu Nam đến thế, thì hãy đến với Nam bây giờ, không chần chờ… đến khi quá muộn.

Mười nhìn Thạnh đăm đăm, nàng chưa biết trả lời ra sao cho đúng với tâm trạng mình rối beng. Thạnh cúi xuống thềm gạch bế con chó cún non nớt lên, và nương nhẹ ôm vào lòng, Thạnh vuốt ve vỗ về. Con vật rên ư ử trong cổ họng, và ngủ vùi. Mười nghĩ: “Đối với con vật mà Thạnh có cử chỉ trìu mến đến thế; thì nếu ai có diễm phúc là vị hôn thê của Thạnh, hẳn là “nàng ấy” sẽ rất hạnh phúc”. Thạnh lại cười vui, giọng nói chân thật, ấm áp, nhã nhặn, mang nhiều chí tình hàn gắn cho Nam và Mười. Đó là một người bạn thấu hiểu, thông cảm. Thạnh hạ giọng:

- Tình yêu của Nam cũng vậy thôi. Nam giàu tình cảm, nếu không muốn nói là anh ta rất đa tình, nên có lúc Nam cũng sơ ý. Làm sao anh ta chứa đựng trong tim cho hết, phải vương vãi ra ngoài ti tí. Mười à! Gọi là nhỏ giọt chút xíu. Còn lại tất cả tình yêu trong đời Nam, hay nói thực tế vui vẻ hơn, thì tình yêu trong ly men hạnh phúc của Nam - vẫn đặc biệt riêng dành cho một mình Mười mà thôi. Thạnh biết chỉ có Mười mới xứng đáng được Nam yêu đến thế. Nam đã vì yêu Mười mà bỏ ngang ở đại học Y khoa. Mặc dù Nam học giỏi. Rồi…, một ngày nào đó, Mười sẽ thấy Mười quyết định xa Nam, là lỗi lầm dại dột. Thạnh biết Mười vẫn yêu Nam, cho dù sau nầy nếu Nam có lấy người khác, nghĩa là Nam sẽ lấy vợ, nhưng Thạnh tin chắc là Nam không bao giờ quên Mười, có thể là Nam không quên Mười cho đến chết đó Mười. Cũng như Nam rất đau khổ khi xa Mười. Nam yêu Mười nhiều lắm. Mười có hiểu không hi`?

- Không đời nào. Mười vẫn hận Nam.
- Đó đó… đó. Bằng chứng tình yêu là mối hận lớn lao, khi chưa đạt đến tuyệt đỉnh cảm thông. Qua thời gian, sau những dằn vặt, đau khổ, dày vò, cay đắng, do mình cứ tưởng khi chẳng còn gì, là mình chỉ còn thù hận nhau, thì cuối cùng tình yêu giữa hai người vẫn đong đầy. Lúc đó, Mười sẽ rõ và càng yêu Nam hơn hết.

Thạnh nói chuyện ân cần, sâu sắc, khôn ngoan, dí dỏm, lịch lãm và tế nhị thế đó. Nhưng Mười chỉ một mực lắc đầu phản đối. Mười không thể tin Nam, và chẳng muốn níu kéo anh ta nữa.

- Mười không tin.
- Nhưng đó là sự thật.
- Thời gian sẽ trả lời.
- Đúng thế! Mười à.

Nam đã đi dạy kèm xong, và trở về nơi phòng khách, chàng đang đứng bên ngôi nhà xưa, Nam dừng lại bất động trên bậc thềm. Đã hằng trăm lần Nam đặt những bước chân hân hoan, vui vẻ lên những bậc thềm nhà nầy rồi ấy nhỉ? Ôi! Dường như Mười thấy được những dấu chân hân hoan tung tăng ấy, có nốt nhạc tình du dương ở mỗi bậc thềm nhà dã cuống quýt gọi mời nhau. Hai anh em thân ái ưa tung tăng ra vườn hoa, cùng đến nằm trên thảm cỏ thông nâu vàng bồng bềnh trong ngôi biệt thự. Mười và Nam tay nắm tay cùng chạy lên trên những bậc thềm. Và, ngày ngày đêm đêm Mười có thể mỉm cười cúi xuống, trìu mến vuốt ve từng vết giày của Nam ấm áp, trữ tình, thân thiện xiết đỗi vừa vô tình hồn nhiên dẫm lên đó. Nhưng, khi Mười ngước nhìn lên khuôn mặt Nam xa vắng đượm u buồn khó tả kia, bỗng vết thương trong lòng Mười đang cố đè nén lại bấy lâu, nay được dịp bùng lên mạnh mẽ, sôi sục điên cuồng. Mười cảm thấy tối tăm mặt mũi, vì những “cú đá tháu cáy” quặn thắt lòng xưa; như thể ai vừa thọc thanh lửa đỏ qua trái tim nàng cho ứa máu.

Mười thất vọng buồn phiền cúi mặt xuống, dõi mắt tìm những vết chân nơi bậc thềm hoang dạI rong rêu. Tay Mười run run, thân cơ hồ không đứng vững, giống như đôi chân của em bé chập chững dò dẫm từng bước đi. Mười lại cúi tìm kiếm những vết giày xưa đã trìu mến thân thương ngày tháng cũ. Mười muốn tìm lại những bước chân Nam từng gây xôn xao nỗi nhớ làm dại lòng Mười. Nàng tìm những bước chân Nam trìu mến vô vàn yêu thương ngày tháng cũ, bước chân Nam tuy vô hình vẫn quấn quit không chịu phai mờ trong tiềm thức, trong tư tưởng Mười. Nàng thở dài rất nhẹ.

Trước khi hai ngườị chia tay Mười để ra về, Thạnh khôn ngoan hóm hỉnh chậm bước đi giữa Nam và Mười. Thạnh vòng tay ôm cổ hai bạn, Thạnh nói cho Nam và Mười nghe:

- Thạnh biết: Đau khổ. Muộn phiền. Thất vọng. Chán nãn. Không trách vụ làm Mười và Nam đắng cay, thù nghịch, tuyệt vọng thêm. Thạnh hy vọng những lời chân tình nầy, sẽ khiến anh chị suy nghĩ chính chắn, và sẽ yêu nhau tha thiết hơn ngày đầu. Thạnh xin cầu chúc anh chị vượt thắng mọi chông gai, thử thách, để đạt đến đỉnh hạnh phúc vô ngôn nầy. Lúc đó, Nam nhớ viết thư qua bên Bỉ, báo tin mừng cho Thạnh biết nhé. Lên thăm Mười lần nầy, Thạnh sẽ đi du học mất rồi. Không biết bao giờ chúng mình mới có thể gặp lại nhau đây? Sẽ gặp lại nhau, hoặc chẳng còn cơ hội nào!? Một lần nữa, Thạnh chúc anh chị ở lại hạnh phúc, vui vẻ, yêu nhau suốt đời nhe.

Nam lẵng lặng âu yếm mỉm cười, hơi bối rối nhìn sâu vào giếng mắt Mười láy đen. Nam chậm rãi đạp nổ máy xe vespa. Mười liếc nhìn Nam và vội vàng cụp mắt xuống tìm dấu chân xưa trên con đường lạo xạo sỏi đá. Mười vụng dại kéo hai cánh cửa cổng lớn nặng trịch, hai tay run run cố gài khóa lại. Mười cay đắng đi thẳng một mạch vào nhà, không hề ngoảnh lại. Mặc dù trong lòng Mười rất muốn quay nhìn. Mười tiếc nuối vô vàn, buồn đau da diết. Vì có thể, đó là lần cuối cùng Nam đặt chân lên thềm nhà mình. Hết thật rồi. Ở chỗ mà ít phút trước đây Nam còn đứng đó: phiền phiền, thinh lặng, im im, dấu giày Nam ấm áp in trên mỗi bậc thềm. Giờ đây dấu giày Nam nhòe nhoẹt tan ra trên những bậc thềm loang lổ sương khuya; dấu giày dị dạng to dần, to dần… to to… và mờ nhoà trong màn đêm quạnh hiu, đầy giá rét.

* * *

Sau những ngày tháng nầy khá lâu, Nhi, Yến, Hồng, thường đến nhà an ủi Mười (?!) – một tình bạn hàn huyên, có trước có sau. Mười lắng nghe họ kể về Nam thất tình ra sao với nỗi đau xé lòng. Nam đã bán xe vespa, anh ta lêu lỗng, chẳng học hành, tối ngày anh ta chỉ đi lêu bêu với gái, rượu chè, cờ bạc. Kinh khủng hơn là Nam đã sa vào con đường hút xách thuốc phiện, cờ bạc, nợ nần túng thiếu (!?). Đời chàng xuống dốc thảm hại chưa từng thấy.

Nhưng với bản tính kiên cường, chịu đựng và che dấu, tự trọng của cô gái nhiều tự ái, Mười khoái trá hất mặt lên cười ngất, mỉa mai nhìn kẻ đối thoại, tỏ ra đắc ý, khi nàng biết Nam đã vì ta mà sống sa đoạ, buông thả. Mười không còn gặp người bạn nào chân thật, hết lòng chia sẻ niềm vui nỗi buồn như Thái Thạnh, mà Mười chỉ toàn nghe những tin xấu càng ngày càng chán, khiến Mười xa Nam hơn. Giữa Mười và bạn hữu như cánh buồm trắng ngoài xa, xa thật xa - Họ dừng lại năm ba phút, rồi nhổ neo đi. Họ ích kỷ, ganh tị, vui cười trong sự đau khổ đó. Thản nhiên trong sự phản bội đó không chút xót xa, bùi ngùi. Tuổi trẻ vào đời sống có chiều rộng, nhưng chưa có chiều sâu. Mười không giận họ, vì cho rằng đó là những sự kiện không mấy quan trọng. Mười đi làm việc ngoài phố, luôn luôn nhìn trước ngó sau dáo dác, nàng rất sợ nếu gặp Nam bất ngờ. Đôi khi Mười cảm thấy mắc cỡ vì đã có một thời mình từng là người yêu, là vị hôn thê của anh ta. Dạo nầy, thỉnh thoảng Mười vẫn thấy Nam luôn cười cợt (anh ta cười thái quá, ấy là điều Nam ít có trong cung cách thực của Nam). Nó sẽ quặn thắt lòng Mười qua những cơn đau kéo dài mãi mãi. Mười kinh ngạc thấy mình lẽ loi ghê gớm. Giữa Mười và cuộc đời là dòng sông chảy nhanh, là bờ đất lỡ mòn. Giữa Nam và Mười là vách đá cheo leo bên bờ vực thẳm hun hút không thấy đáy.

Ôi càng buồn đau da diết! Buồn làm sao nói được! “Chúng mình” đã không còn may mắn sống với nhau đầy hò hẹn yêu thương, mê đắm trên dòng đời êm ả. Hai người không cùng ngồi bên nhau lặng lẽ ngắm nhìn vết giày hân hoan trên thềm nhà xưa nữa rồi. Đêm về ru đêm dày vò và thảng thốt phai tàn…Tthay vì Mười nằm vật ra giường khóc mềm môi, ướt gối, như Mười đã từng khóc. Hoặc nàng hoảng hốt chạy ra đồi thông sau nhà, ôm mặt nấc lên từng cơn như ngày xưa nàng giận hờn chàng.

Bây giờ Mười chỉ yên lặng ngồi nhìn tấm ảnh chụp chung thuở hai người làm đám hỏi, (tấm hình bị Nam giận dữ lúc Mười nói lời chia tay, Nam đấm tay xuống bàn, đã vỡ nát mặt kính hôm nào). Mười lấy tấm ảnh ra, từ từ xé vụn từng miếng nhỏ, như xé nát lòng theo ngọn lửa hồng đốt đi hình bóng cũ rất yêu dấu. Nhiều đêm, Mười bất động nhìn ngọn nến nhỏ từng giọt lệ trên chiếc dĩa cạn đèn. Bóng tối bao trùm lên căn phòng vốn dĩ đã lạnh, càng lạnh lẽo hơn. Nỗi đau khổ không thể đến cực điểm để hủy diệt thân, dù Mười đã đang và sẽ đau đớn nhiều. Mười buồn bã nhận thấy mình lặng im đứng lại bên lề đường, giương đôi mắt hững hờ, lạnh lùng, chua xót, có khi tàn nhẫn để tiễn đưa Nam đi vào con đường riêng.

Chiếc thuyền hoa một lần nữa không tìm được bến đậu vĩnh cửu đích thực một đời. Đây là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong cuộc đời của hai người. Một bước ngoặt lớn kinh khủng đã chia xa số phận hai người rẽ về hai nẽo tách bạch, với toàn bộ đau thương, thống khổ vì yêu đang phơi bày sự lạnh lùng, giả dối. Bức màn mây xám đã hạ xuống hầu kết thúc một chuyện tình mê đắm đầy bi ai, và triền miên. Con đường từ ước mơ đến hạnh phúc thật tuyệt vời xưa kia, nay không thể thực hiện được, nên trở thành từng cơn mơ đau điếng, đã dẫn đến con đường hoang phế, làm buồn lòng nhau kinh khủng! Hai câu thơ sau của thi sĩ nào ghi quá tuyệt, Mười đã quên tên tác giả:

”Hứa cùng ta trăm năm ân ái,
Nỡ đi đâu để bạn đắng cay lòng”!?

Mùa hè năm sau... Phú cùng các bạn từ Sài Gòn lên Đà Lạt & trọ trong một ngôi nhà nép bên sườn đồi đầy hoa dã qùy mọc tự do nở vàng rực suốt dọc con đường Hai Bà Trưng. Ngôi nhà nầy có hòn non bộ xây ở góc trái hiên ngoài, mặt nước ao tù phủ từng mảng bèo li ti khẽ lay động. Cá bảy màu bơi lui bơi tới uốn lượn trong hồ dần tối lại. Từng đàn kiến đen nho nhỏ, tấp nập tha trứng trắng phóng chạy như điên, kiến leo lên góc cột cao, chui qua trần nhà đen nghịt. Mười nghĩ thầm: “Móng dài trời lụt, móng cụt trời mưa”. Kiến dời tổ lên chỗ cao thì lát nữa đây đám mây sẽ vỡ tan, sẽ có cơn mưa lớn nhỏ, nhiều ít chi đây. Sân có bốn cây mimosa hoa nở đầy cành, từng chùm bông óng ánh vàng tươi, thoảng mùi hăng hắc đặc biệt. Mười yêu hoa mimosa nên không thấy khó chịu. Từng chùm bông vàng tròn tròn đều đặn, mịn màng, êm như nhung, hoa mimosa đong đưa dưới cánh lá nhung lam, xám mốc phớt bạc, hình lá bầu dục trông đẹp mắt. Mười thích hái chùm hoa mimosa, pensée, violette, forget me not, cocorico, ép vào trang sách học trò, để gửi về bạn ở phương xa. Mấy loài hoa kia dễ ép, cánh lá mềm mại, mong manh. Duy chỉ có hoa mimosa và hoa mắc cỡ là khó ép, hoa có chùm nụ chưa nở, nên cứng như cành lá nó cưu mang, làm cộm lên dưới quyển tự điển dày. Do hoa khó tính khó nết vậy, nên nàng thích nâng hoa trên tay như nâng trứng, hứng như hứng hoa.

Chiều nay Nguyệt, Mười, Nhi, Thương, Vân, Hồng, Lâm Viên, Đào, rủ nhau đến dự sinh nhật Phú. Phòng khách vừa đủ rộng, cửa ra vào, cửa sổ kính, màn voan hồng mỏng che ráng chiều. Ngọn đèn vàng mờ đục, chao lụa móc trên tường toát lên vẻ ấm áp, nên thơ, thanh bình trong căn biệt thự nho nhỏ xinh xinh. Các bạn ăn bánh ngọt, uống trà Tàu, cắn hạt dưa, họ ngồi nhìn Thu Nhi mở màn khiêu vũ với Phú, qua bản “Đêm tàn bến Ngự” của Dương Thiệu. Thu Nhi có nét đẹp kiêu sa, áo dài màu hoàng anh, tóc dài buông thả trên thân hình cân đối, đường nét hài hòa, khuôn mặt xinh xinh, khiến ai cũng muốn nhìn. Lâm Viên đẹp dịu dàng hiền thục như hoa đồng cỏ nội Đế Đô, Lâm Viên hay cười tít mắt, duyên dáng liếm ướt làn môi, giọng nói nhỏ nhẹ, dịu dàng. Mặc dù có ưu điểm thế, thân nhau như thế, nhưng hai cô ấy vẫn khác tính nhau: một cô mê nhảy đầm, một cô nhút nhát ngượng ngập kiểu bồ câu. Nếu chưa biết chuyện riêng tư về họ, suy nghĩ của họ, thì Mười không thể nào tin được đó là hai cô ý hợp tâm đầu. Phải chăng sự tương đắt đó bao gồm cả sự tương thân tương ái, người này cần người kia cái mà mình không có, để bổ sung cho bạn cái mà mình vượt trội. Hai cô gái Huế ấy đã "nhặt được bạn qúy", nên thấu hiểu và thông cảm nhau lạ.

Mấy bạn trai đến mời Mười nhảy, nàng đều từ chối. Bởi lẽ Mười thấy kỳ cục quá sá. Nói ra thì có thể các bạn cho mình nhà quê, không sành điệu. Thời buổi nầy nhảy đầm là chuyện bình thường, thuộc lẽ tự nhiên khi giao tế lịch lãm ở đời. Nhưng Mười thuộc loại "nhà quê" thật sự, không văn minh tiến bộ nỗi. Lạ hoắc lạ huơ đâu không biết, đến mời nhau, ôm nhau, giậc lui giậc tới, va chạm thân thể tới tấp điệu nhảy cuồng quay nóng bỏng, vòng tay siết chặt thân thể. Ngượng chết người! Gì chứ “mấy pha mê ly hấp dẫn” đó, mãi mãi không nằm trong "chương mục văn nghệ tính" của Mười. Ai chê cười "quê một cục", em xin chịu, xin giơ hai tay lên đầu hàng vô điều kiện.

Mười ra ngoài hàng hiên, ngồi trên bờ tường thấp xây chung quanh ngôi biệt thự, để các bạn tự do thoải mái và tự nhiên đôi chút. Khoảng giờ sau, ngọn thuốc mãi miết cháy trên môi Phú ra lan can đứng gần bên Mười tần ngần nhìn lên cành hoa mimosa mập mờ trong bóng tối. Mỗi người chìm vào suy tư riêng. Tiếng cười reo của các bạn ở trong nhà nghe vô tư lự, tiếng đàn ca lùi hẳn về phía sau, nhường chỗ cho nỗi buồn nhẹ nhàng, tinh tế len lõi vào hồn Mười, thành nỗi nhớ nhung choáng ngợp lòng nàng. Mãi lâu, Phú buông tiếng thở dài. Mười quay nhìn nét mặt đăm chiêu như dò hỏi. Phú rít dài hơi thuốc cuối cùng, dụi tắt, vứt đi:

- Sao Mười nỡ đùa dai vậy? Vừa phải thôi.
- Đùa gì cơ!
- Anh rất khổ tâm.

Lần đầu tiên Phú xưng "anh", thay vì vẫn gọi tên nhau. Ngạc nhiên, Mười ngẩn người giây lát, rồi dè dặt hỏi:

- Về việc gì chứ?
- Còn giả vờ nữa.
- Không đâu.
- Sao Mười gán ghép người mà anh không thích vậy?

Mười sửng sốt nhưng lặng thinh cúi đầu. À phải! Các bạn đang trêu đùa trong nhà, họ trêu chọc Yến và anh ta đó.

- Mười nghĩ gì về... Phú vậy?

Câu hỏi quá bất ngờ, khiến nàng lúng túng xí:

- Nghĩ gì? Ơ... Phú như bạn thân thương khác. Có lẽ hiểu Mười… Chịu nghe Mười nói. Cùng... muốn học hỏi, trau dồi kiến thức... cho nhau.
- Vậy ha! Còn gì nữa không! Hở Mười?

Ngập ngừng giây lát, quay hẳn về phiá Phú, Mười nói:

- Phú đẹp trai, Yến là kiều nữ, không phải ai Yến cũng có cảm tình đâu. Cho phép Mười nói về Yến như vậy... Nếu ở vào địa vị của Phú, thì Mười sẽ chịu Yến gấp. Yến mến Phú nhiều, Mười muốn nói là Yến có cảm tình đặc biệt đó. Trong cái nền chung của các bạn trai thân quen, Phú nổi bật như ánh chớp nguồn trên nền trời xám đục. Phú có đáp tình là tất nhiên. Điều đó tốt chứ. Yến dễ thương mà!
- Không đùa chứ?

Hai cô Đào, Vân ra cửa, họ nghe lõm bõm, nên hỏi:

- Ê Mười, không nói đùa, thì nói chuyện thật gì vậy?
- À mình khen Yến... đó mà.

Được thể, mấy cô gái kêu to lên, chọc phá Yến:

- Yến ơi! Phú khen mày nè. Gớm! Nó vờ không nghe, lờ đi, mới dễ ghét chứ.
- Phú nhìn Mười, đôi mắt ánh lên tia trách móc, hờn giận, không có gì tả nỗi. Mười sợ mấy con nhỏ làm Phú buồn, vì anh ấy không biết chúng nó là "bát cô nớ" quậy tưng trời thần sầu đất lở, trẻ không tha, già không thương, Phú chấp nhất họ làm gì chứ. Mười vội giả lả sang chuyện khác. Phú vào nhà, chàng đến bên tủ lấy chai rượu ra, giơ lên trước mặt, cười:
- Uống tí rượu bỏ quên đời, dông tuốt lên chùa, quét lá đa cho xong.

Mấy anh chịu chơi hết cỡ thợ rèn rồi! Mỗi anh làm một cái ly nhỏ xíu bằng ngón chân cái, cho ra vẻ ta đây "trai tráng mới nhớn", là dân chơi cầu ba cẳng, lỡ qua sông phải lụy đò, dù có say mút mùa lệ thủy, vẫn OK. Các cô thì "em chã, em chê, em chịu thôi".

Ngày rồi có lúc tối đêm lại. Cuộc vui dù nhộn nhịp, hân hoan thích thú đến đâu, cũng tàn và chia tay. Giờ chỉ còn những cuộn mây xám giăng giăng, những hạt mưa tròn giọt thánh thót rơi rơi, từ đài hoa mimosa rớt xuống nền gạch lạnh, như muôn giọt thuỷ tinh tròn tròn, lăn lăn ly ti. Trên con đường thấp thoáng mưa phùn rơi, các bạn tiễn đưa nhau, hai ba người đi chung từng nhóm nhỏ. Lễ xỏ tay trong túi quần, đi bên Hồng (có người yêu là cháu chú Cửu Hiền, chú là em họ ba Mười; Vì thế mình bà con tùm lum tà la, bắn mấy phát cà nông, có lẽ mới tới đầu dây mối rễ) và Mười. Đắn đo giây lát, Lễ mở lời:

- Hôm nay sinh nhật của Phú, mà... nó buồn lắm.
- Vui chứ! Sao lại buồn?
- Dễ thương xinh đẹp như Mười, sao Lễ thấy Mười "ác dễ sợ".

Hồng nghe Lễ nói thế, vội đỡ lời bạn:

- Làm như Mười ăn thịt, ăn cá, ai không bằng.
- Nếu nó là cá thịt, cho người ta ăn, có lẽ đỡ đau khổ.
- Chi lạ rứa?
- Không lạ. Mười! Phú yêu Mười lắm đó.
- Điều nầy khiến Mười không vui. Giữa Phú, Mười, có thường viết thư. Lễ biết phải không? Giá như ngày ấy, Phú ngỏ lời ...có lẽ Mười không yêu ai khác. Sở dĩ nói vậy, vì Mười không dấu bạn điều gì. Nay Mười đã gặp và yêu anh ấy...

Ba người lầm lũi đi qua lối Cẩm Đô. Hồng chia tay bạn rẽ về phiá Ngọc Hiệp. Còn lại hai người, Lễ xỏ hai tay vào túi áo blousson, anh ta đá hòn cuội trắng cho nó lăn từng đoạn trên đường. Khá lâu, Lễ nói:

- Chưa nghe Mười nói về "anh ấy" bao giờ.
- Không có dịp gặp nhau, Mười chưa giới thiệu thôi.
- Dù sao Lễ... không muốn cho Phú biết điều nầy, Phú sẽ thất vọng lắm, và ảnh hưởng không tốt về việc nó thi cử sắp đến nữa.
- Cảm ơn Lễ. Mười... mến Phú như Lễ vậy. Chúng ta có với nhau nhiều kỷ niệm trong sáng, hồn nhiên, ngọt ngào vô cùng, một tình bạn dễ chịu, dịu êm.

Tình bạn muôn thuở còn đẹp mãi như xưa, khi họ biết về mình không nhỉ? Thương Mười tha thiết mong tình bằng hữu bất diệt, sống mãi trong mỗi chúng ta. Mười không muốn mất các bạn, cũng như không bao giờ Mười mất Nam. Ôi! Thế mà dường như chúng mình đã thật sự mất nhau rồi. Phương Nam ơi!

Ngàn hoa trỗi dậy ngậm ngùi
Đôi ta chẳng thể ngọt bùi bên nhau
Sương rơi ướt lệ ngàn dâu
Vòng tay buông thõng dạ sầu bâng khuâng
Hương xưa mắt biếc
Có ngờ đâu ngày ấy quá ngại ngần
Chân xiêu xiêu gió thoảng nhẹ lâng lâng
Tình cao vợi bủa dâng đầy trăn trở
Người thương ơi lệ mờ tim vỡ
Phút dạ hành dệt mộng xót xa
Lá đung đưa bện gió với sương sa
Mưa lác đác khẽ là đà rơi tí tách
Hình bóng cũ bến đò chiều lữ khách
Gót phiêu bồng ngỏ ngách dấu chân in
Anh (ngày xưa của…) lặng nhìn!
Bên tường vy em đứng im… vẫy chào
Tình yêu dấu ẩn chốn nao?!

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
08-15-2013, 08:55 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1376556855.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1376556459.mp3

Quá Khứ Phản Bội
(Trại Tù “Cải Tạo” Z 30 Gia Rai - Xuân Lộc)
Do một số đông thân hữu khẩn thiết nhờ THH tìm anh tù “cải tạo” có tên Long, năm 1982 đã bị tù ở trại Z 30 Gia Rai – Xuân Lộc. Vâng lời bạn, THH xin post bài viết đúng sự thật 100% nầy. Tác giả chỉ biết tên anh Long, tôi đã không thể biết “Họ” và tên đệm của anh Long. Anh Trung-úy Long, tù "cải tạo" ở trại Z 30 B, làm tại tổ than của trại tù. Anh Long được tin mẹ ở Khánh Hội đã chết. Nhưng... sau đó Mẹ anh Long đã đến "thăm con" trong chiếc quan tài. Vậy, nếu tình cờ anh Long (hoặc thân nhân của anh Long) có đọc được bài viết nầy, xin vui lòng nhắn gửi tin trên HQPD nhé anh. Có nhiều anh bạn tù “cải tạo” trong Z 30A + B vẫn ân cần nhiệt thành hỏi thăm tin tức và bệnh tình của anh Long đấy ạ.
Kính anh Long,
THH
trth.hanhphuc@gmail.com

*

Từng giòng lịch sử và giòng thời gian dài lê thê vùn vụt trôi qua theo tiếng còi tàu tốc hành hú từng hồi lát gừng, giống như nấc cụt, và con tàu từ từ xục xịch chuyển bánh, khói toả thành một lằn dài ngoẵng, bay mù mịt cả một góc trời, than khói đen đen xám xám kéo theo đoàn va-gông cũ kỹ, xập xệ, lắc lư. Con tàu dường như nhão mục rền rĩ khô khan rung chuyển, hì hục, lết lết, lắc lư rung rinh thụt lui thụt tới, cạ quẹt, rên siết, rọt rẹt nghiến trên hai thanh tà vẹt hoen màu rỉ sét.


Tất cả những toa xe đều huyên náo, ồn ào kinh khủng, tôi nghe thật nhức óc và điếc con ráy quá chừng! Vẫn những toa tàu chật như nêm chở đầy nhóc hàng hoá cồng kềnh ngổn ngang. Hành khách hỗn độn từ ga Sài Gòn đi về miền Nha Trang lố nhố bu đầy trên bậc cấp, trên mui trần, bên những ô cửa. Họ la hét, xô đẩy, giành giựt chỗ ngồi náo loạn. Nhân đó nạn sờ mó, móc túi, cướp bóc tràn lan trong toa tàu. Dù có tên Tiểu-đoàn đường sắt chống trộm cướp thủ củ súng và cây dùi cui lăm le trong tay, ông ta đập cây dùi cui chan chát trên ô cửa, lớn tiếng oang oang la hét không ngớt, ông chỉ chỏ ra lệnh đóng hết cửa tàu. Cuối cùng ổng đứng áng ngữ ở bậc thang cửa lên xuống tàu, ổng cũng không thể ra oai, mà đành giương mắt trơ ra nhìn.

Bởi do phần lớn trại tù học tập “cải tạo” mọc lên như nấm mà ra. TÙ! hơn cả chuyện nhà nước quyên góp cứu trợ nạn nhân thiên tai, hoả hoạn, lụt lội. Nhà nước không xây dựng kiến thiết quốc gia, xây trường học, làm đường sá, hay làm những công trình kiến tạo khác. Mà, trên toàn lãnh thổ Việt Nam đâu đâu cũng có “trại Tù cải tạo” khổng lồ! Trại tù đã giết chết bao người trai trẻ, hủy hoại rất nhiều tiềm năng trí thức, xeo nạy nạo vét hết sĩ khí và dũng chí con người. Họ đã bị nhà nước xã hội chủ nghiã láo khoét tuyên bố:
- Đi học tập "chỉ có" 14 ngày cho thông, rồi về.

Nên đa số anh em quân nhân công cán chính Việt Nam Cộng Hoà chân thật cả tin; đã bị mắc lừa, bị lọt lưới. Họ đã xô nhau tới đường cùng, đã trở thành những người tù tội bị nhánh tình đoạ đày lưu vong trên chính quê hương. Mặc dù quê hương không bao giờ phản bội con người, chỉ có con người ngoảnh mặt quay lưng nơi chôn nhau cắt rún và phản bội lời hứa. Hàng hàng lớp lớp thanh niên trai tráng bị nhà nước đánh cắp không chỉ là gia sản, tài năng, trí dũng, sức khoẻ, thân phận… tình bạn, tình thân giữa đồng loại, ý niệm về không gian và thời gian từ sự bình thường tiềm ẩn trong những phi thường đã qua. Trơ tráo trắng trợn hơn là tù “cải tạo” bị ăn cắp tuổi xuân-thì và bị lột trần cả về tình yêu – (tình yêu nhìn qua nhiều lĩnh vực và lăng kính: tự tin, dung hòa, tha thứ v.v... trên mọi phương diện). Thế nhưng… quá khứ ngục tù canh cánh bên lòng trỗi dậy; hy vọng mong manh, tự do bị vùi dập, lãng quên, một sự thiếu tình thương và thông cảm từ “phía nội thù” nằm ngay trước mặt. Yêu thương và đồng cảm thì ở chân trời xa tít tắp. Để rồi hắt lại trong đời tù sự đố kỵ, lạnh lùng, câm nín vì chọn lầm chỗ, khi người tù sa cơ thất thế nằm gọn trên đe dưới búa – Hóa ra như chinh nhân chọn lầm một đất nước... mà cấp lãnh đạo ấy chỉ biết dẫm đạp lên mình đồng loại mà ác ôn côn đồ trả thù! Thì đấy:
Có phải Đảng đã trả thù ác độc
Dân miền Nam sau khi cướp miền Nam
Nhãn "cải tạo", mác "khoan hồng, học tập"
Thực chất giết người quỷ quyệt, dã man? (Ngô Minh Hằng)

Gợi lại trong lòng mọi người bao hoài niệm bi hận về một giai đoạn lịch sử quá đau thương, nghiệt ngã của miền Nam Việt Nam khốn cùng, điêu linh khổ ải và bất hạnh: Họ bị lọt vào cái bẫy sập tinh vi, độc ác, kinh dị nhất thế giới. Hàng hàng lớp lớp thanh niên trai tráng trở thành tù “cải tạo”, vùi dập đời trai đầy dũng khí và tráng kiện như món hàng béo bở, đã ngã giá trong thương vụ quốc tế; qua những túm quà thăm nuôi eo xèo bé xíu đựng mắm muối, đường thẻ, tôm khô, cá khô, bánh thuốc lào, nửa ký đường cát trắng, trăm gram cà phê, v.v…

Đôi khi sơ ý ngủ gục, vợ con tù cũng bị cướp sạch trơn. Ai vô phước đeo bông vàng, đều bị cướp giật đứt lìa tai, máu chảy ròng ròng. Thậm chí áo quần mặc trong người, nếu cướp coi “bộ đồ gió, bộ đồ vía” polyester mới xỏ vào lần thứ nhất, cũng bị trấn lột trắng trợn. Bạn tôi nói thế mà linh:
- Tao đi thăm nuôi tù “cải tạo” chính trị, chứ có phải đi vào trại tù “cải tạo” coi ca nhạc, hay đi ăn tiệc tùng gì, mà tao xum xoe diện áo quần lành lặn, bảnh bao tươm tất. Hử? Khi trời tối canh ba, cướp ùa ra trấn lột hết, chỉ còn bộ đồ lót. Có may, thì cướp nó quăng cho bộ đồ rách cụt ngủn, vợ tù đi chân đất vào thăm chồng. Khi đó thì mi nghe nè:
Ngày xưa ăn nói dễ nghe,
Bây giờ cẳn nhẳn chua lè khó ưa.
Ngày xưa thích được mây mưa,
Bây giờ hạn hán hết ưa tù tì
Ngày xưa thường sánh vai đi,
Bây giờ chỉ thích năm ì ...xem phim...
Ngày xưa nhớ nhau đi tìm,
Bây giờ mặc kệ ...con chim mất dzồi. (*)
***

Bà mẹ chồng và các con trai, tôi, đi tàu lửa chật như nêm, họ nhét bà nội, mẹ con, cháu; ngồi chung với bầy súc vật kêu la đinh tai nhức óc, hôi thối, áo quần bu trét đầy phân heo, phân chó. Gà, vịt kêu quang quác ngổn ngang nhảy lên đầu lên cổ chúng tôi. Khổ nhất là khi chúng tôi đáp tàu chuyến, tàu chợ, xe đò… để vô Xà Bang cách Bà Rịa 28Km về hướng Bắc Đông Bắc, xa Xã Cẩm Mỹ 6Km về hướng Nam. Xà Bang nằm cạnh Liên Tỉnh Lộ số 2, (từ Ngã ba Tân Phong, Quận Xuân Lộc, thuộc Tỉnh Long Khánh) thăm Luật.

Về sau nầy Luật bị chuyển trại ở Long Giao, vô Z 30. Không có tiền, nên nhiều lần mẹ con bà cháu trụt xuống tàu lửa, hay xuống xe tại ngả ba Ông Đồn, Xuân Lộc, rồi đi bộ ngang qua trại “tù cải tạo” Z 30 C Gia Rai (chúng tôi phải đi ngang qua trại tù Z 30 C ở đồi Phượng Vỹ. Hồi xưa do Trung-đoàn 48, thuộc Sư-đoàn 18 Việt Nam Cộng Hoà trấn giữ.) Muốn đi vào trại tù Z 30 A – hay Z 30 B - xa rất xa. Rất xa.

Mưa ào ạt đổ xuống khu rừng rậm, thế nên thiên nhiên được kỳ cọ rửa sạch cây cối, và những láng trại tù, nóc nhà tôn, nhà lá... Rừng cây trở nên dịu dàng vì vừa qua trận mưa to tắm mát núi rừng. Mẹ con tôi vội vàng lẽo đẽo theo sau những chị vợ tù, mẹ con tù. Họ từng đi thăm nuôi chồng, cha, con, trên đường rừng đồi nương nầy có ngỏ tắt, thì sẽ đốt giai đoạn, sớm vào láng trại tù nhanh hơn, trước khi trời chuyển mưa, hay chóng sập tối. Chúng tôi và bốn con trai cố rảo bước, chỉ sợ chậm lại, thì sẽ bị lạc mất đường đi. Cỏ tranh cao lút đầu bọn trẻ đã cào xướt vô da những lằn dài đỏ tươm máu và rát bỏng. Cỏ may rậm cũng cao gần đến bụng con, bông cỏ xâu vô hai ống quần, chích vào chân chúng tôi ngứa ngáy, khó chịu dường bao. Ve chó, ve đất, châu chấu, cào cào, ruồi trâu và muỗi cứ bay ào lên từng đoạn, mỗi khi chúng tôi bước qua khu đường tắt trong rừng sâu.

Trại tù Z 30 (là một trong muôn vàn trại tù mọc lên đông đen nhiều vô số, ấy là thành trì cốt cán chặt chẽ, độc ác, tróc khảo lột da con người kinh khủng), do đảng và nhà nước dựng lên, để cai trị tù “cải tạo”. Tù nhân bị dời đổi đi luôn luôn, xáo trộn lung tung tùng phèo lên như thế. Vì đảng, nhà nước, cán bộ rất sợ! Họ không muốn người tù ở lâu một nơi, cùng nhau ở một chỗ. Tù nhân sẽ dễ dàng kết thân với nhau, sẽ bí mật “tạo phản, phục hồi danh dự, và phục quốc, phục quê”. Chả phải trai tráng đi “học tập cải tạo” (Reeducation Camp) gì sớt! mà trăm ngàn tốp tù chuyên môn đi “lao động khổ sai là vinh quang”. Tốp nầy chặt cây, tốp kia lo đào ao, tốp khác phải đi gánh phân, múc nước đái tưới rau tươi đã gieo trồng. Trong lều bên góc trại có dựng lên một lò rèn thô sơ bằng tay, để tù nhân vào đó rèn rựa, rèn dao. Tù phải tự làm thợ rèn dao, rựa, cuốc, xẻng, cào; để đi cuốc đất, trồng ngô khoai đem cho đảng và cán bộ ăn. Tù vác xẻng đi đào mương khai cống rãnh. Tốp tù vào rừng lấy củi, chặt tre đốn cây làm nhà tù, làm thành nhà xong thì tự nhốt mình trong những láng trại xa xôi hẽo lánh: mùa nóng thì nóng lột da, mùa lạnh thì lạnh thấu xương.

Nơi tiếp tân: trên bàn quản giáo có chiếc hộp để “Góp ý”. Thật ra đấy là nơi dùng để làm “cần câu” theo dõi, đấu tố nhau, điềm chỉ “cho chắc cú thấu triệt” hơn. Nhiều thủ tục đơn từ khai báo lỉnh kỉnh, lẩm cẩm, rườm rà. Cán bộ lấy cây que tăm xe đạp thọc vào, khám xét, moi móc tỷ mỷ những thỏi kem đánh răng, rất lâu. Nhưng, thành thật mà nói thì mẹ con tôi sợ tên quản giáo (mà chúng tôi rỉ tai nhau là bộ mặt “Lucifer”) coi ở phòng khách, sợ gấp trăm lần sợ anh chị nào mang bệnh cùi lở loét. Chỉ sơ suất một cái gì, thì kể như chúng tôi không được cho phép thăm viếng, chuyện trò với chồng, con, cha, gì sớt. Nhưng nói cho cùng, không phải cán bộ trông coi trại giam, là ai ai cũng "ác ôn côn đồ độc ác" cả đâu. Bằng chứng là chỉ có một cán bộ Nhượng đối đãi với tù có khá tôn trọng, từ-tâm hơn nhiều người cán bộ công an Cộng-sản khác.

Chúng tôi bồn chồn nôn nóng lo âu chờ đợi vài giờ, nhón gót dáo dác nhìn quanh, mẹ con cứ đi ra lại đi vô. Trong hàng rào phân định làm thành mô hình chữ U, là bảy dãy nhà tù lợp tôn, lợp lá đối diện nhau. Phân đôi giữa những dãy tù là khoảng sân vừa đủ rộng. Đi xuống dãy nhà bếp và bốn dãy nhà tù biệt giam. Nơi đây tù nhân bị mang gông cùm lởm chởm, cornex thì ở tít sau mé cùng, các anh bị đọa đày khổ cực, khốn cùng đắng cay, đau khổ vô vọng hết biết. Bị tù không bao giờ biết ngày tuyên án. Chẳng biết lúc nào ra khỏi nơi qủy khóc thần sầu!

Đoàn tù lần lượt nối gót nhau từng tốp mươi người ra nhà khách. Thân thể họ toát ra những giọt mồ hôi hột, chảy dài từ đầu đến ngực, ướt đẫm lưng áo bạc phơ sột soạt từng đám phong trần. Trong cơn bấn loạn, sợ hãi, và băn khoăn tột độ, chúng tôi dáo dác nhìn quanh, cố tìm khuôn mặt người thân. Tôi lặng người nhìn những khuôn mặt vàng bũng, nhận ra nét cằn cỗi, già nua, hốc hác, bơ phờ và ốm đói mỏi mệt cuả tù, từ những lằn nhăn bên khóe miệng người tù, trên đuôi mắt hằn lún những đường rãnh trên vầng rán cao cao sạm nắng gió khuya chiều, mà bỗng dưng mình bủn rủn. Nhà khách im phăng phắc nghe cán bộ đọc tên tù xong. Thế rồi, mọi nơi, mọi chỗ, mọi người đồng loạt rộ lên tiếng nói rộn ràng lao xao, ríu rít như bầy ong vỡ tổ. Người người bùi ngùi thân thiết mừng rỡ trong nghẹn ngào, nức nở xúc động bồi hồi chào mừng nhau, rưng rưng hỏi thăm, ủi an nhau, vỗ về nhau, tay quệt nước mắt trào lệ, miệng cố mỉm cười méo mó để che dấu nỗi chua cay xót xa, đầy đắng chát tủi nhục vô trong lòng.

Tôi và Luật ở giữa hai vòng ngục tù quê hương. Chồng tôi ở vòng tù trong địa ngục, và đôi khi anh bị cùm trong vòng tù thứ ba là nơi chuyên giam nhốt ai có “trọng tội”, là bị xiềng xích hai tay hai chân, nơi cùm gông dành cho thứ dữ. Gia đình tôi (nói riêng và đa số gia đình bạn tù nói chung, cùng đồng bào ở vòng ngục tù bao la ngoài chấn song vô hình, khổng lồ đồ sộ... dù rộng bao la mà vô cùng kiên cố). Từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, lan ra tận Phú Quốc, Côn Sơn, đều giống nhau. Trước kia Luật đã ở các trại tù: Suối Máu - Ra Phú Quốc - Về trại Long Giao…vân vân… Sau đó chuyển tới trại Z 30 A. Rồi chuyển qua Z 30 B. Gia Rai – Xuân Lộc. Quả thực, hồi nhỏ ông chồng tôi, có tên cúng cơm rất là dễ sợ, do bố mẹ ảnh đã đặt cho ảnh cái tên: “Phạm Trọng Luật” thật. Nhưng khi lớn lên, Luật đi học đến lớp Nhất, thì bị thầy giáo vui tính gọi bố mẹ lên, thầy ôn tồn nói:
- Tên gì cụ không đặt, lại đặt cho con cụ có cái tên kinh khủng đến thế. Nếu cậu ấy không có "tội", thì cũng vì "phạm trọng…" mà vô tù, nghiã là đi tù ây.

Ông thầy giáo “làm phụ thầy bói" như thế mà linh! Nay ảnh đã bị “phạm trọng luật” (!!!, ???), đi tù gần 10 năm bị học tập "cải tạo" sao ta!? Có lần chồng tôi cười cười trêu đùa:

- Thùy Mến ơi! Anh có muốn đổi tên thật phí, vẫn bị lừa như thường.
- Mắc gì đổi tên mà bị… ai lừa nào!
- Thì anh không đổi tên họ, mà vẫn phạm trọng luật, (!?) đi tù, thì xong béng đời trai là cùng chứ gì!

Chúng tôi hết sức lo lắng về tình trạng bệnh sốt rét của Luật, nhất là đôi bàn tay anh đã lở loét, bàn chân anh làm độc dạo trước, (do bị cán bộ y tế trại kêu anh vào làm thí nghiệm, ông ta lấy con dao bầu cắt rau trong nhà bếp, cứa cứa vào chỗ đau, xịt máu mủ ra. Chẳng có sát trùng, sát triết gì. Không có thuốc tê, thuốc bại gì ráo. Luật đau đến ngất thì thôi). Mặc dù Luật đã ở tù mươi năm rồi, sau nầy mỗi tháng anh đều được giấy cho đi thăm nuôi, nhưng gia đình tôi quá nghèo. Một năm chúng tôi chỉ chia nhau đi thăm nuôi Luật vài lần. Có năm chúng tôi không đi nỗi.

Cho đi thăm nuôi tù, thật ra nhà nước chẳng ưu ái khoan hồng, tử tế hay tốt lành gì. Cho phép người ở vòng tù ngoài đi thăm nuôi vòng tù trong, chẳng qua là đảng muốn tù ngoài gánh vác đỡ bớt gánh nặng nuôi miệng ăn tù trong. Mặc dù tù “cải tạo” ăn ngày non bữa, bỏm bẻm chỉ có một muỗng cơm lạt độn bo bo hoặc sắn khoai. Do số lượng tù quá sức đông, nếu chiết tính sơ sơ, đảng cũng nát óc điên đầu, nhà nước khó khăn, nan giải trong vấn đề gạo thóc mắm muối của đảng, thì cũng là chuyện không thể. Luật thấy rõ hai túm quà bé tí nị, mà gia đình mang vào cho anh, nhưng quý giá gấp mười lần cá, thịt: Đó là tất cả sức cần lao, đói khát, gian khổ, từ mẹ già răng long tóc bạc. Từ những bàn tay con gầy bé tí xíu. Từ người vợ mảnh mai. Họ đã nhịn đói, nhịn khát, ngỏ hầu góp nhặt từng xu, từng đồng, cố gắng dành dụm cúp nũm, để mang vào tù cho anh ăn tạm qua cơn đói rã ruột.

Dĩ vãng vinh sang, anh: xe pháo rủng rỉnh, nhà cửa đình huỳnh sung túc an vui thình lình ồ ạt chảy về trong hiện tại đầy ứ, quá khứ phản bội khiến anh xốn xang chóng mặt đến hụt hơi. Vì, chuỗi lao tù cay cực kéo dài trước hàng chữ: “Không có gì quí hơn độc lập tự do”. Mỗi lần gặp mẹ ruột, vợ, con: mệt mỏi đến thăm, Luật chỉ ôm chúng tôi khóc ròng. Anh khóc, không vì cảnh “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Mà bởi anh rõ hơn ai hết, khi nhìn mẹ gầy trơ xương, nhìn vợ ốm yếu, nhìn đàn con nheo nhóc khẳng khiu, yếu xìu, xanh lướt kia đang rưng rưng giọt lệ mừng vui cuống quýt. Luật lặng người nhận ra nét già khú đế trên khuôn mặt mẹ xếp lớp lăn tăn. Anh đau đớn nhìn những hố mắt con thơ trũng sâu. Và, nơi khuôn mặt cô vợ hoa hậu diễm kiều mặt hoa da phấn năm nao, bàn tay búp măng nõn nà thuở xưa, nay “em tôi” có từng đường gân xanh nổi cồn bên thái dương, nơi bàn chân nứt nẻ, tróc lở, ở bàn tay sần sùi của “nàng”! Luật mủi lòng chẳng sợ ai cười chê, anh đã úp mặt vô hai bàn tay nứt nẻ mà khóc tướng lên, như trẻ thơ.
***

Lui cui dọn dẹp mấy bọc ni lông đựng túm xôi đậu xanh, tôi nhồi thêm ít đậu phụng rang vào xôi, để lát nữa sau khi hết giờ thăm nuôi, Luật sẽ xách vô trại, (thay vì Luật và mẹ con tôi ngồi ở đây, vừa ăn vừa nói chuyện, sẽ mất thì giờ, mà không nói được chuyện gì), thì tôi sửng sốt chợt thấy một đoàn hai chiếc xe hơi, từ ngoài con đường đất đỏ từ từ lăn bánh vào, và dừng lại ngay bên ngoài cổng trại Z 30. Trên xe lố nhố kẻ đứng người ngồi, đa số là người mặc áo tang, tôi nghe họ khóc than thảm thiết lắm. Tên cán bộ trại liền ra lệnh cho những người đang thăm nuôi dồn lại ở một cái bàn dài trong góc cùng. Tôi còn ngơ ngác và lo lắng nhìn quanh, Luật thì thầm:
- Anh Trung-úy Long, tù ở trại Z 30 B, hiện anh làm tại tổ than của trại tù. Anh Long được tin mẹ ở Khánh Hội đã chết. Dù có giấy báo tử, anh Long đã tức tốc xin phép trại trưởng, cho anh về nhà một ngày, để phục tang. Nhưng họ kiên quyết không cho. Nên hôm nay, thân nhân của anh Long đưa mẹ về quê an táng tại Phan Thiết. Trên đường đi về quê, xe tang ghé qua trước cổng trại, họ xin phép trại trưởng cho anh Long ra đứng bên trong cổng, ngay dưới hàng chữ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, để lạy chào mẹ lần cuối cùng.

Bần thần chua xót và vô cùng cay đắng, khi tôi tận mắt chứng kiến cảnh anh Long xanh lướt, thân thể anh héo hon thất thểu ra cửa trại tù. Anh chập choạng ủ rủ như người mất trí, như người say, anh như thân cây sắp ngã. Anh Long lê từng bước thấp bước cao ra tới bàn quản giáo. Anh run run ký tên vào sổ thăm nuôi. Đôi mắt anh Long sưng chù vù, mọng đỏ. Lúc ấy người nhà mang vào cho anh Long bộ đồ tang trắng, họ quấng lên đầu anh mảnh khăn tang, anh buông thỏng hai tay, đứng bất động như trời trồng. Anh Long để mặc họ xỏ áo thả gấu xỏ quần trắng cho mình như cậu bé con. Hai người thân kè xốc anh Long ở hai bên cánh tay, dìu đưa anh bước thấp bước cao ra cỗ áo quan mẹ lạnh giá. Như cái xác không hồn. Anh Long run rẩy cầm ba cây nhang quỳ xuống mặt đường đất đỏ gồ ghề. Bỗng anh Long khóc rống tướng lên. Nghe thảm thiết lắm. Anh Long sì sụp lạy mẹ và bất thần rệu xuống. Chuyện nầy ai ai trong trại tù Z 30 cũng biết, có thật 100%.

Bỗng dưng, từ thinh không rót vào tim tôi cảm giác rờn rợn, đau đau, phiền phiền uất ức, nghẹn ngào rất vớ vẩn. Tôi để tiếng lòng ngân trong chiều Thu vẫn hầm hập nóng rần. Dù gió heo may hái lá so đũa rụng đầy sân tù. Ôi! Vô vàn đau xót, chua cay và đắng chát nghẹn ngào, thương tâm dường bao! Những người đi thăm tù đang chứng kiến cảnh não nùng vĩnh biệt ly tan nầy, đều bưng mặt khóc. Nhìn mây trắng bồng bềnh trôi, như từng lọn bông gòn xôm xốp thao thức giữa hoàng hôn đượm buồn, tôi òa vỡ hàng nước mắt chảy ròng ròng xuống má. Cổng đập đã mở toang hoang, mọi nỗi niềm đau đớn được dịp tuôn trào. Tôi khóc cho quê hương lầm than. Khóc vì chồng đoạ đày khốn khổ trong ngục tù. Khóc vì anh Long xa lạ mà quá gần gũi vô vàn thân thiết. Khóc vì mọi nhánh tình lưu vong bi lụy, người tù đoạ đày trên chính quê hương Việt Nam dấu yêu. Khóc mẹ chồng già nua khổ sở. Khóc các con thơ ốm yếu cơ cực đói khát. Và khóc chính thân tôi tàn úa trước thời gian ủ rủ rục rả . Khóc ròng! Chuyện Mẹ Đến Thăm Con trong Tù “cải tạo” cuả Long đã có qua lời thơ của anh tù “cải tạo” Lê Xuân:
Xưa mẹ đến thăm con giữa chốn lưu đày,
Thời gian leo lét cháy trên tóc bạc như mây.
Tình mẹ thiên thu. Nhưng đời mẹ chỉ còn tháng ngày.
Mẹ thường đến thăn con như mưa xuống cỏ cây.
Trưa hôm nay nắng nhiều hơn cả gió!
Có chiếc xe tang phủ đầy bụi đỏ
Trong chiếc quan tài, mẹ lại đến đây,
Mẹ lại đến đây giữa chốn lưu đày
Dù môi mẹ không còn hơi thở!
Gió trong con nhiều hơn giông tố.
Dù tim mẹ không còn nhịp thở.
Đất lung lay, trời cũng xoay xoay.
Mắt con lệ mờ, hay sương khói xa bay?
*

Chúng tôi phải sống thầm lặng, đói nghèo, cơ cực suốt mười tám năm tẻ nhạt, hèn mọn, dưới tận đáy xã hội, giữa sự lạnh lùng, độc ác, phân biệt đối xử đầy bất công. Một sự thiếu thông cảm, không đức độ, trả thù dân tộc trắng trợn chẳng xót thương. Chả vị tha và hoàn toàn không có sự đồng cảm, tương thân tương trợ trong lúc khốn cùng. Thạch sùng tróc lưỡi lỏ mắt nhìn gia đình tù dở sống dở chết, khi đất nước đổi đời. Số phận dân đen vùi dập trong bùn, sau ngày 30 tháng 4 mất nước. Đồng bào ngoài tù đói khổ lầm than. Luật ở tù trong một chế độ phi nhân, tàn bạo, dã man đáng nguyền rủa suốt kiếp. Suốt kiếp! Gây cuồng nộ triệu triệu con tim, làm kinh hoàng thế giới!

Chao! Trời cao đất dày ơi! Xin Trời ở trên cao ngó xuống. Đất ở dưới ngóng lên. Hai bên giá vai có hai thánh linh biên chép, soi xét: Chứ, chúng tôi nào làm gì nên tội, sao phải gánh chịu cảnh đoạ đày, tù tội oan nghiệt, ô nhục đến thế nầy? Quá khứ chồng chất lên dĩ vãng quá đầy, quá nặng, quá đau. Tôi không thể tom góp ít chuyện đau buồn vào từng ấy nét phác họa sơ sơ, ghi vỏn vẹn trên năm bảy trang giấy, kể hầu quý vị nghe hết nỗi cùng cực, cay đắng, khiếp đảm xiết đỗi trên chính quê hương tôi. Dạ thưa! Không thể! Vã chăng, giờ nầy tôi ghi lại dòng “lịch sử đổi đời”, không mục đích để bôi nhọ làm xấu xí thêm trang giấy. Câu chuyện TÙ “cải tạo” rành rành ra đấy, cũng chả cần phải trách móc chế diễu ai. Tuyệt nhiên tôi không muốn lên án một cá nhân, hay chế độ nào. Tôi xấu hổ khóc thầm cho số phận hẩm hiu, thân khổ-qua con cò lò mò, con rùa cơ cực bẽ bàng quá đỗi đau xót. Thế thôi!
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
08-22-2013, 01:53 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1377135736.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1377135842.mp3
Côn Sơn (Côn Đảo POULO CONDOR)
còn gọi: Long Range, hay Côn Lôn LORAN)


Côn Sơn Loran (Côn Đảo còn có tên gọi là Côn Sơn Long Range, hay xưa kia có tên gọi nữa là: Poulo Condor) với đường chân trời vẫn giao hòa nhịp nhàng thắm thiết cùng biển cả mênh mông bao la. Bầu trời xanh xanh, xam xám, nhàn nhạt, mây trắng cuộn từng lọn bồng bềnh, lênh đênh bơi bơi trong không gian ngút ngàn vô tận. Nước xanh lam đậm và tươi ánh, long lanh lung linh như quyện lẫn hoà tan vào nhau, tạo thành đường viền chỉ bạc óng ánh tít đặm ngàn hải lý nơi chân trời xa mờ xa. Vào mỗi buổi bình minh hay hoàng hôn, mặt trời to to tròn tròn đỏ rực, nhúng lên nhúng xuống nhấp nhô đùa nghịch trong nước quanh Côn Sơn Loran. Mặt trời rạng rỡ vươn cao ánh bình minh, hay ánh tà dương chìm lặn vào chân trời đâu đó, đều quyến rũ tuyệt đẹp và da diết đượm buồm.

Côn Sơn an tọa tại vùng Đông Nam Việt Nam, được Pháp thành lập vào giữa thế kỷ 19, do kinh tuyến gốc từ đài thiên văn Greenwich ở nước Anh. Điều 224 trong bộ luật thời vua Gia Long xưa đã ghi: “Côn Lôn ngộ xá bất nguyên” (bị dày ra côn đảo, có đại xá cũng không thể về). Xa xăm! Mịt mùng! Đơn điệu! Lẽ loi!
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1377136155.jpg
Diện tích đảo Côn Sơn trên tọa độ 8o 40” 57” Bắc & 106o 36”26” Đông. Côn Sơn nằm giữa hai kinh tuyến- đi qua hai trục của trái đất, các điểm trên đó cùng một kinh độ: 106/o và 107/o36’ Đông với Sài Gòn; cùng một vĩ độ 8/o36’ Bắc với Cà Mau. Côn Sơn nằm ở cuối vĩ tuyến 9, trên mặt phẳng song song với xích đạo, nhìn ngang từ chóp Mũi Cà Mau ra hướng Biển Đông. Côn Sơn trực thuộc giám định từ khu Bà Rịa Vũng Tàu, trên đường bay 215km hay 116 hải lý. Tổng diện tích toàn diện khoảng 51, 52km2.

Côn đảo là một cù lao khổng lồ hoang vu dầm mình trong đại dương xanh thẳm, lềnh bềnh nhấp nhô bao bọc bởi đại dương bao la, bát ngát sóng vỗ. Bờ biển sạch nước trong veo tuyệt đẹp. Hải âu soãi cánh ríu rít nô đùa, chao lượn trên những ngọn sóng bạc đầu. Gió lồng lộng luôn lao xao rì rào dưới hàng phi lao. Sóng cả xô bờ đập vào những mô đá gập ghềnh, hùng dũng chạy lui chạy tới, tạo thành nhạc biển hùng ca bất tận, triền miên. Xa thật xa, thỉnh thoảng có những cánh buồm trắng nhỏ li ti, nhấp nhô trên sóng nước biếc xanh. Những cánh buồm ít khi vào bến đậu nơi đây.

Năm. Tháng. Ngày, giờ ngày cũng như đêm, sóng cuồn cuộn dập dồn, rì rào gió biển dìu dặt, lao xao, lồng lộng. Từ trên phi cơ nhìn xuống vĩ mô, thì dưới những vùng mây lướt mây, trông Côn Sơn giống như một con gấu khổng lồ, dường như nó hờn dỗi phụng phịu quay lưng “làm ngơ” nũng nịu nhìn về đất liền. Một phần “con gấu” đồ sộ ấy choài ra mé biển xanh ngắt, bề mặt “con gấu” ngâm mình trong nước loáng bạc, "nó" hướng ra biển Thái Bình Dương. Mũi trước của Côn Sơn mang tên Con Chim Chim. Mũi sau tên là Cá Mập.

Côn Sơn có một phi đạo nho nhỏ duy nhất ở Đầm Trầu chạy dài 10km từ sân bay tới huyện đảo. Sân bay bình thường và đơn sơ không có đài kiểm soát không lưu. Chỉ có vài cột trụ dựng lên mấy cái “ống gió”, cho phi công dễ nhìn xí trước khi đáp, để hoa tiêu định được vị trí hướng gió mà thôi. Ô là là! Muốn di chuyển từ Côn Sơn đi về đất liền, thường thường người ta chỉ dùng phi cơ, ấy là phương tiện giao thông duy nhất nhanh chóng và an toàn tuyệt hảo lúc bấy giờ (1973).
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1377136308.jpg
Một bên là hàng cây bàng già nua, một bên kia là biển cả mênh mông sóng gợn dập dồn. Làng Cỏ Ống là khu vực gần phi trường. “Con gấu Côn Sơn” cúi nhìn mấy cụm đảo nho nhỏ lân cận của nó là: Hòn Câu. Hòn Bảy Cạnh. Hòn Bông Lan. Hòn Tài Lớn Hòn Tài Nhỏ. Hòn Vung. Hòn Trứng. Hòn Trác. Hòn Tre Lớn. Hòn Tre Nhỏ. Hòn Bà. Hòn Anh, hòn Em. Cộng chung là có hơn 16 hòn đảo nhỏ tí xíu. "Hòn" thì như thế, mà "Bãi" cũng có chút độc đáo qua tên gọi: Bãi An Hải (hòn An Hải). Bãi Lò Vôi. Bãi Đất Dốc. Bãi Ông Đụng. Bãi Đầm Tre giống một cánh tay con gấu vươn chìa ra biển.

Trạm khí tượng cạnh hồ Quang Trung. Phi Yến. Hàng Dương... Bên phía Tây của hòn đảo Côn Sơn là: Thị-trấn nhỏ bé trồng rất nhiều cây bàng xanh um rợp bóng mát, đơn điệu, hoang sơ, khiêm nhường với những hàng quán lẻ tẻ, có số ít cư dân sống đời đạm bạc, khép kín. Đi xa nữa sẽ lên những trại giam tù chính trị (là chuồng cọp). Trại biệt giam B2. Dãy nhà cuối cùng khá xa xa dành cho đám tù quân phạm… Những “ông” hạ-sĩ-quan, sĩ-quan, hay quân nhân bị phạt tù, từ 5 năm trở lên, thì ở đây… vân vân... Ai trong những nhóm tù phạm đó, có giỏi Anh-văn, sẽ được tuyển vào đài làm việc, họ sẽ được tự do đi lại trong khu doanh trại, ăn uống đầy đủ. Mỗi tháng họ cũng có ít tiền xài, và được mua sắm thoải mái trong canteen của Mỹ. Thật ra, tuy ở tù mà họ cũng còn “sung sướng” vô canteen ăn nhậu như ở “đường Sơn Quán” thoả thuê ha!

Kế đến là hầm Xay Lúa. Cầu tàu 914. Cầu Ma Thiên Lãnh (nghe tên đã thấy rùng rợn bủn rủn cả người). Đến "thành phố buồn” mang danh nghĩa trang Hàng Dương. Đi mãi tận cuối cùng “lãnh địa sầu muộn” ta sẽ đến Sở Củi. Nơi nầy, các tù nhân khổ sai đi vào khu rừng bạt ngàn để đốn củi, chặt cây, đem về cho trại giam. Côn Sơn có một doanh trại kha khá gồm vài ba dãy nhà. Gần văn phòng có mấy căn nhà nhỏ, để cho Trưởng-đài, Phó-đài, chuyên viên Y-tế xử dụng. Một dãy nhà khác dành cho nhân viên Việt Nam.

Từ ngoài cổng đi vào, có mấy con đường tráng nhựa. Dãy nhà đầu tiên, là nơi làm việc của đài Phát Sóng, gọi là Loran (Loran gọi tắt của chữ Long Range). Đây là một trong ba điểm tam giác - để quân đội Mỹ định vị toàn bộ vùng biển Đông: Ở ngoài Trung có Tân Mỹ Lo Ran (ở ngoài hòn đảo Tân Mỹ). Phía Nam là hòn đảo Côn Sơn Lo Ran. Và, bên phía Tây có Sattahip (ở trên đảo tại Thái Lan). Nơi đây có những cột antenna cao ngất trời cả trăm mét.

Hôm trước cái bóng đèn ở Côn Sơn bị yếu xìu và “đứt bóng”, sau đó liền có một chiếc phi cơ chỉ chở duy nhất một cái bóng đèn, và tốp quân nhân đi kèm trên phi cơ để “hộ tống bóng đèn” từ trong đất liền vùn vụt bay ra Côn Đảo mà thôi. Bóng đèn rất mắc tiền ta không nói, nhưng mà… nhất là nó là "một vật chính" thật quan trọng cuả đài phát sóng. Nó bé xíu có tí ti, nhu mì duyên dáng mà cũng “le lói” kinh khủng chưa nào? Về vụ cái antenna nầy, có một lần bóng đèn trực trên đó bị cháy. Ông Trưởng đài vội vàng lên phòng báo tin với cả đoàn nhân viên:
- Suốt ngày nay tôi sẽ bận leo lên cột antenna, để thay bóng cái đèn bị cháy, tôi lắp vào đấy cái bóng đèn mới. Hôm nay tôi bàn giao toàn bộ đài lại cho anh trông coi. Nếu có người liên lạc vô tuyến từ đất liền ra, anh cứ trả lời nhe.

Nói xong ông Trưởng-đài mời Năm và Tom (thư ký tiếp liệu) và một anh phi công nữa, cùng đứng đó chăm chú nhìn (chứng kiến để ký nhận). Chính tay Mike mở cái hộp carton ra, có nhiều lớp giấy tốt bọc lại. Mike dè dặt và thận trọng từ từ mở đến mười phút mới xong những lớp giấy. Sau đó, Mike nhờ thư ký tiếp liệu làm biên bản, để mọi người hiện diện chứng kiến đồng ký tên vào, và ông trưởng đài đóng dấu lên tờ giấy, bỏ trong tủ lớn khoá lại.

Rồi thì Mike thay bộ đồ phi công màu vàng. Mike mang găng tay, chân đi ủng cao, đầu đội mũ bảo hiểm, vai đeo theo cái túi haversack to nặng. Đó là những sợi dây an toàn. Cuộn dây nhợ lớn móc bên hông quần Mike. Mike tự bước và móc vào cột antenna, anh ta từ từ leo lên. Sau lưng Mike là một ba lô nhỏ, mang cả café, coke, và sandwich anh đã làm sẵn được bỏ trong ziploc. Anh làm việc trên top cột antenna rất lâu, mãi đến 17:30’ Mike vui vẻ huýt gió mới từ từ tụt xuống đất.
* * *

Gia đình Năm “lủng củng lình xình” chả mấy vui vẻ hạnh phúc tốt đẹp, càng rất đau buồn! Thời gian trước đây, Năm đã được giải ngũ. Ở nhà Năm quá chán bà vợ, bà là dân thiếu học và phổi bò, bà ưa gây đủ thứ chuyện ồn ào trên trời dưới quận. Phần chính do Năm chán nãn chuyện gia đình đến tột cùng. Phần cũng muốn đi xa nhà, Năm nghĩ: “Thà xa nhau, để mà gần nhau hơn. Chứ ở cận kề, ngày nào "ông xã với bà xệ" cũng có... tưng bừng sóng gió, đay nghiến, dằn vặt nhau, thì khổ tâm lắm. Nhất là khi các con còn bé tí, mà tụi nó vẫn biết lo sợ, biết buồn, biết khóc, biết bịt hai tai, mỗi lần cha mẹ chúng hung hăng "hùng hồn" cùng nhau ẩu đả to tiếng.

Ngày ngày Năm thất thểu đi tìm một việc làm, tìm mãi… cuối cùng may mắn có được một việc ở công ty điện thoại hãng FEC của Mỹ. May mắn là Năm đã có người bạn làm trong FEC của Mỹ ân cần giúp cho Năm có dịp đọc qua tập tài liệu. Hôm thi trắc nghiệm Anh-văn, ban giám khảo đã hỏi Năm những chuyện hóc búa, ví dụ như Năm phải trả lời. Ví dụ như:
- * Trận động đất kỷ lục gây thiệt mạng nhiều nhất từ trước tới nay xảy ra vào năm 1557 ở Trung Quốc. Nơi khu vực nơi người dân sống trong những hang động bằng đá. Núi đá ấy sụp đổ, giết chết khoảng 830.000 người. Một trận địa chấn kinh hoàng khác ở Đường Sơn, (Trung Quốc) năm 1976 khiến khoảng 250.000 người chết. Nơi có nhiều động đất và phun trào núi lửa nhất trên trái đất là quanh Thái Bình Dương, thường được gọi là Vành đai lửa Thái Bình Dương, gây ra các vụ chấn động và nung nóng trải dài từ Nhật Bản tới Alaska và Nam Mỹ.
- * Đại dương lớn nhất trên trái đất là Thái Bình Dương, bao phủ một diện tích rộng 165 triệu km2, lớn hơn gấp hai lần Đại Tây Dương, có độ sâu trung bình là 3,9 km.
- * Nơi duy nhất có sông băng chảy qua đường xích đạo là núi Cotopaxi ở Ecuador, có sông băng duy nhất vắt qua đường xích đạo. Dãy núi Mid-Atlantic nằm dưới biển gần như chia đôi toàn bộ Đại Tây Dương từ Bắc tới Nam. Iceland là nơi dãy núi ngầm này nhô lên khỏi mặt biển.
- * Điểm tận cùng của nước Mỹ về phía Đông là đảo Amatignak, Alaska. Điểm xa nhất về phía Tây là Pochnoi Point ở Semisopochnoi, Alaska. Điểm xa nhất về phía Nam là mũi phía Nam của đảo Hawaii. Điểm xa nhất về phía Bắc là Point Barrow, Alaska.

Năm đã nhớ, nên đã vượt qua giai đoạn thi khó khăn nhất, Năm được tuyển chọn, thì ra họ đã cố ý trắc nghiệm tâm lý, kiến thức và trí nhớ dẽo dai. Được làm việc, nhưng với điều kiện là Năm phải làm việc ở ngoài đảo Côn Sơn. Vui vẻ lên phi cơ bay ra Côn Sơn làm việc, Năm cảm thấy thật hào hứng thoải mái, tự do tung tăng về đủ mọi phương diện. Tuy nơi đây có hoang vu vắng lặng và da diết buồn thật.

Ở Côn Sơn không bao lâu, nhưng Năm được nghe, và chứng kiến nhiều chuyện không thể tưởng tượng, thật thú vị. Nói ra chả ai tin nỗi. Vì họ không tận mắt nhìn. Năm và Tiến ở chung một căn phòng xây rộng lắm. Còn những chuyên viên nước khác như: Phi, Đại Hàn, Đài Loan, vân vân... thì ở chung một nhà khác. Mỗi nhà đều có phòng tắm nước nóng, nước lạnh. Phòng có máy lạnh, máy giặt, máy sấy, vân vân... Tức là tuy ở ngoài đảo nhưng đầy đủ tiện nghi như ở đất liền. Có điều là “tụi mình” không thèm giặt, cứ cho đám quân phạm gần đến lúc mãn hạn tù sẽ được phóng thích ít tiền, là xong hết.

Còn một đám tù khác phục vụ trong nhà ăn. Có đám phục vụ làm vệ sinh trong phòng ngủ, trong toilet. Họ làm công việc lặt vặt trong doanh trạI để chờ ngày trở về nhà. Ôi! Tóm lại, họ gồm đủ mọi thành phần: Từ những “anh” sĩ-quan ngổ ngáo, từng bắn giết mấy người, đến những “em” binh nhì hung hăng ném lựu đạn cho chết cả sòng bài, để lấy tiền vung vít xài hoang. Cả thành phần đào ngũ, giết người vì giành gái, nóng giận đánh lộn với cấp trên, say rượu, vân vân...

Tuy nhiên trong thành phần kể trên, có Trung-úy Kiệm Biệt-kích Dù đóng trên Pleiku, anh ta đã bị tù về tội: Lấy AR-15 thẳng thừng ria một loạt, chết hết ba ông Biệt-động-quân say rượu. Vì, mấy “ông tướng kia” trong cơn say túy lúy chỉ dám vui vẻ lố lăng “xàm-xỡ” với vợ của “ông thầy” (Đại úy chỉ huy trưởng của Kiệm mà thôi)!!! dù họ chưa chắm mút xí nào với và “ngài phu-nhân” ưa phô bộ ngực hở hang quá lố, chưng diện lòe loẹt và đỏm đáng cuả ông thầy. Chớ chẳng phải họ xàm xỡ với vợ của mình. Dù vậy Kiệm bỗng muốn dợt le nổi máu “yên hùng” tào lao chi địa lên cao độ như rứa mới ác! Kiệm bị ra tòa án binh lãnh 20 năm tù giam khổ sai. Cậu ta ân hận thì đã… ra Côn Đảo mà mến Năm.

Hằng ngày, Năm làm việc sát cánh Mike, nên cũng rành về các thủ tục quản trị trong văn phòng. Công việc của Năm mỗi ngày ở Côn Sơn là: Kiểm soát và làm Time sheet cho sáu anh nhân viên bảo vệ. Họ đều là người Việt gốc Pakistan, Năm giúp Mike khi có việc cần. Hết giờ là Năm đi ăn uống, nghỉ ngơi, ngồi chơi rung đùi xơi cá tôm, cua, sò ốc biển mệt nghỉ. Cá, tôm, cua, sò ốc, mực nhiều vô số kể núp dưới những tảng san hô, những gầm hang núi ngầm chìa ra biển.

Lần sau cùng, khi trở ra Côn Sơn, Năm bị chứng ói ra máu, nên Năm báo với Mike (trưởng cơ quan nầy). Ông Mike vội vàng gọi nguyên một chiếc phi cơ vận tải, loại C-47 dakota từ Sài Gòn bay ra Côn Sơn, để khẩn cấp chở Năm đi về đất liền. Người Mỹ thật qúy trọng nhân mạng, dù Năm chỉ là một nhân viên. Năm nằm trong bệnh viện Hoa Kỳ Trird Field Hospital, chụp X-Ray, và làm đầy đủ thủ tục y khoa cần thiết, chờ điều trị. Năm bị loét bao tử, có một vết to bằng đầu ngón tay, nên nằm đó điều trị hai tháng.

Thời gian nằm bệnh viện, ngày ngày bà xã vào thăm đã đành. Còn có con bồ cũ tên Thu ghé thăm Năm. Có lần con nhỏ bồ đang tỷ tê nói chuyện hủ hỉ ôm hót, hôn hít, khóc lóc về cảnh gia đình nó cho Năm nghe… thì bà xã Năm lù lù xuất hiện, la lối mắng nhiếc um sùm, khiến con nhỏ xanh mặt lủi mất. Năm thì mắc cỡ đứng thộn ra chịu trận lôi đình.

Khi Năm khoẻ lại rồi. Lẽ ra, thông thường thì Hãng FEC cho mình nghỉ việc. Nhưng nhờ Năm đã siêng năng làm việc; đồng thời được sự “gởi gắm” của Mike, ông ta chứng nhận Năm làm việc giỏi, ăm lại quen thân với một trưởng phòng người Việt Nam. Nên chàng được nghỉ phép và ăn lương hai tháng. Trở lại Hãng FEC, họ cho Năm vào làm tạm “gác cổng” ở văn phòng chính tại đường Phan Đình Phùng, Sài Gòn. Tuần sau, họ đổi vào Năm làm “trợ lý” cho một người nữa, Năm lo đi lên đi xuống, ra vào phi trường Tân Sơn Nhứt.

Gần cuối tháng 4-1975, Năm lấy xe Van của bà bồ già tên Tư Râu Rậm để đi làm một cái bản đồ, trong đó Năm ghi rõ tất cả địa chỉ, nơi mà nhân viên Mỹ đã và đang ở tại Sài Gòn và các Tỉnh phụ cận ở miền Nam Việt Nam. Thường thường người Mỹ ở tập trung, họ thuê bao nguyên một building nhỏ. Nếu ai có bồ bịch ở Việt nam, hay ai có vợ con đem qua Việt Nam, họ mới ở riêng và ở cách xa nhau. Khi hoàn thành xong công việc, và giao cho “xếp”, cũng là lúc Năm đã biết về chiến dịch “White Christmas” – Nghĩa đen là “Chiến dịch di-tản người Mỹ”.
Năm vẫn ung dung và dửng dưng vì Năm chỉ thích sống tại Việt Nam!
Ngày cuối cùng trước khi ra đi, ông “xếp” gọi Năm:
- Tôi sẽ ra đi về Mỹ gấp đây. Bây giờ, cái công ty nầy là thuộc về anh.
Năm chỉ cây dù cuả ông xếp lớn dựng ở cuối văn phòng, cười cười:
- Tôi không có ý định đó. Nếu ông cho… tôi chỉ xin ông “cây dù đen” kia, để làm kỷ niệm…
Năm giống như:
“Thằng Bờm có cái quạt mo.
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu…
Phú ông xin đổi một xâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đồi một bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi… nắm xôi. Bờm cười” Ha ha ha !

_ * _

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
08-28-2013, 11:06 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1377729960.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1377730109.mp3

Tình Lính BỘ BINH…
Thân mến gửi tặng quý quân nhân QLVNCH


Nơi phố nhỏ gần khu chợ xép ở Nghiã Hành, Hoài chán ngán ngồi trong cabin xe GMC, bâng quơ dõi mắt nhìn theo đàn bươm bướm vàng do dự trước giàn hoa thiên lý xanh xanh. Lòng Hoài buồn vời vợi. Hoài nghĩ về đôi bạn: Thu Hoa & Quang-Văn. Anh Văn là thần tượng của Thu Hoa. Hoa thường nói với đám bạn gái:

- Đừng nghĩ tưởng Văn là một hạ sĩ quan, chắc là anh học hành chưa tới đâu, mà coi thường anh ấy nha. Là lầm đấy. Lắm người do hoàn cảnh riêng nên chẳng muốn phô chức tước điạ vị như ai. Ấy mà họ có đức tính tốt, khép mình trầm lặng, kiến thức chính xác, hiểu biết, lịch lãm, tế nhị. Anh ấy chưa chắc đã thua ai, hổng thua triết gia nào. Cho nên, bạn đừng ỉ ta có chút kiến thức, mà kiêu căng, coi trời bằng vung. Tâm tư bạn lại nhỏ nhen, hẹp hòi, cư xử hèn hạ, ích kỷ, chẳng giống ai. Đừng vì mảnh bằng, sự sang hèn bên ngoài, lại vơ đũa cả nắm, để khinh miệt người khác. Hỉ!

À, Hoa nói có xí có lý! Hoài nhìn Văn mang cặp kính sáng trong, (kỳ thật anh bị cận, chứ không phải anh mang kính để “dợt le” hù loè ai hết) nàng coi anh tăng thêm phần trí thức đạo mạo. Văn có khuôn mặt chữ điền, cằm đôi, ngực nở vai vuông, tráng kiện, mũi cao, miệng rộng. Anh đi chữ bát, cầm đũa tay trái, đánh đàn tay trái, Văn hiểu cũng khiến nhiều người ngồi bên cạnh có chút cấn cái, vướng vít khó chịu đôi chút.

Văn và Hoa tâm đầu ý hợp nhiều mặt, họ hứa hẹn yêu thương bền lâu. Hoa thông cảm lính nằm gai nếm mật khổ sở trăm bề; có đâu ra thì giờ nhàn rỗi mà quần là áo ủi thẳng nếp, ngỏ hầu diễu lông nhông qua thành phố. Lính xấc bấc xang bang ngoài chiến trường đỏ lửa. Lính bứt rứt, ngỡ ngàng, ngơ ngác nhìn thành phố tráng lệ, ngó bọn trẻ choai choai, dé dé, xíu xíu lao mình thâu đêm ăn chơi xã láng.

Hai bạn trẻ trong thời chinh chiến nầy thì khác hẳn, họ thông cảm thấu hiểu nhau, muốn xây dựng tình yêu trên nền tảng hôn nhân, gia đình ràng buộc. Họ quen nhau từ lá thư “Em hậu phương”, thân gửi ra ngoài biên ải cho anh lính sơn khê nơi tiền đồn biên phòng ngàn dặm heo hút. Giấy mực học trò thuở đó lao xao hình ảnh cô em lớp Đệ Nhị hiền hiền, cúi đầu mơ mơ, tô tô vẽ vẽ chân dung anh lính miền Nam Cộng Hoà Việt Nam vui tính, hiền hoà, thanh lịch và tài hoa trên từng nét chữ con con. Sao mà dễ thương lạ!

Văn gật gù ca: Từ khi anh thôi học, là từ khi anh thích aó treillis. Từ khi anh xa nhà, một ngàn đêm nhung nhớ giữa trời mây. Ngại chăng đêm di hành, và thường khi dừng bước giữa hoang vu. Một thằng ước ao để một thằng khát khao. Còn mình thì nằm đếm sao. Đồn anh bên sông cạn, và hoàng hôn ưa tắm đáy sông thơ. Nhiều tên trong đơn vị gọi đùa anh chiến sĩ của mộng mơ . . . Thư của lính không xanh màu trời như mơ ước đâu em. Thư của lính không thơm nồng hương, không nét hoa đa tình. Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngaỵ. Nhưng thư của lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy.

Văn ưu tư nhìn vào đáy ca nhôm trống không, lòng cảm thấy ngổn ngang trăm mối cô đơn lạ lùng. Văn ngồi đăm chiêu suốt buổi trên đồi vắng, anh lấy chiếc ba lô sờn cũ kê làm bàn viết, tần ngần giây lát, Văn hồi âm thư cho Hoa: - Em bé ơi! Xin tạ lỗi cùng em qua những hình ảnh em tô son thiếp vàng trên đỉnh yêu thương riêng cho lính kiểng, lính kèn, lính “văn nghệ tù-và”.

Thực chất thì anh và các anh lính biên phòng ở góc trường sơn ngàn dặm ngút ngàn xa xôi... cách trở vô vàn ở đây: thật cay đắng, nhọc nhằn, tan nát trăm bề: từ thể xác đến tâm hồn, đó em! Tình cảm vời vợi. Đời sống cộng khổ, bẽ bàng rơi rớt từng khúc, từng khúc một… trên suốt con đò dọc hai bờ quê hương binh biến rồi. Còn gì nữa đâu em! Còn gì nữa em ui mà ngập ngừng, vụng dại run run, thắm thiết trao lời tự tình, hoặc ung dung ngồi trong phòng lạnh, để nắn nót lá thư hò hẹn trăng sao với đời. Buồn tủi, hờn đau biết bao nhiêu. Em bé ha. Em hãy nghe anh tâm sự với em nè.

Thế là thư bay đi thân ái, thư bay về hân hoan mỗi lần “hai anh em” trao gửi. Văn vui vẻ mở lòng tan hoang ra đón cô em nhỏ đầy tin yêu, chân thực và trìu mến lạ thường. Thu Hoa dám thực hiện ước mộng: Từ thành phố Đà Nẵng, một mình nàng lên xe đò lắc lư đi ra vùng Quảng Ngãi; rồi từ thành phố xa lạ đó, lần đầu tiên Hoa dám cả gan, bạo phổi, gò lưng đạp xe đạp lọc cọc, cà rịch cà tang lần mò lặn lội từng chặng đường xa rất xa, Hoa tìm kiếm mọi cách để thăm hỏi cư dân về mấy quảng đường lộ mà đi đến Nghĩa Hành, để thăm Văn. Hoa điệu nghệ đèo sau porte bagage quà thổ sản đặc trưng lủng lẳng: Nào là gà luộc. Cá trê nướng lá gừng ngon bá cháy. Đường phổi, đường mía, đường phèn. Ít cà phê. Vài kí cá khô, một kí tôm khô, hai kí mực khô. Hai lố thuốc Basto xanh. Một áo len màu rêu. Vài chiếc khăn mouchoir tự thêu thoang thoảng mùi nước hoa dìu dịu.

Lần đầu tiên vừa gặp anh, Thu Hoa lúng túng đỏ au hai gò má, nàng ngượng ngùng cúi mặt lí nhí trong họng e ấp chào hỏi Văn. Thu Hoa e dè, bẽn lẽn, khép nép đi thụt lui sau lưng anh, khiến Văn phảI dừng lạI tủm tỉm cười. Cô buồn buồn báo tin: “Em vừa thi hỏng Tú Tài I”. Thu Hoa càng không quên báo thêm một tin giựt gân:
- Em đã đăng vào lính, để có dịp gần anh.

Văn đứng im sững sờ, cảm động đến nghèn nghẹn, ngây người, nghẽn ứ hơi thở, anh nhìn Thu Hoa như trời trồng. Anh cảm thấy đầu choáng váng như nghẽn đường máu, nghẹt thở, run run, hai bờ môi Văn khô đét bỗng dị hợm dính lại với nhau, không có giọt nước miếng. Anh lính dày dạn phong trần gan lì nơi chiến điạ mà lại... “nhát gái” quá cỡ. Văn chỉ sợ “em tôi” nhìn thấy hai bờ môi mình khô rốc khô rang, thì… nàng sẽ nghĩ mình chẳng còn “tinh-hoa đàn ông” gì, là mình buồn cả trăm phút! Văn cứ ấp a ấp úng, lúng ta lúng túng và vui mừng, cuống quít bốc trào niềm vui lên tim, muốn bể óc, bể phổi. Không ngờ “em tôi” chí tình, nhân hậu, và sao mà “nốp bần”, xinh xắn dễ thương quá đi mất như thế không biết! Văn ngẩn ngơ chưa hết hoàn hồn, mà trìu mến dán chặt bốn con mắt (hai mắt thật và hai mắt kính), để “xung-xướng” lom lom nhìn Hoa cho rõ...
Cuối cùng Văn tằng hắng:
- Sdney Smith viết: Áo quần che phủ cái xác phàm và tô điểm cho nó, nhưng lời văn là phương tiện của tinh thần, thì cũng như… có hề gì chuyện em thi hỏng, hoặc trở thành cô tú tài, hở em! Em mạnh giỏi, là anh vui mừng lắm. Nhất là vô cùng hân hạnh khi anh được gặp em nơi chốn núi rừng hoang dã nầy.

Văn ngây ngất, hiu hiu, ngây ngây, dại dại, ngố ngố ngáo ngáo với hạnh phúc bất ngờ ập xuống chiếc đầu lơ thơ tóc không nón sắt. Hình như ông Trời ưu ái đã rót từ thinh không xuống cho Văn: đời lính trơn cơ cực có một giấc chiêm bao diễm ảo thiên đường lồng lộng, thênh thang. Thật vu vơ mà thoải mái quá chừng chừng, khiến Văn chẳng kịp hoàn hồn thiệt!!! Văn cúi đầu cong cong lưng áo lính bạc phếch phong sương, để đẫy chiếc xe đạp cuả Hoa lên dốc đồi thưa. Văn lúng túng dựng xe bên vách nhà tiền chế. Anh loay hoay xách mấy món quà lỉnh kỉnh vào doanh trại, lòng vui vui, mừng mừng, dậy hân hoan trên đôi má Văn rám nắng. Hai tay bận rộn với những món quà, nhưng kỳ thật lòng anh muốn nắm tay hoặc ôm siết eo ếch cuả nàng. Chỉ có cơ hội thuận tiện nầy mới có thể có cơ may chúng mình tự nhiên “ra mắt” và nhanh chóng “thành thân”.

Tuy suy nghĩ thế, nhưng còn tay đâu mà “quờ-quạng”. Miệng anh cười toe toét khi thấy lính bạn cùng đơn vị chồm lên khỏi nóc chòi canh, và các bạn anh đứng xớ rớ đó đây trong sân, họ nhìn anh đá lông nheo kịch kịch, búng tay, tróc lưỡi, kêu nhỏ è è è... í í í... iu iu iu… Họ cho hai ngón tay trỏ và ngón tay giữa vào miệng thổi to: xíp xì… xíp xì... Họ huýt gió, xuýt xoa tán thưởng, trầm trò khen “hai đứa mình” xứng đôi. Họ tha hồ chọc ghẹo chúng ta tơi bời hoa lá. Khi ảnh đã "cu, gù, câu, móc" được cô gái xinh đẹp ở thành phố hoa màu, nàng lặn lội mò mẫm lên tận đỉnh đồi thần sầu tróc lỡ vết đạn bom, dưới vừng mây trắng trời xanh, cỏ vàng héo uá do chiến tranh cào quét ở chốn nầy. Gai mít khô đang đâm vào hông, đâm vào lòng bàn tay rám nắng cuả Văn đã kẹp cứng trái mít dừa. Ấy vậy mà Văn không biết đau, hàng quà không nặng, lòng không phiền. Trái lại Văn cảm thấy thêm sảng khoái, vui cười với hạnh phúc vỡ oà, chất ngất cơn vui. Lòng anh chao đảo lâng lâng bồng bềnh và hẫng bay vút lên chín tầng mây, mà mơ mơ, vui vui, say say... nồng độ dấu ái hoan ca ngút ngàn. Dường như họ đã trao nhau lời yêu thương dìu dặt:
Nhắn anh trên tần số cũ
Ôi! Cảm động thay vần vũ mây bay.
Tình nho nhỏ bến sông này.
Cội đào vẫn đợi sum vầy dáng thu.

Quyết thề từ nẻo hoang vu.
Bao ngày mưa nắng mặc dù ngấn sương.
Sóng đùa trên bãi thùy dương.
Vầng trăng chứng giám đôi phương một lòng…

Anh đi nặng nợ tang bồng.
Em về mái lá phòng không đợi chờ.
Mai kia dẫu có bơ vơ...
Em nhờ gió thổi lời thơ mấy giòng.

Anh đi, tựa cửa em trông.
Ngày về ngấn lệ lưng tròng yêu thương.
Tình xưa nắng ngả bên tường.
Đuốc hoa tỏa rạng yêu đương ngát thề. (Tình Hoài Hương)
*

Nhân tiện có quà hậu-phương do Thu Hoa mang lên hậu hỉ, Văn mời các bạn đi biển Sa Huỳnh du-hí với mình. Cũng là dịp để Văn tiễn đưa Hoa trở về Đà Nẵng. Thế là… vui đùa với sóng nước chán, các bạn lên bờ. Họ đến xe Jeep ôm mấy bọc đựng thức ăn, nước uống, rồi lững thững về chỗ Hoa Văn đang ngồi. Góc trời đang yên tĩnh, bỗng huyên náo tiếng nói cười, ầm ĩ xôn xao hẳn lên.
Đan đưa Hoài ổ bánh mì thịt nguội, chàng cười thân ái:
- Hôm nay, em phải ăn gấp đôi mọi ngày. Nhe.
Đôi mắt sắt hơn dao cau, Nữ liếc nhìn Đan cười gằn. Rồi lỏ mắt nhìn Hoài, Nữ nói:
- Bỗng dưng, anh Đan đặc biệt ưu đãi Hoài vậy? Còn em thì sao? Anh Đan làm em đau tim muốn chết. Anh thiên vị à nha.
- Hoa láu táu, cười:
- Ảnh ga lăng ghê à ta.
- Không công bằng.
- Ô! Các cô hay nhỉ! Có gì mà thắc mắc nào! Hoài nhớ anh Đan quá, hôm nọ phải ngất xỉu, xe cấp cứu chở Hoài vô bệnh viện đó. Bây giờ, "ảnh cho ẻm" ăn hồi sức mờ. Đừng chúi mũi dùi vào, họ mắc cỡ tội nghiệp nghe.
Tâm huýt gió huytt... huyttt..., xíp xì..., xíp xì:
- Hãy nhìn Văn và Hoa kìa! Coi họ ăn uống, có khiếp không?
- Việc gì đến anh! Tôi sẽ thèo lẽo méc bà xã Tâm cho anh coi.

Tâm và Văn là cặp bài trùng, mặc dù so về dáng vóc, tính tình hai người rất đổi khác nhau. Anh đi lính Nhảy Dù chê anh Bộ Binh lè phè lùn xủn, yếu xiều. Ngược lại anh Bộ Binh chê anh Nhảy Dù thân hình cao lênh khênh, ốm tong ốm teo, lại có vẻ lù đù. Đã đeo đá vào người cho nặng ký, thế nhưng dù thả trên trời bay lơ lửng, gió thổi mấy giờ, dù mới rơi xuống đất. Ha Ha Ha!!! Ấy thế mà… tình bạn đầm ấm, thắm thiết, vui vẻ đùa giỡn qúy mến nhau, thực sự cần đến nhau, thấu hiểu mọi giá trị cao qúy, luôn sẵn lòng vị tha, bác ái, không chút tị hiềm. Họ quan niệm về tình bạn thật cao vời qúy giá. Vì, nếu bà con thân nhân ruột thịt có mất lòng, giận hờn, thì vẫn cứ còn là bà con. Tình bạn khi đã mất đi, thật dễ mất lòng, dễ giận nhau, dễ xa nhau, vĩnh viễn chia lìa không bao giờ tìm lại được! Có khi trở thành thù địch không chừng.

Tâm nằm trên đồi cát khô, anh vắt tay lên trán trầm ngâm, bỗng nhỏm dậy, anh nói:
- Nè Đan, đi biển thế nầy, tôi nhớ ngày xưa ta đi biển với bồ. Anh còn nhớ cô bé có tên cúng cơm là Lé, mà cô ta tự đặt là Lệ Lan, ở trong Thành Nội không hỉ?
Nữ chạnh lòng, chợt nghĩ đến tên mình, cô lại hờn giận cha mẹ sao đâu. Mình đã dấu "cái tên qủy xứ" như mèo dấu cứt. Nhưng không biết mấy cha nội nầy có moi ra được không đây? Biết đâu! Tâm là “điệp viên không không Tám” mà! Nữ trợt mắt, hờn dỗi ngắt lời Tâm:
- Anh Đan ngồi bên em, mà anh Tâm nhắc tới người xưa. Nghe kỳ quá! Em không chịu đâu.
- Anh xin nói em không có người yêu ở đây. Và các anh có quyền nhớ chứ?
- Anh thật lầm. Em có người yêu ở đây rồi, anh à.
Tâm quay hẳn người lại, nhìn Nữ, cười ha hả:
- Lạy trời, không phải là tôi.
- Ai yêu anh, cứ tưởng bở. Em yêu anh Đan thôi!
Tâm nhún nhẹ đôi vai, nhìn Đan tủm tỉm cười. Đan nói:
- Cảm ơn em. Đừng đùa dai hại tim! Anh không dám nhận đâu.
Quay qua Tâm, Đan vui vẻ trả lời:
- Nhớ... Sao bạn?
- Á...à à! Tôi nhớ khoảng ấy mình mới trạc tuổi mười lăm, đã học sơ sơ về cách làm văn, thơ. Dạo ấy tôi có phần ba trợn, vì còn con nít mà ranh qúa đi, nên bị ba bắt qùy bên góc phòng. Tôi sụt sịt khóc, thỉnh thoảng quệt nước mắt nước mũi vào tay áo. Hai tay xoa xoa mông đít, nơi có mấy lằn roi nổi lên ran rát, thì ba viên bi kêu lạo xạo trong túi quần. Tôi ấm ức khóc khản cổ, nên mỗi lần cất giọng, tiếng nói của tôi khàn khan, y như con vịt xiêm la đực. Mấy thằng bạn cùng lớp láu cá cứ lêu lêu chọc quê tôi “đã lên cơn sung-sức” nhỏ ranh mà biết yêu sớm hoài. Thật bực mình quê xệ hết chỗ nói.

Con chó Liu Liu chạy lại sủa gâu gâu xoắn xuýt bên tôi, nó liếm vào mặt mỗi khi tôi bị qùy. Nó chồm lên người, khiến tôi té ngữa ra nền gạch. Giận cá chém thớt, tôi đứng dậy đá cho nó mấy cái vào ba sườn. Chó kêu ẵng ẵng, cụp đuôi chui xuống bộ ván gụ. Nó nằm thò đầu nhìn ra, lâu lâu chó liếc tôi hừ hừ, rên ư ử trong họng. Đôi má tôi đỏ bừng vì giận, nhưng giận vì lẽ gì? Giận vì bị quỳ gối hay bị chó chồm, đập đầu tôi xuống nền nhà đau điếng. Nó lại nằm đó mà hừ hừ dưới gầm ván, nhìn ra trêu tức mình? Tôi qùy chỗ cũ, hai bàn tay gầy xòe ra cào cào vuốt vuốt, xới xới mái tóc hoe nắng, cho có vẻ mình là nghệ sỹ, thanh niên dày dạn phong trần, phiêu lãng phóng khoáng lên một tí. Nhìn mái tóc in bóng trên tường, tôi khoái tỉ hài lòng hãnh diện cười cười... Quên là ba phạt quỳ về tội trốn học, đi theo sau lưng nàng, tấp tễnh làm thơ con cóc. Tôi đã… “nổi hứng” liền chạy đến bàn viết lấy giấy mực ra, ghi lại bài thơ đầu đời:
Ra ngỏ anh vừa trông thấy bóng nàng,
Nụ cười kiều diễm nhất làng Mai Trang.
Anh vẫn mê vóc dáng em làm ruộng
Đời anh tay trắng mộng ước lẫn lộn.

Nhưng nhớ nhung từ đôi mắt thu bồn
Anh đi về tư lự bén gót son.
Tâm tưởng rạng rỡ hồng nhung xinh đoá.
Đợi lớn rồi anh ra: dạ thưa mạ...

Các bạn gật gật đầu, xuýt xoa tán thưởng khen “thằng nhỏ xí” mà biết làm thơ tình, cũng hay hay. Tâm khoái chí kể tiếp:
- Ôi! Sao lúc ấy hồn thơ lai láng, súc tích, đậm đà, ý nhị đến thế không biết! Bạn không biết là tôi xuất sắc nhất trường sao! Có bị mấy lằn roi mây đau điếng thì... cũng đành. Té ra mình xuất khẩu là trở thành thi sĩ ha! Tôi kiêu ngạo kiêu kỳ và vui như điên, nằm bò ra trên nền gạch mà cười nắc nẻ. Chống cằm mơ mộng, tôi suy nghĩ đoạn kế tiếp. Đến đây… văn thơ tắt nghẽn như pháo tịt ngòi. Dù tôi bóp trán cố nặn óc thế nào, nàng thi sĩ vẫn ù lì, không chịu ra lời, cho mình xuất khẩu thành thơ tiếp. "Nàng Thơ" cứ nín khe trong hồn thơ đầy hứng khởi.
Nghỉ chốc lát, anh tiếp:
- Bỗng ba tôi đi ngang qua. Thấy ba, tôi giật mình, thế là cụt hứng ngay, tôi vội qùy lên quơ tờ giấy đút vào túi quần. Ba nhìn tôi mỉm cười, gật gù. Có lẽ ba tôi nghĩ: "Phạt qùy gối mà nó không đến nỗi tệ. Biết hối hận, đem sách vở ra học bài, làm bài". Nên ba tha cho tôi. Trở về chuyện cũ, tôi yêu nàng chân thật, có lần nhờ câu thơ của thi sĩ nào đã quên tên, tôi tán tỉnh nàng:
"Tiếng chuông Thiên Mụ dặn dò.
Em đi cảnh vắng hẹn, hò cùng ai".
- Rồi sao nữa? Kể tiếp cho Hoa và anh em nghe đi.
- Có lần, tôi đứng một bên đường, nhón gót chân nhìn vào nhà nàng, cuồng quay bất khả địch, mặc gió táp mưa sa. Có những đêm tôi đạp xe chạy khắp các ngả đường, rình xem em có đi với chàng nào không? Tôi đứng ngóng cổ nhìn ngược ngó xuôi, tôi bối rối bẽ mười ngón tay riết, chẳng còn ngón nào kêu răn rắc. Tôi lại vặn cườm tay, lắt cổ tay như bứt... lá lìa cành. Thời gian sau, tôi hết là thi sĩ nửa mùa, khi nghe nàng sẽ đi xa, tôi đành chép câu thơ của Tú Xương, kèm trong quyển tập vờ mượn của nàng để học thi.
Ta nhớ người xa cách núi sông.
Người xa, xa có nhớ ta không?
Sao đương vui vẻ, ra buồn bã.
Vừa mới quen nhau, đã lạnh lùng!
Khi nhớ, nhớ cùng trong mộng tưởng,
Khi riêng, riêng cả tấm tình chung.
Tương tư lọ phải là trai gái.
Một ngọn đèn xanh, trống điểm thùng.

Nhìn xuống nhíu mày, đôi mắt Tâm chơm chớp u buồn trong thoáng chốc. Hoài thấy dường như anh có điều gì xáo trộn, xa vắng, âu sầu trong lòng thì phải. Tâm tủm tỉm cười:
- Bây giờ thì giữa em và tôi có sông núi, biển hồ dặm trường cách biệt, chia xa nhau như con nòng nọc rụng rơi bỏ mất đuôi lúc nào, chả rõ. Tình cũng tàn, mà chân cũng xiêu. Ừ. Tình chân thật chứ không phải là chân giả như chân ông bộ hành, (mà Trọng đã cán lên dạo nào) à nha.
- Bi giờ ẻm đi lấy chồng, thì chân giả rồi. Chân giả mà vẫn bị xe anh Trọng cán cho nát béc ra. Chỉ còn em... yêu anh Đan thật trung thành thôi.
Bảy thản nhiên nhìn Nữ nói:
- Em tôi ơi! Anh Đan đã có ý trung nhân rồi em!

Các bạn lầm tưởng Nữ bông đùa, nên cười vang. Họ vô tư lự như đàn chim biển đậu trên ghềnh đá riả lông rỉa cánh, dưới chớp nguồn rực lên từ góc trời xa. Không ai để ý đến Nữ mặt mày tái nhợt, tay chân run rẩy, trái tim Nữ đập thình thịch trong lồng ngực quắt quay.

Hoa nhìn ánh hoàng hôn ửng hồng sắc mây vàng tía, vần vũ ở phương đông. Các đài mây trắng, vàng, hồng, bay rất nhanh, từ đâu ùn ùn kéo nhau về trên biển cả dần dần đổi màu. Chiều tàn trong ráng hoàng hôn mờ đục, như giấc mộng vàng bên dãy thùy dương đã trở thành màu tro, màu nâu tiá ngà và màu ven đêm ấm áp. Trăng bắt đầu mọc lú lên, ngăn đôi đường biển và đường chân trời bằng một vầng sáng quang rạng, lung linh huyền ảo, tuyệt vời. Trời đậm tối theo từng đợt sóng nhấp nhô. Đã mất hết mầu hoàng hôn lãng mạn dịu vợi ven biển, màu xanh thẫm giao hoà giữa biển và trời cao vút. Màu xanh đại dương mênh mông, chen lẫn màu xanh cỏ của rừng núi bạt ngàn ngun ngút lồng lộng ở phiá Tây.
_ * _


Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
08-31-2013, 12:26 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1377905120.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1377907894.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1377905310.mp3
Từ SÀI GÒN tới RẠCH GIÁ


Sài Gòn chóa mắt vì đèn điện thắp sáng rực thâu đêm. Tiết trời quang rạng, gió hiu hiu nhè nhẹ phe phẩy mơn man trên đầu cây ngọn cỏ, không gian se lạnh khi màn sương nhợt nhòa buông lơi. Rồi bình minh ló dạng sau những toà cao ốc tráng lệ, oai sang đứng sừng sững trên các thổ cư: vẫn rạng danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông”.

Bốn giờ khuya chị Ngọc và tôi dậy sớm, tôi nấu nước sôi chờ nguội, để đổ vô bốn chai ni lông to. Tôi nấu ba lít gạo, rang đậu phụng làm muối mè. Chị Ngọc nấu canh mì gói trộn chung với rau muống, và chiên khô cá. Cơm chín, hai chị em lấy khăn ướt mỏng để nhồi cơm nóng thành từng nắm cơm vắt, xắt lát vừa vừa, tôi bỏ cơm vô hộp ni lông mang theo cho mọi người ăn ở dọc đường. Tôi gọi bọn trẻ dậy sớm, cho con cháu ăn chút canh mì gói. Các con cháu còn ngái ngủ, nên ăn rất uể oải. Có lẽ do hôm qua đi bộ nguyên ngày giữa trời mưa, rồi trời nắng chang chang nóng như thiêu đốt, nên bọn trẻ thấm mệt, rã rời, lừ đừ thân xác chăng?

Sau đó phụ nữ quét dọn, rửa chén bát nồi niêu sạch sẽ, bỏ vào mấy cái bao cói (hôm trước ông bà trùm đã cho quà). Cô Quy và tôi bưng xách mấy giỏ mùng, quần áo linh tinh. Một lần nữa, tôi soạn mấy túi vải các con (tôi đã may ngày hôm trước). Tôi chọn lọc ra mấy bộ áo quần gọn nhẹ, bỏ vào những túi vải cho các con mang theo thay đổi dọc đường. Những thứ khác tôi đem gửi nhờ ở nhà bà từ, xin cất dùm. Bà từ nói:
- Chị cứ để ở bên vĩa hè, không có ai lấy lầm đâu”.

Chúng tôi ra đi. Luật một tay dắt bé Bi, tay kia anh xách giỏ cơm vắt, muối mè, khô cá. Bà mẹ Luật mang túi vải bỏ thêm hai chai nước. Tôi bế bé Tồ, một khuỷu tay kia móc thêm hai túi xách quần áo (của tôi và bé Tồ). Bốn gia đình bạn thân là: Ngọc. Quy. Cúc. Bàn; cùng nhập với hai gia đình mới quen là Phương, Tâm; tất cả hăng hái nôn nao vui vui lên đường. Chúng tôi lặc lè đến trạm xe Sài Gòn, kịp lúc có chừng năm chiếc xe bus từ các hướng đi khác nhau, vừa trờ tới. Các anh nhanh nhẹn lùa đám trẻ, đàn bà, lên xe bus đi ra Xa Cảng.

Trên xe lác đác có ba người khách. Nhóm chúng tôi ngồi sát gần nhau, người lớn cho trẻ con ngồi trên đùi mình yên ổn xong. Nhìn lui nhìn tới chỉ thoáng chốc thì người và người ở đâu túa ra đông nghẹt, chỉ có người lên xe, không có người bước xuống. Hai hàng ghế kín mít không còn chỗ ngồi, hành khách đứng chật cứng trên lối đi lại.

Thật là may, nếu chỉ chậm trể mươi phút nữa, kể như nhóm chúng tôi không bao giờ chen chân lên xe bus nỗi. Quang cảnh tại bến Xa Cảng miền Tây lúc tửng bưng sáng vô cùng náo nhiệt, hổn độn kinh khủng. Những trạm bán vé đông nghẹt người chen lấn ồn ào hơn vỡ chợ. Thế là nạn ăn trộm, cướp bóc, giật giỏ xách, móc túi, bấm dây chuyền, giựt bông tai, bốc hốt, mò mẫm bóp vú... loạn xạ. Dưới đất thì bọn du thủ du thực rượt đuổi nhau huyên náo, đánh lộn, chửi bới inh ỏi cả một vùng.

Tới Xa Cảng miền Tây, đàn bà trẻ con nhóm tôi ngồi xép nép, chò hỏ ở một góc kín sát ngoài cửa bến, gần bức tường gạch, (tạo thành một vòng đai tròn sát bên nhau cho bọn trẻ con ngồi ở giữa), các con cháu đứa ngồi đứa nằm gối đầu lên những túi đồ đạc hèn mọn lỉnh kỉnh mang theo. Những người khách đi tới đi lui tò mò đứng lại lỏ mắt nhìn ngó lom lom bầy trẻ bị cái nóng Sài Gòn thiêu đốt, khiến mồ hôi mồ kê chảy ra như tắm.

Mặt mày con trẻ xứ Đà Lạt đa số xinh xắn, hai má đỏ au như dồi phấn, mắt to sáng môi tươi (tuy suốt hai tháng nay bọn chúng sống lăn lóc, cực khổ, cù bơ cù bất, thiếu ăn thiếu ngủ, mà còn xinh như vậy!). Nhìn những đôi mắt phượng long lanh phảng phất mặt hồ thu Đà Lạt mơ màng, hai gò má phinh phính nõn nà hồng phấn của các cháu bé, khiến ai cũng thèm cắn một cái ghê! Họ trầm trồ khen bầy nhỏ xinh đẹp là phải! Chúng tôi giữ bọn trẻ chằng chằng, chỉ sợ mình sơ ý, bọn trẻ sẽ bị bắt cóc, thì chết!

Mới tửng bưng sáng mà quầy bán vé treo bảng hôm nay “hết vé” rồi!!! Chúng tôi chẳng thấy các phòng vé mở cửa bán vé. Nghe nói ngày mai có thể không có xe đi Rạch Giá. Mấy ông trong nhóm tôi đi đến phòng bán vé ở trạm xe Xa Cảng cứ kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ đợi mua vé. Họ đứng mỏi rã rời chân từ chín giờ sáng, mà mãi tới bốn giờ chiều mới mua được vé xe đi Rạch Giá cho ngày mai. Mém chút nữa thì chả còn vé để mua. Vé xe khan hiếm đến độ chỉ bán có bốn năm người đứng xếp ở hàng đầu, đã đóng cửa với ghi chú: “hết vé” Thế là bao nhiêu vé đều tộn ra ngoài bán giá chợ đen, họ chả sợ bể mánh bể mung giữa chợ đời bát nháo! Bà sương phụ háy một cái thiệt dài, cầm loa oang oang nói:
- Để tránh tình trạng ứ đọng hành khách, cũng như nạn lưu thông trì trệ, hay kẹt xe. Khi nào những đoàn xe hiện đang chờ trực tuyến đã xuất phát. Thì phòng vé sẽ tiếp tục mở cổng chính, cổng phụ, cho đoàn xe đậu từ ngoài đường cái vào bến, chờ đợi lấy tài.

Úi Trời! Cả nhóm bàn nhau là nên ở lại bến xe, ngủ đêm tại nơi nầy. Nếu chúng tôi quay trở về lại nhà thờ Huyện Sỹ, cả “bầu đoàn thê tử” đùm đề lôi thôi lốc thốc toàn trẻ con nheo nhóc, người già yếu đuối và đau ốm, đàn bà lụ khụ, thì quá bất tiện. E rằng ngày mai chúng tôi không thể đến đây. Biết có ra xe bus đúng giờ không? Có chen chân với hành khách để lọt vào cổng Xa Cảng, mà leo lên xe đi về miền Tây không!? Quyết định như thế thật đúng. Vì, sáng hôm sau, thỉnh thoảng tôi nghe thông báo ở trên loa phóng thanh rằng: “Hét vé”.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1377905796.jpg

Nhóm phụ nữ yên ổn ngồi trong lòng xe đò cũ kỹ chật như nêm xong, thì đa số đàn ông phải leo lên ngồi trên mui xe, chẳng thể phản đối, hay càu nhàu cằn nhằn la mắng gì! Ai có vé mà không chịu đi chuyến nầy, thì chủ xe lập tức hoàn trả tiền vé lại cho cố chủ. Sẽ có người khác (không ngủ qua đêm ở trạm bán vé) vui vẻ mua vé chợ đen, cao gấp năm lần tiền vé chính thức. Sao không ham. Chờ đợi giá biểu mới phiền toái và lâu lắc. Tự mình muốn cần đi đó đi đây, chớ ai bắt. Thế nên lớp trai tráng ép bụng chịu thiệt thòi ngồi bó gối chút, hoặc ngồi lắt lẻo phơi đầu ngoài trời mưa tầm tã, hoặc nắng chang chang một xí. Cũng đành!

Ông tài xế bảo tất cả mọi người xuống xe, chỉ trừ những ông bà già yếu ốm và trẻ con thì được ngồi trên xe. Còn mọi người khỏe mạnh phải đi bộ xuống phà Bắc Mỹ Thuận. Cô Cúc mua cho nhóm mỗi người một trứng hột vịt lộn ủ ở rổ trấu nóng hổi. Các con tôi thấy con vịt chết nằm trong quả trứng, thì quá sợ lắc đầu lia lịa không dám ăn. Tôi mua cho cả nhóm bánh mì thịt, trái cây đủ loại, nào là mận, đào, chôm chôm. Bánh trái, kẹo mứt bán nhiều vô số mà thật rẻ. Thú vị nhất là các em bé bán chim cút lanh lẹ vui vẻ rao hàng:
. . . Ăn chim em đi anh.
Nè chim em mập lắm.
Nè chim em ít lông.
Chim em vừa mới lớn.
Anh ăn chim em không.
Chim em toàn những nạc.
Chim em chẳng có xương.
Anh sờ đi: toàn thịt.
Lại to hơn chim thường.
Lại to hơn chim thường.
"Ừ, chim em bự lắm.
Nhưng anh cũng... có rồi.
Anh dừng lại xem thôi.
Để anh đi, em nhé".
Xe chuyển bánh nhè nhẹ.
Cô em còn ghé theo.
Chim em, chim rất nhiều.
Lần sau anh mua nhé.
Nay qua sông Mỹ Thuận.
Gặp cây cầu ước mơ.
Thương cô em mười tám.
Biết tìm đâu bây giờ?... (1)
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1377906342.jpg

Đoàn xe lại bon bon lên đường xuôi về hướng Rạch Giá. Trùng dương sóng vỗ mênh mông, bạt ngàn nước cuồn cuộn nhấp nhô bên mạn phà to tướng, êm êm. Lần đầu tiên xuôi về miền Nam phồn vinh trù phú, tôi cứ tưởng chỉ có phà Bắc Mỹ Thuận là to lớn sầm uất thôi. Nào dè, một lần nữa tài xế gọi mọi người xuống xe, để qua phà, thì tôi càng sửng sốt mở rộng tầm mắt nhìn phà Bắc Cần Thơ bao la, bát ngát, mênh mông sông nước rộng kinh khủng! Bờ nầy và bờ kia xa tít mờ xa ngàn trùng. Đúng là:
“đi cho biết đó biết đây.
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”.

Đặc sản nổi tiếng nhất vùng là Bưởi Năm Roi múi to nhiều nước và ngọt lịm. Vú Sữa Lò Rèn vỏ mỏng hột nhỏ, khi trái vú sữa chín thì vỏ giống màu cẩm thạch, ruột trắng sữa. Có Dừa Sáp Cầu Kè nhiều nước và cũng ngọt lịm. Mít ruột đỏ múi dày giòn thơm ngon, và cả Dưa Bồn Bồn. Vân vân… như câu ca dao:
Bánh tráng Mỹ Lồng. Bánh phồng Sơn Đốc.
Măng cụt Hàm Luông.
Vỏ ngoài nâu trong trắng như bông gòn.
Anh đây nói thiệt sao em còn so đo! (2)

Ôi! Bao nhiêu là quà bánh đặc sản tươi rói ngon lành ở miền quê đều tập trung ở hai bến phà đông đúc, vui vẻ nhộn nhịp, tưng bừng nầy. Chị em chúng tôi chọn mỗi người mua một loại trái cây khác nhau, để mọi người trong đoàn ăn nếm, cho biết vị ngon của lạ trên quê hương.
Bến Tre giàu mía Mỏ Cày.
Giàu nghiêu Thạnh Phú, giàu xoài Cái Mơn.
Bến Tre biển cá sông tôm.
Ba Trì muối mặn Giồng Trôm lúa vàng.
Biên Hòa có bưởi Thanh Trà.
Thủ Đức nem nướng Điện Bà Tây Ninh. (2)
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1377906638.jpg
Xe vun vút chạy qua bao nhiêu cầu, bao nhiêu phố xá, ruộng lúa vừa gặt xong còn trơ cuống rạ, vô số cò diệt, le le, bay thẳng cánh ngút ngàn. Vườn tượt kinh rạch làng mạc sông nước hai bên chập chùng. Quê hương mình muôn màu muôn sắc, mỗi nơi có một vẻ đẹp tuyệt vời riêng với mạng lưới kênh rạch chằng chịt. Trên ghe thuyền thương hồ mái chèo tung tăng quẫy nước, vẵng tiếng hò câu ca vọng cổ đó đây, chen lẫn với những cây đàn cò, đàn guitar cùng tiếng trống bập bùng, rộn rịp, bồng bềnh, nhấp nhô trôi theo ghe thuyền sông nước mây trời.

Có sông chợ nổi lớn và các mặt hàng hóa treo lên một cây sào cao, hoặc bỏ trong nhiều giỏ cần xế to. Nào là Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ, chợ nổi Phụng Hiệp bán rùa, chim, sóc, kỳ đà… rắn đủ loại quanh năm, chợ nầy rất lớn là nơi tuyệt vời đầy đủ các thứ nhất, và chợ nổi Cái Bè. Những chợ nổi ở miền Nam ...ôi bán mua bạt ngàn đủ loại trái cây, dừa, dưa hấu, gạo củi, rau, tôm cá, áo quần, mùng mền gối chiếu, kể cả các mặt hàng ăn uống nhậu nhẹt như: Bánh cuốn, phở gà, cháo vịt, cơm, bún, vân vân... và vân vân... đều được bán trên sông ròng nước lớn.

Lòng tôi cảm thấy nao nao cảm xúc ngọt ngào, dịu nhẹ, lâng lâng, dạt dào, ngẩn ngơ. Hạnh phúc lang thang trong lòng tôi rót tơ vàng trôi theo dáng hoàng hôn hây hây, lung linh, huyền ảo với sóng trường giang rộn ràng đập bên mạn thuyền luyến thương nhiều thao thức. Cảnh vật huyên náo vui nhộn không kém phần đặc biệt thi vị thơ mộng: đã thể hiện vào câu hò, điệu lý, được lưu truyền từ xưa đến nay:
Dòng sông thì rộng mênh mông.
Áo em lại thắt lưng ong làm gì?
Anh từ Xà No đến.
Em từ Ba Láng sang.
Sợi tình yêu ai dệt.
Trên mặt nước mênh mang.
Bảy sông dồn nước cuồn cuộn nước.
Phù sa lớp lớp quyện phù sa... (2)
***
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1377907195.jpg
Chiếc xe đò cà tàng, thổ tả, lọc cọc, rệu rạo lăn bánh trên những cục đá dăm khi hoàng hôn nhè nhẹ quệt đường nắng yếu ớt, sóng sánh trên dòng sông mờ mờ, thì chúng tôi thực sự đặt chân về miền Tây bỗng trời mưa thật lớn. Nhóm tôi đã trải qua một đoạn lãng du dài dằng dặc giữa trời đất tĩnh lặng bao la, hoang sơ, lãng mạn trên nẽo đường gió bụi trôi về xứ lạ, nơi vừa cũ vừa mới, vừa họa, vừa phúc, vừa lương thiện, từ bi lẫn tội ác quyện bện vào nhau, mà tôi không ngờ! Nhưng lòng trí ai nấy đều nôn nao, bồn chồn, lo âu thấp thỏm: vì xứ lạ phương xa mà đa số bạn của tôi và tôi chỉ biết ngao du qua sách vở, chứ tôi chưa hề thú vị chứng kiến sông nước ruộng đồng bao la, vườn tượt xanh um bóng mát, như thi sĩ Bùi Giáng đã nói:
Chào Lục Tỉnh thu về xuân nức nở.
Ở trong cây trong lá ở bên sông.
Dòng nước chậm chần chờ con sóng chở.
Còn không em? kỷ niệm ở bên lòng!
Và:
Chưa đi chưa biết Bến Tre.
Đi rồi mới biết toàn tre với dừa.
Dừa to dừa nhỏ dừa vừa.
Trèo lên tụt xuống nước dừa đầy tay. (2)

Xuống đến Rạch Giá cảnh vật thôn quê êm đềm tĩnh mịch không kém phần thơ mộng, nhưng đa phần nhà cửa cư dân vắng vẻ, xóm làng quạnh hiu vô cùng, thì nhóm tôi hoàn toàn bị lạc lõng, xa lạ, đơn độc buồn thiu đến độ nào. Chúng tôi líu ríu dắt díu nhau đi tới chỗ lạ cái lạ nước, lạ hoắc, thật lúng túng bất tiện trăm bề. Nhóm người già trẻ lớn bé nầy chẳng hiểu sao lòng cảm thấy bất an, lo sợ, e dè, lấp ló thập thò, kín đáo dè dặt ngó quanh, nhìn trước ngó sau lén lút như kẻ gian, kẻ trộm. Hết cả đám có miệng mà như câm, không ai dám hỏi thăm khi dân địa phương nhìn chúng tôi chằm chằm, xoi mói. Không có bản đồ địa phương, không rành phong thổ cũng như tập quán nơi đây, không thấy xe xích lô, không tìm ra khách sạn hay phòng trọ nào. Thế nên đã nhiều giờ nhóm tôi đi lạc lung tung. Sau đó:
Hỏi em, em đã đi rồi.
Hỏi chim, chim chỉ mỉm cười bay đi,
Hỏi cha, cha chẳng biết gì.
Hỏi sư, sư bận vội về tụng kinh.
Hỏi cô hàng xóm làm thinh.
Hỏi nàng bán bánh cười tình không hay.
Nhìn trời một đám chim bay... (2)

Duy có điều quan trọng là dù chúng tôi ngu ngơ ngố ngáo nơi quê hương thân yêu, cũng phải cương quyết rứt áo ra đi, phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Đang ngơ ngác, bồn chồn, lo lắng khi trời đã về chiều, mà chân chồn gối mỏi, đúng lúc đó chúng tôi văng vẵng nghe:
Đạt là chàng trai yêu xứ Đà Lạt.
Anh “pLê mê” đi lính ở Plei-me.
Cầu ma bà xã tui đi Cà Mâu.
Cây còn xa quê mình nhớ con cầy
Lợn sang đồng lo chạy rông Lạng Sơn.
Hiền ta ra hiên tà thấy Hà Tiên.
Chúng ta hoan hỉ tá chung chiếc thuyền.
Ngày mai anh Viễn định xuống Vĩnh Điện.
Cao Bằng đau bụng đụng bao căng bào.
Trai Hà Giang chỉ cơm hỏi hàng gia?
Đi Lai Châu gót chân mình lâu chai.
Gái Hà Đông đa hồng hỏi Đông Hà.
Cán ngố trên rừng cố ngán không khóc.
Con cóc vàng trên đàng bị cán vọc
Tớ chổng khu hỏi chủ không chổng khu?
Cù Lao Chàm càm ràm chú cào lu.
Tên “Plu-kê” chạy rông đi Plei-ku.

Chúng tôi tần ngần do dự đứng khựng lại trầm lặng hồi lâu, lắng nghe bọn trẻ choai choai, dé dé, xíu xíu khoảng độ tuổi mười lăm mười sáu, có lẽ là nam nữ sinh học trường Trung–học gần đấy đang ngồi trên sân đình, các em vui vẻ trao những câu “thơ thẩn tiếu lâm dám xướng ngôn vô loại” lên, cười ha hả mà không sợ bị bọn du kích 30 tống giam.

Thì trong dạ tôi vui mừng như mở cờ, ruột hớn hở đánh lô tô tưng bừng và nghĩ rằng: “ở đây có lẽ còn khá tự do, dễ chịu, chắc là còn thoải mái yên bình ca hát, ngâm thơ, hát câu vọng cổ... bên sông nước mơ màng” cũng có thể làm cho người lạ xích lại gần kề, thân ái gợi chuyện làm quen, làm thân một cách dễ dàng, cởi mở. Anh Bàn liều đi tới hỏi thăm đám trẻ, các em trai lanh lẹ vui vẻ chỉ lối đưa đường cho nhóm tôi biết: nên đi về hướng chợ nhỏ ở xa xa.

Mấy anh dấm dớ dò dẫm qua một chiếc cầu gỗ cũ, tới trạm mua vé tàu thủy, dự định ngày mai cả nhóm sẽ đi Phú Quốc. Chiều tà ở tại Rạch Giá từ bước chân khách lạ cô đơn trên đường chiều, khiến lòng tôi buồn vô hạn, đứng trên cầu gỗ nhìn về phía góc vườn dừa rợp bóng nhà ai sông nước chập chùng. Có chút tâm hồn đa cảm và nhạy cảm... khiến tôi cảm thấy nơi đây thật sự kỳ diệu thanh bình lãng mạn lắm. Lòng tôi càng xúc cảm vấn vương nỗi buồn thê thiết, khi thấy mấy giang thuyền lạnh lẽo lắc lư nằm im ỉm, trơ trọi bên những cầu tàu quạnh vắng, làm thức dậy trong tâm trí tôi hình ảnh dĩ vãng lãng đãng mộng mơ thiết tha thật gần...

Nhưng bây giờ đã rời xa... xa mờ xa nơi chân trời mê-hoặc, xao xuyến mông lung bao tiếc nhớ, bâng khuâng lặng lờ nỗi đau sâu thẳm: Đâu rồi những anh thủy thủ phong trần trẻ trung vui tính ưa huýt gió, vui vẻ, xinh lịch oai hùng hào hoa trong bộ quân phục Hải Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trắng tinh? Họ mặc bộ quân phục với niềm kiêu hãnh vinh quang hào hùng trong dĩ vãng? Mặt nước có còn in bóng chàng trai phong sương đa cảm, đa tình đứng trên bon tàu vu vơ nhìn mây trời quyện bện vào nhau xanh bát ngát? Dưới đáy thuyền sóng cả cuồng phong thịnh nộ ngày ấy vỗ nước bồm bộp vào mạn thuyền, đẫy đưa anh lính Hải-quân có cuộc sống hào hoa phong nhã lang bạt vui tươi đi xây mộng giang hồ tứ xứ!? Ý chí của bạn và tôi bây giờ chỉ còn là ảo ảnh: trăng tròn giữa lòng sông lắc léo giòng chảy trên luống đời điệp trùng bóng tối. Tiềm ẩn trong tâm hình ảnh đường chiều nâng ước vọng dâng cao ngút ngàn.

Đến gần chân cầu sắt dày cui lót gỗ bên kia trạm vé, thì có một khu nhà tôn chen lẫn nhà lá tồi tàn, nhưng đã đem lại lòng tôi sự ấm áp rộn ràng rạo rực niềm vui, chen lẫn sự xót xa chân thật: khi tôi nhìn cư dân địa phương vất vả, thiếu thốn, nghèo nàn. Các anh vào thuê mấy chỗ trọ. Không phải là phòng trọ như ở nơi khác có phòng riêng sạch sẽ tươm tất, mà lán trọ ở đây giống như khu nhà trống, hoàn toàn không có cửa nẽo, chỉ là những hàng ghế bố cũ mèm nối dài, mái lợp lá dừa trống trơn, hơi giống patio bốn bề lộng gió. Nước mưa lộp độp trên mái lá, bùn đen sền sệt dưới chân ghế bố luôn luôn ướt nhẹp, mốc xì, đen thui, ghế bố có nhiều gián, rận, rệp hôi rình, thậm chí có cả chí mén, chí cồ bò lổm ngổm trên gối. Thế nhưng người ra kẻ vào lội nước lủm bủm vẫn tấp nập ồn ào ngược xuôi đông đúc lắm.

Chị Ngọc, Cúc, tôi vội vàng xẹt ra khu chợ xép nhỏ gần xịch một bên, chị em tôi chẳng buồn hỏi khu chợ nầy có tên gọi là chợ gì. Mỗi quầy hàng là một cái chòi bằng tre lợp lá dừa, giống túp lều nho nhỏ luôn kêu kẽo kẹt, nước bùn đen đen đọng dưới chân cột và trên đường nhựa. Quán xá lộn xộn, họ bán đủ thứ: cá, tôm, sò ốc, rùa, ếch... Úi trời! có nhiều con rắn còn sống đang uốn éo thân, cái lưỡi chẽ đôi thò ta thụt vô, cả những chú chuột đồng lông lá lưa thưa có móng nhọn dài to bự sư. Coi thật gớm à!

Chị em tôi mua nhiều tôm tươi, cá trê vàng, cá sặc bướm, cá sặc rằn. Rồi day qua hàng khô mua gạo, mua một trái thơm, rau sống, cà chua, mua củi. Họ thật thà hào phóng bán trái cây tươi rói, tính một chục là 16 trái xoài bóng láng, mập ú, thơm ngon. Họ không nói thách, không làm hàng màu mè: không chất thứ to bỏ làm hàng mặt ở trên, trái nhỏ chêm ở dưới thúng. Mà có sao họ bán vậy. Dân quê và dân chợ đa số khá hiền lành chất phác, vui vẻ, chăm chỉ, thật thà. Họ nói ở đây cái gì cũng tươi và rẻ nhất là: cá, tôm... Nhưng họ khó kiếm ra tiền, vì nhà nhà ai ai cũng có cá, có tôm. Thịt ếch và các loại cá ở miệt nầy càng rẻ rề, thì đem bán cho ai đây, để có tiền xây xài?

Chúng tôi xin bà chủ nhà trọ cho mượn mấy cái son nồi, để nấu nhờ bữa cơm tối. Bà chủ nhà vui vẻ dễ dãi nhận lời. Chị em tôi xúm lại người nấu cơm, người làm cá. Lớp kho, lớp nấu, chiên xào... Đây là bữa cơm đặc biệt đầu tiên, có thể cũng là bữa cơm cuối cùng tại Rạch Giá. Nhóm chúng tôi ăn uống no nê, dư dả và rất ngon miệng. Sau đó chị em bưng nồi niêu son chảo ra bờ kè rửa ráy, rồi trả lại cho bà chủ nhà tốt bụng. Chị em cho các con ra sông tắm gội sạch sẽ.

Khi màn đêm buông xuống, tôi nhìn bên kia kinh lạch tối om vì không có điện, bên nầy ngọn đèn đường tù mù hắt ánh sáng yếu ớt vàng vọt, giống như đèn đêm lốm đốm lập lòe ở khu nghĩa trang. Thiệt cảm thấy quá nãn. Đêm buồn nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên lá, gió lồng lộng rít rít từng cơn, thổi bay tấm mùng vải cũ ố vàng đen đen, khiến cái lạnh càng về khuya càng ngấm xuyên qua da thịt tôi thêm dúm dó và rùng rợn. Bầy trẻ suốt ngày đi đường quá vất vả, nên tắm gội xong, vừa đặt lưng xuống ghế bố, là chúng đã “phè cánh nhạn” ngủ say. Riêng bọn già nầy thì bồn chồn, băn khoăn, lo lắng, không sao chợp mắt, dù chỉ vài phút.

Thỉnh thoảng có đám tuần tra đi ngoài đường nói cười rổn rảng sát ngay bên ghế bố nơi Luật nằm. Tôi không biết họ đang oang oang chưởi gì, chưởi ai!? Chưởi số phận nghiệt ngã đã trao cho họ: phải xách súng đi ngày đêm kiểm soát dân; từ buổi giao thời vừa mới có “tự do hạnh phúc”?! Hoặc hắn tự chửi mình ngoảnh mặt làm lơ nhìn người khác hả hê trả thù dân tộc!? trợn mắt sung sướng nhìn đồng bạn tuông trào những lời cay độc, hét to từng tiếng lát gừng thị oai:
- Tên gì?
- Ai đó?
- Đi đâu?
- Kiểm tra giấy tờ.

Anh em thằng Tùng (con của Ngọc) giật mình thức giấc vì tiếng quát, Thắng xù xì hỏi anh nó:
- Mấy ông kia có phải là lính mình không anh Hai? Lính Thủy Quân Lục Chiến mặc đồ đen, quàng khăn cổ bằng lá cờ xanh đỏ, cánh tay ổng đeo băng đỏ, đó anh.
- Tầm bậy tầm bạ! Mầy đoán già đoán non, mà ngu như bò! Thủy-quân Lục-chiến oai lắm, họ mặc đồ xanh rằn ri, đội mũ màu xanh cứt ngựa, mang giày đinh.
- Vậy à… hay mấy ông kia là người trong đảng ca ca ca chi đó, phải hông?
- “Ca ca”… tiếng Tây nôm na là cứt nghen. Còn đảng K K K... là là… thời da trắng ám sát da đen, khi Nam Bắc phân tranh bên xứ Mỹ. Không có ở đây! Biết không?
- Thì… thì em thấy mấy ông du kích nầy có khác chi…
- Xuỵt! Mầy có câm ngay cái miệng ưa bép xép không!?
- Em không biết, mới hỏi chút xíu, anh làm gì dữ vậy!
- Coi chừng cái... bản mặt đó. Thấy thì biết.

Nghe hai cháu nhỏ “nóng ruột” từ lời nói, còn tôi “lộn ruột ứa gan” từ trong tim! Thành phố khiêm nhường bé nhỏ nầy đã trở nên trơ tráo hơn khi có “quân giải phóng miền Nam” tới với những thứ lạ, thứ mới, có ít thứ tốt và nhiều thứ xấu, lắm thứ dữ: Một ông già chệnh choạng thất thểu bước thấp bước cao, và mấy thanh niên đứng xớ rớ dưới cột đèn mờ mờ. Ông già ấy đã bị móc túi, không còn giấy tờ tùy thân, không có tiền xì ra.

Cha con ông cháu nói dai, ú ớ van xin lằng nhằng lải nhải gì đó, liền bị một du kích địa phương dùng báng súng đập ông già bể một mé đầu, vọt máu tươi. Tên du kích ấy bắt ông già bó gối, hai tay đan vào nhau chấp lên đầu chung với đám thanh niên: Khổ thiệt, ở thời buổi giao thời nầy, sao ông dám mở miệng phân bua, với ai hì! Bị thương ngoài da rồi sẽ có ngày lành, nhưng tổn thương trong lòng dù không ai trông thấy (dù chuyện không đáng), nhưng đau dài lâu. Luật tức giận cành hông, anh dợm đứng lên nhảy ra can thiệp, nhưng Ngọc nhanh tay lôi giật Luật, ra dấu im re nằm xuống câm mồm, coi chừng đầu không phải phải tai. Ông lẩm cẩm không nhớ cho:
Phong lan, phong chức, phong bì.
Trong ba thứ ấy, thứ gì quý hơn?
Phong lan ngắm mãi cũng buồn.
Phong chức thì phải cúi luồn vào ra.
Chỉ còn cái phong thứ ba.
Mở ra thơm nức, cả nhà cùng vui. (2)

Cổ họng ai nấy đều đắng nghét như ngậm vốc trà khô. Trà đắng có thể không thích nghi với thổ địa bởi tại phong sương, hoặc trà chát, chua, bởi tại tình người? Vã chăng, khi chiều chúng tôi nhìn “mấy tên 30”, hoặc ngó ai ai thì cũng thấy họ tò mò nhìn sững mình không chớp mắt, chả biết đâu là thù, mô là bạn! Nhiều người ra vào ở phòng trọ nầy mặt lạnh như tiền. (Chớ tôi có tật gì mà giật mình)!? Đúng. Một số ít dân cách mạng lâm thời đội mũ tai bèo, mang súng AK trong buổi giao thời, bên cánh tay cột khăn vải đỏ, cổ mang màu cờ nửa xanh nửa đỏ, họ hầm hầm ngó chúng tôi trừng trừng, nhìn muốn nổ con mắt, muốn trợn trừng tráo trưng con ngươi mà ăn tươi nuốt sống.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1377908563.jpg

Nếu ví như có những điều tự trong thâm tâm qúy vị đang vui tươi, trong sáng, bỗng một sớm một chiều trở nên sụp đỗ, âu sầu, băn khoăn, suy tư, lo lắng, bâng khuâng ray rứt về cái ngày 30-4; ngày lịch sử bất hạnh là: một giòng chảy không bao giờ chảy ngược lại! Hoặc giả qúy vị hay tôi muốn cầm bút viết lại, nói ra, lượt thuật, lượm lặt sưu tầm đó đây, nhã ý là: do ta chỉ ước mong bộc lộ những uẩn khúc quá đau lòng tự thâm tâm {trong đời sống thực. Có lần tôi đã nói: “tôi không hề lên án ai, xúc phạm ai, bới móc ai điều gì! Cho dù con người ấy, xã hội ấy sau 30-4-1975; đã đả thương tôi đớn đau trầm trọng cách mấy chăng nữa!

Tôi rộng lượng bỏ qua & tha thứ. Vâng)}! Thì xin qúy vị tha cho tôi, đừng vội thẩm định tôi khuynh tả hay thiên hữu: Do thân tình ghi lại loạt chuyện (mà bạn TtTm hoặc tôi kể) để con cháu ngày ấy chưa thành nhân, thành danh; ngày nay sẽ hiểu rằng: Tình Đời và Tình Người cần thiết, dù có tiền rừng cũng không thể mua được thanh danh. Hũy hoại thanh danh dù một lần, một ngày làm mất danh dự, nhưng đã lưu lại suốt đời.

Nếu tôi hoặc bạn tôi cố chấp, thì chẳng khác nào như con chuột, con dơi vắt mình trên cành: Con dơi chỉ thấy một phần nhỏ xíu dưới cành, mà chẳng thể nhìn thấy cả toàn cây. Con chuột chỉ là con vật loắt choắt tẻo teo, chuyên đi phá phách, hại ruộng hại đồng cây cối nhà cửa, dù nó có uống nước trong, hoặc mò mẫm lặn lội húp nước đục, thì chỉ no được cái bụng bé tí teo. Chuột vẫn là giống chuột lủi tanh hôi, có khi truyền đến ta bệnh dịch hạch nguy hiểm đáng sợ. Chuột nhớp nhúa không thể làm điều gì cao sang, ích lợi cho đời.

Bây giờ thì nó có hóa thân làm con chuột hét ra tiếng người cốc lốc, lấc xấc mà thị oai, có hét tướng lên trong màn đêm u tịch, càng khiến người rất sợ hãi, không dám hó hé dáo dác len lén nhìn quanh, mà phải nằm im ru câm họng trong mùng lim dim hi hí ngó trộm. Con cháu tôi nghe, thấy rõ, đã biết sự hung ác kia... thì bây giờ con nên tôn trọng nhân cách sống, cư xử với nhau hòa ái, bao dung, vị tha; vẫn trân qúy đáng ngưỡng phục, hơn sự thô lỗ bạo tàn rợn người.
Có miệng không nói lại câm.
Hai hàng nước mắt chan dầm như mưa.
Mang danh Dân Chủ Cộng Hòa.
Đi ra khỏi tỉnh phải qua cửa quyền.
Xuất trình giấy phép liên miên.
Chứng từ thị thực ở miền nào qua. (2)
Khoảng mười hai giờ khuya, có một toán choai choai dé dé xíu xíu bặm trợn khác lại xồng xộc vô nhà trọ, vếu váo tốc ngược mùng của mọi người lên, chúng giựt giọng gọi những khách trọ đêm dậy để kiểm soát giấy tờ tùy thân. Qua nhiều thủ tục khám xét gắt gao, những túi hành trang vải, (mà tôi đã may hôm 28-4-1975). Họ lừ mắt trợn ngược, hất hàm chĩa súng vô bụng, gặn hỏi khách trọ cộc lốc đủ thứ chuyện không có chủ từ danh từ:
- Tránh qua bên kia, đứng xếp hàng.
- Trước ở đâu?
- Làm gì?
- Nay đi đâu?
- Đưa coi giấy tờ.
- Còn có gì dấu đút ở đâu không?
- Có lệnh không được đi đâu hết.

Nhóm tôi nói láo: hồi trước gia đình đã sinh sống ở Phú Quốc. Nay có tự do, hoà bình, thì chúng tôi muốn về lại chỗ cũ sinh sống:
Trăm năm trong cõi người ta.
Ở đâu cũng được đi ra đi vào.
Xa xôi như xứ Bồ Đào.
Người ta cũng được đi vào đi ra.
Đen đủi như Ăng Gô La.
Người ta cũng được đi ra đi vào.
Chậm tiến như ở nước Lào.
Người ta cũng được đi vào đi ra.
Chỉ riêng có ở nước ta.
Người ta không được đi ra đi vào. (2)

Người ta nói: Ông Trời có mắt nhưng do ổng ở xa lắm, nên có mắt cũng như mù! Úi Trời đất thánh thần thiên địa ơi! giờ nầy qúy ngài hiền đức thánh nhân ở trên thiên đình: lo đi rong chơi, ngao du nơi biển sâu sông dài núi cao nào rồi!? Sao qúy ngài không cúi xuống nhìn đám dân giả dưới trần gian của qúy ngài đang rét run, sợ té khói ra đít nè! Đã thế mà trời còn mưa giông gió bão! Khi Trời gieo sấm sét đánh chết người, thì thiên hạ nói:
- Do người ấy ăn ở ác, không có đức, nên bị Trời đánh.
- Hứ! Vậy chớ ông Trời làm sét đánh chết người, thì không ai nói là ông Trời ác hì!

Bốn giờ khuya, toán du kích già dặn kinh nghiệm thứ ba mặt mày đằng đằng sát khí, súng ống lăm le chĩa ra đằng trước ngực khách, đạn lên nòng róc róc róc… rắc rắc rắc... réc réc réc..., ngón trỏ hắn đặt trên cò; họ lại dựng đứng khách trọ ra khỏi mùng, để “hỏi cung”. Chúng tôi sợ mấy cha nội không rành về súng ống đạn dượt, ưa tháy máy tay chân, thích “bụp” liền, thích “đục” , thích “nẻ” bậy vào dân ngu khu đen, thì chết toi cả đám oan đời. Tôi ngồi co rúm, không dám hó hé, xép re im thin thít trong một góc nhà trọ, lẩm bẩm đọc kinh cầu nguyện mà run như cầy sấy. Vậy thì tôi chẳng biết “ai” ác hơn ai hở Trời!
Hãy đến bất cứ nhà nào.
Chị em không việc cũng vào cũng ra.
Thật là ngứa mắt chúng ta.
Nhưng thôi cứ để họ ra họ vào.
Không thì “cửa sắt” họ rào.
Anh em đố có dám “vào” dám “ra”. (2)

Một đêm có tới ba lần bị kiểm soát! Tửng bưng gần năm giờ sáng thì tốp dân ở Phú Quốc cặp tàu vô đất liền. Sau đó, cả lán trọ được biết là tù-phạm sau ngày 30-4 ở ngoài Phú Quốc đã phá ngục, có lớp người vượt ngục ra tù về đất liền, họ cầm súng giương oai đi quậy tưng trời, phá phách cướp bóc nhiều nơi. Cả đám di tản chúng tôi đang đứng xớ rớ bên góc cầu, may mắn Ngọc gặp ông ba của anh trên chiếc cầu gỗ lắt lẽo: Ông ba mừng rỡ ôm con trai vừa khóc vừa nói:
- Phú Quốc đã có nhiều trại tù nổi loạn. Cướp bóc tràn lan. Có những cuộc chém, giết, chạm súng gắt gao. Bọn mình phải quay trở về Đà Lạt ngay thôi.

Chúng tôi tứ cố vô thân ở xứ lạ quê người, nghe thế lại càng tăng lòng sợ hãi lên cao độ, phân vân băn khoăn hết sức. Nếu chúng tôi đi ra Phú Quốc, biết đâu: Ngoài đảo đang lộn xộn kinh khủng, thì tai ách giữa đàng lại mang vào cổ. Thế là chuyện đi Phú Quốc và từ nơi đó sẽ “đào tẩu” ra nước ngoài, nhưng... “em ơi nếu mộng đã không thành thì sao? Non cao đất rộng biết đâu mà... tìm!”.

Tất cả anh em chúng tôi như con ngố, rù rì to nhỏ xầm xì với nhau nửa tiếng Anh, nửa tiếng Pháp, pha tiếng lóng chêm tiếng Ba Chệt, tiếp theo ngôn ngữ Việt mà bàn tính: nên trở về Sài Gòn thôi. Dù sao ở thủ đô vẫn còn có bộ mặt thị thành văn minh, còn có tai mắt quốc tế dòm ngỏ hầu vô cứu nhân độ thế!

Chuyến đi Rạch Giá mong ước lẽn ra Phú Quốc nơi ấy còn vùng vẫy trong tự do độc lập. Nhưng thật vô duyên hết chỗ nói. Háo hức hân hoan hy vọng ra đi. Đến nơi Rạch Giá chứng kiến cảnh mắt thấy tai nghe bọn oắt con nhỏ bằng con cháu mình hung hăng, thô thiển, xất xượt “lên mặt” đánh đấm răn dạy cha chú. Tôi chong mắt trông trời mau sáng, để quày quả trở về nơi vừa mới bỏ đi. Có phải chúng tôi sẵn tiền, hay đã trở thành kẻ du mục dị ứng thời cuộc đã bị tẩu hỏa nhập ma điên khùng, “lắc lư con tàu đi”... tìm tự do hạnh phúc!?

Giá mà hôm qua chúng tôi không gặp mấy tên du kích có đôi mắt trắng dã, có cái nhìn dữ dằn, hành động hung ác, ăn nói cộc cằn, thô lỗ. Thì chắc chắn sáng tửng bưng nầy cả nhóm tôi đã lên tàu thủy dong ra Phú Quốc lánh nạn rồi. Cũng có lẽ định mệnh an bài cho chúng tôi nên ở lại Sài Gòn đông vui, thì đời không cô độc, sẽ là nơi an tựa vững vàng cho tương lai cuộc sống của chúng tôi chăng?!
Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ.
Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ.
Lá rừng cao vàng rụng lá rừng bay...
Giờ khách đi. Tha La nhắn câu này:
- Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé!
Hãy về thăm xóm đạo.
Có trái ngọt cây lành.
Tha La dâng ngàn hoa gạo.
Và suối mát rừng xanh.
Xem đám chiên hiền thương áo trắng.
Nghe trời đổi gió nhớ quanh quanh... (3)
*
(1) Thơ sưu tầm lượm lặt.
(2) ca dao
(3) Thơ Tha La Xóm Đạo – Vũ Anh Khanh.
***

Tình Hoài Hương

thien ly
08-31-2013, 05:25 AM
Chị Hoài Hương kính mến

Hôm nay em được lãng du cùng chị từ Sài Gòn tới Rạch Giá qua bài viết này. Thật là một chuyến đi cơ cực có bi,có hài, có bận rộn với sự chăn dắt một đàn con nhỏ... Chị à, đọc tới đoạn:
"...Cô Cúc mua cho nhóm mỗi người một trứng hột vịt lộn ủ ở rổ trấu nóng hổi. Các con tôi thấy con vịt chết nằm trong quả trứng, thì quá sợ lắc đầu lia lịa không dám ăn..." làm em nhớ lại hồi còn nhỏ và ngay cả tới bây giờ em cũng vẫn còn sợ hột vịt lộn đó. Chỉ nhìn thôi là thấy tội và khiếp quá rồi nên dù đói mấy cũng không dám ăn...
Cám ơn chị đã chia sẻ một đoạn đường lãng du gian khổ mà không kém phần thú vị.
Em xin gửi đến chị bó hồng này với lòng ngưỡng mộ và kính phục một người vợ tần tảo, thủy chung đã thay chồng nuôi con một mình suốt mười năm dài. Một người mẹ tuyệt vời, dẫu phải đương đầu với cuộc sống khổ cực, chị vẫn giữ được một tâm hồn thơ văn thật phong phú. Chúc chị luôn vui mãi với niềm vui sáng tác.


http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1377926215.jpg

Kính mến
TL

Tinh Hoai Huong
09-01-2013, 07:43 AM
Chị Hoài Hương kính mến
"...[B]Cô Cúc mua cho nhóm mỗi người một trứng hột vịt lộn ủ ở rổ trấu nóng hổi. Các con tôi thấy con vịt chết nằm trong quả trứng, thì quá sợ lắc đầu lia lịa không dám ăn..." làm em nhớ lại hồi còn nhỏ và ngay cả tới bây giờ em cũng vẫn còn sợ hột vịt lộn đó. Chỉ nhìn thôi là thấy tội và khiếp quá rồi nên dù đói mấy cũng không dám ăn...
Cám ơn chị đã chia sẻ một đoạn đường lãng du gian khổ mà không kém phần thú vị.

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1377926215.jpg

Kính mến
TL
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1378020367.jpg

THH chân thành cám ơn "em hồng nhan tri-kỷ" đã ghé vào đọc truyện & ân cần ghi lại những lời thân tình, trung thực và hồn nhiên thế nầy. Những câu em viết mộc mạc nhưng thật cảm động. Em cứ giữ nguyên dáng vẽ hồn nhiên, và có lối viết theo văn phong riêng, mà THH thường đọc truyện của em như thế, em thành công là đương nhiên nhé.
Lẽ ra thì THH gửi đến em những hình ảnh khác, nhưng biết em và phu-quân chỉ ăn chay, nên em vui lòng nếm cây quả đầu mùa dịu ngọt nhe.
Tình thân,
THH

Ha Vo
09-01-2013, 08:12 PM
Chị Hoài Hương kính mến

Ý trời ơi, chị HH cho em dĩa trái cây to quá vậy, thiệt là quí hóa biết bao! Mười mấy năm nay từ hồi sang Mỹ tới giờ, em chưa lần nào được ăn lại trái Na (người Nam gọi là trái Mãng Cầu dai phải không chị?)là loại trái cây mà em rất thích. Bây giờ nhìn trên dĩa trái cây, chị chưng tới 3 trái lận, chà hấp dẫn ghê đó. Em và ông xã chân thành cám ơn chị nhiều, anh ấy thích ăn trái Thanh Long lắm. Mai mốt chị có tìm thêm ra trái Na ở đâu đó, xin gửi cho em vài trái nữa nha, thưởng thức bằng mắt cũng đỡ ghiền lắm chị à.
Chúc chị luôn vui khỏe
Kính mến
HV/TL

Tinh Hoai Huong
09-08-2013, 07:46 AM
Chị Hoài Hương kính mến

Ý trời ơi, chị HH cho em dĩa trái cây to quá vậy, thiệt là quí hóa biết bao! Mười mấy năm nay từ hồi sang Mỹ tới giờ, em chưa lần nào được ăn lại trái Na (người Nam gọi là trái Mãng Cầu dai phải không chị?)là loại trái cây mà em rất thích. Bây giờ nhìn trên dĩa trái cây, chị chưng tới 3 trái lận, chà hấp dẫn ghê đó. Em và ông xã chân thành cám ơn chị nhiều, anh ấy thích ăn trái Thanh Long lắm. Mai mốt chị có tìm thêm ra trái Na ở đâu đó, xin gửi cho em vài trái nữa nha, thưởng thức bằng mắt cũng đỡ ghiền lắm chị à. Chúc chị luôn vui khỏe
Kính mến HV/TL
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1378625202.jpg

Em Thiên Lý thân thương,

Ồ, hơn tuần nay không vô đây, nên THH chẳng biết có em đọc bài và chia sẻ. Vâng, tặng em và phu-quân lẵng trái cây có thanh long va na nè. Thích nhé! Phải chi mình ước gì có nấy, thì vui biết bao! Em nhỉ!
Thôi thì THH nhờ diễn đàn Phi Dũng làm cầu tri âm nối nhịp mà thả Thơ, để cám ơn em, tạ ơn HQPD & Đời, đã cho chúng ta có cái duyên tao ngộ, giống như ca dao sau:
Xa xôi dịch lại cho gần
Làm thân con nhện mấy lần vương tơ
THH

Tinh Hoai Huong
09-26-2013, 05:40 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1380172673.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1380172990.mp3
Trị Bình: Nỗi Đau Thương Quá Thật

Tinh Hoai Huong
10-04-2013, 11:09 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1380884394.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1380884696.mp3

Tinh Hoai Huong
10-08-2013, 07:18 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1381216372.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1381216587.mp3
Từ Tình Đời đến Tự Do


Đà Lạt. Thành phố mệnh danh là quê hương tình ái, nơi trai tài gái sắc lý tưởng hẹn hò. Thành phố ấy thơ mộng không kém phần thi vị lãng mạn cho bao cặp tình đắm đuối yêu nhau. Họ thích che chung một chiếc dù, dìu nhau đi thật chậm trên những con đường mòn vòng vèo vắng ngắt, quanh co uốn khúc cao thấp nhấp nhô như những lượn sóng.

Đà Lạt muôn thuở trầm lắng nghe tiếng thơ trữ tình thì thầm thở khúc nhạc du dương trong suối mộng hồ mơ, bên thác nước đỗ muôn trùng diệu vợi lờ lững trôi về nơi xa xăm. Bao gốc thông tuy già cỗi vẫn xanh ngắt ngút ngàn bốn mùa nhã nhạc reo vi vu qua kẽ lá cành cây xôn xao gọi mời. Nơi có những luống hoa muôn màu rực rỡ, nhiều hoa dại bụi sim rừng tim tím, cùng muôn thú và bầy sơn ca lả lướt tự do hoà ái uyển chuyển tấu khúc nghê thường.

Đà Lạt tĩnh mịch quyến rũ đầy vinh sang với xe nhà bóng loáng lượn trên lưng đèo, có nhiều ngôi biệt thự xinh xinh thấp thoáng, ẩn hiện dưới bao đồi thông giao nhánh reo vui trong gió rì rào. Có những cỗ xe ngựa lóc cóc gõ nhịp trên đường mỗi sang, trưa, khuya, chiều êm ả. Thành phố ấy chìm trong giếng mắt u hoài vẫy gọi tôi muốn quay về cùng với giấc mộng quan hoài. Nơi mẹ từng à ơi ru con từ chiếc nôi đời hồng hoang trinh nguyên, võng tình đong đưa muôn sợi nhớ, nghìn luyến thương gợn sóng lăn tăn dồn dập canh cánh bên lòng, dập dìu ríu rít níu con tìm về chốn cũ. Nơi ấp ủ một đời thúc giục đôi chân hải hồ tôi dừng bước bên thềm hoang sơ (dù tất cả những tiếng nhạc du dương từ tình yêu luyến nhớ năm xưa, giờ chỉ rớt lại cái quá khứ còn nóng bỏng, nghẹn ngào, ngậm ngùi đầy chua xót).

Ngày thứ Bảy, từ 26-10-1963 đến ngày thứ Hai, người dân thị xã Đà Lạt và ở trong nước hân hoan vui mừng, nô nức khánh thành Trung Tâm Nguyên Tử Lực Cuộc Đà Lạt. Rất đông đủ quan khách hiện diện. Đặc biệt nhất là có Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ông Bửu Hội. Đại Sứ Henry Cabot Lodge và các hàng Tổng Bộ Trưởng … đã quy tụ về Đà Lạt để tưng bừng khai hội. Ấy thế mà chỉ cùng giao thời nầy: thì tình hình chính trị sục sôi kỳ lạ. Nhiều vụ xuống đường rầm rộ đó đây. Những người cầm đầu cuộc cách mạng kêu gọi người khác vùng dậy, đứng lên đập tan cuộc sống cũ. Họ dũng cảm muốn dành lại tự do no ấm cho con người thôi!

Từ khoảng mùa mưa năm 1963 thượng tọa Thích Quãng Đức lên giàn tự thiêu giữa ngã tư Phan Đình Phùng và Lê văn Duyệt: đòi hỏi tự do tôn giáo. Thật tuyệt vời! Rồi bao nhiêu bàn thờ tiên sinh, ông bà, cha mẹ: do con cháu rầm rộ dọn ra ngoài đường. Sinh viên, học sinh, và một số dân cư xông xáo xuống đường biểu tình đòi: Tự do tín ngưỡng. Tự do báo chí. Tự do ngôn luận. Tự do đi lại suốt. Họ đã và đang làm một cuộc cách mạng như Littré nói:
- “Cách mạng là gạch nối giữa trật tự cũ tan rã, và trật tự mới được dựng lên bằng những vết máu, thay vết son”.

Cuộc cách mạng đảo chánh “gia đình trị” đưa quan niệm tự do hạnh phúc đi sâu vào lòng người dân. Chính nghĩa vong yểu như xứ sở thân yêu từng mang dấu tích hùng sử ca diễn ra ác liệt tại thủ đô Sài Gòn, bị lên án gắt gao, bị tiêu diệt, đã xoá nhoà dấu vết cũ dưới rừng cờ hoa phất phới tung bay trong nền trời xanh bao la, để chào mừng ngày đại thắng. Trước cửa ngỏ cuộc chiến mới, người ta say sưa hoan ca men chiến thắng túy lúy với nhau. Họ háo hức kể cho nhau nhiều tin thổi phồng rất giựt gân.

Đồng thời đồn đại những tin huyễn hoặc thất thiệt. Dù chỉ hàng tít nho nhỏ chạy trên nhật báo, cũng khiến người dân giật nẫy mình, hoang mang, kích động tính, hăng say nổi máu anh hùng lên. Người ta nức lòng mong chờ từng giây phút hoà bình tự do đến, nơi mà các vị tiền bối, cha ông chúng ta đã dày công dựng xây, đã làm, vẫn được thực thi. Dẫu rằng có ảnh hưởng sâu sắc ít nhiều đến cư dân thị thành, cùng tất cả dân quê trên toàn lãnh thổ Việt Nam thăng trầm qua bao thế kỷ.

Đúng là Ý Trời! Nền Đệ Nhất Cộng Hoà Việt Nam hoàn toàn sụp đỗ rồi đó! Giấc mộng cũ, chế độ cũ cùng chiến tranh tàn khốc đã từng theo đóm ăn tàn, mang bạn bè người than, ông bà, chú bác, anh chị em… ra đi biền biệt, gieo đau thương tang tóc khổ sầu cho hàng ngàn gia đình vừa cáo chung. Tôi chua xót nghĩ thầm:
{Tôi thấy mặt trời mặt trăng, chưa hẳn là mắt sáng. Tôi thấy sóng vỗ, gió gào rền vang đó đây; chưa hẳn tôi đã thấu hiểu hết mọi điều. “Các ông” có thể chế ngự đời sống của tôi bằng mọi hình thức, nhưng không thể khống-chế sự tự do trong tư tưởng của tôi. Dù các ông có đi đêm với ai thành công. Đi với Tàu. Với Tây. Với Mỹ hay với Ta. Thì có lẽ đất nước nầy cũng thất bại. Vì hàng rào Ấp Chiến Lược (Strategic Hamlets) đắc sách kiên cố kia: thừa nước đục thả câu, đã bị nhổ phăng đi, nay bị sụp. Không thể sàng lọc trắng đen ra môn ra khoai - Thì tiêu tùng cả đời nhà họ “Mạt” ấy chứ chả chơi!} Thiện tai!

“Ông” đắc thắng nào (lên thay thế “ông” chiến bại), cũng vỗ ngực tự hào ta là nhất. Rồi căn cứ vào điều luật cũ, tái lập điều chỉnh nên dự luật mới. Có khi sáng tạo, thêm bớt, sửa đổi, vá víu lại… cho hợp tình hợp lý với thời cuộc. Giống như người cỡi con lừa một tay cầm cây roi, có bó cỏ khô với củ cà rốt móc lủng lẳng ở trước càng xe. Họ đang quay lưng về phía trước, còn một tay kia túm lấy đuôi lừa. Họ ung dung nhìn lại nơi đã toàn thắng mỹ mãn vừa đi qua. Chả cần chung vai đấu cật, góp sức an hoà, đoàn kết vạch định tương lai sẽ cam go, hay cùng nhau nhìn về một hướng phải đưa dân tộc đến.

Nếu họ chịu khó nhìn về dĩ vãng… để cùng nhau hướng tới tương lai: xây dựng một quốc gia hùng mạnh, thì quá tốt. (Họ sẽ cai trị muôn dân như Đường Minh Hoàng vương quốc đời Tần. Hay sẽ như Thiers lãnh tụ Cộng Hoà Pháp đàn áp đẫm máu Công Xã Paris? Nào ai biết được ngày mai sẽ ra sao?) Còn con lừa già thì cứ gồnh mình lên ra sức cố lôi chiếc xe thổ mộ cọc cạch, nó mở to đôi mắt trợn trừng mà bò lết tới trước, nó chỉ mong ước và hy vọng “tợp” được bó cỏ hay củ cà rốt, ăn đỡ lòng.

Tôi rất ghét và thù chiến tranh hay chuyện “chính chị chính em”, xin cúi đầu an phận làm phó thường dân nam bộ thấp hèn. Tôi cũng không bao giờ dám mơ tưởng mình sẽ là một người đẹp nổi tiếng viết văn, làm thơ. Càng không bao giờ tôi dám tự hào mình sẽ cầm cây bút chiến: để viết văn nghị luận hùng biện hay ho. Chữ đẹp tốt, văn thơ giỏi mà làm chi!? (mặc dù chữ viết cuả tôi khá đẹp). Tôi muốn thực tế ghi lại những điều quá thật: càng không vì thù giận ai, không chỉ trích, không bon chen, không a dua lừa dối ai.

Chỉ vì cuộc sống ấy có phần gián tiếp ảnh hưởng sâu sắc đến số phận riêng mình, vì những sự kiện qúa thật, khiến tôi đau lòng khổ sở không ít. Tôi rất đồng ý: “quân tử trọng danh khinh tử”, thì họ và các ông không cùng quan điểm là lẽ thường. Thân cây thông tuy cứng cáp chắc chắn và tròn trịa, thẳng đứng, nhưng khi ta róc hết vỏ, trau chuốt, bào láng, coi thật đẹp, mà chỉ có ba cây thông chôn ở ba góc, thì không thể chống nỗi một mái nhà.

Trong gia đình cũng thế, nếu cha muốn làm gì, đi đâu, là quyền tự do của cha, rất có thể các con không ai có thể cản. Phần con, nếu cha thấy con có chỗ nào không tốt, là có thể chứng minh một phần cha đã giáo dục con có chỗ sai. Đời người như một ván cờ lớn, chưa biết sự lựa chọn, đặt để của cha và con đúng hay sai. Thì cũng ví như căn nhà ấy có hai cửa sổ đã xoay nhìn về hai hướng cố định: Hướng đông và hướng tây. Đứng ở cửa sổ nhìn về hướng tây: con thấy vườn hoa dưới ráng hoàng hôn bảng lảng rất đẹp. Còn nơi ô cửa kia khi mở rộng ra, chưa chắc hợp với suy tư và nhãn quan mình.

Vậy thì, phạm trù cách mạng riêng đối với tôi, nào có ích gì! Phe chế độ cũ có sụm bà chè. Phe cách mạng mới có “phừng phưng” đứng lên - Có quật khởi. Trường tồn. Tiêu vong; thật chả là gì - khi đa số dân chúng vẫn chạy ăn từng bữa một. Mồ hôi và nước mắt chan hoà trên bát cơm, biết bao khuôn mặt hãi hùng âu lo thời tao loạn. -Chiến tranh, chết chóc, đau khổ và cơm áo- Những thứ nầy cứ quyện chặt vào nhau, thì lấy đâu ra có ngày giờ nghĩ đến việc hó hé chống đối ai kia chớ!

Chiếc cầu vồng bảy sắc sinh động nối mạch tình quyến luyến giữa con người và con người, mà tôi thân thiết gọi là “lòng nhân ái đùm bọc chí tình yêu thương nhau xiết đỗi” – đã nhạt phai trong tôi ít nhiều. Không còn đậm đà như những năm tôi sống trong vùng khói lửa chiến tranh liên miên, từ: Quảng Trị. Mộ Đức. Minh Long. A Sao. A Lưới. Sa Huỳnh. Tà Biên... nữa rồi. Do đã từng chứng kiến cảnh chiến tranh đau thương vô vàn để lại trong đời. Cảnh người dân chất phác nghèo khó cơ cực nhọc nhằn… và người lính vô tội vì quê hương và dân tộc, họ phải chết bờ chết bụi thảm thiết, thây vùi nông một nấm mộ vội vã bên đường. Thấy cảnh con người ốm đau bệnh tật lê lết không thang thuốc đầy nhóc ở xó xỉnh mấy thôn làng hẻo lánh, họ cố kéo lết cuộc đời thấp hèn, đớn nghèo luôn bám riết sau lũy tre xanh quê hương.

Tôi đã biết thế nào là lễ độ, khi mặt trời ở phương đông vẫn hào phóng tỏa những vầng hào quang tuôn chảy xuống vạn vật, lóng lánh trên những tàng cây xanh um bóng mát, tạo thành những dòng sáng lung linh rực rỡ trường tồn miên viễn rạng ngời. Trái lại, trong tôi bùng lên cuộc tình buồn kèm theo nỗi hận căm cuộc chiến đấu mưu cầu cho tự do! Dù rằng đối với tôi tự do vẫn tuyệt vời thoải mái hơn tù tội, gò bó, o ép... Hoà bình vẫn sung sướng trân quý hơn chiến tranh. Chiến tranh đem lại giết hại, thù hận huynh đệ tương tàn điên cuồng, tàn ác thẳng tay chém giết lẫn nhau. Vết xe cũ đã lăn, và đang lăn trên con đường gian khó. Khiến lòng ta thêm đau đớn xót xa hơn.

Tự do! Hai tiếng nầy vang lên nghe dạt dào quyến rũ, thân thương, truyền cảm, trìu mến, bao dung, ngọt ngào, thú vị, hay hay, lý tưởng, hoài bão, dấn thân, tha thiết mời gọi nhau thế nào ấy! Vai trò “Cách mạng, đảo chánh” hay đỉnh đạt hơn: “Dành lại quyền tự do thống trị”… từ tay kẻ khác ; không hàm hậu ý chế nhạo ai, nghĩa là chung vai góp sức làm sao cho đời sống cũ tốt đẹp hơn, ngỏ hầu nâng con người cùng khổ lên cao. Họ sẽ có cuộc sống ấm no và hạnh phúc, mong cho đất nước mau thoát ra cảnh chiến tranh tương tàn, vì chiến tranh luôn đè nặng lên lương dân vô tội. Tự do rất trân quý và đầy kính trọng, ngưỡng phục.

Từ ngày mất nước thì… chuyện tình đời và hai chữ tự do ấy đã quá xưa, cũ rích như trái đất rồi. Tôi và có thể hầu hết mọi người Việt Nam thân thương đều thiết tha, bao dung, và độ lượng; khi định nghĩa tổng quát về danh ngữ hay tính ngữ: “Tự Do”: Đó là phạm trù triết học, biểu hiện một quy luật nhịp nhàng, có tự do trong quy định trật tự, ôn nhu, tiết độ, vững bền của một quốc gia. Sự phát sinh tự do qua lập trường, hoài bão, suy tư, ý chí, hành động của con người và xã hội, nhân quần. Tôn trọng các quyền phát huy tự do cụ thể, rất căn bản (nghĩa là không bị cấm đoán, cưỡng ép, hay bị ràng buộc khắt khe bởi: những quy chế độc tài: hiến pháp, lập pháp, luật pháp, tư pháp, hành pháp… gắt gao; nói chung chung).

Tự do - nhưng phải tôn trọng quyền công dân trong một quốc gia độc lập, có căn bản, rất trật tự, có đạo đức, mềm dẽo, tiết chế ôn nhu, - mọi người phải hành xử chính xác và hợp lý. Không được thoát ra ngoài cương lĩnh và cương vị cuả một con người tôn trọng nhân sinh – từ quốc gia tự do có chủ quyền và độc lập. Thế thôi.
_ * _

Tình Hoài Hương

muahong
10-15-2013, 07:23 AM
Xin chia sẻ với THH :
Tôi thấy mặt trời mặt trăng, chưa hẳn là mắt sáng. Tôi thấy sóng vỗ, gió gào rền vang đó đây; chưa hẳn tôi đã thấu hiểu hết mọi điều. “Các ông” có thể chế ngự đời sống của tôi bằng mọi hình thức, nhưng không thể khống-chế sự tự do trong tư tưởng của tôi. Dù các ông có đi đêm với ai thành công. Đi với Tàu. Với Tây. Với Mỹ hay với Ta. Thì có lẽ đất nước nầy cũng thất bại. Vì hàng rào Ấp Chiến Lược (Strategic Hamlets) đắc sách kiên cố kia: thừa nước đục thả câu, đã bị nhổ phăng đi, nay bị sụp. Không thể sàng lọc trắng đen ra môn ra khoai - Thì tiêu tùng cả đời nhà họ “Mạt” ấy chứ chả chơi!} Thiện tai!
........Trong gia đình cũng thế, nếu cha muốn làm gì, đi đâu, là quyền tự do của cha, rất có thể các con không ai có thể cản. Phần con, nếu cha thấy con có chỗ nào không tốt, là có thể chứng minh một phần cha đã giáo dục con có chỗ sai. Đời người như một ván cờ lớn, chưa biết sự lựa chọn, đặt để của cha và con đúng hay sai. Thì cũng ví như căn nhà ấy có hai cửa sổ đã xoay nhìn về hai hướng cố định: Hướng đông và hướng tây. Đứng ở cửa sổ nhìn về hướng tây: con thấy vườn hoa dưới ráng hoàng hôn bảng lảng rất đẹp. Còn nơi ô cửa kia khi mở rộng ra, chưa chắc hợp với suy tư và nhãn quan mình.

Tinh Hoai Huong
10-15-2013, 04:24 PM
Xin chia sẻ với THH :
Tôi thấy mặt trời mặt trăng, chưa hẳn là mắt sáng. Tôi thấy sóng vỗ, gió gào rền vang đó đây; chưa hẳn tôi đã thấu hiểu hết mọi điều. “Các ông” có thể chế ngự đời sống của tôi bằng mọi hình thức, nhưng không thể khống-chế sự tự do trong tư tưởng của tôi. Dù các ông có đi đêm với ai thành công. Đi với Tàu. Với Tây. Với Mỹ hay với Ta. Thì có lẽ đất nước nầy cũng thất bại. Vì hàng rào Ấp Chiến Lược (Strategic Hamlets) đắc sách kiên cố kia: thừa nước đục thả câu, đã bị nhổ phăng đi, nay bị sụp. Không thể sàng lọc trắng đen ra môn ra khoai - Thì tiêu tùng cả đời nhà họ “Mạt” ấy chứ chả chơi!} Thiện tai!
........Trong gia đình cũng thế, nếu cha muốn làm gì, đi đâu, là quyền tự do của cha, rất có thể các con không ai có thể cản. Phần con, nếu cha thấy con có chỗ nào không tốt, là có thể chứng minh một phần cha đã giáo dục con có chỗ sai. Đời người như một ván cờ lớn, chưa biết sự lựa chọn, đặt để của cha và con đúng hay sai. Thì cũng ví như căn nhà ấy có hai cửa sổ đã xoay nhìn về hai hướng cố định: Hướng đông và hướng tây. Đứng ở cửa sổ nhìn về hướng tây: con thấy vườn hoa dưới ráng hoàng hôn bảng lảng rất đẹp. Còn nơi ô cửa kia khi mở rộng ra, chưa chắc hợp với suy tư và nhãn quan mình.
***
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1381853841.jpg

Tinh Hoai Huong
10-19-2013, 06:31 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1382163808.jpg
Dấu Ấn Lịch Sử Dài Nhất Thế Kỷ
Tình Hoài Hương
*


Sau những chấn động kinh khủng xảy từ vụ hăng say hoạt động cách mạng, chống đối, xuống đường biểu tình biểu tọt liên miên bùng nổ, thì lúc nầy tình hình chính trị tại miền Nam Việt Nam như chiếc ghế cũ chỉ còn ba chân gập ghềnh càng ở vào giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng”. Vì Dân nghiệm thấy đằng sau hậu trường có bóng dáng những tay “mưu đồ chuyên nghiệp”, họ đã giựt dây ngầm tạo ra vô tổ chức về sự bạo loạn. Có tình trạng “rất hỗn”, hầu lợi dụng thời cơ… thừa nước đục thả câu. Nói chung, tình hình lúc đó quả thật là một xã hội đang trôi bồng bềnh trên biển cả, giống như một chiếc tàu không người lái. Mặc ai muốn làm gì thì làm. Luật pháp bị xô ngã, nhường bước cho sức mạnh bạo lực lên nắm chính quyền điều hành.

Vì Dân dạo ấy tuy còn rất trẻ và cùng bạn sinh viên năm thứ Hai Văn Khoa, nhưng nàng có nhiều băn khoăn, đắn đo, bâng khuâng suy nghĩ về khả năng, tài đức của những vị “lãnh đạo cách mạng” nầy. Thêm vào đó dựa vào một vài dữ kiện đáng ghi nhớ xảy ra về sự kiện lịch sử cay đắng đến xót xa bàng hoàng, khiến nó mất đi tất cả lý-tưởng tín-trung vào cuộc đấu tranh trung-dũng. Vì Dân cảm thấy cách mạng nhạt nhẽo mù mờ vô bổ từ đó. Hơn nữa, chính lúc nầy chuyện bè phái chính trị hoàn toàn không phù hợp với quan niệm, hoài bão, lập trường của Vì Dân.

Dân muốn tìm riêng cho mình sự thảnh thơi bình lặng trong đời sống, quyết giữ tinh thần ôn nhu trong sáng, tìm một cuộc sống vô-tư-lự, thanh thản, hữu hiệu, thật sự đáng sống; để góp phần nho nhỏ giúp ích trong cuộc đời, một cuộc đời thực sự bình dị mến thương nhau. Ôn hoà, an lành có nghĩa có tình như mọi công dân hiền hậu khác: Không oán ghét, chẳng vò xé hận thù. Không vướng mắc mọi ưu tư trong lòng.

Do một tuần lễ công tác trong Tổng-hội sinh-viên Việt Nam ở Huế, đã gây cho Vì Dân bao điều băn khoăn, nghẹn ngào, xót xa quá cay đắng. Khi cùng làm việc với Vì Dân trong tuần lễ đó, có một anh sinh viên sống tại Huế rất qúy mến bạn. Anh ta ngầm ngầm báo với Vì Dân là:

- Hãy hết sức cẩn thận. Đề phòng. Tính mạng của các anh chị hiện đang nằm gọn trong tay “họ”.

Thú thật, nàng Vì Dân không hiểu nỗi mình đã làm gì sai? Và, khi anh ta nhấn mạnh ở điều nầy, thì nàng chẳng thể biết ra sao. Nàng không hình dung chữ “Họ” ở đây, là anh ta muốn “ám chỉ” về ai? Ai? Bởi vậy, ban ngày Vì Dân và các bạn lo ghi tên ở khách sạn, nhưng ban đêm cùng nhau đi ẩn nấp chui rúc nơi bờ bụi như lũ chuột, khi ngủ chỗ nầy, khi ngủ dưới ghe bà Nẫm, đến khuya lại cho ghe neo đi chỗ khác.

Lúc thì lên gần gầm cầu Bạch Hổ, khi chạy về khu Gia Hội. Vân vân... Đồng thời, Dân rất buồn vì chuyện tình yêu giữa “chàng và nàng” bị đổ vỡ vô cớ. Kèm theo chuyện chính trị náo loạn dị kỳ. Dân quá chán ngán không muốn mọi thứ ấy luôn thọc mũi dùi vào đời sống sinh viên, quấy rối lòng mình nữa! Bởi vì; (tất nhiên trong đó có cả các anh bạn và nhất là có người yêu dấu của Vì Dân):

Vì Dân cảm nhận ra rằng ở tại miền Trung bấy giờ hoàn toàn do nhóm sinh viên sừng sỏ hùng hậu chi phối chính quyền. Đấy là dấu hiệu “loạn” đã lên cao độ rồi. Cái nền độc lập tự do dân chủ vừa mới sơ sinh, mà manh nha thủ đoạn “rối” như thế nầy, thì… tương lai đất nước sẽ tối đen như đêm ba mươi Tết.

Theo thiển ý cuả Dân tham gia làm cách mạng (vì thực sự yêu nước, muốn cùng nhau xây dựng một quốc gia hùng cường, một đất nước tự do hưng thịnh, vinh sang và trường tồn; ta không chỉ chìm đắm bới móc quá khứ và ôm hận thù, điều cần thiết và cấp bách muốn thực thi cách mạng trước tiên ta cần phải an-nội. Thế nhưng giờ đây thanh niên là rường cột của quốc gia đang giống như con dao hai lưỡi. Rồi mọi chuyện sẽ đến đâu? đi đâu? về đâu? Vì Dân cảm thấy buồn bã chán nản lên tột đỉnh. Cúi đầu nhanh nhẹn quay gót lo thụt lùi lui xa chính trường, Vì Dân không hề dám ngoảnh lại len lén liếc nhìn…
* * *

Bởi, Vì Dân còn nhớ rất rõ: Buổi chiều đó, một buổi chiều có mây trắng bồng bềnh bay bay trên lưng trời, có nắng nhạt nhè nhẹ rót xuống thế trần, có gió mơn man trên đầu cây ngọn cỏ, cảnh vật êm ả bình thường như bao buổi chiều khác. Có khác chăng là một tí nữa đây Vì Dân và hai anh bạn sẽ được vinh dự trở thành số ít người hiếm hoi, tận mắt chứng kiến một sự việc đặt biệt ghi đậm nét như một dấu ấn lịch sử: Từ đầu đến cuối sự kiện trọng đại nầy: đã có nhiều dư luận, có nhiều lý thuyết, có nhiều phán đoán, có nhiều nghi vấn. Nhưng “trăm nghe không bằng mắt thấy” về những nhân vật trọng đại liên hệ đến lịch sử. Đó là một buổi chiều định mệnh… vô cùng đớn đau bi thảm vào đầu tháng 11 năm 1963.

Đúng hơn là buổi sáng ngày 02 tháng 11 năm 1963, ông Trần Trung Dung (nguyên Bộ Trưởng Quốc Phòng, dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm). Ông Dung đã gọi phone đến nhà Năm. Trong nhà có thêm bạn: Trung, Thạch, và Vì Dân ngồi gần bàn làm việc. Năm bắt phone và chuyển sang cho ông Ba chủ trại hòm Tobia. Sau một hồi trao đổi, giọng ông Ba trở nên lo lắng. Bối rối. Quắt quay. Bồn chồn. Như có điều gì bức bách lắm. Cuối cùng ông Ba thở dài, buông phone xuống, e dè nhìn mọi người hiện diện, đôi mắt ông rướm lệ rồi ngập ngừng nói nhỏ:

- Tổng thống, và ông cố vấn đã chết trong chiếc thiết vận xa M113 mang số 80.989, bởi lệnh của ông Dương văn Minh, do sát thủ là Nguyễn văn Nhung giết hại rùi.

Sửng sốt bàng hoàng. Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, tất cả túc trực trong phòng khách vội mở radio lên nghe. Hội đồng tướng lãnh do Trung-tướng Dương Văn Minh đứng đầu đảo chánh đã thành công. Ông Minh tuyên bố: “Tạm thờ lãnh đạo quốc gia”. Đài Phát Thanh Sài Gòn chỉ mở nhạc hoà tấu, luôn luôn nói đi nói lại là: “Anh em ông Diệm đang ẩn nấp, hoặc tẩu thoát đâu đó”…

Chẳng nói chẳng rằng, ông Ba vội vã kiếm người đi gọi đạo tỳ đến xưởng hòm để chuẩn bị “hậu sự” cho Tổng Thống Diệm và ông cố-vấn Nhu. Ở nhà kho của ông Ba có nhiều hòm tuy đẹp, đắt tiền. Nhưng không mấy xuất sắc. Chỉ còn một cái hòm tốt nhất bằng gỗ gia tỵ rất quý hiếm, có bọc sẵn thêm cái hòm kẽm ở bên trong. Ý ông Ba muốn để cái hòm nầy cho ông cố vấn Nhu. Ngoài ra, còn một cái hòm nhôm mới toanh láng cón của quân đội Mỹ. Chiếc quan tài nầy rất đẹp, làm bằng nhôm nhẹ, có hai lớp. Bên ngoài mạ lớp sơn bóng loáng, bên trong bọc một lớp đệm nhung mỏng, êm ái như tấm đệm giường ngủ, có thể mở nắp ra đóng vào bằng kính dễ dàng, lộ cả khuôn mặt người quá cố cho mình nhìn tiễn biệt phút cuối cùng, có chốt cài bên hông.

Nếu là xác đã ướp lạnh, có thể để lộ hẳn ra ngoài. Ở Việt Nam chưa xuất hiện loại hòm tân thời như thế. Lẽ ra là chiếc hòm rất sang trọng đẹp đẽ qúy hiếm nầy sẽ đựng thi hài một viên Tá người Mỹ đã từ trần tại Việt Nam. Nhưng không hiểu sao họ mang vứt bỏ chiếc quan tài ở bên hông nhà ướp lạnh trong phi trường Tân Sơn Nhất. Tình cờ ông Ba đi làm việc đã thấy. Tiếc quá nên ông Ba nài nỉ, thương lượng với tên quản lý nhà xác, và đã mua lại. Ông Ba đem về trưng bày trong tiệm cuả mình coi chơi. Ai đến mua giá cao cỡ nào, ông cũng không bán. Thế là ông Ba quyết định:

- Chỉ có Tổng Thống Ngô Đình Diệm mới xứng đáng nằm an nghỉ trong đó thôi.

Cả hai khuôn hòm được mang ra lau chùi bóng loáng, sát trùng sạch sẽ, họ chuẩn bị sẵn sàng chờ lệnh. Gần 11 giờ trưa phone của ông Trần Trung Dung gọi báo:

- Nhờ ông vui lòng mang khuôn hòm đến nhà xác bệnh viện Saint Paul. Ở đường Tú Xương. Tuyệt đối không cho đông ngườI đi và ai lạ tháp tùng. Xe chỉ chở một lần một quan tài đến đó trước.
Ông Ba nêu ý kiến:
- Có nên lấy thêm một xe nữa. Đi theo phía sau xa xa. Hay không?
- Chở từng cái một. Mang cái “đầu tiên” trước.

Ông Ba tuân lệnh. Đem cái hòm đặc biệt “đầu tiên” đi. (ý họ muốn nói đến “cái đầu tiên”, là khuôn hòm của Tổng-thống Diệm, người sẽ liệm trước tiên). Chiếc xe tang từ từ lăn bánh. Trên xe có Bà chủ tiệm hòm, Năm, Vì Dân, Thạch, Trung, cộng thêm bốn người đạo tỳ. Xe lao vào đường phố vắng tanh như đi trong thành phố chết, hoặc đang vào giờ giới nghiêm, thiết quân luật vậy. Đến đường Tú Xương, Vì Dân mới thấy họ đã cho cảnh sát, quân cảnh đứng ở các chốt. Xe jeep chận ngang ngỏ vào nhà xác. Ngoài các anh: Năm, Thạch, Trung, Vì Dân, bà chủ tiệm và bốn đạo tỳ ra, còn có hai soeur có lẽ ở bệnh viện nầy. Thêm vợ chồng cháu rể của tổng thống đang lăm le chiếc máy ảnh trong tay.

Khi xe tang vào tới bên trong, thì một soeur len lén lấp ló nhìn trước ngó sau, coi có vẻ gian, sợ sệt lén lút, như làm chuyện mờ ám gì, chả biết (hình như soeur có lệnh trước) đã vội vàng kéo cánh cửa đóng ập lại liền. Trong nhà xác chỉ có một ngọn đèn vàng lù mù leo lét treo lơ lửng treo tòn ten trên trần.

Bốn đạo tỳ mang quan tài đặt trên bệ đá cẩm thạch trong nhà xác. Họ đợi khoảng hai mươi phút sau, thì có một chiếc xe hồng thập tự kiểu Dodge nhà binh (màu cứt ngựa) thắng lết bánh, đỗ xịch lại. Bà soeur canh cổng kia lật đật mở cánh cửa nhà xác ra. Từ trên xe có bốn quân nhân phóc xuống, vội vội vàng vàng khiêng chiếc băng ca đi lắc lư nhún nhảy. Trên đó có một người nằm, cũng nhún nhảy lắc lư theo nhịp bước mau. Họ mang băng ca vào hẳn phía trong, để xuống dưới đất. Họ chả buồn nhìn ai hay nói câu nào, họ cúi đầu vội vã quay trở ra, leo tọt lên xe. Chiếc xe Dodge rít lên nghe rợn tóc gáy vút đi trong sự im lặng hãi hùng…

Lúc bấy giờ cả nhóm đông trong phòng liền bước tới đứng sát bên băng ca. Người nằm trên băng ca là vị tổng thống kính mến Đệ Nhất Cộ̣ng Hòa của miền Nam Việt Nam: Ngô Đình Diệm. Ngài mặc bộ veston màu xanh rêu, thắt cà vạt xanh đậm có chấm trắng. Dưới chân ngài mang một chiếc giày màu đen, bên chân kia chỉ có một chiếc tất trắng. Cả bộ comple chìm trong màu máu, trên đầu tổng thống có một vết thương sâu từ dưới ót trổ lên đỉnh đầu, bê bết máu. Ngài nằm đó thản nhiên im lặng, dường như tổng thống say chìm trong giấc ngủ ngàn thu bình an không muộn phiền, chẳng khổ đau…

Ánh sáng vụt loé lên. Thì ra ông cháu rể ngoại quốc kia đã bấm được vài ba tấm ảnh. Chả hiểu ông cháu nầy lúng túng, run rẩy sợ hãi, lo lắng hay sao, mà ông lại vội cất dấu máy hình, không chụp thêm, mà lại ngưng? Hay ông thấy cảnh máu me lan tràn như thế thật đau lòng. Nên ông không cầm nỗi cơn nghẹn ngào xúc động đau đớn dâng tràn bờ mi?!
Đạo tỳ khiêng xác Ngài lên, đặt trên một bệ đá cẩm thạch có lót hai lớp vải trắng. Bà chủ tiệm nói với Năm, Thạch, Trung, Vì Dân, hai soeur:

- Nhờ lấy bông gòn và compresse nhúng đầy alcohol, lau nhẹ nhàng, lau sạch sẽ, lau rất cẩn thận các vết máu giúp tôi.

Họ lộ vẻ kính cẩn, ân cần, chu đáo sửa sang áo quần Tổng-thống Diệm chỉnh tề, ngay ngắn. Bốn đạo tỳ chăm chỉ cắm cúi lo tẫn liệm ngài đàng hoàng. Bà chủ tiệm hòm lâm râm đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn người quá cố. Bà nhét vào tay tổng thống xâu chuỗi hột mân côi. Hình như Tổng Thống Diệm vừa mới chết, cho nên hai bàn tay ông đã dễ dàng khép lại nhẹ nhàng giữ xâu chuỗi như ông đang lim dim đọc kinh lần hạt. Mọi người hiện diện nín thở có cảm tưởng tim đập thiếu nhịp. Thở hụt hơi. Nghẹn ngào. Ngậm ngùi. Cay đắng. Xao động. Đau xót kinh khủng. Thương tiếc sâu sa. Buồn mênh mông cho kiếp phù sinh bạc mệnh. Ngắn ngủi. Bẽ bàng!

Họ chưa kịp đậy nắp hòm, thì chiếc xe hồng thập tự lúc nãy đã trờ đến. Cánh cửa lớn do bà soeur kia lum khum hé mở ra. Đám lính lật đật bưng cái xác thứ hai vào. Bà soeur vội vàng khép nhanh cánh cửa ngay. Đó là ông Cố-vấn Ngô đình Nhu mặc áo sơ mi trắng cụt tay đẫm máu. Áo bỏ trong quần màu nâu hơi xộc xệch, thắt dây lưng da, mang đôi giày màu kem. Gương mặt ông Nhu có vẻ oán hận, bất bình điều gì, vầng trán thật cao cau lại nhiều nếp nhăn. Đôi môi ông mím chặt nghiêm nghị. Không thấy ông Nhu có nét thanh thản bình an (như gương mặt của người anh). Ông nằm nghiêng qua một bên. Họ thấy ông bị nhiều vết đâm sau lưng. Loại dao bayonet của quân đội. Máu vẫn ứa ra từ các vết thương đó. Trên đầu, ngay thái dương có hai vết thủng. Đó là dấu đạn đi từ bên nầy xuyên sang bên kia.

Công việc tẫn liệm cũng tuần tự diễn ra. Cẩn thận nhưng hơi vội vàng như lần trước. Không khí lúc nầy quả thực nặng nề kinh khủng! Im lặng hoàn toàn. Hình như ai ai cũng thở rất nhẹ. Vì họ sợ mỗi tiếng động làm dấy lên từ đáy lòng mình tiếng nấc, mà họ đã kềm sâu trong lòng khóc thương một kiếp người phù sinh: khi đứng trên tột đỉnh danh vọng cao sang dường bao, ấy thế mà lúc lìa đời thì quá ư bẽ bàng bạc phận!?

Hoặc sẽ làm hỏng không khí kính cẩn tôn nghiêm; nơi con người thực sự đã bước chân vào cõi vô cùng hư vô? Quả đúng là phân giới giữa sự sống và cõi chết chỉ ngăn cách bằng một sợi tóc dài lê thê và mỏng tanh, bởi một bức màn sô vô hình tầm thường mà mong manh. Nhưng, kiếp người ở hai phân giới ấy đã không thể làm gì khác hơn. Người ở biên giới nầy không thể va mặt chạm tay vào biên giới vô hình kinh khủng bên kia, và càng không thể biết thêm gì nhau hơn!

Đó là hình ảnh nhỏ nhoi tầm thường rất cô độc của con người hiện hữu đối mặt trước sự siêu hình cao cả của sự sống và sự chết. Quả thật không là gì cả khi thân xác ấy trở thành bất động, lung linh như ảo ảnh hư vô mà vô cùng sống động, thực tế và quá đỗi thương tâm. Vì Dân sẽ không bao giờ quên, không bao giờ phai mờ trong trí óc. Vì, rất thật. Quá thật tình cờ… vô tình mình làm chứng nhân một sự kiện lịch sử trong thế kỷ. Ý thức nhận rõ ràng: Cuộc sống sao quá mỏng manh như một bóng mây trắng hờ hững bay giữa lưng trời rám bạc. Như cành cây oằn thân trong bão khi gió muốn lặng, mà dễ đâu nào!

Vì Dân cảm thấy mệt lả, nhịp tim rung lên từng cơn run rẩy, nghẹn nghẽn nỗi đau trong cổ, nàng vội kéo Năm, Thạch, Trung, bước ra thềm nhà xác, đi về hướng Phan Thanh Giản, là mong cho dễ thở hơn. Ngay lúc đó, Vì Dân thấy một đoàn biểu tình náo nhiệt rầm rộ kéo nhau xuống đường. Họ vừa đi vừa giơ nắm tay hò la hét tướng lên: đả đảo “chế độ gia đình trị họ Ngô”. Họ đi thẳng tới biệt thự đường Phan Thanh Giản của ông Bộ-trưởng Bộ Nội Vụ Bùi Văn Lương, (người đã từng nắm giữ chức vụ “Tổng Ủy-trưởng, Tổng Ủy Di Cư năm 1954″).

Họ lao vào nhà ông Lương đập phá, hôi của. Tất cả mọi thứ trong nhà thoáng chốc biến sạch hết ra đường. Thậm chí Vì Dân còn thấy có mấy người bưng hai con chó Nhật sợ hãi nhìn quanh như nó đang muốn tìm cố chủ. Đám biểu tình bắt đầu xúm lại nổi lửa trong sân. Rất may, lúc đó có toán Cảnh-sát Dã-chiến đến. Họ can ngăn kịp thời. Ôi! Cuộc Cách Mạng phừng phưng thành công rồi đó. Toàn dân bấy giờ đã thoát ra khỏi chế độ “gia đình trị Họ Ngô”. Nhưng, rồi đây sẽ đến phiên ai đi tới đi lui, đi lên và đi xuống? Sẽ ra sao? Xin nhường câu trả lời cho lịch sử từ bây giờ và những tháng năm sau nầy phán xét.

Nghe tiếng bà chủ gọi, các anh, chị, vội chạy trở về nhà xác: khi hai chiếc xe hồng thập tự đã đến lấy quan tài hai anh em họ Ngô vừa đi khỏi. Họ nói với tài xế: “Vô Bộ Tổng Tham Mưu”. (Vì lý do an ninh, nên Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng chuyển hai xác anh em Tổng thống vào Bộ Tổng Tham Mưu, an táng trong khuôn viên trại Trần Hưng Đạo, cạnh chùa An Quốc). Hiện diện, làm việc cấp tốc trong đêm khuya có vị linh mục người Pháp, ông bà Trần Trung Dung, Trung-tá Nguyễn Văn Luông (Trưởng ban mai táng), một số ít quân nhân ở Tổng Tham Mưu. Thế rồi tiếp theo sau mấy cuộc đảo chánh. Chỉnh lý. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đương nhiệm nghe lời ông thầy địa lý phán một câu xanh dờn:
- Vì hai huyệt mộ kia đã chôn nhằm “long huyệt”. Cho nên đất nước Việt Nam đã xảy ra lộn xộn liên tục. Muốn cho yên ổn. Phải cho dời ngay đi.

Thế là sau ngày đảo chánh ít lâu, bên phòng mai táng ở quân đội miền Nam Việt Nam Cộng Hòa lại cho mời ông Ba đến bàn trước tính sau cặn kẽ. Họ nhờ ông Ba làm hai cái kim tĩnh xây gạch, tráng xi măng trước. Ông Ba lại cho người lên bộ Tổng Tham Mưu lén lút, hì hục đào bới cả hai anh em cố Tổng Thống vào ban đêm. Đạo tỳ làm việc bù đầu suốt canh thâu; từ choạng vạng tối đến tờ mờ sáng mới xong. Ông Ba đem hai thi thể: ông Diệm và ông Nhu về chôn ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.

Khi hạ rồng rồi, ông Ba có lệnh chỉ được phép lóng cát phủ lên bề mặt hai ngôi mộ bằng phẳng cho đầy. Bên trên mặt chỉ được lấp ba tấm ván sơ sài. Trông hai ngôi mộ rất hèn mọn, quá tầm thường. Tuyệt đối ông Ba không được phép ghi tên tuổi, ngày tháng bia trên mộ gì cả. Dù chung quanh đó có những ngôi mộ cẩm thạch bóng loáng, vinh sang hào nhoáng lộng lẫy khác. Vì “họ” sợ dân biết tin hai vị nằm đó, họ sẽ đến cầu nguyện và ngưỡng mộ (!?). Nhưng làm sao mà che được tai mắt dân lành? Không biết do đâu “rò rỉ ra” nguồn tin:

- Chính hai ngôi mộ đơn sơ không tên không tuổi không hình bóng nầy: là mộ phần của anh em Tổng-thống Ngô Đình Diệm.

Thế là từ đó, mỗi khi ai ai có dịp vào thăm nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Họ liền đi vào cổng chính, đến đoạn giữa “hai ngôi mộ Anh Em”, nằm đối diện với cái tháp tưởng niệm, và ngôi mộ cố Thống Tướng Lê Văn Tỵ to lớn nguy nga, “hoành tráng” nhìn sang “hai anh em”. Có một điều rất khác biệt với những ngôi mộ lộng lẫy sang trọng kia. Thì trên hai ngôi mộ đơn sơ đạm bạc đớn hèn khiêm tốn nầy, luôn luôn có những bó nhang trầm nghi ngút khói, có đóa hoa tươi màu thay đổi mỗi ngày, có bốn ngọn nến sáng lung linh thắp suốt đêm. Hình như người ta dù sợ hãi người khác thanh trừng, nên chỉ âm thầm lén lút đi thắp nến đốt nhang cầu nguyện. Họ luôn tưởng niệm cho “Ngày dài nhất thế kỷ, buổi chiều định mệnh đó”. Họ là những người dân hiền lương ẩn danh nghèo hèn như thầm nói:

- Vĩnh biệt Tổng Thống Diệm. Vĩnh biệt ông Cố-vấn Nhu. Xin các Ngài cứ bình thản an nghỉ. Vì, đất nước Việt Nam vẫn còn là đất nước Việt Nam. Có thay đổi chăng, chỉ là con người, và những con người lãnh đạo quốc gia mà thôi. Nguyện cầu nhị vị an nhàn bình thản ra đi… hạnh phúc phiêu lãng ngao du sơn thủy, đi khắp trên mọi miền đất nước Việt Nam, và phù hộ cho dân lành được ấm no bình an hạnh phúc thật sự, như qúy vị hằng đợi mong. Xin qúy vị lãng quên cuộc đời bạc bẽo. Quên con người hết sức trắng trợn độc ác tham tàn và… xin hãy tha thứ cho con người rối rắm hèn kém suy nghĩ kia, đã tàn nhẫn hại mình. Kiếp người ô trọc đảo điên và phù du rồi sẽ khép lại sau đôi mắt hờ hững lặng nhìn.

Vì Dân tôi, một chứng nhân vô tình hèn mọn trong bóng tối lịch sử buông tiếng thở dài sâu lắng trầm buồn trên mỗi phím loan: Ối ôi ồi!!! …
* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
11-20-2013, 09:18 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1384943247.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1385153805.mp3
Cám Ơn ĐÀ LẠT Thương Yêu
Tình Hoài Hương
*


Khúc xạ ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua lớp khí quyển ướt ẩm, khô, lạnh, đã tỏa bảy tia quan phổ: đỏ, vàng, lam, chàm, lục, cam, tím. Mưa phản chiếu tia nắng ở góc nhọn 42 độ, tạo thành chiếc cầu vồng ánh đẹp rất rõ. Phong cảnh Đà Lạt tuyệt diệu mờ ảo trong làn sương mù lơi lả buông. Đám mây mọng nước nũng nịu giăng tơ trời kéo lê thê sau lưng ngôi trường Grand Lycée.

Du khách thơ thẩn thả gót phiêu bồng trong lòng đô thị tĩnh mịch. Khi phố đêm len lén tràn về ướt sũng mưa phùn và sương muối bện quyện lại với nhau, thì càng về khuya dường như bầu trời càng lắng đọng bất tận, yên ắng lạ lùng. Cảnh vật trở nên thơ mộng giữa khí lạnh tê tê, buốt buốt, mơn man da thịt. Những thứ đó đã trìu mến quấn quýt ăn sâu vào lòng người. Đà Lạt càng dễ yêu. Thi vị. Duyên dáng. Thơ mộng và quyến rũ xiết bao bừng dậy nơi nơi!

Du khách muốn ghé thăm Đà Lạt (bằng đường bộ), phải đi qua hai ngả chính: Từ miền Phan Rang xa xôi muốn đi lên Thị-xã Đà Lạt, xe hơi phải đi về hướng núi toàn rừng tre, nứa, lồ ô, rừng hỗn giao lá kim, lá rộng, dẻ, rừng cây quý đủ loại với thông chen chúc trong vùng núi, kể từ Krong Pha. Xe hơi leo lên càng lúc càng cao… dưới những ngọn núi cao ngất ngút ngàn, gập ghềnh, khúc khuỷu, quanh co và những eo đèo dựng đứng, chênh vênh gấp ngặt khúc khuỷu như cùi chỏ, rất hiểm nghèo để len lỏi qua rừng rậm, âm-u um-tùm của đèo Ngoạn Mục cách thành phố Đà Lạt 40km.

Từ hướng Sài Gòn xe chạy về miệt Biên Hoà, Long Khánh rồi xe tách qua hướng đi Định Quán, đến đèo Marigui, đèo Bảo Lộc quanh co ngút ngàn núi tiếp núi rừng tiếp rừng, chen với những đồi trà, những đồi cà phê. Lúc xe chạy trên quốc lộ 20 giáp ranh với Di Linh là khu núi rừng thuộc Tỉnh Tuyên Đức. Taing, nơi đây người dân có thể vào tít tót trong rừng núi xa hiểm trở sâu hun hút, họ đào sâu xuống lòng đất, sàng đất cát trên chi nhánh các dòng suối (thuộc vùng suối của thác Pongour, Gougah…) để đãi lấy vàng.

Xe lên tới vùng đầu Đại Ninh, Đức Trọng… qua thác Liên Khương, thác Prenn là thuộc về phong thổ mát rượi Đà Lạt. Từ thời Pháp thuộc đã độc đoán rất hà khắt phân chia nước Việt Nam tách bạch ra ba miền: Bắc. Trung. Nam, để họ dễ bề thống trị dân ta. Thật là phiền toái, rối rắm qua bao dị biệt, và dần dần tự nhiên trở thành phân chia rõ ba miền tách bạch, vô tình đi đến sự chia rẽ đến nhức bưng cái đầu.

Đây! Thành phố Đà Lạt an ngự ở miền Cao Nguyên Trung-phần trên độ cao 1.475m (nếu Đà Lạt trên cao độ 2.163m > là tính từ mặt biển lên chóp đỉnh núi Lâm Viên). Đà Lạt ở tọa độ 11o 48’ 36” – 12o 01’ 07” vĩ độ bắc và 108o 19’ 22” đến 108o 36’ 27” kinh độ đông. Bắc giáp Lạc Dương. Đông & Nam Đơn Dương. Tây Nam giáp Đức Trọng. Đà Lạt là vùng khí hậu Á Ôn, nhiệt độ trung bình một ngày khoảng: 18/oC > 20/oC, thấp nhất là 12/oC.

Thị xã Đà Lạt nằm trong Tỉnh Tuyên Đức bao la rộng lớn gồm có 3 Quận: Đức Trọng. Đơn Dương. Lạc Dương. Toàn tỉnh Tuyên Đức có khoảng 20 loại khoáng sản: cao lanh, than nâu, boxit, than bùn, sắt, thiết, chì, kẽm, rubi, saphia, opan, kể cả các vùng núi rừng có rất nhiều vàng non... nhất là vàng ở vùng núi đồi hiểm trở ở Taing. Đà Lạt là vùng đất đỏ bazan và nâu vàng tụ bồi phù sa phì nhiêu từ suối, hồ, thác. Không những Đà Lạt là thắng cảnh thiên nhiên thơ mộng rất tuyệt vời, ngoạn mục, diễm lệ, trữ tình mỗi khi du khách ghé tạt về thăm, mà Đà Lạt giàu về tài nguyên quốc gia quý như: Gụ, cẩm lai, sao, tre, nứa, lồ ô… nhiều rừng thông hai lá, ba lá cao ngút bạt ngàn, rừng hỗn giao lá rộng, rừng lá kim, rừng tre nứa... Khoáng sản: bo-xit, bentonit, diatonit, sắt, vonfram, than nâu, đất sét, núi đá, thiếc, chì, kẽm, vàng, saphia, opan, thạch anh tinh thể, v.v… Nông sản: Trà, cà phê, artichaud, mận, hạt điều, nấm, dâu (nuôi tằm) các loại rau, hoa, v.v... Nhất là quanh năm vườn tượt xanh màu tốt tươi dồi dào hoa quả cây trái trĩu cành.

Khí hậu Đà Lạt ưu đãi nhất là phụ nữ và trẻ em da dẻ họ luôn trắng trẻo hồng hào mịn mượt. Ngoài cư dân tứ phương quy tụ về vùng “hoàng triều cương thổ” Lâm Viên nầy, còn có sắc dân: Thái - Thổ - Nùng – Tày – Mường – Mán - Hoa (Tàu) - Thượng (Thiểu số) K’Ho - Mạ - Chu Ru – M’ Nông.
Đà Lạt, nhiều ngôi biệt thự xinh lịch đa dạng qua đường nét kiến trúc độc đáo, nhà nhà nhấp nhô cao thấp ẩn mình dưới đồi thông trùng điệp rợp bóng. Nhà tôn nhà ngói chen chân nơi những con đường mòn đất đỏ uốn éo lượn quanh vườn hoa ngát hương tươi màu, bao vườn trà xanh mướt trên ngọn đồi tiếp tiếp bên suối, bên hồ, nơi thác ghềnh lồi lõm.

Đà Lạt có hai mùa rõ rệt: nắng và mưa. *- Mùa mưa dầm từ cuối tháng Năm kéo dài đến tháng Mười Một. Mùa gió thịnh hành nhất vào mùa đông lại là gió từ hướng tây. Tuy thế khí hậu vùng Cao Nguyên Lâm Viên nầy khá dễ chịu. Mùa ráo khô từ tháng 12 đến đầu tháng 5, bầu trời thanh thoáng mát rượi, luôn có nắng ấm độ ẩm chan hòa. Thương làm sao thành phố Đà Lạt chập chùng uốn lượn quanh những đồi thấp núi cao luôn mờ mờ ảo ảo, nhạt nhòa ẩn hiện sau làn sương ẻo lả, mỏng manh. Những cơn mưa phùn lăn tăn li ti vào độ cuối Thu chuyển hạt nhỏ li ti như bụi phấn, nhẹ tênh, âm thầm lả lơi đậu trên mái tóc lữ hành. Nước ban mai ở các khe đá, suối, hồ, khe, chưa chảy kịp, thì nước buổi chiều đã dâng lên cao; chảy xối xã suốt tháng năm về bao con thác cuối nguồn.

*- Mùa Hè là đầu mùa mưa, mưa đêm nầy qua ngày tháng khác trên núi đồi cao ngất, ngút ngàn. Muôn triệu hạt mưa nặng trĩu, to tròn rơi bồm bộp trên mái tôn, mái ngói. Tôi yêu tháng ngày mưa dầm không biết mệt, bầu trời luôn ảm đạm, dù mưa nhưng khí hậu ấm áp. Thỉnh thoảng… lâu thật lâu có kèm theo mưa đá hột to hột nhỏ. Dì cháu thích thú nhặt mưa đá bỏ vào ly (trong khi những người làm vườn thấy mưa đá, là họ lo buồn rầu rĩ; vì nó hủy hoại hoa màu tan nát, hư hỏng rất nhiều loại hoa trái và rau).

*- Mùa Thu bên những triền đồi rưng rưng lá vàng duyên dáng lắt lẻo đong đưa cài trên cành cây cổ thụ. Màu vàng cuả rừng cây gỗ quý bát ngát, quyện lẫn màu xanh và nhạc thông rì rào reo trong gió. Lá rừng hợp với màu vàng sáng từ bình minh len lỏi dọi xuống, hoặc nơi ráng chiều hiu hiu hửng lên trong kẽ lá dịu dàng ve vuốt. Khiến lòng mình cảm thấy xao xuyến mấy nỗi bâng khuâng man mác, dìu dặt đường tơ mênh mang rung lên từng hồi trên những phím loan. Tôi thương mỗi chiều gió mùa Đông Bắc lồng lộng vút trên đỉnh núi cao, sấm sét chớp lia lịa ở góc trời lúc choạng vạng, gió uốn cong cành cây mimosa nghiêng ngả, thấy mà thương. Thân cây đau đớn rên rĩ vặn mình kêu rắc rắc, dường như muốn gãy. Chùm hoa mimosa ướt sủng nước rên rĩ quật lui quật tới tả tơi, hòa với tiếng sấm chớp gầm thét dữ dội, gió hú từng hồi kinh dị trên sườn đồi, gió lọt qua khe cửa rít lên vút vút, nghe đầy ớn lạnh, buồn bã đơn điệu vô cùng.

*- Gần về cuối Đông trời vần vũ mây xám, từng cuộn mây nặng trĩu ùn ùn bay ngang đầu, khiến núi đồi mất hết rồi bộ cánh rừng xanh tươi ngày vui khoe sắc lá. Những cơn mưa lăn tăn vào độ cuối đông chuyển thành triệu triệu hạt nhỏ, nhẹ tênh như bụi phấn, đó là những cơn mưa phùn âm thầm lả lơi đậu trên mái tóc lữ hành đơn điệu. Nước ban mai ở các hóc đá, suối, hồ, khe, chưa chảy kịp, thì nước buổi chiều từ các triền núi chân đồi đã dâng lên cao và chảy xối xả về cuối nguồn. Cuối Đông dật dờ cơn say gió bão còn luyến tiếc len lén mang khí lạnh ào ào bay về, nắng lấp ló ve vuốt bên thềm năm mới; như trêu nghẹo mấy nàng: Xuân, Hạ, Thu, Đông se sẻ ỏn ẻn chúm chím nụ tình.
***
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1384935780.jpg
Đà Lạt! Thắng cảnh tuyệt vời có nhiều hồ dễ thương, thi vị, hữu tình. Nào là: *- Hồ Lãng Ông nho nhỏ be bé xinh xinh và khiêm nhường ở đầu góc đường Cộng Hoà & đường Võ Tánh. *- Hồ Mê Linh, hồ *- Vạn Kiếp an tọa bên một đồi thông ngút ngàn. *- Hồ Chi Lăng tuy nhỏ nhưng mơ màng không kém thơ mộng. Mỗi hồ mang một dáng vẻ kiêu sa riêng. Tại Phường 3 có Hồ *- Tuyền Lâm. *- Hồ ông Phỉ ở hướng Dinh 3 đi vào khu đất mã thánh xưa gọi là “Ba Le”.
Nhưng có mấy hồ rộng mênh mông và thơ mộng mơ màng đáng kể nhất là:
*- Hồ Xuân Hương (quyến rũ là do hồ an lạc ngay trung tâm thị tứ, là “cái rốn” của thành phố) nổi bật sự duyên dáng hài hoà, thơ mộng, đặc biệt và độc đáo (thời Pháp thuộc gọi hồ nầy là Grand Lac). Hồ rộng khoảng 25hecta. Phía gần cầu ông Đạo và nhà hàng Thanh Thủy, sân Cù… thì (hình dáng) mặt phẳng cuả hồ tương đối rộng rãi. Nhưng càng về cuối hồ (phía Bích Câu Kỳ Ngộ…, vườn hoa…) thì đuôi hồ trở nên eo hẹp, nhỏ dần dần… hầu như co thắt tới bên cây cầu Đúc. Ven hồ có con đường tráng nhựa 6km chạy vòng quanh tới khu Thủy Tạ, thao trường Lam Sơn… và quay về cầu ông Đạo. Rải rác trên chung quanh bờ hồ có những gốc tùng rợp bóng rất đẹp.

*- Hồ Xuân Hương càng thi vị quyến rũ nhờ sân Cù (sân Golf có tiêu chuẩn 18 lỗ). Sân Cù thoai thoải nệm thảm cỏ xanh tươi và khá rộng, thấp thoáng đó đây những chòm thông ba lá, hai lá bóng mướt màu lục vẫn soi mình xuống mặt hồ xanh biếc. Hồ Xuân Hương với nhà hàng Thủy Tạ mơ màng in bóng trên hồ Xuân Hương, nhà có ba phần nổi trên mặt nước, một phần nhà hàng xây trên bờ, có cột thu lôi cao chất ngất, có lancan chìa ra giữa hồ. Tầng trên sân thượng có những nấc thang, để ta có thể lên cầu thang nhảy xuống hồ bơi lội thoả thích. Thủy Tạ sơn trắng, lung linh trên mặt hồ phẳng lặng như phiên gương óng ánh dưới ánh mặt trời chan hoà trên vạn vật.

*- Gần cuối sân Cù là vườn Bích Câu Kỳ Ngộ muôn hoa Đà Lạt không thiếu loài hoa nào, thơm ngát và xinh tươi, mỗi hoa mang một dáng vẻ đặc thù riêng, không hoa nào giống hoa nào. Nơi kỳ ngộ tương phùng nên-thơ lý tưởng dập dìu nam thanh nữ tú hò hẹn trao đổi chuyện văn thơ và tình tự. Thuở xưa hồ Xuân Hương chỉ là một đầm trũng mọc đầy cây năn, lát… nước mưa từ các triền đồi, nước chảy từ hướng thác Cam Ly về hồ, sau đó nước chảy ngang qua cây cầu gỗ có tên gọi cầu ông Đạo; do phiá gần ở đầu cầu là tư dinh của ông quản đạo Phan Khắc Hòe. Thế nên cư dân thường gọi là cầu ông Đạo. Cầu ông Đạo lả điểm nối tiếp qua đường lên trên phố Hòa Bình và đường bằng vô mặt tiền chợ mới Đà Lạt.

Chợ Đà Lạt khởi xây 1958 khánh thành 1960 – ở lầu 2 của chợ chỉ bán các mặt hàng: vải, áo quần, len, nón, giày dép, đồ dùng gia đình thuộc về tơ lụa, mỹ phẩm… Nơi đây có cầu thang nối liền chợ với khu phố Hoà Bình. Ngôi chợ có ba từng lầu chính và một sân thượng. Chợ Đà Lạt rất rộng rãi, nguy nga đồ sộ, tại Việt Nam chưa có chợ nào sánh bằng. Tầng trệt của mặt tiền là nơi bán đầy hoa tươi, dâu, mứt, bánh trái, trong lòng chợ bán các loại thịt, Cuối lòng chợ bán cá, tôm, gà vịt, v.v… Phiá sau tầng trệt đã làm thêm khu chợ ván gỗ, để bán rau tươi và là nơi bán hàng ăn uống.

*- Suối Vàng về hướng Lạc Dương (phía lên núi Lâm Viên). Nhà máy Thủy Điện ở Suối Vàng về hướng Bắc cách xa thành phố Đà Lạt 20km, nơi rừng thông ngút ngàn tươi tốt, có hai hồ nước rất trong xanh, luôn luôn lấp lánh long lanh trầm ngâm, phẳng lặng như mặt hồ tráng thủy ngân. Một hồ có tên gọi Dankia Suối Vàng, và một hồ kia gọi Suối Bạc trải dài dọc theo ven chân núi Lâm Viên. (Lâm Viên còn gọi là núi Langbian ở tại Xã Lát, Huyện Lạc Dương, có dân tộc Thiểu số gốc Lát, Chil, Cơ Ho sinh sống đông đúc).

Suối Bạc rất đẹp với mặt hồ rộng mênh mông lấp lánh ánh bạc sáng ngần, hồ phẳng lặng mơ màng, nước trong vắt. Làm sao kể cho xiết... Hồ Đankia luôn luôn lấp lánh ánh bạc long lanh sáng ngời. Hồ nơi đây hoàn toàn tĩnh mịch, không tấp nập đông vui như hồ Xuân Hương. Những đồi thông rợp bóng hữu tình soi dáng trên mặt hồ im gió như phiên gương sáng loáng. Hồ Lát rất đẹp, trầm buồn và đơn điệu an tọa trên đất Lạc Dương.
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1384935970.jpg

*- Hồ Than Thở (thời Pháp xưa gọi là Lac des Soupirs) từ khu Hoà Bình về qua cầu ông Đạo, đi lối thao trường và phiá Thủy Tạ, xuống đường Quang Trung. Hồ Than Thở cách xa trung tâm thành phố khoảng 6km ở trong thung lũng khu ấp Chi Lăng + xã Thái Phiên, hồ tĩnh mịch trầm lắng u buồn suốt tháng năm, bởi đêm nầy qua ngày tháng năm khác… chỉ thoảng nghe ba bên bốn bề tiếng nhạc thông reo vi vu không ngừng nghỉ. Hồ mơ màng với mặt nước im ả bóng loáng như tráng lớp men bạc. Nơi đây, thuở xa xưa đã có vài ba chuyện tình buồn có thật (không phải truyền thuyết).

Tôi xin kể vắn tắt về một (trong vài ba chuyện đã nghe, biết) câu chuyện: một thiếu nữ phiền muộn tình duyên trắc trở, đã trầm mình xuống hồ Than Thở. Từ ngoài đường đi vào hồ bên hướng tay trái, bấy giờ đường vào ngôi mộ phủ đầy cỏ dại cao lút bụng, muốn tìm mộ nàng, ta phải chịu khó vạch tranh, vạch cỏ may, giạt hoa mắc cỡ chằng chịt, thật khó khăn. Tuy thế, khi đi vô khá xa, xa con đường nhựa bên hồ, tôi thấy một ngôi mộ bình thường, không cao, đơn sơ, khiêm nhường. Trên đầu tấm bia mộ hình trái tim tô xi măng cũ kỹ, hoen màu rêu phong, đơn điệu (có lẽ rất xa xưa, nay phai úa khá nhiều) mộ đã in dấu ngàn đời về mối tình bất diệt, não nùng… Chàng trai khắc ghi hai câu thơ gửi người thiên cổ:
Dù cho non sông thay đổi mãi
Ngàn năm Thảo vẫn sống trong Tâm…
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1385153074.jpg

* - Chùa Linh Quang xây năm 1931 an tọa tại 133 Hai Bà Trưng (Đà Lạt) là ngôi chùa cổ kính lâu đời đầu tiên tạo lập trên đất “Hoàng triều cương thổ”. Chùa chạm trổ những hình chim phượng trên mái rất tinh xảo, công phu, tuyệt tác; do hoà thượng Thích Nhân Thứ trụ trì.
* - Chùa Linh Sơn xây năm 1938 – (1940 khánh thành) an ngự ở một ngả ba cách trung tâm chợ Mới Đà Lạt khoảng 700 – 800m – Chùa nằm trên ngọn đồi đa phần là thông ba lá, dương liễu, bạch đàn. Chùa có tượng Phật Thích Ca đúc 1952 bằng đồng nặng 1250kgs. Chùa nhìn chéo xuống phố Phan Đình Phùng. Đứng trên góc sân chùa có thể nhìn thấy khu “thành phố buồn” nghĩa trang Số 4 chi chít bia mộ!

*- Chùa Phong Linh ở đường Hoàng Hoa Thám. Trại Hầm (nơi nổi tiếng có mận vàng óng giòn, ngọt, ngon) xa khu chợ Đà Lạt khoảng 4km. Chùa xây 1944 (chỉ có nữ tu, nên dân điạ phương thường gọi là chùa Sư Nữ). Chùa thờ: Đức Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát. Bồ Tát Đại Thế Chi. Chùa an tọa trên ngọn đồi thông cao thơ mộng ở Trại Hầm. Chùa Phong Linh xây mái kép cong: long, lân, quy, phụng. Đứng trên sân chùa Sư Nữ ta nhìn tổng thể xuống làng mạc dưới chân đồi ẩn hiện mờ ảo, thì không có bức tranh nào linh động, đẹp bằng cảnh sắc nước hương trời xanh xanh chập chùng, nhà nhà mái ngói, mái tôn đang vật vờ bay lên làn khói ẻo lả uốn éo từ trên đồi cao, dưới thung lũng thấp chập chùng… Cư dân thấp thoáng đi lại trong sương mai, gió chiều nhè nhẹ phe phẩy mơm man vồng hoa đồi mận. Lồng trong tiếng thông trầm bổng bốn mùa nhã nhạc reo vi vu, êm êm, hòa điệu nhịp nhàng, là tiếng chuông mõ gõ nhịp đều đều, xen lẫn tiếng tụng kinh niệm Phật lanh lãnh thanh thanh trong gió sớm khuya chiều vang vọng xa xa!

*- Chùa Tàu… (Thiện Vương Cổ Sát, còn gọi chùa Phật Trầm) do hoà thượng Trung Hoa tên Thọ Dã đứng ra xây 1958. Chùa gồm có ba toà nhà cao đẹp tô màu vàng, mỗi toà nhà có thờ tượng: Tây Phương Nam Thánh. Phật Thích Ca. Quan Âm Bồ Tát. Đại Thế Chi Bồ Tát: tất cả tượng bằng đồng cao 4m, nặng 1,5 tấn. Riêng tượng Tứ Thiên Vương cao 2,6m đúc xi măng. Chùa Tàu phong cảnh hữu tình ngày đêm chìm khuất trong đồi thông rất đẹp, ở chùa Tàu có mâm quay lực cơ học tiếp tuyến đường tròn quay.
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1385154399.jpg

*- Phía Tây Nam cách trung tâm phố Đà Lạt một km, an tọa trên đường Ngô quyền là nhà thờ Domain de Marie xây năm 1930, rộng 11m dài 33m, trên tổng diện tích đất 12 hecta. Tiền đình nhà thờ có hai đường vòng cung, bước lên từng bậc tam cấp, và tụ hợp lại ở hành lang cửa chính hình vòm tròn. Mặt tiền nhà thờ kiến trúc thành hình tam giác cân, trên đỉnh tam giác là cây thánh giá. Trên tả hữu mỗi nóc mái nhà xuôi thẳng đứng lát ngói hồng đậm, ở mỗi mái ngói tả hữu có ba cửa sổ tam giác cân nho nhỏ ráp kính nhiều màu.

Ngoài và trong nhà thờ đều trang trí hài hoà độc đáo, trong nhà thờ là tượng Đức Mẹ đứng trên quả cầu, nặng 1 tấn, cao 3 mét. Nhà thờ và nhà dòng nữ tu, trường học đều tô màu hồng đậm. Domain de Marie tức là nữ Tu Viện nữ Bác Ái Vinh Sơn (nhà thờ & dòng tu nữ còn có tên gọi là Tu viện Mai Anh, vì tu viện nằm trên một ngọn đồi cao, nơi đây tuyệt đẹp với đồi hoa anh đào (dân điạ phương nôm gọi là hoa Mai, thay vì hoa Anh Đào). Trên, dưới, chung quanh đồi: trồng toàn hoa Mai (hoa Anh-đào). Dưới những chòm cây lá xanh chen lá nâu rung rinh, nắng lung linh đùa giỡn nơi kẽ lá cánh hoa mai hồng hồng phất phơ lung lay trong gió.

Có những nam nữ sinh ngoại và nội trú (kể cả con mồ côi) nhiều ma soeur mặc áo dòng màu xanh dương, đội mũ lúp cánh én trắng rộng vành (như cánh chim bay), nhịp nhàng nhấp nhô theo mỗi bước chân. Họ chuyên nuôi trẻ mồ côi. Hằng năm dòng nầy tổ chức hội chợ từ thiện, lấy tiền làm qũy giúp người nghèo khó, soeur đi tới bệnh viện làm việc và giúp người đau yếu, bệnh nạn. Trên ngọn đồi nên thơ họ đi ra đi vào cầu nguyện kinh, xem lễ, làm việc bác ái: thuỷ thổ, nhân hoà phong cảnh càng trở nên an cư êm đềm thơ mộng. Đứng bên phía Lữ quán Thanh Niên (ở đường Hàm Nghi) nhìn qua nhà thờ Domain thì quả thật khu đồi mai anh đào nầy tuyệt đẹp.

*- Nhà thờ và dòng Couvent des Oisaux (còn gọi là Đức Bà Lâm Viên ; Notre Dame du Langbian, vì đây là trường nữ trung học đầu tiên dạy chương trình Pháp, trường xây dựng 1935, an tọa tại số 2 Huyền Trân Công Chúa. Nữ sinh trường Couvent mặc đồng phục sơ mi cổ bẻ trắng, tay phồng bên trong, ở ngoài khoác thêm áo lạnh dày đan tay màu xanh biển (xanh dương đậm), áo manto, áo ấm dạ, áo len loại dày màu xanh dương, màu đen, hoặc trắng. Mặc ríp đầm (skirt) có nhiều xếp ly màu xanh biển, váy lót underskit, petticoat). Chân mang sandal có bít tất trắng cao lên đầu gối, hoặc giày trắng hay đen, bata, sport: màu trắng (hoặc đen). Đầu đội mũ len có vành che nắng to rất khéo (như kiểu nón công chúa Bạch Tuyết, riêng về mũ có thể có những màu khác nhau. Bên phải khuôn viên khu rào gạch là đất nhà thờ, dòng & trường, đất rộng mênh mông, gần lối dẫn vô thác Cam Ly.
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1385154197.jpg

*- Nhà thờ chính tòa Đà Lạt bắt đầu xây từ 19.7.1931 và khánh thành ngày 25.02.1942 do linh mục Céleste Nicolas thiết kế. Trên chóp đỉnh là một tháp to nhất (tháp chính) đã gắn hình cây thánh giá, và con gà bằng đồng cao 0,58m, dài 0,66. Con gà đứng trên một trục bạc đạn có thể xoay bốn hướng theo chiều gió thổi. Ngôi nhà thờ chính, cung thánh, gian giữa và hai gian cánh phụ, hậu tẩm, giáp vòng và tít trên gần nóc trần nhà có 70 cửa kính màu. Tổng cộng chiều rộng (nhà thờ chính toà): 14m, cao 47m, dài 65m. Gác chuông nhà thờ ở phía góc trái của cửa chính toà, là những nấc thang hình xoắn ốc trôn đi lên lầu cao. Tháp chuông chính cao 16m, hai bên có hai tháp chuông phụ hài hòa xinh xắn. Trong tháp chính có bốn quả chuông to, mỗi sáng trưa chiều đúng giờ ấn định, thì từng hồi chuông lắc lư rung, ngân vang lên bốn âm tần thánh thót trầm bổng lảnh lót khác nhau.
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1384943498.png

*- Những Trường học nổi tiếng và lâu đời nhất tại Đà Lạt: Trường Grand Lycée Yersin (1927). Viện Pasteur nổi tiếng (1932). Couvent des Oiseaux (1936) Petit Lycée (1937) Domain de Marie (1943). Trường Tabert… (A’ Dran). Trường Trường dòng Missionaires de Marie nằm kề quốc lộ lối đi về hướng Cầu Đất (Đơn Dương). Các nữ sinh mặc váy màu da bò (nâu đậm) đó là do các em ở bên trường Franciancaine gửi qua bên Couvent des Oiseaux học, vì ở bên dòng Franciancaine không có lớp lớn, chỉ có từ lớp Năm tới lớp Nhất, bây giờ gọi là: lớp Một tới lớp Năm. Do vậy nhiều khi nữ sinh Couvent vẫn phải mặc đồng phục áo trắng, áo len xanh, chỉ thay đổi váy xếp ly màu da bò (màu nâu, giống như trường Dòng Missionaires de Marie ở Trại Mát.

Đã lỡ nói về trường Pháp, trường Tây, thì tôi không quên hướng dẫn họ đi đến các trường Việt chính và thành lập lâu nhất: *- Trường nam trung học công lập Trần Hưng Đạo (1956) ở khu Ấp Hà Đông, nam sinh mặc sơ mi trắng quần xanh học trò (trước kia tên là trường Bảo Long). *- Trường nữ trung học công lập Bùi thị Xuân (1957) (trước kia tên trường là Phương Mai). Nữ sinh Bùi thị Xuân duyên dáng e ấp tha thướt trong tà áo màu xanh biển đậm đà, quần trắng, áo len xanh biển hoặc áo len đen, mang giày hoặc guốc, đầu đội nón lá chao nghiêng, tay ôm cặp. Sau những buổi học tan, thì tốp năm tốp mười tỏa về các nẽo đường trong thành phố, hoặc từng nhóm bạn dạo ra sân Cù ngắm cảnh, học bài cả nhóm, làm bài, làm thơ.

*- Trường trung học Việt Anh trên đường Hải Thượng Lãng Ông, nữ sinh mặc đồng phục áo dài màu tím hoa sim, quàng khăn tím (rất ư là Huế thơ mộng), mang guốc, quần trắng, đội nón lá có tua nón màu tím. Nam sinh mặc quần đen, áo sơ mi trắng, áo len màu da bò. *- Trường trung học Bồ Đề nữ sinh mặc áo lam, hoặc áo trắng. Nam sinh áo sơ mi trắng, quần màu xanh. *- Trường Trí Đức nữ sinh mặc đồng phục trắng (và hồng nhạt). Nam sinh mặc sơ mi trắng quần đen. Sau nầy có thêm trường trung học Hiếu Học...

Nhìn chung và thật thà mà nói, thì có trường A’ Dran và trường Grand Lycée Yersin là mặc đồng phục rất sang đẹp & nổi: toàn sơ mi trắng, bên ngoài mặc veston đen hoặc xanh đậm, thắc cà vạt đỏ, hoặc cà vạt sọc nâu đẹp mắt, mang giày thời trang (họ là những nam nữ sinh con ông cháu cha, nhà giàu, đóng áo vét tân thời mà!).

*- Các trường Đại học và chuyên nghiệp: *- Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt Việt Nam (1950). Viện Đại học Đà Lạt 1957 (Thụ Nhân). Dòng Chúa Cứu Thế (1962). Trung Tâm Nguyên Tử Lực Cuộc (1963). Đại học Chiến Tranh Chính Trị (1966). Trường Chỉ Huy Tham Mưu (1967). Thiền viện Trúc Lâm và vô số trường Tiểu Học Công Lập & Tư Thục khác.

*- Ba dinh thự rộng lớn sang trọng huy hoàng bậc nhất thời bấy giờ dành cho gia đình vua an ngự:
*- Dinh I: cuả ông tây triệu phú Robert Clément Bourgery mua miếng đất rộng 40hecta và xây dinh thự năm 1940. Sau ông về Pháp và bán lại cho vua Bảo Đại.
*- Dinh II: Trên đường Trần Hưng Đạo về hướng Đông Nam có ông Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux ở tại VN. (người Pháp) đã xây một dinh thự có 25 phòng khang trang, phong cảnh thi vị. Ông dùng dinh nầy để cho gia đình và thân nhân đến nghỉ hè.
*- Dinh III: đi trên đường Pasteur thẳng vô lối nghiã trang Ba Le và gần rừng Ái Ân là Dinh III. Dinh ba xây 1933 đến năm 1939 hoàn tất. Dinh có tầng trệt và tầng lầu. Tầng trệt rộng rãi trang nhã tươm tất đầy đủ tiện nghi dùng: tiếp tân, yến tiệc khoản đãi cần thiết, hội họp, phòng làm việc của vua, phòng đọc sách. Tầng hai là nơi sum họp ấm cúng riêng tư của gia đình vua, gồm: Phòng ngủ vua Bảo Đại. Phòng hoàng hậu Nam Phương. Phòng hoàng tử Bảo Long. Phòng công chúa Phương Mai, Phương Liên. Phòng hoàng tử Bảo Thắng. Dinh ba khá đẹp nhờ hai khu vườn hoa rực rỡ, do tay người làm vườn có nghề trồng tiả chuyên môn, có sáng kiến, ý thức chăm bón hòa hợp từng gốc hoa cành lá, trồng trọt tiả tót công phu ở tiền đình và hậu đình. Dinh III thường là nơi gia đình vua Bảo Đại nghỉ hè.
***
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1384937752.jpg
Nhà ba má tôi ở ngay đầu ngã tư Pasteur và Yersin, khuôn viên đất khá rộng, nhà giáp ranh bên trái là nhà thờ Tin Lành. Sát vách nhà thờ Tin Lành (bỏ hoang) là tòa án và đường Phạm Phú Thứ. Nhìn chéo xuống là nhà thờ Tịnh Tâm, cũng là Trung Tâm Công Giáo Tiến Hành nằm trên góc đường Đoàn thị Điểm + Yersin. Lên trên đồi cao (sau lưng nhà), là đường Phạm Phú Quốc và đường Huỳnh Thúc Kháng. Cuối đường Pasteur cũng là viện Pasteur đồ sộ. Rẻ ra một con đường đá đỏ lởm chởm là lên Dinh III an tọa trên ngọn đồi cao.

Đứng trên lầu nhà ba má, tôi có thể nhìn thấy gác chuông nhà thờ chính tòa cao ngất in hình con gà báo thức ở chóp đỉnh (con gà không biết gáy, dù bình minh hay hoàng hôn, hoặc trong canh khuya mặc lòng). Mỗi sáng, trưa, chiều, tối, tôi chỉ vẵng nghe tiếng chuông chơi vơi ngân nga giữa núi đồi, báo hiệu hừng đông hay hoàng hôn thinh lặng trong bầu trời đầy rung cảm. Nhà ba má tôi ngó mặt qua bên Tiểu Khu Đà Lạt. Gần trường Trung học Kỷ Thuật Lasan (25 đại lộ Yerin) và góc đầu đường Đào Duy Từ (nhà Bò).

Các “Freres” đảm nhận dạy học nghề (Kỷ Thuật) rất nổi tiếng. Từ trường Kỷ thuật Lasan thẳng tới hướng Ty Cảnh Sát, nhà thờ con Gà là trường Trí Đức phía sau nhà thờ, rồi Bưu Điện và hotel Du Parc ở trên đường Yersin. Trường Kỷ Thuật Lasan do chi nhánh từ trường College A’ Dran nằm tít tắp dưới thung lũng sâu cuối đường Bá Đa Lộc. Từ ngoài đường Yersin qua ngã ba Bá Đa Lộc (và góc hotel Palace), nhìn ra hồ Xuân Hương là khu đồi rừng hoang vu. Đứng trên tiền sãnh Hotel Palace du khách có thể nhìn chủng viện Giáo Hoàng, dòng Don Bosco, Dinh I, trường Grand Lycée, v.v...

Mùa Xuân năm ấy hoa anh đào tươi nắng, rộ nở trên ngàn cây ngọn lá, gió lả lơi đùa với nội cỏ, thì bạn và tôi hồn nhiên vui vẻ lạ thường: Phú, Du, Hạ, Lễ, Tài, (họ ở Sài Gòn lên Đà Lạt ăn Tết, bởi do nhà ba má tôi ở số 2 Pasteur rất rộng và dư nhiều phòng, họ xin tạm ở nhờ). Dưới bầu trời cao nguyên Lâm Viên ban mai trong sáng có áng mây bàng bạc pha hồng thắm đang lững lờ trôi. Lạnh! Lạnh kinh khủng! Cái lạnh buốt giá, tê cóng nhức nhối như muốn bại liệt cơ thể, như điếng cả hồn lẫn xác và ăn sâu vào lòng người. Hai hàm răng ai nấy tự động run rẩy va vào nhau lộp cộp. Toàn thân run lập cập, thở không đều nhịp. Mặc dù thế làn hơi thoảng lạnh từ cổ họng mọi người bay ra, như trêu đùa, chọc ghẹo bạn. Các bạn trai chưa đến Đà Lạt lần nào, ai cũng ngạc nhiên vui thích cười ha hả khi thấy mình thở ra thành hơi khói.

Đêm đêm ở nhà, mấy bạn pha cà phê, ăn bánh ngọt, cắn hạt dưa, ăn bánh chưng, bánh tét, uống nước trà, thật vui vẻ. Họ ngồi nói chuyện phiếm, thi vị vui vẻ sao đâu trong phòng khách đến tận khuya. Có ngày không biết làm gì hơn, họ bày trò “thi nhau nhìn vào mắt”. Hể ai chớp mắt, nhấp nháy mắt trước, hay cười, là bị phạt uống một ly đá lạnh. Eo ơi! Ở xứ nầy giữa đêm khuya mà uống đá lạnh, thì lạnh hết biết. Lạnh nổi da gà! Trò chơi gì trẻ con lạ! Họ chơi đỗ cá ngựa, cờ duyên khóc, duyên cười, quẹt lọ nồi. Vui thật vui. Vài lần trong đêm mấy bạn cùng dì cháu chúng tôi dạo phố đêm, họ mua thuốc lá, kẹo, bánh, chewing gum, bắp nướng, cùng nhau đi tà tà nói chuyện tếu, đi bộ giáp một vòng bờ hồ Xuân Hương dài ngót sáu cây số. Có khi họ vòng lên trường Grand Lycée Yersin ngắm trăng lá lúa ẩn mình trong đài mây. Đường về khuya lạnh lẽo càng thêm hoang vắng, cảnh vật huyền ảo mơ màng nhưng đẹp lạ lùng.

Rồi một ngày nắng tươi, tôi, Mai, Thơ và các cháu làm hướng dẫn viên du lịch cho các bạn đi qua bao thắng cảnh duyên thơ hữu tình, qua bao núi rừng suối hồ mộng mơ. Cả nhóm bao taxi đi picnic mấy ngày, thì tình thân hữu nhờ thế lan dần. Trước tiên họ đi thác Cam Ly xa khu Hòa Bình độ 2,5km về hướng Tây, thác Cam Ly rất gần, thác nằm trong nách thị xã, (nên du khách có thể dễ dàng tà tà đi bộ, nếu muốn). Từ đại lộ Yersin và Pasteur xe chạy thẳng tắp tới ngả ba Huyền Trân Công Chúa, thì xe rẻ sang hướng phải một quảng ngắn, hơn 1km là tới thác Cam Ly).

Còn có một con đường khác là: từ dốc Minh Mạng (xe chạy một chiều) xuống ngã ba Phan Đình Phùng, qua cầu Cẩm Đô là đường Hai Bà Trưng (và khu đồi Dân Y Viện Đà Lạt). Xe tới đầu hông sân trường Việt Anh, ta đi theo đường Hoàng Diệu, thì du khách đi hoài đến cuối đường, sẽ tới đầu ngọn thác của vùng Cam Ly Hạ (Cam Ly Hạ là vùng đất thấp, nơi có thác nước chảy xuống lòng suối).
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1384942523.jpg
Thác Cam-Ly vào một ngày êm đềm khi mặt trời bơi lên khoảng trời xanh mênh mông, tươi thắm, mát rượi, dìu dịu, an hòa, bình thản đến hững hờ. Lớp sương mù ẻo lả vật vờ bay lơ lững rồi tan dần, lộ ra vài ba con đường mòn đất đỏ từ từ bốc hơi, rồi khô từng mảng một, con dốc mòn đã có vài người Thượng gùi măng và lan, củi đi bán ngoài chợ sớm. Ở đây quang cảnh thinh lặng êm đềm, tiếng nước róc rách len lỏi theo bờ đá chảy xuôi xuống thác.

Trên ngọn đồi thông rợp bóng nằm về hướng Đông Bắc, là lăng Quận Công Long Mỹ Pierre Nguyễn Hữu Hào (nhà đại điền chủ người Gò Công, chủ nhiều đồn điền cao su, trà, ở một số Tỉnh, Đà Lạt, và một số đất vùng Cao Nguyên Trung Phần. Ông Nguyễn Hữu Hào là thân sinh của Nam Phương hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại. Ông Lê Phát Đạt Philippe Huyện Sĩ giàu có bậc nhất thời bấy giờ, là ông ngoại của hoàng hậu Nam Phương).
Lăng Quận công Nguyễn Hữu Hào an tọa trên một khu rừng thông hùng vĩ cao vút, ngút ngàn, từ dưới đường cái lên tới lăng có 20 tầng cấp lát đá vuông, mỗi tầng có khoảng 10 bậc cấp. Cộng chung lăng nầy có tất cả 102 bậc cấp. Đứng trên sân lăng du khách có thể nhìn thấy một phần tư góc thành phố Đà Lạt ẩn hiện, thấp thoáng xa xa dưới mỗi chòm thông reo luôn nhã nhạc vi vu, làng mạc dưới chân đồi mờ mờ hơi sương. Sau lăng chập chùng những đồi sim tím và rừng trái mác mác xa xa, thì có một phi trường nhỏ ở vùng đất nầy cao, thoáng, và bằng phẳng, nên gọi là: Cam Ly Thượng.

Sau khi leo trèo ở những mô đá trên lòng suối, chụp hình, vọc nước lạnh chán chê, họ lên xe đi thác Datanla xa thành phố Đà Lạt 5km. Chín giờ sáng xe dừng ở bên thác Datanla chìm khuất dưới những đồi thông dựng đứng, thác sâu hoắm, sâu hút tầm nhìn. Từ trên đường cái muốn đi xuống thác, chỉ có một đường dốc nhỏ nhấp nhô, những bậc cấp nện đất cứng len lỏi trong rừng thông bạc ngàn (thỉnh thoảng có vài cục táp lô kê trên mỗi bậc chận, cho đất khỏi bị chuồi). Họ lần mò đi từng bậc cấp ngoằn ngoèo trơn như mỡ, bờ vực cheo leo, để xuống chân thác.

Mặt trời ở dưới thác hầu như còn ngái ngủ chưa thức giấc (vì dưới những vòm cây âm-u rậm-rạp, um-tùm, cây chen cây lá chen lá, thì mặt trời lười nằm lim dim ngủ nướng trong rừng, không thèm tỏa ánh sáng). Nước từ trên ba tầng khe đá cao ngất chảy ầm ầm, dội xuống lòng thung lũng, vỡ ra muôn triệu bụi phấn trắng xóa, quyện với từng mảng sương mờ đục phủ kín bầu trời ban mai mờ mờ nhàn nhạt màu sữa.
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1384942636.jpg
Thác Datanla thâm u cheo leo hiểm trở là thế, mà họ quyết leo qua bên kia chân thác. Từ từ họ leo lên ngọn thác thứ nhì, đứng chênh vênh bên hốc đá chốc lát, thở hổn hển... Rồi các cậu bạn và hai ba cô nàng tìm cách leo lên đỉnh thác thứ nhất ở tít mù trên cao, cao ngất. Mặt mình úp sát vào vách đá, lưng quay ra phía vực sâu, hai tay bám chặt bờ cây, bụi cỏ, không ai dám ngoái cổ nhìn ra phía ngoài, hoặc nhìn xuống vực thẳm. Một trời giông bão hầu như quay cuồng đến chóng mặt tít dưới chân ta. Qua muôn ngàn cây đại thụ, gỗ tạp, gỗ lá rộng, lá kim quý như: cẩm lai, sao, thông hai lá, thông ba lá, chen cánh với mộc lan, tre, nứa, lồ ồ, le, dẻ, lùm cây um tùm gai góc, bờ bụi tróc lở rong rêu ẩm ướt rất trơn.

Cổ thụ cằn cỗi già nua không biết bao tháng năm chi chít muôn sợi dây rễ dài lòng thòng, rễ to hơn cườm tay. Loại dây dẽo, dai, chắc chắn, xù xì. Thỉnh thoảng cây có gai quấn quýt trên thân cao xuống lòng thung lũng mờ mờ, sâu hoắm. Họ bám chặt vào sợi dây rễ cứng và dẽo dai nầy mà di chuyển. Tiếc rằng họ chưa đủ kinh nghiệm sống, chưa dám đu dây rừng y như nữ chúa rừng xanh.

Leo lên hết chóp đỉnh nhú ra ngực thác Datanla khúc khuỷu cuối lòng khe đá, thì biến thành đầu ngọn thác thứ nhất. Phía bên nầy khe đá có những ụ đất sét (có đá cao lanh, đá quý, quặng boxit, than nâu, giống như ở gần vùng Đạ Đờn, Đạ Tẻh, Đạ Hoai). Hai bờ suối dần dần nở rộng ra; dẫn đến cánh đồng cỏ non xanh mướt trải dài, nhìn mút tầm mắt, thảm cỏ ướt đẫm sương mai còn nhiều giọt mọng tròn, long lanh ngấn thủy tinh dưới ánh mặt trời yếu ớt bắt đầu vươn mình ló dạng, đỉnh núi nhọn hoắt muốn chọc thủng từng áng mây bay ngang đầu. Từ ngọn lá non tỏa ra như lọng dù ở trên cao, vẫn còn nhiều giọt sương mọng to rơi lốp đốp xuống cành lá mềm mại ở dưới thấp.

Sau bao tàng cây cổ thụ mọc gần khe suối, là rừng lau bạt ngàn với hoa dã qùy chen cánh cùng loài hoa sim tím, hoa mắc cỡ màu tím lá xanh đầy gai nhọn. Thiên nhiên cẩm tú đẹp thế mà hoa mắc cỡ vẫn e ấp thẹn thùng khép chặt hàng mi khi có người vô tình đụng phải. Bạn cảm thấy thú vị vô cùng khi tận mắt nhìn những thắng cảnh thiên nhiển tuyệt vời, chưa chắc sẽ hân hạnh ngắm nhìn thêm lần thứ hai. Ý thơ miên man, tôi đã cảm tác về sương và cỏ nơi đây:
Muôn thuở tình anh sương về bên cỏ.
Thao thức đêm trường chuyện ảo không thôi.
Cọng cỏ rung rinh môi hứng sương rơi.
Thời gian lắng đọng sương giao tình đó.

Bẽn lẽn thẹn thùng cùng sương nói nhỏ.
Trăng tàn sao rụng sương giọt tinh mơ.
Sương rơi lốt đốp lá cỏ đợi chờ.
Cỏ ẩn vào sương bên bờ sông ướt.

Ðào Nguyên thơ mộng cỏ non xanh mướt.
Ðà Lạt ru đời hòa nhịp hoan ca.
Cọng cỏ dầm sương kết lá đơm hoa.
Dãi dầu mưa gió giao tình muôn ngả.

Mộng ước đêm dài luyến thương nhánh cỏ.
Nhạc sương gieo tình cọng cỏ tơ vương.
Nhún nhảy dưới trăng hoa cỏ ngậm sương
Sương rơi rụng ướt cỏ vờn đêm vắng.

Bông cỏ ngậm sương nở hoa trăng trắng.
Tình yêu thiên nhiên quyện lẫn cỏ cây.
Nghê Thường luân vũ tấu khúc đêm nầy.
Sương tưới cỏ đời ngạt ngào hương ngát. (*)

Bạn Hòa tìm cách leo lên mấy cây gỗ qúy để hái nhiều loại lan, mỗi loài hoa có một sắc đặc biệt riêng. Mấy chú sóc đuôi xòe ra như chiếc chổi lông mềm mại, sóc leo trèo trên cây quả chín đỏ. Bầy khỉ lí lắc nhi nhô kêu chí chóe, chúng chuyền chỗ nầy chỗ nọ nhanh nhẹn, gọn gàng. Hình như chúng phản đối sự có mặt của con người không mời mà đến trong giang sơn cẩm tú, đầy bình yên riêng tư của chúng? Chim hót líu lo đủ mọi giọng điệu trầm bổng véo von lẫn tiếng nhịp nhàng của bầy chim gỏ kiến đang đập mõ dài cứng ngắt vào thân cây, hòa cùng tiếng thác đổ từ nơi xa xa vọng lại.

Thỉnh thoảng tiếng vượn hú kêu đàn. Cú nấc cụt từng tiếng. Dơi trong hang thấy động rừng, đã bay vù ra kêu "xít...xì" tất cả đơi vút bay về bên trái. Bầy chồn lủi nhanh vào bụi rậm. Thỏ rừng tung tăng nhảy nhót thảnh thơi trên cánh đồng cỏ non. Tất cả âm thanh và hình ảnh sống động ấy tạo thành bản rừng ca thiên nhiên bất hủ muôn điệu.

Bạn Lễ đưa máy ảnh bấm liên tục, những hoạt cảnh tươi nguyên núi rừng hoang dã hồn nhiên, đầy tình tự quê hương hữu ái mà anh hằng yêu thích. Phía trên đỉnh thác khá lạnh (nhưng không lạnh bằng lòng thác lúc nãy, vì nơi đó ít thấy ánh dương). Bạn Du ngẩn ngơ xuýt xoa trầm trồ khen ngợi phong cảnh nên thơ, bạn nhìn trời nhìn đất, sau một lúc thật lâu mới tìm chỗ đặt mấy giỏ thức ăn xuống. Các bạn ngồi trên tấm ni lông đã mang theo. Họ nói chuyện cười đùa huyên thuyên.

Bỗng Phú từ đằng xa chạy đến và khựng lại, im bặt, thở hổn hển, nhưng tay chàng chỉ chỉ về hướng rừng, khiến các bạn ngẩng nhìn và chạy theo Phú: Có những dấu chân loài voi, cọp, dấu chân khổng lồ cạnh khúc xương ống, một đầu lâu (mình cứ nên nghĩ có lẽ của khỉ), cách chỗ các bạn ngồi không xa.

Thế là ý định bạn nằm lăn ra bãi cỏ non mềm chợt tiêu tan ngay. Đi núi, họ không mang theo bất cứ một dụng cụ đề phòng nào, lỡ mà có bị rắn, rết… cắn bất tử, thì thật nguy to (chứ đừng nói là bị cọp vồ!). Bây giờ cả nhóm mới thấy lời Hoà đề nghị leo lên thám sát thác và núi lúc nãy, là điều dại dột, bất lợi quá. Lòng chẳng hẹn lòng, nhưng ai ai cũng nơm nớp lo sợ sự bất an quanh quẩn đâu đây. Nỗi lo sợ ớn lạnh cùng khắp. Khí trời ban mai đã lạnh lẽo, càng thêm buốt giá kinh khủng! Họ vội vàng xếp đồ đạc vào ba lô, giỏ xách, vác trở xuống chân thác. Khi leo lên núi đã khó, lúc tụt xuống bờ vực càng khó gấp bội. Bạn cẩn thận lần mò nhích đi từng bước một. Tay bám vào gờ đá, thân cây hoặc dây leo, gốc rễ, mà tụt tụt từ từ, hoặc bò thụt lùi, bám riết từng tất đất thật vô cùng nguy hiểm khó khăn. Nhìn xuống vực thẳm ai cũng thấy tối tăm mặt mũi, hoa cả mắt, sợ mất hồn mất vía.

Cuối cùng, cả nhóm trở về được dưới chân thác, mất hơn hai giờ họ mới có thể lần mò trở xuống dưới chân thác. Mặt mày chân tay ai nấy đều bị rách, xây xát, thân thể mệt mỏi rã rời, quần áo xốc xếch, lấm lem. Tuy vậy, mấy anh thanh niên tính không khỏi reo lên, cười ha hả vì họ đã tận hưởng giờ phút vui thú nhất qua danh lam thắng cảnh tuyệt vời. Thể hiện tính kiên cường, bất chấp gian nguy, thỏa trí tò mò, dù họ quá mệt mỏi và lòng lo sợ.
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1384942768.jpg
Trở lên đường cái ai nấy đều mệt nhoài, từ thác Datanla trổ xuống cuối đèo cách đó 2km là thác Prenn nằm bên quốc lộ 20. Thác Prenn rất đẹp có chiếc cầu gỗ lòn quanh bên trong khe thác, đứng trong cầu du khách có thể tưởng tượng là: ta đang đứng trong nhà, nhìn mưa xối xả tuông chảy xuống mái hiên. Thác Prenn ngoài phong cảnh hữu tình nên thơ ra, có khu thảo cầm viên kha khá, nuôi nhiều loại: rắn, khỉ, chim, công, cọp, beo, voi, ngựa, vân vân... Ở chơi và ăn trưa tại đây xong, họ đi tới thác Liên Khương (ở quận Đức Trọng xa Đà Lạt 30km), từ dọc ven suối Prenn chạy về suối Bồng Lai (sát bên vệ đường, phía trái, trên quốc lộ 20) tạo thành thác Liên Khương. Thác Liên Khương không mấy đẹp.

Thác Gougah (Ổ Gà) còn có tên gọi “Nam Phương đệ nhất thác” ở xã Phú Hội, Huyện Đức Trọng, xa Đà Lạt độ 28km, thác nầy hùng vĩ, âm u, hoang vắng. Từ quốc lộ 20 đi theo con đường mòn rậm rạp và âm u, ta rẽ vào phía trái thì tới nơi. Thác đẹp. Trời xanh bát ngát giao hòa với đất uy nghi lẫm liệt và phong cảnh tuyệt vời thơ mộng vô cùng. Nhưng đẹp nhất là thác Pongour xa Đà Lạt 45km, ở Tân Hội, hướng Nam. Từ quốc lộ 20 đi vô thác xa 7 km, ngoằn ngoèo, quanh co, rậm rạp. Khi đến thác Pongour có 7 tầng đá trải rộng từ bờ nầy qua bờ kia. Ngày đêm nước tuông xối xã ầm vang miết mãi, nước tung bọt trắng xóa cuồn cuộn đổ xuống những mô đá to cao nhấp nhô chôn sâu trong lòng suối. Đứng trước thiên nhiên cẩm tú và hùng vĩ, mình cảm thấy con người thật bé nhỏ tầm thường.

Hôm đó, khi nhảy qua mấy hòn đá trơn ở thác Gougah, suýt tí nữa Thơ bị nguy hiểm tính mạng, nếu Phú không nhanh tay kéo nàng ngã dúi vào lòng anh. Mất thăng bằng, cả hai người ngã lăn trên dòng suối ấm dưới chân thác. Hương hoa núi rừng mộc mạc, kèm với sự sợ hãi chợt đến, chợt đau lúc tay chân bị đập vào đá, tím bầm, khiến nàng quên nỗi bẽn lẽn thẹn thùng. Áo quần ướt sũng nước, hai người nắm chặt tay nhau từ từ lội lõm bõm vào bờ, và lóp ngóp bò lên ngồi trên tảng đá. Chỉ còn hai người, nên nàng cảm thấy ngượng ngùng, e thẹn, vì áo quần dính chặt vào da, “anh chị” loay hoay hong khô người dưới ánh nắng. Không ai nói với ai lời nào. Thế nhưng, thoáng chốc quần áo khô nhanh. Phú, và nàng cùng nhìn theo các bạn. Các bạn khác không bị “té suối”, thì hân hoan lò dò đi các nơi chụp ảnh.

Các bạn hăng hái vui vẻ trở về lối cũ đi thác Hang Cọp thuộc địa bàn thôn Túy Sơn, xã Xuân Thọ, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 15km về phía đông bắc (qua phía Trại Mát). Thác Hang Cọp cũng hiểm trở ngoằn ngoèo rậm rịt, thăm thẳm núi rừng với dốc đứng cao ngất lưng trời, thác hơi giống thác Datanla sâu thẳm & âm u. Đặc điểm: Xung quanh thác có rừng thông đặc chủng, rừng hỗn giao khá xanh tốt, thích hợp cho các chuyến du lịch dã ngoại.

Chiều về, họ đi “đồi thông hai mộ” (khu Chi Lăng). Nào đi vô thăm trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam nằm ở khu Chi Lăng (và góc Thái Phiên). Thăm trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Nàng kể sơ sơ cho bạn nghe: Tháng 10/1950 vua Bảo Đại cho dời trường sĩ quan Hiện Dịch tại Đập Đá Huế, về Đà Lạt, và gọi là École Militaire Inter-Armes de Dalat. Sát nhập vào trường Võ Bị Liên Quân đặc biệt của Pháp (ngôi trường Võ Bị Liên Quân Đặc Biệt của Pháp, nay đương nhiên phải trao trả lại cho Việt Nam). Đầu tiên ngôi trường nầy lấy tên là: Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Cuối cùng Trường sĩ quan hiện dịch nầy chính thức đổi tên thành: Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt Việt Nam theo sắc Lệnh số 325-QP ngày 10.4.1963. Đất và Trường rộng mênh mông tọa lạc giữa vùng khu ấp Chi Lăng và khu Thái Phiên. Tôi hẹn bạn cùng nhau sẽ nói nhiều về trường Võ Bị và trường Grand Lycé trong dịp khác.

Các bạn lên xe trở về thành phố thăm di tích xưa từ thời vua Bảo Đại đã đặt tên là Thung Lũng Hoà Bình. Bây giờ là Thung lũng Tình Yêu (thời Pháp thuộc gọi đây là Vallée D’ Amour) ở trong khu Ấp Đa Thiện, xa phố Hòa Bình 4,6km, nơi đây phong cảnh khá hữu tình, những rừng bạt ngàn cao vút thông nhấp nhô soi mình trên mặt hồ im ắng, nước trong xanh thỉnh thoảng gợn lăn tăn dưới pedalo.
**

Tình Hoài Hương

muahong
11-21-2013, 09:10 AM
Với lối hành văn sinh động và với kiến thức rộng về Đà Lạt , tác giả THH đã dẫn dắt mọi người đi thăm những thắng cảnh , những nơi chốn nổi tiếng không những của Đà Lạt mà còn của Việt Nam nữa .
Hơn bốn mươi năm trước , tôi cũng có đi thăm một vài cái thác ở ĐL , dọc theo quốc lộ từ ĐL đi SG và đã thấy sự hùng vĩ , hoang sơ của thác . Nhưng bây giờ , qua ngòi bút của THH , tôi càng nhận ra vẻ đẹp của những thác mà tôi đã từng đi qua .

Tinh Hoai Huong
11-22-2013, 07:10 PM
Với lối hành văn sinh động và với kiến thức rộng về Đà Lạt , tác giả THH đã dẫn dắt mọi người đi thăm những thắng cảnh , những nơi chốn nổi tiếng không những của Đà Lạt mà còn của Việt Nam nữa .
Hơn bốn mươi năm trước , tôi cũng có đi thăm một vài cái thác ở ĐL , dọc theo quốc lộ từ ĐL đi SG và đã thấy sự hùng vĩ , hoang sơ của thác . Nhưng bây giờ , qua ngòi bút của THH , tôi càng nhận ra vẻ đẹp của những thác mà tôi đã từng đi qua .
***
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1385146669.jpg

THH cám ơn anh Mưa Hồng đã ghé vào đọc bài viết về danh lam thắng cảnh Đà Lạt, và ưu ái ghi lời khích lệ.
Tôi thật vui và cảm động vì thân hữu có một thời ghé thăm Đà Lạt, quê hương cẩm tú...
Tình thân
*
THH

Tinh Hoai Huong
12-14-2013, 04:46 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1386995360.png
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1386995520.mp3
Dạ Khúc Đêm NOEL Đà Lạt
Tình Hoài Hương
*


Noel xưa anh nhớ
Khi hãy còn yêu nhau
Nhà thờ nơi cuối phố
Thấp thoáng sau ngàn dâu
Anh chờ em đi lễ
Chung dâng lời nguyện cầu...
Mimosa mimosa bừng nở
Đẹp như tình ban đầu (1)

Đêm Noel Đà Lạt khai sinh Mười với tuổi xuân hồng phơi phới rót mật vàng từ thinh không xuống lòng phố nở hoa mùa đông. Gió cuối đông lồng lộng thổi về làn hơi buốt giá lạnh tê người. Bầu trời ướt đẫm sương đêm Noel tuyệt vời ngọt ngào, ngây ngất, đầy hương vị tình yêu miền núi. Từng hồi chuông dài ngân nga giữa đỉnh đồi bay qua các sườn dốc, các khe thung: tiếng chuông mừng vui réo gọi hoan hỉ reo vang cùng thế nhân. Một đêm hội lịch sử đón chào Chúa Giáng Sinh 24 tháng 12: là đêm lạnh lẽo buốt giá hạnh phúc vui vẻ tưng bừng rất mùa xuân.

Hàng cây tối mờ trong lớp sương mù dày bao bọc vòm trời ẩn hiện ánh đèn vàng vọt mờ nhạt ở đầu phố, tạo thành nhiều đóm sáng bất động. Các mái nhà dưới thấp trên cao chênh vênh bên sườn đồi thoai thoải. Những con đường mòn chạy dài xuống thung lũng âm u văng vẳng đâu đây tiếng lao xao cười nói ồn ào. Nhiều tốp nam nữ thoáng chốc tấp nập ra phố đêm đi dự lễ. Trên các nẻo đường lớn trong thành phố, người đi kẻ lại đông vô số kể. Họ khoác bộ cánh rực rỡ, áo lạnh khăn quàng, găng tay, mũ len đủ mọi màu sắc.

Phố phường tưng bừng rộn rã hoan ca, khác hẳn ngày đầu đông ở xứ lạnh. Người người vui vẻ cười đùa, chuyện trò ríu rít, đi lại ngược xuôi chen lấn nhau trên đại lộ. Nơi đây không một chiếc xe nào có thể qua lọt giữa rừng người bách bộ đông như kiến. Người ta vui vẻ nói cười, không cần biết những ông cảnh sát đang vất vả làm việc lưu thông không ngưng nghỉ. Mười chợt bừng tỉnh giấc ngủ nồng say sau mùa Thu héo úa, rồi mùa đông buốt giá gần tàn. Lòng cô em xôn xao, thỉnh thoảng gió thổi qua mát rượi, đủ làm cho da người con gái xứ lạnh càng thêm thắm hồng, dấy động từng thoáng nhớ đắm say, vấn vương ngọt ngào mãi không rời, qua tiếng tơ lòng dìu dịu rung ngân trên mỗi phím loan.

Ở trong tư gia: Bảo, Quốc Toàn, Thịnh, Trình đang loay hoay trang hoàng cây thông cao quá, đọt đụng trần nhà bị cong hẳn lại, Bảo phải cưa bớt một đoạn dài. Sau đó các cháu móc đầy dây kim tuyến, ngôi sao, quả cầu đủ màu sắc, thiệp Noel, thiên thần, ông già Noel, và giăng nhiều đèn màu chớp tắt. Dưới gốc thông có những gói quà nho nhỏ, xinh xinh, bánh, kẹo, đồ chơi linh tinh... Nhạc giáng sinh trỗi lên tưng bừng nhộn nhịp, hoan hỉ vui vẻ trong căn nhà ấm áp. Tiếng cười con cháu vang khắp nơi vui như mở hội. Sau nhà ngang: chị Khánh, bà bếp đang chiên xào nấu nướng các món ăn thơm phức. Họ chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, lát nữa đi lễ về, là gia đình ăn réveillon.

Ăn cơm tối xong, Mười quét dọn, lau chùi nhà cửa sạch sẽ tươm tất. Nàng ủi áo quần cho gia đình để chuẩn bị đi lễ. Thơ vừa lau bụi trên các kệ sách, nàng nói:
- Hồi chiều, có anh Phú, Lễ, Tài, Vinh, đến nhà mời chị em mình, mười giờ rưỡi lên Couvent xem lễ, chứ ở Nhà Thờ Lớn đông lắm! Rồi về nhà họ ăn réveillon, mở party... Em chưa kịp nói gì, thì anh Nam đến.
Ngạc nhiên, Mười ngừng ủi áo, ngẩng nhìn em, hỏi:
- Anh Nam gặp Phú? Họ nói chuyện vui vẻ há?
- Coi chừng cháy áo. Chị "táp pi" em tới tấp à? Họ chào hỏi nhau, vui vẻ cả làng.

Hồi chiều Mười bất ngờ thấy Nam ngoài phố, lòng Mười đã rộn ràng, xao xuyến, mừng rỡ. Về nhà Mười dấu kín niềm vui nầy, vờ như chưa biết gì. Phần các cháu muốn Mười có chút bất ngờ thú vị, nên chúng cũng không nói Nam từ Sài Gòn đã lên Đà Lạt. Tâm trạng Mười lúc này thật kỳ, vừa mừng vừa lo, bồi hồi, quắt quay với nỗi mong chờ. Bây giờ nghe cô em vừa nói, lòng nàng nao nao, băn khoăn bồi hồi. Lãng mạn không? Nhắc đến Nam, Mười quên hết mọi sự, tươi vui nét mặt ngay, mọi thứ bỏ sang một bên. Khi tình yêu đến có khác gì cây khô gặp mưa thuận gió hòa, đã trở nên xanh tốt. Muốn sớm gặp người yêu, nàng nôn nao, vui mừng, thấp thỏm, không yên ổn ấy mà.
- Chị cũng đi lễ với các anh kia chứ?
- Đi sao được!
- Đến nhà Phú xí, rồi chị về đi lễ với anh Nam. Không có chị, chẳng vui.
- Đủ rồi. Em không chuẩn bị gặp người yêu sao?

Thơ cười hì hì, nàng mặc sẵn áo dài mới màu xanh nhạt, điểm cánh hoa vàng nhỏ rải rác trên tà, quàng chiếc manto đen. Từ khi có "bồ", vấn đề ăn mặc trở nên cần thiết với Thơ, quần áo tuy lèng xèng giản dị, nhưng tươm tất. Nàng nghĩ: Dù sao nên "giữ kẽ" một tí, diện một tí, chứ xuềnh xoàng quá coi cũng mất mặt bầu cua. "Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần" mà! Mười đi lên, đi xuống con dốc mờ tối năm bảy lần, chờ đón, ngóng trông Nam kinh khủng. Ruột nóng như lửa đốt.

Dưới ánh đèn vàng vọt đầu phố có hàng cây tối mờ, bụi qùy cánh lá xòe to nham nhám, thấp thoáng nhiều bông hoa màu nghệ, nhụy nâu nở hết cánh trông vui mắt, chúng nép mình dưới chân vách đá. Các mái nhà dưới thấp, trên cao, chênh vênh bên sườn đồi thoai thoải, chạy dài xuống thung lũng âm u, có ánh đèn mờ nhạt chiếu ra, tạo thành nhiều đóm sáng bất động, lớp sương mù dày bao bọc cả vòm trời. Cuối sân sau của trường kỹ thuật Lasan, nơi bờ khe nhỏ ăn xuống phiá dướI là khe mương nước chảy một bên đường.

Thỉnh thoảng vài hòn đất, đá, lăn trên khe cao rơi xuống. Một tiếng "bủm" khô khan to và lạnh lùng. Mười dừng lại, nhìn về phía đó đăm đăm, hình như có tiếng ai nói gì trong bóng tối, nơi ánh đèn đường không dọi tới. Ai nói gì vậy!? Văng vẳng đâu đây tiếng lao xao cười nói ồn ào thoáng chốc đến nhanh. Ồ, thì ta chỉ là tốp nam nữ tấp nập đi nhanh ra phố đêm dự lễ. Coi vậy nàng nhác gan ghê! Có cái gì khiến Mười nhìn ra đầu đại lộ Yersin? Năm ba cây anh đào hoa nở rộ cài cánh hoa mong manh, ẻo lả, trên cành trơ trụi lá. Đồi thông rì rào trò chuyện dưới thung lũng, khu đất nhà ông Nguyễn Đệ rộng mênh mông, thì có gì để nàng phải đăm đăm nhìn về hướng đó, mà lòng thấp thỏm bồn chồn âu lo quá đỗi?

Chiếc taxi ngừng lại ở đầu dốc; Nam bước xuống, chàng mặc bộ veston mùa đông màu đen, cà vạt màu nâu non ôm kín cổ áo sơ mi vàng nhạt, áo pardessuis màu kem vắt trên vai như khách lữ hành ngày xưa mới gặp. Nam mang đôi giày da thời trang cùng màu với bộ veste. Mười cười rạng rỡ, liền ríu rít rảo bước về phía Nam. Dưới cột đèn đường khi nhìn thấy Mười, anh âu yếm trao nàng nụ cười tươi thắm. Nam im lặng nắm tay Mười đi xuống dốc. Nàng líu lo:
- Sao anh không viết thư báo tin trước. Em sẽ đi đón?
Nam im lặng đưa Mười quyển album, hộp bánh, quyển "Trau Dồi Ý Chí" của Claude Maillard, một hộp nho nhỏ bao giấy kính vàng cột nơ hồng (quà gia đình các anh chị, các cháu, thì Nam đã đem đến hồi chiều).
- Anh lên đây hồi nào vậy. Nam?
Chàng siết chặt tay nàng, khẽ thở dài, Nam không nói: Mặc cho Mười ríu rít hỏi chuyện, Nam đến nhanh chỉ cười cười siết chặt tay Mười. Dừng lại dưới ánh đèn nàng giựt tay ra khỏi tay Nam, ngẩng lên, hỏi:
- Giận em à, hở anh?
- Mười đi đâu, từ sáng sớm đến tối mịt vậy em?
- À, em đi Cầu Đất với mấy nhỏ bạn làm chuyện tào lao, ngu ngốc. Anh lên đây, em rất mừng.
- Biết có "họ", thì anh hổng thèm lặn lội từ Sài Gòn lên Đà Lạt (để dự lễ Noel đầu tiên của chúng mình). Mười có vài chàng trồng cây si, cây mơ… nhớ gì đến anh, mà mừng vui. Họ chờ em suốt buổi đó.
- Tự họ qúy mến cả nhà. Chẳng riêng ai. Không vì ai, anh ơi!
- Chưa chắc à.
Hai người tiếp tục đi xuống con dốc nhà:
- Anh thấy Nghi “bà con xa xa" của em đã đến đây.
- . . .
- Ủa! không bà con sao? Vậy không lẽ… là “bạn yêu” của chị Hạc?
- Mỉa mai gì ác thế? Em yêu anh nhiều mà.

Cảm động trước câu nói bất ngờ, Nam nhận tình em yêu bằng cách chàng tìm bàn tay Mười trong bóng tối, ánh mắt tha thiết nồng nàn hơn. Không nỡ trêu chọc nàng, Nam sợ Mười hờn dỗi, thì mất vui. Họ buông tay nhau khi đứng trên thềm. Sau đó Nam, Mười, cùng các cháu đi lễ đêm Noel. Họ đi trong lòng phố giá băng buốt lạnh, mang trong lòng niềm hân hoan yêu đời, vui vẻ hạnh phúc, bình an, tuyệt vời nhất. Thỉnh thoảng gió đông thổi qua mát rượi, đủ làm cho da người con gái xứ lạnh càng thêm thắm hồng. Noel khai sinh tuổi xuân hồng phới phới đang rót mật vàng từ thinh không xuống: lòng phố nở hoa mùa đông trên đỉnh đồi mù mịt sương muối và trong cánh đồng thương yêu của Nam và Mười. Một Noel tuyệt vời ngọt ngào ngây ngất, đầy hương vị tình yêu miền núi.

Từng hồi chuông dài ngân nga giữa đỉnh đồi, qua các sườn dốc, các khe thung tiếng chuông mừng vui réo gọi, hoan hỉ reo vang cùng thế nhân đón chào ngày Chúa giáng trần. Có hai vì sao sáng nhất thân ái quỳ gối bên nhau trò chuyện trên bến Ngân Hà. Vành trăng khuyết lơ lửng như chiếc thuyền con trôi đi trôi về giữa các tầng mây. Noel là một lễ Giáng Sinh tuyệt diệu, hạnh phúc nhất của đời cô gái mười sáu tuổi chớm lớn. Và, có lẽ là một Noel tươi đẹp thú vị nhất của một chàng trai mười chín tuổi. Lòng Nam và Mười xôn xao dấy động, họ vui không thể tả.

Tay trong tay tình nồng trong mắt biếc trao đưa, đôi mái đầu xanh chụm lại, cùng dạo bước bên nhau quanh khu trường học, theo các cháu vào hội trường xem học sinh trường trình diễn văn nghệ. Triển lãm tranh ảnh. Bích báo. Tuần san. Máng cỏ. Riêng “hai anh chị”̣ sau khi dạo xem quang cảnh trường, họ ngồi ngoài băng ghế đá, cạnh vườn hoa trước nhà thờ Dòng. Chàng lấy trong túi áo veste ra một hộp sơn mài nhỏ, có sợi dây chuyền vàng 18k, mặt chữ ghi NM. Anh vui vẻ ân cần đeo sợi dây chuyền vào cổ Mười, âu yếm nói:
- Kỷ niệm dù bé nhỏ, vẫn có giá trị về hạnh phúc một đời. Ta cảm ơn Chúa cho chúng mình gặp nhau, yêu nhau. Em nha.
- Dạ phải.
Vuốt lọn tóc buông dài trên bờ vai Mười:
- Mái tóc em dài, anh rất thích, đừng cắt ngắn nghen em.
- Anh khen quá, em bể lỗ mũi, chết à.
- Ơ kìa! Ai khen em mà bể mũi. Mắc cỡ chưa!
- À há. Anh chỉ nói mái tóc em dài, chớ chẳng phải khen em, em mà dị dạng rứa hè. Anh là khách lữ hành, dù đất lành chim vẫn chưa đậu. Rồi chốn phồn hoa đô hội cũ sẽ gọi anh quay về thôi. Có gì mà không bể mũi em chứ.
- Phượng hoàng đã gãy cánh trên đôi vai nầy rồi.

Vỗ vỗ trên vai Mười, Nam nói lời dịu ngọt, Nam nâng niu lọn tóc dài xõa bên má và đưa lên môi hôn. Mười cắn nhẹ làn môi, đầu nghiêng hẳn lên vai chàng. Hơi thở Nam ấm nồng phả nhẹ vào trong tóc Mười như làn hơi sương nhút nhát mà ấm áp. Ngón tay thư sinh trắng trẻo mềm mại truyền qua làn tóc mỏng xõa trên vai Mười cảm giác đằm thắm, lâng lâng ngọt ngào dễ chịu. Nam biết, nếu anh cúi xuống đặt lên môi Mười nụ hôn đầu tiên, có thể nàng không phản đối. Nam đắm mình trong hạnh phúc bất tận, ngây ngất niềm vui dạt dào. Nam nâng niu, trân trọng mối tình nên thơ, hồn nhiên nở hết cánh trong trái tim chân thật.

Sao lạ quá! Cũng như lần Nam gặp gỡ Mười trước kia, ý nghĩ về việc Nam muốn ôm ghì Mười vào lòng mà hôn, cho thoả những nỗi niềm nhớ nhung bấy lâu vẫn nung nấu trong lòng. Nhưng rồi… Nam nhìn Mười hồn nhiên và giản dị ngây thơ, thì Nam cố gắng “đè nén” xúc cảm hừng hực và rạo rực… chìm xuống xí. Cứ vẩn vơ nghĩ đến… là Nam cảm thấy người mình xôn xao nóng rang trong trạng thái lâng lâng dật dờ rất khó chịu…

Tàn tiếng chuông báo hiệu nửa đêm ngân dài giữa vùng núi đồi trùng điệp chập chùng biển sương mù trắng xóa, thì hai người dìu nhau vào giáo đường xem lễ. Nam dâng cuộc đời, tình yêu nầy và tương lai cho Chúa Hài Đồng gìn giữ. Sau đó Nam về nhà chị Khánh ăn mừng lễ trong không khí gia đình ấm cúng, thân mật. Ba giờ khuya, chàng từ giã Mười để về nhà Tuấn ở cuối đường Hoàng Diệu.

Chàng sẽ không bao giờ quên kỷ niệm vàng son một thuở yêu nhau, không thể nào quên… dù mai đây thời gian trôi chảy mãi, đời mỗi người trong hai chúng ta sẽ xa cách, phai mờ đi. Cuối cùng tình yêu nầy vẫn sống mãi trong tiềm thức, trong tư tưởng mỗi người. Một mình Nam đi trên lòng phố vắng, hồi lâu chàng còn nghe rõ tiếng gót giày cô đơn thong thả gõ lóc cóc lộp cộp đều đặn trên mặt nhựa đẫm sương mù, giống như Nam đang đi trên dòng thác vừa tráng thêm lớp men tình. Sương rơi lốp đốp trên cành, hạt sương mọng to tròn long lanh như ngấn lệ đọng, sương đậu ở đầu ngọn lá rung rinh dưới ánh trăng nhạt nhòa. Sương phủ trên thân Nam tê buốt thịt da giá rét vô vàn.

Nam dừng lại giữa lòng thế kỷ lần tay tìm trong túi quần gói thuốc Craven “A”, hai lòng bàn tay Nam khum khum che đốm lửa, điếu thuốc lập loè gài lên môi, Nam ngửa mặt lên trời thả ngụm khói tản mạn trong không trung, quyện lẫn hơi sương ngút ngàn bay bay. Nam cảm thấy đơn điệu, cô độc lạ thường đang choàng vô cái khuya buốt lạnh, giá băng, im ngắt đến ghê rợn. Đường về khuya tại thành phố Đà Lạt trữ tình càng hiu hắt hoang vu. Khuya thăm thẳm sắc bén ăn sâu vào lòng du khách, khuya lạnh lùng vây bọc nhận chìm Nam trong đam mê ngút ngàn phong thổ. Ngàn đời xứ Cao Nguyên Lâm Viên vẫn không thể mất đi vẻ thơ mộng, hữu tình, tràn lan quyến rũ, trọn vẹn những tấu ca hương trầm dạ khúc đêm trường qua cung đàn đắm say ở trần thế: Thôi thì xin hưá anh là Sương, em là Cỏ: Chúng ta sẽ vĩnh hằng “Mộng Chung Đôi Cánh”* nha em:
Đời phiêu lãng thấm đẫm sương rơi
Mái tóc anh bỗng thấy bạc rồi
Sương cỏ giao tình mơ khắng khít
Cỏ sương thầm ước mộng chung đôi.

Không lẽ Không-quân mãi giạt trôi
Núi mòn sông cạn lướt chơi vơi
Thương em hứa hẹn làm thân cỏ
Hạt ngọc sương trao ngậm chẳng rời.

Sương đọng rung rinh ánh mắt nàng
Xuân tình bay bổng nhớ đài trang
Phi công cánh bay vờn trong gió
Lả lướt tình sương cỏ dịu dàng.

Danh lợi phù vân chẳng có màng
Cỏ đây sương đấy ước bình an
Đôi ta nghĩa trọn tình chung thủy
Phước lộc vui vầy sống thọ khang... (2)
***

Tình Hoài Hương

(1) Thơ Nhất Tuấn
(2) thơ Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
01-16-2014, 10:26 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1389866765.jpg
Món Qùa Tết cuả Thiếu Phụ Năm Xưa
Tình Hoài Hương
*


“Kiến kỳ văn, bất kiến kỳ hình”, (đọc văn không thấy người). Tôi viết lại chuyện buồn với lòng trung thực, thật thà có sao nói vậy trong dịp Tết. Và cốt lõi của vấn đề vẫn là: Ước mong nồng nhiệt xin bình an và yêu thương đến trong một đời người còn ở lại trên cõi đời ô trọc. Kết quả dẫu phi lý hay nghịch nhĩ thế nào. Dù hài hước hay bi lụy. Giữa thống khoái say men chiến thắng túy lúy. Hay hãi hùng tàn cuộc phân ly. Giữa xấu xa và nét đẹp thanh cao trong đời. Giữa tràn đầy xa hoa sung túc, hay thiếu hụt khổ đau. Giữa tiễn biệt chia ly, hay hân hoan nồng nhiệt đón chào.
Mong sao người và người xích lại gần nhau tí nữa. Ngồi lại bên nhau, hầu an ủi, đùm bọc và chia sẻ nỗi niềm chung. Và; Khi đặt bút xuống viết bài, ước mong của tôi là: Xin ghi lại một chứng nhân bé mọn, tầm thường, (trong muôn ngàn chuyện người vợ tù “cải tạo” cao cả khác). Khi: Tôi vẫn sống run rẩy, lo âu, bệnh tật, nghèo đói cơ cùng, thường xuyên bám riết đời mình. Nỗi đớn đau tột cùng, chạm tới đáy trái tim, khiến tôi hẫng từng bước lao đao. Tôi luôn bị săn đuổi, dồn nén, chạy về ngỏ cụt, không lối thoát. Tôi cắm đầu chạy thục mạng đến hụt hơi. Tôi bị tống-khứ đến nẽo tương lai mù tối, lênh đênh, gập ghềnh, cập quạng trên con đò bấp bênh sóng đời cuồn cuộn. Không thể chèo lái, mặc gió táp mưa sa vùi dập. Vì, trong tất cả mọi ý niệm: từ không gian lẫn thời gian, thân mẹ con chúng tôi như chiếc bong bóng phình căng giữa trời; Muốn trôi đi đâu thì đi, bay đến đâu thì đến. Mặc! Chúng tôi đã ở trên tột đỉnh đau thương và tuyệt vọng. Thật hãi hùng! Dường như ngày đêm có bước chân ai ngấm ngầm âm thầm theo dõi sau lưng. Tôi luôn lo sợ cúi gầm đầu nhìn xuống đất, cụp nón rách mà lủi đi.
Từ ngày cọng sản xuất hiện ở cùng trời cuối đất, thì họ cấm tiệt vụ đá gà. Không có môn giải trí lành mạnh nào nữa, thì người ta lén lút đem gà tre ra đầu xóm đá chơi, cho đỡ buồn. (Chớ có tiền bạc chi, mà rầm rộ cá độ cao). Chơi rứa cũng cấm. Tôi thấy thằng Thái con bà Mên thường bợ con gà nòi đen bóng đi quanh xóm, để tìm bạn đá ga vào những ngày đầu đông kiếm tí tiền vui xuân. Con gà có cặp cựa nhọn hoắt, do thằng Thái ra công trau chuốt mỗi ngày. Nó nhổ trụi lông đầu, lông cổ, lông cánh, và nhổ cả lông ở cặp đùi. Nhổ sạch! Khiến những chỗ con gà bị nhổ lông, thì da con gà đã đỏ rực dưới bộ cánh đen tuyền. Trông con gà oai dũng đẹp làm sao! Chính hôm cuối đông cận ngày đầu năm dương lịch, bên gian nhà của trại gia binh bỏ trống, nơi bọn nhỏ ưa tụ tập và rống cổ lên la:
- “Dzô! Dzô”…
Lúc hai con gà lôi mặt đỏ tía tai đang hăng tiết chọi nhau uỳnh uỵch. Thì, có hai vợ chồng già kia lù lù dọn ít túm đồ đạc sơ sài lèn quèn đến ở trong gian nhà trống nầy. Thế là bọn trẻ "chơi gà lậu" tiu nghĩu. Từ đó, chúng kéo nhau ra ngoài gốc cây me, ngồi lấp ló bên bờ vực, mà chơi lén.
Tôi vui khi có bạn láng giềng cùng cảnh ngộ, (thấu hiểu và có chút tri thức), đến ở trong xóm. Có bạn mới, gia đình tôi đỡ cô đơn biết mấy! Có lẽ do cùng chung một hoàn cảnh nghèo mạt rệp, chung một niềm đau, chung một nỗi đắng dày vò xót xa, nên chúng tôi dễ dàng thông cảm, thấu hiểu nhau chăng?!
Người đàn bà tuổi cập kê ngũ tuần ấy, có mái tóc rất dài, dày và mướt là là bay trước gió, mỗi khi bà ta gội đầu với lá sả, lá bưởi nấu trộn trái bồ kết thơm thơm. Tôi rất mê mái tóc óng ả của bà buông thả. Lúc gội đầu xong, bà Nga xoã tóc, lặng lẽ trầm ngâm ngồi phơi dưới nắng. Mặc dù bà vẫn còn nét cao sang lửng thửng bước đi, thì bụi đỏ vướng theo làn tóc bay bay cuốn theo gót chân. Nhưng sau đó ít lâu, bà tự tay hớt mái tóc dài lên tới ót, bà ứa nước mắt đem lọn tóc tuyệt vời đi bán. Bà mua gạo mắm tương đậu và rau về, để làm món qùa Tết: trước là làm mâm cơm cúng giỗ và mời tổ tiên “ông bà ngự giá” sau cùng hai vợ chồng già sống thanh đạm qua mấy ngày Tết Nguyên Đán muộn màng. Tôi tiếc đứt ruột khi thấy mái tóc bà mất đi trên tấm lưng thon.
“Sao ngao ngán? Đường trần vui bất tận.
Mớ tóc huyền, xin đoạn tuyệt thời gian,
Ngao ngán chi! Cho lòng thêm khổ ải!
Hé môi cười. Ươm mỗi độ xuân sang…”
Lạ thật! Tôi cảm thấy dường như vì mái tóc ấy, tôi đã mất đi một cái gì thân thiết của chính tôi vậy. Họ không còn gì ngoài ba thứ lặt vặt thường dùng. Hai bàn tay gân guốc trống trơn, nhưng mái tóc ngắn cũn cỡn sau ít tháng lại lú nhú mọc lên những điểm bạc trước thời gian. Họ nghèo rớt mồng tơi như chúng tôi. Bởi vì… nay họ “Không duyên. Không phận. Chuyên cần vô ích”. Và, cũng bởi họ đỗ lỗi cho Trời: “Khó. Giàu. Muôn sự tại Trời. Nhân sinh ai cũng kiếp người mà thôi!”.
Vài ba tháng sau, thân tình hơn, bà Nga tâm sự vài ba câu chuyện đã được kiểm chứng rất thật:
- Cô Nị có biết là 100 Thiếu-tá đi trình diện ở trường Pétrus Ký, bị chuyển đến thành Ông Năm ở Hóc Môn (Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo) được chia thành hai đội 34 và 35. Tên cán bộ y tá tập hợp các thiếu tá ; trong số đó có Thiếu tá Quách Hồng Quang là Tiểu Đoàn Trưởng Biệt Động Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thiếu tá Phạm Hữu Thịnh, đơn vị cuối thuộc Ban Liên Hợp 4 Bên ở Sài Gòn, họ đi làm đường mương, nhà cầu. Khoảng 2 giờ sáng các anh Thịnh và Quang đi ra hướng hàng rào kẽm gai, dự định vượt thoát. Thì lính gác phát hiện đã bắn anh Quang. Súng nổ và kẻng báo động rần trời.. Lúc đầu anh Quang tuy bị thương còn sống, nhưng đám cán bộ bồi thêm mấy tràng đạn nữa. Phần Anh Thịnh đã thoát ra khỏi hàng rào an toàn rồi, nhưng anh quay lại cứu bạn nên bị viên đạn cắm vào lưng và bị bắt nhốt trong 1 connex gần chòi gác, ngày thì nóng như ngồi trong chảo dầu, đêm lạnh thấu xương.
- Úi Trời đất ôi! Thảo nào lúc đó em nghe súng nổ loạn xạ… và cai tù rầm rập la hét ghê lắm.
Bà Nga nhìn tôi giây lát. Và tiếp tục câu chuyện:
- Ở trong Thành Ông Năm còn nhiều “nữ tù cải tạo” của chính quyền Sài Gòn nữa đó cô. Ông chồng tôi xưa kia làm cho Mỹ lo về việc MIA. Mỹ thiết lập văn phòng nầy, ông nhà tôi giỏi tiếng Anh, nên vào làm từ năm 1974. Ung dung lắm! Cô biết “mia” không? MIA là chữ tiếng Anh, viết tắt dài lòng thòng, tôi quên mất rồi! MIA cần biết bao nhiêu binh sĩ mất tích trong chiến trường Việt Nam í. Ổng nói:
- Hằng ngày xe jeep chở ổng đi qua đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong, có câu: “Những hy sinh cao quý của chiến hữu, đồng minh sẽ không bao giờ quên!”
Bà cay đắng nhếch miệng cười, nâng ly uống ngụm nước lạnh và tiếp:
- Cô Nị nè… Còn tôi, ngày xưa, tôi làm phó văn phòng trong Bộ Y Tế, trên Sài Gòn, người làm việc dưới quyền của tôi ra vào nườm nượp cả trăm nhân viên. Chúng tôi ưa đi ăn uống ở nhà hàng La Pagode, Givral, Brodard, mỗi khi có khoản đãi tiệc tùng. Nay thì… có thằng oắt con bố lếu bố láo, hắn thích nổ, mà nổ quá xệ, nổ từ Long Bình qua tới “Long Beach” chả ra thể thống gì! Hắn chỉ đáng tuổi cháu mình, mà chơi xỏ, hắn cho tôi một chỗ đứng ngoài hàng hiên, bắt tôi ghi tên cho thuê chỗ giữ xe đạp, kiêm lao công tạp dịch thay ông cai, tiền thu đầy đủ tôi tống nộp cho hắn “ngồi chơi xơi thịt” mút mùa. Hắn còn sai tôi hầu nước trà, hầu cà phê, để tiếp đồng chí, đồng rận của hắn. Tôi chỉ muốn nhổ bãi nước bọt vào cái ly, rồi cho chúng uống, để trả thù thay dân tộc, và trả thù một thằng oắt ranh dám chơi xỏ... bà!
Bà Nga nhìn tôi giây lát, như dò hỏi, rồi trầm giọng:
Nhưng, tôi lại tiếc rẻ bãi nước bọt! Vì cổ tôi khô lông lốc, có nước bọt đâu mà khạc ra! Cô biết không, chiều chiều hắn tha về nhà nào vải vóc, kem đánh răng, bột ngọt, dầu hôi, thịt heo, chân gà chân vịt... Ôi! đủ thứ hầm bà làng xí cấu. Hắn chia chác từ trên “đỉnh cao trí tuệ” xuống dưới đáy xã hội theo tiêu chuẩn. Chồng vợ chỉ chừa cho bọn trẻ ít đầu thừa đuôi thẹo cá, tôm. Kể cả bưng bao cát, bông-sô, giày, mũ, những thứ tàn dư của chế độ cũ để lại, chúng thích chí nhặt lấy, xài bằng thích. Cuốc, xẻng, dao, rựa, thì họ lại chia việc ngược trở lại thế nầy nhe: làm “lao động là vinh quang” từ cấp dưới chót bét đi lên. Mấy thứ đó, hôm sau con vợ hắn đã bưng ra chợ bán tuốt. Kể cả khi người ta ùn ùn chở sách quý trên xe ba gát, xích lô, đem đi đốt. Vì dân cần phi tang tàng tích “Mỹ Ngụy” cơ mà. Thứ mà họ sợ hãi hơn bất cứ cái mũ chụp nào. Sợ hơn thứ dịch hạch nào. Ấy thế, hắn cũng lén lút bưng về nhà, đọc đi đọc lại, khen hay đáo để. Thời bạo chúa Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn học trò, còn thua xa thời nay đấy, cô ạ.
- Vậy sao!
Thế rồi, chúng bắt tôi dâng hiến nhà. Đi kinh tế mới, là đẩy dân đến đường cùng rồi. Nhà nước “ưu việt” chở dân đi ở những nơi tận cùng sơn thủy khỉ ho cò gáy, nơi rừng sâu. Phát cho mỗi nhà từ một đến sáu tháng gạo. Đứng trên lề đường cái, cán bộ chỉ khơi khơi vùng đất sẽ canh tác. Chúng tôi tự dựng cái chòi xiêu vẹo, trống trước trống sau, không điện nước, than củi, là ngấm ngầm hủy diệt dần mòn những anh tài của đất nước rồi! Cũng giống như chôn sống những người tù “cải tạo” trong cái cổng “Không có gì quí hơn độc lập tự do” ấy thôi.
Chúng ta ở ngoài đời và trong trại tù, chả khác gì sớt, làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm xã láng cho tới sáng, mà vẫn đói meo, không có cái ăn. Nay tôi mang cái bệnh sốt rét, kiết lị, trở về đây lếch thếch lang thang, đầu đường xó chợ, ở vĩa hè đói rách, như lũ ăn mày suốt. Cô à. Tôi nghe nói dân miền Nam đang có hai loại vượt biên: Tổ chức vượt biên thật và giả. Thật là người dân rỉ tai nhau, đóng vàng cho chủ tàu chi bến bãi, làm ăn thật thà đàng hoàng, mong ra đi. Còn loại giả là có một bọn lưu manh, chuyên gọi thân nhân bạn bè đóng vàng, đóng tiền, rồi bọn nầy móc ngoặt, đi đêm với một nhóm công an thân cận, âm mưu lừa đảo dân, lấy vàng, lấy tiền, rồi tống dân vào khám, ở tù mút chỉ cà tha. Những cuộc hẹn hò âm thầm vượt biển thật, đi tìm tự do, sự sống và hạnh phúc xa xôi nghìn trùng. Không thể tránh khỏi biết bao nhiêu đau khổ, chết chóc, đau buồn.
- Ồ…
Giống người Do Thái lũ lượt rời Ai Cập, đi tìm đất sống thuở xa xưa vậy. Chuyện lường gạt bịp bợm nhau về vụ vượt biên, cũng giống như chuyện thời xưa ở nước Tấn í. Cô biết không: Nếu muốn ấp xã mình tốt, thì cán bộ cần lắng nghe, thu thập ý kiến mọi người đúng lúc. Thể chế cai trị đó thật ra đã lỗi thời, sai, không phù hợp với thể chế và sự tiến bộ của con người ở thế kỷ 20 nầy. Cần phải sữa sai thôi. Hẳn là cô sẽ nói không biết nữa cho xem. Thôi. Để nói kể nốt nha:
- Dạ vâng.
Nước Tấn có một người gặp cái gì bắt mắt, cũng lấy, cũng ăn, cũng dùng, cũng mặc. Người mất của chạy đến đòi lại, thì y bảo:
- Các ông, bà, cứ cho tui xài tạm. Mai kia giàu sang, tui sẽ trả lại.
“Công an” thấy thế liền nọc y ra cho mấy hèo vào mông, y đau quắn đít. Thì y vừa xoa xoa mông, vừa chửi:
- Thế gian có nhiều kẻ gian manh, lừa đảo hơn tui. Họ dùng mánh khoé, mưu mô mà bóc lột xương da người khác, đoạt của người khác trắng trợn, không gớm tay. Còn tui, tui lấy công khai giữa ban ngày ban mặt. Tui lại có nói là: “sẽ trả lại”. Cớ sao dùng cực hình với tui, mà không tra tấn những kẻ mưu mô kia ha?
Ông chồng của bà Nga ngồi bó gối ở góc sân, chen vào:
- Sao bà nói lung tung beng, nói nhiều quá! Nhức cả đầu. Ưa thì đen hóa trắng, thêm bớt. Không ưa thì bóp méo, từ tốt ra thành xấu. Ăn nói cứ lộn tùng phèo. Bà nói liên tu bất tận. Chuyện nầy xọ chuyện kia, không ngơi miệng. Bà có câm mồm đi không! Cho tôi nhờ tí.
Bà Nga trề môi, ghé sát tai tôi, thì thầm:
- Ông ấy đi tù… “cải tạo” gần ba năm rưỡi, nên ông sợ chúng đấy. Mà nầy, cải tạo không có ngoặc kép là ai cải tạo ai, cải tạo cái gì? Đi tù thì nói mẹ nó ra, chứ còn bày đặt văn vẻ véo von “cải tạo” cải tiếc! ạy ạy... tù cuốc đất lõ mắt thấy bà cố ông xơ hì. Sức mấy! Tôi chả sợ. Ức quá mà! Cùng lắm là nó đem tôi đi bắn cái đùng. Ổng sợ chúng hơn sợ đảng K K K, mà người ta gọi vắn tắt là đảng 3 K. Cô biết 3 K không? Ớ. Không i à? KKK là Ku Klux Klan, xuất phát từ năm 1963, thời kỳ dân da trắng ám sát da đen, đâu ở Nam Bắc phân tranh bên Mỹ cơ. Ấy thế mà ổng cũng sợ KKK, mí lạ!
Ông chồng quay lại:
- “Ai thương, ai ghét, mặc tình. Phận mình cứ giữ tâm mình thật hay” là đó bà à!
- Hừm! … Đường vào cư xá sĩ quan Chí Hòa, cô biết không? Ờ, biết hở! Hồi xưa là khu đất của Tiểu đoàn phòng vệ phủ Tổng Thống. Nhà tôi ở khu ấy. Nay nó lấy nhà tôi mà ở lẫn lộn với heo, gà, chó, mèo rồi. Cô hãy nghe nó hạch hỏi tôi nhá:
- Bà tên là "Hồ" Tiên Nga hử?
- Vâng.
- Ồ. Ghê gớm thật, thế bà làm tình báo cho trung ương “Ngụy” hở?
- Thưa ông. Tôi tên là Tiên Nga, chứ không phải là "đoàn Thiên Nga" đâu.
- Ui giời! Tiên Nga mí nị Thiên Nga, nà mấy thứ. Tên Tiên Nga! Thế sao bộ mặt bà xấu xí thế? Bà không dùng tên, nhất là họ nầy, bôi bẫn chế độ nữa. Nghe ra chữa?
Bà Nga nói với tôi, như lời ca thán:
- Ngày xưa khi ôm cặp đến trường, tôi luôn được bạn bè ngợi khen là cô gái xinh tươi, bố mẹ khéo chọn cho tên ý nhị nhất. Bây giờ tên hay chữ đẹp, là một tội ác. Họ muốn tôi biến dạng thành con cắc kè, đổi màu da để sinh tồn đấy cô. Tôi căm lắm cô. Cô có đọc truyện “Con gà trống và con Chồn” không? Lại không à! Cái cô nầy mới hay đáo để í nhỉ? Cái gì cũng không. Tôi kể cô nghe cho vui, và để chúng mình đỡ đói nha:
- Con chồn, còn có tên là Cáo, là Hồ. Con chồn rất ngọt và qủy quyệt, khen con gà gáy hay! Thế là con gà phổng mũi, phừng phưng gân cổ lên, nhắm tít mắt mà gáy ò ó o… Thật là tiếng gáy sang sảng, và oai dũng vang xa. Khiến gà tơ, gà già gì, cũng nườm nượp te te chạy theo, phục con gà trống sát đất, và ganh ghen nhau tá lả. Con gà háu danh ấy, ban đầu còn sợ con hồ ăn thịt, nên con gà chỉ nhắm một mắt mà gáy. Còn một mắt thì… dè chừng dòm lom lom con hồ. Con cáo dụ:
- “Nên nhắm cả hai mắt mà gáy, thì có khối gà tơ mái dầu, theo mi về làm vợ”.
Gà ta quên hẳn "con hồ là con cáo già", nên tin lời hồ. Gà ngẩng cao đầu ngửa cổ, nhắm tít cả hai mắt, mà te te gáy o o o... Gà liền bị con cáo già vồ. Gà dãy đành đạch mà chết tươi. Đấy… thời buổi bây giờ cô muốn trở thành con gà, hay là con công nào? Tôi thấy mình nên làm con công cho chắc ăn nhé. Nè:
- Con Công dựa vào con khác để đứng gọi là CÔNG NƯƠNG
- Con Công ra đứng giữa đường gọi là CÔNG LỘ
- Con công lạc vào trường học gọi là CÔNG TRƯỜNG
- Con công có chức phận gọi là CÔNG CHỨC
- Con công thông minh gọi là CÔNG MINH
- Con Công hì hục làm "nhiệm vụ" gọi là CÔNG SUẤT
- Con công gáy gọi là CÔNG TÁC
- Con công biết thưa biết trình gọi là CÔNG TRÌNH
- Con công cha gọi là CÔNG BỐ
- Con công thích lý sự gọi là CÔNG LÝ
- Con công thích viết báo gọi là CÔNG LUẬN
- Con công thích thưa gửi gọi là CÔNG MÔN
- Con công thương nhau gọi là CÔNG THƯƠNG
- Công ăn lạp xưởng là CÔNG XƯỞNG
- Công cao niên là CÔNG CỤ
- Công làm việc trong Ty là CÔNG TY
Tôi ngao ngán sợ hãi dáo dác len lén nhìn ngược ngó xuôi, xem có ai rình mò, nghe lén không, và tôi rụt cổ vội xuê xoa, khuyên lơn bà Nga kiên nhẫn, đừng “giận mất khôn, mặn mất ngon”. Rồi sau nầy, có lẽ mọi việc sẽ ổn thôi. Nhá.

*

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
01-23-2014, 09:19 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1390467638.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1390469263.mp3

muahong
01-24-2014, 02:44 AM
Cám ơn tác giả THH qua bài viết này , những người ở Việt Nam biết thêm một chút về nước Mỹ .

Tinh Hoai Huong
02-09-2014, 06:53 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1391928504.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1391928642.mp3

Tinh Hoai Huong
02-10-2014, 10:56 PM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1392072162.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1392072303.mp3
Khoảng Lắng Phiêu Bồng Ngọt Lịm


Đại gia đình tôi đoàn tụ dưới phòng ăn, là nơi gắn bức ảnh “Tiệc Ly” ở nhà anh chị Tư Khánh. Trong nhà nầy đã có năm gia đình khác là: các anh chị em từ ngoài phố, dưới Tùng Nghĩa, ở Địa Dư đều đến đây quây quần bên má, họ ân cần vui vẻ, sung sướng thay phiên nhau hầu tiếp má. Mọi người hân hoan mừng vui cuống quýt. Tiệc tùng tưng bừng suốt mấy ngày, chuyện trò hoan hỉ nổ như bắp rang, thiệt vui vẻ hết biết. Nhưng, ý của má tôi là chỉ muốn ở đây phụ chị Tư vài tháng Tết, buôn bán kiếm tiền lời. Rồi ra Giêng, tháng Hai gì đó, thì má lại lò mò về quê ở với ba, và làng nước đồng ruộng mênh mông thôi.

Một buổi trưa chủ nhật, tôi dẫn Cảnh đến nhà chị Tư thăm má. Má cùng mấy chị đang bận rộn ngồi trước những cái thúng mẹt to tướng, họ lo gói bánh tét, bánh chưng, làm đủ thứ mứt, và bánh ngọt. Họ trao đổi chuyện trò tương đắt rôm rã lắm!

Cảnh đứng sát bên tôi, chàng gật đầu chào họ và nói nhỏ câu:
- Cháu chào bác. Chào mấy chị...
Có lẽ do trong phòng mở radio ồn ào, hoặc do họ lo tíu tít trò chuyện, hay là do anh “dè dặt” nói giọng Nam hôm nay hơi nhỏ, (không “rổn rảng” như vài lần Cảnh “đấu hót líu lo” với các cháu, và tôi). Thế nên má và mấy chị của tôi không nghe chăng? Một lúc sau, tôi thấy hai bà chị của tôi đang vui vẻ, tự nhiên thấy bóng dáng Cảnh và tôi đứng xớ rớ gần má tôi... thì họ đổi sắc diện, xù mặt ra. Tôi thấy má ngẩng lên nhìn anh, má im lặng cúi xuống ngay.

Sau đó Cảnh ra ngoài vườn ngồi chơi với các cháu nhỏ. Tôi hồi hộp, có phần bồn chồn lo lắng, khi cảm thấy họ tỏ ra không thích Cảnh. Tôi ở trong nhà phụ các chị làm công việc vặt, hoặc nấu cơm canh giúp bà bếp. Thỉnh thoảng tôi chạy ra ngồi bên Cảnh và các cháu, hầu góp năm ba câu chuyện vui.
Cảnh nhìn tôi đăm đăm, khiến tôi mắc cỡ ngoảnh mặt đi:
- Thụy lạ lắm sao, mà anh nhìn em kỹ quá vậy cà!?
- Em ở trong bếp mới ra, thì hai má đỏ au. Em đẹp rất tự nhiên do Trời ban tặng, chứ không phải em đẹp do sữa mắt sữa mũi, sữa miệng gì. Em đẹp quá!
- Chà! Vậy chứ… Không phải là anh đang nghĩ đến cô bé nào của anh, mà khi nhìn em, anh tưởng tượng em là họ đó hỉ!?
- Em đừng nói đùa kiểu đó. Mấy cháu sẽ giận anh à.
- Ư hừ!... Hứ! Việc anh quen bạn thương mến của anh, có dấm dớ gì đến mấy cu cậu nầy chớ.
Bảo lay lay cánh tay Cảnh, cười:
- Ui! cậu không biết rồi. Dì Thụy là hoa hậu thiệt đó. Cậu không biết sao? Dì không biết đánh phấn đâu. Nếu dì có len lén bôi môi son, trét má phấn, thì má cháu giận dữ la mắng dì Thụy ghê lắm.
Cảnh cười hì hì, hai mắt chàng nhắm tít, cầm trái ổi nhỏ quăng trúng vào người tôi. Tôi cười tươi vội vàng né tránh, và chạy vô nhà. Khi Cảnh đến chào gia đình, tôi tiễn Cảnh ra về, má gọi giật tôi lại, má nhìn tôi đăm đăm và nói:
- Cái thằng ni, mạ coi không được mô. Con.
- Tại sao vậy? Má.
- Hắn dòm thấy mạ, mà không chào hỏi. Chắc hắn tưởng hắn là quan, là quách, thì lên mặt phách lối, ai cũng nễ răn hì.
- Không phải vậy đâu má ơi! Hồi nãy anh ấy có chào má và mấy chị. Có lẽ do trong nhà ồn ào, má không nghe.
- Ư hừ…
- Xì…
- Hừm !
Tôi thấy chị Tư nhìn tôi trừng trừng và lườm mình, rồi “hừm…” lên một tiếng rõ to. Chị Tư không mấy ưa Cảnh rồi. Vã lại chị Tư thì có ưa ai bao giờ. Nhất là chị rất ghét “cố nhân”. Có thể chị không thích ai làm bạn cùng tôi, thì phải!? Không ai vừa ý chị cả!? Làm y như người nào cũng chả “hạp” với nhãn quan cuả chị! Thua rồi. Không phải là do tôi có cảm tình với các anh “sinh viên sĩ quan” (khi quen biết Cảnh), mà tôi lên mặt binh vực bao che Cảnh. Tôi biết Cảnh là người có tính tình đôn hậu, tâm hồn thuần chân khả kính, có nhân phẩm, không tự đắc tự kiêu, hay anh ỷ mình có học thức, mà hiu hiu tự phụ là “sĩ quan, sĩ quách”, coi người khác tầm thường, dưới cơ, như má và mấy chị nghĩ không tốt (tức là...xấu) về Cảnh đâu.

Chẳng qua chàng là người miền Nam tính tình bộc trực, chân thật, hồn nhiên, không khách sáo rào trước đón sau, chàng không tỏ vẽ ta đây hách xì xằng như họ nghĩ lầm. Do tính tình Cảnh trầm lặng ít mồm ít miệng, bình thản, tự nhiên, chàng không mấy vồn vã hớn hở, nồng nhiệt săn đón mời chào, để làm dáng “lấy lòng” người trên kẻ trước (như kiểu “anh bạn Bắc-kỳ Thắng” nhà ta). Cũng có thể do chị Tư đã nói gì đó, nên má tôi không ưa Cảnh, dù má chỉ vừa gặp Cảnh chốc lát (!?).

Trong lòng tôi cảm thấy bực bội chị Tư lạ. Giòng suối ngầm thuở ấy (đã đụng chạm giữa tôi, chị Tư, và “người xưa”) rất đắng cay, vẫn nằm im trong xó góc tâm hồn tôi sâu lắng từ lâu, tuy thỉnh thoảng nó dày vò, âm ỉ cháy, dù chưa đến nỗi nào bộc phát bừng giận và ray rứt. Nhưng hôm nay giòng tư tưởng ấy bừng bừng trở dậy từng chuỗi dĩ vãng, tràn đầy uất giận trong tâm tư tôi hằn vết đau chưa chai đá nầy. Khi tự dưng tiếng “hừ... hừm…” của chị kéo dài lại vang lên, đã vùng khơi lại trong lòng tôi cái quá khứ đáng buồn tủi, hỗ thẹn với “người xưa”. Tôi rất bực người chị quá độc đoán kia.

Sự thật ngày ấy mối tình non dại giưã tôi và “chàng ấy” đơn sơ, thắm thiết, vô cùng trong sáng, thuần khiết trân trọng nhau, rất mực đứng đắn. Chị Tư chẳng thích “chàng kia”, chỉ vì người đó con nhà giàu sang, gốc người miền Nam, anh có phần tự do “lả lướt bay bướm”... nên chị Tư vơ đuã cả nắm kết luận là: “Hắn SẼ... bê tha đàn đúm vợ nọ con kia, rượu trà be bét, ăn chơi, mi hiền hậu thật thà, sẽ khổ sở vì hắn... Không được”.

Xuyên qua sự kiện nầy, tôi cảm thấy mình luôn luôn bị chị Tư ức chế, bị tướt đoạt sự tự do tối thiểu, và nhân cách trong tôi tổn thương nặng nề. Tự trong thâm tâm tôi muốn vùng dậy phản kháng chị, chống chọi và cự tuyệt ý kiến của chị Tư mãnh liệt. Nhìn lại đoạn đường gồ ghề nhấp nhô cũ mà tôi đã hổn hển đi qua, với sự luyến lưu buồn bã tiếc thương. Vì có thể đó là những khoảng lắng phiêu bồng mà ngọt ngào của tuổi mười sáu non nớt dệt nhiều mộng mơ. Tôi đã đạt đến tột đỉnh phù hoa: một hoa hậu rực rỡ tại Sơn Trà, Đà Nẵng! Chẳng bao giờ tôi có thể tìm thấy niềm kiêu hãnh diễm kiều vinh quang, huy hoàng trong dĩ vãng về thời vàng son đượm nhiều hương xưa ấy. Thật khó diễn tả về cảm xúc rộn ràng, hân hoan mững rỡ lâng lâng trước niềm vui chất ngất, đã gieo vào lòng tôi bao hoài bão mông lung. Tôi đã nhớ vô vàn: Chiếc Dù Năm Ấy
Hoa buồn. Hương không thoảng.
Hoàng hôn vương nhớ mong.
Anh đi trên vết cũ.
Tôi về, lệ mắt trong.

Anh như mây phiêu lãng.
Dù mấy độ xuân chờ.
Người đi nơi xa vắng.
Tình yêu. Ôi giấc mơ !...

Mùi hương nào dĩ vãng.
Tìm nhau trong cõi xưa.
Chiếc dù anh che nắng.
Hiên trường ta tránh mưa.

Em chờ anh trở lại.
Bên mhau những ngày mơ.
Tình lên ngôi mãi mãi.
Anh hát, em làm thơ. (*)

Bây giờ tôi chợt nẫy lên ý muốn tiến đến với Cảnh thân thương, thiện cảm, vui vẻ hơn, để tôi coi chị Tư sẽ chì chiết, hạch xách, tra vấn, cấm cản, (có kê tủ đứng vô họng mình không, khiến tôi lo sợ, hoặc có im re như ngày xưa nữa không!? hay chị sẽ mắng tôi, đánh đập tôi, hoặc làm gì tôi thêm nữa, cho tôi càng nỗi khùng lên nào!? Dẫu rằng thật sự trong thâm tâm tôi chưa chính thức có ý tình đậm đà xây mộng tương phùng, chưa yêu đương, chưa mặn-mà thân thiết chi với Cảnh hết. Cũng như Cảnh chưa chính thức ngỏ lời tỏ tình với tôi. Tôi phẫn uất thì thầm trong miệng:
- Chị đừng dùng “quyền huynh thế phụ” mà cưỡng ép em phải tuân theo ý muốn cuả chị. Chị càng ép em, thì em sẽ phản kháng chị, em đi theo con đường ngược lại, để tự tìm tương lai.

Chào má, và mấy anh chị, tôi bỏ đi về nhà chị Tuế, (là nơi tôi ở từ xưa đến giờ). Cảnh đứng đợi tôi trên đầu đường dốc khu nhà Bò. Thấy vẽ mặt tôi không được vui, anh tinh ý và ý tứ dò hỏi:
- Có chuyện không vui rồi. Phải không em?
- ... Không có gì. Anh.

Nói như thế, nhưng nào dấu được nỗi buồn dâng ngập lòng mình. Ngoắt taxi ra phố, vào tiệm Mê Kông ăn cơm tối, chúng tôi từ tốn nói với nhau những chuyện vui buồn vu vơ. Chuyện trời mưa, trời gió, bão lụt. Cảnh biết tôi không được vui, nên anh cố ý kể nhiều chuyện tiếu lâm, để cho tôi cười:
- Anh kể cho em nghe một chuyện vui nầy nghen: Có thằng con rể là người Nam Kỳ và ông già vợ là người Quảng Nam. Một hôm ông già vợ hỏi con rể:
- Bữa ni con có rẻn khôn? rẻn thì chở boa đi chúc xiu công chiện ne.
Thằng con rể trả lời:
- "Con kẹt".
Ông già giận dữ vác gậy rượt thằng nhỏ:
- Teo nhờ mi chở đi công chiện, mi không chở thì thôi, sao lại chửi thề, hử?? (*)
- Rồi sao nữa anh? anh kể tiếp đi.
Cảnh vui vẻ tằng hắng giọng, uống một hớp chanh đường, anh duyên dáng kể:
- Hai người bạn đực rựa ngồi nói chuyện với nhau:
- Có lẽ mình phải ly dị thôi, bạn à.
- Sao vậy?
- Vợ mình gần cả năm nay không thèm mở miệng nói với mình câu nào.
- Ui, cậu điên à! Biết tìm đâu ra một người vợ tuyệt vời như thế. Hở? (*)
Tôi khoái chí cũng vui vẻ góp đôi ba chuyện cười:
- Nhiều thầy bói đã nói với em: tuổi Sửu hợp với tuổi Ngọ, vì theo quẻ mà đoán thì: “đầu trâu mặt ngựa”. Tất nhiên hai tuổi này mà cưới nhau, chắc chắn sẽ thành công, tấn tới, nếu cả hai vợ chồng cùng làm chung nghề: đâm thuê, chém mướn. Còn đây là quẻ thứ hai nhe anh:
- Tuổi Tỵ rất khắc với tuổi Dậu, theo quẻ là: “cõng rắn cắn gà nhà”. Nếu hai người cưới nhau về, thế nào người tuổi gà cũng bị người tuổi rắn cắn chết, (không loại trừ trong lúc yêu thương, dậu bị rắn mỗ cắn lầm ở chỗ hiểm)...
- Tuổi Dậu, hợp với ba hạng tuổi: tuổi Mão, tuổi Thìn, tuổi Hợi. Theo quẻ “đầu gà má lợn”. Người ở mấy dạng tuổi này, nếu cưới nhau, sẽ thành công về kinh doanh, nhà hàng, đồ nhậu. (*)
Chúng tôi không thể nào nhịn được cười đến nỗi ra nước... mắt. Tôi đã quên chuyện buồn bực lúc ở nhà chị Tư. Tôi vui vẻ kể lại chuyện trong thời gian hai tuần tôi ở miền Trung ra sao. Sau đó Cảnh lên xe taxi vào quân trường như thường lệ.
Suốt tháng Chạp, và những ngày Tết Tây, chúng tôi thường có dịp đi chơi chung với nhau thật vui. Đêm ba mươi tháng Chạp âm lịch, khi Cảnh mời tôi vào trường Võ Bị dự dạ hội tất niên. Tôi đã đưa thiệp cuả Cảnh mời, đồng thời tôi nói rõ cho chị Hạc biết nguyên nhân tại sao tôi cần đi đêm ấy về nhà khuya. Tôi xin phép anh chị cho tôi đi với Cảnh đàng hoàng, nếu tôi có về trể giờ hơn mọi ngày tôi đi làm việc, hoặc đi học trên viện đại học, hay có công chuyện đi đâu đó một xí. Thì chị Hạc thông cảm. Chị thương tôi trọn tình chị em đằm thắm chứ không như chị Tư, chị Hạc ân cần dạy bảo tôi điều hay lẽ phải. Chị luôn mong muốn tôi tìm được ý trung nhân, tôi sẽ yên ấm hạnh phúc với ai đó. Tôi cũng mong ước và hy vọng như vậy: Tôi rất Mơ (anh Học Võ Bị):
Sao anh “vô trường” ấy.
Mãi hoài “chưa ra” vậy?!
Em đợi anh từng ngày.
Bao đêm buồn nhớ đây.
*
Canh khuya em mơ thấy.
Anh vô lính tháng ngày…
Đường quang vinh vượt trội.
Dẫu phong ba đọa đày.
*
Hoa mai ghim áo nầy.
Mối tình ta còn đây.
Sương ngàn quyện gió núi.
Do tơ trời dựng xây.
*
Anh ơi! tình duyên nầy.
Mai sau anh sẽ thấy.
Em đây và anh đấy.
Đôi tâm hồn ngất ngây. (**)

_ * _

(*) Sưu tầm lượm lặt
(**) Thơ Tình Hoài Hương

*

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
02-13-2014, 05:37 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1392270069.jpg
Kính thưa quý vị thân kính,
THH xin giới thiệu đến quý vị môt bài viết hay (do bạn chuyển từ E-mail), của Nguyên Sang : Tựu trung lập-luận vững vàng & sâu sắc, khiến tôi ngậm ngùi lắng lòng mình vào những suy tư..:
..

KHÔNG THÍCH CHUYỆN CHÍNH TRỊ
Nguyên Sang


Có người, khi nghe đề cập đến những vấn đề liên quan tới Việt Nam, nhất là những chuyện xấu xa của chế độ Cộng Sản, thường giẫy nẫy lên mà rằng:
“Tôi không thích nói chuyện chính trị”.
Cũng có người, khi thấy đồng hương đi biểu tình chống Cộng, thường bỉu môi:
“Tôi không thích những người làm chuyện chính trị”.
Thưa bạn! Nếu tôi bảo:
“Chính suy nghĩ đó đã nhuộm đỏ miền Nam, và cũng chính phát biểu đó, đã chẳng những nuôi dưỡng chế độ CS , mà còn tạo điều kiện cho CS thò cánh tay ra hải ngoại, quấy phá Cộng đồng người Việt tỵ nạn”.
Chắc chắn bạn sẽ không bao giờ tin tôi, chưa nói là bạn sẽ trút lên đầu tôi những lời lẽ không đẹp, bẩn thỉu nhất, có khi không chữ nghĩa tìm thấy trong từ điển.
Này nhé! Bạn theo tôi một thoáng trở về quá khứ. Bạn phải đồng ý với tôi một điều. Miền Nam được Thế giới Tự Do – đứng đầu là Mỹ – chọn làm tiền đồn chống Cộng, ngăn chặn hiểm họa CS đang bành trướng khắp vùng Đông Nam Á. Đó là cuộc chiến tranh “ý thức hệ”.
Phía Miền Bắc, CS lấy chính trị làm đầu (Đảng lảnh đạo), và tuân theo sách lược chính trị của CS Quốc Tế. Trong Nam, “ý thức Quốc gia”, chỉ là một ý niệm trừu tượng, không có lý luận khoa học, không được hệ thống hoá, không thể đương đầu nỗi với lý thuyết “CS”. Đệ Nhất Cộng Hoà đã nghĩ ra đối sách, với học thuyết “nhân vị”, tiếc rằng chưa hoàn chỉnh và không đủ sức thuyết phục nhân dân, trong công cuộc đấu tranh chính trị với CS.
Miền Bắc có Liên Sô và Trung cộng hổ trợ đắc lực trên mọi phương diện, vì có chung lý tưởng Quốc tế vô sản. Miền Nam , Mỹ hổ trợ về quân sự là chính. Về chiến tranh chính trị, phải nhờ Đài Loan cố vấn. Thực chất, có lý thuyết, mà không có phương tiện thực hành, có cũng như không. Nước Mỹ là một nước “Tư bản”, chuyện đối kháng với Cộng Sản, là chuyện đương nhiên. Chính phủ Mỹ, không cần đến Chiến tranh Chính trị, để tranh thủ nhân dân. Họ chỉ có “Tâm lý chiến”, mục đích phục vụ và nâng cao tinh thần, sức chiến đấu của binh sĩ. Mỹ đem mô hình của mình đến miền Nam và chỉ yễm trợ cho Tâm Lý Chiến. Hoàn toàn không quan tâm đến chính trị và cũng chẳng cung cấp bất cứ phương tiện nào để đấu tranh chính trị.
Điều dễ nhận thấy nhất là trong tổ chức Quân Đội: CS Bắc Việt đặt chính trị trên cả tác chiến. Chính Ủy có quyền uy tối thượng. Trong khi đó, Quân đội miền Nam đặt chính trị vào nhiệm vụ thứ yếu, là phó, là Ban 5, không chút thực quyền. Kết quả Bạn thấy đó, miền Nam thất thủ tại chính trường Mỹ. Người dân Mỹ chỉ thấy ảnh tướng Loan bắn vào đầu một tên Cộng Sản, mà không thấy hàng vạn nhân dân Miền Nam chết thê thảm vì Việt Cộng bằng mọi hình thức: đấu tố, đấp mô, phá cầu, đặt mìn, pháo kích bừa bãi. tấn công… Nhân dân Mỹ chỉ biết vụ Mỹ Lai, mà không hề biết Huế với những mồ chôn tập thể Tết Mậu Thân. Người dân Mỹ chỉ biết cái gọi là Mặt trận giải phóng miền Nam , chứ không hề thấy hàng hàng lớp lớp những sư đoàn chính qui Bắc Việt xâm nhập miền Nam … Thưa bạn. Phải chúng ta thua vì chính trị không bạn?
Bây giờ, trở lại thực tại bạn nhé! Xin nhắc một điều. VN là một nước Xã Hội Chủ Nghĩa (xác định đi theo một Chủ nghĩa là khẳng định đường lối chính trị đó bạn!), do Đảng lãnh đạo (Đảng không là tổ chức chính trị thì là gì, hở bạn?. Điều 4 Hiến Pháp của họ có ghi rõ, bạn có thể tham khảo thêm). Hỏi Bạn một câu : Nếu Bạn hợp tác với VNCS, có phải bạn chấp nhận những điều nêu trên không? Nhắc thêm cho bạn một chi tiết, CS có khẩu hiệu: “Yêu nước là yêu Xã Hội Chủ Nghĩa”. Họ gài bạn đấy!
Họ khêu gợi lòng yêu nước của Bạn, dụ dỗ Bạn hợp tác và cuối cùng gán cho Bạn cái lập trường chính trị, Bạn không muốn cũng không được. Nếu Bạn cố cải chầy cải cối, là Bạn chỉ đem tài năng và chất xám phục vụ Tổ quốc, chứ không màng chính trị, tôi nhắc Bạn nhớ câu: “Hồng hơn Chuyên”. Cộng sản đặt nặng chính trị hơn chuyên môn, bạn ạ!
Vẫn chưa tin ư? Bạn cứ phạm tội hình sự đi, Bạn sẽ được xét xử tại Toà án, và có ngày về. Còn nếu Bạn dính dấp đến chính trị, đoan chắc Bạn sẽ bị “cải tạo” trong tù, vô hạn định. Có lần, nếu Bạn có theo dõi thời sự, chắc Bạn biết sự kiện một chiếc tàu y tế bị cấm nhập bến ở VN? Ngay cả hoạt động chuyên môn phục vụ nhân đạo cũng phải chào thua “phục vụ chính trị”.
Cũng chả cần bạn cộng tác, tiếp tay với họ, bạn chỉ làm thinh, làm ngơ trước các hoạt động của họ; Bạn đã đồng loả và tự bày tỏ lập trường thân Cộng rồi. Đôi khi những hành động tưởng như vô tình, làm theo “feeling” của mình. Bạn lại gây ảnh hưởng tai hại cho người khác trong công cuộc chống Cộng. Cái đó gọi là “thiếu ý thức chính trị”, là “vô tình hại bạn”, là “đâm sau lưng chiến sĩ”.
Có hai sự kiện “nhạy cảm” mà cộng đồng người Việt hải ngoại vô cùng “bức xúc” (xin lỗi vì dùng chữ của CS). Sự kiện thứ nhất là “các nghệ sĩ VN qua”. Sự kiện thứ hai là “các nhà từ thiện về”. Nửa ý kiến ủng hộ, nửa chống đối.. Có quá nhiều phân tích về hai sự kiện này, ở đây, tôi chỉ nhìn qua khía cạnh chính trị.
Bạn ái mộ một nghệ sĩ, tặng hoa, chụp ảnh lưu niệm. Bạn nghĩ sao, nếu bức ảnh đó được guồng máy tuyên truyền khổng lồ của Cộng Sản minh họa trong chiến dịch lừa dối nhân dân, rằng thì là: “Việt kiều niềm nở đón tiếp các nghệ sĩ từ trong nước qua, trong tinh thần Hoà Hợp Hoà Giải Dân Tộc”?. Bạn vô tình làm hại các cá nhân và tổ chức đối kháng rồi bạn biết không? Một hành động nhỏ và “mua vui trong chốc lát” của Bạn đã gây tác hại lớn và lâu dài. Tuy nhiên, nếu có ý thức chính trị, chỉ cần Buổi văn nghệ đó, có nền là cờ vàng của chúng ta, ta có thể hoá giải được mọi âm mưu thâm độc của CS, tha hồ bạn chụp hàng nghìn tấm ảnh lưu niệm mà không bị ai lợi dụng và cũng không hại ai cả.
Vấn đề thứ hai là công tác từ thiện tại VN, tôi không chống đối, dù thâm tâm tôi vẫn nghĩ, tại sao lại phải giúp nhà nước CS, lo chuyện an sinh xã hội, để họ tham nhũng, để họ làm giàu, để họ củng cố phương tiện tuyên truyền thò tay đánh phá cộng đồng (như các chương trình Duyên Dáng VN tiêu pha hàng triệu đô la, chương trình vệ tinh truyền hình VTV4…). Tôi cũng suy nghĩ, thật sự ở VN không chỉ có các nhóm người được giúp đỡ là bất hạnh, mà hầu như – trừ Đảng ra – toàn dân đều bất hạnh và cần được giúp đỡ. Nhưng thôi, tôi nhìn sự kiện trên đây, qua gốc độ ý thức chính trị. Giả dụ mà các cơ quan từ thiện này treo được tấm bảng:
“Tổ chức này của Việt kiều… tặng”, cho mọi người cùng thấy và cùng hiểu là chính Việt kiều chứ không phải Việt Cộng giúp đỡ họ, thì hay biết mấy.
Nếu không làm vậy, việc từ thiện sẽ bị Cộng Sản lợi dụng và tuyên truyền lếu láo:
“Đảng đã vận động được khúc ruột xa nghìn dặm về gíup Đảng, giúp dân”.
Cướp công, cướp của là nghề của họ. Bạn chịu khó lật lại trang sử của Đảng, Bạn sẽ thấy họ rất thành công trong việc cướp công kháng chiến, cướp chính quyền, và năm 75 họ cướp cả miền Nam.
“Cứu cánh biện minh cho phương tiện” là kim chỉ nam cho họ, từ lời nói đến việc làm, họ dùng mọi phương cách dù tà đạo, xảo trá, gian ác và dã man đến đâu… miễn sao đạt được thắng lợi, đạt được mục đích yêu cầu của họ. Câu nói của Cựu Tổng Thống Thiệu: “Đừng nghe những gì CS nói, mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm”, chỉ phản ánh một khía cạnh dối trá, chưa nói hết bản chất của CS là ác độc và tàn nhẫn.
Thưa Bạn. Nếu bạn qua Mỹ vì lý do kinh tế, tôi chúc bạn đạt được giấc mơ của Bạn. Dĩ nhiên, muốn thành công trên đất Mỹ, bạn phải hòa nhập vào xã hội Mỹ. Người Mỹ rất thích làm việc thiện nguyện.
Họ khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi người làm chuyện thiện nguyện, ngoài mục đích san sẻ bớt gánh nặng cho Chính Phủ, nó còn mang giá trị đạo đức, khi quan tâm đến tha nhân. Tôi tin chắc Bạn sẽ tiếp thu được đức tính này của người Mỹ. Cho dù Bạn không thích chính trị. Cho dù Bạn không thích nhận mình là người Việt. Bạn cũng có thể thể hiện việc thiện nguyện cho một cộng đồng tỵ nạn khốn khổ, tuy sống an bình nơi miền đất hứa, mà lòng vẫn canh cánh về đồng bào và quê hương nghìn trùng xa cách.
Chuyện thiện nguyện rất đơn giản.
“Mình không giúp ích gì cho cộng đồng, thì cũng không làm gì phương hại cho cộng đồng, không làm đồng hương phiền lòng, nản lòng”.
Bạn không thích chuyện chính trị, mà phê phán ý thức chính trị của người khác, mặc nhiên, bạn đã đứng vào phe chính trị đối nghịch. Bạn hãy làm một chuyện thiện nguyện trên bình diện tinh thần là “giữ im lặng” trước công cuộc chống Cộng của người khác. Bạn đã không ủng hộ thì cũng xin đừng biểu tỏ thái độ hoặc ngôn ngữ chống báng. Được vậy, bạn gián tiếp giúp đỡ thiện nguyện cho cộng đồng rồi đó! Thực ra, nếu Bạn qua đây theo diện tỵ nạn chính trị một cách trực tiếp, hay chính trị, gắn liền vào cuộc đời của người tỵ nạn chính trị. Cho dù bạn muốn nhận hay không muốn nhận. Lại nữa, nếu bạn là một “con người” đúng nghĩa, Bạn phải mang trong người bổn phận và trách nhiệm với vợ…v..v.. Là một thành viên của cộng đồng, bạn không thể trốn tránh bổn phận và trách nhiệm trước Cộng Đồng. Xa hơn nữa, là một người dân, Bạn phải có bổn phận với dân tộc và nghĩa vụ với quốc gia.
Chúng ta đang sống trong một xứ sở Tự Do. Bạn có quyền tự do “không thích chính trị”. Tôi xoá bỏ tư tưởng không tốt trong đầu, khi cho rằng Bạn không thích chuyện chính trị chỉ vì Bạn sợ đường về quê hương của Bạn gặp trở ngại với CS. Tôi nghĩ đơn thuần, chỉ vì Bạn muốn ung dung tự toại, thụ hưởng thành quả mà bạn đạt được trên đất khách quê người.
Tôi cũng chẳng có ý nghĩ là bạn phải có bổn phận và trách nhiệm gì với cộng đồng. Tôi chỉ xin Bạn làm thêm một việc thiện nguyện thứ hai, cụ thể là xa lánh các văn hoá phẩm độc hại của CS, các cơ sở giao du với CS, các cửa hàng, chợ búa bán hàng CS. Bảo đảm trăm phần trăm với Bạn, không có cái gì liên hệ với CS mà không mang chất chính trị trong đó.
Lấy một ví dụ nhỏ thật nhỏ, trong các phim truyện VN, thế nào bạn cũng có dịp nhìn lá cờ máu, nhìn hình tượng “ảo” ông công an thật dễ thương dễ mến!… Chính trị chỗ đó, đó bạn !
Bạn không thích chính trị, tốt nhất là đừng xem, đừng thưởng thức, đừng tiêu thụ, đừng phổ biến những gì dính dấp với CS. Được vậy, Bạn mới công tâm, mới “fair” với tôn chỉ “không thích chính trị” của bạn. Chắc là việc này không khó và cũng chẳng ảnh hưởng gì không tốt đến cá nhân bạn, phải không bạn?
Chân thành cám ơn Bạn chịu khó đọc những dòng này.
Chào Bạn..
Nguyên Sang

khongquan2
02-14-2014, 06:09 AM
Thế giới Google (Google Earth) đã công nhận Hoàng Sa của Việt Nam!



http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1392357917.jpg

http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1392357770.jpg
Google Earth đã thể hiện Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Sau nhiều cố gắng của các nhà khoa học Thế giới trong đó có cả chính những nhà khoa học chân chính Trung Quốc và đặc biệt công sức lớn lao của các nhà khoa học Việt Nam tại Hải Ngoại cung cấp bằng chứng khoa học, sát thực cùng với sự đấu tranh không mệt mỏi đến nay trên Google Earth đã thể hiện rõ quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam chúng ta!
Phầm mềm Google earth đã thể hiện rõ quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam (Paracel islands belong to Vietnam)

TRƯỜNG SA VÀ HOÀNG SA THUỘC CHỦ QUYỀN VIỆT NAM
PARACEL ISLANDS & SPRATLY ISLANDS BELONG TO VIETNAM ...

Điều này cho thấy chân lý Hoàng Sa là của chúng ta đã được Thế Giới Google (Google Earth) công nhận.

Nhân dân Việt Nam, bạn bè Năm châu bốn biển hãy cùng nắm tay nhau quảng bá vào xem để đưa rating lên cao giúp bất cứ ai khi vào google sẽ hiện ra ngay hình ảnh này!

THH "Sưu tầm trên net"

Tinh Hoai Huong
02-18-2014, 09:15 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1392714503.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1392718773.mp3
Lời Chân Thật Nghẽn Đắng Lòng


Hương yêu như cây thông xanh không ngày nào khỏi lớn dần lên, choàng vào lòng Nị nhiều say đắm và ước mong, hy vọng ngọt ngào bao năm tháng niềm tin yêu vừa khởi sắc, và bừng lên trong cuộc sống. Nị chợt thấy những xôn xao đê mê rộn ràng như một thời trẻ dại xa lắc xa lơ nào đó, tưởng đã vụt xa bay trong niềm luyến lưu hoài mong, đau buốt, ray rứt, muộn phiền, bùi ngùi và tiếc ngẩn… Nào dè như từng cơn bão lòng đang bừng sống lại từng ngày từng tháng… luyến nhớ anh yêu! Khi “người ấy” thốt lên câu:
Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào! (1)
Rồi “chàng” đã vui vẻ ướm lời:
“Thân trai cũng mười hai bến nước,
Nặng nỗi lo vô phước gặp 'chằng'.
Thế nhưng, chuyện chẳng khó khăn,
Miễn là khéo nịnh, khéo ăn, khéo 'mần', ". Hình em chụp mấy tấm rõ ràng nhưng nhìn nghiêng, nên anh không nhận ra em được khi tình cờ gặp em đâu. Nếu không hẹn trước là chịu. Anh dám ôm hôn ẩu kẻ khác lắm à nghe, em liệu đấy hổng trách anh được à. Em đẹp và có nét quá đi, bởi vậy mới là hoa hậu chứ. Hình đầu tiên em nói chụp năm vừa qua, sao mà trẻ quá vậy? Nói em 40t không ai tin. Còn hình cười thì cỡ vừa ngoài 40, thấy trẻ mà không rõ mặt! Em khá đẹp trẻ hơn tuổi đó nghe.

Bây giờ chúng mình gặp nhau muộn màng, đã có tuổi rồi, anh không kỳ vọng gì nơi em như xưa đâu. Dĩ nhiên đầu có bạc, da nhăn nheo, cũng đâu có sao phải không, ai đòi hỏi em phải săn đầy như vài ba chục năm về trước được. Anh biết chớ, ai cũng vậy, em mà còn được nhu vậy là #1 đó! Anh cần cái tình nồng nàn và chân thật của em hơn nhé, coi anh như #bis là ok nghe. Mong sao mình còn có nhau với hạnh phúc đến hết đời, là mãn nguyện! Thương em quá đi, cưng lắm nghe. Nếu kẹt gì mà không mail cũng đừng phiền trách nhau nha. Anh dặn trước vậy! Không nghe là đánh đòn mà hổng thèm yêu đó!

Em yêu! Hồi trưa vừa chat với em xong là anh lại bận. Số là như vầy, anh có ông bạn cùng khoá ở Minnesota đi thăm vợ anh bạn bị cancer, và về ghé anh chơi, thì vợ chồng bạn kêu anh lại ăn cơm chiều, và vui chơi với anh nầy! Coi vậy chứ cũng lu bu hết ngày giờ, bây giờ lo thêm cái vụ sân cỏ nữa. Anh định diệt cỏ nầy trước xem sao cái đã. Dù lót đá hay cỏ giả gì, cũng phải diệt nó trước. Vì trước kia anh không biết, cứ nghĩ nó cũng là một loại cỏ, nên không diệt từ đầu, bây giờ mới mệt cầm canh.

Ngày mai sau khi đi bộ xong, chắc anh phải đi ra Walmart gần nhà để tìm thuốc diệt cỏ, và mua dụng cụ để đào cỏ xem sao. Anh rất thương và yêu em lắm nghe. Anh nghĩ đến em hoài, nhưng phải chịu và an phận như vầy thôi em ạ! Lâu lâu có chuyện gì cần nói và chat, thì mình hẹn nhau. Anh còn nhiều chuyện làm lắm em ơi. Như ngày nay anh không nằm nghỉ được 1/2 giờ nữa đó. Bye em, anh đi ngủ nghe.

Ngờ đâu… khi Thiệu chat, nói chuyện phone với Nị qua những “câu thơ & ca dao” và những lời ấy, anh “gieo quẻ” đầu năm hỏi “thăm em”, thì… thì… Nị quyết định mang tình yêu chân thật và say đắm đến “thăm anh”; ấy là một buổi sáng mùa xuân đầu năm... Nị tới phi trường lấy boarding pass trên chuyến bay: 2398 từ vùng WPB, lúc 11:20 am’ ngày 14 tháng Giêng, để đi tới phi trường HB intl vào lúc 01;15 pm’. Thiệu nào có biết khi Nị ngồi tại seat 14A ở trong phi cơ, thì tâm trí Nị ngổn ngang trăm mối tơ vò ra sao!? Nị hình dung lúc gặp mặt anh, là nàng cảm thấy nôn nao, vui vẻ, xao xuyến, bồn chồn, hồi hộp, băn khoăn kỳ lạ.

Thế rồi phi cơ hạ cánh. Đi vòng vo khá lâu rồi từ xa xa, Nị đã thấy Thiệu đứng đơn lẽ tại cổng ra baggage claim như đã hẹn. Anh mặc chiếc áo da đen, áo sơ mi màu xanh, quần tây đậm và mang đôi giày sport. Còn Nị đội mũ bê rê đen sụp xuống trán, đeo kính đen, mặc áo khoát mà̀u nâu pha vàng, bên trong mặc áo len dày, và quần tây ca rô màu nâu đậm, nàng mang giày cao 9 phân (vì anh cao lắm, nên Nị phải mang giày cao gót). Có lẽ do Nị “hóa trang” trở thành “cao bồi vườn" coi cho nó "ngầu” một xí, nên Thiệu không nhận ra cô em chăng? Khi Nị nghiêm trang và từ từ kéo carry on đến gần anh, thì Thiệu xê dịch người về phía cô em, và hơi mỉm cười ngập ngừng hỏi:
- Xin lỗi, có phải cô là…

Nị đã nhận ra anh ngay. Thiệu chưa nói dứt câu, thì Nị không thể cưỡng lại lòng mình: reo vui và mừng rỡ toét miệng cười tươi và sà vào lòng Thiệu. Họ ôm chầm lấy nhau, anh cúi xuống hôn phớt nhẹ nào má Nị, rồi vui vẻ kéo carry on đi, còn tay kia Thiệu quàng qua hông cô em ríu rít tíu tít chuyện trò như hồi còn bé, và dìu nhau đi trên nốt nhạc tình thánh thót mà tìm parking. Khi vào chỗ vắng khuất, Thiệu dừng lại tìm môi Nị. Nàng không chịu ngoãnh đi bảo:
- Coi chừng có người nhìn thấy. Kỳ quá anh à!

Kỳ… thật thì trong bụng em bảo dạ: "Con ếch ngồi dựa gốc bưng. Nó kêu cái "quệt", biểu ưng cho rồi". Nị thẹn thùng xô nhẹ anh ra. Anh cười cười bấm alarm để bỏ carry on vào cốp xe xong, Thiệu ngồi vào băng ghế giữa và bảo em ngồi bên cạnh:
- Bây giờ ngồi trong xe, “cửa đóng then cài” kín đáo rồi, em không mắc cỡ nữa ha!
Nị gối đầu lên ngực anh. Thế là họ đắm đuối tìm môi nhau. Vài lần sau thì Nị không còn e lệ rụt rè bẽn lẽn… Khi về tới điểm hẹn, hai anh chị vào nhà hàng Kim Sơn ăn trưa, rồi Thiệu dẫn Nị đi mua thức ăn, để ăn tạm vài buổi sáng, còn những buổi ăn trưa, thì “chúng mình” dự tính sẽ ăn buffet, và những buổi tối sẽ ăn ở nhà hàng Việt Nam, cho đỡ ngán. Thiệu nhìn Nị tươi cười:
- Em biết lúc nầy anh ăn tráng miệng bằng gì không? Ăn xoài đấy! Ở Cali có bán xoài giống như xoài thanh ca màu vàng, họ bán một thùng 14 trái lớn cỡ 13 dollars, mua về để vàng và da hơi dùn nhăn một xí, thì ăn rất ngọt em à. Còn hôm qua anh có mua bắp sống $1/6 trái, đem về ăn cũng rất ngọt, bắp Mỹ mà! Em biết cách làm không?
- Dạ không anh à.
- Không phải luộc đâu nghe, kiểu luộc xưa rồi và nhà quê lắm. Anh chỉ cách nầy: Em lột sạch vỏ, rồi em hãy lấy giấy paper towel (giấy dầy lau tay trên bàn ăn đó) đem nhúng nước cho ướt, xong bóp giấy cho ráo nước, rồi quấn kín trái bắp lại, bỏ vào Microwave nhấn nút 4 phút, là nó dư sức chín, em đem ra ăn rất ngọt. Người ta ăn kiểu đó không hà! Hy vọng em biết.
- Dạ, bây giờ em mới biết. Ở Cali chợ Việt mới có bán xoài, còn bắp tươi mới hái đem về thì chợ Mỹ, Việt gì cũng có anh à.
Anh cất vào xe xong xuôi mọi thứ, như y hẹn ước hai anh em lại vào tiệm Ross cho gần, vì nếu đi Mall lại rất xa, sợ không có thì giờ kịp trở về; để họ đi chuyến du hí đã ấn định. Họ chọn quà để tặng cho nhau, hầu đánh dấu kỷ niệm những ngày đầu tiên gặp gỡ. Nị tính mua tặng Thiệu con dao cạo râu bằng điện có ba chấu Remington, nhưng ở đó không bán. Thế là họ đi vài ba tiệm khác. Vào tiệm kia tìm được tủ bán dao cạo râu. Nhưng ai ngờ khi bà bán hàng cho chìa khóa vào để mở ổ khóa, cớ sao lại bị gãy lìa cái chìa khóa ở trong ổ?
Họ đứng chờ hoài không được. Nên Nị bảo:
- Hay đây là “cái điềm” báo trước: nếu tặng dao, kéo, cho nhau; thì không tốt, có thể “cắt nhau đứt lìa, chia ly vĩnh viễn” chăng?

Họ không mua dao cạo râu nữa. Nị và Thiệu đồng ý chọn cho nhau mỗi người hai cái áo. Ui! “Mình” tuy hai nhưng chỉ là một, tuy một mà là của hai, vì đã hiểu ý nhau, chọn đúng màu sắc, sở thích của người yêu mà không ngờ. Thế mới ngộ. Nị trao tặng anh cái bóp mới kèm $105 dollars, là cô em suy nghĩ:
- Cái bóp mới toanh để lấy hên, anh à! Và có ý nghĩa khác là: em trao tặng anh “một trăm năm” hạnh phúc bên nhau nghen.
Anh cứ dẫy nẫy lên không chịu nhận, Thiệu nói:
- Em tốn tiền vì anh quá nhiều.
- Vậy chứ anh không tốn tiền mua những món quà cho em ư? Điều quan trọng là cách anh đã trao tặng món quà, mà em rất vừa ý đấy sao? Anh Thiệu à, có những món quà mình tặng cho nhau; tưởng rằng đó là đắt tiền… hay tự tay em đan cho anh cái mũ xinh xắn, để anh đội mà đi bộ vào mùa đông chẳng hạn, hoặc con chó lông xù… như là vật-tín báo hỉ về sự trung thành tình nghĩa. Mình đã chọn quà cho nhau thật vừa ý quá chừng. Những món quà ân tình đậm nét yêu thương ấy, sẽ đi theo chúng mình suốt cuộc đời ngắn ngủi còn lại. Nhưng kỳ thực trong lòng em nghĩ khác: “Em xa mình hổng chết cũng đau. Thuốc bạc trăm không mạnh, mặt nhìn nhau mạnh liền".

Tiền bạc hay vật chất mình tặng cho nhau, có khi rồi sẽ hết. Còn tình yêu và hạnh phúc mình trân trọng trao cho nhau, dù chỉ một lần mà vĩnh cửu một đời. Và, không có ai không có gì có thể so sánh, hay dùng tiền bạc đánh đổi tình yêu, hay hạnh phúc được suốt cuộc hành trình đi tìm về vùng hạnh phúc của riêng ta. Hẳn là anh cũng đồng ý với em điều nầy. Phải không hở anh yêu của em!?
- Anh đồng ý.
Xong xuôi, còn dư nhiều giờ, ngồi bên nhau trong nhà hàng chờ chuyến di hành, họ kể lại biết bao chuyện đáng nói. Gần đến giờ lên đường, vào trong xe nàng bắt đầu chọn quần áo gọn gàng để mang theo, dù vậy đồ đạc đàn bà bao giờ cũng rườm rà, nên Nị chọn lui chọn tới, mang những thứ cần thiết qua một túi xách khác, Nị nghiêng đầu:
- Anh cho em chung ké với anh trong ba lô không cồng kềnh, cho anh mang vác nặng mệt nghỉ vì em, há anh yêu. Đừng phụ tình em, nghen anh.
- Rồi anh sẽ có một đời mang nặng… Em ơi! Em hãy nghe anh nói: Anh biết em yêu anh nhiều lắm, nên em không suy nghĩ chính chắn, chính điều ấy đã làm phiền lòng em! Anh tức cười chứ không giận, hay bực gì em cả, vì anh biết đó là do bắt nguồn tự tình cảm yêu đương mà em đã dành cho anh. Anh cũng yêu em và anh rất trân trọng tình yêu của mình. Bây giờ anh nhắc lại, để em suy nghĩ nha:

Hôm xưa ấy… Em suy luận sai, anh không có tình ý gì, anh chẳng biết họ là ai cả. Nói lại là KHÔNG rồi; bây giờ NẾU là anh có, thì cũng là chuyện quá khứ. Anh nói hiện tại ngoài em ra, anh không có ai hết. Mà anh đã nói “không có”, là không. Còn bây giờ nếu anh nghe chuyện em kể về em, tự dưng anh cằn nhằn: “khi trước em có tình yêu như vậy”, thì sao nà! Vô lý ha. Việc nữa: anh làm Thơ Vui, là anh nói chọc (chọc phá, chứ không phải chọc để "gò, cua, câu" người ta! Chẳng có biểu lộ tình cảm riêng tư gì ở đó đâu!

Anh không biết em hiểu sao, chứ khi anh post những bài thơ đó, bạn đọc cho là vui, (chứ không một ai coi đó là: anh có tình ý gì cả; ngoài việc chọc cười thôi!). Và người kia cũng cảm thấy như vậy, để vui hay bị quê xí thôi. Em cho anh biết có người thứ hai nào nói như em vậy, thì tội gì anh cũng chịu! Ban đầu anh tưởng em giả bộ đùa thôi, đâu dè thế. Anh nói lại một lần nữa: Vì biết tất cả là do TÌNH em YÊU anh, vì em ghen mà ra, nên anh không hờn em gì cả! Nhưng em nhớ là mình phải đắn đo suy nghĩ cho hợp lý một chút nghe.
- Dạ vâng! Anh nói phải.

Đúng 8g30 pm đoàn xe lên đường. 11:00 pm đến nơi, Thiệu vào check hotel, họ lên thang máy ở từng lầu 15. Phòng ngủ khá khang trang tiện nghi sạch sẽ và rộng rãi. Ngồi bên nhau chuyện trò ăn uống thoải mái, cùng đi tắm rữa, Thiệu kỳ lưng cho Nị và em kỳ cọ lưng cho anh. Trước khi mua quà tặng nhau, thì ở nhà Thiệu đã mua sẵn hai chiếc áo thun, một cái có size XX rất rộng, dài, và một cái size vừa vừa, để khi gặp gỡ, là mỗi người mặc áo ấy vào cho người yêu, hầu lấy "hơi hướm" của nhau. Rồi khi nào chia tay, thì họ sẽ trao đổi áo đó đã mặc, để đem về nhà mình.

Bây giờ Thiệu trang trọng mặc áo cho Nị, và cô em mặc áo cho anh. Họ đã mặc chiếc áo ngàn đời khó quên, như sợi tơ trời dệt gấm hoa tình yêu, sẽ không ai có thể rứt ra mối duyên nầy. Cho dù tuổi đời họ không còn trẻ dại như ngày xưa. Nhưng “tình yêu đôi ta” vẫn nồng thắm duyên mơ, nồng nàn và đắm say như thuở mái tóc mình còn xanh vậy.

Suốt trong thời gian hầu như gần một tháng rưỡi nay Nị bị đau, nào là bị cảm cúm, lại ho kinh khủng. Khi lên phi cơ đến với anh, Nị cũng không thể mở mắt ra. Ấy thế mà… trên đường đôi ta đi tìm dấu chân tình yêu, thì đích thực sự mãn nguyện đã đến với họ trong tột đỉnh hạnh phúc cuối cùng ("happy ending")… quá tuyệt vời! Cả hai đều không thể và không bao giờ ngờ. Mùi thơm từ hương hoa ngâu trên từng lầu 15 trong Lake Charles bay về phòng, nhắc Nị nhớ lại mùi hương yêu thâm trầm đằm thắm mà ngọt ngào sâu lắng.

Nị cảm thấy dường như tình tuyệt hảo hoá thân vào mùi hương đó, và từ bờ môi ân tình say đắm nầy, mình thở nhẹ vào trái tim, vào trí óc lá bùa yêu ngọt lịm, khiến cho đêm thương ngày ngẩn ngơ mê mệt nhớ! Trùng dương mở hội cho tình yêu chân thật rất đỗi đằm thắm dịu dàng và nồng nàn lên ngôi. Bừng thức dậy khi Nị nghe tiếng chim hót trên mái lầu: Nị vương tay ra, thì chạm gói qùa và tờ thiệp hoa, ghi:
Em ngủ ngon không? Anh ngủ không ngon lắm, chỉ tàm tạm. Anh chúc em được vui tươi bình an trong tâm hồn bên anh. Anh tạ ơn em đã mang đến cho anh tình yêu nồng nàn chân thật, cho anh tin rằng mình đã yêu và được yêu trong một mối tình lớn trong đời! Anh mừng sinh nhật của em kể từ hôm nay luôn. Cầu chúc em đạt được những gì mơ ước và yêu đời kể từ nay mãi đến tận mai sau.
Người yêu em
Th.

Ôi! Anh Thiệu: Thiếu Tá Không Quân Việt Nam Cộng Hòa quyết ươm tơ vàng ung dung bay đi dệt mộng hải hồ, rong ruỗi quan hà lả lướt qua muôn dặm sơn khê: suốt từ Bến Hải cho tới Mũi Cà Mau. Anh rất hào hoa phong nhã, trí thức, cao ráo (1mét 76). Anh thuộc típ người to con, và đẹp trai với mái tóc cắt ngắn, vừng trán vuông vắn cao và rộng, khuôn mặt hồng hào, lông mày rậm và đuôi mày hơi nhếch lên dưới đôi mắt hai mí có tình, mũi lân, miệng rộng. Anh có duyên nhất là từ bờ môi nầy, khi anh cười thì lộ ra hàm răng thật đều đặn, và giọng nói miền Nam nghe sang sảng rõ ràng, nhưng ngọt ngào ấm áp chứ không gay gắt. Khiến Nị ưa ngẩn ngơ ngắm nhìn anh. Dù nay trên vầng trán anh đã in nhiều dấu ấn suy tư, mái tóc anh nhuộm muối tiêu đầy phong sương và bụi phấn thời gian phủ trên đôi vai săn chắc. Dù ngày nay tất cả và tất cả với anh đã không còn; nhưng Nị rất kính trọng anh và yêu anh tha thiết ngần nào.
Nị quàng tay lên cổ anh, vít xuống và thủ thỉ:
- Nị đến với anh dẫu muộn màng, nhưng càng yêu anh nhiều lắm. Nị yêu anh nhất và chưa từng yêu ai hơn trong đời. Bởi hôm nay đây “em yêu anh”, không vì ở trên ngực áo của anh còn gắn phù hiệu cánh bay, không vì trên cầu vai anh có một hai cánh mai bạc rực rỡ, không vì anh có chức tước vinh sang trong cuộc đời giàu kinh nghiệm xưa, (và nay đã thành phù phiếm thế trần). Bây giờ em thật lòng yêu anh khi anh không còn gì. Anh đến với em bình dị không danh phận, không xa hoa phù du như cuộc tình đầu.

Em yêu anh vì cung-cách đáng quý mến ngợi khen của anh. Em yêu anh vì lúc nào và bao giờ anh cũng giữ mực thước, trí thức, thấu hiểu, uy nghi, tính tình anh đàng hoàng, tiết độ chững chạc, không hề lợi dụng ai… và anh chân tình tin yêu. Em yêu anh vì anh có trái tim bao dung và độ lượng tình đồng-cảm. Vậy thì, xin anh hãy cho em say đắm tìm về chút mùi hoài hương xưa nồng thắm từng ấp ủ trong vòng tay nhau, dạt dào quắt quay nỗi quấn quít nhớ nhung. Nhe anh.
- Anh hiểu. Anh cũng rất yêu em, chân tình và vụng dại như ngày nào anh còn trẻ.
* * *

Trên đường trở về trưa chủ nhật, sau khi Thiệu lái xe đi vòng lần thứ nhất, thì Nị ngồi lại chờ người thân đến đón, nhưng quá lâu, nàng tủi thân và bật khóc trong tiệm ăn, nên nàng vào restroom rửa mặt. Rồi lần thứ nhì, nàng ngồi trong tiệm nhìn ra thấy Thiệu vòng xe đến, Nị vui mừng lắm, vội chạy ra parking, cốt để nhìn chàng xí thôi. Lòng Nị quá buồn khi anh chìa tay ra siết chặt tay mình, đôi mắt Thiệu trữ tình nhìn Nị say đắm thay lời chào từ biệt. Sau những ngày hạnh phúc, mình chia tay nhau, bỗng dưng Nị thèm khóc và đã nức nở gục đầu vào hai bàn tay ở trong tiệm ăn.

Dù đã dặn lòng: “Dễ gì mà khóc khi mình vẫn còn là của nhau. Vĩnh viễn. Đừng lau nước mắt tức tưởi nghẹn ngào. Không khóc nghe! Đừng buồn. Hãy cương quyết và tươi vui lên. Dù bị cào xé hơn roi vọt mỗi ngày ngấm đẫm vào tim khi tạm chia xa, em vẫn can đảm và không khóc. Hay em đã trở thành chai đá rồi sao”!? Hay vì, em vẫn và sẽ là người chiến thắng. Phản quang sinh tồn ấy là nhờ tình yêu của anh khát khao yêu em rất chân thật và chung thủy, thì hy vọng chúng ta sẽ vượt qua tất cả. Phải không anh yêu dấu?

Hôm thứ Hai, em hỏi đứa cháu gái, thì nó cho biết khu nhà ấy đúng là khu nhà mới, có tên đường ấy. Em dự định ra chợ mua những món quà Tết, mang đến nhà anh để cúng ba má, cũng muốn nhìn anh xí và để anh ngạc nhiên. Thật ra em muốn mua rất nhiều thứ: thịt, cá, rau, lạp xưỡng, v.v. nữa. Nhưng sợ không kịp giờ về cho chuyến bay xa, em nghĩ đi nghĩ lại, thấy không mấy tiện, sợ sẽ lôi thôi ra. Nên em mua mấy món quà hoa quả bánh mứt tượng trưng cho ngày Tết. (nếu bất ngờ không phone báo trước, em không gặp anh ở nhà, em sẽ để những món quà ấy ở ngoài cửa, không sợ những thứ khác như thịt, cá, vân vân… bị hư).

Chúng em tìm nhà anh mãi, chạy xe lui chạy tới gần chục vòng, cuối cùng đã tìm thấy. Tới nhà anh, em chưa kịp chui ra xe, ai dè cô ấy lại đến bấm chuông nhà anh hồi nào, và anh bước ra. Ôi, em không thể nào tưởng tượng anh đã sửng sốt bàng hoàng đến thế. E ngại, nên em không nhớ dự định ban đầu của em là: Em muốn tự tay em sắp xếp những món quà đó lên bàn thờ, và thắp ba nén nhang lạy tạ ba má. Em chỉ nhìn lướt sơ trong nhà anh, em cũng không nhớ coi cho rõ, nhà anh có phòng đọc sách, nơi anh làm việc. Trong nhà chưng bày đầy đủ, gọn gàng, sạch sẽ tươm tất lịch sự, nhưng quá vắng lặng. Anh đang sống độc thân một mình.

Anh yêu, con chim phượng hoàng rực rỡ dù có soãi rộng đôi cánh tung bay tự do thoải mái khắp bốn phương trời; thì đến một lúc cũng rã rời đôi cánh, muốn vĩnh viễn dừng lại ở mái hiên nào đó trong căn nhà vừa đủ ấm. Thế mà sao em vội ra đi như gã trể tàu, như người lỡ hẹn, như người chạy trốn, sợ e sự phiền toái ập đến?! Một nỗi buồn kinh khủng phủ chụp lấy trái tim em, đầy nghẹn ngào và chua xót, khi em mệt mỏi bước vô lòng phi cơ. Nhưng rồi trong phút chốc tràn lan hy vọng và hạnh phúc khôn cùng: là chúng mình sẽ vĩnh viễn yêu bên nhau, khiến em vui lắm.
***

Lần thứ nhất họ đển bên nhau là: Jan-14-2008. Nị vùi đầu trên ngực anh, lắng nghe Thiệu tâm tình:
- Khi anh đọc thơ, và cũng như lúc mình nói vơí nhau, anh thật vui và thấy có hạnh phúc. Cám ơn trời đã mang mình lại với nhau! Anh nghĩ: lúc trước không biết anh tán em hồi nào, anh cũng không nhớ, và không có ý đó nữa. Nhưng mà sao lúc nói với em, tự nhiên anh có những lời lẽ như thể mình đã quen thân, bồ bịch với nhau tự thuở nào vậy! Bây giờ nhớ lại, anh tức cười ghê. Như vậy mà thành há. Bởi vậy anh cho là hai đứa mình được Ơn Trên sắp đặt đến đúng thời điểm nầy, là dính với nhau thôi! Được vậy, thì cứ nên trân trọng, cùng hưởng nghe em yêu.

Chỉ biết mình đến với nhau bằng tình chân thật, và hết lòng với nhau trong hiện tại, không dám đòi hỏi gì hơn. Có được là tốt thêm thôi, chứ không bắt buộc. Trong những lúc nào đó trong đời sống mình có gì không vừa ý, thì hãy nhớ rằng: vẫn còn có anh (hoặc em) bên cạnh, để vỗ về và sống với nhau, tuy trong mộng, mà thực đấy nghe. Anh vẫn mong muốn cho em có hạnh phúc, và anh chỉ là kẻ lấp đầy thêm những cái em thiếu thôi, nhất là về tình yêu, để cho em vui, là đẹp rồi. Đúng là trên đời nầy biết bao người có đầu óc làm hại kẻ khác vì ích kỷ, rêu rao nầy nọ, khoe khoang! Anh hoàn toàn không như vậy, nghĩa là con người anh thuộc loại bình thường, nhưng lương thiện, chứ không là bậc anh hùng, hay loại đạo cao đức trọng gì. Những gì anh đã hứa và nói với em, đều đáng tin cậy vì chữ tín, và lương tâm của anh lớn lắm.
- Lần thứ nhì họ hẹn hò với nhau 4 ngày là: Thứ Ba, ngày 17-Mar-2009. Lần nầy Thiệu nhìn sâu vô mắt Nị:
- Em yêu. Lúc trước mình đã từng nói với nhau rằng: hễ có gì thắc mắc không rõ, là nói ngay ra, đừng ghim trong lòng mà giận hờn không nên. Em còn nhớ chứ?! Thì ra nói vậy mà không phải vậy há!! Anh cũng không ngờ anh đùa với em, cái ý nói “em đúng là dân... hay cải đó”, mà anh viết (… chấm chấm); không ngờ em lại không hiểu ý bởn cợt của anh!! Biết em như vậy, từ nay anh không bao giờ đùa với em nữa, là yên chuyện. Trong đầu em lại nghĩ là: anh nói em là (thứ) dân gì là sao?, (tại chính em mang vô chữ “thứ" nghe nó nặng nề thêm, lầm là vậy đấy).
Nàng cúi đầu im lặng.
- Tại sao em nói hiểu anh; mà em cho con người anh ăn nói như vậy chứ?! Có bao giờ anh lại khinh miệt người mình yêu một cách vô cớ như vậy không? Anh thật không ngờ em hay bắt bẻ vô lý, em hay hỏi dò, để xem ý, rồi suy đoán sai. Em có tật hay nói lẩy quá đi! còn nói mát và xóc óc nữa! Bản tánh của anh thẳng thắn, nên nói ra ngay như thế! Thí dụ như em nói: “thì xin lỗi đó, được chưa? Hoặc giả… “thì em ngu nên không hiểu ý anh”. Sao em không để dành những câu như vậy, để đối đáp với những nơi và những ai cần đối đáp. Chứ em đem ra nói với anh làm gì, mất vui! Cái gì không bằng lòng và không rõ, thì em nói thẳng ra, dù em xem anh thế nào đi nữa.

Phần anh thì cư xử với ai cũng vậy hết. Tại sao đến giờ phút nầy mà lại có chuyện vô cớ, làm khổ nhau, hả em? Hay là cá nhân em vừa có chuyện gì buồn bực trong lòng, mà nảy sinh ra gắt gỏng như thế chăng? Em thử xem lại coi anh có ý nói như vậy không? anh không có gì sợ mà tráo trở tránh né đâu. Đó là bản tánh của anh, mong em thấy. Như vậy là em cố tình tạo ra sự căng thẳng... dựa vào một chuyện không có thực gì cả! Tại sao em không đem chuyện đó ra thẳng thắn mà hỏi anh? Mà có gì đâu để hỏi chứ? Hay là em chỉ dựa vô đó như là một cái cớ, để xa nhau... mà thôi? Nếu em muốn vậy, thì cứ nói ra, chứ cần gì nại cớ nầy cớ nợ làm chi!

Anh đã nói từ lâu anh không có gì oán trách em hết, cho dù em xa anh bằng cách nào. Thế thì có ngại gì em phải lấy cớ... mà cũng nực cười là cái cớ không có gì vững vàng cả! Anh sợ gì chuyện quen người nầy người nọ mà nói dối chứ. Nếu anh có quen ai, cũng xảy ra trước khi anh gặp em mà. Thế thì đâu có gì đáng trách anh? Ngặt nỗi là anh không quen ai trong lúc đang yêu em; mới đáng nói chứ! Nầy em, nếu em vẫn coi chuyện ấy là quá serious, và em TỰ cho mình là đúng, thì anh mong em kể rõ lý do vì sao mà em quyết định như vậy đi.

Cái gì cũng nên nói một lần cho dứt khoát! Chúng ta là người lớn, có hiểu biết cả, xin thẳng thắn phân tỏ rành mạch, đừng để hối tiếc, và phải ân hận vì sự nông nỗi của mình, nghe em. Anh không muốn chuyện tình của mình tan vỡ một cách phi lý như vậy. Đó là vì anh cũng vẫn tin nơi những gì em nói với anh từ trước, nên anh nhắc lại thế! Xin nói lại anh không có gì lỗi trong chuyện nầy cả, nên anh không cần phải năn nỉ hay xin lỗi gì hết!
- Dạ, anh nói rất phải. Em sai.
- Nếu em biết là sai, thì từ nay em không nên lập lại nghe em.
- Dạ vâng.

Người ta thường bảo: “Sinh ly, tử biệt rồi, mới nhận ra sự chân tình của người mình yêu”, thì đã muộn chăng? Thế mà giờ đây khi ngồi trên seat 17 F chuyến phi cơ CO 1830 W, lúc 7:15PM – thành phố của người yêu trầm mình dưới đáy phi cơ đang trôi bồng bềnh trong bầu trời đêm rét mướt, khi triệu triệu ánh đèn màu xa dần, xa dần… chìm khuất và mất hẳn. Trả lại anh yêu ở ngôi nhà cũ trong đêm đen vô tận, Nị gửi lại cho người yêu những chéo mộng, cùng nỗi trống vắng vô cùng nhớ nhung, thương cảm xót xa tột cùng.

Trở về nơi chốn xưa, Nị đã xé tặng Thiệu nửa mãnh trái tim, lòng nàng trĩu nặng nhớ thương mà quá đỗi là đau, cơn đau đầy tê tái trong hạnh phúc vun ắp bẽ bàng quá thật! Ôi sao giờ đây mình đã xa nghìn trùng sóng bão. Hở anh yêu?! Chao! tình yêu ấy nhè nhẹ, an nhàn, đơn sơ, mộc mạc, thấm đượm tình yêu đồng quê cỏ nội mãi hoài nhe anh yêu! Khi mình hân hoan dẫm trên lối xưa để tìm đến nhau. Cùng chia sẻ niềm vui chất ngất trong hạt lúa trổ đòng đòng. Cùng cụng ly rượu hồi quang ngọt bùi, bên nồi ngô khoai bốc hơi thơm ngào ngạt. Yêu nhau trong tiếng ca dao tình tự, trìu mến lời ru con từ mẹ nhân ái trong từng nốt nhạc hân hoan, độ lượng và ưu ái khoan dung.

Lòng mình sẽ lắng dịu hết những u uẩn đau buồn cao chất ngất. Ta hãy cùng nghe mình đang phổ tình yêu đắm đuối vào từng nốt nhạc, thở hơi sương lả lướt đắm say trong lòng đời: Ước mong anh sẽ lắng nghe bài thơ nầy; trong đó, Nị yêu thích nhất là những đoạn nhạc lời thơ rũ rê gọi mời nhau rất trữ tình, vô tình nói giúp nàng bao hạnh phúc đơn sơ, mà nàng không thể diễn đạt nên lời.
- Lần thứ ba gặp nhau 4 ngày là: Ngày thứ Tư, 02-Sept- 2009. Khi hai người ngồi bên nhau, Nị thút thít khóc, thì Thiệu băn khoăn:
- Em à, có mấy điều anh cần nói thẳng ra, em nên suy nghĩ xem sao nghe: Tự dưng kêu nhau đến đây, rồi phút chót em lại kiếm chuyện gì không đâu, để làm phiền lòng nhau. Tại sao tới giờ nầy mà em không tin anh bận? Cái vụ làm sân gạch và cỏ nhà anh, đâu phải làm một vài ngày là xong. Anh vừa lo nghĩ cách làm, vừa làm mệt, mà nói ra như vậy, không được sao, không tin à? Đúng là em cứ đem ba cái chuyện đó ra nghi ngờ, dọ hỏi để không tin, rồi nói lẩy nói đương; như vậy có giúp ích gì trong tình yêu không? Nếu em không tin mà cứ cho anh là như vậy, thì em nên xa anh ngay, cho em khoẻ thân và không bận lòng gì cả! Thật ra, anh cũng có nỗi buồn vậy! Nhưng mà em à, mình phải chấp nhận cái tình cảnh hiện tại thôi, biết để mà không buồn và oán trách nghịch cảnh gì cả em à!

Thuở ban đầu mình tưởng rằng chỉ thân nhau thôi, nhưng không ngờ mình đã được đến với nhau, sống hạnh phúc bên nhau, như vậy là bù đắp được khá nhiều rồi em ơi. Không nên mơ ước theo ý mình hoàn toàn, để rồi thất vọng, khổ tâm thêm chứ ích gì! Em tập nghĩ rằng: mình có được như vầy là ĐƯỢC THÊM đi nghe em. Nếu không được thêm nữa, thì đành chịu vậy. Nhớ mà trân trọng, nâng niu cái gì mình đã có với nhau. Giữ mãi như vậy, là quý đó em ạ! Trong tương lai, dù khó khăn, nhưng biết đâu có sự xui khiến, thì mình gặp nhau thôi, biết đâu được, có ai ngờ!

Anh nghĩ là số mình chắc chắn là thọ, có điều là sau nầy sức khoẻ sẽ yếu kém nhiều vì một phần là lớn tuổi, một phần sức khoẻ sẽ suy yếu, là đương nhiên. Cho nên nghĩ và nói ra cái thực tế là: sau nầy mình rất khó gặp lại nhau lắm em ạ. Thôi thì dù sao bây giờ mình cũng may mắn gặp gỡ, hạnh phúc vui vẻ với nhau như vậy, cũng là rất quý và đáng trân trọng, ghi nhớ há. Trong tương lai chắc là mình cũng còn trọn lòng với nhau, và nghĩ về nhau là tốt rồi đó em ơi. Đó là thực tế, mình phải thấy như vậy!

Hôm sau khi nhổ răng cái thứ nhì về, là chiều tối Thiệu bị sốt, mà trong người lạnh run, phải trùm và nằm trên tấm heat nóng khoảng hơn một giờ, mới hết lạnh run. Có lẽ do anh hơi ớn lạnh muốn bệnh, mà đi nhổ răng, nên mới sinh ra như vậy. Lần đầu tiên trong đời mới bị như vậy. Tóm lại coi như tiêu thêm hai cái răng hàm dưới, từ nay ăn uống sẽ khó khăn và chậm chạp, đành chịu thôi. Chứ nó nhức từng cơn không thể nào chịu nỗi. Cái bệnh nướu răng nó khốn nạn thật! Nhìn hai cái răng không hư hao gì cả, mà phải nhổ thật là tiếc!
***

Nị đã thẩn thờ lo âu và bàng hoàng lắng nghe tin nhắn: Thiệu lâm trọng bệnh:
Những lời dặn trước mong rằng em suy nghĩ cho chính chắn, để làm đúng theo lời anh dặn nghe. Duyên tình của mình được Trời cho thêm như vậy là quý rồi, và mình cũng có may mắn gặp nhau như vậy, là coi như mãn nguyện. Bây giờ không phải là lúc hỏi có yêu nhau không? mà câu đó mình đã nói - cũng như xác nhận từ lâu rồi, phải không em?

Hôm DEC 10 anh đi đến bác sĩ để làm siêu âm về tim như thường lệ, mỗi năm làm một lần. Mãi đến hôm Dec24 (14 ngày sau) bác sĩ mới kêu anh đi vào bệnh viện emergency, để có thêm những cái test khác, vì KẾT QUẢ họ thấy không bình thường. Thế mà lúc đó là cận lễ NOEL, nên anh tự động dời lại đến thứ 2 DEC 28 mới đi đến đó. Nhưng khi vào bệnh viện phòng emergency, thì họ không cho về, và bắt anh phải nằm lại, để có nhiều cái test. Lúc đầu họ nghĩ là anh bị máu đóng cục.

Nhưng sau khi làm siêu âm lại - thì không phải, mà họ thấy trong valve tim của anh, có một chút gì đó rất nghi ngờ bị nhiễm trùng. Nên họ lấy máu để xem có đúng hay không, họ cần anh phải làm nội soi, cho họ nhìn rõ bên trong xem ra sao. Họ bắt anh ở lại để sáng hôm nay thứ 4 sẽ làm nội soi. Anh không đồng ý xin về, và thứ Hai tuần tới gọi phone để hẹn và sẽ làm sau. Lý do nằm trong nhà thương mà chờ đợi thì tốn tiền vô lối lắm.

Trở về thực tế thì anh xin nói và dặn như thế nầy. Trong thời gian anh phẩu thuật cũng như sau nầy tuyệt đối không muốn em đến thăm hay gọi phone gì cả. Vì làm như vậy không ích lợi gì cho nhau, mà gây rối rắm và phiền hà lắm. Mấy đêm qua có ngủ được chút đỉnh; thật tình anh cũng không biết con người bây giờ ra sao nữa. Nó xáo trộn khi vầy khi khác không đoán trước được; duy có điều là anh dễ bị mệt hơn xưa nhiều lắm.

Thí dụ như chỉ xách mấy bịch đồ đi chợ về, từ garage vô nhà mà cũng mệt. Thật nản cho anh bây giờ. Thực lòng mà nói sức khoẻ của anh được bình thường 85%, nghĩa là không còn nước ra; phải mang ống nữa; chứ không có nghĩa là 85% của lúc xưa, em hiểu không? Bây giờ dễ mệt, đi mà nhìn qua lại nhanh là chóng mặt, lên cầu thang cỡ 7,8 bậc là mệt. Hay là ngước lên vói tay làm gì đó, là mệt phải thở...

Kể sơ như vậy. Dù sao được như bây giờ cũng là quá ngon lành rồi. Chứ lúc trước chỉ riêng cái vụ fluid là nó quần anh mệt lắm, vì nó ép buồng phổi khó thở. Anh vẫn biết rằng mỗ tim mà đâu dễ bình phục mau được! Sức khoẻ làm phiền mình lắm từ thể xác đến tinh thần...
Có một số bạn bè của anh biết anh sẽ đi phẩu thuật, tất cả những tin tức bạn bè thăm hỏi ấy anh đều không đọc, vì thời gian trong tháng đầu tiên sức khoẻ còn yếu sức lắm, nên cá nhân anh không thích ồn ào xôn xao. Em có suy nghĩ và thấy vậy không.

Do giải phẩu trong VAN TIM nên, phải mất thời gian khá lâu mới hồi phục sức khoẻ lại bình thường, anh nghĩ ít ra cũng vài tháng, mới có thể ngồi lên sơ sơ vào Internet được, còn bình phục hoàn toàn phải cả năm đó em à! Khi nào khoẻ được thì anh vào gửi mail cho em ngay nhé. Bởi vậy mình đã có cơ may gặp nhau như vậy, cũng là mừng vui, hạnh phúc lắm rồi; trong tương lai sức khoẻ của anh sẽ yếu đi, chắc gì mà mình gặp nhau được. Thì mình vẫn gặp và yêu nhau trên nầy, và ở trong phòng của mình vậy.
Mong em đọc kỹ và làm đúng như lời dặn của anh nghe. Hôn em nhiều lắm.

May-01-10.
Em yêu
Dĩ nhiên là thời gian nầy anh vẫn liên lạc thư với em đều đặn mà. Thật sự anh không sợ hãi vụ đi phẩu thuật gì cả. Ngay cả không sợ chết đâu, nghĩ mình cũng lớn tuổi rồi, nếu Trời không cho sống nữa, thì chịu thôi, anh bình thản không sợ gì cả. Tuy nhiên vì là con người nên có lo lắng, tâm trạng như học sinh bồn chồn băn khoăn như ngày đi thi vậy mà, chứ thật tình anh không sợ gì hết.

Thứ 5 tới, là ngày JAN 21, anh phải đi vào đó làm một cái test khác trước khi phẩu thuật, đó là điều bắt buộc, để b/s xem anh có bị nghẻn tắt ở mạch nào không, để khi giải phẩu b/s biết thì họ làm luôn. Sau đó sẽ có ngày hẹn đi giải phẩu, chứ bây giờ chưa biết, nhưng anh nghĩ là khoảng cuối tháng nầy! Hôm nọ nhờ thọc máy chụp hình vào họng để soi, tim nên thấy trong Van Tim của anh có một cục thịt thừa tròn nằm dính phía ngoài VAN, giống như cái bong bóng có dây cột vô que gỗ vậy. Van tim như que gỗ, mỗi khi đóng mở, thì cái bong bóng nó bay đập tứ tung.

Bác sĩ bật hình lên cho anh thấy, nên anh mới quyết định cho mổ, vì sợ nó vỡ ra, hoặc là nó nằm nghẻn mạch, là nguy hiểm lắm. Nhưng mà em yên tâm nghe, vì B/S nói: đó là loại dễ trong mấy ca mổ Van Tim. Nhưng mà vì mổ tim nên phải cần thời gian hồi phục. Anh hỏi thăm và đoán biết rằng ít nhất cũng phải gần ba bốn tháng mới thấy đỡ đau. Dĩ nhiên sức khoẻ không được như xưa đâu. Hiện tại anh vẫn thấy bình thường, khoẻ mạnh, vẫn đi bộ như thường em ạ!

Anh không nói ra, nhưng hiểu tình cảm mà em dành cho anh như thế nào chứ. Anh biết và cảm động lắm. Yêu em nhiều. Anh vẫn nhớ và giữ lời nói lúc trước với em! Với bạn bè, một số ít biết, anh yêu cầu họ đừng phổ biến đến những bạn khác, vì lẽ anh sợ họ gọi tới hỏi thăm nầy nọ, lại làm cho mình thêm lo lắng hơn thôi, thà để yên vậy cho thanh thản đến ngày đi phẩu thuật. Khi nào gọi cho em, thì anh sẽ viết cho biết trước; nhưng em phải bình tĩnh, đừng khóc lóc hay lo sợ gì cả, không hay nghe em. Anh nhớ những lời em dặn, phải hỏi b/s chớ, nhưng dù sao mình phải kiêng ăn tôm, cá biển và nếp... dễ làm cho thịt lồi ra và ngứa...
***

Ca mổ của Thiệu là đại phẩu thuật vì mổ xẻ trái tim, mổ gần 5 giờ đồng hồ, xong có đặt ống để cho chảy nước vàng ra. Anh bị biến chứng, vì cỡ 4 ngày sau bác sĩ rút ống chảy nước vàng ra, nên nó ứ đọng, làm anh mệt và khó thở lắm. Anh ho, là ra máu ở ngay lằn mổ, nên bác sĩ biết có máu đọng, do đó Thiệu phải mổ lần hai, để lấy nước vàng ra, và đặt ống rút nước, để vậy đến bây giờ coi như cả tháng. Mổ lần hai lấy ra gần 1 lít nước vàng.

Rồi sau đó vì nhịp tim Thiệu đập yếu, nên họ phải giải phẩu lần ba, để đặt máy trợ tim =pace maker vào cơ thể của anh vĩnh viễn. Bác sĩ quyết định đặt máy trợ tim để khi nào tim mình đập thấp, thì nó tự động kích trái tim mình đập mạnh lên. Máy nầy đặt dưới da trên ngực, chứ không phải trong trái tim. Cỡ gần 10 năm khi check thấy hết pin, là bác sĩ mổ ra ngay chỗ đó, để thay pin, chứ không phải mổ tim ra nữa. Mổ chỗ đó chỉ khoảng 1/2 giờ thôi. Có nhiều cái phức tạp nữa…

Tim anh vẫn còn trục trặc, hôm nọ đi rút nước ra rồi, mà nó vẫn còn có air trong thành của buồng phổi! Nếu nó từ từ biến mất thì ok. Còn không, phải đi rút kiểu khác, rất phiền. Anh vẫn còn yếu và mau mệt. Chuyện về mình, trong tương lai thật khó mà gặp nhau lắm, vì sức khoẻ của anh. Em ạ! Anh đã đọc mail của em và attach mà em gửi, nên bây giờ anh có đôi điều nói với em đây:

Về phần anh. Thật tình mà nói anh có ý tốt đối với em, mà em không thấy hay sao lại đâm ra quạo quọ với anh vậy?? Anh biết tình cảm của em đối anh mà. Nhưng anh cũng biết thân của mình bây giờ, nên anh không trói buột em điều gì cả, mà đó chẳng qua là mở lối cho em cảm thấy thoải mái thôi. Phần anh đối với em vẫn vậy! Nhưng nói trước vì sức khoẻ, nên lắm khi bất ngờ anh không vào mail cho em mỗi ngày. Như vậy làm cho em nổi nực, rồi nghĩ nầy nọ (như 5 ngày vừa qua đó) ...làm anh cũng thấy không vui. Tất cả những gì nói trên là góp ý và nhận xét chân thật, nếu có gì khác ý của em, cũng bỏ qua cho nhá.. Có gì cần chia xẻ và trao đổi với anh thì em cứ tự nhiên. Lúc nầy anh oải quá hết hôn em nổi.

Riêng phần em, anh đồng ý cho em vui vẻ, hoặc trao đổi thư từ với những ai mà em thấy hợp. Anh không hề trách cứ gì em cả. Miễn là em được đền bù vui vẻ là mừng rồi. Đó là những gì anh nói thực. Vì mình phải biết và nhận thấy cái thực tế đó em ạ! Anh rất hiểu tình cảm và sự lo lắng của em dành cho anh. Anh không quên cám ơn những lần cầu nguyện và sự quan tâm em dành cho anh. Em cứ tự nhiên cho đỡ buồn, nhưng nhớ tình là chính và căn bản đó nghe em. Cám ơn em đã lo lắng và an ủi anh. Anh rất hiểu điều đó, anh hiểu, biết và thấy nhiều về tình cảm của chúng mình. Nhưng anh không muốn kể lể ra làm chi, giữ mãi trong lòng thôi em ạ.

Đúng ra bây giờ anh yếu và hay chóng mặt quá. Hôm nọ trên FL, đi ra ngoài ăn, đang ngồi trên bàn ăn thấp, anh nghiêng qua một bên để lau chùi cái bàn bị rớt đồ ăn dơ, vậy mà mất thăng bằng, ngã xuống sàn nhà, không sao cả, nhưng thấy là mình yếu nên không gượng vững được. Cũng như ở nhà khi ngồi chồm hổm một xí là bật ngửa trên thảm, vì ngồi như vậy thì uất hơi khó thở! Nếu ngồi cả ngày mà không nằm nghỉ, là mệt thấy rõ! Phải chịu vậy thôi. Dáng đi của anh bây giờ thì khom và rút vai. Thấy nản quá. Tập sửa dáng đi lại, chắc cũng hơi khó đây!

Lúc nầy trời ở đây rất lạnh dưới 40 độ, Anh đi bộ mặc áo lạnh dày và trùm mũ len do Nị đan tặng… nên rất ấm áp. Bây giờ chỉ có vậy và hồi ức là hình ảnh đẹp. Mình biết vậy và phải chấp nhận. Tự trong thâm tâm Thiệu mong Nị cũng biết nghĩ suy cái thực tế, để mà sống bình thản! Dù sao thực tại mình còn liên lạc trao đổi vui buồn trong cuộc sống, như những người bạn tâm giao là điều quý. Thiệu cũng có sự hiểu biết, coi chuyện xưa là kỷ niệm đẹp thôi, và anh cũng cám ơn Ơn Trên đã cho mình được những gì mong ước. Coi như vậy là đủ... Giữ chuyện xưa ở mức độ như thế là đẹp!

Vì thực tế về sức khoẻ của chàng bây giờ đã khiến Thiệu bức rức, tánh tình hay bẳng gắt lắm! Ngay chớn-thuỷ ở ngực hay bị uất hơi, khó thở, và hơi đau lói ở đó, có lẽ do bị nhịp tim (rhythm) đập nhanh gây ra như vậy. Thiệu đang uống thuốc bệnh nầy! Khi đi thì cảm thấy như bị co rúm lại, nên khó thẳng người. Ngoài ra da măt và da đầu bây giờ hay bị tróc da như vảy cá vậy! Có lẽ bị mỗ tim, nên nó làm cho da khô hơn xưa? Ngồi dựa lưng vào thành ghế một xí là bị ho, do phổi yếu chắc. Bây giờ một ngày uống hơn 10 viên thuốc. vì vậy Thiệu để hình ảnh xưa cho nó đẹp, hơn là thực tại (em nhá).

Dĩ nhiên đó cũng gợi nhớ đến kỷ niệm vui… nhưng mà thôi, chắc là cái phần mình chỉ được có vậy thôi, không nên than oán gì cả! Sức khoẻ làm cho con người cũng hết hăng hái mọi chuyện.. Phần em phải lo cho sức khoẻ mọi thứ đi nghe... Vì lớn tuổi thì sức khoẻ của mình cũng thất thường lắm! Anh cầu mong cho em khoẻ mạnh và vui. Thiệu về nhà mà còn mang một túi nhỏ bên hông để đựng nước vàng. Tội nghiệp gia đình, em yêu, người thân và bạn bè đều lo lắng, đồng thời cầu nguyện cho anh nhiều lắm. Thiệu rất xúc động và mang ơn tất cả.
***

Mỗi đêm… từng đêm… Nị hai tay ôm đầu, lắng nghe bài ca: “Cơn Bão Nghiêng Đêm” và, không thể cầm được lòng, nàng đã gục đầu lên thành ghế khóc nức nở, khóc hoài, khóc mãi muốn mờ đôi mắt.
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
02-18-2014, 09:15 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1391311018.png


Lời cảm tạ
Với sự nhiệt tình đóng góp nhiều chi tiết của các Phượng hoàng: Phạm Đình Khuông, Lê Thuận Lợi, Tạ Thượng Tứ, & những hình ảnh, dữ liệu đã thu lượm được trên các trang mạng ‘google.com’ ‘wikipedia.org’ , và tài liệu cá nhân. Nhứt là lấy trong quyển ‘The Flight Jacket’ cadets classes 1-48/ 1962, chúng tôi xin mạn phép được giới thiệu công lao của Trường Phi Hành Hải Quân Hoa Kỳ Pensacola: đã trang bị cho KLVNCH những tài năng hiếm quí; đã từng đóng góp một phần xương máu cho Thế Giới Tự Do nói chung, và cho đất nước Việt Nam Cộng Hòa nói riêng.
Phượng Hoàng Kim Cương
***



Không Quân Pháp rất kiêu hãnh về Trường Võ Bị Không Quân Salon-de-Provence (École de l’Armée de l’Air et de l’Aéronavale Française) thì Hoa Kỳ cũng không kém tự hào về Trường Phi Hành Hải Quân Pensacola (U.S. Naval Air School Pensacola) của họ. Trường là cái nôi của Hàng-không Hải-quân Hoa Kỳ (Cradle of Naval Aviation), nơi đã đào tạo nhiều nhân tài, điển hình là các phi hành gia không gian, như Đề đốc hồi hưu Alan B. Shepard Jr., người Mỹ đầu tiên du hành trong không gian. Tr/tá Neil A. Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên Nguyệt cầu, và gần đây nhứt là hai cha con cựu Tổng thống Hoa kỳ George H. W. Bush và George W. Bush, và ứng cử viên Tổng thống Thượng nghị sĩ Tiểu bang Arizona John S. McCain III.
Lịch sử Hàng không Hải quân HK bắt đầu từ Pensacola, thành phố đã có từ thế kỷ XVI. Mãi đến 1825 Bộ trưởng Hải quân HK mới cử một phái đoàn đi tìm đặt một căn cứ hải quân tại đây. Đến năm 1910 Hải-quân Đ/úy T.G. Ellyson là người đầu tiên thọ giáo hai anh em Orville và Wilbur Wright và Ông Glenn Curtiss, để học bay tại căn cứ này. Trường này đã đào tạo 999 phi công vào Thế chiến I và trên 28,000 vào Thế chiến II.
Người ta gọi nó là “Annapolis of the Air” Võ bị Hải Quân của Không gian. Bộ Chỉ huy Phi huấn HQHK (Naval Air Training Command) đã chọn nơi đây để đặt đại bản doanh. Toán phi diễn nổi tiếng của HQHK “Blue Angels” tạm dịch là "Thiên Sứ Xanh" cũng chọn nơi đây làm tổ ấm. Với những thành tích trên, chúng ta có thể mạnh dạn nói rằng: “Xuất thân từ Trường Pensacola là những phi công ưu tú nhứt thế giới” - “Through the gates of the Naval Air Station Pensacola pass the finest pilots in the world”.
Nằm ngay cuối cán xoong của Tiểu bang Florida, sát ranh giới Nam Tiểu bang Alabama, dọc theo vịnh mang cùng tên là hải cảng to lớn và thành phố Pensacola. Khí hậu ôn hòa mát mẻ của Vịnh Mễ-Tây-Cơ, rất thích hợp cho các công tác thao luyện nhọc nhằn và nhiều tập trung của trường bay. Căn cứ bay Naval Air Station Pensacola là một mũi đất (langue de terre), chiếm trọn phần còn lại phía Tây-Nam vùng vịnh, tiếp giáp thành phố trên một địa thế rộng 5,804 acres; phía Bắc là cửa sông Bayou Grande, và phía Nam là phần còn lại của vịnh Pensacola Bay trước khi đi vào Big Lagoon; một đầu là ụ tàu navy yard và bãi đáp trực thăng Chevalier Field (1) ở Đông-Nam, và sân đánh golf A.C. Read (2) ở Đông-Bắc; đầu bên kia là phi trường Forrest Sherman Field (3) ở Tây-Nam.

http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1391237746.png

Chỉ một căn cứ hải quân thôi mà có tới 3 Bộ Chỉ huy đồn trú: ngay cột cờ màu xanh nước biển với một sao trắng trước tòa nhà Bldg 45: là BCH Phi huấn Căn bản Chief of Naval Air Basic Training. Cờ với hai sao trắng trước Bldg 628 là: BCH Phi huấn Hải quân Chief of Naval Air Training. Cờ đỏ với huy hiệu binh chủng Thủy-quân Lục-chiến Hoa Kỳ là: BCH Liên đoàn Trợ Huấn Phi hành Marine Aviation Training Support Group. Không đoàn VI Phi huấn gồm Phi đoàn VT-4 Warbucks (Chiến lộc). Phi đoàn VT-10 Wildcats (Linh miêu) và Phi đoàn VT-86 Sabrehawks (Kiếm ưng). Phi đoàn Phi diễn Blue Angels và Biệt đội Trực thăng Tìm Cứu NAS Pensacola Search and Rescue Detachment, đóng ở phi trường Sherman Field.
Ngoài ra, Viện Bảo tàng Quốc-gia Hàng-không Hải-quân National Museum of Naval Aviation trưng bày nhiều phi cơ, và phi thuyền với lịch sử của nó. Pháo đài cổ Fort Barrancas và Nghĩa trang Barrancas National Cemetery là những di tích của thời Nội chiến Civil War. Ngọn hải đăng Pensacola Lighthouse, nằm phía bên kia đường cách Viện Bảo tàng là một địa danh lịch sử hiếm quí, và một phong cảnh ngoạn mục cho những cặp tân hôn và nhiều người đến chụp hình trong những dịp lễ đặc biệt.
Trung tâm Huấn luyện Kỹ thuật Naval Air Technical Training Center nằm ở Chevalier Hall, Trường Phi hành Naval Air Schools gồm có Trường Địa huấn School of Preflight. Trường Sĩ quan Phi hành Naval Aviation Officers School. Trường Y khoa Phi hành School of Aviation Medicine đã cung cấp hoa tiêu, nhân viên phi hành và kỹ thuật hàng không, bác sĩ phi hành cho cả Hải quân Navy. Thủy quân Lục chiến Marine. Lực lượng Duyên phòng Coast Guard Hoa kỳ và một số Quân đội đồng minh Allied Forces.
Tại Trường Địa huấn, hằng tuần có một lớp nhập học và một lớp ra trường. Bỏ qua các mùa lễ lớn, mỗi năm có 48 lớp. Số người không nhất định. Có lớp đến 70 người như lớp 48-62, còn có lớp chỉ có 16 người thôi, như lớp 16-62. Khóa sinh gồm có:
- Các sinh viên đã tốt nghiệp 4 năm Võ Bị Hải Quân US Naval Academy, Annapolis, Võ Bị Quốc Gia US Military Academy at West Point, và Đại học Universities hay Colleges, là những AOC (Aviation Officer Candidates).
- Các sinh viên đã tốt nghiệp Junior Colleges là những NAVCAD (Naval Aviation Cadets) hoặc MARCAD (Marine Cadets);
- Các sĩ quan, hạ sĩ quan đã tốt nghiệp Đại học, muốn chuyển qua ngành phi hành.
- Các khóa sinh SQ hoặc SVSQ đồng minh (Allied Students) trong chương trình trao đổi hoặc viện trợ quân sự.
Sinh viên Sĩ quan (Cadets) thì phải qua 16 tuần lễ huấn luyện, còn Sĩ quan chuyển ngành thì có 8 tuần để vào khuôn khổ (indoctrination). Chương trình Địa huấn bao gồm 3 lãnh vực: Văn hóa, Thể lực, Quân sự. Khóa sinh phải đạt được điểm chuẩn cho từng ngành thì mới được tốt nghiệp.
Tất cả khóa sinh mới phải trình diện ở Phòng Trực OOD (Officer of the Day) tại Bldg 624. SVSQ và khóa sinh dân sự thì bị tước đoạt hết mọi thứ đồ xi-vin, khi ra trường mới được trả lại. Họ phát cho mỗi người một bộ áo liền quần (poupie suits) và một đôi giày đi rừng (boondockers, loại giày da lộn sần sùi), rồi tống cổ tất cả vào một hầm tối tập thể (squad bay), đóng sầm cánh cửa sắt và khóa lại. Đây là một loại khám tối (cachot), không có đèn đuốc chi cả. Một nửa bức tường ngăn ở giữa. Sát hai bên tường này là một bậc thềm cao, và rộng vừa đủ để có thể nằm ngủ trên đó. Đi tiểu thì ở cái mương dọc theo vách phía bên kia, có nước nhểu rỉ rả. Cánh cửa sắt có cái cửa chớp (shutter), cái khe nhỏ vừa đủ rộng để mắt nhìn ra ngoài; khi có đại tiện thì gọi SVSQ trực mở cửa. Sáng sớm hôm sau, họ đánh thức bằng tiếng chuông reo inh ỏi và loa hô to:

http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1391237867.png

http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1391185646.png
Cổng chánh vào Trường Phi hành Pensacola

“Reveille! Reveille! Reveille! All hands hit the deck”. Tất cả chạy ra ngoài, nghe giảng một hồi, rồi co tay chạy đều lên phòng ăn sáng, không thấy thằng nào đánh răng, rửa mặt chi cả. Ăn xong là tất cả xếp hàng chạy bộ về lớp học. Tiểu đoàn trưởng Khóa sinh Battalion Officer chào mừng khóa sinh mới đến: “Welcome aboard!” và giới thiệu chương trình lớp Indoctrination Class tạm dịch là lớp Huấn Nhục. Sau đó họ đưa đi cạo đầu sát rạt (như mấy thầy chùa vậy đó). Các cadet đến phòng quân trang, lấy ni nón, áo quần, giày, rồi được lãnh quân phục, chụp hình làm thẻ căn cước và cấp cho thẻ bài dogtag…
Huấn luyện viên là US Marine Sergeants. Họ truyền thụ, từ lời ăn tiếng nói dõng dạc to lớn, đến cách đi đứng chặt góc vuông, chào hỏi. Ngồi ăn phải thẳng lưng và nâng thức ăn ngang miệng, rồi mới đưa vào.
Khóa sinh ngoại quốc phải mất thêm ít nhất 2 tuần lễ nữa để học Anh văn của Hải quân Hoa kỳ. Sau khi khám sức khỏe tổng quát lại, thấy tốt, thì mới được xếp vào lớp.
Mỗi sáng khi nghe tiếng chuông reo và loa phóng thanh đánh thức, mọi đứa, mắt nhắm mắt mở, đều chụp lấy nùi lau, quơ quàu cái màn lá sách che cửa sổ (venitian blinds), tấn drap giường cho thẳng thớm, làm vệ sinh cá nhân, ôm bồn cầu lau sạch sẽ, bồn rửa mặt cũng phải khô ráo, cục xà-bông phải xài, chớ không được để chưng thờ, mà phải lau khô sau mỗi lần xài. Khi tới phiên trực còn phải biết sử dụng máy vacuum cleaner hút bụi, hoặc dùng cây broom đẩy bụi vào một góc rồi hốt, lấy mop lau nhà với nước sáp nóng (hot wax), rồi đánh bóng sàn nhà lại với floor buffer, ngoài ra còn cleaning details nữa, nghĩa là đánh bóng mấy ổ khoá cửa, tay nắm/ quả đấm cửa (knob/ poignée). Sau 8 tuần huấn nhục thì các khóa sinh được sinh hoạt bình thường.
Chương trình Huấn luyện Quân sự (Military Training) rèn luyện khóa sinh thi hành công việc hằng ngày mà một sĩ quan thật sự làm, dưới sự hướng dẫn và kiểm soát của các sĩ quan huấn luyện viên và sinh viên cán bộ trong Trung-đoàn Khóa-sinh. Thường thì huấn luyện quân sự nhắm vào việc cai quản hành chánh, quân phong quân kỷ, và khả năng tác chiến. Ngoài ra khóa sinh còn học cách sử dụng vũ khí cá nhân, chào kiếm chuẩn bị lúc làm lễ ra trường.
Mỗi sáng, sau khi thức dậy và vệ sinh cá nhân xong, loa gọi “All hands fall in for morning spiffy (inspection)”, thì tất cả chạy ra xếp hàng ngoài sân, quần áo thẳng nếp, giày bóng loáng, cà vạt và bâu áo phải có kim gài (collar and tie pins). Sinh viên cán bộ đến trước từng người ngắm nghía xem quân phục có đúng cách không, rồi hỏi những câu về lịch sử, chính quyền, quân đội, thời sự…. Mọi câu hỏi đều có chuẩn bị câu trả lời. Các trưởng lớp class leader họp với ban tham mưu của Trung-đoàn Khóa-sinh sau mỗi bữa cơm chiều, và đem về phổ biến lại cho lớp mình. Nói một cách khác là ngoài quân phong quân kỷ, tinh thần đồng đội (esprit de corps) lúc nào cũng được rèn luyện.
Đi ăn ở mess hall (nhà ăn tập thể) vẫn đi từng lớp và theo đúng cơ bản thao diễn. Mỗi thứ tư có bữa cơm chiều dưới ánh đèn cầy (candlelight dinner), có bồi bàn đứng hầu bên cạnh để phục vụ rượu vang, trông thật là quí phái. Thực đơn luôn thay đổi theo từng dân tộc một, tuần này món ăn Ý với spaghetti và rượu Chianti. Tuần sau món ăn Pháp với civet de lapin và Beaujolais. Món Đức thì có sauerkraut với Riesling. Còn món Nga thì có caviar với Rkatsiteli…. Mỗi thứ sáu có buffet ăn xả láng tự phục vụ, có khi cả một đùi bê thui, hoặc một con trừu quay, hoặc một con cá tầm (sturgeon) đút lò to lớn để nguyên trên một cái bàn dài ở giữa phòng ăn. Thứ Bảy, Chúa Nhựt thì nhà ăn mở cửa trể, điểm tâm và ăn trưa nhập chung lại làm một bữa gọi là brunch.


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1391185907.png

Chương trình Văn hóa (Academics) thì có các môn Toán và Vật lý áp dụng cho ngành hàng không, phải dùng thước slide rule để tính, một dụng cụ mới lạ mà sinh viên ở VN có bao giờ xài đến đâu. Môn Naval Orientation dạy cho biết về lịch sử và tổ chức Hải quân Hoa kỳ. Aerodynamics là khí động học áp dụng cho phi cơ và bom đạn sử dụng. Study Skills dạy cách học bài trong đó có Speed Reading Skills (Speedy Skills) kỹ năng đọc nhanh và Communication Skills kỹ năng thông đạt. Leadership là nghệ thuật lãnh đạo. Engineering trong đó có môn Động-cơ-nổ và Động-cơ phản-lực.
Aviation Science dạy cách điều khiển các bộ phận của phi cơ, luật lệ lưu thông hàng không, phương sách bảo trì phi cơ, phương thức liên lạc vô tuyến, Code Morse và Recognition nhận dạng các phi cơ đồng minh và phi cơ địch. Weather and Meteorology Thời tiết và Khí tượng. Navigation (không hành) trong đó có Celestial Navigation nhắm hướng ban đêm bằng vị trí các sao trên trời, cách sử dụng các phi cụ. Ngoài ra còn có môn Chính-trị FNP (Foundation of the National Power) phần lớn dạy về lịch sử thế giới với những chế độ khác nhau, những tổ chức quốc tế, như UNO, NATO, WAPA, những lắc léo ngoại giao, những hiệp ước, công ước cận đại, nhứt là quá nhiều những ngày tháng (date) phải thuộc lòng. Tất cả đều có phim ảnh, trợ huấn cụ cho từng ngành, từng môn một.
Chương trình Thể Lực và Mưu sinh Thoát hiểm (Physical Fitness-Survival) phát triển sự kết hợp sức mạnh vào kỹ năng chuyên môn. Tập dượt các môn võ đô vật truyền thống (collegiate wrestling), quyền Anh có đội nón độn nệm (smokers boxing). Bơi lội thì phải bơi suốt 2,000 m (40 vòng tới lui) có bận đồ bay. Còn nói tới “Dilbert Dunker” thì khỏi chê: người ta đặt anh ngồi vào một cái ghế sắt tương tự như cockpit (phòng lái) của phi cơ nhỏ T-34, gài dây an toàn shoulder harness và safety belt, kéo anh lên tuốt trên đỉnh của giàn phóng, cao khoảng chừng 10 m, rồi khi nào nghe huấn luyện viên thổi tu huýt một cái, thì họ buông cái ghế cho rơi theo đường ray chúi xuống chừng 60° vào hồ bơi. Cái ghế lật úp. Nước bắn tung tóe tùm lum. Anh phải đếm thầm: “One thousand one, one thousand two,…one thousand five”, rồi nhanh nhẹn tháo gỡ dây an toàn bụng và vai. Hai chân ngồi chồm hổm lên ghế, hai tay vói thẳng lên miếng gổ, giả làm windshield (kính che gió), ngửa đầu ra phía sau, rồi hai tay, hai chân tống thẳng cẳng mạnh ra khỏi cái “Dilbert Dunker”. Tứ chi vẫy vùng như con ếch, cố ngoi đầu từ dưới đáy hồ lên khỏi mặt nước. Ngoài ra còn phải biết đánh vào quai hàm của nạn nhân, để làm cho họ bất tỉnh trước khi lôi họ vào bờ cứu họ, biết làm hô hấp nhân tạo CPR. Ngoài Đoạn đường Chiến binh (Obstacle Course) còn biết chơi trampoline, không phải chỉ nhún nhảy, mà còn phải biết nhào lộn, như thế sau này khi lên trời sẽ mạnh dạn làm mấy động tác phi hành (flight maneuvers) hơn.
Nhảy dù trên đất liền và dưới nước. (Jungle/ Swamp/ Sea Survival) mưu sinh thoát hiểm trong rừng, sinh lầy và cả dưới biển. Nói cho cùng là môn thể lực huấn luyện sức chịu đựng dẻo dai trong tinh thần thể thao (spirit of sportmanship) và ngay thẳng (fair play).
Sau 16 tuần lễ quần quật với đèn sách, đoạn đường chiến binh, lúc nào cũng ship shape, sạch sẽ ngăn nắp thứ tự như ở dưới tàu. Tuần lễ cuối cùng cả lớp bị bỏ vào khu sình lầy của rừng Eglin AFB từng huấn luyện Biệt Kích Mỹ, để học lớp Mưu Sinh Thoát Hiểm. Khi trở về trại nhà, thì mỗi khóa sinh được phát một tờ khai chọn lựa ngành nghề Career of Preference. Có người chọn ngành phi hành gia Astronaut. Phần đông là phi công fixed wing pilots. Còn lại là phi công trực thăng rotary wing pilots. Khóa sinh Việt-Nam không có đường chọn lựa mà chỉ ghi fighter pilots, để điền cho đầy đủ rồi nộp với người ta.

http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1391238514.png

Tại buổi lễ mãn khóa Địa-huấn, SVSQ nhận bằng tốt nghiệp Diploma, là quyết định bổ nhiệm chức vụ sinh viên cán bộ Cadet Officer gồm có: Trung đoàn trưởng SVSQ Cadet Regiment Commander (5 gạch). Trung đoàn phó SVSQ Cadet Regiment Sub-Commander (4 gạch). Nhạc trưởng Dàn nhạc & Ban hợp ca Trung đoàn Regimental Band & Choir Commander (4 gạch). 4 Tiểu đoàn trưởng SVSQ Battalion Commander (3 gạch), 4 Tiểu đoàn phó Battalion Sub-Commander (2 gạch), 12 Đại đội trưởng Company Commander (2 gạch), 36 Trung đội trưởng Platoon Leader (1 gạch) phụ trách 36 lớp còn lại (8 lớp Huấn nhục không tham dự). Người nào xuất sắc về một lãnh vực nào đó, thì được gắn thêm lên trên bảng tên ở nắp túi áo bên mặt một badge màu đen có tên lãnh vực đó chữ trắng, nếu được hai lãnh vực xuất sắc thì badge đỏ chữ trắng, còn cả ba lãnh vực thì badge vàng chữ xanh nước biển....
Tới ngày ra trường, mấy Officer Candidates Mỹ được gắn lon thiếu úy: Hải quân và Lực lượng Duyên phòng là Navy/ Coast Guard Ensign; còn Thủy Quân Lục Chiến là Marine Second Lieutenant. Mấy anh tân sĩ quan phải có sẵn trong mình một đồng đô-la bằng vàng. Hể người nào đầu tiên chào và chúc mừng họ “Sir, Congratulations, Sir!” thì được tặng đồng tiền vàng đó. Sau đó thì họ chia tay nhau, ai đi ngành nào thì lên đường qua trường đó.
Khóa sinh Kỹ thuật không phi hành (aviation ground officers), Điều hành viên, Cơ khí Phi hành (air crewmen) chẳng đi đâu xa mà đã có Trường Naval Aviation Officers School ngay tại Căn cứ Pensacola này rồi.
Căn cứ phụ Naval Air Auxiliary Station Ellyson Field là Trường Phi hành Trực thăng Helicopter Training Squadron EIGHT HT-8 ở cách Căn cứ Pensacola 16 mi về hướng Đông-Bắc.
Căn cứ phụ NAAS Saufley Field là Trường bay Vỡ lòng VT-1 (Primary Flight Training) ở cách 10 mi về hướng Bắc của Mainside (nickname của căn cứ chánh NAS Pensacola). Tất cả khóa sinh Student Naval Aviators đều phải qua trường này và đã tìm thấy cái cảm giác mạnh lúc đơn phi đầu tiên (first solo) tại đây.
Sau vài ngày làm thủ tục đến và làm quen (Orientation) với cách ăn ở và làm việc tại Căn cứ và Trường phi hành VT-1, là hai tuần địa huấn (ground training), học để hiểu biết chiếc phi cơ mà mình sẽ bay trong nay mai:
Cockpit Procedures chỉ cách sử dụng các bộ phận và làm quen với các đồng hồ phi kế, lúc mở máy, đang bay, trường hợp khẩn cấp và lúc đáp; ở đây có nguyên cái cockpit (phòng lái) của phi cơ làm trợ huấn cụ nên rất dễ hiểu. Engineering và Flight Characteristics cho ta biết khả năng của phi cơ, chịu đựng được bao nhiêu G’s, hỏng bánh ở tốc độ nào, và chạy được bao xa mới hỏng bánh. Vòng đáp touch-and-go (chạm bánh-bay lại) như thế nào. Phương thức liên lạc vô tuyến với đài kiểm soát không lưu ra sao; ở đây có skull practice, nghĩa là mỗi khóa sinh được mang một cái headset để thực tập, gọi báo cáo với đài không lưu và được nghe đài trả lời y như trên thực tế. Ngoài ra còn có link trainer (phòng lái giả) để cho khóa sinh thực tập ôn lại mấy động tác bay trong lúc chờ đợi có phi cơ khả dụng để bay.
Rồi đến sáu tuần phi huấn. Giai đoạn pre-solo (tiền đơn phi) có 13 phi vụ. Trừ phi vụ làm lễ ra mắt (baptême de l’air), khóa sinh sẽ bay 10 phi vụ thực tập các động tác bay căn bản, sử dụng bộ phận điều chỉnh phi cơ bay bình phi, phương thức làm vòng đáp và kỹ thuật đáp, đồng thời học cách đối phó với các trường hợp khẩn cấp, luôn luôn phải giữ sự bình tĩnh và an toàn của một phi công (good airmanship and safety). Phi vụ 12 (safe-for-solo check flight) khóa sinh sẽ bay với một thầy khác, nhiều kinh nghiệm trong nghề huấn luyện, để khảo hạch. Nếu check pilot ra dấu “thumbs up” , thì phi vụ 13 là phi vụ đơn phi đầu tiên “first solo”.


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1391239618.png

Tiếp theo là giai đoạn precision stage (nhuần nhuyễn) với 18 phi vụ, ôn lại mấy động tác học trước đây, và cứ xen kẽ một phi vụ có thầy (dual) với một phi vụ đơn phi (solo). Phi vụ có thầy thì học những ‘chiêu thức’ (figure) mới: loop/ boucle (nhào lộn 360 ), cuban eight (vòng số 8), wingover/ renversement (lật ngược 180 ), barrel roll/ tonneau barriqué (lăn xoắn ốc), spin/ vrille (xoáy vòng), phi vụ đơn phi thì khóa sinh dượt lại cho nhuần nhuyễn. Phi vụ khảo sát bay với một thầy ở khác flight (phi đội).
Xong phi huấn vỡ lòng, Khóa sinh Phi công Cánh quạt qua NAAS Whiting Field ở Milton, cách Pensacola khoảng 40 mi về hướng Đông-Bắc. Ở đây trường bay VT-2 và VT-3 có chương trình Phi huấn Căn bản (Basic Flight Training).
Trường bay VT-4 ở Sherman Field ngay trong Căn cứ Pensacola thì dạy bay Căn bản Phản lực (Basic Jet Training) và đồng thời dạy đáp hàng không mẫu hạm cho các Khóa sinh Phi công Phản lực.
Trường Phi hành VT-6 cũng ở khu Bắc Whiting với VT-2, dạy Vỡ lòng Phi hành với phi cơ nhiều máy (Primary Multi-Engine Training) và phi cụ cho phi công trực thăng.
Trường Phi hành VT-2 chuyển tiếp (transition stage) khóa sinh từ một chiếc phi cơ nhẹ và yếu như T-34B Mentor cân nặng 2,960 lb với công suất 225 mã lực, qua chiếc T-28B/C Trojan, nặng hơn gấp đôi 6,424 lb và mạnh trên 6 lần, công suất là 1,425 mã lực. Giai đoạn này kéo dài 9 phi vụ, 8 phi vụ bay với thầy và phi vụ thứ 9 là phi vụ đơn phi. Phương thức bay căn bản (basic air work) tương tự như mấy phi vụ đầu tiên ở Saufley, thêm vào đó là phương thức báo cáo lấy cao độ và xuống cao độ vào vòng đáp (climbing and letdown), thực tập đáp khẩn cấp (giả máy tắt) từ cao độ cao (simulated high altitude emergency), vòng đáp ở các sân bay phụ (outlying fields) cùng với phương thức đáp hạ toàn cánh phụ (full flap landing).
Giai đoạn nhuần nhuyễn (precision stage) ở VT-2 là 7 phi vụ. Ở một sân bay phụ, người ta vẽ một hình chữ nhựt có gạch chéo màu trắng ở đầu phi đạo, vừa đủ an toàn để phi cơ chạm bánh lúc đáp. Khóa sinh phải tập chạm bánh trong ô này lúc hạ cánh. Những động tác bay căn bản (basic air work) được luyện cho đến mức dịu dàng (smooth) và wingover hay hammerhead/ renversement luôn được luyện tập, vừa kéo mũi phi cơ lên thẳng đứng, vừa quẹo gắt, gần vào triệt nâng (stall), rồi nhả cánh lại ở 180° đổi hướng và hạ mũi phi cơ xuống, để lấy lại tốc độ bình phi. Khảo sát thấy bay nhuần nhuyễn và đủ an toàn thì được qua giai đoạn kế tiếp.
Giai đoạn nhào lộn (acrobatic phase) có 10 phi vụ gồm 4 phi vụ dual và 6 solo. Những chiêu thức căn bản như làm loop, lăn tròn (aileron roll/ tonneau), lăn xoắn ốc (barrel roll), immelmann/ rétablissement normal, cuban 8 (vòng số 8), half-Cuban eight/ rétablissement tombé (½ vòng số 8), spin (xoáy vòng), snap roll/ déclenché, split-S/ retournement. Mỗi chiêu đều bắt đầu bằng tốc độ bay (airspeed) khác nhau và phải luôn giữ hòn bi của đồng hồ chỉ độ quẹo (turn-and-slip indicator) ngay giữa.
Sau 8 tuần ở VT-2, khóa sinh được chuyển qua VT-3 ở khu Nam để học 20 tuần phi huấn và 14 tuần địa huấn gối đầu lên nhau.
Giai đoạn đầu là Huấn luyện Phi cụ Căn bản (Basic Instrument), suốt thời gian này bay với thầy và luôn chui vào hood (mui che), thực tập scan (nhìn lướt qua lại) mấy phi kế như attitude gyro (thế bay), turn-and-slip indicator (độ quẹo), rate-of-climb (độ lên xuống cao độ), altimeter (cao độ kế), airspeed indicator (tốc độ kế), accelerometer (gia tốc kế chỉ G’s). Khi làm slow flight còn cần phải theo dõi cylinder head temperature indicator (đồng hồ nhiệt độ đầu xy-lanh), lập lại mấy chiêu bay nhào lộn sử dụng phi kế, và vào cận tiến có đài hướng dẫn/ shoot GCA (ground control approach).


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1391240032.png

Giai đoạn kế tiếp là Huấn luyện bay Hợp đoàn (Formation). 4 phi vụ đầu bay với thầy, 7 phi vụ kế tiếp bay solo. 3 phi vụ bay 2 chiếc, 4 phi vụ bay 4 chiếc, đều có thầy bay theo (chase). Thay phiên nhau làm lead dẫn phi tuần và làm wingman đeo theo, để luyện tập breakup-and-rendezvous (tách và tập hợp), tập hợp vào hợp đoàn sát cánh (parade formation/ échelon serré). Phi cơ lead (dẫn phi tuần) phải bay thật smooth, không động tới tay ga, giữ tốc độ an toàn cho phi tuần. Khi bay slow flight, không quẹo vào trong echelon (cánh nặng) nếu là phi tuần 4 chiếc.
Hợp đoàn hành quân là tactical formation với 2 chiếc gọi là phi tuần nhẹ (element) và 4 chiếc là phi tuần nặng (flight/ patrouille). 4 chiếc là 2 phi tuần nhẹ và bay theo hình ngón tay (fingertip formation). Với hợp đoàn hành quân khóa sinh thực tập động tác phi hành flat scissors/ ciseaux.
Hợp đoàn chiến đấu chase/ combat formation thực tập không chiến dogfight/ combat tournoyant với 2 và 4 phi cơ. Thật ra ở đây phi cơ/ phi tuần số 1 dẫn đầu chỉ làm những phi tác nhào lộn căn bản và phi cơ/ phi tuần đuổi bắt (chase) chỉ đeo theo, áp dụng những kỹ thuật chuyên môn đã thu thập. Không làm spin, hammerhead, snap roll, nói một cách khác là không áp dụng triệt nâng (stall/ décrochage) ở đây.
Giai đoạn Huấn luyện Không hành (Navigation) ngày lẫn đêm. Không hành ngày làm Round Robin, đi lòng vòng, dạy cho khóa sinh biết chuẩn bị lộ trình (route planning), sử dụng bản đồ không hành (navigational charts), phân biệt những điểm mốc check points như xa lộ, đường rầy xe lửa, sông, hồ, v.v…. Bài học bay đêm nằm trong 2 phi vụ cross country (băng đồng) đêm đi xa ở lại đêm (overnight), một phi vụ sử dụng dead reckoning techniques, định hướng và tính giờ dựa theo tốc độ mình bay, từ điểm này (địa danh/ thành phố) đến điểm nọ; phi vụ kia thì không hành bằng phi cụ (IFR), sử dụng trợ phi kế (Navaid) TACAN, làm letdown (xuống cao độ), holding pattern (vòng chờ) và GCA pickup on final (cận tiến vòng chót có đài hướng dẫn).
Giai đoạn cuối cùng là Huấn luyện Tác xạ (Gunnery), gồm có 5 phi vụ. Phi vụ đầu được thầy biểu diễn và 4 phi vụ đầu chỉ làm dry run để biết làm vòng tác xạ, phi vụ thứ 5 mới bắn bia.
Sau suốt một niên khóa học tại Whiting, các khóa sinh trở về Saufley để bắt tay vào chương trình tập đáp hàng không mẫu hạm Carrier Qualification của Trường Phi hành VT-5.
Sau hai ngày nghe giảng và trắc nghiệm về vòng đáp và những bộ phận trợ phi (flight support) trên hàng không mẫu hạm như hoạt động của hệ thống kính chiếu trên tàu (operation of the mirror landing system), cũng như cơ chế, tốc độ, sử dụng chân đáp, cánh phụ, móc đuôi tailhook (performance characteristics of the aircraft), và biện pháp an ninh phi hành áp dụng trên tàu (carrier safety), khóa sinh bắt đầu tập dượt đáp theo kính chiếu trên đất liền MFCLP (Mirror Field Carrier Landing Practice) tại 2 phi trường phụ Bari và Bronson.
Ở VT-5 chuông đánh thức reveille đúng 0400 giờ sáng để tránh không khí chao động lúc mặt trời mọc. Mỗi khóa sinh phải trải qua 13 đợt tập dượt, 12 đợt trên đất liền và đợt chót trên tàu.
Sau 3 phi vụ “demo” biểu diễn bay với thầy ngồi ở ghế sau, mấy phi vụ còn lại bay solo. Mỗi đợt tập dượt có khoảng chừng 8 lần đáp. Trên hàng không mẫu hạm thì 2 lần đầu chạm bánh bay lại (touch-and-go) và 6 lần đáp với móc tailhook (arrested landing) và cất cánh trên giàn phóng (catapult).


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1391240285.png

Hệ thống đèn hạ cánh optical landing system (OLS) thường được biết qua tên gọi meatball (cục bò viên) chỉ cho hoa tiêu biết độ chúi (glidepath) của cận tiến vòng chót (final approach) trên hàng không mẫu hạm. Landing Signal Officer (LSO) sử dụng cờ màu (colored flags), ván (cloth paddles) và gậy đèn (lighted wands) để điều khiển phi cơ hạ cánh trên mẫu hạm, Flight Deck Officer (FDO) chỉ huy toán và tất cả những người mặc áo màu vàng sáng chói làm việc rất ăn khớp với nhau (perfect teamwork).
Hàng không mẫu hạm USS Antietam (CVS-36) được Trường Pensacola sử dụng để huấn luyện hoa tiêu đáp tàu từ 1957, trước đây có boong thẳng (straight deck) theo kiểu “Essex”. Xưởng tàu Brooklyn Naval Shipyard đã sửa lại thành boong xiên góc đầu tiên thế giới vào 1953. Boong xiên góc (angled deck) đã cho thấy ba điểm lợi hơn boong thẳng (fore-and-aft deck): thứ nhứt là cùng một lúc có thể điều khiển cho phi cơ cất cánh và đáp; thứ nhì là, khi phi công nhìn thấy boong trống trải, họ cảm thấy an toàn hơn; cuối cùng là phi cơ lớn có thể đáp trên tàu được.
Năm 1962 mẫu hạm CSS Lexington (CVS-16) vào thế chổ CSS Antietam trong Vịnh Mể-Tây-Cơ….
Nhiều khóa sinh khi lần đầu chạm boong tàu (hit the deck), móc được vào một trong sáu dây cáp (arresting cables) cảm thấy cảm giác có vẻ mạnh hơn lần đầu tiên họ được thả solo (first solo).
Sau lần cuối đáp trên tàu này thì khóa sinh hội đủ điều kiện (qualified) để mang cánh bay vàng của Hoa tiêu Hải quân Naval Aviator.
Một buổi lễ gắn cánh bay được tổ chức tại Đại Sảnh Đường của BCH Phi huấn Căn bản HQHK (Naval Air Basic Training Command) Bldg 633 ở Mainside Pensacola.
Tính ra thì chương trình học quân sự, địa huấn, bay ở trường vở lòng, 2 trường căn bản phi hành và trường đáp hàng không mẫu hạm của riêng trường Pensacola đã mất ròng rã hết 2 niên học. Cho nên sau giai đoạn địa huấn và bay vỡ lòng thì sinh hoạt ở đây thật là thoải mái. Ở Whiting Field, đi bay về là khóa sinh có thể giải trí ở ACRAC (Air Cadet Recreation Center), để nghe nhạc, chơi games, bi-da, nhậu bia lai rai. Một vài anh còn ghi danh học thêm cao học nữa. Nhà nguyện Whiting Field Chapel thường hay làm lễ cưới cho khóa sinh ở đây. Hằng năm cứ vào mùa xuân thì nhà trường phối hợp với mấy trường Đại học quanh Pensacola, để tổ chức buổi Dạ vũ Mùa xuân Cadet Spring Formal. Danh sách sinh viên được treo ở Tòa nhà Hành chánh (Admin Bldg) kế bên Phòng Thư tín (Mail Room) để khóa sinh chọn theo kiểu blind date/ rendez-vous arrangé. Căn cứ Whiting có đội đánh golf và ban nhạc Bộ Tứ Quartet riêng của họ. Vào những ngày ấm áp chúng ta không khỏi thưởng thức mùi thịt nướng BBQ thơm phức sau dãy nhà Cadet Barracks của SVSQ.
Sau khi mãn khóa căn bản, được gắn cánh bay vàng Hải quân Navy Wings of Gold, SVSQ được tấn phong sĩ quan và được thuyên chuyển qua BCH Cao huấn Phi hành Naval Air Advanced Training ở NAS Corpus Christi, Texas. Tùy từng nhiệm vụ, khóa sinh nhận sự vụ lệnh để đến các đơn vị mới.
Tại Corpus Christi, Trường bay VT-30 xuyên huấn hoa tiêu trên phi cơ A-1H Skyraider. A-1H Skyraider là loại xung kích cơ cánh quạt, bánh đuôi, một chỗ ngồi, không có bom đạn cân nặng 11,968 lb và sức nặng tối đa lúc cất cánh là 25,000 lb, động cơ xuyên tâm (radial engine) Wright công suất 2,700 hp (mã lực).


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1391239115.png

Địa huấn được gói gọn trong 3 quyển sách:
- A-1 Skyraider Flight Manual TO-1 gọi tắc là Dash One, gần như phi công nào bay loại phi cơ nầy phải nằm lòng. Nó mô tả đầy đủ phi cơ và tất cả hệ thống máy móc, cách sử dụng với checklists, phương thức điều hành bình thường và khẩn cấp….
- Aerodynamics, Khí động học dành cho phi cơ và bom đạn sử dụng trên loại phi cơ này.
- Flight Rules gồm có luật lưu thông hàng không bay bằng mắt VFR (Visual Flight Rules) và phi cụ IFR (Instrument Flight Rules).
Giai đoạn làm quen Fam Stage (viết tắt của Familiarization) là khó khăn hơn tất cả. Nội mở máy không thôi, đã là một vấn đề ngay từ đầu rồi. Hể nhấn primer lâu quá, thì carburetor bị flooded (ngộp), cơ trưởng lấy hai ngón tay bóp mũi ra dấu; còn hể ít quá, thì bị backfire (lửa sớm), cơ trưởng phải leo lên xem coi butterfly valve có bị bung ra không. Nếu lơ là, không kiểm soát kỹ, dễ bị cháy máy vì xăng rò rỉ. Phi vụ đầu tiên cũng đã phải bay một mình rồi (solo), vì phi cơ chỉ có một chổ ngồi thôi.
Lúc cất cánh, chân mặt phải kềm bánh lái thật mạnh, và nhanh chóng làm sao cho bánh đuôi hỏng lên mới dễ giữ phi cơ chạy thẳng được. Đáp thì phải giữ đúng three-point attitude để luôn chạm bánh 3 điểm. Chạm bánh rồi thì phải ôm cần lái vào bụng, hai chân phải luôn làm việc để giữ phi cơ chạy thẳng, chân trái đạp mạnh hơn.
Sau giai đoạn làm quen với phi cơ thì các giai đoạn khác gần như lập lại những gì đã học ở trường bay căn bản. Dash One không cho phép tự động làm xoáy vòng (voluntary spin). Phi cơ có trang bị hệ thống chống G’s (anti-G system), sử dụng G-suit để tránh bị “black-out” lúc kéo nhiều +G’s khi nhào lộn (aerobatics/ voltige aérienne)và không chiến.
Trong hợp đoàn hành quân, khóa sinh được luyện tập Thach Weave (4).
Hai chiếc hoặc hai element (phi tuần) bay ngang nhau cách xa chừng 1 nm (dưới 2 km một chút), số 2 bên mặt chẳng hạn. Khi lead muốn đổi hướng thì lắc cánh cho số 2 thấy, rồi quẹo mặt vào số 2. Nếu muốn quẹo trái, thì khi giao nhau, lead nhắp cánh trái (cánh cao) một cái rồi trở cánh quẹo ngược qua trái; số 2 lúc đầu đang quẹo trái vào lead, thấy lead nhắp cánh cao thì tiếp tục giữ quẹo trái, đến khi nào lead roll out (trở cánh bay thẳng) thì mới thôi; bây giờ thì số 2 nằm bên trái.
Trở lại trường hợp đầu tiên, số 2 nằm bên mặt cho khỏi lộn. Và lead quẹo mặt vào số 2 để đổi hướng. Nếu muốn quẹo mặt, thì lúc giao nhau, lead nhắp cánh mặt (cánh thấp) và tiếp tục giữ quẹo mặt cho đến hướng mình muốn đi thì roll out, số 2 đang quẹo trái, khi thấy lead nhắp cánh thấp thì trở cánh quẹo ngược qua mặt ngay, và cũng roll out theo lead.
Nếu chỉ muốn đổi bên thôi, thì khi giao nhau, lead nhẹ nhàng trở cánh thăng bằng chớ không nhắp cánh, cross over/ under (bay ngang qua đầu/ dưới bụng) tùy theo cao độ rồi mới quẹo trái về hướng đi ban đầu.
Còn nếu muốn đổi hướng 180 thì khi giao nhau, không nhắp cánh, không trở cánh thăng bằng, mà cứ tiếp tục quẹo đến hướng mình muốn rồi mới roll out.
Người lead giỏi phải tính (plan) làm sao cho tất cả được an toàn: trường hợp bay cao thì element luôn giữ ở dưới và còn wingman của họ nữa; ở cao độ thấp thì ngược lại, wingman và element luôn ở cao hơn lead. Scouting formation đội hình thám thính áp dụng cho armed recce (tuần thám võ trang), escort ship/ train/ convoy (hộ tống tàu bè/ xe lửa/ đoàn xe), thường ở cao độ thấp, do đó lead set radar altimeter 100 ft còn wingman thì 50 ft.
Luyện tập Không hành ngày và đêm đủ kiểu cận tiến ở cao độ cao high altitude approach, xuyên mây penetration và làm vòng chờ holding pattern, sử dụng thiết bị điện tử hàng không TACAN. Lấy cao độ 14,000 bộ, khi qua gần tới 12,000 bộ thì mở bơm tăng nạp supercharger…



http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1391188272.png
Lời Tuyên thệ của Phi công Hải quân Hoa kỳ lúc làm lễ gắn Cánh bay Vàng

Luyện tập Oanh kích và Tác xạ (Bombing and Strafing) ngày và đêm.
Trước hết tập nhào xuống thả bom (dive bombing). Để mục tiêu ở ngay giá bom bên trong (inboard rack), kéo mũi phi cơ lên chừng 30°, lật phi cơ thế nào để thấy mục tiêu ngay hướng 12 giờ, kéo mũi phi cơ xuống để máy nhắm (gunsight/ collimateur) hơi sau mục tiêu (aim short) một chút, rồi trở cánh ra cho phi cơ bay xuống thẳng vào mục tiêu, ngừng crosshairs/ réticule (chữ thập) trên mục tiêu rồi bấm nút bom, xong kéo mũi phi cơ lên 60° và quẹo trở lại, nhìn theo người phía trước. Đó là đánh bom trên cùng một trục (same-axis pattern). Chúng tôi còn tập đổi trục 90 như cánh chuồn (cloverleaf pattern) nữa.
Bom nổ và hỏa tiển (rockets) thì ở cao độ cao. Đại bác (cannon) thì ở cao độ thấp hơn và độ chúi lài hơn. Napalm (bom xăng đặc) thì bay sát ngọn cây (low level/ rase-mottes). Tác xạ còn phải ra bãi tác xạ (range) mới có bia để nhắm bắn. Mỗi loại bom đạn đều có mil-lead khác nhau đã có ghi rõ trong quyễn A-1 Weapons Delivery Handbook (Sử dụng Bom đạn trên Phi cơ A-1).
Khóa sinh trực, ngoài việc ghi tình trạng phi trường Notams, tình trạng phi cơ khả dụng trong ngày, cập nhựt Dash One, còn giúp Sĩ quan An phi ra flight line (phi đạo), lấy mấy yellow sheet xem phi cơ bị trục trặc chỗ nào và dò trong TO-2 (Technical Manual), ghi ra cách sửa chữa, rồi kẹp chung với yellow sheet.
Hàng không mẫu hạm Lexington hoạt động thường xuyên ngoài khơi các cảng Pensacola, Corpus Christi và New Orleans trong Vịnh Mê-Tây-Cơ. Ngày 1 tháng 1, 1969 CVS-16 được cải danh là CVT-16 và vẫn tiếp tục nhiệm vụ thả đáp tàu carrier qualification (CQ) cho naval aviator 22 năm nữa. Cho đến ngày 8 tháng 11, 1991 mẫu hạm giải nhiệm và được đưa về làm USS Lexington Museum on the Bay, Tàu Bảo Tàng trong Vịnh Corpus Christi, Texas. 1989 USS Kitty Hawk (CV-63) được lệnh thay thế CVT-16 nhưng vẫn ở trong vịnh nhà San Diego, California. Đến 1992 USS Forrestal (CV-59) mới thật sự vào Vịnh Gulf of Mexico, đến 11 tháng 9, 1993 thì giải nhiệm.
BCH Huấn luyện Phi hành Căn bản Naval Air Basic Training Command trước ở Pensacola, sau đó sáp nhập với BCH Cao huấn Phi hành thành một Bộ Chỉ huy Huấn luyện Phi hành HQHK Naval Air Training Command, đặt trụ sở tại Căn cứ Corpus Christi, Texas.
Năm 1971, Căn cứ NAS Pensacola được chọn làm tổng hành dinh cho Bộ Chỉ huy Giáo dục và Huấn luyện HQHK Chief of Naval Education and Training (CNET), điều khiển và kiểm soát mọi hoạt động và tổ chức giáo dục và huấn luyện trong quân chủng Hải quân Hoa kỳ.
Năm 2003, Bộ này được đổi thành Bộ Tư lệnh Giáo dục và Huấn luyện Hải quân Naval Education and Training Command (NETC).
Theo Chương trình MAP Viện trợ Quân sự Hoa kỳ, Không Lực Việt Nam Cộng Hòa đã gởi sang một toán gồm 3 Sĩ quan và 32 Sinh viên Sĩ quan Không quân thuộc Khóa 61 vỡ lòng để theo học ngành Phi công Khu trục Cánh quạt, là những khóa sinh VN đầu tiên tại Trường Pensacola này.


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1391188564.png
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1391432033.jpg
(Từ phải) NT Dan Hoài Bữu, NT Lê Như Hoàn, NT Phạm Đăng Cường. NT Vũ Hiệp. NT Nguyễn Văn Phong.

Danh sách khóa 61 Navy
1- Tr/úy Hoàng Thanh Nhã
2- Th/úy Bùi Tam Kỳ
3- Th/úy Lê Thành Hòa
4- Đào Trọng Chí
5- Nguyễn Quang Lãm
6- Nguyễn Huy Bổng
7- Dan Hoài Bữu
8- Vũ Hiệp
9- Nguyễn Văn Phong
10- Võ Ngọc Trinh
11- Hồ Kế
12- Lê Văn Lâm
13- Võ Văn Trương
14- Phạm Đình Anh
15- Phạm Đăng Cường
16- Cao Minh Dõng
17- Lê Như Hoàn
18- Nguyễn Đình Quý
19- Nguyễn Tiến Thành
20- Nguyễn Văn Bé
21- Nguyễn Trí Kiên
22- Hồ Viết Thanh
23- Phạm Xuân Thu
24- Hồ Kim Giàu
25- Nguyễn Đình Nghị
26- Nguyễn Văn Nhơn
27- Nguyễn Đức Chương
28- Thang Quất Phan
29- Nguyễn Văn Phú
30- Lê Trai
31- Trần Văn Việt
32- Nguyễn Văn Tám
33- Đặng Hùng Thiết
34- Đào Công Trực
35- Nguyễn Việt Tước

Hiệp, Trinh, Nghị : tử nạn trong lúc huấn luyện.
Bổng: hy sinh trong một phi vụ hành quân vùng Tuy Hòa,
Lâm: tử nạn trực thăng trong lúc biệt phái tại Bình Thủy, Cần Thơ.
Trương: hy sinh trong một phi vụ oanh kích ở Tây-Nam Sài-Gòn.
Dõng: hy sinh trong phi vụ hành quân ở Vùng I.
Quý: tử nạn sau một phi vụ hành quân về đáp ở Đà-Nẵng.
Kiên: rớt F-5 lúc cất cánh từ Biên-Hòa đi hành quân.
Thu: đã hy sinh trong vụ pháo kích Bộ Chỉ huy Tiền phương Phước Long,
Phan: tử nạn trên F-5 trong phi vụ oanh kích Lộc-Ninh,
Phú: tử nạn lúc về đáp ở Đà-Nẳng sau khi hành quân.


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1391431821.png
Hình chụp Tr/tá Lê Như Hoàn trong bộ Flight Jacket của US Navy sau 50 năm

Sau cùng Đ/tá Hoàng Thanh Nhã làm Không đoàn trưởng KĐ23CT.
Tr/tá Lê Như Hoàn Trưởng Khối Đặc trách Khu trục/ TMP Hành quân/ BTLKQ.

Danh sách khóa 62B Navy
1- Nguyễn Thế Tế
2- Phạm Bình An
3- Nguyễn Văn Linh
4- Trần Văn Toàn
5- Trần Văn Xía

Tế: hy sinh trong một phi vụ Bắc phạt.
Xía: hy sinh trong một phi vụ hành quân với L-19.

Trước 30-4-1975, Tr/tá An là Trưởng Khối Nghiên cứu/ TMP Hành quân/ BTLKQ.


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1391190044.png
Bằng Đáp Hàng không Mẫu hạm

Danh sách khóa 63A Navy
1- Nguyễn Đỗ Toàn (Lắc)
2- Trần Thanh Vân (Cào Cỏ)
3- Trần Văn Nghiêm (PĐT 516)
4- Vũ Ngọc Liễn
5- Ngô Đức Cửu
6- Nguyễn Kiểm
7- Phạm Văn Thặng (Fulro)
8- Nguyễn Văn Phú (Cà Chua)
9- Trần Ngọc Hà (Cà Chớn)
10- Nguyễn Công Bình
11- Bùi Ngọc Bình
12- Nguyễn Trung
13- Cao Văn Luy
14- Lê Ngọc Yên
15- Bùi Đại Giang
16- Nguyễn Phúc Hưng
17- Diệp Thanh Tú
18- Phạm Trung Quân
19- Nguyễn Kim Chung
20- Bùi Văn Quí
21- Tạ Thượng Tứ
22- Bửu Vy
23- Nguyễn Lễ
24- Trần Hữu Quang
25- Trần Kiêm Tuấn
26- Nguyễn Khoa Phiên
27- Triệu Ngọc Trình
28- Nghiêm Ngọc Ẩn
29- Trần Nhật Thăng
30- Ngô Văn Trung
31- Khổng Hữu Trí
32- Mai Tiến Đạt
33- Trần Hữu Dụng
34- Dương Bá Trát
35- Nguyễn Hoàng Dự
36- Trần Phi
37- Lê Văn Luận (chuyển từ khóa 62C)

Trần Hữu Dụng: tử nạn trong một phi vụ bay solo T-34 ở Saufley Field.
Thặng: hy sinh trong phi vụ hành quân ở Kontum.
Bùi Ngọc Bình: hy sinh trong phi vụ đánh napalm ở Tây Ninh.
Nguyễn Trung: hy sinh trong phi vụ hành quân.
Giang: hy sinh trong phi vụ hành quân ở Hố Bò, Bình Dương.

- Sau cùng Tr/tá Dương Bá Trát làm PĐT PĐ514 Phượng Hoàng, - Th/tá Trần Văn Nghiêm PĐT PĐ516 Phi Hổ.
- Cựu Th/tá Lê Văn Luận, giờ chót là sĩ quan hành quân Phi-đoàn 118 (Pleiku). Sau khi miền Nam Việt Nam lọt vào tay cộng-sản, anh Luận đi tù... Ra tù, anh Luận đi vượt biên; nhưng không may anh Luận đã bỏ mình ngoài biển!

Danh sách 64A/ B Navy
1- Đinh Văn Sơn
2- Trần Lợi Tường
3- Bùi Văn Thắng
4- Lưu Kim Thanh
5- Lại Tấn Tồn
6- Đàm Chí Dzũng
7- Lê Hưng Long
8- Nguyễn Điền Phong
9- Võ Hữu Huy
10- Đỗ Tín
11- Bùi Văn Tài
12- Lê Văn Ngoạt
13- Đinh Quang Cứ
14- Trần Thu Thủy
15- Đỗ Minh Tăng
16- Trần Việt Hưng
17- Lê Thuận Lợi
18- Dương Bá Khôi
19- Koan Châu Đạt
20- Lương Khánh Nam
21- Nguyễn Văn Trang
22- Cẩn Thanh Cát
23- Nguyễn Thanh Bửu
24- Trần Văn Mười
25- Lê Văn Sang
26- Trần Chúc
27- Nguyễn Đình Thịnh
28- Nguyễn Đại Điền

Thanh: hy sinh trong phi vụ hành quân tại Phước Long, Bà Rá,
Dzũng: hy sinh trong phi vụ hành quân trên phi trường Bình Thủy,
Phong: hy sinh trong phi vụ hành quân vùng I,
Tín: tử nạn ở Biên Hòa, Cát hy sinh ở Pleiku.


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1391431359.png

Danh sách 64C Navy
1- Trương Văn Ba
2- Nguyễn Văn Bé
3- Lưu Ngọc Điềm
4- Nguyễn Thành Trung
5- Nguyễn Văn Xê

Danh sách 64D Navy
1- Nguyễn Hữu Bông
2- Tô Văn Cáp
3- Nguyễn Ngọc Lành
4- Nguyễn Văn Quí
5- Vương Văn Quý

Danh sách 65A Navy
1- Chữ Quân Anh
2- Lương Tứ Cường
3- Vũ Việt Dũng
4- Lê Chiêu Hiền
5- Đỗ Phụng Hoàng
6- Nguyễn Cao Hùng
7- Phạm Đình Khuông
8- Huỳnh Văn Lài
9- Võ Hiếu Liêm
10-Nguyễn Huy Lộc
11-Đoàn Phan
12-Nguyễn Công Phúc
13-Tăng Tấn Tài
14-Trần Văn Tám
15-Vũ Thể
16-Phạm Công Thành

Thể: tử nạn trong lúc huấn luyện,
Hùng: hy sinh ở chiến trường An Lộc, Bình Long,
Lài: ở Phước Long, Bà Rá
Hiền: ở Vũng Rô,
Tài: ở Mỹ-Tho,
Thành: ở Biên-Hòa.

Danh sách 65C Navy
1- Lê Đình Hải
2- Lê Văn Tiên

Danh sách 65D Navy
1- Nguyễn Hữu Ân
2- Hồ Văn Du
3- Nguyễn Trọng Đức
4- Trần Hoán
5- Nguyễn Văn Sao
6- Nguyễn Văn Tỷ

Ân: tử nạn ở vòng đai phi trường Pleiku 1969 sau phi vụ hành quân
Và đám này là những SVSQKQ/VNCH cuối cùng ở US Navy. Sau đó, không còn ai được gởi sang thụ huấn tại Pensacola nữa.
Một điểm nữa là hình như từ các khóa 64 đến 65 thì VT-2 và VT-3 huấn luyện giống nhau, trừ việc nhà ở và sân bay khác nhau.


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1391240984.png

http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1391241422.png

Chú thích

Những chữ viết xiên là thuật ngữ bằng tiếng ngoại quốc mà tiếng Việt không thể diễn đạt một cách ngắn gọn được. Sau đây là những chú thích về tên của các địa danh hoặc những kỹ thuật chuyên môn:
(1) Hải quân Th/tá Godfrey DeCourcelles Chevalier, xuất thân từ Võ bị Hải quân HK 6/1910, lấy bằng phi công HQ Naval Air Pilot số 7 ngày 7/11/1915 và bằng hoa tiêu Naval Aviator số 7 ngày 7/11/1918.
(2) Đề đốc Rear Admiral Albert Cushing Read, thủ khoa khóa 1907 Võ bị Hải quân HK và một trong những người đầu tiên đã thụ huấn tại Trường Pensacola, bằng hoa tiêu Hải quân Naval Aviator số 24.
(3) Đô đốc Tư lệnh HQHK trẻ nhứt lúc bấy giờ và cũng là hoa tiêu hải quân đã thụ huấn tại NAS Pensacola, Admiral Forrest Percival Sherman (cho đến 1970 Đô đốc Admiral Elmo Zumwalt lên làm Tư lệnh HQHK mới chiếm lấy cương vị Tư lệnh trẻ nhứt).
(4) Đô đốc John Smith “Jimmy” Thach đã phát minh ra kiểu hợp đoàn chiến đấu này, được mang tên Ông, để chống phá thế thượng phong của chiến đấu cơ địch vào Thế chiến II. Ông là một naval aviator, chiến thuật gia không chiến (air combat tactician) của Hải quân Phi hành HK.

***

Phượng Hoàng Kim Cương
Tết Nhâm Thìn 2012
Viết mừng ngày Khóa 62 SVSQKQ
50 năm Nhập Ngũ

Tinh Hoai Huong
02-22-2014, 10:51 PM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1393109249.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1393109396.mp3
Xuân Quỳnh & Người Đàn Bà Danh Vọng
Tình Hoài Hương
*


Khí hậu ở Đà Lạt thật dễ chịu, không khí thoáng mát, trong lành ấm dịu khôn tả. Tia nắng hoàng hôn nhuộm mặt hồ thành màu vàng óng, sang sáng, trăng trắng như tráng bạc. Con đường rất rộng len lỏi qua những đồi thông ngút ngàn, mang dáng dấp sang trọng, thấp thoáng đó đây nhiều ngôi biệt thự xinh xắn, muôn vẻ, muôn hình dáng yêu kiều đứng riêng trong từng thổ cư, có bao chiếc xe nhà bóng loáng đi về lả lướt, càng tô điểm cho bộ mặt thị thành vinh sang và nên thơ hơn. Nên thơ! Phải! Mọi sự đã khởi sự bắt đầu, cũng như chấm dứt từ chỗ nên thơ đây! Từ thành phố hoa đào duyên dáng thơ mộng nầy. Từ con đường mòn uốn khúc dưới rặng thông xanh ngút ngàn, dẫn đến ngôi trường thân quen suốt năm niên khóa. Phiến trời xanh xanh lộ ra dưới kẽ lá rì rào, bóng râm trên đỉnh núi dài hẳn ra, báo hiệu một ngày nữa hoàng hôn sắp lụi tàn. Quỳnh thấy quắt quay niềm nhớ nhung, dù rằng Quỳnh còn đứng trên con đường thân thuộc, và sẽ do dự bùi ngùi lúc chia xa.
Xuân Quỳnh tần ngần giây lát rồi lững thững bước lên thềm, việc đầu tiên khi vô lớp, cô cất xách tay, cây dù ở trong tủ, cô đem sách dạy trong ngày, vở soạn bài, dụng cụ thính thị cần cho buổi dạy. Những cuốn tập học sinh làm bài ngày hôm trước. Tất cả bưng được lên bàn xong. Quỳnh kéo ghế ngồi. Trước hết, Quỳnh mở quyển “Bút Ký của Chúng Mình” ra, quyển bút ký nầy chỉ có Thụy Mi & Xuân Quỳnh đọc và viết cho nhau mà thôi. Chẳng hạn như bạn đã viết:
- “Quỳnh ơi! Ngày 28/3 Hội Thuyết Giáo Khoa. Lần nầy Quỳnh phải dạy mẫu cho giáo chức toàn Tỉnh và Thị Xã xem đó nghe. Hãy chuẩn bị kỹ bài vỡ nhen.
- Sau khi đi Hội họp xong, Quỳnh nhớ kêu Mai, Hạ, Cúc, đến nhà mình ăn bánh xèo, bánh căn, hỉ.
- Ngày mai dạy xong, là mình lên xe “chuồn” về trước. Quỳnh về sau vui vẻ nhe bồ tèo”.
Đôi khi đọc chuyện Quỳnh viết, Thụy Mi vui, hoặc buồn bã bâng khuâng thế nào ấy. Một hôm, Mi đọc lời tâm tình của bạn ghi như sau: . . . “Tháp chuông nhọn hoắt của ngôi giáo đường đâm thủng nhiều tảng mây trắng, xôm xốp, bồng bềnh, vỡ thành triệu giọt nước, hòa vào sương giá, và tiếng chuông càng thánh thót, ngân nga, háo hức rủ bình minh bừng dậy. Quỳnh nao nao nghĩ về mối tình của mình… bắt đầu từ các câu đối thoại với chàng:
- Anh là Trung-Tá Nguyễn Bá, tự Rồng Vàng, là Tỉnh-trưởng và Chỉ-huy-trưởng trên tiền đồn heo hút sơn khê. Anh là sĩ quan cao cấp như thế, có biết bao binh lính sống tuốt trên thượng nguồn, đóng quân trong rừng sâu, nơi toàn thác nước và suối ngàn. Ở đó, chỉ có chim, khỉ, cọp và voi… Làm gì có trường học, không có dân cư, làm sao được khi anh nói với Quỳnh: “Anh sẽ thưa với mẹ Quỳnh, cho anh xin “ngón tay đeo nhẫn cưới của em” - rồi anh trang trọng kiệu em lên đó, để em dạy học? Ha anh?!
- Á… Vấn đề là anh sống tận rừng sâu nước độc thật, thế nhưng nơi đó có đồng bào kinh và đồng bào thiểu số hiền lành chất phác, đôn hậu, lương thiện, họ nhọc nhằn khổ sở lắm, em à. Em sẽ trở thành hoàng hậu rừng xanh của các em bé thơ ngây, hiền lành chất phác, thật thà và giản dị nhất. Nhe em!
- Ở rừng sâu nước độc, nơi khỉ ho cò gáy chỉ có sốt rét, chiến tranh. Ai dám ở.
- Anh sẽ cố gắng quy tụ dân cư gom lại một nơi an toàn, đem bình an cho từng thôn, xóm. Rồi sau khi anh bình định mọi việc xong xuôi, em sẽ ở nhà dạy dỗ cho chính đàn con nhỏ xinh xinh của em, tạo thành một lớp học đông vui. Nha!
- Ô! Anh ví em như bà Âu Cơ làm mẹ trăm con. Anh đùa dai vậy.
- Anh không đùa. Anh nói rất thành thật".
Thuỵ Mi ơi! Quỳnh nghẹn lời vì xúc động. Sự ấm dịu bất chợt không có gì cưỡng nỗi, khiến Quỳnh điếng lặng và lịm người. Biết trả lời thế nào? Tiếng hót tình yêu đầy tình âu yếm đã đến, mình đưa tay ngắt cánh lá vàng màu vương giả, không cảm giác đau nhức nơi bàn tay bị gai đâm chảy máu, mà cảm thấy vết thương sâu đậm đang rưng rưng ở trong lòng Quỳnh nè. Như nhà địa chất đào bới lớp chert, ngọc thạch lựu, kim cương… Quỳnh luôn hoài tưởng, mơ mộng, mong bắt gặp hình ảnh thân yêu, ngọt ngào xiết đỗi đã một thời làm chao đảo lòng ta. Quỳnh có muốn yêu người đã có vợ con đâu. Có muốn buồn nhớ và tủi hờn chi. Nhưng… Tự nhiên định mệnh run rủi, Quỳnh lại yêu say đắm và đầy khổ lụy.
Giòng suy nghĩ miên man, choáng váng, liên miên, giờ Quỳnh hiểu dưới lớp vỏ trai mong manh kia còn ẩn dấu sự sống thực, là cuộc chạy trốn bản ngã mình, trốn nhân sinh quan ẩn dấu trong lớp vỏ số phận, nó gỏ trong tim Quỳnh đau nhức khốn cùng, không sao tả xiết. Khác nào Quỳnh tự buộc chặt với chàng, như con tằm nhốt mình trong kén để nhã tơ. Trong ký ức bỗng sống động, xúc động vì đường nét hòa nhập thân quen, vang dội lại lòng mình muôn vàn yêu thương, kiều diễm một thời. Kể ra cũng cần đem cuộc đời vô duyên, cuộc tình đen bạc và hờn tủi của mình kết tụ thành một hình hài bé nhỏ trong bụng. Và Quỳnh đã quyết định. Bây giờ, Quỳnh muốn quên, dùng tất cả tình cảm còn lại cho riêng con gái và học sinh. Nói thì dễ, không có nghĩa là Quỳnh quên ngay cuộc tình buồn, không hy vọng. Là hết yêu, quên sự ra đi, trở về. Sự đi, về, chua chát, phũ phàng dường bao trong hồi ức. Tựa như sự có mặt của Bá bên bờ nhánh sông không tên khi thuyền tình ghé lại. Mất hết rồi bao thi vị, ý nghĩa từ chiếc bóng yếu ớt, lung linh như nụ cười méo mó nở trên mặt nước xô sóng. Chiếc bóng chập chờn lúc trời choạng vạng tố sẽ thành lớp mạng nhện phủ chụp lên mình sự mù lòa buông thả.
Khi Quỳnh tưởng tượng sau những ngày hành quân hoặc trấn thủ trên vùng biên giới, Bá về phép sống với vợ (dù anh ấy bảo: do bà xã "quá hơn chằn” thiếu hiểu biết, nên gia đình anh không hạnh phúc). Quỳnh đồng ý không hạnh phúc, nhưng chính anh đã tạo ra gia đình đó. Anh phải có trách nhiệm bảo vệ và vun đắp. Không vì lý do gì anh chối bỏ, cao chạy xa bay. Tuy nhiên, Quỳnh nghĩ đến hoàn cảnh mình, sự so sánh ấy khiến Quỳnh không thể vô tư lự. Nhất là sau nầy, Quỳnh biết Bá không chỉ có bà vợ lớn bé ấy, mà Bá còn nhiều cô bồ nhí khác. Những cô gái mê sự hào nhoáng xa hoa vinh sang và điạ vị danh vọng cao tột đỉnh… (trong đó có Quỳnh nữa, vậy mới đau! Thụy Mi ơi! Tuyệt vọng dường bao.
Thiên kiến tình cảm đầy ngang trái. Con thuyền yêu không làm bằng ván ghép che nắng che mưa, mong chống chọi lại bão táp phong ba cuộc đời, mà như chiếc bóng bay giữa trời, hết chất thơ và trí tưởng tượng lãng mạn thiệt. Sau những bồng bột mặn nồng âu yếm, lẫn dày vò quá thể, nay Quỳnh không thể lún sâu vô, phải âm thầm rút lui, dứt khoát tách ra khỏi đời anh. Cuộc tình như bong bóng đã mọc thêm hai cánh bay vút đi quá đỗi là mau. Quỳnh chẳng nên tiếc nhớ, mà phải ngậm ngùi, điếng lặng. Thôi. [/I]
Lần đó Mi ngậm ngùi xót xa, thương bạn lắm khi đọc mãi lời tâm sự của Quỳnh trong “Bút ký của chúng mình”. Rồi cô bâng khuâng băn khoăn xếp tập lại, để trong hộc bàn. Giờ ra chơi, cô ngồi trong lớp suy nghĩ, hồi âm cho Quỳnh:
Xuân Quỳnh, bạn thân mến!
Chúc mừng bạn có những suy nghĩ chính xác. Không ai có lỗi cả trong viêc để lại một góc tâm tư mình ngút ngàn hương yêu & chút ước nhớ luyến mong về thời vàng son xa xưa. Số phận đã tước đoạt trên tay ta niềm hạnh phúc bé xíu, mà định mệnh đã an bài vào mùa Đông năm kia cho hai người gặp nhau, (như trong câu chuyện huyền thoại), và yêu nhau. Chính là vì biết không phải là chuyện huyền thoại, nên con người ai cũng có đôi lần vấp ngã quá buồn. Câu chuyện về cái góc thiên đường của Quỳnh và Bá, thật là kỳ. Quỳnh như con chim non vừa bay ra khỏi tổ, cuộc sống tưởng bình yên phẳng lặng. Nào ngờ đã khắc ghi vô lòng Quỳnh nhiều điều quá đỗi buồn phiền, nó vẫn ngấm ngầm theo Quỳnh sát nút, kèm theo những tiếng hót tuyệt vời đầy tình âu yếm, ngọt ngào hương vị mùa Xuân đầy quyến rũ. Quyết định nên tiến tới bên nhau, hay không; vẫn do ở lòng ta, tùy ở cường độ yêu thương và sự cứng rắn mỗi người. Quỳnh à.
Tiếng hót ân tình vẫn lách qua kẽ lá rì rào, vang lên giữa đám lá xanh, tình yêu theo không gian và thời gian, sẽ xuất hiện trở lại tươi xanh, hay úa vàng? Màu vàng lá úa thu phong, có khác với màu vàng anh của hoa mimosa không, hở Quỳnh? Có ai nói hai màu vàng khác nhau ấy, sẽ không cùng một mùa làm rụng lá chia phôi?!”…
Đôi bạn thường say sưa viết trao đổi đủ thứ chuyện linh tinh, về kinh nghiệm nghề nghiệp, bản thân, chuyện đời phức tạp, viết cả những tập tục lý thú của nguời kỳ lạ nơi xa xôi. Đó là những giờ phút riêng tư ấm lòng, tuyệt diệu nhất của đôi bạn chân tình. Họ đến với nhau trong tình tri ngộ.
***
- Mơ mộng gì, mà thừ người ra vậy?
Thụy Mi hỏi, đập tay lên vai bạn. Ly nước vơi quá nửa, cái bánh ngọt kẹp lỏng lẻo giữa hai ngón tay Xuân Quỳnh khi thời gian vụt trôi qua. Sự im lặng trong bàn tiệc chia tay, sao buồn và quá lâu, Xuân Quỳnh không biết làm gì với hai bàn tay mất tự nhiên, trở nên lóng ngóng buồn thảm thế nầy. Mọi sự đã khởi sự bắt đầu, cũng như chấm dứt từ đây. Phải! Phải! (mọi sự đã khởi sự bắt đầu từ đây).
Lần đầu tiên Mi đã gặp cô bạn đồng hành qua cái gật đầu nheo mắt mỉm cười ngầm chào nhau. Ồ! Bỗng dưng Mi cảm thấy mến thích người nầy lạ! Sau một thời gian quen biết, cô nhận thấy tính tình Quỳnh trầm lặng, dễ thương, nghệ sỹ, lãng mạn và vui tính. Tuy thỉnh thoảng Quỳnh có khùng khùng đôi chút. Ừ! Giống hệt cái điên điên của ta mà. Quỳnh có mái tóc dài buông thả trên thân hình thon thon, sóng mũi cao, miệng cười chúm chím coi cuốn hút truyền cảm, duyên dáng nhất là khi Quỳnh nói chuyện, giọng nói của gái Đà Lạt êm ái, nhỏ nhẹ, ngọt ngào rất có duyên cộng thêm phần tri thức. Đôi khi Quỳnh cười rõ tươi, lộ ra hàm răng trắng bóng như tráng men. Dù Xuân Quỳnh cười to, nhưng đôi mắt thì ngược lại, nó ánh lên một vẻ buồn mơ màng, sâu thẳm len lén nét đa tình. Quỳnh ăn mặc giản dị, thoải mái, mà ung dung. Quỳnh hay cười, dù cô đang rơi vào niềm cay đắng. Xuân Quỳnh biểu lộ tình cảm dưới đôi mắt to tròn tuyệt đẹp (mà các bạn thường đùa là "khung cửa sổ đa tình", hoặc có biệt danh đồng nghiệp đặt cho Huỳnh thị Xuân Quỳnh, “người đẹp mắt buồn rất bình thản”, nhất là được bạn trai tán thành.
Mặc dù các cô giáo ở cạnh nhà nhau, nhưng họ dạy khác buổi, nên cô nầy đi dạy, thì cô khác ở nhà, kể như ít gặp mặt nhau để tỉ tê chuyện trò. Hai cô giáo tuy dùng chung một phòng học, cùng xử dụng chung bàn, ghế, tủ. Thụy Mi dạy buổi sáng, Xuân Quỳnh dạy buổi chiều. Hai cô có chìa khóa lớp, và chìa khóa tủ riêng đựng sách vở, dụng cụ thính thị chung. Các bạn thương Quỳnh, một phần dựa trên tính tình hòa nhã, đằm thắm, duyên dáng. Phần khác Quỳnh tiềm ẩn đâu đó chất thơ súc tích, giàu tình cảm pha chút lãng mạn thao thức dồn dập đến không ngờ, nên vô tình cô khá hấp dẫn và lôi cuốn họ, mà mặc nhiên Quỳnh không hề hay biết. Mặc dù họ có cuộc sống khác cô. Tuy thế, không có gì trở ngại trong tình bạn đầy thông cảm và thấu hiểu ấy. Xuân Quỳnh vừa đi dạy trẻ, vừa tiếp tục ghi danh trên đại học Sư Phạm cùng với Hương, Trầm Mây, Thu Thủy, Hạ, Bé, Oanh. Trong tương lai, chắc chắn nhóm nầy dù muốn dù không, “sẽ bị” tản mát đi dạy các trường Trung-học thôi.
Riêng hai “cô giáo già” thì không vừa lòng, Họ làm bộ ư hử trong cổ họng, liếc nhìn nhau nhún vai bĩu môi rồi vội quay đi, nét mặt tỉnh queo. Quỳnh thấy từng cử chỉ của họ, cô biết nếu đối lập với quan điểm, hay có ý kiến, ý cò, với người khác, thì bị xem là khuynh tả. Không có ý kiến, cũng bị coi là khuynh hữu. Thôi mặc sự đời, cô sống cho chính mình, với nhu cầu nội tại, do sức mạnh nội tại, và vẻ đẹp nội tại, lù đù như thế mà thấm đủ. Song ở đời, ai cũng có nhân sinh quan riêng, phần Quỳnh mỗi buổi sáng thức dậy, cô đọc một đoạn kinh thánh, buổi tối trước khi lên giường, Quỳnh đọc một đoạn kinh thánh. Thế là nụ cười hồn nhiên lại tươi nở trên môi, thoáng hiện nét an bình. Quỳnh ung dung, nếu không muốn nói là bình thản trước mọi biến cố chung quanh, và chính mình. Từ những ưu điểm nầy mà tình thân ái giữa bạn bè, phụ huynh, học sinh, theo thời gian tăng trưởng vui vẻ. Thật đáng sống.
Thật ra hai bà giáo già đối với Quỳnh có nhằm nhò gì! Xuân Quỳnh chỉ lưu tâm đến một người khác: đặc biệt quan trọng hơn. Hai cuộc sống hoàn toàn trái ngược, đã khẳng định mọi điều dứt khoát đưa anh ra khỏi đời cô: Nguyễn Bá, tự Rồng Vàng đi vào đời cô có trăm tim hoa tình yêu đua nở, phơi phới và phù vinh nhất. Vì, Bá có tất cả ưu ái Trời ban: Cao ráo, đỉnh đạt, tráng kiện, hào hoa, quyền hành, địa vị, danh vọng cao sang. Để Quỳnh tin tưởng anh hơn, có mấy lần Bá đưa Quỳnh về nhà cha mẹ, các em của chàng, (mãi đến bây giờ Quỳnh đâm ra nghi ngờ, không hiểu họ có phải là thân nhân, ruột thịt của Bá hay không nữa? Hay là anh nhận hờ đám “bá vơ” ở đâu đó, đưa họ về nhà anh làm “cò mồi”?).
***
Một hôm, trên đường đi chợ về, Thu và Quỳnh gặp Liễu, (người em của Bá). Liễu mừng rỡ, ân cần hỏi thăm hai chị:
- Lâu quá. Nay em mới gặp lại chị Thu, chị Quỳnh he.
- Ồ. Mới ngày nào em còn bé tí xíu, học trên Couvent. Nay em lớn rồi ha.
- Anh Nam vô Không-quân, đi Mỹ, trở về Việt Nam, ảnh đã có vợ và ba con, không phải anh cưới Quyên Hà, (như chúng ta tưởng đâu). Em xin lỗi, mãi nói chuyện ai, quên hỏi thăm chị và bé Nguyên Đào cuả chị Xuân Quỳnh, nay bé Đào lớn rồi ha chị?
- Lớn rồi. Đã đi học. Còn em?
- Em vẫn thường, hiện em dạy ở Mỹ Tho. Em xin lỗi, chị Thụy Mi có chuyện buồn hả?
- Không.
- Sao em thấy chị vẫn mặc áo quần đen?
- Chị thích màu đen.
- Vậy mà em nghĩ chị là cô phụ, hôm hổm em gặp anh Nam, ảnh vẫn hỏi thăm chị Mi, em lỡ nói chồng chị đã chết. Anh thắc mắc không hiểu tại sao. Thiệt là xin lỗi lần nữa nghen. Tuần sau, về Sài Gòn đi dạy lại, em sẽ đính chính.
- Vậy sao!?
- Còn chị Quỳnh thì em không cần cho anh Bá biết điều gì nghe.
- Anh Bá đã chết trong lòng chị rồi sao?
- Có thể lắm.
- Bất cứ giá nào, chị cũng nắm bắt hạnh phúc. Vì con bé Đào chị à.
- Níu kéo nhau để làm gì nữa. Hở em!
- Như vậy, có tàn nhẫn và bất công không? nhất là con cuả anh Bá và chị lắm không?
Trong mắt Liễu đã nhìn thấy nỗi quằn quại của người bị tước đoạt mọi quyền hạng, sạch trơn, vô nghĩa, trần trụi. Quỳnh khỏi cần bộc lộ niềm đớn đau phiền hận qua ngôn ngữ, cử chỉ. Mà, trải dài ra sự mệt mỏi, khinh mạn, cùng sức chịu đựng âm thầm cay đắng và sâu sắc, như tấm màn voan xám đục luôn vây kín từ mọi phía trên đỉnh Lâm Viên mù sương.

Thụy Mi, Xuân Quỳnh, Liễu, chia tay nhau. Quỳnh cúi đầu bước đi cắn mạnh môi để ngăn chặn mọi đảo lộn khác thường. Trong tim họ bừng bừng cơn sốt tiếc thương, vang vọng trở về mỗi lần có người vô tình gợi nhớ đến người xưa. Quỳnh thương mình, lẫn thương anh và con. Duy có điều gay cấn giữa Quỳnh và Bá: Hai cuộc sống hoàn toàn trái ngược, Bá có tất cả quyền hành địa vị cao sang, danh vọng tột đỉnh. Cô chưa thấy bóng mây u tối nào phủ màu hắt ám, ngoài sự bay bướm, lả lướt, lăng nhăng, vô cùng rối rắm, khiến bà “phu nhân” nổi giận, đã làm nhục anh thường xuyên. Hôm đó, Quỳnh ngồi trong trường cùng Hội Đồng Trung Ương để chấm thi cho học sinh vô trường Trung-Học Công Lập. Tất cả giáo chức phải đến trung tâm thi tuyển làm việc trọn ba ngày. Chiếc phong bì lớn bìa màu vàng, cứng ngắt dày cộm, dán kín. Con niêm to tướng màu đỏ sậm bằng nhựa dẽo đè lên hai sợi chỉ tua vàng. Mặt trước phong bì có con dấu bưu điện in dấu ngày gởi đi, ngày đến. Xéo hai góc bì thư là con dấu “Tối mật” và “Thượng khẩn”.
Ông chánh chủ khảo mặc bộ veston sang trọng, ông có bộ mặt béo phị, dấu hiệu ấy cho Mi biết ông sống đầy đủ, sung túc, minh xác về sự ông ta ăn uống mỗi ngày một tăng theo tỷ lệ thuận. Nếp nhăn xếp lớp dưới cái nọng cổ xệ từng nấc cứ rung rinh. Chốc chốc ông đưa ngón tay trỏ đẩy cọng kính gọng vàng chính xác về sát trên sóng mũi lân to bè. Mỗi khi ông nói hay cười đều híp mắt, đôi mắt him híp trông như một đường chỉ, nôm na hơn Mi coi ông giống như dân xì thẩu trong lò heo quay nơi Chợ Lớn, hơn là một chánh chủ khảo! Bụng ông quá phệ nên không có dây nịt nào vừa kích cỡ. Thay vào đó là hai quai dây vải, móc từ sau lưng quần, quàng lên vai, đan chéo trên lưng ông, và vòng ra bụng quần phía trước, quai có hai nút cài, giống như quần của em bé bự. Ông là người tốt tướng và “tốt bụng”. Mặc khác ông là người nghiêm nghị cẩn thận dùng cây bút đỏ gạch tên thí sinh nào yếu kém và phạm lỗi.
Phía dưới văn phòng bỗng có một người đàn bà sửa mắt, mũi, cằm, bơm môi, trang điểm lòe loẹt diêm dúa, trang phục lộng lẫy cầu kỳ. Bà ta hất mặt lên, thẳng bước vô văn phòng, yêu cầu cho gặp Xuân Quỳnh ngay. Hân, (là anh tùy phái trực ban hôm ấy) ôn tồn, nói:
- Mời bà vui lòng chờ ở đây. Cô Quỳnh bận chấm thi, không thể ra tiếp bà ngay.
- Có lâu không?
- Tôi không thể biết.
Quen lối trịch thượng, hách dịch với lớp lính hầu ở nhà, bà ta quắt mắt nhìn mọi người, hỏi trống:
- Cô Quỳnh ở phòng nào vậy?
Hân tùy phái ít học nhưng có chút lịch sự thưa:
- Dạ… Vì lý do an ninh trường thi, tôi xin miễn trả lời bà. Mời bà ngồi đợi.
- Đợi… có lâu không?
- Điều nầy, tôi lại càng không biết.
- Tôi là phu nhân Đại-tá Bá, chồng tôi bị nó bỏ bùa mê thuốc lú, ổng về đánh đập tôi… Tôi đến đây… Huực... hic hic... hụ hụ.
Hân đứng dậy, điềm đạm:
- Thưa bà bớt giận, ở đây là trường thi, họ đang chấm thi, tôi có bổn phận bảo vệ an ninh. Ngoài ra việc cá nhân, tôi không muốn nghe, không có ý kiến. Mời bà im lặng ngồi chờ. Nếu bà bất tuân, buộc lòng tôi phải nhờ giới thẩm quyền can thiệp về việc bà gây rối, làm mất an ninh trật tự ở truờng thi. Thưa bà.
Bà ta vung tay, trợn mắt hất hàm, chưởi đổng (hạ tiện như đã từng mạc sát thuộc cấp ở tư gia bà ta). Quày quả đùng đùng bỏ ra ngoài xe jeep, bà trút giận lên đầu anh lính, nạt nộ tài xế lái líu ríu xe đi một lèo.
Thụy Mi suy nghĩ: đàn bà có yêu chồng mới ghen. Nhưng trong việc ghen để đem lại hạnh phúc, thì có hai cách: Thứ nhất, ghen để đem vinh danh kính phục đến cho chồng. Thứ hai, ghen để rồi đem đến sự nhục nhã xấu hổ về cho chính bản thân và cho chồng. Tiếc thay! Người đàn bà cao sang quyền quý đó, đã chọn cách quá ghen thứ hai. Quỳnh ngất xỉu tại phòng chấm thi, mọi người rối ben. Ông Chánh chủ khảo triệu tập phiên họp hội đồng bất thường gấp.
Đang khi đó, khoảng hai giờ chiều, lúc các ông bà cô thầy trong phòng thi lăng xăng lo xúm lại bên Quỳnh giật tóc mai, mời bác sĩ. Bỗng vị đại tá anh minh xuất hiện. Tất nhiên ông oai phong đường bệ, lịch duyệt và trí thức lịch sự hơn bà xã... xệ! Ông ta xin lỗi ban giám khảo trường thi, xin lỗi các ban, ngành, kể cả anh tùy phái ít học, nhưng có tư cách của một người tự biết mình. Ông đại tá xin phép được đưa Quỳnh về nhà. Nhưng cô tránh mặt Bá, chối từ. Quỳnh viết vội vài chữ, nhờ tùy phái chuyển đến Bá: “Em đã và đang rất khổ sở vì những điều đáng hổ thẹn. Từ nay, hãy cho mẹ con em được yên vui và bình an. Xin đừng quấy rầy em. Chào vĩnh biệt. Xuân Quỳnh.”
Quỳnh đã đoạn tuyệt mối tình mà cô tin yêu chân thật trong đắng cay, đầy nước mắt tủi nhục. Từ ngày quen nhau, Quỳnh vẫn đặt dấu hỏi về tình trạng gia đình Bá. Anh luôn miệng nói: “Anh đã ly dị khiếm diện từ lâu, nay bà ta đã mất dấu tích nơi đâu, không rõ”. Khi Quỳnh về nhà kể lại câu chuyện chẳng vui ở trường thi, thì cha mẹ, các anh chị em đều bán tín bán nghi về người đàn bà tự xưng là “vợ của chàng”. Tuy vậy Quỳnh đã quyết định dứt khoát. Dù bao lần Bá đến nhà năn nỉ có, hăm dọa có, cầu hôn có, giận dữ có, Bá đưa đủ giấy tờ chứng minh sự thật. Thôi. “Một sự bất tín, vạn sự chẳng tin”. Niềm tin yêu trong Quỳnh đã nguội lạnh mất rồi. Tình yêu đó giống như ly nước ngọt ngào đầy ắp ân tình, vừa giáng mạnh xuống nền gạch nơi trường thi.
Thụy Mi ái ngại nhìn bạn, dò hỏi:
- Thế còn con của Quỳnh thì sao?
- Sau nầy con mình lớn lên, Quỳnh sẽ nói một sự thật trăm phần trăm cho con biết: Ba của con là ai. Ba của con đã đạt được mục đích trên đường đờicó nhiều cách: suy nghĩ, hành động, quyết định khác nhau. Tình yêu cho đi, Quỳnh không ân hận, chỉ buồn là mối tình chân thật hoàn toàn bất vụ lợi đó, đã giết chết chính mình. Niềm vui, hạnh phúc duy nhất bây giờ của Quỳnh là nuôi dạy con thành nhân thôi.

Mi nhận thấy lúc cô bé con đã lớn lên, đến tuổi vô trường trung học thì: Bé có nét giống ba vinh sang tri thức và đỉnh ngộ, có nét giống mẹ thùy mị, xinh đẹp và thông minh. Đồng thời bé có những nét dịu dàng và anh tú: đã tạo thành bé gái Huỳnh Uyên Nguyên Đào, mang họ mẹ.
*

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
03-29-2014, 07:28 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1396078852.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1396079121.mp3
Đôi Bạn Chân Tình Qua Những Phong Thư “Đa Tình…”


Đà Lạt, tháng Mười Hai, năm l9…

Anh Bửu Đan,
Hai lá thư cuả anh gửi đến em (cách nhau khoảng hơn vài tháng), giữa lúc Hoài còn băn khoăn, bâng khuâng, xao xuyến. Tự đặt nhiều câu hỏi với lòng: "Không hiểu trong những lời văn đơn sơ, do em kém hoa mỹ, không biết thêu dệt những ý tình đẹp đẽ thơ mộng, và vô duyên tệ ở lần thư em gửi trước. Có làm anh phật ý không?". Ngờ đâu anh vẫn điềm đạm, thanh nhã để dung thứ cho em. Thật, đời của Hoài chưa bao giờ được diễm phúc như thế nầy. Anh à.
Anh Đan thân của em! (Xin phép anh cho em được mạn phép và thân mật gọi anh bằng tên, xưng lại là em; Vì, chỉ lúc nào hân hạnh có đặc ân cao qúy, tốt đẹp như thế nầy, em mới dám ngỏ lời tâm sự cùng anh đang ở cách xa nghìn trùng thôi). Anh Đan ơi! Em không ngờ anh không thích sống ở chốn thị thành phồn vinh, nơi xa hoa đầy tin yêu quyến rũ, và thi vị vô vàn - để xoay lưng lại trước nỗi đam mê của con người, khước từ mọi cao sang danh vọng, qua bao lần đũng quần đã sờn, áo trận bạc mầu lại thay. Anh đi hoài đi mãi về chốn sơn khê, nơi bụi bờ lau lách, để... lội qua sông, ngày ngày tìm về kỷ niệm xưa rồi. Anh hở?

Vâng! Em hiểu. Hoài hiểu anh hơn ai hết. Anh ơi! Việc thay đổi đồn trú của anh hôm nay, gián tiếp cho em có một phần trách nhiệm lớn. Và, tiện thể, cho em gửi đến anh trăm ngàn lần xin lỗi. Xin lỗi ngàn lần. Không ngày nào rảnh rỗi, mà em không nghĩ đến anh. Nhất là ở thời điểm quá ư lộn xộn, mệt mỏi, đau đớn cả tinh thần lẫn vật chất, giữa không gian và thời gian nầy. Ít nhiều gì, em vẫn nghĩ đến anh, nghĩ đến thứ tình cảm cao qúy thiêng liêng, chân thật xao xuyến, thơ mộng, và ngây ngất dịu nhẹ vô vàn.

Lá thư trước, anh hỏi: "Em đã có người yêu chưa?". Lá thư sau cùng, anh nhắc lại: "Em đã có ý trung nhân chưa?" - Em vẫn ưu phiền và xót xa tự hỏi lòng: "Anh hỏi như thế để làm gì?" Tuy nhiên, nếu anh thành thật muốn biết về em, em thẳng thắng, chân thật để trả lời anh:
- Em đã có rồi anh ạ. "Có" ở đây, không có nghĩa là em gặp ý trung nhân, tâm đầu ý hợp. Hay người yêu tha thiết. Mà, có nơi để nương tựa. Có lẽ “chúng em” chưa hiểu nhau bao nhiêu. Chàng là người phong nhã, ngọt ngào khôn khéo, biết ân cần chia sẻ nỗi niềm đắng cay đang bóp thắt trái tim em sầu héo khổ đau. Chàng chỉ là một người lính tầm thường, không hơn kém bộ áo trận bạc màu, ngày chia xa bên dòng sông cạn năm xưa. Lính mới trăm phần trăm, có lẽ anh ta không thua anh binh nhì là mấy.

Từ ngày "Vắng xa anh" dễ cũng hai ba năm rồi, đời Hoài đã trải qua bao thăng trầm nhung nhớ, yêu đương, đau khổ, hận thù và khá gọi là chua chát đắng cay, bùi ngùi cho thân phận. Khung trời nầy, không còn êm ả thơ mộng đáng yêu, như khung trời Minh Long, Nghĩa Phú. Dù rằng trời Đà Lạt bao giờ và lúc nào cũng bàng bạc hơi sương, nên thơ, dịu mát. Chứ không oi nồng nắng cháy, với khói lửa chiến chinh, từ dạo em về xứ Quảng. Biết bao lần, em đặt bút xuống trang giấy mở rộng trước mặt, lắng sâu ý nghĩ mình, về những hoài niệm từ trong tiềm thức, cố gắng viết cho anh những lời tâm tình. Em mong anh chỉ giáo cho em được lĩnh hội ý lành, để em tiến lên, thoát ra khỏi vòng đai siết chặt từ mọi phía.

Nhưng than ôi! Ý đã cạn, lời đã cùng. Em không thể đặt bút, dù chỉ viết, hoặc gọi: "Anh Bửu Đan ơi!". Tiếng nói của em tan loãng trong không gian bao la, em không bắt gặp lời anh đối thoại. Hoài hoàn toàn lạc lõng giữa vùng biển nhớ, cuồng cuộn trong dòng đời đen bạc xô sóng. Em đành nhắm mắt, đưa chân lên con thuyền yêu bồng bềnh trôi về bến mơ. Đành thôi! Mai đây, lúc nhận được cánh thiệp hồng (thế nào em cũng gửi cho anh biết, ngày vui nhất một đời người). Anh trai của em sẽ đọc bài thơ của ai đó:
Mai mốt em tôi về xứ Bắc.
Cách bao rừng núi cách bao sông.
Tôi nằm mộng thấy em cười khóc,
Lo ngại đời hoa bạc má hồng!

Mai mốt em tôi về xứ Huế.
Nói gì em là của... phương xa!
Cầu cho đôi mắt em đừng mỏi.
Tóc vẫn xanh mầu nhu thuở xưa.

Anh có nằm mộng thấy em cười, khóc? Có đấy. Em cười ít, khóc nhiều. Anh à. Còn Hoài sẽ gửi đến anh hai câu thơ của thầy Phạm Lộc dạy Văn lớp Hoài ngày xưa:
Từ dạo xa nhau, ai nỡ khóc.
Thế nhân một chuyến lỡ sông đò.
*
Anh trai thân yêu của Hoài!

Em muốn thức từ đêm nầy, qua đêm khác, khi đêm về trong cô lẽ, một mình ngồi trước ngọn đèn lạnh lẽo, em hướng tầm mắt vào đêm tối không cùng, tìm về chốn đầu đèo cuối núi. Chỉ những lúc nầy, những đêm khuya thanh vắng hiu hắt nầy. Em mới đủ can đảm trò chuyện cùng anh, trên trang giấy những điều rất thật, rất buồn thảm của đứa em gái sắp lấy chồng. Vì, mai đây khi trời sáng, từ mọi xó xỉnh, bóng đêm đã nhạt dần, nhường chỗ cho ngày dần lên, em lại khoát lên người chiếc áo gấm, dệt đầy giấc mơ hoa hạnh phúc. Không có gì xoi thủng được.

Mong sao con thuyền hoa và giấc mơ hoa, trôi về bến bờ hoa hạnh phúc, vĩnh cửu bình yên một đời keo sơn gắn bó. Hẳn anh cũng cầu mong cho em được như vậy. Phải không anh?
Hoài ở phương nầy luôn cầu cho anh mạnh khỏe, may mắn giữa chiến trường sôi động, và bình an trong tâm hồn. Em đang chào anh đây, xin chào anh thân yêu. Người anh trai Bửu Đan cư xử thanh lịch, tao nhã, tế nhị, rất đáng qúy trọng, và dễ thương nhất của em gái Trần Ngô thi Thương Hoài.
***

Đà Nẵng, ngày 26 tháng 8 năm 1987

Hoài thân mến,

Anh vừa được thả trở về sau hơn 12 năm trong trại Tập Trung “cải tạo” khổ sai. Anh ra Huế thăm gia đình chú Tuấn Minh, thì nhận được mấy tấm carte của Hoài. Thật ngỡ ngàng, bất ngờ, và vui biết mấy. Anh không ngờ suốt 25 năm trời đằng đẵng, mà cô em gái vẫn còn nhớ anh Đan.

Anh đã thật sự trở về. Nhưng lắm chua cay và ngang trái. Thôi, đời là thế. Phải không Hoài? Anh chả than van hay tiếc rẽ gì . Tuy nhiên cũng buồn. Anh có 4 con, hai trai lớn ở với mẹ. Còn lại bé Huyền Tôn Nữ My Vân và Vĩnh Tiến ở với anh. Các con lớn đã học xong cấp ba. Cha đi tù không được vào đại học. Chị đã rời vòng tay anh. Cũng phải thôi. Còn gì mà níu kéo nhau cho mệt. Hiện giờ anh ở Đà Nẵng, nhưng chắc Tết nầy anh sẽ đi kinh tế mới, chưa nhất định là đâu. Anh nghĩ với sức anh có thể tạo lại tất cả. Về Huế chuyến nầy thật buồn, chẳng còn ai cả, ngoài vợ chồng chú Minh. Tất cả mọi người đều đã ra đi. Kể cả mẹ vĩnh viễn bỏ anh; Người mà anh thương mến nhất đời.

Phần em thế nào? Ổn định tốt? Anh xã đang làm gì? Các con em có lẽ lớn cả rồi, làm gì? Hoài lúc nầy vẫn trẻ chứ? Yêu đời như em dạo nào thì làm sao già được! Có lẽ em làm công nhân hay giáo viên gì đó phải không? Được thế thì tốt quá trong thời buổi nầy. Chẳng biết bao giờ được phép vào Saigon, anh xuống thăm gia đình Hoài nhe.

Đà Nẵng của Hoài lúc nầy khác năm xưa nhiều. Ngày ấy sau khi em rời Đà Nẵng, thì chính phủ VNCH có nhiều kiến trúc mới, làm người ta khá choáng váng. Nhưng, trong đó anh vẫn thấy nhớ nhớ cái ngây thơ của mình ngày nào, xa xôi lắm. Còn bây giờ anh đi vào Đà Nẵng xa lạ, và cô độc vô cùng. Chắc anh ước mơ một vùng kinh tế mới xa xôi, để ổn định cuộc sống, Anh cần một vùng đất thật hiền hoà và thanh vắng, tạm gác lại xa hoa đô thị. Anh cảm thấy bây giờ anh thật nghèo, nghèo từ thể xác đến tâm hồn.

Thôi nhé. Biên vài hàng để thăm Hoài và gia đình em, cầu xin em ổn định thật tốt. Anh không có gì hơn là hết sức cám ơn Hoài, còn nhớ đến anh và gia đình anh. Cầu chúc em và gia đình vạn sự an lành. Anh mừng.
Anh Đan,
* * *

Đà Nẵng ngày 8 tháng 11 năm 1987.
Hoài em!

Cám ơn. Cám ơn em khi nhận được lá thư từ xa xôi gửi đến cho anh. Anh suy nghĩ thật nhiều trong vài tuần nay, nên quyết định trả lời cho cô em gái đây. Trời Đà Nẵng đột nhiên trở lạnh kinh khủng (khi nhận thư em). Đêm nay gió càng mạnh, có lẽ bão tố vùng nào, đã ảnh hưởng cho khí hậu mùa đông thật rồi. Ngồi nói chuyện với em, anh không đóng cửa sổ. Mặc kệ, để gió lạnh lâu lâu thổi vào. Đừng cho là anh thêm mắm thêm muối nghe em.

Anh vừa đi Huế kỵ Me anh hôm 9 tháng 9 âm lịch. Me là người anh thương mến nhất đời. Ngày xưa anh bỏ Pháp để về Việt Nam, là do anh thương Me kinh khủng. Hoài biết không, ngày Me mất đột ngột, anh không biết, không ngờ, không khóc được, vì anh còn ở trong trại tù. Sự tiếc nuối đớn đau dày vò đến tột đỉnh cuộc đời anh. Không có gì đau đớn bằng! Em là người đầu tiên anh nói cho em biết nỗi đau đớn nầy. Rồi đây, chắc không còn một đớn đau dại khờ hồn xác nào, làm anh phải suy nghĩ; kể cả sự chia ly của vợ chồng anh.

Em đừng buồn cho đời anh. Vì anh chả bao giờ chịu thương hại. Chắc em hiểu anh ít nhiều. Chuyện anh và chị “en face” đã xong xuôi. Từ ngày ra tù, anh chị gặp nhau mấy ngày Tết lạt lẽo, hời hợt, lúng túng, lẫn tránh, rồi mạnh ai nấy sống. Sự chia tay đã ngấm ngầm chấp thuận, an bài giữa hai đứa. Anh vẫn sống với bà mẹ vợ bệnh tật liên miên, và vợ chồng cậu em vợ trong ngôi nhà của anh. Bây giờ do họ đứng chủ hộ khẩu. Anh chăm lo mẹ vợ bình thường. Anh sống thoải mái trong một căn phòng riêng anh, một thiên đường cho sự tịnh dưỡng sau hơn 12 năm làm Trung Tá sĩ quan QLVNCH. Dù nay bị tù đày, anh đi và về âm thầm lặng lẽ như mây phiêu lãng, chẳng phiền hà đến ai, và anh lo cho hai con chu đáo.

Chỉ cần “giải quản”, được phép đi đây đi đó, hai đứa (anh chị) ký tờ giấy là xong chuyện ly hôn. Chẳng ai luyến tiếc cho cuộc tình quá ngắn ngủi (1967-1975). Tám năm! Quá ngắn phải không em? Thế mà lắm đắng cay! Anh chấp nhận sự chia tay "quỳnh dao" vẫn nở đẹp đến ngày tàn. Sự ra đi như mây phiêu lãng trên bầu trời hạ chí, khi mình là kẻ yếu. Chắc em hiểu là bao giờ cũng đẹp. Lúc nầy anh chưa hận thù ai cả, kể cả không gian và thời gian. Với anh, Đà Nẵng chẳng còn gì mà luyến thương, anh có thể ra đi càng nhanh càng tốt. Nói vậy chứ trước khi gia đình em đi Paris, em nên về Đà Nẵng thăm thân nhân một chuyến. Chứ không sau nầy tiếc lắm đó! Đà Nẵng phồn vinh huyên náo muôn thuở. Nhưng đối với anh buồn lắm em ơi!

Em biết không, vợ anh giàu lắm, có một hãng trái cây xuất khẩu tại Sài Gòn. Thế mà anh vẫn giã từ cô ta, anh chấp nhận lấy khó khăn, nghèo hèn thiếu thốn, để thử thách cuộc đời.
Anh đọc thư em mà muốn cười quá! Em nói là: "Anh hãy sang bên kia sông, can đảm một chút, để xây lại viên gạch mái ấm, sẽ có gia đình hạnh phúc đầu tiên và cuối cùng bền lâu hơn". Sao mà em tôi có nghị lực và can đảm quá vậy! Chắc anh không làm được, với lứa tuổi năm mươi khá xế chiều của anh, anh sợ và ngán lắm rồi. Nhất là những người già như tụi anh. Anh nghĩ có xây lại lâu đài hạnh phúc ấy, chắc anh xây bằng plastique quá, vì mau hơn xây gạch nhiều. Cám ơn những lời an ủi của em gái, nhưng anh Đan chịu thôi. "Trả lại trăng sao cho đời".

Bây giờ anh cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái, trong cuộc sống không bon chen, không dành giựt. Ngày tháng qua đời anh, như những quả bong bóng bay theo tiếng chuông nhà thờ. Thế mà có vài người muốn nhảy xỗ vào đời anh, để chia sẻ tình cảm, cuộc sống. Hoài ơi! Tức cười quá! Đó là vài người sắp điên, hay họ thương hại anh chăng? Chuyện đó còn lâu! Anh hứa với em như vậy. Anh không còn tình cảm, đã qua đi sự trìu mến trong nghĩa vợ chồng. Còn lại là niềm cay đắng. Có lẽ họ muốn làm thủ tục HO "cùng đưa nhau đi tìm hạnh phúc tị nạn" chăng!? Anh không muốn lại biên thư cho em, nói lên sự đỗ vỡ thêm lần nữa. Anh trai của Hoài bây giờ già lắm rồi. Xí nữa là đằng khác, nhưng chắc tâm hồn chưa già, mà còn trẻ hơn trước... Em thấy ớn anh chưa.

Em biết không, từ dạo "xa em", anh đã đi học 2 năm bên Mỹ. Trở về Đà Nẵng anh tìm em, chẳng thấy em đâu. Anh đến nhà cũ, đường cũ hỏi thăm em, cũng chẳng ai biết. Buồn làm sao! Bao nhiêu lần anh xuôi ngược trên biệt thự Mimosa, số 2 Pasteur ở Đà Lạt, để tìm dấu vết em. Em vẫn biệt tăm. Biền biệt. "Gửi thư thư biệt. Gửi lời lời bay". Từ đó anh thêm một tật xấu là ghiền thuốc lá không đầu lọc, và cà phê không đường. Thế là anh tìm ra Đông Hà có cái lạnh và sự trống vắng của phố nhỏ. Anh hút thuốc và uống cà phê càng nhiều. Thật thú vị.

Tại thị trấn điạ đầu nầy, vào một buổi nắng quái, anh gặp chị mặc bộ quần áo trắng, tóc thề đi giữa đám học sinh nhỏ, bụi đỏ bay mờ phố buồn. Anh chị yêu nhau và đám cưới vội vàng, nhưng đám cưới lớn nhất từ xưa đến nay trong thị trấn nhỏ. Tránh cho chị khỏi cảnh làm dâu, anh đã viện cớ với me anh, là đời quân nhân rày đây mai đó, anh đưa chị vào Đà Nẵng mua nhà ngay buổi đầu, cho chị tự do thoải mái... để rồi “tự do chia tay”. Ha ha…

Em thấy không, tất cả có lẽ do Thượng Đế an bài. Tại sao ngày đó "người ta" không gật đầu ưng thuận một cái em nhỉ? "người ta" vui, "người ta" cười, lịch sự đoan trang, nhưng “em ấy” cứ lờ đi sự van nài của anh. “người ta” thản nhiên kết thúc chuyện tình bằng tấm thiệp cưới với ai, ở đâu, lúc nào, anh chẳng rõ. Em thấy "người ta" rất ác với anh không? "người ta" ngày đó quá đẹp, quá thần tượng đối với anh. Nên, "người ta" đã nhẹ nhàng xa anh không một lời từ biệt; “người ta” đẫy anh vào đường tiệm cận có cảnh đớn đau giữa hai lằn đạn nầy.

Nếu em gặp lại "người ta" thì em nói giúp lại rằng: Ngày đó, anh yêu "người ta" đến cuồng điên, nồng nhiệt. Sau khi anh đi Huế trở vào Đà Nẵng gặp lại “nàng”, thấy sự hững hờ của "người ta", anh chấp nhận đi học xa quê hai năm. Chắc em không biết điều nầy. Chính Uyên và chú Minh biết rõ! Ghê gớm thay giọng nói ngọt ngào, thân hình thon thả, tóc thề gợn sóng, nụ cười duyên dáng, sóng mũi cao, đôi mắt đẹp trong sáng, thông minh, làm sao anh quên được. Dù qua bao năm tháng biền biệt phân ly.

Cám ơn em đã gửi ảnh cho anh, anh không dám khen em vẫn đẹp, có lẽ là quá thừa. Có chăng là bây giờ em mệnh phụ một chút. Dù sao vẫn gợi lại hình ảnh người em gái thuở nào tóc thề ngang vai, đã chịu khó thăm anh tại Nghĩa Hành. Chắc em không nhớ con đường mòn xoắn ốc nón đìu hiu, lối cũ cheo leo ngày xưa đâu. Tự nhiên anh cảm thấy nhớ vô vàn, nhớ dĩ vãng thân thương êm đềm tuyệt diệu, và vô cùng ngắn ngủi. Với anh chỉ có buồn bã, xa vắng và ngắn ngủi. Phải không em?

Lạnh quá! Chắc anh phải đi khép cửa… Thôi, mặc kệ nó, có lạnh thật, nhưng lại đê mê và thích thích. Anh tiếp tục nói chuyện và viết cho em đây. Có lẽ anh chẳng bao giờ có dịp đến thăm gia đình em, vì phép tắt khó khăn, xa xôi quá. Ngày 1-8-1988, anh hết quản chế, chắc lúc đó cô em Hoài và các con thân yêu, đã đến chân trời xa xôi bên Pháp rồi ha?!

Nơi đó, dạo nào anh đã sống bảy năm trời, nhiều kỷ niệm lắm. Kỷ niệm thuở học trò. Ước gì ngày em lên máy bay, cho anh bám vào bánh xe, để cùng nhau đến Paris, thăm lại những con đường xưa, nơi mà anh đã đi, đã ở, đã sống bồng bềnh như những áng mây lang bạt, lãng tử từ thuở xa xưa ấy! Tự nhiên anh cảm thấy nhớ Paris chi lạ! Cũng lành lạnh thế nầy. Cũng cô đơn và trống vắng một cái gì không hiểu nổi. Anh hình dung Paris mùa chớm đông, tuyết chưa vội rơi phủ trên công viên, nhưng cơn gió lạnh đã sớm về.

Tuy vậy, anh đã rời xa góc thiên đàng đó, về với Me anh. Vì như anh đã nói, không có gì qúy hơn, không có ai anh yêu hơn Me anh. Thế mà, giờ đây Me đã vĩnh viễn ra đi trong một hoàn cảnh buồn thảm. Khi đất nước nhuộm màu đen, quê hương đói khổ, rách nát đau buồn, gia đình phân tán rã rời, ly biệt, để hôm nay anh ngồi kể chuyện em nghe đây.

Đôi khi anh không hiểu nổi ngọn gió nào, đưa em vào cái xứ xa lạ với anh quá trời. Ở mãi đâu vậy em? Mặc dù miền Nam anh đi nhiều, mà anh không hình dung ra nơi em đã sống. Anh tưởng bé của anh đã "du hành" qua Mỹ từ 1975, như Uyên, Phượng, em gái anh. Thành ra khi nhận cards của em, anh thấy đề Thành ông Năm, anh không hiểu em ở chỗ nào? Thôi, khuya quá rồi anh đi ngủ đây. Mai anh viết tiếp cho em nghe.

Sáng nay vừa thức dậy anh lại nhận được thư em. Anh đọc mãi. Đừng thương hại và đừng an ủi anh nghe. Anh đại ghét. Hiểu anh đi. Anh không ngờ em gian nan cơ cực, kiên cường đến thế, và không ngờ em can đảm đến thế! Cũng may, mọi việc đều qua đi, và anh mừng là em đã ổn định dần dần. Nghe em nói 24/12 em sẽ dời hài cốt của Mẹ em ra Huế. Anh mừng vì đưa được Mẹ về vùng bình an nơi Mẹ sinh ra. Việc đó anh nghĩ là quý nhất.

Vào khoảng thời gian đó, anh định rời Đà Nẵng vào thăm cô em út, hiện dạy tại Trường Cao Đẵng Sư Phạm, chồng cuả em Nga hiện là bác sĩ Trưởng Khoa. Có dịp em đến thăm em Nga nghe. Anh còn một bà chị ở tại Long Đất, Long Điền, con trai chị có quán cà phê đen, không nhạc không đèn màu, gần chợ. (Gớm thay ! “bác giải phóng" đổi đời! Cái nghề mà anh nghĩ con của một vị Tướng không bao giờ làm. Ấy vậy nay là một cứu cánh sinh tồn, danh dự lương thiện nhất của các cháu đó em.

Anh dự trù ăn Noel ở Đà Nẵng xong là good bye. Anh không muốn hưởng cái Tết Đà Nẵng cô đơn lạnh lùng, xa lạ, kể cả gia đình bên vợ. Thành ra, nếu em đi Đà Nẵng trước Noel, thì cứ tự nhiên đến nhà anh. Không gì trở ngại. Chuyến vào, sẽ có đứa cháu làm kiểm soát viên lo vé cho em, mua dễ dàng. Có tiền và quen biết, mọi việc dù khó đến đâu, vẫn dễ dàng trong chế độ nầy. Em đừng lo.

Chuyện xuất cảnh của gia đình em, sao em không làm thủ tục cho chồng em đi Pháp luôn? Tiện hơn là để anh chồng chờ chương trình HO, biết có lúc nào, hay không? Anh nghe nói vụ HO rồi. Người ta bàn tán xôn xao. Nhưng thôi, anh đã từng sống xa nhà, chán cảnh xa quê hương quá. Nếu có dịp gặp, anh sẽ nói rõ em hiểu lý do, thà anh chôn chân ở xó xĩnh vùng quê nào đó, cho xong đời "trai già từng xông pha chiến trận và phong sương mưa gió" Ha ha ha!

Tội quá! An Hiệp là Quận 3 của Đà Nẵng, đường về Sơn Trà bây giờ phồn vinh lắm. Có bưu điện tư, không lạc thư đâu mà em sợ. Đó là cư xá Công Chức và Lao Động ngày trước, họ gọi là An Cư 1. Qua khỏi cầu Delattre xuôi về ngả Sơn Trà đó. Nếu em gửi thư bảo đảm hay sách gì đó cho anh, tốt nhất nên gửi tên con gái anh. Nhớ nhất là em không ban cho anh một ân huệ nào cả nghe.

Việc chú Ưng Cần mất, anh có biết. Nhưng không được phép của ban quản chế. Hy vọng kỳ tới vào Sài Gòn anh sẽ đến thăm. Cám ơn em đến thăm gia đình thím Cần và báo tin cho anh biết. À, chắc em còn nhớ số bạn cũ trong Sư Đoàn 2 chứ! Đa số họ ở tù với anh, sức khỏe các anh ấy không lấy gì khả quan, có nhiều hoàn cảnh riêng thật buồn đau. Họ gửi lời thăm em đó.
Thôi, thư đã khá dài. Anh phải đi bưu điện bỏ thư, kẽo em trông. Cầu chúc em và gia đình vạn sự tốt lành, và sớm đạt mọi việc cầu mong. Anh và hai con vẫn thường.
Anh Đan
* * *

Đà Nẵng, ngày 11 tháng 11 năm 1987
Hoài em thương,

Vừa đi bỏ thư cho em hôm qua. Sáng nay anh định đi xuống chị Phụng nói chuyện chơi, uống ly cà phê do chị ta pha chế. Nhưng Đà Nẵng lạnh quá! Trời không mưa, nắng èo ọp cuối đông không đủ sưởi ấm, (vì anh không có áo lạnh che thân). Đành chế cà phê tại nhà, anh ngồi nói chuyện với em đây.

Anh cứ viết, cứ nói với em mà không biết bao giờ mới đi gửi. Tâm trạng anh bây giờ là thế đó. Làm rồi bỏ, rồi tiếp tục vu vơ không chủ định. Đà Nẵng trở lạnh. Dễ thương thật. Nhưng anh muốn rời bỏ nó ngay, không luyến tiếc. Chi lạ thật Hoài ơi. Cảm thấy thú vị khi ngồi trong cửa sổ nhìn lá vàng, uống cà phê nghe nhạc (tại nhà nghe). Tự nhiên anh cảm thấy trống vắng lạ, nên quyết định không xuống chị Phụng, ngồi nhà viết thư cho em nè. Vì anh không thể nghe được tiếng đáp từ của em, không có được câu trả lời chính xác, đúng lúc. Anh cũng không được giận hờn vô cớ.

Đêm qua chị Phụng (bạn thân của vợ anh), lên nhà anh ngồi tâm sự. Chồng chị ta đi Mỹ, hiện nay chị sống với bà gia và một con nhỏ. Chị có cơ sở đầy đủ, mệt mỏi cho cuộc sống, vài lần chị ta thử sang “tàu bè” đi thăm anh nhưng thất bại. Trống vắng và ngán ngẫm. Đôi khi nói chuyện với chị, anh cũng vui, trong cái vui của những người nếm đắng cay, không trọn vẹn cho cuộc tình. Anh thấy chị ta ray rứt trăn trở mãi khi nói:
- "Anh Tùy đã lấy vợ".

Thì có gì đâu, mà phải nói với an hem nhỉ. Tức cười thật. Anh thấy sao cứ xa lạ, không thể có âm tần đúng nghĩa. Tuy nhiên, đôi lúc câu chuyện giữa anh và chị ta có đồng hướng và thích thích. Nếu có em, em sẽ thấy “anh chị” thú vị qua những phân tích rất chí lý cho cuộc đời. Chị ta đi dạy học như em, trắng tay, làm lại, đứng đắn và đảm đang mà cũng xuôi tay. Huống hồ gì là anh vụng về, bỏ ngỏ, làm sao anh không lãnh bản án chia ly. Phải không em?

Chị Phụng chưa tìm được cái gì đúng nghĩa yêu thương vợ chồng, cô đơn và gắng gượng (lời chị ta nói, chứ anh không có nhận xét). Tuy nhiên anh thích chị ta một điểm là thành thật, dám nói, và pha cà phê thì ngon tuyệt. Hoài đừng nghĩ là anh có ý đồ gì à nha. Nói thế, không có nghĩa là anh ghiền cà phê, hoặc lối nói chuyện của chị ta đâu nghe. Anh Đan hứa với em là anh không bao giờ đặt bút viết cho em:
- Anh làm lại viên gạch tình yêu từ đầu, để rồi lại chia ly. Cứ tin anh đi.

Từ hôm ra tù đến giờ, anh chưa biên thư cho ai, anh đại ghét nói về cuộc sống của mình, cho ai nghe, kể cả chú em Minh, và ba cô em gái. Tất cả các em vẫn biết anh đau buồn, anh giận. Nhưng không ai dám có ý kiến. Vì mọi chuyện, và vấn đề hôn nhân là do anh quyết định, do anh tạo nên. Đó, em thấy không, cuộc sống của anh bây giờ là như vậy. Rảnh rỗi chồng chất lên thất nghiệp, mới thú vị chứ. Anh phải chấm dứt cuộc sống vô bổ nầy khi xa Đà Nẵng.

Thật ra anh chẳng còn gì để mà sợ. Niềm lo sợ đã ập đến đầy tan nát đớn đau, thì có thêm một chút, cũng không là gì. Còn lại chăng là mấy đứa con, là chứng nhân cho cuộc tình đau xót không trọn vẹn. Anh chỉ lo chúng nó buồn - khổ - giận - và hỗ thẹn, do cuộc tình cha mẹ chúng mà thôi - Các con đã lớn, chúng hiểu cái gì là đạo lý. Cái gì là cao thượng, thủy chung. Anh muốn nói với em nhiều về việc nầy. Nhưng thôi, để anh lo một mình được rồi.

Anh vào Sài Gòn thì có nhiều chỗ làm và chỗ ở lắm. Nhưng anh nên tránh né Sài Gòn, (vì có người vợ phụ bạc ấy). Biết đâu lại gặp nhau. Gặp lại, nói gì đây!? Miền Trung thì anh chào thua. Cho nên anh quyết định vào Biên Hòa hay Long Điền. Tìm cho mình một chân trời ấm áp hơn đôi chút, (cho cuộc đời còn lại). "Họ" muốn anh ở lại Huế, Tam Kỳ, hay Đà Nẵng, để...
đôi ta” làm lại từ đầu.

Em thấy có vô lý không, khi họ hứa sẽ... "làm lại tình yêu vợ chồng từ đầu". (!?) Anh thấy nhàm chán và ghê sợ, không biết "cái đầu" nó sẽ bắt nguồn từ "cái đuôi" quá ẹ ở đâu? Có lẽ từ trong hư vô!? Ở lại để có một căn bản kinh tế. Một cuộc sống an bài. Một cuộc tình vật vờ chắp nối. Chán thật. Anh không hiểu nỗi khi "họ" nghĩ anh như thế nào! Cúi đầu chấp nhận chăng? Khó quá Hoài nhỉ! Thành ra, anh quyết định đi ngay, khi anh được "giải quản".

Nếu có dịp vào Sài Gòn, anh sẽ đến thăm gia đình em. Biết bao giờ mới có dịp đó đây em. Anh cầu mong cho gia đình em đi trọn vẹn, tìm một định mệnh khác huy hoàng tươi sáng hơn. Ai mà khổ hoài phải không em? Nơi đất mới, anh nghĩ em sẽ được hưởng những mơ ước. Ít nhất là an bài cuộc sống bên chồng con. Anh hình dung cô em đang cần cù bên bàn may, hay nhíu mày khâu cúc áo. Nếu kim có chích vào tay em chảy máu, thì em đừng giận anh, vì anh cứ nhắc đến em hoài nghen.

Tháng 7 vừa rồi, anh có đi Sài Gòn thăm tất cả bà con bạn bè, nhưng chú Minh cố ý dấu diếm, tránh né các tấm carte của em. Có lẽ chú Minh không muốn anh tìm lại một cái gì... làm anh nhớ nhung, đau buồn, xao động mạnh từ ngày xa xưa. Minh có lý của nó. Cho nên, trước ngày kỵ Me, chú Minh mới đưa cái carte cuối cùng em gửi thăm anh và gia đình. Là thế!

Đột nhiên anh nhớ em kinh khủng và biên thư thăm em đó. Lúc đầu anh định viết thư thăm hỏi gia đình em thôi. Anh muốn dấu nhẹm em chuyện "anh chị chẳng lành". Nhưng không hiểu sao anh lại kể hết ra vậy. Anh hơi vội vàng phải không Hoài? Thực tế là thế. Anh không van xin nài nĩ ai hết. Có buồn thật, nhưng mình nên chọn cái nào đạo đức và danh dự nhất. Đó là niềm mơ ước của anh. Hiện giờ anh sống thật yên lặng, hoàn toàn không có sự phật lòng của mẹ vợ và bà con bên vợ. Anh không có ý kiến và không tham khảo bất cứ điều gì chẳng thuộc về anh nữa. Không có gì làm anh thắc mắc. Sự sống của anh biệt lập. Sự đi về của anh vẫn là của anh. Tiếp xúc bạn bè là quyền hạn hữu của anh. Thôi. Anh viết nhiều về anh quá! Chắc em mệt và nhàm chán. Anh muốn viết cho “em gái anh” biết rõ tất cả con người anh: Như dạo nào. Ít thích lệ thuộc. Cứng đầu mà lại đa tình đa cảm.

Em hỏi anh Toà Sơ Thẫm ở Huế còn không, để em xin họ sao lục khai sinh? Việc nầy anh chịu thôi. Để lúc nào anh hỏi chú em Minh của anh, rồi anh trả lời em sau. Nha. Anh nghĩ bây giờ không còn tên cũ, mà thành: Toà Án Nhân Dân. Cái gì cũng là của Nhân Dân hết. Ủy Ban Nhân Dân. Quân Đội Nhân Dân. Viện Kiểm Soát Nhân Dân. Nhà Sách Nhân Dân. Nhà Hát Nhân Dân. Cửa Hàng Bách Hoá Nhân Dân. Cửa Hàng Phân Bón Nhân Dân... Nhưng, có một cái đặc biệt thuộc về nhà nước thôi. Ấy là Ngân Hàng Nhà Nước. Hahaha!!!

Hôm nào anh hết bị "quản chế", cho anh vào xin học nghề may âu phục với em nghe. Anh hứa là anh rất có hoa tay. Cô giáo Hoài em dạy anh học may, càng mau tiến bộ. Thôi nhé! Hẹn thư sau anh nói chuyện nhiều. Ở Đà Nẵng sau 12 năm, khi anh lưu đày biệt xứ trở về, thì có nhiều chuyện cần kể cho em nghe lắm. Chúc gia đình em vạn sự an lành.
Anh Đan.

_ * _

Đà Nẵng, ngày 22 tháng 12 năm 19
Hoài thương muôn thuở!

"Gieo gió thì gặt bão" Dù em có cầu Chúa, em cũng phải nhận thôi. Không ai có thể bước ra khỏi quy luật đó. Anh tìm kiếm mãi một mãnh đất nhà trong những quyển bút ký dài viết rất thật, rất đúng sự thật nầy, để nói với em những gì đã vượt xa tầm tay anh hơn một phần tư thế kỷ.

Cám ơn em. Cám ơn em khi em trao anh những truyện dài: - Hiến Chương Tình Yêu. - Giữa Hai Lằn Đạn - Hoài Hương Xưa - Con đường Cảo Thơm. - Phút Định Mệnh Tình Cờ. - Chuyện Anh và Tôi. Vẫy Gọi Con Thuyền, Đường Thiên Lý xa mờ xa… vân vân... Cho anh được say đắm tìm về chút biệt hương xưa, bóng mây hạnh phúc đã phai lạt, tưởng chừng như không bao giờ tìm gặp lại. Cám ơn sự chứng nhân đích thực của anh - trong cuộc đời của cô em gái đẹp, đoan trang, ngoan hiền, nhiều tài sắc ở xứ hoa Anh Đào.

Chắc em không bao giờ tưởng tượng được, sự trìu mến suốt cuộc đời của thằng con trai, đã quá thần thánh hóa, cho một người anh yêu (không đầu tiên trong đời) đã làm anh đau khổ nhiều. Hỗ thẹn, băn khoăn nhiều với đàn em ruột - (anh không thể giải thích với các em cuả anh được, điều gì đã vẫy gọi sự ra đi của em)?! - Anh không còn biết được bao nhiêu bâng khoâng lo lắng, đớn đau buồn nhớ dày vò mình. Kể từ ngày em xa rời Đà Nẵng. Anh cũng chẳng biết, em rời xa anh đột ngột... Vì lý do nào. Tại sao? Bởi đâu?

Bây giờ thì anh đã rõ. Anh chỉ là một món đồ để lên bàn cân cho em chọn lựa. Cũng thú vị thật! Ngày ấy anh đã thua cuộc, và đã nhận lấy một cuộc đời quá khắt khe. Ngày xa em, anh đi Mỹ hai năm, có lẽ và nghĩ rằng: Nơi tột đỉnh văn minh và xa hoa của cuộc đời phù phiếm, anh sẽ nguôi khuây dần dần thương nhớ em, và lãng quên em: Một bóng mây hồng tuyệt vời hạnh phúc, mà anh không thể nắm bắt trong vòng tay anh đơn bạc.
- Anh lãng quên hình bóng một cô gái, mà anh chưa bao giờ dám nắm bàn tay. Hay đặt nhẹ nụ hôn, cho dù trên tóc - Ngày đó anh sợ quá! Chỉ sợ tan vỡ - như bong bóng mây hạnh phúc cuộc tình mình. Thế mà, tại phương trời xa xôi, hơn nửa quả điạ cầu kia, anh vẫn nhớ em vô vàn nỗi nhớ. Nhớ về dĩ vãng đằm thắm, êm đẹp, mà anh muốn thực sự dựng xây cho suốt cuộc đời. Anh không lựa chọn, không thách thức, không lừa đảo, khi nhận em vào cuộc đời mình, không định kiến khi em về thăm quê hương, nên anh viết thư giới thiệu em đến thăm gia đình anh. Em đến đúng lúc, ngày ấy anh đã quá chán chường cho cuộc sống tự do, độc thân, bê tha. Anh chỉ cầu mong xây dựng một mái gia đình tuyệt vời; Trong đó, em sẽ là mẹ của những đứa con sắp ra đời - Là con dâu yêu của Me anh, một bà mẹ trân quý, Me buồn nhiều hơn vui (vì một cậu con trai cưng nhất nhà).

Thế mà em đùa giỡn vô tư, vẫn thản nhiên, chẳng tha thiết, để rồi em vụt xa bay, ra khỏi tầm tay anh. Anh chấp nhận đau thương, âm thầm ra đi. Trong sự cầu mong em được xuôi về bến mơ, với một người nào đó, mà anh chắc là tuyệt vời nơi định mệnh. Cuộc đời lắm bon chen và muôn vàn trái trở, anh vẫn là anh, vẫn cô đơn và hờn tủi. Lẽ ra rứa, mà anh đã xây dựng cuộc đời, với người vợ tưởng là hiền, đẹp người đẹp nết, đoan trang và ngoan. Anh vẫn tự hào là đạo đức, cao thượng khi chấp nhận cuộc tình nầy.

Cũng có tình yêu nồng cháy. Có hạnh phúc. Không ai lợi dụng ai. Anh hãnh diện với tất cả bạn bè, cũng như người đàn bà đó. Vì, anh đã đem lại tột đỉnh yêu thương chân thành trong tình nghĩa vợ chồng - Sự hào nhoáng vật chất xa hoa, anh dành điạ vị cao sang cho riêng nàng, và có những đứa con quá đẹp và thông minh.

Sự tan vỡ và định mệnh qua đi, như khúc quanh cuộc đời đầy uẩn khúc bẩn thỉu. Anh không chút ân hận, không dày vò. Vì, anh đã tự hào làm tất cả. Làm tất cả cái gì cao quý của một người chồng trong thời vàng son đó. Sự ra đi của anh, và vợ anh, là một sự đạo đức, cao thượng. Không oán than, không thù hận. Không chê trách một ai, lẫn chê trách mình. Không ai còn mắc nợ ai.

Cuộc tình tan vỡ đúng vào tuổi 50. Anh không ân hận, không xao động nhiều cho sự ra đi cuả nàng. Hầu như có sự tất yếu, và có sự chuẩn bị cho cuộc đời. Chẳng khác nào cuộc chia tay của "hoa Quỳnh Giao" vẫn nở đẹp, đến lúc tàn.
* * *

Thế rồi... Ngày nay, em lại đến trong chuyến xe đò khứ hồi Đà Lạt - Đà Nẵng. Em đến, và chúng mình đi giữa mùa đông giá buốt. Mưa bão từ không gian, thời gian, và trong cõi lòng anh đầy tái tê. Một tuần anh em mình vừa ở Đà Nẵng và Huế, dẫu sống thật gần, nhưng rất đỗi trang nghiêm và lạnh lùng xa vắng vô biên. Em ân cần trao anh mấy quyển bút ký, như sự hối lỗi rất chân thành. Em xin lỗi đã gieo vào đời anh niềm đau buồn ngày xưa ấy, em dặn anh hãy bình tĩnh, thông cảm, đọc từ từ cho biết, để biết nguyên nhân. Ngoài ra, em không có mục đích gì khác. Khi về nhà, anh thức trọn đêm đọc hết quyển thứ nhất, không hề chợp mắt. Tám giờ sáng anh qua Đà Nẵng đón em đi ăn sáng. Chúng mình chuẩn bị đi Huế.

Trời ơi! Em đến làm gì nữa, hở Hoài? Đến làm gì khi mà, anh không bao giờ chấp nhận sự chia tay giữa em và anh ấy. Anh ấy đã đau khổ nhiều - Đã tạo dựng nhiều, hy sinh nhiều cho cuộc tình nầy - Anh không muốn dù cho một tình cảm nào nếu có, cho dù em chia sẻ với anh. Hoài ơi! Không có việc gì phải cản trở sự ra đi của em và các con em về vùng đất hứa. Tương lai của chúng rất cần cho sự sáng suốt, và hy sinh của em. Không lý do gì xa rời nếp sống gia đình em. Gia đình em, như một định mệnh dẫu tình cờ. Nhưng đủ ràng buộc, cột chặt tất cả lại bên nhau rồi. Em hiểu anh nói chứ!?

Nếu em trở về với Hoà, anh khinh em. Nếu em trở về với anh. Anh không nhận. Không nhận, không có nghĩa là anh không còn yêu em như dạo nào. Mà có nghĩa là anh yêu em nhiều hơn trước. Anh yêu em nhiều lắm. Nên anh cầu mong em còn lại trong cuộc đời anh. Cầu mong hình ảnh em không bao giờ xoá nhòa trong ký ức anh. Chắc không bao giờ phai mờ. Kể cả ngày anh nhắm mắt xuôi tay. Biết đâu được trên vạn nẽo đường, anh lại gặp em. Chắc chắn bây giờ, anh đã thay đổi ý định đi kinh tế mới. Anh sẽ đi "kinh tế Mỹ" với các con thân yêu cuả anh - mà không bao giờ có người vợ

Anh khẳng định từ giờ phút nầy, người đàn bà đó - đến với anh, chỉ nhận sự lạnh lùng và cô độc. Anh không muốn em nói điều gì với anh nữa. Vì anh không muốn em sẽ... - sẽ là người đó.- Người mà anh căm thù, và trao lại suốt cuộc đời sự lạnh lùng xa vắng. Anh vẫn hận đàn bà đó, chỉ muốn trả thù. (ý kiến nầy chưa bao giờ thay đổi, không biết sau nầy ra sao?)

Trời vẫn lạnh em nhỉ? Chuyến xe lần đầu tiên trong đời. Và là lần cuối cùng, hai anh em mình ngồi chung xe, xuôi về Kinh Đô Huế, không đủ thì giờ cho mình tâm tình. Sau hai mươi lăm năm mới gặp lại. Không đủ sưởi ấm hai tâm hồn lạc lõng, bẽ bàng. Phải chăng, đó là đoạn đường, đưa anh và em vào nghĩa điạ?

Nụ hôn đầu tiên trong phòng khách trên lầu hai, bên băng nhạc "Gợi giấc mơ xưa" ở nhà chú Minh, đã làm anh quá đau khổ, dày vò. Cho dù chỉ là môi hôn phớt nhẹ trên má. Anh giận anh, giận em, chúng mình đã phá hỏng sự trinh bạch của hai trái tim vốn dĩ từ thuở xa xưa rất trong sạch, mà anh nghĩ là chúng mình cao thượng nhất trên cõi đời nầy – Hôm ấy Anh đã cùng em bôi xoá hết rồi. Anh có khe khắt và gay gắt quá không? Hở? Buổi tối đó, em ngủ với vợ con của chú Minh. Anh ngủ với em trai, hai đêm. Mặc dù, chú Minh hỏi chúng mình, (khi cùng nhau bước lên cầu thang lầu ba):
- Thưa anh. Nhà rất rộng, bây giờ anh chị muốn nghỉ ở phòng nào, để em lo.
Nhà nầy có bốn từng lầu, phòng của riêng anh vẫn bỏ trống. Nhưng chúng mình tôn trọng nhau. Vã lại mình không muốn vợ chồng chú ấy hiểu lầm, tình cảm chúng mình không là thế. Trân trọng. Đồng ý không phạm lỗi lầm. Không có cử chỉ thất kính nào. Dù nhỏ nhặt nhất. Hôm sau, em đi thăm mộ ba mẹ em, ở nghĩa địa Phao Lô, dưới chân núi Ngự. Anh thăm bà con bạn bè, sót lại vài người lẽ loi. Mình ăn bữa cơm tối với gia đình chú Minh. Anh em kể lại nhiều chuyện vui buồn. Năm giờ sáng, em đến phòng báo thức anh dậy, chuẩn bị vào Đà Nẵng.

Thỉnh thoảng mình gặp nhau vài lần ở nhà Thọ, bàn về việc nộp đơn cho chương trình HO sẽ ra đi. Chúng mình đi bộ trên phố phường huyên náo, mà lòng đơn điệu trống vắng vô ngần. Ngoài ra, không ai lợi dụng ai, dù tay nắm bàn tay, thêm một lần ấm áp. Chiều cuối, trước khi em lên đường đi vào Dalat, ngày 22 tháng 12 năm l987. Anh đến nhà anh ruột của em, trao trả em mấy quyển bút ký của em dày hơn 2800 trang. Chúng mình đi bộ lên chợ Hàn, vào tiệm ăn buổi cơm cuối cùng.

Anh về, khoảng tối em đạp xe qua nhà, em chào gia đình mẹ vợ, và hai con của anh. Anh tiễn em đến bên chân cầu Dellatre lộng gió. Chúng mình ngồi ở bậc thềm xi măng, giữa lòng đại lộ lạnh lẽo vô vàn và vắng hoe. Anh buồn kinh khủng dưới cơn mưa phùn rét mướt. Em bị cảm cúm rất nặng, mà vẫn chịu khó đến bên anh phút chốc nói lời tạ từ trìu mến.

Bên chiếc cầu tối đen, anh nghẹn ngào đớn đau biết ngần nào. Anh rất buồn và thương em tôi quá sức. Lòng anh muốn vỡ tan ra, thành từng giọt nước li ti trào lên khoé mắt, để tiễn biệt em về xứ lạ. Anh muốn khóc như nước mưa trong bầu trời gió bão mịt mùng. Nhưng, nước mắt không trào ra khoé mi, mà chảy ngược trở lại vào tim. Khiến lòng anh tan nát từng mãnh vụn, đớn đau xiết bao! Anh cố gắng nói chuyện với em lịch sự đàng hoàng. Xin trao nụ hôn chân tình, từ lần đầu và lần cuối trao gửi, để em yên tâm chuẩn bị đi Pháp.

Em lên xe trở vào Đà Lạt lúc bốn giờ khuya. Anh trằn trọc thao thức bâng khuâng, lo lắng đau buồn. Không làm sao chợp mắt. Khi anh quyết định viết lá thư cuối cùng nầy ở trong quyển bút ký của em. Giờ phút em ngồi trên xe, đọc xong những hàng chữ nầy, là chúng mình vĩnh viễn xa nhau. Lòng anh quặn thắt niềm đau đớn kinh khủng. Tình anh yêu em dù không có gì hũy diệt nỗi. Nhưng, phải quyết định như vậy thôi. Phải không em yêu?

Thôi nhé! Một lần nữa cám ơn em nhiều, khi anh được làm chứng nhân cho nhiều khúc ngoặt khốc liệt của một người con gái, mà anh yêu nhiều, và kính trọng nhất. Chắc Me yêu dấu của anh đã ngồi trong khung ảnh đang ngậm cười, trìu mến nhìn em, với những nén nhang mà em đã thắp lên trên bàn thờ (của người con gái quá dễ thương đã gọi hụt hai tiếng: "Me thương"). Thôi em ơi! Vĩnh biệt em. Vĩnh biệt mối tình mà anh đã yêu nhiều. Anh nhớ em nhiều. Anh khóc nhiều hơn cười. Buồn nhiều hơn vui. Hỗ thẹn nhiều hơn tự hào. Vĩnh biệt em ngàn đời yêu dấu.
Em đã đi rồi, Thứ Ba hay Thứ Tư?
Anh không còn nhớ.
Vì bây giờ thời khóa biểu của anh,
Không còn ngày Chủ Nhật.
Và ngọn gió lùa, vừa khép hờ cánh cửa.
Còn chờ ai... mà mở cửa! Phải không em?!
Anh Đan.
*

Mùa đông biệt hương, năm 1987
Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
04-02-2014, 06:19 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1396419136.jpg
Tháng Tư Đã Còng Lưng Vác Trên Vai…

Tinh Hoai Huong
04-04-2014, 08:15 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1396600337.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1396599492.jpg

Tinh Hoai Huong
04-08-2014, 06:21 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1396937999.jpg

Tinh Hoai Huong
04-17-2014, 04:11 PM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1397751473.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1397751628.mp3

Tinh Hoai Huong
04-23-2014, 09:08 PM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1398289154.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1398289343.mp3 30 Tháng Tư: Quốc Hận
Bách Niên Thương Hải Biến Vi Tang Điền


Thật tình tôi không thể nào hiểu nỗi tại sao vận nước Việt Nam lại trở nên quá đen tối: sau khi hiệp định Genève 1954 diễn ra kể từ ngày 26 tháng 4 năm 1954 - rồi bản Hiệp Định được ký kết và kết thúc cùng ngày 21 tháng 7 năm 1954. Thành phần tham dự: Anh, Mỹ, Liên Xô, Pháp, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, Laos, Cambodia, Quốc Gia Việt Nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Phía Quốc Gia Việt Nam ban đầu do ông Nguyễn Quốc Định làm Trưởng Đoàn. Sau, ông Trần Văn Đổ thay thế.

Đáng chú ý: Ông Trần Văn Đổ, Trưởng Đoàn Quốc Gia Việt Nam đã lên tiếng phản đối sự chia cắt đất nước. Chính phủ Quốc Gia Việt Nam (miền Nam Việt Nam) không ký Hiệp Định. Phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (miền Bắc Việt Nam) do Phạm Văn Đồng làm Trưởng Đoàn. Phái đoàn Hoa Kỳ từ chối công nhận Hiệp định Genève.

Kể từ ngày 21-7-1954 – Khi miền Bắc Việt Nam ký Hiệp-định Genève xé đôi lãnh thổ Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 và cầu Hiền Lương Bến Hải làm ranh giới, để chia lìa tách bạch hai miền Bắc Việt Nam và miền Nam Việt Nam ra đôi ngả phân ly nghẹn ngào:

- Ngày 11-11-1960 – Đại-tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu cuộc đảo chánh cùng Trung-tá Vương Văn Đông ở Liên-đoàn Dù, và Thiếu Tá Nguyễn Triệu Hồng, Đại-úy Phan Lạc Tuyên: đã đảo chánh nền Đệ-Nhất Cộng-Hoà hụt; thì “chiến tranh nội bộ” bắt đầu manh nha quyết liệt vì cốt nhục tương tàn, nồi da xáo thịt rối rắm bùng nổ liên miên. Từ xưa tới nay sự thôn tính đất đai, tranh giành quyền lực, thế lực, vinh hoa, là mạng lưới quyến rũ dẽo dai và khổng lồ. Nước càng trong thì không có cá. Dù lòng người đơn giản, phước thiện, trong sáng và cao cả; ấy mà nếu du nhập vào hệ thống chính trị, sau khi bị cuốn hút vào cung cầu đó, thì thật khó lòng ít có ai rứt ra được.

- Ngày 27-2-1962 - Có 2 chiếc khu trục A1 Skyraider dội bom dinh Độc Lập, do Trung-úy Phạm Phú Quốc và Thiếu-úy Nguyễn văn Cử ném bom bắn cháy dinh Độc Lập. Phi cơ của ông Phạm Phú Quốc bị bắn rớt trên sông Sài Gòn, ổng đã vô tù, tất cả bom đạn còn nguyên, nghĩa là ông ta chưa kịp thả trái bom nào. Ông Cử đào thoát bay mút qua hướng Nam Vang, dân chúng bàn tán là ổng bị chính phủ ở bển bắt nhốt vô tù rùi!?

- Sau biến cố 02-11-1963 – Tổng-thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu bị thảm sát. Trải qua bao thăng trầm chính trị sục sôi… thì nền Đệ II Cộng Hòa có Tổng-thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu lên ngôi.

* Ngày 8-3-1965 - Kể từ khi có đoàn Thủy-quân Lục-chiến Mỹ tiên khởi, đông đúc khoảng 3.500 người rầm rộ đổ bộ lên đất liền tại Đà Nẵng, Mỹ viện cớ muốn giữ “an ninh cứ địa”. Do tướng Maxwell Taylor, thỉnh thoảng hút xì gà Schimmelpennick làm đại sứ Sài Gòn, ông dẫn đầu một cuộc phô trương cường quốc Mỹ, để thị oai với các nước tụt hậu, chậm tiến, đang có chiến tranh. Rồi…

* Ngày 16-8-1965 - Chính phủ Nguyễn Khánh chủ trương thành lập Hiến Chương Vũng Tàu. Trong nước loạn xạ bởi nhiều phe phái chính trị phản đối chính quyền đã hoạt động ráo riết. Sau đó có nhiều bất đồng, các đảng phái, sinh viên lục đục nội bộ, nên tan đàn rẽ đám. Hội-đồng Quân-lực Cách-mạng truất phế ông Nguyễn Khánh, cho ông lưu vong ra ngoại quốc làm đại sứ.

* Ngày 9-5-1969 - Hạ-sĩ Henry Kissinger đi lính trong Đệ-nhị Thế-chiến, sau lên làm cố-vấn an ninh quốc gia cho Tổng-thống Richard Nixon. Về sau tiến sĩ Henry Kissinger khai mạc hoà đàm Ba Lê (không có chính phủ miền Nam hay Quân-lực miền Nam). Suốt thời gian hoà đàm dưới sự giám sát chặt chẽ của Nixon, ngoại trưởng Kissinger “ráo riết đi đêm” với quân Bắc Việt.
- Người dân luôn dán mắt nhìn vô ti vi trắng đen, theo dõi công ty Pecten Việt Nam (là chi nhánh của Shell) đã sản xuất khoảng 1.500 thùng dầu thô/ngày, trong giếng dầu mang tên Pioncer sâu 4.500 feet dưới lòng biển. Hoan hô đại thắng!

- Một phái đoàn Mỹ có tên Project Concern, và phái đoàn Thanh-Thương-Hội Việt Nam do ông Lê Bá Công làm hội trưởng, hướng dẫn phái đoàn săn sóc y tế cho đồng bào Thượng tại miền Nam Việt Nam. Phái đoàn nầy được đồng bào kính trọng và hoan hô nồng nhiệt.

* Ngày 27-1-1973 – Trong chương 2 điều 2 tại nhiều năm hội nghị, sau đó Hiệp định Ba Lê đã ký kết đình chiến: Ngưng bắn. Ấy thế mà vào ngày 9 tháng * Ngày 9 Tháng 3 năm 1974 Việt-cộng câu súng 81ly vào trường Tiểu-học Nhị Quý, Cai-Lậy, Tỉnh Định Tường, giết 32 em học sinh nhỏ, và hơn 50 em học sinh khác đã bị thương la liệt và trầm trọng. Vô số trẻ em bị chết oan, thật đau đớn vô cùng thảm thiết.

* Ngày 11-3-1975 - Mất Ba Mê Thuột. Thiếu-tướng Phạm Văn Phú, Tư-lệnh Quân-đoàn 2/Quân-khu 2, ra lệnh quân đội triệt thoái khỏi Pleiku – Kontum (do chỉ thị của TT Nguyễn Văn Thiệu).

* Ngày 19-3-1975 – Một Tiểu-đoàn của Trung-đoàn 43 Bộ-binh đóng chốt phòng ngự tại Định Quán, quanh vùng phụ cận núi Chứa Chan. Gia Rai, Tiểu-đoàn nầy anh dũng đánh trả đối phương rất phi thường.

* Ngày N+5, 21-3-1975 triệt thoái cuối cùng Lực-lượng Quân-đoàn 2 khỏi Cao Nguyên, trên tuyến đường Liên-tỉnh lộ B.

* Ngày 22-3-1975 - Tỉnh Quảng Đức thất thủ.
* Ngày 23-3-1975 – Công-binh VNCH làm xong chiếc cầu dã chiến. Lực-lượng Quân-đoàn 2 cuối cùng vượt qua sông Ba, triệt thoái về Phú Yên.

* Ngày 25-3-1975 – Các đơn vị Quân-đoàn 1/Quân-khu 1 (Việt Nam Cộng-Hoà) triệt thoái ra khỏi Huế.

* Đêm 28-3-1975 - Lực Lượng hùng hậu của Quân-đoàn 1 do tướng Ngô Quang Trưởng lãnh đạo, đã triệt thoái khỏi Đà Nẵng.

* Ngày 8-4-1975 – Các phi trường Tân Sơn Nhất. Cần Thơ. Biên Hoà, có nhiều chiến đấu cơ F 5 – oanh tạc cơ A 37. Không một ai mà không nghe đồn ầm lên là: từ Lâm Đồng dọc theo rặng trường sơn, sông La Ngà chảy từ khu Tánh Linh, qua phía nam Định Quán, Rừng Sát ra cửa biển Cần Giờ: Đang bị đe doạ trầm trọng. Người ta lại đồn máy bay oanh tạc dinh độc lập hụt hay sao đó? Bây giờ thì chuyện không nói có, chuyện có nói không. Chả ai có thể đi đâu kiểm chứng, vì mọi ngã đường đông nghịt người không thể chen chân. Nhưng than ôi! Đúng thế thật, Trung úy Nguyễn Thành Trung, quê ở Bến Tre, đã bay chiếc F5 cất cánh từ Biên Hoà về thả bom xuống dinh Độc Lập. Phi cơ mang bốn quả bom. Y thả hai quả bom trước bị rơi ra ngoài sân dinh.

* Việt Nam Cộng Hoà có Sư-đoàn 18 tăng cường Lữ Kỵ-binh: Sư-đoàn 5 Thiết-giáp. Các Liên-đoàn Biệt Động Quân từ Quân-khu 1, chuyển về Quân-khu 2 để bảo vệ Xuân-Lộc, do Chuẩn-tướng Lê Minh Đảo là Sư-đoàn-trưởng Sư-đoàn 18 đảm nhiệm. Trận đánh vô cùng ác liệt bắt đầu xảy ra giữa quân đội miền Nam Việt Nam, với Quân-đoàn 4 và Sư-đoàn 6 Chủ-lực Quân-khu 7 của Cộng-sản Bắc Việt.

* Ngày 10-4-1975 – Hai Trung-đoàn 43 và 48 (của Sư-đoàn 18 Việt Nam Cộng Hoà) và một Lữ-đoàn Dù. Lữ-đoàn 3 Kỵ-binh, từ Biên Hoà ra Xuân Lộc tiếp ứng. Giao tranh ác liệt dữ dội mạnh mẽ. Đường 12 bị cắt đứt là: Xuân Lộc > Biên Hoà. & Xuân Lộc > Bà Rịa.
* Ngày 17-4-1975 - Mất Phan Rang.

* Ngày 18-4-1975 - Mất thị xã Phan Thiết và toàn tỉnh Bình Thuận. Thành phần chính phủ do Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu lãnh đạo đã xảy ra đột biến. Mặc dù vậy tổng thống Thiệu họp báo, lên Truyền-thanh, Truyền-hình đọc hiệu triệu vấn an quốc dân đồng bào. Đài phát thanh cho nhai đi nhai lại bản tin nầy suốt cả tuần.

* Ngày 19-4-1975 – Bình Tuy sống trong sôi động. Giao tranh ở tuyến đường số 1, từ phía Đông và Đông-Bắc Sài Gòn, tới Trà Võ. Bàu Nâu. Gò Dầu Hạ.

* Ngày 20-4-1975 – Khu Rừng Lá, (cách Xuân Lộc độ 20km) coi như mất liên lạc: Bộ Tổng Tham Mưu. Sân Bay Tân Sơn Nhất. Bộ Tư-lệnh Biệt-khu Thủ-đô. Tổng Nha Cảnh-sát, vân vân… (Thủ đô Sài Gòn có 12 Quận Nội-thành: Bình Thạnh. Phú Nhuận. Tân Bình. Gò Vấp. 6 quận ngoại thành: Hóc Môn. Củ Chi. Thủ Đức. Bình Chánh. Nhà Bè. Duyên Hải) > Đều báo động đèn đỏ 100%.
* Bộ Giáo Dục ra lệnh đóng cửa không thời hạn tất cả các trường: Tiểu-học. Trung-học. Đại-học trong toàn lãnh thổ tại miền Nam Việt Nam.

* Ngày 21-4-1975 - Hằng triệu triệu người già trẻ lớn bé ở miền Nam Việt Nam chồm tới bu quanh nhìn sững vào vô tuyến truyền hình. Toàn dân lắng nghe miết mãi. Khoảng nửa giờ sau vị nguyên thủ quốc gia: Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu chính thức tuyên bố từ chức, ông trở về với quân đội Việt Nam Cộng-Hoà. Ôi! Bàng hoàng sững sốt. Vì; hằng triệu trai trẻ lính tráng, quân đội và dân tộc Nam Việt Nam (có bốn nghìn năm văn hiến quyết chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng trên chiến trường) tin vào chính phủ Nguyễn Văn Thiệu mà. Từ khi nền Đệ Nhất Cộng Hoà sụp đỗ, thì tất cả mọi thứ trên đời, trật tự xã hội bị đảo lộn tùng phèo sao?

Hồi xưa, nhà bác học lẫy lừng Pierre Curie khám phá ra chất phóng xạ radium vào năm 1900. Và, trước khi ông Mc Robert Namara cho trắc nghiệm khai quang hằng loạt chất độc màu da cam (Agent Orange), để tiêu diệt cỏ, hay tiêu diệt đối phương (?!). Thì ngày nay, Tổng thống Thiệu đã lưu lại danh thiên cổ gì cho núi sông? Khi mà ông Trạng Trình đã nói: “Bắc hữu kim thành tráng. Nam hữu ngọc bích thành”. Cố mà gìn giữ Việt Nam keo sơn gắn bó. Thật ra, Tổng-thống Thiệu làm tổng thống hai nhiệm kỳ, đã thành lập đảng Dân Chủ. Nhiều lần Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu lên đài truyền thanh và truyền hình mạnh mẽ đọc diễn văn; trong đó có những câu tuyệt vời bất hủ:
- Đừng nghe những gì Cộng-sản nói, hãy nhìn kỹ những gì Cộng-sản làm!
- Ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng-sản.
- Công đức ngàn đời con tố mẹ, tình nghĩa trăm năm vợ tố chồng.
- Đất nước còn, còn tất cả; Cộng-sản thắng, mất tất cả.
- Tôi mà tham nhũng, thì cái chính phủ này sẽ sụp đổ chỉ trong 3 ngày!
- Nếu Hoa Kỳ không viện trợ cho chúng tôi nữa, thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm, mà chỉ sau 3 giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập!
- Làm kẻ thù của Mỹ thì dễ, làm bạn với Mỹ thì rất khó.
- Sống không có tự do là đã chết.
- Mỹ còn viện trợ, thì chúng ta còn chống Cộng-sản.

TT Nguyễn Văn Thiệu hùng hồn khẳng định tuyên bố “bốn không” rất chí lý:
1.- Không thừa nhận Cộng-sản.
2.- Không lập chính phủ liên-hiệp.
3.- Không trung-lập-hoá miền Nam Việt Nam.
4.- Không nhường một tấc đất cho Cộng-sản.

* - Tin đồn đã rùm beng:
1.- Việt Nam trung lập.
2.- Chính phủ Việt Nam có ba thành phần.
3.- Miền Nam Việt Nam bị miền Bắc “giải phóng” lan nhanh (chứ chả phải như lời Phó Tổng-thống Nguyễn Cao Kỳ hô hào: “Xung phong > Bắc Tiến”). Tổng thống Thiệu đã ủng hộ chương trình “Người cày có ruộng”, rầm rộ khuyến khích nông dân, củng cố lúa Thần Nông IR 3 và AR 8. Nhờ thế kho vựa miền Nam dư thừa lúa gạo. Việt Nam sản xuất gạo đi các nước. Sau năm 1967 do sự quậy phá của Cộng-sản Bắc Việt, nên nông dân thuộc các tỉnh miền Nam, miền Trung, Cao Nguyên, không thể cày cấy, gieo trồng nhiều. Do đó miền Nam Việt Nam bị khan hiếm lúa. Kinh tế hạn hẹp, Cộng thêm an ninh không an toàn yên ổn. Chính trị, kinh tế, tham nhũng, bè phái, bị đe doạ khiến miền Nam suy thoái trầm trọng. Bây giờ miền Nam Việt Nam phải nhập cảng gạo và “binh khí”, xin viện trợ tiền bạc vào Nam Việt Nam. Là vậy!

* Tổng-thống Việt Nam Cộng-Hoà Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Phó Tổng-thống Trần Văn Hương lên thay thế! Thành phần nội-các do cụ Trần Văn Hương đảm nhận được mấy ngày vắn vỏi.

- Ngày 22-4-1975 – Đường quốc lộ 4 nối liền Sài Gòn > Cần Thơ. Các hướng Tây Bắc. Đông Đông Bắc. Đông Đông Nam. Tây Tây Nam bị cô lập với Sài Gòn.

* Thứ Tư, ngày 23-4-1975 - Đô Đốc Noel Gayler Chỉ-huy-trưởng Hạm-đội Thái Bình Dương, đã lập cầu không vận Sài Gòn > Đệ Thất Hạm Đội (trong chương trình di tản người Mỹ và người Việt Nam ra đi), đang đậu ngoài khơi Vũng Tàu, người ta nghe & phao tin sẽ di tản khoảng vài ba trăm ngàn người Hoa Kỳ và người Việt Nam. (!?)

7 - Bảy Ngày Đen Tối Nhất: * Thứ Sáu, ngày 25-4-1975 -

Đêm 24-4-1975 – Khói lửa bạo tàn đã gây đau khổ quá sức hằng triệu dân đen lầm than khốn đốn, cơ cực. Miền Nam Việt Nam dỡ sống tức tưởi, dỡ chết không kịp nhắm mắt, không thể há miệng than Trời! Chắc chắn là chính phủ Nguyễn Văn Thiệu & thành phần nội-các đều nghe bùi tai về tướng cố vấn Lục-quân Mỹ Weyand gián tiếp khuyên chính phủ Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Quân-đội miền Nam Việt Nam bằng mọi giá phải tử thủ! Toàn thể nam nữ thanh niên trai trẻ, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã vâng lời ở lại giữ gìn từng pháo đài bị vây hãm, giành lại từng tấc đất quê hương ta, quyết phục vụ dân tộc và tử thủ vì dân tộc Việt Nam! Thì tin đồn chuyện Tổng-thống Thiệu bỏ rơi dân tộc, bỏ quê hương đất nước, chỉ là tin đồn nhảm nhí!

Khi chung cuộc kết thúc trong bi thương thế ấy, ai nở ra đi phản bội dân tộc, ai lìa bỏ quê hương cẩm tú giàu đẹp sao? Ai đành cao chạy xa bay mưu tìm cho chính mình sự sống riêng, phủi tay trong thau men nước người cho đành?! Nơi chốn xa lạ đó, ai có dịp lắng nghe tiếng nói của hiền dân vô tội gào than kêu khóc? Ai tận mắt xem đồng bào đau thương bị cấp lãnh đạo bỏ rơi, dân đang sống quằn quại trong cơn lốc chính trị kinh hoàng vỡ vụn? Toàn dân sẽ chết thảm dưới cơn sóng thần cuồng phong dữ dội nhất lịch sử Việt Nam nầy. Họ làm sao đành đoạn phủi tay bỏ lại quê hương và dân tộc cho đành?!
– Sáng sớm bạn Tonny Tơn từ Hạ Nghị Viện tất tả chạy về nhà, đã khẳng định với chúng tôi về việc Tổng-thống Thiệu và đoàn tùy tùng thân tín đã bôn tẩu bỏ nước ra đi!!! Người ta lại đồn ầm lên là ông Thiệu chở theo mấy chục tấn vàng của quốc gia (?!). Làm sao cõng cho nỗi hỉ?! Chuyện ấy rất khó tin, không bao giờ tin!
Nhưng khuya Thứ Sáu, ngày 25-4-1975 đương kim Tổng-thống Trần Văn Hương lên đài Truyền-thanh Truyền-hình chính thức tuyên bố: - “Gia đình Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu, và một số thân tín trong chính quyền đương thời đã chính thức rời khỏi Việt Nam, bay đi ngoại quốc ngày 24-4-1975”. Ôi! Sự đau đớn ấy có thật ở phi trường Tân Sơn Nhứt là: Tướng Timmes, Đại-sứ Martin, một số đoàn tùy tùng đông đảo “viên chức lừng danh cao cấp nhất” của chính phủ miền Nam Việt Nam Cộng Hoà đang làm cuộc “tẩu tướng”. Họ nôn nao lo âu đứng xớ rớ ở đó từ rất lâu, chờ đợi sẵn sàng để dọt đi.
Một chiếc xe Mercedes chở ông Nguyễn Văn Thiệu từ bến Bạch Đằng chạy nhanh vào phi trường Tân Sơn Nhứt lúc 21 giờ 30 đêm 24 tháng 4 năm 1975. Chung quanh “các ngài” đông đúc nôn nao ung dung ra đi, có lính Thủy-quân Lục-chiến Mỹ đứng dàn ngang dàn dọc bu quanh, để bảo vệ phái đoàn “các ngài” tống lên chiếc phi cơ C-118 lịch sử của Không-quân Hoa Kỳ. Ông Thiệu, Tướng Khiêm và đoàn tùy tùng lẹ làng tót lên máy bay, không hề ngoảnh lại. Hỡi Ôi là Trời ơi Đất ơi!!!

* Thứ Bảy, ngày 26-4-1975 – Ông Khiêu Samphan dẫn một phái đoàn Trung Quốc từ Mimót Nam Vang, đi qua ngả Xa Cam. Tại đó có một Đại-tá Không-quân người Pháp, một Thiếu-tá Pháp, {họ trực thuộc Nha An Ninh Tình-báo hải ngoại Pháp (SDECE)}. Họ đưa phái đoàn Trung Quốc nầy vào ở trong toà Đại-sứ Pháp Sài Gòn (!?)

* Vẫn ngày 26-4-1975 - Bão lửa chiến tranh xâm lược đã ùa vào xâm chiếm các khu sau đây: Long Khánh từ hướng Đông-Bắc đi Sài Gòn xa khoảng 80km. Long Khánh nằm giữa hai quốc lộ: 1 và 20- 105 kinh độ đông- 11 vĩ độ bắc, ở múi giờ 17 GMT – Giáp giới mặt Đông hướng Đông Đông Nam về Sài Gòn. Long Khánh có đỉnh núi Gia Ray cao 916 mét, là tấm bình phong che chắn thuận lợi cho toàn vùng. Muốn đi từ miền Cao Nguyên, hay từ miền Trung vào Sài Gòn xuống miền Tây, tất cả loại xe đều phải đi ngang qua vùng Long Khánh.

Sông Ray từ phía Nam của núi Gia Ray có đường đi qua Xuyên Mộc. Trảng Bom. Hố Nai. Biên Hoà. Long Thành. Nước Trong. Đức Thạnh (Bà Rịa). Lang qua vùng Phước Tuy. Xuyên Mộc. Đất Đỏ. Về hướng Tây Tây Nam > Bến Lức. Tân An. Trung Lương. Tân Hiệp. Long Định. Giao lộ 4. Cai Lậy đi An Hữu. Xuống tới Lộc Giang. Vàm Cỏ Đông qua Tây Vĩnh Lộc. Mỹ Hạnh. Hướng Bắc thì các đoạn đường 16 Phú Lợi. Thủ Dầu Một. Tây Bắc về Đồng Dù. Hóc Môn.

* Chủ Nhật, ngày 27-4-1975 - Mất thật rồi Bà Rịa. Phước Tuy. Nước Trong. Trảng Bom. Suối Đĩa. Cầu Rạch Chiếc. Rạch Cát. Cầu Bình Phước. Quán Tre lan ra tận xa lộ Đại Hàn.

* Vẫn ngày 27-04-1975 – Người ta bịa đặt ra: Caritas. Usaid. Usom. Juspao. Cords. The Asia Foundation. IUS, chỉ là những thành phần ấy vào miền Nam Việt Nam do CIA cầm đầu trá hình. Nay họ lo đóng cửa và chuồn bay đi hết rồi! Tất cả mọi liên lạc trong nội thành Sài Gòn với ngoại thành, đi các Tỉnh, hầu như tê liệt, trục giao thông chính dẫn đến phi trường, hải cảng, các bến xe miền Đông, miền Tây, miền Trung, hoàn toàn ứ đọng và “bế quang tắc lộ”.

Chao! Lúc đó thì người người tụm trăm tụm ngàn ở các nẽo đường chính, để nghe ngóng thăm dò tin tức. Toàn là những giả thiết, những tin đồn hoang mang. Người ta nhốn nháo, ồn cả lên, chèn ép nhau, xô đẩy nhau mong tìm đường chạy thoát thân, mong khỏi bị trụ lại nơi thành phố đông nghẹt người, từ các nơi dồn về Thủ-đô Sài Gòn hối hả, ngột ngạt, nghẹt hơi. Mọi tiếng động đều đinh tai nhức óc nổi hoài thâu đêm suốt sáng, không bao giờ ngưng. Người ta muốn điên vì đủ thứ chuyện thay đổi liên tục xảy ra từng giờ trên tivi, tin đã xấu càng xấu thảm xấu tệ biết bao! Toàn là những tin chả lạc quan vui vẻ gì!

* Thứ Hai, 28-4-1975 – Sân bay Tân Sơn Nhứt to lớn đồ sộ sầm uất nhất miền Nam Việt Nam đến thế, có F5, hoặc A 15, A 37, C 130. Mà nay chỉ còn có một số ít bom Daisy Cutters, và những phi cơ dân sự thường dùng trong nội địa, có phi cơ dân sự cũ từ thời Pháp để lại dùng bay ra ngoại quốc (không kể những phi cơ quân sự hiện có). Ngày 28-4-1975 Phi công Nguyễn Thành Trung (y thả bom hai lần, lần đầu y thả ở dinh Độc lập bằng F5, y cất cánh từ phi trường Biên Hoà). Lần sau vào chiều 28/04/1975: Một tốp phi cơ Dragonfly A 37 (phi đội Quyết Thắng) do phi công Nguyễn Thành Trung & Nguyễn Văn Lục dẫn đường, ép Trần Văn On & Nguyễn Văn Xanh bay cùng mấy tên “giặc lái” Từ Đề, Mai Vượng, Hán Văn Quang, họ xuất phát từ phi trường Phan Rang bay về thả bom ở phi trường Tân Sơn Nhứt. Nhiều tiếng nổ long trời lở đất đâu đó vang rền, khói lửa ngùn ngụt bốc cháy, đen nghịt thành phố.

* Ngày 28-04-1975 – Tổng thống Trần Văn Hương lên nắm chính quyền quốc gia Việt Nam được bảy ngày (7) thì tuyên bố rút lui. Theo yêu cầu của Lưỡng-viện Quốc-hội Việt Nam Cộng-Hoà, cụ Trần Văn Hương sữa “hiến pháp, hiến dâng” chức “tổng thống không dân cử” cho Đại-tướng Dương Văn Minh. Chả hiểu sao cụ Hương tụt lẹ xuống, cho ông tướng Dương Văn Minh trồi lên nắm chính quyền nhanh như chớp!? Việt Nam như quả bóng tròn, khi thì đá dưới gót chân, khi đội đầu, khi quay giò lái đá qua đá lại rồi “sút” bóng lăn xuống vũng bùn.

Một chính phủ sắp đến ngày diệt vong rồi hay sao, mà suy tàn đến độ xót xa thảm thiết tột cùng! Làm gì… thì cần ngồi lại thân thiện bên nhau và chia sẻ mọi quyền lực. Cần một lòng trung dũng đoàn kết vì nước vì dân. Thì toàn dân và toàn quân sẽ đứng vững như kiềng ba chân. Miền Nam Việt Nam sẽ không bị sụp đỗ toàn diện đâu. Lúc nầy Tổng thống Dương Văn Minh nói rất hùng hồn: “Không bao giờ đưa miền Nam Việt Nam cho Việt-cộng”.

* Thứ Ba, Ngày 29-04-1975 – Tổng-thống Dương Văn Minh ra lệnh trục xuất những người Mỹ cuối cùng phải đi ra khỏi đất nước Việt Nam. Chính lúc đó mất thật rồi: Nhơn Trạch. Thành Tuy Hạ. Cát Lái. Cầu Sông Buông. Long Bình. Biên Hoà. Phú Lợi. Lai Khê. Bến Cát. Bình Dương. Tân Uyên. Lái Thiêu. Gò Vấp: Hướng Tây Bắc Đồng Dù. Củ Chi. Hướng Tây Tây Nam Hậu Nghĩa. Tân Túc. Tân Hoà. Phú Lâm. Tin tức mỗi ngày mỗi giờ một xấu hẳn đi. Thế là trong thành phố Sài Gòn vốn dĩ ồn ào náo nhiệt, bon chen sợ hãi, càng tăng thêm nhốn nháo, xôn xao, xớn rớn hãi hùng hơn. Sài Gòn chìm trong biển tình đau thương tràn ngập mịt mùng. Sài Gòn như rắn mất đầu, người người xớn rớn ồn ào như núi lở, như động đất, như triều cường sóng thần vùi dập. Sài Gòn đã mất đi vẽ hào nhoáng thanh lịch sang trọng xa hoa của hòn ngọc viễn đông xưa.

Thành phố ấy giờ đây ồn ào náo nhiệt hỗn loạn, bụi bặm và rác rưỡi ụ từng đống to tướng. Sài Gòn càng hổn loạn, hoang mang lo sợ bùng lên dữ dội. Nhất là những gia đình giàu sang quyền qúy ở Sài Gòn, cư dân gốc Trung Hoa đã và đang sinh sống ở Chợ Lớn hãi hùng huyên náo loạn cả lên. Thuở xa xưa người Hoa có quốc tịch Anh, được người Pháp (đang cai trị nước Việt Nam lúc bấy giờ), cho phép người Hoa từ Singapore nhập cư vào Việt Nam. Họ giàu xụ! Có tiền rừng bạc bể nên độc chiếm thị trường kinh tế, thương mại sầm uất ở một giang sơn Chợ Lớn!

Dinh Độc Lập trước kia theo bản vẽ của kiến trúc sư Hermite, là dinh của Thống Đốc Pháp Charles Le Myre De Vilers rất uy quyền, xây cất năm 1875. Nhà văn Jules Boissiere đã nói: “Mounument don’t s’honoreraient avec raison les plus fíeres villes du monde” (Toà nhà ấy mà những thành phố kiêu hãnh nhất trên trái đất, sẽ lấy làm tự hào, thật là rất xác đáng). Dinh Dộc Lập và Sài Gòn đã lừng danh thành Hòn Ngọc Viễn Đông kể từ đó. Lúc xưa hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc dội bom đã cháy Dinh Độc Lập, (vào tháng 2 năm l962), làm hư hại dinh. Tổng-Thống Ngô Đình Diệm cho xây lại dinh Độc Lập. Gia đình Ngô Tổng Thống phải dời sang Dinh Gia Long an vị, chờ kiến thiết lại. Bản vẽ Dinh Độc Lập do đồ án của kiến trúc sư đô thị gia Ngô Viết Thụ (đoạt giải Khôi Nguyên La Mã) đảm nhiệm. Theo thiết đồ của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, thì có hai vị Công-binh là: Đại-tá Nguyễn Văn Quý, Đại-tá Điển điều động một đoàn Công-binh Việt Nam xây dựng. Sau đó hoàn tất tốt đẹp.

Tiền đình dinh Độc Lập có quảng trường Pigneau De Béhaine, có đại lộ rộng thênh thang rợp bóng cây, có tượng Đức Mẹ ngự ở trước công viên Hoà Bình làm bằng đá hoa trắc. Vương cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn kiến trúc theo lối roman và gothic, thế kỷ XII, thánh đường xây gạch trầm màu hồng có chiều dài 93m, rộng 35m, cao kể từ dưới đất lên ngọn tháp 57m, có sáu quả chuông to. Tất cả vật liệu chở từ Pháp qua Việt Nam, ngày 11 - 4 - 1880 là khánh thành.

Thuở còn Tây cai trị nước ta, con đường có tên là Norodom chạy từ Dinh Độc Lập suốt tới khu Thảo Cầm Viên. Trong đó có Viện Bảo Tàng tên gọi là Blanchard de la Bross, do Pháp xây dựng năm 1929. Ấy thế mà… Hết rồi vẽ sạch sẽ bóng loáng thanh cao rộng rãi trên những phố Catina, đại lộ sang trọng Norodom xa xưa, nào là đường Lê Văn Duyệt. Trần Hưng Đạo. Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ, vân vân… thậm chí cả đường Duy Tân cây dài bóng mát có từng tốp mười tốp hai ba mươi người tụ tập lo lắng, bồn chồn xôn xao, hốc hác, băn khoăn đứng ngồi không yên, kể từ khi phi trường Tân Sơn Nhứt bị pháo kích.

* Ngày Thứ Tư hắc ám 30 tháng 4 đen tối năm 1975. Sài Gòn nóng như một hoả lò. Càng ghê rợn hơn, tin từ đài phát thanh Sài Gòn loan báo kể từ giờ phút nầy: Thiết quân luật 24/24. Tình hình thủ đô Sài Gòn từ sáng tinh mơ vắng lặng như tờ, không giống một thành phố chết, là gì!? Cho đến ngày hãi-hùng. Ngày đớn-hèn bi thảm. Ngày tối đen hắc-ám nhất lịch sử Việt Nam. Ngày đánh dấu than trầm-uất, thống-hận:

- 8 giờ:00 ngày 30-4-1975 - Sáng sớm, Tổng-thống Dương Văn Minh lên Truyền-thanh Truyền-hình ra lệnh buộc các tuyến phòng thủ của Lữ-đoàn Liên-binh Phòng-vệ Phủ Tổng-thống không được nổ súng.

- 9 giờ:00 ngày 30-4-1975 - Ông Dương Văn Minh đọc diễn văn trên đài Truyền-thanh: Yêu cầu Toà Đại sứ Mỹ và văn phòng tùy viên DAO Hoa Kỳ, phải rời khỏi Việt Nam ngay lập tức.

- 10 giờ:00 ngày 30-4-1975: Ông Dương Văn Minh leo lên làm Tổng thống được ba ngày! (3), ông liền “mở cửa khẩu” kêu gọi Quân-lực Việt Nam Cộng Hoà: “Ở đâu, hãy giữ nguyên vị trí ở đó”. “Ngưng chiến. Chờ bàn giao chính quyền miền Nam Việt Nam cho lực lượng Mặt Trận Giải Phóng vào chiếm”. “Chuẩn bị giao nạp vũ khí cho đối phương”.

* Ngày 30 tháng 4 năm 1975 - Khi Trịnh Công Sơn hát lui hát tới bài “Nối Vòng Tay Lớn”, không có nhạc đệm trên đài phát thanh Sài Gòn. Không những là ngày uất hận “nối vòng tay tang chế lớn”, mà còn là ngày co giật từng cơn run kinh phong nhăn nhúm rúm ró teo tóp lại. Ôi! Quả đúng là có một phép lạ như điềm dự báo trước kia, khi con chim bồ câu đã đậu trên bàn thờ Đức Mẹ Fatima, ở trên khu vực giáo dân Đà Lạt, nơi thường cung nghinh rước ảnh tượng Đức Mẹ đến từng nóc nhà vào năm 1974. Người ta nói: - “Con chim bồ câu tượng trưng cho sự hoà bình”. Nay “hoà bình” đã đến thật rồi sao?!

Dinh Độc Lập, vương cung Đức Bà và con đường Norodom độc đáo nầy, ấy vậy mà hôm nay đã do tướng Trần Văn Trà cầm đầu mặt trận Cách-mạng Lâm-thời 75 (!) tại Sài Gòn, cùng đoàn xe molotova rền rú ì ầm chạy đến cổng dinh cổng dinh Độc Lập lúc 11 giờ sáng. Khi ấy đại sứ Pháp tại Việt Nam là Jean Marie Mérilon, còn ở trong toà đại sứ ở trên “đường Thống Nhứt”. Ui chao! Chao ôi! Sụp đỗ toàn diện một chế độ. Bàng hoàng cả một dân tộc Việt Nam. Chiến tranh hai miền Nam Bắc đưa con người bải hoải lết lết tới đường cùng cuối bờ vực sâu.

Khi có những chiếc xe tăng ì ầm chạy trên các đại lộ chính, chở đầy bộ đội đầu đội nón cối, chân mang dép râu, cổ quàng khăn lau mặt, thân hình dắt đầy cành cây. Đoàn xe vượt qua cán nát chôn vùi nền Đệ Nhị Cộng Hòa do Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu bôn tẩu lánh cư và do tân Tổng-thống Dương Văn Minh ngồi trên ngai vàng lãnh đạo chỉ có ba ngày!!! Quân Bắc Việt được sự hổ trợ tối đa của Nga và Tàu-cộng cung cấp đầy đủ đạn dược, súng ống và xe tăng. Trong khi miền Nam Việt Nam bị Mỹ hứa lèo hứa cuội, rồi trở mặt phản bội, lãnh đạm bỏ rơi. Mỹ từ chối hết thảy, kể cả chính phủ miền Nam chỉ xin chi viện 300 triệu đồng. Cũng không!

Toàn Quân miền Nam thiếu thốn đủ mọi thứ. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phải tự anh hùng oai dũng kiên cường chiến đấu, quyết liệt chống trả đến viên đạn cuối cùng, trong sự cô độc, vô cùng đắng cay chua xót và tuyệt vọng dường bao!!! Những Người Lính dũng cảm ấy chưa hề buông súng bỏ cuộc. Họ không bao giờ phản bội dân tộc và cương quyết ở lại giữ gìn quê hương Việt Nam dấu yêu.

Cho đến một *ngày thứ Tư: 30-04-1975: Họ phải cúi gầm đầu bật khóc; vì buộc lòng phải tuân phục thượng-lệnh. Đời sống ấy phơi bày cuốn phim cay nghiệt, có cảnh-tượng kém thanh-lịch, bóc trần những điều quá thật, làm tan nát đời nhau. Chẳng bao giờ xóa nhòa, tàn phai trong ký-ức mọi người. Tan hoang kinh khủng. Đau đớn tột độ! “Hạnh phúc Hòa Bình” đến, vội-vã chợt đi giật theo tấm áo đơn bạc. Lộ ra quá-khứ trần trụi. Hiện tại đọa-đày, tương lai đen tối mịt mù. Vẫn hay, vô cùng nghẹn ngào cay đắng!!! Bách niên thương hải biến vi tang điền!
***

Tình HOÀI HƯƠNG

_ * _

(*) - Nguồn TỪ > Wikipedia, & sưu tầm đó đây
- Câu "Bách niên thương hải biến vi tang điền" là câu gồm 8 chữ, không phải là Thơ Đường Luật, có thể là loại Thơ Cổ Phong, nghĩa là thơ Cổ trước khi có Thơ Luật của Đời Đường ra đời. Cổ Phong có thể gồm thơ 3 chữ, 5 chữ, 6 và 8, không theo Luật Thi. Thơ Đường Luật thường gồm Thơ 5 Chữ và Thơ 7 Chữ theo Luật Bằng Trắc và Đối Ngẫu.

Bốn cuốn sách tham khảo gồm: Tự Điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh.
1. Tự điển Từ, & Ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân.
2. Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Tự Điển của GS Trịnh Văn Thanh.
3. Nguyễn Du Toàn Tập Quyển 1 Thơ Quốc Âm Truyện Kiều của Nguyễn Thạch Giang.

4. Theo cuốn Tự Điển Truyện Kiều (trang 68) & cuốn Tự Điển Từ & Ngữ VN (trang 1797) thì đa phần giống nhau trong sự giải thích: "Thương hải biến vi tang điền, mà viết tắt là 'Thương hải tang điền" nghĩa đen là "Biển xanh biến thành ruộng dâu", nghĩa bóng là những cuộc thay đổi lớn lao. Nhưng không ghi xuất xứ điển này từ đâu ra.

*5.- Theo cuốn Nguyễn Du Toàn Tập Quyển 1 Thơ quốc Âm Truyện Kiều của Nguyễn Thạch Giang thì điển Thương Hải Tang Điền, xuất xứ từ Thần Tiên Truyện vào thời Đông Hán. Tiên nhân Vương Phương Bình xưa đỗ Hiếu Liêm, làm quan chức Trung Tán Đại Phu, rồi bỏ quan đi tu tiên đắc đạo, giáng xuống nhà Thái Kinh (người đời Hậu Hán), cho mời tiên nữ Ma Cô đến. Ma Cô bảo Phương Bình rằng: "Tiếp thị dĩ lai, dĩ kiến Đông Hải tam vi tang điền." Nghĩa là: "Từ khi được tiếp hầu ông đến nay, tôi thấy bể Đông đã ba lần biến thành ruộng dâu."

6.- Cuốn Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Tự Điển của Trịnh Văn Thanh nói giống như cuốn Thơ Quốc Âm Truyện Kiều của Nguyễn Thạch Giang, nhưng đơn giản hơn một chút. (*)
*

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
04-24-2014, 06:17 PM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1398382597.jpg
Ngày Tao Loạn: 30/4


Khổng Tử đã nói:
"Kẻ sĩ lo trước cái lo của thiên hạ. Vui sau cái vui của thiên hạ”.
Cũng như cổ nhân Nguyễn Trường Tộ đã nói:
“Nhất thất túc thành thiên cổ hận.
Tái hồi đầu thị bách niên thân”.
(Một bước lỡ để nghìn năm mang hận.
Ngoảnh đầu trông lại đã trăm năm).

Quả thực như thế. Những người lính làm viên gạch lót đường cho danh vọng, tham tàn, bạo lực, oằn vai nặng gánh, lưng gồnh mối thù phân chia hai miền Bắc. Nam: Nay người lính đem xương máu ra chiến trường đã là, đang là những viên gạch lót đường, dài dài… từ vĩ tuyến 17, nơi con sông Bến Hải có cầu Hiền Lương nghẹn ngào đớn đau tạm thời phân giới hai miền Nam Bắc. Họ quyết ở lại miền Nam Việt Nam dựng nước và giữ nước. Một thời gắn bó keo sơn mặc dù biết mình vô tình làm ván bài mưu lược chính trị sục sôi. Họ vẫn chia nhau ra trấn giữ đất nước, cố duy trì sự tồn-hưng một quốc gia trong thời chiến tranh:
Giống như Mã Viện xưa đã nói:
- “Làm trai, nên chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thây mà chôn, mới đáng qúy. Chớ chết trong tay lũ trẻ nâng đỡ. Nào có hay gì"!

Phân chia là thế! Nhưng lòng yêu nước thiết tha và hoài bão mong ước tự do an bình, ấm no cho toàn dân, thì “Quan, Tướng và Lính” đều có ước vọng giống nhau. Hôm nay nếu trải qua chung cuộc ngậm ngùi trong cơn xoáy đục ngầu, tưởng đã chia phần đều nhau: Là vậy. Ngày đêm kề cận sự chết, chiến tranh tàn khốc xảy ra trên từng đoạn đường giao tranh, trên những bước ngắn bước dài, bước thấp bước cao. Lòng lính càng quặn từng cơn đau buốt, khi họ đi kè kè hai bên lề đường: để hộ tống từng đoàn dân di tản tất tả chạy dọc theo ven những quốc lộ trên triền quê hương.

Sau 21 giờ - ngày 29-4-1975 - thiết quân luật bắt đầu 100%. Màn đêm đã sớm về đến khi khuya lắc khuya lơ, chúng tôi vẫn đứng thấp thỏm, thập thò từ trong cửa sổ ở phòng ngủ Hotel Hưng Đạo 2 đã tắt hết đèn đóm, tôi nhìn xuống đại lộ Trần Hưng Đạo, thì thấy lố nhố hàng hàng lớp lớp lính tráng: Tôi âm thầm quan sát “những tình thương và sự hy sinh cao cả bên lề cuộc sống”: Nào là: Thủy-quân Lục-chiến. Nhảy Dù. Biệt Động Quân. Bộ-binh, vân vân... (không kể có ba Lữ đoàn Dù. Ba Liên đoàn Biệt Động Quân đóng tại Hóc Môn. Gò Vấp. Bình Chánh. Nhà Bè. Tân Sơn Nhứt).

Quân đội đã đặt những ụ súng cối, súng máy, do các chiến hữu Sư-đoàn 5 – 18 – 22 – 25, ngỏ hầu chu tất việc bảo vệ an toàn lãnh thổ Việt Nam, Thủ-đô, và lương dân vô tội. Cứ một giờ, tốp lính nầy đến gác, là tốp kia lầm lũi âm thầm ra đi... Súng dài gác bên nhau, mũi súng chụm vào chỉa lên trời, báng súng dựng dưới mặt đường nhựa. Họ nói rất khẽ hay chỉ lặng lẽ ra hiệu lệnh. Họ là những quân nhân Quân-lực Việt Nam Cộng Hòa anh dũng quyết chiến đấu, hy sinh đến giờ phút cuối cùng. Súng lại đeo lên vai nòng chĩa xuống đất, họ lặng lẽ và tuyệt đối vâng lời thượng cấp, từ từ rút lui có quy củ, trật tự tôn nghiêm trong hàng quân ngũ. Họ nhìn nhau lặng lẽ nhếch miệng cười qua cái bắt tay giã từ vừa đủ chặt, dường như âm thầm nói lên niềm đắng cay, trào dâng trên sóng mắt tiếc thương, quặn đau trong lòng họ sự hy sinh vô vụ lợi, không điều kiện.

Từng tốp lính mười tốp bảy người, nhiều vô số đang nằm gối đầu trên vĩa hè, tay gác lên trán tư lự. Có người đứng hoặc ngồi bên đường. Dù ở trên vĩa hè, quân nhân đều có trật tự, nhịp nhàng, kỷ cương. Họ chia nhau ra canh giữ quê hương trong giờ phút lâm nguy khốn cùng. Những đóm lửa nhỏ lập loè loé lên trên bờ môi khô. Những đôi mắt dường như đọng ngấn lệ tủi hận đầy bi ai. Có người đang mặc áo giáp, đăm chiêu suy tư, bơ phờ, hốc hác. Có người đội mũ sắt, hất ngược mũ ra sau gáy, sợi quai mũ cứa vào cục yết hầu oan gia nhô cao cay đắng chạy lên chạy xuống cuống cổ. Có người đội mũ sụp che xuống gần tới mí mắt. Có người đội mũ lệch qua một bên. Họ mang giày đinh lấm lem bụi đỏ, lưng đeo ba lô nặng trĩu đường hành quân, râu ria lởm chởm, tóc tai không mấy chỉnh tề. Những bàn tay anh tài vẫn đưa lên ngang tầm mắt, nghiêm nghị đứng thẳng, ngực ưỡn ra oai vệ chào thượng cấp.

Bỗng dưng tình hình chính trị quyết liệt căng thẳng, vận nước đột biến từ góc 45/o, chỉ trong một tuần ngắn ngủi, vụt nhảy tọt lên 360/o nhanh như chớp. Khiến tôi vô cùng hoang mang, bàng hoàng sửng sốt, lo lắng, buồn phiền, bối rối tột cùng. Trở lui mắc núi, đi tới mắc sông, xoay quanh mắc vòng lẩn quẩn đủ mọi thủ thuật rối rắm. Mặc dù các bạn trong nhóm có nhiều sáng kiến, có nhận thức thời cuộc chính xác và quyết định đúng đắn, nhưng dẫu sao họ ở nơi xứ lạ quê người ồn ào náo nhiệt, tột cùng hổn loạn thế nầy, bốn anh ấy giống chú khỉ bị nhốt trong chuồng kín ở hotel Hưng Đạo 2: lòng và trí nóng như lò lửa, thì có tài giỏi đến mấy, họ cũng không biết đâu mà mò.

Tuần trước, bốn anh trong nhóm chờ đợi bầy trẻ nhỏ ngủ yên, liền khều mấy bà qua phòng tôi, để bàn tính chuyện lủi xuống miền Tây. Vì, nghe nói tại miền Tây bây giờ hoàn toàn bình yên tĩnh mịch. Vã lại Ngọc đã cho ba của anh đi xuống miền Tây dò đường đi nước bước trước rùi. Ngọc dặn dò ông ba nếu thấy tình hình bất ổn, thì ông lo tìm đường trở về Sài Gòn, hoặc đi ra Phú Quốc. Ngọc ấn định ngày giờ sẽ gặp ông ba ở điạ điểm chính xác ở miền Tây, nếu không y hẹn, có nghĩa là Ngọc sẽ đưa bầu đoàn thê tử, “hò” bạn bè cùng nhau ra đi. Ý kiến cuối cùng: mình phải sáng suốt dứt khoát ra đi, khi thấy Quân-lực Việt Nam Cộng Hòa đã triệt thoái hết về miền Nam, thì ở miền Tây ắt sẽ còn là nơi vững chắc như đinh đóng cột.

Tôi sống tạm bợ nơi Sài Gòn xa hoa, nhộn nhịp, và lắm xô bồ trong tháng 4 năm 1975, với ngàn lo âu, run sợ hãi hùng đầy cay đắng, băn khoăn lo lắng trăm mối tơ vò. Tin dữ loan ra thì có, tin lành về lại không. Nhìn xuống lòng đại lộ Hưng Đạo 2, tôi càng run rẩy nghĩ rằng: “Trận chiến nầy, hẳn là sẽ đến hồi quyết liệt để giành thắng. Nay mai sẽ có giao tranh trên cùng khắp các nẽo đường. Chạy đi đâu cho thoát ra khỏi con ngỏ sâu hun hút, đầy đạn bom đây! Hở Trời!? Tôi vô cùng hối hận khi đưa gia đình về đô thành. Chạy đi đâu, cũng không thể thoát khỏi nanh vuốt chiến tranh bạo tàn. Thì thà rằng cứ ở yên lại Đà Lạt, có lẽ gia đình tôi không đến nỗi nào khổ sở đến thế”!

Trên những con đường lớn nhỏ tại Sài Gòn đều đông nghẹt người đi bộ, người ta đông hơn kiến tràn ra ngoài lòng lề đường, chen lấn nhau đi kẹt cứng. Mặc cho từng hàng xe hơi đủ loại, xe gắn máy, xe đạp, xe xích lô, xe ba gác vân vân… chồng chất đủ mọi thứ lỉnh kỉnh lên xe. Họ ùn ùn hối hả đi đi, về về! Đi đâu?! Về đâu?! Hầu hết các doanh trại ven đô, các công sở ty mỏ, và thường dân lo đào hầm hố cá nhân. Những đại công sở và cao ốc, cũng như ngoài những đại lộ, gần trung tâm Sài Gòn đều ráo riết chuẩn bị. Thế mà bà mẹ Ngọc và hai cô Quy, Cúc, ung dung dẫn nhau đi từ hotel Hưng Đạo 2 tà tà qua chợ Đũi, xuống chợ Thái Bình dạo chơi, rồi ba mẹ con tấp vào ăn bún ốc, bún thịt nướng, ăn xoài, dưa hấu, thơm. Họ ăn xã láng... ăn đã đời.

Mấy tháng trước lo lánh nạn súng ống từ Cam Ranh chạy riết dài dài về đây, họ ăn uống có phần tiết kiệm khổ sở. Bây giờ yên ổn nơi thành phố vinh sang giàu có, họ cũng sẵn tiền dư bạc rủng rỉnh như ai, ngày ngày ở không trong phòng ngủ không biết làm gì, chẳng lẽ có bộn tiền có vàng leng keng trong túi, mà phải nhịn thèm “ăn mì ngóng cháo ngó” sao. Thế là ngày ngày họ đem con cháu đi ăn hàng xã láng cho đã. Lúc nào về phòng ngủ cô Cúc cũng khệ nệ bưng thêm: Khi thì quày chuối già hương to bự sư, mít ướt, mít ráo, hoặc một chục xoài cát thơm lựng. Do mấy bà vợ thừa nước đục thả câu, được đằng chân lần lên đằng đầu, cô Cúc cô Quy tha hồ leo lên đầu lên cổ đức ông chồng nhẫn nhịn hiền lành, tha hồ ăn hiếp chồng. Cánh đàn ông yêu quá hóa sợ mấy mụ vợ một phép, mặc “bà” muốn làm gì thì làm, lớp đàn ông im re xép ve:
Lỗ mũi mười tám gánh lông.
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.
Đêm nằm thì ngáy o o.
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Đi chợ thì hay ăn quà.
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.
Trên đầu những rác cùng rơm.
Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu. (1)

Sau vài ba ngày no say ăn uống, thì bà cụ Tài đau bụng, trên ói dưới té re, thổ tả thổ te tá lả hoài! Bà cụ Tài tái phát bệnh đau bao tử ói ra máu tươi, máu bầm, máu loãng, rồi ói ra mật xanh mật vàng. Bà ôm bụng gò lưng quằn quại rên la dữ dội. Anh Ngọc vội vàng thuê xích lô chở bà đi cấp cứu tại bệnh viện Sài Gòn. Đã biết là bà cụ đau bao tử kinh niên, mà còn dám “tộn” mấy thức ăn mát mẻ thế, nếu bà không đau bao tử, cũng bị té re là cái chắc! Không biết bà cụ trúng độc do ăn bún ốc, hay cụ ăn quá nhiều thứ mà “trúng thực”? Ngày ngày chúng tôi ghé vô bệnh viện thăm, thấy bà cụ có phần thuyên giảm. Ngọc bảo cô Cúc ở lại bệnh viện trông coi mẹ. Còn anh sẽ đưa vợ con, gia đình cô em gái là Quy, cùng chúng tôi đi xuống miền Tây trước. Lúc nào bà mẹ khoẻ hẳn, thì cô Cúc sẽ đưa mẹ đi xuống Bạc Liêu.

Nghe thế, bà mẹ Ngọc dù rất yếu, bà lắc đầu quầy quậy, giẫy nẩy lên, chồm dậy khăng khăng nhất định đòi trở về hotel. Nếu có đi đâu, mà bà đi không nỗi, thì cõng bà đi cùng, chớ không trước không sau gì cả. Bà rất sợ con trai bỏ rơi. Bà thất kinh hồn vía, không dám kêu rêu con dâu bắt bà nhịn đói, không rên siết trước mặt Ngọc, bà không dám ăn uống bậy bạ nữa.

Ngọc đành chìu ý mẹ già, anh đưa mẹ về nghỉ tại hotel Hưng Đạo 2. Thật kinh hồn, chúng tôi chỉ sợ lây lan hết cả đám, thì khốn. Bà phải ở cách ly mình ên. Ngọc đi rước bác sĩ tư đến khám bệnh ghi toa, liền đi mua thuốc về cho bà uống. Anh Bàn phụ Quy, Luật, khiêng những tấm nệm chuyển qua phòng của tôi, đặt nệm ở giữa nền gạch cùng nằm xếp lớp với nhau. Bốn gia đình ngủ chung hai phòng cho ấm áp tình người. Chúng tôi cảm thấy vui vui, cũng đỡ lo sợ và buồn. Do thế, chuyện dự tính cả nhóm về miền Tây trước ngày 30-4 đã không thành. Phần vợ chồng tôi, khi thấy tình hình bất an, thì Luật chạy đến nhà anh Tạo rước bà mẹ anh xuống ở phòng ngủ. Tôi đến nhà Yến Nga để hỏi thăm tin tức.

Ở nhà, bốn đứa con của tôi tự trông coi nhau. Chẳng may bé Tồ bị đau bụng ỉa chảy té re. Bé Tuấn thay đồ cho em, giặt giũ áo quần, lau chùi phòng sạch sẽ. Bé DZũng tắm rửa cho em, cõng em và dỗ em ngủ. Bé Bi sợ hãi chui vào gầm bàn trốn, và ngủ quên trong xó góc. Khi trở về phòng trọ, nghe các con nói lại, tôi sợ hết hồn. May mắn là bé Bi chỉ đi cầu hai lần. Tôi cho con uống thuốc, (tôi đã mua sẵn đầy đủ mọi thứ thuốc dự trữ phòng hờ). Ngày hôm sau con đã thuyên giảm nhiều. Tôi lo sợ là con bị lây chứng thổ tả từ bà cụ mẹ của Ngọc thì khốn!

Chỉ trừ những đứa trẻ ngây thơ vô tội là ngủ chập chờn trong bóng tối mờ mờ. Còn mọi người lớn thì tắt hết đèn đóm, ngồi tụ vòng tròn lại một góc phòng, nơm nớp lo sợ và mong trời mau sáng. Ngoài đường vắng ngắt đến ghê rợn, khuya Sài Gòn càng khuya càng hoang vắng lạnh lẽo, bầu trời vần vũ mây đen báo hiệu cơn mưa đầu mùa. Đến năm giờ sáng thì quả thật trời đổ cơn mưa rả rích, kéo dài hơn ba giờ, trông thật ngao ngán. Cánh đàn bà lo chuẩn bị làm mì gói cho cả nhóm ăn, uống nước suối Vĩnh Hảo. Bốn người đàn ông bàn tính với nhau là: để tránh tai mắt người khác tò mò dòm ngó, và không biết tông tích của mình làm gì, ra sao, đi đâu, thì bốn anh sẽ đưa từng nhóm ra đi.

Điểm hẹn là ở nhà thờ Ngã Sáu (nhà thờ thánh Jeanne D’ Arc, trong khu nghĩa trang Huê kiều, do người Pháp gọi là Plaine Des Tombeaux, ở 116b Hùng Vương, phường 9 quận 5). Luật hướng dẫn lộ trình chu đáo, anh nhắc đi nhắc lại: ai không nhớ, thì ghi vào sổ tay, kẽo nơi xứ lạ không thuộc đường, lớ quớ sẽ lạc nhau. Cứ mươi phút là có một nhóm rời phòng ngủ. (Làm như chúng tôi đi quỵt nợ, trốn nợ tiền phòng không bằng. Mặc dù chúng tôi đã chi trả hết tiền ba phòng nầy, và đặt cọc phòng thêm trước mười ngày).

Anh Bàn không có vợ con gia đình bận bịu lu bu bên cạnh, nên anh rảnh tay dìu bà cụ Tài bệnh hoạn, cùng cô Cúc ẵm đứa con gái ba tuổi ra đi đầu tiên. Kế đến là gia đình Quy. Gia đình Ngọc, sau rốt là gia đình tôi gồm bảy mạng lủi thủi ra khỏi hotel. Tôi đứng trên cửa sổ tầng hai nhìn mấy anh chị lạ nước lạ cái cúi đầu lầm lủi ra đi, nhất là những đứa trẻ yếu ốm xanh xao, ngây thơ, hồn nhiên vô tội. Sao ai nỡ lòng để con em sớm bơ phờ nếm mùi đau khổ, gánh lấy nỗi ưu phiền, cơ cực đắng cay cuộc đời làm vậy! Tôi cảm thấy thật buồn.

Bốn nhóm gặp nhau ở nhà thờ ngã sáu rồi, lúc đó đã có nhiều người đi bộ, đi xe đạp, xe honda, xích lô qua lại trên đường đông đúc hơn. Tuyệt nhiên không thấy xe nhà, taxi hoặc xe bus. Chúng tôi ngoắt mãi vẫn không có chiếc xích lô máy, hay xích lô đạp nào chịu ngừng. Chẳng biết họ vội vã chạy đi đâu! Mãi về sau lâu thật lâu mới có hai chiếc xe ba gác trờ tới. Luật mặc cả giá xong, liền cho hai bà cụ cùng bầy nhóc ngồi lố nhố trên xe. Bốn anh kia phụ hai ông ba gác đẫy xe đi tà tà. Chúng tôi dắt díu nhau lẽo đẽo đi xuống khu Chợ Lớn. Quang cảnh ở Chợ Lớn khác hẳn ở khu Sài Gòn. Nơi đây ồn ào náo nhiệt đông đúc, người ta tụm năm tụm mười đông đen trên đường phố xí xa xí xô đi đi, nói nói, la la mắng chửi om sòm, buôn buôn bán bán đủ mọi thứ.

Thỉnh thoảng mới có chiếc xe bus khác tuyến đường chật như nêm vút qua, chạy về hướng xa cảng miền Tây. Ngọc vào nhà bạn thân cùng làm việc ở gần chợ Tam Biên, để dò hỏi tin tức cập nhật. Luật cũng có bạn Thành ở đường Nguyễn Tri Phương. Lúc bạn hai đến nhà đó, mọi người trong nhóm ngồi bệt ngoài vĩa hè nghỉ mệt chờ đợi Luật, Ngọc vào hỏi thăm tin tức. Kiểm chứng lại những tin nghe ngóng suốt dọc mấy lộ trình, thì mỗi người nghe một cách khác hẳn, người nói thế nầy, người nói thế nọ; càng hoang mang, băn khoăn, bồn chồn, lo lắng, rối tung rối mù, không phân định được điều gì xác thật là đúng, điều gì sai. Toàn nghe những tin vu vơ mù mờ như vịt nghe sấm.

Chúng tôi không rành đường dưới khu Chợ Lớn, nên cứ đi lo lắng sợ sệt đi lung tung loanh quanh đường nọ qua đường kia, đi vòng vòng khá xa Chợ Lớn. Chẳng biết tại sao chúng tôi quay trở về ngã Bảy? Khùng thiệt. Cuộc ra đi nầy thật vô duyên ngớ ngẩn hết chỗ nói. Thế là chúng tôi mò mẫm tìm về nhà thờ Huyện Sĩ. Tôi bàn với Luật để tôi đến khách sạn Hưng Đạo 2 lấy lại những đồ dùng cần thiết, đem đến nơi nầy. Luật quát mắng tôi:
- Coi chừng tiếc của mà toi mạng. Bỏ hết.

Tôi tiu nghĩu buồn xo theo các bạn vào cha chánh xứ xin cho ở nhờ ngoài vĩa hè trong khuôn viên nhà thờ Huyện Sĩ. Nhà thờ hình cung nhọn oai dũng với công trình thiết kế quy mô, đặc thù, tinh xảo, khang trang xinh lịch, còn được gọi là nhà thờ Chợ Đũi xây năm 1902. Thiết kế giáo đường do đức cha Bouttier kiến trúc theo phong cách gothique tuyệt tác tinh vi, cao sang với vật liệu đá granit. Do ông bà Huyện Sĩ Lê Phát Đạt giàu có nhất thời ấy bỏ tiền ra xây dựng. Sau khi tạ thế hai ông bà có mộ xây bằng đá cẩm thạch ở hậu cung. Hầu hết mọi người quá mỏi mệt ngao ngán chán chường, chẳng thiết tha sự gì ngồi bó gối ủ rũ buồn chán nơi xó góc trong một lớp học bỏ trống. Ông trùm họ đạo nầy đi lễ về ngang chỗ chúng tôi đang ngồi co rúm một xó, thấy chúng tôi hốc hác, trẻ con bơ phờ lem luốc nằm la liệt lăn lóc trên vĩa hè nóng và hanh nắng. Ông vào tận nơi tôi ngồi, ân cần hỏi thăm qua loa, rồi ông bảo tôi cử đại diện vài người đến nhà ông, để ông tiếp tế cho ít thức ăn.

Cô Quy, Cúc và tôi lẽo đẽo theo sau lưng ông, đến bên hai cánh cổng sắt màu xanh kín mít to cao lút đầu người. Mở ổ khoá cánh cửa sắt nhỏ phụ kế bên, ông mời ba chị em vào nhà ba tầng lầu có vườn cây trước sân mát mẻ, rộng rãi, ngôi nhà bề thế sang trọng xây đá hoa cương lát gạch men bóng láng. Ông mời chúng tôi ngồi ở sofa da nhung đỏ. Ông đi xuống nhà bếp. Chúng tôi chưa kịp quan sát kỹ lối trang trí tân thời trang nhã vinh sang trong phòng khách, thì bà vợ ông trùm và mấy con cháu gì đó từ phòng bên cạnh, xách ra ba bốn tụng đồ ăn thức uống đầy nhóc, nhiều nhất là mì gói, bánh mì khô, cá khô, tôm khô, khoai lang, dưa leo và củ sắn. Thêm một tụng khá to quần áo trẻ con, một tụng nhỏ hơn bốn tụng kia đựng độ năm bảy lít gạo, (bà vợ chu đáo lo đầy đủ, hình như bà đã nghe ông chồng kể lại, hoặc là gia đình họ đã từng làm việc thiện nầy, tôi không biết).

Ba chị em tôi cảm động ứa nước mắt, rối rít cảm ơn lòng từ bi thiện nguyện của ông bà trùm họ đạo Huyện Sỹ. Khệ nệ bưng các giỏ xách về lại góc trường học, chúng tôi cảm thấy có phần vui vẻ an tâm. Cô Quy, Cúc và chị Ngọc xúm lại chia nhau áo quần con trẻ. Còn tôi không nhận (vì đang có, tôi đã vứt bỏ lại ở hotel nhiều lắm, chỉ mang đi những bộ quần áo cần thiết, vậy mà các con mang vác còn không nỗi, nữa là tham lam chi mà quơ vô thêm sao).
Mấy chị em rủ nhau đi ra chợ Đũi mua hai cái nồi lớn, mua tô chén, muỗng, đũa, rổ, rá, củi, ba bó rau muống, mắm muối, chút bột ngọt, chuối cau, mua bình để nấu nước, mấy chai ni lông đựng nước (vã chăng thấy ăn uống tầm bậy tầm bạ ở ngoài chợ, sợ trúng nước đi “ị” té re như bà cụ Tài, thì khốn; chúng tôi không dám uống nước trà đá bán sẵn). Có tiền là có của tươi rau ngon.

Về lại chỗ cũ, Ngọc xin bà từ trông coi nhà thờ cho mượn hai cái lò để nấu ăn. Bà từ vui vẻ bảo chúng tôi cứ vào trong bếp tự tiện nấu nướng, khỏi mua củi hay mượn lò làm gì mất công. Nhưng chúng tôi không lấy củi của bà. Phụ nữ xăn tay áo lên lo làm bếp. Đàn ông đi tắm rửa cho con cháu, và tắm rửa chính họ ở ngoài giếng hay ở vòi nước. Chẳng mấy chốc nồi cơm trắng, canh mì gói nấu kèm với rau muống, trái bầu xắt nhỏ, khô cá sặc nướng, mọi thứ đã chín. Sau một ngày nhịn đói nhịn khát, kéo nhau đi thất thểu lang thang cầu bơ cầu bất ở ngoài đường mệt mỏi rã rời. Giờ đây cả nhóm ngồi bệt dưới nền xi măng, quây quần quanh hai mâm cơm nóng sốt. Một mâm dành cho trẻ con được cho ăn trước. Một mân cơm của người lớn thì ăn sau. Đây là buổi cơm tối thanh đạm, nhưng quả thật lần đầu tiên trong những ngày xa xứ, kể từ khi tôi về Sài Gòn ăn bữa cơm nầy cảm thấy rất ngon miệng. Thiệt đúng:
Đầu tôm nấu với canh bầu
Chồng chan, vợ ngó lắc đầu “ham ăn.”
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Mai sau có lúc nấu chung một nồi! (1)

Lúc đó có hai gia đình ở Huế, Đà Nẵng di tản vào Sài Gòn, họ cũng tay xách tay mang, con cái đùm đề, vừa vào xin ở nhờ, kế bên lớp học cạnh chúng tôi. Luật, Ngọc qua bắt chuyện hỏi thăm, rồi mời cả sáu người ấy qua bên lớp học nầy, vì chúng tôi nấu cơm và canh thật nhiều, nên nhân tiện mời họ dùng cơm. Hai người đàn bà tỏ vẻ e dè khách sáo hơn hai ông kia. Nhưng khi thấy chúng tôi thành thật chứ không qua loa mời lơi, họ cũng vui vẻ nhập vào nhóm. Cô Cúc đi lấy chén đũa của bọn trẻ vừa ăn xong, chạy ra vòi nước rửa sạch và đem vô. Chúng tôi vừa ăn vừa tỉ tê trò chuyện. Chỉ vài giờ ngắn ngủi, chúng tôi đã thông cảm và hiểu thấu những gian khổ, cơ cực trên bước đường gian truân lưu lạc, đồng hội đồng thuyền thật hợp ý nhau. Được biết hai gia đình Tâm và Phương có ý muốn về Phú Quốc, vì hồi xưa họ đã sinh sống ở đó. Nghe bạn mới tâm tình, chúng tôi hoan hỉ vui mừng như mở được tấc lòng. Vì quả thực chúng tôi rất muốn đi Phú Quốc, mà ngại một nỗi không rành đường, không biết lối mô tê, sợ lạc vào “mê cung Vẹm”, nên quá ngại ngùng. Tâm nói:

- Năm giờ sáng ngày mai phải ra bến xe bus Sài Gòn, đón xe đi một lèo tới xa cảng miền Tây, xe không ngừng ở mấy trạm phụ. Một ngày chỉ có ba chuyến xe bus đông nghẹt thôi.
- Thì ra bây giờ tôi mới hiểu: nguyên ngày nay chúng tôi đón xe bus lẻ tẻ dọc đường tới Chợ Lớn, mà chả thấy chiếc nào ghé trạm, là do vậy.

Thế là mọi người bảo nhau đi ngủ sớm. Phụ nữ rửa dọn nồi son chén bát, lau chùi chỗ nằm dưới nền xi măng (vừa dùng nơi ăn cơm). Đàn ông lo lùa bọn trẻ về lớp học bên hông nhà thờ, để dỗ con cái ngủ. Chị em phụ nữ xin đi tắm nhờ ở nhà bà từ. Cũng may là ở trong miền Nam lúa gạo dồi dào cò bay thẳng cánh, hầu kịp thời cung ứng cho cư dân ở miền Cao Nguyên và miền Trung, sau mỗi khi thấp kém mùa màng hay thiên tai lũ lụt. Chúng tôi mò tìm về miền Tây là phải lắm. Thật cám ơn nông dân và cư dân ở miền Tây Việt Nam hết sức.

Những giọt buồn lê thê xin gác lưng mây bay bay sau triền đồi Đà Lạt xa mờ xa nhé! Dù gần hay xa xôi muôn trùng sóng vỗ, thời khắc quý giá nầy vẫn mãi hoài ghi nhớ, chiếm ngữ trong hồn tôi giông bão. Chiến tranh biêu riếu đã hạ bức màn đen trong chung cuộc đầy bi kịch rồi chăng? Ví dù như thế thì họ và tôi hoàn toàn tin tưởng vào cấp lãnh đạo tối cao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tin các cấp chỉ huy đã và đang dấn thân từ các nơi còn trụ lại, rải rác khắp nơi… có thể là:
- Vùng I : Quảng Nam. Quảng Trị. Thừa Thiên.
- Vùng II : Dakto. Kontum. Pleiku. Đà Lạt. Khánh Dương.
- Vùng III : Bình Long. An Lộc. Long Khánh.
- Vùng IV : Nhất là hy vọng từ Long An về Miền Tây, vẫn còn… trấn giữ.

"Quốc hữu phân tắc thực" (nước có người giỏi, thì nước mới vững chắc). Mặc dù giàu sự dũng cảm hào hùng của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa: từ tất cả các binh chủng đang ở lại rải rác trên quê hương nầy; họ có kiên cường bất khuất anh dũng và oanh liệt quyết chiến đấu tại các chiến trường sôi động khói lửa, hay tại các địa phương, Tỉnh, Thành, nào... Nhưng nếu họ không còn những vị “thủ lĩnh”, họ đã mất cấp lãnh đạo. Hoặc giả họ không có những vị chỉ huy nữa. E là thua chắc!
“Nghĩ thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê!” (2)
*
(1) = ca dao.
(2) câu thơ của Nguyễn Gia Thiều.
* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
04-28-2014, 09:54 PM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1398723456.jpg
Thưa quý độc giả thân kính,
Do thân nhân, bạn hữu, và số đông độc giả đã gửi thư yêu cầu THH post lại những bài viết về Ngày 30 Tháng Tư: Quốc Hận – Vì có vài trang website KHÔNG CÒN , hoăc (“bị đánh phá”). Thế nên THH xin mạn phép được post bài:
CỐ Thiếu Tá Không Quân TRƯƠNG PHÙNG.
Nay kính cẩn bút và trân trọng cám ơn HQPD
THH
***

Chiều ngày 28/4/1975 - khoảng 5:45’ trong phi vụ hộ tống Trung-tá Nguyễn Văn Mạnh SĐ3 KQ và toán chuyên viên Vũ-khí & Đạn-dược đặt chất nổ, để phá hủy các cơ sở của Bộ Chỉ Huy Kỹ-Thuật & Tiếp-vận KQ (Biên–Hoà). Tôi, (Trần Văn Phúc) và Trung-úy Nguyễn Thành Bá, bay từ Dốc Sỏi ngang qua Cầu Mới Biên Hòa.

Tôi vừa quẹo trái từ hướng Tây sang hướng Đông, đột nhiên tôi thấy bốn chiếc A37 với đầy đủ bom đạn trong một đội hình dị thường, nghĩa là không giống ai, phi diễn không ra phi diễn, chiến đấu không ra chiến đấu, đang từ hướng Đông Bắc lao tới cùng một cao độ với chúng tôi. Tôi cứ lầm tưởng là phi cơ của các phi đoàn bạn (từ miền Trung di tản về Tân Sơn Nhứt tháng trước) đang bay hành quân, nên tôi vội vã kéo cần lái, cho phi cơ mình bốc vọt lên cao, để tránh hai bên đụng nhau trong gang tấc. Đồng thời tôi hét trong vô tuyến để lưu ý anh Bá, (bay chiếc số 2 theo tôi trong đội hình chiến đấu):
- Hai theo một! Coi chừng bốn A37 hướng 10 giờ!

Rồi tôi bay đảo lại và nhìn theo bốn chiếc A37 bay xa dần, tôi ngạc nhiên, vì thông thường một phi tuần khu trục đi bay hành quân chỉ có hai chiếc, hôm nay là ngoại lệ, đặc biệt vì có tới bốn chiếc. Tôi nói tiếp với Bá:
- Giờ nầy mà mấy thằng "ma gà" A37 còn mang bom đạn đi lang thang kìa!

Chúng tôi đã suýt đụng nhau với chúng nó trên sông Đồng Nai, mà không thể nào ngờ đó là bọn phản tặc! Trời lúc đó vẫn còn sáng tỏ, tôi chúi mũi cho phi cơ xuống thấp, bay dọc theo quốc lộ 1 đến Thủ Đức, tôi quẹo trái theo xa lộ Biên Hòa đến Long Bình rồi về Biên Hòa đọc theo Quốc Lộ 1.

Nhìn xuống dưới, tôi thấy dọc suốt lề đường có rất nhiều xe thiết giáp đậu cách nhau từng trăm thước một. Muốn khích lệ tinh thần cho các chiến hữu Bộ Binh, nên tôi bay rất thấp, vì vậy khi bọn phản tặc dội bom ở Tân Sơn Nhứt, tôi đã không trông thấy. Nếu tôi bay ở cao độ 5.000 bộ, chắc chắn tôi sẽ thấy những cột khói đen bốc lên từ Tân Sơn Nhứt (TSN). Chừng 20 phút sau, Chuẩn-tướng Huỳnh Bá Tính Sư–Đoàn-Trưởng SĐ3KQ báo cho chúng tôi biết:
- Có một phi tuần ba chiếc A37 vừa dội bom Tân Sơn Nhứt!
Tôi điếng hồn nghĩ ngay đến phi tuần A37 mà mình vừa gặp, nên tôi “chỉnh“ lại ông trên tần số:
- Như vậy phải là bốn chiếc A37, vì chúng tôi đã gặp bọn chúng cách đây không lâu! (mãi về sau nầy, khi tôi kiểm chứng với nhà nghiên cứu sử Nguyễn Hùng Kiệt, anh đã xác nhận: phi tuần của đám phản tặc nầy có tất cả bốn chiếc A-37, nhưng không biết vì lý do gì chỉ có ba chiếc dội bom Tân Sơn Nhứt mà thôi !?). Vào thời điểm Tân Sơn Nhứt bị dội bom, chiếc trực thăng của Tướng Tính chuẩn bị đáp xuống TSN, nên ông đã chứng kiến toàn bộ sự việc. Đối chiếu với thông tin của sử gia Nguyễn Hùng Kiệt, cả hai người (Tướng Tính & tôi) đều nói đúng sự thật!

Chúng tôi vội vã bay trở về Tân Sơn Nhứt, thì bọn phản tặc đã chuồn đi mất tăm biệt tích. Khi bay trên không phận TSN, đài Kiểm-soát Không-lưu (Sài Gòn Control Tower) báo cho chúng tôi biết: “phi trường chỉ bị thiệt hại nhẹ. Vài chiếc C-47 bị trúng bom (một chiếc gần phi đạo đang cháy như chúng tôi thấy), vài cơ sở bị hư hại như hậu trạm cũ, nơi trước đây chứa các phi cơ A-1, mới vừa dời về khu Tây lúc 1 giờ trưa, cạnh bãi đậu của A-37. Nhưng thật may mắn (?) hai phi đạo không hề bị trúng bom”.

Sau mấy vòng bay quanh Tân Sơn Nhứt, chúng tôi biết chắc chắn phi trường và nhất là hai phi đạo vẫn an toàn, không cần thiết phải bay đi Cần Thơ, nên tôi yên tâm mà bay trở lại Biên Hòa, để tiếp tục thi hành phi vụ hộ tống Trung-Tá Mạnh và toán chuyên viên vũ khí. Mãi đến tận ngày hôm nay, tôi vẫn cảm thấy hối tiếc: vì Trời đã cho tôi một cơ hội ngàn vàng, để tôi có thể bắn hạ bọn phản tặc ác ôn (tôi đã học kỷ thuật không chiến Dogfight trong khoá Phi Tuần Trưởng với Trung-tá Nguyễn Văn Huynh PĐP PĐ 518), mà tôi lại vô tình để vuột mất cơ hội ngàn năm một thuở!

Trong trường hợp “tao ngộ chiến" hy hữu đó, bọn chúng không trông thấy chúng tôi, vì bị chói ánh mặt trời chiều nên không có phản ứng né tránh nào, mà chúng vẫn ung dung bay thẳng tới. Hoặc chúng tôi chỉ cần lách sang một bên, bật nút ARM - ON và bóp cò súng, bắn ngang hông ở phía sau bọn chúng, thì 800 viên đại bác 20 ly trên mỗi chiếc A1 của chúng tôi sẽ không tha bọn chúng. Hoặc lúc đó tôi gọi Paris (đài Kiểm Báo Không Lưu TSN) để báo động khẩn cấp. Các phi cơ F5-E đang ứng trực ở đầu phi đạo TSN, sẽ tức tốc cất cánh lên xơi tái bọn chúng, thì bọn chúng chẳng còn mạng, để sau nầy vung vít mà “bốc phét”! Đây có phải là vận mệnh thảm khốc đau buồn của đất nước Việt Nam đã an bài phải là ngày 30/4/1975 !?

Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ hộ tống Trung-tá Mạnh qua khỏi cầu Bình Triệu an toàn, chúng tôi mang đầy đủ bom đạn về hạ cánh lúc 8 giờ tối. Tôi gặp các anh bay F5 và họ cho biết là:
- Đang chờ lệnh đi ném bom trả đũa ở phi trường Phan Rang.
…Nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra -không biết vì lý do gì- !? Tôi thấy nhiều anh em trong Tân Sơn Nhứt có phần giao động tinh thần vì cuộc dội bom vừa qua. Do Radar không thể phát hiện nếu bọn phản tặc bay thấp như lần vừa rồi, nên nhiều người lo sợ chẳng biết có thêm lần dội bom kế tiếp nào nữa hay không? …Khi trở vào biệt đội khu trục lúc nửa đêm, tôi thấy các anh em thuộc PĐ 514 và 518 đang nằm sắp lớp như cá mòi ngay trên nền nhà.

Tôi lặng lẽ nằm xuống một chỗ trống còn lại bên cạnh cái điện thoại dã chiến mới vừa móc dây. Tôi nằm đó, nghiêng qua trở lại rất lâu mà không thể nào ngủ được, vì trong lòng ngổn ngang những tiếc nuối & hối hận, cắn rứt tim tôi: khi mãi nhớ lại cơ hội ngàn năm có một, mà tôi đã vô tình để nó trượt thoát khỏi tay, tiếc thay, tôi đã không bấm cò đại bác bắn thẳng vào lũ phản tặc A37 lúc ban chiều (sau nầy, khi biết tên Nguyễn Thành Trung chính là kẻ đã “rước giặc vào nhà“, bay dẫn đường cho đám phản tặc A37 đó, tôi lại càng hối hận & tiếc nuối nhiều hơn nữa!). Quá mệt mỏi tinh thần và rã rời thân thể, tôi vừa chợp mắt tí xíu, là đã phải choàng tỉnh ngay lập tức, vì những tiếng nổ vang trời.

Phi trường bị pháo kích! Hàng loạt hỏa tiễn 122ly rít xé bầu trời điên loạn lao xuống, nổ tung lên cùng khắp trong căn cứ & phi trường TSN, nơi đang tập trung dày đặc những quân nhân KQ và gia đình của họ mới vừa đổ dồn từ ngoài vùng I, vùng II di tản về. Điện bị cúp. Nhưng cho dù điện không cúp, thì tất cả vẫn chìm trong bóng tối như địa ngục, vì sức ép nổ của những quả hỏa tiễn rơi quá gần, làm vỡ tung những bóng đèn trong biệt đội khu trục chúng tôi... Thật là may mắn đến kỳ lạ khi mọi người đang nằm sát nhau dưới nền nhà đều bình an vô sự!

Điện thoại reo! Do nằm sát gần điện thoại, tôi bốc máy lên nghe và chuyển lệnh điều động cất cánh khẩn cấp đến Thiếu-tá Lê Văn Sang, Trưởng Phòng Hành Quân PĐ Phi Long 518. Trong bóng tối dày đặc, không nhìn thấy mặt bất cứ ai, mà chỉ nghe tiếng nói của tôi vừa chuyển lệnh. Thiếu-Tá Sang hỏi luôn:
- Phúc đó hả, Phúc đi bay được không?

Theo đúng Huấn Thị Khu Trục, tôi vừa mới bay xong phi vụ yểm trợ rút quân hồi đầu hôm, nên tôi có quyền từ chối đề nghị này của Thiếu-Tá Sang, nhưng hình như cái mặc cảm “tội lỗi“ (vì thiếu cảnh giác đã để bọn phản tặc A37 vượt thoát) của tôi đang chờ có một cơ hội “chuộc lại lổi lầm“, đã bật lên tiếng nói:
- Đương nhiên là được, nhưng wingman (phi tuần viên) là ai?
Chưa có ai kịp lên tiếng, thì từ trong bóng tối cuối phòng, tiếng Thiếu Tá Trương Phùng vang lên:
- Trâu đạp cũng chết, chó đạp cũng chết. Tao đi với mi, xem coi có chết thằng Tây nào không!?

Phi trường đang bị pháo kích dữ dội nên lúc đó không có xe đưa đón Phi Hành Đoàn. Không thể chậm trễ, anh Phùng gọi tôi leo lên chiếc xe Jeep dân sự của anh phóng ra bãi đậu phi cơ. Anh Phùng lái xe như bay:
-… Mẹ nó! Tao chưa hề thấy tụi nó pháo dữ dằn như hôm nay! Tụi nó định “dứt điểm” mình bữa nay sao cà?
Rồi anh nói tiếp:
- Bất cứ giá nào mình cũng phải lên (cất cánh), hy vọng có thể bảo vệ bao nhiêu người vô tội ở đây. Nếu như mình bị hy sinh, âu cũng là dịp để mình đền ơn Tổ Quốc.

Nhìn anh lái xe vun vút như bay, tôi thầm cảm phục người đàn anh gan lỳ, quả cảm, người hùng của mặt trận Quảng Trị 1972 với chiến tích lẫy lừng đã “nướng sống" 15 chiếc xe Tăng T-54 của bọn Cộng Phỉ! Đến bãi đậu A-1, các anh em phi đạo đã ứng trực sẵn sàng, anh Phùng hét lớn trong tiếng nổ vang rền của đạn pháo:
- Nổ máy là “chock out” ngay (rút những khúc gỗ chận bánh xe phi cơ ra) rồi các bạn tìm chỗ núp! Mặc kệ chúng tôi, đừng để chết chùm hết cả đám đấy!

Máy vừa quay tròn vòng, thì có nhiều tiếng nổ long trời ở bãi đậu A-37 kề bên, nhiều quần lửa như cây nấm khổng lồ cuồn cuộn bốc phụt lên cao. Không chần chờ, tôi cho phi cơ di chuyễn ra khỏi ụ. Anh Phùng vẫn còn đứng cạnh máy bay. Anh ra dấu cho tôi biết là bình điện của phi cơ anh bị hư. Vì vậy, tôi quyết định cất cánh một mình, như đã Briefing trước đó. Tôi ra hiệu cho anh Phùng biết, và gọi Đài Saigon Ground Control (Đài Kiểm Soát Diện Địa Sài Gòn) để xin di chuyển ra phi đạo, đài trả lời ngay:
- Phi Long 51 (PL51)! Phi đạo sử dụng 25, gió hướng Nam 4 knotts, áp suất 29.92…

Nhận thấy gió ngang gần như thẳng góc với phi đạo và rất nhẹ (4 knotts), tôi có thể cất cánh bất cứ hướng nào. Nhưng tôi không thể dùng PĐ25 sẽ vô cùng nguy hiểm; vì khi bay lên, sẽ chui ngay vào đạn đạo của địch đang pháo kích. Nếu cất cánh PĐ 07, tôi quẹo trái để đến đầu PĐ 07, thì phải di chuyển ngang qua bãi đậu A37 đang cháy rực lửa, cũng rất nguy hiểm. Vì vậy tôi có ý định quẹo phải theo Taxi way #3, để cất cánh PĐ 07, nghĩa là ngược chiều PĐ sử dụng, và tôi chỉ có thể dùng ½ chiều dài phi đạo còn lại. Cứu binh như cứu lửa, không còn phương cách nào khác, tôi quyết định gọi:
- Saigon Ground Control! PL51 request taxi ra Whisky number three và cất cánh PĐ 07.

Ngay khi được phép, tôi di chuyển nhanh ra phi đạo 07 R, miệng lẩm bẩm: "Người đẹp của tôi ơi! Em ráng giúp anh thêm một lần nữa! Đừng ho hen nha cưng"! (Pilot chúng tôi xem chiếc máy bay mình lái như là người vợ, người tình muôn thuở, đặc biệt là em Skyraider tuổi già sức yếu, nên đôi khi em ưa “nũng nịu, nhỏng nhẽo" ). Sau khi thử máy (dù biết chưa nóng máy), tôi xin đài Saigon Tower cho phép cất cánh khẩn cấp. Vì chỉ còn lại ½ phi đạo, nên tôi phải dùng phương cách “Maximun Peformance Take Off" , và cất cánh lúc 04 giờ 25 phút sáng ngày 29/4/1975. Vừa rời khỏi phi đạo, lòng tôi rộn rã một niềm vui mừng khó tả, và cảm tạ ơn Trên cho tôi cơ hội cứu nguy cho mọi người trong Tân Sơn Nhứt. Sang tần số Paris (đài Kiểm Báo Sài Gòn) tôi báo:
- Paris! PL 51 vừa cất cánh một chiếc A1 với 10 trái MK 81. Xin nhận chỉ thị.
Đài Paris chưa kịp trả lời, tôi đã nghe:
- PL 51! Đây Tinh Long 06 (TL06), bạn đến Phú Lâm ngay! Chỗ có nhiều trái sáng. Bao lâu bạn tới?
- TL06! PL 51 mang 10 trái MK 81, sẽ có mặt trong 5 phút và request Random Attact! OK!

Khi lên tới Phú Lâm, tôi được Trung-úy Trần Văn Bảo, Trưởng Phi Cơ của chiếc AC-119K hướng dẫn oanh kích, mục tiêu là hai làn khói của hai giàn pháo 122 ly. Tôi rất ngạc nhiên, mục tiêu chỉ cách đài Radar Phú Lâm hơn 500 mét về hướng Tây. Nhờ lặng gió nên hai làn khói này vẫn còn la đà trên mặt đất. Lập tức, tôi vừa lao xuống vừa gọi:
- PL51 in hot và thả từng trái một!
Sau khi thả trái bom xuống mục tiêu thứ nhì, tôi ngưng lại và chờ đợi. Trong thời gian nầy, tôi nghe giọng Tướng Kỳ trong vô tuyến:
- Phi Long 51 trút hết bom đạn xuống target! Tối nay ghé nhà tôi nhậu!
Tôi hỏi lại:
- Giới chức vừa ra lệnh cho Phi Long 51, xin cho biết danh hiệu.
- Tôi Thần Phong 01, Thiếu Tướng Kỳ đây!
- Thần Phong 01! PL51 lên một mình với 10 trái bom 250 cân Anh, tôi có kinh nghiệm chống pháo kích. Thần Phong 01 an tâm. Tôi có thể ở đây thêm ba giờ nữa.

Khoảng 15 ; 20 phút sau, có lẽ bọn Cộng-phỉ nghĩ tôi đã hết bom, nên chúng bắt đầu pháo trở lại. Tôi nhìn thấy rõ nhiều giàn pháo, mỗi giàn 4 khẩu 122 ly liên tục phóng lên. Liếc nhìn về hướng Tân Sơn Nhứt và Sài Gòn có nhiều quầng sáng nháng lên, tôi liền lao xuống thả bom và thầm gọi: "Anh Phùng ơi! anh ở đâu, sao không lên tiếp tay với tôi? Một mình tôi làm không xuể đâu! Anh Phùng ơi"! Năm phút sau, khi định nhào xuống thả bom, tôi thấy có vài đám nổ dưới mục tiêu, tôi tưởng lầm là rocket của trực thăng võ trang bắn xuống, tôi liền cự nự Trung-úy Bảo:
- TL06! Bạn cho tôi đánh random attack, sao bạn lại cho gunship (trực thăng võ trang) vào “ăn có”? Nó bay cao độ thấp, lỡ tôi không thấy, nện ngay trên đầu nó, thì phiền lắm!
Anh Bảo liền cãi chánh:
- Không phải đâu PL51, tôi đã đuổi tụi nó qua bên Quốc Lộ 4 rồi. Để tôi quan sát kỹ lại.
Lúc đó có khoảng ba bốn chiếc trực thăng quây quần phía Đông Bắc Phú Lâm. Sắp nhào xuống thả bom lần kế tiếp, tôi lại thấy có ánh lửa nổ tung và tiếng anh Bảo la lên:
- Ê ...PL 51! Tôi thấy có một chiếc dường như là A-1 vào đánh phụ với bạn đó! Chắc chắn không phải là gunship đâu!
Tôi liền nghĩ ngay tới anh Phùng, nên trả lời anh Bảo:
- TL06! chắc là Thiếu Tá Phùng! Có thể anh Phùng bị trục trặc về vô tuyến! Bạn an tâm, monkey see monkey do (thấy tôi thả bom ở đâu, anh ấy sẽ thả bom ở đó).
Nhờ sự yểm trợ hỏa châu của TL-06, chúng tôi dễ dàng “lượm” những giàn pháo như lấy kẹo trong túi. Thanh toán xong các giàn pháo nầy, thì tôi cũng vừa hết bom.
- TL06, tất cả giàn pháo đã “clear“ (bị hủy diệt sạch) tôi giao ở đây cho bạn, PL 51 để dành 800 viên 20ly phòng thủ phi trường. Vì muốn biết người phụ tôi diệt pháo vừa rồi, có đúng là anh Phùng không? nên tôi sang tần số của Đài Sài Gòn:
- Saigon Tower! Đây PL51. Bạn cho biết: sau tôi còn có chiếc A1 nào cất cánh không?
Tôi được trả lời:
- Tụi nó pháo quá, chúng tôi núp dưới hầm trú ẩn, vừa lên nên không biết gì hết bạn à!

Khoảng 5:25’ sáng tôi về tới Tân Sơn Nhứt, trời vẫn còn tối đen như mực, ngoại trừ những ánh đèn phi đạo và taxi way, còn có hai đám cháy: một đám ở bãi đậu A37 như đã nói ở trên, còn đám cháy thứ hai... dù tôi đã đảo nhiều vòng, nhưng vẫn không nhận ra chính xác là nơi nào. Nhưng sau ít phút nhờ ánh sáng lờ mờ bập bùng còn lại của đám cháy, tôi vừa nhận ra là ở phía Nam của dinh Tướng Kỳ độ chừng trăm mét. Tự nhiên trán tôi rịn mồ hôi, tay run lẫy bẫy, tim đập dồn dập và ứ nghẽn lồng ngực muốn nghẹt thở, vì hình như đám cháy là ở khu cư xá C-7, là nơi vợ con tôi tạm trú, miệng tôi không ngớt cầu nguyện: "Cầu xin ơn Trên che chở cho vợ con của con, và những người khác được bình yên".

Ngay lúc đó, trong lòng lòng tôi bùng lên một cơn giận dữ & căm thù đám Cộng-phỉ trong trại Davis, nếu vợ con tôi có mệnh hệ nào, tôi thề sẽ thí mạng với bọn chúng! Mươi phút sau, tôi thấy chiếc TL07 cất cánh lên, để thay thế chiếc TL06 về đáp. Tôi tiếp tục bao vùng trên không phận Tân Sơn Nhứt, cho đến khi bình minh có ánh sáng lờ mờ, tôi nhận ra đám cháy chính là cư xá Nữ Quân Nhân. Tôi nóng lòng muốn đáp xuống, nhưng chưa có phi tuần nào lên thay thế.

Vài phút sau, tôi nhìn sang cánh phải: thấy có một chiếc AD-5 còn treo hai trái bom, cứ bám sát theo phi cơ tôi. Tôi sang tần số và gọi đài Saigon Tower một lần nữa, để xác định chiếc AD-5: “có phải là của anh Phùng không”. Câu trả lời vẫn là “Không biết”. Vừa lúc đó, “anh bạn dễ ghét” như muốn chơi trò trốn tìm “ú tim” với tôi, nên anh ấy cho phi cơ hết lòn sang trái lại chui qua phải. Tôi bất ngờ cắt bán kính, quẹo vòng thật gắt, định ra sau chiếc phi cơ nầy. Nhưng anh bạn “dễ ghét” là một cao thủ tuyệt đỉnh, lúc nào anh cũng bám riết theo sau, khi sang trái khi sang phải, cố ý trêu đùa tôi. Nếu là dog fight (không chiến) thì tôi bị tay lão luyện nầy “dớt rụng càng” rồi!

Trên tần số Paris, tôi nghe giọng của Thiếu-tá Hồ Ngọc Ấn Phi Đoàn Phượng Hoàng 514 liên lạc với TL07, cho biết: “phi tuần hai chiếc A1 của anh đang ở Long An, trên đường tiến về Sài Gòn. Đại-uý Nguyễn Tiến Thuỵ bay chiếc số 2. Khoảng mười phút sau, Trung-uý Trang Văn Thành, Trưởng Phi Cơ của TL07 gọi trên tần số:
- Phượng Hoàng 11, tôi nghi ngờ có một toán đặc công độ năm bảy tên, định cắt hàng rào kẽm gai phía Bắc phi trường, chỗ miếng đất trống hình tam giác ở An Nhơn. Bạn cho một trái ngoài hàng rào, đánh trục Đông sang Tây. Tôi giữ cao độ 5.000.

Vì biết phi tuần anh Ấn chưa đến nơi, nếu cần thiết tôi có thể dùng bốn cây đại bác 20 ly bắn dọc theo vòng rào. Tôi bay tới đó, mặt trời vừa ló dạng, trời tỏ hơn nhưng ở độ cao 4.000 bộ, nên tôi không thấy gì cả. Thình lình anh Phùng lao xuống thả một trái bom. Thì có tiếng anh Thành hốt hoảng la lên:
- Số 1 thả bom “như để “. Số 2 đánh dài hơn vài mươi thước.
Trái thứ nhì rơi dài hơn năm chục thước. Anh Thành hoảng hốt:
- Phượng Hoàng 11 Hold Highride (ngưng thả bom). Số 2 của bạn đánh gần nhà dân quá!
Thiếu tá Ấn liền lên tiếng:
- TL07! Ai khác đánh đó, chớ không phải Phượng Hoàng 11! Tôi chỉ mới tới Bến Lức, làm sao thả bom ở đó được!
Thì ra anh Thành lầm lẫn phi tuần của tôi- là phi tuần anh Ấn. Tôi vội lên tiếng:
- TL07! Đây PL 51. Đó là Phi Long 52 (chiếc số 2 của PL51) nó hư vô tuyến, chỉ còn hai trái, vừa thả hết rồi. Còn tôi đã “Empty” (hết bom).
Nhận ra tiếng của tôi, Đại-uý Thụy (người bạn cố tri cùng PĐ Thái Dương 530 với tôi ở Pleiku) gọi tôi:
- Ê Phúc! Mày về Cần Thơ đi, đáp ở đó (TSN) nguy hiểm lắm!
Nhìn đồng hồ xăng có 800 lbs, vừa đủ để bay đi Cần Thơ, nhưng tôi đã có quyết định đáp Tân Sơn Nhứt từ trước, nên trả lời:
- Vợ con tao còn kẹt lại đây, giá nào cũng phải đáp Tân Sơn Nhứt. Tình hình ở đây chưa đến nỗi nào đâu.
Đột nhiên anh Phùng gọi tôi:
- Ê ...PL51, đi Cần Thơ nha! Bay với mi gần 3 tiếng, chừ mới liên lạc được một xí. Tao nghe được nhưng bị câm. Bực mình quá!
Tôi vội bấm máy trả lời:
- Không! Tôi chỉ còn 600 pounds xăng, vả lại vợ con tôi kẹt ở đây. Anh đi Cần Thơ một mình trước nghen!
Lúc bấy giờ TL07 đang bay 5.000 bộ, nên anh Thành muốn xuống thấp để dễ quan sát, và nhìn thấy rõ hơn, nên anh báo cho chúng tôi biết:
- PL51! TL07 xuống cao độ để nhìn rõ hơn. Tôi không muốn đánh lầm vào nhà dân, tội họ lắm!
Không ngờ mấy phút sau, khi chúng tôi bay trên Lăng Cha Cả, ở cao độ 1.500 bộ, anh Phùng gọi tôi:
- Ê một! Mình đáp xuống Tân Sơn Nhứt đi!
Lo ngại vô tuyến bất thường của anh hư, nên tôi nhường cho anh Phùng đáp trước. Nhưng trước khi Touch Down (chạm bánh), anh Phùng lại gọi tôi:
- Một! Mi đáp trước đi, tao Go Around (bay lên lại). Mi chờ ít phút, tao về chở mi vô!
Nóng lòng vì vợ con ở kế bên đám cháy (cư xá Nữ Quân Nhân), nên tôi không bay theo anh Phùng như thông lệ. Tôi tiếp tục vào Final (cận tiến), thì Sài Gòn Tower báo cho chúng tôi:
- PL51, có SA7 bắn lên. Tôi thấy mấy cục lửa bằng cườm tay bay lên!
Vì tôi đã chứng kiến SA-7 bắn ở Kiến Đức vào cuối năm 1973, nên tôi có ý nghi ngờ:
- Saigon Tower, SA-7 bắn lên lúc đầu: là một vùng lửa to màu cam, sau đó đổi sang màu trắng xanh, và bay lên rất nhanh. Bạn quan sát kỹ chưa"?
Anh bạn nầy có vẻ bất bình trả lời:
- PL51, tôi báo cho bạn biết, mà bạn không tin, nếu bị bắn, bạn ráng chịu nha!
Tự nhiên tôi nhớ đến Trung-tá Phạm Văn Thặng Fulro khi ông "xỉn", ông thường ngâm nga... nên tôi nghêu ngao trên tần số: "Làm sao giết được người trong mộng …1 …2 …3…touch down"!

Di chuyển về bãi đậu lúc 6 giờ 55 phút, các anh em phi đạo reo mừng, công kênh tôi như đón một một vị cứu tinh! Rồi chúng tôi cùng nhau theo dõi chiếc TL07 đang nghiêng cánh trái ở cao độ chừng vài ngàn bộ, và xạ kích xuống mục tiêu. Từng tràng đại bác 20 ly (Minigun 6 nòng) nã xuống như mưa, tiếng kêu như bò rống. Tôi trấn an các anh em:
- Target đó ở ngoài vòng rào, chỉ là tình nghi thôi! Ông Trung-uý Thành muốn biểu diễn cho mọi người coi chơi cho vui vậy mà!

Tôi vừa dứt lời, thì đột nhiên chiếc TL07 trúng hoả tiễn tầm nhiệt SA-7, đuôi phải gãy lìa. Có một vật màu đen đen rớt xuống(*), động cơ bên phải phát hoả và nổ tung, cánh phải gãy xuống, đồng thời phòng lái bốc cháy. Phi cơ ngoặc đầu qua trái, lao xuống và rơi vào spin (xoay tròn như bông vụ). Tất cả mọi người xung quanh tôi hoảng hốt hét lớn:
- Nhảy dù đi…
- Nhảy dù…
- Nhảy dù nhanh lên…

Nhưng quá trễ, tôi không thấy cánh dù nào kịp bung ra, chiếc phi cơ đã cắm phụp đầu xoáy xuống đất rất nhanh. Những cột khói đen lửa đỏ cuồn cuộn bốc phụt lên cao hàng trăm mét. Toàn bộ phi hành đoàn đều hy sinh. Tất cả anh em chúng tôi bàng hoàng sửng sốt, đứng chết lặng mà nước mắt tự dưng tuôn trào. Một lúc sau, mọi người cúi đầu lặng lẽ trở về làm nhiệm vụ của mình. Từ giờ phút nầy phi trường TSN thật sự không còn an toàn nữa, vì sự xuất hiện của SA-7 khắc tinh của tất cả các loại máy bay.

Riêng tôi, ngồi bệt xuống bãi cỏ bên lề phi đạo, mắt vẫn hướng về những cột khói đen bốc lên cao, như anh linh của Phi Hành Đoàn TL07 đang siêu thoát. Tôi hy vọng Thiếu-tá Trương Phùng bay đi Cần Thơ, tuy nhiên tôi vẫn có ý trông đợi anh Phùng trở về. Tôi chờ mãi tới khi anh tài xế xe bồn tiếp xăng giục tôi lên xe, để trở vô biệt đội khu trục. Trong lòng tôi thầm nghĩ:
- Đúng rồi, anh Phùng nên bay đi Cần Thơ là hợp lý nhất!

Sau 9:30’ giờ sáng ngày 29/4/75 bọn chúng bắt đầu nã đì đùng bằng đại pháo 130 ly, đặt ở Nhơn Trạch gần Thành Tuy Hạ - Cát Lái. Nhưng lúc bấy giờ không ai thèm màng tới việc diệt pháo nhỏ giọt vào Tân Sơn Nhứt nữa. Trong phi trường thỉnh thoảng đạn 130 rơi rớt đâu đó, may mắn sao không trúng tôi. (ha ha ha...) Cả căn cứ Tân Sơn Nhứt không một bóng người, bầu trời vô cùng u ám, một phần vì thời tiết chuyển mưa, một phần vì những làn khói đen lan toả la đà từ chiếc TL-07 đang bốc cháy.

Tôi có cảm tưởng như mình lạc vào trong bãi tha ma lúc hoàng hôn. Sau khi Quân Cảnh không cho tôi ra cổng (Phi Long) và không được nói một lời gì với vợ con (họ theo gia đình Vân về nhà), tôi trở vào Trung Tâm Hành Quân Không Quân chờ lịnh. Nữa giờ sau, tôi định đi ra ngoài bằng cổng trại Hoàng Hoa Thám; nhưng khi đến cuối sân banh, tôi gặp ba Thiếu-tá: Sơn, Bản, Liêu PĐ 530, họ đang chạy ngược chiều và kêu tôi:
- Ê Phúc! được lệnh đi Cần Thơ. Nhanh lên.

Tôi chạy theo họ ra bãi đậu, chiếc AD-5 của Thiếu-tá Hồ Văn Hiển PĐ 514 đang chờ. Tôi là hành khách bất ngờ bất đắt dĩ và cuối cùng thứ 20. Chúng tôi rời Tân Sơn Nhứt lúc 11 giờ trưa. Lúc bấy giờ trong Tân Sơn Nhứt có lẽ không còn phi cơ nữa (sau khi yểm trợ quân bạn ở Bến Cát xong, trên đường về Cần Thơ, Thiếu-tá Hiển đáp xuống, để rước chúng tôi). Khi đến Cần Thơ, tôi vội vã đi tìm anh Trương Phùng khắp nơi, nhưng tìm hoài không thấy anh Phùng đâu cả!
*

Tình Hoài Hương

***

Ghi chú thêm: trước 30/4/1975 và sau... 2010:

*.- Thiếu-tá Không-quân Hồ Ngọc Ấn, Phi Đoàn Phượng Hoàng 514 (hiện ở Dallas). *- Đại-uý Không–quân Nguyễn Tiến Thuỵ, bay chiếc số 2, hiện ở Houston.
*- Đại-úy Không-quân Trần Văn Phúc (Phi-tuần Trưởng PT Khu-trục Phi-Long 51), hiện ở Cali.

*1.- Trên không phận Sài Gòn lúc bấy giờ (29/04/75) chỉ có ba chiếc phi cơ là: TL-07, phi cơ anh Phùng và phi cơ của anh Phúc. (TL 07 chỉ xuất hiện sau 6 giờ sáng. Phi tuần hai chiếc A-1: của Thiếu-tá Ấn & Đại–úy Thụy trên đường về Sài Gòn).

*2.- Có lẽ vì sợ SA-7 nên ông Đại Sứ Martin phải nói dối trước Quốc Hội Mỹ là: “Hai phi đạo bị trúng pháo kích, hư hại nặng nề, và ông ra lịnh di tản người Mỹ bằng trực thăng”?

*3.- ... đột nhiên chiếc TL07 trúng hoả tiễn tầm nhiệt SA-7, đuôi phải gãy lìa. Có một vật màu đen đen rớt xuống(*)... Mãi đến năm 2010, khi vừa mới cải táng cho PHĐ TL07 xong, chúng tôi mới liên lạc được với Th/Sĩ I Nguyễn Văn Chín tự “Chín Dơi“, Gunner của TL07, là người duy nhất nhảy dù ra sống sót, anh chính là “vật” (hi hi hi) màu đen rơi xuống từ chiếc TL 07, mà anh em còn ở trong phi trường TSN đều thấy.

*4.- Vì Phi Hành Đoàn TL07 có rất nhiều người tình nguyện đi bay trong lúc khẩn cấp, nên hầu hết nhân viên trong PHĐ không ghi đúng tên trong phi lệnh. Tôi chỉ biết có: Trung-uý Trang Văn Thành (Trưởng phi cơ), xuất thân từ Thiếu Sinh Quân, nhập ngũ ngày 12/9/1967 khoá 68A TTHLKQ Nha Trang. Anh Thành là cháu rể của Cố Thiếu-Tướng Võ Xuân Lành, TLP KQ. Anh Thành có hai biệt danh: ở quân trường Nha Trang anh có tên “Thành Thụt”, vì đôi mắt sâu thẳm, tánh tình anh rất cương trực, hăng say, năng nổ trong mọi công việc. Khi về PĐ C119 anh Thành có thêm một biệt danh là: “Thành Kampuchia” (vì màu da ngâm ngâm của anh). Đêm 28/4/75 anh Trung uý Trang Văn Thành tình nguyện bay thêm phi vụ Extra TL 07, mặc dù trước đó anh đã bay phi vụ TL01 hồi đầu hôm rồi. Trung uý Tào Thuận, hoa tiêu phụ. Thiếu uý Phạm Tấn Đức. Họ vĩnh viễn ra đi... nhưng để lại sự thương tiếc kính phục vô cùng của hàng vạn người trong và ngoài Tân Sơn Nhứt.

*5.- Sau ba năm ba tháng phục vụ trong PĐ Thái Dương 530 – Pleiku trấn thủ Cao Nguyên, tháng 4 năm 1974 tôi trở lại Biên Hoà và được đưa về PĐ Phượng Hoàng 518, KĐ 23 Chiến Thuật, SĐ3KQ. Sau đó tôi thường đi biệt phái ở Biệt Đội Khu Trục tại Tân Sơn Nhứt cho đến tháng 9 năm 1974, tất cả phi cơ A1 bị “đình động” (vì uống xăng!?). Vì vậy thời gian quen biết, chuyện trò cùng Thiếu-tá Trương Phùng không nhiều.
Tôi chỉ nhớ: Th/tá Trương Phùng sanh năm 1943 tại Thừa Thiên, anh gia nhập Không Quân vào đầu năm 1964, khóa 64B SVSQKQ Nha Trang, tốt nghiệp khóa L- 5 Quan Sát. Sau đó anh được tuyển chọn xuyên huấn T28 và A-1 Skyraider tại Hoa Kỳ. Trở về nước, anh phục vụ tại Phi Đoàn 110 Quan Sát, sau cùng là Phi Đoàn 518 Phi Long - Khu Trục A-1, KĐ 23CT, SĐ3 KQ Biên Hòa.
Anh là mẫu người hùng KQ từng tham dự hầu hết các chiến trường khắp bốn vùng chiến thuật, là người hùng diệt 15 xe tăng Cộng quân trong hai tuần lễ vào đầu tháng 4 năm 72 ở Quảng Trị, là một người đầy nhiệt huyết, không bao giờ từ chối bất cứ một phi vụ nào dù nguy hiểm. Anh là một phi tuần trưởng sĩ quan gương mẫu, lấy phương châm: Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm lên hàng đầu. Tuy nhiên tôi được hân hạnh cùng bay chung với anh hai lần:

- Lần đầu tiên: (Phi Vụ Trời Giúp!?) Vào tháng 8/1974, khi CSBV vi phạm Hiệp Định Ba Lê, chúng pháo kích vào phi trường Biên Hòa, để trả đũa hành động nầy, Đại Tá Hoàng Thanh Nhã, KĐT KĐ23CT, SĐ 3 KQ chỉ thị hai phi tuần, mỗi phi tuần hai chiếc Khu Trục A-1 Skyraider, mỗi chiếc mang 6 trái bom CBU-25, thi hành một nhiệm vụ đặc biệt là oanh tạc Tổng Hành Dinh của MTGPMN ở đồn điền cao su, gần Lộc Ninh. Phi tuần số 1 do Thiếu-tá Phùng và Trung-uý Đinh văn Đức. Phi tuần thứ hai do tôi (Đại úy Trần Văn Phúc) và Trung-uý Nguyễn Tứ Đức.
(Bom CBU - 25 là loại bom dùng để chống chiến thuật biển người, phá giao thông hào, mỗi trái cân nặng 500 cân Anh (lbs), gồm 7 ống thẳng, dài độ 4 mét, buộc lại thành một khối tam giác, mỗi ống chứa 25 quả bom nhỏ như trái lựu đạn, có loại nổ trên mặt đất, có loại nổ chậm. Muốn đạt hiệu quả tối đa, nên thả bom nầy theo cách Skip bom, nghĩa là bay thật thấp, các trái bom nhỏ nầy được phóng xuống đất. Nếu thả bom từ trên cao thì không thể nào chính xác, càng cao các quả bom nhỏ nầy càng rải rộng ra, nếu thêm sức gió có thể thổi bay đi xa cách mục tiêu hàng ngàn mét).

Để bảo vệ vùng trời Lộc Ninh, nơi bọn CSBV trá hình MTGPMN đặt Bộ Tổng Hành Dinh, ngoài hoả tiễn tầm nhiệt SA-7, bọn CSBV còn bố trí rất nhiều khẩu đại bác phòng không 37 ly, hay 57 ly, điều khiển bằng radar. Nếu bay dưới 11 ngàn bộ, chúng tôi sẽ trở thành những “target sống” để bọn Cộng-phỉ tha hồ thực tập tác xạ. Vì vậy sau khi thảo luận, đồng ý chọn lối đánh mạo hiểm nhất (nhưng an toàn nhất), chúng tôi xin Đại-tá Nhã:
- Đại-tá ra lịnh chúng tôi đi dội bom ở đó, thì xin Đại-tá cho phép chúng tôi được chọn cao độ bay. Nếu như bay cao 12 hay 13 ngàn bộ, để tránh phòng không, thì thả bom không thể nào chính xác được, coi như không. Vì vậy chúng tôi xin chọn lối đánh "Truy Kích".
Ông đồng ý và nhấn mạnh thêm về tầm nguy hiểm:
- Nếu có ai gặp phải bất trắc, các bạn chịu khó trốn tránh qua đêm, cho đến sáng mai mới có phi vụ rescue. Còn các bạn khác lập tức bay về đáp, không được ở lại cover.

Vì tầm quan trọng của phi vụ nầy, là cảnh cáo cho bọn Cộng-phỉ biết: Không có bất cứ nơi nào trên lãnh thổ VNCH, là bất khả xâm phạm đối với Không Lực Việt Nam Cộng Hoà. Quân Đội VNCH sẵn sàng trả đũa những vi phạm Hiệp Định Ba lê của chúng. Sau cơm trưa sớm hơn thường lệ (11 giờ), chúng tôi bắt đầu nghiên cứu những tấm không ảnh (chụp những cơ sở nguỵ trang dưới hàng cây cao su) và thảo kế hoạch, tính toán giờ giấc, hướng bay một cách rất cẩn thận từng chặn đường. Để giảm thiểu sự nguy hiểm cho phi tuần thứ nhì (bay sau) của tôi, Thiếu-tá Phùng đề nghị nhập hai phi tuần lại thành một hợp đoàn bốn chiếc; dùng chiến thuật truy kích với yếu tố bất ngờ, chớp nhoáng, bay lướt trên ngọn cây.

Khi bọn chúng thấy, thì chúng tôi đã bay mất rồi, không kịp bắn chúng tôi. Với lối bay nầy, đòi hỏi người Leader phải có một khả năng, kinh nghiệm, bình tĩnh, sáng suốt, cũng như gan dạ, vì thỉnh thoảng một mình anh Phùng (Leader) phải “trồi lên lặn xuống” năm, ba trăm bộ, để nhận dạng những "check point" (điểm chuẩn) để tránh bay lạc. Anh Phùng phân chia nhiệm vụ cho từng người và lập lại nhiều lần là: mỗi chiếc phi cơ chỉ thả một lần, và chiếc kế nối tiếp với nhau.

Theo phi lịnh, chúng tôi cất cánh đúng 2 giờ trưa, nhưng bắt đầu 1 giờ bỗng dưng trời mưa như trút nước (có thể ông trời giúp chúng tôi?) tưởng chừng như phi vụ bị huỷ bỏ, cho đến sau 5 giờ chiều, cơn mưa tạnh hẳn. Chúng tôi được lịnh cất cánh khẩn cấp, anh Phùng nhắc lại:
- Phi vụ của chúng ta rất quan trọng và rất nguy hiểm, nhưng tôi (anh Phùng) tin tưởng vào chiến thuật mình đã thảo ra. Như các bạn đã biết: tụi mình không bay thẳng tới đó, mà mình bay vòng về hướng Bắc. Các bạn bớt căng thẳng đi! Có thể ông trời đã giúp mình hôm nay, nên đổ mưa mấy tiếng đồng hồ, vì vậy khi mình tới target mặt trời cũng sắp lặn, bảo đảm tụi nó không ngờ mình tới đâu! Chắc chắn mình phải bay đêm, các bạn cẩn thận coi lại tất cả các đèn phi cụ.

Như trong phi trình đã hoạch định, chúng tôi “joint up” ở 2.000 bộ với hợp đoàn chiến đấu (Tactical Formation), tất cả phi cơ bay bên cánh phải của anh Phùng và lấy Lai Khê làm điểm xuất phát, bay thật thấp về hướng Bắc, bên phải Quốc Lộ 13, qua khỏi Tống Lê Chân 5 dặm, thì đổi sang hướng Tây. Như dự đoán, chúng tôi bắt đầu lướt trên nhiều ổ phòng không, nhìn xuống chúng tôi thấy từng cụm năm ba tên Cộng-phỉ cố quay vòng những họng súng, để bắn vói theo phi cơ chúng tôi. Tôi gặp ít nhất năm khẩu phòng không trên đoạn đường dài chừng 20 dặm nầy. Khi thấy Lộc Ninh bên phải và nhận định mục tiêu, anh Phùng ra lịnh:
- Tất cả Phi Long coi lại Mills (độ của máy ngắm) lên cao độ 1.500 bộ, target 1 dặm, hướng 10 giờ (quẹo trái về hướng Nam để thả bom vào bên hông địch).

Lần lượt: "số 1 Rolling Hot”, rồi số 2, số 3 và số 4 Rolling Hot trong ánh sáng vàng nhạt cuối cùng trong ngày. Chúng tôi đã vượt qua rất nhiều hàng rào phòng không dày đặc, trên đường đi ngay cả đường về, rất nhiều lần chúng tôi lướt trên những ổ cao xạ, nhìn thấy bọn chúng quay vòng những họng súng để bắn vói theo (quá trể rồi! lúc đó chúng tôi đã khuất dạng). Khi chúng tôi bay về gần tới Tây Ninh, thì trời đã tối hẳn. Nhờ vào sự can đảm phi thường, nhờ sự thông thạo địa hình và đầy kinh nghiệm của Thiếu-tá Phùng, chúng tôi đã hoàn thành sứ mạng và an toàn về đáp lúc 8 giờ tối. Cám ơn ông trời đã ban cho chúng tôi một cơn mưa, và giúp chúng tôi hoàn thành phi vụ một cách tốt đẹp. Khi đáp xong, tôi ghi nhận thêm: Thiếu-tá Phùng thà ngậm đèn bấm soi sáng những phi cụ để bay, nhưng nhứt định không chịu hủy bỏ phi vụ, dù rằng trong phiên họp buổi trưa Đại-tá Nhã đã lưu ý hai lần:
- Nếu có gì bất trắc, các bạn rán chịu đựng qua đêm, sáng mai mới có trực thăng rescue.
Anh Phùng cười rằng:
- Mấy chuyện lẻ tẻ làm sao làm khó dễ tao được. Ngày mai tụi mình đi gặp Đại-tá Nhã, xin ông cho tụi mình bay lên đó diệt phòng không, ít nhất mình cũng “lượm” hàng tá cao xạ 37, hay 57 ly. Đứa nào bay với tao, thì theo tao tới câu lạc bộ Trần Thế Vinh???

- Lần thứ hai*6.- Để nhớ ơn người anh hùng vị quốc vong thân: cố Thiếu-Tá Không-quân Trương Phùng, có nhiều thân hữu quân dân góp sức truy tìm tung tích anh Phùng. Sau gần bao năm lặn lội tìm kiếm... Trong cơ duyên nhờ anh linh của cố Thiếu-tá Trương Phùng dẫn dắt, ngày 2 tháng 12 năm 2008, cựu KQ Nguyễn Toại Chí đã mang hài cốt Thiếu-Tá Không-quân Trương Phùng (vùi sâu dưới năm thước đất, gần cầu Bình Điền, Long An; trở về với gia đình). Hài cốt của cố Thiếu-tá Trương Phùng được hoả táng, đem về thờ phượng tại chùa Bữu Quang. Theo nhân chứng là cụ H. (cụ còn ở Việt Nam, 90 tuổi, xin tạm dấu tên) kể rõ rằng: “Động cơ của chiếc máy bay bị ra khói, buộc lòng anh Phùng phải đáp khẩn cấp xuống ruộng, gần cầu Bình Điền. Anh Phùng bị bắt khoảng 7 giờ sáng ngày 29/4/74. Ngay tối hôm đó bọn Cộng-phỉ khát máu đã hành quyết anh Phùng cạnh giao thông hào”.

*7.- Cũng sau nhiều năm tháng vất vã ngược xuôi tìm kiếm, ngày 21-7- 2010 có một nhóm thân hữu Dân Quân Chánh, gia đình Thiếu-uý Phạm Tấn Đức, cùng cựu Không-quân Nguyễn Toại Chí đã tìm được nhiều hài cốt của PHĐ 07 trong vòng đai của căn cứ Tân Sơn Nhứt. Họ đã mang hài cốt qúy vị ấy về an vị tại nghĩa trang An Khánh - Thủ Thiêm. (KQ NTC phụ trang).

. . . *8.- Cư xá Nữ Quân Nhân ở kế bên chưa đầy mươi mét, đã biến thành tro. Tôi (Phúc) vội vã lái xe Honda phóng nhanh trở về cư xá C-7 thăm vợ con. Vào phòng cư xá C-7 thì không thấy ai, hoảng hốt tôi đi vòng theo sidewalk để tới hầm trú pháo. Vô cùng may mắn khi tôi thấy một trái 122 ly không nổ, đã cắm sâu xuống nền ciment, cách phòng của vợ con tôi chừng ba thước, (nơi đó vợ con tôi & gia đình Trung-uý Phạm Trung Vân PĐ C7- 431; là em rễ vợ tôi).

Trước kia tôi thấy cái hầm nầy, đã bỏ hoang lâu năm, bên trên chỉ có vài lớp bao cát mục nát, tôi nghĩ chúng tôi không nên ở lâu, vả lại tôi không quen “đường sá” trong khu Tân Sơn Nhứt.
Vì vậy bất đắt dĩ tôi phải dời gia đình qua dinh Tướng Kỳ lánh tạm, dù sao ở đó cũng kiên cố hơn... Tôi chứng kiến chiếc trực thăng đáp xuống (khoảng sau 9 giờ sáng) Trưởng phi cơ là Thiếu-tá Quí, anh em Trung-tá Nguyễn Quốc Hưng & Trung-tá Nguyễn Quốc Thành, mỗi người cầm một cây M16. Tướng Kỳ vào nhà, ông cứ đi ra đi vô phòng làm việc nhiều lần. Khi ông bước ngang chỗ tôi đứng, tôi mạo muội hỏi:
- Thưa Thiếu Tướng, Thiếu-Tướng định làm gì bây giờ?
Ý của tôi hỏi Tướng Kỳ, là tôi muốn biết có di tản về Cần Thơ, (như lời ông kêu gọi tại đây đêm 25/4/75 là: “cần đánh một trận oai hùng cuối cùng”)? Chẳng biết ông có nhận ra tôi hay không, ông lắc đầu than:
- Anh em đã bỏ đi hết rồi, lấy ai mà đánh hở?!

Tôi đồng ý với Tướng Kỳ về việc nầy, vì sau khi tôi đáp xuống Tân Sơn Nhứt chừng 20 phút, tôi nghe rất nhiều tiếng phi cơ đủ loại ào ào cất cánh bay lên... Khoảng 9 giờ 30 phút Tướng Kỳ từ phòng làm việc bước ra, khi đi ngang tôi, Tướng Kỳ nói:
Mỹ đã từ chối cho tôi (Tướng Kỳ) một chiếc C-141. Nhờ cậu thông báo các thân hữu của tôi tự tìm đường thoát thân sang DAO, hay xuống bến Bạch Đằng. Bây giờ tôi đi rước Tướng Trưởng bên Tổng Tham Mưu.
Tướng Kỳ lên máy bay, tôi liền đi chuyển lời của ông cho một số người ở trong nhà nầy, lúc bấy giờ tôi mới biết: có hàng trăm người khác đang “tá túc” trên lầu, trong số đó có cựu Dân Biểu Nguyễn Văn Cử. Điều may mắn là mọi người đã thoát khỏi nguy hiểm, dù có rất nhiều trái pháo rơi xung quanh dinh, nhưng không quả nào lọt vô dinh Tướng Kỳ.
* * *

Tình Hoài Hương chân thành cám ơn Đại úy Không Quân Trần Văn Phúc {(Phi-tuần Trưởng PT Khu-trục Phi-Long 51) và quý vị Không-quân có tên trong bài viết} đã cho tôi mạn phép chuyển tải sự thật về ngày 28 & 29 tháng Tư năm 1975: trung thực, chính xác, nóng bỏng, & vô cùng đen tối hắc ám của lịch sử... Việt Nam.

* Đồng thời THH xin phép cám ơn quý vị nhiếp ảnh gia đã post những tấm hình đầy nhân bản lên internet, cho tôi có thể copy vô bài viết, ngỏ hầu phong phú hoá hình ảnh sống động và tài đức & nghệ thuật của quý vị.

thien ly
04-29-2014, 02:01 PM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1396419136.jpg


Tháng Tư Đã Còng Lưng Vác Trên Vai…



Bầu trời xanh lơ điểm những hoa mây trắng qùy gối trên mặt hồ Xuân Hương sáng loáng như tráng men, rồi mây kéo lê thê bay vắt qua sườn đồi buồn thiu, mây lang thang trên con đường mòn đất đỏ vắng tanh, mây bò lên sườn dốc đầy cỏ vàng úa. Trong vùng sương mù và mây trắng xóa đó, tôi an phận đi và về giữa tiếng tíu tít và giọng cười nắc nẻ của các cô gái lí lí lắc lắc đang vui tươi ôm cặp đến trường. Cái lạnh cuối xuân mơn man lành lạnh ơn ớn len lén bay về làm tê tê bờ môi vụng dại, khiến hai gò má phụ nữ và trẻ em luôn ửng hồng. Những tà áo dài trắng hòa với sương mai mờ mờ lung linh quyện lẫn vào nhau trong màn sương mênh mông. Mây và sương ru tôi vào mộng tưởng hoài mong luyến nhớ vô vàn.
Tôi chợt cảm thấy lòng mình ấm lại những niềm vui khi ngày ngày tôi vẫn bình an, ung dung vui vẻ từ nhà đi trên đường quen thuộc đến nơi dạy học. Vợ chồng tôi đã có bốn con. Chồng tôi (Luật) phục-vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Lịch sử Việt Nam đang còng lưng vác trên vai những tang thương đau đớn, dày vò, bi thảm tàn khốc nhất trong cuộc chiến tranh hung tàn. Và hạnh phúc đơn sơ ấy chẳng có được bao lâu, nay sương muối mù mù nặng hạt còn thấm ướt mái tóc, khi tôi đứng lớp giảng bài, thì Luật hớt-hải chạy đến giữa những khung cửa kính kêu rè rè, bể loảng-xoảng, nâng nỗi khiếp sợ lên giếng mắt nhau. Ngoài xa, xa mãi tận hướng Du Sinh, hay Suối Vàng thì phải, từng hồi pháo-kích đì đùng nổ rền trời. Khói đen nghịt kéo theo mùi cháy khét tởm lợm, cùng sức nóng rợn người. Có điều gì lo nghĩ đắn đo phiền muộn hay sao, mà khi anh nhìn vào giếng mắt tôi, Luật đã vội vàng cụp mắt xuống, chơm chớp hai giọt mọng nước và quay đi lãng tránh, mà báo tin động trời chẳng lành:
- Mười ơi! Có lệnh từ thượng cấp cho ông già bà lão, phụ nữ, trẻ con di-tản gấp. Còn toàn thể quân nhân, cảnh sát, nam công chức, thì tuyệt đối phải tử-thủ tại Đà Lạt.
Tôi nghe Luật báo tin ấy, cảm thấy rụng rời bàng hoàng như sét đánh ngang tai. Tôi sực nhớ đến chuyện động trời: ngày 9 tháng 3 năm 1974, tại trường Tiểu-học Cai Lậy có loạt đạn 82 ly nổ rền. Ôi! Coi trên truyền hình có đoạn thời sự đã chiếu đi chiếu lại: thấy hằng trăm trẻ em vô tội chết đau đớn thảm thiết, thương tâm xiết bao! Bỗng dưng tôi lại nhớ vào khoảng năm 1973 có một thời người ta ùn ùn leo lên núi Lâm Viên để: xin nước của Phật Bà ban phước cho bá tánh, hầu trị tà ma bình an hay bệnh tật. Bà chị ruột của tôi đã đi. Và nữa… một số thị dân Đà Lạt nhiều người truyền tin cho nhau rằng: “Từ những cánh rừng xa hun hút, suốt ngày đêm đã xuất hiện nhiều đàn sâu róm nối đuôi nhau lũ lượt kéo xuống biển. Sâu róm chết la liệt trên đường (lúc băng qua đường). Những xe khách, xe đò, xe nhà đi từ Đà Lạt xuống Phan Rang… đều thấy”. Tôi không biết chuyện tiên tri về đoàn sâu róm và đoàn người sống trên đời lố nhố bỏ núi rừng băng đường vượt sông ùn ùn ra biển, thực hư ra sao. Tuy nhiên tôi tin rằng nếu ai đã từng sinh sống ở vùng Cao Nguyên thời ấy, đều biết, hoặc nghe rõ về chuyện Phật Bà hiện lên chỗ nọ chỗ kia, có cả chuyện mặt trời xoay quanh phụ nữ tiên mặc áo lụa trắng, thắt lưng xanh, tay bế hài nhi đứng trong vầng mây ...và đoàn sâu róm nườm nượp đi xuống biển.
Bây giờ tôi chưa biết tình hình náo động nầy sẽ ra sao khi ôm nhau chạy về nơi vô định, nên càng run sợ tột cùng! Phải cho các em học sinh dọt lẹ mà thôi. Tôi thều thào dặn-dò học sinh thu dọn sách vỡ lo chạy nhanh về với gia đình. Trong trường tôi có cô Phùng dạy sát bên vách lớp. Phùng xin tôi cho vợ chồng và đứa con nhỏ đi theo. Cuối cùng vô chồng tôi đồng ý cho họ đi nhờ xe nhà về Nha Trang. Vì Phùng không có phương tiện di chuyển, mọi ngả đường bộ về Sài Gòn bị phong toả, bế tắt. Chính phủ đã trưng dụng hàng không dân sự, để làm những việc hữu ích khác. Duy chỉ còn quốc lộ chính từ Đà Lạt xuôi về miệt Phan Rang, Nha Trang, Phan Thiết là có thể chưa bị mất. Không có một chiếc xe đò chở khách, nếu ai may mắn lắm hoạ may chủ xe cho lên ngồi trên mui, nhưng giá tiền một người đắt gấp mười lần giá thường ngày. An toàn nhất là ngoại trừ ai có xe nhà. Vợ chồng tôi vội leo lên chiếc Peugeot 404 của mình chạy về nhà. Đồ đạc trong nhà đầy dẫy! Tôi lính quýnh quờ quạng run rẩy không biết nên lấy thứ gì? Làm sao có thể gom đi cả gia tài đã dành dụm suốt đời người trong chiếc xe bé tí xíu? Luật la:
- Nhanh lên em. Bỏ của chạy lấy người. Còn người còn của mà. Mẹ, em và các con, cứ lo đi đi. Anh ở đây sẽ tìm cách gửi từ từ những thứ cần thiết theo xe đò xuống Nha Trang, cho mẹ con em dùng sau.
Trong khi chờ đợi tôi thu xếp hành trang, Luật kiểm soát xe cộ, sau đó anh báo với tôi sẽ đi châm xăng, dầu nhớt vào xe hơi đầy đủ. Tôi dặn dò các con thu xếp gọn gàng sách vở bút viết cần thiết, bỏ vào mỗi cái cặp riêng của con cần mang theo. Tôi không còn tâm trí để nhớ một cái gì, lấy cái nầy thì tiếc cái kia. Vì ngôi nhà đồ sộ sẽ buồn tênh và trống trải, mất mác hết khi vắng chủ nhân. Có thể ngôi nhà sẽ không bao giờ đón chúng tôi trở về. Mặc dù tôi đã để lại hết tất cả gia tài cồng kềnh quý giá, nặng nề, do công khó lao nhọc bao năm vợ chồng tôi tằng tiện dựng xây mua sắm. Tôi không giàu có lắm, nhưng giờ đây thì thứ gì cũng có thể không còn, tuy sự cần cù nhẫn nại chịu đựng, lòng tin yêu, độ lượng và tự trọng thì tôi không thiếu. Cái gì đời cũng ưu ái cho tôi sao!? Nhưng chưa chắc bây giờ tôi cần những thứ đó. Giống như chiếc xe thổ mộ đã chở quá đầy hàng, nếu chất thêm vài trái dưa lên nóc, chẳng biết xe và dưa sẽ đỗ lăn mất lúc nào. Vậy thì ta nên giữ lại những thứ gì thật sự cần thiết trong lúc khẩn cấp mà thôi.
Tôi lo nấu hai nồi cơm hơi nhão thật to, dùng khăn ẩm vắt ra từng nắm nhỏ. Tôi gói chà bông, ký lạp xưỡng, khô cá, khô bò, mấy kí giò lụa, dưa leo, cà chua, cà rốt, rau sống, hai thùng mì gói, mươi bọc cơm sấy, mấy ổ bánh mì ba tê gan và bơ sữa, tiêu, xì dầu, muối, đường... Có sẵn nồi xôi đậu xanh, nồi cá thu kho măng với thịt ba rọi ngày hôm trước còn dư, cả nồi trứng thịt heo kho Tàu đầy, do mẹ Luật đã nấu hồi sáng. Vừa làm các công việc trên, tôi bồn chồn lo lắng, bồi hồi, luyến tiếc về sự ra đi. Bởi vì tôi không thể biết cuộc ra đi sẽ lành dữ ra sao, các con trẻ bé dại cùng đi với bạn bè trên dưới hai mươi mấy người (chung chuyến ở hai chiếc xe khác nữa của bạn). Nếu bị lỡ đường, chúng tôi sẽ có thức ăn chia sẻ cho nhau lót dạ. Tôi khiêng một thùng nhựa 20 lít nước lọc ra sân. Hai cái bô có nắp đậy. Mùng, mền, quần áo len, quần áo mỏng, giày, dép linh tinh... cho bà mẹ chồng, tôi, và các con chu đáo, tươm tất.
Đã gần đến giờ hẹn, nhưng không thấy Luật đâu cả, tôi quá sốt ruột lo lắng vô cùng. Thì ra Luật chạy vào trong Hà Đông báo tin cho gia đình ông cậu Cương của anh, và gia đình bà Tề lo liệu di tản. Thật là tội, ở trong ấp mù tịt chuyện thời sự náo loạn, họ ung dung đi tưới rau, không hề biết chuyện nhốn nháo ngoài phố ra sao. Thế là Luật phải đưa cậu Cương ra phố bán hai cây vàng. Cầm đồng tiền giấy nhẹ, có thể mua gì cũng được, hơn cầm cả thỏi vàng, chả lẽ mua ly trà, ly nước dừa, mà đưa cả chỉ vàng, hay cả lượng vàng ra? Mất toi mạng như chơi. Có mà điên! Hầu hết các tiệm vàng trả giá rẻ mạc hai cây vàng, họ mua có năm mươi ngàn! năn nỉ hoài mà chả ai thèm mua giúp. May sao có bạn của Luật (anh chị Kim là chủ tiệm vàng ở Tùng Nghĩa đến nhà chờ đi chung) mua giúp cho cậu. Kim chạy giặc có những bọc vải ruột tượng, túi áo túi quần cả gia đình đâu đâu cũng vàng là vàng nặng trĩu. Họ rất sợ mất toi mạng vì thời buổi loạn ly mà có hằng tá vàng chình ình cả đống thế kia, chẳng khác nào “lạy ông tui ở bụi nầy” làm thể nào thu dú đâu được. Gia đình anh Kim cần đi chung với bạn bè có đông người thân thuộc, là điều rất mừng. Anh tin và gửi nhờ bạn mang mấy bọc vàng không sợ bị cướp giật giữa đường. Anh Kim móc túi lấy bốn trăm ngàn đưa cậu, đó là anh trả cho cậu giá rất cao, coi như Kim cho cậu tiền, chứ không phải anh mua vàng. Cậu của Luật vui mừng khôn xiết, cậu lo chạy nhanh về nhà thu xếp.
Các bạn thân hẹn nhau tập họp ở nhà tôi đúng hai giờ chiều là lên đường. Dưới chân đèo Krong Pha nhìn lên Đà Lạt tít mù cao, những bè mây trắng xoá kéo thành một dong dài, mong manh lả lơi như hơi sương quấn ngang đồi thông tiếp nối đồi thông rủ tóc, trải thành dải sô tang quấn trên triền quê hương. Đồi thông từ từ khép bức màn sô tang mỏng dính trong gió rì rào lao xao lay động cây cành nghiêng ngả. Rừng lá thấp xưa kia xanh thẩm mịt mùng ngút ngàn bao cây gỗ quý, hôm nay hầu hết cây cối xơ xác héo úa. Tôi thực sự xa nơi chôn nhau cắt rốn. Nơi đó, còn cha mẹ, anh, chị, các cháu, chồng tôi (anh phải nghe theo lệnh cấp trên ở lại Đà Lạt tử thủ), người thân xóm làng hiền hòa. Không hiểu họ sẽ xoay-xở ra sao khi tiếng đạn pháo ngày càng đinh tai nhức óc, dồn dập rót về trên đầu? Thỉnh thoảng súng đạn vun vút rền vang nơi xa xa, tạo thành những đường dài sáng loáng tóe lửa, vút qua vút lại trên bầu trời.
Con đường cái quan ngày xưa rộng thênh thang, nay chật như nêm. Đoàn xe nhà tôi và bạn gồm ba chiếc nối đít nhau chạy qua khỏi Krông Pha, tôi chẳng hề thấy ai đi ngược lên lại hướng núi, nơi chúng tôi đang đi xuống. Giòng người đen nghịt nối đuôi nhau đi chỉ một chiều xuôi về miền biển… Tôi định tâm nhìn quanh thấy hàng hàng lớp lớp xe hơi lớn, xe hơi nhỏ, xe lam, xe gắn máy, xe đạp, xe ba gác, xích lô, mà biết là hầu hết mọi người có phương tiện di chuyển như xe hơi nhà, xe jeep, xe GMC, xe honda, xe lam, xe ngựa, xe bò... cùng bầy trâu, bò, heo, chó, ngựa, gà vịt, chen chúc với người và người… tất tả xô đẩy nhau chạy bộ trên con đường chật như nêm, hổn-độn nối đuôi nhau chạy đi, chạy đi... ứ nghẽn. Họ lũ lượt kéo nhau tấp nập vội vã đi đông hơn kiến, kể cả những người gánh gồnh, vai mang lưng cõng, đều nối đuôi nhau lũ lượt tất tả lê lết đi bộ, bàn chân họ cột những tấm quần áo chen lấn trên đường nhựa nóng muốn rộp da.
Trên đầu súng đạn luôn ì oành nổ ầm ầm đùng đùng, oằng oằng oằng… pằng pằng pằng… chẳng lúc nào ngớt. Nhiều tràng súng từ xe sau ria tới tấp xẹt tới, xe chở những bao bố tiền to khổng lồ, tiền ơi là tiền rơi kín một góc đường phố và bay tá lã theo gió lồng lộng, mà các thứ xe cứ vùn vụt chạy đi, chẳng biết có ai dám cả gan đứng lại khum xuống nhặt tiền dưới cơn mưa chì bão lửa đó không? Cảnh thương tật, khóc than, thét mắng, đói khát, chết chóc, lẫn trong tiếng súng đạn gầm rú xa gần, khiến mọi người bị hút vào điệu quay chóng mặt, bàng hoàng đến rợn người. Những pha cướp giật bóc lột đánh chém nhau dã man và trắng trợn ven đường nhiều vô số kể. Gầm rú. Hò hét. Chửi rủa. Đánh đập. Nhìn bộ hành kiên nhẫn đi vội vàng, dáo dác nhìn ngược ngó xuôi, lo lắng bước thấp bước cao như thế, lòng tôi bâng khuâng nỗi đau xót lạ thường, tim chùng xuống ngàn đắng cay ngậm ngùi không thể tả.
Mãi đến buổi hoàng hôn khi qua khỏi Phan Rang đầy gió cát, tới Ba Ngòi nóng bức xé da. Đoàn xe di tản chậm hẳn lại, dường như không còn sức sống, cạn kiệt nguồn sống rồi chăng, những xe khác không còn yêu xăng, nên xe ù lì nằm ụ từng đám rải rác trên đường từ Phan Rang tới Ba Ngòi, xe chẳng thèm nổ chạy nữa rồi! Mẹ con tôi ôm nhau ngồi lặng-lẽ trên xe, cúi mặt thút-thít khóc, lòng tôi rối bời, ngổn-ngang trăm mối, lo-sợ tột cùng. Tôi cho con nhỏ mẹ già di tản, thì ăn ở đâu, ngủ ở đâu? Nhưng ba bên bốn bề ai ai cũng ùn ùn lũ lượt kéo nhau đi, đông kinh khủng thế nầy. Nếu gia đình tôi ở lại, có lẽ càng cô độc và sợ hãi hơn khi bóng đêm bao trùm xuống vạn vật, súng đạn ùa về nổ chát chúa, đinh tai nhức óc mỗi đêm thế nầy, làm sao đây!? Lương quân-nhân, công-chức, như “tiền lính tính liền”, rồi sẽ ra sao khi bồng bế nhau chạy về nơi vô-định? Mấy lúc trước tôi đã bòn nhặt cất dấu được một số tiền kha khá, (đề phòng khi hữu sự bất chợt như bây giờ, thì có mà chi dùng). Nào ngờ, Luật thấy trong nhà có tiền, anh nghe bạn than thở, là thể nào anh cũng “réo rắt, xeo nạy” cho bằng được, để anh mang tiền đi đưa cho bạn bè mượn. Cả chục lần thấy chồng ỉ ôi thở vắn than dài, “dằn vặt đay nghiến” tôi. Dù tôi đã quyết dú đút tiền cất đi, nhưng rồi tôi vẫn “lạt lòng nhẹ dạ” không nỡ từ chối lời anh yêu cầu. Vả lại, tôi không phải là loại đàn bà mê tiền hám lợi, bo bo ôm rịt giữ kỹ tiền, thấy vàng bạc là mắt sáng như đèn pha. Tôi “dại lòng” nên trút hết hầu bao, đưa tiền để anh đem cho bạn mượn trước mặt tôi. Thật ra tôi cũng biết hoàn cảnh tùy gia đình mỗi người bạn, đều khó khăn rất tội nghiệp. Họ có tự trọng nhưng quá khốn đốn mới muối mặt nhờ giúp đỡ. Bây giờ bất ngờ ra đi nên tôi chẳng còn dư bao nhiêu tiền, thì nếu mẹ con tôi không lo chắt bóp ăn rau ăn cháo, chắc là chết đói nơi xứ lạ quê người thôi. Nghĩ tới đó là tôi cảm thấy quá sợ hãi!
Gió lồng lộng thổi những hàng cau lao xao cúi rạp mình gần sát đất, khi những trái hỏa châu mắt thần bùng nở đỏ bầu trời nghiệt ngã đang đè lên đầu nhân thế, hòa cùng khói thuốc súng và từng đám mây trắng bay vội vã như đàn cừu hốt hoảng té chạy tứ táng trên đồi cỏ khô. Tiếng súng đạn bay vút lên không trung, tạo thành những màn nhện đỏ au đan chéo qua chéo lại, có đường cát tuyến tiếp tuyến trên không gian mịt mù, tiếng đạn nổ dòn, hòa cùng tiếng lao xao của rừng xoài, tiếng côn trùng đồng loạt tấu khúc dạ trường ngọt ngào bất tận… Đêm cuốn đi bởi giòng cuồng lưu cuồn cuộn xô đẩy nhau chảy theo làn sóng người đang tìm cách thoát thân khỏi tai trời ách nước.
Trời sập tối thì chúng tôi đến gần Vịnh Cam Ranh, nơi có chỗ neo tàu sâu, có sân bay chắc chắn và an toàn, có câu lạc bộ, có nhà máy làm nước đá, có hệ thống ra đa tối tân nhất bây giờ. Vịnh Cam Ranh là một lợi thế chiến lược tốt nhất của vùng Đông Nam Á. Từng là nơi tiếp liệu xăng dầu cho hạm đội trong chiến tranh Nhật-Nga từ 1904 > 1905 ngày xưa là thế, mà nay im lìm câm nín.
Đoàn chúng tôi cùng đi gồm: gia đình Trần Văn Ngọc: (mười chín người). Gia đình tôi (sáu người). Gia đình cô Phùng (ba người). Gia đình anh Bàn (mười người). Gia đình Kim mười người, (Kim từ giã chúng tôi đi về hướng Phan Thiết, có thân nhân ở đó). Nhà anh chị Trí ở Cam Ranh, mười tám người, và không kể họ hàng di tản. Nay ở tại nhà anh Trí có thêm đoàn chúng tôi, vị chi tại nhà có cả thảy là 58 người! Kinh khủng quá. Anh chị Trí, mẹ anh, em gái và các con anh chạy ra mừng rỡ tíu tít rôm rã chào đón. Chúng tôi đến bất ngờ, tôi, Phùng, gia đình Ngọc, Bàn, cùng hùn tiền đưa chị Trí, nhờ chị đi chợ nấu ăn giúp có lẽ vài bữa. Ban đầu chị Trí nói qua loa, không nhận. Nhưng sau thấy chị Bàn nhét tiền vô túi, chị Trí mừng rỡ xách giỏ đi chợ. Phút chốc hai ba nồi cơm trắng to tướng, nồi canh chua cá chim, cá thu kho và rau sống, rau muống luộc, đã đọn lên đầy nhóc. Những người mới tới dùng bữa no nê ngon lành. Nhưng tôi và Phùng có con dại, mệt quá nên chỉ ăn qua loa nửa chén cơm, rồi đi tắm rửa, giặt giũ áo quần. Phùng và tôi leo lên giường rù rì nói chuyện tới khuya. Phùng bảo đảm với tôi là chỉ cần chúng tôi an toàn tới Nha Trang, thì mẹ con tôi sẽ ở nhờ tại nhà bà cô của Phùng. Nghĩa là hai gia đình tôi và Phùng sẽ tách riêng gia đình: Ngọc. Quý. Cúc. Bàn. Ở Đà Lạt là quê hương tôi, dù gì tôi cũng dễ dàng xoay trở. Nếu về Nha Trang thì coi như tôi bơ vơ, lạc lõng. Tôi chỉ quen thân duy nhất cô Oanh trước kia dạy học ở Đà Lạt, hai năm nay Oanh đã đổi về Nha Trang. Chẳng biết Oanh có còn ở chỗ cũ không?! Còn Phùng về Nha Trang thì bà con hai họ nội ngoại có nhiều. Phùng hy vọng có thể lưu lại nhà thân nhân một thời gian, và tìm cách trở về Sài Gòn. Tôi thật mừng khi có Phùng cùng đi.
Bốn giờ sáng hôm sau, chị Trí lo dậy nấu mấy nồi cơm, canh cá tươi thật to như tối hôm qua. Tôm, cá, mực ở miền nầy quá rẽ so với Đà lạt. Chúng tôi ăn uống no nê xong, tất cả ba đoàn xe chúng tôi từ giã anh chị Trí, lên đường đi Nha Trang. Khi tôi tới chỗ trạm đổ xăng, vì xe hơi của tôi cũng cạn xăng, tôi đi tìm hầu hết mấy trạm xăng, không nơi nào mở cửa. Các chủ trạm xăng đều nói: “từ đây về Nha Trang các trạm xăng đều bị hết, khan hiếm, đóng cửa không có xăng từ một tuần nay”. Trời ơi! Lẽ ra tôi còn bình xăng phụ hơn mười lít dự trữ mà Luật đã bỏ sau cốp, nhưng tôi ỷ y là dọc đường có thiếu khối gì trạm bán xăng, mà lo. Thế nên tôi đã chia sạch xăng cho hai chiếc: xe be, xe lam; là bạn tôi đi cùng đoàn. Tôi không hề dự đoán có chuyện bất trắc nầy. Chết rồi. Không ai chịu bỏ xe của mình lại nửa đường, (dù xe của họ cũ, coi thổ tả). Thế là tôi đành bỏ chiếc xe hơi Peugeot 404 mới của mình nằm ụ tại Cam Ranh, đúng như Luật nói: “bỏ lại tất cả của cải qúy giá, bỏ hết, lo túm chạy lấy sáu mạng người. Còn người còn của”!
Mẹ con tôi, mẹ con cô Phùng leo lên xe lam của Qúy chật cứng những đàn bà, trẻ con cả thảy là mười sáu người. Mẹ của Luật và đàn ông, phụ nữ mạnh khỏe khác thì leo lên chiếc xe be không mui. Dạo trước xe be nầy dùng chở cây gỗ, nay chở người. Khoảng hơn hai chục người lố nhố chen chúc ngồi trên xe be trần trụi không có bờ vách, họ dùng những sợi dây dừa cột chặt thân người nầy vào người kia, rồi cột vô một cây gỗ cẩm lai và đống đồ đạc cao chất ngất. Xe be và xe lam chạy chậm rì, cà rị cà mò nhưng tôi vẫn lo sợ người ngồi trên xe be chen chúc chật cứng có thể lọt xuống đất! Xe không thể chạy nhanh trên đường dài ngoẵng có đủ mọi thành phần và tầng lớp… đông hàng vạn người gánh gồnh đi bộ, có đủ thứ loại xe lớn nhỏ. Thỉnh thoảng những chiếc xe bò lọc cọc chở đầy người phủ tấm bạt bay phần phật. Xe không có mui che mặt trời nên càng nóng rát. Nhóm người lết bộ tay bồng tay bế các em nhỏ khóc la thảm thiết, mặt mày trẻ lem luốc, đỏ ửng như con tôm luộc, mũi dãi lòng thòng. Đến gần ngả ba thì có một chiếc xe hàng mui bẹp dúm, bốn bánh xe chổng ngược lên trời quay tít, người trong xe ấy hò hét, máu me lênh láng. Mẹ con tôi sợ hãi bưng mặt nhìn đi chỗ khác, tôi tột cùng run rẩy hoảng loạn, tim nghẽn nghẹt ứ cơn đau mà thân thể muốn bay bổng lên chín tầng mây.
Xe lam của Quý bị hư, cũng do chất đầy người và quá nóng máy, xe lam nầy nhích chạy đường trường không có đèn. Chiếc xe be do Ngọc lái phải đi sát phía sau dọi đường cho xe lam chạy, thật quá nguy hiểm. Đèn pha của xe GMC nào đó dọi sáng trưng, suýt tí nữa thì xe lambretta của Quy chồm tới rất sát xe khách trước mặt, (hoặc là chúng tôi nằm gọn dưới lòng xe be)! Anh tài xế xe GMC nghiến răng gò lưng đạp thắng, trên xe mọi người đông nghẹt đều dồn đống chúi nhũi tới phía trước xe GMC. Bốn bánh xe GMC rít ken két dưới mặt nhựa, tỏa khói bay khét lẹt. Tôi khó có thể đoán tuổi đời anh lính dãi dầu sương chiều nắng gió ấy đã trải qua bao xuân xanh, khiến da mặt anh càng sạm đi lúc hiểm nguy nầy? Cả bộ quân phục mặc trên người hình như càng bạc phếch phong trần, hay do bụi cát rít dưới những bánh xe? Chúng tôi chỉ biết kêu Trời cứu mạng. Khi đèn xe rọi tới trước, tôi thấy những đứa trẻ con trạc bằng tuổi con tôi, nghe tiếng bánh xe lết trên đường nhựa, chúng hốt hoảng mệt mỏi quýnh quáng bám theo chân người lớn vọt lên lề. Thật hú hồn hú vía, nếu anh tài xế xe GMC không tháo vát, nhanh nhẹn, không có kinh nghiệm, ắt hẳn là tai nạn rùng rợn sẽ xảy ra không thể lường! Trong lúc nầy lòng tôi nổi lên sự ấm ức tức giận, vì chuyện tôi đã vứt bỏ lại chiếc xe 404, để leo lên chiếc xe thổ tả nầy! Biết làm sao được khi mình có lòng nhân không hề tính toán thiệt hơn, đã hậu hỉ trút hết xăng cho xe bạn!
* * *
Từ Cam Ranh khởi hành lúc mười giờ sáng, mãi đến mười giờ tối đoàn xe ì ạch nầy mới đến Nha Trang. Các ngã ba ngã tư giòng người đang cố chen lấn, giành cướp tí đất sống, xe và người vội vàng sát nhập chung nhau trườn lết tới vùng đất hứa hẹn an toàn. Họ cố chen từng bước, từng bước, ùn ùn tìm về vùng tạm cư có lẽ bình an hơn: Nha Trang… Chúng tôi ghi cho nhau địa chỉ bà con ở nhiều nơi, ngộ lỡ có biến loạn, hay cần liên lạc, thì biết mà tìm nhau. Chúng tôi chia ra nhiều hướng: Gia đình Phan Bàn ở nhờ với bà con của họ tại đường Nguyễn Tri Phương. Đại gia đình Trần Ngọc ở nhà bà con. Vợ chồng Phùng, bà mẹ Luật, tôi, và bốn con thì về nhà bà cô của Phùng. Có thêm chúng tôi, nhà bà cô hơi chật càng nghẹt thở hơn, cổng sắt cao lút đầu, màn che trướng rủ kín mít. Họ nói chuyện với nhau thì thầm to nhỏ, mắt la mày lém, dáo dác nhìn trước ngó sau len lén rù rì. Họ tỏ lộ vẻ khó chịu ra mặt bất an sợ sệt điều gì lạ lắm. Hay là họ sợ mẹ con tôi biết họ quá giàu, họ “nuôi ong tay áo, nuôi khỉ đốt nhà” tôi nảy sinh ra trộm cướp của họ chăng? Sống tại nhà bà con của Phùng ba ngày hai đêm, tôi sợ các con ồn ào làm vướng bận, phiền gia đình bà cô, nên mỗi ngày chúng tôi phải đi qua bên trường Tiểu-học, ngồi ngoài gốc cây phượng mua quà bánh ăn qua loa. Chiều chiều chúng tôi mò ra biển ngồi dưới hàng dừa hứng gió mát, để cho các con nô đùa ở biển. Chờ sau giờ cơm tối mịt, chúng tôi mới dám mò về xin phép chủ nhà cho tắm rửa, đi nằm ngủ nhờ dưới gạch bóng loáng trải mền bông xuống nền nhà, mẹ con bà cháu đều chui vào nằm chen chúc trong một cái mùng rộng. Tóm lại, chúng tôi chỉ xin ngả lưng ngủ nhờ. Năm giờ sáng, tôi lo đánh thức cả nhà dậy, lại đi ra ngoài lộ sớm. Hai hàng nước mắt tôi thầm lặng vẫn tuôn trào.
Mặc dù từ Đà Lạt về Cam Ranh, biết tôi không có thân nhân ở đây Phùng đã cam đoan chắc chắn là: mẹ con chúng tôi khỏi lo vấn đề ăn ở Nha Trang trong thời gian vài tháng. Tôi ngây thơ đã tin bạn. Nay Phùng cảm thấy khó xử, tôi cảm thông vì nhà nầy không phải là nhà của Phùng. Dẫu sao Phùng cũng áy náy và hổ thẹn với tôi. Qua ngày thứ bốn, tôi thấy mặt mày ai nấy đều nặng như chì, khi Phùng bồng đứa con lên máy bay về Sài Gòn. Thái độ ngược đãi ấy đã được khẳng định mọi điều dứt khoát rằng: Sau khi gia đình Phùng an toàn tại Nha Trang, có đủ điều kiện để họ tìm đường trở về Sài Gòn, thì họ muốn bỏ rơi chúng tôi. Như thế thì đã rõ rồi, dễ hiểu quá. Phùng nên đi trước, mai mốt ông chồng Phùng sẽ về sau, là lưỡng tiện đôi đàng, ông sẽ ú ớ ù lì ngơ ngơ ngáo ngáo, là huề cả làng. Họ “siêu tổ chức” khỏi mất công “hứa lèo” với tôi. Mặc tôi xử trí ra sao thì ra.
Tôi thật ngây thơ, việc vợ chồng Phùng hứa suông chẳng khác nào đem con đi bỏ chợ. Thà rằng tôi ở lại Cam Ranh, dù sao gia đình anh chị Trí cũng là chỗ thân tình. Vả lại họ còn nợ tôi một món tiền hai trăm ngàn đồng, (do Luật “hứng nợ” đưa cho Trí). Rồi sau nầy cộng thêm nợ mới là: Trí nợ một số tiền khổng lồ: Công ty chúng tôi bán năm trăm căn nhà tiền chế Mỹ đã tháo gỡ cho dân ấp Vĩnh Linh, Cam Ranh. Tiền bán nhà nầy các bạn tin Trí, mà để Trí đứng ra làm thủ qủy thu tiền, thì anh ta đã thâu tóm hết, vung vít tiêu xài, Trí lem nhem không chuyển trả cho tôi và ai ai trong nhóm. Ý của tôi muốn nấn ná ở lại Cam Ranh mười ngày nửa tháng tại nhà Trí, là có ý muốn Trí trả bớt tiền cho tôi, sau nữa là để tôi giữ liên lạc dễ dàng với Luật. Dù sao đường đi từ Đà Lạt về Cam Ranh, cũng gần hơn đi Nha Trang, và nơi nầy chưa bị phong toả. Ôi người tính không bằng Trời tính!

_ * _

Tình Hoài Hương

Chị Hoài Hương kính mến
Đọc mấy bài diễn tả về ngày di tản của gia đình chị với đàn con nhỏ làm em lại nhớ đến ngày di tản của gia đình em nói riêng và mọi người ở thành phố Đà Lạt nói chung. Ngày đó phi trường Liên Khương tràn ngập những người là người. Có lẽ gia đình em đã may mắn hơn những gia đình di tản khác vì được di chuyển bằng máy bay. Mấy chục năm qua rồi mà những cảm giác lo âu , sợ sệt trong ngày di tản vẫn còn bám chặt trong đầu em mỗi tháng Tư về, dù thuở đó em chưa đủ khôn lớn để hiểu hết nỗi lo của cha mẹ.Tháng Tư buồn quá!! Ngoài những bài viết đầy cảm xúc của chị còn bao nhiêu bài viết khác về tháng Tư đau thương, khổ nạn mà em không thể đọc hết vì quá đau lòng. Em đang đếm từng ngày để mong cho tháng Tư qua mau để nỗi đau xót cũng dần dà trôi đi.
Cám ơn chị đã chia xẻ nỗi đau chung của ngày tang thương không thể quên này .
Kính mến
TL

Tinh Hoai Huong
04-30-2014, 08:13 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1398845556.jpg
Sinh Vi Tướng Tử Vi Thần
Anh Hùng Tử Khí Hùng Bất Tử
(Tác giả: Tình HOÀI HƯƠNG)
***

Lòng tôi bỗng nhói buốt lên từng cơn rúng động đau điếng, xót xa, bàng hoàng run rẩy khôn tả xiết. Tôi rụng rời bi phẩn đến cực điểm, điếng lặng, dại khờ, đắng cay, nghẹn ngào, không thể thốt lên tiếng thở dài hoặc nói câu nào. Chúng tôi: trên bước đường ly tán là những lữ hành đơn độc mệt lã, nay xa lạ từ lãnh thổ của chính quê hương mình, đã ôm mặt khóc ròng, hai hàng nước mắt tôi và các bạn đều tuôn chảy. Tôi khóc vì vong gia thất thổ, khóc thân phận con người đớn hèn bọt bèo trôi nổi. Và; bởi chúng tôi ra đi về miền Tây là: Quá hy vọng tin tưởng vào các vị tướng, tá, sĩ quan, các vị quân nhân binh lính oai dũng: vẫn còn đóng chốt kiên cố ở miền Tây, còn giữ vững non sông và dân tộc trong giờ thứ 25.

Nào ngờ… tôi đã mất đất dung thân trên quê hương, nỗi đau đớn ấy nén dưới chiều sâu tâm hồn đã vọt lên tim, lên óc, lên cổ tôi những cục nấc nghẹn ngào tức tưởi theo dòng thời gian chảy về. Bây chừ chúng tôi đã quá tuyệt vọng... vì… máu, nước mắt, và tóc của những vị anh hùng đã vắt xỏa lơ lửng ngang lưng trời mãi hoài không tan biến. Từ đó bầu trời vần vũ mây xám và tạo thành những cơn mưa triền miên… đẫm ướt sông hồ sơn khê Việt Nam!!!

Ngờ đâu nay càng thương sầu nuối tiếc những vị anh hùng tuấn kiệt bất hủ đã oanh liệt tuẫn tiết. Chúng tôi thương họ hơn cả sự đau khổ cơ cực, đọa đày, biệt xứ vào những ngày ly tán trong tháng 4: Chúng tôi đã sửng sốt, rụng rời, vì nhiều lần trên đường loạn lạc, tai nghe tin khủng khiếp rõ mồn một từ miệng rất nhiều người tất tả xuôi ngược chạy về nơi nầy, chạy đi nơi khác: Tin tức sốt dẽo nhất là do người dân ngang nhiên xôn xao bàn tán ở hai bến phà: Cần Thơ, và Mỹ Thuận. Người ta nói như một lời khẳng định về vấn nạn miền Nam Việt Nam Cộng Hoà rằng:
- Không còn “Tướng, Tá” gì ráo.
- Đừng hòng mà có ý định “mưu đồ” chiếm lại Sài Gòn. Nghe.
- Các vị tướng, tá, úy, thậm chí cả hạ sĩ quan, binh lính, đã hy sinh. Họ cương quyết không chịu khuất phục vô tay bọn cướp nước, nên họ đã tuẫn tiết tự sát kìa. Chết thật rồi...

Khi từ Rạch Giá tìm đường trở lại thủ đô Sài Gòn, chúng tôi lật đật đến thăm những người bạn thân, (họ đang làm lớn trong chính phủ miền Nam Sài Gòn). Các anh bạn của gia đình tôi đã xác nhận rõ ràng: Những vị anh hùng trung liệt bất khuất lừng danh rất đáng kính trọng, đáng ngợi ca ngàn đời, lưu danh thơm thiên cổ ấy, là những vị anh hùng tử khí hùng bất tử. Sinh vi tướng tử vi thần mà sử sách đã vĩnh viễn ghi sau:

*1.- Thiếu Tướng Phạm Văn Phú (1929) Tư Lệnh Quân Ðoàn 2, Quân Khu 2. Tướng Phạm Văn Phú tuần tự giữ các chức vụ chỉ huy:
- 1953.- Ông tốt nghiệp khóa 8 - Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, sau đó phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù.
- 1954.- Đại úy Phạm Văn Phú Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù.
- 7/5/1954, Điện Biên Phủ thất thủ, đại úy Phú bị bắt giam. Sau Hiệp định Genève, ông được thả ra; tiếp tục phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. - 1962 Thiếu Tá Liên-Đoàn-Trưởng Liên-Đoàn Quan-Sát 77 Lực-Lượng Đặc Biệt.
- 1963 Tư Lệnh Phó Sư Ðoàn 2 Bộ-binh Quảng Ngãi.
- 5/1964.- Trung Tá Tham Mưu trưởng Lực Lượng Đặc biệt. - 1966.- Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 1 Bộ Binh.
- 1968.- Chuẩn-tướng Biệt Khu 44 Đồng Tháp Mười, miền Tây.
- 1969.- Chuẩn Tướng Tư Lệnh Lực Lượng Đặc biệt.
- 1970.- Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh - Tư Lệnh Quân Đoàn 4.
- 1973.- 10/1974 - Chỉ-huy-trưởng Trung-Tâm Huấn-luyện Quang Trung.
- 1974.- Tư Lệnh Quân Đoàn 2 và Quân Khu 2 - Tư Lệnh Vùng II Chiến Thuật, Bộ Chỉ Huy đóng tại Pleiku, vùng Cao Nguyên miền Trung.
- 29/4/1975.- Thiếu tướng Trần Văn Phú uống thuốc độc tự tử tại nhà riêng ở đường Gia Long. Ông đã tạ thế ngày 30-4-1975.

*2.- Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam.- (23-09-1927) Tư-lệnh Quân Ðoàn 4. Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam tuần tự giữ các chức vụ chỉ huy:
- 1953.- ông Nguyễn Khoa Nam nhập ngũ Khóa III Thủ Đức - gia nhập binh chủng Nhảy Dù. - - 1965.- Thiếu tá Tiểu-đoàn-trưởng Tiểu đoàn 5 Nhảy dù.
- 1967.- Trung Tá Lữ-đoàn-trưởng Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù. - 1969.- Tư lệnh Sư Đoàn 7 Bộ-binh kiêm Tư lệnh Khu Chiến thuật Tiền Giang. - 1974.- Th/Tg Nguyễn Khoa Nam Tư lệnh Quân-đoàn IV & Vùng IV Chiến thuật.
- Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam dùng súng browning tự sát 01-5-1975.

*3.- Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng.- (27-3-1933 Hốc Môn) Tư-lệnh-phó Quân-đoàn 4.
Ông Lê Văn Hưng: khóa 5 Sĩ quan Trừ bị Thủ Ðức.
Tướng Lê Văn Hưng tuần tự giữ các chức vụ chỉ huy: Ra trường sau đó chỉ huy từ cấp Đại-đội. Tiểu-đoàn. Trung-đoàn thuộc Sư-đoàn 21 Bộ-binh.
- 1966.- Thiếu-tá Tiểu-đoàn-trưởng Tiểu-đoàn 2/Trung-đoàn 31 Bộ-binh.
-1968.- Trung tá Lê Văn Hưng Trung-đoàn-trưởng Trung-đoàn 31 Bộ Binh tại Hậu Giang & thăng Đại-tá Tư-lệnh Sư-đoàn 5 Bộ-binh.
- 6/1971.- Tư lệnh Sư đoàn 5.
- 1972.- Chuẩn-tướng Tư-lệnh-phó Quân-khu 3.
- 1973.- Chuẩn-tướng Tư-lệnh Sư-đoàn 21 Bộ-binh.
- 1974.- Tư-lệnh-phó Quân-đoàn 4.
Chuẩn-tướng Lê Văn Hưng đã tự sát bằng súng lục vào lúc 20g 45’, ngày 30.04.75.

*4.- Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ - (22-8-1933 Sơn Tây). Tư-lệnh Sư- đoàn 5 Bộ-binh. Chuẩn-tướng Lê Nguyên Vỹ tuần tự giữ các chức vụ chỉ huy:
- 1951.- Ông học khóa 2 (Lê Lợi) trường Võ Bị Địa phương Huế. Tốt nghiệp Ðại Học Chỉ Huy Cao Cấp & Tham Mưu tại Mỹ.
- Đại úy Quận-trưởng Bến Cát (Bình Dương). - Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 8 thuộc Sư Ðoàn 5.
- 1965.- Thiếu tá Vỹ tham gia trong chiến trường An Lộc. Thiếu-tá Tư-lệnh-Phó Sư-đoàn 21 Bộ-binh.
- 1972.- Đại Tá Lê Nguyên Vỹ, Phó Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh tại An Lộc.
- 1973.- Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 21 Bộ-binh.
- 1974.- Chuẩn-tướng Tư-lệnh Sư-đoàn 5 Bộ-binh căn cứ Lai Khê (Bình Dương)
- 30-4-1975.- Chuẩn-tướng Lê Nguyên Vỹ tự sát tại Bộ Tư Lệnh Lai Khê.

*5.- Chuẩn-tướng Trần Văn Hai.- (1929 Cần Thơ). Tư-lệnh Sư-đoàn 7 Bộ-binh. Chuẩn-tướng Trần Văn Hai đã tuần tự giữ các chức vụ Chỉ-huy:
- 1951.- Sinh viên Sĩ quan Trường Võ Bị Đà Lạt.
- 1960.- Thụ Huấn Khóa Chỉ-huy Tham-mưu tại Hoa Kỳ.
- 1963.- Thiếu-tá Chỉ-huy-trưởng TT Huấn-luyện Dục-Mỹ.
- 1965.- Trung tá Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng Tỉnh Phú Yên, Chỉ huy các lực lượng Quân Cán Chính. - Tư-lệnh-phó Quân-đoàn 2; Quân-khu 2.
- 1968.- Tổng-giám-đốc Cảnh-sát Quốc-gia. Tết Mậu Thân, đại tá Hai có mặt ở Liên đoàn 5 Biệt Động Quân trong những giờ giao tranh đầu tiên tại Thị Nghè - Hàng Xanh, phụ trách mặt trận Chợ Lớn, Phú Thọ.
- 1970.- Chuẩn-tướng Tư-lệnh Biệt Khu 44.
- 1971.- Chuẩn-tướng Chỉ-huy-trưởng Binh-chủng Biệt-Động-quân.
- 1972.- Chuẩn-tướng Tư-lệnh-Phó Quân-đoàn 2 & Quân-khu 2 Đặc Trách Biên-phòng. - Chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Lam-Sơn, kiêm Chỉ huy trưởng Huấn Khu Dục-Mỹ.
- 1974.- Tư-lệnh Sư-đoàn 7 Bộ-binh, căn cứ Đồng Tâm Tỉnh Định Tường.

Chiều 30.04.1975.- Chuẩn-tướng Hai đã uống thuốc độc tự tử tại văn phòng Tư-lệnh, Ðồng Tâm. Mỹ Tho. Nơi Bộ-tư-lệnh Sư-đoàn 7 Bộ-binh.

*6.- Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn .- (24-3–1938 Vĩnh Thanh Vân. Rạch Giá). Đại Tá Tỉnh Trưởng Chương Thiện. Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn đã tuần tự giữ các chức vụ Chỉ-huy:
- 1947.- Ông gia nhập vào trường Thiếu Sinh Quân.
- 1957.- Liên trường Võ Khoa Thủ Đức. Học chuyên môn: CC1 & CC2 Vũ Khí. Sau 9 tháng thụ huấn ưu hạng, ông làm huấn luyện viên tại trường VKTĐ.
- 1962.- TSQ Hồ Ngọc Cẩn vào trường sĩ quan hiện dịch, Đồng Đế. & thuyên chuyển về Biệt Động Quân vùng 4 Chiến Thuật: Trung-đội-trưởng Tiểu-đoàn 42 Biệt Động Quân. Ông tuần tự phục vụ tại các binh chủng: Dù. Thủy-quân Lục-chiến. Biệt-động-quân. Quân-báo. An-ninh Quân-đội. Lực-lượng Đặc-biệt: Tại các tỉnh Cần-Thơ (Phong-Dinh). Chương-Thiện. Sóc-Trăng (Ba-Xuyên). Bạc-Liêu. Cà-Mau (An-Xuyên).
- Tiểu-đoàn số 42, Tiểu-đoàn Cọp Ba-đầu-Rằn.
- Tiểu-đoàn số 44 Cọp Xám U-Minh Hạ). 1973.
- Đại Tá Tỉnh trưởng Tỉnh Chương Thiện.
- 30-4-1975.- Trong BCH hết đạn dược, ông đã bị bắt tại nơi đồn trú. - 14-8-1975.- Đại tá Hồ Ngọc Cẩn đã bị kết án, xử bắn ở sân vận động tỉnh Cần Thơ, trước sự chứng kiến của đồng bào.

*7.- Ðại-tá Ðặng Sĩ Vinh.- Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia. Lúc 2 giờ ngày 30.04.75, Ðại-tá Vinh, cùng gia đình gồm: Vợ và Bảy người con, đã tự tử bằng súng lục!!! (1chồng + 1Vợ + 7người con = 9 nhân mạng, xin vui lòng xem phụ trang sau).

*8.- Đại-tá Nguyễn Hữu Thông.- Trung-đoàn-trưởng 42 Bộ Binh, Sư Đoàn 22Bộ Binh - Khóa 16 sĩ quan Võ Bị Đà Lạt. 31/3/1975, tự sát tại Quy Nhơn.

*9.- Đại-tá Lê Cầu*.- Trung-đoàn-trưởng 47 Bộ Binh (* mời xem phụ chú dưới bài viết)

*10.- Trung-tá Vũ Đình Duy, Trưởng Đoàn 66 Đơn Vị 101/QLVNCH, tự sát bằng độc dược ngày 30-4-75.
*11.- Trung-tá Nguyễn Văn Hoàn, Trưởng Đoàn 67 Đơn Vị 101/QLVNCH, tự sát bằng súng lục ngày 30-4-1975.

*12.- Trung Tá Đường, & Đại úy Bé... Chỉ huy lực lượng Thám-báo, chết ở chân cầu Vị Thanh 30-4-75.

*13.- Trung-tá Nguyễn Đình Chi.- Cục An Ninh Quân-đội. Tự sát 30-4-75.

*14.- Trung-tá Hà Ngọc Lương.- TT Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang. Tự sát 30-4-75 (cùng vợ, 2 con, 1 cháu).

*15.- Trung-tá Phạm Đức Lợi.- Khóa 5, Thủ Đức. Phụ tá Trưởng Khối Không Ảnh P2/ Bộ TTM; là học giả, văn, thơ, soạn kịch… (bút danh: Phạm Việt Châu), cựu giảng viên SNQĐ, trưởng phái đoàn VNCH Hiệp Định Paris tại Hà Nội. Tự sát tại tư gia ngày 5/5/1975.

*16.- Trung-tá Nguyễn Văn Long.- Sanh năm 1919 tại Gia Hội. Huế.
Ông đã tuần tự giữ các chức vụ: Chỉ-huy Trưởng Phòng. - Chủ Sự. - Ty Cảnh Sát. - Ty Công An. - Khu 1 Đà Nẵng. Chánh Sở Ty Cảnh Sát Quốc Gia Đà Nẵng.
- Ngày 28-3-1975.- Trung-Tá Nguyễn Văn Long được lệnh phải rời Đà Nẵng vào Sài Gòn. Tính tình ông trầm lặng, ít nói, cương trực, mẫu mực, tận tụy, thanh liêm; nên gia đình ông sống rất thanh bạch. Trung tá Long có biệt danh là “Long lý” ; có nghĩa là không thiên vị ai, cứ công lý minh bạch lẽ phải mà thi hành. Khi nghe "tân tổng thống 3 ngày không dân cử", Dương Văn Minh ra lệnh tất cả quân đội: "ở đâu phải ở đó, buông súng, không được kháng cự", để ông Minh bàn giao chính phủ cho ban tiếp quản miền Nam.
- 30-4-1975.- Trung Tá Nguyễn Văn Long đã rút súng tự bắn vào đầu, tuẩn tiết dưới tượng đài Thủy Quân Lục Chiến. Trước trụ sở Quốc Hội. Sài Gòn.

*17.- Trung Tá Nguyễn Xuân Trân.- Khoá 5 Thủ Đức, Ban Ước Tình Tình Báo P2/Bộ TTM. Tự tử ngày 1/5/75.

*18.- Trung-tá Phạm Thế Phiệt.- 30-4-75.

*19.- Thiếu tá Trịnh Tấn Tiếp.- Quận-trưởng Kiến Thiện là một sĩ quan xuất sắc, trí dũng song toàn. Ngày 14-8-1975, Ông đã bị VC xử bắn tại sân vận động Cần Thơ.

*20.- Thiếu-tá Không-quân Nguyễn Gia Tập.- (25-12-1943). Phi-đoàn 514-518, Khu-trục Biên-Hoà.
Ông thụ huấn khoá 64D, năm 1964.
- Tốt nghiệp T 28 - ở Randolph AFB – TX. Hoa Kỳ.
- Tốt nghiệp TopGun – Khóa A 1e - tại Hurburt Field, Florida.
- Sĩ quan Liên-lạc trường Huấn-luyện Keesler Hoa Kỳ.
- Làm việc tại: Phi-đoàn Khu-trục 514 - 518 – Biên Hoà.
- Làm việc tại phòng Đặc-trách Khu-trục, Bộ Tư-lệnh Không-quân.
Thiếu tá Nguyễn Gia Tập tự sát bằng súng lục trước sân cờ, trong căn cứ Bộ Tư-lệnh Không-quân.
Thân nhân của Th/tá Nguyễn Gia Tập, đã đem thi thể Th/tá Tập về chôn cất tại Long Khánh. Thiếu tá Nguyễn Gia Tập là vị anh hùng phi công Khu-trục A 1 Skyraider.

*21.- Thiếu-tá Lương Bông.- Phó Ty An Ninh Cần Thơ. Tự sát 30-4-75.

*22.- Thiếu-tá Mã Thành Liên (Nghiã).- Tiểu-đoàn-trưởng 411ĐP, TK Bạc Liêu - khoá 10 Đà Lạt. Tự sát cùng vợ ngày 30-4-75.

*23.- Thiếu-tá Nguyễn Văn Phúc.- Tiểu-đoàn-trưởng, Tiểu Khu Hậu Nghĩa. Tự sát 29/4/1975.

*24.- Thiếu-tá Hải Quân Lê Anh Tuấn.- (1943 – 1975). Xuất thân Khóa 14 Sĩ Quan Hải Quân.
Ông là Chỉ Huy Trưởng Giang Ðoàn 43 phục vụ trên chiến hạm của Hạm Ðội. Duyên Ðoàn 27. Duyên Ðoàn 23. Phòng Tâm Lý Chiến Bộ Tư Lệnh Hải Quân.

Khi nghe lệnh từ ông Dương Văn Minh bắt buộc quân nhân buông vũ khí, giao đất nước Việt Nam vào tay giặc, thì Thiếu-tá Tuấn đứng trên chiếc soái đỉnh dùng súng colt bắn vào đầu tự sát, ông gục ngay trên tấm bản đồ hành quân.

*25.- Thiếu-tá Đỗ văn Phát: Quận Trưởng (kiêm Chi Khu Thạnh Trị Ba Xuyên. Đại Đội Trưởng Đại Đội 1 Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 33, Sư Đoàn 21 Bộ Binh), đã tuẫn tiết ngày 1/5/1975.

*26.- Thiếu-tá Trần Thế Anh.- Đơn vị 101. Tự sát ngày 30/4/75

*27.- Thiếu tá Trần Đình Tự.- Tiểu-đoàn-trưởng Tiểu đoàn 38 Biệt Động Quân.
11 giờ sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975.- tại trung tâm hành quân của Liên Đoàn 32 BĐQ, Trung-tá Liên Đoàn-trưởng Lê Bảo Toàn nhận được lệnh từ cấp chỉ huy Quân Đoàn: “Hãy ngưng bắn ngay lập tức, ở yên tại chỗ, để đợi phía bên kia đến bàn giao khu vực.”- Lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng trong đời Th/t Trần Đình Tự đã cưỡng lệnh cấp chỉ huy. Sau khi nhận lệnh buông súng, ông nói: "Tôi sẽ ở lại đánh nữa, tôi không đầu hàng. Tôi không thể nào để lọt vào tay tụi nó lần nữa"... Nhưng anh Tự không còn nữa, đã tử trận. Tên giặc Cộng rút con dao găm của anh Tự đeo bên hông, nó đâm mạnh vào bụng Trần Đình Tự, rọc mạnh xuống phía dưới. Ruột anh Tự lòi tuột ra ngoài. Chưa hả, nó còn ngoáy mạnh mũi dao vào tận trong bụng anh Tự. Anh Tự hét lên bi ai và nghẹn uất, đổ sụm xuống oằn mình giật từng cơn trong vũng máu đỏ. (xin xem phụ trang ở dưới).

*28.- Đại-úy Vũ Khắc Cẩn.- Ban 3 Tiểu-khu Quảng Ngãi. Tự sát 30-4-75.

*29.- Đại-úy Tạ Hữu Di.- Tiểu Đoàn Phó 211 Tỉnh Chương Thiện. Tự sát 30-4-75.

*30.- Đại Úy Nguyễn Văn Hựu, Trưởng ban văn khố P2/Bộ TTM. Tự sát sáng 30/4/75 tại P2/Bộ TTM.

*31.- Đại-úy Nguyễn Hòa Dương.- Trường Quân-Cảnh Vũng Tàu. Tự sát 30-4-75 tại trường.

*32.- Trung-úy Đặng Trần Vinh.- Phòng 2, Bộ TTM. (con của Thiếu-tá Đặng Sĩ Vinh). Tự sát cùng vợ con 30/4/1975.

*33.- Trung-úy Nghiêm Viết Thảo.- Khóa 1/70 Thủ Đức. An Ninh Quân đội. Tự tử tại Kiến Hòa.

*34.- Trung-úy Nguyễn Văn Cảnh.- CSQG Trưởng-cuộc Vân Đồn. Quận 8. Tự sát 30-4075.

*35.- Thiếu-úy Không-quân Nguyễn Thanh Quan.- Khóa 1/70. PĐ 110 Quan-sát. Tự tử 30-4-75 tại Kiến Hòa.

*36.- Thiếu-úy Nguyễn Phụng.- Cảnh Sát ĐB. Tự sát 30-4-75 , tại Thanh Đa.

*37.- Thiếu úy Nhảy Dù Hoàng Văn Thái.- Khóa 5/69 Thủ Đức. Tại một bùng binh ở ngã 6 Chợ Lớn, Thiếu uý Thái và một nhóm 7 người bạn, mỗi người một quả lựu đạn, họ cùng mở chốt, để tự kết liễu đời mình vào ngày 30-4-1975.
Họ là một toán Nhảy Dù về bảo vệ Đài-phát-thanh. Đài Truyền-hình Việt Nam.

*38.- Chuẩn-úy Đỗ Công Chính.- TĐ 12 Nhảy Dù. Tự sát tại cầu Phan Thanh Giản.

*39.- Thượng Sĩ Phạm Xuân Thanh.- Trường Truyền-tin Vũng Tàu. Tự sát 30-4-75 tại sân trường.

*40.- Thượng sĩ Bùi Quang Bộ.- Trường Truyền Tin Vũng Tàu. Tự sát ngày 30/4/1975 cùng gia đình 9 người tại Vũng Tàu.

*41.- Trung sĩ I Trần Minh.- Quân Cảnh, ông gác ở Bộ TTM. Tự sát 30.4-75.

*42.- Trung-sĩ Nhất Vũ Tiến Quang.- (10-9-1956 Kiên Hưng, Tỉnh Chương Thiện). 2-9-1969.- Vũ Tiến Quang vào trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam.
- 1972.- Ông Vũ Tiến Quang có chứng chỉ 1 Bộ Binh. Phục vụ tại Trung-đội Trinh-sát của Trung-đoàn 31 (Cà Mau).
Trung sĩ Vũ Tiến Quang làm thông dịch viên (cho cố vấn thiếu úy Hummer).
- 1972.- Vũ Tiến Quang có chứng chỉ 1 Bộ Binh.
- 1974.- Sau khi có chứng chỉ 2 Bộ Binh, Trung-sĩ Quang về sư đoàn 21 Bộ Binh Tiểu-đoàn Ngạc Thần (tiểu đoàn 2 Trung đoàn 31 Bộ Binh đóng tại Chương Thiện. (xin xem phụ trang sau)

*43.- Nguyễn Xuân Trân.- Khóa 5 Thủ Đức. Tự sát 01-5-75.

*44.- Binh Nhì Hồ Chí Tâm.- TĐ 490. ĐP. (Mãnh Sư) Tiểu Khu Ba Xuyên. Cà Mau. Dùng súng M 16 tự sát ngày 30-4-75 tại Đầm Cùn, Cà Mau.

*45.- Luật sư Trần Chánh Thành.- Cựu Bộ-trưởng Thông-tin Đệ Nhất Cộng Hòa- Nguyên Thượng-nghị-sĩ đệ II Cộng Hòa. Tự sát ngày 3/5/75.

*46.- 6 toán thám sát của LĐ.81/Biệt Cách Nhảy Dù trong chiến khu D... 6 toán thám sát LĐ.81/Biệt Cách Nhảy Dù được trực thăng thả sâu trong mật khu VC. (xin xem phụ trang sau)

*47.- Qúy Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa: Địa Phương Quân. Nghĩa Quân... & ... vô danh ẩn tích. Và còn nhiều!... Rất nhiều chiến sĩ anh hùng vô danh ẩn tích khác.
*
Tình Hoài Hương

* * *

Phần phụ chú:

Thiếu tướng Phạm Văn Phú.- 10-3-1975.-
Trận chiến Ban Mê Thuột bùng nổ. Ngày 14/3/1975, có cuộc họp đặc biệt tại Cam Ranh. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú triệt thoái toàn bộ Quân Đoàn 2 ra khỏi Cao nguyên.
- 1 giờ 45’ – 2/4/1975, Quân Khu 2 được lệnh sát nhập vào Quân Khu 3. Bấy giờ Thiếu tướng Phú đã có ý định tự tử, nhưng bất thành.
- 15/4/1975: Tướng Phú lâm bệnh, phải điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Sau đó về tư gia. 29/4/1975. Thiếu tướng Trần Văn Phú đã uống thuốc độc tự tử tại nhà riêng ở đường Gia Long. Thân nhân đưa ông vào bệnh viện Grall (Đồn Đất) Sài Gòn, nhưng không cứu kịp. Ông đã tạ thế ngày 30-4-1975.

Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam: là một quân nhân đức độ, hiền hòa giản dị; không hề bị tai tiếng tham nhũng, ông thương yêu thuộc quyền như em cháu, được hầu hết binh sĩ kính trọng yêu mến. Khi nghe tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh tất cả quân đội buông súng, Thiếu Tướng Nam đi vào Quân Y Viện Phan Thanh Giản, ở Cần Thơ, thăm chiến hữu thương binh an ủi họ lần cuối cùng. Ông trở về dinh Tư Lệnh ở Cái Khế, Thiếu Tướng Nam đưa khẩu Browning lên bắn vào màng tang lúc 7:00 giờ sáng ngày 1-5-1975’.
Các sĩ quan tự lo chôn cất ông, họ trân trọng kính cẩn nghiêm chào thi thể ông trong Nghĩa Trang Quân Đội Cần Thơ. Lúc đó VC đã tiến vào Cần Thơ. Nhưng anh em tham mưu đã cố gắng lo chôn cất tử tế... Rồi anh em chạy về dấu hết súng, và xoi một cái lỗ nhỏ, để nhìn vào phòng của Tướng Nguyễn Khoa Nam. Nhưng không ngờ... trong ngăn kéo của Tướng Nam còn cây súng nhỏ. Anh Phong cũng kể sự nhân đức của Tướng Nam: Lúc Tướng Trương Dành Oai, đem mấy người ở Cần Thơ xuống tàu, chạy ra biển. Thì Tướng Nam ra lệnh:
- Phải quay trở lại. Nếu không sẽ bị pháo dập.
Tất cả chờ lệnh của Tướng Nam. Khi con tàu sắp vượt ra biển. Tướng Nam buồn bã nói:
- Để họ đi...
... Và Tướng Nam buông điện thoại xuống.

*- Tôi; (đại úy Không-Quân Trần Văn Phúc) có một kỷ niệm khó quên với Tướng Nguyễn Khoa Nam:
Năm giờ sáng ngày 11/4/75 tôi nhấc điện thoại, nghe từ đầu dây:
Tôi, Tướng Nam Tư lệnh Quân Đoàn 4, cho tôi gặp phi tuần trưởng phi vụ Phi Long 71.
Đang mớ ngủ, nhưng hồn phi phách tán, tôi vội trả lời.
Dạ thưa Thiếu Tướng, là tôi…
- Anh cho tôi biết tên tuổi, cấp bậc, số quân?

Tôi thầm nghĩ: (bụng làm dạ chịu, phen nầy chắc chắn là mình "ngồi trong hộp" ít nhất 30 ngày (như trong số tử vi đã nói). Chả lẽ đêm hôm ấy tôi thả bom lầm vào quân bạn sao đây ha!? Lạy trời đừng chết ai nha). Ngừng giây lát, ông Tư Lệnh QĐ4 hỏi thêm tên phi hành đoàn của tôi, và phi hành đoàn bay trước đó. Tôi vừa đánh thức anh em dậy, vừa suy nghĩ: “Ui ! Có đại sự gì đây? Không lẽ cả 2 phi tuần đều ném bom lầm vào quân bạn hay sao? Chắc là có to chuyện gì rồi!!! Không. Không... không đâu”.

Cuối cùng Tướng Nam nhân danh Tư lệnh QĐ4 tuyên dương công trạng 5 anh em chúng tôi trước Quân Đoàn với ngôi sao vàng; và thay mặt đồng bào Thị xã Cần Thơ, Tướng Tư Lệnh cảm tạ chúng tôi đã lấy lại 2 khẩu đại bác 105 ly (bị mất ở quận Bình Minh), và dân chúng Cần Thơ đã tránh được một cuộc đổ máu kinh dị. Nghe xong cả người tôi nhẹ lâng lâng như muốn bay lên Trời, may quá, suýt chút xíu nữa thì tôi vọt miệng thưa:
- Dạ thưa Thiếu Tướng "rượu đậu nành" thả bom, chớ không phải do tôi ạ!!!
Có thể ông Tư Lệnh QĐ4 đã biết vận mệnh miền Nam Việt Nam sẽ đi về đâu; nên ông tướng khả kính mới phá lệ gắn huy chương qua điện thoại chăng??

- *Anh Ó Đen: Lúc còn ở tù, tôi, (Oden03) nằm sát bên Trung Tá Trưởng-phòng 2/ Q.Đ.4, là anh Nguyễn Đạt Phong có kể:
Lúc nghe phu nhân của Tướng Lê Hưng gọi, anh em tham mưu QĐ chạy qua, thì thấy 2 người nằm dưới nền nhà đầy máu, nên anh em đều tưởng cả 2 người chết. Nhưng phu nhân chỉ ôm Tướng Hưng, và yêu cầu cho chôn cất theo lễ nghi quân cách.

* Chuẩn-tướng Lê Nguyên Vỹ.- Bao lần Cộng-quân phía ở Đông Bắc không thể vượt qua căn cứ Lai Khê, mặc dù lực lượng họ đông gấp bội. Ông tận tâm làm việc, lo xây dựng tu bổ hệ thống phòng thủ kiên cố, và nhiệt tâm huấn luyện binh sĩ. Chuẩn-tướng Lê Nguyên Vỹ là một sĩ quan mẫn cán, quả cảm, có tài tham mưu. Một cấp chỉ huy thanh liêm, nổi tiếng về tinh thần dũng cảm, cương quyết chống cộng, bài trừ tham nhũng. Ông có cá tính trung trực và nóng như lửa.

- 30-4-1975 khi nghe Tổng thống 3 ngày Dương Văn Minh ra lệnh: "quân đội VNCH buông súng đầu hàng".
Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ cho binh sĩ treo cờ trắng trên hành dinh. Chuẩn tướng Vỹ liền triệu tập sĩ quan và binh sĩ dưới quyền, Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ dõng dạc tuyên bố:
“Tôi không thể thi hành lệnh này. Tôi cần chọn riêng cho tôi con đường phải đi".
Ông oai dũng bình tĩnh nghiêm trang đứng dưới cột cờ của Bộ Tư Lệnh. Chuẩn-tướng Lê Nguyên Vỹ rút khẩu súng beretta 6.35 giơ lên tự bắn vào đầu, để tuẫn tiết vì quê hương. Ông tự sát lúc 11 giờ, ngày 30.04.75, tại Tổng-hành-dinh Lai Khê. Thi thể Chuẩn-tướng Lê Nguyên Vỹ an táng trong rừng cao su, (gần doanh trại Bộ Tư Lệnh). Sau đó thân nhân cải táng về ở Hạnh Thông Tây, Gò Vấp.

* Chuẩn tướng Trần Văn Hai là một sĩ quan trong sạch, dũng cảm, đúng tư cách của một quân nhân. Trước khi đi Pleiku, làm Tư Lịnh Phó Quân Đoàn 2, (tháng 5/72) Ch/tg Trần Văn Hai đặt điều kiện với Tổng Thống Thiệu:
- "Khi nào giải toả núi Chupao, và 3 Quận phía Bắc Bình Định xong. Tôi sẽ rời chức vụ".
Khoảng 3 tháng sau, ông hoàn thành nhiệm vụ, & về làm Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bô-binh. Vì ông không thể làm việc được với Tướng Toàn. Sau khi nhậm chức, ông không ở Pleiku, mà đặt Bộ-Chỉ-Huy Tham Mưu Tiền Phương tại Plei Mrong. Xa khoảng 10 dặm Tây Bắc Pleiku, cùng với Liên Đoàn 2 Biệt-Động-Quân.
- 1969, Đại tá Trần Văn Hai trở lại Phú Yên. Trong thời gian làm tỉnh trưởng Phú Yên, tướng Hai đã đối xử với dân khá tốt, nên được dân vô cùng quí trọng. Đại tá Hai tuy giữ chức vụ cao cấp nhứt trong ngành cảnh sát, tướng Hai vẫn thường xuyên ghé thăm các thuộc cấp cũ trong Biệt Động Quân. Một điều mà những ai ở vào địa vị của ông, rất ít khi làm. Năm 1965 thì được bổ nhiệm vào chức vụ Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng Phú Yên. Trong thời gian tại chức, ông đã chỉ huy các lực lượng Quân Cán Chính trong Tỉnh, bẻ gẫy những cuộc tấn công của Việt Cộng xuất phát từ mật khu Vũng Rô. Quân đội ta nhiều khi còn tổ chức những cuộc hành quân vào tận sào huyệt này. (trích dẫn từ Wikipedia).

Đầu năm 1966, phu nhơn của Thiếu tướng Vĩnh Lộc, Tư lệnh Quân Đoàn II và Quân khu 2 - (là nữ ca sĩ Minh Hiếu) tới Phú Yên có việc riêng, và lệnh của tướng Vĩnh Lộc là: "phải đón tiếp chu đáo". Thiếu tá Hai lúc đó đã được thăng cấp Trung-tá quyết định: dùng tiền riêng thuê xe dân sự đưa đón, thay vì dùng công xa.
Vì chuyện này, mà Trung-tá Hai mất chức Tỉnh-trưởng, với lý do: "không hoàn tất chu đáo nhiệm vụ". Ngày ông ra phi trường đi đáo nhậm đơn vị mới, quân dân cán chính ra tiễn đưa rất đông. Không ít người đã nhỏ lệ tiễn đưa.

- Năm 1969, Đại tá Trần Văn Hai trở lại Phú Yên, để xem xét việc thực thi một số kế hoạch trong Chiến dịch Phượng Hoàng, đã đem theo rất nhiều quà để tặng dân chúng. Ông được quân dân tiếp đón như một người ruột thịt - khiến cho một trong những người tháp tùng ông lúc đó là Trung-tá Lê Xuân Nhuận, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Đặc Biệt Khu 2 đã ngạc nhiên. Và sau này có thuật lại trong cuốn hồi ký "Cảnh Sát Hoá, Quốc Sách Yểu Tử của Việt Nam Cộng Hoà" rằng: "chắc hẳn là trong thời gian làm Tỉnh- trưởng Phú Yên, Tướng Hai đã đối xử với dân chúng tốt hết mực, nên mới được quí trọng làm vậy". (trích nguyên văn trong QT.ĐĐ.THSQ.QLVNCH & THH trích dẫn từ Wikipedia).

* Đại tá Hồ Ngọc Cẩn.- Trước ngày 30-4-1975, Đại tá Tỉnh Trưởng Hồ Ngọc Cẩn và một nhóm sĩ quan, binh sĩ... ở trong Tiểu Khu Chương Thiện, họ vẫn nhịn đói nhịn khát, chiến đấu quyết liệt, đến ngày 30-4-75 khi trong Tiểu khu không còn một viên đạn nào, và thức ăn nước uống không có một giọt! Ðại-tá Hồ Ngọc Cẩn & một tốp sĩ quan binh sĩ vẫn quyết tử thủ, để bảo vệ đồn bót. Sau cùng khi ông nghe tin muộn là tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh quân đội buông súng, Đại Tá Cẩn cho thuộc cấp tan hàng, chỉ còn một tướng, một binh, một chốt trong hầm. Họ đã bị Cộng-sản bắt tại hầm chỉ huy. 14-8-1975.- Đại tá Hồ Ngọc Cẩn bị lên án, Việt Cộng làm pháp trường đem ông ra xử bắn trước đồng bào.
Trước khi bị xử tử ông chính khí nói to:

- “Tôi chỉ có một mình, trong tay tôi không có súng. Tôi không đầu hàng ai. Muốn bắn cứ bắn đi. “Ninh Thọ tử bất ninh thọ nhục” (thà chết không chịu nhục). Nhưng, trước khi bắn tôi, hãy cho tôi mặc bộ quân phục và chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa. Cũng như các anh không cần phải bịt mắt tôi, để cho tôi nhìn thấy rõ quê hương và đồng bào lần cuối cùng. Việt Nam Cộng Hòa muôn năm. Đả đảo Cộng sản... (trích dẫn trong Wikipedia).
Tất nhiên là người công giáo thì ông không được phép tự tử - (cho dù tuẫn tiết), nhưng chuyện xử bắn một vị anh hùng suốt đời thanh liêm, tận tụy vì quê hương và dân tộc, thì dường như Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn đã chết vì “đạo - Tổ Quốc & Quê Hương” trên hết. Lời đề nghị của Đại-tá Hồ Ngọc Cẩn chỉ được một phần: là “không bịt mắt”, để ông thân ái mở to đôi mắt nhìn rõ đời, trước lúc Đại tá Cẩn hiên ngang anh dũng đi thẳng vào họng súng... vĩnh biệt thế gian, ông cất cánh bay về thiên đàng, (nơi miền đất hứa trên chốn bồng lai tiên cảnh: bác ái, vị tha, yêu thương & tự do muôn năm...)

Major Dang Si Vinh.- He moved in our neighborhood sometime in early 1974. His family - wife and seven children - soon earned sympathy from people along the paved alley of a Saigon suburb where most inhabitants were in lower middle class. His eldest son was about thirty years old and a first lieutenant in the Army Medical branch after graduated pharmacist from the Medical School. The youngest was a 15-year-old pretty girl. It would have been a happy family if Saigon had not fallen to the hands of the Communist North Vietnam army.

That was what people in the neighborhood said about the middle-aged RVN Army Major Dang Si Vinh, who was holding a job in the National Police Headquarters in Saigon. At about 2:00 PM on April 30, 1975, almost two hours after RVN President Duong Van Minh surrendered to the Communists, people near by heard several pistol reports from his home. After hesitating for safety, his neighbors got into his home to find Major Vinh, his wife and his seven children lying each on a single mattress, all dead, each by one .45 caliber bullet that gushed pools of blood from the horrible holes at their temples.

On a long dining table, decent meals had been served and eaten as if in an usual and peaceful dinner. There were nine small glasses, all had traces of a pink powder left at their bottoms. Apparently, Maj. Vinh and his relatives had taken the drug - probably sleeping pills - before Vinh gave each a finishing stroke with his .45 pistol. In an open small safe he left some hundreds of thousands South Vietnam piasters, rated about 500 dollars at the time, an indication of his poor circumstances as an army major. On the note along with the money, Vinh wrote: "Dear neighbors," "Forgive us. Because our family would not live under the Communist regime, we have to end our lives this way that might be bothering you. Please inform my only sibling, a sister named ... at... and use this money to help her bury us anywhere. "
Thank you, Dang Si Vinh.

*Anh Hoàng Hùng dịch (từ Major Dang Si Vinh) : Vào khoảng đầu năm 1974, Th/Tá Vinh, vợ và 7 người con dọn về sinh sống ở một khu bình dân, ngoài ngoại ô vùng Sài Gòn. Theo một người hàng xóm cho biết. Và sau một thời gian rất ngắn, gia đình của Th/Tá Vinh được sự thông cảm, và quí mến của bà con lối xóm. Người con trai đầu lòng của Th/Tá Vinh chừng 30 tuổi, Tr/Uy Quân Y, sau khi tốt nghiệp trường Dược (Pharmacist Of medical School), và người con gái út khoảng 15 tuổi.

Gia Đình của Th/Tá Vinh là một gia đình sung sướng, hạnh phúc, nếu Sài Gòn đừng có rơi vào tay bọn Cộng-sản miền Bắc. Theo lời kể lại của hàng xóm về chuyện Th/Tá Vinh, người nắm một chức vụ trong Bộ Cảnh Sát Quốc Gia tại Sài Gòn. Chừng 2 giờ chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh buông súng đầu hàng, thì bà con xung quanh kề cận với gia đình Th/Tá Vinh, nghe vài tiếng súng nổ, xuất phát từ trong nhà của Th/Tá Vinh. Sau khi thấy không còn nguy hiểm, thì những người lối xóm bước vô trong nhà của Th/Tá Vinh. Họ đã chứng kiến Th/Tá Vinh, vợ, và 7 người con nằm kế bên nhau, trên một chiếc giường, tất cả đều đã chết, do thương tích từ viên đạn xuyên qua thái dương. Kế bên là bàn ăn, là bữa ăn rất tươm tất. Kế đó là 9 cái ly uống nước trên bàn, mối cái ly đều có dấu vết tích để lại một chất bột màu hồng, đọng lại dưới đáy mỗi cái ly.

Có lẽ đây là thuốc ngủ, mà trước đó Th/Tá Vinh đã cho mỗi người trong gia đình uống. Sau đó tử tự bằng súng lục Colt45. Một cái tủ sắt đã mở sẵn, Th/Tá Vinh đã để lại vài trăm ngàn đồng tiền mặt, tương đương chừng $500 US dollars, cùng với một bức thư ngắn, do chính tay Th/Tá Vinh viết: “Bà Con mến, Mong Bà Con niệm tình tha thứ cho gia đình chúng tôi, bởi vì chúng tôi không muốn sống dưới chế độ Cộng-sản này. Nên chúng tôi đã chọn cái chết, và chính cái chết đó, có thể đem lại sự buồn phiền đến với bà con. Xin nhờ bà con báo tin này đến người chị (em) của tôi tên là ..., ở ..., và dùng số tiền này, để lo chôn cất cho gia đình chúng tôi. Xin đa tạ Đặng Sĩ Vinh”.

* Thiếu tá Trần Đình Tự Tiểu-đoàn-trưởng Tiểu-đoàn 38 Biệt Động Quân.
- 11giờ sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975, tại trung tâm hành quân của Liên Đoàn 32 BĐQ, Trung tá Liên Đoàn-trưởng Lê Bảo Toàn nhận được lệnh từ cấp chỉ huy Quân Đoàn:
“Hãy ngưng bắn ngay lập tức, ở yên tại chỗ để đợi phía bên kia đến bàn giao khu vực.”
Trung tá Toàn chết sững, buông cái ống liên hợp máy truyền tin rớt xuống đầu người lính truyền tin đang ngồi dưới chân. Ông đổ vật xuống chiếc ghế như cây chuối bị đốn ngang. Ông gượng dậy để lấy lại bản lãnh. Sau cú “Sốc”, Trung tá Lê Bảo Toàn đã điềm tĩnh trở lại, ông cầm máy gọi lần lượt từng Tiểu-đoàn-Trưởng:
- Tiểu-đoàn 30 Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Khoan.
- Tiểu đoàn 33 Thiếu tá Đinh Trọng Cường.
- Tiểu đoàn 38 Thiếu Tá Trần Đình Tự.

Lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng trong đời Th/t Trần Đình Tự đã cưỡng lệnh cấp chỉ huy. Sau khi nhận lệnh buông súng và lời chào của Trung-tá Liên-đoàn-trưởng, anh quay qua Đại-úy Tiểu-đoàn-phó Xường:
- Anh Xường, tôi vừa nhận lệnh mình phải buông súng đầu hàng. Đây là lần chót, tôi yêu cầu anh và cũng là lệnh:
- Anh nói cho các đại đội trưởng và thay tôi dẫn đơn vị ra điểm tập trung. Tôi sẽ ở lại, đánh nữa, tôi không đầu hàng, anh hiểu cho! Tôi không khi nào để lọt vào tay tụi nó lần nữa". Tiếp đó, anh cho tập trung Bộ Chỉ Huy, trung đội thám báo, nói với họ đã có lệnh quy hàng, các anh em sẽ theo lệnh của đại úy Tiểu-đoàn-phó, còn ai muốn ở lại với anh đến giờ chót, thì đứng riêng một bên.
- Lần lượt số người tách khỏi hàng được gần 40 chiến sĩ. Trần Đình Tự đưa tay chào Đại úy Xường và các quân nhân dưới quyền, rồi anh dẫn những người quyết tử tiến vào khu vực vườn khoai mì để tiếp tục “Ăn thua đủ” với địch. Tên chỉ huy của giặc Cộng tiến về phía anh Tự, lớn tiếng lăng nhục QLVNCH, và chỉ ngay mặt anh Tự thóa mạ thậm tệ, rồi bắt anh cởi áo quần (Lon Thiếu-tá may dính trên cổ áo). Anh Tự đứng yên nhất định không chịu.
Tên chỉ huy VC mắt nổi gân máu, tiến đến sát Tự, tay giật mạnh bung hai hàng nút từ cổ xuống đến bụng. Tên giặc Cộng rút luôn con dao găm anh Tự đeo bên hông, nó đâm mạnh vào bụng anh Trần Đình Tự, rọc mạnh xuống phía dưới. Ruột anh Tự lòi tuột ra ngoài. Chưa hả, nó còn ngoáy mạnh mũi dao vào tận trong bụng anh Tự. Anh Tự hét lên bi ai và nghẹn uất, đổ sụm xuống oằn mình giật từng cơn trong vũng máu. Đồng thời với hành động dã thú ấy, tên giặc nghiêng đầu nhìn anh Tự rồi nói gọn:
- “Đem những thằng này bắn hết đi! Toàn là thứ ác ôn cả đấy”!

Tám quân nhân còn lại bị dẫn ra phía sau trường đễ chúng bắn xối xả mấy loạt AK 47. Xác họ bị quăng xuống cái đìa gần đó. Bọn VC dẫn nhau đi. Sự đền nợ nước của Th/t Trần Đình Tự là do lời thuật lại của Đại-úy Xường, Tiểu đoàn-phó Tiểu-đoàn 38 BĐQ. (nay anh Xường đã hy sinh trong trại tù CS Nghệ Tĩnh, năm 1979). Tôi gặp anh Xường lúc ở trại 8 Yên Bái năm 1997. Anh Xường bị VC bóp cổ chết trong ngục thất, vì sau nhiều lần trốn trại anh đều bị bắt. Xường xuất thân khóa 22 A Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

Người thứ hai thuật lại những giờ phút sau cùng của cố Thiếu-tá Trần Đình Tự là người lính Mũ Nâu mang máy truyền tin cho Th/t Tự – cũng bị tàn sát chiều ngày 30 04 75 một lượt với Tự và các anh em khác.
May mắn, chỉ có Đức Trọc (tên anh ta) bị thương giả chết, chờ VC đi xa rồi anh ráng bò vào nhà dân, được dân dấu diếm băng bó, rồi thuê xe Lam chở về Saigòn. Đức ráng sống, ráng tìm cách vượt biên sang Mỹ, để sau đó, kể lại cái chết đau buồn của thiếu tá Tự và đồng đội cho mọi người nghe. (trích từ Cánh Thép do baotri sưu tầm & Reply ghi lại: May-02-11 22:40)

Trung-sĩ Nhất Vũ Tiến Quang.- (10-9-1956 Kiên Hưng, tỉnh Chương Thiện). 2-9-1969.-
1975.- Vũ Tiến Quang thăng Trung-sĩ-nhất. Ngày 1-2-1975.- Ông Quang nổi tiếng trong trận đánh tại Thới Lai, Cờ Đỏ. Trung-sĩ Nhất Quang được tuyên dương trước quân đội, gắn huy chương Anh Dũng. Đơn vị Quang theo là trung đội trinh sát của trung đoàn 31 (Cà Mau).
30 tháng 4 năm 1975.- Vì tất cả đạn dược, lựu đạn, đạn M79 đã hết. Cuối cùng chỉ còn một ổ súng trong hầm chiến đấu cũng hết đạn.

Do có một quả lựu đạn cay ném vào trong hầm Cộng Sản vào hầm lôi ra hai người: Đó là Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu khu trưởng; và Trung-sĩ Nhất 19 tuổi: Vũ Tiến Quang. Họ đã anh dũng chiến đấu tới khi không còn một viên đạn cuối cùng, không chịu khuất phục đầu hàng. Ông Quang bị Cộng-sản bắn ngay tại chỗ. Trung-sĩ Nhất Vũ Tiến Quang chết lúc 15 giờ, ngày 30-4-1975.

* 6 toán thám sát của LĐ.81/Biệt Cách Nhảy Dù trong chiến khu D... 6 toán thám sát LĐ.81/Biệt Cách Nhảy Dù được trực thăng thả sâu trong mật khu VC. Toán nầy làm việc bằng máy PRC25, UHF-1, nên phải qua hệ thống trạm chuyển tiếp (Radio Relay Station) bằng phi cơ L-19, hoặc các đài tiếp vận truyền tin ở các núi cao.

Sau ngày 29 /4/75; họ đã hoàn toàn mất liên lạc bằng truyền tin với bộ chỉ huy LĐ81/BCND. Vì những đài yểm trợ tiếp vận truyền tin không còn, đã bỏ cửa trống không hoạt động. Các đài nầy cũng không hề thông báo cho những cộng tác viên thám sát biết tình trạng đất nước Việt Nam vào những ngày cuối cùng dầu sôi lửa bỏng ra sao!? Ôi! Đau khổ là các toán thám sát không hề hay biết lệnh buông súng đầu hàng ác ôn của T.T Dương văn Minh ngày 30/4/75.
Nên Mười tám (18) anh em thám sát của LĐ.81/BCND của 3 toán thám sát nầy, khi đó lương khô 5 ngày đã cạn, họ đã phải nhịn đói, mưu sinh thoát hiểm, lặn lội từ rừng sâu về đến một làng thuộc quận Tân Uyên, cạnh sông Đồng Nai, gần thác Trị An. Thì bị Việt Cộng bắt giam, bị bỏ đói, bị bắn chết, rồi thả xác lềnh bềnh trôi sông. Những xác của anh em thám sát bị sình thối. Việt Cộng liền bắt dân vớt lên, đem chôn dọc theo bờ sông Đồng Nai.

* Xác anh em thám sát của LĐ.81/BCND khác đã chôn tập thể trong một cái giếng bỏ hoang.
Phần mộ sĩ quan toán trưởng là anh Tuấn đã được gia đình đến bốc cốt từ năm 93.
- Toán viên tên Nguyễn Văn Một đã chết rất thảm thiết.
- Anh Nguyễn Văn Sơn và t/s Võ Văn Hiệp đã chết, do bị giam giữ tra tấn vô cùng kinh khiếp ở quận Tân Uyên.

Do dân làng cho biết: có anh Đức còn ngáp ngáp chưa chết, được hai vợ chồng cụ già trong làng đem dấu anh Đức, và cứu sống. Hàng năm mỗi khi Tết đến, anh Đức đều trở lại chốn cũ ân cần chăm sóc hai cụ, để đền đáp ơn cao đức dày như cha mẹ tái sinh, tạ ơn cứu tử của ân nhân.
Các anh trong toán thám sát của LĐ.81/BCND ấy đã bị VC đánh đập, tra tấn rất dã man đến chết. Đó là những vị anh hùng của LĐ81/BCND âm thầm; sa cơ trong thảm cảnh tháng Tư ở Đại An, họ đã nhận lãnh những viên đạn oan nghiệt vào sau cái ngày 30-4-1975 kia! (do anh Tâm 888 & trích dẫn trong Wikipedia ). Qúy Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa: Địa Phương Quân. Nghĩa Quân... & ... vô danh ẩn tích.

Và còn nhiều!... Rất nhiều chiến sĩ anh hùng vô danh ẩn tích khác. Họ là những anh hùng vị quốc vong thân. Những bậc anh tài sinh vi tướng, tử vi thần. Là những vị anh hùng tử khí hùng bất tử! Họ là những anh hùng kiện tướng, đầy nhiệt huyết, yêu đồng đội, hy sinh vì dân, vì đất nước quê hương. Nhất là vì danh dự của một quân nhân Vịêt Nam Cọng Hoà. Họ rất anh dũng tự quyết định mạng sống mình, không chịu khuất phục địch.
Giống như chí sĩ Trần Hữu Lực thời xưa đã có câu tuyệt mệnh:
“Non sông đã chết. Ta há lại sống thừa. Từ mười năm giũa kiếm, mài dao. Chí mạnh, những mong phò tổ quốc. Lông cánh chưa thành. Việc bỗng đâu hoá hỏng. Dưới chín suối điều binh khiển tướng, hồn nhiên ngầm giúp bọn thiếu niên…”

Đó là sự trả giá tuyệt vời rất đáng kính trọng của một con người coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, qua nhân cách sống của một quân nhân đặt tổ quốc trách nhiệm danh dự lên hàng đầu. Một sự tuẫn tiết vô cùng quan trọng, rất đắt về sự: Vinh quang. Chiến thắng. Bi lụy. Can trường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng; cho đến khi thủ đô Sài Gòn hòn ngọc viễn đông hùng tráng bi phẫn đã đớn đau vỡ vụn! Họ không hề đầu hàng thua cuộc! Vì lý tưởng tự do ưu trội thật cao vời. Và, vì sự bất tử cao cả, hiên ngang đầy oanh liệt. Kiên cường. Bất khuất của người lính Việt Nam Cộng Hoà quá dũng khí, oai phong lẫm liệt. Ôi! Họ đã lưu danh thơm lẫy lừng thiên cổ.

Qúy ông ấy đã anh dũng, hiên ngang đứng vững giữa non sông gấm vóc trong quê cha đất tổ. Họ vĩnh viễn nằm lại trên dãi đất hình chữ S cong cong. Máu của họ đã chan hòa chảy ra nhào trộn với đất phù sa đẫm ướt cả lòng quê. Hai tay họ thân ái ôm trọn quê hương ghì siết ở trong lòng. Họ đã bất khuất và vẻ vang sống mãi trong dòng lịch sử dân tộc Việt Nam có bốn ngàn năm văn hiến. Lão Tử đã có câu:
“Để thân mình lại sau. Thế mà thân mình đứng trước. Gác thân mình ra ngoài. Thế mà thân mình vẫn còn".
Trân trọng lắm thay!
*

Tình Hoài Hương
***
Bổ túc về: Sinh Vi Tướng Tử Vi Thần

Trọng kính thưa độc giả thân quý,

Trải qua 42 năm, (khi miền Nam Việt Nam “bị mất nước” từ 1975 đến ngày nay 2014) - hầu như mỗi năm vào khoảng tháng Tư - thì hầu hết trên các diễn đàn, báo chí, … ở hải ngoại thường đăng “bảng DANH SÁCH & tưởng niệm các vị anh hùng miền Nam Việt Nam đã tuẫn tiết”.
Nhưng, ... mãi đến nay, thể theo diễn đàn:
{“BẢO VỆ CỜ VÀNG” 2013 thì: Đại tá Lê Cầu - Trung-đoàn Trưởng 47 Bộ Binh, Sư Đoàn 22 Bộ Binh, ông đã KHÔNG TỰ SÁT ngày 10/3/1975”. (! , ?) = Và theo bà Hàn Giang Trần Lệ Tuyền thì: “Đại tá Lê Cầu đã bị vào tù, ở “Trại Cải tạo T.154”, - “Trại cải tạo Đá Trắng”, tại xã Phước Lãnh, quân Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Sau đó Đại-tá Lê Cầu lần lượt bị chuyển tiếp các trại: “Trại Cải tạo Tiên Lãnh”. - “Trại biệt giam Đồng Mộ”. Trại “Biệt giam Nhà Trắng”. –“Trại 1”, tức “Trại chính”. (trích dẫn ít đoạn ngắn từ BVCV)}

10/- Trung-tá Vũ Đình Duy, Trưởng Đoàn 66 Đơn Vị 101/QLVNCH, tự sát bằng độc dược ngày 30-4-75.
11/- Trung-tá Nguyễn Văn Hoàn, Trưởng Đoàn 67 Đơn Vị 101/QLVNCH, tự sát bằng súng lục ngày 30-4

Tình Hoài Hương trân trọng cám ơn qúy vị, qua:
Vài chi tiết do qúy anh Không Quân cho tin:
- Đại-Úy KQ Trần Văn Phúc.
- KQ thanbaokimnguu.
- Anh KQ Vũ Ngô Khánh Truất.
- Anh khongquan2
- & GĐ81/BCND do anh Tâm1888.
- Anh Ó Đen 3.
- Anh Phạm Phong Dinh . . .
- & . . . do Tình Hoài Hương sưu tầm lượm lặt trên Net & đã ghi thêm ở phụ trang phụ nầy. THH xin ghi lên đây, để quý độc giả tường, và nghiên cứu trung-thực & chính xác.
Nay kính
Trân trọng
*

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
05-05-2014, 08:31 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1399276801.jpg

Tinh Hoai Huong
05-07-2014, 07:14 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1399446793.gif
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1399446577.mp3
MẸ Dấu Yêu của Con
Chúng con đau đớn kính gửi ba mẹ đóa hoa hồng trắng.
Tình Hoài Hương
***

Tôi cố gắng giằng co, níu kéo, quyết giành lại chiếc áo gấm sờn nhàu nát cũ mèm với định mệnh. Dù thời gian dài dằng dặc lặng lẽ đơn điệu dần dần trôi qua, đã khiến chiếc áo hư hao, phai mòn, sờn úa mục nát ít nhiều. Và không gian trôi dần, trôi dần về phía tương lai mù xa tách bạch ra đôi bờ cuộc sống. Không ai có cách gì ngăn chận tuổi già héo hắt đến trước thời gian. Vâng! Có lẽ nay tinh thần lẫn thể chất tôi đã già cỗi! Và, chiếc áo gấm năm xưa còn đây, mà ngón tay gầy run run tôi cài hoài mấy nút áo cũ, vẫn chưa xong. Thời gian đã cướp dần đi tất cả. Vẫn biết thế, nhưng tôi mong muốn níu kéo, âu yếm dùng-dằng ngắm nhìn lại chiếc áo gấm. Nếu tôi được nhìn nhiều lần càng tốt.

Ngày ấy, chúng tôi vui vẻ dừng chân trên con đường mòn vòng vo gãy khúc uốn lên uốn xuống, quanh co ven đồi thông rì rào ru tình tại Đà Lạt. Chúng tôi chỉ nhìn vài con chim lí lí lắc lắc, rù rì, bay qua bay lại trên những cành cây mảnh dẻ, là cảm thấy hay hay, vui vui. Lần đó, tôi liếc liếc, lí lắc ghé ghé nghiêng nghiêng đầu thẹn thùng e ấp cười, tôi dùng hai ngón tay quệt nhè nhẹ vào một bên má, mà lêu lêu Luật, để trêu chọc anh, rồi cài hộ Luật mấy nút áo, cho anh bớt bị gió lạnh lùa vào cơ thể.

Giờ nầy, Luật cùng muôn ngàn người trai trẻ khác đã bị tập trung đi “cải tạo” trong tù rồi! Chồng đã ra đi. Nhưng Luật không ra khỏi đời tôi. Còn mỗi mình tôi đứng lại bơ vơ, lạc lõng, muộn phiền giữa chợ đời sóng sánh muôn mặt, với sợi tơ hồng quá mong manh cứ rung lên bần bật giữa lưng trời. Tôi lặng lẽ chua chát đối mặt với cuộc sống, ấp ủ kỷ niệm thời chớm lớn, những tủi hổ tiếc xót vô vàn, và những đắng cay thăng trầm tột độ trào lên bờ mi mọng từng chuỗi giọt sầu.

Ngày bị vào tù “cải tạo”, Luật đã bỏ chiếc áo vét (veston) nầy lại, trên chiếc áo vét đã dính hai ba sợi tóc đen mướt khá dài cuả tôi, và một hai sợi tóc ngắn cuả chàng, cùng với những lá thư tình đầy ắp yêu thương do anh viết dày cui, còn trang trọng cất trong túi áo. Thư của Luật viết có văn phong gợi cảm, là những bức tranh phác thảo duyên dáng về câu chuyện gia đình, tình yêu, phúng dụ, vỗ về, hứa hẹn, an ủi, mang tính cách gia đình đầm ấm yêu thương, hạnh phúc bền lâu.

Đó cũng là chiếc áo gấm lý tưởng thiêng liêng tinh tuyền muôn thuở, có dấu vết đậm đà khắc sâu vào tim rất thân yêu, quen thuộc duy nhất từ buổi thiếu thời. Dù qua phong sương sáng khuya trưa chiều mưa gió… chiếc áo của anh đã cũ. Thư tình Luật viết ngả màu vàng úa đọng bụi phấn thời gian, cùng năm ba sợi tóc cuả hai chúng tôi vẫn bóng mướt đen tuyền vẫn duyên tình mãi đến tận bây giờ.

Tôi nâng niu giữ gìn những sợi tóc, phong thư, cùng tấm áo từ hồi chưa cưới nhau. Ngày còn trẻ, tôi chưa lo nghĩ đến tuổi xế chiều phôi pha rồi sẽ ra sao. Bởi tình yêu chúng tôi đó, giống dòng sông chảy qua bao dãi đất: Phù sa phì nhiêu có, cằn cỗi có, tươi tốt có, băng giá hoang tàn lẫn đau khổ buồn xo cũng có. Rồi dòng sông xô sóng sau dồn sóng trước, cuồng nộ đập vào gờ đá, hay lặng lờ êm ả, thong dong xuôi chảy ra biển cả. Mỗi khi chạm trán với thực tế bẽ bàng đắng cay, trong lòng ngút ngàn đau thương, lúc đó tôi lặng lẽ vuốt từng nếp nhăn trên tấm áo, và trang trọng nâng mấy sợi tóc trên hai bàn tay khẽ khàng khum khum bụm lại. Tôi sợ gió từ đâu vô tình lướt qua, tóc sẽ cuốn theo chiều gió bay mất hút, thì biết đâu mà tìm?

Đó là những kỷ vật ưu ái đã theo tôi trên muôn dặm đường đời cay cực, để xoa dịu nỗi hãi hùng và bàng hoàng rất kinh ngạc trong cuộc đời phù du. Tôi ấp ủ tình luyến nhớ, thút thít, bùi ngùi khi soi bóng mình trong gương, cảm thấy lòng nao nao nỗi buồn da diết. Vì đến nay tôi chẳng thể giữ lại kỷ niệm nào thân thiết nhất về anh, khi mái tóc mình thấp thoáng những sợi tóc bạc quyện-bện cùng bao sợi tóc chẳng còn đen mướt? ngoài mấy di vật bé tí ti như đã kể. Thế nhưng, ngọn nguồn óng ả tình trần hiện nay có mất đi chăng? Khi thời gian khẳng định ngàn mối lo âu, đói khát cơ cực run rẩy dâng tràn!? Không thể chối quanh từ sau ngày mất nước, thì lòng trí tôi luôn ray rứt, thương-xót hồi tưởng về quá khứ buồn vui lao xao, dẫu đời xáo trộn, trái tim tôi vẫn đập thình thịch và chao đảo.

Nay tôi đang mặc chiếc áo cũ của chồng, mà lẽ loi đơn côi ghê gớm, tôi âm thầm đi một mình, buồn bã trên con đường xám ngắt thuở xa xưa. Hai bàn tay lạnh giá run rẩy, run lẩy bẩy, tôi không làm sao cài nỗi nút áo bạc phếch thời gian và cũ mèm nầy. Thì ra… giờ đây tôi quá yếu kém và đã già! Kỷ niệm bây giờ chả là gì! Không quan trọng! Chỉ là những chương đã viết trong pho sách tình, xếp lớp lớp trên kệ sách, ít khi được mở ra xem đã phủ lăn tăn bụi vàng. Pho sách cuộc đời từ đây phải đóng lại. Trang giấy đã lật qua quyển mới, thì hồi tưởng nhớ nhung kỷ niệm; chỉ như chiếc lá úa lắc lẽo đong đưa trên cành cao, chờ cơn gió lay để chao đi.

Như những áng mây xám lưng đồi lững lờ bay qua bầu trời mùa thu. Như côn trùng biến dạng vào lòng đất mà thôi. Tôi thấy rõ tính chất phù phiếm của quá khứ mang đầy kỷ niệm lãng mạn rồi. Sau ngày “đổi đời”, tôi muốn sống một cuộc sống khác hẳn: Thực tế sung mãn hơn. Nhưng, chả hiểu có thực hiện nỗi không, là còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và ý chí: Trước tiên, tôi muốn cho đàn con phải nên người hữu dụng, kiên cường, dù bụng đói cồn cào, để vượt qua mọi chông gai thử thách, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ ngất ngư mà. Ý nghĩ nầy như viên sỏi ném xuống mặt hồ phẳng lặng, tạo thành những vòng tròn đồng tâm, ám ảnh tâm thức tôi bồn chồn, băn khoăn, co siết mãi trong lồng ngực quắt quay.
***

Tôi vô cùng nhớ Mẹ thân yêu, dù đa đoan với công việc bề bộn, tôi cũng cố tìm giấy bút để nặn lên vần thơ về Mẹ:
Mẹ tôi mắt phượng mày ngài
Vai ngang dáng nhỏ tóc dài chấm chân
Cười xinh chúm chím hạt huyền
Không hề quản ngại thuyền quyên một thời

Sớm khuya nắng gió cuộc đời
Bán buôn tất bật (thảnh thơi bao giờ)!
Rảnh rang chằm nón bài thơ
Vá may quần áo, mẹ thờ song thân.

Nhiều khi mẹ đã ân cần
Viếng thăm người bệnh, bạn gần xóm xa
Chia cơm xẻ áo nhiều nhà
Những chiều tần tảo vào ra mẹ cười

Nhẹ nhàng gánh thúng hoa tươi
Luyến lưu mẹ nói: “Xin mời mua hoa”
Kẻ trên người trước dần dà
Trao tình quý mến. Thiết tha mẹ hiền.

Mẹ tôi là một bà tiên
Gia đình đầm ấm đoàn viên một nhà
Ngọt ngào Con Cháu Mẹ Cha.
Niềm vui hạnh phúc bao la tình nồng.

Ngày mồng 5 tháng 5 năm 1980 âm lịch, anh Chín Dzoãn báo tin sét đánh: Mẹ tôi đã chết ở trong Ta In (khu đất thuộc cuối vùng Tỉnh Tuyên Đức Đà Lạt). Ta In là cuối địa đầu quận Đức Trọng, giáp ranh giới vùng Di Linh. Nơi tít tót đèo heo hút gió, thâm u cùng cốc lạnh lẽo, vô cùng hiểm trở, có đi mà ít có ai về nguyên vẹn. Nơi chó ăn đá gà ăn muối, nơi khốn cùng của vùng “kinh tế mới” khô cằn toàn sỏi đá. Chỉ nhiều rắn, rết; vô số muỗi, vắt, đỉa, ruồi trâu, bò cạp rừng to và độc kinh khủng. Chúng chuyên bu bám vào người ốm để hút máu. Nơi có nhiều mụt măng le, tre rừng, ta ăn vào cho đỡ đói, thì sẽ bị sốt rét ngã nước, mà lăn ra chết toi.

Cầm tờ điện tín, tôi lặng người rất lâu, không thể khóc thành tiếng. Nước mắt u uẩn tự động tuôn chảy từng dòng rồi dội ngược vào tim mình quằn quại đau điếng. Hình như tôi nghẹt thở, chết dần chết mòn, không còn cảm giác nào khác, ngoài sự dày vò, ân hận, đớn đau dâng lên tột đỉnh.

Vì, giá như trước ngày 30-4-1975, nếu có chiến tranh, có đánh nhau dữ dội, tôi cũng còn chiếc xe hơi riêng mới toanh mang hiệu Peugeot 404 chạy đi... Hay là tôi có thể mua vé máy bay khứ hồi cấp tốc bay về với mẹ, tôi qùy xuống bên mép giường, cầm tay mẹ, ôm chặt mẹ lúc mẹ hấp hối. Ôi! Giờ đây tôi không thể đến bên xác mẹ già yêu dấu, để nhìn mẹ một lần chót trong giờ phút mẹ lâm chung. Tôi không thể nào xin tấm giấy phép đi đường. Tôi cũng không thể chen lấn ra bến xe đông nghẹt người có giấy phép ưu tiên. Vì, tôi là kẻ “ưu tiên u đầu” thì có. Tôi không thể đứng ngày nầy qua đêm khác ngoài bến xe, nhịn đói nhịn khát, mà chẳng dễ dàng gì chờ mua vé xe từ Sài Gòn đi Đà Lạt. Biết tin mẹ chết, cũng đành chịu! Dù từ Hốc Môn đi Ta In, chỉ hơn 300 cây số.

Thế là hết thật rồi! Một thân xác héo hon đã thực sự trở về với cát bụi phù dung. Tôi không lẽo đẽo đi sau quan tài mẹ, vật vã khóc than mà tiễn đưa mẹ về nơi an nghỉ nghìn thu. Má con chúng tôi không biết làm gì hơn, ngoài việc quây quần bên nhau, gùy dưới nền đất, bồn chồn lo âu, sụt sùi, băn khoăn, suy niệm lời Chúa, lâm râm dâng lời cầu nguyện. Tôi ứa nước mắt nhìn mẹ trong hồi tưởng:

Mẹ tôi sanh tại làng Thuận Nhơn. Nhà ông bà ngoại ở quê (tức ông bà cố ngoại của con tôi. Làng ở bên con sông rợp bóng hai hàng dừa và lũy tre xanh um bóng mát thuộc Tổng Cù Hoan, Phủ Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị. Mẹ lớn lên trong một gia đình bế thế, phong lưu giàu có, ruộng vườn của ông bà ngoại cò bay thẳng cánh, lúa gạo trâu bò nhiều nhất trong vùng thời bấy giờ. Ông cố ngoại là một võ quan rất giỏi ở triều đình vua Khải Định, Huế).

Mẹ có dáng dấp thon thả, làn da bánh mật, răng hạt huyền nho nhỏ đều đặn, miệng cười chúm chím, mắt phượng mày ngài, mũi cao, mái tóc dài láy đen bối thành một búi to sau gáy. Áo quần mẹ luôn trang nhã, sạch sẽ và tươm tất. Mẹ đi ra ngoài đường, ở trong nhà, hay đi ngủ, mẹ đều thay đổi quần áo đâu ra đó hẳn hoi. Dù đi khỏi xóm, đi chợ, hay đi bán, mẹ luôn mặc áo dài đoan trang kín đáo che thân. Đặc biệt mẹ sống cuộc đời bình dị đạo đức, chất phác lương thiện, dịu hiền phúc hậu. Mẹ siêng năng tần tảo đầu tắt mặt tối, long đong bán buôn xuôi ngược.

Mẹ nhẫn nhục lao khó giúp chồng, nuôi đàn con mười mạng nên người. Vất vã vì chồng vì con nheo nhóc, mẹ không hề tỏ lộ bất bình, hay nặng lời to tiếng. Trời mưa tháng gió ở nhà rảnh rỗi, mẹ siêng năng cần mẫn khéo tay tự chằm nón lá. Mẹ may áo quần cho chồng, con. Đôi khi mẹ cũng may biếu cho bạn mẹ, và người thân. Đó là việc vặt trong nhiều hy sinh to lớn khác. Phải nói là hầu như suốt cuộc đời mẹ, chưa có lúc nào an nhàn thảnh thơi, ngưng nghỉ tay chân. Cái số mẹ cực thân đến thế mà! Đồng thời mẹ xứng hợp với đức tính bác ái khoan dung của chồng. Mẹ dễ dãi cả tin khi ai nói điều gì xuôi tai “nịnh” mẹ, thì có bao nhiêu tiền của, mẹ nhẹ dạ trút cho người ấy hết. Dù sau đó biết mình bị lừa, nhưng mẹ không giận lâu, mẹ “hờn mát” một chút, rồi quên ngay.

Mẹ chân chất hiền lương đến độ thật thà như đếm. Mẹ tính tiền cũ từ thời vua Bảo Đại ra tiền cụ Ngô, đến thời đổi tiền ở chế độ Sài Gòn, ra tiền mới sau ngày mất nước 75, thì mẹ giống thầy bói mù sờ con voi. Mẹ luôn bị kẻ chợ ăn lường. Thế nên, dẫu bị mất hết tất cả tiền bạc, nhà cửa villa, biệt thự tan hoang, mẹ không thèm tiếc. Mà mẹ chỉ ôm khư khư bình vôi đồng đen nhỏ như cái chén kiểu, nhưng khá nặng, và rất có giá trị, chiếc bình vôi nầy có mấy tiệm vàng như Kim Khánh hoặc Kim Ngọc trả giá 5 cây vàng bốn số 9, nhưng gia đình chẳng ai chịu cho mẹ bán! Thân bình vôi tròn vo, đít vôi bằng phẳng, có quai xách đồng xinh xinh bên tai vôi. Mỗi lần ăn trầu, mẹ khéo léo lấy cây chìa vôi têm vào mấy lá trầu xong, còn dư vôi trên cây que chìa, mẹ quệt quệt lên trên miệng bình, cho “bình vôi hưởng tí xái”. Thế là miệng “bình vôi vui vẻ” nhô cao, còn lỗ miệng bình vôi thì teo tóp dần nhỏ xíu; trông nó hô, loe, vẩu ra, hơi giống miệng con heo nái, coi ngộ nghĩnh sao đâu. Hồi ấy tôi nói với mẹ:
- Tại mẹ ưa mời bình vôi ăn trầu, nên cái miệng nó mới loe ra dị hợm kinh khủng nè.

Mẹ cười vui vẻ. Mẹ rất thích bình vôi đồng đen nầy, nó đã theo mẹ suốt từ thời mẹ về nhà chồng, đến tận ngày nay. Ấy vậy mà bây giờ mẹ cũng buông thỏng hai từ bỏ hết. Kể cả chồng, con, cháu, chắt, dấu yêu. Mẹ bỏ hết của cải vật chất vinh sang xưa. Một mình mẹ lặng lẽ chết đói ra đi âm thầm, mẹ về bên kia cuộc sống mới.
Bà chị dâu của tôi đã kể lại rằng:

Hôm mẹ vĩnh viễn từ bỏ con, cháu, ấy là một buổi sáng trời ốm nắng, lất phất từng đợt mưa phùn, trong nhà ai ai cũng lo đi rẫy, đi rừng rất xa, xa ghê lắm; để kiếm sống. Tửng bưng sáng, anh Dzoãn đi bộ từ trong Ta In ra Tùng Nghĩa (xa xôi khoảng hơn hai mươi cây số); anh chạy đi vay tiền, để mua thuốc cảm về cho mẹ. Ở nhà chỉ có một mình chị vợ loay hoay dọn dẹp nhà cửa. Mẹ nằm im trên giường không động đậy nhúc nhích. Chị (chị dâu) thấy mẹ không dậy ăn trưa như mọi ngày, nên chị bước qua gian liếp bên cạnh, chị đến bên giường tre lạnh lẽo, không nệm ấm chăn êm.

Nhà anh chị quá nghèo, sau 30/4 anh đi tù 5 năm, vừa được tha về, khi cả nhà bị đi kinh tế mới. Họ chỉ có mấy nhúm quần áo tẻo teo, vài bao bố: son nồi chén bát, guốc, dép, linh tinh… Ít mùng mền đơn bạc, và những bàn tay trắng. Con dâu dắt díu mẹ già tám mươi tuổi lom khom leo núi chùng chập, vượt đồi trùng điệp. Chồng đau bao tử cùng bầy nhỏ lút chút tám chín đứa con, đứa lớn nhất mười ba tuổi trở xuống đứa non tháng tuổi, thì lấy đâu ra những thứ xa xỉ ấy trong thời buổi gạo châu củi quế như ri.

Mẹ trùm chiếc khăn màu nâu, mặc áo dài nỉ dạ đen, quần đen, áo len nâu khoát bên ngoài, và mang đôi tất đen. Mẹ nằm nghiêng, quay mặt vô phía ván vách bằng bìa gỗ. Mẹ chập chờn thiêm thiếp trong giấc ngủ muộn phiền.
Chị e dè hỏi thăm:
- Mệ ơi! Mệ có khoẻ không?
Chị Ngọ không thấy mẹ trả lời, chị liền cúi sát xuống bên mẹ, nhè nhẹ lay lay đập đập vào cánh tay mẹ:
- Mệ ơi! Con nấu cháo cho mệ ăn nghen.

Mẹ tôi lừ đừ mở đôi mắt nhiều ánh đục, dường như đã bất thần ra, mẹ cố gắng quay ngoái cần cổ yếu ớt về phía con dâu, thều thào:
- Hôm ni có… cháo ăn… hả con.
- Dạ. Mệ đau, không ăn được măng luộc hầm mềm như mọi ngày đâu. Để con chạy ra chợ xép, mua chút gạo, con về nấu xí cháo.
- Có gạo là mừng hì.
- Mệ ráng chờ nghe. Chợ hơi xa. Con sẽ đi về ngay, nấu mau lắm.
- Thôi con. Để dành gạo nấu… cho thằng Cu Nâu… có chút nước hồ mà uống, thay cho sữa mẹ không có… Con à.
- Thằng bé con không đến nỗi nào đâu. Mệ.

Thế rồi, mẹ tôi ư hữ… ú ớ… mệt nhọc rên khe khẽ, mẹ lại lừ đừ, khó khăn mệt nhọc khi quay mặt vào trong vách. Hơn giờ sau, khi chị dâu bưng chén cháo tới gần giường mẹ. Mẹ mỉm nụ cười méo mó, từ từ nhắm mắt, và dần dần lịm thiếp vào giấc ngủ nghìn thu êm đềm không muộn phiền. Chị không hề nghe tiếng mẹ thở, tiếng nấc, chị cứ ngỡ là mẹ mệt muốn ngủ chút xíu như mọi ngày. Mẹ đã đói khát thiếu thốn năm năm rồi, và trước khi lìa đời, mẹ vẫn nhịn đói. Mẹ không đành lòng ăn chén cháo trắng lỏng bỏng với tí muối hột.

Nay mẹ không nói một lời từ giã, không một lời trăn trối. Mẹ muốn im lìm sớm ra đi, ngỏ hầu trút bỏ gánh nợ đời, khỏi làm phiền con cháu khó nghèo đông đúc. Con cháu không phải cưu mang “nuôi người vô dụng” thêm một miệng ăn. Mẹ muốn rũ bỏ từ trên vai anh chị tôi, và các cháu nhỏ nỗi âu lo phiền muộn vì bổn phận và trách nhiệm nặng nề. Ôi Mẹ! Mẹ muốn nhịn phần ăn hiếm hoi ít ỏi qúy báu cuối cùng, để chia sẻ cho đứa cháu nhỏ chưa tròn hai tháng. Mẹ đã chết đói. Mẹ âm thầm lặng lẽ êm ái ra đi đúng vào ngày Tết Đoan Ngọ.

Lẽ ra, như Tết Đoan Ngọ từ những năm xa xưa, thì mẹ tôi ưa đi chợ mua đầy thức ăn, hoa quả bánh trái. Mẹ làm bánh tro, bánh nếp, bánh bèo, bánh ít, bánh nậm, vân vân... Mẹ làm cả cơm rượu nếp cẩm, nếp than. Mẹ nấu cơm gạo thơm với nhiều thức ăn thịnh soạn, nóng hổi, linh đình, để cho con cháu từ xa trở về nhà thăm cha mẹ. Cha mẹ con cháu hân hoan sum họp gia đình vui vẻ ăn uống. Mẹ nói:
- Các con, cháu, ăn bánh tro, ăn cơm rượu, uống chút nước cơm rượu, thì sẽ diệt giun sán trong bụng. Hì.

Hầu như cả xóm Trong xóm Ngoài ở Ta In đều thương cảm mẹ của chúng tôi, họ đã cùng nhau đến nhà anh chị Dzoãn, tận tình lo cho mẹ chúng tôi chu đáo. Mỗi người một việc tươm tất từ đầu đến cuối gọn gàng. Trước khi đậy nắp áo quan, họ vẫn để nguyên bộ quần áo cũ, khăn, tất, lúc mẹ chưa đành-đoạn bỏ đi. Và họ mặc lồng thêm cho mẹ chiếc áo gấm, nền áo màu nâu non điểm rải rác những bông hoa cúc đại đóa vàng nghệ. Chiếc áo gấm xưa kia mẹ tôi đã mặc trong ngày trọng đại nhất của đời con gái, khi họ nhà trai hân hoan tưng bừng đến rước dâu. Nay thì những người khác đã thay ba tôi mặc chiếc áo gấm (của ba đã ưu ái trao tặng mẹ). Họ đặt xâu tràng hạt Mân Côi vào bàn tay mẹ lạnh giá, và họ nhớ để bình vôi đồng đen bên cạnh mẹ. Sau rốt, họ choàng thêm cổ áo quan dày cui thô sơ thơm mủ ngo ra bên ngoài toàn thân mẹ.

Mọi người tiễn đưa mẹ về an nghỉ nơi nghĩa trang quạnh quẽ. Không một vòng hoa cườm đen cườm tím cùng lời thành kính phân ưu. Không có cỗ áo quan sang trọng đắt tiền, mà chỉ là sáu tấm ván thông đơn sơ hèn mọn thơm lựng mùi nhựa mới. Không hề có bát nhang đèn nến, rườm rà nghi lễ. Không có gì, không còn gì tất cả ngoài nỗi đớn đau kinh hoàng phủ chụp xuống đời lặng lẽ. Ấy thế mà người dân cùng đinh đến thăm viếng mẹ đứng lố nhố đông đúc, từ ngoài ngỏ đầy kín người cho đến trong nhà tranh lụp xụp đìu hiu chật chội nầy.

Họ chia buồn, ân cần giúp đỡ gia đình anh chị tôi nhiệt tình. Họ nghỉ đi rừng ngày hôm ấy, không đi rẫy, nghỉ đi làm dù một ngày, là họ nhịn đói nhịn khát và có thể càng thêm đau ốm xanh xao. Họ cùng nhau lặng lẽ khiêng quan tài mẹ tôi băng rừng, leo qua một triền núi thấp, vượt đốc, qua bãi đầm, đi trong thung lũng sình lầy. Rồi họ leo lên ngọn đồi toàn đá ong lởm chởm, đi trên núi cao chót vót và đơn điệu, nơi đây chỉ toàn sỏi đá và gió lồng lộng hú rít, thổi đám bông lau xoay xoay trắng cả lòng quê, và từng cơn gió kéo dài lê thê lạnh thấu xương.

Mẹ tôi nằm xuống, vĩnh viễn ở lại nơi rừng núi bạt ngàn hoang vu lạnh lẽo, đơn điệu chơ vơ với cây thánh giá gỗ lắc lư theo gió rì rào. Tấm bia mộ gỗ đơn sơ ghi khắc nơi an giấc nghìn thu đạm bạc và đớn hèn: Mattha Ngô thị Cúc, sanh năm: 1895 >> 1980. Thọ 85 t. Thật đông nghẹt người đói khát nghèo nàn lại lủi thủi buồn xo trở về lối cũ, trên con đường đất đỏ gồ ghề, nơi mẹ đã nhờ người sống thút thít ngáp ngáp mang mẹ đi qua. Khi tôi có thể đến với mẹ… thì nấm mồ mẹ đã lút cỏ xanh. Tôi luôn đau đớn, tủi hổ, dày vò và khóc sưng mắt khi nghĩ về mẹ.
***

Thời gian lật đật buồn bã chán chường qua đi, tôi tất bật, bồn chồn, âu lo với công việc cơm áo khốn đốn mỗi ngày, nhưng gia đình vẫn không đủ sống, nghĩa là thường xuyên đói khát cơ cực. Ngoảnh nhìn lại, mới đó mà đến ngày giỗ đầu của mẹ. Tôi bươn bả đi mót khoai lang, sắn mì, dưa leo và đậu đũa ngoài ruộng Nhị Tân (Hốc Môn). Tôi hớn hở đem mấy thứ ấy về nhà, làm sạch, chu đáo xào nấu xong. Tôi bày thức ăn lên chiếc bàn cũ kỹ xiêu vẹo, bàn chỉ có ba chân rung rinh như răng rụng. Còn một góc bàn thì kê tấm táp lô sứt mẻ, để thay thế một chân bàn què.

Bà Nga hàng xóm là người thân cận nhất bây giờ đã nói:
- Xời! Việc gì cô phải nhọc lòng! Chứ cô không thấy giờ nầy trời đang mưa xối xả, nhà thì dột và rách nát như ổ chuột. Ơ! cô lại bắt mẹ mặc áo gấm lội nước lụt, trong nhà y như cái ao. Cô làm gì có bàn ghế cho mẹ ngồi chò hỏ chơi, xơi cơm độn với nước. Mẹ cô chưa kịp về ăn chút xí, thì bầy ruồi ốm đói trốn mưa đã trúng mánh, bu lên mấy dĩa thức ăn tám lớp, và o o o… xơi tuốt rồi. Giỗ mí chạp cho mệt! Khéo vẽ!

Bà Nga chẳng ngại mất lòng, líu lo nói huyên thuyên, và cười sảng khoái. Tôi lắng nghe mãi, mới hiểu được thâm ý bà. Thiệt dễ ghét quá đi. Tôi ngẩn ngơ nhìn bà Nga. Những giọt nước mắt nóng hổi đang lăn dài dài xuống má. Giọt khóc quê hương. Giọt hờn tủi khóc ông bà ông vãi cha mẹ khuất mặt khuất mày. Giọt khóc chồng sống đoạ đày ở trong tù “cải tạo”. Giọt khóc bầy con lút chút lù đù, vất vưỡng long đong cơ cực ở vòng ngoài, (tù trong và tù ngoài xêm xêm như nhau, có khác chi, như cá mè một lứa). Giọt đắng cay khóc cho chính bản thân tôi lầm than khốn cùng.

Khổ đến nỗi tôi không thể đào đâu ra tiền, chẳng có cắt bạc để mua cặp nến đỏ, bình hoa tươi, không hương nhang cắm trên bàn. Tôi không thể mua bột về làm bánh cúng mẹ dĩa bánh bèo, bánh ít, bánh nậm: thứ bánh mà mẹ thích ăn lúc sinh tiền! Tôi không thể kéo mẹ về trong hương khói, để má con chúng tôi quỳ dưới đất, sì sụp lạy tạ lỗi cùng mẹ, cùng bà ngoại! Sợi dây tơ rung quá mong manh, tơ trời nhẹ tênh thiêng liêng kia đang run bần bật giữa lưng trời mưa trắng. Niềm ước mong nối liền tình yêu thương ngút ngàn giữa mẹ -với má con chúng tôi- đã đứt lìa trong khói hương.

Một kỷ niệm bất ngờ về những cơn mưa không sao giải thích nỗi, tâm trí tôi vụt quay về dĩ vãng xa lắc xa lơ: có một thuở nào hình như xa xôi, xa xa lắm… gia đình ba mẹ tôi đang từ trên đỉnh cao sung túc, phù vinh, giàu sang… bỗng rớt tụt xuống vực thẳm, vì ba tôi làm chủ nhà máy cưa cây, bị nó hại cho khánh tận, đã khuynh gia bại sản. "Của rừng, rưng rưng nước mắt thật" mà! Bao nhiêu tiền ba làm thầy thuốc đỗ vô cây cối, cũng như nước đỗ lá khoai. Hồi ấy có màn mưa xám đục buông suốt ngày đêm, rất bé thơ tôi đứng trong khung cửa sổ, nhón chân xem mưa đập lộp bộp vào cửa kính, những dòng nước nhỏ ngoằn ngoèo chảy xuống tấm kính mờ đục, tôi háo hức chờ đợi mẹ về nhà.
“Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa.
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương” (cd).

Mẹ đi chân đất, đầu đội nón lá cũ ướt nhẹp, toàn thân mẹ dầm dề nước mưa, chiếc đòn gánh uốn cong đang kẽo kẹt trên vai mẹ, còng xuống hai thùng nước cơm trĩu nặng. Mẹ đã đấu thầu được cơm thừa canh cặn từ ngoài mấy đồn lính, tự mẹ đến gánh về: Một thùng rất sạch đậy kín đựng cơm nóng, có mấy ngăn cào mên đựng thức ăn, còn nguyên trong chảo, (mà chú quản đội vừa múc ra cho mẹ, chưa có người ăn, thì để cả nhà tôi ăn buổi tối). Thùng kia đủ thứ hỗn tạp, là nuôi bầy heo vài chục con. Mỗi buổi nhọc nhằn trở về nhà, mẹ thường dúi cho tôi khi thì vài cái bánh ngọt, khi có miếng chocolate, hay trái chuối, trái bắp. Tôi thèm ăn nhất là lát bánh mì cứng hấp trong nồi nước sôi, bánh mì nóng mà chắm với nước mắm ớt, nước cá hoặc nước thịt, tôi ngấu nghiến ăn cảm thấy ngon hết sẫy.
“Thương con tần tảo sớm hôm.
Cơm đùm chéo áo, cháo đùm lá môn”. (cd)

Một lần kia, mẹ kêu chủ thầu các trường học nội trú trong địa phương đến nhà, mẹ bán mão bầy heo thịt. Mẹ và các con cháu trong nhà dẫn bà đầm, cùng phu cai xuống chuồng nuôi heo, cách xa nhà bốn mươi mét. Ngả giá xong xuôi, phu cai trói bầy heo cho vào rọ, họ khiêng những rọ heo lên trên đường cái, và vất vào ba chiếc xe ngựa. Bà đầm cầm cái áo veste của bà (đã máng vào càng xe ngựa đậu trên đường cái), bà ta móc túi lấy tiền, thì đồng tiền không cánh mà bay?! Bà đầm tri hô mất ba trăm sáu chục đồng Đông Dương. Bà ta quyết một quyết hai bảo là:
“Người trong nhà nầy đã ăn cắp”. (!!?)

Bà ta tri hô lên làm hung dữ, bà kêu lính hộ tống chạy đi gọi hiến binh, phú lít tới. Hiến binh không cần biết luật lệ phải trái, không cần biết bà ta có mất tiền thật trong túi áo, máng bên sườn xe kéo, để bên lề đường cái; hay không?! Họ còng tay mẹ tôi và xô dụi mẹ lên chiếc xe ngựa. Mẹ nằm với mấy chục con heo kêu la rần trời. Mặc kệ gia đình tôi kêu khóc, phản đối inh ỏi. Chúng hăm doạ:
- Nếu lộn xộn làm mất an ninh, sẽ bị bắt - nhốt hết cả đám.

Quân cướp cạn hùng hổ, quất ngựa phóng nước đại chạy như bay. Họ tống giam mẹ vào nhà lao. Hơn nửa tháng bặt tin, sau đó chúng thả mẹ ra. Mẹ về như cái xác không hồn, trông mẹ quá tiều tụy thảm thương. Ba tôi, con cháu xúm xít ngồi chung quanh mẹ, lo lắng hỏi thăm. Mẹ im lặng mà rấm rức khóc sưng húp mắt. Mãi lâu mẹ hổn hển kể lại: Suốt bao ngày mẹ bị nhốt, chúng cho mẹ ăn ngày một bữa nửa chén cơm khô, với ít muối hột. Đêm đêm bọn lính Tây lôi mẹ ra tra điện, chúng độc ác tra khảo, chích điện vào người bắt mẹ phải nhận tội, dù mẹ không hề làm.

Mỗi lần mẹ bị bọn tà lọt gian ác tra điện, thì mẹ sợ hãi kinh khủng, dòng nước ấm chảy ra ướt dầm thân thể mẹ. Mẹ không thể nén mồ hôi hột lạnh toát, không thể nín lại cơn buồn đái. Mẹ không đủ sức chịu đựng cơn đau, mẹ đau đến ngất xỉu, thì chúng lôi chân mẹ kéo xềnh xệt về phòng giam trống không giường chiếu. Chúng tạt nước lạnh cho mẹ tỉnh lại, mẹ bị chảy máu mũi, máu đầu. Mẹ run rẩy, mặt mày xây xát, sưng húp, bầm tím. Mẹ thật chịu oan ức tột cùng, mà tiền mất tật mang. Suốt từ đó đến nay mẹ luôn luôn sợ hãi và yếu hẳn người. Mẹ bị đau tim và thường xâm xoàng, ngất xỉu vì quá hãi hùng. Bọn Tây thời đó đầy quyền uy, hống hách, ác độc hơn loài hổ sói, người dân thấp cổ hé họng chỉ câm miệng cúi đầu, điếng lặng cắn cỏ ngậm vành, không dám hó hé than van. Vậy đó, mẹ chịu đủ mọi oan ức, khổ sở cay đắng nhọc nhằn, tủi cực trăm bề, để lo nuôi dạy đàn con nên người.

Một lần kia, sau thời gian bị tra khảo đánh đập tù đày oan đó khá xa, mẹ vẫn lặn lội đi gánh nước cơm về nhà, mẹ đã thay bộ áo quần ướt sủng nước mưa. Mẹ ngồi bên bếp lò giơ đôi bàn tay nhăn nheo sạm nắng chai cứng, tóp teo vì thấm lạnh ra, để sưởi ấm. Mẹ âu yếm nhìn tôi ngồi kế bên bỏm bẻm ngấu nghiến nhai bánh mì. Bỗng mẹ nhìn tôi sửng sốt, lạnh lùng hỏi:
- Đôi guốc mới, con mang đó. Mô rứa?
- Dạ... Của con... con... l..a...
- Mẹ đã nói rồi, đợi bán heo, mẹ sẽ mua cho con quần áo, dép guốc cho con đi học. Mẹ biết con mau lớn, giày dép cũ con mang không vừa, mà đi chân không thì lạnh lắm. Mẹ lo sợ con đau. Ngặt nỗi, bi chừ chưa có tiền. Mà răn con dám cả gan, đi ăn cắp, của ai rứa?

Tôi cúi gầm đầu, một tay túm mái tóc bum bê, nhìn đôi guốc mới mang vừa vặn ở chân mình. Đôi guốc màu đỏ đầy hấp dẫn, có hai quai cánh cam in đủ màu sắc hoa lá. Tôi thấy nó quyến rũ, ước ao vô vàn từ lâu. Khi chị Tư sai tôi vào quán chị Thế mua trứng vịt, tôm khô. Thừa lúc quán xá bận rộn người mua kẻ bán, tôi lấm lét ngó trước nhìn sau, rồi vội thò tay chộp đôi guốc kẹp chặt vào nách, (đã che kín bằng chiếc áo mưa lụng thụng). Trống ngực tôi đánh rất mạnh, mặt mày tái mét, tôi run như cầy sấy, tôi liền lẽn ra và co giò chạy. Vừa chạy tôi vừa ngoái cổ lại nhìn chị Thế, là bà chị dâu của tôi, chị ấy không biết gì hơn, ngoài việc chị thu nhiều tiền đầy nhóc vào tủ sắt.

Mẹ già nua trước tháng năm đang gục đầu trên hai đầu gối ướt lạnh, run rẩy, mệt nhọc - và khóc. Mẹ khóc vì tội lỗi của con thơ. Mẹ khóc vì cảnh thăng trầm không thể ngờ, vì mẹ chưa mua nỗi đôi guốc cho con, (chỉ đáng vài xu trong khi tiền ba tôi làm chủ trại cưa cây, thì bạc trăm, bạc ngàn, kể như ba đỗ xuống biển. Và, tiền bán hai chục con heo, mẹ bị bọn chúng trấn lột hết). Trong đêm trường thanh vắng, khuya lắc khuya lơ, tôi nghe rất khẽ nhưng rõ ràng tiếng mẹ đọc kinh cầu nguyện đều đều. Thỉnh thoảng kèm theo vài tiếng thở dài nho nhỏ, lời mẹ nguyện xin cho con cháu bình an, mạnh khỏe.

Tối hôm đó mẹ thức rất khuya, ngồi một mình dưới gian bếp đèn dầu leo lét, mẹ đã cắt khúc vải nhung màu vỏ măng cụt, để may áo cho tôi mặc ấm. Chiếc áo ấm gồm ba lớp: lớp nhung ở ngoài, mẹ bọc thêm một lớp gòn rất mịn ở giữa, và may chằn thêm một lớp lụa sa tanh mới lót ở bên trong. Tôi leo lên giường từ lâu, trằn trọc mãi không làm sao ngủ được, tôi rất sợ và lo âu, không dám nhúc nhích. Tôi cứ mở mắt nhìn mẹ chăm chú làm việc. Khá khuya, mẹ lê đôi dép lẹp xẹp lần mò từng bước, mẹ nhẹ nhàng đi trong bóng tối mờ mờ.

Mẹ vặn ngọn đèn dầu hột vịt thật lu, mẹ cố không khua động giấc ngủ của mọi người. Trong bóng tối, tôi hé mắt nhìn mẹ ngồi đọc kinh, sau đó mẹ ngả lưng xuống đệm theo tiếng thở dài. Tôi nằm im giả vờ ngủ say. Bàn tay mẹ lạnh ngắt run run sờ soạn tìm con. Mẹ đặt đầu tôi nằm ngay ngắn trên gối mỏng. Mẹ kéo hai chân tôi thẳng ra, và đắp mềm lên tận cổ tôi. Mẹ ôm tôi vào lòng và hôn lên mái tóc tôi khét nắng. Nước mắt mẹ thấm lạnh da đầu tôi.
“Nuôi con chẳng quản chi thân.
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”. (cd)

Thì ra mẹ đã khóc. Khóc âm thầm lặng lẽ trong bóng tối. Mẹ giống người chèo đò đơn độc ra tay chống chèo trên dòng nước ngược đầy sóng gió, khi đàn con nhỏ sợ sệt, la khóc, run rẩy bám chặt vào mạn thuyền. Mẹ cố sức chịu đựng giông bão, gian truân âm thầm và câm lặng dai dẵng; miễn sao cho con, cháu, bình yên, no ấm. Mẹ là một trong vạn triệu người Mẹ Việt Nam tần tảo, phúc hậu, ôn hoà cao cả, hy sinh xiết bao suốt đời mình. Bốn tuần sau, mẹ bán bầy heo thịt khác. Ba tôi vượt núi băng rừng khổ cực trăm bề làm cúp cây, nay đã hoàn toàn ổn định. Gia đình chúng tôi lại bắt đầu khá giả, vinh sang hơn năm cũ. Nhờ mẹ tôi quáng xuyến, đảm đang, siêng năng, tháo vát. Ba tôi giàu kinh nghiệm và liêm chính đàng hoàng trong việc làm chủ trại cưa, nên ít lâu sau gia đình tôi thoát khỏi cảnh bần hàn.

Nhưng dẫu có sung túc giàu có hơn xưa nhiều, rất nhiều, thì vết thương đầu tiên về bài học giáo dục đạo đức trong lòng mẹ và con, hẳn không có cách gì lấp đầy, phôi pha được. Kể từ ngày xa xưa đó, mỗi khi tôi có ý muốn lấy cắp cái gì của ai, thì hình ảnh mẹ tôi ngồi bó gối bên bếp than hồng; nước mắt mẹ chảy ướt thấm vào da đầu tôi, vẫn hiện lên rõ nét. Khiến tôi quắt quay và lặng người, vì hối hận không hề dám tái phạm. Đó là nốt “nghịch phách” đầu tiên trong đời vào chiều mưa giông giá lạnh năm xưa. Ước gì nay tôi được chìm trong dòng sông đã chảy qua thời ấu thơ, nơi mái gia đình êm ấm của tôi ở buổi thiếu thời kia, để tôi có thể nói thật nhỏ:
- Mẹ ơi! Cho con xin lỗi.

Ôi! Chỉ cần trở về ngày ấy và biết nói câu nầy, thì tôi sẽ sống lại và chỗi dậy trong tâm tư tôi cả quá khứ ngọt ngào, say đắm, êm đềm, nồng nàn, sung sướng xiết bao! Và, bây giờ tôi biết đằm thắm, khôn ngoan gấp bội lần. Người đàn bà còn quá trẻ bỗng co nhói lên từng cơn đau tim nghẹt ứ, xót xa đắng cay khôn tả xiết. Vốn bị nghị lực mài dũa, cọ liếc mỏng tanh, tôi nghẹn ngào, đắng cay, hơn sự cơ cực đọa đày chịu đựng dài lâu. Sự trầm uất nén dưới chiều sâu tâm hồn đã vọt lên tim, lên óc, lên cổ tôi những cục nấc nghẹn ngào tức tưởi. Tôi đứng giữa trời mà khóc, mà cười. Cười khẩy. Tôi không sao hiểu nỗi “đời”! Tâm hồn tôi hằn lên vết rạn, xếp lớp lăn tăn theo sóng đời cơ cực. Gia đình nhỏ chúng tôi lầm than khốn cùng đã rớt dưới tận đáy xã hội phù phiếm.

Nơi con đường cũ mà cha mẹ tôi xưa kia rất vinh sang đã từng đi qua đó, và chính gia đình nhỏ cuả tôi từng lả lướt, rộn ràng líu lo ca hát trên đại lộ mỗi độ hoàng hôn… Ngày nay mẹ con chúng tôi dắt díu nhau lọt tọt, líu ríu bước thấp bước cao, lần mò đi từ ngày nầy qua tháng nọ. Đi từ hừng đông đến hoàng hôn không ngơi nghỉ. Những đôi môi khô nứt nẻ run run nếm đủ cay đắng, ngọt bùi xính vính tình đời còn mấp máy và thút thít, như nghiến chặt hai hàm răng, nghiền nát hiện-tại rát bỏng phừng phựt cháy trong lòng.

Sau đám sương mù dày đặc ngoài trời kia, là tương lai tối thui và con đường gồ ghề, lởm chởn sỏi đá lẫn lộn bùn tro bầy nhầy. Con đường tiến thân của mẹ con chúng tôi đó, hình như có tiếng âm vọng não nề. Chúng tôi không biết nên bắt đầu từ hướng nào cho phải! Đôi bàn tay tôi khô cứng, chai sạn sần sùi nứt nẻ, hợp lực với những bàn tay các con thơ yếu gầy tong teo bé tí xíu, vẫn quơ quơ về phía trước. Cùng lòng can đảm, tận tụy, chịu đựng gian lao, nghèo khổ siết chặt, thì không có cách gì lay chuyển.

Trời bao la xanh xanh trong trong, không có một vắt mây trắng, nhưng sao đôi mắt tôi mù mây xám giăng mắc!? Giống như những sợi tơ tóc ngày xưa đen tuyền óng ả quyện cùng chùm tóc bạc trước thời gian đã phủ khắp nẽo đi lối về? Tôi đang mặc chiếc áo gấm của Lụât để lại, tôi tưởng tượng chiếc áo dù cũ, nhưng có phần nào che gió chắn mưa. Thì hy vọng là tôi bớt cảm thấy cô độc, ấm áp và ít lạnh. Ngỏ hầu tôi sẽ đương đầu, chạm trán, chơi những canh bạc đen đỏ với định mệnh. Đành phải như thế thôi. Nếu định mệnh không thách đố gạt gẫm chúng tôi: Xỏ lá sát phạt, chơi khăm chúng tôi trắng tay –và đểu giả lật ngửa quân bài ra– Khi trận đấu chưa bất phân thắng bại. Thưa ông!
_ * _

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
05-11-2014, 07:01 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1399791440.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1399793409.mp3
Mẹ Thương Yêu Con Cháu Biết Ngần Nào
(May-11: Happy Mother's Day)

Trăng sáng và xa xôi chiếu lung linh xuống vạn vật mờ nhòa dưới lớp sương mỏng, như dải lụa đang vật vờ bay bay. Một dải mây hoe vàng xuyên qua lớp mây trắng xôm xốp lấp lánh ngoài ô cửa kính, trải ánh sáng bạc thành một con đường dài, rồi cắt khúc ngang ở tòa nhà lớn trên đồi dốc. Tiếng côn trùng râm ran ngân nga bản hoà tấu không nhịp nhàng âm điệu, bỗng chốc im bặt, rồi lại rè rè diệu vợi vang xa, khiến đêm khuya càng thêm mịt mùng, thăm thẳm...

Rất yếu tim và lo sợ, nhưng mẹ vẫn xin bác sĩ Phán và cô y tá cho phép mẹ đứng trên đầu giường tôi. Mẹ lâm râm đọc kinh, đôi mắt mẹ như lạc thần nhìn chằm chằm vào mặt con. Tiếng mẹ cầu nguyện nho nhỏ thành lời rên thống thiết van xin chí tình. Hai bên thái dương mẹ ướt đẫm mồ hôi, miệng há hốc mẹ bàng hoàng nắm chặt lấy bàn tay tôi, như tiếp thêm sức mạnh. Có mẹ ở bên cạnh, tôi xiết đỗi yên tâm và bình an.

Khi thằng “cu tí” chào đời, mẹ chảy nước mắt mà hoan hỉ reo mừng. Mẹ thở phào như chính mẹ trút được cơn đau tột cùng sau cơn vượt cạn. Mẹ muốn san sẻ tất cả đớn đau, cũng như niềm vui mừng khôn tả xiết với tôi. Ôi thế mới biết tình mẹ thương yêu con biết ngần nào! Còn thằng bé tí hon nhà tôi thì thuộc hạng rất ư khó chịu, con hay khóc nhè quá, đái dầm ướt đít, hay đi ị ra tã lót xí, thì cu cậu ngọ ngọe và la làng, hai mắt nhắm tít mà khóc thật to! Thấy cháu quấy thì bà ngoại lo sợ con không ngủ được, bà ngoại vội bế cháu ngồi nơi góc mùng, ru hời ru hỡi trong vòng tay già cho con gái thiêm thiếp giây lát. Mẹ dỗ dành tôi như đứa trẻ lên năm:
- Con ăn hết dĩa thịt nạc kho tiêu, uống canh xúp ni đi.
Hoặc là:
- Mẹ thấy con không ngủ được. Phải ráng ngủ đi.
- Dạ… Dạ.

Mẹ thuê phòng hạng đặc biệt trong viện của bác sĩ Phán cho tôi nằm. Dù bệnh viện tư nhân đã có chương trình lo cho sản phụ, nhưng me chu đáo mua gạo thơm, kho thịt nạc, kho giò lụa, làm chà bông. Suốt mười ngày: sáng sáng khoảng năm giờ là mẹ lò mò dậy, tự tay mẹ nấu cơm, kèm một chén canh đổi món mỗi ngày. Mẹ vui khi thấy tôi ăn ngon miệng, âu sầu khi tôi non kém bữa. Mẹ lo lắng chu toàn từng ly từng tí. Khi tôi ăn uống xong, mẹ bưng chén bát đi ra góc phòng rửa lách cách, sạch trơn, rồi mẹ úp lên và lên sóng chén đàng hoàng. Dù tiếng nước và tô chén va chạm nhau vang nhè nhẹ, nhưng mẹ vẫn quay lại nhìn con, cháu, mẹ sợ chúng tôi mất ngủ! Mẹ loay hoay đi giặt giũ phơi phong áo quần tã lót. Thỉnh thoảng mẹ ngồi trên bộ ván, ngoáy trầu trong cối đồng nhỏ xíu. Móm mém vừa nhai trầu, mẹ vừa xếp cẩn thận áo ra áo, tả lót đúng chiều vuốt thẳng nếp. Khiến bà vợ ông bác sĩ phải khen:
- Bà cụ lo cho con gái út chu đáo lạ!
Không biết trả lời sao cho khỏi mất lòng bác sĩ, vốn dĩ là chỗ thân tình, mẹ cười hiền hậu.

Thoạt tiên tôi len lén mở mắt nhìn mẹ say sưa, thấy mẹ ngẩng nhìn về phía tôi, tôi vờ nhắm mắt lại, sợ đôi mắt mình sẽ tiết lộ những ý nghĩ thầm kín. Mẹ nói lẩm bẩm một mình về sự tôi xanh xao gầy ốm. Mẹ đến bên giường, lấy khăn đuổi con ruồi đậu ở mũi cháu. Tay tôi đang gác trên trán, mẹ nhẹ nhàng cầm tay con, đặt xuống nệm. Tưởng con và cháu đã ngủ say, mẹ tôi mỉm cười, nụ cười mẹ dịu hiền làm nhạt nếp nhăn trên khuôn mặt nhân hậu. Mẹ cúi sát xem tôi có ngủ không? Hơi thở mẹ thoảng qua, gây lên cảm giác đầm ấm, thân thiết, trìu mến, ngọt ngào yêu thương, dễ chịu dường bao! giống như hơi nồng từ trái tim mẹ toả ra sức ấm, chứ không phải do mền nệm, hay do lò lửa đỏ vùi tro đang đặt dưới gầm giường.

Nhắm mắt thật lâu, tai tôi nghe bước chân mẹ nhẹ nhàng di động đi lại chỗ nầy chỗ kia. Mẹ đứng ở bên bàn rót nước trà. À không phải, mẹ đang châm nước sôi vào bình thủy, rồi đậy nắp, đặt bình thủy lên góc bàn. Mẹ đến cuối phòng thu dọn xong, ấy là lúc mẹ ngồi xuống chỗ cũ, lò mò mở kim băng cài túi áo, mẹ lấy tiền ra đếm, tiền chẵn mẹ cất vào túi áo trong, tiền lẻ để túi áo ngoài, mẹ cẩn thận cài hai cây kim băng vào trên hai miệng túi. Đôi mắt mẹ ánh lên niềm hãnh diện khiêm tốn. Mẹ có tiền riêng lo cho con, cháu, mẹ mua các thứ thiếu do chính đồng tiền tần tảo, vun vén của mình có. Tôi nằm trên giường, người lâng lâng giữa trạng thái nửa thức nửa ngủ chập chờn, thiêm thiếp, tâm trí lâng lâng cái kiểu gì lạ, tôi bồn chồn khó chịu không thể mở mắt ra, nên choàng dậy, cả thân thể tôi mệt mỏi vô vàn. Mẹ đang ngồi bên bộ ván, vội nói:
- Chiều mà con ngủ rứa, là bị mộc đè, không dậy nỗi con à.
- Dạ phải. Bị mộc đè, không cách chi dậy nỗi. Mẹ.

Nằm mãi càng cảm thấy mệt, tôi ngồi dậy, đầu óc choáng váng, tôi nghĩ: “có lẽ vì nằm nhiều, không vận động, lại mất ngủ suốt tuần, nên tôi yếu người đi”. Quơ chân xuống nền gạch tìm đôi dép, tôi lừ đừ thờ thẫn đến bên cái bàn kê ở góc tường, tay run run bưng bình thủy lên mở nắp ra. Bỗng dưng, đầu óc tôi quay cuồng, tối tăm mặt mũi, thân thể nặng nề, tôi ngả lăn ra bất tỉnh nhân sự. Khi tôi hồi tỉnh, vợ chồng ông bác sĩ và cô y tá reo mừng. Còn mẹ. Trời ơi! Tôi không thể nào diễn tả sự khiếp sợ trên đôi mắt mẹ tưởng đã lạc thần, con gà bị cắt tiết mất hết máu ra sao, thì mặt mẹ xám xanh y như vậy.

Tất cả sự yêu thương, lo lắng tột cùng lộ ra rõ nét. Mẹ quá run sợ phải lìa con. Run cầm cập, mẹ lụm khụm đi nấu nước sôi, mẹ đắp lên hai vết bầm trên đầu, cánh tay, bắp đùi của tôi. Bác sĩ khám rất kỹ vết thương rướm máu ở đầu, ông chích nhiều thứ thuốc, chăm sóc cẩn thận nơi tôi bị đập mạnh đầu lên một chân tủ gỗ lim chìa ra ngoài. Bên thái dương kia tôi lại bị một cục u, to hơn nửa quả trứng vịt, tím bầm. Đầu tôi đau nhức kinh khủng, y như có tảng đá nặng đè lên, ê ẩm cánh tay trái và một bên sườn. Cổ xoay qua trở lại không được, khi cử động tôi phải nhờ người khác giúp. Mẹ đã bận rộn nuôi con, lo cho cháu suốt tuần. Nay tôi có thêm các vết thương, khiến mẹ càng khổ cực. Mẹ lâm râm đọc kinh cầu nguyện. Vì sự bất tỉnh kia nên tôi phải nằm điều trị thêm nhiều ngày, tôi lại hoàn toàn mất ngủ. Mẹ phàn nàn:
- Sau nầy con sẽ bị đau đầu, đau nhức thân thể hoài đó.
Thấy tôi cựa mình, mẹ quay lại nhìn và lật đật chạy đến bên:
- Con cần chi? Để mẹ làm cho.
- Mẹ đừng lo cho con. Mẹ ngồi cả ngày, cả đêm, mệt lắm. Mẹ ngủ đi, kẽo con càng bị bệnh bi giờ.
* * *
Bầu trời nhàng-nhạt sau khi tráng nước mưa, thì trở nên trong suốt như pha lê. Lưng trời sáng bạc ngất ngây đầy lâng lâng rung cảm điểm vài hoa mây phớt hồng thấp thoáng bay bay, trôi nhè nhẹ như bong bóng mây lơ lửng giữa bầu trời rộng thênh thang. Các mái nhà như kỳ cọ gội rửa sạch bon. Những con đường cành cây ngọn cỏ đều loáng nước và trở nên xanh tươi hơn.
Tôi rất mừng khi mẹ ở Tùng Nghĩa đến thăm, có mẹ ở lại giúp con, phụ chăm nom các cháu, là tôi rất an tâm. Mỗi lần đến thăm con cháu, mẹ mang rất nhiều quà bánh, mẹ khệ nệ bưng hết giỏ nầy đến giỏ khác, thậm chí cả gạo, rau, cá, thịt, tôm, vân vân… Có bao nhiêu tiền dành dụm, mẹ đã trút hết cho con cháu. Nhất là bà cưng các cháu ngoại hết sức; mặc dù chúng rất quậy, khiến ngoại mệt phờ người. Mẹ cầm cái quạt giấy quạt cho mình và quạt cho con, cháu. Mùi dầu thoang thoảng bay, mẹ rất thích xức dầu Nhị Thiên Đường. Trời Đà Lạt khá mát mà mẹ dùng quạt, đủ biết mẹ mệt đến thế nào. Tôi muốn khóc hết sức khi ngồi cạnh mẹ.
“Lên non, mới biết non cao.
Nuôi con, mới biết công lao mẹ hiền” (cd) là thế.

Tôi nhìn vẽ già nua hiện lên từng đường nét rõ ràng trên khuôn mặt già và mỏi mệt, mái tóc mẹ điểm muối tiêu, vành miệng móm mém, mẹ ưa nhai trầu dập từ cối đồng nhỏ xíu cầm lọt trong lòng bàn tay. Đôi mắt mẹ thoáng màu nâu, hấp háy sau làn mi dài lưa thưa, mẹ có cái nhìn ấm áp chuyển thành niềm vui dạt dào, bộc phát mừng rỡ khi tôi đi dạy học trở về nhà:
- Cháu đói lắm hử? Mẹ cháu về rồi. Ù ơ... Cháu tham ăn y như con mẹ của cháu từ hồi nhỏ hè. Hì hì… Cháu biết không!?

Ơ! Tôi đây có phải là đứa con gái út (trong gia đình có mười anh chị), út lên mười vẫn còn rúc vú mẹ, vòi vĩnh mọi thứ khi thích? Út sau giờ học, tối ngày thui thủi một mình, vì thế con luôn quanh quẩn bên mẹ đó ư? Ngày ấy mẹ pha nước nóng, và ngồi trên chiếc đòn nhỏ bên hiên lát gạch hoa, mẹ bế con vào lòng, con thòng cái cổ đeo hai ba sợi dây chuyền bằng đất. Ngửa mặt lên trời cười sằng sặc lúc con cảm thấy nhột. Mẹ gội đầu cho con bằng nước bồ kết nấu với lá sả, lá cam, lá chanh, lá bưởi. Tắm cho con bằng xà bong thơm hiệu "cô Ba đeo kiềng vàng". Con có tính hư nết xấu là ưa làm nũng, dậm chân dậm cẳng không chịu tắm, khóc nhè hoài; dù mẹ đã dỗ ngọt hun hít và gói cho con đòn bánh tét nhỏ xíu bằng gan tay, có dây lạt làm quai xách cột từ đầu nầy qua đầu kia.

Có ngày con say sưa nhìn: mẹ đeo đôi mục kính trắng, khéo léo may từng bộ áo quần đẹp nhất đầu xuân. “Con bé tôi” năm sáu tuổi ngồi bên thềm gạch hoa trong tòa nhà cao và rộng, con lân la lê lết bên mẹ, và quá phục nhìn mẹ thoăng thoắt may áo quần mới. Con nghe mẹ kể chuyện cổ tích Trầu Cau. Tấm Cám. Mẹ kể chuyện hay đến nỗi đôi khi con đòi xin cái gì đó, mà mẹ không có cho con, thì mẹ mỉm cười âu yếm: “Ngày xửa ngày xưa”… là mọi thứ hấp dẫn trên đời, đều không bằng câu chuyện cổ tích của mẹ:

"Ngày xưa... Thuở nhỏ Công Duệ nhà rất nghèo, một hôm cùng mấy bạn đồng lớp trên đường đi học, Công Duệ lấy đất sét nặn thành con voi. Bắt bốn con cua làm chân. Bắt hai con bướm làm tai. Bắt một con đỉa làm vòi. Thành ra con voi bằng đất sét biết đi, biết vẫy tai và co vòi quơ lên xuống. Lúc đó một vị quan đang cưỡi ngựa đi qua, thấy lạ, liền dừng ngựa lại xem. Sau khi hỏi Công Duệ một vài câu, cụ thấy Công Duệ đối đáp trôi chảy, chứng tỏ là một đứa bé có học và thông minh, nên vị quan muốn thử tài mới bảo:
- Mày đã đi học rồi, vậy ta ra cho câu đối, nếu mày đối được, ta sẽ thưởng tiền cho.
Công Duệ đồng ý, và vị quan ra câu đối như sau:
- Đồng tử lục thất nhân, vô như nhĩ xảo. (Trẻ nít sáu bảy đứa, không ai hơn mày khéo).
Trước khi đối, Công Duệ hỏi vị quan:
- Thế ông là gì đã?
Vị quan trả lời:
- Ta là Lang Trung, mỗi tháng lãnh hai ngàn thạch lúa.
Quan nói xong, Công Duệ liền ứng khẩu đối:
- Lang Trung nhị thiên thạch, mạc nhược công... (Quan Lang hai ngàn thạch, không ai bằng ông...)
Nghe Công Duệ đối như thế, vị quan ngạc nhiên mới hỏi:
- Tại sao mày đối thiếu một chữ?
Cậu bé Công Duệ mỉm cười, trả lời một cách hóm hỉnh:
- Còn một chữ nữa tôi để dành, hễ quan lớn thưởng tiền thật, thì tôi đối là “Liêm”, bằng không thì tôi đối là “Tham”.
Vị quan nghe nói phải phục tài, bèn móc túi thưởng tiền cho cậu bé Công Duệ, để lấy được chữ “Liêm”, nên câu đối thành: Lang Trung nhị thiên thạch, mạc nhược công liêm. (Quan Lang hai ngàn thạch, không ai bằng ông liêm).
(Cụ Trạng Vũ Công Duệ, người làng Trình Xá, tỉnh Sơn Tây, mới ngoài 20 tuổi cụ đã đỗ Trạng Nguyên, làm quan đến chức Đô Ngự Sử cuối đời nhà Lê. Tính khí của cụ rất cương trực, khiến các quan văn võ đều nể sợ. Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, cụ cương quyết không theo phe nghịch thần, cụ mắng chửi Mạc Đăng Dung thậm tệ, rồi ôm ấn nhảy xuống cửa Thần Phù, tự tử chết. (st)
* * *

Ngày ấy, gia đình ba mẹ tôi sống tại ngôi biệt thự số 5 La Rose ở đường Quang Trung, (kế bên biệt thự của bà Mộng Điệp, vợ thứ vua Bảo Đại), gần nhà Ga xe lửa Đà Lạt. Con đeo đôi hoa tai vàng tòn ten đong đưa theo mỗi cử động, cổ đeo kiềng vàng chạm trổ thẫm mỹ. Con diện quần sa tanh trắng, xúng xính trong chiếc áo nhung đỏ do mẹ tự cắt may, chân con mang hài cườm cùng màu với áo. Đầu con đội nón lá mười hai vành do mẹ chằm, vai đeo chiếc bóp đầm đỏ. Hai mẹ con ngồi xe kéo đi chợ Đà Lạt mua sắm đồ Tết suốt ngày. Trước khi mua sắm, mẹ cho con ăn bánh bèo xong, con bé lại lết qua hàng mì quảng ăn no nê.

Sau đó hai mẹ con chen lấn vào chợ vải mua quần áo, giày dép, vân vân… con bị người lớn chen lấn, nên tụt lại đằng sau, kẹt giữa làn sóng người đông như kiến. Hốt hoảng, con vừa khóc vừa kêu "Mẹ ơi! Mẹ". Tay con nắm chặt lấy đuôi áo dài của mẹ rị kéo mạnh lại. Dù rách toạt mất một thân áo, mẹ không hề la rầy, hay giận dữ. Mẹ đằm thắm bế con lên, cùng với hai giỏ xách đầy vật dụng mua sắm đang móc vào khuỷu tay. Lúc ra về, mẹ lại mua cho con mấy bịch bánh thuẩn, nải chuối cau. Ngồi trên xe ngựa, con sung sướng có những món đồ chơi xinh đẹp. Nhưng, về nhà đồ chơi cũng không quyến rũ con bé mập tròn ú nù, giống hột mít (vì háu ăn). Con quanh quẩn bên chân mẹ, líu lo hỏi chuyện:
- Mẹ nấu phở cho cả nhà ăn ha mẹ?
- Ừ. Ra ngoài sân chơi đi con. Ây. Coi chừng bị phỏng lửa.
- Chín chưa mẹ?
- Chưa được. Coi chừng phỏng nước sôi.
- Được chưa mẹ?

Sốt ruột, do cái tật mê ăn của con, nên mẹ đã làm trước cho con một tô phở. Con cứ bu bên mẹ rồi nhón chân lên bốc một nhúm hành ngò trong dĩa ở trên bàn, chạy theo mẹ đến bên góc đi văng, bỏ đầy hành ngò vào tô. Tay cầm đủa tay cầm muỗng, con cúi xuống thổi phù phù vào tô phở nóng. Nước miếng ứa ra miệng, bụng sôi lọc ọc, con cảm thấy đói cồn cào vì mùi thơm ngào ngạt:
- Mẹ cho con ăn thiệt no. Nghen. Con đói.
- Để nguội đã. Ăn từ từ thôi.
- Dạ… dạ.
- Ngán tới con mắt chừ. Chớ tham ăn chi hì.
- Con ăn từ từ cho đến khi nào no tới con mắt, thì thôi. Mẹ ui.
Mẹ phì cười nguýt yêu con gái tham ăn. Qua nửa tô phở, con buông đũa, hét to:
- Chết con rồi! Ơ hơ! Cay quá! Mẹ ơi. Mẹ.

Cay thật. Cay đến nỗi mặt con đỏ rần, hai lổ tai ù ù, lùng bùng, đầu lưỡi nhứt nhối, rát bỏng, môi miệng đỏ chót phồng rộp lên. Con thọc tay vào miệng cào cào lưỡi, xít xà, phun nước miếng phì phì. Mắt thấy sao bay trong màng lệ, con hoảng hốt chạy quanh nhà, vừa kêu vừa khóc, bức tóc bức tai, rồi chui tọt xuống gầm bàn, nằm lăn lộn trên nền gạch hoa. Con lại bò ra, chui lòn mấy vòng qua hai chân của mẹ. Hai tay con quệt nước mắt! Khổ nỗi ớt dính ở mấy đầu ngón tay, nên càng bị cay mắt hơn. Mồ hôi vã ra trên trán như tắm, mặc dù trời khá lạnh. Khiếp quá. Cay kinh khủng. Con kêu khóc inh ỏi, mũi dãi lòng thòng (chỉ vì mắt nhắm mắt mở, và tham ăn, tôi không thấy trái ớt xiêm xanh lẫn trong nhúm hành ngò, dù mẹ cố có ý để ớt ra xa một bên mép dĩa to).

Mẹ vội lấy nước lạnh khuấy chanh đường, bế con vào lòng cho con súc miệng nhiều lần, nhổ ra. Mẹ xổ mái tóc dài, lấy đuôi tóc lau trên đôi mắt con, lấy khăn ướt lau mặt mũi con, mẹ vạch vú da cho con mút, (mặc dù con khá lớn khôn). Có bầu vú mẹ, con dịu cơn đau, mà vẫn thút thít khóc và nấc lên từng cơn.

Ôi! Lần ăn phở muôn đời ghi nhớ ấy, nó ớn lên tới con mắt thật. Mà mẹ yêu dấu là người họa sĩ tài ba đầu tiên đã âm thầm vẽ nét ngây thơ, hồn nhiên duyên dáng vào tâm hồn con tươi trẻ. Hình ảnh mẹ bất diệt, nên thơ, trong sáng, thân thương từng ấp ủ nơi con đây một thời xuân trẻ luôn khát khao niềm tin yêu, chưa hề phai nhạt, và làm quặn thắt lòng con. Một tình mẫu tử bất diệt và bao la co xiết thành khối mật, vừa dịu êm ngọt ngào, vừa nồng nàn lâng lâng men tình say say, trào dâng lên bờ môi con ngọt lịm từ bầu sữa mẹ tinh tuyền, ngát hương yêu trong chiếc nôi đời lắc lư đong đưa theo tháng năm qua. Trái tim con thèm khát nhịp đập cuồng quay trong lồng ngực phập phồng, bồng bềnh chơi vơi trên sóng biển rong chơi đầy dáng vẻ yêu thương mệt nhoài.

Con cảm thấy thương mẹ không làm sao tả xiết. Tình yêu thương nồng thắm của người mẹ, giờ đây khi đã có con, tôi mới hiểu thấm thía, thâm thúy, tình mẹ bao la như trời biển, êm đềm ngọt ngào, nồng nàn xiết bao trong từng giờ, từng tháng, từng năm. Mẹ tôi tận tụy cần cù hy sinh lo cho chồng, con, cháu; là hạnh phúc duy nhất của mẹ; là lẽ sống thầm lặng, mẹ đầy tình thương yêu và thủy chung hết mực. Tôi yêu kính mẹ vô vàn, mẹ âm thầm chịu đựng, hy sinh gắn bó, nhẫn nại, dốc hết sức cạn hơi mòn, hầu chu toàn cho con, cháu, có sức khoẻ bình an, hạnh phúc. Dù con khá lớn khôn, có gia đình con cái, dù các con đã vững vàng lập thân, từng trải.

Mẹ thân yêu! Mẹ nâng niu giữ gìn cho con bao kỷ niệm yêu thương, đậm sâu, dạt dào ân tình mặn-mà thuở thiếu thời. Đôi mắt con lẫn vào lòng mắt mẹ êm ái, ẩn chứa tất cả niềm vui tột cùng. Tuổi thơ của con trong sáng từng ấp ủ tình thương thầm lặng đến tận bây giờ. Nó vừa hiền, vừa lành, vừa vui, và trọng lượng tình yêu trong lòng mắt mẹ đã dành cho con, muốn vỡ vụn ra thành muôn hạt nước mòng mọng, tròn trịa, li ti lăn tăn long lanh rung rinh trĩu nặng trên bờ mi rưng rưng, trôi đến tận cùng tơ rung suy nghĩ, làm gợn sóng lăn tăn lung linh chơi vơi trong từng tế bào con run rẩy.

Hạnh phúc vô ngần khi con trở về trên dáng xưa yêu kiều, đầy hoa mộng đó. Chao! Dòng đời xuôi ngược nhiều ước mơ, hoài bão, hy vọng dạt dào, tràn đầy mộng đẹp vụt tan biến quá đỗi là nhanh. Và, hôm nay con không khỏi ngỡ ngàng, bâng khuâng xao xuyến và kinh ngạc; khi mẹ nheo mắt tủm tỉm cười mà nhắc khéo chuyện: “Con tham ăn” đã lẫn vào lòng thời gian lúc nào; chẳng rõ! Hẳn là mẹ đang nghĩ đến câu:
- "Mẹ cho con ăn tô phở, khi nào con no, no lên tới con mắt thì thôi"!

Ha ha ha … Vui tột độ, khiến tôi dại người trong giây lát, bỗng quay qua nhìn mẹ hiền đăm đăm, và toét miệng cười ngất. Mẹ nhìn con gái lắc đầu, mỉm miệng cười đôn hậu, hòa ái. Thật đáng yêu xiết đỗi từ đôi mắt đầy bao dung, thông cảm và thấu hiểu của mẹ biết ngần nào! Đó là cái gốc rễ tình yêu, nơi chiếc nôi đời hồng hoang trinh nguyên, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi quê hương dấu yêu xứ lạnh Lâm Viên Cao Nguyên nầy tôi đã bập bẹ tiếng: "Mẹ... Mẹ" đầu tiên. Mẹ là sợi dây vàng rắc đầy kim cương lóng lánh, nối liền con cháu với niềm vui buồn quá khứ, dạt dào hạnh phúc ân tình trân qúy. Mẹ hiền mẫu sung sướng mỉm cười từ ái hằng cầu nguyện cho các con suốt bao năm trường được hạnh phúc, bình an. Phải không mẹ?
“Gió thúc cội thung nhánh tùng khua rúc rắc.
Nhớ cha mẹ già ruột thắt gan teo” (cd).

Bây giờ, thời gian vút qua:
“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều.
Nhớ cha, nhớ mẹ chín chiều ruột đau”. (cd)

Các con bé bỏng của mẹ đã lớn khôn, đã có gia đình, đã làm cha, làm mẹ. Dù vậy con đây vẫn còn nhõng nhẽo, quấy rầy mẹ và thút thít khóc hu hu hu hụ hụ hụ như thuở nào! …
“Thương mẹ nhớ cha như kim châm vào dạ.
Nghĩ đến chừng nào, lụy hạ tuôn rơi.
Nước chảy ra thương cha nhớ mẹ.
Nước chảy vào thương mẹ nhớ cha...” (cd) ... khi cha mẹ đã vĩnh viễn lìa bỏ chúng con. Cha mẹ ôi!
*
cd = ca dao
st= sưu tầm đó đây.
* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
05-20-2014, 08:28 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/hqpd1/GA` & 2 NGUOI.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/hqpd1/Quyet Chien Thang - Hop Ca.mp3
Chẳng Thà... KHÔNG Nghe. Không Thấy... sẽ Không Nói...


Từ Rạch Giá trầm lắng u hoài phiêu lãng, bơ phờ suốt trên đoạn đường dài ngót 248 cây số ngút ngàn! Tôi đã quyết định dừng chân “phiêu bạt giang hồ”, để trở về thành đô, nhưng sao trong lòng cảm thấy quá buồn đau tê tái hụt hẫng khôn cùng? Tôi có cảm tưởng như mình thực sự mất đi một báu vật thân yêu. Chúng tôi kéo lê đôi chân mệt mỏi, rã rời lên xe đò trở về Sài Gòn.

Có nghĩa là chúng tôi thực sự quay trở về thủ đô Sài Gòn dấu yêu tại quê hương mình. Ôi! Quê hương Việt Nam cẩm tú giàu đẹp hùng vĩ, là "hòn ngọc viễn đông" của ta ơi! Cảm giác ấm nồng xôn xao nở lăn tăn trên làn môi nóng bỏng khát khao cơn thèm âu yếm gọi lên hai chữ: Quê hương! Tôi xin cúi đầu lui gót quay về, từng bước chập choạng bấp bênh chấp nhận số phận bồng bềnh, cho dù đắng cay, sô tang, bùi ngùi, khổ đau có, ngọt ngào vui vẻ hân hoan không. Cũng đành.

Dường như họ và tôi không còn mê những giọt sương mai đọng trên cánh hồng nhung tươi thắm vừa hé nở, từng giọt sương mòng mọng tí tách rơi trên phiến lá giao mùa. Mất rồi chiếc lá vàng xinh lịch ép trong trang sách cũ. Mất ơi đàn én chiêm chiếp líu lo véo von hót, vun vút lượn bay trong không gian chói sáng ánh bình minh. Mất hết những con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, lượn quanh sườn đồi rì rào tiếng thông reo vi vu. Hết rồi thảm cỏ sân Cù mịn nhẹ êm như nhung, nơi ấy khi xưa tôi ưa ngả mình trên triền đồi quạnh vắng, mắt lim dim mơ màng, tai lắng nghe tiếng thông reo, và gió núi xôn xao thì thầm gọi nhau về ngủ trên đỉnh Lâm Viên hữu tình.

Ôi! Có thể nay đã mất hẳn những bước chân lãng du trùng lặp bao kỷ niệm tìm về chốn cũ. Mất rồi! Thật sự mất đi không gian, thời gian, và kỷ niệm vàng son một thuở trìu mến xa xưa. Nay lòng tôi bừng bừng rung giật cơn sốt tiếc thương, môi co siết những giọt mật vừa chát, vừa đắng, đang trào dâng lên khoé mi tôi giọt sầu quắt quay niềm tiếc thương vô hạn, ẩn dấu nơi mắt nhìn tư lự, lăn tăn nét chân chim trên khoé mắt ưu buồn trước thời gian, nơi đôi má hoen màu, nơi đôi môi khô nhạt, nơi mái tóc phiêu bồng sớm ngả bụi đường lãng tử, nơi áo quần xốc xếch trong dáng vẽ tiều tụy hao mòn. Làm gợn sóng trong lòng mình biết bao sầu đắng chua cay và tê tái:
Anh bỏ đi rồi, tôi ở lại.
Chờ bao oan nghiệt trút lên đầu.
Tôi vẫn đứng giữa một trời ly loạn.
Tàn chiến chinh mùa nắng lửa mưa dầu.
Chiều hun hút giữa rừng thiêng nước độc.

Đêm uy linh nhờn nhợn tiếng ma Hời.
Từng giọt máu căng phồng bầy muỗi đói.
Tôi bỗng sờn da, bỗng rợn người... (1)

Trên xe đò vẫn chật như nêm, tôi buồn bã nhìn trên đầu của nhiều người lớn bé đang chít khăn sô, họ hớt hải vội vàng chen lấn nhau đi đâu? trở về đâu? mà tất tả lũ lượt thế nầy!? Tôi quá chán nãn nghe lòng mình phủ chụp xuống bao tơ rung suy nghĩ dập dồn. Mệt mỏi lắm! Tôi chẳng cần hé mắt nhìn lại quang cảnh hai bên đường (mà lúc mới hôm qua: khi ra đi tôi rất bồn chồn, háo hức nhìn ngang ngó dọc lung tung ấy sao)! Chúng tôi và các con cháu không thèm ăn uống gì, chỉ cúi đầu trên chiếc xe đò cà xịch cà đụi lắc lư giồng xóc, mà ngủ gà ngủ gật.

Lủi thủi về thành phố Sài Gòn lúc 18giờ, nhóm chúng tôi thuê xe xích lô tới chỗ cũ, nhà thờ Huyện Sĩ vang ngân tiếng chuông chiều cô tịch. Vẫn có những khuôn mặt bơ phờ hốc hác thiếu ăn thiếu ngủ hôm qua đang vạ vật nằm nhờ ở đậu ngoài mái hiên. Những bộ hành tất bật, mệt nhọc, lấm lem bụi đường đầy trên phố chiều đông đúc. Vào bên hông nhà thờ Huyện Sỹ, hai bao bố đồ dùng nấu nướng linh tinh, giỏ quần áo mà hôm nao (tôi gửi nhờ lại bà từ trông coi nhà thờ) vẫn còn y nguyên chỗ cũ. Những người chăm sóc nhà thờ, những bà xơ (soeur) và ban điều hành giáo dân rón rén đi lại đọc kinh dâng lễ, chẳng có gì khác: Giống như khi tôi đến ở, khi tôi tất tả ra đi và đã trở về.

“Ngoài đời” tôi chứng kiến không biết bao nhiêu chuyện trái tai gai mắt! Bây giờ thành phố Sài Gòn xa hoa rác rưới đầy bụi nhiều ụ rác to cao ngập đầu người, tanh hôi và hằng hà sa số ruồi bọ lúc nhúc. Tình trạng khan hiếm thực phẩm, gạo, đường, kể cả muối là thứ rẻ hơn bèo cũng tăng giá lên vùn vụt. Con buôn chợ đen giành giựt từng kí gạo, từng con khô, con mắm, từng bó rau héo. Không có phương tiện di chuyển, nên rau và cây trái khắp các vựa thì ứ đọng cả đống, hư hao, thúi um. Hoạ huần lắm mới thấy vài chiếc honda dame chen lấn chật ních trên đường.

Tôi đứng ít nhất là vài giờ mới có một chuyến xe bus chật như nêm, đông nghẹt người chạy đi chạy về trên phố. Một người đàn bà cao tuổi khệ nệ bưng mấy thúng mủng bao bị lộn xộn cố trèo lên xe khách, bị té ngả lăn cù cù khi bác tài xế bóp kèn inh ỏi. Xe chưa ngừng hẳn, người trụt xuống, kẻ chen lên, dày xéo dẫm đạp lên nhau, ai kêu la inh ỏi mặc ai. Họ lo bu bám ngoài cánh cửa xe đen nghịt. Thế là có bọn thời cơ thừa nước đục thả câu, lạm dụng nơi đông đúc chen chân không nỗi, đã trổ mòi rờ đít, bóp vú, móc túi, giựt đồ, bấm dây chuyền vàng, giựt bông tai máu chảy ròng ròng, kẻ cắp như rươi chôm chĩa đủ thứ, giành giật đánh nhau diễn ra ngang nhiên, hổn độn và náo loạn.

Nhất là xăng, nhớt, dầu hôi, càng mắc mỏ cao độ, giá xăng là giá máu mà! Họ buôn lậu từng lít xăng, từng lít dầu, lại pha chế chút nước lạnh, khói đen mù mịt bốc cao, cay xè mắt, bay tá lả. Xe chạy nửa xăng nửa dầu, bác tài cho xe nổ máy lâu lâu bác làm bộ rồ máy, cho xe thụt lui thụt tới, cứ cà giựt, cà xịch cà đụi, rồi bác nhấn còi inh ỏi, đứng im nằm ì một chỗ, không nhúc nhích. Lơ xe luôn miệng kêu mời khách và đập rầm rầm inh ỏi vô hông xe. Thật là nhức bưng cái đầu. Không còn các loại xe chạy bằng xăng dầu nữa, thì đâu đâu cũng thấy trai trẻ lớn bé, leo lên xe đạp mới có, cũ có, hàng ngàn chiếc xe đạp chồng chất vợ con, đồ đạc linh tinh, họ tấp nập chạy đi, chạy lại trên các đường phố lớn.
*****
Bên kia khu trường học sát nhà thờ Huyện Sỹ, cứ mỗi buổi sáng khoảng hơn bốn giờ, loa phóng thanh đã inh ỏi “tra tấn” tai người lùng bùng điếc cả con ráy, nhức bưng bưng cái đầu! Đinh tai nhức óc nhất là mấy cái loa phóng thanh ra rã nhồi sọ dân suốt ngày sáng đêm, loa móc ở các ngả tư, ngả sáu... ngả bảy đường phố. Tôi thấy từng đoàn thanh niên nam nữ reo hò, giỡn cợt, khăn mặt vắt vai, họ dùng hai ngón tay trỏ để đánh hàm răng ối vàng. Rồi chuyện trò vanh vách, lườm nguýt nhau, cười hô hố và nói huỵch toẹt ra những điều thô tục, mà họ không nhột lổ tai, không biết ngượng mồm.

Cô gái miền Bắc sống đời nhọc nhằn, lam lũ ngược xuôi trong dãy trường sơn, nay vào phòng tắm sang trọng trên lầu ba, cô tò mò giật chiếc dây lủng lẳng bên góc tường. Hoa sen phụt toả ra những dòng nước trong bồn tắm mát lạnh, khiến bộ-đội-cái giật mình nhảy tót ra khỏi bồn tắm, hốt hoảng cô ré lên như con bò bị chọc tiết, kêu nhau ơi ới chạy đi. Tội quá, họ chưa biết sử dụng bồn cầu tự động, nên đã nhốt cá lóc vô đó, rồi táy máy giật dây cho nó trôi tuột đi. Mấy cán ngố ấy chửi:
- Mẹ kiếp! Bọn “Mỹ Ngụy” lợi hại thật. Đã cút xéo rồi, mà còn gài bẫy lại, hại mình đủ thứ hơ.

Khi họ lũ lượt kéo nhau từ trường sơn đông, trường sơn tây, từ hướng bắc cầu Hiền Lương, lưng còng vác tay nải bên trong đựng ít vắt cơm khô và chén bát lọc cọc thô vụng sứt mẻ, (thời kỳ đồ đá) tay xách hai con vịt mái, mặc cho con vịt quạt cánh kêu la khắp phố. Họ hãnh diện có tiền để mua chén tô cùng vịt sống, mà đem vô Nam biếu bà con (vì họ nghe đảng đồn rằng: “Dân miền lam đói khổ hơn nhân rân ta gấp bội”). Họ ngố ngáo đi tìm thân nhân trong Nam, nhưng đã ngơ ngác sững sờ:
Qua vĩ tuyến nón anh rơi lộp độp
Vì ngước cao chót vót để nhìn xem
Anh chính ủy bảo miền Nam nghèo lắm
Nên hiểu rằng: Lời cộng sản mà em!

Đến Nha Trang, biển xanh anh bật khóc
Như trẻ thơ lạc mẹ giữa phố phường
Dăm kẻ lạ, tò mò giương đôi mắt
Có lẽ anh đã lạc cõi thiên đường. (NT)

Quả thật... kể ra cũng tội nghịêp, cô ta ở tít trong rừng sâu, chưa một lần nhìn thấy những đồ dùng thời trang tinh vi, văn minh tiến bộ như thế. Cô sợ Mỹ rút đi, còn gài chất độc giết người. Có anh vênh váo mặt, mắt nai ngẩng nhìn lên cao ốc chục tầng, làm anh chị chóng mặt quay vòng vòng, đã văng nón cối xuống đất. Hắn vung tay lên trời chỉ chỏ đếm hoài... vẫn không đếm được toà cao ốc có mấy tầng! Họ ồn ào lũ lượt kéo nhau huyên náo chen ra cửa, lo đổi tiền Hồ ra thành tiền miền Nam Việt Nam, họ cười nhô hàm răng mã tấu:
- Tớ đổi bạc hào, bạc lẽ là chuyện nhỏ. Đây! Tiền có hình bác Hồ mới vĩ đại nhá. Đấy! Xem nào.

Ấy thế! “Ông bộ” mới vào Nam thật thà và chất phác đếm tiền miền Nam mãi không xong. Họ thích thú nhất là mua “đài” (radio) dõm, thứ “xì cúc lô can” mà chả biết! Thế là miệng la ơi ới, ổng chạy theo một tên nhãi con tự nhận là dân buôn, thằng bé nhanh tay chôm chĩa của “ông bộ”, rồi miệng huýt gió, hắn lẹ chân dzọt đi mất. “Ông bộ” tức mình chửi đổng:
- Không hiểu rân miền Lam, nàm cái giống lanh mưu rì, mà “nưu manh” thế! Nghe ổng nổ nè:
Ở ngoài Bắc, Ti Vi ai cũng có
Sáng sớm ra thì nó chạy đầy đường
Anh nhìn chiếc đồng hồ hai người lái
Mắt thèm thuồng, cứ nhìn thấy là thương. (NT)

Ngày ngày trên các khu lộ thiên, dưới những cột đèn đường là nơi tập trung bán các loại hàng rong: chuối chiên, bánh bò, bắp nướng, đậu phụng, thuốc lá, vân vân… Họ đổi chát cho bộ-đội bất cứ thứ gì ai đó mánh mung nhặt nhạnh được. Thuốc lá dổm bán dạo do nhóm dân lậu làm bằng lá khoai mì xắc mỏng dính, phơi khô, sao vàng, tẩm ủ tí rượu đế, pha trộn một ít thuốc lá cẩm lệ thật, thì hút vào thì đắng nghét, khô khốc hai lỗ mũi, rát cổ họng, lại tỏa khói mịt mù.

Người ta đánh đập nhau loạn xạ, chỉ vì tranh giành bán mua đổi chát nhiều thứ với mấy “cán ngố”. Vài bộ đội bố láo bố lếu xưa kia chuyên uống nước vốí, nay vào miền Nam thì hí hửng mua một lần cả chục cây “cà lem” ung dung để trên cái dĩa, mặc cà rem chảy nước, mà họ vẫn khoái khẩu, ngồi chò hỏ hai chân mang dép râu chồm hổm trên ghế da, để ăn cà rem cho đã!
Ở Sài Gòn, dân thành thường xỏ lá
“Bộ đội ơi, miền Bắc có cà rem”?
Nét hớn hở, tỉnh bơ như Hà Nội
“Ồ thiếu gì, ăn không hết, phải phơi khô”! (NT)

Hai chân mang dép râu cho lên ghế, họ ngồi xổm, uống trà ướp sen hương thơm tỏa bay nơi nơi. Đường phố càng tối, thì quán cà phê rẻ tiền mở vội bên vệ đường, mọc lên như nấm. Cà phê nguyên chất thật và ngon thì ít, mà cà phê trộn hột thu đủ, hột thầu dầu, rồi rang vàng cháy lại nhiều hơn. Hôi hôi, đắng đắng, chua lè. Thế mà vài bộ đội uống vào, đã khen:
- Ngon đáo để.
Anh tự mãn quê anh nhiều cà chớn
Còn cà phê thì uống chẳng cần tem
Ghé vào tiệm mua nửa đôi nịt vú
Lọc cà phê, ừ cộng sản mà em! (Nguyên Thạch)
* * *

Những ngày đi dạy học tôi rất thích mặc áo dài, và ngắm tà áo dài tha thướt cuả phụ nữ Việt Nam tung bay trong gió chiều:
Em cứ mặc, nhưng xin đừng ngắn quá
Để tôi nhìn chột dạ phải liêu xiêu
Em cứ mặc, nhưng xin đùng mỏng quá
Để cho tôi tưởng tượng thật nhiều

Em cứ mặc, nhưng xin đừng hở quá
Người ta nhìn lại đổ vạ cho tôi
Em cứ mặc, nhưng xin đừng gợi quá
Tha cho tôi vì tôi đã già rồi

Em cứ mặc, nhưng xin đừng lộ quá
Người ta nhìn trông thấy cả dây leo
Em cứ mặc, nhưng xin đừng mỏng quá
Để mưa rơi, hàng xóm tưởng em nghèo... (PVT)

Nhưng chẳng hiểu tại sao những tà áo dài tung bay uốn lượn trong gió trước kia, ngày nay sau 30-4 đã biến đi đâu mất: Bây giờ hầu hết nữ sinh, thiếu nữ, phụ nữ, bà già ở miền Nam Việt Nam, khi ra khỏi nhà chỉ đóng bộ đồ bà ba: quần đen, áo trắng, áo nâu sồng! Một số thầy, cô giáo ở “chế-độ Sài Gòn cũ” bị Đảng và Nhà Nước cho “mất dạy” gần hết phân nửa. Ui, không “bị mất dạy” sao hở!? Khi bài học vỡ lòng trong miền Nam dạy tôi học từ thuở bé thơ là:
- “Phải biết kính trọng người lớn. Nhớ ơn Tổ tiên. Yêu mến quê hương. Yêu gia đình. Nhường cơm chia sẻ áo đến người cùng-khổ. Thương bạn học. Thân tình đoàn kết đùm bọc yêu thương lẫn nhau”.
Thì giờ đây mọi thứ đã đảo lộn. Đảng dạy trẻ thơ bài toán hận-thù: “Phải giết bao nhiêu “tên ngụy” (rebels) một ngày. Bác dạy người ta rình mò, thi đua đấu-tố nhau, tố khổ nhau đến cùng kiệt hơi thở cuối cùng. Nhất là thanh niên trai tráng bị đi Tù. Tù đày trên danh nghĩa học tập “cải tạo”... Tôi đứng lớp mười một giờ mỗi ngày để giảng về văn học mới:
Liên hoan có mấy quả chuồi,
Ra đi, nhớ mãi cái buồi hôm nay!
Anh đi chiến dịch Pờ–Lây
Cu dài dằng-dặc, biết thuở nào... ra? (2)

Tôi cố gắng mở ngoặc kép, ngoặc đơn, thuyết phục cho học sinh miền Nam nên thông minh hơn xí, tìm hiểu chút xíu về cách diễn đạt “tư-tưởng-lớn” của nhà “giao-lưu văn-hóa” là thế. Dạ vâng! Là thế đấy! Học sinh miền Nam không chịu tin. Không tin. Ấy dà dà...! Thế nầy là thế nào mà buồn cười nhỉ. Quả chuối trong buổi quan-hà tiễn đưa người đi Pleiku í mà! Thế là tôi càng “bị mất dạy” sau bài thơ rồi. Tôi cũng như các bạn chung ngành đã ngơ ngơ ngác ngác:
Thầy giáo, lương lãnh ba đồng.
Làm sao sống nỗi mà không đi thồ.
Nhiều thầy phải đạp xích lô.
Làm sao xây dựng tiền đồ học sinh?
Cô giáo phải bán bia ôm.
Ôm phải học trò, ăn nói sao đây? (3)

Rất may là “bần-ni-tôi chưa “trổ nghề” điêu-đứng đứng-đường moi tiền móc túi, hoặc làm nghề liếm láp bọt bia ôm, hay là vác cuốc đi đào bia mộ! Mặc dù ở thời buổi nầy ai ai cũng biết và thích “bia ôm” xí. Chứ có ai thích vác cuốc đi đào “bia mộ” bao giờ! Vả chăng “bia ôm” cũng còn có tay ôm chân đi. Còn “bia mộ” hì hì …nếu có “mộ chân” cũng ráng “bò đi”!
Cái xứ gì đâu thiệt lạ kỳ
Đèn xanh cũng chạy, đỏ cũng đi
Dân không phương kế đành phải ở
Cột đèn không cẳng cũng muốn... đi (Bùi Phạm Thành)
***

Mất việc. Tôi lui về thôn Hốc Môn, thì gia đình tôi càng lầm than cơ cực, đói rách tả tơi gấp ngàn lần di-tản trước.
Khi xưa vác bút theo thầy.
Bi giờ em lại vác cày theo trâu.
Trên đồng cạn dưới đồng sâu.
Vợ chồng cùng “cấy”... thằng cu ra đời.

Nhân dân thì chẳng cần lo.
Nhà nước lo sẵn bo bo mỗi ngày.
Hãy chăm tay cấy tay cày.
Nhịn ăn nhịn mặc chờ ngày vinh quang. (3)

Buồn tình, tôi nhìn họ rỉ tai nhau ơi ới từ Bắc ùn ùn kéo vào Nam, như cụ Cao Bá Quát cảm hứng mấy câu thơ bất hủ:
“Một thầy một cô một chó cái,
Nửa người nửa ngợm nửa đười ươi"... giống y đúc như cá nhân ba bốn tên cán bộ nọ vênh vang, vui vẻ vẫy vùng, vơ vất vùng Vịnh* (Trích dẫn thơ ngắn trong 4 Tập, 4 hồi: thể loại thơ Vần V tiếu lâm, có: Giới thiệu những nhân vật > Vững* + Vũ* + Vẹm* Vân* như sau:
Với Vẹm* vỡ vai, vì vẩu vừa vểnh
Vì vậy Vũ* vừa vúc vắc vênh vang
Vả* vất va vất vưỡng vài vốc vích*.
Vun vén vỏn vẹn vài vố vịt vương*

Vẹm + Vũ + Vững vẫn vá víu vụ vườn
Vả vỡ vài vồng vòi voi vắn vuông
Vùng Vinh* vắng vẻ, vùng vẩy về Vũng*
Vả* vòm vườn vắng vẻ với vạn vật

Vịt vo ve vỗ vù* vai, vang vọng*
Vích vênh váo Va* Vân vanh vách
Vân vì vụ vịt, vênh vang vùng vằng
Vợ Vững vác võng vào ven vũm vườn

Vòm vườn vắng vẻ vật vờ võng vãnh
Vật vờ vi vu vui vì vô Vũng*.
vờ vĩnh vỡ vạc vài vồng vông vang
Vả* vụng về vồ, ve vuốt, vòng vòng (vân vân... )

Vì: Nhất đổng (đồng hồ có hai cửa sổ). Nhì đai (radio). Tam đeo (kính “dâm”). Tứ đạp (xe đạp). Cũng chỉ vì họ bảo chiếc đồng hồ reo chuông ở miền Nam là: “mìn nổ chậm”. Phin café là: “cái nồi ngồi trên cái cốc”. Thủy-Quân Lục Chiến là: “Lính nước đánh bộ”. Trực thăng là: “tàu bay lên thẳng”. Nhà vệ sinh là: nơi “Đái, ỉa”. Nhà Hộ-sinh là: “Tập thể Xưởng-Đẻ”. Và những câu khẩu hiệu quái đản. Biểu-ngữ giăng ngay cổng ra vào ở Từ Dũ, viết nguệch-ngoạc, sai bét, nhưng đúng hàng lối trên dưới ghi rõ như sau:
Mọi da đình, chỉ có hai con vợ
Chồng hạnh phúc! (3)

Ô ồ!... (có "hai con vợ", thì... đặc biệt “thằng chồng” phải rất hạnh phúc hì hì hì… sung sướng là cái chắc). Hô hô! Chủ tịch hội đồng Bộ-trưởng Trung-ương ra lệnh đẩy cao kế hoạch hoá gia đình. Mỗi gia đình chỉ được phép sanh hai con, đứa nầy cách đứa kia 5 năm. Đảng sáng suốt lỏ mắt nhìn các bà, các chị lần lượt vô nhà bảo sanh để cai, nạo tuốt, khỏi nuôi báo cô; vì gạo cơm mắm muối vải vóc chả có.
Trai khôn lấy vợ đặt vòng.
Gái khôn lấy chồng thắt ống dẫn tinh.
Đàn ông đi biển có đôi.
Đàn bà đi biển mồ côi một mình.
Dù em con bế con bồng.
Thi đua yêu nước quyết không lơ là. (3)

Tất cả mọi thứ là của nhân dân: Ủy ban nhân dân. Quân đội nhân dân. Viện kiểm soát nhân dân. Cửa hàng ăn uống nhân dân. Hợp tác xã phân bón nhân dân. Công ty bách hoá nhân dân. Đặc biệt chỉ có “Kho Bạc” phì-lũ béo bở là của Nhà Nước!

Con cháu tôi học cấp II, về nhà đã kể lại chuyện cuả thằng bạn trong trường bị đuổi học, vì tiếng Anh tiếng U như sau:
Giờ Anh Văn, cô giáo cho học sinh tập “giao tiếp và ghi vào báo cáo”.
Hai thằng bạn hỏi nhau:
- Mầy thích loại nhạc gì ?
- Pop.
- Còn mầy?
- Disco.
- Rồi ghi vô đi.
- Nhưng mà hai từ đó viết sao?
- Tao cũng cóc biết
– Đây là từ lai tây, thôi ghi phiên âm đi.
- Uhm, có lấy điểm đâu mà lo...
Thằng bạn gật gù, ghi vào báo cáo:
- Thể loại nhạc ưa thích: "Bóp Đít Cô" (2)

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam “siêu việt” là chỉ có thế thôi. Thế đấy. (!!! ; ???)
*
Vinh = ngoài Bắc / Vả = Các anh ấy, hoặc Vả lại, vả chăng / Vũng* Tàu. / Vịnh = Vịnh Hạ Long. / vích* - loại rùa / Vù = sưng vù vai / Vang vọng = vịt kêu quang quác /
(1) Thơ Bút Tre
(2) Sưu tầm lượm lặt
(3) Thơ tiếu lâm Tình Hoài Hương
* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
05-23-2014, 06:54 PM
http://hoiquanphidung.com/upload/hqpd1/dead_sea Đẹp.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/hqpd1/Vien Du - Mai Huong.mp3
Cái Dấu ./. Về Tình Yêu Nồng Thắm…

Tinh Hoai Huong
05-28-2014, 08:18 PM
http://hoiquanphidung.com/upload/hqpd1/a.linh 56 non sung the bai.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/hqpd1/Linh Nghi Gi - Duy Khanh.mp3

Tinh Hoai Huong
06-09-2014, 08:06 PM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1402343981.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1402344255.mp3
Em Xinh Lịch Qua Tà Áo Dài
***

Mẹ của Hoài từ Huế ngồi xe đò vào Đà Nẵng thăm các con cháu, ôi vui thật là vui. Anh chị, em, con cháu ai ai cũng mừng rỡ xúm xít tíu tít vồn vã hỏi thăm mẹ. Ngay lúc nầy, Hoài gặp lại bầy chim nhỏ ở chốn cũ đồi xưa, tưởng như tiếng đàn chim hót líu lo vang vọng lại từ tận quê nhà tít tắp xa mù xa, nghe sao mà thương lạ thương lùng!

Vừa chuyện trò bên con cháu bu quanh, mẹ lấy hột sen, khoai lang, sắn mì, chuối già hương, tiêu, ớt bột, bánh bột lọc nhưn tôm thịt mẹ vừa làm, vân vân… mẹ đưa cho con, cháu, đem đặt trên bàn. Đó là kết quả tốt đẹp do sức cần lao nhẫn nhục của cha mẹ sớm chiều vất vả ngược xuôi bên vồng sắn nương khoai, mà có. Nay, có bao nhiêu quà bánh nhặt nhạnh tom góp ở trong vườn, chắc chắn là cha mẹ không dám ăn, mà bòn mót tha đi hết làm quà cho con cháu, hoặc cho lối xóm rồi đa.

Tấm lòng mẹ rộng mở, chất phác giản dị đầy khoan thứ. Nhất là tính ba mẹ nhân hậu, thương người, không riêng gì thương gia đình, mà cha mẹ thương hầu hết bà con, xóm làng cơ cực. Hễ ai kêu than, xin xỏ cái gì, nếu có khả năng là cha mẹ cho đi không ngần ngại, chả hối tiếc, cho hậu hỉ, xứng đáng, tốt lành. Chứ không bao giờ cha mẹ cho của thừa mứa. Ui chao! Cha và mẹ sao xứng đôi về lòng nhân ái đến vậy không biết!

Thắng đến nhà. Ô! Bất ngờ ghê. Thắng vào chào mẹ nàng, rồi anh lên phòng khách. Mẹ mỉm cười đôn hậu, nhìn Thắng chăm chú, như thể... mẹ muốn so sánh cân nhắc. Đôi má Hoài hây hây, nàng chột dạ quýnh quáng rù rì bên tai mẹ:
- Không có chi. Mạ đừng ngó rứa, con mắc cỡ nì.
- Chi lạ hì. Ai nói chi mà lo xa, rào đón rứa con.
Mẹ cười, nguýt yêu con gái. Mẹ lúc nào cũng vui, khuôn mặt mẹ thật thà, hiền lành đôn hậu.
Thắng đá lông nheo với Hoài, anh cứ chớp chớp mắt cười cười:
- Các anh kia tính rủ mấy em đi loanh quanh.
- Loanh quanh? Anh không muốn em bị đòn chứ.
- Ơ. Anh em đi phố mà bị đòn gì! Em đi với anh Đan mới sợ ăn đòn, à em.
- Ấy. Anh Đan thì thật là đồng hương, đồng hội, đồng thuyền à nha.
- Coi chừng đấy. Có ngày nổi máu xung thiên lên, anh canh cả giàn trọng pháo, bắn vào nhà Tổ, thì tan nát hết họ hàng nhà mình bây giờ!
- Trời ơi! Anh học đâu cái cảnh... nồi da xáo thịt vậy không biết. Anh em chúng ta bồ tèo nhau cả. Khó dễ nhau gì vậy? Điên rồi. Em ớn anh quá.
- Khà khà khà...

Hai xe jeep đang chờ ngoài cổng, Trúc chạy vào năn nỉ mẹ già cho phép Hoài đi chơi tí. Hoài dúi mái tóc thơm mùi bồ kết vào lòng mẹ, một tay nàng mò tìm vú mẹ. Mẹ cảm thấy nhột khi nào con xin phép mẹ cái kiễu ấy. Mẹ hất tay Hoài ra, nguýt yêu con gái, nhìn Thắng, mẹ nhỏ nhẹ nói:
- Ừ. Cho con đi xí thôi nà.
- Dạ, con cám ơn mẹ.

Hoài cùng các bạn đi ra cửa. Xe chạy mấy vòng quanh đường Độc Lập, rồi quẹo qua Phan Châu Trinh. Các anh đổi ý muốn đi câu cá trên sông Hàn. Tám người thuê hai chiếc thuyền nhỏ nhẹ khua mái chèo, neo cặp sát thuyền bên nhau, họ thả lỏng tay câu. Thuyền lững lờ trôi trên sóng lăn tăn. Vui ơi là vui biết mấy! Chiến ngồi chung với Thu, Hoài. Anh nói:
- Đi câu, mà Hoài và em mặc áo dài lướt thướt, coi bất tiện à!
- Anh nói đi phố, đi xem ca nhạc. Bây giờ anh còn kêu la nỗi gì hử?!
Hoài giận hờn, cầm hai tà áo dài cột vào giữa háng, coi y như đóng khố. Nàng tinh nghịch ghê. Thế là các anh chị nhao nhao lên về chuyện áo mí quần:
- Ối giời. Áo mí khố. Nè, coi thằng Quang ngồi trong lu nước quen rồi, cứ đánh bố nó cái quần sọt, thì có chết con cá nào đâu nà.
Hồng lên tiếng:
- Giá biết trước là đi câu, em sẽ mặc áo quần tây, là xong. Hay... húi luôn đầu trọc với cái váy cụt, cho anh Chiến vui lòng hỉ!
Chiến khoái chí cười:

- Các cô nào có biết: Thời kỳ bọn thực dân Pháp đối đãi ác nghiệt với dân tộc mình, bọn họ hà khắt ghê gớm. Pháp dùng chính sách trực trị, để kềm chế, khủng bố, đàn áp gắt gao. Các cô biết không? Ngày 19 tháng 9 năm 1903, lính chiến đấu của ta, mà Pháp gọi là Khố Xanh, Khố Đỏ ấy. Tức là lính mặc quần xanh quần đỏ, mà họ kêu là "khố", để tỏ vẻ khinh bỉ miệt thị dân An Nam mình đó. Pháp bắt dân mình ở trần, mặc xà lõn, đóng "khố" hầu chạy cho nhanh, vì sợ mặc quần dài có hai ống vướng víu.
Khiến sự bất mãn về cuộc sống, gian khổ, và mối thù giai cấp tăng cao, làm thức tỉnh người dân hồi ấy đã vùng lên mạnh mẽ. Việc cắt tóc ngắn, mặc quần áo ngắn được đồng bào ta hưởng ứng nhiệt liệt ấy nhe. Tuy vậy, tôi rất thích đàn bà thời ấy ăn mặc rất kín đáo, nhất là: dù mặc cái yếm thắm nửa kín đằng trước ngực, nửa hở một vạt sau lưng trần, mà có thể nói là không ngụ ý gì, tính tình họ đoan trang, thùy mị.

Anh Tùng móc mồi xong thả xuống nước, tủm tỉm cười:
- Để tôi nói cho các bạn nghe chuyện ăn mặc ở Việt Nam hồi đó như thế nào nhé: Tự ngày xưa, dân An Nam có truyền thống ăn mặc gọn gàng, kín đáo, và đẹp mắt. Lối ăn mặc nầy trước tiên phát xuất ở ngoài Bắc: đàn bà con gái khi trời nóng và ở trong nhà, thì họ đeo yếm thắm (đủ màu) cột bốn dải thắt ra sau gáy và lưng, thứ nhất là che bộ ngực, thứ nhì có thể là tiết kiệm vải ở sau lưng, thứ ba là để cho tấm lưng mát mẻ xí.
Nếu họ đi ra ngoài hoặc đi đâu xa, họ mặc thêm cái áo dài tứ thân. Váy đen dài khiêm tốn chấm tới mắt cá. Họ mang guốc mộc, đội nón lá hay nón quai thao, khoát tay nải, coi duyên dáng xinh xắn làm sao ấy! Phụ nữ Việt Nam hay lam hay làm, vì mặc "khố" dài lướt thướt, rộng thùng thình, đi đứng có phần vướng vít, trở ngại, khó khăn. Nên họ cắt bớt "khố", cho ngắn bớt lên tới mắt cá chừng vài gang tay.
Rồi thì… phụ nữ mặc chiếc váy mới, thấy dài không ra dài, ngắn không ra ngắn, họ cảm thấy dị dị kỳ kỳ, khó coi, khó chịu sao đó. Nên các bà các cô tân thời bèn làm một cuộc cách mạng nữa: Họ mặc "khố" ngắn tới đầu gối cho nó... gọn.

Các bạn nhìn nhau cười cười. Tay nầy trầm ngâm, thâm trầm, ngầm ngầm mà đấm chết voi, chắc là có vấn đề dí dỏm gì đây.
Anh Tùng thủng thẳng nói tiếp:

- Tưởng như vậy là yên thân chiếc "khố đầm". Nào ngờ, đời Vua Lê, Càn Vương hay Chiêu Thống gì đó. Tôi quên mất. Đại khái là đời vua Lê. Mỗi lần Ngài ngự giá, hay thân chinh đi đó đây thăm dân cho biết sự tình, thì vua thấy "liềng bà con cấy" đi lại ở ngoài đường, ngoài chợ không mấy kín đáo, người nào người nấy cũng đưa hai ống quyển (“lem dem” mốc mốc ít gợi cảm, đen sì không ra đen, trăng trắng không ra trắng). Hai ống quyển cứ mông mốc màu tro xám. Đôi khi vua thấy họ ngồi chò hỏ ngoài ruộng, ngoài rẫy, họ vô tình bỏ quên "cái sự đời em ra" phơi nắng phơi mưa, phơi sương phơi gió. Mà thật tình họ lo lam lo làm, không mảy may hay biết gì, nên để tông hốc chỗ nớ cho gió lùa vào. Thật ra vua cũng chu đáo lo cho sức khỏe của bá tánh, thấy họ không giữ ấm thân thể, là vua thương... đứt ruột, thương đứt đuôi con nòng nọc í chứ!
Tiến tiếp lời:
- Khà khà! Anh Tùng nói đúng. Hồi đó có ai biết mặc “xì níp” đâu. Hê hê hê...

- Tôi nói đến đâu rồi nhỉ? À, à... Phụ nữ nước ta xưa nay đa số vốn nổi tiếng là đoan trang, nết na thuỳ mị, ăn mặc kín đáo. Bỗng dưng cái “khố" ấy nay hớt cao lên tới gần đầu gối, họ ngượng ngùng, coi cũng khó chịu ha. Nhất là khi vua ngự giá đó đây, thì họ càng lo lắng sợ sệt, bẽn lẽn, run lập cập; vì sợ, vì đói, vì rét, hay vì e thẹn? Tôi chả biết. Thế nên họ cứ té lăn chiên đổ đèn, chổng mông hoặc giơ hai cẳng chân khẳng khiu quơ quơ lên trời. Rồi thì ngọn gió vô tình lại tốc ngược chiếc "khố đụp" lên quá... bẹn. Cả họ hàng nhà nó cứ vô tình tô hô tơ hơ “cái sự đời em” ra rõ mồn một, chẳng có xì líp xì lơ chi hết.

Mặc các bạn cười chảy nước mắt, họ nghiêng ngã người trên thuyền. Vương Gia Tùng bác sĩ “đẹp giai” nhà ta thì tỉnh queo không cười. Hứ, chuyện nầy có chi mà cười chứ! Làm bác sĩ nhiều lần phải khám hết mọi chỗ, cho dù chỗ kín nhất của ông bà nam phụ lão ấu, cũng là chuyện bình thường. Nhìn ảnh không cười, ai nấy càng mắc cười kinh khủng. Tùng ung dung và duyên dáng kể tiếp:
- Vua Lê là người khá hào hoa, thanh lịch, văn nhã và đầy nghệ thuật vị nhân sinh, ngài nhìn cảnh trái tai gai mắt đó nhiều lần, coi cũng dị hợm, nhột nhạt và chướng quá đi, nên vua đã xuống chiếu nghiêm cấm "liềng bà con cấy" không được mặc "khố đụp". Nghĩa là cấm không mặc váy! Á à tôi quên. Ngài tao nhã không dùng tiếng "khố" miệt thị, không nói tiếng "váy" văn chương tân thời, mà Ngài nói:
- Phải "mặc quần không có hai ống", (nghe văn nhã hơn).
- Thế là phụ nữ bắt đầu mặc quần không có hai ống dài xuống mắc cá chân.
Ngừng một lúc, anh Tùng liếc nhìn các bạn:
- Có yên đâu. Phải rồi! Chưa yên. Tôi nhớ có lẽ không lầm đúng một trăm sáu mươi ba năm sau. Vua Minh Mạng thứ 9 đã ban một chiếu dụ khác, trái ngược lại là: cấm chỉ "liềng bà con cấy" không được mặc "váy đụp" tổn hổn tển hển như thế. Mà mặc quần dài phải có hai ống hẳn hoi. Thế là "quần có hai ống" ra đời từ đó. Nào, bi chừ các cô thích thứ gì: Mặc "khố", "quần có hai ống", hay là mặc "váy đụp"... Hỉ?
Anh Đức (quân y) tủm tỉm cười:
- Chuyện nầy hỏi Hoài thì rõ nha.

Hoài liếc liếc nhìn các anh chị, vui vẻ thảo luận:
- Về “Chuyện Áo Quần” đúng như thế đấy ạ! Dạ vâng! Ngày xưa phụ nữ trang phục như vậy, âu cũng là đài các quý phái lắm rồi. Thế mà sau nầy họa sĩ Cát Tường (Lemur) còn đề xướng ra một "mốt tân thời" khá hấp dẫn khác: (chiếc áo tứ thân, khăn mỏ quạ, váy xồi guốc mộc... đã được thay vào những chiếc áo dài của phụ nữ, cho thêm phần duyên dáng hấp dẫn và xuất sắc hơn).
Áo dài có đủ kiểu: áo dài cổ truyền hai vạt, có nếp áo ôm vào thân, áo dài khi ngắn lên qua nửa ống quyển, khi dài chấm gót chân, lâu lâu thay đổi xí. Áo dài hồi xưa may bâu lót viền quanh cổ áo (nhưng bây giờ phụ nữ ít thấy ai mặc, chỉ còn áo dài dành cho ông già vẫn có bâu). Tà áo khi hẹp khi rộng, khi thấp khi cao theo thời trang. Thường thay đổi cổ áo nhất: cổ áo kiểu tròn, cổ áo kiểu áo bà Nhu, cổ áo kiểu trái tim, cổ áo kiểu hở vai hơi xệ trước đầu ngực, hai vai phồng.
Như bây giờ Hoài đang mặc đây là áo dài cổ cao đến nỗi quay qua quay về bị cấn. Thợ may còn luồng một sợi dây nhỏ ở ngay eo, thắt rất chặt, để siết hai tà áo vô hông theo vòng eo, cho nhỏ xíu lại. Trên tà áo gắn kim tuyến, hay thêu đủ hình hoa hình phượng tuyệt đẹp. Kèm vào áo dài là chiếc quần dài màu trắng (hoặc màu đen,) rộng loe dưới ống hẳn hoi, loại vải quần mỏng mượt, mịn màng.
- Rồi sao nữa!?

- Dạ thưa... Chuyện Áo Quần 1 nè (thời trang theo từng thập niên) thì: Trước tiên đã được du nhập vào Việt Nam từ thời Trung Hoa {(mà thuở ấy dân ta gọi là Tàu) đô hộ nước ta 1.000 năm}. Thưa, cũng nên công bình mà nói thì… như quý vị đã thấy là: Chiếc áo Thượng Hải của Tàu dựa trên hình thức kiểu mẫu đã có từ lâu, ta cứ thẳng thắng trung thực mà nhìn, thì chúng ta thấy nó không khác gì tà áo dài Việt Nam là mấy ạ. Cũng kiểu cổ áo kín và cao, kiểu nút gài từ giữa cổ, có vạt hò bên trong, có hàng nút thắt từ cổ chéo qua ngực phải và tới nách, rồi hàng nút ấy buông xuống một bên hông phải. Còn một bên hông trái không có hàng nút, thì người Tàu may bít xuống tới dưới bắp đùi, quá đầu gối, hoặc xuống tận gót chân; phía dưới từ đầu gối trở xuống là áo xẻ cao một bên tà áo.
Rất khác một vài điều là: áo Thượng Hải không có hai tà áo rời hẳn ra từ hông; (như hai tà áo dài của phụ nữ Việt Nam); mà họ may bít một bên hông, may bít từ bên hông trái xuống tận gót chân, na ná như áo đầm bó thân bên trời Tây. Nôm na gọi là "bên kín bên hở" hay là "nửa kín nửa hở"... Họ thường may các loại áo vải hơi dày như nhung, gấm, nĩ, nên kiểu áo Thượng Hải phụ nữ Tàu coi cứng đơ, không uyển chuyển gợi cảm là bao. Áo Thượng Hải có loại áo dài tay. Có loại áo sát nách (không có tay).

2.- Trong khi đó thì phụ nữ Việt Nam mặc áo dài có hai tà rời từ hai bên hông, gần thắt lưng trở xuống gót chân. Thế nên mỗi cử động của phụ nữ Việt Nam đều nhịp nhàng, uyển chuyển, tha thướt, duyên dáng, hấp dẫn theo từng bước chân; hai tà áo dài e ấp nép vào đôi ống vải quần mong mỏng, nhè nhẹ bay bay trong gió. Trông ai mặc áo dài cũng tha thướt, uyển chuyển, khả ái, xinh lịch và quyến rũ. (Hình ảnh ấy tuyệt đẹp, phải không xin thưa quý vị)?

Vào thập niên 30 ở thế kỷ 20 – Người “An Nam” ông cha chúng ta còn hãi hùng chìm đắm trong chế độ cai trị của Tàu. Sau đó họ sợ hãi bởi ách đô hộ của thực dân Pháp, do toàn quyền Đông Dương tên Pierre Pasquier cai trị. Trong bối cảnh lịch sử nói chung, đầu tiên nhờ có nhóm Tự Lực Văn Đoàn do Nhất Linh Nguyễn Tường Tam có tư tưởng cải cách tiến bộ, ông đã mạnh dạn đứng lên làm một cuộc cách mạng, bao gồm: Xã hội, giáo dục, nghệ thuật &… Le Romantisme Révolutionnnaire (lãng mạn cách mạng, truyện của nhóm TLVĐ).
Sau đó, nhóm TLVĐ xin giấy phép lập “Hội Ánh Sáng”, để thực hiện ước mơ “tân trang” một xã hội lành mạnh (nhưng vẫn lưu giữ những hình ảnh đẹp trong tinh hoa thuần tuý cổ truyền Việt Nam). Thế là họ thành công… & có họa sĩ Cát Tường: là họa sĩ đầu tiên vẽ đủ thứ kiểu: từ nhà cửa, bàn ghế, tủ, cho đến bóp đầm, giày dép ...v.v… Trong đó có kiểu áo dài Việt Nam.
Anh Tâm đã hất hàm hỏi anh Đức bên Quân-y:
- Dựa trên cái gì để vẻ mẫu, hoạ kiểu cho các mùa thời trang, anh Đức hỉ?

- Câu hỏi nầy thật là hóc búa đây, xin thưa quý vị! Theo thiển ý của tôi thì thế nầy: vẫn dựa theo sự chuyển mình tất yếu của lịch sử, sự tiến hóa không ngừng "cải cách", và sự giao mùa của từng dân tộc. (Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung). Theo đà tiến hóa không ngừng trên vũ trụ nầy, thì con người ở mỗi quốc gia ngày càng trở nên thông thái, phát huy, có óc sáng tạo tinh vi. Họ không ngừng tự nghĩ ra những “kiểu mẫu” mới, để minh họa cho các mùa, thời trang tuyệt hảo phải phù hợp theo mỗi chu kỳ của quả đất, thích hợp cho dân tộc họ, có thể cho cả thế giới đấy ạ. Tôi tài hèn sức mọn, biết chút chút đến đâu, thì xin chia sẻ cùng quý vị đến đó; ngỏ hầu mong học hỏi thêm. Ngoài ra không dám gì hơn ạ. Dẫu sao thì tôi cũng có chút kinh nghiệm về chuyện nầy.

Khách hàng may đồ bảnh nhất và ưa chưng diện thường là mấy bà sồn sồn, hoặc có tuổi, họ dư dả tiền bạc, thích se sua “đài các”, mỗi lần họ may cả chục áo đủ kiểu, đủ màu. Hơn nữa thân hình của họ lại hơi “nẩy nở phì nhiêu”, nên áo dài mau chật, họ cũng hiếm khi may áo ôm sát (nếu người mập, mà mặc áo dài chật, “khúc lưng” sẽ có từng ngấn lõm vô lồi ra, thì chẳng khác nào đòn bánh tét, lòi mỡ ra còn gì!!) nên thợ dễ cắt may, mà ăn tiền ngon lắm. Nhưng mấy cô nhí choai choai thì đâu có tiền dư, lâu lâu mới may được một vài cái áo dài. Vả lại trẻ tuổi eo co thích mặc ôm sát thân, ngực nở, lại độn thêm cái bra gọng thép chần dần. Nếu thợ may cắt không khéo, là nhăn áo. Đức tôi kể thêm một chuyện vui nghề này hầu quý cụ nghe nhé:
Có một khách hàng trẻ, dân Bắc đến may ở tiệm má tôi, cô ta đòi:
- Anh làm thế nào mà “ôm”, nhưng không “nhấn” cho em nhé? (nghĩa là áo ôm sát vô thân, nhưng không nhấn ben eo...).
Đức tôi ỡm ờ trả lời:
- “Ôm” mà không cho “nhấn”, làm sao thích thú… làm ăn khớp cho được! Vậy ôm làm chi.
Các bạn trai khoái chí cười ha ha ha...

- Theo tôi nghĩ: thời trang là những gì thể hiện cái đẹp theo cách nhìn và cảm nhận của thời đại, vì thế có rất nhiều dòng thời trang khác nhau trên thế giới, tùy theo mỗi dân tộc, nhóm người, giống phái: nam nữ, già trẻ... Tuy nhiên có khi sự cảm nhận, suy nghĩ lệch ra, khác đi, thì thời trang của họ thể hiện cũng khác đi. Bây giờ đa nguyên nam nữ bình đẵng, do đó thời trang phái yếu phái mạnh gần giống nhau. Quan trọng là chọn lựa thời trang, kiểu dáng, màu sắc, hoa văn phù hợp lứa tuổi, vóc dáng của mình, và cũng quan trọng là để mình mặc vào dịp nào? Ăn diện thì hợp nhất với ăn chơi, tiệc tùng, party, dancing, kéo theo các đồ phụ tùng khác cho thích hợp, rồi phấn son, nước hoa...

Về đề tài thời trang, quần áo thì mênh mông, có chiều dài bằng lịch sử con người, cho nên Đức tôi chỉ xin nói về một ít mà tôi đã trải qua, cũng như sự suy nghĩ riêng. Theo tôi điểm chính yếu để tạo ra thời trang nói chung là để tăng thêm sự hấp dẫn, nét đẹp của trang phục người phụ nữ là nhiều nhất. Cũng từ ý tưởng đó và tùy theo thời đại, xã hội... nếu ý thích của đa số là vẻ đẹp mong manh, liêu trai, mềm mại, thì thời trang áo quần, tóc tai, trang sức cũng theo chiều hướng đó.
Nhưng vào lúc khác, cái đẹp là mạnh khỏe, sexy, nóng bỏng, thì thời trang ở thời gian đó cũng thay đổi như thế. Nói chung là quan điểm bây giờ về sự hấp dẫn, có thể là thiên về sex nhiều hơn, như các kiểu quần xệ, áo hở vai, lưng, ngực... Nếu nhà tạo mẫu nào nắm bắt được xu hướng sắp tới, thì họ đi trước một bước, đưa ra kiểu, dáng, màu sắc, hoa văn… rồi tung ra quảng cáo, là ăn chắc. Trong thời gian trước, hầu như thiết kế thời trang của Việt Nam đa số bị gò bó, cổ hủ, cứng ngắc, bắt chước, lệ thuộc, hiếm có nét đặc thù riêng cho người Việt mình.

Lan vui vui bắt chuyện hỏi anh Đức:
- Anh là quân y đã đành, bộ anh có học nghề may, hay sao, mà rành sáu câu quá vậy!?
- Hà hà... vì má tôi là chủ tiệm may. Đúng... Hồi ấy tôi cũng thích ngắm người đẹp, rảnh rỗi có theo học nghề với một ông thầy may đồ đầm từ thời Pháp là ông Ba Cao, ông có một câu nói cho đệ tử nhập môn là:
- “Muốn giỏi và tiến trong nghề đồ đầm phụ nữ, là phải có máu dê trong người, ai không dê, là không theo nghề được”! Lúc đầu tôi cho là ông nói giởn chơi. Nhưng sau này nghĩ lại đúng có máu dê, thì mới ưa thích nhìn ngắm, tìm hiểu về thân hình phụ nữ, sẽ thấy được cái xấu, đẹp, mới làm ra cái skirt, long dress, áo dài... phô trương cái đẹp và che bớt cái xấu của khách hàng. Nói chung là yêu nghề, nghề may và nghề Y giống nhau ở điểm này: hạ một mũi kéo, hay rạch một vết dao mổ bệnh nhân, thì phải biết dưới tay mình là gì, lơ mơ cắt trúng động mạch, nerve... là toi mạng. Cái giống nhau thứ hai về cắt may khác ngành y là: dùng cái kéo lớn, kéo nhỏ, phục vụ khách hàng khác nhau.

Tôi làm nghề Y là thấy thương bệnh binh mặt mày đau đớn nhăn nhó, lem luốt, máu me, họ nhìn mình với đôi mắt cầu mong và tất cả hy vọng, tin tưởng, và năn nỉ. Còn nghề may thì ta làm cho “khách” thêm đẹp đẽ, thơm phức, khiến mình ưa “dòm”, nhưng mình cầm kéo cắt vải là chìu theo ý thích của họ! Một điều quan trọng nữa là môn cơ thể học cũng áp dụng được trong ngành may, nhờ đó mà tôi biết rõ “đối phương” là già, hay trẻ, người ấy là dân miền Nam hay miền Bắc. Từ đó tôi gia giảm rộng hẹp, vân vân… Giàu kinh nghiệm mà ăn tiền là ở chỗ đó, cũng có đôi khi bị tổ trác, (do ổng lo đi rờ mó chi chi), nhưng ít khi bị lầm.
Hoài gật đầu tán thành:
- Anh nói rất chí lý. Bây giờ em thấy họ mặc áo dài mốt mới raglan anh à.
Đức gật gù:

- Áo dài raglan may cho đẹp, ôm sát thẳng thớm đã khó, mà kiểu cổ thuyền (giống cổ áo bà Nhu) còn khó hơn, ta nhìn áo chưng bày trên tượng hình, thì đẹp vậy, mà mặc vào, chưa chắc à. Về áo dài Raglan: Theo tôi được biết thì người sáng chế ra kiểu áo dài này là do ông chủ tiệm may Dung ở vùng Dakao, Tân định, gần chỗ rạp Casino-Dakao). Thời thập niên 60, tiệm Dung cắt may y phục phụ nữ nổi tiếng cho tới bây giờ. Tôi thọ giáo nhiều nơi dành cho các chủ tiệm theo học, để up-grade nghề nghiệp. Có cô khách nhí may áo dài cổ thuyền, cô ta bảo làm giống như áo mẫu chưng ở tủ. Tôi cắt xong, cho thợ may đâu đó xong xuôi, cô nhí đem về nhà, không biết ở nhà cô ta có ý kiến ý cò sao đó.
Hôm sau cô nhí ôm áo lại, chê sao khoét cổ rộng quá, mặc hở ngực ra coi kỳ. Tôi bảo mặc thử xem sao, thì đúng là có hở hang, đưa ngực ra coi hấp dẫn lắm, tôi mê. Nhưng cổ áo đã khoét rồi, làm sao thu nhỏ hẹp lại, giống như hớt tóc ngắn, cao, làm sao cho tóc dài ra liền được! Năn nỉ hoài “cô nhí” cứ làm khó dễ. Tôi đánh liều nói:
- Cổ áo khoét rồi giờ đưa lên cao không được. Nhưng tôi có thể “bấm”... cho ngực em xệ xuống được...
- "Con gà mái ghẹ” của tôi nó trợn mắt xù lông lên liền... Ha ha ha... Nhưng thưa các bạn, trong ngành may cũng giống như nhiều ngành khác, người Việt (và người Á Châu) dấu nghề ghê lắm, tệ trạng này kéo dài tới bây giờ, cho nên các quảng cáo ghi là: (bí truyền, gia truyền!) đó chỉ là sự ích kỷ, không thể tiến bộ được. Nói về kinh nghiệm thì đa số có thể do kiến thức không cao, không phong phú, chỉ biết là làm lâu năm, thấy gia giảm như thế... là tốt đẹp, thì từ đó họ coi đó là kinh nghiệm gia truyền. Khác với sự suy luận, kinh nghiệm có thể 10-15 năm tạo thành.
Nhưng suy luận có thể trong 15 phút, là biết tại sao và phải làm thế nào. Công thức cắt áo của má tôi, tôi sửa lại gần hết, vì má tôi dùng công thức xưa quá, theo lối cũ, rườm rà, khó hiểu, không thực dụng. Bây giờ nhìn những áo dài thời trang hiện nay tôi mê lắm, giới trẻ học trường lớp đầy đủ kiến thức, không như mình là “học đại”! Khi nào người mình không còn tính ích kỷ, gia truyền, bí truyền... thì người Việt mới tiến bộ như đám Tây, đám Mẽo được.

Tùng gật gù góp ý:
- Khi nhìn vào một người đẹp mặc áo dài, đầu tiên là phần ngực, chân cổ ôm sát, không nhăn, tới phần nách tay, phần eo và bên hông, hai tà áo úp vào, khoảng hở eo cao, nhìn hấp dẫn, rồi tới phần hoạ tiết, hoa thêu... Quan trọng nhất vẫn là điểm hai đầu ngực cao thấp, khoảng cách, và xuôi vai... Người thợ chịu khó chú ý, cẩn thận, thì làm khách hàng đẹp thêm, che dấu bớt những khuyết điểm, họ thoải mái tự tin khi mặc chiếc áo dài, là thợ may thành công.
- Về áo dài nhung, bạn may nên chú ý: chọn tuyết nhung (lông) ngược, khi ra nắng sáng óng ánh đẹp. Nhưng mau cũ và phai màu. Tuyết nhung xuôi thì giữ màu lâu, rờ tay vào thấy mịn màng mềm mại. “Nghề chơi” cũng lắm công phu, mà bàn thêm nữa... thì tôi bù trất, chỉ muốn xông vô mà “ôm nàng cho đã...”

Các cô quê xệ che mặt cười khúc khích. Còn các cậu thì khoái chí lêu lêu các cô, và cười ha ha ha thả thuyền câu theo dòng nước. Các bạn chuyện trò vui vẻ, họ kể nào là chuyện Đại Đế Napoléon Bonaparte. Chuyện Ludwigvan Beethoven nhà soạn nhạc lừng danh; họ lại chuyển qua chuyện Michael Faraday, nhà bác học lỗi lạc. Kể cả những chuyện tiếu lâm khôi hài vui hết biết. Có thi sĩ đã viết về áo dài:
Ngực eo không vừa lại tháo chỉ ra
Ráp chưa xong trống đã điểm canh ba
Nơi cuối xóm tiếng gà gáy dội.
Hai bên vắt chéo xâu xâu vội (*)
Một sợi đâm ngang đạp đạp mau (*)
Chân vịt đưa mấp máy suốt đêm thâu
Xong một cái, nhẹ chiếc đầu biết mấy! (*TNL)

Hoài mỉm cười xin thầm hỏi: Chuyện áo quần “tiếu lâm” có thật, và chuyện đại đế Napoleon Bonaparte lừng danh như thế. Quý vị thích nghe chuyện nào. Thưa quý vị? Còn Hoài thì… ỏn ẻn thủ thỉ tự thú nhận: Em chả… “thíc” đại đế đại điếc chi cả; mà em chỉ thích mặc “quần không có hai ống” thôi đấy ạ!!!

(*) Lược áo ráp thử.
(*) Xỏ chỉ đạp máy (“Thức đêm may áo” thơ Trần Nhất Lang).

_ * _


Tình Hoài Hương

http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1402344091.png

Tinh Hoai Huong
06-13-2014, 06:31 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1402866494.jpg
Cách huấn luyện CHIM & CHÓ



Ngôi nhà ngói ba má tôi đã sinh sống cao năm bậc cấp, có ba gian hai chái, thềm sân rộng lát gạch tàu, bên một gian chái là giàn hoa thiên lý treo chiếc lồng cu gáy sơn son thiếp vàng, chúng đang gù gáy bạn đời, nghe thật hay. Lồng bên cặp cưỡng đen tuyền đang nhảy nhót, chim hót don dỏn giọng tiếng Việt, nghe líu lo. Ngoài những giờ bận rộn, ba tôi có thú tiêu khiển điền viên tao nhã, tri thức mỗi khi trà dư tửu hậu; ấy là ba cùng vài bạn tri âm ngồi dưới giàn hoa thiên lý cạnh hàng hiên bên giại nứa, họ đầm ấm hiền hòa ngâm thơ, vịnh nguyệt, trồng cây kiểng, nuôi sáo, nuôi cưỡng, huấn luyện bồ câu đưa thư, và nuôi chó quý. Họ bàn thảo với nhau về kinh nghiệm nuôi, chọn chim: Chim mà có mỏ quắp, là chim hung dữ, đáng sợ . “Chim hồng chim hộc cất cánh bay cao, là nhờ lông cánh. Lông to dưới bụng, lông nhỏ trên lưng, mọc thêm một nắm, bay chẳng cao hơn, Rụng mất một nắm, bay chẳng thấp hơn”. (Hàn thi ngoại truyện).

Ba tôi có biệt tài nuôi chim và giàu kinh nghiệm khi huấn luyện loại chim bồ câu đưa thư, cũng như nuôi dạy chó khôn đưa tin đi xa. Trước khi muốn nuôi chim bồ câu, ba tôi tự cưa cây, bào gỗ làm một cái chuồng xinh xắn khá to lớn, chuồng sơn xanh sơn đỏ, vẽ hoa lá cành, nóc lợp ngói, có hành lang song gỗ tròn chạy chung quanh chuồng chim. Ba làm việc gì cũng khéo tay, coi thật cầu kỳ, đẹp lạ thường. Chuồng chim núp dưới bóng mát của những tàng cây rợp lá, chuồng đặt trên một cây cột cao, có rào kẽm gai ở dưới (đề phòng mèo rình bắt chim con). Chuồng có những “ngăn phòng” riêng biệt đóng kín, chỉ có một cửa ra vào hình tròn, mỗi “phòng chim” rộng khoảng 30cm, mỗi bề mặt của các ô cửa có tấm màn lưới mỏng treo lơ lửng.
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1402640868.jpg
1./ Chọn mua vài ba cặp bồ câu có chân đỏ, mỏ đỏ, mắt đỏ, bộ lông mịn trắng (cũng có khi chọn bồ câu lông màu nâu, màu xám). Khi tôi vãi lúa, bắp khô ra sân rộng, nhìn cảnh gia súc: gà, vịt, ngỗng, ngan… vui vẻ nhộn nhịp “tưng bừng nhậu nhẹt”, coi thật thú vị lắm. Đặc biệt ở cạnh trên bốn góc chuồng bồ câu cao, loài chim thông minh nầy được ăn thêm: đậu xanh cà hột giả dập dập, rồi nhào trộn với cám hơi nhão, (do có tẩm xíu nước, để các thứ ấy dính với nhau). Sau khi từng cặp chim bồ câu lớn lên, trở thành “có đôi có cặp”, (việc chọn và biết con chim nào là con trống, con chim nào là chim mái, cũng công phu, phải hiểu biết và có kinh nghiệm). Chim đẻ trứng, ấp trứng nở ra con. Có nhiều cách huấn luyện bồ câu đưa thư:

2./ Khi bồ câu đã có con, và “bồ câu nhí” mở mắt, ra ràng, ta để cho bồ câu nhí làm quen và thân thiết với ổ của mình, thì sau đó thả cặp “bồ câu cha mẹ” ra ngoài ổ.

3./ Kéo tấm lưới ngăn lại (cho bồ câu nhí không thể bay ra khỏi chuồng, chúng chỉ quanh quẩn ở trong tổ). Bồ câu cha mẹ sẽ đứng ở ngoài tấm lưới mắt cáo, để chúng có thể thò mỏ vô mớm mồi cho hai con nhỏ ăn, uống, dễ dàng.

4./ Đem nhốt một trong hai con chim nầy (bồ câu cha, hoặc bồ câu mẹ) ở một cái lồng khác. Chừa lại một con chim ở ngoài trời, Vì cha (hoặc mẹ) không được ở gần con, nên nó luôn luôn quyến luyến, nhớ thương (vợ, hoặc chồng, và con) mà chim sẽ quanh quẩn bên chuồng, bên con.

5./ Đem bồ câu cha đã nhốt trong lồng mới, xách lồng đi thật xa chuồng cũ sơn son thiếp vàng kia, để lồng chim ở đó một ngày đêm. Ngày hôm sau, thả con bồ câu nầy ra. Bồ câu cha (hoặc mẹ) lập tức bay về chuồng cũ, và chung thủy “tìm vợ, tìm con”. Ta sẽ thay đổi vị trí, kiên nhẫn làm lại y như thế nhiều lần (với bồ câu cha, mẹ kia).

6./ Từ đó, ta sẽ kéo đường dài (kéo cây số) đi một khoảng cách khá xa xa. Ví dụ trước kia khoảng cách giữa chuồng chim ở nhà, và lồng chim là 50 mét, nay bồ câu đã quen bay lui bay tới chuồng, thì tuần lễ sau, ta sẽ kéo dài khoảng cách thêm xa xa thành 100 mét. Ở góc khuất rất xa đó, ta thả bồ câu ra, cho nó tìm đường bay về tổ. Vân vân…

7./ Cặp bồ câu nhí không nên thả ra cùng một lúc, vì cả hai con nhí nầy khi đã được bay nhảy, thì tung tăng ngoài bầu trời thênh thang và tự do, chúng sẽ hẹn nhau bay đi xây tổ ấm “mút mùa lệ thủy”, chim bay đi… một bay không trở lại.

8./ Hai con nhí đã trưởng thành, (mọc đủ lông cánh) thì ta kéo tấm lưới sắt lên, cho “cha mẹ con cái” sống chung một nhà, để cha mẹ chúng huấn luyện con cái tập bay chuyền, bay bổng, và nhập đàn với bạn trong một thời gian dài.

9./ Cách phân ly khác: Tách bồ câu trống ra khỏi chuồng, đem một con bồ câu trống cũ nầy thả cho nó bay ra ngoài trời. Ta nhốt một con bồ câu trống xa lạ khác vô trong chuồng, cho nó ở chung với “con vợ cũ”. “Thằng chồng bồ câu cũ” đang cảm thấy mình bị phản bội, bị kẻ khác ve vãn và sẽ cướp đoạt mất vợ, nên nó điên cuồng nổi cơn ghen, cứ lẩn quẩn bên chuồng chim. Ta vẫn làm “cái sách cũ”, nghĩa là cột một cái ống trúc khô, nhẹ, nhỏ, ở cổ chân chim, sau đó nhốt con trống (hoặc mái) vô trong lồng bịt kín, đem lồng chim đi thật xa, xa hẳn chuồng. Ở địa điểm mới, ta thả bồ câu ra, nó sẽ tung cánh lên cao, liền vội vã bay về tổ ấm. Thế là thành công. Ba tôi còn bẫy chim sáo, nhồng, cưỡng… cho chim ăn ớt, ăn bắp xay, lúa… nuôi dạy chúng biết nói tiếng người. Nghe líu lo hay lắm.
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1402641383.jpg
Ba tôi còn có một “ngón nghề” tuyệt vời nữa là: cách huấn luyện nuôi dạy chó đưa thư, loại giống chó berger khôn thế nầy:

1./ Đại cương về cách chọn giống chó: Không chọn giống chó chấm lông ở ngay chính giữa trán, và bị chấm lọ (bất cứ màu gì) ở đuôi, thì không nuôi giống ấy. Nhưng phía trên, gần hai mắt ở cạnh lông mày của chó, nếu có hai chấm tròn, lông xoáy (vàng, đen, hoặc trắng… khác với màu lông của thân thể chó), là giống tốt “đốm đầu thì nuôi, nhưng đốm ở đuôi thì thịt”. Đặc điểm cần chọn của giống chó tốt: Đuôi chó luôn ở bên trái. Lưỡi chó có đốm đen dài. Bốn chân chó cứng cáp trên thân hình chó vạm vỡ. Có nghĩa là ngực nở to, nhưng phần bụng phải thon gọn. Hai tai chó luôn đứng thẳng, chó thính tai nghe rõ (tai chó không cụp qua một bên). Muốn hai lỗ tai chó thẳng đứng và tinh khôn, (vì hai tai chó đứng thẳng, thì nó nghe rất thính) một tuần vài lần, ta nên cho chó ăn trứng gà tươi trộn phổi bò.

2./ Chọn giống chó: Nên chọn chó mõm dài. “bạch cẩu hoàng đầu lưng bối nguyệt” = Thân có lông trắng, đầu lông vàng, lưng chó có lông như hình trăng rằm, mắt to đen láy, mũi hồng, lưỡi dài có đốm đen, tứ túc huyền đề. Giống chó nầy đặc biệt rất quý hiếm, ít thấy.

3./ Thân chó lông màu đen, bốn chân lông màu trắng, giống như ở chân chó mang đôi vớ trắng (tất), gọi là = “hắc cẩu tứ bạch”.
- Toàn thân chó có màu lông vàng óng ả, gọi là = “hoàng cẩu”.
- Lông xoáy ở trên lưng chó mọc xuôi từ đầu chạy về đầu đuôi, gọi là = “Bối kiếm cẩu”.

a./ Ngoài bốn chân chó, có thêm bốn cái móng đeo nhỏ lủng lẳng ở mỗi chân, gọi là = “Tứ túc huyền đề”.
b./ Ngoài bốn chân chó, có thêm hai đeo nhỏ ở mỗi chân trước, và một đeo ở mỗi chân sau. Gọi là = “Lục hợp cẩu”.
c./ Ngoài bốn chân chó, mỗi chân chó có thêm hai móng đeo nhỏ. Có 8 móng đeo ở bốn chân, gọi là = “bát long cẩu”.
d./ “Lưỡng cẩu” = là bốn chân chó chỉ có hai móng đeo ở hai chân.

4./ Ta thân thiện với “chó nhí” từ khi chúng còn nhỏ. – Biết tính nết chó – Đặt tên chó & gọi tên nó mỗi ngày nhiều lần, cho chó quen biết tên của nó - Huấn luyện chó nhí từ việc nhỏ nhất, ví dụ: thường xuyên dạy chó đứng – ngồi – nằm - bắt tay mình – dạy chó ăn, uống khi nào được cho phép – cùng chó đá banh - ném banh, ném lon ra xa, ta và chó đi nhặt về, nhiều lần. Sau đó để chó tự đi nhặt về đưa cho mình. Mỗi lần chó “làm việc giỏi”, ta thưởng cho chó món ăn mà nó ưa thích.

5./ Sau đó ta dần dần huấn luyện thêm những việc khó hơn, ví dụ: dạy chó giữ nhà. Chó biết phân biệt người thân và khách lạ, (chó thông minh, chính vì thế mà chó ưa sủa rần trời, mỗi khi có người lạ, hoặc nhà có kẻ trộm rình). Dạy chó phân biệt gia súc của nhà mình nuôi, khác với gia súc của hàng xóm. Dẫn chó đi săn bắt: chuột, chim, gà rừng, vân vân… Dạy chó đi nhận thư ở nhà nầy đến nhà khác: Ta cùng chó đi gửi thư ở bưu điện nhiều lần, cho chó quen hơi người lạ ấy, ta gọi tên của ông ấy hoài, cho chó ngửi mùi người ấy, sẽ quen hơi. Nó biết nơi chỗ cần đến. Sau đó, một mình ta cột thư ở cổ chó, và dẫn chó đến cho người sẽ nhận thư (người mà chó quen hơi biết mặt trước kia), ta vỗ vỗ vào đầu chó, thân thiện vuốt ve và gọi tên chó: “To Bi… hãy để ông (tên X…) mở túi xách ở cổ ra, nhận thư”. Nhiều lần như thế, tất nhiên con chó thông minh, tinh khôn, và hiểu ra ngay.
Ba tôi kiên nhẫn dạy chó, chim (tận tụy, giống như ba tôi đã kiên cường trong việc chữa trị bệnh nhân), nên ba tôi rất thành công trong việc nuôi dạy chim & chó.

***
Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
06-15-2014, 08:25 PM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1402671139.mp3

http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1402640265.jpg
CHA MẸ Tôi (đã từng) Nén Lại Chân Quê
THH xin cống hiến quý độc giả HQPD bài viết về CHA.
Thân quý,
***

“Tinh thần gia đình là gì?
Đó là: Pha trộn tình mến sợ cha. Tình âu yếm sợ mẹ. Kính trọng cả hai. Thán phục nhân đức của cha lẫn mẹ. Bỏ qua các lỗi lầm. Ghi nhớ công ơn. Thông cảm đau khổ. Cảm kích các hy sinh của cha lẫn mẹ” (P. Janet).

Ba tôi là người con thứ tư sinh trưởng trong một gia đình bề thế, giàu có, ở Làng Hưng Nhơn, thuộc Tổng An Thơ, Phủ Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị. Ba làm nghề thầy thuốc Đông Y, lương thiện, ân cần và đạo đức, chu đáo tận tụy trị bệnh nhân khá mát tay. Đúng là “lương y như từ mẫu”. Ngoài ra, ba tôi còn có vài ba nghề tay trái nữa là: nghề cưa xẻ cây gỗ, làm nông, và mở một trang trại ươm cây giống rất to lớn. Dĩ nhiên, mọi công việc nặng nhọc về vườn tượt, đồng áng, ba tôi có nhờ lực điền, tá điền & quản gia phụ việc.

Nhắc về ba, tất nhiên tôi phải nói lướt sơ sơ ti tí về má. Má tôi sanh ở Làng Thuận Nhơn rợp bóng hai hàng cây sát bên con sông xanh êm đềm uốn khúc, nước sông rất trong, ngon và ngọt. Làng nầy thuộc Tổng Cù Hoan, Huyện Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị. Ông ngoại là một võ quan rất giỏi trong triều đình Huế thời xưa. Gia đình ông bà ngoại khá giàu có, ruộng lúa cò bay thẳng cánh. Má tôi lớn lên công dung ngôn hạnh vẹn toàn và hiếu học, biết chữ. Má sinh ra trong một gia đình đông con, nhưng rồi ông bà ngoại tôi chỉ may mắn còn lại cậu Cửu Ổn và má, mà thôi. Má tôi luôn tôn trọng chồng, nhỏ nhẹ, đôn hậu, hòa nhã yêu thương chồng con hết lòng.

Ba Má tôi rất hiền, đạo đức và giống nhau là có lòng nhân ái, phúc hậu, (mà các con ưa nói ba má có tính tào lao: ăn cơm nhà vác ngà voi). Ba má tôi sống cuộc đời khá hoàn thiện, ngày nào họ cũng xem là ngày cuối cuộc đời trước mặt Chúa: Họ không gian dối, không thất đức, không lừa gạt ai, họ chỉ biết sống bác ái, ôn nhu, an lành, yêu tha nhân, tận tình giúp đỡ người cùng khốn, cần mẫn tận tụy chăm chỉ làm việc.

Ba tôi có hẹn với đại gia đình anh chị em tôi khi ba ở Đà Lạt là: “ba sẽ ra Huế để lo thu xếp công chuyện, chuyển giao việc trại ươm cây và đồng áng lại cho người thân. Sau đó ba má sẽ vào sống yên ổn ấm no ở Đà Lạt với các con, cháu”. Ấy thế mà… đâu vẫn hoàn đó, ba má chưa rứt ra nỗi.

Điển hình nhất là ba má bị quật ngã biết bao phen trong cuộc đời thăng trầm sướng khổ, cay cực, mà không chịu lùi bước. Ba má tôi khi đã đắn đo suy nghĩ quyết chí làm một việc gì, thì họ đồng tâm hiệp sức phải thực hiện tạo thành cơ nghiệp ấy cho kỳ được. Dù gian truân đến đâu mặc lòng. Ở quê nhà nay chỉ còn hai ông bà cụ lom khom lui cui đi ra đi vào thui thủi. Tôi cảm thấy ba má sống thật neo đơn, vắng vẻ buồn rầu không ít. Thế mà hầu như ba má không lấy đó làm phiền bên ngọn đèn dầu hột vịt tù mù tỏa sáng, đầu ba tôi luôn suy tư cúi xuống quyển sổ bệnh nhân dày cộm, mà cuộc sống của ba má vẫn cùng khó, đạm bạc, khiêm nhường… là sao thế hở ba?
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1402863504.jpg
Cuộc đời ba má hầu như cắm rễ khá sâu vào miếng đất gia tiên; gắn liền với ruộng nương, vườn sắn, ao bèo, gốc tre, bụi chuối. Chúng tôi chưa có cách gì gỡ ba má ra nỗi trong cái “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” nầy. Dù chỉ một phần điền tẻo teo, bé tí nị, mà ba má vẫn trìu mến ưa thích nén lại chân quê. Nơi mái nhà xiêu vẹo mà ba má đang ở đó, tôi thiết nghĩ đó là chân trời mở ra một cửa ngỏ buồn thảm, không hứa hẹn vui vẻ, tươi sáng, bình an gì hơn, lúc thời kỳ bắt đầu có chiến tranh.

Dù có những viên đạn xoáy tít trong không gian tối đen, tạo thành những luồng vàng sáng, loé ánh lửa rực đỏ xẹt xẹt bay vút qua vút lại trên đầu. Thì sự sụp đỗ của một gia đình bề thế do chiến tranh đã bị uốn cong gập, như con đại bàng gãy cánh trên những đống hoang tàn. Mặc cho mặt trời pha máu lửa đỏ chói từ phương Đông lan qua phương Tây. Mặc súng đạn gieo tang tóc lầm than, khốn đốn dày xéo đến bao gia đình, rồi tàn bạo kéo nhau đi nơi khác. Mặc bệnh tật đói rách ở lại, đau thương và khốn nạn trăm điều điêu đứng vẫn còn đây. Ấy vậy mà ba tôi vẫn điềm nhiên ngồi bốc thuốc, vẫn cầm cuốc, cuốc lại từng lát cuốc trên đất cứng pha sỏi đá khô cằn nứt nẻ, với hy vọng bừng lên.

Cũng thế, ba má tôi luôn đắn đo, chần chờ, do dự mãi; nếu họ dọn đi ra khỏi vùng Mỹ Chánh, nơi chó ăn đá gà ăn muối, thì ba má thấy thương quá là thương những người dân quê cần cù lao động quá nhọc nhằn, quanh năm cư dân vẫn đói khổ, rách rưới triền miên. Ốm đau bệnh nạn, họ chỉ có nước nằm đó ngáp ngáp quằn quại chịu trận, mà chờ chết. Nếu họ có ba tôi thường lui tới, đi lại an ủi vỗ về, chăm lo, giúp đỡ, săn sóc, thuốc men (có nhiều lần ba tôi làm việc thiện, bỏ công sức và tiền của hoàn toàn không tính toán), thì tình trạng khốn khổ của từng bao nhiêu người đã được vỗ về, an ủi, họ cũng giảm bớt nỗi đau rất nhiều. Họ không có gì đền trả… ngoài sự tận tụy làm việc kiếm sống, niềm tin tưởng, tấm chân tình cưu mang ơn trọng nghĩa cao với ba tôi, bằng cách chia sẻ ngọt bùi, nụ cười thân thiện ấm nồng trìu mến tình quê.

Ngoài nghề chính là nghề thầy thuốc, những thì-giờ còn lại, ba tôi muốn vận động cơ thể khỏe mạnh xí, nhưng trên hết là do ba tôi rất yêu đất, mến vườn; nên ba tôi thích đi làm việc bằng tay chân, tùy theo tháng năm chất chồng, chiếc áo cần lao của ba ngày trước còn mịn và mới, do thời gian đã bào mòn sức lực con người, mà những chiếc áo ấy trở thành vá chằn vá đụp, dày cui, khô và cứng đơ. Mỗi lần ba tôi cử động, nó kêu sột soạt như mo cau cọ siết rít vào nhau, tiếng kêu hãnh diện, đắc thắng của người dạn dày kinh nghiệm làm đất đai phải thuần thục.

Ba chế ngự mọi thử thách gian khó bằng hai bàn tay “thư sinh lẫn cần lao” cần cù, cùng sự từng trải, thấu hiểu. Hai tay làm việc thoăn thoắt, vất vả, ấy vậy ba má tất bật, chân nầy chưa kịp đặt xuống, chưa kịp bén đất thì chân kia đã nhấc lên. Nhiều lần mãi mê làm việc, ba má tôi quên cả ăn uống. Việc đồng áng nhờ có kiến thức và giàu kinh nghiệm, nên ba tôi có thể truyền đạt lại cho những bạn bè thân hữu nông dân cùng quê khá tốt. Đó là kết quả một đời ba má lao lực, suốt ngày đêm phơi mình giữa nắng mưa khuya chiều, cuốc cuốc cày cày đất cứng khô cằn nứt nẻ không ngơi tay.

Ba má tôi thật vất vả nhọc nhằn quá chừng. Khiến một người tao nhã, khôn ngoan, dạn dày kinh nghiệm, trí thức như ba, đôi khi trở thành trầm lặng, lầm lì, cáu gắt, nghiêm nghị và khó tính. Đã một đời ba vì đất vì đai, vì dân quê làng xã, vì bệnh nhân cùng đinh nghèo khổ đói rách tả tơi rồi. Từng ấy nhọc nhằn khốn đốn, mà ba tôi chưa thất kinh, vẫn không chịu ngồi yên. Nay ba lại bươn bả đi mở đất khai hoang, mong đem bình an ấm no cho bao nhiêu người. Đó là niềm tự hào dân tộc, là niềm vui duy nhất còn sót lại trong đời, khi ba tôi tuổi già sức cạn. Tôi nghe quá đắng cay chua xót trong lòng.

Làm sao mà ba có thể mang hết cuộc đời, cả gia tài khiêm nhường dành dụm gần suốt đời người, để lo cho bá tánh nghèo khổ quá đông đúc, cho nỗi hỉ!? Hở ba? Khi tôi tận mắt nhìn thấy ba má xắn tay áo lên, lo cho người thương tật, ốm đau, mà ba má không cảm thấy gớm, ghê, không một lời thở than. Niềm vui đó có phải do ba tôi đã vắt cạn kiệt ra từ chất xám để chia sẻ ban tặng cho đời thụ hưởng!?

Ba tôi thường lấy câu của bậc tiền bối, thánh hiền, để răn dạy con cái. Ví dụ như: “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên. Trạch kỳ thiện giả, nhi tòng chi. Bất kỳ thiện giả, nhi cải chi”. (Ba người cùng đi, tất nhiên có người là thầy ta. Hãy theo đó mà bắt chước từ thiện. Nhìn người xấu, nên tự sửa mình). Hoặc những câu: “Lễ. Nghĩa. Liêm. Sỉ: là bốn rường cột để duy trì, giữ vững quốc gia. Bốn rường cột ấy nếu không căng được lên, có nghĩa là người trong nước mà vô lễ, vô nghĩa, vô liêm sỉ - thì quốc gia phải sụp đổ, và diệt vong mất. (Quan Tử).

Đôi khi mộc mạc đơn sơ bình dân hơn: “Tiên học lễ, hậu học văn”. “Nhân bất học bất tri lý, ấu bất học lão hà vi”. “Sĩ phu mà ba ngày không đọc sách, thì soi gương mặt mũi đáng ghét. Nói chuyện nhạt nhẽo, khó nghe”. (Hoàng Đình Kiên). Ba tôi ưa nói câu của cổ nhân để gián tiếp răn dạy con cái:
- “Nếu ta có đứa con phải giáo dục. Ta sẽ lo cho nó cái gì? Tạo cho nó thành thiện nhân, hay vĩ nhân?” Ta tự đáp: - “Phải tạo cho nó thành thiện nhân”.

http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1402864682.jpg
Có một lần, tôi và anh trai ngồi học bài ở phòng bên, hai anh em nói chuyện lung tung về việc học hành trong lớp. Sau đó tôi to tiếng phê bình giáo sư của mình thế nầy:
- “Ông ta đã thiên vị, và trắng trợn có tình ý riêng tư thân mật đặc biệt với một con nữ sinh nọ, có bầu rùi”.

Thế là hai anh em say sưa hí hửng, vui vẻ thao thao bất tuyệt nói xấu, chế nhạo “con nhỏ kia, và vị giáo sư khả kính”. Chúng tôi không ngờ ba tôi đang làm việc ở phòng kế bên, đã nghe rõ mồn một. Lúc khá lâu, ba tôi gọi:
- Hai đứa con: Dzoãn và Tuyết Thụy mau qua bên nầy, ba biểu.

Chúng tôi chưa biết ba gọi các con qua phòng tiếp bệnh nhân của ba để làm gì, nhưng hai anh em vâng dạ rõ to, và vui tươi hí hửng dắt nhau đi qua phòng ba, vừa đi anh em khúc khích tươi cười về chuyện “ông giáo và con nhỏ” ấy. Ở trong phòng làm việc của ba đã vắng khách, nhưng ba tôi cúi xuống trên quyển sổ bệnh nhân một hồi lâu. Ba còn cặm cụi làm việc, dường như ba không quan tâm về sự hiện hữu của con cái. Chúng tôi đứng xớ rớ gần cửa sổ, anh Dzoãn xích lại sát bên em, khều khều vào tay tôi, thì thầm:

- Chắc là ba sẽ thưởng cho anh em mình ha… vì anh và em đều có tên trong bảng danh dự tháng nầy đó em.
- Dạ… phải.

Một lúc sau, ba tôi xếp quyển sổ dày cui và cất trong hộc tủ. Ba tằng hắng vài cái, rồi ba tháo mắt kính xệ xuống ; (vì cái kính lão bị bể mất một bên tròng, khiến bên có mắt kính bị nặng, cọng kính lỏng lẽo kéo đã xệ xuống, bên trống lổng không có mắt kính, thì treo lên cao, nhẹ hẩng, coi thật tức cười). Ba tôi ngẩng lên nhìn hai con:
- Hai đứa ngồi xuống đó.
- Dạ, thưa ba.
- Hồi nãy có khách ở đây, nên ba không tiện kêu hai đứa vô nói chuyện. Bây giờ, hai đứa kể lại việc “ông thầy giáo” cho ba nghe rõ coi nà.

Hai anh em liếc nhìn nhau, tôi len lén thò tay qua cào béo vào đùi anh mấy cái, cảm thấy phập phồng, hồi hộp… không biết có chuyện gì đây! Như thế, chắc chắn là chẳng phải do anh trai em gái học giỏi, sẽ được ba “thưởng” cho rồi. Anh ấp úng:
- Dạ, thưa ba… con… con…
- Sao? Hồi nãy hai đứa ngồi bên phòng học, không lo học, mà chuyên nói xấu người thứ ba, nói xấu người vắng mặt. Hừ… Khách và ba đã nghe rõ mồn một mà. Tại sao bây giờ tụi bây lại im re, hả?
Anh em chúng tôi lo lắng cúi gầm đầu, anh Dzoãn lí nhí:
- Dạ, con… biết lỗi.
- Biết lỗi sao!?
- Dạ, …thưa ba.
- Vậy tốt. Con… (ba chỉ vào anh trai) đi ra ngoài chuồng vịt, bắt hai con vịt mái, nhớ là bắt con vịt mái thôi nghe, đem vô đây. Còn con Thụy xuống dưới bếp lấy muối, cây đèn, cái rổ, con dao, rồi đem lên đây luôn. Mau.

Chúng tôi vâng vâng, dạ dạ… dù có băn khoăn, bỡ ngỡ, ngạc nhiên, thắc mắc… nhưng anh em hí hửng chạy đi làm việc ba sai. Lòng tôi cảm thấy vui vẻ lạ thường, vì nghĩ ba đã bỏ qua chuyện “nói xấu”, ba tha lỗi cho “con dại… cái mang”. Ba sẽ du di xí xóa chuyện con nói hành nói tỏi, nói xấu… và ba sẽ “khao” cho hai anh em đã học giỏi, nên được ba cho ăn thịt vịt, mà ăn thịt vịt mái tơ… thì có trứng non, trứng già, có bộ lòng mềm cùng cái “dồi trường” thơm ngon bá cháy! Khi hai anh em lí lắc cười reo khệ nệ bưng các thứ vô phòng làm việc của ba, hai con vịt bị anh Dzoãn xách cánh, xách chân, thì chúng luôn dẫy dụa kêu la inh ỏi. Thiệt là điếc con ráy quá đi! Ba ra lệnh:
- Con Thụy cắt cổ con vịt.
- Ôi, dạ… con không thể cắ… cắt… cổ vịt… Con sợ…
- Vậy cứ để con vịt sống như vậy, mặc kệ nó kêu la, hai đứa ngồi xuống nhổ lông (khi con vịt còn sống). Sau khi nhổ lông vịt, thả hai con vịt ra, cho nó chạy về chuồng, mặc nó bị trọc lóc thân thể, mà đau đớn kêu la, và bị đồng bọn vịt bu lại đấu đá, cắn xé, vì con vật không cùng chủng loại dị hợm kia. Thì tụi bây bỏ lông vịt trong cái rổ nầy, đem lông vịt đi vất ra ngoài trời, cho lông vịt bay đi mọi nơi. Sau đó, hai đứa bây đi lượm lại đầy đủ, lượm sạch lông vịt, đem về đây. Ba sẽ thưởng công cho.

Tôi kinh ngạc, làm sao có thể đi lượm lại đầy đủ lông vịt khô? Anh Dzoãn chưng hửng vì nghĩ rằng: “Chắc ba đã già, nên khù khờ, lù đù, lẩm cẩm rồi chăng. Vậy mà ba cũng làm ông thầy thuốc, chắc là ba sẽ cà tửng “bóp cổ, diệt” hết bệnh nhân chết queo rùi. Anh “trả treo” :
- Muốn nhổ lông con vịt, thì phải cắt cổ vịt, cho nó chết, và trụng nước sôi. Nếu để vịt sống mà nhổ lông, thì không thể nào! Ba nói con đem lông vịt khô ráo, thả ra ngoài trời, thì lông bị gió cuốn bay đi hết, làm sao con đi lượm lặt lại được. Ba.
- Không làm được như ba đã nói, hay sao?
- Dạ phải.
- À… Vậy thì… hai đứa bây đã biết có lỗi gì chưa?
- Lỗi… ?
- Vẫn không biết mình đã phạm lỗi gì à?
- Dạ… thưa ba không.
- Hừ… Hứ!... Tụi bây xúm lại a dua nói xấu người ta khi họ vắng mặt, mà không cảm thấy xấu hổ nhục nhã hay sao? Lời nói vọt ra từ cửa miệng, bay xa… ai ai cũng nghe, cũng biết; thì giống như con vịt bị trọc lóc, lõa lồ, không còn lông… đang quang quác kêu la đó. Lời nói xấu thoát ra khỏi miệng, cũng giống như những cái lông vịt khô bay đi, thì tụi bây có lượm lại được không? Hả!?
“Câu nói như mủi tên, không nên bắn bậy. Tên đã lọt vô tai ai, thì không tài nào rút ra được”. Về việc “muối” và “cây đèn”, thì... Thịt. Cá nếu không ướp muối, thì thịt, cá sẽ bị ươn, thúi. Cây đèn khi đốt lửa là cho ta ánh sáng, (tượng trưng cho sự thông minh của trí tuệ). Nếu các con không thấm nhuần nền giáo dục chu đáo, có căn bản từ gia đình, học đường, xã hội, không có đức dục và rèn luyện trí dục. Không tri thức, không có ánh sáng, thì các con sẽ hư đốn, như cá không ăn muối, như cây đèn không tỏa sáng vậy.

Chúng tôi cúi gầm đầu im re. Dạ, con hiểu rồi! Hai anh em đã bị ba phạt một ngày. Anh Dzoãn lớn hơn tôi, nên anh đi cuốc đất làm vườn trà. Ba “đì” tôi đi nhổ cỏ cú, cỏ chỉ, cỏ ống, cỏ tranh. Thiệt là quá nhọc nhằn, mệt muốn đứt hơi, tôi quá thất kinh vì cái tội vạ miệng “ăn mắm ăn muối, nói bậy bạ” nên ngồi “lam lũ” ở ngoài nắng. Đáng kiếp! Ôi! Cái chuyện “nhổ lông vịt” muôn đời đáng ghi nhớ ấy… là bài học quý giá hơn trăm ngàn vàng, chẳng thể quên!

Anh, chị, em chúng tôi đã được sự giáo dục rất mực tôn nghiêm và chu đáo của mẹ cha. Tôi học hỏi nhiều điều bổ ích từ ơn cha nghĩa mẹ sinh thành dưỡng dục. Con xin trân trọng cảm ơn cha mẹ vô vàn. Tôi nguyện muôn đời ghi nhớ, sau nầy tôi hy vọng… sẽ truyền đạt kinh nghiệm sống và hữu ích lại cho con cháu mình noi theo gương lành.
Lòng buồn khi bước về phố cũ
Con ra đi đời lãng tử mộng trăng thềm
Mơ hồng trần theo sông nước cảnh chiều êm
Con nhớ lắm khi trăng lên xóm nhỏ
Chân bước ngại ngần mây tím đổ
Chiều về khắc khoải áo hồng vương
Mẫu thân bên xoan đỏ phía sau vườn
Cha dạy: Lý. Văn. Cửu chương. Hóa. Sử cũ
Giờ đất khách tri ân mẹ cha trên phím chữ
Hiển đạt đời con, ấp ủ mẫu phụ thân
Vinh sang hạnh phúc bội phần
Công cha dưỡng dục muôn vàn khắc sâu
Nghĩa mẹ ngàn thuở bền lâu… (THH)
* * *

Tình Hoài Hương

BachMa
06-16-2014, 01:14 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1402671139.mp3

(từ BM, phải có nhạc...) :kk:
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1402640265.jpg
CHA MẸ Tôi (đã từng) Nén Lại Chân Quê
Happy Father' Day. Happy. Happy...
THH xin cống hiến quý độc giả HQPD bài viết về CHA.
Thân quý, ***


“Tinh thần gia đình là gì?
Đó là: Pha trộn tình mến sợ cha. Tình âu yếm sợ mẹ. Kính trọng cả hai. Thán phục nhân đức của cha lẫn mẹ. Bỏ qua các lỗi lầm. Ghi nhớ công ơn. Thông cảm đau khổ. Cảm kích các hy sinh của cha lẫn mẹ” (P. Janet).

Ba tôi là người con thứ tư sinh trưởng trong một gia đình bề thế, giàu có, ở Làng Hưng Nhơn, thuộc Tổng An Thơ, Phủ Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị. Ba làm nghề thầy thuốc Đông Y, lương thiện, ân cần và đạo đức, chu đáo tận tụy trị bệnh nhân khá mát tay. Đúng là “lương y như từ mẫu”. Ngoài ra, ba tôi còn có vài ba nghề tay trái nữa là: nghề cưa xẻ cây gỗ, làm nông, và mở một trang trại ươm cây giống rất to lớn. Dĩ nhiên, mọi công việc nặng nhọc về vườn tượt, đồng áng, ba tôi có nhờ lực điền, tá điền & quản gia phụ việc.

Nhắc về ba, tất nhiên tôi phải nói lướt sơ sơ ti tí về má. Má tôi sanh ở Làng Thuận Nhơn rợp bóng hai hàng cây sát bên con sông xanh êm đềm uốn khúc, nước sông rất trong, ngon và ngọt. Làng nầy thuộc Tổng Cù Hoan, Huyện Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị. Ông ngoại là một võ quan rất giỏi trong triều đình Huế thời xưa. Gia đình ông bà ngoại khá giàu có, ruộng lúa cò bay thẳng cánh. Má tôi lớn lên công dung ngôn hạnh vẹn toàn và hiếu học, biết chữ. Má sinh ra trong một gia đình đông con, nhưng rồi ông bà ngoại tôi chỉ may mắn còn lại cậu Cửu Ổn và má, mà thôi. Má tôi luôn tôn trọng chồng, nhỏ nhẹ, đôn hậu, hòa nhã yêu thương chồng con hết lòng.
Ba Má tôi rất hiền, đạo đức và giống nhau là lòng nhân ái, phúc hậu, (mà các con ưa nói ba má có tính tào lao: ăn cơm nhà vác ngà voi). Ba má tôi sống cuộc đời khá hoàn thiện, ngày nào họ cũng xem là ngày cuối cuộc đời trước mặt Chúa: Họ không gian dối, không thất đức, không lừa gạt ai, họ chỉ biết sống bác ái, ôn nhu, an lành, yêu tha nhân, tận tình giúp đỡ người cùng khốn, cần mẫn tận tụy làm việc.

Ba tôi có hẹn với đại gia đình anh chị em tôi khi ba ở Đà Lạt là: “ba sẽ ra Huế để lo thu xếp công chuyện, chuyển giao việc trại ươm cây và đồng áng lại cho người thân. Sau đó ba má sẽ vào sống yên ổn ấm no ở Đà Lạt với các con, cháu”. Ấy thế mà… đâu vẫn hoàn đó, ba má chưa rứt ra nỗi. Điển hình nhất là ba má bị quật ngã biết bao phen trong cuộc đời thăng trầm sướng khổ, cay cực, mà không chịu lùi bước. Ba má tôi khi đã đắn đo suy nghĩ quyết chí làm một việc gì, thì họ đồng tâm hiệp sức phải thực hiện tạo thành cơ nghiệp ấy cho kỳ được. Dù gian truân đến đâu mặc lòng. Ở quê nhà nay chỉ còn hai ông bà cụ lom khom lui cui đi ra đi vào thui thủi. Tôi cảm thấy ba má sống thật neo đơn, vắng vẻ buồn rầu không ít. Thế mà hầu như ba má không lấy đó làm phiền bên ngọn đèn dầu hột vịt tù mù tỏa sáng, đầu ba tôi luôn suy tư cúi xuống quyển sổ bệnh nhân dày cộm, mà cuộc sống của ba má vẫn cùng khó, đạm bạc, khiêm nhường… là sao thế hở ba?
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1402863504.jpg
Cuộc đời ba má hầu như cắm rễ khá sâu vào miếng đất gia tiên; gắn liền với ruộng nương, vườn sắn, ao bèo, gốc tre, bụi chuối. Chúng tôi chưa có cách gì gỡ ba má ra nỗi trong cái “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” nầy. Dù chỉ một phần điền tẻo teo, bé tí nị, mà ba má vẫn trìu mến ưa thích nén lại chân quê. Nơi mái nhà xiêu vẹo mà ba má đang ở đó, tôi thiết nghĩ đó là chân trời mở ra một cửa ngỏ buồn thảm, không hứa hẹn vui vẻ, tươi sáng, bình an gì hơn, lúc thời kỳ bắt đầu có chiến tranh. Dù có những viên đạn xoáy tít trong không gian tối đen, tạo thành những luồng vàng sáng, loé ánh lửa rực đỏ xẹt xẹt bay vút qua vút lại trên đầu. Thì sự sụp đỗ của một gia đình bề thế do chiến tranh đã bị uốn cong gập, như con đại bàng gãy cánh trên những đống hoang tàn. Mặc cho mặt trời pha máu lửa đỏ chói từ phương Đông lan qua phương Tây. Mặc súng đạn gieo tang tóc lầm than, khốn đốn dày xéo đến bao gia đình, rồi tàn bạo kéo nhau đi nơi khác. Mặc bệnh tật đói rách ở lại, đau thương và khốn nạn trăm điều điêu đứng vẫn còn đây. Ấy vậy mà ba tôi vẫn điềm nhiên ngồi bốc thuốc, vẫn cầm cuốc, cuốc lại từng lát cuốc trên đất cứng pha sỏi đá khô cằn nứt nẻ, với hy vọng bừng lên.

Cũng thế, ba má tôi luôn đắn đo, chần chờ, do dự mãi; nếu họ dọn đi ra khỏi vùng Mỹ Chánh, nơi chó ăn đá gà ăn muối, thì ba má thấy thương quá là thương những người dân quê cần cù lao động quá nhọc nhằn, quanh năm cư dân vẫn đói khổ, rách rưới triền miên. Ốm đau bệnh nạn, họ chỉ có nước nằm đó ngáp ngáp quằn quại chịu trận, mà chờ chết. Nếu họ có ba tôi thường lui tới, đi lại an ủi vỗ về, chăm lo, giúp đỡ, săn sóc, thuốc men (có nhiều lần ba tôi làm việc thiện, bỏ công sức và tiền của hoàn toàn không tính toán), thì tình trạng khốn khổ của từng bao nhiêu người đã được vỗ về, an ủi, họ cũng giảm bớt nỗi đau rất nhiều. Họ không có gì đền trả… ngoài sự tận tụy làm việc kiếm sống, niềm tin tưởng, tấm chân tình cưu mang ơn trọng nghĩa cao với ba tôi, bằng cách chia sẻ ngọt bùi, nụ cười thân thiện ấm nồng trìu mến tình quê.

Ngoài nghề chính là nghề thầy thuốc, những thì-giờ còn lại, ba tôi muốn vận động cơ thể khỏe mạnh xí, nhưng trên hết là do ba tôi rất yêu đất, mến vườn; nên ba tôi thích đi làm việc bằng tay chân, tùy theo tháng năm chất chồng, chiếc áo cần lao của ba ngày trước còn mịn và mới, do thời gian đã bào mòn sức lực con người, mà những chiếc áo ấy trở thành vá chằn vá đụp, dày cui, khô và cứng đơ. Mỗi lần ba tôi cử động, nó kêu sột soạt như mo cau cọ siết rít vào nhau, tiếng kêu hãnh diện, đắc thắng của người dạn dày kinh nghiệm làm đất đai phải thuần thục. Ba chế ngự mọi thử thách gian khó bằng hai bàn tay “thư sinh lẫn cần lao” cần cù, cùng sự từng trải, thấu hiểu. Hai tay làm việc thoăn thoắt, vất vả, ấy vậy ba má tất bật, chân nầy chưa kịp đặt xuống, chưa kịp bén đất thì chân kia đã nhấc lên. Nhiều lần mãi mê làm việc, ba má tôi quên cả ăn uống. Việc đồng áng nhờ có kiến thức và giàu kinh nghiệm, nên ba tôi có thể truyền đạt lại cho những bạn bè thân hữu nông dân cùng quê khá tốt. Đó là kết quả một đời ba má lao lực, suốt ngày đêm phơi mình giữa nắng mưa khuya chiều, cuốc cuốc cày cày đất cứng khô cằn nứt nẻ không ngơi tay.

Ba má tôi thật vất vả nhọc nhằn quá chừng. Khiến một người tao nhã, khôn ngoan, dạn dày kinh nghiệm, trí thức như ba, đôi khi trở thành trầm lặng, lầm lì, cáu gắt, nghiêm nghị và khó tính. Đã một đời ba vì đất vì đai, vì dân quê làng xã, vì bệnh nhân cùng đinh nghèo khổ đói rách tả tơi rồi. Từng ấy nhọc nhằn khốn đốn, mà ba tôi chưa thất kinh, vẫn không chịu ngồi yên. Nay ba lại bươn bả đi mở đất khai hoang, mong đem bình an ấm no cho bao nhiêu người. Đó là niềm tự hào dân tộc, là niềm vui duy nhất còn sót lại trong đời, khi ba tôi tuổi già sức cạn. Tôi nghe quá đắng cay chua xót trong lòng. Làm sao mà ba có thể mang hết cuộc đời, cả gia tài khiêm nhường dành dụm gần suốt đời người, để lo cho bá tánh nghèo khổ quá đông đúc, cho nỗi hỉ!? Hở ba? Khi tôi tận mắt nhìn thấy ba má xắn tay áo lên, lo cho người thương tật, ốm đau, mà ba má không cảm thấy gớm, ghê, không một lời thở than. Niềm vui đó có phải do ba tôi đã vắt cạn kiệt ra từ chất xám để chia sẻ ban tặng cho đời thụ hưởng!?

Ba tôi thường lấy câu của bậc tiền bối, thánh hiền, để răn dạy con cái. Ví dụ như: “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên. Trạch kỳ thiện giả, nhi tòng chi. Bất kỳ thiện giả, nhi cải chi”. (Ba người cùng đi, tất nhiên có người là thầy ta. Hãy theo đó mà bắt chước từ thiện. Nhìn người xấu, nên tự sửa mình). Hoặc những câu: “Lễ. Nghĩa. Liêm. Sỉ: là bốn rường cột để duy trì, giữ vững quốc gia. Bốn rường cột ấy nếu không căng được lên, có nghĩa là người trong nước mà vô lễ, vô nghĩa, vô liêm sỉ - thì quốc gia phải sụp đổ, và diệt vong mất. (Quan Tử).
Đôi khi mộc mạc đơn sơ bình dân hơn: “Tiên học lễ, hậu học văn”. “Nhân bất học bất tri lý, ấu bất học lão hà vi”. “Sĩ phu mà ba ngày không đọc sách, thì soi gương mặt mũi đáng ghét. Nói chuyện nhạt nhẽo, khó nghe”. (Hoàng Đình Kiên). Ba tôi ưa nói câu của cổ nhân để gián tiếp răn dạy con cái:
- “Nếu ta có đứa con phải giáo dục. Ta sẽ lo cho nó cái gì? Tạo cho nó thành thiện nhân, hay vĩ nhân?” Ta tự đáp: - “Phải tạo cho nó thành thiện nhân”.

http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1402864682.jpg
Có một lần, tôi và anh trai ngồi học bài ở phòng bên, hai anh em nói chuyện lung tung về việc học hành trong lớp. Sau đó tôi to tiếng phê bình giáo sư của mình thế nầy:
- “Ông ta đã thiên vị, và trắng trợn có tình ý riêng tư thân mật đặc biệt với một con nữ sinh nọ, có bầu rùi”.
Thế là hai anh em say sưa hí hửng, vui vẻ thao thao bất tuyệt nói xấu, chế nhạo “con nhỏ kia, và vị giáo sư khả kính”. Chúng tôi không ngờ ba tôi đang làm việc ở phòng kế bên, đã nghe rõ mồn một. Lúc khá lâu, ba tôi gọi:
- Hai đứa con: Dzoãn và Tuyết Thụy mau qua bên nầy, ba biểu.

Chúng tôi chưa biết ba gọi các con qua phòng tiếp bệnh nhân của ba để làm gì, nhưng hai anh em vâng dạ rõ to, và vui tươi hí hửng dắt nhau đi qua phòng ba, vừa đi anh em khúc khích tươi cười về chuyện “ông giáo và con nhỏ” ấy. Ở trong phòng làm việc của ba đã vắng khách, nhưng ba tôi cúi xuống trên quyển sổ bệnh nhân một hồi lâu. Ba còn cặm cụi làm việc, dường như ba không quan tâm về sự hiện hữu của con cái. Chúng tôi đứng xớ rớ gần cửa sổ, anh Dzoãn xích lại sát bên em, khều khều vào tay tôi, thì thầm:

- Chắc là ba sẽ thưởng cho anh em mình ha… vì anh và em đều có tên trong bảng danh dự tháng nầy đó em.
- Dạ… phải.

Một lúc sau, ba tôi xếp quyển sổ dày cui và cất trong hộc tủ. Ba tằng hắng vài cái, rồi ba tháo mắt kính xệ xuống ; (vì cái kính lão bị bể mất một bên tròng, khiến bên có mắt kính bị nặng, cọng kính lỏng lẽo kéo đã xệ xuống, bên trống lổng không có mắt kính, thì treo lên cao, nhẹ hẩng, coi thật tức cười). Ba tôi ngẩng lên nhìn hai con:
- Hai đứa ngồi xuống đó.
- Dạ, thưa ba.
- Hồi nãy có khách ở đây, nên ba không tiện kêu hai đứa vô nói chuyện. Bây giờ, hai đứa kể lại việc “ông thầy giáo” cho ba nghe rõ coi nà.

Hai anh em liếc nhìn nhau, tôi len lén thò tay qua cào béo vào đùi anh mấy cái, cảm thấy phập phồng, hồi hộp… không biết có chuyện gì đây! Như thế, chắc chắn là chẳng phải do anh trai em gái học giỏi, sẽ được ba “thưởng” cho rồi. Anh ấp úng:
- Dạ, thưa ba… con… con…
- Sao? Hồi nãy hai đứa ngồi bên phòng học, không lo học, mà chuyên nói xấu người thứ ba, nói xấu người vắng mặt. Hừ… Khách và ba đã nghe rõ mồn một mà. Tại sao bây giờ tụi bây lại im re, hả?
Anh em chúng tôi lo lắng cúi gầm đầu, anh Dzoãn lí nhí:
- Dạ, con… biết lỗi.
- Biết lỗi sao!?
- Dạ, …thưa ba.
- Vậy tốt. Con… (ba chỉ vào anh trai) đi ra ngoài chuồng vịt, bắt hai con vịt mái, nhớ là bắt con vịt mái thôi nghe, đem vô đây. Còn con Thụy xuống dưới bếp lấy muối, cây đèn, cái rổ, con dao, rồi đem lên đây luôn. Mau.

Chúng tôi vâng vâng, dạ dạ… dù có băn khoăn, bỡ ngỡ, ngạc nhiên, thắc mắc… nhưng anh em hí hửng chạy đi làm việc ba sai. Lòng tôi cảm thấy vui vẻ lạ thường, vì nghĩ ba đã bỏ qua chuyện “nói xấu”, ba tha lỗi cho “con dại… cái mang”. Ba sẽ du di xí xóa chuyện con nói hành nói tỏi, nói xấu… và ba sẽ “khao” cho hai anh em đã học giỏi, nên được ba cho ăn thịt vịt, mà ăn thịt vịt mái tơ… thì có trứng non, trứng già, có bộ lòng mềm cùng cái “dồi trường” thơm ngon bá cháy! Khi hai anh em lí lắc cười reo khệ nệ bưng các thứ vô phòng làm việc của ba, hai con vịt bị anh Dzoãn xách cánh, xách chân, thì chúng luôn dẫy dụa kêu la inh ỏi. Thiệt là điếc con ráy quá đi! Ba ra lệnh:
- Con Thụy cắt cổ con vịt.
- Ôi, dạ… con không thể cắ… cắt… cổ vịt… Con sợ…
- Vậy cứ để con vịt sống như vậy, mặc kệ nó kêu la, hai đứa ngồi xuống nhổ lông (khi con vịt còn sống). Sau khi nhổ lông vịt, thả hai con vịt ra, cho nó chạy về chuồng, mặc nó bị trọc lóc thân thể, mà đau đớn kêu la, và bị đồng bọn vịt bu lại đấu đá, cắn xé, vì con vật không cùng chủng loại dị hợm kia. Thì tụi bây bỏ lông vịt trong cái rổ nầy, đem lông vịt đi vất ra ngoài trời, cho lông vịt bay đi mọi nơi. Sau đó, hai đứa bây đi lượm lại đầy đủ, lượm sạch lông vịt, đem về đây. Ba sẽ thưởng công cho.

Tôi kinh ngạc, làm sao có thể đi lượm lại đầy đủ lông vịt khô? Anh Dzoãn chưng hửng vì nghĩ rằng: “Chắc ba đã già, nên khù khờ, lù đù, lẩm cẩm rồi chăng. Vậy mà ba cũng làm ông thầy thuốc, chắc là ba sẽ cà tửng “bóp cổ, diệt” hết bệnh nhân chết queo rùi. Anh “trả treo” :
- Muốn nhổ lông con vịt, thì phải cắt cổ vịt, cho nó chết, và trụng nước sôi. Nếu để vịt sống mà nhổ lông, thì không thể nào! Ba nói con đem lông vịt khô ráo, thả ra ngoài trời, thì lông bị gió cuốn bay đi hết, làm sao con đi lượm lặt lại được. Ba.
- Không làm được như ba đã nói, hay sao?
- Dạ phải.
- À… Vậy thì… hai đứa bây đã biết có lỗi gì chưa?
- Lỗi… ?
- Vẫn không biết mình đã phạm lỗi gì à?
- Dạ… thưa ba không.
- Hừ… Hứ!... Tụi bây xúm lại a dua nói xấu người ta khi họ vắng mặt, mà không cảm thấy xấu hổ nhục nhã hay sao? Lời nói vọt ra từ cửa miệng, bay xa… ai ai cũng nghe, cũng biết; thì giống như con vịt bị trọc lóc, lõa lồ, không còn lông… đang quang quác kêu la đó. Lời nói xấu thoát ra khỏi miệng, cũng giống như những cái lông vịt khô bay đi, thì tụi bây có lượm lại được không? Hả!? “Câu nói như mủi tên, không nên bắn bậy. Tên đã lọt vô tai ai, thì không tài nào rút ra được”. Về việc “muối” và “cây đèn”, thì... Thịt. Cá nếu không ướp muối, thì thịt, cá sẽ bị ươn, thúi. Cây đèn khi đốt lửa là cho ta ánh sáng, (tượng trưng cho sự thông minh của trí tuệ). Nếu các con không thấm nhuần nền giáo dục chu đáo, có căn bản từ gia đình, học đường, xã hội, không có đức dục và rèn luyện trí dục. Không tri thức, không có ánh sáng, thì các con sẽ hư đốn, như cá không ăn muối, như cây đèn không tỏa sáng vậy.

Chúng tôi cúi gầm đầu im re. Dạ, con hiểu rồi! Hai anh em đã bị ba phạt một ngày. Anh Dzoãn lớn hơn tôi, nên anh đi cuốc đất làm vườn trà. Ba “đì” tôi đi nhổ cỏ cú, cỏ chỉ, cỏ ống, cỏ tranh. Thiệt là quá nhọc nhằn, mệt muốn đứt hơi, tôi quá thất kinh vì cái tội vạ miệng “ăn mắm ăn muối, nói bậy bạ” nên ngồi “lam lũ” ở ngoài nắng. Đáng kiếp! Ôi! Cái chuyện “nhổ lông vịt” muôn đời đáng ghi nhớ ấy… là bài học quý giá hơn trăm ngàn vàng, chẳng thể quên! Anh, chị, em chúng tôi đã được sự giáo dục rất mực tôn nghiêm và chu đáo của mẹ cha. Tôi học hỏi nhiều điều bổ ích từ ơn cha nghĩa mẹ sinh thành dưỡng dục. Con xin trân trọng cảm ơn cha mẹ vô vàn. Tôi nguyện muôn đời ghi nhớ, sau nầy tôi hy vọng… sẽ truyền đạt kinh nghiệm sống và hữu ích lại cho con cháu mình noi theo gương lành.
Lòng buồn khi bước về phố cũ
Con ra đi đời lãng tử mộng trăng thềm
Mơ hồng trần theo sông nước cảnh chiều êm
Con nhớ lắm khi trăng lên xóm nhỏ
Chân bước ngại ngần mây tím đổ
Chiều về khắc khoải áo hồng vương
Mẫu thân bên xoan đỏ phía sau vườn
Cha dạy: Lý. Văn. Cửu chương. Hóa. Sử cũ
Giờ đất khách tri ân mẹ cha trên phím chữ
Hiển đạt đời con, ấp ủ mẫu phụ thân
Vinh sang hạnh phúc bội phần
Công cha dưỡng dục muôn vàn khắc sâu
Nghĩa mẹ ngàn thuở bền lâu… (THH)

* * *

Tình Hoài Hương

Cô Ba xem tin nhắn BM gởi.:40:
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1402671139.mp3

Tinh Hoai Huong
06-18-2014, 05:52 AM
Cô Ba xem tin nhắn BM gởi.:40:
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1402671139.mp3

***
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1403070659.jpg

Anh Bạch Mã ui!
Thiệt tình, là HH đã SỬA cả buổi vẫn không xong.
Link HH đã post về CHA ME TÔI... (old) không có nhạc, chắc chắn là SAU KHI anh BM vô đó SỬA GIÚP rồi, nên nó mới chạy nhạc kèm theo.
Cám ơn "anh không thành công" thì đã "thành PHƯỢNG" RỒI ha. Phượng tuyệt vời hơn hết!

Chúc anh chị hạnh phúc & dồi dào sức khoẻ nhe
HH

Tinh Hoai Huong
06-23-2014, 06:12 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1403503230.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1403509211.mp3

Kinh thành HUẾ Thơ & Lăng Tẩm

“Đi bộ thì khiếp Hải Vân
Đi thuyền thì khiếp sóng thần hang Dơi”...

Khi đoàn xe mỏi mệt "bò" rất chậm xuống khỏi đèo Hải Vân Bắc, ai nấy đều cảm thấy nhẹ nhỏm, tuy lúc nầy thì khí hậu ở vùng dưới chân đèo phía Bắc đã thay đổi hẳn, nghiã là ở đây khá nóng, còn trên đỉnh đèo Hải Vân luôn luôn rất lạnh.

Xe đi một đoạn ngắn là tới Làng *LĂNG CÔ nằm về phiá tay phải, sát cạnh quốc lộ 1. Bãi biển Lăng Cô còn gọi là "Vịnh Lăng Cô” an lạc giữa đèo Phú Gia và chân đèo Hải Vân Bắc. Lăng-Cô nép mình dọc rặng núi Bạch Mã hùng vĩ. Lăng Cô nơi suốt tháng năm biển xô sóng bạc đầu ì ầm gào thét, nước biển trong vắt, bãi cát mịn màng tuyệt đẹp. Lăng Cô nổi lên trên ba hướng biển bao bọc như một cù lao bồng bềnh, nhấp nhô uốn lượn sóng vỗ ngày đêm xôn xao nỗi nhớ thương dìu dặt. Lăng Cô gần giống chiếc thuyền trăng lả lướt trôi đi trôi về trong đại dương bao la. Thấp thoáng đó đây bao lọng dừa xanh, hàng thùy dương nhã nhạc dìu dịu êm êm, vi vu dưới bầu trời vần vũ mây trắng lãng đãng bay bay.

Xa xa rừng *BẠCH MÃ với đường xe hơi ngoằn ngoèo leo lên núi dài 19km. Nơi đây có khoảng hơn một trăm ba mươi ngôi biệt thự được người Pháp xây dựng từ lâu. Núi Bạch Mã có 172 bậc cấp nện đất cứng dẫn tới thiền viện Linh Sơn Trúc Lâm. Khí hậu trên núi trong lành thoáng mát. Mặt trời ban mai nhảy nhót lung linh lóe lên những chùm nắng vàng anh, đan trong biển nước xanh xanh, tạo thành màu xanh cổ vịt lấp lánh. Đôi khi hừng lên màu cánh cam sáng chói, rực rỡ như chiếc cầu vồng uốn cong trên bầu trời thênh thang gió lộng. Xe ghé lại Lăng Cô, khách lữ hành mua tôm hùm, tôm sú, tôm vằn, tôm đất, mực khô, cua, ghẹ, sò huyết. Các loại cá biển vừa tươi ngon, lại rẻ nhất vùng. Họ khệ nệ bưng lên xe để mang về nhà làm quà biếu.

Thoáng chốc xe đã chạy ngang qua vùng đất dọc ven biển: *THỪA LƯU, *CẦU HAI, *TRUỒI ở xã Lộc Hoà, huyện Phú Lộc; bờ biển có nhiều bãi đá nhỏ to chồng chất xếp lớp ven bờ. Truồi có những dòng suối mát lạnh và trong vắt. Rồi *HƯƠNG THỦY, qua phi trường *Phú Bài là một trong những phi trường lớn ở miền Trung, cách đất Thần Kinh không xa mấy (khoảng mười bảy, mười tám cây số). Qua cầu An Cựu là ta chính thức bước vào cửa ngỏ HUẾ thơ!
“Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đục mưa trong” .

Đúng là sông An Cựu mùa nắng nước đục, mùa mưa nước trong, kỳ lạ đặc biệt, dễ ghét mà rất dễ thương, sông nước là thế mà núi thật lạ lùng: Núi Ngự phiá trước trọc trọc tròn tròn, lơ thơ cây cỏ, phiá sau có méo méo thiệt dị dạng; nhưng mang tính đặc thù bí ẩn làm sao! Núi Ngự cao 105 mét, kèm hai bên núi đất nho nhỏ là tả Phù Sơn và hữu Phù Sơn. Thuở trước xa xưa núi Ngự có tên là Bằng Sơn (hoặc Bình Sơn). Sau nầy vua Gia Long đổi tên núi là Ngự Bình.

Sông Hương bắt nguồn từ dãy núi Bạch Mã chảy dài dài qua dọc theo nhiều thác nguồn, rồi hợp lưu với Tả Trạch, Bằng Lãng, Hữu Trạch. Sông Hương trải rộng và chạy dài uốn lượn xanh thẳm giữa kinh thành, nước xuống nước lên lúc giận dữ cuộn sóng xô bờ, khi êm đềm nước thong dong chảy lặng lờ êm xuôi về Kim Long, Nguyệt Biều, Vỹ Dạ, Gia Hội, Đông Ba, Bao Vinh; tạo thành dòng Hương Giang dài ngoẵng mênh mông lượn lờ trong thành phố Huế. Sông Hương yêu kiều không kém phần thi vị và lãng mạn:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà? (HMT)

*HUẾ ! di sản đặc biệt quý giá là tặng phẩm độc đáo của Trời ưu ái ban tặng, và cũng là sính lễ sang trọng của vua Chiêm Thành khi cưới công chúa Huyền Trân. Huế là vùng khí hậu nhiệt đới, có bốn mùa rõ rệt: Mặt trời luôn rót nắng vàng hanh chảy xuống Đại Nội. Mùa đông buồn lặng, đìu hiu ướt át, lụt lội gió bão mịt mù.

Mùa Xuân xanh tươi, mát mẻ êm êm, trời trong xanh mây trắng nhẹ lâng lâng bay bay khắp đường đi nẽo về & đầy mùi hoa thơm. Mùa Hạ rực nắng tình hè, trời hâm hấp nóng nực kinh hồn với những hàng phượng Vỹ đỏ rực soi mình trên sông Hương, phượng nghiêng mình đứng bên hồ Tịnh Tâm. Ít ra từ mỗi sân trường, từng xóm làng… đâu đâu cũng có thể thấy hoa phượng rực rỡ tươi màu giữa nắng gió khuya chiều rộn rã tiếng ve sầu.

Mùa Thu gợi nhiều lãng mạn, hiu hiu gió heo may đưa đẩy lá vàng hững hờ rụng lả tả bay bay.

Mùa Đông buồn lặng, đìu hiu ướt át, lụt lội gió bão mịt mù, ảm đạm, não nề ốm nắng, trần mây xuống thấp, mưa bão triền miên, nhiều ngày lụt lội dâng cao. Dù gió lạnh buốt xương sống, nhưng thanh niên nam nữ vui thích ưa mặc áo mưa đi ra phố, họ đứng đông đúc xếp lớp dọc hai con phố chính là: đại lộ Trần Hưng Đạo và Phan Bội Châu, để nhìn thiên hạ bì bõm lội nước lụt.

Nhắc đến Huế, nghe tên Huế… sao lòng mình cảm thấy rạt rào rung cảm, luyến thương dập dồn đến thế không biết!? Mười xin nói với Huế, nghĩ về Huế, ghi lại hình ảnh quần thể di tích lịch sử Huế từ những kỷ niệm long lanh lắng sâu trong hoài niệm. Mười thương Huế thuở còn rất nhỏ (lần đầu tiên với gia đình ba má từ Đà Lạt trở về quê cũ). Mười được thân nhân họ hàng anh chị cho du lãm rong chơi khắp kinh thành cổ kính trầm mặc đó đây: Cô nhỏ (trong mắt trẻ thơ) ngơ ngác nhìn dãi mây mềm mại vàng óng, vắt ngang lớp lớp hàng cau, chen cánh những hàng dừa trong hoàng hôn nghiêng bóng. Nhất là lúc nhìn thấy tổng thể kinh thành Đế Đô Huế quá mới mẻ lạ lùng, đầy tráng lệ nguy nga, ấy là lúc cô nhỏ cảm thấy choáng váng, bàng hoàng.

Từ năm 1775 Đế-đô Huế được các vua chúa Nguyễn chọn nơi nầy làm Kinh-đô. Huế là một chỉnh thể kỳ quan, xây dựng tuyệt hảo nhất từ triều đại vua Gia Long. Huế có giá trị về văn-học-sử, cung điện vàng son mang đậm nét đặc thù, dân tộc tính, có những tên nghe khá “oai, hách, đài các, vinh sang” như: Điện Cần Chánh, Đại Cung Môn dành riêng cho hoàng gia. Càn Thanh là nơi vua nghỉ ngơi. Thái Bình Lâu đọc sách gần vườn Ngự Uyển.

Trước tiên là kỳ đài, sân đại triều rộng lát đá xanh có cửu đỉnh, điện Thái Hoà là nơi an ngự và làm việc của vua, nơi quan trọng tổ chức các buổi thiết triều. Có ao sen cầu vồng, hồ cá hòn non bộ lung linh dưới nước khi chiều tà xế bóng. Đại nội có hệ thống kiến trúc cung đình, đền đài, chùa miếu rất hoành tráng, tuyệt mỹ, kiên cố, cổ kính, vĩ đại: từ kèo, cột, câu đầu, thượng lương, vân vân... Có Hoàng Thành là vòng thành thứ nhì. Tử Cấm Thành tách bạch với bên ngoài. Cửa chánh khởi đầu là cửa Ngọ Môn coi bề thế. Trên vòm cổng là lầu Ngũ Phụng. Cửa Thượng Tứ, cửa Đông Ba, cửa Chánh Tây, nhà Đồ, cửa Ngăn, cửa Hiển Nhơn, Chương Đức, cửa Hậu. Nội Thành trang nghiêm kín đáo có hai ổ súng thần công: Một bên là: Kim, Mộc, Hoả, Thủy, Thổ. Bên kia là: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Hồ Tịnh Tâm vời vợi tình luyến thương hoài cổ, ngậm ngùi thương cảm một thời hưng thịnh.

Thời vàng son vua chúa có những nghi thức và cung cách riêng, biệt lập cùng những tên gọi nghe “rất kêu; rất hách và đỏm đáng” như: Hoàng hậu, qúy phi thì ở trong cung có tên gọi “Không Thái”. “Duyệt Thường Thị” là phòng dành cho mọi người xem văn nghệ; nơi đặc thù văn hoá kết hợp sít sao giữa giao-ca dân dã tình tứ, có thứ tự, hài hoà, bài bản, lớp lang với giao-ca cung đình khuê các. “Thái Y Viện” là trung tâm y tế. “Thượng Thiện” là nhà bếp.
* * *
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1403507767.jpg
Phía Nam sông Hương và phía Tây núi Ngự là khu quầng thể lăng tẩm, tích tụ nhiều lối điêu khắc tinh vi, có cửu đỉnh đúc đồng thau kỷ thuật tinh xảo, mỗi đỉnh mang một tên riêng, tượng trưng cho mỗi vì vua. Đỉnh có 18 hoạ tiết phong cảnh, hoa chim, khắc chữ nổi mang tên mỗi đỉnh, như: Cao. Nhân. Chương. Anh. Nghị. Thần. Tuyên. Dụ. Huyền. Cao Đỉnh cao 2m rưỡi là to lớn bề thế nhất. Huyền Đỉnh cao 2m,31phân, nhỏ nhắn xinh xinh. Bên phải có miếu Triệu, Thái, Hưng, Thế, Phụng Thiên. Mái nhà lợp ngói hoàng lưu ly, cột chạm rồng to uốn khúc giác vàng kim nhũ. Trần phi vân. Vách khắc kỳ công, chạm trổ tinh vi, có giá trị vô cùng phong phú.

Từ những hình bát mã, bạch tượng, kỳ lân, tứ linh, tứ quý, quan văn, quan võ, đại thần phân chia rõ thứ hạng, phẩm trật từ các lăng: Minh Mạng. Thiệu Trị. Đồng Khánh. Tự Đức. Gia Long. Khải Định… vân vân… Lăng tẩm Đế Đô đất Thần Kinh nghìn năm vang bóng, gồm hai phần chính: Lăng là mộ phần. Tẩm là nơi thờ cúng.

1./ Lăng GIA LONG (tên thật vua: Nguyễn Phúc Ánh, 1762-1819, miếu hiệu: Thế Tổ Cao hoàng đế). Lăng xây ở làng Định Môn, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, xa trung tâm kinh thành Huế khoảng 16 km về hướng Bắc – Nam, quần thể “hiệp lăng” do quy tụ có nhiều người thân tộc đã chết trước, sau, chôn rải rác quanh vùng, nên chu vi rộng 2.875ha; (riêng lăng 1800m, 20ha) có 43 ngọn núi đại Thiên Thọ chầu quanh mộ chính, thuộc quận Nam Hoà, lăng về hướng Nam đơn sơ xây từ 1814 rộng thênh thang, đơn giản, bao la trầm mặc, buồn thiu bên bờ Tả Trạch, có sông nhỏ nước chảy lặng lờ. Có hồ bán nguyệt đầy sen. Hàng quan văn= 5 tượng đá. Võ sĩ quan= 5 tượng đá đứng thẳng tắp với hai con rồng ở các tầng cấp của bậc sân đắp gạch vôi. Hai con ngựa to, hai con voi đá lớn ở Bái Đình. Sân sau rợp bóng cây cổ thụ chằng chịt.

Lăng Gia Long đặc biệt độc đáo bởi có hai mộ táng phẳng lì, màu nhờ nhợ đen đen than đá bình dị, đơn sơ, không chạm trổ của thi hài vua và hoàng hậu nằm song song yên nghỉ bên nhau. Lăng Gia Long xa xôi bao bọc núi rừng trùng điệp âm u, chen lẫn đồng bằng bị mài mòn bởi tiếng thổn thức của thời gian. Cảnh trí lăng hài hoà im lắng, thâm sâu, không có la thành, tuy thế vẫn hùng tráng, đơn điệu ngó thật quá buồn phiền sao đâu. Khi vua Gia Long đã thu phục giang sơn từ Bắc xuống Nam, vua đã đặt tên nước: Việt Nam, lúc bấy giờ chính trị trong nước đỗ nát, mọi việc cần phải chỉnh đốn, sửa sang.

Triều chính trải qua những khó khăn, khốn đốn rất nhọc nhằn, vất vã, gian nan vô cùng, nào là: thưởng, phạt, tặng phong, làm đền thờ cho chiến sĩ tử vong. Phát huy và xây dựng đất nước, từ các việc: - Tổ chức lại thuế đinh bạ, điền bạ. Mở sở đúc tiền đồng, kẽm, nén bạc, nén vàng. Vua chuẩn định lại thước đo, cái cân chính xác. Sửa sang quan lộ, đường sá, đắp đê điều, cầu cống, sông ngòi, xạy chợ, nhà thương, v.v… Tới việc in sách làm ra luật pháp. Mở mang trường học gồm các trường: võ, văn, quốc sử, địa dư. Song song với việc an cư trong nước, vua Gia Long đã mở rộng bang giao với: Tàu. Chân lạp. Xiêm La. Anh Cát Lợi. Pháp. Thời kỳ thịnh trị của vua Gia Long có những tháng năm phú cường, (sau chiến tranh giành thắng, vua đã nghe lời nịnh thần xiểm nịnh, mới ra nông nỗi… !!!

a./ [*Vua Gia Long có tài trí mở mang bờ cõi, khôn ngoan, lừng danh trong thời chinh chiến gian truân, đã thống nhất giang sơn, khôi phục nghiệp lớn là thế. Tuy nhiên, ngài có yếu điểm là sự “căm thù tột đỉnh” (nghe lời nịnh thần)… khi vua (Thế Tổ) về kinh thành năm Nhâm Tuất 1802, thì vua Gia Long đem vua tôi nhà Tây Sơn về kinh, làm lễ hiến phù ở đền Thái Miếu xong, vua Gia Long đem họ ra pháp trường trừng trị. & Ông cho quật mả vua Nguyễn Nhạc & vua Nguyễn Huệ lên, vứt thây đi, còn đầu lâu thì đem giam ở trong ngục tối* (*)=ít trích dẫn từ Việt Nam Sử Lược, (VNSL, Trần Trọng Kim),trang 172)].

b./ ông Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc chết. Nguyễn văn Thuyên bị chém. Ông Đặng Trần Thường bị bắt bỏ ngục xử tội giảo (trích dẫn VNSL trang 187).
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1403506280.jpg
2.- Lăng MINH MẠNG (tên vua Nguyễn Phúc Đảm 1791-1840, miếu hiệu: Thánh Tổ Nhân hoàng-đế) Bao quanh núi Cẩm Khê, và có núi Kim Phụng án chầu, lăng xây năm 1840, xa trung tâm kinh thành Huế 12km, ở La Khê Bãi, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, lăng về hướng Tây-Đông rộng 1732m, 15ha. Bửu thành xây hình tròn, tường thành cao cỡ 3m, có ba cửa vào lăng.

Tổng thể lăng Minh Mạng nhìn phần trước thì rộng, thoáng và phóng khoáng, bề mặt đăng đối, uy nghiêm, đường bệ. Nhưng càng bước tới khu chính điện thì chu vi và chiều dài khu lăng sâu hun hút, vời vợi. Càng vào gần lăng thì lối kiến trúc lại dày, quy mô. Lăng đường bệ an ngự trong vùng đầm phá đất cổ thoáng mát, núi đồi, sông ngòi, khe suối, có hồ Trừng Minh nước xanh mơ màng đầy sen đung đưa trong gió thoảng mùi hương dìu dịu, và cầu Hữu Bật nhịp nhàng tiết tấu với hàng tượng đá phân chia thứ hạng, phẩm trật, quần thần. 5 quan văn đá= (có năm bậc, gọi là ngũ phẩm). 5 quan vỏ đá (có bốn bậc, gọi là tứ phẩm). Có hai voi, hai ngựa chầu thánh điện.

Quan tài vua Minh Mạng chôn tại Bửu Thành. Vua Minh Mạng là người tài trí, thông minh, văn hay chữ tốt, uyên thâm nho học. Chính vì vua là người rất sùng đạo giáo, trọng đạo Khổng, Mạnh, coi đạo nầy là chính đạo. Vì thế vua nghiêm khắc, chuyên chế, nhiều cương ít nhu, rất uy quyền, bạo tàn trong việc cấm ngặt người Việt theo đạo Ki tô, vua ra nhục hình cho người Việt có đạo Thiên Chúa, ít độ lượng khoan dung bằng các nhục hình dã man, nếu họ không chịu từ bỏ đạo, thì họ phải bị: lăng trì, cho ngựa xé, voi dày, giết họ đến chết không tha, (vì cái tội mình là người Việt lại theo “tả đạo, là đạo ngoại lai Tây phương”).

Đối ngoại thì Vua thân chinh đi ngàn dặm xa xôi muôn ngàn cách trở mà đánh Xiêm La, Lào, ổn định bờ cõi Việt Nam. Vua thành công trong việc nâng cao đời sống cho dân giàu nước thịnh sửa sang việc nhà, việc nước. Tuy nhiên vua Minh Mạng là người rất hết lòng lo cho quốc thái dân an, luôn sống trọn vẹn vì tổ quốc vì dân, ngài muốn nâng dân trí lên cao, hiếu học. Vua mở Quốc Tử Giám, vào những năm: tí, ngọ, mẹo, dậu thì có trường thi Hương.

Năm: thìn, tuất sửu, mùi, thì mở trường thi Hội, Đình, cho giám sinh có điều kiện học hành, dễ dàng có cơ hội thi thố tài năng, và tuyển chọn xứng đáng người khoa bảng ưu tú mỗi năm. Ngài nghiêm cấm và xử luật những kẻ cường hào ác bá, chuyên bắt nạc dậm dọa bá tánh hiền dân. Kẻ cờ bạc, rượu trà say sưa phải trừng trị thỏa đáng. Ngài lập ra nhà dưỡng tế cứu giúp bần nông cùng đinh nghèo khổ.
(… ít trích dẫn ghi vắn tắt: …)… Vua Minh Mạng, quan tướng, binh sĩ vất vả vô cùng diệt “giặc trong khởi loạn” khi nhiều dư đảng đang nhiễu loạn khuấy rối trong nước, như: Phan Bá Vành. Lê Duy Lương. Nông Văn Vân. Lê Văn Khôi (con nuôi của tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt). Tuy rằng Lê Văn Duyệt là một đại công thần đã chết, nhưng do bè đảng nịnh thần ác ý bới móc dâng sớ liên tiếp tấu trình, nên vua Thánh Tông đã ra chiếu dụ rằng:

Nhổ từng cái tóc Lê Văn Duyệt mà kể, cũng không hết, nói ra đau lòng, dù có bổ quan-quách mà giết thây, cũng là đáng tội. Song nghĩ hắn chết đã lâu, đã truy đoạt quan tước, xương khô trong mả, không bỏ gia đình. Vậy, cho tổng đốc Gia Định đến mả hắn san bằng thành đất phẳng, dựng bia khắc lên câu: “Chỗ nầy là nơi quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp” ; trẫm chỉnh tội danh cho kẻ đã chết, tỏ phép nước về đời sau làm gương cho kẻ quyền gian muôn đời”… ).

Mãi đến nhiều năm sau có quan đại học sĩ đông các tên Võ Xuân Cẩn làm sớ tâu trình xin vua gia ân cho các ông “nghịch tặc” trên ấy… như sau: “thân lại đại tướng, quận công, ví dù cậy công mà làm thành tội, có tội thì tội đã trị rồi, mà có công thì không ai nói đến, chẳng hóa ra đem công lao bách chiến bách thắng của Lê Văn Duyệt làm thành cái tàn hồn phải bơ vơ như ma quỷ ngoài đồng, không ai thờ cúng không?”. Sau nầy vua Dực Tông xem sớ ấy, rất cảm động, bèn truy phong phẩm hàm cho con cháu họ. (Than ôi!!!)
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1403506459.jpg

3.- Lăng THIỆU TRỊ (tên vua: Nguyễn Phúc Miên Tông 1807-1847, miếu hiệu: Hiến Tổ Chương hoàng-đế ). Lăng về hướng Đông-Nam Tây-Bắc, rộng 1000m, 6ha. Lăng có chân núi Thuận Đạo cận tiện, núi Chằm, núi Kim Ngọc, núi Ngọc Trản “tả long hữu hổ” chầu và động Bàu Hồ, có đồi Vọng Cảnh ở Làng Cư Chánh, Xã Thủy Bằng, Huyện Hương Thủy. Lăng xa trung tâm kinh thành Huế 7,5km, có đường hầm để đưa quan tài vua vô huyệt mộ (gọi là đường toại-đạo). Lăng Thiệu Trị trầm mặc, tuy đơn sơ khiêm nhường an phận nhất trong các lăng, nhưng không vì thế mà kém bề thế, dồi dào kiến trúc tinh xảo, sắc cạnh… với 2 voi, 2 ngựa, 10 người đá oai hùng gần ba hồ Nhuận Trạch, Ngưng Thúy, hồ Điện.

Cũng trong chu vi khu đất nầy còn có ba lăng mộ là: Hiếu Đông (bà Hồ thị Hoa, mẹ vua) – Xương Thọ Lăng (bà Từ Dũ, vợ vua) và những khu mộ con vua (bị chết lúc còn nhỏ gọi là “tảo thương”). Thế nên nhà nghiên cứu G.Langland (Pháp) đã nói: “Le tombeau de Thieu Tri peut être considéré comme une des réalisations les plus originales de l’art annamite du XIXe siècle” (Lăng Thiệu trị có thể nghệ thuật được xem là một trong những thành tựu độc đáo nhất của nền mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XIX).

4.- Lăng TỰ ĐỨC (tên vua: Nguyễn Phúc Hồng Nhậm 1829-1883, miến hiệu: Dực Tông Anh hoàng đế). Lăng xây 1864 trên núi Khiêm Sơn, Động Án về hướng Tây-Đông, thuộc Dương Xuân Thượng, (thôn Thượng Ba), xã Thủy Xuân, xa trung tâm kinh thành Huế 7km. Khu lăng có 2 voi đá, 2 ngựa đá, và 8 tượng đá quan thần. Rừng thông reo vui trong gió ngút ngàn, đất đai phì nhiêu rộng vài chục mẫu. Thành quách cao uốn lượn hài hòa bao bọc theo địa hình khuôn đất màu mỡ và phóng khoáng, có hồ Lưu Khiêm, thủy tạ sinh động, hào, cây cảnh tạo hình, hồ sen bạt ngàn hoa, đắp đất thành đảo Tịnh Khiêm soi bóng xuống mặt hồ trong xanh, nhà bia được bài trí hài hòa bởi rừng thông ngút ngàn ngày đêm reo vi vu, nơi nầy vua cùng các quan văn, võ ưa làm thơ phú, hoặc bàn chuyện chính trị. Trong hậu cung xây nhiều tòa nhà ngang dọc đền đài nho nhỏ xinh xinh.

Vua Tự Đức tâm tính hiền lành, nhân hậu, có tiết tháo và phẩm cách cao quý. Ngài vô cùng hiếu thảo với cha mẹ và thương quan, dân, như con. Vua uyên thâm nho-học, đa cảm mà đầy nghệ thuật tính. Vua giỏi: sử, triết, văn, thơ. Vua làm 600 bài văn, nhất là vua thi sĩ trữ tình có 4.000 bài thơ chữ Hán, 100 bài thơ Nôm rất hay). Vua chú trọng đến việc nước, nhất là Sĩ: chăm lo về việc giáo dục, học hành, thi cử. Nông: chuyên làm ruộng. Công: dạy nghề, học những nghề căn bản tiểu công nghệ, dệt vải, thợ mộc, thợ rèn, v.v….

Thương buôn bán nhỏ từ trên thuyền, dưới bến đường bộ, đường núi. Những phẩm chất cao quý của vua Tự Đức rất đáng trân trọng, tuy nhiên do việc triều đình vua Tự Đức không mở cửa buôn bán với ngoại quốc, việc nghiêm cấm người Việt theo đạo Kitô và giết những giáo sĩ: Y Pha Nho. Bonard. Charbonnier. Matheron… khiến mối giao hảo Pháp-Việt đã nhạt nhẽo, bất hòa, càng thêm rạn nứt trầm trọng (xin xem thêm “Histoire de la Cochinchine” – tác giả P. Cultru).

5.- Lăng DỤC ĐỨC (tên vua: Nguyễn Phúc Ưng Chân 1853- 6-10-1883, miến hiệu: Cung Tông Huệ hoàng đế). Lăng ở đông–tây Phường An Cựu, xa kinh thành Huế chưa đầy 3km. Lăng thuở trước rất bé nhỏ, đơn sơ, nhưng sau nầy vua Thành Thái xây lại coi cũng không đến nỗi nào bé. Từ khi vua Tự Đức chết, thì cái ngai vàng oái oăm ấy đã trở nên vô cùng rối rắm, hỗn loạn vô biên với 3 và thêm 4 đời vua (những người thuộc các hệ khác của hoàng tộc Nguyễn Phúc… thay phiên nhau lên ngôi chỉ trong vòng 4 tháng: Dục Đức. Hiệp Hòa. Kiến Phúc. Khốn thay lại có thêm 4 đời vua ngắn ngủi nữa: Hàm Nghi. Đồng Khánh. Thành Thái. Duy Tân).

{Ở giai đoạn lịch sử triều đình Việt Nam lúc bấy giờ quá rối rắm, phức tạp, do bọn chuyên quyền gian ác phụ chính đại thần trong triều thao túng, gây ra đẫm máu. Vua Dục Đức là hoàng trưởng tử khi lên ngôi lúc 32 tuổi, chỉ làm vua 3 ngày, là bị phế, bị quản thúc, bị giam. Sau 1 tuần họ không cho vua ăn, uống, nên ngài bị chết đói. Vua chết mà trong triều không cho gia đình của vua biết tin, chỉ bó tấm chiếu sơ sài, có một ông lính canh, và hai người gánh thi hài vua đi giữa trời mưa gió lạnh lẽo, đến một khe mương thì chiếu bị đứt dây, vua Dục Đức rơi xuống vũng nước. Thế nên họ đào đất sơ sơ rồi chôn vua tại đó}.

- (ít trích dẫn trên là rất đại cương, vắn tắt. Mời xem thêm từ “Lăng tẩm Huế, một kỳ quan. Phan Thuận An).

6./ Lăng ĐỒNG KHÁNH – (Tên vua: Nguyễn Phúc Ưng Đường, 1853-1883 - miến hiệu: Cung Tông Huệ hoàng đế). Lăng về hướng Đông Nam–Tây Bắc, tại thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, cách xa kinh thành Huế 7,5km. Lăng có lối kiến trúc tương đối dày, có lan can xây chung quanh, trước khu vực tẩm lăng có một hồ bán nguyệt đầy sen, mây in hình trên mặt nước hồ êm ả, mây bay ngang qua núi Thiên Thai. Cửa Nghi Môn dựng ở mặt trước sân lát gạch giữa sân chầu có 2 voi, 2 ngựa, và 8 quan viên gầy và cao đã đắp vôi gạch (khác hẳn với lăng tẩm khác đã tạc bằng đá, khổ người đá lùn, thấp). Tại các tầng sân tế, Bi Đình, Bái Đình, Bửu Thành đều sử dụng gạch carô, xi măng, gạch hoa màu tráng men. Cửa Nghi-môn ở Bái Đình, có hàng tượng văn võ quan viên lát gạch giữa sân chầu, có bài văn bia của vua Khải Định viết và khắc ở hai mặt bia.

Tòa nhà kép được pha trộn mỹ thuật kiến trúc Á-Âu tuy nhiên lối thiết kế, tạo hình đặc sắc, hội họa, thủ công tinh xảo ấy đã ghép vào các nơi rất tuyệt từ: vì kèo hình chữ tam mắc máng xối ở chính giữa và chảy xuống một bên hè. Nội thất điện Ngưng Hy là tòa nhà lộng lẫy có kính màu lắp vào các ô cửa. Trên bờ quyết, nóc, đầu hồi, cổ diêm… sơn son thiếp vàng, đa số làm đất nung tráng lớp men màu ngủ sắc. Chung quanh các vách tường, cây cột… thường: khắc, viết, vẽ, trên pa-nô, những hình ảnh sống động nổi ra, lộ ra bên ngoài tường, vách, tường, cột khảm xà cừ, đất nung tráng men màu, điêu khắc tuyệt hảo với nhiều màu sắc chói lọi, từ: chuyện cổ truyền dân gian, chuyện “Nhị thập tứ hiếu”, “ngư tiều canh mục”, cây cỏ hoa lá, cầm kỳ thi tửu, rắn, tắc kè, gà, ngựa, voi, v.v… Quan tài vua quàn tại điện Ngưng Hy ngày 18.4.1889.
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1403506063.jpg
7.- Lăng KHẢI ĐỊNH (tên vua: Nguyễn Phúc Bửu Đảo, sinh 1885-1925, miến hiệu Hoằng Tông Tuyên hoàng-đế). Lăng Khải Định uy nghi trên ngọn đồi khá cao lồng lộng gió. Thiên nhiên hùng vĩ với rừng thông ngút ngàn, và ngoại cảnh hữu tình êm ả, hồn nhiên an ngự trong tư thế hổ phục rồng chầu bên tả hữu lăng. Lăng an ngự hướng Đông-bắc Tây-nam, tại làng Châu Chử, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, cách xa kinh thành Huế 10km. Có dòng khe Châu Ê chẻ ra hai phía loanh quanh khu đồi, rồi tụ lại theo phong thủy “chi huyền thủy”, có núi Kim Sơn & Chóp Vung làm bối cảnh.

Lăng đứng sừng sững ở mé núi Châu Chử có khe Châu Ê nhiều nước độc, nên dân gian thời đó đã có câu: “Châu Ê ơi hỡi Châu Ê. Khi đi thì có. Khi về thì không”. Từ dưới chân đồi ta phải đi lên 127 bậc cấp, và chia ra thành 5 tầng cấp có những con rồng ngồi trên bờ tường rào gạch dài và rộng. Lăng an ngự trên sườn núi kiến trúc theo kiểu mới (éléments modernes) như một tòa lâu đài rộng rãi, nguy nga, tráng lệ nhất được tô điểm hài hòa khéo léo từ kiến trúc cảnh quan hơn các lăng kia (landscape architecture). Biến tấu giữa thiên nhiên cẩm lệ và toà lâu đài độc đáo, tráng lệ, hùng vĩ, đồ sộ, theo kiểu tân thời đúc bê tông cốt sắt, ngói ardoise, xi măng, cửa sắt, cột thu lôi (paratonnerre), đèn diện, vật liệu… phải mua bên Pháp chuyển về. Loại sành ngang chở đến xây từ Hà Đông. Vỏ chai, sứ tốt, thủy tinh tân thời được nhập về từ Nhật và Tàu. Bậc cấp đá hoa cương dẫn lên chính điện đẹp. Trên bậc sân vẫn có 2 voi, 2 ngựa và 20 người đá to lớn bằng người thật, 10 quan văn đội mũ có thẻ ngang, 10 quan võ đội mũ tròn và cầm gươm, mà thi sĩ Pháp Charles Patris đã ghi:

Voici tes éléphants, armés pour la bataille. (Đây là voi, sẵn sàng ra chiến trận)
Et tout auprès, dressés en leur très haute taille. (Và đây là các tướng lãnh hiên ngang)
De ton palais futur les nobles maréchaux. (Ta nhận ra, qua nghi biểu nghiêm trang)
Je reconnais tel vieux ministre à son air grave. (Quan thượng thư già, nhà thơ đức độ)
Ce fin lettré, modeste, et si maigre et si hâve. (Người tiều tụy, mặt gầy gò, khắc khổ)
Dans sa rigueur d’ ascète allait à pas déchaux. [(Giữa sân chầu đang lê bước chân không. (‘Lời Việt PTA’)]

Chính điện lăng Khải Định có nền lăng láng xi măng xanh xám, những bức họa long vân trên trần rộng dài và rộng ở ba gian chính uốn lượn tinh xảo, nhịp nhàng. Tường vách, vẽ chim chóc bay lượn, thú vật nhảy nhót, hoặc khắc mai, lan, cúc, trúc. Bát bửu. Ngũ phúc. Hoa văn làm mô hình đắp nổi chữ vạn thọ, phúc… Tường ghép thủy tinh, sành sứ màu xanh, đá tai mèo. Tượng vua Khải Định ngồi trên ngai vàng vua ngự có mạ một lớp vàng bên ngoài, do hai do ông người Pháp: ông P. Ducuing tạc, và ông F.Barbedienne đúc.

Phía sau ngai vàng là một hình phong cảnh buổi hoàng hôn mặt trời đỏ ối bên núi đồi sông nước và gió thổi bờ tre cây cành nghiêng bóng. Còn một bức tượng toàn thân vua Khải Định đang đứng thì đặt tại Bi Đình do một ông lính thợ Việt Nam quê ở Quảng Nam đúc. Những di tích còn để lại ở lăng Khải Định còn chưng bày áo mão, nhung y lễ phục, tủ giường, bàn ghế, v.v… khay trà, cơi trầu, bình vôi, hộp thuốc, trắp cẩn xà cừ, đèn, gương soi mặt, mắt kính, sách vở, bút mực…

Ở trong miền Nam Việt Nam thì có các lăng:
- Lăng Thượng Công Lê Văn Duyệt ở tại chợ Bà Chiểu.
- Lăng Phò Mã Hậu Quân Võ Tánh nằm trong vùng đất quân sự.
- Lăng Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu ở trên đường Trương Tấn Bửu.
- Lăng Bình Giang Bá Võ Di Nguy ở Phú Nhuận.
- Lăng Bá Đa Lộc thường gọi là Lăng Cha Cả ở Tân Sơn Nhứt.
- Lăng Nguyễn Văn Học được người Pháp gọi là "Tombeau du Marechal Nguyễn Văn Học".
- Lăng Ông Nhiêu Lộc trong sân bay Tân Sơn Nhứt).
* * *

Kinh thành Huế có Phú Văn Lâu nổi cao trên mặt thành. Chợ Đông Ba là ngôi chợ lớn nhất nơi xứ Huế an ngự bên dòng sông Hương, dướI bến ghe thuyền chở đầy cá tôm lên bờ, trên đường người vô kẻ ra tấp nập, ồn ào huyên náo. Họ nói nhỏ nhẹ ríu rít dập dìu như những tiếng chim, như điệu hò mái nhì, điệu nam ai. Hầu hết nhà nhà đều có vườn cây hoa trái tốt tươi. Nhiều giọng nói ân tình nghe rất nhẹ ríu rít lao xao trong chợ Đông Ba chộn rộn. Mười xuống đò xuôi mái chèo lần theo ven bờ sông Hương, lên cầu Bạch Hổ văng vẵng nghe hồi chuông Thiên Mụ (xây năm 1601 có tháp Phước Duyên xây 7 tầng) ngân nga vang vọng:
“Gió đưa cành trúc la đà.
Tiếng chuông Thiên Mụ canh ga Thọ Xương”.
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1403507361.jpg
Và một bài thơ về Huế:
* Lâu chưa về thăm… nhớ Huế
Nắng hồng vương Vĩ Dạ ấp hàng cau
Áo màu sim em khép nép qua cầu
Tay giữ nón ngang Phú Vân Lâu phượng đỏ.

Núi Ngự chiều dâng chim kiếm tổ
Sông Hương trăng luyến khách đưa đò

Nắng ngày xưa nay trôi giạt nơi mô?
Đường phố cũ và cơn mưa dầm Thượng Tứ.
Làn gió thoảng hồi chuông từ cổ tự
Ngả bên sông Tháp Thiên Mụ in dòng
Hương Giang sóng vỗ trong lòng
Xa nhau từ đó hết Đông lại Hè
Nhớ sao phượng đỏ lời ve... (*THH)

Bờ môi Mười trào dâng vị ngon, tuổi thích mè xững, ô mai xí muội, me chua khế ngọt, ổi đào, cầm trên tay trái cóc ngâm muối đường chua chua ngọt ngọt chấm muối ớt, cắn vào răng hít hà hít hít… cay cay mà ngon ơi là ngon, làm chết thèm mấy đưá bạn đứng nhìn mình chảy nước miếng ròng ròng chớ chẳng chơi! Dẫu có nhắm mắt, lớn nhanh lên hay đã già, Mười tin mình vẫn hình dung được dĩ vãng trôi về trong hiện tại, khi xe đi ngang qua cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp nầy.

Ngày ấy, Mười, nữ sinh lớp Đệ Thất ríu ra ríu rít trong đồng phục trắng, cô đơn, (vì “ẻm” ở xứ lạnh mới về, chưa hề quen trường mới, không có bạn mới, từ trường nữ Trung học Đồng Khánh ở đường Jules Ferry, chân Mười mang guốc vông lẹt đẹt, vành nón lá kéo nghiêng che muôn sợi mưa li ti, bay bay, phủ mờ nhoà thành phố, khi mùa Đông mưa gió, lụt lội tràn về. Tóc thề mướt mát, nặng trong gió, Mười ôm cặp kè kè bên hông, thân co ro, môi run run bởi gió rét mưa phùn buốt lạnh. Khi muà Xuân tới mặt trời nhú dạng trên những lùm cây, Mười cùng hàng hàng lớp lớp nữ sinh, tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, trong sáng, vui tươi bước đi hân hoan dưới những vòm cây rợp bóng, có lọng dừa lọng cau bao bọc tứ bề. Mùa Hạ về Mười cùng bạn Huế có giọng nói chính gốc nội thành, khi họ cất tiếng oanh vàng thỏ thẻ thì nghe thanh tao, nhã nhạc như reo vui với tuổi trẻ an thư hồn nhiên.

Họ tung tiếng cười bay theo tiếng ve ra rã trên chùm phượng vỹ cao vời vợi, hoa đỏ thắm nhuộm đầy vùng trời Đế Đô. Mấy bạn xứ Huế ưa chọc ghẹo con nhỏ Đà Lạt là: …“khách ngất ngây khi hoa nở trên má, … nhớ hoa đào trên má ai…, màu hoa in trên má, làm khách lưu luyến mãi…”
Khiến con nhỏ tức tưởi hờn dỗi nghĩ rằng:

- “Mình nào có làm cho đôi má hồng hồng, đôi môi mòng mọng tươi tắn đâu, mà là do Trời ưu ái ban cho các cô gái Đà Lạt xinh xinh đẹp đẹp tự nhiên đều như thế! Chứ nào phải tự ên dồi phấn thoa môi son”! Các bạn lại tha hồ quệt quệt vô má con nhỏ mà lêu lêu mắc cỡ: Khiến con nhỏ òa khóc ngon lành, và trốn biệt xứ Huế thơ mộng, để trở về Đà Lạt chui vô nội trú trong trường Couvent des Oiseaux. Vì,:
Chi lạ rứa chiều nay tui muốn khóc
Ngó chi tui loài cỏ mọn hoa hèn
Nhìn chi tui hình đom đóm trong đêm
Cho thêm tủi bên ni bờ cô tịch (NTH)
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1403507140.jpg

Lòng Mười dạt dào niềm luyến thương cảm mến vô tận với Huế. Chỉ vì, cô bé trước kia là cư dân sinh trưởng ở vùng Đà Lạt nho nhỏ xinh xinh, hiền hoà, (không kém phần thi vị, thơ mộng). Nay quay gót về kinh thành Huế rộng thênh thang, ngây dại bảng lảng trước phách lá hồn hoa: Mộc lan, mẫu đơn, hoàng lan, hoa sen, hoa súng, hoa lục bình, hoa cau, hoa ổi, hoa ngâu, hoa lài, hoa trang, hoa quỳnh, hoa hướng dương, hoa me li ti, hoa phượng đỏ rực rỡ. Huế nên thơ trầm lặng, len lỏi trong lòng cô bé chớm lớn niềm an thư sạch trong, sáng ngần… chẳng hụt vơi tình xanh. Cô em cứ tưởng đời mãi mãi là một màu xanh, xanh xanh trên con đường thiên lý thênh thang ngút ngàn. Ai ngờ… con nhỏ Đà Lạt ngu-ngơ chẳng hiểu anh xứ Huế ghé tai… "noái chi, mô, tê, răng... mà lạ lùng dị dạng rứa… hè:

Để nghe len lén duyên tình giăng tơ.
"Mua lửa" thì thật phải lo
Vì là mua chịu ai cho "lửa" hoài

"Mắc lửa" là thiếu nợ dài
"Lửa" chi không thiếu, chẳng phai "lửa tình"
"Sáng mơi" là lúc bình minh
Của ngày kế tiếp, nong tình đem phơi

"Bữa tê" em hẹn lại chơi
Quên bẵng cái việc em mời bữa kia
Bữa tề" mang lịch ra chia
Bữa tể" là trước bữa kia hai ngày

"Bữa ni" là bữa hôm nay
Là lúc đương nói hàng hai đây nì
"Mần chi" ai hỏi làm chi
Em muốn làm gi`, "răng hoải mần chi?"

Thế này thì nói "ri nì"
"Rứa tề", thế đó mần chi đây hè?
Cái cây thì noái cái "que"
Còn ở trước hè lại nói cái "cươi"

Cái "ôn" bản mặt tươi tươi
Ưa đi tán bậy là người vô duyên
---

(*) Thơ Tình HOÀI HƯƠNG
(**) Tác giả: Cai Vĩnh có bản quyền đăng kí - Không "đạo văn”
***

Tình HOÀI HƯƠNG

thien ly
06-25-2014, 06:17 AM
CHA MẸ Tôi (đã từng) Nén Lại Chân Quê
Happy Father' Day. Happy. Happy...
THH xin cống hiến quý độc giả HQPD bài viết về CHA.
Thân quý, ***

“Tinh thần gia đình là gì?
Đó là: Pha trộn tình mến sợ cha. Tình âu yếm sợ mẹ. Kính trọng cả hai. Thán phục nhân đức của cha lẫn mẹ. Bỏ qua các lỗi lầm. Ghi nhớ công ơn. Thông cảm đau khổ. Cảm kích các hy sinh của cha lẫn mẹ” (P. Janet).

Chị Hoài Hương quý mến

Những kỷ niệm viết về người cha kính yêu của chị thật là chi tiết và đầy tình cảm. Sao chị nhớ nhiều và viết dễ dàng đến thế. Em cũng đã và đang viết một bài về ba mình mà do trí nhớ kém cỏi, em viết hoài không xong. Cám ơn chị đã chia xẻ một bài viết gây xúc động lòng người (như em) làm em nhớ ba em quá! Em nghĩ, nếu không có người cha bên cạnh thì những đứa con sẽ không bao giờ trưởng thành.
Kính chúc chị luôn vui khoẻ để sáng tác nhiều hơn.
Quý mến
TL

Tinh Hoai Huong
06-29-2014, 12:03 AM
CHA MẸ Tôi (đã từng) Nén Lại Chân Quê
Happy Father' Day. Happy. Happy...
THH xin cống hiến quý độc giả HQPD bài viết về CHA.
Thân quý, ***

“Tinh thần gia đình là gì?
Đó là: Pha trộn tình mến sợ cha. Tình âu yếm sợ mẹ. Kính trọng cả hai. Thán phục nhân đức của cha lẫn mẹ. Bỏ qua các lỗi lầm. Ghi nhớ công ơn. Thông cảm đau khổ. Cảm kích các hy sinh của cha lẫn mẹ” (P. Janet).

Chị Hoài Hương quý mến

Những kỷ niệm viết về người cha kính yêu của chị thật là chi tiết và đầy tình cảm. Sao chị nhớ nhiều và viết dễ dàng đến thế. Em cũng đã và đang viết một bài về ba mình mà do trí nhớ kém cỏi, em viết hoài không xong. Cám ơn chị đã chia xẻ một bài viết gây xúc động lòng người (như em) làm em nhớ ba em quá! Em nghĩ, nếu không có người cha bên cạnh thì những đứa con sẽ không bao giờ trưởng thành.
Kính chúc chị luôn vui khoẻ để sáng tác nhiều hơn.
Quý mến
TL
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1403998079.jpg
Thiên Lý thân mến,
Tình HOÀI HƯƠNG hân hạnh khi quen một bạn nhỏ "có tâm hồn thi-văn-sĩ" (tuy tuổi trẻ nhưng có hoài bão, lập trường & kiến thức sâu rộng).
Càng hơn nữa THH vui lắm được TL đọc và ghi lời nhận xét, tôi cảm động vì như TL cũng biết: Lúc chúng ta ngồi gò lưng để tự viết bài (chẳng biết TL thì sao), nhưng riêng tôi nghĩ: mình đã mòn mỏi, hụt hơi... vắt cạn kiệt chất xám ; mà có người đọc... ân cần chia sẻ. Quả thật hạnh phúc. THH biết ơn về những khích lệ ấy, xin sẽ cố gắng.

THH

thien ly
06-29-2014, 10:25 PM
Chị Hoài Hương quý mến

Cám ơn chị đã dành cho em nhiều ý nghĩ tốt đẹp quá, nhưng em cảm thấy mình thật chưa xứng đáng. Về kiến thức em hãy còn yếu kém lắm, em không có nhiều kinh nghiệm sống cũng như kiến thức sách vở để mang vào các bài viết của mình. Em chỉ có một khối tâm tình chất đầy lòng, sẵn sàng trút ra trên giấy khi có cảm xúc buồn vui nào đó bất chợt đến. Những chuyện thật thì em viết rất nhanh và dễ dàng, nhưng chuyện mà cần có chút hư cấu (như chuyện tình yêu) thì khó khăn vô cùng .Vì thế, sau mỗi lần viết xong một truyện ngắn là em phải uống thuốc hạ áp huyết. :p

Em rất thích những bài viết về phong cảnh quê hương đất nước của chị. Em ao ước sẽ có dịp nào viết về những nơi mình đã đi qua với vài kỷ niệm như thế. Tiếc thay cuộc sống đơn điệu chỉ có từ nhà đến chỗ làm và ngược lại, nên em không biết viết gì xa hơn ngoài đề tài gia đình. Hầu hết thời giờ còn lại trong ngày thì em đi du lịch bằng sự tưởng tượng qua đọc các bài viết trên net, trong đó có những bài viết của chị.

Hôm nay em đọc bài “Kinh Thành Huế Thơ & Lăng Tẩm” thì mới nhận ra hết được cái kiến thức sâu rộng kèm theo trí nhớ tuyệt vời, mà đã được chị diễn tả rất đẹp, rất sống động về những Lăng Tẩm, đền, chùa, các triều đại vua quan…Đọc qua đoạn giới thiệu:

"*HUẾ ! di sản đặc biệt quý giá là tặng phẩm độc đáo của Trời ưu ái ban tặng, và cũng là sính lễ sang trọng của vua Chiêm Thành khi cưới công chúa Huyền Trân. Huế là vùng khí hậu nhiệt đới, có bốn mùa rõ rệt: Mặt trời luôn rót nắng vàng hanh chảy xuống Đại Nội. Mùa đông buồn lặng, đìu hiu ướt át, lụt lội gió bão mịt mù. Mùa xuân xanh tươi, mát mẻ êm êm, trời trong xanh mây trắng nhẹ lâng lâng bay bay khắp đường đi nẽo về & đầy mùi hoa thơm. Mùa hạ rực nắng tình hè, trời hâm hấp nóng nực kinh hồn với những hàng phượng Vỹ đỏ rực soi mình trên sông Hương, phượng nghiêng mình đứng bên hồ Tịnh Tâm. Ít ra từ mỗi sân trường, từng xóm làng…" khiến cho em vốn đã yêu đất Huế giờ lại còn yêu thêm. Xứ Huế thơ mộng đã sinh sản ra nhiều nữ sĩ tài năng như chị.

Hèn chi chị HH biết không, chàng cựu SVSQ Không Quân nhà em rất yêu cô gái Huế, và chàng đã từng mơ ước có một nàng Huế về “ nâng khăn sửa túi” cho chàng suốt cuộc đời còn lại, nhưng xui xẻo làm sao chàng lại gặp em không phải là cô gái Huế … Riêng em, hồi còn trẻ cũng mơ một chàng Huế đó chứ, để được chàng “làm thơ tình em đọc”… Thế mà sự đời tréo ngoe hết!!!

Dài dòng với chị nhiều quá rồi, em xin gửi lại đây lòng mến mộ, và sự khâm phục một bút pháp rất công phu. Đúng là chị đã “vắt cạn kiệt hết chất xám” để gửi đến người đọc một bài viết hay, có giá trị lịch sử.

Em xin gửi tặng chị một bó hoa hâm mộ và một ly sữa dâu tươi “ bồi dưỡng” chất xám chị nhé.

http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1404079046.jpg http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1404079110.jpg

Mến chúc chị luôn vui khoẻ để sáng tác dồi dào hơn.
Quý mến
TL

Tinh Hoai Huong
07-01-2014, 11:31 PM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1404256977.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1404280698.mp3

Tinh Hoai Huong
07-04-2014, 03:03 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1404443671.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1404444107.mp3
Giấc Mộng Phù Vân


Các bạn cùng tôi lững thững đi dưới rừng thông muộn phiền giao nhánh dưới đài mây bồng bềnh trôi trên không trung. Nơi xa xôi trên đỉnh đồi có cây mimosa buông lã theo tiếng gió rì rào qua kẽ lòng tôi ngất ngây buồn... Tôi đi bên cạnh những thiếu nữ xuân-thì: có người yêu hoa mimosa, có người yêu hoa pensé, có người yêu hoa hồng… yêu hoa violete, cũng có người không yêu hoa chi hết.

Họ lững thững thả bộ bên luống cải xanh rờn, ríu ra ríu rít, tíu ta tíu tít chuyện trò vanh vách, vui cười thân thiện; đôi lúc nhí nha nhí nhảnh, lườm nguýt, thọc lét hay húc cùi chỏ vào hông nhau. Đã thân quá rồi nên có lần họ không ngại nói xoen xoét huỵch toẹt ra những điều ẩn kín khúc mắc trong lòng, mà không hề ngượng miệng.

Do vài lần chúng tôi gặp nhau trong Võ Bị, đặc biệt là Thúy Mai tự tới làm quen tôi trước, nàng mến thích tôi. Lúc ấy tôi có đôi chút ngỡ ngàng, bỡ ngỡ; nhưng sau khi trò chuyện, tôi cũng có phần mến Mai vậy. Khí lạnh thấm dần đôi má hồng thắm, qua vai gầy, rung rinh mái tóc thề đen nhánh và óng mượt của Thúy Mai (cô bạn gốc người Huế tôi mới quen, tóc thề mướt mát, dáng mảnh khảnh, Mai hay đau ốm nên có vẽ liêu trai thế nào ấy). Tuy Mai không đẹp nhưng dễ nhìn. Tính tình Mai đôi lúc dễ thương, và bốc đồng lên thì cô “khíu chọ” chi lạ! (sau nầy hơi thân thân với Mai, tôi mới biết Mai bị đau nặng, nhưng dấu nhẹm bạn bè chuyện cô bị viêm gan). Thúy Mai ưa có cử chỉ nhún nhẹ đôi vai khi nói về người cô yêu; là Mai trề môi dưới ra:
- Tao biết là Tấn chưa chắc thật tình với tao, miệng mồm anh ta liếng thoắng, Tấn có vẻ giả dối, đểu đểu làm sao. Tao rõ Tấn như thế, nhưng tao không tài nào giải thích cho tụi bây hiểu. Tấn nghe lời gia đình hơn. Tao thất vọng, dù yêu Tấn, nhưng tao không hề tin Tấn.
Quỳnh nhìn bạn, e dè:
- Mầy phải biết cách lèo lái nó chứ. Ai biểu mầy không chịu:
“Quất ông tơ cái trót.
Ổng nhảy tót lên ngọn cây bần.
Biểu ông xe mối chỉ năm bảy lần, ổng hổng xe” (cd)

- Mầy nói nghe chán thấy mồ. Tao hỏi mầy nhe: Từ ngày Tấn ra quân trường Võ Bị, đến nay đã quá lâu, mầy biết không, Tấn chỉ gửi về vài ba lá thư viết bâng quơ. Tao công nhận thư Tấn viết hay. Tao nghĩ Tấn ích kỷ không muốn mất tao; làm như tao là “cái bồ tình hờ” Tấn để dành xơ cua! Tấn không muốn thân thiết càng thiết tha, hoặc hứa hẹn gì. Rồi Tấn sẽ không bao giờ về thăm Đà Lạt, không một lần về thăm ai, chớ đừng nói là gặp lại tao. Mầy hiểu không?
- Cầu xin sao tao được sống lâu, xem chàng xử trí thế nào.
- Số tao độc thân đến chết, e rằng lúc đó cũng không gặp Tấn đâu.
- Đừng bắt chước ông Chu Công ba ngàn năm trước đã đặt ra mười can. Mầy hãy xoè hai bàn tay đếm đủ: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Qúy. Rồi mầy giơ thêm bàn tay và chân ra bói quẻ con: Tí, Sữu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi - cho tao nghe, chán phèo!
- ...
- Không tin hả? Số mạng mầy nói lên sự thật đó hì. Mầy không biết ngày ấy, năm ấy chồng mầy là ai. Vậy, cái ngày đầu tiên mầy quen Bào, mầy có thấy ông ta xấu tính xấu nết không?
- Thôi bà thầy ơi! Dĩ nhiên là họ dấu nhẹm tật xấu đi, chớ ai muôn phơi ra, để bị mất bồ à! Ngày nào cũng đẹp cũng tốt cả. Buổi sáng tao thấy mặt trời mọc phương đông, chiều lặn ở phương tây. Chớ ngày giờ ấy khi quen Bào, tao không thấy nó mọc ở phương tây, và lặn ở phương bắc. Mầy đừng dị đoan quá! Mau già nhe:
Số giàu đem đến dửng dưng.
Lọ là con mắt tráo trưng mới giàu.
Số giàu tay trắng cũng giàu.
Số nghèo chín đụn mười trâu cũng nghèo. (cd)

- Mầy không tin con người có số à?
- Trường hợp tao, tự tao quyết định chọn lấy con đường tương lai. Thú thật tao thấy ngày tao gặp Bào, hiểu Bào xa Bào trong nỗi nhớ, là ngày giúp tao xoay ngược ván cờ.
- Thành công hay thất bại?
- Do mình thôi. Chén bát trong sóng có khi cũng xao động mà.
- Nói chuyện chồng con, tao ớn lên tới cần cổ.
- Độc thân vui tính như mầy, tao thấy tự do thoải mái kinh khủng.
- Ui xà! Khi về già thì mầy sẽ thấy có đủ cảnh khổ, biết trông chờ ai hả? Ráng bò đi lo lấy một mình. Tứ cố vô thân à.

Chưa đi, chân mỏi! Chưa trông, mắt mờ!
Ðêm nằm chưa ngủ đã mơ.
Cơm chưa đụng đũa đã no ngang rồi!
Áo quần xốc xếch lôi thôi.
Nhớ quên, quên nhớ... chuyện đời nhi nhăng.
Nói to cứ ngỡ nói thầm.
Tay run cứ ngỡ phải cầm... ba toon. (2)

- Đằng nào cũng chán. Mỗi người có một cảnh khổ riêng, không ai giống ai. Sóng bước bên nhau im lặng hồi lâu, Mai buồn rầu nói:
- Vô nhà đi. Con mầy khát sữa, chắc nó đã khóc lòi rún rồi.
* * *

Mai thả gót giày xuống lòng đường quạnh vắng, tiếng giày kêu lóc cóc… văng vẵng những âm quen quen, nghe mà buồn. Trên phố lạnh lâu thật lâu mới thấy vài lữ khách bước vội trong đêm. Ôi! Người đàn ông phong trần phiêu lãng nơi phố khuya giá rét kia là ai?! Chàng đội mũ phớt đen, mặc quần jean cũ, áo da đen, mang giày sport, vai vắt chiếc áo manto đen. Chàng đã dừng lại trên con dốc uốn lên uốn xuống ướt đẫm sương đêm, chàng lần tay vào túi quần, tìm gói thuốc lá và hộp điêm. Chàng khum khum hai bàn tay để che gió, ánh diêm lóe sáng tỏa làn khói nhạt mờ mờ, khói vật vờ uốn éo bay lên hòa lẫn vào vũng sương mù.

Thỉnh thoảng chàng dừng chân ngửa cổ thả ngụm khói vo tròn hình chữ O lên cao, khiến Mai càng nôn nao nhìn “thi-sĩ thả hồn trong sương khuya”. Ngửa cổ nhã cụm khói, húng hắng ho, chàng kéo cao cổ áo da đen, tiếng gót giày của chàng lại đơn điệu chậm rãi gõ lộp cộp, ngân vang trên đường nhựa ướt nhẹp in ánh trăng bóng loáng, cùng giọt sương long lanh rung rinh ở đầu phiến lá.

Mai trông chàng có vẻ ung dung nhàn hạ, dường như giống... lại vừa không giống Tấn!? Nhìn hình ảnh phong lưu thong thả nầy, Mai cảm thấy người ấy dường như gần gũi quen thân tự thuở nào?! Mai trông mong người ấy đi kế bên, để Mai có thể tò mò muốn nhìn thấy mặt anh ta một xí, thì hay biết mấy. Biết đâu đó là một sự tình cờ hữu duyên “thiên lý tương năng ngộ” với Tấn thì sao... như thuở xưa Tấn ưa chơi trò ú tim với nàng thiệt vui biết mấy.

Khi đã đến gần cánh cổng nơi ngỏ nhà mình, Mai tư lự, tần ngần, do dự, băn khoăn lẫn chút bối rối đứng khựng lại, cố ý chần chờ... nàng làm bộ mò mò... vờ tìm tìm trong giỏ xách hồi lâu, rồi Mai chậm rãi loay hoay mở ổ khóa cổng lách cách, mà đôi mắt Mai luôn lom lom liếc liếc nhìn lui người khách lạ đang đi đến cột đèn đường.

Người thanh niên đã đi đến gần cổng nhà Mai, chàng thong dong tà tà tiếp bước, như tìm những áng thơ và cả một tương lai dài ngoẵng trên dòng đời xô sóng. Khi đến gần nàng, chàng chỉ thoáng nhìn Mai rồi lơ đễnh nhìn về hướng khác, dường như “anh” dửng dưng, không hề lưu ý trên đường vắng đang có thêm một người. Ôi! Không phải là Tấn rồi! Người ấy không nói, chẳng mỉm cười khi Mai quay phắt lại, anh ta thản nhiên thả gót giày vui vui theo từng nhịp bước lao xao trên mặt sỏi vụn kêu rào rạo ven lề. Khiến Mai cảm thấy thất vọng và chợt buồn da diết.
Thân tui thui thủi một mình.
Đêm đêm lạnh lẽo buồn tình lang thang.
Nếu ai nghĩ chuyện đá vàng.
Tôi xin được dạo cung đàn tình chung. (cd)

Ôi! Chuyện tình yêu giữa Mai và Tấn lấp ló lững lơ như tơ trời, không báo hiệu niềm vui, hay có điều gì tốt lành, hứa hẹn ngày mai tươi vui quang đãng, mà có thể bị hất lại nỗi thất vọng đột ngột ê chề. Tấn ở trong quân trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, anh quen và “yêu” Mai… Tình cảm họ đã đi qua lòng nhau, gợn lên êm ái, không kém phần say đắm, choáng ngợp, nồng nàn. Bên nhau, họ cũng có bao phen yêu đắm đuối, giận hờn, ghen tuông. Tôi nghĩ: Trong tình yêu và sự ghen tuông vốn dĩ không có tội. Tuy nàng ghen nhiều, thì sự thấu hiểu về nhau hay hạnh phúc có thể sẽ giảm đi tí chút. Biết thế, nhưng Mai không thể không buồn bã khi thấy Tấn đến thăm và tặng món quà cho vài người con gái khác.

Mai không thích như vậy, nàng muốn bụng của Tấn phải to, nhưng trái tim anh ta chỉ chứa đựng mỗi hình ảnh duy nhất riêng mình. Riết rồi Mai cảm thấy mệt mỏi… chán ngán và oán hờn Tấn, lẫn ghen ghét “kẻ kia” thậm tệ… như hai con gà mái tức nhau vì tiếng gáy của con gà trống. Mai cũng cần kênh kiệu: làm cao, làm giá, làm le, làm dóc, làm lơ, ra vẻ ta đây bất cần Tấn. Nếu Mai có xuống âm tào địa phủ cũng hả dạ! Nàng không còn tíu tít chuyện trò ríu rít thân mật mỗi khi Tấn ghé qua nhà Mai nữa. Mai nghĩ: “Bây giờ nếu Tấn cứ thay đổi tình lia chia, hay muốn tỏ ra ta đây là đào hoa, bay bướm, cua đào dễ dàng... thì có lẽ trái tim Tấn sẽ để lại vết vẹo đau đớn, cả đời chẳng có bến đậu bình yên nào”!

Ngược lại, Tấn cũng nghĩ: “Em trao cho tôi đấu gạo nào, thì tôi sẽ gửi lại em bằng ấy”... Rồi khi Tấn ra trường, người trai ấy đi biền biệt ở phương trời nào không rõ, Tấn ra đi ươm mộng theo nhịp bước hải hồ, lãng du phiêu bạt thời chinh chiến rày đây mai đó dặm trường dong ruỗi. Lâu thật lâu hình như chợt nhớ ra, Tấn gửi đến Mai những trang thư kể chuyện sông hồ núi non gió biển, anh viết ít chuyện chiến chinh cùng đời sống bạn bè trong quân ngũ. Nhạt nhẽo thế thôi! Anh có lắm khát vọng dãi dầu gió sương lả lướt tung bay phỉ chí tang bồng, lãng du vào những bến bờ xa lạ, như ngày xưa khi còn ở bên nhau Tấn đã từng nhẹ nhàng nhắn nhủ gần xa với nàng:
- Anh chỉ muốn sống đời giang hồ, chinh chiến, cần nhất không vướng bận, anh phải độc thân, em tin đi, anh sẽ không bị vợ con ràng buộc. Thôi thì:
“Trăm năm đành lỗi hẹn hò.
Cây đa bến cũ con đò khác đưa”... (cd)

Vô vàn trống vắng xót xa, khi lời Tấn gián tiếp nhắn nhủ với Mai đấy. Mai ở lại chốn cũ đồi xưa, xếp tơ lòng giữa tiếng ồn ào xe pháo, giữa muôn người bàng quan hờ hững đi lại trong nắng gió khuya chiều. Tình cảm của họ trở nên lờ mờ đơn điệu và vô cùng buồn bã… Hai người dần dần xa cách, chênh vênh... theo mây lơ lững trôi về nơi vô định. Rồi theo thời gian tháng năm nhẹ nhàng bay đi, tình cảm họ thực sự lùi vào câm nín, lãng quên… Bức tường thời gian và không gian ngăn trở mịt mùng, xa xôi cách chia biền biệt, trăm sông nghìn núi nhấp nhô chập chùng, càng xa quá xa. Tình yêu hai người đã bị bức chắn khổng lồ dựng lên hố thẳm phân ly chia biệt mất rồi. Tấn rất ngán vì Khóa 19 Võ Bị của Tấn có 394 sĩ quan tốt nghiệp, trong đó có thủ khoa Võ Thành Kháng vừa tốt nghiệp mươi ngày, là bạn thân của Tấn đã tử trận ở chiến trường Bình Giả.
* * *

Nhân ngày tôi về Sài Gòn dự đám cưới chú em họ, Mai năn nỉ ỷ ôi nhờ tôi đến nhà trao tận tay Tấn món quà. Ấy là một phong thư mà Mai đã thức ròng rã biết bao đêm để viết rồi xé, xé lại nắn nót viết từng chữ, nàng gói ghém tình cảm từng câu trong lá thư màu xanh đầy kín tám trang giấy. Mơ mộng và thi vị hoá cuộc tình, cũng do Mai tiêm nhiễm về những chuyện tình thời cổ xưa từng đọc trong tiểu thuyết, hoặc coi trên các màn ảnh những phim chuyện Tàu lâm ly bi đát.

Mai đã cắt lọn tóc dài óng mượt đen tuyền tẩm đầy nước hoa, nàng gói tóc trong vài chiếc khăn tay trắng, Mai thêu hai chữ T.M quấn quít những sợi chỉ màu đỏ âu yếm bện chặt lấy nhau bên cuối góc trái, có cành hoa mai vàng nõn lá xanh. Kèm theo một chiếc cà vạt màu xanh biển hình trái tim. Một xâu đựng chìa khóa và kéo bấm móng tay. Một tấm ảnh bán thân cuả Mai. Hộp dâu Đà Lạt. Những thứ quà nho nhỏ đó Mai trang trọng cất vào chiếc hộp giấy, bên ngoài cột sợi nơ đỏ xinh xinh.

Tôi thương bạn lắm! Dù bận thế nào, tôi cũng cố gắng đi taxi loanh quanh tìm nhà Tấn và ở lại gần nửa ngày. Tìm đến đúng nhà Tấn, tôi ngồi trong phòng khách vừa đủ rộng, trang hoàng tiện nghi lịch sự không phô trương. Hai bà chị khoảng ngoài ba mươi tuổi, phong cách đài các, thanh lịch, tao nhã. Thỉnh thoảng hai chị thay nhau ngồi tiếp chuyện với tôi, họ thư thả đi ra đi vào phòng khách, ghé ngồi trên sofa trao đổi vài ba câu xã giao dí dỏm, chị tươi cười hỏi tôi vớ vẩn về Đà Lạt, về sương rơi gió lạnh với ly nước trà đá. Tôi hóm hỉnh tươi cười đáp lễ, thầm nghĩ là chị em họ muốn ra đây sơ giao, để nhìn mặt tôi cho biết cô gái Đà Lạt nầy, là ai? Có phải là bồ bịch lăng nhăng lít nhít tòn ten gì với “ông qúy tử hà sa” đào hoa bay bướm của chị em nhà họ không mà thôi.

May mắn làm sao, tôi rất mừng vì kịp lúc gặp Tấn đóng quân ở tiền đồn về nhà nghỉ phép một tuần. Hai bà chị đã rút vô sau bức rèm lụa. Khi gặp Tấn, tôi niềm nở chào hỏi ân cần, trang trọng trao tận tay Tấn kỷ vật giúp bạn. Tấn vui vẻ hỏi thăm tôi về thời tiết nắng mưa Đà Lạt. Tôi nói chuyện tếu rất lâu với Tấn. Tôi ỡm ờ dò ý hỏi thăm Tấn:
- Anh lên tới chức Đại-úy rồi, sao anh không lập gia đình nhỉ!?
Tấn cười khoan khoái, vui vẻ xoa hai tay ngâm nga:
Lấy vợ xin lấy vợ sún răng.
Đỡ tiền nha sĩ, ngại sâu ăn.
Sáng, trưa, chiều, tối em ăn cháo.
Khỏi phải mua bàn chải đánh răng.
Lấy vợ xin anh lấy vợ hô.
Lỡ sau mà có gặp côn đồ.
Em cười, chúng tưởng Chung Vô Diệm.
Hồn xiêu phách lạc cõi hư vô. (2) - Nhờ Thụy làm mai cho tôi một em giống y chang như thế nha. Nếu không có ai như tôi thích, tôi nguyện sống độc thân suốt đời.

Hai người hồn nhiên hân hoan cười ngất. Chúng tôi nhắc lại bao chuyện cũ vui thật vui, kể cả chuyện Tấn dẫn hai bạn cùng khóa đến nhà Mai, lúc đó Qúy có thể ngà ngà say? nên anh ấy tỏ ra suồng sã vồn vã với tôi quá lố. Tấn cười xòa vui vẻ nói:
- A ha! Hồi đó tôi biết hết, thấy hết những cử chỉ “mặn nồng âu yếm” của riêng Qúy với “ai kia”, mà tôi cố làm tình vờ, cố ý ngó lơ, không hề tỏ thái độ gì, cốt ý cho hắn có cơ hội chấm mút tị. Vã lại tôi biết Thụy đã có bồ rồi. Nào ngờ hắn chả được gì sớt, mà dị hợm, thật quê một cục. Ai biểu hắn còn học trong Võ Bị, mà muốn đi kiếm vợ con làm gì! Phần tôi, tôi muốn dò xem cá tính phụ nữ thế nào, để phòng xa… chỉ sợ sau nầy tôi rước phải một “công nương sư tử”, thì đời trai tàn mất. Thụy nghe nha:
Không biết định nghĩa vợ là chi đây.
Vợ là quả ớt chín cây.
Đỏ tươi ngoài vỏ rất cay trong lòng.
Vợ là một đoá hoa hồng.
Vợ là "sư tử Hà Đông" trong nhà. (2)

Nhắc lại kỷ niệm xưa coi Tấn vui vẻ hẳn lên, anh ta ý nhị nháy mắt nheo mày, tủm tỉm cười, rồi hình như khoái chí về điều gì đó, Tấn cười ha hả, rất hồn nhiên thoải mái. Tấn bảo:
- Sau lần ấy, thằng Qúy nó thường năn nĩ tôi... làm sao cho nó gặp lại Thụy, dù chỉ một lần, để nó xin lỗi về cái tội vô tình lếu láo, bất nhã, làm mất thể diện sinh viên sĩ quan con nhà tướng đấy. Nó thật tình mến Thụy. Nhưng tôi không hứa hẹn, sợ nó lại bốc đồng lên, nổi hứng quá “làm ẩu tả” thì mất mặt bầu cua. Đàn ông con trai… ai mà chả có "máu ngứa nghề khỉ đột" ha, dê dê xồm xồm khi tận mắt “nom” thấy người đẹp bằng xương bằng thịt đang nhúc nhích hở. Ha ha ha...
- Thôi, anh đừng kể nữa, dạo ấy tôi nghe anh ấy nói tiếng Tây muốn điên rồi. Bây giờ anh có thích tôi điên không nào!?
- Chả dám. Ah... Thụy biết không, coi chừng chứ có ngày điên vì vợ, tôi cũng bị tuột da thì nguy to, nên cho tôi xin ế vợ, kíu từ vợ cho rùi!
Tôi không thể nhịn được cười. Vui ơi là vui quá chừng giống như ngày cũ hồn nhiên trong sáng xa xưa. Nhưng khi tôi sốt ruột nhắc khéo lại Tấn lần thứ ba:
- Thúy Mai đã gửi nhờ tôi trao món quà đến tận tay anh, và nóng lòng đợi anh hồi âm nè.
Tấn lại cười cười:
Thân trai cũng mười hai bến nước,
Nặng nỗi lo vô phước gặp “chằng”. (2)

Đọc mấy câu thơ tiếu lâm xong, Tấn nghiêm mặt lại, cử chỉ ung dung nhưng mà thờ ơ, anh từ tốn mở gói quà ra xem. Trước đó tôi đã nhiều lần “gợi giấc mơ xưa” giúp đôi bạn ấy. Bây giờ tôi kín đáo quan sát Tấn. Thỉnh thoảng đọc thư Mai, Tấn chỉ nhíu đôi mày, mấy đường nhăn in trên trán, mắt lướt nhanh trên những trang thư và nhếch mép cười ruồi. Anh ta đọc xong thư của Mai (viết gì trong ấy mà dày cộm đến thế không biết). Tấn xếp thư lại quăng lên bàn, phong thư chạy tuồn tuột tới một đoạn xa ở góc bàn, thư gần rơi xuống nền gạch. Tôi so sánh Tấn và sự trân trọng khi Mai nhờ tôi trao giúp gói quà. Nó dặn đi dặn lại tôi:

- Phải cẩn thận, mầy đừng để cái hộp bị móp méo, đừng để cho lọn tóc trong hộp bị lệch lạc, mầy hãy để ý nhìn coi lúc Tấn đọc thư, thái độ Tấn ra sao. Mầy về tả lại cho tao nghe nha!

Nhìn cung cách và cử chỉ của Tấn lúc nầy, khiến tôi mủi lòng thay bạn. Thật buồn và thất vọng đa! Tấn tinh ý nhìn tôi tươi cười khôn khéo lái qua chuyện khác, ỡm ờ cười cười gật gật… Quả thật Tấn rất bình tĩnh, không tỏ lộ trên nét mặt phong trần điều vui hay buồn. Nhưng rồi sau hơn một giờ trao đổi chuyện trò, tôi nghiệm ra rằng: “Cả đời Mai trọng tình. Còn cả đời Tấn thì chỉ trọng tiền, binh nghiệp và danh vọng”. Tấn im lặng đắn đo suy nghĩ, rồi xin phép tôi hãy cố nán lại xí, anh lên lầu hồi lâu, sau đó trở xuống phòng khách, Tấn cười cười:
- Nhờ Thụy vui lòng chuyển cho Thúy Mai một bài thơ vui vui về giấc mộng phù vân: Lịch* (của) O Mèo !?
Thân anh khổ thế Mèo kia!?
Chi bằng lịch lãm ôm bia nốc nè!
O Mèo đứng núi cà kê.
Con Dần quá phục đi về gốc sung.

Ai đi dẫn tớ theo cùng.
Mua vui chốc lát không khùng cũng điên.
Chẳng qua lịch sự vì tiền.
Cơm ngon cá mặn ra hiên nốc vào.

Ăn rồi kháo chuyện tào lao.
Cao bay khéo nhỉ lao xao nhập nhằng.
Rồi đây câu chuyện lăng nhăng.
Tôi đây ảnh đấy băn khoăn có thừa.

Tình lang nhớ chứ sớm trưa!?
Sa đà lỡ hẹn lưa thưa tháng ngày.
Lịch trình tớ đã ghi đây.
Ngày ngày tháng tháng năm nầy hẹn nhau.

Thề non hẹn biển bấy lâu.
Tôi về nối nhịp bâng khuâng chỉ vì...
Em ơi khách sáo điều chi?
Qua cầu lặng lẽ đông thì gió bay...

Thương em Mẽo cứ lên non.
Năm nay Tết nhất lon ton Nhảy Dù...
Dù rồi Mẽo sẽ đi tu...
Mùa xuân chí tới mùa thu chết thèm...

Mi thèm Mẽo có mơ em?
Đầu năm bạn biếu cân nem nhậu cùng.
Quên chi quá lạ quên lùng.
Tôi đây có phải không khùng cũng ngơ!

Hay chăng tại mết chàng Thơ.
Giờ đây lạc lõng giây tơ phiến lòng...
Thương thân núi đá bào mòn.
Mèo trơ cặp mắt giờ còn lung tung?!

Đôi ta nhiều buổi trong cung.
Ăn no nếm mật tiêu tùng phát ho.
Ui cha Mẽo nhậu phần to.
Mèo em tí nị buồn xo quá rầu!

Thang đâu bắc hỏi ông Trời.
Vì sao trái tím mồng tơi rã hàng?
Do em đớp “phở” chàng mang.
Bầu to Mẽo đã lên đàng tuốt dông.

Hành trình thẳng đến mùa đông.
Mèo già răng rụng lông đuôi chẳng còn.
Chừ còn cục nợ tí hon
O ơi thấy hỡi là con Lịch Mèo!? (3)

Ui Trời đất qủy thần thiên địa tông ti ông bà cố nội ơi! Tấn đã muốn to nhỏ nhắn nhe với Thúy Mai điều gì trong bài thơ tiếu lâm kia đấy nhỉ!? Theo quan niệm của tôi: Tình yêu là một tình cảm vô cùng đặc biệt, tin yêu, trang trọng và chân thật, thủy chung. Cho dù người mình yêu không thể (hay chưa thể) hồi đáp về ta... những ước mong hạnh phúc lứa đôi. Riêng đối với tôi thì tôi đã tin yêu, chân thật, trọn nghĩa, trân trọng tình.

Tôi bỗng so sánh “mối tình say đắm” của tôi và “mối tình đắm say” của Mai: *Tình yêu của tôi giống như biển cả đem lại sự tuyệt vời của bình minh hay hoàng hôn, đang nhún lên nhún xuống ở chân trời, như giọt sương khuya rung rinh và long lanh trên phiến lá giao mùa. Dù chẳng biết sẽ trơn tuột rụng rơi lúc nào. Đồng thời tình yêu cũng dạy cho tôi biết thế nào là sự ghen tuông (ghen tuông tựa như sự ...giận dữ gào thét cơn thịnh nộ của biển quét lên trái tim tôi; nếu tôi biết “người ấy” phản bội). Đồng thời, tôi vẫn rộng lòng tha thứ, kiên nhẫn, bao dung cho kẻ đã bội tín, kẻ nhẫn tâm chà đạp lên sự đau khổ nầy. Cho đến lúc nào đó không thể tha thứ nữa (vì người ấy bê tha, có tật xấu không chịu sửa đổi, lừa dối tình và tiền), thì tôi khinh bỉ buông ngay và quyết liệt dứt tình.

Vẫn nhưng mà… Giá mà Mai sống an lành và vui vẻ hạnh phúc, thì nàng sẽ không nhớ tới “ai”. Với Mai thì nàng khác hẳn tôi ở chỗ là tình yêu của Mai da diết đấy, vẫn ghim gút và nuôi dưỡng sự căm giận! Tôi cảm thông bạn Mai sầu héo xếp lớp buồn tủi lăn tăn trong bước độc hành, đơn điệu, làm thời gian chất chồng bao sầu héo nhăn thêm vầng trán suy tư.
“Tóc mai sợi vắn sợi dài.
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”.

Mỗi lần Mai đến thăm bạn cũ, thì từ trong tiềm thức quá khứ vô cùng xa xôi ấy, tưởng đã mờ nhòa nhạt phai, bỗng lóe lên tia chớp rực vàng. Khiến nàng khó ngăn lại nỗi khao khát, cuồng quay trở về lối xưa, để trả thù với người đã khiến nàng thương tổn dày vò đau đớn. Thế nhưng Mai không thèm hạ mình hạ giọng “năn nỉ” Tấn lời nào.

Ôi từ đó đến giờ... suốt quãng đời dài lê thê đến vậy, mà Tấn không có một ngày nhàn rỗi để về thăm Mai sao?! Sợi dây liên lạc mong manh như tơ nhện giăng mắc trong vũng sương khuya, hẳn là đứt phựt mất rồi. Tấn không một lần về thăm Mai thật. Chua chát thay! Còn đâu tình yêu phù hoa hai người (có một thời tốp bạn trai gái chúng tôi nhìn họ, mà hy vọng và ao ước mình sẽ giống như họ, chúng tôi tôn hai anh chị Tấn Mai là thần tượng tình yêu!).

Tôi không bao giờ gặp lại Tấn (sau một lần duy nhất tôi ghé qua nhà anh, để trao giúp Mai lọn tóc thề). Tôi cũng không hề biết bây giờ Tấn đi chinh chiến -sống hoặc chết, vợ con thế nào?- Nhưng, cuộc đời vô vị cùng số phận khe khắt dẫn Mai đi bước thấp bước cao, không ngờ tràn đầy cay đắng, cô độc. Mai từng nói với bạn:
- “Thuyền ơi có nhớ bến chăng.
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền” (cd). Nếu có chết, tao cũng bu đeo theo Tấn, để quậy cho hắn sợ mà.

Hôm nay, tháng Tám là ngày giỗ Thúy Mai, nàng đã thả lỏng đôi tay giăng soãi bình an nằm trong lòng đất lạnh xứ Đà Lạt càng giá rét, với mối chung tình xưa ủ kín ở kẽ lòng: những uẩn khúc phù phiếm vùi sâu tận huyệt mộ đẫm ướt sương đêm, qua từng đợt gió lạnh sớm mưa khuya chiều. Mai vẫn là cô gái độc thân 37 tuổi “khíu chọ”. Lớp bụi phớt hồng mỏng tanh mịn màng bốc lên gót chân tôi, rải đều trên đôi giày trắng, khi tôi ghé qua mộ Thúy Mai đặt lên nấm mồ hoen màu bó hoa tươi. Tôi thắp nén nhang nghi ngút bay bay trong gió lộng trên khu nghĩa trang Số 4. Lớp bụi đỏ lại nhè nhẹ về nằm nghỉ yên nơi mặt đất cạnh luống hoa phù dung.
*
(1) (cd) = ca dao
(2) Thơ tiếu lâm lượm lặt & Chuyện vui sưu tầm.
(3) Thơ tiếu lâm Tình Hoài Hương (Lịch* = Lịch trình của O Mèo)
* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
07-14-2014, 02:25 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1405304840.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1405305021.mp3

Từ khi Việt Nam rơi vào ngày 30 tháng Tư 1975 mất nước, thì hầu như tất cả trường, lớp, chẳng có giờ học về môn: Công Dân Giáo Dục & Sử Ký & lịch sử Việt Nam nữa. Hôm nay, trước tiên tôi xin mạn phép kể hầu cùng quý vị độc giả… (và sau rốt là do đã hứa cùng các con, cháu, tôi sẽ ghi lại những chiến tích oai hùng, những kỳ công anh dũng, và quật cường của tổ tiên ông cha chúng ta, họ đã dày công xây dựng và giữ gìn non sông gấm vóc Việt Nam hưng thịnh trường tồn đến bây giờ).
Nay tôi xin kể hầu tiếp quý vị về: hai bà Trưng Trắc Trưng Nhị ; chuyện bà Triệu Thị Chinh.

Tình Hoài Hương

Hai bà: Trưng Trắc, Trưng Nhị & bà Triệu Thị Chinh
***

Thời gian quá dài lặng lẽ trôi qua khi cuộc sống đơn điệu và gia đình tôi vẫn hèn kém như mọi ngày. Học đường leo heo, sân lớp bẩn thỉu. Thầy trò thưa thớt, rời rạc, eo xèo vắng vẻ đìu hiu. Trong khu đông cư dân nghèo khó, bần cùng ở tại nơi chúng tôi cư ngụ, họ làm quần quật như con trâu suốt tháng năm, vẫn không đủ sống, không manh vải che thân. Cơm độn chưa có ăn, lấy đâu ra có thì giờ cho con đi học. Trẻ con thất học mù chữ không ít, chúng thường đi lang thang nơi đầu đường xó chợ, để bới móc nhặt nhạnh bọc ni lông, ăn cắp vặt, sự gian manh mánh mung thì khôn lanh trước tuổi, hầu tự kiếm sống. Các con em trở thành những tên bụi đời lúc nào chả rõ.

Bà Ngôn rất “bình dân giáo dục” trong xóm, đã lôi thằng cu Ba Môi xềnh xệt tới trường, bà Ngôn chửi cô giáo ra rã:
- Con tui không có cơm ăn, thì có tiền mô mà cô bắt hắn mua sách, đi học hỉ?
Cô giáo tên Tốt hiền lành nhỏ nhẹ:
- Bà bác cố gắng cho các cháu đi học ạ.
- Tui nói cho biết nghe: Chẳng thà nó ở nhà mù chữ, còn hơn nhịn đói, phải đi học. Học để làm chi hử? Có béo ra không?
- Học cho lắm cũng ăn mắm với cà.
Học tà tà cũng ăn cà với mắm.
Học cho lắm cũng đi tắm cởi truồng.
Học luồn xuồn cũng cởi truồng đi tắm. (st)

Sẵn có mặt ở trường, bà Cát là người “nhanh nhẩu đoảng” đã tằng hắng:
- Học trò ngày nay quậy tới trời.
Mười thằng đi học chín thằng chơi.
Ba thằng đến lớp hai thằng ngủ
Còn lại thằng kia cũng gật gù (st)
Cô giáo chỉ lí nhí nói với học trò:
- Bé thấy không, dù cô đã già; thế nhưng cô vẫn ôm sách đến trường. Càng học, thì cảm thấy mình vẫn ngu dốt, nhiều lỗi lầm đáng chê. Trường học và trường đời tương tự nhau, có chiều sâu như nhau.
Bà Ngôn đốp ngay:
- Trường chi cũng không bằng ruột trường có chứa đựng nhiều thức ăn.
Chính ông bố cán bộ gốc ở xã hội chủ nghĩa thấy cậu con trai có hai cuốn vở mới, liền hỏi:
- Con lấy tiền đâu mà mua?
Con trai trả lời:
- Ði qua phòng giáo vụ nhà trường, thấy một chồng vở để trên bàn, không có ai, tiện tay con cầm hai cuốn về dùng.
Ông bố nổi cáu, quát tháo ầm ĩ:
- Làm vậy con còn mặt mũi nào nữa cơ chứ. Ai dạy con đi ăn cắp... hử? Nếu con cần vở thì bảo bố chứ. Ðể mai bố mang ở xí nghiệp về cho con hai bịch, tha hồ mà dùng! (st)

Học… “ăn trộm ăn cướp” ở XHCN cha dạy con “giỏi” như trên đấy, nhưng tại gia đình, cha mẹ, học đường, ở lớp học trong chế độ Hồ Chí Minh lại chả bao giờ dám dạy Văn, Sử, Địa… (thì sách ở miền Nam Việt Nam đã bị nhà nước tịch thu, bị đốt sạch, như thuở xưa Tần Thủy Hoàng đốt sách chon học trò ... Bây giờ số đông do cha mẹ không có mảy may tí thì giờ, và ở ngoài Bắc không có sách luận bàn về các vị anh hùng Việt Nam đâu ra mà đọc).

Nhất là trường lớp ở thời điểm sau ngày 30 tháng Tư mất nước, thì học sinh miền Bắc, Trung, Nam… không bao giờ được học, đọc văn, thơ… nổi tiếng: truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm. Nhị Độ Mai, thậm chí các em chả biết chuyện Tấm Cám, Trầu Cau, Sơn Tinh Thủy Tinh… là gì. Nhất là các em không hề hay biết môn địa lý, lịch sử, nguồn cội tổ tiên anh dũng, những hào kiệt từng diệt ngoại xâm của chúng ta là ai.

Vì thế, mặc dù mỗi ngày tôi rất khổ sở trăm bề, quần quật đi “lao động là vinh quang” ở ngoài ruộng, ngoài đồng; tối về… sau khi lo cho gia đình ăn uống sơ sài, qua loa, dọn dẹp xong, tôi gọi các con ngồi xuống bên nhau ở ngoài bậc thềm, (nhiều lần có cả đám trẻ con ở trong xóm dé dé choai choai xúm xít rất đông). Do các con tôi đã và đang học ở mấy trường mang tên: Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lý Chính Thắng, Lý Thường Kiệt…, mà các con. cháu chẳng hề biết tí gì về những bậc anh tài tuấn kiệt đó; Thế nên tôi bắt đầu dạy con học về lịch sử Việt Nam, trước hết là chuyện Hai Bà Trưng: Tôi sẽ nói rất vắn tắt, và tóm lượt về những điểm chính yếu của các vị anh hùng hào kiệt, nổi bật nhất và xưa cũ trong lịch sử Việt Nam:

***

1.- Hai bà: Trưng Trắc & Trưng Nhị:

Vào năm Giáp Ngọ (34) thì vua Hán Quang Vũ (Tàu) sai thái thú Tô Định (ở bên Tàu) qua Việt Nam (lúc ấy nước Việt gọi là Giao Chỉ), chúng thường xuyên quấy nhiễu và cai trị dân ta. Tô Định là một tên tàn ác, bạo ngược, vô cùng dã man. Năm 40 bọn hắn đã giết ông Thi Sách là dân ở quận Châu Diên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Thi Sách là chồng bà Trưng Trắc. Trưng Trắc (và em gái là Trưng Nhị, hai chị em là con vị lạc tướng ở làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên). Hai bà chiêu mộ quân sĩ từ những làng: Cửu Chân, Hợp Phố, Nhật Nam, Lĩnh Ngoại…

Dân chúng thời bấy giờ rất khổ sở, nên ai ai cũng căm hờn oán than bọn Tàu, họ đã nồng nhiệt hưởng ứng lời mời gọi của hai bà, quân binh đồng lòng tôn vinh hai bà làm nữ tướng. Họ cùng hai bà nổi lên đánh đuổi bọn Tàu. Sĩ khí quan binh bấy giờ hùng dũng, mặc dù chỉ có dáo, mác, gậy gộc thô sơ, nhưng họ đồng tâm hợp ý, cùng nhất quyết xông pha nơi đầu đạn mũi tên gian khổ vô cùng, họ đồng lòng giẹp tan bè lũ Tàu Ô xâm lặng, nên họ đã hạ được 65 thành giặc.

Mọi người dân đều hết lời trầm trồ ca ngợi. Tô Định thua to, phải chạy trốn về quận Nam Hải. Thế là họ tôn vinh hai bà lên làm vua được ba năm, đóng đô ở Mê Linh. Hai bà mến quân, yêu nước, thương nhà… đồng quyết tâm rửa nhục mất nước xưa, quyết xây dựng giang sơn sự nghiệp của vua Hùng Vương:
Một xin rửa nhục quốc thù
Hai xin lập lại nghiệp xưa vua Hùng (1).

Nữ lưu hào kiệt anh tài tuyệt vời như thế, khiến vua quan nhà Tàu chệt ngày đêm thấp thỏm rất lo sợ. Năm Tân Sửu (41) nhà Hán Quan Vũ lại sai Mã Viện là danh tướng Đông Hán tuy ngoài 70 tuổi, ông vẫn còn mạnh khỏe. Phó tướng Lưu Long và Đoàn Chỉ; bọn Tàu đem đoàn quân đông đúc chia ra hai nhánh đi xâm lăng nước Việt: một đoàn đi men theo bờ biển, một đạo quân khác đi phá núi rừng, làm đường xuyên sơn Tàu Việt. Hai bên Tàu Việt đã đụng độ nhiều phen, đã đánh nhau khá gay cấn, ác liệt.

Xét cho cùng thì quân Mã Viện là đoàn quân đông đúc đã từng tham chiến, đi xâm lăng đó đây, ắt có kinh nghiệm. Còn quân của hai bà Trưng là quân ô hợp mới kết nạp, chưa từng trải về việc chiến chinh, vũ khí thô sơ, tuy cầm cự giao chiến nhiều phen, nhưng rồi binh yếu, lương thực khô cạn, nên hai bà đành phải rút về Cẩm Khê một thời gian. Tu chỉnh chưa được bao lâu thì Mã Viện lại đến đánh.

Lần nầy, tướng của hai bà Trưng là Đô Dương giữ ở huyện Cư Phong (quận Cửu Chân) bị Mã Viện tiến đánh gắt gao, phải ra đầu hang. Quân binh của hai bà tan đàn rệu rã, hai bà phải chạy về xã Hát Môn, (huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây) vẫn bị đoàn quân Tàu hùng hậu bao vây chặt chẽ, chúng thẳng tay chém giết dân ta dã man, bạ đâu giết đó. Uất ức vì sự xâm lăng cướp phá trắng trợn, nhất là sự thống trị ác ôn của bọn Tàu chệt lúc chiếm lĩnh sơn hà. Năm Quý Mão (43) ngày mồng 6 tháng Hai, do không muốn bị bắt làm nhục, hai bà Trưng đã anh dung nhảy xuống sông Hát Giang tuẫn tiết (nơi khoảng sông Hồng & sông Đáy).

Tương truyền do sử cũ ghi rằng: sau khi Mã Viện dã man đàn áp được quân hai bà Trưng, thì việc thứ nhất hắn đã tom góp vũ khí, đồ đồng, vàng bạc… để đúc riêng cho hắn con ngựa đồng, vì hắn rất mê ngựa). Việc thứ nhì hắn sai đúc một trụ đồng to lớn chôn xuống địa danh nước Việt, khắc chữ: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (cột đồng gãy, Giao chỉ chết).

Hắn bắt dân Việt nếu ai có việc cần đi qua đó, phải ném một hòn đá vào trụ đồng. Lâu đời, lâu năm… bây giờ trụ đồng ấy đã bị vùi lấp, không tìm thấy nữa. Các con cháu à, những vị nữ lưu phi thường xứng đáng là những vị kỳ tài kiệt xuất, đầy khí phách, oai hùng như hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị… Triệu Ẩu… thật rất đáng kính trọng mến phục lắm thay.

Mỗi lần nghe tôi kể chuyện cổ tích, thì các con (và các cháu con hàng xóm) đều im lặng há hốc miệng chăm chú lắng tai nghe từ đầu đến cuối. Nhưng khi tôi kết thúc câu chuyện, thì các con cháu tiu nguỷu, rồi đột ngột xuýt xoa, tíu tít nhao nhao lên:
- Ồ… hết chuyện rồi sao mẹ! Con muốn nghe mẹ kể tiếp nữa… Mẹ.
- Còn chuyện Bà Triệu Ẩu đẻ ra trăm trứng, lạ quá phải không mẹ?!
- Bậy bạ nà. Đó là sự tích của vua Lạc Long Quân và bà Âu Cơ.
- Có phải bà Triệu là do bà ấy ẩu-tả, nên người ta mới đặt cho bà tên Triệu Ẩu không mẹ?!
- Tầm bậy tầm bạ hết sức!
- Vậy thì… xin mẹ kể nốt cho con nghe đi mẹ.
Buộc lòng tôi phải uống ngụm nước lọc, rồi tằng hắng cất giọng:

2. Triệu Thị Chinh.-

Lúc ấy tại Cửu Chân có dân ta nổi dậy rầm rộ, lớn nhất, trong đó có ông Triệu Quốc Đạt và em gái là bà Triệu Thị Chinh. Họ quê ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Bà Triệu là người có sức khỏe dồi dào, có chí khí, rất kiên cường và tri thức. Thuở nhỏ cha mẹ mất sớm, anh ruột là Triệu Quốc Đạt có vợ, nhưng bà Triệu vẫn sống với họ cho đến năm bà hai mươi tuổi, do nhiều lần chị dâu (của bà Triệu) quá khắt khe, tàn ác, và độc đoán.

Bà Triệu dám giết chị dâu, rồi bà Triệu vô rừng chiêu mộ quân sĩ đông đúc, được quân binh tín cẩn tôn bà lên làm tướng. Họ vào sống trong núi, ngày đêm kham khổ, kém ăn khát uống vẫn bền chí luyện tập không mệt mỏi. Anh Triệu Quốc Đạt biết cô em là người can đảm, có nghĩa khí, anh lo sợ khuyên can em chưa nên phục thù, nhưng bà nói:

- Em muốn cỡi gió, chém cá kình biển đông, đạp lên sóng dữ, quét sạch bọn Đông Ngô ra khỏi bờ cõi nước ta, để cứu dân thoát khỏi ách nô lệ, khổ sở, xiềng xích của Tàu Ô. Chứ em không thèm cúi đầu cong lưng làm tì thiếp người khác.

Vua Đông Ngô (Tàu) cho quân tràn qua đánh nước ta nhiều lần, nhưng mấy phen đã bị thua to. Khiến trong nước có nhiều nơi đồng loạt nổi dậy, mong đánh đuổi bọn Tàu ra khỏi đất nước. Thế nên chúng điên cuồng tàn sát dân ta càng dã man hơn. Cuối cùng, năm Mậu Thìn 284 nhà Ngô sai thứ sử Lục Dận qua đàn áp Giao Châu (nước Việt). Anh Triệu Quốc Đạt khởi binh đánh bọn xâm lăng, được bà Triệu Thị Chinh đem quân đến tiếp ứng, hết lòng giúp anh. Lúc xông pha ra trận chiến bà Triệu mới 23 tuổi, bà vấn tóc cao, đội khăn vàng, hàm răng hạt huyền bóng đen, miệng bỏm bẻm nhai trầu, mình mặc áo giáp vàng, bà cỡi voi, tay cầm đao, tự xưng là "Nhụy Kiều tướng quân".

Hai bên Tàu – Việt ngày đêm đánh nhau hơn nửa năm. Nhưng quân ta ít, mà dân Ngô quá đông chúng đã lấy thịt đè người, quân binh ta đành phải thua trận.

Thật ra, trong sử cũ ở miền Nam Việt Nam đã ghi: Nước mất nhà tan, thất bại của anh em bà Triệu lần nầy, không nhất thiết vì một phần binh lính mất dần mòn (khi anh của bà đã tử vong), lương thực khô cạn. Mà do sự thâm độc, nham hiểm, trắng trợn của Lục Dân một phần lớn mà ra, ông ta đã dùng thủ đoạn biển người, nghĩ ra một kế “quái chiêu” bẩn thỉu; không biết phải diễn tả thế nào, cho công bằng…

Nghĩa là Lục Dân bắt binh lính nhà Ngô phải trần truồng như nhộng khi ra trận chiến, (không cho lính Tàu mặc một thứ gì, các thứ lủng lẳng coi thiệt man rợ). Thế nên do bất ngờ, kinh ngạc, và quá xấu hổ, mắc cỡ tột cùng, nên bà Triệu và quân binh bèn chạy về xã Phú Điền, huyện Mỹ Hóa. Bà Triệu chia tay họ, và bà đã tự tử.

- Ui Trời, có chuyện kỳ cục thô bỉ vậy sao? Mẹ!
- Phải, rất dị hợm, nhưng đó là chuyện sử cũ đã ghi thật.
- Mẹ kể chuyện khác nữa đi.
- Ồ… Khuya lắm rồi. Các con cháu phải ngủ, ngày mai còn dậy sớm đi học.
- Nhưng đi học mà con không được nghe chuyện lịch sử của nước Việt Nam, đi học bây giờ chán thấy mồ.
- Ráng đi học cho giỏi, mẹ hứa sẽ kể cho các con, cháu, nghe nhiều chuyện lịch sử khác nữa.
- Tối mai, mẹ cho chúng con nghe chuyện Đức Trần Hưng Đạo, mẹ nhe.
- Ừa, nếu các con ngoan.
- Dạ… Dạ!
***

(1)= Thiên Nam Ngũ Lục
(2) st= sưu tầm
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
07-21-2014, 11:45 PM
Đôi Lời Phi Lộ của Đại Úy Không Quân Trần Văn Phúc (Phi-tuần Trưởng PT Khu-trục Phi-Long 51)


Nhân dịp 30/4/2011 đọc các báo và các mạng Quốc Nội (CSVN) bốc phéc trong bài phỏng vấn tên hàng giặc Tr/u Trần Văn On, người phi công hèn, bay cùng tên phản bội Nguyễn Thành Trung dội bom phi trường Tân Sơn Nhứt lúc 06 giờ chiều ngày 28/4/1975, nào là bom 1.000 kg, 500 kg, 2 phi đạo bị huỷ v...v... và v...v..., Tác giả Tình Hoài Hương có hỏi tôi “ngày hôm đó thật sự chuyện gì đã xảy ra”?
Vì là một nhân chứng, tôi đã kể lại chi tiết những gì tôi đã nhìn thấy. Sau đó tác giả Tình Hoài Hương đã ghi lại và đăng trên web :

http://quanvan.net/index.php?view=story&subjectid=27405&chapter=1

Chính nhờ web Văn Tuyển nầy, tôi đã được đọc quyển sách "gối đầu giường" của nhiều người trên toàn thế giới - Tháng Tư Nghiệt Ngã của ký giả người Pháp, Todd Olivier do Đ/tá Dương Hiếu Nghĩa dịch. Hàng ngàn chi tiết tôi hoàn toàn không hề biêt, nhưng riêng chương 21 – “Sài Gòn Thất Thủ” về những việc xảy ra tại phi trường TSN và KQVNCH, là 1 nhân chứng đã dự phần trong phi vụ chống pháo kích hôm đó, tôi vô cùng bất nhẫn và cảm thấy xấu hổ thay cho ký giả, sử gia Todd Olivier. Mang danh là nhà viết sử mà ông Todd Olivier lại bẻ cong sự thật, hoàn toàn sai lạc, cố tình nhục mạ QLVNCH (KQVNCH).

Thay mặt những vị anh hùng Vị Quốc Vong Thân, Th/tá Trương Phùng, Tr/uý Trang Văn Thành cùng Phi Hành Đoàn Tinh Long, tôi, Phi Long Trần Văn Phúc lên án người ký giả Todd Olivier là 1 ký giả, sử gia bất xứng, nhất là Th/tá Trương Phùng đã không màng an nguy chính bản thân anh, bằng mọi giá anh đã cất cánh tại Tân Sơn Nhứt 1 phi cơ khu trục A-1 Skyraider trong cơn mưa pháo, để bảo vệ hàng vạn đồng đội và đồng bào tại phi trường Tân Sơn Nhứt cũng như thủ đô Sài Gòn và sau khi hoàn tất phi vụ diệt pháo của Cộng Quân ở Phú Lâm anh bị mất tích vào giây phút cuối cùng.
Thật nực cười khi đọc câu :"phi tuần tôi chỉ có 1 (Một) trái bom"???

Chúng tôi hãnh diện mà nói rằng chúng tôi đã làm tất cả những gì mà chúng tôi có thể để bảo vệ Tổ Quốc không hèn như ông ký giả, sử gia người Pháp nầy nhục mạ.

Thành khẩn nhờ tất cả anh em của các phi hành đoàn của chiếc Tinh Long 06, những chiếc trực thăng hiện diện trên vùng trời Phú Lâm sáng sớm ngày 29/4/75, các nhân viên của các đài Ground Control, Saigon Tower và Kiểm Báo Paris hãy bổ túc sự thiếu sót nầy. Xin đa tạ.

Tôi xin gởi đến quý BBT bài Phi vụ của tác giả Tình Hoài Hương.
Sau đó được đăng trên web Việt Land

http://www.vietlandnews.net/forum/showthread.php/7082-PHI-V%E1%BB%A4-OANH-LI%E1%BB%86T-CU%E1%BB%90I-C%C3%99NG

Phúc Trần
******
Phi vụ Oanh Liệt Cuối Cùng

Tình Hoài Hương chân thành cám ơn Đại úy Không Quân Trần Văn Phúc {(Phi-tuần Trưởng PT Khu-trục Phi-Long 51) hiện ở Cali} đã chuyển tải:..sự thật trung thực, chính xác, nóng bỏng về ngày 28 & 29 tháng Tư năm 1975 vô cùng đen tối hắc ám của lịch sử... Việt Nam.

* * *
Chiều ngày 28/4/1975 - khoảng 5:45’- trong phi vụ hộ tống Trung-tá Nguyễn Văn Mạnh SĐ3 KQ và toán chuyên viên Vũ-khí & Đạn-dược đặt chất nổ, để phá hủy các cơ sở của Bộ Chỉ Huy Kỹ-Thuật & Tiếp-vận KQ (Biên–Hoà). Tôi, (Trần Văn Phúc) và Trung-úy Nguyễn Thành Bá bay từ Dốc Sỏi ngang qua Cầu Mới Biên Hòa. Tôi vừa quẹo trái từ hướng Tây sang hướng Đông, đột nhiên tôi thấy 4 chiếc A37 với đầy đủ bom đạn trong một đội hình dị thường, nghĩa là không giống ai, phi diễn không ra phi diễn, chiến đấu không ra chiến đấu, đang từ hướng Đông Bắc lao tới cùng một cao độ với chúng tôi. Tôi cứ lầm tưởng là phi cơ của các phi đoàn bạn (từ miền Trung di tản về Tân Sơn Nhứt tháng trước) đang bay hành quân, nên tôi vội vã kéo cần lái, cho phi cơ mình bốc vọt lên cao, để tránh hai bên đụng nhau trong gang tấc. Đồng thời tôi hét trong vô tuyến để lưu ý anh Bá, (bay chiếc số 2 theo tôi trong đội hình chiến đấu):
- Hai theo một! Coi chừng bốn A37 hướng 10 giờ!
Rồi tôi bay đảo lại và nhìn theo 4 chiếc A37 bay xa dần, tôi ngạc nhiên, thông thường một phi tuần khu trục đi bay hành quân chỉ có hai chiếc, hôm nay là ngoại lệ, đặc biệt vì có tới 4 chiếc. Tôi nói tiếp với Bá:
- Giờ nầy mà mấy thằng "ma gà" A37 còn mang bom đạn đi lang thang kìa!
Chúng tôi đã suýt đụng nhau với chúng nó trên sông Đồng Nai, mà không thể nào ngờ đó là bọn phản tặc! Trời lúc đó vẫn còn sáng tỏ, tôi chúi mũi cho phi cơ xuống thấp, bay dọc theo quốc lộ 1 đến Thủ Đức, tôi quẹo trái theo xa lộ Biên Hòa đến Long Bình rồi về Biên Hòa đọc theo Quốc Lộ 1. Nhìn xuống dưới, tôi thấy dọc suốt lề đường có rất nhiều xe thiết giáp đậu cách nhau từng trăm thước một. Muốn khích lệ tinh thần cho các chiến hữu Bộ Binh, nên tôi bay rất thấp, vì vậy khi bọn phản tặc dội bom ở Tân Sơn Nhứt, tôi đã không trông thấy. Nếu tôi bay ở cao độ 5.000 bộ, chắc chắn tôi sẽ thấy những cột khói đen bốc lên từ Tân Sơn Nhứt (TSN). Chừng 20 phút sau, Chuẩn-tướng Huỳnh Bá Tính Sư–Đoàn-Trưởng SĐ3KQ báo cho chúng tôi biết:
- Có một phi tuần ba chiếc A37 vừa dội bom Tân Sơn Nhứt!
Tôi điếng hồn nghĩ ngay đến phi tuần A37 mà mình vừa gặp, nên tôi “chỉnh“ lại ông trên tần số:
- Như vậy phải là bốn chiếc A37, vì chúng tôi đã gặp bọn chúng cách đây không lâu! (mãi về sau nầy, khi tôi kiểm chứng với nhà nghiên cứu sử Nguyễn Hùng Kiệt, anh đã xác nhận: phi tuần của đám phản tặc nầy có tất cả 4 chiếc A-37, nhưng không biết vì lý do gì chỉ có 3 chiếc dội bom Tân Sơn Nhứt mà thôi !?). Vào thời điểm Tân Sơn Nhứt bị dội bom, chiếc trực thăng của Tướng Tính chuẩn bị đáp xuống TSN, nên ông đã chứng kiến toàn bộ sự việc. Đối chiếu với thông tin của sử gia Nguyễn Hùng Kiệt, cả hai người (Tướng Tính & tôi) đều nói đúng sự thật! Chúng tôi vội vã bay trở về Tân Sơn Nhứt, thì bọn phản tặc đã chuồn đi mất tăm biệt tích. Khi bay trên không phận TSN, Đài Kiểm-soát Không-lưu (Sài Gòn Control Tower) báo cho chúng tôi biết: “phi trường chỉ bị thiệt hại nhẹ. Vài chiếc C-47 bị trúng bom (1 chiếc gần phi đạo đang cháy như chúng tôi thấy), vài cơ sở bị hư hại như hậu trạm cũ, nơi trước đây chứa các phi cơ A-1, mới vừa dời về khu Tây lúc 1 giờ trưa, cạnh bãi đậu của A-37. Nhưng thật may mắn (?) hai phi đạo không hề bị trúng bom”.
Sau mấy vòng bay quanh Tân Sơn Nhứt, chúng tôi biết chắc chắn phi trường và nhất là hai phi đạo vẫn an toàn, không cần thiết phải bay đi Cần Thơ, nên tôi yên tâm mà bay trở lại Biên Hòa, để tiếp tục thi hành phi vụ hộ tống Trung-Tá Mạnh và toán chuyên viên vũ khí. Mãi đến tận ngày hôm nay, tôi vẫn cảm thấy hối tiếc: vì Trời đã cho tôi một cơ hội ngàn vàng, để tôi có thể bắn hạ bọn phản tặc ác ôn (tôi đã học kỷ thuật không chiến Dogfight trong khoá Phi Tuần Trưởng với Trung-tá Nguyễn Văn Huynh PĐP PĐ 518), mà tôi lại vô tình để vuột mất cơ hội ngàn năm một thuở! Trong trường hợp “tao ngộ chiến“ hy hữu đó, bọn chúng không trông thấy chúng tôi, vì bị chói ánh mặt trời chiều nên không có phản ứng né tránh nào, mà chúng vẫn ung dung bay thẳng tới. Hoặc chúng tôi chỉ cần lách sang một bên, bật nút ARM - ON và bóp cò súng, bắn ngang hông ở phía sau bọn chúng, thì 800 viên đại bác 20 ly trên mỗi chiếc A1 của chúng tôi sẽ không tha bọn chúng. Hoặc lúc đó tôi gọi Paris (đài Kiểm Báo Không Lưu TSN) để báo động khẩn cấp. Các phi cơ F5-E đang ứng trực ở đầu phi đạo TSN, sẽ tức tốc cất cánh lên xơi tái bọn chúng, thì bọn chúng chẳng còn mạng, để sau nầy vung vít mà “bốc phét”! Đây có phải là vận mệnh thảm khốc đau buồn của đất nước Việt Nam đã an bài phải là ngày 30/4/1975 !?
Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ hộ tống Trung-tá Mạnh qua khỏi cầu Bình Triệu an toàn, chúng tôi mang đầy đủ bom đạn về hạ cánh lúc 8 giờ tối. Tôi gặp các anh bay F5 và họ cho biết là:
- Đang chờ lệnh đi ném bom trả đũa ở phi trường Phan Rang.
…nhưng điều đó đã có bao giờ xảy ra ? -không biết vì lý do gì- !?
Tôi thấy nhiều anh em trong Tân Sơn Nhứt có phần giao động tinh thần vì cuộc dội bom vừa qua. Do Radar không thể phát hiện nếu bọn phản tặc bay thấp như lần vừa rồi, nên nhiều người lo sợ chẳng biết có thêm lần dội bom kế tiếp nào nữa hay không?
…Khi trở vào biệt đội khu trục lúc nửa đêm, tôi thấy các anh em thuộc PĐ 514 và 518 đang nằm sắp lớp như cá mòi ngay trên nền nhà. Tôi lặng lẽ nằm xuống một chỗ trống còn lại bên cạnh cái điện thoại dã chiến mới vừa móc dây. Tôi nằm đó, nghiêng qua trở lại rất lâu mà không thể nào ngủ được, vì trong lòng ngổn ngang những tiếc nuối & hối hận, cắn rứt tim tôi: khi mãi nhớ lại cơ hội ngàn năm có một, mà tôi đã vô tình để nó trượt thoát khỏi tay, tiếc thay, tôi đã không bấm cò đại bác bắn thẳng vào lũ phản tặc A37 lúc ban chiều (sau nầy, khi biết tên Nguyễn Thành Trung chính là kẻ đã “rước giặc vào nhà“, bay dẫn đường cho đám phản tặc A37 đó, tôi lại càng hối hận & tiếc nuối nhiều hơn nữa!).
Quá mệt mỏi tinh thần và rã rời thân thể tôi vừa chợp mắt tí xíu, là đã phải choàng tỉnh ngay lập tức vì những tiếng nổ vang trời. Phi trường bị pháo kích! Hàng loạt hỏa tiễn 122ly rít xé bầu trời điên loạn lao xuống, nổ tung lên cùng khắp trong căn cứ & phi trường TSN, nơi đang tập trung dày đặc những quân nhân KQ và gia đình của họ mới vừa đổ dồn từ ngoài vùng I, vùng 2 di tản về. Điện bị cúp. Nhưng cho dù điện không cúp thì tất cả vẫn chìm trong bóng tối như địa ngục, vì sức ép nổ của những quả hỏa tiễn rơi quá gần, làm vỡ tung những bóng đèn trong biệt đội khu trục chúng tôi... Thật là may mắn đến kỳ lạ khi mọi người đang nằm sát nhau dưới nền nhà đều bình an vô sự!
Điện thoại reo! Do nằm sát gần điện thoại, tôi bốc máy lên nghe và chuyển lệnh điều động cất cánh khẩn cấp đến Thiếu-tá Lê Văn Sang, Trưởng Phòng Hành Quân PĐ Phi Long 518. Trong bóng tối dày đặc, không nhìn thấy mặt bất cứ ai, mà chỉ nghe tiếng nói của tôi vừa chuyển lệnh. Thiếu-Tá Sang hỏi luôn:
- Phúc đó hả, Phúc đi bay được không?
Theo đúng Huấn Thị Khu Trục, tôi mới bay xong phi vụ yểm trợ rút quân hồi đầu hôm, nên tôi có quyền từ chối đề nghị này của Thiếu-Tá Sang, nhưng hình như cái mặc cảm “tội lỗi“ (vì thiếu cảnh giác đã để bọn phản tặc A37 vượt thoát) của tôi đang chờ có một cơ hội “chuộc lại lổi lầm“, đã bật lên tiếng nói thay cho tôi:
- Đương nhiên là được, nhưng wingman (phi tuần viên) là ai?
Chưa có ai kịp lên tiếng, thì từ trong bóng tối cuối phòng, tiếng Thiếu Tá Trương Phùng vang lên:
- Trâu đạp cũng chết, chó đạp cũng chết. Tao đi với mi, xem coi có chết thằng Tây nào không!?
Phi trường đang bị pháo kích dữ dội nên lúc đó không có xe đưa đón Phi Hành Đoàn. Không thể chậm trễ, anh Phùng gọi tôi leo lên chiếc xe Jeep dân sự của anh phóng ra bãi đậu phi cơ. Anh Phùng lái xe như bay:
-… mẹ nó! Tao chưa hề thấy tụi nó pháo dữ dằn như hôm nay! Tụi nó định “dứt điểm” mình bữa nay sao cà?
Rồi anh nói tiếp:
- Bất cứ giá nào mình cũng phải lên (cất cánh), hy vọng có thể bảo vệ bao nhiêu người vô tội ở đây. Nếu như mình bị hy sinh, âu cũng là dịp để mình đền ơn Tổ Quốc.
Nhìn anh lái xe vun vút như bay, tôi thầm cảm phục người đàn anh gan lỳ, quả cảm, người hùng của mặt trận Quảng Trị 1972 với chiến tích lẫy lừng đã “nướng sống“ 15 chiếc xe Tăng T-54 của bọn Cộng Phỉ! Đến bãi đậu A-1, các anh em phi đạo đã ứng trực sẵn sàng, anh Phùng hét lớn trong tiếng nổ vang rền của đạn pháo:
- Nổ máy là “chock out” ngay (rút những khúc gỗ chận bánh xe phi cơ ra) rồi các bạn tìm chỗ núp! Mặc kệ chúng tôi, đừng để chết chùm hết cả đám đấy!
Máy vừa quay tròn vòng thì có nhiều tiếng nổ long trời ở bãi đậu A-37 kề bên, nhiều quần lửa như cây nấm khổng lồ cuồn cuộn bốc phụt lên cao. Không chần chờ, tôi cho phi cơ di chuyễn ra khỏi ụ. Anh Phùng vẫn còn đứng cạnh máy bay. Anh ra dấu cho tôi biết là bình điện của phi cơ anh bị hư. Vì vậy, tôi quyết định cất cánh một mình như đã Briefing trước đó. Tôi ra hiệu cho anh Phùng biết, và gọi Đài Saigon Ground Control (Đài Kiểm Soát Diện Địa Sài Gòn) để xin di chuyễn ra phi đạo, đài trả lời ngay:
- Phi Long 51 (PL51)! Phi đạo sử dụng 25, gió hướng Nam 4 knotts, áp suất 29.92…
Nhận thấy gió ngang gần như thẳng góc với phi đạo và rất nhẹ (4 knotts), tôi có thể cất cánh bất cứ hướng nào. Nhưng tôi không thể dùng PĐ25 sẽ vô cùng nguy hiểm; vì khi bay lên, sẽ chui ngay vào đạn đạo của địch đang pháo kích. Nếu cất cánh PĐ 07, tôi quẹo trái để đến đầu PĐ 07, thì phải di chuyển ngang qua bãi đậu A37 đang cháy rực lửa, cũng rất nguy hiểm. Vì vậy tôi có ý định quẹo phải theo Taxi way #3 để cất cánh PĐ 07, nghĩa là ngược chiều PĐ sử dụng, và tôi chỉ có thể dùng ½ chiều dài phi đạo còn lại. Cứu binh như cứu lửa, không còn phương cách nào khác, tôi quyết định gọi:
- Saigon Ground Control! PL51 request taxi ra Whisky number three và cất cánh PĐ 07
(ngược chiều phi đạo sử dụng).
Ngay khi được phép, tôi di chuyển nhanh ra phi đạo 07 R, miệng lẩm bẩm:
- Người đẹp của tôi ơi! Em ráng giúp anh thêm một lần nữa! Đừng ho hen nha cưng! (Pilot chúng tôi xem chiếc máy bay mình lái như là người vợ, người tình muôn thuở, đặc biệt là em Skyraider tuổi già sức yếu nên đôi khi ưa “nũng nịu, nhỏng nhẽo“).
Sau khi thử máy (dù biết động cơ chưa nóng ), tôi xin đài Saigon Tower cho phép cất cánh khẩn cấp. Vì chỉ còn lại ½ phi đạo, nên tôi phải dùng phương cách “Maximun Peformance Take Off“, và cất cánh lúc 04 giờ 25 phút sáng ngày 29/4/1975.
Vừa rời khỏi phi đạo, lòng tôi rộn rã một niềm vui mừng khó tả, và cảm tạ Ơn Trên cho tôi cơ hội cứu nguy cho mọi người trong Tân Sơn Nhứt. Sang tần số Paris (đài Kiểm Báo Sài Gòn) tôi báo:
- Paris ! PL 51 vừa cất cánh một chiếc A1 với 10 trái MK 81. Xin nhận chỉ thị.
Đài Paris chưa kịp trả lời, tôi đã nghe:
- PL 51! Đây Tinh Long 06 (TL06), bạn đến Phú Lâm ngay! Chỗ có nhiều trái sáng. Bao lâu bạn tới?
- TL06! PL 51 mang 10 trái MK 81, sẽ có mặt trong 5 phút và request Random Attact! OK! (đổi hướng tấn công)

Khi lên tới Phú Lâm, tôi được Trung-úy Trần Văn Bảo, Trưởng Phi Cơ của chiếc AC-119K hướng dẫn oanh kích, mục tiêu là hai làn khói của hai giàn pháo 122 ly. Tôi rất ngạc nhiên, mục tiêu chỉ cách đài Radar Phú Lâm hơn 500 mét về hướng Tây. Nhờ lặng gió nên hai làn khói này vẫn còn la đà trên mặt đất. Lập tức, tôi vừa lao xuống vừa gọi:
- PL51 in hot và thả từng trái một!
Sau khi thả trái bom xuống mục tiêu thứ nhì, tôi ngưng lại và chờ đợi. Trong thời gian nầy, tôi nghe giọng Tướng Kỳ trong vô tuyến:
- Phi Long 51 trút hết bom đạn xuống target! Tối nay ghé nhà tôi nhậu!
Tôi hỏi lại:
- Giới chức vừa ra lệnh cho Phi Long 51, xin cho biết danh hiệu.
- Tôi Thần Phong 01, Thiếu Tướng Kỳ đây!
- Thần Phong 01! PL51 lên một mình với 10 trái bom 250 cân Anh, tôi có kinh nghiệm chống pháo kích. Thần Phong 01 an tâm. Tôi có thể ở đây thêm ba giờ nữa.
Khoảng 15 ; 20 phút sau, có lẽ bọn Cộng Phỉ nghĩ tôi đã hết bom, nên chúng bắt đầu pháo trở lại. Tôi nhìn thấy rõ nhiều giàn pháo, mỗi giàn 4 khẩu 122 ly liên tục phóng lên. Liếc nhìn về hướng Tân Sơn Nhứt và Sài Gòn có nhiều quầng sáng nháng lên, tôi liền lao xuống thả bom và thầm gọi:
- Anh Phùng ơi! anh ở đâu, sao không lên tiếp tay với tôi? Một mình tôi làm không xuể đâu! Anh Phùng ơi!
Năm ba phút sau, khi định nhào xuống thả bom, tôi thấy có vài đám nổ dưới mục tiêu, tôi tưởng lầm là rocket của trực thăng võ trang bắn xuống, tôi liền cự nự Trung-úy Bảo:
- TL06! Bạn cho tôi đánh random attack, sao bạn lại cho gunship (trực thăng võ trang) vào “ăn có”? Nó bay cao độ thấp, lỡ tôi không thấy, nện ngay trên đầu nó, thì phiền lắm!
Anh Bảo liền cãi chánh:
- Không phải đâu PL51, tôi đã đuổi tụi nó qua bên Quốc Lộ 4 rồi. Để tôi quan sát kỹ lại.
Lúc đó có khoảng ba bốn chiếc trực thăng quây quần phía Đông Bắc Phú Lâm. Sắp nhào xuống thả bom lần kế tiếp, tôi lại thấy có ánh lửa nổ tung và tiếng anh Bảo la lên:
- Ê ...PL 51! Tôi thấy có một chiếc dường như là A-1 vào đánh phụ với bạn đó! Chắc chắn không phải là gunship đâu!
Tôi liền nghĩ ngay tới anh Phùng, nên trả lời anh Bảo:
- TL06! chắc là Thiếu Tá Phùng! Có thể anh Phùng bị trục trặc về vô tuyến! Bạn an tâm, monkey see monkey do (thấy tôi thả bom ở đâu, anh ấy sẽ thả bom ở đó).
Nhờ sự yểm trợ hỏa châu của TL-06, chúng tôi dễ dàng “lượm” những giàn pháo như lấy kẹo trong túi. Thanh toán xong các giàn pháo nầy, thì tôi cũng vừa hết bom.

- TL06, tất cả giàn pháo đã “clear“ (bị hủy diệt sạch) tôi giao ở đây cho bạn, PL 51 để dành 800 viên 20ly phòng thủ phi trường. Vì muốn biết người phụ tôi diệt pháo vừa rồi, có đúng là anh Phùng không? nên tôi sang tần số của Đài Sài Gòn:
- Saigon Tower! Đây PL51. Bạn cho biết: sau tôi còn có chiếc A1 nào cất cánh không?
Tôi được trả lời:
- Tụi nó pháo quá, chúng tôi núp dưới hầm trú ẩn, vừa lên nên không biết gì hết bạn à!
Khoảng 5:25’ sáng tôi về tới Tân Sơn Nhứt, trời vẫn còn tối đen như mực, ngoại trừ những ánh đèn phi đạo và taxi way còn có hai đám cháy: một đám ở bãi đậu A37 như đã nói ở trên, còn đám cháy thứ hai dù tôi đã đảo nhiều vòng, nhưng vẫn không nhận ra chính xác là nơi nào. Nhưng sau ít phút nhờ ánh sáng lờ mờ bập bùng còn lại của đám cháy, tôi vừa nhận ra là ở phía Nam của dinh Tướng Kỳ độ chừng trăm mét. Tự nhiên trán tôi rịn mồ hôi, tay run lẫy bẫy, tim đập dồn dập và ứ nghẽn lồng ngực muốn nghẹt thở, vì hình như đám cháy là ở khu cư xá C-7, nơi vợ con tôi tạm trú, miệng tôi không ngớt cầu nguyện:
- Cầu xin Ơn Trên che chở cho vợ con của con, và những người khác được bình yên.
Ngay lúc đó, trong lòng lòng tôi bùng lên một cơn giận dữ & căm thù đám Cộng Phỉ trong trại Davis, (Võ Đông Giang và đồng bọn).Nếu vợ con tôi có mệnh hệ nào, tôi thề sẽ thí mạng với bọn chúng! (Võ Đông Giang và đồng bọn).
Mươi phút sau, tôi thấy chiếc TL07 cất cánh lên, để thay thế chiếc TL06 về đáp. Tôi tiếp tục bao vùng trên không phận Tân Sơn Nhứt, cho đến khi bình minh có ánh sáng lờ mờ, tôi nhận ra đám cháy chính là cư xá Nữ Quân Nhân. Tôi nóng lòng muốn đáp xuống, nhưng chưa có phi tuần nào lên thay thế. Vài phút sau, tôi nhìn sang cánh phải: thấy có một chiếc AD-5 còn treo hai trái bom cứ bám sát theo phi cơ tôi. Tôi sang tần số và gọi đài Saigon Tower một lần nữa, để xác định chiếc AD-5: “có phải là của anh Phùng không”. Câu trả lời vẫn là “Không biết”. Vừa lúc đó, “anh bạn dễ ghét” như muốn chơi trò trốn tìm “ú tim” với tôi, nên anh ấy cho phi cơ hết lòn sang trái lại chui qua phải. Tôi bất ngờ cắt bán kính, quẹo vòng thật gắt định ra sau chiếc phi cơ nầy. Nhưng anh bạn “dễ ghét” là một cao thủ tuyệt đỉnh, lúc nào anh cũng bám riết theo sau, khi sang trái khi sang phải cố ý trêu đùa tôi. Nếu là dog fight (không chiến) thì tôi bị tay lão luyện nầy “dớt rụng càng” rồi!
Trên tần số Paris, tôi nghe giọng của Thiếu-tá Hồ Ngọc Ấn Phi Đoàn Phượng Hoàng 514 liên lạc với TL07, cho biết: “phi tuần 2 chiếc A1 của anh đang ở Long An, trên đường tiến về Sài Gòn.( Đại-uý Nguyễn Tiến Thuỵ bay chiếc số 2). Khoảng mười phút sau, Trung-uý Trang Văn Thành, Trưởng Phi Cơ của TL07 gọi trên tần số:
- Phượng Hoàng 11, tôi nghi ngờ có một toán đặc công độ năm bảy tên, định cắt hàng rào kẽm gai phía Bắc phi trường, chỗ miếng đất trống hình tam giác ở An Nhơn. Bạn cho 1 trái ngoài hàng rào, đánh trục Đông sang Tây. Tôi giữ cao độ 5.000.
Vì biết phi tuần anh Ấn chưa đến nơi, nếu cần thiết tôi có thể dùng 4 cây đại bác 20 ly bắn dọc theo vòng rào. Tôi bay tới đó, mặt trời vừa ló dạng, trời tỏ hơn nhưng ở độ cao 4.000 bộ, nên tôi không thấy gì cả. Thình lình anh Phùng lao xuống thả một trái bom. Thì có tiếng anh Thành la lên:
- Số 1 thả bom “như để “. Số 2 đánh dài hơn vài mươi thước.
Trái thứ nhì rơi dài hơn năm chục thước. Anh Thành hoảng hốt:
- Phượng Hoàng 11 Hold High And Dry (ngưng thả bom). Số 2 của bạn đánh gần nhà dân quá!
Thiếu tá Ấn liền lên tiếng:
- TL07! Ai khác đánh đó, chớ không phải Phượng Hoàng 11! Tôi chỉ mới tới Bến Lức, làm sao thả bom ở đó được!
Thì ra anh Thành lầm lẫn phi tuần của tôi là phi tuần anh Ấn. Tôi vội lên tiếng:
- TL07! Đây PL 51. Đó là Phi Long 52 (chiếc số 2 của PL51) nó hư vô tuyến, chỉ còn 2 trái, vừa thả hết rồi. Còn tôi đã “Empty” (hết bom).
Nhận ra tiếng của tôi, Đại-uý Thụy (người bạn cố tri cùng PĐ Thái Dương 530 với tôi ở Pleiku) gọi tôi:
- Ê Phúc! Mày về Cần Thơ đi, đáp ở đó (TSN) nguy hiểm lắm!
Nhìn đồng hồ xăng có 800 lbs, vừa đủ để bay đi Cần Thơ nhưng tôi đã có quyết định đáp Tân Sơn Nhứt từ trước, nên trả lời:
- Vợ con tao còn kẹt lại đây, giá nào cũng phải đáp TSN. Tình hình ở đây chưa đến nỗi nào đâu.
Đột nhiên anh Phùng gọi tôi:
- Ê ...PL51, đi Cần Thơ nha! Bay với mi gần 3 tiếng, chừ mới liên lạc được một xí. Tao nghe được nhưng bị câm. Bực mình quá!
Tôi vội bấm máy trả lời:
- Không! Tôi chỉ còn 600 pounds xăng, vả lại vợ con tôi kẹt ở đây. Anh đi Cần Thơ một mình trước nghen!

Lúc bấy giờ chiếc TL07 đang bay 5.000 bộ nên anh Thành muốn xuống thấp để dễ quan sát và nhìn thấy rõ hơn, nên anh báo cho chúng tôi biết:
- PL51! TL07 xuống cao độ để nhìn rõ hơn. Tôi không muốn đánh lầm vào nhà dân, tội họ lắm!
Không ngờ mấy phút sau, khi chúng tôi bay trên Lăng Cha Cả ở Cao độ 1.500 bộ, anh Phùng gọi tôi:
- Ê một! Mình đáp xuống Tân Sơn Nhứt đi!
Lo ngại vô tuyến bất thường của anh hư, nên tôi nhường cho anh Phùng đáp trước. Nhưng trước khi Touch Down (chạm bánh), anh Phùng lại gọi tôi:
- Một! Mi đáp trước đi, tao Go Around (bay lên lại). Mi chờ ít phút, tao về chở mi vô!.
Nóng lòng vì vợ con ở kế bên đám cháy (cư xá Nữ Quân Nhân) nên tôi không bay theo anh Phùng như thông lệ. Tôi tiếp tục vào Final (cận tiến), thì Sài Gòn Tower báo cho chúng tôi:
- PL51, có SA7 bắn lên. Tôi thấy mấy cục lửa bằng cườm tay bay lên!
Vì tôi đã chứng kiến SA-7 bắn ở Kiến Đức vào cuối năm 1973, nên tôi có ý nghi ngờ:
- Saigon Tower, SA-7 bắn lên lúc đầu là một vùng lửa to màu cam, sau đó đổi sang màu trắng xanh, và bay lên rất nhanh. Bạn quan sát kỹ chưa?
Anh bạn nầy có vẻ bất bình trả lời:
- PL51, tôi báo cho bạn biết, mà bạn không tin, nếu bị bắn, bạn ráng chịu nha!
Tự nhiên tôi nhớ đến Trung-tá Phạm Văn Thặng Fulro khi ông "xỉn", ông thường ngâm nga... nên tôi nghêu ngao trên tần số:
- Làm sao… giết được… người trong mộng …1 …2 …3…touch down! (bánh đáp chạm phi đạo)
Di chuyển về bãi đậu lúc 6 giờ 55 phút, các anh em phi đạo reo mừng, công kênh tôi như đón một một vị cứu tinh! Rồi chúng tôi cùng nhau theo dõi chiếc TL07 đang nghiêng cánh trái ở cao độ chừng vài ngàn bộ, và xạ kích xuống mục tiêu. Từng tràng đại bác 20 ly (Minigun 6 nòng) nã xuống như mưa, tiếng kêu như bò rống. Tôi trấn an các anh em:
- Target đó ở ngoài vòng rào và chỉ là tình nghi thôi! Ông Trung-uý Thành muốn biểu diễn cho mọi người coi chơi cho vui vậy mà!
Tôi vừa dứt lời, thì đột nhiên chiếc TL07 trúng hoả tiễn tầm nhiệt SA-7, đuôi phải gãy lìa. Có một vật màu đen đen rớt xuống(*), động cơ bên phải phát hoả và nổ tung, cánh phải gãy xuống, đồng thời phòng lái bốc cháy. Phi cơ ngoặc đầu qua trái, lao xuống và rơi vào spin (xoay tròn như bông vụ). Tất cả mọi người xung quanh tôi hoảng hốt hét lớn:
- Nhảy dù đi…
- Nhảy dù…
- Nhảy dù nhanh lên.
Nhưng quá trễ, tôi không thấy cánh dù nào kịp bung ra, chiếc phi cơ đã cắm phụp đầu xoáy xuống đất rất nhanh. Những cột khói đen lửa đỏ cuồn cuộn bốc phụt lên cao hàng trăm mét. Toàn bộ phi hành đoàn đều hy sinh. Tất cả anh em chúng tôi bàng hoàng sửng sốt, đứng chết lặng mà nước mắt tuôn trào. Một lúc sau, mọi người lặng lẽ trở về làm nhiệm vụ của mình. Từ giờ phút nầy phi trường TSN thật sự không còn an toàn nữa, vì sự xuất hiện của SA-7 khắc tinh của tất cả các loại máy bay. Riêng tôi, ngồi bệt xuống bãi cỏ bên lề phi đạo, mắt vẫn hướng về những cột khói đen bốc lên cao, như anh linh của Phi Hành Đoàn TL07 đang siêu thoát. Tôi hy vọng Thiếu-Tá Trương Phùng bay đi Cần Thơ, tuy nhiên tôi vẫn có ý trông đợi anh Phùng trở về. Tôi chờ mãi tới khi anh tài xế xe bồn tiếp xăng giục tôi lên xe, để trở vô biệt đội khu trục. Trong lòng tôi thầm nghĩ:
- Đúng rồi, anh Phùng nên bay đi Cần Thơ là hợp lý nhất!

Sau 9:30’ giờ sáng ngày 29/4/75 bọn chúng bắt đầu nã đì đùng bằng đại pháo 130 ly, đặt ở Nhơn Trạch gần Thành Tuy Hạ - Cát Lái. Nhưng lúc bấy giờ không ai thèm màng tới việc diệt pháo đang nhỏ giọt vào Tân Sơn Nhứt nữa. Trong phi trường thỉnh thoảng đạn 130 rơi rớt đâu đó, may mắn sao không trúng tôi. Ha ha ha... Cả căn cứ Tân Sơn Nhứt không một bóng người, bầu trời vô cùng u ám, một phần vì thời tiết chuyển mưa, một phần vì những làn khói đen lan toả la đà từ chiếc TL-07 đang bốc cháy. Tôi có cảm tưởng như mình lạc vào trong bãi tha ma lúc hoàng hôn. Sau khi Quân Cảnh không cho tôi ra cổng (Phi Long) và không được nói một lời gì với vợ con (họ theo gia đình Vân về nhà).
Tôi trở vào Trung Tâm Hành Quân Không Quân chờ lịnh. Nữa giờ sau, tôi định đi ra ngoài bằng cổng trại Hoàng Hoa Thám; nhưng khi đến cuối sân banh, tôi gặp Thiếu-tá: Bạch Diển Sơn, Lê Bình Liêu và Đ/U Lê Xuân Châu PĐ 530, họ đang chạy ngược chiều và kêu tôi:
- Ê Phúc! được lệnh đi Cần Thơ. Nhanh lên!.
Tôi chạy theo họ ra bãi đậu, chiếc AD-5 của Thiếu-tá Hồ Văn Hiển PĐ 514 đang chờ. Tôi là hành khách bất ngờ bất đắt dĩ và cuối cùng thứ 20 hơn. Chúng tôi rời Tân Sơn Nhứt lúc 11 giờ trưa. Lúc bấy giờ trong Tân Sơn Nhứt có lẽ không còn phi cơ nữa (sau khi yểm trợ quân bạn ở Bến Cát xong, trên đường về Cần Thơ Thiếu-tá Hiển đáp xuống, để rước chúng tôi). Khi đến Cần Thơ, tôi vội vã đi tìm anh Trương Phùng khắp nơi, nhưng tìm hoài không thấy anh Phùng đâu cả!

* * *
Ghi chú thêm: trước 30/4/1975 và sau... 2010:

*.- Thiếu-tá Không-quân Hồ Ngọc Ấn Phi Đoàn Phượng Hoàng 514 (hiện ở Dallas).
*- Thiếu-tá Hồ Văn Hiển và Đại-uý Nguyễn Tiến Thuỵ hiện giờ ở Houston.
*- Thiếu-tá Bạch Diển Sơn hiện ở Panama City- Florida.
*- Thiếu-tá Lê Bình Liêu hiện ở Oklabama.
*- Đại-úy Không-quân Trần Văn Phúc (Phi-tuần Trưởng PT Khu-trục Phi-Long 51) hiện ở Cali.
* - Trung-uý Nguyễn Thành Bá hiện ở Dayton-Ohio

*1.- Trên không phận Sài Gòn lúc bấy giờ (29/04/75) chỉ có 3 chiếc phi cơ là: TL-07, phi cơ anh Phùng và phi cơ của anh Phúc. (TL 07 chỉ xuất hiện sau 6 giờ sáng. Phi tuần 2 chiếc A-1: của Thiếu-tá Ấn & Đại–úy Thụy trên đường về Sài Gòn).
*2.- Có lẽ vì sợ SA-7 nên ông Đại Sứ Martin phải nói dối trước Quốc Hội Mỹ là: “Hai phi đạo bị trúng pháo kích, hư hại nặng nề, và ông ra lịnh di tản người Mỹ bằng trực thăng”?
*3.- ... đột nhiên chiếc TL07 trúng hoả tiễn tầm nhiệt SA-7, đuôi phải gãy lìa. Có một vật màu đen đen rớt xuống(*)... Mãi đến năm 2010, khi vừa mới cải táng cho PHĐ TL07 xong, chúng tôi mới liên lạc được với Th/Sĩ I Nguyễn Văn Chín tự “Chín Dơi“, Gunner của TL07, là người duy nhất nhảy dù ra sống sót, anh chính là “vật” (hi hi hi) màu đen rơi xuống từ chiếc TL 07, mà anh em còn ở đó trong phi trường TSN đều thấy.
*4.- Vì Phi Hành Đoàn TL07 có rất nhiều người tình nguyện đi bay trong lúc khẩn cấp, nên hầu hết nhân viên trong PHĐ không ghi đúng tên trong phi lệnh. Tôi chỉ biết có: Trung-uý Trang Văn Thành (Trưởng phi cơ), xuất thân từ Thiếu Sinh Quân, nhập ngũ ngày 12/9/1967 khoá 68A TTHLKQ Nha Trang. Anh Thành là cháu rể của Cố Thiếu-Tướng Võ Xuân Lành, TLP KQ. Anh Thành có 2 biệt danh: ở quân trường Nha Trang anh có tên “Thành Thụt”, vì đôi mắt sâu thẩm, tánh tình anh rất cương trực, hăng say, năng nổ trong mọi công việc. Khi về PĐ C119 anh Thành có thêm một biệt danh là: “Thành Kampuchia” (vì màu da ngâm ngâm của anh). Đêm 28/4/75 anh Trung uý Trang Văn Thành tình nguyện bay thêm phi vụ Extra TL 07, mặc dù trước đó anh đã bay phi vụ TL01 hồi đầu hôm rồi.
- Trung uý Tào Thuận, hoa tiêu phụ.
- Thiếu uý Phạm Tấn Đức.
Họ vĩnh viễn ra đi... nhưng để lại sự thương tiếc kính phục vô cùng của hàng vạn người trong và ngoài Tân Sơn Nhứt.

*5- Sau 3 năm 3 tháng phục vụ trong PĐ Thái Dương 530 – Pleiku trấn thủ Cao Nguyên, tháng 4 năm 1974 tôi trở lại Biên Hoà và được đưa về PĐ Phượng Hoàng 518, KĐ 23 Chiến Thuật, SĐ3KQ. Sau đó tôi thường đi biệt phái ở Biệt Đội Khu Trục tại Tân Sơn Nhứt cho đến tháng 9 năm 1974, tất cả phi cơ A1 bị “đình động”(vì uống Xăng?). Vì vậy thời gian quen biết, chuyện trò cùng Th/tá Trương Phùng không nhiều. Tôi chỉ nhớ:
Th/tá Trương Phùng sanh năm 1943 tại Thừa Thiên, anh gia nhập Không Quân vào đầu năm 1964, khóa 64B SVSQKQ Nha Trang, tốt nghiệp khóa L- 5 Quan Sát. Sau đó anh được tuyển chọn xuyên huấn T28 và A-1 Skyraider tại Hoa Kỳ. Trở về nước, anh phục vụ tại Phi Đoàn 110 Quan Sát, sau cùng là Phi Đoàn 518 Phi Long - Khu Trục A-1, KĐ 23CT, SĐ3 KQ Biên Hòa.
Anh là mẫu người hùng KQ từng tham dự hầu hết các chiến trường khắp 4 vùng chiến thuật, là người hùng diệt 15 xe tăng Cộng quân trong 2 tuần lể vào đầu tháng 4 năm 72 ở Quảng Trị, là một người đầy nhiệt quyết, không bao giờ từ chối bất cứ một phi vụ nào dù nguy hiểm. Anh là một phi tuần trưởng, vị Sĩ Quan gương mẫu, lấy phương châm: Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm.

Tuy nhiên tôi được hân hạnh cùng bay chung với anh 2 lần:
- Lần đầu tiên: Phi Vụ Trời Giúp ?
Vào tháng 8/1974, khi CSBV vi phạm Hiệp Định Ba Lê, chúng pháo kích vào phi trường Biên Hòa, để trả đũa hành động nầy, Đại Tá Hoàng Thanh Nhã, KĐT KĐ23CT, SĐ 3 KQ chỉ thị 2 phi tuần, mổi phi tuần 2 chiếc Khu Trục A-1 Skyraider, mổi chiếc mang 6 trái bom CBU-25, thi hành một nhiệm vụ đặc biệt là oanh tạc Tổng Hành Dinh của MTGPMN ở đồn điền cao su, gần Lộc Ninh. Phi tuần số 1 do Th/tá Phùng và Tr/u Đinh văn Đức. Phi tuần thứ 2 do tôi ( Đại úy Trần Văn Phúc) và Tr/u Nguyễn Tứ Đức.
Bom CBU - 25 là loại bom dùng để chống chiến thuật biển người, phá giao thông hào, mổi trái cân nặng 500 cân Anh (lbs), gồm 7 ống thẳng, dài độ 4 mét, buộc lại thành một khối tam giác, mổi ống chứa 25 quả bom nhỏ như trái lựu đạn, có loại nổ trên mặt đất, có loại nổ chậm.
Muốn đạt hiệu quả tối đa, nên thả bom nầy theo cách Skip bom, nghĩa là bay thật thấp, thì các trái bom nhỏ nầy được phóng xuống đất. Nếu thả bom từ trên cao thì không thể nào chính xác, càng cao các quả bom nhỏ nầy càng rải rộng ra, nếu thêm sức gió có thể thổi bay đi xa cách mục tiêu hàng ngàn mét. Để bảo vệ vùng trời Lộc Ninh, nơi bọn CSBV trá hình MTGPMN đặt Bộ Tổng Hành Dinh, ngoài hoả tiển tầm nhiệt SA-7 bọn CSBV còn bố trí rất nhiều khẩu đại bác phòng không 37 ly hay 57 ly điều khiển bằng radar, nếu bay dưới 11 ngàn bộ, chúng tôi sẻ trở thành những “target sống” để bọn Cộng Phỉ tha hồ thực tập tác xạ. Vì vậy sau khi thảo luận và đồng ý chọn lối đánh mạo hiểm nhất nhưng an toàn nhất, chúng tôi xin Đ/Tá Nhã:
-” Đ/Tá ra lịnh chúng tôi đi dội bom ở đó thì xin Đ/Tá cho phép chúng tôi được chọn cao độ bay. Nếu như bay cao 12 hay 13 ngàn bộ để tránh phòng không thì thả bom không thể nào chính xác được, coi như không. Vì vậy chúng tôi xin chọn lối đánh Truy Kích”.
Ông đồng ý và nhấn mạnh thêm về tầm nguy hiểm:
-”Nếu có ai gặp phải bất trắc, các bạn chịu khó trốn tránh qua đêm cho đến sáng mai mới có phi vụ rescue, còn các bạn khác lập tức bay về đáp, không được ở lại cover”.
Vì tầm quan trọng của phi vụ nấy, là cảnh cáo cho bọn Cộng Phỉ biết:
”Không có bất cứ nơi nào trên lảnh thổ VNCH là bất khả xâm phạm đối với Không Lực Việt Nam Cộng Hoà. Quân Đội VNCH sẳn sàng trả đủa những vi phạm Hiệp Định Ba lê của chúng”.
Nên sau cơm trưa sớm hơn thường lệ (11 giờ), chúng tôi bắt đầu nghiên cứu những tấm không ảnh (chụp những cơ sở nguỵ trang dưới hàng cây cao su) và thảo kế hoạch, tính toán giờ giấc, hướng bay một cách rất cẩn thận từng chặn đường. Để giảm thiểu sự nguy hiểm cho phi tuần thứ nhì (bay sau) của tôi, Th/tá Phùng đề nghị nhập 2 phi tuần lại thành 1 hợp đoàn 4 chiếc; dùng chiến thuật truy kích với yếu tố bất ngờ, chớp nhoáng, bay lướt trên ngọn cây, khi bọn chúng thấy thì chúng tôi đã bay mất rồi, không kịp bắn chúng tôi. Với lối bay nầy đòi hỏi người Leader phải có một khả năng, kinh nghiệm, bình tĩnh, sáng suốt, cũng như gan dạ, vì thỉnh thoảng một mình anh Phùng (Leader) phải “trồi lên lặn xuống” năm, ba trăm bộ, để nhận dạng những "check point" (điểm chuẩn) để tránh bay lạc. Anh Phùng phân chia nhiệm vụ cho từng người và lập lại nhiều lần, là mổi chiếc phi cơ chỉ thả 1 lần và chiếc kế nối tiếp với nhau.
Theo phi lịnh, chúng tôi cất cánh đúng 2 giờ trưa nhưng bắt đầu 1 giờ bổng dưng trời mưa như trút nước (có thể ông trời giúp chúng tôi ?) tưởng chừng như phi vụ bị huỷ bỏ, cho đến sau 5 giờ chiều cơn mưa tạnh hẳn. Chúng tôi được lịnh cất cánh khẩn cấp, anh Phùng nhắc lại:
-“Phi vụ của chúng ta rất quan trọng và rất nguy hiểm nhưng tôi (anh Phùng) tin tưởng vào chiến thuật mà mình đã thảo ra, như các bạn đã biết tụi mình không bay thẳng tới đó mà mình bay vòng về hướng Bắc. Các bạn bớt căng thẳng đi! Có thể ông trời đã giúp mình hôm nay, nên đổ mưa mấy tiếng đồng hồ, vì vậy khi mình tới target mặt trời cũng sắp lặn, bảo đảm tụi nó không ngờ mình tới đâu!. Chắc chắn mình phải bay đêm, các bạn cẩn thận coi lại tất cả các đèn phi cụ”.
Như trong phi trình đã hoạch định chúng tôi “joint up” ở 2.000 bộ với hợp đoàn chiến đấu (Tactical Formation), tất cả phi cơ bay bên cánh phải của anh Phùng và lấy Lai Khê làm điểm xuất phát, bay thật thấp về hướng Bắc, bên phải Quốc Lộ 13, qua khỏi Tống Lê Chân 5 dặm, đổi sang hướng Tây. Như dự đoán, chúng tôi bắt đầu lướt trên nhiều ổ phòng không, nhìn xuống chúng tôi thấy từng cụm năm ba tên Cộng Phỉ cố quay vòng những họng súng để bắn vói theo phi cơ chúng tôi. Tôi gặp ít nhất 5 khẩu phòng không trên đoạn đường dài chừng 20 dặm nầy.
Khi thấy Lộc Ninh bên phải và nhận định mục tiêu, anh Phùng ra lịnh:
-“Tất cả Phi Long coi lại Mills (độ của máy ngắm) lên cao độ 1.500 bộ, target 1 dặm, hướng 10 giờ “
(quẹo trái về hướng Nam để thả bom vào bên hông địch).
Lần lượt:” số 1 Rolling Hot”, rồi số 2, số 3 và số 4 Rolling Hot trong ánh sáng vàng nhạt cuối cùng trong ngày.
Chúng tôi đã vượt qua rất nhiều hàng rào phòng không dày đặc, trên đường đi ngay cả đường về, rất nhiều lần chúng tôi lướt trên những ổ cao xạ, nhìn thấy bọn chúng quay vòng những họng súng để bắn vói theo (quá trể rồi! lúc đó chúng tôi đã khuất dạng). Khi chúng tôi bay về gần tới Tây Ninh thì trời đã tối hẳn.
Nhờ vào sự can đảm phi thường, nhờ sự thông thạo địa hình và đầy kinh nghiệm của Th/tá Phùng, chúng tôi đã hoàn thành sứ mạng và an toàn về đáp lúc 8 giờ tối. Cám ơn ông trời đã ban cho chúng tôi 1 cơn mưa và giúp chúng tôi hoàn thành phi vụ một cách tốt đẹp.
Khi đáp xong, tôi ghi nhận thêm: Th/tá Phùng thà ngậm đèn bấm soi sáng những phi cụ để bay, nhưng nhứt định không chịu hủy bỏ phi vụ dù rằng trong phiên họp buổi trưa Đ/Tá Nhã đã lưu ý 2 lần:
- " Nếu có gì bất trắc các bạn rán chịu đựng qua đêm, sáng mai mới có trực thăng rescue".
Anh Phùng cười rằng;
-Mấy chuyện lẻ tẻ làm sao làm khó dể tao được. Ngày mai tụi mình đi gặp Đ/Tá Nhã, xin ông cho tụi mình bay lên đó diệt phòng không, ít nhất mình cũng “lượm” hàng tá cao xạ 37 hay 57 ly. Đứa nào bay với tao thì theo tao tới câu lạc bộ Trần Thế Vinh ???”

*6.- Để nhớ ơn người anh hùng vị quốc vong thân: cố Thiếu-Tá Không-quân Trương Phùng, có nhiều thân hữu quân dân góp sức truy tìm tung tích anh Phùng. Sau gần bao năm lặn lội tìm kiếm... Trong cơ duyên nhờ anh linh của cố Thiếu-tá Trương Phùng dẫn dắt, ngày 2 tháng 12 năm 2008, cựu KQ Nguyễn Toại Chí đã mang hài cốt Thiếu-Tá Không-quân Trương Phùng (vùi sâu dưới 5 thước đất, gần cầu Bình Điền, Long An; trở về với gia đình). Hài cốt của cố Thiếu-tá Trương Phùng được hoả táng và đem về thờ phượng tại chùa Bữu Quang. Theo nhân chứng là cụ H. (cụ còn ở Việt Nam, 90 tuổi, xin tạm dấu tên) kể rõ rằng: “Động cơ của chiếc máy bay bị ra khói, buộc lòng anh Phùng phải đáp khẩn cấp xuống ruộng, gần cầu Bình Điền. Anh Phùng bị bắt khoảng 7 giờ sáng ngày 29/4/75. Ngay tối hôm đó bọn Cộng Phỉ khát máu đã hành quyết anh Phùng cạnh giao thông hào”.

*7.- Cũng sau nhiều năm tháng vất vã ngược xuôi tìm kiếm, ngày 21-7- 2010 có một nhóm thân hữu Dân Quân Chánh, gia đình Thiếu-uý Phạm Tấn Đức, cùng cựu Không-quân Nguyễn Toại Chí đã tìm được nhiều hài cốt của PHĐ 07 trong vòng đai của căn cứ Tân Sơn Nhứt. Họ đã mang hài cốt qúy vị ấy về an vị tại nghĩa trang An Khánh - Thủ Thiêm. (KQ NTC phụ trang).

*8.- Cư xá Nữ Quân Nhân ở kế bên chưa đầy mươi mét, đã biến thành tro. Tôi (Phúc) vội vã lái xe Honda phóng nhanh trở về cư xá C-7 thăm vợ con. Vào phòng cư xá C-7 thì không thấy ai, hoảng hốt tôi đi vòng theo sidewalk để tới hầm trú pháo. Vô cùng may mắn khi tôi thấy một trái 122 ly không nổ đã cắm sâu xuống nền ciment, cách phòng của vợ con tôi chừng ba thước, (nơi đó vợ con tôi & gia đình Trung-uý Phạm Trung Vân PĐ C7- 431; là em rễ vợ tôi). Trước kia tôi thấy cái hầm nầy đã bỏ hoang lâu năm, bên trên chỉ có vài lớp bao cát mục nát, tôi nghĩ chúng tôi không nên ở lâu, vả lại tôi lại không quen “đường sá” trong khu Tân Sơn Nhứt. Vì vậy bất đắt dĩ tôi phải dời gia đình qua dinh Tướng Kỳ lánh tạm, dù sao ở đó cũng kiên cố hơn... Tôi chứng kiến chiếc trực thăng đáp xuống (khoảng sau 9 giờ sáng) Trưởng Phi Cơ là Thiếu-tá Quí, anh em Trung-tá Nguyễn Quốc Hưng & Trung-tá Nguyễn Quốc Thành, mỗi người cầm một cây M16. Tướng Kỳ vào nhà, ông cứ đi ra đi vô phòng làm việc nhiều lần. Khi ông bước ngang chỗ tôi đứng, tôi mạo muội hỏi:
-Thưa Thiếu Tướng, Thiếu-Tướng định làm gì bây giờ?
Ý của tôi hỏi Tướng Kỳ là tôi muốn biết có di tản về Cần Thơ, (như lời ông kêu gọi tại đây đêm 25/4/75) là: “cần đánh một trận oai hùng cuối cùng”? Chẳng biết ông có nhận ra tôi hay không, ông lắc đầu than:
- Anh em đã bỏ đi hết rồi, lấy ai mà đánh hở?!
Tôi đồng ý với Tướng Kỳ về việc nầy, vì sau khi tôi đáp xuống Tân Sơn Nhứt chừng 20 phút, tôi nghe rất nhiều tiếng phi cơ đủ loại ào ào cất cánh bay lên... Khoảng 9 giờ 30 phút Tướng Kỳ từ phòng làm việc bước ra, khi đi ngang tôi, Tướng Kỳ nói:
- Mỹ đã từ chối cho tôi (Tướng Kỳ) một chiếc C-141. Nhờ cậu thông báo các thân hữu của tôi tự tìm đường thoát thân sang DAO, hay xuống bến Bạch Đằng. Bây giờ tôi đi rước Tướng Trưởng bên Tổng Tham Mưu.
Ngay sau khi Tướng Kỳ lên máy bay, tôi liền đi chuyển lời của ông cho một số người ở trong nhà nầy, lúc bấy giờ tôi mới biết: có hàng trăm người khác đang “tá túc” trên lầu, trong số đó có cựu Dân Biểu Nguyễn Văn Cử. Điều may mắn là mọi người đã thoát khỏi nguy hiểm, dù có rất nhiều trái pháo rơi xung quanh dinh, không quả nào lọt vô dinh Tướng Kỳ.

- Vị trí đặt pháo 122 ly của Cộng Quân.
Theo Quốc Lộ 4 về Miền Tây, trước khi đến đài Radar Phú Lâm gặp ngả ba quẹo phải là đường mang tên : Đường Tên Lửa, đi khoảng hơn 500 mét là Khu Tên Lửa. Đây là vị trí đặt các giàn pháo của Công Quân Khi xưa.
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
08-02-2014, 06:26 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1406960905.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1406961520.mp3
Đức TRẦN HƯNG ĐẠO Vương
(& Những Chiến Trận Lẫy Lừng)


Từ khi Việt Nam rơi vào ngày 30 tháng Tư 1975 mất nước, thì hầu như tất cả trường, lớp, chẳng có giờ học về môn: Công Dân Giáo Dục & Sử Ký & lịch sử Việt Nam nữa. Hôm nay, trước tiên tôi xin mạn phép kể hầu cùng quý vị độc giả… (và sau rốt là do đã hứa cùng các con, cháu, tôi sẽ ghi lại những chiến tích oai hùng, những kỳ công anh dũng, và quật cường của tổ tiên ông cha chúng ta, họ đã dày công xây dựng và giữ gìn non sông gấm vóc Việt Nam hưng thịnh trường tồn đến bây giờ).
Tiếp theo chuyện hai bà Trưng Trắc Trưng Nhị ; chuyện bà Triệu Thị Chinh đã ghi. Nay tôi xin kể hầu tiếp quý vị về: Đức HƯNG ĐẠO Vương TRẦN QUỐC TUẤN:
Tình Hoài Hương
***


Thời xa xưa ấy, giặc Nguyên Mông (Tàu) luôn luôn tìm mọi cách sang quấy nhiễu, phá phách, xâm chiếm nước An Nam. Mặc dù ông cha chúng ta chẳng hề làm gì sai trái, mà chỉ muốn giữ trung dung, nhân hậu, an phận thủ thường, hiếu hòa, nhún nhường với nước Tàu bành trướng đại lân bang, và tuân phục đi cống hiến lễ vật hậu hĩ. Nhưng nhà Nguyên cậy lớn ăn hiếp bé, o ép mọi bề, độc đoán rất hà khắc. Sau nhiều triều đại, họ chuyên bức bách dân tình ta khổ sở cay đắng trăm điều. Tiếp sau đó Tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hợp Thai (Wouleangotai) sai sứ giả nhà Nguyên qua An Nam (nước Việt) nói với vua Trần Thái Tông:
- Nước An Nam ngươi phải thuần phục Nguyên Mông, phải cống hiến mọi thứ cho nước ta.

Vua Thái Tông là người anh dũng đã cương quyết không chịu phục tùng, và vua cho bắt nhốt sứ giả Nguyên. Vua Thái Tông sai Trần Quốc Tuấn đem quân đi giữ ở mạn Bắc. Về hướng Nghệ An thì Thượng-tướng Trần Quang Khải đem quân trấn giữ chỗ trọng yếu, cố ý không cho quân Toa Đô ra lối nầy. Ngột Lương Hợp Thai (Tàu chệt) liền kéo hai toán quân: - một đoàn từ Vân Nam xuống ranh địa An Nam (Việt Nam). - Một đoàn Tàu-chệt khác men theo sông Thao (Hưng Hóa), chúng lấy đại bác bắn phá các trại nam ngạn sông Hồng Hà.

Thoát Hoan thừa thắng xông lên đánh đâu được đó, họ đóng đô tại Bắc Ninh, Thiên Trường. Quân Mông làm cầu phao bắc qua sông vô thành Thăng Long. Quân Nguyên Mông thấy ba sứ giả vẫn bị trói giam trong ngục, có một người chết, thì Ngột Lương Hợp Thai tức giận, y cho quân đi cướp phá giết hại nam phụ lão ấu các vùng: Võ Ninh, Gia Lâm, Đông Ngạn… & nơi nơi. …

Khi quân Mông tràn vô bờ cõi An Nam, tại thành Thăng Long, vua Thái Tông cùng quân sĩ ra nghinh chiến giặc Nguyên hoài mãi không được, mà binh khí lính tráng ngày càng tổn thất hao mòn dần. Vua & quân đành lui binh chạy về đóng ở phía đông huyện Thượng Phúc, sông Nhị Hà. Ông Trần Quốc Tuấn: vì ít quân, đánh bọn ngoại xâm đông đúc và man rợ chịu không nỗi, nên ông phải lùi về đóng quân ở Sơn Tây.

Trần Quốc Tuấn phù giá vua Thái Tông ngày đêm lặn lội núi đèo sông nước đi lánh nạn… Một thời gian sau, khi vua Trần Thái Tông vừa mất, nhà Nguyên lại cho sứ giả qua An Nam quấy rầy, Sài Thung đi từ Hồ Bắc, qua Quảng Tây, chẳng cần trình báo có phép tắc gì, y lên mặt vênh váo hiu hiu, tự kiêu tự đắc cỡi ngựa xông thẳng tới cửa Dương Minh (nước Nam). Sài Thung đưa thư trách mắng vua Nhân Tông, ý rằng:

- Không xin phép triều đình Nguyên, mà dám tự lập. Nay phải sang chầu thiên triều hoàng đế Nguyên ngay. Nếu vua ngươi không sang chầu, thì phải đưa vàng bạc, ngọc ngà, và nộp mỗi hạng hai người: hiền sĩ, thợ giỏi, thầy âm dương bói toán...

Vua Nhân Tông đành phải đưa Lê Mục, Lê Tuân và chú họ là Trần Di Ái đi sứ. Nhưng ý đồ của nhà Nguyên chỉ muốn xâm lăng chiếm đoạt nước Nam, và độc tài cai trị dân Việt, chúng đặt để người Tàu tới giám thị ở các châu huyện ở nước An Nam. Vua Nhân Tông không nhận, đuổi về. Nhà Nguyên tức giận, cho Sài Thung dẫn 1.000 quân đi An Nam, bắt phong Trần Di Ái làm An Nam quốc vương. Lê Tuân làm Thượng-thư, Lê Mục làm Hàn-lâm. Nhưng khi bên nhà Nguyên biết tin cấp báo về cho hay:

- Trần Như Ái trở về quê Việt bị bắt, và đày đi làm lính thú. Nhất là khi thấy Sài Thung chạy trở về Tàu: bị quân An Nam bắn trúng tên, hắn thương tích đầy mình và đã mù chột một mắt, thì nhà Nguyên tức giận vô cùng, quyết tìm cách đi xuống phương Nam để phục thù.

Năm 1284, vua Nhân Tông ngự thuyền trên sông Đuống, nơi giao nối với sông Thái Bình, ngài hội họp võ tướng, vương hầu: để bàn mưu tính kế chống ngoại bang. Trong phiên họp, có người lo âu bàn ra, kẻ xôn xao bàn vào, hoặc có người thấp thỏm bàn... lui bàn tới; nên tiếp tục đem lễ vật hậu hĩ sang Tàu cống hiến, mà làm kế hoãn binh, cho yên thân.

Riêng các ông: Trần Khánh Dư & Trần Quốc Tuấn nhứt quyết xin vua cho đem quân đi tiêu diệt bè lũ xâm lăng. Vua đã ưng thuận và phong cho ông Trần Quốc Tuấn là Trần Hưng Đạo vương tiết chế thống lĩnh toàn quân, đi diệt trừ quân Nguyên xâm lược. Ngày kia tại bến Đông Bộ Đầu, đức Trần Hưng Đạo vương đứng trước bá quan văn võ, và 20 vạn thủy quân & bộ quân mà truyền:
- Bản nhân phụng mệnh vua đi phá giặc Nguyên. Tướng sĩ và vương hầu cần phải giữ phép tắc: Việc quân có luật. Phép nước giữ nghiêm minh. Không được nhiễu hại dân. Phải đồng lòng quyết chí đánh giặc. Không thấy thua mà nao núng ngã lòng. Chớ thấy thắng mà tự đắc tự kiêu.

Thế rồi, Trần Hưng Đạo vương truyền cho các tướng đi trấn giữ ở những điểm quan trọng chủ yếu trong nước:
- 1./ Tướng Trần Khánh Dư: đem quân đi tới Vân Đồn, Quảng Yên.
- 2./ Tướng Trần Bình Trọng: đem quân đi đóng ở Bình Than.
- 3./ Phần đức Trần Hưng Đạo vương thì dẫn đại quân đi tới làng Kiếp Bạc, Vạn Kiếp (thuộc Hải Dương) ; đây là nơi rất quan trọng, có thể tiếp ứng cho mọi cánh quân đã đóng giữ trên lãnh thổ An Nam.

Trong khi đó, vua Nhân Tông biết tin cấp báo:
- Quân Nguyên ở Hồ Quảng đã rầm rộ kéo quân qua Lạng Sơn.
Vua lo ngại bên ta ít quân, yếu thế, binh khí thô sơ, thì không thể chiến đấu, vua liền sai sứ mang lễ vật qua Tàu xin hoãn binh, ngỏ hầu có cơ may thương nghị, hòa hảo. Nhưng nhà Nguyên hống hách la mắng, nhiếc móc đủ điều - không chịu. Vua (Nguyên) vẫn sai Thoát Hoan tiến binh chia ra làm hai đạo quân: - Một đại quân do Thoát Hoan đi đến ải quan Lạng Sơn (thuộc An Nam). Rồi sai sứ mang thư đến vua An Nam, nói láo lấy cớ:
- Mượn đường để đi đánh Chiêm Thành.

- Còn đạo quân thứ hai do tướng Toa Đô (Mông Cổ) dẫn 10 vạn quân từ Quảng Châu theo đường biển dọc hướng Chiêm Thành, (đoàn quân nầy trước kia do Toa Đô đi đường biển đánh Chiêm, nhưng đánh Chiêm không được. Nhà Nguyên bèn sai Toa Đô quay qua đường bộ xuống An Nam), Toa Đô hợp với Thoát Hoan, cùng Ô Mã Nhi, đi đường biển tới tiếp ứng dẫn 50 vạn quân đi phương Nam, giả vờ kiếm cớ mượn đường đi, để đem quân qua đánh Chiêm Thành.

Thoát Hoan đuổi theo quân An Nam đánh tiếp, lần nầy Trần Hưng Đạo thua, phải chạy về Bái Tân. Quan tướng Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Hưng Đạo cùng nhau thu nhặt tàn quân các nơi, họ xuống thuyền chạy về Vạn Kiếp. Thoát Hoan tiến đánh Kỳ Cấp, Lộc Châu, Khả Ly mấy phen, chưa phân thua thắng. Thế rồi ngày tháng dần dần trôi qua… phen nầy Lộc Châu, Khả Ly bị thất thủ, quân An Nam phải rút về ải Chi Lăng.

{Về việc ông Trần Bình Trọng giữ đất nước ở Thiên Trường, quân Nguyên đem quân ra đánh ở khúc sông Đà Mạc rất hăng. Nhưng chẳng may ông Trần Bình Trọng bị bắt sống. Thoát Hoan biết Trần Bình Trọng là tướng tài có chí khí, y muốn chiêu dụ ông, cốt ý điều tra mà hỏi mọi việc nước Nam, nên cho chúng nghinh tiếp thiết đãi yến tiệc cho Trần Bình Trọng linh đình v.v… Làm cách gì… thì Trần Bình Trọng cũng chẳng thèm ăn uống, không tham dự, không trả lời. Thoát Hoan hỏi:
- Có muốn làm vương đất Bắc không?
Lúc đó Trần Bình Trọng ngẩng cao đầu, quắc mắt hét to:
- Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Nay ta đã bị bắt, thì ta quyết chết, không can gì đến bọn bây mà hỏi lôi thôi.

Thoát Hoan biết không thể chiêu dụ Trần Bình Trọng, nên lập tức đem ông Trần Bình Trọng đi chém đầu. Từ vua quan binh tướng nước An Nam ai nấy nghe tin Trần Bình Trọng tuẫn tiết, họ đều rụng rời, bàng hoàng đau xót, và vô cùng tiếc thương}.
***

Trong khi đó ở triều, vua Nhân Tông tiếp được thư của Thoát Hoan, lập tức cho họp bô lão trong nước, để bàn luận về việc:
- Trước việc nước lâm nguy, nên hòa hay nên chiến?
Tất cả mọi người đều đồng thanh hô to: QUYẾT CHIẾN.
Lúc bấy giờ thiếu niên Trần Quốc Tuấn vì còn ít tuổi, nên không được vô bàn hội nghị để tham dự cùng vua và các vị bô lão. Ông Trần Quốc Tuấn trong lòng đầy phẫn nộ tức giận bọn giặc Nguyên, trong tay ông cầm trái cam mà uất ức đã bóp nát nó lúc nào, không hề biết. Ông vô cùng căm phẫn và buồn bã quay về doanh trại.

Vua Nhân Tông đăm chiêu suy nghĩ khi thấy quân binh của mình đã thua, liền ngự thuyền tới Hải Dương gọi Trần Quốc Tuấn đến luận bàn rằng:
- Thế giặc rất đông, quá mạnh, mình chống không nỗi, thì e dân ta sẽ bị sát hại, điêu đứng khổ sở rất nhiều. Nay Trẫm muốn hàng, cốt để cứu muôn dân.
Trần Quốc Tuấn tâu:
- Lời nói của bệ hạ thật là nhân đức. Nhưng xã tắc tôn miếu nếu đã mất rồi, thì sao? Nếu bệ hạ muốn hàng, trước hết xin hãy chặt đầu tôi. Sau đó sẽ hàng.

Vua nghe Trần Quốc Tuấn nói cương quyết, lẫm liệt, có trung nghĩa như thế, trong lòng vua cảm thấy bình yên, bớt lo lắng. Vua phong cho ông Trần Quốc Tuấn là Trần Hưng Đạo Vương.
Trần Hưng Đạo vương tập họp quân binh tại Vạn Kiếp hơn 20 vạn người. Ông đã làm tờ hịch (nguyên bản Hán-văn, dịch ra Quốc-ngữ rất dài - tác giả chỉ xin ghi lại đại ý chính) như sau:

- Ta nghe chuyện Kỷ Tín liều thân chịu chết cho vua Cáo Đế. Do Vu lấy thân dỡ ngọn giáo cho vua Chiêu Vương. Dự Nhượng nuốt than để báo thù cho cố chủ. Thân Khoái chặt tay để cứu nguy đất nước. (vân vân … & …). Các bậc trung thần nghĩa sĩ ngày xưa bỏ mình vì nước, đời nào không có? Giả sử mấy người ấy cứ bo bo theo lối thường tình chết già ở xó nhà, thì lưu danh sử sách nghìn đời như thế sao được? Nay các người thuộc dòng dõi vũ tướng không hiểu chuyện cổ tích: nửa tin nửa ngờ. Ta không nói làm gì - (vân vân… & …). Ta đây ngày quên ăn, đêm quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa.

Chỉ căm tức chưa được sả thịt, lột da của quân giặc, dẫu thân nầy phơi ngoài nội cỏ, xác nầy gói trong da ngựa, thì cũng đành lòng. Các ngươi cùng ta giữ binh quyền cũng đã lâu ngày, không có áo thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho ăn. Quan còn nhỏ thì ta thăng thưởng, lương còn ít thì ta tăng cấp. Đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa. Lúc hoạn nạn cùng nhau sống chết, lúc nhàn hạ cùng nhau vui cười. Những cách cư xử đó, so với Vương Công Kiên, Đường Ngột Ngại ngày xưa, nào chẳng kém gì!?

Nay các ngươi trông thấy chủ nhục, mà không biết lo, trông thấy quốc sỉ, mà không biết thẹn. Thân làm tướng phải hầu giặc, mà không biết tức. Tai nghe nhạc để hiến sứ, mà không biết căm. Các ngươi lấy việc chọi gà làm vui đùa, lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc có thú vui về vườn ruộng, quyến luyến về vợ con, nghĩ về lợi riêng, mà quên việc nước. Ham săn bắn mà quên việc binh. Thích rượu ngon, mê tiếng hát, nếu có giặc đến, thì cựa gà trống đâm sao thủng được áo giáp? Mẹo cờ bạc không dùng nỗi được quân mưu. Dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều, thân ấy nghìn vàng không chuộc lại vợ bìu con díu.

Nước nầy trăm sự nghĩ sao, tiền của đâu mà mua cho được đầu giặc? Chó săn ấy thì địch sao nỗi quân thù! Chén rượu ngon không làm cho giặc say chết. Tiếng hát hay không làm cho giặc điếc tai. Bấy giờ chẳng những là thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc của các ngươi cũng hết. Chẳng những là gia quyến của ta bị đuổi, vợ con các ngươi cũng nguy. Chẳng những là ta chịu nhục bây giờ, mà trăm năm về sau tiếng xấu nầy vẫn còn mãi mãi, mà gia đình các ngươi chẳng khỏi mang tiếng nhục. Đến lúc bấy giờ các ngươi dẫu muốn vui vẻ có được không? (vân vân… & …).
Nay ta soạn hết binh pháp của các nhà danh gia hợp lại, gọi là “Binh Thư Yếu Lược”. Nếu các ngươi biết luyện tập từ sách nầy theo lời dạy bảo, thì thật phải đạo thần tử. (vân vân… & …).
* * *

Các tướng sĩ nghe lời Trần Hưng Đạo vương khuyên răn, vô cùng cảm động, ngày đêm họ đã hết lòng quyết chí lo luyện tập, họ liền lấy mực xâm vô cánh tay hai chữ “SÁT DÁT”, quyết đồng lòng phục hận nước lâm nguy nhà tan biến. Do cũng từ vua Nhân Tông tới quan binh vương tướng đều chung một lòng đoàn kết, cương quyết diệt quân Nguyên xâm lăng, nên lần nầy đoàn quân Trần Hưng Đạo vương đã phá được trận chiến, ông khôi phục giang sơn, rước vua Nhân Tông trở về Thăng Long.

Thoát Hoan rút về Tàu, nhận bao cay đắng sỉ nhục, trong lòng rất uất hận, họ sửa soạn lại binh khí để nhanh chóng phục thù. Vua Nhân Tông được mật tin, liền cho triệu Trần Hưng Đạo vương đến hỏi:
- Thoát Hoan bị nhục thua trận trở về nước, chắc chắn sẽ đem nhiều quân xuống báo thù. Ta làm sao chống đỡ?

Vua Nhân Tông rất mừng rỡ khi nghe Hưng Đạo Vương tâu:
- Xưa kia nước ta thái bình, thì dân chúng an cư không tập tành chiến đấu, nên quân Nguyên dễ dàng vô cướp nước. Nay công dân nước ta đã trải qua bao phen điêu đứng khổ cực vì bọn tàn ác xâm lược dã man, chắc chắn họ đã thấu hiểu. Còn tướng quan binh lính của chúng ta đã trường kỳ nằm gai nếm mật chiến đấu, ắt đã kiên cường hơn, có dồi dào kinh nghiệm. Về bên quân Nguyên, từ khi thấy Lý Quán, Lý Hằng, Toa Đô tử trận, trong lòng họ bối rối lo âu. Nay nơi ngàn dặm xa xôi, quân Nguyên lại trèo đèo vượt biển mỏi mệt, phong thổ không quen, họ sẽ đau yếu, không ít nhiều vẫn họ lo lắng, sợ hãi, băn khoăn và nãn lòng. Theo ý tôi: nếu quân Nguyên sang An Nam lần nầy, ta đánh thì có thể dễ dàng hơn.

Tháng Hai năm 1287 – từ nguyên do nhà Nguyên lập mưu viện cớ đưa Trần Ích Tắc về nước Nam, để đưa lên phong ngôi làm An Nam quốc vương, nhà Nguyên sai các người: Thoát Hoan. Áo Lỗ Xích. Phàn Tiếp. A Bát Xích. Ô Mã Nhi… chọn 500 chiến thuyền, 6.000 quân, đi từ Vân Nam. 15.000 quân ở ngoài biển và chuyển tải 17.000 lương thực tới các châu thuộc hướng đi An Nam.

Tin trên về, các quan tướng An Nam xin tuyển thêm binh lính, thì Trần Hưng Đạo vương nói:
- Binh lính cốt giỏi, tinh nhuệ, không cần nhiều. Nếu nhiều mà không giỏi như Bồ Kiên, thì dù có trăm vạn quân, cũng chẳng ích gì!
Trần Hưng Đạo sai tiền quân đi đóng ở ba đồn: Từ.- Sa.- Trúc &
- Các tướng đem quân đi trấn giữ cửa sông Đại Than.
- Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái đem 30.000 đi giữ Lạng Sơn.
- Các quan tướng: Trần Quốc Toản, Lê Phụ Trần đem 30.000 quân vô giữ Nghệ An.

Vua Nhân Tông liền đưa thư (cho sứ giả Nguyên) trả lời với Thoát Hoan, ý rằng:
- Từ bản quốc của tôi đi qua Chiêm Thành, thì các đường: thủy, lục, bộ đều không thuận tiện.
Thoát Hoan nổi lô cồ giận dữ, sai A Lý qua An Nam, dụ:
- Bản súy ta chỉ nhờ đường Nam quốc nhà ngươi, để đi qua đánh Chiêm Thành, & nhờ nhà ngươi giúp ít lương thảo. Chứ ta không có bụng gì. Khi phá xong Chiêm Thành, Bản suý ta sẽ trọng tạ về sau. Nếu kháng cự, ta sẽ không dong tình, sẽ phá tan bờ cõi (An Nam). Có hối lại không kịp.

Trần Hưng Đạo vương đuổi A Lý về Tàu, liền chia tướng binh đi giữ ải Lộc Châu và Khả Ly. Phần ông dẫn đạo quân đi đóng ở núi Kỳ Cấp, chiến thuyền đóng ở thượng lưu sông Lục Nam (Bái Tân). Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nghe tin quân Nguyên đến, ông liền chỉ xuống sông Hòa Giang, oai dũng mà thề:
- Nếu trận nầy không phá tan giặc Nguyên, thì ta quyết không về đến sông nầy nữa.

Hưng Đạo vương sai các tướng:
- Nguyễn Chế Nghĩa, Phạm Ngũ Lão dẫn đoàn quân đi nằm phục ở Lạng Sơn (ải Nội Bàng) chờ quân Nguyên sẽ chạy về lối ấy, mà đánh.
- Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn lại cho đoàn quân Nguyễn Khoái đi tắt lên mé thượng lưu, ngày đêm làm rất nhiều cọc gỗ vót nhọn, đầu nhọn bịt sắt cắm sâu đầy xuống giữa lòng sông Bạch Đằng.

Làm xong đâu đấy phục binh An Nam bình yên nằm yên đó chờ đợi; khi thủy triều dâng lên, thì quân An Nam lên thuyền khiêu chiến, quân An Nam vừa đánh vừa nấn ná, giả vờ yếu kém từ từ rút lui binh, họ cốt ý nhữ cho quân Ô Mã Nhi đi qua lối thủy đạo đã cắm cọc nhọn khá xa.
Đến khi thủy triều rút xuống, thì quân Nguyễn Khoái quay toàn bộ thuyền lại, ồ ạt như vũ bão xông lên đánh quân Nguyên rất hăng. Đúng lúc đó quân của Hưng Đạo vương đến tiếp ứng, hợp sức với quân Nguyễn Khoái oai dũng quyết liệt hăng hái chiến đấu.

Các tướng bên quân Nguyên thấy mình đóng ở những chỗ hiểm yếu đã bị mất hết, bèn bàn với Thoát Hoan:
- Nên rút quân về - vì ta không thể cử người về nước xin cầu viện và chuyển lương thực tới tiếp tế.
Cuối cùng Thoát Hoan nghe lời, phải đành cho Phàn tiếp rút quân về lối sông Bạch Đằng. Trình Bằng Phi dẫn quân đi đường bộ. Trương Quân đi tập hậu vào tháng Ba năm 1288. Ô Mã Nhi & Phàn Tiếp thấy không thể cự nỗi, bèn quay thuyền lui binh tháo chạy, thì thuyền bị kẹt cứng ở bãi cọc nhọn, thế là Phàn Tiếp, Ô Mã Nhi, Cơ Ngọc, Tích Lệ, đã bị bắt sống; trên thuyền dưới nước quân Nguyên máu nhuộm đỏ sông, thây phơi chết la liệt như rạ.

Thoát Hoan biết tin quân mình đại bại ở sông Bạch Đằng, liền dẫn A Bát Xích, Áo Lỗ Xích, Trình Bằng Phi, Trương Ngọc, Trương Quân chạy đường bộ về Ải Nội Bàng, bị tướng Phạm Ngũ Lão chém chết, và quân binh của Trương Quân bị mai phục của Phạm Ngũ Lão đánh tan tác.

Bọn Nguyên chạy về phía núi Kỳ Cấp, nghe tiếng quân An Nam ầm ầm rượt đuổi theo, Thoát Hoan trốn trong ống đồng sợ hãi bắt lính khiêng đi, rồi sai Trương Ngọc, A Bát Xích đi trước mở đường máu. Đoàn quân Trình Bằng Phi che chở cho Thoát Hoan đi đoạn giữa, để chạy tới Đan Kỳ, Lộc Châu, tàn binh lẻn đi đường tắt về Tư Minh, rồi Yên Kinh. Đoàn quân Áo Lỗ Xích đi tập hậu. Nào ngờ quân An Nam mai phục ở hai bên sườn núi bắn tên độc xuống như mưa. Bọn bại tướng Ô Mã Nhi, Tích Lệ, Cơ Ngọc, Phàn Tiếp: đều bị bắt sống.

Phàn Tiếp hãi hùng lo sợ quá, sinh bệnh mà chết. Vua Nhân Tông thật nhân từ cho hỏa tang, rồi chu cấp đầy đủ cho vợ con hắn đem tro cốt về Tàu. Ô Mã Nhi là tên tàn ác được quân An Nam giải lên thuyền, đi nửa đường bị đắm tàu mà chết. Cơ Ngọc, Tích Lệ được vua tha, cho lính giải về Tàu. Quân Nguyên đại bại trận nầy thiệt là thua to quá thảm hại, nhục nhã chưa từng thấy.
***

Thánh nhân HƯNG ĐẠO Vương TRẦN QUỐC TUẤN sinh 10–12–1228, Mậu Tý, huyện Tức Mặc. Nam Định. Từ trần 20–8-1300, Canh Tý tại Vạn Kiếp, Chí Linh. Hà Nội.
Ông là con của An-sinh vương Trần Liễu (cha của Trần Quốc Tuấn là anh ruột vua Trần Thái Tôn), quê ở làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định. Ông Trần Quốc Tuấn diện mạo khôi ngô, tuấn tú, thông minh kỳ vĩ. Thời thiếu niên ông học rộng, tài cao - năm lên 6 tuổi ông đã làm thơ ngũ ngôn hay, tuy còn nhỏ ông đã biết chơi đồ bát trận. Ông đọc hết các sách lục thao, tam lược. Ông thật là thơ, văn, võ... uyên thâm song toàn khác thường.

Tuy dòng dõi vương quan, nhưng tính tình ông Trần Quốc Tuấn giản dị, bình dân, khoan hòa. Ông Trần Quốc Tuấn vì trọng tình nước đã quên thù nhà, ông thương người và bao dung, độ lượng. Ông Trần Hưng Đạo vương đúng là một bậc thánh nhân lừng lẫy, phi thường, kiệt xuất. Ông TRẦN HƯNG ĐẠO vương Trần Quốc Tuấn rất xứng đáng để mọi người trân trọng ngợi khen và bội phần kính phục.

Các vị danh tướng oanh liệt ngàn năm một thuở xa xưa, danh tiếng vang dội lẫy lừng khắp bốn bể năm châu, muôn đời trên thế giới vẫn nễ phục. Họ lưu danh thiên cổ trong sử sách cho hậu thế noi theo: Mặc dù thuở đó vũ khí mộc mạc, thô sơ, nhưng họ đã anh dũng, kiên cường, quyết đồng lòng tiêu diệt bọn ngoại xâm. Ngỏ hầu đem lại an vui bình yên vinh sang cho dân tộc, và góp phần xây dựng quê hương đất nước trường tồn giàu mạnh thời ấy… Rất đáng trân trọng tôn vinh và kính phục dường bao!

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử VIỆT NAM buồn vui vinh nhục… tang thương & rối ren… Ngày hôm nay đây, biết có mấy ai dám mạnh dạn đứng lên giành lại giang sơn, tổ quốc, quê hương như: Hai bà Trưng, bà Triệu, vân vân… & vân vân… giống như nhiều vị anh hùng lẫm liệt, oai phong thuở xa xưa khác của chúng ta không?

Có ai giống như đức Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã hiên ngang, dũng khí đánh đuổi bọn Tàu Chệt, (bài học nhục nhã nhớ đời về trận Bạch Đằng giang, khiến chúng xấu hổ bưng mặt cúi đầu lũi trốn về Tàu.

Cái bọn Tàu dã man ấy, ngày nay đã, vẫn giành đất nước quê hương Việt Nam dấu yêu của chúng ta, phải mất Ải Nam Quan & lấn chiếm đất, cướp biển… Trường Sa, Hoàng Sa, cùng sát hại rất nhiều ngư dân Việt Nam vô tội) - (!?).
* * *

Tình Hoài Hương

* THH biên soạn bài viết theo lịch sử Việt Nam, từ:
* ít sách trong Bộ Giáo Dục V N C H
* Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim).
* Nam Hải Dị Nhân (Phan Kế Bính).
* Đại Cương Lịch sử Việt Nam (Nguyễn Khắc Thuần).
* Notion d’ Histoire d’ Annam, par Maybon et Ruissier.
* Abrégé de l’ Histoire d’ Annam, par Shreiner.
* L'Empire d' Annam, par Goselin.
* L'ínurrection de Gia Dinh, par J. Silvestre.
* ít nghiên cứu từ Wikipedia.
- Sử quán triều Nguyễn, "Đại Nam thực lục".
- Sách “Tây Sơn thực lục”.
- Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ...
(Đại Nam chính biên liệt truyện).
***
Tình Hoài Hương

* * *

muahong
08-10-2014, 07:36 AM
.




Đời nhà Trần chúng ta thật nhiều tướng tài như Trần Quốc Tuấn , Trần Quang Khải , Trần Bình Trọng , Trần Nhật Duật , Trần Khánh Dư ..., trong đó nổi bật nhất là tướng Trần Quốc Tuấn - Hưng Đạo Đại Vương . Nhờ tài thao lược của Ngài mà quân ta đã đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông , dù đội quân này nổi tiếng hùng mạnh bậc nhất thế giới thời bấy giờ . Nhiều nơi trong nước đã lập đền thờ Ngài , gọi một cách kính cẩn là Chùa Thánh .
Đọc bài Trần Hưng Đạo Vương của THH , người đọc cảm thấy như có luồng sinh khí chạy rần rần trong cơ thể . Xin cám ơn tác giả .

Tinh Hoai Huong
08-29-2014, 07:04 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1409295954.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1409296106.mp3


Bé Lọ Lem & Tình Người Xa Lạ
Sau khi đi thăm em ở Pennsylvania, New York, Ohio, Canada... về,
THH thương tặng nhân vật chính:
Trương thị Thu Huyền (Hoa) một loạt bài viết về câu chuyện thật của em tôi.
***

Với lứa tuổi ngây thơ dại khờ của bé Hoa lọ lem… qua những tháng ngày ở nhà ôn mệ Bộ Tri Cúc, nơi đây họ có một vườn ươm cây tối tân, bao la, đầy đủ tiện nghi, sung túc nhất miền Trung thời bấy giờ (tại thôn Thượng Phước, xã An Đôn thuộc quân Triệu Phong, Quảng Trị) trang trại ấy an ngự bên dòng sông Dư Lệ mơ màng, có hàng tre nghiêng mình êm đềm soi bóng nước, có những con đò ngang dọc khua mái chèo dậy sóng mỗi sáng trưa khuya chiều, có rặng dừa thẳng tắp, có đồi trà bao la và từng luống cà phê xanh um ngút ngàn.

Rồi sau nầy gia đình ôn mệ dời nhà vô lập vườn ươm cây mới nữa tại khu đồi sim bạt ngàn ở Mỹ Chánh, thì Hoa thật sự hạnh phúc: mỗi tối Hoa được nằm ngủ bên mệ, được tinh nghịch rờ vú mệ, được mệ vui vẻ trìu mến nhìn mình âu yếm kể chuyện cổ tích, được mệ ví mình xinh đẹp và ngoan hiền như chị Thùy Mến (con gái út của mệ)…

Thế rồi hình ảnh mơ hồ của chị ấy cũng thâm nhập vào tim Hoa. A! té ra ta có nét giống chị ấy, nên được ôn mệ thương ha. Mãi sau nầy khi lớn khôn hơn, Hoa mới nhận ra rằng: chẳng phải do mình giống chị có đôi mắt to, sóng mũi cao, miệng cười tươi lộ hai hàm răng trắng đều nho nhỏ, mái tóc dài quăn tự nhiên, nên Hoa mới nhận được tình thương mến, ân cần, âu yếm của họ về một đứa trẻ thơ không cùng huyết thống. Mà do họ thương cảm Hoa, vì mình chỉ là đứa trẻ non nớt đang lâm vào cảnh đoạn trường khổ sở, vất vả nhọc nhằn, ngỏ hầu đứa trẻ nầy gánh vác gia đình cha mạ và bầy em của mình bớt cảnh nghèo khó. Thì ra là vậy.
Ngó đâu ngó đó thì vui
Ngó về phụ mẫu bùi ngùi nhớ thương*. (*).

Đúng là Hoa nghĩ như thế, chắc có lẽ cha mạ buồn. Nhưng không phải lỗi của cha mạ do nghèo xơ nghèo xác đâu. Chẳng qua là vì hoàn cảnh ngặt nghèo mà cha mạ nuốt tủi ngậm hờn: cha lính tráng “cấp bậc binh nhì hèn mọn”, mà tụi bạn nhỏ của Hoa khi đó ưa lêu lêu trêu chọc: “mi là con của ông đơ dem cùi bắp” hết đổi đi đây đó, lại đi xa nhà chinh chiến liên miên, cái chết treo ở đầu tơ kẽ tóc, lòng dạ cha ngổn ngang trăm mối tơ vò:
Nhà vách nát mưa luồn gió tạt
Nhớ đến mình chua chát lòng qua*. (*)

Mạ “mình hạc xác ve” một nắng hai sương vất vả với cơm áo gạo tiền, nên quần vo áo vận, suốt ngày mạ quần quật vẫn lam lũ. Buôn bán thì không vốn liếng, nên mạ chỉ làm thuê cuốc ruộng, mạ khó khăn vất vả nuôi các con nhỏ dại. Nhất là khi mạ cấy lúa đỏ, là những nơi nước ngập lên thấu háng! Hoa không điêu ngoa khi tả cảnh nước ngập quá đáng đâu, mà sự thật là nước lên tới háng thiệt. Mạ sợ đỉa, sợ trun chun vô chỗ kín, mạ sợ sâu… thế mà người thiếu phụ trẻ ở nông thôn phải làm nghề cấy lúa. Thật quá khổ cực nhọc nhằn trên:
“Quê em óng ánh tơ vàng.
Ruộng nương thẳng tắp ngút ngàn dâu xanh”:
Nghèo đến nỗi có giường không chiếu
Lo nồi cơm sớm lại thiếu nồi chiều* (*)

Ôi những ngày buồn! Mạ đầu tắt mặt tối... không có thì giờ chăm sóc dạy dỗ con cái nheo nhóc. Chao ơi là tội! Đôi lúc Hoa nhớ lại những ngày mùa đông trời gió bão rét mướt, lạnh thấu xương; các con ngóng cổ đợi mạ mỗi ngày mặc áo “tơi chợ” , là loại áo tơi chằm bằng vài lớp lá kè mỏng, có sợi mây xâu vô lá nhẹ tênh. Không có tiền, nên mạ chỉ mua loại áo tơi nầy rẻ, khi dùng áo tơi lâu ngày sẽ bị mục, lá rơi xuống mà sợi mây vẫn còn đeo bám ít chỗ chưa bị mục, mưa gió thấm vào thân thể, mạ càng lạnh thấu xương. Vậy mà mạ cần cù nhẫn nại lom khom đi làm thuê cấy mướn, tối về mạ run rẩy đùm mấy lon gạo trước vạt áo dài cũ sờn vai… Những lúc Hoa và các em không thấy tay mạ ôm vạt áo dài trước bụng, thì chị em đều biết tối đó cả nhà không có cháo ăn, mà chỉ chia sớt nhau ăn vài mụn khoai sắn bé tí tẹo, uống nước vối cho qua bữa, bụng dạ cồn cào sôi sục kêu réo lục ục suốt đêm, không làm sao ngủ yên!
Ngày nào trời nắng chang chang
Mẹ con đốt củi kiếm than, no lòng.
Trời làm một trận mênh mông
Mẹ con nhịn đói nằm không ba ngày*. (*)

Tuy khổ cực như thế, nhưng Hoa chẳng bao giờ nghe mạ than:
Người ta chân dép chân giày
Em đây làm lụng cả ngày lấm chân* (*)

Và em bé Hoa: Không ai có thể ngờ rằng một con bé mới năm sáu tuổi đầu non nớt, đã kín đáo lân la bên người lớn là O Câu để chăm chỉ chuyên cần học nghề chằm nón lá. Sau đó mình về cẩn thận chu đáo dạy lại cho mạ làm từng chi tiết. Hoa vui mừng hãnh diện biết mạ bớt làm lụng nặng nhọc vất vả, vì bi chừ mạ đã có tay nghề vững vàng như ai. Tục ngữ đã có câu: “ruộng bề bề không bằng có một nghề trong tay”, quả không sai, huống hồ chi ruộng đây chẳng phải là của riêng mình!

Tuy đôi mắt mạ mờ do khóc nhiều, không còn tinh anh như những lớp người đồng trang lứa với mạ, mạ chằm nón chậm, nhưng đường chằm mủi đột khéo léo, coi khá đẹp. Vài ngày mạ bán được một cái nón bài thơ hai ba đồng, thì mạ tạm nuôi con đủ sống qua ngày. Mùa đông bão lụt, mạ không còn đội tơi mưa nón rách áo cánh mong manh, mà lặn lội đi xa mấy cây số, ngâm mình khom lưng cả ngày dưới đồng ruộng nước sâu! Cho nên. . . dù ở môi trường nào, lĩnh vực nào thì Hoa biết: “Ơn cha thênh thang tựa biển. Nghĩa mẹ dài dằng dặc tựa sông” (*) Hoa phải lớn nhanh lên vượt thời gian trước tuổi thơ với tình thương của người xa lạ.

Thế là Hoa thút thít, không dám khóc đâu mà hai hàng nước mắt tuôn trào, em đã ôm ít quần áo lẽo đẽo ra đi theo cậu Thuận… lăn vô đời mạnh dạn làm nghề “ở đợ” không hề xấu hổ. Ngay từ tuần lễ đầu tiên bước vô nhà cậu Thuận, mợ đã không thích con bé quá nhỏ, (chỉ mới chín tuổi), thì làm nên trò trống gì. Mợ nghĩ: “nuôi nó, tốn cơm, ta không nhờ vã sai bảo được gì”. Nhưng rồi thấy Hoa thông minh, lễ phép, siêng năng làm việc nhà, mợ Thuận tự ý bàn với cha mạ Hoa cho nó tiếp tục đến nhà mình giữ em, khi rãnh rang mợ sẽ dạy Hoa học chữ. Mợ hứa với cha mạ sẽ thương Hoa như con cháu. Thời gian Hoa ở đây, sẽ khấu trừ khoảng nợ mà cha mạ Hoa đã mượn trước. Cha mạ của Hoa rất đắn đo suy nghĩ, băn khoăn, lo sợ:

- Con gái tui sống ở quê nghèo không chữ không nghĩa giữa vùng xôi đậu, chiến tranh liên miên lộn xộn, nhất là kiếp nghèo đeo đẵng và đói khát triền miên. Thật đau lòng khi con không có tương lai. Nếu con sống ở thành phố Huế, trước tiên là con thoát ra khỏi vùng chiến tranh, sau là không bị đói khát, đau ốm thuốc thang dễ dàng xí. Không như ở nơi nhà quê hẽo lánh, chẳng có bệnh viện, trạm y tế xa nhà bốn cây số, thuốc men leo teo, khiêm tốn đơn sơ. Cho con đi theo họ, con biết chữ càng tốt. Dẫu sao cũng đỡ đần tấm thân.

Nào ngờ… khi Hoa túm ít bộ áo quần cũ để chính thức sống trong gia đình nầy, mợ không giữ lời hứa, Hoa làm con ở, hết gánh nước lại bồng em, phụ mợ làm việc nấu cơm canh, quét dọn, giặt giũ, mọi việc đều giống hệt như người lớn, Hoa làm việc không hề ngơi tay. Con đầy tớ nhỏ không lương luôn bị mợ đánh đập những điều vô cớ và rất vô lý: Hoa không hề có lỗi do chính mình tạo ra; mà nguyên nhân là do mợ ghen bóng ghen gió cậu với ai ai ở ngoài đường, chẳng rõ. Cứ ba bốn lần trong tháng, khi cậu đi làm về, mợ hết càu nhàu cằn nhằn, mợ ngắt nhéo cậu bầm tím cho đã, nhưng vẫn chưa thỏa lòng, mợ quay ra kiếm chuyện với Hoa, rồi mợ cú đầu khỏ trọ Hoa đau điếng. Lần nào, trước sau gì cũng thế! Hoa không thể hiểu được sự đối xử dã man, ác ôn dễ sợ, không nguyên cớ chính đáng, cũng chẳng do mình gây ra! Tội nghiệp cậu lắm, những lúc đó cậu len lén nháy mắt nhẹ hất hàm như ngầm bảo Hoa (cậu đã dặn dò Hoa nhiều lần trước):
- “Con hãy bồng em mà chạy trốn ra khỏi tầm mắt của mợ nghen”.
Mỗi lần như thế, Hoa bế thằng con cuả họ lo chạy tuốt ra cuối ngỏ, ôm em mà khóc lóc thảm thiết. Hoa được cậu Thuận thương, Hoa chẳng bao giờ bị cậu la rầy, đôi lúc cậu còn nhét vào tay Hoa vài viên kẹo, cậu bảo rằng:
- Cháu không nên cho mợ biết nghen”.

Có những lần chú Quyền (em của cậu Thuận) ở Sơn Trà sang thăm, cậu cũng xoa đầu nhìn mình với đôi mắt mến mến. Mấy lần Hoa được cậu mợ cho ra nhà ôn mệ (cha mẹ của cậu Thuận) nghỉ hè, ở nhà quê không khí trong lành thoáng mát. Hoa đang bồng em Thiện (con của cậu mợ chủ) đứng chơi trước sân, bỗng Hoa nhìn lên trên đồi sim, thấy có hai bóng người xa xa thấp thoáng trên triền dốc đi xuống, người con gái mặc áo dài tím, quần trắng, đầu đội nón lá, tay xách valy nhỏ, đang đi với người con trai cũng xách mấy thứ cồng kềnh. Mình kêu to:
- Mệ ơi, có ai đến nì?
Mệ nhìn lên và nheo mắt lại, một chút sau mệ nói:
- Không lẽ hai đứa nó lại về thăm!?
Mình hỏi mệ:
- Ai rứa mệ?
Mệ nói:
- Con của mệ.

Hai người ấy đã đến trước sân, họ mừng mừng, nói nói. Em Thiện thì sợ nên nó khóc, Hoa phải đưa em đi chỗ khác, để mệ vui mừng gặp con của mệ. Sau đó người con gái đến sau lưng Hoa và dịu dàng xoa đầu, hỏi:
- Em là bé Hoa xinh xinh phải không?
Hoa ngại ngùng cúi đầu “dạ” nho nhỏ. Chị ấy nói:
- Chị là Thùy Mến, ôn có nói với chị về em. Chị đã mua quà cho em nè.
Chị đưa cho Thiện bánh quy. Hoa thì bọc kẹo mè xững thơm mùi gừng, và mấy bộ áo quần mới. Hoa nghe thêm nữa là tiếng của người con trai khoảng mười tám hai mươi tuổi, anh ấy thanh lịch nói giọng Huế ngọt ngào:
- À, em Hoa đây hả? anh là Dzoãn, ôn kể về em với anh. Thì ra tóc em cũng quăng xoắn như ri hì?
- Dạ… thiệt ra em không phải tên Hoa, mà tên là Chắt. Tên Hoa là do ôn đặt cho em nà.
- Ôn đặt cho em tên Hoa là phải, em xinh như hoa. Biết không?

Cúi đầu e thẹn, với chị Thùy Mến thì Hoa sung sướng khi nghe lời khen ấy, nhưng với anh Dzoãn sao Hoa cảm thấy hai má bừng bừng, bẽn lẽn, ngại ngùng run run làm sao ấy? Rồi ôn đi thăm bệnh nhân ở xóm mới trở về. Hai ôn mệ mừng con cái, nên cả nhà vui vẻ rộn rịp, họ huyên thuyên kể chuyện nầy sang chuyện khác. Chợt thấy Hoa đang bồng em đứng xớ rớ gần anh chị, ôn tới xoa đầu và nựng Hoa câu:
- Tổ cha con tóc quăng: cháu giống ai, con ai… mà ôn thương dữ rứa hè.

Mỗi lần ôn nựng Hoa câu đó, Hoa vui thích đến ngẩn ngơ mà lòng rộn ràng xúc động, đôi mắt long lanh… Đến giờ ăn trưa, Hoa trải chiếu giữa khu nhà ngang, nơi có gió lộng rất mát và có giàn thiên lý tỏa mùi thơm thoang thoảng. Hoa được ngồi ăn chung mâm với gia đình sang quý của họ, một việc mà “phận hèn tôi tớ” như Hoa, ít khi được chủ nhà đặc biệt ưu ái ban tặng. Nhưng gia đình ôn mệ không hề phân giai cấp! Hai anh chị ấy hay gắp thức ăn bỏ lên chén cho Hoa. Mình vui sướng quá, cảm thấy nghèn nghẹn ở cổ, hình như tay mình bị run? ăn uống chẳng thấy ngon và biết mùi vị ra sao, vì tâm Hoa rộn ràng với hạnh phúc mới, và lo sợ cho ngày vui sẽ chóng tàn.

Ngày nào Hoa cũng được gần bên chị ấy, nhất là những lúc em Thiện ngủ, chị đưa Hoa ra dưới những rặng phi lao lộng gió, nơi chân đồi sim gần bờ suối, có làn nước trong xanh mát lạnh uốn mình chảy róc rách suốt tháng ngày. Sau khi hai chị em tắm gội giặt giũ xong, chị em ngồi trên tảng đá thòng đôi chân xuống vọc nước, dòng nước thoa nhẹ trên đôi chân bé bỏng, Hoa có cảm giác nước mơn man da thịt mình êm dịu lạ lùng. Hoa được chị chải tóc và bắt chí cho. Chị rầy rà:
- Em ở dơ quá! ghê thật! em không lo tắm rửa, chí cắn hết máu, chết cho mà xem.
- Ôi ghê rứa? Chí nhỏ rứa mà cũng giết mình được hở chị?
Chị cười rất xinh, đôi mắt mơ màng trông đẹp làm sao, khuôn mặt chị hiền lành dịu dàng và nụ cười tươi thắm. Có lẽ chị hù cho em sợ, vì cái tật… không phải em “ở dơ”; mà do chị thương em bận bịu nhọc nhằn, tại cái chuyện “ở đợ” mà ra.
- Ừa, nó hút hết máu, thì ghẻ lở, nhiễm trùng, sinh bệnh, có thể chết người, chứ sao!
- Mà chị nè, em không là cái chi, răn chị thương em nhiều rứa?
- À… có nhiều lý do.
- Lý do gì hả chị?
- Thì do em… tóc quắn nè. Ngoan nè. Ha ha ha…
- Tóc của mấy anh chị cũng quắn mà.
- Em xinh xắn, thông minh, khôn ngoan, lễ phép, và… do chị là út, nên thích em làm em gái chị. “Em tôi” tuy còn nhỏ tuổi, nhưng khổ trước tuổi và khôn trước tuổi. Ba má chị rất yêu thương Hoa, coi em như con cháu ruột, không hề phân biệt đối xử đâu. Em biết không.
- Dạ… dạ.

Hoa cảm động đến nghẹn ngào ứa hai giọt nước long lanh bên khóe rồi lăn dài xuống má. Hoa không nhớ anh chị ấy ở lại với cha mẹ của họ và mình được bao lâu? Ngày tháng ở Mỹ Chánh trôi qua êm đềm trong tình thương của ôn mệ, anh chị, cùng niềm vui lớn lao nữa là: thỉnh thoảng có mạ của mình ở ngoài làng Trường Sanh vào Mỹ Chánh thăm con. Vì những ngày ở Mỹ Chánh, ôn mệ tro6ng coi em Thiện dùm, có cho Hoa về quê thăm nhà, ở lại nhà mấy ngày. Ngày trở vô Mỹ Chánh mình dẫn đường cho mạ biết nơi ôn mệ ở đây.

Cứ mỗi lần mạ, hoặc ôn xoa đầu Hoa, là đứa bé nầy cảm thấy sung sướng vui vẻ hạnh phúc nhất trên đời. Khi mạ, ôn mệ… rời khỏi Hoa, là đứa bé buồn nhất trên đời! Mỗi lần như thế Hoa khóc cả mấy ngày mới thôi! Kỳ lạ, sao mình hay khóc nhè quá đi! Sau này chị đến với em cũng thế. Những ngày được gần bên chị, Hoa như đứa em út yên ấm trong vòng tay yêu thương của chị. Thời đó chị là một nữ sinh thanh nhã đoan trang đài các học trường Tây kia mà, sao chị lại thương con bé lọ lem như em, hở chị?

Em còn nhớ mùi hương thơm phơn phớt từ da thịt chị gần bên em khi cả nhà đi hái sim. Mặc dù chị còn rất trẻ nhưng thỉnh thoảng chị viết văn, ngâm những bài thơ chị làm cho Hoa nghe, chị kể chuyện mối tình đầu non dại, trong sáng, tự chị muốn chia ly, đã tan vỡ cho mình nghe nữa. Hoa nhớ lại ngoài làng An Đôn Thượng Phước, O Sáu (chị lớn thứ 6 của chị Thùy Mến) ưa hát: “ai có về trên bến sông Tương, nhắn người bên ấy tôi thương…”. O Sáu cũng có kể mối tình tan vỡ như thế cho mình nghe. Ồ… sao mối tình đầu ưa tan vỡ thế không biết. Chắc họ còn nhỏ dại nên không biết cách trân quý giữ gìn chăng?

Những ngày tháng trôi qua thật êm đềm trong tình thương của họ đối với Hoa như ruột thịt, tưởng không bao giờ chấm dứt. Thì một ngày kia chị và anh trai của chị phải từ giã em, để về lại một nơi chốn nào đó thật xa xôi! Chị an ủi Hoa và lau những hàng nước mắt tuôn trào đầy xúc động trên má bé lọ lem! Chị dặn dò đủ thứ:
- Em đừng buồn, là em kết nghĩa với chị mà lo gì ha. Bây giờ chị phải trở vô trường nội trú học. Kỳ Tết hoặc nghỉ hè, chị lại về thăm ôn mệ, thăm em mà. Em nhớ ở cho sạch, đừng để chí hút hết máu, nhớ không ra ngoài ban đêm, vì đây có cọp. Chị về lần sau, sẽ cho em quà và áo quần mới đẹp nhiều hơn...
- Trường nội trú là chi, ở đâu hả chị?
- À, trường nội trú Couvent des Oiseaux do những bà xơ cho học sinh đi học, ăn ngủ ở lại trong trường, em à.

Khi chị đi học xa, mình biết là sẽ lâu lắm mới hy vọng chị sẽ về thăm nhà, nên Hoa đứng bịn rịn tiếc thương buồn bã nhìn chị khuất bóng sau đồi sim bạt ngàn, lúc ấy trong lòng Hoa như cả thế giới sụp đỗ, Hoa mới khụy xuống sân gạch ôm mặt khóc nức nở! Mệ thấy Hoa khóc như vậy, cũng bùi ngùi khóc theo. Mặc dù chị về quê thăm gia đình và ở với Hoa mấy tháng ngắn ngủi, thế mà chị thương Hoa như em ruột. Khi chị bỏ em đi học, Hoa khóc hoài. Rồi thời gian xa cách, Hoa cứ mang theo hình bóng chị và tình thương ấy như là hơi thở cần thiết cho sự sống của mình. Có đôi lúc nhớ chị quá, Hoa không biết phải làm sao, nên tự nói và tự trả lời dường như an ủi với mình: chị Thùy Mến vẫn ở bên em, chị là người chị đầu tiên trong đời thơ trẻ của em, chị không biết đâu, chị vô tình mang đến cho em cây hạnh phúc to lớn nhất. Em chỉ là đứa bé chín tuổi, đứa bé sống buồn tủi quạnh quẽ, thấp hèn đang chập chửng từng bước rụt rè vào đời, mà bất cứ đứa bé nào vào tuổi ấy cũng nhút nhát, sợ sệt khi không có người thân, bất cứ đứa bé nào ở tuổi ấy cũng cần tình thương. Thế mà ôn mệ và chị đã trìu mến yêu thương em, ôn mệ và chị là vị thánh trong tim Hoa thời ấy.

Hoa vẫn nhớ bàn tay búp măng của chị ưa vuốt tóc em, Hoa nhớ chị la em không chịu gội đầu, để chí hút hết máu. Nhưng sao chị không gớm khi đầu em đầy trứng chí, lúc nhúc chí mén, chí cồ, hở chị? Hoa nhớ hồi đó chị ưa ôm em vào lòng và hôn lên mái tóc quăn của em chùn chụt. Những tháng ngày ngắn ngủi bên chị, nhưng cho Hoa trở về giây phút thần tiên nơi dòng sông Dư Lệ, nơi có đồi cà phê, đồi trà của ôn mệ bạt ngàn nhấp nhô tại Thượng Phước, An Đôn… Quảng Trị, và dốc đồi sim tím có suối nước trong xanh tại làng quê Mỹ Chánh, nơi mà gia đình ôn mệ, anh, chị… đã gieo trồng trong lòng đứa em thơ dại chuỗi hạt giống tình thương bền chắc, rực rỡ, tinh tuyền và đẹp hơn chuyện thần thoại. Hoa trân quý mang theo làm hành trang trọn cuộc đời. Ngày ấy em chưa biết chi về kiếp trước kiếp sau, vài năm sau khi biết rồi, em cứ ngửng mặt lên trời xin nguyện: “kiếp sau xin cho con được dịu dàng như chị ấy ngài nhé”. Hoa quyết tâm noi theo tấm gương sáng của ôn mệ, của chị Thùy Mến… Nghĩa là em bé lọ lem sẽ quyết chí mang tình thương chận thật chan hòa đi rải khắp mọi nơi.

Anh Dzoãn và chị Thùy Mến đã ra đi ít lâu, sau đó cậu Thuận về Mỹ Chánh, Hoa thật vui mừng khi gặp lại ông chủ mà mình gọi bằng cậu, nhưng Hoa nghe cậu nói với ôn mệ là cậu đổi vào làm việc ở Đà Nẵng, một nơi nào đó nghe lạ lùng và xa thẳm đối với mình! Cậu về đây đón bé Thiện vào Huế, để dọn nhà đi. Ôi! Hoa nghe rồi như trời long đất lở, rụng rời, run rẩy… bèn òa lên khóc thật lớn. Ôn mệ thấy vậy thương Hoa, ôn nói với con trai:
- Con cứ đưa gia đình đi Đà Nẵng trước đi, để cháu Thiện ở với ba mẹ thêm một thời gian nữa. Con thấy không, cháu ra đây hợp khí hậu, nên cháu Thiện mập mạp ra nì.
Cậu không chịu:
- Nếu con còn ở Huế thì được, nhưng nay con đổi đi xa, thì cách trở đi về bất tiện.

Suốt đêm đó mình ôm mệ mà khóc, khóc không nói được những gì muốn nói! Hoa rất sợ phải trở về bên mợ! Thế là mình phải theo cậu lên chuyến xe vào Huế. Hoa sực nhớ: “sao hôm qua không xin cậu Thuận cho mình về làng thăm mạ và mấy em, để báo tin này cho mạ biết mình phải vô Đà Nẵng nhỉ? Tại sao mình không trốn về với gia đình, rồi chuyện gì đến hãy tính sau! Bi giờ đã lỡ hết rồi! Khi xe dừng tại một đoạn đường nào đó, ngồi trên xe Hoa nhấp nhỏm ngó lui nhìn tới tính nhảy xuống xe, bỏ chạy. Cậu biết ý, giữ tay mình, khuyên:
- Thôi con cứ đi với cậu, khi mọi chuyện ổn định, cậu cho con về thăm cha mạ con nghen.

Nghe vậy Hoa cũng cảm thấy có chút yên tâm. Vào lại Huế, cả gia đình ở nhà ngoại, (cậu đi trước vô Đà Nẵng để mướn nhà, sắp đặt chỗ ở xong, cậu về đón cả nhà mợ đi sau). Hoa không nhớ được mấy ngày về ở dưới quê ngoại Cầu Ngói Thanh Toàn. Nơi chốn ấy khác xa với nhà ôn mệ! Họ là những người sống hời hợt, quá bình dân mà luôn luôn ồn ào và bài bạc tứ sắc, vị kỷ, chẳng có chút tình cảm ruột thịt đối đãi với nhau! Hoa cảm thấy quá xa lạ càng lạc lõng, bơ vơ, cô độc vô cùng. Hằng ngày Hoa cứ lo giặt giũ, nấu cơm rửa chén, ngồi chò hỏ dưới bếp ăn sau chót, và bị mấy người em của mợ chủ ăn hiếp, sai vặt, la hét ỏm tỏi. Thật điếc tai, thấy mà ghét! nhưng bản tính Hoa cố đè nén chịu đựng cho qua ngày tháng.

Rồi cậu Thuận về đón gia đình vào Đà Nẵng. Lần đầu tiên xa nhà, đi trên đường Hoa cảm thấy lạ lùng bỡ ngỡ, nhưng nhìn cảnh vật thật đẹp, rừng núi, đèo Hải Vân cao chót vót nhìn xuống biển đẹp ơi là đẹp. Khi xe bắt đầu vào thành phố, mình đoán đây có lẽ là Đà Nẵng? Ôi chao là người và người chen lấn đông vui, tiếng máy xe nghe ồn ào hơn ở Huế. Đến nhà cậu thuê ở tạm không biết mấy tháng, Hoa không nhớ rõ. Sau đó thì gia đình họ dời đến một ngôi nhà rộng rãi khang trang hơn ở Thanh Bồ Đức Lợi, nhà nầy có mặt tiền là đại lộ Đống Đa, mặt sau nhà gần đường xe lửa, có hồ, ruộng nương. Thời gian này Hoa bị mợ, (tức là bà chủ) trở lại quá khó chịu, ác ôn như lúc trước khi còn ở Huế. Hoa buồn quá, đêm đêm chỉ biết lăn lộn trên xó giường ôm mặt buồn tủi khóc rấm rứt một mình.
***
Thế rồi tháng năm buồn thảm trôi qua, một ngày kia có người đàn bà tuổi cỡ 24-25, khuôn mặt phúc hậu, tay chị ẵm đứa nhỏ, tay xách hành lý, chị ấy bước vào nhà mợ chủ, và tự giới thiệu:
- Tôi tên Lộc, là chủ căn nhà mà chị muốn mua nè.

Hai bên mặc cả giá tiền mua bán nhà, họ thỏa thuận để Lộc tạm thời ở chung ít ngày (mà làm giấy tờ mua bán nhà). Trong thời gian đó người nầy rất dễ thương, Lộc thường đến bên Hoa lân la vui vẻ chuyện trò. Người ấy không cho mình gọi bằng cô bằng bà chi hết, Lộc bảo Hoa cứ gọi là chị. Ngày nọ mợ Thuận đi chợ, Hoa ở nhà một mình với Lộc, chị đã hỏi:
- Em có muốn thoát ly không?
Hoa mới có mười tuổi đầu, còn non nớt thì làm sao hiểu, chẳng thể nào hiểu hết nghĩa của chữ “thoát ly” nghe văn chương “huyền bí và cao sang” đó là gì, nên mình hỏi lại, và được chị ấy giải thích:
- Thoát ly nghĩa là em bỏ trốn nơi nầy, để đi nơi khác...

Hoa không tin, vì sợ rằng “họ âm mưu với nhau” để mợ chủ viện cớ Hoa trốn thoát, lôi mình ra đánh nhiều thêm. Lộc biết được ý tưởng của Hoa, nên chị cầm tay và nói lời thương yêu, để em tin. Thế là Hoa bằng lòng nghe lời Lộc “bỏ nhà trốn đi”. Lộc cho Hoa tiền ăn, tiền xe đi đường kha khá, chị viết giấy mách chỉ đường đi nước bước từng mục rõ ràng: từ Đà Nẵng lên Pleiku. Trước hết là Hoa phải có cơ hội:

Chờ mợ chủ đi chợ vắng, nhưng ở trong nhà phải có người lớn (anh em của mợ) ở nhà, Hoa nhờ họ trông coi nhà và giữ em Thiện, thì họ sẽ không vu vạ mình ăn trộm của họ, và cái tội “con ở làm mất em”. Lộc căn dặn Hoa cất giấy ghi chú, tiền bạc cẩn thận, kín đáo, không sơ hở cho ai biết; Ở Đà Nẵng ra đi, em mặc vô trong người ba bốn bộ áo quần, trên tay không cầm theo bất cứ cái gì. Em đón xe xích lô ra bến xe đi Pleiku. Mua vé, lên xe, khi xuống xe trên Pleiku, em tìm xích lô nhờ ông ta coi địa chỉ, mà chở Hoa đến nhà chị.

Sau vài ba tuần, kể từ ngày Lộc đi. Lúc nầy quả thật Hoa thấp thỏm lo lắng, sợ sệt, bối rối vô cùng. Trăm thứ âu lo dằn vặt ấp ủ trong lòng, Hoa không biết thố lộ cùng ai, chỉ im lìm ngoan ngoãn mà câm như hến. Ngộ lỡ như cuộc “đào tẩu thoát ly” nầy bất thành, chắc hẳn là mình sẽ bị mợ hành hạ, đánh cho thịt nát xương tan ra nhừ tử, chứ chẳng chơi. Rồi cơ hội đến, lúc đó em của mợ là cậu Nam tới nhà chơi, cậu chủ đi làm, mợ đi chợ vắng. Hoa lẽn vô phòng mặc chồng lên người bốn bộ quần áo cũ, nhét tiền Lộc cho vô túi áo cẩn thận với tờ giấy dẫn đường. Hoa không quên lấy kim băng gài lên túi áo, cho chắc cú.

Hoa e dè rón rén… lo lắng hồi hộp ra nhờ cậu Nam trông coi nhà, coi dùm cháu, cho “con đi ra ngoài kia một xí”. Mười tuổi Hoa đã biết thế nào là “thoát ly” và nhìn trước ngó sau, bạo dạn, hổn hển thở, cắm đầu cắm cổ chạy một mạch ra khỏi góc đường Đống Đa, lúc đó Hoa kêu xích lô đi lên bến xe. Ngồi trên xích lô Hoa vẫn nhấp nhỏm, hồi hộp, bồn chồn lo âu đầy ắp, trong lồng ngực nghe nhịp tim đập thình thịch.
Thời gian hơn hai năm ở nhà Lộc, Hoa vui mừng hớn hở làm nhiệm vụ bồng bế, tắm rửa cho đứa con bé bỏng của Lộc, cùng em “ăn chơi”, Hoa được sung sướng hơn ở nhà cậu mợ Thuận. Lộc nói:

- Chị cho em chút ít tiền xài vặt thôi. Lúc nào em muốn về thăm nhà, chị sẽ đưa hết tiền cho em mang về cho cha mẹ”.
Nghe Lộc nói “về thăm nhà” bỗng dưng Hoa nhớ ôn mệ, anh Dzoãn, chị Thùy Mến cha mạ và các em kinh khủng! Hoa không nhớ hai anh chị ấy ở lại với mình được bao lâu, mà tình chị trong em đã vượt trội lên cao ngút, niềm tin yêu đằm thắm ngự mãi trong lòng em êm ái xiết bao! Hoa thấy gia đình ôn mệ nội (của em Thiện) hiền hòa tri thức quá. Ai ai cũng văn chương, ai ai cũng phúc hậu, ai ai cũng đầy ắp tình người đối với người (chỉ trừ mợ con dâu trưởng của họ! Chao ôi là sợ…). Mai mốt mình lớn lên cũng quyết chí học theo ôn mệ như thế, để mang hạnh phúc đến cho đời.

Sống với Lộc hơn hai năm, đến nay Hoa hơn mười ba tuổi. Hoa cảm thấy nhớ thương cha mạ các em vô vàn, nhớ làng quê, chả phải chị Thùy Mến đã nói "em là một người giàu tình cảm, nếu em biết làm thơ nữa, thì thiệt lãng mạn" hay sao! nên Hoa xin Lộc cho em trở về nhà. Lộc nhận biết em gái đã lớn, thương em, nên Lộc muốn em về nhà, để tự họ quyết định tương lai em, chẳng lẽ Hoa cứ đi ở đợ hoài sao! Nay Lộc đã tích trữ cho Hoa ít vốn liếng kha khá, thiết tưởng em cũng nên về quê. Lộc sắp xếp mua sắm nhiều quà bánh cho Hoa đem về biếu cha mạ và các em. Hoa bịn rịn chia tay gia đình Lộc, hân hoan vui vẻ lên đường. Trở về nhà! Ôi hạnh phúc xiết bao! mừng rỡ trong những vòng tay ôm quấn qúit trìu mến siết chặt, mặn mà tình yêu thương chân thật của gia đình.
* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
09-10-2014, 04:59 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1410325456.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1410325581.mp3
Em Đi TU... "Hú" !!!


Nhân một mùa nghỉ hè, khi về quê thăm cha mẹ đang lập sở ươm cây giống ở Thôn Thượng Phước (thuộc xã An Đôn, quận Triệu Phong, Quảng Trị), đi xem lễ ở nhà thờ An Đôn, tình cờ Út thấy những nữ đệ tử dòng Mến Thánh Giá đang vui vẻ cắm trại bên hông trường học (trong khuôn viên nhà thờ). Nhìn chung ai nấy đều dịu dàng, ăn nói nhỏ nhẹ, vui tươi và hiền lành, thì trong lòng Út cảm thấy xôn xao lâng lâng mến thích họ.

Bỗng nhiên Út nẩy sinh niềm khát vọng được vô dòng nầy. Về nhà, sau nhiều ngày suy nghĩ, Út xin ba má cho con vào ở tu viện: Không vì buồn, không vì chán, chỉ vì Út rất mến thích cuộc sống êm đềm, trầm mặc an hoà, có thể ở đó cho ta sự bình yên vui vẻ, lắng lòng, không bon chen với đời chăng?

Từ ngày Trung Thu cho đến đầu tháng Chín, lúc nào má cùng Út cũng bận rộn, lu bu lo chuẩn-bị một danh sách sắm sửa cho một nữ tu, ít nhất cần phải có: - 6 bộ áo dài & quần: tất cả chỉ là màu trắng, màu đen. - 6 áo bà ba. - 6 áo lót. - 1 lố quần lót. - 2 hoặc 3 áo lạnh trắng hoặc đen. Ít nhất là 4 đôi bít tất trắng và đen. - khăn mặt, khăn tắm, giày, dép, các thứ linh tinh, bàn chải đánh răng cá nhân, vân vân… Út dồn tất cả mọi thứ trong một va ly da chật cứng. Ngoài ra còn mang theo mùng, mền, thau giặt, thau rửa mặt…

Thế rồi những háo hức mong chờ đã đến, ba má tần ngần do dự lên xe ngựa của nhà, để đưa Út hăm hở bồn chồn vô tận văn phòng tu viện. Sau khi bà xơ quản nhiệm làm hồ sơ nhập tu, đóng tiền viện phí, đọc nội quy… họ mời ba má và Út ăn bữa cơm đầu tiên. Nhìn mâm thức ăn trong dòng đã mời tân khách, má tế nhị kín đáo nhìn ba ngao ngán thở dài rất nhẹ. Phút bịn rịn luyến lưu nói lời chia tay rồi cũng qua đi, nhưng ý con đã quyết, thì biết làm sao bây giờ, chẳng thể khiến lòng má trĩu nặng nỗi ưu phiền hơn lúc cánh cửa tu viện Trí Bưu (Quảng Trị) đồ sộ bao bọc bởi bốn bức tường gạch nâu xây cao, từ hai cánh cửa sắt màu xanh rêu to lớn vừa đóng ập lại sau lưng nghe lạnh lùng một tiếng “ầm”.

Sát bốn bờ tường trồng tre trúc um tùm san sát, đã che khuất những đôi mắt tò mò bên ngoài muốn len lén nhìn vào, cũng chẳng thấy gì! Từ cổng đi vô khoảng sân rộng, dính liền khu trường Tiểu-học (của dòng tu), gọi là “nhà khách” có nghĩa là nhà nầy riêng biệt với khu nhà dòng. Bên trong cánh cửa hông của vòng cấm địa (chỉ có nữ tu mới được phép qua cửa thứ nhì nầy) là vô khu nhà xây lợp ngói đồ sộ, mỗi nhà có mười hai căn rộng rãi, nối thành hình chữ U.

Bao bọc quanh nguyện đường lớn là sân gạch đỏ rất rộng, sân nầy dùng đi dạo sau những buổi ăn, hoặc dùng sân phơi luá, ngũ cốc, linh tinh… Phía trái có một giếng lớn nước trong và ngọt, dùng làm nước uống, nấu nướng. Phiá bên phải là nguyện đường râm mát có hai hồ xây bằng gạch lót men trắng, hồ chuyên nuôi cá phi, cá rô, cá chép, hầu cung cấp thức ăn cho dòng. Chung quanh hồ có hòn non bộ và tượng Đức Mẹ tuyệt đẹp ẩn trong hang đá lớn.

Bên cạnh hai ao cá là dãy nhà giải trí, phòng học, phòng ngủ của đệ tử, các phòng ngủ của dì thử, dì tập, phòng soeur, phòng dệt, phòng tập hát, vân vân... Trước cửa phòng học và sau lưng các phòng ngủ có thêm hai ao (lớn hơn hai hồ gạch men ở phía mặt tiền), hai ao nầy nuôi cá lóc, cá trê, lươn. Cộng với hai hồ ở sân sau sâu rộng thả đầy sen, cây súng lênh đênh trên mặt nước. Những cánh bèo lớn nhỏ li ti trôi. Lại có hai ao đắp bằng đất nện đầy rau muống, cần nước, hoa sen, hoa súng, lục bình. Ôi hồ ơi là hồ, ao ơi là ao!!!

Lục bình là loại bèo cánh lá to như trầu bà, có bầu sữa xôm xốp mềm mềm, hoa tím nhạt nở từng chùm, lúc sống cũng như chết, nó trôi nổi trên mặt nước. Út tinh nghịch nhận chìm nó xuống nước, có lẽ vì bầu sữa và thân xốp, là chiếc phao gia bảo, loài bèo không biết khuất phục khi ai cầm nó rồi thả tay ra, nó ương ngạnh phóng mình trồi lên cao. Chiều chưa sụp bóng, bốn năm ao hồ nầy là nơi chứa nhiều muỗi nhất. Từ mọi xó xỉnh muỗi bay ra kêu như ong, con nào bụng cũng đầy máu, chân tay đệ tử bị muỗi đốt ngứa rần, vuốt một cái vào chân là tay mình nhơm nhớp, ai nấy luôn bị lấm tấm mụn đỏ do muỗi đốt.

Dãy nhà ngang xa nhà bếp có hai giếng to, nước ở hai giếng nầy dùng: tắm, giặt ở sân sau. Có mười phòng tắm và mười phòng vệ sinh. Về hướng tây là nhà bếp khá rộng, nhà ăn, lại có thêm một cái giếng nữa gần trại chăn nuôi gia cầm. Vườn trồng đủ các loại rau cải, đậu mè, bầu bí, vân vân… Cuối góc vườn, cách khá xa tu viện. Một góc cuối tường là trung tâm dưỡng lão, nơi mà các dì phước “quá đát” (già nua) lão thành mang bệnh trầm kha đang tịnh dưỡng. Đời sống nơi xó góc tu viện quả thật rất buồn bã, đơn độc. Họ yên ổn chờ ngày trở về chầu Chúa. Mỗi ngày đều có các nữ tu trực ban đến phục vụ cơm nước, thuốc men, làm vệ sinh cho các “bô lão trưởng thượng”!

Út tu như bức tượng đoan trang biết đi, không nhìn ngang liếc dọc, không nói leo trèo với cấp chỉ huy đàn chị, không thèo lẽo đùa cợt hô hố "nhố nhăng, nham nhở", sống khắc khổ, nhẫn nhục, ép mình hy sinh. Đức vâng lời là điều tiên quyết. Giúp đỡ qúy mến mọi người giống nhau trong tình yêu Chúa, và thương người. Không bầu bạn kết thân riêng với bất kỳ ai. Không được rù rì nói chuyện khi chỉ có hai người. Dòng không ghi một nguyên tắc quy luật rõ rệt, mãi sau nầy khi “ra trường”, Út mới biết là: Luật dòng tu cần có ba điều cốt lõi: “Vâng Lời. Trong Sạch. Khó Nghèo”. Nếu ai phạm một trong những tội ấy vài lần, họ không tỏ ý sửa đổi, dốc lòng ăn năn sám hối, là bà dòng cho về, như một lần đạp cứt là phải chặt chân.

Các chị trên mười tám tuổi (soeur) làm công việc riêng của từng nhóm: Người lo dạy học, đi may, đi dệt cửi, đi chợ nấu ăn, làm vườn. Đệ tử nhỏ lí tí mới vào dòng hầu hết đều đi học. Đa số thì giờ là tất cả mọi người trong dòng làm việc, hy sinh, hãm mình: xem lễ mỗi sáng, chiều, tối… đọc kinh cầu nguyện, hội họp khuyên bảo nhau. Mỗi ngày có một nhóm nữ tu thay đổi luân phiên trực ban, lo việc: Tiếp tân khách: có một soeur và một đệ tử.
- Dưới phòng ẩm thực nấu bếp mỗi ngày gồm có: Hai “soeur hỏa đầu quân chính”, lo đi chợ mua sắm mỗi ngày. Ở nhà có thêm một soeur hoả đầu quân quản gia, một chị phòng tập, một chị phòng thử, năm nữ đệ tử loi choi nho nhỏ như Út, để họ sai việc lặt vặt. Vị chi là mười người cho một nhóm luân phiên dậy sớm từ tửng bưng bốn giờ sáng.

Mạnh người nào cứ cúi đầu làm việc nhẹ, việc nặng, (lúc bốn giờ sang tới mười giờ đêm, tới khi tu viện yên ắng, tắt hết đèn dầu, thì cuối cùng những người nầy se sẽ đi ngủ). Người lo việc nấu cơm, nấu nước, làm hầu hết công việc cần thiết. Năm đệ tử nhỏ được phân chia các việc lặt vặt phụ, ai sai bảo gì, thì mình làm cái đó như: Lặt rửa rau, xắt bầu, bí, múc nước từ hai cái giếng sâu, khiêng đi đổ đầy vào các chum vại to tướng trong bếp. Dọn dĩa, dao, nĩa lên bàn ăn. Múc sẵn những chén nước mắm, rau dưa, cà muối đặt trên bàn. Út là “lính mới”, lớ ngớ không biết làm việc, thì đã có mấy chị vào tu trước “kềm kẹp” hướng dẫn chu đáo.

Cứ mỗi lần nghe chuông hiệu rung, là tất cả nữ dòng từ các phòng tụ tập trước ba dãy hành lang dài và rất rộng, họ xếp hàng im lặng từ từ đi vào nhà ăn (như những chiếc bóng âm thầm). Trước cửa phòng có đặt hai cái lọ thủy tinh to. Một lọ đựng đầy hột đậu rằn. Một lọ trống không. Trước khi vô phòng ăn, thì mỗi người (bất cứ ai) đều bốc một hột đậu rằn, bỏ qua bên lọ trống không kia, (để trong dòng tiện kiểm soát là buổi ấy có bao nhiêu người hiện diện vô nhà ăn).

Bình thường mỗi ngày ba bữa, nhà dòng cho tất cả ăn uống thanh đạm: buổi sáng ăn cháo với trứng vịt muối, khi ăn khoai, sắn, hoặc ăn bánh mì. Buổi trưa, buổi tối, đều ăn cơm no đủ. Có ba món chính là: Canh, thức ăn mặn, rau xào, hoặc luộc. Thức ăn luôn thay đổi kèm một chén mắm nêm, dĩa dưa cải chua, dĩa cà ghém, ba món nầy là không lúc nào quên. Nhưng… thú thật là họ nấu ăn lạt lẽo và quá tanh, vì không đậm đà gia vị tiêu, ớt. Dỡ ơi là dỡ kinh khủng, nhưng ai nấy cúi đầu cố trợn mắt… mà nuốt. Út rất sợ mắm nêm vì nó tanh và đôi lúc thấy cả dòi. Kinh khủng xiết bao! Lúc đó Út nhớ bữa cơm ngon nóng sốt và lạ miệng do má khéo tay làm bếp, mà thèm.

Nghe chuông hiệu nhỏ trong phòng ăn rung leng keng (chuông của bà Nhất để cạnh bà), thì nữ tu đứng tại chỗ đọc kinh, rồi mọi người tuần tự ngồi xuống bàn. Trong lúc ăn cơm, có một nữ tu phòng trực ngồi trên ghế, có bàn nhỏ đặt trên bục gỗ cao, nữ tu đọc kinh thánh, đọc các truyện tích nói về những kinh nghiệm nam nữ tu trên thế giới. Sau khi ăn uống xong, bà Nhất lại rung chuông hiệu, nữ tu đứng dậy đọc kinh cám ơn. Lúc cả dòng ra khỏi phòng ăn, thì họ được phép nói chuyện… nói nho nhỏ vừa phải không ồn ào chỉ trong mười lăm phút. Sau đó cả dòng đắm chìm trong im lặng… triền miên.

Tất cả đồ dùng như: tô, dĩa, nĩa, dao, tô múc canh, (đều bằng nhôm) thì có một nhóm mười lăm nữ đệ tử nhóm A, (hoặc nhóm B, hay C) có phiên trực phòng ăn của tuần đó: lo thu dọn, rửa ráy sạch sẽ, úp lên các khuôn kệ ngay cạnh bồn rửa chén. Ai lo việc người ấy xong, họ trở về bổn phận của mình (tuần sau, thì mười lăm nữ đệ tử ở nhóm B, hoặc nhóm C khác, lại đến phiên đi phụ bếp, dọn dẹp phòng ăn, rửa chén…).

Nếu có các lễ kỷ niệm như: Ngày thành lập Dòng, Noel, Phục-sinh, Tết Nguyên Đán, Trung Thu, lễ mừng vua chúa như: Đức Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, hay các thánh bổn mạng, sinh nhật “các bà lớn” quản trị dòng, thì bà Nhất, bà Nhì cho quản gia giết trâu, (khi giết bò, hay heo), gà, vịt, cho mọi người ăn đã đời. Còn dư thịt bò, thịt heo… lớp ướp muối gừng sả, mè trắng, ớt bột, rồi đem sấy khô. Lớp ngâm nước mắm đường, chờ mùa đông tháng giá lụt lội, không có chợ đò, dòng lại đem ra dùng.

Mỗi cuối tháng trong dòng sẽ chiếu những phim hay, đa số là phim lịch sử danh nhân trong đạo, phim hoạt họa. Có văn nghệ do chị em đệ tử tự biên tự diễn "thoái mái". Nói chung cuộc sống trong tu viện thật lặng lẽ, khép kín, êm đềm. Mỗi buổi tối khi Út học xong lúc chín giờ rưỡi, mọi người nghe tiếng chuông hiệu lớn ngân rung tại phòng trực đánh hai hồi dài, một hồi ngắn: là tất cả nữ tu lớn bé đều chuẩn bị thu xếp sách tập cất vào ngăn tủ riêng (bên một gian nhà: có tủ, va ly, kệ, nơi đây dùng để đồ dùng cá nhân linh tinh).

Từ giờ phút nầy trở đi trong dòng tuyệt đối im lặng. Khi các đệ tử họp mặt đông đủ tại phòng ngủ, soeur quản lý rung cái chuông nhỏ xíu của bà. Các đệ tử (dé dé choi choi như Út) quỳ xuống nền gạch đọc kinh. Cuối kinh là phần ăn năn tội, mọi người giăng tay ra, ôn lại những gì mình đã làm trong ngày, tự đấm vào ngực mình, duyệt xem ngày hôm nay mình đã làm những điều thiện gì, hoặc làm những gì sai trái! mà đọc kinh sám hối. Chuông rung lần thứ ba, là đệ tử đi làm vệ sinh cá nhân, thay quần áo ngủ, lên giường lúc đúng bon mười giờ.

Vào những chiều thứ bảy, chủ nhật, các ngày lễ nghỉ, ai nấy ở nhà, không biết làm gì cho hết ngày dài lê thê, bà soeur “quản gia hoả đầu quân” thường kêu chị em nhà thử, nhà tập, (nói chung các chị ở nhà “tu thử, tu tập” thường “lao động” công việc nặng nề vất vã lắm. (Nhưng khi các chị ấy được tuyển chọn sẽ… trở thành dì phước, thành soeur rồi, thì cuộc sống của họ có đôi phần sướng hơn, nghĩa là không mấy khi họ bị “đì”).

Ví dụ như chị Sen ở nhà Tập, sau khi học xong lớp 12, chị được dòng cử đi Đà Lạt để “học ăn học nói học gói học mở” những điều hay mới lạ của dòng Couvent des Oiseaux, chị Sen đi học trên viện đại học Đà Lạt, rồi sẽ đem những kinh nghiệm về dòng, mà áp dụng quy luật cần tu chỉnh cho khang trang. Từ Đà Lạt mỗi tháng vài ba lần, chị Sen viết thư về thăm dòng, chị nói sự học của mình, đồng thời ghi lại những nhận xét của chị về môi trường sống mới. Thư của chị Sen được đọc vào buổi tối ở trong phòng ăn, là nơi đông đủ tất cả nữ tu tụ họp.

Thế nhưng Út không hiểu tại sao… giữa tháng Chín năm ấy, chị Sen bị bà bề trên gọi trở về, và… mỗi buổi tối chị Sen bị phạt quỳ gối trước mọi người, gần bên bục đọc sách trong phòng ăn. Út thắc mắc mà không dám hó hé hỏi ai? Rồi ngày tháng trôi qua… chị em không thấy nữ tu Sen đâu nữa. Chẳng biết chị Sen có được tiếp tục đi “du học Đà Lạt”, hay là chị “du hí ngoài vòng cương tỏa” của dòng? Họ kín như bưng, câm như hến, phận hèn như Út làm sao biết! Có tin đồn là chị Sen vì khá đẹp, nghe lời dụ khị của tên "nưu manh" bên đã “yêu” ai đó, và chị tự động cỡi áo. Bố ai mà biết.)

Các chị ở hai nhà Tập, Thử ấy cộng với nhóm đệ tử xuống kho lương thực, bưng lúa trong vựa ra; cùng nhau xay lúa, giã gạo, sàng sảy. Có hai cái cối giã gạo đạp bằng chân, và ba cái cối đá dùng chày giã gạo. Hai chị nhà tập, hai chị nhà thử thì sàng sảy trấu, cám, thành gạo. Họ làm việc nhịp nhàng xong thứ nào ra thứ đó, các đệ tử banh bao bố ra trút vào. Trấu thì đem vào nhà bếp. Tấm, cám, đem xuống khu chuồng heo, khu gia súc. Gạo đem lên nhà kho chứa thực phẩm khô.

Những giờ làm việc nầy tự do, ai muốn hát hò, kể chuyện, nói chuyện, đều được như ý, miễn sao không nói quá to, không ồn ào, là được. Làm việc cực nhọc, nhưng rất vui, nhờ số đông, mỗi người góp một chân một tay, nên thoáng chốc công việc đều xong ngay. Có nhiều lần giã ớt bột, tiêu hột thật là gay go, ớn lạnh, rùng mình. Dù nữ dòng dùng khăn để bịt mặt, che miệng, nhưng ai nấy đều hách xì nhảy mũi, nước mắt chảy ròng ròng, ho sặc sụa. Thân thể cay và nóng như phải bỏng. Út cũng như các nữ tu đều rất sợ khi giã món ớt bột nầy.
* * *

“Nàng Thơ” vào dòng tu trước Út hai năm, coi như Thơ “xếp sòng” cai quản bầy "em lính mới tò te". Út sợ, bực mình và ghét Thơ, vì Thơ ưa ăn hiếp Út hoài, (như Dung ngày xưa ăn hiếp Lê). Thơ gọi Út là "con khỉ đen". Vã lại, ngày trước Út ở ngoài “đời” tự do tung tăng bay nhảy, Út chuyên đi bắt bướm, bắt chuồn chuồn, hái hoa, ép lá, khá thoải mái... Bây giờ Út vào trong dòng ai ai cũng trắng trẻo, hồng hào! Riêng Út đen thùi lùi. Thổ âm của Thơ nghe rất lạ, nên Út không mấy hiểu ý Thơ muốn nói gì:
- Ưng đập chắt với tui khôn? Tụi mình ra ngoài cươi, thì dì quạn lý nỏ chộ mô hì.
Hoặc là Thơ hằn học với Út:
- Ngó chi? Tui có lẻ củi săn, lẻ nè, tui chấp chị cấy rạ nì. Tui ưng cắm một cấy nơi trắp bả của chị ghê hè.
Thấy “nhỏ tôi” im lặng, Thơ tìm cách gây chuyện khác:
- Có ưng tui chọi trại ội một cấy, chị lủng cấy trốt, nỏ thậy cái trọ chỗ mô bi chừ khôn? Chị có thửa tui nọi chi với chị cại chi khôn. Hỉ? Răn mà tui ghẹt chị chi lạ rứa hè. Con khị đen.
Út ngẩn ngơ không hiểu bạn nói gì. Út hỏi nhỏ mấy người ngồi gần bên:
- Chị Thơ nói về em cái gì vậy? Mấy chị ơi!?

Các bạn ngồi học gần bò lăn ra cười. Họ giải thích câu Thơ đã nói, thì mặt Út bừng đỏ vì giận. Cũng may nhiều lần Thơ nói tiếng "Tây rốc ken", Út không hiểu, nên chẳng có gì gay cấn đáng tiếc xảy ra. Bạn cũng ưa trêu chọc, lêu lêu âm ngữ giọng Đà Lạt nhỏ nhẹ của Út mà. Thời gian dài một năm sau trôi qua, áo quần giặt hoài cũ đi, da dẽ trắng trẻo hồng hào, đã biến Út trở thành cô gái xinh đẹp nhất trong dòng, thì tình cảm của Thơ đối với Út thay đổi hẳn 180/o lúc nào, chẳng rõ. Thơ đã… “chịu đèn” Út mất rùi! Dù Thơ lớn hơn Út ba tuổi, quê nhà ba má cô là dân Đông Hà, mà Thơ ở tít “trong bưng”, nơi đó xa xôi không có trường học, nên khi vào tu, Thơ học lớp Nhì (tại nhà dòng nầy chỉ có bậc tiểu học). Út học lớp Đệ Lục, Đệ Ngũ… nên phải đi học ở trên phố Quảng Trị, tại trường đạo Phước Môn.

Mấy tuần nay, mỗi chiều Út cùng nhóm bạn đi học trên Tỉnh Quảng Trị trở về dòng, Út thấy áo quần dơ của mình, có ai đã giặt giũ, xếp gọn và để ở trên góc giường?! Út ngạc nhiên không hiểu ai đã làm giúp? Luật trong dòng là đồ đạc của ai, người đó tự lo. Chỉ lúc nào mình ốm đau nặng, cực chặng đã mình mới nhờ vã chị em giúp xí. Sự bất bình thường nầy, khiến Út cảm thấy bất an, phân vân, lo lắng và ray rứt chen lẫn chút ngờ vực. Ban đầu Út tưởng áo quần của ai để sai chỗ, nhưng khi mở góc hò của áo ra, Út thấy số # 138 và tên mình, Út biết là không lầm.

Một hôm, trong phòng học, bỗng dưng có người tinh nghịch tắt điện. Đệ tử sợ ma kêu la om sòm, họ nhốn nháo xô đẩy nhau té ngã uỳnh uỵch. Bỗng có một người nào đó ôm chầm lấy Út, cô ta hôn vào má Út mấy cái kêu chụt chụt, rồi cô ta buông ra ngay. Con nhỏ nào đó vụt biếng dạng chạy đi ra ngoài sân cùng các bạn. Út toát mồ hôi, rồi bừng nóng, do bất ngờ mà lo sợ kinh khủng, trống ngực nhảy điên cuồng. Ai trêu ghẹo cái kiểu gì ác ôn vậy không biết? Út hét to, run rẩy xô ghế chạy vụt ra ngoài đêm tối.

Hai tuần sau đó, bị cúm không đi học, Út nằm nghỉ ở nhà. Phòng ngủ của đệ tử có bảy mươi cái giường tre trải chiếu, trên chiếu phủ đều drap trắng thẳng tưng, gọn gàng sạch sẽ. Đắp mền lên tận cổ, Út vẫn bị lạnh run, đầu nhức như búa bổ, cổ họng khô đắng. Lúc nầy Út cảm thấy thật buồn trống vắng nỗi cô đơn, cô nhỏ nhớ cha mẹ anh chị biết ngần nào. Ở nhà mình, mỗi lần đau ốm (như bây giờ) Út được má và anh chị hết lòng chăm sóc, thế nên con bé tha hổ làm nũng, vòi vĩnh nọ kia, nhõng nhẽo. Ôi! Ngày vui ấy nay còn đâu!

Nằm thiêm thiếp trên giường, Út nghe ngoài song cửa muôn ngàn chim én làm tổ dưới mái ngói, đang ríu rít đủ mọi giọng hót líu lo trầm bổng liên tục. Đàn chim tự do sống thoải mái vùng vẫy ngoài trời, tiếng hót lảnh lót tíu tít nghe thật truyền cảm. Nếu chim bị nhốt trong lồng, thì tự nhiên sẽ ủ rũ, đôi khi tiếng hót não nề như cặp chim sáo treo trước cửa văn phòng tu viện vậy. Giờ nầy sau tiếng dệt cửi quay tơ, tiếng mấy bà dì đọc kinh đều đều văng vẵng ở phòng bên cạnh, thì trong phòng ngủ hoàn toàn im lặng. Không gian tĩnh mịch và thời gian hầu như lắng đọng, im lắng, tĩnh mịch mênh mông, u buồn trải dài ra bất tận.

Choàng mở mắt giật mình, Út lặng người không thốt nên lời, hồn vía bay lên mây, khi Thơ len lén vào phòng, cô đi nhẹ tới giường Út, nhẹ đến nỗi Út không hề hay biết. Thơ bạo dạn ôm chầm lấy Út và tới tấp hôn chùn chụt vào má, mặt mũi cô nhỏ, rồi Thơ vụt chạy biến ra ngoài. Úi Trời ơi! Út quá sợ hãi. Vì luật dòng nghiêm cấm tuyệt đối: Không cho phép một đệ tử nào vào phòng ngủ -nếu không đúng giờ nghỉ trưa, hoặc vào trước giờ ngủ tối, phải có dì quản lý đứng ở cửa rồi đệ tử mới từng người đi vô.

Đó là một trọng luật mà Thơ đã mắc phạm. Một trọng luật nữa là Thơ dám bạo gan bạo phổi hôn Út, một trọng tội tuyệt đối cấm hai nữ tu “yêu nhau”. Út sợ hãi muốn đứng tim, dù đó là việc quá bất ngờ không do mình chủ động gây nên. Nhưng tiến thoái lưỡng nan, nếu Út dấu nhẹm chuyện nầy kín bưng trong lòng, là mắc tội, mà phơi bày ra đi xưng tội cũng chẳng thể… Thật quá hãi hùng lo lắng sợ sệt biết bao mà Út không thể hé môi tỏ cùng ai.

Một lần nữa sau đó ít lâu, Út đang lui cui xếp dọn áo quần trong phòng treo áo, thì Thơ đi ngang qua, cô ta ngang nhiên ôm chầm Út, hôn lên môi Út thật nhanh giữa ban ngày, rồi lủi lẹ đi ra ngoài. Út bàng hoàng run lẩy bẩy, lo sợ kinh khủng, mà không dám la, chỉ sợ người khác biết “chuyện tồi tệ” nầy, thì chỉ có nước chết. Út biết điều nầy xấu xa tội lỗi, tu sĩ không giữ lòng và trí trong sạch, (mặc dù Út không hề nắm tay Thơ, chưa bao giờ hôn Thơ một cái nào), thì dị hợm vô duyên lắm!

Kể từ đó hình ảnh Thơ lúc ẩn lúc hiện như ma như quỉ, luôn luôn quấy rối tâm trí Út, bắt cô nhỏ suy nghĩ, nhớ nhung một cái gì đó mơ hồ, nhức nhối buồn phiền, trong lòng canh cánh phập phồng lo sợ liên miên. Thú thật là Út rất sợ "chuyện tình éo le bậy bạ” ấy đổ bể. Út sợ trong dòng phát hiện, mọi chuyện bị lộ, thì sẽ gay cấn, bị phạt nặng, bị đuổi ra khỏi dòng, thì xấu hổ ê chề mất mặt lắm. Út sợ nhất là phải xách gói trở về nhà, không do bị đau ốm, bệnh tật, mà vì lý do “tồi tệ” nhục nhã ghê gớm nhuốt nhơ kia.

Nhưng cô nhỏ không biết làm sao xa lánh lẫn trốn “nàng Thơ quyến rũ”. Út không dám “thố lộ nỗi lòng éo le” với ai, nên tâm trí cô nhỏ không hề yên ổn, luôn bất an, dày vò tột độ. Út thật sự sợ mọi người chung quanh phát hiện, riêng ôm mối lo ngay ngáy ấp ủ trong lòng. Tuy nhiên những cử chỉ âu yếm mơn trớn của Thơ… chẳng hiểu sao Út cảm thấy ấm áp, nhớ nhung, nhẹ nhàng rung động, và… bồi hồi run rẩy trong hạnh phúc bất chợt ùa về với khắc khoải buồn đau da diết. Nửa muốn ôm ghì Thơ, nửa hổ thẹn thụt lùi!? Út luôn đấu tranh với “từng cơn bão lòng”!

Thấy Út không ưu ái “đáp tình”, nên Thơ bực tức, lì lợm, lộ liễu, trắng trợn làm đủ mọi cách để cho Út chú ý đến mình, Thơ ngang nhiên tỏ tình giữa mọi người chẳng hề sợ ai xầm xì. Út chỉ biết nhìn Thơ gượng cười, hai giọt nước mắt đọng trên khoé mi long lanh. Thơ chọc quê:
- Em lậy cại rạ chặt cậy cụi khô, thui vô bệp lã, rùi náng vô tóc chị, chị khôn còn tóc, thì chị sẹ ốt dột, hỗ ngươi, chợ chi mà chị nguýt tui hè. Chị nguýt tui, tui vẫn thương nhớ mối tình đầu của tui là chị đó nì.
***

Một buổi trưa cuối mùa hạ chớm thu nhưng có nhiều nắng chói chang và oi nồng, có các chị: Sen, Bình, Tịnh, Quy, Cúc, Hồng, Út, xin phép (soeur) hiệu trưởng Dưỡng đi chụp ảnh, để làm thẻ học sinh. Sau khi chụp hình riêng xong, họ trẻ người non dạ nghe bà chủ tiệm hình dụ dỗ ngon ngọt, cũng thật sự là họ không biết luật dòng nghiêm cấm việc chụp hình chung một tấm ảnh mặc áo dòng, nhưng họ xỏa tóc dài, (thay vì đệ tử phải bịt khăn trắng trên đầu, kẹp tóc sau gáy). Tục lệ bịt một vành khăn trắng nhỏ trên đầu, là để làm gì? Tượng trưng cho cái gì? Thú thật là tất cả đệ tử không thể hiểu, để làm gì? phân biệt điều chi cả?

Dì quản lý có toàn quyền lục lọi đồ đạt đệ tử bất cứ lúc nào, dì đã bắt gặp tấm hình “các nàng” chụp chung quái ác nầy. Thế là dòng liệt họ vào danh sách "kẻ trọng tội", cho bọn chụp hình chụp bóng ra rìa ở một xó góc. Bây giờ những người còn được tu ở đây, họ không có quyền lai vãng nhìn ngó, hay chuyện trò với “kẻ phạm tội”. Làm như kẻ ấy gớm ghiếc, là ma qủy có ba đầu sáu tay đã lột xác hiện hồn không bằng. Thử hỏi có ai trên cõi đời nầy dám vỗ ngực xưng danh: “ta là người chẳng có tội” không? Hoặc liệt họ mắc phải bịnh thống phong xù, cùi hủi chi, cần phải chia cách biệt lập ra một nơi, không ai dám béng mãng tới gần. Thật là các bà chủ trì chẳng đắc nhân tâm chút nào.

Suốt ba ngày hai đêm, Út núp núp lén lén trong một góc phòng, để chờ thân nhân đến đón về. Út không được đi xem lễ, Út xấu hổ không dám ngẩng mặt nhìn ai. Mấy ngày đó, có chị Hà bên phòng thử mỉm cười lặng lẽ bưng đến cho Út bình nước lọc, mâm cơm sơ sài vài món để trên bàn. Không ai dám nói với “kẻ nầy” lời nào, vì dòng cấm tiệt, chứ không phải chị Hà không có chuyện cần nói, hay khuyên lơn vỗ về an ủi những kẻ “không trong sạch”.

Bị gọi lên phòng họp sau chót, Út qùy lết dưới chân hai bà Nhất, bà Nhì đều to lớn mập ú, họ đang phơi hai cái đầu trọc ra, hai tay bà Nhì luôn gãi sồn sột sau lưng. Còn bà Nhất thì cào cào lên cái đầu nhu nhú tóc đen. (Trong dòng tu nầy, khi đã vào lớp tập, lớp thử, gần trở thành “dì phước” (soeur) thì các bà, các chị, đều cạo đầu tóc trọc lóc. (không như vài dòng tu khác cho các xơ để tóc, mà tu!). Ở trong phòng ngủ, họ có quyền cỡi bỏ khăn đội đầu, khi trời nóng hầm hập thế nầy). Họ là hai người quyền cao chức trọng có uy thế nhất, có uy quyền “sinh sát, tha phạt, hay tưởng thưởng” nữ tu. Tất cả mọi người ở trong dòng đây đều sợ họ xép re!

Út quỳ dưới nền gạch, hai bàn tay bé xíu nhẹ đặt lên hai bắp đùi to bự của bà Nhất, bà Nhì. Họ an toạ trên chiếc ghế dựa mây. Út năn nỉ khóc lóc, van xin “hai bà” tha tội cho “con” được phép ở lại tu. Vì thật tình em mười ba tuổi ao ước thích thành nữ tu trong sáng, khiêm nhường, thật thà, dễ dạy chớ không muốn mất dạy!
Bà Nhất nói:
- Con tạm về lánh nạn ít tháng, rồi bà sẽ tìm cách cho con vô lại dòng tu. Quả thật con quá dại khờ. Theo bà nghĩ thì con có lòng ước muốn đi tu lắm. Nhưng nếu bà đuổi các chị em kia về, mà không cho con đi về luôn, thì không công bằng. Nên buộc lòng bà phải cho con về trú tạm ở phần sở An Đôn, chờ bề trên giám tỉnh là cha Lê Hữu Huệ, chánh xứ Trí Bưu, và là bề trên hạt Đinh Cát, quyết định sau. Con cứ an tâm mà đi về phần sở là chi nhánh của dòng mình. Nghe.

Út khóc rống hụ hụ hụ… thật to, to thật to như trời tru đất diệt tận thế tới nơi. Hai bà e dè nhìn nhau, to nhỏ điều gì, và lắc đầu. Út dùng tay áo quệt lau hai hàng nước mắt, cô nhỏ lủi thủi trở về ngồi phịch xuống xó góc cũ. Khi đó Út càng ngạc nhiên thấy Thơ đã có mặt trong “chỗ xó góc ác ôn” kia. Thơ đang tự ý, tự ên chuẩn bị xếp hành trang bỏ về nhà. (Có một điều kỳ lạ là khi ở trong dòng thì Thơ tỏ vẻ “yêu” Út tha thiết. Nhưng khi Thơ đã “ra đời”, trở về nhà, hai cô nhỏ thường gặp gỡ nhau, nhưng tình cảm ấy đã khác hẳn… rất thân nhưng không bao giờ… dám hôn)!

Còn Út không trở về nhà ba má, mà ở lại nơi phần sở An Đôn, là chi nhánh của dòng Trí Bưu được hai tháng. Mỗi tuần Út có thể gặp gia đình ba má, anh chị Uyển, chị Hạc và anh Dzoãn đi xem lễ ở nhà thờ. Hai anh chị Hạc, Dzoãn thường “quyến rũ rù quến” em:
- Thôi em ạ, như vậy là “cái số” em không được Chúa chọn rùi. Đi về nhà mình ở cho rồi. Chớ tội gì đi tu cho khổ, ăn mắm mút dòi rứa hỉ. Ở nhà sung sướng, cha mẹ mình giàu có, của ăn của để không hết. Em ở đây quá buồn tủi, ăn uống kham khổ. Coi em ốm o xanh xao vàng vọt kìa. Về nhà nghe. Anh chị nhớ em lắm à.

Thế là ngẫm nghĩ thân phận eo xèo buồn thảm “quần vải áo sô” hèn mọn, mà tức nhiều và đầy… tủi hận xấu hổ! Mất tai thì đã mang tiếng rồi! Út nghe lời “đường mật” của anh chị dụ khị nó hoài, cảm thấy xiêu xiêu lòng, nghe thấm thía bùi tai và chí lý lạ! Út bèn nổi cơn “tự ái vặt”, liền một mình đi một mạch lên lại dòng cũ. Chính nơi đây xưa kia Út đã từng nhón nhén rụt rè khép nép lo “tu thân”. Nay Út tôi “hiên ngang” chảnh chẹ xách va ly dọn dẹp hết các thứ, rút vội về nhà ba má và anh chị của mình ở giữa hai ngọn đồi Cấm, tại làng Thượng Phước.

_ * _ [/SIZE]


Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
09-14-2014, 07:54 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1410678560.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1410681464.mp3

Từ Nấc Thang Thấp Hèn Đầu Tiên
(THH thương tặng nhân vật chính: Trương thị Thu Huyền (Hoa)
câu chuyện thật của em tôi).
***

Ở nhà một thời gian dài khoảng bốn năm tháng “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”, Hoa đi ra đi vô ngao ngán chẳng biết làm gì cho hết ngày, vã chăng cái số của em cực thì thôi, Hoa cảm thấy cần phải “đi làm” có tiền giúp mạ nuôi bầy em nhỏ. Hoa theo người cùng xóm đi Tam Kỳ, nơi cha Hoa đi lính đổi vô đó. Tuy Hoa đã có hơi lớn: hơn mười hai tuổi, nhưng con gái một chữ bẻ đôi cũng không biết, thì làm gì đây?

Hoa suy nghĩ: tạm thời cứ giữ nghề “ở đợ” cho chắc ăn trước, rồi mai sau hãy “liệu cơm đó mà gắp mắm”. Hoa “làm nghề giữ em” cho gia đình ông bà Trung/úy Nguyển Trí. Tại đây họ có mướn thầy gia sư về nhà kèm cho con họ là Minh Châu và hai em trai học thêm. Ở ngoài thềm rộng Hoa bồng em ngồi xa la xết lết lắng tai nghe và học lóm hoài, rồi một hôm bé em của Minh Châu không thuộc bài, Hoa đứng ở bên ngoài phòng học đã trả bài dùm em những câu cậu Phú hỏi em Châu từ ca dao:
Con ơi muốn nên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha
Gái thì giữ việc trong nhà
Khi vào canh cửa khi ra thêu thùa
Trai thì đọc sách ngâm thơ
Dồi mài kinh sử để chờ kịp khoa
Mai sau nối được nghiệp nhà
Trước là đẹp mặt sau là ấm thân.
Hoặc:

Con ơi! Mẹ bảo con nầy:
Học buôn học bán cho tày người ta
Con đừng học thói chua ngoa
Họ hàng ghét bỏ người ta chê cười
Dù no dù đói cho tươi
Khoan ăn bớt ngủ liệu bài cho toan…

Cậu Phú gia sư ngạc nhiên nhìn ra, và hỏi:
- Hoa học lúc nào mà nhớ thế?
Hoa hồn nhiên trả lời cậu Phú:
- Cháu bồng bé Bê đứng đây nghe cậu dạy mà.
- Khi nào cháu rãnh, thì tới đây cậu dạy cháu học.
- Dạ, dạ, thưa cậu…

Đó là nỗi vui tột đỉnh trong quảng đời ấu thơ, Hoa rất mừng rỡ nhận cậu Phú: một vị thầy giáo khả kính đầu tiên vô-vụ-lợi trong cuộc sống buồn nhiều hơn vui và lắm ưu phiền của Hoa. Thế là từ đó ngày ngày cậu Phú đưa cho Hoa những bài học bài tập của các em ấy đã học. Ngày tháng âm thầm lặng lẽ trôi qua, Hoa biết ơn thầy và sung sướng có thầy ân cần chỉ dạy cho Hoa đọc viết thông thạo. Hoa không nhớ bao lâu.

Rồi một hôm cậu Phú báo tin buồn rằng:
- Cậu phải nhập ngũ, tức là cậu sẽ đi lính, không thể kèm cho cháu học thêm nữa. Cháu biết không?
- ...
Trước khi ra đi, cậu Phú có dặn Hoa:
- Mỗi ngày cháu cần đọc nhiều truyện nhi đồng cho lưu loát, ghi nhớ, suy nghĩ về bài cháu đã đọc. Cháu nên đồ lại từng nét chữ, từ những bài viết cậu đã đưa cháu, cho quen thuộc mặt chữ, cháu học thêm những bài mới bằng cách tìm vô thư viện. Thế là cháu sẽ biết đọc biết viết kha khá. Cháu hãy dùng chút vốn liếng đó mà tự vươn lên, Hoa nhé. Cậu biết cháu có nhiều nghị lực và kiên nhẫn.

Hoa bàng hoàng ngẩn ngơ nghẹn ngào cúi nhìn xuống đất, em nhẹ gật gật đầu mà nước mắt lưng tròng, Hoa ấp úng lí nhí trong cổ, vẫn không thể mở miệng để nói lời cám ơn, hoặc thốt ra câu chào từ biệt cậu. Sau khi cậu đi, ấy là khoảng thời gian Hoa càng cô độc trống vắng, cảm thấy buồn quá sức tưởng tượng, nên Hoa xin nghỉ việc tại nhà ông bà Trí. Hoa lại vào đi ở cho một gia đình khác, là ông Đại/uý Trương Nguyên Thảo tại khu tạo tác trong Thành Nội.
* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
09-17-2014, 07:24 AM
Đời nhà Trần chúng ta thật nhiều tướng tài như Trần Quốc Tuấn , Trần Quang Khải , Trần Bình Trọng , Trần Nhật Duật , Trần Khánh Dư ..., trong đó nổi bật nhất là tướng Trần Quốc Tuấn - Hưng Đạo Đại Vương . Nhờ tài thao lược của Ngài mà quân ta đã đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông , dù đội quân này nổi tiếng hùng mạnh bậc nhất thế giới thời bấy giờ . Nhiều nơi trong nước đã lập đền thờ Ngài , gọi một cách kính cẩn là Chùa Thánh .
Đọc bài Trần Hưng Đạo Vương của THH , người đọc cảm thấy như có luồng sinh khí chạy rần rần trong cơ thể . Xin cám ơn tác giả .
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1410938456.jpg

THH chân thành cám ơn anh muahong đã chịu khó ngồi đọc bài viết : Đức TRẦN HƯNG ĐẠO Vương (& Những Chiến Trận Lẫy Lừng) dài và khô khan. Thế nhưng anh muahong vẫn vui lòng ghi lại lời khích lệ.
Khiến tôi cảm kích và ước nguyện sẽ cố gắng viết những bài về lịch sử hào hùng, sống động... mà tổ tiên ông cha chúng ta đã dày công xây dựng nước VIỆT NAM dấu yêu.
Nay kính,

THH

Tinh Hoai Huong
10-05-2014, 03:08 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1412479378.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1412479533.mp3
Danh Nhân Kiệt Xuất: NGUYỄN TRÃI (1380 – 1442).

Từ khi Việt Nam rơi vào ngày 30 tháng Tư 1975 “mất nước”, thì hầu như tất cả trường, lớp, chẳng có giờ học về môn: Công Dân Giáo Dục & Sử Ký & lịch sử Việt Nam nữa.
Hôm nay, trước tiên tôi xin mạn phép kể hầu cùng quý vị độc giả… (và sau rốt là do đã hứa với các con, cháu… tôi sẽ ghi lại những chiến tích oai hùng, những kỳ công anh dũng, và quật cường của tổ tiên ông cha chúng ta. Họ đã dày công xây dựng và giữ gìn non sông gấm vóc Việt Nam hưng thịnh trường tồn đến bây giờ).
Tiếp theo chuyện hai bà Trưng Trắc Trưng Nhị ; chuyện bà Triệu Thị Chinh; Đức HƯNG ĐẠO Vương TRẦN QUỐC TUẤN: đã ghi.
Nay tôi xin kể hầu tiếp quý vị về Danh Nhân Kiệt Xuất: NGUYỄN TRÃI.
*
{Xin trân trọng cám ơn giảng sư Nguyễn Văn Trung … đã dạy tôi học môn SỬ VIỆT NAM.
& THH biên soạn bài viết theo lịch sử Việt Nam, từ:
* ít sách trong Bộ Giáo Dục V N C H
* Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim).
* Nam Hải Dị Nhân (Phan Kế Bính).
* Đại Cương Lịch sử Việt Nam (Nguyễn Khắc Thuần).
* Wikipedia}

Tình Hoài Hương
***


Về thời nhà Hồ, có ông Nguyễn Tự khanh công, (nguyên gốc là người ở làng Phượng Nhỡn) ông cùng cả gia đình đã bồng bế nhau di dời linh vị tổ tiên đem đi an táng & nhập tịch tại làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc. Tại làng Nhị Khê, Thường Tín (bây giờ là tỉnh Hà Tây), năm 1380 có một nam nhi chào đời: Đó là ông Nguyễn Trãi. Ông Nguyễn Trãi (con của bảng nhãn Nguyễn Phi Khanh. Đại tư đồ Trần Nguyên Đán là ngoại tổ của Nguyễn Trãi).
Năm 1400, Nguyễn Trãi thi đỗ Thái-học-sinh. Ông tài giỏi về văn thơ, nhất là có công trong việc khai sáng ngành địa lý(*). Ông là một thiên tài về quân sự, là một chính trị gia xuất chúng. Ông Nguyễn Trãi làm quan trải qua hai đời vua: Lê Thái Tổ & Lê Thái Tông.

Tục truyền rằng: Tại làng Hoắc Sa (Sơn Tây) ngày ngày tháng tháng cũng có ông Trần Nguyên Hãn đi khắp đó đây lân la bán dầu. Một lần kia, ông Nguyên Hãn đi bán dầu tới làng Chèm thì trời đã tối mịt, ông bèn vào nghỉ chân và nằm ngủ ở một ngôi đền cổ. Nửa đêm ông Nguyên Hãn bỗng nghe một vị thần ở làng khác, đến đền rủ vị thần ở làng Chẽm: cùng nhau lên chầu trời. Ông làng Chẽm lắc đầu từ chối:
- Đang có quốc công ngủ trọ ở đây, tôi không đi được.
Thế nên một mình vị thần làng kia chỉnh tề áo mũ khăn gói ra đi. Lúc sang canh ba, vị thần làng khác đã trở về, thì thần làng Chẽm dò hỏi:
- Ông lên Trời có việc gì mà vội thế?
- Ngọc Hoàng thấy nước Nam chưa có vua, nên cho Lê Lợi (Lê Thái Tổ) làm vua. Ông Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khê làm tôi.

Ông Trần Nguyên Hãn đã nghe lóm hai vị thần chuyện trò trao đổi với nhau như thế, trong lòng ông khấp khởi mừng thầm. Ông Nguyên Hãn liền lặn lội đi đến làng Nhị Khê, cốt ý tìm Nguyễn Trãi. Khi gặp bạn, hai người đã tâm đắc tương phùng, Nguyên Hãn kể rõ đầu đuôi câu chuyện của hai vị thần cho ông Nguyễn Trãi nghe. Nhưng ông Nguyễn Trãi không tin.
Do dự ít ngày, họ cũng tò mò nên rủ nhau đến làng Chẽm, vô ngôi đền cổ kính ấy cầu mộng, được thần báo:
- Việc nầy nên tới Tiên Dong hỏi, vì bà tiên ấy biết rõ ràng.
Hai người lững thững tìm tới đền thờ Tiên Dong, được báo:
- Lê Lợi ở Nhị Khê làm vua. Còn các ông là bầy tôi.

Họ lặng lẽ nhìn nhau. Ông Nguyễn Trãi quan niệm: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (lật thuyền mới biết sức mạnh của dân như nước). Có vua. Có tôi, mà không có dân thì… coi như pha! Thế rồi… hai ông băng rừng vượt núi, lò mò đến làng Lam Sơn (Thanh Hóa) lặn lội bao dặm trường… tìm vị minh vua.
Bất chợt họ lạc đến nhà kia, thì gia nhân ra vô chuẩn bị đám giỗ, họ thấy một người ở ngoài đồng mới về, quần lận xăn lên quá mắc cá chân, áo cánh vải cũ sờn, nhưng ông Lê Lợi bình dị nhìn hai vị khách tươi cười, tay ông còn giắt con bò già. Hai người xin vào chầu. Lê Lợi vui vẻ mời họ vào nhà nghỉ ngơi. Hôm sau trong nhà có đám giỗ tưng bừng náo nhiệt thật. Hai ông Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn xắn tay áo lên cao, cùng xông xuống nhà bếp nấu thổi, họ nhìn lên nhà ngang thì thấy ông Lê Lợi một tay xắt thịt, tay kia thỉnh thoảng bốc thịt bỏm bẻm ngấu nghiến nhai ăn. Họ nhìn nhau thì thầm to nhỏ:
- Bà Tiên Dong gạt mình ư! Lẽ nào một thiên tử mà cử chỉ lại tầm thường thế!
Họ bấm nhau cùng lẽn ra lối sau, bỏ đi cầu mộng lần nữa. Bà Tiên Dong phán:
- Trời đã định, có thiên tinh giáng trần rồi, người đó là: Lê Lợi.

Hai ông lẵng lặng trố mắt nhìn nhau trong bụng nửa tin nửa ngờ. Một lần khác cách đấy không lâu, đang đêm hai ông Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn cảm thấy bứt rứt và ấm ức trong lòng, họ lại lén đến thăm ông Lê Lợi. Họ thấy Thái Tổ ung dung phong độ thư thái, ông đang ngồi đọc một quyển sách dày. Hai ông phủ phục xuống đất thưa:
- Từ nơi xa xôi có muôn vàn trắc trở, chúng tôi đã lặn lội đến đây, xin ngài cho chúng tôi theo hầu.

Thái Tổ tủm tỉm cười, mời hai ông lưu lại nhà, từ tình cờ sơ giao tới thân thiết, ba người hàn huyên rất tương đắc về việc: tuyển chọn, huấn luyện binh sĩ, cùng lập kế hoạch khởi binh diệt Minh:

Núi Lam sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình
Ngẫm thù lớn há đội trời chung
Căm giặc nước thề không cùng sống

Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời
Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối.
Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh,
Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ

Những trằn trọc trong cơn mộng mị,
Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi
Vừa khi cờ nghĩa dấy lên,
Chính lúc quân thù đang mạnh. (*)

Ông Nguyễn Trãi bí mật lấy mỡ đặc trét lên những chiếc lá tươi trên cây cao. Thế là bầy sâu và đàn kiến lớp lớp bò lên cắn lủng hết những chỗ đã bôi mỡ ấy, thì những chiếc lá lòi ra tám chữ: “Lê Lợi vi quân. Nguyễn Trãi vi thần”. Sâu cắn hết cuống lá rụng đầy ắp xuống đường, gió thổi lá trôi trên sông… Mọi người tình cờ lượm lá lên xem, đã đồn đãi với nhau: “đó là điềm lành linh ứng do trời đã định”. Thế nên người ta ào ạt đi theo ngài Thái Tổ rất đông như nước vỡ bờ. Ông Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn cùng vua Thái Tổ bàn thảo với nhau chu đáo, hoạch định kỹ lưỡng về việc đánh quân Minh.
Nhân họ Hồ chính sự phiền hà
Để trong nước lòng dân oán hận
Quân cuồng Minh thừa cơ gây loạn
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm

Bại nhân nghĩa nát cả đất trời.
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển còng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu nước độc.

Vét sản vật, bắt dò chim sả, chốn chốn lưới chăng.
Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ, nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng.
Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán,

Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa?
Nặng nề những nổi phu phen tan tác cả nghề canh cửi.
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi! (*)

Từ năm Mậu Tuất đến năm Bính Ngọ, vua Lê Lợi cùng quân lính đã toàn thắng hơn 20 trận. Thừa thắng xông lên, vua, tướng, cùng binh lính đã ồ ạt tiến sát đến Đông Đô (nơi đây do tướng nhà Minh là Vương Thông đang trấn giữ).
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo;
Như nước đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Nước non bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác;
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập;
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương;
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có. (*)

Biết tin chẳng vui, nhà Minh sai Mộc Thạnh và Liễu Thăng chia ra hai hướng khác nhau, cùng đi tiếp viện Vương Thông ở Đông Đô. Thế nhưng vua Thái Tổ quan tướng và quân binh đóng tại núi Mã An, đã giết chết Liễu Thăng, bắt sống Thôi Tụ, Hoàng Phúc, và hơn 300 người khác. Vương Thông hốt hoảng mở cửa thành Đông Đô ra đầu hàng. Mộc Thạnh lẽn chạy trốn về nước. Do vậy, ông Nguyễn Trãi đã ghi:
Thằng nhãi con Tuyên đức động binh không ngừng
Đồ nhút nhát Thạnh, Thăng đem dầu chữa cháy
Đinh Mùi tháng chin: Liễu Thăng đem binh từ Khâu Ôn kéo lại
Năm ấy tháng mười: Mộc Thạnh chia đường từ Vân Nam tiến sang.

Ta trước đã điều binh thủ hiểm, chặt mũi tiên phong
Sau lại sai tướng chẹn đường tuyệt nguồn lương thực
Ngày mười tháng tám: trận Chi Lăng Liễu Thăng thất thế
Ngày hai mươi: trận Mã Yên Liễu Thăng cụt đầu

Ngày hăm lăm: bá tước Lương Minh đại bại tử vong
Ngày hăm tám: thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẫn.
Thuận đà ta đưa lưỡi dao tung phá
Bí nước giặc quay mũi giáo đánh nhau

Lại thêm quân bốn mặt vây thành
Hẹn đến giữa tháng mười diệt giặc (*)

Từ lúc binh đoàn hùng dũng của vua Thái Tổ thắng trận vẻ vang, thì tờ thảo hiệp ước do ông Nguyễn Trãi biên soạn ra đời: Nên nước Ta và Tàu lại giao tiếp với nhau. Ông Trần Nguyên Hãn được vua phong làm quốc công.
Hoàng Phúc (Tàu) là người giỏi về khoa tướng số và địa lý, ông ta đã lén biên chép hết những chỗ đất quý ở phương Nam, nơi sinh ra các công hầu vương tướng, hắn đều ghi trộm hết. Khi Thái Tổ bắt được thượng thư Hoàng Phúc, ông Nguyễn Trãi nhìn y có ý khinh bỉ, thì Hoàng Phúc chỉ cười:
- Mả tổ nhà tôi có “xá văn tinh”, chẳng qua tôi bị nạn mấy ngày. Không như ông, có đất có nhà mà bị tru di tam tộc!
Ông Nguyễn Trãi trừng mắt nhìn Hoàng Phúc mà lặng im suy nghĩ mông lung.
* * *

Về phần ông Nguyễn Trãi có một trang trại Tiêu Viên ở tỉnh Bắc, đến đời vua Thái Tôn, trí sĩ Nguyễn Trãi không mê danh lợi, đã về ẩn cư tại trang trại ấy. Huyền sử ghi rằng: Khi ông Nguyễn Trãi chưa thành danh, tại làng Nhị Khê, ông sai học trò ra ngoài đồng dọn cỏ từ một cái gò, để làm nơi dạy học. Thì ông nằm mơ thấy người đàn bà kêu van:
- Tôi mẹ yếu con thơ. Xin ông nán lại ba ngày, tôi sẽ đem con đi nơi khác, rồi ông hãy dọn cỏ.
Ông thức dậy đi ra đồng, thấy học trò đã dọn sạch cỏ ở đống gò. Nguyễn Trãi hỏi, học trò thưa:
- Có con rắn trong bụi cỏ, chúng tôi đập, nó bị đứt đuôi, đã chạy thoát, chỉ thấy hai quả trứng nầy.

Ông Nguyễn Trãi suy nghĩ: “Con rắn ấy có lẽ là điềm của người đàn bà báo mộng”, nên ông đem hai trứng rắn về nhà nuôi, chờ nở. Mấy hôm sau, ông đang ngồi đọc sách, thì có con rắn trắng ở trên xà nhà, nó nhỏ một giọt máu xuống, đã thấm giọt máu xuống ba tờ giấy trong trang sách, trúng ngay ở chữ đại (đại= ba đời). Khi hai trứng rắn kia nở ra, thì một con ngắn, một con dài. Ông Nguyễn Trãi ngậm ngùi sai gia nhân đem hai con rắn nhỏ ra thả trên sông Tô Lịch. Một hôm khi trời đã tối mịt, ông ở trong triều về ngang qua hàng chiếu, ông gặp cô gái bán chiếu có nhan sắc mỹ miều, muốn đùa với cô gái tí, ông đọc bốn câu thơ:
Ả ở đâu đi bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân thu chừng độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa! Được mấy con?!

Người con gái ỏn ẻn cười, đáp lại:

Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon
Nỗi chi ông hỏi hết hay còn!
Xuân thu tuổi mới trăng tròn lẽ
Chồng còn chưa có, có chi con.

Ông Nguyễn Trãi thấy nàng xinh xinh mà đáp thơ trôi chảy, gãy gọn và hay, lòng cảm thấy hân hoan vui thích, ông liền hỏi tên, thì nàng thưa: “Thị Lộ”. Ông đã đem nàng về nhà làm hầu. Có lần khi Nguyễn Trãi có việc đi xa vắng nhà, vua Thái Tôn ngao du qua tỉnh Bắc, vua cùng đoàn tùy tùng đã vào dạo chơi trại Tiêu Viên, nàng hầu Thị Lộ ở nhà pha trà hầu vua. Khốn thay chiều tối hôm ấy vua Thái Tôn băng hà! Triều đình quyết đổ tội Thị Lộ giết vua, nên phán cả nhà ông Nguyễn Trãi bị thảm họa tru di. Thế nhân bấy giờ mới tin lời ứng nghiệm: Hoàng Phúc được vua Thái Tổ tha về nước, còn ông Nguyễn Trãi mắc oan. Khi vua mất, các quan tướng bắt Thị Lộ tra hỏi, thì nó vu:
- Ông Nguyễn Trãi xui tôi làm.

Triều đình định tội chiếu theo lời cung khai của nó, bắt cả gia đình ông Nguyễn Trãi tru di tam tộc. Riêng tên Thị Lộ thì nhốt vô trong lồng củi, và quăng ra sông Nhị Hà, thì người ta thấy nó hóa thân thành con rắn, chui ra khỏi lồng củi, đi mất (?!). Thiên hạ lại kháo nhau:
- Thị Lộ pha trà mời vua, chính là con rắn nhả nọc độc vô chén trà, nó đã hiện hình người, để báo thù!!!

Khi đại gia tộc ông Nguyễn Trãi gặp hoạn nạn, ông có người vợ bé đang mang thai, nàng lẽn trốn xuống tỉnh Nam sinh con trai tên Anh Võ. Đến đời vua Thánh Tông xét duyệt tích xưa, thương ông Nguyễn Trãi mắc hàm oan, vua đã ban chiếu giải oan, phong ông Nguyễn Trãi làm “Thái sư tuệ quốc công”, vua sai người đi tìm dòng dõi Nguyễn Trãi, mới lòi ra ông Anh Võ. Vua sai ông Anh Võ qua sứ bên Tàu, khi thuyền ông Anh Võ đi qua hồ Động Đình bị phong ba ầm ầm sóng cuộn. Bỗng thấy con rắn ở dưới nước bò lên, Anh Võ nghĩ lại là con rắn độc báo oán thuở trước, ông đã khấn:
- Xin cho tôi làm tròn việc nước, lúc trở về sẽ chịu tội.

Quả nhiên, lúc ông hoàn thành trách nhiệm trở về ngang qua hồ Động Đình, thì phong ba bão táp lại nổi lên, thuyền bị chìm và ông Anh Võ đã chết đuối.
* * *

Năm Cảnh Hưng triều đình đã duyệt lại các sắc phong cũ những vị khai quốc công thần. Lúc họ duyệt đến phần của ông Nguyễn Trãi, thì ông Lê Quý Đôn xé đạo sắc ấy, mà rằng:
- Bọn loạn thần tặc tử, giữ cáo sắc lại làm gì!

Vừa dứt lời, Lê Quý Đôn bỗng ngả xuống, ông thấy mình bị dắt đến một đền đài, hai tên lính bắt ông Lê Quý Đôn quỳ dưới thềm. Nơi có mấy chục chiếc ỷ, có một vị quan uy nghi, anh hào kiệt xuất đang ngồi chễm chệ oai nghiêm trên sập gụ, ông ta mặc áo bố tử, đầu đội mũ, chung quanh ông đầy dẫy lính hầu. Vị quan ngồi trên sập nói to mà y như hét:
- Ta là Tế văn hầu, ngươi là tiểu sinh, sao mà dám phỉ báng người đã có công với tiền triều hả. Tội ngươi thật đáng chết.

Lê Quý Đôn sợ hãi, kinh hoàng nín lặng cúi gầm mặt xuống, không dám ngẩn đầu lên. Bên cạnh vị quan có người mặc áo xanh, đội khăn lượt đã cúi đầu kêu van, xin vị quan oai dũng kia tha mạng cho ông Lê Quý Đôn. Vị quan ấy lại bảo:
- Ngươi đừng tưởng ngươi đỗ bảng nhỡn, mà lên mặt lếu láo khinh người. Công danh sự nghiệp của ta, không thèm so sánh với ngươi. Ta tha cho ngươi, về mà xem ít câu từ: “Bình Ngô Đại Cáo” của ta nè:
Đánh một trận: sạch không kinh ngạc
Đánh hai trận: tan tác chim muông.
Cơn gió to trút sạch lá khô,
Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ.

Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội,
Thượng thư Hoàng Phúc trói tay, để tự xin hàng.
Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chất đầy đường
Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước

Ghê gớm thay! Sắc phong vân phải đổi,
Thảm đạm thay! Ánh nhật nguyệt phải mờ.
Bị ta chặn ở Lê Hoa,
Quân Vân Nam nghi ngờ

Khiếp vía mà vỡ mật
Nghe Thăng thua ở Cần Trạm,
Quân Mộc Thạnh xéo lên nhau
Chạy để thoát thân.

Suối Lãnh Câu, máu chảy thành sông,
Nước sông nghẹn ngào tiếng khóc
Thành đan Xá, thây chất thành núi,
Cỏ nội đầm đìa máu đen.

Cứu binh hai đạo tan tành, quay gót chẳng kịp,
Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng
Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh

Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước… mà vẫn tim đập chân run.
Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức. (*)
- Nếu ngươi làm hay hơn bài hịch ấy, thì ngươi xé sắc phong của ta, âu cũng đành.

Ông Lê Quý Đôn tỉnh dậy, sợ hãi tột cùng, lập tức viết lại đạo sắc của ông Nguyễn Trãi.
* * *

Tính tình ông Nguyễn Trãi điềm đạm, ôn nhã, nhưng văn chương lưu loát, hùng hồn, đôi khi trữ tình, xao xuyến vấn vương nỗi thương dân nhớ nước, văn phong của ông có khí phách nam nhân và đầy tâm huyết. Nổi bật nhất là bài văn “Bình Ngô Đại Cáo” và “Lam Kinh Thần Đạo”, điều mà trên dưới trong triều thần và dân gian: ai ai cũng tâm đắc, bội phần kính phục từ chí hướng, lý tưởng sâu sắc:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạọ
Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật,
Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay. (*)

Triều đình vua Lê Thái Tông vào niên kỷ 1437 tháng 1 năm Đinh Tỵ, ông Nguyễn Trãi được giao thêm nhiệm vụ dạy nhạc, dạy vũ & chế nhạc khí. Ông Nguyễn Trãi liền khiêm tốn trình tâu vua:
- Kể ra thời loạn dụng võ. Thời bình chuộng văn. Nay đúng lúc nên làm lễ nhạc. Song nếu vạn vật không có gốc, thì không thể đứng vững. Nếu không có văn làm sao lưu hành! Thái bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Nay thần vâng chiếu, ngày đêm tận tâm dốc sức soạn nhạc, thần không dám lơi là qua quýt. Nhưng vì học thuật của thần nông cạn, sợ e thanh luật khó hài hòa. Nay thần dám khẩn xin bệ hạ hãy yêu nuôi muôn dân, để mọi người không còn oán hận buồn than. Có như thế mới không làm mất nguồn gốc của thanh nhạc:
Như nước Đại Việt của ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã từ lâu
Bắc Nam bờ cõi đã chia
Phong tục mỗi nơi một khác

Hoàng đế Lê Thái Tông nghe xong lời tấu trình của Nguyễn Trãi, thì rất ngợi khen, và vui vẻ sai thợ đi lấy đá ở núi Kính Châu để làm. Nhưng khi triều đình bàn đến chuyện sẽ chế nhạc khí, do vua còn ngây thơ ít tuổi (bấy giờ mới 14 tuổi) chưa có kinh nghiệm, non nớt về chính trị và thiếu bản lĩnh, nên vua Thái Tông nghe lời bàn ra của hoạn quan Lương Đăng: chuyên sao chép nhạc của nhà Minh, quan văn trong triều không sáng tác được điều chi. Sự kiện nầy trái ngược với sự uyên thâm đậm đà bản sắc trân quý dân tộc Việt của mình; khiến Nguyễn Trãi rất đau buồn, bèn xin thôi việc soạn nhã nhạc. Khi:
Chẳng những mưu kế kỳ diệu
Cũng là chưa thấy xưa nay
Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới

Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc

Âu cũng nhờ trời đất tổ tông
Linh thiêng đã lặng thầm phù trợ;
Than ôi! Một cỗ nhung y chiến thắng,
Nên công oanh liệt ngàn năm

Bốn phương biển cả thanh bình…
* * *

(*) tác phẩm -Ức Trai Dư Địa Chí- Nguyễn Trãi.
(*) Bình Ngô Đại Cáo – Thơ Nguyễn Trãi - Ngô Tất Tố dịch *


Tình Hoài Hương

hieunguyen11
10-05-2014, 03:36 AM
Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị VNCH chọn Trần Nguyên Hãn là Thánh Tổ ngành Truyền Tin.

Tinh Hoai Huong
10-08-2014, 03:31 AM
Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị VNCH chọn Trần Nguyên Hãn là Thánh Tổ ngành Truyền Tin.
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1412738949.jpg
THH chân thành cám ơn anh hieunguyen11 nhiều.
Nhờ có anh ghi RE: ở QUOTE trên, mà THH được học hỏi thêm & mở rộng kiến thức .
Tình thân,
HH

Tinh Hoai Huong
10-27-2014, 10:31 PM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1414449300.JPG
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1414449596.mp3
Thái Nghệ Quân & “Thư Cứu Người Bị Hàm Oan”
Sau khi đi thăm em ở Pennsylvania, New York, Ohio, Canada... về,
THH thương tặng nhân vật chính:
Trương thị Thu Huyền (Hoa) một loạt bài viết về câu chuyện thật của em tôi.


Nắng chói chang trên quảng đường dài dằng dặc, lặng gió, oi ả, ngột ngạt, bốc hơi nóng hừng hực phừng phừng đã phả vô mặt, nên Hoa cảm thấy mệt nhoài. Nắng rót lên thân thể Hoa mảnh khảnh như ngàn mủi kim châm càng rát bỏng, khiến lưng nàng ướt đẫm mồ hôi, chùm tóc ướt dính trên hai má Hoa thắm hồng, đôi mắt long lanh, khiến cô bé chớm dậy thì càng xinh, mà em hồn hồn nhiên vô tư lự đâu có ngờ. Từ xóm Sen quạnh hiu, nghèo nàn và đơn điệu thuộc làng Trường Sanh, Hoa uể oải xách va ly cũ do chị Lộc mua tặng, để lên đường đi Huế.

Hoa lại đi ở đợ cho gia đình ông Đại/uý Trương Nguyên Thảo tại khu Tạo Tác trong Thành Nội, thời gian dài ở nhà nầy, ông bà Thảo là người đức độ, họ thương mến Hoa, xem Hoa như em út, cho Hoa ngồi ăn chung bàn, không phân biệt sang hèn, họ thường cho Hoa đi chơi đó đây vui vẻ cùng gia đình. Hai con trai của họ là Mỹ và Nguyện độ chừng bảy tám tuổi, mỗi khi các em học bài, Hoa cũng ngồi ngoài hè nghe các em học. Ông Thảo có vợ và năm người con, Vỹ: cậu con trai thứ, là nam sinh trường Quốc Học. Vỹ và Quân thân thiết do học cùng lớp, ở cùng xóm, hợp tính tình, vui vẻ và dí dỏm.

Mỗi cuối tháng, sau giờ học ở trường, họ nhàn hạ đạp xe từ trường Quốc Học về qua cầu Trường Tiền, gởi xe đạp đâu đó, hai bạn tà tà thả bộ ven phố Trần Hưng Đạo, phố Phan Bội Châu mua cái nầy, cái nọ. Nếu thấy quảng cáo có phim hay, họ nháy nhau đi xem cine xong, trước khi ra về họ ghé quán ăn: khi thì nhâm nhi vị ngọt của chè đậu xanh đánh, chè hột sen, khi ăn tô phở, hoặc ghé vô quán bánh xèo. Ăn uống no nê, hai bạn ung dung chia tay nhau ai về nhà nấy. Thường khi sau những giờ học tại trường, buổi tối Quân đến nhà Vỹ, hai bạn vùi đầu vô trang sách miệt mài ôn luyện bài tập bài học. Để giải trí, Quân ưa sưu tầm những bài thơ tình hay, thơ vui, những mẫu chuyện tiếu lâm lượm lặt đó đây, như:

Cạnh cuối chùa Chứa Chan có cây cầu.
Có các cụ ca, cười: cao cát, công,
Có cây cổ cọ chi chít chim chóc.
Càng chiu chít: cú, cò, chích choè, cưỡng,

Chiền chiện, chuồn chuồn, châu chấu, cào cào...
Con cưỡng cái cứ căm cay con cò
Cò chảnh: cẳng cao cao, cổ cong cong,
Cưỡng cấm cò chảnh chẹ, càng chua cay,

Cưỡng căm cay con cò có cái cẳng
Cánh cùn cụt. Cưỡng càng cay cú, cắn
cánh, cắn cổ, cắn cẳng chân cò cà!?
Chu choa! Cò cụt cả chân cẳng cánh.

Cánh cùn cụt cổ cao cao, cong cong
Chỉ chờ chết! Chừ cò chẳng còn chi!
Cò chiêm chiếp, chí chóe chu cheo chéo.
Chít chít, chiêm chiếp, chí chóe, chì chiết! (*)

Hoặc:

Nhật nguyệt nơi nao NGỰA ngàn năm niên
Ngồi nơi nầy NGỌ nồng nàn náo nhiệt
NGỰA nghèo nhưng nết na, nỏ nanh nọc*
Ngoi ngóp ngoen ngoẻn nắc nỏm NGỌ nòi

Nói nào ngay NGỌ nghịch ngợm nhảy nhót…
Nhỏ NGỰA như nũng nịu ngầm nhức nhối
NGỌ nôn nao nõn nà nhiều nhố nhăng
NGỰA nấc nấc nên “nao-nực* ngấm ngầm

Năm nay NGỌ ngồi nom nồi nem nấm
Nem NAI ninh na ná nồi… nước nhão
Nhà nào nấu nướng? NGỰA ngửi ngạt ngào
Năm ngoái NAI non nhún nhảy nơi nao!?

Năm nay Nai "nằm ngủ" nơi nồi nấu…
NGỰA ngắc ngoải nhìn NAI nhăn, nhẵn nhụi
NGỌ nghẹn ngào ngốn ngấu nhai ngẳng nghiu
Nhưng nỏ nhấm nháp nuốt NAI “nhân-ngôn” (1)
*
[Nanh nọc*= *không bộc lộ sự hiểm độc. / “nao-nực*= lao-lực
“nhân-ngôn”*= hợp chất arsenic rất độc, vị đắng, màu vàng.] (1)

Thật ra, với lối hành văn qua ít thể điệu cho một bài Thơ Vui dài, pha chút tiếu lâm mà vô hại, chỉ ghi ghép cùng một vần chữ duy nhất thế nầy, thì rất khó làm, đôi bạn cố moi óc ra, nghĩ cách ghi lại bài thơ hóm hỉnh cho vui cửa vui nhà, cùng cười một trận thỏa thích, cốt ý chỉ chọc cho độc giả mua vui và giải trí, cũng làm không xong. Thế nên, họ xoay qua sưu tầm chuyện tiếu lâm: Đại khái như nói về Ba nước: Ngô, Thục, Ngụy; thế nầy :
Một hôm, Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyên: cùng chư tướng và thân bằng cố hữu họp hội nghị G3, và ăn búp-phê trên chiến thuyền to và đẹp nhất nước NGÔ. Buổi tiệc đang vui vẻ, thì trời bỗng nổi giông bão... có một tướng chạy vào bẩm báo:
“Thưa tam vương: gió giật cấp 12, tầm nhìn xa trên 10 kilômét… tàu ta đâm vào đá ngầm và sắp chìm... để chống chọi chờ tiếp viện, thì phải vứt bớt đồ đạc cho tàu nhẹ bớt.”
Vừa nghe xong, Tháo sai Chữ vứt sạch vàng bạc mang theo xuống biển, trước ánh mắt thèm thuồng của mọi người… Tháo bèn nói:
“Yên tâm, nước Ngụy còn nhiều vàng bạc lắm”.
Tháo chưa dứt lời, Quyền sai vệ sĩ vứt hết thê thiếp đẹp hơn hoa hậu của Quyền xuống biển, trong ánh mắt kinh hãi của quan khách.
Quyền cười nói:
“Yên tâm, nước NGÔ gái đẹp còn nhiều lắm...”
Chưa kịp nói gì, thì Lưu Bị đã bước tới ném Tháo và Quyền xuống nước, rồi nói:
“Yên tâm, nước Thục (Trung Quốc ta!) còn nhiều thằng bốc phét lắm!”... (2)
*

Có lần Hoa lén nghe họ đọc chuyện tiếu lâm: Hội Nghị G3 (Tam Quốc Chí):
Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền họp Hội nghị G3 do vua nhà Hán chủ trì. Vua Hán cho các cung nữ cởi trần, bôi nhọ nồi vào ngực, bắt họ múa để đãi tướng. Cuối cùng, chọn ba cô đẹp nhất cho ngồi cạnh ba vị: Tào, Lưu, Tôn. Bỗng đèn đuốc tắt hết. Hồi lâu đèn nến mới sáng lên. Thì thấy tay Tôn Quyền đầy nhọ đen nhẻm. Mũi Lưu Bị cũng bị đen. Vua Hán nghĩ bụng:
- Tôn Quyền khua khuắng cả cung nữ của ta, thế nào nó cũng lấy đất Ngô. Lưu Bị ngửi cả cung nữ của ta, thế nào nó cũng lấy Ba Thục. Chỉ có Tào Tháo là trung thành với ta mà thôi.
Vua Hán bèn khen Tào trung nghĩa. Tào Tháo khoái quá, cười nhe răng. Thì… răng và lưỡi đen thui. (2)

Đang đút cơm cho em ăn ở cạnh phòng học của họ, được nghe lóm chuyện vừa học vừa giải trí của hai anh chàng thư sinh, Hoa ngây thơ khờ dại chẳng thể hiểu tại sao khi đọc xong câu chuyện tiếu lâm (mà theo em Hoa bé nhỏ: thì chuyện ấy chẳng thấy vui tí nào), hai anh chàng nam sinh Quốc Học đã khoái chí hả hê cười ha ha ha… Nhưng mấy hôm sau suy nghĩ chợt hiểu ra, Hoa đã không nín được cười. Đời Hoa đi làm thuê ở mướn như thế nầy, đôi khi cũng có chút vui vui và bình an.

Một hôm, chẳng biết từ đâu Quân hớt hãi vội vã chạy tọt vô nhà Vỹ (để trốn ông ba của chàng). Tuy có chút bất ngờ sửng sốt, Vỹ không muốn cho cha mẹ mình biết chuyện riêng của Quân, Vỹ kéo tay Quân vô núp trong kho phía sau nhà. Vỹ và Quân ngồi trong góc phòng nhỏ to tâm sự rất lâu. Thoạt tiên Hoa kinh ngạc, có chút bất tiện không dám đột ngột chường mặt ra, nên bối rối hồi hộp ngồi lì nín thinh, im re thập thò lấp ló núp trong xó góc tối, lâu lâu Hoa ngóc đầu lên len len nhìn Quân kể lại đầu đuôi sự việc, và tức tưởi khóc hụ hụ. Hoa hiểu rằng Quân đã bị ông ba của anh đánh đập nhiều, đánh oan vì ba anh nghi ngờ Quân phạm một lỗi tày trời, mà quả thật chàng không hề làm. Quân uất ức buồn phiền đã chạy xuống núp dưới nhà Vỹ, Quân dự tính sẽ bỏ nhà ra đi, vì tức giận mà chẳng biết thổ lộ cùng ai nỗi phi lý và oan ức.

Vỹ vỗ vào vai bạn ân cần lựa lời an ủi Quân, Vỹ không ngờ nơi góc kho mờ tối nầy có Hoa đang lui cui dọn dẹp lu hủ chai lọ bên cái bồ chứa lúa. Hoa ngồi chò hỏ xuống nền gạch, lắng nghe hai người kia dáo dác lo âu rù rì mãi lâu. Hoa đã biết chuyện chẳng lành xảy ra. Mãi lâu, khi họ đi lên phòng học, Hoa nghĩ mình nên ra tay làm một việc cần phải làm, để cứu người mắc hàm oan, ngoài ra Hoa chẳng hề nghĩ gì! Hoa vội vã âm thầm kiếm tìm em của Vỹ, (có lẽ Lạc lớn hơn Hoa vài tuổi).

Hoa kể rành mạch hết những điều đã tai nghe mắt thấy về Quân cho Lạc biết. Vì Hoa không biết chữ, nên Hoa đành khẩn khoản nhờ Lạc viết một lá thư gửi cho ba của Quân (làm ở Ty An Ninh) kể rõ đầu đuôi chuyện oan ức của con ông. Lạc hí hoáy viết lá thư xong, Lạc đọc lại cho Hoa nghe. Hoa rối rít cám ơn Lạc, và lận lá thư trong lưng quần, Hoa liền chạy tới trước cổng nhà Quân đưa lá thư cho em gái của Quân, nhờ Xoan chuyển cho cha mẹ của họ.

Ba của Quân đọc xong lá thư, mặt tái xám sửng sờ! do ông là một vị tai to mặt lớn trong ngành an ninh, nên điều tiên quyết là ông nghi ngờ, phân vân suy nghĩ. Ông không hiểu tại sao một sự kiện đã xảy ra trong gia đình mình, thì dĩ nhiên riêng trong nhà nầy biết mà thôi, cớ sao lại có người không hề quen, lại biết rõ tường tận như thế!? Có phải trong nhà đã có “kẻ gian” đột nhập cài vô đây làm nội gián? Thế nên, ông chỉ thị hai nhân viên an ninh đến nhà ông Thảo, tìm Quân trở về nhà. Đồng thời ba Quân gọi ông bà Thảo lên văn phòng, để điều tra xem ai là người biết rõ nguyên nhân, nguyên cớ để gửi lá có tựa đề: “Thư Cứu Người Bị Hàm Oan”.

Về phần ông bà Thảo… bị mời lên Ty thẩm vấn, nghe qua câu chuyện kia, họ xanh mặt, đã té ngữa ra rụng rời ngẩn ngơ, bàng hoàng khi biết vụ việc “từ thiện” do một cô bé quần thô áo vải nghèo hèn, nhưng bên trong bộ quần áo đơn sơ đó: đã chứa đựng tấm lòng trong sáng, bác ái, thương người, hiền lành, thật quý hiếm. Một “bé Hoa” mới nhúm tuổi non nớt, nhưng đầy bản lĩnh, can đảm, khôn ngoan, thông minh và từ nhân đức độ, đã làm việc “cứu người” rất đáng trân trọng, khiến gia đình Quân, gia đình ông bà chủ Thảo đều kính phục con bé đầy nhiệt huyết và quả cảm.

Từ khi nổi danh là cô bé ngoan hiền đức độ, Hoa đã được mọi người trong gia đình ông bà Thảo và gia đình cha mẹ, anh, chị của Quân mến thương, nhất là Quân xem “nàng bé bỏng” như một vị cứu tinh, thì Quân lưu tâm chú ý đến Hoa, nếu không muốn nói là Quân đã có tình cảm đặc biệt với “nàng Hoa áo vải”. Quân thường xuyên đến nhà Vỹ, thỉnh thoảng sau giờ cùng Vỹ ôn học, Quân gặp Hoa lúc ở bờ giếng, khi sau vườn cây quả, bên ao sen… Hai người trò chuyện vui vẻ, Quân cảm thấy lòng dâng lên nỗi dịu ngọt lâng lâng, có mối đồng cảm xao xuyến đầy thi vị. Lòng Quân bâng khuâng xen lẫn niềm ấm áp nhớ nhung mối cảm thương tình người. Cha mẹ Quân cũng thương mến Hoa, coi em như con cháu, điều nầy khiến Quân rạng rỡ vui mừng Quân đã yêu lúc nào… chẳng nhớ.

Mới ngày nào… khi Hoa đi “làm chuyện nghĩa hiệp” đó, thời gian trôi chảy mãi, nay hơn một năm… đôi bạn sống với nhau đầm ấm, mặn mà đầy tình thương. Quân có nhã ý nhờ mai mối cùng về quê xin đi làm đám hỏi Hoa. Thật ra, cha mẹ Quân rất thương Hoa, thương… thương như tình mến con cháu mà thôi. Chứ họ giàu có, địa vị, môn đăng hộ đối, cho dù họ băn khoăn, bâng khuâng cùng xen lẫn ít buồn phiền… nhưng không hề có ý nghĩ sẽ cưới vợ cho Quân!

Thôi cũng đành! Suốt mấy tháng băn khoăn lo lắng trằn trọc, ray rứt không yên, lòng Hoa buồn vô hạn và cay đắng xót xa khi nhận ra mình cảm mến Quân, không dám yêu thương Quân trong tình nghĩa vợ chồng muốn gắn bó keo sơn, như Hoa tưởng. Kỳ lạ một điều là khi Quân đi học Thủ Đức, ra trường về Huế, mỗi lần Quân đến nhà ông bà Thảo, thì Hoa luôn lẫn tránh chàng. Cho đến một hôm chẳng đặng đừng, Hoa ái ngại cúi mặt không dám nhìn Quân, e dè:
- Xin anh hãy quên đứa em tội nghiệp nầy. Đôi ta nổ lực đi tìm hạnh phúc, nhưng khốn thay, dù cố gắng mà không thể tìm thấy.

Quân lặng lẽ ra đi về đơn vị tiền đồn ở Tây Ninh. Hơn năm sau Thái Nghệ Quân về phép thăm ba mẹ, Quân tình cờ gặp em Thủy (em của Hoa) ở bến xe tải Huế. Quân năn nỉ em Thủy ngồi nán lại nửa giờ, để Quân chạy về nhà lấy quyển nhật ký của anh, đưa cho em Thủy nhờ chuyển giúp đến Hoa. Thủy đọc nhật ký của Quân tới đâu thì khóc tới đó. Thủy khóc quá trời. Cũng tội.
* * *

Rồi một ngày đẹp trời, ba Hoa được về phép, ba ghé lại nhà ông bà Thảo thăm Hoa, bà Thảo bàn với ba Hoa:
- Anh hãy cho Hoa học nghề may. Hoa đã lớn, mười lăm mười sáu tuổi rồi còn gì, anh đừng để con phải “đi ở” nữa, tội nghiệp con bé lắm.
Ba buồn rầu nói:
- Nghề may cần biết đọc và viết, con tôi không học được chữ nào. Thưa bà, và… tiền đâu mua máy may?

Bà Thảo vui vẻ trả tiền lương Hoa đã ở nhà bà là một năm rưỡi, bà ân cần tặng cho Hoa thêm số tiền tương đương như thế nữa. Đích thân bà Thảo đưa hai cha con đi chợ Đông Ba mua bàn máy may. Hoa mừng rỡ cúi đầu cảm tạ ông bà Thảo, hớn hở đem máy may và tiền bạc rủng rỉnh về quê, lớp đưa cho mạ trang trải mọi thứ, lớp lấy tiền đi học nghề. Nhờ tấm lòng bác ái bao la của vị ân nhân rất đáng quý trọng kia, hạnh phúc xiết bao.

Hoa chính thức từ giã nghiệp “tôi tớ” đáng buồn tủi đau buồn, để hăng hái lăng xã ra với đời (khi Hoa bước vào tuổi chớm mười sáu). Hoàn cảnh gia đình mình đông em nhỏ nheo nhóc, nghèo khó, Hoa là người chị đầu, dù chỉ mới có nhúm tuổi, Hoa đã ý thức trọng trách gia đình, quả cảm, đầy nghị lực, thế nên làm việc gì Hoa cũng ước mong cho mau lẹ và thành công, không thể thất bại.

Vì nếu Hoa thất bại, là bầy em sẽ càng nheo nhóc và đói rách te tua thê thảm. Nghĩ tới cảnh đó, Hoa cảm thấy lòng mềm nhũn, đau đứt ruột, nhói trong tim. Lúc nầy, nhờ Hoa đóng góp tiền tháng với mạ kha khá, nên các em trai gái được hân hoan cắp sách đến trường ăn học tử tế. Các em có đủ mọi thứ tối thiểu cần thiết giản dị bình thường của một học sinh. Hoa càng phải cố gắng xoay xở “kiến tạo sáng tác” ra việc làm hữu ích và lương thiện! Ấy là những lúc không có hàng may, Hoa theo chị Thoa, O Dỏ ra Quảng Trị mua thuốc lá về bỏ mối lại. Hai người đó tận tâm dìu dắt Hoa bước đầu, nên sau vài ba lần đi buôn, thì Hoa cảm thấy vững vàng, có thể tự xoay xở, nên may mắn có thêm tiền để giúp mạ lo cho các em đỡ cơ cực và đói khát.
***[/SIZE]

(1) Thơ Vui Tình Hoài Hương
(2) Sưu tầm lượm lặt.

Tình Hoài Hương**

Tinh Hoai Huong
11-14-2014, 08:24 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/tq-lc.png_1415969189.png
http://hoiquanphidung.com/upload/img/Loi Cu Ta Ve - Elvis Phuong.mp3_1415956596.mp3
Võ Hải Triều... Anh Ôi!


Sau khi đi thăm em ở Pennsylvania, New York, Ohio, Canada... về,
THH thương tặng nhân vật chính:
Trương thị Thu Huyền (Hoa) một loạt bài viết về câu chuyện thật của em tôi.


Cơn gió heo may rít lên vô tình lùa qua cửa lớn kêu kẽo kẹt, mang theo ít khí lạnh mùa thu hiu hắt và đơn điệu, càng buồn hơn khi chiếc lá vàng nghiêng mình chao cánh, cài lên mái tóc thề buông lơi xỏa trên tấm thân Hoa thon thon và mảnh khảnh. Bất chợt Hoa cảm thấy ớn lạnh và khẽ rùng mình. Hoa đưa tay kéo hai nẹp áo bung một hột nút để cài kín bờ ngực nhỏ. Hoa đứng dậy ra cửa lớn. Hoa định đóng cánh cửa kính của tiệm, nơi Hoa đang học may.

Nàng bỗng nghe: “Gió bay từ muôn phía tới đây ngập hồn anh, rồi tình lên chơi vơi. Thuyền anh một lá ra khơi, về em phong kín như mây trời, đêm đêm ngồi chờ sáng mơ ai. Mộng nữa cũng là không… Ta quen nhau mùa thu, ta thương nhau mùa đông, ta yêu nhau mùa xuân, để rồi tàn theo mùa xuân. Người về lặng lẽ sao đành” …!
- Ồ… Hoan hô anh Hải Triều hát hay quá.
- Anh hát cho tụi em nghe nữa đi.
- Anh hát đi.
- Anh mắc cỡ sao?

- Ừa… Để anh hát cho các em nghe nha, có gì mà mắc cỡ ha... “Chiều nao áo tím nhiều quá, lòng thấy rộn ràng nhớ người. Đường về miền Bắc bao cách xa. Nhìn về đường lối bao khó khăn: Đây núi cao, đây suối sâu, đây lá hoa reo như ngàn xưa. Đường về ngập gió tha phương, tiếc đời gấm hoa ta đành quên màu sắc núi rừng. Qua bao rừng núi anh về đây, nhớ nhau từng phút yêu từng giây"… Ah! Anh ca từng đó đủ rồi. Bây giờ đến lượt các em ca hát cho anh nghe, mới công bằng và đúng điệu chứ. Ha!

Úi ui! Hoa ngạc nhiên, ngẩn ngơ, chúm đôi môi hồng khe khẽ xuýt xoa, chen lẫn chút mến phục, nàng liền thò đầu ra khỏi cửa lớn, dáo dác tò mò nhìn quanh khu xóm nhỏ, dường như Hoa muốn kiếm tìm chàng thanh niên ấy là ai, mà anh ta ưa thích ca nhạc tiền chiến, và có giọng ca trầm ấm, trữ tình, ngọt ngào cuốn hút làm sao, y như giọng ca Sĩ Phú trong ca khúc “Tà Áo Xanh”, và “Đường Về Miền Bắc” ; nhạc và lời của Đoàn Chuẩn Từ Linh vậy hổng biết!

A ha! Ở mé góc đường cái quan trong làng Phú Nông, nơi ngôi nhà lai ba gian khang trang rộng rãi và hai chái ghép ở hai đầu hồi, mái lợp ngói gạch nâu nung, tường quét vôi vàng, trong khu vườn cây ăn quả (đối diện với tiệm may) có một thanh niên trẻ tuổi đã nhìn bầy nhóc và tủm tỉm cười, anh cùng bốn năm em nhỏ đang đứng bên chiếc bàn trên góc sân, nơi có tàng lá vú sữa rợp bóng. Họ vui vẻ chuyện trò vừa ca hát vừa lúi húi vót nan tre, dán giấy bóng màu, giấy bóng kiếng: để làm lồng đèn kéo quân, đèn ngôi sao năm cánh kép. Người ấy mặc quần tây đen, áo màu xám, vóc dáng cao gầy, mái tóc cắt ngắn lộ ra khuôn mặt chữ điền, mũi cao, miệng rộng, mắt hai mí to và đẹp, cằm đôi. À, thì ra…
Hoa nghe chị Tâm (chủ tiệm may) thường nói:
- Bà Tố có cậu con trai cả đã đi “lính… tàu bay” trong Sài Gòn. Cậu ấy thiệt dễ thương, vui tính, chưa vợ con gì!

Nhìn anh “lính tàu bay” vui vẻ ca hát và dán lồng đèn cùng em cháu trong xóm, anh ta vô tình không biết Hoa đang nhìn trộm. Tự nhiên Hoa có thiện cảm với người lạ, nàng hồn nhiên nở nụ cười vu vơ và nhẹ nhàng đóng hai cánh cửa kính. Hoa trở lại ngồi vô bàn máy cắm cúi làm việc. Hoa đang theo chị Tâm học nghề may, Hoa học thì ít mà “ma lanh” ăn cắp nghề học lóm thì nhiều. Như chị Thùy Mến đã nhận xét về mình: “Hoa khôn ngoan, dịu hiền, khá thông minh, em học một mà biết mười, giỏi lắm”.

Hôm sau, khi chị Tâm đã xách giỏ đi chợ vắng, ở dưới bếp Hoa đang quạt lò, gắp than hồng để bỏ vô trong bàn ủi mà làm việc. Nghe tiếng chó sũa, Hoa bỗng nhớ đến chuyện mình về ở làng Trường Sanh, một hôm Hoa đang đi trên đường, bỗng bị con chó nhà ai ở đâu trong bụi sim xồ ra cắn, đau kinh khủng. Hoa hét to lật đật chạy về nhà, máu chảy ròng ròng mà không hề có thuốc men chữa trị. May sao Hoa không bị điên dại như người ta thường nói. Ngày ngày mạ chỉ biết rửa nước nóng pha chút muối, xong rồi lấy lá ngãi cứu đắp vô vết cắn. Cả hai chân của Hoa bắt đầu sưng tấy lên to ú nù, làm độc, nhứt nhối vô cùng. Ruồi ngưởi thấy mùi máu tanh, đã bu đến, Hoa rên siết bần thần đau đớn và mỏi tay xua đuổi ruồi vẫn không xuể.

Rồi một ngày kia Hoa không thể ngồi đó mà đuổi ruồi hoài, càng không thể bước đi đâu, hai chân Hoa bị dòi lúc nhúc ăn sâu vào gần tủy. Cái nước đau đớn tột cùng nầy có lẽ chết mất. Thật kinh khủng! Mạ lật đật tất tả đi khắp xóm vay mượn ít tiền, mạ thuê người cõng con chạy vô bệnh viện cấp cứu. Chờ đợi không lâu, bác sĩ khám rất kỹ những vết thương sưng tím và hôi hám nhầy nhụa, ông đã buồn phiền lắc đầu ngao ngán, ông họp ban giám đốc và cuối cùng họ bảo muốn cứu sống con bé, chỉ có nước cưa cả hai chân. Thật là: Phúc bất trùng lai. Họa vô đơn chí. Đời mình chi mà đau khổ lạ lùng rủi nhiều hơn may! Làm con gái bị cụt hai chân sao!? Chẳng thà chết quách đi cho rãnh nợ, hơn là sống lê lết trên đời. Nhưng mệ ngọai cương quyết không cho họ cưa chân. Mệ nói:
- Vì cháu là con gái, mệ không thể thấy cháu sống tàn tật. Tội quá!

Mệ mang Hoa về nhà nuôi, mỗi ngày mệ ra đồng bắt con đĩa về, để Hoa ngồi trên ghế, ở ngoài sân, mệ cho đĩa đeo vô vết thương mà hút máu độc. Ui chao ơi! Hoa sợ mất hồn mất vía. Hết con đĩa nầy đến con đĩa khác hút máu mũ nhầy nhụa, Nếu nó hút máu mũ chưa đủ, Hoa nắm con đĩa để giựt rứt nó ra, nó vẫn (đeo dai như đĩa) bu bám cứng ngắt, nó không phải là con đĩa mà… hình như nó đã biến thành xương thịt của mình!

Hoa không thể rứt nó ra khỏi người mình, vì khi cầm con đĩa giựt ra, thì chân Hoa đau đến tột cùng! bị đau thấy mấy ông trời. Nó hút máu no nê, thân thể mập ú thù lù vì no, thì nó mở miệng tự động lăn kềnh ra đất thành một cục to to đen thùi lùi nằm ngay đơ y như chết. Thế là chân Hoa lành. Hoa tạ ơn mệ ngoại! thời đó mà mệ thật kiên nhẫn chịu khó vì cháu, mệ văn minh, thông minh… mệ đã nghĩ ra được cái kế như vậy nhỉ? Chớ không có mệ ngoại thì “đã tàn đời Hoa” !

Bỗng nghe có tiếng gõ cửa ở nhà trên, Hoa vội chạy lên mở cửa ra. Hoa sửng sốt:
- Ô Chào anh Hải… Triều!
- Ơ hơ! làm sao em… em… biết tên anh vậy?
Hoa toét miệng cười:
- Dạ… em biết mà.
- Anh mới ở Sài Gòn về đây, anh chưa đi đâu thăm ai trong xóm. Vậy cho anh hỏi: em cũng là người lạ tại nơi nầy. Phải không?

Hoa tủm tỉm gật gật đầu mời Triều vào nhà, nàng né qua một bên, nhường lối cho Triều bước vô tiệm may. Triều ngồi xuống cái ghế dựa cạnh chiếc bàn to đang bày nhiều vải vóc, thước dây, kéo và quyển sổ dày:
- Tại sao em biết tên anh. Hở?
- Hi hi… chuyện nầy có chút bí mật. Em không bật mí cho anh Triều biết đâu. Nhưng anh tới đây hỏi ai rứa?
- Anh hỏi em chớ hỏi ai.
- Không phải.
- Úi Trời! Tức thì thôi.
- Nếu anh muốn hết tức, thì anh trả lời câu em vừa hỏi. Rồi em sẽ nói cho anh Triều nghe: tại sao em biết tên anh nha.
- Anh chịu thua em, thì… anh hỏi chị Tâm thợ may.
- Dạ, chị chủ tiệm vừa đi vắng ạ. Lát nữa anh trở lại nghen.
- Vậy sao!
- Dạ.
- Em không muốn tiếp anh à?
- Em không dám.

Triều ngạc nhiên nhìn Hoa chằm chằm, nàng liếc nhìn Triều, bốn mắt chạm nhau, Triều hóm hỉnh đá lông nheo mấy cái kịch kịch, khiến nàng mắc cỡ, liền e dè cúi mặt xuống nói lãng:
- Vậy thì mời anh ngồi đây đợi chị chủ về nghen. Em đang bận xí.
- Em không sợ anh khiêng hết đồ đạc… đem đi bán à?
- Em nghĩ anh không làm chuyện nớ mô.
- Em cứ vắng mặt nơi đây, thử coi anh có dám hay không nà.
- Em sợ anh rồi.
- Mà em nè… cho anh biết: em tên gì?
- Dạ, anh biết tên rồi còn hỏi.
- Em… ui! Em nói đi.
- Em tên “Em”.
- À… cô bé nầy khôn ghê nơi. Vậy anh đoán nghen, nếu sai, thì anh không rinh hết vải vóc, bàn ghế, máy may đi về nhà anh. Mà nếu anh đoán trúng, thì em phải chịu điều kiện anh đưa ra, nghe: Lan. Mai. Hồng. Cúc.
- Sai anh ơi.
- Vậy thì: Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh
Thân tui thui thủi một mình
Đêm đêm lạnh lẽo buồn tình lang thang
Nếu ai nghĩ chuyện đá vàng
Tôi xin được dạo cung đàn tình chung

Hoa lắc đầu cười tươi. Triều hơi nhíu mày:
- Cổ tay em trắng như ngà
Con mắt em liếc như là dao cau
Miệng cười như thể hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen


Triều vui vẻ cười ha ha ha, và giơ ngón tay xỉ xỉ về phía Hoa, ngâm tiếp:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra. (*) Có phải em tên Xuân, Ngâu, Sen... không?

Thốt nhiên Hoa giật mình, le lưỡi xuýt xoa, trợn mắt, co rúm người lại, vì trong mấy bài thơ có chữ “hoa”. Hoa chỉ sợ Triều đoán ra tên mình, thì phiền. Triều ngẩn ngơ bần thần nhìn Hoa giây lát, lòng anh đột nhiên… Phải! phải, đột nhiên anh cảm thấy lâng lâng tràn ngập niềm vui khó tả, xao xuyến dịu dàng ấm áp trong sự hồn nhiên ngây thơ đầy thi vị của “nàng”. Phần Hoa thật lúng túng bẽn lẽn hồi hộp làm sao! Kịp lúc đó, từ đằng xa vừa bước xuống xe xích lô, chị chủ tiệm may đã ơi ới gọi tên Hoa…
- Hoa ơi! phụ chị ra sân bưng đồ vô nhà. Em.

Hoa vụt đứng dậy bước ra sân chào Tâm, lanh lẹ xách giỏ thức ăn rảo bước vô sau bếp, lúc Triều cũng trờ tới giơ tay xách quầy chuối nặng trĩu. Chị Tâm thấy Triều, vội đon đả chào:
- Chào cậu. Cậu mới về thăm cha mạ hả.
- Dạ, em về khuya hôm kia chị à.
- Cậu về phép được bao lâu?
- Mười bốn ngày, mà em mất hai ngày đi đường rồi. Tiếc ha chị.

Triều nói xong, nhìn chị chủ tiệm cười cười, hất hàm ra dấu về phía Hoa như ngầm ngụ ý: mất hai ngày thì “chàng tiếc vì nàng”. Chị chủ là tay từng trải chuyện yêu đương bồ bịch, có lý nào lại không biết! Chị Tâm toét miệng cười, nói nho nhỏ với Triều khi Hoa đã xách giỏ khuất xuống bếp:
- Em thích không!?
- Thích gì… chị ha!?
- Gớm! Còn làm bộ làm tịch.
- Chị đi guốc trong tim em rồi còn gì! Chắc là em phải xin nghỉ phép thường niên dài dài, ở lì nơi đây quá, chị à.
- Thì ai cấm em. Cô ấy còn rất trẻ, hiền lành, nết na, cần cù, giỏi, xinh xắn mà đoan trang. Bỏ qua cơ hội ngàn vàng, rất uổng.
- Vâng… Em qua đây để nhờ chị lựa vải, may cho cha mạ, mấy đứa em… mỗi người ít là ba bốn bộ đồ vía. Cũng sắp đến Tết rồi còn gì. Em thúc giục hoài, mà mạ không chịu đi mua sắm gì. Mạ em nói “già rồi không muốn may áo mới”. Chị coi, bộ già rồi, thì không thích mặc áo mới sao!?
- Ừ. Các cụ tiếc của, vã lại áo quần các cụ thì mặc làm sao cho xuể.
- Em xách quầy chuối xuống bếp, nhân tiện chào Hoa. Nhờ chị mà em biết tên cô ấy. Chớ Hoa không chịu nói tên.
- Phải.
Triều dựng quầy chuối cạnh tủ đứng, Hoa quay lui thấy Triều, liền nói:
- Em cám ơn anh giúp em mang quầy chuối, cho em đỡ bị vác nặng…
- Vậy… em còn mắc nợ anh đó nghe.
- Nợ anh!?
- Chẳng phải anh đã biết tên em là Hoa rồi sao!
- Anh ăn gian thấy mồ.
- Ha ha… bây giờ anh phải đi với chị Tâm ra chợ lựa vải cho cha mẹ và mấy đứa em. Hẹn gặp em sau nghe.
- Dạ, dạ…
***

Ngay xế trưa hôm ấy, chị Tâm muốn cố ý cho “hai anh chị nhỏ” có dịp thân tình làm quen, nên chị biểu Hoa mang quyển sổ may, viết Bis, thước dây, cùng chị đi qua nhà Triều, đo kích thước của họ để may áo quần cho gia đình anh. Đến phòng khách thoáng mát, rộng rãi, tranh sơn mài trang nhã và lịch sự treo trên tường không rườm rà, gian giữa là tủ đứng đồ sộ và bàn thờ ông bà tổ tiên. Hoa thấy ông Tố đang nằm trên võng đọc tờ báo. Bà Tố ngồi ngoáy trầu trên bộ ván gõ cẩm lai, mấy em cùng Triều xúm xít bên nhau đánh cờ tướng ở bộ bàn gỗ sao hình chữ nhật bóng láng có mười ghế dựa bọc da.

Chị Tâm đon đả chào hỏi ông bà. Khi Hoa mở miệng lí nhí chào ông bà Tố, thì nhận ra Hải Triều đã đến bên cha, anh dìu ông rời khỏi võng, để chị Tâm đo kích thước cho ông. Hoa lúi húi ghi chép từng người xong, hai ông bà ngồi trên sofa đối diện với Hoa, họ tủm tỉm cười, thì thầm to nhỏ những gì Hoa không nghe rõ, nhưng ông bà vẫn chằm chằm nhìn Hoa ghi chép. Sau khi đo cho các em ấy xong, chị Tâm và Hoa chào gia đình ông bà Tố ra về, thì Hải Triều cười:
- Ớ… còn phần em nữa chớ. Chị Tâm.
- Vậy sao?
- Ở bên tiệm may của chị có mặt hàng vải kia, em thích may một áo sơ mi giống loại đó.
- Vải đó là của khách hàng đem tới may. Không phải của chị bán.
- Thì em… muốn may một áo sơ mi giống như vậy, để kỷ niệm mà. Em nhờ chị…

Thế là ba người kéo nhau trở về tiệm may. Chị Tâm bắt Hoa thực tập và thực hành “ca may” bằng cách tự Hoa đo đạc, cắt, may tấm áo đầu tiên, mà hoàn toàn độc lập, tự tin, không có sự trợ giúp của chị. Ban đầu Hoa cảm thấy e ngại, rụt rè, lúng túng… càng ngượng ngùng nhất là khi Hoa đo ở vòng ngực, vòng cổ Hải Triều, thì Hoa phải đứng đối diện với Triều, lấy cái thước dây choàng từ ngực Triều qua lưng anh ta, rồi vòng trở lại phía trước, coi như bụng, ngực Hoa và Triều phải “ôm sát” vào nhau, (thì mình ôm trọn anh ta rồi còn gì)!

Kinh khủng hơn lúc Hoa đo ở vòng cổ… eo ơi! Thiệt “hãi hùng” khi Triều quá cao, anh mỉm cười cúi xuống, Hoa thấp bé lại phải nhón gót ngửng đầu lên mắt chạm mắt… xao xuyến, rung động, ngẩn ngơ nhìn muốn nổ con ngươi! ngực nầy bám riết vào ngực kia, hơi thở dập dồn, ấm áp và bờ môi run run vụng về nở nụ cười coi ngây ngô vụng dại! Thiệt tình mắc cỡ hết biết! Nghề thợ may có lắm chiêu bất hủ, độc đáo và tình dễ sợ ha! Kể từ lúc đó, lúc đó đó… họ đã phải lòng nhau đậm sâu khi nào, chẳng rõ. Suốt tám chín ngày Hải Triều quanh quẩn bên Hoa nhìn nàng đi lại, nhìn Hoa nói, nhìn Hoa cười. Triều nhận thấy Hoa run rẩy ngại ngùng bẽn lẽn may một cái áo cho mình mãi vẫn không xong:
- Anh về nhà nghỉ đi. Có anh ngồi ở đây, em không may vá gì được.
- Tại sao?
- Anh nhìn em chằm chằm, khiến em ốt dột, run rẩy cả tay chân nà.
- Thì anh đã nói thiệt:
Anh nói em hủy hủy hoài hoài
Biểu em đừng kết ngãi với ai
Xin em kết ngãi lâu dài với anh. (*)

Hoa cảm thấy lòng ngất ngây hạnh phúc mừng vui bất chợt ùa về, nàng nhớ đến những câu ca dao... mình cần nhắn nhủ với Triều:
Anh có thương em thì thương cho trót
Có trục trặc thì trục trặc cho luôn
Đừng làm theo thói ghe buôn
Nay về mai ở cho buồn dạ em
Anh ơi làm sao phải phải phân phân
Thì em mới dám trao thân gởi mình

- Hoa à: Anh lấy em đồng cheo đồng cưới
Đủ mặt họ hàng xóm dưới làng trên. Vì em là “mối tình sấm sét” của anh nờ.
- Cái gì là sấm sét?
- Tạo nên sấm sét là do nhiệt độ trong không khí xung quanh tia chớp bị mặt trời hâm nóng đột ngột, khiến không khí nở ra mau hơn tốc độ của âm thanh, không khí xung quanh bị nén lại, tạo nên shock wave, ta nghe như tiếng sấm. Anh thấy em… thì từ giờ phút đó cũng hâm nóng điên lên như vậy thôi.

Hoa chỉ tưởng một thanh niên trẻ trung, hào hoa đẹp người và đức độ ấy chỉ nói câu bông đùa chốc lát, cho vui cửa vui nhà. Mai kia mốt nọ khi anh hết những ngày nghỉ phép, Triều sẽ bay đi biền biệt như cánh chim trời phiêu lãng, anh chẳng buồn quay lại chốn cũ đồi xưa, nơi miền quê nghèo khó và anh nhớ chi cô học làm thợ may nghèo nàn nép mình bên lũy tre xanh!

Nào ngờ… Hải Triều đã thưa cùng cha mẹ, họ hàng thân hữu, anh quyết đưa gia đình về xóm Sen cách xa nhà anh chừng ba cây số, khẩn khoản cầu hôn Hoa. Trước bàn thờ tổ tiên ông bà nội ngoại hai bên, có sự chứng kiến đông đủ mọi người… cha mạ Hoa đã rưng rưng ứa nước mắt nhận sính lễ từ chàng trai phong trần. Đó là một ngày tuy trời không lạnh lắm, nhưng Triều cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc hân hoan cùng niềm tin yêu trỗi dậy dâng cao trên mỗi bước chân. Bây giờ thì anh không phàn nàn gì chuyện thay đổi đơn vị, trái lại Triều cảm thấy sung sướng được biệt phái đi về ở Quảng Ngãi, vì nơi nầy anh sẽ gần vị hiền thê một đoạn đường khá dài.

Kể từ lúc Hoa mới hơn mười lăm tuổi non nớt, Triều ngoài hai mươi tuổi, hai cô cậu ríu rít quen biết mến thương và yêu nhau, hí hửng hạnh phúc nhận món quà -tình sét đánh- làm sính lễ đầu tiên, -vị chi vỏn vẹn chỉ có mười ngày. Trước khi Hoa bịn rịn khóc lóc nức nở nói lời chia tay, để Hải Triều lặng buồn ra đi, Triều âu yếm hôn vị hôn thê trẻ, anh cho Hoa biết địa chỉ KBC rõ ràng, hướng dẫn cho Hoa biết nơi anh sẽ trú đóng một thời gian dài trong quân ngũ.

Triều hy vọng một ngày đẹp trời nào đó Hoa sẽ lặn lội lên tận miền gió núi mây ngàn quanh năm quạnh hiu, Triều không có gì vui bằng nhận thư người yêu, nhớ thương người anh sẽ âu yếm gọi em là vợ mãi mãi! Hoa sẽ thăm người lính chiến ở chốn giang đầu. Hai người sẽ nồng nhiệt trao nhau trọn trái chín ân tình bấy lâu hằng ấp ủ. Thời gian xa cách dài lâu, thỉnh thoảng hai người vẫn liên lạc thư từ trao đổi. Tuy không thường xuyên, nhưng biết tin nhau, là Triều vui mừng như bắt được viên ngọc quý.

Khoảng chín mười tháng sau, gia đình mạ và các em Hoa thu dọn nhà cửa tươm tất, giao các thứ lại cho mệ ngoại nhờ trông coi, mạ, Hoa, các em cùng lên đường vô Tam Kỳ sống với cha... Yên ổn gia đình cha mạ con cái đoàn tụ đâu vào đó xong, một hôm Hoa nhận được thư Hải Triều, ấy là lúc Hoa giật thót mình, chua xót nhận ra rằng: Hoa bồng bột, nông nỗi vô cùng, Hoa trẻ người non dạ ăn chưa no lo chưa tới, Hoa chỉ thương vớ thương vẩn, vu vơ… chứ Hoa không hề nhớ nhung thương yêu Triều thật tình, Hoa càng không thể lấy chồng bây giờ! (như Hải Triều hẹn vài tháng tới anh sẽ về phép, xin cưới Hoa, mang vợ đi cùng anh qua khắp nẽo đường quê hương, nơi nào có gót giày đinh dẫm lên, là chốn ấy sẽ có bước chân ngà ngọc của vợ sánh cùng chồng)! Ui chao ôi! Lúc đó, trong lòng Hoa dậy sóng, lo lắng, bồn chồn, sợ hãi… Hoa không biết làm sao, có cách nào êm đẹp để hồi hôn.
Khi xưa nhận sính lễ, trước mặt quan viên hai họ, năm ấy mạ đã hỏi Hoa:
- “Con suy nghĩ kỹ càng chưa”! Nếu đã ưng rồi, không được thay đổi. Nghe không!?

Chính lúc ấy Hoa lia lịa gật đầu không do dự, Hoa còn thộn mặt nhíu mày, bặm môi, tỏ ra có chút bất bình, vì mạ hỏi chi ngớ ngẩn trong ngày vui. Bây giờ, nếu mạ biết chuyện từ hôn nầy, tính mạ đàng hoàng, không muốn mất mặt mất mũi với họ hàng, xuôi gia, (chữ “xuôi gia” có nghĩa là "xuôi chèo nhà mát mái", chớ không có chuyện “xui xẻo" từ hôn từ hiếc tréo cẳng ngỗng)! Lời hứa như đinh đóng cột: một là một hai là hai, không nói lui nói tới… thì mạ sẽ đánh Hoa nhừ tử; vì tội bất tín, bất trung, bất nghĩa, bất nhân, phản bội. Suốt nửa tháng bất thần sửng sờ như người mất hồn, tâm trí bay lên đọt cây, lo lắng, bồn chồn, sợ hãi, Hoa suy nghĩ nát óc, bị dằn vặt, dày vò kinh khủng giữa trao nhận và từ chối! Phải chọn… thiệt chết mất thôi. Một buổi sáng không thể nào im, Hoa khèo em Chiến ra ngoài bờ đê, thổ lộ hết tâm sự, Hoa nói trong hai hàng nước mắt lăn tròn trên má:
- Em ơi! Chắc là chị phải nhờ em nói giúp với cha mạ.
- Em làm răn dám quyết định chuyện to tát nớ. Hay chị đi gặp anh Hải Triều, nói hết với anh ấy. May ra…
- Phải… phải! Em có ý kiến rất hay.
Chị em Hoa lật đật trở về nhà, Hoa lấy hết can đảm xin mạ cho phép đi thăm Hải Triều. Mạ nhìn Hoa, chỉ nói:
- Nếu con biết chỗ hắn ở chắc chắn, thì liệu đi mau về sớm.

Hoa không ngờ mạ lại dễ dàng đồng ý, chẳng vặn vẹo hỏi nguyên do làm sao Hoa cần đi gặp Triều để làm gì! Có lẽ mạ đã từng lặng lẽ sống xa cha, mạ thông cảm thế nào là sự âm thầm nhớ thương chồng lúc xa vắng. Thật vui mừng thoát nạn. Hoa liền túm một bộ áo quần, chạy ra chợ mua ít quà vặt cần thiết để tặng Triều, dẫu sao không có tình cũng có nghĩa. Từ bến xe lam ở Tam Kỳ Hoa đón hãng xe Phi Long chạy từ Đà Nẵng đi Qui Nhơn, Nha Trang… xe chạy đường trường chẳng hạn, dĩ nhiên xe đò ấy chạy càng nhanh và thuận tiện, nếu Hoa đi xe đò chỉ tới bến Quảng Ngãi, e rằng phải chờ rước khách xe thụt lui thụt tới lâu lắc, phiền phức.

Hoa nôn nao nóng ruột như ngồi trên đống lửa, không có thì giờ. Hoa tụt xuống xe tìm lối vào Mộ Đức đúng hai giờ chiều, chẳng hiểu sao lúc đó Hoa cảm thấy rã rời, hai chân nặng như đeo tảng đá, không thể cất bước, bụng dạ không có hột cơm miếng nước nào, nhưng cứ như ứ hơi no nê, lòng trí Hoa nặng trĩu, bồn chồn, lo lắng, đầy ắp âu sầu.

Hai hàng nước mắt tự động lăn dài trên má, khi Hoa ngỡ ngàng nhìn Triều mừng rỡ hân hoan ôm eo Hoa bước vô văn phòng trại. Không thể nào diễn tả được nỗi vui mừng rạng rỡ hiện ra trên nét mặt phong sương rắn rõi kiên cường của anh. So với lúc trước Triều mặc âu phục, trông anh bình thường như một thư sinh bạch diện. Nay Hoa nhìn Triều mặc bộ quân phục, tuy anh sạm đen, gầy ốm, cao, nhưng anh có dáng oai hùng đỉnh đạt phong trần! Có một lúc Hoa mềm lòng nhũn chí không thể thốt nên lời ngăn cản, khi Triều vui vẻ nói:
- Em chịu khó ngồi đợi đây chút nhe. Anh lấy phép xuất trại, mình đi Quảng Ngãi, nơi đó đầy đủ tiện nghi ăn nghỉ. Ôi là mừng biết mấy.

Nói xong, Triều vui vẻ huýt gió nhanh nhẹn bước ra khỏi văn phòng. Hoa ngồi điếng lặng khoảng hơn nửa giờ, sững sờ suy nghĩ: “mình đến đây mục đích chính là gì?! Phải cương quyết lựa lời bày tỏ dứt khoát nói với anh, cho dù khó khăn, bẽ bàng”! Khi Triều đã có giấy phép xuất trại ngày thứ Bảy cuối tuần, Triều mặc bộ thường phục chiếc áo sơ mi màu xanh có sọc đen nhỏ li ti, mà Hoa đã tập may cho anh ngày ấy, quần tây màu đen, mang giày da, Triều ung dung bỏ ít đồ dùng cá nhân vô ba lô, khoát tay Hoa rời khỏi doanh trại. Không để Hoa kịp nói gì, Triều kéo tay Hoa tót lên một xe jeep của bạn. Đến thành phố Quảng Ngãi, Triều vẫy tay chào bạn, âu yếm ôm vai Hoa cùng bước vô tiệm ăn. Triều nhìn Hoa:
- Em dạo nầy… rất lạ nghe. Tự dưng ít nói ghê ta.
Hoa liếc nhìn anh, nụ cười méo xệch, nghẹn ngào ấp úng:
- Anh thấy vậy sao!?
- Phải. Sắp làm vợ anh, còn lạ nỗi gì!
- Rồi em sẽ còn xấu hổ gấp ngàn lần.
- Là con gái ngoan hiền, ai mà chẳng vậy.

Triều vui vẻ gọi các món Hoa đã thích ăn, (khi ở quê nhà có lần họ đã cùng nhau đi ăn, lúc sắp làm đám hỏi). Muốn để cho Triều thoải mái ăn uống, vui vẻ được phút nào hay phút đó, hay là… Hoa không đủ can đảm thốt lên những câu mà Hoa biết sẽ quá tàn nhẫn, ác độc, khiến giấc mộng xây dựng lâu đài tình ái của anh đang huy hoàng phải sụp đỗ trong chớp mắt!? Quả thật, ít ra lúc nầy Hoa không nỡ! Triều nhìn dĩa thức ăn của Hoa:
- Em mệt sao, hoặc là thức ăn không vừa ý em nào!
- Dạ, dạ… do em mệt mỏi thôi.
- Bậy bạ quá, anh thật vô tình không nhớ là em vừa đi đoạn đường xa. Xin lỗi em.
- Không có chi anh.
- Mình vô phòng trọ trên lầu, em đi tắm, sẽ cảm thấy khỏe ngay thôi.
- Đừng anh ạ. Không cần tốn kém vậy đâu anh. Mình ngồi đây nói chuyện riêng xí, cũng được mà.

Triều nhất định không chịu, vì ở đây có khách ra vô ăn uống ồn ào, đông nghẹt, làm sao có thể nói chuyện riêng tư! Anh dìu Hoa đứng dậy bước lên lầu, Hoa riu ríu đi theo, tâm trí trống rỗng. Khi Hoa thay bộ đồ ngủ từ phòng tắm bước ra ngoài, thì đúng thật là Hoa cảm thấy có phần dễ chịu, bình tĩnh và bớt căng thẳng. Hai người ngồi đối diện bên chiếc bàn vuông nhỏ kê cạnh cửa sổ. Hoa nhìn Triều đang âu yếm mỉm cười. Hoa vội vàng cụp mắt nhìn xuống hai bàn tay lạnh cóng buông trên đùi, Hoa buột miệng nói một hơi dài:
- Anh Hải Triều ôi! Xin anh bình tĩnh ngồi yên lặng, anh đừng ngắt lời, anh nghe em nói. Em van xin anh. Em nói liền kẽo không còn cơ hội. Dạ, ý em là là… dạ, em xin được từ hôn với anh. Em không thể lấy anh. Em không hề yêu anh. Đó chỉ là một phút bồng bột của tuổi trẻ. Xin anh tha thứ lỗi lầm nầy.

Ban đầu Triều ngỡ Hoa nói đùa, nhưng nhìn kỹ lại, anh thấy mặt Hoa nhợt nhạt, lúng túng, chẳng có ý đùa cợt, trái lại rất thật tình. Hoa vẫn cúi gầm mặt xuống nhìn mấy giọt nước đá vo viên ngoài ly thủy tinh, giống như những giọt nước mắt long lanh chực trào ra từ khóe mắt nàng.

Tái xanh mặt, Triều bàng hoàng ngẩn ngơ, không thể tin ở mắt thấy tai mình nghe, anh xô ghế đứng bật dậy, một tay vịn song cửa sổ, một tay Triều chống ngang hông, mọi thứ trước mắt anh hầu như mờ nhòa và sụm xuống. Triều nghẹn cứng cổ họng, miệng mồm đắng chát, khô lông lốc không thể thốt nên lời. Họ im lặng như thế rất lâu. Lâu lắm, Triều nói nhỏ :
- Nếu muốn từ hôn, cần gì đến đây cho bẽ bàng. Em viết ít chữ gửi anh, cũng được mà.
- Dạ… dạ, nhưng nếu em nói với mạ chuyện từ hôn: là do em, thì mạ rất giận, mạ sẽ giết em chết thiệt.
- Hừ… Vậy em muốn gì ở anh nào!?
- Xin anh cứu em… ngày mai anh cùng về với em, anh trực tiếp nói với mạ: "Anh từ hôn là do anh đã lỡ lấy người con gái khác, làm cô ta có bầu".
- Úi Trời đất ơi!

Triều kinh ngạc trợn mắt bàng hoàng đăm đăm nhìn Hoa. Cuối cùng Triều uể oải buông mình ngồi phịch xuống ghế:
- Em có biết không, anh yêu em nhiều lắm… Làm sao bây giờ!
- Dạ… thưa anh, em rất xấu hổ, nhục nhã, và hèn hạ, em không xứng đáng.

Bỗng nhiên Triều bước tới bên Hoa, anh quỳ xuống sàn nhà, úp mặt anh vô hai bàn tay mình mà buông thỏng trên đùi Hoa. Triều đã khóc nức nở. Hoa ôm chầm lấy đầu Triều, òa khóc to như đứa trẻ vừa bị đánh cắp món đồ quý giá. Cũng lâu rất lâu, không biết đêm khuya và gió lạnh đã tràn vô phòng lúc nào, lạnh như những giọt nước mắt thấm ướt da đầu anh. Triều thở dài từ từ gỡ hai bàn tay Hoa ra, anh đứng dậy nhìn Hoa:
- Bây giờ trời đã khuya, mình về Tam Kỳ không kịp rồi. Đành phải nghỉ lại đây. Em nằm nghỉ trên giường nầy. Anh sẽ nằm ở sofa kia. Chúc em ngủ ngon.

Triều thản nhiên đi tắt hết đèn đóm, và quay ra sofa nằm gác tay lên trán, Hoa trông anh bình thản đến độ lạnh lùng. Hoa ái ngại lấm lét nhìn anh, hết sức ốt dột, xấu hổ lịm người. Hoa rón rén mò mò đến bên giường len lén vật mình nằm lì im re bên trong xó góc, không dám nhúc nhích. Sáng hôm sau Triều vẫn mời Hoa đi ăn sáng bình thường, anh lên xe đò đi Tam Kỳ cùng Hoa, làm y như giữa họ không hề xảy ra chuyện đáng tiếc. Hai người vô nhà lúc mạ vừa đi chợ về. Triều nói mạ vui lòng ngồi xuống ghế, cho anh thưa chuyện. Triều quỳ xuống bên chân mạ:
- Con xin mạ tha lỗi khi con từ hôn: Hồi hôn với em Hoa, là do con đã lỡ lấy người con gái khác, làm cô ta có bầu.

Vừa nghe xong, mạ giận quá, đã mắng nhiếc Triều đủ điều xấu xa, nhục nhã ê chề, mạ thẳng chân đạp Triều một cái vô ngực anh thật mạnh. Bất ngờ, khiến Triều té ngửa ra sàn nhà, đầu đập vô chân tủ, lỏa máu. Hải Triều đứng dậy lặng lẽ cúi đầu bước ra khỏi nhà. Các em của Hoa khóc lóc thảm thiết, các em rống to hụ hụ hụ... vì các em biết rõ phần lỗi về ai, mà tụi em không hề dám lên tiếng bênh vực anh. Họ thương Triều bị oan ức, không hề than van trách móc. Thật là một người quá cao cả, vô cùng hy sinh vì người mình yêu, anh Hải Triều ơi! anh rất cao thượng.
***

Năm 1993 Hoa và các em trở về quê Trường Sanh, Phú Nông, Lương Điền, xóm Sen: xây mấy nhà thờ tổ của dòng họ Trương; bên nội, cũng như bên dòng họ ngoại. Nhờ xây nhà thờ to lớn, sầm uất, cúng tổ linh đình, Hoa đã làm một việc nở mày nở mặt hai họ biết bao. Hoa làm cơm đãi họ hàng thôn xóm, rồi theo các em đi thắp nhang hầu hết những ngôi mộ trong làng. Khi dợm bước lên xe hơi, thì có một cô gái đến bên Hoa dịu dàng bảo:
- Em cần dẫn chị đến nơi nầy.

Hoa nhìn cô gái có ý dò hỏi, nhưng cô ấy không nói gì, lặng lẽ đi trước dẫn đường khá xa. Lúc đến gần cuối bức tường rêu phong, cô ấy nhìn Hoa e dè nói:
- Có lẽ chị quên em, nhưng chắc hẳn chị chưa quên anh trai của em. Anh ấy đã có vợ và hai đứa con trai còn nhỏ. Vì khi xa người mà anh ấy rất yêu, thì lâu lắm anh ấy mới lấy vợ. Em không hiểu vì sao, có thể cũng do buồn, nên thay vì anh ấy được trở về ngành điều hành không lưu cũ, nhưng anh ấy muốn ở lại phục vụ tại Quảng Ngãi. Năm 1972. Nhân một hôm nghỉ việc, anh ấy không làm ở phi trường quân sự Quảng Ngãi, mà anh ấy đi chơi theo mấy bạn Bộ Binh, để phát lương ở Minh Long, anh trai đã bị mìn, anh chết vô cùng tội nghiệp.

Cô em vạch đám cỏ may cao lút đầu gối giạt qua một bên, Hoa thấy ngôi mộ hoang phế vôi gạch rữa nát, trên bia mộ lờ mờ mấy hàng chữ: Võ Hải Triều sinh 10 tháng Giêng năm 1947. Từ trần ngày 20-12 năm 1972.

Hoa chết sững ngồi hụp xuống đám cỏ may vàng òa lên khóc nức nở, y như hồi nào đó trong quá khứ Hoa đã khóc rống lên trước những cơn đau khổ đầy chua xót bẽ bàng của chàng. Nỗi đớn đau và dày vò chua xót đó, cho đến mãi tận hôm nay mới thấm đẫm sự ân hận trong trái tim khô héo nầy. Hoa không biết nói gì hơn là lẽo đẽo theo cô em đi về trên đường nhựa dẫn tới khu xóm cũ, nơi Hoa đã từng học nghề may. Hoa vô ngôi nhà lai ba gian hai chái thuở xưa, nước mắt lưng tròng Hoa đặt một phong thư dày cộm lên bàn thờ, thắp mấy cây nhang cắm vô lọ sứ, ánh lửa lập lòe lung linh hơi khói phảng phất bay bay trên khuôn mặt cố nhân. Hoa cúi đầu lâm râm khấn vái, mắt long lanh, nghiến chặt hai hàm răng:

- Anh Hải Triều ôi! Tuy em biết rằng món tiền nầy không thể nào chuộc lại sự đau đớn nhức nhối do từ em gây ra, không bao giờ có thể đền bù, xóa tan, rửa sạch, hay hàn gắn. Em xin anh hãy nhận cho tấm lòng em tan nát, dày vò, biết ơn và rất trân trọng anh vô vàn.
Dĩ vãng đầy ắp đang lừ đừ trôi về trên hiện tại não nề bi đát, không kém muộn phiền chua xót làm sao!
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
11-28-2014, 07:00 AM
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/thanksgiving 2_1417157627.png
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/Cam On Em - Elvis Phuong_1417157882.mp3
Tạ Ơn Đời. Ân Nhân & Bạn Hiền thân mến.


Nắng lung linh xuyên qua song cửa rót lên nền nhà, tạo thành những vệt sáng lấp lánh nhảy múa trên bàn, trên những tấm vải treo khắp đó đây trong tiệm may vắng như chùa bà Đanh, khiến Hoa càng buồn và thất vọng dường bao! Suốt mấy tháng không có khách hàng tới may vá gì, buồn chán lắm, nên cô nhỏ cứ bỏ tiệm may ra đứng thẩn thờ trước trường đánh máy chữ. Hoa nhìn vào bên trong lớp học mà mơ ước mình được sung sướng đi học như họ, thì hạnh phúc biết ngần nào!

Một hôm, Hoa đang mơ màng đăm chiêu, lấp ló phiền muộn nhìn vô trường học nghề như thế, thì có một bàn tay nhẹ ôm vai Hoa:
- Ê bồ! sao ngày nào cũng đứng đây vậy?

Hoa kinh ngạc nhìn người con gái xa lạ ăn mặc hợp thời trang, nàng cao to hơn Hoa một chút, nàng không đẹp không xinh, nhưng ai nhìn nàng cũng cảm thấy dường như từ nơi nàng tỏa ra một sự quyến rũ, có hấp lực thu hút cái duyên ngầm kỳ lạ. Hoa nhìn lại thân phận mình quần thô áo vải nên mắc cỡ bỏ chạy. Người ấy vội chụp cánh tay áo Hoa lại, đầu Hoa chúi vào vai người ấy. Chẳng hiểu sao Hoa oà khóc vì xấu hổ và tủi thân. Cô gái ân cần vỗ vỗ vào lưng Hoa, tự giới thiệu tên:
- Mình tên Bích Thuỷ. Còn bồ tên gì? Ở đâu vậy?

Thủy hỏi thăm Hoa ở nơi nào ư? Hoa nghẹn ngào không nói, đưa tay chỉ vô tiệm may. Thủy gật đầu tươi cười bước vô lớp. Hết giờ học đánh máy, Thuỷ ghé lại tiệm may, nàng muốn làm thân kết bạn cùng Hoa:
- Có thích học đánh máy không, mà ngày nào tui cũng thấy bạn đứng dòm chằm chằm vô lớp học hoài rứa?
- Ồ, mình rất thích. Nhưng nhà nghèo lắm, không thể có tiền đóng học phí, cùng các chuyện linh tinh khác.
- Bạn đừng lo chuyện ấy. Tiền bạc, ăn uống, học phí để tui lo cho, đến khi nào bạn học thành tài, mới thôi nghe.

Ồ! Làm sao mà có chuyện “động trời” thế nầy được!? Hoa lắc đầu trố mắt nhìn cô gái, chẳng thốt nên lời, không thể tin vào tai mình. Nhưng mỗi ngày sau giờ học đánh máy, Bích Thuỷ đều ghé lại tiệm may của Hoa, vui vẻ ân cần Thủy “mớm mồi” một vài câu “nhắc khéo” với Hoa về “chuyện ấy”. Nghĩa là Thủy đi sâu vào vấn đề muốn tận tâm giúp đỡ bạn học một nghề có căn bản cho tương lai, đại khái là nghề thư ký đánh máy. Hoa mủi lòng chỉ biết khóc... và khóc vì thân phận nghèo thôi. Bích Thuỷ mở lời tâm sự:
- Hoa biết không, ở đời không phải ai ai cũng hoàn toàn sung sướng, như ta nhìn phiến diện về một ai đó. Nè bạn, họ không khổ sở vì vật chất, thì cũng đau đớn, dằn vặt, cô đơn về tinh thần. Ví dụ như mình đây: Ba mình là Quận Trưởng, mình có hai người anh đã thành đạt trên đường đời, nhưng rất buồn và cô độc do chúng tôi mồ côi mẹ lúc còn nhỏ. Ba mình có phải là gà trống nuôi con độc thân tại chỗ không, chuyện ấy xét lại, bây giờ ông có nhiều đào! Mình sống giàu sang nhưng rất cô đơn và trống vắng. Là vậy đó.

Thì ra là như thế. Bích Thủy ân cần năn nỉ Hoa cho phép mình đi thăm nhà mạ và các em của Hoa. Ngần ngại hết sức, nhưng cuối cùng Hoa mềm lòng đã dẫn Thủy về nhà mạ. Nhìn cảnh nghèo nàn xơ xác khó khăn của bạn phơi bày, Thuỷ bùi ngùi cảm động xót xa quay mặt đi len lén chùi nước mắt. Thuỷ hết lời năn nỉ xin mạ cho Hoa đi học đánh máy, Thủy hứa khi Hoa học thành nghề, Thuỷ sẽ xin việc làm cho Hoa, để bạn có điều kiện dồi dào hơn về khoản tiền nong, mà nuôi mạ và em út.

Mạ chẳng hiểu đầu đuôi chi hết, nên nỏ ừ chẳng hử. Hoa kinh ngạc nhìn cô bạn mới ấy đăm đăm, chỉ tưởng là cô gái lạ kia trêu chọc nói đùa cho vui. Ai ngờ… có nàng tiên thật trong đời của Hoa đã giáng thế! Bích Thủy hoàn toàn xa lạ, không bà con thân tộc, không hề quen biết Hoa, nhưng Thủy chẳng toan tính đắn đo suy nghĩ gì, nàng đã hậu ái lo đầy đủ chu đáo hết mọi thứ, dìu dắt Hoa đến nơi đến chốn: nào là Thủy đóng trọn khóa tiền học đánh máy, nào là Bích Thủy đưa Hoa đi mua sắm mấy bộ áo quần. Thủy lo lót ở một trường tư thục ngoài Đà Nẵng cho Hoa có một chứng chỉ học trình lớp Đệ Tứ. Tóm lại Thủy hết đóng mọi chi phí. Thủy đưa Hoa đi làm giấy thế vì khai sinh, tên “Trương Thị Thu Huyền” khai sinh chào đời, lột xác Hoa từ nấc thang thấp nhất, tên cũ xì và quê mùa "Chắt" đã lùi về quá khứ, tên mới của Hoa lâng lâng bay lên… bay lên cao vút từ nơi đó.

Lý Thị Bích Thủy: Đó là một người thầy thứ hai trong đời đáng kính và quý trọng của Hoa (sau cậu Phú): Lúc ở Tam Kỳ Chu Lai, muốn đốt giai đoạn, nên Thủy dịu dàng dạy Hoa học thêm đánh máy cho thật nhanh và chóng nhớ, bằng cách Thủy lấy sơn màu viết 24 chữ cái lên tấm carton, những mặt chữ cái, làm giống y như trên bàn phím của máy đánh chữ thật. Đúng là có kết quả nhanh chóng tốt đẹp và vô cùng khả quan. Ôi! Hạnh phúc biết dường nào khi ở trường học đánh máy: mỗi lần Hoa ấn tay lên bàn phím, thì những con chữ vô tư lự vui vẻ gõ lóc cóc, nhảy tưng tưng như rộn ràng reo hò mời gọi, thì nhịp tim Hoa cũng lâng lâng hòa điệu tương ca.

Hoa có ý chí, tự rèn luyện đức tính kiên cường, ngày đêm cố gắng học chữ, học Anh-văn, học đánh máy chữ. Ngày đó Thuỷ bảo vệ Hoa lắm, dù những bạn học của Thuỷ có vẽ xem thường Hoa một tí, là Thủy từ bỏ họ luôn, đôi khi Hoa thấy ngại quá, khuyên Thuỷ hãy để em sang một bên, Thủy hãy tiếp tục chơi với bạn học. Thuỷ lắc đầu bảo rằng:
- Mấy con đó thiếu sự hiểu biết, không có đạo đức, không thèm chơi với chúng nó.

Ngoài giờ học đánh máy, Bích Thủy còn dạy Hoa nói tiếng Anh với Thủy, để Thủy biết chỗ sai hay đúng, mà sửa. Thật tình thì Hoa thích nói tiếng Việt hơn, nghe thân thiện, tha thiết nồng nàn, ấm áp ngọt lịm sao đâu. Bởi hằng ngày Hoa nói chuyện với người Việt thân thiết quen rồi, nay học thêm tiếng Anh, Hoa bị lớ quớ lộn xộn ngỡ ngàng và và… dị dạng nói lắp bắp, líu cả lưỡi. Hoa cảm thấy ngượng ngùng không tự nhiên khi phát âm. Thủy sợ Hoa không hiểu, Thủy giải thích dông dài rất cặn kẽ. Chẳng biết Thủy sưu tầm lượm lặt đó đây một lô thơ lục bát ghép chữ Việt và Anh-ngữ rất hay, thực dụng và dễ hiểu vô cùng, Hoa rất thích học những câu, có nhiều lúc Thủy vừa hỏi tới bài học, thì Hoa trả lời những câu đã thuộc làu:

Cằm CHIN có BEARD là râu
RAZOR dao cạo, HEAD đầu, da SKIN
THOUSAND thì gọi là nghìn
BILLION là tỷ, LOOK nhìn , rồi THEN

LOVE MONEY quý đồng tiền
Đầu tư INVEST, có quyền RIGHTFUL
WINDY RAIN STORM bão bùng
MID NIGHT bán dạ, anh hùng HERO

COME ON xin cứ nhào vô
NO FEAR hổng sợ, các cô LADIES
Con cò STORKE, FLY bay
Mây CLOUD, AT ở, BLUE SKY xanh trời

OH! MY GOD...! Ối! Trời ơi
MIND YOU. Lưu ý WORD lời nói say
HERE AND THERE, đó cùng đây
TRAVEL du lịch, FULL đầy, SMART khôn

Cô đơn ta dịch ALONE
Anh văn ENGLISH , nổi buồn SORROW
Muốn yêu là WANT TO LOVE
OLDMAN ông lão, bắt đầu BEGIN

EAT ăn, LEARN học, LOOK nhìn
EASY TO FORGET dễ quên
BECAUSE là bởi, cho nên, DUMP đần
VIETNAMESE, người Việt Nam

NEED TO KNOW... biết nó cần lắm thay
SINCE từ, BEFORE trước, NOW nay
Đèn LAMP, sách BOOK, đêm NIGHT, SIT ngồi
SORRY thương xót, ME tôi

PLEASE DON"T LAUGH đừng cười, làm ơn
FAR Xa, NEAR gọi là gần
WEDDING lễ cưới, DIAMOND kim cương
SO CUTE là quá dễ thương

SHOPPING mua sắm, có sương FOGGY
SKINNY ốm nhách, FAT: phì
FIGHTING: chiến đấu, quá lỳ STUBBORN
COTTON ta dịch bông gòn

A WELL là giếng, đường mòn là TRAIL
POEM có nghĩa làm thơ,
POET thi sĩ nên mơ mộng nhiều.
ONEWAY nghĩa nó một chiều, (*= sưu tầm)

Có lần Thủy nói: văn chương không cần trau chuốt hoa mỹ, chỉ cần xác thực, trung thực, có chút tỷ mỹ trong sự uyển chuyển hài hòa, thì sẽ thành công. Thế là Thuỷ vừa dạy Hoa học đánh máy vừa dạy Hoa tiếng Mỹ. Thuỷ xin với chị Toàn (là chị của Thuỷ) cho Hoa ở trọ cùng Thuỷ, tiền ăn ở Thuỷ lo hết cho Hoa mấy tháng đầu. Khi vững vàng chuyện học rồi, tại nơi phồn hoa đô hội đó không ai biết mình là ai, nên Hoa không để lộ tông tích “đi ở đợ hèn mọn” của mình ra làm chi nữa. Hoa luôn mặc cảm về dĩ vãng bất đắc dĩ, buồn tủi đen tối và thấp hèn ấy.

Một ngày kia có hai ba ông Mỹ bước vào trường dạy đánh máy chữ nói chuyện với cô giáo Xuân. Khi họ về rồi, cô Xuân cho cả trường biết là họ muốn tuyển nhiều thư ký đánh máy, ai thích đi làm thơ ký cho bộ Hải Quân Mỹ thì đơn đây, điền vào. Thế là Hoa cùng một số bạn trai gái ghi tên đi làm. Sáng thứ Hai người ta tập họp nhân viên ở trung tâm dạy Anh-văn tại Tam Kỳ, nơi nầy có xe bus chở họ đi Chu Lai làm việc đến chiều, thì xe bus trả về chỗ cũ, mạnh ai đi về nhà đó.

Ngày đầu tiên Hoa vô phòng dự thi của Mỹ, có ban giám khảo cho thí sinh thi ngành thư ký đánh máy: Tuyển sinh phải trình bày và đánh máy một văn bản hai tờ giấy bằng tiếng Anh khá dài– phải đánh nhanh và không sai lỗi chính tả: gồm 41 chữ trong một phút. Thời gian thi là nửa giờ! Ối Trời ơi là Trời!!! Hoa rợn người lo sợ bủn rủn cả tay chân. Chỉ 1 phút mà phải nuốt trọn 41 chữ, nhanh hơn tên bay sao xẹt thôi sao? Đúng là đánh máy tốc ký! Văn chương Việt-ngữ là ngôn ngữ mẹ đẻ, Hoa còn hạn hẹp chưa thông thạo, huống gì tiếng Anh tiếng U. Hoa lại càng mù mịt như thầy bói rờ con voi. Làm sao bây giờ!

Hoa choáng váng không thể nào đoạt được kỷ lục thư ký tốc hành 41 chữ trong một phút đó. Mơ làm thư ký đánh máy là một việc cao sang quá tầm tay với làm gì, mà bây giờ từ trên đỉnh cao chót vót, Hoa đã vỡ mộng tan tành… bị rớt cái đụi. Tủi thân Hoa ngồi bệt xuống nền nhà khóc hụ hụ… ngon lành không hề biết xấu hổ! (giống như một đứa trẻ thơ lúc không nhận được quà theo ý muốn, nó đã phụng phịu ngồi phệt xuống đất chà hai chân giãy giụa và khóc ngất).

Nhưng may thay, ở đây họ cũng đang cần người làm việc trong Warehouse clothing, nên Hoa được “lọt mắt xanh” ban giám đốc IRO, họ tuyển chọn Hoa và mấy người nữa vô đó làm việc. Hoa suy nghĩ: “trước tiên mình nên nhận công việc tàm tạm nầy đã, khi ngồi vững trong IRO rồi, mình sẽ tính tiếp. Nếu Hoa không nhận công việc nầy, e rằng sẽ không còn cơ hội may mắn tiến thân”.

Hoa là người chân thật, giản dị, đơn sơ và rất bình dân giáo dục, không biết nói những câu văn hoa bóng bẩy, không biết thêu dệt những ý tình đẹp đẽ thơ mộng, nên tự đáy lòng Hoa chỉ muốn nói lời khẩn thiết cảm ơn, biết ơn, và tạ ơn: Trước tiên là ghi ơn ôn mệ nội, ngoại đôi bên. Tiếp theo là tri ân cha mạ sinh ra con. Ôn mệ, chị Thùy Mến là người dưng khác họ, mà thương Hoa vô cùng. Kế đến là chị Lộc. Ông bà Trương Nguyên Thảo. Anh Đoàn Mùi, anh Thái Nghệ Quân, Võ Hải Triều. Thầy Phú dạy Hoa học chữ quốc ngữ. Nhất là Hoa vô cùng biết ơn và tạ ơn Lý thị Bích Thủy, một người bạn tình cờ chỉ gặp gỡ một ngày, mà trọn kiếp tri ân người đã nâng vực Hoa: cô bé lọ lem từ nấc thang thấp hèn trong xã hội được leo lên làm người hữu dụng. Tạ ơn đại diện hãng IRO thuộc đất nước Hoa Kỳ đã đến Việt Nam & tuyển chọn Hoa vô làm việc trong ban ngành của họ.
Hoa hạnh phúc xiết bao, hôm nay xin ghi lời tạ ơn đời ưu ái ban cho mình những hồng ân trân quý.
***

{Thời gian quen biết nhau không lâu, thì Thủy cùng chồng đi Mỹ ở Fort Lauderdate, Florida. Thế là hai đứa mình xa cách nhau cuối năm 1967. Tại Hoa Kỳ, Thuỷ hào phóng giúp ai cần giúp, mặc dầu có nhiều người ruột thịt của Thủy cản ngăn, nhưng Thủy vẫn đi theo lý lẽ của con tim, đến nỗi người chồng thứ hai, rồi tới người chồng thứ ba và Bích Thủy cũng đổ vỡ nốt. Chỉ vì một hôm có cơn bão đến, Thủy vội vàng chạy xe ra đường, lật đật chở những người vô gia cư nào là "đen, trắng, già, trẻ, Lào, Miên, Phi, Tàu…” ; tất cả… chẳng kể số, Thủy đem họ về nhà, cho họ áo quần, ăn, ở tạm trú một thời gian dài, kể cả chó, mèo, nai, thỏ, chim, sóc…, tất cả mọi thứ… thứ gì Thủy cũng tha vô nhà đầy nhóc. Ồn ào, bừa bộn, hỗn độn, lộn xộn hết biết.

Ông chồng thứ ba thấy ở trong nhà mình giống như một… sở thú của “thảo cầm viên và cầm… người” thật quá kinh hoàng, chồng Thủy chẳng thể nào chịu đựng thêm “cố tật bẩm sinh” của cô vợ ngày ngày thích làm chuyện bác ái, từ thiện, hảo tâm: càng chất chồng lên cao ngút. Ông đã nổi cơn điên, cả hai người thường xung khắc, bất đồng ngôn ngữ và không cùng chung chí hướng & “lý tưởng”. Họ đã đi đến chuyện không thể dừng, không thể cảm thông, đành lôi nhau ra tòa ly dị.

Từ đó Thủy không lập gia đình nữa, nàng hái ra tiền dễ dàng, nhưng cũng dễ bị đàn ông phỉnh gạt tình và tiền… Bích Thủy sống cuộc đời độc thân, làm những gì mình muốn, tự do du lịch dó đây khi mình thích, khỏi bận bịu vì ai hết}.
* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
12-13-2014, 07:37 AM
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/e 54 be thonho_1418456170.jpg

http://hoiquanphidung.com/userupload/img/EmToi-Siphu_3evf7_1418597537.mp3
Em Thu Huyền (Hoa) thương yêu cuả chị,
Chị bồi hồi nghẹn ngào và cảm động vô vàn khi nghĩ đến (các em nhỏ) – nhất là em Hoa cuả chị. Các em thời ấu thơ hồn nhiên xinh xinh và ngoan hiền biết bao.
Mặc dù thuở ấy các em chỉ thoáng qua trong đời chị như cơn gió nhẹ, như vần mây bồng bềnh lơ lững trôi trên không gian bao la. Nhưng, tình cuả chị đối với các em ngày xưa & bây giờ (chị được gặp lại tất cả các em đã “thành nhân”) vẫn ngút ngàn nguyên vẹn: các em luôn ngự mãi trong lòng chị Hoài Hương.
Thương mến tặng các em một bài viết về “Chuyện của CHÚNG MÌNH” sau đây:
*
Em và Tôi
Tình Hoài Hương
***

Mây trắng lững lờ bay hoài trên không trung ngút ngàn theo năm tháng chất chồng không biết mệt. Có mấy ai luyến lưu, bâng khuâng, ngẩn ngơ nhìn cánh chim bay lạc soãi cánh nương theo áng mây chiều não nuột thê thiết khắc khoải kêu đàn? Khiến lòng mình băn khoăn, sầu lắng, xao xuyến bùi ngùi… gợi nhớ một niềm đau khẽ khàng bùng vỡ; từ buổi ban đầu tình cờ gặp gỡ trong quá khứ, (giống như tôi không nhỉ)?
Một hôm sau khi từ thành phố Lâm Viên thơ mộng và trữ tình, tôi nôn nóng trở về quê thăm cha mẹ già trong dịp nghỉ hè, vô tình đọc được mấy bài thơ hay, ý nghĩ thiết tha về mẹ cha (đang ở dưới lũy tre làng bao bọc một đời quạnh hiu); trong đó theo thiển ý cuả mình, tôi có chút trùng hợp niềm nhớ nhung về song thân với thi sĩ Huỳnh Kim Sơn:
… Ta cũng có mẹ già mòn mỏi đợi
Những mùa xuân biền biệt bóng ta về
Tóc mẹ trắng đã bao chiều sương khói
Mắt đìu hiu sầu mấy dặm sơn khê…

Sau những ngày vui mừng cuống quít hạnh phúc được đoàn tụ với mẹ cha, gặp gỡ thân nhân họ hàng, biết em Hoa không còn ở với anh chị Thuận, nên tôi cảm thấy đơn điệu trong nỗi tiếc xót buồn bã khó tả. Ngày từ giã em Hoa để đi Đà Lạt vô trường nội trú Couvent dex Oiseaux đến bây giờ, đã một năm dài, nay tôi trở về chốn cũ đồi xưa, sông nước mênh mông, núi đá rêu phong qua thời gian và đồi sim cùng suối nước sóc rách vẫn còn đó, có thay đổi chăng, là bi chừ dưới triền đồi sim và từng vạt tranh ngã mình trước từng cơn gió ùa về, bây giờ đã mọc lên ngôi nhà gạch cao rộng nung ngói đỏ, thế mà em tôi không còn nơi đây! Nên tôi cảm thấy rất buồn và nhớ em da diết.

Xin phép ba má lặn lội đi tìm thăm Hoa ở làng Trường Sanh, (quận Hải Lăng thuộc tỉnh Quảng Trị), tôi mặc áo dài tím, quần trắng, mang guốc mộc, đầu đội nón lá, tay ôm gói quà to tướng, như đã hẹn cùng cô em bé nhỏ xinh xinh ngày ấy. Từ tỉnh lộ Huế - Quảng Trị, khi tới hơn nửa phần đường, thì tôi xuống xe đò, trời nắng chói chang trên con đường quê lạo xạo sỏi đá dưới gót chân khua động. Chung quanh vắng lặng, không có một gốc cây, bờ ruộng sau mùa gặt chỉ còn trơ gốc rạ, khiến đất cát càng khô cằn nức nẻ từng miếng vụng về thô thiển, biểu lộ sự nghèo nàn đói kém lầm than và cơ cực của người nông thôn lam lũ nhọc nhằn một nắng hai sương. Đoạn đường trên xa lộ xuống nhà Hoa rất xa mà trời nắng gắt, oi nồng, không có chút gió phe phẩy, mặt đất xông lên hơi nóng thiu đốt da người rát như phải bỏng, nên tôi cảm thấy ngất ngư, quá mệt, mồ hôi vã ra nhễ nhại trên thân, đầu tóc ướt nhẹp, lưng áo đẫm mồ hôi rít rát. Vốn dĩ từ thuở bé đến giờ tôi chưa bao giờ bước đi trên cây cầu chỉ có ba bốn cây tre chong chênh, vắt vẽo từ bờ nầy qua bờ kia, nên tôi ngại ngùng, chán ngán, phập phồng lo sợ lúc đứng bên nầy bờ nhìn về làng Trường Sanh xa tít tắp.

Nếu đã lặn lội mò mẫm đến tận đây rồi, chỉ còn một đoạn đường ngắn ngủi trong tầm mắt, mà mình không thể đến bên em, sao đành! tôi ngẩn người do dự băn khoăn bối rối nhìn chiếc cầu khỉ đong đưa lắc lư trên không trung, giống như nó đang treo tòn ten trước gió oi nồng hiu hiu thổi, mà thỉnh thoảng nó vang lên tiếng kêu kẽo kẹt, như lời thì thầm tự thán, khiến tôi càng run sợ và choáng váng, do dự trong sự chọn lựa. Tôi thầm nhủ: Tiếp tục tìm kiếm em, hoặc là quyết định quay về (vì sợ chiếc cầu khỉ) đây? Quay về: sẽ an toàn, bình yên không lo sợ, dù phải mất đi tình thân thiết, và có thể mất nhiều thứ khác. Nhưng ngập ngừng, vì sự lo sợ mà lựa chọn việc quay về, làm mất đi một người thương, (hoặc nhiều người, chị sẽ gây tổn thương đến em, thì Hoa ơi! xin em hãy giúp tôi vượt qua sự sợ hãi, em đừng lánh xa tôi, mà em hãy dịu dàng đứng gần tôi dưới chân cầu nầy, thầm lặng khích lệ, và nâng vực tôi mạnh mẽ an tâm bước lên cây cầu khỉ “quỷ quái” đang lắc lư, để tôi có can đảm hân hoan đến với em chẳng chút ngại ngần lo sợ. Như ngày ngày em đã cùng mọi người trong xóm Sen thong dong ung dung đi lại trên cầu tre.

Thế là chí đã quyết, tôi run sợ, lo lắng, khổ sở rụt rè rón rén bước lên cầu (dù không thể tự nhiên thảnh thơi ung dung bước đi như những cư dân kia). Tôi cột hai vạt áo dài vô bụng, phải hé hi hí hai mắt, gồnh mình cố gắng rón rén bò bò trên cây cầu lắt lẽo rung lên bần bật và kêu kẽo kẹt trong gió lao xao rì rào từ khóm trúc bụi tre vẵng lại. Nhìn xuống hố sâu, tôi cảm thấy đầu óc quay cuồng xây xẩm choáng váng kinh khủng, chóng mặt. Ôi! Sợ hãi biết dường nào kể xiết, nhưng tình tôi thương yêu đứa em bé nhỏ nhiều hơn, nên đã cố gắng thắng lướt tất cả. Thế rồi dần dà mọi sự từ từ cũng ổn, tôi thấy những nóc gia thưa thớt khiêm nhu trên lãnh cư khô cằn vào giữa trưa, nên thôn xóm càng vắng vẻ đìu hiu. Lúc đến đầu thôn, tôi gặp một người đàn ông trung niên đi ngược chiều, tôi ân cần hỏi thăm nhà mạ cuả Hoa, thì ông ta vui vẻ dẫn tôi đi ngược trở lại. Đứng trước cửa nhà tranh lụp xụp, vách đất quét vôi úa màu lổ chổ, phên cửa xiêu vẹo èo ọp có những sợi khói trong lò bếp ấm áp tỏa bay lên cao, rộn rã tiếng trẻ nhỏ nói chuyện huyên thuyên, vui mừng chia nhau củ khoai lát sắn, mà vui. Tôi cảm thấy nơi ấy có luồng sinh khí ấm áp nồng nàn, từ mùi khoai lang nướng trong bếp lò tỏa ra thiệt thơm, dù tôi đã ăn cơm no ở nhà rồi. Ấy thế mà món khoai củ kia hấp dẫn, khiến bụng tôi cồn cào đói, miệng ứa nước miếng vì thèm ăn một món giản dị, bình dân rẻ tiền, nhưng thiết thực và đậm đà tình dân tộc.

Khi nghe người đàn ông cất tiếng gọi các cháu, và báo có khách đến thăm. Mấy đứa nhỏ ùa ra cửa, nhao nhao chào hỏi “chú Nhàn”. Tôi thấy bầy nhóc xêm xêm cao bằng vai bằng cổ nhau: bốn đứa khoảng từ tám chín tuổi trở xuống một tuổi. Dường như các em ngỡ ngàng lẫn sửng sốt bu quanh tôi, mấy em nhỏ và bé Thủy trên má dính đầy lọ nghẹ, hoặc vỏ khoai lang nướng. Trong số đó có Chiến là lớn nhất đàn, em ở trần đưa tấm lưng ốm nhom đen thui và sạm nắng, em mặc quần xà lỏn màu nâu xệ xệ xuống dưới đì. Khi nghe chú Nhàn giới thiệu tên tôi: thì em đon đả trả lời là đã biết chị, (do Chiến đi thăm Hoa ở nhà cha mẹ tôi, Chiến thấy tôi chụp hình cùng gia đình). Chiến lanh lẹ vui vẻ liếng thoắng nhất trong đám nhỏ đã toét miệng cười reo:
- Em chào chị Hương, phải không hì!?
- Phải đó cưng. Em giỏi thiệt.
- Dạ, em như ri mới “cai trị” được bọn lu la nhà em mà chị.
- Vậy sao!? Nhưng nè, hình như em vọc đất cát hơi nhiều, nên móng tay móng chân em dài và đen thùi lùi. Hư thiệt!
- Có lẽ do linh tính báo sẽ bất ngờ có quà, em thấy vui vẻ, nên móng tay cũng mau dài. Hì.
- Trời! Tâm trạng em vui vẻ, mắc mớ gì chuyện móng tay móng chân mau dài và đen thui chớ!
- Vậy mới nói.
Một cậu nhỏ khoảng bảy tám tuổi tên Hoài liền đẩy Chiến lên phía trước, em xòe hai bàn tay thơm mùi khoai nướng ra:
- Chị coi, tụi em giống anh Chiến như rứa cả.
- Ồ! Tại sao?
- Tụi em không dùng hai bàn tay có móng để bới móc củ khoai, củ sắn từ dưới đất lên, thì lấy chi mà bỏ vô miệng ăn. Chị!

Ngạc nhiên sửng sốt và câm miệng nghẹn cứng cổ họng khô lông lốc, tôi không thốt nên lời. Được cha mẹ cưng chiều cho ăn đi học từ lúc còn là đứa trẻ “mầm non” mới dứt bình sữa, đến nay tôi đã là một thiếu nữ, chưa bao giờ mình đụng tay chân làm bất cứ việc nhỏ nhặt nào. Ở nhà khi ăn uống xong, tôi không rửa một cái chén, một cái ly! Tại trường nội trú, đã có bồi bếp làm thay, mình không hề lo lắng gì ngoài việc sung sướng an nhàn “ăn, học, nghỉ ngơi”. Tôi không thể tưởng tượng nỗi trẻ con ở nhà quê sao lại dùng bàn tay bé xíu để bới móc, vất vả làm việc nặng nhọc, mới có cái ăn mỗi ngày! Sao tôi không tìm hiểu cặn kẽ các dữ kiện, chỉ nhìn sự kiện thoáng xảy ra trước mắt, để rồi vội vàng kết luận, trách móc các em nhỏ đáng thương đến thế!? Sao mình có thể mất nhân tính, tỏ ra trịch thượng, ta đây kẻ cả, vì những lời nói cho dù bông đùa, hoặc vô tình một cách thẳng thừng như thế cho đành! Khi mình hiểu ra nguyên cớ, thì thật là… ân hận. Tự trong thâm tâm tôi cảm thấy tổn thương và dày vò đáng hổ thẹn! Tôi ngao ngán thở dài, sực nhớ đến một câu chuyện người xưa:
(Ông Khấu Tố dẫn ngựa đi uống nước sông, chẳng may ngựa bị chìm xuống đáy. Khấu Tố ỷ sức mình, liền nhảy xuống sông để chiến đấu với thủy thần. Chẳng may bị chột mất một mắt, ông phải trồi lên bò vô bờ.
Yếu Ly bất bình mắng:
- Ngươi tự vỗ ngực xưng là dũng sĩ, đánh nhau với thủy thần sao, ngươi đã không dám chết, dẫn xác về với con mắt mù chột, mà không biết nhục, còn hiu hiu tự đắc khoe khoang, là làm sao?
Khấu Tố bị mắng, hổ thẹn ra về. Phần Yếu Ly dặn vợ con: “Không đóng cửa”, có ý chờ Khấu Tố đến. Quả nhiên nửa đêm ấy Khấu Tố xông vô phòng chĩa gươm vào cổ Yếu Ly, mà kết tội:
- Ngươi có ba tội đáng chết. Một: Làm nhục tao giữa đám đông. Hai: Không biết phòng ngừa lo xa, ngủ không đóng cửa. Ba: Thấy tao vô đây mà không chạy trốn.
Yếu Ly bình thản đáp:
- Theo ta, ngươi có ba tội hèn hạ mới đáng chết. Một: Ta làm nhục ngươi giữa đám đông, mà chẳng dám nói một lời. Hai: Ngươi lẽn vô nhà ta lén lút không lên tiếng, chỉ như kẻ trộm. Ba: kề gươm vô cổ ta xong, mới dám mở miệng dọa nạt. Thế thì ngươi hơn ta ở chỗ nào?
Khấu Tố tưởng mình tài giỏi hơn người, nghe xong lấy làm xấu hổ đã ném gươm xuống đất, mà đập đầu tự sát.)

Không ai biết chú Nhàn đã bỏ đi lúc nào. Được em Chiến cho tôi biết mạ của các em vừa có việc qua xóm bên vắng nhà, tôi có chút thất vọng, ngồi chò hỏ xuống bậc thềm, soạn giỏ xách lấy mấy gói kẹo bánh, ít bộ quần áo mới, tôi xoa đầu và đưa cho từng em. Các em ríu rít vui vẻ, hí hửng, khiêm tốn, hiền hậu và ngoan ngoãn đứng chờ đợi tới phiên nhận quà, không chen lấn giành giựt. Tôi lấy một bì thư đựng tiền và nhét trong lưng quần em Chiến, cột dây rút, tôi bảo em hãy cẩn thận cất dấu tiền đâu đó, không làm mất, chờ khi nào mạ về em trao cho mạ.

Tuy mình ở lại tiếp xúc với các em không lâu, cha mạ các em đi vắng, mà trong nhà anh em nhỏ biết đùm bọc bảo ban vâng lời nhau, tôi thấy các em nhỏ dễ mến ngoan hiền, mặt mày em nào em nấy sáng sủa dễ thương lắm. Thương quý các em, nhưng không dám ngồi lâu, vì tôi sợ trời tối nhất là lần đầu tiên tới làng nầy, tôi sợ sẽ lạc đường. Chẳng biết làm thế nào cho phải phép hơn, chỉ sợ mình mủi lòng mau nước mắt khóc òa trước bọn trẻ. Tôi nghẹn ngào lý nhí nói lời chia tay, các em ngẩn ngơ đứng bên nhau nhìn tôi đăm đăm rồi oà khóc. Tôi nghẹn ngào cũng khóc và lủi thủi đi về! Vừa đi qua khỏi cánh đồng khô mông quạnh rất xa xóm Sen, nhìn lại ngôi nhà tranh đã lẫn khuất dưới hàng tre, thì cơn mưa bỗng chốc ùn ùn ào ào ập đến, tôi không thể chạy đi chỗ nào trốn đụt mưa, nên cứ thế đội mưa và sấm sét mà đi. Lòng tôi rất buồn, sợ hãi và thương các em nhỏ vô cùng, khi nghĩ tới mái nhà xiêu vẹo và ọ ẹp, nơi có sáu bảy người đang quanh năm đói khát và trốn dột, khiến tim tôi co thắt lại từng cơn đau điếng, một nỗi buồn vu vơ mà sâu thẳm đang dày vò đầy uất nghẹn về kiếp người dâng lên làm tôi nghẹn ngào.
Kể từ ngày gặp các em lần đầu tiên đó, và có thể là chưa có thêm lần sau, cho đến tận bây giờ tôi không còn cơ duyên gặp lại các em nhỏ ấy nữa. Sau muà hè tôi lại trở về Đà Lạt, các em nhỏ, gió bão và cây cầu khỉ… đến một lúc nào đó sẽ cuốn trôi hết mọi ý niệm về không gian, thời gian, cuộc sống. Nhưng tình cảm chị dành cho các em mãi mãi không tàn phai.
***
Cho đến sáu năm sau, kể từ ngày run rẩy lo sợ bò bò trên cây cầu khỉ đầy mưa gió và sấm sét... tôi sửng sốt kinh ngạc và rất vui mừng khi nhận ra em Hoa tóc quăn ngoan hiền dễ mến dạo nọ, và Liên (bạn của Hoa) hai cô gái đẹp dịu dàng đoan trang đang ngồi trong phòng khách nhà tôi ở Đà Lạt. Hai chị em dường như không hẹn mà đồng loạt mừng rỡ hét to, cùng xộc tới ôm chầm lấy nhau, hôn chùn chụt, mắt mờ lệ vừa khóc vừa cười, cả hai người lôi nhau vô phòng riêng tíu tít rôm rả chuyện trò huyên thuyên. Một lúc sau Hoa lật đật chạy ra phòng khách lấy bóp móc xấp tiền để biếu ôn mệ (ba má cuả tôi). Hoa soạn ra nhiều vải vóc em đã mua tặng: các anh, chị. Riêng anh Dzoãn, Hoa tặng một cái cassette màu đỏ nhỏ xíu bằng hộp bánh bít quy, loại máy thu có cuộn băng nhựa ở hai đầu, lúc nầy ở Việt Nam đang thịnh hành, và là sản phẩm Mỹ quý hiếm vừa nhập vô Việt Nam.

Cả nhà tôi cùng hai em Hoa, Liên, quây quần bên mâm cơm nóng sốt, ngon lành. Không ai nhìn vào Hoa, Liên, mà biết họ có một thời hèn mọn xa xưa. Họ diện nhiều bộ áo quần đẹp rất sang, sành điệu. Tiền bạc em tôi chi tiêu đúng nơi vừa chỗ. Đời em tôi đau khổ quá. Năm 1966, em chính thức từ bỏ tên Chắt, đổi tên Hoa thành tên: Trương Thị Thu Huyền. Em đã xin vô làm thư ký đánh máy tại Bộ Tư Lệnh của Thuỷ Quân Lục Chiến "3rd Maf Marine Co Head Quarters" trực thuộc Sư Đoàn 2 ở Đà Nẵng.

Em lên Đà Lạt trước là thăm ôn mẹ, các anh chị, các cháu, sau là em hỏi ý kiến ôn mệ, anh, chị về việc em xin phép xuất ngoại đi Mỹ, em lên đường biệt xứ để lấy chồng. Có lần ngồi trên đồi cù Hoa đã nói với chị:
- Chị ơi! Em ít khi tin vào duyên số, nhưng có lẽ bây giờ em đành chấp nhận, chịu thua. Chị à.
- Ừa. Chắc là em không muốn:
Còn duyên đỏng đảnh lấy chồng.
Hết duyên ngồi gốc cây hồng nhặt hoa
Hoặc là: Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng. Đời người con gái chỉ “xôn xao” có một thời xuân trẻ. Hạnh phúc không chỉ tạo ra ở một phía, nếu mình cảm thấy con đường nầy chưa hẳn không có hạnh phúc, thì Hoa sẽ không đi, bởi vì hạnh phúc chưa hẳn do người khác đem lại, mà do cả hai quyết định ân cần tìm về. Đi là xa, là cách biệt nghìn trùng, biết khi nào gặp lại? Hay chẳng bao giờ! Nhưng em đi là phải Hoa ơi. Nước Mỹ là vùng đất phì nhiêu, đầy mỏ vàng và kim cương, không dễ gì có người được diễm phúc hân hoan ung dung ra đi từ nước nhược tiểu, mà người ấy không có trình độ học vấn, không có “vai vế” hoặc giàu có đâu. Cũng có gia đình cho dù giàu xụ, chưa chắc con của họ có đủ điều kiện khi đứa con ấy không học hành ưu tú, nếu cha mẹ giàu không lo lót chạy chọt cho con được du học, để hội nhập vào một xã hội thượng thặng nhất thế giới. Xin cho em giữ mãi niềm vui nha em.
- Dạ vâng.
Bây chừ em đang ở bên chị, tâm hồn Hoa lâng lâng khó tả, thì giờ hạn hẹp ngắn ngủi, mà tình cảm quá bao la, những giây phút bên cạnh chị, Hoa nghĩ em là bé Hoa chín mười tuổi thôi. Rồi Hoa chợt buồn trong giây lát, vì đời ngắn quá, mà kỷ niệm đong đầy, dài lê thê đương luẩn quẩn đâu đây. Hoa úp mặt vô cánh tay chị, ngậm ngùi nói:
- Nếu ra phố, chị thấy đứa bé nào trạc tuổi như em thuở nọ, chị chỉ cho em thấy: ngày ấy em ra sao, mà được ôn mệ, chị, anh Dzoãn, và cả nhà thương em như vậy nghen. Chứ một đứa nhỏ tôi tớ ở đợ tầm thường như em, thì làm sao được diễm phúc thế hở chị?

Cũng trong đêm Noel đầy thi vị ấy, nằm bên cạnh chị như ngày xưa còn ở Mỹ Chánh, Hoa mơ thấy sợi dây chuyền có cây thánh giá nơi cổ em rớt xuống trên đồi sim, nơi mà ngày ấy chị vẫy tay chào em, để chị lên xe vào Đà Lạt đi học. Trong cơn mơ Hoa cúi xuống nhặt sợi dây chuyền lên, Hoa tần ngần đứng nhìn xuống căn nhà của ôn mệ đã ở xưa kia, thì Hoa không thấy nhà cửa chi hết, mà chỉ thấy đồi cỏ tranh xào xạc reo trong gió sớm, có ánh bình minh rực rỡ xuyên qua từng hàng dừa, hàng cau đan quyện vào nhau, ánh sáng đầu ngày rọi xuống khu rừng núi xanh biếc, có dòng suối lóng lánh đang duỗi mình trên nương khoai, cảnh vườm ươm cây đẹp mờ mờ ảo ảo như một bức tranh địa đàng. Sáng ra vừa thức dậy, nghe Hoa kể chuyện em mơ. Chị nói:
- Tuy ôn mệ đau khổ đời nầy, (vác tháng giá) nhưng lương thiện và đầy ắp tình người, thì đời sau sẽ được về Thiên Đàng. Em cũng sẽ như vậy thôi.
Điều nầy không làm Hoa ngạc nhiên, Hoa biết chắc chắn đúng, vì ông mệ ở trong con bao giờ cũng như vị thánh. Hai cô bé Thu Huyền Hoa và Liên từ giã đại gia đình tôi, họ lên máy bay từ phi trường Liên Khương (Đà Lạt) trở về Đà Nẵng. Thân nhỏ nhắn trẻ trung xinh đẹp mảnh mai và chính chắn trước tuổi, em ấy mang trọng trách nặng trĩu trên vai oằn xuống, run rẩy từng bước thấp, bước cao, bước dài bước ngắn... để ra đi làm lụng vất vả bất cứ làm công việc gì, ngỏ hầu có tiền phụ trợ cha mạ nuôi đàn em nhỏ. Nhưng em Hoa đầy uy quyền, chững chạc, để có thể quyết định vận mệnh đời em, khiến tim tôi lỗi nhịp liên hồi rung vang âm vọng bồi hồi thấp cao, xen lẫn mến phục và bối rối triền miên.
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
12-19-2014, 11:27 PM
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/1letri co 18_1419031805.jpg
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/Trung Tuong Khongquan TRAN VAN MINH_1419102098.jpg
Trung Tướng Không Quân Trần Văn Minh

Trích dẫn: “Sự Thật Đời Tôi” của Trung Tướng Không Quân TRẦN VĂN MINH

… & V.V…

Câu trả lời cho thảm kịch thất trận của miền Nam Việt Nam thật đơn giản. Nó có thể tóm gọn với hai chữ “không đủ”. Chúng tôi không có đủ tiếp liệu trong những tuần cuối cùng của cuộc chiến. Và chúng tôi không có đủ lính. Chỉ có thế. Đó là toàn bộ vấn đề. Không đủ. … & V.V…

Vấn đề sinh tử là chúng tôi không còn cơ phận và cũng không có nhiên liệu. Chúng tôi bị thiếu hụt nhiên liệu trong những ngày cuối cuộc chiến. Vì vậy mà chúng tôi không thể cất cánh. Không lực chúng tôi bị nằm ụ dưới đất. Thế mà người Mỹ, có computer với đầy đủ dữ kiện. Họ nói rằng chúng tôi có đủ. Họ cả quyết là chúng tôi có đủ nhiên liệu và đồ phụ tùng. Họ cả quyết trên cơ sở chính trị. Họ không cả quyết trên cơ sở thực tế.
Tất cả những gì chúng tôi cần đến là Tiếp Vận. Có tiếp liệu mới đánh đấm được. Khi mà hàng tiếp liệu không được chuyển giao, thì tinh thần chiến đấu của sĩ quan và binh lính chúng tôi sẽ xuống thấp. Ai cũng thấy là đồ tiếp liệu đang cạn kiệt. Họ biết chúng tôi sẽ hết sạch. Và khi họ thấy như vậy, họ sẽ biết là chúng tôi đang bị đồng minh thân thiết bỏ rơi. Và rồi họ sẽ mất sạch tinh thần chiến đấu. Tôi chưa bao giờ nghĩ là đồng minh sẽ lừa dối và bỏ rơi chúng tôi.

Tôi nghĩ đến Bá Linh và Đại Hàn khi nghĩ đến các giải pháp của người Mỹ. Và tôi thấy người Mỹ đã bảo vệ họ. Tôi nghĩ là chúng tôi, là tiền đồn của thế giới tự do, rồi cũng được bảo vệ như thế. Đại sứ Graham Martin nói đi nói lại là Mỹ sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng tôi. Ổng nói là chúng tôi nên tin như thế.
Những gì đã xảy ra vào phút cuối đã như một vài người Mỹ đã nói trước. Chúng tôi thua trận nhanh hơn Bắc quân có thể thắng. Đúng vậy. Tôi coi như sách lược của tổng thống Thiệu là bỏ rơi vùng cao nguyên sau khi mất Ban Mê Thuột là một chiến thuật hay. Nhưng nếu chúng ta được tiếp vận hợp lý, thì tinh thần chiến đấu của chúng ta vẫn còn, và chúng ta có thể tái phối trí quân đội để tiếp tục chiến đấu.
Khi tổng thống Thiệu từ chức vào ngày 21 tháng Tư, tôi đã nghĩ đó là dấu hiệu lạc quan. Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có những thỏa ước mới, những chế độ mới. Phó tổng thống Hương trở thành tổng thống. Ông là một nhà giáo lão thành đáng kính. Ông là một người trung thực. Nhưng rồi ông giao quyền tổng thống cho tướng Dương Văn Minh. Một vài người chúng tôi tin rằng tướng Minh có thể đạt được những thỏa ước hòa bình. Nhưng chúng tôi cũng nghĩ tình hình đang diễn ra là một bóng đen hắc ám. Chúng tôi tin rằng người Việt sẽ không còn tự quyết một điều gì. Bất cứ điều gì, chúng tôi tin chắc rằng, phải được quyết định sau bức màn siêu quyền lực. Người Mỹ, người Nga, người Tàu _ chúng tôi tin chắc là thế _ sẽ quyết định số phận của Việt Nam. Chúng tôi đã chờ đợi ngày này qua ngày khác mới thấy những điều họ đã âm mưu. Chúng tôi nghĩ một phần trong những âm mưu đó là người Mỹ sẽ ngưng cung cấp hàng tiếp liệu cho chúng tôi.
Trong những ngày cuối cùng của VNCH nhiều lần tôi đã có nói chuyện với tướng Nguyễn Cao Kỳ. Và nhiều lần ông đã yêu cầu tôi làm đảo chánh. Ông nói, “Hãy cẩn thận. Người Mỹ đang bảo vệ tổng thống Thiệu. Đừng để họ biết kế hoạch của các anh”. Rồi khi tôi gặp ổng vài ngày sau đó, ổng lại yêu cầu tôi, “Khi nào thì anh cầm đầu cuộc đảo chánh? Khi nào thì đảo chánh?” Tôi nói với ổng là tôi không muốn cầm đầu đảo chánh. Tôi hỏi ông ấy là ông có muốn đảo chánh không? Và ổng nói không, không muốn. Ông nói là ông nghĩ tôi muốn. Ổng quá cẩn thận. Ông muốn tôi cầm đầu đảo chánh để ông trở thành lãnh đạo mới của đất nước.
Nhưng điều mà tướng Kỳ không thể nào hiểu được là tôi và binh lính của tôi sẽ không trung thành với ai cả. Chúng tôi chỉ trung thành với Tổ Quốc. Chúng tôi trung thành với Việt Nam, Chúng tôi yêu Việt Nam. Rất nhiều người lính chúng tôi đã chết cho Việt Nam. Họ đã chiến đấu và chết không vì bất cứ ai, mà cho Việt Nam.

Trong một cuốn hồi ký tướng Kỳ nói là tôi đã đến nhà ổng và nói là tôi sẽ trung thành với ổng bằng bất cứ giá nào. Ông nói tôi đã nói với ổng là người của tòa Đại sứ Mỹ đang đút tiền cho tôi để thăm dò ông cho Mỹ. Không có điều nào đúng cả. Không hề có ai đưa tiền cho tôi cả _ đặc biệt là người của tòa Đại sứ Mỹ. Và tôi không hề có chuyện đàm phán nào với tướng Kỳ. Đọc nó rất buồn cười. Tại sao ổng lại bịa ra những điều này trong cuốn hồi ký? Ông moi những chuyện này ở đâu ra vậy? Có thể là ông đang nhắm tới một ai đó chớ không phải tôi. Ông không được bịa chuyện về tôi.
Gần trưa ngày 29 tháng Tư, tôi nhận một cuộc điện gọi từ cơ quan DAO nói rằng sẽ có một cuộc họp giữa Mỹ và các cấp chỉ huy của VNAF. Tôi qua cơ quan DAO với nhiều người nữa. Chúng tôi được đưa vào một gian phòng. Rồi người ta để chúng tôi ngồi đó một lúc lâu. Chúng tôi nghĩ Đại sứ Martin hoặc tướng Homer Smith (Tùy Viên Quân Sự) hoặc ai đó sẽ thuyết trình một kế hoạch đẩy lui Cộng quân. Nhưng chẳng có ai thuyết trình cả. Không có ai thuyết trình cho tới xế trưa. Sau khi chúng tôi đi vào khu vực cơ quan DAO thì một người lính gác đã tước vũ khí của chúng tôi. Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đó. Rồi cuối cùng cũng có một người, mặc đồ sĩ quan, bước vào phòng và nói, “Đã kết thúc rồi, thưa tướng Minh. Một trực thăng đang đợi ngoài kia sẽ đưa ông đi”. Chúng tôi bước ra chiếc trực thăng. Nó đưa chúng tôi bay ra chiếc Blue Ridge ngoài biển Đông.
Một đại tá Không quân Mỹ đang ngồi trên tàu với tôi. Ông ta ngồi kế bên tôi. Ổng khóc suốt chuyến bay. Ổng không nói được. Nhưng ông ấy đã viết gì đó lên một mảnh giấy rồi đưa cho tôi. Tôi đọc, “Thưa tướng quân, tôi rất tiếc” Tôi vẫn còn giữ mảnh giấy đó cho tới ngày hôm nay. Tôi sẽ giữ mảnh giấy đó suốt đời. Tôi sẽ luôn nhớ tới chuyến bay buồn thảm ra chiến hạm Blue Ridge.
… Nhưng từ khi đất nước tôi sụp đổ, tâm hồn tôi đã hóa ra tan nát. Trong 20 năm qua thâm tâm tôi đã cảm thấy trĩu nặng nỗi buồn đau và trống vắng. Nó vẫn không phai đi. Tôi cảm thấy nó hằng ngày. Không một ngày nào trôi qua trong đời mà tôi không nhớ về Việt Nam./.
Trần Văn Minh
Hết trích dẫn.

* * *

Cảm tưởng về bài: "Sự Thật Đời Tôi" của Tướng Trần Văn Minh,
(qua góc nhìn trung thực từ một Đại Úy Không Quân- Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
TVP (philong51).
do Tình Hoài Hương chuyển tiếp cùng độc giả HQPD quý trọng.
*


Thưa quý vị NT và các bạn thân kính,

Qua những gì mắt thấy tai nghe, tôi (philong51) xin có một vài nhận xét:

- Tham vọng chính trị của Tướng Trần Văn Minh ?

Nhân kỳ bầu cử TT "Độc Diễn" năm 1971, rất nhiều người không mấy "hài lòng", hay bất bình về sự độc tài, -sự chèn ép- không cho bất cứ ai ra tranh cử Tổng Thống- của ông Thiệu.
Vào cuối tháng 8 năm 1971, cùng ba vị niên trưởng của PĐ 530, tôi nhận 1 Sự Vụ Lệnh ghi rằng:
- Thừa khẩu lịnh của Trung Tướng TLKQ về trình diện ông gấp.
Tại văn phòng BTL Tướng Minh thẳng thắn nói với chúng tôi chỉ có một câu:
- "ĐM. Mấy vụ nầy tao không có biết nha. Tụi bây qua trình diện cụ Phó (Tướng Kỳ).
{(Xin lỗi chị THH, Tướng Minh có nickname “Minh Đù” ; vì mỗi câu nói ông thường dùng tiếng Đức, hoặc tiếng “Đan Mạch” ở mỗi đầu câu)} .

- Về vũ khí ?
Ngay sau khi 2 PĐ A-1 được bay lại, cùng với 11 anh em PĐ 518 ; tôi biệt phái Cần Thơ nửa tháng. Khi trở lại BH xế chiều ngày 19/4/1975, trong phi vụ thứ nhì, tôi than phiền về việc trang bị bom đạn trên phi cơ, các anh em bên Vũ Khí Đạn Dược cho biết:
- Mình gần hết bom rồi. Chỉ còn 1 loại bom MK-81 (250 lbs) nhỏ nhất nầy mà thôi.

- Chúng tôi biết chả có ông pilot nào ưa thích cả. Nếu như ông tìm được 1 trái bom nào lớn hơn như 500, 750 hay 1.000 lbs từ các kho bom BH, Long Bình, Gò Vấp, hay Thành Tuy Hạ, chúng tôi xin tự chặt hai bàn tay.

Thêm vào đó có sự giúp vốn của Tg TLQĐ III. Số là chiều ngày 19/4/1975, Tướng Huỳnh Bá Tính SĐT SĐ3KQ ra lịnh cho tôi và Đ/uý Đào Công Quận đem 2 phi tuần, gồm: 4 chiếc A-1 về TSN, và tạm thời ngủ nhờ ở BĐ F-5.
Ngay đêm đó phi trường BH bị pháo, dù rất mệt mỏi vì đã bay hơn 6 tiếng đồng hồ trong 2 phi vụ trước, Tr/uý Nguyễn Văn Chuyên cùng tôi cất cánh khẩn cấp, với niềm hy vọng giải vây phi trường BH. Mặc dù chúng tôi thấy rất rõ vị trí đặt đại bác 130 ly ở phía Bắc Tân Uyên - đang câu vào phi trường BH. Nhưng Tg TLQĐ III thân yêu của chúng tôi ngăn cản; không cho chúng tôi thả bom với luận điệu cố hữu:
- Toạ độ đó là nơi đóng quân của quân bạn.

Giống như vào tháng 7 hay 8 năm 1972, ông đã từng dùng thủ đoạn nầy để mượn tay VC tiêu diệt KĐ 72CT. May nhờ hồn thiêng sông núi che chở, nên Căn cứ Pleiku không bị thiệt hại nhiều (nhân chứng còn sống: Đ/Tá Nguyễn Văn Bá cựu KĐT KĐ 72CT, SĐ II KQ).

Cũng vì biết số bom đạn cạn dần, sau khi hỏi ý kiến của anh Chuyên bay chiếc số 2, chúng tôi lần lượt đáp TSN an toàn với bom đạn lúc 4 giờ sáng ngày 20/4/1975 ; và 8 giờ tối ngày 28/4/1975 : sau khi thi hành phi vụ hộ tống đoàn Vũ Khí & Đạn Dược của Tr/tá Phan Văn Mạnh an toàn về Sài Gòn, Tr/uý Nguyễn Thanh Bá cùng tôi đáp với bom đạn ở TSN (vị chi chúng tôi đã save 40 trái bom).

Sáng ngày 20/4/1975, chúng tôi hay tin 1 kho bom ở BH bị trúng pháo và thành bình địa. Vì vậy chúng tôi phải di tản về TSN từ ngày 21/4/1975.
- Sáng sớm ngày 29/4/75 tôi không biết Tướng Minh có theo dõi trên tần số Hành Quân (Paris) hay không ? Chỉ có những người nghe trên tần số nầy mới biết được: mục tiêu mà anh Phùng và chiếc Tinh Long 07 oanh kích bằng đại bác 20 ly 6 nòng; chỉ là Tr/uý Thành nghi ngờ năm ba tên VC "định" cắt hàng rào kẻm gai mà thôi.
Ngoài ra tất cả mọi người đều nghĩ rằng: VC đang tấn công vào TSN, như kỳ Mậu Thân. Nhất là sau khi chiếc TL-07 bị trúng SA-7 và cắm xuống đất trong vòng rào phòng thủ, thì hầu như mọi người trong TSN đều hoảng loạn, chừng mươi lăm phút sau các phi cơ F-5, C-130, C-119, C47 v.v... lần lượt cất cánh bay đi.

- Trước đây một người bạn cho tin sáng ngày 29/4/1975 anh thấy Tướng Minh rời BTLKQ với vẽ khác thường, và anh nghi ngờ ông Tướng bị ai uy hiếp? Thêm vào đó Tướng Minh quên cả việc Đ/Tá Hoàng Thanh Nhã, cựu KĐT KĐ 23 CT đang chờ chỉ thị của ông ở ngoài phòng khách. (lời Đ/Tá Nhã nói với tôi chiều ngày 29/4/1975 tại Utapao).

Sau khi đọc bài của Tướng Minh, tôi mới hiểu được Tướng Minh bị người ta "lừa" và buộc ông phải rời "Command Post" của ông (BTLKQ ). Thêm vào đó, người ta còn tung tin thất thiệt, láo phét, nào là: Hai phi đạo bị hư hại nặng nề, xác chết đầy taxiways v.v...

Trước đó ông không hề ra bất cứ 1 lịnh lạc nào cả. Hoàn toàn không đúng như tên phóng viên kiêm sử gia vô liêm sĩ, bẻ cong ngòi bút người Tây mang tên Todd Olivier trong quyển sách "Tháng Tư Nghiệt Ngã" đã viết:

- “Tướng Minh đã ra lịnh tất cả phi cơ cất cánh”.

Cũng như xuyên tạc sự thật về phi vụ chống pháo kích của tôi sáng sớm ngày 29/4/1975, nhất là nhục mạ anh linh của các vị anh hùng vị quốc vong thân: Th/tá Trương Phùng, cùng Trưởng Phi Cơ của chiếc Tinh Long 07, Tr/uý Trang Văn Thành cùng PHĐ :

Trích dẫn dưới đây:

THÁNG TƯ NGHIỆT NGÃ (Olivier Todd - Dương Hiếu Nghĩa dịch):

Chương 16... 23 / Trích: “Ngày 29 tháng 4 1975 :

Vào lúc 4 giờ chiều (hay 4 giờ khuya ??? PL51) pháo binh Bắc Việt càng bắn càng chính xác, tác xạ tập trung phần lớn vào các đường bay của phi trường Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham Mưu Miền Nam Việt Nam và Bộ Tư Lệnh Hải Quân . Ở phi trường thì các kho xăng kho đạn, xe vận tải, xe nhỏ quân sự hay dân sự bị trúng đạn đang bốc cháy khắp nơi. Bộ binh Bắc Việt không thể ở quá xa vì các quả đạn bách kích pháo và những hỏa tiễn phát nổ với ngọn lửa còn đỏ, và xanh lục. Có hai Thủy Quân Lục Chiến là Charlie McMahon và Darwin Judge bị tử thương ở vòng đai phòng thủ. Tướng Homer Smith và những sĩ quan cao cấp Hoa Kỳ bị hất tung lên khỏi giường ngủ. Có một số người trong số 1500 người Việt tỵ nạn đang ở trong nhà thể thao, đã bị thương. Một chiếc vận tải cơ C.130 bị trúng đạn khi vừa đáp xuống sân bay.

Trời sáng dần… Các phi công của những phi cơ F.5 và A.37 cuối cùng cất cánh lên được và bay đi luôn không trở lại. Các phi công nầy giống như những phi công còn muốn chiến đấu đều không điều động được phi cơ vì vướng hằng trăm binh sĩ Miền Nam đang nằm rải rác khắp các đường bay. Nhân viên của trạm kiểm soát không lưu không thể làm việc được . Một phi công của chiếc AC.119 đặc biệt bướng bỉnh vì không đúng nhiệm vụ mà cứ cất cánh bay lên đánh vào các vị trí cộng sản mà anh thấy rõ chung quanh Sài Gòn, trở lại lấy thêm bom đạn, bay lên nữa, và đến 6 giờ 46 thì anh bị một hỏa tiễn SA.7 bắn rơi . … …

Tướng Nguyễn cao Kỳ lái chiếc trực thăng của ông ta lên, bay chung quanh Sài Gòn, ông thấy một pháo đội Bắc Việt đang tác xạ, mỗi phút một phát. Ông bắt liên lạc được với một đội Skyriders đang bay từ Cần Thơ về :
- “Đây Nguyễn cao Kỳ đây, phải tiêu diệt các pháo đội địch nầy.
- Nhận rõ, nhưng tôi chỉ còn có một quả bom, sĩ quan chỉ huy trả lời.
Đúng là giờ đã điểm, đối với những chiến trận danh dự không đáng kể !
5 giờ 45 giờ Sài Gòn:
Ông Martin đến tòa đại sứ . Lệnh cuối cùng của Tư Lệnh Không Quân Miền Nam Việt Nam :Tất cả các phi cơ còn trong tình trạng khiển dụng đều phải rời khỏi lãnh thổ Miền Nam Việt Nam “. (Hết trích)

https://baovecovang2012.wordpress.com/2013/03/06/cruelavril4/6/
***

Vì công đạo, vì sự thật của lịch sử, xin mọi người cùng tôi lên án tên phóng viên vô liêm sĩ đã bẻ cong ngòi bút, miệt thị KLVNCH nói riêng và QLVNCH nói chung.

Kính.
Philong51
Tháng 12 năm 2014

Tinh Hoai Huong
01-10-2015, 07:28 PM
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/phi co 6_1420918321.png
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/LinhHonTuongDa_VoThuong_1420918558.mp3
Lòng Nhân Ái của Một Người Xa Lạ


Tờ mờ sáng Thứ Hai, khi bình minh vừa ló dạng trên những đọt cau, đọt dừa cao vút, cây cối hàng hàng lớp lớp in bóng xuống mặt nước sông Hàn loang loáng ánh bạc lấp lánh ngấn thủy tinh, và phẳng như phiên gương trong suốt. Nhờ ánh mặt trời rạng ngời chan hòa tưới bao tia nắng ấm áp đầu ngày, mà thành phố Đà Nẵng rực rỡ ánh hào quang. Những tiệm cà phê nổi tiếng ở thành phố ngái ngủ ẩn hiện trong làn sương mai mờ đục càng thêm sinh động. Từ lá dừa rũ bóng ven phố thị có nhiều ngấn nước sương khuya còn đọng hôm trước đang long lanh dưới ánh mặt trời, thỉnh thoảng giọt sương từ mái hiên tí tách rơi xuống ven lề đại lộ Bạch Đằng. Hàng phượng vỹ chúm chím e lệ đung đưa soi bóng ven sông, gió hiu hiu thổi những chiếc ghe thuyền thong thả lắc lư, quay lui quay tới bởi sợi dây dừa to tướng còn buộc chặt ở cọc cắm.

Một ngày nữa bừng sống khi chim chóc líu lo chuyền cành hòa ái hót vang, vạn vật reo vui đón chào ngày mới. Giống như lòng Hoa đang tưng bừng mở hội hoan-ca, pha chút lo lắng cuống quít, nàng đi ra đi vô, bồn chồn, lo âu, mất ăn mất ngủ suốt ba ngày băn khoăn xiết bao, vì Hoa đã được hãng IRO chính thức công nhận cho đi làm trong sở Mỹ. Thế là may mắn hạnh phúc rồi, từ bây giờ có lẽ đời mình sẽ sung sướng lên hương! Mặc dù Hoa không được tuyển chọn làm ở ngành thư ký đánh máy tốc hành trong sở Mỹ (như ước nguyện ban đầu). Tuy Hoa có buồn phiền, do mọi chuyện không suông sẻ và như ý. Nhưng hề gì, lỗi do tự mình quá tệ, rất dở, thì thi vô thư ký đánh máy tốc hành: lẽ dĩ nhiên không đậu, là phải! “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, chớ than van phàn nàn hờn giận ai! rồi mọi việc từ từ có kinh nghiệm, thì sẽ ổn thôi.

Hoa đến một phòng riêng biệt vừa đủ rộng quét vôi trắng có nhạc hòa tấu văng vẳng. Trên tường treo bức ảnh Đệ Thất Hạm Đội, trên hình ở boon tàu có nhiều phi cơ và binh lính Hải-quân. Đối diện với bức ảnh nầy là hình tòa Bạch Ốc. Góc trái căn phòng là một bản đồ nước Việt Nam rất to, những hàng ghế nệm cùng những chiếc bàn dài, nơi đây thỉnh thoảng dùng để hội họp. Ngoài bộ sofa bọc da màu đen đặt ở phía phải trong phòng, còn có bộ ghế da nhỏ, trên bàn lót đá đã sắp sẵn: dao, nĩa, muỗng, khăn… chỉ cho một người dùng. Nơi nầy biệt lập, khác hẳn với câu lạc bộ kế sát bên vách tường, thì nơi đó vào những giờ ăn trưa, tối… có rất nhiều sĩ quan Mỹ ra vô huyên náo ồn ào hơn.

Với vóc dáng thon thả, tính nết đoan trang, đi đứng đàng hoàng, Hoa đã được ban điều hành phân phối cho vô làm ở trong Bộ Tư Lịnh Sư Đoàn Hai đóng tại Đà Nẵng, gần bến phà sông Bạch Đằng ở bên Sơn Trà. Có lẽ do “người ngợm” Hoa có chút sạch sẽ, quá trẻ, ăn mặc lịch sự thanh nhã không lòe loẹt, tươm tất, và dĩ nhiên Hoa có tí xíu nhan sắc mỹ miều (so với bạn trang lứa cùng vô làm tại đây), nên Hoa được ban điều hành huấn luyện kỹ càng, nghĩa là cho Hoa ưu tiên phục vụ duy nhất một Ngài trong Navy mà thôi, Hoa làm việc rất ung dung nhàn hạ: Phải! Mỗi ngày ba buổi: buổi sáng ông ấy dùng điểm tâm, buổi trưa, tối… thì đúng giờ ấn định: Từ nhà bếp, Hoa cẩn thận khệ nệ bưng một cái khay bạc hình chữ nhật: gồm có chén xúp, hai dĩa thức ăn đổi món mỗi ngày (loại dĩa trung, vừa phải). Lần sau cùng Hoa bưng dĩa bánh ngọt nhỏ, (hoặc trái cây: chuối, nho, táo tươi ướp lạnh) và một ly rượu nhẹ. Sau đó Hoa xuống đứng ở cuối góc phòng gần viên Trung-sĩ trực người Mỹ.

Ba người ở trong căn phòng không ai nói với ai lời nào. Hoa biết ông là sĩ quan, vì mỗi khi ông vô phòng thì viên Trung-sĩ Mỹ kính cẩn nghiêm chào, nhưng Hoa chẳng biết ông ta là quan tướng to, nhỏ, bé hay bự cỡ nào. Vã chăng, lon lá mề đay huy chương ở bên Navy chi chít phức tạp, Hoa có cần lưu ý làm gì. Nhất là vốn liếng Anh-văn của mình chưa đạt tới lĩnh vực hiểu biết sâu rộng, thông thạo, có thể diễn tả cho ông thấu hiểu, nên “ông già ấy” cần có một người thông dịch đứng cạnh bên Hoa để hướng dẫn, thay đổi khẩu vị nếu ông ấy muốn chăng!? Chờ ông từ tốn điềm đạm ăn uống xong, Hoa dọn thức ăn xuống bếp, rồi trở lên lau bàn ghế sạch sẽ (“chức vụ”: bưng ly, chén, dĩa, vân vân… sửa bàn ghế ngay ngắn, lau dọn và hầu tiếp thấp hèn khiêm tốn nầy, cũng giống như cuộc đời bé Hoa lọ lem thuở xưa đi ở giữ em bé ấy mà. Tuy có khác hơn ngày xưa Hoa phải ẵm em, cho em ăn, uống; thì ngày nay Hoa chỉ vỏn vẹn lo cho “ngài quan tướng” ăn uống, mà không kiêm thêm chức “bồng ẵm”. Ha ha ha!). Từng ấy việc! thế là xong béng, hết bổn phận trong một ngày làm việc, Hoa lui xuống nơi cuối góc phòng nhân viên uể oải mở tự điển, hoặc tập vở ghi chép linh tinh để học thêm tiếng Anh, ví dụ như:
SENTENCE có nghĩa là câu
LESSON bài học, RAINBOW cầu vồng
HUSBAND là đức ông chồng
DADDY cha bố, PLEASE DON’ T xin đừng

DARLING tiếng gọi em cưng
MERRY vui thích, cái sừng là HORN
Rách rồi xài đỡ chữ torn
TO SING là hát, A SONG một bài

Nói sai sự thật TO LIE
Go đi, come đến, một vài là SOME
Đứng STAND, LOOK ngó, LIE nằm
FIVE năm, FOUR bốn, HOLD cầm, PLAY chơi

ONE LIFE là một cuộc đời
HAPPY sung sướng, LAUGH cười, CRY kêu
LOVER tạm dịch người yêu
CHARMING duyên dáng, mỹ miều GRACEFUL - vân vân. . . (sưu tầm)

Công việc “bồi bàn hầu tiếp Ngài” thật ra quá rảnh rang, nhàn hạ, không có gì vất vả, mệt nhọc; nhưng Hoa cảm thấy chán nãn và buồn bã ngán ngẫm sao đâu. (Do sự vắng lặng, im ắng triền miên đến độ ghê rợn trong căn phòng trống vắng lạnh lẽo nầy). Ngày ngày Hoa phải câm nín im ru đối diện và nhìn một “cụ ông” lạnh lùng, cô đơn, đăm chiêu bâng khuâng ngồi đọc tờ báo, nhất là vào mỗi tối ông khoan thai điềm đạm từ tốn ăn uống. Thấy thảm, Hoa động lòng thương! Hoa thương vì nghĩ rằng “cụ” cô độc đang bị bạc đãi trong tuổi chiều tà xế bóng. Hoa không hiểu tại sao ông ấy chỉ thui thủi một mình, chẳng có bạn!? Có phải vì vẻ mặt ông lạnh lùng, khó đăm đăm, khép kín do đời đã tạo ra ông là “nhân tài cô độc”, nhưng cũng có thể ông là thiên tài do bẩm sinh mà chói lọi trên đường binh nghiệp quang vinh!? Thì đó, cứ nhìn rất nhiều mề đay lủng lẳng đếm không xuể trên ngực ngài, thì rõ! nên ông câm nín không thể hòa đồng với anh em Navy hiền hòa vui vẻ hồn nhiên ở ngoài kia?
Mỗi tối từ trong chiếc máy Akai ở góc phòng cũng phát ra bản nhạc mở đầu bữa ăn của: Phil Collins:
So take a look at me now,
'cos there's just an empty space
And there's nothing left here to remind me,
just the memory of your face
Take a look at me now,
'cos there's just an empty space
And you coming back to me
is against all odds and that's what I've got to face …

Phần buồn khác nữa là Hoa thật sự thích nghề thư ký đánh máy, mỗi khi ngồi trên ghế, trước mặt là cái máy đánh chữ to tướng, Hoa ung dung giơ mười ngón tay bé xíu nhịp nhàng ấn lên, gõ lên từng phím chữ. Hoa nghe con chữ tưng bừng nhảy lóc cóc, như lời ca reo vui tình tự. Một món vật vô tri vô giác mà âm thầm thực dụng, hữu sự, đắc lực giúp ích cho đời. Đôi khi nếu Hoa đánh máy sai, Hoa nghĩ có lẽ những tiếng lách cách ấy khiến máy móc cũng biết mệt, dường như con chữ làm biếng, muốn làm eo, nũng nịu, dỗi hờn, nó muốn Hoa phải ứa những giọt nước mắt ra mà năn nỉ dỗ dành! Tức thì có tức thiệt nhưng thú vị dường bao nghề thư ký đánh máy trong mơ. Nhưng bây giờ Hoa đành làm nghề “bồi nhí” lau bàn, thiệt là vỡ mộng!

Một hôm, Hoa vẫn vui vẻ chào “ông già” như mọi lần khi bưng thức ăn từ dưới bếp lên, Hoa đặt từng món lên bàn xong, ông chỉ gật đầu không mỉm cười chào mình như mọi ngày. Hoa nhìn thấy ông trầm lặng, ưu tư, mệt mỏi, uể oải nhẫn nha ngồi đó, và nàng nghe ông húng hắng ho lên từng cơn dài. Hoa nghĩ: “có lẽ ông già bị cảm cúm chi đây rồi”.
Bỗng nhiên Hoa cúi xuống bên ông thì-thào:
- I help you.
Chưa hiểu ý Hoa muốn nói chuyện gì, ông ấy có chút ngạc nhiên ngẩn lên lim dim nhìn nàng, dường như dò hỏi. Khi vừa dứt câu, không chờ ông đồng ý, Hoa lanh lẹ bước lui ra sau vỗ nhè nhẹ lên lưng ông, rồi dùng hai bàn tay nhỏ nhắn Hoa xòe ra xoa xoa, bóp bóp nhè nhẹ sau lưng ông nhiều lần. Khi bàn tay Hoa xoa lên lưng sau lớp áo quân-nhân dày, Hoa cảm thấy lưng ông già đã khá ấm. Tiện thể và bất chợt dường như không hề ngụ ý, Hoa đưa bàn tay thoa thoa lên mái đầu lơ thơ tóc của ông ta. Lập tức viên Trung-sĩ người Mỹ vội vàng bước nhanh mấy bước tới sau lưng hai người, anh ấy khều nhẹ vô cánh tay Hoa, và đặt ngón tay trỏ lên môi tỏ ý cho Hoa hiểu im lặng, và anh ra dấu cho Hoa cùng anh bước lùi lại phía sau góc phòng xa xa, viên Trung-sĩ người Mỹ nói nhỏ:
- Cô không thể.
- Tại sao?
- Lẽ ra tôi hỏi: Tại sao cô dám làm chuyện như thế, mới phải.
- Xin lỗi. Nhưng… do tôi thấy ông ta cô độc, già nua, tôi thương như ông nội của tôi, nên có chút thân thiện.
- Muốn thân thiện cũng không có quyền hổn láo.
- Tôi quá đáng sao?
- Cô có biết ông ấy là ai không hở.
- Tôi không hiểu anh muốn nói với tôi điều đó, để làm gì?
- Ông ấy là Commander-in-Chief.

Do trình độ sinh ngữ của Hoa chỉ ở mức độ “bình dân giáo dục”, nên không thể hiểu được viên Trung-sĩ trẻ muốn nói gì, nhưng Hoa suy nghĩ: chắc có lẽ ông là một vị quan to chức trọng từ chữ “Chief”, thì sẽ có quyền thế. Không để cho viên Trung-sĩ trực phòng kịp phản ứng, Hoa lật đật chạy tới bên ông, Hoa quỳ gối xuống nền nhà, mặt Hoa úp lên hai bàn tay của mình, và gục đầu lên đùi ông, Hoa khóc nấc từng cơn nức nở:
- Chief Sr, I want half work and half go to shool.
Ông ta buông tờ báo xuống bàn, điềm đạm quay xuống hỏi viên Trung-sĩ Mỹ trẻ:
- Chuyện gì thế?
- Tôi không thể hiểu tại sao cô ta khóc, thưa ngài.
- Này cô bé, hãy bình tĩnh đứng dậy. Phần anh, tôi muốn anh tìm cho tôi một thông dịch viên.
- Vâng, thưa ngài.

Khoảng mười lăm phút sau viên Trung-sĩ Mỹ dẫn một quân nhân Việt Nam đến. Sau những thủ tục chào hỏi ông ấy theo nghi lễ quân cách, anh Tâm đứng nghiêm lắng nghe ông ấy nói. Rồi anh quay lại phía Hoa đang đứng khoanh tay chờ:
- Bây giờ tôi sẽ dịch lại những câu đối thoại của ngài ấy và cô. Ngài ấy hỏi cô: Tại sao cô khóc!?
- Dạ, thưa anh cho tôi được phép hỏi ông già nầy là ai.
- Ông là đề đốc, là vị tướng Mỹ trông coi cơ quan MACV (Military Assistance Command in VietNam).
- Tướng hả anh.
- Phải.

Lòng Hoa mừng vui khôn tả, nghĩ rằng: mình sẽ có cơ hội bày tỏ nỗi niềm của một người con gái nghèo hèn muốn vươn lên. Hoa gặp “lão tướng” mấy tháng nay mà không hề biết, cứ tưởng ông già lụ khụ, lù đù, khù khờ… chỉ là cha của một anh sĩ quan nào đó, ông tới thăm con trai đang tham chiến tại Việt Nam). Nào ngờ… Quả thật bất ngờ! như thế là mình sẽ nắm được vận may rồi. Hoa liền nói một hơi:
- Nhờ anh vui lòng dịch lại lời khẩn khoản cầu xin của tôi với Chief; tôi rất cám ơn anh: Dạ thưa ông, cháu rất xin lỗi về việc hổn láo dám xoa đầu ông, vì cháu nghĩ: ông bị đau mà sống cô độc, ông không có gia đình và bạn. Mỗi ngày cháu nhìn thấy ông, cháu thương ông, giống như cháu thương ông bà nội của cháu.
Ngài ấy trầm tư nhìn Hoa đứng vòng hai tay, ông nhích mép vui vẻ mỉm cười:
- Không có chi.
- Thưa ông, việc dọn bàn ăn lau ghế như thế nầy, không phải là nghề của cháu ở đây.
- Vậy sao?
- Dạ… thưa ông, trước khi vô làm ở đây, cháu đã học nghề thư ký đánh máy, nhưng do cháu dốt học không khá, nên tạm thời họ cho cháu vô làm “bồi bàn”. Nếu làm bồi bàn thì cháu không thể, xin ông cho cháu đi làm nửa buổi, còn nửa buổi ông cho cháu đi học đánh máy mà cần có tiền lương. Vì gia đình cháu cha mạ đông con và nghèo lắm, cháu cần nuôi mạ và các em ạ. Cháu rất cám ơn ông.

Ông tướng gật gù ngúc đầu, đôi mắt “diều hâu” sắc bén nhìn Hoa đăm đăm, dường như xoi mói tận tim gan mình mà lặng thinh dò xét, ông “hứ” một tiếng rất to. Thôi hỏng rồi! Thật kinh khủng. Hoa ái ngại cúi gầm đầu, tim Hoa đau nhói vì cảm thấy tủi hổ, hối hận đã lỡ dại vội vàng than van thân phận mình với người lạ quá lạnh lùng! Các cơ mô giật thót lên từng chặp, dường như Hoa nghẹt thở, tim muốn ngừng đập, đôi chân Hoa run run, hai đầu gối lập cập va vào nhau, toàn thân Hoa đã mảnh mai nay do chấn động từ chữ “hứ” lạnh lùng mà hầu như Hoa rệu xuống. Thế nhưng trước khi hoàn toàn tuyệt vọng, Hoa quệt nước mắt vô ống tay áo, nói to một lần nữa trong cơn tuyệt vọng:
- Xin ông cho cháu đi học nghề, mà vẫn có tiền lương, để cháu nuôi cha mạ và các em của cháu.

“Ngài lão tướng” có đôi mắt diều hâu sáng quắc, vầng trán cao rộng xây qua giơ ngón tay trỏ ngửa ra để ngoắc Trung-sĩ Mỹ và mỉm cười. Họ trao đổi với nhau một hồi ngắn, rồi viên tướng sai Trung-sĩ Mỹ gọi phone đi đâu đó một lúc lâu. Hai khóe mắt lóng lánh giọt nước mắt sắp trào ra, thì Hoa chợt nghe giọng anh Tâm:
- Ngày mai lúc 8 giờ sáng, cô đến 181 đại lộ Độc Lập, cô gặp sĩ quan tùy viên David Fulghum (sĩ quan Hải quân Mỹ, tốt nghiệp đại học nổi tiếng Georetown), anh ấy sẽ dẫn cô lên phòng IRO làm tấm thẻ mới. Sau đó buổi sáng cô đi học Anh-văn. Buổi chiều cô học thư ký kế toán, và tất nhiên sẽ có tiền lương. Cô hài lòng chưa?
- Cháu rất cám ơn ông.

“Ngài lão tướng” thẳng thắng nhìn Hoa từ đầu tới chân Hoa rồi ung dung nhè nhẹ gục gặc mái đầu lơ thơ tóc, lần đầu tiên trong mấy tháng làm việc cạnh “ngài”, nay Hoa mới thấy ông nở nụ cười tươi không mỉm miệng để lộ hàm răng trắng bóng. Bây giờ Hoa cảm thấy đôi mắt diều hâu ấy không còn ác ôn, dữ dằn và lặng lẽ cô độc. Trái lại đôi mắt ấy ánh lên những tia mắt nồng nàn ấm áp, đầy ắp thiên tài của một người từng trải lão luyện trong đời và trong quân đội. Ôi! sao mà ông ấy nhân ái đôn hậu lạ thường thế không biết. Hoa sung sướng hạnh phúc quá, nàng biểu lộ thêm một chuyện khờ dại “bốc đồng ngẩu hứng” nữa, để tỏ lòng biết ơn và kính trọng ông, Hoa liền hí hửng chạy tới bên viên tướng, và quỳ sụp xuống dưới chân ông, Hoa ân cần dịu dàng nắm lấy bàn tay ông tướng, và dí lỗ mũi nở to như củ tỏi liên tiếp hít hít hôn hôn chùn chụt.

Vị lão tướng thêm một lần nữa kinh ngạc, “đôi mắt diều hâu” ấy vẫn dịu hiền lẵng lặng nhìn Hoa, nụ cười chúm chím mà “hứ” lên một tiếng rõ to.

***

Tình Hoài Hương
Kính mời độc giả xem tiếp chương sau
Trân trọng

Tinh Hoai Huong
02-07-2015, 05:13 AM
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/ea 4 wedding_1423285487.jpg
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/Mong Duoi Hoa - Elvis Phuong_1423285697.mp3

Tinh Hoai Huong
02-21-2015, 01:39 AM
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/1Dalat 80_1424481813.jpg
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/Da Lat Tinh Yeu - Vu Khanh_1424482064.mp3
THH thân mến xin gửi tặng thân hữu và quý du khách
từng du lãm đến thăm thắng cảnh "Đà Lạt Tình Yêu".
Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
03-03-2015, 05:30 AM
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/DANANG 1_1425360243.jpg
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/Niem Khuc Cuoi - Si Phu_1425360417.mp3
Đi Tìm Tương Lai & Trở Về…


Chiếc sàng không gian qua thời gian đã lọc lại những hạt vàng đầy chất xám như kim cương long lanh, từ sự kiên định trong đầu óc nhỏ bé có chút trí tuệ, đã vượt qua mọi chông gai thử thách. Cũng từ nấc thang thấp nhất đó, đã đưa Hoa từ từ bước lên từng bước tiến đến thành công, dù dưới hình thức nào, lĩnh vực nào… Cũng tốt. Bởi như em Hoa thường nói:

- Quảng Trị là nơi khô cằn sỏi đá, nơi chó ăn đá gà ăn muối, đa số cư dân địa phương cũng như cha mạ em dãi dầu một nắng hai sương, khổ cực trăm bề, vẫn không thể lo cho con cái có cuộc sống khá hơn. Thế mà, tình cảm của người Quảng Trị thì: tha thiết, đậm đà, văn chương, trí thức, hào hoa… của người Quảng Trị cũng thanh cao, dạt dào tình mến thương vô bờ bến.

Nói như thế, có quá tự hào không! khi trên đất nước Việt Nam mình không có nơi chốn nào nghèo mạt rệp bằng xứ mình "mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn... & xứ dân cày lên sỏi đá...", nhưng từ nơi vùng đất nghèo đây lại rất giàu tình yêu thương, đùm bọc, và lòng nhân nghĩa ngút ngàn dâng cao. Trung sĩ Công Binh Kiến Tạo tên Đoàn Mùi quê ở Quảng Trị rất đẹp trai cũng tương tự như thế!

Đơn vị anh đóng ở Tam Kỳ, anh làm trong ban ẩm thực, nên mỗi buổi sáng Mùi có phận sự lái xe đưa tốp lính ba người đi chợ. Khi những người lính ăn sáng xong, họ len lõi vô chợ mua rau, cá, thịt thà, hoa quả, vân vân…; Mùi đậu xe bên hông quán may, chờ đợi lính mua thức ăn. Mùi đi bách bộ lang thang đây đó nhìn ngắm cái nầy cái nọ. Nhiều khi anh ngồi trong quán đối diện chợ, nhâm nhi ly cà phê sữa, ăn chiếc bánh “sừng trâu”. Những ngày đầu tháng thì Mùi “tự do độc thân, hào hoa vui tính” ngồi trong nhà hàng dùng lai rai Paté Chaud, bánh mì French Baguette, ăn phở lai rai. Lúc nào tốp lính mua thức ăn xong, Mùi sẽ chở họ về trại.

Một hôm chỗ đậu xe cũ thường ngày bị người tài xế xe nhà khác chiếm rồi, không còn chỗ trống; nên Mùi vòng trở lại đậu xe GMC nhờ ở mặt tiền; giữa tiệm sách và tiệm may của Hoa. Mùi nhảy xuống xe, lững thững dạo mấy vòng phố. Bỗng chốc cơn mưa giông ào ào trút xuống. Mùi nhảy bước chân chim vọt lên thềm của tiệm may, và dựa lưng vào mặt kiếng treo những bộ áo dài trong tủ đứng. Cơn mưa to đến nỗi gió luôn đổi chiều, do sức gió mạnh đã hắt những luồng nước vỗ bồm bộp vào tủ kính, rồi dội ngược lại thành những tiếng vang vọng ì ầm, mưa đã tạt ướt hết một phần áo quần Mùi.

Hoa lui cui vẽ những đường phấn trên vải, thì mưa to, nên cô vội vàng chạy tới, định đóng hai cánh cửa tiệm. Khựng lại đôi chút khi Hoa nhìn thấy người lính trẻ đứng trên thềm trú mưa quay nhìn Hoa, hai ống quần bỏ trong đôi giày đinh đã ướt đẫm nước. Nàng lúng túng mất mươi giây lưỡng lự, rồi Hoa vui vẻ đon đả nhanh nhẹn chào mời khách tạm vào lánh mưa. Mùi mỉm cười, nhẹ gật đầu và e dè khuất sau hai cánh cửa, khi Hoa đóng cửa lại. Hoa kéo ghế dựa:
- Mời anh ngồi tạm ở đây, chút nữa hết cơn mưa to, hãy về.
- Ồ… cám ơn em. Em đồng hương Quảng Trị với anh sao?
Hoa pha tách trà sen nóng bốc khói, cô bưng ra đặt trên bàn:
- Dạ. Mời anh uống trà sen pha xí gừng cho ấm bụng.
- Cám ơn em.
- Xin phép anh, em vừa tiếp chuyện với anh, vừa làm việc, vì ngày mai có khách đang cần lấy áo dài cưới. Như vậy có thất lễ không ạ?
- Em cho anh vô núp mưa như ri, là quý lắm rồi, nào dám đòi hỏi chi hơn.
- Không ngờ nơi Tam Kỳ nầy, cũng có anh là dân Quảng Trị ha.
- Phải. Anh tên Mùi. Còn em tên gì?
- Dạ, em tên Hoa.
- Thảo nào em đẹp như hoa.
- Không có đâu. Anh họ Dương… phải không?
- Không. Sao em hỏi vậy?
- Mà anh có phải họ Dương không?
- Anh là Đoàn Mùi.
- Thì tên Mùi, phải là họ Dương mới hợp.
- Vậy sao?
- Thì… là… Dương Mùi là con dê 35 đó. Hi hi.
Mùi ngẩn ngơ nhìn Hoa, bỗng nhận thấy cô nàng nói chuyện hóm hỉnh, có câu bông đùa nhạy bén gây vui cười nhẹ nhõm có ý vị. Mùi thiện cảm đá lông nheo với nàng và phá lên cười:
- Em thiệt tình!
- Cho em hỏi: Giờ nầy lính tráng ai nấy đều bận rộn, lu bu làm việc ở trong doanh trại, đồn bót. Sao anh đứng xớ rớ ngoài đường, để bị mắc mưa vậy ha?
- À… Anh kể cho em nghe chuyện tại sao có câu: “thiên cơ bất khả lộ” từ đời xưa nhen:

Triệu Nhan đi gặp Quản Lạc để xem bói. Ông gieo quả xong, buồn rầu nói:
- Sắp tới số rồi, ngươi xem làm gì cho phí tiền!
Triệu Nhan sợ quá, sụp quỳ xin thầy Quản Lạc mách bảo cho “làm sao con được sống lâu”. Quản Lạc thương cảm, liền rỉ tai:
- Ngày mai, vào giờ ngọ ngươi đem thịt ngon rượu quý vô rừng phía đông, sẽ gặp hai ông lão đánh cờ. Ngươi hãy quỳ, im lặng mà dâng rượu, thịt. Nhớ không nói gì hết. Lúc nào hai lão không chơi cờ nữa, thì lúc đó ngươi mở lời van xin. May ra ngươi được cứu sống. Ngươi nhớ không nhắc đến tên ta. Nghe.

Hôm sau Triệu Nhan bưng rượu thịt vô rừng, quả thật đã thấy hai lão râu tóc bạc phơ đang ngồi đánh cờ. Triệu Nhan y lời thầy im lặng bày bàn tiệc thơm ngon ra đãi. Hai lão mê chơi cờ không chú ý: do đâu có rượu thịt, chỉ thấy có rượu thịt, thì ăn, uống. Kết thúc trận cờ, hai lão (một lão tên Nam Tào: giữ sổ sanh; một lão tên Bắc Đẩu: giữ sổ tử) đứng dậy, toan dợm bước đi. Triệu Nhan liền quỳ mọp xuống đất vái lạy tâu trình, xin họ cứu mạng. Hai ông lão mở sổ ra xem. Quả nhiên Triệu Nhan chỉ sống tới mười chín tuổi. Họ động lòng thương xót, đã sửa cho ông sống tới chín mươi chín tuổi, mới chết. Trước khi quay gót “phong trần”, hai ông lão nhìn Triệu Nhan:
- Ngươi nhớ nói lại với Quản Lạc: Lần sau ông ta không được nói với bất cứ ai. Đây không phải chuyện đùa, vì “thiên cơ bất khả lộ”.

- Em biết rồi.

Bấy lâu nay Mùi thường đậu xe GMC bên hông tiệm may, Mùi chẳng hề để ý dòm ngó vô tiệm nầy có những ai, cho mệt. Nhưng nãy giờ Mùi nhìn quanh cố ý quan sát: tại tiệm may chỉ có cô gái rất trẻ lại khá xinh, đang thoăng thoắt làm việc mà thôi, (trong tiệm không có người lớn), khiến trong lòng Mùi thắc mắc, chẳng lẽ Hoa đã có ông chủ tiệm là chồng đang làm gì ở trong buồng!? Nhưng anh chưa dám hỏi, sợ cô bé nghĩ con trai mà hấp tấp tò mò. Nhìn ra ngoài cửa kính thấy trận mưa từ từ dứt hạt, Mùi đứng dậy, ngần ngại ý tứ dò xét:
- Em cho phép anh chào người lớn ở đây, để cám ơn, và ra về. Nhe.
- Dạ, ngoài em là chủ tiệm, không có ai ở đây hết. Anh à.
- Ồ!... Còn anh, mỗi ngày lái xe đưa lính đi chợ, anh đậu nhờ xe GMC bên hông tiệm của em, mà không ngờ…
- Thì ra… xe GMC đó do anh lái sao? Nếu em biết trước, thì mỗi ngày em phải ra thu tiền thuế bến bãi giữ xe, cho anh thong dong đi dạo phố, mà không sợ xe bị mất cắp rồi.
- Bắt đầu từ ngày mai anh sẽ “nộp thuế bến bãi” nhen. Ướt gì ngày nào trời cũng mưa thật to, để:
"Vũ vô kiềm toả năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị nịch nhân"
- Em không hiểu ý anh muốn nói gì?
- Có nghĩa là: “Mưa không có xiềng xích, mà có khả năng lưu giữ khách. Sắc đẹp không có sóng, mà có thể làm say đắm lòng người”. Em hiểu chưa!
Hoa liếc nhẹ Mùi, mỉm cười e ấp bẽn lẽn cúi đầu:
- Cái anh nầy…
- Không phải sao, nếu chàng trai nào đã từng có hân hạnh tiếp chuyện với em, chắc sẽ nói:
Thân cô như hoa gạo trên cây
Các anh như đám cỏ may bên đường
Lạy trời cho cả gió sương
Cho hoa gạo rụng chun luồn cỏ may
- Em không dám.
Mùi dợm bước xuống lề đường:
- Chào em. Cho phép anh hẹn gặp lại em ở “bến bãi nộp thuế”. Em nhe.
- Dạ… dạ, í… em nói đùa đó. Đừng bận tâm. Chào anh.

Mặc dù suốt đêm qua trằn trọc trên ghế bố ít chợp mắt, nhưng tửng bưng sáng hôm sau Mùi vùng thức dậy, miệng huýt sáo, anh vui vẻ súc miệng rửa mặt, rồi lo chải chuốt bộ quần áo treillis, áo field jacket nhà binh thẳng tắp đường ly hồ ủi, và mang đôi giày đinh bóng loáng (diện mạo anh vốn dĩ đẹp trai, hôm nay anh “o bế” kỹ, nên coi anh càng đã con mắt hơn). Mùi thúc hối mấy anh lính ẩm thực lè lẹ leo lên xe GMC đi chợ sớm, khiến Lộc tò mò:
- Trung-sĩ cho em hỏi nhỏ: Có việc gì cần sao, mà Trung-sĩ gấp rút vậy?
Mùi tủm tỉm cười:
- Phải. Đi chợ sớm mới có tôm cá tươi. Vã lại, việc nầy cũng giống như “coup de foudre” (tiếng sét ái tình) nếu không lo liệu sớm, thì “xôi hỏng bỏng không” mất.

Đậu xe bên hông tiệm may xong, Mùi mời bạn lính vô quán cơm tà tà ăn sáng. Sau đó mấy anh lính kia xuống hàng cá, hàng gạo, vân vân… thì Mùi đi vô chợ mua khúc vải gabardine, một foulard màu hồng phấn. Mùi rẽ qua mua mấy ổ bánh mì nhồi jambon saucisse, một bó hoa immortel, một hộp bánh paté chaud. Mùi tần ngần đứng bên nầy góc chợ nhìn qua tiệm may. Khi thấy Hoa thấp thoáng đi ra đi vô trong nhà, thì anh lững thững bước qua đường. Hoa tươi cười đón anh nơi thềm nhà. Mùi trao mấy món quà cho nàng:
- Phần nầy là anh riêng tặng em, để đánh dấu mốc thời gian: ngày chúng mình hân hạnh quen biết. Còn đây là khúc vải anh muốn nhờ em may giúp:
Tình cờ bắt gặp nàng đây
Mượn cắt cái áo, mượn may cái quần
Để mà kết nghĩa tương thân
Mai đây chỉ Tấn tơ Tần xe duyên (cd)

- Em có muốn như vậy không em? Hay là:
Tình cờ bắt gặp nàng đây
Mượn cắt cái áo mượn may cái quần
May xong anh trả tiền công
Bao giờ lấy chồng anh đỡ vốn cho
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp đôi tằm em đeo
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau (cd)

Hoa ỏn ẻn cười tươi nép qua một bên, nhường lối cho anh ung dung bước vô tiệm:
- Hôm nay anh mở hàng sớm cho em đó nghe.
- Vậy sao! Nếu anh mở hàng mà hôm nay ế, thì anh sẽ mời em đi ăn uống, đi xem cinê, để bù lại. Nếu ngày nầy, hoặc mỗi ngày anh vô tiệm, tiệm em đông khách, thì em cho phép anh:
Ngó lại đằng trước thấy bình tích nước
Ngó lại đằng sau thấy bộ kỷ trà
Anh thấy em có một mẹ già
Muốn vô phụng dưỡng, biết là đặng không? (cd)
- Xía…

Ngày tháng dần dà trôi qua, thế là "hai đứa" thương yêu nhau say đắm thật rồi, chàng trai ấy rất thật lòng muốn cưới Hoa làm vợ. Hoa mời Mùi về nhà riêng, ban đầu Mùi được mạ và các em hân hoan mừng rỡ vô vàn, chào đón Mùi nồng nhiệt. Mạ coi anh như con cháu trong nhà. Tận đáy lòng mạ chân thật vui vẻ niềm nở tiếp Mùi đầy tình mến, như người mẹ thương đứa con trai. Vã chăng vì mạ không có con trai đầu lòng, nên mạ ước ao có thể xem Mùi như con trai, để tiếp tay với mạ chăm lo cho đàn con nhỏ dại, cần nương nhờ người ấy mà thôi chăng?

Thế rồi… mấy tháng sau nhân ngày Tết, Mùi đã đến thăm nhà, lúc ấy có sự hiện diện của mệ ngoại. Giữ thể diện gia phong, giấy rách phải giữ lấy lề, mạ hiếu khách tiếp đãi Mùi vui vẻ. Biết gia đình Mùi sẽ xin hỏi cưới Hoa. Thì mạ chưng hửng! Mạ cũng biết rằng: gia đình Mùi có địa vị, danh giá và giàu có. Còn gia đình mình thì nghèo rớt mùng tơi, thật không tương xứng chút nào. Sau mấy ngày Tết náo nhiệt tưng bừng, trong nhà chị em Hoa đều hạnh phúc xiết bao. Lúc người bạn trai trở lại đơn vị, ở nhà mạ bắt Hoa phải khai thật:
- Con đối với thằng nớ ra răn?
- Dạ… chúng con thương nhau. Anh Mùi muốn xin đi cưới hỏi con năm ni.
- Con quen biết hắn lâu chưa?
- Dạ, hơn nửa năm.

Hoa tưởng mạ ưng thuận, ai dè mạ nổi trận lôi đình, lại lôi Hoa ra đánh một trận tưởng chết luôn. Vì khoảng thời gian sau nầy, mạ mới biết chuyện thuở xưa Hoa từ hôn với Hải Triều, là tuyệt nhiên không phải do Hải Triều đã gây ra lỗi lầm to tát, mà là do chính Hoa đổi ý thay lòng, Hoa không ưng thuận lấy Triều. Hoa muốn Triều bịa đặt ra chuyện động trời mà Hải Triều không bao giờ làm. Hoa năn nỉ nài ép Triều về nhà mình nói láo với mạ: “con lỡ có con với người đàn bà khác”. Triều vì quá yêu Hoa, nên anh đồng ý nói láo như thế, ngỏ hầu giúp Hoa từ hôn với mình, không bị mạ đánh. Ngày ấy mạ không hỏi đầu hỏi đuôi cặn kẽ với Hải Triều: do nguyên cớ nào gây ra nông nổi, mạ đã vội mắng chửi Triều thậm tệ, mạ còn xô đạp vô ngực Triều rất mạnh, khiến anh té ngửa ra, đã lỏa máu đầu.

Bây giờ suy nghĩ lại, mạ cảm thấy ân hận, dày vò, mạ có lỗi rất lớn với Hải Triều. Thế nên mạ không muốn đường đột, hấp tấp chấp nhận Mùi và Hoa vội vàng yêu nhau, một hai bắt mạ phải nhận lễ vật đám hỏi của Triều. Rồi một mai kia bốc đồng lên, Hoa lại đùng đùng bỏ người ta, giống như lần trước. Thì sao?! Nên mạ cấm tiệt Mùi không cho anh lai vãng qua lại với Hoa nữa.

Ngày tháng trôi qua, hai đứa chân thành yêu nhau cứ lén lút kín đáo hẹn hò, đến một ngày kia Mùi nói:
- Anh phải đi tìm tương lai cho em. Anh đi khoá sĩ quan đặc biệt, anh hứa với em khi anh ra trường đeo lon trên ve áo. Lúc ấy em sẽ lớn và khôn ngoan hơn bây giờ, thế nào mạ cũng xiêu lòng, cha mạ sẽ gã em cho anh.
Hoa ngậm ngùi:
Xin chàng kinh sử học hành
Để em cày cấy cửi canh kịp người
Mai sau xiêm áo thảnh thơi
Ơn Trời lộc nước đời đời hiển vinh (cd)

Nghe thế, Mùi phấn khởi hăng hái lên đường. Dù rằng: Mùi một ngày không gặp Hoa tựa ba thu, không một thanh niên thiếu nữ nào, có thể quên mối tình đầu thơ dại dễ thương và luyến nhớ vô vàn; Mùi cũng thế thôi. Sau khi Mùi bị mạ quyết liệt ngăn cản chuyện hôn nhân, thì anh giống như con chim gần chết, tiếng hót không còn là tiếng hót hay, mà là tiếng rền rĩ xót xa. Mùi chẳng hé môi tâm sự thổ lộ cùng bất cứ ai.

Ở trong quân trường thỉnh thoảng, lâu lâu Mùi nhận được thư Hoa cho biết tin gia đình và nàng bình an, Mùi rất mừng, cố gắng ngày đêm miệt mài học tập, dù trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả mệt nhoài. Mùi muốn dành cho Hoa một ngạc nhiên thú vị, nên mấy tháng cuối anh không báo tin cho Hoa biết ngày về.

Sau khi ra trường về phép thăm nhà, Mùi vọt xuống xe hớn hở đi tới tiệm may, thì cửa đóng then cài kín bưng. Mùi cảm thấy sốt ruột, nên chi thay vì về nhà ba mẹ của mình trước, anh liền đi vô nhà mạ của Hoa. Rất tình cờ Mùi gặp Thủy (em của Hoa) trên đường ra chợ, Mùi mừng rỡ chạy tới gọi tên nàng. Quả thật là lúc đó em Thủy không thể nhận thấy “anh Mùi” đã đính lon lá lấp lánh ánh vàng tươi rói, anh dày dạn gió mưa trong bộ quân phục Biệt Đông Quân đầy phong sương, Mùi đeo mắt kính râm và đội mũ nâu sụp xuống gần lông mày!

Thủy nhanh nhẹn mời Mùi vô nhà, hai anh em đi trên đường phố đông người, Mùi huyên thuyên kể chuyện dãi dầu gió sương nơi quân trường cho Thủy nghe rất vui vẻ. Nhưng rồi anh kịp khựng lại… đứng bất động như trời trồng trên thềm nhà em. Mùi chết lặng ngẩn ngơ buồn! Không ngờ ngày Mùi vinh quang hiên ngang mang tương lai tươi sáng về, để cưới Hoa, thì trong nhà nói:
- Hoa đã lấy chồng, và đi Mỹ hai tháng nay rồi!
Thiệt là:
Anh đến với Hoa thì hoa đã nở
Anh đến với đò thì đò đã sang sông
Anh đến với em thì em đã lấy chồng
Yêu nhau ra rứa có mặn nồng chi mô! (cd)

Mùi lẩm bẩm: Tính già hoá non. Xe chỉ buộc chân voi mất rồi:
Ngày đi trúc chửa mọc măng
Ngày về trúc đã cao bằng ngọn tre
Ngày đi lúa chửa chia vè
Ngày về lúa đã đỏ hoe khắp đồng
Ngày đi em chửa có chồng
Ngày về em đã con bồng con mang! (cd)

Chàng ruột xé gan bào đau đớn, lặng lẽ lủi thủi vác ba lô lên đường xin ra tác chiến, xuôi về tiền đồn heo hút.
Ví dầu cá bống hai mang
Cá trê hai ngạnh tôm càng hai râu
Em về bên ấy đã lâu
Để anh vò võ canh thâu một mình (cd)

Mùi coi cái chết nơi sa trường nhẹ tựa lông hồng, chết chưa phải là điều đáng sợ, nhưng điều đáng sợ nhất là người còn sống mà lãnh đạm, tâm hồn lạnh lùng, phản bội, dường như đã chết thì sá chi:
Tay cắt tay sao nỡ
Ruột cắt ruột sao đành
Lời anh thề nước biển non xanh
Qua không bỏ bậu, sao bậu đành bỏ qua? (cd)

Hai năm buồn bã ròng rã trôi qua, Mùi lặng lẽ ôm nỗi đau, trong niềm cô đơn buồn thảm tột cùng xé nát tim gan ấp ủ riêng mình. Chuyến về phép thăm nhà lần nầy, Mùi có lý do buộc phải lấy người vợ được chọn theo ý gia đình (do ông nội trong cơn bạo bệnh, đã muốn cháu đích tôn yên bề gia thất). Thật chả vui vẻ gì, nhưng Mùi là người trọng tình và rất chí hiếu, anh vâng lời mà hợp hôn!
Sớm mai ra đứng sân sau
Hai tay duỗi xuống như tàu chuối te
Tiếc công vun quén cây mè
Mè không ra trái con chim hoè đậu lên
Cực lòng lên xuống xuống lên
Mòn đường chết cỏ, không nên; tự trời
Tưởng là kèo cột ở đời
Ai hay cột ngã, kèo rời một phương. (cd)

Một quảng thời gian khá dài Mùi sống lặng lẽ trong cô độc, bỗng nhiên nay tình cờ nhận được “món quà, hay một đặc ân từ ai đó”, thì lòng anh cũng cảm thấy rộn lên chút xôn xao ấm áp, ngọt ngào, nỗi vui mừng, băn khoăn dịu êm tình mến trong bâng khuâng. Mùi thấy “nàng dâu” coi cũng xinh xinh, và nhất là nết na hiền hậu. Thôi cũng được! Tuy nhiên, trước ngày cưới một tuần, Mùi muốn cô vợ tương lai phải đồng ý cho Mùi lưu giữ lại tất cả hình ảnh, kỷ niệm một thời của “Hoa cố nhân” và Mùi. Mùi nói thẳng với “nàng dâu”:

- Trong giao cảm giữa con người với nhau, tôi sẽ không hỏi gì về dĩ vãng của em, đó là muốn xác lập mối giao tình tốt đẹp hài hoà đầy thiện ý, (trong tình nghĩa phu thê từ các chữ “tôn trọng lãnh thổ của mỗi người”). Bởi ngày xưa tôi vô tình đánh mất ân tình quý giá đến không ngờ. Cái gì tôi đã thích, đã yêu, thì sẽ yêu thích cho đến cùng, không thay đổi. Nhưng khổ nỗi như người ta thường nói: “Nếu yêu chỉ một phía thôi, thì chẳng thành công”.
Đằng nầy, tôi và cố nhân yêu nhau tha thiết, mà nay vẫn tuyệt vọng. Là sao!? Tôi không thể và chẳng muốn níu kéo tình cảm với người phụ bạc quyết ra đi. Giờ thì hết thật rồi. Mặc dù tôi đã bị bỏ rơi, nhưng tôi vẫn yêu người ấy. Nếu em quyết định lấy tôi, thì tôi mong em không chấp nhất, hờn ghen, cằn nhằn, càu nhàu về chuyện dĩ vãng! Có nghĩa là em cứ nắm giữ cuộc đời tôi, thân xác tôi. Nhưng về mặc tinh thần, kỷ niệm một thời riêng tôi với “cố nhân”, thì tôi van xin em… hãy tha cho tôi. Được không em?
- . . .
Thấy “cô nàng” cúi nhìn xuống ly cocktail trước mặt, e ngại mỉm cười không trả lời, Mùi không nghĩ nàng là một phụ nữ nhu nhược và khó hiểu, nhưng đó là nét đặc trưng kín đáo, nhu mì đầy quyến rũ, rất lôi cuốn của cô gái miền sông Thạch Hãn, khiến anh thầm nghĩ: (Em sẵn sàng “tuân theo” những yêu cầu của tôi, vì lợi ích tuyệt diệu của chúng ta sao?).

- Tôi chân thật, không muốn lừa dối em, nên thẳng thắng nói trước; em nghe ra, có lẽ bất mãn, bực tức, cho rằng tôi quá nhẫn tâm. Có điều tôi mong em hiểu, tôi muốn nói với em: tôi không đồng hóa người nầy với người kia, mà là cố gắng tìm hiểu về người mà chúng ta sẽ chung sống suốt đời như thế nào? (có nghĩa là em là em, cố nhân là cố nhân, đối với cố nhân và em, tôi sẽ tôn trọng như nhau).
Rồi tự mình sẽ học cách nhìn, yêu thương và hai ta kính trọng lẫn nhau trong tình hợp nhất. Tính tôi là thế! Mỗi cá thể chúng ta là sự trái ngược, cần bổ túc cho nhau. Hành trình đi tìm hạnh phúc và tình yêu giữa tôi và em, cũng tương tự như thế. Có nghĩa là cần phải thật tình bộc lộ những uẩn khúc, thẳng thắng, tôn trọng tự do riêng tư. Nói ra được những bí ẩn & ưu tư, biết đâu mình sẽ nhẹ lòng, và bình thường, thì điều khúc mắc ấy không còn quan trọng nữa.
Phải không em? Sau đó dần dần ta sẽ thông cảm, tin yêu và sẽ quan tâm lẫn nhau nhiều hơn nữa. Tôi hứa sẽ yêu em và thủy chung. Cuộc đời nầy rất công bằng, ta sẽ được đền bù những gì ta có. Vậy nên ta cố gắng vượt qua, thì có kết quả mỹ mãn. Khi ta đã có đầy đủ: thông cảm, thấu hiểu, dư thừa mọi thứ, ta sẽ cảm thấy trân quý những gì mình hiện đang có, lúc ấy chẳng cần phí công tìm tình yêu ở đâu xa. Em hiểu không?

Thú thật, cô vợ trẻ chẳng hiểu nỗi Mùi muốn nói lời tâm sự gì, nên ậm ự cúi đầu, e dè im lặng suy nghĩ: “nước có luật, gia có lề, cây cao vạn trượng lá rụng cũng về cội. Cố nhân kia xa tít chân mây, thì mình lo gì mất chồng! Bây giờ Mùi nhìn vợ thở dài:
- Cũng như, nếu ngày xưa cố nhân khăng khăng ngăn cản bước tiến thân của tôi, có thể nay chưa chắc tôi đã thành công trên nhiều lĩnh vực. Lẽ cố nhiên tôi phải sống lù đù dật dờ thế thôi.

Vợ tương lai trầm tư kinh ngạc kín đáo quan sát Mùi: cô nhìn làn sáng kỳ lạ trong đồng tử giãn nở kèm nhấp nháy của mi mắt, khi Mùi lịch thiệp rướn cao hàng lông mày, hoan hỉ trong thao tác xoa xoa hai bàn tay vào với nhau, rồi Mùi ngửa hai bàn tay ra đặt sau đầu, hai chân bắt chéo, tư thế ung dung, thân thể rắn rỏi, anh thoải mái tựa lưng trên thành sofa; điều ấy muốn nói lên sự tự tin, ngạo nghễ, hả hê của kẻ bề trên tinh quái. Anh bằng lòng tin tưởng về “nàng dâu”, và chứng tỏ anh là người thoả mãn, có bản tính thiết thực, đắc thắng nhưng đa cảm, anh sẵn sàng làm một cuộc giảo nghiệm phiêu lưu tình cảm một cách tế nhị.

Nàng là người đàn bà tinh tế, có kiến thức và trầm tĩnh, chỉ thầm nghĩ: [“Bây giờ anh định đỗ lỗi cho ai đó sao? Anh có giống con gà khi bay lên đọt cây, lại tưởng mình là con phượng hoàng không? Tôi chỉ trách tôi có sợi dây dừa quá ngắn và còn mới toanh, tôi không thể dùng dây dừa quấn chân anh (từ miền quá khứ xa xưa cho đến hiện tại). Hoặc tôi dùng sợi dây mới cột cái gàu thòng xuống múc nước dưới giếng sâu lên uống, cho đỡ khát. Nhưng thôi, anh là chồng tôi, chứ ai, mà tôi phải hơn thua, (cho dù đối với bạn, tôi cũng sẽ ôn hoà cư xử như anh).
Muốn ganh đua, hay cạnh tranh, tôi áp dụng với người bằng mình, hoặc hơn mình. Chứ cạnh tranh với chồng, hoặc với người dưới cơ, thua kém mình, thì chẳng hay ho hãnh diện gì! Cứ như… cứ như con ốc sên yếu ớt, lặng lẽ chăm chỉ, từ từ bò đến nơi nó cần đến, nhắm mắt làm ngơ: không nghe, không thấy, không nói. Chỉ nói những điều cần nói với người cần nói lúc cần nói]. Thế mà yên thân.
***

Mùa hè đỏ lửa 1972 - Tiểu đoàn Biệt Động Quân thất trận, Mùi và mấy anh em bị việt cộng bắt đày đi tù ra Bắc ba năm, đám quân nhân nầy khổ sở vô vàn biết bao nhiêu, không kể xiết, gia đình không tin tức, không thăm nuôi. Không! Không! Không... bất cứ có một việc gì, ngoài sự bị cộng sản hành hạ dã man, và đói khổ triền miên!
Đến 30-4-1975 họ thả Mùi trở về miền Nam, ở nhà chưa được một tuần, lập tức anh lại bị họ nhốt vô tù ở trong miền Nam lần nữa, ôi đắng cay! Nhưng Mùi chỉ bị tù ở Phú Quốc một năm. Vị chi: Tù trước 30-4 cộng với tù sau 30-4: tất cả là hơn bốn năm tù! Oái oăm thay! sau 30 tháng 4 việt cộng bắt anh đi “cải tạo”, họ lại không tính những năm tháng anh bị bắt làm tù binh cơ cực đói khát trăm bề! Thật là bất nhẫn! unfair! không công bằng! Đúng là trớ trêu thay số kiếp “tù khổ sai từ Bắc vô Nam” ròng rã hơn bốn năm, mà Đoàn Mùi không được ưu tiên nằm ở trong diện HO.
***

Năm 2000 Hoa và Chiến bất ngờ trở về Việt Nam, hai chị em đi Tam Kỳ tìm gặp vợ chồng Mùi, cô vợ hiền thục có khuôn mặt trái xoan, hai mắt đượm buồn, đôi môi vẫn óng mượt đang điềm đạm kể lại tất cả mọi chuyện cho chị em Hoa nghe. Tội lắm. Họ sống trong một mái nhà tranh đơn sơ khiêm nhường với vài đứa con. Hoa ứa nước mắt nhìn cảnh bạn tình nghèo ơi là nghèo! Nhưng điều xót xa vô vàn đau đớn dày vò Hoa không thể thốt lên lời là: trên vách ván thô sơ lúc gió lùa qua cửa, thì khung hình gỗ có đinh khuy dính sợi lòi tói treo trên tường: có tấm ảnh của Hoa lủng lẳng đong đưa đơn điệu vỗ lộp độp. Dường như gió bão luôn nhắc khéo với ai đó về thời xưa cũ!?

Bây giờ tấm ảnh đã phai màu úa vàng, nhợt nhạt theo năm tháng. Chứng tích thời gian có phôi pha, mà hình ảnh cố nhân vẫn in đậm trong tim Mùi, trong đời sống của gia đình nầy. Là sao? Sao anh chung tình một điều không đáng, không nên đến thế, anh ôi! Hoa ngẩn ngơ bàng hoàng nhìn tấm hình của mình treo trên tường một cách vô ý thức, Hoa còn cảm thấy chướng huống hồ chi ai! Tự thâm tâm Hoa vô cùng mến trọng, kính phục tư cách và sự nhẫn nhục từ cô vợ của Mùi, cô bình yên chịu đựng cố tật về người chồng! Thật là một phụ nữa đặc biệt, cung cách ấy rất xứng đáng!

Việc đầu tiên khi bước vô nhà Mùi, Hoa bắt em Chiến gỡ bỏ tấm ảnh của mình treo tòn ten trên cây đinh xuống, Hoa liền cất vô trong giỏ xách đang mang theo. Hoa xúc động nghẹn ngào, cảm thấy lương tâm cắn rứt, dày vò tột độ, ruột gan cồn cào, xót xa, bèo bọt, bứt rứt trong lòng. Hoa không hiểu tại sao thuở ấy mình mới có nhúm tuổi đầu non nớt, không suy nghĩ chính chắn, sớm vội lấy chồng làm chi!? Hoa không thể ngồi lâu. Nàng vội bảo em Chiến lấy ra 5.000 dollars đưa tận tay vợ Mùi:

- Trước mặt anh chị, hai cháu, đây là một món quà rất chân thật của em đối với gia đình anh chị. Món quà nầy là lần đầu tiên, và cũng là lần cuối cùng. Xin anh chị hãy làm lại cái nhà gọn ghẽ, có chỗ che nắng che mưa, và dành dụm chút vốn để buôn bán, làm gì ra lợi, mà sinh sống tạm qua ngày. Ngoài ra em không hề có ý nào khác. Em hứa với anh chị là chúng ta sẽ không bao giờ liên lạc, không gặp lại nhau nữa. Chấm dứt. Em rất mong anh chị luôn bình an, vui vẻ, mạnh giỏi, nhất là gia đình anh chị phải xứng đáng có hạnh phúc.
- Anh không thể nhận món quà to tát…
- Em xin anh chị đừng nghĩ ngợi làm gì. Hãy nhận món quà trong tình đồng hương, cho em an tâm ra đi.

Từng đám mây trắng bồng bềnh lững thững trôi trên nền trời phai nắng. Gió rung cành cuốn những chiếc lá me lăn tăn ly ty bay bay trong không gian ngút ngàn. Trời se lạnh! Em Chiến và Hoa lật đật đứng dậy, bốn người lặng lẽ nhìn nhau, nghẹn ngào xúc động không nói nên câu giã từ. Bỗng nhiên họ ôm chặt lưng nhau, oà khóc nức nở rất thảm thiết.
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
04-18-2015, 04:41 AM
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/di tan 20_1429330808.jpg
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/NHA TRANG - HaThanh, PhuongThao, Ngoc Le_1429332257.mp3
Quệt Nước Mắt Lưng Tròng
(Kỷ niệm 40 năm buồn: ngày 17-04- gia đình di tản)


Thành phố Nha Trang thơ mộng đầy cát trắng với những hàng dừa du dương nghiêng mình soi bóng ven bờ biển Nha Trang tuyệt vời, nay đã có nhiều tiếng nổ và tiếng động quái dị lan nhanh theo xe cộ tất tả chạy ngược xuôi. Họ bồng bế nhau dứt khoát ra đi... quay lưng ngoảnh mặt phản bội với quá khứ vàng son đã một thời nâng họ lên đài danh vọng.

Từ nơi chúng tôi vừa vội vàng đến Nha Trang chưa quen thuộc phong thổ, chưa trìu mến luyến lưu gửi lại bạn và tôi niềm tin vui sống, thế mà nay tôi nơm nớp lo âu... mong muốn tất tả rời xa chốn nầy, để thoát thân ra đi chạy trốn, nhưng biết làm sao trốn đi đâu!? Đi đâu? Chính nơi tôi đến và sẽ ra đi trong sự bàng hoàng ngao ngán, phiền muộn lo lắng băn khoăn tột độ dày vò̀ tan nát đau buồn! Tôi cúi mặt loay hoay... len lén đào tẩu chính bản thân, khi nắng chiều sẽ lịm dần vào bóng tối. Nơi sinh mạng con người bây giờ rớt vào cảnh lâm nguy, khẩn cấp, và rẻ hơn cỏ rác. Cảm nghĩ chân tình của tôi thẩm thấu và bùng vỡ qua những đường đạn xuyên trong buồng phổi, trái tim, túi mật lá gan mình.
Một chiều bất ngờ vào ngày 17 tháng Tư, tôi gặp Thúy Lan, cô mừng lắm:
- Sao chị không lo ôm con chạy vô Sài Gòn gấp đi. Ở đây sắp mất rồi. Không biết sao?

Tôi khóc ròng. Như ếch ngồi đáy giếng, như trâu chậm uống nước đục, tôi nào hay biết gì về bàn cờ thế cuộc từng giờ chong chóng đổi thay, và sự triệt thoái của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa! Vả lại nếu biết, tôi cũng không thể chen chân đến rừng người ở bến xe, bến tàu, phi trường, hải cảng, hoặc bất cứ nơi nào; để có thể vượt thoát, khi đêm đêm tôi nằm chập chờn trằn trọc trên giường lạ, mơ từng cơn ác mộng mà giật thót người, đã xốc ngược tôi ngồi bật dậy, mồ hôi hột vã ra như tắm, ú ớ gào rú rên la. Tôi chỉ còn hai bàn tay trắng cắp kè kè một nách bốn đứa con thơ, với một mẹ chồng bảy mươi tuổi! Tôi không thể làm gì hơn. Không thể! Thúy Lan cúi đầu suy nghĩ giây lát. Cô vội lấy giấy bút ra hí-hoáy viết, rồi đưa tôi, dặn dò:
- Chị đưa cháu đến địa chỉ nầy, sẽ có người giúp về Sài Gòn ngay. Đi gấp nha. Chào chị em đi, em rất bận.

Như kẻ chết đuối gặp chiếc phao, tôi không ngớt cám ơn bạn nhỏ mới quen. Tôi mừng kinh khủng, cầm chặt tờ giấy, thế mà vẫn sợ rơi, nên đứng lại thở dốc, tôi cẩn thận xếp tờ giấy Thúy Lan viết bỏ trong túi áo, rồi gài cây kim băng to lên túi áo, cho chắc ăn. Tôi cắm đầu chạy mà mừng khôn tả xiết. Tôi đã gặp quý nhân Thúy Lan tận tình giúp đỡ, người bạn sơ giao trong những ngày mẹ con tôi ăn bờ ngủ bụi tại miền cát trắng, như một phép lạ, không một điều kiện, hay do một sợi dây tình cảm luyến ái nào ràng buộc, ngoài lòng nhân và đức ái của cô. Còn tôi, có thể do hồng phước nhân đức của cha mẹ để lại, kiếp nầy cha mẹ tôi ăn ở hiền lành đức độ đã ra tay làm phước nhiều, nên bây giờ con cháu được hưởng lộc chăng!?

Tôi vội về gặp các bạn báo tin là tôi đã có phương tiện di chuyển về Sài Gòn. Đồng thời biết gia đình Trần Văn Ngọc cũng chờ chuyến xe về Sài Gòn có lẽ ngày mốt là xong. Riêng gia đình chị Phan Bàn quyết định chờ tin tức anh Bàn, nên họ ở lại Nha Trang. Tôi vội lo thu dọn mấy túm quần áo mang theo phòng thân. Tôi bịn rịn chào các bạn.

Trước khi lên xe xích lô, tôi mua sáu ổ bánh mì nhỏ xíu (không có nhưn), để phòng hờ. Vì lúc mười giờ sáng nầy các con chỉ ăn qua loa nửa chén canh bún lỏng bỏng nấu với rau muống, thay thế cơm cho cả ngày, tất con sẽ bị đói meo. Trên bước đường lưu lạc từ Nha Trang về Sài Gòn, không biết sẽ diễn ra bao điều âu lo khác, vẫn cần có tiền tôi mới có thể quyết định mọi việc nơi phương xa xứ lạ. Mẹ chồng cùng hai con lớn ngồi một chiếc xích lô. Tôi và hai con nhỏ ngồi một chiếc xích lô khác. Vì đi bộ từ đây đến phi trường quân sự rất xa. Ngộ lỡ bị trễ giờ phi trường khoá cổng, không cho ai vào nữa, thì nguy to. Lần đầu tiên ngồi trên xích lô, các con tôi rất thích thú hí hửng vui mừng, vì ở Đà Lạt các con chưa hề thấy xe xích lô. Đặc biệt ở Nha Trang các chàng trai trẻ làm nghề “chạy xe rong” hồn nhiên vui nhộn, đa số họ ưa rung chuông inh ỏi và ca hát nghêu ngao trên đường đi, nghe thật vui tai.

Xuống xe xích lô tôi vội trả tiền, lật đật chạy tới xuất trình giấy tờ ở trạm gác cổng doanh trại Không-quân Quân sự. Tôi trở lại chỗ mấy bà cháu đang ngồi bên vệ đường lấy bánh mì ra cho bà và mẹ con ăn. Các con ăn hết ổ bánh mì vẫn thòm thèm hoặc còn đói. Bé Hoàng đói nên quấy hơn mọi ngày, con cứ rúc vào vú mẹ đòi bú vú da, khổ nỗi từ ngày “chạy giặc” đến giờ, bao nhiêu năng lượng đã cạn kiệt, thì làm sao có thể vắt ra sữa cho con! Tôi muốn mua bánh mì cũng không thấy khu nầy có câu lạc bộ, không một hàng quán, hoặc có người gánh hàng rong đi lại bán dạo ở bên ngoài. À, đây là khu quân sự mà. Khoảng mười lăm phút sau thì đóng cửa cổng gác. Ôi đại phước! Nếu chúng tôi chậm mươi phút thì hết cách rồi! Thật là chỉ có Trời có mắt cứu nguy. Tôi dặn dò các con ngồi một chỗ với nhau, không được chạy lung tung, sẽ bị lạc mất.

Chúng tôi được gọi tên vào cổng, họ dồn chúng tôi ngồi xuống một góc ở ngoài sân dưới hàng phượng đỏ rực, (cùng những người lạ khác rất đông chờ đợi gọi tên, để vào trong văn phòng làm việc). Qua những thủ-tục do an ninh Quân-cảnh kiểm soát chặt chẽ, trật tự, cần thiết, cấp bách. Những đoàn dân di tản được lọc lại thành từng gia đình, có mấy quân nhân thư ký đánh máy tốc hành ghi rõ: tên, họ, danh sách chuyến bay.

Họ dẫn gia đình tôi qua một phòng trong phi trường. Ở đây đã có rất nhiều người im lặng hoặc rù rì chuyện trò nho nhỏ. Thỉnh thoảng có một quân nhân Việt Nam áo quần tươm tất ra đứng trên thềm nhà gọi từng tốp người có tên trong danh sách đã ghi, dù máy phóng thanh mở hết cỡ, mà tôi vẫn nghe không rõ do những chiếc máy bay quân sự luôn gầm rú ngoài phi đạo làm điếc tai.

Thời gian mỏi mòn chờ đợi dần qua, thoáng chốc gia đình tôi đến lượt được gọi tên. Họ dẫn chúng tôi vào đứng xếp hàng trước một phòng khách rộng đông người gấp hai lần ở ngoài sân. Những dãy phòng ăn thông với nhau có điện giữa ban ngày sáng trưng, có máy lạnh mát rượi. Mặc dù trên đầu phi cơ quân sự không ngớt gầm rú, nhưng nơi đây không đến nỗi ồn ào, chen lấn, mà có trật tự hơn.

Tôi nhìn những mệnh phụ phu nhân rực rỡ xa hoa quần là áo lụa chưng diện trong phi trường, mà bẽn lẽn! Giờ phút vắt giò lên cổ “tẩu thoát thân” nầy, nhưng lắm bà trưởng giả còn có thì giờ phù phiếm tô trét phấn son cẩn thận, mái tóc chải bồng, móng tay móng chân đỏ chói, "quý công nương" sai khiến chỉ chỏ “gia nhân” vài người tay đùm tay xách, cong lưng chạy lui chạy tới. Hoặc vài anh lính đi sau đuôi mấy bà khệ nệ khiên vác nhiều chiếc va ly da cồng kềnh khá nặng và đắt tiền mới toanh, thùng giấy to đặt dưới chân họ mới và sạch sẽ. Những người cùng vào xếp hàng ở đây thân tỏa mùi nước hoa Ici, Neblina, Ode à L’amour... rất thơm. Còn loại túi xách tay là thứ sang trọng mang hiệu: GUCCI made in Ilaly– LOUIS VUITTON Paris – SIENNA RICCHI ở hải ngoại du nhập về Việt Nam.

Tuyệt nhiên không một ai có “tay nải” cũ mèm bẩn thỉu, xấu xí dị hợm, khiêm nhường, nghèo nàn coi thô thiển quê mùa hết chỗ nói: như hành trang của tôi. Đến nơi nầy, tôi mới nhận thấy tình cảnh hèn kém, chua xót bi thương cùng khổ của mình trong những ngày ly tán: trắng trợn phơi bày quá tệ, quả là đáng thương xót xiết đỗi! Tôi lúng túng ngượng ngùng bực bội cúi xuống len lén che dấu gói hành lý thô thiển, hèn kém dưới gót chân kẻ làm vợ, làm mẹ: đã bao năm qua vẫn thấp hèn với anh chồng "lính chiến". Tôi cảm thấy thật buồn vì số phận mình sao nghiệt ngã, đắng cay, bạc bẽo, khổ cực và phũ phàng tệ mạt đến thế! Tôi đau xót không kém phần tủi hổ̉ (thật phí hoài không gian và thời gian về tuổi trẻ tràn đầy nhựa sống: một thiếu nữ tri thức nổi danh người đẹp biết chừng nào! khi trao thân cho người chồng không thích danh phận, để rồi anh ấy khép kín và ẩn nhẫn, đã đẫy vợ con đến bước đường cùng nầy!).

Tuy nhiên lúc tôi ngồi bó gối trên nền gạch, vò đầu bứt tóc bứt tai suy đi nghĩ lại cho cùng thì... bộ áo tác chiến của chồng tôi và những bộ quân phục mà những quân nhân đang mặc trên người kia, nào có khác chi nhau!? Đó là niềm vinh dự tự hào rất kiêu hãnh của người lính oai dũng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (và dĩ nhiên cả cô vợ lính hân hạnh tự hào về phong độ: quốc hồn, quốc túy, quốc sử, quốc ca, quốc thiều, quốc huy, quốc thể, quốc gia Việt Nam); đồng thời mỗi một người không phân biệt cấp bậc quan hay lính: họ đều gánh vác trên vai tất cả trọng trách, nghĩa vụ, bổn phận làm trai phải trả nợ núi sông, và quyết giữ gìn quê hương Việt Nam an thịnh trường tồn.

Thế nên chồng tôi cùng lớp lớp thanh niên trai tráng đã vâng lời thượng cấp "phải ở lại tử thủ” Đà Lạt! Nếu có người đi di tản về Sài Gòn đông đúc kinh khủng, ấy là do ai ai cũng mong Mỹ và Quân-lực Việt Nam Cộng Hoà ra tay làm việc nghĩa cứu vớt mình vượt thoát nhanh ra khỏi vùng đất khốn đốn, (nơi có nguy cơ khói lửa chiến tranh ập vào, hoặc có thể sẽ bị xâm chiếm, bị bom đạn tàn ác dội lên đầu không tiếc thương). Khi sống còn, thì ai ai cũng có cơ may phục hồi cuộc sống và danh dự. Thế thôi.

Lần chót, chúng tôi được gọi ra ngoài sân bay đứng chờ gần chiếc phi cơ quân sự khổng lồ quay cánh quạt vù vù. Họ đang gọi tên những tốp dân đã ghi danh trước tôi đi lên chiếc phi cơ nầy. Mặt đất rung chuyển dữ dội, tóc tai quần áo mọi người bay phần phật. Hai tay các con nắm chặt lấy hàng dây thép gai, hoặc những cột trụ rào sơn màu trắng xanh xanh đỏ đỏ. Đây là lần đầu tiên trong đời các con tôi được thấy tận mắt những chiếc phi cơ to tướng gần thật gần. Các con vui mừng chạy ra dán mũi sát vào cửa kính, con ở lì một nơi chằm chằm nhìn những chiếc phi cơ bay lên, đáp xuống.

Chốc chốc các con lại hí hửng chạy vào chỗ tôi ngồi: con khoe đã thấy nhân viên hàng không lo tới tấp bốc hàng, con líu lo nói chuyện lạ xảy ra những gì ở đâu đó. Bé Bi (Huy) chạy tới một chiếc thùng gỗ trèo lên đứng ở đó, để nhìn những chiếc máy bay cho rõ, rồi con lại tụt xuống đất, chạy đến chỗ gần cánh cửa sắt. Bé Bi dù sống cảnh di tản màn trời chiếu đất, ăn uống thất thường, nhưng vẫn còn là đứa trẻ có hai má đỏ rực vì chưa quen ở xứ nóng, bé bụ bẫm, tròn trịa mủm mỉm xinh xắn, bé Bi mặc bộ đồ bay màu xanh da trời, (giống y đồ bay của pilot, nên ai nhìn bé Bi cũng thấy cháu hồng hào ngộ nghĩnh dễ thương.

Chiếc phi cơ khác từ từ quay ra phi đạo, thì gió từ những cánh quạt ào ào thổi, làm cho mọi người đứng bên hàng rào muốn té nhào. Không hiểu sao lúc đó bé Bi ở đâu chui ra khỏi hàng rào, và nắm lấy tay một bà Mỹ mặc áo đầm vàng, bà có đôi mắt xanh ngọc, mái tóc vàng hoe. Bà ta ngạc nhiên ngập ngừng chốc lát, rồi đặt chiếc va ly xuống đất, bà lấy trong giỏ xách một hộp bánh ngọt đưa cho bé Bi, bà chỉ tay về phía cửa kính bên trong hàng rào, nơi mọi người đang ngồi hoặc đứng chờ đợi chuyến bay. Nhưng thằng bé không nghe, không hiểu, hoặc mãi nhìn những chiếc phi cơ, mà nó nắm chặt váy đầm bà Mỹ kéo rị lại.

Bà Mỹ trắng nầy cứ nhìn bé Bi và nhìn quanh quất hoài. Có lẽ bà Mỹ nghĩ con cái nhà ai bị thất lạc trong lúc cả nước hổn độn chạy loạn?! Đến phiên bà Mỹ tiến bước ra cổng phi trường xa xa hàng rào, để lên chiếc máy bay kia, thì thằng bé nhà tôi vẫn túm chặt váy áo bà Mỹ líu ríu đi theo bà. Nhưng thằng bé Bi bước đi, mà luôn luôn ngoái cổ lại đăm đăm nhìn chiếc phi cơ đáp xuống trên phi đạo.

Tôi cúi đầu vạch áo cho bé Hoàng mút vú da, khi ngẩng lên nhìn ra hướng phi cơ, ngay từ đầu tôi thấy có đứa nhỏ con ai, hình như giống con trai của mình, mà đang nắm chặt váy của một phụ nữ Mỹ, khiến váy đầm bà ta giảng dài ra lôi theo thằng nhỏ?! Thật tình ban đầu tôi cứ tưởng nó là con của bà Mỹ kia, tôi không hề nghĩ đó là bé Bi, (bé Bi là tên gọi thân thiết trong gia đình). Quay lại nhìn lui nhìn tới, nhìn quanh, thì quả thật tôi thấy thiếu mất bé Bi, nó không còn đứng trên cái thùng gỗ, hoặc bên hàng chắn rào cùng hai anh Dzũng và Tuấn của nó nữa.

Tôi hốt hoảng bỏ thằng bé (bé Tồ) đang cắn kéo cái vú của tôi dài ngoẵng ra đau điếng. Tôi đứng phắt dậy, hoảng hốt kêu réo to thật to:
- Bé Bi. Bé Huy. Úi Trời ơi! Mẹ đây nầy Huy ơi! Huy ơi...

Khổ nỗ̉i thằng bé không thể nghe được, vì tiếng phi cơ nổ ầm ầm, inh ỏi gầm rú. Đồng thời lúc đó con trai trưởng của tôi là bé Dzũng đứng ở gần tôi hơn, nên con nghe tôi la hét, con quay lại nhìn thấy tôi cứ chỉ chỉ tay về hướng bé Bi. Bé Dzũng và bé Tuấn cũng thấy bé Bi ngố ngáo từ từ theo đoàn di tản đi ra ngoài chiếc C 130 khác. Bé Dzũng hoảng hồn, con nhanh nhẹn bò lòn qua lớp hàng rào sắt, con tức tốc chạy chạy... chạy rõ nhanh tới bên bé Bi. Bé Dzũng lôi giật thằng em đứng khựng lại. Thằng bé Bi xiểng liểng suýt té, nó ngơ ngác nhìn lên bà Mỹ, nó vội buông váy của bà ta ra. Hai anh em túm cánh tay nhau cúi cong lưng cùng tất tả chạy về chỗ cũ. Hú hồn hú vía!

Tôi mừng rỡ điên người mà khóc hụ hụ hụ..., vừa bai bải la mắng mấy đứa con trước mặt mọi người lạ. Tôi không hề biết xấu hổ, chỉ vì tôi sợ mất con. Kể từ giờ phút đó, tôi lấy một sợi len dài cột cườm tay đứa nầy dính với cườm tay đứa kia, và bắt các con ngồi bệt xuống nền gạch, ở yên một chỗ, không được đứng dậy xớ rớ dòm ngó chi cả, cho chắc ăn. Tôi giữ các con chằn chằn sát bên.

Thật ra, nào biết đâu bé Bi lúc đó gần năm tuổi, nếu con đi với bà Mỹ, thì sau nầy con không thể biết cha mẹ là ai! Ở nơi xứ văn minh tột đỉnh giàu sang vinh phú kia, có thể đời con sẽ ấm êm sung sướng hạnh phúc, hơn ở với cha mẹ chăng?! Cũng có thể ngược lại. Nhưng... Thôi con ơi, nếu con ở nơi quê hương với tổ tiên ông bà cha mẹ, có đói khổ nghèo hèn, cũng còn mẹ cha anh em ruột thịt: yêu thương con, chí tình đùm bọc, ủi an, sum họp bên nhau. Sau nầy nếu gia đình mình may mắn trở lại giàu sang sung túc như xưa. Hoặc vô phúc mà lâm vào cảnh hoạn nạn đói khổ, thì mình cùng chia sẻ ngọt bùi, cùng dắt díu nhau bước trên con đường gian truân. Mẹ không thể rứt ruột đem con thơ đi bỏ chợ bơ vơ lạc lõng ở xứ người lạ hoắt cho đành. Xin lỗi con.

Đợt người di tản thứ ba đã tuần tự được gọi tên lên phi cơ. Tôi lo lắng nghĩ vơ nghĩ vẩn và cảm thấy bồn chồn nóng ruột lạ lùng, chỉ sợ bị sót tên, hoặc vì lý do trục trặc nào đó, bị đình chỉ chuyến bay. Thì chết thôi! Hai sĩ quan Không-quân đã đọc danh sách lúc nãy đích thân dẫn đoàn người di tản, trong đó có tên gia đình tôi là tốp cuối cùng mang số chuyến bay 449 A. Tôi để bà nội, các con, đi trước, cườm tay các con vẫn cột sợi len dùng dằng níu kéo nhau, run run con leo lên chiếc phi cơ C–130 “hả toác hoác mồm”.

Lúc ở xa xa trong khu hành lang, tôi nhìn thấy chiếc phi cơ nhỏ, nhưng khi đến bệ cầu thang sắt nối liền với đuôi phi cơ, thì thấy phi cơ nầy to lớn lạ thường. Chúng tôi phải nhờ mấy vị sĩ quan bồng lên và trao cho một sĩ quan khác đã đứng trên đuôi tàu của phi cơ, vì quá cao không thể trèo lên. Từ đuôi máy bay dọc theo lòng phi cơ có bốn hàng ghế, hai hàng ghế giữa đâu lưng vào nhau, bốn hàng ghế đệm bọc nhung màu huyết dụ rất êm đang mở “cái đuôi hoác mồm ra”, để lần lượt đón từng gia đình trèo leo lên phi cơ vẫn nổ máy ầm ầm. Chiếc máy bay nầy sẽ mang chúng tôi ra khỏi vùng đại nạn khói lửa binh đao. Biết đâu nơi Nha Trang sẽ diễn ra bao đau thương tàn khốc nay mai!?

Các con đứa nào đứa nấy tóc tai quần áo ướt nhẹp mồ hôi, hai má đỏ rực vì nóng, đã được tháo sợi dây len “chắc cú” ra rồi, các con thoải mái cứ chồm lên nhìn qua những ô cửa nhỏ, các con vui vẻ hí hửng cười nói tía lia, lí lắc, huyên thuyên. Nhiều lần mỗi khi đi đâu chơi, tôi đều mua dự phòng bánh mì kẹp gà, ba tê, thịt nguội, hoặc chuối, nước lọc, đựng trong giỏ xách để cho các con ăn. Nhưng bây giờ sống trong cơn hoạn nạn, lại bất ngờ được ra đi quá đột ngột, không thể chuẩn bị chu đáo, nên mọi thứ đều thiếu thốn.

Bé Tồ (Hoàng) lúc đó quậy tưng trời, tôi mệt hết sức, phần vì tiếng động cơ gầm rú đinh tai nhức óc khiến con sợ hãi, phần vì nóng nực kinh khủng, mồ hôi con vã ra như tắm, ướt hết áo quần, mấy thằng nhóc tự động cỡi hết áo ra, ở trần, vì lúc đó trong phi cơ chưa mở máy lạnh. Phần nữa là bé Tồ đói bụng đòi bú. Khổ nỗi hai bầu vú tôi nhăn nhúm teo tóp sát vào xương sườn, thì còn gì có sữa cho con! Chẳng cần biết xấu hổ khi tôi vạch áo trước nhiều người lạ, để vắt hai đầu vú teo tóp hoài, vẫn không còn một giọt sữa. Bé Hoàng cứ chui rúc đầu vào tìm vú mẹ, bú bú, mút mút, day day... con nhả vú ra, vật vã khóc la. Con lại giẫy nẩy lên, thiệt chướng quá chừng.

Chính lúc đó có một người đàn bà trung niên qúy phái, thanh lịch, ăn mặc gọn gàng, trang nhã, bà ngồi đối diện với tôi, bà ấy cầm cái quạt giấy quạt hoài cho mẹ con tôi. Sau đó bà đưa cho tôi ổ bánh mì:
- Chị đút cho cháu ăn... Có lẽ cháu đói bụng.

Tôi nghẹn đắng cổ chua xót lí nhí nói lời cảm ơn bà, cầm ổ bánh mì kẹp thịt xé nhỏ ra, đút từng miếng cho con ăn. Bé Hoàng nín khóc, mặc dù con vẫn nấc lên từng hồi. Con ăn ngấu nghiến gần hết một phần tư ổ bánh mì, nước mắt lưng tròng con thút thít đẫy tay tôi ra về phía các anh, bé Hoàng có ý muốn đưa phần bánh mì còn lại cho các anh. Mấy anh em ỏn ẻn cười hì hì... liếc nhìn bà ấy, rồi các con thay phiên nhau mỗi đứa e dè cắn một miếng bánh mì nhỏ, nhai bỏm bẻm. Lát sau thì trong khoan tàu mở máy lạnh mát rượi, thế là bé Hoàng dụi đầu vào ngực tôi vừa nấc nấc mà ngủ vùi.

Người đàn bà thân thiện mỉm cười nhìn chằm chằm mấy đứa nhỏ. Giọng miền Nam ngọt ngào, êm dịu. Bà ấy nhỏ nhẹ:
- Các con của chị rất đẹp và ngoan thiệt.

Tôi e ấp mỉm cười. Bà ấy lại lúi húi lục tìm trong giỏ xách sang trọng ra một hộp bánh Coffee Milk biscuits to, và chai nước lọc, bà đưa cho tôi. Giỏ xách của bà bây giờ đã xẹp lép. Thật bất ngờ, dù tôi không bảo, nhưng ba đứa con lớn vẻ mặt rạng rỡ, hớn hở, vui vẻ, hí hửng nhìn nhau, chúng vòng tay cúi rạp đầu sát xuống gần đùi nó, để nói:
-“Cháu cảm ơn bà” rất to.

Chúng bắt chước nhau giống như chú khỉ; khiến ai nấy ngồi chung chuyến máy bay đều cười ồ. Các con ngồi ngay ngắn từ tốn ăn uống gọn gàng. Tôi nhìn người đàn bà xa lạ lại ấp úng lí nhí cám ơn, lặng lẽ cúi đầu xuống trên mái tóc thằng bé nhỏ mà quệt nước mắt.
* * *

Tôi nghĩ mãi không ra và không thể nào ngờ là mình có diễm phúc vinh dự đến thế nầy: Khi xế chiều có ông sĩ quan Không–quân Việt Nam ở Nha Trang gọi tên tôi (đứng đầu danh sách gia đình tôi) ông đưa cho tôi tờ phê duyệt “Thuận” do vị một Trung-tá ấn ký (tôi không thể nhớ rõ tên vị ấy). Ôi! Trí óc của tôi lúc đó thật tồi, tôi chỉ biết lo lắng về riêng “cái tôi” hiện tại là: Làm sao mình có thể “đào tẩu” ra khỏi vùng đất chứa nhiều súng đạn!, mà không hề nghĩ đến ai- thì bây giờ tôi biết làm thế nào nhớ rõ tên họ và ân tình không thể trả đền nầy! Trên tờ giấy ghi “thuận” không hề có con dấu: “Nhất thế. Nhì Thân. Tam ngân. Tứ chế” gì cả.

Thời gian loạn lạc thất điên bát đảo nầy; thật sự tôi biết chắc chắn một điều là: trong trường hợp hổn loạn cao độ, thì dù ai di chuyển bất cứ phương tiện nào gần hoặc xa, đa số ai có thế lực, có “chi địa, chi vàng” thì mới có thể thoát thân. Tôi không phủ nhận trước ngày di tản khỏi Đà Lạt, thì gia đình tôi có xe hơi, có nhà lầu gạch đúc ba tầng rộng và khang trang, rủng rỉnh tiền bạc leng keng trong túi như ai! Ấy thế mà chính lúc nầy chúng tôi nghèo rớt mồng tơi, nhưng vẫn có người chính thức công nhận cho chúng tôi đường hoàng leo lên “tàu bay free”! Ôi! Sung sướng làm sao! Hạnh phúc vô ngần khi tôi ngồi trong lòng phi cơ, cảm thấy như đời mình phơi phới bay bổng lên đào nguyên tiên cảnh. Ơn cứu mạng nầy gia đình tôi xin vô vàn tạ ơn “Người”.

Khấp khởi vui mừng khôn xiết khi đã ngồi an toàn yên ổn ở một nơi sang trọng thế nầy, tôi nhìn lui nhìn tới không thấy ai lưu ý đến mình, tôi len lén thò tay xuống nhéo ở bắp đùi mình mấy cái, xem thử mình có nằm mơ, hoặc thân mình có đau điếng vỡ mộng hay không!? Bởi vì tôi vẫn chưa dám tin chắc là mình sung sướng hạnh phúc may mắn được hãng Hàng-không Quân-sự “biếu” cho tờ giấy chứng nhận được “đi không”, “đi chùa” tuyệt vời như thế nầy.

Lòng tôi rối bời sầu nhớ hình ảnh đóa hoa hồng óng vàng đang gục đầu bên ngăn kéo kỷ niệm bảng lảng dáng hoàng hôn hắt hiu hư ảo thuở nào! Ôi! Đó là những đóa hồng nở rộ thắm tươi trong trái tim nhân-ái hiếm thấy. Tôi không “nịnh” những chàng phi công bay bướm làm gì! Vì sự thật không cần biết tôi là ai, "họ" những đàn chim sắt trong "Tổ-quốc Không-gian" đã, vẫn, đang tận tâm giúp đời vô vụ lợi, tấm lòng họ trung trinh tận-hiến do bổn phận, trách nhiệm, danh dự và nghĩa vụ cứu người. Những vị ân nhân đức độ mà tôi không hề biết mặt nhớ tên.

Những người tình cờ tôi biết một lần, sơ sài chỉ quen một ngày, rồi xa nhau muôn thuở, không bao giờ tìm thấy lại, nhưng suốt đời tôi vẫn luyến nhớ thầm mong có ngày hân hạnh tái ngộ. Tôi xin trân trọng cúi đầu tạ ơn vị Trung-tá Không quân (tôi không hân hạnh nhớ tên “ngài”). Tôi vô cùng cảm-kích những tấm lòng cao cả của các vị Không-quân. Cảm ơn gia đình ông bà Niềm cũng chỉ là sơ giao mà tôi chưa nhìn rõ mặt họ, và cô con gái Thúy Lan của ông bà vô vàn. Cám ơn người đàn bà thanh lịch qúy phái ngồi trên phi cơ đã cho các con tôi một miếng khi đói.

Ân tình nầy suốt đời tôi không thể trả đền, xin trọn kiếp mang theo kính nhớ trong lòng. Biết làm sao bây giờ! Dù mai sau nếu gia đình tôi sẽ trở lại sung túc giàu sang vinh hiển như thuở xưa, hoặc tôi chỉ là một người vợ lính quèn hèn mọn tầm thường: tôi nguyện sẽ cố gắng viết những bài văn (dù hay hoặc dỡ), tôi thành tâm tạt cốt “tình chung một khắc, nghĩa dài trăm năm” để ca tụng những vị anh hùng có nhân cách thầm lặng xã thân giúp đời vô vụ lợi. Một lần nữa tôi không bao giờ và chẳng thể nào quên: những người đã âm thầm lặng lẽ ưu ái ban tặng free, đặc ân cao qúy tốt đẹp cho riêng gia đình tôi, và cho Đời. Nguyện xin Thượng Đế trả công bội hậu & ban đến họ được vui vẻ bình an hạnh phúc trường tồn.

Chiếc “mõm hàm ếch” từ từ khép miệng lại, nhốt trọn mấy trăm dân di tản vào trong lòng phi cơ. Phi cơ êm ru bay hoài và an toàn hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhứt, phía dành riêng cho khu phi cơ quân sự cũng ồn ào, náo nhiệt đông đúc kinh khủng. Chúng tôi được leo lên một chiếc xe bus chở free ra lối Bảy Hiền.
_ * _

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
04-24-2015, 12:26 AM
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/letri a 9_1429835118.jpg

Bách Niên Thương Hải Biến Vi Tang Điền
(Kỷ niệm 42 năm buồn)


Thật tình tôi không thể nào hiểu nỗi tại sao vận nước Việt Nam lại trở nên quá đen tối: sau khi hiệp định Genève 1954 diễn ra kể từ ngày 26 tháng 4 năm 1954 - rồi bản Hiệp Định được ký kết và kết thúc cùng ngày 21 tháng 7 năm 1954. Thành phần tham dự: Anh, Mỹ, Liên Xô, Pháp, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, Laos, Cambodia, Quốc Gia Việt Nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Phía Quốc Gia Việt Nam ban đầu do ông Nguyễn Quốc Định làm Trưởng Đoàn. Sau, ông Trần Văn Đổ thay thế. Đáng chú ý: Ông Trần Văn Đổ, Trưởng Đoàn Quốc Gia Việt Nam đã lên tiếng phản đối sự chia cắt đất nước. Chính phủ Quốc Gia Việt Nam (miền Nam Việt Nam) không ký Hiệp Định. Phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (miền Bắc Việt Nam) do Phạm Văn Đồng làm Trưởng Đoàn. Phái đoàn Hoa Kỳ từ chối công nhận Hiệp định Genève.

Kể từ ngày 21-7-1954 – khi miền Bắc Việt Nam ký Hiệp-định Genève xé đôi lãnh thổ Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 và cầu Hiền Lương Bến Hải làm ranh giới, để chia lìa tách bạch hai miền Bắc Việt Nam và miền Nam Việt Nam ra đôi ngã phân ly nghẹn ngào:
- Ngày 11-11-1960 – Đại-tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu cuộc đảo chánh cùng Trung-tá Vương Văn Đông ở Liên-đoàn Dù, và Thiếu Tá Nguyễn Triệu Hồng, Đại-úy Phan Lạc Tuyên: đã đảo chánh nền Đệ-Nhất Cộng-Hoà hụt; thì “chiến tranh nội bộ” bắt đầu manh nha quyết liệt vì cốt nhục tương tàn, nồi da xáo thịt rối rắm bùng nổ liên miên.
Từ xưa tới nay, sự thôn tính đất đai, tranh giành quyền lực, thế lực, vinh hoa, là mạng lưới quyến rũ dẽo dai và khổng lồ. Nước càng trong thì không có cá. Dù lòng người đơn giản, phước thiện, trong sáng và cao cả; ấy mà nếu du nhập vào hệ thống chính trị, sau khi bị cuốn hút vào cung cầu đó, thì thật khó lòng ít có ai rứt ra được.

- Ngày 27-2-1962 - Có 2 chiếc khu trục A1 Skyraider dội bom dinh Độc Lập, do Trung-úy Phạm Phú Quốc và Thiếu-úy Nguyễn văn Cử ném bom bắn cháy dinh Độc Lập. Phi cơ của ông Phạm Phú Quốc bị bắn rớt trên sông Sài Gòn, ổng đã vô tù, tất cả bom đạn còn nguyên, nghĩa là ông ta chưa kịp thả trái bom nào. Ông Cử đào thoát bay mút qua hướng Nam Vang, dân chúng bàn tán là ổng bị chính phủ ở bển bắt nhốt vô tù rùi!?

- Sau biến cố 02-11-1963 – Tổng-thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu bị thảm sát. Trải qua bao thăng trầm chính trị sục sôi… thì nền Đệ II Cộng Hòa có Tổng-thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu lên ngôi.
* Ngày 8-3-1965 - Kể từ khi có đoàn Thủy-quân Lục-chiến Mỹ tiên khởi, đông đúc khoảng 3.500 người rầm rộ đổ bộ lên đất liền tại Đà Nẵng, Mỹ viện cớ muốn giữ “an ninh cứ địa”. Do tướng Maxwell Taylor, thỉnh thoảng hút xì gà Schimmelpennick làm đại sứ Sài Gòn, ông dẫn đầu một cuộc phô trương cường quốc Mỹ, để thị oai với các nước tụt hậu, chậm tiến, đang có chiến tranh. Rồi…
* Ngày 16-8-1965 - Chính phủ Nguyễn Khánh chủ trương thành lập Hiến Chương Vũng Tàu. Trong nước loạn xạ bởi nhiều phe phái chính trị phản đối chính quyền đã hoạt động ráo riết. Sau đó có nhiều bất đồng, các đảng phái, sinh viên lục đục nội bộ, nên tan đàn rẽ đám. Hội-đồng Quân-lực Cách-mạng truất phế ông Nguyễn Khánh, cho ông lưu vong ra ngoại quốc làm đại sứ.

* Ngày 9-5-1969 - Hạ-sĩ Henry Kissinger đi lính trong Đệ-nhị Thế-chiến, sau lên làm cố-vấn an ninh quốc gia cho Tổng-thống Richard Nixon. Về sau tiến sĩ Henry Kissinger khai mạc hoà đàm Ba Lê (không có chính phủ miền Nam hay Quân-lực miền Nam). Suốt thời gian hoà đàm dưới sự giám sát chặt chẽ của Nixon, ngoại trưởng Kissinger “ráo riết đi đêm” với quân Bắc Việt.
- Người dân luôn dán mắt nhìn vô ti vi trắng đen, theo dõi công ty Pecten Việt Nam (là chi nhánh của Shell) đã sản xuất khoảng 1.500 thùng dầu thô/ngày, trong giếng dầu mang tên Pioncer sâu 4.500 feet dưới lòng biển. Hoan hô đại thắng!
- Một phái đoàn Mỹ có tên Project Concern, và phái đoàn Thanh-Thương-Hội Việt Nam do ông Lê Bá Công làm hội trưởng, hướng dẫn phái đoàn săn sóc y tế cho đồng bào Thượng tại miền Nam Việt Nam. Phái đoàn nầy được đồng bào kính trọng và hoan hô nồng nhiệt.

* Ngày 27-1-1973 – Trong chương 2 điều 2 tại nhiều năm hội nghị, sau đó Hiệp định Ba Lê đã ký kết đình chiến: Ngưng bắn. Ấy thế mà vào ngày 9 tháng * Ngày 9 Tháng 3 năm 1974 Việt-cộng câu súng 81ly vào trường Tiểu-học Nhị Quý, Cai-Lậy, Tỉnh Định Tường, giết 32 em học sinh nhỏ, và hơn 50 em học sinh khác đã bị thương la liệt và trầm trọng. Vô số trẻ em bị chết oan, thật đau đớn vô cùng thảm thiết.
***

* Ngày 11 - 3 - 1975 - Mất Ba Mê Thuột. Thiếu-tướng Phạm Văn Phú, Tư-lệnh Quân-đoàn 2/Quân-khu 2, ra lệnh quân đội triệt thoái khỏi Pleiku – Kontum (do chỉ thị của TT Nguyễn Văn Thiệu).
Di tản miền Trung: 13 - 3 -1975. & Di tản cao nguyên: 14 - 3 - 1975 & 15 - 3-1975: Khánh Dương.
Quân đoàn II triệt thoái: 16 - 3 -1975. * Mất các nơi:[/B] Tuy Hoà: 17 - 3 - 1975 *.- Phú Yên: 18 - 3 - 1975 *.-

* Ngày 19-3-1975 – Một Tiểu-đoàn của Trung-đoàn 43 Bộ-binh đóng chốt phòng ngự tại Định Quán, quanh vùng phụ cận núi Chứa Chan. Gia Rai, Tiểu-đoàn nầy anh dũng đánh trả đối phương rất phi thường.

Khi mất Đèo Ải Vân[/B]: 21 - 3 -197 thì ngày N+5, 21-3-1975 triệt thoái cuối cùng Lực-lượng Quân-đoàn 2 khỏi Cao Nguyên, trên tuyến đường Liên-tỉnh lộ B.

* Ngày 22-3-1975 - Tỉnh Quảng Đức thất thủ. * Ngày 23-3-1975 – Công-binh VNCH làm xong chiếc cầu dã chiến. Lực-lượng Quân-đoàn 2 cuối cùng vượt qua sông Ba, triệt thoái về Phú Yên.

* Ngày 25-3-1975 – Các đơn vị Quân-đoàn 1/Quân-khu 1 (Việt Nam Cộng-Hoà) triệt thoái ra khỏi Huế& * Đà Nẵng: 25 - 3 - 1975.

Quảng Nam: 28 -3-1975. *.- * Đêm 28 - 3 - 1975 - Lực Lượng hùng hậu của Quân-đoàn 1 do tướng Ngô Quang Trưởng lãnh đạo, đã triệt thoái khỏi Đà Nẵng. * Bình Định: 27 - 3 -1975 *.- Sau đó là Lâm Đồng: 29-3-1975 * Quy Nhơn: 30-3-1975 * Bình Định: 31-3-1975.

Hết tháng Ba. Qua đầu tháng Tư:

* Mất Nha Trang: 2 - 4 - 1975 * Phan Thiết: 3 - 4 - 1975 * Các phi trường Tân Sơn Nhất. Cần Thơ. Biên Hoà, có nhiều chiến đấu cơ F 5 – oanh tạc cơ A 37. Không một ai mà không nghe đồn ầm lên là: từ Lâm Đồng dọc theo rặng trường sơn, sông La Ngà chảy từ khu Tánh Linh, qua phía nam Định Quán, Rừng Sát ra cửa biển Cần Giờ: Đang bị đe doạ trầm trọng. Người ta lại đồn máy bay oanh tạc dinh độc lập hụt hay sao đó? Bây giờ thì chuyện không nói có, chuyện có nói không. Chả ai có thể đi đâu kiểm chứng, vì mọi ngã đường đông nghịt người không thể chen chân. Nhưng than ôi! Đúng thế thật, Trung úy Nguyễn Thành Trung, quê ở Bến Tre, đã bay chiếc F5 cất cánh từ Biên Hoà về thả bom xuống dinh Độc Lập. Phi cơ mang bốn quả bom. Y thả hai quả bom trước bị rơi ra ngoài sân dinh.

* Việt Nam Cộng Hoà có Sư-đoàn 18 tăng cường Lữ Kỵ-binh: Sư-đoàn 5 Thiết-giáp. Các Liên-đoàn Biệt Động Quân từ Quân-khu 1, chuyển về Quân-khu 2 để bảo vệ Xuân-Lộc, Long Khánh, Dầu Giây; do Chuẩn-tướng Lê Minh Đảo là Sư-đoàn-trưởng Sư-đoàn 18 đảm nhiệm. Từ ngày 8 - 4 đến ngày 19 - 4 ; Trận đánh vô cùng ác liệt bắt đầu xảy ra giữa quân đội miền Nam Việt Nam, với Quân-đoàn 4 và Sư-đoàn 6 Chủ-lực Quân-khu 7 của Cộng-sản Bắc Việt.

* Từ ngày 10-4-1975 – Hai Trung-đoàn 43 và 48 (của Sư-đoàn 18 Việt Nam Cộng Hoà) và một Lữ-đoàn Dù. Lữ-đoàn 3 Kỵ-binh, từ Biên Hoà ra Xuân Lộc tiếp ứng. Giao tranh ác liệt dữ dội mạnh mẽ. Đường 12 bị cắt đứt là: Xuân Lộc > Biên Hoà. & Xuân Lộc > Bà Rịa.
Cho đến ngày 20 - 4 thì Xuân Lộc triệt thoái : 20-4-1975 * Long Khánh: 22-4-1975.

* Ngày 18-4-1975 - Mất thị xã Phan Thiết và toàn tỉnh Bình Thuận. Thành phần chính phủ do Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu lãnh đạo đã xảy ra đột biến. Mặc dù vậy tổng thống Thiệu họp báo, lên Truyền-thanh, Truyền-hình đọc hiệu triệu vấn an quốc dân đồng bào. Đài phát thanh cho nhai đi nhai lại bản tin nầy suốt cả tuần.

* Ngày 19-4-1975 – Bình Tuy sống trong sôi động. Giao tranh ở tuyến đường số 1, từ phía Đông và Đông-Bắc Sài Gòn, tới Trà Võ. Bàu Nâu. Gò Dầu Hạ.

* Ngày 20-4-1975 – Khu Rừng Lá, (cách Xuân Lộc độ 20km) coi như mất liên lạc: Bộ Tổng Tham Mưu. Sân Bay Tân Sơn Nhất. Bộ Tư-lệnh Biệt-khu Thủ-đô. Tổng Nha Cảnh-sát, vân vân… (Thủ đô Sài Gòn có 12 Quận Nội-thành: Bình Thạnh. Phú Nhuận. Tân Bình. Gò Vấp. 6 quận ngoại thành: Hóc Môn. Củ Chi. Thủ Đức. Bình Chánh. Nhà Bè. Duyên Hải) > Đều báo động đèn đỏ 100%.

* Bộ Giáo Dục ra lệnh đóng cửa không thời hạn tất cả các trường: Tiểu-học. Trung-học. Đại-học trong toàn lãnh thổ tại miền Nam Việt Nam.

* Ngày 21-4-1975 - Hằng triệu triệu người già trẻ lớn bé ở miền Nam Việt Nam chồm tới bu quanh nhìn sững vào vô tuyến truyền hình. Toàn dân lắng nghe miết mãi. Khoảng nửa giờ sau vị nguyên thủ quốc gia: Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu chính thức tuyên bố từ chức, ông trở về với quân đội Việt Nam Cộng-Hoà. Ôi! Bàng hoàng sững sốt. Vì; hằng triệu trai trẻ lính tráng, quân đội và dân tộc Nam Việt Nam (có bốn nghìn năm văn hiến quyết chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng trên chiến trường) tin vào chính phủ Nguyễn Văn Thiệu mà. Từ khi nền Đệ Nhất Cộng Hoà sụp đỗ, thì tất cả mọi thứ trên đời, trật tự xã hội bị đảo lộn tùng phèo sao?

Hồi xưa, nhà bác học lẫy lừng Pierre Curie khám phá ra chất phóng xạ radium vào năm 1900. Và, trước khi ông Mc Robert Namara cho trắc nghiệm khai quang hằng loạt chất độc màu da cam (Agent Orange), để tiêu diệt cỏ, hay tiêu diệt đối phương (?!). Thì ngày nay, Tổng thống Thiệu đã lưu lại danh thiên cổ gì cho núi sông? Khi mà ông Trạng Trình đã nói: “Bắc hữu kim thành tráng. Nam hữu ngọc bích thành”. Cố mà gìn giữ Việt Nam keo sơn gắn bó. Thật ra, Tổng-thống Thiệu làm tổng thống hai nhiệm kỳ, đã thành lập đảng Dân Chủ. Nhiều lần Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu lên đài truyền thanh và truyền hình mạnh mẽ đọc diễn văn; trong đó có những câu tuyệt vời bất hủ:
- Đừng nghe những gì Cộng-sản nói, hãy nhìn kỹ những gì Cộng-sản làm!
- Ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng-sản.
- Công đức ngàn đời con tố mẹ, tình nghĩa trăm năm vợ tố chồng.
- Đất nước còn, còn tất cả; Cộng-sản thắng, mất tất cả.
- Tôi mà tham nhũng, thì cái chính phủ này sẽ sụp đổ chỉ trong 3 ngày!
- Nếu Hoa Kỳ không viện trợ cho chúng tôi nữa, thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm, mà chỉ sau 3 giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập!
- Làm kẻ thù của Mỹ thì dễ, làm bạn với Mỹ thì rất khó.
- Sống không có tự do là đã chết.
- Mỹ còn viện trợ, thì chúng ta còn chống Cộng-sản.

TT Nguyễn Văn Thiệu hùng hồn khẳng định tuyên bố “bốn không” rất chí lý:
1.- Không thừa nhận Cộng-sản.
2.- Không lập chính phủ liên-hiệp.
3.- Không trung-lập-hoá miền Nam Việt Nam.
4.- Không nhường một tấc đất cho Cộng-sản.

* - Tin đồn đã rùm beng:

1.- Việt Nam trung lập.
2.- Chính phủ Việt Nam có ba thành phần.
3.- Miền Nam Việt Nam bị miền Bắc “giải phóng” lan nhanh (chứ chả phải như lời Phó Tổng-thống Nguyễn Cao Kỳ hô hào: “Xung phong > Bắc Tiến”). Tổng thống Thiệu đã ủng hộ chương trình “Người cày có ruộng”, rầm rộ khuyến khích nông dân, củng cố lúa Thần Nông IR 3 và AR 8. Nhờ thế kho vựa miền Nam dư thừa lúa gạo. Việt Nam sản xuất gạo đi các nước. Sau năm 1967 do sự quậy phá của Cộng-sản Bắc Việt, nên nông dân thuộc các tỉnh miền Nam, miền Trung, Cao Nguyên, không thể cày cấy, gieo trồng nhiều. Do đó miền Nam Việt Nam bị khan hiếm lúa. Kinh tế hạn hẹp, Cộng thêm an ninh không an toàn yên ổn. Chính trị, kinh tế, tham nhũng, bè phái, bị đe doạ khiến miền Nam suy thoái trầm trọng. Bây giờ miền Nam Việt Nam phải nhập cảng gạo và “binh khí”, xin viện trợ tiền bạc vào Nam Việt Nam. Là vậy!

* Tổng-thống Việt Nam Cộng-Hoà Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Phó Tổng-thống Trần Văn Hương lên thay thế! Thành phần nội-các do cụ Trần Văn Hương đảm nhận được mấy ngày vắn vỏi.

- Ngày 22-4-1975 – Đường quốc lộ 4 nối liền Sài Gòn > Cần Thơ. Các hướng Tây Bắc. Đông Đông Bắc. Đông Đông Nam. Tây Tây Nam bị cô lập với Sài Gòn.

* Thứ Tư, ngày 23-4-1975 - Đô Đốc Noel Gayler Chỉ-huy-trưởng Hạm-đội Thái Bình Dương, đã lập cầu không vận Sài Gòn > Đệ Thất Hạm Đội (trong chương trình di tản người Mỹ và người Việt Nam ra đi), đang đậu ngoài khơi Vũng Tàu, người ta nghe & phao tin sẽ di tản khoảng vài ba trăm ngàn người Hoa Kỳ và người Việt Nam. (!?)

B]Bảy Ngày Đen Tối Nhất: * Thứ Sáu, ngày 25-4-1975[/B]

Đêm 24-4-1975 – Khói lửa bạo tàn đã gây đau khổ quá sức hằng triệu dân đen lầm than khốn đốn, cơ cực. Miền Nam Việt Nam dỡ sống tức tưởi, dỡ chết không kịp nhắm mắt, không thể há miệng than Trời! Chắc chắn là chính phủ Nguyễn Văn Thiệu & thành phần nội-các đều nghe bùi tai về tướng cố vấn Lục-quân Mỹ Weyand gián tiếp khuyên chính phủ Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Quân-đội miền Nam Việt Nam bằng mọi giá phải tử thủ! Toàn thể nam nữ thanh niên trai trẻ, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã vâng lời ở lại giữ gìn từng pháo đài bị vây hãm, giành lại từng tấc đất quê hương ta, quyết phục vụ dân tộc và tử thủ vì dân tộc Việt Nam!

Thì tin đồn chuyện Tổng-thống Thiệu bỏ rơi dân tộc, bỏ quê hương đất nước, chỉ là tin đồn nhảm nhí! Khi chung cuộc kết thúc trong bi thương thế ấy, ai nở ra đi phản bội dân tộc, ai lìa bỏ quê hương cẩm tú giàu đẹp sao? Ai đành cao chạy xa bay mưu tìm cho chính mình sự sống riêng, phủi tay trong thau men nước người cho đành?! Nơi chốn xa lạ đó, ai có dịp lắng nghe tiếng nói của hiền dân vô tội gào than kêu khóc? Ai tận mắt xem đồng bào đau thương bị cấp lãnh đạo bỏ rơi, dân đang sống quằn quại trong cơn lốc chính trị kinh hoàng vỡ vụn? Toàn dân sẽ chết thảm dưới cơn sóng thần cuồng phong dữ dội nhất lịch sử Việt Nam nầy. Họ làm sao đành đoạn phủi tay bỏ lại quê hương và dân tộc cho đành?!

– Sáng sớm bạn Tonny Tơn từ Hạ Nghị Viện tất tả chạy về nhà, đã khẳng định với chúng tôi về việc Tổng-thống Thiệu và đoàn tùy tùng thân tín đã bôn tẩu bỏ nước ra đi!!! Người ta lại đồn ầm lên là ông Thiệu chở theo mấy chục tấn vàng của quốc gia (?!). Làm sao cõng cho nỗi hỉ?! Chuyện ấy rất khó tin, không bao giờ tin! Nhưng khuya Thứ Sáu, ngày 25-4-1975 đương kim Tổng-thống Trần Văn Hương lên đài Truyền-thanh Truyền-hình chính thức tuyên bố: - “Gia đình Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu, và một số thân tín trong chính quyền đương thời đã chính thức rời khỏi Việt Nam, bay đi ngoại quốc ngày 24-4-1975”. Ôi! Sự đau đớn ấy có thật ở phi trường Tân Sơn Nhứt là: Tướng Timmes, Đại-sứ Martin, một số đoàn tùy tùng đông đảo “viên chức lừng danh cao cấp nhất” của chính phủ miền Nam Việt Nam Cộng Hoà đang làm cuộc “tẩu tướng”.

Họ nôn nao lo âu đứng xớ rớ ở đó từ rất lâu, chờ đợi sẵn sàng để dọt đi. Một chiếc xe Mercedes chở ông Nguyễn Văn Thiệu từ bến Bạch Đằng chạy nhanh vào phi trường Tân Sơn Nhứt lúc 21 giờ 30 đêm 24 tháng 4 năm 1975. Chung quanh “các ngài” đông đúc nôn nao ung dung ra đi, có lính Thủy-quân Lục-chiến Mỹ đứng dàn ngang dàn dọc bu quanh, để bảo vệ phái đoàn “các ngài” tống lên chiếc phi cơ C-118 lịch sử của Không-quân Hoa Kỳ. Ông Thiệu, Tướng Khiêm và đoàn tùy tùng lẹ làng tót lên máy bay, không hề ngoảnh lại. Hỡi Ôi là Trời ơi Đất ơi!!!

* Thứ Bảy, ngày 26-4-1975 – Ông Khiêu Samphan dẫn một phái đoàn Trung Quốc từ Mimót Nam Vang, đi qua ngả Xa Cam. Tại đó có một Đại-tá Không-quân người Pháp, một Thiếu-tá Pháp, {họ trực thuộc Nha An Ninh Tình-báo hải ngoại Pháp (SDECE)}. Họ đưa phái đoàn Trung Quốc nầy vào ở trong toà Đại-sứ Pháp Sài Gòn (!?)

* Vẫn ngày 26-4-1975 - Bão lửa chiến tranh xâm lược đã ùa vào xâm chiếm các khu sau đây: Long Khánh từ hướng Đông-Bắc đi Sài Gòn xa khoảng 80km. Long Khánh nằm giữa hai quốc lộ: 1 và 20- 105 kinh độ đông- 11 vĩ độ bắc, ở múi giờ 17 GMT – Giáp giới mặt Đông hướng Đông Đông Nam về Sài Gòn. Long Khánh có đỉnh núi Gia Ray cao 916 mét, là tấm bình phong che chắn thuận lợi cho toàn vùng. Muốn đi từ miền Cao Nguyên, hay từ miền Trung vào Sài Gòn xuống miền Tây, tất cả loại xe đều phải đi ngang qua vùng Long Khánh.

Sông Ray từ phía Nam của núi Gia Ray có đường đi qua Xuyên Mộc. Trảng Bom. Hố Nai. Biên Hoà. Long Thành. Nước Trong. Đức Thạnh (Bà Rịa). Lang qua vùng Phước Tuy. Xuyên Mộc. Đất Đỏ. Về hướng Tây Tây Nam > Bến Lức. Tân An. Trung Lương. Tân Hiệp. Long Định. Giao lộ 4. Cai Lậy đi An Hữu. Xuống tới Lộc Giang. Vàm Cỏ Đông qua Tây Vĩnh Lộc. Mỹ Hạnh. Hướng Bắc thì các đoạn đường 16 Phú Lợi. Thủ Dầu Một. Tây Bắc về Đồng Dù. Hóc Môn.

Bình Dương, Long An: 25 - 4 - 1975 – Bà Rịa: 26 - 4 - 1975.
Tân Cảng – Sài Gòn: Bắt đầu từ ngày 27 - 4 - 1975 đến hết ngày 29 - 4 - 1975, người ta rỉ tai nhau lo tìm đường thoát thân "đào tẩu" ra khỏi Sải Gòn.
* Chủ Nhật, ngày 27-4-1975 - Mất thật rồi các nơi: Bà Rịa. Phước Tuy. Nước Trong. Trảng Bom. Suối Đĩa. Cầu Rạch Chiếc. Rạch Cát. Cầu Bình Phước. Quán Tre lan ra tận xa lộ Đại Hàn.

* Vẫn ngày 27-04-1975 – Người ta bịa đặt ra: Caritas. Usaid. Usom. Juspao. Cords. The Asia Foundation. IUS, chỉ là những thành phần ấy vào miền Nam Việt Nam do CIA cầm đầu trá hình. Nay họ lo đóng cửa và chuồn bay đi hết rồi! Tất cả mọi liên lạc trong nội thành Sài Gòn với ngoại thành, đi các Tỉnh, hầu như tê liệt, trục giao thông chính dẫn đến phi trường, hải cảng, các bến xe miền Đông, miền Tây, miền Trung, hoàn toàn ứ đọng và “bế quang tắc lộ”. Chao! Lúc đó thì người người tụm trăm tụm ngàn ở các nẽo đường chính, để nghe ngóng thăm dò tin tức.

Toàn là những giả thiết, những tin đồn hoang mang. Người ta nhốn nháo, ồn cả lên, chèn ép nhau, xô đẩy nhau mong tìm đường chạy thoát thân, mong khỏi bị trụ lại nơi thành phố đông nghẹt người, từ các nơi dồn về Thủ-đô Sài Gòn hối hả, ngột ngạt, nghẹt hơi. Mọi tiếng động đều đinh tai nhức óc nổi hoài thâu đêm suốt sáng, không bao giờ ngưng. Người ta muốn điên vì đủ thứ chuyện thay đổi liên tục xảy ra từng giờ trên tivi, tin đã xấu càng xấu thảm xấu tệ biết bao! Toàn là những tin chả lạc quan vui vẻ gì!

* Thứ Hai, 28-4-1975 – Sân bay Tân Sơn Nhứt to lớn đồ sộ sầm uất nhất miền Nam Việt Nam đến thế, có F5, hoặc A 15, A 37, C 130. Mà nay chỉ còn có một số ít bom Daisy Cutters, và những phi cơ dân sự thường dùng trong nội địa, có phi cơ dân sự cũ từ thời Pháp để lại dùng bay ra ngoại quốc (không kể những phi cơ quân sự hiện có).

Ngày 28-4-1975 Phi công Nguyễn Thành Trung (y thả bom hai lần, lần đầu y thả ở dinh Độc lập bằng F5, y cất cánh từ phi trường Biên Hoà). Lần sau vào chiều 28/04/1975: Một tốp phi cơ Dragonfly A 37 (phi đội Quyết Thắng) do phi công Nguyễn Thành Trung & Nguyễn Văn Lục dẫn đường, ép Trần Văn On & Nguyễn Văn Xanh bay cùng mấy tên “giặc lái” Từ Đề, Mai Vượng, Hán Văn Quang, họ xuất phát từ phi trường Phan Rang bay về thả bom ở phi trường Tân Sơn Nhứt. Nhiều tiếng nổ long trời lở đất đâu đó vang rền, khói lửa ngùn ngụt bốc cháy, đen nghịt thành phố.

* Ngày 28-04-1975 – Tổng thống Trần Văn Hương lên nắm chính quyền quốc gia Việt Nam được bảy ngày (7) thì tuyên bố rút lui. Theo yêu cầu của Lưỡng-viện Quốc-hội Việt Nam Cộng-Hoà, cụ Trần Văn Hương sữa “hiến pháp, hiến dâng” chức “tổng thống không dân cử” cho Đại-tướng Dương Văn Minh. Chả hiểu sao cụ Hương tụt lẹ xuống, cho ông tướng Dương Văn Minh trồi lên nắm chính quyền nhanh như chớp!?

Việt Nam như quả bóng tròn, khi thì đá dưới gót chân, khi đội đầu, khi quay giò lái đá qua đá lại rồi “sút” bóng lăn xuống vũng bùn. Một chính phủ sắp đến ngày diệt vong rồi hay sao, mà suy tàn đến độ xót xa thảm thiết tột cùng! Làm gì… thì cần ngồi lại thân thiện bên nhau và chia sẻ mọi quyền lực. Cần một lòng trung dũng đoàn kết vì nước vì dân. Thì toàn dân và toàn quân sẽ đứng vững như kiềng ba chân. Miền Nam Việt Nam sẽ không bị sụp đỗ toàn diện đâu. Lúc nầy Tổng thống Dương Văn Minh nói rất hùng hồn: “Không bao giờ đưa miền Nam Việt Nam cho Việt-cộng”.

* Thứ Ba, Ngày 29-04-1975 – Tổng-thống Dương Văn Minh ra lệnh trục xuất những người Mỹ cuối cùng phải đi ra khỏi đất nước Việt Nam. Chính lúc đó mất thật rồi: Nhơn Trạch. Thành Tuy Hạ. Cát Lái. Cầu Sông Buông. Long Bình. Biên Hoà. Phú Lợi. Lai Khê. Bến Cát. Bình Dương. Tân Uyên. Lái Thiêu. Gò Vấp : Hướng Tây Bắc Đồng Dù. Củ Chi [B]. Hướng Tây Tây Nam [B]Hậu Nghĩa. Tân Túc. Tân Hoà. Phú Lâm.

Tin tức mỗi ngày mỗi giờ một xấu hẳn đi. Thế là trong thành phố Sài Gòn vốn dĩ ồn ào náo nhiệt, bon chen sợ hãi, càng tăng thêm nhốn nháo, xôn xao, xớn rớn hãi hùng hơn. Sài Gòn chìm trong biển tình đau thương tràn ngập mịt mùng. Sài Gòn như rắn mất đầu, người người xớn rớn ồn ào như núi lở, như động đất, như triều cường sóng thần vùi dập. Sài Gòn đã mất đi vẽ hào nhoáng thanh lịch sang trọng xa hoa của hòn ngọc viễn đông xưa. Thành phố ấy giờ đây ồn ào náo nhiệt hỗn loạn, bụi bặm và rác rưỡi ụ từng đống to tướng. Sài Gòn càng hổn loạn, hoang mang lo sợ bùng lên dữ dội. Nhất là những gia đình giàu sang quyền qúy ở Sài Gòn, cư dân gốc Trung Hoa đã và đang sinh sống ở Chợ Lớn hãi hùng huyên náo loạn cả lên.

Lúc xưa hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc dội bom đã cháy Dinh Độc Lập, (vào tháng 2 năm l962), làm hư hại dinh. Tổng-Thống Ngô Đình Diệm cho xây lại dinh Độc Lập. Gia đình Ngô Tổng Thống phải dời sang Dinh Gia Long an vị, chờ kiến thiết lại. Bản vẽ Dinh Độc Lập do đồ án của kiến trúc sư đô thị gia Ngô Viết Thụ (đoạt giải Khôi Nguyên La Mã) đảm nhiệm. Theo thiết đồ của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, thì có hai vị Công-binh là: Đại-tá Nguyễn Văn Quý, Đại-tá Điển điều động một đoàn Công-binh Việt Nam xây dựng. Sau đó hoàn tất tốt đẹp. Tiền đình dinh Độc Lập có quảng trường Pigneau De Béhaine, có đại lộ rộng thênh thang rợp bóng cây, có tượng Đức Mẹ ngự ở trước công viên Hoà Bình làm bằng đá hoa trắc.

Thuở còn Tây cai trị nước ta, con đường có tên là Norodom chạy từ Dinh Độc Lập suốt tới khu Thảo Cầm Viên. Trong đó có Viện Bảo Tàng tên gọi là Blanchard de la Bross, do Pháp xây dựng năm 1929. Ấy thế mà… Hết rồi vẽ sạch sẽ bóng loáng thanh cao rộng rãi trên những phố Catina, đại lộ sang trọng Norodom xa xưa, nào là đường Lê Văn Duyệt. Trần Hưng Đạo. Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ, vân vân… thậm chí cả đường Duy Tân cây dài bóng mát có từng tốp mười tốp hai ba mươi người tụ tập lo lắng, bồn chồn xôn xao, hốc hác, băn khoăn đứng ngồi không yên, kể từ khi phi trường Tân Sơn Nhứt bị pháo kích.

* Ngày Thứ Tư hắc ám 30 tháng 4 đen tối năm 1975. Sài Gòn nóng như một hoả lò. Càng ghê rợn hơn, tin từ đài phát thanh Sài Gòn loan báo kể từ giờ phút nầy: Thiết quân luật 24/24. Tình hình thủ đô Sài Gòn từ sáng tinh mơ vắng lặng như tờ, không giống một thành phố chết, là gì!? Cho đến ngày hãi-hùng. Ngày đớn-hèn bi thảm. Ngày tối đen hắc-ám nhất lịch sử Việt Nam. Ngày đánh dấu than trầm-uất, thống-hận:

- 8 giờ:00 ngày 30-4-1975 - Sáng sớm, Tổng-thống Dương Văn Minh lên Truyền-thanh Truyền-hình ra lệnh buộc các tuyến phòng thủ của Lữ-đoàn Liên-binh Phòng-vệ Phủ Tổng-thống không được nổ súng.

- 9 giờ:00 ngày 30-4-1975 - Ông Dương Văn Minh đọc diễn văn trên đài Truyền-thanh: Yêu cầu Toà Đại sứ Mỹ và văn phòng tùy viên DAO Hoa Kỳ, phải rời khỏi Việt Nam ngay lập tức.

- 10 giờ:00 ngày 30-4-1975: Ông Dương Văn Minh leo lên làm Tổng thống được ba ngày! (3), ông liền “mở cửa khẩu” kêu gọi Quân-lực Việt Nam Cộng Hoà: “Ở đâu, hãy giữ nguyên vị trí ở đó”. “Ngưng chiến. Chờ bàn giao chính quyền miền Nam Việt Nam cho lực lượng Mặt Trận Giải Phóng vào chiếm”. “Chuẩn bị giao nạp vũ khí cho đối phương”.
* Ngày 30 tháng 4 năm 1975 - Khi Trịnh Công Sơn hát lui hát tới bài “Nối Vòng Tay Lớn”, không có nhạc đệm trên đài phát thanh Sài Gòn. Không những là ngày uất hận “nối vòng tay tang chế lớn”, mà còn là ngày co giật từng cơn run kinh phong nhăn nhúm rúm ró teo tóp lại.

Ôi! Quả đúng là có một phép lạ như điềm dự báo trước kia, khi con chim bồ câu đã đậu trên bàn thờ Đức Mẹ Fatima, ở trên khu vực giáo dân Đà Lạt, nơi thường cung nghinh rước ảnh tượng Đức Mẹ đến từng nóc nhà vào đầu năm 1974. Người ta nói: - “Con chim bồ câu tượng trưng cho sự hoà bình”. Nay “hoà bình” đã đến thật rồi sao?!

Dinh Độc Lập, vương cung Đức Bà và con đường Norodom độc đáo nầy, ấy vậy mà hôm nay đã do tướng Trần Văn Trà cầm đầu mặt trận Cách-mạng Lâm-thời 75 (!) tại Sài Gòn, cùng đoàn xe molotova rền rú ì ầm chạy đến cổng dinh cổng dinh Độc Lập lúc 11 giờ sáng. Khi ấy đại sứ Pháp tại Việt Nam là Jean Marie Mérilon, còn ở trong toà đại sứ ở trên “đường Thống Nhứt”. Ui chao! Chao ôi! Sụp đỗ toàn diện một chế độ. Bàng hoàng cả một dân tộc Việt Nam. Chiến tranh hai miền Nam Bắc đưa con người bải hoải lết lết tới đường cùng cuối bờ vực sâu.

Khi có những chiếc xe tăng ì ầm chạy trên các đại lộ chính, chở đầy bộ đội đầu đội nón cối, chân mang dép râu, cổ quàng khăn lau mặt, thân hình dắt đầy cành cây. Đoàn xe vượt qua cán nát chôn vùi nền Đệ Nhị Cộng Hòa do Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu bôn tẩu lánh cư và do tân Tổng-thống Dương Văn Minh ngồi trên ngai vàng lãnh đạo chỉ có ba ngày!!!

Quân Bắc Việt được sự hổ trợ tối đa của Nga và Tàu-cộng cung cấp đầy đủ đạn dược, súng ống và xe tăng. Trong khi miền Nam Việt Nam bị Mỹ hứa lèo hứa cuội, rồi trở mặt phản bội, lãnh đạm bỏ rơi. Mỹ từ chối hết thảy, kể cả chính phủ miền Nam chỉ xin chi viện 300 triệu đồng. Cũng không!

Toàn Quân miền Nam thiếu thốn đủ mọi thứ. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phải tự anh hùng oai dũng kiên cường chiến đấu, quyết liệt chống trả đến viên đạn cuối cùng, trong sự cô độc, vô cùng đắng cay chua xót và tuyệt vọng dường bao!!! Những Người Lính dũng cảm ấy chưa hề buông súng bỏ cuộc. Họ không bao giờ phản bội dân tộc và cương quyết ở lại giữ gìn quê hương Việt Nam dấu yêu.

Cho đến một *Ngày thứ Tư: 30-04-1975: Họ phải cúi gầm đầu bật khóc; vì buộc lòng phải tuân phục thượng-lệnh. Đời sống ấy phơi bày cuốn phim cay nghiệt, có cảnh-tượng kém thanh-lịch, bóc trần những điều quá thật, làm tan nát đời nhau. Chẳng bao giờ xóa nhòa, tàn phai trong ký-ức mọi người. Tan hoang kinh khủng. Đau đớn tột độ! “Hạnh phúc Hòa Bình” đến, vội-vã chợt đi giật theo tấm áo đơn bạc. Lộ ra quá-khứ trần trụi. Hiện tại đọa-đày, tương lai đen tối mịt mù. Vẫn hay, vô cùng nghẹn ngào cay đắng!!! Bách niên thương hải biến vi tang điền!
***

Tình HOÀI HƯƠNG

_ * _

(*) - Nguồn TỪ > Wikipedia, & sưu tầm đó đây.

- Câu "Bách niên thương hải biến vi tang điền" là câu gồm 8 chữ, không phải là Thơ Đường Luật, có thể là loại Thơ Cổ Phong, nghĩa là thơ Cổ trước khi có Thơ Luật của Đời Đường ra đời. Cổ Phong có thể gồm thơ 3 chữ, 5 chữ, 6 và 8, không theo Luật Thi. Thơ Đường Luật thường gồm Thơ 5 Chữ và Thơ 7 Chữ theo Luật Bằng Trắc và Đối Ngẫu.
Bốn cuốn sách tham khảo gồm: Tự Điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh.
1. Tự điển Từ, & Ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân.
2. Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Tự Điển của GS Trịnh Văn Thanh.
3. Nguyễn Du Toàn Tập Quyển 1 Thơ Quốc Âm Truyện Kiều của Nguyễn Thạch Giang.
4. Theo cuốn Tự Điển Truyện Kiều (trang 68) & cuốn Tự Điển Từ & Ngữ VN (trang 1797) thì đa phần giống nhau trong sự giải thích: "Thương hải biến vi tang điền, mà viết tắt là 'Thương hải tang điền" nghĩa đen là "Biển xanh biến thành ruộng dâu", nghĩa bóng là những cuộc thay đổi lớn lao. Nhưng không ghi xuất xứ điển này từ đâu ra.
*5.- Theo cuốn Nguyễn Du Toàn Tập Quyển 1 Thơ quốc Âm Truyện Kiều của Nguyễn Thạch Giang thì điển Thương Hải Tang Điền, xuất xứ từ Thần Tiên Truyện vào thời Đông Hán. Tiên nhân Vương Phương Bình xưa đỗ Hiếu Liêm, làm quan chức Trung Tán Đại Phu, rồi bỏ quan đi tu tiên đắc đạo, giáng xuống nhà Thái Kinh (người đời Hậu Hán), cho mời tiên nữ Ma Cô đến. Ma Cô bảo Phương Bình rằng: "Tiếp thị dĩ lai, dĩ kiến Đông Hải tam vi tang điền." Nghĩa là: "Từ khi được tiếp hầu ông đến nay, tôi thấy bể Đông đã ba lần biến thành ruộng dâu."
6.- Cuốn Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Tự Điển của Trịnh Văn Thanh nói giống như cuốn Thơ Quốc Âm Truyện Kiều của Nguyễn Thạch Giang, nhưng đơn giản hơn một chút. (*)
*

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
04-29-2015, 08:41 AM
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/THIEU TA TRUONG PHUNG_1430299861.jpg

29 Tháng Tư năm 1975
(40 năm về trước, hôm nay cũng là giỗ 40 năm:
cố Thiếu-tá Không-quân TRƯƠNG PHÙNG Khả Kính
*

Chiều ngày 28/4/1975 - khoảng 5:45’- trong phi vụ hộ tống Trung-tá Nguyễn Văn Mạnh SĐ3 KQ và toán chuyên viên Vũ-khí & Đạn-dược đặt chất nổ, để phá hủy các cơ sở của Bộ Chỉ Huy Kỹ-Thuật & Tiếp-vận KQ (Biên–Hoà). Tôi, (Trần Văn Phúc) và Trung-úy Nguyễn Thành Bá bay từ Dốc Sỏi ngang qua Cầu Mới Biên Hòa. Tôi vừa quẹo trái từ hướng Tây sang hướng Đông, đột nhiên tôi thấy bốn chiếc A37 với đầy đủ bom đạn trong một đội hình dị thường, nghĩa là không giống ai, phi diễn không ra phi diễn, chiến đấu không ra chiến đấu, đang từ hướng Đông Bắc lao tới cùng một cao độ với chúng tôi. Tôi cứ lầm tưởng là phi cơ của các phi đoàn bạn (từ miền Trung di tản về Tân Sơn Nhứt tháng trước) đang bay hành quân, nên tôi vội vã kéo cần lái, cho phi cơ mình bốc vọt lên cao, để tránh hai bên đụng nhau trong gang tấc. Đồng thời tôi hét trong vô tuyến để lưu ý anh Bá, (bay chiếc số 2 theo tôi trong đội hình chiến đấu):
- Hai theo một! Coi chừng bốn A37 hướng 10 giờ!
Rồi tôi bay đảo lại và nhìn theo 4 chiếc A37 bay xa dần, tôi ngạc nhiên, thông thường một phi tuần khu trục đi bay hành quân chỉ có hai chiếc, hôm nay là ngoại lệ, đặc biệt, vì có tới 4 chiếc. Tôi nói tiếp với Bá:
- Giờ nầy mà mấy thằng "ma gà" A37 còn mang bom đạn đi lang thang kìa!

Chúng tôi đã suýt đụng nhau với chúng nó trên sông Đồng Nai, mà không thể nào ngờ đó là bọn phản tặc! Trời lúc đó vẫn còn sáng tỏ, tôi chúi mũi cho phi cơ xuống thấp, bay dọc theo quốc lộ 1 đến Thủ Đức, tôi quẹo trái theo xa lộ Biên Hòa đến Long Bình rồi về Biên Hòa đọc theo Quốc Lộ 1. Nhìn xuống dưới, tôi thấy dọc suốt lề đường có rất nhiều xe thiết giáp đậu cách nhau từng trăm thước một. Muốn khích lệ tinh thần cho các chiến hữu Bộ Binh, nên tôi bay rất thấp, vì vậy khi bọn phản tặc dội bom ở Tân Sơn Nhứt, tôi đã không trông thấy. Nếu tôi bay ở cao độ 5.000 bộ, chắc chắn tôi sẽ thấy những cột khói đen bốc lên từ Tân Sơn Nhứt (TSN). Chừng 20 phút sau, Chuẩn-tướng Huỳnh Bá Tính Sư–Đoàn-Trưởng SĐ3KQ báo cho chúng tôi biết:
- Có một phi tuần ba chiếc A37 vừa dội bom Tân Sơn Nhứt!
Tôi điếng hồn, nghĩ ngay đến phi tuần A37 mà mình vừa gặp, nên tôi “chỉnh“ lại ông trên tần số:

- Như vậy phải là bốn chiếc A37, vì chúng tôi đã gặp bọn chúng cách đây không lâu! (mãi về sau nầy, khi tôi kiểm chứng với nhà nghiên cứu sử Nguyễn Hùng Kiệt, anh đã xác nhận: phi tuần của đám phản tặc nầy có tất cả 4 chiếc A-37, nhưng không biết vì lý do gì chỉ có 3 chiếc dội bom Tân Sơn Nhứt mà thôi !?). Vào thời điểm Tân Sơn Nhứt bị dội bom, chiếc trực thăng của Tướng Tính chuẩn bị đáp xuống TSN, nên ông đã chứng kiến toàn bộ sự việc. Đối chiếu với thông tin của sử gia Nguyễn Hùng Kiệt, cả hai người (Tướng Tính & tôi) đều nói đúng sự thật! Chúng tôi vội vã bay trở về Tân Sơn Nhứt, thì bọn phản tặc đã chuồn đi mất tăm biệt tích. Khi bay trên không phận TSN, Đài Kiểm-soát Không-lưu (Sài Gòn Control Tower) báo cho chúng tôi biết: “phi trường chỉ bị thiệt hại nhẹ. Vài chiếc C-47 bị trúng bom (1 chiếc gần phi đạo đang cháy như chúng tôi thấy), vài cơ sở bị hư hại như hậu trạm cũ, nơi trước đây chứa các phi cơ A-1, mới vừa dời về khu Tây, lúc 1 giờ trưa, cạnh bãi đậu của A-37. Nhưng thật may mắn (?) hai phi đạo không hề bị trúng bom”.

Sau mấy vòng bay quanh Tân Sơn Nhứt, chúng tôi biết chắc chắn phi trường và nhất là hai phi đạo vẫn an toàn, không cần thiết phải bay đi Cần Thơ, nên tôi yên tâm mà bay trở lại Biên Hòa, để tiếp tục thi hành phi vụ hộ tống Trung-Tá Mạnh và toán chuyên viên vũ khí. Mãi đến tận bây giờ, tôi vẫn cảm thấy hối tiếc: vì Trời đã cho tôi một cơ hội ngàn vàng, để tôi có thể bắn hạ bọn phản tặc ác ôn (tôi đã học kỷ thuật không chiến Dogfight trong khoá Phi Tuần Trưởng với Trung-tá Nguyễn Văn Huynh PĐP PĐ 518), mà tôi lại vô tình để vuột mất cơ hội ngàn năm một thuở! Trong trường hợp “tao ngộ chiến" hy hữu đó, bọn chúng không trông thấy chúng tôi, (vì bị chói ánh mặt trời chiều) nên không có phản ứng né tránh nào, mà chúng vẫn ung dung bay thẳng tới. Hoặc chúng tôi chỉ cần lách sang một bên, bật nút ARM - ON và bóp cò súng, bắn ngang hông ở phía sau bọn chúng, thì 800 viên đại bác 20 ly trên mỗi chiếc A1 của chúng tôi sẽ không tha bọn chúng. Hoặc lúc đó tôi gọi Paris (đài Kiểm Báo Không Lưu TSN) để báo động khẩn cấp. Các phi cơ F5-E đang ứng trực ở đầu phi đạo TSN, sẽ tức tốc cất cánh lên, xơi tái bọn chúng, thì bọn chúng chẳng còn mạng, để sau nầy vung vít mà “bốc phét” ! Đây có phải là vận mệnh thảm khốc đau buồn của đất nước Việt Nam đã an bài phải là ngày 30/4/1975 !?

Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ hộ tống Trung-tá Mạnh qua khỏi cầu Bình Triệu an toàn, chúng tôi mang đầy đủ bom đạn về hạ cánh lúc 8 giờ tối. Tôi gặp các anh bay F5 và họ cho biết là:
- Đang chờ lệnh đi ném bom trả đũa ở phi trường Phan Rang.

…Nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra -không biết vì lý do gì- !? Tôi thấy nhiều anh em trong Tân Sơn Nhứt có phần giao động tinh thần vì cuộc dội bom vừa qua. Do Radar không thể phát hiện nếu bọn phản tặc bay thấp như lần vừa rồi, nên nhiều người lo sợ chẳng biết có thêm lần dội bom kế tiếp nào nữa hay không? …Khi trở vào biệt đội khu trục lúc nửa đêm, tôi thấy các anh em thuộc PĐ 514 và 518 đang nằm sắp lớp như cá mòi ngay trên nền nhà. Tôi lặng lẽ nằm xuống một chỗ trống còn lại bên cạnh cái điện thoại dã chiến mới vừa móc dây. Tôi nằm đó, nghiêng qua trở lại rất lâu mà không thể nào ngủ được, vì trong lòng ngổn ngang những tiếc nuối & hối hận, cắn rứt tim tôi: khi mãi nhớ lại cơ hội ngàn năm có một, mà tôi đã vô tình để nó trượt thoát khỏi tay, tiếc thay, tôi đã không bấm cò đại bác bắn thẳng vào lũ phản tặc A37 lúc ban chiều (sau nầy, khi biết tên Nguyễn Thành Trung chính là kẻ đã “rước giặc vào nhà", bay dẫn đường cho đám phản tặc A37 đó, tôi lại càng hối hận & tiếc nuối nhiều hơn nữa!).

Quá mệt mỏi tinh thần và rã rời thân thể, tôi vừa chợp mắt tí xíu, là đã phải choàng tỉnh ngay lập tức, vì những tiếng nổ vang trời. Phi trường bị pháo kích! Hàng loạt hỏa tiễn 122ly rít xé bầu trời điên loạn lao xuống, nổ tung lên cùng khắp trong căn cứ & phi trường TSN, nơi đang tập trung dày đặc những quân nhân KQ và gia đình của họ mới vừa đổ dồn từ ngoài vùng I, vùng II di tản về. Điện bị cúp. Nhưng cho dù điện không cúp, thì tất cả vẫn chìm trong bóng tối như địa ngục, vì sức ép nổ của những quả hỏa tiễn rơi quá gần, làm vỡ tung những bóng đèn trong biệt đội khu trục chúng tôi... Thật là may mắn đến kỳ lạ khi mọi người đang nằm sát nhau dưới nền nhà đều bình an vô sự!

Điện thoại reo! Do nằm sát gần điện thoại, tôi bốc máy lên nghe và chuyển lệnh điều động cất cánh khẩn cấp đến Thiếu-tá Lê Văn Sang, Trưởng Phòng Hành Quân PĐ Phi Long 518. Trong bóng tối dày đặc, không nhìn thấy mặt bất cứ ai, mà chỉ nghe tiếng nói của tôi vừa chuyển lệnh. Thiếu-Tá Sang hỏi luôn:
- Phúc đó hả, Phúc đi bay được không?

Theo đúng Huấn Thị Khu Trục, tôi vừa mới bay xong phi vụ yểm trợ rút quân hồi đầu hôm, nên tôi có quyền từ chối đề nghị này của Thiếu-Tá Sang, nhưng hình như cái mặc cảm “tội lỗi“ (vì thiếu cảnh giác đã để bọn phản tặc A37 vượt thoát) của tôi đang chờ có một cơ hội “chuộc lại lổi lầm" , đã bật lên tiếng nói:
- Đương nhiên là được, nhưng wingman (phi tuần viên) là ai?
Chưa có ai kịp lên tiếng, thì từ trong bóng tối cuối phòng, tiếng Thiếu Tá Trương Phùng vang lên:
- Trâu đạp cũng chết, chó đạp cũng chết. Tao đi với mi, xem coi có chết thằng Tây nào không!?
Phi trường đang bị pháo kích dữ dội, nên lúc đó không có xe đưa đón Phi Hành Đoàn. Không thể chậm trễ, anh Phùng gọi tôi leo lên chiếc xe Jeep dân sự của anh phóng ra bãi đậu phi cơ. Anh Phùng lái xe như bay:
- … Mẹ nó! Tao chưa hề thấy tụi nó pháo dữ dằn như hôm nay! Tụi nó định “dứt điểm” mình bữa nay sao cà?
Rồi anh nói tiếp:
- Bất cứ giá nào mình cũng phải lên (cất cánh), hy vọng có thể bảo vệ bao nhiêu người vô tội ở đây. Nếu như mình bị hy sinh, âu cũng là dịp để mình đền ơn Tổ Quốc.
Nhìn anh lái xe vun vút như bay, tôi thầm cảm phục người đàn anh gan lỳ, quả cảm, người hùng của mặt trận Quảng Trị 1972 với chiến tích lẫy lừng đã “nướng sống" 15 chiếc xe Tăng T-54 của bọn Cộng-phỉ! Đến bãi đậu A-1, anh em phi đạo đã ứng trực sẵn sàng, anh Phùng hét lớn trong tiếng nổ vang rền của đạn pháo:
- Nổ máy là “chock out” ngay (rút những khúc gỗ chận bánh xe phi cơ ra) rồi các bạn tìm chỗ núp! Mặc kệ chúng tôi, đừng để chết chùm hết cả đám đấy!

Máy vừa quay tròn vòng, thì có nhiều tiếng nổ long trời ở bãi đậu A-37 kề bên, nhiều quần lửa như cây nấm khổng lồ cuồn cuộn bốc phụt lên cao. Không chần chờ, tôi cho phi cơ di chuyển ra khỏi ụ. Anh Phùng vẫn còn đứng cạnh máy bay. Anh ra dấu cho tôi biết là bình điện của phi cơ anh bị hư. Vì vậy, tôi quyết định cất cánh một mình, như đã Briefing trước đó. Tôi ra hiệu cho anh Phùng biết, và gọi Đài Saigon Ground Control (Đài Kiểm Soát Diện Địa Sài Gòn) để xin di chuyển ra phi đạo, đài trả lời ngay:
- Phi Long 51 (PL51)! Phi đạo sử dụng 25, gió hướng Nam 4 knotts, áp suất 29.92…

Nhận thấy gió ngang gần như thẳng góc với phi đạo và rất nhẹ (4 knotts), tôi có thể cất cánh bất cứ hướng nào. Nhưng tôi không thể dùng PĐ25 sẽ vô cùng nguy hiểm; vì khi bay lên, sẽ chui ngay vào đạn đạo của địch đang pháo kích. Nếu cất cánh PĐ 07, tôi quẹo trái để đến đầu PĐ 07, thì phải di chuyển ngang qua bãi đậu A37 đang cháy rực lửa, cũng rất nguy hiểm. Vì vậy tôi có ý định quẹo phải theo Taxi way #3, để cất cánh PĐ 07, nghĩa là ngược chiều PĐ sử dụng, và tôi chỉ có thể dùng ½ chiều dài phi đạo còn lại. Cứu binh như cứu lửa, không còn phương cách nào khác, tôi quyết định gọi:
- Saigon Ground Control! PL51 request taxi ra Whisky number three và cất cánh PĐ 07.

Ngay khi được phép, tôi di chuyển nhanh ra phi đạo 07 R, miệng lẩm bẩm: "Người đẹp của tôi ơi! Em ráng giúp anh thêm một lần nữa! Đừng ho hen nha cưng"! (Pilot chúng tôi xem chiếc máy bay mình lái như là người vợ, người tình muôn thuở, đặc biệt là em Skyraider tuổi già sức yếu, nên đôi khi em ưa “nũng nịu, nhỏng nhẽo" ). Sau khi thử máy (dù biết chưa nóng máy), tôi xin đài Saigon Tower cho phép cất cánh khẩn cấp. Vì chỉ còn lại ½ phi đạo, nên tôi phải dùng phương cách “Maximun Peformance Take Off" , và cất cánh lúc 04 giờ 25 phút sáng ngày 29/4/1975. Vừa rời khỏi phi đạo, lòng tôi rộn rã một niềm vui mừng khó tả, và cảm tạ ơn Trên cho tôi cơ hội cứu nguy cho mọi người trong Tân Sơn Nhứt. Sang tần số Paris (đài Kiểm Báo Sài Gòn) tôi báo:
- Paris! PL 51 vừa cất cánh một chiếc A1 với 10 trái MK 81. Xin nhận chỉ thị.
Đài Paris chưa kịp trả lời, tôi đã nghe:
- PL 51! Đây Tinh Long 06 (TL06), bạn đến Phú Lâm ngay! Chỗ có nhiều trái sáng. Bao lâu bạn tới?
- TL06! PL 51 mang 10 trái MK 81, sẽ có mặt trong 5 phút và request Random Attact! OK!

Khi lên tới Phú Lâm, tôi được Trung-úy Trần Văn Bảo, Trưởng Phi Cơ của chiếc AC-119K hướng dẫn oanh kích, mục tiêu là hai làn khói của hai giàn pháo 122 ly. Tôi rất ngạc nhiên, mục tiêu chỉ cách đài Radar Phú Lâm hơn 500 mét về hướng Tây. Nhờ lặng gió, nên hai làn khói này vẫn còn la đà trên mặt đất.
Lập tức, tôi vừa lao xuống vừa gọi:
- PL51 in hot và thả từng trái một!
Sau khi thả trái bom xuống mục tiêu thứ nhì, tôi ngưng lại và chờ đợi. Trong thời gian nầy, tôi nghe giọng Tướng Kỳ trong vô tuyến:
- Phi Long 51 trút hết bom đạn xuống target! Tối nay ghé nhà tôi nhậu!
Tôi hỏi lại:
- Giới chức vừa ra lệnh cho Phi Long 51, xin cho biết danh hiệu.
- Tôi Thần Phong 01, Thiếu Tướng Kỳ đây!
- Thần Phong 01! PL51 lên một mình với 10 trái bom 250 cân Anh, tôi có kinh nghiệm chống pháo kích. Thần Phong 01 an tâm. Tôi có thể ở đây thêm ba giờ nữa.

Khoảng 15 ; 20 phút sau, có lẽ bọn Cộng-phỉ nghĩ tôi đã hết bom, nên chúng bắt đầu pháo trở lại. Tôi nhìn thấy rõ nhiều giàn pháo, mỗi giàn 4 khẩu 122 ly, liên tục phóng lên. Liếc nhìn về hướng Tân Sơn Nhứt và Sài Gòn có nhiều quầng sáng nháng lên, tôi liền lao xuống thả bom và thầm gọi:
- Anh Phùng ơi! anh ở đâu, sao không lên tiếp tay với tôi? Một mình tôi làm không xuể đâu! Anh Phùng ơi!
Năm phút sau, khi định nhào xuống thả bom, tôi thấy có vài đám nổ dưới mục tiêu, tôi tưởng lầm là rocket của trực thăng võ trang bắn xuống, tôi liền cự nự Trung-úy Bảo:
- TL06! Bạn cho tôi đánh random attack, sao bạn lại cho gunship (trực thăng võ trang) vào “ăn có”? Nó bay cao độ thấp, lỡ tôi không thấy, nện ngay trên đầu nó, thì phiền lắm!
Anh Bảo liền cãi chánh:
- Không phải đâu PL51, tôi đã đuổi tụi nó qua bên Quốc Lộ 4 rồi. Để tôi quan sát kỹ lại.
Lúc đó có khoảng ba bốn chiếc trực thăng quây quần phía Đông Bắc Phú Lâm. Sắp nhào xuống thả bom lần kế tiếp, tôi lại thấy có ánh lửa nổ tung. Tiếng anh Bảo la lên:
- Ê ...PL 51! Tôi thấy có một chiếc dường như là A-1 vào đánh phụ với bạn đó! Chắc chắn không phải là gunship đâu!
Tôi liền nghĩ ngay tới anh Phùng, nên trả lời anh Bảo:
- TL06! chắc là Thiếu Tá Phùng! Có thể anh Phùng bị trục trặc về vô tuyến! Bạn an tâm, monkey see monkey do (thấy tôi thả bom ở đâu, anh ấy sẽ thả bom ở đó).
Nhờ sự yểm trợ hỏa châu của TL-06, chúng tôi dễ dàng “lượm” những giàn pháo, như lấy kẹo trong túi. Thanh toán xong các giàn pháo nầy, thì tôi cũng vừa hết bom.
- TL06, tất cả giàn pháo đã “clear" (bị hủy diệt sạch) tôi giao ở đây cho bạn, PL 51 để dành 800 viên 20ly, phòng thủ phi trường. Vì muốn biết người phụ tôi diệt pháo vừa rồi, có đúng là anh Phùng không? nên tôi sang tần số của Đài Sài Gòn:
- Saigon Tower! Đây PL51. Bạn cho biết: sau tôi còn có chiếc A1 nào cất cánh không?
Tôi được nghe trả lời:
- Tụi nó pháo quá, chúng tôi núp dưới hầm trú ẩn, vừa lên nên không biết gì hết bạn à!

Khoảng 5:25’ sáng tôi về tới Tân Sơn Nhứt, trời vẫn còn tối đen như mực, ngoại trừ những ánh đèn phi đạo và taxi way, còn có hai đám cháy: một đám ở bãi đậu A37 như đã nói ở trên, còn đám cháy thứ hai dù tôi đã đảo nhiều vòng, nhưng vẫn không nhận ra chính xác là nơi nào. Nhưng sau ít phút nhờ ánh sáng lờ mờ bập bùng còn lại của đám cháy, tôi vừa nhận ra là ở phía Nam của dinh Tướng Kỳ độ chừng trăm mét. Tự nhiên trán tôi rịn mồ hôi, tay run lẫy bẫy, tim đập dồn dập và ứ nghẽn lồng ngực muốn nghẹt thở, vì hình như đám cháy là ở khu cư xá C-7, nơi vợ con tôi tạm trú, miệng tôi không ngớt cầu nguyện: "Cầu xin ơn Trên che chở cho vợ con của con, và những người khác được bình yên". Ngay lúc đó, trong lòng lòng tôi bùng lên một cơn giận dữ & căm thù đám Cộng-phỉ trong trại Davis, nếu vợ con tôi có mệnh hệ nào, tôi thề sẽ thí mạng với bọn chúng! Mươi phút sau, tôi thấy chiếc TL07 cất cánh lên, để thay thế chiếc TL06 về đáp. Tôi tiếp tục bao vùng trên không phận Tân Sơn Nhứt, cho đến khi bình minh có ánh sáng lờ mờ, tôi nhận ra đám cháy chính là cư xá Nữ Quân Nhân. Tôi nóng lòng muốn đáp xuống, nhưng chưa có phi tuần nào lên thay thế. Vài phút sau, tôi nhìn sang cánh phải: thấy có một chiếc AD-5 còn treo hai trái bom cứ bám sát theo phi cơ của mình. Tôi sang tần số, gọi đài Saigon Tower một lần nữa, để xác định chiếc AD-5: “có phải là của anh Phùng không”.

Câu trả lời vẫn là “Không biết”. Vừa lúc đó, “anh bạn dễ ghét” như muốn chơi trò trốn tìm “ú tim” với tôi, nên anh ấy cho phi cơ hết lòn sang trái lại chui qua phải. Tôi bất ngờ cắt bán kính, quẹo vòng thật gắt định ra sau chiếc phi cơ nầy. Nhưng anh bạn “dễ ghét” là một cao thủ tuyệt đỉnh, lúc nào anh cũng bám riết theo sau, khi sang trái, khi sang phải, cố ý trêu đùa tôi. Nếu là dog fight (không chiến) thì tôi bị tay lão luyện nầy “dớt rụng càng” rồi!

Trên tần số Paris, tôi nghe giọng của Thiếu-tá Hồ Ngọc Ấn Phi Đoàn Phượng Hoàng 514 liên lạc với TL07, cho biết: “phi tuần hai chiếc A1 của anh đang ở Long An, trên đường tiến về Sài Gòn. Đại-uý Nguyễn Tiến Thuỵ bay chiếc số 2. Khoảng mười phút sau, Trung-uý Trang Văn Thành, Trưởng Phi-cơ của TL07 gọi trên tần số:
- Phượng Hoàng 11, tôi nghi ngờ có một toán đặc công độ năm bảy tên, định cắt hàng rào kẽm gai phía Bắc phi trường, chỗ miếng đất trống hình tam giác ở An Nhơn. Bạn cho một trái ngoài hàng rào, đánh trục Đông sang Tây. Tôi giữ cao độ 5.000.

Vì biết phi tuần anh Ấn chưa đến nơi, nếu cần thiết tôi có thể dùng bốn cây đại bác 20 ly bắn dọc theo vòng rào. Tôi bay tới đó, mặt trời vừa ló dạng, trời tỏ hơn nhưng ở độ cao 4.000 bộ, nên tôi không thấy gì cả. Thình lình anh Phùng lao xuống thả một trái bom. Thì có tiếng anh Thành hốt hoảng la lên:
- Số 1 thả bom “như để “. Số 2 đánh dài hơn vài mươi thước.
Trái thứ nhì rơi dài hơn năm chục thước. Anh Thành hoảng hốt:
- Phượng Hoàng 11... Hold Highride (ngưng thả bom). Số 2 của bạn đánh gần nhà dân quá!
Thiếu tá Ấn liền lên tiếng:
- TL07! Ai khác đánh đó, chớ không phải Phượng Hoàng 11! Tôi chỉ mới tới Bến Lức, làm sao thả bom ở đó được!
Thì ra anh Thành lầm lẫn phi tuần của tôi- là phi tuần anh Ấn. Tôi vội lên tiếng:
- TL07! Đây PL 51. Đó là Phi Long 52 (chiếc số 2 của PL51) nó hư vô tuyến, chỉ còn hai trái, vừa thả hết rồi. Còn tôi đã “Empty” (hết bom).
Nhận ra tiếng của tôi, Đại-uý Thụy (người bạn cố tri cùng PĐ Thái Dương 530 với tôi ở Pleiku) gọi tôi:
- Ê Phúc! Mày về Cần Thơ đi, đáp ở đó (TSN) nguy hiểm lắm!
Nhìn đồng hồ xăng có 800 lbs, vừa đủ để bay đi Cần Thơ, nhưng tôi đã có quyết định đáp Tân Sơn Nhứt từ trước, nên trả lời:
- Vợ con tao còn kẹt lại đây, giá nào cũng phải đáp TSN. Tình hình ở đây chưa đến nỗi nào đâu.
Đột nhiên anh Phùng gọi tôi:
- Ê ...PL51, đi Cần Thơ nha! Bay với mi gần ba tiếng, chừ mới liên lạc được một xí. Tao nghe được, nhưng bị câm. Bực mình quá!
Tôi vội bấm máy trả lời:
- Không! Tôi chỉ còn 600 pounds xăng, vả lại vợ con tôi kẹt ở đây. Anh đi Cần Thơ một mình trước nghen!
Lúc bấy giờ TL07 đang bay 5.000 bộ, nên anh Thành muốn xuống thấp, để dễ quan sát, và nhìn thấy rõ hơn, nên anh báo cho chúng tôi biết:
- PL51! TL07 xuống cao độ, để nhìn rõ hơn. Tôi không muốn đánh lầm vào nhà dân, tội họ lắm!
Không ngờ mấy phút sau, khi chúng tôi bay trên Lăng Cha Cả, ở cao độ 1.500 bộ, anh Phùng gọi tôi:
- Ê một! Mình đáp xuống Tân Sơn Nhứt đi!
Lo ngại vô tuyến bất thường của anh còn hư, nên tôi nhường cho anh Phùng đáp trước. Nhưng trước khi Touch Down (chạm bánh), anh Phùng lại gọi tôi:
- Một! Mi đáp trước đi, tao Go Around (bay lên lại). Mi chờ ít phút, tao về chở mi vô!
Nóng lòng vì vợ con ở kế bên đám cháy (cư xá Nữ Quân Nhân) nên tôi không bay theo anh Phùng như thông lệ. Tôi tiếp tục vào Final (cận tiến), thì Sài Gòn Tower báo cho chúng tôi:
- PL51, có SA7 bắn lên. Tôi thấy mấy cục lửa bằng cườm tay bay lên!
Vì tôi đã chứng kiến SA-7 bắn ở Kiến Đức vào cuối năm 1973, nên tôi có ý nghi ngờ:
- Saigon Tower, SA-7 bắn lên lúc đầu, là một vùng lửa to màu cam, sau đó đổi sang màu trắng xanh, và bay lên rất nhanh. Bạn quan sát kỹ chưa"?
Anh bạn nầy có vẻ bất bình trả lời:
- PL51, tôi báo cho bạn biết, mà bạn không tin, nếu bị bắn, bạn ráng chịu nha!
Tự nhiên tôi nhớ đến Trung-tá Phạm Văn Thặng Fulro khi ông "xỉn", ông thường ngâm nga... Nên tôi nghêu ngao trên tần số:
- Làm sao giết được người trong mộng …1 …2 …3…touch down!

Di chuyển về bãi đậu lúc 6 giờ 55 phút, các anh em phi đạo reo mừng, công kênh tôi như đón một một vị cứu tinh! Rồi chúng tôi cùng nhau theo dõi chiếc TL07 đang nghiêng cánh trái ở cao độ chừng vài ngàn bộ, và xạ kích xuống mục tiêu. Từng tràng đại bác 20 ly (Minigun 6 nòng) nã xuống như mưa, tiếng kêu như bò rống. Tôi trấn an các anh em:
- Target đó ở ngoài vòng rào, chỉ là tình nghi thôi! Ông Trung-uý Thành muốn biểu diễn cho mọi người coi chơi, cho vui vậy mà!

Tôi vừa dứt lời, thì đột nhiên chiếc TL07 trúng hoả tiễn tầm nhiệt SA-7, đuôi phải gãy lìa. Có một vật màu đen đen rớt xuống(*), động cơ bên phải phát hoả, nổ tung, cánh phải gãy xuống, đồng thời phòng lái bốc cháy. Phi cơ ngoặc đầu qua trái, lao xuống rơi vào spin (xoay tròn như bông vụ). Tất cả mọi người xung quanh tôi đều hoảng hốt hét lớn:
- Nhảy dù đi…
- Nhảy dù…
- Nhảy dù nhanh lên…

Nhưng quá trễ, tôi không thấy cánh dù nào kịp bung ra, chiếc phi cơ đã cắm phụp đầu xoáy xuống đất rất nhanh. Những cột khói đen lửa đỏ cuồn cuộn bốc phụt lên cao hàng trăm mét. Ối Trời ơi! Toàn bộ phi hành đoàn đều hy sinh. Tất cả anh em chúng tôi bàng hoàng sửng sốt, đứng chết lặng, mà nước mắt tự dưng tuôn trào. Một lúc sau, mọi người cúi gục đầu lặng lẽ trở về làm nhiệm vụ của mình. Từ giờ phút nầy phi trường TSN thật sự không còn an toàn nữa, vì sự xuất hiện của SA-7 ; khắc tinh của tất cả các loại máy bay.

Riêng tôi, ngồi bệt xuống bãi cỏ bên lề phi đạo, mắt vẫn hướng về những cột khói đen bốc lên cao, như anh linh của Phi Hành Đoàn TL07 đang siêu thoát. Tôi hy vọng Thiếu-Tá Trương Phùng bay đi Cần Thơ, tuy nhiên tôi vẫn có ý trông đợi anh Phùng trở về. Tôi chờ mãi, chờ mãi... tới khi anh tài xế xe bồn tiếp xăng giục tôi lên xe, để trở vô biệt đội khu trục. Trong lòng tôi thầm nghĩ:
- Đúng rồi, anh Phùng nên bay đi Cần Thơ là hợp lý nhất!

Sau 9:30’ giờ sáng ngày 29/4/75 bọn chúng bắt đầu nã đì đùng bằng đại pháo 130 ly, đặt ở Nhơn Trạch gần Thành Tuy Hạ - Cát Lái. Nhưng lúc bấy giờ không ai thèm màng tới việc diệt pháo nhỏ giọt vào Tân Sơn Nhứt nữa. Trong phi trường thỉnh thoảng đạn 130 rơi rớt đâu đó, may mắn sao không trúng tôi (ha ha ha...). Cả căn cứ Tân Sơn Nhứt không một bóng người, bầu trời vô cùng u ám, một phần vì thời tiết chuyển mưa, một phần vì những làn khói đen lan toả la đà từ chiếc TL-07 đang bốc cháy. Tôi có cảm tưởng như mình lạc vào trong bãi tha ma lúc hoàng hôn. Sau khi Quân Cảnh không cho tôi ra cổng (Phi Long), không được nói một lời gì với vợ con (họ theo gia đình Vân về nhà). Tôi trở vào Trung Tâm Hành Quân Không Quân chờ lịnh. Nữa giờ sau, tôi định đi ra ngoài bằng cổng trại Hoàng Hoa Thám; nhưng khi đến cuối sân banh, tôi gặp ba anh Thiếu-tá: Sơn, Bản, Liêu , PĐ 530, họ đang chạy ngược chiều và kêu tôi:
- Ê Phúc! được lệnh đi Cần Thơ. Nhanh lên.

Tôi chạy theo họ ra bãi đậu, chiếc AD-5 của Thiếu-tá Hồ Văn Hiển PĐ 514 đang chờ. Tôi là hành khách bất ngờ bất đắt dĩ và cuối cùng thứ 20. Chúng tôi rời Tân Sơn Nhứt lúc 11 giờ trưa. Lúc bấy giờ trong Tân Sơn Nhứt có lẽ không còn phi cơ nữa (sau khi yểm trợ quân bạn ở Bến Cát xong, trên đường về Cần Thơ Thiếu-tá Hiển đáp xuống, để rước chúng tôi).
Khi đến Cần Thơ, tôi vội vã đi tìm anh Trương Phùng khắp nơi. Nhưng tôi tìm hoài không thấy anh Phùng đâu cả!
* * *

Ghi chú thêm: trước 30/4/1975 và sau... 2010:

*.-Thiếu-tá Không-quân Hồ Ngọc Ấn Phi-đoàn Phượng Hoàng 514 (hiện ở Dallas).
*- Đại-uý Không–quân Nguyễn Tiến Thuỵ bay chiếc số 2, hiện ở Houston.
*- Đại-úy Không-quân Trần Văn Phúc (Phi-tuần Trưởng PT Khu-trục Phi-Long 51) hiện ở Cali.

*1.- Trên không phận Sài Gòn lúc bấy giờ (29/04/75) chỉ có 3 chiếc phi cơ là: TL-07, phi cơ anh Phùng và phi cơ của Phúc. Phần TL 07 chỉ xuất hiện sau 6 giờ sáng. Phi tuần hai chiếc A-1: của Thiếu-tá Ấn & Đại–úy Thụy thì trên đường đang về Sài Gòn.

*2.- Có lẽ vì sợ SA-7 nên ông Đại Sứ Martin phải nói dối trước Quốc Hội Mỹ là: “Hai phi đạo bị trúng pháo kích, hư hại nặng nề, và ông ta ra lịnh di tản người Mỹ bằng trực thăng” ?

*3.- ... đột nhiên chiếc TL07 trúng hoả tiễn tầm nhiệt SA-7, đuôi phải gãy lìa. Có một vật màu đen đen rớt xuống(*)... Mãi đến năm 2010, khi vừa mới cải táng cho PHĐ TL07 xong, chúng tôi mới liên lạc được với Th/Sĩ I Nguyễn Văn Chín, tự “Chín Dơi“, Gunner của TL07, là người duy nhất nhảy dù ra sống sót, anh chính là “vật” (hi hi hi) màu đen rơi xuống từ chiếc TL 07, mà anh em còn ở trong phi trường TSN đều thấy.

*4.- Vì Phi Hành Đoàn TL07 có rất nhiều người tình nguyện đi bay trong lúc khẩn cấp, nên hầu hết nhân viên trong PHĐ không ghi đúng tên trong phi lệnh. Tôi chỉ biết có: Trung-uý Trang Văn Thành (Trưởng phi cơ), xuất thân từ Thiếu Sinh Quân, nhập ngũ ngày 12/9/1967 khoá 68A TTHLKQ Nha Trang. Anh Thành là cháu rể của Cố Thiếu-Tướng Võ Xuân Lành, TLP KQ. Anh Thành có hai biệt danh: ở quân trường Nha Trang anh có tên “Thành Thụt”, vì đôi mắt sâu thẳm, tánh tình anh rất cương trực, hăng say, năng nổ trong mọi công việc. Khi về PĐ C119 anh Thành có thêm một biệt danh là: “Thành Kampuchia” (vì màu da ngâm ngâm của anh).
Đêm 28/4/75 anh Trung uý Trang Văn Thành tình nguyện bay thêm phi vụ Extra TL 07, mặc dù trước đó anh đã bay phi vụ TL01 hồi đầu hôm rồi. - Trung uý Tào Thuận, hoa tiêu phụ. - Thiếu uý Phạm Tấn Đức. Họ vĩnh viễn ra đi... nhưng để lại sự thương tiếc kính phục vô cùng của hàng vạn người trong và ngoài Tân Sơn Nhứt.

*5.-Sau ba năm ba tháng phục vụ trong PĐ Thái Dương 530 – Pleiku trấn thủ Cao Nguyên, tháng 4 năm 1974 tôi trở lại Biên Hoà, được đưa về PĐ Phượng Hoàng 518, KĐ 23 Chiến Thuật, SĐ3KQ. Sau đó tôi thường đi biệt phái ở Biệt Đội Khu Trục tại Tân Sơn Nhứt, cho đến tháng 9 năm 1974, tất cả phi cơ A1 bị “đình động” (vì uống xăng?). Vì vậy thời gian quen biết, chuyện trò cùng Thiếu-tá Trương Phùng không nhiều. Tôi chỉ nhớ: Thiếu-tá Trương Phùng sanh năm 1943 tại Thừa Thiên, anh gia nhập Không Quân vào đầu năm 1964, khóa 64B SVSQKQ Nha Trang, tốt nghiệp khóa L- 5 Quan-sát. Sau đó anh được tuyển chọn xuyên huấn T28 và A-1 Skyraider tại Hoa Kỳ. Trở về nước, anh phục vụ tại Phi Đoàn 110 Quan Sát. Sau cùng là Phi Đoàn 518 Phi Long - Khu Trục A-1, KĐ 23CT, SĐ3 KQ Biên Hòa. Anh Phùng là mẫu người hùng KQ từng tham dự hầu hết các chiến trường khắp bốn vùng chiến thuật, là người hùng diệt 15 xe tăng cộng quân trong hai tuần lễ, vào đầu tháng 4 năm 72 ở Quảng Trị. Anh là một người đầy nhiệt huyết, không bao giờ từ chối bất cứ một phi vụ nào, dù nguy hiểm. Anh là một Phi -tuần-trưởng Sĩ-quan gương mẫu, lấy phương châm: Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm lên hàng đầu. Tuy nhiên tôi được hân hạnh cùng bay chung với anh hai lần:

- Lần đầu tiên: (Phi vụ Trời giúp!?) Vào tháng 8/1974, khi CSBV vi phạm Hiệp Định Ba Lê, chúng pháo kích vào phi trường Biên Hòa, để trả đũa hành động nầy, Đại Tá Hoàng Thanh Nhã, KĐT KĐ23CT, SĐ III KQ chỉ thị hai phi tuần, mỗi phi tuần hai chiếc Khu Trục A-1 Skyraider, mỗi chiếc mang 6 trái bom CBU-25, thi hành một nhiệm vụ đặc biệt là oanh tạc Tổng Hành Dinh của MTGPMN ở đồn điền cao su, gần Lộc Ninh. Phi tuần số 1 do Thiếu-tá Phùng và Trung-uý Đinh văn Đức. Phi tuần thứ hai do tôi (Đại úy Trần Văn Phúc) và Trung-uý Nguyễn Tứ Đức.

(Bom CBU - 25 là loại bom dùng để chống chiến thuật biển người, phá giao thông hào, mỗi trái cân nặng 500 cân Anh (lbs), gồm bảy ống thẳng, dài độ 4 mét, buộc lại thành một khối tam giác, mỗi ống chứa 25 quả bom nhỏ, như trái lựu đạn, có loại nổ trên mặt đất, có loại nổ chậm. Muốn đạt hiệu quả tối đa, nên thả bom nầy theo cách Skip bom, nghĩa là bay thật thấp, các trái bom nhỏ nầy được phóng xuống đất. Nếu thả bom từ trên cao thì không thể nào chính xác, càng cao các quả bom nhỏ nầy càng rải rộng ra, nếu thêm sức gió, có thể thổi bay đi xa cách mục tiêu hàng ngàn mét. Để bảo vệ vùng trời Lộc Ninh, nơi bọn CSBV trá hình MTGPMN, đặt Bộ Tổng Hành Dinh, ngoài hoả tiễn tầm nhiệt SA-7, bọn CSBV còn bố trí rất nhiều khẩu đại bác phòng không 37 ly, hay 57 ly, điều khiển bằng radar. Nếu bay dưới 11 ngàn bộ, chúng tôi sẽ trở thành những “target sống” để bọn Cộng-phỉ tha hồ thực tập tác xạ. Vì vậy sau khi thảo luận, và đồng ý chọn lối đánh mạo hiểm nhất (nhưng an toàn nhất), chúng tôi xin Đại-Tá Nhã:
- Đại-Tá ra lịnh chúng tôi đi dội bom ở đó, thì xin Đại-tá cho phép chúng tôi được chọn cao độ bay. Nếu như bay cao 12 hay 13 ngàn bộ, để tránh phòng không, thì thả bom không thể nào chính xác được, coi như không. Vì vậy chúng tôi xin chọn lối đánh "Truy-kích".
Ông đồng ý và nhấn mạnh thêm về tầm nguy hiểm:
- Nếu có ai gặp phải bất trắc, các bạn chịu khó trốn tránh qua đêm, cho đến sáng mai, mới có phi vụ rescue, còn các bạn khác lập tức bay về đáp, không được ở lại cover.

Vì tầm quan trọng của phi vụ nầy, là cảnh cáo cho bọn Cộng-phỉ biết: Không có bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà là bất khả xâm phạm đối với Không Lực Việt Nam Cộng Hoà. Quân Đội VNCH sẵn sàng trả đũa những vi phạm hiệp định Ba lê của chúng. Sau cơm trưa sớm hơn thường lệ (11 giờ), chúng tôi bắt đầu nghiên cứu những tấm không ảnh (chụp những cơ sở nguỵ trang dưới hàng cây cao su) và thảo kế hoạch, tính toán giờ giấc, hướng bay một cách rất cẩn thận từng chặn đường. Để giảm thiểu sự nguy hiểm cho phi tuần thứ nhì (bay sau) của tôi, Thiếu-tá Phùng đề nghị nhập hai phi tuần lại thành một hợp đoàn bốn chiếc; dùng chiến thuật truy kích, với yếu tố bất ngờ, chớp nhoáng, bay lướt trên ngọn cây.

Khi bọn chúng thấy, thì chúng tôi đã bay mất rồi, không kịp bắn chúng tôi. Với lối bay nầy, đòi hỏi người Leader phải có một khả năng, kinh nghiệm, bình tĩnh, sáng suốt, cũng như gan dạ, vì thỉnh thoảng một mình anh Phùng (Leader) phải “trồi lên lặn xuống” năm, ba trăm bộ, để nhận dạng những "check point" (điểm chuẩn) để tránh bay lạc. Anh Phùng phân chia nhiệm vụ cho từng người, lập lại nhiều lần là: "mỗi chiếc phi cơ chỉ thả một lần, và chiếc kế nối tiếp với nhau".

Theo phi lịnh, chúng tôi cất cánh đúng 2 giờ trưa, nhưng bắt đầu 1 giờ. Bỗng dưng trời mưa như trút nước (có thể ông trời giúp chúng tôi?) tưởng chừng như phi vụ bị huỷ bỏ, cho đến sau 5 giờ chiều cơn mưa tạnh hẳn. Chúng tôi được lịnh cất cánh khẩn cấp, anh Phùng nhắc lại:
- Phi vụ của chúng ta rất quan trọng, rất nguy hiểm, nhưng tôi (anh Phùng) tin tưởng vào chiến thuật mình đã thảo ra. Như các bạn đã biết tụi mình không bay thẳng tới đó, mà mình bay vòng về hướng Bắc. Các bạn bớt căng thẳng đi! Có thể ông trời đã giúp mình hôm nay, nên đổ mưa mấy tiếng đồng hồ, vì vậy khi mình tới target mặt trời cũng sắp lặn, bảo đảm tụi nó không ngờ mình tới đâu! Chắc chắn mình phải bay đêm, các bạn cẩn thận coi lại tất cả các đèn phi cụ.

Như trong phi trình đã hoạch định, chúng tôi “joint up” ở 2.000 bộ với hợp đoàn chiến đấu (Tactical Formation), tất cả phi cơ bay bên cánh phải của anh Phùng, lấy Lai Khê làm điểm xuất phát, bay thật thấp về hướng Bắc, bên phải Quốc Lộ 13, qua khỏi Tống Lê Chân 5 dặm, thì đổi sang hướng Tây. Như dự đoán, chúng tôi bắt đầu lướt trên nhiều ổ phòng không. Nhìn xuống, chúng tôi thấy từng cụm năm ba tên Cộng-phỉ cố quay vòng những họng súng, để bắn vói theo phi cơ chúng tôi. Tôi gặp ít nhất năm khẩu phòng không trên đoạn đường dài chừng 20 dặm nầy. Khi thấy Lộc Ninh bên phải và nhận định mục tiêu, anh Phùng ra lịnh:
- Tất cả Phi Long coi lại Mills (độ của máy ngắm) lên cao độ 1.500 bộ, target 1 dặm, hướng 10 giờ (quẹo trái về hướng Nam, để thả bom vào bên hông địch).

Lần lượt: "số 1 Rolling Hot”, rồi số 2. Số 3 và số 4 Rolling Hot trong ánh sáng vàng nhạt cuối cùng trong ngày. Chúng tôi đã vượt qua rất nhiều hàng rào phòng không dày đặc, trên đường đi ngay cả đường về, rất nhiều lần chúng tôi lướt trên những ổ cao xạ, nhìn thấy bọn chúng quay vòng những họng súng để bắn vói theo (quá trể rồi! lúc đó chúng tôi đã khuất dạng). Khi chúng tôi bay về gần tới Tây Ninh, thì trời đã tối hẳn. Nhờ vào sự can đảm phi thường, nhờ sự thông thạo địa hình và đầy kinh nghiệm của Thiếu-tá Phùng, chúng tôi đã hoàn thành sứ mạng và an toàn về đáp lúc 8 giờ tối. Cám ơn ông trời đã ban cho chúng tôi một cơn mưa, giúp chúng tôi hoàn thành phi vụ một cách tốt đẹp. Khi đáp xong, tôi ghi nhận thêm: Thiếu-tá Phùng thà ngậm đèn bấm soi sáng những phi cụ để bay, nhưng nhứt định không chịu hủy bỏ phi vụ; dù rằng trong phiên họp buổi trưa Đại-Tá Nhã đã lưu ý hai lần:
- Nếu có gì bất trắc các bạn rán chịu đựng qua đêm, sáng mai mới có trực thăng rescue.
Anh Phùng cười rằng:
- Mấy chuyện lẻ tẻ làm sao làm khó dễ tao được. Ngày mai tụi mình đi gặp Đại-tá Nhã, xin ông cho tụi mình bay lên đó, diệt phòng không, ít nhất mình cũng “lượm” hàng tá cao xạ 37, hay 57 ly. Đứa nào bay với tao, thì theo tao tới câu lạc bộ Trần Thế Vinh???

- Lần thứ hai
*6.- Để nhớ ơn người anh hùng vị quốc vong thân: cố Thiếu-Tá Không-quân Trương Phùng, có nhiều thân hữu, quân dân, góp sức truy tìm tung tích anh Phùng. Sau bao năm lặn lội tìm kiếm... Trong cơ duyên nhờ anh linh của cố Thiếu-tá Trương Phùng dẫn dắt, ngày 2 tháng 12 năm 2008, cựu KQ Nguyễn Toại Chí đã mang hài cốt Thiếu-Tá Không-quân Trương Phùng (vùi sâu dưới 5 thước đất, gần cầu Bình Điền, Long An; trở về với gia đình). Hài cốt của cố Thiếu-tá Trương Phùng được hoả táng, và đem về thờ phượng tại chùa Bữu Quang. Theo nhân chứng là cụ H. (cụ còn ở Việt Nam, 90 tuổi, xin tạm dấu tên) kể rõ rằng: “Động cơ của chiếc máy bay bị ra khói, buộc lòng anh Phùng phải đáp khẩn cấp xuống ruộng, gần cầu Bình Điền. Anh Phùng bị bắt khoảng 7 giờ sáng ngày 29/4/74. Ngay tối hôm đó bọn Cộng-phỉ khát máu đã hành quyết anh Phùng cạnh giao thông hào”.

*7.- Cũng sau nhiều năm tháng vất vã ngược xuôi tìm kiếm, ngày 21-7- 2010 có một nhóm thân hữu Dân Quân Chánh, gia đình Thiếu-uý Phạm Tấn Đức, cùng cựu Không-quân Nguyễn Toại Chí đã tìm được nhiều hài cốt của PHĐ 07 , trong vòng đai của căn cứ Tân Sơn Nhứt. Họ đã mang hài cốt qúy vị ấy về an vị tại nghĩa trang An Khánh - Thủ Thiêm. (KQ NTC phụ trang).

. . . *8.- Cư xá Nữ Quân Nhân ở kế bên chưa đầy mươi mét, đã biến thành tro. Tôi (Phúc) vội vã lái xe Honda phóng nhanh trở về cư xá C-7 thăm vợ con. Vào phòng cư xá C-7 thì không thấy ai, hoảng hốt tôi đi vòng theo sidewalk để tới hầm trú pháo. Vô cùng may mắn khi tôi thấy một trái 122 ly không nổ đã cắm sâu xuống nền ciment, cách phòng của vợ con tôi chừng ba thước, (nơi đó vợ con tôi & gia đình Trung-uý Phạm Trung Vân PĐ C7- 431; là em rễ vợ tôi). Trước kia tôi thấy cái hầm nầy đã bỏ hoang lâu năm, bên trên chỉ có vài lớp bao cát mục nát, tôi nghĩ chúng tôi không nên ở lâu, vả lại tôi không quen “đường sá” trong khu Tân Sơn Nhứt. Vì vậy bất đắt dĩ tôi phải dời gia đình qua dinh Tướng Kỳ lánh tạm, dù sao ở đó cũng kiên cố hơn... Tôi chứng kiến chiếc trực thăng đáp xuống (khoảng sau 9 giờ sáng) Trưởng phi cơ là Thiếu-tá Quí, anh em Trung-tá Nguyễn Quốc Hưng & Trung-tá Nguyễn Quốc Thành, mỗi người cầm một cây M16. Tướng Kỳ vào nhà, ông cứ đi ra đi vô phòng làm việc nhiều lần. Khi ông bước ngang chỗ tôi đứng, tôi mạo muội hỏi:
- Thưa Thiếu Tướng, Thiếu-Tướng định làm gì bây giờ?
Ý của tôi hỏi Tướng Kỳ là tôi muốn biết có di tản về Cần Thơ, (như lời ông kêu gọi tại đây đêm 25/4/75) là: “cần đánh một trận oai hùng cuối cùng”? Chẳng biết ông có nhận ra tôi hay không, ông lắc đầu than:
- Anh em đã bỏ đi hết rồi, lấy ai mà đánh hở?!
Tôi đồng ý với Tướng Kỳ về việc nầy, vì sau khi tôi đáp xuống Tân Sơn Nhứt chừng 20 phút, tôi nghe rất nhiều tiếng phi cơ đủ loại ào ào cất cánh bay lên... Khoảng 9 giờ 30 phút Tướng Kỳ từ phòng làm việc bước ra, khi đi ngang tôi, Tướng Kỳ nói:
- Mỹ đã từ chối cho tôi (Tướng Kỳ) một chiếc C-141. Nhờ cậu thông báo các thân hữu của tôi tự tìm đường thoát thân sang DAO, hay xuống bến Bạch Đằng. Bây giờ tôi đi rước Tướng Trưởng bên Tổng Tham Mưu.
Tướng Kỳ lên máy bay, tôi liền đi chuyển lời của ông cho một số người ở trong nhà nầy, lúc bấy giờ tôi mới biết: có hàng trăm người khác đang “tá túc” trên lầu, trong số đó có cựu Dân Biểu Nguyễn Văn Cử. Điều may mắn là mọi người đã thoát khỏi nguy hiểm, dù có rất nhiều trái pháo rơi xung quanh
dinh, nhưng không quả nào lọt vô dinh Tướng Kỳ.
* * *

Tình Hoài Hương chân thành cám ơn Đại úy Không Quân Trần Văn Phúc {(Phi-tuần Trưởng PT Khu-trục Phi-Long 51) - và quý vị Không-quân có ghi tên trong bài viết)} đã cho tôi mạn phép chuyển tải sự thật về ngày 28 & 29 tháng Tư năm 1975 : trung thực, chính xác, nóng bỏng, & vô cùng đen tối hắc ám của lịch sử Việt Nam.

Tinh Hoai Huong
05-19-2015, 08:00 AM
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/a.linh 54 vac embe_1432022092.jpg
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/EmToi le trach luu_1432022179.mp3
Đại Úy Dược Sĩ Gary Carter


Sau khi học xong khóa huấn luyện căn bản về Kế Toán, thì Hoa được chuyển vô làm tại 3rd Maf Marine Co Head Quarters, trực thuộc Bộ Tư Lịnh Sư Đoàn Hai (đóng tại Sơn Trà, Đà Nẵng), dưới quyền kiểm soát của Đại Úy Gary Carter. Trong phòng làm việc rộng rãi sạch sẽ có máy điều hòa không khí luôn mát lạnh dễ chịu, họ kê cho Hoa một cái bàn riêng, cách xa bàn của “ông chủ” Gary không bao xa.

Thoạt nhìn vô những con chữ chằn chịt và những con số chi chít, đầy nhóc luôn nhảy múa, khiến mình hoa mắt. Hoa cảm thấy lạnh toát cả người, choáng váng và xây xẩm mặt mày. À thì ra “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Thiệt tình là Hoa lo lắng, bần thần, lúng túng, loay hoay cả buổi, vẫn không làm nên trò trống gì, muốn xỉu. Học hành về môn lý thuyết thì khác hẳn so với sự thực tập & thực hành! Đúng là “học” một nơi “hành” một nẽo!

Ngày nào cũng vậy, khi trình văn bản đánh máy kế toán cho Gary duyệt lại, Hoa đều bị anh chàng “khó tính khó nết” nhăn mặt nhíu mày, anh ta bực bội vất trả lại những bản trình ký, bắt Hoa sửa lui sửa tới. Hoa tức và nghẹn ngào ứa nước mắt, thiệt muốn điên đầu, mất mặt, xấu hổ, mà im thin thít, không thể khóc! Lỗi tại tôi mọi đàng, chứ ai dám bảo Gary là người đẹp trai ấy cũng thân thiện dễ mến đâu nào!

Dạo nầy, do Hoa thường xuyên tiếp-xúc dạn dĩ nói chuyện với người Mỹ, nếu Hoa nói sai, thì những quân nhân Mỹ ôn tồn tận tình chỉ dạy, và ngày đêm Hoa siêng năng chăm chỉ trau dồi học tập, nên vốn liếng sinh ngữ của Hoa đã kha khá. Tuy thế, luôn luôn ở trong xách tay của Hoa có quyển tự điển song ngữ Anh-Việt và Việt-Anh dày cộm. Những lúc gấp gáp, bắt buộc Hoa quơ hai tay lên trời, để chỉ chỏ diễn tả về một tư tưởng, một chuyện gì đó, mà người nghe vẫn chưa hiểu ý, coi thiệt ngu ngơ và ngố ngáo! Bí quá, Hoa và những anh chàng lính Mỹ hoặc Gary chụm đầu lại lật tự điển ra, để tra cứu.

Khi đã thấu hiểu tư tưởng về nhau muốn truyền đạt rồi, Gary nắm bàn tay giơ ngón cái lên trời và giật mạnh xuống, hoặc đưa bàn tay mình ra đánh vô bàn tay Hoa kêu cái bốp. Thế là họ sung sướng ngửa cổ lên trời cười ha hả. Nhờ thế, Hoa cảm thấy Gary dễ thương, Gary cùng Hoa đã dễ dàng thông cảm và thấu hiểu về nhau, thân thiện hơn.

Một hôm, Hoa mặc bộ áo dài trắng đi làm việc như thường lệ, Hoa ngồi vô bàn cắm cúi soạn hồ sơ, bất chợt Gary vẫy gọi Hoa đến bàn làm việc của anh, (để dặn dò, chỉ bảo, hay đùng đùng la mắng gì đây). Không rõ! Mặc dù Gary nhìn Hoa đăm đăm, lớn giọng gọi Hoa thêm mấy lần, Hoa vẫn ngồi lỳ! Gary là người cương quyết, tận tâm, và trực tính, anh thấy thái độ ngang bướng, cứng đầu khi Hoa ngồi ù lỳ một chỗ, Gary coi bộ dạng cô nàng ngỗ ngược sao đâu, anh tức mình bực bội hơn.

Gary đứng dậy bước nhanh tới bên Hoa, mùi dầu thơm và mùi đàn ông phảng phất tỏa ra nhè nhẹ bay sang Hoa, khiến cô bé biết là Gary đã đứng rất gần sát sau lưng mình. Gary dùng hai bàn tay rắn chắc thò vô nách xốc đứng Hoa bật dậy. Gary thấy vệt máu tươi thấm ướt chiếc ghế nệm. Gary hốt hoảng, luôn miệng thốt ra câu:
- Anh xin lỗi, xin lỗi lần nữa. Hãy chờ chút.

Gary nhẹ nhàng ấn Hoa ngồi xuống chỗ cũ, anh liền hạ giọng ngọt ngào lựa lời dịu dàng an ủi vỗ về Hoa, rồi Gary vội vã chạy đi lấy một chiếc khăn tắm to, đem đến, Gary lịch sự xin phép quấn chiếc khăn lông quanh hết cả người Hoa, và Gary ân cần ôm bờ vai nhỏ dìu Hoa ra xe jeep, Gary chở Hoa đi về nhà nàng. Ấy là ngày Hoa sung sướng đã lãnh tháng lương thư ký đánh máy đầu tiên rất lịch sử, nhưng đáng ghi nhớ vễ diễn biến sượng sùng, bẽn lẽn, mắc cỡ, xấu hổ khiến Hoa muốn độn thổ và ngượng chín người ấy!

Tiền lương thư ký Hoa mang về đưa hết cho mạ lo gia đình các em. Hoa không bao giờ quên chiều thứ sáu tháng 9 năm 1966, Hoa lãnh tháng lương đầu tiên đựng trong phong bì là 2.500 đồng! Ôi! thật to kinh khủng & vĩ đại, số tiền lương nầy lớn hơn lương bốn tháng của cha, nhiều hơn sáu năm lương Hoa “đi ở đợ” thuở trước. Cả nhà tối hôm đó ai ai cũng vui mừng rạng rỡ, cuống quít, tưởng rằng mình nằm mơ, tội nghiệp mạ khá mừng rỡ, nên suốt đêm nằm bên con trằn trọc hoài, mạ không làm sao ngủ được chút xíu nào.

Nghỉ ngơi ngày thứ Bảy, ngày Chủ Nhật qua sáng thứ Hai chuẩn bị đi làm lại, thì… Hoa cảm thấy áy náy, e dè, bẽn lẽn, ngại ngùng làm sao, khi phải đối diện với “ông chủ Gary”. Con gái mà vô ý vô tứ, vô tâm không nhớ, chẳng biết chuẩn bị cho “lần trồi lúc trụt” về cái “ngày bị ấy” mới ra nông nỗi. Cô giả vờ bình tĩnh, bình thường, nhưng thật ra trong lòng Hoa dậy sóng!
Hoa đang lúi húi soạn hồ sơ trong tủ sắt, thì Gary đến sau lưng nàng, ạm nói nhỏ:
- Mỗi ngày đến giờ ăn trưa, và sau giờ làm việc, em ra ngoài ghế đá công viên kia, gần gốc cây phượng, anh sẽ dạy em học thêm. Có chịu không?

Hoa mừng rỡ không do dự phân vân gì, vội vàng ngúc đầu lia lịa. Thế là kể từ đó vốn liếng sinh ngữ, và công việc thư ký kế toán đánh máy của Hoa được trôi chảy, tăng nhanh lên vùn vụt. Khi ngồi bên nhau, Hoa lắng nghe Gary ân cần chỉ dạy cho mình hiểu biết công việc, Hoa đã giàu kinh nghiệm hơn. Theo không gian ru tình mây bàng bạc khắp non sông, thời gian bảng lảng ánh hoàng hôn theo tháng ngày đong đưa, thì tình cảm giữa “chàng và nàng” chẳng biết có “tình cờ” nở ra trong bí mật hay không, mà câu chuyện hai người đã dạt dào tăng trưởng và bộc lộ rõ nét. Một ngày đẹp trời kia cõi lòng Hoa rộn rã tiếng chuông ngân vang lời Gary êm ái tha thiết tỏ tình:
- My whole soul shook with a tremulous ecstasy: I love you. (tâm hồn anh rung động vì đê mê sung sướng: anh yêu em.)
- You… You… once said promises must be kept. (Anh… anh… nói lời xin hãy giữ lời).
- Try to understand my feelings. I live forever in my memories of love (Hãy hiểu cho lòng anh nhé. Anh sống trong niềm thương nỗi nhớ). I love you.

Thế là đầu tháng 10 Hoa lặn lội đi tìm thuê một căn nhà lớn hơn chỗ cũ, cho mạ và các em cùng nhau chung sống, còn cha thì “miệt mài giong ruổi” gian truân phong trần ở trong đồn trú cùng bạn lính, ít khi cha có mặt thường xuyên tại nhà. Hoa rủ mạ và các em đi Đà Nẵng mua nhiều áo quần mới cho mạ, các em mặc tươm tất sạch sẽ đàng hoàng hơn. Tiện thể ở Đà Nẵng Hoa đưa họ về nhà ở Tam Kỳ, rồi Hoa xin phép cha mạ để làm hôn thú với Gary, thì Hoa bị mạ nổi giận đánh cho một trận nên thân. Cha bỏ mấy quả lựu đạn ra giữa nhà, quắc mắt nghiêm nghị nói:
- Cho cả nhà chết hết, không thể sống nhục nhã như thế này được. Thà nghèo cạp đất ăn, nhất định không chấp nhận cho con lấy Mỹ.
Hoa lại ra Đà Nẵng, đau khổ buồn rầu khóc lóc và kể mọi chuyện cho Gary nghe, không hiểu sao Hoa dễ dàng bảo:
- I am a victim just as thousands of other victims who are subject to the family and overstep my parent’s right. (Em là nạn nhân như ngàn người khác dưới quyền của gia đình, và không thể vượt quyền của cha mạ em).
Gary kinh ngạc nhìn Hoa trân trối, sau đó anh buồn bã:
- Oh! In Vietnam it is customary to have a gobetween for the children of a respectable family before a marriage can be arranged. Right? (Con trong gia đình tử tế ở Việt Nam phải có mai mối, mới lấy nhau, phải không).
- Don’t bawl me out because you misunderstand me. Please! (Xin anh đừng vội hiểu lầm mắng em tội lắm)!

Hoa lại khóc. Thôi ta đành chia tay. Anh về Mỹ đi. Cha mạ của em cấm. Chúng mình không thể kết hôn. Bởi lúc đó mãn lính, Gary bàn tính cặn kẽ cùng người yêu, vì Gary nghĩ cưới được Hoa, thì anh xin ở lại làm việc tại Việt Nam, hoặc sang Hồng Kông, để cho Hoa gần quê hương của mình. Không ngờ Hoa quyết định chia tay dễ dàng như thế, Gary rất đau buồn… vài tuần sau chàng lặng lẽ rời khỏi Việt Nam.

Tưởng đâu Hoa sẽ quên và tiếp tục làm việc như thường, ai ngờ Hoa buồn và nhớ Gary đến lịm người, cả ngày Hoa cứ khóc, không làm được việc, nên sếp bực mình đe dọa sẽ đuổi, nếu Hoa không tỉnh táo để làm công việc. Không trước thì sau Hoa cũng nghĩ thôi, vì bao nhiêu kỷ niệm tình yêu nồng thắm đầy ắp, và hình bóng của Gary lồ lộ hiện lên trước mặt, đã giết lần giết mòn Hoa từng giây phút! Hoa đi lang thang bên đường Bạch Đằng, thì gặp cô bạn hỏi thăm, nên Hoa tâm sự chuyện tình buồn hết cho bạn nghe. Bạn bảo:
- Bỏ nghề “thư ký đánh máy” đi, nghe tiếng “thư ký” thì hay lắm, đẹp lắm… cao cả lắm… Nhưng mi không có tiền nuôi gia đình đâu. Hãy đi làm câu lạc bộ bưng rượu, mà hốt tiền như điên, nghe không.
- Sao làm được hỉ, bưng rượu mà tao không biết tên rượu?
- Dễ ẹc hà, tao chờ mi tới, sẽ chỉ lại cho biết nà.

Hoa theo bạn sang biển Mỹ Khê (lúc đó gọi là China Beach, chỗ Hoa làm là Beach Club). Hoa vào xin việc, là họ nhận liền, tối hôm sau Hoa đi làm thấy quang cảnh ba bên tứ bề người ta ồn ào huyên náo coi bộ vui lắm. Như lời bạn nói không sai, lần đầu tiên ngu ngơ Hoa lúng túng chẳng biết làm gì hết, thế mà tiền tip hôm đó được tám chục dollars (chỉ vài ba giờ mà gần bằng 1/4 tiền lương thư ký).
Ai ngờ hôm sau trở lại làm việc, thì tối hôm đó trăng sáng vằng vặc và sóng biển êm êm thổi rì rào… như bản nhạc tình sống động đang trỗi dậy trong lòng Hoa. Thế là mình cứ đứng ở cửa sổ nhìn ra biển mà khóc, khóc hoài. Các bạn gái tình cờ đi ngang qua, thấy vậy, họ kéo tay Hoa đi chỗ khác dỗ dành an ủi. Hoa mủi lòng xót xa lại khóc nhiều hơn. Mấy chàng lính Bộ Binh Mỹ thấy Hoa khóc liền an ủi, có người theo chọc ghẹo, khiến Hoa càng buồn nhớ Gary thêm.
Thương mà khóc, khóc sao cho đặng
Nhớ mà trông, trông chẳng đặng chàng
Đêm nằm gốc thị mơ màng
Thị thơm mặc thị nghĩa chàng thiếp chẳng quên. (*)

Ngay phút giây bần thần lâng lâng như tỉnh như mê đó, Hoa quên hết: quê hương, gia đình cha mạ, các em út, tiền bạc, sang hèn vinh nhục... Không cần gì nữa hết, Hoa cứ ước ao làm thế nào gió và sóng biển cuộn mình đi về phương trời Mỹ quốc xa xôi, để hy vọng gặp lại người yêu dấu... Hoa nghĩ đến câu ca dao đã đọc:
Thấy đó nói ra em đà hiểu ý
Muốn cho đào lý hợp với trúc mai
Quản chi biển rộng sông dài
Ôm duyên đợi “khách Chương Đài” bấy lâu.
***

Hoa đã thật sự đến đất nước Hoa Kỳ giàu sang và phồn vinh rồi. Ngay sáng hôm sau, Hoa đang đứng xớ rớ gần bàn ăn, chưa biết làm gì, thì bà mẹ chồng Mỹ pha café mời Hoa uống. Nhưng lúc đó chẳng hiểu sao Hoa quá bồn chồn nôn nao, chỉ muốn biết tin tức của người yêu xưa. Chần chừ giây lát, Hoa quyết định móc trong túi áo ra đưa mẹ chồng số phone, và đánh liều nhờ bà mẹ gọi cho Gary, để cho Hoa nói chuyện với chàng.

Mẹ chồng ngẩn ngơ nhìn Hoa giây lát, nhưng bà cũng làm theo lời yêu cầu của con dâu. Phone reng vài ba tiếng thì đầu dây bên kia bắt lên và say “Hello! Hello”. Hoa nghe rõ ở speaker giọng nói của Gary rõ ràng, như hồi xưa khi hai người còn ở Đà Nẵng. Tim Hoa nhảy tưng tưng trong lồng ngực, nàng mừng đến nghẽn nghẹt nơi cổ họng, dường như hụt hơi nghẹt thở, hai hàng nước mắt tự động chảy ròng ròng xuống má. Hoa dựa lưng vô vách tường và:
- “Hello. Hello… Gary”
Rồi Hoa khóc rống lên rất to. Gary vội vàng hỏi:
- Huyền ơi! Em đang ở đâu đó?
- Em đang ở Mỹ.
- Anh đến với em nhe.
- Em yêu anh. Em nhớ anh nhiều. Em muốn đến Mỹ để chung sống với anh.
- . . .
- Gary ơi! Anh đến đây đón em nhe.
Bỗng dưng Hoa nghe tiếng của một người đàn bà bên kia đầu dây nói thật to:
- Huyền đó hả? Qua Mỹ hồi nào? Tui giới thiệu với Huyền biết: Gary là chồng của Maria nè.

Thượng đế ôi! Hoa như đang ở trên chín tầng mây rơi phịch xuống tảng đá. Hoa thảng thốt hét lên:
- Gary, ai vừa nói vậy? Em có nằm mơ không?
- Anh… anh… ồ em…
- Sao anh lấy vợ? Anh đã hứa với em rằng: Suốt đời trong tim anh chỉ có em thôi mà? Sao anh nỡ giết em?

Thế là bất ngờ mẹ chồng bèn giật phăng cái phone trên tay con dâu, và hất mạnh Hoa văng xiểng liểng qua một bên góc tường. Bà mẹ off speaker rồi, mặt bà tái nhợt, dường như bà hét trong phone:
- Ông là ai vậy?

Bà đứng chống một tay lên ngang hông, im lặng nghe bên đầu dây kia nói gì đó, nói rất lâu. Hoa bưng mặt chạy lên lầu chui vô phòng, ngồi bệt xuống thảm khóc ngất, trong khi Tom vẫn ngủ say như chết, chàng chẳng hề nghe và biết trời trăng mây gió chi cả! Sau đó Hoa nghe bà mẹ nói một hơi dài, nhưng vì ở trong phòng đóng cửa, nên nghe tiếng được tiếng mất. Dưới nhà im ắng khá lâu, bà mẹ chồng bước nhẹ lên lầu, mở cửa phòng lôi cổ Hoa xuống nhà, bà biểu Hoa ngồi xuống sofa, mà hỏi đầu đuôi cớ sự cho ra chuyện.

Đến nước nầy rồi thì Hoa đâm lì, không sợ, mà khai ra hết cho bà mẹ nghe. Hoa nói nhưng nghĩ bà mẹ có thể không hiểu được bao nhiêu, vì Hoa nói tiếng Mỹ rất tệ, dù là “tiếng Mỹ bồi”. Tuy thế họ nói gì, Hoa đều nghe, hiểu, biết hết. Có lẽ qua trao đổi phone với Gary và Maria, bà mẹ cũng biết được chuyện tình của hai người. Bà mẹ ngồi đối diện và nhìn thẳng vô mắt Hoa, có vẻ tức giận:
- Nầy, con nên nhớ bây giờ con là vợ của Tom, và là mẹ của hai đứa nhỏ. Biết chưa? Hãy suy nghĩ đi.

Nấc lên từng cơn, Hoa cúi gầm đầu nhìn xuống chiếc bàn con, lòng đau như xé, hai hàng nước mắt vẫn đầm đìa tuông chảy. Bà mẹ chồng nhẹ nhàng bỏ đi lúc nào, Hoa chẳng nhớ. Khoảng 12 giờ trưa tại phòng khách có phone reng, mẹ chồng nói gì khá lâu, rồi gọi Hoa xuống nhà, và giao điện thoại cho Hoa. Bà lịch sự lặng thinh bỏ đi ra ngoài vườn.

Bên kia đầu dây, Gary van lơn:
- Anh van xin em đừng nói và đừng khóc, em hãy lắng tai nghe anh giải thích nhe: Anh vừa bảo rằng: anh xin phép mẹ chồng em, cho anh nói chuyện với em một lần nầy nữa thôi. Anh không bao giờ dám tái phạm. Anh đang ở hãng Johnson & Johnson, anh là dược sĩ, vì trước khi vô lính, anh đã làm việc cho hãng nầy rồi. Huyền ạ, em rất biết là anh yêu em tha thiết mà. Lúc anh rời khỏi Việt Nam, anh đau đớn khổ sở vì bị em từ chối, thì anh như người mất hồn. Cuối tháng May thì về đến Mỹ, anh buồn phiền biết bao, anh vẫn nhớ thương em vô vàn, anh chẳng tha thiết làm việc gì hết. Hai tháng sau, anh quyết định trở lại Việt Nam tìm em.

Khi phi cơ tới Hồng Kông mọi người phải ngủ lại qua đêm, (sáng hôm sau mới có chuyến bay đi Sài Gòn, xuống phi trường Tân Sơn Nhứt). Đêm hôm ở Hồng Kông anh vào văn phòng R & R của Thủy Quân Lục Chiến thăm mấy người bạn, mà một năm trước từ Việt Nam anh đã qua Hồng Kông làm việc mấy tháng, để giúp đỡ những người đi lính Mỹ đang nghỉ phép. Huyền à. Anh nhắc lại: Em còn nhớ Maria không? Người ấy là cô gái mà khi anh ở Hồng Kông: anh từng nhờ vã cô ta đi mua áo, giày dép, bóp, nữ trang, vân vân… giúp anh; để anh mang về Việt Nam, anh đã tặng cho em. Nhớ không?
- Em còn nhớ cô ấy. Cô thư ký người Hồng Kông.
- Phải. Khi anh bước vô văn phòng R & R, thì Maria hỏi anh:
- “Huyền đâu? Sao không đi với anh”?

Anh tâm sự tất cả mọi chuyện ngang trái đau khổ về chúng mình cho cô ấy nghe. Cô ấy an ủi và mời anh đi ăn cơm tối. Lúc đó anh rất buồn, anh nhớ em và uống rượu thật nhiều. Sáng hôm sau giật mình thức dậy, thì đã gần trưa. Anh hoảng hốt đã nói với Maria:
- “Anh trể chuyến bay đi về Việt Nam, đã ba giờ rồi”.
Cô ta ôm ghì anh lại và cười ngặt nghẽo:
- "Anh không chỉ trễ có ba tiếng đồng hồ đâu, mà anh đã trễ cả đời rồi. Biết không?"

Thế rồi… vài tháng sau thì anh và cô ấy làm đám cưới. Anh bảo lãnh vợ qua Mỹ và hiện nay ở Long Beach.
- Thôi được rồi. Em hiểu. Anh không cần nói nữa. Vĩnh biệt.
***

Sao Hoa không như tuổi thơ ngày ấy: dễ giận, reo vui, nhí nhãnh, nũng nịu làm lành khi “người ta” khen một câu vớ vẩn, cũng làm cho mình cảm thấy ỏn ẻn… mừng vui và thùy mị thêm xí nữa. Hoa thẩn thờ buồn bã cúp phone. Chưa hết đâu, vài tuần sau do mẹ chồng tận tay trao cho con dâu một thùng quà thật to. Hoa ngạc nhiên lẫn thắc mắc mở thùng qùa ra xem, nàng thấy áo quần, đồ chơi trẻ con, chút phấn son, hai tấm hình của họ chụp hồi đám cưới tại Hồng Kông!!!

Chính Hoa kinh ngạc không hiểu tại sao lúc đó nàng bình tĩnh, điềm đạm, chẳng hề xót xa buồn tủi đau khổ khóc lóc gì! Khiến mẹ chồng nhìn Hoa cũng ngẩn ngơ bàng hoàng. Bà mẹ cứ tưởng con dâu khi thấy hình ảnh của họ, thì sẽ nhảy dựng lên, mà ồn ào vật vã khóc lóc tru tréo, chứ chẳng ngờ… Hoa ung dung nhờ mẹ chồng viết mấy hàng vô tấm thiệp ghi lời cám ơn và gửi đi. Hoa cũng dặn dò mẹ chồng:
- Từ nay, nếu họ có gửi quà tới nhà, mẹ không đưa con, nên trả lại, hoặc nói con không còn ở đây. Mẹ ạ.

Bà mẹ Mỹ kinh ngạc tò mò nhìn Hoa lần nữa và e ngại mỉm cười. Kể từ lúc đó hình như bà mẹ Tom đã có cảm tình và thân thiện với Hoa nhiều hơn. Bà mẹ và Hoa xích lại gần nhau khi làm bếp, nấu ăn hoặc làm những việc lặt vặt, ví dụ như bà dạy cho Hoa về cách trước khi luộc khoai tây mau chín, chỉ gọt vỏ củ khoai một bên thôi. (To boil potatoes quickly: Skin one potato from one side only before boiling) Hoặc là: Lột võ khoai lang mau, thì ngâm khoai trong nước lạnh trước khi luộc: (To skin sweet potatoes quickly: Soak in cold water immediately after boiling).

Có lần Hoa bưng vĩ trứng gà ra định nấu, bà mẹ đã chỉ vẻ cho Hoa: To boil eggs quickly: Add salt to the water and boil (luộc trứng mau, bỏ chút muối vô nước và nấu sôi). - To remove chewing gum from clothes: Keep the cloth in the freezer for an hour. (gỡ kẹo cao su dính vô quần áo: để quần áo trong tủ đông lạnh khoảng một tiếng đồng hồ). To whiten white clothes: Soak white clothes in hot water with a slice of lemon for 10 minutes. Muốn tẩy trắng quần áo màu trắng: ngâm quần áo màu trắng vào nước nóng có bỏ một lát chanh trong vòng 10 phút. (To remove ink from clothes : Put toothpaste on the ink spots generously and let it dry ompletely, then wash). Muốn tẩy mực dính trên quần áo: bôi nhiều kem đánh răng vào chỗ vết mực và để cho thật khô trước khi giặt.

Đó là chuỗi hạnh phúc bất tận mình chẳng cần tìm kiếm ở đâu xa cho hoài phí đi.
**

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
06-21-2015, 07:29 AM
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/thuyen 5 & demdep_1434871614.jpg
CHA Tôi
Happy Father' Day. Happy. Happy...
THH xin cống hiến quý độc giả bài viết về CHA
Thân quý,
***

“Tinh thần gia đình là gì?
Đó là: Pha trộn tình mến sợ cha. Tình âu yếm sợ mẹ. Kính trọng cả hai. Thán phục nhân đức của cha lẫn mẹ. Bỏ qua các lỗi lầm. Ghi nhớ công ơn. Thông cảm đau khổ. Cảm kích các hy sinh của cha lẫn mẹ” (P. Janet).

Ba tôi là người con thứ tư sinh trưởng trong một gia đình bề thế, giàu có, ở Làng Hưng Nhơn, thuộc Tổng An Thơ, Phủ Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị. Ba làm nghề thầy thuốc Đông Y, lương thiện, ân cần và đạo đức, chu đáo tận tụy trị bệnh nhân khá mát tay. Đúng là “lương y như từ mẫu”. Ngoài ra, ba tôi còn có vài ba nghề tay trái nữa là: nghề cưa xẻ cây gỗ, làm nông, và mở một trang trại ươm cây giống rất to lớn. Dĩ nhiên, mọi công việc nặng nhọc về vườn tượt, đồng áng, ba tôi có nhờ lực điền, tá điền & quản gia phụ việc.

Nhắc về ba, tất nhiên tôi phải nói lướt sơ sơ ti tí về má. Má tôi sanh ở Làng Thuận Nhơn rợp bóng hai hàng cây, sát bên con sông xanh êm đềm uốn khúc, nước sông rất trong, ngon và ngọt. Làng nầy thuộc Tổng Cù Hoan, Huyện Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị. Ông ngoại là một võ quan rất giỏi trong triều đình Huế thời xưa. Gia đình ông bà ngoại khá giàu có, ruộng lúa cò bay thẳng cánh. Má tôi lớn lên công dung ngôn hạnh vẹn toàn và hiếu học, biết chữ. Má sinh ra trong một gia đình đông con, nhưng rồi ông bà ngoại tôi chỉ may mắn còn lại cậu Cửu Ổn và má, mà thôi. Má tôi luôn tôn trọng chồng, nhỏ nhẹ, đôn hậu, hòa nhã yêu thương chồng con hết lòng.

Ba Má tôi rất hiền, đạo đức và giống nhau là lòng nhân ái, phúc hậu, (mà các con ưa nói ba má có tính tào lao: ăn cơm nhà vác ngà voi). Ba má tôi sống cuộc đời khá hoàn thiện, ngày nào họ cũng xem là ngày cuối cuộc đời trước mặt Chúa: Họ không gian dối, không thất đức, không lừa gạt ai, họ chỉ biết sống bác ái, ôn nhu, an lành, yêu tha nhân, tận tình giúp đỡ người cùng khốn, cần mẫn tận tụy làm việc.

Ba tôi có hẹn với đại gia đình anh chị em tôi khi ba ở Đà Lạt là: “ba sẽ ra Huế để lo thu xếp công chuyện, chuyển giao việc trại ươm cây và đồng áng lại cho người thân. Sau đó ba má sẽ vào sống yên ổn ấm no ở Đà Lạt với các con, cháu”. Ấy thế mà… đâu vẫn hoàn đó, ba má chưa rứt ra nỗi. Điển hình nhất là ba má bị quật ngã biết bao phen trong cuộc đời thăng trầm sướng khổ, cay cực, mà không chịu lùi bước. Ba má tôi khi đã đắn đo suy nghĩ quyết chí làm một việc gì, thì họ đồng tâm hiệp sức phải thực hiện tạo thành cơ nghiệp ấy cho kỳ được. Dù gian truân đến đâu mặc lòng.

Ở quê nhà nay chỉ còn hai ông bà cụ lom khom lui cui đi ra đi vào thui thủi. Tôi cảm thấy ba má sống thật neo đơn, vắng vẻ buồn rầu không ít. Thế mà hầu như ba má không lấy đó làm phiền bên ngọn đèn dầu hột vịt tù mù tỏa sáng, đầu ba tôi luôn suy tư cúi xuống quyển sổ bệnh nhân dày cộm, mà cuộc sống của ba má vẫn cùng khó, đạm bạc, khiêm nhường… là sao thế hở ba?

Cuộc đời ba má hầu như cắm rễ khá sâu vào miếng đất gia tiên; gắn liền với ruộng nương, vườn sắn, ao bèo, gốc tre, bụi chuối. Chúng tôi chưa có cách gì gỡ ba má ra nỗi trong cái “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” nầy. Dù chỉ một phần điền tẻo teo, bé tí nị, mà ba má vẫn trìu mến ưa thích nén lại chân quê. Nơi mái nhà xiêu vẹo mà ba má đang ở đó, tôi thiết nghĩ đó là chân trời mở ra một cửa ngỏ buồn thảm, không hứa hẹn vui vẻ, tươi sáng, bình an gì hơn, lúc thời kỳ bắt đầu có chiến tranh.

Dù có những viên đạn xoáy tít trong không gian tối đen, tạo thành những luồng vàng sáng, loé ánh lửa rực đỏ xẹt xẹt bay vút qua vút lại trên đầu. Thì sự sụp đỗ của một gia đình bề thế do chiến tranh đã bị uốn cong gập, như con đại bàng gãy cánh trên những đống hoang tàn. Mặc cho mặt trời pha máu lửa đỏ chói từ phương Đông lan qua phương Tây. Mặc súng đạn gieo tang tóc lầm than, khốn đốn dày xéo đến bao gia đình, rồi tàn bạo kéo nhau đi nơi khác. Mặc bệnh tật đói rách ở lại, đau thương và khốn nạn trăm điều điêu đứng vẫn còn đây. Ấy vậy mà ba tôi vẫn điềm nhiên ngồi bốc thuốc, vẫn cầm cuốc, cuốc lại từng lát cuốc trên đất cứng pha sỏi đá khô cằn nứt nẻ, với hy vọng bừng lên.

Cũng thế, ba má tôi luôn đắn đo, chần chờ, do dự mãi; nếu họ dọn đi ra khỏi vùng Mỹ Chánh, nơi chó ăn đá gà ăn muối, thì ba má thấy thương quá là thương những người dân quê cần cù lao động quá nhọc nhằn, quanh năm cư dân vẫn đói khổ, rách rưới triền miên. Ốm đau bệnh nạn, họ chỉ có nước nằm đó ngáp ngáp quằn quại chịu trận, mà chờ chết. Nếu họ có ba tôi thường lui tới, đi lại an ủi vỗ về, chăm lo, giúp đỡ, săn sóc, thuốc men (có nhiều lần ba tôi làm việc thiện, bỏ công sức và tiền của hoàn toàn không tính toán), thì tình trạng khốn khổ của từng bao nhiêu người đã được vỗ về, an ủi, họ cũng giảm bớt nỗi đau rất nhiều. Họ không có gì đền trả… ngoài sự tận tụy làm việc kiếm sống, niềm tin tưởng, tấm chân tình cưu mang ơn trọng nghĩa cao với ba tôi, bằng cách chia sẻ ngọt bùi, nụ cười thân thiện ấm nồng trìu mến tình quê.

Ngoài nghề chính là nghề thầy thuốc, những thì-giờ còn lại, ba tôi muốn vận động cơ thể khỏe mạnh xí, nhưng trên hết là do ba tôi rất yêu đất, mến vườn; nên ba tôi thích đi làm việc bằng tay chân, tùy theo tháng năm chất chồng, chiếc áo cần lao của ba ngày trước còn mịn và mới, do thời gian đã bào mòn sức lực con người, mà những chiếc áo ấy trở thành vá chằn vá đụp, dày cui, khô và cứng đơ. Mỗi lần ba tôi cử động, nó kêu sột soạt như mo cau cọ siết rít vào nhau, tiếng kêu hãnh diện, đắc thắng của người dạn dày kinh nghiệm làm đất đai phải thuần thục.

Ba chế ngự mọi thử thách gian khó bằng hai bàn tay “thư sinh lẫn cần lao” cần cù, cùng sự từng trải, thấu hiểu. Hai tay làm việc thoăn thoắt, vất vả, ấy vậy ba má tất bật, chân nầy chưa kịp đặt xuống, chưa kịp bén đất thì chân kia đã nhấc lên. Nhiều lần mãi mê làm việc, ba má tôi quên cả ăn uống. Việc đồng áng nhờ có kiến thức và giàu kinh nghiệm, nên ba tôi có thể truyền đạt lại cho những bạn bè thân hữu nông dân cùng quê khá tốt. Đó là kết quả một đời ba má lao lực, suốt ngày đêm phơi mình giữa nắng mưa khuya chiều, cuốc cuốc cày cày đất cứng khô cằn nứt nẻ không ngơi tay.

Ba má tôi thật vất vả nhọc nhằn quá chừng. Khiến một người tao nhã, khôn ngoan, dạn dày kinh nghiệm, trí thức như ba, đôi khi trở thành trầm lặng, lầm lì, cáu gắt, nghiêm nghị và khó tính. Đã một đời ba vì đất vì đai, vì dân quê làng xã, vì bệnh nhân cùng đinh nghèo khổ đói rách tả tơi rồi. Từng ấy nhọc nhằn khốn đốn, mà ba tôi chưa thất kinh, vẫn không chịu ngồi yên. Nay ba lại bươn bả đi mở đất khai hoang, mong đem bình an ấm no cho bao nhiêu người. Đó là niềm tự hào dân tộc, là niềm vui duy nhất còn sót lại trong đời, khi ba tôi tuổi già sức cạn.

Tôi nghe quá đắng cay chua xót trong lòng. Làm sao mà ba có thể mang hết cuộc đời, cả gia tài khiêm nhường dành dụm gần suốt đời người, để lo cho bá tánh nghèo khổ quá đông đúc, cho nỗi hỉ!? Hở ba? Khi tôi tận mắt nhìn thấy ba má xắn tay áo lên, lo cho người thương tật, ốm đau, mà ba má không cảm thấy gớm, ghê, không một lời thở than. Niềm vui đó có phải do ba tôi đã vắt cạn kiệt ra từ chất xám để chia sẻ ban tặng cho đời thụ hưởng!?

Ba tôi thường lấy câu của bậc tiền bối, thánh hiền, để răn dạy con cái. Ví dụ như: “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên. Trạch kỳ thiện giả, nhi tòng chi. Bất kỳ thiện giả, nhi cải chi”. (Ba người cùng đi, tất nhiên có người là thầy ta. Hãy theo đó mà bắt chước từ thiện. Nhìn người xấu, nên tự sửa mình). Hoặc những câu: “Lễ. Nghĩa. Liêm. Sỉ: là bốn rường cột để duy trì, giữ vững quốc gia. Bốn rường cột ấy nếu không căng được lên, có nghĩa là người trong nước mà vô lễ, vô nghĩa, vô liêm sỉ - thì quốc gia phải sụp đổ, và diệt vong mất. (Quan Tử).

Đôi khi mộc mạc đơn sơ bình dân hơn: “Tiên học lễ, hậu học văn”. “Nhân bất học bất tri lý, ấu bất học lão hà vi”. “Sĩ phu mà ba ngày không đọc sách, thì soi gương mặt mũi đáng ghét. Nói chuyện nhạt nhẽo, khó nghe”. (Hoàng Đình Kiên).
Ba tôi ưa nói câu của cổ nhân để gián tiếp răn dạy con cái:
- “Nếu ta có đứa con phải giáo dục. Ta sẽ lo cho nó cái gì? Tạo cho nó thành thiện nhân, hay vĩ nhân?” Ta tự đáp:
- “Phải tạo cho nó thành thiện nhân”.
***

Có một lần, tôi và anh trai ngồi học bài ở phòng bên, hai anh em nói chuyện lung tung về việc học hành trong lớp. Sau đó tôi to tiếng phê bình giáo sư của mình thế nầy:
- “Ông ta đã thiên vị, và trắng trợn có tình ý riêng tư, thân mật đặc biệt với một con nữ sinh nọ, nó có bầu rùi”.

Thế là hai anh em say sưa hí hửng, vui vẻ thao thao bất tuyệt nói xấu, chế nhạo “con nhỏ kia, và vị giáo sư khả kính”. Chúng tôi không ngờ ba tôi đang làm việc ở phòng kế bên, đã nghe rõ mồn một. Lúc khá lâu, ba tôi gọi:
- Hai đứa con: Dzoãn và Tuyết Thụy mau qua bên nầy, ba biểu.

Chúng tôi chưa biết ba gọi các con qua phòng tiếp bệnh nhân của ba để làm gì, nhưng hai anh em vâng dạ rõ to, và vui tươi hí hửng dắt nhau đi qua phòng ba, vừa đi anh em khúc khích tươi cười về chuyện “ông giáo và con nhỏ” ấy. Ở trong phòng làm việc của ba đã vắng khách, ba tôi cúi xuống trên quyển sổ bệnh nhân một hồi lâu. Ba còn cặm cụi làm việc, dường như ba không quan tâm về sự hiện hữu của con cái. Chúng tôi đứng xớ rớ gần cửa sổ, anh Dzoãn xích lại sát bên em, khều khều vào tay tôi, thì thầm:
- Chắc là ba sẽ thưởng cho anh em mình ha… vì anh và em đều có tên trong bảng danh dự tháng nầy đó em.
- Dạ… phải.

Một lúc sau, ba tôi xếp quyển sổ dày cui và cất trong hộc tủ. Ba tằng hắng vài cái, rồi ba tháo mắt kính xệ xuống ; (vì cái kính lão bị bể mất một bên tròng, khiến bên có mắt kính bị nặng, cọng kính lỏng lẽo kéo đã xệ xuống, bên trống lổng không có mắt kính, thì treo lên cao, nhẹ hẩng, coi thật tức cười). Ba tôi ngẩng lên nhìn hai con:
- Hai đứa ngồi xuống đó.
- Dạ, thưa ba.
- Hồi nãy có khách ở đây, nên ba không tiện kêu hai đứa vô nói chuyện. Bây giờ, hai đứa kể lại việc “ông thầy giáo” cho ba nghe rõ coi nà.

Hai anh em liếc nhìn nhau, tôi len lén thò tay qua cào béo vào đùi anh mấy cái, cảm thấy phập phồng, hồi hộp… không biết có chuyện gì đây! Như thế, chắc chắn là chẳng phải do anh trai em gái học giỏi, sẽ được ba “thưởng” cho rồi. Anh ấp úng:
- Dạ, thưa ba, con… con…
- Sao? Hồi nãy hai đứa ngồi bên phòng học, không lo học, mà chuyên nói xấu người thứ ba, nói xấu người vắng mặt. Hừ… Khách và ba đã nghe rõ mồn một mà. Tại sao bây giờ tụi bây lại im re, hả?
Anh em chúng tôi lo lắng cúi gầm đầu, anh Dzoãn lí nhí:
- Dạ, con… biết lỗi.
- Biết lỗi sao!?
- Dạ, … thưa ba.
- Vậy tốt. Con… (ba chỉ vào anh trai) đi ra ngoài chuồng vịt, bắt con vịt mái, nhớ là bắt con vịt mái thôi nghe, đem vô đây. Còn con Thụy xuống dưới bếp lấy muối, cây đèn, cái rổ, con dao, rồi đem lên đây luôn. Mau.

Chúng tôi vâng vâng, dạ dạ… dù có băn khoăn, bỡ ngỡ, ngạc nhiên, thắc mắc… nhưng anh em hí hửng chạy đi làm việc ba sai. Lòng tôi cảm thấy vui vẻ lạ thường, vì nghĩ ba đã bỏ qua chuyện “nói xấu”, ba tha lỗi cho “con dại… cái mang”. Ba sẽ du di xí xóa chuyện con nói hành nói tỏi, nói xấu… và ba sẽ “khao” cho hai anh em đã học giỏi, nên được ba cho ăn thịt vịt, mà ăn thịt vịt mái tơ… thì có trứng non, trứng già, có bộ lòng mềm cùng cái “dồi trường” thơm ngon bá cháy! Khi hai anh em lí lắc cười reo khệ nệ bưng các thứ vô phòng làm việc của ba, con vịt bị anh Dzoãn xách cánh, xách chân, thì nó luôn dẫy dụa kêu la inh ỏi. Thiệt là điếc con ráy quá đi! Ba ra lệnh:
- Con Thụy cắt cổ con vịt.
- Ôi, dạ… con không thể cắ… cắt… cổ vịt… Con sợ…
- Vậy cứ để con vịt sống như vậy, mặc kệ nó kêu la, hai đứa ngồi xuống nhổ lông (khi con vịt còn sống). Sau khi nhổ lông vịt, thả con vịt ra, cho nó chạy về chuồng, mặc nó bị trọc lóc thân thể, mà đau đớn kêu la, và bị đồng bọn vịt bu lại đấu đá, cắn xé, vì con vật không cùng chủng loại dị hợm kia. Thì tụi bây bỏ lông vịt trong cái rổ nầy, đem lông vịt đi vất ra ngoài trời, cho lông vịt bay đi mọi nơi. Sau đó, hai đứa bây đi lượm lại đầy đủ, lượm sạch lông vịt, đem về đây. Ba sẽ thưởng công cho.

Tôi kinh ngạc, làm sao có thể đi lượm lại đầy đủ lông vịt khô? Anh Dzoãn chưng hửng vì nghĩ rằng: “Chắc ba đã già, nên khù khờ, lù đù, lẩm cẩm rồi chăng. Vậy mà ba cũng làm ông thầy thuốc, chắc là ba sẽ cà tửng “bóp cổ, diệt” hết bệnh nhân chết queo rùi. Anh “trả treo” :
- Muốn nhổ lông con vịt, thì phải cắt cổ vịt, cho nó chết, và trụng nước sôi. Nếu để vịt sống mà nhổ lông, thì không thể nào! Ba nói con đem lông vịt khô ráo, thả ra ngoài trời, thì lông bị gió cuốn bay đi hết, làm sao con đi lượm lặt lại được. Ba.
- Không làm được như ba đã nói, hay sao?
- Dạ phải.
- À… Vậy thì… hai đứa bây đã biết có lỗi gì chưa?
- Lỗi… ?
- Vẫn không biết mình đã phạm lỗi gì à?
- Dạ… thưa ba không.
- Hừ… Hứ!... Tụi bây xúm lại a dua nói xấu người ta khi họ vắng mặt, mà không cảm thấy xấu hổ nhục nhã hay sao? Lời nói vọt ra từ cửa miệng, bay xa… ai ai cũng nghe, cũng biết; thì giống như con vịt bị trọc lóc, lõa lồ, không còn lông… đang quang quác kêu la đó. Lời nói xấu thoát ra khỏi miệng, cũng giống như những cái lông vịt khô bay đi, thì tụi bây có lượm lại được không? Hả!?
Câu nói như mủi tên, không nên bắn bậy. Tên đã lọt vô tai ai, thì không tài nào rút ra được. Về việc “muối” và “cây đèn”, thì... Thịt. Cá nếu không ướp muối, thì thịt, cá sẽ bị ươn, thúi. Cây đèn khi đốt lửa là cho ta ánh sáng, (tượng trưng cho sự thông minh của trí tuệ). Nếu các con không thấm nhuần nền giáo dục chu đáo, có căn bản từ gia đình, học đường, xã hội, không có đức dục và rèn luyện trí dục. Không tri thức, không có ánh sáng, thì các con sẽ hư đốn, như cá không ăn muối, như cây đèn không tỏa sáng vậy.

Chúng tôi cúi gầm đầu im re. Dạ, con hiểu rồi! Hai anh em đã bị ba phạt một ngày. Anh Dzoãn lớn hơn tôi, nên anh đi cuốc đất làm vườn trà. Ba “đì” tôi đi nhổ cỏ cú, cỏ chỉ, cỏ ống, cỏ tranh. Thiệt là quá nhọc nhằn, mệt muốn đứt hơi, tôi quá thất kinh vì cái tội vạ miệng “ăn mắm ăn muối, nói bậy bạ” nên ngồi “lam lũ” ở ngoài nắng. Đáng kiếp! Ôi! Cái chuyện “nhổ lông vịt” muôn đời đáng ghi nhớ ấy… là bài học quý giá hơn trăm ngàn vàng, chẳng thể quên!

Anh, chị, em chúng tôi đã được sự giáo dục rất mực tôn nghiêm và chu đáo của mẹ cha. Tôi học hỏi nhiều điều bổ ích từ ơn cha nghĩa mẹ sinh thành dưỡng dục. Con xin trân trọng cảm ơn cha mẹ vô vàn. Tôi nguyện muôn đời ghi nhớ, sau nầy tôi hy vọng… sẽ truyền đạt kinh nghiệm sống và hữu ích lại cho con cháu mình noi theo gương lành.
Lòng buồn khi bước về phố cũ
Con ra đi đời lãng tử mộng trăng thềm
Mơ hồng trần theo sông nước cảnh chiều êm
Con nhớ lắm khi trăng lên xóm nhỏ

Chân bước ngại ngần mây tím đổ
Chiều về khắc khoải áo hồng vương
Mẫu thân bên xoan đỏ phía sau vườn
Cha dạy: Lý. Văn. Cửu chương. Hóa. Sử cũ

Giờ đất khách tri ân mẹ cha trên phím chữ
Hiển đạt đời con, ấp ủ mẫu phụ thân
Vinh sang hạnh phúc bội phần
Công cha dưỡng dục muôn vàn khắc sâu
Nghĩa mẹ ngàn thuở bền lâu… (THH)
* * *

Ngôi nhà ngói ba má tôi đã sinh sống cao năm bậc cấp, có ba gian hai chái, thềm sân rộng lát gạch tàu, bên một gian chái là giàn hoa thiên lý treo chiếc lồng cu gáy sơn son thiếp vàng, chúng đang gù gáy bạn đời, nghe thật hay. Lồng bên cặp cưỡng đen tuyền đang nhảy nhót, chim hót don dỏn giọng tiếng Việt, nghe líu lo. Ngoài những giờ bận rộn, ba tôi có thú tiêu khiển điền viên tao nhã, tri thức mỗi khi trà dư tửu hậu; ấy là lúc ba cùng vài bạn tri âm ngồi dưới giàn hoa thiên lý cạnh hàng hiên bên giại nứa, họ đầm ấm hiền hòa ngâm thơ, vịnh nguyệt, trồng cây kiểng, nuôi sáo, nuôi cưỡng, huấn luyện bồ câu đưa thư, và nuôi chó quý. Họ bàn thảo với nhau về kinh nghiệm nuôi, chọn chim:

Nào là: Chim mà có mỏ quắp, là chim hung dữ, đáng sợ . “Chim hồng chim hộc cất cánh bay cao, là nhờ lông cánh. Lông to dưới bụng, lông nhỏ trên lưng, mọc thêm một nắm, bay chẳng cao hơn, Rụng mất một nắm, bay chẳng thấp hơn”. (Hàn thi ngoại truyện).

Ba tôi có biệt tài nuôi chim và giàu kinh nghiệm khi huấn luyện loại chim bồ câu đưa thư, cũng như nuôi dạy chó khôn đưa tin đi xa. Trước khi muốn nuôi chim bồ câu, ba tôi tự cưa cây, bào gỗ làm một cái chuồng xinh xắn khá to lớn, chuồng sơn xanh sơn đỏ, vẽ hoa lá cành, nóc lợp ngói, có hành lang song gỗ tròn chạy chung quanh chuồng chim. Ba làm việc gì cũng khéo tay, coi thật cầu kỳ, đẹp lạ thường. Chuồng chim núp dưới bóng mát của những tàng cây rợp lá, chuồng đặt trên một cây cột cao, có rào kẽm gai ở dưới cột (đề phòng mèo rình bắt chim con). Chuồng có những “ngăn phòng” riêng biệt đóng kín, chỉ có một cửa ra vào hình tròn, mỗi “phòng chim” rộng khoảng 30cm, mỗi bề mặt của các ô cửa có tấm màn lưới mỏng treo lơ lửng.

1./ Chọn mua vài ba cặp bồ câu có chân đỏ, mỏ đỏ, mắt đỏ, bộ lông mịn trắng (cũng có khi chọn bồ câu lông màu nâu, màu xám). Khi tôi vãi lúa, bắp khô ra sân rộng, nhìn cảnh gia súc: gà, vịt, ngỗng, ngan… vui vẻ nhộn nhịp “tưng bừng nhậu nhẹt”, coi thật thú vị lắm. Đặc biệt ở cạnh trên bốn góc chuồng bồ câu cao, loài chim thông minh nầy được ăn thêm: đậu xanh cà hột giả dập dập, rồi nhào trộn với cám hơi nhão, (do có tẩm xíu nước, để các thứ ấy dính với nhau). Sau khi từng cặp chim bồ câu lớn lên, trở thành “có đôi có cặp”, (việc chọn và biết con chim nào là con trống, con chim nào là chim mái, cũng công phu, phải hiểu biết và có kinh nghiệm). Chim đẻ trứng, ấp trứng nở ra con. Có nhiều cách huấn luyện bồ câu đưa thư:

2./ Khi bồ câu đã có con, và “bồ câu nhí” mở mắt, ra ràng, ta để cho bồ câu nhí làm quen và thân thiết với ổ của mình, thì sau đó thả cặp “bồ câu cha mẹ” ra ngoài ổ.

3./ Kéo tấm lưới ngăn lại (cho bồ câu nhí không thể bay ra khỏi chuồng, chúng chỉ quanh quẩn ở trong tổ). Bồ câu cha mẹ sẽ đứng ở ngoài tấm lưới mắt cáo, để chúng có thể thò mỏ vô mớm mồi cho hai con nhỏ ăn, uống, dễ dàng.

4./ Đem nhốt một trong hai con chim nầy (bồ câu cha, hoặc bồ câu mẹ) ở một cái lồng khác. Chừa lại một con chim ở ngoài trời, Vì cha (hoặc mẹ) không được ở gần con, nên nó luôn luôn quyến luyến, nhớ thương (vợ, hoặc chồng, và con) mà chim sẽ quanh quẩn bên chuồng, bên con.

5./ Đem bồ câu cha đã nhốt trong lồng mới, xách lồng đi thật xa chuồng cũ sơn son thiếp vàng kia, để lồng chim ở đó một ngày đêm. Ngày hôm sau, thả con bồ câu nầy ra. Bồ câu cha (hoặc mẹ) lập tức bay về chuồng cũ, và chung thủy “tìm vợ, tìm con”. Ta sẽ thay đổi vị trí, kiên nhẫn làm lại y như thế nhiều lần (với bồ câu cha, mẹ kia).

6./ Từ đó, ta sẽ kéo đường dài (kéo cây số) đi một khoảng cách khá xa xa. Ví dụ trước kia khoảng cách giữa chuồng chim ở nhà, và lồng chim là 50 mét, nay bồ câu đã quen bay lui bay tới chuồng, thì tuần lễ sau, ta sẽ kéo dài khoảng cách thêm xa xa thành 100 mét. Ở góc khuất rất xa đó, ta thả bồ câu ra, cho nó tìm đường bay về tổ. Vân vân…

7./ Cặp bồ câu nhí không nên thả ra cùng một lúc, vì cả hai con nhí nầy khi đã được bay nhảy, thì tung tăng ngoài bầu trời thênh thang và tự do, chúng sẽ hẹn nhau bay đi xây tổ ấm “mút mùa lệ thủy”, chim bay đi… một bay không trở lại.

8./ Hai con nhí đã trưởng thành, (mọc đủ lông cánh) thì ta kéo tấm lưới sắt lên, cho “cha mẹ con cái” sống chung một nhà, để cha mẹ chúng huấn luyện con cái tập bay chuyền, bay bổng, và nhập đàn với bạn trong một thời gian dài.

9./ Cách phân ly khác: Tách bồ câu trống ra khỏi chuồng, đem một con bồ câu trống cũ nầy thả cho nó bay ra ngoài trời. Ta nhốt một con bồ câu trống xa lạ khác vô trong chuồng, cho nó ở chung với “con vợ cũ”. “Thằng chồng bồ câu cũ” đang cảm thấy mình bị phản bội, bị kẻ khác ve vãn và sẽ cướp đoạt mất vợ, nên nó điên cuồng nổi cơn ghen, cứ lẩn quẩn bên chuồng chim. Ta vẫn làm “cái sách cũ”, nghĩa là cột một cái ống trúc khô, nhẹ, nhỏ, ở cổ chân chim, sau đó nhốt con trống (hoặc mái) vô trong lồng bịt kín, đem lồng chim đi thật xa, xa hẳn chuồng. Ở địa điểm mới, ta thả bồ câu ra, nó sẽ tung cánh lên cao, liền vội vã bay về tổ ấm. Thế là thành công. Ba tôi còn bẫy chim sáo, nhồng, cưỡng… cho chim ăn ớt, ăn bắp xay, lúa… nuôi dạy chúng biết nói tiếng người. Nghe líu lo hay lắm.

Ba tôi còn có một “ngón nghề” tuyệt vời nữa là: cách huấn luyện nuôi dạy chó đưa thư, loại giống chó berger khôn thế nầy:

1./ Đại cương về cách chọn giống chó: Không chọn giống chó chấm lông ở ngay chính giữa trán, và bị chấm lọ (bất cứ màu gì) ở đuôi, thì không nuôi giống ấy. Nhưng phía trên, gần hai mắt ở cạnh lông mày của chó, nếu có hai chấm tròn, lông xoáy (vàng, đen, hoặc trắng… khác với màu lông của thân thể chó), là giống tốt “đốm đầu thì nuôi, nhưng đốm ở đuôi thì thịt”. Đặc điểm cần chọn của giống chó tốt: Đuôi chó luôn ở bên trái. Lưỡi chó có đốm đen dài. Bốn chân chó cứng cáp trên thân hình chó vạm vỡ. Có nghĩa là ngực nở to, nhưng phần bụng phải thon gọn. Hai tai chó luôn đứng thẳng, chó thính tai nghe rõ (tai chó không cụp qua một bên). Muốn hai lỗ tai chó thẳng đứng và tinh khôn, (vì hai tai chó đứng thẳng, thì nó nghe rất thính) một tuần vài lần, ta nên cho chó ăn trứng gà tươi trộn phổi bò.

2./ Chọn giống chó: Nên chọn chó mõm dài. “bạch cẩu hoàng đầu lưng bối nguyệt” = Thân có lông trắng, đầu lông vàng, lưng chó có lông như hình trăng rằm, mắt to đen láy, mũi hồng, lưỡi dài có đốm đen, tứ túc huyền đề. Giống chó nầy đặc biệt rất quý hiếm, ít thấy.

3./ Thân chó lông màu đen, bốn chân lông màu trắng, giống như ở chân chó mang đôi vớ trắng (tất), gọi là = “hắc cẩu tứ bạch”.
- Toàn thân chó có màu lông vàng óng ả, gọi là = “hoàng cẩu”.
- Lông xoáy ở trên lưng chó mọc xuôi từ đầu chạy về đầu đuôi, gọi là = “Bối kiếm cẩu”.

a./ Ngoài bốn chân chó, có thêm bốn cái móng đeo nhỏ lủng lẳng ở mỗi chân, gọi là = “Tứ túc huyền đề”.
b./ Ngoài bốn chân chó, có thêm hai đeo nhỏ ở mỗi chân trước, và một đeo ở mỗi chân sau. Gọi là = “Lục hợp cẩu”.
c./ Ngoài bốn chân chó, mỗi chân chó có thêm hai móng đeo nhỏ. Có 8 móng đeo ở bốn chân, gọi là = “bát long cẩu”.
d./ “Lưỡng cẩu” = là bốn chân chó chỉ có hai móng đeo ở hai chân.

4./ Ta thân thiện với “chó nhí” từ khi chúng còn nhỏ. – Biết tính nết chó – Đặt tên chó & gọi tên nó mỗi ngày nhiều lần, cho chó quen biết tên của nó - Huấn luyện chó nhí từ việc nhỏ nhất, ví dụ: thường xuyên dạy chó đứng – ngồi – nằm - bắt tay mình – dạy chó ăn, uống khi nào được cho phép – cùng chó đá banh - ném banh, ném lon ra xa, ta và chó đi nhặt về, nhiều lần. Sau đó để chó tự đi nhặt về đưa cho mình. Mỗi lần chó “làm việc giỏi”, ta thưởng cho chó món ăn mà nó ưa thích.

5./ Sau đó ta dần dần huấn luyện thêm những việc khó hơn, ví dụ: dạy chó giữ nhà. Chó biết phân biệt người thân và khách lạ, (chó thông minh, chính vì thế mà chó ưa sủa rần trời, mỗi khi có người lạ, hoặc nhà có kẻ trộm rình). Dạy chó phân biệt gia súc của nhà mình nuôi, khác với gia súc của hàng xóm. Dẫn chó đi săn bắt: chuột, chim, gà rừng, vân vân… Dạy chó đi nhận thư ở nhà nầy đến nhà khác: Ta cùng chó đi gửi thư ở bưu điện nhiều lần, cho chó quen hơi người lạ ấy, ta gọi tên của ông ấy hoài, cho chó ngửi mùi người ấy, sẽ quen hơi. Nó biết nơi chỗ cần đến. Sau đó, một mình ta cột thư ở cổ chó, và dẫn chó đến cho người sẽ nhận thư (người mà chó quen hơi biết mặt trước kia), ta vỗ vỗ vào đầu chó, thân thiện vuốt ve và gọi tên chó: “To Bi… hãy để ông (tên X…) mở túi xách ở cổ ra, nhận thư”. Nhiều lần như thế, tất nhiên con chó thông minh, tinh khôn, và hiểu ra ngay.
Ba tôi kiên nhẫn dạy chó, chim (tận tụy, giống như ba tôi đã kiên cường trong việc chữa trị bệnh nhân), nên ba tôi rất thành công trong việc nuôi dạy chim & chó.
***

Tình Hoài Hương

& mời click link để nghe tựa đề một ca khúc "Đôi chân trần", tiếng hát bạt ngàn vang vọng truyền cảm, giọng người ca nhạc sĩ Y Moan hay & lạ vùng Tây Nguyên :

https://www.youtube.com/watch?v=NWHyR-TZGoQ

Tinh Hoai Huong
07-01-2015, 07:07 AM
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/al 72 haiquan_1435734069.jpg
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/EmToi le trach luu_1435734343.mp3
Ân Tình Long Lanh: Tom Mitchell


Mỗi ngày, khi gió lao xao rì rào nghiêng mình đong đưa trên những rặng dừa, mây in bóng chao lượn ven bờ sông Hàn lúc hoàng hôn chớm buông mình xuống thành phố Đà Nẵng, nơi có dãy Ngũ Hoành Sơn uy linh hùng vĩ và tuyệt đẹp. Lúc trăng non xanh xao bắt đầu len lén e lệ lú ra khỏi hàng phi lao, thì Hoa chậm rãi bước lên chiếc phà to màu trắng, nàng thẩn thờ uể oải lê đôi chân mệt mỏi, rã rời vô nơi làm việc. Làm việc chẳng được bao lâu, mấy tuần sau Hoa nghỉ việc ở Beach Club, vì biển xao động xô sóng ngày đêm đơn điệu luôn ì ầm vỗ vào ghềnh đá rào rạo, khiến Hoa rất buồn đau da diết không thể nào quên người tình! Phải! Hoa không thể nào quên Gary. Làm sao có thể quên dễ dàng một hình bóng thiết tha đã khắc sâu vào tim mình chứ!

Thêm bạn gái khác rủ Hoa đi làm ở câu lạc bộ của Hải Quân Kem Tiên Sa. Cũng thế, khi Hoa vào xin việc là được nhận liền. Nhưng họ không cho chạy bàn, mà để Hoa làm Supevisors. Hoa cũng chịu, dù việc đó không kiếm ra nhiều tiền. Đêm đầu tiên Hoa buồn lắm, mặc dầu câu lạc bộ có độ năm chục người “hầu bàn” đang lăng xăng rối rít nhanh nhẹn đi ra đi vô lo chạy bàn. Lính tráng Mỹ vào uống rượu đông đúc cả mấy ngàn người tíu tít reo hò, cười vui ồn ào.

Nhưng trong lòng Hoa vẫn trống vắng cô đơn, lẻ loi và buồn khủng khiếp, đầu óc Hoa lúc nào cũng quay cuồng với hình ảnh Gary đang lấp ló ẩn hiện mờ nhòa trước mắt, khiến Hoa muốn chết thôi! Đêm thứ hai, do mãi loay hoay bận rộn nhiều công việc, hầu như Hoa tạm quên Gary, và cảm thấy đỡ buồn phiền tí xíu, do tối hôm đó trong câu lạc bộ có Show, nên khách khứa càng nhộn nhịp đông đúc ồn ào lắm. Ông sếp gọi Hoa đến, hỏi:
- Có muốn làm thêm kiếm tiền không? Nghĩa là ngoài công việc cô điều khiển giàn nhân viên chạy bàn ở đây, lúc nào cần, cô sẽ chạy thêm ít bàn… vì khách đông, các chị em làm không xuể.
- Có chứ.
- Chỉ làm vài ba bàn thôi, cô còn để thì giờ trông coi công việc chính của mình.

Hoa OK liền, Hoa tươi tắn đi lui đi tới, loay hoay bưng rượu cho vài ba bàn gì đó, chưa đầy một giờ, thì có bàn số 4, gồm sáu bảy anh Hải Quân đã ung dung ngồi đó chờ. Cô tiếp tân nầy, cô tiếp tân nọ… cô nào đi đến bàn ấy để lo việc tiếp khách, thì họ cũng không chịu cho mấy cô ấy phục vụ. Họ chỉ đòi cho bằng được Hoa phải đến tiếp rượu độc quyền ở bàn số 4 mà thôi. Sếp liền bảo Hoa hãy đến bàn đó làm việc. Hoa gật đầu vui tươi bưng rượu đến phục vụ bảy thanh niên ấy.

Mẹ ơi! Mỗi khay rượu bưng đến bàn số 4, Hoa được thưởng 20 đồng dollars mới toanh thơm mùi giấy từ tiền tip. Họ uống rượu, vui vẻ chuyện trò. Thỉnh thoảng họ vỗ vai vỗ vế nhau cười sảng khoái, xù xì chỉ chỏ Hoa, họ lại thúc cùi chỏ, bá vai vít cổ, nháy mắt đưa tình chọc ghẹo một thanh niên trẻ ngồi chung. Hoa nhận tiền tới bốn năm lần như thế. Ồ, một việc mà ít cô tiếp viên nào có thể có niềm vinh dự, nhất là một người còn “bập bẹ mới toanh” như Hoa vừa chập chững thập thò, lấp ló nơi ngưỡng cửa bar để “vào nghề”, và làm việc chẳng có chút kinh nghiệm, thì hiếm có chuyện tiền tip hậu hỉ dồi dào xảy ra!

Hoa quên hết mọi sự buồn bã chán chường nhớ nhung người tình cũ, mà vui vẻ hân hoan mừng rỡ quá đi! Lần nào cũng vậy, Hoa nhận tiền bạc rủng rỉnh từ tay một thanh niên trẻ trung và đẹp trai. Thế rồi, Hoa nhận tiền tip khá hậu hỉ được bốn năm hôm như thế, là hết. Vài tuần sau, Hoa không thấy “người khách quý” đến ngồi chung bàn với các bạn nữa. Tự dưng trong lòng Hoa có ý băn khoăn, thấp thỏm, thắc mắc, hồi hộp, đi ra ngó đi vô ngóng, Hoa áy náy xao xuyến đợi trông chàng. Không thể cưỡng chống lại sự tò mò và bâng khuâng, Hoa đành “làm mặt mo” tần ngần lò mò đi tới bàn số 4, mạnh dạn hỏi thăm mấy bạn kia:
- Tôi không thấy anh đẹp trai giống tài tử Elvis Presley!? Anh đó đâu rồi, hở?

Cả bọn thanh niên Mỹ nhìn Hoa, nheo mắt gật gù, cười rống lên:
- Ô, cái thằng si tình em đó hở? nó hết tiền tip cho em rồi, nên nó không dám vác mặt vào đây.
Nghe thế, Hoa cảm thấy tội nghiệp anh ta quá, liền vui vẻ bảo mấy bạn của chàng:
- Làm ơn nói anh ấy đến đây, tôi trả tiền tip lại cho, anh ta sẽ cùng bạn uống rượu cho vui. Không sao.

Ai ngờ họ làm thiệt. Thế là vài tuần sau anh ấy quay trở lại bar, khi thấy người ấy, Hoa lật đật móc ví trả anh ta hết số tiền tip đã nhận. Đôi mắt xanh lam của thanh niên ấy tròn xoe, tỏ ra quá ngạc nhiên ngẩn ngơ nhìn Hoa. Hoa mỉm cười quay về bàn tiếp tân làm việc. Sau đấy mỗi đêm, Tom đều có mặt nơi đây cho tới ngày lãnh lương lần tiếp của kỳ sau. Thỉnh thoảng Tom vui vẻ lịch sự gửi Hoa ít tiền tip, có lần Hoa nhận, cũng có lần Hoa ái ngại lắc đầu không nhận, hai người nhìn nhau nháy mắt nheo mày thông cảm, trao nhau nụ cười trìu mến đầy thiện cảm, lòng lưu luyến rộn ràng khúc hoan ca, mà họ chẳng cân nhắc, áy náy, thắc mắc thêm điều gì.

Một hôm, khi hoàng hôn vừa buông bức màn đêm, trăng tròn như chiếc dĩa vàng treo trên đầu ngọn núi đang dịu dàng tỏa sáng, quán bar còn vắng thưa người vào ra, thì anh ấy đến bên Hoa nở nụ cười rạng rỡ, nhưng pha chút ngập ngừng, ngại ngùng, dường như bẽn lẽn, anh ấy rụt rè lúng túng làm quen Hoa:
- Anh tên là: Tom Mitchell.
- Dạ, em tên là Thu Huyền.
- Anh… born and grove up New Castle Pa, anh là con thứ tư trong gia đình Mỹ (có năm anh chị em). Sau khi học ở Maryland, anh tốt nghiệp tại trường đại học Hải Quân Mỹ: US Navy Annapolic (Annapolic Naval Academy).
- Anh rất giỏi.
- Anh, anh rất… mến em. Nếu thành thật hơn thì… I love you.
- Em cũng… tương tự như anh.
- Anh cảm ơn em đã tạo điều kiện thuận tiện cho anh tỏ tình, chứ anh ngượng ngùng nhút nhát lắm. I live forever in my memories of love. But… there is still hope of a tomorrow (anh sống trong nỗi thương nhớ triền miên. Nhưng vẫn hy vọng ở ngày mai).
- Vậy sao?
- Anh thương em, yêu thiệt, mà không dám nói. I can hardly express my self, (anh không sao nói được điều muốn thổ lộ).
- Tại sao?
- Bởi vì anh rất nghèo, I am poor in money, but rich in youth, future and in hope: Try to understand my feelings. (Anh nghèo tiền, nhưng giàu tuổi trẻ, tương lai và hy vọng: Hãy hiểu cho cảm nghĩ của anh). Anh không tiền, không địa vị… anh lại là người Mỹ nữa. Biết thế, thật tình là anh không dám gì hết! Em ạ.
- Oh! You don’t say, but your drooping eyes and face tells it (ồ, anh không nói nhưng ánh mắt ủ rũ và nét mặt anh nói rồi).

Đôi mắt Tom trong sáng đượm vẻ trìu mến mong chờ nhìn Hoa âu yếm. Hoa cảm động xao xuyến trước lời Tom nói. Thoạt nghe, Hoa đã cảm thấy Tom thành thật, khiêm tốn, đơn sơ, hầu như đối với Hoa thì Tom có chút thân thiện, gần gũi, chân tình đầy cảm thông phận nghèo, và quá khứ buồn đau đã qua giống như hoàn cảnh của mình. Thế nên Hoa vui, niềm vui bất chợt lâng lâng, đằm thắm, nhẹ nhàng len lõi vào tâm tư: một ý tưởng êm ái rung động mơ hồ, nhưng thư thái, có hấp lực truyền cảm và hấp dẫn trong trạng thái an lành.

Suốt buổi tối đông khách nầy, khi thì Tom ngồi cùng bàn vui với bạn bè, khi thì Tom đứng ở quầy tiếp tân nói chuyện ôn tồn lịch sự hồn nhiên bên Hoa. Sau giờ Hoa làm việc xong, Tom lưỡng lự, e dè, rù rì, thủ thỉ rủ Hoa đi dạo biển. Hoa không do dự gật đầu lia lịa nhận lời liền. Thế là hai người vui tươi hớn hở đầm ấm lên xe Jeep đi một đoạn ngắn, rồi cùng nhau xuống xe, Tom thích thú ân cần nắm tay Hoa dung dăng đi dạo biển Tiên Sa. Họ nói chuyện bình thường về xứ mình, xứ người, chuyện cha mẹ, anh chị em đôi bên, cả chuyện hai cô cậu còn độc thân và công việc làm của mỗi người ra sao.
Nhìn lên trời đã khuya, Tom bồn chồn pha chút dè dặt, hỏi nhỏ:
- Em có cho phép anh đưa em về ở chỗ anh đang làm việc một chút không?
Hoa ngúc đầu liền, khi thoải mái ngồi trên xe hơi, Tom chần chừ, băn khoăn, do dự, tỏ ý không muốn đưa Hoa đến nơi đó. Hoa e ấp liếc nhìn Tom tủm tỉm cười:
- Em muốn đến xem chỗ ấy ra sao, cho biết thôi mà.
Tom bảo:
- Nhưng bây giờ đóng cửa rồi, không còn ai ở đó hết.
- Càng tốt.
- Tại sao?

Tom thật hiền lành ngây thơ và ngoan, anh chẳng hiểu tí gì về lời nói bóng gió của mình. Khi hai người về tới nơi muốn đến, ấy là khoảng cuối năm 1970, Tom qùy dưới chân Hoa để cầu hôn. Lúc đó Hoa nói tiếng Anh tiếng U còn ngập ngừng bập bẹ, ấp a ấp úng, nàng vẫn “hiên ngang”, nhưng âu yếm nhìn Tom say đắm; mà ra ba điều kiện (bằng “tiếng bồi”) với Tom:
- You marry me… you love my parents, my family.
- You marry me only me. No more woman.
- And one baby, two baby… OK. But no three baby, if three baby… I kill.

Có nghĩa là ý Hoa muốn nói: (“anh lấy tôi, thì anh phải lo cho cha mẹ, gia đình tôi. Anh lấy tôi thì anh phải thủy chung, anh không có người đàn bà nào khác. Và chúng ta chỉ có một, hai đứa con thôi. Nếu thêm đứa con thứ ba, tôi sẽ phá thai). Nhưng Hoa không biết nói chữ “phá thai” nên nàng nói: “giết”.

Thế mà Tom nghe, đã hiểu và vui vẻ tươi cười ngúc đầu lia lịa, vì Tom hiểu hết những gì Hoa muốn “truyền đạt thông tin tình yêu” từ trái tím nầy đánh thông điệp qua trái tim kia. Đúng là… Tình yêu say đắm mặn nồng có khác! Nó đã vượt qua tất cả biên giới vô hình hoặc hữu hình! Tom e dè xin phép Hoa, và trang trọng dìu eo ếch Hoa vào phòng… Đến đây, chắc có lẽ ai ai cũng hiểu chuyện gì đã xảy ra trong đêm đầu tiên chỉ có hai người: nam nữ cùng chung một phòng riêng biệt, đằm thắm yêu thương mà rất đỗi nồng nàn tuyệt vời đó rồi…

Sáng hôm sau Tom thì thầm xin lỗi khi bắt buộc phải bỏ Hoa nằm co ro cúm rúm sau xe jeep, và đậy tấm drap cho phủ kín người Hoa, Tom lái xe đi qua cổng để che mắt anh lính gác, Tom đưa Hoa ra bến phà trở về Đà Nẵng...

Suốt mấy ngày sau, Hoa như tỉnh như mê trong sự bần thần mệt mỏi, choáng váng, và cô đơn tột cùng. Hoa không khóc, không nuối tiếc cuộc tình đẹp mà quá mong manh, như tơ trời lay lắc đong đưa dật dờ trước cơn gió lùa… Lòng Hoa rấm rứt dày vò, buồn đau và chán chường kỳ lạ. Hoa chỉ muốn chết. Suy đi tính lại thật sự Hoa vẫn ước ao: “làm gì thì làm, miễn sao mình đi qua được Mỹ, để gặp lại Gary yêu dấu xưa. Thôi thì, cứ để cho con tạo xoay vần, mình hãy có con với Tom, rồi anh ta phải cưới mình và mang về Mỹ. Khi đó mình sẽ ly dị Tom, sẽ… tìm đến với người tình cũ. Chỉ có cách đó, mới có hy vọng trùng phùng với Gary mà thôi”.
***

Tom Mitchell đến Việt Nam làm việc tại Hải Quân Đà Nẵng, từ June năm 1966. Thế rồi ngày tháng trôi qua… đầu tháng Tư, Tom có lệnh giải ngủ. Trước đó ít ngày, Tom đưa Hoa đi làm hôn thú, nhưng họ không làm được, bởi vì anh phải ra khỏi lính, và nếu muốn “hôn thú hôn thiết, hôn hít” gì… thì Tom sẽ từ Mỹ trở lại Việt Nam, mới có thể làm giấy tờ hôn thú được.

Trong bộ quân phục Hải-quân trắng toát, thanh nhã mà kiêu sa oai hùng khi Tom Mitchell khoát lên thân thể cường tráng, cao ráo và đẹp trai ấy, ai ai nhìn chàng cũng cảm thấy ưu ái mến thích làm sao. Nhưng Tom chẳng cần biết điều đó, lòng Tom đang khắc khoải, lo âu, muộn phiền, sầu lắng biết bao, vì Hoa đã có bầu ba tháng, thì đầu tháng Tư 1970, Tom đúng thời hạn giải ngũ, buộc lòng anh phải trở về Mỹ. Tom buồn bã vô cùng lúc nói lời chia tay với vợ:
- I am so upset that, I can hardly express my self: We part with heavy hearts, disturb (anh nghẹn ngào cảm động không sao nói được những điều muốn nói: chúng ta chia tay lòng nặng trĩu, bứt rứt).

Hoa đau đớn tiễn Tom tới phi trường Đà Nẵng để lên máy bay, ấy là một ngày hai người yêu nhau cảm thấy não nề, dài lê thê từng chuỗi tuyệt vọng nối tiếp buồn thảm nhất. Từng bước từng bước rã rời, ngập ngừng uể oải lê chân lên cầu thang, nhưng Tom vẫn ngoái cổ lại nhìn Hoa riết, mà dấu những giọt nước mắt vô ống tay áo mình. Bởi lẽ nếu cấp chỉ huy nhìn thấy Tom khóc, thì Tom sẽ bị phạt nặng. Tuy giải ngũ, nhưng Tom phải về Washington DC nhận giấy giải ngũ, lúc đó Tom mới thay ra bộ quân phục được. Đúng là một kỷ luật đanh thép gắt gao, và lòng phục tùng sắt đá đầy cung cách và nhân cách tuyệt vời trong quân đội Mỹ.

Tiễn Tom đi rồi, Hoa ngồi sau lưng xe Honda, vùi đầu vô lưng ông Thọ mà khóc ngất, lệ rơi ướt lưng áo bạn. Hoa về tới nhà mà Tom đã thuê cho hai vợ chồng sống chung, thì trời choạng vạng tối, Hoa cảm thấy trống vắng buồn bã lạ thường, bụng mang dạ chửa đói cồn cào, rất mệt. Muốn lả người, nhưng Hoa chẳng còn tiền mua thức ăn, dù khi ở trong phi trường Tom móc túi để lại thêm cho Hoa $200 nữa. Hoa cất trong xách tay, nhưng Hoa khóc và bị ngất xỉu, nên ai đó đã lấy cắp hết một mớ kha khá tiền cũ, cộng với tiền Tom mới đưa.
Đang lăng lộn trên giường, Hoa nghe tiếng Trinh gọi:
- Huyền ơi, Huyền hỡi… Mi mô rồi hỉ?

Hoa uể oải ngồi dậy, xỏ dép, và đi mở cửa cho bạn vào nhà. Nhìn sắc mặt Hoa bất thần, tái nhợt, héo hon, Trinh thất kinh hồn vía, nàng vội hỏi cớ sự, Hoa ủ rũ bày tỏ hết nỗi niềm lo sợ về tương lai khi mình đã mang thai, không lâu Hoa phải nghỉ việc. Hoa sợ cha mạ đi tìm gặp, nếu cha không giết, thì mạ cũng đánh mình chết. Hoa kể chuyện Tom, chuyện mất tiền, vân vân… khiến Trinh đem lòng thương xót, nàng đã thu dọn đồ đạc của bạn và đưa Hoa về nhà nuôi, mà Trinh nói dối chồng là Trinh thuê Hoa giúp việc cho mình. Chồng Trinh là Ron Stoner khó tính, dân Không-quân thuộc về ngành Trực Thăng phản lực UH1, Ron là một trong những phi công đầu tiên bay loại này với số giờ bay trên 4560 giờ, là người tốt nghiệp huấn luyện viên tại Fort Rocker, Alabama. Ron cũng là bạn đồng khóa của Joseph, Tom, Mike và Gary.

Thế là Hoa được sống với bạn, ban ngày Hoa giặt ủi dọn dẹp cơm nước (vì bạn có chồng Mỹ nhưng cũng nghèo, nên Trinh vẫn đi làm), mỗi buổi tối Trinh mang thức ăn còn nguyên (nàng xin ở trong sở), đem về nhà, hai đứa cùng chuyện trò vui vẻ và thong thả ngồi ăn. Nhưng Hoa vui được mấy tuần như thế thôi, vì nhà Trinh ở gần nách phi trường, lúc nào Hoa cũng nghe tiếng phi cơ gầm rú inh ỏi long trời lở đất, Hoa càng nhớ Tom lúc Tom ngoái cổ nhìn Hoa đang đứng ở phòng tiễn biệt trên phi trường Tân Sơn Nhứt. Thế là Hoa lặng lẽ buồn phiền và nhớ Tom khủng khiếp, chẳng muốn ăn uống gì, khiến Trinh lo lắng sợ Hoa hư thai, nên khuyên nhủ:
- Hãy ăn uống điều độ, cố gắng chịu đựng những ngày đói kém, mọi việc chóng qua, rồi ngày vui sẽ đến. Tao tìm mọi cách để đùm bọc mi, tới đâu thì hay tới đó, mi đừng buồn phiền làm chi, mà có hại tới thai nhi. Tao nghĩ Tom đã hứa khi anh ta xin được việc làm, chắc chắn Tom qua Việt Nam cưới mi! Tao tin. Nè, sao mi không viết thư cho Tom, nhờ địa chỉ của Ron Stoner mà liên lạc với Tom liền đi.

Ồ… Một ý kiến tuyệt vời mà không nhớ ra, Hoa chỉ lo khóc. Hoa liền chồm dậy viết thư cho Tom, và nhờ Ron Stoner chuyển đi. Hơn một tuần sau thì Hoa nhận được thư hồi âm của Tom. Ôi đúng là nhờ máy bay trao tin thư nhanh tuyệt vời (do Ron lái tàu bay giống như gửi Fax vậy mà)! Hoa mừng rỡ không bút mực nào tả xiết, nàng cứ ấp thư trên ngực, mà cười, mà khóc trong nhớ nhung ngập lòng. Thư Tom báo là Tom rất lo lắng: do đã mấy lần Tom gửi thư cho Hoa ở địa chỉ nhà trọ cũ, đã bị trả về. Đồng thời tại Mỹ, Tom hứa là sẽ xin việc làm, và trở qua Việt Nam ngay.

Thế là nhờ địa chỉ của Ron mà hai người liên lạc mật thiết với nhau chặt chẽ, trong đó có câu Tom ghi: “Anh cô đơn tột cùng. Nếu đời anh không có em, thì anh sẽ chết mất”. Tuy biết thế, nhưng trong lòng Hoa cảm thấy tuyệt vọng do hoàn cảnh riêng mình và ngoại cảnh: Chung quanh Hoa có nhiều cô gái có bồ là dân Mỹ… đứa thì có vài thằng con lai, đứa đang mang bầu năm bảy tháng, có đứa vớ phải “thằng chồng” giàu xụ, cũng có đứa có bồ nghèo mạt kiếp. Nào có thấy có mấy ai “ung dung đi đứng Mỹ” miết gì! Các bạn xưa đa số trề môi dèm pha:
- Lo sinh đẻ, đi làm kiếm tiền nuôi con. Đừng ngồi đó khóc uổng nước mắt. Sức mấy hắn trở lại.
Có đứa còn ca vọng cổ:
- Anh ơi! anh nỡ lạnh lùng ra đi mà không thương em làm chi… Anh đi về Mỹ Tho Mỹ á… xa xôi, mà à há có con cho em ứ ớ ờ… em bồng!
Thu đi để lại lá vàng
Anh đi để lại cho nàng đứa con.

Ôi! thật ngao ngán đoạn trường và da diết buồn đau thê thiết! Sự thật như thế, nói chung chung thì đa số những chàng trai Mỹ đó ra đi… ít có người quay trở lại Việt Nam cưới vợ! Thế là Hoa lại chua xót ủ rũ, ray rứt, dày vò, khóc sưng mắt, cho tới lúc Trinh đi làm về lên lầu tắm rửa và làm nhiệm vụ với chồng xong, thì Trinh xuống nằm bên Hoa tế nhị vỗ về an ủi với bài hát: “Ngày chàng xa vắng… em chẳng trang điểm đợi chờ” của Y Vân. Trinh ca giọng Bắc rất hay.

Từng ngày từng tháng chậm chạp buồn bã lặng lẽ trôi qua… trong đời Hoa. Hoa ở nhà Trinh đến tháng thứ năm, thì bào thai hơn sáu bảy tháng lớn lên vượt mặt Hoa, lúc đó Ron mới sửng sốt té ngữa ra… biết chuyện Hoa là bạn Trinh đã mang thai, chứ Hoa không phải là người ở giúp “việc nhà việc nước” gì cả!!! Dẫu sao, khi anh ở nhà nghỉ ngơi, Ron không thể tự nhiên thoải mái chút nào, vì có bà bầu lù lù đi lui đi tới âm thầm lặng lẽ dọn dẹp. Ron lại phải giữ kẽ vì không thể tự nhiên, phiền phức và bất tiện, tốn kém nhiều việc không đáng kể, nhưng Ron chỉ bực bội nhất là sự mất tự do khi chàng muốn âu yếm nồng nàn với vợ, cũng không tiện! Chẳng thể vui. Thỉnh thoảng Ron nho nhỏ cằn nhằn đay nghiến vợ. Trinh vì thương cảm bạn, nên cúi đầu nín lặng, thật tội Trinh vô cùng. Hoa đang lo lắng suy nghĩ điên đầu: nên đi đâu mà “núp lén” mọi người, và cha mạ em út bây giờ!?
***

Sau những thủ tục giải ngũ xong xuôi, ngày ngày trong suốt ba tháng ròng rã mỗi sáng ở Mỹ, Tom đi xin việc làm khắp nơi, đều bị từ chối. Sáng nào Tom cũng ra thùng thư gửi thư và chờ nhận thư Hoa, nếu không có thư vợ, Tom buồn biết bao! Tom muốn về Việt Nam lắm, nhưng không có tiền mua vé máy bay. Tom cảm thấy rất buồn, chỉ muốn tự tử, vì mình không thể đi xin việc, Tom sầu não buồn phiền ủ rũ cứ nằm lì ở nhà, ôm cái máy hát nghe bài: “Hey There Lonely- Girl” của Eddie Holman. Khiến bà mẹ thông cảm rất thương Tom, bà đã lưu ý và “điều tra” nguyên cớ tại sao con trai bâng khuâng phiền muộn. Biết mẹ yêu mình nhiều nên Tom tỉ tê tâm sự… anh xin mẹ dấu nhẹm ba Tom, vì ông bố rất khó tính. Bà mẹ nghe con trút hết nỗi niềm tâm sự, liền hỏi:
- Sao con không đem cô ấy cùng về Mỹ?
- Luật lệ của hai quốc gia khác hẳn nhau, không dễ dàng qua đây đâu, mẹ à.
- Vậy con nên quên cô ấy. Con tìm một cô gái khác tại Mỹ. Rồi cô kia cũng sẽ quên con mà đi lấy chồng.

Nghe vậy, Tom quá thất vọng buồn phiền sầu thảm dường bao! Mấy ngày liền Tom đóng kín cửa nằm im trong phòng, không thiết ăn uống, khiến bà mẹ áy náy lo âu và càng thương con hơn. Bà gọi con dậy, bắt con phải đi ăn uống. Bà ngồi bên cặn kẽ hỏi:
- Nếu con đi Việt Nam thì tốn bao nhiêu tiền?
- Vé máy bay qua về của con, và cô ấy, cộng với tiền làm giấy tờ, tốn khoảng $2,000.
Bà mẹ buồn buồn lắc đầu tắc lưỡi:
- Ôi! Số tiền rất lớn. Con biết đấy, nhà mình quá nghèo, ba con đi làm chỉ vừa đủ nuôi chúng ta. Gia tài mẹ chỉ có $1,300. Thế tiền lương mấy năm con làm ở Navy, còn đồng nào không?
- Không mẹ à.
Bà ôm Tom vào lòng hai khoé mắt bà rưng rưng, hai mẹ con nhìn nhau nghẹn ngào:
- Nếu con đi Việt Nam đưa cô ấy về đây làm vợ, con có hứa với mẹ là: con sống với cô ấy trọn đời không?
- Trong đời con nếu không có Huyền, con sẽ không sống nỗi, thì làm sao con xa cô ấy được, hở mẹ!?
- Con à! Khi yêu thương thì ai cũng nói thế. Nhưng lúc vô vòng rồi, sẽ có nhiều phức tạp, rắc rối.
- Nếu cô ấy bỏ con, con chịu thua. Phần con, con hứa yêu cô ấy trọn đời. Mẹ biết tính con mà.

Thế là bà mẹ vất hết tất cả công việc, bà lo đi vay mượn bạn thêm tiền, để đưa cho Tom $2,000. Tom cảm động ứa nước mắt ôm chầm mẹ, anh ngỏ lời cám ơn và biết ơn mẹ. Tom vui mừng sửa soạn đi Việt Nam. Chẳng hiểu sao trước ngày Tom đi, ba anh biết được, ông tức giận lôi Tom ra “dần, đánh anh một trận tơi tả”. Tom đứng yên cúi đầu chịu trận, cứ để cho ba đánh, không hề bất mãn hay chống cự. Bà mẹ đau lòng thương cảm con, đã xông vô can gián. Cả nhà ầm ỉ ồn ào náo loạn, thì ông mệt mỏi ngừng đánh Tom, nhưng ba quyết liệt đòi từ bỏ chàng. Sáng hôm sau Tom xách va ly đi Việt Nam.

Tom đã gửi thư báo trước cho Hoa rõ: ngày 10 tháng 7 năm 1970 anh sẽ trở lại Việt Nam. Lúc nhận thư, Hoa mừng rỡ hét to như người điên. Vẫn nửa tỉnh nửa mê chưa tin ở mắt mình, Hoa nhờ Trinh đọc đi đọc lại lá thư Tom khoảng chục lần. Thế rồi từng giây phút hồi hộp nôn nóng khắc khoải chen lẫn lo âu băn khoăn ấy đã đến, khi họ gặp lại người yêu dấu! Ôi ngày hạnh phúc tuyệt vời đang rung lên từng đường tơ kẽ tóc… Khi Tom & Hoa mắt nhìn mắt môi tìm môi, họ bộc lộ nỗi niềm nhớ nhung mặn nồng dìu dặt trao gửi, mà nhịp tim rung lên bần bật. Tom âu yến ôm vợ vào lòng hân hoan xoa xoa nựng nịu cái bụng bầu xinh xinh. Không có bút mực nào có thể chân thật, linh động, mà diễn tả lại đầy đủ sự trung thực, chính xác về cái ngày hạnh phúc tương phùng, của hai người ở hai phương trời cách biệt xa xôi từ nửa quả địa cầu, nay sung sướng hội ngộ tuyệt vời khi gặp nhau. Hạnh phúc thay!

Hoa cứ tưởng cuộc sống của mình bình lặng êm đềm trôi, như nước chảy qua dưới cầu, ai ngờ khi bụng Hoa đã lùm lùm phải trốn ở trong nhà, (như đã nói) suốt bốn năm tháng trời, thì cha cùng em trai là Chiến (lúc ấy cha ở binh chủng Pháo Binh, Tiểu-đòan 22 đóng tại Tam Kỳ) cha xin nghỉ phép, (hoặc có giờ nghỉ cuối tuần), họ lặn lội đi tìm Hoa khắp mọi nơi, vì mấy tháng vắng bặt không có tin tức của Hoa, họ lo sợ Hoa bị đau ốm nặng, hoặc bị giết chết.

Rồi một ngày kia, chẳng hiểu trời xui đất khiến sao… một hôm Hoa đang lang thang ở ngoài chợ Hàn, thì bị cha và em Chiến bắt được. Nhìn nét mặt cha đau đớn và hai hàm răng nghiến lại bấy giờ, Hoa biết là cha rất đau khổ buồn phiền lắm. Cha giữ thể diện không muốn người ngoài nhìn ngó xì xào, nên cha bình tĩnh điềm đạm không nói to tiếng, chỉ nghiến răng im lặng, lầm lì lôi Hoa lên xe trở về Tam Kỳ. Cha chỉ nói vắn tắt:
- Đi về nhà mau.

Trên xe, Hoa ngồi im giữa cha và em Chiến từ Đà Nẵng về nhà ở Tam Kỳ không xa lắm. Suốt buổi không ai nói với ai lời nào. Họ chờ đến lúc trời tối mịt, mới để cho Hoa vô nhà. Cả nhà chợt mừng rỡ gặp nhau chốc lát, nhưng khi hiểu ra cớ sự, thì nhà trên nhà dưới cửa đóng then cài, Hoa bị mạ vừa khóc vừa lấy roi đánh vô đít một trận nên thân, tưởng chết. Tội nghiệp mạ sau khi đánh con, mạ tự đấm vô ngực thụi thụi, và vật vã khóc than. Các em nhỏ thấy Hoa bị nhiều đòn, toàn lưng và hai chân lằn ngang lằn dọc tươm máu, các em thương chị và sợ hãi ôm nhau mà ré lên, khóc sưng cả mắt. Sau đó, vì buồn phiền mạ đỗ bệnh nặng. Bốn năm ngày Hoa trốn tiệt trong nhà, không hề dám lấp ló hó hé nửa bước ra tới cửa. Cuối cùng sợ xóm giềng biết con chữa hoang, thì xấu hổ ê chề nhục nhã, cha mạ bàn với nhau phải cho Hoa trở lại Đà Nẵng vào một buổi sớm tinh sương, khi gà chưa gáy sáng và mọi nhà trong xóm còn đóng kín cửa ngủ say.

Tom rất mừng lao vô ôm chầm lúc gặp Hoa. Nhìn những vết thương thâm bầm, thì Tom sửng sốt, bàng hoàng nghẹn ngào ôm Hoa mà khóc nức nở! Hằng ngày Hoa được Tom tận tình chăm sóc chu đáo các vết thương. Vài tháng sau thì Hoa sinh một con trai, hai người hớn hở mừng vui đặt tên con là Thomas. Hoa đắn đo ái ngại báo tin cho gia đình biết. Ba mạ lúc nầy cũng hơi nguôi ngoa phiền muộn đôi chút, nhưng trong nhà dấu kín chuyện Hoa (…) không hề hé môi cho dòng họ, nhất là xóm làng chẳng ai biết.

Nhận thư Hoa báo tin, mạ cùng mấy đứa em lật đật đến thăm Hoa. Thấy chuyện con lỗi lầm đã dĩ lỡ rồi, không lẽ giết chết con, họ dè dặt gõ cửa phòng, thấy cháu bụ bẫm kháu khỉnh, coi ngộ nghĩnh, trắng trẻo, hồng hào dễ thương, nên họ đành chấp nhận đổi giận mà thương con, và vui vẻ cưng nựng cháu. Thỉnh thoảng cả nhà kéo nhau đi thăm Hoa với quà bánh thổ sản quê hương, loại thức ăn đặc biệt mà Hoa thích ăn nhất. Ngược lại Hoa vẫn không quên tận tâm lo cho cha mạ và các em có cuộc sống khá đầy đủ mọi thứ, cha mạ các em trong thời gian nầy bình an yên vui.

Tom đi làm ở hãng Philco Ford Coperation tại Đà Nẵng, lương tiền khấm khá hơn hồi đi lính, một tháng Tom lãnh hơn $2,000, tiền lương cao gấp mấy lần hồi trước khi Tom ở Navy. Nhờ thế Hoa mướn một căn nhà riêng gọn gàng yên tĩnh đầy đủ tiện nghi, Hoa ở nhà lo cho chồng con đàng hoàng sung túc, gia đình nhỏ của Hoa rất hạnh phúc, Hoa cảm thấy bây giờ đời mình bắt đầu lên hương, đời đẹp như mơ. Sau khi sanh con trai khỏe mạnh, bốn năm tháng trôi qua thì Hoa cấn thai đứa con thứ nhì/ Sang năm thứ hai thì Hoa sanh thêm đứa con gái, đặt tên là Joann. Vị chi mỗi năm một đứa con Mỹ trắng rặc, nhưng sanh tại Việt Nam.

Hoa sợ chuyện “mau mắn nhạy cảm” có con cái nhanh quá, nên Hoa đã có chút càu nhàu nhắc khéo Tom hoài chuyện xưa. Tom yêu cô vợ trẻ xinh xinh đẹp đẹp và ngoan hiền, có con thơ nhọc nhằn, nên Tom giữ điều độ và kiêng cử - Ngày kia khi về Mỹ thăm ba mẹ, Tom đi… “thiến” (Abortion). Ngày tháng hạnh phúc tưởng như ngừng đọng lại trong tình yêu tuyệt vời, và sự sung sướng mãn nguyện không tắt trên những đôi môi vợ chồng và nụ cười thắm tươi cùng con trẻ. Ai ngờ… một buổi chiều đầu năm 1972 đi làm về, Tom thẩn thờ ủ rũ như người mất hồn, anh ôm siết Hoa và hai con vào hai cánh tay rắn chắc, khuôn mặt anh trông áo não, giọng nói run run dường như muốn khóc:
- Ngày mai mình đi làm giấy tờ để về Mỹ, em à.
- Ồ! Tại sao vậy anh?
- Anh không thể nói được. Khi về Mỹ rồi, anh sẽ giải thích sau.
Mặc dù Hoa hết lời năn nỉ, Tom vẫn không hở môi. Hoa nhìn Tom van lơn:
- Nhưng… nếu ở Mỹ, em muốn về lại Việt Nam, có thể được; phải không.
Tom ngần ngại một chút rồi âu yếm nhìn Hoa mỉm cười gật gật đầu.

Hai người đi làm giấy tờ thật nhanh. Còn chút thời gian ngắn, Hoa vội vã về làng Trường Sanh thăm mệ ngoại và biếu tiền bạc (thân sinh của mạ Hoa). Hoa lại quày quả trở vô Đà Nẵng, lo sắm sửa đầy đủ tươm tất cho cha mạ và các em vào những ngày cận Tết Nguyên Đán thật long trọng. Hoa thuê một chiếc xe chở về Tam Kỳ cho gia đình rất nhiều bánh mứt, áo quần mới, giày dép, gạo thịt và nhiều thứ linh tinh khác, cũng như tiền bạc rủng rỉnh hậu hỉ, để lại cho cha mạ.

Nhưng khi cha mạ và các em nghe tin gia đình nhỏ của Hoa phải rời Việt Nam nay mai, thì cả nhà chưng hửng, sửng sốt, buồn bã ủ dột. Bỗng nhiên họ òa lên khóc như một đám tang, không ai có hể mở miệng thốt được lời nào! Còn gì nữa mà ăn Tết với hưởng lộc Tết!? Hoa hứa với cha mạ là khi qua Mỹ ổn định rồi, thì Hoa sẽ trở về quê nhà một ngày gần đây. Hoa nói như thế, để cha mạ không quá sầu não mà có chút yên lòng, chứ chính Hoa cũng không thể biết là mình có thể trở về quê nhà được hay không! Cha mạ các em nằn nặc đòi ra Đà Nẵng để tiễn đưa gia đình Hoa đi Mỹ, nhưng Hoa cương quyết không chịu vì Hoa sợ cha mạ có mặt, sẽ khóc nhiều vì con cháu.
***

Ngày 22 tháng Chạp năm 1972 xe của hãng Philco Ford Coperation đến đón vợ chồng con cái ra phi trường. Khi Hoa bước ra cửa, đang quyến luyến nhìn quanh và tần ngần bước lên xe, bỗng dưng Hoa thấy mạ và mấy em lấp ló bên gốc cây phượng, trên tay mạ ẵm đứa em nhỏ mà tay kia mạ quệt nước mắt. Xe rồ máy… vút đi. Ôi chao ơi! Ngồi trên máy bay từ Đà Nẵng vô Sài Gòn, Hoa đau đớn tột cùng đã ngất xỉu mấy lần, khiến tiếp viên hàng không lo sợ tìm bác sĩ tới săn sóc đặc biệt. Tom hốt hoảng quay quắt gọi tên nàng ơi ới, hai tay anh bận bịu ẵm hai con thơ, một đứa 17 tháng tuổi, một đứa ba tháng tuổi. Thiệt khổ hết biết. Phi cơ hạ cánh xuống Tân Sơn Nhứt, gia đình Hoa đến ở một khách sạn sang trọng rất lớn do công ty của Tom thuê bao. Hoa đứng trên lancan khách sạn nhìn xuống thủ đô hoa lệ, mà hai hàng nước mắt dâng trào:
Tôi đi băng ngang qua đường phố cũ
Nắng Sài Gòn làm rát bỏng làn da
Xe cộ chen nhau từng bước chân qua
Vẫn phải bước đi giữa dòng xe cộ
Nắng rực rỡ không tìm ra bóng đổ
Chỉ khói xanh pha với bụi mịt mù (Yên Sơn)

Tom đuối sức vì lo lắng chăm sóc cho vợ và hai con nhỏ rất vất vả, khá mệt, nên anh nhờ nhân viên khách sạn lo dùm hai đứa trẻ, để Tom có thì giờ lo cho Hoa. Sáng hôm sau, khi lên Tân Sơn Nhứt và vô trong phi cơ đi Mỹ cũng thế, Hoa cứ nằn nặc đòi mở cửa:
- Cho tôi xuống, tôi không muốn đi đâu hết.

Tom phải gọi bác sĩ đến khám bệnh, cho Hoa uống thuốc, lúc đó Hoa mới ngủ liên miên không thể “quậy”. Lúc đến Hawaii, Hoa ngất ngư lừ đừ tới làm thủ tục lấy thẻ xanh. Rồi ngày 10 tháng Hai năm 1972 cả nhà Hoa lên phi cơ bay tới phi trường San Fransico. Trưa hôm sau lại bay về phi trường Youngstow Ohio.
Ba mẹ chồng vui vẻ mừng rỡ ra đón con dâu, con trai và hai cháu của họ.
***

Gió thu lạnh, từng lá vàng run rẩy
Cây trơ cành buồn bã hứng trời sương
Tôi viết tiếp bản trường ca thứ bảy
Chút lòng người vong quốc gởi quê hương !

Một quê hương bên kia bờ đại hải
Nửa địa cầu vời vợi cánh chim bay
Quê tôi đấy, dân đau thương quằn quại
Tôi xa quê, lòng nhớ qúa đêm ngày!

Xưa, đẹp lắm, từng bờ sông, ngọn núi
Giặc tràn về tất cả trắng màu tang
Hăm mấy năm tôi chờ cơn gió nổi
Tôi đợi Kinh Kha phất ngọn cờ vàng!

Anh hỏi chúng tôi sao yêu đất nước
Lại âm thầm rời bỏ để ra đi
Và chị hỏi vì sao yêu tổ quốc
Cần bàn tay xây dựng lại không về ???

Đọc bài thơ trên của Ngô Minh Hằng, Hoa nghẹn ngào ngậm ngùi và chua xót… biết trả lời sao cho trọn tình trọn nghĩa với chồng, con, và nơi quê hương xa lắc xa lơ tít mù khơi, cùng cha mạ và bầy em còn nhỏ dại? Hoa đành buông trôi dĩ vãng, thả mảnh bằng đánh máy, cùng niềm đau không cạn trôi về quá khứ. Hoa rụt rè mở cửa tâm hồn cho người khách phương xa ập vào đời, anh quàng lên cổ em sợi xích hôn nhân. Cả hai sẽ bất tỉnh nhân sự trong căn nhà hạnh phúc… cho đến chết.
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
08-17-2015, 05:47 AM
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/ea 98 haimat_1439790255.jpg
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/Em - Vu Khanh_1439789988.mp3
"Mụ Vợ" Ui là VỢ {của Tui…
(Chuyện vui buồn, mà có rất thật của Hoàng Ph...)}
*


Buổi kia, Hoàng Phương Nam đi “coi mắt” vợ là: cô Bạch Phùng. Hôm ấy, gia đình ba má, mấy chị, em, bà Ba Hồng, Nam: cùng nhau leo lên xe hơi nhà, đi đến vùng Phú Thọ. Nam chỉ thấy thoang thoáng hai cô gái ỏng à ỏng ẹo ỏn ẻn yểu điệu ra bưng trà, vô bưng nước để mời khách. Cô nào cô nấy cũng xinh xinh, đẹp đẹp, nho nhỏ nhí nha nhí nhảnh; ui là lá laa… là dễ thương coi mòn con mắt, đã thiệt nhen. Bà Hồng nháy mắt nhìn chàng, cười cười. Từ đó, cả nhà xúm lại “thuyết giải” Hoàng Nam về bổn phận, và “nghĩa vụ gia tộc” của cậu con trai trưởng là: cần phải nhanh chóng “lấy vợ báo hiếu”, để cha mẹ có tí cháu nội bế bồng hun hít.
Nam uể oải gật đầu. Vì thế ai ai cũng vui vẻ mách nước với Nam:
Lấy vợ nên lấy vợ non.
Tóc thề mườn mượt xỏa eo thon.
Mắt sáng, môi hồng, da tươi thắm.
Đỡ tiền mua sắm những phấn son.
. . .
Lấy vợ xin anh lấy vợ già.
Ra đường “ẻm” biết chuyện gần xa
Lỡ anh đi lạc thì em nhắc.
Cũng tốt cho anh đó thôi mà

Lấy vợ xin anh lấy vợ lùn.
Áo quần em mặc, vải hay thun.
Người cao một bộ, em hai bộ.
Tiết kiệm cho anh gấp bội phần.

Và chu đáo hơn, ba má anh chị em của chàng còn khuyên Nam nên kiêng:
Lấy vợ nên kiêng lấy vợ hô.
Hàm răng lởm chởm nói bô bô.
Rủi khi “bà” giận ôm chồng cắn.
Đổ máu phu quân chạy thấy mồ.

Lấy vợ không nên lấy vợ ù.
Đêm nằm ôm vợ tưởng ôm lu.
Rủi khi mà nó đè lên bụng.
Bẹp xác ông chồng khóc hu hu.

Hoặc dí dỏm đắn đo lựa chọn hơn:
Không lười biếng
Nói nhỏ tiếng
Biết chiều chồng
Giỏi nữ công

Và gia chánh.
Biết làm bánh
Nấu ăn ngon
Biết dạy con

Ứng xử tốt
Không quá dốt
Không quá khôn
Không ôm đồm

Không ủy mị
Không thiên vị
Không cầu kỳ
Không quá phì

Không quá ốm
Không dị hợm
Không chanh chua
Không se sua
*

Thế là cứ cách vài ngày, Nam lại đến nhà cô ta để “tìm hiểu nhau”. Hôm trước cả nhà chàng đến coi mắt Phùng, thì cô lại đi vắng. Bây giờ, ngồi ở trong phòng khách, chàng nói với Phùng chuyện “trên trời dưới đất” cũng có phần lạt lẽo, hai người cố gắng nói chuyện tào lao xịt bộp cho vui vui xí, chớ ngồi ì ra, lớ ngớ, vụng về trơ trẽn, coi cũng kỳ! Nam bần thần lững thững đi về. Mấy tuần đó Nam và Phùng chưa có một lần đi chơi riêng ra ngoài. Ngoại trừ có một lần duy nhất Phùng hẹn chàng ở đầu đường, để Nam chở Phùng đi xem bói, (vì nàng dấu kín không muốn cho người nhà, và người yêu cũ của nàng biết. Dù sao thì người yêu của cô nàng còn là anh học trò lớp đệ Nhị, con nhà khá… nghèo). Phùng phân vân băn khoăn muốn coi bói thử, là cô có nên lấy anh chồng con nhà giàu xụ nầy không, và số phận của nàng và “anh nầy” sẽ ra sao? Phùng cũng sợ giao trứng cho ác, như mấy con bạn đã bị chớ:
Chồng Tây kịch cợm như voi
Đêm lăn đè trúng chắc lòi phèo luôn
Chồng Tàu ăn mãi nước tương
Đứng gần nồng nặc mùi hương xì dầu

Chồng Lào mê được chỗ nào?
Nhỏ con, èo uột xanh xao gầy còm
Chồng Phi Châu chúng đen ngòm
Tối về cúp điện dòm hoài không ra!

Chồng Mỹ dâm đãng lắm nha
Nếu không khéo giữ chắc là teng beng
Chồng Đài Loan có máu ghen
Léng phéng nó biết, sớm lên bàn thờ

Nam dặn dò Phùng:
- Em đứng chờ anh ở cột xe bus, gần ngỏ vô nhà em nhe.
Thì cô ta lại tưởng là chàng hẹn Phùng đợi đâu đó, nên đi xa lắm. Hai người lạc nhau ba giờ, hồi nầy làm gì có cell phone mô mà gọi? Bực bội thật! Gặp nhau rồi, Nam lái xe hơi chở Phùng đi xem bói xong. Hai người đi về ngay. Vì, ông thầy bói thấy chàng Nam “tốt tướng”, con nhà giàu xụ, đi xe hơi láng cón, ông thầy nhìn Phùng một lúc, cười cười:
- Cuộc hôn nhân nầy rất đẹp đôi. Xứng đáng mà! Yên trí lớn sẽ sống với nhau suốt đời. Chả cần phải “khách sáo” mời mọc nhau đi ăn uống, chuyện trò thân mật hỉ? Anh muốn sao, trời cũng chìu anh à:

Rồi ông thầy bói lại nói thêm là anh chị sẽ rất hạnh phúc đó:
Lấy vợ xin anh lấy vợ cao.
Chúng mình đùm bọc lẫn cho nhau.
Cây trái anh thèm, em tay với.
Đỡ mất công anh bắc thang trèo.

Nàng vui vui đã năn nỉ ông ba bà má:
Má ơi cứ gả con xa
Miễn sao chàng rể trong nhà nhiều “đô.”
Thương anh chín đợi mười chờ
Đến khi mười một, em “lờ” anh luôn!

Cha mẹ hai bên đã gặp nhau, bàn thảo kỹ càng, coi xôm tụ về việc hôn nhân. Ngày chủ nhật, tức là một tháng sau khi quen sơ giao, thì họ làm đám hỏi, tổ chức tại nhà ba má của nàng. Đầu tháng sau, đám cưới Nam+Phùng vô cùng long trọng ở nhà thờ. Buổi tối chiêu đãi thân nhân, họ hàng, khách khứa tấp nập, đông đúc và trọng thể tại nhà hàng Quốc Tế. Hai “anh chị” chả cần biết. Suốt cuộc hành trình đi tìm kiếm hạnh phúc lứa đôi, Nam như là con “rô bô”, như kẻ mất hồn, như Thiên Lôi ai sai đâu tui đánh đó vậy. Chàng kết thúc một giai đoạn cũ với những mối tình quờ quạng lăng nhăng. Không ai hiểu hết, họ tưởng tất cả quá khứ đầy sóng gió của chàng đã chìm vào quên lãng. Chỉ có Nam, và may ra duy nhất chỉ còn “mùi của hoài hương xưa duy nhất của Mười”, mới hiểu rõ Hoàng Nam tui đớn đau như thế nào mà thôi:
Dây tơ hồng quấn quanh chuồng lợn
Tình chúng mình có “tợn” lắm không? (*)

Ngay từ buổi đầu tiên trong ngày “honeymoon say đắm” kia, Nam lái xe hơi cuả ba, ra nghỉ ở Vũng tàu. Dọc đường đi có một cặp khác vui vẻ trẻ trung, cũng lái xe hơi chạy gần gần bên xe hơi của họ. Khi thì xe Nam qua mặt xe của cậu ta. Khi cậu ta qua mặt xe chàng. Cả hai người thanh niên cùng vẫy vẫy tay cười cười vui vẻ. Nhưng Nam thấy mặt Phùng xù ra như lông nhím. Nam nghĩ thầm:
“Không vui rồi. Chắc có lẽ… bởi do nàng:
Lấy vợ xin anh lấy vợ ghen.
Vì anh, em gác cửa cài then.
Vì anh, em mới làm như thế.
Nên đành phải thức trắng đêm đen.

Lấy vợ xin lấy vợ ngáy to.
Lỡ bề ăn trộm nó hăm ho.
Đêm khuya thanh tịnh em ngay ngáy.
Trộm tưởng thiên lôi chạy cao giò.

Nam cho xe chạy chậm lại, giả lả to nhỏ với Phùng vài câu chuyện vui để khỏi mích lòng vợ. Ấy thế mà Phùng im thin thít, bĩu môi, nhún vai… lạnh lùng quay mặt đi ra vẻ khinh bỉ. Nam cảm thấy xấu hổ với cặp kia, chàng lại tức vợ cành hông, nhưng cố mím môi nhịn nhục. Vào lấy phòng trong Hotel, Nam soạn áo quần móc vào tủ. Má của chàng chu đáo lắm, má đã mua sắm cho con dâu đầy đủ, tỉ mỉ mọi thứ quần áo, đồ dùng sang trọng không thiếu món gì.
Trong khi chờ đợi vợ đi tắm, Nam nằm đọc báo ngoài balcon. Tắm xong, Phùng đi ra chỗ chồng nằm. Từ trên lầu tư cao chót vót nhìn xuống sân. Bỗng Phùng chỉ tay xuống đất, gọi giật chồng lại, hét to:
- Coi hai cái đứa mất dạy kia kìa. Chúng nó bám riết theo ta. Cố ý chọc quê tụi mình đó.
- Không phải đâu em. Chỉ là sự tình cờ, trùng hợp ngẫu nhiên thôi.
- Xì. Tình cờ gì! Mình dời đi chỗ khác. Đi anh.
- Sao lại vậy?
- Anh không đi hả. Nếu anh thích, cứ ở đây với chúng nó.
- Em kỳ ghê à nha.
- Ừa. Tui như vậy đó.

Nam đành phải thu xếp đồ đạc dời đi hotel khác. Trả phòng, chàng phải nói dối với bà chủ là: Có “điện tín”, cần về Sài Gòn gấp. Dĩ nhiên là mất toi tiền phòng vô lý. Dời đến hotel xa thật xa bờ biển. Khi xuống garage lấy xe hơi, hai người lại “đụng độ” với cặp vợ chồng trẻ lúc chiều. Họ vồn vã hỏi thăm “anh chị” rất lịch sự:
- Chào anh chị. Sao anh chị không ở hotel nầy với chúng tôi cho vui nhỉ?
Nam áy náy bắt tay ông chồng, vội trả lời:
- À... Chả là vì tôi có bà con ở đằng kia, họ đã lỡ hẹn phòng rồi. Cám ơn anh chị. Chúc anh chị những ngày nghỉ hạnh phúc vui vẻ nhe.
Phùng trề môi lườm nguýt họ một cái rất dài, cô xù mặt quay đi. Lên xe, trước khi đóng cánh cửa xe hơi “cái rầm”, Phùng thò đầu ra cố ý đốp vào mặt họ:
- Cái thứ đó. Anh nói chuyện làm gì!
Hai vợ chồng trẻ kia sửng sốt, đứng ngây ra nhìn. Họ nghe rõ mà. Trách sao có người làm câu thơ:
Lấy vợ xin anh lấy vợ hô.
Lỡ sau mà có gặp côn đồ.
Em cười, chúng tưởng Chung Vô Diệm.
Hồn xiêu phách lạc cõi hư vô.

Nói chung, trong tuần lễ “trăng mật” chả vui vẻ gì! Ui! Cải nhau suốt bốn năm lần. “Chàng” rủ “nàng” đi tắm, thì nàng kêu mệt, bỏ đi nằm ngủ. Khi “anh” mời “em” đi ăn, thì em chỉ thích coi ca nhạc, chồm lên cười hô hố. Hai người đi tắm nửa chừng, nàng nói “không vui”, lại hầm hầm bỏ về phòng ngủ vùi. Nam dỗ dành chìu chuộng vợ hết cách, vẫn không xong. Thế rồi em & anh… suốt ngày Nam tự đấm ngực oán trách:
Lúc xưa thì vậy, giờ không còn gì...
Cái hôm mà nàng vu quy.
Ta biết ta sẽ bị ... đì lai rai.
Khổ thân cho kiếp con trai.
Một lần lấy vợ bằng hai lần... mù.
Lưng thì mỗi ngày mỗi gù.
Cày ba bốn jobs để... bù nàng tiêu.
*
Cuộc hôn nhân nầy như một “trò đùa của định mệnh tàn nhẫn & trớ trêu”. Vì quả thực, hai người vừa ăn ở với nhau chả bao lâu, đã "phát sinh ra" đủ thứ chuyện bực bội rối rắm đầy mâu thuẫn. Mỗi người có một cá tính dị biệt, rất khắc khẩu, hầu như mọi vấn đề đều khác biệt lạ lùng. Nam ngậm ngùi dấu kín nỗi đau trong lòng. Ban đầu, trước khi đến với nhau, Nam thấy vợ cũng xinh như ai, sau khi về nhà chồng, mấy bà chị, em út nhất là mẹ chồng (vì họ ước mong có một thành viên mới, nhất là nàng dâu trưởng) xúm lại bên Phùng, họ dùng quần áo, phấn son và nữ trang vòng vàng kim cương sáng chói để trang điểm cho nàng thêm lộng lẫy.

Từ đó, một cô gái nghèo đã vươn lên nấc thang danh vọng đầy kịch tính: Chẳng lẽ cuộc sống của vợ Nam trong gia đình giàu sang nầy, chỉ tẻ nhạt trống rổng từ việc ăn, uống, ngủ, với mẹ chồng và chị em chồng đi mua sắm… trang điểm, suốt ngày đi ra đi vô chăm chút ngắm nghía vẽ đẹp mê hồn, Phùng không phải động tay động chân bất cứ việc nhỏ nhặt nào, mà nàng vẫn không bằng lòng thôi sao? Đằng sau nét đẹp mỹ miều của một phụ nữ nầy là một con người khác. Nam không hiểu được sự gì là vẽ đẹp thật sự từ nội tâm thể hiện ra bên ngoài!? Phùng có thể có vẽ đẹp kiêu sa bên ngoài, nhưng không thể trau dồi vẽ đẹp thuần khiết nội tâm, để Nam có thể tăng thêm tình yêu vợ.

Một hôm bà bếp bị ốm, hai người làm thì một người phải trông chừng trẻ nhỏ, một người lau dọn giặt giũ; vợ Nam túng túng vụng về luộm thuộm nấu ăn, chàng cũng muốn thân thiết nên đứng giúp vợ cất dọn những thứ bừa bãi Phùng giăng đầy khắp nơi:
- Lửa to quá, vặn lưả nhỏ chút xiú, em coi chừng trào hết canh ra nè.
- Nấu canh, em không bỏ đường vô nhiều vậy.
Nàng bực tức quăng cái vá:
- Lảm nhảm ồn quá, giỏi thì tự làm đi!
- Không biết, lại chẳng nghe ai, tức giận nỗi gì ha!
- Tui như vậy đó.
Chàng cười ha hả, mà lòng đau buốt chỉ ngữa mặt lên trời:
Bắc thang lên hỏi ông trời
Ðời con đau khổ đã nhiều, thấu chăng?
Ông trời cúi mặt than rằng
Tao đây cũng khổ, cắn răng chịu đòn!

Bắc thang lên hỏi ông trời
Vợ con nó quá dữ như bà chằng
Ông Trời ổng trả lời rằng
Vợ tao còn dữ gấp trăm vợ mày

Bắc thang lên hỏi ông trời
Vợ con dữ quá, con xin bỏ nàng
Ông Trời ngó xuống trả lời
Mày bỏ được nó thì tao con mày (*)

Nếu “tôi” thích A, thì “người ta” lại thích Z. “Anh” thích màu xanh, “Em” lại thích màu đỏ. Giống như một chiếc xe hơi mới toanh, khổ nỗi lại có hai cái "vô-lăng” hai hộp số, hai cái thắng. Thì, “tôi” định rẽ về bên phải. “Người kia” lại muốn lái về bên trái. “Tui” muốn nhấn ga, thì “bả” muốn đạp thắng. Tréo cẳng ngổng. Mà con đường đời thì không phẳng phiu, êm ái trơn tru gì. Nó quanh co, gập ghềnh, lởm chởm, gồ ghề, uốn lên uốn xuống khúc khuỷu quanh co ghê lắm. Chả có lần Phùng đã “vui vui nhắn nhe anh” ngâm nga ra rả:

Chiều chiều bìm bịp kêu chiều.
Lấy vợ thì cũng lấy liều mà thôi.
Ban ngày làm việc tả tơi.
Ban đêm hầu vợ, phận tôi đêm trường.
Nằm chung thì bảo... chật giường.
Nằm riêng lại bảo... tơ vương con nào.
Lãng mạn thì bảo... tào lao.
Đứng đắn lại bảo... người sao hững hờ.
May ra vợ có... nương tay.
Ta mới sống trọn kiếp này dài lâu.
Làm chồng phải nhớ lấy câu:
"Nhất vợ nhì trời", đừng ẩu... phanh thây.
(Mình vì mọi người... mọi người coi mình như..."mọi.")… Bắt đầu “một mái gia đình hạnh phúc” như thế đó.
Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Còn em sao lại hơi chồng “hổng” quen.
Tình chỉ đẹp khi còn dang dỡ
Cưới nhau về tắt thở càng nhanh.

Từ đó, cuộc sống lứa đôi thật nhàm chán. Đến với nhau chỉ là bổn phận. Vì, thật ra cả hai không hề yêu nhau. Đây chỉ là một cuộc “gạ đổi”. Có lẽ nào như chuyện ngẫu nhiên của “đôi đũa lệch, mốc, chọi mâm son”? Hai đứa không có thì giờ ngồi lại với nhau “tìm hiểu” kỹ càng trước khi bước vào hôn nhân. Chỉ như sự… “bắt đầu ngồi đó”, để “anh chị” làm tròn bổn phận của đứa con chí hiếu. Tuy nhiên, Nam hy vọng (vẫn còn hy vọng chứ) khi sinh ra đứa con, anh mong nó sẽ là: cái gạch nối tình yêu hữu hiệu giữa hai người sẽ tốt đẹp hơn. Nam cố “nịnh” vợ:
Vợ là cái máy đếm tiền
Vợ là "nội lực" làm nên cơ đồ
Vợ là thủ quỹ thủ kho
Vợ là hạnh phúc ấm no trong nhà.

Thế rồi... Có một đứa con. Hai đứa con. Ba đứa con… Nam cũng chả thấy cái – gạch nối – nào cả!!!
Nàng than van: “Đồng vợ đồng chồng Con đông mệt quá”.
Hay là: “Con nhà tông không giống lông đỡ giống khỉ”. Thật là: "Tóc quăn chải lược đồi mồi. Chải đứng chải ngồi, quăn vẫn hoàn quăn".
Ngày trước nàng dạ nàng thưa...
Nói năng dịu ngọt cho vừa lòng anh.
Anh tưởng hoa ở trên cành.
Bao giờ cũng đẹp, tươi xanh bốn mùa.
Lời nói không mất tiền mua.
Nên anh... ngọt lại cho vừa lòng nhau.
Bây giờ chẳng hiểu vì đâu.
Nàng mang chứng bệnh cứng đầu lặng câm.

Làm bổn phận người cha, chàng lo toan chu đáo. Đầy đủ, rất mực yêu thương các con. Làm bổn phận người mẹ, Phùng vẫn chăm sóc con toàn vẹn. Với sự hỗ trợ đắc lực của ông bà nội. Nhất là trong nhà có ba người vú em chu đáo lo riêng cho ba đứa con của họ. Ấy vậy, chàng vẫn hậm hực than rằng:
- "Lạnh lùng thay! Láng giềng ơi!
Láng giềng lạnh ít, sao tôi lạnh nhiều".
Vợ, từ thiếu nữ hiền lành.
Đến khi xuất giá trở thành... "quan gia".
Vợ là con của người ta.
Và ta quen vợ chẳng qua vì tình.
Có quan thì phải có binh.
Nên ta làm... lính hầu tình "quan gia"
Con ta do vợ sanh ra.
Nên ta với vợ... chẳng bà con chi.

Càng ngày thì cá tính của Phùng càng bộc lộ tính cũ lồ lộ những cơn bực bội, nóng nảy tam bành lục tặc, quá vô lý. Nam thừa biết rõ vợ “lên cơn” hổn hào như thế, để thể hiện “cái tôi” chứng tỏ ta đây có “uy”, có quyền, có bản lãnh, ta cần phản kháng, để che dấu mặc cảm thân phận hèn kém nghèo khó. Phùng cóc cần ai và coi họ “như pha”. Nhưng cái lối Phùng “ăn trả nói treo” ngang tàng, hỗn xượt với tất cả người khác trong gia đình. Nhất là "bố lếu bố láo" với ba má Nam, thì Nam không thể nào chịu đựng nỗi cá tính quá thô lỗ, thấp kém hơn một người bình dân có giáo dục. Tạo ra sự mâu thuẫn trầm trọng giữa mẹ chồng nàng dâu, giữa chị em dâu, em chồng. Mặc dù, chàng biết rõ: ba má mình rất yêu thương con dâu; và họ chịu ép mình hạ giọng để nhịn nhục Phùng.

Điều nầy, khiến Nam càng xấu hổ, ngượng ngùng vô ngần, với chị, em, và bốn người làm bồi bếp đông đúc ở trong nhà. Ôi thôi! Ngày nào cũng như ngày nấy: "Nội-chiến tưng-bừng" à. Không khí trong gia đình ba má xưa, khi chưa có “dâu về”. Không phải chàng hãnh diện khoe khoang & tự hào, chứ quả thật gia đình Nam là một đại gia đình có lễ phép, anh chị em trên thuận dưới hoà, êm êm ấm ấm, hạnh hạnh phúc phúc thật sự. Đúng nguyên nghĩa hạnh phúc của nó. Nhưng… khổ nỗi chỉ vì cái nhưng:
Ngày ấy "khiêng về" cô vợ khùng!!!
Bởi vì nàng ăn nói lung tung,
Trợn mắt, bặm môi, cười... rồi khóc
Khốn khổ đời trai phải sống chung!!! (**)
Đến nay, khi đã “rước nàng dzìa Dinh”, mỗi ngày đi làm về, Nam đều phải “dàn xếp” những chuyện chả ra gì. Bên nào cũng trách:
- Anh sợ bả, sao anh không dám nói gì vậy?
- Anh đừng đội vợ lên đầu.
- Vợ gì chẳng có giáo dục, hổn láo hết biết.
Cho dù:
Vợ là quả ớt chín cây.
Đỏ tươi ngoài vỏ rất cay trong lòng.
Vợ là một đoá hoa hồng
Vợ là sư tử Hà Đông trong nhà.

Còn “nàng” khi thấy chàng có mặt ở nhà, đã đấm ngực la làng:
Chồng người ta làm ra khấm khá
Chồng của mình chỉ phá, chỉ ăn.
Lấy chồng cho đáng tấm chồng
Uổng công mai mốt lưng ong hổng còn.
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Cưới nhau về tắt thở càng nhanh.
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện cự om sòm.
* *
Mọi người chịu không thấu nỗi, nên ba của Nam đã cho họ một số tiền lớn, kèm theo số tiền “vợ chồng ta” dành dụm bấy lâu. Ba muốn họ dọn ra ngoài ở riêng, cho yên ổn. Vâng! Chính ông ba của chàng rứt ruột ra quyết định như thế. Nam biết là ba má rất thương con, cháu, không muốn xa rời con cháu bước nào. Nhưng cực lòng đành phải rời xa. Nam đi thuê nhà ở tạm bên đường Duy Tân, chờ ổn định sẽ tìm mua nhà sau. Ra riêng rồi, tha hồ cho Phùng càng “tung hoành”. Những mâu thuẫn vợ chồng càng hiện hình rõ nét, trầm trọng hơn. Mặc dù chàng cố nghiến răng chịu đựng.
Trông nhìn ông bụt hiền từ
Ngó em cái mặt ôi như bà chằng!
Còn mặt thì cứ hầm hầm.
Nàng trợn một cái, ta... bầm mấy hôm.
Việc nhà chẳng chịu trông nom.
Shopping một bận, ba hôm mới về.

Nhưng trong lòng Nam quá đau buồn, chàng đi làm về, vừa mệt mỏi cởi đôi giày ra, là có chuyện không vui. Nam muốn ngồi lại đùa giỡn với các con tí chút, cũng không yên. Phùng cứ “lải nhải cằn nhằn" đủ điều bên tai chồng. Phùng dằn mặt chồng đánh đập con túi bụi, cốt ý chửi xiên chửi xéo "cái đồ hư đốn giống thằng cha như đúc".
Tội đức lang quân nằm kế cạnh.
Mất ngủ lâu ngày chắc phát ho.

Nam không còn yêu vợ như “thuở ban đầu lưu luyến ấy” thì ngược lại Nam rất thương con, chàng chịu không nỗi cái cảnh con bị hành hạ tàn nhẫn & vô lý, thế là nhiều phen ầm ĩ, một là chàng ôn tồn can thiệp. Nhưng, càng vuốt ve, xoa dịu Phùng bao nhiêu; thì cô nàng lại càng có cái cớ, làm hung, làm dữ bấy nhiêu. Hai là anh mặc áo quần, bỏ nhà đi ra ngoài phố. Ban đầu Nam muốn giữ Phùng lại bên mình, vì Nam nghĩ mình sẽ “ân cần chịu đựng và huấn luyện” Phùng thành một người vợ tốt. Nhưng sau bao tháng năm… thì Nam hiểu ra mình sai rồi, thật sự hai vợ chồng không ai hiểu ai, không hề có sự đồng cảm, không hề thông cảm. Phùng không xứng với tình yêu và sự kiên nhẫn của mình.

Nam bắt đầu sợ và chán, chán không thể tưởng! Một ngày nào đó bằng cách tệ nhất, có thể một trong hai người sẽ chính thức nói lời chia tay. Bây giờ đối với Nam thì không. Nam không hiểu tại sao người ấy lại cố đập đỗ những gì... mà Nam cho là vẫn có thể duy trì trong hôn nhân, gia đình mình sẽ có cách cứu vãn tốt đẹp! Dù trước đó là những lần đay nghiến, làm cho đối phương đau khổ, tổn thương nhau,. Nhưng bây giờ Nam đổi cách cư xử, im lặng, làm ngơ. Nam càng không hiểu tại sao bà vợ lại muốn rời bỏ gia đình nầy và chia tay? Có thể sau 75 "đổi đời" thì tình cảm và tình đời trong Phùng cũng vụt thay nhanh, đổi đời (vì một người đàn ông nào đó, cũng nên).

Lúc nghĩ tới chuyện... có con.
Nàng hứ một cái, chẳng còn thiết tha.
Ra đường thấy vợ người ta.
Về nhà thấy vợ... tu cha cho rồi...
Nhưng lỡ ăn kiếp, ở đời.
Cắn răng chịu đựng, chờ thời đổi thay.
Biết đâu sẽ có một ngày.
Ta có cơ hội giải bày vợ hay.
May ra vợ có... nương tay.
Ta mới sống trọn kiếp này dài lâu.
Làm chồng phải nhớ lấy câu:
"Nhất vợ nhì trời", đừng ẩu... phanh thây.

Ra đường, anh không biết đi đâu; làm gì cho hết giờ? Nam chui vào mấy quán Bar uống rượu, gặp vài ba cô cava lôi kéo, ôm hót quờ quạng hun hít, tán hưu tán vượn, cho quên buồn: Đợi đến lúc tối mịt, tối mò, nửa đêm, nửa hôm khuya khoắt, Nam bò về nhà; anh vẫn nghe ra rả bên tai tiếng Phùng chửi rủa con cái, quăng thúng đụng nia, la mắng hai người vú léo nhéo. Phùng chửi xéo, chửi xiên chồng, kèm theo tiếng đập phá đồ đạc. Nam không thể hiểu nỗi tại sao vậy, Phùng muốn gì!? Trong nhà nầy tương tự như một "hoả ngục ở trần gian" rồi. Nam biết “chui” vào đâu mà “trốn” đây hử?
Lấy vợ nên kiêng lấy vợ ghen.
Áo quần khi xé rách teng beng.
Rủi hôm cao hứng chồng về trễ.
Bể chén, bể ly, bể cái đèn.…
Vợ là quả ớt chín cây.
Đỏ tươi ngoài vỏ rất cay trong lòng.
Vợ là một đoá hoa hồng.
Vợ là "sư tử Hà Đông" trong nhà.
Nam than thở… đắn đo; mà bà vợ thì ngầm ngầm nung nấu ý định:
Người ơi gặp gỡ làm chi
Để rồi hai đứa chia ly hai đường!

Hay là:
Trên trời có đám mây xanh,
Ở giữa mây trắng xung quanh mây vàng.
Nếu mà em lấy phải chàng,
Em thà thắt cổ cho chàng ở không. (*)
* * *

Hoàng Phương Nam mong quý vị “tuyệt thế cao chiêu” nếu ai có diệu kế lâm ly độc thủ chi, xin vui lòng bỏ chút thì giờ, to nhỏ mách bảo cho em với, để cho “Hoàng Phương Nam tôi” xin thỉnh giáo, là: … tôi phải có cách nào hay ho, để “trừng trị cái bà nội tướng ác ôn nầy”, cho bà ta im re, xép re, khép nép, lép vế… một xí: Qúy vị: cao thủ, cao kiến, cao học, cao minh, cao lâm, cao vọng, cao niên. Niên trưởng, niên… khóa, niên thiếu, niên giám. Thái giám, thái sư, thái úy, thái tử, thái hậu, thái thượng hoàng … chi chi đó; khi nào có dịp đi qua Miên, xin nhớ nhắc dùm tôi mua cao hổ cốt, và ăn đường thốt nốt… (xin quý vị tha lỗi cho: “tôi bị “mụ vợ” quay tưng bừng, nên điên thật, ăn nói ba xàm ba láp tầm bậy tầm bạ. Chỉ vì “ con mụ vợ” ni rùi!). Tôi ước mong qúy vị siêng… ghé thăm người khùng khùng, điên điên như Nam tôi, vui lòng nhỏ giọt nước mắt xót xa… khích lệ khuyên nhũ Hoàng Phương Nam tôi nên làm gì… làm gì… (với “con vợ”) bây giờ??? Hay là cho tôi “cùi vì vợ” cho bỏ ghét cái tật tui ngu?). Hỡi Trời!

Và… và… và… Còn một điều nầy nữa… mặc dù Hoàng Phương Nam tôi đã ghi nhớ những độc chiêu là: những câu Thơ rất quý giá trên; tôi không còn trí óc để nhớ hết các tác giả thần tượng kia; (*) những câu thơ đã ghi trong nầy, về VỢ rất trứ danh. Ai là tác giả… ai là ai… mà quá tuyệt vời đến thế không biết. Bội phục! Vậy, nhân đây “Nam tôi” mong quý thi sĩ bỏ lỗi cho tôi về vụ “tui chôm chĩa”, sưu tầm lượm lặt Thơ Vui của quý vị nhá. Và, Nam mạn phép chêm những câu thơ nầy vào “gia phả nhà họ Cú” của Hoàng Phương Nam; đồng thời xin hết lòng cảm ơn quý thi sĩ và xin tạt dạ ghi ơn.
***

Tình Hoài Hương

(*) Thơ sưu tầm lượm lặt
(**) Thơ Vui Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
09-10-2015, 04:20 AM
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/CO 55_1441858497.jpg
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/Chiec la cuoi cung - Si Phu_1441858656.mp3
Phở Ngầu Pín Ơi là… tả pín lù


“Ai đó” có thể lừa dối một số người trong một lúc, và lừa dối hết mọi người trong vài lúc, nhưng không thể mãi mãi lừa dối được tất cả mọi người. (Abraham Lincoln).
Đôi bàn tay nàng đan chặt vào nhau để ôm đầu gối run rẩy nhô cao, thế mà cũng có lúc hai mu bàn tay rã rời tuột ra rơi rụng buông thõng xuống. Có thể do tấm lòng không rộng rãi, vị tha; nên nhiều lúc nàng không thể quản đại, bao dung, không quên những uất hận đau buồn vò xé trong quá khứ, khiến nàng càng điên tiết, muốn vạch trần bộ mặt gian trá lưu manh của Nam. Nàng muốn đốp chát vô mặt chàng, xỉ vã những lời cay độc, chì chiết, khinh khi và ghê tởm cho lại gan, cho hả cơn giận. Nhưng không nỡ. Nam không còn sức thu hút, quyến rũ, để xoa dịu nỗi hãi hùng và bàng hoàng kinh ngạc, khi chân tướng chàng đã lộ nguyên hình.

Dù Nam nhỏ tiếng ngọt lạt năn nỉ van lơn nàng hơn cả chục lần: “anh nói cho cô nghe, anh có lỗi, hãy tha lỗi cho anh”. Hừ! Nàng đã tha thứ cho một người (hơn cả chục lần mình buồn bã tha lỗi rồi đấy chứ), không nhất thiết nàng sẽ bao dung, quảng đại bằng cái miệng, mà bằng sự chân thật từ ái, và lòng đức độ khoan dung. Nhưng bây giờ anh chẳng còn hưởng đặc ân đó, vì anh đã quá tàn ác, nhẫn tâm đối với mối thân tình của em, thì anh đừng trách em sao nỡ đáp trả lại như thế nhé. Chẳng qua em vừa giống anh, em đã học cái sách ấy từ anh đó thôi. Đừng, anh van xin làm gì! Vô ích.

Hoàng Nam cũng biết giận mà nhấn mạnh tiếng: “anh nói cho cô nghe” một cách bề trên, kẻ cả, láu cá, trịch thượng, chứ không hẳn do tinh tế biết nhận điều sai trái qua chữ “cô” thay thế chữ “em”, như bao lần chàng âu yếm dịu giọng làm hòa, có căn bản giáo dục cuả một gia đình khả trọng tôn ti. Lòng nàng lơ lững, phiêu linh, chênh vênh như lá cuốn trong gió lùa rần rật trên lưng áo thưa. Nàng cảm thấy rất buồn, vì một hôm vào ngày nắng tươi, nàng đã mời bốn người: Hoàng Nam, Vịnh, và Vượng (gồm có ba ông và một bà) - cùng đi ăn thịt cá sấu ở một nhà hàng thơ mộng, tại vùng quê Bình Thới. Ban đầu mọi người vừa ăn, vừa uống… và rỉ rả chuyện trò vui vui. “Hoàng Năm To Bị” (trong giới nhậu nhẹt xỉn xỉn đã đặt biệt hiệu cho Nam đấy), mở đầu chuyện tiếu lâm đã sưu tầm:

Ba gã bợm đệ tử lưu linh đi ăn giỗ ở nhà nọ. Nhậu từ sáng tới tối, xỉn quá, cả ba bò vào căn nhà bếp của chủ nhà, để ngủ tạm. Nửa đêm, một gã mắc tiểu, bèn bò dậy đứng ở cửa tè. Đúng lúc đó, trời đổ cơn mưa, và không hiểu vì lý do gì gã cứ đứng đó cho tới sáng. Một gã khác bị muỗi đốt, ngứa quá bèn gãi lấy, gãi để cái chân gã bên cạnh. Hôm sau, một gã nói:
- Uống rượu làm bụng mình to ra. Đêm qua tao đi tiểu từ nửa đêm đến sáng, mà không hết nước!"
Gã thứ hai phàn nàn:
- Uống rượu làm mình tê dại, mất cảm giác. Đêm qua tao ngứa quá trời, mà gãi hoài không hết ngứa!"
Gã thứ ba phụ họa:
- Đêm qua tao bị con gì cào chảy máu, tới sáng vẫn không biết! (st)

Sau khi ba người đàn ông nầy, mỗi người đã uống bốn lon bia hộp ngoại, vỏ lon để ngổn ngang dưới chân bàn. Có lẽ do tu quá nhiều bia, nên họ ngà ngà say, hay do hai ông kia có ý nói muốn nhắn nhe cho nàng biết rõ về câu chuyện của “Hoàng Năm to-bị" và con “Phở xí Kiêm”, cũng nên. Họ đặt tên con bồ Kiêm là "xí Kiêm", có hai nghĩa: xấu xí & xí phần: Ông Vịnh cười to:
- Tui kể cho mấy già nghe chiện nầy:
Sau lưng người đàn ông long nhong là người đàn bà long đong.
Sau lưng người đàn ông ngoại tình là người đàn bà ngồi rình.
Sau lưng người đàn ông bất lực là người đàn bà rất bực.
Sau lưng người đàn ông yếu đuối là người đàn bà...chán chuối. (st)
Vượng tóc bạc khơi chuyện:
- "Hoàng Năm to... bị" thiệt sung sướng quá! ăn chưa no lo chưa tới. Còn tui tui ăn cơm mới nói chuyện cũ… đây bạn. Ông Năm đúng là đào hoa do đào mỏ to mà ra à nhe:
Sáng đèo cơm đi ăn phở.
Trưa hăm hở rước phở đi ăn cơm.
Chiều cơm về nhà cơm.
Phở về nhà phở.
Tối nằm với cơm nghe thơm thơm mùi phở. (1)
Vượng dằn mạnh lon bia cái cộp trên bàn, lắng nghe bạn Vịnh nói:
- Hẳn “cụ mi” biết con Kiêm là tình nhân của Vượng nhà ta, từ chín năm nay rồi?
- Khà khà! Biết chứ. Tôi đã đọc ở đâu đó: “vợ” là cơm nguội của ta. Mình ăn hoài thấy ngấy lên tận cổ... Nhưng mà phở tái là của cha láng giềng. Tôi ăn phở tái... hì hì tất nhiên ăn bánh trả tiền, có hao tốn tiền bạc thiệt, đôi khi run sợ phải mang bệnh Aid. Tuy vậy tôi vẫn thèm… ăn phở, ăn “thịch”, kèm với ngầu pín và tả pín lù. Mặc dù tôi bị heart attach và protaste, vậy mới "chít".

Bây giờ hai ông kia không nói chuyện tiếu lâm nữa, mà bắt đầu nhập đề:
- Hẳn là ông Hoàng Năm biết chắc con xí Kiêm là ca va, nó có bốn đời chồng không chính thức, có hai dòng con riêng. Nay con ghẹ ấy vẫn đèo thêm một số tình hờ. Ông biết rõ nó đục khoét của Vượng không biết bao nhiêu của chìm của nổi, kể sao cho hết? Vậy mà, ông còn công nhận mình là bạn già U-70 cuả Vượng nầy ha?
- Dĩ nhiên... Chả thế có một bài thơ “tiếu Tức” của THH tả về con xí Kiêm sao, nghe nè:
Anh đi vắng, thâu đêm em thức.
Cỡi áo vì em đang bức rức...
Chỗ ấy bi giờ vẫn nóng nực.
Nhìn xuống nhìn lên càng thêm tức.

Nhìn lên nhìn xuống đà quá tức.
Nhìn qua nhìn lại không có thực!
Anh ẵm mụ nào vô xó... xực ?
Sao bằng em... múi mít thơm phức! (2)
Vịnh đứng dậy, một tay chống ngang hông, ông ta lừ mắt nhìn soi mói vào mặt hắn:
- Nay ông đang cặp bồ với con xí Kiêm hử?
- Nghe anh Vượng không còn bao con xí Kiêm, họ xù độ rồi mà? Thì tôi cũng muốn ăn phở vui chơi qua ngày thôi... Tui với nó cũng như: “kẻ trộm mới đi ăn đêm. Ai người tử tế ra đường giữa đêm”!? Ừ, tôi nào có hạnh phúc như anh: “Có phước lấy được vợ già. Sạch cửa sạch nhà lại ngọt cơm canh”. Khổ thân! Riêng tôi thì đã hơn hai mươi lăm năm nay: “Đói cơm lạt áo kém hem. No cơm ấm áo lại tìm nọ kia”... Nhất là lúc tôi nhìn thấy phở, thì nước miếng nước mồm tuôn ứa ra bên mép: “Có làm thì mới có ăn. Ngồi không ai dễ đem phần đến cho”. Tất nhiên là tôi phải làm tới, là là... tôi phải tán hưu, tán vượn con ghẹ, con mồi mới chịu đèn, chớp mắt lia chia, nhoi nhoi cái đít vịt ra. Ha ha...
Nam cười rất đễu, tiếp tục:
- Tôi dùng hết thủ thuật, lân la làm quen, hầu nhữ cho được “con mồi phở”. Tôi tủm tỉm "cừi cừi" nói nói, tôi cố ý lê la tới gù gạ cắn cái phao câu con ghẹ. Nói thiệt với mấy ông nghen, nó xấu xí bỏ mẹ à... Nhưng có hề gì, nó xấn tới xáp lá cà ráo riết, thì tội gì mình không vồ: Tôi mở mòi tán con ghẹ: (có phải xóm em đang… “hôm nay có đám giỗ gần. Trong bụng bần thần em chẳng muốn nấu cơm”, cho anh ăn không vậy? Cưng ui)! Thế là chỉ mươi phút sau, chúng tôi dễ dàng xáp lại với nhau cái rột! “Được đà cứ tiến, được miếng cứ ăn”… Chỉ có vậy!

Vượng vuốt ngược nhóm tóc bạc ra sau gáy, ông ta lừ mắt:
- Thì có lần chạm mặt nhau, tui đã hỏi Hoàng Năm To bị: “Hỏi anh, anh nói học trò, sao mà tui thấy cỡi bò hôm qua”?! Hừ! Tui thật lấy làm tiếc, khi ông đã làm một chuyện mà tôi thấy một người luôn tự hào trí thức, có tư cách như ông, đều không ai dám làm. Ông là bạn cuả tui, ông thừa biết tui coi con xí Kiêm là “cơm áo gạo tiền” Vượng coi xí Kiêm là vợ chính thức (vì vợ tui đã chết). Chớ có phải là loại “cơm hàng cháo chợ” chi đâu! Mà ông vẫn lao đầu vào, để giật vợ của bạn. Là sao? Hử!?
Vượng ngừng một lát. Còn Vịnh thì nhìn trừng trừng vào mặt hắn:
- Nhất là, ông không làm gì ra tiền, ông ăn bám “cơm thừa canh cặn”, bòn rút vào con rể việt kiều của ông. Rồi… ông bu bám người đàn bà hải ngoại, ông nói với nàng ấy: “Em chính là tình yêu của anh, em là tình đầu, và sẽ là tình cuối. Ngoài em ra, anh không còn yêu ai, không hề yêu ai được”. Ông dùng tiền của mồ hôi nước mắt những người bạn khác, đục khoét tiền của những người thân khác, mà ăn chơi xã láng. Ông không có liêm sĩ và làm những chuyện ác ôn, táng tận lương tâm, láo lường gạt gẫm bạn bè. Nào ông nói là: “ông bị đau cổ họng có thể ung thư, bị suyễn kinh niên, và tiền tuyến liệt, phải cấp cứu vô bệnh viện không tiền lo, xin bạn tận tình giúp. Các bạn hải ngoại và thân nhân tưởng thật, đã thương cảm, quyên góp tiền gửi về cho ông hậu hỉ.

Thật ra ông mạnh như trâu chẳng hề ốm o ho hen gì ráo. Ông đem số tiền ấy đi chơi bời, ăn “phở triền miên”, hầu thoả mãn dục vọng, và tự ái của thằng đàn ông sa đoạ, vì ông cứ tưởng mình hào hoa phong lưu, mà bị vợ bỏ. Ông hận vợ, hận đời. Nói thật với ông nhe: Tại sao ông không nhìn kỹ lại bản thân của ông đi, ông có ác ôn làm sao, thì chắc chắn ông mới bị "cô mối tình đầu từ năm 60", là người ông yêu quý nhất đời lặng lẽ chia tay? Bây giờ tui mới biết rõ cái bản chất của ông, tui nhục nhã khi quen biết ông, ông không xứng đáng làm bạn với chúng tôi nữa đâu. Hèn quá mà!

Vịnh trợn mắt đứng nghiêng qua một bên, xỉ xỉ ngón tay thẳng vào mặt hắn:
- Chỉ có loài thú “cơm niêu nước lọ” mới trơ cái trán bóng, mặt dày mày dạn ra. Loài chó nó có nghiã, nó cũng không làm cái chuyện đi lấy bậy. Đừng nói ông là con người có học thức cao, mà lén đi húp xái nước lèo, lấy vợ của bạn, rồi đi rêu rao ta có một thời phong lưu đào hoa. Nè, đào hoa cũng có nơi có chỗ với năm bảy hạng đào hoa, phong lưu. Tui vì ông Vượng thân quý, hôm nay tui đến đây là lần đầu tiên tui gặp ông, và cũng là lần cuối cùng nha.

Nạn nhân Ngọc Vượng nhìn nàng gật gật gù gù, nháy mắt nheo mày, lắc lắc mái tóc bạc phơ, như muốn trút bỏ cơn say, hay ông ta muốn nhắn nhe gì? Nhưng Vượng là người miền Bắc có giọng nói ngọt ngào, anh khôn ngoan, từ tốn, ảnh nhẹ nhàng can ngăn bạn thân:
- Thôi ông ơi! :
“vợ là địch.
Bồ bịch mới là ta.
Khi chiến sự xảy ra.
Ta buộc về với địch.
Nằm trong lòng địch.
Rục rịch ta nhớ ta”. (1) Ông xĩn rồi. Tụi mình đến đây mục đích là thăm chị Thương Mười, vui gặp chị cho biết ân tình xí... Thôi. Để tui đưa ông đi về gấp nà...
Vịnh hất tay bạn ra, cự nự:
- Tui phải nói cho thằng chả sáng mắt ra. Thật là ngu, khi hắn có người yêu qúy xa xưa, dám từ bỏ tất cả, để tới với hắn, chị Mười từng chăm lo và thủy chung với hắn như vậy, mà hắn còn đi tơ tưởng, khèo móc tùm lum, hắn lại dở trò bú dù với vợ của người khác. Xấu hổ, hãy mở mắt ra mà quay về với người xưa, cố nhân đã từng yêu ông suốt 45 năm qua đi: “Hoàng Năm to bị” cứ tưởng con ruồi nằm trên lưới mạng nhện, thì dễ dàng thoát thân những con ghẹ từng hút máu ông sao. Nghe nè... :

Bồ là cô gái qua đường
Vợ mới trân quí nhớ thương vô vàn.
Bồ thì nũng nịu than van
Vợ lo nhà cửa lầm than vô cùng.
Bồ hay mơ mộng mông lung
Vợ rất thực tế vô cùng đáng yêu.
Bồ luôn đòi hỏi đủ điều
Vợ lo cơm sáng cơm chiều quanh năm.
Bồ chỉ lo chuyện ăn nằm
Vợ thường chịu đựng cả năm mới tài.
Bồ nào nghĩ đến tương lai
Vợ lo tính toán chuyện dài mai sau.
Bồ thì chưng diện muôn màu
Vợ chỉ quanh quẩn trước sau trong ngoài.
Bồ luôn đòi hỏi, ăn xài
Vợ thì vun xén một hai ba đồng... (1)

Hai ông bạn già đứng dậy, nháy mắt chào nàng rồi ung dung tự tại bá vai vít cổ, dìu nhau ra bãi giữ xe. Anh tóc bạc chở anh tóc hoa râm đi, tràng cười ha ha ha… lướt thướt lùa trong gió, rớt lại sau tấm lưng “Hoàng Năm to bị”. "Thằng chả" hai tay bưng lấy mặt, cúi gục đầu, hắn nhiên Nam đã nhận gáo nước sôi tạt vô mặt đau điếng. Mặt mày Nam thộn ra, sượng sùng, tái nhợt rồi bừng bừng đỏ au lên, Nam trợn mắt, hàm răng nghiến trèo trẹo.
* * *

Do sơ ý khi nàng mở nắp lon bia cho chàng, (bây giờ nàng bắt chước mấy ông già U 70 kia, không dám thân thiết âu yếm gọi anh là Hoàng Phương Nam nữa, mà gọi là Hoàng Năm To Bị), nên miệng lon đã cứa đứt cạnh bàn tay và hai ngón tay của nàng, chảy máu. Lẽ ra, thì chỉ đau nhức ở cạnh bàn tay và ngón tay thôi. Nhưng không hiểu sao nàng lại nhói lên từng cơn đau đớn ở bờ ngực trái kinh khủng!? Dường như có ai thọc con dao găm vô trái tim nàng ngoáy sâu lút cán vậy. Đau ghê lắm! Tình bạn già và tình yêu mà nàng tưởng lầm là: thần tượng, lý tưởng cao vời, nay đã lố bịch sụp đỗ, rơi tỏm xuống vũng bùn.

Buồn lòng và cay đắng nghẹn ngào, đau xót nhất là: từ nãy giờ lắng tai nghe lời họ nói, nàng mới bừng tỉnh, mắt nàng mở ra, cảm thấy sự thật phũ phàng qua những điều sống-sượng quá trơ trẽn. Nàng nhận chân được giá trị về sự mỉa mai và đau xót khôn lường: Hoàng Phương Nam có một thời hào hoa và phong lưu, (dựa vô gia đình cha mẹ giàu sang, mặc sức con hào phóng ăn chơi với ai ai, chứ chẳng hề có nàng dự cuộc, dù một món quà nhỏ). Nay tự bản thân "Hoàng Năm to bị" chỉ là một kẻ hèn mọn, là tên lường gạt lố bịch, quá thô bỉ và tầm thường mà thôi.

Nàng khá choáng váng, bất ngờ, hốt hoảng tột độ, đờ đẫn cả người, ngượng nghịu ngồi chết trân, không kịp phản ứng. Chao ơi là đau kinh khủng! Mười chỉ biết ngậm ngùi xót xa, kèm theo những tiếng thở dài thườn thượt, lặng lẽ suy tư. Mười im lặng suốt từ đầu đến cuối, sửng sốt, trợn mắt, há hốc miệng chăm chú nghe họ kể về “chàng”. Mười cắn mạnh môi ngăn chặn mọi đảo lộn khác thường. Trong tim Mười dẫu sao cũng có chút bừng bừng cơn sốt, tiếc thương vang vọng trở về mỗi lần có người nào vô tình gợi nhớ đến “người xưa”. Thuở trước, ngày xa xưa ấy, khi nàng và cố nhân mới yêu nhau, trái tim nàng bừng bừng co siết nhiều giọt mật say sưa cuồng quay trìu mến, dạt dào tình âu yếm. Tình yêu cuốn trôi mọi thứ đến tận tơ rung từng tế bào run rẩy, nồng nhiệt lẫn đam mê, nhưng khá trong sáng và êm ái, làm phẳng phiu mọi buồn đau trong lòng nhau.

Rồi thì bức biếm họa tình cảm có hai chân ngang trái, có bước thấp bước cao, lạnh lùng chụp mũ lên đầu hai người ra đi. Quá khứ hay tương lai như hòn sạn khô niêm kín giữa hai hàm răng nghiến chặt. Dẫu khát khao, quay quắt về cuộc tình xưa kia ôm nhiều kỷ niệm tái tê, khiến nàng đau đớn, chới với, hụt hẫng như bong bóng bay cuốn hút lên trời. Cuộc sống ấy đã có một thời đầy cạm bẫy, phức tạp, éo le, chua chát, dày vò... đi vào căn nhà định mệnh từ tiền kiếp tới hôm nay. So sánh và nhận định một người thân yêu có hai mặt xưa và nay: Nàng xót thương, dày vò, ân hận… hối lỗi, lẫn tôn trọng, kính yêu chồng cao thượng và thương các con lắm. May mắn hết sức là bây giờ Mười đã dứt khoát bay thoát ra, tình cảm không cho phép nàng tiếp tục dệt mộng trên bãi cát vàng với “cố nhân”. Để rồi, khi bừng tỉnh giấc mơ, Mười nghe bạn bè ai ai cũng nhắc tới tên “Hoàng Năm to bị” với nhiều điều xấu xa, thô bỉ kinh dị… hơn là sự tốt đẹp của một Hoàng Phương Nam thời dĩ vãng vàng son 1960 một thuở; khiến Mười ngao ngán bỗng giật mình, lạnh toát cả người. Hết lòng tạ ơn Trên! Thì ra con chưa phải là người “xấu số”…

Từ ngày xưa đến nay nàng chỉ: “Tri nhân tri diện, bất tri tâm. Hoạ hổ hoạ bì, nan hoạ cốt” (thấy người thấy mặt, không thấy lòng. Vẽ hổ vẽ da, không thể vẽ xương). Càng về lâu về dài thì nàng mới biết: "Hoàng Năm to bị" ích kỷ vô cùng, anh muốn thoải mãn bản thân thôi, mà quên đi đạo đức tất yếu của con người biết tự trọng. Lòng tự trọng không ngăn nỗi tính già khú vẫn "háo thắng phong tình", và tội lừa phỉnh mọi người ùa về. Năm yêu bản thân riêng mình đến độ hèn hạ, mất thể diện và ô danh. Tính nào tật nấy, ngựa cũ quen đường xưa, đồng thời Năm chuyên lợi dụng người khác, sự lạm dụng trắng trợn đầy bất nhân, thất đức:

Thời xuân trẻ trai tráng cho đến bây giờ, không khác gì nhau: > Năm từng đi ngủ với nhiều hạng người: Từ bà chủ chứa gái từng lấy guốc sắt đập trên đầu Năm đã lõa máu tươi, (chỉ vì anh từng ngủ với bà ta, mà còn ngủ với con ghẹ trẻ, là con riêng của bà ấy, nên bà ta ghen thôi!). Khi Hoàng Năm bỏ hai mẹ con bà ta, thì năm 2000 tiến tới con bé ăn sương bị mù loà, tối tối con nhỏ đứng chờ bên hẽm Hai Bà Trưng, để đón khách đưa lon xin tiền. Hoàng Năm dám khoe với nàng và bạn bù khú điều ghê tởm đó, mà anh không hề đỏ mặt; như là một sự hào hoa, bay bướm, lả lướt, phong lưu của con đĩ đực!

Từ hồi xa lắc, cũ rích thuở mười tám hai mươi, Năm đã dan díu với mụ già khú Tư Râu Rậm ở gần nhà, mụ ta hơn tuổi Năm tới một con giáp, có chồng và sáu con, con gái của mụ nhỏ hơn Năm ba tuổi. Rồi; Năm lăng nhăng với “bà phở” bên sát hông nhà, Năm dám cả gan tò te với bà xồn xồn nầy đã có chồng con. Nói nào ngay dù có chồng, nhưng “gái một con trông mòn con mắt” mà. Năm thèm quá... ngồi ở góc cửa nhà mình, dòm lom lom qua nhà mợ kia, Năm canh me rình rập, khi chồng “mợ phở” đi vắng, Năm liền đảo qua lượn lại, tằng hắng tì hí, nháy nhó, thì thụt rủ rê “mợ phở” qua nhà. Con mợ ấy làm bộ ôm túm quần áo qua nhà Năm, để ủi nhờ. Hòang Năm liền đè “mợ phở” ra trên gác xép và lấy mụ. Có ngờ đâu con gái út của Năm ở trong phòng, vô tình con hé cửa nhìn thấy hành vi của cha. Kể từ đó các con ra mặt phản đối, khinh bỉ biết chừng nào!

Nhiều lần sau, Năm nháy nhó hẹn mợ phở xồn xồn đi du hí mặn nồng ái ân nơi khác, thì một hôm chuyện tồi tệ bị đổ bể; khi Năm gò lưng trên chiếc xe đạp, chở mợ phở ấy về gần ngỏ nhà, thì đôi gian phu dâm phụ bị chồng của mợ phở rình rập, và bắt gặp quả tang. Chồng của mợ phở nổi cơn lôi đình dzợt hắn một tăng te tua. Thằng chồng của mợ phở cầm con dao nhíp, lăm le đòi lụi Năm. Hoàng Năm đã sụp quỳ xuống giữa lề đường góc Hiền Vương và Hai Bà Trưng. Mặt bầm dập sưng u, đỏ mặt tía tai, Hoàng Năm dập đầu xuống sát lề đường, hai tay chắp lại lạy lục ông chồng của mợ phở lia lịa, như tế sao. Năm khẩn cầu, van lơn xin “ông” tha mạng, (trước bao nhiêu kẻ qua người lại, kể cả mụ Tư Rậm ở ngoài sân nhà mụ ta, và hai đứa con gái thứ, con gái út của Năm cũng thấy. Các con kể lại cho nàng nghe). Ông chồng của mợ phở bị mọc sừng, mà còn lưu lại chút tình người, thật ra ông ta giữ sĩ diện gia phong của riêng mình, chứ không tử tế gì, và không vô liêm sĩ như cái thằng đã quỳ mọp dưới đất, mà tha chết cho Năm. Ông chồng của mợ phở sợ thằng hàng xóm 35 xấu nết quá, ổng lo bán nhà gấp, tức tốc thu dọn vợ con đi mất biệt!

- Tính nào vẫn tật đó, Năm quơ cả bà Nga nghèo khổ buôn mồ hôi bán nước mắt, tay bưng thúng xôi vò ngồi bệt ở vỉa hè ở đầu ngỏ Hiền Vương. Ngày ngày Năm ghé xe đạp qua góc đường, ung dung lấy vài ba vắt xôi. Bà ta thương yêu con người phong lưu kia, luôn dúi cho gói xôi, kèm chút tiền com cóp nhặt nhạnh trong thời kỳ mới hoàn tất cuộc cách mạng 75 – Kế đến bà Lan, là bạn nhậu bù khú với nhóm của hắn, bà ta tu rượu như uống nước lạnh, thời gian đó Năm bị vợ bỏ, đã say bí tỉ, nhậu nhẹt ly bì không biết trời trăng. Bọn họ ăn nhậu say sưa, khèo móc nằm la liệt ôm nhau làm tình chung chạ chẳng hổ ngươi, họ không phân biệt “ông bà” như cá mè một lứa, như loài thú hoang ở ngoài chợ ngoài đồng, nhất là "xí Kiêm" mặt ngựa thô thiển xấu xí, ốm nhom ốm nhách, giơ ra cặp “trường túc bất chi lao” khẳng khiu, giọng nói bà ta lơ lớ, đanh đá, hung dữ, bặm trợn hết biết. Mấy người đó chả giống con giáp nào! (như Năm đã tả chân về những đàn bà đó, khi xỉn xỉn, Năm thường oang oang kể cho bạn, hoặc cả nhà nghe, mà không cảm thấy xấu hổ); lớn, bé, già, trẻ, “thằng chả” cũng bòn mút liếm láp hết, không tha.

Hoàng Năm đã dùng lời lẽ ngon ngọt đúng “một tông y khuôn đúc” đem ra sao chép, để phỉnh lừa họ. Chỉ vì Năm muốn dùng những người đàn bà kia, để thoả mãn tự ái: Ta vẫn còn phong lưu, hào hoa, phong độ, có sức chinh phục mê-hoặc quý đàn bà nhẹ dạ, vì cái vỏ bên ngoài trau chuốt khá đĩ trai, Năm ưa dùng nước hoa sực nức mùi thơm dạ lý hương xịt quanh người. Hoàng Năm hận! bị vợ ly dị, (vì sự sa đọa trác táng chính mình). Nhất là Năm muốn trả thù đàn bà, muốn che đậy niềm đau đớn đã bị người con gái xưa kia mình rất yêu, thế mà “cô nàng”… bỏ rơi Hoàng Năm. Năm đã lường gạt tiền của bạn bè, và tiền của người yêu đã gửi về lo cho mình đầy đủ mọi phương diện.

Sau khi chia tay người mà Năm rất yêu, (nàng không còn lo cho Năm nữa), thì Năm túng thiếu vô cùng, Năm bán tống bán tán cái nhà, để mua một căn nhà nhỏ ở Gò Vấp, vả đưa "mụ phở xí Kiêm" về chung sống như con vợ hờ lòi tói. Năm dùng tiền bán nhà ở Quận I, để mua nhiều vé số cặp, may mắn thay Năm đã trúng 6 tỷ bạc. Và vẫn do… Năm muốn ăn cho khoái khẩu, nên Năm bị “phở xí Kiêm” mụ nầy là tay không vừa, rất tinh quái và thủ đoạn, thật là võ qúit dày có móng tay nhọn. Mụ xí Kiêm mơn trớn dụ khị Năm, nghe bùi tai và đừ đẫn, Năm sang tên cho mụ căn nhà mới mua! đồng thời Năm đưa tiền cho mụ ta đứng tên tài khoản riêng là 80 triệu đồng tiền VN, để mụ ta có hiện kim, hiện vật làm bảo chứng, "nhà nước" sẽ chấp thuận cho họ tung tăng diễu trên đất Mỹ. Năm đinh ninh rằng mụ ta sẽ làm giấy tờ đi Mỹ du lịch với mình. Nào ngờ mụ xí Kiêm có chủ ý hẳn hoi, nên khi vô phỏng vấn, mụ xí Kiêm ú a ú ớ, làm bộ ngu ngơ, giả nai, ấp úng, thì thọt, nháy nhó. Nên mụ xí Kiêm bị Mỹ từ chối. Trúng kế mụ xí Kiêm rùi! Thế là Hoàng Năm đành đi du lịch mình ên.

Ở nhà, mụ xí Kiêm tom góp tiền bạc, vì mụ Kiêm biết Năm lại vi vút phong lưu với một con đàn bà khác. Mụ xí Kiêm chả thèm ghen tuông gì, mụ ta chỉ cần bắt tại trận, là xong béng. Thế là mụ Kiêm tống cổ hắn ra khỏi chính cái nhà mà “anh yêu” đã sang tên cho mụ! Mụ xí Kiêm không yêu mến gì Năm, bấy lâu nay mụ ta sống với Năm chỉ vì tiền. Châm ngôn của mụ xí Kiêm: "đàn ông không thiếu giống gì, không là cái thá gì, không ông nầy thì có ông khác. Chỉ có tiền là trên hết".

Nhân dịp Năm khăn gói lên đường đi Mỹ nầy, mụ “phở xí Kiêm” ở nhà dọn sạch đồ đạc của hắn vất ra khỏi căn nhà, mụ thay ổ khoá cho hắn ra rìa! Ồ! đúng “hắn” là thằng ma cô, thì gặp con phở xí Kiêm ta đây Tú Bà, là ma cạo! Hoàng Năm hận vô cùng. Thế là… sau đó có rất nhiều chuyện kinh thiên động địa đã xảy ra… “Phở pin ngầu tả pín lù nhà hắn” đã bốc hơi thúi thum thủm ra thành phân, thúi hoắt mất rồi! Than ôi!

Quý anh thân kính ơi! Nếu chung thủy & chân thành thương yêu “cơm” xin hãy sớm lìa xa “phở”. Chớ có dại dây dưa, mà hại thân già! Mình khổ! Xin hãy nghe lá mơ khuyên bồ không ăn phở:
Bồ tôi chỉ thích ăn quà…
Về nhà lén vợ qua phà ăn thêm.
Phở bò gân tái sụn mềm…
Ăn cơm quá ớn Bồ thèm phở… rơi!

Phải chăng duyên phận do Trời?
Bồ tôi có đủ… đầy vơi các nàng!
Nước hoài chàng chớ mơ màng.
Ngày đêm nút chát với nàng vi vu…

Mặc dù con vợ lù đù!
Khui ra Bồ đã nhảy dù bao phen…
Xấu chàng hổ thiếp phận hèn.
Tên anh sẽ phải lem nhem danh đời!

Khôn ngoan chàng hãy nên rời.
Từ nơi “phở tái”… “cơm” thời xa anh!
Lôi thôi lốc thốc sao đành.
Tối ngày chàng ngủ gốc chanh hận đời.

Chẳng ai màn tới Phở dai…
Chàng ra nông nổi tiếng hoài thị phi.
Thử coi chàng bỏ lần ni.
“Cơm” không có mút nói gì “Phở” thiu!

Chẳng qua em chỉ vì yêu.
Khuyên chàng khuya tối sớm chiều bên em.
Vòng tay ấm áp xiết thêm.
Trải giường mơ lá mình êm chàng nằm… (2)
*

(1) Thơ sưu tầm lượm lặt.
(2) Thơ tiếu lâm Tình Hoài Hương
(3) Tục ngữ & ca dao...
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
10-20-2015, 06:51 AM
http://hoiquanphidung.com/userupload/hqpd/a.linh 22 chientranh tanpha_1445323817.jpg
http://hoiquanphidung.com/userupload/hqpd/Mot mai gia tu vu khi - Duy Khanh_1445323484.mp3
Khi Người Lính "Thua Cuộc..."
Tình Hoài Hương
*

Hầu như suốt hơn hai tuần qua, nhóm di tản chúng tôi hùn tiền để nấu cơm ăn chung, tối tối ngủ nhờ ở trong góc vĩa hè, (dưới mái hiên nhà thờ Huyện Sĩ). Lòng tôi trĩu nặng nỗi ray rứt muộn phiền, sầu đắng theo từng cơn lắc léo luồng chảy trên dòng đời phức tạp, điệp trùng núi tiếp núi đồi tiếp đồi, chập chùng bóng tối hoang vu, tĩnh lặng kỳ lạ. Người ta càng ồn ào, náo nhiệt buôn buôn bán bán, đổi chác bao nhiêu thứ lăng xăng, thì tôi càng lo lắng, bồn chồn, ray rứt bấy nhiêu. Tôi cảm thấy lạc lõng, bơ vơ, dường như bị bỏ rơi giữa đời, không nơi nương tựa. Cuộc sống dày vò tôi suốt đoạn đường ly hương trên quê cha đất tổ; khi chồng tôi cầm tờ giấy trình diện đi “học tập cải tạo” mười bốn ngày, (than ôi 14 ngày, hay là mười bốn năm, nào ai biết!!!) được ghi thêm câu thòng-lọng:

- … , sau nầy nếu cần, phải trình diện theo đường lối khoan hồng.

Mấy bạn cùng chồng tôi đứng xớ rớ ngoài gốc cây sao, gần trung tâm trình diện, họ đã nghe cán bộ phóng loa thông cáo thứ hai ra đời:

- Quân nhân cấp: Úy, Tá, Trưởng phòng, Trưởng ty, Sở, đi học một tháng!

Một ông thượng úy khác dõng dạc thòng thêm câu:

- Các anh có biết: Jean De Lattre De Tassigny không? Ông ta là Tư-lệnh quân đội viễn chinh Pháp đấy.

Ông ta có cậu con trai là trung úy Bernard De Lattre, vào tháng 5 năm 1951 tên Bernard đã bị đàn anh của chúng tôi, (mà hồi xưa thường gọi các “đồng chí” ấy là Việt Minh đấy), chặt đầu tại Ninh Bình. Các đồng chí ấy cột cái xác không đầu vào thân con trâu, họ phát một cái rõ mạnh vào mông con trâu, thế là con trâu ù té chạy xộc vào trong đơn vị trú đóng của Bernard. Khiến quân đội viễn chinh hoảng loạng, chúng lo đầu hàng gấp, cút xéo về Tây, chạy có cờ! Bọn thực dân mà còn sợ kinh như thế, huống hồ ai… Hử?

Rợn người! Dẫu Luật thì-thầm bên tai, nhưng tôi chẳng thể nghe gì. Tôi chỉ thấy tiềm ẩn trong tâm tư: hình ảnh diễm kiều của đường chiều trong dáng hoàng hôn ve vuốt, nâng niu bao ước vọng thanh bình, an ấm của con người thuở xưa bay bổng lâng lâng dâng lên cao vút. Nay đã phũ phàng rơi cái độp xuống vực thẳm mênh mông không đáy. Rồi sẽ ra sao đây khi anh (chồng tôi “cù lần, dại... dột nghe người ta ngọt ngào lừa phỉnh”), Luật đã dứt khoát rủ bỏ tất cả, để rứt áo ra đi... vô trại tập trung, mong tiến tới ngày mai, anh dấn thân tới vùng tương lai mù mờ, sâu hoắm, mịt mùng, mà tôi không thể; không làm sao ngăn cản anh nỗi)!? Vì Luật lý luận với tôi:

- Cái bóng vinh quang của anh (trước ánh mặt trời) đã lùi lại sau lưng, quá khứ đối diện với hiện tại mới là chuyện cần đương đầu với tương lai. Cuộc sống mới ra sao, không quan trọng nữa; mà mình cần biết là ta đang sống, sẽ sống với ai, làm gì với ai. Em à.

Phía sau và đằng trước con đường đầy sương mù đó, hầu như còn đọng lại cái nhìn gay gắt, lạnh lùng (của con tàu định mệnh) có nửa quá khứ hào hùng, và nửa tương lai mù tối, đang trôi lênh đênh theo từng cuộn mây trắng đục trên đầu. Rồi sẽ ra sao nữa đây? Khi chồng tôi ở một nơi nào xa xăm biền biệt không tin tức, và tôi: bà vợ ngu ngơ đần độn, cùng bầy con ngây thơ thủng thỉnh dò dẫm từng bước thấp cao, với mẹ già lum khum một nẽo rị mọ đớn hèn, chúng tôi cùng dắt díu nhau phiêu lãng lang bạt nơi nao? Bao tủi nhục làm thân cô thế khô, tôi sẽ biến dạng làm con rùa lọt tọt, con cò lẹt đẹt âm thầm lặn lội kiếm sống trong Mười Tám Thôn Vườn Trầu Bà Điểm, Hóc Môn? Chao ôi! Da diết buồn đau biết mấy!!!

Chẳng hiểu sao lòng tôi dấy lên một cảm khúc quặn lòng, đớn đau, chua xót, đắng cay, nghèn nghẹn ứ nghẽn vô bờ?! Tôi cảm thấy dường như mình hẩng hụt, chơ vơ, lạc lõng khát khao từ mọi phía. Hơn hai tuần đã qua, mắt còn ngái ngủ, bỗng chốc tôi bàng hoàng gặp giữa khuya trùng trùng lớp lớp, toàn những khuôn mặt xa lạ, lạnh lùng, thô thiển và bất nhẫn. Chúng tôi lo sợ những cuộc trả thù triền miên đột nhiên dội vào đời. Cơn sốt “Hòa-bình” trong âm mưu chính trị đã đến, nhiều kẻ hắc ám hí hửng hân hoan, reo vui, mừng rỡ đón chào khách lạ phương xa. Cũng có người bồn chồn, lo sợ tột cùng, dè dặt, bơ vơ, đầy ngao ngán, lặng im, tò mò, hiếu kỳ, và nhút nhát rụt rè như tôi. Mọi người mưu tìm cho chính thân cuộc sống mới, đầy bon chen, kỳ thị, chính kiến từ cơn lốc cao độ trong nền chính trị (“30/4 giống đúc đêm giao thừa”)!

Chiến cuộc giao tranh tàn khốc thì đổ máu, hận thù, tang thương, cay đắng, và chết chóc. Còn hoà bình lại ngậm ngùi bi thương ở muôn mặt khác. “Thanh niên phụ nữ 30” từ đâu đâu chả biết, ồn ào hí hửng đeo băng đỏ, mang súng AK đi đầy đường. Đám thanh niên ngồi trên xe lam phóng loa kêu mọi quân nhân và công chức đi trình diện. Đột nhiên họ trở thành những tay “sừng sỏ”, là những ông Trời con đầy uy quyền nhất trong buổi giao thời lộn xộn kinh khủng nầy. "Nhân, nghĩa, trí, tín" của những tên đeo băng đỏ chẳng khác nào bàn tay lật ngửa là trắng, khi úp xuống thì mặt đen lòi ra.

Tôi ngậm ngùi mãi suy nghĩ về: “quyền lực” trong buổi giao thời thật vô cùng chua xót và đớn đau!!! Quyền lực là một cây kiếm không có khả năng: nói, nghe, nhìn... Khốn thay nó lại cảm thụ trong nội tâm từ âm thanh, là con dao hai lưỡi, chỉ cần có người thách thức với "ta", bất kể người đó là ai, thì nó cũng có thể chém xuống những lát kiếm nguy hiểm; và bước vô trận chiến để tranh giành ngôi vị mà sinh tồn.

Quyền lực có hai mặt: Có điều đúng và có điều sai. Quyền lực mà ai đang nắm trong tay (cho dù đó là kẻ chiến thắng) không phải do lưu manh gian trá, lừa lọc tước đoạt, giành giựt. Mà, quyền lực cần dung hòa, thông cảm, độ lượng, chia sẻ lẫn nhau, có lẽ phải, và nhận biết điều trái. Để bảo đảm mọi điều ta đang hoài bão về lý tưởng hằng ước ao: Không vinh quang nào mà không trả giá bằng gian khổ, mồ hôi, nước mắt, máu; ngỏ hầu duy trì sự trường tồn cho một dân tộc (cần có tự do nhân quyền, độc lập và hạnh phúc vinh quang thực sự).

Thế nên, khi mọi quân nhân của Quân-lực Việt Nam Cộng Hoà tuân phục thông báo mới ấy (của phe "giải phóng" 30/4), thì họ đã tấp nập chen lấn xô đẩy nhau đến các nơi tập trung, để làm giấy tờ. Thậm chí những quân cán chính ở trong chế độ cũ quả thật “cả tin, hiền triết” răm rắp chấp hành thông báo, quy phục theo lệnh lạc mới ban hành của “nhà nước vĩ đại”, là toàn thể sĩ quan và công cán chính đều tập trung đi trình diện cách mạng. Họ nộp giấy tờ tùy thân, được phát cho một tấm giấy viết tay nguệch ngoạc chứng nhận đã trình diện với ủy ban giải phóng. Họ xin giấy phép chứng nhận đi đường, ở các bến xe đông nghẹt người, họ ngủ lại đêm nầy qua đêm khác, tuần nầy qua tuần khác, ngỏ hầu mong có chuyến xe đêm, trở về nguyên quán, để trình diện Ủy-ban Giải-phóng địa phương. Người ta xì xầm to nhỏ và riu ríu tuân theo. Không ai muốn hó hé động đến “cách mạng Việt+ phi thường”, vã chăng ai ai cũng muốn đất nước thanh bình, thịnh trị, để toàn dân yên ổn an cư lạc nghiệp.

Chính bởi họ là “Quan”... của một chính phủ Việt Nam Cộng Hòa: do quan VĂN lấy trí, dùng lời để luận người, sống chết vì lời nói, cây bút, công tâm vi thượng. Quan VÕ lấy sức dùng tài sống chết ở sa trường, xã thân ngoài chiến địa, da ngựa bọc thây, là chuyện thường. Hai loại QUAN cộng với Tướng, Tá, Úy, Binh... đều tương-đồng: trọng NHÂN, trọng chữ TÍN (chữ tín rất quan trọng) trọng NGHĨA, bảo vệ lãnh cư và dân tộc; họ lấy trách nhiệm và danh dự làm gốc, để lập thân, cùng nhau ôn hòa chung vai nếm mật, và chia sẻ với DÂN mà cộng khổ ; ngỏ hầu trải qua: “Chua. Cay. Mặn. Ngọt. Bùi. Đắng. Lạt. Trong”.

Vậy thì, “Việt+ cách-mạng lâm-thời” muốn có tất cả, thì họ phải chiếm được lòng dân, phải được dân tôn trọng. Muốn có sự tồn sinh của một đất nước phục-hưng vĩnh-thịnh, và một dân tộc giàu mạnh phú cường... điều ấy sẽ tùy thuộc vào các cấp chấp chính lãnh đạo đất nước: nếu họ anh minh, chính trực , thì họ có cả thiên hạ, và dân tộc ấy sẽ trù phú, vinh quang, đất nước ấy thái bình, tự do, hạnh phúc trường tồn thật sự! Cuộc đời như một trò chơi, một ván cờ... cho đến lúc nào đó ta phải có sự chọn lựa, cân nhắc, dứt khoát quyết định, và đặt hết nhiệt tình tin tưởng vào trò chơi đó. Ai may mắn “thắng” chưa chắc là do mình hoàn hảo, tuyệt vời; hoặc người “bại” sau cuộc “đổi đời” không hẳn là kém, mà trớ trêu thay người thua cuộc (không phải quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà là người thua trận chiến, mà là "người thua cuộc cờ... ; trên bàn cờ quốc tế"), thì chắc chắn họ sẽ bị kẻ thắng lừa, trả thù, và hại cho thê thảm...

Nhưng họ vẫn can trường chấp hành, tuân phục điều luật do “Việt+ nhà nước” mới thành hình ban hành. Họ tuân phục chấp nhận đi trình diện “học tập cải tạo trong tù” 14 ngày, (như cách-mạng lâm-thời đã ra rã rao truyền trên những loa phóng thanh đặt khắp các nẽo đường); cũng có nghĩa là quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà trọng chữ tín, và tận trung muốn tìm ra con đường chính nghĩa đứng đắn, không lừa đảo và bội tín. Họ đi tìm hạnh phúc thực sự không tự đến (trong tương lai mù sương), mà ta phải quyết giành về cho tổ quốc, cho quê hương, cho gia đình và riêng bản thân. Vì sức trai hào hùng tung hoành vẫy vùng dọc ngang qua bốn bể:

Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc.
Nợ tang bồng vay trả, trả vay.
Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh. (*)

Tôi trộm nghĩ: “khi người đàn bà (hoặc đàn ông) đã thành thật yêu ai, thì họ cố bảo vệ, tôn trọng, duy trì hạnh phúc đến phút cuối cùng. Họ đặt hết niềm tin tưởng, yêu mến thiết tha, và trân trọng ngưỡng vọng người ấy... Nhưng khi họ biết rõ mình đã bị lừa gạt, (cả ba phương diện: tinh thần, vật chất và thể chất), họ đã bị cái gọi là “cách mạng lâm thời 30” thô bỉ phản bội; thì trong lòng họ (đa số) rất tức giận, uất hận... và chỉ muốn tìm cơ hội phục hận. Thế nhưng theo thiển ý của riêng tôi thì: những người bị gọi đi “Tù” trên danh nghĩa: “học tập cải tạo”; khi biết mình đã bị trắng trợn “lừa vào rọ tù”, (tù; vì tội yêu quê hương, yêu tổ quốc, yêu đồng bào, họ phải đi “học tập cải tạo” có ngày đi, mà không biết có ngày về, chẳng có án tù:

Đó chính là một biến thể của cú bất nhẫn ác ôn khi quay giò lái, đã minh định sự trả thù bỉ ổi về hai ngã rẽ cuộc đời đối nghịch tất yếu, vì chính kiến. Đó là hình phạt trắng trợn, đê hèn, và ghê tởm của con người đối với con người). Ấy thế mà “người can trường trong chiến bại” vẫn ôn nhu, kiên trì, khoan dung, vị tha, bao dung và chịu đựng, nhẫn nhục, xót xa, cam phận; ngỏ hầu cho “trải sự đời”:

Ăn ở sao cho trải sự đời.
Vừa lòng cũng khó há rằng chơi.
Nghe như chọc ruột, tai làm điếc.
Giận đã căm gan, miệng mỉm cười.
Bởi số chạy đâu cho khỏi số.
Lụy người nên mới phải chiều người.
Mặc ai chớ để điều ân oán... (*)

Họ thành tâm muốn hòa mình với cỏ cây và nhân quần, để níu lấy cơ duyên “làm lại cuộc đời”. Nếu họ có buồn, có đau đớn, có đắng cay, khổ sở và cơ cực (chắc chắn là khổ cực trăm bề rồi: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại mà”. Một ngày trong tù bằng ngàn thu ở ngoài), thì họ cay đắng ngậm bồ hòn, xót xa tự trách thân:

Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Giữa trời, vách đá cheo leo.
Ai mà chịu rét thời trèo với thông (*)

Vô cùng khó khi họ đã u trầm, chua xót, đắng cay, nghẹn ngào, lặng thinh, ẩn nhẫn trong cách đối nhân xử thế! Tôi xin nghiêng mình ngã mũ cung kính chào qúy vị “Tù Cải Tạo” (chữ “tù cải tạo” được riêng tôi, và có thể nhiều thế nhân trang-trọng, tôn vinh trong hai cái “ngoặc kép”). Đáng trân-trọng và khâm-phục lắm thay! *
(*) Thơ: Nguyễn Công Trứ
_ * _


Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
10-30-2015, 06:29 AM
http://hoiquanphidung.com/userupload/hqpd/ab. tong thong NGO DINH DIEM_1446184706.jpg Chứng Nhân Một Sự Kiện Lịch Sử
(Về Ngày 2 tháng 11 năm 1963)


Sau những chấn động kinh khủng xảy từ vụ hăng say hoạt động cách mạng, chống đối, xuống đường biểu tình biểu tọt liên miên bùng nổ, thì lúc nầy tình hình chính trị tại miền Nam Việt Nam như chiếc ghế cũ, chỉ còn ba chân gập ghềnh càng ở vào giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng”. Vì Dân tôi nghiệm thấy đằng sau hậu trường có bóng dáng của những tay “mưu đồ chính trị chuyên nghiệp”, họ đã giựt dây, ngầm tạo ra sự vô tổ chức về những đợt sóng bạo loạn.

Có tình trạng những kẻ "trẻ người non dạ rất hỗn”, hầu lợi dụng thời cơ… vênh váo thừa nước đục thả câu, điều nầy sẽ rất nguy hiểm khi họ có quyền lực trong tay, mà không biết ôn nhu, khoan hoà, khiêm tốn, khôn ngoan, nhất là phải tri thức và trung dung. Nói chung, tình hình chính phủ lúc đó quả thật là một xã hội rối rắm như mớ bòng bong, đang trôi bồng bềnh trên biển cả, giống như một chiếc tàu không người lái. Mặc ai muốn làm gì thì làm. Luật pháp bị xô ngã, nhường bước cho sức mạnh bạo lực hổn độn lên nắm chính quyền điều hành.

Dạo ấy, các bạn sinh viên năm thứ hai Văn Khoa, cùng Vì Dân tuy còn rất trẻ, nhưng nàng có nhiều băn khoăn, đắn đo, bâng khuâng suy nghĩ về khả năng, tài đức… của những vị “lãnh đạo cách mạng” nầy. Thêm vào đó, dựa vào một vài dữ kiện đáng ghi nhớ đã xảy ra về sự kiện lịch sử: cay đắng đến xót xa bàng hoàng, khiến nó mất đi tất cả lý-tưởng, tín-trung vào cuộc đấu tranh trung-dũng. Vì Dân cảm thấy cách mạng nhạt nhẽo, mù mờ, vô bổ từ đó. Hơn nữa, chính lúc nầy chuyện bè phái chính trị hoàn toàn không phù hợp với quan niệm, hoài bão, lập trường của Vì Dân.

Vì Dân muốn tìm riêng cho mình sự thảnh thơi, bình lặng trong đời sống, nàng quyết giữ tinh thần ôn nhu, trong sáng, tìm một cuộc sống vô-tư-lự, thanh thản, hữu hiệu, thật sự đáng sống; để mình có thể góp phần nho nhỏ giúp ích trong cuộc đời, một cuộc đời thực sự bình dị, mến thương nhau, ôn hoà, an lành, có nghĩa có tình như mọi công dân hiền hậu khác: Không oán ghét, chẳng vò xé hận thù. Không vướng mắc mọi ưu tư trong lòng.

Do một tuần lễ công tác trong Tổng-hội sinh-viên Việt Nam ở Huế, đã gây cho Vì Dân bao điều băn khoăn, nghẹn ngào, xót xa quá cay đắng. Vì, khi cùng làm việc với Vì Dân trong tuần lễ đó, có một anh sinh viên sống tại Huế rất qúy mến các bạn từ Sài Gòn, Đà Lạt... Anh ta ngầm ngầm báo với Vì Dân là:
- Hãy hết sức cẩn thận. Đề phòng. Tính mạng của các anh chị hiện đang nằm gọn trong tay “họ”.

Thú thật, nàng Vì Dân không hiểu nỗi mình đã làm gì sai? Và, khi anh ta nhấn mạnh ở điều nầy, thì nàng chẳng thể biết ra sao. Nàng không hình dung chữ “họ” ở đây, là anh ta muốn “ám chỉ” về ai? Ai? Bởi vậy, ban ngày Vì Dân và các bạn ghi tên ở khách sạn, nhưng ban đêm cùng nhau lo đi ẩn nấp, chui rúc nơi bờ bụi như lũ chuột, khi các bạn ngủ chỗ nầy, khi ngủ dưới ghe bà Nẫm, đến khuya các bạn lại cho ghe neo đi chỗ khác, lúc thì lên gần gầm cầu Bạch Hổ, khi chạy về khu Gia Hội. Vân vân... Đồng thời, Vì Dân rất buồn vì chuyện tình yêu giữa “chàng và nàng” bị đổ vỡ vô cớ. Kèm theo chuyện chính trị náo loạn dị kỳ. Dân quá chán ngán không muốn mọi thứ ấy luôn thọc mũi dùi vào đời sống sinh viên, quấy rối lòng mình nữa! Bởi vì; (tất nhiên trong đó có cả các anh chị bạn, và... nhất là có người yêu dấu của Vì Dân):

Vì Dân cảm nhận ra rằng ở tại miền Trung bấy giờ hoàn toàn do nhóm sinh viên sừng sỏ hùng hậu chi phối chính quyền địa phương. Đấy là dấu hiệu “loạn” đã lên cao độ rồi. Cái nền độc lập tự do dân chủ vừa mới sơ sinh, mà manh nha nhiều thủ đoạn “rối” như thế nầy, thì… tương lai đất nước sẽ tối đen như đêm ba mươi Tết. Theo thiển ý cuả Vì Dân: nếu tham gia làm cách mạng (vì thực sự yêu nước, muốn cùng nhau xây dựng một quốc gia hùng cường, một đất nước tự do hưng thịnh, vinh sang và trường tồn); thì ta không chỉ chìm đắm bới móc quá khứ, và ôm hận thù. Điều cần thiết và cấp bách là muốn thực thi cách mạng, trước tiên ta cần phải an-nội. Thế nhưng… giờ đây thanh niên là rường cột của quốc gia, đang giống như con dao hai lưỡi. Rồi mọi chuyện sẽ đến đâu? đi đâu? về đâu? Vì Dân cảm thấy buồn bã, chán nản lên tột đỉnh. Cúi đầu nhanh nhẹn quay gót, lo thụt lùi lui xa chính trường, Vì Dân không hề dám ngoảnh lại len lén liếc nhìn…
***

Bởi, Vì Dân còn nhớ rất rõ: Buổi chiều đó, một buổi chiều có mây trắng bồng bềnh bay bay trên lưng trời, có nắng nhạt nhè nhẹ rót xuống thế trần, có gió mơn man trên đầu cây ngọn cỏ, cảnh vật êm ả bình thường như bao buổi chiều khác. Có khác chăng là một tí nữa đây Vì Dân và hai ba anh bạn sẽ được vinh dự trở thành số ít người hiếm hoi, tận mắt chứng kiến một sự việc đặt biệt ghi đậm nét như một dấu ấn lịch sử: Từ đầu đến cuối sự kiện trọng đại nầy: đã có nhiều dư luận, có nhiều lý thuyết, có nhiều phán đoán, có nhiều nghi vấn. Nhưng “trăm nghe không bằng mắt thấy” về những nhân vật trọng đại, liên hệ đến lịch sử. Đó là một buổi chiều định mệnh… vô cùng đớn đau bi thảm vào đầu tháng 11 năm 1963.

Đúng hơn là buổi sáng ngày 02 tháng 11 năm 1963, ông Trần Trung Dung (nguyên Bộ Trưởng Quốc Phòng, dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm). Ông Dung đã gọi phone đến nhà Năm. Trong nhà có thêm bạn: Trung, Thạch, và Vì Dân ngồi gần bàn làm việc. Năm bắt phone và chuyển sang cho ông Ba chủ trại hòm Tobia. Sau một hồi trao đổi, giọng ông Ba trở nên lo lắng. Bối rối. Quắt quay. Bồn chồn. Như có điều gì bức bách lắm. Cuối cùng ông Ba thở dài, buông phone xuống, e dè nhìn mọi người hiện diện, đôi mắt ông rướm lệ rồi ngập ngừng nói nhỏ:
- Tổng thống, và ông cố vấn đã chết trong chiếc thiết vận xa M113 mang số 80.989, bởi lệnh của ông Dương văn Minh, do sát thủ là Nguyễn văn Nhung giết hại rùi.

Sửng sốt, bàng hoàng. Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, tất cả vội túc trực trong phòng khách, mở radio lên lắng nghe. Hội đồng tướng lãnh do Trung-tướng Dương Văn Minh đứng đầu đảo chánh đã thành công. Ông Minh tuyên bố: “Tôi tạm thờ lãnh đạo quốc gia”. Đài Phát Thanh Sài Gòn chỉ mở nhạc hoà tấu, nhưng luôn luôn nói đi nói lại là: “Anh em ông Diệm đang ẩn nấp, hoặc tẩu thoát đâu đó”…

Chẳng nói chẳng rằng, ông Ba vội vã kiếm người đi gọi đạo tỳ đến xưởng hòm, để chuẩn bị “hậu sự” cho Tổng Thống Diệm và ông cố-vấn Nhu. Ở nhà kho của ông Ba có nhiều hòm tuy đẹp, đắt tiền. Nhưng không mấy xuất sắc. Chỉ còn một cái hòm tốt nhất bằng gỗ gia tỵ rất quý hiếm, có bọc sẵn thêm cái hòm kẽm ở bên trong. Ý ông Ba muốn để cái hòm nầy cho ông cố vấn Nhu. Ngoài ra, còn một cái hòm nhôm mới toanh láng cón của quân đội Mỹ. Chiếc quan tài nầy rất đẹp, làm bằng nhôm nhẹ, có hai lớp. Bên ngoài mạ lớp sơn bóng loáng, bên trong bọc một lớp đệm nhung mỏng, êm ái như tấm đệm giường ngủ, có thể mở nắp ra đóng vào bằng kính dễ dàng, lộ cả khuôn mặt người quá cố, cho mình nhìn tiễn biệt phút cuối cùng, hòm có chốt cài bên hông. Nếu là xác đã ướp lạnh, có thể để lộ hẳn ra ngoài. Ở Việt Nam chưa xuất hiện loại hòm tân thời như thế.

Lẽ ra là chiếc hòm rất sang trọng đẹp đẽ qúy hiếm nầy sẽ đựng thi hài của một viên Tá người Mỹ đã từ trần tại Việt Nam. Nhưng không hiểu sao họ lại mang vứt bỏ chiếc quan tài ấy ở bên hông nhà ướp lạnh trong phi trường Tân Sơn Nhất!?. Tình cờ ông Ba đi làm việc đã thấy. Tiếc quá nên ông Ba nài nỉ, thương lượng với tên quản lý nhà xác, và ông đã mua lại. Ông Ba đem về trưng bày trong tiệm cuả mình, coi chơi. Ai đến mua giá cao cỡ nào, ông cũng không bán. Thế là ông Ba quyết định:
- Chỉ có Tổng Thống Ngô Đình Diệm mới xứng đáng nằm an nghỉ trong đó thôi.
Cả hai khuôn hòm được mang ra lau chùi bóng loáng, sát trùng sạch sẽ, họ chuẩn bị sẵn sàng; chờ lệnh. Gần 11 giờ trưa, phone của ông Trần Trung Dung gọi báo:
- Nhờ ông vui lòng mang khuôn hòm đến nhà xác bệnh viện Saint Paul. Ở đường Tú Xương. Tuyệt đối không cho đông người đi, và người lạ tháp tùng. Xe chỉ chở đến đó… mỗi lần một quan tài mà thôi.
Ông Ba nêu ý kiến:
- Có nên lấy thêm một xe nữa. Đi theo phía sau xa xa xe kia. Hay không?
- Không. Chở từng cái một, mỗi xe đi cách xa nhau khoảng nửa giờ. Mang cái “đầu tiên” đi trước.

Ông Ba tuân lệnh. Đem cái hòm đặc biệt “đầu tiên” đi. (ý họ muốn nói đến “cái đầu tiên”: là khuôn hòm của Tổng-thống Diệm, người sẽ liệm trước tiên). Chiếc xe tang từ từ lăn bánh. Trên xe có bà chủ tiệm hòm, Năm, Vì Dân, Thạch, Trung, cộng thêm bốn người đạo tỳ. Xe lao vào đường phố vắng tanh như đi trong thành phố chết, hoặc đang vào giờ giới nghiêm, thiết quân luật vậy. Đến đường Tú Xương, Vì Dân mới thấy phe cách mạng lật đổ chính phủ đã cho cảnh sát, quân cảnh đứng canh gác ở các chốt. Xe jeep chận ngang ngỏ vào nhà xác.

Ngoài các anh: Năm, Thạch, Trung, Vì Dân, bà chủ tiệm và bốn đạo tỳ ra, còn có hai soeur có lẽ ở bệnh viện nầy. Thêm vợ chồng cháu rể của tổng thống đang lăm le chiếc máy ảnh trong tay. Khi xe tang vào tới bên trong, thì một soeur rón rén, lấp ló, len lén nhìn trước ngó sau, coi soeur có vẻ gian, sợ sệt lén lút, như người làm chuyện mờ ám gì, chả biết. Hình như soeur có lệnh trước, đã vội vàng kéo cánh cửa đóng ập lại liền. Trong nhà xác chỉ có một ngọn đèn vàng lù mù, leo lét, treo lơ lửng tòn ten trên trần.

Bốn đạo tỳ mang quan tài đặt trên bệ đá cẩm thạch trong nhà xác. Họ đợi khoảng hai mươi phút sau, thì có một chiếc xe hồng thập tự kiểu Dodge nhà binh (màu cứt ngựa) thắng lết bánh, đỗ xịch lại. Bà soeur canh cổng kia lật đật mở cánh cửa nhà xác ra. Từ trên xe có bốn quân nhân nhảy phóc xuống, họ vội vội vàng vàng khiêng chiếc băng ca lắc lư nhún nhảy. Trên đó có một người nằm cũng nhún nhảy lắc lư theo nhịp bước mau. Họ mang băng ca vào hẳn phía trong, để xuống dưới đất. Họ chả buồn nhìn ai hay nói câu nào, họ cúi đầu vội vã quay trở ra, leo tọt lên xe. Chiếc xe Dodge rít lên nghe rợn tóc gáy vút đi trong sự im lặng hãi hùng…

Lúc bấy giờ cả nhóm đông trong phòng liền bước tới đứng sát bên băng ca. Người nằm trên băng ca là vị tổng thống kính mến của nền Đệ Nhất Cộ̣ng Hòa miền Nam Việt Nam: Ngô Đình Diệm (1901-1963). Ngài mặc bộ veston màu xanh rêu, thắt cà vạt xanh đậm có chấm trắng. Dưới chân ngài mang một chiếc giày màu đen, bên chân kia chỉ có một chiếc tất trắng. Cả bộ comple chìm trong màu máu, trên đầu tổng thống có một vết thương sâu từ dưới ót trổ lên đỉnh đầu, bê bết máu. Ngài nằm đó thản nhiên im lặng, dường như tổng thống say chìm trong giấc ngủ ngàn thu bình an không muộn phiền, chẳng khổ đau…

Ánh sáng vụt loé lên. Thì ra ông cháu rể ngoại quốc kia đã bấm được vài ba tấm ảnh. Chả hiểu ông cháu nầy lúng túng, run rẩy, sợ hãi, lo lắng hay sao, mà ông lại vội cất dấu máy hình, không chụp thêm mà lại ngưng? Hay ông thấy cảnh máu me lan tràn như thế, thật hãi hùng và đau lòng. Nên ông không cầm nỗi cơn nghẹn ngào xúc động đau đớn dâng tràn bờ mi?!
Đạo tỳ khiêng xác ngài lên, đặt trên một bệ đá cẩm thạch có lót hai lớp vải trắng. Bà chủ tiệm nói với Năm, Thạch, Trung, Vì Dân, và hai soeur:
- Nhờ lấy bông gòn và compresse nhúng đầy alcohol, lau nhẹ nhàng, lau sạch sẽ, lau rất cẩn thận các vết máu cho tổng thống giúp tôi.

Họ lộ vẻ kính cẩn, ân cần, chu đáo sửa sang áo quần Tổng-thống Diệm chỉnh tề, ngay ngắn. Bốn đạo tỳ chăm chỉ cắm cúi lo tẫn liệm ngài đàng hoàng. Bà chủ tiệm hòm lâm râm đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn người quá cố. Bà nhét vào tay tổng thống xâu chuỗi hột mân côi. Hình như Tổng Thống Diệm vừa mới chết, cho nên hai bàn tay ông đã nhẹ nhàng khép lại dễ dàng giữ xâu chuỗi, như ông đang lim dim đọc kinh lần hạt. Mọi người hiện diện nín thở, có cảm tưởng tim đập thiếu nhịp, thở hụt hơi: Nghẹn ngào. Ngậm ngùi. Cay đắng. Bẽ bàng xao động. Đau xót kinh khủng. Thương tiếc sâu sa. Buồn mênh mông cho kiếp phù sinh bạc mệnh. Ngắn ngủi!

Họ chưa kịp đậy nắp hòm, thì chiếc xe hồng thập tự lúc nãy đã trờ đến. Cánh cửa lớn do bà soeur kia lum khum hé mở ra. Đám lính lật đật bưng cái xác thứ hai vào. Bà soeur vội vàng khép nhanh cánh cửa ngay. Đó là ông Cố-vấn Ngô đình Nhu mặc áo sơ mi trắng cụt tay ngực đẫm máu. Áo bỏ trong quần màu nâu hơi xộc xệch, thắt dây lưng da, chân mang đôi giày màu kem. Gương mặt ông Nhu có vẻ oán hận, bất bình điều gì, vầng trán thật cao cau lại với nhiều nếp nhăn. Đôi môi ông mím chặt nghiêm nghị. Không thấy ông Nhu có nét thanh thản bình an (như gương mặt thản nhiên của người anh). Ông nằm hơi nghiêng qua một bên. Họ thấy ông bị nhiều vết đâm sau lưng, loại dao bayonet của quân đội. Máu vẫn ứa ra từ các vết thương đó. Trên đầu, ngay thái dương có hai vết thủng. Đó là dấu đạn đi từ bên nầy xuyên sang bên kia.

Công việc tẫn liệm cũng tuần tự diễn ra. Cẩn thận, nhưng hơi vội vàng như lần trước. Không khí lúc nầy quả thực nặng nề kinh khủng! Im lặng hoàn toàn. Hình như ai ai cũng thở rất nhẹ. Vì họ sợ mỗi tiếng động làm dấy lên từ đáy lòng mình tiếng nấc, mà họ đã kềm sâu trong lòng, để khóc thương một kiếp người phù sinh: khi họ đứng trên tột đỉnh danh vọng cao sang dường bao, ấy thế mà lúc họ lìa đời thì quá ư bẽ bàng, bạc phận!? Hoặc sẽ làm hỏng không khí kính cẩn tôn nghiêm; nơi con người thực sự đã bước chân vào cõi vô cùng hư vô? Quả đúng là phân giới giữa sự sống và cõi chết: chỉ ngăn cách bằng một sợi tóc dài lê thê và mỏng tanh, bởi một bức màn sô vô hình tầm thường mà mong manh như sương khói. Nhưng, kiếp người ở hai phân giới ấy đã không thể làm gì khác hơn. Người ở biên giới nầy không thể va mặt, chạm tay vào biên giới vô hình kinh khủng bên kia, và càng không thể biết thêm gì nhau hơn!

Đó là hình ảnh nhỏ nhoi tầm thường rất cô độc của con người hiện hữu đối mặt trước sự siêu hình, cao cả của sự sống và sự chết. Quả thật không là gì cả khi thân xác ấy trở thành bất động, lung linh như ảo ảnh hư vô mà vô cùng sống động, thực tế và quá đỗi thương tâm. Vì Dân sẽ không bao giờ quên, không bao giờ phai mờ hình ảnh bi thương ấy trong trí óc. Vì, rất thật. Quá thật tình cờ… vô tình mình làm chứng nhân một sự kiện lịch sử trong thế kỷ. Ý thức nhận rõ ràng: Cuộc sống sao quá mỏng manh như một bóng mây trắng hờ hững bay giữa lưng trời rám bạc. Như cành cây oằn thân trong bão khi gió muốn lặng, mà dễ đâu nào!

Vì Dân cảm thấy mệt lả, nhịp tim rung lên từng cơn run rẩy, nghẹn nghẽn nỗi đau trong cổ, nàng vội kéo Năm, Thạch, Trung, bước ra thềm nhà xác, đi về hướng Phan Thanh Giản, là mong cho dễ thở hơn. Ngay lúc đó, Vì Dân thấy một đoàn biểu tình náo nhiệt rầm rộ kéo nhau xuống đường. Họ vừa đi vừa giơ nắm tay hò la, hét tướng lên: đả đảo “chế độ gia đình trị họ Ngô”. Họ đi thẳng tới biệt thự đường Phan Thanh Giản của ông Bộ-trưởng Bộ Nội Vụ Bùi Văn Lương, (người đã từng nắm giữ chức vụ Tổng Ủy-trưởng, Tổng Ủy Di Cư năm 1954).

Họ lao vào nhà ông Lương đập phá, hôi của. Tất cả mọi thứ trong nhà thoáng chốc “biết đi” biến sạch hết ra ngoài đường. Thậm chí Vì Dân còn thấy có mấy người bưng hai con chó Nhật sợ hãi nhìn quanh, như nó đang muốn tìm cố chủ. Đám biểu tình nhốn nháo bắt đầu xúm lại nổi lửa trong sân. Rất may, lúc đó có toán Cảnh-sát Dã-chiến đến. Họ can ngăn kịp thời. Ôi! Cuộc Cách Mạng phừng phưng thành công rồi đó. Toàn dân bấy giờ đã thoát ra khỏi chế độ “gia đình trị Họ Ngô”. Nhưng, rồi đây sẽ đến phiên ai đi tới đi lui, đi lên và đi xuống, đi qua và đi lại? Sẽ ra sao? Xin nhường câu trả lời cho lịch sử từ bây giờ và những tháng năm sau nầy phán xét.

Nghe tiếng bà chủ gọi, các anh, chị, vội chạy trở về nhà xác: khi hai chiếc xe hồng thập tự đã đến lấy quan tài hai anh em họ Ngô. Họ nói với tài xế: “Vô Bộ Tổng Tham Mưu”. (Vì lý do an ninh, nên Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng chuyển hai xác anh em tổng thống vào Bộ Tổng Tham Mưu, an táng trong khuôn viên trại Trần Hưng Đạo, cạnh chùa An Quốc). Hiện diện, làm việc cấp tốc trong đêm khuya có vị linh mục người Pháp, ông bà Trần Trung Dung, Trung-tá Nguyễn Văn Luông (trưởng ban mai táng), một số ít quân nhân ở Tổng Tham Mưu.

Thế rồi tiếp theo sau mấy cuộc đảo chánh. Chỉnh lý. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đương nhiệm nghe lời ông thầy địa lý phán một câu xanh dờn:
- Vì hai huyệt mộ kia đã chôn nhằm “long huyệt”. Cho nên đất nước Việt Nam đã xảy ra lộn xộn liên tục. Muốn cho yên ổn. Phải cho dời ngay đi.

Thế là sau ngày đảo chánh ít lâu, bên phòng mai táng ở quân đội miền Nam Việt Nam Cộng Hòa lại cho mời ông Ba đến, họ bàn trước tính sau cặn kẽ. Họ nhờ ông Ba làm hai cái kim tĩnh xây gạch, tráng xi măng trước. Ông Ba lại cho người lên bộ Tổng Tham Mưu lén lút, hì hục đào bới cả hai anh em cố Tổng Thống vào ban đêm. Đạo tỳ làm việc bù đầu suốt canh thâu; từ choạng vạng tối đến tờ mờ sáng mới xong. Ông Ba đem hai thi thể: ông Diệm và ông Nhu về chôn ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.

Khi hạ rồng rồi, ông Ba có lệnh chỉ được phép lóng cát phủ lên bề mặt hai ngôi mộ bằng phẳng cho đầy. Bên trên mặt chỉ được lấp ba tấm ván sơ sài. Trông hai ngôi mộ rất hèn mọn, quá tầm thường. Tuyệt đối ông Ba không được phép ghi tên tuổi, ngày tháng trên bia mộ gì cả. Dù chung quanh đó có những ngôi mộ cẩm thạch bóng loáng, vinh sang hào nhoáng lộng lẫy khác. Vì nền Đệ Nhị Cộng Hoà “họ” sợ dân biết tin hai vị ấy nằm đó, dân sẽ đến cầu nguyện và ngưỡng mộ (!?). Nhưng làm sao mà che được tai mắt dân lành!? Không biết do đâu “rò rỉ ra” nguồn tin:
- Chính hai ngôi mộ đơn sơ không tên không tuổi, không hình bóng nầy: là mộ phần của anh em Tổng-thống Ngô Đình Diệm.

Thế là từ đó, mỗi khi ai ai có dịp vào thăm nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Họ liền đi vào cổng chính, đến đoạn giữa “hai ngôi mộ Anh Em”, nằm đối diện với cái tháp tưởng niệm, và ngôi mộ cố Thống Tướng Lê Văn Tỵ to lớn nguy nga, “hoành tráng” nhìn sang “hai anh em: Gioan Baotixita Huynh ; Giacobe Đệ”. Có một điều rất khác biệt với những ngôi mộ lộng lẫy sang trọng kia, thì trên hai ngôi mộ đơn sơ đạm bạc đớn hèn khiêm tốn nầy, luôn luôn có những bó nhang trầm nghi ngút khói, có đóa hoa tươi màu thay đổi mỗi ngày, có bốn ngọn nến sáng lung linh thắp suốt đêm. Hình như người dân dù sợ hãi người khác thanh trừng, nên chỉ âm thầm lén lút đi thắp nến đốt nhang cầu nguyện. Họ luôn tưởng niệm cho “Ngày dài nhất thế kỷ, buổi chiều định mệnh đó”. Họ là những người dân hiền lương ẩn danh nghèo hèn như thầm nói:

- Vĩnh biệt Tổng Thống Diệm. Vĩnh biệt ông Cố-vấn Nhu. Xin các ngài cứ bình thản an nghỉ. Vì, đất nước Việt Nam vẫn còn là đất nước Việt Nam. Có thay đổi chăng, chỉ là đổi mới những sự kiện, và những con người lãnh đạo quốc gia mà thôi. Nguyện cầu nhị vị an nhàn bình thản ra đi… hạnh phúc phiêu lãng ngao du sơn thủy, đi khắp trên mọi miền đất nước Việt Nam, và xin quý ngài phù hộ cho dân lành được ấm no, bình an hạnh phúc thật sự, như qúy vị hằng đợi mong. Xin qúy vị lãng quên cuộc đời bạc bẽo. Quên con người hết sức trắng trợn độc ác tham tàn và… xin hãy tha thứ cho con người rối rắm hèn kém suy nghĩ kia, những kẻ đã tàn nhẫn hại mình. Kiếp người ô trọc đảo điên và phù du rồi sẽ khép lại sau đôi mắt hờ hững lặng nhìn. Vì Dân tôi, một chứng nhân vô tình hèn mọn trong bóng tối lịch sử buông tiếng thở dài sâu lắng, trầm buồn và ngậm ngùi trên mỗi phím loan: Ối ôi ồi!!! …
***

Mãi về những năm gần đây, sau nầy thôi, thì hài cốt "hai huynh - đệ: Gioan Baotixita Huynh ; Giacobe Đệ" (trên bia mộ vẫn không ghi tên thật, ngày tháng năm gì cả) lần thứ ba, họ lại được thân nhân đào lên, cải táng cho nhị vị về an nghỉ tại "Nghĩa-trang số 6", ấp Đông An, xã An Bình, huyện Dĩ An. Lần nầy, Vì Dân khẩn thiết cầu xin cho quý vị "Huynh-Đệ" thật sự bình an, yên nghỉ vĩnh viễn dưới lòng đất quê hương Việt Nam.
* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
12-17-2015, 10:34 PM
http://hoiquanphidung.com/userupload/hqpd12_2015/1 noel 10_1450495586.png
http://hoiquanphidung.com/userupload/hqpd12_2015/Niem Khuc Cuoi - Si Phu_1450391444.mp3
Noel Ơi... Ôi là buồn!!!
(gợi nhớ sau chuyến viễn hành 12-2015)
***

Vài tháng sau ngày Hoàng Phương Nam & Thương Mười đính ước, và sau đêm Nam ở lại trên phòng riêng của Mười, hai người vẫn vô-tư-lự và sạch trong với nhau, không hề có một gợn đục tình cảm nào. Mừng vui thay! Thì… hôm nay, do cùng chung đường về, Thu Hồng mời Mười ghé đến nhà cô ăn chè đậu ván (món ăn Mười thích nhất). Ngồi dưới bếp, hai đứa ăn uống, chuyện trò vui vẻ xong, Mười vào phòng tắm rửa mặt. Gió lộng thổi cánh cửa đánh bật ra, nên Mười đến bên cửa sổ, vói tay định kéo cánh cửa vào.

Bỗng nàng giật nẩy người, lùi hẳn nép người vô bóng tối, thập thò lấp ló nhìn qua bên khách sạn Mimosa. Phương Nam! Trời ơi! Phải! chàng ở trần, khăn tắm vắt vai, Nam đang tựa bên cửa sổ hút thuốc lá. Sau cửa sổ là người đàn bà xoã mái tóc rối, cô ả kêu réo cười cợt, eo éo chớt nhã gọi Nam. Nam khuất vào một bên vách, để lộ ra giường nệm xô lệch, gối rơi xuống sàn nhà, cạnh bộ quần áo của chàng (mà tuần trước Mười đã giặt ủi cẩn thận). Tiếng người đàn bà bỗng gào rú lên, chen lẫn tiếng nước chảy trong phòng tắm lơi lả.

Thương Mười vẫn tự hào là người đẹp chưa bao giờ bị tình phụ, để nếm mùi đau khổ, cho biết đời. Người con gái diễm kiều rất thông minh, khôn ngoan, thùy mị nết na nầy luôn luôn có những “cây tình si” ao ước làm người bạn đời, thiết tha, trìu mến yêu thương cô. Thế nên, Mười vẫn hồn nhiên với tình yêu giữa Nam & Mười là thần thánh, sạch trong, mà cuộc đời tỏ ra ưu ái khoan dung, nuông chiều theo sở vọng riêng ta. Đến mức Mười chẳng lo lắng về tương lai, hạnh phúc, tình yêu sẽ vỗ cánh bay đi. Ngược lại, Mười rất bình yên, không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ bị phản bội.

Nào ngờ!... bây giờ sự thật đã phơi bày! Mười thấy lòng hẫng đi, điên cuồng, nhục nhã, xấu hổ, quay quắt. Giống như có vật gì bén nhọn, như cây mã tấu đâm vào trái tim, khiến trái tim và đầu óc nàng tan nát, vỡ vụn ra từng mãnh, bèo bọt xót xa vô ngần. Lòng Mười trĩu nặng đớn đau, dày vò, tủi thương thân, rã rời điếng lặng. Tình yêu như chiếc mặt nạ vừa rơi tuột qua kẽ tay! Đáng lẽ ra Nam không nên đưa ba má anh lên làm dạm ngỏ, đính ước, đám hỏi, đám… “khỉ gió mốc xì” gì cả. Giờ đây, ai ai cũng biết Mười là vị hôn thê của Nam. Trời ơi! Ba má anh ta đã mang quà sính hôn đến nhà, công nhận Mười là con dâu nhà họ "Đỗ, Lữ" làm gì sớm thế. Hở Trời!?

Khi Mười như con điên lò mò lê đôi guốc kêu xèn xẹt từng bước thấp bước cao trên đại lộ vắng hoe, bờ vai nàng khoát hờ chiếc áo lạnh xề xệ, kéo lết bết trên đường ướt mưa. Mười đi bộ về nhà dưới cơn mưa tầm tã, thì trên phòng riêng của mình đang sáng đèn. Mười găp chị Tuế ở cầu thang lầu, chị nói Nam đã đến nhà chờ Mười khá lâu. Mười mới đi khỏi căn phòng thân yêu nầy chỉ một ngày, một buổi chiều, và gần nửa đêm thẩn thờ lang thang đó đây, mà nay Mười tưởng chừng như mình xa vắng nơi đây cả đời người, vẫn chưa về đến đích gần nhất, (trong cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc dường như vừa mất). Gặp Nam ở balcon, Mười không thể khóc, chỉ lạnh nhạt nói:
- Đừng đụng tới em. Chờ chút, em có chuyện cần nói với anh.

Chàng trìu mến nở nụ cười, nụ cười á thánh ngây thơ, lẽo đẽo theo nàng vào phòng, Nam bình thản lấy gói thuốc lá rồi quẹt diêm. Mười đi thay bộ quần áo ướt sũng nước, lòng những tưởng sau khi gặp chàng, Mười sẽ vồ xé Nam cho tan ra từng mãnh. Hoặc Mười tìm những lời nói cay độc để xỉ vả, đay nghiến, cằn nhằn Nam. Cũng có thể nàng lăn kềnh ra đất kêu gào, xé áo xé quần Nam khóc lóc thảm thiết vì ghen, (giống như xem trong phim ảnh). Chứ có ngờ đâu tuy lòng đau hơn bị dao cắt, mà mặt Mười cố làm ra vẻ tỉnh bơ, lạnh tanh thế nầy! Mười bước ra phòng tắm, kéo ghế ngồi đối diện:
- Có lẽ, không còn gì để nói với nhau nữa. Ta nên xa nhau đi là vừa.
- Lại định giở trò gì đây? Cưng!
- Không dám. Nam yêu em, chỉ chuốc thêm ưu phiền, bực bội. Chả ích lợi gì đâu.
- Kỳ quặc hết chỗ nói.
- Hẳn là anh chưa quên hỉ!
- Quên... sao được!
- Hừ!
- Em lộn xộn quá.
- Hồi xưa anh kể chuyện: một thằng “Tây Ban Nha” nọ, đã lừa bịp, phản bội vợ hắn. Sau đó hắn trở thành “Tây Bán Nhà”, bị điên, vì tiếc người tiếc của. Hỉ!?
- Ừa.
- Hồi chiều, anh rời khỏi Hotel Mimosa về đây, anh giống hệt thằng bán nhà kia. Anh đã trở thành hắn.
- Ớ… Á…
- Có gì đâu, tình cờ thôi à. Quả thật rất tình cờ đó, ông Trời mở mắt cho em thấy: từ chiếc khăn tắm sọc xanh đỏ anh vắt trên vai trần; đến cái mini robe màu đỏ tươi của người đàn bà kia, bả sung sướng hét to lên từng cơn thống khoái, cợt nhả nơi phòng tắm đó. Hẳn anh chưa quên hỉ! Nam nè, anh biết tính em; không phải là em chủ tâm đi rình mò, theo dõi, dò xét anh đâu nha. Em ngu sao cần gì đeo mặt nạ làm vậy. Quê lắm, thộn lắm!

Chàng trợn trừng mắt, kinh ngạc tột cùng bàng hoàng nhìn nàng. Có lẽ điều Mười vừa thốt ra, là một trong những chuyện quái ác, kinh dị hơn gáo dầu sôi bỏng tạt mạnh vào mặt nhau. Nóng bỏng. Lạnh lùng mà hết sức phũ phàng, đau đớn; đã để lại vết sẹo ghim trên trán Nam, khó phai. Mỗi lần Nam soi gương chải tóc, rửa mặt, nó vẫn là vết sẹo vô ý thức lột phăng cái mặt nạ trơ trẽn, trần trụi rơi tụt xuống, nó lạnh lẽo và vô trách nhiệm trong cuộc tình chung nầy, cũng nên?

Lẽ ra, Mười không nên thẳng thừng bốp chát quá vậy!? Mười đứng dậy, lấy chùm chìa khóa đến cửa phòng mở cửa, đi ra ngoài, rồi khóa trái lại. Trong lúc đó, Nam cứ tưởng nàng đi khóa cửa như mọi lần. Ở trong phòng ngẩn ngơ vài giây, Nam vội vàng nhảy đến cửa lớn, gạt tấm màn voan sang một bên, Nam gỏ gỏ vào cửa kính liên tục, mạnh và lớn đến nỗi Mười sợ anh chị Tuế ngủ dưới lầu nghe thấy. Lưỡng lự đôi phút, Mười đành quay bước lên bậc thang, nàng đút chìa khóa vào ổ, mở ra. Mặt Nam đỏ bừng vì giận, Nam xoay tay nắm giật cánh cửa mở tung ra, cơn gió canh khuya ào ào lùa vô phòng rất lạnh giá. Chàng kéo giật cánh tay Mười lôi vô phòng, đóng sập cửa lại, mạnh đến nỗi làm cánh cửa bung ra. Mười thản nhiên đến bên giường, rủ gối mền, cười gằn:
- Lãng chưa! Người đau khổ nhất cần được vỡ tung ra là em. Chứ cánh cửa nào có tội tình gì, mà anh hành hạ nó đau. Tội quá!

Chàng khóa cửa lại, cất dấu chìa khóa ở đâu đó, Nam thay bộ veston, vắt trên ghế dựa, (chàng mặc bộ pirama vẫn để lại đây phòng hờ, mỗi khi chàng đến nhà nô đùa với cháu), Nam cởi giày, rồi lặng lẽ úp mặt nằm lên giường, hai tay ôm lấy đầu, thở vắn thở dài. Trong khi Mười quay mặt vào vách, hai hàm răng nghiến chặt, lòng dặn lòng cương quyết không khóc lóc, không kêu la, không rên xiết, không van nài, không xin xỏ. Mười dặn lòng phải nhất định quên chuyện đau đớn đang phừng phừng dày xéo lên trái tim. Mình phải đoạn tuyệt với con người dã man tàn ác nầy.
- Thương Mười!
-. . .
- Em ơi, hãy cố gắng hiểu nguyên nhân của dữ kiện, đừng tìm hiểu sự kiện trước mắt, để rồi vội vàng kết luận. Sự việc xảy ra ít lâu nay, phần lớn do bạn bè thách thức, khiêu khích, cá độ anh, nhất là vì anh tự ái khi bạn bè thách đố anh. Họ nói: - “Anh chỉ là thằng hề trước mặt người đẹp, anh không cua được cô hoa khôi kia đâu”. Thế nên, anh đã... xác minh cho họ tận mắt chứng kiến vụ việc, như em thấy. Hồi xế chiều họ đã đến đây tạ lỗi cùng em. Chờ em không nỗi, họ vừa về. Anh xin lỗi em.
- Hừ… Không thể tưởng tượng ai đó nỡ… “bẽ cành bán rao”.
- . . .
Mười cười khẩy:
- Họ không nhào vô "bà đó", (bi giờ em không gọi Hà là cô, vì Hà đã trở thành đàn bà, không còn là con gái), họ chỉ ranh ma đứng ngoài khiêu khích anh, để anh hí hửng nhập cuộc. Họ vỗ tay hoan hô ai đây? Ấy, tình yêu là gì? khi anh dám đánh giá… cá độ cả tình yêu, tương lai và hạnh phúc, để đổi lấy hư danh hão huyền. Vì chút danh dự hay tự trọng “dỡm đời”, bồng bột của thằng con trai háo sắc và háu chiến. Chữ “yêu” bắt đầu từ chỗ dễ dàng trao đổi một lần… năm ba lần… khi đó có con cái, (dù không phải tác phẩm của anh chăng nữa, nhưng có bạn bè chứng kiến mà). Ừa, cũng vui ha.
- Làm gì có chuyện đó. Anh xin lỗi em.
- Anh có lỗi gì mà xin.
- Anh khẳng định trước em và bạn bè, anh không hề yêu cô... à à,... bà Hà ấy. Em nghe rõ nhé, anh không yêu ai cả, ngoại trừ anh yêu em. Em là tình yêu của anh.
- Lạ quá! Chờ đến lúc tình yêu giữa anh và em hoàn toàn tan vỡ, anh mới tỉnh ngộ chắc. Kể cũng lạ!
- Chuyện vớ vẩn xui xẻo qua đường mà em. Anh đã đạt đến đỉnh danh dự, xoa dịu lòng tự trọng, tự ái rồi, anh hứa chẳng bao giờ bị vấp ngã nữa.
- Anh biết là em rất yêu anh, em từ bỏ tất cả để có anh. Nhưng tại sao anh lại làm vậy? Gia đình em thấy anh với bà Hà nhiều lần, chính em và bạn bè cũng thấy. Ngồi trên xe lam em thấy anh chở Hà và Hoàng Hồng Anh đó. Họ nghĩ thế nào về chuyện nầy, hở anh?
- Anh với Hà, hay với Hồng Anh, chỉ đơn thuần là bạn.
- Hừ! Bạn gì mà ôm eo nhau, chở đi ngoài phố, thân mật như anh với em bi giờ. Ngộ ghê.
- Em nói nhiều, ồn quá.
- Nếu không thích ồn... Anh hoàn toàn tự do đi về nhà.

Thương Mười giận, nằm quay mặt vào sát tường, nàng nghiến chặt hai hàm răng, cho khỏi bật thành tiếng khóc. Chàng quay mặt ra ngoài hút thuốc liên miên. Thỉnh thoảng Nam thở dài thườn thượt. Thấy mà ghét. Khi điếu thuốc cuối cùng trong bao đã tàn, Nam xoay người trên nệm, nhẹ nhàng nâng tấm mền bông đắp lên ngực Mười. Nam vòng tay qua ôm Mười, chàng hôn lên tóc, lên má em, rồi nói:
- Đừng buồn vì chuyện nhỏ mà em. Em biết là anh rất yêu em. Ngoài em ra, trước em và sau em, anh không hề yêu ai. Anh nhắc lại: em không chỉ là người yêu, mà em chính là tình yêu duy nhất, là tình đầu cũng là tình cuối của anh. Muôn năm.
Mười nhắm nghiền mắt, bĩu môi không đáp vì nghe: “muôn năm” khiến nàng tức cười, nhưng Mười cố nín khe, không dám cười. Mãi lâu, chàng tiếp:
- Chính vì vậy, có lần anh dấu em vài chuyện, vì anh xét thấy nó không là cái đinh gì cả. Không cần thiết. Không quan trọng. Chuyện nhỏ mà em! Nói chung, anh chỉ yêu một mình em. Hãy tin tưởng nơi anh.
Nam vuốt má, tha thiết hôn lên môi Mười, ân cần nói:
- Anh xin lỗi, vì có điều không phải với em. Nhưng anh muốn khuyên em một điều: Hãy tin tưởng và nghe những gì anh nói: Anh yêu em nhiều kinh khủng! Anh không thể thiếu em.
Nghe những lời “đường mật tha thiết và hứa hẹn đầy ắp tình yêu”, khiến Mười quên hết mọi sự, quên Nam đã làm gì ở Hotel, quên hết… quên tuốt luốt! Chẳng hiểu tại sao Mười quá nhẹ dạ, lạc lòng, dễ dàng tha thứ cho Nam, tha một lỗi phản bội tình yêu trắng trợn như thế!? Mười ngúng nguẩy nguýt Nam một cái rõ dài, bắt chước nói:
- Anh nói nhiều, ồn quá!
Chàng cười say đắm ôm nàng vào lòng, môi tìm môi. Hơi thở dập dồn, nồng say, như quyện lấy hai thân thể. Mười quên giận, quên ghen ngay. Mười khe khẽ nói:
- Nam ơi! Hãy làm chồng em, đêm nay.
- Không được. Anh yêu em ngần ấy, đủ rồi.
- Anh chẳng yêu em.
- Chính vì yêu em kinh khủng, nên anh mới giữ gìn cho em đó. Mình để dành tuần trăng mật sau ngày cưới chứ em. Lo gì mà sợ mất. Đêm tân hôn thì em... chết mí anh.
- Vậy thì mình đi ngủ nghen anh. Chúc anh ngủ ngon.
- Từ hồi nhỏ đến giờ, anh quen ngủ một mình, không ngủ chung với ai, nhất là nếu ai ôm anh, thì coi như anh thức trắng đêm. Em đừng ôm anh nhe. Chúc em ngủ ngon.
- Dạ, hổng thèm ôm anh đâu.

Chàng hôn lên môi, lên má Mười, rồi nằm ngửa, mắt nhắm lại, hai tay vòng trước ngực, chỉ mươi phút sau, giấc ngủ an lành dễ dàng đã đến. Trong khi Mười nằm im, không dám nhúc nhích cục cựa, sợ quấy rầy Nam đang say giấc mộng đẹp. Hai người lại ở bên nhau đằm thắm nói chuyện gần đến sáng, như ngày tháng đong đưa sợi tơ nhện trên cành thông là đà, như đôi bạn chí thân, hồng nhan tri kỷ. Họ yêu nhau chân thành, say đắm, ngọt ngào và thanh cao: Vì hai tâm hồn đồng điệu, vì thấu hiểu hạnh phúc vô bờ. Chứ không vì thể xác hèn mọn. Đôi khi chàng chỉ âu yếm Mười qua môi hôn ngọt lịm tươi nguyên nét xuân thì, nương nhẹ. Tuyệt đối Nam không tìm cơ hội “chiếm đoạt tài sản quốc cấm quý giá cuả Mười”. Điều nầy khiến Mười suy nghĩ nhiều... Rất có thể đúng: Nam thật sự yêu Mười kinh khủng! Một tình yêu cao khiết, thánh thiện, nâng niu giữ gìn và trân trọng.

Nếu đêm hôm đó Mười trở thành vợ Nam, dù chưa chính thức làm lễ cưới, hay nói đúng ra chưa cột sợi dây xích hôn thú tròng vô cổ, mà Mười đã trở thành người đàn bà của Nam, thì giờ đây chắc sẽ không có sự việc đáng tiếc xảy ra. Mười quả quyết như thế, sau khi suy nghĩ nhiều tháng nhiều đêm ngày.
* * *
Suốt ngày lễ giáng sinh, Mười trông đứng trông ngồi, nhưng bóng dáng Nam vẫn bặt tăm, bặt tích. Các anh sinh viên ở cùng nhà trọ với Nam đã mời Thu Nhi, Vân, Đấu… đi chung vui. Mấy cô tới rủ Mười đến nhà họ dự party. Còn Nam dấu nhẹm, không hề nói với Mười việc nầy, cũng như không hề nhắc nhở Mười đi lễ Noel. Vì quá yêu chàng, Mười đâm ra mù quáng, quên cả tự trọng, nàng thay quần áo đẹp đi cùng bạn. Các anh ở chung nhà nhìn Mười bằng con mắt xót thương, ái ngại. Họ không thể nói những điều không mấy tốt về Nam, khiến chính họ cũng đau lòng thay. Họ im lặng và dè dặt. Nhìn những cử chỉ của bạn, Mười là cô gái thông minh đã hiểu, càng khiến Mười cảm thấy đắng cay, đau đớn tủi hờn hơn!

Biết Cầu đau ốm nặng nằm dưới lầu, mượn cớ đi thăm người đau, Mười ngồi riết trong phòng anh ấy, hai người nói đủ thứ chuyện vớ vẩn, Mười không đề cập về việc Cầu làm “nội-gián” cho bọn phản nước hoạt động kín ở trong bưng. Tuyệt nhiên Mười cũng không đề cập đến chuyện Nam. Tầng trên lầu nhạc dìu dặt bắt đầu rộn ràng cho buổi “bum” khá lâu, những cặp trai gái đã dìu nhau nhảy lộp cộp có khi rầm rầm trên đầu, rất ồn ào. Thế mà không hiểu sao Cầu chỉ mỉm cười nhìn lên, không hề than van. Mười cảm phục cho sự kiên trì chịu đựng nhẫn nhục của Cầu.

Vả chăng ngồi hoài cũng thấy kỳ, để Cầu nghỉ ngơi, nên Mười từ giã anh ta. Nàng trở lên lại trong phòng khách. Bất ngờ, Nghi hiện ra nơi khung cửa tối đèn. Nghi vui vẻ chào và dạy Mười mấy điệu nhảy. Nàng yếu kém trong chuyện “nhảy với nhót”, cứ bị dẫm lên chân Nghi hoài. Nghi kiên nhẫn dạy, cứ mỉm cười trêu Mười. Nghi thủ thỉ bên tai Mười:
- Anh thú nhận: mình vẫn yêu Mười câm lặng, mặc dù anh biết trái tim em đã thuộc về ai. Nay anh đã có “bồ”, nói rõ ràng là bồ bịch vui vui, chứ không phải người yêu, người tình!

Bất ngờ và lúng túng, Mười xiểng liểng suýt đo ván trên sàn nhảy. Thấy ngượng, nàng buông bạn ra, tới ngồi trên ghế xem các anh chị trình diễn “khiêu vũ thời trang”. Khoảng hơn mười một giờ khuya, Nam về. Nhìn nét mặt chàng, Mười biết chắc chắn là chàng đang tức giận, bất đồng, bực bội gì đó với "bà ta” vì cuộc đi chơi riêng không thú vị đã qua. Hình như có ai đã tàn nhẫn tháo chiếc mặt nạ rời ra, để lộ khuôn mặt Nam ủ dột, đầy buồn phiền trơ trẽn trước mặt Mười rồi! Có lẽ Nam không nghĩ Mười có mặt trong buổi party nầy, thế nên lúc bất ngờ gần như sửng sốt thấy Mười ngồi lù lù trong góc nhà, gần phòng ngủ của Nam, Nam tỏ ra khá lúng túng, hơi ngượng. Nam ngồi cạnh Mười mà thừ người ra khá lâu. Nhảy nhót là môn Nam thích nhất, nhưng chẳng hiểu sao hôm nay chàng chẳng có hứng thú??? Nam chỉ ngồi ì xem các bạn nhảy đầm. Mười mở lời:
- Chào anh mới về.
- Chào em.

Một lúc sau chàng thì thầm bảo Mười vào phòng riêng. Quả thật Nam không ngờ Mười đến nhà hôm nay. Nam không hề báo tin cho Mười biết có mở cuộc vui nầy, nên Nam quên lững chuyện tấm ảnh của Mười do Nam thường chưng trên mặt tủ, bây giờ tấm ảnh đã bị úp mặt vào tường, (thay vào đó là tấm ảnh của Hà). Nam vội quay lưng lại, rất nhanh, chàng thò tay lấy khung ảnh của Hà dấu vô trong hộc tủ. Mười vờ không nhìn thấy cử chỉ ấy, nàng e ấp vén tà áo dài tím, ngồi trên nệm, lòng trũng xuống những cơn buồn trĩu nặng xót xa và tê tái, nàng thầm nghĩ: Đã muộn rồi, anh ơi!

Ôm hôn Mười như bao lần gặp gỡ, Nam thẩn thờ âu yếm nàng như người mất hồn, như kẻ mộng du, như khách phiêu bồng lỡ hẹn. Mười cảm nhận mật ngọt yêu thương thật sự mất rồi ở đầu môi tình phụ! Một lần nữa, đáng lẽ ra thừa cơ hội nầy, Mười nên tỏ ra là người vợ tương lai dễ thương, khôn ngoan khéo léo chìu chuộng, âu yếm, vuốt ve Nam, để giành lại người yêu dấu từ tay "con kia", mới phải. Nhưng nàng buồn nãn, đau đớn, khổ sở buông xuôi, mặc cho tình yêu vỗ cánh xa bay, kệ con thuyền tình muốn trôi giạt đi đâu, thì đi, đến đâu thì đến. Mười không thèm khát nâng niu và níu kéo nữa. Nói trắng ra, nàng cảm thấy chán ngấy lên tột đỉnh kinh khủng! Đó là mãnh tình-sầu đã trôi theo nụ hôn nhạt nhẽo nơi lần yêu cuối cùng.

Mười hai giờ kém mười lăm phút, tất cả đi lễ ở nhà thờ Domain De Marie. Gió lồng lộng thổi trên ngọn đồi cao, trời lạnh kinh khủng, cái lạnh tê buốt, xoáy vào thịt da, se sắt lòng người khiến ai nấy đều xuýt xoa rùng mình. Mười đăm đăm nhìn lên cung thánh, thì thầm lời cầu xin. Thật ra từ đáy lòng Mười bật lên tiếng rên xiết, than vãn, oán trách vô biên mọi vị thần linh đứng trên bục cao cúi nhìn, vừa lạnh, vừa im lìm, thờ ơ không chịu để tâm nhìn xuống kẻ phàm trần cơ-khổ, bỏ mặc Mười trong cơn đớn đau, khốn cùng thế nầy!?
* * *
Khi tán lá còn vương từng mảng tối, sương muối kéo từng bè, như chiếc sô tang mỏng tanh quấn trên đồi cỏ non. Rồi tấm màn mây màu lưu huỳnh trùm lên đỉnh đồi khu Domain dần dà hé mở, ánh mặt trời vươn lên, trở lại màu sắc rạng rỡ tự nhiên mỗi ngày. Cả vùng rộn lên tiếng thông reo vi vu triền miên. Tiếng chim hót líu lo từ trong thinh không im vắng. Buổi sáng tinh mơ của ngày lễ có ông già Noel đứng gác cửa nhà Nam (Santa Claus), (chữ Noel là tiếng Pháp, viết tắt từ chữ Emmanuel) mà Nam ưa nói "Merry Christmas" với bạn, cũng do từ tiếng Anh: Christ / ngắt chữ mass ra). Một mình Mười đứng vẩn vơ trước ngôi biệt thự nơi Nam cư ngụ. Bỗng nhiên Mười cảm thấy do dự, ngập ngừng, không muốn gõ cửa vào nhà Nam. Lỡ đằng sau cánh cửa phòng riêng, vô tình lại vén lên tấm màn đau xót quá thật: giữa Nam và Hà khắng khít mật thiết bên nhau như bao lần, thì sao!? thì… tan nát cõi lòng mình hơn. Mười ngập ngừng, e dè rón rén quay gót trở về nhà. Thật não nùng!

Ôi! Noel năm xưa, sao cả anh và em đều rộn ràng dấu ấn hoan ca, sao ngọt ngào, thắm thiết lạ thường, ríu rít trìu mến xiết đỗi! Thế sao Noel bây giờ không còn dư vị đắm say ngọt ngào trìu mến ngày cũ? Tình yêu bây giờ không còn tuyệt vời thuở trước? Bây giờ cũng là Noel rồi đó anh, sao anh nở lòng nào!? Mình đã nhẫn tâm tạt vào mặt nhau hũ mật đắng, nhuộm đen cuộc đời kinh khiếp thế sao đành? Vòm trời Cao Nguyên Lâm Viên lồng lộng, có gió lạnh sương mù vây kín núi, có tiếng thông reo vi vu rất nên thơ, đầy xao xuyến một thuở tôi mến yêu người. Giờ nầy hết mộng với mơ, hết quyến rũ rồi.

Bao đau khổ đã xảy ra trong những ngày kế tiếp. Mười sống trong ngọn lửa yêu mến, với lòng nhớ nhung không tắt. Mười hy sinh tất cả, sống trọn vẹn cho người chồng tương lai. Buồn một nỗi nàng không uốn lòng biết niềm nở “dẽo mồm, dẽo miệng” săn đón chăm sóc chàng, hầu kéo Nam trở về với mình. Mặc dù chàng vẫn ân cần, niềm nở; nhưng Mười tự bảo lòng: đó là sự giả dối tráo trở đáng nguyền rủa. Vô tình Mười đứng về hướng đối nghịch, đá hất Nam ra khỏi vòng ôm mê đắm, xua chàng đi về hẳn với kẻ tình địch bất cộng đái thiên rồi.

Mười đau đớn nhận thấy tự mình đã nhận chân được giá trị tình yêu hiện hữu, trước khi nó trở thành quá tệ. Đây chính là giờ phút Mười cần có nghị lực, kiên cường, quyết định dứt khoát mối tình say đắm nầy, chen lẫn nỗi niềm đắng cay, chua chát, buồn phiền, thách đố, chán nãn, và long trọng phủ định biện chứng tin yêu. Nỗi đớn đau (ghen tương và thù hận) làm Mười dại người. Mười trơ mắt nhìn cuộc đời trôi đi, (trong đó có chàng: đã dối trá, đả thương nàng). Ở đâu, nghe gì, thấy gì lòng cô em cũng lạnh lùng, trắc ẩn, ngờ vực, khinh dễ. Chính vì thế, Mười đã phá tan mối thâm giao với chàng từ gốc rễ. Mười nghĩ: sự ân cần nhã nhặn của chàng đối với mình; chỉ là phỉnh phờ, lừa dối. Thất vọng làm sao khi dòng đời tách rời hai người đi về hai hướng riêng biệt: gạt phăng Mười và Nam ra một bên, không có cục nam châm nào thu hút, quyến rũ lôi kéo hai người trở về nguyên thủy tình yêu trong vắt, thanh cao, thánh thiện, sáng ngần, xưa cũ... Ôi là buồn!!!
* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
01-09-2016, 02:53 AM
http://hoiquanphidung.com/userupload/hqpd12_2015/CHO DI_1452307614.gif
http://hoiquanphidung.com/userupload/hqpd12_2015/EmToi le trach luu_1452307769.mp3
Tự Khúc của Em Tôi
(Tiếp theo loạt bài Tình Hoài Hương đã viết & post trên HQPD về em THU HUYỀN HOA: bài dưới đây do tự em Hoa suy nghĩ, viết, đã đăng trên Việt Báo).
***


Ngày ấy là ngày 15 tháng 2 năm 1972, tôi ôm hai đứa con thơ, theo chồng về Mỹ. Vùng đông bắc Hoa Kỳ lúc ấy đang cuối mùa Đông, chưa sang Xuân nên trời vẫn còn lạnh, mà từ quê nhà mới qua, tôi đâu có biết nó lạnh đến cỡ nào.

Chỉ mấy ngày sau khi ngủ đủ sức rồi, là tôi háo hức đòi chồng tôi đưa đi chợ. Sửa soạn thật đẹp, với quần ống bát, áo vải mỏng, bông hoa loè lẹt, guốc Việt Nam cao gót... Vừa từ trên gác bước xuống, gặp bà mẹ chồng ngay dưới cầu thang, bà la lên hoảng hốt,
- Ôi! Chúa ơi! Con tưởng là con đang ở Việt Nam ư? Con có biết ngoài trời chỉ có 10 độ F thôi không?

Không hiểu hết điều bà nói, thấy anh chồng gãi đầu gãi tai, lúng túng, tôi vội kéo tay anh ra khỏi nhà cho gấp, kẻo đụng lỡ hai đứa con nhỏ khóc lên, thì sợ mẹ chồng đổi ý, không cho đi.

Anh bảo tôi đứng tại cửa, để anh đi lấy xe, khi xe đến trước cửa, tôi vội chạy ra, không may té một cái đau quá trời đất, nhưng cũng gượng đứng dậy bước tới xe được. Anh chồng lo bật máy sưởi trong xe, không thấy tôi bị té. Khi vào trong xe rồi, nó lạnh run lập cập, chồng tôi phải cởi áo ấm của anh ấy choàng cho tôi, lại tới phiên anh ấy run lập cập.

Xe ra đến phố rồi, anh bảo tôi ngồi trong xe, để anh vào trong Sear mua áo lạnh cho tôi. Khoảng mười lăm phút sau, thấy anh đi ra với cái áo ấm, tôi chê bai đủ điều, nhưng anh bảo:
- Thì em mặc đỡ đi, rồi mai mốt mình đi mua áo đẹp hơn.

Anh chạy xe một vòng quanh phố. Tôi hỏi:
- Anh đi đâu, mà không đưa em đi phố?
Anh bảo:
- Đây là phố.

- Ôi, Trời đất ơi, phố xá chi lạ vậy? Sao không thấy người đi, sao không thấy phố mở cửa, sao vắng hoe vậy, sao nghèo nàn quá vậy? Anh có đùa với em không?

Anh nhìn tôi với vẻ thất vọng. Cuối cùng tôi làm mặt giận, tôi nói thôi đưa em đi chợ. Lại nữa, tôi cảm thấy hụt hẫng vô cùng khi bước chân vào siêu thị. Toàn là đồ hộp, cá tươi thì không thấy, chỉ thấy toàn là thịt bò, thịt heo, thịt gà, gói lại hết, và cũng rất ít, không phải như siêu thị bây giờ, rau rợ thì cũng chỉ vài bó loe hoe, thấy buồn hiu buồn hắt! Thế thì hình ảnh mà tôi thường xem trong phim ở đâu? Hay tôi đang lạc vào quê hương xứ sở nghèo nàn của nước nào? Đang thất vọng não nề, chân cẳng thì lạnh tê buốt, vì đi đôi guốc vụng về mà người ta ai đi ngang qua cũng nhìn mình một cách quái gở.

Trong lúc đang tức bực thất vọng, thì một bà lão mỉm cười và hỏi:

- Cô từ đâu đến?

- Thưa bà tôi đến từ Việt Nam.

Bà ấy nhìn tôi rồi mỉm cười hỏi lại:

- Việt Nam ở đâu?

Ôi, đúng lúc cho tôi xả bỏ cơn bực tức vô lối ấy:
- Bà không biết Việt Nam ư?

Tôi huơ tay múa may nói thật to, với số vốn tiếng Anh ít ỏi, lại phát âm theo giọng Quảng Trị cho mọi người đang vây quanh nghe:
- Việt Nam mà bà không biết, Việt Nam của tôi lớn lắm, bà biết không, ai mà không biết Việt Nam, sao bà không biết vậy hả?

Thế là chồng tôi cuống lên, kéo tay tôi đi thật nhanh, ra ngoài cửa rồi anh ấy nhấc bổng tôi lên, liệng vào xe, và cho nổ máy xe chạy thật nhanh về nhà, không nói lời nào hết.

Còn tôi thì tức tối quá, nên khóc bù loa, và đòi anh hãy đưa tôi về lại Việt Nam, ngay bây giờ, tôi không muốn ở đây nữa. Anh tấp xe vào đoạn đường vắng và dỗ dành. Tôi vẫn trách móc anh đủ thứ, cuối cùng thì anh nói rằng:
- Thôi được em không muốn ở đây, thì bốn tháng sau, khi anh mãn hạn công tác tại Việt Nam rồi, chúng ta đi xứ khác. Ở Mỹ có nhiều nơi cũng đẹp lắm. Thôi em nín đi đừng khóc nữa kẻo về nhà ba mẹ thấy thế, ba mẹ buồn.

Nghe thế tôi cũng yên tâm, lau nước mắt bước vào nhà. Mẹ chồng hỏi:
- Sao, con có thích không?

Tôi bỏ chạy lên gác nằm khóc. Anh phải lo cho hai đứa nhỏ, và nói gì với mẹ, tôi cũng không biết, nhưng khi tôi đói bụng xuống nhà lục đồ ăn, thì thấy mẹ chồng mặt mày buồn hiu. Tôi ân hận lắm, nên lại ôm bà, và bà cũng ôm tôi thật chặt. Bà nói chi nhiều lắm, tôi không hiểu hết được.

Ngày hôm sau chồng tôi đưa cho xem quả địa cầu, và chỉ cho tôi thấy vị trí của Việt Nam trên đó. Anh chỉ tay, nói:
- Đây là nước Mỹ, đây là nước Tàu, đây là nước Nga… và đây là Việt Nam của em nè.

Tôi lại nổi cơn điên lên, cái tự ái lại cao hơn bình thường và thầm nghĩ, anh sỉ nhục tôi, nên tôi liệng quả địa cầu cái rầm trong phòng khách. May cho tôi khi ấy chỉ có hai đứa em và mẹ chồng ở nhà thôi. Bà mẹ chồng tưởng đâu tôi sẩy tay, chứ không biết đứa con dâu của bà hung dữ như quỷ sứ.

Sau đó, có những lúc cả nhà đi vắng, tôi lấy quả địa cầu ra xem lại. So với nước Mỹ thì VN ta chỉ tương đương với tiểu bang Texas. So với nhiều nước thì... mà thôi, tôi mỉm cười và tự bào chữa cho mình:
- Ừ, thì quê hương tôi nhỏ bé như thế đấy, nhưng ở đó có tới bốn ngàn năm văn hiến chứ bộ.
Bây giờ đôi khi nghĩ lại ngày ấy, tôi thấy mình hồ đồ mà tự thẹn với mình. Tuy ở Mỹ tại Tiểu bang Pennsylvania, nhưng nhà chồng tôi chỉ là một gia đình gốc Tiệp Khắc di dân rất nghèo, lại sống tại vùng quê, nhà này cách nhà kia rất xa. Trong nhà chỉ có một buồng tắm, một toilet thôi, nên tám người mà một buồng tắm, thì rất bất tiện. Ngoài vườn cũng có một cái nhà vệ sinh như bên Việt Nam mình vậy. Mùa hè thì đàn ông đi ngoài đó nhiều hơn. Áo quần giặt xong những ngày có nắng cũng phơi bên ngoài sân, như ở quê nhà. Đứng bên cửa sổ nhìn ra bên ngoài, thì chỉ thấy bò và bò…

Ôi chao là buồn! Thế rồi một tháng trôi qua, chồng tôi phải trở lại Việt Nam, bởi với công tra làm việc đã ký, anh ấy còn bốn tháng nữa mới hết hạn. Tôi và hai con ở lại với nhà chồng. Trước ngày rời nước Mỹ, anh nói với mẹ chồng tôi:
- Nhờ mẹ thường ngày đừng để vợ con đi lấy thư, kẻo có chuyện nguy hiểm.

Số là bên kia đường của nhà chồng tôi là một gia đình hàng xóm có người con trai tử trận tại Việt Nam. Chồng tôi nghĩ người hàng xóm biết tôi đến từ Việt Nam, ông ta có thể giết tôi, để trả thù cho con họ. Vì thế, hàng ngày cha chồng tôi thường ra lấy thư.

Sau nhiều ngày lo sợ khi nhìn sang nhà hàng xóm, tôi nghĩ rằng mình phải đối diện với sự thật một lần. Tôi bỏ công lôi cuốn tự điển Anh Việt - Việt Anh của Lê Bá Kông mà tôi mang theo khi về Mỹ, ghép lại thành từng câu và học thuộc lòng. Sau đó, tôi lấy hết can đảm tự mình sang nhà hàng xóm, xin gặp bà chủ nhà. Tôi tỏ bày với họ như vầy:

- Thưa bà, tôi xin chia sẻ niềm đau mất mát với bà. Xin bà đừng ghét tôi, vì tôi cũng có cha và em trai đang đánh giặc ngoài chiến trường. Cha và em trai của tôi cũng có thể chết sống trong tích tắc bất cứ lúc nào. Mẹ tôi và biết bao bà mẹ Việt Nam khác nữa cũng chỉ là nạn nhân trong cuộc chiến nầy như bà. Quê hương tôi cũng khổ đau lắm, riêng tôi rất yêu thương và quý trọng người Mỹ, đã nhân danh tự do, giúp đất nước tôi chận đứng làn sóng đỏ từ phương Bắc đổ xuống. Nếu không vì cộng sản Nga Tàu, thì quê hương tôi không có chiến tranh, nhân dân tôi sống yên yên và người Mỹ đến đó chỉ là khách du lich…

Tôi chưa kịp nói hết những gì mình đã học và muốn bày tỏ nỗi lòng, thì hai ông bà đều sang ôm tôi vào lòng khóc nức nở, tôi cũng khóc với nỗi đau của họ và nỗi đau của chính mình! Vậy mà, không hiểu sao, ngày hôm sau nhiều người đến gõ cửa nhà mẹ chồng tôi để gặp thăm tôi, họ là những người của xóm Mount Jackson này, đến để đón chào người con dâu Việt Nam đến với xóm làng họ.

Thế là từ đấy tôi không còn lo sợ và lẻ loi nữa, khi thì người này đến chở đi ăn kem, khi thì người khác mang chút quà lại cho hai con nhỏ của tôi. Mỗi khi có ai đưa đi đâu, thì nhiều người xúm lại hỏi han thân thiện. Với khu xóm như vậy, là tôi yên ổn, nhưng với chính mình và gia đình nhà chông thì còn nhiều sóng gió.

Khi còn ở Việt Nam, công ty của anh ấy cho biết rằng:
- Ai có vợ Việt, hãy đưa gia đình rời khỏi trước Tết âm lịch, đó là tin “mật”.

Sau đó là trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa xảy ra ngay trên quê hương tôi. Sau này, khi đã tới nước Mỹ, tôi mới hiểu vì sao… Thì ra chính phủ Mỹ đã sắp đặt bỏ rơi miền Nam Việt Nam. Ôi còn đau đớn nào bằng. Quê hương tôi giờ đây là “Đại Lộ Kinh Hoàng”, là “Mùa Hè Đỏ Lửa”... Khi hiểu ra điều này, tôi oán trách nước Mỹ. Tôi ghét luôn cả người chồng của tôi, cả gia đình dòng họ, xóm làng của họ luôn.

Cùng thời gian này, cha chồng tôi thấy tôi, lúc nào cũng như gây chiến tranh với ông. Ông đã không thích tôi từ đầu, bây giờ lại càng khó chịu hơn. Tôi cũng không vừa gì với ông, hai bên cứ căng thẳng như thế. Hàng ngày cha chồng tôi phải ra thùng thư lấy thư. Một hôm, ông cầm thư vào không chịu đưa cho tôi, mà còn la lối um sùm, nào là:
- Thằng con bất hiếu, nó xem vợ lớn hơn cha mẹ nó, gửi thư cho vợ hàng ngày mà không gửi cho cha mẹ.

Tôi hỗn với Ông. Tôi nói thẳng rằng:
- Ông độc tài quá, ông đã bỏ xứ Tiệp Khắc cộng sản sang đây rồi, mà ông cũng không bỏ được máu cộng sản trong ông, là ích kỷ và độc tài.
Ông đáp lại:
- Thì mày cũng thế, mày là con cháu Hồ Chí Minh tàn tệ đấy thôi.

Thế là trận chiến bùng nổ dữ dội, tới mức có lúc tôi đã phải gọi người bạn bên Dayton, Ohio sang chở tôi về bên đó, cho đến ngày chồng tôi về lại Mỹ. Câu chuyện nầy dài dòng không thể kể hết. Nhưng cũng may là tôi có được bà mẹ chồng tuyệt vời, bà luôn coi tôi như là đứa bé không hơn không kém, nên hết lòng che chở.

Chuyện “chiến tranh” giữa cha chồng và tôi sau cùng được thu xếp tốt đẹp. Tôi là người đứng ra xin lỗi ông, bởi lúc nầy tiếng Mỹ của tôi cũng tạm được, đề giải bày uẩn ức của mình với ông, và cám ơn ông bà đã sinh ra người con trai mà hôm nay là người chồng tốt của tôi, người cha mẫu mực của hai đứa con của tôi. Sau khi biết nói lời xin lỗi, tôi đã được ông tha thứ. Dần dà, tôi còn được ông đặc biệt thương yêu, còn hơn hai nàng dâu bản xứ của ông.

Cũng từ đấy, tôi bắt đầu vào đời với công việc làm ăn bận rộn vất vả, để tự nuôi sống cho chính gia đình nhỏ bé của mình, nuôi hai con một gái một trai, ăn học, rồi lo cho chúng vào đại học, vào y khoa. Cả hai đều học hành đến nơi đến chốn, và tốt nghiệp bác sĩ. Ngoài việc lo làm ăn nuôi con, tôi còn lo giúp đỡ gia đình bên quê nhà, nào là lo cho mẹ tôi bịnh bán thân bất toại, rồi lo cho các em đi vượt biên, bao nhiêu lần không được, lại lo cho cuộc sống trong thời gian chờ đợi bảo lãnh đoàn tụ… Rồi một ngày, các em và gia đình của chúng cũng được sang Mỹ đoàn tụ, tất cả 15 người. Bây giờ thì hơn 30 rồi. Kế tiếp là những đứa cháu ngoại như thiên thần xuất hiện. Thế là tôi chẳng còn thời gian để dời đi xứ đẹp, xứ ấm, phố phường đồ sộ nữa, mà lạ thay hạnh phúc từ đó vững mạnh và vươn cao.

Quảng Trị vẫn in dấu trong tôi, tôi vẫn nhớ thương nơi chôn nhau cắt rún... Nhưng tại quê hương mới, gia đình chúng tôi đã như cây cổ thụ, gốc rễ đã mọc ra chằng chịt bám vào mảnh đất này. Mẹ chồng tôi năm nay 91 tuổi vẫn khỏe và rất minh mẫn, vẫn thương yêu tôi như ngày nào. Người chồng quê mùa chất phác, mà khi qua chiến đấu tại chiến trường Việt Nam, khi chỉ mới học xong high school năm xưa bị tôi hờn trách, hôm nay vẫn còn bên cạnh cuộc đời như chuyện tình “đôi dép”. Con gái mở phòng mạch tại đây. Thằng con trai hơn 40 tuổi không lấy vợ, vì bận rộn với công việc và không thích ràng buộc.

Gần 10 năm nay vùng quê Mỹ nghèo của tôi nay đã có được Walmart và Highway 376. Trong nhà đã có microwave để hâm nóng thức ăn, mà hồi đó, 43 năm trước không có.

Kể từ 1972 khi đứa con gái từ quê nhà Quảng Trị một mình phiêu bạt qua đất Mỹ, lòng ngổn ngang trăm mối. Thời ấy, số người Á Đông tại nước Mỹ còn rất nhỏ, đâu được như ngày nay, riêng cộng đồng người Việt đã có tới hơn một triệu bảy trăm ngàn người.

Viết đến đây, tâm hồn tôi cảm thấy tràn ngập tình thương và biết ơn với nguời chồng khác chủng tộc, cũng như với người Mỹ, nước Mỹ quê hương thứ hai của mình. Xin đa tạ anh, nguời bạn đời yêu quý, và xin tạ lỗi với nước Mỹ ngày ấy bị tôi trách móc, hận thù.
***

Trương Thị Thu Huyền
*

Tinh Hoai Huong
01-31-2016, 02:39 AM
http://hoiquanphidung.com/userupload/hqpd12_2015/a. linh 1 balo hanhquan_1454212446.jpg
http://hoiquanphidung.com/userupload/hqpd12_2015/Canh thiep dau xuan - Tuan vu_1454213495.mp3
Xuân Mộng Đào Nguyên
Thân kính tặng qúy quân nhân QLVNCH đã có một thời vang bóng trên quê hương chinh chiến, nhất là vùng: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Mộ Đức, Sa Huỳnh, Minh Long…
THH
***

Sau ngày Hoài hân hạnh đạt danh hiệu rực rỡ: Hoa Hậu Cây Mùa Xuân tại Sơn Trà – Đà Nẵng, thì Hoài được mời vào làm việc tại Sư-đoàn 2. Phòng 5, đến nay là chín tháng rồi. Do đó Hoài cũng quen khá thân với Thắng, và khi cả phòng đi công tác ra Quảng Ngãi, lên các vùng điạ đầu giới tuyến Hoài đã quen biết thêm nhiều anh chị khác tận miền Quảng Ngãi, Mộ Đức, Sa Huỳnh, Tà Biên, vân vân…

Hoài đã quen thân một vị sĩ quan đang trú đóng ở tiền đồn Minh Long xa xôi heo hút, giá lạnh, khói lửa liên miên và buồn vô cùng. Anh ấy tên Đan, tính tình Đan trầm lặng, buồn vui ẩn trong nhiều ý nghĩ sâu sắc, và chắc chắn một điều là Đan... cân nhắc thận trọng khi thổ lộ cùng nàng qua những trang thư gửi từ chiến trường KBC... dễ thương: “Anh đã bị em ăn trộm trái tim và khối óc từ lúc chính thức biết rằng: anh yêu em rất nhiều và chân thật… ”.

Thiệt tình! Một người đã bị mất trộm cả khối óc và trái tim trên chiến trường, ấy thế mà vẫn sống can trường và dũng cảm oanh liệt trong binh đao khói lửa! Thế mới lạ. Hoài ngây ngất với niềm vui & nỗi nhớ nhung vời vợi... dù chưa một lần tay nắm bàn tay nhau. Chi lạ rưá!? Rồi thì… dưới bóng mát ven khu rừng già, phía trước mặt là ruộng lúa mênh mông, thân lúa kết quả đơm bông vàng rực, óng ánh dưới nắng, lúa oằng cong ngọn nằm ngã mình lả lơi lên nhau, trĩu hạt no tròn mum múp trông quá dễ thương. Nhờ màu xanh cây lá bên bìa rừng cành cây không rậm lá, lộ ra khoảng trời xanh êm mát mênh mông, lọt nắng vàng tươi qua kẽ cành đong đưa, theo gió rì rào lao xao, mà cảnh vật trong vùng chiến tranh đỡ tiêu điều, hoang vu và cô quạnh biết mấy.

Một chiều xuân bất ngờ, Đan tìm đến Hoài, khi nàng đọc quyển "Một Lần Gặp Nhau" của Châu Trang Long. Chàng đưa hoa sen lên môi hôn, rồi ân cần tặng Hoài cánh sen còn tươi rói làn môi. Có lẽ Đan vừa hái ở đâu đó, cuống hoa và cánh hoa mọng nước, sắc hồng điểm màu trắng nhạt ven cánh. Trông tuyệt diệu dưới ráng chiều dắt vàng chan hòa trên cỏ cây nơi vùng hoang dã. Hoa sen ở miền Trung và tại Huế trồng dồi dào nhất. Người ta ưa thích nó về nhiều mặt: Cánh sen ướp với trà uống vào có hương vị thật đặc biệt, trong trà lúc đó có vị chát, vị đắng cuả tim sen, khổ qua. Hoa sen cắm vào lọ chưng bày trên bàn thờ lâu tàn hơn các loài hoa khác. Hạt sen nấu chè thật bùi, hoặc hầm các món ăn, hạt sen còn làm bánh mứt. Thân non làm gỏi ngó sen, lá sen dùng gói hàng. Hầu như sen không bỏ phí đi một thứ gì mà trời đã ban tặng.

Sen là loại thực phẩm vừa ngon, vừa đắt, tận dụng, tiện dụng và hiếm quý. Việt Câu Tiễn dâng nàng Tây Thi, cô gái nước Việt sắc nước hương trời, đẹp tuyệt trần sang Tàu triều cống Ngô Phù Sai thâm độc kinh khủng, mục đích làm cho Ngô Vương say mê đắm đuối Tây Thi; khi hoa sen cùng người đẹp Tây Thi xuất thân đến xứ người, thì dân Đế Đô ngàn năm cổ kính đất Thần Kinh càng yêu thích, luyến thương hoài nhớ Tây Thi, nên ưa trồng nhiều sen hơn. Thì phải!?
Hoài vui mừng và sững sờ bỏ quyển sách xuống nệm cỏ xanh, hỏi Đan:
- Ồ. Chào anh. Anh đến có việc gì gấp không? Anh!

Đan lắc đầu, chàng hóm hỉnh mỉm cười không đáp. Ngồi xuống bên cạnh nàng, Đan lấy gói Pallall ra gài điếu thuốc lá lên môi, mồi lửa, Đan chỉ ghiền hút thuốc lá không đầu lọc và uống cà phê đen đậm không đường mà?! Chàng nheo mắt thở ngụm khói nhỏ. Khuôn mặt trầm tư nén bớt vẻ khắc khổ, màu đen trên mái tóc chàng pha màu khói lam, đôi mắt Đan đẹp, sáng long lanh nép dưới hàng mi cong vút rung nhè nhẹ. Hoài thắc mắc nhìn Đan mỉm cười, dò hỏi:
- Sao anh biết em ở đây, mà tìm thấy vậy?
- Nơi thanh vắng thế nầy hợp với em. Cũng như chỉ có Hoài, mới quyến rũ bước chân hồ hải của anh thôi.
Đan mỉm cười, nghiêng đầu ung dung ca nho nhỏ: Từ khi anh thôi học, là từ khi anh thích aó treilli. Từ khi anh xa nhà, một ngàn đêm nhung nhớ giữa trời mây. Ngại chăng đêm di hành, và thường khi dừng bước giữa hoang vu (…) Đồn anh bên sông cạn, và hoàng hôn ưa tắm đáy sông thơ. Nhiều tên trong đơn vị gọi đùa anh chiến sĩ của mộng mơ. Thường khi hai ba thằng, chiều chiều ra bờ vắng ngắm mông lung (…). Thư của lính không xanh màu trời như mơ ước đâu em. Thư của lính không thơm nồng hương, không nét hoa đa tình. Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay. Nhưng thư của lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy. (1)

Vẻ thanh lịch của Đan, có thể nói toát ra từ cử chỉ, dáng dấp ung dung, thư thái, vô hình trung tác động đến nàng. Tim Hoài bỗng nhiên đập rộn ràng trong lồng ngực, vui vui, say say, và mơ mơ. Đan cầm quyển sách của Hoài đang đọc lên. Vô tình phong thư Hoài viết chưa kịp gửi cho Thắng, rơi xuống nệm cỏ giưã hai người. Có một vài giây, trái tim Hoài co xiết cuồng quay, dường như ngừng đập. Nàng e dè dõi mắt liếc nhìn từng cử chỉ Đan thế nào, hầu xác định mối liên lạc tương lai, giữa Hoài và..."ba anh bạn (bạn đúng nghĩa): Phú. Thắng, & Đan". Nàng ấp úng:
- Anh nầy có nghĩa là anh... anh trai của Hoài…
Đan nhìn phong thư ghi KBC, chàng nheo nheo mắt, mỉm mỉm, cười cười, hóm hỉnh rất dễ... ghét:
- Lính kèn hả? Hay là lính kiểng?
- O… Ô!... Em không hiểu anh muốn nói gì?
- ...
- Vả lại em hỏi điều nầy, anh đừng trợn mắt lên à nha - "Lính kèn, Lính kiểng" là thế nào anh ha?
- À, là Lính thành phố thổi vào tim em bản tình ca muôn thuở. Là Lính cảnh, đưa em đi dạo phố phường, trước sự chiêm ngưỡng mến phục của mọi người. Đó em!
- Ơ... Cái anh nầy.
- Coi em kìa: sao em bẽn lẽn, rụt rè, ngập ngừng khiếp vậy?
- Anh không làm việc sao, lại đến nơi nầy?
- Làm gì nỗi bây giờ? Em!
- Vậy sao?
- Anh buồn và nhớ... lạ lùng.

Tất cả quá khứ thoáng chốc trở về như tia chớp sáng lòa, làm choáng ngợp đầu óc Hoài. Chân trời nầy sẽ trở lại rạng rỡ vui tươi, mời mọc, chào đón; Hay thê thảm buồn tênh hơn? Nàng biết rằng: Tình yêu thật kỳ diệu, nó đang mang hương nồng mới đến. Và, có thể xóa nhòa đi tất cả dĩ vãng ưu phiền lui xa. Hoài chợt nhớ đến chùm hoa “Forget Me Not” màu tím nhạt âm thầm, rụt rè khoe sắc trước mùa xuân xưa cũ. “Ai đó” đã cài đoá hoa bẽn lẽn lên mái tóc nàng?. “Anh ta” nói câu gì ấy nhỉ? Hoài quên bẵng, quên phứt theo tháng ngày mệt nhọc niềm nhớ bâng khuâng, buồn bã cơ khổ, lao đao theo chiến cuộc nơi chốn tha phương, ở xứ lạ quê người rồi sao?

Hai người nhìn nhau không chớp mắt. Bỗng Hoài phì cười. Tiếng cười trong veo như mạch suối rừng hoang dại. Đan khẽ mỉm cười, lắc đầu nhè nhẹ, chàng kín đáo thở dài. Dụi tắt điếu thuốc trên thân cây, rồi vứt đi, Đan nói:
- Em còn trẻ con không chịu được. Anh nói anh buồn, anh nhớ. Mà em cười ngạo anh. Hở?
- . . .
- Ngày đầu tiên, khi anh lội qua sông Nghĩa Phú, là anh mong ước làm quen với em. Em còn nhớ không?
Hoài nhớ “anh lính ấy” vô cùng. Nhớ đến nỗi nàng e dè cúi mặt xuống, vì bẽn lẽn, thẹn thùng, bối rối. Anh Đan xoay Hoài như xoay dế thế kia. Hoài không bối rối sao được chứ. Bởi vì, điều êm ái mới lạ đã xảy ra, rộn ràng mở hội trong trái tim muốn bừng lên hơi thở ngất ngây, say nồng lẫn dịu ngọt, trìu mến lạ thường...

- Bây giờ cũng vậy. Có khác chăng là ngày ấy anh lội qua sông sâu nước lạnh, dò tìm... Giờ đây, anh băng rừng vượt dốc, để đến bên Hoài. Anh sẵn sàng trả giá cao, để được sống giờ phút êm dịu, ngọt ngào, thi vị, mà anh đã chọn. Em có hiểu không. Hở em?
- . . .
- Em... Hoài thấy thế nào?
- Dạ... Chỉ sợ em không có diễm phúc đạt được ước mơ. Làm sao em biết được, ước mơ nầy sẽ có thật, đến mức độ nào... Anh à.
- Vấn đề là còn tùy... ở em đó.

Khu rừng bảng lảng ánh hoàng hôn. Gió thì thào trên đầu ngọn cây phong, như ươm vàng dưới ánh chiều nhợt nhạt buông lơi. Từng bè mây xám đục chen lẫn mầu huỳnh tía, rồi ngả sang màu hoàng hôn ven đêm. Bầu trời lấp lánh vì sao hôm và những vì sao lác đác trong cảnh hoang tàn còn tươi nguyên dấu vết. Có một cái gì rờn rợn; lành lạnh, lồ lộ, ơn ớn vàng phai trên bình nguyên đang in lằn đạn bom tai biến. Hai người thu xếp túi xách, về phố nhỏ ăn cơm. Ráng chiều theo dòng men bia 33 rót vào lòng ly của chàng. Hôm nay Đan có vẻ ưu tư hơn mọi ngày. Thỉnh thoảng vầng trán rộng in nếp nhăn. Hoài bắt gặp nhiều lần chàng kín đáo thở dài nhè nhẹ. Hoài dè dặt liếc liếc nhìn Đan dò hỏi:
- Trông anh có vẻ buồn?
- Một vài tuần nữa, thì chúng ta chia tay. Không biết bao giờ mới gặp lại. Anh muốn xin đổi về hậu cứ, không đi tác chiến nữa... để được gần em.

Hoài không biết trả lời sao cho phải, nàng chỉ lặng lẽ nhìn Đan trìu mến, trên môi Hoài nở nụ cười sâu sắc, nguyên vẹn tình nồng. Đan dè dặt xin Hoài tấm ảnh. Hoài được chàng tặng lại hai tấm ảnh, Đan kèm theo một phong thư dày, (mà chàng đã viết sẵn từ hồi nào không rõ):
- Lát nữa về trong Đoàn, em hãy đọc nhé.
- Không. Em đọc ngay... bi giờ kia.

Tính mở ra đọc thật, nhưng thấy mặt Đan đỏ bừng, như người uống rượu quá say. Cô quân nhân binh nhì, lính mới tò te vừa nhập ngũ, thấy thương thương anh sĩ quan từng trải, nên Hoài không nở trêu phá chàng. Hoài tủm tỉm cười thầm nghĩ: [Một anh chàng phong trần, dũng cảm xông pha ngoài chiến trường, không hề sợ súng đạn "diệt" giữa chốn giang đầu, mà em chỉ sợ anh sẽ bị con muỗi Anopheles (như em) đốt cho bị sốt rét rừng, mà sinh bệnh "tương tư", thì khốn!]. Hoài cất thư Đan vào quyển sách, nơi đã có phong thư Hoài định gửi đi cho bạn.

Ngồi đối diện với Hoài, Đan chống một tay lên cằm, kín đáo nhìn Hoài, nói:
- Em hãy đọc thư anh một lần. Anh mong chúng mình sẽ mang đến cho nhau niềm vui tràn ngập…
- Em biết nói gì bây giờ?
- Anh không muốn em nói gì cả, khi em chưa đọc thư anh.

Hoài nhìn rõ đâu đây trong quá khứ xa xôi, nhạt nhòa niềm hạnh phúc, đau khổ, buồn rầu nào, qua bóng dáng “người xưa” lung linh trong khói thuốc vờn bay tản mạn vào không trung. Tuy buổi chiều đầu mùa xuân nhưng không khí cuối đông còn vương sót lại trên đầu cây ngọn cỏ, nên nắng yếu ớt chiếu xiên, hắt lên tường hai cái bóng cuả Hoài và Đan mờ mờ, chập chờn rung rinh. Hoài bỗng thấy lòng trào dâng lên nỗi buồn lâng lâng, man mác, lẫn dịu cảm ngọt ngào. Bởi tại đâu? Hay tại tiếng tơ lòng băn khoăn, xao xuyến, vấn vương do dự chút hạnh phúc từ những con sóng xô về, xếp lớp lăn tăn uốn lên uốn xuống, cùng con nước chảy trên dòng đời dạt dào giao động theo phím tơ rung?

Trở về phòng, chưa kịp thay quần áo, Hoài vội vàng ngồi xuống ghế bố, tay run hơn bao lần khi mở thư bạn ra đọc. Hai bàn tay Hoài lạnh toát mồ hôi. Trái tim đập thình thịch trong lồng ngực, toàn thân nàng nóng ran, dường như bị lửa đốt. Hoài đọc đi đọc lại lá thư màu xanh, có nét chữ nghiêng nghiêng, đều đặn rõ ràng và khá đẹp của Đan. Trong căn phòng ngủ vắng lạnh, nàng đi đi lại lại nhiều lần. Cuối cùng Hoài ngồi phịch xuống ghế bố, nhắm mắt hồi lâu. Có lẽ cánh thư đầy ắp ân tình trìu mến của Đan vừa qua, là cả một sức mạnh đích thực làm cán cân tình cảm nghiêng hẳn về một phía, mà trước đó Hoài do dự giữa ngả ba đường: Phú. Đan. Thắng.

Hoài bối rối, băn khoăn, ray rứt giữa ba hình ảnh đó thật. Nói rằng nàng "có số đào hoa". Có đúng không!? Nhưng lúc nầy Hoài như cánh hoa rừng vừa chớm nở, không nhiều thì ít, vẫn có hương vị mùa xuân đằm thắm ngọt ngào, quyến rũ, chân thật, dịu êm. Mà ai ai cũng trải qua một vài lần: trong thời kỳ mới chớm lớn khôn. Không sững sờ run rẩy sao được! Khi chính Đan viết thư tỏ tình như thế nầy: ... & ... "Nếu Hoài đồng ý, không từ chối, thì anh về phép vào tháng tới. Anh sẽ bàn tính cùng gia đình xin cưới hỏi Hoài trong dịp Tết năm nay. Em à. Chúng ta sẽ là: Vũng Nắng Ươm Tình
Vũng nắng mây vàng hanh.
Đan trong biển nước xanh.
Tơ trời bay lác đác.
Cành lá reo dịu dàng.

Chiều nhớ thương mơ màng.
Hoàng hôn ươm hồng hơn.
Ráng hà gieo bảng lảng.
Chiếu xuống bàn chân son.

Da trời áo xanh nhạt.
Chắp tay xin nguyện cầu.
Hai ta chung làm một.
Xây cuộc tình bền lâu.

Dẫu mai sau bạc đầu.
Mình thủy chung trước sau.
Cánh tơ trời có mỏi.
Dù thời gian qua mau.

Tình yêu lên tiếng gọi.
Chiều lặng yên nơi nơi.
Thời gian ta vẫn đợi.
Khải hoàn ca tuyệt vời… (2)

Ôi! Thật sự như thế sao? Hoài như con chim bị thương nhốt trong lồng, bỗng nhiên được trả tự do, đâm ra choáng váng ngỡ ngàng, lúng túng, rụt rè do dự nhìn lại ô cửa quá khứ. Hoài quên mình có đôi cánh tung bay, tự do giữa biển trời lồng lộng! Cách xử thế khác nhau của mỗi một người trai đoan chính thân quen, họ đã cho đời sống và tình yêu của nàng: hạnh phúc ít hay nhiều. Hoài đã sống trong âu lo, run sợ, đau khổ do chiến tranh tàn khốc, chết chóc gần kề miệng vực giữa hai lằn đạn diệt vong. Nay Hoài nhận nơi Đan nụ cười ấm dịu, tha thiết, thân mật, tình yêu đằm thắm, ngọt ngào, êm ái, ngất ngây. Dù giữa Đan và Hoài hề chưa có một lần tay nắm nhẹ bàn tay ân tình trìu mến. Đan chưa hề hôn lên mái tóc phiêu bồng gợn sóng của Hoài. Nhưng... Hoài hạnh phúc xiết bao!

Mùa xuân nơi đây không nắng gắt oi nồng từng đợt gió chiều thoảng nhẹ, gợi lên trong lòng Hoài nhiều nhớ nhớ. Thương thương. Mến mến. Rưng rưng. Say say dấu tình hoang dại… Nàng nghĩ nhiều đến Đan, và cảm thấy lòng trầm lắng xuống nỗi xúc động dịu êm, ngọt ngào trong bình yên, đỡ quạnh hiu, hay buồn vu vơ biết mấy!
* * *
Đan lái chiếc xe jeep dã chiến bạc phếch bụi đỏ đường hành quân chạy chầm chậm, trên quốc lộ 24B ra một bãi biển cách Quảng Ngãi độ chừng 15 km, thuộc vùng Cổ Lũy thôn. Xe lùa bụi đất mù bay dưới hàng thùy dương lộng gió làm nghiêng ngã lá cành. Ba anh lính ngồi đằng sau ghế quay lưng lại phía Hoài, bá vai vít cổ nhau khoái chí vui vẻ cười to. Đại dương bao la rì rào gió biển. Đường chân trời quang rạng như viền chỉ bạc lóng lánh, ngời sáng tít dặm ngàn hải lý. Nắng chiều hây hây thoi thóp và phe phẩy, nhè nhẹ rơi xuống mặt biển hờ hững. Biển ngủ quên trong niềm thống khổ, trên bao mái nhà ưu phiền, đớn nghèo nơi quê hương.

Họ xuống xe, nhàn hạ tản bộ trên bãi cát mịn, độ dốc thoải, phía sau lưng là rừng dương bạt ngàn xanh thẳm. Các anh chọn tảng đá nâu vàng nhô mình ra góc biển. Phía xa, làng chài với những tấm lưới Đăng, lưới Rút, lưới Rồng, lưới Rê, lưới Rẽo, lưới Văng, phơi chằng chịt trên bãi cát vàng. Thấp thoáng xa xa có dăm bảy ụ muối trắng, mấy ngư dân đang lúp xúp làm việc: “Chồng chài. Vợ lưới. Con câu. Thằng rể đóng đáy. Con dâu đi mò”. Bức tranh đồng quê hiền hoà lặng lẽ chất phác, quả là tuyệt vời an phận, mà vui.

Dưới bãi cát vàng óng, các bạn đang chạy nhảy, nô đùa bơi lội dưới sóng nước. Đan bóc quả cam, tách ra từng múi rồi đưa cho Hoài. Hoài lí nhí nói lời cám ơn, e dè nhón lấy múi cam. Làm như sợ đụng tay chàng trai mà cô đã phải lòng. Một cảm giác thật êm đềm ấm áp gợn lăn tăn trong lòng chàng. Đan nghĩ mãi không ra: chàng trai đã từng trải chuyện yêu đương giữa trai và gái thuở xưa, chứ nào phải anh yêu Hoài là người tình đầu đâu, mà mình vẫn ngại? Tại sao một anh lính phong trần gan lì dũng cảm như Đan, ngồi bên người đẹp cũng có cử chỉ rụt rè, chết nhát, khi diện kiến cùng nàng? Hay có lẽ tại vì Hoài quá bẽn lẽn, thơ ngây, và xinh đẹp trong nét tinh khôi, khiến mình e ngại!

Mỉm cười ý nhị, chàng lặng nhìn vóc dáng đan thanh của Hoài, Đan đằm thắm nói:
- Em có chịu về ở Đà Nẵng, chờ đợi anh không?

Cúi đầu gật nhẹ mấy cái. Nàng chịu, chịu đến nỗi hai má hồng thắm hây hây như nhấp men say. Bóng dáng thon gọn, nhưng dường như tâm Hoài chứa đựng cả một lòng đại dương gào sóng xao động mạnh. Mắt Hoài ánh lên tia hy vọng mừng rỡ, nụ cười xinh tươi, làm ngời sáng khuôn mặt:
- Có điều… sự mong ước và thành tựu, là hai việc khác nhau. Anh Đan à.
- Anh biết. Anh nói, vấn đề là... còn tuỳ ở em thôi.
- Mai em xin đi lên Tà Noát cho anh coi. Tùy em mà.
- Bắt đền anh cái gì cũng được. Nhưng cho anh xin. Em đừng đi đâu hết. Em về nhà, chờ anh đôi ba tháng nhe.
- Không. Em cứ đi.
- Chà. Em tôi cứng đầu, lì lợm ghê à nha. Anh sợ em rồi đó.

Biết nói thế nào cho trung thực với lòng Hoài nhỉ! Khi ánh mắt anh thiết tha, nụ cười mời mọc, giọng nói ngọt ngào đầy ắp ân tình, qua cung cách Đan ung dung, điềm đạm, đứng đắn và chân thật đến vậy! Có phải cư xử như thế là anh đang tỏ tình không? Nhưng Đan chẳng làm gì hết. Lạ thật! Sao mà anh ấy đứng đắn quá đi, khiến Hoài cứ tưởng là anh ấy không tha thiết mấy chuyện yêu thương. Anh lính chiến chỉ nói đùa giỡn ngoài miệng cho vui mà thôi.
Ngập ngừng do dự, Đan mở lời:
- Còn hai ngày nữa là mình chia tay. Việc anh ngỏ ý trước đó... là muốn em có thời gian suy nghĩ, trước khi quyết định việc hôn nhân. Hôm nay, em có thể cho anh biết, để anh liệu, rồi anh sẽ về thưa với ba me vào dịp anh nghỉ phép sắp đến không em?
- Anh thấy ngôi nhà lai xinh đẹp có tường cao, rào chắn kỹ càng, bên kia đường chứ? Gần kia là căn nhà đất mái tranh xiêu vẹo. Giữa hai nhà, có con đường tráng nhựa rộng thênh thang. Nhà ngói không thể xích lại, ở cạnh chung nhà tranh. Đan à. Anh và Em, có thể bị ngăn cách bởi lý do giản dị, gần như vậy.
- Em có ý tưởng lạ lùng. Anh yêu em, và tin rằng: Ba me anh hoàn toàn không phản đối. Các cụ tôn trọng sự tự do lựa chọn của anh. Họ không môn đăng hộ đối, mặc dù thuộc dòng dõi quý tộc. Anh chị, ba cô em gái, cậu em trai của anh, càng không phản đối. Hoài à.
- Em thấy khó khăn, chứ không giản dị như vậy đâu. Anh và em không cùng tôn giáo. Chắc là không... gia đình anh không chịu em đâu.
- Điều ấy anh bảo đảm: Không có gì rắc rối.
- Còn một việc nữa, em thấy không xứng với anh: Hẳn hai bác không thích có con dâu "xướng ca vô loài".

Đan dụi tắt điếu thuốc nửa ngọn không đầu lọc vào gốc cây, rồi vứt xuống cát. Chàng hơi phật ý. Đổi tư thế ngồi đối diện với Hoài, nhìn thẳng nàng, Đan nói:
- Ngày chúng mình gặp nhau trên Ô Chai, anh đã nói về việc đó thế nào. Em quên rồi ư? Em không nhớ gì ráo trọi lời anh nói ha? Em ưu phiền đặt nặng vấn đề ấy, khi anh tin yêu em. Hở? Tại sao Hoài?
- Anh là cánh lá ngọc... giát vàng bay giữa trời. Em vươn tay ra đón. Nhưng, muộn mất rồi. Xin ngã mũ kính chào anh.
- Đừng đùa dai như vậy. Cưng. Đau khổ lắm. Em nói đàng hoàng cho anh nghe. Em nghĩ sao về đề nghị đó?
- Em băn khoăn là mình còn quá trẻ, liệu em có mang lại hạnh phúc cho anh? Cho chính mình đi đến bến bờ hạnh phúc dài lâu? Vả lại, em còn xin... lĩnh hội ý kiến của gia đình em nữa.

Câu chuyện tình tứ ở một góc đường thiên lý, về giấc mộng vàng bên dãy thùy dương rủ bóng kia reo vui men hạnh phúc, vừa hé mở, đã phũ phàng đóng ập lại ngay, làm rung khẽ cánh buồm ước mơ chân thật, mê đắm trong lòng mỗi người. Hoài băn khoăn lo lắng. Băn khoăn thật sự. Mười bảy tuổi đầu, hai bàn tay trắng, ít kiến thức khiêm nhường, hạn hẹp. Cuộc sống là con số không vĩ đại, mà có gia đình? Mỉa mai làm sao!

Phần Đan, chàng muốn tiến tới việc hôn nhân, lẽ là anh yêu Hoài chân thành, Đan mong Hoài sống an ổn bình lặng, chàng có quyền lo sợ, săn sóc nàng về mọi mặt. Anh ấy có đầy đủ mọi yếu tố, và dồi dào điều kiện thuận tiện, để xây dựng một gia đình hạnh phúc thật sự. Thật cảm động vô cùng.
*
(1) “Tình Thư cuả Lính”: Trần Thiện Thanh
(2) Thơ Tình Hoài Hương
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
02-07-2016, 07:23 AM
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1454833428-e 4 nudau soncuoc.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1454833581-Anh Cho Em Mua Xuan_ DuyQuang.mp3

Tinh Hoai Huong
02-14-2016, 02:37 AM
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1455417242-3 LT 81.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1455416183-Bai Tho Hoa Dao - Khanh Ly.mp3
Tết Mậu Thân Xưa (1968) tại Đà Lạt


Từng chòm thông tươi tốt mọc thẳng lên cao vút, xòe táng lá xanh mướt, um tùm, trông cao lớn, phơi phới, mát mẻ lạ thường. Tiết trời quang đãng, trong thanh ấm dịu, vừa xua tan đêm trừ tịch nơi thành phố Đà Lạt an hòa có lắm mộng nhiều mơ. Muôn ngàn chim én líu lo, xôn xao tưng bừng, ríu rít chao lượn từng đàn đông nghẹt trên mái ngói lầu cao. Tự lúc nào không biết gió xuân về mát rượi, khiến tôi cảm thấy trong lòng dâng lên nỗi an thư ngọt ngào lâng lâng, xao xuyến ngất ngây vô vàn. Niềm vui đọng lại trên non ngàn những giọt sương long lanh, rưng rưng nơi cánh hoa anh đào, hoa mimosa và nơi đài hoa mai chúm chím e ấp buổi giao mùa.

Kể từ ngày 23 tháng Chạp, mọi người nôn nao đưa Ông Táo về Trời, nhờ ông tấu trình với Ngọc Hoàng công việc làm ăn ở trần thế. Thì ngày xưa ở cung điện hoàng gia vua chúa nước ta, từ nhất phẩm đến cửu phẩm sắp hàng thứ tự trước điện rồng, để làm lễ bái tạ Trời. Đất. Vua, quan, viên chức uy quyền trong triều đình tới hàng dân dã, ai nấy đều làm lễ trừ tịch, tống cựu nghinh tân. Các lễ trong triều thần quan trọng là: Nguyên Đán. Phất thức. Tịch điền rước thần nông. Tế xuân. Du xuân (hưởng: Xuân, Hạ, Thu, Đông). Cúng tam sinh: Trâu (hoặc, bò, dê). Ngoài ra còn có lễ tế cờ: Có ba bài vị gồm: một viên tướng cờ đi đầu. Sáu vị tướng cờ đi giữa. Năm vị thần cờ đi hai bên.

Toàn dân đón xuân náo nhiệt, tưng bừng vui vẻ, linh đình. Người ta bày hương án, bánh trái hoa quả cúng gia tiên, mâm cổ đầy nhóc trên bàn: nào là xôi, gà, vịt, heo, bánh trái, vân vân... Sau đó họ đi thăm mồ mả. Đi lễ chùa hái lộc đầu năm, thăm đình đài lăng miếu. Dân gian được tự do chơi bài Chòi. Tam cúc. Cờ tướng. Xóc dĩa. Bài tây: xì lát, đánh xì tố, xóc bầu cua, vân vân... Sau ngày hạ cây nêu, thì có lễ hoá vàng, đốt vàng giấy, lúc giấy gần tàn, họ đổ ly rượu cúng vào lò đốt, là chấm dứt ngày Tết.

Nay thì nghi thức nghinh xuân ấy được đơn giản rất nhiều. Nhưng vẫn theo phong tục cổ truyền Việt Nam, dù bận rộn, đa đoan với muôn vàn công việc chất chồng. Dù cách trở xa xôi đến đâu, thì ba ngày Tết người ta vẫn quay về mái nhà xưa, hầu gặp gỡ người thân tay bắt mặt mừng hân hoan chúc tụng nhau, chuyện trò thân mật, hưởng Tết Nguyên Đán linh thiêng đầm ấm, là ngày sum họp rất quan trọng. Họ mong quay về với gia đình, thong dong vui hưởng những niềm vui, mừng ngày trọng đại của cả dân tộc. Ngày Tết là ngày hưởng lộc đầu năm, ngày linh thiêng, thế nên ai ai cũng trân trọng, kiêng cữ, không làm điều sai quấy, nói năng bậy bạ. Cúng giỗ thờ kính tổ tiên, vui vẻ hân hoan chúc tụng nhau bao ý lành.

Ngày mồng Một Tết, (tức là ngày 30, tháng Giêng, năm 1968, Mậu Thân). Gia đình tôi đi chúc tết ông bà Cương, và bà con thân nhân bên nội ở trong Hà Đông. Ai nấy chúc nhau:
Năm mới Tết đến
Rước hên vào nhà
Quà cáp bao la
Mọi nhà no đủ

Vàng bạc đầy hủ
Gia chủ phát tài
Già trẻ gái trai
Sum vầy hạnh phúc

Cầu tài chúc phúc
Lộc đến quanh năm
An khang thịnh vượng.
Đong cho đầy hạnh phúc

Gói cho trọn lộc tài
Giữ cho mãi an khang
Thắt cho chặt phú quý…
Cung chúc tân niên,

Sức khỏe vô biên,
Thành công liên miên,
Hạnh phúc triền miên,
Túi luôn đầy tiền,
Sung sướng như tiên. (*)

Xế trưa vợ chồng tôi chạy xe lên trên Couvent thăm hai gia đình anh chị Thái, Thiệu, rồi đến khu nhà Bò (Đào Duy Từ), qua bên Nhà Chung gần nhà thờ con gà thăm anh chị bên họ ngoại. Chúng tôi lại ra phố thăm hỏi anh chị, bạn bè xóm làng thân thương. Đâu đâu pháo cũng nổ dòn: đùng... đùng... đùng... thật vui vẻ rộn rã tưng bừng. Người người hớn hở tay bắt mặt mừng, muôn câu chúc tụng hân hoan ấm nồng luyến thương hoài nhớ. Nhà nhà người nào người nấy tụm lại gây sòng đánh xì phé, đánh chắn, xóc dĩa. Trẻ con chơi lắc bầu cua ở góc hiên nhà. Thanh niên nam nữ và tráng niên lại chúc:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Phúc lộc đưa nhau đến từng nhà
Vài lời cung chúc tân niên mới
Vạn sự an khang vạn sự lành.

Đầu xuân năm mới chúc BÌNH AN,
Chúc luôn TUỔI TRẺ chúc AN KHANG.
Chúc sang năm mới nhiều TÀI LỘC
Công thành danh toại chúc VINH QUANG.

Các cô tuổi Tý chưa chồng.
Năm mới sẽ hết nằm không một mình.
Còn riêng các bạn học-sinh.
Tương-lai sáng-lạng, quang-vinh một đời. (*)

Cận khuya chúng tôi mới lò mò trở về nhà. Nhà tôi ở tại ngả Tư Trần Bình Trọng và Mai Hắc Đế, cạnh bên trái hông nhà tôi là khu Dân Y Viện Đà Lạt, ngược về hướng dòng Domain (là đi xuống trường Đa Nghiã và Khu số Bốn). Trong tận cùng im vắng của đêm trường đầu xuân mát rượi lẫn ngọt ngào hương vị ngày Tết, bỗng nhiên tôi nghe từ nơi xa xa đạn réo vù vù trên không trung. Súng lớn súng nhỏ đồng loạt khạc đạn, làm rung chuyển mặt đất, tung tóe lửa dữ dội. Khu đồi Domain de Marie yên tĩnh ở phía bên kia vực thẳm, sau lưng nhà tôi dội lại tiếng gầm thét dị kỳ: xì xì, xẹt xẹt… ùm… ùm…, pằng… pằng…, tạch tạch…, cắt bụp, cắt bụp… xè…! Đạn rạch đêm tối vút vút bay qua bay lại, đan chéo qua chéo lại. Những đóm mắt sáng đục hỏa châu lơ lửng trên không trung nở vàng bầu trời khuya. Quả sáng tụt nhanh xuống mặt đất, tắt đột ngột, trả lại bóng đêm tối thui, như khi nó chưa nở rực ra trên bầu trời khuya quạnh vắng đẫm ướt sương mù.

Trong màn đêm đầy sương trắng xoá dày đặc bị xé rách bởi lằn đạn tóe lửa. Mặt đất phả ra làn hơi sương nhút nhát e dè lởn vởn bay bên mấy bụi cây. Ban đầu Lâm ngỡ là mình nằm mơ ngoài trời đốt pháo Tết, nhưng sau khi chàng thấy trái sáng rợp trời, súng đạn rạch không khí bay chíu chíu… xịt... xịt, có cả thứ súng “cắt, bụp, xè”; nên chàng tỉnh hẳn người. Lâm gọi mẹ, vợ con dậy ngay. Nhanh như chớp, vụt thoáng trong giây lát tôi và Lâm kéo nệm xuống gầm giường, hai chúng tôi lò mò trong bóng tối để giăng mùng cẩn thận, rồi Lâm bế hai đứa con mắt nhắm mắt mở chui vào mùng. Chúng tôi nằm sát bên vách gỗ, đắp kín mền mà vẫn cảm thấy lạnh giá, hai hàm răng va vào nhau lụp cụp, tay chân run cầm cập. Tôi sợ hãi gần như nghẹt thở, lạnh toát cả người, bủn rủn tay chân. Súng nổ dập dồn không lúc nào ngơi hung hăng tống vào ngọn đồi thưa, nơi có mấy công xưởng, ty Hiến Binh hồi xưa (nay là chi nhánh của Ty Công An, nằm về phiá tay phải nhà tôi) nghe rát ù tai. Thật ghê hồn.

Lâm bấm bấm vô cánh tay tôi, để ngón tay trỏ lên miệng anh, khoèo vào hông tôi và ra dấu cho tôi bò theo. Chúng tôi mò mẫm lồm cồm bò bò từ phòng ngủ ra phòng khách tối. Lâm nhón người nhẹ vén bức màn voan, nhìn ra đường quan sát. Đường phố im lìm vắng lạnh. Nhà nhà đều cửa đóng then cài cẩn thận. Tuy vậy, tôi thấy nhiều tấm màn bên những ngôi nhà ấy khẽ lay động. Hỏa châu đỏ nở rộ trên trời như những đôi mắt hung thần, soi rõ cảnh vật. Trên trời liên tục bừng sáng và hoả châu rơi xuống, chìm lẫn vào bóng đêm.

Do tôi mãi nhìn đường phố vắng lạnh, thì Lâm vội bụm miệng tôi, anh kéo tay vợ nép vào góc tường. Khi ấy tôi thấy khoảng năm sáu tên đội nón cối, mặc đồ đen, đồ xanh rêu cháo lòng, hay mặc đồ lộn xộn, ống quần rộng thùng thình, lụng thụng cột túm vô mắt cá chân. Tay họ cầm súng lưng đeo đạn. Quanh thân dắt cành lá, họ cúi đầu lom khom lủi lủi gần sát bên hiên nhà của nhà tôi. Họ mò mò cúi khom lủi chạy đi về phía đồn Công-an trên đồi. Họ đêm thành thạo, hình như họ thích hợp, quen thuộc với bóng tối, hay do ý tất thắng chiếm đoạt, muốn vượt qua trở ngại, hầu đạt đến khát vọng xâm lăng điên cuồng? Tiếng kêu lách tách lạch cạch do súng đạn cặp bên hông va đập vào nhau lộp độp theo mỗi bước đi cử động của họ, tôi nghe rõ, rùng rợn, hoảng sợ mà sởn ốc trâu và ớn lạnh! khiến tôi càng rợn người kinh khủng. Giây lát sau tôi nghe ở cửa cổng đồn Công An (rất gần khu nhà dân) có tiếng quát hỏi:
- Ai đó???... Đứng lại.
- Đứng lại, không tôi bắn.

Không trả lời, lập tức đạn nhỏ súng lớn đồng loạt bay vèo vèo Pằng… pằng… pằng… Đùng… Đùng… Đùng… Oằng… Ùm… vút vút bay tới tấp trên đầu người dân. Thành phố Cao Nguyên Lâm Viên truyền cảm xiết bao đã bị xâm lăng, thành phố Đà Lạt nổi danh là thành phố thơ mộng, hiền hoà, một thành phố duyên dáng duy nhất không có đèn xanh đèn đỏ ngăn cản bước chân người, và chận dòng xe lớn nhỏ tuần tự nhịp nhàng chuyển động, đã thực sự đã đi vào binh đao, và bùng lên ngọn lửa chiến tranh hung tàn rồi! Đạn nổ lốp đốp, rơi rào rào, loảng xoảng, ào ạt rớt xuống mái tôn nhiều nhà lân cận, nghe sắt và lạnh. Khi chiến cuộc bước vào con đường an cư hòa ái của xứ lạnh hiền hậu nầy, dân cư ngơ ngơ ngáo ngáo và bàng hoàng lo sợ ghê lắm (vì ở nơi nầy yên bình ít chiến tranh).

Vài phút trước đó trong xóm tôi kêu gọi nhau chui xuống gầm giường, gầm bàn trốn đạn inh ỏi. Tiếng kêu rú khóc la, xen lẫn tiếng súng bắn, mìn nổ thật gần, nghe rợn xương sống, đinh tai nhức óc, tức ngực quá chừng. Ôi lạy Chúa! Trẻ con bên hàng xóm cứ khóc thét toáng lên từng hồi, giống như có người nào ngắt nhéo chúng, hay cắt tay chặt chân chúng nó vậy. Còn đàn ông con trai thì im thin thít. Bây giờ nếu có tiếng la giọng nói của đàn ông, là càng làm người khác lo sợ gấp ngàn lần. Người ta lo sợ sự giao tranh súng đạn ngoài kia, và tiếng đàn ông núp ở trong xó nhà lắm. Có khác nào mấy ông tự tố cáo "lạy ông tui ở bụi nầy". Việt-cộng sẽ chĩa súng vào ngực họ, mà bắt đàn ông thanh niên đi làm bia đỡ đạn. Hay bị bắn cái đùng. Thì khốn.

Nhưng khi căn nhà gỗ của bác Thao bị sập một bên, càng khiến cư dân trong khu xóm hoảng hốt la to, kêu rống, hét tướng lên réo gọi tên nhau, kêu khóc ồn ào huyên náo bội phần. Bảy căn nhà vách ván đơn sơ ở xóm nầy đã đứng chênh vênh, lẻ loi, trống trải, cô độc trong địa bàn giao tranh, bất lợi từ mọi phía, không ai có một tấc sắt để tự vệ. Biết lấy gì chống đỡ! Họ vẫn phơi bộ mặt cơ hàn, giơ cái bụng lép xẹp ra trước thời gian ở nơi lằn đạn mũi tên thế! Trốn tránh thế nào được! Khu xóm cao chênh chếch như một cù lao đứng giữa hai lằn đạn thì... có mà chạy trốn lên đằng trời. Chưa việc gì mà! Phải! Phải! Nhưng lạy Chúa! Sao tôi run lẩy bẩy, lo sợ tột cùng, miệng lưỡi co cứng, cổ họng đắng chát, khô khốc, hai bờ môi khô lông lốc dính chặt vào niếu, không một giọt nước miếng, không thốt được một âm!

Bầu trời bỗng dưng lặng ngắt như tờ, im ắng bao trùm còn đe dọa rùng rợn hơn cả sự chết chóc. Sương mù và bóng tối không đồng loã với bình yên, nó bốc đồng và phản bội con người lúc nào. Chẳng rõ. Bây giờ không còn dòng suối mát, không ao hồ, thác nước thơ mộng đầy quyến rũ mang vẻ duyên dáng nên thơ Đà Lạt với danh lam thắng cảnh xứ hoa đào rồi. Biết đâu sẽ diễn ra “u mê ám chướng chiến tranh”. Súng đạn chằn chịt theo khói lửa bay về thành phố nổi danh quyến rũ mơ màng! Đạn vèo vèo bay, xoắn tít hình trôn ốc ghim vào lòng đất, khiến địa hình Đà Lạt thi vị trở nên xấu xí, nhăn nhúm, biến dạng lởm chởm hẳn đi. Nhìn thấy nó mình mất cả hồn cả vía, chứ thơ mộng duyên dáng, gợi cảm cái nỗi gì nữa không biết.
* * *

Ánh nắng rực rỡ bừng lên. Lớp sương mù dày đặc đọng lại trên các cành hoa anh đào, chạy suốt con suối cạn gần khu Domain de Marie mọc đầy lùm dã qùy to lá, nhụy nâu vàng hoa nở dọc theo bờ đất lỡ cuối vườn nhà tôi. Nước rỉ rả chảy xuống hố, rồi uốn lượn quanh co trong nhiều đám sậy nhấp nhô. Một ngày mới lại bắt đầu trong cuộc sống bất trắc âu lo. Phiền muộn. Hãi hùng âm thầm mà đau, đầy băng giá, mang mùi vị tởm lợm chết chóc và chiến chinh. Cái chết đe dọa từng giờ trên đầu mỗi người, ở trong thành phố Đà Lạt nổi tiếng hiền hòa thơ mộng xinh đẹp đang bị vây hãm. Súng đạn khiêu khích từng ngày, từng đêm, từng giờ, tệ mạt hơn là người dân phải chịu đựng những cơn xoáy lốc bốc lửa rít lạnh tê người khôn nguôi. Tim mọi người đập thình thịch không ngừng, không vì trận gió từ đỉnh đồi Lâm Viên thổi về. Mà vì nhiều loạt súng của kẻ xâm lăng đùng đùng đùng… Cắt bụp cắt bụp… Xè xè… và loại súng bắn trả: Pằng pằng pằng… Tạch tạch tạch… vang lên tứ phía liên tục luôn mãi, nhức nhối tai.

Từ ngày mồng Hai Tết Mậu Thân (1968) đến nay, mỗi ngày khoảng ba giờ chiều, bà con cô bác từ các đường: Hoàng Diệu, Trần Bình Trọng, Mai Hắc Đế, Yết Kiêu, Số Bốn, Số Sáu, Hai Bà Trưng, vân vân… lại ùn ùn chạy lên nhà thờ Domain, xin các bà dòng tu cho tạm trú dưới từng hầm. Họ mong tìm đến với nhau cho vơi sợ hãi và quên âu lo. Họ mong xích lại gần nhau tìm chút hơi ấm qua đêm. Sáng sáng họ lại lục tục kéo nhau ra đi, ai về nhà nấy. Từ trên dòng Domain về nhà, tôi nhìn trước ngó sau dáo dác như kẻ trộm. Căn nhà đêm trước bỏ hoang mở toang hoác cửa ngõ, chẳng cần cửa đóng then cài làm chi! Vì đã có súng đạn giữ gìn hộ rồi, chả lo gì mất của cải! Thời buổi nầy, lo giữ gìn bản thân chưa xong, chả an toàn, hơi sức đâu ai thèm đi giữ gìn của chìm của nổi, và hôi của người khác nữa không biết.

Tôi nấu vội nồi cơm thật lớn cho cả nhà ăn một hoặc hai ngày, rồi thấp thỏm tất tả chạy ra chợ xép ở đường Hoàng Diệu bòn mót đủ thứ đồ uống thức ăn cho có chất rau tươi. Tôi giành giật ở ngoài chợ mua nhặt từng chục trứng vịt, vài bó rau, dăm ba ký gạo. Thịt, cá, thì mắc như vàng! (còn khu chợ lầu Đà Lạt to lớn là thế, mà nay leo teo mươi hàng rau đậu héo uá, dập nát). Có bao giờ người dân phố núi nghĩ ra: nơi thành phố thơ mộng quyến rũ nầy, lại có bộ mặt độc ác cuả kẻ xâm lăng vô Nam khuấy nhiễu, gây ra chiến tranh, ngỏ hầu người dân tích trữ thực phẩm khô, trong mùa xuân dồi dào nhựa sống chứ! Các tay đầu tư thì cất dấu thực phẩm thật kỹ, cửa đóng then cài kín mít. Thỉnh thoảng có vài tiệm buôn lớn he hé cửa ra, họ “bố thí” nhỏ giọt từng ký gạo cho đồng bào, than ôi mình rớ vào muốn phỏng tay với giá tiền cao cắt cổ kinh khủng. Đại lý gạo Sơn Hà lớn nhất thành phố, tuyệt nhiên không thấy xuất đầu lộ diện, không có một hột gạo nào thoát ra khỏi khe cửa. Người ta đồn tiệm nầy “kinh tài” cho Việt Cộng (!?) Ô ô hô... gạo thơm để nuôi dân lành cần cù lam lũ làm ăn, hay nuôi ong tay áo, nuôi khỉ đốt nhà hử!?

Mấy ngày đầu năm mới (trong cuộc chiến Mậu Thân), người ta mang theo vào tầng hầm trú ẩn nào là: bánh chưng, bánh tét, xôi, thịt, cơm gà cá gỏi. Đủ loại mứt, trái cây, hạt dưa, vân vân... Hương vị ba ngày Tết chưa kịp ăn. Nhà nhà đều dư thừa thức ăn ê hề, không thiếu món gì! Sau đó thực phẩm ứ đọng, thiu thối, hư hại sạch. Mọi người hồi hộp lo sợ, băn khoăn ngao ngán, nên không nuốt trôi, nhịn đói mà khóc, không thể ăn. Họ đem ra vứt sau sườn đồi của nhà thờ Domain cạnh khu trường học, tha hồ cho lũ chuột cống, ruồi bọ tranh nhau lúc nhúc loi nhoi giành ăn.

Bất kể lúc nào, hễ nghe tiếng súng dồn dập, xa xa, về hướng Cam Ly. Khu Số 6. Khu Số 4. Dòng Chúa Cứu Thế. Lạc Dương…. Là bà con trong xóm tôi tê tái, hoảng hốt, ơi ới gọi nhau, sẵn sàng tay ôm tay xách, cổ đìu lưng cõng con cháu vụt chạy nhanh lên ngôi nhà thờ kiên cố trên đỉnh đồi, cần sự xích lại tương thân tương trợ ấm áp. Chúng tôi mong xích lại gần nhau, tìm chút an tựa, cần sự lân mẫn tự nhiên của người đồng cảnh ngộ. Khoảng ba giờ chiều, người người lục tục kéo nhau đi đến các nơi kiên cố và đông đúc. Tại khu hầm trú mỗi gia đình "xí phần" một góc, vừa đủ trải vuông chiếu ngả lưng sơ sài. Trên manh chiếu nương thân, họ dùng làm chỗ ngồi, ngã lưng nằm, và cả nhà ăn uống qua loa chén cơm để cầm hơi.

Cũng tại trên vuông chiếu nầy, người ta chồng chất đủ thứ lặt vặt cần thiết đã vội vàng mang theo.
Giống như những ngày hôm trước, sáng sáng tản mác mỗi người về mỗi nhà. Họ gồm đủ mọi thành phần trong xã hội, đủ khuôn mặt già trẻ lớn bé, xấu đẹp, ốm mập, đen trắng. Đặc biệt giữa đa số khuôn mặt bình dân thảng thốt ưu phiền, lo sợ, thì có bảy tám thanh niên thiếu nữ xinh tươi ở đâu tập họp lại, ưa náo nhiệt.

Trước đó quần áo các cô cậu coi hợp thời trang, họ ung dung lượn quanh hầm, vui vẻ cười nói huyên thuyên, móng tay móng chân các cô đỏ chót. Vài ngày sau tôi dòm họ xộc xệch, túi vải lịu địu máng trên vai có tô thêm đất bùn lem luốc. Họ mệt mỏi cố vơ vét tất cả gia tài nhét trong xách da căng cứng bung hết dây kéo. Họ luôn mang kè kè bên hông. Họ không khóc được, vì sự kinh sợ đã kéo dài khá lâu, vượt quá tầm mức chịu đựng của con người. Họ hãi hùng kêu tên nhau, i ỉ thút thít, nước mắt cạn khô, ráo hoảnh, ngơ ngáo bất động thì thôi.

Riết rồi ngày ngày chung đụng, người ta biết mặt, biết tên nhau, biết biết, quen quen, thân thân, hỏi hỏi, nói nói, ồn ào như vỡ chợ, nhưng nét mặt mọi người mỏi mệt bần thần băn khoăn đầy ngao ngán buồn thiu. Người ta mất ăn từng ngày, mất ngủ từng đêm âu lo tột độ. Sự đông đúc đầy dị hợm bắt đầu tẻ ngắt trong căn phòng chen chúc chật cứng, ngột ngạt như lò hồ quang, thiếu ánh sáng, thiếu không khí, thiếu mọi tiện nghi. Cảnh di tản có đủ thứ chuyện vui buồn. Tin tức nóng bỏng nhất được truyền khẩu trong ngày, trong tuần lan từ đầu nầy đến đầu kia, nhanh như chớp. Không gian và thời gian im lặng tẻ ngắt, đầy ghê rợn suốt buổi trong căn phòng chứa khoảng hơn ba ngàn người. Họ chen chúc ở nơi ngột ngạt, thiếu không khí, thiếu ánh sáng. Đôi lúc trên đầu loé lên tia lửa rạch không khí, bay vù vù trong không gian. Lằn đạn xẹt qua. Hai ba chiếc phi cơ không nhìn thấy rõ bay vút trong bầu trời, qua khung kính trên vòm mái cao. Giây lát sau tiếng rền rú uồm uồm uồm… ghê rợn. Hàng loạt đại bác trút xuống đỉnh đồi, vào khe suối xa xa…

Tôi xiết bao kinh hoàng lo lắng, và bồn chồn sợ hãi, vì Lâm đi trực về báo tin nhà ba mẹ tôi ở tại một Villa trên đường Pasteur, đối diện với Tiểu Khu Đà Lạt bị đốt cháy mất ¼. Ngôi nhà đồ sộ nay chỉ còn bức tường gạch (ở mặt trước đường Yersin), và bên mặt tiền phiá phải cuả ngôi nhà về hướng Pasteur) còn mấy hàng cột trơ trẽn (!?). Sau tiếng súng cắt, bụp, xè… thì mọi thứ bị đốt tan tành. Phố xá hỗn độn, khói lửa hừng hực bốc cao, khét lẹt bao ngày chưa dập tắt, kể từ khi cơn binh biến hùng hổ đến vỗ mãi những âm buồn. Nghe mà thật đau đớn bàng hoàng hốt hoảng và lo âu xiết đỗi. Một ngày kia tôi vội vã chạy về nhà. Đứng trên một góc tầng lầu nhà của ba má tôi đã bị sập gần hết một phần tư, trong nhà tối om, vắng tanh, đồ đạc ngổn ngang hư nát. Ba má và anh chị tôi đi đâu hết rồi? Họ có an toàn không?! Tôi lo lắng, bồn chồn, lấp ló thụt thò, dáo dác len lén nhìn sang phía bên kia đại lộ Pasteur, (đối diện nhà ba má tôi là cổng Tiểu Khu Đà Lạt/Tuyên Đức), hai mặt tiền nhà ba má tôi và Tiểu Khu chỉ cách một đại lộ, gần xịt.

Những anh lính trong doanh trại Tiểu-khu vội vã chạy lui chạy tới, lăng xăng, bồn chồn làm cái gì đó, xem có vẻ cấp bách, cần thiết lắm. Việt Cộng đã dùng bangalore phá một góc rào cuả Tiểu Khu. Một chiếc xe thiết giáp bị trúng ba quả B40 vẫn bốc cháy ngay trên đường Pasteur (sát cuối hông vườn sau nhà ba má tôi). Việt Cộng lẻn vào khu nhà xây gần Viện Pasteur để bắn vào Tiểu-khu. Nhưng xem ra không mấy thiệt hại. Kho Quân Tiếp Vụ bốc cháy, sáng rực cả một góc trại. Ty Cảnh Sát Đà Lạt sát bên nhà thờ Chánh Toà cũng bị hư hỏng nặng. Khẩu đại liên 30 đặt đâu đó, có thể là ở khu Quân Cụ thỉnh thoảng quạt một hồi vài tràng bâng quơ, tôi nghe rát bỏng, sợ hãi và điếc ù hai tai.

Trên bức rào cuả Tiểu Khu tôi thấy có ba thân thể cháy đen, mà rải rác gần đấy có năm cánh tay, ba bàn chân lủng lẳng quai dép râu. Những núm ruột người trắng hếu, dài lòng thòng còn lắc lẻo, đung đưa lắc lư vắt trên hàng rào gạch kiêm hàng rào B 40 rung rinh. Ruồi bọ lúc nhúc bu đông đen, rồi vụt ù ù bay lên đáp xuống. Khi ấy có vài người rảo bước liếc nhìn vội vã đi qua. Úi trời ơi! Mùi thúi thì thật hôi ơi là hôi kinh khủng. Khiến tôi bịt hai lỗ mũi vẫn cảm thấy chịu không nỗi mùi thum thủm thúi hoắt khiến mính không muốn vẫn nôn ọe ra. Có con chó lài hoang ốm tong ốm teo, lông lá lưa thưa nhô cao bộ xương sườn, từ góc đường Yersin + Pasteur nó rón rén lủi đi kiếm ăn, con chó rụt rè ngơ ngác nhìn quanh, nó vội cụp đuôi vô trong háng, cúi đầu cắm cổ chạy đến bên mấy xác Việt Cộng. Nó liếm liếm khúc ống quyển đen thui, và nó dỏng tai hếch mỏ lên... Trời ơi! Khúc ruột chỗ trắng chỗ đen vắt vẻo trên hàng rào gạch đong đưa, khúc ruột dài ngoẵng chui thật nhanh vào hai hàm răng con chó gầm gừ trắng trợn nhe ra.

Tôi sợ dựng tóc gáy, xớn rớn, chao đảo, giao động mạnh, điên cuồng, dày vò, và đau đớn cào xé con tim, hãi hùng tột cùng muốn xỉu. Hai đầu gối tôi run rẩy va đập vào nhau lộp cộp, như người mắc bệnh parkinson luôn tiết ra chất dopamine, khiến mình bại hoại rã rời tứ chi, lồng ngực tôi nhô lên hụp xuống sâu hơn. Tôi run bần bật ngồi bệt xuống dưới góc balcon, chẳng hiểu sao tôi cứ ói ra nước, rồi ói ra hoài, và toàn thân muốn rệu xuống. Mấy tháng trước bà chị của tôi đã làm thịt chó, chị nấu đủ thứ, nào là: Rựa mận. Nướng. Hon. Thui. Thịt tái chanh. Thịt luộc. Xào lăn, vân vân... Hôm ấy có mấy gia đình anh chị em vui vẻ “xơi” thịt chó thơm phức ngon lành, chúng tôi ăn từ đầu chó tới đuôi chó, thậm chí cả bốn móng cẵng chân giò, xương chó cũng chặt ra làm nồi nước lèo xúp chó hầm ngon nhức nhĩ! Sao lúc ấy tôi chẳng thấy sợ hãi như bây giờ!?

Bỗng dưng tôi sực nhớ tới chuyện rùng rợn ở Tây Tạng, nơi thủ phủ Lhasa đến một vùng hẽo lánh kia, có tục lệ rất kinh dị khủng khiếp. Họ thường làm nghi thức tiễn người chết rùng rợn từ lúc rạng đông: Họ từ tốn lấy dao lóc từng miếng thịt người chết ra miếng nhỏ, rồi để trên những tảng đá cho kênh kênh ăn. Lại có nơi lóc thịt người chết vất xuống nước cho cá ăn. Hoặc họ vạc một phần trên sọ, chẻ sọ người chết ra, dùng sọ người làm chén ăn. Họ nghĩ: hoả táng tốn kém than củi và tăng oxide carbone (CO) thì uổng. Thủy tang hại nguồn nước môi sinh, mất công uống cả xác tro người chết vô bụng. Chi bằng cho loài kênh kênh xực, cá ăn, cho chắc ăn! Do nghĩ như vậy, thịt chó và thịt người chết treo lủng lẵng nơi góc hàng rào kia; khiến tôi càng tởm lợm và nôn ọe ra mật xanh mật vàng!

Chiến cuộc từ thời kỳ giặc giã đã tàn phá biết nhiêu mà kể xiết trong đất nước nầy, chiến tranh gây hận thù và chết chóc, bao đau khổ người dân còn kẹt lại trong cái thế trên đe dưới búa. Làm gì được lúc con người gây ra chiến tranh thật phi nhân, phi đạo đức. Làm chi được hỉ với con cáo, con hồ, con cọp, con chó sói, thậm chí cả con chó nhà đang nhe hai hàm răng trắng, hoặc giống như loài bò sát rắn độc?: nếu ta không biết “thời thế thế thời thời phải thế” khôn ngoan trầm tĩnh thu mình dẽo dai chịu đựng! Mặc dù loài vật hung ác, nhưng nó biết đối xử tốt và bênh đỡ đồng loại. Tuy beo, cọp, chó sói: là giống ăn thịt sống chẳng hạng; nhưng đối với đồng loại chúng vẫn hiền lành lui về hang ổ (nơi an tựa ấm áp, thân tình), và chúng biết yêu quý hổ con, sói con cuả mình. Càng hơn nưã chúng nhận biết đồng bọn, luôn trấn giữ bảo vệ bè-đàn cuả mình, không để tên “dị chủng” khác chủng loại xâm phạm.

Nhưng khi có những kẻ vượt lằn biên qua vĩ tuyến: táo tợn xâm lăng thành phố thơ mộng, chúng ngang nhiên đặt chân vào miền đất hiền hòa, cẩu thả dùng súng đạn bay vèo vèo, ầm ầm, đùng đùng trút trên đầu nhân thế vui hưởng ngày Tết, lúc mọi người tưng bừng nôn nao rước tổ tiên ông bà về chung vui với con cháu, và dáng xuân huy hoàng êm đềm ngự trị trên thế trần. Thì xin mạn phép cho hỏi:
- Kẻ đi xâm lăng và xâm phạm tới người khác, tàn ác gây ra đau thương tang tóc; thì thuộc về “hạng gì”?

Lo lắng rón rén bò bò trên hành lang nhà, và tụt xuống những bậc cấp, tôi tất tả chạy rõ nhanh về nhà mình, vừa chạy vừa thở hồng hộc, khiến tôi mệt kinh khủng! Từ nhà ba má ở đại lộ Pasteur, tôi cắm đầu chạy bán sống bán chết xuống đường Bà Triệu, tới Cầu Bá Hộ Chúc, qua góc Cường Để và vòng ngược lên đường Thành Thái, chạy qua rạp ciné Ngọc Lan. Tôi hổn hển ngơ ngác đi ra phố Hòa Bình: Hai chiếc xe jeep (ở khu Hòa Bình) bị Việt Cộng núp đâu đó bắn mấy quả B40, hai xe nầy cháy rụi. Tất nhiên là có người chết thảm rồi. Tiệm Hồng Châu ở sát bên cây cầu cuả Chợ Mới cũng cháy rụi, đen thui. Mấy tiệm lân cận ở quanh khu Hoà Bình, đường Phan Bội Châu cháy khét, khói lửa mịt mù, mùi hôi kỳ lạ tỏa ra cùng khắp. Phố xá buồn thiu, vắng hoe, tan hoang, lạnh lẽo như một thành phố chết.

Lác đác có mấy bộ hành tất ta tất tưởi, dáo dác lấm lét nhìn quanh, rồi dọt lẹ! Bốn người Thượng già: một người vạm vỡ đóng khố sọc ngang rằn ri. Một đàn ông trung niên thân quàng tấm mền len cũ. Một phụ nữ ở trần giơ bộ ngực no tròn có núm vú đen đen ra giữa lộ thiên, và một thằng bé con khoảng ba tuổi trần truồng. Họ thường bán hoa lan ở trên góc phố. Mấy người lớn đang khóc hụ hụ, họ hỉ mũi sột rột, họ bập bập cần tẩu cong cong như chữ S, mùi thuốc lá hăng hắc nồng nồng phả vào không trung mù khói đen xám, quyện lẫn làn sương núi mờ mờ vật vờ bay bay dưới nắng xuân chan hoà. Ông ta khạc nhổ bãi nước miếng văng xuống đất, coi gọn ơ:
- Khu Du Sinh trên cuối đường Huyền Trân Công Chúa, đã bị lửa cháy rụi hết, khiến nhà cửa tui tiêu tan. Mất hết! Kể cả gà chó ngựa và con người. Hụ hụ hụ... Các ôn ơi!

Tôi phiền não chạy riết về đường Minh Mạng, qua hướng Cẩm Đô, leo lên dốc ở nhà xác cạnh nhà thương. Chạy tắt trên đồi cỏ sau bệnh viện để về nhà, tôi nằm vật ra giường, thở hổn hển, mắt trợn ngược mở trừng trừng nhìn lên trần nhà, ngao ngán thở dài và lo lắng sầu khổ biết bao!
*

Tình Hoài Hương
(*) Sưu tầm đó đây

Tinh Hoai Huong
02-20-2016, 05:05 AM
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1455944162-1dalat 101.png
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1455944370-Bai Tho Hoa Dao - Khanh Ly.mp3

Tinh Hoai Huong
03-05-2016, 08:09 PM
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1457205650-a.Linh 16 quocky VNCH.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1457208431-DoiMatNguoiSonTay-HaThanh_4fw5d.mp3
Anh BỬU ĐAN


Từ cánh bướm vàng trắng chập chờn do dự trên dòng sông rực nét tình xưa… dẫn Hoài quay về bao ngày hái hoa, bắt bướm ép khô trong trang sách học trò nơi ngôi nhà cũ. Nàng thấy từng người thân qua mỗi đoá hoa: pensée, violette, coquelico, mimosa, forget me not, kim châm, hoa giấy trắng, tím, hồng; hoa ngâu, hoa sứ, tường vi, mãn đình hồng, sen địa, hoa bằng lăng màu tím luyến thương rộ nở bên góc hè nhà, vân vân...

Hoài nhớ những chiều năm ấy dọc theo bờ suối, nhớ tình yêu vô cớ tàn phai phi lý. Cánh hoa thiên lý có chú bướm nhởn nhơ bay về, đưa Hoài quay trở lại thuở nhỏ cùng ngày tháng tha hồ rong chơi bên suối. Hoài ưa vớt lục bình trôi lênh đênh nhấp nhô bên sông Bồ. Nước chảy dưới cầu Thanh Long xuôi về Bao Vinh, dẫn Hoài theo dòng lưu thủy tan vào cuối nguồn. Nước từ sông Thạch Hãn, Như Lệ, Phá Tam Giang đi Trà Khúc, sông Vệ, Nghiã Hoà... ưu ái hòa thông ngoài biển rộng bao la. Nước yêu thương luân lưu đến đầu non Minh Long, Tà Noát có thể nhập hội trùng dương lắm!?

Rồi cánh bướm hôm nay vụt bay đi lên rừng cây kiền kiền thân thẳng gỗ lớn, mặt lá mốc trắng rơi rào rào trước sức gió nghiêng ngã dồn dập xô về. Bướm không buồn quay lại bên đoá bằng lăng tim tím yêu kiều, để Hoài ngồi trơ trọi, liu riu ngu ngơ trông ngóng, bơ vơ một mình xót xa trong ca bin xe GMC. Hoài nghĩ đến tình quê, nghĩ đến điều bất hạnh vong gia thất thổ: xóm, làng nầy gánh chịu đời sống kinh hãi, khổ ải tận cùng trong chiến tranh đau thương, chưa biết có kết thúc hay không nữa! Hoài nhìn xuyên suốt qua lũy tre xanh ẩn khuất có dòng sông lặng lờ uốn khúc nhấp nhô cánh lục bình, lùm dừa nước tàu lá xoè to đâm thẳng lên trời.

Hoài thấy một giang đỉnh đi trên sông, cột nước vọt thẳng đứng lên cao. Giang đoàn trưởng cho con tàu neo gần bờ, để chờ đợi nước xuống thấp, thì tàu chui qua cầu Cộng Hoà. Nhà nào cũng có bụi chuối mương tre, gốc cam cây ổi, chen chân với cây cau dây trầu óng ả quyến luyến tình thân. Trên cây cau bện dây trầu quấn quanh có năm ba chú ve tơ dạm ngỏ duyên tình tán tỉnh cô nàng ve mái dễ thương. "Chàng" khoe bộ cánh mỏng tanh, đỏ rực màu lửa với "cô nàng" ưa làm le, làm dóc, làm bộ ra cái điều cô ả ỷ mình đang độ thanh xuân xinh đẹp nhất, cứ ra rả: "em... ve ve ve! Em... ve ve ve”...

Hoài nhìn xuyên suốt qua lũy tre xanh ẩn khuất có dòng sông lặng lờ uốn khúc, nhấp nhô cánh lục bình, lùm dừa nước tàu lá xoè to đâm thẳng lên trời. Hoài thấy một giang đỉnh đi trên sông, cột nước vọt thẳng đứng lên cao. Giang đoàn Trưởng cho con tàu neo gần bờ, để chờ đợi nước xuống thấp, thì tàu chui qua cầu Cộng Hoà. Chìm đắm trong sự yên tĩnh như thế không biết bao lâu, thì từ phía sau hông xe, Thu Hoa mở cửa nhảy lên, với năm sáu chiến lợi phẩm đã tịch thu. Thấy bạn, Thu Hoa tươi nét mặt quay qua phía hai người lính trẻ đứng dưới đất, Hoa vui vẻ nói:
- Em xin giới thiệu: đây là Hoài. Cô gái vừa rồi đã ngâm bài thơ “Tình Nhớ Tha Phương”, mà anh Đan hỏi: "Ai rứa". Còn đây là anh Văn, anh Đan, đó Hoài.

Hoài chào hai chàng trai, họ mặc áo trận bạc màu nắng gió khói sương, bạc phếch thời gian và đầy bụi đỏ. Đan trầm ngâm đứng chống tay ngang hông, hút thuốc lá anh nhìn vu vơ lên giàn hoa thiên lý, rồi nhìn qua hàng bằng lăng tim tím, nhìn hoa bạch đàn nở vàng cây phía trước. Họ không mang phù hiệu, cấp bậc, huy hiệu. Ai nấy có vẻ dễ nhìn và thanh lịch, khuôn mặt rắn đanh, bất khuất kiên cường ở bờ chiến tuyến, màu đen trên mái tóc ngả bụi vàng đường xa. Thấy ngón tay tháp bút vàng khói thuốc và không đeo nhẫn của Đan, Hoài chợt thấy lòng nao nao, trào dâng niềm vui vui lâng lâng đầm ấm khó tả. Tại sao lòng vội vã dâng ngập niềm vui, khi mình chưa khẳng định Đan còn độc thân, hoặc anh đã có gia đình, nhưng chẳng đeo nhẫn cưới, thì sao!?

Họ đang hiên ngang đánh chiếm, giành lại, gìn giữ lại từng Ấp Chiến Lược, gò mối, lũy tre, ao làng, ruộng vườn, nhà cửa của dân cư, lính quý từng mảnh đất thân yêu trên khắp bốn vùng chiến thuật. Quân nhân miền Nam Cộng Hòa Việt Nam anh dũng và lẫy lừng qua chứng tích đã đạt được: những trận đánh có cường độ oanh tạc tàn khốc, hữu hiệu, chính xác, kèm chiến thuật quân sự lẫn chiến lược chiến tranh chính trị. Không cần huân chương, mề đay, họ đã tặng lại cho Thu Hoa đem về nộp những thứ đó làm thành chiến công riêng mình. Văn cầm xâu chìa khóa tung lên trước mặt, rồi đưa tay ra đón bắt. Sau đó Văn quay qua vỗ vỗ vào vai bạn thân, trêu đùa:
- Thế nào? Anh bắt tôi cùng lội qua sông Nghĩa Phú cho bằng được, để anh có dịp làm quen, nói chuyện với người em cùng quê hương. Bây giờ, đứng trước mặt cô em rồi... sao anh im lìm như gỗ đá vậy? Anh?

Đan ngẩng nhìn Hoài qua hàng mi cong che nửa giếng mắt u buồn, nét mặt anh trông nghiêng đầy vẻ bất khuất kiên cường như khắc trên tấm phù điêu. Vầng trán Đan cao rộng biểu lộ con người thông minh, dáng anh hiên ngang oai dũng, hai ống quần lính ướt sũng nước còn bì bọp trong đôi giày đinh. Đôi mắt Đan khá đẹp ẩn dưới hàng mi dài dày cong vút, môi Đan thoáng động đường răng trắng bóng, với cái nheo mắt hữu tình nhìn... nhìn Hoài trìu mến:
- Ấy... đứng trước giai nhân thì… bao nhiêu dự tính tiêu tùng ráo trọi. Có lội qua sông, tôi mới biết là sông sâu, nước lạnh. Khó dò.

Phút định mệnh thật tình cờ cúi xuống nhìn đã đọng lại qua nụ cười. Hoài thấy Đan nhã nhặn quá đỗi và nàng cảm nhận mình có “cảm tình đặc biệt” với anh. Bỏ thói độc hành để song hành cùng người mới gặp, Hoài nhẹ nhàng mỉm cười:
- Xin phép anh Đan cho em được gọi anh bằng anh Đan, và tự xưng là em, nhe anh!
- Xưng hô là tượng trưng về sự thân tình quý mến nhau. Muốn gọi sao thì gọi, có hề chi! Em.
- Dạ dạ… Anh Đan à! Nguyễn Bá Học nói câu nầy: "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông". Theo thiển ý của em thì anh vượt thắng sông núi rồi. Vì, dưới đôi ống quần của anh còn ướt sũng nước đó. Anh đạt vài ý nguyện, bằng cách là Hoài đang đối diện, đối thoại với anh nè.
Văn ngửa người ra cười ha hả, vỗ bôm bốp vào vai bạn mấy cái:
- Tuyệt cú mèo chưa! Anh mình?
- Cả anh Văn nữa! Các anh lội qua sông, hãy coi chừng tránh xa thủy lôi Việt Cộng thả theo dòng nước. Các anh ưa đi ven bờ, hoặc lội qua bên kia sông, sẽ có lúc bị ướt hết quần áo, giày đinh, và nguy hiểm đó.
- Em chu đáo quá! Cám ơn em.
Thu Hoa reo lên như tiếng chim hót:
- Hoài là cô bé cưng dễ thương! (nhưng thương không dễ á). Có nhiều người trồng cây mơ, cây si, cây mê. Tuy vậy, Hoài còn cô-đơn nhất à nha.
- Hai anh đừng nghe Thu Hoa nói xạo, mà bán hết gạo ăn bây giờ.
- Ê! Bồ tèo. Trưa nay tui cho bồ nhịn đói hì.
Văn khoát tay lia liạ:
- Đừng lo Hoài, mời em qua doanh trại anh dùng cơm từ hôm nay nghe.
Thu Hoa chúm đôi môi, nguây nguẩy giây lát, rồi nói:
- Hai anh không mời em há?
- Dĩ nhiên anh muốn mời cả em nữa chứ. Do em chỉ lối đưa đường, anh Đan mới có dịp đứng thộn ra, ngẩn ngơ vì... cảm động nè.

Màn đấu hót tay đôi giữa Văn và Hoa nghe vui tai. Mặc bạn ríu rít cười nói trêu ghẹo nhau. Đan bắt chuyện:
- Ở Huế, em ở đường nào vậy?
- Dạ, nay ba má em dời về ở Mỹ Chánh. Các anh chị ở An Cựu, và Gia Hội. Còn anh, ở chốn núi rừng hẳn anh nhớ nhà. Buồn lắm nhỉ?
- Quen rồi em. Lâu nay em có về Huế không?
- Dạ không anh à. Em ở Đà Nẵng.
- Anh biết.
Ngạc nhiên, Hoài tròn xoe đôi mắt nhìn Đan:
- Anh biết... Hoài?
- Có gì đâu. Ngày đầu tiên anh thấy em leo lên đỉnh Núi Thần. Anh nghe bạn nói các em đặt tên núi là “Tê Tê bại bại” gì đó. Anh để ý dò hỏi, mới biết em cùng quê, là cánh hoa rừng biết nói. Một sơn ca. Càng không ngờ em là một hoa hậu dễ bị ngất xĩu nhiều lần vì... bệnh tim thời đại. Ha ha ha...
Thoáng mắt bất ngờ giao nhanh, họ cùng cười hồn nhiên. Hoài:
- Hẳn là anh nhớ lắm cô em áo trắng xa xưa, tóc thề bay trong gió, cặp ôm ngang ngực, mong manh bài thơ trên nón lá có tơ vàng óng ánh rồi, há anh?
Thời hoa mộng đó đã trôi qua. Giờ đây, anh là người lính độc hành, lang thang trên ngõ cụt tình yêu.
- Sao vậy anh?
- Lính tráng như anh, làm sao có cái nhìn thân mật, ngọt ngào, ấm áp hương vị mùa xuân. Hở em? Anh đã đánh mất nửa hồn mình trên nẽo đường bơ vơ lạc loài tìm kiếm. Thật khó bắt gặp nửa hồn ai đồng điệu, hợp tình hợp ý, thấu hiểu, khoan dung, rất mực yêu thương lính... Anh có đôi lần yêu; tuy nhiên muốn tìm người bạn đường, phù hợp đã khó, anh tìm một bạn đời, càng khó hơn. Em ạ!
- À... ra thế.

Tiếng depart đạn súng cối giới hạn tầm bắn vùn vụt xoáy rít, khô khan sắt lạnh bay cao vút trên trời. Bỗng ùm! ùm! ùm!!! Pháo binh nã đạn về cuối ghềnh. Nghe từ xa giống như tiếng thủy lôi tàu ngầm nổ rầm rầm, hoặc như trận mưa giông sấm sét rất lớn, hay như người ta giật mìn, làm nổ hầm đá, để lấy đá trong núi. Mấy chiếc máy bay vụt bay qua trên không trung, giây lát sau có những tiếng nổ lớn rung chuyển cả bầu trời, làm nghiêng ngả hàng cây bằng lăng, cành cây bạch đàn đã gãy lìa.

Hai người lính điềm nhiên ngước nhìn về mấy đụn khói đen và mỉm cười, họ tiếp tục chuyện trò thân mật, họ không thấy vẻ mặt ngờ nghệch tái xanh, run rẩy của hai cô bé khờ. Câu chuyện đang hào hứng, bỗng khựng lại đến đấy và luyến lưu chia tay. Đoàn xe của Hoài vội vã lên đường trở về ngọn đồi “T T 2”. Đan cùng bạn lại lội qua sông rộng nước sâu, trở về với doanh trại cuối làng mạc quạnh hiu ở chân núi đầu đèo hoang dã.
* * *

Bửu Đan sinh ra và lớn khôn trong dòng tộc vương tôn được dưỡng dục rất mực tôn nghiêm, chu đáo và đầy tình thương yêu nồng ấm của gia đình. Đan đã đi Pháp từ lúc tròn mười hai tuổi. Mỗi năm, anh đều trở về Việt Nam hai ba lần thăm quê nhà vào dịp Lễ, nghỉ hè, Tết. Sống ở xứ người từ thuở nhỏ qua nền giáo dục phương Tây, đã dạy cho anh hấp thụ tính sòng phẳng, công bằng, tổ chức đời sống có khoa học, anh biết phép lịch sự, nhã nhặn đối nhân xử thế tuyệt vời. Mặc dù sống trên xứ người văn minh, tiện nghi, đầy đủ, sung túc. Nhưng Đan vẫn nhớ thương gia đình, nhất là Đan thương nhớ me và hoài hương xiết bao!

Đan thấy đất nước mình chậm tiến, tuy nền giáo dục tốt hơn về giáo dục & đức dục: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Ông bà rất thương con cháu, nhưng không quá chiều chuộng con cháu ưa lì lợm, vòi vĩnh nầy nọ hoặc nhõng nhẽo. Họ không buông thả cho chúng tự do quá trớn, trẻ con ít “hành” người lớn quá đáng như lũ con bên Tây. Con cháu ở Việt Nam biết kính trọng, nể sợ, thương yêu ông cha một phép, chúng không trân trân tráo tráo, láu cá còn choai choai dé dé xíu xíu non dại... mà eo xèo “đòi hỏi” tự do quá mức như đám Tây con. Cha mẹ biết là con cháu chưa "mất dạy" nhưng thiệt là "khó dạy" và lại sợ con “xu; xù” nên không dám hó hé!

Ở tại viễn xứ xa lắc xa lơ kia, một vài ngày trước Noel, tình cờ Đan quen "cô nàng" cạnh giáo đường Maubert Mutualité, gần tả ngạn sông Seine. Khi ấy trời mưa tầm tả, hai người vô tình đang đụt mưa, họ vui vẻ trao qua đổi lại từ chuyện thời tiết gió mưa, tới chuyện: Federic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo Hội Pháp vào cuối thế kỷ 19, trải qua một cơn khủng hoảng đức tin trầm trọng lúc còn là một sinh viên đại học: Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi thánh đường cổ ở Paris. Đứng cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quỳ cầu nguyện cách sốt sắng ở dãy ghế đầu. Đến gần, sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy, không ai khác hơn là nhà bác học Ampère. Anh đứng lặng lẽ một lúc để theo dõi cử chỉ của nhà bác học. Và khi vừa đứng lên ra khỏi giáo đường, người sinh viên đã theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông. Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học liền lên tiếng hỏi:
- Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không?” Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ:
- Thưa Thầy, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép Thầy cho con hỏi một vấn đề liên quan đến đức tin!
Nhà bác học mỉm cười cách khiêm tốn:
- Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm?
Chàng sinh viên liền hỏi:
- Thưa Thầy, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không?
Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên, và với đôi môi run rẩy đầy cảm xúc, ông trả lời:
- Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi! (1)

Thế là từ đấy hai người hợp ý nhau... Đan có một mối tình say đắm với người con gái dễ thương sao đâu (nàng học tại L’Ecole supérieure des Beaux Arts de Montpellier Aggomération, tức là trường Trang-trí Mỹ-thuật Montpellier). Tình yêu đã đem lại ngọn lửa tình vút lên từ đôi tay Đan kính cẩn chấp vào, khẩn thiết chân thành kêu xin. Sau đó hai người thường hò hẹn đi ăn tối tại Perle-du-Lac, trên bờ hồ Leman thơ mộng. Từ nơi quê hương nàng, anh nhớ da diết và yêu đôi mắt xanh lam, mái tóc vàng óng đầy xao xuyến, thân hình nàng rất hấp dẫn, quyến rũ đã khắc sâu vào đời Đan những vết dao đậm sâu, đầy yêu thương, quyến luyến và nhớ nhung vô vàn. Tình yêu đối với nàng là một tình cảm vô cùng đặc biệt; cho dù người anh yêu khác chủng tộc, màu da, tiếng nói. Nàng chưa toàn vẹn hiểu Đan sâu sắc, hoặc hồi đáp lại Đan điều gì khao khát từ trong tư tưởng như anh mong đợi.

Nhưng với hai người thì mối tình ấy khá hồn nhiên, gắn bó, chân thật, trao nhau hết tình. Bên nàng vui vẻ và khả ái thì anh cảm thấy thoải mái, ý nhị khi nàng thích kể cho anh nghe chuyện bà thánh Jeanne D'Arc, (tên thánh của nàng) bà ta hô hào cư dân Pháp đứng lên, lật đổ chống lại sự thống trị cay nghiệt của Hoàng-gia Anh năm 1429 tại thành phố Orléans. Sau đó, bà bị hoàng gia Anh-quốc bắt bỏ tù và thiêu sống. Đan cũng hùng hồn kể cho nàng nghe về oai danh Bà Triệu, về hai Bà Trưng Trắc, Trưng Nhị của nước Việt Nam. Vì thù nhà nợ nước, họ đã đứng lên chiêu mộ quân sĩ, đánh đuổi bọn Tàu ra khỏi đất nước được ba năm. Sau đó, Mã Viện đem quân sang Việt Nam xâm chiếm. Thế yếu lương cạn, bị thua trận, hai bà can đảm nhảy xuống sông Hắc Giang tự tử. Nghe xong nàng gật gù thú nhận bội phục phụ nữ Việt tuyệt vời hơn bà thánh của nàng.

Đan lại kể cho nàng về chuyện danh nhân: Louis Pasteur, viện nghiên cứu khoa học Paris: Trên tuyến xe lửa đi về Paris, có một thanh niên trẻ ngồi cạnh một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ rút trong túi áo ra một cỗ tràng hạt, và chìm đắm trong cầu nguyện. Người sinh viên quan sát cử chỉ của cụ già với vẻ bực bội. Sau một hồi lâu, xem chừng không thể chịu nổi, anh ta mạnh dạn lên tiếng:
- Thưa Ông, ông vẫn còn tin vào những chuyện nhảm nhí thế à?
Cụ già thản nhiên trả lời:
- Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?
Người thanh niên xấc xược trả lời:
- Lúc nhỏ tôi có tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin vào những chuyện nhảm nhí ấy được, bởi vì khoa học đã mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi và hãy học hỏi những khám phá mới của khoa học, rồi ông sẽ thấy rằng những gì ông tin từ trước đến nay đều là những chuyện nhảm nhí hết.
Cụ già nhỏ nhẹ hỏi người sinh viên:
- Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học, liệu cậu có thể giúp tôi hiểu được chúng không?
Người sinh viên nhanh nhẩu trả lời:
- Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gởi sách vở đến cho ông, rồi ông sẽ say mê đi vào thế giới phong phú của khoa học cho mà xem.
Cụ già từ từ rút trong túi ra một tấm danh thiếp và trao cho người sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, người sinh viên xấu hổ đến tái mặt, lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp ấy có ghi: Louis Pasteur, viện nghiên cứu khoa học Paris. (1)

Bên nhau trong ngôi biệt thự xinh xắn của cha mẹ nàng ở vùng ngoại ô Gif-Sur-Yvette, cách xa kinh thành Ba Lê khoảng hai mươi sáu ki lô mét về hướng Tây Nam. Họ trao nhau tình yêu mặn nồng đầy thắm thiết ái ân… Ấy thế mà cuối cùng trong thành phố Lyon... chàng và nàng cùng cậu con trai tí hon đã đồng thuận chia tay nhau vĩnh viễn ở sân ga Part Dieu. Dù rằng tình yêu ấy đã từ đôi tay nầy ân cần chấp lại khẩn thiết cầu xin; thì nay cũng từ đôi tay ấy đã mọc cánh vút xa bay trong nỗi xót thương, tiếc nuối khôn cùng, rồi trở thành dại khờ đau buốt. Như Verlaine đã nói: "Il pheut sur la ville, comme il pheure dans mon coeur".

Mà thôi. Xin hãy qua đi! Xin hãy quên đi! Xin cho bình lặng tâm hồn. Đan không muốn nhắc đến tên nàng, dù vô tình anh đọc trên sách báo có chữ “tên ấy” cũng vậy. Đan yêu me của mình hơn bất cứ ai, anh không muốn me đau buồn, bởi vì cô sinh viên đoan trang và anh thư ấy là... đầm. Rồi có một ngày ta sẽ quên. Quên. Có thể. Bao giờ nhớ đến em, từ trong giấc chiêm bao, anh sẽ ghé về Paris thăm hai mẹ con em nhe. Chúng ta sẽ hàn huyên tâm sự, cho bỏ những ngày trống vắng chia xa. Ta sẽ tìm thấy nhau trong giấc ngủ bình yên muộn màng. Em ơi!

Sau bao năm học hành và thành đạt vinh hoa, Đan vừa trở về quê nhà mong đem chút kinh nghiệm đã học hỏi bấy lâu ra giúp đời. Nhất là vì từ thuở nhỏ anh đã yêu con đường binh nghiệp. Thế rồi giờ đây… ngày nầy qua ngày khác, Đan vẫn soi chiếc bóng cô độc chao đảo khi tỏ khi mờ trên dòng suối lờ lợ đục. Mỗi lần, chỉ cần trông thấy chiều tàn dần vắt qua sườn dốc, khi đám mây trắng bạc bồng bềnh thấp thoáng, âm thầm bay qua bên kia lòng khe, vách đá, nước chảy róc rách trên lưng đồi Minh Long suốt thế kỷ, dội xuống lòng suối lững lờ trôi xa. Nghe tiếng súng đạn dày xéo suốt đêm ngày trên quê hương điêu tàn, đổ nát, là vết thương đậm sâu không trông thấy vẫn nhói buốt đau đớn trong lòng Đan nhức nhối. Cơn lốc tình cảm thuở Đan còn ở bên Tây, làm tan nát tâm hồn tươi trẻ trước kia. Giờ rụng đi từ đôi mắt Đan sáng loáng, ẩn sâu dưới hàng mi cong vút thấp thoáng ánh chìm đục, say đắm mơ màng.

Tiếng nói của Hoài hôm trước văng vẵng đâu đây, ngày này qua ngày khác đêm nầy qua đêm khác, thấm vào tâm tư Đan cô lẽ như những giọt mật tròn, mật đắng, đắng không thể tả. Hạnh phúc xưa bất chợt, bé nhỏ liu riu thoáng qua nhanh, chưa thể làm lòng Đan ấm áp, bình yên, an vui giữa cơn gió xoáy rét mướt nơi sơn khê ngun ngút dặm ngàn. Đan vẫn thầm tự hỏi lòng: “Mình có thể thay đổi tình yêu xưa bằng một tình yêu khác không? Biết đâu nó sẽ có những dễ thương trùng hợp đáng yêu; như thế, hoặc hơn thế nữa”!? Đan bỗng nhớ một câu của Montamayor viết: "Hỡi ký ức thù nghịch sự yên tĩnh của tôi, sao ngươi không lo giúp tôi, quên các khốn nạn hiện tại. Hơn là nhớ đến những nguồn vui thuở xa xưa?".

Đan đắm mình trong khí ấm mùa xuân thu hút vuốt ve có mật ngọt và hương hoa, có tia vui hào quang dọi sáng, có khúc nhạc nên thơ êm mát, do gió núi trong lành lao xao nét tình quê xanh thắm thoảng lại. Đan vẫn thầm nhũ với lòng mình:… Mà nè Đan, biết biễu lộ tình cảm dưới dạng thức nào, cho trung thực đối với cô gái Đà Lạt dễ mến đó, qua bề ngoài câm nín của cái vỏ cuộc sống? Anh mến Hoài từ lần gặp gỡ đầu tiên tình cờ buổi nọ. Đan hai mươi lăm tuổi, chưa có gia đình. Đan sống giữa chốn núi rừng Minh Long nầy, tâm tư không phải là không có điều nhớ nhung, yêu thương, băn khoăn, dằn vặt, ưu phiền, buông thả, dày vò, âu lo.

Nhưng Đan không tỏ ra yếu mềm, mà chỉ trầm ngâm, lặng lẽ ngấm ngầm suy tư dưới gốc đại thụ mọc đủ mọi thứ măng le, tre, nứa, giang, dây leo không tên mọc um tùm, chằng chịt. Thế mà vẫn có vài con đường mòn đất nâu xám láng trơn len lỏi trũng xuống cận dòng suối đỗ dồn. Bốn bề núi đồi hoang vu bao bọc, hệt như lòng chảo Điện Biên Phủ. Dốc đứng đồi nghiêng cheo leo hoang tàn. Lô cốt Minh Long kẽm gai trại lính hầm hào giăng mắc chằng chịt. Điếm canh chênh vênh xác xơ lắc lư gió táp mưa gào.

Rừng sậy già rậm rịt, um tùm lô xô thân ống sậy như lóng mía. Cỏ lau sậy bông màu trắng to xù cong cong, giống cái đuôi con sóc leo trèo trên những cây sấu vàng ửng tàng lá tỏa rộng bay xào xạc trong gió. Ở đây toàn vách đá cao lênh khênh, cheo leo, mịt mùng. Núi. Rừng. Đồi. Suối. Ao. Đầm. Cỏ lướt cỏ. Cây đan cây, cành đan cành. Lá đan lá chằng chịt quấn quít. Vượn hú kêu đàn thảm thiết buồn bã. Những con quạ mình to đen bóng xoè hai cánh rộng giăng ra thật lâu, nó ngóng cổ lên cao hoác miệng kêu "quạ! quạ!" Quạ gù gù lưng cúi cổ nhảy từng bước cụt, như cô gái già đơn điệu nhảy cò cò. Không hiểu ở đâu nước từ thượng nguồn dội xuống lòng khe suối rộng xuôi chảy.

Ven bờ dừa nước, lau, sậy, năn, lát gỗ có vân đẹp, gốc bành lớn, hoa màu vàng nhạt, lá kép lông chim đầy duyên dáng mọc chen cánh với rừng bằng lăng hoa tím nở rộ. Ôi! Phong cảnh nơi đây rất tuyệt diệu… thế nhưng xin hãy coi chừng vô số muỗi, ruồi, vắt, ve,... ưa búng mình bò lên hút máu. Một phía bên kia suối nước bỗng trổ màu nâu hồng lờ lợ đục, nước lờ nhờ giống màu đỏ sông Hồng trôi lặng lờ trên xứ Quảng. Thấy mà ghê hồn. Cuối tuần ở Minh Long cảnh vật nơi đây hoang vắng u buồn. Đan sống những giờ phút xao xuyến, mơ mộng, ưu phiền bên ngọn suối bạc uốn quanh triền núi, gợi lên lòng anh biết bao nhớ nhung, buồn thương da diết vệt nắng rải sau hè rực nét tình xưa qua: Giếng Mắt Đẫm Giọt Sương

Hoàng hôn tỏa những tia nắng nhạt.
Đường em đi bóng mát cây dài.
Nắng xiên trên hàng hoa lác đác.
Mặt hồ xưa lóng lánh mây bay.

Nỗi niềm riêng xôn xao gợi nhớ.
Tình yêu ơi! Hoài vọng ước ao.
Đường em về cỏ đầy lối nhỏ.
Mùa đông qua, xuân mới bước vào.

Hàng thông xanh im mờ phủ bóng.
Giữa cuộc đời cảm thấy bơ vơ.
Giếng mắt đẫm giọt sương mòng mọng.
Lá sầu đông tê tái phất phơ.

Thác ven rừng uốn lên chảy xiết.
Nước rẽ dòng thương kẻ chia ly.
Đường về quê nhớ phút phân kỳ.
Mối tình tựa ngấn sương tiễn biệt.

Mộng ước đêm dài luyến thương nhánh cỏ.
Nhạc sương gieo tình cọng cỏ tơ vương.
Nhún nhảy dưới trăng lá cỏ ngậm sương.
Sương rơi rụng ướt cỏ đường đêm vắng.

Bông cỏ ngậm sương nở hoa vàng trắng.
Tình yêu thiên nhiên quyện lẫn cỏ cây.
Nghê Thường đâu hãy tấu khúc đêm nầy.
Sương tưới cỏ đời vui thêm tươi mát. (2)
*

(1) sưu tầm
(2) Thơ Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
03-16-2016, 02:55 AM
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1458094667-chim 25.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1458095079-Bai Ca Tet Cho Em_ DinhVan.mp3
Mail & Chat: Bù Khú kể chuyện linh tinh...
(của ông già gân & bà già khọm).

Date: Mon, 1 - 26 - 2006 -00:05:34 -0700 (PDT)
From: "Tony Dautry Hoàng" < khanhson21@saigon.vn >
Add to Address Book Add Mobile Alert
Subject: Thư mang số # 5.946 *Chuyện MAIL & “CHAT” bù khú.
To: "Wit Mi Mi" < tio1@yahoo.com > *

Em ơi! Mail nầy anh em mình kể chuyện bù khú linh tinh nhen.
Nhân dịp có: Hậu, Hạnh, Bé, là bạn ở bên Mỹ về thăm quê. Hoàng Năm đã kẹp bà Kiêm đi chơi với họ mấy ngày. Về nhà, sau khi Năm trao đổi chuyện trò với các con. Đêm về chàng cứ nằm đó suy nghĩ (và bị “dày vò” như ai vậy). Các con chàng đã quyết như thế, nghĩa là ngoài mẹ chúng ra, thì chỉ có “nàng” là người mẹ quan trọng thứ nhì không kém mẹ ruột thôi. Vì những câu mà bé Hai đã nói ra giữa bốn cha con là do các con nói ra tự đáy lòng. Chứ đứa con gái lớn của Năm không bị ảnh hưởng, hay do tác động bên ngoài như con bé Tư đâu.

Hoàng Năm hiểu rõ bé Hai rất quý trọng yêu thương nàng, là người anh đã yêu tha thiết. Năm biết hồi xưa, thì bé Hai chưa có cảm tình với Mười. Vì con bé khép kín, ít giao tiếp với nàng. Vã lại bé ở gần mẹ nó nhất, dĩ nhiên bé Hai thương mẹ nó rất nhiều. Bây giờ, sau khi mẹ nó ly dị và lấy người khác, có con riêng, thì ngoài nàng ra - Chả có ai có thể làm cho các con của chàng thương đến độ đó. Bé Hai đã nói một câu dưới đây, mà Hoàng Năm nghĩ đi nghĩ lại, như là điều mà chính mình đặt lời nầy vào miệng con vậy:

- Ba đã thấu hiểu và biết chắc rằng: Trên đời nầy chẳng có ai yêu thương ba, chịu đựng những cố tật xấu của ba, như cô Thương Mười! Điều nầy đã được xác nhận. Vậy, chúng con mong ba đừng làm cô ấy đau khổ thêm nữa. Ba đã gây ra nhiều sóng gió từ mẹ của các con rồi. Bây giờ ba đã già, cần tìm một người hết lòng yêu thương ba, để sớm hôm có nhau. Chứ con không thể lo cho ba mãi. Ba quyết định đi. Nếu ba yêu cô Mười, thì ba phải trân trọng tình yêu. Còn không thì ba cứ nói cho cô rõ. Chứ ba không nên để cô ấy từ Mỹ lặn lội về đây, mà chịu khổ, chịu buồn đau vì những sự lăng nhăng, và nhất là vụ lấp lững tiền bạc ấm ớ không tốt của ba.

Ba đừng vướng mắc với mấy bà đó nữa. Phiền phức lắm. Ba nên tu thân tích đức, để phước lại cho ba đứa con gái của ba nè. Rồi đây khi ba về già sẽ có người “nâng khăn sữa áo” cho ba. Ba thấy không: nào ba quen với bà bán xôi trước ngả tư nghèo khó, mỗi sáng khi ba đi làm, thì bà ta cố dành dụm cho ba mấy gói xôi to. Bà ấy chí tình như vậy, rồi ba cũng bỏ. Ba lại quen bà Nga chủ chứa đã chạy theo xách guốc cao gót đánh ba chảy máu đầu lênh láng (khi ba ngồi trên xe xích lô, với gái đó, Ba nhớ không?). Ba lại quay qua bà Dậu, bà Hồng, bà Dung, bà Nguyệt, bà Kiêm. Bây giờ nếu ba bỏ mấy bà ấy, ba sẽ có bà khác mồi chài cho coi. Rồi họ cũng dông tuốt luốt. Ba biết rõ mà: Họ chỉ lợi dụng ba, chỉ dòm vào túi tiền của ba thôi, không ai yêu thương gì ba cả.

- Con ơi! Ba chán lắm! Ba nhiều lần đã xin lỗi cô Mười rồi. Ba quyết tâm phải từ bỏ “nó”. Không để cho mấy bả có cơ hội gặp mặt, rủ rê ba vào chuyện yêu đương. Muốn yên thân, nên ba tuyên bố với các con: ba đã nhổ bãi đờm xuống đất. Chẳng lẽ ba cúi xuống liếm lại? ba là con người, chứ không phải là con vật, mà không có tự tin và tự trọng! Ba đã chạm trán và tỏ thái độ dứt khoát, nói huỵch toẹt, vạch từng cái xấu, ích kỷ, lạm dụng của họ rõ ràng như vậy rồi. Còn mong gì mà níu kéo. Đã không hợp nhau, thì “nghỉ chơi”, như một vỡ kịch được dàn dựng rất công phu. Nhưng trước khi trình diễn, thì hai ba bà đó bị bể mất, đã bị lật tẩy, còn mặt mũi nào mà yêu đương? Vã lại họ cũng biết là ba vẫn yêu cô Mười nhiều. Họ không có cách gì giựt ba ra khỏi vòng tay của cô Mười đâu con.

- Vậy rất tốt. Ba biết có bà nào chịu đựng nỗi ba, như cô Mười không? Bây giờ ba sáu mươi tám bảy mươi tuổi, mà ba cứ lông bông vậy, ba tính thui thủi một mình hoài sao? Ba đừng gây thêm cho cô Mười những nỗi đau nữa ba à. Tội lắm. Ba vô cảm đến độ để cô ấy đau khổ, âm thầm chịu đựng thêm “cái của nợ là ba”, để trả giá cho hạnh phúc tình yêu sao! Thì cũng tội quá đi! Cuộc đời cô Mười từ tấm bé đến giờ, có mấy khi cô ấy tìm ra hạnh phúc với ba! Rõ ràng bất công quá! Nhưng tụi con nghĩ rằng: Để đánh đổi lấy hạnh phúc tình yêu chân thật: Là con đường sẽ gặp nhiều chông gai, gian nan. Mà cả hai người yêu nhau phải cố gắng vượt qua. Bi giờ ba không nên vướng vô chuyện “ruồi bu”. Ba không giấu diếm các con và cô ấy nhen ba.

- Ừa. Cô Mười và ba đã từng bàn tính với nhau rất kỹ về việc nầy: Cô đã chấp nhận về với gia đình mình, tất nhiên cô không quản ngại việc nhỏ đó. Duy chỉ có điều cô ấy e ngại là ba chưa “cải tà quy chánh, tu thân, tu tình”. Nhất là cô Mười nói:
- Cô không muốn về đây, để mang thêm gánh nặng áo cơm cho bé Hai đã nuôi ba, nuôi em, nuôi ông bà ngoại, nuôi dòng họ ngoại dì, cậu... Nên cô Mười muốn tạm thời ở Mỹ làm việc, thu tóm một số tiền lớn, khi cô Mười trở về ở luôn Việt Nam, ít ra cô ấy cũng có một số vốn kha khá, để lo tuổi già cho hai người. Chứ không thể yêu nhau trong “một túp lều tranh, hai quả tim vàng”, mà nhịn đói, nhịn khát. Vấn để thiết thực là cơm áo, nếu không có kinh tế, thì thử hỏi làm sao mà tránh khỏi lục đục trong nhà, sẽ không có cảnh “cơm lành canh ngọt”. Do vậy, cô Mười đã dành dụm gửi tiền về, khoảng mươi năm nay ba cất giữ được vài chục ngàn USD.

- Dạ, con tin ba: Tình yêu có ba thái độ khởi sự: - Thứ nhất là: Yêu thích ngay khi vừa gặp, nên cố tìm mọi cách để chinh phục (như tiếng sét ái tình). Thứ hai là sau khi tìm hiểu, thấy không hợp, thì dửng dưng, như chưa hề yêu thương. - Thứ ba là đã yêu rồi ghét, như chưa bao giờ từng ghét ai đến thế (vì người ấy đã gian dối, lừa gạt tình và tiền, xúc phạm trắng trợn đến tình cảm). Thì thật sự chả có gì gọi là tình! Phải không ba? Được như vậy, các con rất mừng. Ba phải dứt điểm với bà Dung, Nguyệt, bà Kiêm đi.
- Ba đã dứt khoát rồi. Thì quyết không thay đổi.
- Không cứ gì cô Mười, mà các con biết được điều nầy, sẽ vui mừng lắm.
* * *

Ghi chú CHAT :
*
- Hoàng Năm = lời của chàng già gân.
- Mười (Mi Mi) = lời của nàng già khọm.


Hoàng Năm.– Hello… Ah! Chào em yêu thương, (từ bi giờ anh phải gọi em là con mèo Mi Mi của anh nha): Hôm đầu tháng Giêng, anh bị con “vòi vọi” to như con bọ xít, thân đen bóng, cánh cứng, có vòi như cây kim cong cong, nhọn hoắt. Nó có bốn chân, và hai cái râu, từ dưới gầm giường nó bò lên nệm. Thừa lúc anh ngủ say, nó chích anh mấy phát. Ui! cái trán sưng chù vù, cứng ngắt và ngứa ngáy, nhức nhối kỳ lạ. Gần cả tháng rồi, vẫn đau nhức, trán vẫn u, sưng tấy lên và ngứa lắm. Vậy mà em còn chọc quê anh là “mọc sừng” ha. Giận thì thôi.

Mười.- Ui! Em cứ tưởng là do anh đi hoang. Xin lỗi nha.

Hoàng Năm.- Hôm nay, anh tức quá, đi thay tấm drap mới, giặt mền, gối, rồi anh lật hết những thanh giường ra. Lau nhà sạch sẽ xong, anh lấy thuốc xịt hết vào mấy cái khe. Thì thấy hai con “vòi vọi” đen đen lăn ra chết. Chứ nó chạy nhanh kinh khủng, không thế nào đập trúng. Anh bỏ nó trong bao nylon. Chiều nay sẽ đem nó xuống bác sĩ chữa trị da liễu, cho ổng xem. Vì bác sĩ cho rằng nó là con A Sừng! Cách đây vài tháng anh cũng bị nó chích như thế, nay vẫn còn u lên một cục cứng ngắt.

Mi Mi.- Anh cẩn thận nhen. Ở một tỉnh thành gần khu núi đồi, hồ ao, đầm lầy bên Úc (nơi chị Tú ở). Có một chỗ dành để người dân cắm trại. Nhiều mái lều dựng lên, ăn ở vui vẻ. Bỗng họ nghe tiếng hét to kinh khủng, ở một cái lều hơi gần gần bờ hồ, có con cá sấu to lớn bò đến ngoạm chân người đàn ông, lôi đi xềnh xệch. Cả khu cắm trại hốt hoảng nhốn nháo, họ ùa ra bãi xem chuyện gì. Thì một người đàn bà cùng gia đình cắm lều gần đó, nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng đó trước tiên. Hai bàn tay không, bà ta can đảm nhảy xuống hồ, bà cỡi lên mình con cá sấu. Hai tay bà ta ôm ghì lấy lưng và nách con vật, hai chân bà quắp chặt vào bụng nó. Con cá sấu giật mình, nó hãi hùng nhả chân người đàn ông ra. Nó quay ngược mỏ lên, táp táp vào người đàn bà không được.

Thế là nó vát bà ta chạy tuốt xuống hồ nước. Mọi người bất ngờ sững sốt, nhốn nháo, sợ hãi kêu la inh ỏi. Một người đàn ông ở lều khác, bình tĩnh xách súng chạy đến gần. Tay thiện xạ do dự một phút, rồi đưa súng lên nhắm và bóp cò. Đùng!... Đùng! Con cá sấu giẫy giụa vài cái, rồi nằm ngay đơ nửa trên nửa dưới hồ nước. Người đàn bà can đảm phi thường cỡi con vât ấy không bị lạc đạn. Mệt đứt hơi, bà ta nằm vật ra bên con vật nhuộm máu đỏ. Người ta vội vã gọi trực thăng đến, cấp cứu hai nạn nhân. Một người bị cụt chân, một bà bị gãy tay. Chỉ vì “cái mỏ” con cá sấu.

Hoàng Năm.- Còn một chuyện có thật nữa: Hai chị em cô bé nhà kia đi tắm sông ở Nam Phi. Cô chị độ mười tuổi, thấy em nó bị con cá sấu ngoạm, con cá sấu đang cố sức lôi đứa em xuống sông, để ăn thịt. Cô chị quýnh quá, không biết làm sao, cô ấy không còn sợ hãi, cô ấy chạy đến bên con cá sấu, cô gái lấy ngón tay trỏ chọt lủng mắt con cá sấu, chọt rất mạnh. Con cá sấu bị bất ngờ, và đau lắm. Nên nó nhả cô em ra. Nó lo chuồn xuống nước, lặn mất tiêu. Cô em bị thương nặng. Họ cấp cứu hai chị em vào bệnh viện.

Mi Mi.- Đó, anh thấy chưa? Mà anh còn đòi cuối tuần nầy, đi ăn thịt cá sấu với anh Vượng, anh Nuôi hỉ! Em sợ nên em “ghê tởm” cá sấu. Vì thấy nó dữ dằn, da lởm chởm sù sì gớm ghiết, móng chân móng tay nhọn hoắt. Cái mỏ và hàm răng ôi thôi kinh dị. Nhất là buổi tối hôm đó, ngày chúng mình đi vào trại nuôi cá sấu xem. Trong bóng tối, mình lấy đèn pin rọi xuống ao, hồ, thì trông thấy những đôi mắt của nó, như là ánh sao lấp lánh. Vì hai con mắt nó sáng rực, đỏ au, từng con từng con nhìn sững vào ánh đèn. Thịt nó trắng, mềm và thơm ngon. Lại có hương vị đặc trưng thơm hơn thịt vịt, thịt gà nữa. Em làm thịt cá sấu sạch, xào với sả, ớt, mè, tỏi, hành, ngũ vị hương, ít dầu hào, ăn với bánh tráng nướng. Thật ngon hết sẩy.

Hoàng Năm.- Rượu nầy là môn thuốc, người ta nói để trị bệnh suyễn hữu hiệu lắm em ơi! Uống vào nghe "đã" đến óc. Tuyệt cú mèo. Rồi anh hỏi đố em: Có biết con cá chình không? Mất mấy trăm ngàn đồng Việt Nam, anh mới mua được một con cá chình, chỉ nặng vào khoảng 800 gr. Ở Việt Nam bây giờ con gì cũng được đưa lên bàn ăn, để thiên hạ xài, có tiền là “chiêm ngưỡng” hết: Chồn. Cheo. Rùa. Mễn. Nai. Rắn. Ba ba. Vân vân… Ôi thôi đủ thứ hết. Đến nỗi bi giờ hầu như những loài qúy hiếm e có nguy cơ diệt chủng. Đã có lệnh cấm săn bắn, cung cấp thịt rừng. Cho tiền thuê, bạc mướn, có lẽ em cũng hổng dám ăn thịt cá sấu.

Mi Mi.- Anh lại nhem thèm em nếm tí rượu cá sấu nữa hả? Ghê quá đi.

Hoàng Năm. - Em có thấy ớn lạnh không? Người đàn bà cỡi lưng cá sấu. Cô bé chọt mắt cá sấu. Rất phi thường. Can đảm lắm. Nhưng... Chưa đáng kính phục bằng một người đàn bà Việt Nam đám cỡi lên mình con rắn, và bóp nát trái tim con rắn nữa. Và nhất là bà ta đã làm con rắn cúi đầu khuất phục. Thật đáng ngợi khen. Anh đố em biết bà ấy là ai nào?
Mi Mi.- Bói bài hay cầu cơ cũng chịu thua. Đừng nói tới em. Em hổng biết.

Hoàng Năm.- Ấy! ... Là em đó.

Mi Mi.- Ui chà chà. Thương thiệt!

Hoàng Năm.- Anh lại đố em 4 chữ MEN nè:

1.- MEN TAL ANXIETY : Hoảng loạn tâm thần.
2.- MEN TAL BREAKDOWN : Suy sụp thần kinh.
3.- MEN STRUAL CRAMPS : Co thắt khi có kinh.
4.- MEN OPAUSE : Hiện tượng tắt kinh.

Mi Mi.- Ôi! Thì anh đố em, nhưng anh đã giải thích hết rồi. Lại còn phải hỏi ư.

Hoàng Năm.- Em có để ý là tất cả nguyên nhân các sự kiện ở trên, đều do chữ MEN mà ra không nhỉ! Đó đàn ông các anh là thiên đường. Mà đàn ông cũng là địa ngục. Em à.

Mi Mi.- Ồ! Cái nầy họ “chơi chữ” quá hay. Vì trong bốn triệu chứng của người đàn bà, đều bắt đầu từ chữ “MEN” mà ra! Dễ ghét mà rất dễ thương. Anh hỉ!

Hoàng Năm.- Loài chuột có thể giao phối hơn 20 lần/ngày. (Còn hơn con dê nữa ha)! - Con gián có thể sống trong suốt vài tuần với cái đầu lìa khỏi thân. Voi là loài động vật có vú duy nhất không thể nhảy cao. - Muốn luộc con ếch hoặc con rắn trước tiên ta bỏ nó vô trong nồi nước lạnh, đậy kín nắp, và mở gas thật nhỏ, chờ bao giờ nồi nước từ từ nóng và sôi. Chớ nếu bỏ nó khi nước đang sôi, thì nó sẽ quậy lung tung và nhảy phóc ra khỏi nồi. À, anh nhớ có chuyện nầy nữa… Ôi vui ơi là vui. Đúng rồi! Sau đêm em bị ma đè (chứ hổng phải người đè à nha), thì cả anh và em đều hoảng loạng, đến nỗi rắc rối… bồi hồi, quên trước quên sau, quên đầu quên... quên… luôn cái phao câu! (con gà con vịt, thì ít khi ai gọi là đuôi gà, đuôi vịt. Mà họ “thít” gọi là phao câu mập ú nù. Phải hông nà?

Mi Mi.- Đúng quá đi thưa “bác xĩ mu rùa hóc môn”.

Hoàng Năm.- Ha ha! Ui xà, dzậy mà còn phong cho anh làm tới chức “bác sĩ mu rùa hóc môn” nữa chứ. Ôi trời ới! Nếu vô tình, có ai lọt chân vào trong mạng internet riêng của chúng mình, thì chắc là họ sẽ cười bể bụng, vì mấy cái chuyện tiếu lâm của hai ông bà già gân 60-70U lẩm cà lẩm cẩm nầy ha.

Mi Mi - Vậy chứ công dụng của cái rốn là gì nè chàng?

Hoàng Năm.- Để cuống rốn gắn liền tí nhau với người mẹ, như sự nương tựa vào sự sống của con từ mẹ mà có. Nhưng khi sinh ra đời, cuống rốn của em bé được cắt đi, thì từ đó sự sống hay gọi nôm na là hơi thở của em bé tách rời mẹ, độc lập. Đáng lẽ ra khi cái rốn lành, phải thành một vết sẹo bằng phẳng. Chứ tại sao cái rốn lại teo tóp nhăn nhúm, và trở thành sâu hoắm thế cô nương của anh?

Mi Mi.- Xin chịu thua.

Hoàng Năm.- Còn nữa, cặp vú của người đàn bà có công dụng: Là để nuôi con. OK! Thế thì, người đàn ông không thể cho con bú mớm gì. Sao vẫn có vú hỉ?

Mi Mi.- Công dụng nầy, chỉ có Trời mới biết.

Hoàng Năm.- Rồi, khi người đàn ông đi “quờ quạng ăn phở bậy bạ”, hắn gặp một “gái già bia ôm” nên bị lây rận, (do người đàn ông khác “di dân rận” cho bà ta), con rận thân dẹp lép, bò lết tới mình tên đàn ông thứ tư, thứ năm gì đó. Họ chỉ cần hai thân thể áp vào nhau chừng vài phút thôi, là lãnh đủ! Có hơi ấm cơ thể, thế là lũ rận bò sang người mới, định cư liền. Tên đàn ông trăng hoa đó lại mang rận về, tặng lại cho vợ.

Mi Mi.- Úi quơi Trời đất thiên địa ui! Vậy ra anh đã từng mang rận đi, mang rận về ư! Xin bái biệt và tống khứ anh.
Hoàng Năm.- Không. Đừng nóng thế em.
Mi Mi.- Dieu seul le sait...

Hoàng Năm.- Nè em: ngày anh còn học chung với Trung trong đại học Y Khoa Sài Gòn. Trong phòng thí nghiệm có kính hiển vi điện tử. Hôm xưa, chả biết làm sao Trung có được mấy con rận, nó mang rận vào lớp. Ta có thể soi rọi con rận ra to chừng 15.000 lần thực tế. Rận có cả thảy ba đôi tay chân (6) lông lá xồm xoàm! Phía trước rận có hai càng nhọn hoắt, dùng để đào hang. Con rận màu trắng ngà khác với con chí màu đen. Con rận đẻ trứng bám chặt trên những sợi lông, giống như con chí đẻ trứng trên những sợi tóc của người ta. Lấy trứng rận ra để trên bàn: giết, nó cũng kêu “cái cốc”, y như trứng chí vậy.

Rận không sống ở ngoài da, mà nó đào hang. Nghĩa là nó dùng càng đào lỗ, chui vào lỗ chân lông mà nằm ở chỗ kín, dơ bẫn. Nó không giống con chí sống lúc nhúc, luôn bò rần rần, loi choi hút máu ở trên đầu (do người ít tắm gội). Khi nào đói, rận mới bò ra châm vòi vào thịt, hút máu tươi để sống. Mình ngứa điên cuồng là đó. Rận giống như con rệp tiết ra chất hôi, chuyên sống ở khe vách, giường, phản. Rận, rệp, chí, đều sinh sôi nẫy nở rất nhanh. Em có biết: kinh khủng vô cùng là con gián có thể sống suốt vài tuần với cái đầu lìa khỏi thân. Anh quên nói mỗi năm, số người chết do ong đốt còn nhiều hơn cả số người chết do rắn cắn.

Mi Mi.- Phải làm sao mà diệt chúng nó chứ anh.

Hoàng Năm.- Biện pháp duy nhất là ta phải hy sinh cạo bộ lông, cạo tóc. Không còn chỗ cho chí rận bu bám. Mỗi ngày ta nên tắm gội sạch sẽ, lấy DDT (thuốc diệt côn trùng) xoa đều lên bề mặt da. Làm như thế cả tuần nhe, thì chí rận mới “dứt điểm”, sẽ chết hết. OK! Đó là phần giải thích của anh là “bác sĩ mu rùa hóc môn”. Em thỏa mãn chưa?

Mi Mi.- Cảm ơn chàng. Nhà em có quá nhiều kiến. Tại sao Trời sinh con kiến để làm gì? Tả và nói con kiến có công dụng gì. Cho em nghe nhe.

Hoàng Năm.– Cô Nương! Coi chừng mùa nóng thường có nhiều kiến nhen. Bọn kiến tinh ranh, khôn đáo để đó em. Trời lạnh lẽo hay sắp chuyển mưa, là chúng biết trước, lo dời trứng lên cao, phòng trú trên trần nhà. Trời nóng nó lại chuyển chỗ xuống đất. Vì thế, kiến không tha mình chỗ nào cả. Đâu đâu nó cũng bò tới “thám thính” được. Ngay cả tủ quần áo, khi không còn mùi long não (naphtalin), nó cũng chui vào. Nhất là nhà em có thịt, cá, chất béo, mỡ, mật ong, thức ăn, thực phẩm khô, là có kiến. Vì thế, anh phải cẩn thận với thức ăn. Mệt lắm. Em đọc đi: Ants hate cucumbers. Keep the skin of cucumbers near the place or ant hole. (Trị kiến: Kiến ghét dưa leo. Bỏ võ dưa leo gần chỗ có kiến hay ổ kiến).

Mi Mi.- Em hỏi chàng, vậy chứ con kiến có cái đuôi, như những con vật khác không anh?

Hoàng Năm.– Ha ha ha!!! Nương ơi! Đúng nguyên tắc thì con kiến cũng có đuôi đó em à. Hổng phải nó có đuôi rõ ràng như đuôi chó, đuôi mèo, hay “đuôi phao câu gà, vịt”. Em có tin không? Kiến có đuôi. Nhưng kiến có hai cái đuôi, chứ không phải một cái đuôi đâu em. Đuôi mọc ngược phía trên đầu. Mà ta nôm na gọi là hai cọng râu. Theo khoa học thì con kiến bài tiết trên các cành cây. Và chúng liên lạc truyền tin với nhau bằng hai “cọng đuôi râu” nầy. Nếu loại kiến là “cùng chung một nòi giống”, thì nó sẽ có chung một tần số âm thanh như nhau. Còn nếu khác giống nòi, nó tự động phát ra những tần số âm thanh khác. Lập tức nó dùng càng to cắt đứt đầu đối thủ. Nói chung, loài vật đều có đuôi cả, tùy theo dài, ngắn, to, nhỏ, cụt đuôi nữa.

Mi Mi.- Ồ thì ra... cọng râu con kiến cũng “hoá thân” là cái đuôi tinh xảo anh nhỉ! Mấy loài khác, thì em thấy cái đuôi rõ rệt. Còn con ruồi, con kiến, khi xem trong discovery em ”nỏ thấy”. Con kiến có thể nâng một vật nặng gấp 50 lần trọng lượng của nó và nó luôn ngã về phía phải khi bị ngộ độc. Kiến không biết ngủ. Anh à, mỗi năm, số người chết do ong đốt còn nhiều hơn cả số người chết do rắn cắn. Vậy cái đuôi con rắn, thì có ở từ khúc nào nè anh?

Hoàng Năm.- Cái đuôi của con rắn, theo anh biết thì tính từ khúc cuối cùng của các đốt xương sống. Nghĩa là từ 1/5 đoạn cuối cùng của con rắn. Đặc biệt ở Thái Lan em đã chứng kiến người Thái biểu diễn màn xiệc rắn. Họ cho người đi du lịch “nhâm nhi” chút rượu thuốc ngâm rắn. Họ lại cho em sờ vào chỗ bộ phận sinh dục con rắn đực, nó chia ra làm đôi. Ổng nói ai mà sờ được chỗ đó đó, thì lucky lắm.

Mi Mi.- Em nhớ ra rồi. Hồi ấy thật thú vị, vui quá à.

Hoàng Năm.- Còn tính về con người "tiền kiếp"... thì cũng có “cái đuôi” ngắn tủn ngắn tỉn, như cục thịt thừa đó chứ em. Họ ưa chà đít xuống đá, để mài đuôi cho rụng đi. Nay mất gốc rồi. Vì mọi sự yêu thương truyền cảm, cũng từ “cái đuôi” mà phát xuất ra. Phải chăng đó là giây liên lạc mật thiết của con người không ha?

Mi Mi.- Anh nầy vớ va vớ vẩn. Bộ cứ “Nhân Chủng Học” là anh tin vào thuyết Darwin, thì loài người xuất thân từ loài đười ươi sao! Họ cũng có cái đuôi rất ngắn. Nhưng sau vài triệu năm, thì cái đuôi của loài người rụng đi?? ( Ah! Em lại tưởng tượng giống như con nòng nọc, con thằng lằng rụng mất đuôi!?). Rồi do cái thế đi đứng của loài người mình ung dung, hoàn hảo hơn, nên họ đứng lên, bắt đầu đi bằng hai chân. Chứ ngày xưa như trái đất, thì họ đi bằng bốn chân há?

Hoàng Năm.- Vậy ra, em là “cái đuôi” của anh rồi. Anh phải “bảo-trì” thật tốt, cái đuôi yêu dấu của anh nha. Từ nay anh sẽ chính thức phong chức cho em là: “Người quản-đuôi yêu dấu của anh”. Còn anh sẽ là NO của em: Nô nức. Nô đùa. Nô giỡn. Nô bộc. Nô tỳ. Nô lệ. Nô gia. Nô nhân. Nô dịch... No. No. No. Yes. Yes. Yes... của em suốt đời. Chịu chưa Mi Mi Nương nương?
Mi Mi.- Dạ vâng! Nhưng, anh cho em xin anh cái đuôi khúc giữa kia.

Hoàng Năm.- Ui Trời! Sao em khôn thế. Nếu em là cái đuôi của anh. Tất nhiên em là hiện thân tình yêu trọn vẹn duy nhất của anh rồi. Em đã trở thành cái đuôi, mà em còn đòi chọn khúc đầu, khúc giữa, khúc nầy, khúc kia nữa. Thôi xin em hãy bằng lòng làm cái đuôi lý tưởng của con rắn nha! Em biết anh tuổi “Tân Tỵ” mà! Thì rắn đi đâu cũng phải “tha” cái đuôi kéo lết đi theo. Đi đâu rắn cũng “có đầu có đuôi” kéo lê thê lòng thòng theo cùng. Hà gì em phải lo lắng, chọn khúc giữa cho ấm áp an toàn hỉ!

Mi Mi.– OK Salem!
Hoàng Năm. - Yes. Amen!
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
03-24-2016, 10:02 AM
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1458813503-hai aem 10 ban gia chongay.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1458813642-Mai mai ben em - Tu Cong Phung.mp3
Con Tìm Hạnh Phúc Cho Cha


Bà Lùn đọc mấy chuyện khôi hài in trên tờ nhật báo đã ghi:

- Người tuổi Sửu hợp với người tuổi Ngọ, theo quẻ… “đầu trâu mặt ngựa”. Người hai tuổi này mà cưới nhau chắc chắn sẽ thành công, tấn tới, nếu cả hai vợ chồng cùng làm việc trong lĩnh vực xã hội... đen (đâm thuê, chém mướn).
- Người tuổi Tỵ rất khắc với người tuổi Dậu, theo quẻ là “cõng rắn cắn gà nhà”. Nếu hai người này cưới nhau về, thế nào người tuổi gà cũng bị người tuổi rắn cắn chết, không loại trừ trong lúc yêu đương bị đương sự cắn lầm.
- Người tuổi Mùi hợp với người tuổi Tuất theo quẻ “treo đầu dê, bán thịt chó”. Hai vợ chồng tuổi này chắn chắc sẽ làm ăn phát đạt, thịnh vượng, đặc biệt là trong lĩnh vực… buôn gian bán lận, lừa đảo.

Bà Lùn vui vẻ mỉm cười hân hoan nghĩ tới vị ân nhân cứu độ sẽ xuất hiện trong đời mình lần nữa. Sau một lần Lùn leo lên thuyền hoa cùng anh chồng trẻ làm tại nhà máy đường ở Cầu Ngang, vợ chồng đã có ba mặt con, một ngày u ám kia, anh chồng bỗng nhiên đột quỵ và ngoẽo. Ôi! Từ đó… thì cuộc đời Lùn chỉ sống trong bóng tối triền miên. Sau những tháng năm đất nước bị đổi đời, ngày ngày Lùn lội bì bõm ra kinh lạch bắt cua bắt còng; mồ hôi nhỏ tong tong xuống đầm lầy nương rẫy. Nhọc nhằn biết mấy mà kể!

Nay có người chú họ ở Mỹ muốn mai mối cho mình một tân lang. Tuy rằng chuyện ông ta phức tạp chút, khi chú thím (người đã làm mai mối) gọi phone méc, rồi hỏi ý bà Lùn:
- Cô có nên tiến tới với ông ta hay không, nếu cô đã nghe câu chuyện thật của ông ta đã xảy ra trên nước Mỹ: Trong một buổi lễ làm phép xác tại giáo đường Ontario, ông Phùng xấp xỉ 70 tuổi đã đứng trước quan tài của bà vợ quá cố; đầy đủ “bá quan” thương tiếc đi tiễn đưa bà Phùng đến nơi an nghĩ cuối cùng. Thì ông Năm Phùng cầm tờ giấy hôn thú (của hai ông bà)… Ông ta giơ lên cao, phe phẩy mấy lần, cốt cho tất cả mọi người nhìn, chú ý lắng nghe. Tự tay ông Phùng xé toạt tờ “giá thú” ra, rồi dường như giận dữ quăng xuống trên đầu áo quan, ông ta dõng dạc tuyên bố:
- Kể từ hôm nay, tôi chính là người rất sung sướng tìm lại được sự tự do, hạnh phúc và an nhàn sống đời độc thân đích thực.
Khiến cả nhà thờ xôn xao, xớn rớn… Họ nhìn ông Phùng ngơ ngác và sượng sùng... tím mặt vì cái: {“giá” của hôn thú muôn năm}.

Bà Lùn ngồi tần ngần hầu như bất động trên ghế dựa, bà nghĩ đến ông Phùng xa lạ trên xứ sở tột đỉnh văn minh, nghĩ lại thân phận hẩm hiu của mình, bà suy nghĩ miên man về việc nọ, việc kia… Ồ việc gì thì việc, mình cứ thuận theo lẽ tự nhiên, có duyên sẽ gặp, tới đâu hay tới đó, miễn sao mình có thể thoát ra cái xứ sở buồn nãn khốn khổ nầy, thì còn gì bằng!
* * *

Số là như thế nầy: Ông Năm Phùng, hồi xưa ổng ở Sài Gòn, gần nhà chú thím họ của bà Lùn; lúc xưa ông Năm Phùng đã có gia đình, sinh một bầy con khá đông đúc: 8 đứa con. Thế rồi... sau một năm ốm đau, thì bà vợ của ông Năm Phùng từ trần, để lại cho ông Năm Phùng gánh nặng là bầy con lút chút lít chít... đứa con út mới tròn mười tám tháng. Ngày ngày ông Năm Phùng cùi cụi tần tảo đi làm ở sở Nhà Đèn, để nuôi bầy con nheo nhóc. Thời gian năm tháng thấm thoát trôi qua, nay chúng đã lớn khôn và nên người... Điều đáng nói là mặc dù vợ ông chết. Thời trai tráng sung sức phong độ đến thế mà... lúc đó “anh ta” chẳng màn tơ tưởng tới chuyện vợ bé vợ lẽ gì cả! Thật là ngộ! Bởi vì bà vợ cả có đầy đủ công dung ngôn hạnh:
Không cắc cớ
Chửi chồng con
Không phấn son
Không nhiều chuyện

Không hà tiện
Không càm ràm
Phải siêng năng
Không lười biếng

Nói nhỏ tiếng
Biết chiều chồng
Giỏi nữ công
Và gia chánh.

Biết làm bánh
Nấu ăn ngon
Biết dạy con
Ứng xử tốt … (*)

Cho đến… sau ngày 30 tháng Tư đổi đời, thì ông Năm Phùng cho ba đứa con lớn vượt biên qua Mỹ. Năm 1985 ba thằng con có khả năng bảo lãnh cho cha cùng ít anh chị em ở quê nhà đến sống trên đất Mỹ. Ông Năm Phùng qua Mỹ dù tiếng Anh tiếng U cũng kha khá, thế nhưng ông muốn làm việc tay chân, tự do không gò bó trong văn phòng hay công xưỡng, việc ông đã từng trải là điều ông đại ghét. Nên ngày ngày ông Năm Phùng cặm cụi quần quật làm chủ trại gà nho nhỏ ở Ontario, và cắt cỏ tại mấy trường trung học... dành dụm tiền dư, phụ với mấy đứa con lớn, hầu bảo lãnh thêm những đứa con còn kẹt lại ở Việt Nam.

Khi con cháu qua hết bên xứ tự do nầy... thì ông Năm Phùng “xuân xanh” đã héo úa 70t. Ấy thế mà trông ông vẫn phong độ, to con "phốp pháp" khỏe mạnh... như ai! Ngặt một nỗi cho dù ông Năm Phùng có cả bầy con trai gái, dâu và rể, đông đúc sinh sôi nẫy nở ra thành mười tám đứa con, mười ba đứa cháu nội ngoại. Ấy dà! chúng nó nào có hơi sức đâu để lo cho cha. Gia đình riêng của chúng ăn chưa no lo chưa tới, vẫn chưa xong nữa là hiếu với thảo. Thành thử chúng không thể sớm hôm lo cơm nước chu đáo cho ông Năm Phùng. Chúng nó bèn họp nhau lại và bàn rằng:

- Ba nên về Việt Nam mà cưới bà vợ bé, trước là để bà dì nâng khăn sửa túi, sớm tối hầu hạ cho ba chén cơm ly nước. Sau nữa là có chỗ để ba và dì an ủi chia xẻ khi xế bóng lúc về già lụm cụm, thì hai cụ bớt cô đơn, quạnh quẽ. Còn chúng con dù rất thương ba, nhưng khi chưa có dâu hay rể… thì khác. Nay ai ai cũng có gia đình riêng, có nhiều ý kiến khác nhau như ba thấy đó. Chúng con mong ba thông cảm vì không có thì giờ lo chăm sóc ba cho xuễ.

Các con của ông Năm Phùng cứ nheo nhéo nói hoài nói hũy, nói mãi chuyện lập “phòng nhì” nầy… Ban đầu nghe con cái “xúi dại” ông Năm Phùng có ngượng ngùng chút xíu. Nhưng rồi suy đi nghĩ lại cũng phải! Ông cảm thấy trong lòng thinh thích và “hưng phấn” hẳn lên! Ông Năm Phùng nghe con "tụng" về chuyện "nâng khăn sữa túi" cho mình khi về già sống trên đất Mỹ cô độc, ông càng bùi tai và thấm thía cái cảnh cô đơn, phòng không gối chiếc lạnh lẽo suốt bao năm dài lê thê, cũng thật là da diết buồn.

Thế là ông Năm Phùng “trăn trở” xôn xao, băn khoăn hoài, ông mới đồng ý diện bộ áo quần láng cón, tươm tất, cùng bầy con trở về nguyên quán… để các con chọn cho cha một mụ vợ. "Phái đoàn" cha con dâu rể cháu chắt dắt díu nhau lên đường quay gót về Việt Nam; Họ quan niệm: Sống trên đất Mỹ, có sức chơi thì có sức chịu, có tiền bạc, là có hạnh phúc, chứ về tuổi tác chênh lệch quá xa tầm tay; thì cha hay con cháu... ai... "ai đông ke". Họ rủ rỉ bàn tán, cốt cho cha già nghe:
Lấy vợ không nên lấy vợ ù
Đêm nằm ôm vợ tưởng ôm lu
Rủi khi mà nó đè lên bụng
Bẹp xác ông chồng khóc hu hu
. . .
Lấy vợ nên kiêng vợ móm răng
Giận con lè lưởi tựa bà chằng
Tiệc tùng rủi gặp bò nhúng giấm
Mắc nghẹn có ngày té ngã lăn
. . .
Lấy vợ nên kiêng lấy vợ hô
Hàm răng lởm chởm nói bô bô
Rủi khi bà giận ôm chồng cắn
Đổ máu phu quân chạy thấy mồ
. . .
Lấy vợ không nên lấy vợ ghen
Áo quần lúc giận xé teng beng
Rủi hôm cao hứng chồng về trể
Đập chén quăng ly, vở cả đèn … (*)
* * *

Thế rồi một ngày đẹp trời kia... các con và "cụ nhà ta" đã chọn được một "công nương ỏn ẻn" tuổi ngoài “năm mưi mí” xuân... thu (chưa nhị tì). Ông Năm Phùng khi ấy suýt soát “song thất 77” cập kê... Qua “bà mai non” môi giới là con bé Hà, thì đám cưới ở làng quê trên kinh Tư kinh Tám đã linh đình nổ ra ba đêm bốn ngày... Náo nhiệt vui vẻ ồn ào tưng bừng hết biết...

Sau đó "phái đoàn cha con chồng vợ" từ giã làng trên thôn dưới; nơi kinh Tám lặn lội qua kinh Tư, hai họ lưu luyến ôm chầm lấy nhau hôn hôn hít hít. Họ nhà gái ngồi trên mạn thuyền bùi ngùi trào lệ, giọt ngắn giọt dài rơi tủm tủm xuống dưới sông đào kinh lạch... để tiễn đưa “bà dâu” lỡ thời tới nơi đất khách tha phương cầu thực!

Bà vợ trẻ tên Lùn của ông Năm Phùng đã ở một nơi "sông nước triền miên" sóng vỗ bập bùng bên mạn thuyền; Ngày nay một bước bà leo tọt lên xe hoa, bàn chân nứt nẻ còn ướt nhẹp chưa ráo hơi mùi bùn, bà Lùn cảm thấy “hãi” và e dè chấp chới đôi tay như mọc cánh, bàn chân run run khi tụt xuống máy bay ở Los, bà đã tới nơi chốn văn minh và giàu sang tột đỉnh của xứ "cờ Hoa" ngợp trời! Bà ta lõ mắt nhìn xứ Mỹ mà ngẩn ngơ! Thật sung sướng và mở toác hoác cả tất lòng!

Trong lòng bà cũng cảm thấy áy náy hoang mang lo lắng, buồn phiền. Bà chỉ biết dựa vào vai vế chồng và bầy con ghẻ. Ngày ngày bà ta ríu rít chăm chỉ phụng sự đức ông chồng già chu đáo như con lo cho cha… Bà "hầu hạ nâng khăn sửa túi" cho đức ông chồng lý tưởng... tuyệt vời của mình. Dĩ nhiên ông Năm Phùng hãnh diện vui mừng đem bà vợ trẻ đi đây đi đó (bà nhỏ hơn ông những mười chín tuổi chớ bộ! Bà ta chỉ lớn hơn con đầu lòng của ông ba bốn tuổi). Ông cho bà đi để biết xứ Mỹ bao la giàu sang văn minh tự do và rộng lớn thế nào... Đi đâu ông Năm Phùng cũng sung sướng hớn hở khoe khoang với bà con bạn bè về bà vợ quý! Cả hai vợ chồng một già một trẻ sướng rơn người vì những lời hoan hỉ chúc tụng... của bạn hữu và thân nhân đã sống trên đất Mỹ tự do. Thiệt là đúng:
Vợ là biển rộng bao la
Vợ là hương lúa đậm đà tình quê
Vợ là gió mát trưa hè
Vợ là hơi ấm thổi về đêm đông.

Vợ là chỗ dựa cho chồng
Nhiều ông dám bảo vợ không là gì!?
Khoan khoan hãy nghĩ lại đi
Vợ quan trọng lắm không gì hơn đâu.

Việc nhà vợ có công đầu
Nấu cơm, nấu nước, rửa rau, pha trà.
Vợ là máy giặt trong nhà
Vợ là Cát-sét Vợ là Tivi. … (1)


Ở Mỹ hai vợ chồng trẻ già hạnh phúc đầm ấm gần sáu tháng, thì bà Năm (người ta vẫn gọi bà qua tên thứ của chồng, thay vì gọi tên cúng cơm của bà )... bà Năm sớm mở trí tuệ ra để học đòi “văn minh tiến bộ của loài người” rằng thì là… bà nằn nặc đòi ông cho bà đi ra ngoài xã hội làm việc, để phụ thêm các khoảng bills (khi tái hôn thì vợ chồng ông ra riêng, không ở chung với con cái). Vì tiền chính phủ Mỹ cung cấp cho người hưởng SSI của ông chỉ khít khao, vừa vặn. Nói trắng ra phần tiền già của ông bây giờ bị Liêng Bang, rồi bị Tiểu Bang thâm thủng ngân sách trầm trọng, đã cắt xén của ông khá nhiều.

Đã vậy nay ông phải “bao” thêm cái ở, cái ăn, cái mặc cho bà, thì ông Năm Phùng càng cần kiệm, sẻn so lắm là cái chắc, mới đủ chi dùng cho hai người. Ông nghiến răng cái còn cái mất mà không dám hở môi, e thiên hạ chê cười. Giấy rách phải giữ lấy lề mà! Và... và nếu bà có đi làm việc, thì bà sẽ có tí đỉnh tiền còm gửi về Việt Nam cho con riêng chứ! Dù gì bà cũng là vợ của ông Năm Phùng có quốc tịch Mỹ mà!

Thế là... ngày ngày đêm đêm ông Năm Phùng nghe bà vợ “ra rả tụng” bên mang tai suốt, dẫu có nặng tai lễnh lãng cách mấy, ổng nghe hoài cũng muốn điếc con ráy; thiệt là chịu hổng nỗi. Thật tình mà nói thì ông không muốn vợ đi làm thêm... Nhưng không muốn cũng không xong với bà! Ngày ngày bà ta cứ lẽo đẽo bu ở sau lưng ông ì xèo nói dai, nói dẽo, nói khéo ơi là khéo... khiến ông Năm xiêu lòng (vã lại ông Năm Phùng đã xiêu lòng mát dạ, mát ruột mát gan lên chín từng mây từ khuya, khi ổng hăng hái rước bà dìa dinh rùi mà).

Ông Năm Phùng và bà vợ xồn xồn đủng đỉnh leo lên mấy trạm xe bus, đích thân ông Năm Phùng đi xin cho bà ta một chân phụ việc trong bếp của một nhà hàng ăn Việt Nam. Kể từ ngày bà Năm hớn hở đi làm việc, bà rất xông xáo, vui vẻ, hoạt bát và "cởi mở" hẳn lên. Ban đầu, khi đi ra ngoài xã hội hầu gánh vác bớt phần trách nhiệm gia đình, thì bà Năm còn "vén khéo" chu tất cái “bổn-phận-sự” và cái “trách-nhiệm-vụ” trong việc về nhà bà vẫn nâng khăn sữa túi, cơm nước giặt giũ, săn sóc đấm bóp cho ông chồng lão đâu ra đó hẳn hoi. Và, và... chưa tới tám tháng sau, kể từ ngày bà Năm "rứt áo ra đi” lăn lóc ngoài xã hội với bạn với bè, thì quỷ thiệt chớ! tất cả suy nghĩ, trí óc bà “phát triển theo kiễu bình đẳng tự do Mỹ”, … thì thì… mọi chuyện trong gia đình nầy đã “chuyển hệ; chuyển tông” quay ngược lại 100%.

Bây giờ… Đêm đêm ông Năm Phùng trằn trọc trăn trở trên giường ấm nệm êm, êm mà như gai đang đâm vô lưng, trùm kín thân thể nhưng sao từ đầu đến chân ông vẫn cảm thấy lạnh lẽo lạ thường; vì bà vợ “nhọc nhằn” tần tảo kia nằm ngủ đã gác hai cái giò co lên gần chạm ngực ông, mà bà ta vô tư lự ngáy o o… to hết biết. Ông không thính tai lắm, nhưng “cái loa kèn” nó chĩa ngay vào bên mang tai thế nầy, thì làm sao ngủ ngáy gì cho vô được. Hỉ?

Đêm không mấy khi yên giấc, sáng sáng ông dậy rất sớm tập thể dục (ông ráng đi bộ tập tí thể thao, cho tráng kiện và giữ gìn sức khỏe chớ). Thú vui duy nhất của ông Năm Phùng là coi ti vi, coi bóng đá và nghe tin tức đó đây, là thú vui tao nhã duy nhất. Vậy mà ông đành khất lần khất hồi... vì ba cái chuyện nhà lu bu bận bịu không tên, nó đang từ từ lấn chiếm mất thì giờ ít ỏi quý báu còn lại rồi! Ông Năm Phùng trầm ngâm lủi thủi cô quạnh đi ra đi vô trong nhà lo hút bụi, giặt giũ, làm vườn.

Sau đó ông Năm Phùng lúi húi vô bếp nấu nấu, chiên chiên, xào xào, chu tất việc “nội tướng”. Phần ăn nào ông để lại nhà cho chính mình dùng bữa trưa và tối. Phần ăn nào ông để dành cho "vợ trẻ yêu gấu", thì ông lo cơm lồng nước xách, đem ra tận xe. Bà Năm đi nhờ xe hơi cũ của ông bà hàng xóm, ông kia chở bà Năm đi làm từ tửng bưng sáng, đến tối mịt tối mù ông Năm Phùng lại khập khễnh, lò mò ra đầu ngỏ, rước bà Năm lững thững uể oải về.

Về đến nhà, bà Năm vội tắm rữa và leo lên giường, trước khi ngủ, bà luôn nhờ ông dùng dầu nóng của Tàu, hay icy Hot Cream để thoa thân, đấm lưng bà. Ông Năm bóp hai chân vợ, hai tay vợ đều chi, dù bàn tay ông gân guốc đã mỏi rã rời… như muốn rụng từng lóng. Vì, bà Năm làm việc khá vất vả, nên khi trở về trong gia đình bà luôn mồm than:
- Tui quá đau nhức xương sống, mỏi chân mỏi tay, mệt vô cùng!

Chuyện rước nàng dìa dinh để BÀ "hầu hạ, nâng khăn sữa túi" cho ông ấy, ngày nay thì xưa rồi Dĩm... Diễm ui …á à ông bà Năm Phùng ui. Hồi trước khi bà vợ vừa chết, khi ông Năm Phùng còn “độc thân già nơi đất khách quê người”, ông Năm Phùng sống ở Mỹ phơi phới, khỏe mạnh, vui tươi, ông cảm thấy mình trẻ trung với con cháu biết ngần nào. Nay thì ông Năm Phùng ôm cái đầu hói lơ thơ vài cụm tóc bạc mà đọc thơ:
Khổ thân cho kiếp “con trai”.
Một lần lấy vợ bằng hai lần... mù.
Lưng thì mỗi ngày mỗi gù.
Cày ba bốn jobs để... bù nàng tiêu.

Ngày trước nàng dạ nàng thưa...
Nói năng dịu ngọt cho vừa lòng anh.
Anh tưởng hoa ở trên cành.
Bao giờ cũng đẹp, tươi xanh bốn mùa.

Lời nói không mất tiền mua.
Nên anh... ngọt lại cho vừa lòng nhau.
Bây giờ chẳng hiểu vì đâu.
Nàng mang chứng bệnh cứng đầu lặng câm.

Còn mặt thì cứ hầm hầm.
Nàng trợn một cái, ta... bầm mấy hôm.
Việc nhà chẳng chịu trông nom.
Shopping một bận, ba hôm mới về.

Nhà thì đang ở nhà thuê.
Phòng ốc chật hẹp, bốn bề ngổn ngang.
Muốn tìm đôi vớ mà mang.
Phải mất cả tiếng bươi ngang đồ nàng … (*)
***

Một ngày kia, bà Lùn đã cương quyết theo mấy bạn đi New York, vì có người phụ bếp đi mở nhà hàng. Ông không thể ngăn cản, đã trầm ngâm ngồi trước bàn viết:

Em quý mến
Hôm nay anh sẽ giải bày tâm tư tình cảm và nguyên nhân vì sao anh muốn chúng mình sống bên nhau, cũng như phương hướng tương lai về cuộc sống sau này của đôi ta. Em đọc kỹ, có thắc mắc gì cứ thẳng thắn cho anh biết. Anh sẽ giải đáp rõ ràng.

Thứ nhất: Cuộc sống của anh trước khi gặp em. Sau khi anh mất người vợ cũ, qua đây anh sống cô đơn một mình. Lúc ấy, có người bạn định giới thiệu cho anh một bà 63 tuổi có nhà tại Virginia, bà ta còn đi làm Part time, có lương hưu khoảng $1,400.00 một tháng. Lý do ở xứ lạnh xa xôi & anh không hợp, và bà ấy có tài sản. Anh không liên lạc, vì anh biết có trở ngại trong việc chung sống. Nếu lấy nhau thì anh sẽ bị cắt tiền già, và Housing, (vì bà ấy có căn nhà). Do đó anh vẫn sống một mình cho tới nay.

Thứ hai: Tài chánh: Mọi chi tiêu anh đều dựa vào số tiền già ít ỏi ($845.00 một tháng) và những món quà chi viện lai rai của hai bà chị, các cháu, (đặc biệt là cháu Khôi gọi anh là bác ruột; là bác sĩ đang tập sự năm thứ tư). Cháu Khôi thường cho anh tiền đóng bảo hiểm xe mỗi năm hai đợt, cộng chung khoảng bảy tám trăm. Anh không có số nhờ con, chỉ có cậu con lâu lâu cho anh vài trăm vào ngày Father Day, Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán...

Thứ ba: Trước khi gặp em, những năm tháng gần đây anh trải qua một vài trận cảm cúm, có khi phải nằm bẹp trong nhà vài ngày, không có người nấu cho chén cháo để ăn. Anh bắt đầu suy nghĩ rằng: anh cần có một người vợ sống chung cùng săn sóc lẫn nhau, khi trái gió trở trời trong cái tuổi hoàng hôn này. Người này phải có tiền già căn bản, nếu già quá thì thiếu sức khỏe, trẻ hơn thì chưa đủ tuổi hưởng tiền già. Lúc đó anh nghĩ: Người anh chọn phải biết làm thơ, có học vấn ít nhất đã bước chân qua ngưỡng cửa đại học, có sức khỏe, sắc đẹp trên trung bình (good looking) tánh tình thành thật, biết cư xử, yêu thương và quý trọng lẫn nhau, có tiền già làm căn bản. Ngoài ra cần hạp nhau về sinh lý.

Thứ tư : Tình cờ anh gặp một bà tại buổi họp bạn, qua trao đổi một số câu chuyện về chiến tranh VN, về cuộc sống của lính thời chinh chiến, anh cảm thấy mình rất cảm thông với TV và dễ nói chuyện. Anh cảm nhận rằng hai người càng tâm đồng ý hợp, càng gần gũi nhau hơn, rất hợp nhau mặt này. Anh suy nghĩ rất nhiều và thấy rằng người ấy chính là người vợ anh cần có, để chung sống hết phần đời còn lại. Về mặt kinh tế gia đình nếu chúng tôi sống chung với hai đầu lương tiền già, cộng thêm với sự chi viện lai rai của họ hàng, anh nghĩ tần tiện cũng đủ sống. Đó là chưa kể về mặt chi viện tài chánh phía bên người ấy, nếu có thêm càng tốt. Qua những thảo luận gần đây, chúng tôi phải đương đầu với một thực tế khó khăn, đó là vấn đề của nàng.

Muốn đi đến chỗ sống chung, việc trước hết là cả hai bên phải tự do, hoàn toàn không bị ràng buộc bởi hôn thú với người phối ngẫu cũ trong khi tuổi đời ngày thêm chồng chất. Lòng anh luôn duy nhất có một phương hướng tương lai là chúng tôi cần có nhau suốt cuộc đời này. Chúng tôi cần gặp nhau thảo luận và tìm giải pháp giải quyết mọi nan đề đang gặp. Lòng anh vẫn tràn đầy, dường như chưa nói lên được hết những gì anh muốn nói với nhau. Thế nhưng em đã ra đi khỏi cuộc đời.

Em thương, anh xin lỗi em vì những dòng thư vừa qua, đã làm em buồn và gây tổn thương. Trong khi chúng ta tranh cãi, cả hai bên cũng có lúc quá lời. I am so sorry about that ! Mong em đừng buồn anh. Anh không bao giờ có ý định muốn xa em. Anh rất vui thấy em "chưa bao giờ có ý vĩnh biệt anh". Còn chuyện đến với nhau, bình tâm mà nói là do cả hai chúng ta, không thể nói là hoàn toàn do em chủ động. Anh sai rồi, không phải đó là một nhu cầu thường xuyên. Đến tuổi này thì không ai có thể đạt tới... Anh nghĩ chúng ta cứ dành thêm thời gian để suy ngẫm, sắp xếp công việc rất khó khăn, tế nhị đang phải đương đầu với thực tại. Tạm thời cứ giữ như vậy. Sau này sẽ tùy theo sự diễn biến công việc, rồi chúng ta sẽ thay đổi đường lối sau nhen.

Cám ơn em đã lo lắng cho anh về cái bệnh quái ác này. Thật không ngờ cuối đời lại gặp phải tai ương hiểm nghèo như thế. Cách chích thuốc cho vi trùng cancer ngủ yên, anh thấy có người đã làm và sống cho đến giờ được 5 năm, mà cũng đi lại được, dù là sức đề kháng yếu đi, nên dễ bị cảm cúm, đau nhức không tránh khỏi. Cách này vẫn tốt hơn là "mổ". Nhiều người cao niên mổ xong người yếu hẳn đi, có khi phải nằm một chỗ nhờ gia đình săn sóc. Và sau vài năm thì qua đời. Anh cũng bị nhức khớp xương đầu gối bên trái. Nhiều khi đi đứng rất trở ngại. Bác sĩ nói bệnh già phải chịu thôi. Sau này nếu đau quá, thì phải thay khớp đầu gối bằng thứ kim loại. Thứ này có người hạp, có người chỉ dùng được một thời gian mấy năm thôi. Nghe bác sĩ nói nhiều mà chán ngán cuộc đời. Tới đâu hay đó, biết đâu mà tính trước em à. Trời kêu ai ngưới ấy dạ. Già rồi, đành vậy thôi.

Medicare, MediCal dạo nào cắt nhiều thứ, nên các hãng bảo hiểm gây khó khăn cho người thụ hưởng. Tiền già đã cắt giảm hai lần, thuốc men chữa bệnh thì không cho Brand Name, thay bằng thuốc Generic kém công hiệu hơn. Không cover chữa răng, và không cho làm kính như trước đây nữa. Đủ thứ nhức đầu. Việc anh giải phẫu mắt nay tạm ổn. Chờ ngày 12 tháng 1 anh tái khám. Phải tháng Ba anh mới làm kính đọc sách. Bây giờ chỉ mang tạm kính lái xe thôi. Phần anh bệnh tật nay tạm thời nằm yên vì thuốc men điều trị còn hiệu lực. Chưa biết ngày nào nó lại tái phát.

Có một điều mình không níu kéo lại được, đó là tuổi già sức yếu mỗi ngày xuống rất nhanh. Và cứ sau mỗi trận đau ốm, thì sức phục hồi chẳng được bao nhiêu. Vấn đề Prostate vần còn là nan y đang tiếp tục Xạ Trị (Radiation), có lẽ cuối tháng 2 sang năm, bác sĩ mới cho biết kết quả. Nếu xạ trị không hết, thì phải chích thứ thuốc mới làm cho chỗ cancer "ngủ yên", không hoạt động một thời gian. Sau đó tiếp tục theo dõi, khi nào thấy nó sắp "thức dậy", thì chích tiếp cho nó ngủ lại. Đây là phương pháp điều trị cancer mới nhất, các bệnh viện đang áp dụng cách điều trị này.

Cám ơn em đã chia sẻ tâm tình với anh. Anh chỉ mong sức khỏe phục hồi được 70% của hôm trước, cũng mừng lắm rồi. Anh nay đã vào tuổi yếu thật sự. Được bình an mỗi ngày thấy ánh mặt trời và trò chuyện với em cũng đủ vui thôi. Ở đời chuyện hợp tan, tan hợp, gặp rồi lại xa không tránh khỏi. Vì cuộc sống của các con cháu của em, em đành phải xa anh, đó là ý của Thượng Đế an bài. Chúng ta nên dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa ban phước lành cho các con cháu có cuộc sống tốt đẹp hơn trong tình thương của Ngài. Sống tạm hay về cõi vĩnh hằng cũng là theo ý Thiên Chúa.

Những ngày còn lại chúng ta nên sống tốt, an bình theo lời Chúa dạy thương yêu và vị tha, cuộc đời sẽ có ý nghĩa hơn. Anh nghĩ mấy năm nữa tình hình kinh tế tại Hoa Kỳ sẽ thoát khỏi tình trạng suy thoái và đi lên, lúc đó thì em, con và các cháu sẽ có điều kiện về Cali sống bên đại gia đình mình, như mong ước. Như vậy tuổi già của chúng ta sẽ vui vẻ và hạnh phúc.

Chuyện tuổi già là quy luật của tạo hóa có sinh thì có lão, có lão thì có bịnh, có bịnh thì có tử. Chúng ta không sợ chết. Chỉ mong sao được trút hơi thở cuối cùng một cách nhẹ nhàng, không đau đớn, không làm vướng bận đến người thân. An bình về nước Chúa. Cám ơn em đã thăm hỏi và chia sẻ về việc mất xe. Xe anh đậu ở Parking của Building các bác sĩ bên cạnh nhà thương Garden Grove. Xe có khóa alarm, nhưng chỉ sau một tiếng rưỡi đồng hồ khám bệnh là mất xe. Nay thì cảnh sát đã tìm được nó vất ở Orange County. Bảo hiểm đã tow xe về Shop sửa chữa và sẽ trả hết mọi chi phí về chuyện sửa xe và mướn xe mỗi ngày cho anh đi lại.

Em nói đi xem lễ cùng anh chị Lộc thì xe bể bánh, là xe nhỏ hay xe trailer? Thay bánh xe mà sao lâu thế nhỉ. Hôm qua anh bận chạy đi tow xe về Repair Shop, và nói chuyện với Police ký giấy nhận xe. Deal với bảo hiểm về chuyện sửa xe. Trước khi ra khỏi nhà, anh quên không tắt máy computer, cứ online hoài. Công việc nhà hàng bận rộn thật tội em quá. Mai này anh sẽ không để em vất vả nữa đâu. Chuyên đời thật khó mà tính trước, luôn có những biến cố xảy ra bất ngờ làm cản trở con đường tính sẵn. Tuy nhiên nếu ta vạch một con đường cho hướng đi, thì có vòng vèo rồi cũng sẽ đi tới La Mã. Phải không nào!

Chiều nay anh đi gặp Housing Specialist tại văn phòng, bà này gốc Mexico già, không đẹp nhưng khá tử tế. Bà ấy ngạc nhiên thấy anh copy sẵn các thứ giấy tờ, và kèm theo bản chính để đối chiếu, xếp mỗi thứ một folder riêng. Bà ta chỉ việc lấy bản copy là xong. Vừa làm bà vừa nói chuyện vui vẻ. Chuẩn bị thì lâu, nhưng khi làm việc thì chừng 20 phút là hoàn tất mọi việc. Như thế kể như xong Step 1. Ngày 22 tháng 9 là Step 2 inspection nhà nữa là xong, thường công việc này do một cán sự khác làm.

Anh thích chỗ anh Đồng có tiện nghi với những ưu điểm: mát mẻ, khang trang, an toàn, gần sát chợ và khu trung tâm Litle Saigon mua đồ và đón xe bus. Rất thuận tiện cho các vị nội trợ giỏi về gia chánh thích nấu nướng như em. Tuy nhiên, anh sẽ dọn nhà đi để đón em về chứ, như là món quà mừng em trở về muộn. Vấn đề Deposit thì ở đâu chẳng có, anh đang deposit $1,400.00. Anh phải coi lại nhà nầy vài lần, xem mấy cái Bills về tiền Gas, Điện, nước, phone xem sao, chưa kể có nơi đòi tiền Rác và Landscape nữa. Đây là khu Apartment chứ không phải MobileHome. Anh tính ngoài Tết Tây sẽ move. Anh chỉ tiếc bộ máy giặt và sấy ở nhà cũ còn quá tốt.

Chuyện trộm cướp tại xứ này xảy ra hoài. Cho anh gửi lời chia xẻ cùng anh chị Lộc nhé. Những tên trộm rất kinh nghiệm và chuyên nghiệp tránh được camera và alarm rất tài tình. Đó cũng là chuyện buồn xảy đến với gia đình họ. Anh rất buồn thấy em sức khỏe không được tốt như ngày em ở Cali. Có lẽ đổi về nơi nắng ấm may ra giúp em bớt phần đau nhức, hơn là nơi xứ lạnh em đang ở. Nếu em về VN cưới vợ cho con, em nên lợi dụng dịp này tìm thầy Lang Đông Y danh tiếng, nhờ trị bệnh đau nhức, phước chủ lộc thầy; may ra khỏi bệnh.

Anh nghe nói có mấy người bệnh đau nhức khá nặng bên Mỹ chữa không khỏi, thế mà về VN uống thuốc Bắc mà lành bệnh. Gặp cơ hội, em cứ thử xem nha. Vấn đề đau nhức xương của em có lẽ em bị "rỗng xương". Em cần uống Calcium hàng ngày, ăn những thứ có calcium như sò biển, tôm cua, ốc v. v... Nhớ em đừng bao giờ để bị té. Vì té dễ bị gẫy xương lắm. Anh luôn cầu chúc em luôn được bằng an trong sự che chở của Thượng đế. Mong em có sức khỏe để trở về bên anh, sớm hưởng phước cùng con cháu, bình an trong tâm hồn cũng như trong cuộc sống. Một lần nữa anh cám ơn em đã quan tâm tới sức khỏe của anh, chia sẻ tâm tình cùng anh.

Anh rất nhớ em, có biết không cưng? từ ngày chúng mình có nhau, anh như kẻ mất hồn, lúc nào cũng nhớ tới em và tơ tưởng đến em đáng yêu của anh. Nhiều lúc thấy cũng buồn! Tại sao cuối đời mình lại cô đơn thế này! Không lẽ ông trời bắt chúng ta cứ sống cái cảnh xa nhau như vầy mãi sao? Em thương, bây giờ là 9 giờ kém 15’ anh viết thư này cho em. Tối nay em về trễ, lúc đó có lẽ anh tắt máy đi ngủ rồi, vì khác múi giờ. Ngày mai… em tính hộ anh xem có giải pháp nào tìm lối thoát không em nhé? Bây giờ để em đi nghỉ sớm, cả ngày em vất vả rồi. Phần anh gõ mail nầy từ lúc 8:AM mãi tới 6PM mới có thể gởi thư đi.

Em đừng cười nhạo anh vẫn có tính đa tình và giàu tình cảm (dù anh đã già nhen, anh tuy già nhưng tâm hồn trẻ trung như thuở còn xanh mái tóc, em ạ). Vì, em phải tự tin rằng em có nhiều ưu điểm làm anh yêu em say đắm, và em có bản lĩnh cột chân anh lại. Hạnh phúc nằm trong tầm tay em, do những thứ em có mà người phụ nữ khác không có. Em là người tuyệt đối trong ngôi vị nữ hoàng tình yêu trong lòng anh. Em thật sự rất xứng đáng là người anh chọn. Đừng ủy mị và chán nản, đừng bao giờ bỏ cuộc nha em. Hãy tin chính mình, tin người mình yêu. Hôm nay anh ngồi ăn cơm một mình nghe gió chớm đưa cành lá rì rào mà lòng bỗng bâng khuâng nhớ em thật nhiều... Ước gì có em bên anh lúc đó... Cuối mùa xuân buồn nhưng thật đẹp em ạ... vậy sao lòng anh cứ nhớ thương ray rứt, như những kẻ yêu nhau mà chưa được gần nhau...
Hôm nay mưa lại về
Nắng nhuộm vàng trên đê
Làn mây bay nhè nhẹ
Chiếc lá rơi bên hè.

Anh ngồi đợi tin sương
Tà áo ai trên đường
Bỗng dâng lên nỗi nhớ
Gọi tên nàng hoài thương...

Chúc em ngủ ngon.
Anh của em.
Trọng Phùng
*

Tình Hoài Hương

(*) Thơ lượm lặt

Tinh Hoai Huong
04-12-2016, 02:25 AM
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1460427553-vuotb ditan xe do.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1460427750-1954-1975_Elvis Phuong.mp3
Tháng Tư Gãy Gánh Gươm Đàn


Bầu trời xanh lơ điểm những hoa mây trắng qùy gối trên mặt hồ Xuân Hương sáng loáng như tráng men, rồi mây kéo lê thê bay vắt qua sườn đồi buồn thiu, mây lang thang trên con đường mòn đất đỏ vắng tanh, mây bò lên sườn dốc đầy cỏ vàng úa. Trong vùng sương mù và mây trắng xóa đó, tôi an phận đi và về giữa tiếng tíu tít và giọng cười nắc nẻ của các cô gái lí lí lắc lắc đang vui tươi ôm cặp đến trường. Những tà áo dài trắng hòa với sương mai mờ mờ, lung linh quyện lẫn vào nhau trong màn sương mênh mông. Mây và sương ru tôi vào mộng tưởng hoài mong luyến nhớ vô vàn. Cái lạnh cuối xuân mơn man lành lạnh ơn ớn len lén bay về, làm tê tê bờ môi vụng dại, khiến hai gò má phụ nữ và trẻ em luôn ửng hồng, màu hồng tự nhiên do trời ban không hề tô son trét phấn, thế mà họ vẫn xinh.

Ngày ngày vẫn bình an, ung dung vui vẻ từ nhà đi trên đường quen thuộc đến nơi dạy học, tôi cảm thấy lòng mình ấm lại những niềm vui. Chồng tôi (Luật) phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Hạnh phúc đơn sơ ấy chẳng được bao lâu, thì lịch sử Việt Nam đang còng lưng vác trên vai những tang thương đau đớn, dày vò, bi thảm tàn khốc nhất trong cuộc chiến tranh hung tàn. Ngoài xa, xa mãi tận hướng Du Sinh, hay Suối Vàng thì phải, từng hồi pháo-kích đì đùng nổ rền trời. Khói đen nghịt kéo theo mùi cháy khét tởm lợm, cùng sức nóng rợn người. Sương muối mù mù nặng hạt còn thấm ướt mái tóc, khi tôi đứng lớp giảng bài, thì Luật hớt hải chạy đến giữa những khung cửa kính kêu rè rè, bể loảng-xoảng, nâng nỗi khiếp sợ lên giếng mắt nhau. Có điều gì lo nghĩ đắn đo phiền muộn hay sao, mà khi anh nhìn vào mắt tôi, Luật đã vội vàng cụp mắt xuống, chơm chớp hai giọt mọng nước và lãng tránh quay đi, anh lí nhí báo tin động trời chẳng lành:

- Mười ơi! Có lệnh từ thượng cấp cho ông già bà lão, phụ nữ, trẻ con di-tản gấp. Còn toàn thể quân nhân, cảnh sát, nam công chức, thì tuyệt đối phải tử-thủ tại Đà Lạt.
Tôi nghe Luật báo tin ấy, cảm thấy rụng rời, bàng hoàng như sét đánh ngang tai. Tôi sực nhớ đến chuyện động trời: ngày 9 tháng 3 năm 1974, tại trường Tiểu-học Cai Lậy có loạt đạn 82 ly nổ rền. Ôi! Coi trên truyền hình có đoạn thời sự đã chiếu đi chiếu lại: thấy hằng trăm trẻ em vô tội chết đau đớn thảm thiết, thương tâm xiết bao! Bỗng dưng tôi lại nhớ vào khoảng năm 1973 có một thời người ta ùn ùn leo lên núi Lâm Viên để: xin nước của Phật Bà ban phước cho bá tánh, hầu trị tà ma, bình an, hay bệnh tật. Bà chị ruột của tôi đã đi. Và nữa… một số thị dân Đà Lạt nhiều người truyền tin cho nhau rằng: “Từ những cánh rừng xa hun hút, suốt ngày đêm đã xuất hiện nhiều đàn sâu róm nối đuôi nhau lũ lượt kéo xuống biển. Sâu róm chết la liệt trên đường (lúc băng qua đường). Những xe khách, xe đò, xe nhà đi từ Đà Lạt xuống Phan Rang… đều thấy”.

Tôi không biết chuyện tiên tri về đoàn sâu róm, và đoàn người sống trên đời lố nhố bỏ núi rừng băng đường vượt sông ùn ùn ra biển, thực hư ra sao. Tuy nhiên tôi tin rằng nếu ai đã từng sinh sống ở vùng Cao Nguyên thời ấy, đều biết, hoặc nghe rõ về chuyện Phật Bà hiện lên chỗ nọ chỗ kia, có cả chuyện mặt trời xoay quanh phụ nữ tiên mặc áo lụa trắng, thắt lưng xanh, tay bế hài nhi đứng trong vầng mây ...và đoàn sâu róm nườm nượp đi xuống biển.

Bây giờ tôi chưa biết tình hình náo động nầy sẽ ra sao, khi ôm nhau chạy về nơi vô định, nên càng run sợ tột cùng! Phải cho các em học sinh dọt lẹ mà thôi. Tôi thều thào dặn-dò học sinh thu dọn sách vỡ, lo chạy nhanh về với gia đình. Trong trường tôi có cô Phùng dạy sát bên vách lớp của mình. Phùng xin tôi cho vợ chồng và đứa con nhỏ đi theo. Vợ chồng tôi đồng ý cho họ đi nhờ xe nhà của tôi về Nha Trang. Vì Phùng không có phương tiện di chuyển, mọi ngả đường bộ về hướng Định Quán đi Sài Gòn đã bị bế tắt. Chính phủ đang trưng dụng hàng không dân sự, để làm những việc hữu ích cấp bách rất cần khác. Duy chỉ còn quốc lộ chính từ Đà Lạt xuôi về miệt Phan Rang, Nha Trang, Phan Thiết: là có thể chưa bị mất. Không có xe đò còn chỗ chở khách, vì họ bận chở thân nhân; nếu ai may mắn lắm, hoạ may chủ xe cho lên ngồi trên mui, nhưng giá tiền một người đắt gấp mười lần giá tiền thường ngày. An toàn nhất là ngoại trừ ai có xe nhà.

Vợ chồng tôi vội leo lên chiếc Peugeot 404 của mình chạy về nhà. Đồ đạc trong nhà đầy dẫy! Tôi lính quýnh quờ quạng run rẩy không biết nên lấy thứ gì? Làm sao có thể gom đi cả gia tài đã dành dụm suốt đời người trong chiếc xe bé tí xíu? Luật la:
- Nhanh lên em. Bỏ của chạy lấy người. Còn người còn của mà. Mẹ, em và các con, cứ lo đi trước đi. Anh ở đây sẽ tìm cách gửi từ từ những thứ cần thiết theo xe đò xuống Nha Trang, gửi ở nhà anh Trí tại Cam Ranh, hoặc gửi ở cô Oanh, cho mẹ con em dùng sau.

Trong khi chờ đợi tôi thu xếp hành trang, Luật kiểm soát xe cộ, đi châm xăng, dầu nhớt vào xe hơi đầy đủ. Tôi dặn dò các con thu xếp gọn gàng sách vở bút viết cần thiết, bỏ vào mỗi cái cặp riêng của con cần mang theo. Tôi không còn tâm trí để nhớ một cái gì, lấy cái nầy, thì tiếc cái kia. Vì ngôi nhà đồ sộ sẽ buồn tênh và trống trải, mất mác hết khi vắng chủ nhân. Có thể ngôi nhà sẽ không bao giờ đón chúng tôi trở về. Mặc dù tôi đã để lại hết tất cả gia tài cồng kềnh quý giá, nặng nề, do công khó lao nhọc bao năm vợ chồng tôi tằng tiện dựng xây mua sắm. Tôi không giàu có lắm, nhưng giờ đây thì thứ gì cũng có thể không còn, tuy sự cần cù nhẫn nại chịu đựng, lòng tin yêu, độ lượng và tự trọng thì tôi không thiếu. Cái gì đời cũng ưu ái cho tôi sao!? Nhưng chưa chắc bây giờ tôi cần những thứ đó. Giống như chiếc xe thổ mộ đã chở quá đầy hàng, nếu chất thêm vài giỏ dưa lên nóc, chẳng biết xe và dưa sẽ đỗ lăn mất lúc nào. Vậy thì, ta nên giữ lại những thứ gì thật sự cần thiết trong lúc khẩn cấp mà thôi.

Tôi lo nấu hai nồi cơm hơi nhão thật to, dùng khăn ẩm vắt ra từng nắm nhỏ, chu đáo, tươm tất gói chà bông, ký lạp xưỡng, khô cá, khô bò, kí giò lụa, dưa leo, cà chua, cà rốt, rau sống, thùng mì gói, mươi bọc cơm sấy, mấy ổ bánh mì ba tê gan trét bơ, hộp sữa, tiêu, xì dầu... Có sẵn ít cá thu kho măng với thịt ba rọi còn dư, cả nồi trứng thịt heo kho Tàu đầy, do mẹ Luật đã nấu hồi sáng. Vừa làm các công việc trên, tôi bồn chồn lo lắng, bồi hồi, luyến tiếc về sự ra đi. Bởi vì tôi không thể biết cuộc ra đi sẽ lành dữ ra sao. Các con trẻ bé dại cùng đi với bạn bè trên dưới ba bốn mươi người (chung chuyến đi ở ba chiếc xe khác nữa của bạn). Nếu bị lỡ đường, tôi sẽ có thức ăn chia sẻ cho bạn lót dạ. Tôi khiêng một thùng nhựa 10 lít nước lọc ra sân. Hai cái bô có nắp đậy. Ít áo len, quần áo mỏng, giày, dép, linh tinh... cho bà mẹ chồng, tôi, các con.

Đã gần đến giờ hẹn, nhưng không thấy Luật đâu cả, tôi quá sốt ruột lo lắng vô cùng. Thì ra, Luật đã chạy vào trong Hà Đông báo tin cho gia đình cậu Cương của anh, và gia đình bà Tề lo liệu di tản. Thật là tội, ở trong ấp mù tịt chuyện thời sự náo loạn, họ ung dung đi tưới rau, không hề biết chuyện nhốn nháo lộn xộn rần rần ở ngoài phố ra sao. Thế là Luật phải đưa cậu Cương ra phố bán hai cây vàng. Cầm đồng tiền giấy nhẹ, có thể mua gì cũng được, hơn cầm cả thỏi vàng, chả lẽ mua ly trà, ly nước dừa, mà đưa cả chỉ vàng, hay cả lượng vàng. Mất toi mạng như chơi. Có mà điên! Hầu hết các tiệm vàng trả giá rẻ mạc hai cây vàng, họ ép giá mua chỉ năm mươi ngàn! Năn nỉ kỳ kèo hoài mà chả ai thèm mua giúp. May sao có bạn của Luật (anh chị Kim là chủ tiệm vàng ở Tùng Nghĩa, đến nhà chờ đi chung) mua giúp cho cậu.

Kim chạy giặc có những bọc vải ruột tượng, túi áo, túi quần cả gia đình đâu đâu cũng đựng vàng là vàng nặng trĩu. Họ rất sợ mất toi mạng, vì thời buổi loạn ly mà có hằng tá vàng chình ình cả đống thế kia, chẳng khác nào “lạy ông tui ở bụi nầy” làm thể nào thu dú đâu được. Gia đình anh Kim cần đi chung với bạn bè có đông người thân thuộc, là điều rất mừng. Kim tin bạn không tham lam lừa đảo, nên gửi nhờ bạn mỗi người mang mấy bọc vàng, Kim an tâm không sợ bị cướp giật giữa đường. Anh Kim móc túi lấy bốn trăm ngàn đưa cậu Cương, đó là anh trả cho cậu giá rất cao, coi như Kim cho cậu Cương tiền, chứ không phải anh mua vàng. Cậu của Luật vui mừng khôn xiết, cậu lo chạy nhanh về nhà thu xếp.

Các bạn thân hẹn nhau tập họp t nhà tôi ở đường Đoàn thị Điểm, đúng hai giờ chiều là lên đường. Nhìn căn nhà riêng của mình lợp ngói ba tầng bề rộng phủ bì 5mét, chiều sâu 45m, đúc bê tông cốt sắt, tôi tiếc ngẩn ngơ, bùi ngùi vô vàn, thật sự không muốn lìa xa; nhất là xa Đà Lạt nơi chôn nhau cắt rốn. Nơi đó, còn cha mẹ, anh, chị, các cháu, chồng tôi (anh phải nghe theo lệnh cấp trên ở lại Đà Lạt tử thủ), người thân xóm làng hiền hòa. Không hiểu họ sẽ xoay-xở ra sao, khi tiếng đạn pháo ngày càng đinh tai nhức óc, dồn dập rót về trên đầu? Thỉnh thoảng súng đạn vun vút rền vang nơi xa xa, tạo thành những đường dài sáng loáng tóe lửa, vút qua vút lại trên bầu trời.

Bà cháu ôm nhau ngồi lặng-lẽ trên xe, cúi mặt thút-thít khóc, lòng tôi rối bời, ngổn-ngang trăm mối, lo-sợ tột cùng. Tôi cho con nhỏ mẹ già di tản, thì ăn ở đâu, ngủ ở đâu? Nhưng ba bên bốn bề ai ai cũng ùn ùn lũ lượt kéo nhau đi, đông kinh khủng thế nầy. Nếu gia đình tôi ở lại, có lẽ càng cô độc và sợ hãi hơn khi bóng đêm bao trùm xuống vạn vật, súng đạn ùa về nổ chát chúa, đinh tai nhức óc mỗi đêm thế nầy, làm sao đây!? Lương quân-nhân, công-chức, như “tiền lính tính liền”, rồi sẽ ra sao khi bồng bế nhau chạy về nơi vô-định?

Mấy lúc trước tôi đã bòn nhặt cất dấu được một số tiền kha khá, (đề phòng khi hữu sự bất chợt như bây giờ, thì có mà chi dùng). Nào ngờ, Luật thấy trong nhà có tiền, anh nghe bạn than thở, là thể nào anh cũng “réo rắt, xeo nạy” cho bằng được, để anh mang tiền đi đưa cho bạn bè mượn. Cả chục lần thấy chồng ỉ ôi thở vắn than dài, “dằn vặt đay nghiến” tôi. Dù tôi đã quyết dú đút tiền cất đi, nhưng rồi tôi vẫn “lạt lòng nhẹ dạ” không nỡ từ chối lời anh yêu cầu. Vả lại, tôi không phải là loại đàn bà mê tiền hám lợi, bo bo ôm rịt giữ kỹ tiền, thấy vàng bạc là mắt sáng như đèn pha. Tôi “dại lòng” nên trút hết hầu bao, đưa tiền để anh đem cho bạn mượn trước mặt tôi. Thật ra tôi cũng biết hoàn cảnh tùy gia đình mỗi người bạn, đều khó khăn rất tội nghiệp. Họ có tự trọng nhưng quá khốn đốn mới muối mặt nhờ giúp đỡ. Bây giờ bất ngờ ra đi nên tôi chẳng còn dư bao nhiêu tiền, thì nếu mẹ con tôi không lo chắt bóp ăn rau ăn cháo, chắc là chết đói nơi xứ lạ quê người thôi. Nghĩ tới đó là tôi cảm thấy quá sợ hãi!

Dưới chân đèo Krong Pha nhìn lên Đà Lạt tít mù cao, những bè mây trắng xoá kéo thành một dong dài, mong manh lả lơi như hơi sương quấn ngang đồi thông tiếp nối đồi thông rủ tóc, trải thành dải sô tang quấn trên triền quê hương. Đồi thông từ từ khép bức màn sô tang mỏng dính trong gió rì rào lao xao lay động cây cành nghiêng ngả. Rừng lá thấp xưa kia xanh thẩm mịt mùng ngút ngàn bao cây gỗ quý, hôm nay hầu hết cây cối xơ xác héo úa. Con đường cái quan ngày xưa rộng thênh thang, nay chật như nêm. Đoàn xe (nhà tôi và bạn) gồm bốn chiếc nối đít nhau chạy qua khỏi Krông Pha, tôi chẳng hề thấy ai đi ngược lên lại hướng núi, nơi chúng tôi đang đi xuống. Giòng người đen nghịt nối đuôi nhau đi chỉ một chiều xuôi về miền biển…

Tôi định tâm nhìn quanh, quá kinh ngạc khi thấy hàng hàng lớp lớp xe hơi lớn, xe hơi nhỏ, xe lam, xe gắn máy, xe đạp, xe ba gác, xích lô, mà biết hầu hết mọi người có phương tiện di chuyển như: xe hơi nhà, xe jeep, xe GMC, xe honda, xe lam, xe ngựa, xe bò... cùng bầy trâu, bò, heo, chó, ngựa, gà vịt, dê... chen chúc với người và người… tất tả xô đẩy nhau chạy bộ trên con đường chật như nêm, hổn-độn nối đuôi nhau chạy đi, chạy đi... ứ nghẽn. Họ lũ lượt kéo nhau tấp nập vội vã đi đông hơn kiến, kể cả những người gánh gồnh, vai mang lưng cõng, đều nối đuôi nhau lũ lượt tất tả lê lết đi bộ, bàn chân họ cột những tấm khăn hoặc quần áo chen lấn trên đường nhựa nóng muốn rộp da. Những tiếng còi xe bóp liên tục, những tiếng vỗ vô thùng xe và la hét của lơ xe kêu bộ hành giạt ra hai bên lề đường, nghe càng hổn độn và nhức óc.

Trên đầu súng đạn luôn ì oành nổ ầm ầm đùng đùng, oằng oằng oằng… pằng pằng pằng… chẳng lúc nào ngớt. Nhiều tràng súng từ phía sau ria tới tấp, xẹt tới xe hơi chở những bao bố tiền to khổng lồ, đó là tiền của các ngân hàng ở Đà Lạt mang đi. Tiền ơi là tiền rơi kín một góc đường phố, bay tá lã theo gió lồng lộng, mà các thứ xe kia cứ vùn vụt chạy đi, chẳng biết có ai dám cả gan đứng lại khum xuống nhặt tiền dưới cơn mưa chì bão lửa đó không? Cảnh thương tật, khóc than, thét mắng, đói khát, chết chóc, gầm rú. Hò hét. Chửi rủa. Đánh đập lẫn trong tiếng súng đạn gầm rú xa gần, khiến mọi người bị hút vào điệu quay chóng mặt, bàng hoàng đến rợn người. Dọc theo quốc lộ những pha cướp giật bóc lột đánh chém nhau dã man, trắng trợn nhiều vô số kể. Nhìn bộ hành kiên nhẫn đi vội vàng, dáo dác nhìn ngược ngó xuôi, lo lắng bước thấp bước cao như thế, lòng tôi bâng khuâng nỗi đau xót lạ thường, tim chùng xuống ngàn đắng cay ngậm ngùi không thể tả.

Mãi đến buổi hoàng hôn khi qua khỏi Phan Rang đầy gió cát, tới Ba Ngòi trời vẫn nóng bức xé da. Đoàn xe di tản chậm hẳn lại, dường như không còn sức sống, cạn kiệt nguồn sống rồi chăng, những xe khác không còn yêu xăng, nên xe ù lì nằm ụ từng đám rải rác trên đường từ Phan Rang tới Ba Ngòi, xe chẳng thèm nổ máy chạy nữa rồi! Gió lồng lộng thổi những hàng cây lao xao cúi rạp mình gần sát đất, khi những trái hỏa châu mắt thần bùng nở, đỏ bầu trời nghiệt ngã đang đè lên đầu nhân thế, hòa cùng khói thuốc súng và từng đám mây trắng bay vội vã, như đàn cừu hốt hoảng té chạy tứ táng trên đồi cỏ khô. Tiếng súng đạn bay vút lên không trung, tạo thành những màn nhện đỏ au, đan chéo qua chéo lại, có đường cát tuyến tiếp tuyến trên không gian mịt mù, tiếng đạn nổ dòn, hòa cùng tiếng lao xao của rừng xoài, tiếng dê, chó, gà vịt, côn trùng đồng loạt tấu khúc dạ trường bất tận… Đêm cuốn đi bởi giòng cuồng lưu cuồn cuộn, xô đẩy nhau chảy theo làn sóng người đang tìm cách thoát thân ra khỏi tai trời ách nước.

Trời sập tối, thì chúng tôi đến gần Vịnh Cam Ranh, nơi có chỗ neo tàu sâu, có sân bay chắc chắn và an toàn, có câu lạc bộ, có nhà máy làm nước đá, có hệ thống ra đa tối tân nhất bây giờ. Vịnh Cam Ranh là một lợi thế chiến lược tốt nhất của vùng Đông Nam Á. Từng là nơi tiếp liệu xăng dầu cho hạm đội trong chiến tranh Nhật-Nga từ 1904 > 1905. Ngày xưa là thế, mà nay im lìm câm nín bất động.

Đoàn chúng tôi cùng đi gồm: gia đình Trần Văn Ngọc: (mười chín người). Gia đình tôi (sáu người). Gia đình Phùng (ba người). Gia đình Bàn (mười người). Gia đình Kim mười người, (bây giờ Kim từ giã chúng tôi đi về hướng Phan Thiết, họ có thân nhân ở đó). Nhà anh chị Trí ở Cam Ranh, mười tám người, (không kể họ hàng di tản). Nay ở tại nhà anh Trí có thêm đoàn chúng tôi, vị chi tại nhà nầy có cả thảy là 78 người! Kinh khủng quá. Anh chị Trí, mẹ anh, em gái, các con anh chạy ra mừng rỡ tíu tít rôm rã chào đón. Chúng tôi đến bất ngờ, tôi, Phùng, gia đình Ngọc, Bàn, cùng hùn tiền đưa chị Trí, nhờ chị đi chợ nấu ăn giúp (có lẽ vài bữa). Ban đầu chị Trí nói qua loa, không nhận. Nhưng sau thấy chị Bàn nhét tiền vô túi, chị Trí mừng rỡ xách giỏ đi chợ. Phút chốc ba nồi cơm trắng to tướng, nồi canh chua cá chim, cá thu kho và rau sống, rau muống luộc, đã đọn lên đầy nhóc. Những người mới tới dùng bữa no nê ngon lành.

Nhưng tôi và Phùng có con dại, mệt quá nên chỉ ăn qua loa nửa chén cơm, rồi đi tắm rửa, giặt giũ áo quần. Phùng và tôi leo lên giường rù rì nói chuyện tới khuya. Phùng bảo đảm với tôi là chỉ cần chúng ta an toàn tới Nha Trang, thì mẹ con tôi sẽ ở nhờ tại nhà bà cô của Phùng. Nghĩa là gia đình tôi và Phùng sẽ tách riêng mấy gia đình kia: Ngọc. Quý. Bàn.

Ở Đà Lạt là quê hương tôi, dù gì tôi cũng dễ dàng xoay trở. Nếu về Nha Trang thì coi như tôi bơ vơ, lạc lõng. Tôi chỉ quen thân duy nhất cô Oanh (trước kia dạy học ở Đà Lạt, hai năm nay Oanh đã đổi về Nha Trang). Chẳng biết Oanh có còn ở chỗ cũ không? Còn Phùng về Nha Trang, thì bà con hai họ nội ngoại có nhiều. Phùng hy vọng có thể lưu lại nhà thân nhân một thời gian, sau sẽ tìm cách trở về Sài Gòn. Thế nên tôi thật mừng khi có Phùng cùng đi.

Bốn giờ sáng hôm sau, chị Trí lo dậy nấu mấy nồi cơm, canh cá tươi thật to như tối hôm qua. Tôm, cá, mực ở miền nầy rất tươi và quá rẻ, so với Đà lạt. Chúng tôi ăn uống no nê xong, ba đoàn xe chúng tôi từ giã anh chị Trí, lên đường đi Nha Trang. Khi tôi tới chỗ trạm đổ xăng, vì xe hơi của tôi cạn xăng, tôi đi tìm hầu hết mấy trạm xăng, không nơi nào mở cửa. Các chủ trạm xăng đều nói: “từ đây về Nha Trang các trạm xăng đều hết, khan hiếm, đóng cửa không có xăng từ một tuần nay”. Trời ơi! Lẽ ra tôi còn bình xăng phụ mười lít dự trữ mà Luật đã bỏ sau cốp, nhưng tôi ỷ y là dọc đường có thiếu khối gì trạm bán xăng, mà lo. Thế nên tôi đã chia sạch xăng cho hai chiếc bạn đi cùng đoàn. Tôi không hề dự đoán có chuyện bất trắc nầy. Chết rồi. Không ai chịu bỏ xe của mình lại nửa đường, (dù xe của họ cũ, coi thổ tả). Thế là tôi đành bỏ chiếc xe hơi Peugeot 404 mới của mình nằm ụ tại Cam Ranh, đúng như Luật nói: “bỏ tất cả của cải qúy giá, bỏ hết, lo túm chạy lấy sáu mạng người. Còn người còn của”!

Mẹ con tôi, gia đình Phùng leo lên xe lam của Quy chật cứng những đàn bà, trẻ con, cả thảy là mười sáu người. Mẹ của Luật và đàn ông, phụ nữ mạnh khỏe khác, thì leo lên chiếc xe be không mui. Dạo trước xe be nầy dùng chở cây gỗ, nay chở người. Khoảng bốn chục người lố nhố chen chúc ngồi trên xe be trần trụi, không có bờ vách, họ dùng những sợi dây dừa cột chặt thân người nầy vào người kia, rồi cột vô một cây gỗ cẩm lai và đống đồ đạc cao chất ngất.

Xe be và xe lam chạy chậm rì, cà rị cà mò ì ạch, nhưng tôi vẫn lo sợ người ngồi trên xe be chen chúc chật cứng, có thể bị lọt xuống đất! Xe không thể chạy nhanh trên đường dài ngoẵng có đủ mọi thành phần và tầng lớp… đông hàng vạn người gánh gồnh đi bộ, có đủ thứ loại xe lớn nhỏ. Thỉnh thoảng những chiếc xe bò lọc cọc chở đầy người phủ tấm bạt bay phần phật. Xe không có mui che, mặt trời càng nóng rát. Nhóm người lết bộ tay bồng tay bế, các em nhỏ khóc la thảm thiết, mặt mày ai nấy lem luốc, đỏ ửng như con tôm luộc, mũi dãi lòng thòng. Đến gần ngả ba, thì có một chiếc xe hàng mui bẹp dúm, bốn bánh xe chổng ngược lên trời, người trong xe ấy hò hét, máu me lênh láng. Mẹ con tôi sợ hãi bưng mặt nhìn đi chỗ khác, tôi tột cùng run rẩy hoảng loạn, tim nghẽn nghẹt ứ cơn đau, mà thân thể muốn bay bổng lên chín tầng mây.

Xe lam của Quy bị hư, cũng do chất đầy người và quá nóng máy, xe lam nầy nhích chạy đường trường không có đèn. Chiếc xe be do Ngọc lái phải đi sát phía sau dọi đường cho xe lam chạy, thật quá sức nguy hiểm. Đèn pha của xe GMC nào đó dọi sáng trưng, suýt tí nữa thì xe lambretta của Quy chồm tới rất sát xe khách trước mặt, (hoặc là chúng tôi nằm gọn dưới lòng xe be)! Anh tài xế xe GMC nghiến răng gò lưng đạp thắng, trên xe mọi người đông nghẹt đều dồn đống, chúi nhũi tới phía trước xe GMC. Bốn bánh xe GMC rít ken két dưới mặt nhựa, bánh xe tỏa khói bay khét lẹt. Tôi khó có thể đoán tuổi đời anh lính dãi dầu sương chiều nắng gió ấy đã trải qua bao xuân xanh, khiến da mặt anh càng sạm đi lúc hiểm nguy nầy? Cả bộ quân phục mặc trên người hình như bạc phếch phong trần, hay do bụi cát rít dưới những bánh xe?

Chúng tôi chỉ biết kêu Trời cứu mạng. Khi đèn xe rọi tới trước, tôi thấy những đứa trẻ con trạc bằng tuổi con tôi, nghe tiếng bánh xe lết trên đường nhựa, chúng hốt hoảng quýnh quáng bám theo chân người lớn vọt lên lề, mệt mỏi nằm vật ra trên đất khô. Thật hú hồn hú vía, nếu anh tài xế xe GMC không tháo vát, nhanh nhẹn, không có kinh nghiệm, ắt hẳn là tai nạn rùng rợn sẽ xảy ra không thể lường! Trong lúc nầy lòng tôi bỗng điên cuồng nổi lên sự ấm ức đầy tức giận, vì chuyện tôi đã vứt bỏ lại chiếc xe 404, để leo lên chiếc xe lam thổ tả nầy! Biết làm sao được, khi mình có lòng nhân không hề tính toán thiệt hơn, đã hậu hỉ trút hết xăng cho xe bạn!
* * *

Từ Cam Ranh khởi hành lúc chín giờ sáng, mãi đến mười giờ tối đoàn xe ì ạch nầy mới đến ngã tư Thành. Các ngã ba ngã tư giòng người đang cố chen lấn, giành cướp tí đất sống, xe và người vội vàng sát nhập chung nhau trườn lết tới vùng đất hứa hẹn an toàn. Họ cố chen từng bước, từng bước, ùn ùn tìm về vùng tạm cư có lẽ bình an hơn: Nha Trang… Chúng tôi ghi cho nhau địa chỉ bà con ở nhiều nơi, ngộ lỡ có biến loạn, hay cần liên lạc, thì biết mà tìm nhau. Chúng tôi chia ra nhiều hướng: Gia đình Phan Bàn ở nhờ với bà con của họ tại đường Nguyễn Tri Phương. Đại gia đình Trần Ngọc ở nhà bà con. Vợ chồng Phùng, gia đình tôi về nhà bà cô của Phùng.

Có thêm chúng tôi, nhà bà cô hơi chật càng nghẹt thở hơn, cổng sắt cao lút đầu, màn che trướng rủ kín mít. Họ nói chuyện với nhau thì thầm to nhỏ, mắt la mày lém, dáo dác nhìn trước ngó sau len lén rù rì. Họ tỏ lộ vẻ khó chịu ra mặt bất an sợ sệt điều gì lạ lắm. Hay là họ sợ mẹ con tôi biết họ quá giàu, họ “nuôi ong tay áo, nuôi khỉ đốt nhà”, tôi sẽ nảy sinh ra trộm cướp của họ chăng? Sống tại nhà bà con của Phùng ba ngày ba đêm, tôi sợ các con ồn ào làm vướng bận, phiền gia đình bà cô, nên mỗi ngày chúng tôi phải đi qua bên trường Tiểu-học, ngồi ngoài gốc cây phượng mua quà bánh ăn qua loa. Chiều chiều chúng tôi mò ra biển ngồi dưới hàng dừa hứng gió mát, để cho các con nô đùa ở biển. Chờ sau giờ cơm tối mịt, chúng tôi mới dám mò về xin phép chủ nhà cho tắm rửa, đi nằm ngủ nhờ dưới nền gạch bóng loáng trải mền bông xuống nền nhà. Mẹ con bà cháu tôi đều chui vào nằm chen chúc trong một cái mùng rộng. Tóm lại, chúng tôi chỉ xin ngả lưng ngủ nhờ. Năm giờ sáng, tôi lo đánh thức cả nhà dậy, lại đi ra ngoài lộ sớm. Hai hàng nước mắt tôi thầm lặng vẫn tuôn trào.

Mặc dù từ Đà Lạt về Cam Ranh, biết tôi không có thân nhân ở đây, Phùng đã cam đoan chắc chắn là: mẹ con chúng tôi khỏi lo vấn đề ăn ở Nha Trang trong thời gian vài tháng. Tôi ngây thơ đã tin bạn. Nay Phùng cảm thấy khó xử, tôi cảm thông vì nhà nầy không phải là nhà của Phùng. Dẫu sao Phùng cũng áy náy và hổ thẹn với tôi. Qua ngày thứ năm, tôi thấy mặt mày ai nấy đều nặng như chì, khi Phùng bồng đứa con lên máy bay về Sài Gòn. Thái độ ngược đãi ấy đã được khẳng định mọi điều dứt khoát rằng: Sau khi gia đình Phùng an toàn tại Nha Trang, có đủ điều kiện để họ tìm đường trở về Sài Gòn, thì họ muốn bỏ rơi chúng tôi. Như thế thì đã rõ rồi, dễ hiểu quá. Phùng nên đi trước, mai mốt ông chồng Phùng sẽ về sau, là lưỡng tiện đôi đàng, ông sẽ ú ớ ù lì ngơ ngơ ngáo ngáo, là huề cả làng. Họ “siêu tổ chức” khỏi mất công “hứa lèo” với tôi. Mặc tôi xử trí ra sao thì ra. Tôi thật ngây thơ, việc vợ chồng Phùng hứa suông chẳng khác nào đem con đi bỏ chợ.

Thà rằng tôi cứ ở lại Cam Ranh, dù sao gia đình anh chị Trí cũng là chỗ thân tình. Vả lại họ còn nợ tôi một món tiền hai trăm ngàn đồng, (do Luật “hứng nợ” đã đưa cho Trí). Rồi sau nầy cộng thêm nợ mới: Trí nợ một số tiền khổng lồ: Công ty chúng tôi bán năm trăm căn nhà tiền chế Mỹ đã tháo gỡ, cho dân ấp Vĩnh Linh, Cam Ranh. Tiền bán các nhà nầy, chúng tôi tin Trí, vì Trí ở tại địa phương, nên để Trí đứng ra làm thủ qủy thu tiền. Tiền anh ta đã thâu tóm hết, vung vít tiêu xài, Trí lem nhem không chuyển trả cho tôi, và ai ai trong nhóm. Ý của tôi muốn nấn ná ở lại Cam Ranh mười ngày nửa tháng tại nhà Trí, là có ý muốn Trí trả bớt tiền cho tôi, sau nữa là để tôi giữ liên lạc dễ dàng với Luật. Dù sao đường đi từ Đà Lạt về Cam Ranh, cũng gần hơn đi Nha Trang, và nơi nầy chưa bị phong toả. Ôi! người tính không bằng Trời tính!

_ * _

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
04-15-2016, 10:26 PM
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1460758784-vuotbien di tan 35.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1460758944-1954-1975_Elvis Phuong.mp3
Lòng Mềm Nhũn Nỗi Tiếc Xót Ngậm Ngùi


Thứ Hai, ngày 24-3-1975.- Có căn nhà đang cháy trong xóm đìu hiu, (do một người đàn bà bày bàn cúng ra giữa sân nghi ngút khói hương, đã bị gió tạt vô nhà). Bà ta hì hụp khấn vái kêu xin Trời Phật ban ơn lành... cho sống lâu trăm tuổi. Cứ thật thà mà nói, sau vụ bàn thờ ông cha cố tổ bị rầm rộ xuống đường năm xưa, thì tôi có ít thiện cảm để vãng lai tới chùa thăm viếng ai. Điều mà xưa kia tôi rất trang trọng, mến thích tới lui nơi "quý tăng bào lão trượng”, hầu ân cần chia sẻ chum cà, lọ tương, hủ đậu, chùm cây trái ngọt ngon, sâu nặng tình nghĩa đậm đà. Vã lại chồng tôi vẫn nói:
- Mình già rùi, “gần đất xa Trời”, can chi mà phải sợ chết, lo nọ lo kia cũng rứa hử?
Tôi gân cổ lên cãi lại anh:
- Anh nói thật tức cười. Có ai đang sống ở trên đời nầy, mà “gần Trời xa đất” mô nà! Vậy thì “đất” phải gần hơn “Trời” là cái chắc. Ta đang đạp hai bàn chân trên đất, để đi hà rằm đây nè. Khi nào chết mới gọi là “gần Trời xa đất”. Và ai ai cũng muốn lên Thiên Đàng cả. Chẳng ai muốn xuống đất hỏa ngục ở với Diêm Vương.

Chúng tôi vơ quần áo ra đi lang thang ngoài đường như thế, ban ngày đi ra biển ngồi dưới những gốc dừa, tối về thì xin vào ngủ nhờ ngoài mái hiên của trường Tiểu-học. Qua ngày thứ tám thì gia đình bà Niềm (ở đối diện với nhà bà cô của Phùng), thấy thương mẹ con chúng tôi bơ vơ nheo nhóc, họ động lòng trắc ẩn, bà kêu chúng tôi cho đến ở nhờ. Tại đây có một phòng riêng rộng rãi đầy đủ giường nệm mền gối. Muốn nấu ăn thì có sẵn bếp, cứ tự túc. Tôi ứa nước mắt mà mừng vui khôn tả xiết. Thế là cả nhà tôi tíu tít vui vẻ dọn qua bên đường. Vẫn biết là ông bà Niềm quá tốt, nhưng sợ các con thơ dại quậy phá, nên tôi không dám làm phiền họ. Ông bà Niềm có hai người con. Một anh con trai đi lính Nhảy Dù. Một cô con gái tên Thúy Lan làm ở Hàng-không Quân-sự Nha Trang.

Dưới những gót chân bé tí lún xuống bờ cát mịn, từng vệt chân trần nhòe đi trong sóng khẽ khàng vỗ tan bọt nước. Tôi rón rén bước trên nền cát ẩm, với ước mong có tí chút hạnh phúc lướt thướt lan theo từng ngấn sương khuya rơi rụng nhạt nhòa trên phố biển Nha Trang. Lòng vẫn dạt dào nỗi hoài mong tiếc rẻ bao nhớ nhung hao gầy. Nỗi nhớ làm cảm quan và lòng mình mềm nhũn, choáng váng, thẫn thờ tiếc nuối, nghẹn ngào tức tưởi bao mộng mơ bạt ngàn lắng đọng. Ngày ngày mẹ con tôi vẫn đi tản bộ ra bãi biển, tắm, ăn cơm hàng cháo chợ. Nhưng chỉ non tuần sau, tôi phải tính đến chuyện tự nấu ăn. Tôi tiếc hùi hịu vì đã để trên chiếc xe nhà của mình ở Cam Ranh hết mọi thứ, chỉ mang đi những túm quần áo cần thiết.

Bây giờ tôi mua một cái lò than, các con tôi ra đường nhặt cây khô mục, lá khô, bã mía, để nấu cho đỡ tốn tiền mua củi. Tôi phải tính toán cân nhắc kỹ từng đồng nơi xứ lạ phương xa: mua một nồi nhôm to ấu cơm, một nồi nhôm nấu canh, một nồi nhỏ dùng kho cá, một bình nhôm nấu nước, mua muỗng, đũa, sáu cái tô nhựa, (dùng khỏi bị bể). Tôi mua củi, gạo, rau, cá. Có ngày trời nắng oi ả, có ngày mưa ào ào, bầu trời miền biển khác hẳn với khí hậu thoáng mát ở miền núi, khiến các con khó chịu, mặt mũi lúc nào cũng đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại, rôm sảy nổi lên từng đám dày, ngứa ngáy. Chúng ngồi đâu là hai tay gãi sồn sột, móc chỗ nầy cào chỗ nọ như mấy con khỉ. Tôi lo sợ các con lạ nước lạ cái, sinh ra ốm đau, thì nguy.

Sáng sớm, khi các con còn ngủ, tôi lò mò đi chợ, về nhà vội nấu một bữa ăn (mà chia làm hai lần: một phần ăn vào lúc mười giờ sáng, một phần khác tôi múc ra trước, để dành ăn vào lúc năm giờ chiều). Khi ăn uống dọn dẹp rửa ráy xong, mẹ con bà cháu đều tản bộ ra đường nầy qua đường nọ. Chúng tôi thường đứng lại hằng giờ trước cổng một ngôi nhà xinh xinh phủ đầy hoa giấy, thèm thuồng cuộc sống ấm áp gia đình mà mình đã bị mất, rồi ngậm ngùi buồn xo. Chân ngập ngừng e ngại bỗng dưng tôi chùng bước, len lén nhìn vào:

Dẫu rằng ngôi nhà bên trong hàng dậu thưa ấy, tuy lạ mà rất quen thuộc, vì hình ảnh ông bà cụ đứng nơi bồn hoa thắm đỏ với vòi sen phun nước, họ giống ba mẹ tôi, bước chân họ di động chậm chạp, khẽ khàng dẫm trên nền gạch, khiến lòng tôi chùng xuống nỗi tiếc xót ngậm ngùi. Tôi nhớ những bọt nước đã rơi xuống vệ cỏ ven đường. Tim tôi rung lên từng chặp, như nhắc nhở tôi nhớ về thuở nhỏ bên hàng hoa anh đào, trong ngôi biệt thự của ba má ở tại đường Quang Trung (dưới ga Đà Lạt) mà nấc lên từng cơn.

Tôi muốn quay đi chỗ khác, nhưng đôi mắt cứ dán chặt vào mỗi gốc cây trong ngôi nhà ấy. Tưởng như mới ngày nao tôi đứng tỉa cành già, hái lá vàng trên những cây cảnh ấy trong khu vườn nhà riêng của mình nhỉ!? Nay cảnh vật và con người từ tha nhân cho tới chính mình, đã biến dạng ngoài sức tưởng tượng! Không ai có thể cứu lấy mình, chứ nói chi đến chuyện cứu người. Thời buổi loạn ly nầy “làm người” thật khó khăn: Nếu tôi có chút của cải, có máu mặt xí, thì bị hàng xóm, bạn bè dòm ngó và chính tôi nghi ngờ coi chừng… họ! Nay tôi lang thang xốc xếnh giống tên hành khất, thì bị coi là bôi bẩn chính thân, bị miệt thị, bị xô ra khỏi xã hội, và tụt xuống đáy bần cùng. Thật khó sống làm sao khi người dân thị thành vẫn lạnh lùng thờ ơ, tấp nập, dáo dác ùn ùn kéo nhau đi đâu mà đông đúc quá?

Bình minh dâng cao trên đầu nóng rát da người, hay hoàng hôn tàn dần, bóng râm từ các vách đá lan ra, buông xuống đường chân trời xa tít tắp một màu đen. Mẹ con bà cháu tôi coi "ung dung nhàn hạ" thơ thẩn vì không biết làm gì, để giết bớt thời gian quá tẻ nhạt, là ra biển ngồi hóng gió. Chúng tôi ngồi nhìn từng con tàu lớn đậu ngoài xa xa, các con tưởng tượng nhiều điều thú vị, theo dõi và biết ngày nào con tàu nầy đến bến, ngày nào con tàu kia đã ra đi. Tàu thuyền trên sóng nhấp nhô, có chiếc lênh đênh trên đại dương, chiếc ra khơi, chiếc vào bến đậu. Tuy mục đích có khác nhau, nhưng con tàu cùng lênh đênh bồng bềnh chơi vơi cỡi trên ngọn sóng lớn. Tôi nhìn những con tàu khổng lồ mà buồn bã vô cùng, không dám ước mơ hay hy vọng , dù niềm hy vọng bé tí xíu. Tôi cảm thấy mình đang chới với lữ hành trên sa mạc cháy nắng, càng hơn nữa tôi giống ông lính già cô độc, run rẩy trong một pháo đài bị vây hãm.

Trời xanh lồng lộng, biển Nha Trang thơ mộng dịu êm có gió hây hây thổi, mặt biển vẫn là thảm hoa cương óng ả gờn gợn lấp lánh, rì rào, lung linh và mênh mông. Trẻ nhỏ vô tư lự nô đùa trên biển, các con ưa thích vỗ tay và ngẩn ra nhìn những con tàu. Dù tôi bảo thế nào các con vẫn e dè, sợ sệt; vì các con không quen, chưa bao giờ cởi áo quần ra giữa chỗ đông người. Tuy các con đến với biển mỗi ngày, nhưng chúng chưa dạn dĩ. Nhìn sóng biển trắng xoá xô bờ, đẩy tới đưa lui, thì các con cảm thấy sợ, nhút nhát co chân, chúng chỉ dám xăn quần lên tới đầu gối, hay mặc áo quần dài mà reo vui, lội bì bõm vọc nước sát ven bờ, khi sóng vừa bén gót chân, các con cảm thấy chóng mặt, lo sợ hét to, chúng vội vã nắm tay nhau chạy lên bãi cát khô, làm y như là các con sợ nhúng chân vào nước nóng.

Cái thú duy nhất của các con là cùng nhau chạy đi rượt đuổi những con còng. Kể ra các con cũng khôn, biết mò ra chỗ để bắt ốc, bắt còng về luộc ăn. Con còng, con ốc cũng khôn không kém. Còng chạy rất nhanh, thoáng một cái chúng tìm mọi cách thoát thân đằng nào thật lẹ. Bao nhiêu lần các con không bắt nỗi. Nhưng có một hôm các con làm thành một hình tròn to, rồi từ từ khép chặt vòng tròn, vây quanh mấy chú còng lêu khêu. Ba đứa con chầm chậm bò dần dần tới bên con còng, các con đồng loạt ụp cả người, phủ lên con còng què chân ngố ngáo. Tôi cười thầm:
- “Con còng bị què làm chi tội rứa, nên mới bị trẻ bắt sống hỉ!”.

Thế là chú còng bẹp dí. Bé Bi giơ chú còng lên trời, cười ha hả. Có một hôm, mấy con đang tắm, thì bé Bi do sợ sóng nước đã ị ra quần, thối um khiến cả nhà cười vang. Tôi thương các con bị đói khát, nhưng biết thân phận mình, các con không dám đòi quà bánh. Bé Dzũng gần mười tuổi, bé Tuấn bảy tuổi thường cõng bé Hoàng một tuổi trên lưng, Tuấn dụ em Huy (bé Bi) năm tuổi đi ra ngoài gốc phượng nhặt hoa rơi. Mấy anh em xếp hoa thành từng đống, cho em chơi để em nhỏ quên đói, không đòi bú mẹ. Khi ta có đủ thứ trong tay, thì mình xem thường các thức ăn. Nhưng, bây giờ sống trong cảnh đói khát, nằm gai nếm mật, ăn ngủ ở đầu đường xó chợ, bơ vơ bất vất, dù có những thức ăn tầm thường nhất chúng tôi cũng quý, mới thấm thía buồn và cảm thấy đau nhừ, như ai dần từng khúc ruột, tôi tiếc ngẩn ngơ những thứ đã mất. Thật ra, chúng tôi đang sống trong cảnh phập phồng lo sợ. Chẳng ai cấm tôi gào thét, thi gan cùng biển cả mênh mông. Nhưng tôi không còn tâm trí nào mà tắm táp thoải mái ngoài biển, chứ nói gì gào thét cho đã nư. Tình cảnh mẹ con tôi bây giờ là thế!

Chín giờ tối về ngả lưng trên cái giường rộng. Có một điều là trời rất nóng và muỗi, vô số muỗi; nên dù ngày nào ở nhà, không đi biển, thì bà cháu mẹ con ở ngoài sân trường học, hay ở trong nhà có quạt máy vù vù trên trần nóng hầm hập, chúng tôi vẫn dùng quạt giấy, quạt phành phạch suốt. Cuộc sống di tản của chúng tôi có lẽ từ nay là những ngày tháng mòn mỏi đợi chờ thật dài, trống vắng & hụt hẫng trên đại dương, khiến tôi mất hẳn ý niệm về cuộc sống. Tôi như con ốc sên nhút nhát thu mình trong vỏ, mất hết bản năng sinh tồn, nhụt chí và chán nãn dường bao! Thời gian nhàn hạ ở đây thật vô vị và mù tịt, tôi không hề biết ất giáp gì về chuyện trong nước đang hỗn loạn tột cùng. Ngày nào cũng như ngày đó: do nỗi lo lắng, sợ hãi đói khát cứ trỗi dậy trong lòng tôi. Sự khốn cùng càng tăng mãi, niềm hy vọng bình yên thanh thản đôi chút mỗi lúc một vơi cạn.

Từ thành đến tỉnh, đâu đâu cũng bàn tán xì xào chuyện chính trị và chiến tranh mà tôi chúa ghét. Tôi nghe chán tai lúc người ta bàn tán: Khi thì đã mất nước tới đèo Hải Vân. Mất tới Đà Nẵng... Có lẽ đất nước nầy chia ra làm ba thành phần. Lại nghe đồn từ vĩ tuyến 13 trở vào Cà Mau: là do chính phủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Tin “bỏ” vùng nầy, bỏ vùng kia. Khi thì nghe người ta bàn tán Việt Nam sẽ trung-lập. Sẽ có chiến tranh huynh đệ tương tàn khốc liệt. Sẽ hoà bình: Đó là tiếng pháo bông nổ lớn trong đêm tối đen; mừng ngày đất nước thanh bình, hay báo nguy lầm than, cơ cực, nghèo đói, chia ly, và sẽ thanh trừng "người thua cuộc" tràn ngập trên đất Việt vào một ngày không thể ngờ tới?!

Mẹ con chúng tôi đến thăm Oanh ở trong một biệt thự nho nhỏ xinh xinh tại Xóm Mới, nhà có vườn cây rợp bóng im mát, gia đình ba má Oanh gốc người Huế, hiền lành, vui vẻ thật thà. Hai bạn gặp nhau mừng rỡ, trào nước mắt chảy ròng ròng, chúng tôi thì thầm chuyện trò. Mặc dù ba má Oanh có dành cho gia đình tôi một phòng nhỏ, nhưng tôi sợ các con dại sẽ làm phiền họ, lại mất lòng và mất cả tình bạn cao qúy, nên tôi từ chối. Trong khoảng thời gian qua, Luật theo lệnh thượng cấp phải “tử thủ” ở Đà Lạt, anh gửi nhờ những chuyến xe quen về địa chỉ nhà Oanh, người chủ xe nhà hoặc xe đò đã đến giao cho Oanh, rồi Oanh chuyển cho tôi: quần áo, mền, mùng, nồi niêu son chảo, vân vân… cùng tám chục ngàn đồng, tiền lương vài tháng qua của vợ chồng chưa kịp lãnh.

Mấy lá thư Luật báo tin đã mất Bamêthuột và Huế. Luật dặn dò mẹ con tôi “phải cố gắng, bằng mọi cách tìm đường di tản về Sài Gòn” gấp. Tôi chỉ nhận tiền Luật gửi về Oanh, còn tất cả đồ dùng kềnh càng, tôi gửi lại trong nhà kho của Oanh. Chúng tôi kiểm chứng tin Luật đã báo, thì đúng y bon, vì bà con của Oanh từ Huế, nườm nượp di tản bằng thuyền đánh cá của họ chạy ra Nha Trang, họ kể lại Huế đã đi vào cửa ngỏ cuộc chiến. Nghe đâu Đà Nẵng rất lộn xộn, gần như thất thủ nơi ấy. Gia đình Oanh không tính đi đâu cả, có chết thì chết ở xứ nầy, vì họ còn một bà cố già lụm cụm ngoài chín mươi tuổi, nếu họ đem cụ theo chạy loạn, thì không được, mà để cụ ở lại một mình với mấy căn biệt thự, càng không thể.

Tôi hốt hoảng chạy tới nhà của chị Bàn đã thuê, hầu báo tin chẳng lành, cùng những lời Luật nhắn nhủ. Tôi vui mừng thấy gia đình Ngọc, (gồm các em của Ngọc là: gia đình Quý, gia đình Cúc vẫn sống chung, giống như khi họ ở Đà Lạt) đã về tá túc ở đây vài hôm trước rồi. Các bạn khuyên tôi nên về ở chung nhà, nếu có bề gì, thì hú nhau một tiếng, cùng giúp nhau chạy loạn. Tôi nghe phải, nên về nhà bà Niềm thu dọn ít bọc quần áo trẻ nhỏ, cám ơn ông bà chủ nhà, rồi đến ở chung với các bạn cho bớt tẽ nhạt và sợ hãi.

Chủ Nhật, ngày 8-4-1975.- Đến ở trong ngôi nhà tôn vách đất thấp lè tè, nóng như thiu đốt. Chúng tôi góp chung tiền, ngày ngày mấy người đàn bà cùng đi chợ nấu ăn hai bữa, một bữa ăn lúc mười giờ rưỡi, (thay cho buổi sáng và trưa nhập thành một bữa). Một bữa ăn lúc sáu giờ chiều. Ngày nào cũng từng ấy thứ: Nồi cơm thật to, nồi canh rau muống trộn mì gói hiệu ba con tôm to tướng, cá kho rim mặn, (thay đổi loại cá mỗi ngày, ở đây cá tươi rất rẻ, tươi và rẻ hơn Đà Lạt rất nhiều, là cái chắc). Họ giống tôi, ai cũng muốn thủ thân, chắt bóp nhín nhút ăn uống qua loa, để sống, chứ chẳng phải sống để ăn. Nấu nướng bằng bả mía phơi dôm dốp vài nắng, thì khói bay mù mịt, cay xè mắt, nước mắt nước mũi chảy tùm lum. Ba thằng con trai lớn, (hai đứa con của Ngọc, một đứa con của tôi) thay nhau nằm dài xuống nền đất, phồng má thổi lửa phù phù. Bụi tro, khói, đất, bay lên đầu cổ, mặt mày chúng đỏ rần và ho sù sụ. Dù ở đây có phần tù túng khổ sở hơn ở nhà bà Niềm, nhưng có bạn chia sẻ chịu đựng, tôi cảm thấy đỡ sợ, bớt lo lắng nên yên tâm hơn.

Sau những bữa ăn sum họp vội vã, nhà nào nhà nấy ai ai cũng ra ngoài đường, tới ngoài chỗ đông người, để nghe ngóng thu lượm tin tức. Chúng tôi lo lắng sợ hãi, cùng đường quẫn trí, rối bời đầu óc, bồn chồn cùng nhau bàn lui tính tới hết cách. Kết luận cuối cùng là: giả thiết từ bây giờ cho đến khi nào Nha Trang bị lung lay, nếu trong nhóm nầy ai có phương tiện thuận lợi nào, thì cứ lo cho gia đình đó vượt thoát. Nếu lúng túng với một đám trẻ con trên dưới mười bảy đứa, (không kể người lớn), đông người như thế nầy, thì chẳng biết làm sao có thể di chuyển chung chuyến xe, chuyến tàu, như khi chúng tôi ở Đà Lạt đã cùng nhau chạy đi. Tôi thật buồn và vô cùng tuyệt vọng nghe chị Bàn đã đi thu lượm tin tức ở ngoài bến xe về, chị nói:
- Ngày 11-3-1975 mất Ba Mê Thuột.

- Ngày 26-3-1975. Huế đã thất thủ. Kế đến là Đà Nẵng. Ở các bến xe khách, hải cảng, cũng như ở phi trường dân sự, người ta đông hơn kiến, chen chân không lọt, đông vô số kể. Ai muốn đi về Sài Gòn, thì phải ghi tên trước cả tuần, sau khi được gọi, phải mua một chỗ ngồi cả bạc triệu, hay đóng mỗi đầu người hai lượng vàng. Ai muốn sống cứ thế mà tính, không cò kè bớt một thêm hai. Nếu chần chờ không kịp nộp tiền, thì có người khác “xí phần” đưa tiền hoặc vàng ra ngay. Chiều nào cũng thế, mẹ con bà cháu nhà tôi không biết làm gì cho hết thì giờ nhàm chán nôn nao lo lắng, nên chúng tôi thơ thẩn ra biển. Những con sóng lớn ập tới, tôi bị lún sâu xuống nước, tưởng chừng như muốn khuỵu đôi chân. Tôi bị sóng nước dồn hất lên hụp xuống, chao đảo khi hai tay đập loạn xạ trên mặt nước. Càng vùng vẫy, tôi tưởng như đang nhận chìm mình tụt tong tong xuống vực sâu. Tôi sợ hãi kinh khủng!
***

Tình HOÀI HƯƠNG

Tinh Hoai Huong
04-21-2016, 07:31 PM
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1461266887-di tan 30-4 - 7.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1461266766-1954-1975_Elvis Phuong.mp3

Tinh Hoai Huong
04-26-2016, 12:08 AM
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1461628192-di tan 30-4 - 10.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1461628331-1954-1975_Elvis Phuong.mp3

30 Tháng Tư: Bách Niên Thương Hải Biến Vi Tang Điền
(Kỷ niệm 41 năm đau buồn: từ ngày 19-03- gia đình di tản)
*

Tinh Hoai Huong
04-29-2016, 01:47 AM
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1461892766-THIEU TA TRUONG PHUNG.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1461893165-Xin anh giu tron tinh que - Duy Khanh.mp3

Thiếu Tá Không Quân Anh Kiệt: TRƯƠNG PHÙNG.
(41 năm… tưởng niệm: 29/4/1975 -> 29/4/2016)
***

Chiều ngày 28/4/1975 - khoảng 5:45’ trong phi vụ hộ tống Trung-tá Nguyễn Văn Mạnh SĐ3 KQ và toán chuyên viên Vũ-khí & Đạn-dược đặt chất nổ, để phá hủy các cơ sở của Bộ Chỉ Huy Kỹ-Thuật & Tiếp-vận KQ (Biên–Hoà). Tôi, (Trần Văn Phúc) và Trung-úy Nguyễn Thành Bá, bay từ Dốc Sỏi ngang qua Cầu Mới Biên Hòa. Tôi vừa quẹo trái từ hướng Tây sang hướng Đông, đột nhiên tôi thấy bốn chiếc A37 với đầy đủ bom đạn trong một đội hình dị thường; nghĩa là không giống ai, phi diễn không ra phi diễn, chiến đấu không ra chiến đấu, phi cơ đang từ hướng Đông Bắc lao tới cùng một cao độ với chúng tôi. Tôi cứ lầm tưởng là phi cơ của các phi đoàn bạn đang bay hành quân (từ miền Trung di tản về Tân Sơn Nhứt tháng trước), nên tôi vội vã kéo cần lái, cho phi cơ mình bốc vọt lên cao, để tránh hai bên đụng nhau trong gang tấc. Đồng thời tôi hét trong vô tuyến để lưu ý anh Bá, (bay chiếc số 2 theo tôi trong đội hình chiến đấu):
- Hai theo một! Coi chừng bốn A37 hướng 10 giờ!

Rồi tôi bay đảo lại và nhìn theo bốn chiếc A37 bay xa dần, tôi ngạc nhiên, thông thường một phi tuần khu trục đi bay hành quân chỉ có hai chiếc, hôm nay là ngoại lệ, đặc biệt vì có tới bốn chiếc. Tôi nói tiếp với Bá:
- Giờ nầy mà mấy thằng "ma gà" A37 còn mang bom đạn đi lang thang kìa!
Chúng tôi đã suýt đụng nhau với chúng nó trên sông Đồng Nai, mà không thể nào ngờ đó là bọn phản tặc! Trời lúc đó vẫn còn sáng tỏ, tôi chúi mũi cho phi cơ xuống thấp, bay dọc theo quốc lộ 1 đến Thủ Đức, tôi quẹo trái theo xa lộ Biên Hòa đến Long Bình rồi về Biên Hòa đọc theo Quốc Lộ 1. Nhìn xuống dưới, tôi thấy dọc suốt lề đường có rất nhiều xe thiết giáp đậu cách nhau từng trăm thước một. Muốn khích lệ tinh thần cho các chiến hữu Bộ Binh, nên tôi bay rất thấp, vì vậy khi bọn phản tặc dội bom ở Tân Sơn Nhứt, tôi đã không trông thấy. Nếu tôi bay ở cao độ 5.000 bộ, chắc chắn tôi sẽ thấy những cột khói đen bốc lên từ Tân Sơn Nhứt (TSN). Chừng 20 phút sau, Chuẩn-tướng Huỳnh Bá Tính Sư–Đoàn-Trưởng SĐ3KQ báo cho chúng tôi biết:
- Có một phi tuần ba chiếc A37 vừa dội bom Tân Sơn Nhứt!
Tôi điếng hồn nghĩ ngay đến phi tuần A37 mà mình vừa gặp, nên tôi “chỉnh“ lại ông trên tần số:

- Như vậy phải là bốn chiếc A37, vì chúng tôi đã gặp bọn chúng cách đây không lâu! (mãi về sau nầy, khi tôi kiểm chứng với nhà nghiên cứu sử Nguyễn Hùng Kiệt, anh đã xác nhận: phi tuần của đám phản tặc nầy có tất cả bốn chiếc A-37, nhưng không biết vì lý do gì chỉ có ba chiếc dội bom Tân Sơn Nhứt mà thôi !?). Vào thời điểm Tân Sơn Nhứt bị dội bom, chiếc trực thăng của Tướng Tính chuẩn bị đáp xuống TSN, nên ông đã chứng kiến toàn bộ sự việc. Đối chiếu với thông tin của sử gia Nguyễn Hùng Kiệt, cả hai người (Tướng Tính & tôi) đều nói đúng sự thật! Chúng tôi vội vã bay trở về Tân Sơn Nhứt, thì bọn phản tặc đã chuồn đi mất tăm biệt tích. Khi bay trên không phận TSN, Đài Kiểm-soát Không-lưu (Sài Gòn Control Tower) báo cho chúng tôi biết: “phi trường chỉ bị thiệt hại nhẹ. Vài chiếc C-47 bị trúng bom (một chiếc gần phi đạo đang cháy như chúng tôi thấy), vài cơ sở bị hư hại như hậu trạm cũ, nơi trước đây chứa các phi cơ A-1, mới vừa dời về khu Tây lúc 1 giờ trưa, cạnh bãi đậu của A-37. Nhưng thật may mắn hai phi đạo không hề bị trúng bom”.

Sau mấy vòng bay quanh Tân Sơn Nhứt, chúng tôi biết chắc chắn phi trường và nhất là hai phi đạo vẫn an toàn, không cần thiết phải bay đi Cần Thơ. Nên tôi yên tâm bay trở lại Biên Hòa, để tiếp tục thi hành phi vụ hộ tống Trung-Tá Mạnh và toán chuyên viên vũ khí. Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ hộ tống Trung-tá Mạnh qua khỏi cầu Bình Triệu an toàn, chúng tôi mang đầy đủ bom đạn về hạ cánh lúc 8 giờ tối. Tôi gặp các anh bay F5 ; họ cho biết là:
- Đang chờ lệnh đi ném bom trả đũa ở phi trường Phan Rang.
…Nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra -không biết vì lý do gì- !? Tôi thấy nhiều anh em trong Tân Sơn Nhứt có phần giao động tinh thần, vì cuộc dội bom vừa qua. Do Radar không thể phát hiện nếu bọn phản tặc bay thấp như lần vừa rồi, nên nhiều người lo sợ chẳng biết có thêm lần dội bom kế tiếp nào nữa hay không? …Khi trở vào biệt đội khu trục lúc nửa đêm, tôi thấy các anh em thuộc PĐ 514 và 518 đang nằm sắp lớp như cá mòi ngay trên nền nhà. Tôi lặng lẽ nằm xuống một chỗ trống còn lại bên cạnh cái điện thoại dã chiến mới vừa móc dây.

Tôi nằm đó, nghiêng qua trở lại rất lâu, không thể nào ngủ được, vì trong lòng ngổn ngang những tiếc nuối & hối hận, cắn rứt tim tôi: khi nhớ lại cơ hội ngàn năm có một. Tôi vô tình để nó trượt thoát khỏi tay, tiếc thay! lúc ban chiều tôi đã không bấm cò đại bác bắn thẳng vào lũ phản tặc A37. (Sau nầy, khi biết tên Nguyễn Thành Trung chính là kẻ đã “rước giặc vào nhà“, bay dẫn đường cho đám phản tặc A37 đó, tôi lại càng hối hận & tiếc nuối nhiều hơn nữa!).

Quá mệt mỏi tinh thần và rã rời thân thể, tôi vừa chợp mắt tí xíu, đã phải choàng tỉnh ngay lập tức, vì những tiếng nổ vang trời. Phi trường bị pháo kích! Hàng loạt hỏa tiễn 122ly điên loạn lao xuống rít xé bầu trời, nổ tung lên cùng khắp trong căn cứ & phi trường TSN, nơi đang tập trung dày đặc những quân nhân KQ, và gia đình của họ mới vừa đổ dồn từ ngoài vùng I, vùng II di tản về. Điện bị cúp. Nhưng cho dù điện không cúp, thì tất cả vẫn chìm trong bóng tối như địa ngục, vì sức ép nổ của những quả hỏa tiễn rơi quá gần, làm vỡ tung những bóng đèn trong biệt đội khu trục chúng tôi... Thật là may mắn đến kỳ lạ khi mọi người đang nằm sát nhau dưới nền nhà đều bình an vô sự!

Điện thoại reo! Do nằm sát gần điện thoại, tôi bốc máy lên nghe, và chuyển lệnh điều động cất cánh khẩn cấp đến Thiếu-tá Lê Văn Sang, Trưởng Phòng Hành Quân PĐ Phi Long 518. Trong bóng tối dày đặc, không nhìn thấy mặt bất cứ ai, mà chỉ nghe tiếng nói của tôi vừa chuyển lệnh. Thiếu-Tá Sang hỏi luôn:
- Phúc đó hả, Phúc đi bay được không?

Theo đúng Huấn Thị Khu Trục, tôi vừa mới bay xong phi vụ yểm trợ rút quân hồi đầu hôm, nên tôi có quyền từ chối đề nghị này của Thiếu-Tá Sang. Nhưng hình như cái “mặc cảm tội lỗi “của tôi, (vì thiếu cảnh giác, đã để bọn phản tặc A37 vượt thoát) đang chờ có một cơ hội “chuộc lại lỗi lầm“, tôi đã bật lên tiếng nói:
- Đương nhiên là được, nhưng wingman (phi tuần viên) là ai?
Chưa có ai kịp lên tiếng, thì từ trong bóng tối cuối phòng, tiếng Thiếu Tá Trương Phùng vang lên:
- Trâu đạp cũng chết, chó đạp cũng chết. Tao đi với mi, xem coi có chết thằng Tây nào không!?

Phi trường đang bị pháo kích dữ dội, nên lúc đó không có xe đưa đón Phi Hành Đoàn. Không thể chậm trễ, anh Phùng gọi tôi leo lên chiếc xe Jeep dân sự. Anh Phùng lái xe như bay phóng ra khỏi bãi đậu, nhìn anh lái xe vun vút như bay, tôi thầm cảm phục người đàn anh gan lỳ, quả cảm, người hùng của mặt trận Quảng Trị 1972 với chiến tích lẫy lừng đã “nướng sống" 15 chiếc xe Tăng T-54 của bọn Cộng Phỉ!:
-… Mẹ nó! Tao chưa hề thấy tụi nó pháo dữ dằn như hôm nay! Tụi nó định “dứt điểm” mình bữa nay sao cà?
Rồi anh nói tiếp:
- Bất cứ giá nào, mình cũng phải lên (cất cánh), hy vọng có thể bảo vệ bao nhiêu người vô tội ở đây. Nếu như mình bị hy sinh, âu cũng là dịp để mình đền ơn Tổ Quốc.

Đến bãi đậu A-1, các anh em phi đạo đã ứng trực sẵn sàng, anh Phùng hét lớn trong tiếng nổ vang rền của đạn pháo:
- Nổ máy là “chock out” ngay (rút những khúc gỗ chận bánh xe phi cơ ra) rồi các bạn tìm chỗ núp! Mặc kệ chúng tôi, đừng để chết chùm hết cả đám đấy!

Máy vừa quay tròn vòng, thì có nhiều tiếng nổ long trời ở bãi đậu A-37 kề bên, nhiều quần lửa như cây nấm khổng lồ cuồn cuộn bốc phụt lên cao. Không chần chờ, tôi cho phi cơ di chuyển ra khỏi ụ. Anh Phùng vẫn còn đứng cạnh máy bay, anh ra dấu cho tôi biết là bình điện của phi cơ anh bị hư. Vì vậy, tôi quyết định cất cánh một mình, như đã Briefing trước đó. Tôi ra hiệu cho anh Phùng biết, và gọi Đài Saigon Ground Control (Đài Kiểm Soát Diện Địa Sài Gòn) để xin di chuyển ra phi đạo, đài trả lời ngay:
- Phi Long 51 (PL51)! Phi đạo sử dụng 25, gió hướng Nam 4 knotts, áp suất 29.92…

Nhận thấy gió ngang gần như thẳng góc với phi đạo và rất nhẹ (4 knotts), tôi có thể cất cánh bất cứ hướng nào. Nhưng tôi không thể dùng PĐ25 sẽ vô cùng nguy hiểm; vì khi bay lên, sẽ chui ngay vào đạn đạo của địch đang pháo kích. Nếu cất cánh PĐ 07, tôi quẹo trái để đến đầu PĐ 07, thì phải di chuyển ngang qua bãi đậu A37 đang cháy rực lửa, cũng rất nguy hiểm. Vì vậy, tôi có ý định quẹo phải theo Taxi way #3, để cất cánh PĐ 07, nghĩa là ngược chiều PĐ sử dụng. Tôi chỉ có thể dùng ½ chiều dài phi đạo còn lại. Cứu binh như cứu lửa, không còn phương cách nào khác, tôi quyết định gọi:
- Saigon Ground Control! PL51 request taxi ra Whisky number three và cất cánh PĐ 07.

Ngay khi được phép, tôi di chuyển nhanh ra phi đạo 07 R, miệng lẩm bẩm: "Người đẹp của tôi ơi! Em ráng giúp anh thêm một lần nữa! Đừng ho hen nha cưng"! (Pilot chúng tôi xem chiếc máy bay mình lái như là người vợ, người tình muôn thuở, đặc biệt là em Skyraider tuổi già sức yếu, nên đôi khi em ưa “nũng nịu, nhỏng nhẽo" ). Sau khi thử máy (dù biết chưa nóng máy), tôi xin đài Saigon Tower cho phép cất cánh khẩn cấp. Vì chỉ còn lại ½ phi đạo, nên tôi phải dùng phương cách “Maximun Peformance Take Off" , và cất cánh lúc 04 giờ 25 phút sáng ngày 29/4/1975. Vừa rời khỏi phi đạo, lòng tôi rộn rã một niềm vui mừng khó tả, và cảm tạ ơn Trên cho tôi cơ hội cứu nguy cho mọi người trong Tân Sơn Nhứt. Sang tần số Paris (đài Kiểm Báo Sài Gòn) tôi báo:
- Paris! PL 51 vừa cất cánh một chiếc A1 với 10 trái MK 81. Xin nhận chỉ thị.
Đài Paris chưa kịp trả lời, tôi đã nghe:
- PL 51! Đây Tinh Long 06 (TL06), bạn đến Phú Lâm ngay! Chỗ có nhiều trái sáng. Bao lâu bạn tới?
- TL06! PL 51 mang 10 trái MK 81, sẽ có mặt trong 5 phút và request Random Attact! OK!

Khi lên tới Phú Lâm, tôi được Trung-úy Trần Văn Bảo, Trưởng Phi Cơ của chiếc AC-119K hướng dẫn oanh kích: mục tiêu là hai làn khói của hai giàn pháo 122 ly. Tôi rất ngạc nhiên, mục tiêu chỉ cách đài Radar Phú Lâm hơn 500 mét về hướng Tây. Nhờ lặng gió, nên hai làn khói này vẫn còn la đà trên mặt đất. Lập tức, tôi vừa lao xuống vừa gọi:
- PL51 in hot và thả từng trái một!
Sau khi thả trái bom xuống mục tiêu thứ nhì, tôi ngưng lại và chờ đợi. Trong thời gian nầy, tôi nghe giọng Tướng Kỳ trong vô tuyến:
- Phi Long 51 trút hết bom đạn xuống target! Tối nay ghé nhà tôi nhậu!
Tôi hỏi lại:
- Giới chức vừa ra lệnh cho Phi Long 51, xin cho biết danh hiệu.
- Tôi Thần Phong 01, Thiếu Tướng Kỳ đây!
- Thần Phong 01! PL51 lên một mình với 10 trái bom 250 cân Anh, tôi có kinh nghiệm chống pháo kích. Thần Phong 01 an tâm. Tôi có thể ở đây thêm ba giờ nữa.
Khoảng 15 ; 20 phút sau, có lẽ bọn cộng-phỉ nghĩ tôi đã hết bom, nên chúng bắt đầu pháo trở lại. Tôi nhìn thấy rõ nhiều giàn pháo, mỗi giàn 4 khẩu 122 ly liên tục phóng lên. Liếc nhìn về hướng Tân Sơn Nhứt, và Sài Gòn có nhiều quầng sáng nháng lên, tôi liền lao xuống thả bom và thầm gọi: "Anh Phùng ơi! anh ở đâu, sao không lên tiếp tay với tôi? Một mình tôi làm không xuể đâu! Anh Phùng ơi"! Năm phút sau, khi định nhào xuống thả bom, tôi thấy có vài đám nổ dưới mục tiêu, tôi tưởng lầm là rocket của trực thăng võ trang bắn xuống, tôi liền cự nự Trung-úy Bảo:
- TL06! Bạn cho tôi đánh random attack, sao bạn lại cho gunship (trực thăng võ trang) vào “ăn có”? Nó bay cao độ thấp, lỡ tôi không thấy, nện ngay trên đầu nó, thì phiền lắm!
Anh Bảo liền cãi chánh:
- Không phải đâu PL51, tôi đã đuổi tụi nó qua bên Quốc Lộ 4 rồi. Để tôi quan sát kỹ lại.

Lúc đó có khoảng ba bốn chiếc trực thăng quây quần phía Đông Bắc Phú Lâm. Sắp nhào xuống thả bom lần kế tiếp, tôi lại thấy có ánh lửa nổ tung và tiếng anh Bảo la lên:
- Ê ...PL 51! Tôi thấy có một chiếc dường như là A-1 vào đánh phụ với bạn đó! Chắc chắn không phải là gunship đâu!
Tôi liền nghĩ ngay tới anh Phùng, nên trả lời anh Bảo:
- TL06! chắc là Thiếu Tá Phùng! Có thể anh Phùng bị trục trặc về vô tuyến! Bạn an tâm, monkey see monkey do (thấy tôi thả bom ở đâu, anh ấy sẽ thả bom ở đó).
Nhờ sự yểm trợ hỏa châu của TL-06, chúng tôi dễ dàng “lượm” những giàn pháo như lấy kẹo trong túi. Thanh toán xong các giàn pháo nầy, thì tôi cũng vừa hết bom.
- TL06, tất cả giàn pháo đã “clear“ (bị hủy diệt sạch) tôi giao ở đây cho bạn, PL 51 để dành 800 viên 20ly phòng thủ phi trường. Vì muốn biết người phụ tôi diệt pháo vừa rồi, có đúng là anh Phùng không? nên tôi sang tần số của Đài Sài Gòn:
- Saigon Tower! Đây PL51. Bạn cho tôi biết: sau tôi còn có chiếc A1 nào cất cánh không?
Tôi được trả lời:
- Tụi nó pháo quá, chúng tôi núp dưới hầm trú ẩn, vừa lên nên không biết gì hết bạn à!

Khoảng 5:25’ sáng tôi về tới Tân Sơn Nhứt, trời vẫn còn tối đen như mực, ngoại trừ những ánh đèn phi đạo và taxi way, còn có hai đám cháy: một đám ở bãi đậu A37 (như đã nói ở trên), còn đám cháy thứ hai... dù tôi đã đảo nhiều vòng, nhưng vẫn không nhận ra chính xác là nơi nào. Nhưng sau ít phút nhờ ánh sáng lờ mờ bập bùng còn lại của đám cháy, tôi vừa nhận ra là ở phía Nam của dinh Tướng Kỳ độ chừng trăm mét. Tự nhiên trán tôi rịn mồ hôi, tay run lẫy bẫy, tim đập dồn dập, và ứ nghẽn lồng ngực muốn nghẹt thở, vì hình như đám cháy là ở khu cư xá C-7, là nơi vợ con tôi tạm trú. Miệng tôi không ngớt cầu nguyện: "Cầu xin ơn Trên che chở cho vợ con của con, và những người khác được bình yên".
Ngay lúc đó, trong lòng lòng tôi bùng lên một cơn giận dữ & căm thù đám cộng-phỉ trong trại Davis, nếu vợ con tôi có mệnh hệ nào, tôi thề sẽ thí mạng với bọn chúng!

Mươi phút sau, tôi thấy chiếc TL07 cất cánh lên, để thay thế chiếc TL06 về đáp. Tôi tiếp tục bao vùng trên không phận Tân Sơn Nhứt, cho đến khi bình minh có ánh sáng lờ mờ, tôi nhận ra đám cháy chính là cư xá Nữ Quân Nhân. Tôi nóng lòng muốn đáp xuống, nhưng chưa có phi tuần nào lên thay thế. Vài phút sau, tôi nhìn sang cánh phải: thấy có một chiếc AD-5 còn treo hai trái bom, cứ bám sát theo phi cơ tôi. Tôi sang tần số và gọi đài Saigon Tower một lần nữa, để xác định chiếc AD-5: “có phải là của anh Phùng không”. Câu trả lời vẫn là “Không biết”. Vừa lúc đó, “anh bạn dễ ghét” như muốn chơi trò trốn tìm “ú tim” với tôi, nên anh ấy cho phi cơ hết lòn sang trái, lại chui qua phải. Tôi bất ngờ cắt bán kính, quẹo vòng thật gắt, định ra sau chiếc phi cơ nầy. Nhưng anh bạn “dễ ghét” là một cao thủ tuyệt đỉnh, lúc nào anh cũng bám riết theo sau, khi sang trái khi sang phải, cố ý trêu đùa tôi. Nếu là dog fight (không chiến) thì tôi bị tay lão luyện nầy “dớt rụng càng” rồi!

Trên tần số Paris, tôi nghe giọng của Thiếu-tá Hồ Ngọc Ấn, Phi Đoàn Phượng Hoàng 514 liên lạc với TL07, cho biết: “phi tuần hai chiếc A1 của anh đang ở Long An, trên đường tiến về Sài Gòn. Đại-uý Nguyễn Tiến Thuỵ bay chiếc số 2. Khoảng mười phút sau, Trung-uý Trang Văn Thành, Trưởng Phi Cơ của TL07 gọi trên tần số:
- Phượng Hoàng 11, tôi nghi ngờ có một toán đặc công độ năm bảy tên, định cắt hàng rào kẽm gai phía Bắc phi trường, chỗ miếng đất trống hình tam giác ở An Nhơn. Bạn cho một trái ngoài hàng rào, đánh trục Đông sang Tây. Tôi giữ cao độ 5.000.

Vì biết phi tuần anh Ấn chưa đến nơi, nếu cần thiết tôi có thể dùng bốn cây đại bác 20 ly bắn dọc theo vòng rào. Tôi bay tới đó, mặt trời vừa ló dạng, trời tỏ hơn nhưng ở độ cao 4.000 bộ, nên tôi không thấy gì cả. Thình lình anh Phùng lao xuống thả một trái bom. Thì có tiếng anh Thành hốt hoảng la lên:
- Số 1 thả bom “như để“ . Số 2 đánh dài hơn vài mươi thước.
Trái thứ nhì rơi dài hơn năm chục thước. Anh Thành hoảng hốt:
- Phượng Hoàng 11 Hold High and dry (ngưng thả bom). Số 2 của bạn đánh gần nhà dân quá!
Thiếu tá Ấn liền lên tiếng:
- TL07! Ai khác đánh đó, chớ không phải Phượng Hoàng 11! Tôi chỉ mới tới Bến Lức, làm sao thả bom ở đó được!
Thì ra anh Thành lầm lẫn phi tuần của tôi- là phi tuần anh Ấn. Tôi vội lên tiếng:
- TL07! Đây PL 51. Đó là Phi Long 52 (chiếc số 2 của PL51) nó hư vô tuyến, chỉ còn hai trái, vừa thả hết rồi. Còn tôi đã “Empty” (hết bom).
Nhận ra tiếng của tôi, Đại-uý Thụy (người bạn cố tri cùng PĐ Thái Dương 530 với tôi ở Pleiku) gọi tôi:
- Ê Phúc! Mày về Cần Thơ đi, đáp ở đó (TSN) nguy hiểm lắm!
Nhìn đồng hồ xăng có 800 lbs, vừa đủ để bay đi Cần Thơ, nhưng tôi đã có quyết định đáp Tân Sơn Nhứt từ trước, nên trả lời:
- Vợ con tao còn kẹt lại đây, giá nào cũng phải đáp Tân Sơn Nhứt. Tình hình ở đây chưa đến nỗi nào đâu.
Đột nhiên anh Phùng gọi tôi:
- Ê ...PL51, đi Cần Thơ nha! Bay với mi gần 3 tiếng, chừ mới liên lạc được một xí. Tao nghe được, nhưng bị câm. Bực mình quá!
Tôi vội bấm máy trả lời:
- Không! Tôi chỉ còn 600 pounds xăng, vả lại vợ con tôi kẹt ở đây. Anh đi Cần Thơ một mình trước nghen!

Lúc bấy giờ TL07 đang bay 5.000 bộ, nên anh Thành muốn xuống thấp để dễ quan sát, và nhìn thấy rõ hơn, nên anh báo cho chúng tôi biết:
- PL51! TL07 xuống cao độ để nhìn rõ hơn. Tôi không muốn đánh lầm vào nhà dân, tội họ lắm!
Không ngờ mấy phút sau, khi chúng tôi bay trên Lăng Cha Cả, ở cao độ 1.500 bộ, anh Phùng gọi tôi:
- Ê một! Mình đáp xuống Tân Sơn Nhứt đi!
Lo ngại vô tuyến bất thường của anh hư, nên tôi nhường cho anh Phùng đáp trước. Nhưng trước khi Touch Down (chạm bánh), anh Phùng lại gọi tôi:
- Một! Mi đáp trước đi, tao Go Around (bay lên lại). Mi chờ ít phút, tao về chở mi vô!
Nóng lòng vì vợ con ở kế bên đám cháy (cư xá Nữ Quân Nhân), nên tôi không bay theo anh Phùng như thông lệ. Tôi tiếp tục vào Final (cận tiến), thì Sài Gòn Tower báo cho chúng tôi:
- PL51, có SA7 bắn lên. Tôi thấy mấy cục lửa bằng cườm tay bay lên!
Vì tôi đã chứng kiến SA-7 bắn ở Kiến Đức vào cuối năm 1973, nên tôi có ý nghi ngờ:
- Saigon Tower, SA-7 bắn lên lúc đầu: là một vùng lửa to màu cam, sau đó đổi sang màu trắng xanh, và bay lên rất nhanh. Bạn quan sát kỹ chưa?
Anh bạn nầy có vẻ bất bình trả lời:
- PL51, tôi báo cho bạn biết, mà bạn không tin, nếu bị bắn, bạn ráng chịu nha!
Tự nhiên tôi nhớ đến Trung-tá Phạm Văn Thặng Fulro khi ông "xỉn", ông thường ngâm nga... nên tôi nghêu ngao trên tần số: "Làm sao giết được người trong mộng …1 …2 …3…touch down"!

Di chuyển về bãi đậu lúc 6 giờ 55 phút, các anh em phi đạo reo mừng, công kênh tôi như đón một một vị cứu tinh! Rồi chúng tôi cùng nhau theo dõi chiếc TL07 đang nghiêng cánh trái ở cao độ chừng vài ngàn bộ, và xạ kích xuống mục tiêu. Từng tràng đại bác 20 ly (Minigun 6 nòng) nã xuống như mưa, tiếng kêu như bò rống. Tôi trấn an các anh em:
- Target đó ở ngoài vòng rào, chỉ là tình nghi thôi! Ông Trung-uý Thành muốn biểu diễn cho mọi người coi chơi cho vui vậy mà!
Tôi vừa dứt lời, thì đột nhiên chiếc TL07 trúng hoả tiễn tầm nhiệt SA-7, đuôi phải gãy lìa. Có một vật màu đen đen rớt xuống(*), động cơ bên phải phát hoả và nổ tung, cánh phải gãy xuống, đồng thời phòng lái bốc cháy. Phi cơ ngoặc đầu qua trái, lao xuống và rơi vào spin (xoay tròn như bông vụ). Tất cả mọi người xung quanh tôi hoảng hốt hét lớn:
- Nhảy dù đi…
- Nhảy dù…
- Nhảy dù nhanh lên…

Nhưng quá trễ, tôi không thấy cánh dù nào kịp bung ra, chiếc phi cơ đã cắm phụp đầu xoáy xuống đất rất nhanh. Những cột khói đen lửa đỏ cuồn cuộn bốc phụt lên cao hàng trăm mét. Toàn bộ phi hành đoàn đều hy sinh. Tất cả anh em chúng tôi bàng hoàng sửng sốt, đứng chết lặng mà nước mắt tự dưng tuôn trào. Một lúc sau, mọi người cúi đầu lặng lẽ trở về làm nhiệm vụ của mình. Từ giờ phút nầy phi trường TSN thật sự không còn an toàn nữa, vì sự xuất hiện của SA-7 khắc tinh của tất cả các loại máy bay.

Riêng tôi, ngồi bệt xuống bãi cỏ bên lề phi đạo, mắt vẫn hướng về những cột khói đen bốc lên cao, như anh linh của Phi Hành Đoàn TL07 đang siêu thoát. Tôi hy vọng Thiếu-tá Trương Phùng bay đi Cần Thơ, tuy nhiên tôi vẫn có ý trông đợi anh Phùng trở về. Tôi chờ mãi… tới khi anh tài xế xe bồn tiếp xăng giục tôi lên xe, để trở vô biệt đội khu trục. Trong lòng tôi thầm nghĩ:
- Đúng rồi, anh Phùng nên bay đi Cần Thơ là hợp lý nhất!
Sau 9:30’ giờ sáng ngày 29/4/75 bọn chúng bắt đầu nã đì đùng bằng đại pháo 130 ly, đặt ở Nhơn Trạch gần Thành Tuy Hạ - Cát Lái. Nhưng lúc bấy giờ không ai thèm màng tới việc diệt pháo nhỏ giọt vào Tân Sơn Nhứt nữa. Trong phi trường thỉnh thoảng đạn 130 rơi rớt đâu đó, may mắn sao không trúng tôi. (ha ha ha...) Cả căn cứ Tân Sơn Nhứt không một bóng người, bầu trời vô cùng u ám, một phần vì thời tiết chuyển mưa, một phần vì những làn khói đen lan toả la đà từ chiếc TL-07 đang bốc cháy. Tôi có cảm tưởng như mình lạc vào trong bãi tha ma lúc hoàng hôn.

Sau khi quân cảnh không cho tôi ra cổng (Phi Long), không được nói một lời gì với vợ con (họ theo gia đình Vân về nhà), tôi trở vào trung tâm hành quân Không Quân chờ lịnh. Nữa giờ sau, tôi định đi ra ngoài bằng cổng trại Hoàng Hoa Thám; nhưng khi đến cuối sân banh, tôi gặp ba Thiếu-tá: Sơn, Bản, Liêu PĐ 530, họ đang chạy ngược chiều và kêu tôi:
- Ê Phúc! được lệnh đi Cần Thơ. Nhanh lên.
Tôi chạy theo họ ra bãi đậu, chiếc AD-5 của Thiếu-tá Hồ Văn Hiển PĐ 514 đang chờ. Tôi là hành khách bất ngờ bất đắt dĩ và cuối cùng thứ 20. Chúng tôi rời Tân Sơn Nhứt lúc 11 giờ trưa. Lúc bấy giờ trong Tân Sơn Nhứt có lẽ không còn phi cơ nữa (sau khi yểm trợ quân bạn ở Bến Cát xong, trên đường về Cần Thơ, Thiếu-tá Hiển đáp xuống, để rước chúng tôi). Khi đến Cần Thơ, tôi vội vã đi tìm anh Trương Phùng khắp nơi, nhưng tìm hoài không thấy anh Phùng đâu cả!

Ôi! Thì ra… thật vô cùng đau đớn, xót xa, nghẹn ngào không sao tả xiết, vì một cánh chim oai dũng phi thường oanh liệt đã một mình một bóng sớm xa tổ lìa đàn, ông thênh thang bay về cõi vĩnh hằng miên viễn... để lại trong lòng anh em bao tiếc thương vô tận. Đó là: cố Thiếu Tá Không Quân TRƯƠNG PHÙNG... sinh năm 1943 tại Thừa Thiên. Ông oanh liệt hy sinh ngày 29 tháng 4 năm 1975 tại Bình Điền, Long An. (Sài Gòn).
* * *

Ghi chú thêm: trước 30/4/1975 và sau... 2010:

*.- Thiếu-tá Không-quân Hồ Ngọc Ấn Phi Đoàn Phượng Hoàng 514 (hiện ở Dallas). *- Đại-uý Không–quân Nguyễn Tiến Thuỵ bay chiếc số 2, hiện ở Houston.

1.- *Đại-úy Không-quân Trần Văn Phúc - Phi-tuần Trưởng PT Khu-trục Phi-Long 51, hiện ở Cali :
- Mãi đến tận ngày hôm nay, tôi vẫn cảm thấy hối tiếc: vì Trời đã cho tôi một cơ hội ngàn vàng, để tôi có thể bắn hạ bọn phản tặc ác ôn A37 Nguyễn Thành Trung (tôi đã học kỷ thuật không chiến Dogfight trong khoá Phi Tuần Trưởng với Trung-tá Nguyễn Văn Huynh PĐP PĐ 518), mà tôi lại vô tình để vuột mất cơ hội ngàn năm một thuở! Trong trường hợp “tao ngộ chiến" hy hữu đó, bọn chúng không trông thấy chúng tôi, vì bị chói ánh mặt trời chiều, nên không có phản ứng né tránh nào, mà chúng vẫn ung dung bay thẳng tới.
Hoặc chúng tôi chỉ cần lách sang một bên, bật nút ARM - ON và bóp cò súng, bắn ngang hông ở phía sau bọn chúng, thì 800 viên đại bác 20 ly trên mỗi chiếc A1 của chúng tôi sẽ không tha bọn chúng. Hoặc lúc đó tôi gọi Paris (đài Kiểm Báo Không Lưu TSN) để báo động khẩn cấp. Các phi cơ F5-E đang ứng trực ở đầu phi đạo TSN, sẽ tức tốc cất cánh lên xơi tái bọn chúng, thì bọn chúng chẳng còn mạng, để sau nầy vung vít mà “bốc phét”! Đây có phải là vận mệnh thảm khốc đau buồn của đất nước Việt Nam đã an bài phải là ngày 30/4/1975 !?

*2.- Trên không phận Sài Gòn lúc bấy giờ (29/04/75) chỉ có ba chiếc phi cơ là: TL-07, phi cơ anh Phùng và phi cơ của Phúc. (TL 07 chỉ xuất hiện sau 6 giờ sáng. Phi tuần hai chiếc A-1: của Thiếu-tá Ấn & Đại–úy Thụy trên đường về Sài Gòn).

*3.- Có lẽ vì sợ SA-7 nên ông Đại Sứ Martin phải nói dối trước Quốc Hội Mỹ là: “Hai phi đạo bị trúng pháo kích, hư hại nặng nề, và ông ra lịnh di tản người Mỹ bằng trực thăng”?

*4.- ... đột nhiên chiếc TL07 trúng hoả tiễn tầm nhiệt SA-7, đuôi phải gãy lìa. Có một vật màu đen đen rớt xuống(*)... Mãi đến năm 2010, khi vừa mới cải táng cho PHĐ TL07 xong, chúng tôi mới liên lạc được với Th/Sĩ I Nguyễn Văn Chín tự “Chín Dơi“, Gunner của TL07, là người duy nhất nhảy dù ra sống sót, anh chính là “vật” (hi hi)… màu đen rơi xuống từ chiếc TL 07, mà anh em ở trong phi trường TSN đều thấy.

*5.- Vì Phi Hành Đoàn TL07 có nhiều người tình nguyện đi bay trong lúc khẩn cấp, nên hầu hết nhân viên trong PHĐ không ghi đúng tên trong phi lệnh. Tôi chỉ biết có:
- Trung-uý Trang Văn Thành (Trưởng phi cơ), xuất thân từ Thiếu Sinh Quân, nhập ngũ ngày 12/9/1967, khoá 68A TTHLKQ Nha Trang. Anh Thành là cháu rể của cố Thiếu-Tướng Võ Xuân Lành, TLPKQ. Anh Thành có hai biệt danh: ở quân trường Nha Trang anh có tên “Thành Thụt”, vì đôi mắt sâu thẳm, tánh tình anh rất cương trực, hăng say, năng nổ trong mọi công việc. Khi về PĐ C119 anh Thành có thêm một biệt danh: “Thành Kampuchia” (vì màu da ngâm ngâm của anh). Đêm 28/4/75 anh Trung uý Trang Văn Thành tình nguyện bay thêm phi vụ Extra TL 07, mặc dù trước đó anh đã bay phi vụ TL01 hồi đầu hôm rồi. - Trung uý Tào Thuận, hoa tiêu phụ. - Thiếu uý Phạm Tấn Đức. Họ vĩnh viễn ra đi... nhưng để lại sự thương tiếc kính phục vô cùng của hàng vạn người trong và ngoài Tân Sơn Nhứt.

*6.- Sau ba năm ba tháng phục vụ trong PĐ Thái Dương 530 – Pleiku trấn thủ Cao Nguyên, tháng 4 năm 1974 tôi trở lại Biên Hoà, được đưa về PĐ Phượng Hoàng 518, KĐ 23 Chiến Thuật, SĐ3KQ. Sau đó tôi thường đi biệt phái ở Biệt Đội Khu Trục tại Tân Sơn Nhứt, cho đến tháng 9 năm 1974, tất cả phi cơ A1 bị “đình động” (vì uống xăng!?). Vì vậy thời gian tôi quen biết, chuyện trò cùng Thiếu-tá Trương Phùng không nhiều. Tôi chỉ nhớ:

*7.- Th/tá Trương Phùng sanh năm 1943 tại Thừa Thiên, anh gia nhập Không Quân vào đầu năm 1964, khóa 64B SVSQKQ Nha Trang, tốt nghiệp khóa L- 5 Quan Sát. Sau đó anh được tuyển chọn xuyên huấn T28 và A-1 Skyraider tại Hoa Kỳ. Trở về nước, anh phục vụ tại Phi Đoàn 110 Quan Sát. Sau cùng là Phi Đoàn 518 Phi Long - Khu Trục A-1, KĐ 23CT, SĐ3 KQ Biên Hòa. Anh là mẫu người hùng KQ từng tham dự hầu hết các chiến trường khắp bốn vùng chiến thuật, là người hùng diệt 15 xe tăng cộng-quân trong hai tuần lễ vào đầu tháng 4 năm 72 ở Quảng Trị. Anh là một người đầy nhiệt huyết, không bao giờ từ chối bất cứ một phi vụ nào, dù nguy hiểm. Anh là một phi tuần trưởng sĩ quan gương mẫu, lấy phương châm: Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm lên hàng đầu.

Tôi được hân hạnh cùng bay chung với NT Th/tá Trương Phùngvào tháng 8/1974, khi CSBV vi phạm Hiệp Định Ba Lê, chúng pháo kích vào phi trường Biên Hòa. Để trả đũa hành động nầy, Đại Tá Hoàng Thanh Nhã, KĐT KĐ23CT, SĐ 3 KQ chỉ thị hai phi tuần, mỗi phi tuần hai chiếc Khu Trục A-1 Skyraider, mỗi chiếc mang 6 trái bom CBU-25, dùng bom CBU - 25 là loại bom dùng để chống chiến thuật biển người, phá giao thông hào, mỗi trái cân nặng 500 cân Anh (lbs), gồm 7 ống thẳng, dài độ 4 mét, buộc lại thành một khối tam giác, mỗi ống chứa 25 quả bom nhỏ như trái lựu đạn, có loại nổ trên mặt đất, có loại nổ chậm. Muốn đạt hiệu quả tối đa, nên thả bom nầy theo cách Skip bom, nghĩa là bay thật thấp, các trái bom nhỏ nầy được phóng xuống đất. Nếu thả bom từ trên cao thì không thể chính xác, càng cao các quả bom nhỏ nầy càng rải rộng ra, nếu thêm sức gió có thể thổi bay đi xa cách mục tiêu hàng ngàn mét).

Phi tuần số 1 do Thiếu-tá Phùng và Trung-uý Đinh văn Đức. Phi tuần thứ hai do tôi (Đại úy Trần Văn Phúc) và Trung-uý Nguyễn Tứ Đức thi hành một nhiệm vụ đặc biệt: oanh tạc Tổng Hành Dinh của MTGPMN ở đồn điền cao su Lộc Ninh. Để bảo vệ vùng trời Lộc Ninh, nơi bọn CSBV trá hình MTGPMN đặt Bộ Tổng Hành Dinh. Ngoài hoả tiễn tầm nhiệt SA-7, bọn CSBV đặt rất nhiều khẩu đại bác phòng không 37 ly, hay 57 ly, điều khiển bằng radar. Nếu bay dưới 11 ngàn bộ, chúng tôi sẽ trở thành những “target sống”, để bọn cộng-phỉ tha hồ thực tập tác xạ. Vì tầm quan trọng của phi vụ nầy, là cảnh cáo cho bọn cộng-phỉ biết: Không có bất cứ nơi nào trên lãnh thổ VNCH, là bất khả xâm phạm đối với Không Lực Việt Nam Cộng Hoà. Quân Đội VNCH sẵn sàng trả đũa những vi phạm Hiệp Định Ba lê của chúng. Vì vậy sau khi thảo luận, đồng ý chọn lối đánh mạo hiểm nhất (nhưng an toàn nhất), chúng tôi xin Đại-tá Nhã:

- Đại-tá ra lịnh chúng tôi đi dội bom ở đó, thì xin Đại-tá cho phép chúng tôi được chọn cao độ bay. Nếu như bay cao 12 hay 13 ngàn bộ, để tránh phòng không, thì thả bom không thể nào chính xác được, coi như không. Vì vậy chúng tôi xin chọn lối đánh "truy kích".
Ông đồng ý và nhấn mạnh thêm về tầm nguy hiểm:
- Nếu có ai gặp phải bất trắc, các bạn chịu khó trốn tránh qua đêm cho đến sáng mai, mới có phi vụ rescue. Các bạn khác lập tức bay về đáp, không được ở lại cover.

Sau cơm trưa sớm hơn thường lệ (11 giờ), chúng tôi bắt đầu nghiên cứu những tấm không ảnh (chụp những cơ sở nguỵ trang dưới hàng cây cao su) thảo kế hoạch, tính toán giờ giấc, hướng bay một cách rất cẩn thận từng chặn đường. Để giảm thiểu sự nguy hiểm cho phi tuần thứ nhì (bay sau) của tôi. Thiếu-tá Phùng đề nghị nhập hai phi tuần thành một hợp đoàn bốn chiếc; dùng chiến thuật truy kích với yếu tố bất ngờ, chớp nhoáng, bay lướt trên ngọn cây. Khi bọn chúng thấy, thì chúng tôi đã bay mất rồi, không kịp bắn. Với lối bay nầy, đòi hỏi người Leader phải có một khả năng, kinh nghiệm, bình tĩnh, sáng suốt, cũng như gan dạ. Vì thỉnh thoảng một mình anh Phùng (Leader) phải “trồi lên lặn xuống” năm ba trăm bộ, để nhận dạng những "check point" (điểm chuẩn) để tránh bay lạc. Anh Phùng phân chia nhiệm vụ cho từng người, lập lại nhiều lần: “mỗi chiếc phi cơ chỉ thả một lần, và chiếc kế nối tiếp với nhau”.

Theo phi lịnh, chúng tôi cất cánh đúng 2 giờ trưa, nhưng bắt đầu 1 giờ, bỗng dưng trời mưa như trút nước (có thể ông trời giúp chúng tôi?) tưởng chừng như phi vụ bị huỷ bỏ, cho đến sau 5 giờ chiều, cơn mưa tạnh hẳn. Chúng tôi được lịnh cất cánh khẩn cấp, anh Phùng nhắc lại:
- Phi vụ của chúng ta rất quan trọng, rất nguy hiểm, nhưng tôi (anh Phùng) tin tưởng vào chiến thuật mình đã thảo ra. Như các bạn đã biết: Tụi mình không bay thẳng tới đó, mà mình bay vòng về hướng Bắc. Các bạn bớt căng thẳng đi! Có thể ông trời đã giúp mình hôm nay, nên đổ mưa mấy tiếng đồng hồ, vì vậy khi mình tới target mặt trời cũng sắp lặn, bảo đảm tụi nó không ngờ mình tới đâu! Chắc chắn mình phải bay đêm, các bạn cẩn thận coi lại tất cả các đèn phi cụ.

Như trong phi trình đã hoạch định, chúng tôi “joint up” ở 2.000 bộ, với hợp đoàn chiến đấu (Tactical Formation), tất cả phi cơ bay bên cánh phải của anh Phùng, lấy Lai Khê làm điểm xuất phát, bay thật thấp về hướng Bắc, bên phải Quốc Lộ 13, qua khỏi Tống Lê Chân 5 dặm, thì đổi sang hướng Tây. Như dự đoán, tôi bắt đầu lướt trên nhiều ổ phòng không, nhìn xuống tôi thấy từng cụm năm ba tên cộng-phỉ cố quay vòng những họng súng, để bắn vói theo phi cơ chúng tôi. Tôi gặp ít nhất năm khẩu phòng không trên đoạn đường dài chừng 20 dặm nầy. Khi thấy Lộc Ninh bên phải, và nhận định mục tiêu, anh Phùng ra lịnh:
- Tất cả Phi Long coi lại Mills (độ của máy ngắm) lên cao độ 1.500 bộ, target 1 dặm, hướng 10 giờ (quẹo trái về hướng Nam, để thả bom vào bên hông địch).

Lần lượt: "số 1 Rolling Hot”, rồi số 2, số 3 và số 4 Rolling Hot khi ánh sáng vàng nhạt cuối cùng trong ngày. Chúng tôi đã vượt qua rất nhiều hàng rào phòng không dày đặc, trên đường đi ngay cả đường về, rất nhiều lần chúng tôi lướt trên những ổ cao xạ, nhìn thấy bọn chúng quay vòng những họng súng, để bắn vói theo (quá trể rồi! lúc đó chúng tôi đã khuất dạng). Khi chúng tôi bay về gần tới Tây Ninh, thì trời đã tối hẳn. Nhờ vào sự can đảm phi thường, nhờ sự thông thạo địa hình, đầy kinh nghiệm của Thiếu-tá Phùng, chúng tôi đã hoàn thành sứ mạng, an toàn về đáp lúc 8 giờ tối. Cám ơn ông trời ban cho chúng tôi một cơn mưa, giúp chúng tôi hoàn thành phi vụ một cách tốt đẹp. Khi đáp xong, tôi ghi nhận thêm: Thiếu-tá Phùng thà ngậm đèn bấm soi sáng những phi cụ để bay, nhưng nhứt định không chịu hủy bỏ phi vụ, dù rằng trong phiên họp buổi trưa Đại-tá Nhã đã lưu ý hai lần:
- Nếu có gì bất trắc, các bạn rán chịu đựng qua đêm, sáng mai mới có trực thăng rescue.
Anh Phùng cười, rằng:
- Mấy chuyện lẻ tẻ làm sao làm khó dễ tao được. Ngày mai tụi mình đi gặp Đại-tá Nhã, xin ông cho tụi mình bay lên đó diệt phòng không, ít nhất mình cũng “lượm” hàng tá cao xạ 37, hay 57 ly. Đứa nào bay với tao, thì theo tao tới câu lạc bộ Trần Thế Vinh.

*8.- Để nhớ ơn người anh hùng vị quốc vong thân: cố Thiếu-Tá Không-quân Trương Phùng, có nhiều thân hữu quân dân góp sức truy tìm tung tích anh Phùng. Sau gần bao năm lặn lội tìm kiếm... Trong cơ duyên nhờ anh linh của cố Thiếu-tá Trương Phùng dẫn dắt, ngày 2 tháng 12 năm 2008, cựu KQ Nguyễn Toại Chí đã mang hài cốt Thiếu-Tá Không-quân Trương Phùng (vùi sâu dưới năm thước đất, gần cầu Bình Điền, Long An; trở về với gia đình). Hài cốt của cố Thiếu-tá Trương Phùng được hoả táng, đem về thờ phượng tại chùa Bữu Quang. Theo nhân chứng là cụ H. (cụ còn ở Việt Nam, 90 tuổi, xin tạm dấu tên) kể rõ rằng: “Động cơ của chiếc máy bay bị ra khói, buộc lòng anh Phùng phải đáp khẩn cấp xuống ruộng, gần cầu Bình Điền. Anh Phùng bị bắt khoảng 7 giờ sáng ngày 29/4/74. Ngay tối hôm đó bọn Cộng-phỉ khát máu đã hành quyết anh Phùng cạnh giao thông hào”.

*9.- Cũng sau nhiều năm tháng vất vã ngược xuôi tìm kiếm, ngày 21-7- 2010 có một nhóm thân hữu Dân Quân Chánh, gia đình Thiếu-uý Phạm Tấn Đức, cùng cựu Không-quân Nguyễn Toại Chí đã tìm được nhiều hài cốt của PHĐ 07 trong vòng đai của căn cứ Tân Sơn Nhứt. Họ đã mang hài cốt qúy vị ấy về an vị tại nghĩa trang An Khánh - Thủ Thiêm. (KQ NTC phụ trang).

*10.- Cư xá Nữ Quân Nhân ở kế bên chưa đầy mươi mét, đã biến thành tro. Tôi (Phúc) vội vã lái xe Honda phóng nhanh trở về cư xá C-7 thăm vợ con. Vào phòng cư xá C-7 thì không thấy ai, hoảng hốt tôi đi vòng theo sidewalk để tới hầm trú pháo. Vô cùng may mắn khi tôi thấy một trái 122 ly không nổ, đã cắm sâu xuống nền ciment, cách phòng của vợ con tôi chừng ba thước, (nơi đó vợ con tôi & gia đình Trung-uý Phạm Trung Vân PĐ C7- 431; là em rễ vợ tôi). Trước kia tôi thấy cái hầm nầy, đã bỏ hoang lâu năm, bên trên chỉ có vài lớp bao cát mục nát, tôi nghĩ chúng tôi không nên ở lâu, vả lại tôi không quen “đường sá” trong khu Tân Sơn Nhứt. Vì vậy bất đắt dĩ tôi phải dời gia đình qua dinh Tướng Kỳ lánh tạm, dù sao ở đó cũng kiên cố hơn...

11.- Tôi chứng kiến chiếc trực thăng đáp xuống (khoảng sau 9 giờ sáng) Trưởng phi cơ là Thiếu-tá Quí, anh em Trung-tá Nguyễn Quốc Hưng & Trung-tá Nguyễn Quốc Thành, mỗi người cầm một cây M16. Tướng Kỳ vào nhà, ông cứ đi ra đi vô phòng làm việc nhiều lần. Khi ông bước ngang chỗ tôi đứng, tôi mạo muội hỏi:

- Thưa Thiếu Tướng, Thiếu-Tướng định làm gì bây giờ?
Ý của tôi hỏi Tướng Kỳ, là tôi muốn biết có di tản về Cần Thơ, (như lời ông kêu gọi tại đây đêm 25/4/75 là: “cần đánh một trận oai hùng cuối cùng”)? Chẳng biết ông có nhận ra tôi hay không, ông lắc đầu than:
- Anh em đã bỏ đi hết rồi, lấy ai mà đánh, hở?!

Tôi đồng ý với Tướng Kỳ về việc nầy, vì sau khi tôi đáp xuống Tân Sơn Nhứt chừng 20 phút, tôi nghe rất nhiều tiếng phi cơ đủ loại ào ào cất cánh bay lên... Khoảng 9 giờ 30 phút Tướng Kỳ từ phòng làm việc bước ra, khi đi ngang tôi, Tướng Kỳ nói:
- Mỹ đã từ chối cho tôi (Tướng Kỳ) một chiếc C-141. Nhờ cậu thông báo các thân hữu của tôi tự tìm đường thoát thân sang DAO, hay xuống bến Bạch Đằng.

- Bây giờ tôi đi rước Tướng Trưởng bên Tổng Tham Mưu.
Tướng Kỳ lên máy bay, tôi liền đi chuyển lời của ông cho một số người ở trong nhà nầy, lúc bấy giờ tôi mới biết: có hàng trăm người khác đang “tá túc” trên lầu, trong số đó có cựu Dân Biểu Nguyễn Văn Cử. Điều may mắn là mọi người đã thoát khỏi nguy hiểm, dù có rất nhiều trái pháo rơi xung quanh dinh, nhưng không quả nào lọt vô dinh Tướng Kỳ.
* * *
Tình Hoài Hương
***

THH chân thành cám ơn Đại úy Không Quân Trần Văn Phúc {(Phi-tuần Trưởng PT Khu-trục Phi-Long 51) và quý vị Không-quân có tên trong bài viết} đã cho tôi mạn phép chuyển tải sự thật về ngày 28 & 29 tháng Tư năm 1975: trung thực, chính xác, nóng bỏng, & vô cùng đen tối hắc ám của lịch sử Việt Nam.
* Đồng thời THH xin phép cám ơn quý vị nhiếp ảnh gia đã post những tấm hình đầy nhân bản lên internet, cho tôi có thể copy vô bài viết, ngỏ hầu phong phú hoá hình ảnh sống động và tài đức & nghệ thuật của quý vị.
*

Tình Hoài Hương

thuyguyen530
04-29-2016, 07:50 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367087635.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367000653.mp3

Cố Thiếu Tá Không Quân TRƯƠNG PHÙNG Khả Kính

Chiều ngày 28/4/1975 - khoảng 5:45’- trong phi vụ hộ tống Trung-tá Nguyễn Văn Mạnh SĐ3 KQ và toán chuyên viên Vũ-khí & Đạn-dược đặt chất nổ, để phá hủy các cơ sở của Bộ Chỉ Huy Kỹ-Thuật & Tiếp-vận KQ (Biên–Hoà). Tôi, (Trần Văn Phúc) và Trung-úy Nguyễn Thành Bá bay từ Dốc Sỏi ngang qua Cầu Mới Biên Hòa. Tôi vừa quẹo trái từ hướng Tây sang hướng Đông, đột nhiên tôi thấy bốn chiếc A37 với đầy đủ bom đạn trong một đội hình dị thường, nghĩa là không giống ai, phi diễn không ra phi diễn, chiến đấu không ra chiến đấu, đang từ hướng Đông Bắc lao tới cùng một cao độ với chúng tôi. Tôi cứ lầm tưởng là phi cơ của các phi đoàn bạn (từ miền Trung di tản về Tân Sơn Nhứt tháng trước) đang bay hành quân, nên tôi vội vã kéo cần lái, cho phi cơ mình bốc vọt lên cao, để tránh hai bên đụng nhau trong gang tấc. Đồng thời tôi hét trong vô tuyến để lưu ý anh Bá, (bay chiếc số 2 theo tôi trong đội hình chiến đấu):
- Hai theo một! Coi chừng bốn A37 hướng 10 giờ!
Rồi tôi bay đảo lại và nhìn theo 4 chiếc A37 bay xa dần, tôi ngạc nhiên, thông thường một phi tuần khu trục đi bay hành quân chỉ có hai chiếc, hôm nay là ngoại lệ, đặc biệt, vì có tới 4 chiếc. Tôi nói tiếp với Bá:
- Giờ nầy mà mấy thằng "ma gà" A37 còn mang bom đạn đi lang thang kìa!
Chúng tôi đã suýt đụng nhau với chúng nó trên sông Đồng Nai, mà không thể nào ngờ đó là bọn phản tặc! Trời lúc đó vẫn còn sáng tỏ, tôi chúi mũi cho phi cơ xuống thấp, bay dọc theo quốc lộ 1 đến Thủ Đức, tôi quẹo trái theo xa lộ Biên Hòa đến Long Bình rồi về Biên Hòa đọc theo Quốc Lộ 1. Nhìn xuống dưới, tôi thấy dọc suốt lề đường có rất nhiều xe thiết giáp đậu cách nhau từng trăm thước một. Muốn khích lệ tinh thần cho các chiến hữu Bộ Binh, nên tôi bay rất thấp, vì vậy khi bọn phản tặc dội bom ở Tân Sơn Nhứt, tôi đã không trông thấy. Nếu tôi bay ở cao độ 5.000 bộ, chắc chắn tôi sẽ thấy những cột khói đen bốc lên từ Tân Sơn Nhứt (TSN). Chừng 20 phút sau, Chuẩn-tướng Huỳnh Bá Tính Sư–Đoàn-Trưởng SĐ3KQ báo cho chúng tôi biết:
- Có một phi tuần ba chiếc A37 vừa dội bom Tân Sơn Nhứt!
Tôi điếng hồn, nghĩ ngay đến phi tuần A37 mà mình vừa gặp, nên tôi “chỉnh“ lại ông trên tần số:
- Như vậy phải là bốn chiếc A37, vì chúng tôi đã gặp bọn chúng cách đây không lâu! (mãi về sau nầy, khi tôi kiểm chứng với nhà nghiên cứu sử Nguyễn Hùng Kiệt, anh đã xác nhận: phi tuần của đám phản tặc nầy có tất cả 4 chiếc A-37, nhưng không biết vì lý do gì chỉ có 3 chiếc dội bom Tân Sơn Nhứt mà thôi !?). Vào thời điểm Tân Sơn Nhứt bị dội bom, chiếc trực thăng của Tướng Tính chuẩn bị đáp xuống TSN, nên ông đã chứng kiến toàn bộ sự việc. Đối chiếu với thông tin của sử gia Nguyễn Hùng Kiệt, cả hai người (Tướng Tính & tôi) đều nói đúng sự thật! Chúng tôi vội vã bay trở về Tân Sơn Nhứt, thì bọn phản tặc đã chuồn đi mất tăm biệt tích. Khi bay trên không phận TSN, Đài Kiểm-soát Không-lưu (Sài Gòn Control Tower) báo cho chúng tôi biết: “phi trường chỉ bị thiệt hại nhẹ. Vài chiếc C-47 bị trúng bom (1 chiếc gần phi đạo đang cháy như chúng tôi thấy), vài cơ sở bị hư hại như hậu trạm cũ, nơi trước đây chứa các phi cơ A-1, mới vừa dời về khu Tây, lúc 1 giờ trưa, cạnh bãi đậu của A-37. Nhưng thật may mắn (?) hai phi đạo không hề bị trúng bom”.

Sau mấy vòng bay quanh Tân Sơn Nhứt, chúng tôi biết chắc chắn phi trường và nhất là hai phi đạo vẫn an toàn, không cần thiết phải bay đi Cần Thơ, nên tôi yên tâm mà bay trở lại Biên Hòa, để tiếp tục thi hành phi vụ hộ tống Trung-Tá Mạnh và toán chuyên viên vũ khí. Mãi đến tận bây giờ, tôi vẫn cảm thấy hối tiếc: vì Trời đã cho tôi một cơ hội ngàn vàng, để tôi có thể bắn hạ bọn phản tặc ác ôn (tôi đã học kỷ thuật không chiến Dogfight trong khoá Phi Tuần Trưởng với Trung-tá Nguyễn Văn Huynh PĐP PĐ 518), mà tôi lại vô tình để vuột mất cơ hội ngàn năm một thuở! Trong trường hợp “tao ngộ chiến" hy hữu đó, bọn chúng không trông thấy chúng tôi, (vì bị chói ánh mặt trời chiều) nên không có phản ứng né tránh nào, mà chúng vẫn ung dung bay thẳng tới. Hoặc chúng tôi chỉ cần lách sang một bên, bật nút ARM - ON và bóp cò súng, bắn ngang hông ở phía sau bọn chúng, thì 800 viên đại bác 20 ly trên mỗi chiếc A1 của chúng tôi sẽ không tha bọn chúng. Hoặc lúc đó tôi gọi Paris (đài Kiểm Báo Không Lưu TSN) để báo động khẩn cấp. Các phi cơ F5-E đang ứng trực ở đầu phi đạo TSN, sẽ tức tốc cất cánh lên, xơi tái bọn chúng, thì bọn chúng chẳng còn mạng, để sau nầy vung vít mà “bốc phét” ! Đây có phải là vận mệnh thảm khốc đau buồn của đất nước Việt Nam đã an bài phải là ngày 30/4/1975 !?
Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ hộ tống Trung-tá Mạnh qua khỏi cầu Bình Triệu an toàn, chúng tôi mang đầy đủ bom đạn về hạ cánh lúc 8 giờ tối. Tôi gặp các anh bay F5 và họ cho biết là:
- Đang chờ lệnh đi ném bom trả đũa ở phi trường Phan Rang.
…Nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra -không biết vì lý do gì- !? Tôi thấy nhiều anh em trong Tân Sơn Nhứt có phần giao động tinh thần vì cuộc dội bom vừa qua. Do Radar không thể phát hiện nếu bọn phản tặc bay thấp như lần vừa rồi, nên nhiều người lo sợ chẳng biết có thêm lần dội bom kế tiếp nào nữa hay không? …Khi trở vào biệt đội khu trục lúc nửa đêm, tôi thấy các anh em thuộc PĐ 514 và 518 đang nằm sắp lớp như cá mòi ngay trên nền nhà. Tôi lặng lẽ nằm xuống một chỗ trống còn lại bên cạnh cái điện thoại dã chiến mới vừa móc dây. Tôi nằm đó, nghiêng qua trở lại rất lâu mà không thể nào ngủ được, vì trong lòng ngổn ngang những tiếc nuối & hối hận, cắn rứt tim tôi: khi mãi nhớ lại cơ hội ngàn năm có một, mà tôi đã vô tình để nó trượt thoát khỏi tay, tiếc thay, tôi đã không bấm cò đại bác bắn thẳng vào lũ phản tặc A37 lúc ban chiều (sau nầy, khi biết tên Nguyễn Thành Trung chính là kẻ đã “rước giặc vào nhà", bay dẫn đường cho đám phản tặc A37 đó, tôi lại càng hối hận & tiếc nuối nhiều hơn nữa!).

Quá mệt mỏi tinh thần và rã rời thân thể, tôi vừa chợp mắt tí xíu, là đã phải choàng tỉnh ngay lập tức, vì những tiếng nổ vang trời. Phi trường bị pháo kích! Hàng loạt hỏa tiễn 122ly rít xé bầu trời điên loạn lao xuống, nổ tung lên cùng khắp trong căn cứ & phi trường TSN, nơi đang tập trung dày đặc những quân nhân KQ và gia đình của họ mới vừa đổ dồn từ ngoài vùng I, vùng II di tản về. Điện bị cúp. Nhưng cho dù điện không cúp, thì tất cả vẫn chìm trong bóng tối như địa ngục, vì sức ép nổ của những quả hỏa tiễn rơi quá gần, làm vỡ tung những bóng đèn trong biệt đội khu trục chúng tôi... Thật là may mắn đến kỳ lạ khi mọi người đang nằm sát nhau dưới nền nhà đều bình an vô sự!

Điện thoại reo! Do nằm sát gần điện thoại, tôi bốc máy lên nghe và chuyển lệnh điều động cất cánh khẩn cấp đến Thiếu-tá Lê Văn Sang, Trưởng Phòng Hành Quân PĐ Phi Long 518. Trong bóng tối dày đặc, không nhìn thấy mặt bất cứ ai, mà chỉ nghe tiếng nói của tôi vừa chuyển lệnh. Thiếu-Tá Sang hỏi luôn:
- Phúc đó hả, Phúc đi bay được không?
Theo đúng Huấn Thị Khu Trục, tôi vừa mới bay xong phi vụ yểm trợ rút quân hồi đầu hôm, nên tôi có quyền từ chối đề nghị này của Thiếu-Tá Sang, nhưng hình như cái mặc cảm “tội lỗi“ (vì thiếu cảnh giác đã để bọn phản tặc A37 vượt thoát) của tôi đang chờ có một cơ hội “chuộc lại lổi lầm" , đã bật lên tiếng nói:
- Đương nhiên là được, nhưng wingman (phi tuần viên) là ai?
Chưa có ai kịp lên tiếng, thì từ trong bóng tối cuối phòng, tiếng Thiếu Tá Trương Phùng vang lên:
- Trâu đạp cũng chết, chó đạp cũng chết. Tao đi với mi, xem coi có chết thằng Tây nào không!?
Phi trường đang bị pháo kích dữ dội, nên lúc đó không có xe đưa đón Phi Hành Đoàn. Không thể chậm trễ, anh Phùng gọi tôi leo lên chiếc xe Jeep dân sự của anh phóng ra bãi đậu phi cơ. Anh Phùng lái xe như bay:
- … Mẹ nó! Tao chưa hề thấy tụi nó pháo dữ dằn như hôm nay! Tụi nó định “dứt điểm” mình bữa nay sao cà?
Rồi anh nói tiếp:
- Bất cứ giá nào mình cũng phải lên (cất cánh), hy vọng có thể bảo vệ bao nhiêu người vô tội ở đây. Nếu như mình bị hy sinh, âu cũng là dịp để mình đền ơn Tổ Quốc.
Nhìn anh lái xe vun vút như bay, tôi thầm cảm phục người đàn anh gan lỳ, quả cảm, người hùng của mặt trận Quảng Trị 1972 với chiến tích lẫy lừng đã “nướng sống" 15 chiếc xe Tăng T-54 của bọn Cộng-phỉ! Đến bãi đậu A-1, anh em phi đạo đã ứng trực sẵn sàng, anh Phùng hét lớn trong tiếng nổ vang rền của đạn pháo:
- Nổ máy là “chock out” ngay (rút những khúc gỗ chận bánh xe phi cơ ra) rồi các bạn tìm chỗ núp! Mặc kệ chúng tôi, đừng để chết chùm hết cả đám đấy!

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367002075.jpg

Máy vừa quay tròn vòng, thì có nhiều tiếng nổ long trời ở bãi đậu A-37 kề bên, nhiều quần lửa như cây nấm khổng lồ cuồn cuộn bốc phụt lên cao. Không chần chờ, tôi cho phi cơ di chuyển ra khỏi ụ. Anh Phùng vẫn còn đứng cạnh máy bay. Anh ra dấu cho tôi biết là bình điện của phi cơ anh bị hư. Vì vậy, tôi quyết định cất cánh một mình, như đã Briefing trước đó. Tôi ra hiệu cho anh Phùng biết, và gọi Đài Saigon Ground Control (Đài Kiểm Soát Diện Địa Sài Gòn) để xin di chuyển ra phi đạo, đài trả lời ngay:
- Phi Long 51 (PL51)! Phi đạo sử dụng 25, gió hướng Nam 4 knotts, áp suất 29.92…
Nhận thấy gió ngang gần như thẳng góc với phi đạo và rất nhẹ (4 knotts), tôi có thể cất cánh bất cứ hướng nào. Nhưng tôi không thể dùng PĐ25 sẽ vô cùng nguy hiểm; vì khi bay lên, sẽ chui ngay vào đạn đạo của địch đang pháo kích. Nếu cất cánh PĐ 07, tôi quẹo trái để đến đầu PĐ 07, thì phải di chuyển ngang qua bãi đậu A37 đang cháy rực lửa, cũng rất nguy hiểm. Vì vậy tôi có ý định quẹo phải theo Taxi way #3, để cất cánh PĐ 07, nghĩa là ngược chiều PĐ sử dụng, và tôi chỉ có thể dùng ½ chiều dài phi đạo còn lại. Cứu binh như cứu lửa, không còn phương cách nào khác, tôi quyết định gọi:
- Saigon Ground Control! PL51 request taxi ra Whisky number three và cất cánh PĐ 07.
Ngay khi được phép, tôi di chuyển nhanh ra phi đạo 07 R, miệng lẩm bẩm: "Người đẹp của tôi ơi! Em ráng giúp anh thêm một lần nữa! Đừng ho hen nha cưng"! (Pilot chúng tôi xem chiếc máy bay mình lái như là người vợ, người tình muôn thuở, đặc biệt là em Skyraider tuổi già sức yếu, nên đôi khi em ưa “nũng nịu, nhỏng nhẽo" ). Sau khi thử máy (dù biết chưa nóng máy), tôi xin đài Saigon Tower cho phép cất cánh khẩn cấp. Vì chỉ còn lại ½ phi đạo, nên tôi phải dùng phương cách “Maximun Peformance Take Off" , và cất cánh lúc 04 giờ 25 phút sáng ngày 29/4/1975. Vừa rời khỏi phi đạo, lòng tôi rộn rã một niềm vui mừng khó tả, và cảm tạ ơn Trên cho tôi cơ hội cứu nguy cho mọi người trong Tân Sơn Nhứt. Sang tần số Paris (đài Kiểm Báo Sài Gòn) tôi báo:
- Paris! PL 51 vừa cất cánh một chiếc A1 với 10 trái MK 81. Xin nhận chỉ thị.
Đài Paris chưa kịp trả lời, tôi đã nghe:
- PL 51! Đây Tinh Long 06 (TL06), bạn đến Phú Lâm ngay! Chỗ có nhiều trái sáng. Bao lâu bạn tới?
- TL06! PL 51 mang 10 trái MK 81, sẽ có mặt trong 5 phút và request Random Attact! OK!
Khi lên tới Phú Lâm, tôi được Trung-úy Trần Văn Bảo, Trưởng Phi Cơ của chiếc AC-119K hướng dẫn oanh kích, mục tiêu là hai làn khói của hai giàn pháo 122 ly. Tôi rất ngạc nhiên, mục tiêu chỉ cách đài Radar Phú Lâm hơn 500 mét về hướng Tây. Nhờ lặng gió, nên hai làn khói này vẫn còn la đà trên mặt đất.
Lập tức, tôi vừa lao xuống vừa gọi:
- PL51 in hot và thả từng trái một!
Sau khi thả trái bom xuống mục tiêu thứ nhì, tôi ngưng lại và chờ đợi. Trong thời gian nầy, tôi nghe giọng Tướng Kỳ trong vô tuyến:
- Phi Long 51 trút hết bom đạn xuống target! Tối nay ghé nhà tôi nhậu!
Tôi hỏi lại:
- Giới chức vừa ra lệnh cho Phi Long 51, xin cho biết danh hiệu.
- Tôi Thần Phong 01, Thiếu Tướng Kỳ đây!
- Thần Phong 01! PL51 lên một mình với 10 trái bom 250 cân Anh, tôi có kinh nghiệm chống pháo kích. Thần Phong 01 an tâm. Tôi có thể ở đây thêm ba giờ nữa.

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367002170.jpg

Khoảng 15 ; 20 phút sau, có lẽ bọn Cộng-phỉ nghĩ tôi đã hết bom, nên chúng bắt đầu pháo trở lại. Tôi nhìn thấy rõ nhiều giàn pháo, mỗi giàn 4 khẩu 122 ly, liên tục phóng lên. Liếc nhìn về hướng Tân Sơn Nhứt và Sài Gòn có nhiều quầng sáng nháng lên, tôi liền lao xuống thả bom và thầm gọi:
- Anh Phùng ơi! anh ở đâu, sao không lên tiếp tay với tôi? Một mình tôi làm không xuể đâu! Anh Phùng ơi!
Năm phút sau, khi định nhào xuống thả bom, tôi thấy có vài đám nổ dưới mục tiêu, tôi tưởng lầm là rocket của trực thăng võ trang bắn xuống, tôi liền cự nự Trung-úy Bảo:
- TL06! Bạn cho tôi đánh random attack, sao bạn lại cho gunship (trực thăng võ trang) vào “ăn có”? Nó bay cao độ thấp, lỡ tôi không thấy, nện ngay trên đầu nó, thì phiền lắm!
Anh Bảo liền cãi chánh:
- Không phải đâu PL51, tôi đã đuổi tụi nó qua bên Quốc Lộ 4 rồi. Để tôi quan sát kỹ lại.
Lúc đó có khoảng ba bốn chiếc trực thăng quây quần phía Đông Bắc Phú Lâm. Sắp nhào xuống thả bom lần kế tiếp, tôi lại thấy có ánh lửa nổ tung. Tiếng anh Bảo la lên:
- Ê ...PL 51! Tôi thấy có một chiếc dường như là A-1 vào đánh phụ với bạn đó! Chắc chắn không phải là gunship đâu!
Tôi liền nghĩ ngay tới anh Phùng, nên trả lời anh Bảo:
- TL06! chắc là Thiếu Tá Phùng! Có thể anh Phùng bị trục trặc về vô tuyến! Bạn an tâm, monkey see monkey do (thấy tôi thả bom ở đâu, anh ấy sẽ thả bom ở đó).
Nhờ sự yểm trợ hỏa châu của TL-06, chúng tôi dễ dàng “lượm” những giàn pháo, như lấy kẹo trong túi. Thanh toán xong các giàn pháo nầy, thì tôi cũng vừa hết bom.
- TL06, tất cả giàn pháo đã “clear" (bị hủy diệt sạch) tôi giao ở đây cho bạn, PL 51 để dành 800 viên 20ly, phòng thủ phi trường. Vì muốn biết người phụ tôi diệt pháo vừa rồi, có đúng là anh Phùng không? nên tôi sang tần số của Đài Sài Gòn:
- Saigon Tower! Đây PL51. Bạn cho biết: sau tôi còn có chiếc A1 nào cất cánh không?
Tôi được nghe trả lời:
- Tụi nó pháo quá, chúng tôi núp dưới hầm trú ẩn, vừa lên nên không biết gì hết bạn à!

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367001775.jpg

Khoảng 5:25’ sáng tôi về tới Tân Sơn Nhứt, trời vẫn còn tối đen như mực, ngoại trừ những ánh đèn phi đạo và taxi way, còn có hai đám cháy: một đám ở bãi đậu A37 như đã nói ở trên, còn đám cháy thứ hai dù tôi đã đảo nhiều vòng, nhưng vẫn không nhận ra chính xác là nơi nào. Nhưng sau ít phút nhờ ánh sáng lờ mờ bập bùng còn lại của đám cháy, tôi vừa nhận ra là ở phía Nam của dinh Tướng Kỳ độ chừng trăm mét. Tự nhiên trán tôi rịn mồ hôi, tay run lẫy bẫy, tim đập dồn dập và ứ nghẽn lồng ngực muốn nghẹt thở, vì hình như đám cháy là ở khu cư xá C-7, nơi vợ con tôi tạm trú, miệng tôi không ngớt cầu nguyện: "Cầu xin ơn Trên che chở cho vợ con của con, và những người khác được bình yên". Ngay lúc đó, trong lòng lòng tôi bùng lên một cơn giận dữ & căm thù đám Cộng-phỉ trong trại Davis, nếu vợ con tôi có mệnh hệ nào, tôi thề sẽ thí mạng với bọn chúng! Mươi phút sau, tôi thấy chiếc TL07 cất cánh lên, để thay thế chiếc TL06 về đáp. Tôi tiếp tục bao vùng trên không phận Tân Sơn Nhứt, cho đến khi bình minh có ánh sáng lờ mờ, tôi nhận ra đám cháy chính là cư xá Nữ Quân Nhân. Tôi nóng lòng muốn đáp xuống, nhưng chưa có phi tuần nào lên thay thế. Vài phút sau, tôi nhìn sang cánh phải: thấy có một chiếc AD-5 còn treo hai trái bom cứ bám sát theo phi cơ của mình. Tôi sang tần số, gọi đài Saigon Tower một lần nữa, để xác định chiếc AD-5: “có phải là của anh Phùng không”. Câu trả lời vẫn là “Không biết”. Vừa lúc đó, “anh bạn dễ ghét” như muốn chơi trò trốn tìm “ú tim” với tôi, nên anh ấy cho phi cơ hết lòn sang trái lại chui qua phải. Tôi bất ngờ cắt bán kính, quẹo vòng thật gắt định ra sau chiếc phi cơ nầy. Nhưng anh bạn “dễ ghét” là một cao thủ tuyệt đỉnh, lúc nào anh cũng bám riết theo sau, khi sang trái, khi sang phải, cố ý trêu đùa tôi. Nếu là dog fight (không chiến) thì tôi bị tay lão luyện nầy “dớt rụng càng” rồi!

Trên tần số Paris, tôi nghe giọng của Thiếu-tá Hồ Ngọc Ấn Phi Đoàn Phượng Hoàng 514 liên lạc với TL07, cho biết: “phi tuần hai chiếc A1 của anh đang ở Long An, trên đường tiến về Sài Gòn. Đại-uý Nguyễn Tiến Thuỵ bay chiếc số 2. Khoảng mười phút sau, Trung-uý Trang Văn Thành, Trưởng Phi-cơ của TL07 gọi trên tần số:
- Phượng Hoàng 11, tôi nghi ngờ có một toán đặc công độ năm bảy tên, định cắt hàng rào kẽm gai phía Bắc phi trường, chỗ miếng đất trống hình tam giác ở An Nhơn. Bạn cho một trái ngoài hàng rào, đánh trục Đông sang Tây. Tôi giữ cao độ 5.000.
Vì biết phi tuần anh Ấn chưa đến nơi, nếu cần thiết tôi có thể dùng bốn cây đại bác 20 ly bắn dọc theo vòng rào. Tôi bay tới đó, mặt trời vừa ló dạng, trời tỏ hơn nhưng ở độ cao 4.000 bộ, nên tôi không thấy gì cả. Thình lình anh Phùng lao xuống thả một trái bom. Thì có tiếng anh Thành hốt hoảng la lên:
- Số 1 thả bom “như để “. Số 2 đánh dài hơn vài mươi thước.
Trái thứ nhì rơi dài hơn năm chục thước. Anh Thành hoảng hốt:
- Phượng Hoàng 11... Hold Highride (ngưng thả bom). Số 2 của bạn đánh gần nhà dân quá!
Thiếu tá Ấn liền lên tiếng:
- TL07! Ai khác đánh đó, chớ không phải Phượng Hoàng 11! Tôi chỉ mới tới Bến Lức, làm sao thả bom ở đó được!
Thì ra anh Thành lầm lẫn phi tuần của tôi- là phi tuần anh Ấn. Tôi vội lên tiếng:
- TL07! Đây PL 51. Đó là Phi Long 52 (chiếc số 2 của PL51) nó hư vô tuyến, chỉ còn hai trái, vừa thả hết rồi. Còn tôi đã “Empty” (hết bom).
Nhận ra tiếng của tôi, Đại-uý Thụy (người bạn cố tri cùng PĐ Thái Dương 530 với tôi ở Pleiku) gọi tôi:
- Ê Phúc! Mày về Cần Thơ đi, đáp ở đó (TSN) nguy hiểm lắm!
Nhìn đồng hồ xăng có 800 lbs, vừa đủ để bay đi Cần Thơ, nhưng tôi đã có quyết định đáp Tân Sơn Nhứt từ trước, nên trả lời:
- Vợ con tao còn kẹt lại đây, giá nào cũng phải đáp TSN. Tình hình ở đây chưa đến nỗi nào đâu.
Đột nhiên anh Phùng gọi tôi:
- Ê ...PL51, đi Cần Thơ nha! Bay với mi gần ba tiếng, chừ mới liên lạc được một xí. Tao nghe được, nhưng bị câm. Bực mình quá!
Tôi vội bấm máy trả lời:
- Không! Tôi chỉ còn 600 pounds xăng, vả lại vợ con tôi kẹt ở đây. Anh đi Cần Thơ một mình trước nghen!
Lúc bấy giờ TL07 đang bay 5.000 bộ, nên anh Thành muốn xuống thấp, để dễ quan sát, và nhìn thấy rõ hơn, nên anh báo cho chúng tôi biết:
- PL51! TL07 xuống cao độ, để nhìn rõ hơn. Tôi không muốn đánh lầm vào nhà dân, tội họ lắm!
Không ngờ mấy phút sau, khi chúng tôi bay trên Lăng Cha Cả, ở cao độ 1.500 bộ, anh Phùng gọi tôi:
- Ê một! Mình đáp xuống Tân Sơn Nhứt đi!
Lo ngại vô tuyến bất thường của anh còn hư, nên tôi nhường cho anh Phùng đáp trước. Nhưng trước khi Touch Down (chạm bánh), anh Phùng lại gọi tôi:
- Một! Mi đáp trước đi, tao Go Around (bay lên lại). Mi chờ ít phút, tao về chở mi vô!
Nóng lòng vì vợ con ở kế bên đám cháy (cư xá Nữ Quân Nhân) nên tôi không bay theo anh Phùng như thông lệ. Tôi tiếp tục vào Final (cận tiến), thì Sài Gòn Tower báo cho chúng tôi:
- PL51, có SA7 bắn lên. Tôi thấy mấy cục lửa bằng cườm tay bay lên!
Vì tôi đã chứng kiến SA-7 bắn ở Kiến Đức vào cuối năm 1973, nên tôi có ý nghi ngờ:
- Saigon Tower, SA-7 bắn lên lúc đầu, là một vùng lửa to màu cam, sau đó đổi sang màu trắng xanh, và bay lên rất nhanh. Bạn quan sát kỹ chưa"?
Anh bạn nầy có vẻ bất bình trả lời:
- PL51, tôi báo cho bạn biết, mà bạn không tin, nếu bị bắn, bạn ráng chịu nha!
Tự nhiên tôi nhớ đến Trung-tá Phạm Văn Thặng Fulro khi ông "xỉn", ông thường ngâm nga... Nên tôi nghêu ngao trên tần số:
- Làm sao giết được người trong mộng …1 …2 …3…touch down!
Di chuyển về bãi đậu lúc 6 giờ 55 phút, các anh em phi đạo reo mừng, công kênh tôi như đón một một vị cứu tinh! Rồi chúng tôi cùng nhau theo dõi chiếc TL07 đang nghiêng cánh trái ở cao độ chừng vài ngàn bộ, và xạ kích xuống mục tiêu. Từng tràng đại bác 20 ly (Minigun 6 nòng) nã xuống như mưa, tiếng kêu như bò rống. Tôi trấn an các anh em:
- Target đó ở ngoài vòng rào, chỉ là tình nghi thôi! Ông Trung-uý Thành muốn biểu diễn cho mọi người coi chơi, cho vui vậy mà!

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367002306.jpg

Tôi vừa dứt lời, thì đột nhiên chiếc TL07 trúng hoả tiễn tầm nhiệt SA-7, đuôi phải gãy lìa. Có một vật màu đen đen rớt xuống(*), động cơ bên phải phát hoả, nổ tung, cánh phải gãy xuống, đồng thời phòng lái bốc cháy. Phi cơ ngoặc đầu qua trái, lao xuống rơi vào spin (xoay tròn như bông vụ). Tất cả mọi người xung quanh tôi đều hoảng hốt hét lớn:
- Nhảy dù đi…
- Nhảy dù…
- Nhảy dù nhanh lên…
Nhưng quá trễ, tôi không thấy cánh dù nào kịp bung ra, chiếc phi cơ đã cắm phụp đầu xoáy xuống đất rất nhanh. Những cột khói đen lửa đỏ cuồn cuộn bốc phụt lên cao hàng trăm mét. Ối Trời ơi! Toàn bộ phi hành đoàn đều hy sinh. Tất cả anh em chúng tôi bàng hoàng sửng sốt, đứng chết lặng, mà nước mắt tự dưng tuôn trào. Một lúc sau, mọi người cúi gục đầu lặng lẽ trở về làm nhiệm vụ của mình. Từ giờ phút nầy phi trường TSN thật sự không còn an toàn nữa, vì sự xuất hiện của SA-7 ; khắc tinh của tất cả các loại máy bay. Riêng tôi, ngồi bệt xuống bãi cỏ bên lề phi đạo, mắt vẫn hướng về những cột khói đen bốc lên cao, như anh linh của Phi Hành Đoàn TL07 đang siêu thoát. Tôi hy vọng Thiếu-Tá Trương Phùng bay đi Cần Thơ, tuy nhiên tôi vẫn có ý trông đợi anh Phùng trở về. Tôi chờ mãi, chờ mãi... tới khi anh tài xế xe bồn tiếp xăng giục tôi lên xe, để trở vô biệt đội khu trục. Trong lòng tôi thầm nghĩ:
- Đúng rồi, anh Phùng nên bay đi Cần Thơ là hợp lý nhất!

Sau 9:30’ giờ sáng ngày 29/4/75 bọn chúng bắt đầu nã đì đùng bằng đại pháo 130 ly, đặt ở Nhơn Trạch gần Thành Tuy Hạ - Cát Lái. Nhưng lúc bấy giờ không ai thèm màng tới việc diệt pháo nhỏ giọt vào Tân Sơn Nhứt nữa. Trong phi trường thỉnh thoảng đạn 130 rơi rớt đâu đó, may mắn sao không trúng tôi (ha ha ha...). Cả căn cứ Tân Sơn Nhứt không một bóng người, bầu trời vô cùng u ám, một phần vì thời tiết chuyển mưa, một phần vì những làn khói đen lan toả la đà từ chiếc TL-07 đang bốc cháy. Tôi có cảm tưởng như mình lạc vào trong bãi tha ma lúc hoàng hôn. Sau khi Quân Cảnh không cho tôi ra cổng (Phi Long), không được nói một lời gì với vợ con (họ theo gia đình Vân về nhà). Tôi trở vào Trung Tâm Hành Quân Không Quân chờ lịnh. Nữa giờ sau, tôi định đi ra ngoài bằng cổng trại Hoàng Hoa Thám; nhưng khi đến cuối sân banh, tôi gặp ba anh Thiếu-tá: Sơn, Bản, Liêu , PĐ 530, họ đang chạy ngược chiều và kêu tôi:
- Ê Phúc! được lệnh đi Cần Thơ. Nhanh lên.
Tôi chạy theo họ ra bãi đậu, chiếc AD-5 của Thiếu-tá Hồ Văn Hiển PĐ 514 đang chờ. Tôi là hành khách bất ngờ bất đắt dĩ và cuối cùng thứ 20. Chúng tôi rời Tân Sơn Nhứt lúc 11 giờ trưa. Lúc bấy giờ trong Tân Sơn Nhứt có lẽ không còn phi cơ nữa (sau khi yểm trợ quân bạn ở Bến Cát xong, trên đường về Cần Thơ Thiếu-tá Hiển đáp xuống, để rước chúng tôi).
Khi đến Cần Thơ, tôi vội vã đi tìm anh Trương Phùng khắp nơi. Nhưng tôi tìm hoài không thấy anh Phùng đâu cả!

* * *

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367002493.jpg

Ghi chú thêm: trước 30/4/1975 và sau... 2010:
*.-Thiếu-tá Không-quân Hồ Ngọc Ấn Phi-đoàn Phượng Hoàng 514 (hiện ở Dallas). *- Đại-uý Không–quân Nguyễn Tiến Thuỵ bay chiếc số 2, hiện ở Houston. *- Đại-úy Không-quân Trần Văn Phúc (Phi-tuần Trưởng PT Khu-trục Phi-Long 51) hiện ở Cali.
*1.- Trên không phận Sài Gòn lúc bấy giờ (29/04/75) chỉ có 3 chiếc phi cơ là: TL-07, phi cơ anh Phùng và phi cơ của Phúc. Phần TL 07 chỉ xuất hiện sau 6 giờ sáng. Phi tuần hai chiếc A-1: của Thiếu-tá Ấn & Đại–úy Thụy thì trên đường đang về Sài Gòn.
*2.- Có lẽ vì sợ SA-7 nên ông Đại Sứ Martin phải nói dối trước Quốc Hội Mỹ là: “Hai phi đạo bị trúng pháo kích, hư hại nặng nề, và ông ta ra lịnh di tản người Mỹ bằng trực thăng” ?
*3.- ... đột nhiên chiếc TL07 trúng hoả tiễn tầm nhiệt SA-7, đuôi phải gãy lìa. Có một vật màu đen đen rớt xuống(*)... Mãi đến năm 2010, khi vừa mới cải táng cho PHĐ TL07 xong, chúng tôi mới liên lạc được với Th/Sĩ I Nguyễn Văn Chín, tự “Chín Dơi“, Gunner của TL07, là người duy nhất nhảy dù ra sống sót, anh chính là “vật” (hi hi hi) màu đen rơi xuống từ chiếc TL 07, mà anh em còn ở trong phi trường TSN đều thấy.
*4.- Vì Phi Hành Đoàn TL07 có rất nhiều người tình nguyện đi bay trong lúc khẩn cấp, nên hầu hết nhân viên trong PHĐ không ghi đúng tên trong phi lệnh. Tôi chỉ biết có: Trung-uý Trang Văn Thành (Trưởng phi cơ), xuất thân từ Thiếu Sinh Quân, nhập ngũ ngày 12/9/1967 khoá 68A TTHLKQ Nha Trang. Anh Thành là cháu rể của Cố Thiếu-Tướng Võ Xuân Lành, TLP KQ. Anh Thành có hai biệt danh: ở quân trường Nha Trang anh có tên “Thành Thụt”, vì đôi mắt sâu thẳm, tánh tình anh rất cương trực, hăng say, năng nổ trong mọi công việc. Khi về PĐ C119 anh Thành có thêm một biệt danh là: “Thành Kampuchia” (vì màu da ngâm ngâm của anh). Đêm 28/4/75 anh Trung uý Trang Văn Thành tình nguyện bay thêm phi vụ Extra TL 07, mặc dù trước đó anh đã bay phi vụ TL01 hồi đầu hôm rồi. - Trung uý Tào Thuận, hoa tiêu phụ. - Thiếu uý Phạm Tấn Đức. Họ vĩnh viễn ra đi... nhưng để lại sự thương tiếc kính phục vô cùng của hàng vạn người trong và ngoài Tân Sơn Nhứt.
*5.-Sau ba năm ba tháng phục vụ trong PĐ Thái Dương 530 – Pleiku trấn thủ Cao Nguyên, tháng 4 năm 1974 tôi trở lại Biên Hoà, được đưa về PĐ Phượng Hoàng 518, KĐ 23 Chiến Thuật, SĐ3KQ. Sau đó tôi thường đi biệt phái ở Biệt Đội Khu Trục tại Tân Sơn Nhứt, cho đến tháng 9 năm 1974, tất cả phi cơ A1 bị “đình động” (vì uống xăng?). Vì vậy thời gian quen biết, chuyện trò cùng Thiếu-tá Trương Phùng không nhiều. Tôi chỉ nhớ: Thiếu-tá Trương Phùng sanh năm 1943 tại Thừa Thiên, anh gia nhập Không Quân vào đầu năm 1964, khóa 64B SVSQKQ Nha Trang, tốt nghiệp khóa L- 5 Quan-sát. Sau đó anh được tuyển chọn xuyên huấn T28 và A-1 Skyraider tại Hoa Kỳ. Trở về nước, anh phục vụ tại Phi Đoàn 110 Quan Sát. Sau cùng là Phi Đoàn 518 Phi Long - Khu Trục A-1, KĐ 23CT, SĐ3 KQ Biên Hòa. Anh Phùng là mẫu người hùng KQ từng tham dự hầu hết các chiến trường khắp bốn vùng chiến thuật, là người hùng diệt 15 xe tăng cộng quân trong hai tuần lễ, vào đầu tháng 4 năm 72 ở Quảng Trị. Anh là một người đầy nhiệt huyết, không bao giờ từ chối bất cứ một phi vụ nào, dù nguy hiểm. Anh là một Phi -tuần-trưởng Sĩ-quan gương mẫu, lấy phương châm: Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm lên hàng đầu. Tuy nhiên tôi được hân hạnh cùng bay chung với anh hai lần:
- Lần đầu tiên: (Phi vụ Trời giúp!?) Vào tháng 8/1974, khi CSBV vi phạm Hiệp Định Ba Lê, chúng pháo kích vào phi trường Biên Hòa, để trả đũa hành động nầy, Đại Tá Hoàng Thanh Nhã, KĐT KĐ23CT, SĐ III KQ chỉ thị hai phi tuần, mỗi phi tuần hai chiếc Khu Trục A-1 Skyraider, mỗi chiếc mang 6 trái bom CBU-25, thi hành một nhiệm vụ đặc biệt là oanh tạc Tổng Hành Dinh của MTGPMN ở đồn điền cao su, gần Lộc Ninh. Phi tuần số 1 do Thiếu-tá Phùng và Trung-uý Đinh văn Đức. Phi tuần thứ hai do tôi (Đại úy Trần Văn Phúc) và Trung-uý Nguyễn Tứ Đức.
(Bom CBU - 25 là loại bom dùng để chống chiến thuật biển người, phá giao thông hào, mỗi trái cân nặng 500 cân Anh (lbs), gồm bảy ống thẳng, dài độ 4 mét, buộc lại thành một khối tam giác, mỗi ống chứa 25 quả bom nhỏ, như trái lựu đạn, có loại nổ trên mặt đất, có loại nổ chậm. Muốn đạt hiệu quả tối đa, nên thả bom nầy theo cách Skip bom, nghĩa là bay thật thấp, các trái bom nhỏ nầy được phóng xuống đất. Nếu thả bom từ trên cao thì không thể nào chính xác, càng cao các quả bom nhỏ nầy càng rải rộng ra, nếu thêm sức gió, có thể thổi bay đi xa cách mục tiêu hàng ngàn mét. Để bảo vệ vùng trời Lộc Ninh, nơi bọn CSBV trá hình MTGPMN, đặt Bộ Tổng Hành Dinh, ngoài hoả tiễn tầm nhiệt SA-7, bọn CSBV còn bố trí rất nhiều khẩu đại bác phòng không 37 ly, hay 57 ly, điều khiển bằng radar. Nếu bay dưới 11 ngàn bộ, chúng tôi sẽ trở thành những “target sống” để bọn Cộng-phỉ tha hồ thực tập tác xạ. Vì vậy sau khi thảo luận, và đồng ý chọn lối đánh mạo hiểm nhất (nhưng an toàn nhất), chúng tôi xin Đại-Tá Nhã:
- Đại-Tá ra lịnh chúng tôi đi dội bom ở đó, thì xin Đại-tá cho phép chúng tôi được chọn cao độ bay. Nếu như bay cao 12 hay 13 ngàn bộ, để tránh phòng không, thì thả bom không thể nào chính xác được, coi như không. Vì vậy chúng tôi xin chọn lối đánh "Truy-kích".
Ông đồng ý và nhấn mạnh thêm về tầm nguy hiểm:
- Nếu có ai gặp phải bất trắc, các bạn chịu khó trốn tránh qua đêm, cho đến sáng mai, mới có phi vụ rescue, còn các bạn khác lập tức bay về đáp, không được ở lại cover.
Vì tầm quan trọng của phi vụ nầy, là cảnh cáo cho bọn Cộng-phỉ biết: Không có bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà là bất khả xâm phạm đối với Không Lực Việt Nam Cộng Hoà. Quân Đội VNCH sẵn sàng trả đũa những vi phạm hiệp định Ba lê của chúng. Sau cơm trưa sớm hơn thường lệ (11 giờ), chúng tôi bắt đầu nghiên cứu những tấm không ảnh (chụp những cơ sở nguỵ trang dưới hàng cây cao su) và thảo kế hoạch, tính toán giờ giấc, hướng bay một cách rất cẩn thận từng chặn đường. Để giảm thiểu sự nguy hiểm cho phi tuần thứ nhì (bay sau) của tôi, Thiếu-tá Phùng đề nghị nhập hai phi tuần lại thành một hợp đoàn bốn chiếc; dùng chiến thuật truy kích, với yếu tố bất ngờ, chớp nhoáng, bay lướt trên ngọn cây. Khi bọn chúng thấy, thì chúng tôi đã bay mất rồi, không kịp bắn chúng tôi. Với lối bay nầy, đòi hỏi người Leader phải có một khả năng, kinh nghiệm, bình tĩnh, sáng suốt, cũng như gan dạ, vì thỉnh thoảng một mình anh Phùng (Leader) phải “trồi lên lặn xuống” năm, ba trăm bộ, để nhận dạng những "check point" (điểm chuẩn) để tránh bay lạc. Anh Phùng phân chia nhiệm vụ cho từng người, lập lại nhiều lần là: "mỗi chiếc phi cơ chỉ thả một lần, và chiếc kế nối tiếp với nhau".
Theo phi lịnh, chúng tôi cất cánh đúng 2 giờ trưa, nhưng bắt đầu 1 giờ. Bỗng dưng trời mưa như trút nước (có thể ông trời giúp chúng tôi?) tưởng chừng như phi vụ bị huỷ bỏ, cho đến sau 5 giờ chiều cơn mưa tạnh hẳn. Chúng tôi được lịnh cất cánh khẩn cấp, anh Phùng nhắc lại:
- Phi vụ của chúng ta rất quan trọng, rất nguy hiểm, nhưng tôi (anh Phùng) tin tưởng vào chiến thuật mình đã thảo ra. Như các bạn đã biết tụi mình không bay thẳng tới đó, mà mình bay vòng về hướng Bắc. Các bạn bớt căng thẳng đi! Có thể ông trời đã giúp mình hôm nay, nên đổ mưa mấy tiếng đồng hồ, vì vậy khi mình tới target mặt trời cũng sắp lặn, bảo đảm tụi nó không ngờ mình tới đâu! Chắc chắn mình phải bay đêm, các bạn cẩn thận coi lại tất cả các đèn phi cụ.
Như trong phi trình đã hoạch định, chúng tôi “joint up” ở 2.000 bộ với hợp đoàn chiến đấu (Tactical Formation), tất cả phi cơ bay bên cánh phải của anh Phùng, lấy Lai Khê làm điểm xuất phát, bay thật thấp về hướng Bắc, bên phải Quốc Lộ 13, qua khỏi Tống Lê Chân 5 dặm, thì đổi sang hướng Tây. Như dự đoán, chúng tôi bắt đầu lướt trên nhiều ổ phòng không. Nhìn xuống, chúng tôi thấy từng cụm năm ba tên Cộng-phỉ cố quay vòng những họng súng, để bắn vói theo phi cơ chúng tôi. Tôi gặp ít nhất năm khẩu phòng không trên đoạn đường dài chừng 20 dặm nầy. Khi thấy Lộc Ninh bên phải và nhận định mục tiêu, anh Phùng ra lịnh:
- Tất cả Phi Long coi lại Mills (độ của máy ngắm) lên cao độ 1.500 bộ, target 1 dặm, hướng 10 giờ (quẹo trái về hướng Nam, để thả bom vào bên hông địch).
Lần lượt: "số 1 Rolling Hot”, rồi số 2. Số 3 và số 4 Rolling Hot trong ánh sáng vàng nhạt cuối cùng trong ngày. Chúng tôi đã vượt qua rất nhiều hàng rào phòng không dày đặc, trên đường đi ngay cả đường về, rất nhiều lần chúng tôi lướt trên những ổ cao xạ, nhìn thấy bọn chúng quay vòng những họng súng để bắn vói theo (quá trể rồi! lúc đó chúng tôi đã khuất dạng). Khi chúng tôi bay về gần tới Tây Ninh, thì trời đã tối hẳn. Nhờ vào sự can đảm phi thường, nhờ sự thông thạo địa hình và đầy kinh nghiệm của Thiếu-tá Phùng, chúng tôi đã hoàn thành sứ mạng và an toàn về đáp lúc 8 giờ tối. Cám ơn ông trời đã ban cho chúng tôi một cơn mưa, giúp chúng tôi hoàn thành phi vụ một cách tốt đẹp. Khi đáp xong, tôi ghi nhận thêm: Thiếu-tá Phùng thà ngậm đèn bấm soi sáng những phi cụ để bay, nhưng nhứt định không chịu hủy bỏ phi vụ; dù rằng trong phiên họp buổi trưa Đại-Tá Nhã đã lưu ý hai lần:
- Nếu có gì bất trắc các bạn rán chịu đựng qua đêm, sáng mai mới có trực thăng rescue.
Anh Phùng cười rằng:
- Mấy chuyện lẻ tẻ làm sao làm khó dễ tao được. Ngày mai tụi mình đi gặp Đại-tá Nhã, xin ông cho tụi mình bay lên đó, diệt phòng không, ít nhất mình cũng “lượm” hàng tá cao xạ 37, hay 57 ly. Đứa nào bay với tao, thì theo tao tới câu lạc bộ Trần Thế Vinh???
- Lần thứ hai *6.- Để nhớ ơn người anh hùng vị quốc vong thân: cố Thiếu-Tá Không-quân Trương Phùng, có nhiều thân hữu, quân dân, góp sức truy tìm tung tích anh Phùng. Sau bao năm lặn lội tìm kiếm... Trong cơ duyên nhờ anh linh của cố Thiếu-tá Trương Phùng dẫn dắt, ngày 2 tháng 12 năm 2008, cựu KQ Nguyễn Toại Chí đã mang hài cốt Thiếu-Tá Không-quân Trương Phùng (vùi sâu dưới 5 thước đất, gần cầu Bình Điền, Long An; trở về với gia đình). Hài cốt của cố Thiếu-tá Trương Phùng được hoả táng, và đem về thờ phượng tại chùa Bữu Quang. Theo nhân chứng là cụ H. (cụ còn ở Việt Nam, 90 tuổi, xin tạm dấu tên) kể rõ rằng: “Động cơ của chiếc máy bay bị ra khói, buộc lòng anh Phùng phải đáp khẩn cấp xuống ruộng, gần cầu Bình Điền. Anh Phùng bị bắt khoảng 7 giờ sáng ngày 29/4/74. Ngay tối hôm đó bọn Cộng-phỉ khát máu đã hành quyết anh Phùng cạnh giao thông hào”.
*7.- Cũng sau nhiều năm tháng vất vã ngược xuôi tìm kiếm, ngày 21-7- 2010 có một nhóm thân hữu Dân Quân Chánh, gia đình Thiếu-uý Phạm Tấn Đức, cùng cựu Không-quân Nguyễn Toại Chí đã tìm được nhiều hài cốt của PHĐ 07 , trong vòng đai của căn cứ Tân Sơn Nhứt. Họ đã mang hài cốt qúy vị ấy về an vị tại nghĩa trang An Khánh - Thủ Thiêm. (KQ NTC phụ trang).
. . . *8.- Cư xá Nữ Quân Nhân ở kế bên chưa đầy mươi mét, đã biến thành tro. Tôi (Phúc) vội vã lái xe Honda phóng nhanh trở về cư xá C-7 thăm vợ con. Vào phòng cư xá C-7 thì không thấy ai, hoảng hốt tôi đi vòng theo sidewalk để tới hầm trú pháo. Vô cùng may mắn khi tôi thấy một trái 122 ly không nổ đã cắm sâu xuống nền ciment, cách phòng của vợ con tôi chừng ba thước, (nơi đó vợ con tôi & gia đình Trung-uý Phạm Trung Vân PĐ C7- 431; là em rễ vợ tôi). Trước kia tôi thấy cái hầm nầy đã bỏ hoang lâu năm, bên trên chỉ có vài lớp bao cát mục nát, tôi nghĩ chúng tôi không nên ở lâu, vả lại tôi không quen “đường sá” trong khu Tân Sơn Nhứt. Vì vậy bất đắt dĩ tôi phải dời gia đình qua dinh Tướng Kỳ lánh tạm, dù sao ở đó cũng kiên cố hơn... Tôi chứng kiến chiếc trực thăng đáp xuống (khoảng sau 9 giờ sáng) Trưởng phi cơ là Thiếu-tá Quí, anh em Trung-tá Nguyễn Quốc Hưng & Trung-tá Nguyễn Quốc Thành, mỗi người cầm một cây M16. Tướng Kỳ vào nhà, ông cứ đi ra đi vô phòng làm việc nhiều lần. Khi ông bước ngang chỗ tôi đứng, tôi mạo muội hỏi:
- Thưa Thiếu Tướng, Thiếu-Tướng định làm gì bây giờ?
Ý của tôi hỏi Tướng Kỳ là tôi muốn biết có di tản về Cần Thơ, (như lời ông kêu gọi tại đây đêm 25/4/75) là: “cần đánh một trận oai hùng cuối cùng”? Chẳng biết ông có nhận ra tôi hay không, ông lắc đầu than:
- Anh em đã bỏ đi hết rồi, lấy ai mà đánh hở?!
Tôi đồng ý với Tướng Kỳ về việc nầy, vì sau khi tôi đáp xuống Tân Sơn Nhứt chừng 20 phút, tôi nghe rất nhiều tiếng phi cơ đủ loại ào ào cất cánh bay lên... Khoảng 9 giờ 30 phút Tướng Kỳ từ phòng làm việc bước ra, khi đi ngang tôi, Tướng Kỳ nói:
- Mỹ đã từ chối cho tôi (Tướng Kỳ) một chiếc C-141. Nhờ cậu thông báo các thân hữu của tôi tự tìm đường thoát thân sang DAO, hay xuống bến Bạch Đằng. Bây giờ tôi đi rước Tướng Trưởng bên Tổng Tham Mưu.
Tướng Kỳ lên máy bay, tôi liền đi chuyển lời của ông cho một số người ở trong nhà nầy, lúc bấy giờ tôi mới biết: có hàng trăm người khác đang “tá túc” trên lầu, trong số đó có cựu Dân Biểu Nguyễn Văn Cử. Điều may mắn là mọi người đã thoát khỏi nguy hiểm, dù có rất nhiều trái pháo rơi xung quanh
dinh, nhưng không quả nào lọt vô dinh Tướng Kỳ.

* * *

Tình Hoài Hương chân thành cám ơn Đại úy Không Quân Trần Văn Phúc {(Phi-tuần Trưởng PT Khu-trục Phi-Long 51) - và quý vị Không-quân có ghi tên trong bài viết)} đã cho tôi mạn phép chuyển tải sự thật về ngày 28 & 29 tháng Tư năm 1975 : trung thực, chính xác, nóng bỏng, & vô cùng đen tối hắc ám của lịch sử Việt Nam.
* Đồng thời THH xin phép cám ơn quý vị nhiếp ảnh gia: đã post những tấm hình đầy nhân bản lên internet, cho tôi có thể copy vô bài viết, ngỏ hầu phong phú hoá hình ảnh sống động, và tài đức & nghệ thuật của quý vị.


Tôi chỉ xin quý vị sửa lại chữ HOLD HIGHRIDE (ngưng thả bom )_thành HOLD HIGH AND DRY cho đúng với với nguyên bản và đúng nghĩa. Thuỵ530

Tinh Hoai Huong
05-01-2016, 12:58 AM
Tôi chỉ xin quý vị sửa lại chữ HOLD HIGHRIDE (ngưng thả bom )_thành HOLD HIGH AND DRY cho đúng với với nguyên bản và đúng nghĩa. Thuỵ530
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1462063996-hong hong 30.jpg
Kính thưa Đại Uý Không Quân Nguyễn Tiến Thuỵ thân quý,

Dạ vâng, anh nói rất đúng câu: "Hold High and Dry" mới đúng nghĩa ;
Nhưng thưa anh... có thể ở trên tần số vô tuyến, quý phi công thường nói ngắn gọn: "hold high ride" (như lời của Đại Uý Không Quân Trần Văn Phúc đã nói, vẫn rất hợp lý (vì không có thời gian, cần nói vắn tắt. Câu "hold high ride" cũng đúng, phải không ạ
Tuy nhiên, tôi tôn trọng mỹ ý của anh, xin điều chỉnh lại, và chân thành cảm ơn anh v/v nầy.
Thân kính,
THH
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1461892766-THIEU TA TRUONG PHUNG.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1461893165-Xin anh giu tron tinh que - Duy Khanh.mp3

Thiếu Tá Không Quân Anh Kiệt: TRƯƠNG PHÙNG.
(41 năm… tưởng niệm: 29/4/1975 -> 29/4/2016)
***

Chiều ngày 28/4/1975 - khoảng 5:45’ trong phi vụ hộ tống Trung-tá Nguyễn Văn Mạnh SĐ3 KQ và toán chuyên viên Vũ-khí & Đạn-dược đặt chất nổ, để phá hủy các cơ sở của Bộ Chỉ Huy Kỹ-Thuật & Tiếp-vận KQ (Biên–Hoà). Tôi, (Trần Văn Phúc) và Trung-úy Nguyễn Thành Bá, bay từ Dốc Sỏi ngang qua Cầu Mới Biên Hòa. Tôi vừa quẹo trái từ hướng Tây sang hướng Đông, đột nhiên tôi thấy bốn chiếc A37 với đầy đủ bom đạn trong một đội hình dị thường; nghĩa là không giống ai, phi diễn không ra phi diễn, chiến đấu không ra chiến đấu, phi cơ đang từ hướng Đông Bắc lao tới cùng một cao độ với chúng tôi. Tôi cứ lầm tưởng là phi cơ của các phi đoàn bạn đang bay hành quân (từ miền Trung di tản về Tân Sơn Nhứt tháng trước), nên tôi vội vã kéo cần lái, cho phi cơ mình bốc vọt lên cao, để tránh hai bên đụng nhau trong gang tấc. Đồng thời tôi hét trong vô tuyến để lưu ý anh Bá, (bay chiếc số 2 theo tôi trong đội hình chiến đấu):
- Hai theo một! Coi chừng bốn A37 hướng 10 giờ!

Rồi tôi bay đảo lại và nhìn theo bốn chiếc A37 bay xa dần, tôi ngạc nhiên, thông thường một phi tuần khu trục đi bay hành quân chỉ có hai chiếc, hôm nay là ngoại lệ, đặc biệt vì có tới bốn chiếc. Tôi nói tiếp với Bá:
- Giờ nầy mà mấy thằng "ma gà" A37 còn mang bom đạn đi lang thang kìa!
Chúng tôi đã suýt đụng nhau với chúng nó trên sông Đồng Nai, mà không thể nào ngờ đó là bọn phản tặc! Trời lúc đó vẫn còn sáng tỏ, tôi chúi mũi cho phi cơ xuống thấp, bay dọc theo quốc lộ 1 đến Thủ Đức, tôi quẹo trái theo xa lộ Biên Hòa đến Long Bình rồi về Biên Hòa đọc theo Quốc Lộ 1. Nhìn xuống dưới, tôi thấy dọc suốt lề đường có rất nhiều xe thiết giáp đậu cách nhau từng trăm thước một. Muốn khích lệ tinh thần cho các chiến hữu Bộ Binh, nên tôi bay rất thấp, vì vậy khi bọn phản tặc dội bom ở Tân Sơn Nhứt, tôi đã không trông thấy. Nếu tôi bay ở cao độ 5.000 bộ, chắc chắn tôi sẽ thấy những cột khói đen bốc lên từ Tân Sơn Nhứt (TSN). Chừng 20 phút sau, Chuẩn-tướng Huỳnh Bá Tính Sư–Đoàn-Trưởng SĐ3KQ báo cho chúng tôi biết:
- Có một phi tuần ba chiếc A37 vừa dội bom Tân Sơn Nhứt!
Tôi điếng hồn nghĩ ngay đến phi tuần A37 mà mình vừa gặp, nên tôi “chỉnh“ lại ông trên tần số:

- Như vậy phải là bốn chiếc A37, vì chúng tôi đã gặp bọn chúng cách đây không lâu! (mãi về sau nầy, khi tôi kiểm chứng với nhà nghiên cứu sử Nguyễn Hùng Kiệt, anh đã xác nhận: phi tuần của đám phản tặc nầy có tất cả bốn chiếc A-37, nhưng không biết vì lý do gì chỉ có ba chiếc dội bom Tân Sơn Nhứt mà thôi !?). Vào thời điểm Tân Sơn Nhứt bị dội bom, chiếc trực thăng của Tướng Tính chuẩn bị đáp xuống TSN, nên ông đã chứng kiến toàn bộ sự việc. Đối chiếu với thông tin của sử gia Nguyễn Hùng Kiệt, cả hai người (Tướng Tính & tôi) đều nói đúng sự thật! Chúng tôi vội vã bay trở về Tân Sơn Nhứt, thì bọn phản tặc đã chuồn đi mất tăm biệt tích. Khi bay trên không phận TSN, Đài Kiểm-soát Không-lưu (Sài Gòn Control Tower) báo cho chúng tôi biết: “phi trường chỉ bị thiệt hại nhẹ. Vài chiếc C-47 bị trúng bom (một chiếc gần phi đạo đang cháy như chúng tôi thấy), vài cơ sở bị hư hại như hậu trạm cũ, nơi trước đây chứa các phi cơ A-1, mới vừa dời về khu Tây lúc 1 giờ trưa, cạnh bãi đậu của A-37. Nhưng thật may mắn hai phi đạo không hề bị trúng bom”.

Sau mấy vòng bay quanh Tân Sơn Nhứt, chúng tôi biết chắc chắn phi trường và nhất là hai phi đạo vẫn an toàn, không cần thiết phải bay đi Cần Thơ. Nên tôi yên tâm bay trở lại Biên Hòa, để tiếp tục thi hành phi vụ hộ tống Trung-Tá Mạnh và toán chuyên viên vũ khí. Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ hộ tống Trung-tá Mạnh qua khỏi cầu Bình Triệu an toàn, chúng tôi mang đầy đủ bom đạn về hạ cánh lúc 8 giờ tối. Tôi gặp các anh bay F5 ; họ cho biết là:
- Đang chờ lệnh đi ném bom trả đũa ở phi trường Phan Rang.
…Nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra -không biết vì lý do gì- !? Tôi thấy nhiều anh em trong Tân Sơn Nhứt có phần giao động tinh thần, vì cuộc dội bom vừa qua. Do Radar không thể phát hiện nếu bọn phản tặc bay thấp như lần vừa rồi, nên nhiều người lo sợ chẳng biết có thêm lần dội bom kế tiếp nào nữa hay không? …Khi trở vào biệt đội khu trục lúc nửa đêm, tôi thấy các anh em thuộc PĐ 514 và 518 đang nằm sắp lớp như cá mòi ngay trên nền nhà. Tôi lặng lẽ nằm xuống một chỗ trống còn lại bên cạnh cái điện thoại dã chiến mới vừa móc dây.

Tôi nằm đó, nghiêng qua trở lại rất lâu, không thể nào ngủ được, vì trong lòng ngổn ngang những tiếc nuối & hối hận, cắn rứt tim tôi: khi nhớ lại cơ hội ngàn năm có một. Tôi vô tình để nó trượt thoát khỏi tay, tiếc thay! lúc ban chiều tôi đã không bấm cò đại bác bắn thẳng vào lũ phản tặc A37. (Sau nầy, khi biết tên Nguyễn Thành Trung chính là kẻ đã “rước giặc vào nhà“, bay dẫn đường cho đám phản tặc A37 đó, tôi lại càng hối hận & tiếc nuối nhiều hơn nữa!).

Quá mệt mỏi tinh thần và rã rời thân thể, tôi vừa chợp mắt tí xíu, đã phải choàng tỉnh ngay lập tức, vì những tiếng nổ vang trời. Phi trường bị pháo kích! Hàng loạt hỏa tiễn 122ly điên loạn lao xuống rít xé bầu trời, nổ tung lên cùng khắp trong căn cứ & phi trường TSN, nơi đang tập trung dày đặc những quân nhân KQ, và gia đình của họ mới vừa đổ dồn từ ngoài vùng I, vùng II di tản về. Điện bị cúp. Nhưng cho dù điện không cúp, thì tất cả vẫn chìm trong bóng tối như địa ngục, vì sức ép nổ của những quả hỏa tiễn rơi quá gần, làm vỡ tung những bóng đèn trong biệt đội khu trục chúng tôi... Thật là may mắn đến kỳ lạ khi mọi người đang nằm sát nhau dưới nền nhà đều bình an vô sự!

Điện thoại reo! Do nằm sát gần điện thoại, tôi bốc máy lên nghe, và chuyển lệnh điều động cất cánh khẩn cấp đến Thiếu-tá Lê Văn Sang, Trưởng Phòng Hành Quân PĐ Phi Long 518. Trong bóng tối dày đặc, không nhìn thấy mặt bất cứ ai, mà chỉ nghe tiếng nói của tôi vừa chuyển lệnh. Thiếu-Tá Sang hỏi luôn:
- Phúc đó hả, Phúc đi bay được không?

Theo đúng Huấn Thị Khu Trục, tôi vừa mới bay xong phi vụ yểm trợ rút quân hồi đầu hôm, nên tôi có quyền từ chối đề nghị này của Thiếu-Tá Sang. Nhưng hình như cái “mặc cảm tội lỗi “của tôi, (vì thiếu cảnh giác, đã để bọn phản tặc A37 vượt thoát) đang chờ có một cơ hội “chuộc lại lỗi lầm“, tôi đã bật lên tiếng nói:
- Đương nhiên là được, nhưng wingman (phi tuần viên) là ai?
Chưa có ai kịp lên tiếng, thì từ trong bóng tối cuối phòng, tiếng Thiếu Tá Trương Phùng vang lên:
- Trâu đạp cũng chết, chó đạp cũng chết. Tao đi với mi, xem coi có chết thằng Tây nào không!?

Phi trường đang bị pháo kích dữ dội, nên lúc đó không có xe đưa đón Phi Hành Đoàn. Không thể chậm trễ, anh Phùng gọi tôi leo lên chiếc xe Jeep dân sự. Anh Phùng lái xe như bay phóng ra khỏi bãi đậu, nhìn anh lái xe vun vút như bay, tôi thầm cảm phục người đàn anh gan lỳ, quả cảm, người hùng của mặt trận Quảng Trị 1972 với chiến tích lẫy lừng đã “nướng sống" 15 chiếc xe Tăng T-54 của bọn Cộng Phỉ!:
-… Mẹ nó! Tao chưa hề thấy tụi nó pháo dữ dằn như hôm nay! Tụi nó định “dứt điểm” mình bữa nay sao cà?
Rồi anh nói tiếp:
- Bất cứ giá nào, mình cũng phải lên (cất cánh), hy vọng có thể bảo vệ bao nhiêu người vô tội ở đây. Nếu như mình bị hy sinh, âu cũng là dịp để mình đền ơn Tổ Quốc.

Đến bãi đậu A-1, các anh em phi đạo đã ứng trực sẵn sàng, anh Phùng hét lớn trong tiếng nổ vang rền của đạn pháo:
- Nổ máy là “chock out” ngay (rút những khúc gỗ chận bánh xe phi cơ ra) rồi các bạn tìm chỗ núp! Mặc kệ chúng tôi, đừng để chết chùm hết cả đám đấy!

Máy vừa quay tròn vòng, thì có nhiều tiếng nổ long trời ở bãi đậu A-37 kề bên, nhiều quần lửa như cây nấm khổng lồ cuồn cuộn bốc phụt lên cao. Không chần chờ, tôi cho phi cơ di chuyển ra khỏi ụ. Anh Phùng vẫn còn đứng cạnh máy bay, anh ra dấu cho tôi biết là bình điện của phi cơ anh bị hư. Vì vậy, tôi quyết định cất cánh một mình, như đã Briefing trước đó. Tôi ra hiệu cho anh Phùng biết, và gọi Đài Saigon Ground Control (Đài Kiểm Soát Diện Địa Sài Gòn) để xin di chuyển ra phi đạo, đài trả lời ngay:
- Phi Long 51 (PL51)! Phi đạo sử dụng 25, gió hướng Nam 4 knotts, áp suất 29.92…

Nhận thấy gió ngang gần như thẳng góc với phi đạo và rất nhẹ (4 knotts), tôi có thể cất cánh bất cứ hướng nào. Nhưng tôi không thể dùng PĐ25 sẽ vô cùng nguy hiểm; vì khi bay lên, sẽ chui ngay vào đạn đạo của địch đang pháo kích. Nếu cất cánh PĐ 07, tôi quẹo trái để đến đầu PĐ 07, thì phải di chuyển ngang qua bãi đậu A37 đang cháy rực lửa, cũng rất nguy hiểm. Vì vậy, tôi có ý định quẹo phải theo Taxi way #3, để cất cánh PĐ 07, nghĩa là ngược chiều PĐ sử dụng. Tôi chỉ có thể dùng ½ chiều dài phi đạo còn lại. Cứu binh như cứu lửa, không còn phương cách nào khác, tôi quyết định gọi:
- Saigon Ground Control! PL51 request taxi ra Whisky number three và cất cánh PĐ 07.

Ngay khi được phép, tôi di chuyển nhanh ra phi đạo 07 R, miệng lẩm bẩm: "Người đẹp của tôi ơi! Em ráng giúp anh thêm một lần nữa! Đừng ho hen nha cưng"! (Pilot chúng tôi xem chiếc máy bay mình lái như là người vợ, người tình muôn thuở, đặc biệt là em Skyraider tuổi già sức yếu, nên đôi khi em ưa “nũng nịu, nhỏng nhẽo" ). Sau khi thử máy (dù biết chưa nóng máy), tôi xin đài Saigon Tower cho phép cất cánh khẩn cấp. Vì chỉ còn lại ½ phi đạo, nên tôi phải dùng phương cách “Maximun Peformance Take Off" , và cất cánh lúc 04 giờ 25 phút sáng ngày 29/4/1975. Vừa rời khỏi phi đạo, lòng tôi rộn rã một niềm vui mừng khó tả, và cảm tạ ơn Trên cho tôi cơ hội cứu nguy cho mọi người trong Tân Sơn Nhứt. Sang tần số Paris (đài Kiểm Báo Sài Gòn) tôi báo:
- Paris! PL 51 vừa cất cánh một chiếc A1 với 10 trái MK 81. Xin nhận chỉ thị.
Đài Paris chưa kịp trả lời, tôi đã nghe:
- PL 51! Đây Tinh Long 06 (TL06), bạn đến Phú Lâm ngay! Chỗ có nhiều trái sáng. Bao lâu bạn tới?
- TL06! PL 51 mang 10 trái MK 81, sẽ có mặt trong 5 phút và request Random Attact! OK!

Khi lên tới Phú Lâm, tôi được Trung-úy Trần Văn Bảo, Trưởng Phi Cơ của chiếc AC-119K hướng dẫn oanh kích: mục tiêu là hai làn khói của hai giàn pháo 122 ly. Tôi rất ngạc nhiên, mục tiêu chỉ cách đài Radar Phú Lâm hơn 500 mét về hướng Tây. Nhờ lặng gió, nên hai làn khói này vẫn còn la đà trên mặt đất. Lập tức, tôi vừa lao xuống vừa gọi:
- PL51 in hot và thả từng trái một!
Sau khi thả trái bom xuống mục tiêu thứ nhì, tôi ngưng lại và chờ đợi. Trong thời gian nầy, tôi nghe giọng Tướng Kỳ trong vô tuyến:
- Phi Long 51 trút hết bom đạn xuống target! Tối nay ghé nhà tôi nhậu!
Tôi hỏi lại:
- Giới chức vừa ra lệnh cho Phi Long 51, xin cho biết danh hiệu.
- Tôi Thần Phong 01, Thiếu Tướng Kỳ đây!
- Thần Phong 01! PL51 lên một mình với 10 trái bom 250 cân Anh, tôi có kinh nghiệm chống pháo kích. Thần Phong 01 an tâm. Tôi có thể ở đây thêm ba giờ nữa.
Khoảng 15 ; 20 phút sau, có lẽ bọn cộng-phỉ nghĩ tôi đã hết bom, nên chúng bắt đầu pháo trở lại. Tôi nhìn thấy rõ nhiều giàn pháo, mỗi giàn 4 khẩu 122 ly liên tục phóng lên. Liếc nhìn về hướng Tân Sơn Nhứt, và Sài Gòn có nhiều quầng sáng nháng lên, tôi liền lao xuống thả bom và thầm gọi: "Anh Phùng ơi! anh ở đâu, sao không lên tiếp tay với tôi? Một mình tôi làm không xuể đâu! Anh Phùng ơi"! Năm phút sau, khi định nhào xuống thả bom, tôi thấy có vài đám nổ dưới mục tiêu, tôi tưởng lầm là rocket của trực thăng võ trang bắn xuống, tôi liền cự nự Trung-úy Bảo:
- TL06! Bạn cho tôi đánh random attack, sao bạn lại cho gunship (trực thăng võ trang) vào “ăn có”? Nó bay cao độ thấp, lỡ tôi không thấy, nện ngay trên đầu nó, thì phiền lắm!
Anh Bảo liền cãi chánh:
- Không phải đâu PL51, tôi đã đuổi tụi nó qua bên Quốc Lộ 4 rồi. Để tôi quan sát kỹ lại.

Lúc đó có khoảng ba bốn chiếc trực thăng quây quần phía Đông Bắc Phú Lâm. Sắp nhào xuống thả bom lần kế tiếp, tôi lại thấy có ánh lửa nổ tung và tiếng anh Bảo la lên:
- Ê ...PL 51! Tôi thấy có một chiếc dường như là A-1 vào đánh phụ với bạn đó! Chắc chắn không phải là gunship đâu!
Tôi liền nghĩ ngay tới anh Phùng, nên trả lời anh Bảo:
- TL06! chắc là Thiếu Tá Phùng! Có thể anh Phùng bị trục trặc về vô tuyến! Bạn an tâm, monkey see monkey do (thấy tôi thả bom ở đâu, anh ấy sẽ thả bom ở đó).
Nhờ sự yểm trợ hỏa châu của TL-06, chúng tôi dễ dàng “lượm” những giàn pháo như lấy kẹo trong túi. Thanh toán xong các giàn pháo nầy, thì tôi cũng vừa hết bom.
- TL06, tất cả giàn pháo đã “clear“ (bị hủy diệt sạch) tôi giao ở đây cho bạn, PL 51 để dành 800 viên 20ly phòng thủ phi trường. Vì muốn biết người phụ tôi diệt pháo vừa rồi, có đúng là anh Phùng không? nên tôi sang tần số của Đài Sài Gòn:
- Saigon Tower! Đây PL51. Bạn cho tôi biết: sau tôi còn có chiếc A1 nào cất cánh không?
Tôi được trả lời:
- Tụi nó pháo quá, chúng tôi núp dưới hầm trú ẩn, vừa lên nên không biết gì hết bạn à!

Khoảng 5:25’ sáng tôi về tới Tân Sơn Nhứt, trời vẫn còn tối đen như mực, ngoại trừ những ánh đèn phi đạo và taxi way, còn có hai đám cháy: một đám ở bãi đậu A37 (như đã nói ở trên), còn đám cháy thứ hai... dù tôi đã đảo nhiều vòng, nhưng vẫn không nhận ra chính xác là nơi nào. Nhưng sau ít phút nhờ ánh sáng lờ mờ bập bùng còn lại của đám cháy, tôi vừa nhận ra là ở phía Nam của dinh Tướng Kỳ độ chừng trăm mét. Tự nhiên trán tôi rịn mồ hôi, tay run lẫy bẫy, tim đập dồn dập, và ứ nghẽn lồng ngực muốn nghẹt thở, vì hình như đám cháy là ở khu cư xá C-7, là nơi vợ con tôi tạm trú. Miệng tôi không ngớt cầu nguyện: "Cầu xin ơn Trên che chở cho vợ con của con, và những người khác được bình yên".
Ngay lúc đó, trong lòng lòng tôi bùng lên một cơn giận dữ & căm thù đám cộng-phỉ trong trại Davis, nếu vợ con tôi có mệnh hệ nào, tôi thề sẽ thí mạng với bọn chúng!

Mươi phút sau, tôi thấy chiếc TL07 cất cánh lên, để thay thế chiếc TL06 về đáp. Tôi tiếp tục bao vùng trên không phận Tân Sơn Nhứt, cho đến khi bình minh có ánh sáng lờ mờ, tôi nhận ra đám cháy chính là cư xá Nữ Quân Nhân. Tôi nóng lòng muốn đáp xuống, nhưng chưa có phi tuần nào lên thay thế. Vài phút sau, tôi nhìn sang cánh phải: thấy có một chiếc AD-5 còn treo hai trái bom, cứ bám sát theo phi cơ tôi. Tôi sang tần số và gọi đài Saigon Tower một lần nữa, để xác định chiếc AD-5: “có phải là của anh Phùng không”. Câu trả lời vẫn là “Không biết”. Vừa lúc đó, “anh bạn dễ ghét” như muốn chơi trò trốn tìm “ú tim” với tôi, nên anh ấy cho phi cơ hết lòn sang trái, lại chui qua phải. Tôi bất ngờ cắt bán kính, quẹo vòng thật gắt, định ra sau chiếc phi cơ nầy. Nhưng anh bạn “dễ ghét” là một cao thủ tuyệt đỉnh, lúc nào anh cũng bám riết theo sau, khi sang trái khi sang phải, cố ý trêu đùa tôi. Nếu là dog fight (không chiến) thì tôi bị tay lão luyện nầy “dớt rụng càng” rồi!

Trên tần số Paris, tôi nghe giọng của Thiếu-tá Hồ Ngọc Ấn, Phi Đoàn Phượng Hoàng 514 liên lạc với TL07, cho biết: “phi tuần hai chiếc A1 của anh đang ở Long An, trên đường tiến về Sài Gòn. Đại-uý Nguyễn Tiến Thuỵ bay chiếc số 2. Khoảng mười phút sau, Trung-uý Trang Văn Thành, Trưởng Phi Cơ của TL07 gọi trên tần số:
- Phượng Hoàng 11, tôi nghi ngờ có một toán đặc công độ năm bảy tên, định cắt hàng rào kẽm gai phía Bắc phi trường, chỗ miếng đất trống hình tam giác ở An Nhơn. Bạn cho một trái ngoài hàng rào, đánh trục Đông sang Tây. Tôi giữ cao độ 5.000.

Vì biết phi tuần anh Ấn chưa đến nơi, nếu cần thiết tôi có thể dùng bốn cây đại bác 20 ly bắn dọc theo vòng rào. Tôi bay tới đó, mặt trời vừa ló dạng, trời tỏ hơn nhưng ở độ cao 4.000 bộ, nên tôi không thấy gì cả. Thình lình anh Phùng lao xuống thả một trái bom. Thì có tiếng anh Thành hốt hoảng la lên:
- Số 1 thả bom “như để“ . Số 2 đánh dài hơn vài mươi thước.
Trái thứ nhì rơi dài hơn năm chục thước. Anh Thành hoảng hốt:
- Phượng Hoàng 11 Hold High and Dry (ngưng thả bom). Số 2 của bạn đánh gần nhà dân quá!
Thiếu tá Ấn liền lên tiếng:
- TL07! Ai khác đánh đó, chớ không phải Phượng Hoàng 11! Tôi chỉ mới tới Bến Lức, làm sao thả bom ở đó được!
Thì ra anh Thành lầm lẫn phi tuần của tôi- là phi tuần anh Ấn. Tôi vội lên tiếng:
- TL07! Đây PL 51. Đó là Phi Long 52 (chiếc số 2 của PL51) nó hư vô tuyến, chỉ còn hai trái, vừa thả hết rồi. Còn tôi đã “Empty” (hết bom).
Nhận ra tiếng của tôi, Đại-uý Thụy (người bạn cố tri cùng PĐ Thái Dương 530 với tôi ở Pleiku) gọi tôi:
- Ê Phúc! Mày về Cần Thơ đi, đáp ở đó (TSN) nguy hiểm lắm!
Nhìn đồng hồ xăng có 800 lbs, vừa đủ để bay đi Cần Thơ, nhưng tôi đã có quyết định đáp Tân Sơn Nhứt từ trước, nên trả lời:
- Vợ con tao còn kẹt lại đây, giá nào cũng phải đáp Tân Sơn Nhứt. Tình hình ở đây chưa đến nỗi nào đâu.
Đột nhiên anh Phùng gọi tôi:
- Ê ...PL51, đi Cần Thơ nha! Bay với mi gần 3 tiếng, chừ mới liên lạc được một xí. Tao nghe được, nhưng bị câm. Bực mình quá!
Tôi vội bấm máy trả lời:
- Không! Tôi chỉ còn 600 pounds xăng, vả lại vợ con tôi kẹt ở đây. Anh đi Cần Thơ một mình trước nghen!

Lúc bấy giờ TL07 đang bay 5.000 bộ, nên anh Thành muốn xuống thấp để dễ quan sát, và nhìn thấy rõ hơn, nên anh báo cho chúng tôi biết:
- PL51! TL07 xuống cao độ để nhìn rõ hơn. Tôi không muốn đánh lầm vào nhà dân, tội họ lắm!
Không ngờ mấy phút sau, khi chúng tôi bay trên Lăng Cha Cả, ở cao độ 1.500 bộ, anh Phùng gọi tôi:
- Ê một! Mình đáp xuống Tân Sơn Nhứt đi!
Lo ngại vô tuyến bất thường của anh hư, nên tôi nhường cho anh Phùng đáp trước. Nhưng trước khi Touch Down (chạm bánh), anh Phùng lại gọi tôi:
- Một! Mi đáp trước đi, tao Go Around (bay lên lại). Mi chờ ít phút, tao về chở mi vô!
Nóng lòng vì vợ con ở kế bên đám cháy (cư xá Nữ Quân Nhân), nên tôi không bay theo anh Phùng như thông lệ. Tôi tiếp tục vào Final (cận tiến), thì Sài Gòn Tower báo cho chúng tôi:
- PL51, có SA7 bắn lên. Tôi thấy mấy cục lửa bằng cườm tay bay lên!
Vì tôi đã chứng kiến SA-7 bắn ở Kiến Đức vào cuối năm 1973, nên tôi có ý nghi ngờ:
- Saigon Tower, SA-7 bắn lên lúc đầu: là một vùng lửa to màu cam, sau đó đổi sang màu trắng xanh, và bay lên rất nhanh. Bạn quan sát kỹ chưa?
Anh bạn nầy có vẻ bất bình trả lời:
- PL51, tôi báo cho bạn biết, mà bạn không tin, nếu bị bắn, bạn ráng chịu nha!
Tự nhiên tôi nhớ đến Trung-tá Phạm Văn Thặng Fulro khi ông "xỉn", ông thường ngâm nga... nên tôi nghêu ngao trên tần số: "Làm sao giết được người trong mộng …1 …2 …3…touch down"!

Di chuyển về bãi đậu lúc 6 giờ 55 phút, các anh em phi đạo reo mừng, công kênh tôi như đón một một vị cứu tinh! Rồi chúng tôi cùng nhau theo dõi chiếc TL07 đang nghiêng cánh trái ở cao độ chừng vài ngàn bộ, và xạ kích xuống mục tiêu. Từng tràng đại bác 20 ly (Minigun 6 nòng) nã xuống như mưa, tiếng kêu như bò rống. Tôi trấn an các anh em:
- Target đó ở ngoài vòng rào, chỉ là tình nghi thôi! Ông Trung-uý Thành muốn biểu diễn cho mọi người coi chơi cho vui vậy mà!
Tôi vừa dứt lời, thì đột nhiên chiếc TL07 trúng hoả tiễn tầm nhiệt SA-7, đuôi phải gãy lìa. Có một vật màu đen đen rớt xuống(*), động cơ bên phải phát hoả và nổ tung, cánh phải gãy xuống, đồng thời phòng lái bốc cháy. Phi cơ ngoặc đầu qua trái, lao xuống và rơi vào spin (xoay tròn như bông vụ). Tất cả mọi người xung quanh tôi hoảng hốt hét lớn:
- Nhảy dù đi…
- Nhảy dù…
- Nhảy dù nhanh lên…

Nhưng quá trễ, tôi không thấy cánh dù nào kịp bung ra, chiếc phi cơ đã cắm phụp đầu xoáy xuống đất rất nhanh. Những cột khói đen lửa đỏ cuồn cuộn bốc phụt lên cao hàng trăm mét. Toàn bộ phi hành đoàn đều hy sinh. Tất cả anh em chúng tôi bàng hoàng sửng sốt, đứng chết lặng mà nước mắt tự dưng tuôn trào. Một lúc sau, mọi người cúi đầu lặng lẽ trở về làm nhiệm vụ của mình. Từ giờ phút nầy phi trường TSN thật sự không còn an toàn nữa, vì sự xuất hiện của SA-7 khắc tinh của tất cả các loại máy bay.

Riêng tôi, ngồi bệt xuống bãi cỏ bên lề phi đạo, mắt vẫn hướng về những cột khói đen bốc lên cao, như anh linh của Phi Hành Đoàn TL07 đang siêu thoát. Tôi hy vọng Thiếu-tá Trương Phùng bay đi Cần Thơ, tuy nhiên tôi vẫn có ý trông đợi anh Phùng trở về. Tôi chờ mãi… tới khi anh tài xế xe bồn tiếp xăng giục tôi lên xe, để trở vô biệt đội khu trục. Trong lòng tôi thầm nghĩ:
- Đúng rồi, anh Phùng nên bay đi Cần Thơ là hợp lý nhất!
Sau 9:30’ giờ sáng ngày 29/4/75 bọn chúng bắt đầu nã đì đùng bằng đại pháo 130 ly, đặt ở Nhơn Trạch gần Thành Tuy Hạ - Cát Lái. Nhưng lúc bấy giờ không ai thèm màng tới việc diệt pháo nhỏ giọt vào Tân Sơn Nhứt nữa. Trong phi trường thỉnh thoảng đạn 130 rơi rớt đâu đó, may mắn sao không trúng tôi. (ha ha ha...) Cả căn cứ Tân Sơn Nhứt không một bóng người, bầu trời vô cùng u ám, một phần vì thời tiết chuyển mưa, một phần vì những làn khói đen lan toả la đà từ chiếc TL-07 đang bốc cháy. Tôi có cảm tưởng như mình lạc vào trong bãi tha ma lúc hoàng hôn.

Sau khi quân cảnh không cho tôi ra cổng (Phi Long), không được nói một lời gì với vợ con (họ theo gia đình Vân về nhà), tôi trở vào trung tâm hành quân Không Quân chờ lịnh. Nữa giờ sau, tôi định đi ra ngoài bằng cổng trại Hoàng Hoa Thám; nhưng khi đến cuối sân banh, tôi gặp ba Thiếu-tá: Sơn, Bản, Liêu PĐ 530, họ đang chạy ngược chiều và kêu tôi:
- Ê Phúc! được lệnh đi Cần Thơ. Nhanh lên.
Tôi chạy theo họ ra bãi đậu, chiếc AD-5 của Thiếu-tá Hồ Văn Hiển PĐ 514 đang chờ. Tôi là hành khách bất ngờ bất đắt dĩ và cuối cùng thứ 20. Chúng tôi rời Tân Sơn Nhứt lúc 11 giờ trưa. Lúc bấy giờ trong Tân Sơn Nhứt có lẽ không còn phi cơ nữa (sau khi yểm trợ quân bạn ở Bến Cát xong, trên đường về Cần Thơ, Thiếu-tá Hiển đáp xuống, để rước chúng tôi). Khi đến Cần Thơ, tôi vội vã đi tìm anh Trương Phùng khắp nơi, nhưng tìm hoài không thấy anh Phùng đâu cả!

Ôi! Thì ra… thật vô cùng đau đớn, xót xa, nghẹn ngào không sao tả xiết, vì một cánh chim oai dũng phi thường oanh liệt đã một mình một bóng sớm xa tổ lìa đàn, ông thênh thang bay về cõi vĩnh hằng miên viễn... để lại trong lòng anh em bao tiếc thương vô tận. Đó là: cố Thiếu Tá Không Quân TRƯƠNG PHÙNG... sinh năm 1943 tại Thừa Thiên. Ông oanh liệt hy sinh ngày 29 tháng 4 năm 1975 tại Bình Điền, Long An. (Sài Gòn).
* * *

Ghi chú thêm: trước 30/4/1975 và sau... 2010:

*.- Thiếu-tá Không-quân Hồ Ngọc Ấn Phi Đoàn Phượng Hoàng 514 (hiện ở Dallas). *- Đại-uý Không–quân Nguyễn Tiến Thuỵ bay chiếc số 2, hiện ở Houston.

1.- *Đại-úy Không-quân Trần Văn Phúc - Phi-tuần Trưởng PT Khu-trục Phi-Long 51, hiện ở Cali :
- Mãi đến tận ngày hôm nay, tôi vẫn cảm thấy hối tiếc: vì Trời đã cho tôi một cơ hội ngàn vàng, để tôi có thể bắn hạ bọn phản tặc ác ôn A37 Nguyễn Thành Trung (tôi đã học kỷ thuật không chiến Dogfight trong khoá Phi Tuần Trưởng với Trung-tá Nguyễn Văn Huynh PĐP PĐ 518), mà tôi lại vô tình để vuột mất cơ hội ngàn năm một thuở! Trong trường hợp “tao ngộ chiến" hy hữu đó, bọn chúng không trông thấy chúng tôi, vì bị chói ánh mặt trời chiều, nên không có phản ứng né tránh nào, mà chúng vẫn ung dung bay thẳng tới.
Hoặc chúng tôi chỉ cần lách sang một bên, bật nút ARM - ON và bóp cò súng, bắn ngang hông ở phía sau bọn chúng, thì 800 viên đại bác 20 ly trên mỗi chiếc A1 của chúng tôi sẽ không tha bọn chúng. Hoặc lúc đó tôi gọi Paris (đài Kiểm Báo Không Lưu TSN) để báo động khẩn cấp. Các phi cơ F5-E đang ứng trực ở đầu phi đạo TSN, sẽ tức tốc cất cánh lên xơi tái bọn chúng, thì bọn chúng chẳng còn mạng, để sau nầy vung vít mà “bốc phét”! Đây có phải là vận mệnh thảm khốc đau buồn của đất nước Việt Nam đã an bài phải là ngày 30/4/1975 !?

*2.- Trên không phận Sài Gòn lúc bấy giờ (29/04/75) chỉ có ba chiếc phi cơ là: TL-07, phi cơ anh Phùng và phi cơ của Phúc. (TL 07 chỉ xuất hiện sau 6 giờ sáng. Phi tuần hai chiếc A-1: của Thiếu-tá Ấn & Đại–úy Thụy trên đường về Sài Gòn).

*3.- Có lẽ vì sợ SA-7 nên ông Đại Sứ Martin phải nói dối trước Quốc Hội Mỹ là: “Hai phi đạo bị trúng pháo kích, hư hại nặng nề, và ông ra lịnh di tản người Mỹ bằng trực thăng”?

*4.- ... đột nhiên chiếc TL07 trúng hoả tiễn tầm nhiệt SA-7, đuôi phải gãy lìa. Có một vật màu đen đen rớt xuống(*)... Mãi đến năm 2010, khi vừa mới cải táng cho PHĐ TL07 xong, chúng tôi mới liên lạc được với Th/Sĩ I Nguyễn Văn Chín tự “Chín Dơi“, Gunner của TL07, là người duy nhất nhảy dù ra sống sót, anh chính là “vật” (hi hi)… màu đen rơi xuống từ chiếc TL 07, mà anh em ở trong phi trường TSN đều thấy.

*5.- Vì Phi Hành Đoàn TL07 có nhiều người tình nguyện đi bay trong lúc khẩn cấp, nên hầu hết nhân viên trong PHĐ không ghi đúng tên trong phi lệnh. Tôi chỉ biết có:
- Trung-uý Trang Văn Thành (Trưởng phi cơ), xuất thân từ Thiếu Sinh Quân, nhập ngũ ngày 12/9/1967, khoá 68A TTHLKQ Nha Trang. Anh Thành là cháu rể của cố Thiếu-Tướng Võ Xuân Lành, TLPKQ. Anh Thành có hai biệt danh: ở quân trường Nha Trang anh có tên “Thành Thụt”, vì đôi mắt sâu thẳm, tánh tình anh rất cương trực, hăng say, năng nổ trong mọi công việc. Khi về PĐ C119 anh Thành có thêm một biệt danh: “Thành Kampuchia” (vì màu da ngâm ngâm của anh). Đêm 28/4/75 anh Trung uý Trang Văn Thành tình nguyện bay thêm phi vụ Extra TL 07, mặc dù trước đó anh đã bay phi vụ TL01 hồi đầu hôm rồi. - Trung uý Tào Thuận, hoa tiêu phụ. - Thiếu uý Phạm Tấn Đức. Họ vĩnh viễn ra đi... nhưng để lại sự thương tiếc kính phục vô cùng của hàng vạn người trong và ngoài Tân Sơn Nhứt.

*6.- Sau ba năm ba tháng phục vụ trong PĐ Thái Dương 530 – Pleiku trấn thủ Cao Nguyên, tháng 4 năm 1974 tôi trở lại Biên Hoà, được đưa về PĐ Phượng Hoàng 518, KĐ 23 Chiến Thuật, SĐ3KQ. Sau đó tôi thường đi biệt phái ở Biệt Đội Khu Trục tại Tân Sơn Nhứt, cho đến tháng 9 năm 1974, tất cả phi cơ A1 bị “đình động” (vì uống xăng!?). Vì vậy thời gian tôi quen biết, chuyện trò cùng Thiếu-tá Trương Phùng không nhiều. Tôi chỉ nhớ:

*7.- Th/tá Trương Phùng sanh năm 1943 tại Thừa Thiên, anh gia nhập Không Quân vào đầu năm 1964, khóa 64B SVSQKQ Nha Trang, tốt nghiệp khóa L- 5 Quan Sát. Sau đó anh được tuyển chọn xuyên huấn T28 và A-1 Skyraider tại Hoa Kỳ. Trở về nước, anh phục vụ tại Phi Đoàn 110 Quan Sát. Sau cùng là Phi Đoàn 518 Phi Long - Khu Trục A-1, KĐ 23CT, SĐ3 KQ Biên Hòa. Anh là mẫu người hùng KQ từng tham dự hầu hết các chiến trường khắp bốn vùng chiến thuật, là người hùng diệt 15 xe tăng cộng-quân trong hai tuần lễ vào đầu tháng 4 năm 72 ở Quảng Trị. Anh là một người đầy nhiệt huyết, không bao giờ từ chối bất cứ một phi vụ nào, dù nguy hiểm. Anh là một phi tuần trưởng sĩ quan gương mẫu, lấy phương châm: Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm lên hàng đầu.

Tôi được hân hạnh cùng bay chung với NT Th/tá Trương Phùngvào tháng 8/1974, khi CSBV vi phạm Hiệp Định Ba Lê, chúng pháo kích vào phi trường Biên Hòa. Để trả đũa hành động nầy, Đại Tá Hoàng Thanh Nhã, KĐT KĐ23CT, SĐ 3 KQ chỉ thị hai phi tuần, mỗi phi tuần hai chiếc Khu Trục A-1 Skyraider, mỗi chiếc mang 6 trái bom CBU-25, dùng bom CBU - 25 là loại bom dùng để chống chiến thuật biển người, phá giao thông hào, mỗi trái cân nặng 500 cân Anh (lbs), gồm 7 ống thẳng, dài độ 4 mét, buộc lại thành một khối tam giác, mỗi ống chứa 25 quả bom nhỏ như trái lựu đạn, có loại nổ trên mặt đất, có loại nổ chậm. Muốn đạt hiệu quả tối đa, nên thả bom nầy theo cách Skip bom, nghĩa là bay thật thấp, các trái bom nhỏ nầy được phóng xuống đất. Nếu thả bom từ trên cao thì không thể chính xác, càng cao các quả bom nhỏ nầy càng rải rộng ra, nếu thêm sức gió có thể thổi bay đi xa cách mục tiêu hàng ngàn mét).

Phi tuần số 1 do Thiếu-tá Phùng và Trung-uý Đinh văn Đức. Phi tuần thứ hai do tôi (Đại úy Trần Văn Phúc) và Trung-uý Nguyễn Tứ Đức thi hành một nhiệm vụ đặc biệt: oanh tạc Tổng Hành Dinh của MTGPMN ở đồn điền cao su Lộc Ninh. Để bảo vệ vùng trời Lộc Ninh, nơi bọn CSBV trá hình MTGPMN đặt Bộ Tổng Hành Dinh. Ngoài hoả tiễn tầm nhiệt SA-7, bọn CSBV đặt rất nhiều khẩu đại bác phòng không 37 ly, hay 57 ly, điều khiển bằng radar. Nếu bay dưới 11 ngàn bộ, chúng tôi sẽ trở thành những “target sống”, để bọn cộng-phỉ tha hồ thực tập tác xạ. Vì tầm quan trọng của phi vụ nầy, là cảnh cáo cho bọn cộng-phỉ biết: Không có bất cứ nơi nào trên lãnh thổ VNCH, là bất khả xâm phạm đối với Không Lực Việt Nam Cộng Hoà. Quân Đội VNCH sẵn sàng trả đũa những vi phạm Hiệp Định Ba lê của chúng. Vì vậy sau khi thảo luận, đồng ý chọn lối đánh mạo hiểm nhất (nhưng an toàn nhất), chúng tôi xin Đại-tá Nhã:

- Đại-tá ra lịnh chúng tôi đi dội bom ở đó, thì xin Đại-tá cho phép chúng tôi được chọn cao độ bay. Nếu như bay cao 12 hay 13 ngàn bộ, để tránh phòng không, thì thả bom không thể nào chính xác được, coi như không. Vì vậy chúng tôi xin chọn lối đánh "truy kích".
Ông đồng ý và nhấn mạnh thêm về tầm nguy hiểm:
- Nếu có ai gặp phải bất trắc, các bạn chịu khó trốn tránh qua đêm cho đến sáng mai, mới có phi vụ rescue. Các bạn khác lập tức bay về đáp, không được ở lại cover.

Sau cơm trưa sớm hơn thường lệ (11 giờ), chúng tôi bắt đầu nghiên cứu những tấm không ảnh (chụp những cơ sở nguỵ trang dưới hàng cây cao su) thảo kế hoạch, tính toán giờ giấc, hướng bay một cách rất cẩn thận từng chặn đường. Để giảm thiểu sự nguy hiểm cho phi tuần thứ nhì (bay sau) của tôi. Thiếu-tá Phùng đề nghị nhập hai phi tuần thành một hợp đoàn bốn chiếc; dùng chiến thuật truy kích với yếu tố bất ngờ, chớp nhoáng, bay lướt trên ngọn cây. Khi bọn chúng thấy, thì chúng tôi đã bay mất rồi, không kịp bắn. Với lối bay nầy, đòi hỏi người Leader phải có một khả năng, kinh nghiệm, bình tĩnh, sáng suốt, cũng như gan dạ. Vì thỉnh thoảng một mình anh Phùng (Leader) phải “trồi lên lặn xuống” năm ba trăm bộ, để nhận dạng những "check point" (điểm chuẩn) để tránh bay lạc. Anh Phùng phân chia nhiệm vụ cho từng người, lập lại nhiều lần: “mỗi chiếc phi cơ chỉ thả một lần, và chiếc kế nối tiếp với nhau”.

Theo phi lịnh, chúng tôi cất cánh đúng 2 giờ trưa, nhưng bắt đầu 1 giờ, bỗng dưng trời mưa như trút nước (có thể ông trời giúp chúng tôi?) tưởng chừng như phi vụ bị huỷ bỏ, cho đến sau 5 giờ chiều, cơn mưa tạnh hẳn. Chúng tôi được lịnh cất cánh khẩn cấp, anh Phùng nhắc lại:
- Phi vụ của chúng ta rất quan trọng, rất nguy hiểm, nhưng tôi (anh Phùng) tin tưởng vào chiến thuật mình đã thảo ra. Như các bạn đã biết: Tụi mình không bay thẳng tới đó, mà mình bay vòng về hướng Bắc. Các bạn bớt căng thẳng đi! Có thể ông trời đã giúp mình hôm nay, nên đổ mưa mấy tiếng đồng hồ, vì vậy khi mình tới target mặt trời cũng sắp lặn, bảo đảm tụi nó không ngờ mình tới đâu! Chắc chắn mình phải bay đêm, các bạn cẩn thận coi lại tất cả các đèn phi cụ.

Như trong phi trình đã hoạch định, chúng tôi “joint up” ở 2.000 bộ, với hợp đoàn chiến đấu (Tactical Formation), tất cả phi cơ bay bên cánh phải của anh Phùng, lấy Lai Khê làm điểm xuất phát, bay thật thấp về hướng Bắc, bên phải Quốc Lộ 13, qua khỏi Tống Lê Chân 5 dặm, thì đổi sang hướng Tây. Như dự đoán, tôi bắt đầu lướt trên nhiều ổ phòng không, nhìn xuống tôi thấy từng cụm năm ba tên cộng-phỉ cố quay vòng những họng súng, để bắn vói theo phi cơ chúng tôi. Tôi gặp ít nhất năm khẩu phòng không trên đoạn đường dài chừng 20 dặm nầy. Khi thấy Lộc Ninh bên phải, và nhận định mục tiêu, anh Phùng ra lịnh:
- Tất cả Phi Long coi lại Mills (độ của máy ngắm) lên cao độ 1.500 bộ, target 1 dặm, hướng 10 giờ (quẹo trái về hướng Nam, để thả bom vào bên hông địch).

Lần lượt: "số 1 Rolling Hot”, rồi số 2, số 3 và số 4 Rolling Hot khi ánh sáng vàng nhạt cuối cùng trong ngày. Chúng tôi đã vượt qua rất nhiều hàng rào phòng không dày đặc, trên đường đi ngay cả đường về, rất nhiều lần chúng tôi lướt trên những ổ cao xạ, nhìn thấy bọn chúng quay vòng những họng súng, để bắn vói theo (quá trể rồi! lúc đó chúng tôi đã khuất dạng). Khi chúng tôi bay về gần tới Tây Ninh, thì trời đã tối hẳn. Nhờ vào sự can đảm phi thường, nhờ sự thông thạo địa hình, đầy kinh nghiệm của Thiếu-tá Phùng, chúng tôi đã hoàn thành sứ mạng, an toàn về đáp lúc 8 giờ tối. Cám ơn ông trời ban cho chúng tôi một cơn mưa, giúp chúng tôi hoàn thành phi vụ một cách tốt đẹp. Khi đáp xong, tôi ghi nhận thêm: Thiếu-tá Phùng thà ngậm đèn bấm soi sáng những phi cụ để bay, nhưng nhứt định không chịu hủy bỏ phi vụ, dù rằng trong phiên họp buổi trưa Đại-tá Nhã đã lưu ý hai lần:
- Nếu có gì bất trắc, các bạn rán chịu đựng qua đêm, sáng mai mới có trực thăng rescue.
Anh Phùng cười, rằng:
- Mấy chuyện lẻ tẻ làm sao làm khó dễ tao được. Ngày mai tụi mình đi gặp Đại-tá Nhã, xin ông cho tụi mình bay lên đó diệt phòng không, ít nhất mình cũng “lượm” hàng tá cao xạ 37, hay 57 ly. Đứa nào bay với tao, thì theo tao tới câu lạc bộ Trần Thế Vinh.

*8.- Để nhớ ơn người anh hùng vị quốc vong thân: cố Thiếu-Tá Không-quân Trương Phùng, có nhiều thân hữu quân dân góp sức truy tìm tung tích anh Phùng. Sau gần bao năm lặn lội tìm kiếm... Trong cơ duyên nhờ anh linh của cố Thiếu-tá Trương Phùng dẫn dắt, ngày 2 tháng 12 năm 2008, cựu KQ Nguyễn Toại Chí đã mang hài cốt Thiếu-Tá Không-quân Trương Phùng (vùi sâu dưới năm thước đất, gần cầu Bình Điền, Long An; trở về với gia đình). Hài cốt của cố Thiếu-tá Trương Phùng được hoả táng, đem về thờ phượng tại chùa Bữu Quang. Theo nhân chứng là cụ H. (cụ còn ở Việt Nam, 90 tuổi, xin tạm dấu tên) kể rõ rằng: “Động cơ của chiếc máy bay bị ra khói, buộc lòng anh Phùng phải đáp khẩn cấp xuống ruộng, gần cầu Bình Điền. Anh Phùng bị bắt khoảng 7 giờ sáng ngày 29/4/74. Ngay tối hôm đó bọn Cộng-phỉ khát máu đã hành quyết anh Phùng cạnh giao thông hào”.

*9.- Cũng sau nhiều năm tháng vất vã ngược xuôi tìm kiếm, ngày 21-7- 2010 có một nhóm thân hữu Dân Quân Chánh, gia đình Thiếu-uý Phạm Tấn Đức, cùng cựu Không-quân Nguyễn Toại Chí đã tìm được nhiều hài cốt của PHĐ 07 trong vòng đai của căn cứ Tân Sơn Nhứt. Họ đã mang hài cốt qúy vị ấy về an vị tại nghĩa trang An Khánh - Thủ Thiêm. (KQ NTC phụ trang).

*10.- Cư xá Nữ Quân Nhân ở kế bên chưa đầy mươi mét, đã biến thành tro. Tôi (Phúc) vội vã lái xe Honda phóng nhanh trở về cư xá C-7 thăm vợ con. Vào phòng cư xá C-7 thì không thấy ai, hoảng hốt tôi đi vòng theo sidewalk để tới hầm trú pháo. Vô cùng may mắn khi tôi thấy một trái 122 ly không nổ, đã cắm sâu xuống nền ciment, cách phòng của vợ con tôi chừng ba thước, (nơi đó vợ con tôi & gia đình Trung-uý Phạm Trung Vân PĐ C7- 431; là em rễ vợ tôi). Trước kia tôi thấy cái hầm nầy, đã bỏ hoang lâu năm, bên trên chỉ có vài lớp bao cát mục nát, tôi nghĩ chúng tôi không nên ở lâu, vả lại tôi không quen “đường sá” trong khu Tân Sơn Nhứt. Vì vậy bất đắt dĩ tôi phải dời gia đình qua dinh Tướng Kỳ lánh tạm, dù sao ở đó cũng kiên cố hơn...

11.- Tôi chứng kiến chiếc trực thăng đáp xuống (khoảng sau 9 giờ sáng) Trưởng phi cơ là Thiếu-tá Quí, anh em Trung-tá Nguyễn Quốc Hưng & Trung-tá Nguyễn Quốc Thành, mỗi người cầm một cây M16. Tướng Kỳ vào nhà, ông cứ đi ra đi vô phòng làm việc nhiều lần. Khi ông bước ngang chỗ tôi đứng, tôi mạo muội hỏi:

- Thưa Thiếu Tướng, Thiếu-Tướng định làm gì bây giờ?
Ý của tôi hỏi Tướng Kỳ, là tôi muốn biết có di tản về Cần Thơ, (như lời ông kêu gọi tại đây đêm 25/4/75 là: “cần đánh một trận oai hùng cuối cùng”)? Chẳng biết ông có nhận ra tôi hay không, ông lắc đầu than:
- Anh em đã bỏ đi hết rồi, lấy ai mà đánh, hở?!

Tôi đồng ý với Tướng Kỳ về việc nầy, vì sau khi tôi đáp xuống Tân Sơn Nhứt chừng 20 phút, tôi nghe rất nhiều tiếng phi cơ đủ loại ào ào cất cánh bay lên... Khoảng 9 giờ 30 phút Tướng Kỳ từ phòng làm việc bước ra, khi đi ngang tôi, Tướng Kỳ nói:
- Mỹ đã từ chối cho tôi (Tướng Kỳ) một chiếc C-141. Nhờ cậu thông báo các thân hữu của tôi tự tìm đường thoát thân sang DAO, hay xuống bến Bạch Đằng.

- Bây giờ tôi đi rước Tướng Trưởng bên Tổng Tham Mưu.
Tướng Kỳ lên máy bay, tôi liền đi chuyển lời của ông cho một số người ở trong nhà nầy, lúc bấy giờ tôi mới biết: có hàng trăm người khác đang “tá túc” trên lầu, trong số đó có cựu Dân Biểu Nguyễn Văn Cử. Điều may mắn là mọi người đã thoát khỏi nguy hiểm, dù có rất nhiều trái pháo rơi xung quanh dinh, nhưng không quả nào lọt vô dinh Tướng Kỳ.
* * *
Tình Hoài Hương
***

THH chân thành cám ơn Đại úy Không Quân Trần Văn Phúc {(Phi-tuần Trưởng PT Khu-trục Phi-Long 51) và quý vị Không-quân có tên trong bài viết} đã cho tôi mạn phép chuyển tải sự thật về ngày 28 & 29 tháng Tư năm 1975: trung thực, chính xác, nóng bỏng, & vô cùng đen tối hắc ám của lịch sử Việt Nam.
* Đồng thời THH xin phép cám ơn quý vị nhiếp ảnh gia đã post những tấm hình đầy nhân bản lên internet, cho tôi có thể copy vô bài viết, ngỏ hầu phong phú hoá hình ảnh sống động và tài đức & nghệ thuật của quý vị.
*

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
05-03-2016, 05:43 AM
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1462251702-a.linh 17 co VN TUONG TUANTIET 30-4.jpg

Tinh Hoai Huong
05-06-2016, 06:43 PM
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1462563300-me nach thungrau.png
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1399368341.mp3
"Bông Hồng Cài Áo"
Nhạc: Phạm Thế Mỹ. Lời: Thích Nhất Hạnh
Giọng ca: anh Hùng45qs

Mẹ! Mẹ... Là Chiếc Áo Gấm đọng bụi phấn thời gian
Chúng con đau đớn kính gửi ba mẹ đóa hoa hồng trắng. Tình Hoài Hương
***

Tôi cố gắng giằng co, níu kéo, quyết giành lại chiếc áo gấm sờn nhàu nát cũ mèm với định mệnh. Dù thời gian dài dằng dặc lặng lẽ đơn điệu dần dần trôi qua, đã khiến chiếc áo hư hao, phai mòn, sờn úa mục nát ít nhiều. Và không gian trôi dần, trôi dần về phía tương lai mù xa tách bạch ra đôi bờ cuộc sống. Không ai có cách gì ngăn chận tuổi già héo hắt đến trước thời gian. Vâng! Có lẽ nay tinh thần lẫn thể chất tôi đã già cỗi! Và, chiếc áo gấm năm xưa còn đây, mà ngón tay gầy run run tôi cài hoài mấy nút áo cũ, vẫn chưa xong. Thời gian đã cướp dần đi tất cả. Vẫn biết thế, nhưng tôi mong muốn níu kéo, âu yếm dùng-dằng ngắm nhìn lại chiếc áo gấm. Nếu tôi được nhìn nhiều lần càng tốt.

Ngày ấy, chúng tôi vui vẻ dừng chân trên con đường mòn vòng vo gãy khúc uốn lên uốn xuống, quanh co ven đồi thông rì rào ru tình tại Đà Lạt. Chúng tôi chỉ nhìn vài con chim lí lí lắc lắc, rù rì, bay qua bay lại trên những cành cây mảnh dẻ, là cảm thấy hay hay, vui vui. Lần đó, tôi liếc liếc, lí lắc ghé ghé nghiêng nghiêng đầu thẹn thùng e ấp cười, tôi dùng hai ngón tay quệt nhè nhẹ vào một bên má mà lêu lêu Luật, để trêu chọc chàng, và say đắm nhìn Luật. Hai bàn tay tôi nhẹ nhàng, khéo léo khép vạt áo veston của chàng, rồi cài hộ Luật mấy nút áo, cho chàng bớt bị gió lạnh lùa vào cơ thể.

Giờ nầy, Luật cùng muôn ngàn người trai trẻ khác đã bị tập trung đi “cải tạo” trong tù rồi! Chàng đã ra đi. Nhưng Luật không ra khỏi đời tôi. Còn mỗi mình tôi đứng lại bơ vơ, lạc lõng, muộn phiền giữa chợ đời sóng sánh muôn mặt, với sợi tơ hồng quá mong manh cứ rung lên bần bật giữa lưng trời. Tôi lặng lẽ chua chát đối mặt với cuộc sống, ấp ủ kỷ niệm thời chớm lớn, những tủi hổ tiếc xót vô vàn, và những đắng cay thăng trầm tột độ trào lên bờ mi mọng từng chuỗi giọt sầu.

Ngày bị vào tù “cải tạo”, Luật đã bỏ chiếc áo vét (veston) nầy lại, trên chiếc áo vét đã dính ba sợi tóc đen mướt khá dài cuả tôi, và một hai sợi tóc ngắn cuả chàng, cùng với những lá thư tình đầy ắp yêu thương do chàng viết dày cui, còn trang trọng cất trong túi áo. Thư của Luật viết có văn phong gợi cảm, là những bức tranh phác thảo duyên dáng về câu chuyện gia đình, tình yêu, phúng dụ, vỗ về, hứa hẹn, an ủi, mang tính cách gia đình đầm ấm yêu thương, hạnh phúc bền lâu. Đó cũng là chiếc áo gấm lý tưởng thiêng liêng tinh tuyền muôn thuở, có dấu vết đậm đà khắc sâu vào tim rất thân yêu, quen thuộc duy nhất từ buổi thiếu thời. Dù qua phong sương sáng khuya trưa chiều mưa gió… chiếc áo của chàng đã cũ. Thư tình Luật viết ngả màu vàng úa đọng bụi phấn thời gian, cùng năm ba sợi tóc cuả hai chúng tôi vẫn bóng mướt đen tuyền còn duyên tình mãi đến tận bây giờ.

Tôi nâng niu giữ gìn những sợi tóc, phong thư, cùng tấm áo từ hồi chưa cưới nhau. Ngày còn trẻ, tôi ít lo nghĩ đến tuổi xế chiều phôi pha rồi sẽ ra sao. Bởi tình yêu chúng tôi đó, giống dòng sông chảy qua bao dãi đất: Phù sa phì nhiêu có, cằn cỗi có, tươi tốt có, băng giá hoang tàn lẫn đau khổ buồn xo cũng có. Rồi dòng sông xô sóng sau dồn sóng trước, cuồng nộ đập vào gờ đá, hay lặng lờ êm ả, thong dong xuôi chảy ra biển cả. Mỗi khi chạm trán với thực tế bẽ bàng đắng cay, trong lòng ngút ngàn đau thương, lúc đó tôi lặng lẽ vuốt từng nếp nhăn trên tấm áo, và trang trọng nâng mấy sợi tóc trên hai bàn tay khẽ khàng khum khum bụm lại. Tôi sợ gió từ đâu vô tình lướt qua, tóc sẽ cuốn theo chiều gió bay mất hút, thì biết đâu mà tìm? Đó là những kỷ vật ưu ái đã theo tôi trên muôn dặm đường đời cay cực, để xoa dịu nỗi hãi hùng và bàng hoàng rất kinh ngạc trong cuộc đời phù du. Tôi ấp ủ tình luyến nhớ, thút thít, bùi ngùi khi soi bóng mình trên gương, cảm thấy lòng nao nao nỗi buồn da diết.

Vì đến nay tôi chẳng thể giữ lại kỷ niệm nào thân thiết nhất về chàng, khi mái tóc mình thấp thoáng những sợi tóc bạc quyện-bện cùng bao sợi tóc chẳng còn đen mướt? (ngoài mấy di vật bé tí ti như đã kể). Thế nhưng, ngọn nguồn óng ả tình trần hiện nay có mất đi chăng? Khi thời gian khẳng định ngàn mối lo âu, đói khát cơ cực run rẩy dâng tràn!? Không thể chối quanh từ sau ngày mất nước, thì lòng trí tôi luôn ray rứt, thương-xót hồi tưởng về quá khứ buồn vui lao xao, dẫu đời xáo trộn, chao đảo.

Nay tôi đang mặc chiếc áo cũ của chàng, mà lẽ loi đơn côi ghê gớm, tôi âm thầm đi một mình, buồn bã trên con đường xám ngắt thuở xa xưa. Hai bàn tay lạnh giá run rẩy, run lẩy bẩy, tôi không làm sao cài nỗi nút áo bạc phếch thời gian và cũ mèm nầy. Thì ra… giờ đây tôi quá yếu kém và đã già! Kỷ niệm bây giờ chả là gì! Không quan trọng! Chỉ là những chương đã viết trong pho sách tình, xếp lớp lớp trên kệ sách, ít khi được mở ra xem, nay đã phủ lăn tăn bụi vàng. Pho sách cuộc đời từ đây phải đóng lại. Trang giấy đã lật qua phần mới, thì hồi tưởng nhớ nhung kỷ niệm; chỉ như chiếc lá úa lắc lẽo đong đưa trên cành cao, chờ cơn gió lay để chao đi. Như những áng mây xám lưng đồi lững lờ bay qua bầu trời mùa thu. Như côn trùng biến dạng vào lòng đất mà thôi. Tôi thấy rõ tính chất phù phiếm của quá khứ mang đầy kỷ niệm lãng mạn rồi.

Sau ngày “đổi đời”, tôi muốn sống một cuộc sống khác hẳn: Thực tế sung mãn hơn. Nhưng, chả hiểu có thực hiện nỗi không, là còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và ý chí: Trước tiên, tôi muốn cho đàn con phải nên người hữu dụng, kiên cường dù bụng đói cồn cào, để vượt qua mọi chông gai thử thách, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ ngất ngư mà. Ý nghĩ nầy như viên sỏi ném xuống mặt hồ phẳng lặng, tạo thành những vòng tròn đồng tâm, ám ảnh tâm thức tôi bồn chồn, băn khoăn, co siết mãi trong lồng ngực quắt quay.
***
Tôi vô cùng nhớ Mẹ thân yêu, dù đa đoan với công việc bề bộn, tôi cũng cố tìm giấy bút để nặn lên vần thơ về Mẹ:
Mẹ tôi mắt phượng mày ngài
Vai ngang dáng nhỏ tóc dài chấm chân
Cười xinh chúm chím hạt huyền
Không hề quản ngại thuyền quyên một thời

Sớm khuya nắng gió cuộc đời
Bán buôn tất bật (thảnh thơi bao giờ)!
Rảnh rang chằm nón bài thơ
Vá may quần áo, mẹ thờ song thân.

Nhiều khi mẹ đã ân cần
Viếng thăm người bệnh, bạn gần xóm xa
Chia cơm xẻ áo nhiều nhà
Những chiều tần tảo vào ra mẹ cười

Nhẹ nhàng gánh thúng hoa tươi
Luyến lưu mẹ nói: “Xin mời mua hoa”
Kẻ trên người trước dần dà
Trao tình quý mến. Thiết tha mẹ hiền.

Mẹ tôi là một bà tiên
Gia đình đầm ấm đoàn viên một nhà
Ngọt ngào Con Cháu Mẹ Cha.
Niềm vui hạnh phúc bao la tình nồng. (THH)

Ngày mồng 5 tháng 5 năm 1980 âm lịch, anh Chín Dzoãn báo tin sét đánh: Mẹ tôi đã chết ở trong Ta In (khu đất thuộc cuối vùng Tỉnh Tuyên Đức/Đà Lạt). Ta In là cuối địa đầu quận Đức Trọng, giáp ranh giới vùng Di Linh. Nơi tít tót đèo heo hút gió, thâm u cùng cốc lạnh lẽo, vô cùng hiểm trở, có đi mà ít có ai về nguyên vẹn. Nơi chỉ truyền cho con người bệnh sốt rét ngã nước, chết vì rét run cầm cập không hề có thuốc men. Nơi có nhiều mụt măng le, tre rừng, ta ăn vào cho đỡ đói, thì cũng sẽ bị sốt rét ngã nước, mà lăn ra chết toi. Nơi chó ăn đá gà ăn muối, nơi khốn cùng của vùng “kinh tế mới” khô cằn toàn sỏi đá. Chỉ nhiều rắn, rết; vô số muỗi, vắt, đỉa, ruồi trâu, bò cạp rừng to và độc kinh khủng, Chúng chuyên bu bám vào người để hút máu.

Cầm tờ điện tín, tôi lặng người rất lâu, không thể khóc thành tiếng. Nước mắt u uẩn tự động quằn quại tuôn chảy từng dòng, rồi dội ngược vào tim mình đau điếng. Hình như tôi nghẹt thở, chết dần chết mòn, không còn cảm giác nào khác, ngoài sự dày vò, ân hận, đớn đau dâng lên tột đỉnh. Vì, giá như trước ngày 30-4-1975, nếu có chiến tranh, có đánh nhau dữ dội, tôi cũng còn chiếc xe hơi riêng mới toanh mang hiệu Peugeot 404 chạy đi... Hay là tôi có thể mua vé máy bay khứ hồi cấp tốc bay về với mẹ. Tôi qùy xuống bên mép giường, cầm tay mẹ, ôm chặt mẹ lúc mẹ hấp hối.

Ôi! Giờ đây tôi không thể đến bên xác mẹ già yêu dấu, để nhìn mẹ một lần chót trong giờ phút mẹ lâm chung. Tôi không thể nào xin tấm giấy phép đi đường. Tôi cũng không thể chen lấn ra bến xe đông nghẹt người có giấy phép ưu tiên. Vì, tôi là kẻ “ưu tiên u đầu” thì có. Tôi không thể đứng ngày nầy qua đêm khác ngoài bến xe, nhịn đói nhịn khát, mà chẳng dễ dàng gì chờ mua vé xe từ Sài Gòn đi Đà Lạt. Biết tin mẹ chết, cũng đành xót xa chịu! Dù từ Hốc Môn đi Ta In, chỉ hơn 300 cây số.

Thế là hết thật rồi! Một thân xác héo hon đã thực sự trở về với cát bụi phù dung. Tôi không lẽo đẽo đi sau quan tài mẹ, vật vã khóc than mà tiễn đưa mẹ về nơi an nghỉ nghìn thu. Má con chúng tôi không biết làm gì hơn, ngoài việc quây quần bên nhau, gùy dưới nền đất, bồn chồn lo âu, sụt sùi, băn khoăn, suy niệm lời Chúa, lâm râm dâng lời cầu nguyện. Tôi ứa nước mắt nhìn mẹ trong hồi tưởng:

Mẹ tôi sanh tại làng Thuận Nhơn. Nhà ông bà ngoại ở quê (tức ông bà cố ngoại của con tôi. Làng ngoại ở bên con sông rợp bóng hai hàng dừa, và lũy tre xanh um bóng mát thuộc Tổng Cù Hoan, Phủ Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị. Mẹ lớn lên trong một gia đình bế thế, phong lưu giàu có, ruộng vườn của ông bà ngoại cò bay thẳng cánh, lúa gạo trâu bò nhiều nhất trong vùng thời bấy giờ. Ông cố ngoại là một võ quan rất giỏi ở triều đình vua Khải Định, Huế).

Mẹ có dáng dấp thon thả, làn da bánh mật, răng hạt huyền nho nhỏ đều đặn, miệng cười chúm chím, mắt phượng mày ngài, mũi cao, mái tóc dài láy đen bối thành một búi to sau gáy. Áo quần mẹ luôn trang nhã, sạch sẽ và tươm tất. Mẹ đi ra ngoài đường, ở trong nhà, hay đi ngủ, mẹ đều thay đổi quần áo đâu ra đó hẳn hoi. Dù đi khỏi xóm, đi chợ, hay đi bán, mẹ luôn mặc áo dài đoan trang kín đáo che thân. Đặc biệt mẹ sống cuộc đời bình dị đạo đức, chất phác lương thiện, dịu hiền phúc hậu. Mẹ siêng năng tần tảo đầu tắt mặt tối, long đong bán buôn xuôi ngược. Mẹ nhẫn nhục lao khó giúp chồng, nuôi đàn con mười mạng nên người. Vất vã vì chồng vì con nheo nhóc, mẹ không hề tỏ lộ bất bình, hay nặng lời to tiếng.

Trời mưa tháng gió ở nhà rảnh rỗi, mẹ siêng năng cần mẫn khéo tay tự chằm nón lá. Mẹ may áo quần cho chồng, con. Đôi khi mẹ cũng may biếu cho bạn mẹ, và người thân. Đó là việc vặt trong nhiều hy sinh to lớn khác. Phải nói là hầu như suốt cuộc đời mẹ, chưa có lúc nào an nhàn thảnh thơi, ngưng nghỉ tay chân. Cái số mẹ cực thân đến thế mà! Đồng thời mẹ xứng hợp với đức tính bác ái khoan dung của chồng. Mẹ dễ dãi cả tin khi ai nói điều gì xuôi tai “nịnh” mẹ, thì có bao nhiêu tiền của, mẹ nhẹ dạ trút cho người ấy hết. Dù sau đó biết mình bị lừa, nhưng mẹ không giận lâu, mẹ “hờn mát” một chút, rồi quên ngay.

Mẹ chân chất hiền lương đến độ thật thà như đếm. Mẹ tính tiền cũ từ thời vua Bảo Đại ra tiền cụ Ngô, đến thời đổi tiền ở chế độ Sài Gòn, ra tiền mới sau ngày mất nước 75, thì mẹ giống thầy bói mù sờ con voi. Mẹ luôn bị kẻ chợ ăn lường. Thế nên, dẫu bị mất hết tất cả tiền bạc, nhà cửa villa, biệt thự tan hoang, mẹ không thèm tiếc. Mà mẹ chỉ ôm khư khư bình vôi đồng đen nhỏ như cái chén kiểu, nhưng khá nặng, và rất giá trị, chiếc bình vôi nầy có mấy tiệm vàng như Kim Khánh hoặc Kim Ngọc trả giá 5 cây vàng bốn số 9, nhưng mẹ chẳng chịu bán! Thân bình vôi tròn vo, đít vôi bằng phẳng, có quai xách đồng xinh xinh bên tai vôi. Mỗi lần ăn trầu, mẹ khéo léo lấy cây chìa vôi têm vào mấy lá trầu xong, còn dư vôi trên cây que chìa, mẹ quệt quệt lên trên miệng bình, cho “bình vôi hưởng tí xái”. Thế là miệng “bình vôi vui vẻ” nhô cao, còn lỗ miệng bình vôi thì teo tóp dần nhỏ xíu; trông nó hô, loe, vẩu ra, hơi giống miệng con heo nái, coi ngộ nghĩnh sao đâu. Hồi ấy tôi nói với mẹ:
- Tại mẹ ưa mời bình vôi ăn trầu, nên cái miệng nó mới loe ra dị hợm kinh khủng nè.

Mẹ cười vui vẻ, mẹ rất thích bình vôi đồng đen nầy, nó đã theo mẹ suốt từ thời mẹ về nhà chồng, đến tận ngày nay. Ấy vậy mà bây giờ mẹ cũng buông thỏng hai từ bỏ hết. Kể cả chồng, con, cháu, chắt, dấu yêu. Mẹ bỏ hết của cải vật chất vinh sang xưa. Một mình mẹ lặng lẽ chết đói ra đi âm thầm, mẹ về bên kia cuộc sống mới.

Bà chị dâu của tôi đã kể lại rằng:
- Hôm mẹ vĩnh viễn từ bỏ con, cháu, ấy là một buổi sáng trời ốm nắng, lất phất từng đợt mưa phùn, trong nhà ai ai cũng lo đi rẫy, đi rừng rất xa, xa ghê lắm; để kiếm sống. Tửng bưng sáng, anh Dzoãn đi bộ từ trong Ta In ra Tùng Nghĩa (xa xôi khoảng hơn hai mươi cây số); anh chạy đi vay tiền, để mua thuốc cảm về cho mẹ. Ở nhà chỉ có một mình chị (vợ) loay hoay dọn dẹp nhà cửa. Mẹ nằm im trên giường không động đậy nhúc nhích. Chị (chị dâu) thấy mẹ không dậy ăn trưa như mọi ngày, nên chị bước qua gian liếp bên cạnh, chị đến bên giường tre lạnh lẽo, không nệm ấm chăn êm.

(Nhà anh chị quá nghèo, sau 30/4 anh đi tù 5 năm, vừa được tha về, khi cả nhà bị đi kinh tế mới. Họ chỉ có mấy nhúm quần áo tẻo teo, vài bao bố: son nồi chén bát, guốc, dép, linh tinh… Ít mùng mền đơn bạc, và những bàn tay trắng. Con dâu dắt díu mẹ già tám mươi tuổi lom khom leo núi chùng chập, vượt đồi trùng điệp. Chồng đau bao tử cùng bầy nhỏ lút chút tám đứa con, đứa lớn nhất mười ba tuổi trở xuống đứa non tháng tuổi, thì lấy đâu ra những thứ xa xỉ ấy trong thời buổi gạo châu củi quế như ri).

Mẹ trùm chiếc khăn màu nâu, mặc áo dài nỉ dạ đen, quần đen, áo len nâu khoát bên ngoài, và mang đôi tất đen. Mẹ nằm nghiêng, quay mặt vô phía ván vách bằng bìa gỗ. Mẹ chập chờn thiêm thiếp trong giấc ngủ muộn phiền.
Chị e dè hỏi thăm:
- Mệ ơi! Mệ có khoẻ không?
Chị Ngọ không thấy mẹ trả lời, chị liền cúi sát xuống bên mẹ, nhè nhẹ lay lay đập đập vào cánh tay mẹ:
- Mệ ơi! Con nấu cháo cho mệ ăn nghen.

Mẹ tôi lừ đừ mở đôi mắt nhiều ánh đục, dường như đã bất thần ra, mẹ cố gắng quay ngoái cần cổ yếu ớt về phía con dâu, thều thào:
- Hôm ni nhà mình vui hỉ, có cháo ăn… hả con.
- Dạ. Mệ đau, không ăn được măng luộc hầm mềm như mọi ngày đâu. Để con chạy ra chợ xép, mua chút gạo, con về nấu xí cháo.
- Có gạo là mừng hì.
- Mệ ráng chờ nghe. Chợ hơi xa. Con sẽ đi về ngay, nấu mau lắm.
- Thôi con. Để dành gạo nấu… cho thằng Cu Nâu… có chút nước hồ mà uống, thay cho sữa mẹ không có… Con à.
- Thằng bé con không đến nỗi nào đâu. Mệ.

Thế rồi, mẹ tôi ư hữ… ú ớ… mệt nhọc rên khe khẽ, mẹ lại lừ đừ, khó khăn mệt nhọc khi quay mặt vào trong vách. Mẹ quơ tay run run tìm tấm mền cũ mỏng tanh, kéo lên bờ vai gầy có ít chỗ áo rách. Hơn giờ sau, khi chị dâu bưng chén cháo tới gần giường mẹ. Mẹ mỉm nụ cười méo mó, từ từ nhắm mắt, và dần dần lịm thiếp vào giấc ngủ êm đềm không muộn phiền. Chị không hề nghe tiếng mẹ thở, hoặc tiếng nấc. Chị cứ ngỡ là mẹ mệt, muốn ngủ chút xíu như mọi ngày.

Mẹ đã đói khát thiếu thốn năm năm rồi, và trước khi lìa đời, mẹ vẫn nhịn đói. Mẹ không đành lòng ăn chén cháo trắng lỏng bỏng với tí muối hột. Nay mẹ không nói một lời từ giã, không một lời trăn trối. Mẹ muốn im lìm sớm ra đi, ngỏ hầu trút bỏ gánh nợ đời, khỏi làm phiền con cháu khó nghèo đông đúc. Con cháu không phải cưu mang “nuôi người vô dụng” thêm một miệng ăn. Mẹ muốn rũ bỏ từ trên vai anh chị tôi, và các cháu nhỏ nỗi âu lo phiền muộn: vì bổn phận và trách nhiệm nặng nề. Ôi Mẹ! Mẹ muốn nhịn phần ăn hiếm hoi ít ỏi qúy báu cuối cùng, để chia sẻ cho đứa cháu nhỏ chưa tròn hai tháng. Mẹ đã chết đói. Mẹ âm thầm lặng lẽ êm ái ra đi đúng vào ngày Tết Đoan Ngọ.

Lẽ ra, như Tết Đoan Ngọ từ những năm xa xưa, thì mẹ tôi ưa đi chợ mua đầy thức ăn, hoa quả bánh trái. Mẹ làm bánh tro, bánh nếp, bánh bèo, bánh ít, bánh nậm, vân vân... Mẹ làm cả cơm rượu nếp cẩm, nếp than. Mẹ nấu cơm gạo thơm với nhiều thức ăn thịnh soạn, nóng hổi, linh đình, để cho con cháu từ xa trở về nhà thăm cha mẹ. Cha mẹ con cháu hân hoan sum họp gia đình vui vẻ ăn uống. Mẹ nói:
- Các con, cháu, ăn bánh tro, ăn cơm rượu, uống chút nước cơm rượu, thì sẽ diệt giun sán trong bụng. Hì.

Hầu như cả xóm Trong xóm Ngoài ở Ta In đều thương cảm mẹ của chúng tôi, họ đã cùng nhau đến nhà anh chị Dzoãn, tận tình lo cho mẹ chúng tôi chu đáo. Mỗi người một việc tươm tất từ đầu đến cuối gọn gàng. Trước khi đậy nắp áo quan, họ vẫn để nguyên bộ quần áo cũ, khăn, tất, lúc mẹ chưa đành-đoạn bỏ đi. Và họ mặc lồng thêm cho mẹ chiếc áo gấm, nền áo màu nâu non điểm rải rác những bông hoa cúc đại đóa vàng nghệ. Chiếc áo gấm xưa kia mẹ tôi đã mặc trong ngày trọng đại nhất của đời con gái, khi họ nhà trai hân hoan tưng bừng đến rước dâu.

Nay thì những người khác đã thay ba tôi mặc chiếc áo gấm (của ba đã ưu ái trao tặng mẹ). Họ đặt xâu tràng hạt Mân Côi vào bàn tay mẹ lạnh giá, họ nhớ để bình vôi đồng đen bên cạnh mẹ. Sau rốt, họ choàng thêm cổ áo quan dày cui thô sơ thơm mủ ngo ra bên ngoài, phủ trùm toàn thân mẹ.

Mọi người tiễn đưa mẹ về an nghỉ nơi nghĩa trang quạnh quẽ. Không một vòng hoa cườm đen cườm tím cùng lời thành kính phân ưu. Không có cỗ áo quan sang trọng đắt tiền, mà chỉ là sáu tấm ván thông đơn sơ hèn mọn thơm lựng mùi nhựa mới. Không hề có bát nhang đèn nến, rườm rà nghi lễ. Không có gì, không còn gì tất cả ngoài nỗi đớn đau kinh hoàng phủ chụp xuống đời lặng lẽ.

Ấy thế mà người dân cùng đinh đến thăm viếng mẹ đứng lố nhố đông đúc, từ ngoài ngỏ đầy kín người, cho đến trong nhà tranh lụp xụp đìu hiu chật chội nầy. Họ chia buồn, ân cần giúp đỡ gia đình anh chị tôi nhiệt tình. Ngày hôm ấy họ nghỉ đi rừng, không đi rẫy. Nếu họ nghỉ đi làm dù một ngày, là họ nhịn đói nhịn khát và có thể càng thêm đau ốm xanh xao. Họ cùng nhau lặng lẽ khiêng quan tài mẹ tôi băng rừng, leo qua một triền núi thấp, vượt đốc, qua bãi đầm, đi trong thung lũng sình lầy. Rồi họ leo lên ngọn đồi toàn đá ong lởm chởm, đi trên núi cao chót vót và đơn điệu, nơi đây chỉ toàn sỏi đá và gió lồng lộng hú rít, thổi đám bông lau xoay xoay trắng cả lòng quê, và từng cơn gió kéo dài lê thê lạnh buốt thấu xương.

Mẹ tôi nằm xuống, vĩnh viễn ở lại nơi rừng núi bạt ngàn hoang vu lạnh lẽo, đơn điệu, chơ vơ với cây thánh giá gỗ lắc lư theo gió rì rào. Tấm bia mộ gỗ đơn sơ ghi khắc nơi an giấc nghìn thu đạm bạc và đớn hèn:
Mattha Ngô thị Cúc, sanh năm: 1895 >> 1980. Thọ 85t.

Thật đông nghẹt người đói khát nghèo nàn lại lủi thủi buồn xo trở về lối cũ, trên con đường đất đỏ gồ ghề, nơi mẹ đã nhờ người sống thoi thóp thút thít, buồn xo ngáp ngáp... mang mẹ đi qua.
***
Khi tôi có thể đến với mẹ… thì nấm mồ mẹ đã lút cỏ xanh. Tôi luôn đau đớn, tủi hổ, dày vò và khóc sưng mắt khi nghĩ về mẹ. Thời gian lật đật buồn bã chán chường lặng lẽ qua đi, tôi tất bật, bồn chồn, âu lo với công việc cơm áo khốn đốn mỗi ngày, nhưng gia đình vẫn không đủ sống, nghĩa là thường xuyên đói khát cơ cực. Ngoảnh nhìn lại, mới đó mà đến ngày giỗ đầu của mẹ. Tôi bươn bả đi mót khoai lang, sắn mì, dưa leo và đậu đũa ngoài ruộng Nhị Tân (Hốc Môn). Tôi hớn hở đem mấy thứ ấy về nhà, làm sạch, chu đáo xào nấu xong. Tôi bày thức ăn lên chiếc bàn cũ kỹ xiêu vẹo, bàn chỉ có ba chân rung rinh như răng rụng. Còn một góc bàn thì kê tấm táp lô sứt mẻ, để thay thế một chân bàn què.

Bà Nga hàng xóm, là người thân cận nhất bây giờ đã nói:
- Xời! Việc gì cô phải nhọc lòng! Chứ cô không thấy giờ nầy trời đang mưa xối xả, nhà thì dột và rách nát như ổ chuột. Ơ! cô lại bắt mẹ mặc áo gấm lội nước lụt trong nhà y như cái ao. Cô làm gì có bàn ghế cho mẹ ngồi chò hỏ chơi, xơi cơm độn củ với nước lạnh. Mẹ cô chưa kịp về ăn chút xí, thì bầy ruồi ốm đói trốn mưa đã trúng mánh, bu lên mấy dĩa thức ăn tám lớp, và o o o… xơi tuốt rồi. Giỗ mí chạp làm gì cho mệt! Khéo vẽ!

Bà Nga chẳng ngại mất lòng, líu lo nói huyên thuyên, và cười sảng khoái. Tôi lắng nghe mãi, mới hiểu được thâm ý bà. Thiệt dễ ghét quá đi. Tôi ngẩn ngơ nhìn bà Nga. Những giọt nước mắt nóng hổi đang lăn dài dài xuống má. Giọt khóc quê hương. Giọt hờn tủi khóc ông bà ông vãi cha mẹ khuất mặt khuất mày. Giọt khóc chồng sống đoạ đày ở trong tù “cải tạo”. Giọt khóc bầy con lút chút lù đù, vất vưỡng long đong cơ cực ở vòng ngoài, (tù trong và tù ngoài xêm xêm như nhau, có khác chi, như cá mè một lứa). Giọt đắng cay khóc cho chính bản thân tôi lầm than khốn cùng.

Khổ đến nỗi tôi không thể đào đâu ra tiền, chẳng có cắt bạc để mua cặp nến đỏ, bình hoa tươi, không hương nhang cắm trên bàn. Tôi không thể mua bột về làm bánh cúng mẹ dĩa bánh bèo, bánh ít, bánh nậm: thứ bánh mà mẹ thích ăn lúc sinh tiền! Tôi không thể kéo mẹ về trong hương khói, để má con chúng tôi quỳ dưới đất, sì sụp lạy tạ lỗi cùng mẹ, cùng bà ngoại! Sợi dây tơ rung quá mong manh, tơ trời nhẹ tênh thiêng liêng kia đang run bần bật giữa lưng trời mưa trắng. Niềm ước mong nối liền tình yêu thương ngút ngàn giữa mẹ -với má con chúng tôi- đã đứt lìa trong khói hương.

Một kỷ niệm bất ngờ về những cơn mưa không sao giải thích nỗi, tâm trí tôi vụt quay về dĩ vãng xa lắc xa lơ: có một thuở nào xa xôi, xa xa lắm… gia đình ba mẹ tôi đang từ trên đỉnh cao sung túc, phù vinh, giàu sang… bỗng rớt tụt xuống vực thẳm, vì ba tôi làm chủ nhà máy cưa cây, bị nó hại cho khánh tận, đã khuynh gia bại sản. "Của rừng, rưng rưng nước mắt" thật mà! Bao nhiêu tiền ba làm thầy thuốc đỗ vô cây cối, cũng như nước đỗ lá khoai.

Hồi ấy có màn mưa xám đục buông suốt ngày đêm, rất bé thơ tôi đứng trong khung cửa sổ, nhón chân xem mưa đập lộp bộp vào cửa kính, những dòng nước nhỏ ngoằn ngoèo chảy xuống tấm kính mờ đục, tôi háo hức chờ đợi mẹ về nhà.
“Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa.
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương” (cd).

Mẹ đi chân đất, đầu đội nón lá cũ ướt nhẹp, toàn thân mẹ ướt dầm dề nước mưa, chiếc đòn gánh uốn cong đang kẽo kẹt trên vai mẹ, còng xuống hai thùng nước cơm trĩu nặng. Mẹ đã đấu thầu được cơm thừa canh cặn từ ngoài mấy đồn lính, tự mẹ đến gánh về: Một thùng rất sạch đậy kín đựng cơm nóng, có mấy ngăn cào mên đựng thức ăn, còn nguyên trong chảo, (mà chú quản đội vừa múc ra cho mẹ, chưa có người ăn, thì để cả nhà tôi ăn buổi tối). Thùng kia đủ thứ hỗn tạp, là nuôi bầy heo vài chục con. Mỗi buổi nhọc nhằn trở về nhà, mẹ thường dúi cho tôi khi thì vài cái bánh ngọt, khi có miếng chocolate, hay trái chuối, trái bắp. Tôi thèm ăn nhất là lát bánh mì cứng hấp trong nồi nước sôi, bánh mì nóng mà chắm với nước mắm ớt, nước cá hoặc nước thịt, tôi ngấu nghiến ăn, cảm thấy ngon hết sẫy.
“Thương con tần tảo sớm hôm.
Cơm đùm chéo áo, cháo đùm lá môn”. (cd)

Một lần kia, mẹ kêu chủ thầu các trường học nội trú trong địa phương đến nhà, mẹ bán mão bầy heo thịt. Mẹ và các con cháu trong nhà dẫn bà đầm, cùng phu cai xuống chuồng nuôi heo, cách xa nhà bốn mươi mét. Ngả giá xong xuôi, phu cai trói bầy heo cho vào rọ, họ khiêng những rọ heo lên trên đường cái, và vất vào ba chiếc xe ngựa. Bà đầm cầm cái áo veste của bà (đã máng vào càng xe ngựa đậu trên đường cái), bà ta móc túi lấy tiền, thì đồng tiền không cánh mà bay?! Bà đầm tri hô mất ba trăm sáu chục đồng Đông Dương. Bà ta quyết một quyết hai bảo là:
- “Người trong nhà nầy đã ăn cắp”. (!!?)

Bà ta tri hô lên làm hung dữ, bà kêu lính hộ tống chạy đi gọi hiến binh, phú lít tới. Hiến binh không cần biết luật lệ phải trái, không cần biết bà ta có mất tiền thật trong túi áo, máng bên sườn xe kéo, để bên lề đường cái; hay không?! Họ còng tay mẹ tôi và xô dụi mẹ lên chiếc xe ngựa. Mẹ nằm với mấy chục con heo kêu la rần trời. Mặc kệ gia đình tôi kêu khóc, phản đối inh ỏi. Chúng hăm doạ:
- Nếu lộn xộn làm mất an ninh, sẽ bị bắt - nhốt hết cả đám.

Quân cướp cạn hùng hổ, quất ngựa phóng nước đại chạy như bay. Họ tống giam mẹ vào nhà lao. Hơn nửa tháng bặt tin, sau đó chúng thả mẹ ra. Mẹ về như cái xác không hồn, trông mẹ quá tiều tụy thảm thương. Ba tôi, con cháu xúm xít ngồi chung quanh mẹ, lo lắng hỏi thăm. Mẹ im lặng mà rấm rức khóc sưng húp mắt. Mãi lâu mẹ hổn hển kể lại: Suốt bao ngày mẹ bị nhốt, chúng cho mẹ ăn ngày một bữa nửa chén cơm khô, với ít muối hột. Đêm đêm bọn lính Tây lôi mẹ ra tra điện, chúng độc ác tra khảo, chích điện vào người bắt mẹ phải nhận tội, dù mẹ không hề làm. Mỗi lần mẹ bị bọn tà lọt gian ác tra điện, thì mẹ sợ hãi kinh khủng, dòng nước ấm chảy ra ướt dầm thân thể mẹ. Mẹ không thể nén mồ hôi hột lạnh toát, không thể nín lại cơn buồn đái. Mẹ không đủ sức chịu đựng cơn đau, mẹ đau đến ngất xỉu, thì chúng lôi chân mẹ kéo xềnh xệt về phòng giam trống không giường chiếu. Chúng tạt nước lạnh cho mẹ tỉnh lại, mẹ bị chảy máu mũi, máu đầu. Mẹ run rẩy, mặt mày xây xát, sưng húp, bầm tím. Mẹ thật chịu oan ức tột cùng, mà tiền mất tật mang.

Suốt từ đó đến nay mẹ luôn luôn sợ hãi, yếu hẳn người. Mẹ bị đau tim và thường xâm xoàng, ngất xỉu vì quá hãi hùng. Bọn Tây thời đó đầy quyền uy, hống hách, ác độc hơn loài hổ sói, người dân thấp cổ hé họng chỉ câm miệng cúi đầu, điếng lặng cắn cỏ ngậm vành, không dám hó hé than van. Vậy đó, mẹ chịu đủ mọi oan ức, khổ sở cay đắng nhọc nhằn, tủi cực trăm bề, để lo nuôi dạy đàn con nên người.

Một lần kia, sau thời gian bị tra khảo đánh đập tù đày oan ức đó khá xa, mẹ vẫn lặn lội đi gánh nước cơm về nhà, mẹ đã thay bộ áo quần ướt sủng nước mưa. Mẹ ngồi bên bếp lò, giơ đôi bàn tay nhăn nheo sạm nắng chai cứng, tóp teo vì thấm lạnh ra để sưởi ấm. Mẹ âu yếm nhìn tôi ngồi kế bên bỏm bẻm ngấu nghiến nhai bánh mì. Bỗng mẹ nhìn tôi sửng sốt, lạnh lùng hỏi:
- Đôi guốc mới, con mang đó. Mô rứa?
- Dạ... Của con... con... l..a...
- Mẹ đã nói rồi, đợi bán heo, mẹ sẽ mua cho con quần áo, dép guốc... cho con đi học. Mẹ biết con mau lớn, giày dép cũ con mang không vừa, mà đi chân không thì lạnh lắm. Mẹ lo sợ con đau. Ngặt nỗi, bi chừ chưa có tiền. Mà răn con dám cả gan, đi ăn cắp, của ai rứa?

Tôi cúi gầm đầu, một tay túm mái tóc bum bê, nhìn đôi guốc mới mang vừa vặn ở chân mình. Đôi guốc màu đỏ đầy hấp dẫn, có hai quai cánh cam in đủ màu sắc hoa lá. Tôi thấy nó quyến rũ, ước ao vô vàn từ lâu. Khi chị Tư sai tôi vào quán chị Thế mua trứng vịt, tôm khô. Thừa lúc quán xá bận rộn người mua kẻ bán, tôi lấm lét ngó trước nhìn sau, rồi vội thò tay chộp đôi guốc kẹp chặt vào nách, (đã che kín bằng chiếc áo mưa lụng thụng). Trống ngực tôi đánh rất mạnh, mặt mày tái mét, tôi run như cầy sấy, tôi liền lẽn ra và co giò chạy. Vừa chạy tôi vừa ngoái cổ lại nhìn chị Thế, (là bà chị dâu thứ hai của tôi), chị ấy không biết gì hơn, ngoài việc chị thu nhiều tiền đầy nhóc vào tủ sắt.

Mẹ già nua trước tháng năm đang gục đầu trên hai đầu gối ướt lạnh, run rẩy, mệt nhọc - và khóc. Mẹ khóc vì tội lỗi của con thơ. Mẹ khóc vì cảnh thăng trầm không thể ngờ, vì mẹ chưa mua nỗi đôi guốc cho con, (chỉ đáng vài xu trong khi tiền ba tôi làm chủ trại cưa cây, thì bạc trăm, bạc ngàn, kể như ba đỗ xuống biển. Và, tiền bán hai chục con heo, mẹ bị bọn chúng trấn lột hết). Trong đêm trường thanh vắng, khuya lắc khuya lơ, tôi nghe rất khẽ nhưng rõ ràng tiếng mẹ đọc kinh cầu nguyện đều đều. Thỉnh thoảng kèm theo vài tiếng thở dài nho nhỏ, lời mẹ nguyện xin cho con cháu bình an, mạnh khỏe.

Tối hôm đó mẹ thức rất khuya, ngồi một mình dưới gian bếp đèn dầu leo lét, mẹ đã cắt khúc vải nhung màu vỏ măng cụt, để may áo cho tôi mặc ấm. Chiếc áo ấm gồm ba lớp: lớp nhung ở ngoài, mẹ bọc thêm một lớp gòn rất mịn ở giữa, và may chằn thêm một lớp lụa sa tanh mới lót ở bên trong.

Tôi leo lên giường từ lâu, trằn trọc mãi không làm sao ngủ được, tôi rất sợ và lo âu, không dám nhúc nhích. Tôi cứ mở mắt nhìn mẹ chăm chú làm việc. Khá khuya, mẹ lê đôi dép lẹp xẹp lần mò từng bước, mẹ nhẹ nhàng đi trong bóng tối mờ mờ. Mẹ vặn ngọn đèn dầu hột vịt thật lu, mẹ cố không khua động giấc ngủ của mọi người. Trong bóng tối, tôi hé mắt nhìn mẹ ngồi đọc kinh, sau đó mẹ ngả lưng xuống đệm theo tiếng thở dài. Tôi nằm im giả vờ ngủ say. Bàn tay mẹ lạnh ngắt run run sờ soạn tìm con. Mẹ đặt đầu tôi nằm ngay ngắn trên gối mỏng. Mẹ kéo hai chân tôi thẳng ra, và đắp mềm lên tận cổ tôi. Mẹ ôm tôi vào lòng và hôn lên mái tóc tôi khét nắng. Nước mắt mẹ thấm lạnh da đầu tôi.
“Nuôi con chẳng quản chi thân.
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”. (cd)

Thì ra mẹ đã khóc. Khóc âm thầm lặng lẽ trong bóng tối. Mẹ giống người chèo đò đơn độc ra tay chống chèo trên dòng nước ngược đầy sóng gió, khi đàn con nhỏ sợ sệt, la khóc, run rẩy bám chặt vào mạn thuyền. Mẹ cố sức chịu đựng giông bão, gian truân âm thầm và câm lặng dai dẵng; miễn sao cho con, cháu, bình yên, no ấm. Mẹ là một trong vạn triệu người Mẹ Việt Nam tần tảo, phúc hậu, ôn hoà cao cả, hy sinh xiết bao suốt đời mình.

Bốn tuần sau, mẹ bán bầy heo thịt khác. Ba tôi vượt núi băng rừng khổ cực trăm bề làm cúp cây, nay đã hoàn toàn ổn định. Gia đình chúng tôi lại bắt đầu khá giả, vinh sang hơn năm cũ. Nhờ mẹ tôi quáng xuyến, đảm đang, siêng năng, tháo vát. Ba tôi giàu kinh nghiệm và liêm chính đàng hoàng trong việc làm chủ trại cưa, nên ít lâu sau gia đình tôi thoát khỏi cảnh bần hàn.

Nhưng dẫu có sung túc giàu có hơn xưa nhiều, rất nhiều, thì vết thương đầu tiên về bài học giáo dục đạo đức trong lòng mẹ và con, hẳn không có cách gì lấp đầy, phôi pha được. Kể từ ngày xa xưa đó, mỗi khi tôi có ý muốn lấy cắp cái gì của ai, thì hình ảnh mẹ tôi ngồi bó gối bên bếp than hồng; nước mắt mẹ chảy ướt thấm vào da đầu tôi, vẫn hiện lên rõ nét. Khiến tôi quắt quay và lặng người, vì hối hận không hề dám tái phạm. Đó là nốt “nghịch phách” đầu tiên trong đời vào chiều mưa giông giá lạnh năm xưa. Ước gì nay tôi được chìm trong dòng sông đã chảy qua thời ấu thơ, nơi mái gia đình êm ấm của tôi ở buổi thiếu thời kia, để tôi có thể nói thật nhỏ:
- Mẹ ơi! Cho con xin lỗi.

Ôi! Chỉ cần trở về ngày ấy và biết nói câu nầy, thì tôi sẽ sống lại và chỗi dậy trong tâm tư tôi cả quá khứ ngọt ngào, say đắm, êm đềm, nồng nàn, sung sướng xiết bao! Và, bây giờ tôi biết đằm thắm, khôn ngoan gấp bội lần. Người đàn bà còn quá trẻ bỗng co nhói lên từng cơn đau tim nghẹt ứ, xót xa đắng cay khôn tả xiết. Vốn bị nghị lực mài dũa, cọ liếc mỏng tanh, tôi nghẹn ngào, đắng cay, hơn sự cơ cực đọa đày chịu đựng dài lâu. Sự trầm uất nén dưới chiều sâu tâm hồn đã vọt lên tim, lên óc, lên cổ tôi những cục nấc nghẹn ngào tức tưởi. Tôi đứng giữa trời mà khóc, mà cười. Cười khẩy. Tôi không sao hiểu nỗi “đời”! Tâm hồn tôi hằn lên vết rạn, xếp lớp lăn tăn theo sóng đời cơ cực, khi gia đình nhỏ chúng tôi lầm than khốn cùng đã rớt dưới tận đáy xã hội phù phiếm.

Nơi con đường cũ mà cha mẹ tôi xưa kia rất vinh sang đã từng đi qua đó, và chính gia đình nhỏ cuả tôi từng lả lướt, rộn ràng líu lo ca hát trên đại lộ mỗi độ hoàng hôn… Ngày nay, mẹ con chúng tôi dắt díu nhau lọt tọt, líu ríu bước thấp bước cao, lần mò đi từ ngày nầy qua tháng nọ. Đi từ hừng đông đến hoàng hôn không ngơi nghỉ. Những đôi môi khô nứt nẻ run run nếm đủ cay đắng, ngọt bùi xính vính tình đời còn mấp máy và thút thít, như nghiến chặt hai hàm răng, nghiền nát hiện-tại rát bỏng phừng phựt cháy trong lòng.

Sau đám sương mù dày đặc ngoài trời kia, là tương lai tối thui và con đường gồ ghề, lởm chởn sỏi đá lẫn lộn bùn tro bầy nhầy. Con đường tiến thân của mẹ con chúng tôi đó, hình như có tiếng âm vọng não nề. Chúng tôi không biết nên bắt đầu đi từ hướng nào cho phải! Đôi bàn tay tôi khô cứng, chai sạn sần sùi nứt nẻ, hợp lực với những bàn tay các con thơ yếu gầy tong teo bé tí xíu, vẫn quơ quơ về phía trước. Cùng lòng can đảm, tận tụy, chịu đựng gian lao, nghèo khổ siết chặt, thì không có cách gì lay chuyển.

Trời bao la xanh xanh trong trong, không có một vắt mây trắng, nhưng sao đôi mắt tôi mù mây xám giăng mắc!? Giống như những sợi tơ tóc ngày xưa đen tuyền óng ả, quyện cùng chùm tóc bạc trước thời gian đã phủ khắp nẽo đi lối về? Tôi đang mặc chiếc áo gấm của Lụât để lại, tôi tưởng tượng chiếc áo dù cũ, nhưng có phần nào che gió chắn mưa. Thì hy vọng là tôi bớt cảm thấy cô độc, ấm áp và ít lạnh. Ngỏ hầu tôi sẽ đương đầu, chạm trán, chơi những canh bạc đen đỏ với định mệnh. Đành phải như thế thôi. Nếu định mệnh không thách đố gạt gẫm chúng tôi: Xỏ lá sát phạt, chơi khăm chúng tôi trắng tay –và đểu giả lật ngửa quân bài ra– Khi trận đấu chưa bất phân thắng bại. Thưa ông!

_ * _

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
05-12-2016, 12:18 AM
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/miennam.jpg

http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1463011084-giua long dat me - truong vu.mp3

Tinh Hoai Huong
06-10-2016, 12:18 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1386303251.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1465520474-Co Bay Tren CoThanh Quang Tri.mp3
Thiên Thần Mũ Đỏ: HOÀNG NGỌC BẢO
Nhân ngày QLVNCH


Chiến binh Nhảy Dù Hoàng Ngọc Bảo sinh và sống tại thành phố Đà Lạt, từ nhỏ đến lớn Bảo đã học tại trường Dòng A’ Dran (Tabert), sau đó Bảo đăng vô lính từ năm 1964, (khi mới vừa đúng 18 tuổi). Mặc dù Bảo bị cha mẹ, và cô bồ xinh xinh phản đối kịch liệt, Bảo vẫn biết mạng sống con người rất qúy trọng và cần thiết, chiến trường thì nguy hiểm gian khổ dường bao. Nhưng Bảo vẫn hân hoan vui vẻ lao mình đến với đồng đội.
Tôi nhớ mãi nét hào hùng binh chủng
Nhớ những ngày đầu nhập trại Hoàng Hoa
Thấp thỏm chờ đợi lệnh phòng Ba
Mong cho chóng có tên đi học nhảy
Màn mở đầu là màn thi chạy
Rồi nhảy đài, hít đất kéo xà ngang.
Rồi... kéo dây, nhảy xổm thập bát ban.
Phần sức khỏe dĩ nhiên là qua thoát!!! (Mũ Đỏ 198)

Bảo dự khoá huấn luyện quân sự căn bản ba tháng: khoá sinh đi thụ huấn quân sự ở Tiểu Đoàn khoá sinh Vương Mộng Hồng tại Trung-tâm Huấn-luyện Quang Trung. Trắc nghiệm thể dục cốt yếu rèn luyện thân thể khoẻ mạnh, cường tráng, đôi chân dẽo dai. Tập chạy bộ từ 800m đến 1500m mang theo trang bị cá nhân xong. Sau đó, cán bộ khối bổ sung sẽ đưa tân binh khoá sinh đến Trung-tâm huấn-luyện Nhảy Dù Hoàng Hoa Thám để huấn luyện kỷ thuật về cách lên phi cơ nhảy dù, mang dù (mặc dù) khám dù, bảo trì dù, v.v…
- Học mang dù & trang bị cần thiết khi hành quân.
- Học cách nhảy từ trong lòng phi cơ ra ngoài phi cơ (làm quen với phi cơ, làm quen với độ cao):
- Học điều khiển cách lái dù theo ý mình.
- Học các thế đáp (té, lăn…) tránh nguy hiểm bản thân.
- Học cách thu lượm dù nhanh, gọn & bảo trì dù.
- Học cách tránh bị dù lôi, kéo, quấn (khi trời gió, bão). Bị dù lôi kéo lết… thì không thể đứng dậy.
- Học nhảy cao 11m để làm quen với độ cao không bị choáng ngợp, không có cảm giác sợ hãi (gọi là chuồng cu); chuồng cu là một cái đài cao giống chuồng… Cao khoảng 11,5m, trên đó có bốn sợi dây cáp dài và to.
- Học nhảy từ 12m (dây tử thần); tập đáp từ trên cao xuống khi va chạm dưới đất. Chụm hai tay ôm lấy dây dù sát vô ngực, đầu cúi xuống thấp, khi nhảy ra khỏi lòng phi cơ thì không nguy hiểm, vì đầu bị đập ngửa ra sau ót.

- Học nhảy ngày (5 lần, + 1 lần mang trang bị cá nhân) & 1 lần ban đêm.
Màn kế tiếp ba tuần liền dưới đất
Tập chuồng cu, kéo gió, chống dù lôi
Đài mười thước, rồi nhảy, nhảy chuồng cu!
Thì... cũng kệ... nghe GO... nhắm mắt phóng...

- Học Nhảy Dù với ba loại phi cơ: C 47 - C 119 – C 123.
Tuần lễ cuối... mới là tuần gay cấn nhảy sô đầu C47 hom hem.
… Dây SOA dài thót ruột... chết cha...
Ầm ầm... rồi im lặng dù mở to
Mới sựt nhớ mình 'quên' đâu có đếm
Sô thứ hai nhảy C119
… Từ sô thứ bốn ta GO ngon ra phết
Mần sáu sô... khóa dù nào đã hết
Nghỉ một ngày... dưỡng sức nhảy sô đêm
C123 gầm thét phóng vụt lên (Mũ Đỏ 198)

Sau đó khoá sinh được trở về khối bổ sung, cán bộ khối bổ sung sẽ điều động tân khoá sinh đi các đơn vị cần. Bảo hân hoan hạnh phúc cùng bạn đồng khoá được vinh dự mang danh xưng “Thiên Thần Mũ Đỏ” với khẩu hiệu “Nhảy Dù sát cộng”. Bảo được chuyển đến Lữ-đoàn III Nhảy Dù, quân phục rằn ri mang phù hiệu sư đoàn Nhảy Dù bên tay áo trái, đội mũ beret màu đỏ có gắn phù hiệu Dù.

Bảo đổi đi nhiều nơi khác trong toàn miền Nam Việt Nam. Bảo từng bị thương bốn lần: Lần đầu tiên vào năm Mậu Thân khi Bảo đang nhảy từ trên trời xuống mục tiêu tại miền Trung, thì Bảo bị bắn lủng ruột, bị mỗ. Bảo được cứu thương nằm trong bệnh viện Cộng Hoà ba tháng. Hai năm sau, lần thứ nhì từ trên cao nhảy xuống đất, Bảo bị bắn xuyên qua phổi, may mà không vào chỗ hiểm. Bảo lại được cấp cứu vào bệnh viện nằm trị liệu mấy tháng. Rồi Bảo lại trở ra đơn vị Nhảy Dù, tiếp tục sống cuộc đời giang hồ phong sương qua bốn bể… mà “nhảy”. Do Bảo vẫn yêu mến binh chủng: “nơi nào cần, Nhảy Dù có. Nơi nào khó, có Nhảy Dù”: Ngang dọc đó đây, vì Bảo yêu đồng đội và tha nhân, dù bao nguy hiểm thiệt thòi có về mình, cũng thì-thầm cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,
làm chân tay cho những người què cụt,
làm đôi mắt cho ai phải đui mù,
làm lỗ tai cho những người bị điếc,

làm miệng lưỡi cho người không nói được,
làm tiếng kêu cho người chịu bất công.
Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đồng lúa,
để đem cơm cho người đói đang chờ,

và đem nước cho người họng đang khô,
đem thuốc thang cho người đang đau ốm
đem áo quần cho người đang trần trụi,
đem mền đắp cho người rét đang run. (1*)

Có nhiều đêm Bảo cùng bạn nằm lì tại Cầu Lòn, họ lần mò đi trong đêm khuya, qua nghĩa điạ Trí Bưu u ám hoang tàn hắt hiu. Bảo lom khom cúi đầu đi dưới đường Duy Tân, rồi lính Nhảy Dù phối hợp cùng anh em lính Thuỷ-quân Lục-chiến oai dũng hào hùng đánh chiếm đại thắng cổ thành Đinh Công Tráng ở Quảng Trị ngày 6-6-1972. Trong trận nầy, đây là lần thứ ba Bảo bị đạn ghim sơ sơ vào tay. Bảo đã nhìn sửng ngọn cờ vàng ba sọc đỏ phất phới lồng lộng trong gió tung bay trên nền trời xanh bao la. Vì đất nước quê hương và dân tộc con rồng cháu tiên. Bảo cũng như đồng bạn tận tụy hết lòng hy sinh vì Tổ Quốc, quyết bám lấy quê hương chiến đấu đến giờ phút cuối cùng.

Rồi… Lần tham chiến cuối cùng tại khu vực dưới sườn tây Bắc Yankee, và khoảng Delta hướng đông của Charlie, Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù (được thành lập ngày 1-11-1968) kẹp giữa vùng chiến tuyến nầy. Tỉnh Kon Tum có ngọn đồi mang tên Charlie; Charlie tiếp giáp giữa huyện: Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đắc Tô). Nơi đây Bảo bị thương khá nặng vì đạn pháo bọn địch lại ghim tứ tung vô thân thể mình, một bàn chân bên phải của Bảo cụt lên tới dưới đầu gối, cộng với những vết thương mới và cũ bị nhiễm trùng, toàn thân Bảo đầy vết thẹo, đau nhức bệnh tật liên miên… Bảo phải vào nằm ở bệnh viện Cộng Hoà và được các bạn đồng đội chia máu hoài, nhưng sức khỏe vẫn chưa thể khá.

Bạn và Bảo bị chiến tranh vùi dập tan hoang, và đời tàn ác bỏ quên, hất hủi Bảo trong cơn hấp hối tột cùng đau. Biệt nghiệp nầy há chẳng qua Bảo vay của Đời quá nhiều, mà Đời trả chẳng là bao!!? Thế rồi Bảo bị ném ra đường giữa ngày 1 tháng 5 năm 1975. Bảo lấm lét len lén chôm được sự sống… mà lấp ló lây lất lê lết bên nghĩa trang Phú Thọ Hòa. Người sống và kẻ chết -không phân biệt đối xử- đều bị san bằng, khai quật như nhau. Người sống nằm ngủ dưới hố mồ kẻ chết, thây ma bất động bị kẻ đói móc lên, người ốm đói tìm kiếm lấy quần áo (và mừng húm nếu có vòng vàng!!!).

Có khác chăng ở chỗ là: Thương binh ấy còn có đôi mắt và trái tim rực lửa, luôn bị chao đảo ray rứt, dày vò, khi Bảo tận mắt nhìn ông già, phụ nữ, trẻ con, bị tập trung đi bóp phân người, chân đạp cứt, vai gánh phân đi tưới rau xanh trên nông trường, mong lợi tức tăng gia, nhờ phân bón đặc biệt thu hoạch mùa màng có cái ăn tươi tốt, để mừng thắng lợi chào đón dâng Bác và Đảng.
Ngậm ngùi nhìn lại thân phận người lính khi tàn chiến chinh, Bảo và bạn cùng trang lứa đau đớn chẳng khác chi nhau:
Tôi, người lính Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù
Năm 75, 29 tháng Tư
khi đoàn tàu chở đơn vị tôi
chuẩn bị rời Vũng Tàu hướng ra Đông Hải

Thương cha mẹ già, đàn em dại
tôi bước lên bờ ở lại quê hương
nhưng cha mẹ già chưa được gặp
cũng chưa thấy mặt đàn em

các anh, những người chiến thắng
súng dí sau lưng
đẩy tôi vào trại tập trung
rồi bằng những lời dối trá

trái tim vô tình tia nhìn thù hận
các anh cướp mất của tôi
những tháng năm đẹp nhất cuộc đời (2*)
* * *

Bảo rất vui mừng khi biết tin mẹ con tôi trôi giạt về ở Hốc Môn, thỉnh thoảng Bảo từ trên khu nghĩa trang Phú Thọ Hòa xuống Thành Ông Năm thăm chúng tôi. Các con tôi rất qúy anh họ của chúng, bé Tuấn mừng rỡ ôm chầm lấy anh, vui vẻ nói:
- Anh có khỏe không?
- Nhìn anh, thì em biết rồi.
- Chân cẵng, ruột, và bao tử của anh, ra sao rùi?
- Một chân cụt nè. Lũng ruột nè. Bao tử đau liên miên. Em còn muốn hỏi gì nữa?
- Thật khổ thân anh. Đó là cái đại nạn của anh và dân tộc mình á.
- Đời mà em.
- Anh bỏ hút thuốc đi, là vừa!
- Sao vậy?
- Hại sức khỏe lắm.
- Em nói chuyện đến hay. Chỉ vài hơi thuốc lào, mà bệnh sao?
- Anh sẽ ho lao, giảm tuổi thọ nữa.
- Sống chết có số. Anh chẳng còn tin gì.
Bé Dzũng vít cổ anh, cười hì hì:
- Đau ốm đủ thứ như anh, phải uống sâm cao ly, mới kéo dài tuổi thọ à.
- Chuyện! Vậy chớ đứa con nít mới sanh, chẳng may nó ngoẽo, chắc tại nó ưa hút thuốc lào, và không uống sâm i,́ ha em?
- Anh nầy thiệt á.
Bé Hoàng bu vào lưng Bảo, bắt anh cõng:
- Nhà giàu họ uống sâm đầy ra đó. Anh Bảo.
- Vậy họ có thoát chết không nà?
- Anh thèm thuốc lào, nên nói tào lao vậy mà.
- À há! Bây chừ anh còn chi để thèm hơn là thèm hít. Anh mừng khi các em đã có ít hành trang: vào đời đắng cay, chua xót. Em cứ mạnh dạn tỏ bày. Có thể anh sẽ nghe lời khuyên hữu ích.
Bé Huy sà vô lòng anh:
- Anh phải nghe, không thì anh chết sớm là cái chắc!
- Anh đã trả nợ thân anh cho non sông rồi, thì còn gì nữa đâu em, anh chả còn gì để luyến tiếc với đời!

Nghe mà nghẹn đắng, xót xa, chua chát cõi lòng tôi. Thỉnh thoảng Bảo cũng như tôi, hai dì cháu có lên Sài Gòn gia nhập vào đám “Thương-Binh Du ca da cu bè” của các anh lính VNCH què cụt tổ chức lậu (của nhiều binh chủng & đơn vị cũ hợp thành). Họ đã bầu tôi: (Trong đám mù-chột nầy, thì chỉ có chị là có vẻ “dễ nhìn” hơn hết; mong chị làm vua cho đám “lu xu bu” kia nha. Chị Mười)! Các anh ơi! Các anh nào biết, tôi đã mang bệnh trầm-kha bất khả tri-luận, còn đau đớn gấp trăm lần phế binh nữa ấy, các anh à.

Chúng tôi ca toàn những bản “nhạc vàng”, hay lúc đó phe kia gọi nhạc “đồi trụy”, nhạc tù ca (khi không thấy bóng dáng bọn “công an áo vàng”). Thật tức cười, nhạc mà cũng có màu sắc: vàng, đỏ, xanh, nữa há? Thật ra mấy anh ca bè rất hay. Ca hay thì tiền càng nhiều, “bổng lộc” do dân nghèo thương mà giúp. Ông bà cô bác đi chợ khát khao nhạc thời trước, nhạc cũ… họ thường ghé lại coi chúng tôi trình diễn. Họ vui đùa có ngụ ý ám chỉ gọi chúng tôi là: “Thương phế Binh Ngũ Linh”, hoặc nhóm “Bè da cu du ca”. Cái tên ấy do dân mến thương đặt ra, vậy mà nghe thật là chí lý! Bây giờ những thương binh ấy chỉ còn da bọc xương, trên răng dưới dái, thân thể là nơi tập họp những thứ tật nguyền: mù chột, cụt tay, cụt chân, lũng ruột, bụng còn băng đầy máu. Họ bị quăng ra khỏi y-viện, chỉ có trên răng rụng dưới teo tóp... thì, chả còn da với cu là gì! chả còn gì. Thật chẳng còn gì!

Lính chiến trận trở về (sau ngày mất nước) không tìm thấy gia đình, không thân nhân, mất tin tức không liên lạc, người ta tan tác trên mọi ngã đường. Lính lê lết chống gậy đi tìm nhau từ các vùng khỉ ho cò gáy, nơi thâm u cùng cốc: chỉ có muỗi, ruồi trâu, vắt, đĩa, hút máu người, và luôn truyền cho bệnh cấp tính sốt rét da vàng cao độ, ho lao, thổ tả, kiết lỵ triền miên. Cho đến lúc tàn hơi mà toi mạng cùi! Họ phải lê lết hành khất từ vùng kinh tế mới nơi chó ăn đá, gà ăn muối, bò lê bò la… rị mọ lặc lìa lặc lọi về tới thành phố.

Nào ngờ họ lại lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, ăn xin ở ngoài đầu đường, ngủ ở xó chợ! Những thương binh ấy đã bỏ lại một bàn chân, một cánh tay, một hai con mắt trên vùng giao chiến hung tàn. Họ trở về dưới mái nhà xưa thì biếng nói, không cười, sống lặng lẽ âm thầm, nức nở dày vò, đớn đau mà nghiến chặt hai hàm răng, suốt ngày họ lầm lì đăm chiêu suy tư trong dòng sông chảy xiết riêng mình từng cơn đau mệt lã dày vò ân hận và phiền muộn.

Nhưng có anh lính nào may mắn còn gia đình, thì các bà mẹ, bà chị, vợ con của họ thế nào họ cũng vui mừng, hớn hở lăng xăng quanh thằng con trai tật nguyền cùng khắp. Bà mẹ mủi lòng mừng con trở về mà vui hơn bắt được ngọc ngà. Lính què cụt đui mù phải đùm túm nương tựa vai vợ con, với cha mẹ già, thương mến an ủi nhau mà lây lất sống. Ngày trước họ đi lính, do chiến tranh tàn nhẫn gậm nhấm hết cơ thể. Nay thì người lính chột đi đạp xích lô. Người cụt bán bánh mì, bán vé số, người mù đi xin ăn. Họ vừa rao, vừa đánh đàn, thổi sáo, gỏ trống hát dạo ngâm nga bài thơ:
Tao cụt một chân, mất một tay
Nhưng còn một tay
Để viết thơ dùm cho thằng mù hai mắt
Nghe nói ở xứ người chúng mày "cày" như trâu
Nhưng không quên đồng đội
Chia đô-la cho chúng tao, như chia máu ngày nào...
Tao cũng sớt cho mấy thằng bạn: phế binh Việt Cộng!
Chúng cũng què đui sứt mẻ như nhau
Bởi Đảng của chúng bây giờ là lũ đầu trâu... (3*)

Có những lần nhóm tôi đang hát nhạc tiền chiến, nhạc tù ca, thì thấy công an đi trờ tới, (công an có lệnh diệt tận gốc: “Trí, phú, địa, hào” mà)! Anh thương binh Mẫn còn một bàn tay thật và tay giả trong chiếc găng tay da, rất nhạy bén nhanh miệng, anh liền chuyển tông qua bài hát tếu hài ngay. Mẫn vừa khua tay múa kiếm làm trò, thật vui tai, vui mắt, ai nghe cũng nực cười:
- Bác Hồoo… cho em cây viết. Em vẽ con dao găm, em đâm thằng lính Mỹ. Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra, con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó, con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi Thanh Niên Xung Phen. Em theo chủ nghĩa siêu Việt phồn vinh cuả Móc-Cu Ra Đớp ở Liên Xô. Hỡi..oi õi… đồng bầu! Hãy đi Thanh niên xung pheng. Tùng Tùng Tùng!!! Bảo vệ tổ quốc! Bèng béng bèng!!! Từng tứng tưng… tằng tắng tăng...
- Ủa! Cổ động viên nè! Hoổ…ong có ai dỗ tay cả hé?
Thương binh Bảo nhanh nhẫu chế-biến câu ca tiếng Việt liền tiếng Pháp, (vì hồi nhỏ đến lớn khôn, Bảo đã học ở trường dòng A’ Dran tại Đà Lạt, nên nói tiếng Tây, lẫn sinh ngữ Anh cũng lưu loát), nghe như gió thật.
I've just closed my eyes again
Climbed aboard the dream weaver train
Driver take away my worries of today
And leave tomorrow behind
Ooh dream weaver
I believe you can get me through the night
Ooh dream weaver
I believe we can reach the morning light
Fly me high through the starry skies
Maybe to an astral plane
Cross the highways of fantasy
Help me to forget today's pain …

Bảo còn kêu tên các ca sĩ nổi danh ở thập niên 70 ra “ca” có âm điệu và khảy đờn trống rùm beng… từng tứng tưng…, bùm búm bum... bèn béng beng…: - À Á a Le moi sensibe = cái tôi tình cảm. Ám sát tinh thần = assasitnat moral. Đời! C’est la vie! Tình tinh tang! C’est la mour. Thầy chùa sans cheveux. Bà xơ sans cooc xê, end sans xi-níp!! Ha ha ha!!! - Johnny Halliday… O oh ho… Sylvie Vartant… É é é… Francoise Hardy. Vicky Leandros nổi tiếng L’amour c’est pour rien… từng tứng tưng… Oh! Mon Amour. Ối ối a… Poupée de cire poupée de son. Bùm búm bum… Adieu jolie Candy…. Là lá la… Aline. Christophe. tằng tắng tăng… La vie c’est une histoire d’amour… chát chát chát… tùng tùng tung… phèng phéng phèng…

Thiệt là tầm bậy tầm bạ, dấm dớ, ú ớ ngố ngáo, ngu ngơ, vớ vẩn hết sức ba xàm ba láp! Thế mà khán giả bình dân thích thú, khoái trá cười rõ to; nghe "rất đễu"..., nụ cười bằng mười thang thuốc bổ thời nay, để chưởi vô mặt bọn cán ngố (tiếng Việt một chữ bẻ đôi còn chưa rành, huống gì họ hát tiếng Anh tiếng Tây) ngu như con bò tót mà. Họ vổ tay rần rần… rầm rầm rầm… bụp bụp bụp! Họ hể hả bỏ tiền lẻ vô chiếc mũ vải. Cứ thế, chúng tôi cúi đầu lạy tạ, san sẻ, bù qua sớt lại cho nhau mà sống trong đậm đà tình nghĩa, thành thật mến thương hèn mọn.

Tôi có bổn phận vừa “ca-bè” vừa cầm mũ vải đi xin tiền quý vị khách thập phương hảo tâm. Có người nhận ra mình:
- Oai Oái! Không ngờ bà ấy ngày xưa lừng danh là một hoa hậu, giàu sang và tri thức. Nay bà ta lê lết làm kẻ ăn mày, coi kìa!

Thực ra, bây giờ trong chế độ nầy, tôi đang chìa nón đưa tay ra lạy ông đi qua, lạy bà đi lại, ngỏ hầu xin tiền bố thí, thì có hơn gì ả ăn mày nào! So sánh phận hèn tôi ở xã hội nầy, có cái gì khiến tôi mủi lòng, se se từng cơn quặn thắt nghẽn đắng trong lồng ngực cuồng quay. Có cái gì đau đau, cay cay, xót xót, đắng nghét trên bờ mi tôi vụng dại? Sao ông Trời nỡ đi chơi đâu vắng, không cúi xuống nhìn đời chút xíu, sao tôi không lột xác, không biếng dạng méo mó ít nhiều, cho mình đỡ xấu hổ ha?

Tôi và nhóm thương binh chế độ cũ bị Đời quên lãng vẫn âm thầm lặng lẽ, nhẫn nhịn âm thầm chịu nhục mà bò lê trên đường cần cù kiếm sống. Cho đến ngày 6 tháng 2 năm 1985, tôi đang làm cỏ ngoài ruộng, thì Bảo leo xe đò xuống Thành Ông Năm cho biết tin: tại chợ Bà Chiểu đã diễn ra trận đấu đá kinh hoàng giữa “công an và phế binh đỏ”, (phế binh đỏ, chứ không phải phế binh “du ca da cu bè”). Công an đã bắt đám đờn ca “phế binh đỏ”. Vì “đỏ” (cờ Việt-cộng máu) mà họ chuyên hát toàn nhạc “vàng”. Thời buổi nầy hát nhạc vàng mới ăn khách. Đỏ mà ca hát “nhạc vàng” tức là trắng trợn thành “Ngụy” rùi! Thành thật mà nói thì “nhóm đỏ” kia họ cũng có xí tài khảy đờn, ca hát giọng Bắc khi trầm ấm lúc véo von, nghe cũng hay ra phết. Đồng bào đứng ngồi tám lớp vòng trong vòng ngoài, say mê thèm khát nghe “nhạc vàng”.

Công an thì như vòng siết của Kremlin, luôn vươn tỏa vòi bạch tuột ra, quấn lấy “nhóm phế binh đỏ” và rượt người dân ngu khu đen tay giơ cao cờ trắng chạy té khói. Họ có đủ quyền hành để thao túng, dân mà chậm chạp có chạy đi đâu vẫn không thoát. Ấy là tôi đang nói từ những thập niên 75- 85 í nha. Công an là ông trời con ưa tùy tiện bắt giam, khảo xét, lục soát bất kỳ nơi đâu họ muốn. Dính dáng tới họ, chỉ có nước đi tới đường cùng, chết treo trong cùm, hoặc mất tích mất tang thân thể.

Trong Điều 7 của Đạo Luật Rome đã định nghĩa: “Tội thủ tiêu mất tích Người” (Enforced Disappearance of Persons) như sau: Thủ tiêu mất tích người có nghĩa là: bắt giữ, giam giữ hay bắt cóc người ta với sự cho phép, sự hỗ trợ hoặc sự chấp thuận của một quốc gia, hoặc một tổ chức chính trị. Sau đó không nhìn nhận sự tước đoạt tự do của người ta, cũng không thông báo tin tức về số phận hoặc nơi giam giữ, với chủ tâm tước đi quyền được luật pháp bảo vệ của những người này trong một thời gian lâu dài. (Enforced disappearance of persons means the arrest, detention or abduction of persons by, or with the authorization, support or acquiescence of a State or a political organization, followed by a refusal to acknowledge that deprivation of freedom or to give information on the fate or whereabouts of those persons, with the intention of removing them from the protection of the law for a prolonged period of time.).

Thế là từ đó nhóm “Bè du ca da cu” của chúng tôi mất đất sống, tan hàng rã đám, biệt tích giang hồ! Khổ …khổ hết biết! Khi nạn cướp bóc giựt dọc luôn xảy ra tại các khu thị tứ, các trạm xe bus. Người ta bị cướp trắng trợn, giật sạch, mất trắng tay chẳng còn gì. Ai có la làng, khóc lóc, có nhảy tưng tưng, thì cũng huề cả làng. Đôi khi công an đi qua đó cũng ghé lại, làm biên bản lấy lệ. Người bị cướp đứng xớ rớ, công an điệu về bót cung khai lý lịch lấy lệ, rồi xù xì bỏ đi. Bù trớt (chính tôi đã từng bị mất sạch nhiều lần).

Đồng thời lúc nầy nạn thanh niên nam nữ ốm đói nghiện xì ke, chích ma túy công khai trên các con hẽm ở Bàn Cờ, bên khu Gò Vấp, Khánh Hội... ôi thôi không thể đếm hết. Có vài lần tình cờ đi qua khu nhà Phùng, tôi đã trông thấy nơi góc hẽm vào một sáng sớm: có ba bốn thanh niên đang dùng chung một ống chích. Tên con trai cầm cây kim tiêm thuốc xong, đưa cho một tên bạn đã ngồi bệt xuống đất, hắn lấy sợi dây lưng quần cột chặt cánh tay trái, và chụp nơi tay thằng đang cầm cây kim, tự nó lụi vào tay mình, máu từ mũi cây kim tuông ra thành một dòng dài trên cánh tay hắn, không có bông gòn và thuốc sát trùng sát triết chi. Một tên khác hình như thiếu thuốc, hay đến cơn ghiền dữ dội, đã nằm vật ra bên lề đường, hắn sùi bọt mép, tay chân co giật từng cơn vật vã. Tôi hoảng hồn mất vía, lo sợ tột cùng, vội vàng lủi đi thật nhanh.

Từ khi chộn rộn sau năm 1975 bỗng đâu lại sinh ra nhiều bọn xíu xíu, dé dé, choai choai, nho nhỏ… đi đứng le te, ỏng ẹo, giọng nói ồ ồ, râu ria lởm chởm, nhưng chúng lại mặc đồ đàn bà, mặc xú chiên giả nhồi độn ở ngực hai quả bóng nhựa ti tí. Chúng thoa son dồi phấn, kẽ lông mày, trông bọn nhỏ cũng xinh xắn ra phết. Bọn “bóng lại cái” nầy đa số là con nhà khá giả, thỉnh thoảng chúng tập trung ở Bình Triệu, chẳng hiểu sao chưng diện rất đẹp, ưa giả dạng “nữ nhi đào tặc”, để trốn không đi Thanh Niên Xung Phong, hoặc bị bắt đi Nghĩa Vụ Quân Sự.

Thế là nạn đồng tính luyến ái rần rần xảy ra, lan từ thành phố Sài Gòn về tận các miền quê. Con trai tôi ở trong ban văn nghệ cuả Huyện, mới đầu con trai tưởng bọn họ là con gái mặt hoa da phấn phè phỡn thật (khi có đoàn hát trên Sài Gòn về trong Huyện, Xã, thường có mấy “en Gay”) con cũng như ai thấy gái đẹp ngu sao không mê! xề lại, hai bên rù rì hủ hỉ ríu ra ríu rít chuyện trò vanh vách, thân mật da diết! Nhưng khi con trai bị mấy tển “bê-đê” cao lêu khêu đúng là “đĩ đực rựa”, tối đến khi tan văn nghệ, chúng cùng con ngủ chung phòng, (con lúc đó đi học lớp 12, vừa đi bán bánh bò, đi làm thuê dỡ nhà, dỡ tôn với chủ, đi xây nhà do chủ thầu mướn, con cũng có biệt tài đi đờn giỏi và hát rất hay cho ban văn nghệ, để kiếm sống). Thì nửa khuya đang say ngủ, con bị một tên đẹp nhất trong bọn cạy miệng nút lưỡi, mò cu tới tấp. Con trai hoãng sợ, la hét, tung mùng ôm quần áo chạy chạy chạy... có cờ. Nhưng, cũng thật thà mà nói có nhiều “ẻm” trông yểu điệu thục nữ, mảnh mai, duyên dáng, xinh đẹp và ca hát, múa đèn, vũ múa điệu Thái, điệu Lào rất dẽo. Giọng ca các “en” nức nở, trữ tình, nghe khá tuyệt!
* * *

Ở trên cõi đời ô trọc nầy, Bảo luôn bị những căn bệnh cũ hành hạ thân xác càng đau đớn và điêu đứng. Nay hoà bình về, dòng sông tình được thuyền đời trôi đi. Nhưng rồi cũng có khi thuyền bất ngờ bị sóng vùi dập, và lật úp thuyền! Bảo thật sự chới với điêu đứng khi bạn bè chiến đấu tri kỷ thân thuộc chỉ còn lác đác mấy người trên đầu ngón tay. Bảo không biết thổ lộ tâm sự cùng ai mong thông cảm, nên Bảo rất đau buồn!

Có thêm cơn bệnh trầm kha ẩn dưới đôi lông mày khiến Bảo luôn nhíu lại... mà không có thuốc chữa. Chuyện hồi xưa và ngày nay, Bảo mang trong trái tim cuồng nhiệt xót xa và thổn thức. Bảo biết đói khổ, đau đớn từng giờ, từng ngày. Nỗi đắng cay oan nghiệt, rền rĩ siết chặt giữa hai hàm răng khát khao nghiến lại. Sự đớn đau luôn cào xé dày vò tâm trí và thân thể Hoàng Ngọc Bảo, người lính trung thành với chính phủ Việt-Nam Cộng Hoà, đã không e dè đem thân xác mình làm bục kê, làm bàn đạp, để người khác dẫm lên. Chiến sĩ ấy âm thầm lấy lưng đỡ đạn, cùng đồng đội quyết chí ở lại trên chiến tuyến, đến giờ phút quê hương lâm chung, mà van lơn người đã ra đi, thống thiết van xin người bỏ nước ra đi tìm tự do:
Hãy gửi về cho chúng tao vũ khí
Thằng cụt tay sẽ chỉ cho thằng mù mắt bấm cò
Thằng còn chân sẽ cõng thằng què quặt
Trận chiến sau cùng này sẽ không có Dương Văn Minh (3*)

Dù tật nguyền cùng khắp thân thể, nhưng mặt mày Bảo vẫn đẹp trai, ăn nói tao nhã duyên dáng, nhất là Bảo có tài kể chuyện đời lính “oai hùng, hùng hồn và mất hồn” đó đây rất hấp dẫn. Bảo kể chuyện tiếu lâm khá có duyên, khiến người nghe say sưa, thỉnh thoảng Bảo ha hả cười rất thoải mái, mà quên tiệt bụng đang cồn cào đánh lô tô! Nên ai ai cũng mến thương Bảo.

Tôi vẫn gánh hai thùng phân thối um, trĩu nặng, cố lê từng bước trên con đê gập ghềnh. Nắng chói chang, tôi ra sức kiên nhẫn chịu đựng “tăng gia lao động tốt”, hầu mong chồng ở trong trại tập trung tù tội sớm được thả về, như Đảng đã hứa. Nhưng nghiệt ngã thay, chờ người người ở nơi đâu vẫn biệt tăm! Nhiều lần lội xuống hố phân người, chúng tôi đứng chưa vững, phải bám chặt lấy nhau cho khỏi ngã. Bùn và phân đặc sệt, ngập tới bắp chân, mọi người ngửa mặt lên trời, há hốc miệng mà thở. Hơi bùn, hơi phân tươi xông lên nồng nặc, trời nắng chang chang muốn ngộp thở, hôi thúi kinh khủng. Nước mắt tôi không trào ra mi, mồ hôi không thấm qua làn áo thô cứng sột soạt như mo cau, mà dội ngược vào tim, tạo thành chuỗi uất-hận dâng cao ngút.

Những tháng ngày khổ sở nghèo khó mỏi mệt từ 75 cho tới năm 90 vẫn như thế. Ở gần bên tôi không còn người cháu thân thiết hiền lành vui vẻ và cùng nhau chia xẻ ngọt bùi! Tôi đã xa Bảo, Bảo về Phan Rang rồi, tôi lại càng nhớ đến cháu Bảo thân yêu vô cùng! Sau năm 1998 cuộc sống gia đình Bảo rất đạm bạc, bần hàn, nếu không nói là quá nghèo khổ nơi xứ chó ăn đá gà ăn muối. Bảo dựng tạm một căn chòi bé nhỏ lụp xụp ngay sát khu nghĩa địa tại Phan Rang, một góc nhà bên hướng phải đã kê lên trên mấy ngôi cổ mộ. Chung quanh nhà Bảo toàn là mồ, đúng là một bãi tha ma u ám đầy bóng tối và kinh dị. Ấy thế mà Bảo và vợ con họ không hề sợ ma. Có phải chăng từ khi đổi đời thì họ “sống” giữa “người chết”, coi bộ “âm ty địa tào” còn hiền lành hơn trăm lần sống trên trần thế?! Hay là bởi tự cái số kiếp oái uăm, bắt Bảo phải sống “tử thủ” với mồ mã ông bà cha cố người đã chết; kể từ khi Bảo lột khỏi thân thể bộ áo lính Dù, để đổi đời!!?

Bảo lui về quê vợ ở Phan Rang, sống ẩn dật (mãi về sau nầy khi gia đình tôi đi Mỹ, tôi có chuyển cho Bảo vài ngàn, nên Bảo đã mua một chiếc xe cúp, Bảo làm nghề “xe ôm” bằng một chân giả, một chân thật, cộng với một mắt thật trông chừng con mắt giả, để nhìn rõ đời không bị giả tạo thêm)!!! Năm 2005 Bảo lâm trọng bệnh, Bảo có em trai ở Mỹ liên tục chuyển tiền hậu hỉ về nhà, để thân nhân đem Bảo đi ra đi vô Sài Gòn - Phan Rang không biết bao nhiêu lần.

Căn bệnh trầm kha từ ngày chinh chiến ấy đã gậm nhấm, đào xới, bào mòn, tướt đoạt đi của Bảo nhiều miếng thịt: trong phổi, trong tim, trong chân tay… bây giờ hoạn nạn bệnh tật đã đối mặt lây lan khắp thân thể Bảo, nó hoành hành ăn tươi nuốt sống Bảo mất rồi. Bảo bị mù cả hai mắt, không còn nhìn thấy Đời. Toàn thân và tay chân Bảo sưng phù, nhớt nhau nước nhờn chảy ra trên lưng đứa em ruột tên Toàn (em trai là sĩ quan VNCH bị tù "cải tạo" bốn năm, thương anh tật nguyền, em không nở ra đi, mà em tình nguyện ở lại Việt Nam ngày ngày em vẫn cùi cụi cõng Bảo đi ra đi vô bệnh viện). Bảo “nằm lì” trên tấm lưng thằng em ruột. Bảo rầu rĩ đọc bài thơ:
Tao bị thương hai chân
Ngày "giải phóng miền Nam"
Vợ tao "ẳm" tao như một đứa trẻ sơ sanh...!
Ngậm ngùi rời "Quân-Y-Viện"
Trong lòng tao chết điếng,
. . . Vợ tao: như "thiên thần" từ trên trời rơi xuống...
Nhìn hai đứa con ngồi trong căn chòi gió cuốn, bụi đất đỏ mù bay!
Tao thương vợ tao yếu đuối chỉ có hai tay
Làm sao "ôm" nỗi bốn con người trong cơn gió lốc.
Cái hay là: Vợ tao dấu đi đâu tiếng khóc.
Còn an ủi cho tao, một thằng lính què!
Tao đóng hai cái ghế thấp, nhỏ bằng tre,
Làm "đôi chân" ngày ngày đi lại
Đời lính gian nan sá gì chuyện gió sương... (Trang Y Hạ)

Bảo lặng lẽ âm thầm nghiến cục sạn giữa hai hàm răng, mà không hề oán trách số phận quá tàn ác! Một ngày kia Bảo đã không thể chịu đựng cơn đau đớn hành hạ thể xác lẫn tinh thần hơn, Bảo từ trần vào ngày 19 tháng 6 năm 2005, là ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Trước khi lìa đời, trong cơn đớn đau kinh hoàng chới với mê sãng, Bảo vẫn luôn miệng nhắc tới tên những vị chỉ huy, nhắc tới vị tướng Trần Quốc Lịch mà Bảo tôn kính, miệng Bảo kêu tên những đồng bạn, họ vì tổ quốc và quê hương đã ra đi khỏi tầm mắt của Bảo. Nhưng họ không ra khỏi lòng Bảo một giây phút nào; dù đôi mắt Bảo mù lòa vĩnh viễn khép lại từ lâu, và lòng Bảo đã đóng chặt cửa. Nhất là Bảo chẳng khi nào có ý ngoảnh mặt phản bội quê hương, mà đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam có hình chữ S dấu yêu. Quê hương đã ôm trọn Hoàng Ngọc Bảo vào lòng. Đất mẹ không từ bỏ hất hủi Bảo bao giờ (khi mộng ước của Hoàng Ngọc Bảo đã không thành!) như Nguyễn Trường Tộ đã nói:
“Nhất thất túc thành thiên cổ hận.
Tái hồi đầu thị bách niên thân” .
(Một bước lỡ để nghìn năm mang hận.
Ngoảnh đầu trông lại đã trăm năm)(*)
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh(**) (*)

Bảo dư biết ý đó nghĩa là: Từ xưa đến nay hỏi rằng ai không chết? Hãy để lòng son chiếu sử xanh. Đây là hai câu thơ tiếng Hán của một tướng lãnh Trung Hoa, tên Văn Thiên Tường). (**) Hai câu thơ sau của Nguyễn Công Trứ. Hoàng Ngọc Bảo cũng biết ý tác giả là: “người ta chưa chắc ai hơn ai, mà chỉ biết ai anh hùng sau khi thời thế đã xảy ra”. Giống như bài thơ “Chiến Mã Ca” của anh tù học tập “cải tạo” Lê Xuân trầm uất ai oán; được anh tù “cải tạo” Trần Lê phổ thành nhạc rất tuyệt vời, (vì có mấy lần Bảo đã về Hốc Môn ở lại nhà tôi sáu tháng). Bảo nghe nhóm “Tù ca Xuân Lộc Z 30 A” bạn chúng tôi, khi ra tù mỗi tháng họ đều hẹn hò họp bạn tại nhà tôi, để đàn ca.

Bản nhạc nầy Bảo rất thích và đã thuộc lòng. Trước lúc vĩnh viễn từ bỏ cuộc đời, đành buông thỏng hai tay, bất chấp những dày vò trong tâm tư, cùng những cơn đau thể xác triền miên hành hạ, Bảo phải đành chấp nhận số phận mình đã “thua cuộc chơi” (chứ chẳng phải mình là người lính “thua cuộc chiến”). Bảo đã não nuột cầm cây đàn mà ca rất hay:
Vàng phai trên thanh gươm.
Người mái tóc điểm sương.
Ngựa tung vó trong mưa buồn trên quê hương sầu thương.
Đường mây vỡ tan thành mộng cô đơn còn mơ sa trường.
Bóng xô nghiêng hoàng hôn.
Mài gươm trong cô đơn người nuốt những hờn căm.
Ngựa nuôi móng non thay bờm trên quê hương cuồng phong.
Đường xa dẫu xa muôn trùng trong đêm nay
Ngựa phi sa trường bóng dõi bóng quê hương.
Chiến mã tiến đến sát dòng sông
đêm quê hương mênh mông sao chưa hừng đông?
Chiến mã rất khát nước trong trên quê hương tang thương.
Ai qua trường giang !!! ??? (4*)
*

(1*) TP(2*) Phạm Đức Nhì(3*) Nguyễn Cung Thương
(4*) Trần Lê Việt & Lê Xuân N...
***

Tình HOÀI HƯƠNG
(dì Thuỳ Mến tưởng nhớ cháu Bảo:
từ giã cuộc đời vào ngày 19-6-2005; ngày QLVNCH)

Tinh Hoai Huong
06-20-2016, 01:08 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1371860027.jpg

Truyền Nhân Nam-Khoa-Y


Hai người ăn mặc chỉnh tề, đeo kính mát, mang theo hai mũ bảo hiểm, chuẩn bị chu đáo cho một ngày đi xa… Năm đổ xăng thật đầy bình, vui vẻ chở Mi Mi từ Sài Gòn đi lên Nghiã Trang “Đô Thành”. Cơn triều cường chảy hoài đến khúc quanh cầu Bình triệu, Thủ Đức, vẫn ngập tới nửa bánh xe, mặc dù mưa chiều hôm trước không to lắm, nhưng nước đọng còn dâng cao. Ồ, đó là nơi nhà ga cũ, nơi xưa kia mỗi lần đi qua đây, Năm và Mi bị ngập lụt nước mưa, phải bỏ cả giày dép ra, hai người lội bì bõm dưới nước bùn sình hôi tanh đen ngòm. Hầu đẫy chiếc dream chết máy khó khăn nhọc nhằn vô cùng, hì hục mãi không đẫy xe nỗi. Hai anh em nâng đầu xe lên cao cho nước chảy ra. Sau đó anh đạp hoài đạp mãi, thì xe nổ máy.

Năm chen lấn đoàn xe đông như kiến đang bì bõm trong sình lầy dù nước đọng, họ vẫn chạy nhanh. Nước bắn tung toé lên đầy ngực Mi. Chỗ đó vẫn luôn bị ngập lụt. Năm chạy xe đến gần cầu Gò Dưa mới có đoạn đường tốt. Chạy xe mãi đến gần ngã tư xa lộ Thủ Đức. Anh rẽ vào lối đi tắt, đi lung tung vòng vèo đến nghĩa trang Đô Thành thăm bạn thân nhất đời đã về cõi vĩnh hằng. Gửi xe xong, Mi mua một bó hoa, một bó nhang, hộp quẹt, nến. Hai người đủng đỉnh tới ngôi mộ Tấn, khi mặt trời đang đứng trên đỉnh đầu.

Gia đình Tấn chọn nơi nầy thật đẹp, nghĩa trang rộng khoảng 10 hecta đất gò cao ráo, phóng khoáng. Nơi mà hồi xưa Trung-tướng Mai Hữu Xuân đã mua, rồi nhờ ba của Năm đứng ra chăm chút cai quản. Tấn được vào nằm trong nghĩa trang nầy (nghĩa trang uy linh tương tự như Arlington ở Washington DC), là một vinh dự to lớn, vì Tấn nổi tiếng là một bác sĩ khá giỏi. Trước ngôi mộ xây đá cẩm thạch đen khá cao, rất đẹp, bia mộ Tấn có ghi đầy đủ tiểu sử. Hình Tấn chụp vào độ tuổi trung niên thật phong độ, trẻ trung, vui tươi, hiền hoà. Sau lưng bia mộ lớn là tấm bảng đen bóng, trên đó khắc ghi một bài thơ tiếng Anh, đại ý là:
I burst into tears at my birth.
Whereas one laughed for congratulations!
Now I am brought at an early grave.
One mourns over me crying.
Only me that I smile quietly.
“Lúc tôi mới sinh ra đời.
Tôi khóc thét lên.
Mọi người đều vui cười hoan hỉ.
Nay tôi đã nằm xuống.
Mọi người tiếc thương và than khóc.
Chỉ riêng tôi lặng lẽ mỉm cười”. (*)
[(*) Chuyển ngữ câu tiếng Anh trên, là do tác giả (THH) viết; không phải do nguyên bản của lời ghi từ bia mộ Tấn].

Mi Mi cúi đầu lặng lẽ thì thầm gửi anh Tấn lời tống biệt cuối cùng:
- Thôi anh Tấn ơi! Nếu em có khóc thương tiếc nuối anh. Thì... Bây giờ em đành chấp nhận sự thật của tạo hoá ngàn năm an bài: Sinh. Lão. Bệnh. Tử. Sống. Gặp gỡ. Vĩnh biệt chia tay. Có tựu rồi tan. Có sống rồi chết. Ai ai cũng phải bước qua “cái Ải buồn phiền đau đớn” nầy! Mi thật buồn, và rất qúy trọng anh Tấn. Anh biết không? Nhớ ngày đầu tiên cách đây bốn chục năm, Mi Mi quen anh Tấn, hôm đó là ngày Mi Mi và anh Hoàng Năm Tony chia tay nhau ở trên bến xe Đà Lạt, gần tiệm cà phê Domino. Dù Mi Mi chỉ gặp và trò chuyện cùng anh Tấn không đầy mười lăm phút, nhưng em thấy anh Tấn thật vui tính, dí dỏm, hiền lành, hóm hỉnh có duyên và dễ thương. Duy có một điều bây giờ em vô cùng nuối tiếc về anh Tấn. Vì, anh Tấn đã làm một chuyện rất tốt đẹp mãi lưu truyền đến nay. Mặc dù anh Tấn chết đi, nhưng anh đã để lại một kho tàng vô giá cho y học (nói chung, và cho cánh đàn ông nói riêng). Nếu em nhìn đúng khía cạnh thuần tuý về nghề nghiệp chuyên môn của anh Tấn. Em sẽ không nghĩ là anh Tấn “khích dục hay gia tăng độ dâm đãng”. Anh Tấn hãy lắng nghe Em, anh Năm, Sơn, đã từng thảo luận nè:

* Đây là một khía cạnh không kém quan trọng của xã hội. Rất ít ai dám đề cập đến. Ai cũng sợ nó. Vì, nó tế nhị, nhạy cảm (nếu không muốn nói là hơi trắng trợn). Vã lại nếu đàn ông mà không “làm tròn bổn phận thiêng liêng cao cả tuyệt vời” trong điạ vị cuả người chồng đối với vợ. Người Nam nhút nhát thú nhận “mình bất lực” ; thì còn gì là “đàn ông tính”! Ở đây không đề cập đến vấn đề “trai gái lố lăng lẵng lơ đĩ thoả”.
* Khoa Y học NIỆU nầy, chính thức công nhận chỉ chừng 15 hoặc 25 năm nay. Gọi đó là Nam Khoa Andrology - được phơi bày ra dưới lăng kính Y Học nghiêm túc, đứng đắn đàng hoàng cần thiết rất khoa học - (chứ không phải dưới lăng kính kích dục, cường dục, hay... dâm đãng điếm đàng vui chơi). Trước kia, chỉ có khoa trị liệu về các bệnh liên quan về Niệu. Còn chuyện kín đáo riêng tư “tế nhị phòng the” giữa tình yêu hai vợ chồng, thì ai ai cũng sợ lộ ra. Họ cứ sợ nói ra thì... người khác sẽ chê mình… “phóng đãng dâm tặc”.
Tony Năm có một phần suy nghĩ trong vấn đề nầy:
- Nhất là một số các bà vợ cho rằng: do chồng mình ưa bay bướm, đàng điếm, ăn chơi, sa đoạ, mà ra nông nổi ấy! Chứ gì!?
Sơn phản đối kịch liệt:
- Tầm bậy nữa rồi. Khoa nầy hiện nay đã chứng minh được sự cần thiết của môn y học. Dân số trên thế giới đa số trên 65% đã rơi vào tuổi khá cao, nếu chưa muốn nói là già. Còn lại 35% là tuổi trẻ. Do đó những vị cao tuổi của NAM và NỮ, đều tối cần thiết là Andrology. Nếu họ muốn có cuộc sống gia đình hạnh phúc lứa đôi trường tồn. Vấn đề bạn Tấn theo môn Nam Khoa, không phải tự ên do Tấn hứng khởi đề xướng ra, (nhất là ở Việt Nam có phong tục tập quán khác biệt hẳn Tây Phương). Mà là do một vị giảng sư đại học Y khoa: Lichsteinberger là tên của vị linh mục khả kính trong dòng Tên, ông ấy là một bác sĩ rất tài ba, xuất chúng trên nhiều lĩnh vực y khoa.
- Em nghĩ anh Tấn chọn ngành Y nam khoa nầy, chỉ vì xu hướng cá nhân. Vì chính anh Tấn đèo bồng một lúc ba bốn bà. Hai bà vợ lớn, bé. Cộng thêm hai bà bồ hờ kia nữa, là gì!
- Không đúng đâu. Trước kia, Tấn chỉ là một bác sĩ đa khoa giỏi. Sự trở về ngành chuyên môn, là do tình cờ mà thôi: Lúc ấy có một bác-sĩ giảng-sư dòng Tên, khi cùng làm việc trong bệnh viện ở Việt Nam, ông ta đã tâm sự với Tấn:
- Anh nên chọn về ngành Y-Nam-khoa. Vì cánh đàn ông các anh rất thiệt thòi. Anh có điều kiện, nên lưu ý về khoa đặc biệt nầy. Tôi hy vọng anh sẽ phát huy y-học Nam-Khoa tốt, để giúp nam giới trong vấn đề tình yêu vợ chồng.
Thế là sau khi về Pháp, vị linh mục đó gửi cho Tấn những tư liệu, tài liệu, sách vở chuyên môn, để Tấn nghiên cứu, nghiền ngẫm, học hỏi thêm. Ông bác sĩ dòng Tên ấy nghiên cứu kỹ về những cặp vợ chồng, về hạnh phúc lứa đôi trong xã hội. Nhưng thực tế là ông ta hoàn toàn không có điều kiện, để phát huy hay thực hành. Vì vậy, ông ta truyền đạt vấn đề nầy lại cho môn sinh giỏi là: Tấn. Tấn làm “truyền nhân” nghiên cứu kỹ càng. Thành thật mà nói: Không biết bao giờ ngành Y học Việt Nam mới có được một bác sĩ khác: được kết nạp vào E.D.A.C.T (Hiệp Hội Suy Nhược Dương Cường Toàn Thế Giới). Vậy thì, em không nên nghĩ đó là chuyện “kích dục” nha.
- Em chưa đồng quan điểm với anh... về việc nầy tí nào cả.
- Tại sao em cứ nhìn “nó” với bản năng tầm thường của một người đàn bà ru rú thu mình trong trôn ốc? Như con ốc len rụt rè nhút nhát? Mà em không chịu vươn mình lên đỉnh cao của y học và nghệ thuật và sự thật!? Anh hỏi em: Tại sao nữ giới đã có phụ-khoa, có sãn-khoa? Trong khi đó người đàn ông không nhiều thì ít, bị “trục trặc” yếu xìu vấn đề ấy, lại không có phép đi khám Nam-khoa? Theo như thống kê gần nhất, đàn ông từ 40 -> 60; 70; 80 tuổi - đa số bị trục trặc đến 65%, 85%. Mà chả có môn y-học nào để chuyên trị! Hở? Không công bằng.
- Có phải anh gián tiếp khuyên em: Hãy cứ nhìn vấn đề Nam-khoa một cách khoa học, chính chắn, lành mạnh. Em sẽ thấy nó bổ ích lành mạnh cho nhân loại. Chứ không phải để cánh đàn ông lợi dụng điều đó mà đi “ăn chơi” trác táng chắc?
- Ư Ứ Ừ. Nó phục vụ cho sự hoà hợp gia đình giữa vợ chồng. Em cứ nghĩ anh như thế, thật oan ơi ông địa! Đó cũng là quan niệm chung chung của một số ít phụ nữ, có chút mặc cảm về chồng mình quá bay bướm.
- À ra thế! Vì lúc đề cập đến chuyện nầy, có không ít đàn bà Việt Nam “kín cổng cao tường -rất khó nói”. Biết thắc mắc cùng ai? Thì anh Tấn đã dày công nghiên cứu y học, và mạnh dạn phổ biến trong Nam-khoa chuyên về Niệu-đạo-học Urologist nè!
- Đúng Mi Mi ạ! Hãy cùng nhau nhìn vào lăng kính Y-Học mà tìm hiểu, nghiên cứu, nghiền ngẫm lại em nhé! Anh chỉ công bằng, và lấy công tâm ra để cùng nhau chia sẻ, tâm tình, tìm hiểu, nói với nhau vấn đề tế nhị. Anh không có ý tranh chấp chuyện nầy với em. Hay bất cứ với ai gì cả. Nhá.
- Dạ vâng! Thưa ông tướng!
- Ông... Tướng gì nào?
- Tướng công E.D.A.C.T (Hiệp Hội Suy Nhược Dương Cường Toàn Thế Giới) đó!
- Vậy, em sẽ là nữ “trợ tá đắc lực của Urologist” nha.
- Hahaha!!! Hổng dám đâu. Thưa Tướng công E.D.A.C.T !!! Nay, đã già lắm, cuộc tình giữa hai người: Thật ra chỉ là những ủi an, sẻ chia trên phone khi vắng xa nhau, thân thiết, nồng nhiệt, vui vẻ, nâng vực nhau những lúc gặp muộn phiền, thất vọng nào đó. Chúng ta nói những chuyện đôi khi ba xàm ba láp, ân cần san sẻ, cũng có chút xí vui vui và hữu ích. Cho đến một ngày nào đó… có một trong hai người vĩnh viễn nằm xuống, đành đoạn rứt áo ra đi... Thế thôi.
***

Nói rất thật tình thì Mi Mi không hề ưa thích gì bà Hoà, (là bà vợ bé) của bác sĩ Tấn. Vì Mi cho rằng: Bà Hoà giựt chồng người! Mi nghĩ cánh đàn ông các anh ưa bênh vực nhau. Nhất là Sơn, Năm Tony, họ với Tấn đã thân thiết từ hồi còn bé tí, nên họ coi nhau như ruột thịt. Kể cả con nhỏ Sáu (cháu ruột cuả bà Thủy) đang ngồi nói chuyện với Mi Mi về mấy anh ấy và bà Thuý:
- Cháu kêu bà Thúy bằng dì. Cháu mới thấy thấm thía nỗi đau của dượng Tấn. Chỉ vì dì Thúy và dượng Tấn thuở còn non trẻ: đã bồng bột vội vàng làm đám cưới. Khi họ chưa thật sự thấu hiểu nhau. Khi về làm vợ chồng rồi, thì họ mới lộ ra cả trăm điều trái ngược, mà không ai có thể ngờ! Nhất là sau nầy khi dượng Tấn đã thành danh trên đường đời. Dượng Tấn càng không thể chấp nhận có một người vợ kém sút từ mọi mặt. Dì không biết ngọt ngào chia sẻ với chồng, không đảm đang. Theo cháu nhận xét thì: dì Thúy vốn là cô gái nông thôn, nên dì Thúy hơi nhà quê, ít học. Vì thế lối ăn nói cuả dì thiếu suy nghĩ, xử trí kém cỏi, không tế nhị, vô duyên, lại có chút trẻ con. Cộng thêm tính ghen là số một, làm mất danh dự chồng không kể xiết, cùng lười biếng và vô trách nhiệm. Ở nhà dì ưỡn ẹo rông rống ngồi chơi xơi nước, dì không làm gì cả. Nhàn cư vi bất thiện mà! Có tật xấu là khi dì Thúy tức giận, thì chuyên môn đi ngồi lê đôi mách nói xấu người nầy, nhún vai chê trách người kia. Dì Thúy chẳng chịu đi chợ búa cơm nước gì, chồng đi làm về luôn đói meo. Thế là dượng bỏ nhà ra đi ăn… “phở” mệt nghỉ. Trước tiên là tốn tiền, sau đó lây lan qua tốn tình! Dì Thúy nói:
- Tội gì chợ búa cơm nước chi cho mệt. Ổng làm tới chức bác sĩ, bác sĩ thiệt à, có nhiều tiền ổng cho gái ăn cũng vậy. Tui cứ kêu người ta bưng cơm tháng, tội gì tui chui vô bếp cho khổ! Ổng đi… coi kià:
Đi đâu? Nay mới về nhà???
Có thấy xó góc chổi chà dựng bên
Tôi hỏi: “chỉ một mình ên
Sao mà thì thọt góc thềm làm thinh?
Nếu không có tật giật mình
Tại sao cúi mặt má phình tím thâm?
Dại khôn anh cứ thật tâm,
Kể ra… cho cả sơn lâm biết nào.
Thì tui… cha bảo chẳng gào
Ba bà có tức… ra ao nhảy ùm
Cùng nhau kéo cổ lùm lum
Cho anh chết ngộp khóc um mới chừa
Cái tật tành hanh ai ưa
Thấy gái, anh lấy vải thưa bịt liền
Anh mà mở mắt láo liên
Tui thề móc mắt rồi khiêng vô TÙ (*)

Mi ngậm ngùi nghe cô cháu gái cuả bà Thúy kể tiếp:
- Đúng ra, dượng Tấn rất mất mặt với bạn bè khi mang vợ ra ngoài xã hội giao tế. Dì Thúy luôn đốp chát những câu thiệt vô duyên, như gáo nước tạt vô mặt bạn. Sau nầy, khi Tấn gặp bà Hoà thì khác hẳn, Tấn yêu bà Hoà thông minh, tế nhị, khôn ngoan, đảm đang, vui vẻ. Có thể nói Tấn rất hãnh diện vì đã gặp và yêu bà Hoà (là vợ lẽ). Vì thế, thời gian sau dì Thúy cứ buồn xo “ngồi trong bóng tối”.
Mi liếc nhìn Sơn dò hỏi. Anh gật đầu:
- Ưà, Sáu nói nghe thật lạ lùng! Vậy mà thật đó. Bà Thúy có ba đứa con với Tấn, nay con cái khôn lớn, thành đạt cả. Các con Tấn rất yêu mẹ. Tấn đã tạo cho bà Thúy có cái nhà tươm tất, có cửa tiệm để các mẹ con sinh sống. Đặc biệt là Tấn chưa hề ly dị với bà Thúy. Trên pháp lý mọi tài sản đều là của Tấn (trừ khi Tấn làm di chúc để lại). Theo anh nghĩ Tấn không ngờ... Nên, em đừng nghĩ rằng bà Hoà “cướp” hết nha: Chồng, và 2 tài khoản: Một bank tiền Việt Nam. Một bank tiền USD. Bà Hoà chỉ giữ mấy quyển sổ ghi tên Tấn thôi. Bà Thúy vợ chính thức mới là người thừa kế tài sản, (khi Tấn nằm xuống xuôi tay, ba đứa con cuả bà Thúy rất tốt đã xúm lại thuyết phục mẹ chúng, nên làm giấy ủy quyền (vợ lẽ cuả cha); cho bà Hoà có tiền nuôi hai đứa em nhỏ cùng cha khác mẹ. Bà Thúy rất thân với bà vợ cũ của Năm. Hai bà có những tính giống nhau, nên mỗi lần gặp mặt, là họ xúm lại chửi Năm và Tấn ác liệt. Thật oan uổng và tội nghiệp lắm em! Hãy lấy công tâm mà xét xử công bằng đi.
- Thì anh cũng kinh khủng không vừa gì! Chắc anh muốn nói: Tình yêu chân thật phát xuất từ hai trái tim đồng điệu, thông cảm. Thì sự cần thiết ấy không có tội, có lỗi. Phải không nà?
- Thôi em! Moi móc làm gì. Chuyện buồn mà! Anh không muốn tranh luận với em điều nầy. Có thể em nghĩ anh không công bằng, thiên lệch, khi anh chỉ đến thăm mẹ con bà Hoà, mà hầu như ít đến thăm mẹ con bà Thúy (vợ chính thức). Nếu em biết sự thật, em sẽ thấy anh có lý. Tấn cũng “đào hoa” ra phết đó em à. Ai có ngờ con người coi như có vẽ chậm chạp, lù đù, hiền lành, ít nói. Thế mà có khối bà, khối cô mê Tấn tít thò lò! Kỳ xưa, anh Tấn bị “hai bà: vợ lớn, vợ bé” đuổi ra khỏi nhà, chỉ vì anh ta có thêm “bà Ba” nữa mới chết! Tấn phải đi lang thang ngoài phố, ăn cơm quán, ngủ hotel suốt một năm. Ấy là vì hồi đó Tấn lại cặp một con bồ xinh xắn luôn xà nẹo khác. “Một vợ nằm giường lèo. Hai vợ nằm chèo queo. Ba vợ ra chuồng heo mà... nằm”. Anh Tấn định thuê nhà để bà đó về ở chung.
- Trời! Thì hồi đó chính Sơn thuê nhà cho Tấn ở đó mà. Cả đến bây giờ, khi anh Tấn chết rồi, lại có cô bác sĩ trẻ măng mê anh Tấn hết sức. Lúc sắp sữa liệm, cô ta chạy ra ngoài ôm mặt khóc nức nở! Cô bác sĩ nầy trẻ tuổi lắm, cô chỉ hơn con của Tấn năm bảy tuổi là cao. Tôi có biết cô ta. Theo tôi nghĩ có lẽ do cô ấy quý trọng tài năng của Tấn, thì đúng hơn. Nghe chị nói, tôi mới té ngữa ra. Ai dè cái bề ngoài Tấn đạo mạo, nghiêm trang. Mà ẩn chứa trong lòng những “sống động tình cảm sôi sục cồn cào” chứ. Có điều làm sao mà anh ta “dàn xếp” tuyệt hữu khi chia tay với bà nầy, hẹn hò chung sống với bà kia yên ổn. Dù họ:
BA BÀ đấu khẩu bên thềm
Nạt nhau đừng có vác mền giữa đêm
Lưng dài cao cẵng lại thèm
Suốt đêm anh lỡ say mèm “Phở, Bia”
Cơm không thể nuốt "ôm bia mộ” buồn!!! (hê hê hê!!!)
Lỡ "khiêng về" BA vợ khùng!!!
Bởi vì: Bà(1) nói lung tung,
Bà(2) trợn mắt. Bà(3) lủng củng trong mùng
BA BÀ chẳng thể thủy chung
Đánh anh chí choé lùng bùng lỗ tai
Chàng bèn than thở vắn dài
Ba bà bỏ tuốt. Một hai vái chừa !!! (*)
Năm còn nhớ có lần đám bạn gặp nhau, Tấn mời tôi đi ăn cơm rồi giành trả tiền. Tấn moi trong ngăn bóp tờ một trăm xếp nhỏ xíu, nhét kỹ một góc kín.
Ai ơi! ngó lại mà xem
Thời nay có một anh thèm cặp ba
Bà hầu quạt đêm Hạ. Bà
úm mền. Bà bóp hông ‘đá’ tứ tung
“Em ơi, khe khẽ anh cưng
Ôi dào đau quá cái lưng sụm rồi!!!”
Bởi do BA BÀ tơi bời
Bị đây, tại đó chẳng rời vén vun
‘Đây’ thì do ‘đấy’ ôm hun
Lim dim bốn mắt môi chùn chụt thôi
Chu choa cái ấy em ơi
“Chắc là tui trốn cho rồi”. Về quê!!!
Trốn đâu BÀ cũng moi về
Nợ đời phải trả BÀ thề "hưởng dương"
ÔNG ở góc phố cuối vườn
Trốn đâu BÀ cũng tìm đường tương chao! (*)

- “ÔNG ở góc phố cuối vườn. Trốn đâu BÀ cũng tìm đường tương chao”! Nhưng bây giờ chết đi, anh Tấn chả mang theo được đồng nào. Thậm chí mấy nút áo, nút quần, cũng bị lặt ra để lại trên trần thế. Theo tục lệ Việt Nam, họ nói phải cắt hết mọi thứ để lại, không có đem theo sắt đá nút neo gì hết. Xác mới nhẹ nhàng, dễ siêu thoát. Tuy vậy Tấn chết đi, còn để lại mối ưu phiền cho hai bà vợ, cùng bầy con hai dòng máu một cha khác mẹ, quả thật là rất buồn! Thiệt! Xét cho cùng, Mi vẫn thấy thương bà vợ lớn hơn. Bà lớn tất nhiên không khôn khéo, thất học, không biết cư xử, không biết cách giữ chồng, (như lời cô Sáu và Sơn nói). Nên bị người khác giựt chồng là phải! Vì bà lớn quá yêu chồng, sợ mất chồng, nên “kè kè giám sát” từng hành vi, cử chỉ chồng. Khiến anh ta nổi giận vì sự ràng buộc khắt khe quá mất tự do, mà... xa! Còn bà nhỏ lanh lẹ, khôn ranh hơn là ngoan, có học, tinh tế là có chủ đích cả! (như lời anh ca tụng). Bà Hoà rất biết là Tấn có vợ con “đình huỳnh”. Nhưng bà ta vẫn có cách ngầm ngầm ma lanh để câu móc chiều chuộng chồng người. Vỗ về an ủi chồng người! Rồi đương nhiên nhào vô giựt chồng người... Anh cho là... là phải nốt!?

- Thôi, dù sao cũng là chuyện nói cho vui, chứ chả còn gì! Giữa hai bên chỉ là khoảng trống mênh mông. Thấy tội cho mấy đứa nhỏ con cuả hao người đàn bà: chúng cũng là anh chị em ruột cùng cha khác mẹ, mà hai bên chưa bao giờ quen biết nhau, từ xưa đến bây giờ, và mãi mãi... Họ đứng trên hai “chiến tuyến” khác hẳn nhau.

***

(*) Thơ Vui Tình Hoài Hương

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
10-09-2016, 07:25 PM
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1476039181-a.l 1 VN .jpg
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1476060505-Viet Nam Viet Nam - Hop Ca.mp3

THH xin chân thành cảm ơn anh Viễn đã gởi một bài viết quá hay, rất cảm động, chua xót & ngậm ngùi... khiến tôi không thể ngăn đôi giòng lệ tuôn trào.
Nay, tôi trân trọng kính gởi đến quý vị trong HQPD cùng đọc & tuỳ nghi...
HH

***

Tôi đã có một Việt Nam như thế…
Do: Ku Búa @ Café Ku Búa viết.

***


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1476056667-hh1.jpg

Ngày xưa tôi đã có một Việt Nam khiến tôi muốn trở về. Khi tôi hoàn thành chương trình du học của mình, tôi không màn đi tìm việc làm ở nước sở tại, cũng chẳng quan tâm đến thẻ xanh...


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1476056861-hh2.jpg

Ngày xưa tôi đã có một thành phố được mệnh danh là Hòn Ngọc Biển Đông. Tuy nó còn thua xa những thành phố ở những nước phát triển, nhưng nó là điều gần nhất với văn minh mà đất nước tôi có. Ngày xưa tôi đã có một thành phố mà những người ở vùng khác luôn ngưỡng mộ và ao ước để trở thành một người dân ở đó. Thành phố đó tuy nhỏ nhưng luôn mở rộng cửa để đón người tứ xứ về làm ăn buôn bán. Người dân ở thành phố đó chẳng bao giờ quan tâm đến bạn từ nơi đâu tới, cha mẹ bạn là ai, bạn nói tiếng Việt với giọng bắc hay nam.


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1476056952-HH3.jpg

Họ cũng không bao giờ phân biệt người khác qua cái hộ khẩu. Ngày xưa tôi đã có một thành phố là đầu tàu của cả nước, là sự tổng hợp của những văn hóa và tinh hoa của thế giới. Thành phố đó là nơi mọi người nhìn vào để học hỏi và noi gương. Ngày xưa, tôi đã có một thành phố như thế.


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1476057249-HH4.jpg

Ngày xưa tôi có những anh cảnh sát khiến tôi luôn cảm thấy an toàn và trật tự. Tôi đã có những anh cảnh sát mà tôi luôn tin tưởng và luôn tìm đến khi có một vấn đề gì cần giải quyết. Họ không bao giờ đi vòng vòng kiểm tra tạm trú hay tạm vắng, hay đúng hơn là làm có cái thứ gì gọi là tạm trú tạm vắng đâu mà kiểm tra. Tôi đã có những anh cảnh sát nếu phải giữ gìn trật tự đường phố và vỉa hè, họ cũng không bao giờ đánh đuổi những người bán hàng rong. Họ chỉ nhắc khéo và mỉm cười. Và nếu họ phải kêu đi thì họ sẽ sẵn lòng phụ giúp dọn dẹp.


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1476057366-HH5.jpg

Tôi đã có những anh cảnh sát không bao giờ đánh dân, những người sẽ luôn sẵn lòng hy sinh bảo vệ tôi. Tôi đã có những anh cảnh sát trên xa lộ mà tôi gọi là những con bồ câu trắng, đó là những anh cảnh sát xa lộ luôn sẵn lòng giúp tôi đẩy chiếc xe nếu nó bị hư dọc đường. Tôi đã có những anh cảnh sát mà tôi luôn ngưỡng mộ. Ngày xưa tôi đã có những anh cảnh sát như thế.

Ngày xưa thành phố của tôi có các bệnh viện chuyên chữa bệnh miễn phí cho người bệnh, nếu có viện phí cho dù có cao đến mức nào, thì cũng không từ chối chữa bệnh.


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1476057842-hh14.jpg

Tôi đã có một hệ thống y tế không phân biệt giàu nghèo. Một hệ thống y tế dù phải hoạt động theo quy luật tài chính, nhưng không bao giờ để tiền làm cản trở y đức. Tôi đã có một hệ thống y tế sẵn lòng kêu một chiếc trực thăng để giải cứu bất cứ ai gặp nạn. Tôi đã có những bác sĩ và y tá chuyên tâm làm việc và ít khi nào, nếu có, vòi tiền bệnh nhân. Ngày xưa, tôi đã có một hệ thống y tế như thế.


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1476057664-hh15.jpg

Ngày xưa tôi đã có những người thầy và người cô luôn dạy tôi cách làm người trước khi dạy tôi học thức. Tôi đã có những người thầy cô luôn tận tâm giảng dạy, luôn học hỏi để trao dồi kiến thức.


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1476058145-hh13.png

Tôi đã có những thầy cô, tuy tư tưởng vẫn mang tính chất văn hóa Nho Giáo, những luôn cho tôi phát biểu, luôn cho tôi chỉ trích, luôn cho tôi không đồng ý.


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1476058448-hh19.jpg

Tôi có thể công khai phản đối bài tập, tôi có thể biểu tình để đòi hỏi quyền lợi mà tôi cho rằng mình nên có. Tôi đã có những thầy cô luôn mang tầm hồn của những nhà học thức. Ngày xưa tôi đã có những người thầy và người cô như thế.


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1476058683-hh12.png

Ngày xưa tôi đã có những nhạc sĩ tài ba, những nhạc sĩ sáng tác những bài hát mà tôi nghe không bao giờ biết chán. Họ ít khi nào, hoặc chẳng bao giờ, đạo nhạc. Vì mỗi bài họ sáng tác là một tác phẩm nghệ thuật.


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1476058751-hh16.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1476058785-hh17.jpg

Ngày xưa tôi đã có những nhà sách bán đầy sách, mọi thể loại sách. Nơi đó là nơi tôi gọi là những thư viện tri thức. Nơi đó bán những cuốn sách của nhiều tác giả của nhiều quốc gia khác nhau. Nơi đó thậm chí bán những cuốn sách mà tôi không hề thích và đồng ý chút nào. Nhưng đã là nhà sách thì phải da dạng và phong phú. Ngày xưa tôi đã có những nhà sách như thế.


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1476058933-hh10.jpg

Ngày xưa tôi đã có một Tổng Thống khiến tôi cảm thấy hãnh diện. Ông ấy có thể nói tiếng Anh, đủ để hiểu, đủ để trả lời phỏng vấn của các phóng viên quốc tế, đủ để đàm phán với các nhà lãnh đạo quốc tế, đủ để cất lên tiếng nói cho tất cả người dân dù đa số người dân không bầu chọn ông ta.


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1476059018-hh11.jpg

Ngày xưa tôi đã có một Tổng Thống khiến tôi tự tin để nói với các bạn bè quốc tế rằng “that is our President.” Ngày xưa, tôi đã có một Tổng Thống Như Thế.

Ngày xưa tôi đã có một Chỉ Huy Trưởng khiến tôi tự hào về lực lượng Quân Lực. Tôi đã có một Chỉ Huy Trưởng khiến tôi cảm thấy an toàn, cho dù đất nước vẫn còn trong thời chiến. Tôi đã có một Chỉ Huy Trưởng khiến tôi cảm thấy yêu nước để sẵn lòng mặc bộ quân phục để bảo vệ đất nước. Và cho dù có chết thì tôi cũng vinh dự. Ngày xưa, tôi đã có một Chỉ Huy Trưởng như thế.

Ngày xưa tôi đã có một Việt Nam khiến tôi muốn trở về. Khi tôi hoàn thành chương trình du học của mình, tôi không màn đi tìm việc làm ở nước sở tại, cũng chẳng quan tâm đến thẻ xanh hay thẻ đỏ, cũng chẳng mộng mơ hay để trở thành một công dân của nước khác, cũng không nghĩ đến việc mình nên ở hay về, vì điều duy nhất trong đầu tôi là trở về. Cho dù đất nước đó vẫn đang trong thời chiến, cho dù nơi ấy tôi phải làm việc nhiều lần hơn, cho dù nơi ấy có nhiều rủi ro hơn. Nhưng tôi chỉ muốn trở về, đơn giản, bởi vì nơi đó, đất nước Việt Nam đó, mảnh đất đó là nơi tôi gọi là nhà. Vì tôi chỉ muốn về nhà. Ngày xưa, tôi đã có một Việt Nam như thế.

Ngày xưa tôi đã có một nước Việt Nam khiến tôi tự hào. Tôi đã có một nước Việt Nam khiến tôi không thổ thẹn khi cầm hộ chiếu ra nước ngoài và không cảm thấy xấu hổ khi nói “I’m a Vietnamese.”


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1476059208-hh9.jpg

Ngày xưa tôi đã có một Việt Nam như thế. Tôi đã từng có một Việt Nam như thế. Nhưng đó là quá khứ. Bởi vì bây giờ nước Việt Nam như thế đã không còn. Nhưng tôi lại muốn nó trở lại. Tôi muốn có một nước Việt Nam như thế. Bạn có thể gọi tôi hoang tưởng hay gọi tôi mơ mộng.


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1476059397-hh8.jpg

Tôi không mơ mộng hay ảo tưởng. Tôi cũng không tôn vinh bất cứ thể chế hay chế độ nào. Tôi chỉ muốn có một nước Việt Nam như thế. Có thể bạn sẽ hỏi: “Vì sao? Để làm gì?” Đơn giản, bởi vì ngày xưa tôi đã có một nước Việt Nam như thế.


http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd616/1476059581-hh18.jpg

Ku Búa @ Café Ku Búa

***

PS: Tôi là một người sinh ra khi nước Việt Nam như thế đã không còn nữa.

***
http://haingoaiphiemdam.net/To i-da-co-mot-Viet-Nam-nhu-the%E 2%80%A6-57865

VeSau
10-10-2016, 06:17 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1371860027.jpg

Truyền Nhân Nam-Khoa-Y


Hai người ăn mặc chỉnh tề, đeo kính mát, mang theo hai mũ bảo hiểm, chuẩn bị chu đáo cho một ngày đi xa… Năm đổ xăng thật đầy bình, vui vẻ chở Mi Mi từ Sài Gòn đi lên Nghiã Trang “Đô Thành”. Cơn triều cường chảy hoài đến khúc quanh cầu Bình triệu, Thủ Đức, vẫn ngập tới nửa bánh xe, mặc dù mưa chiều hôm trước không to lắm, nhưng nước đọng còn dâng cao. Ồ, đó là nơi nhà ga cũ, nơi xưa kia mỗi lần đi qua đây, Năm và Mi bị ngập lụt nước mưa, phải bỏ cả giày dép ra, hai người lội bì bõm dưới nước bùn sình hôi tanh đen ngòm. Hầu đẫy chiếc dream chết máy khó khăn nhọc nhằn vô cùng, hì hục mãi không đẫy xe nỗi. Hai anh em nâng đầu xe lên cao cho nước chảy ra. Sau đó anh đạp hoài đạp mãi, thì xe nổ máy.

Năm chen lấn đoàn xe đông như kiến đang bì bõm trong sình lầy dù nước đọng, họ vẫn chạy nhanh. Nước bắn tung toé lên đầy ngực Mi. Chỗ đó vẫn luôn bị ngập lụt. Năm chạy xe đến gần cầu Gò Dưa mới có đoạn đường tốt. Chạy xe mãi đến gần ngã tư xa lộ Thủ Đức. Anh rẽ vào lối đi tắt, đi lung tung vòng vèo đến nghĩa trang Đô Thành thăm bạn thân nhất đời đã về cõi vĩnh hằng. Gửi xe xong, Mi mua một bó hoa, một bó nhang, hộp quẹt, nến. Hai người đủng đỉnh tới ngôi mộ Tấn, khi mặt trời đang đứng trên đỉnh đầu.

Gia đình Tấn chọn nơi nầy thật đẹp, nghĩa trang rộng khoảng 10 hecta đất gò cao ráo, phóng khoáng. Nơi mà hồi xưa Trung-tướng Mai Hữu Xuân đã mua, rồi nhờ ba của Năm đứng ra chăm chút cai quản. Tấn được vào nằm trong nghĩa trang nầy (nghĩa trang uy linh tương tự như Arlington ở Washington DC), là một vinh dự to lớn, vì Tấn nổi tiếng là một bác sĩ khá giỏi. Trước ngôi mộ xây đá cẩm thạch đen khá cao, rất đẹp, bia mộ Tấn có ghi đầy đủ tiểu sử. Hình Tấn chụp vào độ tuổi trung niên thật phong độ, trẻ trung, vui tươi, hiền hoà. Sau lưng bia mộ lớn là tấm bảng đen bóng, trên đó khắc ghi một bài thơ tiếng Anh, đại ý là:
I burst into tears at my birth.
Whereas one laughed for congratulations!
Now I am brought at an early grave.
One mourns over me crying.
Only me that I smile quietly.
“Lúc tôi mới sinh ra đời.
Tôi khóc thét lên.
Mọi người đều vui cười hoan hỉ.
Nay tôi đã nằm xuống.
Mọi người tiếc thương và than khóc.
Chỉ riêng tôi lặng lẽ mỉm cười”. (*)
[(*) Chuyển ngữ câu tiếng Anh trên, là do tác giả (THH) viết; không phải do nguyên bản của lời ghi từ bia mộ Tấn].

Mi Mi cúi đầu lặng lẽ thì thầm gửi anh Tấn lời tống biệt cuối cùng:
- Thôi anh Tấn ơi! Nếu em có khóc thương tiếc nuối anh. Thì... Bây giờ em đành chấp nhận sự thật của tạo hoá ngàn năm an bài: Sinh. Lão. Bệnh. Tử. Sống. Gặp gỡ. Vĩnh biệt chia tay. Có tựu rồi tan. Có sống rồi chết. Ai ai cũng phải bước qua “cái Ải buồn phiền đau đớn” nầy! Mi thật buồn, và rất qúy trọng anh Tấn. Anh biết không? Nhớ ngày đầu tiên cách đây bốn chục năm, Mi Mi quen anh Tấn, hôm đó là ngày Mi Mi và anh Hoàng Năm Tony chia tay nhau ở trên bến xe Đà Lạt, gần tiệm cà phê Domino. Dù Mi Mi chỉ gặp và trò chuyện cùng anh Tấn không đầy mười lăm phút, nhưng em thấy anh Tấn thật vui tính, dí dỏm, hiền lành, hóm hỉnh có duyên và dễ thương. Duy có một điều bây giờ em vô cùng nuối tiếc về anh Tấn. Vì, anh Tấn đã làm một chuyện rất tốt đẹp mãi lưu truyền đến nay. Mặc dù anh Tấn chết đi, nhưng anh đã để lại một kho tàng vô giá cho y học (nói chung, và cho cánh đàn ông nói riêng). Nếu em nhìn đúng khía cạnh thuần tuý về nghề nghiệp chuyên môn của anh Tấn. Em sẽ không nghĩ là anh Tấn “khích dục hay gia tăng độ dâm đãng”. Anh Tấn hãy lắng nghe Em, anh Năm, Sơn, đã từng thảo luận nè:

* Đây là một khía cạnh không kém quan trọng của xã hội. Rất ít ai dám đề cập đến. Ai cũng sợ nó. Vì, nó tế nhị, nhạy cảm (nếu không muốn nói là hơi trắng trợn). Vã lại nếu đàn ông mà không “làm tròn bổn phận thiêng liêng cao cả tuyệt vời” trong điạ vị cuả người chồng đối với vợ. Người Nam nhút nhát thú nhận “mình bất lực” ; thì còn gì là “đàn ông tính”! Ở đây không đề cập đến vấn đề “trai gái lố lăng lẵng lơ đĩ thoả”.
* Khoa Y học NIỆU nầy, chính thức công nhận chỉ chừng 15 hoặc 25 năm nay. Gọi đó là Nam Khoa Andrology - được phơi bày ra dưới lăng kính Y Học nghiêm túc, đứng đắn đàng hoàng cần thiết rất khoa học - (chứ không phải dưới lăng kính kích dục, cường dục, hay... dâm đãng điếm đàng vui chơi). Trước kia, chỉ có khoa trị liệu về các bệnh liên quan về Niệu. Còn chuyện kín đáo riêng tư “tế nhị phòng the” giữa tình yêu hai vợ chồng, thì ai ai cũng sợ lộ ra. Họ cứ sợ nói ra thì... người khác sẽ chê mình… “phóng đãng dâm tặc”.
Tony Năm có một phần suy nghĩ trong vấn đề nầy:
- Nhất là một số các bà vợ cho rằng: do chồng mình ưa bay bướm, đàng điếm, ăn chơi, sa đoạ, mà ra nông nổi ấy! Chứ gì!?
Sơn phản đối kịch liệt:
- Tầm bậy nữa rồi. Khoa nầy hiện nay đã chứng minh được sự cần thiết của môn y học. Dân số trên thế giới đa số trên 65% đã rơi vào tuổi khá cao, nếu chưa muốn nói là già. Còn lại 35% là tuổi trẻ. Do đó những vị cao tuổi của NAM và NỮ, đều tối cần thiết là Andrology. Nếu họ muốn có cuộc sống gia đình hạnh phúc lứa đôi trường tồn. Vấn đề bạn Tấn theo môn Nam Khoa, không phải tự ên do Tấn hứng khởi đề xướng ra, (nhất là ở Việt Nam có phong tục tập quán khác biệt hẳn Tây Phương). Mà là do một vị giảng sư đại học Y khoa: Lichsteinberger là tên của vị linh mục khả kính trong dòng Tên, ông ấy là một bác sĩ rất tài ba, xuất chúng trên nhiều lĩnh vực y khoa.
- Em nghĩ anh Tấn chọn ngành Y nam khoa nầy, chỉ vì xu hướng cá nhân. Vì chính anh Tấn đèo bồng một lúc ba bốn bà. Hai bà vợ lớn, bé. Cộng thêm hai bà bồ hờ kia nữa, là gì!
- Không đúng đâu. Trước kia, Tấn chỉ là một bác sĩ đa khoa giỏi. Sự trở về ngành chuyên môn, là do tình cờ mà thôi: Lúc ấy có một bác-sĩ giảng-sư dòng Tên, khi cùng làm việc trong bệnh viện ở Việt Nam, ông ta đã tâm sự với Tấn:
- Anh nên chọn về ngành Y-Nam-khoa. Vì cánh đàn ông các anh rất thiệt thòi. Anh có điều kiện, nên lưu ý về khoa đặc biệt nầy. Tôi hy vọng anh sẽ phát huy y-học Nam-Khoa tốt, để giúp nam giới trong vấn đề tình yêu vợ chồng.
Thế là sau khi về Pháp, vị linh mục đó gửi cho Tấn những tư liệu, tài liệu, sách vở chuyên môn, để Tấn nghiên cứu, nghiền ngẫm, học hỏi thêm. Ông bác sĩ dòng Tên ấy nghiên cứu kỹ về những cặp vợ chồng, về hạnh phúc lứa đôi trong xã hội. Nhưng thực tế là ông ta hoàn toàn không có điều kiện, để phát huy hay thực hành. Vì vậy, ông ta truyền đạt vấn đề nầy lại cho môn sinh giỏi là: Tấn. Tấn làm “truyền nhân” nghiên cứu kỹ càng. Thành thật mà nói: Không biết bao giờ ngành Y học Việt Nam mới có được một bác sĩ khác: được kết nạp vào E.D.A.C.T (Hiệp Hội Suy Nhược Dương Cường Toàn Thế Giới). Vậy thì, em không nên nghĩ đó là chuyện “kích dục” nha.
- Em chưa đồng quan điểm với anh... về việc nầy tí nào cả.
- Tại sao em cứ nhìn “nó” với bản năng tầm thường của một người đàn bà ru rú thu mình trong trôn ốc? Như con ốc len rụt rè nhút nhát? Mà em không chịu vươn mình lên đỉnh cao của y học và nghệ thuật và sự thật!? Anh hỏi em: Tại sao nữ giới đã có phụ-khoa, có sãn-khoa? Trong khi đó người đàn ông không nhiều thì ít, bị “trục trặc” yếu xìu vấn đề ấy, lại không có phép đi khám Nam-khoa? Theo như thống kê gần nhất, đàn ông từ 40 -> 60; 70; 80 tuổi - đa số bị trục trặc đến 65%, 85%. Mà chả có môn y-học nào để chuyên trị! Hở? Không công bằng.
- Có phải anh gián tiếp khuyên em: Hãy cứ nhìn vấn đề Nam-khoa một cách khoa học, chính chắn, lành mạnh. Em sẽ thấy nó bổ ích lành mạnh cho nhân loại. Chứ không phải để cánh đàn ông lợi dụng điều đó mà đi “ăn chơi” trác táng chắc?
- Ư Ứ Ừ. Nó phục vụ cho sự hoà hợp gia đình giữa vợ chồng. Em cứ nghĩ anh như thế, thật oan ơi ông địa! Đó cũng là quan niệm chung chung của một số ít phụ nữ, có chút mặc cảm về chồng mình quá bay bướm.
- À ra thế! Vì lúc đề cập đến chuyện nầy, có không ít đàn bà Việt Nam “kín cổng cao tường -rất khó nói”. Biết thắc mắc cùng ai? Thì anh Tấn đã dày công nghiên cứu y học, và mạnh dạn phổ biến trong Nam-khoa chuyên về Niệu-đạo-học Urologist nè!
- Đúng Mi Mi ạ! Hãy cùng nhau nhìn vào lăng kính Y-Học mà tìm hiểu, nghiên cứu, nghiền ngẫm lại em nhé! Anh chỉ công bằng, và lấy công tâm ra để cùng nhau chia sẻ, tâm tình, tìm hiểu, nói với nhau vấn đề tế nhị. Anh không có ý tranh chấp chuyện nầy với em. Hay bất cứ với ai gì cả. Nhá.
- Dạ vâng! Thưa ông tướng!
- Ông... Tướng gì nào?
- Tướng công E.D.A.C.T (Hiệp Hội Suy Nhược Dương Cường Toàn Thế Giới) đó!
- Vậy, em sẽ là nữ “trợ tá đắc lực của Urologist” nha.
- Hahaha!!! Hổng dám đâu. Thưa Tướng công E.D.A.C.T !!! Nay, đã già lắm, cuộc tình giữa hai người: Thật ra chỉ là những ủi an, sẻ chia trên phone khi vắng xa nhau, thân thiết, nồng nhiệt, vui vẻ, nâng vực nhau những lúc gặp muộn phiền, thất vọng nào đó. Chúng ta nói những chuyện đôi khi ba xàm ba láp, ân cần san sẻ, cũng có chút xí vui vui và hữu ích. Cho đến một ngày nào đó… có một trong hai người vĩnh viễn nằm xuống, đành đoạn rứt áo ra đi... Thế thôi.
***

Nói rất thật tình thì Mi Mi không hề ưa thích gì bà Hoà, (là bà vợ bé) của bác sĩ Tấn. Vì Mi cho rằng: Bà Hoà giựt chồng người! Mi nghĩ cánh đàn ông các anh ưa bênh vực nhau. Nhất là Sơn, Năm Tony, họ với Tấn đã thân thiết từ hồi còn bé tí, nên họ coi nhau như ruột thịt. Kể cả con nhỏ Sáu (cháu ruột cuả bà Thủy) đang ngồi nói chuyện với Mi Mi về mấy anh ấy và bà Thuý:
- Cháu kêu bà Thúy bằng dì. Cháu mới thấy thấm thía nỗi đau của dượng Tấn. Chỉ vì dì Thúy và dượng Tấn thuở còn non trẻ: đã bồng bột vội vàng làm đám cưới. Khi họ chưa thật sự thấu hiểu nhau. Khi về làm vợ chồng rồi, thì họ mới lộ ra cả trăm điều trái ngược, mà không ai có thể ngờ! Nhất là sau nầy khi dượng Tấn đã thành danh trên đường đời. Dượng Tấn càng không thể chấp nhận có một người vợ kém sút từ mọi mặt. Dì không biết ngọt ngào chia sẻ với chồng, không đảm đang. Theo cháu nhận xét thì: dì Thúy vốn là cô gái nông thôn, nên dì Thúy hơi nhà quê, ít học. Vì thế lối ăn nói cuả dì thiếu suy nghĩ, xử trí kém cỏi, không tế nhị, vô duyên, lại có chút trẻ con. Cộng thêm tính ghen là số một, làm mất danh dự chồng không kể xiết, cùng lười biếng và vô trách nhiệm. Ở nhà dì ưỡn ẹo rông rống ngồi chơi xơi nước, dì không làm gì cả. Nhàn cư vi bất thiện mà! Có tật xấu là khi dì Thúy tức giận, thì chuyên môn đi ngồi lê đôi mách nói xấu người nầy, nhún vai chê trách người kia. Dì Thúy chẳng chịu đi chợ búa cơm nước gì, chồng đi làm về luôn đói meo. Thế là dượng bỏ nhà ra đi ăn… “phở” mệt nghỉ. Trước tiên là tốn tiền, sau đó lây lan qua tốn tình! Dì Thúy nói:
- Tội gì chợ búa cơm nước chi cho mệt. Ổng làm tới chức bác sĩ, bác sĩ thiệt à, có nhiều tiền ổng cho gái ăn cũng vậy. Tui cứ kêu người ta bưng cơm tháng, tội gì tui chui vô bếp cho khổ! Ổng đi… coi kià:
Đi đâu? Nay mới về nhà???
Có thấy xó góc chổi chà dựng bên
Tôi hỏi: “chỉ một mình ên
Sao mà thì thọt góc thềm làm thinh?
Nếu không có tật giật mình
Tại sao cúi mặt má phình tím thâm?
Dại khôn anh cứ thật tâm,
Kể ra… cho cả sơn lâm biết nào.
Thì tui… cha bảo chẳng gào
Ba bà có tức… ra ao nhảy ùm
Cùng nhau kéo cổ lùm lum
Cho anh chết ngộp khóc um mới chừa
Cái tật tành hanh ai ưa
Thấy gái, anh lấy vải thưa bịt liền
Anh mà mở mắt láo liên
Tui thề móc mắt rồi khiêng vô TÙ (*)

Mi ngậm ngùi nghe cô cháu gái cuả bà Thúy kể tiếp:
- Đúng ra, dượng Tấn rất mất mặt với bạn bè khi mang vợ ra ngoài xã hội giao tế. Dì Thúy luôn đốp chát những câu thiệt vô duyên, như gáo nước tạt vô mặt bạn. Sau nầy, khi Tấn gặp bà Hoà thì khác hẳn, Tấn yêu bà Hoà thông minh, tế nhị, khôn ngoan, đảm đang, vui vẻ. Có thể nói Tấn rất hãnh diện vì đã gặp và yêu bà Hoà (là vợ lẽ). Vì thế, thời gian sau dì Thúy cứ buồn xo “ngồi trong bóng tối”.
Mi liếc nhìn Sơn dò hỏi. Anh gật đầu:
- Ưà, Sáu nói nghe thật lạ lùng! Vậy mà thật đó. Bà Thúy có ba đứa con với Tấn, nay con cái khôn lớn, thành đạt cả. Các con Tấn rất yêu mẹ. Tấn đã tạo cho bà Thúy có cái nhà tươm tất, có cửa tiệm để các mẹ con sinh sống. Đặc biệt là Tấn chưa hề ly dị với bà Thúy. Trên pháp lý mọi tài sản đều là của Tấn (trừ khi Tấn làm di chúc để lại). Theo anh nghĩ Tấn không ngờ... Nên, em đừng nghĩ rằng bà Hoà “cướp” hết nha: Chồng, và 2 tài khoản: Một bank tiền Việt Nam. Một bank tiền USD. Bà Hoà chỉ giữ mấy quyển sổ ghi tên Tấn thôi. Bà Thúy vợ chính thức mới là người thừa kế tài sản, (khi Tấn nằm xuống xuôi tay, ba đứa con cuả bà Thúy rất tốt đã xúm lại thuyết phục mẹ chúng, nên làm giấy ủy quyền (vợ lẽ cuả cha); cho bà Hoà có tiền nuôi hai đứa em nhỏ cùng cha khác mẹ. Bà Thúy rất thân với bà vợ cũ của Năm. Hai bà có những tính giống nhau, nên mỗi lần gặp mặt, là họ xúm lại chửi Năm và Tấn ác liệt. Thật oan uổng và tội nghiệp lắm em! Hãy lấy công tâm mà xét xử công bằng đi.
- Thì anh cũng kinh khủng không vừa gì! Chắc anh muốn nói: Tình yêu chân thật phát xuất từ hai trái tim đồng điệu, thông cảm. Thì sự cần thiết ấy không có tội, có lỗi. Phải không nà?
- Thôi em! Moi móc làm gì. Chuyện buồn mà! Anh không muốn tranh luận với em điều nầy. Có thể em nghĩ anh không công bằng, thiên lệch, khi anh chỉ đến thăm mẹ con bà Hoà, mà hầu như ít đến thăm mẹ con bà Thúy (vợ chính thức). Nếu em biết sự thật, em sẽ thấy anh có lý. Tấn cũng “đào hoa” ra phết đó em à. Ai có ngờ con người coi như có vẽ chậm chạp, lù đù, hiền lành, ít nói. Thế mà có khối bà, khối cô mê Tấn tít thò lò! Kỳ xưa, anh Tấn bị “hai bà: vợ lớn, vợ bé” đuổi ra khỏi nhà, chỉ vì anh ta có thêm “bà Ba” nữa mới chết! Tấn phải đi lang thang ngoài phố, ăn cơm quán, ngủ hotel suốt một năm. Ấy là vì hồi đó Tấn lại cặp một con bồ xinh xắn luôn xà nẹo khác. “Một vợ nằm giường lèo. Hai vợ nằm chèo queo. Ba vợ ra chuồng heo mà... nằm”. Anh Tấn định thuê nhà để bà đó về ở chung.
- Trời! Thì hồi đó chính Sơn thuê nhà cho Tấn ở đó mà. Cả đến bây giờ, khi anh Tấn chết rồi, lại có cô bác sĩ trẻ măng mê anh Tấn hết sức. Lúc sắp sữa liệm, cô ta chạy ra ngoài ôm mặt khóc nức nở! Cô bác sĩ nầy trẻ tuổi lắm, cô chỉ hơn con của Tấn năm bảy tuổi là cao. Tôi có biết cô ta. Theo tôi nghĩ có lẽ do cô ấy quý trọng tài năng của Tấn, thì đúng hơn. Nghe chị nói, tôi mới té ngữa ra. Ai dè cái bề ngoài Tấn đạo mạo, nghiêm trang. Mà ẩn chứa trong lòng những “sống động tình cảm sôi sục cồn cào” chứ. Có điều làm sao mà anh ta “dàn xếp” tuyệt hữu khi chia tay với bà nầy, hẹn hò chung sống với bà kia yên ổn. Dù họ:
BA BÀ đấu khẩu bên thềm
Nạt nhau đừng có vác mền giữa đêm
Lưng dài cao cẵng lại thèm
Suốt đêm anh lỡ say mèm “Phở, Bia”
Cơm không thể nuốt "ôm bia mộ” buồn!!! (hê hê hê!!!)
Lỡ "khiêng về" BA vợ khùng!!!
Bởi vì: Bà(1) nói lung tung,
Bà(2) trợn mắt. Bà(3) lủng củng trong mùng
BA BÀ chẳng thể thủy chung
Đánh anh chí choé lùng bùng lỗ tai
Chàng bèn than thở vắn dài
Ba bà bỏ tuốt. Một hai vái chừa !!! (*)
Năm còn nhớ có lần đám bạn gặp nhau, Tấn mời tôi đi ăn cơm rồi giành trả tiền. Tấn moi trong ngăn bóp tờ một trăm xếp nhỏ xíu, nhét kỹ một góc kín.
Ai ơi! ngó lại mà xem
Thời nay có một anh thèm cặp ba
Bà hầu quạt đêm Hạ. Bà
úm mền. Bà bóp hông ‘đá’ tứ tung
“Em ơi, khe khẽ anh cưng
Ôi dào đau quá cái lưng sụm rồi!!!”
Bởi do BA BÀ tơi bời
Bị đây, tại đó chẳng rời vén vun
‘Đây’ thì do ‘đấy’ ôm hun
Lim dim bốn mắt môi chùn chụt thôi
Chu choa cái ấy em ơi
“Chắc là tui trốn cho rồi”. Về quê!!!
Trốn đâu BÀ cũng moi về
Nợ đời phải trả BÀ thề "hưởng dương"
ÔNG ở góc phố cuối vườn
Trốn đâu BÀ cũng tìm đường tương chao! (*)

- “ÔNG ở góc phố cuối vườn. Trốn đâu BÀ cũng tìm đường tương chao”! Nhưng bây giờ chết đi, anh Tấn chả mang theo được đồng nào. Thậm chí mấy nút áo, nút quần, cũng bị lặt ra để lại trên trần thế. Theo tục lệ Việt Nam, họ nói phải cắt hết mọi thứ để lại, không có đem theo sắt đá nút neo gì hết. Xác mới nhẹ nhàng, dễ siêu thoát. Tuy vậy Tấn chết đi, còn để lại mối ưu phiền cho hai bà vợ, cùng bầy con hai dòng máu một cha khác mẹ, quả thật là rất buồn! Thiệt! Xét cho cùng, Mi vẫn thấy thương bà vợ lớn hơn. Bà lớn tất nhiên không khôn khéo, thất học, không biết cư xử, không biết cách giữ chồng, (như lời cô Sáu và Sơn nói). Nên bị người khác giựt chồng là phải! Vì bà lớn quá yêu chồng, sợ mất chồng, nên “kè kè giám sát” từng hành vi, cử chỉ chồng. Khiến anh ta nổi giận vì sự ràng buộc khắt khe quá mất tự do, mà... xa! Còn bà nhỏ lanh lẹ, khôn ranh hơn là ngoan, có học, tinh tế là có chủ đích cả! (như lời anh ca tụng). Bà Hoà rất biết là Tấn có vợ con “đình huỳnh”. Nhưng bà ta vẫn có cách ngầm ngầm ma lanh để câu móc chiều chuộng chồng người. Vỗ về an ủi chồng người! Rồi đương nhiên nhào vô giựt chồng người... Anh cho là... là phải nốt!?

- Thôi, dù sao cũng là chuyện nói cho vui, chứ chả còn gì! Giữa hai bên chỉ là khoảng trống mênh mông. Thấy tội cho mấy đứa nhỏ con cuả hao người đàn bà: chúng cũng là anh chị em ruột cùng cha khác mẹ, mà hai bên chưa bao giờ quen biết nhau, từ xưa đến bây giờ, và mãi mãi... Họ đứng trên hai “chiến tuyến” khác hẳn nhau.

***

(*) Thơ Vui Tình Hoài Hương

Tình Hoài Hương

Hai Dzợ...

Chiều kêu bìm bịp kêu chiều
Lấy vợ phải lấy hai kiều một đôi
Ban ngày ôm ấp đã đời
Đêm về sung sướng mê tơi đêm trường
Nằm chung là phải hai nường
Nằm riêng nó dzỗi... muốn thương ai nào ?
Lãng mạng nó bảo ...tào lao
Đứng đắn nó bảo...người sao khùng khùng
Hai đứa nó ...khiêng dzô mùng
Làm chi cũng phải làm chung hổng rời
Ai ơi thật phí của giời
Lấy dzợ thì phải hai người mới dzui
Số mình thôi thật là xui
Lấy có một dzợ ngậm ngùi tủi thân !

VeSau
(10/09/2016)

* Nói dzậy mà không phải dzậy, chuyện tưởng tượng ... mơ mộng... quý dzị đừng có nghe xúi dzại, mần thiệt là... tan cửa nát nhà... trở thành homeless là bỏ bu đấy !!!

Tinh Hoai Huong
12-25-2016, 01:01 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1/1482626552-3 LT 81.jpg

http://hoiquanphidung.com/uploadpics/mp3_pdf/1482626832-Da Lat Tinh Yeu - Vu Khanh.mp3
Đêm NOEL ở Đà Lạt


Noel xưa anh nhớ
Khi hãy còn yêu nhau
Nhà thờ nơi cuối phố
Thấp thoáng sau ngàn dâu
Anh chờ em đi lễ
Chung dâng lời nguyện cầu...
Mimosa mimosa bừng nở
Đẹp như tình ban đầu (1)


Đêm Noel Đà Lạt khai sinh Mười với tuổi xuân hồng phơi phới rót mật vàng từ thinh không xuống lòng phố nở hoa mùa đông. Gió cuối mùa lồng lộng thổi về làn hơi buốt giá lạnh tê người. Bầu trời ướt đẫm sương đêm Noel tuyệt vời, ngọt ngào ngây ngất đầy hương vị tình yêu miền núi. Từng hồi chuông dài ngân nga giữa đỉnh đồi bay qua các sườn dốc, các khe thung: tiếng chuông mừng vui réo gọi hoan hỉ reo vang cùng thế nhân. Một đêm hội lịch sử đón chào Chúa Giáng Sinh 24 tháng 12: là đêm lạnh lẽo buốt giá hạnh phúc vui vẻ tưng bừng rất mùa xuân. Hàng cây tối mờ trong lớp sương mù dày bao bọc vòm trời ẩn hiện ánh đèn vàng vọt mờ nhạt ở đầu phố, tạo thành nhiều đóm sáng bất động. Các mái nhà dưới thấp trên cao chênh vênh bên sườn đồi thoai thoải. Những con đường mòn chạy dài xuống thung lũng âm u văng vẳng đâu đây tiếng lao xao cười nói ồn ào. Nhiều tốp nam nữ thoáng chốc tấp nập ra phố đêm đi dự lễ.

Trên các nẻo đường lớn trong thành phố, người đi kẻ lại đông vô số kể. Họ khoác bộ cánh rực rỡ, áo lạnh khăn quàng, găng tay, mũ len đủ mọi màu sắc. Phố phường tưng bừng rộn rã hoan ca, khác hẳn ngày đầu đông ở xứ lạnh. Người người vui vẻ cười đùa, chuyện trò ríu rít, đi lại ngược xuôi chen lấn nhau trên đại lộ. Nơi đây không một chiếc xe nào có thể qua lọt giữa rừng người bách bộ đông như kiến. Người ta vui vẻ nói cười, không cần biết những ông cảnh sát đang vất vả làm việc lưu thông không ngưng nghỉ.

Mười chợt bừng tỉnh giấc ngủ nồng say sau mùa Thu héo úa, rồi mùa đông buốt giá gần tàn. Lòng cô em xôn xao, thỉnh thoảng gió thổi qua mát rượi, đủ làm cho da người con gái xứ lạnh càng thêm thắm hồng, dấy động từng thoáng nhớ đắm say, vấn vương ngọt ngào mãi không rời, qua tiếng tơ lòng dìu dịu rung ngân trên mỗi phím loan. Ở trong tư gia: Bảo, Quốc Toàn, Thịnh, Trình đang loay hoay trang hoàng cây thông cao quá, đọt đụng trần nhà bị cong hẳn lại, Bảo phải cưa bớt một đoạn dài. Sau đó các cháu móc đầy dây kim tuyến, ngôi sao, quả cầu đủ màu sắc, thiệp Noel, thiên thần, ông già Noel, và giăng nhiều đèn màu chớp tắt. Dưới gốc thông có những gói quà nho nhỏ, xinh xinh, bánh, kẹo, đồ chơi linh tinh... Nhạc giáng sinh trỗi lên tưng bừng nhộn nhịp, hoan hỉ vui vẻ trong căn nhà ấm áp. Tiếng cười con cháu vang khắp nơi vui như mở hội. Sau nhà ngang: chị Khánh, và bà bếp đang chiên xào nấu nướng các món ăn thơm phức. Họ chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, lát nữa đi lễ về, là gia đình ăn réveillon.

Ăn cơm tối xong, Mười quét dọn, lau chùi nhà cửa sạch sẽ tươm tất. Nàng ủi áo quần cho gia đình để chuẩn bị đi lễ. Thơ vừa lau bụi trên các kệ sách, nàng nói:
- Hồi chiều, có anh Phú, Lễ, Tài, Vinh, đến nhà mời chị em mình, mười giờ rưỡi lên Couvent xem lễ, chứ ở Nhà Thờ Lớn đông lắm! Rồi tụi mình về nhà họ ăn réveillon, mở party... Em chưa kịp nói gì, thì anh Nam đến.
Ngạc nhiên, Mười ngừng ủi áo, ngẩng nhìn em, hỏi:
- Anh Nam gặp Phú? Họ nói chuyện vui vẻ há?
- Coi chừng cháy áo. Chị "táp pi" em tới tấp à? Họ chào hỏi nhau, vui vẻ cả làng. Khoái chưa?

Hồi chiều Mười bất ngờ thấy Nam ngoài phố, lòng Mười đã rộn ràng, xao xuyến, mừng rỡ. Về nhà Mười dấu kín niềm vui nầy, vờ như chưa biết gì. Phần các cháu muốn Mười có chút bất ngờ thú vị, nên chúng cũng không nói Nam từ Sài Gòn đã lên Đà Lạt. Tâm trạng Mười lúc này thật kỳ, vừa mừng vừa lo, bồi hồi, quắt quay với nỗi mong chờ. Bây giờ nghe cô em vừa nói, lòng nàng nao nao, băn khoăn bồi hồi. Lãng mạn không? Nhắc đến Nam, Mười quên hết mọi sự, tươi vui nét mặt ngay, mọi thứ bỏ sang một bên. Khi tình yêu đến có khác gì cây khô gặp mưa thuận gió hòa, đã trở nên xanh tốt. Muốn sớm gặp người yêu, nàng nôn nao, vui mừng, thấp thỏm, không yên ổn ấy mà.
- Chị cũng đi lễ với các anh kia chứ?
- Đi sao được!
- Đến nhà Phú xí, rồi chị về đi lễ với anh Nam. Không có chị, chẳng vui.
- Đủ rồi. Em không chuẩn bị gặp người yêu sao?

Thơ cười hì hì, nàng mặc sẵn áo dài mới màu xanh nhạt, điểm cánh hoa vàng nhỏ rải rác trên tà, quàng chiếc manto đen. Từ khi có "bồ", vấn đề ăn mặc trở nên cần thiết với Thơ, quần áo tuy lèng xèng giản dị, nhưng tươm tất. Nàng nghĩ: Dù sao nên "giữ kẽ" một tí, diện một tí, chứ xuềnh xoàng quá, coi cũng mất mặt bầu cua. "Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần" mà! Mười đi lên, đi xuống con dốc mờ tối năm bảy lần, chờ đón, ngóng trông Nam kinh khủng. Ruột nóng như lửa đốt. Dưới ánh đèn vàng vọt đầu phố có hàng cây tối mờ, bụi qùy cánh lá xòe to nham nhám, thấp thoáng nhiều bông hoa màu nghệ, nhụy nâu nở hết cánh trông vui mắt, chúng nép mình dưới chân vách đá. Các mái nhà dưới thấp, trên cao, chênh vênh bên sườn đồi thoai thoải, chạy dài xuống thung lũng âm u, có ánh đèn mờ nhạt chiếu ra, tạo thành nhiều đóm sáng bất động, lớp sương mù dày bao bọc cả vòm trời. Cuối sân sau của trường kỹ thuật Lasan, nơi bờ khe nhỏ ăn xuống phiá dưới là khe mương nước chảy một bên đường.

Thỉnh thoảng vài hòn đất, đá, lăn trên khe cao rơi xuống nghe một tiếng "bủm" khô khan to và lạnh lùng. Mười dừng lại, nhìn về phía đó đăm đăm, hình như có tiếng ai nói gì trong bóng tối, nơi ánh đèn đường không dọi tới. Ai nói gì vậy!? Văng vẳng đâu đây tiếng lao xao cười nói ồn ào thoáng chốc đến nhanh. Ồ, thì ra chỉ là tốp nam nữ tấp nập đi nhanh ra phố đêm dự lễ. Coi vậy nàng nhác gan ghê! Có cái gì khiến Mười nhìn ra đầu đại lộ Yersin? Năm ba cây anh đào hoa nở rộ cài cánh hoa mong manh, ẻo lả, trên cành trơ trụi lá. Đồi thông rì rào trò chuyện dưới thung lũng, khu đất nhà ông Nguyễn Đệ rộng mênh mông, thì có gì để nàng phải đăm đăm nhìn về hướng đó, mà lòng thấp thỏm bồn chồn âu lo quá đỗi?

Chiếc taxi ngừng lại ở đầu dốc; Nam bước xuống, chàng mặc bộ veston mùa đông màu đen, cà vạt màu nâu non ôm kín cổ áo sơ mi vàng nhạt, áo pardessuis màu kem vắt trên vai như khách lữ hành ngày xưa mới gặp. Nam mang đôi giày da thời trang cùng màu với bộ veste. Mười cười rạng rỡ, liền ríu rít rảo bước về phía Nam. Dưới cột đèn đường khi nhìn thấy Mười, anh âu yếm trao nàng nụ cười tươi thắm. Nam im lặng nắm tay Mười đi xuống dốc. Nàng líu lo:
- Sao anh không viết thư báo tin trước. Em sẽ đi đón?

Nam im lặng đưa Mười quyển album, hộp bánh, quyển "Trau Dồi Ý Chí" của Claude Maillard, một hộp nho nhỏ bao giấy kính vàng cột nơ hồng (quà gia đình các anh chị, các cháu, thì Nam đã đem đến hồi chiều).
- Anh lên đây hồi nào vậy. Nam?

Chàng siết chặt tay nàng, khẽ thở dài, Nam không nói: Mặc cho Mười ríu rít hỏi chuyện, Nam chỉ cười cười siết chặt tay Mười. Dừng lại dưới ánh đèn, nàng giựt tay ra khỏi tay Nam, ngẩng lên, hỏi:
- Giận em à, hở anh?
- Mười đi đâu, từ sáng sớm đến tối mịt vậy em?
- À, em đi Cầu Đất với mấy nhỏ bạn làm chuyện tào lao, ngu ngốc. Anh lên đây, em rất mừng.
- Biết có "họ", thì anh hổng thèm lặn lội từ Sài Gòn lên Đà Lạt (để dự lễ Noel đầu tiên của chúng mình). Mười có vài chàng trồng cây si, cây mơ… nhớ gì đến anh, mà mừng vui. Họ chờ em suốt buổi đó.
- Tự họ qúy mến cả nhà. Chẳng riêng ai. Không vì ai, anh ơi!
- Chưa chắc à.
Hai người tiếp tục đi xuống con dốc nhà:
- Anh thấy Nghi “bà con xa xa" của em đã đến đây.
- . . .
- Ủa! không bà con sao? Vậy không lẽ… là “bạn yêu” của chị Hạc?
- Mỉa mai gì ác thế? Em yêu anh nhiều mà.

Cảm động trước câu nói bất ngờ, Nam nhận tình em yêu bằng cách chàng tìm bàn tay Mười trong bóng tối, ánh mắt tha thiết nồng nàn hơn. Không nỡ trêu chọc nàng, Nam sợ Mười hờn dỗi, thì mất vui. Họ buông tay nhau khi đứng trên thềm. Sau đó Nam, Mười, cùng các cháu đi lễ đêm Noel. Họ đi trong lòng phố giá băng buốt lạnh, mang trong lòng niềm hân hoan yêu đời, vui vẻ hạnh phúc, bình an, tuyệt vời nhất. Thỉnh thoảng gió đông thổi qua mát rượi, đủ làm cho da người con gái xứ lạnh càng thêm thắm hồng. Noel khai sinh tuổi xuân hồng phới phới đang rót mật vàng từ thinh không xuống: lòng phố nở hoa mùa đông trên đỉnh đồi mù mịt sương muối và trong cánh đồng thương yêu của Nam và Mười. Một Noel tuyệt vời ngọt ngào ngây ngất, đầy hương vị tình yêu miền núi.

Từng hồi chuông dài ngân nga giữa đỉnh đồi, qua các sườn dốc, các khe thung tiếng chuông mừng vui réo gọi, hoan hỉ reo vang cùng thế nhân đón chào ngày Chúa giáng trần. Có hai vì sao sáng nhất thân ái quỳ gối bên nhau trò chuyện trên bến Ngân Hà. Vành trăng khuyết lơ lửng như chiếc thuyền con trôi đi trôi về giữa các tầng mây. Noel là một lễ Giáng Sinh tuyệt diệu, hạnh phúc nhất của đời cô gái mười sáu tuổi chớm lớn. Và, có lẽ là một Noel tươi đẹp thú vị nhất của một chàng trai mười chín tuổi. Lòng Nam và Mười xôn xao dấy động, họ vui không thể tả. Tay trong tay tình nồng trong mắt biếc trao đưa, đôi mái đầu xanh chụm lại, cùng dạo bước bên nhau quanh khu trường học, theo các cháu vào hội trường xem học sinh trường trình diễn văn nghệ. Triển lãm tranh ảnh. Bích báo. Tuần san. Máng cỏ. Riêng “hai anh chị”̣ sau khi dạo xem quang cảnh trường, họ ngồi ngoài băng ghế đá, cạnh vườn hoa trước nhà thờ Dòng. Chàng lấy trong túi áo veste ra một hộp sơn mài nhỏ, có sợi dây chuyền vàng 18k, mặt chữ ghi NM. Anh vui vẻ ân cần đeo sợi dây chuyền vào cổ Mười, âu yếm nói:
- Kỷ niệm dù bé nhỏ, vẫn có giá trị về hạnh phúc một đời. Ta cảm ơn Chúa cho chúng mình gặp nhau, yêu nhau. Em nha.
- Dạ phải.
Vuốt lọn tóc buông dài trên bờ vai Mười:
- Mái tóc em dài, anh rất thích, đừng cắt ngắn nghen em.
- Anh khen quá, em bể lỗ mũi, chết à.
- Ơ kìa! Ai khen em mà bể mũi. Mắc cỡ chưa!
- À há. Anh chỉ nói mái tóc em dài, chớ chẳng phải khen em, em mà dị dạng rứa hè. Anh là khách lữ hành, dù đất lành chim vẫn chưa đậu. Rồi chốn phồn hoa đô hội cũ sẽ gọi anh quay về thôi. Có gì mà không bể mũi em chứ.
- Phượng hoàng đã gãy cánh trên đôi vai nầy rồi.

Vỗ vỗ trên vai Mười, Nam nói lời dịu ngọt, Nam nâng niu lọn tóc dài xõa bên má và đưa lên môi hôn. Mười cắn nhẹ làn môi, đầu nghiêng hẳn lên vai chàng. Hơi thở Nam ấm nồng phả nhẹ vào trong tóc Mười như làn hơi sương nhút nhát mà ấm áp. Ngón tay thư sinh trắng trẻo mềm mại truyền qua làn tóc mỏng xõa trên vai Mười cảm giác đằm thắm, lâng lâng ngọt ngào dễ chịu. Nam biết, nếu anh cúi xuống đặt lên môi Mười nụ hôn đầu tiên, có thể nàng không phản đối. Nam đắm mình trong hạnh phúc bất tận, ngây ngất niềm vui dạt dào. Nam nâng niu, trân trọng mối tình nên thơ, hồn nhiên nở hết cánh trong trái tim chân thật. Sao lạ quá! Cũng như lần Nam gặp gỡ Mười trước kia, ý nghĩ về việc Nam muốn ôm ghì Mười vào lòng mà hôn, cho thoả những nỗi niềm nhớ nhung bấy lâu vẫn nung nấu trong lòng. Nhưng rồi… Nam nhìn Mười hồn nhiên và giản dị ngây thơ, thì Nam cố gắng “đè nén” xúc cảm hừng hực và rạo rực… chìm xuống xí. Cứ vẩn vơ nghĩ đến… là Nam cảm thấy người mình xôn xao nóng rang trong trạng thái lâng lâng dật dờ rất khó chịu…

Tiếng chuông báo hiệu nửa đêm ngân dài giữa vùng núi đồi trùng điệp chập chùng biển sương mù trắng xóa, thì hai người dìu nhau vào giáo đường xem lễ. Nam dâng cuộc đời, tình yêu nầy và tương lai cho Chúa Hài Đồng gìn giữ. Sau đó Nam về nhà chị Khánh ăn mừng lễ trong không khí gia đình ấm cúng, thân mật. Ba giờ khuya, chàng từ giã Mười để về nhà Tuấn ở cuối đường Hoàng Diệu.

Chàng sẽ không bao giờ quên kỷ niệm vàng son một thuở yêu nhau, không thể nào quên… dù mai đây thời gian trôi chảy mãi, đời mỗi người trong hai chúng ta sẽ xa cách, phai mờ đi. Cuối cùng tình yêu nầy vẫn sống mãi trong tiềm thức, trong tư tưởng mỗi người. Một mình Nam đi trên lòng phố vắng, hồi lâu chàng còn nghe rõ tiếng gót giày cô đơn thong thả gõ lóc cóc lộp cộp đều đặn trên mặt nhựa đẫm sương mù, giống như Nam đang đi trên dòng thác vừa tráng thêm lớp men tình. Sương rơi lốp đốp trên cành, hạt sương mọng to tròn long lanh như ngấn lệ đọng, sương đậu ở đầu ngọn lá rung rinh dưới ánh trăng nhạt nhòa. Sương phủ trên thân Nam tê buốt thịt da giá rét vô vàn.

Nam dừng lại giữa lòng thế kỷ lần tay tìm trong túi quần gói thuốc Craven “A”, hai lòng bàn tay Nam khum khum che đốm lửa, điếu thuốc lập loè gài lên môi, Nam ngửa mặt lên trời thả ngụm khói tản mạn trong không trung, quyện lẫn hơi sương ngút ngàn bay bay. Nam cảm thấy đơn điệu, cô độc lạ thường đang choàng vô cái khuya buốt lạnh, giá băng, im ngắt đến ghê rợn. Đường về khuya tại thành phố Đà Lạt trữ tình càng hiu hắt hoang vu. Khuya thăm thẳm sắc bén ăn sâu vào lòng du khách, khuya lạnh lùng vây bọc nhận chìm Nam trong đam mê ngút ngàn phong thổ. Ngàn đời xứ Cao Nguyên Lâm Viên vẫn không thể mất đi vẻ thơ mộng, hữu tình, tràn lan quyến rũ, trọn vẹn những tấu ca hương trầm dạ khúc đêm trường qua cung đàn đắm say ở trần thế: Thôi thì xin hưá anh là Sương, em là Cỏ: Chúng ta sẽ vĩnh hằng “Mộng Chung Đôi Cánh”* nha em:
Đời phiêu lãng thấm đẫm sương rơi
Mái tóc anh bỗng thấy bạc rồi
Sương cỏ giao tình mơ khắng khít
Cỏ sương thầm ước mộng chung đôi.

Không lẽ Không-quân mãi giạt trôi
Núi mòn sông cạn lướt chơi vơi
Thương em hứa hẹn làm thân cỏ
Hạt ngọc sương trao ngậm chẳng rời.

Sương đọng rung rinh ánh mắt nàng
Xuân tình bay bổng nhớ đài trang
Phi công cánh bay vờn trong gió
Lả lướt tình sương cỏ dịu dàng.

Danh lợi phù vân chẳng có màng
Cỏ đây sương đấy ước bình an
Đôi ta nghĩa trọn tình chung thủy
Phước lộc vui vầy sống thọ khang... (2)
***
(1) Thơ Nhất Tuấn
(2) thơ Tình Hoài Hương
*

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
01-24-2017, 11:30 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1/1485306594-THHPic.jpg

http://hoiquanphidung.com/uploadpics/mp3_pdf/1485314476-NGUA PHI DUONG XA - Cao Minh.mp3

Kỷ Niệm Sợ Té…!
NGHỊCH NHĨ


Nhìn dáng vẻ chiếc OH–6 tròn tròn, nho-nhỏ mảnh mai như vậy, mà trong chiến trường VN làm cho nhiều người sợ nó lắm, ngoài địch ra, còn có tui nữa!
Dân miền quê gọi chiếc OH-6 là cái “hột vịt”, chiếc “cán gáo” hay con “cá nóc” đều là nó cả; còn chiếc Cobra mình ốm, thon dài được ví là con “cá lẹp”, hoặc tuỳ theo vùng kêu là con “còng cọc”! Hai anh chàng nầy thường đi có đôi có cặp, hể thấy OH-6 là y như rằng có Cobra quanh quẩn đâu đó!

Cái hột vịt khi bay nghe âm thanh kêu xè xè trộn lẫn với o-o; chứ mình không nghe tiếng phành phạch từ xa, như chiếc UH! Nó nhanh lắm, đến và đi thật lẹ, thường đi săn và bắt sống VC hoài! Mấy tay du kích đi lang thang, lỡ độ đường nghe nó từ xa, lật đật chạy chui vô rừng lẫn trốn, bị nó bám theo hover (bay đứng một chỗ sẵn sàng bóp cò, thì làm sao trốn thoát, hoặc mấy anh vừa chui vô hầm trong đám rừng lá, cũng không khỏi nó cho ăn lựu đạn banh thây! Đôi khi nó cũng bị… “hố”! Hốt nhằm mấy ông nông phu đang ở ngoài ruộng với mấy cây chĩa bảo:
- VC weapons!
Các đơn vị lớn của VC đang ém quân trong rừng, thấy nó cũng khôn hồn nằm im, không dám bắn, vì biết rằng chọc đến nó, là ít phút sau con “cá lẹp” sẽ đến, mà hoả lực của Cobra mạnh khiếp lắm! Tôi có anh bạn là dân bay AD–6, tình cờ một lần về quê bị kẹt xe đò, nên chứng kiến cảnh Cobra đang xịt rocket, và bắn minigun như bò rống, nhìn kiểu đánh và hỏa lực của nó, anh còn phát mê; cứ trầm trồ kể lại và còn gật gù khen:
- Không ngờ “coi gầy gầy… mà thầy chạy” đấy!

Còn OH-6 thì xoay trở nhanh nhẹn, dễ dàng; mới thấy hover đó, mà tạt ngang một cái vèo cách đó độ 100 mét nhanh như cắt! Các bạn có bao giờ quan sát mấy con ruồi lằn (con nhặn) trong buổi sáng sớm chưa? Nó đang kêu vo-vo bay đứng một chỗ, bỗng nghe tiếng rít lên “te” một phát là mất tiêu, rồi hiện ra cách xa đó chừng 5 mét, mà mắt mình không tài nào trông thấy kịp nó bay đến đó cả, nhanh hơn mấy con ruồi thường nhiều! Ấy đấy! mấy chiếc OH –6 cũng nhanh gần như vậy!

Quý bạn đã sống ở ngoại quốc văn minh sạch sẽ nên hiếm khi gặp, và thấy chỗ ruồi bu kiến đậu, nên chắc là không để ý, chứ còn cá nhân tôi được… “hên”, nên thấy hoài và quan sát kỹ lắm! Số là thời gian đầu đi “tập trung cải tạo” tại trại Hốc Môn, mỗi khi đi “thăm lăng Bác” ; ngồi ở dãy nhà cầu có mái tôn che mưa nắng, nằm sát hàng rào kẽm gai doanh trại; do chính mình đào hố, ngăn vách; cũng thưởng thức được cái hoạt cảnh nầy. Ruồi nhặn đang xôn xao, vo–ve bay tùm lum; từ trên cao cả chục con chim én nhào xuống ngược chiều nhau lạng qua, lách lại để bắt ruồi trước mặt mình rồi vọt lên; trông không khác gì mấy chiếc phản lực đang oanh kích vậy. Thỉnh thoảng được làn gió nhẹ thoáng qua thổi mát, ngồi đó mà nhìn cảnh nầy xem như màn giải trí thật thú vị! Nhờ vậy, tôi mới có dịp quan sát kỹ mấy con ruồi lằn, để bây giờ đem so sánh!

Trở lại với chiếc OH-6, tôi có một kỷ niệm, xin kể: Một buổi xế chiều cuối năm 1969, trong phi vụ liên lạc tôi bay UH-1 chở mấy ông Sỉ Quan Bộ Binh đi từ Cần Thơ đến Cao Lảnh, với copilot là anh Lư Chí (sau nầy lên Đ/uý về Biên Hoà và rớt chết trong chuyến bay đêm) và cơ phi là anh Th/ sĩ Chua. Chúng tôi đáp ngoài ruộng khô, trơ gốc rạ; gần Bộ Chỉ Huy hành quân đặt ven tỉnh lỵ, để thả mấy ông sĩ quan xuống, xong tắt máy nằm chờ!

Khoảng nửa giờ sau có một anh OH –6 bay hành quân về, và đáp gần với chiếc của tôi. Tôi chạy đến và xin anh pilot Mỹ cho tôi lên đi bay thử chơi với anh, vì tôi thích nó! Anh đồng ý, tôi bèn quay về lấy helmet và lên ngồi ghế trái! Tôi nói:
- Đây là lần đầu tiên tôi bay thử loại nầy.

Tôi bắt đầu nhấc máy bay lên hover; thấy cũng nhẹ nhàng, máy bay đứng yên một chỗ, không có chao đảo gì cả, tôi yên chí tiếp tục quay tròn 360 độ, rồi bay ngang trái, ngang phải… tiếp theo đó tôi cất cánh đảo một vòng, rồi về đáp. Nói nào cho ngay, tôi cũng ráng “gò” để đáp cho êm, sợ anh Mỹ nầy cười. Anh pilot Mỹ hỏi tôi:
- Cảm thấy thế nào?

Vì phép lịch sự nên cái gì tôi cũng khen good cả, thank you và định leo xuống. Đột nhiên, anh ta nói:
- Let me try it !
Máy bay đang nằm dưới đất, anh bỗng hốt thẳng lên một cái ào cở 30 feet để hover, quay 360 độ một cái vù, rồi giựt sang trái, kéo sang phải vèo vèo, như thể bay test (thử tàu) vậy, xong đáp xuống lại! Rồi lần nầy anh lại kéo vút thẳng đứng lên thật cao cở 100 feet, để hover, xong anh chúi mũi xuống lấy tốc độ, xuống thật thấp, thấp nữa... đúng là bay rase mottes, hai càng (skids) gần liếm gốc rạ! Tôi nhận ra tay nầy bay cũng “bạo” đây, và có thêm tí… “giựt le” nữa, mà tui đâu có ngán!

Đến khi thấy tốc độ khá cao, anh Mỹ mới kéo cho máy bay vọt thẳng đứng lên, thấy máu trên mặt chạy rần rần, tôi cho rằng đó cũng là lẽ thường thôi, đến khi máy bay vọt lên hết đà, anh bắt đầu quẹo ngược lại 180 độ, kiểu như bên khu trục làm loop vậy, tôi không để ý biết là góc độ bao nhiêu, mà lúc đó nhìn xuống chân thấy trời mây không hà! Tôi hoảng hồn, và bắt đầu thấy sợ thiệt! Khi quẹo lại xong, anh tiếp tục bay và vẫn còn trên cao, anh liền nghiêng mình quẹo phải thật gắt; tôi chưa kịp hoàn hồn, thì lại thấy chân cẳng chỉa lên trời một lần nữa. Vậy mà nào đã ngưng đâu, anh cứ bay tới, và thình lình biểu diễn làm một cái quick–stop, coi như thắng gấp vậy. Rồi lần nầy mới khiếp: anh nghiêng quẹo gắt về phía trái, tôi thấy đầu mình chúi xuống đất, nhìn mặt đất cứ dâng dâng lên… Tôi gồng mình mà sợ, nghĩ thầm tự trách mình "sao chơi dại quá, tự dưng đi tìm cái chết lảng xẹt". Cũng may đầu tôi chưa đập xuống đất, máy bay đã trở lại bình phi và anh đảo một vòng nữa, rồi về đáp.

Tôi chưa có dịp đi theo khu trục để oanh kích, nên chưa được cảm giác mạnh, nhưng tôi nghĩ mỗi khi máy bay lao xuống bỏ bom bắn phá, rồi cất lên,thì mình đã biết trước trong đầu như vậy rồi, tinh thần có chuẩn bị sẵn, nên cũng không sợ lắm đâu. Trái lại đằng nầy tôi không biết trước, và đoán được những phi tác của anh pilot Mỹ nầy, cộng thêm cái góc độ quẹo của chiếc OH-6 nầy quá lớn, hơn hẳn với chiếc UH1. Cả hai cái bất ngờ đó “ập” đến, làm cho tôi kinh sợ cũng phải. Thật lòng mà nói thế, dù ai có chê cười tôi là “chicken”, cũng xin chấp nhận. Thú thật trong suốt gần 20 phút bay đó, tôi chỉ trân mình mà sợ, chớ có thưởng thức được cái hay dở gì của OH-6, và tài nghệ của anh pilot Mỹ nầy đâu!

Lúc máy bay đáp xong, tôi biết rằng mình không chết rồi, mừng hết lớn! Mặt mày không biết có còn tái mét không, nhưng bạo gan, tôi làm bộ tỉnh cũng ngồi yên gật gù khen good, you’re number one nầy nọ; chứ trong bụng muốn leo ra khỏi máy bay ngay lập tức. không cần chờ đợi anh ta tắt máy gì cả; chỉ sợ anh ta được khen, rồi hứng chí hốt máy bay lên biểu diễn tiếp vài cú nữa là... bỏ bu!

Nhìn ra ngoài tôi thấy hai anh Lư Chí, và Chua đang hướng về phía tôi cười ngặt ngoẻo! Vừa về gần đến tàu mình, Lư Chí nói liền :
- Trời đất ơi! thấy nó dợt anh ghê quá, tôi tuởng là anh tiêu tùng rồi đó. Từ trước đến giờ tôi chưa từng thấy ai bay như vậy bao giờ cả, ghê quá đi!
Tôi cũng thú nhận:
- Ờ! tao cũng ghê, ớn thật, từ nay xin chừa không dám chơi dại nữa.

Ngay sau đó, tôi cũng bỏ cái tò mò lởn vởn trong đầu là có dịp sẽ bay thử chiếc Cobra xem sao, vì nghe nói chiếc “cá lẹp” nầy sau khi chúi xuống bắn, đôi lúc kéo vọt lên, cũng có lực đè hơn 1G gì đó nữa! Thôi từ nay dẹp cái ý định đó, thà rằng mộng không thành, mà khoẻ hơn.

Anh chàng Mỹ sau khi tắt máy, cũng lại tàu của tôi chuyện trò. Vừa qua cái màn “giao trứng cho ác”, tôi càng cảm thấy “nổi da gà” hơn khi được biết anh ta mới ra trường, và chỉ bay loại nầy được 400 giờ thôi. Anh khoe máy bay OH-6 xoay trở lẹ làng, bay nhanh, mà có khả năng quẹo góc độ lớn đến 120 (?) độ lận! Anh còn kể : "Nó rất an toàn, như trong Phi Đoàn của anh, lâu lắm rồi có xảy ra một tai nạn máy bay rớt xuống bờ sông, lăn mấy vòng, mà pilot chỉ bị gãy có hai cái răng thôi!

Tai nghe miệng cũng cười đấy; nhưng có nói gì thì nói; chứ cái màn vừa rồi làm tôi sợ muốn té… đái!!! Xin bỏ lỗi cho từ ngữ không được… thanh-bai, văn-vẻ, nhưng rất chính xác nầy.
***

NGHỊCH NHĨ

Tinh Hoai Huong
01-26-2017, 11:21 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1/1485471895-da nang 4.jpg

http://hoiquanphidung.com/uploadpics/mp3_pdf/1485471965-Nho Mot Chieu Xuan - Tran Thai Hoa.mp3

Nhớ Ơi là Nhớ...
(Tết Năm Xưa)

Tết Nguyên Đán lại tưng bừng trở về trên thế trần rồi đó ư? Người ta hân hoan, ríu rít, xôn xao hớn hở hân hoan ân tình gửi cho nhau quà giáng sinh, mừng năm mới với cánh thiệp nồng ấm thắm thiết tình người. Thú vị quá! Đối với Hoài thì ngày Thanksgiving, Christmas, Noel… no iết, hay Tết Nguyên Đán nguyên iết gì gì đó... không còn nữa, như Nhất Tuấn đã ghi bài thơ: "Mimosa Thôi Nở" có những câu thơ nàng rất thích:
. . . Mới bốn mùa thu qua
Mimosa, Mimosa, vẫn nở...
Sao mối tình đôi ta,
Ai làm cho dang dỡ?
Đêm nay Noel đây,
Nhưng em không về nữa.
Ðường khuya mưa bay bay.
Mimosa, Mimosa, thôi nở…
Trong hồn anh đêm nầy…

Tháng ngày thấm thoát trôi qua nhanh, như bóng chiều câu qua song cửa, cho mình nếm trọn đủ nỗi cay đắng, niềm đớn đau thầm lặng cùng cực buồn nhớ, khiến Hoài chẳng hết ngẩn ngơ lòng! Nỗi buồn xưa quanh quẩn đâu đây... Hồi nhỏ bé, trước thềm năm mới xa xưa ở thành phố khá lạnh xứ Đà Lạt, Hoài ưa theo ba má đi khắp nơi chúc tết cô bác họ hàng. Cô nhỏ thích được có nhiều tiền lì xì thơm mùi giấy mới, dù không biết xài tiền, em cũng cất tiền lẽ trong bóp đầm màu trắng, có dây quai quàng qua ngực, nhỏ vui mừng khấp khởi tới khoe cùng bạn trẻ, xem ai có nhiều tiền hơn ai thôi.

Hoài vui vẻ tụm năm tụm ba với bạn, niềm hạnh phúc ấu thơ là xum xoe bộ cánh mới, cổ đeo kiềng vàng chạm trổ hoa mỹ, hai tai bé lủng lẳng bông vàng lắc lư theo từng cử động vui mắt. Đêm đêm nhỏ nằm mơ hái hoa bắt bướm lảng vảng bay trên đầu cây ngọn cỏ. Rồi tháng năm qua dần... cô em lớn lên với tà áo hoa màu rực rỡ, cùng bạn hữu thời trung học lượn quanh phố chợ, ánh mắt chan hòa tình mến, lòng bạn với ta phơi phới nét xuân thì. Ôi! Tuổi hoa ngày đó vụt xa bay qua tầm tay, nhanh quá đỗi là nhanh.

Nay nắng mùa đông sót lại nét hoen sầu, rả rích từng giọt mưa phùn bay bay trên phố Đà Nẵng, điệu buồn êm nhẹ hẫng trên hàng mai vàng lốm đốm khoe sắc. Hoài thấy nhớ những cánh thiệp tươi màu còn cất ở dưới đáy va ly, nàng muốn mở ra xem một lần, một lần rồi thôi. Ở tình bạn, cũng như ở tình yêu, có điều gì mong manh, chơi vơi, xa xăm, lẻ loi khôn tả. Cuộc đời nàng như một hoang đảo ngoài khơi chói nắng, quanh năm toàn thấy đại dương mênh mông, bao la bát ngát. Còn con tàu, lục địa, bờ biển, thì ở xa -rất xa- Tất cả bạn và người thân từ từ xa (như con tàu dừng chân lại trước thềm lục địa, tạm nghỉ ngơi, thân ái nồng nhiệt, đôi khi có phần ích kỷ và ganh tị, nhưng họ tươi cười thản nhiên về sự phản bội đó. Rồi con tàu lặng lẽ nhổ neo đi).

Hoài không giận, vì cho đó là sự kiện không quan trọng. Tình bạn non đời sống có chiều rộng, nhưng chưa có chiều sâu mà buồn làm chi. Do vậy tình bạn có phần dễ chịu, tình cờ, đơn sơ, như một túp lều cất lên bên sườn đồi, dưới giàn hoa thiên lý kế rặng tre xanh, bên nương sắn, cạnh ao bèo, muốn đặt nơi nào cũng được, không phân biệt giai cấp sang hèn, học thức thấp cao. Chính vì thế, nó mong manh, dễ tan vỡ, chẳng mang vết buồn đau thầm nhớ! Chả cần thiết!

Buổi tối Hoài về nhà anh chị Thương, (vì nhà ba má ở quê Mỹ Chánh đang lộn xộn, không yên, nàng sống ở đó chẳng tiện). Hoài kinh ngạc khi nhận được thiệp xuân của Phú, Đông, chị Hạc. (Phú giới thiệu Đông gửi thư cho nàng theo kiểu bạn bốn phương, vì Hoài không hề quen biết Đông). Thật quá lạ, Phú nghĩ gì về tôi? Tự thâm tâm, có nhiều điều đắng cay, đau buồn, đến nỗi Hoài không nhớ mấy về ai, và quên mất mình đã quen thân Phú. Mừng rỡ cầm mấy phong thư vào phòng, nàng ngồi lên giường, mở thư Phú ra đọc trước tiên. Phú cho biết khi đậu tú tài toàn xong, chàng đã nhập ngũ, nay làm việc tại ven biên tỉnh Khánh Hòa. Đi nghỉ phép ở Đà Lạt, Phú đến thăm chị Khánh, và xin điạ chỉ Hoài.

Thoáng thời gian ngắn ngủi qua nhanh, Phú có biết bao thay đổi, đầy hứa hẹn ở tương lai. Còn ta? Mình không có gì ngoài mớ đau thương chất chồng, bao khốn khó quằn xiết lấy tấm thân mảnh dẻ, hai bàn tay trắng, tấm bằng không làm cho đời sống riêng mình tươi hơn. Hoài thấy có cái gì sắt cạnh đâm sâu trong lồng ngực vỡ vụn ra, đau nhói. Một cái gì tê buốt, bàng hoàng. Mà, trước kia nàng tưởng là không có ai có thể bóp nát trái tim đầy tin yêu nầy. Thuở xa xưa ấy, Hoài gặp Phú, quen Phú, trái tim nàng như cuộn giấy trắng tinh, chưa sâu sắc thâu nhận bóng hình ai. Hoài thấy Phú đẹp trai, phong nhã đa tình, và sao mà chàng lãng mạn, lả lướt quá đi! Hoài sợ. Vã chăng, nói cho cùng thì lúc đó nàng đã có một xí cảm tình thân thiết với “cố nhân”. Không! Hoài chẳng muốn nhớ đến “tên ai”, dù kỷ niệm nhỏ nhặt gợi lên hình ảnh đẹp trên đại lộ khuya, làm bừng sống giấc mộng bạc bẽo nơi người con gái trước ngưỡng đời mệt nhoài, hụt hơi đến đắng cổ bây giờ.

Mùa đông trôi tuột về dĩ vãng mất rồi, chẳng bao giờ tìm thấy nữa! Thời gian và không gian chìm sâu từng ngày, từng ngày vào ý niệm. Hoài đã đi từ Đà Lạt xuôi qua mọi miền, đi thênh thang giữa lòng đô thị Đà Nẵng, về vùng trời Hội An, Huế, Mỹ Chánh, Quảng Trị, La Vang, ra tới Bến Hải… Có thể suốt đời Hoài vẫn nhớ nhung, nâng niu, trân trọng giữ gìn kỷ niệm dịu êm một thuở vàng son. Kỷ niệm đó, thoáng mắt nhớ nhung đó, nụ cười đó, không gian và thời gian ngày cũ vẫn theo nàng đến chân trời góc bể, nơi nàng đã sống, vui buồn, mòn mỏi, khát khao nỗi nhớ niềm mong, hay đã quên hết rồi? Hoài âm thầm, nhỏ bé như loài hoa cỏ may tầm thường mọc bên lề viả hè trong thành phố xa hoa. Bao lo âu, buồn bã, nhớ nhung, làm úa vàng ngăn kéo kỷ niệm một thuở ru tình... do vậy nàng rất yêu bài thơ dài của Triều Hoa Đại, trong đó có câu:
Nửa bước em về chiều nay tư lự.
Nửa bước em về ngày xưa tháng cũ.
Bước đi bây giờ làm sao lam lũ!
Bước đi bây giờ buồn thế sao em!?
Thơ anh bỗng buồn viết mãi không nên
Chiều cũ ven mưa phố lạnh lên đèn
Tình yêu bây giờ làm sao xa cách?
Tình yêu bây giờ buồn thế sao em?
*

Cô Ba Thuận năm nay ngoài bốn mươi lăm tuổi, vóc dáng cô Thuận mập ơi là mập, lùn xủn; cô siêng năng chăm chỉ lo làm ăn buôn bán, nên hái ra tiền, cô ăn nói hoạt bát, nếu không muốn nói là hơi quá lanh miệng lanh mồm. Bạn thân thiết của cô Thuận là cô Nga thì ốm nhom, cao lêu khêu, Hoài ít khi nghe cô Nga nói cười. Cô Nga cũng siêng năng, kín đáo mà lặng lẽ. Sáng sớm mỗi người đi bán một ngả, tối họ về ở chung một phòng chật chội, cùng nhau ngủ một giường. Họ bán những thứ hàng tạp hóa giống nhau. Chẳng bao giờ nghe họ ồn ào, bực bội, băn khoăn, to tiếng cãi cọ. Hai cô bạn già suýt soát tuổi nhau, thân thiết dịu dàng rất mực, mà thuở ấy Hoài chưa từng nghe có từ thông dụng gọi họ là “lesbian” hay “gay ghiết, bóng biết, lại cái” chi cả! Họ là hàng xóm bạn sơ giao của chị Thương. Hôm nay bỗng nhiên cô Thuận qua nhà, cô nói nhiều chuyện vui thật là vui, rồi cô vào đề: xin phép chị Huyền cho Hoài đi phụ cô trông coi cửa tiệm dùm cô. Cô cười:

- Tiền! Tiền! Có tiền mua tiên cũng được. Hết sẩy! Chị đồng ý cho em Hoài ra ngoài xã hội vui vẻ, thi thố "tài lăng" bé nhỏ mí đời, chị nhé!
Chị Thương nói:
- Em nghỉ Tết, không gì làm, nếu đi giúp cô Thuận, thì cũng hay, em ha.
Hoài đã ỏn ẻn mỉm cười đồng ý.

Đại lộ Hùng Vương ồn ào, nhộn nhịp, tấp nập, đông đúc người người chen lấn đi mua sắm tết. Cô và Hoài bận rộn suốt từ sáng đến tối chưa kịp ăn cơm trưa, bán buôn không ngơi tay nhưng nàng cảm thấy vui không phiền hà‎ khi hoà mình theo lòng phố thị huyên náo. Trong tiệm chỗ tụm năm tụm ba, người mua cái nầy, người mua cái nọ. Hai người lăng xăng rối rít bán hàng không ngừng tay. Bận rộn quá chừng. Bốn giờ chiều thì hai chị em mới có thể nghỉ ngơi xí, họ chia phiên nhau vào góc tiệm ăn cơm, chứ đói chịu không nỗi. Nhà hàng mang cơm phần đến từ lúc mười một giờ, thức ăn bây chừ đã nguội, mỡ đóng váng trên mặt. Nàng ăn chẳng thấy ngon lành, và mệt quá.

Ngày thứ hai trước khi đi làm, Hoài ghé tiệm ảnh Phụng Ký ở đường Đồng Khánh lấy mấy tấm ảnh. Ngày thứ ba, hai chị em rảo bước trên phố thật sớm. Hoài mặc áo lạnh lông xù màu cánh sen, cổ quàng khăn voan màu tím hoa sim, quần tây đen, mang giày bít. Má đã mua cho Hoài đủ mọi thứ cần thiết từ đồng tiền lao nhọc của mẹ cha. Vui lạ! Có ai từ nhỏ đến lớn không có năm bảy lần mặc áo mới đẹp nhất, khi họ đã đi qua hầu hết quãng đời mình, mà không vui thích mỉm cười, không nhỉ?

Tiệm của cô Thuận đông nghẹt khách mua hàng. Hoài đứng sau quầy, niềm nở cười cười, vui vui, bán bán, trao trao. Bất ngờ và quả thật rất tình cờ, nàng chợt nhìn thấy và… nhìn theo mãi người con trai ngồi sau chiếc Velosolex do bạn chở. Họ đã chạy vòng lui vòng tới bốn năm lần trước cửa tiệm. Nhìn vào tiệm, họ cười hoài. Hai anh chàng cứ... “liếc mắt đưa tình” với nàng, và húc cùi chỏ cười đùa với nhau. Họ chưa dám dựng xe vào trêu ghẹo con bé áo tím. Mặc cô Thuận đon đả mời chào, và, cô sẽ nói huỵch toẹt ra nếu ai có ý lã lơi với nàng, khiến khách đỏ mặt mà xéo bước nhanh. Tính cô thẳng như ruột ngựa là gì!

Chàng thanh niên ngồi sau lưng bạn có dáng dấp thư sinh, mày rậm mũi cao, da trắng trẻo, đôi mắt chàng sáng ngời đẹp như mắt chim phượng, khuôn mặt càng xinh trai hơn với đôi má lúm đồng tiền sâu hoắm, chiếc răng khểnh khép nép bên khóe môi phớt hồng, chàng có nụ cười tươi mát đến ngã lòng người. Ah! Chàng có dáng dấp khá giống Phú ở nụ cười có hai lúm đồng tiền! Chàng nhìn Hoài đăm đăm và quay lại tươi cười, vẫy tay với mình nữa kìa! Ôi Lạy Chúa! Quả thật họ đã để ý đến con người tội nghiệp nầy rồi!

Cuối cùng dựng xe trước cửa tiệm, họ vào mua năm hộp mứt, hai lố thuốc lá 555 International, hạt dưa, ba chai rượu Martin. Hộp quẹt. Dao cạo râu. Dây nịt đủ kiểu. Dép đàn ông mang trong nhà. Mười áo thun trắng, mỗi cặp có màu và nhãn hiệu khác nhau, quần sọt cũng vậy.

Trong khi Hoài gói hàng, cô Thuận loay hoay soạn mấy cái giỏ xách nhựa mới, cô hào phóng tặng họ mang mớ quà cồng kềnh về. Chờ Hoài ngẩng lên, chàng thư sinh Bắc Kỳ đẹp trai ấy lại khoe má lúm đồng tiền, chiếc răng khểnh, chàng đá lông nheo "kịch kịch" với nàng vài ba cái, mới chịu khệ nệ bưng hàng hóa ra về. Ơ hay! Chàng lại gật đầu vẫy vẫy tay chào thân thiết, gật gật gù gù nheo nheo mắt ướt. Hai anh chàng to nhỏ điều gì, lại khúc khích cười cười mãi nữa kìa!

Hoài mắc cỡ, hai má nóng bừng, vội vàng cúi xuống tủ kính, vờ xếp lại đồ đạc bên trong. Nàng "không có đồng tiền bát gạo nào" làm sao dám khoe với ai! Nàng thấy vui khi tối hôm ấy cô Thuận qua nhà đưa tí tiền. Nửa đùa nửa thật, cô nói:
- Em Hoài giúp tôi mấy hôm nay, thú thật là em đỡ đần tôi rất nhiều. Chị và em đừng ngại gì sớt. Mỗi ngày, tôi sẽ trả em năm chục đồng, còn nửa tháng cuối, thì mỗi ngày một trăm, vì em sẽ thức khuya bán chợ đêm Tết. Ăn uống tôi lo hết. Vất vả đấy nhá. Ra Giêng, nếu em còn ở nhà, thì giúp tôi bán hàng, tôi đưa em mỗi ngày vài ba chục thôi, tùy ngày bán được hay không, vì tháng Giêng là tháng “ăn chơi” sẽ ế ẩm mà. Chỗ chị em, tôi hay nói thẳng, chị Thương và em Hoài không giận tôi nhá.
- Em vừa ở quê vào đây... lưng chừng ngày tháng, chưa tính đi học lại ở trường nào, em ở nhà nghỉ, nên giúp cô cho vui, tiền nong gì. Cô.
- Ấy chết. Ai lại thế bao giờ. Chị biết không? Em Hoài có duyên bán hàng ra phết nhé. Tiệm tôi đắt hẳn lên. Hôm nay có mấy cậu vào mua, hỏi đến đâu họ mua đến đó, chả mặc cả kỳ kèo gì sớt. Buôn bán, tôi chỉ trông chờ khách xộp điệu nghệ thế chứ. Tôi có nhờ hai cậu ấy ra Giêng đến mở hàng khai xuân đầu năm hộ tôi. À, chị nhớ cho em Hoài giúp tôi một tay nhá.
- Việc đó tùy em tôi thôi. Đôi khi nó không thích, làm sao tôi dám hứa.
- Ối dào! Em cứ đi làm cho vui mà có tị tiền còm, chờ bao giờ đầu mùa khai giảng, em đi học là tốt.
- Chị nói có lý. Tôi sẽ bảo em Hoài suy nghĩ, rồi trả lời chị sau nhé.

Liên tiếp mấy hôm sau, hai chàng trai vẫn thả bộ trên phố, rồi họ vào tiệm cô Thuận mua cái nầy, mua cái nọ. Có lần,“anh chàng đẹp giai” nhờ nàng chọn hộ cà vạt. Hoài biết chàng ăn mặc lịch sự, tươm tất, lẽ dĩ nhiên sẽ chọn đúng thời trang, chứ mình nào có tài cán gì, mà chọn! Chẳng qua chàng muốn gợi chuyện làm quen. Thế thôi. Hoài thấy sợ! Mặc dù quen họ, với tính cách là người khách mua bán hàng quen thuộc. Có thể chỉ là bạn, hay là anh trai hơn hẳn mình về tuổi đời, kinh nghiệm sống, không thể đi xa hơn. Nàng như con chim non lìa đàn, sớm bị thương, nay đậu cành mềm sợ gãy cánh, sợ cơn đau buồn điếng lặng khác sẽ ập đến.

Nửa tháng cuối năm, chiều nào cũng thế, chỉ còn một mình chàng thơ thẩn solo trên phố, dường như chàng cố ý chờ đợi ai. Sau đó, chàng tạt vào tiệm, phụ cô Thuận treo đồ đạc khách chê đã vứt bừa bãi trong góc phòng. Dù một hai giờ khuya, chàng vẫn chờ cô dọn dẹp xong, chàng mời hai chị em đi ăn. Gì chứ về cái món ăn uống "chùa", khỏi chi địa, là cô Thuận khoái khẩu, vui vẻ nồng nhiệt tươi tắn hẳn lên. Chuyện gì cô cũng tốt, nhưng việc tiền nong thì: "tôi là Bắc Kỳ dón, vắt cổ chày ra nước mà lị". Cô Thuận vẫn nói thế với ông chủ cho cô thuê nhà mà.

Có người khách không mời bỗng dưng đêm đêm đến giúp một tay, cô Thuận khoái tỷ vì chả mất tiền công, lại khá được việc. “Ảnh” còn hào phóng mời “hai chị em” nhiều bữa ăn tối, ăn khuya, hậu hĩ quá chừng. Họa có điên hay sao mà không nhận lời chứ. Cô Thuận chuyện trò vui vẻ hồn nhiên "thoả mái" thế nào ấy. Vui vẻ tử tế quá đi. Đôi khi, cô Thuận cũng mời lại "con người tốt bụng ấy" tô bún bò giò heo, tô hoành thánh mì, chén chè, dĩa xôi. Vã chăng, cô Thuận thấy nếu cứ làm cái việc tình vờ phớt lờ ăn hoài của người ta, như ngầm ngầm lợi dụng anh chàng “dại gái”, thì nó cũng hơi kỳ kỳ, ngượng ngùng bẽn lẽn sao sao ấy! Hoài đi theo họ vào tiệm ăn như chiếc bóng âm thầm, chẳng mấy khi thân mật chuyện trò với ai, khiến cô Thuận nhăn mặt, nói nhỏ bên tai:
- Người đâu mà kém xã giao đến thế. Sao em ngu tệ. Chả biết.

Vì phép lịch sự, Hoài vờ lắng nghe chàng ấy giới thiệu tên, nhưng thật tình không nhớ rõ tên gì. Hoài nhút nhát rụt rè không dám hỏi lại, e bất lịch sự, sợ chàng nghĩ mình điếc, thì buồn năm phút. Trời đất ơi còn cô Thuận! Cô chê em là con nhà quê vừa thập thò ra ngưỡng cửa thành phố đó. Thế, cô tưởng em còn "ngây thơ vô tội" chưa biết trộm yêu, thầm nhớ và đau khổ ấy chắc? Hoài ngập ngừng gượng gạo cười nói, như gã hề đeo mặt nạ méo mó, trông thật kỳ. Lúc còn lại hai người trước cổng nhà, cô Thuận ân cần nói:
- Cậu Toàn Thắng là người khá lịch sự, dễ thương, đứng đắn. Em nên vui tươi một tí nha. Suốt buổi ăn, em cứ xụ mặt xuống, trông thật khó coi, bất lịch sự đấy. Nhớ nhá!

Hôm sau quên lời cô dặn, Hoài vẫn buồn xo, lặng thinh, nên cô Thuận nhích tới khẽ húc một cái vào hông nàng. Giật mình, Hoài vội nhăn răng ra, cười rõ tươi. Trong khi chàng đang bình luận chuyện thời sự, chuyện chính trị đứng đắn, không có gì vui, để cho nàng cười như reo thế. Ngạc nhiên, chàng im bặt nhìn Hoài đăm đăm. Có lẽ chàng nghĩ con nhỏ nầy có dòng máu khùng khùng, lãng lãng, điên điên, chi chi đó nhỉ!? Cô Thuận liền quay sang Hoài, cô lén thò tay xuống gầm bàn, dùng mấy ngón tay mập ú cô bấm bấm cào cào vô đùi nàng, thì thầm:
- Đừng có dỡ hơi thế chứ. Im nào!
- . . .
***

Người ta vội vã, hấp tấp quét dọn sạch sẽ những ụ rác to tướng, họ đem đổ trên xe chở rác, ở ngả tư, ngả năm đường phố. Họ lau chùi nhà cửa, bàn ghế tươm tất. Chuẩn bị tiễn đưa năm cũ, và hân hoan nồng nhiệt, vui vẻ đón chào năm mới cổ truyền tưng bừng, háo hức trên những cành mai vàng tứ qúy nở hết cánh, đẹp ơi là đẹp. Giao thừa và Tết Nguyên Đán lại đến. Bây giờ là ngày mồng hai tết, Hoài ghi tên dự thi hoa hậu, do Sư Đoàn 2 tổ chức tại Hội chợ Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ, bên Sơn Trà. Vì Hoài còn quá nhỏ tuổi, nên anh Thương bắt nàng phải chạy xuống nhà anh Thuận ở đường Đống Đa, để ký giấy chấp thuận cho Hoài đi thi (như ban tổ chức thi hoa hậu tại Sư Đoàn 2 yêu cầu).

Đúng tám giờ tối, cuộc thi bắt đầu. Giàn nhạc trỗi dậy âm giai lên bổng xuống trầm tuyệt diệu, khi hùng dũng như vũ bão, khi lả lướt êm đềm, nhẹ nhàng, êm êm lâng lâng như mây khói mong manh. Đó là thứ từ trường mãnh liệt, tiết tấu hài hòa, đầy rung cảm, tạo thành âm điệu tuyệt vời do ban văn nghệ Sư Đoàn 2 điều khiển, phủ chụp lên tâm hồn nàng đa cảm, những dòng âm thanh rì rào, lâng lâng, ngất ngây, táo bạo và run rẩy. Sự tưng bừng huyên náo nầy khuấy đảo tâm hồn chưa yên tĩnh, khiến Hoài càng bối rối, băn khoăn, âu lo. Tuy vậy, nhờ sự hổ trợ mật thiết, tương đắt của chị Sáu Huyền, các cháu Châu, Trân, Vân, Sơn, và có năm mười người bạn mới, cũ, cùng khán giả đông nghẹt nồng nhiệt cổ võ, thì Hoài vững tin, cố gắng hết mình.

Khuôn mặt Hoài để tự nhiên không hề biết dùng chút phấn son trang điểm. Xiêm y kín đáo hài hoà, thấm đượm tình cảm thiên nhiên, mang nặng tính cách dân tộc miền núi thượng nguồn Việt Nam, qua vũ khúc Dămbalada. Vũ điệu sôi động, đầy tính chất buông làng, rừng núi thâm u hiểm bí, đã khích động khán thính giả nhiệt liệt hoan ca rất nhiều. Sau vũ điệu, nàng phải hát một bài tự chọn "Nắng chiều" của Lê Trọng Nguyễn. Vì khá mệt trong điệu nhảy sôi động và hoang dại, nên Hoài vừa ca vừa thở, nghe dỡ ẹc. Đồng thời nàng phải trả lời năm câu trắc nghiệm, vấn đáp hóc búa, cùng thi các thích ứng thông minh mau lẹ khác. Hoài lo mình kém tài sẽ gây nên cảnh lố bịch, đến các bậc đàn anh, đàn chị cười chê, châm chọc, thì thật ngượng ngùng hết chỗ nói; sẽ hổ thẹn với bạn trẻ biết mấy!

Đứng trên sân khấu có 83 vị xinh như mộng, tươi như hoa đang dự thi. Tất cả chờ đợi ban giám khảo phê duyệt rất lâu. Họ và Hoài đã vượt qua vòng sơ kết. Rồi đợt hai còn năm mươi cô lọt vào vòng bán kết. Đợt ba có mười lăm người may mắn vào vòng chung kết. Những cô bị loại ra thì buồn xo, cúi mặt lủi thủi bẽn lẽn đi xuống. Những cô còn nuôi hy vọng được đứng lại trên sân khấu, thì reo hoan tươi cười ôm nhau nhảy tưng tưng, giống trẻ con ghê, mặc dù cô nào cô nấy ít nhất từ mười sáu đến “hâm” đi hâm lại tới bâm mấy tuổi rồi. Những cô còn đứng trên khán đài, đã được ban điều hành mời họ qua đứng hai bên cánh gà tả và hữu. Hoài hồi hộp lo lắng, bẽn lẽn, sợ bị ném cà chua, trứng thối, bị xịt nước dơ, hay bị đuổi xuống khán đài, thì thật quê một cục, mất mặt, xúi quẫy cả năm chứ chẳng chơi.

Còn lại hai cô kia và Hoài là người cuối cùng đứng giữa khán đài rộng mênh mông. Giờ phút quyết định quan trọng đã đến. Cuộc đời Hoài như thăng hoa từ khi đại diện ban giám khảo đội vương miện lên đầu, cổ quàng hoa tươi, đeo hàng chữ Hoa Hậu - Cây Muà Xuân Chiến Sĩ... Giải thưởng là chiếc xe đạp đầm Pháp, model mới nhất, màu xanh. Bó hoa liz cầm tay, và mười ngàn đồng. Số tiền khá lớn, (trong khi lương lính một tháng chỉ có 1.200$)!

Ôi! Tuyệt vời xiết bao! Lòng hân hoan vui vẻ kinh khủng, Hoài mừng rỡ không thể tả nỗi. Mọi người ùa đến chúc mừng, bất kể lạ hay quen. Họ chen lấn nhau đứng bên nàng chụp ảnh. Chị Huyền, các cháu và mấy bạn phải nhảy lên sân khấu đứng gần nàng, đưa hai tay che chắn bớt số người ngưỡng mộ, chen lấn quá đông. Trái tim Hoài bừng sống, bay lên tận mây xanh, nàng cười liên miên, vui mừng, luôn miệng nói cảm ơn mọi người ưu ái đã gửi đến Hoài lời chúc tụng nồng nhiệt. Ồ! Định mệnh đã đưa đến tay nàng những gì cao qúy, tươi đẹp nhất trong đời. Nàng tưởng không bao giờ với tới, chạm tới đáy hạnh phúc. Không có ngôn ngữ nào có thể diễn đạt hết tâm tư Hoài mừng vui cuống quít kinh khủng trong lúc nầy. Thì ra ông Trời rất nhân hậu, từ ái, có chừa cho nàng một kẽ hở, vô cùng niềm nở, tuyệt vời, trân qúy, thân yêu nhất đó mà. Hoài không biết để tri ân và tạ ơn Ngài.

Hoài háo hức nhón gót nhìn quanh, cố ý tìm kiếm xem trong số khán giả đông đúc còn ngồi dưới khán đài, có "ai quen" lẫn lộn ở đó thì... vui vẻ, hãnh diện, tự hào biết bao. Quả thật, “chàng trai sơ giao” ấy đã đến chúc mừng vinh quang bè bạn. Lần đầu tiên, bây giờ nàng có dịp nhìn kỹ anh trong bộ quân phục đại lễ mùa đông oai hùng. Ah! Thì ra chàng là lính ở văn phòng, chứ không phải thư sinh bạch diện như Hoài đã nghĩ lầm! Bảng mica màu xanh gắn trên túi áo, mang tên: Đ Toàn Thắng. Hai bên cầu vai đỏ có một bông mai vàng lấp lánh dưới ánh đèn, tay cầm chiếc nón casket. Bây giờ nhìn anh quân nhân trẻ, mũ mão cân đai chỉnh tề, oai vệ, Thắng đứng nói chuyện bên mấy người quen mặc cevil, Hoài thấy họ khác lạ như hai thái cực tách rời, chênh lệch nhau quá. Thắng gật đầu chào Hoài, cười thân ái:
- Thân chào Hoài. Ngồi làm khán giả, anh nghĩ thể nào em cũng đạt được ngôi vị cao nhất. Rất hân hạnh đến chúc mừng, Hoài nhé.
- Cảm ơn anh. Không ngờ anh có mặt ở đây, và là... một sĩ quan.
- Như anh, có ngờ đâu anh quen biết với một hoa hậu kìa.
- Ban giám khảo thấy em tội nghiệp, sắp mít ướt tới nơi. Họ cho lầm.
- Ấy. Ở đời muôn sự đều giả dối, và nhầm lẫn. Chỉ có sự thật mới đáng qúy trọng. Dù ở cảnh ngộ nào, anh cũng thích tôn trọng sự thật hơn.
- Điều đó quý lắm chớ.
- Là thế. Mong em giữ mãi niềm vui, hạnh phúc ngọt ngào như hôm nay.
- Hoài cảm ơn anh nhiều.

Thắng nhìn nàng cười thân ái. Thoáng giờ phút rực rỡ huy hoàng nhất đời mình đã để lại trong lòng nàng tuyệt phẩm cao đẹp với cuộc đời. Hoài lâng lâng, xúc động, ngất ngây niềm vui vì bất ngờ có thành công chói sáng, hiển đạt không dám mơ. Tim nàng rung lên từng hồi theo nhịp đập trong lồng ngực cuồng quay, muốn hụt hơi, khiến nàng hoa mắt, môi luôn nở nụ cười toại nguyện. Tạ ơn Chúa! Ngài đã ban cho mình đặc ân tốt lành. Có điều thực tế nhất là từ nay, Hoài có thể ngẩng mặt với đời chút xí, và phụ chị ít tiền, cho gia đình chị bớt khó khăn sau ngày cháu bé vừa mất. Xin cám ơn Đời đãi ngộ. Cám ơn sự ưu ái, nồng nhiệt vô vàn của khán giả. Cám ơn Ban Tổ Chức cho mở cuộc thi. Cám ơn Ban Giám-khảo và Sư-đoàn 2 Bộ Binh. Cám ơn gia đình chị Sáu Huyền, các cháu Châu, Trân, Vân, Sơn, và bạn hữu thân quen rất nhiều.

Trên đường về, ngoài số khán giả ngưỡng mộ đông đúc, đông rất đông, còn có anh em Trịnh Trần, Mai Nương, Thu Tuyền, Lan, Ngọc, … đã đưa chị em Hoài từ bến Sơn Trà lên phà qua sông, về đến tận ngỏ nhà. Đêm bây giờ tuyệt đẹp. Đêm không u sầu. Đêm không hoang liêu. Đêm không ủ dột. Đêm không lo âu. Đêm không còn hãi hùng đau thương do chiến tranh tàn phá, không phải đói khát, nhường cơm chia áo cho nhau. Đêm không đơn điệu. Mà là đêm đầy tuyệt vời. Đại lộ Phan Chu Trinh nở ra dưới đêm đầy sao lấp lánh, huyền diệu trên bến Ngân Hà. Dù không có Thắng tiễn đưa Hoài về nhà như mọi ngày. Anh phải ở lại trực trong Sư Đoàn 2. Không có "anh". Nhưng, đêm càng về khuya, càng thơ mộng và tuyệt diệu dường bao! Đúng lúc đời Hoài lên hương, Thắng đã lên sân khấu tặng Hoài bài thơ:
“Dạ thưa!” người con gái khá ngoan hiền.
Tóc thề dáng nhỏ nón lá chao nghiêng.
Gió sớm khuya chiều vờn quanh môi thắm.
E ấp ngập ngừng xuân tình bẽn lẽn.

Khao khát trao em tình như thầm hẹn.
Ngày tôi đi mây xám ngủ bên thềm!
Cung đàn nhè nhẹ sáo diều êm êm.
Phượng hoàng tím soãi mình vờn quanh núi.

Tình bỗng tha phương trống vắng ngậm ngùi…
Bãng lãng gót son em về tư lự.
Xinh đoá hồng gai trao chút an thư.
Dẫu trăm năm xin nồng nhiệt tương tư.

Mắt em nhìn là rung lên vạn ý,
Môi chưa hé nhưng đã nói muôn lời.
Gói tâm tư theo từng áng mây trôi.
Tha thiết lắm. Ôi! Tình em gái nhỏ... (*- Thơ THH)
*
Ố... ồ ô! Thì ra em hân hạnh quen biết với một quân nhân thi sĩ! Vui lắm thay.
* * *

Tình Hoài Hương
(29 tháng Chạp 2016)

Tinh Hoai Huong
02-06-2017, 12:46 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1/1486341607-FICO 6 USAF.jpg

http://hoiquanphidung.com/uploadpics/mp3_pdf/1486341830-Xuan Va Tuoi Tre_KhanhLy.mp3

Lời nói đầu :
Đây là vài mẫu chuyện có thật không ngại hay dỡ, tôi xin kể lại với mục đích duy nhất đọc làm vui...Nguồn cảm hứng bắt đầu từ những đoạn viết kể chuyện xưa của Niên Trưởng Phượng Hoàng Nâu; và để gây chú ý bạn đọc nên tôi xin đặt bài viết nầy với tựa là: pháo… “NỔ”
NN
***
Pháo… “NỔ”

NGHICH_NHĨ


Nếu tôi nhớ không lầm, thì khoảng năm 1967 trở về sau nầy, lúc chiến trường càng ngày càng khốc liệt, để nâng cao tinh thần binh sĩ có sự hãnh diện, niềm kiêu hãnh của quân binh chủng mình, nên giới truyền thông mới đặt thêm những cái tên nghe oai phong lẫm liệt như: anh hùng mũ đen... để chỉ Biệt Đông Quân và Thiết Giáp, và thay vì TQLC nghe không được tượng thanh và tượng hình dữ dằn bằng Cọp Biển, ngoại trừ "Thiên Thần Mũ Đỏ" đã có từ lâu. Cũng trên cái chiều hướng đó, mới có những cái tên như “người lính Thông-thái” để chỉ Pháo Binh và Truyền Tin. Còn KQ nhà mình thì đựơc gọi là “Người lính Hào-hoa”!

Cái từ hào hoa nầy từ trước đã có, nhưng ám chỉ một số cá nhân nào đó, hoặc trong những buổi chuyện trò với nhau, chứ không nói đến cả một tập thể KQ như sau nầy! Rồi nghe nói là những SVSQ//KQ của các Khoá từ năm 68 (?) trở về sau, được trang bị thêm những mỹ từ: “hào hùng, độc đáo” nữa! Tôi được nghe cũng khoái thật, cũng thấy... “kênh” một chút, dù tự xét bản thân… “cù lần lửa” của mình, chẳng có được một chữ nào trong đó cả. Thôi thì mình cứ ăn ké, cứ hưởng… “của người phúc ta” mà, có chết thằng Ma-rốc nào đâu, mà cần phải đính chánh chớ!

Nhìn chung cũng thấy đúng, vì những điều kiện đòi hỏi để trở thành một quân nhân KQ, cũng không dễ dàng gì so với các quân binh chủng bạn. Vâng, nếu anh là một chuyên viên kỹ thuật, thì anh đâu phải sửa chữa xe hơi, máy móc thường, mà sửa đến… phi cơ lận! Còn mấy anh phi hành thì tự hào là ăn cơm dưới đất, mà làm việc trên trời… Với lại áo quần cũng sạch sẽ không bê bết bùn sình; còn đêm thì bên cạnh người thân ở những thành phố lớn, chỉ nhìn thấy ánh hỏa châu và tiếng đại bác từ xa vọng về… Những cái vụn vặt, lỉnh kỉnh của… “người lính cậu” ấy, đã gây cho tôi có ấn tượng và định kiến (stereotyped). Hễ đã là quân nhân KQ, thì hầu như đa số đều có cái niềm kiêu hãnh ngầm, một chút “sô- ốp” và kèm theo tí… “nổ”; mà mức độ nổ đây thuộc loại pháo tiểu, trung, hay pháo đại, là tuỳ theo người… Nhưng ba chuyện thật sau đây, thì cái định kiến của tôi… SAI đến hai phần ba! Xin kể:

* Chuyện đầu:

NT Phượng Hoàng Nâu có kể lại một chuyến bay yểm trợ đêm thuở xưa, và có nhận được thơ của mấy ông Hội Đồng Xã, và anh em Dân-vệ cám ơn được cứu mạng! Tóm tắt câu chuyện là: NT PHN hướng dẫn 1 phi tuần 2 chiếc đến giải vây cho một đồn gần biên giới Việt Miên; nhưng vì phương tiện thời bấy giờ còn eo hẹp, thô sơ, nên khi xác định được vị trí đồn, thì than ôi, cái đồn đã tiêu ma rồi… và VC đã bắt trói mấy ông hương chức xã và lính dân vệ, giải về phía biên giới Miên.

Đám tù binh hàng dọc mập mờ ẩn hiện trong sương sớm, khiến cho hai con chim sắt tưởng cả bọn đều là Cộng phỉ, nên xà xuống tấn công! Đúng là người gian mắc nạn, nên đám dẫn giải tù binh… “muốn chết” liền nhảy xuống bờ đê, và lãnh đủ loạt đạn cà-nông-vanh. Riêng những nạn nhân phe ta, vì đang bị cột dính chùm khó xoay xở, nên còn đứng nguyên trên bờ đê, nhờ vậy mà sống sót chạy về. Một vài tháng sau đó viết thơ cám ơn ân nhân đã cưú mạng!

Đọc xong câu chuyện… bây giờ mới kể của NT PHN, tôi đâm ra bần thần, ngẩn ngơ 5 phút! Đúng là "ông nầy" không có một tí… nổ nào cả, “pháo lép” cũng không! Phải chi lúc nhận được thư cám ơn, còn ràng ràng ra đấy, ông chỉ cần làm mặt… “nghiêm và buồn”, trịnh trọng nói:
- Mình đâu có làm gì hơn được, vì trong cái đám lẫn lộn địch và ta ấy, mình đâu dám “chơi” bom, mà bắt buộc phải dùng cà nông mà “thịt” chúng thôi! Rồi ông buông thêm vài lời lửng lơ:
- Còn mấy ông làng xã và lính nầy mạng cũng còn lớn, cho nên năm bảy tên VC dẫn giải ăn đạn hết, cả đám thoát được là một điều may!

Chỉ cần nói có vậy thôi, và trưng thêm một bằng chứng hùng hồn là lá thư cám ơn nữa, thì -tiếng lành đồn xa-, mà càng xa… thì càng có thêm mắm thêm muối, thêm râu ria… Biết đâu bây giờ sẽ có một huyền thoại:
- Trong Không Lực VNCH, có một Ách chủ bài là Phượng Hoàng Nâu đã dùng cà-nông-vanh bắn sẻ từng tên VC, một viên là một thằng, có lúc ổng còn chơi xuyên-táo một viên hai thằng nữa cơ đấy…v.v…
Đó là phe ta nói; chứ còn phe anh Ba nói cái kiểu phi công Mig của ta núp trong mây, chờ B52 đi qua kè theo, nhảy qua bắt sống giặc lái B52 nữa, thì vụ nầy sẽ đưa NT lên tới tận mây xanh lận đó. Tiếc quá Niên Trưởng ơi! Lúc cần nổ, sao ông không cho nổ; một viên... pháo chuột cũng được mà!

Rồi trong mấy bài viết sau đó NT PHN còn kể bị mấy cái… “vạ miệng” nữa, nào là chối từ việc gắn huy chương cho các phi công anh dũng nơi phạn điếm, mà đòi hỏi phải ở sân cờ có mặt trước ba quân, nào là đọc hai câu thơ:
Bó thân về với Triều Đình
Quần thần lơ láo phận mình ra sao?!

Để trả lời một Ông BỰ khi bị hỏi xỏ nữa chứ! Sao mà tôi… “Chịu” ông quá đi thôi! Phải chi trong KQ, hay nói rộng ra trong Quân lực VNCH có được kha khá nhiều những sĩ quan cao cấp, mà có được tánh tình khiêm cung, ngay thẳng, bộc trực, nhạy bén trong nhận định đúng sai, có tấm lòng với đàn em thuộc cấp như Phượng Hoàng Nâu, thì đất nước miền Nam mình đỡ biết mấy!
Viết đến đây thế nào cũng có bạn vổ vai tôi và bảo:
- Stop đi bạn! “nâng bi” bao nhiêu đó đủ rồi!

Tôi xin thưa ngay: À! Cái “vụ” đó hổng có tui à nghen! “You hot you say so”, anh nóng anh nói thế, chứ bây giờ mà nâng bi ổng, để được cái gì chứ? Hổng lẽ ổng chia cho một ít… tiền già? hoặc phòng xa vài chục năm nữa, ông ấy sẽ đệ trình Diêm Vương: cất nhắc cho tui một chức quan nho nhỏ nào đó ở chốn Diêm đình?! Nói là nói vậy, chứ cũng đề phòng miệng lưỡi thế gian gán cho tội... “nâng-bi” nên bây giờ xin... “mó-dế” Niên Trưởng một chút nha. Theo như NT cho biết: chính những lời trung-ngôn đối với cấp trên mà bị...vạ miệng! Vậy bây giờ dám hỏi: "nếu đổi vị trí NT là thượng cấp, mà thuộc cấp, hoặc đàn em có những lời nói như vậy, thì NT cư xử ra sao? Sẽ khen: À! thằng ni nói đúng, để ta xem lại; hay dằn mặt kiểu nào? hoặc… “đì” cho chết bỏ vậy?

Kính thưa Niên Trưởng Phượng Hoàng Nâu, nhân đây em cũng xin nói thêm nhận định của mình.. Phượng Hoàng đã xuất hiện từ lâu trên CT, đang bay trên chín tầng mây, không muốn dính líu đến chuyện hồng trần, chuyện thị phi “Bênh và Chống” trên Cánh Thép mấy tuần qua! Dù Ông Thầy đã bay cao và xa thế, nhưng vẫn dõi mắt trông xuống mấy thằng học trò đang hăng say thảo luận, dù những lời lẽ nội dung trong bài viết: chưa có gì là gay cấn. Nhưng áp lực cũng có vẻ nặng nề, nên Ông Thầy mới ra tay… xuất chiêu giải toả áp lực, bằng một bài viết chuyện xưa, và quả đúng như ý… đã làm cho lũ học trò nhớ lại những ngày xưa bên nhau, mà bỏ qua đi những lục đục về ý thức hiện nay…? Có phải vậy không? Cái ngu ý và sự phỏng đoán đã tỏ bày, nếu được Ông Thầy búng ngón tay nghe cái… “tróc” một phát và nói:
- Chỉ có... nhà ngươi mới hiểu ta! Được vậy thật là vạn hạnh…

* Chuyện giữa:

Chuyện nầy tôi xin nói đến anh Nguyễn Thiện ÂN, có hổn danh là "Ân mù" , hay "Hiệp sĩ mù" cũng là chàng! Anh thuộc Phi Đoàn 520 ở Cần Thơ. Tôi nhớ không chính xác, dường như là cuối năm 1968, KĐ 74 (ông ÁNH là KĐT) có tổ chức tại Câu Lạc Bộ Sĩ Quan một party, để vinh danh và ăn mừng PĐ 520 đã đoạt được plaque (?) và bằng khen là TOP GUN, sau khi chiếm giải thi đua ở bãi biển Nha Trang, gồm có nhiều PĐ Khu Trục tham dự. Trong bữa tiệc, có ông Mỹ đại diện cho hãng Cessna tặng mấy kết săm banh. Trên bục ông PĐT vinh danh và mời người phi công Top Gun đã đem vinh quang về cho PĐ lên, cho anh em biết mặt và khen thưởng một ly… bồ đào mỹ tưủ! Một anh mặc bộ civil, đóng thùng đàng hoàng, leo lên bục và từ từ móc cặp… kính cận ra đeo lên, và nâng ly pha lê đế cao, đầy rượu săm banh, trước sự vỗ tay, cười nói của anh em SQ trong KĐ.
Thưa quý bạn, người ấy chính là anh: Nguyễn Thiện Ân, Hiệp sĩ Mù! Hằng ngày gặp mặt, tôi thấy anh ít nói, bản tính hiền lành, ngày trước và sau đó anh cũng rất bình thường như mọi ngày, không thấy cái mặt… vác hất lên trời, "ra cái điều ta đây” gì cả! Không rõ từ 1970 đến 1975, Ân về đơn vị nào, hay làm gì, nhưng chắc một điều, sau năm 1975 thì anh là "bạn cùng… khoá tù" với tôi.

Thời gian 1976 lúc ở trong trại tù Tân Hiệp, chiều chiều mấy chàng “giặc lái” nhà ta hay tụ năm, tụ ba ở ngoài sân đấu láo! Cũng có một anh cùng khoá với anh Ân có cánh vàng Navy, kể chuyện tùm lum trong thuở còn tung mây lướt gió, chứ không có... nổ gì cả, vì hầu hết đều quen mặt, biết nhau quá mà nổ làm chi! Anh Ân nghe và cười cười thôi, chứ ít có nói gì! Tối vô phòng anh thường kể chuyện tiếu lâm nghe cũng thâm thuý, hay lắm! Tôi thì len lén lật cuốn tự điển ra học Anh Văn. Khi đọc đến chữ bull’s- eye, anh mới nói đó là: "hồng tâm", đúng không?
Rồi nhân đấy anh mới kể lúc đi xuyên huấn A37 tại Hoa kỳ, trong một bữa thi bắn, có nhiều PILOT bạn, mà họ có tiếng là giỏi rồi đấy; vậy mà anh cũng đạt được điểm cao nhất, hơn hẳn họ; vì mỗi lần anh nhào xuống, cất lên... là nghe tiếng trong hầm xạ-trường kêu lên là bull’s- eye! Làm ngay cả ông thầy cũng kinh ngạc, vì anh có cách ngắm riêng không theo đúng y chang như kiểu của ông thầy dạy! Anh còn kể lúc bay AD6 có khi nhào xuống một lần, mà bỏ hai trái bom, một trái bên nầy kinh, một trái bên kia bờ kinh trúng phóc; chỉ cần điều khiển cái pedal (rudder) thôi!

Thừa cơ hội tôi hỏi tới, nhân đó anh bèn kể lại chuyện đoạt giải ở bãi biển Nha Trang. Thuở ấy, ông Nguyễn Cao Kỳ là phó Tổng Thống, muốn biểu dương sức mạnh của KQ, hay của quân đội VNCH, vì mới được trang bị thêm phản lực A37, nên có cho biểu diễn bắn phá ở bãi biển Nha Trang cho dân chúng xem, và tuyên bố trong nội bộ KQ là:
- Nếu PĐ nào mà thả trái bom đầu tiên trúng đích, sẽ được thưởng một số tiền lớn.

(Tôi không nhớ là bao nhiêu, nên không ghi ẩu, sợ mất đi sự xác thực). Lúc ấy có đủ các PĐ tham dự. PĐ 520 do anh Ân lead 4 chiếc, trong đó có anh Xuân rổ bay wingman nữa! Anh nhào xuống thả bom và ngay trái đầu tiên, tiêu cái pa-nô làm mục tiêu… Bingo! Mấy anh wing man… phẻ quá, cứ tới phiên là trút bom ngay chỗ… mất mục tiêu thôi! Vậy mà không biết lý do vì sao mà không…."ẩm" được số tiền thưởng, kể cũng “đau” thật! (Nếu anh Nguyễn Thiện Ân, hay một anh nào… cũ cũ biết rõ, xin bổ túc hoặc hiệu đính dùm cho được chính xác, nhất là ngày giờ…v.v... Cảm tạ.)

Tôi thấy anh ÂN là một người tài, con người bình dị, khiêm nhường rất hiền lành, thuộc típ người không… nổ; mà cũng không… gáy! Xin lưu ý với bạn đọc chữ gáy là… “y cà lết” nhé. Chứ không phải I ngắn là con gái, kẽo thiên hạ tưởng anh… không gái, là chay tịnh, hay là… “GAY” tội cho ảnh! Từ năm 70 đến “ngày sập tiệm”, tôi đã rời Cần Thơ, nên không rõ và quên hỏi anh Ân làm ở đâu, và “có-chức” (xin đừng đọc lái) gì không? Tôi nhận xét con người tài đức như anh: phải là cấp Trưởng (như PĐT, Trưởng Phòng... vv...) mới đúng! Mà con đường hoạn lộ của anh cũng trầm trầm, không phất lên sớm, tại anh im lìm quá.

Không “nổ” thì thôi, cũng phải biết… "ca”, biết… “gáy” chứ cha nội! Không nghe tiếng gáy, thì ai biết ở đó có con gà trống? Mà nầy anh Ân ạ !Anh xem con gà trống muốn…. “ấy” cũng còn làm bộ bươi bươi… rồi kêu... “tụt tụt”, để dụ mấy chị gà mái chạy lại. "Đạt mục tiêu" rồi, còn nhớ vỗ cánh… gáy nữa đó! Tiếng gáy quan trọng lắm nghe anh! Ông đại PHÁP mà còn lấy biểu hiệu là “con Gà Trống” đó, không thấy sao?! Anh ÂN, nếu anh có tình cờ đọc, cho tôi xin lỗi, vì có lẽ anh không muốn bị nêu tên ra đây; nhưng lỡ rồi, thôi cũng nhân thể chúc anh còn có sức… để gáy trong 20 niên nữa nhe!

* Chuyện cuối:

Năm ngoái (2006) trong một buổi họp KQ địa phương, tôi ngồi vào bàn ăn gồm có các anh pilot đủ ngành: Vận tải, L19, Khu Trục AD6, F5, Trực Thăng... Tôi ngồi kế bên anh "Xoài", Pilot F5. Câu chuyện bắt đầu khi có một anh khác là Trưởng Phòng An Phi của KĐ vào ngồi bàn kế bên. Anh Xoài bắt đầu:
- Ông ấy là An phi của KĐ, vậy mà tụi tôi thuộc Phi-đoàn, chứ không lệ thuộc, hay báo cáo gì ông ấy hết!
- ???
- Vì tụi tôi là Phi Đoàn F5 nghênh-cản, coi như là lực lượng Tổng Trừ Bị; chỉ có bộ Tổng Tham Mưu, hay là Bộ Tư Lệnh KQ, mới có quyền điều động tụi tôi. Tụi tôi chỉ báo cáo thẳng ở đó thôi!
Chà nghe hấp dẫn rồi đây! Tôi thực tình nói:
- Thế nhiệm vụ của PĐ là nghênh cản lo bảo vệ vùng trời, như vậy anh em chỉ nằm ứng trực thôi, chứ khỏi đi bay hành quân, khoẻ nhỉ!
- Ai bảo anh thế, tụi tôi cũng hành quân như điên, chứ ở đó mà nằm chơi không à!
- Nghe thế mà.
Tôi cũng tệ thật, quên hỏi xem ai điều động, lệnh từ đâu kêu PĐ nầy bay hành quân! Hổng lẽ mỗi lần đi bay, phải do lệnh từ bộ TTM hay từ BTL/KQ?
Chuyện vãng một lúc, tôi hỏi:
- Mình bay F5, nếu VC xâm nhập bằng Mig 19, hay Mig 17… thì không ngán, nhưng lỡ nó bay vào bằng Mig 21, liệu mình có chơi lại không? Hả anh? Mà hồi đó tới giờ, tụi nó có dám léo hánh vào không?
Anh Xoài:
- Thì thứ Mig nào mình cũng phải lên, chớ sợ nó à! (nghe ngon!) Anh nên nhớ là tôi bay F5 E, chứ không phải F5 thường đâu nhá! Còn bọn nó cũng thấp thoáng định bay vào đấy chứ.
Tôi chận ngang:
- Chắc tụi nó (VC) không dám vào đâu, vì tôi nghe nói: vùng trời miền Nam mình được Mỹ bảo vệ mà!
Anh Xoài có vẻ giận dữ:
- Ai nói Mỹ bảo vệ? (anh lên giọng) Ai, mà ai nói mới được chứ?
Tôi đâm… hoãng và ái ngại:
- Thì tui nghe người ta nói vậy mà, chứ trước đây mình không có F5, hay phi cơ phản lực. Nếu không phải là Mỹ bảo vệ, thì ai vô đó?!
Anh Xoài nhìn tôi, và có lẽ thấy cái bản mặt của tôi có vẻ khờ khờ, ngu ngu, ngốc nghếch, hay sao đó… (chứ bộ vó của tôi cũng cao to, có phần hơn anh, và còn “ngầu” lắm nha!), ảnh bèn hỏi:
- Hồi trước anh làm ở đâu? dưới đất hay có đi bay không?
- Dạ, tôi cũng có đi bay, mà khác ngành với anh.

(Cái tật của tôi là hay “dạ” với người lạ lắm, chứ không ẩn ý gì) sau đó tôi bèn… "viện binh" kể tên một số bạn quen bay F5. Nên anh Xoài có vẻ dịu giọng lại… Tôi còn nói trong chiến trường VN, bộ binh rất thích được AD6 yểm trợ hơn, là A37 và F5, vì hoả lực mạnh và ở lại trận địa lâu hơn nữa. Tôi cũng phàn nàn:
- Sao Mỹ không cho mình mấy loại phản lực mạnh như (F104) Phantom... v.v...
Anh XOÀI đồng ý:
- Hoả lực có hơi ít hơn, nhưng mà F5 bay nhanh lắm, về đổ xăng rồi lên lại mấy hồi!

Nghe đến đó, tôi thấy rằng chẳng lẽ máy bay mà giống như xe taxi, hay Honda ôm, hết xăng thì về refuel, rồi đi tiếp, chứ không cần lệnh lạc gì cả! Tôi thấy anh nầy cố nói lấy được mà thôi, nên tôi cũng vả lả cho qua buổi; chứ không còn nói gì đến bay bỗng cả! Anh bay Khu-trục ngồi chung bàn dường như đã biết anh Xoài rồi, nên anh ấy ngó lơ, như không nghe thấy, không bàn bạc gì cả. Riêng anh Chuối bay vận tải, anh nầy vừa là thi sĩ vừa là vỏ sĩ, hình như cùng khoá với anh Xoài; sau một lúc lắng nghe anh Xoài ăn nói, có vẻ xem thường bên vận tải quá, nên anh nầy bực (tôi còn nhớ lời anh Chuối nói):
- Tao chỉ cần ông trời cho tao biết trước hai phút, trước khi tao chết thôi!
Anh Xoài hỏi:
- Để chi vậy?
- Hai phút, đủ thời gian để tao...“đục” cho mầy tiêu, chớ làm gì!

Tôi thấy tình hình hơi căng, nên chuyển đề tài qua chủ đề mà Hội KQ địa phương sắp thảo luận. Hôm sau tôi gọi phone cho anh bạn Mận, cùng khoá với tôi, bay F5 ở Tiểu-bang khác (xin dựa hơi và… loè với đọc giả, là tôi rất hãnh diện được quen biết gần cả chục tên cùng khoá, bay F5 cơ đấy!), tôi kể chuyện hôm qua cho bạn nghe, và nói:
- Mầy có biết không, tao nghe nó nói chuyện tao… “mê” luôn, và nhiều lúc tao nghĩ: tao là dân Bộ Binh đang nghe chuyện, chứ tao hổng phải là KQ đó.
Anh bạn Mận cười:
- Thằng Xoài nói đúng ở điểm: nó là thuộc PĐ Hồng Tiễn, có nhiệm vụ nghênh cản… nó bay cũng khá lắm! Lúc trước tao check out nó ra Phi Tuần Trưởng đó chứ ai! Còn nó cũng có danh là... “Xoài nổ” mà mậy!
Bẵng đi hơn hơn một tháng sau đó, trong một bữa picnic do hội KQ địa phương tổ chức, thấy anh Xoài đang trên bục vui chơi ca hát; tôi nhớ mặt mà quên tên, nên hỏi anh Nguyễn cũng bay F5 “có biết anh đó… là anh gì không”?
Anh Nguyễn nhìn lên:
- À Thằng “Xoài nổ” đó chứ ai. Rồi chính anh Nguyễn kể thêm:
- Thằng nầy ăn nói cũng bạo lắm! Có lần nọ nó nói gì đó, mà gọi mấy thằng khu trục nọ kia; một bị một chàng; bay khu trục khoá đàn anh (cỡ khoá 65, 66) tự ái nổi giận, bảo:
- Cái thằng nầy... khoá nào mà ăn nói hổn láo, xấc xược quá!
Anh đàn anh Khu-trục kêu ra sân, và xuýt choảng nhau, may nhờ anh em cản ngăn!
Anh Xoài học bay thẳng qua F5 luôn, không phải như mấy anh “lão thành” khác, có gốc là dân AD 5, AD 6…

Trên đây là chuyện có thật, tên tuổi là giả, vì không muốn đụng chạm chẳng ích gì, nhưng tình tiết chính xác có… “bớt” (vì lâu ngày hơi quên, và không cần nhớ) chứ không có “thêm”! Kể ra, để anh em biết rằng: "trên đời nầy, mỗi người mỗi tánh, và nếu anh em có gặp anh Xoài, hoặc những anh khác có tánh tình tương tự, biết tánh nhau như vậy, cũng lấy làm vui thôi, không thiệt hại gì ai cả". Anh Xoài chỉ có… “nổ một xí”; Chứ tôi thấy anh ta có vẻ nhiệt tình và năng động lắm! Hễ người “có tài”, (cứ cho là vậy đi) thì “có tật”; Biết thế và nghĩ vậy là: vui vẻ cả làng; bạn được vui mà mình cũng vui…

Trong đám đông hay đám múa lân cũng vậy, phải cần có pháo nổ nó mới...vui, mới xôm tụ, mới hào hứng. Phải không quý vị? Nhưng mà nổ cũng vừa vừa cỡ… pháo trung thôi, đừng xài tới pháo đại, nó điếc tai quá, và đôi khi nó văng xác trúng người đứng gần, làm xót-xót làn da cũng… “hổng nên”! Tôi cứ nghĩ anh Xoài nầy… xui thật; và mình cũng lấy làm tiếc cho anh ấy, phải chi lúc trước mà có thằng Mig nào cả gan xâm phạm; thì anh lấy F5 dợt cho nó một trận và… “xơi tái” nó một phát, để thoả mãn cái ego của anh. Và anh được dịp… nổ nghe đã luôn! Chuyện đó có thể lắm, vì thuở ấy dogfight là do phần lớn nhờ vào tài nghệ của Pilot, chứ không do sự tân tiến của kỹ thuật như bây giờ!

Tôi còn nhớ anh bạn, cũng cùng "khoá….tù" với tôi, Lưu Tùng Cương (đã chết bệnh) bay F5, anh kể lại:
- Thời gian đầu Mỹ bỏ bom miền Bắc, không có máy bay theo bảo vệ nhiều tầng như sau nầy (nào là tầng không chiến, nào là tầng diệt Sam, phòng không... v.v.) lần đó mấy chiếc cánh quạt A1H (AD6), ở ngoài Hạm Đội Mỹ đi đánh miền Bắc VN; bị mấy anh Mig phục kích, (nghĩa là Mig chưa lên không chiến ngay, mà chờ lúc khi phi cơ Mỹ cạn xăng, và trên đường về, mới nhào lên chặn đánh, rượt đuổi cho hết xăng… rớt cũng được), mấy anh Mig 17 quần thảo đám phi cơ cánh quạt nầy, và vì khinh địch, ỷ lại hay sao, mà khi nhào xuống bắn, lại bắn không trúng, mà có một chiếc Mig 17 trờ qua khỏi đầu, đằng trước mặt anh Mỹ! Được dịp bằng vàng, anh AD6 Mỹ nhanh như chớp ngóc đầu lên, "dzớt "đẹp chiếc Mig! Đấy một anh phi công cánh quạt, động cơ nổ; không chiến mà còn… diệt gọn một anh phản lực.

Anh AD6 nầy được tuyên dương trên báo, radio; nên anh nầy mặc sức mà... “ca” và xứng đáng cho… nổ pháo đại lắm, phải không quý vị! Đến đây chắc bạn đọc có người hỏi tôi:
- Còn bạn, (NN) thuộc loại pháo nào đây? có nổ dữ không???
Tui cũng thành thật thưa rằng:
- Khi nói chuyện với người ngoài, hoặc quân nhân bạn, tôi cũng có cái kiêu-hãnh ngầm, hơi tự-tôn ngầm; còn cái vụ… nổ! thì thật tình chưa biết thể nào; vì thưa các bạn, trong suốt thời gian phục vụ trong quân đội, tôi hoàn tất công việc, mà bất cứ một quân nhân trung bình nào, cũng làm được cả. Tôi chưa có gặp việc gì thật nổi bật, thật khó khăn… để có dịp nổ, nên tui chưa biết tôi có… “nổ” không, và pháo cỡ nào cả!!!


NGHICH_NHĨ

Tinh Hoai Huong
02-17-2017, 10:24 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1/1487326715-quang tri 8 cua tung.jpg

http://hoiquanphidung.com/uploadpics/mp3_pdf/1487326517-Noi Long Si Phu.mp3
Đoạn Tình Ngoái Vọng
(Thương mến tặng em Thu Huyền của chị Hoài Hương)
***

Trước khi gia đình Tom & Hoa thu xếp gọn gàng mọi công việc ở đây, để chuẩn bị đi Mỹ, Hoa cần phải về quê tại Sãi thăm mệ ngoại, & bà con làng nước. Đó là ngày đầu tháng Hai năm 1972. Từ Đà Nẵng Hoa nôn nao háo hức vui vẻ lên xe đò Phi Long ra Huế. Khi Hoa thấy cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp hiện ra trước mắt, thì Hoa vui không thể nào tả được.

Hoa ghé vô nhà người quen dạo trước xin ở lại mấy ngày, ông bà Thảo vui vẻ và hiếu khách không nề hà gì chuyện ăn ở, nên Hoa không mấy ái ngại, ngược lại Hoa cảm thấy thoải mái, thân tình hơn. Hoa tới tiệm may gấp một bộ áo dài trắng. Hoa ra chợ Đông Ba mua guốc vông, mua nón lá bài thơ, mua một cái cặp táp và mấy quyển tập. Hai ngày sau thì áo quần đã may xong. Thế là Hoa lật đật đi vô tiệm làm tóc. Trở về nhà Hoa mặc áo dài trắng quần trắng vô người, tay ôm cặp da, mang guốc, đội nón lá đứng trước tấm gương lớn, Hoa sung sướng soi bóng mình, mà không thể ngờ mình giống hệt một nữ sinh mười sáu tuổi xinh như mộng! Thật là tuyệt vời. Hoa gởi tặng gia chủ mấy món quà xứng đáng và từ giã họ, để đi Quảng Trị.

Trời đang trong xanh, bỗng chốc cơn mưa trái mùa ngân vọng tí tách rơi khắp đó đây, màn mưa mỏng tanh giăng mắc nơi nơi, như dãi lụa lung linh luân vũ trên dòng sông Hương nhạt nhoà, nơi có những con đò đang lênh đênh xuôi ngược. Dù mưa không lớn, nhưng Hoa sợ bị cảm, nên tránh vô trên lề phố đụt mưa. Gió lùa qua bộ quần áo trắng dính vô thân thể Hoa những hạt mưa li ti, khiến Hoa run rẩy, cảm thấy ớn lạnh rùng mình. Khoảng hơn nửa giờ sau, mọi sinh hoạt bắt đầu nhộn nhịp, ồn ào… hình như chốn nầy mưa chưa hề đi qua, vì trời đã nắng ráo trong xanh trở lại. Khiến Hoa chợt nhớ mục đích của mình từ Đà Nẵng ra Quảng Trị là: cần phải làm gì.

Hoa ôm những món quà lỉnh kỉnh ra đường, đứng trên lề một lúc thì có một xe xích lô trờ tới, Hoa ngoắc ông đạp xe xích lô lại, và nhờ chở Hoa đến bến xe. Tụt xuống xe xích lô, trả tiền xong, Hoa chạy tới bến xe đò đi Quảng Trị. Vì chuyến xe đó đã có quá nhiều người đông đúc chen lấn ồn ào, nên không còn một chỗ trống nào nữa. Hoa thất vọng đành ngồi lại ở phòng bán vé khoảng nửa giờ, để chờ chuyến xe sau. Chẳng hiểu sao trong lòng Hoa thấp thỏm lo âu bồn chồn chen lẫn rộn ràng háo hức đến thế không biết.

Rồi thì mọi thấp thỏm băn khoăn qua đi, trên xe đò Hoa đã yên tâm ngồi ở ghế trước cạnh bác tài xế. Lúc xe đò bon bon ra tới gần cầu đúc Hà Lỗ, (nói trắng ra ở đó là một cái ống cống đúc to), bỗng nhiên Hoa thấy đằng phía trước đông nghẹt xe GMC, xe jeep, xe đò… xe cứu thương, vân vân… và mọi người đang chộn rộn, họ vội vã chạy lui chạy tới la hét ầm ĩ, cảnh tượng thật náo loạn. Bác tài xế ngừng xe lại bên mé quốc lộ, bác biểu chú lơ xe chạy tới xem thử chuyện gì. Thì ra chuyến xe trước, nghĩa là chuyến xe đò ở Huế mà Hoa “bị đi hụt” kia… khi chiếc xe đò ấy vừa chạy tới ống cống, thì bị việt-cộng dã man giật mìn, nên hầu như chiếc xe đò hư hại tan nát, có rất nhiều người chết và bị thương trầm trọng.

Hoa thầm nghĩ:
- “Ôi! Đúng là Chúa, là Phật… đã cứu mạng mình! Nếu mình đừng bị mắc mưa, nếu mình không đi chợ Đông Ba mua quà bánh về cho mệ và bà con làng xóm, nếu mình không bị đi hụt chuyến xe ấy; thì giờ đây có thể mình đã nằm phơi thây tan xác tại nơi đây rồi”!

Hoa bần thần ngơ ngáo tụt xuống xe đò như người bước trong mộng. Nghe người ta hướng dẫn đi đâu, thì Hoa mở mắt trừng trừng, không biết gì mà mất hồn mất vía, lẽo đẽo đi theo đoàn người trong xe nầy như vậy! Hoa quá sợ hãi… rùng rợn nhìn thấy những thây người cụt tay, cụt chân, lòi bụng… máu me lênh láng đỏ lòm, xác của những người xấu số đã được những anh lính Nhảy Dù khiên đi đặt tạm bên mé đường. Người bị thương thì ngấp ngoãi quằn quại, rên siết, kêu la không ngớt. Cảnh tượng ấy vô cùng thương tâm, khiến Hoa không thể cầm được nước mắt, và sự lo lắng sợ hãi, bần thần bồn chồn ngơ ngác càng dâng lên tột đỉnh. Hoa không thể hoàn hồn!

Hoa lùng bùng nghe trên loa phóng thanh đặt ở một chiếc xe GMC nói láo pháo gì đó, thì đám khách trên xe đò của Hoa cùng đi, đã rộn ràng xôn xao thúc hối Hoa lội bì bõm xuống đám ruộng, mà đi qua bên bờ bắc, phía về hướng Quảng Trị. Hoa ngố ngáo đi theo họ mà tâm trí bay lên trời xanh. Có thể do cơn mưa buổi sáng vừa trút qua nơi nầy, nên bộ quần áo trắng của mình bi giờ đã bết bùn, nhòe nhoẹt, bẩn thỉu lem luốt. Hoa đang chống hai tay xuống đất, để bò bò lên bờ đê. Bỗng nghe có người trai giọng miền Bắc nói gì đó. Hoa ngẩn nhìn lên: một anh Trung-úy Nhảy Dù đang ngồi trên xe jeep. Anh ta mỉm cười nhìn Hoa, giọng nói của người con trai miền Bắc nghe êm ái ngọt ngào, thân ái:
- Em về đâu?
- Dạ…
Hoa ngẩn ngơ hầu như chưa hoàn hồn, cũng chẳng nhớ mình muốn đi đâu, làm gì.
- Em muốn về đâu hở? Anh giúp em, không sao. Em đừng ngại nhé.
- Dạ thưa… em về ngoại.
- Nhưng nhà ngoại ở đâu?
- … Sãi. Dạ… An Tiêm.

Trung-úy Dù bảo để anh ta lái xe, còn ông tài xế thì lui ra ngồi ở băng ghế sau, nhường chỗ cho Hoa ngồi ở ghế trước, cạnh chàng. Suốt đoạn đường dài Hoa vẫn còn hãi hùng, sợ hãi, bấn loạn tâm trí. Có lẽ anh Trung-úy cũng biết được điều đó, nên cả hai người im lặng không nói thêm lời nào. Đến khi Hoa tụt xuống xe, cám ơn chàng và dợm bước đi, thì anh Trung-úy mỉm cười mở lời:
- Anh tên là Hồ. Phan Bá Sơn Hồ. Còn em tên gì nhỉ?
- Dạ, em tên Thu Huyền.
- Bao giờ em về Huế thế?
- Ngày mai.
- Cho anh xin địa chỉ của em. Nhé.

Hoa nói dối với Hồ là "ngày mai" về lại Đà Nẵng, nhưng thật ra Hoa tính ở lại với mệ khoảng hai ba ngày mới đi. Hoa cho Hồ biết địa chỉ, nhưng không phải địa chỉ của nhà ba má mình, mà Hoa cho Hồ biết địa chỉ bà O ở đường Đống Đa, Đà Nẵng. Hoa tươi cười khi chia tay Hồ. Hồ cũng cười vui, vẫy tay rồi vội vã quành xe trở lại bon bon chạy về lối cũ, có lẽ anh đi tới nơi đã xảy ra tai nạn khủng khiếp.

Hoa đứng xớ rớ ở đó một lúc, lòng cảm thấy có chút vui vẻ rồi quẹo vô đường kiệt nhỏ về nhà mệ. Chao ơi! mệ ngoại đang bưng rổ rau trên tay, thấy cháu gái bất ngờ về thăm, mệ ngoại mừng rỡ vất rổ rau xuống đất khi Hoa ôm chầm lấy mệ. Hai bà cháu vui vẻ mừng rỡ rối rít cười cười nói nói huyên thuyên, vui không thể nào tả nỗi. Suốt buổi hai bà cháu rìu rịt bên nhau chuyện trò không biết chán.

Ngày hôm sau Hoa ôm cặp đi tìm nhà một người bà con ở bến Đá, để xin vô gụt rửa bớt mấy chỗ tà áo bị bùn dính lem luốt. Vì nhà của mệ có đứa em họ đang đi học tại trường Nguyễn Hoàng. Hoa cảm thấy “dị”, mắc cỡ , muốn dấu nhẹm chuyện mình "giả làm nữ sinh", nên không cho nó biết “cái tẩy” lếu láo của mình. Nhà của người bà con ấy ở bến Đá là một tiệm bán bách hoá, họ bận rộn lu bu vì có nhiều khách ra vô đông đúc, họ chẳng lưu ý về việc Hoa đang làm gì. Hoa thay áo quần xong, nàng bước ra đường thuê xe xích lô:
- Chú cho cháu đến trường Nguyễn Hoàng.
Vừa nói Hoa liền leo lên xe. Ông ta gò lưng đạp xích lô, và bắt chuyện:
- Hình như O ở nơi khác mới tới nơi ni, hỉ!
- Ồ, răn chú giỏi rứa?
- Thì tui đoán mò thôi.
- Chú đoán, mà hay thiệt. Cháu ước chi cũng được như rứa, thì vui biết mấy.
- O là học sinh ở trường Nguyễn Hoàng hả?
- Lần ni thì chú sai rồi.
- Có sai, chớ chẳng lẽ tui trúng hoài, thì tui bỏ nghề đạp xe xích lô, để làm thầy bói.
- Dạ phải.
- Nhưng mà… tui thắc mắc: nếu O không phải là học sinh ở trường Nguyễn Hoàng, thì mắc mớ chi O tới nơi nớ, O mặc bộ áo dài trắng, đi guốc vông, đầu đội nón lá, mái tóc thề, rồi tay O lại ôm cặp nữa. Thấy như rứa, hỏi răn tui không lầm, hỉ!
Hoa toét miệng cười tươi:
- Chú giỏi thiệt. Cháu phục chú rồi.
- Giỏi cái chi nà.
- Dạ… thì cháu luôn ao ước sẽ được vô học ở trong trường Nguyễn Hoàng đó chớ. Nhưng vì nhà cháu rất nghèo, không thể đi học.
- Tới nơi rồi. O cho tui vài ba đồng.
- Dạ. Nhưng cảm phiền chú làm ơn chớp cho cháu những bô hình ở trường Nguyễn Hoàng!
- Tui nỏ biết chớp bóng chớp hình chi mô.
- Để cháu chỉ cho chú biết cách xử dụng. Cũng dễ mà.

Nói xong, Hoa mở xách tay lấy chiếc máy hình nhỏ ra, và hướng dẫn cho ông xích lô biết cách chụp hình. Hoa tươi cười đứng trong sân bên gốc cây Phượng. Khi thì Hoa đứng ở cổng trường, khi thì Hoa ngồi trên thềm mở tập ra. Khi Hoa đội nón lá ôm cặp “giả” làm nữ sinh đi trên đường tới trường công lập Nguyễn Hoàng. Ông “phó nhòm” dù mỏi tay, vẫn chịu khó chìu chuộng một người khách nhỏ, ông chụp hết cả cuộn phim 35 bô, trong lòng ông cảm thấy ấm áp và vui lây niềm vui của người xa lạ.
- Tặng chú năm chục đồng. Cháu cám ơn chú nhiều.
- Tui cũng cám ơn O. O cho nhiều tiền, quá lớn như ri. Tui được về nhà nghỉ sớm. Hì.

Hoa cười nhìn người đàn ông quắt thướt cao ốm, da sạm khô vì dày dạn phong sương nắng gió khuya chiều, nhưng trông ông ta khỏe mạnh. Hoa cảm động trước lời nói chân thật của người xích lô vui vẻ. Hoa không muốn làm phiền ông ta thêm, nàng sợ rằng nếu nhờ ông ta chở tới bến xe, bến xe cũng gần, không cần đi xích lô. Dù bấy giờ ông ta muốn về nhà ngay, nhưng do nể nang hoặc áy náy, mà ông ta chở mình đi, không nhận thêm tiền. Thì mất hết ý nghĩa. Nhưng ông ta nằn nặc chở Hoa tới bến xe. Đành vậy. Hoa chào từ giã chú xích lô nàng lửng thửng lên xe đò đi vô Huế.

Đứng trên bến xe Huế vắng lặng không người qua lại, Hoa lo lắng nhìn lui nhìn tới mà mất hồn! Thôi hết rồi! tuyến đường xe Huế - Đà Nẵng mỗi ngày chỉ có năm bảy chuyến đi & về, trên xe lúc nào cũng chật ních người. Sau bốn giờ chiều tại bến, thì kể như xe ngừng chạy. Hoa không biết điều đó, bi giờ mới “chết đứng” ở đây. Đang bồn chồn lo lắng quá chừng, Hoa bỗng giật mình khi văng vẳng nghe tiếng ai nói:
- Chuyến chót, có khách bao đi Đà Nẵng đây.
Hoa vui hết sức, lật đật chạy tới chiếc xe đò, trên xe chỉ có năm người khách. Thiệt là mừng hết lớn. Hôm sau Hoa đi lấy hình, chao ơi là không ngờ mình có những tấm hình quá đẹp, Hoa vui thích biết bao, bây giờ thì ước mơ đã toại nguyện rồi nhe, Hoa cứ cầm xấp hình mà nhìn ngắm và trầm trồ tự khen mình giống hệt nữ sinh trường Nguyễn Hoàng mãi.
***

- Khi gia đình Hoa lên phi cơ đi Mỹ, vì hành lý quá nhiều, năm cái va ly to, và nhiều túi xách, những thùng carton to tướng, tay nách hai đứa con nhỏ và đồ đạc cồng kềnh. Khi chuyển đổi mấy lần máy bay, thì có mấy va ly bị thất lạc, do đó mất hết tất cả những hình ảnh lúc Hoa chụp ở trường Nguyễn Hoàng. Điều nầy khiến Hoa vẫn tiếc ngẩn ngơ, thiệt là công dã tràng khi chớp bóng chụp hình!

Vợ chồng Tom Hoa định cư khoảng ba tháng, thì có cô em họ ở đường Đống Đa đã gởi thơ qua Mỹ, nói với Hoa là:
- Có một anh Trung-úy tới nhà mẹ của em, mà anh ấy tìm chị Thu Huyền hoài đó. Anh ấy nói: lúc xưa gặp chị đó, chị nói với anh ấy là ngày hôm sau, tức là "ngày mai" chị đi Đà Nẵng, báo hại anh ấy ra bến xe đợi chị hoài mãi. Em thấy anh ấy rất buồn, ngó tội hết sức chị ơi!

Thật tình là lúc đó cũng như bây giờ Hoa không thể nhớ người ấy là ai, mà anh ta tìm mình để làm gì. Thời gian khá dài lặng lẽ buồn bã và bận rộn trôi qua… cho đến một hôm vào giữa năm 1976, có bà bạn người Mỹ mời Hoa đi làm việc cho hội USCC, để giúp bà thông dịch tiếng Anh ra tiếng Việt, và nhờ Hoa bảo trợ cho năm gia đình Việt Nam đã xin tỵ nạn Hoa Kỳ. Ban đầu Hoa không nhận lời, thứ nhất vì nếu Hoa làm việc ở thành phố dầu Oiois City, thì từ nhà Hoa ở Spennylvania đến nơi làm việc, cách xa nhà mình những 90 miles, nên Tom phải đưa Hoa đi làm việc, cũng phiền. Thứ nhì là Hoa được bà Mary cho biết: trong năm gia đình đó, thì một gia đình nọ có hai người đàn ông: Một người là Đại-úy Dù, một người là Trung-úy Không-quân, họ còn độc thân. Vậy, theo Hoa nghĩ hai anh sĩ quan đó có dư trình độ học thức, có thừa ngôn ngữ... để tiếp xúc với người Mỹ rồi, có lẽ không cần đến mình. Nhưng bà Mary giải thích:
- Tất nhiên hai ông ấy không cần thông dịch, nhưng họ cần về tinh thần. Vì em biết ở đây quả thật người Việt chỉ đếm không đủ trên một bàn tay. Bây giờ có họ, hẳn là em cũng cảm thấy vui vẻ hơn khi gặp đồng hương. Phải không em?

Hoa nghe thật có lý, nên đồng ý nhận lời bà Mary giúp cho năm gia đình ấy có tiền sinh sống, như: xin trả tiền trợ cấp được năm năm, tiền xăng, thức ăn, bác sĩ, vân vân… Hoa liền gọi phone hẹn ngày đi gặp năm gia đình nọ. Hoa gọi cho bốn gia đình xong, Hoa gọi cho hai anh độc thân, thì có một anh (không biết là anh nào) trả lời:
- Hello!
- Tôi chào anh. Tôi ở trong hội USCC, xin hẹn ngày giờ đến gặp các anh.
- Chào cô. Cho chúng tôi hẹn ngày Chủ Nhật nầy, từ 10 giờ đến 12 giờ, tại nhà thờ Antone nhé.
- Dạ, chào anh.
- Cám ơn cô, chào cô.

Như thế cũng tiện, vì ngày thường Hoa còn phải đi làm ở hãng may. Đúng ngày hẹn, Tom phải chở Hoa và hai đứa con đi, từ nhà Hoa đến tại thành phố Oil City cách xa gần 2 giờ xe chạy trên freeway. Bước vô nhà thờ Mỹ, Hoa thấy đa số người có những mái tóc vàng, tóc nâu, tóc bạc, duy chỉ nổi bật lên hai cái đầu có mái tóc màu đen. Biết họ đã có mặt và ngồi ở hàng ghế đó rồi, Hoa quay trở ra đến bên chồng và các con. Sau giờ tan lễ, Hoa trở vô nhà thờ:
- Chào anh.
- Chào cô. Tôi tên là: Phan Bá Phi Cần.
- Còn một người nữa đâu rồi?
- À, nó là em tôi.
Hoa và Cần bước ra khỏi nhà thờ, thì gặp người em. Cần hỏi:
- Sao bỏ đi đâu vậy?

Không nghe tiếng người em trả lời, Hoa ngước nhìn người lạ, nàng cảm thấy khá ngạc nhiên khi thanh niên ấy đang sửng sờ đăm đăm nhìn mình không chớp mắt. Hoa hỏi ra mới biết họ là hai anh em ruột, là người Việt Nam rất hiếm hoi ở trên xứ lạ quê người của thành phố Oil City. Hồ nói với anh:
- Gặp nhau bất ngờ thế nầy, chúng ta phải đãi Huyền ăn cái gì chứ anh.
Người anh khá ngạc nhiên, không hiểu sao em mình lại biết tên cô nầy, nhưng anh Cần không nói gì, lặng lẽ nhìn em gật đầu:
- Phải.
- Để em với Huyền đi mua Chicken Half Breasts, hoặc New York Steak gì ăn nhé.
Cần gật đầu đồng ý:
- Anh đợi em. Bây giờ anh vô trong cha xứ có chút việc.
- Vâng.
Hồ liền dẫn Hoa đi ra xe, anh lái đi. Thật ra trên thành phố nầy Hoa chưa rành chỗ nào bán thức ăn, nên cũng không thể chỉ cho Hồ biết nhà hàng nào ở đâu. Hồ vẫn đăm đăm nhìn Hoa, buồn bã thở dài thườn thượt. Khi Hồ vô tiệm mua thức ăn nước uống xong, trở ra xe. Tuy anh nói dường như trách móc, nhưng giọng người con trai Bắc nghe sao quá dịu, ngọt ngào, êm ái và hay đến lạ :
- Có biết em đã giết đời anh không. Hở?
Hoa ngỡ ngàng quay qua nhìn Hồ, giọng thảng thốt:
- Dạ thưa anh, anh nói gì? Ở trong Hội USCC bảo em đi gặp các anh, thì sao em làm khổ anh? Tại sao vậy?
- Em không hiểu, hay em giả vờ không hiểu?
- Quả thật em chẳng hiểu anh nói gì.
- Vậy cho anh hỏi: Năm 1972, ai là người leo lên ở bờ ruộng, ai ngồi trên xe jeep, để anh chở đi ra Quảng Trị?

Giật mình khi quá khứ đang ngùn ngụt ùa về trong hiện tại choáng ngợp ân tình. Hoa mừng rỡ hét to lên:
- Ối trời ơi!... Trời ơi! Em cám ơn anh... Lúc đó tinh thần em bấn loạn, vô cùng sợ hãi khi thấy xe đò bị mìn, người chết nằm la liệt, em lo âu hoang mang tột độ. Em có biết chi, có nhớ chi mô.

Trở về nhà thờ, Hoa bần thần bấn loạn ngẩn ngơ, chẳng thà Hồ không bình tĩnh mà to tiếng xỉ vả mình ngày đó "bặm trợn, ác ôn" đánh lừa anh đi, thì Hoa đỡ áy náy, đỡ ray rứt. Hoa không thể ăn uống nuốt trôi thứ gì. Hoa lặng lẽ nhìn anh em họ trân trối. Phẩm cách con người có thể đánh giá qua cách nhìn cử chỉ họ tiếp xúc, nói năng, đi đứng, ăn uống... Thế rồi họ mỉm cười chia tay nhau.

Ngay tối hôm đó Hồ lái xe xuống nhà Hoa. (Vì ở trong hội, mỗi khi mình muốn bảo trợ cho ai, thì cả hai phía đều có hồ sơ, phải biết số phone và địa chỉ của nhau, để liên lạc lúc cần thiết). Hồ tới trạm gọi phone (thời buổi nầy chưa có cell phone) xin Hoa ra gặp ở điểm hẹn. Hoa nói Hồ cứ vô nhà, vì Hoa chẳng suy nghĩ gì, vã lại chuyện bảo trợ danh chính ngôn thuận, chồng Hoa đã biết việc Hoa làm, không sao cả. Cũng may là Tom đã đi tới nhà thăm mẹ của anh. Hoa không muốn cho chồng biết chuyện Hồ đến nhà làm gì, để Tom phải bận tâm.

Hoa đi rót trà mời khách, Hồ ôm con bé sáu tuổi không biết tiếng Việt, (con của Hoa) vô lòng thổn thức:
- Cháu có biết không, mẹ của cháu làm ta đau khổ rất nhiều.
Có lần Hồ nói:
- Mẹ cháu đành lòng ra đi, không ở trên quê hương, là nơi ta và người ta yêu đã sống, cháu à.
- Mẹ cháu không biết, hay cố tình không biết ta yêu mẹ cháu rất nhiều.
- Mẹ cháu lừa ta. Mẹ cháu đã có chồng con, sẽ đi Mỹ, mà còn cho ta địa chỉ làm gì thế?

Hoa sửng sốt mà lạnh toát toàn thân! tay chân rụng rời, nàng run run đặt tách trà sóng sánh nước trên bàn, rồi Hoa khép nép ngồi đối diện với Hồ. Con bé chạy qua sà vô lòng mẹ. Hồ nói mà gần như đang thút thít:
- Em là mối tình đầu của anh. Một coup de foudre bất ngờ mà bất diệt.
Hoa mang trong lòng nỗi xót thương Hồ, muộn phiền ray rứt vô bờ bến, nghẹn ngào ngẩn ngơ, hoang mang... bàng hoàng mà mình không thể bộc lộ bằng tình cảm. Biết nói gì bây giờ đây, hở Trời!?
- Tại sao em không cho anh biết em đã có gia đình?
- Tại anh không hỏi... Nhưng... Thật ra lúc đó em đang hãi hùng, lo sợ quá chừng. Không nghĩ chi cả.
- Em ra đi… Trong khi anh ở lại chốn xưa, anh không tin em đã thật sự ra đi, nên anh tìm kiếm em trong tuyệt vọng. Ở khắp các vùng chiến thuật anh luôn mang hình bóng em đi theo bên mình. Bây giờ được gặp lại em rồi, anh an tâm đi về. Hẹn tái ngộ.

Hoa ngập ngừng lúng túng đứng dậy tiễn Hồ ra cửa, lòng trĩu nặng nỗi sầu đắng buồn thương da diết. Thế rồi ít lâu sau đó, anh em Hồ dọn xuống nhà Trung-tá Th (là chỉ huy của Hồ) để sống cho gần thành phố nơi nhà Hoa hơn, vì ở nơi nầy tiện cho công việc của họ về ngành chuyên môn. Một tuần vài ba lần, "hai anh chị" gặp nhau vì chuyện nầy chuyện nọ, có khi chẳng vì chuyện gì cả, nhưng họ vẫn muốn gặp nhau, gặp nhau cười nói vu vơ mà thân càng thân, hờn trách vẫn cứ trách hờn. Vừa gặp nhau đó ra về tới nhà, thì Hồ lại gọi phone cho Hoa nói chuyện, cứ gọi hoài, nói hũy.

"Anh chị" dấu nhẹm không cho người anh rõ... Anh Cần chưa hề biết chuyện từ trước kia Hồ đã yêu Hoa. Hồ chẳng sợ gì hết, trong khi Hoa lo sợ đức ông chồng quá sức. Lạ lùng thay là: dù Hồ đã tặng Hoa một nắm hoa rất đẹp được làm bằng vải nhung êm ái, nhưng Hoa nghĩ là anh đang tặng cho mình một bó hoa hồng, toả mùi thơm dịu dàng được toát ra từ đôi môi của anh.

Một hôm Hoa lái xe chở hai anh em đi tới nhà gia đình người Việt (gốc Huế), Hoa cố ý giới thiệu hai anh em nầy, với hai chị em nhà kia quen biết nhau. Thật ra, anh em Hồ người nào cũng hào hoa phong nhã, chững chạc, trí thức, hoạt bát, vui vẻ... lại khá đẹp trai. Trong khi hai chị em kia con nhà danh giá, cũng xinh đẹp và nết na thùy mị không kém. Sau những tháng “tìm hiểu nhau”, thì người anh đã đám cưới với cô chị, và đưa nhau đi Origan sống. Còn Hồ cương quyết dứt khoát không ưng chịu cô em. (Hồ vẫn đi học, rồi năm 81 ra kỹ sư, share phòng ở nhà Trung-tá nọ).

Lúc nầy là cuối năm 1979 thì Tom nghi ngờ… âm thầm theo dõi từng cử chỉ hành động của vợ, rồi khám phá ra chuyện “thầm lén” hẹn hò của họ (làm sao mà không lộ chuyện cho được: lúc nào vợ cũng líu lo nói chuyện phone bằng tiếng Việt với một giọng đàn ông duy nhất như thế!). Nhưng Tom bình tĩnh không vội vàng tỏ thái độ gì, điều ấy cũng khiến cho Hoa lo lắng bồn chồn áy náy không yên, không vui mà trở nên bứt rứt lo sợ và bực Hồ hơn. Mặc cho Hoa tức giận, van xin, năn nỉ ỷ ôi và khóc lóc, Hồ vẫn ù lì cóc thèm nghe. Thiệt là điếc bất cần đời không sợ súng của Tom nã cho mấy phát nà.

Hồ nói với Hoa:
- Ở trại tỵ nạn, anh có quen một cô… Lan rất yêu anh, có gởi thư nhờ anh bảo lãnh.
Hoa liền chụp ngay cơ hội đó, đã mách cho anh Cần nghe. Lúc sau nầy khi anh Cần về Ỏigan thì anh đã biết rõ chuyện hai người. Anh Cần cũng biết Lan, anh thường gọi phone về khuyên bảo em trai nên chọn Lan làm vợ, không nên làm cho Hoa đau khổ, gia đình Hoa tan vỡ, thì tội cho họ, và mình chẳng vui vẻ gì!
Hồ ra điều kiện với Hoa:
- Anh sẽ làm hồ sơ bảo lãnh “vợ Lan” qua Mỹ, với điều kiện khi con gái em đúng 18t ; thì chúng ta ly hôn. Như vậy em phải thề là chúng mình sẽ sống với nhau cho đến trọn đời. Nhé.

Hoa không do dự đã thề luôn. Thế là Hồ thu xếp công việc đang làm xong, Hồ đi về bên Origan sống với anh trai, làm hồ sơ bảo lãnh vợ qua Mỹ. Mỗi ngày Hồ đều gọi phone cho Hoa, nói chuyện gì không biết mà ôm khư khư cái điện thoại muốn cháy cả máy. Gọi phone chưa chán, Hồ viết thư thường xuyên kể nầy kể nọ. Có lần Hoa đọc, có lần không đọc mà chỉ khóc, khóc, khóc… vì biết rằng chuyện sẽ bế tắt chẳng đi đến đâu. Rồi nghe phone hoài Hoa cũng sợ Tom sinh nghi, nên Hoa chẳng dám bắt phone, và đi thay đổi số phone mới. Hoa cố gắng sống trong gia đình cho được thanh thản, bình an. Thế là phone pheo thư từ tin tức gì cũng không. Tịt ngòi luôn.

Năm 1991 Hoa mở một tiệm bán thức ăn “to go” ngoài phố, nên lu bu bận rộn nhọc nhằn vất vả vô cùng. Lúc nầy thì con gái và con trai đều đã lớn cùng đi học Y khoa. Một hôm trong tiệm hết vật liệu nấu ăn, Tom phải về nhà lấy thêm. Hoa đang lúi húi làm bánh mì, chợt nghe:
- Cho xin dĩa chicken.
Ngước nhìn lên thấy Hồ, Hoa té xĩu vô lòng bà bạn người Mỹ. Hồ vội chạy tới đỡ lưng Hoa, cho ra nằm ở sofa phía hông nhà. Trong khi bà Mỹ lo làm thức ăn, Hồ bước ra khỏi tiệm. Một lát sau Hoa lồm cồm ngồi dậy, dáo dác nhìn quanh, mặt tái méc và run lập cập, Hoa nói với bà bạn Hoa đi mua thuốc. Tưởng Hồ đã đi, Hoa lật đật vô tiệm thuốc Tây. Nào ngờ Hồ đứng sát sau lưng:
- Không trốn khỏi anh được đâu.
Hoa lo lắng điếng người vì sợ người ta thấy, tình bây giờ thì ngay nhưng lý gian, nên Hoa rất sợ thiên hạ thấy hai người "rù rì", lại "mách lẽo" với Tom, thì... chết! Hoa vội dẫn Hồ vô một tiệm bánh phía bên kia billding. Ngồi xuống bàn, Hồ nhìn Hoa chòng chọc:
- Tại sao thư không đọc, dám trả thư lại, rồi thay số phone mới?
Hoa ấp úng cúi gầm mặt nhìn xuống hai đùi, bàn tay xoắn xuýt vào nhau mà vẫn run rẩy.
- …
- Bây giờ các con em đã ngoài hai mươi tuổi, chứ không phải 18 tuổi như chúng mình đã hẹn. Anh sẽ đối diện với Tom, nói hết. Anh về sống với em.
Hoa hốt hoảng nói bừa:
- Anh chờ hai chị em nó ra bác sĩ, rồi hãy tính.
Hồ làm dữ không chịu, viện cớ Hoa kéo dài thời gian lần lữa khất rày khất mai, mà không chịu ly dị chồng, để về chung sống với anh. Tự nhiên Hoa không sợ Hồ nữa. Hoa trừng mắt nhìn Hồ ngao ngán thở dài. Thú thật từ năm 76 đến năm 79 Hoa có thương Hồ lắm, có xao xuyến nhớ nhung Hồ nhiều. Nhưng Hoa không hiểu đó có phải là do tình yêu chân thật, hay do Hoa thương hại Hồ, xót xa thương cảm vì Hồ yêu mình say đắm, mà bao phen điêu đứng khổ sở vì mình. Nên chi Hoa nghĩ Hồ là một người có tình nghĩa sâu đậm và thuỷ chung. Nhưng Hoa phải dối lòng nói với anh không bao giờ yêu anh, để Hồ yên trí mà đi lấy vợ:
- Lần nầy, em phải đối diện với Tom, nói cho Tom biết, em dứt khoát không bỏ chồng.
Hồ nghe vậy, trên khuôn mặt đẹp trai ấy quá buồn, anh sửng sờ nhìn Hoa không chớp mắt, sau đó Hồ úp mặt vô hai bàn tay khá lâu, rồi ngẩn lên:
- Trước khi chúng mình chấm dứt hẳn, anh xin em ba ngày gặp gỡ, anh hứa chúng ta tôn trọng nhau, sẽ kể cho nhau nghe những gì đã và đang xảy ra, mà không làm gì hết. Em chịu không!?

Khi đang yêu, ai cũng có những ước nguyện, hoài bão, định hướng và hy vọng có một gia đình hạnh phúc cho riêng mình. Nhưng rồi có ngờ đâu gió bão thường thổi tới, kèm theo những đợt sóng cuốn trôi đi những lý tưởng hoài mong. Từ thuở thanh xuân, Hoa có thể nhìn vào mắt người ấy, Hoa biết có sự đồng cảm tương phùng thấu hiểu, và “chúng ta” đang nghĩ gì. Cho đến bây giờ thì khác hẳn, nhưng Hoa bằng lòng. Hai người dẫn nhau về Pointe West Beach. Họ âu yếm vỗ về an ủi nhau, kể chuyện xưa, chuyện nay… cười đùa rồi hậm hực khóc lóc.
Hồ đã thì thầm kể cho Hoa nghe một sưu tầm anh đọc trên báo chí xưa cũ:
Có một vị hiền triết đã hỏi các đệ tử rằng:
- Tại sao trong cơn giận dữ, người ta thường phải hét thật to vào mặt nhau?
Sau một lúc suy nghĩ, một trong những đệ tử ấy đã trả lời:
- Bởi vì người ta mất bình tĩnh, mất tự chủ!
Vị hiền triết không đồng ý với câu trả lời, ngài bảo:
- Nhưng tại sao phải hét lên, trong khi cả hai đang ở cạnh nhau. Tại sao không thể nói với một âm thanh vừa phải đủ nghe?
Các đệ tử lại phải ngẫm nghĩ để trả lời, nhưng không có câu giải thích nào, khiến vị thầy của họ hài lòng. Sau cùng ông bảo:
- Khi hai người đang giận nhau, thì trái tim của họ đã không còn ở gần nhau nữa. Từ trong thâm tâm, họ cảm thấy giữa họ và người kia có một khoảng cách rất xa. Nên muốn nói cho nhau nghe, thì họ phải dùng hết sức bình sinh để nói thật to. Sự giận dữ càng lớn, thì khoảng cách càng xa, họ càng phải nói to hơn. để tiếng nói của họ bao trùm khoảng cách ấy.
Ngưng một chút, ngài lại hỏi:
- Còn khi hai người bắt đầu yêu nhau thì thế nào? Họ không bao giờ hét to, mà chỉ nói nhỏ nhẹ, tại sao? Bởi vì trái tim của họ cận kề nhau. Khoảng cách giữa họ rất nhỏ…
Rồi ngài lại tiếp tục:
- Khi hai người ấy đã yêu nhau thật đậm đà, thì họ không nói nữa, họ chỉ thì thầm, họ đã đến rất gần nhau bằng tình yêu của họ. Cuối cùng, ngay cả thì thầm cũng không cần thiết nữa, họ chỉ cần đưa mắt nhìn nhau, thế thôi! Vì qua ánh mắt đó, họ đã biết đối phương nghĩ gì, muốn gì...
Ngài kết luận:
- Khi các con bàn cãi với nhau về một vấn đề, phải giữ trái tim của các con lúc nào cũng cận kề. Đừng bao giờ thốt ra điều gì, khiến các con cảm thấy xa cách nhau… Nếu không thì có một ngày khoảng cách ấy càng lúc càng rộng, càng xa... thì các con sẽ không còn tìm ra được đường quay trở về!

Hồ và Hoa đã thể hiện mối tình ấy trong cung cách riêng. Tuy trong lòng mỗi người vẫn mang tâm tình yêu thương, âm thầm ngoái vọng về dĩ vãng da diết buồn đau. Nhưng tình cảm trầm buồn mà thiết tha ấy đã êm ái lắng dịu đến không ngờ. Sau ba ngày hạnh phúc trong nước mắt tủi hờn, họ đằm thắm chia tay, không hề liên lạc nữa.
***

Năm 2010 Hoa về Việt Nam, có tới thăm cô bạn cũ, Hoa được bạn cho biết:
- Anh Hồ đã bảo lãnh chị Lan như đã hứa với Hoa vào năm 1995. Họ có hai mặt con đó, nhưng họ không hề có hạnh phúc. Hồ tính ly dị, thì biết tin Lan bị cancel, rồi sáu tháng sau Lan đã chết. Lâu rồi.
Cách đây hai năm (2014) Hoa đi Origan thăm gia đình anh chị Cần, anh chị đã có bốn mặt con. Anh Cần cho biết:
- Mới đầu năm 2014 nầy, Hồ vừa chính thức lấy vợ, để thực sự có một gia đình (do tự ý Hồ chọn, chứ không phải do Hoa chọn).
Anh Cần lại cười ha hả:
- Em quá trời lắm nghe.
- Tại răn?
- Hồi xưa, lúc mới gặp em ở USCC, anh không hề biết thằng Hồ đã yêu em từ thuở nào. Nên anh cũng âm thầm yêu em đó chứ.
- Ui xà, cái anh ni… dị ghê! Vợ anh đài các, tiểu thư, có học và đẹp như rứa, em răn sánh bằng.
- Anh nói thật mà.
- Anh đừng nói nữa, khiến em càng ốt dột thêm.

Nắng chiều xiên ngoài song cửa đang hấp háy trong giếng mắt nhau những niềm vui nỗi buồn hoà quyện, vu vơ… Lòng Hoa dâng lên niềm nhớ nhung mông lung và ngoái vọng về dĩ vãng đang ào ạt tuôn tràn trong hiện tại.

***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
02-24-2017, 10:33 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1/1487975257-CO 6.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1359482425.mp3
Đám Cưới Ngày Xuân


Nền trời phơn phớt xanh lơ điểm những lọn mây vàng xám, ươm hồng, lơ lững trôi về nơi vô định. Xa xa xuất hiện đàn chim én bay qua kẽ mây trôi từ phương Bắc về. Tiết trời giá lạnh, run rẩy đang yên ắng lạ thường. Bỗng nhiên tiếng đàn, tiếng trống, tiếng kèn vọng ra từ căn nhà xinh xinh bên sườn dốc do ban nhạc đánh rất hay, ngón đàn điêu luyện chơi vơi trong bầu trời đẫm sương mù, vươn lên đỉnh thông, rồi lặng lẽ tan đi trong ráng chiều dần dần phai nắng: “Thu đi cho lá vàng bay, lá rơi cho đám cưới về. Ngày mai, người em nhỏ bé ngồi trong thuyền hoa tình duyên đành dứt. Có những đêm về sáng đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi, đã vội chi men rượu nhấp đôi môi mà phung phí đời em không tiếc nhớ Lá đổ muôn chiều ôi lá úa, phải chăng là nước mắt người đi. Em ơi đừng dối lòng dù sao chăng nữa không nhớ đến tình đôi ta. Thôi thế từ đây anh cố đành quên rằng có người Cầm bằng như không biết mà thôi Lá thu còn lại đôi ba cánh đành lòng cho nước cuốn hoa trôi…”

Vào giờ phân giới giữa ánh rạng rỡ của ngày đầu năm mới và bóng tối xuân về, thốt nhiên Anh Thư cảm thấy ngập tràn niềm vui, như cỡi trên con thuyền hoa hạnh phúc bất tận:
Bấy lâu em còn nghi còn ngại.
Bữa nay em kêu đại bằng “mình”
Phụ mẫu hay được, không lẽ đánh mình giết em! (cd)

Do bởi... í a ... là tại cái ông Tơ bà Nguyệt mà ra cả, cũng vì... từ hồi xửa hồi xưa kia cà: Thuở đó chàng Vi Cố ngọan cảnh đêm trăng, thì gặp ông Nguyệt Lão râu tóc bạc phơ đang ngồi mân mê mớ chỉ hồng, mà ông ngồi làm chi trước tòa cổ miếu trầm ngâm suy tư hỉ!?. Chàng Vi Cố lân la gợi chuyện làm quen ông lão, rồi khẩn khỏan hỏi thăm ông Lão Nguyệt: “người vợ sau nầy của mình là ai?”. Thì chàng được ông lão cho biết: “vợ của chàng sau nầy là một cô bé bán rau nghèo khổ”. Quả thật đúng y bon thật như vậy. Rằng thì là ...cũng do từ đấy mà ra, nên Anh Thư đã dám bạo gan bạo phổi:
Ai về bà Điểm Hóc Môn
Hỏi thăm người ấy có còn hay không?
Để tôi kiếm sợi chỉ hồng.
Nhờ ông Tơ bà Nguyệt kết vợ chồng đôi ta. (cd)

Thế nên giờ đây chúng mình mới “có chuyện” vui vẻ nè... cũng phải thôi:
Ấy ai dắt mối tơ mành
Cho thuyền quen bến cho anh quen nàng
Tơ tằm đã vấn thì vương
Đã trót dang díu thì thương nhau cùng.
Hai anh chị ấy đã quyết chí hẹn thề với nhau:
Anh đừng thấy “đăng” mà phụ “đó”
Đừng chê em nghèo khó mà vội phụ phàng
Anh coi đồng tiền sớm mai còn chiều mất
Chớ nhân nghĩa bạn vàng vững chắc thiên kim (cd)

Thế nên ngày mai là chính thức hai Họ nhà trai và nhà gái đã làm đám cưới cho Anh Thư và Bửu Bảo mà! Anh Thư là con gái đầu lòng, ba me cô tuy gốc gác miền Trung, nhưng họ rời quê hương khá lâu, gia đình lên Đà Lạt làm việc với Pháp, nên mọi việc từ trong ra ngoài, họ lo cho con gái chu tất, toàn vẹn theo lối phương Tây. Bảo, con trưởng nam dòng họ vương tôn, giàu có và thanh lịch. Gia đình đôi bên có đủ yếu tố xây dựng gia thất cho con, để dòng họ thêm rộn ràng hoan hỉ, nở mày nở mặt. Ngoài kia, họ nhà gái huyên náo lạ thường, đàn ca, nhạc sống vui vẻ hết biết.

Suốt đêm Anh Thư không dám nằm ngủ, cô sợ xẹp mái tóc đánh rối bới cao, sẽ bù xù, mất thẩm mỹ đi. Nàng càng bực mình vì đôi giày cao gót, cô chọn lầm, da giày cứng, dày như da voi, cô vừa mang đi lui đi tới mấy vòng, thì gót giày tàn nhẫn “xơi tái” mấy miếng da chân, nên bi chừ rát bỏng, đau điếng. Mỗi lần cử động, nó đau lên thấu tim, dù Anh Thư se sẽ lê tấm thân phì lũ, đi nhè nhẹ, cà nhắc, cà nhót. Mấy phù dâu xúm lại trang điểm cho nàng, vì nước da của Anh Thư ngăm ngăm đen, ai ai cũng nói nàng có làn da như vậy, thì có duyên. Nhưng nàng bực tức khi có bạn đã chế nhạo:
“Chưa đi chưa biết Bà Đen,
Đi rồi mới thấy đen hơn bà nhà,
Bà nhà tuy có hơi già.
Nhưng mà vẫn... trắng hơn là Bà Đen”! (st)

Chín giờ sáng! Nhà trai đã có mặt trước sân hồng: Hai gánh đi đầu là cặp ngỗng trắng nhốt trong lồng mây, nó luôn hoác mỏ khàn khàn khọt khẹt kêu réo inh ỏi. Tiếp theo là con heo mọi mập ú, ụt ịt quay lui quay tới trong cái cũi sơn đỏ, cột nơ hồng. Gánh thứ ba là vò rượu cẩm chôn bách nhật xủi tăm. Tiếp theo là tám khay mâm quả phủ nhiễu đỏ, viền tua vàng, do những chàng trai mặc áo xanh đỏ, đội nón lá mười vành, khệ nệ trang-trọng bưng. Hai bên có những người đồng cổ phục cầm cán lọng dài màu vàng che nắng. Chàng rể mặc áo dài thụng màu xanh biển, chữ Phước, đầu chít khăn đóng, quần dạ trắng, mang giày thô đen. Chú tiểu-đồng-hầu lon ton xách theo bộ đồ “tuxedo” nữa. Chàng rể (tay ôm bó hoa của cô phù dâu) đi trước giữa hàng thân quyến cùng quý ông bà, mệnh phụ phu nhân, bạn bè, bà con gia tộc nhà trai đi sau lưng.

Tất cả dừng lại chờ hai người mối bên họ nhà trai: đi tiên khởi bưng khay trầu rượu vào trước sân hồng, để ra mắt quan viên hai họ. Ông mai bà mối xin họ nhà gái cho nhập gia tùy tục. Thế là đại diện họ nhà gái đứng trên thềm hoa, xoa xoa những bàn tay thân thiện vui vẻ nhận lời. Mọi người hoan hỉ tươi cười trang trọng lục tục kéo nhau vào phòng nghinh tân. Ông mai bà mối nói năng lưu loát, nên vui vẻ cả làng. Các mâm sính lễ đặt trên chiếc bàn dài, cặp ngỗng và “chú hợi” để dưới sân, gần cửa chính. Ui! Ngày xửa ngày xưa muốn cưới hỏi, phải có đủ 6 lễ vật:
Lễ thái nạp (đính ước giữa trai gái).
Lễ vấn danh: (hỏi tên tuổi cô gái).
Lễ nạp cát: (nhà trai trả lời bằng lòng).
Lễ nạp lệ: (ăn hỏi).
Lễ thinh ký: (lễ xin cưới).
Lễ than nghinh: (Lễ cưới).

Bi chừ là thời buổi văn minh tiến bộ thì cho giản dị nhiều thứ. Nhưng lễ vật nhà trai vẫn sang trọng lắm. Nào là vòng xuyến, dây chuyền, bông tai, nhẫn, toàn nhận kim cương, còn kiềng chạm, dây chuyền trên năm lượng vàng y 24k (không kể quà bà con chú bác). Nghi thức diễn tiến tốt đẹp, đến lúc Anh Thư hồi hộp, rụt rè, được bà me vén bức màn nhung, dìu con gái rón rén e ấp thẹn thùng bước ra phòng nghinh-tân. Trong lòng nàng ngổn ngang trăm mối, giờ phút chót nàng vẫn lo sợ nhà chồng chê “mình ú na ú nần”, nên nàng đã rỉ tai:
“Lấy vợ xin anh lấy vợ ù.
Tay em đầy đặn, tối em ru.
Kê đầu anh ngủ êm hơn gối.
Mộng đẹp, hiên ngoài gió vi vu”. (st)

Bỗng chốc bên phía nhà trai có vài mệnh phụ đài các chụm đầu vào nhau xì xào, chỉ chỏ bộ cánh “xê-rê ” trắng trắng, có tấm voan mỏng che mặt, đuôi áo dài lê thê sau gót cô dâu, găng tay trắng dài lên tới cánh, cô dâu đội vương miện lóng lánh kiễu nữ hoàng Anh cao sang. Có người bên nhà trai nói trổng:
- Y như con ma da chết trôi. Thấy gớm ghiết, ớn lạnh hè. Thiệt là...
Nhà gái tái mặt, vội xuề xòa:
- Đồ trắng, là tượng trưng cho sự trinh bạch mà.
- Ngày cưới xin, ăn nói chi bậy bạ quá!
- Ui xà! “Ở có nhân, mười phân chẳng khốn. Ở có đức, mặc sức mà ăn”.
- Miệng mồm ăn mắm ăn muối.
- “Chỉ đâu mà buộc ngang trời. Tay đâu mà bịt miệng người thế gian”.

Họ đã xầm xì to nhỏ:
- Để rồi chị em dòm coi nghe: Cái thứ nớ rồi không trước thì sau sẽ giống như:
Ba bà đi chợ với nhau.
Một bà đi trước kể chuyện nàng dâu.
Một bà đi sau tu tu lên khóc:
Nhà bà có phước lấy được dâu hiền.
Nhà tôi vô duyên lấy phải dâu dại.
Việc làm thì trái, chỉ tưởng miếng ăn.
Hễ bảo quét sân đánh chết ba gà.
Bảo đi quét nhà đánh chết ba chó.
Có mâm giỗ họ miếng ra miếng vào.
Rửa bát cầu ao liếm dĩa quèn quẹt. (cd)

Hai họ lời qua tiếng lại nghe chói tai, nhức nhối con tim thật khổ hết biết! Khổ nhất là ông Tơ bà Nguyệt, hết ông Tơ cứ lo chạy qua bên nầy, thì bà Nguyệt lại chạy lăn xăn về bên kia năn nỉ ỉ ôi. Hai họ mích lòng nhau, thấy sợ, trong khi ngoài sân pháo bắt đầu nổ rền trời. Tôi đi phù dâu chuyện cãi cọ, đôi co, hay hai họ có làm gì, tôi cũng chả lo chuyện ruồi bu của người khác. Tôi chỉ sợ pháo văng trúng bị cháy áo quần, mà bộ đồ vía nầy là do tiền cần cù lao khó của mình làm ra mà có, chứ nàng dâu chú rể chả ai lo cho! Nên tôi vén váy áo ngồi thụp xuống nền nhà, nhắm mắt bưng hai tai.

Khi nghe nhiều tiếng kêu rú thất thanh vang lên, tôi đứng phắt dậy, ngơ ngác nhìn quanh: Hai con ngỗng nghe pháo nổ đì đùng, chúng hoảng sợ tống cửa lồng, một con bay lên bàn đạp đỗ bình hoa, lễ vật, ly tách, bánh rượu, trái cây. Khi người đàn ông nào đó túm bắt được con ngỗng đực, ông ta vặn ngược cổ nó lui sau lưng, thì trên bàn lộn xộn không còn gì ráo. Một con ngỗng kia cứ nhướng cổ, quạt cánh nhắm mấy khuê nữ đài các mặc áo dài màu vàng, màu đỏ chói chang mà rượt theo. Khiến mọi người xô đẩy, đạp lên nhau né chạy... chạy tá lả. Con heo mọi ụt ịt càng hoảng sợ, nó hất chiếc lồng cũi ngã ngửa rồi lăn cù ra, nó hét tướng lên kêu eng éc, éc éc... rồi nó cạp nắp đậy. Nó đã sổng cũi, vừa chạy nó vừa ị ị ị ra từng cục phân vương vãi lung tung, nhão nhoẹt, thúi um.

Hầu hết mọi người sửng sốt, ngây người, chết trân, ngơ ngác nhìn trước cảnh tượng khá bất ngờ. Nhưng người đau khổ nhất là Anh Thư. Cô đứng chịu trận hơn một giờ (do những thủ tục nhập-gia rườm rà), nên đôi chân Anh Thư càng lúc càng sưng húp, vì những vết thương cọ xát vào đôi giày mới, mạch máu giật tưng tưng từng cơn. Cô mệt đừ, mồ hôi vã ra như tắm, mặt mày cô tróc dần phấn son, trông cô lem luốc, da cô trổ đồi mồi như con mèo vá. Tự dưng bụng đói cồn cào, cô hoa mắt, chóng mặt, và Anh Thư cũng lăn cù ra như con heo mọi kia mà bất tỉnh nhân sự.

Hai cô phù dâu hoảng hốt, luống cuống vội vàng nâng Anh Thư dậy, Trầm Mây và tôi đều gầy ốm, (so với “Thư tán phẩm”), chúng tôi vẫn cố sức làm tròn nghĩa vụ phù dâu. Mỗi người kéo một cánh tay của Anh Thư để quặp vào cổ mình, kẹp cô dâu ở giữa, chúng tôi ra sức kéo lôi Anh Thư xềnh xệch đi vào “the-phòng”. Các bạn gái khác thì không ngớt xoa dầu gió cho Anh Thư, cạo gió, giật tóc mai cô dâu. Dần dà thì Anh Thư cũng hồi tỉnh lại. Thật uổng công mái tóc “búp Ănglê” mà Anh Thư sợ hư, đã ngủ ngồi suốt đêm qua, giờ đây bù xù như tổ quạ. Anh Thư vội bảo Hoa ra phòng khách: lấy hộ hộp quần áo sính hôn vào, vì giờ đi lễ sắp đến. Các bạn gái mỗi người một tay, xúm lại lo chải chuốt, trang điểm cho Anh Thư. Ba me của cô muốn Anh Thư diện bộ cánh thời trang “xê rê” lộng lẫy nhất. Mặc! Về nhà chồng, thì cô dâu cần phải lấy lòng bên họ nhà chồng đã may áo quần cho con dâu chứ. “Thuyền theo lái, gái theo chồng. Chồng đi hang rắn, hang rồng, vợ cũng phải theo” mà!

Anh Thư đội khăn đóng vành dây đỏ mạ vàng cao chín tầng quá rộng, nên nó tự động sụp xuống tận mắt. Thỉnh thoảng Anh Thư phải lấy tay đẩy “cái khăn hoàng hậu” lên. Vì mạ chàng rể không ngờ bây giờ cô dâu ốm hơn ngày trước tê mạ đi lên Đà Lạt làm đám hỏi cô. Phần Anh Thư do lo lắng chuyện cưới hỏi, nên ngày nay cô đã sút mất mươi cân! Thành ra áo quần mạ may từ năm bảy tháng trước, nay rộng thùng thình! Cô mặc áo dài nhung đỏ may tà Bắc, quần sa tanh trắng “rô-đê” dưới gấu, khoát ngự uyển bên ngoài. Chuyện áo quần rộng không thành vấn đề, cô chỉ có hơi buồn buồn khi đội khăn đóng, và mang đôi hài đỏ.

Hồi ấy do hai họ trai gái ở “ngăn sông cách núi” xa xôi ngàn trùng, chuyện đi lại gặp gỡ bàn tính với nhau bất tiện trăm bề, họ chỉ liên lạc với nhau bằng thư gửi bưu điện, cả tuần hoặc mười ngày nửa tháng mới bắt được thư. Bảo viết thư về cho mạ, ghi số đo để may áo quần và đo số chân của Anh Thư, để mạ đi đặt đôi hài cườm có thêu con rồng vàng uốn khúc hai bên mép hia. Mạ thích tự ý diện cho con dâu í mà! Mạ lẩm bẩm:
- Viết cái chi mà lem dem nhỏ xí ri hè? Viết không rõ ràng nơi, con số 40 hay 46 hỉ? À... con dâu mình có da, có thịt, phúc hậu như rứa, thì ta cứ đặt cho con số 46 hỉ! Số lớn số nhỏ chi, cũng bằng từng nớ tiền. Chi bằng, mình cứ đóng số lớn xí, thì rẻ, mình có lợi là được giày to, mà mình không phải bù trả thêm tiền ở khoảng to nớ. Cho tiệm giày hắn lỗ chổng khu luôn.

Thành thử đôi hài rộng rinh, ẻo qua, ẻo lại, càng khó khăn khi Anh Thư cất bước đi. Tuy được một điều là đôi hài rộng không cứa vô chỗ đau ở mấy vết thương rát bỏng dưới gót chân kia. Mọi xáo trộn rồi cũng dần qua. Thay vì cho đám rước đi bộ trên đoạn đường ngắn dợt le, làm lé mắt mọi người, để thiên hạ tha hồ ngắm nhìn, trầm trồ khen ngợi đám cưới nầy cao sang, long trọng; và lom lom dòm đoàn người hộ tống cô dâu che tán vàng, tán tía như cha mạ chú rể ước mơ dự tính. Cha mạ chồng sợ cô dâu lăng đùng ra một lần nữa, thì nguy to. Nên cha mạ, họ nhà trai bàn tính kỹ, cuối cùng đồng ý gấp với họ nhà gái: là cả hai họ trai gái cùng nhau leo lên những chiếc xe hoa, nối đuôi chạy dài dài đến giáo đường con gà.

Dưới những chòm thông xanh reo vi vu, giáo đường Chính Tòa Đà Lạt tô màu gạch viền trắng uy nghi, sừng sững, tọa lạc trên vùng đất phóng khoáng, có tháp chuông cao vút, in hình Con Gà vươn lên trời xanh mênh mông. Hàng xe hơi khoảng mười lăm chiếc đã đậu đúng hàng lối trước sân giáo đường.

Nếu đi trên mặt bằng, thì Anh Thư còn có thể kéo lê “đôi hia một dặm” lết lết theo bàn chân co cứng, cô cố dí sát mấy ngón chân vào đầu mũi hia, cô dồn toàn lực bấm mười đầu ngón chân, ngỏ hầu cố giữ đôi hia lại. Nhưng, khi cô muốn giở đôi chân cao hơn, để bước lên những bậc cấp, thì lực bất tòng tâm. Mười đầu ngón chân Anh Thư mỏi mệt, ương ngạnh, xuội lơ, tê cứng... nó không tuân phục theo ý muốn của cô. Thế là chiếc hài rời chân, ung dung rơi lông lốc xuống cuối những bậc cấp nhà thờ Chính Tòa cao ngất. Trầm Mây ngẩn ngơ giây lát rồi vội vàng xắn quần áo đẹp, chạy xuống để nhặt “hia” lên, Trầm Mây đưa tận chân cô dâu. Anh Thư tay vịn vô vai của tôi, nàng xỏ được chiếc hài nầy, thì chiếc hài khác lỏng lẻo lăn đi. Anh Thư cúi đầu xuống nhìn, mà xỏ chân vào hia, thì báo hại chiếc khăn đóng rộng vành đã che sụp xuống tận mũi. Anh Thư không thấy đường, cô dâu đạp phải vạt áo dài lụng thụng lết bết trên bậc cấp. Áo dài Anh Thư đứt hàng khuy nút bóp, để lòi vú mớm ra. Cô dâu hổ thẹn, luống cuống vội vàng quơ quơ tay để kéo ngự uyển đậy lại.

Trong lúc lây lan cái sự dị hợm nầy, và mắc cỡ muốn độn thổ, tôi lúng túng lo lắng nhìn chằm chằm vô mặt Anh Thư, ngỏ hầu ráng chăm sóc tốt cho bạn, nên tôi bị hụt bước chân trên bậc cấp. Thế là tôi ôm bạn té lăn cù cù xuống đủ hai vòng. Chu choa ơi! Bộ giò cô dâu lặt lìa lặt lọi, bị trặc mất toi rồi! Còn tôi thì tím bầm ở hai đầu gối, sưng to như đầu gối voi, đau kinh khủng! Hai phù dâu lại một phen nữa mệt toát mồ hôi hột, tôi cùng bạn xốc nách Anh Thư dựng nàng lên! Chúng tôi quàng cánh tay của Anh Thư vắt qua cổ mình, liếc nhìn nhau mà hô to: “một... hai... ba...” để lôi Anh Thư và cả tôi lặc lìa lặc lọi lết lên bậc cấp, cho chắc ăn, cho chắc cú. Chớ cái kiểu nầy thì tôi mệt muốn ngủm! muốn ngoẻo!

Sự việc xảy ra đột ngột quá nhanh, dù chàng rể Bửu Bảo đang đứng gần chúng tôi, ấy thế mà chàng rể thừ người ra trơ trơ lỏ mắt dòm, không kịp phản ứng gì! Lúc đó mặt mày cô dâu, chú rể đỏ bừng như con gà lôi, chuyển sang tái méc. Mà người tiếp nhận tái méc nhanh nhất là mạ chồng! Hai họ đứng chết trân, rủ người dường như tê liệt, họ kinh ngạc há hốc miệng. Bỗng chốc mọi người xôn xao đồng loạt cất tiếng cười ngất (trước nỗi đau của người khác). Họ quên lửng “bộ đồ vía” gây ra nông nỗi tệ hại kia, là do chính Họ nhà trai cất công đi mua sắm. Lúc nầy, hai cô phù dâu quá mệt, đi đứng như kiểu chấm phết cà nhắt cà thọt, không còn hơi sức đâu mà cười. Cười cười… cười… cái gì? mà buồn cười nhỉ!

Tất cả mọi người đã vào an tọa trong nhà thờ, chỗ nào ra chỗ đó, có thứ tự lớp lang hẳn hoi. Nhưng ai ai cũng lo ra, có mấy mệnh phụ đài các tỏ vẻ quan tâm chu đáo lăng xăng chạy lên nơi “an ngự của cô dâu chú rể”. Mấy bà to nhỏ rù rì, rồi lấy dầu gió xoa xoa, nắn nắn bóp bóp bàn chân, ống chân của Anh Thư. Điều nầy vô tình gợi nhớ tới “tích xưa”; nên thỉnh thoảng có nhiều tiếng cười rũ rượi, cười khúc khích lao xao nổi lên đây đó. Khiến cha chủ tế người Pháp đứng trên bục giảng ngạc nhiên ngỡ ngàng. Ngài ung dung nhìn mọi người vui vẻ, từ tốn mở lời:
- Hôm nay, "dứng" trước quý ông bà, anh chị em, và “co dau chú rẻ”, tôi xin "cào" chúc anh chị trăm năm "hạn phút", răng "lông" tóc bạc suốt đời. Nào: qúy ông bà anh chị em hãy nhìn xem: trên bàn thờ có hoa mai, hoa lan, “hoa hệ" và hoa cứt”...

Nhiều tiếng cười đồng loạt bung vỡ, vang dậy khắp đó đây từng hồi. Ngài chủ tế ngạc nhiên, sững sốt nhìn xuống khắp lượt trong nhà thờ. Ngài không hiểu chuyện gì, tại sao giáo dân lại cười trong giờ làm lễ uy nghiêm trang trọng thế nầy!? Rất vô tư lự, ngài dõng dạc tiếp:
- Ơ hơ! Anh chị em sao lại không nghiêm trang trong giờ Lễ vậy!? Anh chị đang "cưới" ai, “cưới” cái gì vậy? Anh chị em có muốn thích "cưới nhau", thì xin hãy ra ngoài sân mà “cưới”. Ở trong nhà thờ nầy thì chỉ làm "lễ cười". Mà "lễ cười", thì có gì mà "cưới" chứ?!

Ụi! Trời đất quỷ thần thiên địa tổ tông ông bà cô bác anh em cháu chắt ới! Cả nhà thờ ai ai cũng ôm bụng bò lăn bò càng ra mà cười vang. Cười thật to. Cười ngất. Cười ra nước mắt. Cười mệt xỉu. Chịu không thấu. Cái điệu nầy chắc mọi người bị bễ bụng mà chết nhăn răng vẫn cười quá! Rất may, có một vị trung niên bước lên bục giảng, ông chúm chím cười cười duyên ơi là duyên. Ông ta dùng ngôn ngữ tiếng Pháp để xin lỗi cha. Ông giải thích về việc ngài phát âm hơi lệch lạc, méo mó xí. Thế nên từ ngữ bị sai sót chi chi đó.

Á, thì ra...! Sau khi ngài hiểu nguyên nghĩa, hiểu từ trước khi họ nhà trai tới nhà gái, lúc đến ở ngoài sân nhà thờ, và ở trong nhà thờ lúc nầy; mọi việc đã xảy ra ra sao. Tại sao cả nhà thờ “đều thích cưới”. Vị linh mục người Pháp không ngớt xin lỗi, và đã cười tươi, vui vẻ thoải mái quá chừng chừng! Phải hơn mươi phút sau thì thánh lễ mới bắt đầu trong sự “lo ra”. Cả cha chủ tế vẫn tủm tỉm cười khi dâng lễ!

Sau giờ lễ, hai hàng xe hơi dài chạy lên sát cửa chính điện của nhà thờ Chính Tòa, chứ xe không đậu ở giữa sân, dưới những bậc tam cấp như hồi nãy nữa. Tất cả mọi người mệt đừ, vì kiệt sức, mỏi nhừ hay vì cười ngất? Chả biết. Hai họ nhà gái, nhà trai, đều quên chuyện giận hờn, xoi tì xoi tướng nhau, họ đã thân mật xiết bao, ôn nhu hoà ái vui vẻ cả làng. Thượng khách ngồi vào bàn, nhâm nhi sơn hào hải vị: Nấm đông cô, tóc tiên, mực khô, bát trân, bào ngư, vi cá, yến xào, đùi heo, tôm hùm, do đầu bếp số một bên Thượng Hải qua Việt Nam đảm nhận ở nhà hàng Nam Sơn. Họ nâng ly chúc tụng nhau vui vẻ, nét mặt rạng rỡ, hân hoan. Bác phó nhòm Châu thừa thắng xông lên tha hồ chụp ảnh... lia chia: Trong khi dưới giàn thiên lý em đã...
Trên giàn thiên lý
Bướm tìm hoa hút nhụy vẩn vơ bay.
Cánh chuồn chuồn giỡn nước bến sông mây.
Xuân thấp thoáng trên hàng cây mai trắng.
Buồm gió ngư ông về xóm vắng.
Tiếng tiêu mục tử vọng sông dài.
Dưới hàng cây thiếu nữ nhẹ chân hài.
Trong đám ấy có người ngày mai tách bến.
Mộng xuân đó ai không về lỗi hẹn.
Cho người buồn khi bến vắng không.
Thuyền hoa em đã theo chồng! (*)
***
Tình HOÀI HƯƠNG

Mùa xuân lại về, hôm nay Feb.17... kỷ niệm ngày xưa... Anh Thư đã đám cưới. Tôi xin cung-hiến độc giả thân mến chuyện Tết vui có thật. Một cảm tình trân qúy đã xảy ra trong đời tôi... Đã hơn bốn mươi lăm năm rồi đó, Trầm Mây và Anh Thư nhỉ! Mặc dù chúng ta ít có cơ may gặp lại nhau. Nhưng, mỗi lần mở tập album ra, thì trong lòng Hoài Hương tôi dậy lên ngọn sóng dạt dào tình luyến nhớ, hoài mong, ngây ngất nỗi khát khao tìm về thời niên thiếu tươi trẻ xa mờ xa, với giấc mộng quan hoài đã vụt bay cao trong tầm tay với, khi tuổi đời đã nhuộm vàng hanh mái tóc phong sương trên dòng đời phai nắng...
Tình Hoài Hương
* * *

Tinh Hoai Huong
03-07-2017, 06:34 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1/1488866630-fico trthg 12.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadpics/mp3_pdf/1488866885-Nho mot chieu xuan_AiUuDu (2).mp3
NHỮNG CÁI… Không Bao Giờ Quên
CUA ĐINH
Tưởng nhớ đến: Lâm Đế, Trọng Khẹt, Hảo Caribou…
***


Tôi xin thưa ngay để quý huynh đài hiểu ngay cho chữ… “những cái” ở đây; có nghĩa là những cái sự việc, những cái kỷ niệm, những cái tên, những cái cảm giác... v.v… đã xảy ra với tôi, chứ không phải là những...cái gì... gì khác, mà tổn thọ. Bởi mới đây có một anh bạn trẻ chuyển cho xem vài bài viết khá lâu của anh ấy về bay bổng ngày xưa, anh nhắc đến tôi vài chuyện, và gợi ý tôi nên kể lại vài vụ việc... từ hơn 40 năm qua, cho các bằng hữu nghe chơi trong lúc trà dư tửu hậu.

Chà cũng khó đây! Trước 75 tay tôi cầm cần lái, sau 75 được mấy anh Ba cho hưởng vinh quang… cầm cuốc; chứ có dịp nào cầm viết đâu, mà viết với lách! Nhưng mình có học gồng và mới làm một viên… thuốc liều, nên:
“Cũng đành nhắm mắt …múa tay
Thử xem chữ nghĩa độ rày đến đâu"

Tôi xin kể lại chuyện thật, người thật đến 99%: còn 0,5% vì viết về mình, nên hơi chủ quan và có lẽ hơi… "nổ”, hoặc vẽ vời một xí, cho trẻ trung vui vẻ, âu đó cũng là cái máu con nhà “nòi" KQ mình mà, thông cảm hỉ! Còn 0,5% là chi tiết như ngày giờ không được chính xác, thì quý huynh cũng hiểu cho đệ cũng ngoài sáu bó rồi, nên bộ nhớ nó... early retire chút đỉnh! Tự an ủi rằng có nhiều bậc vĩ nhân, những bộ óc siêu việt, mà về già cũng còn bệnh lú lẫn (Alzheimer); sá gì mình thuộc loại bất tài vô tướng, dân ngu khu...vàng, thì đâu có nhằm nhò gì. Không phải khu… đen mà là khu vàng, vì đang sống trên xứ Mỹ, mà mình thuộc giống dân da vàng, nên phải dùng chữ cho nó đúng… phong thổ! Lại một nỗi khổ nữa là khi đánh máy bài viết nầy, tôi chỉ xử dụng "nhất dương chỉ” làm cò mổ từng chữ một, với sự chú tâm cao độ nên…“văn” (vốn đã hiếm) nó không có ra! Xin bộc bạch vài hàng…phi lộ.

Bây giờ để: "tôi kể người nghe”…: Cái tên…cũng có ảnh hưởng… Tôi và một số bạn Chuẩn-uý “nhô con” về trình diện Phi Đoàn 211, Trực Thăng (H34) đóng tại Tân Sơn Nhứt khoảng giữa năm 1964. Vị trí Phi Đoàn nằm sát cổng Sư Đoàn Dù. Đi từ cổng Phi Long vào, cứ đi thẳng đến gần sát cổng trại Hoàng Hoa Thám, quẹo phải vào cổng nhỏ có đề chữ HELIPORT, đó là PĐ 211.
Bộ Chỉ Huy gồm có:
· Chỉ Huy Trưởng: Thiếu Tá Nguyễn Huy Ánh
· Chỉ Huy Phó: Đại Uý Nguyễn Hữu Hậu
· Trưởng Phòng Hành Quân: Thiếu Uý Nguyễn Văn Lân
· Trưởng Phòng Huấn Luyện: Thiếu Uý Phạm Huy Lạng
· Trưởng Phòng An Phi: Thiếu Uý Bùi Hân

Trực thuộc Phi Đoàn còn có Sĩ Quan Hành Chánh Tài Chánh: Thiếu Uý Nguyễn Long Nhan và Sĩ Quan Kỹ Thuật Phi Đạo: Thiếu Uý Phan Võ Viên.
Hai pilot chuyên bay thử là: Trần Xuân Quang và Hồng Văn Tý; anh Tý thời gian ngắn sau qua PĐ217, và sau đó lại chuyển nghề qua An Ninh. Thời kỳ đó, KQ không có qui chế rõ ràng! Hơn nữa có một Vị cho rằng KQ chỉ để… đuổi gà (!!?) nên lon–lá kẹt lắm. Quan Ba tàu bay cũng hiếm thấy và... "bự” lắm rồi. Còn quý vị tuy mang lon… thấp Thiếu Uý, nhưng võ công... phi hành thì… cao, và đã vào hạng sư phụ, hoặc sư thúc rồi như: T/U Lê Phước Điền, Nguyễn Thanh Cảnh, Đặng Trần Dưỡng, Nguyễn Kim Bông, T/u Trương Văn Vinh, Nguyễn Văn Vui, Nguyễn Văn Lắm, Đặng Bình Minh v.v…

Còn các đàn anh gần lên Thiếu Uý thì… nội-công cũng đã đạt 12 thành công lực và thuật... phi hành ở bậc cao thủ trong giới võ lâm bay bổng như các anh: Phạm Bính, Trần Xuân Quang, Đinh Hữu Hiệp, Nguyễn Hữu Lộc, Phan Ngọc Huệ, Đặng Kim Quy, Nguyễn Hữu Nhàn, Cao Văn Tư, Bùi Văn Be, Châu Lương Can, Nguyễn Văn Minh "con", Lê Quỳnh "tài-tử"… vv...

Quý vị sư phu, sư huynh kể trên hơn một năm sau được thăng cấp… hồi tố, có vị chưa kịp rửa lon vừa mới lên, lại phải lo mua lon mới! Bọn tôi mới về được bay huấn luyện thêm, để tái xác nhận làm hoa tiêu phụ đi hành quân, làm sĩ quan trực phi đoàn, và bị bắt học, soạn đề thuyết trình địa huấn (kỹ thuật) cho nhau nghe, với sự chứng giám của vài xếp. Cái món này tôi không ưa, vì đã chán học nên đi lính mà cứ bắt học hoài; cho nên phải thú thật rằng kỹ thuật thì tôi quá dốt.

Thuở đó, chiến trường còn lắng dịu nên nhiệm vụ của Trực-thăng thường là đi tải thương và tiếp tế; rất ít khi bay đổ bộ. Vì thế pilot nào trong tháng mà bay được cở 60 giờ, là coi như xuất sắc, thường là cở 20 giờ. Nói chung đây là thời kỳ vàng son và nhàn hạ, nếu có một vài lần đổ quân, thì cũng cở 7, 8 chiếc H34 bay hợp đoàn theo đám UH cuả Mỹ, như trận Ấp Bắc và Bình Giả. Mãi đến năm 1967, và nhất là từ năm 1968 trở về sau nầy, việc đổ quân mới là… cơm bữa...

Vừa mới về PĐ cở nửa tháng, là được T/U Lắm (U-Nu) đặt cho tôi cái tên là: “Cua-Đinh”, xin đọc rõ là Cua Đinh; phải chi mà đừng có chữ "a” ở đằng sau rốt, thì hoá ra lại hay, và đâm ra mình còn có giá trị… ngầm! Biết đâu chừng giờ đây tôi ăn nên làm ra, vì các hãng bào chế thuốc mượn tên mình làm quảng-cáo, để ganh đua và cạnh tranh nhộn nhịp với hãng Pfizer! Sở dĩ có biệt danh đó, vì mặt tôi luôn luôn đỏ, nên anh cho rằng tôi bị nổi "đơn" sắp bị... cùi ; hễ ăn vịt xiêm lai, hay cua đinh vào là… rụng móng liền! Cái tên nghe kỳ cục và cũng rất là… độc!

Cũng vì vậy mà mấy năm sau trong nghiệp bay bổng của tui, cũng xảy ra lắm chuyện độc… đáo, không giống ai! Thời gian hơn một năm sau, tôi được sắp xếp bay huấn luyện xuyên huấn để ra hoa tiêu chánh, tôi thường được mấy ông thầy huấn luyện cho là T/U Lạng, Thiếu Tá Nguyễn Huy Ánh, và bay nhiều nhất với Chỉ Huy Phó Phi Đoàn Đ/U Nguyễn Hữu Hậu. Nói đến ông Ánh, thì ai cũng nghe danh là bay trực thăng rất giỏi, và những cái xuất sắc khác nữa như: giỏi võ và tài thiện xạ súng colt. Tóm lại cái nào ông cũng thuộc hạng sư cả. Bây giờ nhắc đến tên Nguyễn Huy Ánh, tôi không khỏi ngậm ngùi tưởng nhớ đến một vì sao rực sáng; một vị lãnh đạo tài ba Chuẩn Tướng Nguyễn Huy Ánh, cựu Tư lệnh Sư Đoàn 4 KQ với tất cả sự ngưỡng mộ và kính mến!

Sau mấy tháng bay huấn luyện xuyên huấn tại PĐ, tôi được Đ/U Hậu check out ra hoa tiêu chánh. Một thời gian sau PĐ trực thuộc Không Đoàn 33, và dời qua nằm kế bên PĐ 415 Vận Tải. Bãi đậu phi cơ H34 và hangar cũng nằm kế bên bãi đậu C47, gần taxiway; phía cuối phi đạo, hướng trại Sư Đoàn Dù. Phi Đoàn Trưởng Thiếu Tá Nguyễn Hữu Hậu; như đã nói trên, có lẽ vì... đeo cái tên kỳ cục, nên tôi cũng gặp những chuyện…lạ đời.

Mất Đại Liên 30

Mới nghe, ai cũng tưởng đâu tôi là xạ thủ đại liên của một đơn vị tác chiến Bộ-binh, chứ pilot sao lại không mất súng cá nhân ru lô, mà lại mất súng cộng đồng đại liên?? À! Đầu đuôi như thế nầy: chắc chư liệt vị còn nhớ những năm 1965, 66, 67, tình hình chính trị ở Sài Gòn thật bất ổn, cứ chỉnh lý, rồi biểu dương lực lượng, rồi đảo chánh liên miên, lại thêm biểu tình liền... liền… Lệnh bên phòng hành quân chiến cuộc gọi sang là PĐ phải có một chiếc H34 sẵn sàng ứng trực cho bên Bộ Tổng Tham Mưu.

Hôm đó tôi làm Sĩ Quan Trực PĐ, và được lệnh phải gắn đại liên 30 cho chiếc ứng trực. Tôi xuống kho vũ khí ký nhận mượn, đồng thời báo phi đạo gắn giá súng cho đại liên 30, mà trước đây trực thăng H34 không có. Bẵng đi cở 10 hôm sau, kho vũ khí gọi lên PĐ đòi lại cây đại liên, tôi xuống phi đạo định gở cây đại liên đem trả về kho. Nhưng quái lạ đại liên không cánh mà... bay đi đâu mất!! Thế là tôi lãnh thẹo! Vì khi xuống ca sĩ quan trực, tôi chỉ bàn giao sổ sách thôi, chứ có ai ngờ cớ sự như vầy đâu, mà bàn giao cây đại liên! Cũng là tại tôi ỷ y và thiếu kinh nghiệm, nên không ghi thêm vào sổ trực cho anh SQ trực kế "ôm" cây đại liên đó!

Tôi phải làm tờ phúc trình sự việc, và xách xe pick- up đi tìm khắp các phi đạo mấy ngày liền, mà vẫn bặt vô âm tín. Rốt cuộc sau khi quân cảnh Tư Pháp kết thúc điều tra, PĐ Trưởng Nguyễn Hữu Hậu và tôi lên gặp Không-đoàn-trưởng Không-đoàn 33 Trung-tá Lưu Kim Cương quyết định: Tôi phải đền cây đại liên bằng tiền 16,000$, hơn 2 tháng lương của mình, bằng cách trừ lương nhiều kỳ; tính theo hối xuất đô-la giá chính thức (1 đô = 33 đồng VN). Sau được PĐ thương tình xuất quỹ bù cho tôi số tiền đó. Một lần nữa xin cám ơn PĐ.

Đè... Taxi và kẹt tay ga!

Hồi mới về PĐ tôi thường nghe kể dường như là Tr/U Bá hay Đ/U Ông Lợi Hồng, hay vị nào đó (mà tôi không nhớ tên)… khi bay hành quân ngoài Vùng 2, máy bay lâm nạn tắt máy và vị đó đã làm forced landing, đã…"thảy lỗ" xuống một lỗ trống trên cánh rừng già! Phi hành đoàn an toàn, và cánh quạt chỉ cách những cây cao xung quanh chừng 2 mét. Tôi thật khẩu phục tâm phục; một cái lỗ nhỏ thật là … "bót”. Như vậy đáp bình thường cũng đã căng rồi, chứ nói gì đến làm autorotation đáp ép buộc xuống ngay chóc chỗ đó!

Tôi xin giải thích thêm về chữ autorotation (tự động quay) mà dân trực thăng gọi tắt là Auto để quý huynh khác ngành biết rõ. Làm auto (tự động quay) là coi như máy đã tắt, máy bay là một khối sắt nặng, thay vì rớt thẳng, nhưng nhờ vào cánh quạt (rotor) vẫn còn quay cho nên nó nâng cho máy bay rớt xuống, theo một góc độ lài 45 độ. Chính cái độ cao và giây phút quyết tử đó, pilot phải lèo lái, điều khiển làm sao cho máy bay an vị trên miếng đất trống, êm ái ngon lành, thay vì lật chổng gọng, hoặc nằm… trên ngọn cây! Cũng nói thêm trong tích tắc đó pilot vừa tìm chỗ đáp, vừa phải kiểm soát control cái cánh quạt, đừng để quay quá chậm, thì máy bay rớt lẹ, hoặc quá nhanh thì cánh quạt sẽ văng mất. Cả hai trường hợp đó thì máy bay đụng đất nghe một cái… "ầm ...ầm" và phi hành đoàn chỉ còn là một đống thịt như… thịt bằm hamburger!

Dân Trực Thăng đi hành quân đến những chỗ…"hot”, thay vì tà tà đáp xuống như thuở thái bình, rất dễ làm bia cho các loại súng của bọn Vẹm, thì làm Auto, cúp ga cho động cơ vẫn còn nổ ở ra–len–ti, để máy bay rớt xuống thật nhanh, khi gần đến đất, thì rồ ga lại (recovery) và đáp bình thường! Tóm lại đây là kiểu đáp tránh đạn, động cơ còn nổ, và mình cũng yên chí lớn là sẽ đáp như thường thôi, nên nếu có lỡ bộ, hơi quá bãi đáp, hoặc thiếu một chút chưa đến bãi đáp, thì mình cũng đáp được, chứ còn máy tắt thiệt như đã nói ở trên thì… căng lắm. Mọi thứ phải chính xác, không có chuyện xin lỗi làm lại, một là an toàn huy hoàng, hai là điêu tàn từ chết tới bị thương.

Nhớ có lần chở mấy ông dân biểu về thăm lại đơn vị ứng cử ở Rạch Giá; có một ông nghe lõm bõm sao đó, mà nói rằng: "mấy anh đừng làm xe hơi..." Xe hơi (mấy ổng dịch chữ Auto) gì đó nó lộn ruột quá!! Lúc ông Ánh còn làm Phi Đoàn Trưởng, trong mỗi buổi họp hằng tuần, thường hay nhắc nhở anh em trước khi về đáp, nên dợt làm vài cái Auto cho nó quen!

Từ lúc ra hoa tiêu chánh mỗi lần trực đêm, chiều về tôi thường quay máy và xách máy bay ra vùng Phú -Lâm, để bay thử xem máy bay có ngon lành cho đêm trực không. Khoảng nửa giờ bay thử đó, tôi cũng tự dợt làm được ít cái Auto. Hoặc những hôm đi bay tải thương về gần đến traffic của Tân Sơn Nhứt, tôi cũng xuống thấp cao độ bằng cách làm auto. Không ngờ những việc mình thích, mình khoái làm như vậy, mà sau đó nó lại cứu mình.

Tôi nhớ đâu cuối tháng 11 năm 1967, tôi nhận một phi vụ chở VIP, qua sân Cửu Long bên Thị Nghè, chở Tư Lệnh Hải Quân ra Vũng Tàu họp. Phi hành đoàn gồm có tôi, Trưởng phi cơ, anh Nguyễn Thanh Tùng "Tùng Lỏi", Hoa Tiêu Phó, anh Thạch (quên họ) là cơ phi. Lúc đó trên trực thăng H34 chưa có xạ thủ. Sáng hôm ấy trời trong, nắng nhẹ, khoảng 10 giờ sáng, tôi cất cánh ở Tân Sơn Nhứt bay qua sân Cửu Long với cao độ 600 , 700 bộ (feet), đúng theo lộ trình và traffic của TSN.

Đang bay ngon lành đến khoảng đường Hiền Vương gần đến rạp ciné Casino Đa Kao, bỗng dưng máy bay nổ to và liên tục, giống như bắn đại liên. Thân tàu rung giật mạnh, kim đồng hồ RPM nhảy lên xuống không ngừng, rồi động cơ tắt hẳn, máy bay rớt. Nhìn xuống bên phải, tôi thấy nhà lầu cao san-sát. Ý tưởng lóe ngay trong đầu tôi là chắc phen nầy mình vào nằm ở bịnh viện Grall rồi, vì bị phỏng (xin nói thêm thời đó pilot bị nạn là đem về Grall, chứ không có đưa qua bệnh viện Cộng Hòa như sau nầy), tôi chỉ kịp la lên:
- Tìm chỗ đáp!

Anh Tùng chỉ làm dấu bằng hai bàn tay quẹo trái, tôi quẹo 90 độ qua trái ngay, và thấy ngay trước mặt là con đường, tôi nhắm ngay con đường đó làm auto xuống, khi gần đến đất, tôi flare lại (kéo cần lái cho máy bay đứng lại) thấy cánh quạt cuốn dây điện và điện thoại hai bên đường. Máy bay chạm đất và một càng bánh phía phải đè trên đầu máy xe taxi, có lẽ vì vậy mà vô-lăng đập vào ngực làm bác tài xế bị thương, và thiệt mạng sau đó trong bịnh viện. Máy bay nằm trên đường Lê văn Duyệt (Gia Định) và dưới dốc Cầu Bông, cách trại hòm Tobia cở 100 mét. Sau khi tắt điện xăng xong, tôi và anh Tùng leo xuống khỏi phi cơ, và nhờ một chiếc xe jeep của cảnh sát chở đến Tiểu Khu Gia Định, mượn điện thoại gọi về Phi Đoàn. Gặp sĩ quan trực PĐ là anh Minh "con" hay anh Thảo tôi quên mất:
- Tao báo cho mầy biết, tao bị rớt trên đường Lê văn Duyệt (Gia Định) tại dốc cầu Bông! Phi hành đoàn vô sự!
Tôi nghe đầu dây bên kia la lên:
- Ê, thằng D… nó rớt rồi tụi bây ơi!

Chúng tôi lên xe Jeep trở lại phi cơ và lấy túi xách helmet, cở 15 phút sau, chiếc trực thăng rescue ở nhà đáp xuống sân vận động trường Nữ Trung học Lê Văn Duyệt cách đó khoảng 400 mét, bốc chúng tôi về. Sĩ quan an phi làm việc: điều tra xem có bay đúng lộ trình không? Và có phải máy bay bị hư thật sự không? Phi hành đoàn qua trung tâm giám định y khoa để check sức khoẻ, xem đầu cổ có bị va chạm gì không? Và bác sĩ không quên hỏi và check xem đêm qua có uống rượu không?

Kết quả mọi chuyện êm xuôi, Phi hành đoàn không phạm lỗi gì cả, (mà về sau biết được lỗi là do thằng…starter), mấy cục than bên trong để dẫn điện, tự nhiên nó sút ra, vì vậy có xăng mà lửa tự dưng mất, nên mới ngộp xăng, mà phát ra tiếng nổ. Nghe nói trên đài phát thanh Sài Gòn và Quân-đội có loan tin về việc máy bay bị nạn, và có nói: "trước khi rớt, phi công đã bình tĩnh bắn súng chỉ thiên, để dân chúng tránh xa"… À! Cái nầy đúng là “của người phúc ta”. Cám ơn ông anh, bà chị phóng viên đài phát thanh nói tốt cho! Vì nghe tiếng nổ mà suy luận như vậy thôi, nghe cũng hợp lý quá đi chớ! Sự thật thì sự việc xảy ra quá nhanh đến độ tôi chưa kịp… sợ nữa, chớ có huởn đâu, mà nghĩ hay làm chuyện gì khác. Cũng may nếu gặp anh phóng viên báo trang kịch trường nào đó, có khi họ dám cho tôi xuống sáu câu vọng cổ rồi máy bay mới chịu rớt lắm!

Phi hành đoàn được nghỉ ít hôm để lấy lại bình tĩnh! Ngày hôm sau chúng tôi được anh Đ/U Đỗ Minh Đức, Sĩ Quan Tâm Lý Chiến của PĐ, hướng dẫn đến thăm viếng gia đình bác tài xế bị nạn ở trong đường hẽm Phan Đình Phùng, khu Nguyễn Thiện Thuật. Tôi và anh Tùng mặc đồ kaki vàng đội kết bi, và nhớ tháo cánh bay ra (vì sợ gia đình biết mình là thủ phạm). Anh Đức ngỏ lời là đại diện KQ đến phân ưu cùng gia đình, và có hứa chính phủ sẽ bồi thường vì tai nạn chiến tranh! Rồi đột nhiên anh chỉ tôi:
- Mầy vào thắp nhang, khấn vái đi!
Tôi cùng anh Tùng đứng trước quan tài và khung ảnh của anh tài xế cở ngoàì 40 tuổi, lâm râm khấn vái.
- Tôi xin lỗi anh, vì tai nạn xảy ra ngoài ý muốn, xin cầu nguyện anh sớm siêu thoát, được về nơi cõi an lạc!

Trước đây khi cúng vái Trời Phật, hoặc Ông Bà, sau khi kể lể cầu nguyện điều gì xong, câu chót là tôi "xin Trời Phật hoặc Ông Bà phù hộ cho con, được mạnh giỏi... v.v...". Nhưng lần nầy tôi tự nhớ và không quen miệng xin phò hộ nữa, vì dù sao mình cũng làm cho người ta chết, thì có ai có tấm lòng bồ tát đâu, mà phù hộ mình, đã không… “níu giò” là may rồi! Ra ngoàì đường tôi cự anh Đức liền:
- Hồi nãy mình đi cả đám, anh không thắp nhang, mà tự dưng kêu ngay mình tôi vào, "cha” làm như vậy, rủi gia đình người ta nghi ngờ tôi là người gây ra tai nạn, họ chém tôi sao “cha nội”?

Ngày hôm sau phi hành đoàn chúng tôi cũng đến tiễn đưa linh cữu đi an táng. Chúng tôi đẩy xe gắn máy đi bộ phía sau, từ đường Phan Đình Phùng ra Lý Thái Tổ; đi cùng hàng có anh lính thiết giáp, mặc đồ rằn-ri, mặt và cổ có vết thẹo bị cháy, anh ta hỏi tôi:
- Còn mấy ông phi công đó bây giờ ra sao? Hôm nay có đi đưa đám ma không, Trung-úy?
Tôi lẹ làng:
- À! Mấy ông đó đang bị nhốt để điều tra; chúng tôi đại diện KQ đi tiễn đưa hôm nay.

Khi đến bồn binh Ngã Bảy, tất cả lên xe để đưa quan tài đến nghĩa trang ở Phú Thọ Hòa. Tôi nháy mắt ra dấu anh Tùng “lỏi”, cả hai vọt mất; vì trong bụng cũng ngán gia đình họ biết! Mấy hôm sau về nhà, nằm nghĩ lại mới thấy sợ mà cũng hên, nếu không xuống đường mà rớt trên mấy cái nhà lầu, hay đám nhà lá, thì chắc chắn kết quả thảm khốc hơn nhiều! Bởi vậy cả tháng sau, tôi được người quen nói lại, có vài bà tính hỏi xem thằng pilot đó có vợ con gì chưa, để gả con gái cho, vì nếu nó không khéo mà rớt trên đám nhà lá, thì hỏa hoạn và chết nhiều lắm!

Mà tôi thấy cũng xui, phải chi nó đợi nửa giờ sau, chờ chở ông Tư Lệnh HQ trên đường đi ra khỏi thành phố rồi, hãy sanh chứng, lúc đó có đủ cao độ và ngoài đồng trống, chắc chắn là không sao cả. Và ông Tư Lệnh có dịp… hú hồn, thế nào ổng cũng thưởng cho một chiếc mề đay, đằng nầy vì rớt gần trường Nữ Trung Học Lê Văn Duyệt, nên sau khi được rescue về, vừa vào đến phi đoàn gặp ngay xếp Đại Uý Nguyễn Kim Bông, Phi Đoàn Phó (?):
- Tao hỏi thiệt mầy nghe Cua Đinh, có phải mầy "múc” ở Trường Nữ, nên bị rớt phải không??
Tôi quăng helmet lên bàn và xì-nẹt:
- Tôi bị rớt về, ông không hỏi thăm gì cả, mà tối ngày cứ nghi ngờ người ta múc không hè!
Tội nghiệp Đ/U Bông hiền lành, thấy tôi đổ quạu nên ôn tồn:
- Thì tao hỏi vậy, mầy không có múc thì thôi, chứ làm gì dữ vậy mậy!

Đúng như vậy, lần nầy không có múc! Nhớ lại thời trẻ, tâm tư như tờ giấy trắng, tính tình bộc trực ngay thẳng, bay bổng không nề hà tránh né, không hề tính toán, nhiều lúc ăn nói quá đốp chát, không biết “cách khéo léo và tế nhị” nên với bạn bè và đàn em thì xà –va, ok, dui dẻ; còn đối với cấp trên chắc phiền lòng không ít, nếu không bị... ghét là phúc rồi. Gẫm lại cũng bởi tại ta mọi đàng; nên đừng hỏi cớ sao trời mây rộng thênh thang bay… mệt nghỉ; mà hoạn lộ lại quanh co, lắm… ổ gà!

Mà ổng nghi ngờ cũng phải, vì trước đó tôi có tiếng là bay cao bồi, và khi nào có dịp bay tuần phòng trên thành phố: là tôi hay múc lắm! Trực thăng mà bay cao cở 1000 feet, kéo cần lái lại cho máy bay gần đứng lại; xong chúi đầu xuống lấy tốc độ, lúc đó nhìn thấy cũng giống như khu trục nhào xuống bỏ bom vậy; rồi khi xuống dưới khoảng thấp hơn 500 bộ, kéo ngược cần lái, nó vọt lên trông cũng... ác gà lắm, chứ chơi sao!

Là pilot mà lúc còn trẻ, còn hăng “tiết vịt” thì ai cũng có “múc”, kẻ nhiều người ít, mọi loại máy bay. Ngoại trừ mấy anh chàng vận tải có lẽ vì kềnh càng, tay chân (thân cánh) khều –khào, nếu múc khó khăn và chẳng giống ai, nên mấy anh nầy mới tha cho! Xin nhắc lại những năm 1966, 67... mọi biến động chính trị thường xảy ra trên thành phố Sài Gòn như đã nói trên.. nên trực thăng được điều động bay quan sát. Đấy là cái dịp, là cái duyên may được dạo trên…không phận Sài Gòn. Ngoài cái duyên còn có cái cớ để múc nữa!

Chư vị thử nghĩ coi ở dưới đường người xe xuôi ngược, trong khi ta đang trên cao thánh-thoát, trời êm nắng nhẹ, tinh thần hưng phấn nên cũng muốn làm cho bà con để ý chút chơi. Lại nữa có nhiều khi trên thượng tầng các cao ốc ở Quận Nhất, Quận Nhì Sài Gòn... có nhiều mỹ nữ đang phơi mình tắm nắng, mà tắm nắng thì có ai mà chơi… bộ đồ bà ba và khăn rằn quấn cổ như chị Ba Nguyễn Thị Định đâu; phải để cho nó mát chứ, đã vậy còn rất lịch sự vẫy tay, ngoắc- ngoắc, thì mình chẳng lẽ lại làm ngơ sao đành, mình vốn là kẻ "thương người không mảnh vãi… che thân"! Và cũng có điều vui vui nầy nữa: rằng… thì... là... ở thành phố có rất nhiều nhà tắm cũng giống như xe xì-po nắp trần, không mui, trưa hè thấy ẩn hiện dáng tiên nữ trong đó đang tẩy bụi hổng-trần, nên cũng là một liều thuốc kích thích mạnh cho những ai dù không có máu hay vi vu lạn-lách, múc miết đi nữa!

Hoặc nhà em là mục tiêu và thiếu điều tróc nóc khi anh cần báo cho em biết là có chàng đang ở trên…nầy đây! Có lần nhằm ngày cuối tuần xong phi vụ, trước khi về đáp, tôi tạt ngang qua khu Tân Định múc trên nhà một em mới quen, đâu có múc nhiều, chỉ có… năm sáu cái, vậy mà làm cho ông Trưởng Phòng Hành Quân Phi Đoàn ở gần vùng đó hết hồn, tưởng đâu có chuyện gì xảy ra, ổng vội chạy vào Phi Đoàn, vì đã thấy rõ số đuôi phi cơ, nên tôi hết chối cãi… và mang tiếng bay cao bồi từ đó. Tuy vậy mấy ông xếp cũng thương tình, và thông cảm cho tuổi trẻ nên chỉ cảnh cáo và…"ngầy ngà” chút đỉnh, chứ cũng không phạt vạ gì! Công tình là thế mà của đáng tội, hôm sau gặp; nàng nghe qua cười cười, tỉnh queo:
- Lúc trưa đó em ngủ đâu có hay!

Sẵn cũng nói luôn là tôi thường bay với cao độ "liếm ngọn cây, khều ngọn cỏ” lắm, nếu ở trên vùng hành quân, ở những bãi đáp hot, thì đây là kiểu tránh đạn, hoặc phòng không địch đã đành! Đằng nầy vì lợi dụng traffic của TSN nên về gần đến là tôi xuống thật, thật là thấp, nhiều khi có mấy lùm cây trước mặt, nhưng cứ đăm đăm bay ngay tới coi như không thấy, đợi đến thật sát mới khều nhẹ cần lái, để né hoặc lướt nhẹ qua nó mới… đã!

Chơi dại như vậy nhưng có lẽ nhờ “Cô cho, Bà độ” nên chưa bị gì! Chứ với cao độ đó mà máy bay chỉ cần... ho nhẹ một tiếng thôi, thì tất cả chun tuốt xuống đất rồi, chứ làm sao mà đỡ kịp! Tôi còn nhớ lời của ông Ánh từ khi còn là PĐT, rồi sau nầy lên Không Đoàn và Sư Đòan Trưởng vì thấy đám trẻ bay bổng vung vít quá, nên ổng thường hay nói câu: "Pilot giỏi là Pilot già!” (ý nói ai cũng hiểu là bay bổng làm sao mà được sống đến... già). Theo nghiệm chứng và thống kê, pilot có khoảng 1000 giờ bay là hay.. nghỉ chơi lắm, vì với số giờ đó, dù cũng hơi cứng và khá quen với tàu bay rồi, nên cứ tưởng là mình hay, coi trời bằng vung, ỷ tài, bất cẩn và kết quả sớm... biệt phái cho Diêm Vương!

Hồi tưởng lại thấy mình cũng y chang như vậy! Nhưng cái số vẫn còn may. Được cái là hồi còn trẻ nên rất hăng say bay bổng, không hề đắn đo hơn thiệt, hay tị nạnh với bạn bè. Mỗi khi đi tải thương tại quận lỵ, hay tại sân vận động Tỉnh; cảm thấy đáp và cất cánh tà tà chán phèo, còn tại mặt trận, có súng nổ lóc chóc có luồn lách nó mới vui! Đúng là “người hùng tim lạnh” có nhiều khi bay đến địa điểm hot, mà nghe ông anh leader nói: "tự nhiên tay ga của tao sao nó cứng quá… hay liên lạc với quân bạn nó nói gì tao nghe không rõ..." Tôi báo: "để tôi xuống cho", và nhào xuống liền, thay vì bay vòng vòng chờ đợi, chỉ tổ làm bia cho VC và giúp chúng có thời giờ chuẩn bị. Tôi và đám bạn thường nói tụi nó bắn chắc gì trúng, mà trúng chắc gì chết, nên ba cái AK và đại liên tụi tôi coi như "nơ - pa". Chừng nào Trời kêu... mới dạ, chứ bọn VC đâu có rớ được tới mình nỗi!

Sau tai nạn được nghỉ ngơi cho tỉnh táo, rồi trở lại ngày ngày đi bay bổng như thường. Cở hơn nửa tháng sau, có chuyện xảy ra mà hể nhớ lại là ớn xương sống, sáng hôm nọ có anh trực rescue nên đi quay máy (warm up) sớm, máy nổ bình thường, và đến khi cánh quạt bắt đầu quay, bỗng dưng có một cánh quạt bị sút ốc, hay sao mà xụ xuống 90 độ. Đó là chiếc mà tôi mới bay về đáp tối ngày hôm trước! Đúng là số còn lớn, nếu hôm trước mà phi vụ đó chỉ dài hơn 3,4 phút là Bà… hú rồi! Không có ai và tài thánh cũng không đỡ nỗi. Lỗi kỹ thuật và lỗi của pilot làm chết nhiều hơn đạn thù!

Bẵng đi vài tháng sau cở tháng 4 /1968, một buỗi xế chiều ngày Thứ Bảy, chúng tôi đi tải thương ở Bến Tranh (tỉnh Long An) chiếc leader là anh Đặng Kim Quy; còn chiếc số 2 do tôi lái, anh Nguyễn Ngọc Nhuận làm co-pilot cho tôi, cơ phi và y tá cho ở nhà, thay vào đó là anh Thúy, pilot trong PĐ đi theo quá giang, xuống Mỹ Tho để sau đó về thăm nhà ở Bến Tre. Chiếc của tôi đang quần ở trên chờ anh Quy bốc thương binh lên xong, là tôi sẽ đưa Thúy đi Mỹ Tho. Anh Nhuận đang lái bỗng phát hiện:
- Tại sao tay ga cứng ngắt vầy nè!

Tôi chụp cần lái và vặn ga thử; kim RPM của rotor và của engine dính chặt nhau, không nhúc nhích; đè cần throttle xuống, thì máy bay có xuống, giảm cao độ, nhưng kim RPM lại từ từ tăng lên, laị phải kéo cần throttle lên, để giảm RPM nằm ở mức cho phép, thì máy bay lại tăng cao độ! Tôi và anh Nhuận hoãng quá. Trời Đất ơi, cái kiểu như vầy thì làm sao mà xuống. Chúng tôi báo cho chiếc leader biết tình trạng và viết giấy cho anh Thúy ngồi ở dưới biết (vì anh không đội helmet) và không quên nhắc anh ấy thắt giây an toàn (safety harness, không biết sẽ ra sao!

Trên đường trở về TSN với cao độ đang ở 1500 feet, tôi và anh Nhuận thay nhau bay ráng từ từ xuống thấp, định về tới Phú Lâm cở 500 feet như lệ thường, nhưng cứ đè cần tay ga xuống, cho cao độ giảm thì RPM tăng, mà kéo cần ga lên để giảm RPM, thì cao độ lại tăng, cứ thế mà khi về gần đến TSN thì máy bay lên đến 4000 feet. Chúng tôi sợ quá, cứ hỏi lẫn nhau, như vầy thì làm sao mà xuống! Cá nhân tôi, kỳ trước rớt ở cầu Bông, Lê văn Duyệt, nó xẩy ra quá nhanh, chưa kịp sợ, còn lần nầy trong vòng 15 phút, không kiểm soát được máy bay như ý, nên phải nói là tôi kinh hoàng mới đúng! Mà trường hợp này từ trước đến nay chưa từng nghe ai nói đến bao giờ, nên chúng tôi quá hoang mang! Tôi lâm râm khấn vái; cầu xinTrời Phật, Ông, Bà về đây cứu con… cú nầy! Ngày xưa Ngủ Tử Tư thời Chiến quốc thức trắng đêm, vì lo sợ và mưu tính vượt qua cửa ải, nên sáng ra đầu bạc trắng! Còn tôi nỗi sợ càng ngày càng tăng trong vòng mười mấy phút, chắc cũng trắng bạc đầu!

Về đến đầu phi đạo 25, hướng hãng dệt Vinatexco (?) thì máy bay tôi lên đến 5, 6 ngàn bộ rồi. Làm sao bây giờ? Tôi bàn với anh Nhuận:
- Cứ cái kiểu nầy một chút nữa hết xăng, thì cũng rớt, hay là mình cúp xăng tắt máy, cho nó rớt, tao sẽ làm auto xuống!

Nhưng cả hai cứ phân vân bàn cãi, không biết khi cúp xăng tắt máy, thì kim RPM của engine nó sẽ rớt về zero là đương nhiên rồi, nhưng nó có split (tách ra) khỏi kim rotor không, hay nó lại lôi theo kim của cánh quạt về zero, nếu cánh quạt đứng lại, thì máy bay chỉ là một khối sắt rớt tự do! Nhuận còn chần chừ. Tôi tiếp:
- Tao lái, mầy cúp tắt máy, nếu thấy 2 kim tách ra là OK, còn không thì mầy đẩy cần mixture trả lại ngay, cho máy nổ lạ, rồi mình tính tiếp, tìm cách khác…

Dù gì thì chúng tôi cũng phải lấy quyết định nầy. Tôi báo cho anh leader, Đặng Kim Quy biết tôi sẽ tắt máy và làm forced landing xuống phi đạo, và nhờ anh liên lạc với đài Air traffic control, để clear mấy máy bay khác, cũng như kêu xe chữa lửa và cứu thương sẵn sàng cho emergency landing, vì cái radio của chiếc nầy... cà giựt quá, nói và nghe cứ rột rẹt và đứt đoạn, dù xài cả hai tần số UHF và VHF, tôi chỉ liên lạc với anh Quy qua tần số FM. Ít phút sau anh Quy cho biết tất cả đã sẵn sàng…

Trực thăng với cao độ gần 6000 bộ cảm thấy nó lỏng lẻo, và lạnh quá! Anh Nhuận từ từ kéo cần mixture, từ full về vị trí midle và dừng lại ở đó, và chỉ cần kéo từ middle về off tắt máy, Nhuận chầm chậm kéo thêm một chút nữa… Căng thẳng quá, tôi có cảm giác như mình cầm con dao nhọn từ từ đâm vào cổ mình vậy.

Bỗng nhiên, “ầm... ầm"... Hai tiếng nổ như cà-nông bắn! Máy bay giật mạnh và đầu quay ngang gần 90 độ, vì Nhuận đã kéo cần mixture về Off, và đẩy lại liền, tiếng nổ đầu là máy tắt, và tiếng nổ thứ nhì là máy nổ trở lại. Nhìn thấy hai cây kim RPM tách ra, tôi mừng quá!
- OK, nó split rồi, mầy cúp luôn đi!

Lần nầy đã biết và chuẩn bị đạp pedal, nên Nhuận cúp máy chỉ nghe tiếng nổ, chứ máy bay không bị quay đầu nữa! Phẻ quá! Hết chết rồi. Tôi mừng quá và tin chắc như vậy. Máy bay bắt đầu rớt nhanh, tay lái nặng vì không có thuỷ-điều (hydraulic) vận hành; nhưng không sao, tôi điều khiển máy bay như ý, tôi vừa xuống vừa quẹo một vòng 360 độ. Vẫn còn cao, tôi làm một vòng 360 độ nữa, bị Nhuận la:
- Không chịu lo vô phi đạo, đi cứ quẹo ở ngoài hoài, rủi nó rớt ở ngoài vòng đai phi trường thì sao.
Tôi bảo:
- Mầy an tâm, yên chí lớn đi!

Xuống gần, thấy runway rộng rãi, dài thênh thang, bằng phẳng quá! Tôi cho touch down ở đầu phi đạo một cách nhẹ nhàng êm ái. Và máy bay chỉ lăn bánh cở 5 mét. Xe chữa lửa và cứu thương cũng chớp đèn chạy ra đến nơi, phi hành đoàn an toàn lên xe pick up của phi đạo chở vào, tôi quên hỏi Thuý (sau làm sĩ quan ALO, hơn một năm sau, cũng đi theo trực thăng anh bị nạn rớt chết) coi teo bu -gi cở nào, mà lo “ca”với Nhuận:
- Ê, mầy có đồng ý là tao làm cái auto touch down vừa rồi quá đẹp không?

Nhuận cũng phải cười và công nhận. Sau nầy tôi được Phi Dũng bội tinh cánh chim vàng vì người và tàu đáp an toàn trong vụ nầy. Cũng xin "nổ” thêm là cở gần tháng sau, tôi bay chung với Hảo Caribou, hắn nói:
- Tôi nghe đám cơ phi xì xầm với nhau, là đi bay chung với ông, chỉ khi nào bị bắn cháy trên trời thì chịu thôi, chớ tắt máy cũng không sợ chết . Để xem có phải là chó ngáp phải ruồi không? Đâu hôm nay về đáp, ông thử làm một cái auto touch down luôn trên taxiway xem sao!
Tôi thầm nghĩ... chuyện nhỏ! Cơm sườn! Lấy ăn! Tôi còn thêm:
- À! Để tao thử coi, nhưng mà chạm đất phải cho êm, ngay đầu taxiway và máy bay chỉ lăn bánh vài mét thôi, chớ chạy ào ào như fixed wing thì… rẻ tiền! OK?
May mắn, tôi làm đúng như lời nói, lúc đó chắc tôi “hỉnh mủi “ lắm, vì thấy Hảo cười cười có vẻ tâm phục!

Sự thật văn ôn, võ luyện mà! Vì tôi thích và thường dợt hoài mỗi khi bay về, hoặc thử máy cho phiên trực đêm. Tôi nhớ đến chuyện của anh thợ săn và anh bán dầu; anh thợ săn tay cầm con chim se-sẽ tí xíu bị mũi tên ghim trên đầu, thợ săn hiu hiu tự đắc đi vào chợ. Anh bán dầu thấy vậy nói có khó khăn gì, và anh biểu diễn rót dầu xuyên qua lỗ đồng xu để trên miệng chai, mà đồng xu không bị dính một giọt dầu nào! Trăm hay không bằng tay quen mà, chứ tôi cũng chẳng tài cán gì! Thật tình là vậy! Tóm lại, chắc là năm vận tháng hạn hay sao, mà chỉ trong vòng 6,7 tháng thôi, mà tôi gặp mấy cú điến hồn!...
***

Về việc Tướng VC: Trần Độ.

Tiện thể sẵn nhớ, tôi kể luôn việc nầy: Chắc chư liệt vị còn nhớ tin Tướng VC Nguyễn Chí Thanh ăn bom B52, rồi chẳng bao lâu sau đó là trận tổng tấn công của VC vào dịp tết Mậu Thân 1968, thì báo chí, đài phát thanh lại loan tin rùm-beng là:
- Tướng VC Trần Độ bị tử thương, khi đánh vào Sài Gòn!

Thế rồi mấy năm nay lại nghe tin có Tướng Trần Độ "phản kháng chế độ", đòi sửa đổi nầy nọ… v.v... Ủa lại ông Trần Độ nào nữa đây? Và gần đây nhất năm vừa qua, Tướng “phản -kháng” (?) Trần Độ trước khi chết, có gửi một lá thư lên bộ chính trị CS phân trần gì đó, có đoạn: “… trước đây Tâm lý chiến của Mỹ Nguỵ đã từng khai tử tôi" … (Ý nói là phao tin đã chết). Thì ra chỉ có một ông mà chết hai lần. Lần sau nầy mới chết thiệt. Còn lần trước… dỏm ; không phải do Tâm lý chiến vẽ ra đâu; mà do quý quan An-ninh, Tình báo của ta… nhầm:

Cớ sự như vầy: Những ngày sau tết Mậu Thân, PĐ vẫn cung ứng 1 trực thăng H34 ứng trực nằm tại sân Tổng Tham Mưu, để thi hành mọi phi vụ cấp thiết mà bên đó cần. Hôm đó anh Trần Quế Lâm (Đế) ứng trực. Trong phi vụ tải thương ở ngoài ven đô phía Phú Lâm - Phú Thọ Hoà, ngay nghĩa trang; Lâm Đế thấy có những xác VC chết nằm rải rác, nhưng đặc biệt gần cái gò mả có 6,7 xác chết toàn mang súng K54, có vẻ như đám cận vệ , nằm quanh một cái xác nọ có vẻ là… Ông Kẹ. Anh mới về báo sự nhận xét của anh với những vị chức-sắc bên TTM. Đến khoảng ba giờ chiều cùng ngày, tôi được lệnh bay qua thêm một chiếc nữa tăng cường, để chở thêm mươi quân nhân cơ hữu của TTM đổ bộ xuống ngay nghĩa trang đó, nhằm bảo vệ cho quý vị trách nhiệm bên chiếc của anh Lâm xuống xem xét.

Khi tôi đáp xuống thì có 4,5 VC ở đó mang súng ngắn hoảng sợ, chạy tán loạn ra ngoài ruộng, anh cơ phi của tôi xả súng đại liên, nhưng chỉ thấy đạn bay tốc bụi đất gần chỗ mấy tay VC chạy, chứ chẳng trúng tên nào cả! Lính trên tàu tôi nhảy xuống bố trí cho chiếc của anh Lâm làm việc. Sau đó chiếc của anh Lâm rinh một xác chết đem về TTM để giảo nghiệm! Xong nhiệm vụ tôi về lại PĐ, một lúc sau Lâm Đế gọi phone về cho biết: "sau khi giảo nghiệm tử thi, lấy dấu tay... v.v... và sưu tra lý lịch, thì xác nhận đó là Tướng VC Trần Độ. Tin tức được loan truyền ra từ đó.

Nghe tin đó, anh Đặng kim Quy và anh Nguyễn Hữu Nhàn giật mình, hú hồn, vì biết bộ chỉ huy VC đã về vùng nầy từ lâu, mà hai anh đâu có biết; thường nhờ anh em PĐ đi bay thả xuồng đó để... bắn cò bằng súng carbine, rồi một chút đến rước về! Cũng may vì muốn giữ bí mật, nên hai anh không bị…làm thịt. Đến bây giờ lại nghe tin về Trần Độ nữa, thì ra là... bé cái lầm!

Tôi không dám ý kiến hoặc so sánh ngành an ninh tình báo của ta, nhưng tin-tức thời sự gần đây thấy tình báo của DoThái mới hết sẩy! Làm sao mà thu lượm được tin tức một cách chính xác ngày giờ của các thủ lãnh Hamas di chuyển, mà dùng trực thăng xịt rocket tiêu diệt từng người một! Chỉ riêng việc bắn rocket trúng phóc ngay chiếc xe là mục tiêu đang di chuyển, tôi cũng bái phục rồi. Tôi nghĩ chắc có laser hướng dẫn, nên mới chính xác như vậy; chứ trực thăng vì có độ rung nhiều và tốc độ chậm hơn khu trục, nên bắn rocket rất... rất là dễ trớt quớt lắm. Ngoài ra còn phải kết hợp tin tức về giờ giấc, lộ trình xe cộ… v.v... để cho máy bay xuất hiện đúng lúc nữa. Như vậy mới là siêu đẳng, là bậc sư tình báo chứ! Còn dân Palestine cũng không vừa gì, dể nể thật! Còn ta thì sao??? Có hay biết gì không, mà để cho bọn VC; chỉ riêng việc tấn công vào các đô thị với quy mô lớn như vậy trong tết Mậu Thân, , ắt hẳn cũng làm chúng ta phải suy gẫm nhiều lắm!

Bạn bè xưa năm cũ…

Hôm nay ngồi viết lại những dòng nầy, trong lúc hồi tưởng lại chuyện xưa của những năm từ 1964 đến 1969, tôi không khỏi bồi hồi tấc dạ, gần 40 năm rồi mà sao cứ ngở mới đây thôi, hình ảnh những gương mặt chưa một nếp nhăn, vóc dáng trẻ trung, những mái đầu xanh, những lúc kêu gọi tên tục của nhau mà chọc phá đùa giỡn, sao mà nhớ quá, sao mà thương vậy! Nhớ tất cả mọi người trong PĐ từ anh văn thư nhớ đi…và nhất là làm sao mà quên được anh em Hạ sĩ quan cơ phi, xạ thủ, cùng bay bổng sống chết với nhau trên một con tàu. Thế sự thăng trầm,vận nước nổi trôi, vở tổ đàn chim tứ tán muôn phương… kẻ mất, người còn… mà xa nhau vạn dặm!
Âm hưởng hai câu thơ của Vũ Đình Liên nghe sao mà thấy nao lòng:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?!

Không thể kể hết ra đây; xin nhớ đến một số người… với hổn danh mà anh em trong đơn vị gán cho vì dáng vẻ, hoặc vì sao đó do cái trực giác cảm nhận mà thốt ra, rồi chết tên luôn, khác hẳn với bí danh bí số của mấy anh Ba VC có suy tính, nghe thật êm dịu, hoặc có vẻ chân chất thiệt thà, mà "lận" mã tấu, dao găm ở trong bụng, và che dấu âm mưu thủ đoạn gian manh!

* Nhớ đến các anh:

- Nguyễn Kim Bông, "Bông Cô Tông" không rõ nguyên nhân vì sao có danh đó, lúc tôi mới về PĐ, thì đã có sẵn tên rồi, có lẽ Cô Tông là loại Bông vải (?), bên Trực Thăng còn mấy anh tên Bông nữa, không cần nhớ nguyên họ tên, chỉ cần nói "Bông Cô Tông" là biết ngay ổng Không Đoàn Trưởng.

- Anh Nguyễn văn Lắm, "Lắm U-Nu", vì anh có gương mặt… lãnh tụ, giống Thủ Tướng 0U –Nu (?) của Miến Điện. Tác giả đặt tên tôi là Cua Đinh đây rồi! Anh Lắm à. Dù nhớ lời anh nói, nhưng thời gian "bị tù cải tạo" vì mợ cả Đọi thường trực ở trong bao tử, nên tôi cũng ăn nhiều "đồ" độc lắm ("đồ" là tiếng trong miền Nam, chứ không phải tiếng Bắc đâu nhé): nhái qué chuyện thường không kể: Con muổm nướng lên gọi là tôm càng bay. Con rít rừng to màu xanh đen nướng lên, ăn mà nhớ tới bang trưởng cái bang Hồng Thất Công (trong truyện Kim Dung). Cắc kè ngon như thịt gà dễ gì kiếm. Rắn mái gầm nếu gặp, nó có… gầm lên xin tha mạng, cũng không được ân xá. Chuột rừng hoạ-hoằng mới gặp.

Coi vậy chứ tôi ăn uống cũng có "trình độ" lắm nghe anh, chuột trong trại thật to, lông thưa có lát chút đỉnh, chắc già yếu rồi, khi nó thấy người ta cứ thủng tha thủng thỉnh đi, chứ chạy… không nổi là tui chê! Cùng với mấy con bò cạp nghĩ chắc là không có thịt thà bao nhiêu nên tôi không rớ! Vì mình ở trên rừng nên không gặp con cua đinh, chứ nếu gặp tôi đâu có ngán. Cái đời mình lúc đó kể như… cùi rồi sợ gì lở. Anh thấy toàn là đồ độc không? Mãi đến bây giờ, sáng nào ngủ dậy tôi cũng nhìn xuống bàn tay xem có móng nào rụng chưa? Xin thưa chưa anh ạ! Chắc cở.. 40 năm nửa lận!!!

- Anh Vũ quang Triệu, về làm PĐT 211 năm 1969, có tên "Triệu Voi" , hiền lành chân thật, to lớn, khoẻ mạnh đến độ thuở còn bay H19 lúc máy bay bị servo off , tay lái nó nặng kể gì xiết, mà anh vẫn ung dung đáp nhẹ nhàng, và có lần nắm cái núm indicator của "Chân trời giả". để reset; anh kéo… nhẹ thôi, mà nó sút ra, nên anh có biệt danh từ đó, chức vụ cuối cùng mới có… Không Đoàn Trưởng, người mà nhà văn Dương Hùng Cường coi là có thiên phú, vì biết lái máy bay trước khi anh biết cởi… xe đạp (??!) Về sau có anh Nguyễn văn Thành bay UH1 vóc dáng và gương mặt hao hao giống ảnh, nên được “ăn theo” hổn danh là "Thành Voi" !

- Anh Nguyễn Thanh Cảnh, tướng đô con, hiền lành nhân hậu, có tên "Quách Tỉnh"; anh là người Huế nói giọng nghe còn nặng. Tôi nhớ hồi anh còn là PĐ Phó 211, đầu năm 1969, trong một phi vụ đổ quân, anh bay chiếc chỉ huy C&C, tôi là Copilot, khi thám sát bãi đáp, hoặc địa điểm nào nghi ngờ, anh ra lệnh cho cơ phi ném khói đánh dấu, để cho gunships bắn phá dọn bãi.
- Đôi đi.
Anh cơ phi nhanh nhẹn ném hai quả trái màu, rồi một chút nữa lại nghe:
- "Đôi" đi !

Lại "một cặp" khói màu liệng đi, mỗi lần có lệnh "đôi đi", là anh ta liệng một cặp, ... một cặp bay ra. Tôi không để ý sao anh cơ phi xài sang vậy, đến một lúc lâu anh ta báo:
- Khói màu mình còn ít lắm Th / tá
- Tại sao không đôi mỗi lần một quả thôi?

Lúc bấy giờ anh ta mới bật ngửa ra: "Đôi" tiếng Huế có nghĩa đi là "ném đi", hoặc tiếng miền Nam có nghĩa là "liệng đi", hoặc "quăng đi" ; mà anh cơ phi hiểu lầm "đôi" là hai, nên anh ta... chơi ngay một cặp!

Trong Phi Đoàn đa số pilot đều biệt danh, có đến gần ¾ . Như các anh LỘC:
- Nguyễn Hữu Lộc, "Lộc Bừa" vì anh có hàm răng hơi chênh một chút, qua bay cho biệt đoàn 83, tiền thân PĐ219 sau nầy, anh là PĐT một PĐ UH1 ở Biên Hoà, anh bay bổng… khỏi chê! dáng vẻ cao ráo hào hoa. Thuở còn hàn vi anh cùng với một số anh khác như K. Phát, anh Ninh, Ông Kim Sanh… và nhiều người nữa… tôi cũng có mặt, thường hay chung vào mấy cái phòng trống mà cờ bạc. Điều đặc biệt ít thấy khi nào anh thắng lắm! Nghe đâu bây giờ anh ở Cali, gần thiên đàng hạ giới Las Vegas, không biết anh có thường lên đó để ân oán giang hồ không? Đừng làm "thầy… cúng” nữa, anh Lộc nhé! Nếu không đi thường, thì lâu lâu cũng nhớ phải duy trì khả năng chứ, đã biết rồi mà để lâu nó quên… uổng! Miệng ăn mắm ăn muối nhắc bậy, anh bỏ qua cho!

- Lê văn Lộc, "Lộc Bụng" vì anh có cái bụng của bà bầu bốn tháng; anh đã mất tại Vùng 4, vì SA7.
- Anh Lộc Khò, nghe danh không thôi cũng đủ biết, rất dễ ngủ, hể “xểnh ra" là ngủ, đi biệt phái vừa mới chợt tối, anh em còn đang đùa giỡn, cãi nhau ỏm tỏi, mà đã nghe tiếng khò khò của anh rồi, vì vậy anh em mới đùa rằng: "thằng nầy nếu mới cưới vợ, ngay đêm động phòng mà tân giai nhân còn đang nhẫn nha trút bỏ đồ phụ tùng, tế-nhuyển nầy nọ, quay lại là anh đã khò mất rồi, đối với anh có lẽ… ngủ là đủ rồi, nên hiện thời anh vẫn còn "ở vậy”, chưa có chị nào nâng chăn sửa chiếu cả. Anh rất hiền hay cười cười chẳng mếch lòng ai, hiện anh còn kẹt lại ở VN.

- Anh Phạm văn Lộc, "Lộc Đại Hàn" anh từ Vùng 2 đổi về PĐ 211cuối năm 1968, anh giống đến nỗi là Đại Hàn thứ thiệt. Có một lần nọ họ còn tưởng là phe nhà, nên đã xổ tiếng Triều Tiên líu lo với anh một lúc lâu. Sang đến Mỹ vẫn còn nặng nợ với nghiệp cầm… cần lái máy bay, nên anh cầm tiền cũng... nặng! Mới gặp lại anh, bây giờ đầu bạc trắng nên anh còn giống Đại Hàn ác liệt!

- Anh Lộc Đại liên, có tật nói hơi cà lăm, là C/U Cơ phi, anh chuyển về PĐ đầu năm 1967 , năm sau không rõ chuyển ngành đi đâu,và đến nay không biết tin tức gì về anh.

- Còn một anh Lộc nữa, mà tôi quên mất họ, có tên là Lộc “Nức Trứng” là pilot, dáng người trung bình, vui vẻ trẻ trung, chuyển về PĐ 211 lúc đóng ở Bình Thuỷ năm 1968, để mô tả cái gì quá mức là anh xài chữ "nức trứng" ; như: "ngon nức trứng", "đẹp nức trứng" …, anh xài nhiều đến nỗi mang danh đó luôn. Anh về một thời gian ngắn, rồi lại chuyển đi nơi khác, từ đó đến nay chưa biết tin tức gì về anh.

- Anh Robert Quang, là Trần xuân Quang, còn được gọi là "Má Robert" nữa! Tôi và hầu hết anh em trong phi đoàn rất kính mến anh. Chẳng những anh bay hay êm ái nhẹ nhàng, kỷ thuật giỏi mà tính tình hiền hậu đạo đức, biết lo lắng và sống hòa mình với anh em. Dù kêu là Má Robert chớ không phải là anh "lại cái”(gay) đâu. Nhớ lúc Tết Mậu Thân tất cả bị cấm trại, nội bất xuất ngoại bất nhập, là Trưởng Phòng Hành Quân, anh lấy thức ăn trong Ration C chế biến lại, kho nấu với rau cải các bạn đi bay ở các tỉnh đem về, ăn với cơm gạo sấy, thật vừa miệng đậm đà, tối lại còn cho ăn chè đậu. Nên anh em thấy công việc của anh như một bà mẹ mới thân mến gọi anh là Má Robert! Nghe nói thời kỳ bị "tù cải tạo" ở ngoài Bắc, anh bị kỷ luật (cùm) vì cái tội thương anh em trong tổ, anh là tổ trưởng dám nhổ sắn trộm của trại, để "cải thiện" cho anh em! Được biết bây giờ anh sống hạnh phúc an vui cùng gia đình bên ÚC, thuộc hàng bô lão, khoẻ mạnh và béo tốt hơn xưa. Tôi quên hỏi anh xem có phải nhờ thịt con Kangaroo không?

- Anh Nguyễn Thanh Tùng, dáng vẻ mảnh mai, nhỏ con mặt mày non choẹt, nên được tên là "Tùng Lỏi", không dùng chữ "con", vì kỵ huý với anh Minh Con. Tùng Lỏi là đồng-phạm với tôi trong vụ đè…Taxi, mà nếu xét kỹ ra, anh là chánh phạm mới đúng, vì anh là người chỉ hướng tôi quẹo theo, không nghe người ta nói ma dẫn lối, quỷ đưa đường sao? Đùa với Tùng chút chơi, chứ thật ra nếu anh thiếu bình tĩnh, để phụ giúp tôi, thì giờ đây tôi không phải mồ đà xanh cỏ, mà là “cồn rêu xanh” rồi!

- Anh Cao Văn Tư, hiền lành chất phát, anh bay rất... “độc”, có mái tóc xụ một bên giống chicken wing nên mang danh "Tư Cánh Gà"! Anh về bay cho ông Tổng Tham Mưu Trưởng. Có hôm nghe anh trên tần số, Lâm Đế gọi chọc:
- Ê, Cao Văn TƯ ơi, hôm nay rãnh hả, mầy chở anh mầy đi chơi đâu đó vậy?
Anh sợ, đáp ngay:
- Thôi đừng nói bậy nghe!

Vì anh cùng họ với Đại Bàng mà Lâm Đế đâu có biết là Mặt Trời đang ngồi ghế Copilot! Anh Tư “nhột" quá, len lén tắt radio, vì sợ Lâm Đế nói bậy tiếp, một chút lại thấy Mặt Trời mở radio lại và tủm tỉm cười, chứ không nói gì. Anh Tư kể lại vậy.

- Anh Nguyễn Chánh Tâm, "Tâm Cóc", không phải da mặt anh sần sùi như con cóc đâu, mà trái lại mịn màng đẹp trai nữa, nhưng anh rất ít nói nên có câu "cóc mở miệng" và có gương mặt chữ điền giống cựu xếp, đàn anh Lân Cóc.

- Anh Phạm Thành Quới, tính tình cẩn trọng, ăn nói chậm rãi, thật thà, anh kể chuyện gì cũng có đầu có đuôi, chứ không đi đâu mà vội, không ngắn gọn vắn tắt, ăn nói giống như mấy ông tiên chỉ thời xưa ở trong làng xã, mà cao nhất là ông Cả, nên anh em cứ kêu "Cả Quới" đến bây giờ.

- Anh Phan Tất Đắc, mặt mày trắng trẻo mịn màng, bụ bẩm giống như hình em bé trong hộp sữa Babilac, nên còn gọi là "Đắc Sữa" (anh đã bị nạn mất cùng với Tướng Đỗ Cao Trí ở Tây Ninh). Một hôm anh bay chung với anh Nguyễn Văn Hảo, đang bay thình lình anh Hảo chỉ kịp trân mình nhéo vào tay cuả anh Đắc, điến hồn hét:
- Caribou!

Một chiếc Caribou chần dần xẹt lên ngang qua bụng. Hú vía. Chắc chẳng có "ma” nào thấy nhau cả! Nghe anh Đắc kể lại và thấy anh Hảo cao, tay chân lỏng khỏng giống thân hình chiếc Caribou, nên mang danh "Hảo Caribou" từ đó. Anh là Sĩ quan Hành Quân của PĐ211, bay khá… “chì”. Anh từng bị cánh quạt đuôi của UH1 hư mà đáp an toàn. Tội nghiệp đi sông đi biển không chết mà chết lổ… chân trâu nhà tù VC ngoài Bắc! Đuợc biết vợ con anh đang ở Cali.

Tên Trọng thì có:
- Nguyển Tấn Trọng, "Trọng Xì", vì anh to con và rậm râu gíống Mễ. Sau nầy anh biệt phái qua Biệt đoàn 83,và cuối cùng chuyển qua Chinook, bị bắn rớt ở Tàu Ô An Lộc, bị bắt và được trao trả tù binh, cái số anh chỉ bị tù một lần thôi, nên anh và gia đình đã đến Mỹ năm 75
- Nguyễn văn Trọng, "Trọng Khẹt", dáng vóc trung bình, lì lợm, bay giỏi và siêng năng, chắc thuở nhỏ bị sâu răng nên anh cứ… hít hít rồi thành tật, cứ nghe khẹt khẹt hoài. Anh là PĐT UH1 Ở Biên Hoà, bị đi tù và chết ở trại Hỏa Lò Hà Nội. Tôi có nghe nhiều bạn đồng tù kể lại: anh là một trong nhóm khoảng trên 20 người chống đối trong nhà tù VC, buổi trưa anh thường leo tường đi đánh mấy tên Ăng-ten ở các buồng khác trong trại Hà Nam Ninh. Anh bị VC nhốt cách ly ở Hỏa Lò đến chết!

Các chiến hữu nào có biết rõ về Trung Tá Nguyễn Văn Trọng và nhóm nầy; xin kể lại những hành động ngoạn mục, hào hùng của nhóm. Rất cám ơn! Nghe đâu nhóm có nhiều thành phần: có anh là giáo sư Trung học Pétrus Ký, có anh cảnh sát độc nhãn, được phong là Tướng Moshe Dayan (DoThái)...v.v... Tôi rất thân với anh, được biết vợ và hai con gái của anh được qua Mỹ.

- Anh Trần Quế Lâm, "Lâm Đế", anh là PĐT cuối cùng của PĐ211, thay anh Nguyễn Thanh Cảnh lên chức vụ cao hơn. Trong những năm 1965, 66 phi trường Bình Thuỷ chưa có PĐ thường biệt phái 2 chiếc H34 cho Quân khu 4, phi hành đoàn tối về ở trong một building vãng lai ngoài phố, gần bến Ninh Kiều; Anh chàng Lâm nhà ta thả rề rề ra mấy chỗ bán khô cá đuối, khô mực nướng, cóc, ổi… với những cái bàn gỗ và chiếc ghế con con, anh thoải mái an vị kêu vài xị đế loại ngon, ngồi nhâm nhi và đưa cay bằng miếng khô, miếng ổi, anh chê la-de nó lạt.

Đúng là dân chơi thứ thiệt, anh nhìn nhận có vô chút đỉnh, thì lái máy bay nó mới đằm! Với đám pilot trẻ thì xem đây là một hiện tượng…nên có hổn danh Lâm Đế từ đó. Tôi và anh rất thân với nhau. Nhớ lại những năm 68 , 69 hằng ngày đều có hợp đoàn bay hành quân trực thăng vận cở 10 chiếc. Sau khi đổ quân tất cả về nằm chờ (standby) ở các phi trường nhỏ của Tỉnh lỵ. Cơm trưa xong xuôi mới tụ tập nhau đấu láo, chọc phá nhau. Có lần anh kêu tôi:
- Cua Đinh ơi, tao mới vừa tìm được tiểu sử của mầy, lại đây nghe tao đọc nè.
Anh tằng hắn lên giọng:
- Thiều công tử vốn giòng hào kiệt
- Xếp bút nghiêng theo việc kiếm cung
Nghe được lắm! Rồi anh lại tiếp:
- Thiều tiên sinh vốn người phương Nam, sinh trưởng tại tỉnh Bến Tre, quận Ba Tri, huyện Giồng Trôm, hạt…Cù Lao Rồng (quê của mấy người... cùi), tên cái hạt nầy phải đổi ra tiếng Nho nó mới hay; Rồng là Long rồi, còn Cù lao chữ Hán là gì ta?
Một anh bạn nào đó nói:
- Cù lao là Lẩu đó. Bộ không nhớ đi nhậu, kêu một cái cù lao ăn với bún đó sao?
- Đúng rồi! Hay… hay! Cù Lao Rồng tức là Lẩu Long. Vậy là mầy ở hạt "Lẩu Long" đó nghe Cua Đinh!

Cả bọn cười cái rần! Đang quê độ, phát… nực cũng tức cười vì kiểu kẹt… chữ Nho nầy. Sau khi nghe giảng nghĩa…đùi, chữ Lẩu ở đây thật là… “đắc địa”! Sau 75, hơn mười lăm năm tôi mới có dịp gặp lại anh bên Mỹ; câu đầu tiên anh cười hỏi:
- Mầy định chừng nào về thăm lại hạt Lẩu-Long của mầy đây?

Anh thường điện thoại cho tôi, kể tên một số KQ quen đã nằm xuống, và khuyên tôi nên bớt đi cày, retire sớm mà hưởng đời đi. Nhưng rốt cuộc, tôi bàng hoàng, vô cùng xúc động khi nghe tin anh mất bất ngờ vì đau tim! Đến bây giờ tôi vẫn thường nghĩ và nhớ đến bạn lắm, Lâm Đế ơi!!!

Có những anh không có nét gì đặc biệt để chọc mà vẫn không tha; như anh Lê Tiết Chinh, bảnh trai, hiền lành, nho nhã... cũng bị kêu là "Lê Mất Trinh", rồi lại anh Đặng Kim Quy, con người đạo mạo như một nhà giáo, đàng hoàng, ít có ồn ào, thường được gọi là thầy Quy mà cũng bị... khều ra, hôm nào nhẹ nhàng thì:
- Ê , bi , xi (a,b,c) bắt thầy Quy rang muối!

Làm anh cũng phải phì cười! Còn có hôm anh Lâm Đế cao hứng, thì chọc anh Quy bằng một câu 7 chữ nghe thật đậm-đà, mà tôi không dám viết ra đây vì thuộc loại cấm …đàn bà. Dù cho có vị nào bảo đừng ngại tới… luôn đi bác tài, cứ viết ra đi, vì có ai còn là con trai hay con gái nheo nhẻo nửa đâu, không răng mô! Thật tình không dám, chỉ xin gợi ý: Đây là câu đối lại chan-chát với câu gì, mà trong sách xem tướng có nói;
- Không có Mao chủ tịch, nghèo tận mạng (Âm h…vô mao, bần chí tử!)

Anh Quy xin lỗi… viết lại anh Quy có còn nhớ không? Nếu anh không nhớ được thì chẳng sao, hãy sống thêm 30 năm nữa, rồi anh đi tìm Lâm Đế mà hỏi nhé!
Còn nhớ… nhớ nhiều, và nhớ đừng để quý vị bảo:
- Thôi đủ rồi… Tám; nên tôi xin chấm hết ./.

CUA ĐINH
(10/2004)

Tinh Hoai Huong
03-15-2017, 01:15 AM
http://hoiquanphidung.com/upload/hqpd1/a.linh 56 non sung the bai.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/hqpd1/Linh Nghi Gi - Duy Khanh.mp3
Trên Chiếc Nón Sắt...
& Vòng Couronne Mortuaire Cườm Đen Băng Tím
(Tưởng nhớ về bạn LVT đã vĩnh viễn ra đi: Mar.14.72)
* * *

Từ nay đã thiếu vắng anh Trọng! Trọng đã đi qua rồi. Xong rồi! Hết rồi tận cùng bàng hoàng kinh hoảng! Trọng dọt lẹ quá! Bây giờ anh thật sự vô cùng đơn độc. Đơn độc kinh khủng đúng với nghiã của nó! Chiến sĩ ấy lạnh lùng hững hờ quay lưng, xoá bỏ tất cả mọi thứ trên bàn cờ (khi cuộc chơi chưa kết thúc). Trong binh thư không dạy anh buông súng gác mũ, vì đấy là người bạn đời thân thiết nâng niu ấp yêu bất khả ly thân của Lính. Thế sao Trọng đành vứt mũ sắt, buông súng bỏ cuộc? Không đầy bước chân, anh đã vụt nhảy qua bên kia bờ vực thẳm, đột ngột trở về cát bụi phù dung trong lòng đất mẹ.

Anh ra đi mang theo vết dạn xuyên thù vùi xuống dưới vùng cỏ non! Trọng đã từ giã bạn bè ra đi giữa hai lằn đạn, chẳng thèm thấy bụi lau sậy lô xô bông xoay xoay bay trắng đồng quê. Trọng không còn thấy tre la ngà sọc xanh da vàng rì rào mọc bên suối, suối nước uốn quanh róc rách chảy xuôi đập vào mô đá rêu rong, tạo thành những bọt nước trắng xoá, òa vỡ rồi chìm khuất. Anh không nghe cây cối bực bội cựa mình lao xao suốt tháng năm rồi!

Trọng như chiếc lá xanh tươi mơn mởn, đột ngột bị bứt ra khỏi cành, biến đổi Trọng từ trạng thái sinh tồn, sang trạng thái tử quy lạnh giá đau buốt. Anh đã bị chiến tranh lừa mình hụp xuống con đường tử tuyệt sâu hun hút không có lối lên. Trọng gửi xác thân trên quê cha đất tổ, mặc triền cỏ ướt sũng phủ đầy nước sương, nước mưa, nước mắt tình nhớ, tình bạn, tình quê đan quyện bện chặt đan vào nhau mỗi lần họ ghé qua mồ Trọng, họ nghẹn ngào tiếc nhớ, nức nở khẽ khàng đặt lên nấm mộ anh bó hoa tươi. Anh không thấy bao vòng couronne mortuaire cườm đen băng tím có những hàng chữ phân ưu: “Vô cùng thương tiếc”… “Thành kính phân ưu”… hoặc “Chúng tôi vô cùng đớn đau…” làm tâm hồn bạn bè ngậm ngùi, đau đau mà tột độ nhức nhối, rã rời, xúc động mãnh liệt!

Trúc phẫn nộ suy nghĩ miên man. Trọng biết yêu nồng nàn tha thiết từ tấc lòng: anh yêu gia đình cha mẹ, anh em, bà con, bạn bè đằm thắm cơ mà! Nơi quê hương nầy cách đây hơn hai mươi sáu năm, Trọng đã sinh ra, lớn khôn từ bầu sữa mẹ ngọt ngào. Cha mẹ anh chắt chiu từng vồng sắn, vườn rau, ao bèo, hồ nước, nơi có khúc sông bên bồi bên lở, con đò xuôi ngược lên xuống qua dòng lưu thủ luân lưu xuyên khắp mọi mạch nguồn chảy ngầm trong lòng đất. Trước cuộc tương tàn đẫm máu quyết liệt, anh không nở ra tay giết hại một ai. Cho dù Trọng đã biết rất rõ, (kể cả người chú tên Linh (tự là Sáu) cùng chung huyết thống với mình. Tất nhiên Trọng đã mất mạng. Trọng là chứng nhân dòng họ đối nghịch đang bôi nhọ từng trang sử tương tàn trong cảnh nồi da xáo thịt.

Trọng yêu luống khoai vồng sắn, luôn giữ gìn từng tấc đất ông cha truyền lại từ ngàn xưa. Trong năm điều: Nhân. Lễ. Nghĩa. Trí. Tín, thì Trọng giữ chữ Nhân đứng ở hàng đầu. Nào có phải anh là người bội bạc, dã man tàn ác muốn cầm súng đi xâm lăng kẻ khác đâu! Khốn thay điều ước nguyện duy nhất của Trọng: "Thiết tha mong đợi ngày an bình, ấm no hạnh phúc thực sự, mang canh cánh bên lòng niềm khát vọng kỳ phùng, để khi tàn chiến chinh anh có thể trở về sống trong mái nhà ấm áp xưa. Anh sẽ ngồi dưới giàn hoa thiên lý cùng ba mẹ, anh chị em, bạn bè tri kỷ, và có thể có thêm một cô bồ be bé xinh xinh; hầu mọi người hàn huyên tâm sự… cho vơi những ngày thương nhớ”.

Thật, chẳng bao giờ Trọng muốn bất hiếu với ba mẹ, khi anh đột ngột lìa đời thế nầy. Trọng không ưa rứt ruột mà chít vành sô tang trên mái tóc xanh, để mặc áo quần đại tang phục sô gai may bằng tay. Khi mẹ cha ngoài trăm tuổi, Trọng sẽ không thích đội mũ cuộn bằng rơm, lưng thắt dây làm bằng bẹ chuối khô. Nếu ngày cha lìa đời, anh sẽ phải quỳ lết, đi cong người chống gậy tre. Mẹ mất, anh chống gậy gỗ vuông. Em gái sẽ mặc vải sô gai buông gấu, đội vải sô gai phủ mặt. Hàng bậc cháu thì chít khăn tang đỏ. Hàng chắt là chít khăn vàng. Hàng chút quấn khăn xanh.

Trước di ảnh cha mẹ già tóc bạc răng long, Trọng sẽ đặt bát nhang trầm nghi ngút khói. Hướng đông bình hoa, hướng tây đĩa trái cây. Trọng sẽ vái hai vái tượng trưng cho âm dương nhị khí. Hai hàng nước mắt tuôn trào, tay anh sẽ run run rót ly rượu tăm, lạy tạ công ơn sinh thành dưỡng dục, kính thờ cha mẹ trước khi anh nhắm mắt xuôi tay, Trọng khẽ nói câu của Léoparde:
- "Ôi! Đất Mẹ êm ái. Nguồn sống đã cung cấp cho con. Nầy đây con xin trả lại".

Tuyệt nhiên Trọng không dám để cha mẹ phải than: “Lá vàng còn ở trên cây. Lá xanh rụng xuống. Trời ơi là Trời!!!”. Có phải giờ đây anh tột cùng đau xót nghẹn ngào câm nín, ngồi trước trên bàn thờ, Trọng muốn nói như thế hết sức? Phải không hở anh? Anh nằm xuống vĩnh viễn quên đi quá khứ, quên hiện tại và tương lai khi quê hương điêu linh, buồn đau. Không trách nhiệm. Không đùm bọc. Không yêu thương. Đầy thù oán. Chém giết. Khổ đau. Lỡ lầm trách nhiệm. Lỗi lầm trong cuộc: Giữ Nước và Giành Nước tột cùng kinh khủng! Có điều gì vượt quá sức con người. Nó hút Trọng vào điệu quay chóng mặt, tận diệt niềm khát vọng tái tê. Sự căm thù ác độc hung hăng giữa - Người với Người hiện ra rõ rệt. Lòng Trọng bừng bừng ngọn lửa mến yêu quê hương xứ sở, thân nhân, tha nhân, và năm điều "từ Nhân. Lễ. Nghĩa. Trí đến Tín" kia. Khi kẻ khác lòng hừng hực cuồng quay đi từ Bắc vô Nam đốt lên ngọn lửa xâm lăng quyết không buông.

Thì ra tử thần thật chí công vô tư không thiên vị anh hùng kiện tướng. Không nể mặt ai! Quê hương hiền hòa, nay buồn thảm, lặng thinh, nhận thêm một nấm mồ chưa xanh cỏ. Chính Trọng, người chiến binh hiền lành, oai dũng, trẻ trung, dĩnh ngộ tự tin, tự trọng, mưu cầu nghệ thuật vị nhân sinh, dạt dào tình cảm, không thích súng ống đạn dược. Anh trung thành nồng nhiệt với chiến hữu, không ngần ngại chung vai góp sức cống hiến tuổi xanh, dâng tình yêu cho nước, vì quê hương xứ sở anh đã sống quên mình. Đời Trọng dầm mình trong chiến tranh, cuối cùng chấm dứt cuộc sống thảm thiết.

Sinh nghề tử nghiệp chưa đúng, thật ấm ức hậm hực khi tên anh đã ghi vào danh bạ quân tử. Đau đớn thay! Nơi Trọng vùi tấm thân xuống dưới ba tấc đất, trong chiếc quan tài kẽm phủ kín, có lá cờ vàng ba sọc đỏ phủ đậy lên. Có tấm thẻ bài ghi tên: Lê Văn Trọng Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, kèm Anh Dũng Bội Tinh và Nhành Dương Liễu, cấp bậc cố Đại Úy; đã có dấu đạn xuyên thù trên chiếc nón sắt vấy máu, vẫn hằn sâu dấu tích những viên đạn diệt nhân lỗ chỗ. Chiếc nón sắt thân thương bây giờ đã lìa xa trên đầu Trọng, bị đặt úp nơi bàn thờ nghi ngút khói hương. Cho dù có nước mắt bao người thân tuông chảy, vẫn không bao giờ kỳ cọ gội rửa sạch dấu ấn lỗ thủng hờn căm rỉ máu triền miên.
***

Mộ chí chôn người thân chưa kín cỏ. Bỗng một hôm thêm một lần do bị bọn dã nhân pháo kích, đã nhẫn tâm cày xới nấm mồ của Trọng tanh bành, tả tơi. Trọng bị móc thây ma lên. Thối um! Họ hàng thân quyến của Trọng vừa khóc vừa rên, họ lò mò nhặt từng món thịt, từng món xương, từng món… để ráp nối hình hài. Thân thể anh thiếu sót thô vụng, cái mất cái còn, không toàn vẹn tấm hình hài sình thối, trương phình, đụng vào thì rửa nát bầy nhầy, chân một nơi, tay một ngã, đầu một góc.

Trọng nào có biết cha mẹ, đàn em nhỏ đã khóc đỏ máu mắt, vẫn chối bỏ sự thật cay nghiệt phũ phàng. Họ không thể đối diện với sự hủy diệt thân thể anh lần cuối cùng đầy bất nhân. Anh ôi! Họ tưởng nếu Trọng có sống khôn thác thiêng, anh nên kéo cha mẹ và đàn em xuống mồ sâu bít kín tối tăm, không cho họ trông thấy điều tàn nhẫn thêm. Hơn là để họ sống lụi hụi, lù đù, buồn xo, dúm dó, hậm hực, ấm ức trên thế gian, mà chứng kiến cảnh đau đớn xé lòng; (khi nhìn thấy thây Trọng thêm một lần nữa tan nát tả tơi nơi cõi đời ô trọc). Có đâu cảnh cha mẹ già mãi hoài khơi lại vết thương không khép miệng, khóc con trẻ bội bạc bỏ cha mẹ mà đi…

Trọng nỡ lòng nào từ bỏ cha mẹ, lạnh lùng đơn độc ra đi. Mà lại ra đi biền biệt vào vùng cỏ non thế không biết!? Bởi vì cha mẹ đã phổ tình yêu tuyệt đỉnh vào từng thớ tí nhau, tạo thành một Trọng đẹp như vị thiên thần, anh dần dà lớn lên thì hào hoa, thanh cao, trí thức, thông minh, anh có đời sống tràn đầy sinh khí, dồi dào sức sống. Anh tao nhã thanh lịch, khả ái khi còn sống, và lưu danh thơm sau khi lìa đời. "Cọp chết để da, người ta chết để tiếng" mà. Chứ họ nào dám chứng kiến anh đã một lần oan khiên dẫy chết rồi.

Cay đắng xiết bao! Họ không dám nghĩ tới ngó anh lần thứ hai, chỉ đứng ù lì như trời trồng trơ mắt chứng kiến đống xương thịt bầy nhầy, tanh hôi ruồi bu kiến đậu, bọ rúc trương sình kia: chính là đứa con ruột ngoài hai mươi sáu tuổi: đã có nhiều lần cha mẹ bịn rịn lưu luyến tiễn đưa con hăng hái ra chiến trận, con hiên ngang đi thi hành bổn phận nghĩa vụ làm trai. Và mỗi lần nơi biên thùy xa xôi Trọng hân hoan về phép vui vẻ thăm nhà.

“Xin cha mẹ tha lỗi cho con, vì sự bất hiếu trót lỡ lầm qua mặt ra đi trước cha mẹ, để cha mẹ đau đớn cúi đầu, gục mặt rơi nước mắt vì con trẻ hoài mãi thế nầy”! Có phải anh muốn nói như thế lắm không? Phải không anh? Câu: "Ce dernier soupir de ma vie, je le garde pour aimer", (Lamartine) hoặc câu: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng"; với Trọng giờ phút nầy hoàn toàn rỗng tuếch. Vô nghĩa. Dù hiện tại buốt tê, lạnh lẽo, hoặc an lành đang nghiêng mình trên dĩ vãng, hiện tại đầy cay đắng, đau khổ? Trọng thật sự vĩnh viễn ra đi, như con đò khuất dạng sau đám cỏ lau sình lún; như con tàu suốt biến vào vùng dĩ vãng, khuất xa góc trời tao loạn mù mịt khói súng mất rồi.

Trọng vĩnh viễn nằm xuống một mình, anh soãi đôi tay ôm trọn từng cục đất quê hương vào trong lòng; khi bạn bè còn oai dũng chiến đấu bên nhau thế nầy. Hỡi anh ôi?! Hoá ra… Trông điệu bộ Trung-úy Đức có mái tóc bạc phếch bụi phong trần, mặc áo flight jacket xệ vai, anh hóm hỉnh giả vờ khậc khưởng làm người say, nách anh cặp vỏ chai rượu Martel, mơ màng ngâm mấy câu thơ tình. Các bạn không thể nhịn cười vì lối diễu ra trò ấy. Sự quyến rũ tuyệt vời nầy làm các bạn mê anh.

Thế mới chết. Bạn bè lại sửng sốt bừng bừng mặt tím, xôn xao bàn tán về cái chết đột ngột cuả Trọng, rồi cay cay uống từng men đời say túy lúy. Đã có nhiều lần bạn với Trọng chuyền tay nhau từng điếu thuốc dỡ ngọn!? Bao lần sau tác chiến sống sót an toàn trở về đơn vị, họ vui mừng nâng ly rượu trên tay chúc tụng nhau rồi!? Hay là có lần đầu mà chẳng còn lần cuối!? Tên gọi thân mến cuả những người lính dần dà mất lần lần đi đâu hết? Mất lần theo bóng tối kinh hoàng, chìm sâu vào miên viễn rồi ư!? Cái chết của chiến binh từng xông pha ngoài sa trường giữa hai lằn đạn sát đầu tơ kẽ tóc, thì thỉnh thoảng họ có họp mặt, để “dzăn nghệ dzăn gừng” ti tí, cho đời lên hương chút xíu, ngỏ hầu xóa tan bao nỗi... Cũng vui mà.

Vậy, điều tôi muốn nói: Xin Đời rộng lượng bao dung, đức độ, nhân ái và vị tha cho người Lính Thiên Lương (nếu họ có sơ sót, có sai phạm tí lỗi lầm, bởi nhân vô thập toàn)! Xin hãy mến yêu Lính. Hãy thương Lính. Họ là những công cụ, là sản phẩm của chiến tranh. Trong cơn đau buồn tột độ nào đó… họ có quậy phá tưng trời, do cuộc vui lụi tàn đôi khi men nồng lên, để lại trong lòng họ dư âm trống vắng, xót xa, phiền não vô tận. Có thể nay mai sự bất hạnh tràn đến, thì đấy không là điều thất trách, thất thố cuồng loạn lắm đâu.
***

Trong tiệm ăn vẳng tiếng đàn hạ uy cầm tha thiết đẩy nỗi buồn phiền, băn khoăn, tiếc thương những người bạn xấu số đã ra đi chợt dấy lên trong lòng bạn bồn chồn ray rứt. Bạn bè dùng rượu đè nén bi thương nội tâm xuống, họ dùng rượu khơi dậy lòng tiếc thương vô vàn, mãi mãi là niềm tiếc thương sâu thẳm, ngút ngàn dâng cao! Đồng thời, họ dùng rượu hầu đốt lên niềm vui mừng may mắn còn ngồi bên nhau, lúc chiến tranh tàn khốc vờn quanh con người và ngang nhiên đi giữa cuộc sống, lửa bạo tàn đang đe dọa từng nhân mạng.

Mấy bạn ngồi bên nhau trong bàn tiệc nhỏ, họ từ nhiều vùng đất xa xôi khác nhau, có phong tục tập quán khác nhau, suy tư và tình yêu chẳng giống nhau. Nhiều giọng nói trầm ấm, ngọt ngào, hồn nhiên, cũng không ít có giọng nói gắt gỏng, hoặc sảng khoái cười ha hả mang dấu tích Mẹ Quê Hương Việt Nam ba miền: Trung. Nam. Bắc rì rào giọng nói ấm nồng, súc tích, thân thương đầy âm giai tuyệt diệu, pha hương sắc đặc biệt trìu mến riêng của mọi miền.

Họ hoàn toàn riêng lẽ, ánh mắt ngời sáng vui vẻ không ngừng ánh lên nỗi ngạc nhiên, qua câu chuyện vui buồn, trầm lắng, lịch duyệt, dí dỏm, hóm hỉnh không ngờ. Nụ cười họ nở trên khuôn mặt nhuộm nắng gió khuya chiều sâu lắng nỗi niềm ưu tư âu lo chung. Họ không có gì hơn là: gieo tiếng cười, pha nước mắt ân tình, làm quà tặng chân tín trao nhau, ngỏ hầu san sẻ niềm đau quặn thắt dại tê trong thời chinh chiến, chia nhau ly rượu nồng, tách cafe đắng, hay điếu thuốc Quân Tiếp Vụ. Và, trìu mến gửi tiếng lòng thì thầm gọi mời nhau, trầm lắng ngậm ngùi rung lên từng đợt nấc cuồng quay trên mỗi phím loan.
***

Nhớ về anh quý trọng, tôi xin thay mặt bạn Tuyết Ngọc Trúc ghi lại mấy vần thơ:
Sau Bảy Lăm bỏ quê hương dấn bước
Giạt trôi về Mỹ quốc chốn xa xăm
Đêm từng đêm em ngồi khóc âm thầm
Đời phụ nữ đã một lần lỡ dở
Cầu ván gỗ nằm bên phượng đỏ
Nấm mồ anh nghỉ cạnh dừa xanh
Bên dòng phù sa sóng vỗ trôi nhanh
Rơi giọt lệ mong anh về nước Chúa.
Trơ dưới nắng cây cầu ván cũ
Đường thôn ta hàng so đũa ngày xưa.
Vườn cau, bông gạo, hàng dừa
Anh đi... để lại bài thơ quê nghèo
Chim kêu, vượn hú chiều chiều... (*)
*
(*) thơ Tình Hoài Hương


Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
03-21-2017, 12:31 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1/1490055748-al 19 VNCH.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadpics/mp3_pdf/1490055968-Sai Gon Vinh Biet Vu Khanh.mp3
Nước Mắt Thầm Lặng Tuôn Trào
(Kỷ niệm buồn đúng ngày: "20 tháng Ba" - 42 năm cũ)

Bầu trời xanh lơ điểm những hoa mây trắng qùy gối trên mặt hồ Xuân Hương sáng loáng như tráng men, rồi mây kéo lê thê bay vắt qua sườn đồi buồn thiu, mây lang thang trên con đường mòn đất đỏ vắng tanh, mây bò lên sườn dốc đầy cỏ vàng úa. Trong vùng sương mù và mây trắng xóa đó, tôi an phận đi và về giữa tiếng tíu tít và giọng cười nắc nẻ của các cô gái lí lí lắc lắc đang vui tươi ôm cặp đến trường. Cái lạnh cuối xuân mơn man lành lạnh ơn ớn len lén bay về, làm tê tê bờ môi vụng dại, khiến hai gò má phụ nữ và trẻ em luôn ửng hồng. Những tà áo dài trắng hòa với sương mai mờ mờ lung linh quyện lẫn nhau trong màn sương mênh mông.

Mây và sương ru tôi vào mộng tưởng hoài mong luyến nhớ vô vàn... Tôi chợt cảm thấy lòng mình ấm lại những niềm vui khi ngày ngày tôi vẫn bình an, ung dung vui vẻ từ nhà đi trên đường quen thuộc đến nơi dạy học. Tôi đã có gia đình, chồng tôi (Luật) phục-vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Hạnh phúc đơn sơ ấy chẳng có được bao lâu, nay sương muối mù mù nặng hạt còn thấm ướt mái tóc, khi tôi đứng lớp giảng bài, thì... lịch sử Việt Nam đang còng lưng vác trên vai những tang thương đau đớn, dày vò, bi thảm tàn khốc nhất trong cuộc chiến tranh xâm lăng hung tàn.

Luật hớt-hải chạy đến giữa những khung cửa kính kêu rè rè, bể loảng-xoảng, nâng nỗi khiếp sợ lên giếng mắt nhau. Ngoài xa, xa mãi tận hướng Du Sinh, hay Suối Vàng thì phải, từng hồi pháo-kích đì đùng nổ rền trời. Khói đen nghịt kéo theo mùi cháy khét, tởm lợm, cùng sức nóng rợn người. Có điều gì lo nghĩ đắn đo phiền muộn hay sao, mà khi anh nhìn vào giếng mắt tôi, Luật đã vội vàng cúi cụp xuống, chơm chớp hai giọt mọng nước đọng trên khoé mắt, và anh quay đi lãng tránh, mà báo tin động trời chẳng lành:
- Mười ơi! Có lệnh từ thượng cấp báo cho quân đội phải di tản ông già bà lão, phụ nữ, trẻ con gấp. Còn toàn thể quân nhân, cảnh sát, nam công chức, tuyệt đối "phải tử-thủ tại Đà Lạt".

Tôi nghe Luật báo tin ấy, cảm thấy rụng rời dật dờ bàng hoàng như sét đánh ngang tai. Tôi sực nhớ đến chuyện động trời: ngày 9 tháng 3 năm 1974, tại trường Tiểu-học Cai Lậy có loạt đạn 82 ly nổ rền. Ôi! Coi trên truyền hình có đoạn thời sự đã chiếu đi chiếu lại: thấy hằng trăm trẻ em vô tội chết đau đớn thảm thiết, thương tâm xiết bao! Bỗng dưng tôi lại nhớ vào khoảng năm 1973 có một thời người ta ùn ùn leo lên núi Lâm Viên: xin nước của Phật Bà ban phước cho bá tánh, hầu trị tà ma bệnh tật, bình an, hoà bình. Bà chị ruột của tôi đã vất vả nhọc nhằn leo núi, khổ sở đi, và khệ nệ bưng về mấy bình nước. Nay thì... "nước" chẳng thể dùng.

Và nữa… một số thị dân Đà Lạt nhiều người truyền tin cho nhau rằng: Từ những cánh rừng xa hun hút, suốt ngày đêm đã xuất hiện nhiều đàn sâu róm nối đuôi nhau lũ lượt kéo xuống biển. Sâu róm chết la liệt trên đường (lúc băng qua đường). Những xe khách, xe đò, xe nhà đi từ Đà Lạt xuống Phan Rang… đều thấy. Tôi không biết chuyện tiên tri về đoàn sâu róm và đoàn người sống trên đời lố nhố, đang bỏ núi rừng băng đường vượt sông ùn ùn ra biển, thực hư ra sao. Tuy nhiên tôi tin rằng nếu ai đã từng sinh sống ở vùng Cao Nguyên thời ấy, đều biết, hoặc nghe rõ về chuyện Phật Bà hiện lên chỗ nọ chỗ kia. Có cả chuyện mặt trời xoay quanh phụ nữ tiên mặc áo lụa trắng, thắt lưng xanh, tay bế hài nhi đứng trong vầng mây... và đoàn sâu róm nườm nượp đi xuống biển.

Bây giờ tôi chưa biết tình hình náo động nầy sẽ ra sao khi ôm nhau chạy về nơi vô định, nên càng run sợ tột cùng! Phải cho học sinh dọt lẹ mà thôi. Tôi thều thào dặn-dò học sinh thu dọn sách vở, lo chạy nhanh về với gia đình. Trong trường tôi có cô Phùng dạy học sát bên vách lớp. Phùng xin tôi cho vợ chồng và đứa con nhỏ đi theo. Sau một vài phút suy nghĩ, cuối cùng chúng tôi đồng ý cho họ đi nhờ xe nhà của mình về Nha Trang. Vì Phùng không có phương tiện di chuyển, mọi ngả đường bộ về Sài Gòn bị phong toả, kẹt cứng, bế tắt. Duy chỉ còn quốc lộ chính từ Đà Lạt xuôi về miệt Phan Rang, Nha Trang, Phan Thiết là có thể chưa bị mất. Không có một chiếc xe đò nào muốn chở khách, nếu ai may mắn lắm thì hoạ may chủ xe cho lên ngồi trên mui, nhưng giá tiền một người đắt gấp mười lần thường ngày. An toàn nhất là ngoại trừ ai có xe nhà. Vì chính phủ đã trưng dụng hàng không quân sự và dân sự, để làm những việc cấp bách cần thiết hữu ích khác.

Vợ chồng tôi vội leo lên chiếc Peugeot 404 của mình chạy về nhà. Đồ đạc trong nhà đầy dẫy! Tôi lính quýnh quờ quạng run rẩy không biết lấy thứ gì? Làm sao có thể gom đi cả gia tài đã dành dụm suốt đời người trong chiếc xe bé tí xíu? Luật la:
- Nhanh lên em. Bỏ của chạy lấy người. Còn người còn của mà em. Mẹ, em và các con, cứ lo đi đi. Anh ở đây sẽ tìm cách gửi từ từ những thứ cần thiết theo xe đò xuống Nha Trang, cho mẹ con em dùng sau.

Trong khi chờ đợi tôi thu xếp hành trang, Luật kiểm soát xe cộ, sau đó anh báo với tôi sẽ đi châm xăng, dầu nhớt vào xe hơi đầy đủ. Tôi dặn dò các con thu xếp gọn gàng sách vở bút viết cần thiết, bỏ vào mỗi cái cặp riêng của con cần mang theo. Tôi không còn tâm trí để nhớ một cái gì, lấy cái nầy thì tiếc cái kia. Vì ngôi nhà đồ sộ ba tầng lầu đúc bê tông cốt sắt lót gạch bông dài 45m rộng phủ lòng 5m, sẽ buồn tênh và trống trải, mất mác hết khi vắng chủ nhân. Có thể ngôi nhà sẽ không bao giờ đón chúng tôi trở về. Mặc dù tôi đã để lại hết tất cả gia tài cồng kềnh quý giá, nặng nề, do công khó lao nhọc bao năm vợ chồng tôi tằng tiện dựng xây mua sắm.

Tôi không giàu có lắm, nhưng giờ đây thì thứ gì cũng có thể không còn, tuy sự cần cù, nhẫn nại chịu đựng lao khó và lòng tin yêu, độ lượng cùng tự trọng thì tôi không thiếu. Cái gì đời cũng ưu ái cho tôi sao!? Nhưng chưa chắc bây giờ tôi cần những thứ đó. Giống như chiếc xe thổ mộ đã chở quá đầy hàng, nếu chất thêm vài trái dưa lên nóc, chẳng biết xe và dưa sẽ đỗ lăn mất lúc nào. Vậy thì ta nên giữ lại những thứ gì thật sự cần thiết trong lúc khẩn cấp mà thôi.

Tôi lo nấu hai nồi cơm hơi nhão thật to, dùng khăn ẩm vắt ra từng nắm nhỏ. Tôi gói chà bông, ký lạp xưỡng, khô cá, khô bò, kí giò lụa, dưa leo, cà chua, cà rốt, rau sống, hai thùng mì gói, mươi bọc cơm sấy, mấy ổ bánh mì ba tê gan và bơ sữa, tiêu, xì dầu, muối, đường... Có sẵn nồi xôi đậu xanh, nồi cá thu kho măng với thịt ba rọi ngày hôm trước còn dư, cả nồi trứng thịt heo kho Tàu đầy, do mẹ Luật đã nấu hồi sáng. Vừa làm các công việc trên, tôi bồn chồn lo lắng, bồi hồi, luyến tiếc về sự ra đi.

Bởi vì tôi không thể biết cuộc ra đi sẽ lành dữ ra sao, các con trẻ bé dại cùng đi với bạn bè trên dưới hai mươi mấy người (chung chuyến ở ba chiếc xe khác nữa của bạn). Nếu bị lỡ đường, chúng tôi sẽ có thức ăn chia sẻ cho nhau lót dạ. Tôi khiêng một thùng nhựa 20 lít nước lọc ra sân. Hai cái bô có nắp đậy. Mùng, mền, quần áo len, quần áo mỏng, giày, dép, linh tinh... cho bà mẹ chồng, tôi, và các con chu đáo, tươm tất.

Đã gần đến giờ hẹn, nhưng không thấy Luật đâu cả, tôi quá sốt ruột lo lắng vô cùng. Thì ra sau đó mới biết Luật chạy vào trong Hà Đông báo tin cho gia đình ông cậu Cương, và gia đình bà Tề lo liệu di tản. Thật là tội, ở trong ấp mù tịt chuyện thời sự náo loạn, họ ung dung đi tưới rau, không hề biết ngoài phố nhốn nháo ra sao. Luật phải đưa cậu Cương ra phố bán hai cây vàng. Cầm đồng tiền giấy nhẹ, có thể mua gì cũng được, hơn cầm cả thỏi vàng, chả lẽ mua ly trà, ly nước dừa, mà đưa cả chỉ vàng, hay cả lượng vàng ra? Mất toi mạng như chơi. Có mà điên! Hầu hết các tiệm vàng trả giá rẻ mạc, hai cây vàng mà họ mua chỉ ép giá bốn chục ngàn. Cậu năn nỉ hoài mà chả ai thèm mua giúp.

May sao có bạn của Luật (anh chị Kim là chủ tiệm vàng ở Tùng Nghĩa đến nhà chờ đi chung) mua giúp cho cậu. Nga Kim chạy giặc có những bọc vải ruột tượng, túi áo túi quần cả gia đình... đâu đâu cũng đựng vàng là vàng nặng trĩu. Họ rất sợ mất toi mạng vì thời buổi loạn ly mà có hằng tá vàng chình ình cả đống thế kia, chẳng khác nào “lạy ông tui ở bụi nầy” làm thể nào thu dú đâu được. Gia đình anh Kim cần đi chung với bạn bè có đông người thân thuộc, là điều rất mừng. Anh tin và gửi nhờ bạn mang mấy bọc vàng không sợ bị cướp giật giữa đường. Kim móc túi lấy bốn trăm ngàn đưa cậu, đó là anh trả cho cậu giá rất cao, coi như Kim cho cậu tiền, chứ không phải anh mua vàng. Cậu của Luật vui mừng khôn xiết, cậu lo chạy nhanh về nhà thu xếp.

Các bạn thân hẹn nhau tập họp ở nhà tôi đúng hai giờ chiều là lên đường. Dưới chân đèo Krong Pha nhìn lên Đà Lạt tít mù cao, những bè mây trắng xoá kéo thành một dong dài, mong manh lả lơi như hơi sương quấn ngang đồi thông tiếp nối đồi thông rủ tóc, trải thành dải sô tang quấn trên triền quê hương. Đồi thông từ từ khép bức màn sô tang mỏng dính trong gió rì rào lao xao lay động cây cành nghiêng ngả. Rừng lá thấp xưa kia xanh thẩm mịt mùng ngút ngàn bao cây gỗ quý, hôm nay hầu hết cây cối xơ xác héo úa. Tôi thực sự xa nơi chôn nhau cắt rốn. Nơi đó còn cha mẹ, anh, chị, các cháu, chồng tôi (anh rất lệnh cấp trên ở lại Đà Lạt tử thủ), người thân xóm làng hiền hòa. Không hiểu họ sẽ xoay-xở ra sao, khi tiếng đạn pháo ngày càng đinh tai nhức óc, dồn dập rót về trên đầu? Thỉnh thoảng súng đạn vun vút rền vang nơi xa xa, tạo thành những đường dài sáng loáng tóe lửa, vút qua vút lại trên bầu trời.

Con đường cái quan ngày xưa rộng thênh thang, nay chật như nêm. Đoàn xe nhà tôi và bạn gồm bốn chiếc nối đít nhau chạy qua khỏi Krông Pha, tôi chẳng hề thấy ai đi ngược lên lại hướng núi, nơi chúng tôi đang đi xuống. Giòng người đen nghịt nối đuôi nhau đi chỉ một chiều xuôi về miền biển… Tôi định tâm nhìn quanh thấy hàng hàng lớp lớp người lũ lượt kéo nhau tấp nập vội vã đi đông hơn kiến. Kể cả những người gánh gồnh, vai mang lưng cõng, đều nối đuôi nhau lũ lượt tất tả lê lết đi bộ, bàn chân họ cột những tấm quần áo mà chen lấn trên đường nhựa nóng muốn rộp da. Bộ hành kiên nhẫn đi vội vàng, dáo dác nhìn ngược ngó xuôi, lo lắng bước thấp bước cao như thế, lòng tôi bâng khuâng nỗi đau xót lạ thường, tim chùng xuống ngàn đắng cay ngậm ngùi không thể tả.

Trên đầu dốc tỉnh Ninh Thuận tôi nghe súng đạn luôn ì oành nổ ầm ầm đùng đùng, oằng oằng oằng… pằng pằng pằng… chẳng lúc nào ngớt. Xe hơi lớn, xe hơi nhỏ, xe jeep, xe GMC, xe honda, xe lam, xe ngựa, xe bò... xe lam, xe gắn máy, xe đạp, xe ba gác, xích lô... hầu hết mọi người có phương tiện di chuyển, cùng bầy trâu, bò, heo, chó, ngựa, gà vịt, chen chúc với người và người… tất tả xô đẩy nhau chạy bộ trên con đường chật như nêm, hổn-độn nối đuôi nhau chạy đi, chạy đi... ứ nghẽn.

Mãi đến buổi hoàng hôn khi qua khỏi Ba Ngòi nóng bức xé da, đoàn xe di tản chậm hẳn lại, dường như không còn sức sống, cạn kiệt nguồn sống rồi chăng, những xe khác không còn yêu xăng, nên xe ù lì nằm ụ từng đám rải rác trên đường từ Phan Rang tới Ba Ngòi, nên quốc lộ đông xe và người càng bị kẹt cứng, xe chẳng thèm nổ máy nữa rồi! Lúc nầy trong đám bạn tôi ai nấy đều thật sự lo sợ và đau khổ.

Mẹ con tôi ôm nhau ngồi lặng-lẽ trên xe, cúi mặt thút-thít khóc, lòng tôi rối bời, ngổn-ngang trăm mối, lo-sợ tột cùng. Tôi cho con nhỏ mẹ già di tản, thì ăn ở đâu, ngủ ở đâu? Nhưng ba bên bốn bề ai ai cũng ùn ùn lũ lượt kéo nhau đi, đông kinh khủng thế nầy. Nếu gia đình tôi ở lại, có lẽ càng cô độc và sợ hãi hơn khi bóng đêm bao trùm xuống vạn vật, súng đạn ùa về nổ chát chúa, đinh tai nhức óc mỗi đêm thế nầy, làm sao đây!? Lương quân-nhân, công-chức, như “tiền lính tính liền”, rồi sẽ ra sao khi bồng bế nhau chạy về nơi vô-định?

Mấy lúc trước tôi đã bòn nhặt cất dấu được một số tiền kha khá, (đề phòng khi hữu sự bất chợt như bây giờ, thì có mà chi dùng). Nào ngờ, Luật thấy trong nhà có tiền, anh nghe bạn than thở, động lòng trắc ẩn là thể nào anh cũng “réo rắt, xeo nạy” cho bằng được, để anh mang tiền đi đưa cho bạn mượn. Cả chục lần như vậy thấy chồng ỉ ôi thở vắn than dài, “dằn vặt đay nghiến” tôi. Dù tôi đã quyết dú đút tiền cất đi, nhưng rồi tôi vẫn “lạt lòng nhẹ dạ” không nỡ từ chối lời anh yêu cầu. Vả lại, tôi không phải là loại đàn bà mê tiền hám lợi, quên tình nhân ái mà bo bo ôm rịt giữ kỹ tiền, tôi không thấy vàng bạc là mắt sáng như đèn pha.

Tôi “dại lòng” nên trút hết hầu bao, đưa tiền để anh đem cho bạn mượn trước mặt tôi. Thật ra tôi cũng biết hoàn cảnh tùy gia đình mỗi người bạn, đều khó khăn rất tội nghiệp. Họ có tự trọng, nhưng quá khốn đốn mới muối mặt nhờ ta giúp đỡ. Bây giờ bất ngờ ra đi, nên tôi chẳng còn dư bao nhiêu tiền, thì nếu mẹ con tôi không lo chắt bóp ăn rau ăn cháo, chắc là chết đói nơi xứ lạ quê người thôi. Nghĩ tới đó... là tôi cảm thấy quá sợ hãi!

Gió lồng lộng thổi những hàng cau lao xao cúi rạp mình gần sát đất, khi những trái hỏa châu mắt thần bùng nở đỏ bầu trời nghiệt ngã đang đè lên đầu nhân thế, hòa cùng khói thuốc súng và từng đám mây trắng bay vội vã như đàn cừu hốt hoảng té chạy tứ táng trên đồi cỏ khô. Tiếng súng đạn bay vút lên không trung, tạo thành những màn nhện đỏ au đan chéo qua chéo lại, có đường cát tuyến tiếp tuyến trên không gian mịt mù, tiếng đạn nổ dòn, hòa cùng tiếng lao xao của rừng xoài, tiếng côn trùng đồng loạt tấu khúc dạ trường ngọt ngào bất tận… Đêm cuốn đi bởi giòng cuồng lưu cuồn cuộn xô đẩy nhau, chảy theo làn sóng người đang tìm cách thoát thân khỏi tai trời ách nước.

Trời sập tối thì chúng tôi đến gần Vịnh Cam Ranh, nơi có chỗ neo tàu sâu, có sân bay chắc chắn và an toàn, có câu lạc bộ, có nhà máy làm nước đá, có hệ thống ra đa tối tân nhất bây giờ. Vịnh Cam Ranh là một lợi thế chiến lược tốt nhất của vùng Đông Nam Á. Từng là nơi tiếp liệu xăng dầu cho hạm đội trong chiến tranh Nhật - Nga từ 1904 > 1905. Ngày xưa là thế, nhưng hôm nay im lìm câm nín.

Đoàn chúng tôi cùng đi gồm: gia đình Trần Ngọc: (mười chín người). Gia đình tôi (sáu người). Gia đình cô Phùng (ba người). Gia đình anh Bàn (mười người). Gia đình Kim mười người, (sau buổi ăn tối, Kim từ giã chúng tôi đi về hướng Phan Thiết, vì có thân nhân ở đó). Nhà anh chị Trí ở Cam Ranh có mười tám người, và không kể họ hàng di tản. Nay ở tại nhà anh Trí có thêm đoàn chúng tôi, vị chi tại nhà có cả thảy là 78 người! Kinh khủng quá. Anh chị Trí, mẹ anh, em gái và các con anh chạy ra mừng rỡ tíu tít rôm rã chào đón.

Chúng tôi đến bất ngờ, Kim, tôi, Phùng, Ngọc, Bàn, cùng hùn tiền đưa chị Trí, nhờ chị đi chợ nấu ăn giúp có lẽ vài bữa. Ban đầu chị Trí nói qua loa, không nhận. Nhưng sau anh Trí thấy chị Bàn nhét tiền vô túi vợ, anh chồng hất hàm nhìn vợ, vợ Trí mừng rỡ xách giỏ đi chợ. Phút chốc hai ba nồi cơm trắng to tướng, nồi canh chua cá chim, cá thu kho và rau sống, rau muống luộc, đã đọn lên đầy nhóc. Những người mới tới dùng bữa no nê ngon lành. Nhưng tôi và Phùng có con dại, mệt quá nên chỉ ăn qua loa nửa chén cơm, rồi đi tắm rửa, giặt giũ áo quần. Phùng và tôi leo lên giường rù rì nói chuyện tới khuya. Phùng bảo đảm với tôi là chỉ cần "chúng ta" an toàn tới Nha Trang, thì mẹ con tôi sẽ ở nhờ tại nhà bà cô của Phùng. Nghĩa là hai gia đình tôi và Phùng sẽ tách riêng những gia đình: Ngọc. Quý. Cúc. Bàn.

Ở Đà Lạt là quê hương tôi, dù gì tôi cũng dễ dàng xoay trở. Nếu về Nha Trang thì coi như tôi bơ vơ, lạc lõng. Tôi chỉ quen thân duy nhất cô Oanh trước kia dạy học ở Đà Lạt, hai năm nay Oanh đã đổi về Nha Trang. Chẳng biết Oanh có còn ở chỗ cũ không?! Còn Phùng về Nha Trang thì bà con hai họ nội ngoại có nhiều. Phùng hy vọng có thể lưu lại nhà thân nhân một thời gian, và tìm cách trở về Sài Gòn. Lúc nầy tôi thật mừng khi có Phùng cùng đi.

Bốn giờ sáng hôm sau, chị Trí và mấy người đàn bà trong nhóm tôi lo dậy nấu mấy nồi cơm, canh cá tươi thật to như tối hôm qua. Tôm, cá, mực ở miền nầy quá rẽ so với Đà lạt. Chúng tôi ăn uống no nê xong, tất cả ba đoàn xe chúng tôi từ giã anh chị Trí, lên đường đi Nha Trang. Khi tôi tới chỗ trạm đổ xăng, vì xe hơi của tôi cũng cạn xăng, tôi đi tìm hầu hết mấy trạm xăng, không nơi nào mở cửa. Các chủ trạm xăng đều nói:
- “Từ đây về Nha Trang các trạm xăng đều bị hết, khan hiếm, đóng cửa không có xăng từ một tuần nay”.

Trời ơi! Lẽ ra tôi còn bình xăng phụ hơn mười lít dự trữ mà Luật đã bỏ sau cốp, nhưng tôi ỷ y là dọc đường có thiếu khối gì trạm bán xăng, mà lo. Thế nên tôi đã chia sạch xăng cho hai chiếc: xe be, xe của Kim; là bạn đi cùng đoàn. Tôi không hề dự đoán có chuyện bất trắc nầy. Chết rồi. Không ai chịu bỏ xe của mình lại nửa đường, (dù xe của họ cũ, coi thổ tả). Thế là tôi đành ngậm ngùi rơi lệ mà "bỏ rơi" chiếc xe hơi Peugeot 404 mới của mình, (nếu chịu khó chật chật xí, xe tôi cũng có 18 chỗ ngồi) nằm ụ tại Cam Ranh. Đúng như Luật đã nói: “bỏ lại tất cả của cải qúy giá, bỏ hết, lo túm chạy lấy sáu mạng người mình nghen em. Còn người còn của mà em”!

Mẹ con tôi, mẹ con cô Phùng leo lên xe lam của Qúy chật cứng những đàn bà, trẻ con cả thảy là mười ba người. Mẹ của Luật và đàn ông, phụ nữ mạnh khỏe khác thì leo lên chiếc xe be không mui. Dạo trước kia xe be nầy dùng chở cây gỗ, nay chở người. Khoảng hơn ba chục người lố nhố chen chúc ngồi trên xe be trần trụi không có bờ vách, họ dùng những sợi dây dừa cột chặt thân người nầy vào người kia, rồi cột vô một cây gỗ cẩm lai và đống đồ đạc cao chất ngất.
Xe be và xe lam chạy chậm rì, cà rị cà mò, nhưng tôi vẫn lo sợ người ngồi trên xe be chen chúc chật cứng có thể bị lọt xuống đất! Xe be không có mui che mặt trời nên càng nóng rát. Nhóm người lết bộ tay bồng tay bế các em nhỏ khóc la thảm thiết, mặt mày trẻ lem luốc, đỏ ửng như con tôm luộc, mũi dãi lòng thòng. Xe không thể chạy nhanh trên đường dài ngoẵng có đủ mọi thành phần và tầng lớp… đông hàng vạn người gánh gồnh đi bộ, có đủ thứ loại xe lớn nhỏ. Thỉnh thoảng những chiếc xe bò lọc cọc chở đầy người phủ tấm bạt bay phần phật.

Đến gần ngả ba thì có một chiếc xe hàng mui bẹp dúm, bốn bánh xe chổng ngược lên trời quay tít máu me lênh láng, trên lề đường đã có mấy xác chết nằm ngay đơ, người trong xe ấy hò hét. Mẹ con tôi sợ hãi bưng mặt nhìn đi chỗ khác, tôi tột cùng run rẩy hoảng loạn, tim nghẽn nghẹt ứ cơn đau, thân thể muốn bay bổng lên chín tầng mây. Đồng thời xe lam của Quý bị hư, cũng do chất đầy người và quá nóng máy, xe lam nầy nhích chạy đường trường không có đèn. Chiếc xe be do Phú lái phải đi sát phía sau, để dọi đường cho xe lam chạy, thật quá nguy hiểm. Đèn pha của xe GMC ngược chiều nào đó dọi sáng trưng, suýt tí nữa thì xe lambretta của Quy chồm tới rất sát xe khách trước mặt, (hoặc là chúng tôi nằm gọn dưới lòng xe be)!

Anh tài xế xe GMC nghiến răng gò lưng đạp thắng kít kít kít, trên xe mọi người đông nghẹt đều dồn đống, chúi nhũi tới phía trước xe GMC. Bốn bánh xe GMC rít ken két dưới mặt nhựa, tỏa khói bay khét lẹt. Tôi khó có thể đoán tuổi đời anh lính dãi dầu sương chiều nắng gió ấy đã trải qua bao xuân xanh, khiến da mặt anh càng sạm đi lúc hiểm nguy nầy? Cả bộ quân phục mặc trên người hình như càng bạc phếch phong trần, hay do bụi cát rít dưới những bánh xe? Chúng tôi chỉ biết kêu Trời cứu mạng. Khi đèn xe rọi tới trước, tôi thấy những đứa trẻ con trạc bằng tuổi con tôi, nghe tiếng bánh xe lết dài trên đường nhựa, chúng hốt hoảng mệt mỏi quýnh quáng bám theo chân người lớn vọt lẹ lên lề.

Thật hú hồn hú vía, nếu anh tài xế xe GMC không tháo vát, nhanh nhẹn, không có kinh nghiệm, ắt hẳn là tai nạn rùng rợn kinh khủng sẽ xảy ra không thể lường! Trong lúc nầy lòng tôi bỗng nổi lên sự ấm ức quá tức giận, vì chuyện tôi đã "nhân ái" và "anh hùng rơm" để rồi đành vứt bỏ lại chiếc xe 404, để leo lên chiếc xe lam cũ thổ tả nầy! Biết làm sao được khi mình có lòng nhân không hề tính toán thiệt hơn, đã hậu hỉ hân hoan và thành tâm trút hết xăng cho xe bạn!
* * *

Từ Cam Ranh khởi hành lúc mười giờ sáng, mãi đến mười môthị2 đoàn xe dài ì ạch khoảng trăm cây số nầy mới đến Nha Trang. Các ngã ba ngã tư giòng người đang cố chen lấn, giành cướp tí đất sống, xe và người vội vàng sát nhập chung nhau trườn lết tới vùng đất hứa hẹn an toàn. Họ cố chen từng bước, từng bước, ùn ùn tìm về vùng tạm lánh cư có lẽ bình an hơn: Nha Trang…

Chúng tôi ghi cho nhau địa chỉ bà con ở nhiều nơi, ngộ lỡ có biến loạn, hay cần liên lạc, thì biết mà tìm nhau. Chúng tôi chia ra nhiều hướng: Gia đình Phan Bàn ở nhờ với bà con của họ tại đường Nguyễn Tri Phương. Đại gia đình Trần Ngọc ở nhà bà con. Vợ chồng Phùng, bà mẹ Luật, tôi, và bốn con thì về nhà bà cô của Phùng. Có thêm chúng tôi, nhà bà cô hơi chật càng nghẹt thở hơn, cổng sắt cao lút đầu, màn che trướng rủ kín mít. Họ nói chuyện với nhau thì thầm to nhỏ, mắt la mày lém, dáo dác nhìn trước ngó sau len lén rù rì. Họ tỏ lộ vẻ khó chịu ra mặt khi có sự hiện diện của gia đình chúng tôi, họ bất an sợ sệt những điều gì lạ lắm. Hay họ sợ mẹ con tôi biết họ quá giàu, họ “nuôi ong tay áo, nuôi khỉ đốt nhà”... thì tôi nảy sinh ra tham lam mà trộm cướp chăng?

Sống tại nhà bà con của Phùng, tôi sợ các con ồn ào làm vướng bận, phiền gia đình bà cô, nên mỗi ngày chúng tôi phải đi qua bên trường Tiểu-học, ngồi ngoài gốc cây phượng mua quà bánh ăn qua loa. Chiều chiều chúng tôi mò ra biển ngồi dưới hàng dừa hứng gió mát, để cho các con nô đùa ở biển. Chờ sau giờ họ ăn cơm ,tối mịt chúng tôi mới dám mò về xin phép chủ nhà cho tắm rửa, đi nằm ngủ nhờ dưới gạch bóng loáng trải mền bông xuống nền nhà, mẹ con bà cháu đều chui vào nằm chen chúc trong một cái mùng rộng. Tóm lại, chúng tôi chỉ xin ngả lưng ngủ nhờ. Năm giờ sáng, tôi lo đánh thức cả nhà dậy, lại thất thểu lang thang đi ra ngoài lộ sớm. Hai hàng nước mắt tôi thầm lặng vẫn tuôn trào.

Mặc dù từ Đà Lạt về Cam Ranh, bạn biết tôi không có thân nhân ở đây, Phùng đã cam đoan chắc chắn là: mẹ con chúng tôi khỏi lo vấn đề ăn & ở Nha Trang trong thời gian vài tháng. Tôi ngây thơ đã tin bạn. Nay Phùng cảm thấy khó xử, tôi cảm thông vì nhà nầy không phải là nhà của Phùng. Dẫu sao Phùng cũng áy náy và hổ thẹn với tôi. Qua ngày thứ bốn, tôi thấy mặt mày ai nấy đều nặng như chì, khi Phùng bồng đứa con lên máy bay về Sài Gòn. Thái độ ngược đãi ấy đã được khẳng định mọi điều dứt khoát rằng: Sau khi gia đình Phùng an toàn tại Nha Trang, có đủ điều kiện để họ tìm đường trở về Sài Gòn, thì họ muốn bỏ rơi chúng tôi. Như thế thì đã rõ rồi, dễ hiểu quá. Phùng nên đi trước, mai mốt ông chồng Phùng sẽ về sau, là lưỡng tiện đôi đàng, ông sẽ ú ớ ù lì ngơ ngơ ngáo ngáo, là huề cả làng. Họ “siêu tổ chức” khỏi mất công “hứa lèo” với tôi. Mặc tôi xử trí ra sao với bà cô và chính chúng tôi, thì ra... Tôi thật ngây thơ, việc vợ chồng Phùng hứa suông chẳng khác nào đem con đi bỏ chợ, tôi đã giao trứng cho ác...

Thà rằng tôi ở lại Cam Ranh, dù sao gia đình anh chị Trí cũng là chỗ thân tình. Vả lại họ còn nợ tôi một món tiền kha khá... (do Luật “hứng nợ” đưa cho Trí). Rồi sau nầy cộng thêm nợ mới là: Trí nợ bạn và chúng tôi một số tiền khổng lồ: Do, công ty chúng tôi làm ăn chung, đã trúng thầu, nên thuê một trăm nhân công tháo gỡ xuống năm trăm căn nhà tiền chế của Mỹ, & thuê bao nhân công và tài xế ăn uống, tiền làm mỗi ngày, họ chở vài trăm chuyến xe vật liệu, về bán trả góp cho dân ấp Vĩnh Linh, họ cần làm nhà (thuộc Cam Ranh). Vì ở ấp Vĩnh Linh mới thành lập, chính phủ chiêu mộ dân tứ xứ đến vùng nầy lập nghiệp...

Những chi phí ban đầu trang trải do công ty chúng tôi hoàn toàn bỏ ra, từ tiền mua nhà tiền chế hai triệu tư, tiền thuế cầu đường, thuế trạm... tiền bến bãi chứa hàng, tiền mướn nhân công tháo gỡ, đài thọ nhân viên lao động ăn uống, tiền linh tinh, v.v... công ty đã chi phí mà chưa hề thu lại vốn. Vì tiền bán những nhà tiền chế nầy, các bạn ở Đà Lạt xa đây cũng tin Trí, để ưu tiên cho Trí đứng ra bán, và làm thủ trong việc thu tiền. Thì anh ta đã thâu tóm hết, vung vít tiêu xài hoang phí, lại lòi ra chuyện Trí đèo bồng thêm vợ nọ con kia, (mà bà vợ hai nầy không ai khác là em ruột của vợ anh ta). Trí lem nhem không chuyển trả cho tôi, và bất cứ ai ai trong nhóm bạn một đồng nào cả.

Tôi muốn nấn ná ở lại Cam Ranh, là cốt ý muốn Trí trả bớt món tiền riêng của tôi, (do Luật “hứng nợ”), mà Trí đã mượn tôi, (chứ tôi chưa tính đến chuyện Trí phải trả tiền anh ta nợ chung trong công ty. Mặc dù chúng tôi biết lúc nầy Trí vẫn có khá nhiều tiền, nhưng do lòng tham lam, vô trách nhiệm, không hề biết tự trọng, không biết xấu hổ, nên anh ta cứ "mặt trơ trán bóng" trơ tráo... ù lì, không chịu rỉ ra đồng nào, Trí phải biết chính lúc nầy ai ai cũng cần có tiền). Sau nữa là để tôi giữ liên lạc dễ dàng với Luật. Dù sao đường đi từ Đà Lạt về Cam Ranh, cũng gần hơn đi Nha Trang, và nơi nầy chưa bị phong toả.
Ôi! Thế nhưng... người tính không bằng Trời tính!
Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
03-24-2017, 07:34 PM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1/1490302366-c9.png
/uploadpics/mp3_pdf/1490383721-NHA TRANG - HaThanh, PhuongThao, Ngoc Le.mp3

Gãy Gánh Gươm Đàn
(Tiếp theo bài viết tuần trước)
***


Thứ Hai, ngày 24-3-1975.- Có căn nhà đang cháy trong xóm đìu hiu, (do một người đàn bà bày bàn cúng ra giữa sân nghi ngút khói hương, đã bị gió tạt vô nhà). Bà ta hì hụp khấn vái kêu xin Trời Phật ban ơn lành... cho sống lâu trăm tuổi. Cứ thật thà mà nói, sau vụ bàn thờ ông cha cố tổ bị rầm rộ xuống đường năm xưa, thì tôi có ít thiện cảm để vãng lai tới chùa thăm viếng ai. Điều mà xưa kia tôi rất trang trọng, mến thích tới lui nơi "quý tăng bào lão trượng”, hầu ân cần chia sẻ chum cà, lọ tương, hủ đậu, chùm cây trái ngọt ngon, & sâu nặng tình nghĩa đậm đà. Vã lại chồng tôi vẫn nói:
- Mình già rùi, “gần đất xa trời”, can chi mà phải sợ chết, lo nọ lo kia cũng rứa hử?
Tôi gân cổ lên cãi lại anh:
- Anh nói thật tức cười. Có ai đang sống ở trên đời nầy, mà “gần trời xa đất” mô nà! Vậy thì “đất” phải gần hơn “trời” là cái chắc. Vì ta đang đạp hai bàn chân trên đất, để đi hà rằm đây nè. Khi nào chết mới gọi là “gần trời xa đất”. Cũng do vì... người ta đều muốn lên Thiên Đàng cả. Chẳng ai muốn xuống dưới đất ở tại lò hỏa ngục với Diêm Vương.

Chúng tôi vơ quần áo ra đi lang thang ngoài đường như thế, ban ngày đi ra biển ngồi dưới những gốc dừa, tối về thì xin vào ngủ nhờ ngoài mái hiên của trường Tiểu-học. Qua ngày thứ sáu thì gia đình bà Niềm (ở đối diện với nhà bà cô của Phùng), thấy thương mẹ con chúng tôi bơ vơ nheo nhóc, họ động lòng trắc ẩn, bà kêu chúng tôi cho đến ở nhờ. Tại đây có một phòng riêng rộng rãi đầy đủ giường nệm mền gối. Muốn nấu ăn thì có sẵn bếp, cứ tự túc. Tôi ứa nước mắt mà mừng vui khôn tả xiết. Thế là cả nhà tôi tíu tít vui vẻ dọn qua bên đường. Vẫn biết là ông bà Niềm quá tốt, nhưng sợ các con thơ dại quậy phá, nên tôi không dám làm phiền họ. Ông bà Niềm có hai người con. Một anh con trai đi lính Nhảy Dù. Một cô con gái tên Thúy Lan làm ở Hàng-không Quân-sự Nha Trang.

Dưới những gót chân bé tí lún xuống bờ cát mịn, từng vệt chân trần nhòe đi trong sóng khẽ khàng vỗ tan bọt nước. Tôi rón rén bước trên nền cát ẩm, với ước mong có tí chút hạnh phúc lướt thướt lan theo từng ngấn sương khuya rơi rụng nhạt nhòa trên phố biển Nha Trang. Lòng vẫn dạt dào nỗi hoài mong tiếc rẻ bao nhớ nhung về quá khứ hao gầy. Nỗi nhớ làm cảm quan và lòng mình mềm nhũn, choáng váng, thẫn thờ tiếc nuối, nghẹn ngào tức tưởi bao mộng mơ bạt ngàn lắng đọng. Ngày ngày mẹ con tôi vẫn đi tản bộ ra bãi biển, ăn cơm hàng cháo chợ. Nhưng chỉ non tuần sau, tôi phải tính đến chuyện tự nấu ăn. Tôi tiếc hùi hịu vì đã để trên chiếc xe nhà của mình ở Cam Ranh hết mọi thứ, chỉ mang đi những túm quần áo cần thiết.

Bây giờ tôi mua một cái lò than, tôi phải tính toán cân nhắc kỹ từng đồng nơi xứ lạ phương xa: mua một nồi nhôm to ấu cơm, một nồi nhôm nấu canh, một nồi nhỏ dùng kho cá, một bình nhôm nấu nước, mua muỗng, đũa, sáu cái tô nhựa, (dùng khỏi bị bể). Dù các con tôi biết thương mẹ, chúng ra đường nhặt cây khô mục, lá khô, bã mía, để nấu cho đỡ tốn tiền mua củi, nhưng có thấm vào đâu. Tôi mua củi, gạo, rau, cá...

Có ngày trời nắng oi ả, có ngày mưa ào ào, bầu trời miền biển khác hẳn với khí hậu thoáng mát ở miền núi, khiến các con khó chịu, mặt mũi lúc nào cũng đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại, rôm sảy bắt đầu nổi lên từng đám dày, ngứa ngáy, thật quá tội nghiệp. Chúng ngồi đâu là hai tay gãi sồn sột, móc chỗ nầy cào chỗ nọ, như mấy con khỉ. Tôi vô cùng lo sợ các con lạ nước lạ cái, sinh ra ốm đau, thì nguy to.

Sáng sớm, khi các con còn ngủ, tôi lò mò đi chợ, về nhà vội nấu một bữa ăn (mà chia làm hai lần: một phần ăn vào lúc mười giờ sáng, một phần khác tôi múc ra trước, để dành ăn vào lúc năm giờ chiều). Khi ăn uống dọn dẹp rửa ráy xong, mẹ con bà cháu đều tản bộ ra đường nầy qua đường nọ. Chúng tôi thường đứng lại hằng giờ trước cổng một ngôi nhà xinh xinh phủ đầy hoa giấy, tôi thèm thuồng cuộc sống ấm áp gia đình mà mình đã bị mất, rồi ngậm ngùi buồn xo. Chân ngập ngừng e ngại bỗng dưng tôi chùng bước, len lén nhìn vào nhà họ.

Dẫu rằng ngôi nhà bên trong hàng dậu thưa ấy, tuy lạ mà rất quen thuộc, vì hình ảnh ông bà cụ đứng nơi bồn hoa thắm đỏ với vòi sen phun nước. Họ giống ba mẹ tôi, bước chân họ di động chậm chạp, khẽ khàng dẫm trên nền gạch, khiến lòng tôi chùng xuống nỗi tiếc xót ngậm ngùi. Tôi nhớ những bọt nước đã rơi xuống vệ cỏ ven đường nhà xưa. Tim tôi rung lên từng chặp, như nhắc nhở tôi nhớ về thuở nhỏ bên hàng hoa anh đào, trong ngôi biệt thự của ba má ở tại đường Quang Trung (dưới ga Đà Lạt) mà ngậm ngùi nấc lên từng cơn.

Tôi muốn quay đi chỗ khác, nhưng đôi mắt cứ dán chặt vào mỗi gốc cây trong ngôi nhà ấy. Tưởng như mới ngày nao tôi đứng tỉa cành già, hái lá vàng trên những cây cảnh trong khu vườn nhà riêng của mình khi đã lập gia đình. Nay cảnh vật và con người từ tha nhân cho tới chính mình, đã biến dạng ngoài sức tưởng tượng! Không ai có thể cứu lấy mình, chứ nói chi đến chuyện cứu người. Thời buổi loạn ly nầy “làm người” thật khó khăn: Nếu tôi có chút của cải, có máu mặt xí, thì bị hàng xóm, bạn bè dòm ngó và chính tôi nghi ngờ coi chừng… họ! Nay tôi lang thang xốc xếnh giống tên hành khất, thì bị coi là bôi bẩn chính thân, bị miệt thị, bị xô ra khỏi xã hội, và tụt xuống đáy bần cùng. Thật khó sống làm sao khi người dân thị thành vẫn lạnh lùng thờ ơ, tấp nập, dáo dác ùn ùn kéo nhau đi đâu mà đông đúc quá?

Bình minh dâng cao trên đầu thì nóng rát da người, hay hoàng hôn tàn dần, bóng râm từ các vách đá lan ra, buông xuống đường chân trời xa tít tắp một màu đen, dù thế trời chưa thể dịu mát khi ở ngoài đường. Mẹ con bà cháu tôi coi "ung dung nhàn hạ" thơ thẩn vì không biết làm gì, để giết bớt thời gian quá tẻ nhạt, là ra biển ngồi hóng gió. Chúng tôi ngồi nhìn từng con tàu lớn đậu ngoài xa xa, các con tưởng tượng nhiều điều thú vị, theo dõi và biết ngày nào con tàu nầy đến bến, ngày nào con tàu kia đã ra đi. Tàu thuyền trên sóng nhấp nhô, có chiếc lênh đênh trên đại dương, chiếc ra khơi, chiếc vào bến đậu. Tuy mục đích có khác nhau, nhưng con tàu cùng lênh đênh bồng bềnh chơi vơi cỡi trên ngọn sóng lớn. Tôi nhìn những con tàu khổng lồ mà buồn bã vô cùng, không dám ước mơ hay hy vọng, dù niềm hy vọng bé tí xíu. Tôi cảm thấy mình đang chới với, cô độc lữ hành trên sa mạc cháy nắng, dẫu biết rằng: không có ai biến thành là một hoang đảo, vì phải có sự tương giao với đời. Thế nhưng tôi quá bơ vơ lạc lõng, cảm thấy mình giống ông lính già cô độc, run rẩy trong một pháo đài bị vây hãm.

Trời xanh lồng lộng, biển Nha Trang thơ mộng thi vị dịu êm có gió hây hây thổi, mặt biển vẫn là thảm hoa cương óng ả gờn gợn lấp lánh, rì rào, lung linh và mênh mông. Trẻ nhỏ vô tư lự nô đùa trên biển, các con ưa thích vỗ tay và ngẩn ra nhìn những con tàu. Dù tôi bảo thế nào các con vẫn e dè, sợ sệt; vì các con không quen, chưa bao giờ cởi áo quần ra giữa chỗ đông người. Tuy các con đến với biển mỗi ngày, nhưng chúng chưa dạn dĩ. Nhìn sóng biển trắng xoá xô bờ, đẩy tới đưa lui, thì các con cảm thấy chóng mặt và sợ, nhút nhát co chân, chúng chỉ dám xăn quần lên tới đầu gối. Hoặc mặc áo quần dài mà reo vui, lội bì bõm vọc nước sát ven bờ, khi sóng vừa bén gót chân, các con lo sợ hét to, chúng vội vã nắm tay nhau chạy lên bãi cát khô, làm y như là các con sợ nhúng chân vào nước nóng.

Cái thú duy nhất của các con là cùng nhau chạy đi rượt đuổi những con còng. Kể ra các con cũng khôn, biết mò ra chỗ để bắt ốc, bắt còng về luộc ăn. Con còng, con ốc cũng khôn không kém. Còng chạy rất nhanh, thoáng một cái chúng tìm mọi cách thoát thân đằng nào thật lẹ. Bao nhiêu lần các con không bắt nỗi, nhưng có một hôm các con làm thành một hình tròn to, rồi từ từ khép chặt vòng tròn, vây quanh mấy chú còng lêu khêu. Ba đứa con tôi chầm chậm bò dần dần tới bên mấy con còng, các con nháy mắt giơ ngón tay trỏ đặt lên môi, (làm như lũ còng biết nghe tiếng người vậy), chúng đồng loạt ụp cả người, phủ lên mấy con còng ngố ngáo. Tôi cười thầm:
- “Con còng què chân làm chi tội rứa, nên mới bị trẻ bắt sống hỉ!”.

Thế là mấy chú còng bẹp dí. Bé Bi giơ một chú còng què lên trời, cười ha hả, hôm đó cả nhà chúng tôi có được bữa "ăn nhậu" canh chua còng, cùng nhau chuyện trò vui và rôm rã ra phết!. Có một hôm, mấy con đang tắm biển, thì bé Bi do sợ sóng nước, đã ị ra quần thối um, khiến cả nhà cười vang. Tôi thương các con bị đói khát, nhưng biết thân phận mình, các con không dám đòi quà bánh. Bé Dzũng thường cõng bé Hoàng trên lưng, Tuấn dụ em Huy (bé Bi) đi ra ngoài gốc phượng nhặt hoa rơi. Mấy anh em xếp hoa thành từng đống, cho em chơi để em nhỏ quên đói, không đòi bú mẹ.

Khi ta có đủ thứ trong tay, thì mình xem thường các thức ăn. Nhưng, bây giờ sống trong cảnh đói khát, nằm gai nếm mật, ăn ngủ ở đầu đường xó chợ, bơ vơ bất vất, dù có những thức ăn tầm thường nhất chúng tôi cũng quý, mới thấm thía buồn và cảm thấy đau nhừ, như ai dần từng khúc ruột, tôi lại tiếc ngẩn ngơ những thứ đã mất. Thật ra, chúng tôi đang sống trong cảnh phập phồng lo sợ. Chẳng ai cấm tôi gào thét, thi gan cùng biển cả mênh mông. Nhưng tôi không còn tâm trí nào mà tắm táp thoải mái ngoài biển, chứ nói gì gào thét cho đã nư. Tình cảnh mẹ con tôi bây giờ khốn đốn là thế!

Chín giờ tối gia đình chúng tôi sung sướng về ngả lưng trên cái giường rộng. Có một điều là trời rất nóng và muỗi, vô số muỗi; nên dù ngày nào ở nhà, không đi biển, thì bà cháu mẹ con ở ngoài sân trường học, hay ở trong nhà có quạt máy vù vù trên trần, nhưng vẫn nóng hầm hập, chúng tôi dùng thêm quạt giấy, quạt phành phạch suốt. Cuộc sống di tản của chúng tôi có lẽ từ nay là những ngày tháng mòn mỏi đợi chờ thật dài, trống vắng như người hụt hẫng bước đi trên đại dương, khiến tôi mất hẳn ý niệm về cuộc sống, mà chẳng biết sẽ chìm lúc nào.

Tôi như con ốc sên nhút nhát thu mình trong vỏ, mất hết bản năng sinh tồn, nhụt chí và chán nãn tuyệt vọng dường bao! Thời gian nhàn hạ ở đây thật vô vị và mù tịt, tôi không hề biết ất giáp gì về chuyện trong nước đang hỗn loạn tột cùng. Ngày nào cũng như ngày đó: do nỗi lo lắng về tương lai bấp bênh mịt mùng, sợ hãi đói khát và bệnh tật cứ trỗi dậy trong lòng tôi. Sự khốn cùng càng tăng mãi, niềm hy vọng bình yên thanh thản đôi chút mỗi lúc một vơi cạn.

Từ thành đến tỉnh, đâu đâu tôi cũng nghe người ta bàn tán xì xào chuyện chính trị và chiến tranh mà tôi chúa ghét. Tôi nghe chán tai lúc người ta quả quyết:
- Đã mất nước tới đèo Hải Vân.
- Mất tới Đà Nẵng...
- Có lẽ đất nước nầy chia ra làm ba thành phần.
- Lại nghe đồn từ vĩ tuyến 13 trở vào Cà Mau: là do chính phủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Tin “bỏ” vùng nầy, bỏ vùng kia.
- Khi thì nghe người ta bàn tán Việt Nam sẽ trung-lập.
- Sẽ có chiến tranh huynh đệ tương tàn khốc liệt.
- Sẽ hoà bình: Đó là tiếng pháo bông nổ lớn trong đêm trừ tịch tối đen mừng ngày đất nước thanh bình, hay báo nguy lầm than, cơ cực, nghèo đói, chia ly, và sẽ thanh trừng "người thua cuộc" tràn ngập trên đất Việt vào một ngày không thể ngờ tới?! Làm sao biết được ngày mai!

Mẹ con chúng tôi đến thăm Oanh ở trong một biệt thự nho nhỏ xinh xinh tại Xóm Mới, nhà có vườn cây rợp bóng im mát, gia đình ba má Oanh gốc người Huế, hiền lành, vui vẻ thật thà. Hai bạn gặp nhau mừng rỡ, trào nước mắt chảy ròng ròng, chúng tôi thì thầm chuyện trò. Mặc dù ba má Oanh có nhã ý dành cho gia đình tôi một phòng nhỏ, nhưng tôi sợ các con dại sẽ làm phiền họ, lại mất lòng và mất cả tình bạn cao qúy, nên tôi từ chối.

Trong khoảng thời gian qua, Luật theo lệnh thượng cấp phải “tử thủ” ở Đà Lạt, (nhưng khốn thay... "người chủ chốt" ra lệnh tử thủ ấy, đã "rút dù" đi biệt tích giang hồ, lũi trốn đi trước đồng đội rồi. Nhưng vì đa số người lính đã ý thức về trách nhiệm và bổn phận làm trai... nên họ ở lại giữ nước, cho đến ngày cuối cùng, họ mới cùng trường Võ Bị Quốc Gia triệt thoái). Luật gửi nhờ những chuyến xe GMC quen về địa chỉ nhà Oanh, (lúc nầy trên quốc lộ chỉ có những xe "nhà binh" được phép di chuyển trên tuyến đường Đà Lạt xuống Phan Rang...) người chủ xe đã đến giao cho Oanh, rồi Oanh chuyển cho tôi: quần áo, mền, mùng, nồi niêu son chảo, vân vân… cùng tám chục ngàn đồng, tiền lương vài tháng qua của vợ chồng chưa kịp lãnh.

Mấy lá thư Luật báo tin đã mất Bamêthuột và Huế. Luật dặn dò mẹ con tôi “phải cố gắng, bằng mọi cách tìm đường di tản về Sài Gòn” gấp. Tôi chỉ nhận tiền Luật gửi về Oanh, còn tất cả đồ dùng kềnh càng, tôi gửi lại trong nhà kho của Oanh. Chúng tôi kiểm chứng tin Luật đã báo, thì đúng y bon, vì bà con của Oanh từ Huế, nườm nượp di tản bằng thuyền đánh cá của họ chạy ra Nha Trang, họ kể lại Huế đã đi vào cửa ngỏ cuộc chiến. Nghe đâu Đà Nẵng rất lộn xộn, gần như thất thủ nơi ấy. Gia đình Oanh không tính đi đâu cả, có chết thì chết ở xứ nầy, vì họ còn một bà cố già lụm cụm ngoài chín mươi tuổi, nếu họ đem cụ theo chạy loạn, thì không được, mà để cụ ở lại một mình với mấy căn biệt thự, càng không thể.

Tôi hốt hoảng chạy tới nhà của chị Bàn đã thuê, hầu báo tin chẳng lành, cùng những lời Luật nhắn nhủ. Tôi vui mừng thấy gia đình Ngọc, (gồm các em của Ngọc là: gia đình Quý, gia đình Cúc vẫn sống chung, giống như khi họ ở Đà Lạt) đã về tá túc ở đây vài hôm trước rồi. Các bạn khuyên tôi nên về ở chung nhà, nếu có bề gì, thì hú nhau một tiếng, cùng giúp nhau chạy loạn. Tôi nghe phải, nên về nhà bà Niềm thu dọn ít bọc quần áo trẻ nhỏ, cám ơn ông bà chủ nhà, rồi đến ở chung với các bạn cho bớt tẽ nhạt và sợ hãi.

Đến ở trong ngôi nhà tôn vách đất thấp lè tè, nóng như thiu đốt. Chúng tôi góp chung tiền, ngày ngày mấy người đàn bà cùng đi chợ nấu ăn hai bữa, một bữa ăn lúc mười giờ rưỡi, (thay cho buổi sáng và trưa nhập thành một bữa). Một bữa ăn lúc sáu giờ chiều. Ngày nào cũng từng ấy thứ: Nồi cơm thật to, nồi canh rau muống trộn mì gói hiệu ba con tôm to tướng, cá kho rim mặn, (thay đổi loại cá mỗi ngày, ở đây cá tươi rất rẻ, tươi và rẻ hơn Đà Lạt rất nhiều, là cái chắc).

Họ giống tôi, ai cũng muốn thủ thân, chắt bóp nhín nhút ăn uống qua loa, để sống, chứ chẳng phải sống để ăn. Nấu nướng bằng bả mía phơi dôm dốp vài nắng, thì khói bay mù mịt, cay xè mắt, nước mắt nước mũi chảy tùm lum. Ba thằng con trai lớn, (hai đứa con của Ngọc, một đứa con của tôi) thay nhau nằm dài xuống nền đất, phồng má thổi lửa phù phù. Bụi tro, khói, đất, bay lên đầu cổ, mặt mày chúng đỏ rần và ho sù sụ. Dù ở đây có phần tù túng khổ sở hơn ở nhà bà Niềm, nhưng có bạn chia sẻ chịu đựng, tôi cảm thấy đỡ sợ, bớt lo lắng nên yên tâm hơn.

Sau những bữa ăn sum họp vội vã, nhà nào nhà nấy ai ai cũng ra ngoài đường, tới ngoài chỗ đông người, để nghe ngóng thu lượm tin tức. Chúng tôi lo lắng sợ hãi, cùng đường quẫn trí, rối bời đầu óc, bồn chồn cùng nhau bàn lui tính tới hết cách. Kết luận cuối cùng là: giả thiết từ bây giờ cho đến khi nào Nha Trang bị lung lay, nếu trong nhóm nầy ai có phương tiện thuận lợi nào, thì cứ lo cho gia đình đó vượt thoát. Nếu lúng túng với một đám trẻ con trên dưới mười bảy đứa, (không kể người lớn), đông người như thế nầy, thì chẳng biết làm sao có thể di chuyển chung chuyến xe, chuyến tàu, như khi chúng tôi ở Đà Lạt đã cùng nhau chạy đi. Tôi thật buồn và vô cùng tuyệt vọng nghe chị Bàn đã đi thu lượm tin tức ở ngoài bến xe về, chị nói:
- Ngày 11-3-1975 mất Ba Mê Thuột.
- Ngày 26-3-1975. Huế đã thất thủ. Kế đến là Đà Nẵng.

Ở các bến xe khách, hải cảng, cũng như ở phi trường dân sự, người ta đông hơn kiến, chen chân không lọt, đông vô số kể. Ai muốn đi về Sài Gòn, thì phải ghi tên trước cả tuần, sau khi được gọi, phải mua một chỗ ngồi cả bạc triệu, hay đóng mỗi đầu người hai lượng vàng. Ai muốn sống cứ thế mà tính, không cò kè bớt một thêm hai. Nếu chần chờ không kịp nộp tiền, thì có người khác “xí phần” đưa tiền hoặc vàng ra ngay.

Chiều nào cũng thế, mẹ con bà cháu nhà tôi không biết làm gì cho hết thì giờ nhàm chán nôn nao lo lắng, nên chúng tôi thơ thẩn ra biển. Những con sóng lớn ập tới, tôi bị lún sâu xuống nước, tưởng chừng như muốn khuỵu đôi chân. Tôi bị sóng nước dồn hất lên hụp xuống, chao đảo khi hai tay đập loạn xạ trên mặt nước. Càng vùng vẫy, tôi tưởng như đang nhận chìm mình tụt tong tong xuống vực sâu. Tôi sợ hãi kinh khủng!
***

Tình HOÀI HƯƠNG

Tinh Hoai Huong
04-02-2017, 10:18 PM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1/1491170844-fico .jpg
/uploadpics/mp3_pdf/1491170993-Nguoi Yeu Cua Linh VoThuong guitar.mp3
Ông Tướng… Nuôi Gà !
Nghịch_Nhĩ
*

Nếu ai trong chúng ta có… “chơi ”gà, mới thấy được cái tấm lòng, cái cực khổ chăm sóc, cái tâm hồn của những tay nuôi gà đá như thế nào! Từ cách tìm chọn giống gà, xem vi vảy, rồi đem về nuôi ăn; phải là loại thóc đặc biệt, thứ đừng có nhọn nó hóc cổ, nào là phun rượu rồi vô nghệ cho thịt săn cứng. Như vậy chưa đủ, đêm đêm khoảng 2 , 3 giờ sáng còn nhè nhẹ nhấc cái đầu bà xã đang gối trên cánh tay, len lén ra cái bội gà, để xem con gà ngủ coi có lộ ra cái tướng nào không; có phải thuộc loại gà chiến... “tử mị” không? Rồi còn tẩm bổ cho nó bằng lúa non vừa ngậm sữa, thằng lằn, thả ra phơi sương cho nó... “sung” nữa chứ! Thật là lắm công phu và nhiêu khê quá phải không bạn. Vậy mà có ông Tướng lại Nuôi Gà đấy!

Xin bạn đừng vội vàng cho là tui có ý xoi mói đến ông Tướng Đá Gà nha?! Hổng dám đâu! “Đá” và “Nuôi” khác nhau à! Nếu thế thì bạn nghĩ chắc ông nầy nuôi gà... “móng đỏ” như một số Tướng khác chứ gì nữa??! Trật… lất! Thôi để tui nói ngay: đó chỉ là cách ẩn dụ, nói ví von về ông Tướng ÁNH đã nuôi quân, đã lo lắng chăm sóc thuộc cấp với một tấm lòng… như người nuôi gà nòi vậy!

Để tôi kể thêm một vài chuyện mà tôi biết được về ông Ánh, những chuyện thật chứ không phải tôi thêu dệt, tô vẻ thêm cho người mà tôi kính phục ngưỡng mộ đâu; mà theo tôi đó chỉ là vài tia hào quang thôi, còn biết bao tia khác, mà tôi không biết về ngôi sao rực sáng nầy! Người ta cứ nghĩ rằng ông chỉ quan tâm đến các phi công, những người trực tiếp ra chiến trận thôi. Không hẳn vậy, thực ra ông vẫn để tâm giám sát đến các ngành các cấp từ trên xuống dưới, và giải quyết mọi chuyện dù nhỏ nhặt có lý có tình, đâu ra đó đàng hoàn! Kỷ luật nghiêm minh, ông đã treo bằng lái và ký củ một số hoa tiêu, chứ đâu phải không có! Nhưng tôi không nghe tiếng ta thán trách móc gì ông cả, mới lạ chứ !

Bạn nghĩ sao về việc nầy? Một hôm ông Ánh để ý thấy một anh lính không quân ăn mặc, trang bị như đi phép, mà cứ lẩn quẩn ngoài phi đạo Cessna, rồi qua phi đạo trực thăng. Anh ta cứ tới lui như vậy có vẻ nôn nóng sốt ruột lắm. Ông Ánh bèn đến hỏi căn do, mới biết thì ra anh nầy được ba ngày phép về Saigòn thăm vợ sanh, mà chờ cả buổi rồi chưa có máy bay nào đi cả. Ông bảo "chờ đó". Rồi ông về thay đồ bay, làm tài xế Cessna đưa anh lính kia về Saigòn! Có ngon không chớ! Đố ai biết được sự cảm động của anh ta đến mức nào, và hình ảnh của ông Sư Đoàn Trưởng đến bao giờ mới phai mờ trong tâm khảm của anh?!

Chẳng những thế, bà ÁNH lại muốn chia xẻ tình cảm của thuộc cấp đối với ông, hay là muốn bồi đắp thêm cho ông những cảm tình ấy, khi chính tay bà nấu những nồi cháo gà hằng đêm, và bưng sang khu cư xá Phi Đoàn 520, để bồi dưỡng cho anh em pilot bay đánh suốt đêm trong thời tết Mậu Thân (1968). Riêng vợ chồng anh Tạ Hoà Hưởng chắc cả đời cũng không làm sao gặp được một bà KĐT nào, như bà ÁNH đích thân chăm sóc, nuôi đẻ cho vợ anh trong thời gian nầy, lo từng miếng ăn đến từng tấm tả... một cách tận tình như chị em ruột thịt. Phải không?

Tôi nghĩ ông chẳng những đồng ý, mà còn khuyến khích bà làm những việc trên với tấm chân tình của huynh đệ chi binh, đậm tình người... chứ không phải kiểu trình diễn cho lên màn ảnh TV. Người ta muốn... “lấy diểm” ở cấp trên, chứ với cấp dưới bao giờ?! Về ông Ánh, kỳ nầy tôi xin lần lượt kể vài chuyện nữa, để thêm những bằng chứng tại sao người ta kính phục ông:

1/* Lần trước trong bài viết “ pháo... Nổ”, tôi có nói đến anh Nguyễn Thiện Ân, "Hiệp sĩ Mù", và chỉ bàn tán đùa vui về anh thôi. Tất cả những gì tôi đã viết là sự thực, nhưng còn thiếu chưa đủ tình tiết, lần nầy xin nhắc lại, bổ xung thêm và có một điểm… “lộn lầm” cần đính chính luôn! Tôi xin thưa trước có những chi tiết nào tế nhị và nhạy cảm, tôi sẽ bỏ qua; cũng xin quý vị bạn đọc và những vị có liên hệ, đừng hiểu lầm là tôi nhắc lại chuyện xưa: để bươi móc, chế diễu, nhẽ trong hàng ngủ KQ chúng ta. Tôi cũng tránh nêu danh tánh những ai khi không cần thiết.

Khi được tin là có cuộc thi tác xạ và cũng nhân dịp phô trương sự lớn mạnh của KQ đưọc tổ chức tại bãi biển Nha Trang ngày 19/04/1969, do KĐ 62 đảm nhận tổ chức. Ông Ánh cũng nhận thấy những thất thế của đơn vị mình và hơi xao xuyến vì:
- Phi Đoàn 520 sẽ làm ăn ra sao đây, khi những “con gà” pilot của mình vừa xuyên huấn bay A37 mới đây thôi, so với PĐ524 (Nha Trang) lâu hơn; và lại phải đua tranh với PĐ F5 đã có từ trước, và căng hơn là có anh PĐ AD6 thâm niên trong nghề nữa!
- Mục tiêu thực tập tác xạ, chỉ có vài lần, là tạm dùng hòn đảo nhỏ nhấp nhô trên mặt nước ở ngoài khơi Rạch Giá, chứ không được địa hình địa lợi sẵn, để tập dợt làm quen như PĐ ngoài Nha Trang!

Tuy vậy ông cũng dẩn đám học trò đi thi, mà kỳ nầy coi như thi “công-cua” trước mặt bá quan văn võ triều đình, có sự chứng giám của ông Kỳ, người có hứa thưởng100 ngàn cho ai trong pass đầu tiên đánh trúng mục tiêu. Và ông Thiệu (có mặt độ nửa giờ rồi rời khỏi đấy). Để cho công bằng, thì đơn vị phải đem theo chuyên viên kỹ thuật, và vũ khí theo để phục vụ, và có một ban giám khảo do Bộ Tư Lệnh KQ chỉ định, bay trên trời để chấm điểm, dựa theo những quy định như: mỗi PĐ có bốn chiếc: 2 chiếc đầu (1&2) mang rocket và Napalm. Hai chiếc 3&4 mang bom nổ, 4 quả cho mỗi chiếc. Tất cả chỉ đánh hai pass thôi. Giờ TOT (time on target ) phải đúng. Độ cao minimum để release bom được ấn định ban đầu là 2500 feet (giờ chót lại hạ xuống còn 1500 f , lý do? ai biết !) …v..v…

Mấy quan giám khảo gồm có 5 vị : Nguyễn văn VECHAI, Trần Anh Tuấn (Tacc)… (nếu anh VeChai có tình cờ đọc, xin bổ túc những gì thiếu sót mà anh còn nhớ dùm. Cám ơn). Các anh hào dự tranh gồm có:
-* 1 Phi Tuần F5 (pđ 522), 1 Phi Tuần AD6 (pđ 518), 1 Phi Tuần AC 119 (???), 1 Phi Tuần A37 (pđ 524 N-T) và 1 Phi Tuần A37 pđ 520 C-T) - (lúc ấy VN chưa có Trực Thăng gunships, nếu có cũng phải dự riêng, chứ nếu áp dụng độ cao để bắn rocket như thế, thì “chơi ép” trực thăng, hổng fair à!).

Mấy chiến tướng của PĐ 520 được sắp xếp như sau:
- Chiếc số 1: Huỳnh Hữu Hải và Thuyết (leader).
- 2: Huỳnh Công Danh (Rock).
- 3: Nguyễn Thiện Ân (Hiệp sĩ mù)
- 4: Trần Quốc Tuấn

Chiều ngày tổng dợt (3 ngày trước ngày chánh), ông Ánh đã lái xe ra phi đạo để đón anh em bay về, ông lộ vẻ vui vui khi nghe mấy anh chuyên viên kỹ thuật Cần Thơ đã cá độ với đám bạn Nha Trang, và thắng được 5000$, thì gà ai người đó theo! Dĩ nhiên!

Ông ÁNH theo anh em về tận phòng vãng lai dặn dò anh em đi ăn tối xong, rồi về briefing và 9:00PM đi ngủ sớm, để lấy sức! Sáng hôm sau (ngày thứ nhì) ông lại xuống bảo anh em đi ra phố ăn sáng, uống cà phê ở mấy kiosque, rồi đi tắm biển chơi, chứ KHÔNG về phòng vãng lai. Ông bận việc đến trưa xế sẽ ra tìm, nhớ đấy! Đúng như lời, khoảng 3 giờ chiều ông chạy xe dọc bờ biển Nha Trang, tìm thấy anh em còn lang thang, vui chơi ở ngoài đó, kêu gom họ lại, ông nói:
- Tôi hài lòng vì anh em tuân lời, tôi chỉ ngại là mấy chú về phòng ngủ trưa, tối ngủ trể hoặc mất ngủ, sẽ có ảnh hưởng đến sức khoẻ cho ngày mai! Bây giờ tôi đưa tiền cho mấy chú đi ăn cơm Tây, beef steak xong, rồi đến 8:30 tối là phải về phòng, để 9 giờ là phải đi ngủ nghe. Không được đi lăng-nhăng... “phí sức” đấy!!

Tất cả ai nấy đều cảm động không nói nên lời trước sự chăm lo từng chút của ông Ánh… Rồi tựa người vào thành xe, ông hỏi:
- Ai bay chiếc số 3 mang bom nổ?
Hiệp sĩ mù giơ tay lên; ông Ánh giơ ngón tay trỏ chỉ Nguyễn Thiện Ân nghiêm giọng:
- Tôi giao chú ngày mai phải lấy được 100 ngàn, và mang chiếc Cúp Lớn Số 1 về cho tôi!

Nói xong, ông lên xe chạy đi! Hình ảnh 100 ngàn tiền thưởng cho pass đầu tiên đánh trúng mục tiêu, và chiếc Cúp hạng nhất là một áp lực trên vai các anh. Không phải vì danh dự được tiếng hay dở, mà chính vì cái tấm lòng, cách đối xử và sự chăm lo của ông ÁNH mấy ngày qua xúc động. Họ nhìn nhau trong im lặng nhưng ánh mắt các anh đã thay cho lời “quyết tâm”!
Tối đến, ông lại xuống kiểm tra, hỏi có ai cần gì không? briefing lần chót chưa? và dặn 9:00PM là phải đi ngủ!

Hôm sau là ngày thi đua chính 19/04/1969 ; tờ mờ 6:00 sáng ông lại xuống ngồi ngay trên giường của Ân, thăm hỏi anh em đêm qua có ngủ được ngon giấc không? và dặn dò đi ăn sáng xong, xuống kiểm tàu, nổ máy warm up, rồi về phòng nằm nghỉ chờ đến giờ mới ra đi bay! Anh Ân đã từng vào vùng lửa đạn mà sao không hồi hộp và lo âu như lần nầy; nếu có thuốc an thần (anti- depression) anh cũng dám… “làm” một viên lắm à!

Giờ đã điểm…! Cuộc thi mở màn ! Phi tuần đầu (xin miễn nói phi cơ gì và PĐ nào) nhào xuống đánh rocket. Không biết lý do gì một hoả tiễn…. “né” mục tiêu, mà lại tìm đúng vào chiếc tàu Hải Quân chạy tuần phòng vòng đai phía ngoài, cách xa các pa–nô, mới lạ chứ! Hú vía! Bạn và ta vô sự! Phi tuần đầu 4 chiếc, đã xong một pass, mà cái pa-nô vẫn còn trêu-ngươi dập-dềnh trên sóng nước!

Phi tuần thứ hai là các “con gà” PĐ520 của ông Ánh vào mục tiêu…và trễ TOT (giờ trên mục tiêu) 10 seconds, cũng not bad! Chiếc 1&2 lần lượt cắm xuống nhắm mục tiêu xịt rocket, rồi vọt lên và kết quả: pa-nô vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”! Chiếc thứ 3, Hiệp sĩ mù nhào vô, lao mình xuống… hồi hộp quá! Anh canh…, nhắm, nhắm kỹ… bấm nút thả 2 trái bom nổ, không nhớ là miệng có đọc thần chú không; lại cất vọt lên..! Ở dưới đất anh Sơn Gáo thấy có một quả bom bay có vẻ lệch mục tiêu quá, anh phải ẹo người lấy ép–phê như đánh bi da vậy…

Đang vọt lên trời, Ân chỉ nghe chiếc lead hét thất thanh trong máy: Dzô…! Dzô rồi…! Anh nhìn xuống thấy pa–nô tung toé lên như đàn bướm vở tổ! còn dưới đất Sơn Gáo tung nón ca-lô lên trời, chạy la hét như điên, vì cả hai trái vô ngay chóc mục tiêu! Cái nặng ngàn cân đè nặng trong người Ân mấy ngày qua đã biến mất,a nh cảm thấy hồn mình đang lâng lâng bay bổng… nhìn quanh thấy cái gì cũng đáng yêu, cũng đang mỉm cuời với anh: từ cụm mây trắng trên trời cao trong vắt, đến lọn sóng tung lên trắng xoá như giơ tay vẫy chào trên mặt biển xanh rì! Còn anh Sơn tỉnh người, nhớ đi tìm lại cái ca- lô đã ném tung đi trong lúc hứng chí, mà cũng chẳng thấy, mất tiêu luôn! (T/t Sơn con người rất nhiệt tình, dể mến, đã hy sinh vào những ngày tàn cuộc chiến! Thương thay!).

Về đáp và phi hành đoàn vào dự yến tiệc, ông Ánh hân hoan xuống thềm xiết tay Ân thật chặt, và dẫn anh Ân lên giới thiệu với ông Phó Tổng Thống Nguyễn cao Kỳ. Tiếp theo không biết ông ÁNH có trình rằng: đây mới chỉ là tên “pilot cận thị” của đơn vị tôi thôi đấy hay không, mà anh Ân phải thò tay móc cặp kính cận để dưới túi áo bay ra làm bằng! Và cả hai cười thật vui, khi nghe ông Kỳ nói:
- Như vậy là không được, chơi ăn gian vì dùng đến bốn con mắt nó rõ hơn người ta!

Thực tình khi nói đến phi công VN, nhờ được tôi luyện hằng ngày nơi trận mạc, nên các phóng viên ngoại quốc đều khen ngợi tài ba và anh hùng lắm! Nhưng tài giỏi trong ba năm, mà chỉ bị tổ trát trong tít- tắc, thì cũng ôm nỗi buồn…5 phút chứ. Còn Pđ 520 nhờ thánh nhân đãi ngộ kẻ... miền xa, nên được lãnh 100 ngàn, và chiếc… cúp nhỏ (trong bài viết “pháo ..Nổ”, tôi đã viết sai lầm, nói ngược là lãnh cái cúp Lớn, mà không được 100 xín, xin đính chính lại!).

Vài tháng sau các PĐ có họp lại, và quyết định làm một cái cúp khác, để thay thế chiếc cúp Số Một, gửi tặng PĐ 520; vì trong mức thang điểm tối đa là 240 điểm, anh chàng Thần Báo 520, hạng Nhất được 214 điểm; về Nhì được 162 điểm…! Còn vị nào thắc mắc tại sao không được cúp Số Một lúc đó? Ai biết đâu nè…! À! phần đó xin dành cho quý vị tự tìm hiểu... Đấy! đấy mời quý vị nhìn trở lại vụ trên, để thấy cho đôi nét về con người của ông ÁNH, với sự chăm lo sớm hôm.. có từa tựa như mấy ông nuôi gà nòi không thôi. Đó mới là chủ đích của bỉ nhân!
***

2/* Còn cá nhân tác giả cũng nhớ vài lần… “thưa gởi, trình bày phải quấy” với ông Ánh có liên quan với Trực Thăng nữa! Trân trọng xin thưa: Đây cũng là cái dịp để... “một lần” nói về Trực Thăng cho các bạn pilot khác ngành, hoặc không bay, biết cho vui hay thông cảm... những nỗi niềm dân Trực Thăng VN thời chiến!

Bây giờ tôi viết thoải mái không sợ bị ghép tội có đầu óc địa phương, bươi móc, hay gây mầm móng chia rẻ... và tôi cũng không sợ bị… “khiền” , vì cho rằng tôi có luận điệu bất mãn, so đo ganh tị; hoặc than vãn kêu ca...vân vân và… vân vân! Nói để mà chơi, chớ được cái gì… đã vậy mà còn dài dòng nữa, xin báo trước!

Dân chúng vùng IV thuở trước thường thấy một đám trực thăng mươi chiếc phành phạch tà tà đáp xuống đổ quân trên bãi trống, giữa khu rừng dừa hoặc rừng cây, lau sậy, … rồi lại từ từ cất lên thấy có vẻ an bình, thảnh thơi và ung dung quá phải không? Thấy dễ quá mà, có gì đâu... nhưng “đoạn trường… ai có qua cầu mới hay”! Nhớ hồi đó từ giữa năm 1968, dân Trực Thăng của 2 PĐ 211&217 (Cần Thơ) nếm mùi trực thăng vận, hay diều hâu đầu tiên!Thời đó, chiếc C&C (Command and Control) và Gunship đều là Mỹ!

Khỏi tưởng tượng làm gì cho mệt óc, điển hình đây là một cuộc đổ quân diều hâu, điểm hẹn có mặt tại sân bay Trà Vinh lúc7:30AM. Phi hành đoàn 10 chiếc (=30, 40 mạng) lo gọi nhau thức dậy giờ nào không cần biết, mà phải có mặt để cất cánh lúc 6:30 sáng. Thành ra tài xế xe pick up của Phi Đoàn phải chạy xuống cư xá gom quân cỡ 5:30!

Đúng 6:30 cất cánh! Đến sân bay Trà Vinh là lo refuel ngay cho đầy, rồi tắt máy chờ đó. Độ ½ giờ sau, một chiếc C&C do Mỹ bay đáp xuống cạnh chiếc Leader, một anh xạ thủ Mỹ chạy qua đưa tần số, danh hiệu cho Leader, và ra dấu quay máy kêu lên trời liên lạc nhận chỉ thị sau; xong anh cất cánh bay mất tiêu! Anh số một Leader bốc máy bộ đàm Motorola gọi anh số 10 cuối dãy, thông báo kêu gọi anh em quay máy cất cánh ngay! Leader thấy hơi… mệt, vì biết hôm nay làm việc chung với C&C và Gunships Mỹ thuộc Phi Đoàn Vulture (Kên-Kên?). Danh hiệu là Vulture 6 (call sign của PĐT), còn danh hiệu mình thường dùng là Black Horse (Ngựa Ô). Kiểu của mấy ông nầy là không có phóng đồ hành quân trước, mà lên trời mới cho biết chi tiết… “mần ăn” thế nào! Cất cánh xong, gọi ngay và được ông C&C Mỹ cho một hơi 4 cái toạ độ: 1 pick up quân, 2 RP (report point), 1 bãi đáp LZ (Landing Zone). Đồng thời cũng cho biết danh hiệu của gunships Mỹ là Tiger 3, để liên lạc khi đến điểm hẹn RP.

Thường hợp đoàn 10 chiếc là bay đội hình 2 chữ V, trong đoàn phải ráng giữ yên lặng trên tần số, để lắng nghe lệnh lạc của anh lead, số 1, và anh cuối số 10 là anh trail (đuôi). Anh Trưởng Phi Cơ lead giao cần lái cho copilot, và anh lo ghi chép, chấm toạ độ! Sau khi bốc quân lên xong lại báo cáo với C&C, và lấy hướng bay đi đến điểm hẹn với Gunship ở RP, để gunships yểm trợ và hướng dẫn vào mục tiêu đổ quân. Từ giờ phút nầy mới thấy hơi căng thẳng, và mệt mỏi đây! Không phải sợ VC bắn, (vì lúc đó VC chưa có SA7) mà mệt ở chỗ: bay hầu như trọn ngày mà phải bay theo đội hình, tức là cần sự chăm chú của cả phi hành đoàn từng chiếc một.

Chiếc leader phải bay cho thật êm ái, nhẹ nhàng, lên xuống hay quẹo cua cũng từ từ để dễ dàng cho cả đoàn đang đeo theo phía sau; vì anh PHẢI biết rằng: nếu anh sữa một, thì mấy anh phía sau sữa gấp chục lần! Không khéo thì khi anh đáp tới đất rồi, còn thấy năm ba mạng còn lơ lửng trên cao, vì xuống không kịp! Vừa “gò” bay cho “xì–mút”, vừa tìm coi RP để liên lạc gunships, vừa xem toạ độ LZ nằm đâu, để liệu tính lúc nào bắt đầu xuống, phần nghe và nói với ông Mỹ bằng tiếng Mỹ qua vô tuyến đôi khi… cà giựt nữa, nên đủ mệt rồi. Có rãnh đâu mà để ý đến mấy tên thổ phỉ bắn lên lóc chóc chứ! Còn mấy chiếc theo sau thì phải bay sát vào, ráng giữ khoảng cách lý tưởng là 1 vòng quay của rotor, hơi cao hơn chiếc trước một xí, để tránh bị gió đè, đừng bay sát quá, lỡ đấu kiếm (rotor chém nhau) trên trời là… “ hui nhị tì” sớm! Nếu bay hơi lơi một chút, là bị ông bay số 10, bay trail, la "thúc vô đít rồi"!

Sở dĩ bay đội hình thật gần sát như vậy, không phải phi diễn cho đẹp, để cho VC ngắm chơi rồi nó quên bắn mình đâu; mà mục đích duy nhất là để gunships yểm trợ, cover cho dễ thôi! Thế nên cả bầy bay chùm-nhum như vậy, cũng khiến cho địch… “khoái” bắn nữa, vì thấy mục tiêu cả “dzề” như vậy, cứ bắn đại lên, không dính chiếc nầy cũng trúng chiếc kia, cần gì nhắm! Nhiều lúc bị VC bắn vừa-vừa phải-phải, không “rát” lắm, thì cả đoàn cũng tới luôn... bác tài.

Xuống bãi đáp đổ quân luôn, miệng thì la báo cáo cho gunships biết có địch trong hàng cây hướng 3 giờ bắn “chúng ông” đấy. Mấy chàng wingman tay chân thì hơi “gồng” một chút, mắt cứ lo bám theo chiếc trước, cứ thế mà tiến tới! Anh phải nhớ là anh bay theo hợp đoàn, trong đội hình, chứ không phải bay một mình như đi tiếp tế hoặc tải thương, mà muá-may quay cuồn, lạn lách, nghiêng mình lúc khoan lúc nhặt, rớt nhanh rớt chậm, đáp như kiểu như chiếc lá vàng rơi để tránh đạn… được à!

Nếu anh mà quờ quạng nhút nhát một chút là chết cả lủ đấy! Bởi vậy khi cắt bay, Leader cũng lựa tay số 2 và số 3 cho “cứng cựa” ; sợ ổng non tay nghề, thêm yếu bóng vía nữa, thì có ngày hớt đuôi mình là cái… cẳng! Thường là trong líp (lift?) đầu, bãi đáp chưa có quân bạn, nếu gặp bãi đáp “hot”, mấy anh gunship Mỹ cho lệnh mình “full suppression” là mấy cây đại liên của ta có dịp khạc lửa xối xả. Còn hai bên hông thì tiếng rocket nổ “oành… oành” liên tục, do gunships từ phía sau xịt tới, cảnh tượng thấy cũng đầy khói lửa… “hoành tráng” lắm chứ giởn chơi à! Đó là xong một líp đầu, cứ thế tiếp tục vài ba bận nữa, xong mới về sân bay nằm chờ standby; trong lúc nằm chờ như vậy mà nào có được yên, có khi vài chiếc trong đoàn phải bay tiếp tế đạn, hoặc tải thương!

Cũng nhớ ơn ông Ánh là có nhìn thấy sự khổ cực, nhất là việc ăn uống thất thường của đám Trực thăng như vậy, nên ông nghĩ ra giải pháp là hằng ngày có cho tàu đem cơm trưa đến cho đoàn đổ quân. Đó vừa là một hình thức trong An Phi, vừa biết giữ gìn sức khoẻ cho họ; mới xử dụng về lâu về dài được! Một chuyện ĂN tưởng là nhỏ nhoi và đơn giản như vậy, nhưng tôi nghĩ cũng phải báo cáo lên thượng cấp, để lấy quyết định từ Bộ Tổng Tham Mưu, và coi như thông báo cho Bộ Binh biết, để họ trù liệu thời gian bốc và đổ quân; tránh cái kiểu tới giờ ăn trưa rồi, mà ông Trung Đoàn Trưởng ra năn nỉ mấy anh ráng làm cho tôi thêm 2 chuyến nữa, (cũng phải mất 2giờ) vì quân ít như vậy sợ bị đánh úp v.v…! Nói là nói thế thôi, chứ dân Trực Thăng đi bay đổ quân, ăn trưa khoảng 1:30 chiều là thường!
Bây giờ, tui… “mới dám” hỏi ở Bộ Tư Lệnh KQ mãi tận… Tân Sơn Nhứt, có Vị nào đó, trong một giây phút nào đó, có… “tình cờ” nghĩ đến mấy thằng Trực Thăng tác chiến nầy không??? hay lại xuỵt môi:
- "Ồ! đó là chuyện nhỏ, để ý làm gì ba cái vặt vãnh đó" …!!!

Có hôm ăn uống và nghĩ ngơi ngoài phi đạo trông có vẻ…. giang hồ lãng tử quá, khiến tôi nhớ cảnh nhà quê: mấy bác nông phu, thợ cày thợ cấy cũng được chủ điền bưng một thúng xôi ra ruộng cho ăn thêm, coi như bồi dưỡng giữa buổi; nên tôi buộc miệng:
- Lẩm rẩm mà tao thù anh em thằng Rai quá đi!
Bạn bè nghe, tưởng đâu trời nóng nực quá nên tôi bị… mát dây nói bậy; chúng nó cười cười hỏi lại:
- Thằng Rai nào vậy?
- Thì anh em nhà Wrights, người phát minh và sáng chế ra Trực thăng đó chứ ai; tại "hai Ông Tổ sư" nầy, nên bây giờ mình mới có Trực Thăng để mà lái, để mà bụi đời như vầy, không phải TẠI mấy “chả” sao?
Nếu là kiểu Diều Hâu thì lại có màn bốc chỗ nầy, thảy chỗ kia nữa, thường khi đến chiều lại phải bốc rút quân về; mãi dến khi được nghe câu:
- Black horse! Good job! You are released now!

Ai nấy thở phào và bay ào ào về đến căn cứ địa Bình Thuỷ, thì có khi mặt trời vừa mới lặn thôi! Đó mới chỉ là mở màn… cái thuở ban đầu “lúc trời đất nổi cơn gió bụi ”. Chứ càng về sau nầy chiến trường càng khốc liệt, càng nặng độ hơn nhiều, nên “đám chuồn-chuồn lắm nỗi truân chuyên”... ngoài cái mệt lã còn kèm theo cái gian nguy, hiểm nghèo biết dường bao!

Mãi từ năm 1970 trở đi, mình có được Trực Thăng vỏ trang (dù là cải biên chứ không được “rặt” như UH1-B), mới thấy được biết bao gương anh dũng, sự gan dạ đã tiềm ẩn trong các Phi Hành Đoàn Trực Thăng; có nhiều phi hành đoàn Gunships rất lì đòn, đi săn VC với cao độ vài ba trăm bộ, những anh xạ thủ lẫm-liệt, móc dây đeo vào lưng, đứng lên mắt trừng, chong súng tìm con mồi...! Còn khi gunships đã lên vùng vô trận địa rồi, họ chỉ e dè SA7 thôi, chứ địch chơi đại liên thì họ có 6 nòng để quạt lại, không hề nao núng, nhiều lúc đang say-máu, mà phát hiện địch có phòng không 12.7ly, họ chấp luôn không ngán, xuống thấp hơn để né đòn và … “chơi” tới luôn! Đấy mới thật sự là những anh chàng... dễ nể!!!

Còn trong ngày bay hành quân, tàu bay bị dính đạn vài ba lỗ, là chuyện quá thường, chuyện nhỏ…! Dù gọi “nhỏ” vậy chớ tính chi li thấy mấy viên đạn ấy chỉ cách Phi hành đoàn có khi vài tấc đến vài ba mét, xém trúng; cũng “ớn” chứ. Cho nên không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả cho đúng đây! Thực tình tôi thấy đa số Phi Hành Đoàn Trực Thăng sau một ngày gian lao, họ vẫn cười đùa, giỡn hớt vô tư, dường như họ rủ bỏ, quên đi cái thoát chết vừa trải qua, và cũng không thấy lộ vẻ ưu-tư gì cho phi vụ ngày mai cả!

Mấy chàng độc thân, xa nhà; chiều thường vào ăn ở CLB Cửu Long, gặp đủ mặt bá quan ăn cơm dưới đất mà làm việc và nói… “tận” trên trời xanh; nên thường nghe mấy anh chàng tuổi trẻ cũng vốn giòng hào kiệt… “ca” điếc con ráy! Mấy cụ non… “cối xay” chỉ mỉm cười bảo nhau:

- Ừ mấy ông mãnh đó “ gáy” cũng phải, vì họ ít gặp trường hợp như vậy. Còn mình hằng ngày thấy tử thần lảng-vảng trước mặt, riết rồi đâm lì; coi tử thần như bạn bè, nên chả có gì phải lo! Mấy chả lao xuống thấp bỏ bom rồi vọt lên trời xanh, trong khi mình đạt được cái cao độ minimum, để cắt bom của “mấy giả” là mình thấy hơi “ấm” cẵng rồi, chớ dám đâu mơ tưởng đến 3 ngàn bộ?! Còn cái kiểu cứ lù-lù đi vào đáp, trong khi đạn thù cứ réo gọi; phải chăng bọn mình điếc nên không sợ súng, hay có bùa hổng chừng, hoặc vô cà-tha hết rồi, nên trở thành mình đồng da sắt cả rồi chắc?!. Thôi thì cứ để mấy tay đó “gáy” nghe sướng tai, đã hơn! Tôi thấy họ cam nhận cái số phần hẩm-hiu; mà không than-vãn so bì: [Phần gian lao, máu xương mình có nặng phần đóng góp, mà đến lúc vinh quang chẳng được dự phần ..!]

Tôi xin quay lại với đề tài ông Ánh, kẽo miên-man lạc xa đề, chứ nói đến Trực Thăng là nói hoài, còn hoài, … đã vậy làm việc chung đụng trực tiếp với Bộ Binh, nên cũng gặp lắm chuyện phiền hà, mà phần thua thiệt là mình chứ còn ai, nếu không có được một thượng cấp “cứng cựa” như ông Ánh, minh xét và đỡ cho; lấy chứng cớ như dưới đây: Khoảng đầu năm 1969, tôi dẫn một đoàn Trực thăng đáp tại sân bay Chương Thiện, để đổ quân miệt Gò Quau. Cả ngày bay như vậy đến chuyến chót khoảng 4PM, nghe C&C bảo:
- Black horse!Go back to your Home base!

Cả hợp đoàn thấy khoẻ quá, lật đật chuyển tần số qua PADDY, và trực chỉ về căn cứ (base) Bình Thuỷ! Vừa về đến, dang taxi vào ụ đậu. Lại nghe lệnh từ Hành Quân Chiến Cuộc bảo: "phải quay trở lại Chương Thiện và liên lạc với C&C ngay" ! Cả đám lại lủi thủi đi xuống Chương Thiện hành quân tiếp! Bực cái… mình tên C&C nầy, sao hồi nãy không nói mẹ nó ra là về Chương Thiện standby đi, mà bày đặt xài chữ "Home base" làm gì cho rắc rối!

Dễ gì yên thân! Chiều hôm ấy nghe Liên Đoàn Tác Chiến báo là ngoài Quân Đoàn… “xin” tên tuổi của tôi, để có thể đưa ra toà án quân sự vì đã làm trì trệ cuộc hành quân! Cơm nước xong được lệnh ông Ánh gọi đến nhà ông, để tường trình sự việc! “Tư dinh” của ông chỉ là hai căn phòng cư xá độc thân nhập lại, và thuộc dãy nằm ngang gần với dãy phòng chúng tôi đang ở!

Sau khi nghe tôi trình bày, ông bốc phone hot line gọi thẳng ra Quân Đoàn nói rõ lại sự việc. Một lát sau "Lệnh vào" cho biết là:
- "Từ nay về sau chỉ nghe lệnh trực tiếp từ VN mà thôi, không qua lệnh của Mỹ nữa, thôi khỏi ra trình diện"!!!
Ừ thì ít ra cũng cho biết cái quy tắc, hay gọi là cái gì… gì đó, để mà theo chứ!

Bẵng đi hơn 1 tháng sau, cũng … “lại là” tôi dẫn một đoàn Trực thăng đáp ở sân vận động quận Hiếu Lễ (?) lúc 7:00 AM, để sẽ đi đổ quân vùng Rạch Giá! Có nhận phóng đồ Hành quân ở Liên Đoàn Tác Chiến đàng hoàng (nghĩa là bản đồ có vẻ sẵn toạ độ bốc quân , LZ…). Tôi đáp xuống đúng giờ, nằm chơi gần 2 giờ, mà chẳng thấy ma nào ra liên lạc cả! Tôi ngạc nhiên bèn quay máy lên trời liên lạc về Hành quân Chiến Cuộc xin chỉ thị! Lại có lệnh nằm chờ đó đi! Thế là an tâm rồi… Lạ thiệt! mấy thuở mà thảnh thơi như vầy..! Cỡ khoảng 45phút sau, tức là hơn 9:30 sáng, có một chiếc Trực thăng Mỹ thả xuống một anh Hạ Sĩ Quan Mỹ (có vẻ như path finder) chạy lại kêu cất cánh lên vùng!

Tại sao làm ăn như thế? không cho một giới chức VN nào ra liên lạc hết! Nhớ lại khẩu lệnh của "Ông Lớn" ngoài Quân Đoàn trong tháng trước, nên tôi vẫn nằm chờ..! Mãi đến gần 10:30 mới có một sĩ quan của Sư Đoàn 21-BB chạy ra, cho toạ độ và gọi cất cánh đến đó, để bốc quân! Trên đường đi đến thì đã được ông Đại-bàng Bộ-binh cho…uống cà phê đen, với lời lẽ phiền hà trách cứ "tại sao giờ nầy mới đến"?!

Xong việc, chiều về đến căn cứ, mọi việc diễn ra cũng y như lần trước, cũng Quân Đoàn gọi… vào, tôi lại phải đến nhà ông ÁNH chiều tối hôm đó, để giải bày sự thật; mọi chuyện êm xuôi!
Qua vài việc trên, tôi nhận thấy ông Ánh rất bình dân, dễ gần gủi với thuộc cấp, tính tình rất trầm tĩnh, kiên nhẫn lắng nghe phải trái, và không có hốt-hoảng, lo-sợ rồi… “chuyển” lệnh và lời của cấp trên, để đánh phủ đầu, răn-đe đàn em trước!

Còn phần tôi, nếu tin tưởng và nói theo số mạng, thì có lẽ tôi không hạp với nhà binh lắm! nên con đường binh nghiệp không được phẳng phiêu, suông sẻ thong dong, mà cứ gặp chuyện gì đâu và bị… “ạch đụi” hoài!!! Như đầu năm 1970, tôi được T/tá Phi Đoàn Trưởng 21 , kêu vào cho biết là PĐ đề cử cho tôi đi làm Sĩ Quan Liên Lạc bên Mỹ kỳ nầy! Khỏi nói, mừng quá xá cở. Ngày thì đi bay, tối về lo học, dợt lại ba cái tiếng Anh, mà trong lòng phấn khởi nở hoa với ý nghĩ là thời vận tới hồi… “thới lai” rồi đây!

Niềm vui chưa được bao lâu, thì nghe tin là tên tôi đã bị gạt ra rồi! Thật buồn! buồn quá đi chứ ..! Sau bữa cơm tối hôm ấy, tôi cứ đi tới đi lui... ngẫm nghĩ mình bay hành quân hằng ngày, VC bắn mà không sợ, thì cớ chi mình không dám hỏi thẳng ngay ông Tư Lệnh SĐ (KĐ?) cho rõ trắng đen, cho hết ấm ức, có gì phải sợ chứ! Lòng cả quyết, nên tôi bốc điện thoại gọi xin lên gặp ông tại nhà, vì hôm sau tôi phải đi bay. Ông đồng ý ngay! Sau khi nghe tôi trình bày và thắc mắc, ông giải thích:

- Chỗ Sĩ Quan Liên Lạc kỳ nầy, tôi đã dành cho anh TTL (Trực thăng) rồi, theo như tôi hứa hồi năm ngoái…vì anh ấy đã bị thương tích trong chiến trận!

Tôi cáo từ đi ra với nổi buồn dịu vợi, và thấy niềm ước mơ của mình đang nằm cuối chân trời viễn mộng! Là con người bình thường, nên tôi phiền muộn là điều dĩ nhiên, nhưng thật lòng mà nói (ngay lúc ấy đến tận bây giờ, tôi thấy trọng nể ông hơn nữa vì lẽ:
*Ông là người trọng chữ tín, vẫn nhớ và giữ lời hứa. Do đó ông tạo được niềm tin của mọi người đối với ông!
*Là con người thẳng thắn, không quanh co; nếu gặp người khác, họ có thể trả lời một cách ngoại giao, xoa dịu, để tôi vui lòng và còn hy vọng: “được rồi để tôi xem lại”..v..v... rồi sau đó cũng gạt tên tôi ra, đến lúc tôi vỡ mộng, thì cứ cho đó là trên Bộ Tư Lệnh quyết định giờ chót, ai biết được!

Tóm lại cấp chỉ huy có được đức tính như trầm tĩnh, sáng suốt trong quyết định, ngay thẳng, bình dị, biết trọng chữ tín và không mị dân, làm cho ai cũng nể phục, và quý mến ông cả! Và có điểm rất quan trọng mà tôi quên nói, đó là ông rất quý trọng mạng người: từ lúc ông còn là PĐT, khi nghe máy bay rớt, câu đầu tiên mà ông hỏi là:
- “Phi Hành Đoàn có sao không”?
Trái ngược với câu: “Tàu có sao không” mà tôi thường nghe!

3/*** Anh Lê Tấn Thinh rất tiếc thương ông Ánh, và vẫn xúc động khi nhắc đến tai nạn đã xảy ra với anh cách nay tròn 35 năm! Anh nhớ mãi một buổi chiều đầu năm 1972, sau một phi vụ bay Gunship yểm trợ hành quân bên Kampuchia về đáp tại Bình Thuỷ, khi vào ụ đậu, vừa tắt máy cánh quạt quay chậm; chiếc số 2 vô sau cũng vào ụ, bị gió giật xoáy, nên đã chạm quẹt đuôi tàu của an , anh leo xuống đi ra phía sau, để xem tình trạng chiếc tàu ra sao, tự dưng chiếc tàu của anh bị nghiêng, hay bẹt càng mà cánh quạt chánh trực thăng còn trớn quay, chém xuống tận ngang lưng trúng cây ru-lô hất anh văng đến 5 ,6 mét, bất tỉnh! Anh được đưa ngay vào bệnh viện Phan Thanh Giản - Cần Thơ trong tình trạng hôn mê!

Ngay tối hôm đó ông Ánh dùng xe của Sư Đoàn Trưởng chở vợ anh Thinh vào bệnh viện lo cho anh, và ông cũng ngồi tại phòng bệnh, lo lắng theo dõi tình trạng thập tử nhất sanh của Thinh. Các bác sĩ giải phẩu giỏi của bệnh viện đều tập trung, để chuẩn bị giải phẩu xem nội tạng bị trọng thương chỗ nào. Nhưng cái khó là áp huyết của Thinh xuống quá thấp, nên chưa thể nào vô máu để phẫu thuật anh được! Hầu hết các bác sĩ bệnh viện thường đi máy bay, nên đều quen biết và thân tình với anh Thinh, họ rất tận tâm… ngoài ra có sự hiện diện thêm ông Sư Đoàn Trưởng nữa, nên sự nổ lực của các bác sĩ càng cao hơn…

Ông cứ ngồi chờ, theo dõi tình trạng của Thinh như thế không biết đến bao lâu, mãi khi nhịp tim và áp huyết của anh Thinh có nhích lên, đủ để bác sĩ truyền máu cho giải phẫu, lúc ấy ông mới lui gót! Anh Thinh bất tỉnh, hôn mê hơn ½ tháng, và điều trị hơn 5 tháng mới bình phục! Chuyện của Thinh và ông Ánh hầu như trong Sư Đoàn 4KQ đều biết cả!

Bỗng một hôm, giữa trời quang mà tin dường sấm nổ: Tướng Ánh tử nạn trong phi vụ câu chiếc phi cơ quan sát! Mọi quân nhân trong căn cứ bàng-hoàng đến sửng-sờ, nước mắt ràn-rụa, lắc đầu, chắc lưỡi…!! Anh Thinh đang dưỡng thương, chống nạn vào Câu-lạc-bộ Sĩ Quan, và chết lặng người đứng nhìn thi thể của Ông Tướng được tẩn liệm trong áo quan. Anh khóc ròng ở trong lòng, nào có ai hay! Quanh đấy, ai cũng rưng rưng nhìn nhau, như thầm hỏi liệu mình có còn được may mắn phục vụ dưới quyền của ông Tướng nào, như Ông Ánh nữa không???!!

Viết đến đây tôi không khỏi bồi hồi tấc dạ, vì sự kính mến, cảm phục cứ mãi dâng trào!!
Tiếc thay! tôi chưa là một nhà văn, làm sao có đủ ngôn từ để lột tả hết được về ông. Tôi thuộc hàng “trí đoản” không thấy được những cái tiềm ẩn nơi ông, thì làm sao Luận được anh-hùng!
Tiếc thay! Một vì sao rực sáng vội chợt băng, nên Quân Đội VNCH chưa có dịp thấy bản lĩnh và tài thao luợc của Tướng Nguyễn Huy ÁNH . Ô hô! Tiếc thay!!!
***

NGHỊCH NHĨ

Nhắn:
* Cùng Quan ngự y TRẦN LÝ kiêm “nhà KQ học” , những chi tiết trong bài viết nầy khá chính xác, anh có thể tin tưởng và xử dụng được! Tôi thân tình khuyên anh, nếu có ý định viết những “Phi Công Trực Thăng theo với con tàu” như bên Khu Trục (nói chung) thì rất khó được, vì “tử” số quá nhiều, nhiều lắm không ai nhớ hết; mà chẳng lẽ hơn phân nữa quyển sách là danh tánh những người đã biền biệt ra đi ??!

*Cùng chư huynh đệ “cố nhân” đã đọc và theo dõi bài viết của tôi bấy lâu nay, chắc hẳn nhận ra “ thằng tôi” là ai rồi, nếu biết xin để bụng. và đừng tiết lộ danh tánh, vì rất bất lợi cho tôi . Đa tạ

N-N

Tinh Hoai Huong
04-08-2017, 02:08 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1/1491616961-maybay bagia 7.png

/uploadpics/mp3_pdf/1491617098-Sai Gon Vinh Biet Vu Khanh.mp3
Ngày 7 Tháng Tư Tình Cờ



Thành phố Nha Trang thơ mộng đầy cát trắng với những hàng dừa du dương nghiêng mình soi bóng ven bờ biển Nha Trang tuyệt vời, nay đã có nhiều tiếng nổ và tiếng động quái dị lan nhanh theo xe cộ tất tả chạy ngược xuôi. Họ bồng bế nhau dứt khoát ra đi... quay lưng ngoảnh mặt... phản bội với quá khứ vàng son đã một thời nâng họ lên đài danh vọng.

Từ nơi xa xôi ở vùng núi đồi lạnh giá... chúng tôi vừa vội vàng đến Nha Trang, chưa quen thuộc phong thổ, chưa trìu mến luyến lưu gửi lại bạn và tôi niềm tin vui sống, thế mà nay tôi nơm nớp lo âu... mong muốn tất tả rời xa chốn nầy, để thoát thân ra đi như kẻ lỡ tàu, như người chạy trốn. Nhưng biết làm sao trốn đi đâu!? Đi đâu? Chính nơi tôi đến và sẽ ra đi trong sự bàng hoàng ngao ngán, phiền muộn lo lắng băn khoăn, đang tột độ dày vò tan nát đau buồn! Tôi cúi mặt loay hoay... len lén đào tẩu chính bản thân, khi nắng chiều sẽ lịm dần vào bóng tối. Nơi sinh mạng con người bây giờ rớt vào cảnh lâm nguy, khẩn cấp, và rẻ hơn cỏ rác. Cảm nghĩ chân tình của tôi thẩm thấu và bùng vỡ từ những đường đạn rung chuyển ngoài trời, đang xuyên qua buồng phổi, vô trái tim, tới túi mật lá gan mình.

Một chiều bất ngờ vào ngày 7 tháng Tư, tôi gặp Thúy Lan, (cô bạn mới quen rất tình cờ), cô mừng lắm:
- Sao chị không lo ôm con chạy vô Sài Gòn gấp đi. Ở đây sắp mất rồi. Không biết sao?
Tôi khóc ròng. Như ếch ngồi đáy giếng, như trâu chậm uống nước đục, tôi nào hay biết gì về bàn cờ thế cuộc từng giờ chong chóng đổi thay, và sự triệt thoái lan nhanh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa! Vả lại nếu biết, tôi cũng không thể chen chân đến rừng người ở bến xe, bến tàu, phi trường, hải cảng, hoặc bất cứ nơi nào; để có thể vượt thoát, khi đêm đêm tôi nằm chập chờn trằn trọc trên giường lạ, mơ từng cơn ác mộng mà giật thót người, đã xốc ngược tôi ngồi bật dậy, mồ hôi hột vã ra như tắm, ú ớ gào rú rên la. Tôi chỉ còn hai bàn tay trắng cắp kè kè một nách đàn con thơ rất bé nhỏ, với một mẹ chồng bảy mươi lăm tuổi! Tôi không thể làm gì hơn. Không thể!
Thúy Lan cúi đầu suy nghĩ giây lát. Cô vội lấy giấy bút ra hí-hoáy viết, rồi đưa tôi, dặn dò:
- Chị đưa cháu đến địa chỉ nầy, sẽ có người giúp về Sài Gòn ngay. Đi gấp nha. Chào chị em đi, em rất bận.

Như kẻ chết đuối gặp chiếc phao, tôi không ngớt nói vói theo cám ơn cô bạn nhỏ mới quen. Tôi mừng kinh khủng, cầm chặt tờ giấy, thế mà vẫn sợ rơi, nên đứng lại thở dốc, tôi cẩn thận xếp tờ giấy Thúy Lan viết bỏ trong túi áo, rồi gài cây kim băng to lên túi áo, cho chắc ăn. Tôi cắm đầu chạy mà mừng khôn tả xiết. Tôi đã gặp quý nhân Thúy Lan tận tình giúp đỡ, người bạn sơ giao trong những ngày mẹ con tôi ăn bờ ngủ bụi tại miền cát trắng. Thuý Lan đến lúc nầy như một phép lạ từ Thượng Đế sai nàng đem món qùa cho tôi, không một điều kiện, hay do một sợi dây tình cảm luyến ái nào ràng buộc, ngoài lòng nhân và đức ái của cô. Còn tôi, có thể do hồng phước nhân đức của cha mẹ để lại, kiếp nầy cha mẹ tôi ăn ở hiền lành đức độ đã ra tay làm phước nhiều, nên bây giờ con cháu được hưởng lộc chăng!?

Tôi vội về gặp các bạn báo tin là tôi đã có phương tiện di chuyển về Sài Gòn. Đồng thời biết gia đình Trần Văn Ngọc cũng chờ chuyến xe về Sài Gòn có lẽ ngày mốt là xong. Riêng gia đình chị Bàn quyết định chờ tin tức anh Bàn, nên họ ở lại Nha Trang. Tôi vội lo thu dọn mấy túm quần áo mang theo phòng thân. Tôi bịn rịn chào các bạn.

Trước khi lên xe xích lô, tôi mua sáu ổ bánh mì nhỏ xíu (không có nhưn), để phòng hờ. Vì lúc mười giờ sáng nầy các con chỉ ăn qua loa nửa chén canh bún lỏng bỏng nấu với rau muống, thay thế cơm cho cả ngày, tất con sẽ bị đói meo. Trên bước đường lưu lạc từ Nha Trang về Sài Gòn, không biết sẽ diễn ra bao điều âu lo khác, vẫn cần có tiền tôi mới có thể quyết định mọi việc nơi phương xa xứ lạ. Mẹ chồng cùng hai con lớn ngồi một chiếc xích lô. Tôi và hai con nhỏ ngồi một chiếc xích lô khác. Vì đi bộ từ đây đến phi trường quân sự rất xa. Ngộ lỡ bị trễ giờ phi trường khoá cổng, không cho ai vào nữa, thì nguy to. Lần đầu tiên ngồi trên xích lô, các con tôi rất thích thú hí hửng vui mừng, vì ở Đà Lạt các con chưa hề thấy xe xích lô. Đặc biệt ở Nha Trang các chàng trai trẻ làm nghề “chạy xe rong” khá hồn nhiên vui nhộn, đa số họ ưa rung chuông inh ỏi, và ca hát nghêu ngao trên đường đi, nghe thật vui tai.

Xuống xe xích lô tôi vội trả tiền, lật đật chạy tới xuất trình giấy tờ ở trạm gác cổng doanh trại Không-quân Quân sự. Tôi trở lại chỗ mấy bà cháu đang ngồi bên vệ đường lấy bánh mì ra cho bà và mẹ con ăn. Các con ăn hết ổ bánh mì vẫn thòm thèm hoặc còn đói. Bé Hoàng đói nên quấy hơn mọi ngày, con cứ rúc vào vú mẹ đòi bú vú da, khổ nỗi từ ngày “chạy giặc” đến giờ, bao nhiêu năng lượng đã cạn kiệt, thì làm sao có thể vắt ra sữa cho con! Tôi muốn mua bánh mì cũng không thấy khu nầy có câu lạc bộ, không một hàng quán, hoặc có người gánh hàng rong đi lại bán dạo ở bên ngoài. À, đây là khu quân sự mà. Khoảng mười lăm phút sau thì đóng cửa cổng gác. Ôi đại phước! Nếu chúng tôi chậm mươi phút thì hết cách rồi! Thật là chỉ có Trời có mắt cứu nguy. Tôi dặn dò các con ngồi một chỗ với nhau, không được chạy lung tung, sẽ bị lạc mất.

Chúng tôi được gọi tên vào cổng, họ dồn chúng tôi ngồi xuống một góc ở ngoài sân dưới hàng phượng đỏ rực, (cùng những người lạ khác rất đông chờ đợi gọi tên, để vào trong văn phòng làm việc). Qua những thủ-tục do an ninh Quân-cảnh kiểm soát chặt chẽ, trật tự, cần thiết, cấp bách. Những đoàn dân di tản được lọc lại thành từng gia đình, có mấy quân nhân thư ký đánh máy tốc hành ghi rõ: tên, họ, danh sách chuyến bay. Họ dẫn gia đình tôi qua một phòng trong phi trường. Ở đây đã có rất nhiều người im lặng hoặc rù rì chuyện trò nho nhỏ. Thỉnh thoảng có một quân nhân Việt Nam áo quần tươm tất ra đứng trên thềm nhà gọi từng tốp người có tên trong danh sách đã ghi, dù máy phóng thanh mở hết cỡ, mà tôi vẫn nghe không rõ, do những chiếc máy bay quân sự luôn gầm rú ngoài phi đạo làm điếc tai.

Thời gian mỏi mòn chờ đợi dần qua, thoáng chốc gia đình tôi đến lượt được gọi tên. Họ dẫn chúng tôi vào đứng xếp hàng trước một phòng khách rộng đông người gấp hai ba lần ở ngoài sân. Những dãy phòng ăn và phòng làm việc thông với nhau có điện giữa ban ngày sáng trưng, có máy lạnh mát rượi. Mặc dù trên đầu phi cơ quân sự không ngớt gầm rú, nhưng nơi đây không đến nỗi ồn ào, không chen lấn, mà có trật tự hơn.

Tôi nhìn những mệnh phụ phu nhân rực rỡ xa hoa quần là áo lụa chưng diện trong phi trường, mà bẽn lẽn! Giờ phút vắt giò lên cổ “tẩu thoát thân” nầy, nhưng lắm bà trưởng giả còn có thì giờ phù phiếm tô trét phấn son cẩn thận, mái tóc chải bồng, móng tay móng chân đỏ chói, "quý công nương" sai khiến chỉ chỏ “gia nhân” vài người tay đùm tay xách, cong lưng chạy lui chạy tới. Hoặc vài anh lính đi sau đuôi mấy bà khệ nệ khiên vác nhiều chiếc va ly da cồng kềnh khá nặng và đắt tiền mới toanh, & thùng giấy to đặt dưới chân họ mới và sạch sẽ. Những người cùng vào xếp hàng ở đây thân tỏa mùi nước hoa Ici, Neblina, Ode à L’amour... rất thơm. Còn loại túi xách tay là thứ sang trọng mang hiệu: GUCCI made in Ilaly– LOUIS VUITTON Paris – SIENNA RICCHI ở hải ngoại du nhập về Việt Nam.

Tuyệt nhiên không một ai có “tay nải” cũ mèm bẩn thỉu, xấu xí dị hợm, khiêm nhường, nghèo nàn coi thô thiển quê mùa hết chỗ nói: như hành trang của tôi. Đến nơi nầy, tôi mới nhận thấy tình cảnh hèn kém, chua xót bi thương cùng khổ của mình trong những ngày ly tán:trắng trợn phơi bày quá tệ, quả là đáng thương xót xiết đỗi! Tôi lúng túng ngượng ngùng, bực bội cúi xuống len lén che dấu gói hành lý thô thiển, hèn kém dưới gót chân kẻ làm vợ, làm mẹ: đã bao năm qua vẫn thấp hèn với anh chồng "lính chiến".

Tôi cảm thấy thật buồn vì số phận mình sao nghiệt ngã, đắng cay, bạc bẽo, khổ cực và phũ phàng tệ mạt đến thế! Tôi đau xót không kém phần tủi hổ̉ ,thật phí hoài không gian và thời gian về tuổi trẻ tràn đầy nhựa sống: một thiếu nữ tri thức nổi danh người đẹp biết chừng nào! khi trao thân cho người chồng không thích danh phận, (nói trắng ra là anh không thích bon chen trên đài danh vọng, không ham muốn cao sang, thật quá lạ! mặc dù với khả năng, kinh nghiệm, và sự từng trải... thì anh có thừa), để rồi anh đã đẫy vợ con đến bước đường cùng nầy!

Tôi vụt nghĩ đến ngôi nhà ba tầng lầu đúc bê tông cốt sắt dài 45m, rộng phủ bì 5m của vợ chồng mình, và chiếc xe hơi 404 láng cón cũng của mình bị hết xăng đã vất lại Cam Ranh, mà tức sôi người. Phải chi đừng có bọn “gian tặc” vô xâm lăng miền Nam, thì bây giờ tôi có thể ung dung le lói ngẩng cao đầu, nheo nheo mắt nhìn những hành khách “kiêu sa, cao sang và quý phái” kia chẳng chút bẽn lẽn ngượng ngùng, mà có thể ngược lại: mình hãnh diện cũng có một thời vàng son vang bóng cần cù kiên nhẫn làm việc và thành công như ai đấy chứ!

Tuy nhiên, lúc tôi ngồi bó gối trên nền gạch, vò đầu bứt tóc bứt tai suy đi nghĩ lại cho cùng thì... bộ áo tác chiến của chồng tôi và những bộ quân phục mà những quân nhân đang mặc trên người kia, nào có khác chi nhau!? Đó là niềm vinh dự tự hào rất kiêu hãnh của người lính oai dũng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (và dĩ nhiên cả "cô vợ lính" biết thông cảm, hân hạnh, tự hào về phong độ: quốc hồn, quốc túy, quốc sử, quốc ca, quốc thiều, quốc huy, quốc thể, quốc gia Việt Nam); Đồng thời mỗi một người không phân biệt cấp bậc quan hay lính: họ đều gánh vác trên vai tất cả trọng trách, nghĩa vụ, biết tuân phục bổn phận làm trai phải trả nợ núi sông, quyết giữ gìn quê hương Việt Nam an thịnh trường tồn.

Thế nên, chồng tôi cùng lớp lớp thanh niên trai tráng đã răm rắp vâng lời thượng cấp "phải ở lại tử thủ” Đà Lạt! (trong khi người ra lệnh lạc nầy thì... than ôi! họ đã chuồn đi tự bao giờ!). Nhưng tôi cũng cố gắng nghĩ tốt cho họ rằng thì là... nếu "người ta" đi di tản về Sài Gòn đông đúc kinh khủng, ấy là do ai ai cũng mong Mỹ và Quân-lực Việt Nam Cộng Hoà ra tay làm việc nghĩa, cứu vớt mình vượt thoát nhanh ra khỏi vùng đất khốn đốn, (nơi có nguy cơ khói lửa chiến tranh ập vào, hoặc có thể sẽ bị xâm chiếm, bị quân vẹm tàn ác pháo kích bừa bãi dội lên đầu không tiếc thương). Khi sống còn, thì ai ai cũng có cơ may phục hồi cuộc sống và danh dự. Thế thôi. Tôi tôn trọng Luật và những suy nghĩ mỹ cảm của anh về việc bảo trọng quốc luật. Chồng tôi cùng lớp lớp thanh niên trai tráng dù biết những cấp trên trước khi vọt lên đường trước thuộc hạ, người ra “lệnh” ấy, nay đã “lạc” ; nhưng họ không ngần ngại ở lại giữ thành, hy sinh mạng sống, họ tuân lệnh “ở lại tử thủ Đà Lạt" 100% !

Lần chót, chúng tôi được gọi ra ngoài sân bay đứng chờ gần chiếc phi cơ quân sự khổng lồ quay cánh quạt vù vù. Họ đang gọi tên những tốp dân đã ghi danh trước tôi đi lên chiếc phi cơ nầy. Mặt đất rung chuyển dữ dội, tóc tai quần áo mọi người bay phần phật. Hai tay các con nắm chặt lấy hàng dây thép gai, hoặc những cột trụ rào sơn màu trắng xanh xanh đỏ đỏ. Đây là lần đầu tiên trong đời các con tôi được thấy tận mắt những chiếc phi cơ to tướng gần thật gần. Các con vui mừng chạy ra dán mũi sát vào cửa kính, con ở lì một nơi chằm chằm nhìn những chiếc phi cơ bay lên, đáp xuống.

Chốc chốc các con lại hí hửng chạy vào chỗ tôi ngồi: con khoe đã thấy nhân viên hàng không lo tới tấp bốc hàng, con líu lo nói chuyện lạ xảy ra những gì ở đâu đó. Bé Bi (Quốc Huy) chạy tới một chiếc thùng gỗ trèo lên đứng ở đó, để nhìn những chiếc máy bay cho rõ, rồi con lại tụt xuống đất, chạy đến chỗ gần cánh cửa sắt. Bé Bi dù sống cảnh di tản màn trời chiếu đất, ăn uống thất thường, nhưng vẫn còn là đứa trẻ có hai má đỏ rực vì chưa quen ở xứ nóng, bé bụ bẫm, tròn trịa mủm mỉm xinh xắn, bé Bi mặc bộ đồ bay màu xanh da trời, (giống y đồ bay của pilot, nên ai nhìn bé Bi cũng thấy cháu hồng hào ngộ nghĩnh dễ thương.

Chiếc phi cơ khác từ từ quay ra phi đạo, thì gió từ những cánh quạt ào ào thổi, làm cho mọi người đứng bên hàng rào muốn té nhào. Không hiểu sao lúc đó bé Bi ở đâu chui ra khỏi hàng rào, và nắm lấy tay một bà Mỹ mặc áo đầm vàng, bà có đôi mắt xanh ngọc, mái tóc vàng hoe. Bà ta ngạc nhiên ngập ngừng chốc lát, rồi đặt chiếc va ly xuống đất, bà lấy trong giỏ xách một hộp bánh ngọt đưa cho bé Bi, bà chỉ tay về phía cửa kính bên trong hàng rào, nơi mọi người đang ngồi hoặc đứng chờ đợi chuyến bay.

Nhưng thằng bé không nghe, không hiểu, hoặc mãi nhìn những chiếc phi cơ, nó không cầm hộp bánh, mà chỉ nắm chặt váy đầm bà Mỹ kéo rị lại. Bà Mỹ trắng nầy cứ nhìn bé Bi và nhìn quanh quất hoài. Có lẽ bà Mỹ nghĩ con cái nhà ai bị thất lạc trong lúc cả nước hổn độn chạy loạn?! Đến phiên bà Mỹ tiến bước ra cổng phi trường xa xa hàng rào, để lên chiếc máy bay kia, thì thằng bé nhà tôi vẫn túm chặt váy áo bà Mỹ và líu ríu đi theo bà. Nhưng thằng bé Bi bước đi, mà luôn luôn ngoái cổ lại đăm đăm nhìn chiếc phi cơ đáp xuống trên phi đạo.

Tôi cúi đầu vạch áo cho bé Hoàng mút vú da, khi ngẩng lên nhìn ra hướng phi cơ, ngay từ đầu tôi thấy có đứa nhỏ con ai, hình như giống con trai của mình, mà đang nắm chặt váy của một phụ nữ Mỹ, khiến váy đầm bà ta giảng dài ra lôi theo thằng nhỏ?! Thật tình ban đầu tôi cứ tưởng nó là con của bà Mỹ kia, tôi không hề nghĩ đó là bé Bi, (bé Bi là tên gọi thân thiết trong gia đình). Quay lại nhìn lui nhìn tới, nhìn quanh, thì quả thật tôi thấy thiếu mất bé Bi, nó không còn đứng trên cái thùng gỗ, hoặc bên hàng chắn rào cùng hai anh Dzũng và Tuấn của nó nữa. Tôi hốt hoảng bỏ thằng bé (Tồ) đang cắn kéo cái vú của tôi dài ngoẵng ra đau điếng. Tôi đứng phắt dậy, hoảng hốt kêu réo to thật to:
- Bé Bi. Bé Huy. Úi Trời ơi! Mẹ đây nầy Huy ơi! Huy ơi...

Khổ nỗ̉i thằng bé không thể nghe được, vì tiếng phi cơ nổ ầm ầm, inh ỏi gầm rú. Đồng thời lúc đó con trai trưởng của tôi là bé Dzũng đứng ở gần tôi hơn, nên con nghe tôi la hét, con quay lại nhìn thấy tôi cứ chỉ chỉ tay về hướng bé Bi. Bé Dzũng và bé Tuấn cũng thấy bé Bi ngố ngáo từ từ theo đoàn di tản đi ra ngoài chiếc C 130 khác. Bé Dzũng hoảng hồn, con nhanh nhẹn bò lòn qua lớp hàng rào sắt, con tức tốc chạy chạy... chạy rõ nhanh tới bên bé Bi. Bé Dzũng lôi giật thằng em đứng khựng lại. Thằng bé Bi xiểng liểng suýt té, nó ngơ ngác nhìn lên bà Mỹ, nó vội buông váy của bà ta ra. Hai anh em túm cánh tay nhau cúi cong lưng cùng tất tả chạy về chỗ cũ. Hú hồn hú vía!

Tôi mừng rỡ điên người mà khóc hụ hụ hụ như mọi người bình dân..., tôi vừa quệt nước mắt vừa hét tướng lên bai bải la mắng mấy đứa con trước mặt mọi người lạ. Tôi không hề biết xấu hổ, chỉ vì tôi sợ mất con. Kể từ giờ phút đó, tôi lấy một sợi len dài cột cườm tay đứa nầy dính với cườm tay đứa kia, và bắt các con ngồi bệt xuống nền gạch, ở yên một chỗ, không được đứng dậy xớ rớ dòm ngó chi cả, cho chắc ăn. Tôi giữ các con chằn chằn sát bên.

Thật ra, nào biết đâu bé Bi mới hơn hai tuổi, nếu con đi với bà Mỹ, thì sau nầy con không thể biết cha mẹ là ai! Ở nơi xứ văn minh tột đỉnh giàu sang vinh phú kia, có thể đời con sẽ ấm êm sung sướng hạnh phúc, hơn ở với cha mẹ chăng?! Cũng có thể ngược lại. Nhưng... Thôi con ơi, nếu con ở nơi quê hương với tổ tiên ông bà cha mẹ, mình có đói khổ nghèo hèn, cũng còn mẹ cha anh em ruột thịt: yêu thương con, chí tình đùm bọc, ủi an, sum họp bên nhau. Sau nầy nếu gia đình mình may mắn trở lại giàu sang sung túc như xưa. Hoặc vô phúc mà lâm vào cảnh hoạn nạn đói khổ, thì mình cùng chia sẻ ngọt bùi, cùng dắt díu nhau bước trên con đường gian truân. Mẹ không thể rứt ruột đem con thơ đi bỏ chợ, bơ vơ lạc lõng ở xứ người lạ hoắt cho đành. Xin lỗi con.

Đợt người di tản thứ ba đã tuần tự được gọi tên lên phi cơ. Tôi lo lắng nghĩ vơ nghĩ vẩn và cảm thấy bồn chồn nóng ruột lạ lùng, chỉ sợ bị sót tên, hoặc vì lý do nào đó, bị đình chỉ chuyến bay. Thì chết thôi! Hai sĩ quan Không-quân đã đọc danh sách lúc nãy đích thân dẫn đoàn người di tản, trong đó có tên gia đình tôi là tốp cuối cùng mang số chuyến bay 449 A. Tôi để bà nội, các con, đi trước, cườm tay các con vẫn cột sợi len dùng dằng níu kéo nhau run run con leo lên chiếc phi cơ C–130 “hả toác hoác mồm”.

Lúc ở xa xa trong khu hành lang tôi nhìn thấy chiếc phi cơ nhỏ, nhưng khi đến bệ cầu thang sắt nối liền với đuôi phi cơ, thì thấy phi cơ nầy to lớn lạ thường. Từ đuôi máy bay dọc theo lòng phi cơ có bốn hàng ghế, hai hàng ghế giữa đâu lưng vào nhau, bốn hàng ghế đệm bọc nhung màu huyết dụ rất êm đang mở “cái đuôi hoác mồm ra”, để lần lượt đón từng gia đình trèo leo lên phi cơ vẫn nổ máy ầm ầm. Chiếc máy bay nầy sẽ mang chúng tôi ra khỏi vùng đại nạn khói lửa binh đao. Biết đâu nơi Nha Trang sẽ diễn ra bao đau thương tàn khốc nay mai!?

Các con đứa nào đứa nấy tóc tai quần áo ướt nhẹp mồ hôi, hai má đỏ rực vì nóng. Đã được tháo sợi dây len “chắc cú” ra rồi, các con thoải mái cứ chồm lên nhìn qua những ô cửa, vui vẻ hí hửng cười nói tía lia, lí lắc, huyên thuyên. Nhiều lần mỗi khi đi đâu chơi, tôi đều mua dự phòng bánh mì kẹp gà, ba tê, thịt nguội, hoặc chuối, nước lọc, đựng trong giỏ xách để cho các con ăn. Nhưng bây giờ sống trong cơn hoạn nạn, lại bất ngờ được ra đi quá đột ngột, không thể chuẩn bị chu đáo, nên mọi thứ đều thiếu thốn. Bé Tồ lúc đó quậy tưng trời, tôi mệt hết sức, phần vì tiếng động cơ gầm rú đinh tai nhức óc khiến con sợ hãi, phần vì nóng nực kinh khủng, mồ hôi con vã ra như tắm, ướt hết áo quần, vì lúc đó trong phi cơ chưa mở máy lạnh. Phần nữa là con đói bụng đòi bú. Khổ nỗi hai bầu vú tôi nhăn nhúm teo tóp sát vào xương sườn, thì còn gì có sữa cho con! Chẳng cần biết xấu hổ khi tôi vạch áo trước nhiều người lạ, để vắt hai đầu vú teo tóp hoài vẫn không còn một giọt sữa. Bé con cứ chui rúc đầu vào tìm vú mẹ, bú bú, mút mút, day day... con nhả vú ra, vật vã khóc la. Con lại giẫy nẩy lên, thiệt chướng quá chừng.

Chính lúc đó có một người đàn bà trung niên qúy phái, thanh lịch, ăn mặc gọn gàng trang nhã, bà ngồi đối diện với tôi, bà ấy cầm cái quạt giấy quạt hoài cho mẹ con tôi. Sau đó bà đưa cho tôi ổ bánh mì:
- Chị đút cho cháu ăn... Có lẽ cháu đói bụng.

Tôi nghẹn đắng cổ chua xót lí nhí cảm ơn bà, cầm ổ bánh mì kẹp thịt xé nhỏ ra, tôi đút từng miếng cho con ăn. Bé Tồ nín khóc, mặc dù con vẫn nấc lên từng hồi. Con ăn ngấu nghiến gần hết một phần tư ổ bánh mì, con thút thít đẫy tay tôi ra, bé Tồ đưa phần bánh mì còn lại cho các anh nó. Mấy anh em ỏn ẻn cười hì hì... liếc nhìn bà ấy, rồi các con thay phiên nhau mỗi đứa e dè cắn một miếng bánh mì nhỏ, nhai bỏm bẻm. Lát sau thì trong khoan tàu mở máy lạnh mát rượi, thế là bé Tồ dụi đầu vào ngực tôi vừa nấc nấc mà ngủ vùi.
Người đàn bà thân thiện mỉm cười nhìn chằm chằm mấy đứa nhỏ. Giọng miền Nam ngọt ngào, bà ấy nhỏ nhẹ:
- Các con của chị rất đẹp và ngoan thiệt.

Tôi e ấp mỉm cười. Bà ấy lại lúi húi lục tìm trong giỏ xách sang trọng ra một hộp bánh Coffee Milk Biscuits to, và chai nước lọc, bà đưa cho tôi. Giỏ xách của bà bây giờ đã xẹp lép. Thật bất ngờ, dù tôi không bảo, nhưng ba đứa con lớn vẻ mặt rạng rỡ, hớn hở, vui vẻ, hí hửng nhìn nhau, chúng vòng tay cúi rạp đầu sát xuống gần đùi nó, để nói:
- “Cháu cảm ơn bà” rất to.
Chúng bắt chước nhau giống như chú khỉ; khiến ai nấy ngồi chung chuyến máy bay đều cười ồ. Các con ngồi ngay ngắn từ tốn ỏn ẻn ăn uống gọn gàng xong. Tôi nhìn người đàn bà xa lạ lại ấp úng lí nhí cám ơn, lặng lẽ cúi đầu xuống trên mái tóc thằng bé nhỏ mà quệt nước mắt.
* * *

Tôi nghĩ mãi không ra và không thể nào ngờ là mình có diễm phúc vinh dự đến thế nầy: Khi xế chiều có ông sĩ quan Không–quân Việt Nam ở Nha Trang gọi tên tôi (tôi đứng đầu tên trong danh sách gia đình) ông đưa cho tôi tờ phê duyệt “Thuận” do vị một Trung-tá ấn ký (tôi không thể nhớ rõ tên vị ấy). Ôi! Trí óc của tôi lúc đó thật tồi, tôi chỉ biết lo lắng về riêng “cái tôi” hiện tại là: làm sao mình có thể “đào tẩu” ra khỏi vùng đất chứa nhiều súng đạn và hận thù!, mà không hề nghĩ đến ai- thì bây giờ tôi biết làm thế nào nhớ rõ tên họ và ân tình không thể trả đền nầy! Trên tờ giấy ghi “thuận” không hề có con dấu: “Nhất thế. Nhì Thân. Tam ngân. Tứ chế” gì cả.

Thời gian loạn lạc thất điên bát đảo nầy; thật sự tôi biết chắc chắn một điều là: trong trường hợp hổn loạn cao độ, thì dù ai di chuyển bất cứ phương tiện nào gần hoặc xa, đa số ai có thế lực, có “chi địa, chi vàng” thì mới có thể thoát thân. Tôi không phủ nhận trước ngày gia đình tôi di tản khỏi Đà Lạt, thì tôi có xe hơi, nhà lầu, rủng rỉnh tiền bạc leng keng trong túi như ai! Ấy thế mà chính lúc nầy chúng tôi nghèo rớt mồng tơi. Nhưng vẫn có người chính thức công nhận cho chúng tôi đường hoàng leo lên “tàu bay free”! Ôi! Sung sướng làm sao! Hạnh phúc vô ngần khi tôi ngồi trong lòng phi cơ, cảm thấy như đời bay bổng lên đào nguyên tiên cảnh. Ơn cứu mạng nầy gia đình tôi xin vô vàn tạ ơn “người”.

Khấp khởi vui mừng khôn xiết khi đã ngồi an toàn yên ổn ở một nơi sang trọng thế nầy, tôi nhìn lui nhìn tới không thấy ai lưu ý đến mình, tôi len lén thò tay xuống nhéo ở bắp đùi mình mấy cái, xem thử mình có nằm mơ, hoặc thân mình có đau điếng vỡ mộng hay không!? Bởi vì tôi vẫn chưa dám tin chắc là mình sung sướng hạnh phúc may mắn được hãng Hàng-không Quân-sự “biếu” cho tờ giấy chứng nhận được “đi không”, “đi chùa” tuyệt vời như thế nầy.

Lòng tôi rối bời sầu nhớ hình ảnh đóa hoa hồng tươi thắm óng vàng đang gục đầu bên ngăn kéo kỷ niệm bảng lảng dáng hoàng hôn hắt hiu hư ảo thuở nào! Ôi! Đó là những đóa hồng nở rộ thắm tươi trong trái tim nhân-ái hiếm thấy. Tôi không “nịnh” những chàng phi công hào hoa phong nhã và "rat... rát..." rất chi là... bay bướm làm gì! Vì sự thật không cần biết tôi là ai, họ tận tâm giúp đời vô vụ lợi, tấm lòng họ tận-hiến cho bổn phận, trách nhiệm, danh dự và nghĩa vụ cứu người.

Những vị ân nhân đức độ mà tôi không hề biết mặt nhớ tên. Những người tình cờ tôi chỉ biết một lần, sơ sài quen một ngày, rồi xa nhau muôn thuở, không bao giờ tìm thấy lại, nhưng suốt đời tôi vẫn luyến nhớ thầm mong có ngày hân hạnh tái ngộ. Tôi xin trân trọng cúi đầu tạ ơn vị Trung-tá Không quân (tôi không hân hạnh nhớ tên “ngài” ). Tôi vô cùng cảm-kích những tấm lòng cao cả của các vị Không-quân. Trân trọng cảm ơn gia đình ông bà Niềm, cô Thúy Lan vô vàn. Cám ơn người đàn bà thanh lịch qúy phái ngồi trên phi cơ, đã cho các con tôi một miếng khi đói. Ân tình nầy suốt đời tôi không thể trả đền, xin trọn kiếp mang theo kính nhớ trong lòng.

Biết làm sao bây giờ! Dù mai sau nếu gia đình tôi sẽ trở lại sung túc giàu sang như thuở xưa, hoặc tôi chỉ là một người vợ lính quèn hèn mọn tầm thường: tôi nguyện sẽ cố gắng viết những bài văn (dù hay hoặc dỡ), tôi thành tâm tạt cốt “tình chung một khắc, nghĩa dài trăm năm” để ca tụng những vị anh hùng có nhân cách thầm lặng xã thân giúp đời vô vụ lợi. Một lần nữa tôi không bao giờ và chẳng thể nào quên: những người đã âm thầm lặng lẽ ưu ái ban tặng free đặc ân cao qúy tốt đẹp cho riêng gia đình tôi, và cho Đời. Nguyện xin Thượng Đế trả công bội hậu ban đến họ được vui vẻ bình an hạnh phúc trường tồn.

Chiếc “mõm hàm ếch” từ từ khép miệng lại, nhốt trọn mấy trăm dân di tản vào trong lòng phi cơ. Phi cơ bay hoài và an toàn hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhứt, phía dành riêng cho khu phi cơ quân sự cũng ồn ào, náo nhiệt đông đúc kinh khủng. Chúng tôi được leo lên một chiếc xe bus chở free ra lối Bảy Hiền.

_ * _


Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
04-14-2017, 09:41 PM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1/1492205862-maybay ba gia 2.png

http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/1461628331-1954-1975_Elvis Phuong.mp3

Người Đà Lạt Cuối Cùng Vỡ Tổ Tan Hàng


Con đường dốc đứng bên cạnh rừng đầy lá thông khô được sương chiều rửa sạch, trơn bóng láng mướt ve vuốt đôi chân êm ái mát lạnh khi mình dẫm lên. Khiến Luật muốn ngã lưng nằm trên thảm nhung nâu nâu, mượt mà, mơ màng nhìn lên trời cao, xao xuyến nghĩ về… đất nước còn, thì người lính có thể là một phần tử của con cờ thí thân trong chiến tranh. Họ gánh trên vai nhiều trọng trách, nhiệm vụ, và bổn phận nặng nề đầy phức tạp; dù biết bao cơ cực lầm than, nhọc nhằn, khổ sở, chua xót, đắng cay, trăm bề o ép. Trước đám sương dày đặc kia là tương lai xa xăm mù mịt, là con đường tiến thân để giành lại, giữ lại từng tất đất, không biết sẽ bắt đầu từ mấu chốt nơi đâu?!

Lúc nầy, tình hình chính trị ở miền Nam Việt Nam xoay quanh cơn lốc chính trị cao tột độ lẫn kinh hoàng vô cùng, giống như hai giòng nước ngược đục ngàu xô vào nhau, toé lên thành những cơn triều cường sóng thần dâng cao vút và đảo điên nhất. Họ chẳng thể chí tình thiết tha yêu thương ôm trọn quê hương ở trong lòng, khi Trọng Luật cùng hầu hết quân nhân đã vâng lời nghe lệnh cấp trên ban ra rành rành là:
- Quân nhân, cán bộ các ban ngành, thanh niên nòng cốt, tuổi trẻ phải ở lại “tử thủ” tại mỗi đơn vị: từ đầu tháng Ba năm 1975 tới giờ phút cuối cùng, (còn ông già bà cả, trẻ con phụ nữ… thì cho di tản ra khỏi Đà Lạt/Tuyên Đức).

Tin như thế loan ra nhiều ngày, nhiều ngày... hầu hết ai ai nghe cũng cả tin chắp bắp và khá an tâm, "chúng ta" cùng vững chí đồng lòng cương quyết trụ ở lại 24/24 giờ nơi những tuyến phòng thủ. Té ra, ôi mà có ngờ đâu... có một nhóm người cao cấp đã làm cuộc tình lờ, len lén tình vờ lo cao chạy xa bay chuồn đi từ lâu, (từ khuya rồi anh ơi)! Họ tụ tập dòng dõi và "bay" nhiều lần từ Đà Lạt về Phan Rang, gom thêm "một mớ... rồi dzọt dề" thủ đô Sài Gòn. Có nguồn tin đáng tín cẩn cho Luật hay số ít cao cấp ở Sài Gòn cùng vợ con họ đã dọt đi ra nước ngoài! "Bản thân cao cấp"... và... "vợ con cấp cao" cần bảo vệ an toàn, là cái chắc. Còn vợ con lính là "thứ loại" gì nhỉ?

Hẳn là đã lâu lắm rồi khi vừa ra "thượng lệnh"; họ chỉ biết rũ bỏ sau lưng sự đau khổ tang thương cùng khó ấy: đành tâm cho người khác âm thầm ở lại chịu trận, gánh gồnh gian nan, khổ đau. Đám sĩ quan hạ giới nầy nào có hay, thì lính tráng binh nhứt, binh nhì bẹt dem cùi bắp làm sao biết! Bây chừ đạn pháo đang nổ dậy trời! Tưởng chừng như hai phe quốc nội giàn quân ngoài mặt trận đánh nhau một phen chí tử. Thật tình phía Việt Nam Cộng Hoà "đã bị" có lệnh rút lui, bỏ ngỏ, chứ nào có sòng phẳng thẳng thừng đánh đấm gì cho cam. Nếu quân tử và oai dũng chơi nhau một trận quyến liệt trên bàn cờ chiến cuộc, thì chưa chắc ai thắng ai à. Tức giận và uất ức điên người.

Đài phát thanh Đà Lạt dấu nhẹm chuyện các nơi khác lo cho quân đội và dân triệt thoái, đài chỉ phát ra những mục bình thường trong chương trình hằng tuần & vớ vẩn, đài phát thanh chẳng hề toan báo một tin tức thời sự nóng bỏng nào! Họ cũng chẳng tiếp vận đài phát thanh Sài Gòn như trước, cho người dân Đà Lạt được nghe. Không hiểu tình cờ thế cuộc, nên mọi người bình chân như vại lo làm vườn tưới hoa. Lúc biết ra cớ sự, thì nhiều quan, lính và dân không tìm thấy đường đi lối về nơi đâu, họ đi tới thì mắc thác, mắc hồ, đi lui mắc núi, mắc đèo.

Tai biến đến sau ngày 17 tháng Ba, khi cấp trên ban lệnh tử thủ, khẩu lệnh chỉ rò rỉ ra, tức là láo pháo rỉ tai nhau về việc quân nhân triệt thoái rút bỏ Đà Lạt; chỉ biết tin vài giờ rất ngắn ngủi vào phút chót mong manh và hối hả. Từ đó đến ngày nay đã ngót tháng ròng rã rồi, nhưng quân nhân thanh niên tráng niên nầy không hề biết. Vì thế họ đã chưng hửng bàng hoàng, nên trở tay không kịp. Sau ngày 11 tháng Tư năm 1975, Luật và “nhóm tình nghĩa tử thủ bất diệt" quyết giữ gìn quê hương ấy, mới biết tin tức triệt thoái chậm chạp, trể tràng vì bị người ta dấu nhẹm, kín bưng. Chẳng đặng đừng... Luật đến toà Tỉnh Trưởng cùng các đại diện những phái đoàn: quân, cán, chính và cảnh sát nổi, cảnh sát chìm (cảnh sát đặc biệt, xâm nhập), ... đã tham dự buổi họp thượng khẩn:

Về việc triệt thoái được ấn định phân chia như sau: Tất cả quân nhân sĩ quan của trường Võ Bị, và sinh viên sĩ quan toàn khoá ở trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam có số lượng người hùng hậu đông đúc, thì họ sẽ chỉ huy ở vòng bên trong, để kẹp cho đồng bào tuần tự đi ở hàng giữa, dân là đội ngũ lộn xộn không có súng ống, họ toàn gánh gồnh đồ đạc, của cải linh tinh...). Nghĩa là trường sĩ quan Võ Bị Đà Lạt sẽ dàn quân dọc hai bên quốc lộ 20, vừa từ từ rút, vừa giữ an ninh và bảo vệ tối đa đồng bảo tuần tự đi, có trật tự, bằng mọi giá họ cẩn thận chăm sóc giúp đỡ đồng bào. Dân phải tuân lệnh quân nhân về lối Phan Rang, đi Phan Thiết... v.v... Đồng thời trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt là những đoàn người bọc hậu cuối cùng đành phải rời bỏ thành phố. Những cảnh sát và quân nhân ở các binh chủng khác sẽ cặp đi song song một bên với trường Võ Bị ở vòng ngoài.

Các cửa ngỏ hậu phương, kho lương thực, ngân hàng, ngân khố, quân trang quân cụ, khu nầy, sở nọ, ty kia mở toang hoang, kể cả nhà thường dân vắng chủ đều bị cướp bóc, đốt phá cháy rụi. Một phần do trước khi ra đi, những người có trách nhiệm với công sở của mình phải hủy diệt hồ sơ mật. Một phần do nhóm tự xưng là “cách mạng 75” khích động kẻ gian thừa nước đục thả câu, chúng mặc sức tha hồ thao túng, càn quét vơ vét tung hoành mọi mặt. Đà Lạt như rắn mất đầu, như đàn gà con mất mẹ.

Tất cả mọi tầng lớp di chuyển từ Đà Lạt xuống đèo Ngoạn Mục cao chất ngất và ngoằn ngoèo tới Sông Pha, rồi tới Phan Rang, dưới sự điều khiển của Đại-tá Quỳnh đều nhịp nhàng, ăn khớp, chu đáo, rất có trật tự lớp lang trước sau đều đặn an toàn; Cho đến khi xuống quá Phan Rang qua ngã Phan Thiết thì an ninh trật tự không còn toàn vẹn như cũ. Bởi do Quân Đoàn II đã triệt thoái về hướng nầy rất đông, quá đông... Hai bên dân quân từ trên hướng Kontum về, và hướng Đà Lạt xuống đã bất ngờ... "gặp nhau ở tụ điểm son đồng tâm"... nhiều đến nỗi không thể nào tưởng tượng. Tất cả mọi người đụng nhau tại đây. Khi đó thì quốc lộ chính đã tràn ngập người và người đông kinh khủng, nhiều vô số kể! Hiện trạng bấy giờ đã lộn xộn kinh khủng.

Thế là "Người Đà Lạt cuối cùng bị vỡ tổ tan hàng" từ đó. Luật coi quân đội là một tổ ấm quan trọng linh thiêng quý giá, vô cùng cần thiết; vì đó là nơi an tựa vững vàng trong đời sống của người trai có lý tưởng trong thời loạn. Tổ quốc ấy, dường như Luật muốn ví là một tổ ấm mật thiết, quan trọng không kém gì gia đình mình: đã có mẹ già thân yêu, có vợ hiền con ngoan. Nhưng hôm nay cái tổ ấm linh thiêng ấy sụp đỗ rồi chăng? Nghĩ tới điều đó, Luật đã bật khóc, khiến bạn đi cùng xe ái ngại và sửng sốt ngoái nhìn.

Gần tới vòng ngoài của tỉnh thành Phan Thiết đầy bụi bặm và gió cát thổi vù vù, bỗng có nhiều tràng súng từ xe sau ria tới tấp xẹt tới phía hai xe ngân khố (không biết xe tiền ấy của Tỉnh Kontum, Pleiku, Ba Mê Thuột, hoặc Thị-xã Đà Lạt chăng?). Xe chở những bao bố tiền to khổng lồ, tiền ơi là tiền rơi kín một góc phố, và bay tá lã theo gió lồng lộng như đàm bươm bướm chập chờn trên không trung. Khi đó thì... không thể nào diễn tả nỗi cảnh kinh dị lúc mọi người khum xuống nhặt tiền dưới cơn mưa chì bão lửa, nơi xe cộ gầm rú đó. Cảnh thương tật, khóc than, thét mắng, đói khát, chết chóc, lẫn trong tiếng súng đạn gầm rú xa gần, khiến mọi người bị hút vào điệu quay chóng mặt, bàng hoàng đến rợn người. Luật ngồi trên xe thấy những pha cướp giật, bóc lột, đánh chém nhau dã man và trắng trợn ven đường... Hò hét. Chưởi rủa. Đánh đập tùm lum. Luật cảm thấy chua xót đắng cay, nhục là ở chỗ đó. Tệ là ở chỗ đó. Đau quặn thắt lòng ở chỗ khúc ruột thừa.

Luật cùng sáu anh khác thay bộ đồ tác chiến, mặc bộ đồ dân sự vẫn cầm theo mấy hôm nay để dễ bề đi đứng, anh vứt bỏ hết tất cả lon lá mũ mão hành trang rối rắm trên đầu, trên vai. Luật mang đôi giày ba ta cũ, áo lạnh, mấy chục ngàn tiền vợ để trong tủ, một chiếc đồng hồ Omega, chiếc nhẫn cưới, sợi dây chuyền, cái nón thường dân đội đầu, và một khẩu súng lục mang kè kè bên nách, để phòng thân. Nhóm Luật là những người lính chiến đấu dũng cảm cuối cùng lìa bỏ quân ngũ, bỏ đơn vị, ngao ngán tự lo cứu chính bản thân trong cơn biến loạn ngặt nghèo lâm nguy, hấp hối.

Lúc bây giờ không có người chỉ huy, thì nhóm nầy quan cũng như lính có nhiều ý kiến, ý cò, tự vạch ra cho mình con đường sống mới. Mạnh ai nấy dọt, họ luống cuống, hốt hoảng băng đèo vượt đồi cát chạy tan tác. Không còn cảnh tình đồng đội keo sơn như cá với nước, như cây cần đất, cần rễ bám vào đất cho cây liền cành. Mà thân ai nấy lo, hồn ai nấy giữ, mạnh ai nấy chạy thiếu sống bán chết, tự lo thoát thân. Họ xin đi chuyền từng đoạn xe đò, xe tải, xe GMC hết xăng, họ chạy bộ chen lấn nhau mà xéo bước, họ thở dồn dập, gò lưng chạy thục mạng từng đoạn ngắn, người chạy đi kẻ chạy lại, rồi thì nhóm Luật đã bị lạc mất nhau. Người đi lánh cư đông kinh khủng bất ngờ gặp gỡ nhau giữa trùng trùng lớp lớp, trên bước đường chạy loạn những kẻ sống còn mong vượt qua gian nguy khổ ải.

Ngày chạy bộ với những người dân tay xách tay mang đùm đề vợ con, chân thấp chân cao khổ ải mệt nhoài. Đêm đêm ngủ với người thoi thóp, nằm với những xác chết cứng đơ giữa đồng không mông quạnh. Luật mong tìm làn hơi ấm bên người lân cận, hầu hổ trợ an ủi tinh thần, nương nhờ lẫn nhau. Nào ngờ, khi hoàn hồn, bừng mở mắt ra ngoảnh nhìn lại, anh mới biết đó chỉ là những thây ma. Luật mệt lả người phải bật dậy ra đi, vì sợ hơn vì đói, khát. Phải! Giữa cảnh màn trời chiếu đất, trong tay những người dân không có một cây que để phòng thân tự vệ. Mà cuộc sống vẫn vô cùng mong manh và hối hả. Con người phút chốc trở thành da bọc xương, bối rối, ngơ ngơ ngáo ngáo, ngố ngố ngờ nghệch. Nhìn họ, anh không khỏi nghẹn ngào bàng hoàng xúc động và cảm thấy họ rất đáng thương. Nhìn thấy đồng bào di tản đông đúc ngược xuôi bần thần như kẻ mất hồn, Luật luôn bồn chồn lo lắng nghĩ tới mẹ, vợ và các con, chẳng biết bây giờ họ ra sao? lưu lạc phương nào rồi! Ngày đêm Luật vẫn cầu nguyện cho gia đình mình, và cả những người đang chạy loạn được an toàn.

Anh chưa biết mò mò đi đâu, và không tri thức giữa những nấm mồ xanh đắp sơ sài tươi màu đất chưa mọc cỏ non. Màn đêm tiếp nối bóng tối và đồng lỏa với mọi tội ác. Đã thế, đêm đêm từng đàn chó hoang ốm đói tong teo gầm gừ cắn xé nhau, tranh giành xương cốt, thi thể thối nát của người di tản nào đó, chúng nhai ngấu nghiến. Luật nghe tiếng kêu rào rạo từ mấy thây ma cứng đơ thum thủm. Bầy chó nhe răng tru hú lên từng hồi hoang dại, dã man, Luật cảm thấy rợn tóc gáy khi đối mặt với tận cùng bi thiết thảm sầu, cay cực. Chiến tranh tàn ác đã lột da con người vô cùng trần trụi, thô thiển đến tận xương tủy. Và, những vết thương hoác miệng từ dĩ vãng, hiện tại, có thể trong tương lai… đã để lại trong lòng Luật những vết thương mãi nóng sốt sôi bỏng, bừng bừng nhói buốt rung lên từng cơn quặn lòng, đau khủng khiếp.

Luật đang nằm thẳng đơ mất hết ý niệm về không gian lẫn thời gian bên mấy xác chết, quả thật bây giờ trông mình vô cảm vô hồn thiệt giống những xác chết. Giữa lúc khốn đốn đau buồn chán nãn và tuyệt vọng nhất, Luật nghe có tiếng người ngồi trong bóng tối rù rì gì đó, có lẽ họ ở đâu vừa mới đến đây thôi. Luật hé mở mắt ra nhìn quanh, thì nghe họ nói với nhau:
- Hai đứa mình vô trong Tiểu Khu, may ra còn có xe chạy về Nha Trang chăng.?
- Ông ơi! biết đâu ngoải cũng bị mất rồi.
- Còn nước còn tát, chưa đi làm sao biết.
- Nhưng ra Nha Trang... có phải là mình lại đi xa hơn... nữa à?
- Làm sao bây giờ! Phải đi ra hướng ấy thôi.
- Ông điên à? từ Phan Thiết về Sài Gòn gần hơn.
- Không nghe hồi nãy dân họ nói hướng đi Long Khánh tiêu rồi sao!?
Hai người đó im lặng một lúc, có tiếng nói tiếp:
- Vậy nên đi Nha Trang, dù sao ở đó cũng có tàu, thuyền, hoặc máy bay. Tôi có bà con ở đó.
Luật vui mừng như đã gặp đồng hương, anh ngồi bật dậy:
- Anh bạn nói phải.

Hai người đàn ông kia sửng sốt giật mình, toan đứng lên vùng chạy, vì họ nghĩ Luật cũng là một xác chết cứng đơ, hoặc ít ra là một người lạ, có thể là "dân cướp cạn" cũng nên. Luật bò bò qua bên kia góc tối trong căn nhà hoang, thì ra anh nhận diện được một người quen sơ giao trong lúc đoàn quân Đà Lạt triệt thoát. Thế là ba người đàn ông chạy vô Tiểu khu, cũng may họ xin đi ké xe GMC ra Nha Trang.

Tới Nha Trang, trước tiên Luật ghé qua nhà Oanh, thì anh rất vui mừng được biết mẹ, vợ con mình đã an toàn lên máy bay vô Sài Gòn rồi. Luật hỏi tại sao Oanh và gia đình không di tản? Oanh đã trả lời giống y như nàng đã nói với bạn. "Không thể đi đâu hết vì ở nhà còn ông bà ngoại già hơn 90t, còn cha mẹ và... không biết bỏ nhà cửa mà đi đâu!" Oanh gói cho Luật một bịch xôi đậu xanh, Luật e ngại cầm mà bùi ngùi bỏ trong túi xách nhỏ. Hai ông bạn mới quen đứng bên góc đường Hồng Bàng chờ Luật trong giây lát.

Thấy nhau rồi, họ đi từ nhà Oanh ra mé biển chưa đầy năm phút. Thành phố Nha Trang càng đông người kinh khủng. Quan sát khắp nơi, biết tình trạng nầy nếu chờ tàu lớn, hoặc máy bay quân sự hay dân sự gì cũng không xong, nên họ bàn tính với nhau hồi lâu, rồi quyết định thuê ghe buôn của thường dân đi vô Vũng Tàu, cho chắc ăn. Ba người đi rảo quanh bãi biển Nha Trang tìm thêm người có thể chung nhau tiền lộ phí. Sau đó họ ra xóm Bóng và mướn ghe đánh cá nhỏ, ghe nầy đang chuẩn bị chuyển hàng về Bà Rịa hôm nay. Đi Bà Rịa cũng tốt, miễn sao về gần thủ đô là mừng. Đúng là may mắn!

Mặc cả giá tiền cho tám người đàn ông cũ và mới chung chuyến đi, ai nấy tự động móc tiền túi ra đóng cho chủ ghe xong xuôi, họ mừng rỡ lên ghe. Sợ chủ ghe ra đi bất ngờ, nên không có ai kịp mua gì phòng hờ, may mà có bọc xôi đậu xanh chắm muối mè Oanh đưa cho Luật, anh lấy ra chia cho tám người đồng hành, mỗi người chỉ nhón một ít xôi cỡ bằng trái chanh mà e dè ăn ngấu nghiến. Họ còn đói, (nhất là Luật đã chưa có hột cơm nào từ hơn hai ngày qua) và khát kinh khủng, nhưng tám người bó tay chịu trận. Trên ghe bây giờ cộng thêm ba người cha con chủ ghe ấy, thì có tất cả mười một người đàn ông. Khi ghe đã êm ái bình an ra khỏi cửa biển Nha Trang, và lướt xuôi về hướng Phan Rí cửa, qua Hàm Thuận Bắc, Bình Lâm rồi tới gần Mũi Né khoảng 20 hải lý, thì chủ ghe dỡ chứng trở quẻ, ông ta viện cớ:
- Tui sợ ngoải cũng lộn xộn, chẳng ai mua hàng, tui muốn quay ghe về Nha Trang.
Mọi người chưng hửng! Đức, người đi trong nhóm Luật nói:
- Ông giỡn chơi à! Ông muốn gì?... Nói.
- Tui không đủ xăng chạy tới bển.
Tâm cười gằn:
- Ông muốn chúng tôi đóng thêm tiền, để ông mua thêm xăng chớ gì?
- Phải.

Mấy người đàn ông thuê bao ghe nhìn nhau, rất bực tức nhưng "đã lỡ đò rồi"... nên họ hí húi móc tiền ra, kẻ nhiều người ít, gom tất cả thêm 95.000 ngàn đồng nữa, nộp cho chủ ghe. Thế mà tên nầy vẫn không chịu. Bình (là người quen đã đi chung với Luật từ Đà Lạt) định móc thêm tiền ở túi kia, để "dâng" cho tên chủ ghe. Nhưng Luật ngăn lại, thì thầm:
- Anh điên à. Từ đây đến Sài Gòn... còn nhiều đoạn phải chi trả. Để đó.

Luật lột đồng hồ Omega và chiếc nhẫn cưới ở trên tay ra, để xuống sàn, anh móc củ súng colt 45 đeo ở nách ra, cầm lên:
- Chúng tôi mặc cả sòng phẳng và rõ ràng với anh trước khi lên ghe rồi. Chúng tôi đã hào phóng tặng thêm cho anh rất nhiều, nhiều tiền hơn số tiền mà anh đã định giá. Từng ấy... anh chưa hài lòng sao? Thế thì, bây giờ anh có muốn nhận thêm đồng hồ, chiếc nhẫn cưới của tôi. Hay là anh thích nhận khẩu súng lục nầy, mới hả dạ. Hở?

Tất nhiên... tên "cướp cạn" kia không thể ngờ là trong người Luật còn có "củ súng chết người" đang bị cái áo lạnh che phủ bên ngoài. Hắn lại nhìn lom lom sợi dây chuyền hai lượng vàng y chói lói lấp lánh ánh mặt trời rọi lại, nó đang lung linh lủng lẳng trên ngực trần của Luật, mà thèm... ứa nước miếng.
Thanh nói như hét:
- Ông là một thằng hèn hạ, không có tình đồng loại, bộ ông muốn chết tiệt vì hám của hả!

Hắn xanh mặt cúi đầu chẳng dám trấn lột thêm tiền, mà liếc liếc, riu ríu len lén run run lượm cái đồng hồ, theo lệnh của Luật:
- Anh phải cầm lấy cái đồng hồ của tôi, giữ làm kỷ niệm, mà nhớ đời. Nha.

* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
04-17-2017, 08:17 PM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1/1492460178-a.linh 63 cong thuongbinh.jpg

Niềm Đau Tình... Đời


Thứ Năm, ngày 19 - 4 -1975.- Trên con đường hẽm hầm hập nóng và bẩn thỉu, bước tới đụng người bước lui đụng người chen lấn nhau, vì ngay ngoài hiên nhà nầy là chỗ người khác xin ngồi nhờ, bán mua ồn ào náo nhiệt sát chợ Nghĩa Hoà. Bà cháu mẹ con tôi đùm túm dắt díu nhau trụt xuống hai chiếc xích lô rẽ vô nhà anh chị Tạo (anh cùng cha khác mẹ của chồng tôi). Mọi người ở trong nhà sửng sốt, nhốn nháo giây lát, rồi họ hét lên, ríu rít mừng rỡ chào đón chúng tôi. Chuyện trò xôn xao hỏi han nhau đủ mọi thứ nghe rôm rã. Phút chốc buổi cơm chiều đơn sơ dọn ra.

Nhà anh chị Tạo chật như nêm, căn nhà rất tối tăm, lụp xụp, chen chân không lọt trong một chu vi quá hẹp: 3m x 8m, ngoài trời đã nóng trong nhà càng nóng hầm hập, quá khó chịu. Bếp sát bên một cầu tiêu nhỏ xíu đang bị nghẹt ứ cứt đái trôi lềnh bềnh, xông lên mùi hôi kinh khủng. Trong nhà, vợ chồng con cái họ đã là mười hai người. Cộng thêm bảy người em họ là chú Hồng di tản từ Ba Mê Thuột về đây cả tuần. Nay có thêm sáu người chúng tôi về tá túc nữa. Thật đông hết biết. Chúng tôi trải chiếu nằm xếp lớp bên nhau ngổn ngang như cá mòi trên gác xép tối om, thấp lè tè nóng như trong lò lửa. Anh Tạo chia cho bà nội ngủ với chị Tạo ở nhà dưới.

Ngay hôm sau gửi cháu cho bà nội trông coi, tôi đi xe bus xuống đường Trần Cao Vân vào trình diện Nha Học Chánh. Giờ cao điểm thì có hàng chục ngàn xe đạp, xe Honda… chạy thành giòng không bao giờ dứt, trên những con đường luôn luôn đông như nêm đến công sở, đến trường học, hay tan trường sở. Trên lề đường chen lấn cả ngàn người đi bộ, với kẻ gồng người gánh bán hàng rong, họ lấn chiếm ra lòng lề đường vô số kể người là người! Trình diện tại phòng Giáo-dục, tại đây tôi gặp lại hầu hết bạn bè ở Đà Lạt. Không ngờ họ lanh tay lẹ chân đến trình diện trước tôi cả tháng, họ hay hơn tôi nhiều.

Tôi làm giấy tờ chờ truy lãnh mấy lương tại chỗ. Thế là, ngày ngày tôi phải đến phòng nhân viên trình diện có mặt, và chờ đợi mọi tin tức cập nhật. Nếu ngày nào tôi không đi trình diện, thì coi như tôi bỏ nhiệm sở và bị sa thải. Tôi làm đơn xin về dạy một trường nào đó gần khu Ông Tạ. Nhưng hầu như không ai có thì giờ để lo cho đám giáo chức lao nhao khổng lồ ùn ùn kéo về Sài Gòn lánh cư nầy cả. Tình hình chung trong cư dân Sài Gòn xét ra rất phức tạp, hỗn độn, rối loạn lắm.

Mang tiền lương về nhà, tôi liền đưa chị Tạo ba chục ngàn đồng, để đóng góp chung vào tiền chi phí ăn uống. Chúng tôi ở nhà anh chị Tạo chỉ được ba ngày vui vẻ thôi. Mấy đứa con tôi lạ người lạ chỗ, đi ra vấp người đi vô đụng ngưởi, đêm cũng như ngày không biết làm gì, các con cứ đứng quanh quẩn bên bà, liền bị anh Tạo quát mắng la rầy, đuổi chúng đi ra xa bà, không được quấy rầy bà nội. Anh Tạo không biết rằng các con tôi quyến luyến yêu thương bà nội, ưa gần gũi bà nội còn hơn cha mẹ nó. Ở Đà Lạt suốt ngày các cháu chơi đùa với nhau, quanh quẩn bên bà nội, nên họ đuổi chúng đi không cho đứng gần bà nội.

Đuổi chúng đi! chúng đi đâu bây giờ! ở trong nhà nóng kinh khủng và chật chội, đứng thôi cũng chạm người khác. Đi ra ngoài hiên nắng và nóng, càng không có chỗ chen chân, những thúng mẹc chất đầy hàng hoá và người bán ngồi trên vĩa hè nhà chị. Anh chị không nghĩ đến điều đó ư? Ở nhà anh Tạo con cái tôi cũng không yên thân. Anh ta bắt tôi phải bế bé Tồ đi xe bus đi trình diện ở Nha đông nghẹt người. Nơi đây chỉ có người lớn, đàn ông đàn bà. Tuyệt nhiên không có một đứa trẻ nào có thể giam mình trong những căn phòng chật cứng người to lớn đi lại. Thế nên, tôi bế con đi trình diện Ty được ba ngày. Hôm sau, tôi đành để bé Tồ ở nhà. Hôm ấy từ Nha Học Vụ trở về nhà, đứa lớn chưa đầy 6 tuổi đón tôi ở ngoài đường:

- Mẹ ơi! Ở nhà bé Tồ đói bụng, em đòi ăn cơm. Bác không cho em ăn. Bác lấy roi mây đánh mấy anh em con. Bác nói:
- “Tụi bây phải dắt em đi chỗ khác, phải cõng em đi chỗ khác, không được về nhà. Khi nào con mẹ mày về, thì cõng nó về. Nó quấy bà”. Con bị đòn, đau quá mẹ ơi!
Trời! Chị Tạo có đứa con mười tháng tuổi, chị vẫn bế nó suốt ngày nằm trên võng, mà hễ ngưng đu đưa võng, là nó khóc thét lên, vì nóng đó. Thì sao? Tôi vạch lưng mấy đứa con ra, quả thật có lằn ngang lằn dọc đỏ bầm trên lưng và mông đít con. Tôi hầm hầm về nhà, ôn tồn hỏi bà nội, me đáp:
- Phải. Me tính xới cơm cho bé Tồ ăn trước, vì nó đói. Nhưng bác la me:
- “Bà cứ chìu, cho chúng nó hư. Đánh bỏ mẹ chúng nó đi”.

Tôi nghe mà vuốt giận chịu nhục, tôi có ý muốn cố ở nhờ trong nhà họ, thì tiện cho việc đi trình diện Nha Học Vụ. Tôi biết anh chị Tạo lòng dạ hẹp hòi, ích kỹ, nhỏ mọn, họ ghen ghét mẹ con tôi (vì mẹ ân cần săn sóc thương yêu các con tôi). Dĩ nhiên là bà nội phải thương các cháu nầy, hơn các cháu con của họ, bà sống với chúng tôi bao năm nay có sự quyến luyến yêu thương nhau. Trong khi vợ chồng họ chẳng chăm sóc yêu thương gì bà mẹ ghẻ, họ không ở với mẹ kế ngày nào. Tại sao ganh ghét lạ vậy? Chỉ một chuyện nhỏ nầy: khi thấy tôi ủi áo dài để đi trình diện, thì hôm sau anh chị dấu cất cái bàn ủi trong tủ, khoá lại, sợ hao tốn điện. Tôi hỏi mượn bàn ủi, chị nói:
- “Xím” ủi xong là phải cất đi. Mất rồi.
Tôi nhìn mấy đứa con anh chị, là biết ngay chị nói dối. Nhưng chị cứ buộc tội là tôi để bàn ủi hớ hênh, nên mất rồi. Nghĩ thật tức cười! Ủi đồ trên gác xép kín như bưng thế nầy, chỉ có vài cửa sổ nhỏ xíu, có lưới mắc cáo và chấn song sắt bọc ngoài dày cui, trên gác không có cửa lớn ra ngoài, trần nhà lợp tôn. Con chuột lủi vô nhà e còn chưa lọt. Còn tên trộm có muốn ăn cắp, ăn trộm... thì phải vào nhà dưới, rồi nó mới leo lên cái thang dựng đứng đặt sát bên chiếc giường rộng, là nơi chị ta nằm đưa võng, cũng là nơi tụ tập thường xuyên không dưới mười người. Tên ăn trộm có giỏi cỡ nào, có tài thánh gì hoá thân mà bay, cũng không thể lọt qua ba bên bốn bề trong nhà!

Sau ngày bị vu khống tôi làm mất bàn ủi, thì hôm nào đi trình diện tôi cũng mặc quần áo nhàu nát. Thật xấu hổ cho một giáo chức “chỉnh tề”. Hể tôi đi vắng thì thôi, về nhà là có đủ thứ bực mình: Bác Tạo hết đánh đứa nầy, phạt quỳ đứa nọ, giam đói đứa cháu khác, tôi không ngờ “tình khúc ruột thừa thịt dư” nầy, thua xa gia đình ông bà Niềm, cô Thúy Lan, cô Oanh ngày cũ ở Nha Trang, khiến tôi bực tức không thể nào chịu nỗi. Một buổi trưa trời nóng như thiu đốt, nắng chói chang từ trên xe bus trụt xuống, tôi đã thấy bé Dzũng, bé Huy, bé Tuấn cõng bé Tồ cùng đứng ở trạm xe. Dưới đất, bé Bi đang ăn củ khoai lang còn dính đất. Sợ mất hồn mất vía, sợ các con đi lạc, hay bị bắt cóc, tôi vội chạy tới bế bé Tồ. Mấy đứa con mặt mày lem luốt, đều khóc:
- Bác Tạo đuổi tụi con đi. Bác nói:
- “Chúng mày chỉ giống con mẹ mày. Lo cút xéo đi cho rãnh mắt tao”.
Con đã trả lời:
- Con thì phải giống cha mẹ.
Bác Tạo ông liền lấy cái roi da cá đuối treo trên tường, bác quất vào lưng con. Bác nói con dám “trả treo”. Em Tuấn thấy bác đánh con, chạy tới can. Bác cũng quất túi bụi vào em nữa. Hụ hụ hụ...
Nói xong, hai con lớn oà khóc và vạch lưng, tụt quần xà lõn ra cho tôi xem. Nào lằn ngang, nào lằn dọc từ trên lưng xuống mông, bầm tím hơn lần con bị bác cho ăn roi vọt trước kia. Bác đánh cháu nhỏ còn hơn tra tấn quân thù.
Tôi hỏi bé Tồ:
- Tại sao con khóc, để anh bị đòn oan.
Con chỉ vào bụng và bập bẹ nói:
- ...ói… b…ụng.

Tôi giận run và nghĩ: “Yêu nhau yêu cả đường đi. Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng”. Các con quá đói khổ rồi, chẳng lẽ cứ bị khổ sở, đánh đập vô cớ hoài sao. Có lẽ mình nên dời đi chỗ khác sống thì hơn. Tôi ẳm bé Tồ, tay dắt bé Bi về nhà. Các con sợ sệt lẽo đẽo theo sau, len lén núp sau lưng mẹ. Thấy họ, trong lòng tôi tức giận sôi lên. Chẳng thà họ cứ thẳng thắng nói “không cho gia đình tôi ở nhờ”, tôi có lòng tự trọng, sẽ dọn đi ngay. Họ không nên kiếm cớ nầy cớ nọ, mà đánh đập chưởi đuổi chúng tôi đi, làm cái ngữ nầy, ai chịu cho thấu! Tôi đã mất tiền đưa cho họ rộng rãi thoả đáng, ăn ở chưa trót sáu ngày. Chứ có phải chúng tôi ăn chực ở chùa đâu. Chắc họ muốn “vòi” thêm tiền? Họ nghĩ xưa kia gia đình mình nổi tiếng giàu có, mà quả thật trước khi chạy giặc, tôi có xe hơi nhà lầu, hôm nay tôi keo kiệt “trùm sò” không chịu rỉ thêm tiền ra hậu hỉ! Họ đối xử không tốt, quá tệ là đằng khác, thế mà chúng tôi phải mang ơn mang nghĩa.
Con cháu mới lên ba lên năm, nếu có lầm lỗi, thì bắt nó nằm xuống, răn dạy nhịp nhịp cái roi vô mông, cũng đủ cho chúng sợ mất hồn mất vía rồi. Tôi cám ơn không hết, chớ cần chi phải lấy cái roi loại da cá đuối mà thẳng tay quất cháu bị đòn vọt đau đớn, như đang tra tấn cháu?! Chỉ vì: “chúng mày giống con mẹ mày”. Con không giống cha giống mẹ, chẳng lẽ giống ông bà hàng xóm à?

Về nhà đặt bé Tồ xuống thềm, tôi nói luôn một hơi:
- Mấy đứa con em, nếu không đúng, không phải, thì anh chị bắt chúng nó nằm xuống giường mà răn dạy, nếu anh chị dùng bàn tay đánh vài cái vào mông, cũng khiến cháu sợ và đau rồi. Em phục, cám ơn anh chị, không dám nói gì. Nhưng tại sao anh lại lấy cái roi cá đuối quất túi bụi vào lưng, vào cổ cháu vậy? Em hỏi anh: Các cháu có tội gì nặng không, mà anh nỡ lòng hành hạ chúng? Loại roi da cá đuối, nếu ai bị đòn chảy máu, sẽ bị thúi thịt, anh có biết không? Anh chị đánh đập cháu dã man, chỉ vì nó đói, xin ăn cơm. Anh chị coi nè, có được không?

Tôi lôi hai đứa: bé Dzũng và bé Tuấn tới trước mặt họ, tôi khóc và vạch lưng, vạch mông, hai cánh tay con lên, cho cả nhà xem. Bà nội lúng túng nói:
- Thằng Tồ đói bụng. Bác mày chưa nấu cơm. Tao bế nó dỗ cháu tị, nó nín í mà.
Anh Tạo đốp ngay:
- Bà không việc gì phải thí dỗ cho chúng hư đốn, quen đi. Quấy không ai chịu nỗi. Lúc nào mặt mũi cũng đỏ kè, sãy sài, khóc nhè mãi. Bố ai chịu nỗi sự ồn ào hư đốn, hử!?
Khi đó, tôi không thể nhịn anh ta, tôi vừa khóc vừa gào lên:
- “Lời nói không mất tiền mua.
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Ngoài miệng thì nói nam mô.
Trong lòng thì chứa ba bồ dao găm”. Một ngày anh biết say sưa ăn ba bữa đàng hoàng với rượu đế, thức nhắm ngon lành. Có ngày nào anh không ăn nhậu hử! Cháu anh đói, đòi ăn, anh cấm không cho cháu ăn. Là sao!? Anh đừng ác ôn... như đối với quân thù vậy nhen.
- Bà về đây là để bà nghỉ ngơi. Không phải làm gì sớt.
- Sao anh quá nhỏ mọn vậy? Chẳng lẽ từ xưa đến giờ thấy cháu đói, mà bà không cho cháu ăn. Vã lại, anh chị không nên hẹp hòi vì miếng ăn, tôi đã gởi anh chị tiền cơm nước đàng hoàng, hậu hỉ và đầy đủ. Tôi lầm tưởng mình có bà con ruột thịt, nên về nhà anh chị ở, mong nương tựa lẫn nhau lúc khốn cùng, cho có anh chị, có em, có mẹ có con. Nay anh chị muốn đuổi, thì anh nói. Tôi sẽ đi ngay. Chứ anh chị không được hành hạ các con tôi tàn nhẫn, vô cớ đến thế nha.

Nói xong tôi chạy đùng đùng rầm rầm leo lên thang gác vơ quần áo của các con, tộng vào túi vải cũ, tôi hầm hầm kéo xềnh xệch ba túi vải xuống thang gác. Tôi dặn mấy đứa con đứng chờ ngoài hè, rồi chạy ra ngoài ngả ba Ông Tạ, gọi chiếc xe ngựa vô hẽm, xe ngựa đậu trước cửa nhà. Tôi chất đồ, các con liền leo lên xe. Tôi nói với bà nội:
- Me cứ ở đây cho khoẻ. Chúng con phải đi, không thể ở đây, để người ta hành hạ tàn nhẫn cháu bà như thế được.
Bà nội chưng hửng, ú ớ, ngại ngần, bà không biết tính toán làm sao cho phải phép. Một bên là mẹ ghẻ con chồng, một bên là con dâu cháu nội ruột của bà. Tôi đưa cho bà mười ngàn đồng dằn túi ăn quà vặt. Rồi tôi giận run quay lại, trừng mắt nói với họ, như hét:

- Anh chị tưởng là: nếu chúng tôi không có anh chị, thì chúng tôi không có chỗ nương thân, sẽ chết bờ, chết bụi hay sao? Anh chị nè, mẹ hôm nay và sắp tới có ở lại đây, thì me cũng không phải ăn bám, ăn chực cơm canh nhờ ở nhà anh chị đâu. Khi tôi có tiền, thì anh anh chị chị em em ngọt xớt. Bây giờ tôi sa cơ lỡ vận, thì anh chị muốn trở mặt dở dóc đủ điều, tệ mạt, khốn nạn hết chỗ nói. Người dưng thật ra còn tốt hơn anh chị. Anh chị cư xử thua kém gia đình bà Niềm xa lạ ở Nha Trang, họ đối với chúng tôi rất tốt. Không tin, anh cứ hỏi me, thì rõ. Phần mẹ, mẹ cứ yêm tâm ở lại nhà nầy ăn uống thoải mái, vì con đã trả tiền cơm cho nhà mình ăn no cả tháng. Anh chị không phải nuôi me nhá. Sau nầy anh chị đừng kể công là: khi tôi ra đi, đã để gánh nặng lại cho nhà anh chị lo.

Vừa nói, tôi giận dữ móc túi quăng ra thêm nắm tiền vung lên trên giường, ngay dưới chân chị Tạo (chị đang nằm ru con trên võng móc ngang giường). Tôi chỉ ném ít tiền lẻ khoảng hai ba ngàn thôi, chứ ngu gì tôi móc cục tiền lương vay trước ba tháng thật to ra quăng vào mặt họ. Bộ điên mà ném tiền hết, để mẹ con tôi lưu lạc bị chết đói! Cứ chưởi một trận cho đã, rồi từ nhau là vừa. Chính tôi cũng không ngờ tại sao tôi trở nên hung dữ đanh đá như thế! Tính nết tôi bình thường biết giữ thể diện, sợ xấu hổ không mấy khi to tiếng. Nhưng nay đụng chuyện “quá độ”, quá trí khôn rồi, thì tôi cóc cần, cóc sợ ai. Có phải do tôi thấy các con đít bị rỉ máu, lưng sưng húp bầm thâm thì… “máu chảy ruột mềm” chăng? Nếu biết tình nghĩa “bà con lạt hơn nước ốc” như thế nầy, chẳng thà chúng tôi ăn ngủ ở đầu đường xó chợ cho xong, chẳng phiền ai, các con không bị hành hạ khổ sở thế nầy. Mỗi khi tôi thò mặt về nhà nầy, thì tôi nghe đủ thứ chuyện đinh tai nhức óc, muốn điên đầu. Nay, tôi đùng đùng túm đồ đạc dẫn các con ra đi họ ngẩn tò te và im phăng phắc. Có lẽ họ không ngờ là tôi dám làm chuyện động trời như thế. Họ cũng mắc cỡ với hàng xóm láng giềng đang bu lại đông đúc xem tuồng chăng?

Con ngựa hí vang, nó đứng ngoài trời nắng chang chang, bốn vó nhịp nhàng dậm trên mặt đường kêu lóc cóc. Tôi leo lên xe ngựa, năm mẹ con ra bến xe đi Hóc Môn. Các con tôi hí hửng mừng rỡ reo vui khi lần đầu tiên được ngồi xe ngựa. Cũng như được thoát ra khỏi căn nhà nóng hầm hập, chật chội và nhất là luôn bị bác Tạo của chúng nó trù dập, tra khảo, đánh đòn cháu tươm máu đít, vì những chuyện không nguyên cớ chính xác. Dẫu chúng chưa biết rồi đây miền đất mới sẽ cho chúng ấm no, hay đói lạnh thế nào. Nhưng chúng biết chắc chắn rằng đã thoát ra nơi tột cùng kinh dị, là các con vui mừng rồi.

Tôi thương các con lắm! Khi mấy mẹ con trụt xuống xe đò Sài Gòn Hốc Môn, thì tôi thấy hai cháu Sơn, Nhân đang đứng chơi ở ngoài ngả ba trại Lam Sơn (Thành ông Năm). Chúng tôi mừng rỡ ôm nhau mà khóc ở ngoài đường. Tại nhà chị Sáu (chị mẹ goá con côi có năm người con: ba đứa con trai lớn đi lính. Hai đứa nhỏ dưới mười lăm tuổi đi học). Trong nhà nầy có gia đình chú Ri (là em ruột chồng chị, gồm mười hai người từ trên Tây Ninh chạy loạn về đây tá túc.

Nay có thêm sáu người chúng tôi, vị chi trong nhà chị Sáu có tất cả là hai mươi bốn người lớn bé đông đúc, ngày đêm chui ra chui vào ở một căn nhà nho nhỏ của trại gia binh. Tối tối mọi người cùng trải chiếu ra nằm la liệt trên nền xi măng đã lau chùi sạch sẽ, hoặc nằm ra ở ngoài mái hiên mà ngủ. Tôi góp tiền với hai gia đình kia đi chợ nấu ăn chung. Mỗi bữa ăn chia ra làm hai mâm to: Một mâm người lớn. Một mâm trẻ nhỏ đông đúc, nhất là bầy con của chú thím Ri lút chút lít chít nheo nhóc la khóc suốt ngày đêm.

Mặc dù góp gạo nấu cơm chung, nhưng phần ăn thì họ chia không công bằng. Ví dụ như các con tôi họ xới chén cơm rời rời xôm xốp, nhưng con chú thím Ri thì họ (tự tay thím Ri phân phát) xới chén cơm ém thật chặt xuống đáy chén, ở bên trên họ chêm cho rời rời, và múc nhiều thức ăn cho các con họ thứ nào ngon. Miếng ăn là miếng tồi tàn mà, chấp nhứt làm chi! Tuy biết vậy đầu óc tôi không căng thẳng, mà có phần thảnh thơi được ít ngày. Tôi ăn cơm ngon nhưng luôn mất ngủ, vì kể từ khi rời Đà Lạt di tản đến nay, tôi sống trong cảnh màn trời chiếu đất, nằm lăn lóc ở bụi bờ, không giường nệm êm mền ấm như ở Đà Lạt. Vì thế, khi đặt lưng xuống chiếu là toàn thân đau nhức rần rần. Những đau khổ kể trên, khiến cho tôi nhớ lại thuở còn ở Đà lạt... mà khóc ròng! Mỗi ngày tôi bế con ra ngoài ngả ba Lam-Sơn Hóc-Môn, thì thấy xe GMC từ ngả Trảng Bàng– Tây Ninh chở binh lính đầy nhóc trên xe, xe nườm nượp chạy đi chạy về trên quốc lộ nầy tấp nập. Thỉnh thoảng súng lớn đạn nhỏ từ trong Thành Ông Năm câu đi đâu đó uỳnh uỳnh uỳnh… làm rung động cả góc trời.

Tôi ở nhà nầy một tuần, thì Luật ở Đà Lạt đã chạy thoát về Sài Gòn, ở nhà anh Tạo hai hôm Luật mới đến nhà chị Sáu, mặt anh hầm hầm coi hung dữ như muốn ăn tươi nuốt sống tôi. Dĩ nhiên Luật ghé nhà anh chị Tạo ở Sài Gòn trước, và anh đã nghe họ “tả oán” về mẹ con tôi đủ thứ chuyện xấu, (người ta nói sau lưng mình, dĩ nhiên mình xấu, họ tốt; trước khi Luật nghe vợ con phân bày phải trái). Luật là người đàn ông độc đoán, gia trưởng, kẻ cả, ít khi anh lắng nghe điều hay lẽ phải, anh không nhìn các dữ kiện, mà chỉ nhìn sự kiện đã xảy ra, rồi vội vàng kết luận. Tôi vừa mừng rỡ vừa sợ. Phải! Thú thật là tôi rất sợ chồng. Luật có “cái uy” để anh “trị” tôi. Luật tức giận ngồi phịch xuống sofa, anh nói như hét trước mặt mẹ con chị Sáu, gia đình chú Ri, và mẹ con tôi. Anh khóc hụ hụ:

- Em tưởng là tôi bị kẹt lại Đà Lạt, thì tôi không thể thoát đi được, hay tôi đã chết rồi. Em làm kẻ tình lờ không bao giờ gặp lại tôi hay sao!? Nên em lo từ bỏ họ hàng của tôi cho sớm. Hử?

Thím Ri tỏ vẻ khoái chí, lết đít xích lại gần Luật để nghe rõ cho biết chuyện riêng tư. Đại loại là thím tưởng giữa tôi và Luật có “sứt mẻ” vợ chồng gì đó. Thím là hạng đàn bà ưa tò le mách lẽo, tọc mạch tò mò nghe ngóng chuyện người khác, ưa đưa chuyện. Chị Sáu thì chưng hửng, ngạc nhiên không hiểu chuyện gì xảy ra. Nhưng chị tôi ôn tồn, khéo léo an ủi vỗ về Luật:
Cây khô nghe sấm nứt chồi.
Đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương.
Cãi nhau là chuyện bình thường.
Cãi xong tâm sự trên giường cả đêm. (cd)
_ * ** _

Khi bình tĩnh đôi chút, Luật từ tốn kể lại chuyện anh chạy nạn từ Đà Lạt về Cam Ranh, Nha Trang, anh đi bộ nhiều ngày rất khổ sở điêu đứng gian truân không tả xiết vô Sài Gòn, những điều rùng rợn không sao tả hết vào giờ phút cuối. Ở lại nhà chị Sáu hai ngày, sau đó Luật thu xếp cho vợ con lên Sài Gòn. Chúng tôi đến ăn ở tạm tại nhà dân biểu Tony Tẻh. Bởi Luật thường đi công tác với ông bà dân biểu Thượng-Viện, Hạ-viện, Nghị-viên, Luật về hội họp.

Nói chung, Luật chí tình nhiệt tâm với bạn, không quản ngại bỏ tiền túi ra, bao cho bạn đến bến đến bờ. Nhất là Luật đã chu toàn, ráo riết lo vận động cho anh bạn thiểu số Toneh Tẻh đắc cử dân biểu vào quốc hội, làm tôi mệt lắm. Trong thời gian Toneh Tẻh vận động tranh cử, tôi luôn “hầu bạn” cơm ngon canh ngọt, cá tươi chiên dòn, thịt heo kho trứng vịt, thịt bò lúc lắc, bún bò giò heo, bánh xèo, phá lấu, xôi thập cẩm tự nấu, vân vân... Các thức ăn để trên bàn có lồng bàn đậy kín hẳn hoi, (hoặc chờ họ về mới hâm nóng). Mẹ con tôi ăn cơm trước, họ không bị mẹ con nheo nhóc nầy quậy phá ồn ào. Khi nào “hai ba bốn ông tướng” ấy về, thì họ vui vẻ ung dung rỉ rả ăn uống no say, nói chuyện thời sự, chuyện chiến tranh, chuyện thế giới, kể cả chuyện tiếu lâm.

Đôi khi Tẻh ở dưới quê tại Đơn Dương bất ngờ vào nhà tôi nghỉ ngủ. Dù sớm hay muộn, thế mà tôi phải bò dậy ra vườn rượt bắt con gà, (con vịt), vô bếp cắt cổ, mổ bụng con gà (hoặc con vịt), làm thức ăn hầu tiếp bạn của Luật, tôi lo cho bạn vài năm như thế. Gia đình Tẻh nghèo lắm, không thể có tiền đi vận động đây đó xã giao. Thế là Luật đứng ra làm đầu tàu (trong một nhóm bạn thân nhiệt tình lo cho Tẻh đầy đủ hết biết). Họ lo cho cá nhân Tẻh lên danh phận có chức có quyền đã đành.

Ấy thế mà cả gia đình vợ con (đông đúc những mười bốn mạng) của Tẻh, thì nhóm Luật xoay xở đi xin tiền các nhà hảo tâm, ân nhân, xin ở trại cưa, chủ đồn điền… đâu đó, hầu cung ứng cho gia đình Tẻh mỗi tháng. Tẻh hứa hẹn chắc chắn khi đắc cử thì anh sẽ… “chu đáo lo cho dân”. Nhiều tháng qua nhóm người nầy (Luật, Ngọc, Minh, Trí, Cương, Tâm), không đi xin ai được, họ cùng nhau ứng tiền túi ra đưa cho Tẻh. Rồi như “thông lệ” cứ đến tháng thì bà vợ của Tẻh đến nhà tôi lấy tiền. Bà chị nói:

- Chị ui! Ông Tẻh ra đi, có nói tui đến nhờ bà chị giúp tiền mua cơm gạo. Nhà tui hết sạch mọi thứ rồi.
Ông bà Tẻh làm y như tôi là ngân khố, kho gạo, vựa lúa, tôi có bổn-phận-sự, trách-nhiệm-vụ lo cho gia đình họ ấm no!? Nói với chị Tẻh thiểu số nầy hoài, thật mệt. Vì chị ngu ngơ dấm dớ mà khôn vặt không chịu thông cảm, chị cứ đứng ù lì… ù ù cạc cạc ranh ma, ì thộn ra đứng chần dần cả buổi trước cửa, chị không dám hay không chịu vô nhà. Nói nào ngay nhà tôi “nom rất bề thế” ở mặt tiền đường Đoàn Thị Điểm ba tầng lầu đúc bê tông cốt sắt, nền láng gạch bông bóng lưỡng, đầy đủ tiện nghi, rộng 5m sâu (dài) 45m phủ bì, còn dư 10m cho sân sau rợp bóng cây. Chị Tẻh cứ đứng hoài đứng hủy chờ đến khi nào tôi văng tiền, văng gạo (hoặc văng “cái nhu cầu của chị”) ra, thì chị mới chịu đi.

Lối xóm người quen đi qua nhà tôi, họ ưa thắc mắc cứ tưởng tôi mắc nợ ù lì không chịu trả cho bà ta. Thật là mất mặt của “nợ oan gia” ngàn kiếp vì Luật mê bạn hơn mê vợ con. Chị Tẻh chả hiểu rằng “anh chị Tẻh” đối với riêng tôi không là cái đinh, cái thá gì. Vậy mà, tôi phải cắn môi bặm miệng nghiến răng trèo trẹo để “giao hảo” vì danh dự và “lệnh lạc” của đức ông chồng quá hảo tâm! Có nhiều lần, Luật về nhà nói tôi đưa tiền cho Tẻh “mượn”, để anh ta đi lo công chuyện: áp phe áp phẩy chi chi đó. Vài ba lần đầu, tôi bấm bụng lấy tiền lương của gia đình trích ra đưa cho Tẻh mượn. Nhưng hôm nay, tôi biết là trong tủ chỉ còn đủ tiền đi chợ nửa tháng. Nếu đưa cho Tẻh mượn nữa, thì có lẽ nhà mình nhịn đói vào tuần cuối tháng mất (đưa cho Tẻh mượn hoài, coi như chả bao giờ ảnh nhớ trả nợ)̣. Tôi làu bàu:
- Làm như nhà mình là kho bạc, hay có tiền núi sao?
Tôi không chịu xì tiền ra, thì Luật cự nự, mắng nhiếc tôi:
-“Lên chùa thấy bụt muốn tu.
Về nhà ngó vợ muốn xù em ngay.
Bấy lâu vắng mặt khát khao.
Bây giờ thấy mặt muốn cào mặt ra” (1)

- Người gì mà ngu lạ, chỉ biết tham tiền, phải thả con tép mới câu được con tôm hùm. Em có tiền là mờ mắt, chả biết giúp người hoạn nạn lâm nguy.
Úi cha! trong lòng tôi ức lắm, giận sôi lên. Tôi đi dạy về mệt đừ, vì lo làm cơm và giặt quần áo dưới bếp, nghe anh nói mà hai tai lùng bùng, mắt tóe lửa, giận run. Bỗng dưng ở đâu Luật vất vả mời, rước, cõng, tha “cái nợ đời bạn với bè” về nhà nầy! Đã một thời tôi khốn đốn bơ phờ vì anh Trí mượn tiền của mình ở Cam Ranh, đến nay coi như xù độ rồi. Luật chưa tởn mà, anh vẫn bận tâm vì bạn, làm điêu đứng vợ con quá sá vậy hổng biết!? Tôi chưa kịp phản ứng, thì Luật nhảy tót một lần hai bậc cấp lên lầu, vào phòng ngủ, anh móc túi quần lấy chìa khoá mở tủ rột rột, Luật gom tiền và hầm hầm đùng đùng bỏ đi một nước. Bạn là trên hết, bạn là số một của đời Luật mà.

Tôi đứng dậy vội lau khô tay, lật đật leo lên cầu thang, chạy vô phòng, mở tủ ra kiểm: trong tủ vòng vàng xuyến nhẫn còn nguyên, duy chỉ còn vài ngàn đồng thì có thấm vào đâu so với nửa tháng chợ!? (không kể nếu có những bất trắc, ốm đau, thuốc men, mua sữa cho các con, hay những chi tiêu vặt cần trong gia đình, thì đào đâu ra đây hở trời!?). Tôi khổ hết biết, tức quá tôi đập tay xuống nệm bộp bộp, nằm úp mặt xuống gối, gào lên và bật khóc hù hụ.

Luật vẫn luôn vô tình đến cái độ ấy: “Ai lo mặc ai. Ráng mà xoay xở. Ai chết mặc ai. Tiền nầy tao đem cho bạn bỏ túi”. Thật tình là tháng đó mình ên tôi vắt giò lên cổ chạy ngược chạy xuôi, chạy đi mượn tiền cô bạn, mượn anh chị Tư, để bù đắp vào khoảng tiền Luật đã “xoáy” cho bằng được, mà đem đi cho bạn gây dựng sự nghiệp! Tức cành hông, điên tiết. Ấy thế mà tôi không đành “tình vờ bỏ anh”. Vì sao!?:
Dao phay kề cổ, máu đổ không màng.
Chết thì chịu chết, buông chàng không buông.
Phòng loan trải chiếu rộng thình.
Lăn qua đụng cái gối tưởng bạn mình, anh ơi! (cd)

Nhất là Luật nhiều lần ngọt ngào, đằm thắm nỉ non ngâm những câu thơ trữ tình (vã chăng do tôi mê thơ, mê đàn, mê anh đánh đàn, mê anh hát, và anh đánh trúng yếu điểm tim đen vợ) từ hồi trẻ dại anh theo bén gót chân tôi, bám riết không hề “xa” nửa bước:

Cho tôi hỏi đàn bà là chi rứa?
Là những gì rung động trái tim ta.
Làm cho ta cảm thấy nổi da gà.
Là gặp gỡ, xốn xang, là tiếng sét...

Là hợp “gu” vì cùng chung tính nết (!?)
Là âm thầm nhung nhớ lúc chia xa.
Là nụ hôn. Ôi rợn cả thịt da.
Là ẻo lả vòng tay nhưng rất chắc. (2)

Hoặc có nhiều khi Luật đã âu yếm ôm tôi vào lòng hun hít hú hí, khiến tôi “khoái”:
Tôi xa mình ông trời nắng tôi nói mưa.
Canh ba tôi nói sáng, giữa trưa tôi nói chiều.
Trời xanh bông trắng nhụy huỳnh.
Đội ơn bà ngoại đẻ má, má đẻ mình... dễ thương (cd). Vậy nên tôi đã "trút hết" vì chồng!

Khi Toneh Tẻh đã thành công trên con đường danh vọng rồi, thì anh ta không nhớ những ngày cơ hàn cũ, chẳng nhớ về bạn xưa gì ráo. Tẻh có những “cái ngu lỏi đời đáng sợ” là không nhớ ai đã nhiệt tâm trong những cuộc vận động ráo riết ấy, do ân nhân, thân nhân âm thầm ưu ái đóng góp sức lực, tiền bạc giúp anh? Những người đã hy sinh hạnh phúc, gia đình và có thể nói là cả tính mạng nữa.

Tẻh quên hết chuyện nợ nần gia đình vợ con ở Đà Lạt, mặc ai lo gì thì lo. Ra sao thì ra. Tới đâu thì tới. Tony Tẻh ở Sài Gòn làm dân biểu mới chỉ bốn năm tháng đầu, Tẻh đã “quơ” ngay một cô “Ba Tàu tình hờ”, dẫu sao thì cô nầy cũng trắng da dài tóc, mập ú nà ú nần, mắt híp, tươi tắn trẻ trung; (hơn bà vợ Thượng già đen dòn quê mùa cũ mèm của Tẻh). Trong bữa ăn đầu tiên ở nhà hàng Nhất Dạ Đế Vương, Tẻh đã chọc ghẹo nàng tiếp viên:
Trúc xinh trúc mọc đầu đình.
Em xinh em hút thuốc lào cũng xinh.
Nếu mà không lấy đặng em
Anh về đóng cửa cài rèm đi tu (1)
Nàng đi học trường Tàu đã đành, lại biết đọc biết viết tiếng Việt kha khá, liền đối đáp:
Tu đâu cho em tu cùng.
May ra thành Phật thờ chung một chùa.
Phải chi cắt ruột đừng đau.
Để em cắt ruột em trao anh mang về (1)

Tuyệt vú mèo chưa! mây mưa nước nôi “hữu duyên thiên lý tương năng ngộ” nhỉ! Thế là Tẻh mê em tít thò lò, mê em híp mắt, si mê “ẻm” ngay từ “thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Tẻh thèm “ẻm tình hờ” quá cỡ thợ rèn. Cá đã cắn câu do mấy anh xì thẩu cố gài độ,̣ muốn câu móc anh chàng xứ núi già còn “dại gái” tòn ten tỏn tẻn với cô ả ỏn ẻn, ngỏ hầu bọn tài phiệt dễ bề móc nối, xí xa xí xô “làm ăn chuyện lớn” ở nhiều mặt thiết thực khác.

Tẻh híp mắt với danh vọng, lạm dụng tình thân, an nhàn sung sướng riêng bản thân, anh về quê xây một căn nhà đồ sộ, mua nhiều hecta đất, mua đàn bò, và mua một căn nhà gạch xây sang trọng ở cuối đường Hoàng Diệu. Ở Sài Gòn Tẻh mua sắm cho bà bé nầy không thiếu thứ gì sang trọng trong một ngôi nhà thuê bao rộng rãi tiện nghi tại Hoà Hưng. Đầy đủ. Trọn vẹn, Tẻh càng vinh thân phì da sung sướng tê người. Bà vợ bé của Tẻh béo ơi là béo phì, còn trẻ, nói tiếng Việt trọ trẹ, nhưng hiểu nhiều, nói nhiều nói luôn mồm nghe thật tức cười. Hạnh phúc ào ào trút xuống lưng, trút xuống vai anh ta:
Trẻ em thường thích ở trần.
Nhưng mà người lớn muôn phần thích hơn.
Nhớ hôm bụi chuối sau hè.
Giỡn chơi chút xíu ai dè có con. (2)

Năm sau “con đĩ Ba Chệt*” (từ nầy là do bà vợ lớn của Tẻh dám trịch thượng ám chỉ bà nhỏ kia thôi. Còn tôi... có đánh chết tôi, tôi chả dám nào), đã “sản xuất” cho anh ta một con bé ngo ngoe bụ bẫm. Trong khi chúng tôi muốn khuynh gia bại sản. Mỗi lần nghe tin Tẻh về quê, Ngọc, Luật lái xe jeep đến nhà. Tẻh tiếp bạn nhạt nhẽo, gượng gạo, lãnh đạm, ú ớ ù ơ, lầm lì. Nhiều khi Tẻh né tránh không giáp mặt. Người gì mà quá đổi tệ bạc vô ơn đến thế không biết. Hầu như chuyện nợ nần, đền ơn đáp nghĩa những ân nhân, thân nhân Tẻh coi như pha.

Chức phận của Tẻh chỉ là hư danh, thực tế Tẻh chưa giúp ích thiết thực cho cư dân ở Tỉnh nầy và cho đời (nói chung), và anh chả trả nợ ân tình và nợ bạc tiền cho nhóm tôi. Tôi quên nói là sau khi “Tẻh hiền lành” (trên vài khía cạnh nào đó) với tư cách là đồng viên ở pháp nhiệm I và II đắc cử dân biểu, thì bao nhiêu lời hứa hẹn, (nợ nần tiền bạc xưa của Tẻn chưa trả cho tôi), đều bay theo bà vợ bé nầy. Gia đình tôi và các bạn đã gieo lúa trên đá rồi.

Tại nơi nhà Tẻh ở Hòa Hưng hôm nay vừa có thêm gia đình bà vợ lớn và năm đứa con Tẻh gùi những cái gùi to lớn đến lánh nạn. Mỗi buổi sáng bà bé ngủ dậy sau chín giờ, bà ta ẳm con nhỏ hơn một tuổi, (và có cái bụng bầu năm tháng nữa) đi chợ xong, bà bé về nhà quăng giỏ xách cái bạch xuống nền gạch, giống như bố thí.

Thì tôi và bà vợ lớn của Tẻn lo xúm lại nấu nấu, xào xào, chiên chiên vài món ăn. Rồi hai gia đình chúng tôi xúm xít ngồi ăn với nhau. Bà bé không hề ăn, bà chỉ ngồi trên võng ôm con đong đưa, và nhìn ngó chúng tôi chằm chằm, mà nói nói nói... Ăn uống đạm bạc như thế, khiến bà vợ lớn tức giận. Hầm hầm mặt, bà nói nhỏ với tôi:
- “Ớt nào mà ớt chẳng cay. Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng”. Con đĩ Ba Chệt*” nầy đã cướp chồng tôi. Nó cướp hết tiền của trong gia đình tôi. Vậy mà nó cho cả nhà mình ăn uống tầm thường hí. Trong khi ngày ngày nó đi chợ ăn quà, chiều chiều nó đợi ổng về, là nó tót đít đu lên sau xe honda, ôm siết, bu ổng như đỉa, bắt ổng chở đi ăn tiệm sang hà, không phải à, nè:
Bồ hay mơ mộng mông lung.
Vợ rất thực tế vô cùng đáng yêu.
Bồ luôn đòi hỏi đủ điều.
Vợ lo cơm sáng cơm chiều quanh năm.

Bồ chỉ lo chuyện ăn nằm.
Vợ thường chịu đựng cả năm mới tài.
Bồ nào nghĩ đến tương lai.
Vợ lo tính toán chuyện dài mai sau. (2)

Tôi khuyên can hoài, năn nỉ mong bà có thể hòa thuận đôi đàng thân ái xí, nên bà lớn chưa nổi sùng, nguôi ngoa nhẫn nhịn đôi chút. Nhưng tối tối, khi “hai ông già bà trẻ phong lưu” hú hí du dương đi ăn cơm tiệm về, thì ông Tẻh ỏn ẻn chào hỏi bà lớn xí, nói lí nhí vài ba câu tiếng Thượng xã giao qua loa lạt lẽo. Rồi ông lật đật lẽn vô phòng bà bé, khóa chặt cửa và ở riết, cho đến sáng hôm sau ông vội vàng ra đi. Chỉ vì ông trót:
- “Trồng trầu thì phải khai mương.
Làm trai nhiều vợ biết thương vợ nào”? (2)

Điều kém tế nhị, trắng trợn và không biết cách xử trí nầy, khiến vợ lớn cáu tiết, bà nỗi cơn ghen bốc lửa tam bành lục tặc, không thể ngậm câm nhìn cảnh chướng tai gai mắt, cố làm ngơ hoài, nổi sùng lên bà tức giận không thể tả, vợ Thượng ngồi chờ sẵn ở phòng khách, (nơi gia đình bà lớn đang trải manh chiếu ra sàn gạch, để ngủ mỗi đêm, cạnh ngoài cửa phòng ngủ của họ, thiệt là không công bằng!).

Khi hai anh chị “Thượng-thư và Tàu ú nù đĩ-ba-chệt*” (*bà vợ lớn vẫn trịch thượng thẳng thừng ù ơ như thế, có lẽ không chua ngoa lắm hì) ung dung vui vẻ trở về sau buổi ăn cơm ngon lành ngoài tiệm. Bà bé vừa bế con nhỏ tọt vào phòng ngủ, thì bà lớn không thể nín câm nữa, bà túm ngay cổ áo đức ông chồng, khiến ông lớn bị bất ngờ, chao đảo chới với tay chân. Bà lôi giật ông xềnh xệch quay ngược ra phòng khách, bà lớn trợn trừng tráo trưng, nghiến răng chưởi chồng một tràng dài, như bắn súng đại liên thanh bằng tiếng Thượng pha tiếng Việt, lẫn tiếng Tây, chêm chút chút tiếng Anh. (bà có học ở trường Domain De Maria đàng hoàng, ngu sao bà không xổ cả chùm... nho ra, cho con nhỏ kia nể sợ mà khiếp vía, hì).

- Nè ông Tẻh đừng tưởng bở nhá, tuy tui là người Thượng, nhưng theo học trường đạo do soeur đầm Tây dạy đàng hoàng. Tui biết ông chê tui già, quê mùa, xấu xí, có thể không xứng với một dân biểu, (tui rành ba bốn ngôn ngữ mà ông chê, là lầm đấy)! Ông sinh ra ở chế độ mẫu hệ, mà có cái tội tày trời là ngang nhiên “tự tiện” dấu nhẹm tui con mụ kia, con riêng, và giờ đây “con đĩ” mang thêm một cái bầu bốn tháng. Úi Trời! đầu năm một đứa, cuối năm một đứa:
“Trứng rồng lại nở ra rồng.
Liu điu lại nở ra dòng liu điu” (cd). “Đồng vợ đồng chồng, con đông mệt quá”! Chẳng lẽ tui để cho ông mang tiếng sở khanh quất ngựa truy phong:
“Yêu em mấy núi cũng trèo.
Đến khi em chửa mấy đèo anh cũng dông” sao cho đành! Ha!

Ông lớn đứng như trời trồng cúi đầu im lặng chịu trận làm tình vờ! Thôi thì... ráng nhịn nhục ngoảnh mặt làm kẻ tình lờ. Bà lớn thấy thế cũng nén giận. Nếu bà biết trước hoàn cảnh éo le và “nghịch đồ” như thế, bà lớn sẽ nằm lì tại Đà Lạt, không thèm vô ở cái nhà đầy dẫy chuyện buồn, xáo trộn đủ thứ kỷ cương, không có “tôn ti trật tự phân giai cấp lớn bé” chi cả. Bây giờ bà lớn nằn nặc đòi ông lớn một hai là:

- Tui nói cho ông Tẻh biết, ông phải đưa ngay tiền của, đưa hết tiền bạc vòng vàng xuyến nhẫn tay hòm chìa khóa ra, để tui quán xuyến. Người ta nói: “có tiền mua tiên cũng đặng”, thì nhằm nhò gì chuyện ông Tẻh có con qủy cái ú nần lùn xủn mắt ti hí kia! Tui sống với ông có giá thú hẳn hoi, còn con kia nếu ông khai gian làm giá thú giả với nó, thì tui cho cả lũ vô tù mút chỉ cà tha. Tin đi, rồi một mai lá rụng về cội, ông chẳng tiếc cái tình vờ ấy, mà ông sẽ quay về “cây đa bến cũ con đò năm xưa” cho coi! Ông và nó không có một đồng xu dằn túi, thì mẹ con tình lờ đĩ ba chệt ấy phải ra đi khỏi đời ông, ông xa nơi trơ trẽn hắc ám đầy chướng tai gai mắt. Coi ai chết nhăn răng, cho biết mùi đời cái tình hờ mà ông cho tôi nếm hôm nay. Há...

Tôi ngạc nhiên và thừa nhận là bà lớn tuy ở chung một nhà với bà bé, dù bất bình và rất ghen lẫn yêu thương chồng con lắm. Nhưng bà lớn khá biết điều, bà chỉ béo, ngắt, cú đầu ông xí, cằn nhằn lải nhải dày vò ông chồng biết cúi đầu hổ ngươi, đỏ mặt tía tai ti tí. Bà lớn có bản lĩnh, lịch sự nghiến răng trèo trẹo, ghé môi vào sát bên mang tai chồng, nhưng khiến ông lớn thật sự run sợ. Bà biết giữ danh dự cho ông chồng dân biểu! Khâm phục.
*
(1) ca dao
(2) thơ tiếu lâm & sưu tầm lượm lặt đó đây.
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
04-21-2017, 09:09 PM
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1397114118.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1397114277.mp3

Những Ngày Tao Loạn


Khổng Tử đã nói:
"Kẻ sĩ lo trước cái lo của thiên hạ. Vui sau cái vui của thiên hạ”.
Cũng như cổ nhân Nguyễn Trường Tộ đã nói:
“Nhất thất túc thành thiên cổ hận.
Tái hồi đầu thị bách niên thân”.
(Một bước lỡ để nghìn năm mang hận.
Ngoảnh đầu trông lại đã trăm năm).

Quả thực như thế. Những người lính làm viên gạch lót đường cho danh vọng, tham tàn, bạo lực, oằn vai nặng gánh, lưng gồnh mối thù phân chia hai miền Bắc. Nam: Nay người lính đem xương máu ra chiến trường đã là, đang là những viên gạch lót đường, dài dài… từ vĩ tuyến 17, nơi con sông Bến Hải có cầu Hiền Lương nghẹn ngào đớn đau tạm thời phân giới hai miền Nam Bắc. Họ quyết ở lại miền Nam Việt Nam dựng nước và giữ nước. Một thời gắn bó keo sơn mặc dù biết mình vô tình làm ván bài mưu lược chính trị sục sôi. Họ vẫn chia nhau ra trấn giữ đất nước, cố duy trì sự tồn-hưng một quốc gia trong thời chiến tranh:
Giống như Mã Viện xưa đã nói:
- “Làm trai, nên chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thây mà chôn, mới đáng qúy. Chớ chết trong tay lũ trẻ nâng đỡ. Nào có hay gì"!

Phân chia là thế! Nhưng lòng yêu nước thiết tha và hoài bão mong ước tự do an bình, ấm no cho toàn dân, thì “Quan, Tướng và Lính” đều có ước vọng giống nhau. Hôm nay nếu trải qua chung cuộc ngậm ngùi trong cơn xoáy đục ngầu, tưởng đã chia phần đều nhau: Là vậy. Ngày đêm kề cận sự chết, chiến tranh tàn khốc xảy ra trên từng đoạn đường giao tranh, trên những bước ngắn bước dài, bước thấp bước cao. Lòng lính càng quặn từng cơn đau buốt, khi họ đi kè kè hai bên lề đường: để hộ tống từng đoàn dân di tản tất tả chạy dọc theo ven những quốc lộ trên triền quê hương.

Sau 21 giờ - ngày 29-4-1975 - thiết quân luật bắt đầu 100%. Màn đêm đã sớm về đến khi khuya lắc khuya lơ, chúng tôi vẫn đứng thấp thỏm, thập thò từ trong cửa sổ ở phòng ngủ Hotel Hưng Đạo 2 đã tắt hết đèn đóm, tôi nhìn xuống đại lộ Trần Hưng Đạo, thì thấy lố nhố hàng hàng lớp lớp lính tráng: Tôi âm thầm quan sát “những tình thương và sự hy sinh cao cả bên lề cuộc sống”: Nào là: Thủy-quân Lục-chiến. Nhảy Dù. Biệt Động Quân. Bộ-binh, vân vân... (không kể có ba Lữ đoàn Dù. Ba Liên đoàn Biệt Động Quân đóng tại Hóc Môn. Gò Vấp. Bình Chánh. Nhà Bè. Tân Sơn Nhứt).

Quân đội đã đặt những ụ súng cối, súng máy, do các chiến hữu Sư-đoàn 5 – 18 – 22 – 25, ngỏ hầu chu tất việc bảo vệ an toàn lãnh thổ Việt Nam, Thủ-đô, và lương dân vô tội. Cứ một giờ, tốp lính nầy đến gác, là tốp kia lầm lũi âm thầm ra đi... Súng dài gác bên nhau, mũi súng chụm vào chỉa lên trời, báng súng dựng dưới mặt đường nhựa. Họ nói rất khẽ hay chỉ lặng lẽ ra hiệu lệnh. Họ là những quân nhân Quân-lực Việt Nam Cộng Hòa anh dũng quyết chiến đấu, hy sinh đến giờ phút cuối cùng. Súng lại đeo lên vai nòng chĩa xuống đất, họ lặng lẽ và tuyệt đối vâng lời thượng cấp, từ từ rút lui có quy củ, trật tự tôn nghiêm trong hàng quân ngũ. Họ nhìn nhau lặng lẽ nhếch miệng cười qua cái bắt tay giã từ vừa đủ chặt, dường như âm thầm nói lên niềm đắng cay, trào dâng trên sóng mắt tiếc thương, quặn đau trong lòng họ sự hy sinh vô vụ lợi, không điều kiện.

Từng tốp lính mười tốp bảy người, nhiều vô số đang nằm gối đầu trên vĩa hè, tay gác lên trán tư lự. Có người đứng hoặc ngồi bên đường. Dù ở trên vĩa hè, quân nhân đều có trật tự, nhịp nhàng, kỷ cương. Họ chia nhau ra canh giữ quê hương trong giờ phút lâm nguy khốn cùng. Những đóm lửa nhỏ lập loè loé lên trên bờ môi khô. Những đôi mắt dường như đọng ngấn lệ tủi hận đầy bi ai. Có người đang mặc áo giáp, đăm chiêu suy tư, bơ phờ, hốc hác. Có người đội mũ sắt, hất ngược mũ ra sau gáy, sợi quai mũ cứa vào cục yết hầu oan gia nhô cao cay đắng chạy lên chạy xuống cuống cổ. Có người đội mũ sụp che xuống gần tới mí mắt. Có người đội mũ lệch qua một bên. Họ mang giày đinh lấm lem bụi đỏ, lưng đeo ba lô nặng trĩu đường hành quân, râu ria lởm chởm, tóc tai không mấy chỉnh tề. Những bàn tay anh tài vẫn đưa lên ngang tầm mắt, nghiêm nghị đứng thẳng, ngực ưỡn ra oai vệ chào thượng cấp.

Bỗng dưng tình hình chính trị quyết liệt căng thẳng, vận nước đột biến từ góc 45/o, chỉ trong một tuần ngắn ngủi, vụt nhảy tọt lên 360/o nhanh như chớp. Khiến tôi vô cùng hoang mang, bàng hoàng sửng sốt, lo lắng, buồn phiền, bối rối tột cùng. Trở lui mắc núi, đi tới mắc sông, xoay quanh mắc vòng lẩn quẩn đủ mọi thủ thuật rối rắm. Mặc dù các bạn trong nhóm có nhiều sáng kiến, có nhận thức thời cuộc chính xác và quyết định đúng đắn, nhưng dẫu sao họ ở nơi xứ lạ quê người ồn ào náo nhiệt, tột cùng hổn loạn thế nầy, bốn anh ấy giống chú khỉ bị nhốt trong chuồng kín ở hotel Hưng Đạo 2: lòng và trí nóng như lò lửa, thì có tài giỏi đến mấy, họ cũng không biết đâu mà mò.

Tuần trước, bốn anh trong nhóm chờ đợi bầy trẻ nhỏ ngủ yên, liền khều mấy bà qua phòng tôi, để bàn tính chuyện lủi xuống miền Tây. Vì, nghe nói tại miền Tây bây giờ hoàn toàn bình yên tĩnh mịch. Vã lại Ngọc đã cho ba của anh đi xuống miền Tây dò đường đi nước bước trước rùi. Ngọc dặn dò ông ba nếu thấy tình hình bất ổn, thì ông lo tìm đường trở về Sài Gòn, hoặc đi ra Phú Quốc. Ngọc ấn định ngày giờ sẽ gặp ông ba ở điạ điểm chính xác ở miền Tây, nếu không y hẹn, có nghĩa là Ngọc sẽ đưa bầu đoàn thê tử, “hò” bạn bè cùng nhau ra đi. Ý kiến cuối cùng: mình phải sáng suốt dứt khoát ra đi, khi thấy Quân-lực Việt Nam Cộng Hòa đã triệt thoái hết về miền Nam, thì ở miền Tây ắt sẽ còn là nơi vững chắc như đinh đóng cột.

Tôi sống tạm bợ nơi Sài Gòn xa hoa, nhộn nhịp, và lắm xô bồ trong tháng 4 năm 1975, với ngàn lo âu, run sợ hãi hùng đầy cay đắng, băn khoăn lo lắng trăm mối tơ vò. Tin dữ loan ra thì có, tin lành về lại không. Nhìn xuống lòng đại lộ Hưng Đạo 2, tôi càng run rẩy nghĩ rằng: “Trận chiến nầy, hẳn là sẽ đến hồi quyết liệt để giành thắng. Nay mai sẽ có giao tranh trên cùng khắp các nẽo đường. Chạy đi đâu cho thoát ra khỏi con ngỏ sâu hun hút, đầy đạn bom đây! Hở Trời!? Tôi vô cùng hối hận khi đưa gia đình về đô thành. Chạy đi đâu, cũng không thể thoát khỏi nanh vuốt chiến tranh bạo tàn. Thì thà rằng cứ ở yên lại Đà Lạt, có lẽ gia đình tôi không đến nỗi nào khổ sở đến thế”!

Trên những con đường lớn nhỏ tại Sài Gòn đều đông nghẹt người đi bộ, người ta đông hơn kiến tràn ra ngoài lòng lề đường, chen lấn nhau đi kẹt cứng. Mặc cho từng hàng xe hơi đủ loại, xe gắn máy, xe đạp, xe xích lô, xe ba gác vân vân… chồng chất đủ mọi thứ lỉnh kỉnh lên xe. Họ ùn ùn hối hả đi đi, về về! Đi đâu?! Về đâu?! Hầu hết các doanh trại ven đô, các công sở ty mỏ, và thường dân lo đào hầm hố cá nhân. Những đại công sở và cao ốc, cũng như ngoài những đại lộ, gần trung tâm Sài Gòn đều ráo riết chuẩn bị. Thế mà bà mẹ Ngọc và hai cô Quy, Cúc, ung dung dẫn nhau đi từ hotel Hưng Đạo 2 tà tà qua chợ Đũi, xuống chợ Thái Bình dạo chơi, rồi ba mẹ con tấp vào ăn bún ốc, bún thịt nướng, ăn xoài, dưa hấu, thơm. Họ ăn xã láng... ăn đã đời.

Mấy tháng trước lo lánh nạn từ Cam Ranh chạy riết dài dài về đây, họ ăn uống có phần tiết kiệm khổ sở. Bây giờ yên ổn nơi thành phố vinh sang giàu có, họ cũng sẵn tiền dư bạc rủng rỉnh như ai, ngày ngày ở không trong phòng ngủ không biết làm gì, chẳng lẽ có bộn tiền có vàng leng keng trong túi, mà phải nhịn thèm “ăn mì ngóng cháo ngó” sao. Thế là ngày ngày họ đem con cháu đi ăn hàng xã láng cho đã. Lúc nào về phòng ngủ cô Cúc cũng khệ nệ bưng thêm: Khi thì quày chuối già hương to bự sư, mít ướt, mít ráo, hoặc một chục xoài cát thơm lựng. Do mấy bà vợ thừa nước đục thả câu, được đằng chân lần lên đằng đầu, cô Cúc cô Quy tha hồ leo lên đầu lên cổ đức ông chồng nhẫn nhịn hiền lành, tha hồ ăn hiếp chồng. Cánh đàn ông yêu quá hóa sợ mấy mụ vợ một phép, mặc “bà” muốn làm gì thì làm, lớp đàn ông im re xép ve:
Lỗ mũi mười tám gánh lông.
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.
Đêm nằm thì ngáy o o.
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Đi chợ thì hay ăn quà.
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.
Trên đầu những rác cùng rơm.
Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu. (1)

Sau vài ba ngày no say ăn uống, thì bà cụ Tài đau bụng, trên ói dưới té re, thổ tả thổ te tá lả hoài! Bà cụ Tài tái phát bệnh đau bao tử ói ra máu tươi, máu bầm, máu loãng, rồi ói ra mật xanh mật vàng. Bà ôm bụng gò lưng quằn quại rên la dữ dội. Anh Ngọc vội vàng thuê xích lô chở bà đi cấp cứu tại bệnh viện Sài Gòn. Đã biết là bà cụ đau bao tử kinh niên, mà còn dám “tộn” mấy thức ăn mát mẻ thế, nếu bà không đau bao tử, cũng bị té re là cái chắc! Không biết bà cụ trúng độc do ăn bún ốc, hay cụ ăn quá nhiều thứ mà “trúng thực”? Ngày ngày chúng tôi ghé vô bệnh viện thăm, thấy bà cụ có phần thuyên giảm. Ngọc bảo cô Cúc ở lại bệnh viện trông coi mẹ. Còn anh sẽ đưa vợ con, gia đình cô em gái là Quy, cùng chúng tôi đi xuống miền Tây trước. Lúc nào bà mẹ khoẻ hẳn, thì cô Cúc sẽ đưa mẹ đi xuống Bạc Liêu. Nghe thế, bà mẹ Ngọc dù rất yếu, bà lắc đầu quầy quậy, giẫy nẩy lên, chồm dậy khăng khăng nhất định đòi trở về hotel. Nếu có đi đâu, mà bà đi không nỗi, thì cõng bà đi cùng, chớ không trước không sau gì cả. Bà rất sợ con trai bỏ rơi. Bà thất kinh hồn vía, không dám kêu rêu con dâu bắt bà nhịn đói, không rên siết trước mặt Ngọc, bà không dám ăn uống bậy bạ nữa.

Ngọc đành chìu ý mẹ già, anh đưa mẹ về nghỉ tại hotel Hưng Đạo 2. Thật kinh hồn, chúng tôi chỉ sợ lây lan hết cả đám, thì khốn. Bà phải ở cách ly mình ên. Ngọc đi rước bác sĩ tư đến khám bệnh ghi toa, liền đi mua thuốc về cho bà uống. Anh Bàn phụ Quy, Luật, khiêng những tấm nệm chuyển qua phòng của tôi, đặt nệm ở giữa nền gạch cùng nằm xếp lớp với nhau. Bốn gia đình ngủ chung hai phòng cho ấm áp tình người. Chúng tôi cảm thấy vui vui, cũng đỡ lo sợ và buồn. Do thế, chuyện dự tính cả nhóm về miền Tây trước ngày 30-4 đã không thành. Phần vợ chồng tôi, khi thấy tình hình bất an, thì Luật chạy đến nhà anh Tạo rước bà mẹ anh xuống ở phòng ngủ. Tôi đến nhà Yến Nga để hỏi thăm tin tức.

Ở nhà, bốn đứa con của tôi tự trông coi nhau. Chẳng may bé Tồ bị đau bụng ỉa chảy té re. Bé Tuấn thay đồ cho em, giặt giũ áo quần, lau chùi phòng sạch sẽ. Bé DZũng tắm rửa cho em, cõng em và dỗ em ngủ. Bé Bi sợ hãi chui vào gầm bàn trốn, và ngủ quên trong xó góc. Khi trở về phòng trọ, nghe các con nói lại, tôi sợ hết hồn. May mắn là bé Bi chỉ đi cầu hai lần. Tôi cho con uống thuốc, (tôi đã mua sẵn đầy đủ mọi thứ thuốc dự trữ phòng hờ). Ngày hôm sau con đã thuyên giảm nhiều. Tôi lo sợ là con bị lây chứng thổ tả từ bà cụ mẹ của Ngọc thì khốn!

Chỉ trừ những đứa trẻ ngây thơ vô tội là ngủ chập chờn trong bóng tối mờ mờ. Còn mọi người lớn thì tắt hết đèn đóm, ngồi tụ vòng tròn lại một góc phòng, nơm nớp lo sợ và mong trời mau sáng. Ngoài đường vắng ngắt đến ghê rợn, khuya Sài Gòn càng khuya càng hoang vắng lạnh lẽo, bầu trời vần vũ mây đen báo hiệu cơn mưa đầu mùa. Đến năm giờ sáng thì quả thật trời đổ cơn mưa rả rích, kéo dài hơn ba giờ, trông thật ngao ngán. Cánh đàn bà lo chuẩn bị làm mì gói cho cả nhóm ăn, uống nước suối Vĩnh Hảo. Bốn người đàn ông bàn tính với nhau là: để tránh tai mắt người khác tò mò dòm ngó, và không biết tông tích của mình làm gì, ra sao, đi đâu, thì bốn anh sẽ đưa từng nhóm ra đi.

Điểm hẹn là ở nhà thờ Ngã Sáu (nhà thờ thánh Jeanne D’ Arc, trong khu nghĩa trang Huê kiều, do người Pháp gọi là Plaine Des Tombeaux, ở 116b Hùng Vương, phường 9 quận 5). Luật hướng dẫn lộ trình chu đáo, anh nhắc đi nhắc lại: ai không nhớ, thì ghi vào sổ tay, kẽo nơi xứ lạ không thuộc đường, lớ quớ sẽ lạc nhau. Cứ mươi phút là có một nhóm rời phòng ngủ. (Làm như chúng tôi đi quỵt nợ, trốn nợ tiền phòng không bằng. Mặc dù chúng tôi đã chi trả hết tiền ba phòng nầy, và đặt cọc phòng thêm trước mười ngày).

Anh Bàn không có vợ con gia đình bận bịu lu bu bên cạnh, nên anh rảnh tay dìu bà cụ Tài bệnh hoạn, cùng cô Cúc ẵm đứa con gái ba tuổi ra đi đầu tiên. Kế đến là gia đình Quy. Gia đình Ngọc, sau rốt là gia đình tôi gồm bảy mạng lủi thủi ra khỏi hotel. Tôi đứng trên cửa sổ tầng hai nhìn mấy anh chị lạ nước lạ cái cúi đầu lầm lủi ra đi, nhất là những đứa trẻ yếu ốm xanh xao, ngây thơ, hồn nhiên vô tội. Sao ai nỡ lòng để con em sớm bơ phờ nếm mùi đau khổ, gánh lấy nỗi ưu phiền, cơ cực đắng cay cuộc đời làm vậy! Tôi cảm thấy thật buồn.

Bốn nhóm gặp nhau ở nhà thờ ngã sáu rồi, lúc đó đã có nhiều người đi bộ, đi xe đạp, xe honda, xích lô qua lại trên đường đông đúc hơn. Tuyệt nhiên không thấy xe nhà, taxi hoặc xe bus. Chúng tôi ngoắt mãi vẫn không có chiếc xích lô máy, hay xích lô đạp nào chịu ngừng. Chẳng biết họ vội vã chạy đi đâu! Mãi về sau lâu thật lâu mới có hai chiếc xe ba gác trờ tới. Luật mặc cả giá xong, liền cho hai bà cụ cùng bầy nhóc ngồi lố nhố trên xe. Bốn anh kia phụ hai ông ba gác đẫy xe đi tà tà. Chúng tôi dắt díu nhau lẽo đẽo đi xuống khu Chợ Lớn. Quang cảnh ở Chợ Lớn khác hẳn ở khu Sài Gòn. Nơi đây ồn ào náo nhiệt đông đúc, người ta tụm năm tụm mười đông đen trên đường phố xí xa xí xô đi đi, nói nói, la la mắng chửi om sòm, buôn buôn bán bán đủ mọi thứ.

Thỉnh thoảng mới có chiếc xe bus khác tuyến đường chật như nêm vút qua, chạy về hướng xa cảng miền Tây. Ngọc vào nhà bạn thân cùng làm việc ở gần chợ Tam Biên, để dò hỏi tin tức cập nhật. Luật cũng có bạn Thành ở đường Nguyễn Tri Phương. Lúc bạn hai đến nhà đó, mọi người trong nhóm ngồi bệt ngoài vĩa hè nghỉ mệt chờ đợi Luật, Ngọc vào hỏi thăm tin tức. Kiểm chứng lại những tin nghe ngóng suốt dọc mấy lộ trình, thì mỗi người nghe một cách khác hẳn, người nói thế nầy, người nói thế nọ; càng hoang mang, băn khoăn, bồn chồn, lo lắng, rối tung rối mù, không phân định được điều gì xác thật là đúng, điều gì sai. Toàn nghe những tin vu vơ mù mờ như vịt nghe sấm.

Chúng tôi không rành đường dưới khu Chợ Lớn, nên cứ đi lo lắng sợ sệt đi lung tung loanh quanh đường nọ qua đường kia, đi vòng vòng khá xa Chợ Lớn. Chẳng biết tại sao chúng tôi quay trở về ngã Bảy? Khùng thiệt. Cuộc ra đi nầy thật vô duyên ngớ ngẩn hết chỗ nói. Thế là chúng tôi mò mẫm tìm về nhà thờ Huyện Sĩ. Tôi bàn với Luật để tôi đến khách sạn Hưng Đạo 2 lấy lại những đồ dùng cần thiết, đem đến nơi nầy. Luật quát mắng tôi:
- Coi chừng tiếc của mà toi mạng. Bỏ hết.

Tôi tiu nghĩu buồn xo theo các bạn vào cha chánh xứ xin cho ở nhờ ngoài vĩa hè trong khuôn viên nhà thờ Huyện Sĩ. Nhà thờ hình cung nhọn oai dũng với công trình thiết kế quy mô, đặc thù, tinh xảo, khang trang xinh lịch, còn được gọi là nhà thờ Chợ Đũi xây năm 1902. Thiết kế giáo đường do đức cha Bouttier kiến trúc theo phong cách gothique tuyệt tác tinh vi, cao sang với vật liệu đá granit. Do ông bà Huyện Sĩ Lê Phát Đạt giàu có nhất thời ấy bỏ tiền ra xây dựng. Sau khi tạ thế hai ông bà có mộ xây bằng đá cẩm thạch ở hậu cung. Hầu hết mọi người quá mỏi mệt ngao ngán chán chường, chẳng thiết tha sự gì ngồi bó gối ủ rũ buồn chán nơi xó góc trong một lớp học bỏ trống. Ông trùm họ đạo nầy đi lễ về ngang chỗ chúng tôi đang ngồi co rúm một xó, thấy chúng tôi hốc hác, trẻ con bơ phờ lem luốc nằm la liệt lăn lóc trên vĩa hè nóng và hanh nắng. Ông vào tận nơi tôi ngồi, ân cần hỏi thăm qua loa, rồi ông bảo tôi cử đại diện vài người đến nhà ông, để ông tiếp tế cho ít thức ăn.

Cô Quy, Cúc và tôi lẽo đẽo theo sau lưng ông, đến bên hai cánh cổng sắt màu xanh kín mít to cao lút đầu người. Mở ổ khoá cánh cửa sắt nhỏ phụ kế bên, ông mời ba chị em vào nhà ba tầng lầu có vườn cây trước sân mát mẻ, rộng rãi, ngôi nhà bề thế sang trọng xây đá hoa cương lát gạch men bóng láng. Ông mời chúng tôi ngồi ở sofa da nhung đỏ. Ông đi xuống nhà bếp. Chúng tôi chưa kịp quan sát kỹ lối trang trí tân thời trang nhã vinh sang trong phòng khách, thì bà vợ ông trùm và mấy con cháu gì đó từ phòng bên cạnh, xách ra ba bốn tụng đồ ăn thức uống đầy nhóc, nhiều nhất là mì gói, bánh mì khô, cá khô, tôm khô, khoai lang, dưa leo và củ sắn. Thêm một tụng khá to quần áo trẻ con, một tụng nhỏ hơn bốn tụng kia đựng độ năm bảy lít gạo, (bà vợ chu đáo lo đầy đủ, hình như bà đã nghe ông chồng kể lại, hoặc là gia đình họ đã từng làm việc thiện nầy, tôi không biết).

Ba chị em tôi cảm động ứa nước mắt, rối rít cảm ơn lòng từ bi thiện nguyện của ông bà trùm họ đạo Huyện Sỹ. Khệ nệ bưng các giỏ xách về lại góc trường học, chúng tôi cảm thấy có phần vui vẻ an tâm. Cô Quy, Cúc và chị Ngọc xúm lại chia nhau áo quần con trẻ. Còn tôi không nhận (vì đang có, tôi đã vứt bỏ lại ở hotel nhiều lắm, chỉ mang đi những bộ quần áo cần thiết, vậy mà các con mang vác còn không nỗi, nữa là tham lam chi mà quơ vô thêm sao). Mấy chị em rủ nhau đi ra chợ Đũi mua hai cái nồi lớn, mua tô chén, muỗng, đũa, rổ, rá, củi, ba bó rau muống, mắm muối, chút bột ngọt, chuối cau, mua bình để nấu nước, mấy chai ni lông đựng nước (vã chăng thấy ăn uống tầm bậy tầm bạ ở ngoài chợ, sợ trúng nước đi “ị” té re như bà cụ Tài, thì khốn; chúng tôi không dám uống nước trà đá bán sẵn). Có tiền là có của tươi rau ngon.

Về lại chỗ cũ, Ngọc xin bà từ trông coi nhà thờ cho mượn hai cái lò để nấu ăn. Bà từ vui vẻ bảo chúng tôi cứ vào trong bếp tự tiện nấu nướng, khỏi mua củi hay mượn lò làm gì mất công. Nhưng chúng tôi không lấy củi của bà. Phụ nữ xăn tay áo lên lo làm bếp. Đàn ông đi tắm rửa cho con cháu, và tắm rửa chính họ ở ngoài giếng hay ở vòi nước. Chẳng mấy chốc nồi cơm trắng, canh mì gói nấu kèm với rau muống, trái bầu xắt nhỏ, khô cá sặc nướng, mọi thứ đã chín. Sau một ngày nhịn đói nhịn khát, kéo nhau đi thất thểu lang thang cầu bơ cầu bất ở ngoài đường mệt mỏi rã rời. Giờ đây cả nhóm ngồi bệt dưới nền xi măng, quây quần quanh hai mâm cơm nóng sốt. Một mâm dành cho trẻ con được cho ăn trước. Một mân cơm của người lớn thì ăn sau. Đây là buổi cơm tối thanh đạm, nhưng quả thật lần đầu tiên trong những ngày xa xứ, kể từ khi tôi về Sài Gòn ăn bữa cơm nầy cảm thấy rất ngon miệng. Thiệt đúng:
Đầu tôm nấu với canh bầu
Chồng chan, vợ ngó lắc đầu “ham ăn.”
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Mai sau có lúc nấu chung một nồi! (1)

Lúc đó có hai gia đình ở Huế, Đà Nẵng di tản vào Sài Gòn, họ cũng tay xách tay mang, con cái đùm đề, vừa vào xin ở nhờ, kế bên lớp học cạnh chúng tôi. Luật, Ngọc qua bắt chuyện hỏi thăm, rồi mời cả sáu người ấy qua bên lớp học nầy, vì chúng tôi nấu cơm và canh thật nhiều, nên nhân tiện mời họ dùng cơm. Hai người đàn bà tỏ vẻ e dè khách sáo hơn hai ông kia. Nhưng khi thấy chúng tôi thành thật chứ không qua loa mời lơi, họ cũng vui vẻ nhập vào nhóm. Cô Cúc đi lấy chén đũa của bọn trẻ vừa ăn xong, chạy ra vòi nước rửa sạch và đem vô. Chúng tôi vừa ăn vừa tỉ tê trò chuyện. Chỉ vài giờ ngắn ngủi, chúng tôi đã thông cảm và hiểu thấu những gian khổ, cơ cực trên bước đường gian truân lưu lạc, đồng hội đồng thuyền thật hợp ý nhau. Được biết hai gia đình Tâm và Phương có ý muốn về Phú Quốc, vì hồi xưa họ đã sinh sống ở đó. Nghe bạn mới tâm tình, chúng tôi hoan hỉ vui mừng như mở được tấc lòng. Vì quả thực chúng tôi rất muốn đi Phú Quốc, mà ngại một nỗi không rành đường, không biết lối mô tê, sợ lạc vào “mê cung Vẹm”, nên quá ngại ngùng. Tâm nói:

- Năm giờ sáng ngày mai phải ra bến xe bus Sài Gòn, đón xe đi một lèo tới xa cảng miền Tây, xe không ngừng ở mấy trạm phụ. Một ngày chỉ có ba chuyến xe bus đông nghẹt thôi.
- Thì ra bây giờ tôi mới hiểu: nguyên ngày nay chúng tôi đón xe bus lẻ tẻ dọc đường tới Chợ Lớn, mà chả thấy chiếc nào ghé trạm, là do vậy.

Thế là mọi người bảo nhau đi ngủ sớm. Phụ nữ rửa dọn nồi son chén bát, lau chùi chỗ nằm dưới nền xi măng (vừa dùng nơi ăn cơm). Đàn ông lo lùa bọn trẻ về lớp học bên hông nhà thờ, để dỗ con cái ngủ. Chị em phụ nữ xin đi tắm nhờ ở nhà bà từ. Cũng may là ở trong miền Nam lúa gạo dồi dào cò bay thẳng cánh, hầu kịp thời cung ứng cho cư dân ở miền Cao Nguyên và miền Trung, sau mỗi khi thấp kém mùa màng hay thiên tai lũ lụt. Chúng tôi mò tìm về miền Tây là phải lắm. Thật cám ơn nông dân và cư dân ở miền Tây Việt Nam hết sức.

Những giọt buồn lê thê xin gác lưng mây bay bay sau triền đồi Đà Lạt xa mờ xa nhé! Dù gần hay xa xôi muôn trùng sóng vỗ, thời khắc quý giá nầy vẫn mãi hoài ghi nhớ, chiếm ngữ trong hồn tôi giông bão. Chiến tranh biêu riếu đã hạ bức màn đen trong chung cuộc đầy bi kịch rồi chăng? Ví dù như thế thì họ và tôi hoàn toàn tin tưởng vào cấp lãnh đạo tối cao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tin các cấp chỉ huy đã và đang dấn thân từ các nơi còn trụ lại, rải rác khắp nơi… có thể là:
- Vùng I : Quảng Nam. Quảng Trị. Thừa Thiên.
- Vùng II : Dakto. Kontum. Pleiku. Đà Lạt. Khánh Dương.
- Vùng III : Bình Long. An Lộc. Long Khánh.
- Vùng IV : Nhất là hy vọng từ Long An về Miền Tây, vẫn còn… trấn giữ.

"Quốc hữu phân tắc thực" (nước có người giỏi, thì nước mới vững chắc). Mặc dù giàu sự dũng cảm hào hùng của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa: từ tất cả các binh chủng đang ở lại rải rác trên quê hương nầy; họ có kiên cường bất khuất anh dũng và oanh liệt quyết chiến đấu tại các chiến trường sôi động khói lửa, hay tại các địa phương, Tỉnh, Thành, nào... Nhưng nếu họ không còn những vị “thủ lĩnh”, họ đã mất cấp lãnh đạo. Hoặc giả họ không có những vị chỉ huy nữa. E là thua chắc!
“Nghĩ thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê!” (2)
*
(1) = ca dao.
(2) câu thơ của Nguyễn Gia Thiều.
* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
04-26-2017, 01:09 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd417/1493168897-di tan 20.jpg

http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1397114277.mp3


Từ SÀI GÒN tới RẠCH GIÁ


Sài Gòn chóa mắt vì đèn điện thắp sáng rực thâu đêm. Tiết trời quang rạng, gió hiu hiu nhè nhẹ phe phẩy mơn man trên đầu cây ngọn cỏ, không gian se lạnh khi màn sương nhợt nhòa buông lơi. Rồi bình minh ló dạng sau những toà cao ốc tráng lệ, oai sang đứng sừng sững trên các thổ cư: vẫn rạng danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông”.

Bốn giờ khuya chị Ngọc và tôi dậy sớm, tôi nấu nước sôi chờ nguội, để đổ vô bốn chai ni lông to. Tôi nấu ba lít gạo, rang đậu phụng làm muối mè. Chị Ngọc nấu canh mì gói trộn chung với rau muống, và chiên khô cá. Cơm chín, hai chị em lấy khăn ướt mỏng để nhồi cơm nóng thành từng nắm cơm vắt, xắt lát vừa vừa, tôi bỏ cơm vô hộp ni lông mang theo cho mọi người ăn ở dọc đường. Tôi gọi bọn trẻ dậy sớm, cho con cháu ăn chút canh mì gói. Các con cháu còn ngái ngủ, nên ăn rất uể oải. Có lẽ do hôm qua đi bộ nguyên ngày giữa trời mưa, rồi trời nắng chang chang nóng như thiêu đốt, nên bọn trẻ thấm mệt, rã rời, lừ đừ thân xác chăng?

Sau đó phụ nữ quét dọn, rửa chén bát nồi niêu sạch sẽ, bỏ vào mấy cái bao cói (hôm trước ông bà trùm đã cho quà). Cô Quy và tôi bưng xách mấy giỏ mùng, quần áo linh tinh. Một lần nữa, tôi soạn mấy túi vải các con (tôi đã may ngày hôm trước). Tôi chọn lọc ra mấy bộ áo quần gọn nhẹ, bỏ vào những túi vải cho các con mang theo thay đổi dọc đường. Những thứ khác tôi đem gửi nhờ ở nhà bà từ, xin cất dùm. Bà từ nói:
- Chị cứ để ở bên vĩa hè, không có ai lấy lầm đâu”.

Chúng tôi ra đi. Luật một tay dắt bé Bi, tay kia anh xách giỏ cơm vắt, muối mè, khô cá. Bà mẹ Luật mang túi vải bỏ thêm hai chai nước. Tôi bế bé Tồ, một khuỷu tay kia móc thêm hai túi xách quần áo (của tôi và bé Tồ). Bốn gia đình bạn thân là: Ngọc. Quy. Cúc. Bàn; cùng nhập với hai gia đình mới quen là Phương, Tâm; tất cả hăng hái nôn nao vui vui lên đường. Chúng tôi lặc lè đến trạm xe Sài Gòn, kịp lúc có chừng năm chiếc xe bus từ các hướng đi khác nhau, vừa trờ tới. Các anh nhanh nhẹn lùa đám trẻ, đàn bà, lên xe bus đi ra Xa Cảng.

Trên xe lác đác có ba người khách. Nhóm chúng tôi ngồi sát gần nhau, người lớn cho trẻ con ngồi trên đùi mình yên ổn xong. Nhìn lui nhìn tới chỉ thoáng chốc thì người và người ở đâu túa ra đông nghẹt, chỉ có người lên xe, không có người bước xuống. Hai hàng ghế kín mít không còn chỗ ngồi, hành khách đứng chật cứng trên lối đi lại.

Thật là may, nếu chỉ chậm trể mươi phút nữa, kể như nhóm chúng tôi không bao giờ chen chân lên xe bus nỗi. Quang cảnh tại bến Xa Cảng miền Tây lúc tửng bưng sáng vô cùng náo nhiệt, hổn độn kinh khủng. Những trạm bán vé đông nghẹt người chen lấn ồn ào hơn vỡ chợ. Thế là nạn ăn trộm, cướp bóc, giật giỏ xách, móc túi, bấm dây chuyền, giựt bông tai, bốc hốt, mò mẫm bóp vú... loạn xạ. Dưới đất thì bọn du thủ du thực rượt đuổi nhau huyên náo, đánh lộn, chửi bới inh ỏi cả một vùng.

Tới Xa Cảng miền Tây, đàn bà trẻ con nhóm tôi ngồi xép nép, chò hỏ ở một góc kín sát ngoài cửa bến, gần bức tường gạch, (tạo thành một vòng đai tròn sát bên nhau cho bọn trẻ con ngồi ở giữa), các con cháu đứa ngồi đứa nằm gối đầu lên những túi đồ đạc hèn mọn lỉnh kỉnh mang theo. Những người khách đi tới đi lui tò mò đứng lại lỏ mắt nhìn ngó lom lom bầy trẻ bị cái nóng Sài Gòn thiêu đốt, khiến mồ hôi mồ kê chảy ra như tắm.

Mặt mày con trẻ xứ Đà Lạt đa số xinh xắn, hai má đỏ au như dồi phấn, mắt to sáng môi tươi (tuy suốt hai tháng nay bọn chúng sống lăn lóc, cực khổ, cù bơ cù bất, thiếu ăn thiếu ngủ, mà còn xinh như vậy!). Nhìn những đôi mắt phượng long lanh phảng phất mặt hồ thu Đà Lạt mơ màng, hai gò má phinh phính nõn nà hồng phấn của các cháu bé, khiến ai cũng thèm cắn một cái ghê! Họ trầm trồ khen bầy nhỏ xinh đẹp là phải! Chúng tôi giữ bọn trẻ chằng chằng, chỉ sợ mình sơ ý, bọn trẻ sẽ bị bắt cóc, thì chết!

Mới tửng bưng sáng mà quầy bán vé treo bảng hôm nay “hết vé” rồi!!! Chúng tôi chẳng thấy các phòng vé mở cửa bán vé. Nghe nói ngày mai có thể không có xe đi Rạch Giá. Mấy ông trong nhóm tôi đi đến phòng bán vé ở trạm xe Xa Cảng cứ kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ đợi mua vé. Họ đứng mỏi rã rời chân từ chín giờ sáng, mà mãi tới bốn giờ chiều mới mua được vé xe đi Rạch Giá cho ngày mai. Mém chút nữa thì chả còn vé để mua. Vé xe khan hiếm đến độ chỉ bán có bốn năm người đứng xếp ở hàng đầu, đã đóng cửa với ghi chú: “hết vé” Thế là bao nhiêu vé đều tộn ra ngoài bán giá chợ đen, họ chả sợ bể mánh bể mung giữa chợ đời bát nháo! Bà sương phụ háy một cái thiệt dài, cầm loa oang oang nói:
- Để tránh tình trạng ứ đọng hành khách, cũng như nạn lưu thông trì trệ, hay kẹt xe. Khi nào những đoàn xe hiện đang chờ trực tuyến đã xuất phát. Thì phòng vé sẽ tiếp tục mở cổng chính, cổng phụ, cho đoàn xe đậu từ ngoài đường cái vào bến, chờ đợi lấy tài.

Úi Trời! Cả nhóm bàn nhau là nên ở lại bến xe, ngủ đêm tại nơi nầy. Nếu chúng tôi quay trở về lại nhà thờ Huyện Sỹ, cả “bầu đoàn thê tử” đùm đề lôi thôi lốc thốc toàn trẻ con nheo nhóc, người già yếu đuối và đau ốm, đàn bà lụ khụ, thì quá bất tiện. E rằng ngày mai chúng tôi không thể đến đây. Biết có ra xe bus đúng giờ không? Có chen chân với hành khách để lọt vào cổng Xa Cảng, mà leo lên xe đi về miền Tây không!? Quyết định như thế thật đúng. Vì, sáng hôm sau, thỉnh thoảng tôi nghe thông báo ở trên loa phóng thanh rằng: “Hét vé”.

Nhóm phụ nữ yên ổn ngồi trong lòng xe đò cũ kỹ chật như nêm xong, thì đa số đàn ông phải leo lên ngồi trên mui xe, chẳng thể phản đối, hay càu nhàu cằn nhằn la mắng gì! Ai có vé mà không chịu đi chuyến nầy, thì chủ xe lập tức hoàn trả tiền vé lại cho cố chủ. Sẽ có người khác (không ngủ qua đêm ở trạm bán vé) vui vẻ mua vé chợ đen, cao gấp năm lần tiền vé chính thức. Sao không ham. Chờ đợi giá biểu mới phiền toái và lâu lắc. Tự mình muốn cần đi đó đi đây, chớ ai bắt. Thế nên lớp trai tráng ép bụng chịu thiệt thòi ngồi bó gối chút, hoặc ngồi lắt lẻo phơi đầu ngoài trời mưa tầm tã, hoặc nắng chang chang một xí. Cũng đành!

Ông tài xế bảo tất cả mọi người xuống xe, chỉ trừ những ông bà già yếu ốm và trẻ con thì được ngồi trên xe. Còn mọi người khỏe mạnh phải đi bộ xuống phà Bắc Mỹ Thuận. Cô Cúc mua cho nhóm mỗi người một trứng hột vịt lộn ủ ở rổ trấu nóng hổi. Các con tôi thấy con vịt chết nằm trong quả trứng, thì quá sợ lắc đầu lia lịa không dám ăn. Tôi mua cho cả nhóm bánh mì thịt, trái cây đủ loại, nào là mận, đào, chôm chôm. Bánh trái, kẹo mứt bán nhiều vô số mà thật rẻ. Thú vị nhất là các em bé bán chim cút lanh lẹ vui vẻ rao hàng:
. . . Ăn chim em đi anh.
Nè chim em mập lắm.
Nè chim em ít lông.
Chim em vừa mới lớn.

Anh ăn chim em không.
Chim em toàn những nạc.
Chim em chẳng có xương.
Anh sờ đi: toàn thịt.

Lại to hơn chim thường.
Lại to hơn chim thường.
"Ừ, chim em bự lắm.
Nhưng anh cũng... có rồi.

Anh dừng lại xem thôi.
Để anh đi, em nhé".
Xe chuyển bánh nhè nhẹ.
Cô em còn ghé theo.

Chim em, chim rất nhiều.
Lần sau anh mua nhé.
Nay qua sông Mỹ Thuận.
Gặp cây cầu ước mơ.

Thương cô em mười tám.
Biết tìm đâu bây giờ?... (1)

Đoàn xe lại bon bon lên đường xuôi về hướng Rạch Giá. Trùng dương sóng vỗ mênh mông, bạt ngàn nước cuồn cuộn nhấp nhô bên mạn phà to tướng, êm êm. Lần đầu tiên xuôi về miền Nam phồn vinh trù phú, tôi cứ tưởng chỉ có phà Bắc Mỹ Thuận là to lớn sầm uất thôi. Nào dè, một lần nữa tài xế gọi mọi người xuống xe, để qua phà, thì tôi càng sửng sốt mở rộng tầm mắt nhìn phà Bắc Cần Thơ bao la, bát ngát, mênh mông sông nước rộng kinh khủng! Bờ nầy và bờ kia xa tít mờ xa ngàn trùng. Đúng là:
“đi cho biết đó biết đây.
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”.

Đặc sản nổi tiếng nhất vùng là Bưởi Năm Roi múi to nhiều nước và ngọt lịm. Vú Sữa Lò Rèn vỏ mỏng hột nhỏ, khi trái vú sữa chín thì vỏ giống màu cẩm thạch, ruột trắng sữa. Có Dừa Sáp Cầu Kè nhiều nước và cũng ngọt lịm. Mít ruột đỏ múi dày giòn thơm ngon, và cả Dưa Bồn Bồn. Vân vân… như câu ca dao:
Bánh tráng Mỹ Lồng. Bánh phồng Sơn Đốc.
Măng cụt Hàm Luông.
Vỏ ngoài nâu trong trắng như bông gòn.
Anh đây nói thiệt sao em còn so đo! (2)

Ôi! Bao nhiêu là quà bánh đặc sản tươi rói ngon lành ở miền quê đều tập trung ở hai bến phà đông đúc, vui vẻ nhộn nhịp, tưng bừng nầy. Chị em chúng tôi chọn mỗi người mua một loại trái cây khác nhau, để mọi người trong đoàn ăn nếm, cho biết vị ngon của lạ trên quê hương.
Bến Tre giàu mía Mỏ Cày.
Giàu nghiêu Thạnh Phú, giàu xoài Cái Mơn.
Bến Tre biển cá sông tôm.
Ba Trì muối mặn Giồng Trôm lúa vàng.
Biên Hòa có bưởi Thanh Trà.
Thủ Đức nem nướng Điện Bà Tây Ninh. (2)

Xe vun vút chạy qua bao nhiêu cầu, bao nhiêu phố xá, ruộng lúa vừa gặt xong còn trơ cuống rạ, vô số cò diệt, le le, bay thẳng cánh ngút ngàn. Vườn tượt kinh rạch làng mạc sông nước hai bên chập chùng. Quê hương mình muôn màu muôn sắc, mỗi nơi có một vẻ đẹp tuyệt vời riêng với mạng lưới kênh rạch chằng chịt. Trên ghe thuyền thương hồ mái chèo tung tăng quẫy nước, vẵng tiếng hò câu ca vọng cổ đó đây, chen lẫn với những cây đàn cò, đàn guitar cùng tiếng trống bập bùng, rộn rịp, bồng bềnh, nhấp nhô trôi theo ghe thuyền sông nước mây trời.

Có sông chợ nổi lớn và các mặt hàng hóa treo lên một cây sào cao, hoặc bỏ trong nhiều giỏ cần xế to. Nào là Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ, chợ nổi Phụng Hiệp bán rùa, chim, sóc, kỳ đà… rắn đủ loại quanh năm, chợ nầy rất lớn là nơi tuyệt vời đầy đủ các thứ nhất, và chợ nổi Cái Bè. Những chợ nổi ở miền Nam ...ôi bán mua bạt ngàn đủ loại trái cây, dừa, dưa hấu, gạo củi, rau, tôm cá, áo quần, mùng mền gối chiếu, kể cả các mặt hàng ăn uống nhậu nhẹt như: Bánh cuốn, phở gà, cháo vịt, cơm, bún, vân vân... và vân vân... đều được bán trên sông ròng nước lớn.

Lòng tôi cảm thấy nao nao cảm xúc ngọt ngào, dịu nhẹ, lâng lâng, dạt dào, ngẩn ngơ. Hạnh phúc lang thang trong lòng tôi rót tơ vàng trôi theo dáng hoàng hôn hây hây, lung linh, huyền ảo với sóng trường giang rộn ràng đập bên mạn thuyền luyến thương nhiều thao thức. Cảnh vật huyên náo vui nhộn không kém phần đặc biệt thi vị thơ mộng: đã thể hiện vào câu hò, điệu lý, được lưu truyền từ xưa đến nay:
Dòng sông thì rộng mênh mông.
Áo em lại thắt lưng ong làm gì?
Anh từ Xà No đến.
Em từ Ba Láng sang.
Sợi tình yêu ai dệt.
Trên mặt nước mênh mang.
Bảy sông dồn nước cuồn cuộn nước.
Phù sa lớp lớp quyện phù sa... (2)
***

Chiếc xe đò cà tàng, thổ tả, lọc cọc, rệu rạo lăn bánh trên những cục đá dăm khi hoàng hôn nhè nhẹ quệt đường nắng yếu ớt, sóng sánh trên dòng sông mờ mờ, thì chúng tôi thực sự đặt chân về miền Tây bỗng trời mưa thật lớn. Nhóm tôi đã trải qua một đoạn lãng du dài dằng dặc giữa trời đất tĩnh lặng bao la, hoang sơ, lãng mạn trên nẽo đường gió bụi trôi về xứ lạ, nơi vừa cũ vừa mới, vừa họa, vừa phúc, vừa lương thiện, từ bi lẫn tội ác quyện bện vào nhau, mà tôi không ngờ! Nhưng lòng trí ai nấy đều nôn nao, bồn chồn, lo âu thấp thỏm: vì xứ lạ phương xa mà đa số bạn của tôi và tôi chỉ biết ngao du qua sách vở, chứ tôi chưa hề thú vị chứng kiến sông nước ruộng đồng bao la, vườn tượt xanh um bóng mát, như thi sĩ Bùi Giáng đã nói:
Chào Lục Tỉnh thu về xuân nức nở.
Ở trong cây trong lá ở bên sông.
Dòng nước chậm chần chờ con sóng chở.
Còn không em? kỷ niệm ở bên lòng!
Và:
Chưa đi chưa biết Bến Tre.
Đi rồi mới biết toàn tre với dừa.
Dừa to dừa nhỏ dừa vừa.
Trèo lên tụt xuống nước dừa đầy tay. (2)

Xuống đến Rạch Giá cảnh vật thôn quê êm đềm tĩnh mịch không kém phần thơ mộng, nhưng đa phần nhà cửa cư dân vắng vẻ, xóm làng quạnh hiu vô cùng, thì nhóm tôi hoàn toàn bị lạc lõng, xa lạ, đơn độc buồn thiu đến độ nào. Chúng tôi líu ríu dắt díu nhau đi tới chỗ lạ cái lạ nước, lạ hoắc, thật lúng túng bất tiện trăm bề. Nhóm người già trẻ lớn bé nầy chẳng hiểu sao lòng cảm thấy bất an, lo sợ, e dè, lấp ló thập thò, kín đáo dè dặt ngó quanh, nhìn trước ngó sau lén lút như kẻ gian, kẻ trộm. Hết cả đám có miệng mà như câm, không ai dám hỏi thăm khi dân địa phương nhìn chúng tôi chằm chằm, xoi mói. Không có bản đồ địa phương, không rành phong thổ cũng như tập quán nơi đây, không thấy xe xích lô, không tìm ra khách sạn hay phòng trọ nào. Thế nên đã nhiều giờ nhóm tôi đi lạc lung tung. Sau đó:
Hỏi em, em đã đi rồi.
Hỏi chim, chim chỉ mỉm cười bay đi,
Hỏi cha, cha chẳng biết gì.
Hỏi sư, sư bận vội về tụng kinh.
Hỏi cô hàng xóm làm thinh.
Hỏi nàng bán bánh cười tình không hay.
Nhìn trời một đám chim bay... (2)

Duy có điều quan trọng là dù chúng tôi ngu ngơ ngố ngáo nơi quê hương thân yêu, cũng phải cương quyết rứt áo ra đi, phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Đang ngơ ngác, bồn chồn, lo lắng khi trời đã về chiều, mà chân chồn gối mỏi, đúng lúc đó chúng tôi văng vẵng nghe:
Đạt là chàng trai yêu xứ Đà Lạt.
Anh “pLê mê” đi lính ở Plei-me.
Cầu ma bà xã tui đi Cà Mâu.
Cây còn xa quê mình nhớ con cầy
Lợn sang đồng lo chạy rông Lạng Sơn.
Hiền ta ra hiên tà thấy Hà Tiên.
Chúng ta hoan hỉ tá chung chiếc thuyền.
Ngày mai anh Viễn định xuống Vĩnh Điện.
Cao Bằng đau bụng đụng bao căng bào.
Trai Hà Giang chỉ cơm hỏi hàng gia?
Đi Lai Châu gót chân mình lâu chai.
Gái Hà Đông đa hồng hỏi Đông Hà.
Cán ngố trên rừng cố ngán không khóc.
Con cóc vàng trên đàng bị cán vọc
Tớ chổng khu hỏi chủ không chổng khu?
Cù Lao Chàm càm ràm chú cào lu.
Tên “Plu-kê” chạy rông đi Plei-ku.

Chúng tôi tần ngần do dự đứng khựng lại trầm lặng hồi lâu, lắng nghe bọn trẻ choai choai, dé dé, xíu xíu khoảng độ tuổi mười lăm mười sáu, có lẽ là nam nữ sinh học trường Trung–học gần đấy đang ngồi trên sân đình, các em vui vẻ trao những câu “thơ thẩn tiếu lâm dám xướng ngôn vô loại” lên, cười ha hả mà không sợ bị bọn du kích 30 tống giam.

Thì trong dạ tôi vui mừng như mở cờ, ruột hớn hở đánh lô tô tưng bừng và nghĩ rằng: “ở đây có lẽ còn khá tự do, dễ chịu, chắc là còn thoải mái yên bình ca hát, ngâm thơ, hát câu vọng cổ... bên sông nước mơ màng” cũng có thể làm cho người lạ xích lại gần kề, thân ái gợi chuyện làm quen, làm thân một cách dễ dàng, cởi mở. Anh Bàn liều đi tới hỏi thăm đám trẻ, các em trai lanh lẹ vui vẻ chỉ lối đưa đường cho nhóm tôi biết: nên đi về hướng chợ nhỏ ở xa xa.

Mấy anh dấm dớ dò dẫm qua một chiếc cầu gỗ cũ, tới trạm mua vé tàu thủy, dự định ngày mai cả nhóm sẽ đi Phú Quốc. Chiều tà ở tại Rạch Giá từ bước chân khách lạ cô đơn trên đường chiều, khiến lòng tôi buồn vô hạn, đứng trên cầu gỗ nhìn về phía góc vườn dừa rợp bóng nhà ai sông nước chập chùng. Có chút tâm hồn đa cảm và nhạy cảm... khiến tôi cảm thấy nơi đây thật sự kỳ diệu thanh bình lãng mạn lắm. Lòng tôi càng xúc cảm vấn vương nỗi buồn thê thiết, khi thấy mấy giang thuyền lạnh lẽo lắc lư nằm im ỉm, trơ trọi bên những cầu tàu quạnh vắng, làm thức dậy trong tâm trí tôi hình ảnh dĩ vãng lãng đãng mộng mơ thiết tha thật gần...

Nhưng bây giờ đã rời xa... xa mờ xa nơi chân trời mê-hoặc, xao xuyến mông lung bao tiếc nhớ, bâng khuâng lặng lờ nỗi đau sâu thẳm: Đâu rồi những anh thủy thủ phong trần trẻ trung vui tính ưa huýt gió, vui vẻ, xinh lịch oai hùng hào hoa trong bộ quân phục Hải Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trắng tinh? Họ mặc bộ quân phục với niềm kiêu hãnh vinh quang hào hùng trong dĩ vãng? Mặt nước có còn in bóng chàng trai phong sương đa cảm, đa tình đứng trên bon tàu vu vơ nhìn mây trời quyện bện vào nhau xanh bát ngát? Dưới đáy thuyền sóng cả cuồng phong thịnh nộ ngày ấy vỗ nước bồm bộp vào mạn thuyền, đẫy đưa anh lính Hải-quân có cuộc sống hào hoa phong nhã lang bạt vui tươi đi xây mộng giang hồ tứ xứ!? Ý chí của bạn và tôi bây giờ chỉ còn là ảo ảnh: trăng tròn giữa lòng sông lắc léo giòng chảy trên luống đời điệp trùng bóng tối. Tiềm ẩn trong tâm hình ảnh đường chiều nâng ước vọng dâng cao ngút ngàn.

Đến gần chân cầu sắt dày cui lót gỗ bên kia trạm vé, thì có một khu nhà tôn chen lẫn nhà lá tồi tàn, nhưng đã đem lại lòng tôi sự ấm áp rộn ràng rạo rực niềm vui, chen lẫn sự xót xa chân thật: khi tôi nhìn cư dân địa phương vất vả, thiếu thốn, nghèo nàn. Các anh vào thuê mấy chỗ trọ. Không phải là phòng trọ như ở nơi khác có phòng riêng sạch sẽ tươm tất, mà lán trọ ở đây giống như khu nhà trống, hoàn toàn không có cửa nẽo, chỉ là những hàng ghế bố cũ mèm nối dài, mái lợp lá dừa trống trơn, hơi giống patio bốn bề lộng gió. Nước mưa lộp độp trên mái lá, bùn đen sền sệt dưới chân ghế bố luôn luôn ướt nhẹp, mốc xì, đen thui, ghế bố có nhiều gián, rận, rệp hôi rình, thậm chí có cả chí mén, chí cồ bò lổm ngổm trên gối. Thế nhưng người ra kẻ vào lội nước lủm bủm vẫn tấp nập ồn ào ngược xuôi đông đúc lắm.

Chị Ngọc, Cúc, tôi vội vàng xẹt ra khu chợ xép nhỏ gần xịch một bên, chị em tôi chẳng buồn hỏi khu chợ nầy có tên gọi là chợ gì. Mỗi quầy hàng là một cái chòi bằng tre lợp lá dừa, giống túp lều nho nhỏ luôn kêu kẽo kẹt, nước bùn đen đen đọng dưới chân cột và trên đường nhựa. Quán xá lộn xộn, họ bán đủ thứ: cá, tôm, sò ốc, rùa, ếch... Úi trời! có nhiều con rắn còn sống đang uốn éo thân, cái lưỡi chẽ đôi thò ta thụt vô, cả những chú chuột đồng lông lá lưa thưa có móng nhọn dài to bự sư. Coi thật gớm à!

Chị em tôi mua nhiều tôm tươi, cá trê vàng, cá sặc bướm, cá sặc rằn. Rồi day qua hàng khô mua gạo, mua một trái thơm, rau sống, cà chua, mua củi. Họ thật thà hào phóng bán trái cây tươi rói, tính một chục là 16 trái xoài bóng láng, mập ú, thơm ngon. Họ không nói thách, không làm hàng màu mè: không chất thứ to bỏ làm hàng mặt ở trên, trái nhỏ chêm ở dưới thúng. Mà có sao họ bán vậy. Dân quê và dân chợ đa số khá hiền lành chất phác, vui vẻ, chăm chỉ, thật thà. Họ nói ở đây cái gì cũng tươi và rẻ nhất là: cá, tôm... Nhưng họ khó kiếm ra tiền, vì nhà nhà ai ai cũng có cá, có tôm. Thịt ếch và các loại cá ở miệt nầy càng rẻ rề, thì đem bán cho ai đây, để có tiền xây xài?

Chúng tôi xin bà chủ nhà trọ cho mượn mấy cái son nồi, để nấu nhờ bữa cơm tối. Bà chủ nhà vui vẻ dễ dãi nhận lời. Chị em tôi xúm lại người nấu cơm, người làm cá. Lớp kho, lớp nấu, chiên xào... Đây là bữa cơm đặc biệt đầu tiên, có thể cũng là bữa cơm cuối cùng tại Rạch Giá. Nhóm chúng tôi ăn uống no nê, dư dả và rất ngon miệng. Sau đó chị em bưng nồi niêu son chảo ra bờ kè rửa ráy, rồi trả lại cho bà chủ nhà tốt bụng. Chị em cho các con ra sông tắm gội sạch sẽ.

Khi màn đêm buông xuống, tôi nhìn bên kia kinh lạch tối om vì không có điện, bên nầy ngọn đèn đường tù mù hắt ánh sáng yếu ớt vàng vọt, giống như đèn đêm lốm đốm lập lòe ở khu nghĩa trang. Thiệt cảm thấy quá nãn. Đêm buồn nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên lá, gió lồng lộng rít rít từng cơn, thổi bay tấm mùng vải cũ ố vàng đen đen, khiến cái lạnh càng về khuya càng ngấm xuyên qua da thịt tôi thêm dúm dó và rùng rợn. Bầy trẻ suốt ngày đi đường quá vất vả, nên tắm gội xong, vừa đặt lưng xuống ghế bố, là chúng đã “phè cánh nhạn” ngủ say. Riêng bọn già nầy thì bồn chồn, băn khoăn, lo lắng, không sao chợp mắt, dù chỉ vài phút.

Thỉnh thoảng có đám tuần tra đi ngoài đường nói cười rổn rảng sát ngay bên ghế bố nơi Luật nằm. Tôi không biết họ đang oang oang chưởi gì, chưởi ai!? Chưởi số phận nghiệt ngã đã trao cho họ: phải xách súng đi ngày đêm kiểm soát dân; từ buổi giao thời vừa mới có “tự do hạnh phúc”?! Hoặc hắn tự chửi mình ngoảnh mặt làm lơ nhìn người khác hả hê trả thù dân tộc!? trợn mắt sung sướng nhìn đồng bạn tuông trào những lời cay độc, hét to từng tiếng lát gừng thị oai:
- Tên gì?
- Ai đó?
- Đi đâu?
- Kiểm tra giấy tờ.

Anh em thằng Tùng (con của Ngọc) giật mình thức giấc vì tiếng quát, Thắng xù xì hỏi anh nó:
- Mấy ông kia có phải là lính mình không anh Hai? Lính Thủy Quân Lục Chiến mặc đồ đen, quàng khăn cổ bằng lá cờ xanh đỏ, cánh tay ổng đeo băng đỏ, đó anh.
- Tầm bậy tầm bạ! Mầy đoán già đoán non, mà ngu như bò! Thủy-quân Lục-chiến oai lắm, họ mặc đồ xanh rằn ri, đội mũ màu xanh cứt ngựa, mang giày đinh.
- Vậy à… hay mấy ông kia là người trong đảng ca ca ca chi đó, phải hông?
- “Ca ca”… tiếng Tây nôm na là cứt nghen. Còn đảng K K K... là là… thời da trắng ám sát da đen, khi Nam Bắc phân tranh bên xứ Mỹ. Không có ở đây! Biết không?
- Thì… thì em thấy mấy ông du kích nầy có khác chi…
- Xuỵt! Mầy có câm ngay cái miệng ưa bép xép không!?
- Em không biết, mới hỏi chút xíu, anh làm gì dữ vậy!
- Coi chừng cái... bản mặt đó. Thấy thì biết.

Nghe hai cháu nhỏ “nóng ruột” từ lời nói, còn tôi “lộn ruột ứa gan” từ trong tim! Thành phố khiêm nhường bé nhỏ nầy đã trở nên trơ tráo hơn khi có “quân giải phóng miền Nam” tới với những thứ lạ, thứ mới, có ít thứ tốt và nhiều thứ xấu, lắm thứ dữ: Một ông già chệnh choạng thất thểu bước thấp bước cao, và mấy thanh niên đứng xớ rớ dưới cột đèn mờ mờ. Ông già ấy đã bị móc túi, không còn giấy tờ tùy thân, không có tiền xì ra.

Cha con ông cháu nói dai, ú ớ van xin lằng nhằng lải nhải gì đó, liền bị một du kích địa phương dùng báng súng đập ông già bể một mé đầu, vọt máu tươi. Tên du kích ấy bắt ông già bó gối, hai tay đan vào nhau chấp lên đầu chung với đám thanh niên: Khổ thiệt, ở thời buổi giao thời nầy, sao ông dám mở miệng phân bua, với ai hì! Bị thương ngoài da rồi sẽ có ngày lành, nhưng tổn thương trong lòng dù không ai trông thấy (dù chuyện không đáng), nhưng đau dài lâu. Luật tức giận cành hông, anh dợm đứng lên nhảy ra can thiệp, nhưng Ngọc nhanh tay lôi giật Luật, ra dấu im re nằm xuống câm mồm, coi chừng đầu không phải phải tai. Ông lẩm cẩm không nhớ cho:
Phong lan, phong chức, phong bì.
Trong ba thứ ấy, thứ gì quý hơn?
Phong lan ngắm mãi cũng buồn.
Phong chức thì phải cúi luồn vào ra.
Chỉ còn cái phong thứ ba.
Mở ra thơm nức, cả nhà cùng vui. (2)

Cổ họng ai nấy đều đắng nghét như ngậm vốc trà khô. Trà đắng có thể không thích nghi với thổ địa bởi tại phong sương, hoặc trà chát, chua, bởi tại tình người? Vã chăng, khi chiều chúng tôi nhìn “mấy tên 30”, hoặc ngó ai ai thì cũng thấy họ tò mò nhìn sững mình không chớp mắt, chả biết đâu là thù, mô là bạn! Nhiều người ra vào ở phòng trọ nầy mặt lạnh như tiền. (Chớ tôi có tật gì mà giật mình)!? Đúng. Một số ít dân cách mạng lâm thời đội mũ tai bèo, mang súng AK trong buổi giao thời, bên cánh tay cột khăn vải đỏ, cổ mang màu cờ nửa xanh nửa đỏ, họ hầm hầm ngó chúng tôi trừng trừng, nhìn muốn nổ con mắt, muốn trợn trừng tráo trưng con ngươi mà ăn tươi nuốt sống.

Nếu ví như có những điều tự trong thâm tâm qúy vị đang vui tươi, trong sáng, bỗng một sớm một chiều trở nên sụp đỗ, âu sầu, băn khoăn, suy tư, lo lắng, bâng khuâng ray rứt về cái ngày 30-4; ngày lịch sử bất hạnh là: một giòng chảy không bao giờ chảy ngược lại! Hoặc giả qúy vị hay tôi muốn cầm bút viết lại, nói ra, lượt thuật, lượm lặt sưu tầm đó đây, nhã ý là: do ta chỉ ước mong bộc lộ những uẩn khúc quá đau lòng tự thâm tâm {trong đời sống thực. Có lần tôi đã nói: “tôi không hề lên án ai, xúc phạm ai, bới móc ai điều gì! Cho dù con người ấy, xã hội ấy sau 30-4-1975; đã đả thương tôi đớn đau trầm trọng cách mấy chăng nữa!

Tôi rộng lượng bỏ qua & tha thứ. Vâng)}! Thì xin qúy vị tha cho tôi, đừng vội thẩm định tôi khuynh tả hay thiên hữu: Do thân tình ghi lại loạt chuyện (mà bạn TtTm hoặc tôi kể) để con cháu ngày ấy chưa thành nhân, thành danh; ngày nay sẽ hiểu rằng: Tình Đời và Tình Người cần thiết, dù có tiền rừng cũng không thể mua được thanh danh. Hũy hoại thanh danh dù một lần, một ngày làm mất danh dự, nhưng đã lưu lại suốt đời.

Nếu tôi hoặc bạn tôi cố chấp, thì chẳng khác nào như con chuột, con dơi vắt mình trên cành: Con dơi chỉ thấy một phần nhỏ xíu dưới cành, mà chẳng thể nhìn thấy cả toàn cây. Con chuột chỉ là con vật loắt choắt tẻo teo, chuyên đi phá phách, hại ruộng hại đồng cây cối nhà cửa, dù nó có uống nước trong, hoặc mò mẫm lặn lội húp nước đục, thì chỉ no được cái bụng bé tí teo. Chuột vẫn là giống chuột lủi tanh hôi, có khi truyền đến ta bệnh dịch hạch nguy hiểm đáng sợ. Chuột nhớp nhúa không thể làm điều gì cao sang, ích lợi cho đời.

Bây giờ thì nó có hóa thân làm con chuột hét ra tiếng người cốc lốc, lấc xấc mà thị oai, có hét tướng lên trong màn đêm u tịch, càng khiến người rất sợ hãi, không dám hó hé dáo dác len lén nhìn quanh, mà phải nằm im ru câm họng trong mùng lim dim hi hí ngó trộm. Con cháu tôi nghe, thấy rõ, đã biết sự hung ác kia... thì bây giờ con nên tôn trọng nhân cách sống, cư xử với nhau hòa ái, bao dung, vị tha; vẫn trân qúy đáng ngưỡng phục, hơn sự thô lỗ bạo tàn rợn người.

Có miệng không nói lại câm.
Hai hàng nước mắt chan dầm như mưa.
Mang danh Dân Chủ Cộng Hòa.
Đi ra khỏi tỉnh phải qua cửa quyền.
Xuất trình giấy phép liên miên.
Chứng từ thị thực ở miền nào qua. (2)
Khoảng mười hai giờ khuya, có một toán choai choai dé dé xíu xíu bặm trợn khác lại xồng xộc vô nhà trọ, vếu váo tốc ngược mùng của mọi người lên, chúng giựt giọng gọi những khách trọ đêm dậy để kiểm soát giấy tờ tùy thân. Qua nhiều thủ tục khám xét gắt gao, những túi hành trang vải, (mà tôi đã may hôm 28-4-1975). Họ lừ mắt trợn ngược, hất hàm chĩa súng vô bụng, gặn hỏi khách trọ cộc lốc đủ thứ chuyện không có chủ từ danh từ:
- Tránh qua bên kia, đứng xếp hàng.
- Trước ở đâu?
- Làm gì?
- Nay đi đâu?
- Đưa coi giấy tờ.
- Còn có gì dấu đút ở đâu không?
- Có lệnh không được đi đâu hết.

Nhóm tôi nói láo: hồi trước gia đình đã sinh sống ở Phú Quốc. Nay có tự do, hoà bình, thì chúng tôi muốn về lại chỗ cũ sinh sống:
Trăm năm trong cõi người ta.
Ở đâu cũng được đi ra đi vào.
Xa xôi như xứ Bồ Đào.
Người ta cũng được đi vào đi ra.
Đen đủi như Ăng Gô La.
Người ta cũng được đi ra đi vào.
Chậm tiến như ở nước Lào.
Người ta cũng được đi vào đi ra.
Chỉ riêng có ở nước ta.
Người ta không được đi ra đi vào. (2)

Người ta nói: Ông Trời có mắt nhưng do ổng ở xa lắm, nên có mắt cũng như mù! Úi Trời đất thánh thần thiên địa ơi! giờ nầy qúy ngài hiền đức thánh nhân ở trên thiên đình: lo đi rong chơi, ngao du nơi biển sâu sông dài núi cao nào rồi!? Sao qúy ngài không cúi xuống nhìn đám dân giả dưới trần gian của qúy ngài đang rét run, sợ té khói ra đít nè! Đã thế mà trời còn mưa giông gió bão! Khi Trời gieo sấm sét đánh chết người, thì thiên hạ nói:
- Do người ấy ăn ở ác, không có đức, nên bị Trời đánh.
- Hứ! Vậy chớ ông Trời làm sét đánh chết người, thì không ai nói là ông Trời ác hì!

Bốn giờ khuya, toán du kích già dặn kinh nghiệm thứ ba mặt mày đằng đằng sát khí, súng ống lăm le chĩa ra đằng trước ngực khách, đạn lên nòng róc róc róc… rắc rắc rắc... réc réc réc..., ngón trỏ hắn đặt trên cò; họ lại dựng đứng khách trọ ra khỏi mùng, để “hỏi cung”. Chúng tôi sợ mấy cha nội không rành về súng ống đạn dượt, ưa tháy máy tay chân, thích “bụp” liền, thích “đục” , thích “nẻ” bậy vào dân ngu khu đen, thì chết toi cả đám oan đời. Tôi ngồi co rúm, không dám hó hé, xép re im thin thít trong một góc nhà trọ, lẩm bẩm đọc kinh cầu nguyện mà run như cầy sấy. Vậy thì tôi chẳng biết “ai” ác hơn ai hở Trời!
Hãy đến bất cứ nhà nào.
Chị em không việc cũng vào cũng ra.
Thật là ngứa mắt chúng ta.
Nhưng thôi cứ để họ ra họ vào.
Không thì “cửa sắt” họ rào.
Anh em đố có dám “vào” dám “ra”. (2)

Một đêm có tới ba lần bị kiểm soát! Tửng bưng gần năm giờ sáng thì tốp dân ở Phú Quốc cặp tàu vô đất liền. Sau đó, cả lán trọ được biết là tù-phạm sau ngày 30-4 ở ngoài Phú Quốc đã phá ngục, có lớp người vượt ngục ra tù về đất liền, họ cầm súng giương oai đi quậy tưng trời, phá phách cướp bóc nhiều nơi. Cả đám di tản chúng tôi đang đứng xớ rớ bên góc cầu, may mắn Ngọc gặp ông ba của anh trên chiếc cầu gỗ lắt lẽo: Ông ba mừng rỡ ôm con trai vừa khóc vừa nói:
- Phú Quốc đã có nhiều trại tù nổi loạn. Cướp bóc tràn lan. Có những cuộc chém, giết, chạm súng gắt gao. Bọn mình phải quay trở về Đà Lạt ngay thôi.

Chúng tôi tứ cố vô thân ở xứ lạ quê người, nghe thế lại càng tăng lòng sợ hãi lên cao độ, phân vân băn khoăn hết sức. Nếu chúng tôi đi ra Phú Quốc, biết đâu: Ngoài đảo đang lộn xộn kinh khủng, thì tai ách giữa đàng lại mang vào cổ. Thế là chuyện đi Phú Quốc và từ nơi đó sẽ “đào tẩu” ra nước ngoài, nhưng... “em ơi nếu mộng đã không thành thì sao? Non cao đất rộng biết đâu mà... tìm!”.

Tất cả anh em chúng tôi như con ngố, rù rì to nhỏ xầm xì với nhau nửa tiếng Anh, nửa tiếng Pháp, pha tiếng lóng chêm tiếng Ba Chệt, tiếp theo ngôn ngữ Việt mà bàn tính: nên trở về Sài Gòn thôi. Dù sao ở thủ đô vẫn còn có bộ mặt thị thành văn minh, còn có tai mắt quốc tế dòm ngỏ hầu vô cứu nhân độ thế!

Chuyến đi Rạch Giá mong ước lẽn ra Phú Quốc nơi ấy còn vùng vẫy trong tự do độc lập. Nhưng thật vô duyên hết chỗ nói. Háo hức hân hoan hy vọng ra đi. Đến nơi Rạch Giá chứng kiến cảnh mắt thấy tai nghe bọn oắt con nhỏ bằng con cháu mình hung hăng, thô thiển, xất xượt “lên mặt” đánh đấm răn dạy cha chú. Tôi chong mắt trông trời mau sáng, để quày quả trở về nơi vừa mới bỏ đi. Có phải chúng tôi sẵn tiền, hay đã trở thành kẻ du mục dị ứng thời cuộc đã bị tẩu hỏa nhập ma điên khùng, “lắc lư con tàu đi”... tìm tự do hạnh phúc!?

Giá mà hôm qua chúng tôi không gặp mấy tên du kích có đôi mắt trắng dã, có cái nhìn dữ dằn, hành động hung ác, ăn nói cộc cằn, thô lỗ. Thì chắc chắn sáng tửng bưng nầy cả nhóm tôi đã lên tàu thủy dong ra Phú Quốc lánh nạn rồi. Cũng có lẽ định mệnh an bài cho chúng tôi nên ở lại Sài Gòn đông vui, thì đời không cô độc, sẽ là nơi an tựa vững vàng cho tương lai cuộc sống của chúng tôi chăng?!
Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ.
Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ.
Lá rừng cao vàng rụng lá rừng bay...
Giờ khách đi. Tha La nhắn câu này:
- Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé!
Hãy về thăm xóm đạo.
Có trái ngọt cây lành.
Tha La dâng ngàn hoa gạo.
Và suối mát rừng xanh.
Xem đám chiên hiền thương áo trắng.
Nghe trời đổi gió nhớ quanh quanh... (3)
*
(1) Thơ sưu tầm lượm lặt.
(2) ca dao
(3) Thơ Tha La Xóm Đạo – Vũ Anh Khanh.
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
04-29-2017, 08:31 PM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd417/1494293052-SpaceShuttleEndeaour1.jpg

Dưới đây là hồi ký của một sĩ quan cao cấp của Không Quân VNCH vào mấy ngày cuối cùng dẫn đến ngày 30-4-1975. Như cuối bản hồi ký ghi lại, nhiều phần, nó đã được viết từ năm 1998 và mới đây được phổ biến lại trên Internet. Tác giả thiên hồi ký này còn trí nhớ thật tốt nên tường thuật lại khá nhiều những chi tiết của những ngày cuối cùng tại Bộ Tư Lệnh Không Quân.
***

Giây phút nát lòng:
Liệt Lão Đào Huy Ngọc


Tôi thật muốn quên cái ngày đen tối đã qua, cái ngày mà cái hèn, cái nhục, cái bất ưng đã ám ảnh tôi đến mãi ngày nay. Nhưng cứ mỗi lần tháng tư đến nó lại ray rứt trong tôi, nó nhứt định làm khó tôi, kéo tôi sống lại ngày ấy, cái ngày mà phản đồ A 37 oanh kích phe mình.

Vào lúc tan việc, mọi người đều lo miếng cơm chiều lòng tôi như lửa đốt, tôi vội một mình lái xe về Tân Định thăm mẹ tôi mang bệnh tim, sống một mình ở một căn phố thuộc khu xóm Chùa. Gặp tôi còn nguyên quân phục tác chiến, mẹ tôi mừng mừng tủi tủi, không muốn xa tôi, cầm tay tôi nói:
- Con cấm trại triền miên, mẹ không yên tâm. Hay để mẹ vào TSN cho mẹ con còn được có nhau.
Tôi vội quay mặt tránh cho mẹ tôi khỏi nhìn thấy cái đau lòng đang nhạt nhòa mắt tôi. Tôi từ tốn thưa:
- Mẹ! TSN là nơi chinh chiến, con để mẹ sống ngoài khu quân sự cho được an toàn. Chiều chiều con sẽ chạy về thăm mẹ, lúc nào tình hình bớt căng thẳng con xin rước mẹ về gần con.
Nói xong tôi móc nguyên bì lương tháng tư tôi vừa lãnh trao hết cho mẹ tôi, để người chi dụng rồi vội cáo từ trở lại TSN. Tôi không ngờ chính lần gặp nầy lại là lần cuối tôi thu nhận hình ảnh mẹ tôi vào trong lòng.

Tôi định đi tắm. Mới cởi được cái áo thì nghe nhiều tiếng nổ lớn phía SĐ5KQ. Nhìn lên trời, A 37 nhào lên lộn xuống. Nhìn xuống đất, vọng vào sân bay, từng cụm khói đen bốc cao. Không chút do dự tôi vội xỏ tay áo một bên, một bên còn để trần, lái vội xe vào BTLKQ.
Dọc đường mọi người tất tả chạy ra, riêng mình tôi ngược vào, súng liên thanh lớn nhỏ nổ ran. Thấy tôi ngược dòng thác người, có mấy anh em thuộc quyền xưa cũ vội chận tôi lại:
- A 37 dội bom, VC đánh tới, mọi người thoát thân sao ông lại chạy vào. Ông ơi ! hãy quay xe ra đi.
Tôi chẳng anh hùng gì, gan dạ hơn ai, nhưng nghĩ đến trách nhiệm tôi đã lắc đầu:
- Các anh hãy chạy đi, tôi phải vào chỉ huy phòng thủ. Nói xong tôi rồ máy phóng vào TLB. Lính Hành Dinh nghiêm chỉnh canh gác. Cổng BTL, ngựa sắt đã kéo ngang. Tôi hỏi:
- Các Tướng đâu?
- Trong Đại Sảnh. Lính gác nói vội.
Đậu xe trước tiền đình, tôi phóng xuống gặp ông Lượng vận phi bào vừa bước ra, tôi hỏi:
- Các ông ấy đâu ?
- Ở cả trong đó, ộ Lượng trả lời.
Tôi yên bụng, các Tướng Tàu bay còn đó. Thay vì vào gặp, tôi quay ra xem xét phòng thủ. Điểm quân số tôi chỉ có hơn Tiểu đội phòng vệ và ½ Tiểu đội QC. Tất cả ứng chiến trực đều vọt đi ăn chưa kịp đáo hồi đơn vị. Tôi ngao ngán nhưng vội quyết định nhanh:
- QC trách nhiệm TLB, bảo vệ Tướng lãnh. Phòng vệ ứng chiến, xử dụng vũ khí cộng đồng, chiếm lãnh cao điểm, nóc hiên Khối Hành Quân, phòng ngự mặt tiền TLB và cổng chính BTL. Số khác phòng ngự cổng sau hướng về khu có VC trong ủy ban Liên hợp 2 bên.
- Lệnh cho các anh “Tử Thủ”.
Thú thật, tôi ra lệnh để lấy tinh thần quân sĩ chứ chiến đấu gì với một lực lượng què quặt và không phương tiện truyền tin. Tất cả chỉ thị đều dung người chạy tới chạy lui như kiểu giao liên thời Du kích đánh Tây.
Thanh tra vị trí chiến đấu vừa xong, tình hình cũng vừa lắng dịu. Tôi lên trình diện TLB những toan phúc trình tình hình phòng thủ nhưng chẳng ai bận tâm! Người ngươì nhìn nhau đăm chiêu dường như trong thâm tâm mỗi người chỉ muốn buông rơi tất cả.
Ói ! Thần sắc không còn, dũng khí cũng tiêu tan, Đại Bàng đã “xệ cánh” !
Nhớ lại ngày nào, Mậu Thân đỏ lửa, hùng khí ngất trời, hiên ngang sấm sét, quét sạch cộng quân, sao nay bỗng dưng rũ liệt ! Buồn rơi nước mắt.
Tôi trông chờ một lệnh họp khẩn cấp, duyệt xét tình hình chung, lấy quyết định tối hậu: “Chiến” hay “Lui”. Chiến thì chiến ra sao ? Kamikazé ! ? Lui thì lui thế nào ? Có trật tự, tuần tự trước sau, “Không bỏ một ai” hay hỗn loạn mạnh ai nấy chuồn ! ! ?
- SĐ 5 còn nguyên C 130, C 119, C 47, Caribou, Trực thăng và cả phi đội nghênh cản F 5.
- SĐ 4 nguyên vẹn hỏa lực sẵn sàng ứng chiến
Tôi chờ lệnh. Tôi không có. Tôi trở thành anh lính chiến bộ binh trưởng đồn như ngày tôi xuất thân khóa 1 Thủ Đức bị ném về miền Tây, khu Đồng tháp, trông nom một đồn binh án ngữ ngã ba sông ngòi.
Tôi đã được học cầm quân một SĐ chiến đấu để rồi cuối đời lính tôi không chỉ huy được một Trung Đội. Tôi không nhận được một lệnh Hành Quân rõ rệt. Tôi đã bi bỏ quên. Không hiểu được ý định thượng cấp, Tôi chỉ còn biết chu toàn trách vụ của tôi, Tôi lo cho thuộc cấp. Tôi ước tính tình hình và lệnh cho quân phòng thủ:
- Chia nhau thay phiên ngơi nghỉ tại vị trí chiến đấu. Bây giờ yên tĩnh nhưng có thể đêm khuya, rạng sáng Địch sẽ “Tiền pháo hậu xung”, đó là chiến thuật cố hữu của chúng, lúc ấy cần đến các anh em đủ sức ngăn địch.
Tôi chẳng phải thần thánh gì mà biết trước ý Địch. Tôi tự đặt tôi ở vị thế của Địch thì tôi sẽ làm thế. Này nhé:
- Tôi biết TSN đã nằm trong vòng pháo của tôi.
- Tôi biết TSN là ngả rút lui cuối cùng của chính phủ và cơ quan đầu não VNCH.
- Tôi biết KQ/TSN vẫn còn khả năng gây tổn thất nặng nề cho tôi.
- Tôi biết KQ đã nao núng vì đã có những phản đồ gây bất an cho các căn cứ KQ.
- Tôi phải đánh, phải thanh toán sớm. Mất TSN kể như trận chiến Quốc Cộng chấm dứt.

Saigon đã bị vây chặt. Kế hoạch lấy QK 4 trường kỳ kháng chiến không có, không thấy vùng 4 chuẩn bị. Chính trường bấy nhậy còn mải dằng co giữa cụ Hương và Big Minh, giữa sự trốn chạy trách nhiệm trước lịch sử của Tổng Thống và Quốc Hội.
Xem như thế, ấy mới chỉ phân tách sơ lược thôi, là tôi, là anh, nói chi đến VC, cũng phải ra quân dứt điểm. Cho nên việc đến đã đến. Khoảng nửa đêm về sáng rạng 29/4 Cộng quân đã pháo loạn TSN.
Tôi và một QC tùy tùng thám sát phòng thủ thì pháo cộng chớp nhoáng trên đầu. Chú QC xô tôi nằm xuống và lấy thân đè lên bảo vệ cho tôi đồng thời tâm sự:
- Giờ thứ 25 rồi, ông có sao thì đất nước cũng không còn. Nói dại ông chỉ trúng thương thôi, ai ở đó chạy chữa cho ông. Các bác sĩ đã vắng cả rồi. Ông hãy thôi thanh sát. Các anh em đã yên trong vị trí chiến đấu rồi. Ông cứ khơi khơi xổng lưng giữa mưa đạn đâu có lợi ich gì trong lúc nầy.
Mình thường tự tôn đánh giá thấp sự hiểu biết và dũng cảm của em út. Ở trường hợp khói lửa ngút ngàn, Tôi đã thấy ở họ có những suy xét hữu lý. Họ không trốn chạy, họ vẫn theo gót chân mình, họ góp ý cho quyết định của mình.
Tôi do dự rồi vỗ vai chú QC:
- Tôi cám ơn anh đã lấy thân che cho cấp chỉ huy, Tôi cũng cám ơn anh đã nghĩ cho cái an nguy của tôi. Tôi không ra tuyến phòng ngự thì ai là người nằm đó tử chiến. Sống chết có số! Anh hãy quay lại TLB, để tôi đi.
Chú QC đã không trở về vị trí chỉ định. Chú cứ nhất định lẽo đẽo theo tôi. Pháo cộng vẫn chốc chốc nổ đều. Tôi nghĩ chẳng may chú QC trúng đạn còn tôi thì không, hẳn tôi sẽ ân hận, chỉ vì tôi mà chú ra nông nỗi, vợ con chú cũng vì thế mà thêm tang tóc, điêu linh trong khi “Đất” vẫn mất, mình vẫn cửa nát nhà tan, gia đình ly tán. Tôi quyết định bỏ dở thanh sát tuyến phòng ngự và quay về ngồi thẫn thờ trước tiền đình TLB mặc cho pháo nổ đó đây. Pháo đã rơi vào khu nữ quân nhân và một quả rơi vào khu nhà “Môn Lù” (QC) ngang sân banh BTL (May cho Môn Lù đã cõng vợ con biến dạng qua DAO từ mấy ngày trước). Sức nổ vang dội lồng ngực. Một miểng hỏa tiển to bằng 4 đốt ngón tay chập lại văng lóc cóc trước mặt tôi, lượm lên còn nóng rẫy. Tôi đem vào phòng Hành Quân Chiến Cuộc báo cáo cho biết VC đang nhắm BTLKQ khai hỏa để các vị lo ẩn nấp kỹ hơn.
Tôi đã nhận được “Cái Búa”. Phải, Cái Búa ! Cụ Võ (TMT Võ Dinh) qua hệ thống Truyền Tin nghe
được báo cáo hoảng của Phòng Thủ Căn Cứ: “Phi cơ bỏ bom” (Họ đã nhầm lẫn phi cơ phóng pháo của mình đang phản kích bay trên vùng đúng lúc cộng pháo) nên gay gắt với tôi:
- Phi cơ bỏ bom chớ pháo kích gì.
Tôi uất nghẹn, tay còn cầm miểng hỏa tiễn, lặng lẽ quay ra. Tôi không hiểu sao lại không tin tôi, người ở Tuyến phòng ngự, đã mục kích lại có cả bằng chứng trên tay thế mà không được lắng nghe, lại tin nghe báo cáo hoảng của một anh lính nào đó. Có lẽ đấy là vận nước đã đến hồi đốn mạt!
Hừng sáng thấy rõ mặt người, VC cũng đã ngưng pháo, tôi mới lững thững ra trước Cổng BTL quan sát tình hình thiệt hại trong đêm. Vừa bước ra ngoài “Ngựa sắt” một quả pháo ở đâu đã nhoáng nhoàng bên kia đường, khu ông Kỳ, hất rơi cả mũ tôi. Tôi vội lui vào phòng trực TLB (gần cổng chính) và nghĩ rằng đâu đây đã có “Tiền sát” Cộng quân điều chỉnh tác xạ. Tôi đã nhìn lên lầu nước trong khu ông Kỳ thì thấy thấp thoáng bóng người. Tôi không rõ phải lính của Lê Ngoạn (Trưởng Cận Vệ Ô. Kỳ) hay một tên “lộn sòng” VC nào đó. Tôi không có phương tiện truyền tin giữa các lực lượng phòng thủ khu vực để kiểm chứng.
Tôi đã chỉ huy trong vô vọng. Tôi nghĩ tôi vô phước nhưng khi biết được cái dũng cảm chiến đấu cho đến lúc “Cá chậu chim lồng” của con Đại Điểu Phùng Ngoc Ẩn và các KQ thuộc CTCT thì tôi lại là người có diễm phước vì tôi chưa phải nếm “đòn thù” như các anh mà chỉ nếm “cái xuẩn” của bạn mình thôi.
Tôi không muốn làm “con mồi” nhử cho Cộng quân pháo bừa vào BTL, tôi lặng lẽ lui vào phòng Hành Quân Chiến Cuộc nghe thuyết trình buổi sáng. Tin tức rời rạc không gì rõ rệt (còn ai đâu báo cáo, QĐ 3 đã gẫy súng !) Đang ngồi âu lo cho số phần Cộng Hoà sắp dứt thì được điện thoại của ông Hiệp trố (ANKQ) hỏi bây giờ làm sao? Tôi mạn phép Tư Lệnh khuyên nhỏ:
- Hãy thu xếp vào ngay BTL. Có thể rút bất kỳ lúc nào. Nói xong tôi cắt điện đàm. Ngồi kế tôi, ông Hà Dương Hoán hỏi nhỏ:
- Moa chạy về đón Bà cụ liệu có kịp không?
Tôi trả lời:
-Có thể không kịp. Tình thế quá khẩn trương rồi. Còn, mất chỗ nầy chỉ trong nội sáng nay thôi.
Nghe thế, Hoán rời BTL. Tôi không rõ ông ấy đi đâu, làm gì. Sau nầy tôi có tin ông ấy và ôn= g Hiệp đã có mặt tại Hoa Kỳ mà không phải qua các đợt “Cải Tạo”.

Khoảng 8 rưỡi 9 giờ, ông Tiên (Phan Phụng Tiên, người có lần được ông Kỷ nói là sẽ sai tới PX cướp rượu của Mỹ về đãi anh em) vào TLB gặp Tư Lênh, lo âu hiện rõ, sau đó bỏ đi. Ít lâu sau, ông Kỳ lái Riviera đậu trước tiền đình TLB, mở cửa xe bước lên Đại Sảnh, nét mặt cương nghị, dăm cọng tóc lòa xòa trước trán không dấu được phong trần thâu đêm trực thăng dạ thám, điều không, chỉ điểm mục tiêu cho Hỏa Long khóa mõm Đại pháo Cộng quân. Ông đã thảo luận riêng với “Cửu Long” (TLKQ Trần Văn Minh), lúc quay ra đã hỏi tôi:
- Ai chỉ huy phòng thủ ở đây?
Tôi nhìn xững trả lời:
- Tôi, sao ạ ?
Nghe xong ông hạ thấp giọng:
- Có tin được không ?
- Tin được cái gì cơ ? Tôi phân vân hỏi lại.
- Lính của anh đó. Ông Kỳ nói rõ hơn.
Lúc nầy tôi đã hiểu cái lo lắng của ông, tôi vội trấn an:
- Ông yên tâm. Có điều tôi không đoan chắc, nếu khi rút đi không cho họ rút theo thì phản ứng của họ tôi không lường được.
Ông Kỳ gật đầu ra lấy trực thăng bay đi, để lại Riviera nằm tại BTL.
Chuông điện thoại reo vang, Cửu Long bốc nghe và đáp:
- Khổ lắm, cả đêm đến giờ . . . !
Tôi không biết Cửu Long nói chuyện với ai. Điều chắc chắn không phải Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân vì vị nầy đã xa rời quân ngũ mấy ngày nay rồi, cũng không phải Tổng Thống hay Thủ Tướng hay Bộ Trưởng Quốc Phòng vì các vị nầy còn đang bận nghi thức trao quyền cho Big Minh lập chính phủ nói chuyện với “Mấy người anh em bên kia”. Đây hẳn là bạn bè trang lứa thăm hỏi tình hình.
Chốc lát sau, cựu Tham Mưu Trưởng Liên Quân N.V.Mạnh cùng với cựu Tư Lệnh QĐ 3, Trưởng Ủy Ban Quân Sự Liên Hợp 2 bên Dư Quốc Đống tất tả vào gặp Cửu Long , kế đó 2 vị và Cửu Long ra đi, gặp tôi còn vững tay súng trong y phục phi hành ngoài thêm áo giáp. Tôi đưa tay chào nghiêm túc, quân cách, trước Tiền đình TLB. Thấy tôi Cửu Long chào trả, ngập ngừng chân bước, ái ngại nhìn tôi và đột nhiên dứt khoát:
- Toa ở lại đi sau với Lành nghe!
Nói xong Cửu Long vội bước mau ra xe đã chờ sẵn, mặt buồn rười rượi. Tôi khẽ gật đầu ngụ ý chấp nhận số phần ở lại. Tôi suy nghĩ mông lung dẫu sao lời nói cuối cùng của vị Tư lệnh còn ngập ân tình với tôi, còn nghĩ đến và mong tôi cũng ra đi được cùng với người chỉ huy đoạn cuối.
Tôi với Cửu Long là bạn học thời Trung học, rồi Cao đẳng Công chánh và sau đó cùng động viên nhập trường Sĩ Quan Trừ Bị khóa I Thủ Đức. Ra trường mỗi đứa một nơi nhưng rồi tôi với Cửu Long lại có duyên cùng một quân chủng. Cho nên vào cuối đời binh nghiệp trước cảnh phân ly, sống thác chưa lường, Cửu Long đã dùng lời lẽ ân tình đãi ngộ người bạn quen biết từ thuở sơ thân tuổi học. Tôi không bao giờ quên anh ở giờ phút luyến lưu tình nghiã này. Tôi vốn đa cảm mà anh ấy lại thường chí tình với tôi. Những lúc bất ưng ảnh thường xa xôi mát mẻ với tôi chứ không ỷ quyền hành hạ tôi. Trên bước đường lưu vong, sa cơ thất thế, biết tôi trốn tránh cảnh đời, lặng lẽ nuôi con, giúp vợ, anh đã nhiều lần tìm viếng thăm tôi nhưng không gặp, ảnh cũng chẳng phiền mà chỉ: “Đ.M. nó lặn rồi!”. Gần đây tôi lên tiếng mời anh qua chơi, anh đã thư cho tôi hẹn có ngày sẽ qua bù khú với tôi cho thỏa tình 50 năm quen biết. Tôi thúc dục, ảnh bảo:
- Lúc nầy moa đi đứng bất tiện nên chưa thăm ông bạn già được, cho moa khất hẹn, khi thuận tiện nhất định chúng mình sẽ bù khú bên nhau. Lúc nào có vào đất liền nhớ ghé thăm nhau nghe.
Cái ngày hẹn gặp, nay đã chẳng bao giờ còn gặp, còn thấy lại nhau, kể cho nhau nghe cái ngày ly tan ấy để cho nhau thẩm thấu thêm cuộc đời nó vừa đen vừa bạc! Ảnh đã vỗ cánh vút cao tiên cảnh. Tôi còn chới với hồng trần chưa giải xong cái ấm ức trong tôi, giữa tôi và ảnh, giữa ảnh và những người bao quanh xum xoe ăn hại đái nát.
Lòng tôi còn đang đau nặng phút phân ly thì “Cụ Võ” (Võ Dinh) và “Cụ Hách” (TTHLKQ Nguyễn Oánh), 2 vị tay nặng chĩu “Valise” hặm hở bước ra, bương bả (Võ Dinh và Nguyễn Oánh là hai sĩ quan bộ binh được Pháp chuyển qua khi KQVN được thành lập) . QC nghiêm chào. Tôi nghiêm mặt quan sát, lòng thầm trách:
- Thế là cái quái gì ! Ai lại sách tế nhuyễn khơi khơi trốn chạy thế kia?
Còn đang bàng hoàng trước phong thái hết nhuệ khí của 2 cụ, tôi đột nghe:
- Cho tôi cận vệ !
Một lệnh chắc nịch không chút ngượng ngùng. Lúc ấy cộng quân mà nổ súng dứt điểm thì chắc chắn tôi mời 2 cụ đi chỗ khác chơi cho quân binh chúng tôi diệt Cộng. “Cọp chết để da, Người ta chết để tiếng” nhưng Cụ Võ” chẳng chịu để tiếng. Cụ Hách chắc thầm hiểu cái “không phải” nên biết thủ khẩu như bình.
Tôi với 2 cụ chẳng lạ gì nhau thế mà một lời ly biệt chẳng thấy tạ từ. Tôi và quân sĩ của cụ đang ở ngưỡng cửa cái sinh và cái tử, cụ chẳng chịu cùng chúng tôi giữ cái “danh tiếng muôn đời” nỡ nào cụ đòi lấy đi bớt những tay súng vốn dĩ đã nghèo lại dồn tôi phải chịu cái eo.
Lệnh cụ ban. Tất cả đều im lặng.
QC túc trực, Đ/U Trâm chỉ huy phòng vệ thuộc quyền tôi, ngơ ngác nhìn tôi, ngỡ ngàng, chờ phản ứng của tôi, vị chỉ huy trực tiếp đã gian nan chia xẻ những nhọc nhằn với họ suốt từ lúc phản đồ A 37 (Nguyễn Thành Trung) vung vít xuống đầu anh em.
-Những tên phản đồ nầy đừng tưởng được “lưu danh thiên cổ”, các chú đã “lưu xú muôn đời” có hiểu không ?
- Họ (QC + Đ/U Trâm) đã tìm thấy vị trí của họ, họ đã đứng hẳn sau lưng tôi, họ không còn thói xu nịnh cố hữu bọc theo Tướng như lúc an bình. Họ không nhúc nhích.
- Cho tôi Cận vệ “escort” (hộ tống) tôi đi, nghe không?
Cụ Võ (vẫn cụ Võ) đã hung hăng lập lại lệnh “Hèn” (xin lỗi cụ!). Tôi không còn thầm trách, tôi cũng chẳng còn thấy giận. Tôi đã hiểu đến giờ phút này thế là xong. Tuyệt vọng ! Gương bỏ ngũ đang Diễu Võ Dương Oai. Quân sĩ tinh thần đang giao động mãnh liệt, chỉ cần một tiếng súng, không cần rõ ai khai hỏa, Quân sẽ tan từng mảnh, chúng sẽ chạy vì Tướng đã chạy trước rồi! Trí óc tôi làm việc nhanh. Tương kế tựu kế, đánh tháo đàn em, cứu chúng thoát vòng trách nhiệm của cái “Vô trách nhiệm”. Tôi dõng dạc ban lệnh:
- Đ/u Trâm và QC “theo sát” cận vệ. Đi đi “đừng rời trách vụ”.
Tôi ngụ ý: “các anh hãy nắm lấy cơ hội này theo Tướng thoát đi”. Tôi nhìn nhân viên với ánh mắt thông cảm và khẽ gật đầu phất tay cho họ đi thoát. Họ đã chào tôi lần cuối, có thể là cái chào tri ân. Tôi mỉm cười, quay bước vào phòng tình hình, lúc này chỉ còn ông Linh, ông Lành. Óng Lượng đã đi đâu lúc nào tôi không biết. Được một lúc khoảng hơn mười giờ gì đó, ông Ước đáp trực thăng trên sân banh chạy vội vào gặp ông Lành, xong cùng ông Linh trở ra kéo luôn tôi theo, miệng nói:
- Đi mày.
Tôi nhìn Linh xong quay qua hỏi Ước:
- Đi đâu ?
- Qua Tổng Tham Mưu xem tình hình ra sao Ước nói vội và nắm tay tôi lôi đi.
Vũ Văn Ước là thế, đối với anh em lúc nào cũng tận tình, không tìm cách dối gian, không quên bằng hữu, không bỏ bạn bè. Tôi và Ước đã từng âm thầm vượt qua những lúc khó xử của chính biến và binh biến. Vào những thời điểm đó chúng tôi chỉ lặng lẽ nhìn nhau, hiểu ý. Ước không đón gió, xu thời. Anh luôn luôn đứng bên lẽ phải, hòa đồng với mọi giới, không hách xì xằng khi đắc thời. Anh rất nhậy bén tình hình. Hẳn nhiên anh đã cảm thấy cái gì không ổn nên đã tìm gặp ông Lành rồi lôi tôi đi vì chẳng yên lòng để tôi ở lại làm “Đười ươi giữ ống”.
Tôi, Ước và Linh lên trực thăng qua đáp tại sân cờ trước tiền đình Bộ TTM. Linh, Ước chạy lên văn phòng TTMT. Tôi không theo, bước xuống trực thăng ngó quanh quan sát một vòng, thấy Công binh chiến đấu đang đặt bộc phá, giây nhợ tùm lum tại Trung Tâm Hành Quân Bộ TTM. Đảo mắt chỗ khác thấy trực thăng Tướng Kỳ. Đàn em trước kia của tôi hiện là cận vệ ông Kỳ vội từ trực thăng nhảy xuống chạy đến tôi nói nhỏ:
- Trong giây lát trực thăng sẽ bay ra Blue Ridge (Soái hạm Đệ thất hạm đội Thái bình Dương của Hoa Kỳ), ông hãy lên cùng đi.
- Tôi hỏi Tướng đâu ?
- Họp trên Văn Phòng TTMT.
Tôi lững thững bước lại trực thăng nhìn vào đã thấy Hà Xuân Vịnh ngồi trên đó từ hồi nào. Tôi buột miệng:
-Lẹ vậy!
Vịnh nhún vai cười toét, không trả lời. Vịnh là văn nhân phải hơn, lúc nào cũng nhởn nhơ chẳng coi việc gì là quan trọng, chẳng thích hơn thua, kèn cựa thế mà lại là Hoa tiêu phóng pháo đã có Chiến thương bội tinh.
Tôi leo lên ngồi cạnh, suy nghĩ lung đến những lời tâm sự của ông Kỳ với các Tướng lãnh KQ anh em mấy ngày trước đó: “Tôi (ông Kỳ) đã tìm gặp và hội kiến với cụ Hương (đang hành sử chức vụ Tổng Thống VNCH thay thế vị tiền nhiệm vừa từ nhiệm trong hằn học) thỉnh cầu cụ chính thức chỉ định tôi giữ chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân cho tôi có đủ thẩm quyền chỉnh đốn hàng ngũ quân đội, lập thế ngăn địch, lấy QK 4 trường kỳ chiến đấu. Cụ Hương đã từ chối khéo, viện dẫn tôi đã từng là Thủ Tướng Chính Phủ và Phó Tổng Thống nên chức vụ TTMT Liên quân không hợp thể thống lễ nghi cho tôi. Cụ ấy yêu cầu cho Cụ ít ngày sẽ bổ nhiệm tôi làm phụ tá Quân sự đặc biệt giúp Cụ. Tôi giải thích, nhấn mạnh, tôi không quan tâm đến nghi lễ, tôi chỉ mong có cơ hội chỉ huy quân lực ngay giờ phút thậm chí “nguy ngập” này. Cụ Hương đã lắc đầu nhất định không trao quyền chỉ huy cho tôi”.
Phải, cụ Hương đã sợ, cả “Đồng minh chạy làng” cũng sợ ông có binh lực trong tay. Họ sợ sẽ không khống chế nổi= ông, làm sách lược của họ hư cả !!!
- Khốn nạn thay cho một nước nhược tiểu lại có một vị trí chiến lược trong vùng tranh chấp!
- Cũng khốn nạn thay cho Quân Dân miền Nam vô phước, gặp cảnh Quân cướp đã tới ngoài ngõ, lửa phừng phừng khắp nơi, trong nhà còn nghi kỵ lẫn nhau, phân tranh ngôi thứ!
Đang miên man nghĩ cho mạt vận của nước, mạt kiếp của mình thì ông Linh từ Tư lệnh Bộ/TTM chạy ra một mình đến bên trực thăng có tôi và Hà Xuân Vịnh đang ngồi đăm chiêu mỗi người một ý nghĩ, Linh cứ loanh quanh ở dưới chẳng chịu bước lên cùng chúng tôi. Tôi vội leo xuống lại gần Linh nhỏ to:
- Linh ! Kỳ sẽ rút ra Đệ thất hạm đội, hãy lên cùng đi. Hết cách thôi!
Linh dường như có điều gì bất ưng nên nhứt định không lên tàu. Tôi hỏi:
- Sao?
Linh nói:
- Thiếu gì máy bay.
Tôi vội báo động:
- Máy bay nào nữa, còn chiếc duy nhứt này thôi.
- Chiếc nữa kia kìa. Linh vừa nói vừa chỉ tay về chiếc trực thăng mà Tôi, Ước và Linh vừa đáp hồi nãy.
- Tàu còn đó, Hoa tiêu đã vội bỏ đi rồi (có lẽ họ đã hiểu đây là phút ly tan nên vội về lo cho vợ con).
Tôi nói với Linh thế là vì tôi đã thấy họ phóng Jeep ra khỏi TTM. Linh nhứt định không nghe, không lên tàu di tản. Tôi đành ở lại bên anh. Tôi không thể bỏ anh thoát thân một mình. Tôi ở lại chia sẻ số phần với anh vì ngoài tình quân ngũ, ảnh còn có liên hệ gia đình thật gần với tôi. Anh em sống chết có nhau. Hơn nữa tôi chợt nhớ còn ông Võ Xuân Lành vị chỉ huy đoạn cuối mà Cửu Long khi rời đơn vị đã căn dặn tôi đi cùng, tôi cần phải chu toàn lời nhắn nhủ lúc chia phôi.
Óng Lành với Tôi cùng bạn quân trường, chung một khóa học, nằm đối đầu nhau cùng một đơn vị khóa sinh. Lành ít= nói, suốt ngày lầm lì, kỷ luật gương mẫu, thương lính như thương mình, chẳng hề nạt nộ ai.
Vào những đêm cuối cùng cuộc chiến, Lành vẫn xuống văn phòng ứng chiến của tôi xoa mạt chược còm, chờ đợi kết quả các phi vụ Hành quân đêm chặn địch tại Long Khánh, Xuân Lộc. Ảnh đã mỉm cười khi nghe báo cáo “Qủa bom heo” (Daisie cutter) thả từ C.130 đã làm cóc nhái, ễnh ương (cộng quân) câm tiếng. Mặt trận Xuân Lộc, bình thường nhóc nhen, à uõm thâu đêm, nay bỗng dưng bặt tiếng yên lặng dễ sợ! Đột nhiên, quân bài chưa bốc, Lành đã vỗ mạnh tay xuống bàn, miệng hô “MỦN CUN” rồi đúng dậy, cười, quay về văn phòng của anh trên Tư Lệnh Bộ.
Tôi hiểu ý, cười theo, đứng dậy tiễn đưa.
Tôi còn đang phân vân bàn thảo với Linh những bước kế tiếp thì ông Kỳ từ Đại Sảnh Bộ TTM bước ra hướng về chổ trực thăng đậu chờ, dẫn theo số đông (Tướng lãnh?) bước rảo lên tàu cùng với Ước bay đi để lại tôi và Linh tự quyết lấy phận mình. Tội và Linh đồng thời cả Đặng Duy Lạc, Không Đoàn Trưởng KĐ-A37 (không biết từ đâu chui ra) vội gọi QC/TTM yêu cầu hộ tống chúng tôi trở lại BTLKQ.
Trong khi còn sớ rớ chờ QC lấy xe thì có mấy anh SQ P.2/TTM biết tôi vội chạy lại hỏi dò:
- Các Tướng đi đâu vậy. Ông có tin gì cho anh em biết với. Tôi ái ngại nhìn vẻ âu lo của các anh ấy và thẳng thắn nói toặc ý nghĩ của mình:
- Tất cả đã hết. Các Tướng đã cao xa. Các anh cũng nên tìm đường tự cứu.
Tôi không thể dối nhau vì mọi người đã lén lút dối nhau quá nhiều rồi. Tôi không hiểu tại sao lại phải dối nhau, nếu mình không lo được cái an nguy của nhau thì cứ đường đường, chính chính nói thẳng để anh em tự tính, có phải trong nhau không vẩn oán hờn. Nói xong xe QC cũng vừa trờ tới, chúng tôi 3 người KQ lạc lõng lên xe. Với tài xế tôi nói:
- Nhờ anh cho chúng tôi trở lại BTLKQ.
Xe rồ máy phóng đi, trực chỉ Cổng Phi Long, xạ thủ Đại liên trên xe cảnh giác cao độ khi tiến đến đám đông lẫn lộn quân dân bu nghẹt cổng vào. Cảnh vệ KQ, sau hàng kẽm gai, khẩn trương phòng thủ: “Nội bất xuất, Ngoại bất nhập”.
Tinh cầu lấp lánh trên vai, Linh cho lệnh mở cửa. Quân ta phớt tỉnh không nghe. Đặng Duy Lạc ngồi yên khúc gỗ. Tình hình thật gay cấn, quân dân hỗn độn, nếu cộng quân có măt trà trộn trong đám đông thì thương gì mà không tặng cho chiếc Jeep có Tướng Tá KQ đang kẹt cứng với quân mình một quả lựu đạn hay một tràng AK phong thần tụi nầy. Âu cũng là cái hay không còn thấy cái hèn, cái tủi thêm nữa!
Thấy ông Linh hết “linh” tôi bước xuống xe tiến thẳng đến chỗ anh KQ bất tuân thượng lệnh, điềm đạm ra lệnh không thiếu vẻ đanh thép:
- Em! Hãy mở cổng ngay. Đừng chậm trễ. Lệnh HQ khẩn cần thi hành. Mau lên!
Tôi chẳng hiểu cái “Uy” hay cái “Tình” của tôi đối với thuộc cấp thủa xưa đã khiến được anh riu riú vâng lời. Có lẽ cái “TÌNH” vì cả cuộc sống tôi chỉ biết lấy “TÌNH' đối xử với nhau dẫu cho tôi ở cương vị nào đi nữa. Trong đời Binh Nghiệp tôi đã thấy và gặp cái “VÔ TÌNH” có khi đến tán tận lương tâm của nhiều Quyền lực bệnh hoạn tâm hồn nắm quyền sinh sát trong tay… (Tôi đã đau buồn, tôi tủi phận tôi, tôi chỉ âm thầm ôm lấy cho riêng tôi.)… Cổng mở, Quân dân vội theo vào. Lính gác nổ sung chỉ thiên. Tôi vội ngừng xe bảo họ:
- Hãy cho các KQ và gia đình vào. Cần cảnh giác tối đa. Đừng để mất trật tự.
Nói xong chúng tôi vào thẳng BTLKQ gặp ông Lành. Ôi ! Hãnh diện thay! Niềm tự hào KQ đang ở chỗ này! Niềm danh diện QLVNCH cũng đang ở chỗ này! Tướng Lành, trước thế quân tan vỡ, quân binh đang đua nhau bỏ ngũ, ông vẫn trầm tĩnh kiên trì thủ Đài chỉ huy Hành Quân Chiến Cuộc KQ. Ông giữ vững liên lạc với SĐ4KQ, SĐKQ duy nhất còn hăng say chiến đấu trong khi nhiều Đơn vị đã vội ngừng nghỉ. Ông đang chờ lệnh tung toàn lực KQ còn lại đánh canh bạc chót.
Ông Linh tóm lược tình hình bên Bộ TTM cho ông Lành rõ. Ông đứng dậy rời Phòng HQCC bước ra tiền đình Đại sảnh mặt không lộ tâm tư. Ông Linh đề nghị rút khỏi TSN. Tướng Lành thật là “lành” nói với Linh trước sự hiện diện của tôi và Đặng Duy Lạc:
- Moa chưa có lệnh.
KQ vẫn đợi lệnh. Phải, chúng tôi vẫn đợi, vẫn chờ dài cả cổ suốt từ lúc mấy “tên mất dạy” làm chuyện lừa thầy phản bạn đến giờ. Chúng tôi chờ lệnh ai đây! Tổng Thống dân cử, Phó Tổng Thống dân bầu đã viện hết lý này lẽ nọ chối bỏ trọng trách toàn quân toàn dân trao phó, tìm thế yên thân, bỏ mặc quân dân tang tóc…
Thủ tướng chính phủ, Đại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng chỉ còn biết nghĩ cho cái an nguy của riêng mình. Thật quả bất hạnh cho quân dân miền Nam! Mọi người đã bỏ đi cả rồi!
Tội cho ông Lành vẫn ngồi chờ lệnh. Mà lệnh của ai đây! Tôi buột miệng:
- Ông chờ lệnh ai, còn ai đây nữa để có lệnh cho mình.
Ông Lành trầm ngâm không nói, chúng tôi lặng yên chờ (lại chờ) quyết định của ông, chợt Tướng Lưỡng (dù) xịch Jeep đến, thấy tụi này còn đương nhìn nhau vội hỏi:
- Tụi toa định làm gì đây?
Ông Lành ngượng nghịu chưa biết phải nói sao cho đỡ khó nói. Lành là thế đó, lúc nào cũng sợ phải mang tiếng hèn nên chẳng có lời hèn. Tôi nghĩ khác, giờ này không phải đem cái “DŨNG' cái 'HÈN' mà luận anh hùng, giờ này phải là lúc có quyết định nhanh và dứt khoát.
Tôi nhận cái “Hèn” cho tôi. Tôi nhìn thẳng Tướng Dù nói nhanh:
- Tụi này Zoulou đây. Ông có theo thì cùng đi.
- Zoulou ? Zoulou bỏ lại mấy đứa con (ý nói các TĐ dù) lang thang sao đành! Ông Lành hỏi:
- -Toa còn mấy đứa con ?
Ông Lưỡng:
- Sáu đứa chung quanh đô thành.
Lúc này trực thăng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đổ bộ và bốc người loạn cào cào không phận Saigon TSN. Tôi đỡ lời ông Lành:
- TSN không giữ được, KQ chúng tôi phải rút khỏi tầm pháo địch trước đã.
Ông Lưỡng vội hỏi:
- Tụi toa định rút đi đâu ?
Tôi lại nhanh nhẩu:
- Có thể vùng 4, có thể đi luôn.
- Chờ moa một chút, cho moa về thu xếp với mấy đứa con cái đã.
Nói xong ông Lưỡng lên Jeep về SĐ Dù. Nhân lúc chờ đợi Tướng Dù trở lại, các Sĩ quan cấp
KĐ, Tham Mưu BTL KQ hiện diện cùng với một số binh sĩ thuộc Tổng Hành Dinh KQ vội tập họp trước tiền đình TLB bao quanh chúng tôi nghe ngóng tình hình. Biết ý họ, tôi nói thật nói thẳng:
- Dưới áp lực nặng của Pháo cộng, BTLKQ buộc phải rút khỏi đây. Ai muốn theo hãy sẵn sàng.
- Thưa rút đi, đi luôn ạ. Một Hạ sĩ quan thuộc THDKQ hỏi lại.
- Hãy biết rút khỏi đây đã, có thể là vậỵ Tôi vắn tắt không giải thích nhiều hơn. Vị Hạ sĩ quan này đã không cầm được nước mắt buồn bã xin tôi:
- Cho chúng em ở lại vì chúng em còn vợ con không thể bỏ đi cho đành.
- Tùy các anh, tôi không ép buộc ai cả.
Chỉ có Th/sĩ Văn, chỉ huy trưởng QC/BTLKQ quyết chí theo chúng tôi. Một Binh nhì KQ gốc miền Trung bỗng lên tiếng:
- Thưa, tất cả đi rồi Em còn tiếp tục đứng gác Cổng BTL nữa không?
Tôi đau lòng thấy lính mình quá chân thật, vội nói lớn như muốn mọi người hiện diện cùng nghe:
- Kể từ giờ phút này các anh không còn trách nhiệm gì với KQ nữa. Các anh có thể rời đơn vị lo cho sự an nguy của vợ con càng sớm càng tốt. Còn em, tôi vỗ vai anh Binh nhì đơn thuần, Em không cần lo cho cái BTL bỏ trống này, Em hãy về nguyên quán.
- Thưa, Em chẳng còn ai, đường xá đã cắt đứt cả rồi.
Nước mắt chảy vào tim, tôi chỉ còn biết dúi vào túi người lính thiếu may này mấy tờ “tiền Lèo” để cậu ta có thể sống đỡ ít hôm liệu tính cho phận mình. Cùng lúc đó, Tướng Dù đã trở lại. Chúng tôi luận kế rút đi, khi xét kỹ lại không ai là Hoa Tiêu vận tải. Tướng Lành, Thảo Nâu, Đặng Duy Lạc đều là Hoa Tiêu phóng pháo. Ông Linh đề nghị qua DAO.
- SĐ5KQ thì sao? Tôi hỏi nhỏ Linh.
- Các Hoa Tiêu đã tự ý rút cả rồi (vì không muốn đưa lưng chịu thêm Pháo cộng nữa). Linh thở dài trả lời tôi.
Bây giờ tôi đã “hiểu” tại sao ông Tiên lên TLB gặp Cửu Long với nét mặt không vui và đầy lo âu hồi sáng nay. Sau phút suy tính, Vị chỉ huy đoạn hậu BTLKQ cho lệnh rút. Tất cả đã lên 3 Jeep, dẫn đầu bằng Jeep có đèn chớp ưu tiên trực chỉ DAO. Tới Cổng DAO, một dân sự Mẽo mặc áo giáp, M17 cầm tay chặn chúng tôi lại:
- General only ! Tên đó hách dịch ra lệnh.
Hai Tướng KQ một Tướng Dù bước vào trong rào kẽm gai, ông nào cũng đeo Browning 14 phát cạnh sườn. Tôi mặc áo liền quần đèo thêm áo giáp cũng lủng lẳng Browning ngang lưng, lững thững theo vào phớt tỉnh kể như không nghe anh Mẽo sủa gì, chờ tôi bước vào trong, anh mọi Da đỏ kéo kẽm gai khóa lối.
Một tiếng mách bu chói lói vang lên:
- There are only 3 generals. Three only!
Tôi quay nhìn ra mới hay ĐVR đang hận vì sao tôi không lon không mão lại được hưởng quy chế Tướng Lãnh ngang xương.
Ghen ? Ganh ? hoặc muốn ngầm ý nhắn với giặc Mỹ anh mới là người xứng đáng được qua ải sau Tướng vì anh, Chánh Văn Phòng Tư Lệnh KQ, đường đường một đấng cao sang !!! Tên Da đỏ chẳng có phản ứng gì, chắc còn đang tìm hiểu xem cái ông đeo 3 hoa bạc sáng ngời muốn lắp bắp cái gì hoặc thấy tôi phong trần trong quân phục phi hành tác chiến nên muốn đặc biệt đãi ngộ tôi. Ông Linh nghe tiếng ĐVR tiếp tục tru tréo vội gỡ sao của ổng, nói lớn trước sự chứng kiến của ông Lành:
- Anh hãy nhận “Sao” này. Vừa nói vừa gắn “Sao” cho tôi.
Tôi đưa tay chận lại vừa đùa vừa phân bua:
- Các ông nhớ đấy nhé. Vào giờ phút cuối cùng của KQ tôi đã lên Tướng, Tướng KQ. Đúng là Tướng Không còn Quân. Ông Linh dã không cười, ông Lành cũng không cười. Linh nói trong nước mắt:
- Giờ phút này anh còn đùa được sao ! Anh hãy nhận “Sao” đi.
Tôi lắc đầu, đồng thời quay ra, tự tay gỡ kẽm gai bước khỏi vòng phân ranh Mỹ-Việt. Anh Mẽo gác cửa chẳng hiểu cái anh phi hành bé người kia đã vào sao lại bỏ đi trong khi nhiều người muốn vào lại vào không được. Tôi mặc xác anh Mẽo nghĩ gì, tôi chỉ lo trấn an ĐVR:
- Tao không bỏ nhau đâu.
Linh thấy tôi bỏ đi, mếu máo, có lẽ đã hối hận để tôi kẹt lại trong khi tôi đã có thể cùng ông Kỳ thoát đi an toàn rồi, nên trước khi vào DAO đã nói vọng ra ngoài kẽm gai:
- Anh về hãy dùng đường bộ rút xuống vùng 4 với Tần.
Tôi nghĩ đó là đường tự sát vì giờ đây quanh Đô thành còn nơi nào Cộng quân không đóng chốt. Để Linh yên lòng đi thoát, thoát người nào vẫn may cho người đó, tôi an ủi:
- Linh, yên tâm, cứ đi. Tôi biết tự lo. Nhớ lo cho vợ con tôi, nếu có cơ hội.
Nói xong tôi vội nhảy lên Jeep và nói lớn với các SQ không phải là Tướng, lố nhố kẹt cứng trước Cổng DAỌ
- Chúng mình quay lại SĐ tìm phương tiện khác thôi.
Tất cả nhảy lên mấy Jeep đậu đó, lúc ấy tôi mới để ý thấy có ông Thảo Nâu, ông Thân Kiểm Báo, ông Đặng Duy Lạc, ông Chu Trọng Để, một số SQ cấp tá, cấp úy khác và lẽ dĩ nhiên có cả người anh em “mách bu”.
Dẫn đầu là chiếc Jeep có đèn hiệu chớp tắt do Th/sĩ Phan Thành Thiệt lái, kế là xe tôi đoạn giữa, xe lăn bánh hướng về phi cảng thì “Đoàng! Đoàng” mấy quả đại pháo nổ ngang trước mặt, Phan Thành Thiệt trúng thương (chắc nhẹ), xe đổi hướng lòn qua khu Cứu hỏa, vừa lú đầu ra khỏi thì “Đoàng! Đoàng” thêm mấy quả pháo giăng. Đoàn xe vội ngừng, tất cả nằm dài trên thềm cement tránh đạn.
Tôi suy nghĩ cớ gì đạn pháo lại đeo đuổi đoàn xe sát thế. Hẳn nhiên Tiền sát Cộng quân điều chỉnh tác xạ rồi, không biết chúng núp ở đâu? Trên Đài kiểm soát Không lưu? Trên lầu nước SĐ? Trên nóc nhà thờ Gò Vấp cận vòng đai phi trường? Chúng ở đâu mình không rõ nhưng chúng biết rõ mình ở đây, trong khu Cứu hỏa dân sự, đang phơi bụng chờ Pháo phanh thây. Chúng sẽ “salvo” vì chúng đã đóng khung mình rồi. Nghĩ đến đó tôi quyết định không nằm chờ chúng làm thịt, tôi phải thóat khỏi nơi nầy. Tôi nói lớn:
- Chúng ta hãy rời khỏi nơi đây. Cộng có thể đìều chỉnh pháo tới. Hãy tìm phương tiện thoát thân.
Nói xong tôi đúng dậy ra xe thì nghe tiếng Phan Thành Thiệt:
- Em không đi nữa. Em ở lại ăn thua đủ với chúng. Em đã trúng thương.
Tôi quay lại xem xét vết thương cho Thiệt, chỉ thấy vài đốm lấm chấm máu khô trên má, trên cổ, có lẽ do đá sạn cement văng trúng ngoài ra không có vết thương nào xuất huyết cả. Tôi bảo:
- Đi Thiệt, anh bị thương nhẹ thôi. Hãy theo tôi, ở lại không được đâu.
Thiệt cương quyết ở lại. Tôi đành lên xe ra đi. Trên xe có Thảo Nâu, Thượng sĩ Văn và một số sĩ quan chừng độ chục người đeo nặng thành xe. Xe vừa xiêu vẹo ra bãi đậu thì Cộng lại ẫm ương pháo, chỗ này đám khói, chỗ kia đám cháy. Tôi, Thảo, Văn đổ lỳ, cứ đi nghĩ rằng hôm nay là ngày lên ngồi bàn thờ cũng phải rồi. Thảo bảo tôi:
- Mình ra khu trực thăng, moa thấy nhiều lắm, đậu phiá gần phi đạo hướng Bà Quẹo đó
Tôi thắc mắc:
- Cậu ra khu trưc thăng làm gì ? Cậu khu trục thì đến khu trục chớ ! Cậu biết lái Trực Thăng à?
Thảo cười mũi:
- Tàu nào Thảo Nâu chẳng lái được. Óng đừng coi thường tôi chứ, Thảo Nâu mà ông quên rồi sao?
Bụng tôi nghĩ “Nâu” chỉ liên hệ với “Nắng” vì “Nắng” nhuộm Nâu hắn chứ ăn nhậu gì đến lái đủ loại máy bay, chẳng lẽ hắn Nâu vì dầu mỡ đủ loại máy bay nhuộm hắn, hắn lăn lộn với đủ loại tàu à ? Có lý ! Tôi khích hắn:
- Có thật không đó cha, Thảo Nâu lái khu trục thì biết rồi. Chapeau! Còn cái khác chưa biết à.
- Ông cứ tin tôi đi. Tàu gì tôi chẳng nhúng tay vào.
Thoáng chốc đã đến chỗ đậu Trực Thăng. Lên chiếc nào mở máy cũng không nổ. Tôi cười cười, hắn nổi xùng nhảy xuống mở thùng khám xăng, hết tàu này đến tàu kia. Tàu nào cũng khô ran.
Thảo Nâu thành Thảo Xám, hắn đù lu bù. Sau cùng hắn nắm lấy chú lính gác quanh đó chất vấn:
- Sao không có chiếc nào có xăng vậy hả. ĐM làm ăn sao vậy ?
Chú lính lắp bắp:
- Tại Tướng Tiên cho lệnh rút hết xăng khỏi tàu.
Tôi đã hiểu, ông Tiên sợ các người hùng bỗng dưng nổi sùng, Tập đoàn cất cánh về nơi vô định thì ông Tiên còn ai đâu để đàm đạo đánh đấm… ồng cũng có cái lý của ông vì thực ra khi ổng vào TLB gặp Cửu Long với nét mặt âu lo như gà mắc đẻ là lúc các Hoa tiêu Vận tải rủ nhau lên chiếc tàu C.130 xuôi “Thái Lan” giã từ Tổ Quốc Không “Gì-Ăn” nhập đoàn “Cái Bang” lang thang khắp chốn “Cờ Hoa” khất thực.
Chọn Trục Thăng thoát nguy không xong, Thảo Nâu chở tôi trên Jeep tìm Cessna. Gặp Cessna Thảo leo lên bảo tôi ngồi ghế phải. Hắn quay máy, máy nổ. Bỗng nhiên con tàu xao động dữ dội. Quan quân ở đâu nhiều thế, đang dành nhau lên tàu. Chú Văn (QC) vẫn theo sát tôi từ sớm cũng đã nhanh chân lên được ghế sau.
Cessna chỉ có 5 chỗ, 2 trước 3 sau, làm sao chứa trên chục người. Đeo toòng teng? Mặc kệ cứ đeo!
Thảo Nâu nổi thịnh nộ:
- Tàu chỉ đủ chỗ cho 5 người thôi. Tụi bay đeo đầy như thế bay làm sao được. ĐM tao chịu thua rồi đó.
Thảo Đù mặc Đù, chạy chết cứ chạy, Sĩ quan, Binh sĩ cứ lì, ai ngồi cứ ngồi, ai đeo cứ đeo. Tôi cảm thấy bất nhẫn, mình muốn đi lại bảo người ở lại, mình muốn tự do lại bảo người cá chậu, mình muốn thoát lại bảo người đừng theo. Tôi thấy xấu hổ! Rõ ràng mình trốn chạy lại bảo thuộc cấp ở lại cho mình dễ trốn. Nếu chở đủ cả chục người đeo trong đeo ngoài thì tàu làm sao cất cánh, cứ là rụng như sung, cái chết cầm chắc. Lỡ mình sống, thóat, nhưng thuộc cấp tan thây, nát thịt, chắc chắn mình sẽ sống không yên trong quãng đời bại trận còn lại. Lương tâm người chỉ huy chẳng bao giờ tha thứ cho hồn mình.
Tôi bất lực. Tôi cũng chỉ là người tháp tùng, chiếm một chỗ ngồi, mặc dầu tôi chủ xướng tìm phương tiện thoát thân. Tôi không thể lấy tư cách chủ xướng mà có được một chỗ ngồi an lành. Tôi cũng không thể lấy tư cách là vị Sĩ Quan cao cấp thâm niên nhất mà dành quyền chễm trệ.
Thảo Nâu thì khác, anh có quyền vì anh là “Thợ Lái”, không có anh tất cả đều ở lại. Anh ta là Phi công Khu trục, chiến đấu quyết liệt suốt chiều dài cuộc chiến, ảnh không đầu hàng, không thể đầu hàng dễ dàng nhất là cái trở ngại nhất thời “chạy chết của anh em”. Chỉ còn tôi, tuy tôi bất lực với mọi người, với con tàu, nhưng tôi vẫn còn quyền, còn khả năng quyết định cho chính tôi, chính bản thân tôi. Tôi không sai khiến ai đươc nữa nhưng tôi vẫn sai khiến được tôi.
(Phần này sẽ sửa tiếp)
Tôi lấy quyết định:
- Các anh không chịu nhường nhau thì tôi nhường chỗ tôi cho các anh.
Nói xong tôi mở cửa bước xuống. Thảo vội níu tay tôi lại, có lẽ anh ấy đã mục kích cảnh tôi đã vào DAO lại quay ra cùng chia xẻ gian nguy khốn khó với anh, cùng anh đổ lì trong lửa đạn tìm hết tàu này đến tàu khác để có được con đường sống, nay đường sống trong tầm tay thì lại nhường lại cho em út, ảnh đã không chấp nhận:
- Không được! Ông có xuống thì cũng chỉ có một chỗ trống thôi.
- Anh Thảo ! Lời nói của anh cho thấy cái công chính mà anh luôn có trong anh, cho thấy cái thân quí mà anh dành cho tôi trước cảnh chia ly. Chính cái tình này đã đủ sưởi ấm lòng tôi cho tôi thêm can đảm dứt khoát rời tàu.
Nói với tôi xong Thảo quay về phiá sau la lớn:
- Tụi bay có xuống bớt không. Tao chịu thua rồi đó.
Thảo lập lại “chịu thua” một lần nữa, không một ai nhúc nhích. Tôi cương quyết leo xuống dành đường sống cho em út dẫu cho chỉ có một chỗ thôi: một mạng được sống còn hơn một mạng phải chết! Tôi không kiêu hùng gì, quả cảm gì, tôi chỉ hành sử đúng tư cách của cấp chỉ huy lo cho cái an nguy của thuộc cấp trước khi nghĩ đến cái an nguy của chính mình.Tôi leo xuống, hi vọng nêu gương tốt cho những anh em khác cũng nhường chỗ cho nhau để ít ra cũng còn người sống không đến nỗi chết cả đám, chỉ vì lo chạy mà không nghĩ đến phi cơ rơi do qúa tải; lưu xú muôn đời!
Tôi lên Jeep định lái đi thì QC Văn cũng bỏ tàu leo lên ngồi cạnh tôi. “Huynh đệ chi binh” là chỗ này đấy!
Sống chết có nhau cũng chỗ này đấy! Thày trò chúng tôi vẫn có nhau từ sáng đến giờ. Văn không để tôi đơn lẻ trên bước đường bại tẩu. Tôi mở máy, lái xe đi, chợt thấy một Caribou cửa hậu để mở, trên đầy quân nhân, đàn bà, trẻ nít và hành trang ngổn ngang. Tôi vội lái xe về hướng đó thì chiếc Caribou chuyển bánh chạy đi. Tôi càng đuổi, Caribou càng tăng tốc lực. Tôi ra dấu cho mấy người trên Caribou báo cho Hoa tiêu chờ chúng tôi đi với. Caribou cứ vô tình gia tốc. Văn bỗng nổi giận “mất khôn” đưa Tiểu liên toan lảy cò vào lòng tàu. Tôi vội cản lại:
- Đừng, đừng bắn anh Văn. Anh em vợ con KQ cả đó. Tôi xin anh!
- Mấy người đó vô tình, quyết bỏ rơi mình. Ông yêu cầu, chúng bỏ mặc, chúng cứ đi, Văn hằn học nói, chúng muốn cho mình chết thì tôi cho chết cả.
Văn giận quá rồi. Tôi kéo tay súng của Văn chĩa đi hướng khác và dùng tâm lý khuyên anh bỏ ý định trả hận giữa anh em nhà:
- Anh Văn ! hãy nghe tôi. Tôi là nhân viên phi hành tôi biết loại phi cơ này cũ quá rồi, chở nặng thường rơi bất tử. Anh trông kià phi cơ chỉ có một máy chạy thôi, máy trái đang cố quay mà không được. Nếu cứ thế mà cất cánh thì chắc chắn sẽ rơi. Chúng mình tội gì chui lên cho bầm dập thân xác. Văn nghe ra và bình tĩnh ngồi lại ghế cạnh tôi và hỏi với giọng bình thường:
- Bây giờ mình tính sao ?
Tôi nhếch mép cười:
- Nếu chúng ta không còn phương tiện ra đi nào nữa thì tối nay tôi với anh vào Chợ Lớn “Nhất dạ đế vương” một chuyến rồi ra sao thì ra. OK ?
Văn nín thinh. Tôi lái xe lòng vòng, lang thang phi đạo chủ ý vớt vát có Tàu nào cất cánh muộn thì quá giang. Mọi Tàu để ngơi nghỉ lạnh lùng nơi bãi đậu. Tôi chán nản quay xe ra phố. Trên đường rời khỏi SĐ5KQ, ngang qua văn phòng Tư Lệnh Phó SĐ, thấy ánh đèn, cửa mở, tôi đậu xe bước vào gặp Đinh Thạch On, ngồi thẫn thờ sau bàn giấy.
Tôi hỏi :
- On ! Sao còn ngồi đây? Tất cả bỏ đi hết rồi, anh cũng đi đi thôi. Đinh Thạch On lúng túng, không dứt khoát, dường như có cái gì dùng dằng giữ ảnh lại. Tôi hối thúc:
- Đi đi toa. Ở lại chỉ còn tôi với anh là lớn cấp nhất, Cộng nó nắm được, nó đem tôi và anh qùy trước sân cờ “Cắc bùm” tế cờ đó. Đinh Thạch On như người mất thần:
- C.130 tụi nó lấy đi trốn cả bầy rồi.
- Còn C.47 mà. Tôi nhắc nhở On.
On thở dài:
- Đã lâu lắm tôi không còn lái C.47. On vốn ít nói, hiền như cục đất nên chỉ trả lời vừa đủ.
Tôi khích lệ:
- Dẫu sao anh cũng đã có lái nó rồi. Quên chút lúc đầu, ôn lại trong đầu anh lại nhớ ra đó mà. Anh cứ lái, tôi chấp nhận để anh đập máy bay giết tôi hơn là để tụi Cộng hạ nhục tại sân cờ trước hàng quân của mình. Chết vì máy bay rơi, chết mau. Chết với quân khát máu, chết mòn chết tủi đó bố = ơi.
Đang cố thuyết phục ông TLP/SĐ, thình lình nghe tiếng xôn xao và tiếng động cơ nặng nề gầm gừ. Ngó ra ngoài một chiếc M113 đang lùi, thụt lùi. Tôi vội bước ra chận lại hỏi:
- Có chuyện gì ? Tại sao lùi?
Trưởng xa, một KQ trả lời:
- Chúng em thuộc Phòng thủ, tụi Cộng tiến xát rào, chúng em rút sâu về.
Tôi phản ứng lấy lệ vì nghĩ mình cũng đang thuyết phục rút thì rầy rà chuyện rút với không làm gì nữa:
- Rút đi đâu nữa!
Nói xong, buông xuôi, tôi quay vào nói với On:
- Anh nghe rồi đấy chứ, không thể chần chờ hơn được đâu. Lúc ấy On mới nghiêng người cúi xuống, kéo học tủ, lôi ra cuốn kỹ thuật C.47 lật từng trang và nói:
- Để moa ôn lại chút đã.
Cứ thế On ngồi thản nhiên học hết cuốn kỹ thuật. Một phút lúc ấy là một thế kỷ đối với tôi. Tôi như ngồi trên lửa. Bên ngoài M.113 lui tới lui lui, quay ngang, quay dọc, binh sĩ chạy xuôi chạy ngược, tiếng súng lẻ tẻ đây đó. Tôi ngồi trước bàn giấy On, đăm đăm ngó ra ngoài cửa chính, tay nắm chặt tiểu liên, cùng với Văn, sẳn sàng nhả đạn, chờ cho On học bài xong. Cuối cùng On cũng đứng dậy theo tôi đi ra tìm tàu thoát hiểm.
Chúng tôi ra thẳng bãi đậu C.47. Leo lên chiếc đầu mở máy, máy gầm gừ, cánh quạt quay từng vòng uất nghẹn chẳng chịu vung mình đoạt gió. Leo xuống khám xăng, xăng còn, khám máy, máy lủng chảy dầu, có lẽ đã trúng hỏa tiễn hay miểng bom thù. Leo lên chiếc khác, chiếc đó lại không xăng. Cứ thế lếch thếch kéo nhau từ ụ C.47 này qua ụ C.47 khác giữa cơn nắng trưa. Tàu nào cũng ỳ ra chẳng chịu chuyển mình.
Ngay lúc ấy một trực thăng TQLC Mỹ bay đứng trên đầu chúng tôi, nghiêng mình quan sát. Tôi ra hiệu, yêu cầu đáp bốc chúng tôi. Quân “Bạc nghĩa” quay ngoắt bay đi bỏ mặc lũ bại quân tự liệu. Ai bảo có cánh mà không bay lại nhờ người cõng. Chúng đâu có hiểu “Phụng Ho= àng” đang thất thế sa cơ vì cộng quân bế mất huyệt đạo nên mới nhờ “Gà Mỹ” mượn sức qua cơn khốn khó. Đâu ngờ cái giống Gà này nó “xỏ rét”, nó “xỏ lá”, xỏ lá kềnh.
Thật ra mình cũng chẳng nên trách người. Có trách nên trách chúng mình đã thiếu hẳn một kế hoạch rút quân chu đáo, an toàn và trật tự. Trong mọi cuộc hành quân thì hành quân tháo lui là khó khăn và gay go nhứt, cho nên cần được nghiên cứu tỉ mỉ, ước tính và tiên liệu thật sát, chuẩn bị thật chu đáo, thi hành thật cẩn trọng. Thế mà mình lại vội vã, “Quân hồi vô phèng” mạnh ai nấy rút chẳng ra cái “Thống chế” gì để cho cả Bạn lẫn Thù coi khinh coi rẻ. Xấu hổ ! ! !
Sau phút ngỡ ngàng vì “Tình Phụ” do người anh em bất nghiã bỏ đi, Đinh Thạch On chán nản ra mặt vốn dĩ dùng dằng chẳng muốn đi từ đầu thì đây cũng là cái cớ buông xuôi cho tiện. On không muốn tìm tàu thêm nữa. Tôi bắt đầu lo cho kiếp cá chậu chim lồng, cộng quân cắt tiết. Tôi mở bóp lấy mọi giấy tờ, thẻ kiểm tra, chứng minh thư Phủ đầu rồng, thẻ mang vũ khí tùy thân hủy bỏ chỉ giữ lại thẻ bài kim khí có ghi rõ số quân, loại máu, đeo lòng thòng trên cổ (hiện tôi còn giữ làm kỷ niệm, nhớ lại một mùa xuân để mất).
Hủy xong giấy tờ, tôi ngó mông lung qua dẫy phi cơ lặng lẽ bên đường, lòng hướng về Mẹ già chẳng biết giờ này ra sao? Tôi không khóc được. Tôi buồn thê thảm. May hừng sáng nhân lúc cộng quân tạm ngưng pháo kích, tôi đã bắt liên lạc được với vợ chồng người em trai cư ngụ vùng Chí Hòa, yêu cầu chăm nom Mẹ cho tôi được yên lòng trong phút tử sinh ly biệt đang chập chờn bên tôi.
Vợ con tôi!Trước đó it ngày, cô em vợ, công dân Mỹ, đã từ Mỹ bay về lập thủ tục giấy tờ ngoại giao trong đó có cả tôi, bốc đem đi vội vã. Tôi đã từ chối đi theo vì nghĩ rằng nước mới trong dầu sôi chưa mất, quân trong rối rấm chưa tan. Vợ tôi vùng vằng:
- Nếu anh không cùng đi thì Em và các con cùng ở lại.
Tôi vội khuyên:
- Em hãy đem con rời khỏi đây và nuôi nấng dạy dỗ chúng nên người cho anh. Anh đi bây giờ là anh bỏ ngũ đó. Anh không muốn muôn đời lưu xú. (Cũng vì cái lẩm cẩm này mà tôi được Bà Xã tặng cho biệt hiệu: Ông già lẩm cẩm mỗi khi nàng nhắc đến phút luyến lưu của ngày buộc phải để nước lại= sau lưng, ra đi tìm một ngày mai ít buồn, ít tang tóc hơn cho mình và cho con cháu). Vợ tôi không chấp nhận lập luận của tôi:
- Chồng đâu, vợ đó. Em không đi.
Tôi làm mặt giận:
- Em phải nghe anh!
Rồi tôi dỗ dành:
- Em hãy đi, đem con về chốn an toàn, như thế anh được rảnh tay, đúng lúc phải đi anh sẽ đi kịp lúc, không phải tìm Em và các con, e rằng như thế quá muộn và quá hiểm nguy.
Vợ tôi ngần ngừ, suy tính. Các con tôi còn quá thơ dại, đứa lớn chưa đầy 7 tuổi, đứa bé mới hơn năm còn bế ẫm, ngơ ngác hết nhìn cha đến nhìn mẹ. Tôi cầm tay vợ đoan chắc:
- Em đi bây giờ, chúng mình còn có cơ hội gặp nhau. Nếu em và các con ở lại, chắc chắn sẽ ly tan vì lửa đạn vô tình chẳng chừa ai, tội nghiệp các con vì mình mà lây họa.
Xuôi lòng, vợ tôi gạt nước mắt dẫn con cùng gia đình bên ngoại các cháu qua DAO nhập đoàn di tản có trật tự. Gia đình bên nội các cháu (Mẹ tôi, Em tôi, cháu tôi) đã nằm lại chịu chung số phận với con dân miền Nam bất hạnh.
Đang để hồn vấn vương trong đau thương, tuyệt vọng, tôi chợt thấy một C.47 óng ả phơi mình bên ụ hangar trước mặt, hàng rào kẽm gai khóa kín, liền vội bảo On:
- Có chiếc C.47 kia trông còn nguyên vẹn. Hãy qua xem.
On lắc đầu:
- Cũng “dzậy” thôi !
Tôi chưa hết hi vọng, còn nước còn tát, tôi cương quyết rảo bước qua mau. On không theo, chẳng ai buồn theo. Tới nơi, tôi loay hoay gỡ kẽm gai để tiếp cận quan sát con tàu cuối bãi và cũng là cuối cùng. Một Hạ sĩ quan đã theo chân tôi hồi nào không hay, vội tiếp tay gỡ kẽm gai kéo qua một bên.
Tôi hỏi nhỏ:
- Anh chuyên môn gì ? Có biết gì về phi cơ ?
Người Hạ sĩ quan kiêu hãnh trả lời:
- Em là cơ phi.
Tôi mừng rỡ:
- Em hãy tiền phi, xét tình trạng động cơ và xăng nhớt. Mau đi em !
Chú em này thật rành việc. Chú thoăn thoắt nhảy lên cánh, mở nấp xăng miệng reo to:
- Mucho ! Mucho ! Ý nói xăng đầy.
Tôi quay ra ngoài gọi to, ngoắc Đinh Thạch On qua mở máy thử. Tôi chỉ là Phi hành dẫn lộ (Navigator, KQ mình gọi là điều hành viên, cái tên chẳng phi hành tí nào!), không có “thợ lái” thì “thợ tính gió chỉ đường mây” cũng chỉ là “loài Bò sát”. Sau khi biết chắc phi cơ đầy xăng, Cơ phi nhảy xuống kiểm soát động cơ, đến khi mở cửa lên tàu mới vỡ lẽ cửa khóa với cái khoá tổ bố, liền thất vọng kêu lên:
- Cửa tàu khoá làm sao đây ?
Tôi chưa kịp phản ứng thì một Binh nhì cầm M.16, chẳng biết đã có mặt ở đó từ hồi nào, có lẽ chú ta canh gác sớ rớ ở đây mà vì bận tâm với kẽm gai tôi không thấy, hô to:
- Để em bắn bể khoá.
Nói xong chú ta lên đạn, đưa súng chĩa vào ở khoá. Tôi thất kinh quát lớn:
- Đừng bắn, nguy hiểm. Mình còn một tàu này thôi.
Chú lính xững sờ nhìn tôi:
- Không phá cửa làm sao lên?
Tôi vội giải thích:
- Em bắn thì được nhưng có biết đạn đạo đi đâu không. Nếu đường đạn đi cắt đứt các giây “Cable” điều khiển cánh bay thì tàu làm sao bay được nữa. Chú em nầy vẫn ương chưa chịu hiểu. Tôi nghiêm nét mặt:
- Chú chỉ huy hay tôi. Nếu còn coi tôi là cấp chỉ huy thì hãy nghe tôi. Thật ! vào lúc hàng quân tan rã muốn chỉ huy được quả muôn phần khó khăn. Quay qua Cơ phi tôi bảo:
- Em hãy phá cửa gió cockpit chui vào, luồn ra sau mở chốt cửa nhảy dù là mọi người lên được.
Cơ phi làm theo ý tôi, cửa dù C.47 mở rộng vào trong. Tiếng reo vang dậy, mừng vui. Trời ơi ! Người đâu mà lắm thế, hồi nãy có bao nhiêu đâu, hết đợt này, đợt khác ùn ùn tay sách nách mang lên tàu.
Tôi đứng dưới trông chừng, chờ mọi người lên hết thì đột nhiên một chiếc xe Jeep rít thắng bên tôi, một Sĩ quan vận phi bào người đẫy đà, khỏe mạnh, nhảy vội xuống miệng nói hấp tấp:
- Cho chúng em đi với.
Tôi liếc lên Jeep thấy có vợ con, tôi vội hỏi:
- Anh có lái được C.47 không?
Sở dĩ tôi hỏi câu này vì tôi vẫn ngại Bố On một mình không biết xoay trở ra sao, nếu thêm co-pilot thì cũng chắc dạ phần nào. Tươi nét mặt, cậu Sĩ quan hào hoa tự tin:
- Thợ ! Thợ C.47 là em ! Em, Đại úy Quý C.47 đây.
Tôi đã rời Liên Phi Đoàn Vận Tải từ lâu, từ hồi cụ Ngô còn chấp chánh, tôi đâu có biết Đại úy Qúi là ai, nhưng điều chắc là tôi đã có một Hoa tiêu lão luyện tiếp tay với con chim già mệt mỏi Đinh Thạch On rồi. Tôi cười vỗ vai thân mật:
- Lên đi mà tiếp tay với Tư lệnh phó của anh trên đó. Trông cho mọi người lên hết, tôi mới leo lên sau. Bước lên khỏi bậc thang cuối, ngước mắt nhìn lên: Trời! Người, hành trang, hỗn độn, ngổn ngang, chật hơn nêm cối,= chẳng chỗ len chân. Nhìn kỹ mới vỡ lẽ chiếc C.47 này là loại đặc biệt trang bị giường ngủ, bàn làm việc dành cho Tướng Tư lệnh vùng II. Giờ tôi đã hiểu vì sao mà nó ngoan ngoãn nằm im không ai đụng tới, xăng nhớt đầy đủ, khóa trước khóa sau.
Cái số tôi cũng lạ, suốt 25 năm quân ngũ chỉ chạy hiệu, bỗng dưng vào ngày mạt vận lại được tặng “sao” rồi “Tư lệnh Vùng” (Tư lệnh trên chiếc phi cơ này thôi) điều động một dúm bại quân trốn chạy. Chẳng biết đáng cười hay đáng khóc!
Phi cơ trang bị nặng nề nay lại đầy khách quý, quá tải là cái chắc. Nhẩm đếm đầu người, tất cả 76 người kể cả phi hành đoàn (2 hoa tiêu 1 cơ phi). On nhìn tôi lắc đầu. Tôi nhìn On ngầm hỏi có bay nổi không? On yêu cầu xuống bớt (lại cảnh xuống không xuống) không một ai nhúc nhích. Tôi thở dài, hiểu rằng C.47 Full combat load cũng chỉ chở được tối đa 41 người với vũ khí trang bị. Đằng này tàu đã trang bị giường sắt, tủ sắt, bàn sắt, ghế sắt, hằm bà làng, lủng ca lủng củng lại còn đèo theo 76 mạng với đủ tài sản thiết thân thì làm sao cất cánh nổi đây! Tôi nói dỗi:
- Nếu không ai xuống, tôi xuống. Có ai theo cùng không?
Tôi nói mặc tôi. Tôi đảo mắt nhìn mọi người. Mọi người đều cúi xuống tránh ánh mắt tôi. Tôi quá thất vọng, len chân bước về hướng cuối tàụ Đặng Duy Lạc nắm tay tôi kéo lại, ảnh nhứt địn= h không cho tôi rời tàu. Giờ tử ly này, ai đi ai ở, ai nỡ bỏ ai! Một chuyến tàu suốt cũng đành xuôi thôi !
On đã quay lên buồng lái giúp Quí quay máy. Tôi ngồi phịch xuống ghế, đâu mặt với Lạc, phó mặc sinh mạng trong tay Đức Cao Sanh.
Máy nổ, một vừng khói trắng tỏa lên: Máy một rồi máy hai. Hoa tiêu kiểm soát phi cụ, phi kế. Tàu còn trong ụ đậu thì “Đoàng” pháo cộng đã nhắm bắn tới. Không chờ nóng máy, Quý-On vọt ra phi đạo cất cánh khẩn cấp.
Chở nặng phi cơ cần đường dài, chưa đủ lực hổng cẳng Quý-On đã kéo vội, cưỡng ép con tàu bốc lên vì một pick up truck ai đó đã bỏ nằm chắn ngang đường. Con tàu chao đảo dường như bánh đáp đã đụng pick up. Tàu gầm dữ dội, không lên cao nổi, bê bê về phía hangar. Nhìn qua cửa sổ tôi thấy hangar đến gần. Tôi chỉ kịp nói với Đặng Duy Lac vừa đua mắt cho Lạc nhìn ra:
- Niệm Phật đi, Một, hai, ba !
Tất cả vẫn êm rụ Phi cơ vừa vượt khỏi nóc hangar SĐ trong gang tấc. Tôi vừa thở phào chợt thấy có người đang ôm cứng ngang lưng tôi, đầu húc sâu vào bụng tôi. Tôi vội gỡ ra mới biết đó là Thiếu tá Nguyễn Kim Hằng (cựu vô địch bóng bàn). Hằng bẽn lẽn cười nhìn tôi nói:
- Ông là cấp chỉ huy của em, nếu phải chết, em cũng được chết trong lòng của cấp chỉ huy. Gớm, chí tình thế ! Quý hóa thế ! Tôi nghi ngờ cái “Huynh đệ chi= binh” này.
Tôi cười nói:
- Chớ không phải cậu muốn mượn đỡ cái bụng mềm mại của tôi làm cushion đỡ cho cái đầu của cậu khỏi bể nếu chẳng may phi cơ kềnh ra đất.
Hằng chữa thẹn:
- Đâu có! Người cứ nghi oan cho em út. Thương Người lắm, thật mà. Tôi gục gặc:
- Cám ơn, cám ơn ! Hân hạnh cho “qua” quá! Đặng Duy Lạc nghe mẩu đối thoại yêu nhau chí tình của đôi quân nhân cùng chung hoạn nạn, cười vỗ vai Hằng:
- Thôi được rồi.
Phi cơ vẫn là là bay không cao hơn ngọn cây là bao. Trong phòng lái có tiếng vọng ra:
- Nặng quá, tàu lên không nổi, yêu cầu vứt đồ cho nhẹ.
Tôi lập lại ý trên. Không ai chịu rời tài sản của mình. Người ta thường nói “lấy của che thân” nhưng nơi đây lại “lấy thân che của”! Các cụ thường dạy, gặp cơn nguy đe dọa đến tính mạng thì “bỏ của chạy lấy người”, nơi đây thì “Thà chết còn hơn”!
Tôi chẳng có gì đem theo ngoài nón sắt và aó giáp. Tôi đứng dậy nêu gương, mở cánh cửa nhỏ bên hông tàu nơi thường dùng để thả truyền đơn, ném nón sắt ra ngoài. Phụt! nón bọc gió, giật vụt bay về phía sau qua cánh đưôi. Tôi thấy quá nguy hiểm, nếu tôi vứt nốt áo giáp, áo bọc gió đập vào đuôi lái, chắc chắn tàu không thăng thiên mà độn thổ đó.
Sau cái nón sắt vụt bay tôi chẳng tha thiết lắm đến cái mời các anh em đồng hành “dzô ta” cùng vất cho nhẹ con tàu. Cứ khỏi ngọn cây, Tàu là là bay qua vị trí Cộng quân thế mà chúng tôi chẳng trúng đạn thù. Có lẽ tụi chúng bắn quá dở nên tàu lặng lờ lấy hướng Côn Sơn là nơi điểm hẹn của Đệ Thất Hạm Đội bốc quân bại tẩu rời khỏi non sông yêu dấu, một cách an toàn.
Côn Sơn đã ẩn hiện trước mắt, tôi bước vội lên phòng lái nhắc khéo On:
- Cẩn thận ! Trước khi đáp, quan sát kỹ xem cờ Vàng hay cờ Đỏ. Láng cháng Mỹ đâu không thấy lại bị “nón cối” mời vào bóc lịch thay nó đó.
Thợ Lái mình chẳng quan ngại xa xôi. Cái làm họ bận tâm không phải “Nón cối” mà là đáp rồi nếu phải cất cánh lại thì thật là Tử vì sân Côn Sơn quá ngắn so với cái quá tải của con tàu.

Lượn một vòng thấp: Phi cơ phe ta đậu đầy, ngổn ngang chiếc dọc chiếc xuôi, hỗn độn vô cùng. Các anh em nhanh chân tới trước chẳng hề nghĩ cho các anh em chậm chân đến sau! Chúng tôi đành quay trở lại bay về đất Mẹ, nhắm SĐ4KQ Bình Thuỷ lướt tới. Vào Vùng Không lưu, liên lạc đài Kiểm soát, một tiếng vang trong máy: Căn cứ đang bị pháo địch uy hiếp. Tôi đề nghị bay qua UTAPAO, Căn cứ B.52 của KQ chiến lược Mỹ bên Thái Lan. Mấy anh em cấp nhỏ nhao nhao:
- Đi Singapore ! Đi Singapore !
Tôi phản đối và giải thích:
- Chúng ta không nên đi Singapore, Chính quyền Singapore khó tin lắm. Mới ngày qua, một C.130 của SĐ bị đánh cắp trốn qua đó đã bị Chính quyền sở tại bắt giữ, định dẫn độ cả tàu lẫn người về cho VC xử lý hầu làm quà thỏa hiệp. Chỗ bảo đảm nhất là phi trường B.52 vừa dài vừa đủ tiện nghi, an phi bậc nhất và an ninh cũng bậc nhất. Mẽo cũng không đến nỗi quá hèn đem mình bán cho đối phương. Tất cả đã thôi lao xao. Tôi hỏi có ai mang bản đồ tiếp cận UTAPAO không vì phòng lái vừa than thiếu bản đồ vùng đó. Một Trung úy vội lục cặp phi hành lôi ra xấp tài liệu và nói lớn:
- Có đây, đủ cả đây.
Tôi cầm lấy trao cho cơ phi đem lên cho Quí-On nghiên cứu phi trình đồng thời hỏi nhỏ chú em:
- Ở đâu mà sẵn thế?
Chú ta tỉnh bơ trả lời:
- Chúng em cũng định “chuồn” đi nhưng vì phi cơ rơi khi cất cánh nên phải theo chiếc nầy.
- Phi cơ rơi không chết à?
Tôi hỏi hơi phi lý vì đã có sao thì đâu còn đối đáp với tôi được nữa.
Chú em cười:
- Không ai chết, chẳng ai què, chỉ rêm mình chút chút!
Đúng vậy, lúc tôi còn thẫn thờ tìm phi cơ ra đi thì Th/sĩ Văn có kéo tay tôi chỉ lên trời, hốt hoảng:
- Coi kìa ! Chiếc phi cơ đang giẫy giẫy như diều đứt dây.
Tôi ngó theo tay chỉ, quả nhiên là chiếc Caribou (có lẽ là chiếc đã bỏ tôi và Văn ở lại) đang bị triệt nâng vụt rơi xuống, bụi cát lầm lên mù mịt.
Tôi ghé tai Văn:
- Chiếc Caribou hồi sáng đó. Nếu mình được đi thì nay đã chung số phận rồi.
Nói xong tôi quay đi nghĩ đến các anh em xấu số đã bỏ tôi sáng nay và giờ đây đã xa tôi thật rồi! Lòng tôi chợt thắt lại, thương cho kiếp người mới đó không còn đó. Tôi đã lầm. Chẳng một ai xa tôi. Tất cả đã cùng tôi trên chiếc C.47 định mệnh nầy, đang trôi về nơi vô định xa xôi. Bây giờ tôi chợt hiểu vì sao lúc tìm C.47 thoát hiểm tôi chẳng có bao ngoe mà nay sao lại nhiều thế. Thì ra các Yên hùng không gian chưa bị Ngọc Hoàng rũ sổ đang đáp chuyến bay cuối chầu cùng tôi. Duyên nợ bên nhau đâu dễ dứt!
Còn đang miên man nghĩ đến cái duyên, cái nợ tôi chợt thấy mặt Nguyễn Kim Hằng dính đầy tro lẫn bụi, nhem nhuốc. Tôi ghé tai hỏi nhỏ:
- Cậu cũng trong đám “Bất tử” Caribou đó à?
Hằng gật đầu không đáp.
Thật tình ! Con người sống chết có số. Cái phút nguy hiểm nhất của nghiệp bay là cất và hạ cánh, nếu tay nạn xảy ra lúc đó thì yên trí sẽ được “TRUY THĂNG'.
Thế mà tàu tôi đụng khi cất cánh, Tàu hắn rơi khi hạ cánh vội, chúng tôi vẫn sống nhăn. Tiếng máy phi cơ nổ đều, con tàu chở “Vịt” (chạy như vịt) bồng bềnh trong gió lướt về không phận Thái Lan. Mọi người đều đều hơi thở, mắt mơ màng hoặc khép kín thả hồn chơi vơi về với tương lai mù mịt, bỗng nhiên cửa phòng lái bật mở, cơ phi hốt hoảng:
- Hồi nãy ai coi xăng ?
- Sao? Tôi bật dậy hỏi ngược. Hết xăng à ?
Cơ phi ú ớ. Tôi liên tưởng đến tàu cạn xăng, nhìn ra ngoài, mênh mông trời nước. Tim tôi thắt lại, chẳng lẽ số mình phải dứt hôm nay! Chợt tôi nhận ra chú cơ phi này là người check xăng sáng nay và đã reo to Mucho, mucho. Tôi chỉ anh và nói:
- Chính anh là người coi xăng mà. Anh đã chẳng bảo với tôi là xăng đầy, sao bây giờ lại sợ cạn. Tàu mới bay có 4 tiếng, cho tôi biết đồng hồ xăng còn chỉ bao tiếng bay nữa. Cơ phi:
- Dạ còn 4 tiếng.
- Thế thì đúng rồi. Tầm bay C.47 là 8 tiếng, nay bay được khoảng 4 tiếng, còn lại 4 tiếng là phải rồi. Tôi ôn tồn giải thích cho Cơ phi. Cơ phi còn cố chày cối:
- Không tin đồng hồ được.
Câu nói này làm nhiều người tháp tùng chuyến bay hoảng hốt, nhớn nháo, phi cơ tròng trành gây khó cho Hoa tiêu điều khiển con tàu. Áp huyết máu tôi phụt cao. Tôi chất vấn Cơ phi:
- Anh làm Cơ phi được bao lâu rồi?
- Bảy, Tám năm. Cơ phi trả lời gọn.
Tôi sùng thêm:
- Tám năm bay Vận tải, không tin vào phi cụ thi tin cái gì! Chú nhỏ nầy chợt tỉnh, bẽn lẽn quay lên và đóng cửa phòng lái. Đặng Duy Lạc ngó tôi tủm tỉm cười:
- Xin cụ bớt nực, cho đàn Em sống tí.
Lạc tên đúng với người, lúc nào anh cũng lạc quan, tươi cười cả lúc tôi muốn khóc. Suốt sáng qua bao cảnh đái ra cây, cười ra nước mắt mà ảnh cứ bình chân như vại mặt phớt Ăng lê. Có anh này trong những lúc bấn xúc xích, mình cũng mau yên dạ. Tôi vẫn còn thắc mắc về cái không đủ xăng để tới bến, tôi bò lên phòng lái thăm hỏi:
- Còn bao lâu tới Utapao?
- Khoảng hơn tiếng. On trả lời.
Tôi nhẩm tính, dư sức qua cầu. Tôi quay về chỗ ngồi trước mặt Lạc, vỗ đùi anh và bảo:
- Yên trí ! Một giờ nữa đáp.
Yên vị tôi nhắm mắt cố ru hồn cho bớt xao động. Tôi đã thấm mệt với đủ mọi biến cố, căng thẳng tinh thần suốt từ lúc phản đồ mất dạy gây biến. Đang mơ màng chợt thấy Tàu nghiêng cánh, nhìn ra cửa sổ thấy 2 vệt dài trắng xóa song hành lượn dài theo đường bay Tàu mình. Tôi nghĩ mình đã gặp phản lực Thái nghênh tiếp (nói cho oai), nói cho đúng sách vở: nghênh cản. Tôi bước vội lên phòng lái cho rõ sự tình, thì ra tôi sớn sác trông gà hóa cuốc, thấy nước tưởng trời thấy “out board” tưởng “Jet”. Dẫu sao thì Tàu đã nhập không phận Thái Lan, đất liền đã ló dạng.
Vào vòng không lưu Utapao, Quí-On xin đáp khẩn cấp và báo cho Đài Kiểm soát, phi cơ khi cất cánh có đụng chiếc xe hơi Pick Up, yêu cầu họ quan sát chân đáp. Đài Kiểm soát:
- Looking good.
On-Quí cho Tàu vào vòng cuối, đáp nhẹ. Bánh vừa chạm phi đạo, phi cơ chợt xẹt qua phía trái, rời phi đạo, nhảy chồm chồm như ngựa chứng bên lề đường bay, nghiênh cánh quẹt đất bụi mù.
Tử thần vung lưỡi hái. Mỹ quốc An= phi tung toàn lực tiếp chiến. Đại tá chỉ huy căn cứ dẫn đầu đoàn quân cứu ứng, cứu hỏa, cứu thương đủ bộ, điều quân tuyệt hảo. Qủy sứ nhà trời nhượng bộ. Tàu nằm yên xệ cánh. Quân Mỹ bao quanh dàn chào. Tàn quân ta sửa sang mũ áo.
- Xin mời “Người” xuống trước. Một tiếng xướng (không biết của ai) trăm miệng hùa.
- Gớm, sao tử tế ! Lúc lên chẳng có lời mời, lúc xuống đương đầu lắp “Verb” thì mời “Người” xuống cho.
Tôi nghĩ nên để Trưởng phi cơ xuống trước cho đúng phép lịch sự. Tôi yêu cấu On xuống trước, On lắc đầu đùn miết cho tôi. Tôi đùn cho Lạc. Lạc đẩy tôi đi. Đùn tới đùn lui chẳng ra cái thể thống gì. Tôi liền bước tới mở cửa cho xong, dùng già dùng dằng xăng phát nổ thiêu sống cả đám lại khổ nữa.
Cửa Tàu vừa mở, Đại tá Mỹ đã trực sẵn đưa tay chào. Tôi trả lễ. Óng ta lịch sự đón tay tôi đỡ xuống, miệng không ngớt xã giao:
- Congratulation, Good landing!
Tôi có đáp chó đâu mà congratulation tôi. Tôi còn bận lo đến cái “không biết ra sao ngày sau” nên chẳng buồn đính chánh:
- Thank you. Any Vietnamese before me ? Anh văn nhát gừng, tôi hỏi ông bạn đồng đẳng lịch duyệt.
- Plenty. Don't worry!
Người bạn ân tình cứu mạng vội trấn an tôi, đồng thời yêu cầu tôi cho mọi người lên 2 GMC trực sẵn. Tôi yêu cầu đoàn quân bại tẩu, trật tự hàng lối lên xe, cố chứng minh với anh bạn Đồng minh tốt bụng này:
Tuy ta bại nhưng quân ta vẫn còn kỷ cương. Mọi người tuần tự lên xe, trẻ nít trước, phụ nữ sau, bại quân sau chót.
Ai nấy hối hả thì bỗng Th/tá Nguyễn Kim Hằng bước ra khỏi hàng, qùy xụp xuống đất, 2 tay
trước ngực, mặt ngước nhìn trời, mắt nhắm kín, miệng khấn lâm râm. Mỹ ngơ ngác, quân ta ngơ ngẩn nhìn. Chờ cho Hằng xong nghi thức tạ trời, Tôi lại gần hỏi nhỏ:
- Cậu khấn gì vậy. Trông như cậu đang xin tha mạng.
Hằng nghiêm trang:
- Em qùy cảm tạ Trời Phật đã cứu sống chúng mình vì khi thấy phi cơ nhào ra lề, cà cánh xuống đất Em lo phát nổ. Sợ teo!
Có niềm tin vẫn là liều thuốc an thần. Tất cả đã yên vị trên 2 GMC, Đại tá Mỹ cho lệnh lăn
bánh đưa chúng tôi v= ề nơi tập trung tàn quân không lực (phải, hết xíu quách rồi !)
Xe vừa rời xa con tàu cứu tinh yêu dấu tôi bỗng thấy, thấy mấy Airmen cờ hoa nhẩy vội từ chiếc xe Pick Up vừa xịch đến tay cầm lon sơn xịt lấy xịt để, bôi xóa cờ hiệu và huy hiệu VNCH trên chiếc C.47 kiêu hùng của chúng tôi.
Mỹ làm thế để chủ quyền Thái không bị xâm phạm, không tìm cớ tịch thu phi cơ vì không có bằng chứng phi cơ lạ xâm nhập Thái Lan. Thấy người mà ngẫm đến ta. Mình chạy, không kế hoạch, Mỹ hứng, đầy đủ lớp lang. Người khinh ta là phải!
Tới nơi phải xuống. Tôi uể oải leo xuống tiến về nơi chỉ định, miệng lý nhí chẳng biết có ai nghe:
- Kể từ phút này, Tôi cũng như tất cả, phận ai nấy lo chúc mọi người may mắn!
Bây giờ đã quá chiều, Tôi cảm thấy rã rời, tìm vội một nơi ngả lưng dưới mái “Tent” căng tạm của Không lực Mỹ. Chưa được bao lâu, mọi người chộn rộn, lăng xăng xếp hàng chuẩn bị dùng bữa cơm chiều. Lúc đó tôi mới chợt nhớ suốt đêm hôm trước đến chiều hôm nay tôi chưa có gì lót dạ.
Tôi không thấy đói. Biến cố dồn dập, liên tục xảy ra không còn thì giờ lo cho cái bao tử. Những nhức nhối, uất nghẹn, ứa gan cho cái tan hàng rã ngũ “Vô duyên” đã đầy ắp lòng tôi làm tôi quên cả đói. Tôi không muốn ăn. Anh em khuyên tôi cố ăn chút ít cho lại sức. Nuốt “miếng cơm Từ Mẫu”, tôi nghẹn ngào cho thân phận, 25 năm dâng trọn tuổi thanh xuân cho đất nước những tưởng tìm được yên vui cho dân tộc nhưng mộng ước không thành, giờ đây khởi đầu lạc loài nơi đất khách, thật ê chề cho kiếp mình!
Đã 23 năm tôi ôm câu chuyện cất kín lòng mình. Tôi sợ nói ra, buồn nhiều cho bạn, buồn thêm cho tôi, cho anh, cho cả ½ phần dân tộc. Tôi không muốn ai, lúc đó, cả bạn lẫn thù, khinh mình thêm nữa.
- Bí ẩn lịch sử rồi đây sẽ được phơi bầy.
- Chúng ta chỉ là con cờ thí !
- Chỉ buồn, những người cầm vận mệnh đất nước.
Ngày đó cũng như ngày nay, không đủ khôn cũng không đủ khéo để tránh cho dân khỏi khổ, nước khỏi nghèo, tiền nhân khỏi hổ thẹn.

Tháng 4-98

NB: Chiếc xe hơi Rievera của ông Kỳ đầu tiên một chuẩn uý bộ đội KQ chiếm cứ và tính chuyển vế Hanoi, nhưng sau đó đã bị Trung tá Trung bộ đội KQ, dân Hàng Ngang Hanoi tháu cáy chiếm giữ làm của riêng – Ông Kỳ có thể hỏi thăm người phe ta để biết chiếc xe Rievera của ông hiện nay đang nằm ở đâu?

Liệt Lão Đào Huy Ngọc

Tinh Hoai Huong
05-07-2017, 06:36 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd417/1494138564-ONG 22.jpg

http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1397114277.mp3
Ngậm Ngùi Trở lại Chốn Xưa


Từ Rạch Giá trầm lắng u hoài, chúng tôi kéo lê đôi chân mệt mỏi rã rời leo lên xe đò trở về Sài Gòn, phiêu lãng bơ phờ suốt trên đoạn đường dài ngót 248 cây số ngút ngàn! Xe đò vẫn chật như nêm, tôi buồn bã nhìn trên đầu nhiều người lớn bé đang chít khăn sô, họ hớt hải vội vàng chen lấn nhau đi đâu? trở về đâu? mà tất tả lũ lượt thế nầy!? Tôi quá chán nãn nghe lòng mình phủ chụp xuống bao tơ rung suy nghĩ dập dồn. Mệt mỏi lắm! Tôi chẳng cần hé mắt nhìn lại quang cảnh hai bên đường (mà lúc mới ra đi, tôi rất bồn chồn, háo hức nhìn ngang ngó dọc lung tung ấy sao)! Chúng tôi và các con cháu không thèm ăn uống gì, chỉ cúi đầu trên chiếc xe đò cà xịch cà đụi lắc lư mà ngủ gà ngủ gật. Cười ra nước mắt… Cũng đành. Có nghĩa là chúng tôi thực sự quay trở về thủ đô Sài Gòn dấu yêu tại quê hương mình.

Ôi! Quê hương Việt Nam cẩm tú giàu đẹp hùng vĩ, là hòn ngọc của ta ơi! Cảm giác ấm nồng xôn xao nở lăn tăn trên làn môi nóng bỏng khát khao cơn thèm âu yếm gọi lên hai chữ: “Quê Hương”! Tôi xin cúi đầu lui gót quay về, từng bước chập choạng bấp bênh chấp nhận số phận bồng bềnh, cho dù đắng cay, sô tang, bùi ngùi, khổ đau có; Ngọt ngào vui vẻ hân hoan không. Tôi đã quyết định dừng chân “phiêu bạt giang hồ”, để trở về thành đô, nhưng sao trong lòng cảm thấy quá buồn đau tê tái hụt hẫng khôn cùng? Tôi có cảm tưởng như mình đã thực sự mất đi một báu vật thân yêu.

Dường như tôi không còn mê những giọt sương mai đọng trên cánh hồng nhung tươi thắm vừa hé nở, từng giọt sương mòng mọng tí tách rơi trên phiến lá giao mùa. Mất rồi chiếc lá vàng xinh lịch ép trong trang sách cũ. Mất ơi đàn én chiêm chiếp líu lo vun vút lượn bay trong không gian chói sáng ánh bình minh. Mất hết những con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, lượn quanh sườn đồi rì rào tiếng thông reo vi vu. Hết rồi thảm cỏ sân Cù mịn nhẹ êm như nhung, nơi ấy khi xưa tôi ưa ngả mình trên triền đồi quạnh vắng, mắt lim dim mơ màng, tai lắng nghe tiếng thông reo, và gió núi xôn xao thì thầm gọi nhau về ngủ trên đỉnh Lâm Viên hữu tình.

Ôi! Có thể nay đã mất hẳn những bước chân lãng du trùng lặp bao kỷ niệm tìm về chốn cũ. Mất rồi! Thật sự mất đi không gian, thời gian, và kỷ niệm vàng son một thuở trìu mến xa xưa. Nay lòng tôi bừng bừng rung giật cơn sốt tiếc thương, môi co siết những giọt mật vừa chát, vừa đắng, đang trào dâng lên khoé mi tôi giọt sầu quắt quay niềm tiếc thương vô hạn, ẩn dấu nơi mắt nhìn tư lự, lăn tăn nét chân chim trên khoé mắt ưu buồn trước thời gian, nơi đôi má hoen màu, nơi đôi môi khô nhạt, nơi mái tóc phiêu bồng sớm ngả bụi đường lãng tử, nơi áo quần xốc xếch trong dáng vẽ tiều tụy hao mòn. Làm gợn sóng trong lòng mình biết bao sầu đắng chua cay và tê tái:
Anh bỏ đi rồi, tôi ở lại.
Chờ bao oan nghiệt trút lên đầu.
Tôi vẫn đứng giữa một trời ly loạn.
Tàn chiến chinh mùa nắng lửa mưa dầu.
Chiều hun hút giữa rừng thiêng nước độc.
Đêm uy linh nhờn nhợn tiếng ma Hời.
Từng giọt máu căng phồng bầy muỗi đói.
Tôi bỗng sờn da, bỗng rợn người (Xuân Du)

Lủi thủi về thành phố Sài Gòn lúc 18giờ, nhóm chúng tôi thuê xe xích lô tới nhà thờ Huyện Sĩ đang vang ngân tiếng chuông chiều cô tịch. Vẫn có những khuôn mặt bơ phờ hốc hác, thiếu ăn thiếu ngủ hôm qua đang vạ vật nằm nhờ ở đậu ngoài mái hiên. Những bộ hành tất bật mệt nhọc lấm lem bụi đường đi đầy trên phố chiều đông đúc. Bên hông nhà thờ Huyện Sỹ hai bao bố đồ dùng nấu nướng linh tinh, giỏ quần áo (mà hôm nao tôi gửi lại bà từ, nhờ trông coi vẫn còn y nguyên chỗ cũ). Những người chăm sóc nhà thờ, những bà xơ (soeur) và ban điều hành giáo dân rón rén đi lại đọc kinh dâng lễ, chẳng có gì khác: giống như khi tôi đến ở, khi tôi tất tả ra đi, và nay đã trở về.

“Ngoài đời” tôi chứng kiến không biết bao nhiêu chuyện trái tai gai mắt! Bây giờ thành phố Sài Gòn xa hoa thì đầy bụi... tràn ngập rác rưới, nhiều ụ rác to cao ngập đầu người, tanh hôi và hằng hà sa số ruồi bọ lúc nhúc. Không có phương tiện di chuyển, không có xe đổ rác nên rau và cây trái khắp các vựa ứ đọng cả đống, hư hao, thúi um đến nghẹt thở. Con buôn chợ đen giành giựt từng kí gạo, từng con khô, con mắm, từng bó rau héo. Tình trạng khan hiếm thực phẩm, gạo, đường, kể cả muối là thứ rẻ hơn bèo, cũng tăng giá lên vùn vụt. Hoạ huần lắm mới thấy vài chiếc honda dame cố len lỏi chen lấn với người và người chật ních trên đường. Tôi đứng ít nhất là vài giờ, mới có một chuyến xe bus chật như nêm, đông nghẹt người chạy đi chạy về trên phố. Một người đàn bà cao tuổi khệ nệ bưng mấy thúng mủng bao bị lộn xộn cố trèo lên xe khách, bà bị té ngả lăn cù cù, chả ai thèm nâng đỡ bà đứng lên, khi bác tài xế bóp kèn inh ỏi ra hiệu tấp vào trạm.
Xe chưa ngừng hẳn, người trụt xuống, kẻ chen lên, dày xéo dẫm đạp lên nhau, ai kêu la inh ỏi mặc ai. Họ lo bu bám ngoài cánh cửa xe đen nghịt. Thế là có bọn thời cơ thừa nước đục thả câu, lạm dụng nơi đông đúc chen chân không nỗi, đã trổ mòi rờ đít, bóp vú, nhưng nạn móc túi, giựt đồ, bấm dây chuyền vàng, giựt bông tai, máu chảy ròng ròng, thì nhiều hơn kẻ thô lỗ rờ mó. Kẻ cắp như rươi chôm chĩa đủ thứ, giành giật đánh nhau diễn ra ngang nhiên, hổn độn và náo loạn.

Nhất là xăng, dầu hôi, nhớt, càng mắc mỏ cao độ, giá xăng là giá máu mà! Họ buôn lậu từng lít xăng, từng lít dầu hôi, lại pha chế chút nước lạnh, nên khói đen mù mịt bốc cao, cay xè mắt, bay tá lả. Bác tài cho xe nổ máy lâu lâu bác làm bộ rồ máy, cho xe thụt lui thụt tới, cứ cà giựt, cà xịch cà đụi, rồi bác nhấn còi inh ỏi, xe đứng im nằm ì một chỗ, không nhúc nhích. Lơ xe luôn miệng kêu mời khách và đập rầm rầm inh ỏi vô hông xe, thật là nhức bưng cái đầu. Không còn các loại xe chạy bằng xăng dầu nữa, thì đâu đâu cũng thấy trai trẻ lớn bé, leo lên xe đạp mới có, cũ có, hàng ngàn chiếc xe đạp chồng chất vợ con, đồ đạc linh tinh, họ tấp nập chạy đi, chạy lại trên các đường phố lớn.

Bên kia khu trường học sát nhà thờ Huyện Sỹ, cứ mỗi buổi sáng khoảng hơn bốn giờ, loa phóng thanh đã inh ỏi ồn ào “tra tấn” tai người nghe lùng bùng điếc cả con ráy, càng nhức bưng bưng cái đầu, tôi muốn điên vì "bệnh thời đại"! Tôi nhìn lên mấy tầng lầu thấy từng đoàn thanh niên nam nữ reo hò, giỡn cợt, khăn mặt vắt vai, họ dùng hai ngón tay trỏ để đánh hàm răng ối vàng. Rồi chuyện trò vanh vách, lườm nguýt nhau, cười hô hố, và nói huỵch toẹt ra những điều thô tục quá trắng trợn, mà họ không cảm thấy nhột lổ tai, không biết xấu hổ ngượng mồm. Thật sự là ở trong miền Nam tôi chưa từng nghe! Cô gái miền Bắc sống đời nhọc nhằn, lam lũ ngược xuôi trong dãy trường sơn, nay vào phòng tắm sang trọng trên lầu ba, cô tò mò giật cái dây lủng lẳng bên góc tường. Hoa sen phụt toả ra những giòng nước trong bồn tắm mát lạnh, khiến bộ-đội-cái giật mình nhảy tót ra khỏi bồn tắm, hốt hoảng cô ré lên như con bò bị chọc tiết, kêu nhau ơi ới chạy đi.
Quả thật... kể ra cũng tội nghịêp cô ở tít trong rừng sâu, chưa một lần nhìn thấy những đồ dùng thời trang tinh vi, văn minh tiến bộ như thế trong miền Nam. Họ lo sợ Mỹ rút đi, còn gài lại chất độc giết người. Có anh vênh váo mặt, mắt nai ngẩng nhìn lên những toà cao ốc hơn chục tầng, làm văng cả nón cối xuống đất, nhưng anh ta vẫn vung tay lên trời chỉ chỏ đếm hoài...Họ lũ lượt kéo nhau đi ồn ào huyên náo chen ra cửa, lo đổi tiền bác Hồ ra thành tiền miền Nam Việt Nam, họ cười nhô hàm răng mã tấu:
- Tớ đổi bạc hào, bạc lẽ là chuyện nhỏ. Đây! Tiền có hình bác Hồ mới vĩ đại nhá. Đấy! Xem nào. Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, bác giơ bàn tay năm ngón lên chào ta đấy.

Khi họ lũ lượt kéo nhau từ trường sơn đông, trường sơn tây, từ hướng bắc cầu Hiền Lương, lưng còng vác tay nải bên trong đựng ít vắt cơm khô và chén bát lọc cọc thô vụng sứt mẻ, (thời kỳ đồ đá) tay xách hai con vịt mái, mặc cho con vịt quạt cánh kêu la khắp phố. Họ hãnh diện mua chén tô cùng vịt sống kêu inh ỏi vang vọng nơi nơi... để chứng tỏ cho thiên hạ biết mình "vẻ vang, rủnh rỉnh" có tí tiền quà cáp đem vô Nam biếu-xén cho bà con, vì họ nghe đảng đồn rằng: “Rân miền lam đói khổ hơn nhân rân ta gấp bội”. Họ ngố ngáo đi tìm thân nhân trong Nam, nhưng đã ngơ ngác sững sờ:
Qua vĩ tuyến nón anh rơi lộp độp
Vì ngước cao chót vót để nhìn xem
Anh chính ủy bảo miền Nam nghèo lắm
Nên hiểu rằng: Lời cộng sản mà em!

Đến Nha Trang, biển xanh anh bật khóc
Như trẻ thơ lạc mẹ giữa phố phường
Dăm kẻ lạ, tò mò giương đôi mắt
Có lẽ anh đã lạc cõi thiên đường. (NT)

Ngày ngày trên các khu lộ thiên, dưới những cột đèn đường là nơi tập trung bán hàng rong "mới mọc lên" hàng chuối chiên, bánh bò, bắp nướng, đậu phụng, thuốc lá, vân vân… Họ đổi chát cho bộ-đội bất cứ thứ gì ai đó mánh mung nhặt nhạnh được. Người ta đánh đập nhau loạn xạ, chỉ vì tranh giành bán mua đổi chát nhiều thứ với mấy “cán ngố”. Thuốc lá dổm bán dạo do nhóm dân lậu làm bằng lá khoai mì xắc mỏng dính, phơi khô, sao vàng, tẩm ủ tí rượu đế, pha trộn ít thuốc lá cẩm lệ thật, thì hút vào đắng nghét, khô khốc hai lỗ mũi, rát cổ họng, tỏa khói mịt mù. Vài bộ đội bố láo bố lếu xưa kia chuyên uống nước vốí, nay vào miền Nam hí hửng mua một lần cả chục cây “cà lem”, họ để cà rem trên cái dĩa, mà "ăn dần" cho đã! Rồi "cụ ta" cho nguyên hai chân mang dép râu lên ghế ngồi xổm, hả hê uống trà ướp sen hương thơm tỏa bay nơi nơi. Đường phố càng tối thì quán cà phê rẻ tiền mở vội bên vệ đường mọc lên như nấm. Cà phê thật và ngon thì ít, mà trộn hột thu đủ, hột thầu dầu rang vàng cháy trộn với hột bắp, lại nhiều hơn. Hôi hôi, đắng đắng, chua lè. Thế mà vài bộ đội uống vào, đã khen:
- Ngon đáo để.

Ấy thế! “Ông bộ” mới vào Nam thật thà và chất phác đếm tiền miền Nam mãi không xong. Họ thích thú nhất là mua “đài” (radio) thứ “xì cúc lô can” của Tàu sản xuất dõm, thứ “xì cúc lô can” mà chả biết! Thế là miệng la ơi ới, ổng chạy theo một tên nhãi con tự nhận là dân buôn, thằng bé nhanh tay chôm chĩa đâu đó, rồi miệng huýt gió hắn lẹ chân dzọt đi mất. “Ông bộ” tức mình chưởi đổng:
- Không hiểu "rân" miền "Lam, nàm" cái "rống nanh mưu rì", mà “nưu manh” thế!
Ở Sài Gòn, dân thành thường xỏ lá
“Bộ đội ơi, miền Bắc có cà rem”?
Nét hớn hở, tỉnh bơ như Hà Nội
“Ồ thiếu gì, ăn không hết, phải phơi khô”! (NT)

Mời quý vị nghe "ổng" nổ tung Long Đất, Long Giao, Long Hải, Long Bình, Long An nè:
Ở ngoài Bắc, Ti Vi ai cũng có
Sáng sớm ra thì nó chạy đầy đường
Anh nhìn chiếc đồng hồ hai người lái
Mắt thèm thuồng, cứ nhìn thấy là thương. (NT)

Anh tự mãn quê anh nhiều cà chớn
Còn cà phê thì uống chẳng cần tem
Ghé vào tiệm mua nửa đôi nịt vú
Lọc cà phê, ừ cộng sản mà em! (Nguyên Thạch)
* * *

Những ngày đi dạy học, tôi rất thích mặc áo dài, và ngắm tà áo dài tha thướt cuả phụ nữ Việt Nam tung bay trong gió chiều. Chồng tôi thường bảo "em nên giống như một thi sĩ đã làm bài thơ mà anh rất thích nhé":
Em cứ mặc, nhưng xin đừng ngắn quá
Để tôi nhìn chột dạ phải liêu xiêu
Em cứ mặc, nhưng xin đừng mỏng quá
Để cho tôi tưởng tượng thật nhiều

Em cứ mặc, nhưng xin đừng hở quá
Người ta nhìn lại đổ vạ cho tôi
Em cứ mặc, nhưng xin đừng gợi quá
Tha cho tôi vì tôi đã già rồi

Em cứ mặc, nhưng xin đừng lộ quá
Người ta nhìn trông thấy cả dây leo
Em cứ mặc, nhưng xin đừng mỏng quá
Để mưa rơi, hàng xóm tưởng em nghèo... (PVT)

Thi sĩ ơi! Hãy yên trí đi, đa số các cô giáo ở miền Nam đều thanh lịch, nho nhã, và bên trong nét yêu kiều thanh nhã lịch lãm ấy, còn ẩn chứa cả sự tự tôn thâm thuý và một tấm lòng... Nhưng chẳng hiểu tại sao những tà áo dài tung bay uốn lượn trong gió trước kia, ngày nay sau 30-4 đã bị cấm, vì "đảng" bảo:
- "Bây giờ đã hoà bình và độc lập rồi, thì mọi người bình đẵng, ai cũng như ai, không cần phải mặc áo dài cho ra vẻ đài các cao sang" .
Khổ thân tôi! áo dài các cô giáo phải biến đi đâu mất: Bây giờ hầu hết nữ sinh, thiếu nữ, phụ nữ, bà già ở miền Nam Việt Nam, khi ra khỏi nhà chỉ đóng bộ đồ bà ba: quần đen, áo trắng, áo nâu sồng! Một số thầy, cô giáo ở “chế-độ Sài Gòn cũ” bị Đảng và Nhà Nước cho “mất dạy” gần hết phân nửa. Ui, không “bị mất dạy” sao hở!? Khi bài học vỡ lòng trong miền Nam dạy tôi học từ thuở bé thơ là:
- “Phải biết kính trọng người lớn. Nhớ ơn Tổ tiên. Yêu mến quê hương. Yêu gia đình. Nhường cơm chia sẻ áo đến người cùng-khổ. Thương bạn học. Thân tình đoàn kết đùm bọc yêu thương lẫn nhau”.
Thì giờ đây mọi thứ đã đảo lộn. Đảng dạy trẻ thơ bài toán hận-thù: “Phải giết bao nhiêu “tên ngụy” (rebels) một ngày. Bác dạy người ta rình mò, thi đua đấu-tố nhau, tố khổ nhau đến cùng kiệt hơi thở cuối cùng. Nhất là thanh niên trai tráng trí thức đã bị đi Tù. Tù đày trắng trợn trên danh nghĩa lừa bịp: học tập “cải tạo”... Tôi đứng lớp mười giờ mỗi ngày để giảng về văn học mới:
Liên hoan có mấy quả chuồi,
Ra đi, nhớ mãi cái buồi hôm nay!
Anh đi chiến dịch Pờ–Lây
Cu dài dằng-dặc, biết thuở nào... ra? (2)

Quơi Trời cao đất dày ơi! Tôi cố gắng mở ngoặc kép, ngoặc đơn, ngỏ hầu thuyết phục cho học sinh miền Nam nên thông minh hơn xí, tìm hiểu chút xíu về cách diễn đạt “tư-tưởng-lớn” của nhà “giao-lưu văn-hóa của nhà nước ta” là thế. Dạ vâng! Là thế đấy! Nhưng học sinh miền Nam không chịu tin. Không tin. Ấy dà dà...! Thế nầy là thế nào mà buồn cười nhỉ. Quả chuối trong buổi quan-hà tiễn đưa người đi Pleiku í mà! Ngoài miền Bắc thì gọi là "quả chuồi" cho đúng âm điệu văn vần, văn hoa vui vẻ một tị! Còn trong miền Nam thì thành thật nôm na ngắn gọn kêu nhau ăn "chuối". Khổ quá! Mong các em cứ suy nghĩ nghĩa đen nghĩa bóng gì cũng được, vì "đất Plei... ku thì dĩ nhiên dài đằng dặc...". Có thế mà các em hổng chịu hiểu cho cô giáo nhờ xí! Thế là tôi càng “bị mất dạy” sau bài thơ rồi. Tôi cũng như các bạn chung ngành đã ngơ ngơ ngác ngác:
Thầy giáo, lương lãnh ba đồng.
Làm sao sống nỗi mà không đi thồ.
Nhiều thầy phải đạp xích lô.
Làm sao xây dựng tiền đồ học sinh?
Cô giáo phải bán bia ôm.
Ôm phải học trò, ăn nói sao đây? (3)

Rất may là “bần-ni-tôi chưa “trổ nghề” điêu-đứng đứng-đường moi tiền móc túi, hoặc làm nghề liếm láp bọt bia ôm, hay là vác cuốc đi đào bia mộ! Mặc dù ở thời buổi nầy ai ai cũng biết và "thèm thích bia ôm” xí. Chứ có ai thích vác cuốc đi đào “bia mộ” bao giờ! Vả chăng “bia ôm” cũng còn có tay ôm chân đi... Còn “bia mộ” hì hì …nếu có “mộ chân” cũng ráng “bò đi” xuống mồ cho xong kiếp đời ô trọc trong một xã hội chủ nghĩa!
Cái xứ gì đâu thiệt lạ kỳ
Đèn xanh cũng chạy, đỏ cũng đi
Dân không phương kế đành phải ở
Cột đèn không cẳng cũng muốn... đi (Bùi Phạm Thành)
***

"Bị mất dạy" thì dĩ nhiên là mất việc. Tôi lui về khu 18 thôn vườn trầu của huyện Hốc Môn, là nơi hang ổ của bọn nằm vùng! thì gia đình tôi càng lầm than cơ cực, đói rách tả tơi gấp ngàn lần di-tản trước. Bởi vì:
Khi xưa vác bút theo thầy.
Bi giờ em lại vác cày theo trâu.
Trên đồng cạn dưới đồng sâu.
Vợ chồng cùng “cấy”... thằng cu ra đời.

Nhân dân thì chẳng cần "no".
Nhà nước no sẵn bo bo mỗi ngày.
Hãy chăm tay cấy tay cày.
Nhịn ăn nhịn mặc chờ ngày vinh quang. (3)

Ồ! Chẳng qua: Tất cả mọi thứ là của nhân dân: Ủy ban nhân dân. Quân đội nhân dân. Viện kiểm soát nhân dân. Cửa hàng ăn uống nhân dân. Hợp tác xã phân bón nhân dân. Công ty bách hoá nhân dân.... Đặc biệt chỉ có “Kho Bạc” phì-lũ béo bở là của Nhà Nước! Buồn tình, tôi nhìn họ rỉ tai nhau ơi ới từ Bắc ùn ùn kéo vào Nam, như cụ Cao Bá Quát cảm hứng mấy câu thơ bất hủ:
“Một thầy một cô một chó cái,
Nửa người nửa ngợm nửa đười ươi"... giống y đúc như cá nhân ba bốn tên cán bộ nọ vênh vang, vui vẻ vẫy vùng, vơ vất vùng Vịnh* (Trích dẫn thơ ngắn trong 4 Tập, 4 hồi: thể loại thơ Vần V tiếu lâm, có: Giới thiệu những nhân vật > Vững* + Vũ* + Vẹm* Vân* của THH như sau:
Với Vẹm* vỡ vai, vì vẩu vừa vểnh
Vì vậy Vũ* vừa vúc vắc vênh vang
Vả* vất va vất vưỡng vài vốc vích*.
Vun vén vỏn vẹn vài vố vịt vương*

Vẹm + Vũ + Vững vẫn vá víu vụ vườn
Vả* vỡ vài vồng vòi voi vắn vuông
Vùng Vinh* vắng vẻ, vùng vẩy về Vũng*
Vả* vài vườn vắng vẻ với vạn vật

Vịt vo ve vỗ vù* vai, vang vọng*
Vích vênh váo Va* Vân vanh vách
Vân vì vụ vịt, vênh vang vùng vằng
Vợ Vững vác võng vào ven vũm vườn

Vòm vườn vắng vẻ vật vờ võng vãnh
Vật vờ vi vu vui vì vô Vũng*.
vờ vĩnh vỡ vạc vài vồng vông vang
Vả* vụng về vồ, ve vuốt, vòng vòng (vân vân... ) (2)

Vì: Nhất đổng (đồng hồ có hai cửa sổ). Nhì đai (radio). Tam đeo (kính “dâm”). Tứ đạp (xe đạp). Cũng chỉ vì họ bảo chiếc đồng hồ reo chuông ở miền Nam là: “mìn nổ chậm”. Phin café là: “cái nồi ngồi trên cái cốc”. Thủy-Quân Lục Chiến là: “Lính nước đánh bộ”. Trực thăng là: “tàu bay lên thẳng”. Nhà vệ sinh là: nơi “Đái, ỉa”. Nhà Hộ-sinh là: “Tập thể Xưởng-Đẻ”. Và những câu khẩu hiệu quái đản. Biểu-ngữ giăng ngay cổng ra vào ở Từ Dũ, viết nguệch-ngoạc, sai bét chính tả, nhưng đúng hàng lối trên dưới ghi rõ như sau:
Mọi “da” đình, chỉ có hai con vợ
Chồng hạnh phúc! (3)

Ô ồ!... (có "hai con vợ", thì... đặc biệt “thằng chồng” phải rất hạnh phúc!!! hì hì hì… sung sướng là cái chắc). Hô hô! Do chủ tịch hội đồng Bộ-trưởng Trung-ương ra lệnh đẩy cao kế hoạch hoá gia đình, mỗi gia đình chỉ được phép sanh hai con, đứa nầy cách đứa kia 5 năm. Đảng sáng suốt lỏ mắt nhìn các bà, các chị lần lượt vô nhà bảo sanh để cai, nạo tuốt, khỏi nuôi báo cô; vì gạo cơm mắm muối vải vóc chả có.
Trai khôn lấy vợ đặt vòng.
Gái khôn lấy chồng thắt ống dẫn tinh.
Đàn ông đi biển có đôi.
Đàn bà đi biển mồ côi một mình.
Dù em con bế con bồng.
Thi đua yêu nước quyết không lơ là. (3)

Tình trạng học đường tụt xuống dốc bi thảm, cháu tôi học cấp II, về nhà cháu đã kể lại chuyện một thằng bạn trong trường bị đuổi học, vì tiếng Anh tiếng U như sau:
Giờ Anh Văn, cô giáo cho học sinh tập “giao tiếp và ghi vào báo cáo”.
Hai thằng bạn hỏi nhau:
- Mầy thích loại nhạc gì ?
- Pop.
- Còn mầy?
- Disco.
- Rồi ghi vô đi.
- Nhưng mà hai từ đó viết sao?
- Tao cũng cóc biết.
– Đây là từ lai tây, thôi ghi phiên âm đi.
- Uhm, có lấy điểm đâu mà lo...
Thằng bạn gật gù, ghi vào báo cáo:
- Thể loại nhạc ưa thích: "Bóp Đít Cô" (2)
***

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam “siêu việt” là chỉ có thế thôi.
Thế đấy. (!!! ; ???)
*

Vinh = ngoài Bắc / Vả = Các anh ấy, hoặc Vả lại, vả chăng / Vũng* Tàu. / Vịnh = Vịnh Hạ Long. / vích* - loại rùa / Vù = sưng vù vai / Vang vọng = vịt kêu quang quác /
(1) Thơ Bút Tre
(2) Sưu tầm lượm lặt
(3) Thơ tiếu lâm Tình Hoài Hương
* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
05-09-2017, 11:05 PM
http://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd116/miennam.jpg

http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1397114277.mp3

Khi Người Lính “Thua Cuộc …"


Sau ngày 30/4 "đổi đời" tối đen đầy tang thương... dẫn tới tháng 5... trở đi, là những chuỗi tháng năm đoạ đày: Hầu như suốt hơn hai tuần qua nhóm di tản chúng tôi hùn tiền để nấu cơm ăn chung, tối tối ngủ nhờ ở trong góc vĩa hè, (dưới mái hiên nhà thờ Huyện Sĩ). Lòng tôi trĩu nặng nỗi ray rứt muộn phiền sầu đắng theo từng cơn lắc léo luồng chảy trên dòng đời phức tạp, điệp trùng núi tiếp núi đồi tiếp đồi, chập chùng bóng tối hoang vu tĩnh lặng kỳ lạ. Người ta càng ồn ào, náo nhiệt buôn buôn bán bán, đổi chác bao nhiêu thứ lăng xăng, thì tôi càng lo lắng, bồn chồn, ray rứt bấy nhiêu. Tôi cảm thấy lạc lõng, bơ vơ, dường như bị bỏ rơi giữa đời, không nơi nương tựa. Thanh niên phụ nữ 30 từ đâu đâu mọc lên chả biết, ồn ào hí hửng đeo băng đỏ, mang súng AK đi đầy đường. Đám thanh niên náo nhiệt ngồi trên xe lam phóng loa kêu mọi quân nhân và công chức đi trình diện. Họ là những tay “sừng sỏ”, là những "ông Trời Con" uy quyền nhất trong buổi giao thời lộn xộn kinh khủng nầy. Chẳng biết đám thanh niên 30 nầy có đọc qua thuyết của Mạnh Tử chưa? -"Vua là thuyền, dân là nước. Nước bồng bềnh trôi có thể nâng thuyền lên cao, mà khi trái gió trở trời giông bão nước cũng có thể lật úp nhận chìm thuyền xuống đáy sông".

Tôi chua xót mãi suy nghĩ về: “quyền lực” trong buổi giao thời thật vô cùng cay đắng và đớn đau!!! Quyền lực có hai mặt: -Có điều đúng và có điều sai-. Quyền lực mà ai đang nắm trong tay, (cho dù đó là "kẻ chiến thắng" xâm chiếm quê hương) do tước đoạt, giành giựt, -mà quyền lực cần dung hòa, thông cảm, độ lượng, chia xẻ lẫn nhau, có lẽ phải và có điều trái-. Để bảo đảm mọi điều ta đang hoài bão về lý tưởng hằng ước ao: Không vinh quang nào mà không trả giá bằng gian khổ, mồ hôi, nước mắt, máu; ngỏ hầu duy trì sự trường tồn cho một dân tộc vĩnh thịnh. Vậy thì, “Việt+ cách-mạng lâm-thời” muốn có tất cả, thì họ phải chiếm được lòng dân, phải được dân tôn trọng. Muốn có sự sinh tồn của một đất nước phục-hưng vĩnh-thịnh trong hoà bình, và một dân tộc giàu mạnh phú cường, hạnh phúc... điều ấy sẽ tùy thuộc vào các cấp chấp chính lãnh đạo đất nước đương nhiệm: Tôi xin khẳng định thêm lần nữa: nếu anh minh, thì chính thể ấy có cả thiên hạ, dân tộc ấy sẽ trù phú, đất nước ấy thái bình, tự do, nhân quyền, độc lập, bình đẵng, hạnh phúc trường tồn thật sự!

Suốt thời trai tráng ngang dọc phong sương: vinh nhục sang hèn, buồn vui đớn đau sung sướng: anh đều có đủ… Tranh đã tranh, cười đã cười với bao lần khóc thầm. Đời mỗi người có nhiều lý tưởng, đam mê, hoài bão, ước ao, hy vọng và hối tiếc; đã làm nhiều người tổn thương! Trái tim bạn chúng tôi đau, tôi và Luật càng đau ghê lắm khi mất sạch mọi thứ, thì đã thất vọng tột cùng. Vì những điều bạn và anh làm, đã hy sinh và sống chính trực trong bổn phận, danh dự, trách nhiệm làm trai phải trả nợ non sông, sự thịnh hưng tồn vong cuả quốc gia dân tộc; bạn & anh chọn con đường phụng sự tổ quốc, đưa thân ra gánh lấy trọng trách, quên thân mình, quên tình riêng, vắt cạn bầu tâm huyết, dũng cảm chiến đấu vì dân tộc: Bạn và anh đã làm hết sức với khả năng có thể.

Chính bởi họ là “quan”... của một chính phủ Việt Nam Cộng Hòa: do quan VĂN lấy trí, dùng lời để luận người, sống chết vì lời nói, cây bút, công tâm vi thượng. Quan VÕ lấy sức dùng tài sống chết ở sa trường, xã thân ngoài chiến địa, da ngựa bọc thây là chuyện thường. Hai loại QUAN cộng với Tướng, Tá, Úy, Binh... đều tương-đồng: trọng NHÂN, trọng chữ TÍN, trọng NGHĨA, bảo vệ lãnh cư và dân tộc; họ lấy trách nhiệm và danh dự làm gốc, để lập thân, cùng nhau ôn hòa chung vai nếm mật, chia xẻ với DÂN mà cộng khổ ; ngỏ hầu trải qua: “Chua. Cay. Mặn. Ngọt. Bùi. Đắng. Lạt. Trong”.

Cuộc đời như một trò chơi, một ván cờ... cho đến lúc nào đó ta phải có sự chọn lựa, cân nhắc, dứt khoát quyết định, đặt hết nhiệt tình tin tưởng vào trò chơi đó. Ai may mắn “thắng” chưa chắc là do mình hoàn hảo; hoặc người “bại” sau cuộc “đổi đời” không hẳn là yếu kém. Trớ trêu thay, "người thua cuộc" (không phải quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hoà là người thua trận chiến, mà là người thua cuộc cờ, trên bàn cờ quốc tế), thì chắc chắn sẽ bị kẻ thắng lừa, hại cho thê thảm... vì sự thanh trừng và trả thù hèn hạ... Biết thế, nhưng họ ôn nhu cùng cả tin đơn giản nghĩ: ("Không đến nỗi nào... vì "người ta" đã có hứa sẽ "khoan hồng & độ lượng" mà...)

Vô cùng khó khi QNQLVNCH đã u trầm, chua xót, đắng cay, nghẹn ngào, lặng thinh, ẩn nhẫn trong cách đối nhân xử thế! Tôi xin nghiêng mình ngã mũ cung kính chào qúy vị “Tù Cải Tạo” (chữ “tù cải tạo” được riêng tôi và nhiều thế nhân trang-trọng, tôn vinh trong hai cái “ngoặc kép”). Đáng trân-trọng và khâm-phục lắm thay! Nay không còn gì... khiến cho anh có thể THUA. Chẳng có gì anh có thể HƠN nữa! Anh trầm ngâm lặng lẽ nhìn "đời", và dĩ nhiên anh không còn gì phải hối tiếc và ân hận.

“Hòa-bình” đến, nhiều kẻ hắc ám xu thời xu thế hí hửng hân hoan cứ tưởng bở, reo vui, mừng rỡ nên phất cờ nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng chính giữa, ùn ùn đi đón khách lạ phương xa không mời mà đến xâm lăng, gian trá tước đoạt, giành dân giựt đất... Trong khi mọi quân cán chính nhân (Quân-lực Việt Nam Cộng Hoà) tuân phục thông báo mới của phe "giải phóng miền Nam" sau 30/4, họ, (QNVNCH) những quân cán chính ở trong chế độ cũ quả thật cả tin “chân thành & hiền triết” can trường chấp hành, tuân phục điều luật do “Việt+ nhà nước” mới thành hình ban hành, họ tuân phục chấp nhận đi trình diện “học tập cải tạo trong tù” 14 ngày, (như cách-mạng lâm-thời đã ra rã rao truyền trên những loa phóng thanh đặt khắp các nẽo đường); Cũng có nghĩa là quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hoà trọng chữ tín, tận trung muốn tìm ra con đường chính nghĩa, không lừa đảo và bội tín. Họ đi tìm hạnh phúc thực sự không tự đến (trong tương lai mù sương), mà ta phải quyết giành về, cho tổ quốc, cho quê hương, cho gia đình và riêng bản thân.

Thế nên, mọi người công dân ở trong chế độ cũ “chân thật cả tin” răm rắp chấp hành điều luật, quy phục theo lệnh lạc mới ban hành của "cách mạng" đưa ra. Họ nộp giấy tờ tùy thân, để được phát cho một tấm giấy viết tay nguệch ngoạc chứng nhận đã trình diện với ủy ban giải phóng, xin giấy phép chứng nhận đi đường, chen nhau ở các bến xe đông nghẹt người, họ ngủ lại đêm nầy qua đêm khác, tuần nầy qua tuần khác, ngỏ hầu mong có chuyến xe đêm, trở về nguyên quán trình diện Ủy-ban Giải-phóng địa phương. Người ta riu ríu tuân theo, không ai muốn hó hé động đến “cách mạng Việt+ phi thường”. Vã chăng chiến tranh tàn ác khiến mọi người thê thảm, rất đau khổ cùng kiệt sức rồi. Ai ai cũng muốn đất nước thanh bình, thịnh trị, để toàn dân an cư lạc nghiệp, đời sống ấm no & hạnh phúc. Ngỏ hầu khi đất nước Việt Nam thái bình, thì dân hai miền Nam Bắc không còn chính kiến, lúc đó chúng ta sẽ chung vai góp sức xây dựng quê hương, chí làm trai hào hùng tung hoành vẫy vùng qua bốn bể, thì sẽ có ngày quê hương rạng rỡ phú vinh:

Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc.
Nợ tang bồng vay trả, trả vay.
Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh. (*)

Tôi trộm nghĩ: “khi người đàn bà (hoặc đàn ông) đã thành thật yêu ai, thì họ chung thuỷ, cố bảo vệ, duy trì hạnh phúc đến cùng. Họ đặt hết niềm tin tưởng, yêu mến thiết tha, và ngưỡng vọng người ấy... Nhưng khi họ biết rõ mình đã bị lừa gạt, (cả ba phương diện: tinh thần, vật chất và thể chất), họ đã bị “cách mạng lâm thời 30” phản bội; thì trong lòng họ (đa số) rất tức giận, uất hận... và chỉ muốn tìm cơ hội trả thù. Thế nhưng theo thiển ý của riêng tôi thì: những người bị gọi đi “Tù” trên danh nghĩa: “học tập cải tạo”; khi biết mình đã bị trắng trợn “lừa vào rọ tù”, (tù vì tội yêu quê hương, yêu tổ quốc, yêu đồng bào), họ phải đi “học tập cải tạo”, có ngày đi, mà không biết có ngày về, chẳng có án tù: Đó chính là một biến thể của cú bất nhẫn quay giò lái, đã minh định sự trả thù về hai ngã rẽ cuộc đời đối nghịch tất yếu vì chính kiến. Đó là hình phạt trắng trợn và ghê tởm của con người đối với con người. Ấy thế mà “người can trường trong chiến bại” vẫn ôn nhu, kiên trì, khoan dung, chịu đựng, nhẫn nhục, xót xa cam phận, ngỏ hầu cho “trải sự đời”:
Ăn ở sao cho trải sự đời.
Vừa lòng cũng khó há rằng chơi.
Nghe như chọc ruột, tai làm điếc.
Giận đã căm gan, miệng mỉm cười.
Bởi số chạy đâu cho khỏi số.
Lụy người nên mới phải chiều người.
Mặc ai chớ để điều ân oán... (*)

Họ thành tâm muốn hòa mình với cỏ cây và nhân quần, để níu lấy cơ duyên “làm lại cuộc đời”. Nếu họ có buồn, có đau đớn, có đắng cay, khổ sở và cơ cực, chắc chắn là khổ cực trăm bề rồi: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại mà”. (Một ngày trong tù bằng ngàn thu ở ngoài), thì họ cay đắng ngậm bồ hòn, xót xa tự trách thân:
Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Giữa trời, vách đá cheo leo.
Ai mà chịu rét thời trèo với thông (*)
***

Cuộc sống dày vò tôi suốt đoạn đường ly hương trên quê cha đất tổ, kể từ khi chồng tôi cầm tờ giấy trình diện đi “học tập cải tạo” mười bốn ngày, (than ôi 14 ngày) được ghi thêm câu thòng-lọng:
- … , … sau nầy nếu cần, phải trình diện theo đường lối khoan hồng.

Ngày ấy, bạn cùng chồng tôi đứng xớ rớ ngoài gốc cây sao, gần trung tâm trình diện, đã nghe cán bộ phóng loa thông cáo thứ hai ra đời:
- Quân nhân cấp: Úy, Tá, Tướng... Trưởng phòng, Trưởng ty, Sở, đi học một tháng!
Một ông thượng úy khác dõng dạc thòng thêm câu:
- Các anh có biết: Jean De Lattre De Tassigny không? Ông ta là Tư-lệnh quân đội viễn chinh Pháp đấy. Ông ta có cậu con trai là trung úy Bernard De Lattre, vào tháng 5 năm 1951 tên Bernard đã bị đàn anh của chúng tôi, (mà hồi xưa thường gọi các “đồng chí” ấy là Việt Minh đấy), chặt đầu tại Ninh Bình. Các đồng chí ấy cột cái xác không đầu vào thân con trâu, họ phát một cái rõ mạnh vào mông con trâu, thế là con trâu ù té chạy xộc vào trong đơn vị trú đóng của Bernard. Khiến quân đội viễn chinh hoảng loạng, chúng lo đầu hàng gấp, cút xéo về Tây, chạy có cờ! Bọn thực dân mà còn sợ kinh như thế, huống hồ ai… Hử?

Rợn người! ... Dẫu Luật thì-thầm bên tai, nhưng tôi chẳng thể nghe gì. Tôi chỉ thấy tiềm ẩn trong tâm tư: hình ảnh diễm kiều của đường chiều trong dáng hoàng hôn ve vuốt nâng niu bao ước vọng thanh bình, an ấm, của con người thuở xưa bay bổng lâng lâng dâng lên cao vút. Nay đã phũ phàng rơi cái độp xuống vực thẳm mênh mông không đáy. Rồi sẽ ra sao đây khi (anh chồng tôi “cù lần, dại... dột nghe người ta ngọt ngào phỉnh nịnh”) Luật đã dứt khoát rủ bỏ tất cả, để rứt áo ra đi... tiến tới ngày mai, anh cương quyết dấn thân tới vùng tương lai mù mờ, sâu hoắm, mịt mùng trong "Trại tập trung...", mà tôi không thể; không làm sao ngăn cản anh nỗi)!?

Rồi sẽ ra sao nữa đây? Khi chồng tôi ở một nơi nào xa xăm biền biệt không tin tức, và tôi: vợ ngu ngơ đần độn, cùng bầy con nhỏ xíu ngây thơ thủng thỉnh dò dẫm từng bước thấp cao, với mẹ già lum khum một nẽo rị mọ đớn hèn, chúng tôi cùng dắt díu nhau phiêu lãng lang bạt nơi nao? Bao tủi nhục làm thân cô thế khô, tôi sẽ biến dạng làm con rùa lọt tọt, con cò lẹt đẹt âm thầm lặn lội kiếm sống trong Mười Tám Thôn Vườn Trầu Bà Điểm, Hóc Môn? Chao ôi! Da diết buồn đau biết mấy!!! Chẳng hiểu sao lòng tôi dấy lên một cảm khúc quặn lòng, đớn đau, chua xót, đắng cay, nghèn nghẹn ứ nghẽn vô bờ?! Tôi cảm thấy dường như mình hẩng hụt, chơ vơ, lạc lõng khát khao từ mọi phía, mắt còn ngái ngủ, bỗng chốc tôi bàng hoàng gặp giữa khuya trùng trùng lớp lớp, toàn những khuôn mặt xa lạ, lạnh lùng, thô thiển. Chúng tôi lo sợ những cuộc trả thù triền miên đột nhiên dội vào đời.

Cũng có người bồn chồn, lo sợ tột cùng, dè dặt, bơ vơ đầy ngao ngán, lặng im, tò mò, hiếu kỳ và nhút nhát rụt rè như tôi. Mọi người mưu tìm cho chính thân cuộc sống mới, đầy bon chen, kỳ thị, chính kiến từ cơn lốc cao độ trong nền chính trị “30/4 giống đúc đêm giao thừa”! Chiến cuộc giao tranh tàn khốc thì đổ máu, hận thù, tang thương, cay đắng, và chết chóc. Còn hoà bình lại ngậm ngùi bi thương ở muôn mặt đắng cay vô vàn khác. Bao sợi tóc trên đầu xanh giờ đã điểm bạc, vò võ cô đơn trong góc tù, thỉnh thoảng nhận được gói qùa bé tí, anh cảm thấy ấm lòng, nghèn nghẹn… nhưng ngày về vẫn hun hút xa xăm. Điều đau buốt nhất là tuổi thanh xuân, tương lai, sự nghiệp, hy sinh, tình yêu, phục hưng tổ quốc đã hủy diệt, tiêu tan trong tù ngục. Sự đớn đau mất nước đã dày vò anh tột đỉnh, nhận chìm anh xuống đáy hố thẳm, đã quá sức rồi.

Phía sau và đằng trước con đường đầy sương mù đó, hầu như còn đọng lại cái nhìn gay gắt, lạnh lùng (của con tàu định mệnh) có nửa quá khứ hào hùng, và nửa tương lai mù tối, đang trôi lênh đênh theo từng cuộn mây trắng đục trên đầu? Bây giờ, Bạn & anh… thân bất do kỷ đã bị tù đày “cải tạo” rất lâu năm. (Thời trai trẻ Luật bị giam cầm suốt mươi năm, cùm kẹp, đói khát, khổ sở, bệnh hoạn, đau xót, dày vò, khổ ải, điêu đứng, đầy tủi nhục đắng cay… Có bạn là Phan văn Bàn mới "ghê" chứ! bị "TÙ cải tạo" suốt 29 năm đó sao)!?
***

(*) Thơ: Nguyễn Công Trứ

_ * _

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
05-13-2017, 06:50 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368247694.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368247850.mp3
MẸ Tôi & Chiếc Áo Gấm...
Từ năm 1980: chúng con đau đớn kính gởi về mẹ (& ba: 1982) đóa hoa hồng trắng.
Tình Hoài Hương
*

Tôi cố gắng giằng co, níu kéo, quyết giành lại chiếc áo gấm sờn nhàu nát cũ mèm với định mệnh. Dù thời gian dài dằng dặc lặng lẽ đơn điệu dần dần trôi qua, đã khiến chiếc áo hư hao, phai mòn, sờn úa mục nát ít nhiều. Và không gian trôi dần, trôi dần về phía tương lai mù xa tách bạch ra đôi bờ cuộc sống. Không ai có cách gì ngăn chận tuổi già héo hắt đến trước thời gian. Vâng! Có lẽ nay tinh thần lẫn thể chất tôi đã già cỗi! Và, chiếc áo gấm năm xưa còn đây, mà ngón tay gầy run run tôi cài hoài mấy nút áo cũ, vẫn chưa xong. Thời gian đã cướp dần đi tất cả. Vẫn biết thế, nhưng tôi mong muốn níu kéo, âu yếm dùng-dằng ngắm nhìn lại chiếc áo gấm. Nếu tôi được nhìn nhiều lần càng tốt.

Ngày ấy, chúng tôi vui vẻ dừng chân trên con đường mòn vòng vo gãy khúc uốn lên uốn xuống quanh co ven đồi thông rì rào ru tình tại Đà Lạt. Chúng tôi chỉ nhìn vài con chim lí lí lắc lắc, rù rì, bay qua bay lại trên những cành cây mảnh dẻ, là cảm thấy hay hay, vui vui. Lần đó, tôi liếc liếc, lí lắc ghé ghé nghiêng nghiêng đầu thẹn thùng e ấp cười, tôi dùng hai ngón tay quệt nhè nhẹ vào một bên má mà lêu lêu Luật, để trêu chọc chàng, và say đắm nhìn Luật. Hai bàn tay tôi nhẹ nhàng, khéo léo khép vạt áo veston của chàng, rồi cài hộ Luật mấy nút áo, cho chàng bớt bị gió lạnh lùa vào cơ thể.

Giờ nầy, Luật cùng muôn ngàn người trai trẻ khác đã bị tập trung đi “cải tạo” trong tù rồi! Chàng đã ra đi. Nhưng Luật không ra khỏi đời tôi. Còn mỗi mình tôi đứng lại bơ vơ, lạc lõng, muộn phiền giữa chợ đời sóng sánh muôn mặt, với sợi tơ hồng quá mong manh cứ rung lên bần bật giữa lưng trời. Tôi lặng lẽ chua chát đối mặt với cuộc sống, ấp ủ kỷ niệm thời chớm lớn, những tủi hổ tiếc xót vô vàn, và những đắng cay thăng trầm tột độ trào lên bờ mi mọng từng chuỗi giọt sầu.

Ngày bị vào tù “cải tạo”, Luật đã bỏ chiếc áo vét (veston) nầy lại, trên chiếc áo vét đã dính hai ba sợi tóc đen mướt khá dài cuả tôi, và một hai sợi tóc ngắn cuả chàng, cùng với những lá thư tình đầy ắp yêu thương do chàng viết dày cui, còn trang trọng cất trong túi áo. Thư của Luật viết có văn phong gợi cảm, là những bức tranh phác thảo duyên dáng về câu chuyện gia đình, tình yêu, phúng dụ, vỗ về, hứa hẹn, an ủi, mang tính cách gia đình đầm ấm yêu thương, hạnh phúc bền lâu. Đó cũng là chiếc áo gấm lý tưởng thiêng liêng tinh tuyền muôn thuở, có dấu vết đậm đà khắc sâu vào tim rất thân yêu, quen thuộc duy nhất từ buổi thiếu thời. Dù qua phong sương sáng khuya trưa chiều mưa gió… chiếc áo của chàng đã cũ. Thư tình Luật viết ngả màu vàng úa đọng bụi phấn thời gian, cùng năm ba sợi tóc cuả hai chúng tôi vẫn bóng mướt đen tuyền còn duyên tình mãi đến tận bây giờ.

Tôi nâng niu giữ gìn những sợi tóc, phong thư, cùng tấm áo từ hồi chưa cưới nhau. Ngày còn trẻ, tôi chưa lo nghĩ đến tuổi xế chiều phôi pha rồi sẽ ra sao. Bởi tình yêu chúng tôi đó, giống dòng sông chảy qua bao dãi đất: Phù sa phì nhiêu có, cằn cỗi có, tươi tốt có, băng giá hoang tàn lẫn đau khổ buồn xo cũng có. Rồi dòng sông xô sóng sau dồn sóng trước, cuồng nộ đập vào gờ đá, hay lặng lờ êm ả, thong dong xuôi chảy ra biển cả. Mỗi khi chạm trán với thực tế bẽ bàng đắng cay, trong lòng ngút ngàn đau thương, lúc đó tôi lặng lẽ vuốt từng nếp nhăn trên tấm áo, và trang trọng nâng mấy sợi tóc trên hai bàn tay khẽ khàng khum khum bụm lại. Tôi sợ gió từ đâu vô tình lướt qua, tóc sẽ cuốn theo chiều gió bay mất hút, thì biết đâu mà tìm?

Đó là những kỷ vật ưu ái đã theo tôi trên muôn dặm đường đời cay cực, để xoa dịu nỗi hãi hùng và bàng hoàng rất kinh ngạc trong cuộc đời phù du. Tôi ấp ủ tình luyến nhớ, thút thít, bùi ngùi khi soi bóng mình trên gương, cảm thấy lòng nao nao nỗi buồn da diết. Vì đến nay tôi chẳng thể giữ lại kỷ niệm nào thân thiết nhất về chàng, khi mái tóc mình thấp thoáng những sợi tóc bạc quyện-bện cùng bao sợi tóc chẳng còn đen mướt? ngoài mấy di vật bé tí ti như đã kể. Thế nhưng, ngọn nguồn óng ả tình trần hiện nay có mất đi chăng? Khi thời gian khẳng định ngàn mối lo âu, đói khát cơ cực run rẩy dâng tràn!? Không thể chối quanh từ sau ngày mất nước, thì lòng trí tôi luôn ray rứt, thương-xót hồi tưởng về quá khứ buồn vui lao xao, dẫu đời xáo trộn, chao đảo.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368248654.jpg

Nay tôi đang mặc chiếc áo cũ của chàng, mà lẻ loi đơn côi ghê gớm, tôi âm thầm đi một mình, buồn bã trên con đường xám ngắt thuở xa xưa. Hai bàn tay lạnh giá run rẩy, run lẩy bẩy, tôi không làm sao cài nổi nút áo bạc phếch thời gian và cũ mèm nầy. Thì ra… giờ đây tôi quá yếu kém và đã già! Kỷ niệm bây giờ chả là gì! Không quan trọng! Chỉ là những chương đã viết trong pho sách tình, xếp lớp lớp trên kệ sách, ít khi được mở ra xem đã phủ lăn tăn bụi vàng. Pho sách cuộc đời từ đây phải đóng lại. Trang giấy đã lật qua quyển mới, thì hồi tưởng nhớ nhung kỷ niệm; chỉ như chiếc lá úa lắc lẻo đong đưa trên cành cao, chờ cơn gió lay để chao đi. Như những áng mây xám lưng đồi lững lờ bay qua bầu trời mùa thu. Như côn trùng biến dạng vào lòng đất mà thôi. Tôi thấy rõ tính chất phù phiếm của quá khứ mang đầy kỷ niệm lãng mạn rồi.

Sau ngày “đổi đời”, tôi muốn sống một cuộc sống khác hẳn: Thực tế sung mãn hơn. Nhưng, chả hiểu có thực hiện nổi không, là còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và ý chí: Trước tiên, tôi muốn cho đàn con phải nên người hữu dụng, kiên cường dù bụng đói cồn cào, để vượt qua mọi chông gai thử thách, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ ngất ngư mà. Ý nghĩ nầy như viên sỏi ném xuống mặt hồ phẳng lặng, tạo thành những vòng tròn đồng tâm, ám ảnh tâm thức tôi bồn chồn, băn khoăn, co siết mãi trong lồng ngực quắt quay.
*
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368249000.jpg

Ngày mồng 5 tháng 5 năm 1980 âm lịch, anh Chín Dzoãn báo tin sét đánh: Mẹ tôi đã chết ở trong Ta In (khu đất thuộc cuối vùng Tỉnh Tuyên Đức Đà Lạt). Ta In là cuối địa đầu quận Đức Trọng, giáp ranh giới vùng Di Linh. Nơi tít tót đèo heo hút gió, thâm u cùng cốc lạnh lẽo, vô cùng hiểm trở, có đi mà ít có ai về nguyên vẹn. Nơi chó ăn đá gà ăn muối, nơi khốn cùng của vùng “kinh tế mới” khô cằn toàn sỏi đá. Chỉ nhiều rắn, rết; vô số muỗi, vắt, đỉa, ruồi trâu, bò cạp rừng to và độc kinh khủng. Chúng chuyên bu bám vào người để hút máu. Nơi có nhiều mụt măng le, tre rừng, ta ăn vào cho đỡ đói, thì sẽ bị sốt rét ngã nước, mà lăn ra chết toi.

Cầm tờ điện tín, tôi lặng người rất lâu, không thể khóc thành tiếng. Nước mắt u uẩn tự động quằn quại tuôn chảy từng dòng rồi dội ngược vào tim mình đau điếng. Hình như tôi nghẹt thở, chết dần chết mòn, không còn cảm giác nào khác, ngoài sự dày vò, ân hận, đớn đau dâng lên tột đỉnh. Vì, giá như trước ngày 30-4-1975, nếu có chiến tranh, có đánh nhau dữ dội, tôi cũng còn chiếc xe hơi riêng mới toanh mang hiệu Peugeot 404 chạy đi... Hay là tôi có thể mua vé máy bay khứ hồi cấp tốc bay về với mẹ, tôi qùy xuống bên mép giường, cầm tay mẹ, ôm chặt mẹ lúc mẹ hấp hối.

Ôi! Giờ đây tôi không thể đến bên xác mẹ già yêu dấu, để nhìn mẹ một lần chót trong giờ phút mẹ lâm chung. Tôi không thể nào xin tấm giấy phép đi đường. Tôi cũng không thể chen lấn ra bến xe đông nghẹt người có giấy phép ưu tiên. Vì, tôi là kẻ “ưu tiên u đầu” thì có. Tôi không thể đứng ngày nầy qua đêm khác ngoài bến xe, nhịn đói nhịn khát, mà chẳng dễ dàng gì chờ mua vé xe từ Sài Gòn đi Đà Lạt. Biết tin mẹ chết, cũng đành chịu! Dù từ Hốc Môn đi Ta In, chỉ hơn 300 cây số.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368251241.jpg

Thế là hết thật rồi! Một thân xác héo hon đã thực sự trở về với cát bụi phù du. Tôi không lẽo đẽo đi sau quan tài mẹ, vật vã khóc than mà tiễn đưa mẹ về nơi an nghỉ nghìn thu. Má con chúng tôi không biết làm gì hơn, ngoài việc quây quần bên nhau, gùy dưới nền đất, bồn chồn lo âu, sụt sùi, băn khoăn, suy niệm lời Chúa, lâm râm dâng lời cầu nguyện. Tôi ứa nước mắt nhìn mẹ trong hồi tưởng:
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368251380.jpg

Mẹ tôi sanh tại làng Thuận Nhơn. Nhà ông bà ngoại ở quê (tức ông bà cố ngoại của con tôi. Làng ở bên con sông rợp bóng hai hàng dừa và lũy tre xanh um bóng mát thuộc Tổng Cù Hoan, Phủ Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị. Mẹ lớn lên trong một gia đình bế thế, phong lưu giàu có, ruộng vườn của ông bà ngoại cò bay thẳng cánh, lúa gạo trâu bò nhiều nhất trong vùng thời bấy giờ. Ông cố ngoại là một võ quan rất giỏi ở triều đình vua Khải Định, Huế). Mẹ có dáng dấp thon thả, làn da bánh mật, răng hạt huyền nho nhỏ đều đặn, miệng cười chúm chím, mắt phượng mày ngài, mũi cao, mái tóc dài láy đen bối thành một búi to sau gáy. Áo quần mẹ luôn trang nhã, sạch sẽ và tươm tất.

Mẹ đi ra ngoài đường, ở trong nhà, hay đi ngủ, mẹ đều thay đổi quần áo đâu ra đó hẳn hoi. Dù đi khỏi xóm, đi chợ, hay đi bán, mẹ luôn mặc áo dài đoan trang kín đáo che thân. Đặc biệt mẹ sống cuộc đời bình dị đạo đức, chất phác lương thiện, dịu hiền phúc hậu. Mẹ siêng năng tần tảo đầu tắt mặt tối, long đong bán buôn xuôi ngược. Mẹ nhẫn nhục lao khó giúp chồng, nuôi đàn con mười mạng nên người. Vất vả vì chồng vì con nheo nhóc, mẹ không hề tỏ lộ bất bình, hay nặng lời to tiếng. Trời mưa tháng gió ở nhà rảnh rỗi, mẹ siêng năng cần mẫn khéo tay tự chằm nón lá. Mẹ may áo quần cho chồng, con. Đôi khi mẹ cũng may biếu cho bạn mẹ, và người thân.

Đó là việc vặt trong nhiều hy sinh to lớn khác. Phải nói là hầu như suốt cuộc đời mẹ, chưa có lúc nào an nhàn thảnh thơi, ngưng nghỉ tay chân. Cái số mẹ cực thân đến thế mà! Đồng thời mẹ xứng hợp với đức tính bác ái khoan dung của chồng. Mẹ dễ dãi cả tin khi ai nói điều gì xuôi tai “nịnh” mẹ, thì có bao nhiêu tiền của, mẹ nhẹ dạ trút cho người ấy hết. Dù sau đó biết mình bị lừa, nhưng mẹ không giận lâu, mẹ “hờn mát” một chút, rồi quên ngay.

Mẹ chân chất hiền lương đến độ thật thà như đếm. Mẹ tính tiền cũ từ thời vua Bảo Đại ra tiền cụ Ngô, đến thời đổi tiền ở chế độ Sài Gòn, ra tiền mới sau ngày mất nước 75, thì mẹ giống thầy bói mù sờ con voi. Mẹ luôn bị kẻ chợ ăn lường. Thế nên, dẫu bị mất hết tất cả tiền bạc, nhà cửa villa, biệt thự tan hoang, mẹ không thèm tiếc. Mà mẹ chỉ ôm khư khư bình vôi đồng đen nhỏ như cái chén kiểu, nhưng khá nặng, và rất có giá trị, chiếc bình vôi nầy có mấy tiệm vàng như Kim Khánh hoặc Kim Ngọc trả giá 5 cây vàng bốn số 9, nhưng gia đình chẳng ai chịu cho mẹ bán! Thân bình vôi tròn vo, đít vôi bằng phẳng, có quai xách đồng xinh xinh bên tai vôi.

Mỗi lần ăn trầu, mẹ khéo léo lấy cây chìa vôi têm vào mấy lá trầu xong, còn dư vôi trên cây que chìa, mẹ quệt quệt lên trên miệng bình, cho “bình vôi hưởng tí xái”. Thế là miệng “bình vôi vui vẻ” nhô cao, còn lỗ miệng bình vôi thì teo tóp dần nhỏ xíu; trông nó hô, loe, vẩu ra, hơi giống miệng con heo nái, coi ngộ nghĩnh sao đâu. Hồi ấy tôi nói với mẹ:
- Tại mẹ ưa mời bình vôi ăn trầu, nên cái miệng nó mới loe ra dị hợm kinh khủng nè.

Mẹ cười vui vẻ. Mẹ rất thích bình vôi đồng đen nầy, nó đã theo mẹ suốt từ thời mẹ về nhà chồng, đến tận ngày nay. Ấy vậy mà bây giờ mẹ cũng buông thỏng hai từ bỏ hết. Kể cả chồng, con, cháu, chắt, dấu yêu. Mẹ bỏ hết của cải vật chất vinh sang xưa. Một mình mẹ lặng lẽ chết đói ra đi âm thầm, mẹ về bên kia cuộc sống mới.

Bà chị dâu của tôi đã kể lại rằng: Hôm mẹ vĩnh viễn từ bỏ con, cháu, ấy là một buổi sáng trời ốm nắng, lất phất từng đợt mưa phùn, trong nhà ai ai cũng lo đi rẫy, đi rừng rất xa, xa ghê lắm; để kiếm sống. Tửng bưng sáng, anh Dzoãn đi bộ từ trong Ta In ra Tùng Nghĩa (xa xôi khoảng hơn hai mươi cây số); anh chạy đi vay tiền, để mua thuốc cảm về cho mẹ. Ở nhà chỉ có một mình chị vợ loay hoay dọn dẹp nhà cửa. Mẹ nằm im trên giường không động đậy nhúc nhích. Chị (chị dâu) thấy mẹ không dậy ăn trưa như mọi ngày, nên chị bước qua gian liếp bên cạnh, chị đến bên giường tre lạnh lẽo, không nệm ấm chăn êm.

(Nhà anh chị quá nghèo, sau 30/4 anh đi tù 5 năm, vừa được tha về, khi cả nhà bị đi kinh tế mới. Họ chỉ có mấy nhúm quần áo tẻo teo, vài bao bố: son nồi chén bát, guốc, dép, linh tinh… Ít mùng mền đơn bạc, và những bàn tay trắng. Con dâu dắt díu mẹ già tám mươi tuổi lom khom leo núi chùng chập, vượt đồi trùng điệp. Chồng đau bao tử cùng bầy nhỏ lút chút tám chín đứa con, đứa lớn nhất mười ba tuổi trở xuống đứa non tháng tuổi, thì lấy đâu ra những thứ xa xỉ ấy trong thời buổi gạo châu củi quế như ri).

Mẹ trùm chiếc khăn màu nâu, mặc áo dài nỉ dạ đen, quần đen, áo len nâu khoát bên ngoài, và mang đôi tất đen. Mẹ nằm nghiêng, quay mặt vô phía ván vách bằng bìa gỗ. Mẹ chập chờn thiêm thiếp trong giấc ngủ muộn phiền.
Chị e dè hỏi thăm:
- Mệ ơi! Mệ có khoẻ không?
Chị Ngọ không thấy mẹ trả lời, chị liền cúi sát xuống bên mẹ, nhè nhẹ lay lay đập đập vào cánh tay mẹ:
- Mệ ơi! Con nấu cháo cho mệ ăn nghen.
Mẹ tôi lừ đừ mở đôi mắt nhiều ánh đục, dường như đã bất thần ra, mẹ cố gắng quay ngoái cần cổ yếu ớt về phía con dâu, thều thào:
- Hôm ni có… cháo ăn… hả con.
- Dạ. Mệ đau, không ăn được măng luộc hầm mềm như mọi ngày đâu. Để con chạy ra chợ xép, mua chút gạo, con về nấu xí cháo.
- Có gạo là mừng hì.
- Mệ ráng chờ nghe. Chợ hơi xa. Con sẽ đi về ngay, nấu mau lắm.
- Thôi con. Để dành gạo nấu… cho thằng Cu Nâu… có chút nước hồ mà uống, thay cho sữa mẹ không có… Con à.
- Thằng bé con không đến nỗi nào đâu. Mệ.

Thế rồi, mẹ tôi ư hử… ú ớ… mệt nhọc rên khe khẽ, mẹ lại lừ đừ, khó khăn mệt nhọc khi quay mặt vào trong vách. Hơn giờ sau, khi chị dâu bưng chén cháo tới gần giường mẹ. Mẹ mỉm nụ cười méo mó, từ từ nhắm mắt, và dần dần lịm thiếp vào giấc ngủ nghìn thu êm đềm không muộn phiền. Chị không hề nghe tiếng mẹ thở, tiếng nấc, chị cứ ngỡ là mẹ mệt muốn ngủ chút xíu như mọi ngày. Mẹ đã đói khát thiếu thốn năm năm rồi, và trước khi lìa đời, mẹ vẫn nhịn đói. Mẹ không đành lòng ăn chén cháo trắng lỏng bỏng với tí muối hột.

Nay mẹ không nói một lời từ giã, không một lời trăn trối. Mẹ muốn im lìm sớm ra đi, ngỏ hầu trút bỏ gánh nợ đời, khỏi làm phiền con cháu khó nghèo đông đúc. Con cháu không phải cưu mang “nuôi người vô dụng” thêm một miệng ăn. Mẹ muốn rũ bỏ từ trên vai anh chị tôi, và các cháu nhỏ nỗi âu lo phiền muộn vì bổn phận và trách nhiệm nặng nề. Ôi Mẹ! Mẹ muốn nhịn phần ăn hiếm hoi ít ỏi qúy báu cuối cùng, để chia sẻ cho đứa cháu nhỏ chưa tròn hai tháng. Mẹ đã chết đói. Mẹ âm thầm lặng lẽ êm ái ra đi đúng vào ngày Tết Đoan Ngọ.

Lẽ ra, như Tết Đoan Ngọ từ những năm xa xưa, thì mẹ tôi ưa đi chợ mua đầy thức ăn, hoa quả bánh trái. Mẹ làm bánh tro, bánh nếp, bánh bèo, bánh ít, bánh nậm, vân vân... Mẹ làm cả cơm rượu nếp cẩm, nếp than. Mẹ nấu cơm gạo thơm với nhiều thức ăn thịnh soạn, nóng hổi, linh đình, để cho con cháu từ xa trở về nhà thăm cha mẹ. Cha mẹ con cháu hân hoan sum họp gia đình vui vẻ ăn uống. Mẹ nói:
- Các con, cháu, ăn bánh tro, ăn cơm rượu, uống chút nước cơm rượu, thì sẽ diệt giun sán trong bụng. Hì.

Hầu như cả xóm Trong xóm Ngoài ở Ta In đều thương cảm mẹ của chúng tôi, họ đã cùng nhau đến nhà anh chị Dzoãn, tận tình lo cho mẹ chúng tôi chu đáo. Mỗi người một việc tươm tất từ đầu đến cuối gọn gàng. Trước khi đậy nắp áo quan, họ vẫn để nguyên bộ quần áo cũ, khăn, tất, lúc mẹ chưa đành-đoạn bỏ đi. Và họ mặc lồng thêm cho mẹ chiếc áo gấm, nền áo màu nâu non điểm rải rác những bông hoa cúc đại đóa vàng nghệ. Chiếc áo gấm xưa kia mẹ tôi đã mặc trong ngày trọng đại nhất của đời con gái, khi họ nhà trai hân hoan tưng bừng đến rước dâu. Nay thì những người khác đã thay ba tôi mặc chiếc áo gấm (của ba đã ưu ái trao tặng mẹ). Họ đặt xâu tràng hạt Mân Côi vào bàn tay mẹ lạnh giá, và họ nhớ để bình vôi đồng đen bên cạnh mẹ. Sau rốt, họ choàng thêm cổ áo quan dày cui thô sơ thơm mủ ngo ra bên ngoài toàn thân mẹ.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368249907.jpg

Mọi người tiễn đưa mẹ về an nghỉ nơi nghĩa trang quạnh quẽ. Không một vòng hoa cườm đen cườm tím cùng lời thành kính phân ưu. Không có cỗ áo quan sang trọng đắt tiền, mà chỉ là sáu tấm ván thông đơn sơ hèn mọn thơm lựng mùi nhựa mới. Không hề có bát nhang đèn nến, rườm rà nghi lễ. Không có gì, không còn gì tất cả ngoài nỗi đớn đau kinh hoàng phủ chụp xuống đời lặng lẽ. Ấy thế mà người dân cùng đinh đến thăm viếng mẹ đứng lố nhố đông đúc, từ ngoài ngỏ đầy kín người cho đến trong nhà tranh lụp xụp đìu hiu chật chội nầy. Họ chia buồn, ân cần giúp đỡ gia đình anh chị tôi nhiệt tình. Họ nghỉ đi rừng ngày hôm ấy, không đi rẫy, nghỉ đi làm dù một ngày, là họ nhịn đói nhịn khát và có thể càng thêm đau ốm xanh xao. Họ cùng nhau lặng lẽ khiêng quan tài mẹ tôi băng rừng, leo qua một triền núi thấp, vượt đốc, qua bãi đầm, đi trong thung lũng sình lầy.

Rồi họ leo lên ngọn đồi toàn đá ong lởm chởm, đi trên núi cao chót vót và đơn điệu, nơi đây chỉ toàn sỏi đá và gió lồng lộng hú rít, thổi đám bông lau xoay xoay trắng cả lòng quê, và từng cơn gió kéo dài lê thê lạnh thấu xương. Mẹ tôi nằm xuống, vĩnh viễn ở lại nơi rừng núi bạt ngàn hoang vu lạnh lẽo, đơn điệu chơ vơ với cây thánh giá gỗ lắc lư theo gió rì rào. Tấm bia mộ gỗ đơn sơ ghi khắc nơi an giấc nghìn thu đạm bạc và đớn hèn: Mattha Ngô thị Cúc, sanh năm: 1895 >> 1980. Thọ 85 t. Thật đông nghẹt người đói khát nghèo nàn lại lủi thủi buồn xo trở về lối cũ, trên con đường đất đỏ gồ ghề, nơi mẹ đã nhờ người sống thút thít ngáp ngáp mang mẹ đi qua. Khi tôi có thể đến với mẹ… thì nấm mồ mẹ đã lút cỏ xanh. Tôi luôn đau đớn, tủi hổ, dày vò và khóc sưng mắt khi nghĩ về mẹ.
***

Thời gian lật đật buồn bã chán chường qua đi, tôi tất bật, bồn chồn, âu lo với công việc cơm áo khốn đốn mỗi ngày, nhưng gia đình vẫn không đủ sống, nghĩa là thường xuyên đói khát cơ cực. Ngoảnh nhìn lại, mới đó mà đến ngày giỗ đầu của mẹ. Tôi bươn bả đi mót khoai lang, sắn mì, dưa leo và đậu đũa ngoài ruộng Nhị Tân (Hốc Môn). Tôi hớn hở đem mấy thứ ấy về nhà, làm sạch, chu đáo xào nấu xong. Tôi bày thức ăn lên chiếc bàn cũ kỹ xiêu vẹo, bàn chỉ có ba chân rung rinh như răng rụng. Còn một góc bàn thì kê tấm táp lô sứt mẻ, để thay thế một chân bàn què.

Bà Nga hàng xóm là người thân cận nhất bây giờ đã nói:
- Xời! Việc gì cô phải nhọc lòng! Chứ cô không thấy giờ nầy trời đang mưa xối xả, nhà thì dột và rách nát như ổ chuột. Ơ! cô lại bắt mẹ mặc áo gấm lội nước lụt, trong nhà y như cái ao. Cô làm gì có bàn ghế cho mẹ ngồi chò hỏ chơi, xơi cơm độn với nước. Mẹ cô chưa kịp về ăn chút xí, thì bầy ruồi ốm đói trốn mưa đã trúng mánh, bu lên mấy dĩa thức ăn tám lớp, và o o o… xơi tuốt rồi. Giỗ mí chạp cho mệt! Khéo vẽ!

Bà Nga chẳng ngại mất lòng, líu lo nói huyên thuyên, và cười sảng khoái. Tôi lắng nghe mãi, mới hiểu được thâm ý bà. Thiệt dễ ghét quá đi. Tôi ngẩn ngơ nhìn bà Nga. Những giọt nước mắt nóng hổi đang lăn dài dài xuống má. Giọt khóc quê hương. Giọt hờn tủi khóc ông bà ông vãi cha mẹ khuất mặt khuất mày. Giọt khóc chồng sống đoạ đày ở trong tù “cải tạo”. Giọt khóc bầy con lút chút lù đù, vất vưởng long đong cơ cực ở vòng ngoài, (tù trong và tù ngoài xêm xêm như nhau, có khác chi, như cá mè một lứa). Giọt đắng cay khóc cho chính bản thân tôi lầm than khốn cùng.

Khổ đến nỗi tôi không thể đào đâu ra tiền, chẳng có cắc bạc để mua cặp nến đỏ, bình hoa tươi, không hương nhang cắm trên bàn. Tôi không thể mua bột về làm bánh cúng mẹ dĩa bánh bèo, bánh ít, bánh nậm: thứ bánh mà mẹ thích ăn lúc sinh tiền! Tôi không thể kéo mẹ về trong hương khói, để má con chúng tôi quỳ dưới đất, sì sụp lạy tạ lỗi cùng mẹ, cùng bà ngoại! Sợi dây tơ rung quá mong manh, tơ trời nhẹ tênh thiêng liêng kia đang run bần bật giữa lưng trời mưa trắng. Niềm ước mong nối liền tình yêu thương ngút ngàn giữa mẹ -với má con chúng tôi- đã đứt lìa trong khói hương.
*
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368249751.jpg

Một kỷ niệm bất ngờ về những cơn mưa không sao giải thích nổi, tâm trí tôi vụt quay về dĩ vãng xa lắc xa lơ: có một thuở nào hình như xa xôi, xa xa lắm… gia đình ba mẹ tôi đang từ trên đỉnh cao sung túc, phù vinh, giàu sang… bỗng rớt tụt xuống vực thẳm, vì ba tôi làm chủ nhà máy cưa cây, bị nó hại cho khánh tận, đã khuynh gia bại sản. "Của rừng, rưng rưng nước mắt thật" mà! Bao nhiêu tiền ba làm thầy thuốc đổ vô cây cối, cũng như nước đổ lá khoai. Hồi ấy có màn mưa xám đục buông suốt ngày đêm, rất bé thơ tôi đứng trong khung cửa sổ, nhón chân xem mưa đập lộp bộp vào cửa kính, những dòng nước nhỏ ngoằn ngoèo chảy xuống tấm kính mờ đục, tôi háo hức chờ đợi mẹ về nhà.
“Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa.
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương” (cd)

Mẹ đi chân đất, đầu đội nón lá cũ ướt nhẹp, toàn thân mẹ dầm dề nước mưa, chiếc đòn gánh uốn cong đang kẽo kẹt trên vai mẹ, còng xuống hai thùng nước cơm trĩu nặng. Mẹ đã đấu thầu được cơm thừa canh cặn từ ngoài mấy đồn lính, tự mẹ đến gánh về: Một thùng rất sạch đậy kín đựng cơm nóng, có mấy ngăn cào mên đựng thức ăn, còn nguyên trong chảo, (mà chú quản đội vừa múc ra cho mẹ, chưa có người ăn, thì để cả nhà tôi ăn buổi tối). Thùng kia đủ thứ hỗn tạp, là nuôi bầy heo vài chục con. Mỗi buổi nhọc nhằn trở về nhà, mẹ thường dúi cho tôi khi thì vài cái bánh ngọt, khi có miếng chocolate, hay trái chuối, trái bắp. Tôi thèm ăn nhất là lát bánh mì cứng hấp trong nồi nước sôi, bánh mì nóng mà chấm với nước mắm ớt, nước cá hoặc nước thịt, tôi ngấu nghiến ăn cảm thấy ngon hết sẫy.

“Thương con tần tảo sớm hôm.
Cơm đùm chéo áo, cháo đùm lá môn”. (cd)

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368248306.jpg

Một lần kia, mẹ kêu chủ thầu các trường học nội trú trong địa phương đến nhà, mẹ bán mão bầy heo thịt. Mẹ và các con cháu trong nhà dẫn bà đầm, cùng phu cai xuống chuồng nuôi heo, cách xa nhà bốn mươi mét. Ngả giá xong xuôi, phu cai trói bầy heo cho vào rọ, họ khiêng những rọ heo lên trên đường cái, và vất vào ba chiếc xe ngựa. Bà đầm cầm cái áo veste của bà (đã máng vào càng xe ngựa đậu trên đường cái), bà ta móc túi lấy tiền, thì đồng tiền không cánh mà bay?! Bà đầm tri hô mất ba trăm sáu chục đồng Đông Dương. Bà ta quyết một quyết hai bảo là:
“Người trong nhà nầy đã ăn cắp”. (!!?)

Bà ta tri hô lên làm hung dữ, bà kêu lính hộ tống chạy đi gọi hiến binh, phú lít tới. Hiến binh không cần biết luật lệ phải trái, không cần biết bà ta có mất tiền thật trong túi áo, máng bên sườn xe kéo, để bên lề đường cái; hay không?! Họ còng tay mẹ tôi và xô dụi mẹ lên chiếc xe ngựa. Mẹ nằm với mấy chục con heo kêu la rần trời. Mặc kệ gia đình tôi kêu khóc, phản đối inh ỏi. Chúng hăm doạ:
Nếu lộn xộn làm mất an ninh, sẽ bị bắt - nhốt hết cả đám.

Quân cướp cạn hùng hổ, quất ngựa phóng nước đại chạy như bay. Họ tống giam mẹ vào nhà lao. Hơn nửa tháng bặt tin, sau đó chúng thả mẹ ra. Mẹ về như cái xác không hồn, trông mẹ quá tiều tụy thảm thương. Ba tôi, con cháu xúm xít ngồi chung quanh mẹ, lo lắng hỏi thăm. Mẹ im lặng mà rấm rức khóc sưng húp mắt. Mãi lâu mẹ hổn hển kể lại: Suốt bao ngày mẹ bị nhốt, chúng cho mẹ ăn ngày một bữa nửa chén cơm khô, với ít muối hột. Đêm đêm bọn lính Tây lôi mẹ ra tra điện, chúng độc ác tra khảo, chích điện vào người bắt mẹ phải nhận tội, dù mẹ không hề làm. Mỗi lần mẹ bị bọn tà lọt gian ác tra điện, thì mẹ sợ hãi kinh khủng, dòng nước ấm chảy ra ướt dầm thân thể mẹ. Mẹ không thể nén mồ hôi hột lạnh toát, không thể nín lại cơn buồn đái. Mẹ không đủ sức chịu đựng cơn đau, mẹ đau đến ngất xỉu, thì chúng lôi chân mẹ kéo xềnh xệch về phòng giam trống không giường chiếu.

Chúng tạt nước lạnh cho mẹ tỉnh lại, mẹ bị chảy máu mũi, máu đầu. Mẹ run rẩy, mặt mày xây xát, sưng húp, bầm tím. Mẹ thật chịu oan ức tột cùng, mà tiền mất tật mang. Suốt từ đó đến nay mẹ luôn luôn sợ hãi và yếu hẳn người. Mẹ bị đau tim và thường xâm xoàng, ngất xỉu vì quá hãi hùng. Bọn Tây thời đó đầy quyền uy, hống hách, ác độc hơn loài hổ sói, người dân thấp cổ hé họng chỉ câm miệng cúi đầu, điếng lặng cắn cỏ ngậm vành, không dám hó hé than van. Vậy đó, mẹ chịu đủ mọi oan ức, khổ sở cay đắng nhọc nhằn, tủi cực trăm bề, để lo nuôi dạy đàn con nên người.

Một lần kia, sau thời gian bị tra khảo đánh đập tù đày oan đó khá xa, mẹ vẫn lặn lội đi gánh nước cơm về nhà, mẹ đã thay bộ áo quần ướt sũng nước mưa. Mẹ ngồi bên bếp lò giơ đôi bàn tay nhăn nheo sạm nắng chai cứng, tóp teo vì thấm lạnh ra, để sưởi ấm. Mẹ âu yếm nhìn tôi ngồi kế bên bỏm bẻm ngấu nghiến nhai bánh mì. Bỗng mẹ nhìn tôi sửng sốt, lạnh lùng hỏi:
- Đôi guốc mới, con mang đó. Mô rứa?
- Dạ... Của con... con... l..a...
- Mẹ đã nói rồi, đợi bán heo, mẹ sẽ mua cho con quần áo, dép guốc cho con đi học. Mẹ biết con mau lớn, giày dép cũ con mang không vừa, mà đi chân không thì lạnh lắm. Mẹ lo sợ con đau. Ngặt nỗi, bi chừ chưa có tiền. Mà răng con dám cả gan, đi ăn cắp, của ai rứa?
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368248176.jpg

Tôi cúi gầm đầu, một tay túm mái tóc bum bê, nhìn đôi guốc mới mang vừa vặn ở chân mình. Đôi guốc màu đỏ đầy hấp dẫn, có hai quai cánh cam in đủ màu sắc hoa lá. Tôi thấy nó quyến rủ, ước ao vô vàn từ lâu. Khi chị Tư sai tôi vào quán chị Thế mua trứng vịt, tôm khô. Thừa lúc quán xá bận rộn người mua kẻ bán, tôi lấm lét ngó trước nhìn sau, rồi vội thò tay chộp đôi guốc kẹp chặt vào nách, (đã che kín bằng chiếc áo mưa lụng thụng). Trống ngực tôi đánh rất mạnh, mặt mày tái mét, tôi run như cầy sấy, tôi liền lẽn ra và co giò chạy. Vừa chạy tôi vừa ngoái cổ lại nhìn chị Thế, là bà chị dâu của tôi, chị ấy không biết gì hơn, ngoài việc chị thu nhiều tiền đầy nhóc vào tủ sắt.

Mẹ già nua trước tháng năm đang gục đầu trên hai đầu gối ướt lạnh, run rẩy, mệt nhọc - và khóc. Mẹ khóc vì tội lỗi của con thơ. Mẹ khóc vì cảnh thăng trầm không thể ngờ, vì mẹ chưa mua nổi đôi guốc cho con, (chỉ đáng vài xu trong khi tiền ba tôi làm chủ trại cưa cây, thì bạc trăm, bạc ngàn, kể như ba đổ xuống biển. Và, tiền bán hai chục con heo, mẹ bị bọn chúng trấn lột hết). Trong đêm trường thanh vắng, khuya lắc khuya lơ, tôi nghe rất khẽ nhưng rõ ràng tiếng mẹ đọc kinh cầu nguyện đều đều. Thỉnh thoảng kèm theo vài tiếng thở dài nho nhỏ, lời mẹ nguyện xin cho con cháu bình an, mạnh khỏe.

Tối hôm đó mẹ thức rất khuya, ngồi một mình dưới gian bếp đèn dầu leo lét, mẹ đã cắt khúc vải nhung màu vỏ măng cụt, để may áo cho tôi mặc ấm. Chiếc áo ấm gồm ba lớp: lớp nhung ở ngoài, mẹ bọc thêm một lớp gòn rất mịn ở giữa, và may chằn thêm một lớp lụa sa tanh mới lót ở bên trong. Tôi leo lên giường từ lâu, trằn trọc mãi không làm sao ngủ được, tôi rất sợ và lo âu, không dám nhúc nhích. Tôi cứ mở mắt nhìn mẹ chăm chú làm việc. Khá khuya, mẹ lê đôi dép lẹp xẹp lần mò từng bước, mẹ nhẹ nhàng đi trong bóng tối mờ mờ. Mẹ vặn ngọn đèn dầu hột vịt thật lu, mẹ cố không khua động giấc ngủ của mọi người. Trong bóng tối, tôi hé mắt nhìn mẹ ngồi đọc kinh, sau đó mẹ ngả lưng xuống đệm theo tiếng thở dài. Tôi nằm im giả vờ ngủ say. Bàn tay mẹ lạnh ngắt run run sờ soạn tìm con. Mẹ đặt đầu tôi nằm ngay ngắn trên gối mỏng. Mẹ kéo hai chân tôi thẳng ra, và đắp mềm lên tận cổ tôi. Mẹ ôm tôi vào lòng và hôn lên mái tóc tôi khét nắng. Nước mắt mẹ thấm lạnh da đầu tôi.
“Nuôi con chẳng quản chi thân.
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn.”(cd)

Thì ra mẹ đã khóc. Khóc âm thầm lặng lẽ trong bóng tối. Mẹ giống người chèo đò đơn độc ra tay chống chèo trên dòng nước ngược đầy sóng gió, khi đàn con nhỏ sợ sệt, la khóc, run rẩy bám chặt vào mạn thuyền. Mẹ cố sức chịu đựng giông bão, gian truân âm thầm và câm lặng dai dẵng; miễn sao cho con, cháu, bình yên, no ấm. Mẹ là một trong vạn triệu người Mẹ Việt Nam tần tảo, phúc hậu, ôn hoà cao cả, hy sinh xiết bao suốt đời mình. Bốn tuần sau, mẹ bán bầy heo thịt khác. Ba tôi vượt núi băng rừng khổ cực trăm bề làm cúp cây, nay đã hoàn toàn ổn định.

Gia đình chúng tôi lại bắt đầu khá giả, vinh sang hơn năm cũ. Nhờ mẹ tôi quán xuyến, đảm đang, siêng năng, tháo vát. Ba tôi giàu kinh nghiệm và liêm chính đàng hoàng trong việc làm chủ trại cưa, nên ít lâu sau gia đình tôi thoát khỏi cảnh bần hàn. Nhưng dẫu có sung túc giàu có hơn xưa nhiều, rất nhiều, thì vết thương đầu tiên về bài học giáo dục đạo đức trong lòng mẹ và con, hẳn không có cách gì lấp đầy, phôi pha được. Kể từ ngày xa xưa đó, mỗi khi tôi có ý muốn lấy cắp cái gì của ai, thì hình ảnh mẹ tôi ngồi bó gối bên bếp than hồng; nước mắt mẹ chảy ướt thấm vào da đầu tôi, vẫn hiện lên rõ nét. Khiến tôi quắt quay và lặng người, vì hối hận không hề dám tái phạm. Đó là nốt “nghịch phách” đầu tiên trong đời vào chiều mưa giông giá lạnh năm xưa. Ước gì nay tôi được chìm trong dòng sông đã chảy qua thời ấu thơ, nơi mái gia đình êm ấm của tôi ở buổi thiếu thời kia, để tôi có thể nói thật nhỏ:
- Mẹ ơi! Cho con xin lỗi.
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1368248516.gif

Ôi! Chỉ cần trở về ngày ấy và biết nói câu nầy, thì tôi sẽ sống lại và chỗi dậy trong tâm tư tôi cả quá khứ ngọt ngào, say đắm, êm đềm, nồng nàn, sung sướng xiết bao! Và, bây giờ tôi biết đằm thắm, khôn ngoan gấp bội lần. Người đàn bà còn quá trẻ bỗng co nhói lên từng cơn đau tim nghẹt ứ, xót xa đắng cay khôn tả xiết. Vốn bị nghị lực mài dũa, cọ liếc mỏng tanh, tôi nghẹn ngào, đắng cay, hơn sự cơ cực đọa đày chịu đựng dài lâu. Sự trầm uất nén dưới chiều sâu tâm hồn đã vọt lên tim, lên óc, lên cổ tôi những cục nấc nghẹn ngào tức tưởi. Tôi đứng giữa trời mà khóc, mà cười. Cười khẩy. Tôi không sao hiểu nỗi “đời”! Tâm hồn tôi hằn lên vết rạn, xếp lớp lăn tăn theo sóng đời cơ cực. Gia đình nhỏ chúng tôi lầm than khốn cùng đã rớt dưới tận đáy xã hội phù phiếm.

Nơi con đường cũ mà cha mẹ tôi xưa kia rất vinh sang đã từng đi qua đó, và chính gia đình nhỏ cuả tôi từng lả lướt, rộn ràng líu lo ca hát trên đại lộ mỗi độ hoàng hôn… Ngày nay mẹ con chúng tôi dắt díu nhau lọt tọt, líu ríu bước thấp bước cao, lần mò đi từ ngày nầy qua tháng nọ. Đi từ hừng đông đến hoàng hôn không ngơi nghỉ. Những đôi môi khô nứt nẻ run run nếm đủ cay đắng, ngọt bùi xính vính tình đời còn mấp máy và thút thít, như nghiến chặt hai hàm răng, nghiền nát hiện-tại rát bỏng phừng phựt cháy trong lòng.

Sau đám sương mù dày đặc ngoài trời kia, là tương lai tối thui và con đường gồ ghề, lởm chởm sỏi đá lẫn lộn bùn tro bầy nhầy. Con đường tiến thân của mẹ con chúng tôi đó, hình như có tiếng âm vọng não nề. Chúng tôi không biết nên bắt đầu từ hướng nào cho phải! Đôi bàn tay tôi khô cứng, chai sạn sần sùi nứt nẻ, hợp lực với những bàn tay các con thơ yếu gầy tong teo bé tí xíu, vẫn quơ quơ về phía trước. Cùng lòng can đảm, tận tụy, chịu đựng gian lao, nghèo khổ siết chặt, thì không có cách gì lay chuyển.

Trời bao la xanh xanh trong trong, không có một vắt mây trắng, nhưng sao đôi mắt tôi mù mây xám giăng mắc!? Giống như những sợi tơ tóc ngày xưa đen tuyền óng ả quyện cùng chùm tóc bạc trước thời gian đã phủ khắp nẻo đi lối về? Tôi đang mặc chiếc áo gấm của Lụât để lại, tôi tưởng tượng chiếc áo dù cũ, nhưng có phần nào che gió chắn mưa. Thì hy vọng là tôi bớt cảm thấy cô độc, ấm áp và ít lạnh. Ngỏ hầu tôi sẽ đương đầu, chạm trán, chơi những canh bạc đen đỏ với định mệnh. Đành phải như thế thôi. Nếu định mệnh không thách đố gạt gẫm chúng tôi: Xỏ lá sát phạt, chơi khăm chúng tôi trắng tay –và đểu giả lật ngửa quân bài ra– Khi trận đấu chưa bất phân thắng bại. Thưa ông!

_ * _


Tình Hoài Hương

Bài viết cho ngày "hiền mẫu".
THH xin phép cám ơn quý vị nhiếp ảnh gia: đã post những tấm hình đầy nhân bản lên internet, cho tôi có thể copy vô bài viết, ngỏ hầu phong phú hoá hình ảnh sống động, và tài đức & nghệ thuật của quý vị.

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
05-17-2017, 06:52 PM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd417/1495046901-tu toi 8.jpg

http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1397114277.mp3

Các Trại "TÙ CẢI TẠO" & Tiếc thương

Chuyện thứ nhứt
Định nghĩa tổng quát:
*Bị Tù – (theo nghĩa đơn thuần): một tội danh dân sự nào đó phạm sai lầm, - là sẽ bị hình phạt, (do người ấy vi phạm pháp luật giữa người ấy với luật pháp của quốc gia mình). Họ (chính quyền sở tại) cần phải sửa trị, phải uốn nắn người vi phạm trở thành một công dân tốt, hữu ích cho xã hội. Cốt lỏi của hành pháp là sự trừng phạt, răn đe và hướng thiện cho người vấp phạm sai lầm. Nhưng quốc pháp được thiết lập không ngoài mục đích lấy tình trị pháp, lấy pháp trị quốc: Đó là ý nghĩa thật sự của quốc pháp, công bằng phân định rõ ràng ai có tội nặng, tội nhẹ; mà buộc người tù thụ pháp, ngỏ hầu huấn luyện cho người ấy hoàn thiện & có tình người, chừa bỏ các thói hư tật xấu, để hữu ích chính mình, và cho xã hội .

*“Tù học tập cải tạo” trái ngược lại: đó là hình phạt giữa con người ở chế độ mới đang ra tay hành xử, chà đạp, đay nghiến, dã man trả thù người ở chế độ cũ. Người mới nổi lên luôn hãnh diện, tự hào là kẻ chiến thắng, họ thay mặt chế độ mới vừa đắc thắng, "được hành xử con người”. Họ không hề cảm thấy ray rứt, dày vò, áy náy lương tâm. Tùy theo mức độ tên tù cũ cao giá đến đâu -mà hành xử-. Nôm na là người mới vừa đứng lên, liền trả thù một chính sách… một chế độ, một nhân phẩm...
Vậy thì; *Tù… “cải tạo” là gì? Hừ! Có phải chữ cải tạo không ở trong hai ngoặt kép ( “…” ) được định nghĩa là:
- Làm cho “chất lượng” thay đổi -(chưa chắc thay đổi căn bản theo hướng tốt hơn).
- Muốn “lao động là vinh quang" -để cải tạo con người!?
- Muốn “giáo dục” làm thay đổi con người cũ, trở thành con người mới.
- Muốn “cải tạo tư tưởng” xóa bỏ những tập tục cổ xưa, -để thay thế tư tưởng “tiến bộ”?
- “Cải tạo xã hội chủ nghĩa” ở trong “quan hệ cải tạo”, sản xuất không xã hội chủ nghĩa, hầu trở thành > “quan hệ sản xuất” xã hội chủ nghĩa; tạo điều kiện cho “lực lượng sản xuất phát triển”?
- Và, cuối cùng “cải tà quy chánh”:
- Tù nhân 75 “cải tạo” là: bỏ con đường đã đi, để đến “con đường chính nghĩa” vẫn là:
*Tù nhân chính trị 75 - cái gọi “học tập cải tạo” là: Tù nhân quanh năm suốt tháng nhịn đói rã ruột, khát khô cổ họng, thất thểu vác cuốc ra đồng, cúi đầu cuốc cuốc, cày cày, bừa bừa, (cày bừa do chính con người vác cày kéo bừa... thay thế con trâu) trong nghĩa "lao động là vinh quang. Lang thang là chết đói" mà trồng trồng... trọt trọt...
* Khi Tù nhân “cải tạo” 75 đi trước tên cán bộ coi tù, thì người tù “cải tạo” bị cán bộ ấy dùng báng súng đập mạnh vào lưng tù, quát mắng:
- Muốn chạy trốn hay sao, mà lo đi trước cán bộ hử?
* Tù nhân “cải tạo” đi ngang hàng với cán bộ, thì bị cán bộ quát nạt:
- Muốn đi gần, để giật súng của cán bộ hay sao?
* Tù nhân “cải tạo” đi sau lưng cán bộ đang coi tù, thì bị cán bộ quay lại, giơ súng chiã vào trán tù “cải tạo”, đạn lên nòng:
- Đi đằng sau lưng cán bộ, muốn ám sát tôi hay sao thế?

… "Tù cải tạo” một ngày trong tù, bằng thiên thu tại ngoại cơ mà (nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại). Tù có làm cái gì… dù đầy thiện chí, có tình mến, có lòng bác ái vị tha, dung hòa, trung thực, ôn tồn, tốt lành cam chịu ẩn nhẫn, thì tù "cải tạo" cũng bị cán bộ, công an bắt bẻ và chụp mũ… Thế nên thời buổi nầy người tù nếu có bị đối xử như con vật, vẫn hơn làm “con người"...
Trong một trại tù “cải tạo” Z 30 A, tên cán bộ răng đen mã tấu đang thao thao lên lớp:
- "Nịch Xử lước" ta toàn "nà" anh hùng đấy nha. Bắt đầu "nà" vua "Nạc Nong" Quân "nấy" bà Triệu Ẩu, đẻ "da" một bọc 100 trứng…
Cả hội trường cười ồ. Mất hứng, hắn quắc mắt, hỏi:
- Cười cái quái gì thế?
Một sĩ quan “ngụy” giơ tay lên, lịch sự trả lời thay cho tất cả tù ngồi:
- Thưa cán bộ, Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, chứ không phải bà Triệu Ẩu.
Hắn khó chịu, im lặng vài giây, và quay sang hỏi tên cán bộ phụ tá, rồi dõng dạc nói:
- Nạc Nong Quân "nà" vua, ông ấy muốn "nấy" gái "lào" mà chả được. Bà Âu Cơ hay "nà" bà Triệu Ẩu, cũng đều "nà" đàn bà con gái nốt. Thì… thì chúng ta chả phải nà "ròng rõi" cá mè một "nứa" cuả Triệu… “ẩu tả”... "nà rì"!
Cũng trong hội trường một trại tù “cải tạo” khác, một tên cán bộ nọ lên giọng:
- Các anh biết không, đất nước ta giàu có cực kỳ, tiền rừng bạc bể. Nhiều nơi trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa của ta, chỉ cần cắm ống nứa xuống đất, là dầu hỏa phụt lên, thế là ta cứ việc mang thùng ra hứng, đem về tha hồ đốt nhá.
Cả lớp tù ngồi khúc khích "cừi cừi". Hắn hứng chí tiếp:
- Ngoài mỏ dầu, miền Bắc còn có đủ các loại mỏ khác như: mỏ than, mỏ vàng, mỏ xăng, mỏ nhớt...
- Thưa cán bộ, có một thứ mỏ mà không biết miền Bắc có không, nhưng miền Nam nghèo đói của chúng tôi chắc chắn không thấy, đó là "mỏ dốc lết".
Hắn bỉu môi:
- Ồ, cái anh nầy rõ là mang dòng họ Triệu Ẩu nha. Mỏ lết hả? Cái gì chứ mỏ lết, thì miền Bắc thiếu giống gì. Đảng và nhà nước đang có kế hoạch đào bới để khai thác đấy.

Đó đó…, chính là cái giá rất đắt cho tù nhân “cải tạo” lương tâm là thế đấy ạ. Vậy thì, người tù đã được “học tập” điều sâu sắc bổ ích gì? Ai “cải tạo” ai? - "học tập cải tạo” những thứ tinh nhuệ gì!? (loạt chữ nầy phải ghi trong hai dấu mang đầy ý nghĩa của cái “ngoặt kép “. . .” ). Họ thấu hiểu được điều gì cao cả trong xã hội chủ nghĩa thế nầy!? Ngoài việc anh ấy không có “bồi dưỡng văn hóa”, cho dù một chữ bẻ đôi cũng không có. Duy có điều anh tù phải “học tập cải tạo tốt” là: cuốc đất trồng khoai mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, trong sự bịp bợm của từ “học tập” và "cải tạo” thành nắm thân tàn ma dại?! bởi do phần lớn trại tù học tập “cải tạo” mọc lên như nấm mà ra.

TÙ! trại tù nhiều vô số... hơn cả chuyện nhà nước quyên góp cứu trợ nạn nhân thiên tai, hoả hoạn, lụt lội. Nhà nước không xây dựng kiến thiết quốc gia, không xây trường học, không làm đường sá, hay làm những công trình kiến tạo khác. Mà, trên toàn lãnh thổ Việt Nam đâu đâu cũng có “trại Tù” khổng lồ! Trại tù đã giết chết bao người trai trẻ, hủy hoại rất nhiều tiềm năng, xeo nạy nạo vét hết tinh tuý của những khối óc thông minh tuyệt vời, và tiêu diệt sĩ khí, dũng chí quật cường của con người yêu nước, yêu quê hương và thiết tha với dân tộc.

Đa số anh em quân nhân công cán chính Việt Nam Cộng Hoà chân thật cả tin, đã bị trắng trợn phản bội lời hứa, bị mắc lừa, bị lọt lưới, họ xô nhau tới đường cùng, & trở thành những người tù tội bị nhánh tình đoạ đày lưu vong trên chính quê hương. Mặc dù quê hương không bao giờ phản bội con người, chỉ có con người ngoảnh mặt quay lưng nơi chôn nhau cắt rún. Lớp lớp thanh niên trai tráng bị nhà nước đánh cắp không chỉ là gia sản, tài năng, trí dũng, sức khoẻ, thân phận… tình bạn, tình thân giữa đồng loại. Ý niệm về không gian và thời gian từ sự bình thường tiềm ẩn trong những tâm hồn và khối óc phi thường đã qua. Trơ tráo trắng trợn hơn là tù “cải tạo” bị ăn cắp tuổi xuân-thì, bị lột trần về tình yêu – (tình yêu nhìn qua nhiều lĩnh vực và lăng kính: tự tin, dung hòa, tha thứ v.v... trên mọi phương diện). Họ đã bị nhà nước xã hội chủ nghiã láo khoét tuyên bố:
- “đi học tập 14 ngày cho thông, rồi về”.

Thế nhưng… quá khứ ngục tù canh cánh bên lòng trỗi dậy; hy vọng mong manh, tự do bị vùi dập, lãng quên, một sự thiếu tình thương và thông cảm từ “phía nội thù” nằm ngay trước mặt. Yêu thương, thấu hiểu, chia sẻ, đồng cảm thì ở chân trời xa tít tắp. Để rồi hắt lại trong đời tù "cải tạo" sự buồn phiền, đố kỵ, lạnh lùng, câm nín dày vò... vì những người nghe theo lời khuyến dụ của "cách mạng thành công" mà chọn lầm chỗ, thì người tù sa cơ thất thế đã nằm gọn trên đe dưới búa. Hóa ra chinh nhân chọn lầm một đất nước mà cấp lãnh đạo ấy chỉ biết dẫm đạp lên mọi người tù, mà trả thù! Gợi lại trong lòng mỗi người bao hoài niệm bi hận về một giai đoạn lịch sử quá đau thương, nghiệt ngã, cay đắng xót xa của miền Nam Việt Nam khốn cùng, điêu linh khổ ải và bất hạnh: Họ bị lọt vào cái bẫy sập tinh vi, độc ác, kinh dị nhất thế giới.

Hàng hàng lớp lớp thanh niên trai tráng trở thành tù “cải tạo”, vùi dập đời trai đầy dũng khí và tráng kiện, như món hàng béo bở đồ sộ đã ngã giá trong thương vụ quốc tế. Ngược lại qua những túm quà thăm nuôi eo xèo bé xíu đựng mắm muối, đường thẻ, tôm khô, cá khô, bánh thuốc lào, nửa ký đường cát trắng, trăm gram cà phê, v.v… Đôi khi sơ ý ngủ gục, vợ con tù cũng bị cướp sạch trơn. Ai vô phước đeo bông vàng, đều bị cướp giật, đứt lìa tai máu chảy ròng ròng. Thậm chí áo quần mặc trong người, nếu cướp coi “bộ đồ gió, bộ đồ vía” polyester mới xỏ vào lần thứ nhất, cũng bị trấn lột trắng trợn. Bạn tôi nói thế mà linh:
- Tao đi thăm nuôi tù “cải tạo” chính trị, chứ có phải đi vào trại tù “cải tạo” coi ca nhạc, hay đi ăn tiệc tùng gì, mà tao xum xoe diện áo quần lành lặn, bảnh bao tươm tất. Hử? Khi trời tối canh ba, cướp ùa ra trấn lột hết, chỉ còn bộ đồ lót. Có may, thì cướp nó quăng cho bộ đồ rách cụt ngủn, vợ tù khóc hu hu đi chân đất vào thăm chồng. Khi đó thì mi nghe tao nè:
Ngày xưa ăn nói dễ nghe,
Bây giờ cẳn nhẳn chua lè khó ưa.
Ngày xưa thích được mây mưa,
Bây giờ hạn hán hết ưa tù tì
Ngày xưa thường sánh vai đi,
Bây giờ chỉ thích năm ì ...xem phim...
Ngày xưa nhớ nhau đi tìm,
Bây giờ mặc kệ ...con chim mất dzồi. (*)

2.- Chuyện thứ hai:

Anh Trần Công Thái (là con trai bác Cửu Trí quê làng Hưng Nhơn, Tổng An Thơ, Hải Lăng), anh tốt nghiệp trường trung học Tây, anh làm nghề dạy học, sau đó anh phải động viên đi lính và trở về Tiểu Khu Tuyên Đức. Nhà anh ở khu Nam Thiên, khi đất nước vừa ngấp nghé phong phanh có danh nghĩa hòa bình, thì tối hôm ấy anh vui mừng hân hoan ngủ ở nhà. Nửa đêm có nhiều người mặc đồ đen đội nón tai bèo, quàng khăn xanh đỏ tới nhà anh đập rầm rầm vô vách, gọi cửa tới tấp. Chị Thái hoảng hốt mắt nhắm mắt mở ra mở cửa. Cả nhà bàng hoàng khi thấy súng ống lên nòng rốp rốp lăm le chỉa trước ngực dân, họ xông vào nhà anh Thái, chẳng thèm nói một câu phân minh phải trái, họ bịt mắt, lấy báng súng dụi sau lưng anh, trói thúc kéo anh xềnh xệt lôi đi.

Chờ bọn kia đi khuất xa vào rừng ở miệt suối Cát Tiên, chị Thái chạy qua bên nhà láng giềng gần nhất, để báo hung tin. Ai nấy đều lo sợ hãi hùng, chẳng biết khi nào đến phiên ta!? Có là thánh, chưa chắc ai tìm ra anh. Mọi người bàng hoàng lo sợ hoang mang, vì cách mạng đã thành công giải phóng trước Sài Gòn rồi đó! Bốn tháng sau ngày 30-4, một tốp người đi củi trong rừng sâu trở về phố, họ vội vàng len lén hấp tấp ghé tạt qua nhà báo cho chị Thái biết:
- Bà chị, ở miệt suối Cát Tiên có sáu nấm mồ mới đắp cạn, mộ chưa mọc cỏ, đã xông mùi thum thủm thối, trên một nấm mồ kia có lưu dấu tấm áo đẫm máu, chữ ngoằn ngoèo đề tên: “Trần Công Thái”.

Chị vợ vốn dĩ là một người đàn bà tra trắn, lanh lẹ, lảy chảy, nhưng nghe tin chồng đã chết mà không dám vô nơi quỷ cốc thâm u, để xác minh tin chấn động nầy có thật hay không? Sao họ giết Thượng sĩ Thái đẹp trai, nghèo, nghèo lắm, trên răng dưới đế giày. Anh hiền lành vui vẻ, bao dung và độ lượng. Anh chưa bao giờ làm mất lòng một đứa trẻ. Anh không thiết gì ngoài việc thích dạy học, và tình yêu thiên nhiên, anh đam mê hội hoạ gần như say đắm. Anh vẽ phong cảnh khá đẹp, vẽ chân dung sống động tài tình.

Người ta tụm năm tụm ba, xôn xao to nhỏ thì thầm bàn tán đủ thứ chuyện. Không ai giải được con số bí ẩn, phải chăng họ đã thành công rồi, thì trả thù dân tộc từ đây!? Câu chuyện anh Thái chìm dần vào giấc mộng kinh hoàng, đầy bí mật sau ngày 30-4-1975. Sự về thiên đàng hay sa hỏa ngục, không ai tránh khỏi, chẳng ai biết trước sớm hay muộn. Duy có điều cái chết đến với anh Thái, đối với họ hàng thân quyến đã quá đột ngột, bất chợt, đầy kinh hãi không ai có thể tin cách mạng làm như thế! Khi đám con dại chín mười đứa nheo nhóc, rất cần anh chăm sóc, chúng chưa được người cha vui tính hiền lành và nhân hậu dìu dắt đến nơi đến chốn. Vợ con, người thân, ngậm ngùi thương tiếc, bàng hoàng vĩnh viễn mất một người đáng yêu, đáng kính dường bao! Nhưng không ai dám hé môi than thở một lời nào. Vì, điều ấy... cách mạng đã thành công rồi đó!

2.- Chuyện thứ ba

Một hôm, tôi đang bới nhặt đống rác ở cuối chùa Hoàng Pháp (thuộc huyện Hóc Môn), tôi nghe một tràng súng nổ dòn, nghe thật diếc con ráy và lo sợ kinh khủng. Bộ đội, công an súng chĩa tới trước, chạy rần rần sau lưng tôi. Họ quát tháo kêu gọi nhau ầm ĩ, họ pháo tin là:
- Thành Ông Năm có tù “sĩ quan Ngụy” trốn trại.

Tôi cùng năm bảy người dân đen ngơ ngác phút giây, rồi vội chạy đến bờ rào kẽm gai sát thành Ông Năm ngóng cổ lên nhìn vô bờ thành, để xem thật tỏ tường. Tôi nhìn rõ cảnh tượng rùng rợn xảy ra: Có một anh lính tù “cải tạo” bị trói thúc ké, quần áo tù binh bê bết máu, tay anh ấy ôm bụng, khúc ruột trắng lòng thòng lòi qua kẽ tay. Anh ấy gò thân chậm bước, hình như không thể bước mà rệu xuống. Thì một công an trở báng súng giáng mạnh vào lưng anh ấy.

Một anh khác tay chân bị khóa bởi sợi lòi tói, tay chân anh tù xỏ dưới cán tre. Không phải họ gánh anh ấy đi, mà họ lôi anh ấy, kéo đi lệch xệt, lê theo những vệt máu đỏ lòm. Anh ấy giống con heo mọi bị đồ tể cột bốn chân, gánh đi làm thịt. Bả vai anh ấy đẫm máu. Bàn chân bầy nhầy, giơ bắp đùi mở toang hoang, lòi khúc xương nhọn trắng phếu. Toàn thân anh ấy nẩy lên, đập xuống tưng tưng. Đau đớn nhất có lẽ là chiếc đầu trí thức va cồm cộp vào những cục đá lởm chởm trên đường, đầu anh ấy luôn lắc qua lắc lại, kêu lộp độp. Mặt anh ấy tái méc, nhưng đôi mắt sáng quắc trợn lên, lông mày nhướng cao, quai hàm bành ra môi nghiến chặt. Anh ấy không hề hé một tiếng kêu, dù tiếng than rít qua kẽ răng!

Lẽ ra bọn dân quèn chúng tôi còn được xem những pha tình cờ quái dị khác, nhưng có một tên cán bộ ngồi xổm đi “tè re tháo tỏng” ở lùm cây hồng tiên, gần chỗ đám dân ngu khu đen chúng tôi đứng, hắn đã phát hiện ra chúng tôi đang lấp ló bên mé tường thành Ông Năm, hắn sợ dân thấy chuyện kín bị lộ, nên vụt đứng dậy, hắn la bai bãi, tay khoát lia lịa đuổi dân đi ra khỏi vùng ấy. Bọn chúng tôi liền dzọt đi, vừa chạy vừa la ơi ới:
- Công an đánh tù, bà con ơi.
- Bọn đó giết tù "cải tạo" coi ghê lắm...

Hai tên công an rượt theo chúng tôi, cho đến khi bị hàng kẽm gai chận lại, họ mới bắn phát súng chỉ thiên. Ban đầu nghe tiếng súng, tôi sợ hãi nằm úp mặt xuống đất, rất sợ bọn ấy hăng tiết vịt ria ẩu, thì mình sẽ lạc đạn. Nhưng sau khi ngước lên nhìn thì thấy chúng chỉ đứng lại bên trong hàng rào dây kẽm gai mà hù doạ, nên tôi kêu mấy bà kia đứng lên. Rồi chúng tôi trêu chọc bọn công an: người thì vỗ bụng dưới bồm bộp, người thì quay lại vỗ đít và tụt chút xíu quần đen ra, bà ấy chỉ chỉ vô đít, quẹt quẹt vô đít mình mấy cái, rồi vất tay về phía bọn công an, mà cười ha hả. Người thì lấy nắm tay bụm lại thoi thoi vô không khí. Còn tôi nhăn răng le lưỡi và giơ hai bàn tay ngược lại, làm cái kèn để lên miệng, mà lắc lắc mấy ngón tay nhúc nhích, chọc quê họ. Nghĩ lại tức cười... mình già "trên dưới ba bốn bó củi" cả rùi, nhưng đôi khi còn có những hành động như trẻ thơ, cũng quá vui và ngộ thiệt!

Ít lâu sau, toàn huyện Hóc Môn biết tin mấy anh ấy bị trọng cấm biệt giam, bị tra tấn hành hạ dã man, tay chân mang gông cùm, gỗ dằm cứa vào da, thối rữa thịt, dòi bọ lúc nhúc ở hai cườm tay và mắc cá chân. Hai anh ấy bị nhịn đói, không hề được cho ăn uống, chẳng thuốc than, không hề có thứ gì... cho đến chết. Dù họ bị bắt, chỉ vì các anh “cải tạo” đi hái rau “cải thiện” ở ngay trong những vòng kẽm gai trại tù, hầu ăn cho đỡ đói lòng.
Năm đồng đổi lấy một xu
Thằng khôn đi học, thằng ngu làm thầy. (1)

Chuyện thứ tư

Thuở ấy tôi đã có trí khôn, nhưng ưa thích hái hoa bắt bướm ngoài vườn rau, nghe ba tôi gọi con gái út vô nhà chào anh họ mới tới thăm nhà. Tôi vô phòng khách thì đã thấy chị Ấm (chị ở Huế và chồng chị đổi vô học ở trường Võ Bị Liên-quân Đà Lạt. Thời gian hơn một năm đầu, anh chị Ấm tá túc ở nhà ba mẹ của tôi, để họ có phương tiện đi tìm mua nhà khác, mà ra ở riêng, chị Ấm là con ông bác ruột của tôi) chồng chị là Minh (sau nầy là Trung tá Phạm văn Minh, An-ninh Quân-đội). Trong phòng khách còn có ba mẹ tôi, anh chị Ấm, anh Xích ở dòng tu vừa xuất... và một người đàn bà lạ.

Do sự giới thiệu của chị Ấm, nên anh Xích mới quen biết với bà bạn gái có đồn điền của Tây ở Xuân Lộc. Họ lên Đà Lạt đã ghé vào nhà thăm ba má tôi. Hình ảnh đầu tiên khi tôi gặp mặt về người anh họ: Anh trắng trẻo, cao ráo, trẻ trung, khá đẹp trai, mái tóc cắt cao bồng bềnh sóng gợn, anh ăn nói hóm hỉnh, hoạt bát, linh động, vui vẻ, lúc nào trên môi anh cũng nở nụ cười tươi, anh kể nhiều chuyện dí dỏm. Khiến tôi có cảm tình ngay với ông anh họ nầy.

Ngược lại bà bạn của anh Xích quá bình thường, có nghĩa là bà chị không đẹp, trông không sang, tôi nhìn nét mặt thì thấy bà chị già và xấu, thô thiển hơn anh tôi nhiều. Tuy rằng sau nầy bao lần dùng cơm chung trong gia đình, thì bà chị làm ra vẻ ngây thơ cụ... ưa nhõng nhẽo vòi vĩnh anh tôi đủ thứ, dù trước mặt người lạ hay thân, bà chị thích “bắt nạt anh một xí cho vui” mà coi vô duyên chi lạ. Anh thường hướng dẫn anh chị em chúng tôi nhiều điều hữu ích. Anh thấy tôi sớn sác lóc chóc, lại dốt toán quá, anh thân thiện cóc đầu tôi cốp cốp. Nhưng tôi lì lợm không xoa đầu, không khóc, còn bu bám theo anh, ngụ ý lêu lêu anh "giống bà chằng kia”.
- Tại sao anh đi tu gần ra cha mà bỏ về?
- . . .
- Anh bị bà chằn kia bỏ bùa quyến rũ hả?
Anh cười vui vẻ xỉ ngón tay trên trán tôi mà bảo:
- Ha ha... con nít biết gì. Anh biết em nói gì rồi, đừng có lém lỉnh nha.

Sở dĩ ngày nay tôi biết làm thơ và viết văn, âu cũng nhờ anh một phần góp ý và khuyến khích vậy. Bài thơ "Tình Ươm Nắng" vu vơ đầu tiên có anh dạy tôi biết cách gieo vần:
Mộng tương phùng ngời sáng
Cành cây rớt giọt sương
Nhớ ai tình mới nở
Bên thềm thơm nhánh hương.

Bầu trời xanh sắc biếc
Gió mát thoảng bên tường
Hàng phượng chim tìm bạn
Trước song gió thoảng hương.

Cúc đơm hoa mấy đóa
Rực rỡ đón mùa sang
Nhịp cầu thương mới bắc
Ngồi đây nhớ ngút ngàn.

Bên hè tình ươm nắng
Nhớ màu áo anh mang
Cành hương thơm mùi tóc
Hừng đông thấy rộn ràng. (2)

Có mấy lần gia đình tôi đi Ba Mê Thuột thăm họ hàng và đồn điền cà phê bạt ngàn của bác Hường (cạnh phi trường, chợ, và nhà thờ). Lúc tôi từ lớp Nhứt lên Trung học, anh Xích đã có bằng cử nhân lâu rồi. Anh bỏ dòng tu, anh đi Sĩ-quan Trừ-bị Thủ Đức, tốt nghiệp khóa 2. Tôi lớn khôn có gia đình, thì anh Xích lần lượt thăng lên Thiếu tá, Trung tá trong Quân-lực Việt Nam Cộng Hòa. Nhất là ngày anh làm Tỉnh Trưởng Tỉnh Gia Định, sau đó làm bên Giám Sát Viện, thì anh em chúng tôi người chân trời kẻ góc biển. Kể từ đó thân nhân bà con anh em thực sự xa cách nhau dài lâu. Tuy thế, thông qua ông bà anh chị em, đại gia đình thân tộc chúng tôi đều có biết tin về nhau cả.

Đến ngày mất miền Nam, anh Xích vượt biên ở Rạch Giá chẳng may bị bắt, họ đưa anh lên trại tù quân khu, canh giữ anh rất chặt chẽ, đặc biệt, từ năm 1977. Sau 1978 trại tù dời về vườn Đào thuộc Xã Mỹ Phước Tây, Huyện Cai Lậy, Tỉnh Mỹ Tho. Tôi đi thăm nuôi chồng. Bất ngờ nghe tin anh Xích bị giam giữ cay nghiệt nơi đây, lòng tôi cảm thấy đau buồn và thương anh biết bao! Tôi nghe chồng nói lại:
- Anh Xích "khả sĩ tử bất khả nhục" ở tù, do anh có lập trường kiên định, cứng rắn, anh không chịu cúi đầu khuất phục bọn ngu dốt lên làm vua, cỡi đầu cỡi cổ, nên anh bị cán bộ đánh đập tàn nhẫn, dã man, anh bị nhốt trong cornex thường xuyên. Tối hôm đó có hai bạn tù đi lên trạm xá xin bác sĩ cấp cứu một người bị đau nặng. Họ nhìn thấy tên cán bộ cẩn thận mở ba lớp khóa ở cái cornex hừng hực nóng, hắn nói:
- Tôi tha cho anh, hãy đi đi.
Tưởng thật, anh Xích bước đi độ chừng năm mét, thì hắn nổ một tràng súng bắn từ phía sau lưng anh. Hắn tri hô lên:
- Anh ấy trốn trại! Tôi bắn đấy.
Trong trại tù ai nấy đều rụng rời nghe hung tin, nhưng không một ai tin về điều cán bộ nói. Vì tù "cải tạo" đều biết anh Xích hiện đã và đang bị nhốt "trọng cấm" ở trong xà lim, nơi cornex có nhiều lớp khoá kín bưng, con ruồi bay không lọt vô trong, huống hồ gì anh là một người cao to dường ấy, nếu anh có được thả ra khỏi xà lim, chắc chắn anh thất thểu rệu rạo bước đi không vững, làm sao anh có thể chạy thoát ra ngoài, mà trốn trại?

Chuyện thứ năm:

Những buổi chiều gần cuối tháng Sáu năm 1976 tại đảo Phú Quốc, theo lệnh của cán bộ thì mỗi người tù “cải tạo” đều phải gò một chiếc xô nhôm, có nắp đậy kín, chiều cao độ 30cm, đường kính độ 18cm, dùng để mỗi cá nhân ngồi và tiêu tiểu tại chỗ trên tàu. Luật nghĩ: "Có lẽ chúng lại cho dời Tù đi đâu đây".

Trời mưa tầm tả không lúc nào dứt hạt, thế nhưng trên đoạn đường dài khoảng chừng hơn ba cây số từ trại Bốn; đoàn tù “cải tạo” đông đúc có lệnh di chuyển về đất liền. Trong các láng trại tù lũ lượt đi ra cảng Phú Quốc. Bởi vì Luật đã bị bệnh sốt rét da vàng rất nặng còn rét run lập cập, nên không thể dễ dàng di chuyển. Luật đứng lại gò lưng thở dốc, và phải nhờ anh Đinh Văn Sinh mang vác dùm thêm đồ đạc cá nhân của mình. Đoàn tù lội bì bõm trong sình lầy, Luật đi không nỗi, bị té chúi nhũi vào một anh tù khác. Chính đó là anh tù Kha Tư Giáo. Hai người gật đầu chào nhau.

Luật gượng đứng lên và cùng anh Giáo đi ngang hàng, sát cánh để dìu nhau chập choạng bước. Luật nhìn thấy hai tay của anh Giáo đã bị bẻ quặp ra sau lưng, khóa chặt bởi hai cây thanh gỗ to hình chữ nhật, có chiều ngang 20cm, chiều dài là 40cm. Thanh gỗ dài mới rất nhám không có bào, còn lởm chởm những dằm nhọn cứng tua tủa cứa vô da thịt mỗi khi anh nhúc nhích dượm bước đi. Do những vết cứa của dằm gỗ không được bào láng, nên từ hai cánh tay của anh Kha Tư Giáo lở loét, đóng máu tươi, máu bầm, và những cục mủ lầy lụa. Hai thanh gỗ đục thành một cái lỗ hình tròn, chỉ vừa xỏ hai cánh tay của anh Giáo vào đấy, và đóng kín bằng một ổ khoá bự sư.

Mùi hôi thối quanh hai cánh tay của anh Kha Tư Giáo xông lên nồng nặc, hôi thối kinh khủng không thể nào tả nỗi. Nhưng, điều mà Luật quá sức rợn người, cảm thấy như chính mình đau đớn tột độ, (chứ dường như không phải là anh Giáo đang gánh chịu nhục hình khốn khổ kia): Đó là những con ruồi xanh u u u vẫn bay lượn và những con dòi lớn có, nhỏ có, dòi trắng hếu lúc nhúc rúc rỉa bu quanh hai cánh tay của anh Giáo. Cũng có con dòi bò lên vai, lên cổ, hoặc nó lả tả rớt xuống mặt đường. Thế mà Luật chỉ thấy anh Giáo nghiến chặt hai hàm răng, anh lặng lẽ cất bước, không hề hé miệng than thở một lời nào. Luật rất khâm phục, vô cùng quý trọng về cung cách và bản lãnh của anh.

Lúc đoàn tù chui xuống hầm của chiếc tàu thủy to tướng tối đen, tàu rất chật chội do nhốt khoảng ngàn người dưới đáy, nên gần như ngợp thở, thì Luật không biết anh Kha Tư Giáo đứng ngồi, hoặc nằm ở xó nào. Người ta bắt tù gò một cái bô là để mình ngồi trên đó mà đái ỉa tại chỗ, là vậy! Đi lênh đênh trên biển như thế chẳng biết mấy ngày. Khi đoàn tù lên bờ di chuyển bằng xe bít bùng về tới Long Giao, thì chẳng hiểu sao anh Giáo lại nằm sát cạnh bên Luật. Đoàn tù đến ở trại tù Long Giao quá đông, nên tất cả tù phải nằm sắp lớp sát rạt như cá mòi, họ đều nằm nghiêng mình về một phía như nhau suốt cả đêm, thì mới có đủ chỗ nằm. Tù nằm y một chỗ chừng vài giờ như thế, thì cùng bảo nhau trở xoay qua một chiều khác, cho đỡ nhức mỏi. Lúc đó, anh Giáo nằm ở ngoài cùng, vì anh vẫn bị cùm ở hai cánh tay, khó cử động, xoay trở, nên anh Kha Tư Giáo đã ôn tồn bảo Luật:
- Làm phiền đỡ dùm tôi trở dậy, cho tôi xoay qua bên kia chút nào.

Luật mỉm cười ngồi dậy lặng lẽ làm y lời anh yêu cầu, sau đó đa số anh em không thể nào chợp mắt. Họ nằm bên nhau thì thầm chuyện trò to nhỏ. Anh Giáo đã kể rõ cho mấy bạn nằm gần gần chung quanh lán trại nghe: khởi đầu vì sao anh Kha Tư Giáo bị biệt giam khốn khổ tra tấn dã man vô cùng:
- Là thế nầy: Ban đầu có một “thằng cần câu” nào đó trong đám “tù cải tạo” của chúng ta, đi méc với cán bộ là: - Tên Kha Tư Giáo đã hát nhạc vàng…
- Thì tôi cười mà nói là:
- Hát là hát ca cho vui xí, chứ nhạc vàng, nhạc đỏ gì đâu!

- Thế là từ đó trở đi... họ nói tôi có tài hùng biện, giỏi lý luận, rồi tiếp sau tôi bị “đì” tới bến; mới sinh ra đủ thứ chuyện oan khiên!… Cán bộ đã đưa cho tôi một “ram” giấy pelure dày cui, để ngồi tại chỗ viết ra, phân tích, so sánh về lý thuyết “Các Mác”. Tôi đã phân tích tỉ mỹ hai chế độ: miền Nam & miền Bắc... Bên đúng, bên sai... Rồi… đến chuyện tôi đã thẳng thắng đốp chát, hùng hồn tranh luận về lý thuyế́t cộng sản trực tiếp với Võ Đông Giang… xong xuôi sau đó a lê hấp tôi bị cùm!

Anh Kha Tư Giáo dõng dạc từ tốn kể rất tỉ mỹ chuyện anh đã tranh luận, phân tích mọi khía cạnh của từng vấn đề ra sao! Hầu như những anh tù nằm gần bên đều im lặng lắng nghe như thế, không ai ngủ ngáy gì được! Ngoài hai cánh tay bị dòi rúc, máu mủ lầy lụa, trơ lòi ra khúc xương trắng thành một vòng tròn theo cái "cùm" (còng) gỗ ra, Luật nhận thấy anh Giáo vẫn còn khỏe mạnh, trí óc anh minh mẫn, anh ăn nói lưu loát đàng hoàng chững chạc, trí thức, từ tâm và độ lượng. Nhưng anh Giáo rất trực tính, anh không hề có dấu hiệu nào là người “khùng” hay bệnh điên đau ốm gì.

Khoảng hơn bốn giờ sáng (của một ngày đầu tiên vừa đặt chân lên đất liền, vào ở lán trại Long Giao một đêm nầy thôi), thì có một tốp bộ đội tới ngay lán trại. Họ kêu anh Kha Tư Giáo đi. Ngoài trời vẫn còn tối mịt, Luật không biết họ dẫn anh Giáo đi đâu! Độ chừng bảy giờ sáng ngày hôm đó, thì cả trại bàng hoàng, rụng rời, băn khoăn, lo lắng khi nghe tin anh Kha Tư Giáo đã chết!? Nhiều nghi vấn cho rằng anh Kha Tư Giáo đã bị chích thuốc độc. Một người bạn cùng tù ở đội 2 của trại 4 Long Giao với Luật tên: Lê N Ẩn luôn nhắc nhở anh em bạn “tù cải tạo”:
- Sau nầy, chúng ta sẽ cố gắng lập một nhóm bạn, đến ngày 30 tháng 6 mỗi năm là làm giỗ: để tưởng nhớ anh Kha Tư Giáo. Đồng thời anh tù “cải tạo” Trần Phong đã làm bài thơ lưu truyền rất nổi tiếng trong giới tù ca Xuân Lộc:
Chúa Nhật của người tù. Chúa sao không đến thăm!
Người tù ngồi đập đá giữa cơn rét căm căm.
Chủa Nhật của người tù có bao giờ được yên.
Ngày làm không kịp thở dưới họng súng vây quanh.

Chúa nhật của người tù Chúa sao không đến coi.
Áo quần tơi tả, bước như những bóng ma trơi.
Chúa Nhật của người tù có bao giờ được nghe.
Hồi chuông nhà thờ đỗ, thay tiếng quát liên hồi!

Chúa Nhật mùa Xuân thay trâu kéo cày
Chúa Nhật mùa Hạ vào rừng lấy mây.
Chúa Nhật mùa Thu lên núi kéo gỗ
Chúa Nhật mùa Đông lên cơn rét rừng.

Chúa Nhật người tù Chúa sao không đến cho
Người tù ôm bụng đói ước một bữa cơm no.
Chúa Nhật của người tù muốn đêm về thật mau.
Nằm lịm trong mộng cũ mơ những Chúa Nhật nào...
* *

Chuyện thứ sáu

Trại Tù “cải tạo” Đại Lợi

Bác Hồ chết phải giờ trùng.
Nên bầy con cháu dở khùng dở điên.
Thằng tỉnh thì đã vượt biên.
Những thằng ở lại nửa điên nửa khùng. (*)

Chỉ là thế thôi. Anh ra đi “cải tạo” tù tội mút chỉ cà tha, anh đã vứt lại một gánh hành trang quá nặng trên vầng trán nhăn nheo già nua cuả mẹ, trên đôi vai gầy khô đét cuả vợ, trên bờ môi héo hon cuả con trẻ dại khờ. Ngày ngày mặt trời bừng lên soi dọi mọi xó xỉnh, nung đỏ mặt đất, đè nặng hoàng hôn với bóng đêm buông về hừng hực hơi nóng muốn lột da! Bao năm sống trong quá khứ ngục tù “cải tạo”, hy vọng và tự do của người tù "cải tạo" vẫn nằm ở chân trời xa xăm, có thể còn đầy gian truân thử thách đã bị lãng quên nay bùng trỗi dậy. Một thời lừng danh rạng rỡ huy hoàng đã hết, nay anh phải dùng những viên thuốc ngủ bé tí xíu, để xoa dịu cơn đau tâm hồn & thể xác. Vì thực tế "Người nuốt những hờn căm"...:
Vàng phai trên thanh gươm.
Người mái tóc điểm sương.
Ngựa tung vó trong mưa buồn trên quê hương sầu thương.
Đường mây vỡ tan thành mộng trong cô đơn còn mơ sa trường.

Bóng xô nghiêng hoàng hôn.
Mài gươm trong cô đơn.
Người nuốt những hờn căm.
Ngựa nuôi móng non thay bờm trên quê hương cuồng giông.

Đường xa dẫu xa muôn trùng trong đêm nay ngựa phi sa trường.
Bóng dõi bóng quê hương.
Chiến mã đã đến sát dòng sông đêm quê hương mênh mông.
Sao chưa hừng đông?!

Chiến mã rất khát miếng nước trong trên quê hương tang thương
Ai qua trường giang...!? (1)

Chao ôi! Làm thế nào được khi chiến mã đến sát dòng trường giang trên quê hương nầy, chỉ còn là dòng sông cạn và đục ngầu… Dẫu qua bao mùa giông bão, chiến mã vẫn khát miếng nước trong! Không còn cảnh "Đem đại nghĩa thắng hung tàn. Lấy chí nhân thay cường bạo"*. (*Nguyễn Trãi) Có câu sau mà ai đó đã nói rất chí lý: “Phẩm giá con người được tôn trọng trong sự hoàn thiện và cao trọng”. Thế nhưng ở thời buổi mất hết tất cả nầy, nay chỉ ùn ùn mọc lên: Một trong muôn vàn trại tù “cải tạo” khủng khiếp nhất trong đất nước đã mang danh hiệu “thống nhất, hoà bình và tự do”, thì quả thật đã có trại tù Đại Lợi (là một cao ốc của Mỹ bỏ lại) nằm chình ình ngay ở thành phố Sài Gòn, sát nách bên khu chợ ông Tạ. Con đường ấy ngày nay đã đổi tên lại là: Phạm Văn Hai. Nơi trại tù Đại Lợi đây có quá nhiều phòng giam nhỏ, trên một cao ốc năm từng lầu.
Mỗi phòng giam làm bằng vật liệu nặng kiên cố bê tông cốt sắt, song cửa sổ sắt, mỗi phòng có chu 3 x 4 mét. Tuy phòng nhỏ xíu, nhưng có mấy lớp khoá bự tổ chảng ở ngoài cửa ra vào. Mỗi phòng có một cái xô nhựa lớn, có nắp đậy, dùng để cho tù đi tiêu, đi tiểu sau năm giờ tối. Mười người hoặc mười bốn người tù bị nhốt trong một phòng kín như bưng, có song sắt to chắc chắn, và dĩ nhiên có sợi xích sắt to bằng nửa cùm tay chạy vòng quanh những song cửa sắt, cuối cùng còn chấn thêm ổ khóa bự sư.

Một anh tù đã bó gối không biết làm gì, buồn bã ngâm nga:
Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái;
Cái công danh là cái nợ nần.
Nặng nề thay hai chữ quân thân,
Đạo vi tử, vi thần đâu có nhẹ!

Cũng rắp điền viên vui thú vị;
Trót đem thân thế hẹn tang bồng.
Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung,
Hết bốn chữ "tinh trung báo quốc".

Một mình để vì dân,vì nước,
Túi kinh luân từ trước đến nghìn sau,
Hơn nhau một tiếng công hầu. (Nguyễn Công Trứ)

Ngay sau đó mươi lăm phút, tên quản giáo chẳng thể hiểu thơ văn trứ danh của thi sĩ, đã phán cho anh tù tội “có mưu đồ dùng thơ lôi kéo tù phản động”… Anh tù “cải tạo” chưa kịp há hốc miệng, chẳng hề cự nự, liền bị bốn công an súng ống nai nịt điệu đi lên tít tóp trên trần thượng, nơi cao chênh vênh tha hồ cho bọn họ đánh đấm hành hạ dã man… rồi tù sưng húp mặt mũi, máu me lênh láng, tù bị còng tay cùm chân, tự chui vô trong cornex bịt bùng, mấy ổ khoá bự sư siết bên ngoài cánh cửa ti hí, nóng hầm hập suốt ngày đêm, và dĩ nhiên anh tù đói khát triền miên. Người tù đó là Quốc, Trung Úy Thủy Quân Lục Chiến, cháu cuả tôi.

Mùa hè tù nhân ở trần, họ chỉ mặc mỗi cái quần xà lỏn, ấy thế mà trong phòng vẫn nóng như nằm trên cái chảo nung đỏ lửa. Mỗi buổi sáng, sau khi một anh tù (đến phiên trực ban), có bổn phận khệ nệ xách cái xô nhôm, lò dò đi xuống những dãy lầu Đại Lợi, tù đem xô nước cứt đái ra đổ trong bồn chứa to ơi là to, để tưới rau xanh. Cũng từ cái xô tráng rửa qua loa đó, (vì khan hiếm chả có xà bong, không sẵn có nước máy, cũng không nhiều nước cạn giếng khô). Họ rửa xô, để phải dùng cái xô nầy đựng nước tắm, đôi khi thiếu vật dụng, cán bộ cai tù lại sai tạp dịch dùng xô ấy, xách nửa xô canh rau lều bều lỏng bỏng lên láng trại, cho tù “cải tạo” chan nửa chén bo bo ăn cầm hơi cả ngày. Tù thì thầm bảo:
Ở với Hồ Chí Minh.
Cây đinh phải đăng ký.
Trái bí cũng sắp hàng.
Khoai lang cần tem phiếu.

Thuốc điếu phải mua bông.
Lấy chồng nên cai đẻ.
Bán lẻ chạy công an.
Lang thang đi cải tạo.

Hết gạo ăn bo bo.
Học trò không có tập.
Độc lập với tự do.
Nằm co mà hạnh phúc! (*)

Nếu công an bắt ai, thì ít khi lầm. Mà, lỡ có lầm, thì cứ nhốt ít nhất là bỏ tù vài ba năm, để “lao động là vinh quang”, và theo dõi. Thậm chí nếu con người ấy chưa biết “giác ngộ”, chưa “phấn đấu cải tạo tốt”, chưa “học tập tốt”, không “thành thật khai báo”, chưa “đả thông tư tưởng”, chưa sửa đổi bản thân, hay không làm “cần câu” điềm chỉ…, thì a lê hấp cho vào tù mút mùa lệ thuỷ, chưa về hay không về nữa. Nghe ra chữa?

Chuyện thứ bảy

Mỗi lần có dịp đi ngang qua Tiền đồn Xà Bang nằm cạnh Liên Tỉnh Lộ số 2 (LTL2), nối liền từ Ngã 3 Tân Phong Quận Xuân Lộc, Tỉnh Long Khánh đến Thị Trấn Bà Rịa, Tỉnh Phước Tuy. Xà Bang cách Bà Rịa 28Km về hướng Bắc Đông Bắc và cách Xã Cẩm Mỹ 6Km về hướng Nam. vùng Long Khánh thăm chồng ở trong trại tù nầy, tôi không thể không hồi tưởng và tiếc nhớ những vị anh hùng khả kính tận tụy vì dân vì nước, đã hy sinh cho tổ quốc sống còn. Cho đến phút chót, khi vĩnh biệt cõi đời ô trọc, chiến sĩ ấy cũng âm thầm về trong khuya muôn trùng lạnh lẽo. Có thể họ âm thầm phù giúp bạn đồng-cam chút tình tri ngộ chăng?

Huyền thoại về bức tượng “Tiếc Thương” của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu (sĩ quan trừ bị Thủ Đức, khóa 13) há chẳng phải là một bằng chứng cụ thể hay sao?! Cư dân địa phương gần quanh vùng nghĩa trang Quân-Đội Biên-Hoà, há chẳng luôn luôn đồn đãi về chuyện anh hạ sĩ Võ Văn Hai đi lính Nhảy Dù. Dường như anh muốn nhắc nhở chúng ta tưởng nhớ đến các chiến sĩ trận vong, nghĩa tử là nghĩa tận mà! Cư dân địa phương thường rù rì kháo nhau rằng:

- Đêm đêm dưới ánh trăng ngà khuya khoắt, có người chiến sĩ mặc quần áo trận, đầu đội nón sắt, mang giày đinh, lưng đeo la lô, từ trong bức tượng "Tiếc thương", anh lính ấy đỉnh đạt bước từng bước, từng bước trên bệ đá. Chiến sĩ ấy đủng đỉnh xuống đồi, băng qua đại lộ, anh ấy chỉ đến một ngôi nhà, và gõ cửa nhà của một bà cụ. Khi cụ bà mở cửa ra, chiến sĩ ấy im lặng cúi đầu chào, anh ấy vẫn lặng lẽ cầm bi đông trên bàn tay trái, anh ấy giơ bi đông ra, xin bà cụ nước uống.

Ban đầu cụ bà hoảng sợ, ngập ngừng toan lùi bước. Nhưng sau nhiều lần, cụ bà vẫn thấy chiến sĩ ấy xuất hiện, cúi đầu im lặng, trầm buồn, hiền lành lặng lẽ, âm thầm không hại ai. Cụ bà xúc động, vội vàng trở vào nhà, bà cụ niềm nở ân cần rót nước, đem ra cho người lính đơn độc. Thương lắm thay! Cụ bà ngẩn ngơ lặng đứng nhìn anh từ từ quay trở lại trên đồi hoang vắng.
***

Giòng tình cảm đã chảy qua trong đời tôi, mình cảm thấy luôn hổ thẹn, dày vò, băn khoăn một bất nhẫn về hình ảnh ấy không thể gội rửa, xóa sạch... Lúc nầy đôi chân tôi không còn sủng ái tin tưởng lẫn nhau, nên một trong hai bàn chân kia đã giận dữ tự nhô lên hụp xuống, nếu chân nầy chấm, thì chân kia phết, làm tôi run rẩy chới với nghiêng ngả hoài. Cứ như thế mà hai chân lập cập bò lết trong cõi đời ô trọc. Chính “xéc” là “hai thằng chân” ni đã “phẻn” đối cái bản thân tôi đang nhún lên nhún xuống trong đời sống bốc lửa.
*
* Sưu tầm
Thơ Tình Hoài Hương
Lượm lặt sưu tầm khắp đó đây trên Net
Thơ và nhạc: Trần Ng Phong.

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
05-25-2017, 05:55 PM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd417/1495734627-me 15 vatva somkhuya.jpg

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1370293087.mp3
Giờ này anh ở đâu
Sáng tác: Khánh Băng
Do: The Cat's Trio

Em Cứ Mặc… nhưng Chua Chát Dường Bao


Lòng tôi trào dâng lên nỗi ngậm-ngùi, đắng cay, chua chát dường bao! Những tiếng nấc uất hận, giọt lệ vô cớ trào lên bờ mi tôi lăn hoài xuống má. Bởi vì tôi làm lụng quá vất vả đủ thứ chuyện, không ngơi nghỉ: Tôi thoăng thoắt đan áo lạnh để bán, (phụ nữ sinh sống tại Đà Lạt thì hầu như 85% tự biết đan áo len khá đẹp, thành thạo). Tôi may quần áo bằng kim tay cho con, bàn tay tôi lướt nhanh trên những đường chỉ thật đều, không thưa không vụng.

Khi có các vụ mùa thì tất cả bà, cháu, mẹ con tôi bươn bả đi các nơi, nào là: làm ruộng, nhổ cỏ, cấy mạ, đi mót đậu, mót khoai, mót rau, mót nhặt bao ni lông... Rồi nâng niu mang về: đậu, rau, khoai, lớp rửa sạch, nhín nhút để dành ăn ngấu nghiến từ từ, lớp phân ra để độn với ít gạo tẻ, hoặc chia đậu que, đậu phụng kho mặn. Tôi nấu thứ rau chóng héo ăn trước. Lượm giấy carton khắp các mọi nẽo đường, tôi khiên về nhà ngồi bệt xuống vĩa hè, vuốt thẳng ra, xếp gọn để vô một góc, bọc ni lông thì ôi thôi: ở bên trong đựng đủ thứ tanh hôi, bẩn thỉu dơ dáy vô cùng. Tôi xăn quần lên tận háng, đứng trong thau nhôm để đạp bọc ni lông giặt giũ cẩn thận, đem ra cánh đồng đầy nắng phơi khô. Hôm sau mẹ con đội đến hãng ve chai bán, lấy tiền về đong từng lít gạo.

Ở Việt Nam là thế, nhưng ở bên Moskva vào những năm 1970 khi mùa đông giá rét, có tin đồn là ngày hôm sau cửa hàng bán thịt số 1 sẽ có thịt. Ngay hôm đó trước cửa hàng đã có hàng chục ngàn người với áo khoác ấm, giày cao cổ, đứng thành hàng dài. Lúc 3 giờ chiều một người bán thịt đi ra và nói:
- “Thưa các đồng chí, ban chấp hành trung ương vừa gọi xuống, thông báo rằng không đủ thịt bán cho tất cả mọi người, vì vậy mà dân Do Thái nên về nhà”.
Dân Do Thái nhẫn nhục bước ra khỏi hàng. Những người khác tiếp tục đợi. Lúc 7 giờ tối người bán thịt lại bước ra và nói:
- “Thưa các đồng chí, ban chấp hành trung ương vừa gọi xuống, thông báo rằng hóa ra là không có thịt vì vậy mọi người nên về nhà”.
Đám đông tản ra, vừa đi họ vừa lầm bầm:
- “Bọn Do Thái khốn nạn lúc nào cũng gặp may!”. (2)
*

Thường khi đi làm ruộng ngang qua khu vực có chiếc phi cơ rơi ngay sau ruộng lúa, tôi tần ngần bâng khuâng dừng lại nhìn chiếc trực thăng nầy bị bắn rớt sáng sớm ngày 29/4/75 ở sát ruộng làng Nhị Tân. Có điều lạ lùng là hồi ấy nhiều người dân, và chị của tôi chính mắt trông thấy trực thăng bốc khói và rơi xuống đất.

Có một xe tăng bọc sắt hết xăng còn nguyên vẹn hình dáng nằm ngay trước hẽm nhà thờ Châu Nam, Hóc Môn, gần dãy nhà trại gia cư. Sau ngày "mất nước", bọn trẻ con trong các Xã: Châu Nam, Lục Nam, Tân Thới Nhì, các con em ưa leo trèo vào ngồi lắc lẽo trên khung sườn phi cơ, hoặc chiếc xe tăng, để chơi trốn tìm, nô đùa. Thỉnh thoảng cũng có mấy ông lớn tuổi bu quanh phi cơ, xe tăng đã mất hết những đồ đạc bên trong, kể cả cánh quạt, ghế lái, v.v... Chiếc phi cơ chỉ còn trơ lại cái khung sườn. Người ta đập phá, tháo gỡ phi cơ ra để lấy nhôm, sắt vụn... nghĩa là có cái gì có thể gỡ được, thì họ gỡ ra hết cái đó, đem đi bán ở hãng ve chai. Mặc dù họ vẫn e sợ phi cơ hoặc xe tăng phát nổ thình lình.

Sau nầy tôi cùng một nhóm người đi mót lúa, đi làm công, thì có cậu con trai, (con của ông bà chủ ruộng), vào giờ nghỉ trưa tôi dùng cơm nắm mang theo ăn. Cậu ấy ưa lê la đến ngồi nói chuyện với tôi cạnh bên chiếc trực thăng khác chỉ còn trơ bộ sườn, cậu ta ngửa cổ ực một hớp rượu đế, khoái trá “khà”:
- Cô không phải là dân làm ruộng chính cống, ha.
- Sao anh nghĩ vậy?
- Thấy cô mãnh mai, trắng trẻo và đẹp.
- . . .
- Hay là… cô sa cơ thất thế!?
- . . .
Cậu ta chỉ cho tôi một ngôi mộ vô danh, cậu ấy nói: người chết là một quân nhân sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà, sĩ quan ấy chết trong khu vực ruộng nhà cuả cậu ta. Do ba cậu đã vội vàng lén lút tẫn liệm và chôn cất người lính bên lề đường, vì sợ oan hồn không ai hương khói, sẽ lởn vởn quanh họ quậy phá, cậu ta là con ông bà chủ già khá giả, hiền hậu, chân tình, rất tốt với tôi.

Tôi là vợ tù “cải tạo” khi nghe cậu ta nói thế, cũng lấm lét, len lén dáo dác… nhìn thấy có một ngôi mộ đất mới đắp đơn sơ, không tên không tuổi. Nhưng tôi im re, ngu sao mà bép xép thèo lẽo, ấm ớ hỏi nầy hỏi nọ, cho lôi thôi ra, tôi không dám có ý kiến. Tôi rất sợ cậu ta làm gián điệp, chờ tôi hở môi, là a lê hấp bắt đi tù, tôi bỏ con thơ ngoài đời bơ vơ đói khát. Nên tôi chỉ gật gù ừ hử trong khu Bà Điểm mười tám thôn vườn trầu nổi tiếng… có nhiều Vẹm. Vài ngày sau, tôi “lo thăng, lo lặn" mút mùa luôn. Tôi mất một cơ hội có một việc làm ở nhà chủ ruộng, khi nhan nhãn đó đây:
Đầu đường Đại-tá vá xe.
Cuối đường Trung tá bán chè đậu đen.
Giữa đường Thiếu tá rao kem. (2)

Tôi già khú, các con tôi là thứ con nít hỉ mũi chưa sạch, thì có sá chi chuyện lượm lon, nhặt bọc dơ, để có tấm bằng khen trong lớp mà vô bổ cho dạ dày! Điều may mắn là thân thể tôi ốm o, nhỏ thó, nên tôi tự ý ngồi rị mọ may bằng kim tay một cái quần đen cùn cụt trên mắc cá, nhưng đáy quần dài xệ xệ và rộng thùng thình, (dễ độn đồ lậu, dễ chạy khi bị rượt bắt) lưng dây rút, (cột chặt vô bụng, không phải lưng dây thun lỏng lẻo). Tôi may một áo ngắn màu nâu khá rộng. Về áo ngực thì tôi tự may cái cọc-xê vải mỏng to, (có thể nhét mỗi bên ngực ít ra cũng được non 1/2 ký đường cát, đường thẻ, tiêu hột, hột điều. Hoặc thường xuyên cho hai núm vú tí nị của tôi tha hồ hút lố thuốc lá đã đời, ha ha ha...).

Tôi rất đắc ý, sung sướng, và khoái về sản phẩm “quần áo” tự mình phát minh và sản xuất. Bảo đảm tôi dấu nghề kinh khủng, ngu sao mà hở môi cho răng lạnh! Nên tôi không hề hé lộ tí xíu nào cho đồng bọn “con buôn đầu nậu” biết. Thiệt tình là tôi không tự hào vỗ ngực xưng “bá” ; nhưng phải công nhận là tôi tự khen tôi giỏi, có óc sáng tạo thiệt đa, ít ai ranh ma, có tay nghề chuyên môn, sành điệu như tôi.
Khi diện “bộ đồ vía” vào người, bỗng nhiên tôi tủm tỉm cười, nghĩ đến bài thơ rất hay:

. . . Em cứ mặc nhưng xin đừng quá ngắn
Hở phần lưng, ôi đã khó coi sao!
Lần đầu tiên mình tập tành mặc áo chíp
Huống chi đưa cái lõm rốn ra chào

Vô duyên thế làm sao ai coi được!
Mông má có đầy, mắt môi có ướt
Cũng không làm "tha thướt" được gì đâu
Lỡ quen nhau, giao ước buổi sơ đầu

Đừng đòi học, kiểu khoe khoang, mốt, chảnh...
Van em cứ hồn nhiên, đừng đỏng đảnh
Quần sa tanh và áo lụa Hà Đông
Giản dị thôi mà duyên dáng vô cùng

Em nên nhớ, còn cho mình ngắm nữa
Em cứ mặc van em đừng... thả cửa
Xin hãy là cô Tấm của ngày xưa
Mộc mạc, đơn sơ, giản dị, quê mùa...!!! ( BPT)

Vậy thì, thưa thi sĩ BPT yên chí nhé, thời buổi nầy đã có mấy ai dám ăn diện đỏm đáng “model xịn” như tôi nào! Thế là tôi khoan khoái hí hửng tất tả leo lên xe đò chạy đi Trảng Bàng, Gò Dầu, Tây Ninh, có nhiều lần xe qua tít bên khu chợ trời biên giới Việt-Miên: Tôi mua đường, mua vải, mua thịt, vân vân... Những thứ đó đã bó chặt trong người tôi, có bộ quần áo “sáng tác chiều tác” tinh xảo để che mắt công an giao thông & cán bộ dọc nhiều trạm gác đang lùng sục lục soát tịch thu. Thân thể tôi trở thành tròn vo, mập ú nần ú nù, phì lũ, coi tôi giống mấy mummy Mỹ. Mấy thứ vải vóc, đường cát hoặc thuốc lá thì nó khô, tôi dễ dàng bó trong bụng, làm bà trẻ có cái bụng bầu. Bụng bầu tân thời trong xã hội chủ nghĩa coi ngộ lắm: gồ ghề, lồi lõm, nhô lên sụp xuống, như thung lũng núi đèo Đà Lạt.

Duy về chuyện thịt heo, thịt bò, thịt trâu, thịt dê... ở các chợ miền Nam như Sài Gòn, Chợ Lớn… Đa Kao, Bà Chiểu, Tân Định… hầu như khan rất hiếm thịt, thế nên bạn hàng như tôi ai ai cũng lo chạy đi về miền quê mua thịt cuả dân làng làm lậu, lúc ba giờ sáng. Tôi thu dú bó thịt trong đùi gần sát tới háng, mà qua mắt công an cán bộ.

Bó thịt vô gần bên háng, thật là một cực hình, ngứa ngáy, khó chịu, sột soạt, bực bội vô cùng! Tôi đi đứng cấn cái vì “cục đùm” cứ lắc la lắc lẽo, dềnh dàng như kẻ mắc bệnh lậu, bệnh tiêm la, sa bọng đái …chi chi đó. Có nhiều lần vào buổi trưa trời nắng chang chang, mà tôi bó hai miếng thịt heo, thịt ba chỉ, mỗi miếng độ chừng một kí lô, để rón rén qua trạm gác, tôi lum khum cúi cúi liếc liếc, lưng đi lòm khòm, làm bộ rên rĩ như bà già đau quặng bụng muốn mắc ị.

Nhưng trong ruột tôi sôi lọc ọc, rổn rảng... có thể tên cán bộ đứng xớ rớ gần bên nghe bụng tôi đánh lô tô rột rột, thì ông ta nghĩ rằng: "thứ dân đen đói rách nên sôi ruột, thèm ăn í mà". Thời buổn nầy đói khát là chuyện thường, chuyện nhỏ, ông có nghĩ như thế thì cũng đúng thôi. Mồ hôi cha mồ hôi con chảy ròng ròng. Tôi chỉ sợ hai cục thịt quấng ni lông ở hai bên đùi không chặt, dù tôi đã lấy sợi lòi tói cột siết vô đùi rồi. Do nóng và mồ hôi hột vã ra như tắm, (vì run sợ đủ thứ chuyện) thì thịt thà và sức nóng của Trời ban, cộng với sức nóng từ thân thể tôi tỏa nhiệt ra, thịt trong bọc ni lông sẽ lầy lụa, trơn tuột, mà rớt tỏm xuống đất trước mặt “công an bạn nhân dân”. Thì thịt mất, tiền không có, thêm tội: Tôi mang đồ quốc cấm “lên làng lén lút, lừa lũ lục lâm làm lợn lậu”, thì a lê hấp tôi vô tù mút mùa. Ôi! nghĩ đến điều ấy khiến mình quá sợ hãi.

Nhưng mười tháng qua, sau những chuyến đi buôn ấy tạm suông sẻ, thì họ đã phát hiện ra “bọn bà bầu” cái tội lừa. Vì ngồi trên xe đò có chừng mười lăm phụ nữ, thì đã có tới tám chín chị có cái “bầu tâm sự to bự sư”. Những thứ mánh mung gian trá đó, tôi đã học được ở xã hội chủ nghĩa từ ngày bắt đầu có cách mạng thành công. Ngỏ hầu tôi có thể qua mắt họ, đem lên Chợ Lớn, chợ Bến Thành, chợ Tân Định… bán, ở những nơi nầy nhiều nhà giàu dư dật tiền bạc, mà thiếu thịt thà, tôm cá; thì mình bán có lời gấp bốn năm lần tiền vốn. Con buôn ai không ham! Người dân ở thành phố còn giàu, có sẵn tiền, họ thèm và ưa ăn thịt, ăn tôm tươi, cá tươi. (Nói đến chuyện buôn tôm cá tươi, cũng có lần tôi làm cái "mánh" bó tôm cua trong người, ui trời quơi! Nó tanh và hôi đến nôn mửa! Sau đó tôi đành "bỏ cuộc chơi", đành trở lại nghề cũ, nghĩa là tiếp tục "bó hàng hoá" vô trong người mà đi buôn lậu)! Nhưng hàng hóa luôn thiếu thốn, thịt thà nào thấm vào đâu giữa thời buổi gạo quế củi châu. Cơ khổ thân tôi làm không thiếu thứ gì, (trừ chuyện “ăn nằm”) miễn là có tiền đem về nuôi gia đình. Tôi phải tận lực vắt cạn kiệt sức lực:

Thứ Hai em phải đi làm.
Thứ Ba em cũng vì làm phải đi.
Thứ Tư làm việc nên đi.
Thứ Năm càng phải vội đi để làm.
Thứ Sáu em cũng phải tham.
Thứ Bảy bận quá vì làm phải đi.
Chủ Nhật thủng thẳng nghĩ suy.
Ở nhà buồn quá có khi... đi làm. (1)

Thời gian khá lâu sau… chúng tôi chia phiên nhau đi thăm nuôi chồng bị tù tội vì bốn chữ... “học tập cải tạo”. Thật ra, chúng tôi mừng rỡ đùm túm gói ghém những gói quà tẻo teo khiêm nhường, dỡ tệ đến mắc cỡ, do cả nhà nhịn ăn nhịn mặc vất vả nhọc nhằn đến thế, mà khó có tiền dư để thăm nuôi tù thường xuyên.
*

Tình Hoài Hương

(1) = Thơ Bút Tre
(2) Sưu tầm lượm lặt.

Tinh Hoai Huong
05-31-2017, 01:10 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd417/1496192534-fico trthang.jpg

http://hoiquanphidung.com/userupload/img/KhongQuanVietNam_FullVersion (1)_1416186822.mp3
Ông ÁNH còn ngán TUI
NGHỊCH_NHĨ
*

Thưa vâng. Ông ÁNH trên tựa bài viết đúng là ông Nguyễn Huy Ánh cựu tư lệnh Sư-đoàn 4 KQ, một vị Tướng lổi lạc, mà hồi đó có lúc còn phải… ngán tui đấy! Chuyện thật hư thế nào, nói theo kiểu truyện Tàu, xin xem hồi sau sẽ rõ… còn bây giờ thì… : Dường như người Việt (miền Nam) mình trước kia ít khi chịu khen ai, hay vinh danh ai, dù đó thực sự là những người anh hùng tài giỏi khi họ còn đang sống, đang tại chức lắm; đợi chờ chết rồi, mới thấy tiếc rẻ, mới khen, mới đề cao!; có thể vì lòng đố kỵ, có thể vì sợ mang tiếng là kẻ sum xoe, nịnh bợ chăng?

Tôi còn nhớ trong quân đội VNCH dạo ấy có biết bao nhiêu vị Tướng, thế mà có mấy ai được báo chí, truyền thanh, truyền hình đề cao vinh danh? phải chăng đó là là một khuyết điểm của mình? nếu có, ít ra cũng làm cho binh sĩ, dân chúng lên tinh thần khi được một ông Sư Đoàn Trưởng… như thế… như thế chỉ huy và trấn giữ vùng mình chứ! Nói nào cho ngay… Ừ mình cũng có đấy, sau trận An Lộc ông Nguyễn Văn Hưng có được vài số báo nói đến! Rồi báo Tiền Tuyến hay Diều Hâu(?) có đề cao bốn vị: nhất Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng là Tướng “sạch”. Trời đất! làm Tướng mà chỉ được khen “sạch” là đủ sao?! Còn cái điểm chánh yếu là cầm quân trước trận tiền sao không thấy nói tới, chẳng lẻ... “nhất tướng công thành” mà không đánh được vài trận nào ngoạn mục à? Còn Tướng Lê Minh Đảo vừa sáng lên ở mặt trân Xuân Lộc, rồi cũng bị chìm theo vận nước…!

Nghĩ tới nghĩ lui thấy mình..."yếu" thật; trong khi ấy bên địch, trong quân đội thì có chính trị viên từ trung, đại dội trở lên để theo dỏi, đôn đốc nâng cao tinh thần bộ đội… ngoài ra họ còn có thêm cái đám binh(địch) vận, dân vận (trí thức, sinh viên học sinh…) …v.v… để lôi kéo, mua chuộc nữa; đánh ta mọi mặt như thế; nên ta… "mệt" là phải!!! Bạn ơi đó là chuyện cũ, còn nay thì ba bốn chục năm đã qua rồi, mà con cháu của chú Hồ vẫn kiên trì… không mệt mỏi tuyên truyền, nhiều lúc vẻ vời để tự đề cao xưng hùng mọi lúc mọi nơi nghe phát mệt; nói theo kiểu văn chương… hiện đại của bọn chúng, thì… “cái đéo” gì cũng ca được; nghe muốn ói!!! Tôi không có thèm nói thêm đâu, nầy nhé:
- Chuyện dũng sĩ tí hon Lê văn Tám tẩm xăng vào người, rồi chạy… u vô đốt kho đạn, hay kho xăng gì đó bên Thị Nghè là xưa rồi, bỏ đi Tám! Mấy năm qua mấy tay “Cách mạng lão thành ” tìm tên tuổi và gốc gác của anh hùng… nhóc nầy để… phong thánh; rồi tự đi đến kết luận là: Hổng có!!!
- Rồi câu chuyện kể cái… dũng của “cháu ngoan bác Hồ” nầy mới dể nể chứ: Có hai em bé chiều chiều đùa giởn trên bờ đê sông Hồng, bỗng hai em thấy có một lỗ rò rỉ của bờ đê phía nước chảy cuồn cuộn, với một tinh thần cảnh giác và nhận thức cao độ, nếu để vậy đê sẽ bị xoáy mòn và đê vỡ; nên một em bèn nằm dài xuống bờ đê đầu cuối xuống nhìn rõ cái…lỗ, và lấy ngón tay bịt lại, còn em kia chạy về thông báo cho dân làng biết!!! Đến khi bà con làng xóm chạy ra cưú đê thì thấy em nầy chết ngộp đúng vị thế ấy… cái ngón tay vẫn còn đang… ém lỗ!

Mấy cháu nho-nhỏ thoạt nghe qua thấy nể quá đi chứ, hãy tưởng như cái bồn chứa bằng xi–măng đang cho nước chảy vào, bị một lỗ mọt nên em phải chồm xuống để lấy ngón tay bịt lỗ lại; trong khi đó nước cứ chảy vào từ từ dâng lên, và em cứ… uống nước thoải mái tới chết thôi; chứ ngón tay vẫn… ém lỗ không rời!!!. Có lý quá mà! Còn mấy người lớn hiểu chuyện lại cười thầm trong bụng: chắc “cháu ngoan” nầy được bác yêu, cho lên chơi phủ chủ tịch (nhà sàn) đến giờ nghỉ trưa cháu quanh quẩn bên ngoài, và vô tình nhìn qua khe vách nứa thấy bác Hồ đang dùng ngón tay mò tìm… ém lỗ bà Nông thị Xuân, hay mấy cô hộ lý, nên cháu cứ in trí và noi gương theo chứ gì!

Nhưng mà mấy cái chuyện đó thuộc loại xưa rồi …Diễm! Cái chuyện nầy mới ràng ràng có in trên tờ nhựt trình Tuổi Trẻ ngày 16 /06/2007 trong đề mục “kể về bác Hồ” ở hội thi, có giải thưởng như sau: “…(trích nguyên văn): Một trong những thí sinh cao tuổi nhất, là thiếu tướng Nguyễn văn Ninh nguyên phó cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu, 77 tuổi, kể câu chuyện xúc động về bác Hồ, mà ông được trực tiếp chứng kiến vào mùa hè năm 1967 khi Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc. Bác thương những chiến sĩ phòng không trực chiến mà không có đủ nước uống nên dã tặng toàn bộ số tiền tiết kiệm 25.000 đồng (tương đương 60 lượng vàng) cho Tổng cục Hậu cần mua nước uống làm quà cho chiến sĩ phòng không. Thiếu tướng Ninh lúc ấy đang là Tiểu đoàn trưởng tên lửa phòng không, đã được uống nước từ số tiền tiết kiệm của bác Hồ giửa cái nóng 41 độ C và cảm thấy vô cùng xúc động trước tấm lòng của Bác..”

Đấy ai muốn tin thì cứ tin và ai chưa hề biết Việt Cộng là gì thì cũng nên tin… thử một lần cho biết! Còn tôi cho rằng: Gớm! cho ông phó Cục, như vậy mà cũng ráng… “ngoéo” vô khen cho được mới tài..! Nếu gặp ông “Bải trưởng” (thì lớn hơn Cục là Bải chứ gì nữa!) thì tình tiết có phần hấp dẫn hơn… như:
- Các đồng chí và đồng bào biết không?, có hôm nọ Bác dang đứng chuyện trò với một ổ phòng không thì bọn giặc Mỹ bay đến bỏ bom, Bác vẫn gan lì ngồi tại đó, để động viên các đồng chí đội phòng không đang bắn chống trả, đến khi bọn Mỹ hoảng sợ bỏ chạy hết. thì lúc ấy bác mới phát hiện ra là mình bị… chột bụng, mà trong lúc khẩn trương phải ở tại đấy cho bộ đội lên tinh thần, nên… “mọi thứ” nó vải ra trong quần…! mà thưa các đồng chí và đồng bào, quả Bác là bậc thánh, nên tôi… chỉ ngửi thoang thoảng một mùi thơm thôi quý vị ạ!

Rồi nay mai có thể mấy bà cụ còn sẽ nghe:
- “Mẹ biết không, đồng chí ấy là dũng sĩ, anh hùng lắm, trước kia ở trong binh đoàn đặc công, một mình bò vào đồn địch giết được 5,6 tên giặc, và cả chục tên đồng bọn tay sai đàn bà, con nít; chẳng may đồng chí ấy bị một tên địch “hèn nhát” bắn trúng vào đầu ; nhưng mẹ biết không… đồng chí ấy vẫn anh dũng, hiên ngang... nằm chết tại đấy, chứ không thèm chạy đi nửa bước nữa đấy !”

Y chang kiểu như lời một anh bộ đội người thiểu số từng tuyên bố trước đám tù:
- “Lói cái rì... miễn có nợi cho Đảng và Nhà lước, nà tôi lói, dù lói náo cũng được!”
Biết mà:
Chúng mầy mở miệng cứ xưng hùng
Ong-ỏng ngày đêm riết phát khùng!
Kho đạn là nơi bây được… đẻ
Nên giờ mặc sức… nổ lung tung!

Bây giờ đã đến lúc chúng ta cũng cần ghi lại những sự thật, người thật việc thật... cho những thế hệ mai sau thấy rằng: người VN, tuỳ theo vận nước có lúc thịnh suy, nhưng anh-hùng, hào-kiệt thời nào cũng có…! Và sống bên Mỹ nầy, nhận ra được cái hay, cái thực tiễn của người Mỹ, nên tư duy của mình có thay đổi, và như quý vị thấy bây giờ mới có những buổi vinh danh, hoặc nhớ ơn những người còn đang sống: những khoa học gia, văn sĩ, nhạc sĩ, những nhân vật nổi tiếng có đóng góp, và giúp ích cho cộng đồng .v.v... đặc biệt ngày Mẹ, Cha… được ghi trong lịch Ta để mà nhớ nữa đó!

Thôi thì như vậy cũng là hay, cũng là tiến bộ; dù hơi trễ, nhưng có vẫn hơn. Theo khuynh hướng đó, tôi xin viết ra đây những nhân vật trong Quân-chủng KQ mà tôi rất kính nể; tiếc thay cả ba vị đã không còn tại thế, nhưng những việc làm của nhũng vị ấy, sao tôi cứ nhớ mãi …và trong ý thức, trong lòng cứ thôi thúc tôi phải viết ra:

1./Anh hùng bị lãng quên:

Dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho trưng bày một chiếc máy bay ở ngoài Saigon cho dân chúng coi. Anh là một Hạ sĩ quan của KQ đứng bảo vệ và trông coi khu đó! Bọn khủng bố Việt Cộng đã ném lựu đạn vào trong lúc dân chúng đông đảo đang bu quanh chiếc phi cơ, kết quả lựu đạn nổ và anh đã hy sinh! Nếu nghe đến đây thì một quân nhân chết trong lúc thi hành công vụ là chuyện thường tình của người… khoác áo chinh y, chưa thấy được hết cái ý nghĩa của chữ “hy sinh” và “anh hùng” ! Suy nghĩ một xí và xét lại đi: - Trong tình huống xảy ra như thế, với một phản xạ tự nhiên của con người bình thường khi thấy quả lựu đạn sắp nổ, thì nằm sát đất ngay, có thể không chết, nếu bình tĩnh hơn thì lẹ làng chụp quả lựu đạn ném ra xa… ; còn Anh đã có dòng máu anh hùng trong huyết quản, nên trong thoáng nghĩ suy anh đã nhào vô nằm đè trên quả lựu đạn, để trọn tấm thân anh chịu sức công phá của quả đạn, tránh sự sát hại lớn lao cho đồng bào ! Đúng là anh dành lấy cái chết cho người dân hiền hoà , vô tội sống!
Vì sự an nguy của người khác; không một chút đắn đo thiệt hơn, anh dám đem cả mạng sống của mình để bao che, bảo vệ ; như vậy chưa đủ gọi là anh hùng để người đời nhắc nhở và ghi tạc sao?!! Tiếc rằng thuở ấy tôi chưa vào lính, nên không nhớ tên vị anh hùng và ngày giờ chính xác!

2./Ông Tướng Nguyễn Ngọc Loan

Nhìn qua vóc dáng của ông Loan thì ông cũng cao ráo, còn gọi là có đẹp trai, hấp dẫn , oai phong hay không thì, theo tôi, ông cũng… “thường thường bậc trung” , lúc còn làm Tư lệnh phó KQ, khi đến dự party của các PĐ tổ chức, ông thường mặc bộ trây-di lè phè bỏ ngoài, chân mang giép nhật (bây giờ là giép lào) , trước mặt thường có chai la de loại lớn (bia cao)…
Tôi nhớ lúc ông qua làm Giám Đốc An ninh quân đội,năm 1965 tôi có dịp lái Trực Thăng H34 chở ông đi ra Hàm Tân, khi vào dinh Tỉnh Trưởng thì có điện thoại từ Trung Ương gọi ra, đầu dây bên kia nói gì tôi không rõ, chỉ nghe ông trả lời:
--Em đang bận ra thăm… “sức khoẻ” ông Tỉnh Trưởng một chút rồi về!
Nghe thế, ông Tỉnh trưởng cười cười nhìn ông có vẻ hơi “nhột”, bởi cái gì mà dính líu đến An Ninh là phiền hà lắm. Cỡ hai giờ sau phi hành đoàn theo đoàn xe ông ra về. Tụi tôi lên đề máy con- trâu- già H34 , hai ba lần mà nó không nổ, mà thưa quý bạn, nhớ cho nếu đề hoài cỡ 5, 6 lần là Battery là plat, hết hơi bình còn chết dở nữa, nên phải nghỉ một chút cho không ngộp xăng rồi đề lại. Ông Loan còn đứng dưới đất kêu lên “chọc quê” :
- Ê , tụi bây phải cần tao dán mấy tờ giấy $ 500 lên đây, nó mới nổ chắc!
Chưa chi mà Ổng thấy cái .. “Tẩy” hết trơn! Sẵn đây khai luôn cho quý anh các ngành khác biết, dân Trực Thăng chở VIP bên dân sự thường là được… “ăn theo” mấy Ông Bự lắm; khi về lại có thêm được bao thư lì xì, có nhiều lúc rất là hậu hĩnh, nếu gặp được mấy ông “Phụ tá đặc biệt”…! Tất cả những cái đó là tuỳ lòng… hảo tâm, góp… “công đức”của chư vị ấy, chứ anh em Trực Thăng không có mặt mũi à nghe! Cũng may chiếc trực thăng nghe thế, nó sợ làm bẽ mặt mấy bác tài, nên đề máy lại lần nữa, là nó chịu nổ…

Một lần thứ nhì, ông Loan làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát, tôi có chở ông đi xuống Ty Cảnh Sát Mỹ Tho, Bến Tre trong những ngày cận tết năm Mậu Thân, sở dĩ tôi nhớ vậy, vì ông có nói mở đầu trước quan quân Cảnh Sát: Năm nay là năm Mậu…xì, nên không có lì xì gì hết... Qua vài kỷ niệm trên thì cũng tầm thường, nhạt nhẽo, đâu có gì đáng nói, và nếu cuộc đời bình thản như vậy thì sao rõ mặt anh hào? làm sao lộ những điểm để tôi thấy kính nể, khâm phục vị Tướng nầy được.
Có thể cái nhận thức của tôi còn nông cạn, tầm nhìn hạn hẹp, nhận xét chưa sắc bén và phiến diện; nên không tạo được sự đồng thuận ở một số người… Nhưng tôi thấy nổi bật nhất trong đời binh nghiệp của ông qua hai sự việc dưới đây:

A.- Biến động miền Trung:
Hãy để chuyện chính trị qua một bên, không bàn đến phía nào sai trái trong thời gian đó, mà chỉ xét về ông Loan trong vụ nầy: Tình hình miền Trung lúc ấy thật là phức tạp, hổn lọan, Phật giáo thì đem bàn thờ xuống đường, quân đội thì chia rẻ, có cả một lực lượng khá đông quân sĩ có cấp chỉ huy, đứng về phe chống đối chánh quyền Trung Ương, kèm theo trong bóng tối có sự thao túng giật giây của bọn Cộng Sản…! Nghe nói Trung Ương có đưa một vài vị Tướng bên Bộ-binh ra để dẹp loạn, mà không biết lý do gì mấy ngày sau đó vẫn nguyên trạng, và có mòi trầm trọng hơn. Giờ chót ông Loan được cử ra dẹp loạn! Kết quả sóng tan, biển lặng!

Tôi thấy phục ông Loan ở chỗ là:
- Một Sĩ Quan cao cấp KQ, một Sĩ quan chuyên ngành có bao giờ điều binh khiển tướng cở cấp Trung đoàn, trực tiếp ra trận đâu, mà ông làm nên việc? Ngược lại trong khi các vị khác đã là cấp Tướng mà làm không xong vụ nầy!
- Ông có một cái nhìn tổng quát và nhận biết đâu là yếu điểm của nhóm phản loạn, đâu mới thực sự là đầu nảo điều khiển vụ nầy, nên vạch ra một kế hoạch hành động hữu hiệu!
- Về mặt chiến thuật, ông biết phải móc nối ai và đơn vị nào để làm hậu thuẫn, và ông biết chọn, tin dùng người có khả năng để kết hợp và phụ giúp ông trong vụ nầy!
Mới nghe qua thấy đơn giản, nhưng thực sự những vị Tướng tài mới có được cái nhãn quan và đầu óc ấy mà thôi! Không dễ!!! Đó là vụ việc thứ nhất tôi nể phục ông, còn vụ thứ hai:

B.- Vụ Tướng Loan “bụp” tên đặc công bảy Lốp:
Trong chúng ta chắc ai cũng biết vụ Tướng Loan bụp tên VC Bảy Lốp trong năm Mậu Thân, nên tôi xin miễn tường trình! Chính vụ nầy với bức hình do Adams(?) chụp, mà người thì nên danh, được giải thưởng cao quí của báo chí, còn người thì mang tai tiếng và thân bại danh liệt!!! Về mặt nghề nghiệp, thì ông phóng viên ấy không có gì đáng trách, mà còn trái lại; và tấm hình đó cũng là cơ hội bằng vàng cho đám truyền thông thân Cộng đả kích ông, và chế độ VNCH (tôi không muốn dùng từ phản chiến, không đúng). Nhưng cũng chính nó mà tôi lại càng thương mến, cảm phục kính nể Tướng Loan hơn; đồng thời mang thêm nổi uất hận …. mãi đến nay; xin được tỏ bày:

@ Phải nói thẳng rằng ở ngoài mặt trận khi bắt được địch quân (không phải là hàng binh), cả quan và quân bên Bộ Binh “rửa cẳng” bọn nó là chuyện thường tình, lý do họ đang nổi nóng vì thằng bạn vừa mới trúng đạn chết tươi sau khi vừa ăn chung bịch gạo sấy với hộp thịt ba lát không lâu ; hoặc họ nói giam giữ nó làm gì tốn cơm, nuôi ăn cho mập, khi thả ra, lại ôm súng bắn lại ta nữa!
Còn bên KQ dù anh có thả một quả bom tan xác cả chục tên giặc, hoặc mấy anh gunship có xịt rocket và xả súng mini gun giết hàng loạt quân địch đi nữa, nhưng tôi dám chắc rằng không có anh KQ nào có gan mà chỉa ru-lô vào đầu tên VC bóp cò, như ông Loan đâu! Đó là điểm đầu tiên khác biệt mà tôi nể ông Loan (xin nhấn mạnh lại, đó là thời trước 75, chứ còn bây giờ khi đã thấy được cái tàn độc của VC đối với dân chúng ra sao rồi, và ai đã có thêm ân oán nữa, thì đâu cần đợi súng đạn làm chi lâu lắc ; búa, xẻng… dùng ngay để “dứt điểm” cũng gọn, thật dễ dàng!)

@@ Không cần phải là một nhà tâm lý học, ta cũng thấy ngay sự phẫn nộ ấy bắt nguồn từ tấm lòng, tình thương yêu của ông với thuộc cấp, một sĩ quan cảnh sát và toàn gia đình vừa bị chính tên đặc công Bảy Lốp sát hại.
Ông Loan hành động theo cảm xúc chân thành phát xuất từ con tim, chứ không đắn đo suy nghĩ cái hậu quả dưới ống kính của đám ký giả đang bu theo! Dĩ nhiên là ông hiểu chứ! Nhưng tình thương và tấm lòng của ông đối với thuộc cấp đã lấn át tất cả, nên ông cũng không cần cân nhắc cái thiệt hơn, lợi hại cho danh tiếng và bản thân ông.
Tướng Loan cũng không phải là con người nham hiểm, độc ác. Nếu là người thâm trầm hiểm độc thì giải quyết như vầy, chắc được khen, nghĩa là không vội gì giết tên đặc công khát máu nầy ngay, mà phải đích thân chứng kiến lại tấn tuồng mới… “đả nư” chứ ; phải ngồi trên ghế nệm da đàng hoàng, tay cầm ly rượu mạnh nhâm nhi, miệng ngậm xi gà nhả khói… đợi chờ, chờ bắt mang về cả vợ và mấy đứa con hắn đang sinh sống tại vùng Phú lâm chứ đâu; rồi bắt buộc hắn phải dích thân, chính tay hắn giết vợ và con hắn, như kiểu hắn đã sát hại toàn gia của anh sĩ quan cảnh sát; để cho hắn thấy cái đau khổ của người vô tội như thế nào, rồi hắn mới được chết!
Bởi vậy mới thấy quân dân miền Nam hành xử quá bộc trực ngay thẳng, nặng về cảm xúc đầy ắp tính nhân bản; khác hẳn tư tưởng và đường hướng có kế hoạch sẳn của con người VC mà chúng ta nghe ra rả trên đài phát thanh:
- Một trong những lời bác Hồ dạy:
- Phải “cương quyết” với kẻ thù.
Quyết liệt và đẹp đẽ thay chữ "cương quyết", nhưng cũng "ghê rợn" thay cái ý nghĩa ẩn tàng của chữ nầy!

@@@ Thuộc cấp mà thấy được sự yêu thương chí tình, hết lòng của cấp chỉ huy không bằng “đầu môi chót lưỡi” , màu mè; thì đáp lại họ có sá gì gian khổ, hy sinh chứ! Nếu vị Tướng mà biết tiếc từng mạng sống của mỗi người lính, thì họ sẽ không bao giờ thí quân, không bao giờ muốn đạt mục tiêu với bất cứ giá nào, để được danh tiếng trên hàng đống xác thân của binh sĩ mình! Chỉ bao nhiêu điểm trên cũng lộ ra cái phẩm chất và bản lãnh, đáng nể phục vị Tướng nầy; dâu phải ai cũng có được đâu!

@@@@ Dư luận dạo ấy hay nói đúng ra là giới truyền thông gây trong tôi sự bực tức và niềm uất hận không nguôi! Đám ký giả ngoại quốc thuộc loại có tên tuổi mà thân Cộng bu nhau đã kích ông Loan và chế độ ta, trong khi đó các phóng viên ký giả miền Nam thì im lặng khó hiểu! Tôi xin mở ngoặc nói về chữ “phản chiến” mà bọn ký giả thân Cộng xử dụng và tự nhận! Một danh từ mỹ miều! Đúng là chúng khôn ngoan và xỏ lá hết sức; cho nên đến tận ngày nay hể nói đến "phản chiến" là thiên hạ nghĩ ngay đến bọn chúng, chứ họ không gọi bọn chúng là Thiên tả hay thân Cộng! Tôi thấy không đúng! Như vậy nếu đả kích hay chống bọn đó, hoá ra mình là người "hiếu chiến" sao?! Nhìn lại chiến cuộc VN, thì ai gây ra chiến tranh? Đâu phải Mỹ! Mỹ chỉ vào phụ giúp ta sau nầy thôi, chứ nguyên thuỷ là do CS Bắc Việt mà! Như vậy quân dân miền Nam là người phản chiến mới đúng, mới chính xác, mới thuận ngôn chứ! Xin tạm đóng ngoặc lại.

Trở lại vụ Tướng Loan, đám ký giả không phải là dân VN không có được cái tình cảm, thấm thía được nổi khổ đau của miền Nam, họ không nằm trong chăn làm sao biết được chăn có rận ?? nên họ cóc cần biết gì, hơn là chỉ dựa vào bức hình và theo sách vở Hiến Chương Liên Hiệp Quốc để mà nhục mạ phía ta mà thôi!

Nhìn lại, tìm xem các ký giả quốc gia miền Nam ở đâu, mà không thấy một bài để bênh vực, hay phân tích cái lý, cái tình ở đây? Chẳng lẽ trong nền báo chí miền Nam đã bị VC trà trộn vào quá đông, đủ khả năng điều hành và lủng đọan, chỉ đạo khoá mồm, khoá tay hết rồi sao?
Hay chư vị cũng có nhận thức và lý lẽ quá cao siêu, nên mới im lặng đồng tình với bọn thân Cộng? Hoặc giả quý vị cảm thấy… “khớp” trước những ký giả “lớn” có tên tuổi của ngoại quốc; nên bị… đớ lưỡi, cóng tay, không viết nên lời?! Còn tăm hơi của quý vị ký giả lão thành, những nhà bình luận, và những chính khách đã từng lừng-lẫy, dạn-dày trên trường văn trận bút đâu rồi? sao quý vị không lấy cái thành tích thảm sát tập thể Tết Mậu thân ở miền Trung có sự đồng ý và chỉ đạo của đám chóp bu VC, một bằng chứng còn ràng ràng ra đấy, cũng đủ để… “đập vào mặt” bọn chúng, chứ cần gì phải trích dẫn “những ý, những lời” bằng tiếng Tây tiếng U, cho ra vẻ thông thái như thường thấy làm chi cho mệt!!! Thật lạ lùng tôi cứ hỏi: vì sao? vì sao?

Sau nầy tôi lợm giọng khi thấy mấy ông “nhà báo” có sáng kiến là lập ra nhóm…“ ký giả ăn mày” nữa chứ! Đúng là vận nước suy tàn nên quỷ vương dậy! Một số khá đông trong nhóm nầy mặc áo rách rưới, cầm gậy ăn mày mặt tươi cười khoa trương thanh thế lắm mà; thế lúc trước không có một sáng kiến nào để phản-biện lại đám ký giả ngoại quốc thân Cộng sao? Chẳng lẽ Cộng Sản len lỏi vào báo giới mà đông đến thế à??? Ai cũng nhìn thấy quý vị đã góp một bàn tay xô chính quyền miền Nam sớm sụp đỗ đấy! Không biết khi đi "tù cải tạo", trong tờ tự kiểm quý vị có kể và khoe công trạng là: << dù sống và ăn cơm trong chề độ đó chứ… chúng em không hề làm gì có lợi cho chúng cả, dù một chút nhỏ nhoi; trái lại chúng em đã ngầm tham gia cách mạng như trong vụ…, trong vụ…>>

Viết đến đây, nếu anh linh của ông Tướng có đọc thấy và hỏi:
- “Thế thì lúc đó sao mi không viết ra, mà mãi đến bây giờ mới nói-thánh, nói-tuớng hử ?? ” Xin thưa lúc ấy tay chân tôi quen cầm cần lái, bóp cò, chứ đâu được cầm viết; hơn nữa nếu có viết chắc gì báo nào chịu đăng đâu. Ông!

Thật buồn, ngậm ngùi, và thấu hiểu nỗi cô đơn trong một dũng Tướng! Mãi đến gần đây khi ông lánh xa trần thế... mới thấy có một bài viết của nhà văn Phạm Phong Dinh với tựa: Một con Sói già cô đơn(?). Có muộn màng nhưng chắc ông ấm lòng vì có người hiểu ông! Tôi, một thuộc cấp KQ hàng hậu bối, xin đốt nén hương lòng tưởng nhớ đến ông, và thầm mong ông vẫn còn niềm tin yêu, và hãnh diện nơi hàng thuộc cấp KQ của ông. Xin nhấn mạnh chỉ hàng thuộc cấp KQ của ông thôi nhé!

3./ Ông Tướng Nguyễn huy Ánh:

Thực lòng mà nói tôi chỉ nghe lời khen hoặc sự thán phục của rất nhiều người, chứ tôi chưa hề nghe một lời nào than phiền hay chê bay ông Ánh cả! Những bình phẩm ấy với tính cách truyền khẩu rất nhiều, nghĩa là trong lúc chuyện trò với nhau, hể có việc gì dính líu đến ông Ánh, là họ khen ông nào là: đã làm như vậy… giải quyết như vậy…v.v…

Trong chương trình học Tham Mưu Trung Cấp KQ, học viên phải có 2 bài viết: một ngắn 1200 chữ, một dài 3000 chữ. Tôi có nghe một sĩ quan học viên có viết một bài mang tựa: "Ông Nguyễn Huy ÁNH, Nhà lãnh đạo tài ba"! Xin nói rõ đó là chữ “lãnh đạo”, chứ không là “chỉ huy” nha! Tôi không đọc bài đó, nhưng tôi tin chắc tác giả có đủ chứng cớ xác thực, lý lẽ hùng hồn, nhận xét sắc bén, mới dám viết một bài như thế trong lúc ông còn tại chức, và các chứng nhân cũng còn sờ sờ ra đấy!

Kính mong tác giả trên, tình cờ đọc qua đây, xin vui lòng phổ biến lại bài viết đó, và những vị khác hãy kể ra những nét đặc sắc mà quý vị biết về ông ÁNH, để cho mọi người thấy được đó là những tia hào quang của vì sao sáng chói nầy! Phần tôi còn nhớ như in ông có nước da ngâm ngâm đen, dáng người trung bình tầm thước, trầm tĩnh hấp dẫn và thu hút người nghe! Mắt một mí, nói chuyện với người lạ ông thường nhìn hơi nghiêng và hơi…. “nghinh” lên một tí! Bởi vậy lúc mới về Phi đoàn 211 (Thần Chuỳ) do ông làm Chỉ Huy Trưởng PĐ, tôi đùa, nói lén với mấy anh “Chuẩn Uý sữa” như tôi:
- Ông nầy mà đi ra đường, vô phòng trà, hay tiệm kem, mà nhìn người ta nghinh nghinh như vậy, là dễ có “oánh lộn” lắm nghe!!!...

-*** Ông thuộc hàng thiện xạ về súng Colt! Người ta nói ông lắm tài, mà thứ nào cũng bậc Sư cả! Nghe kể ông Phước (Nùng), tay thiện xạ đoạt giải Đông Nam Á(?) cũng phải nhìn nhận khi thấy ông Ánh dùng Colt bắn trúng đầu con chim cu, không phải chó ngáp phải ruồi à! vì tiếp theo là những lon bia, sữa bò cũng bị tung lên sau mổi phát súng, như thế mới được xác nhận là thiện xạ chứ!

-***-Vỏ nghệ thuộc hàng cao thủ, thượng thừa; cả bà Ánh cũng không phải tầm thường !(Lại ) nghe kể lúc trẻ (chắc lúc ông còn cấp Uý) hai ông bà vào hồ tắm Chi Lăng bên Gia Định, có mấy tên cao bồi chọc ghẹo, và ném nắp chai bia vào người, thật không ngờ với vóc dáng đào tơ liểu yếu, mà một mình bà đã ném 4, 5 tên du đảng xuống hồ tắm!!! Sau nầy khi ông làm KĐT ở Bình Thuỷ, sáng sớm hai ông bà đều ra sân Tennis tập kiểu vỏ gì... mà trông rất nhẹ nhàng như rồng bay phượng múa vậy! Trong một buổi biểu diễn võ thuật Đại Hàn và Judo, Vovinam… có anh TNĐ đã có đệ nhị đẳng huyền đai Tai- won- đo biểu diễn sao đó, mà nghe bà nói nhỏ, bình phẩm:
- Anh Đ có ham mê võ nghệ, nhưng mà thiếu căn cơ!

Còn ông, lúc còn làm Chỉ huy trưởng Phi đoàn, cấm cờ bạc; mà mấy cha Sĩ quan và Hsq thường hay trốn vào phòng bỏ trống đánh bài, khi ông đứng chận cửa là không có... ma nào dám chạy ra trốn tránh cả!!! rồi sau ông có bắt nhân viên đơn vị chiều chiều ra học võ Thiếu Lâm do ông dạy nữa, cũng vui! Về sau (cũng) nghe ông cùng học chung hay được Đ/tá Chức (bên Pháo, Bộ binh) truyền lại môn võ gì, mà để mấy ngọn đèn cầy từ xa, đánh một phát hơi gió làm tắt phụt đèn, và ông để bàn tay trên thau nước vận công làm cho mặt nước chao lên, kiểu như “Đả ngưu cách không” trong truyện Kiếm Hiệp! Đó là những gì tôi nghe từ những người đứng đắn, đáng tin cậy kể lại nên tui cũng ghi ra cho chư vị biết thôi, chứ tôi không có cái may chứng kiến tận mắt, thì làm sao dám bảo đảm đúng 100% được, phải không?

***Về bay bổng, ông Ánh đúng là bậc sư trong nghề Trực Thăng. Lúc xưa khi bay huấn luyện để nâng cấp cho các hoa tiêu trong Phi Đoàn, ông thường dợt và dạy cho đám pilot học trò làm auto nhiều kiểu lắm (xin giải thích cho quý vị khác ngành biết, auto là nói tắt chữ autorotation là tự động quay, nghĩa là coi như máy tắt, máy bay rớt, hoa tiêu khéo léo điều khiển máy bay dựa vào cánh quạt còn đang quay làm sao mà đáp được trên mặt đất an toàn) nên auto coi như "môn võ Trấn sơn" của dân Trực-thăng, ngón nghề ruột để phòng thân! Trong buổi họp PĐ hằng tuần ông thường nhắc nhở các anh em khi đi bay về, nên dợt làm auto vài cái, cho nó quen, cho nó nhuần nhuyển! Riêng ông hay dợt và làm cú auto như thế nầy: bay ở độ cao 500 600 feet (càng thấp càng khó) trên một miếng ruộng ô vuông, càng nhỏ càng tốt cho sự chính xác, đang bay cở 80 knots, giảm tốc độ lại còn 0=Zero knot ngay trên miếng đất nhỏ ấy, rồi cúp ga coi như máy tắt, nhanh nhẹn chúi đầu lấy tốc độ, rồi flare cho máy bay đứng lại và rớt ngay chóc trên thẻo ruộng nhỏ ấy là ăn tiền! Thiệt là... hết sẩy, khi máy bay nằm trong tay ông cứ êm ái nhẹ nhàng, dễ bảo như một cừu non! Nếu pilot mà lão luyện trong việc nầy; lúc đang bay độ cao vài ngàn bộ (hoặc cao hơn còn dễ, càng ngon nữa) trên một cánh rừng già, bị máy tắt, thì chỉ cần nhìn thấy một lỗ nhỏ nào đó, là pilot ấy có thể dư sức thảy lỗ, nghĩa là đưa máy bay vô cái lỗ đó dù có… “bót” một chút cũng chả sao, và vẫn sống hùng sống mạnh như thường!

Trên đây coi như những món… ăn chơi về ông mà thôi ! Chứ theo tôi đây mới là những… “ tinh anh lộ ra ngoài” của một vị Tướng! Từ lúc còn là KĐT ở Bình Thuỷ, tôi để ý nhận thấy ông Ánh thường giải quyết mọi chuyện dù nhỏ nhặt, đến nơi đến chốn.Theo lệ thường mỗi sáng ông thường chủ toạ một buổi họp tại Liên Đoàn tác chiến, sau khi nghe báo cáo tình hình thời tiết và quân báo, kế đến là một sĩ quan của một phi đoàn nào đó lên nói một đề tài (có lẽ tập cho sĩ quan quen ăn nói trước đám đông?) và sau đó đưa ra một biện pháp giải quyết, hay thắc mắc đều được ông giải đáp thoả đáng, hoặc chỉ thị cho phần sở liên hệ thi hành, và ông có theo dõi kiểm tra giám sát đàng hoàng.

-- Chỉ có ông mới là cấp chỉ huy đầu tiên hiểu và lo vấn đề cơm nước cho Trực Thăng. Các anh bay fixed wing thường xong một phi vụ là về nhà, hoặc đi câu lạc bộ ăn uống nghỉ ngơi. Còn hợp đoàn Trực thăng bay đổ quân hàng chục chiếc, có khi phải bay liên tục không nghỉ từ sáng đến chiều tối (hành quân trực thăng vận, diều hâu) làm gì có đủ xe để chở 4,5 chục mạng ra phố ăn cơm ; nên ông có sáng kiến: CLB hằng ngày phải lo cơm nước cho vào gà-men, đến trưa có một chiếc tàu mang cơm đến cho đoàn đổ quân.Việc ấy giúp cho anh em Trực Thăng khỏi phải cơm hàng cháo chợ thất thường, có thời gian ăn uống nghỉ ngơi!

- Sau khi kiểm tra và tính tóan, ông dám cam đoan, bảo đảm cung ứng đủ nhân viên đi hành quân, nên hằng tuần ông có cho 1 tàu chở nhân viên “OFF ” được về Saigon thăm nhà, cứ tuần tự thay phiên như vậy. Phải nói thẳng rằng ông là một cấp chỉ huy của KQ, thông cảm, có thấu hiểu đến việc làm của Trực thăng biết nuôi dưỡng và xử dụng quân!

- Quý anh em bay fixed wing ít khi có va chạm với bộ binh, ngoại trừ việc thả bom trật, hoặc lầm vào quân bạn là bị kiện cáo lôi thôi. chứ còn Trực-thăng làm việc chung đụng hằng ngày với quân bạn nên có… rất… rất nhiều cái phiền phức lắm, mà mấy "ông Bự" bên Bộ-binh coi Trực thăng như một công cụ chỉ biết “xài” mà thôi! Có vài vụ ông ÁNH khi hiểu rõ phải trái và phức tạp của vấn dề; dám đứng ra bảo vệ đàn em tận lực, để khỏi bị mấy Ông Gộc đưa ra toà án mặt trận!
Có một chuyện nho nhỏ mà tôi còn nhớ lúc ông còn là Trung Tá KĐT 74CT, có vài lời than phiền của dân Trực Thăng đến tai ông về việc phải bay ra sân vận động Cần Thơ nằm chờ, túc trực cho ông Tướng Vùng từ sáng đến chiều có khi không bay, mà phi hành đoàn cứ nằm ỳ trên tàu; đến trưa đi ăn mà vội vàng, cũng ngán sợ rũi ro ông Tư lệnh ra đi bay mà không có mặt ở đó, là kẹt lắm…
Một hôm cũng phi vụ như vậy, ông Ánh làm Trưởng phi cơ, còn tôi là Copilot, đem 1 UH ra sân vận động Cần Thơ nằm chờ, cỡ ½ giờ sau, ông Tướng Tư Lệnh Vùng ra, chúng tôi đứng nghiêm ở cửa máy bay chào ông Tướng, viên sĩ quan tuỳ viên nói nhỏ với ông Tướng là:
- Có ông KĐT /KQ đi bay hôm nay.
Ông Tướng chào lại, chỉ liếc mắt không nói gì và leo lên tàu, bay đến Cao Lãnh, ông Tướng lên xe đón đi, mà không nghe để lại lời nào cho phi hành đoàn biết phải chờ bao lâu, đến giờ nào! Chúng tôi lại nằm chờ hơn 2 giờ sau, mới chở ông Tướng bay về Cần Thơ!
Sau đó ông ÁNH kết luận:
- Ông nầy quan liêu quá!
Sau đó ông quyết định là: "khi nào Ông Tướng cần máy bay thì gọi xin theo thủ tục, lúc ấy PĐ mới cho thi thành phi vụ đó, chứ không có cái kiểu cung cấp một chiếc ra túc trực, ăn dầm nằm dề suốt ngày ngoài đó nữa"! Nhờ vậy mà tình trạng có "cải thiện" và được duyệt xét lại, và đó cũng là cái tiền đề mở đầu cho các Tư Lệnh Vùng khác có được biệt phái riêng một Trực Thăng hằng ngày và các bác tài Trực Thăng được cư xử, đối đãi… “phải quấy” hơn! Đó là vài điểm lặt vặt của ông Ánh, thoạt nghe tưởng chừng như rất tầm thường, nhưng đó lại là một đặc tính cần có của vị Tướng, không xa rời cách biệt mà vui khổ trong cái vui khổ của lính! Lối hành xử và việc làm của ông, thấy khác hẳn với mấy ông đã mang Sao rồi!

Mãi đến khi lên làm Sư Đoàn Trưởng, quân nhân mọi cấp từ thấp đến cao cũng không hề than phiền chê trách ông gì hết, mà chỉ nghe khen và khen với kính nể thôi! Tài năng và bản lãnh nắm một Sư Đoàn phải ra sao, mới được Mỹ tưởng thưởng một huy chương cao quý vào bậc nhất năm 1969 chứ! Tóm lại, nhìn lên nhìn xuống, nhìn ra nhìn vào, so sánh các vì sao ; tôi thấy Tướng Nguyễn huy Ánh sáng chói và đáng nể phục về tư cách , đức độ và tài năng hơn cả!

*** Đến đây, chắc quý huynh đệ cũng nóng lòng sao thấy tôi cứ lòng vòng hoài, còn.. “vụ Ông ÁNH... ngán tui” muốn chạy… làng sao đây?
Ờ... ờ... như vậy thì phải giáo đầu sơ vài hàng về chiếc máy bay H34 mới được, vì nó là chứng nhân và có liên hệ vụ nầy. So ra giữa H34 và UH, thì phải nói bay H34 nó mệt hơn và hay, dỡ ở cái tay ga! Cần tay ga nằm bên trái, và vặn lên xuống giống như xe gắn máy vậy. Nó được chỉ trên cái đồng hồ RPM, gồm có 2 kim chỉ: engine RPM và Rotor RPM. Khi bay lên, xuống, hoặc đáp, chở nặng phải điều chỉnh lia lịa, bằng cách vặn ga lên xuống, và đè cần hoặc nhấc lên, làm sao cho 2 kim RPM dính với nhau, và nằm ở mức ấn định, để khỏi bị over boost (hư máy) hay over speed (hư rotor). Cho nên khi pilot bay chung với nhau ; chỉ cần liếc nhìn vào cái đồng hồ nầy khi đáp, hoặc chở nặng khi cất cánh là biết ông pilot đó hay, dỡ liền hà ! Nghe thấy đơn giản vậy, mà cũng tức cười là có một đàn anh, khi bay bình phi không biết đang mơ màng, hay thả hồn thơ thẩn thế nào mà bị over boost (nghĩa là tay cứ nhè nhẹ nâng cần ga lên hoài, vượt quá manifold pressure [=torque bên UH] cho phép, mà không màng để ý đến kim engine tuột xuống) ….

Nhớ lại, tôi về trình diện PĐ 211 (H34) Thần Chuỳ đóng tại TSN, do ông Thiếu tá Ánh là Chỉ huy Trưởng PĐ. Mấy tháng sau tôi được ông Thầy Ánh bay huấn luyện, ông ngồi ghế trái, tôi ghế phải và vùng huấn luyện ở Phú Lâm! Sau hơn một giờ bay tập đáp, cất cánh, làm auto… v.v.. về đáp tại parking Heliport. Tắt máy bằng cách cúp ga, vặn tay ga về phía phải, đồng hồ RPM cho thấy 2 kim tách ra, kim engine RPM từ từ rớt xuống, máy nổ nhỏ ; còn kim Rotor Rpm cũng rớt xuống, cánh quạt quay chậm lại, cần hoà khí Mixture kéo về giữa vị trí Idle, chờ máy nổ về ở mức “ralenti” kéo mixture về “Off”, tắt diện là xong, cánh quạt còn trớn quay chậm... mặc kệ nó. Ngay lúc chờ máy về ralenti đó, ông ÁNH xách nón bay, leo ra cửa để xuống. Còn tôi ngồi đó làm thủ tục tắt máy như lệ thường. Tôi nóng ruột muốn cho máy về ralenti cho lẹ, thay vì vặn ga về phải một lần nữa; mà không biết “ông bà” , “ cô cậu” gì nhập, “hay bị... gì bắt”, tôi lại vặn ngược ga về trái, máy rú lên! Phải công nhận lẹ thiệt, nghe một cái rột, đã thấy ông Ánh ngồi yên vào ghế, Ông Thầy la:
- Cái gì vậy??
- Dạ, bị lộn mép!
- Đừng lộn vậy chớ!

Ổng lại leo xuống và tôi ngồi đó vừa tức cười vừa xấu hổ. Vào phi đoàn ông briefing những điểm còn non yếu trong lúc bay tập, chứ ông không đá động gì cái…"lần lộn" của tôi hết !Dẫu sao đó cũng là một kỷ niệm, tôi làm ông giật mình, và tôi nhớ mãi đến ông Thầy! Rồi lần bay huấn luyện tiếp theo, qua kinh nghiệm trên, chắc ông cũng còn… ngán tui, nên khi về đáp tắt máy, ông vẫn ngồi chờ máy hết nổ, rồi hai Thầy trò mới leo xuống khỏi máy bay! hi hi hi...
Và những lần bay huấn luyện sau đó, chắc ông cũng để tâm, coi chừng hơn vì ông cũng… ngán hành động “sảng”của tôi, không biết đâu mà lường trước được!
Đấy tôi có nói ngoa đâu! Đến đây... chắc có vài vị nói thầm trong bụn : bố khỉ đúng là nghịch (ngợm) nhỉ! làm ta cứ tưởng…!

Thay lời kết:

Thưa quý vị bạn đọc, qua bài viết khá dài thêm những “râu ria” vòng vo... nhưng tựu chung một mục đích là đến giờ đây chúng ta cần ghi lại, cần nói ra những sự thật đáng kính phục, về những người anh hùng, tài ba thật của dân quân miền Nam, để cho những thế hệ mai sau thấy và họ đừng lầm lẫn lạc vào mê hồn trận của bọn cộng sản đa ngôn xảo trá; đang dành lấy và cho rằng chỉ có họ mới giỏi, hay, đẹp mà thôi!

Tôi tin rằng anh linh của Tướng Ánh thấy được tấm lòng và thành ý trong sáng của tôi, sẽ mỉm cười tha thứ cho kẻ bất tài, dùng xảo thuật mượn danh của ông để lôi kéo sự chú ý của người khác, và tôi cũng tin rằng chư hiền huynh, hiền đệ đang mài dao định... “xẻ” tôi, vì tội dám lộng ngôn, phạm thượng uy danh của một vị Tướng khả kính; đến phút nầy cũng thấy hiểu ra và phì cười ném dao đi, thay vào đó cầm bút viết bổ túc những điểm kỳ tài của ông Ánh; mà quý huynh đệ đã gặp, thấy! Mong thay!
*

NGHỊCH_NHĨ

Tinh Hoai Huong
06-07-2017, 03:42 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd417/1496810623-me laodong khocuc.jpg

/uploadpics/mp3_pdf417/1496810757-Sai Gon Vinh Biet Vu Khanh.mp3

“NƯỚC” Mất, thì “Đổi Đời"


Hội. Họp. Hành liên miên… Sau ngày đất nước "đổi đời" 30 tháng Tư... thì liên tục tại thôn Ấp, (nơi gia đình tôi đang trú ngụ), một tháng có ít nhất bốn ngày buộc dân phải đi họp Tổ, nếu không họp Tổ, thì đi họp Ấp: suốt từ năm 75 đến năm 93. Không đi thì lãnh thẹo á. Nhà nước không cấp phát phiếu mua dầu hôi, mua gạo, mỡ, đầu cá, đầu tôm ươn sình, đã đành. Mà dân còn bị phạt đi làm “công tác chùa" điạ phương không tiền công! Ai ai cũng sợ, ban ngày cùi cụi đi làm nông, làm vườn vất vả khó nhọc, ban đêm phải đi họp ở dưới thôn ấp mình, mỗi người mang theo một cái đòn, chiếc chẹ, hay đoạn chiếu cũ! Ai không có, rút dép mòn kê dưới mông, hay ngồi bệt xuống đất.

Phần tôi, do họ biết tôi có chút xíu "trí thức", nên mỗi lần bà Trưởng Ấp đi họp trên thành phố nhà Hồ, hoặc các miền "giao lưu văn hoá" khác, thì tôi phải lẽo đẽo đi theo bà, ngỏ hầu ghi chép khi họ "báo cáo", đi làm “công chùa” mút chỉ cà tha. Họ vắt cạn kiệt sức lao động con người như vắt miếng chanh hết nước. Hôm nay có "bàn hội nghị" tại thành Hồ, trước khi họp, cán bộ chính trị trịnh trọng dõng dạc hô:
- Toàn thể "rân" chúng đứng "nên", để tôn vinh tưởng "liệm" Bác:
Bác Hồ ta thật vẻ vang
Đang từ khỏe mạnh chuyển sang… từ trần (2)

Sau đó từ từ họ chuyển tông sang:
Cùng vào lăng bác đi cầu
nguyện cho thân quyến vừa giàu vừa sang. (2)
Sau đó nữa, cán bộ quơ tay ra dấu cho dân chúng lần lượt ngồi xuống, giải thích về việc bầu bán:
Ta đi bầu cử tự "ro"
Chọn người xứng đáng mà cho vào hòm (2)

Cán bộ chính trị trên thành phố xuống chủ trì (ngoài Bắc vô Nam) ông đứng dậy hân hoan vui vẻ trịnh trọng chống nạnh, nói:
- Hôm "lay" nhà "lước" ta nhiệt "niệt" chào mừng các đoàn đại biểu từ khắp "lơi", đến tham "rự" hội thảo: Trước hết tôi "rới" thiệu:

1.- “Đoàn Việt "Lam" (Nam) ” có rân tộc Thiểu số trên Cao Nguyên vùng sâu vùng xa về:
Lò Văn Tôn.
Cú Có Đeo.
Lừa Song Phắn
Nông Đức Đai
Bạc Cầm Cu

2.- Đại biểu Cộng Hoà Rân Chủ nhân rân Nào (Lào):
Tay Xỏ Mông Thum Thủm
Vay Vay Hẳn Xin Xin Hẳn.
Hắc Lào Mông Chi Chít.

Xăm Thủng Kêu Van Hỏng.
Teo Hẳn Mông Bên Phải.
Ngồi Xổm To Hơn Hẳn.
Đang ị Lăn Ra Ngủ.

Lông Chim Xoăn Xoăn Tít.
Say Xỉn Xông Dzô Hãm.
Ôm Phản Lao Ra Biển.
Cu Dẻo Thôi Xong Hẳn.

Cai Hẳn Thôi Không Đẻ.
Xà lỏn dây thun giãn.
Xà Lỏn Dây Thun Lỏng
Y Hẳn Tay Xin Đểu.

Leo Tủ Ăn Đu Đủ
Ăn Tỏi Xong Bum Bủm

3.- Đại Hàn Rân Cuốc (Xẻng):
Chim Sưng U.
Nâng Su Chieng.
Kim Đâm Chim.

Pắt Song Híp.
Chơi Xong Dông.
Eo Chang Hy (y chang heo).

4.- Nhật Bản:
Xa Ku Ta ra.
Ta Cho Ku Ra.
Cu ta ta xoa.

5.- Niên Bang Xô Viết :
Cu Nhét Xốp.
Cu Dơ Nhét xốp.
Nicolai Nhai Quai Dep.
Ivan Cu To Nhu Phich.

Trai Cop Xờ Ti.
Mooc Cu Ra Đốp.
Ivan Xach Xô Vôi.

6.- Ncraina:
Nâng Cu Lên Cô.

7.- Rumany:
Lo Nhet Cu.
Lôi Cu Ra Đốp.

8.- Trung Quốc:
Bành Tử Cung.
Quách Vô Hòm
Đại Cường Dương.

9.- Đài Noan (Loan):
Kim Xuyên Quần.
Hà Ra Kinh.
. . .

Một lần khác tôi và bà Mừng đi họp tại huyện Củ Chi: sinh hoạt, bầu bán, đả thông tư tưởng, quán triệt đường lối, thi đua, nâng cao sản xuất. Đảng lãnh đạo. Nhà nước quản lý. Nhân dân làm chủ... Kho Bạc thì... "nhà lước ta phải quản ný" mệt nghỉ! Ngoài trưởng, phó, thư ký, an ninh, công an khu vực ra, họ có ghế ngồi chung quanh một cái bàn và ghế dài cũ. Hầu như hôm nào cũng có vài ba cán bộ ngồi kiểu nước lụt, chò hỏ như con khỉ đánh đu, họ co một chân trên ghế, thờ ơ bỏ báng súng xuống bàn, tôi tưởng hắn đang chiả súng tới đám đông làm một phát “đùng”.... mà lạnh cả gáy! Có “vị” vừa nói vừa ngồm ngoàm nhai bánh mì nhồi thịt, uống nước ừng ực, cũng bàn tay ấy giơ lên hỉ mũi rột rột, rồi lau vô vạt áo. Coi “vô tư”, “nịch xự” và "bình rân ráo rục" sao đâu á!

Bỗng nhiên, chẳng hiểu có ông bô bà lão, cô bác già nua bệnh tật nào mà "mất lết", mất na, mất danh, hoặc mất trí; vị ấy đã bị lỏng ruột già, yếu ruột non chi chi đó, nên vị ấy đau bụng đau bão, cố ôm bụng nhịn cơn xì té khói... mà không thể. Ui! không thể chống chọi với “cơn bão lòng”, đã “tịt… ti… xit…” ra một tràng rõ dài và rõ to: bũm bũm bũm... xịt xịt xì.... dài dài dài… (nghe như củ cà nông đại pháo, thời mấy ông Tây bà đầm xí xô dắt nhau ỏng ẹo tràn qua nước ta). Tiếng bũm... xịt... bay theo gió nồm rõ to, và trời quơi! ren mờ thối um! Khiến cả hội trường bịt mũi, phải “tốc hành” xô nhau giạt qua một bên, né sang hướng không “cuốn theo chiều gió”.

Mặc ông trên bàn chủ toạ rống tên các “vĩ nhân” thao thao bất tuyệt ra. Dân ngồi bệt dưới đất ôm bụng cười bò lăn bò càng. Họ bưng mồm, bịt miệng đồng thanh cười ầm, xôn xao náo loạn. Cán bộ chính trị đang thao thao bất tuyệt, đã dừng lại, im phắc, lỏ mắt, tức giận giơ nắm đấm đập mấy phát xuống bàn, quát:

- Ai đã “đánh rắm”, nghe hãi thế hở???
Hội trường nín khe im re, cũng có sợ bị cán bộ quở, hoặc bắt phạt đi lao động đó. Cán bộ chính trị mặt vẫn đỏ gay, hắn là một cây sừng sỏ có nhiều tham vọng, tuy cà lơ phất phơ, nhưng hắn cần đánh bóng cuộc đời, bất chấp tất cả để đạt đến mục đích, hắn muốn hành động một tay che trời. Đầu trên thôn dưới ai mà chả biết hắn chỉ là thùng rỗng kêu to, mặt mũi sĩ diện nào ngồi chung với chúng tôi, như thế chẳng khác chi lòi cái đuôi ngu dốt, làm sao mà trị dân! Nói trắng ra là con đường tiến thân của hắn bước dần vào ngỏ cụt đang cố trườn lên. Hắn xỉ xỉ ngón tay vô đám đông:
- Tôi hỏi "nại": Tôi đang "riảng" về "ný" thuyết ưu việt của Bác và Đảng. Thế tại sao... ai đã "rùng" thủ thuật đấy để phản đối, hử! Cút xéo khỏi đây ngay!
Nhiều tiếng xì xầm to nhỏ bàn tán vang lên đó đây. Cuối cùng có một bà chính cống là “nhà giáo, nhà nhạc, nhà văn, nhà buôn, nhà cái, nhà đá, nhà giam, nhà hát, nhà giao lưu dzăn hoá” Toàn là thứ NHÀ, nghe oai và thứ dữ không hà. Bà ngoại tuần khoảng năm "mưi" mấy bó… bà đang xiả cục thuốc, chà qua chà lại lia lịa trên hai hàm răng, rồi bà nhéc bên kẽ môi trên. Khi bà ta nói thì cục thuốc to nhấp nhô, coi hay hay và ngộ ghê:
- Tui hỏi chút xi: cán bộ giảng về bài học cách mạng, và hỏi: ai đã “đánh rắm”... là cái điều luật thứ mấy của đảng dzậy?
- . . .
- Chị kia bảo "rì" đấy nhỉ!
- Bởi vì: Thiệt tình là ngôn ngữ hai miền khác nhau, tui không hiểu gì á cán bộ. Giống như những ví dụ sau đây nè:
Nam rờ bông Bụp. Bắc vuốt “Tường Vy”
Nam nói: “mày đi”! Bắc hô: cút xéo.
Bắc bảo: cứ véo! Nam: “ngắt” nó đi.
Bắc gửi phong bì. “Bao thơ” Nam gói

Nam kêu: muốn ói. Bắc bảo: “buồn nôn”!
Bắc gọi tiền đồn. Nam kêu “chòi gác”
Bắc hay khoác lác. Nam bảo “xạo ke”
Mưa đến Nam “che”. Gió ngang Bắc chắn

Bắc khen giỏi mắng. Nam nói “chưởi hay”.
Bắc nấu thịt cầy. Nam thui “thịt chó”.
Bắc vén búi tó. Nam “bới tóc” lên
Anh Cả Bắc quên. Anh “Hai” Nam “lú” (3)

Cán bộ chính trị ớ ra một lúc, ngẩn ngơ nhìn trời hiu quạnh, rồi la:
- Chị kia, cố tình trêu ngươi tôi đấy phỏng?
- Ông ui. Tui không hiểu nữa rùi, ông nói: “đánh rắm" dzà "trêu ngươi” là gì?

Cán bộ mặt đỏ tía tai hầm hầm tức giận đến cực... điểm, hai bàn tay xoắn xuýt lấy nhau, hắn vụt đứng bật dậy đi lui đi tới. Trong khi đó có một cán bộ khác đang ngồi chò hỏ kiểu nước lụt, ông ta chống hai tay lên cằm, ngó bạn cười ha ha:
- Dân miền Nam như chúng tui không hiểu chữ “đánh dắm” của đồng chí đâu. Nếu đồng chí nói là: “địt”, thì họ hiểu, biết ngay.
- Có "rì" mà chả đả thông tư tưởng hở: “Đánh dắm” hay "nà đánh rắm”... thì có nghĩa: muốn khỏi uất sình hơi trong ruột, trong bụng, ta cứ để cho nó tự "ro", cho hơi trong ruột hân hoan thoát ra "nỗ" đít, bay ra ngoài trời “thái mái”. Có thế mà không hiểu. Dốt thật!
Một ông lão “lao động là vinh quang” nông dân bấy giờ ngà ngà say, cóc sợ ai, ông ngồi bệt dưới đất, bèn thong thả lên tiếng:
- Dzậy chớ còn chữ “trêu ngươi” là gì, cán bộ nói đi, cho tui học nữa, cho dzui.
- Trêu ngươi tức "nà": cố ý chọc tức, không kiêng nể "rì", khi tôi đang "rảng" bài, và “đả thông tư tưởng” đấy. Hiểu ra chưa. Cố tình chưa hiểu, "nà" chống đối cách mạng đấy. Ông bảo cho mà "niệu" thân nhá.

Bà già xồn xồn giáo sư Văn kia trở thế ngồi cho ngay ngắn, bây giờ bà lại khúc khích "cừi cừi":
- Bởi “dzì” cán bộ nói không “gõ gàng”, nên tui có thắc mắc xi. Chèn quơi, chừ hiểu rùi, đồng chí!
- Ai là đồng chí với bà, mà "nải" nhải.
- Ồ... xin lỗi cán bộ, tui già cả ưa “guên”! Dzậy ra tui là đồng rận! thì:
. . . Bắc nói trổng thế thôi. Nam bâng quơ “dzậy đó”
Bắc đan cái rọ. Nam làm “giỏ tre”.
Nam không nghe “nói dai”. Bắc chẳng mê lải nhải
Nam “cãi bai bải”. Bắc lý sự ào ào
Bắc vào Ô tô. Nam vô “xế hộp”
Hồi hộp Bắc hãm phanh, trợn tròng Nam “đạp thắng” (1)

Một cán bộ miền Nam khác ghé tai qua cán bộ chính trị miền Bắc “cừi cừi”:
- Bà kia là một “giáo sư dzăn-chương”, bả đã đi dạy trên Sè Gòn, nên xổ cả chùm nho, chùm thơ, bả dám đấu hót "dzới" cán bộ, chẳng “goa” là có chồng làm khá lớn, con thuộc "dzề" tầng lớp liệt sĩ trong Nam, rất có công "dzới" cách mạng đó.

Cán bộ chính trị dịu giọng, liền lãng qua chuyện vẩn vơ khác cái rụp. Thế là vô tình buổi họp biến thành buổi đối đáp thơ tiếu lâm, vui ơi là vui “hả hê” nhất từ xưa tới nay. Ai ai cũng có nhen nhúm chút xí hân hoan khoan khoái cởi mở tấc lòng. Tôi ngồi bệt dưới đất gục mặt lên hai đầu gối nhô cao mà nực cười, nhìn một cánh tay liệt của cán bộ Mưu luôn đong đưa, lúc lắc, thân hình y nghiêng nghiêng qua một bên, ông ta lê từng bước cứng cỏi, nặng nề. Đi lui đi tới, ổng mang không vừa đôi dép râu nhỏ hơn khổ chân, nên ngón út ương bướng chìa ra ngoài, cọ quẹt xuống đất, trông dễ gai hết sức. Tôi nhìn lom lom vào ngón chân út “giao liên” xuống đất của ổng, ngón chân chìa ra chả khác nào lưỡi cày bấm sâu xuống nông trường Nhị Xuân, nơi vắt cạn kiệt sức lực người dân đen đến giọt mồ hôi cuối cùng. Trong tranh tối tranh sáng, khi tiếng ếch nhái, ễnh ương tưng bừng kêu ộp oạp, uồm uộm… tiếng dế gáy ré ré, tiếng ve sầu rã rích than van, tiếng muỗi vo ve đốt sưng đít, dân mất của mất công, mất tất cả mọi thứ trên cuộc đời ô trọc, mà phải ngồi xổm xép de dưới đất tới hơn 12 giờ khuya, nhìn lên:
Hội trường yên ắng ngủ say
Thuyết trình vừa dứt, vỗ tay ra về. (2)
* * *

Bằng hai bàn tay thô cứng, dân vét rạch, đào kinh, dẫn thủy nhập điền, trồng thơm, trồng mía, trồng ngô, khoai, trồng dưa leo, bí bầu… Ôi! Đủ thứ trồng trồng… trọt trọt… hầm bà làng xí cấu.
Hoan hô các cụ trồng cây
Mười cây chết chín, một cây gật gù
Tụi bay có mắt như mù
Mười cây chết cả, gật gù nỗi chi… (mà thi hành). (2)

Thì, một năm nhà nước sẽ ưu ái bán cho mỗi hộ dân hưởng đặc quyền: Mua ít bánh mứt tẻo teo, gạo mắm, tí đầu cá, đầu tôm, xà bong, bột ngọt. Nhất là mỗi hộ chỉ có vài mét vải hoa hoè, hai mét vải dù quần đen (mà đàn bà rất cần) cho cả gia đình. Mẹ già héo hắt đi mót lúa ở ngoài đồng, cần có cái che đít che húm... cho đỡ xấu hổ. Tôi ở nhà đôi mắt mờ lệ, hai tay mỏi nhừ đang giặt bọc, hai chân đau nhức đạp bọc ni lông. Tôi chỉ mặc “cái khố xì xịp líp”. Nếu có ai lạ bất thần vào nhà, nhà không có cửa khóa then gài, thì tôi vội vàng bụm húm lại, cười ruồi! Các con trai lớn tồng ngồng cũng trần truồng như nhộng. Khỏi mặc quần, nước dơ bám vô, quần áo mỗi người chỉ có hai bộ, mặc bộ nầy giặt quần áo chưa khô, lại thay và mau rách sẽ hoài phí đi.

Ở ngoài vòng tù ngục bao la thì như thế. Bên trong vòng kẽm gai với hầm hố và cornex, thì những bạn tù của chồng, và chồng mình đớn đau cơ cực gục đầu trên gối bó cao: Dù đói khổ nhọc nhằn đến vậy, mà tôi vẫn nghe con trai ngồi một góc, ôm cây đờn guitar khảy những điệu nhạc cuả chú bác ở trong trại tù “cải tạo” tập trung, hờn đau buồn thảm, nghe thật não nề.

Có những lúc ngó sâu trong thinh lặng
Thấy quê hương vẫy gọi từ trùng xa
Ôi thân trai! Ôi nợ nước tình nhà!
Sao cúi mặt loanh quanh đời cơm áo?

Có những lúc đắm chìm trong áo não
Sống một đời vô dụng, kẻ tha hương
Nửa đã qua, nửa còn lại chán chường
Như cát bụi đang chờ ngày hóa kiếp! (TPKW)
* **

Tệ Trạng Xã Hội: thời 75 > 93, tôi trở thành tội-đồ ô-danh nhất chế-độ, chỉ vì tội: “con vợ-ngụy” hồi xưa giàu có sang trọng, có xe hơi Peugeot 404 láng cón mới toanh, có nhà ba tầng lầu đúc bê tông cốt sắt sâu 40m rộng 5m, nền lót gạch bông loại đắt tiền, trong nhà trang hoàng tươm tất nhưng trang nhã và thanh lịch, không rườm rà kiểu cách. Bởi ngày xưa do tự bốn bàn tay siêng năng & thanh liêm (tôi và chồng), dù chỉ có bốn bàn tay cần cù chăm chỉ, mà tạo thành cơ ngơi sáng giá, có vốn liếng dành dụm làm thiệt ăn thiệt.

Ngày nay “giải phóng” tự do hòa bình rồi, tôi (và 4 con, cộng 1 mẹ chồng già, vị chi có sáu cái đầu, 12 bàn tay, 12 bàn chân) hết sức “lao động là vinh quang” làm lụng vất vã, khổ cực hết biết! Sáu người đông đúc thế mà... không thể có cái ăn, cái mặc cho ra hồn; Chúng tôi nỡ lòng nào bêu rếu chế độ, vì đói khát rách rưới tả tơi, luộm thuộm thảm thê. Thiệt là mắc cỡ cho chế độ xã hội chủ nghĩa dân chủ cộng hòa! để nhà nước giải phóng dân phải cho đứng xếp hàng chầu chực suốt ngày mà mua:
Một năm hai thước vải thô.
Nếu đem may áo cụ Hồ ló ra.
May quần thì hở lá đa.

Chị em thiếu vải hóa ra lõa lồ.
Vội đem cất ảnh bác Hồ.
Sợ rằng bác thấy tô hô bác thèm.
Có áo mà chẳng có quần.

Lấy gì hạnh phúc hỡi dân cụ Hồ?
Có đói mà chẳng có no.
Lấy gì độc lập, tự do hỡi người? (2)

Không ai thân thiết ngọt ngào hơn ba tấm mền bao cát của Mỹ ra đi đã để lại cho gia đình tôi dùng chống lạnh mỗi độ đông qua xuân về! Dáng xuân phơi phới vô tình dày xéo lên tâm tư tôi những bất mãn, chua xót và ước mong. Tôi không dám tin ai, không dám hy vọng, không thể dựa vào đâu để sống lê lết qua chuỗi ngày đói rét cơ cực còn lại. Tôi thấp thỏm lo âu, trông ngóng từng giờ phút, từng ngày... sẽ có một tin lành đến. Hằng đêm tôi quỳ dưới đất, chấp tay cầu mong những người đã vượt thoát ra đi ở bên kia bờ đại tây dương, hãy mau mau quay về... cứu cánh, hãy giải phóng quê hương, và chính chúng tôi thoát khỏi cảnh đời cay cực, lầm than khổ sở, vô vàn điêu đứng. Dẫu niềm hy vọng mơ hồ quá mong manh và tê tái...
“Qua cầu ngả nón trong cầu.
Cầu bao nhiêu nhịp, dạ em sầu bấy nhiêu”. (2)

Mạng lưới y tế vệ sinh ở Quận, Huyện, Thôn, Xã, Ấp: (sát nách thuộc thành phố Hồ Chí Minh) nơi gần thành thị mà còn tệ như thế, chứ chả phải nơi vùng quê xa xa, hầu như càng thấp kém, xuống thấp trầm trọng. Trong khu xóm đã phát sinh ra bệnh dịch tả, sốt rét, ho lao, bệnh xã hội lây lan phát triển nhanh chóng. Dân đến bệnh viện nhăn nhúm rên siết đứng ngồi la liệt. Thiếu bác sĩ trầm trọng, dù họ làm việc tối mặt tối mày, vẫn không có giờ nghỉ ngơi. Gia đình bệnh nhân theo toa bác sĩ phải mua thuốc ở ngoài vào, vẫn khó khăn. Hầu hết các nơi không có thuốc kháng sinh. Tại các phòng trên thành phố ở Chợ Lớn, người Hoa chân chất thật thà, mà nè… họ ăn ngay nói thẳng, thẳng như ruột ngựa, họ xí xa xí xô khua tay “múa... mỏ” phản ứng bộc trực. Dân nói dân nghe, cán bộ học lóm chữ “tô chè” thản nhiên coi như pha, chứ có ai hiểu mô tê răn rứa chi tề.

Bệnh viện miền quê cũng thế, mỗi cái gường chiếc có tới bốn người, kẻ nằm xuôi, người nằm ngược, “con bệnh” lây lan từ người nầy sang người khác vụt nhanh. Muốn khám bệnh, tôi phải viết tờ đơn trình Tổ-trưởng ký, rồi chuyển lên chờ Trưởng Ấp là bà Mừng già khoảng 65t chờ đợi một hai ngày bà "quan liêu" mới ký. Tôi lại đi bộ lên Huyện Hóc Môn đứng xếp hàng, chờ xin xác nhận chữ ký của “Tổ và Ấp”. Sau đó tôi chạy qua bệnh viện xếp hàng, chờ nộp tờ đơn có đầy đủ ba nơi ấn ký. Đau ốm liệt giường cũng trải phải qua thủ tục quá rườm rà, phức tạp trên. Nếu phải chờ đợi ba bốn ngày khi bệnh nhân đang ngáp ngáp, cũng chịu! (có khi cả tuần kẹt rơi vào mấy ngày Tết, lễ, thì ôi thôi...) mới có giấy chuyển cho đi trình “cửa quan”. Nếu không có bất cứ đơn từ, hộ khẩu, giấy chứng nhận của các cơ quan trên, nhất là giấy chứng nhận tôi đã đi bầu cử, giấy tôi lao động tốt, không có “thủ tục đầu tiên” đóng đầy đủ. Thì, đừng hòng mà vô bệnh viện.

Tôi có chết, cứ coi như con chó chết ngoài “diện và tuyến” của họ. Người nghèo tất nhiên giống hàng chó ngựa mà thôi. Cũng phải! Chó ngựa, nên mẹ đi nuôi con đau ốm ở bệnh xá phải nằm ở dưới đất sát bô cứt đái, cạnh ống nhổ toàn đờm và máu. Không thiếu gì bệnh nhân, sản phụ bị lây bệnh trầm uất hậu sản. Sự hèn kém, nhọc nhằn, đói khát, đau yếu đến rất vội với những mái đầu bạc nhanh trước thời gian. “Lương y như tử mau”. Thời gian đầu của 75 – 85: Dù đã 10 năm rồi mà đâu vẫn hoàn đấy! Đó là nét kinh dị vô cùng của y sĩ cắt ké ở Thành và Huyện, “bác xỉ” có tuổi đảng từ miền Bắc “tha” vào Nam; không qua kinh nghiệm đào tạo ở một ngành chuyên môn nào sớt. Con cút muốn vỗ cánh bay lên đọt cây làm con phượng hoàng mà! Cho nên có không ít người dân ngu khu đen vùn vụt đâm đầu lao xuống âm tào địa phủ oan mạng!
* * *

Do:
CÁI HỘ khẩu bày, CỐ HẠI dân.
HỘ KHẨU từ nay HẬU KHỔ dần.
HỠI HỒ chủ tặc, khi HỒ HỞI.
ÐỘNG CƠ bốc lột ÐỢ CÔNG nhân.

CÁN MẠCH nhân quyền, nào CÁCH MẠNG.
CHỈ TRÙ dân tộc, CHỦ TRÌ bàn.
THƯỢNG THỜI bán nước, ngay THỜI THƯỢNG.
CHẤT LƯỢNG bạo quyền, CHƯỚNG LẬT gian.

- Hành chính & quản lý - trong đó có:

- Đổi tiền lần thứ nhất: ngày 2/9/1975- là đổi tiền của Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam ra tiền xu của bác Hồ. Chiếu theo đó đến ngày 22 tháng 9 năm 1975: thì tiền Việt Nam Cộng Hòa 50$ bị cấm lưu hành, phải đổi sang tiền xã hội chủ nghĩa. Tiền mới có giá: 10 xu, 20 xu, 50 xu. = 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 50 đồng.

- Sau ngày 21-3-1978, một số lớn cán bộ ập vô từng nhà lục soát, kiểm kê từng món, từng hiện vật, qúy vật, kiểm kê toàn bộ tài sản tư sản mại bản ở miền Nam, lục lạo mọi ngỏ ngách, không sót chỗ nào.

Đổi tiền lần thứ nhì: ngày 3/5/1978.- Sài Gòn - Chợ Lớn đầy những ông bà tai to mặt bự giàu kếch xù ngày trước, chộn rộn, bồn chồn, lo lắng, run sợ như cầy sấy. Không chỉ những nhà giàu mới run rẩy, mà cả cả nước đều rúng động. Chả biết ngày nào đến lượt ta bị “các ông bác” dòm đây? “Ông bác X” bặm trợn ở thời buổi nầy to bự hơn ông Nghè ông Tỉnh ưa rình mò nghe lỏm chuyện tư gia người khác, rồi tinh ranh ma mãnh một mạch xồng xộc vô cửa sau ra cửa trước, hoạnh hoẹ giở từng cái nồi, coi nhà ai có nấu rẽo bầu, nhóm bí rợ với nồi bo bo độn ba phần sắn kí cóp bòn nhặt không, có mẫu gạo tẻo teo nào không.

Thấy mà phát bực vì những xính vính cơ cùng đổi thay thật chán chường thân phận xã hội chủ nghĩa. Tôi chỉ muốn chết dúi ở xó góc tồi tàn cho xong kiếp người! “Bác” vếu váo xì xào ngồi lê đôi mách dòm ngó kẻ khác đang xính vính, bác mới hả cơn giận thù nghịch nguồn cội thấp cao ở hai miền Nam Bắc phân tranh thê thiết bao năm. Hãi hùng vì những chính kiến thù hận nguồn gốc ông cha dội ngược vào lòng tôi, mà ai ai cũng im thin thít. Dân miền Nam có xí của cải cất dú đi đâu cho thoát khỏi những đôi mắt cú vọ. Hở Trời? Từng cơn đau và nỗi sợ hãi dày vò từ người nầy lan nhanh qua người kia, nhưng ai nấy đều câm như hến, không dám kêu rêu nửa lời. Dù đảng và nhà nước chẳng hề mất một viên đạn nào, chả thèm bắn phát súng thị oai nào, thế sao mình vẫn run như cầy sấy!?

- Đổi tiền lần thứ ba: ngày 4/9/1985 - với hối xuất 1 đồng mới = ăn từ 1 đến 10 đồng cũ, (tùy theo trương mục tiết kiệm), mỗi gia đình chỉ được đổi 2.000 đồng, còn lại bao nhiêu phải nộp vào trương mục ngân hàng, chờ xét. Úi Trời ơi! Có biết bao nhiêu người mất trắng tay, họ đã tự tử bằng độc dược, chết toi cả! Người ta càng rùng rợn hơn là thấy nhà giàu mất tất cả, họ nổi khùng nổi điên, dám “can đảm” (oai hùng hơn những anh lính Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hoà). Vì sao hơn? Dạ thưa... vì họ chẳng cần mang dù mang dây chi hết, họ cứ nhảy đại xuống đất ạ. Họ nhảy từ trên cao ốc cả chục tầng xuống đất, bể đầu nhăn răng trợn mắt hộc máu chết tươi. Không biết thuở trước đám dân đen nầy có đi lính Nhảy Dù không cà? Mà họ bạo gan bạo phổi “yên hùng” quá sá chừng! Tôi bái phục dập đầu xuống đất mà cung kính nghiêng mình chào những vị anh hùng chân đất khả kính!

Tôi đã chứng kiến tận mắt cảnh một người đàn ông treo tòn ten trên cột điện cao thế, ông đang thủ-thỉ thù-thì lảm nhảm với ai đó. Ui cha! Chắc chắn là ông ta bị điên, khi thằng con ngu dại đã trèo lên lấy cắp dây điện đem đi bán, nó đã bị điện giật chết toi, mà ông không thấy, không sợ, không chừa sao? Ông đã già khú đế lại bắt chước trai trẻ làm chi, ông trèo lên đấy phân bua với mọi người về sự sống còn của một thể xác vô hồn, trí óc ngớ ngẩn. Hay là ông ta muốn chia sẻ nỗi đau... tiu nghĩu ngượng nghịu của bà con cô chú ở dưới đất? Họ đang nhìn lên hai chân teo tóp trong ống quần xà lõn tuột tới đì, ở dưới "dòm lên" họ cũng chả thấy cái tóp teo chi chi mô!

Vậy mà khiến cho không chỉ những người giàu có lo sợ và cả những thôn xóm ấp làng xã... đều rúng động. Chả biết ngày nào đến lượt ta bị “các ông bác” sẽ có lần "dòm" đây? Ai có xí của cải thì trong bụng đánh lô tô, mắt dòm chừng ra cửa, chờ khi có ánh trăng thượng huyền, thì cất dấu thu dú vô nơi kín đáo, cầu mong sao thoát khỏi những đôi mắt cú vọ. Hở Trời? Người ta tụm trăm tụm ngàn, bàn tán xôn xao về thảm trạng tự vận:
- Coi ổng khờ câm à. Vậy mà cháy nhà mới lòi ra mặt chuột.
- Giàu xụ ha.
- Mất hết, tiếc của hùi hụi, ổng nhảy lầu là phải!

Không có tài chính, thì dân chẳng thể làm kinh tế, cồn cào đói khát triền miên không cục cựa nhúc nhích, lo cho cái dạ dày réo gọi triền miên chưa xong, lấy đâu ra sức mà làm đầu tàu phản đối hoặc làm cách mạng "phẻn động" nhà nước nỗi. Ngu gì! Do vậy chẳng ai có thể làm nên xơ múi, cho dù muốn làm cuộc cách mạng, muốn đi “lập nghiệp ở phương trời” cũng đành thua! Hầu bao cuống rún ruột tượng chả còn, thì kinh tế như chuỗi dây chuyền kéo guồng máy xã hội chủ nghĩa ngày càng xuống thấp. Dù có những bảng hiệu mọc lên nghe rất kêu, hấp dẫn vừa thành hình như:
- Colusa = (Công ty lương thực HCM).
-Cotevina = (Công ty tem VN).
- Yteco = (Công ty y khoa, y tế).
- Hovila, Hovilo... v.v…
* *

Thế nhưng mọi thứ "bảng hiệu danh giá cao quý" dần dần cũng xụm bà chè. Việc bắt dân lao động, đóng góp sức lực và tiền bạc, là đưa dân lên “đỉnh cao trí tuệ loài người”. Mà, một nhóm “bình dân giáo dục” ở trên Sài Gòn, dám rù rì… chuyền tai nhau láo pháo về 4 chữ "Xã Hội Chủ Nghĩa" ấy, bằng các chữ viết hoa đầu câu “dệt” sau:
1.- X H C N = Xạo Hết Chỗ Nói.
2.- X H C N = Xuống Hố Cả Nước.
3.- X H C N = Xuống Hàng Chó Ngựa.
4.- X H C N = Xiết Họng Công Nghiệp.
5.- X H C N = Xe Hư Chẳng Nổ.
6.- X H C N = Xế Hư Cứ Nằm.
7.- X H C N = Xe Hết Chỗ Ngồi.
8.- X H C N = Xếp Hàng Cả Ngày.
9.- X H C N = Xấu Hết Chỗ Nói.
10.- X H C N = Xoá Hết Chữ Nghĩa.
11.- X H C N = Xâu Hổng Cho Nghỉ.
12.- X H C N = Xét Hỏi Con Người.
13.- X H C N = Xã Hội Chó Ngựa...

Trong khu xóm A, B, và C của tôi thuộc Huyện Hóc Môn: có chừng ngàn căn nhà gia binh hồi xưa, nay đã bỏ hoang. Hồi trước khu trại lính nầy thuộc Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo, phồn vinh, sầm uất vui vẻ, ồn ào không khác gì một thị tứ nhỏ. Nay đa số vợ con lính đều bỏ đi hết, lớp thì về quê móc đất móc đai làm vườn làm ruộng, lớp lo đi kinh tế mới. Bây giờ tại khu xóm này rải rác còn độ hai mươi mấy gia đình “bá vơ tứ cố thân và vô phương” ở mọi nơi, họ đã tập họp tại trại gia binh bỏ hoang trống trước trống sau. Không thiếu gì người đi hôi của, giở tôn xi măng, giở cửa, đập tường lấy táp lô về làm của riêng. Ai có vợ chồng con cái lớn đầy đủ, và có tiền, thì còn làm cửa làm phên, ngăn che căn nhà cho bớt trống trải. Những căn nhà kê ra thành một vòng đai từ hướng Đông, Nam, Tây, Bắc.

Tuy nhiên trong số dân giả bần cùng kia, có gài lọt vô hai gia đình xem ra đó là thành phần “trí thức và công nhân viên” ở chế độ mới, họ ở đâu được chuyển tới để làm tổ trưởng, tổ phó an ninh của khu vực nầy! Tuy cả hai gia đình ấy cộng lại đếm không đủ trên mười đầu ngón tay, nhưng ai ai cũng khiếp! Đó là gia đình ông bà Hai Bé, và ông bà Tư An. Chồng đi làm vợ ở nhà trông chừng con và dòm chừng dân ngu khu đen! Hai đại gia giàu xụ và nghề nghiệp của họ trong khu xóm nhỏ bé nầy: Dòm ngó bọn trẻ thất học chiếm 87% tỷ số. Đàn ông đàn bà dân đen ăn không ngồi rồi chiếm 94% nên khu xóm tôi rất nhàn cư vi bất thiện.

Từ cờ bạc “chui”, rượu trà say sưa, vợ chồng chưởi nhau inh ỏi, vui đó cười đó, rồi quay ra xích mích, đánh nhau bể đầu, gãy tay què chân, là chuyện thường. Nạn đĩ điếm tụ họp lại ở khu nhà trống tùm lum tà la. Đúng là “khu ô danh tứ đổ tường” đã xảy ra không biết bao nhiêu chuyện thật đau lòng. Mặc dù trên thành phố đảng cho lệnh phát triển văn nghệ, ve vuốt xuê xoa dân chúng, hầu mong dịu bớt nỗi kinh hoàng. Thì đó; mỗi tuần, mỗi tháng, trong Tao Đàn đều có chương trình văn nghệ, có các tiết mục vui chơi, ca múa, để “Tao đàn; Mày đàn” cho người khác mua vé vô cửa, ngồi bệt dưới đất mà nghe. Mỗi vé từ 5$ sau đó nhảy lên 10$. Lồng vào giờ “tao-đàn” có một hai giờ nhồi sọ dân chúng.
***

Tình Hoài Hương

(1) = Thơ Bút Tre
(2) Sưu tầm lượm lặt.

THH xin cống hiến quý độc giả thân thương của HQPD câu chuyện thật, để cùng nhau chia sẻ mà "cười ra nước mắt"... Đồng thời THH xin phép cám ơn quý vị nhiếp ảnh gia: đã post những tấm hình đầy nhân bản lên internet, cho tôi có thể copy vô bài viết, ngỏ hầu phong phú hoá hình ảnh sống động, và tài đức & nghệ thuật của quý vị.
* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
06-10-2017, 01:01 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd417/1497055711-e 50 nam nhin trang.jpg

/uploadpics/mp3_pdf417/1497055990-Nghin Trung Xa Cach.mp3

Lời Người Tình Phụ & Mail + Chat: Bù Khú
(của ông già gân & bà già khọm).

Date: Mon, 1 - 26 - 2005 -00:05:34 -0700 (PDT)
From: "Tony Dautry Hoàng" < khanhson2@saigon.vn >
Add to Address Book Add Mobile Alert
Subject: Thư mang số # 5.946 *Chuyện MAIL & “CHAT” bù khú.
To: "Wit Mi Mi" < ti1@yahoo.com >
*

Ghi chú CHAT :
- Hoàng Phương Nam (hoặc là thứ Năm) = lời của chàng già gân.
- Mười (Mi Mi) = lời của nàng già khọm.

Hoàng Nam.– Hello… Ah! Chào em yêu thương, (từ bi giờ anh phải gọi em là con mèo Mi Mi của anh nha): Thời gian trôi qua dài quá dài... thăm thẳm sau 45 năm vợ chồng tan hợp rồi hợp tan, mail nầy anh em mình kể chuyện bù khú linh tinh cho vui cửa vui nhà, em nhen:
Hôm đầu tháng Giêng, anh bị con “vòi vọi” to như con bọ xít, thân đen bóng, cánh cứng, có vòi như cây kim cong cong, nhọn hoắt. Nó có bốn chân, và hai cái râu, từ dưới gầm giường nó bò lên nệm. Thừa lúc anh ngủ say, nó chích anh mấy phát. Ui! cái trán sưng chù vù, cứng ngắt và ngứa ngáy, nhức nhối kỳ lạ. Gần cả tháng rồi, vẫn đau nhức, trán vẫn u, sưng tấy lên và ngứa lắm. Vậy mà em còn chọc quê anh là “mọc sừng” ha. Giận thì thôi.
Mười, (tự Mi Mi).- Ui! Em cứ tưởng là do anh đi hoang. Xin lỗi nha.
Hoàng Nam.- Hôm nay, anh tức quá, đi thay tấm drap mới, giặt mền, gối, rồi anh lật hết những thanh giường ra. Lau nhà sạch sẽ xong, anh lấy thuốc xịt hết vào mấy cái khe. Thì thấy hai con “vòi vọi” đen đen lăn ra chết. Chứ nó chạy nhanh kinh khủng, không thế nào đập trúng. Anh bỏ nó trong bao nylon. Chiều nay sẽ đem nó xuống bác sĩ chữa trị da liễu, cho ổng xem. Vì bác sĩ cho rằng nó là con A Sừng! Cách đây vài tháng anh cũng bị nó chích như thế, nay vẫn còn u lên một cục cứng ngắt.
Mi Mi.- Anh cẩn thận nhen. Ở một tỉnh thành gần khu núi đồi, hồ ao, đầm lầy bên Úc (nơi chị Tú ở). Có một chỗ dành để người dân cắm trại. Nhiều mái lều dựng lên, ăn ở vui vẻ. Bỗng họ nghe tiếng hét to kinh khủng, ở một cái lều hơi gần gần bờ hồ, có con cá sấu to lớn bò đến ngoạm chân người đàn ông, lôi đi xềnh xệch. Cả khu cắm trại hốt hoảng nhốn nháo, họ ùa ra bãi xem chuyện gì. Thì một người đàn bà cùng gia đình cắm lều gần đó, nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng đó trước tiên. Hai bàn tay không, bà ta can đảm nhảy xuống hồ, bà cỡi lên mình con cá sấu. Hai tay bà ta ôm ghì lấy lưng và nách con vật, hai chân bà quắp chặt vào bụng nó. Con cá sấu giật mình, nó hãi hùng nhả chân người đàn ông ra. Nó quay ngược mỏ lên, táp táp vào người đàn bà không được.
Thế là nó vát bà ta chạy tuốt xuống hồ nước. Mọi người bất ngờ sững sốt, nhốn nháo, sợ hãi kêu la inh ỏi. Một người đàn ông ở lều khác, bình tĩnh xách súng chạy đến gần. Tay thiện xạ do dự một phút, rồi đưa súng lên nhắm và bóp cò. Đùng!... Đùng! Con cá sấu giẫy giụa vài cái, rồi nằm ngay đơ nửa trên nửa dưới hồ nước. Người đàn bà can đảm phi thường cỡi con vât ấy không bị lạc đạn. Mệt đứt hơi, bà ta nằm vật ra bên con vật nhuộm máu đỏ. Người ta vội vã gọi trực thăng đến, cấp cứu hai nạn nhân. Một người bị cụt chân, một bà bị gãy tay. Chỉ vì “cái mỏ” con cá sấu.
Hoàng Nam.- Còn một chuyện có thật nữa: Hai chị em cô bé nhà kia đi tắm sông ở Nam Phi. Cô chị độ mười tuổi, thấy em nó bị con cá sấu ngoạm, con cá sấu đang cố sức lôi đứa em xuống sông, để ăn thịt. Cô chị quýnh quá, không biết làm sao, cô ấy không còn sợ hãi, cô ấy chạy đến bên con cá sấu, cô gái lấy ngón tay trỏ chọt lủng mắt con cá sấu, chọt rất mạnh. Con cá sấu bị bất ngờ, và đau lắm. Nên nó nhả cô em ra. Nó lo chuồn xuống nước, lặn mất tiêu. Cô em bị thương nặng. Họ cấp cứu hai chị em vào bệnh viện.

Mi Mi.- Đó, anh thấy chưa? Mà anh còn đòi cuối tuần nầy, đi ăn thịt cá sấu với anh Vượng, anh Nuôi hỉ! Em sợ nên em “ghê tởm” cá sấu. Vì thấy nó dữ dằn, da lởm chởm sù sì gớm ghiết, móng chân móng tay nhọn hoắt. Cái mỏ và hàm răng ôi thôi kinh dị. Nhất là buổi tối hôm đó, ngày chúng mình đi vào trại nuôi cá sấu xem. Trong bóng tối, mình lấy đèn pin rọi xuống ao, hồ, thì trông thấy những đôi mắt của nó, như là ánh sao lấp lánh. Vì hai con mắt nó sáng rực, đỏ au, từng con từng con nhìn sững vào ánh đèn. Thịt nó trắng, mềm và thơm ngon. Lại có hương vị đặc trưng thơm hơn thịt vịt, thịt gà nữa. Em làm thịt cá sấu sạch, xào với sả, ớt, mè, tỏi, hành, ngũ vị hương, ít dầu hào, ăn với bánh tráng nướng. Thật ngon hết sẩy.

Hoàng Nam.- Rượu nầy là môn thuốc, người ta nói để trị bệnh suyễn hữu hiệu lắm em ơi! Uống vào nghe "đã" đến óc. Tuyệt cú mèo. Rồi anh hỏi đố em: Có biết con cá chình không? Mất mấy trăm ngàn đồng Việt Nam, anh mới mua được một con cá chình, chỉ nặng vào khoảng 800 gr. Ở Việt Nam bây giờ con gì cũng được đưa lên bàn ăn, để thiên hạ xài, có tiền là “chiêm ngưỡng” hết: Chồn. Cheo. Rùa. Mễn. Nai. Rắn. Ba ba. Vân vân… Ôi thôi đủ thứ hết. Đến nỗi bi giờ hầu như những loài qúy hiếm e có nguy cơ diệt chủng. Đã có lệnh cấm săn bắn, cung cấp thịt rừng. Cho tiền thuê, bạc mướn, có lẽ em cũng hổng dám ăn thịt cá sấu.
Mi Mi.- Anh lại nhem thèm em nếm tí rượu cá sấu nữa hả? Ghê quá đi.

Hoàng Nam. - Em có thấy ớn lạnh không? Người đàn bà cỡi lưng cá sấu. Cô bé chọt mắt cá sấu. Rất phi thường. Can đảm lắm. Nhưng... Chưa đáng kính phục bằng một người đàn bà Việt Nam đám cỡi lên mình con rắn, và bóp nát trái tim con rắn nữa. Và nhất là bà ta đã làm con rắn cúi đầu khuất phục. Thật đáng ngợi khen. Anh đố em biết bà ấy là ai nào?
Mi Mi.- Bói bài hay cầu cơ cũng chịu thua. Đừng nói tới em. Em hổng biết.
Hoàng Nam.- Ấy! ... Là em đó.
Mi Mi.- Ui chà chà. Thương thiệt!
Hoàng Nam.- Anh lại đố em 4 chữ MEN nè:
1.- MEN TAL ANXIETY : Hoảng loạn tâm thần.
2.- MEN TAL BREAKDOWN : Suy sụp thần kinh.
3.- MEN STRUAL CRAMPS : Co thắt khi có kinh.
4.- MEN OPAUSE : Hiện tượng tắt kinh.
Mi Mi.- Ôi! Thì anh đố em, nhưng anh đã giải thích hết rồi. Lại còn phải hỏi ư.

Hoàng Nam.- Em có để ý là tất cả nguyên nhân các sự kiện ở trên, đều do chữ MEN mà ra không nhỉ! Đó đàn ông các anh là thiên đường. Mà đàn ông cũng là địa ngục. Em à.
Mi Mi.- Ồ! Cái nầy họ “chơi chữ” quá hay. Vì trong bốn triệu chứng của người đàn bà, đều bắt đầu từ chữ “MEN” mà ra! Dễ ghét mà rất dễ thương. Anh hỉ!
Hoàng Nam.- Loài chuột có thể giao phối hơn 20 lần/ngày. (Còn hơn con dê nữa ha)! - Con gián có thể sống trong suốt vài tuần với cái đầu lìa khỏi thân. Voi là loài động vật có vú duy nhất không thể nhảy cao. - Muốn luộc con ếch hoặc con rắn trước tiên ta bỏ nó vô trong nồi nước lạnh, đậy kín nắp, và mở gas thật nhỏ, chờ bao giờ nồi nước từ từ nóng và sôi. Chớ nếu bỏ nó khi nước đang sôi, thì nó sẽ quậy lung tung và nhảy phóc ra khỏi nồi. À, anh nhớ có chuyện nầy nữa… Ôi vui ơi là vui. Đúng rồi! Sau đêm em bị ma đè (chứ hổng phải người đè à nha), thì cả anh và em đều hoảng loạng, đến nỗi rắc rối… bồi hồi, quên trước quên sau, quên đầu quên... quên… luôn cái phao câu! (con gà con vịt, thì ít khi ai gọi là đuôi gà, đuôi vịt. Mà họ “thít” gọi là phao câu mập ú nù. Phải hông nà?
Mi Mi.- Đúng quá đi thưa “bác xĩ mu rùa hóc môn”.
Hoàng Nam.- Ha ha! Ui xà, dzậy mà còn phong cho anh làm tới chức “bác sĩ mu rùa hóc môn” nữa chứ. Ôi trời ới! Nếu vô tình, có ai lọt chân vào trong mạng internet riêng của chúng mình, thì chắc là họ sẽ cười bể bụng, vì mấy cái chuyện tiếu lâm của hai ông bà già gân 60-70U lẩm cà lẩm cẩm nầy ha.
Mi Mi - Vậy chứ công dụng của cái rốn là gì nè chàng?
Hoàng Nam.- Để cuống rốn gắn liền tí nhau với người mẹ, như sự nương tựa vào sự sống của con từ mẹ mà có. Nhưng khi sinh ra đời, cuống rốn của em bé được cắt đi, thì từ đó sự sống hay gọi nôm na là hơi thở của em bé tách rời mẹ, độc lập. Đáng lẽ ra khi cái rốn lành, phải thành một vết sẹo bằng phẳng. Chứ tại sao cái rốn lại teo tóp nhăn nhúm, và trở thành sâu hoắm thế cô nương của anh?
Mi Mi.- Xin chịu thua.
Hoàng Nam.- Còn nữa, cặp vú của người đàn bà có công dụng: Là để nuôi con. OK! Thế thì, người đàn ông không thể cho con bú mớm gì. Sao vẫn có vú hỉ?
Mi Mi.- Công dụng nầy, chỉ có Trời mới biết.
Hoàng Nam.- Rồi, khi người đàn ông đi “quờ quạng ăn phở bậy bạ”, hắn gặp một “gái già bia ôm” nên bị lây rận, (do người đàn ông khác “di dân rận” cho bà ta), con rận thân dẹp lép, bò lết tới mình tên đàn ông thứ tư, thứ năm gì đó. Họ chỉ cần hai thân thể áp vào nhau chừng vài phút thôi, là lãnh đủ! Có hơi ấm cơ thể, thế là lũ rận bò sang người mới, định cư liền. Tên đàn ông trăng hoa đó lại mang rận về, tặng lại cho vợ.

Mi Mi.- Úi quơi Trời đất thiên địa ui! Vậy ra anh đã từng mang rận đi, mang rận về ư! Xin bái biệt và tống khứ anh.
Hoàng Nam.- Không. Đừng nóng thế em.
Mi Mi.- Dieu seul le sait...
Hoàng Nam.- Nè em: ngày anh còn học chung với Trung trong đại học Y Khoa Sài Gòn. Trong phòng thí nghiệm có kính hiển vi điện tử. Hôm xưa, chả biết làm sao Trung có được mấy con rận, nó mang rận vào lớp. Ta có thể soi rọi con rận ra to chừng 15.000 lần thực tế. Rận có cả thảy ba đôi tay chân (6) lông lá xồm xoàm! Phía trước rận có hai càng nhọn hoắt, dùng để đào hang. Con rận màu trắng ngà khác với con chí màu đen. Con rận đẻ trứng bám chặt trên những sợi lông, giống như con chí đẻ trứng trên những sợi tóc của người ta. Lấy trứng rận ra để trên bàn: giết, nó cũng kêu “cái cốc”, y như trứng chí vậy.

Rận không sống ở ngoài da, mà nó đào hang. Nghĩa là nó dùng càng đào lỗ, chui vào lỗ chân lông mà nằm ở chỗ kín, dơ bẫn. Nó không giống con chí sống lúc nhúc, luôn bò rần rần, loi choi hút máu ở trên đầu (do người ít tắm gội). Khi nào đói, rận mới bò ra châm vòi vào thịt, hút máu tươi để sống. Mình ngứa điên cuồng là đó. Rận giống như con rệp tiết ra chất hôi, chuyên sống ở khe vách, giường, phản. Rận, rệp, chí, đều sinh sôi nẫy nở rất nhanh. Em có biết: kinh khủng vô cùng là con gián có thể sống suốt vài tuần với cái đầu lìa khỏi thân. Anh quên nói mỗi năm, số người chết do ong đốt còn nhiều hơn cả số người chết do rắn cắn.
Mi Mi.- Phải làm sao mà diệt chúng nó chứ anh.
Hoàng Nam.- Biện pháp duy nhất là ta phải hy sinh cạo bộ lông, cạo tóc. Không còn chỗ cho chí rận bu bám. Mỗi ngày ta nên tắm gội sạch sẽ, lấy DDT (thuốc diệt côn trùng) xoa đều lên bề mặt da. Làm như thế cả tuần nhe, thì chí rận mới “dứt điểm”, sẽ chết hết. OK! Đó là phần giải thích của anh là “bác sĩ mu rùa hóc môn”. Em thỏa mãn chưa?
Mi Mi.- Cảm ơn chàng. Nhà em có quá nhiều kiến. Tại sao Trời sinh con kiến để làm gì? Tả và nói con kiến có công dụng gì. Cho em nghe nhe.

Hoàng Nam.– Cô Nương! Coi chừng mùa nóng thường có nhiều kiến nhen. Bọn kiến tinh ranh, khôn đáo để đó em. Trời lạnh lẽo hay sắp chuyển mưa, là chúng biết trước, lo dời trứng lên cao, phòng trú trên trần nhà. Trời nóng nó lại chuyển chỗ xuống đất. Vì thế, kiến không tha mình chỗ nào cả. Đâu đâu nó cũng bò tới “thám thính” được. Ngay cả tủ quần áo, khi không còn mùi long não (naphtalin), nó cũng chui vào. Nhất là nhà em có thịt, cá, chất béo, mỡ, mật ong, thức ăn, thực phẩm khô, là có kiến. Vì thế, anh phải cẩn thận với thức ăn. Mệt lắm. Em đọc đi: Ants hate cucumbers. Keep the skin of cucumbers near the place or ant hole. (Trị kiến: Kiến ghét dưa leo. Bỏ võ dưa leo gần chỗ có kiến hay ổ kiến).
Mi Mi.- Em hỏi chàng, vậy chứ con kiến có cái đuôi, như những con vật khác không anh?
Hoàng Nam.– Ha ha ha!!! Nương ơi! Đúng nguyên tắc thì con kiến cũng có đuôi đó em à. Hổng phải nó có đuôi rõ ràng như đuôi chó, đuôi mèo, hay “đuôi phao câu gà, vịt”. Em có tin không? Kiến có đuôi. Nhưng kiến có hai cái đuôi, chứ không phải một cái đuôi đâu em. Đuôi mọc ngược phía trên đầu. Mà ta nôm na gọi là hai cọng râu. Theo khoa học thì con kiến bài tiết trên các cành cây. Và chúng liên lạc truyền tin với nhau bằng hai “cọng đuôi râu” nầy. Nếu loại kiến là “cùng chung một nòi giống”, thì nó sẽ có chung một tần số âm thanh như nhau. Còn nếu khác giống nòi, nó tự động phát ra những tần số âm thanh khác. Lập tức nó dùng càng to cắt đứt đầu đối thủ. Nói chung, loài vật đều có đuôi cả, tùy theo dài, ngắn, to, nhỏ, cụt đuôi nữa.

Mi Mi.- Ồ thì ra... cọng râu con kiến cũng “hoá thân” là cái đuôi tinh xảo anh nhỉ! Mấy loài khác, thì em thấy cái đuôi rõ rệt. Còn con ruồi, con kiến, khi xem trong discovery em ”nỏ thấy”. Con kiến có thể nâng một vật nặng gấp 50 lần trọng lượng của nó và nó luôn ngã về phía phải khi bị ngộ độc. Kiến không biết ngủ. Anh à, mỗi năm, số người chết do ong đốt còn nhiều hơn cả số người chết do rắn cắn. Vậy cái đuôi con rắn, thì có ở từ khúc nào nè anh?
Hoàng Nam.- Cái đuôi của con rắn, theo anh biết thì tính từ khúc cuối cùng của các đốt xương sống. Nghĩa là từ 1/5 đoạn cuối cùng của con rắn. Đặc biệt ở Thái Lan em đã chứng kiến người Thái biểu diễn màn xiệc rắn. Họ cho người đi du lịch “nhâm nhi” chút rượu thuốc ngâm rắn. Họ lại cho em sờ vào chỗ bộ phận sinh dục con rắn đực, nó chia ra làm đôi. Ổng nói ai mà sờ được chỗ đó đó, thì lucky lắm.
Mi Mi.- Em nhớ ra rồi. Hồi ấy thật thú vị, vui quá à.
Hoàng Nam.- Còn tính về con người "tiền kiếp"... thì cũng có “cái đuôi” ngắn tủn ngắn tỉn, như cục thịt thừa đó chứ em. Họ ưa chà đít xuống đá, để mài đuôi cho rụng đi. Nay mất gốc rồi. Vì mọi sự yêu thương truyền cảm, cũng từ “cái đuôi” mà phát xuất ra. Phải chăng đó là giây liên lạc mật thiết của con người không ha?

Mi Mi.- Anh nầy vớ va vớ vẩn. Bộ cứ “Nhân Chủng Học” là anh tin vào thuyết Darwin, thì loài người xuất thân từ loài đười ươi sao! Họ cũng có cái đuôi rất ngắn. Nhưng sau vài triệu năm, thì cái đuôi của loài người rụng đi?? ( Ah! Em lại tưởng tượng giống như con nòng nọc, con thằng lằng rụng mất đuôi!?). Rồi do cái thế đi đứng của loài người mình ung dung, hoàn hảo hơn, nên họ đứng lên, bắt đầu đi bằng hai chân. Chứ ngày xưa như trái đất, thì họ đi bằng bốn chân há?
Hoàng Năm.- Vậy ra, em là “cái đuôi” của anh rồi. Anh phải “bảo-trì” thật tốt, cái đuôi yêu dấu của anh nha. Từ nay anh sẽ chính thức phong chức cho em là: “Người quản-đuôi yêu dấu của anh”. Còn anh sẽ là NO của em: Nô nức. Nô đùa. Nô giỡn. Nô bộc. Nô tỳ. Nô lệ. Nô gia. Nô nhân. Nô dịch... No. No. No. Yes. Yes. Yes... của em suốt đời. Chịu chưa Mi Mi Nương nương?
Mi Mi.- Dạ vâng! Nhưng, anh cho em xin anh cái đuôi khúc giữa kia.

Hoàng Nam.- Ui Trời! Sao em khôn thế. Nếu em là cái đuôi của anh. Tất nhiên em là hiện thân tình yêu trọn vẹn duy nhất của anh rồi. Em đã trở thành cái đuôi, mà em còn đòi chọn khúc đầu, khúc giữa, khúc nầy, khúc kia nữa. Thôi xin em hãy bằng lòng làm cái đuôi lý tưởng của con rắn nha! Em biết anh tuổi “Tân Tỵ” mà! Thì rắn đi đâu cũng phải “tha” cái đuôi kéo lết đi theo. Đi đâu rắn cũng “có đầu có đuôi” kéo lê thê lòng thòng theo cùng. Hà gì em phải lo lắng, chọn khúc giữa cho ấm áp an toàn hỉ!
Mi Mi.– OK Salem!
Hoàng Nam. - Yes. Amen!
***

Cái CHAT, hay cái "TÁT" Ngút Ngàn Lưng Mây

Date: Mon, 10-26 -2009 -00:05:34 -0700 (PDT)
From: "Tony Dautry khanhson21@saigon.com Add to Address Book Add Mobile Alert
Subject: Thư mang số # 4.946* “CHAT” bù khú nghen
To: "wit < tio1@yahoo.com >
* * *

Mi Mi .- Allo! Chào anh. Em vừa về Việt Nam, hiện đang ở Đà Lạt. Anh có khoẻ không?
Năm Tony.- Ah! Chào em. Cám ơn em. Dạo nầy anh không được khoẻ lắm. Buồn và đau nhiều là đằng khác.
Mi Mi .- Em đã nói với anh hằng trăm lần rồi: Bi giờ mình cũng đã có tuổi, chứ nào phải còn trẻ mỏ như hồi xuân xanh đâu. Mà anh nay cặp bồ bà Kiêm. Mai bà Nguyệt. Em nói đứt lưỡi không được à.
Năm Tony.- Tự nó phone đến anh hò hẹn, rủ rê. Chứ anh nào muốn.
Mi Mi .- Không có lửa, làm sao có khói. Chỉ từ ba bốn tháng nay thôi, khi anh bắt đầu quen với Kiêm, thì anh mới cấm Nguyệt không được gọi phone đến nhà. Anh sợ các con nghe được, sẽ méc lại em. Anh đâu biết là Nguyện đã gọi phone tới khóc lóc, kể lể với bé Tư đủ điều: Nó kể về anh và bà Kiêm đó sao?
Năm Tony.- Thì... anh đã ngăn cấm Nguyệt thật. Nếu nó thật lòng sợ anh, thì phải nghe lời anh. Tiếc thay. Nên anh từ bỏ nó rồi. Em.
Mi Mi .- Có thể nó không thương yêu anh, mà sợ mất anh như món hồi môn béo bở. Không tin, anh cứ hỏi các con gái. Đúng là nó đã gọi phone đến nhà mình kể tội anh. Một chân bên nầy và một chân bên kia, anh không thể bước chàng hảng cùng một lúc qua hai con thuyền đang bồng bềnh trên sóng nước: Vì mỹ kim, giang sơn, hay vì mỹ nhân thế hở!? Tình yêu cuả người đàn bà nầy xét ra coi “chàng” còn có sự bất trung, lừa dối và vụ-lợi, gây tổn thương trầm trọng đối với tình cảm thiết tha “nàng” đã trao tặng. Làm trai nên nhìn thẳng về phía trước, anh hãy nói đi: Anh chọn mỹ kim, chọn giang sơn, hay chọn mỹ nhân 60 không có gì cả ngoài sự trao đổi thô thiển về dục tính... !?

Năm Tony .- Anh biết cách xử sự. Đừng dạy khôn anh nha. Anh sẽ không viết thư cho em nữa. Đọc chưa hết thư kia, thì lòng đùng đùng nổi giận, chẳng thèm viết thư! Em muốn làm gì thì làm. Em cứ quyết định theo ý em. Nghe rõ chưa? Đây là lần nghi ngờ thứ bao nhiêu rồi? (Trừ khi em không còn hấp tấp, nóng nảy, em nghĩ là anh còn đam mê chúng).
Mi Mi .- Ủa!? Thì ra ngắn gọn là thế... Giống hồi năm 1989 ấy. Khi em nói đúng tim đen cuả anh. Anh đùng đùng kiếm cớ nổi giận. Rồi anh nói: vì giận em, anh đã sa vào vũng lầy, phung phí bao nhiêu tiền vào tay chúng nó ha? Bao nhiêu lần rồi, anh vẫn chừa một kẽ hở hoãn binh, là tạm thời úp úp mở mở, lẫn trốn chúng thôi.
Anh không dám dùng biện pháp mạnh là: Nhìn thẳng vào mặt chúng. Nói lời chia tay vĩnh biệt. Nên sau khi chúng “mè nheo” khóc lóc, năn nỉ, thoả mãn rồi, thì đâu vẫn hoàn đấy. Anh tiếp tục nói láo với em và các con. Thưa anh! Em không thể chịu đựng hơn. Tình yêu em trọn vẹn chân chính. Em chưa bao giờ lợi dụng anh một đồng xu. Nên; Tuyệt nhiên em không bao chấp nhận anh, về sự anh lừa gạt em trắng trợn từ tiền bạc, lẫn tình cảm. Sự việc đã rõ rành rành. Anh nên quay về phủ phục dưới chân chúng, cầu mong chúng gia ân tha tội cho anh. Anh liếm lại mấy bãi đờm anh đã trót nhổ ra. Đó chính là lời anh nói là: nếu anh mà quen lại mấy con đó, thì anh cúi xuống liếm bãi nước miếng anh đã nhổ xuống đất. Em sẽ không thèm quấy rầy anh. Em hứa như thế.
Năm Tony .- Hừ hừ! Sao em đánh giá anh thấp thế. Em cứ nghĩ như vậy, anh sẽ rất buồn và nổi giận kinh khủng. Đã nghi ngờ nhau hoài, thì còn gì là tình yêu nữa. Bây giờ, anh sẽ im lặng. Cứ nói đi.
Mi Mi .- Vậy chứ, từ sáng thứ Hai, 24-01-05 lúc 9:49, anh nói anh đi Đà Lạt với ông Ba, và ở một tuần. Để anh lo về việc mua đất đai, bán kiếm lời gì đó. Thật ra, anh không hề đi với ai, mà anh đi với con Kiêm, lên Đà Lạt ở tại Hotel Dream. Trong khoảng thời gian đó, anh không có một giờ rảnh rỗi tách rời nó, để lẽn đi e-mail về em. Mặc dù đi chơi, nhưng anh vẫn mất tự do ha. Chứ nào em có cấm cản anh mất tự do. Đâý, chính là lúc anh bị kềm kẹp. Bị ra lệnh, bị bám sát từng bước. Nhất là bị tước đoạt tiền bạc cuả chúng ta, một cách dã man và thô bỉ, ô trọc nhất. Vậy, anh tự sa chân vào vũng lầy sa đoạ, thì đừng đỗ tội cho em nha. Em không thể nói gì hơn, khi anh tính nào vẫn tật ấy. Em chán hết biết. Không vì lý do gì, em cần níu kéo cuộc tình đã mất nữa.
Năm Tony .- Em đừng có tối ngày đi rình mò anh, như tên trộm vậy. OK. Anh có lỗi trong việc nói dối em. Chẳng qua sợ em buồn. Sorry. Em hãy rộng lượng thứ tha và bao dung. Anh xin hứa là thôi. Anh không muốn nói gì nưã. Anh im.
Mi Mi .- Chỉ cần một tiếng sorry trơn tru từ cưả miệng dẽo mồm dai mép, tràn môi trên mà trề môi dưới cuả anh; Là sẽ xí xoá bao điều bất nhân gian ác hoài mãi sao? Vậy thì, anh đừng bao giờ mở miệng ra nói câu: - “Em và các con không tôn trọng anh” nhe. Anh muốn cho các con tôn trọng anh?
Trước tiên, anh phải làm thế nào tỏ ra xứng đáng, và tự tôn trọng mình. Sau đó các con và em mới cảm thấy anh xứng đáng được em và các con >Không những là tôn trọng anh, mà anh sẽ được sự trìu mến và kính trọng hơn<. Để khỏi làm phiền nhau vô ích, em sẽ về Việt Nam: -* Trong đó, sẽ giải quyết chuyện tình cảm & tiền bạc anh vay mượn em từ xưa. Em sẽ đưa ra ánh sáng cho minh bạch vụ nầy. Bởi tự vì, do anh đi rao réc với các em cuả anh là:
- Em gian ác, đã lấy tất cả đồ đạc trong nhà, không chừa lại cho anh cái gì cả.
- Thưa anh Hoàng Năm Tony, sao anh mở miệng ra nói láo kinh khủng, mà không biết mắc cỡ vậy? Vậy chứ, anh có muốn em nhắc lại cho anh nhớ rõ không? Tiền bạc phủ phê vài chục ngàn usd. Đó là cuả chìm. Còn nào là cho anh bao nhiêu đồng hồ, máy ảnh, cả lượng dây chuyền vàng, nhẫn vàng, cà rá, giày sports, quần jeans, áo len, những bộ áo veston đắt tiền, vô số chuyện…
Còn của nổi to chình ình như: tủ đựng quần áo đáng giá vài triệu, tất cả máy móc trong nhà, tivi, microwaue. Cho anh tiền mua tủ kính úp chén bát, đồ dùng son nồi. Một giàn tủ tuyệt đẹp mới toanh (do em gửi thêm 2.000 usd, đế anh thuê thợ đóng ở trên bếp, đựng những thứ cần thiết), nhất là em phải chi tiền cho anh làm hết hai hàm răng giả của anh bị nha chu, phải nhổ quách đi rùi, vân vân... và vân vân… Tất cả của ấy vẫn còn nằm lì ở nhà anh đó. Kể cả cái máy lạnh mới cáu cạnh ở đâu ra, để ngày đêm cho anh mát mẻ? Chả lẽ em sắm ra tất cả tại nhà nầy của anh, rồi em leo lên gỡ xuống, để em đem đi Mỹ hết à?

Mấy lần rồi anh làm mất toi hết, em hỏi tới anh nào dây chuyền vàng y, cà rá, đồng hồ, vân vân… khi thì anh nói láo là anh túng tiền, có bán xài, cầm cố. Hay đi chơi đã bị mất, bị giựt. Úi Trời! Cáo già mà cũng bị giựt ha! Vậy thì gần vài chục ngàn usd? Chắc cũng bị con nào giựt béng mất toi hết sao?
-* Này anh; Anh đừng có dựng đứng lên em đã lấy lại đồ đạc hết, rồi anh đi bêu rếu, vu oan giáng hoạ cho em những chuyện không, anh nói dựng đứng lên là có à nha. Việc nầy, các con đều biết, đều thấy rất rõ. Anh đừng tiếp tục bôi tro trác trấu lên mặt. Anh nói láo để con cái càng khinh anh. Cái tội của anh to ngập đầu ngập cổ đó. Anh đem… tóm lại, tất cả mọi thứ, anh đem đi dâng cúng bất lương vào những cuộc truy hoan. Anh nói láo và lường gạt em mọi chuyện. Kể cả chuyện anh dám đến nhà con gái bé Hai để lấy danh nghĩa tên của em, mà anh nói với con gái:
- Con ơi! Cô Mi rất cần tiền. Con cho cô M mượn 5.000usd. Nhưng con đưa cho ba - để ba gửi gấp qua Mỹ cho cô M.
-* Con gái tin anh nói thật, con đã đưa tiền cho anh, và anh dấu diếm đem đi phung phí hết. Mà anh không hề nói cho em biết, là sao? Mãi đến một năm sau, khi em về thăm anh, thì bé XuTu hỏi em:
- Vậy chứ cô đã mượn tiền của chị Hai, khi nào cô mới trả lại?
Em đã giật mình, cố hỏi con cho ra lẽ: Thì con gái kể lại đầu đuôi như thế. Anh có nhớ là khi đó em giận quá, gọi anh chở em đến nhà bé Hai, để đối chứng ba mặt một lời. Thì lúc đó, anh đã cúi gục đầu trước mặt em, và con gái bé Hai mà thú tội không?
Nói thật với anh, vì em thương bé Hai, con gái không dám cho chồng S… của nó biết việc tồi tệ nầy, nên em không nở làm to chuyện. Rồi tự em bỏ tiền túi ra, để trả nợ đậy mà anh gian trá nói láo để em giúp anh vuốt mặt mà nhìn con. Anh nói láo, mượn danh của em, anh dùng số tiền mượn ấy để làm gì hử? Có dôn dốt như em, cũng thấy và biết rất rõ chân tướng anh mà. Vì sao? Khi xưa em yêu anh, em chưa hề có những ngày cận kề bên anh. Chúng ta không có môi trường thuận tiện sống chung dưới một mái nhà. Tình yêu ấy được em sơn phết lên một lớp mạ vàng quá lý tưởng, thần thánh, ảo tưởng, mà người Mỹ gọi là “American Idol” và thi vị hoá cuộc tình. Anh bưng bít, che đậy cố tật xấu xa khá tài tình. Nay em và các con đã biết được những hành động, những suy nghĩ cuả anh.
-* Đã trải qua mấy chục năm yêu và biết nhau. Thì bản chất con người anh đã lộ rõ nguyên hình. Ngày xưa, anh nói vì anh buồn chị Tư của em cấm mình yêu nhau, nên anh trở nên sa đoạ? Vậy chứ bây giờ anh tóc bạc già U-70 rồi, anh vẫn nhúng chân vào vũng lầy! Bởi tại ai? Anh chỉ là một đàn ông “ảo” hèn mọn quá tầm thường. Đúng là em tô màu phóng đại, nâng bi anh là siêu sao thần tượng, em đã nắn nót công dã tràng xe cát trên biển. Sụp đỗ. Bây giờ anh đừng đỗ lỗi tại ai. Nha. Anh nói láo tàn bạo, phản bội tình, lừa gạt tiền, lì lợm trắng trợn thô bỉ nhất đời.
-* Em không thể rộng lượng tha thứ cho anh thêm; Lần thứ mấy chục rồi? Em cương quyết dứt tình với anh. Em đã cho anh rất nhiều với sự bao dung, chịu đựng, hy sinh quá đáng. Hậu quả là không đúng chỗ và thua thiệt.
-* Tuy nhiên, một điều cuối cùng em yêu cầu anh: Kinh qua cuộc tình dai dẵng hơn 45 năm nầy. Em biết rõ anh hơn ai cả. Mong anh thức tỉnh. Không nên nhẫn tâm để mưu toan đi lường gạt tình cảm, tiền bạc những người nhẹ dạ khác nữa; Nhất là em, bà con, Thu, Bích Hà, Hồng Anh, và những bạn trai Không-quân, Tabert của anh ở hải ngoại vô tội à. Ai ai cũng phải làm việc vất vã. Chứ họ không như anh, (được em và bé Hai nuôi anh sung túc, no đầy). Anh không làm việc gì cả, ngồi không an hưởng, nên anh không thấy giá trị cao quý từ tình bạn, tình yêu, qua đồng tiền của người khác dành dụm, chắt chiu gửi về anh đâu. Ở hải ngoại bạn bè thân nhân của anh cứ tin anh bị đau chứng nan y. Anh đã nói láo, lừa dối họ là anh có di chứng ung thư cổ, để họ lo quyên góp tiền về cho anh.
Đồng tiền kiếm được qúy lắm, họ hy sinh để giúp những người thực sự nghèo đói, đau khổ. Và khao khát sự sống trong lành. Nhất là những đồng tiền bạn Không-quân của anh quyên góp ở hải ngoại, lẽ ra nên đến tận tay các em bé mồ côi đáng thương, ốm yếu, những ông già bà lão mù lòa, bệnh tật khốn cùng, nghèo khổ ở vùng quê xa xôi, mới phải. Trong khi đó, anh nhận tiền của người khác, lại tiếp tục sống phây phây, phè phỡn đi ăn chơi trác táng với con Nguyệt, con Kiêm. Em “nói có sách, mách có chứng” rõ ràng.
Đầu dây bên kia bờ đại dương đã giằng mạnh phone cái cộp, dội lại rất to trên máy.
Thì ra... giận dữ nghe! Sợi dây đã dứt lià đường nối…
***

49 năm sau: Thời gian và không gian dài lê thê, thăm thẳm… từ "thuở có anh có em đi nhẹ vào đời nhau" ở Đà Lạt, ra Huế, Mỹ Chánh, Quảng Trị, rồi vô Đà Nẵng, Sài Gòn... Thế rồi, vào những chiều giông bão khi định mệnh cúi nhìn xuống đời hai anh chị thì... như Abraham Lincoln nói. “ai đó” có thể lừa dối một số người trong một lúc, và lừa dối hết mọi người trong vài lúc, nhưng không thể mãi mãi lừa dối được tất cả mọi người”.
Đôi bàn tay Mười đan chặt vào nhau để ôm đầu gối run rẩy nhô cao, thế mà cũng có lúc hai mu bàn tay rã rời tuột ra, rơi rụng buông thõng xuống. Có thể do tấm lòng mình không rộng rãi, vị tha; nên nhiều lúc nàng không quản đại, bao dung, không quên những uất hận đau buồn vò xé trong quá khứ, khiến Mười càng điên tiết, muốn vạch trần bộ mặt gian trá lưu manh của Hoàng Phương Nam. Nàng muốn đốp chát vô mặt chàng, xỉ vã những lời cay độc, chì chiết, khinh khi, phỉ nhổ bãi nước miếng vô mặt “đẹp lão nhưng than ôi ghê tởm” đó, cho lại gan, cho hả cơn giận. Nhưng… do bản tính hiền lành nên mình không nỡ.

Năm buông lời ngọt dịu năn nỉ van lơn nàng hơn cả chục lần: “anh nói cho cô nghe, anh có lỗi, hãy tha lỗi cho anh”. Hừ! “em” đã tha thứ hơn cả chục lần em buồn bã tha lỗi... từ khi anh còn là sinh viên cho đến nay rồi đấy chứ). Bây chừ không nhất thiết em phải bao dung, (dù quảng đại bằng cái miệng, mà bằng sự chân thật từ ái), và lòng đức độ khoan dung trong trái tim rực lửa nữa rồi. Anh chẳng còn hưởng đặc ân đó, vì anh đã quá tàn ác, nhẫn tâm đối với mối thân tình của em, thì anh đừng trách em sao nỡ đáp trả lại như thế nhé. Chẳng qua em vừa giống anh, em đã "học cái sách ấy từ anh đó thôi". Đừng, anh đừng van xin làm gì! Vô ích. Khi Hoàng Phương Nam cũng biết giận mà nhấn mạnh giọng: “Anh nói cho cô nghe” một cách bề trên, kẻ cả, láu cá, trịch thượng, chứ không hẳn do tinh tế, biết nhận điều sai trái qua chữ “cô” thay thế chữ “em”, như bao lần chàng âu yếm dịu giọng làm hòa, những lời có căn bản giáo dục cuả một gia đình khả trọng tôn ti.

Lòng Mười lơ lững, phiêu linh, chênh vênh như lá cuốn trong gió lùa rần rật trên lưng áo thưa. Nàng cảm thấy rất buồn, vì một hôm vào ngày nắng tươi, nàng đã mời bốn người: Hoàng Nam, Vịnh, và Vượng (gồm có ba ông và một bà) - cùng đi ăn thịt cá sấu ở một nhà hàng thơ mộng, tại vùng quê Bình Thới. Ban đầu mọi người vừa ăn, vừa uống… và rỉ rả chuyện trò vui vui. “ông Hoàng To Bị” (trong giới nhậu nhẹt xỉn xỉn đã đặt biệt hiệu cho Nam đấy). Sau khi ba người đàn ông nầy, mỗi người đã uống bốn lon bia hộp ngoại, vỏ lon để ngổn ngang dưới chân bàn. Có lẽ do tu quá nhiều bia, nên họ ngà ngà say, hay do hai ông kia có ý nói muốn nhắn nhe cho nàng biết rõ về câu chuyện của “Hoàng Năm to-bị" và con “phở xí Kiêm”, cũng nên. Họ đặt tên con bồ Kiêm là "xí Kiêm", có hai nghĩa: xấu xí & xí phần: Ông Vịnh cười to:
Vượng tóc bạc khơi chuyện:
- Tui kể cho mấy già nghe chiện nầy: "Hoàng Nam to... bị" quả thật ông có cái bị khổng lồ thiệt sung sướng quá! ăn chưa no lo chưa tới. Còn tui, tui ăn cơm mới nói chuyện cũ… đây bạn. Ông Nam đúng là đào hoa, (do đào mỏ to bị mà ra à nhe):
Sáng đèo cơm đi ăn phở.
Trưa hăm hở rước phở đi ăn cơm.
Chiều cơm về nhà cơm.
Phở về nhà phở.
Tối nằm với cơm nghe thơm thơm mùi phở. (1)
Vượng dằn mạnh lon bia cái cộp trên bàn, lắng nghe bạn Vịnh nói:
- Hẳn “cụ mi” biết con Kiêm là tình nhân của Vượng từ chín năm nay rồi? Phải hông?
- Khà khà! Biết chứ. Tôi đã đọc ở đâu đó: “vợ” là cơm nguội của ta. Mình ăn hoài thấy ngấy lên tận cổ... Nhưng phở tái là cha láng giềng. Tôi ăn phở tái... hì hì tất nhiên ăn bánh trả tiền, có hao tốn tiền bạc thiệt, đôi khi run sợ phải mang bệnh Aid. Tuy vậy tôi vẫn thèm… ăn phở, ăn “thịch”, kèm với ngầu pín và tả pín lù. Mặc dù tôi bị heart attach và protaste, vậy mới "chít".
Bây giờ hai ông kia không nói chuyện tiếu lâm nữa, mà bắt đầu nhập đề:
- Hẳn là ông Hoàng Nam biết chắc con xí Kiêm là ca va, nó có bốn đời chồng không chính thức, có hai dòng con riêng. Nay con ghẹ ấy vẫn đèo thêm một số tình hờ. Ông biết rõ nó đục khoét của Vượng không biết bao nhiêu của chìm của nổi, kể sao cho hết? Vậy mà, ông còn công nhận mình là bạn già U-70 cuả Vượng nầy ha?
- Dĩ nhiên... Chả thế có một bài thơ “tiếu Tức” của THH tả về con xí Kiêm sao, nghe nè:
Anh đi vắng, thâu đêm em thức.
Cỡi áo vì em đang bức rức...
Chỗ ấy bi giờ vẫn nóng nực.
Nhìn xuống nhìn lên càng thêm tức.
Nhìn lên nhìn xuống đà quá tức.
Nhìn qua nhìn lại không có thực!
Anh ẵm mụ nào vô xó... xực?
Sao bằng em... múi mít thơm phức! (2)
Vịnh đứng dậy, một tay chống ngang hông, ông ta lừ mắt nhìn soi mói vào mặt hắn:
- Nè, ông đang cặp bồ với con xí Kiêm hử?
- Nghe anh Vượng không còn bao con xí Kiêm, họ xù độ rồi mà? Thì tôi cũng muốn ăn phở vui chơi qua ngày thôi... Tui với nó cũng như: “kẻ trộm mới đi ăn đêm. Ai người tử tế ra đường giữa đêm”!? Ừ, tôi nào có hạnh phúc như anh: “Có phước lấy được vợ già. Sạch cửa sạch nhà lại ngọt cơm canh”. Khổ thân! Riêng tôi thì "ở giá" đã hơn hai mươi sáu năm nay: “Đói cơm lạt áo kém hem. No cơm ấm áo lại tìm nọ kia”... Nhất là lúc tôi nhìn thấy phở, thì nước miếng nước mồm tuôn ứa ra bên mép: “Có làm thì mới có ăn. Ngồi không ai dễ đem phần đến cho”. Tất nhiên là tôi phải làm tới, là là... tôi phải tán hưu, tán vượn con ghẹ, con mồi mới chịu đèn, chớp mắt lia chia, nhoi nhoi cái đít vịt ra. Ha ha...
Nam cười rất đễu, tiếp tục:
- Tôi dùng hết thủ thuật, lân la làm quen, hầu nhữ cho được “con mồi phở”. Tôi tủm tỉm "cừi cừi" nói nói, tôi cố ý lê la tới, để gù gạ cắn cái phao câu con ghẹ. Nói thiệt với mấy ông nghen, nó xấu xí bỏ mẹ à... Nhưng có hề gì, nó xấn tới xáp lá cà ráo riết, thì tội gì mình không vồ: Tôi mở mòi tán con ghẹ rằng: có phải xóm em đang… “hôm nay có đám giỗ gần. Trong bụng bần thần em chẳng muốn nấu cơm”, cho anh ăn không vậy? Cưng ui! Thế là chỉ mươi phút sau, chúng tôi dễ dàng xáp lại với nhau cái rột! “Được đà cứ tiến, được miếng cứ ăn”… Chỉ có vậy!
Vượng vuốt ngược nhóm tóc bạc ra sau gáy, ông ta lừ mắt:
- Thì có lần chạm mặt nhau, tui đã hỏi Nam: “Hỏi anh, anh nói học trò, sao mà tui thấy cỡi bò hôm qua”?! Hừ! Tui thật lấy làm tiếc, khi ông đã làm một chuyện mà tôi thấy một người luôn tự hào trí thức cao như ông, đều không ai dám làm. Ông là bạn cuả tui, ông thừa biết tui coi con xí Kiêm là “cơm áo gạo tiền”, là vợ chính thức (vì vợ tui đã chết). Chớ có phải là loại “cơm hàng cháo chợ” chi đâu! Mà ông vẫn lao đầu vào, để giật vợ của bạn. Là sao? Hử!?
Vượng ngừng một lát. Còn Vịnh thì nhìn trừng trừng vào mặt hắn:
- Nhất là, ông không làm gì ra tiền, ông ăn bám “cơm thừa canh cặn”, bòn rút vào con rể việt kiều của ông. Rồi… ông bu bám người đàn bà hải ngoại, ông nói với nàng ấy: “Em chính là tình yêu của anh, em là tình đầu, và là tình cuối. Ngoài em ra, anh không còn yêu ai, không hề yêu ai được”. Ông dùng tiền của mồ hôi nước mắt những người bạn khác, đục khoét tiền của những người thân khác, mà ăn chơi xã láng. Ông không có liêm sĩ, và làm những chuyện ác ôn, táng tận lương tâm, láo lường gạt gẫm bạn bè. Nào ông nói là: “bị đau cổ họng có thể ung thư, bị suyễn kinh niên, và tiền tuyến liệt, phải cấp cứu vô bệnh viện không tiền lo, xin bạn tận tình giúp”. Các bạn hải ngoại và thân nhân tưởng thật, đã thương cảm, quyên góp tiền gửi về cho ông hậu hỉ.
Thật ra ông mạnh như trâu, chẳng hề ốm o ho hen gì ráo. Ông đem số tiền ấy đi chơi bời, "ăn phở triền miên”, hầu thoả mãn dục vọng, và tự ái của thằng đàn ông sa đoạ, vì ông cứ tưởng mình hào hoa phong lưu, mà bị vợ bỏ. Ông hận vợ, hận đời. Nói thật với ông nhe: Tại sao ông không nhìn kỹ lại bản thân của ông đi, ông có ác ôn làm sao, thì chắc chắn ông mới bị "cô mối tình đầu từ năm 60", là người ông yêu quý nhất đời lặng lẽ chia tay? Bây giờ tui mới biết rõ cái bản chất của ông, tui nhục nhã khi quen biết ông, ông không xứng đáng làm bạn với chúng tôi nữa đâu. Hèn quá mà!
Vịnh trợn mắt đứng nghiêng qua một bên, xỉ xỉ ngón tay thẳng vào mặt hắn:
- Chỉ có loài thú “cơm niêu nước lọ” mới trơ cái trán bóng, mặt dày mày dạn ra. Loài chó nó có nghiã, nó cũng không làm cái chuyện đi lấy bậy. Đừng nói ông là con người có học thức cao, mà lén đi húp xái nước lèo, lấy vợ của bạn, rồi đi rêu rao ta có một thời phong lưu đào hoa. Nè, đào hoa cũng có nơi có chỗ với năm bảy hạng đào hoa, phong lưu. Tui vì ông Vượng thân quý, hôm nay tui đến đây là lần đầu tiên tui gặp ông, và cũng là lần cuối cùng nha.
Nạn nhân Ngọc Vượng nhìn Mười gật gật gù gù, nháy mắt nheo mày, lắc lắc mái tóc bạc phơ, như muốn trút bỏ cơn say, hay ông ta muốn nhắn nhe gì? Nhưng Vượng là người miền Bắc có giọng nói ngọt ngào, anh khôn ngoan, từ tốn, nhẹ nhàng can ngăn bạn thân:
- Thôi ông ơi:
“vợ là địch.
Bồ bịch mới là ta.
Khi chiến sự xảy ra.
Ta buộc về với địch.
Nằm trong lòng địch.
Rục rịch ta nhớ ta”. (1) Ông xĩn rồi. Tụi mình đến đây mục đích là thăm chị Thương Mười, vui gặp chị cho biết ân tình xí... Thôi. Để tui đưa ông đi về gấp nà...
Vịnh hất tay bạn ra, cự nự:
- Tui phải nói cho thằng chả sáng mắt ra. Thật là ngu, khi hắn có người yêu qúy dám từ bỏ tất cả, để tới với hắn, chị ấy từng chăm lo và thủy chung với hắn như vậy, mà hắn còn đi tơ tưởng, khèo móc tùm lum, hắn lại dở trò bú dù với vợ của người khác. Xấu hổ, hãy mở mắt ra mà quay về với cố nhân đã từng yêu ông suốt 45 năm qua đi: “Hoàng Nam to bị” cứ tưởng con ruồi nằm trên lưới mạng nhện, thì dễ dàng thoát thân những con ghẹ từng hút máu ông sao. Nghe nè :
Bồ là cô gái qua đường
Vợ mới trân quí nhớ thương vô vàn.
Bồ thì nũng nịu than van
Vợ lo nhà cửa lầm than vô cùng.
Bồ hay mơ mộng mông lung
Vợ rất thực tế vô cùng đáng yêu. (1)

Hai ông bạn già đứng dậy, nháy mắt chào nàng, rồi ung dung tự tại bá vai vít cổ, dìu nhau ra bãi giữ xe. Anh tóc bạc chở anh tóc hoa râm đi, tràng cười ha ha ha… lướt thướt lùa trong gió, rớt lại sau tấm lưng Nam. "Thằng chả" hai tay bưng lấy mặt, cúi gục đầu, hắn nhiên Hoàng Nam đã nhận gáo nước sôi tạt vô mặt đau điếng. Mặt mày hắn thộn ra, sượng sùng, tái nhợt rồi bừng bừng đỏ au, hắn trợn mắt, hàm răng nghiến trèo trẹo.
Do sơ ý khi nàng mở nắp lon bia cho chàng, (bây giờ nàng bắt chước mấy ông già U 70 kia, không dám thân thiết âu yếm gọi “anh Hoàng Phương Nam yêu” nữa, mà gọi là “Hoàng Năm To Bị”), nên miệng lon đã cứa đứt cạnh bàn tay và hai ngón tay của nàng, chảy máu. Lẽ ra, thì chỉ đau nhức ở cạnh bàn tay và ngón tay thôi. Nhưng không hiểu sao nàng lại nhói lên từng cơn đau đớn ở bờ ngực trái kinh khủng!? Dường như có ai thọc con dao găm vô trái tim nàng ngoáy sâu lút cán vậy. Đau ghê lắm! Tình bạn già và tình yêu mà nàng tưởng lầm là: thần tượng, lý tưởng cao vời, nay đã lố bịch sụp đỗ, rơi tỏm xuống vũng bùn. Buồn lòng và cay đắng nghẹn ngào, đau xót nhất là: từ nãy giờ lắng tai nghe lời họ nói, Mười mới bừng tỉnh, mắt nàng mở ra, cảm thấy sự thật phũ phàng qua những điều sống-sượng quá trơ trẽn. Mười nhận chân được giá trị về sự mỉa mai và đau xót khôn lường: Nam có một thời hào hoa và phong lưu, (dựa vô gia đình cha mẹ giàu sang, mặc sức cho con hào phóng ăn chơi với ai ai, chứ chẳng hề có nàng dự cuộc, dù một món quà nhỏ). Nay tự bản thân "Hoàng Nam chỉ là một kẻ hèn mọn, là tên lường gạt lố bịch, quá thô bỉ và tầm thường mà thôi.

Nàng khá choáng váng, bất ngờ, hốt hoảng tột độ, đờ đẫn cả người, ngượng nghịu ngồi chết trân, không kịp phản ứng. Chao ơi là đau kinh khủng! Mười chỉ biết ngậm ngùi xót xa, kèm theo những tiếng thở dài thườn thượt, lặng lẽ suy tư. Nàng im lặng suốt từ đầu đến cuối, sửng sốt, trợn mắt, há hốc miệng chăm chú nghe họ kể về “chàng”. Mười cắn mạnh môi ngăn chặn mọi đảo lộn khác thường. Trong tim Mười dẫu sao cũng có chút bừng bừng cơn sốt, tiếc thương vang vọng trở về mỗi lần có người nào vô tình gợi nhớ đến “người xưa”. Thuở trước, ngày xa xưa của thời kỳ sinh viên ấy, khi nàng và cố nhân mới yêu nhau, trái tim Mười bừng bừng co siết nhiều giọt mật say sưa, cuồng quay, trìu mến, dạt dào tình âu yếm. Tình yêu cuốn trôi mọi thứ đến tận tơ rung từng tế bào run rẩy, nồng nhiệt lẫn đam mê, nhưng khá trong sáng và êm ái, làm phẳng phiu mọi buồn đau trong lòng nhau.

Rồi thì bức biếm họa tình cảm có hai chân ngang trái, có bước thấp bước cao, lạnh lùng chụp
mũ lên đầu hai người ra đi. Quá khứ hay tương lai như hòn sạn khô niêm kín Mười giữa hai hàm răng nghiến chặt. Dẫu khát khao, quay quắt về cuộc tình xưa kia ôm nhiều kỷ niệm tái tê, khiến nàng đau đớn, chới với, hụt hẫng như bong bóng bay cuốn hút lên trời. Cuộc sống ấy đã có một thời đầy cạm bẫy, phức tạp, éo le, chua chát, dày vò... đi vào căn nhà định mệnh từ tiền kiếp và diễn tiến mãi tới hôm nay. Từ ngày xưa đến nay nàng chỉ: “Tri nhân tri diện, bất tri tâm. Hoạ hổ hoạ bì, nan hoạ cốt” (thấy người thấy mặt, không thấy lòng. Vẽ hổ vẽ da, không thể vẽ xương). Càng về lâu về dài thì nàng mới biết: Hoàng Nam ích kỷ vô cùng, anh muốn thoải mãn bản thân thôi, mà quên đi đạo đức tất yếu của con người biết tự trọng. Lòng tự trọng không ngăn nỗi tính già khú vẫn "háo thắng phong tình", và tội lừa phỉnh mọi người ùa về. Năm yêu bản thân riêng mình đến độ hèn hạ, mất thể diện và ô danh. Tính nào tật nấy, ngựa cũ quen đường xưa, đồng thời Nam chuyên lợi dụng người khác, sự lạm dụng trắng trợn đầy bất nhân, thất đức:

Thời xuân trẻ trai tráng cho đến bây giờ, không khác gì nhau: > Từ hồi xa lắc, cũ rích thuở mười bảy mười tám, Nam đã dan díu với mụ già khú Tư Râu Rậm ở gần nhà, mụ ta lớn tuổi hơn Năm tới một con giáp, mụ có chồng và sáu con, con gái đầu của mụ nhỏ hơn Năm ba tuổi. Và, Nam ngủ với nhiều hạng người: Từ bà chủ chứa gái từng lấy guốc sắt đập trên đầu Nam đã lõa máu tươi, (chỉ vì anh từng ngủ với bà ta, mà còn ngủ với con ghẹ trẻ, là con riêng của bà ấy, nên bà ta ghen thôi!). Khi Nam bỏ hai mẹ con bà ta, thì năm 2000 tiến tới con bé ăn sương bị mù loà, tối tối con nhỏ đứng chờ bên hẽm Hai Bà Trưng, để đón khách đưa lon xin tiền. Hoàng Nam dám khoe với nàng, và bạn bù khú điều ghê tởm đó, mà anh không hề đỏ mặt; coi như là một sự hào hoa, bay bướm, lả lướt, phong lưu của con đĩ đực!

Rồi; Năm lăng nhăng với “bà phở” bên sát hông nhà, Nam dám cả gan tò te với bà xồn xồn nầy đã có chồng con. Nói nào ngay dù có chồng, nhưng “gái một con trông mòn con mắt” mà. Nam thèm quá... ngồi ở góc cửa nhà mình, dòm lom lom qua nhà mợ kia, Năm canh me rình rập, khi chồng “mợ phở” đi vắng, Năm liền đảo qua lượn lại, tằng hắng tì hí, nháy nhó, thì thụt rủ rê “mợ phở” qua nhà. Con mợ ấy làm bộ ôm túm quần áo qua nhà Nam, để ủi áo quần nhờ. Nam liền đè “mợ phở” trên gác xép lấy mụ. Có ngờ đâu con gái út ở trong phòng, vô tình con hé cửa nhìn thấy hành vi của cha. Kể từ đó các con ra mặt phản đối, khinh bỉ hắn biết chừng nào!
Nhiều lần sau, Năm nháy nhó hẹn mợ phở xồn xồn đi du hí mặn nồng ái ân nơi khác, thì một hôm chuyện tồi tệ bị đổ bể; khi Nam gò lưng trên chiếc xe đạp, chở mợ phở ấy về gần ngỏ nhà, thì đôi gian phu dâm phụ bị chồng của mợ phở rình rập, và bắt gặp quả tang. Chồng của mợ phở nổi cơn lôi đình dzợt hắn một tăng te tua. Thằng chồng của mợ phở cầm con dao nhíp, lăm le đòi lụi Nam. Nam đã sụp quỳ xuống giữa lề đường góc Hiền Vương và Hai Bà Trưng. Mặt đỏ mặt tía tai bầm dập sưng u khắp nơi, Nam dập đầu xuống sát lề đường, hai tay chắp lại lạy lục ông chồng của mợ phở lia lịa, như tế sao. Nam khẩn cầu, van lơn xin “ông” tha mạng, (trước bao nhiêu kẻ qua người lại, kể cả mụ Tư Râu Rậm quá ghen đã dậm chân dậm cẵng ở ngoài sân nhà mụ ta. Mấy đứa con của Nam cũng thấy trọn từ đầu đến cuối. Sau nầy các con kể lại cho nàng nghe. Ông chồng của mợ phở bị mọc sừng, mà còn lưu lại chút tình người, thật ra ông ta giữ sĩ diện gia phong của riêng mình, chứ không tử tế gì, và không vô liêm sĩ như cái thằng đã quỳ mọp dưới đất, mà tha chết cho mình. Ông chồng của mợ phở sợ thằng hàng xóm 35 xấu nết quá, ổng lo bán nhà gấp, tức tốc thu dọn vợ con chạy đi mất biệt!

Tính nào vẫn tật đó, Năm quơ cả bà Nga nghèo khổ buôn mồ hôi bán nước mắt, tay bưng thúng xôi vò ngồi bệt ở vỉa hè ở đầu ngỏ Hiền Vương. Ngày ngày Năm ghé xe đạp qua góc đường, ung dung lấy vài ba vắt xôi. Bà ta thương yêu con người phong lưu kia, luôn dúi cho gói xôi, kèm chút tiền com cóp nhặt nhạnh trong thời kỳ mới hoàn tất cuộc cách mạng 75 – Kế đến bà Lan, là bạn nhậu bù khú với nhóm của hắn, bà ta tu rượu như uống nước lạnh, thời gian đó Nam bị vợ bỏ, đã say bí tỉ, nhậu nhẹt ly bì không biết trời trăng. Bọn họ ăn nhậu say sưa, khèo móc nằm la liệt, ôm nhau làm tình chung chạ chẳng hổ ngươi, họ không phân biệt “ông bà” như cá mè một lứa, tự nhiên như loài thú hoang ở ngoài chợ ngoài đồng.

Nhất là "xí Kiêm" mặt ngựa thô thiển xấu xí, ốm nhom ốm nhách, giơ ra cặp “trường túc bất chi lao” khẳng khiu, giọng nói bà ta lơ lớ, đanh đá, hung dữ, bặm trợn hết biết. Mấy người đó chả giống con giáp nào! (như Nam đã tả chân về những đàn bà đó, khi xỉn xỉn, Nam thường oang oang kể cho bạn, hoặc cả nhà nghe về "câu chuyện tình hờ" mà không cảm thấy xấu hổ); lớn, bé, già, trẻ, “thằng chả” cũng bòn mút liếm láp hết, không tha. Hoàng Nam đã dùng lời lẽ ngon ngọt đúng “một tông y khuôn đúc” đem ra sao chép, để phỉnh lừa họ.
Chỉ vì Nam muốn dùng những người đàn bà kia, để thoả mãn tự ái: Ta vẫn còn phong lưu, hào hoa, phong độ, có sức chinh phục mê-hoặc quý đàn bà nhẹ dạ, vì cái vỏ bên ngoài trau chuốt khá đĩ trai, Nam ưa dùng nước hoa sực nức mùi thơm dạ lý hương xịt quanh người. Hoàng Nam hận! bị vợ ly dị, (vì sự sa đọa trác táng chính mình). Nam đã lường gạt tiền của bạn bè đã gửi về lo cho mình đầy đủ mọi phương diện. Nhất là Nam muốn trả thù đàn bà, muốn che đậy niềm đau đớn đã bị người con gái xưa kia mình rất yêu, thế mà “cô nàng”… bỏ rơi Hoàng Phương Nam.

Sau khi chia tay người mà Hoàng Nam rất yêu, (nàng không thèm lo cho nữa), thì Nam túng thiếu vô cùng, Nam bán tống bán tán cái nhà, để mua một căn nhà nhỏ ở Gò Vấp, và đưa "mụ phở xí Kiêm" về chung sống như con vợ hờ lòi tói. Năm dùng tiền bán nhà ở Quận I, để mua nhiều vé số cặp, may mắn thay Nam đã trúng hơn 6 tỷ bạc. Và vẫn do… Nam muốn ăn cho khoái khẩu, nên Nam bị “phở xí Kiêm” lừa, mụ nầy là tay không vừa, rất tinh quái và thủ đoạn, thật là võ qúit dày có móng tay nhọn. Mụ ta khéo nịnh và tâng bốc Nam lên đọt cây dừa, nên Năm thích ngọt nghe bùi tai và sung sướng lâng lâng cả ngưởi.

Năm sang tên cho mụ căn nhà mới mua! đồng thời Năm đưa tiền cho mụ ta đứng tên tài khoản riêng là 80 triệu đồng tiền VN, để mụ ta có hiện kim, hiện vật làm bảo chứng, nhà nước sẽ chấp thuận cho họ tung tăng diễu trên đất Mỹ. Năm đinh ninh rằng mụ ta sẽ làm giấy tờ đi Mỹ du lịch với mình. Nào ngờ mụ xí Kiêm có chủ ý hẳn hoi, nên khi vô phỏng vấn, mụ xí Kiêm ú a ú ớ, làm bộ ngu ngơ, lúng túng, giả nai, ấp úng, mắt la mày lém, thì thọt, nháy nhó. Nên mụ xí Kiêm bị Mỹ từ chối. Trúng kế mụ xí Kiêm rùi! Thế là Nam đành đi du lịch mình ên năm 2009. Ở nhà, mụ xí Kiêm tom góp tiền bạc, vì mụ Kiêm biết Năm lại vi vút phong lưu với một con đàn bà khác. Mụ xí Kiêm chả thèm ghen tuông gì, mụ ta chỉ cần bắt tại trận, là xong béng. Thế là mụ Kiêm tống cổ hắn lìa ra khỏi chính cái nhà mà “anh yêu” đã sang tên cho “em cưng”. Nhân dịp Nam khăn gói lên đường đi Mỹ nầy, mụ “phở xí Kiêm” ở nhà dọn sạch đồ đạc của hắn vất ra khỏi căn nhà, mụ thay ổ khoá cho hắn ra rìa! Ồ! đúng “hắn” là thằng ma cô, thì gặp con phở xí Kiêm ta đây Tú Bà, là con ma cạo! Hoàng Nam hận vô cùng. Thế là… sau đó có rất nhiều chuyện kinh thiên động địa đã xảy ra… “Phở pin ngầu tả pín lù nhà hắn” đã bốc hơi thúi thum thủm ra thành phân, thúi hoắt mất rồi! Than ôi! ”! Mụ xí Kiêm không yêu mến gì Hoàng Năm cả, bấy lâu nay mụ ta sống với Năm chỉ vì tiền và thoả mãn dục vọng. Châm ngôn của mụ xí Kiêm:
- "Đàn ông không thiếu giống gì, không là cái thá gì, không ông nầy thì có ông khác. Chỉ có tiền là trên hết".
Bồ tôi chỉ thích ăn quà…
Về nhà lén vợ qua phà ăn thêm.
Phở bò gân tái sụn mềm…
Ăn cơm quá ớn Bồ thèm phở… rơi!
Phải chăng duyên phận do Trời?
Bồ tôi có đủ… đầy vơi các nàng!
Nước hoài chàng chớ mơ màng.
Ngày đêm nút chát với nàng vi vu…
Mặc dù con vợ lù đù!
Khui ra Bồ đã nhảy dù bao phen…
Xấu chàng hổ thiếp phận hèn.
Tên anh sẽ phải lem nhem danh đời!
Khôn ngoan chàng hãy nên rời.
Từ nơi “phở tái”… “cơm” thời xa anh!
Lôi thôi lốc thốc sao đành.
Tối ngày chàng ngủ gốc chanh hận đời.
Chẳng ai màn tới Phở dai…
Chàng ra nông nổi tiếng hoài thị phi.
Thử coi chàng bỏ lần ni.
“Cơm” không có mút nói gì “Phở” thiu!
Chẳng qua em chỉ vì yêu.
Khuyên chàng khuya tối sớm chiều bên em.
Vòng tay ấm áp xiết thêm.
Trải giường mơ lá mình êm chàng nằm… (2)
***

Một hôm, Năm nhận được thư của vị hôn thê

Hoàng Phương Nam nè,
Đã có chút xí tình cũ nghĩa xưa, ngày nay tôi gắng gượng muốn tạo ra tình bạn thuần túy giữa tôi và anh. Thế nên tôi cố ý lờ đi, lặng lẽ chia tay anh, muốn quên tất cả câu chuyện hèn hạ, không hay, không tốt đẹp về anh thế nầy. Tôi không muốn bẽ bàng nhắc tới… Tôi đã buồn trong im lặng, vì tôi thương hại anh, tôi nghĩ là con người thì ai cũng có chút biết điều & ăn năn muốn hoàn thiện. Sự thật thì tôi đã quên anh từ khuya, như quên một chiếc lá úa cuối mùa, như quên một hạt bụi lãng tử. Nào ngờ anh vẫn bươi móc lên. Lẽ ra anh phải xin lỗi tôi (người phụ nữ tuyệt vời… là tôi đây nè) anh mong tôi nên bỏ qua tất cả lỗi lầm cho anh, xin tôi tiếp tục bao che cho anh, mới phải… Nè anh; anh đừng có dựng đứng lên:

- “Em” đã lấy lại hết đồ đạc, rồi anh đi bêu rếu, vu oan giáng hoạ cho tôi những chuyện không, anh nói dựng đứng lên là có à nha. Việc nầy, các con gái đều biết, đều thấy rất rõ. Anh đừng tiếp tục bôi tro trác trấu lên mặt anh nữa. Tội nghiệp anh! Anh nói láo quá, anh gian trá thì con cái càng khinh bỉ anh. Cái tội của anh to ngập đầu ngập cổ, anh không biết hối hận, anh sẽ chết bất đắc kỳ tử không nhắm mắt.

Tôi không hề dựng đứng câu chuyện ấy, trái lại, tôi cố tình che dấu tội ác & sự láo khóet dùm anh, tôi dấu diếm chuyện anh phi nhân bất nghĩa như mèo dấu cứt. Lẽ ra, anh nên cám ơn tôi, câm mồm mới phải đạo làm người chứ. Nào ngờ anh cố tình moi móc lên. Anh còn hậm hực trở mặt vu khống nói xấu tôi. Những chuyện như vậy, tôi chưa nói với ai. Nhưng sao những chuyện thật tốt trong cách đối nhân xử thế về tôi đó, thì anh không làm ơn NÓI XẤU TÔI với mọi người, cho tôi nhờ xí hả?

Lần thứ mấy chục tôi đã tha thứ cho anh rồi? Bởi lẽ đó mà tôi buồn bã cương quyết dứt tình, đoạn tuyệt, xa lìa anh trong im lặng. “Em” đã cho anh rất nhiều với sự bao dung, chịu đựng, kiên nhẫn, hy sinh rộng lượng quá đáng. Hậu quả là không đúng chỗ. Điều ấy tôi không hề than van oán trách anh. Tôi không tức thì thôi; anh phải sáng mắt mà nhìn ra sự tuyệt vời cao thượng của một người đàn bà trong nhân cách sống của “em” đối với “anh”; mới phải đạo làm người chút chứ!

Đọc thư nầy, anh hãy vắt tay lên trán nghiền ngẫm, suy nghĩ cho kỹ… lỗi về ai KHUI ra chuyện nầy LÊN trước. Anh muốn làm, thì phải gánh chịu hậu quả anh gieo gió gặt bão, đừng nóng mặt mà đổ tội cho tôi BÂY GIỜ, NGÀY HÔM NAY: TÔI nói xấu chuyện thật 100% về anh; Bao lâu rồi, (từ ngày tôi lặng lẽ chia tay anh đến nay, đã mười năm), tôi đã nhịn anh từ bấy năm qua, cớ sao mỗi khi anh gặp người thân, bạn bè, anh vẫn hậm hực nói:
- Tôi nói xấu anh, tôi là người không vừa gì, đã tố cáo anh với công an, nên chúng rình mò trước nhà anh hoài, khiến anh không dám cụ cựa nhúc nhích đi đâu, không thể làm ăn gì (khi tuổi già).

Tại sao anh nói láo vậy??? Vậy thì, cho tôi hỏi: Chắc chắn là anh “xấu” không ra gì, nên mới có chuyện người vợ yêu nói xấu, chứ anh đàng hoàng, thì hẳn nhiên người ta nói “tốt” rồi. Ủa, chứ công an chắc hẳn khờ me, nên “biết” anh như thế, mà chỉ ngồi ở trước nhà rình mò một ông lão ngoài 70U, thì chắc hẳn hắn còn tốt bụng hơn anh đó! Anh nên nhớ: Anh nói láo, nên quên trước quên sau, vì thời xuân xanh dù có vợ con đùm đề, thì anh vẫn “ăn vạ” ở nhà cha mẹ. Sau khi ly dị vợ thì có con gái nuôi. Thời thanh niên hay tráng niên anh chưa làm ăn gì để nuôi ai. Thì ngày nay anh còn “đòi làm ăn” gì, khi anh đã là một ông lão. Hỉ! anh trắng trợn đến thế là cùng.

Tôi chưa bao giờ kể cho ai nghe rành mạch rõ ràng về chuyện XẤU XA của anh hết. Nhá. Ngày nay nếu anh đã nói vậy, thì oan ức cho tôi lắm, buộc lòng tôi phải lên tiếng trả lời anh & (bạn hữu, và người thân) hiểu rõ về anh & tôi: đôi chút đây. Bởi tự vì do chính anh luôn miệng đi rao réc với các anh chị em, họ hàng, bạn hữu và thân nhân:
- “Nó” gian ác, nói xấu anh, đã lấy tất cả đồ đạc trong nhà, tiền bạc, nó ra đi không chừa lại cho anh thứ gì cả. Anh mất trắng.

Thưa anh “Hoàng Năm Tony, tự to bị ơi”, sao anh không còn chút liêm sỉ và danh dự con người, mở miệng ra anh nói láo kinh khủng, mà không biết mắc cỡ? Vậy chứ, anh có muốn tôi nhắc lại cho anh nhớ rõ không? Nầy nghe:
-* 01.- Kể từ năm 1977 đến năm 2009: Tiền bạc phủ phê, tôi tốn với anh bao nhiêu thứ: đồng hồ, máy ảnh, camera, vài lượng dây chuyền vàng, nhẫn vàng, cà rá nhận hột, những đôi giày sports, những quần jeans, áo gió, áo len, những bộ áo veston đắt tiền, không kể đồ dùng son nồi… vân vân... & vân vân… Tôi lo cho anh vô số chuyện… đó là chuyện vặt, chuyện nhỏ. Của nổi to chình ình như: tủ đựng quần áo giá vài triệu, tất cả máy móc trong nhà, tivi, microwque Whirlpool Gold Cooking Accubake. Cho anh tiền mua tủ kính úp chén bát, tôi khệ nệ mang vác từ Mỹ về. Cho anh tiền làm một giàn tủ tuyệt đẹp mới toanh, thuê thợ đóng ở trên bếp đựng những thứ cần thiết.

-* 02.- Tôi chi tiền ra mấy lần: anh làm hết hai hàm răng giả bị nha chu, (anh phải nhổ quách đi hết rùi). Những lần anh nói: “Anh đi nằm nhà thương, đi bệnh viện, đi Cần Thơ, Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang (những lần nầy, tôi biết anh đi du hí chơi riêng với những con đàn bà; do con gái méc với tôi. Nhưng tôi lờ đi, vì thông cảm & thương anh ưa sống đời phóng đãng, ắt sẽ thèm thuồng chuyện sex vậy mà)… Mấy lần rồi, anh nói anh làm mất toi hiện vật, hiện kim mất hết trơn. Tôi hỏi tới, nào: “dây chuyền vàng y, vàng tây, cà rá, đồng hồ, camera”, vân vân… khi thì anh nói láo: anh túng tiền, anh có bán xài, hoặc anh đã cầm cố. Đôi khi anh đi chơi đã bị mất hết cả bóp tiền USD, bị giựt vàng bạc, đồng hồ đồng cháo… Tuy nhiên tôi đều bỏ qua hết. (Úi Trời! Cáo già mà cũng bị giựt ha)!

Anh mượn tiền tôi để hóa giá căn nhà ở hẽm Hiền Vương, tiền làm dịch vụ nhà đất, tiền đóng thuế nhà đất. Anh mượn tôi tiền đóng thuế nầy, dịch vụ nọ, dịch vụ kia, sữa xe cúp, lấy bằng lái xe cúp, vân vân... và vân vân… Tiền tôi gửi chị Ba Jeanne của anh, (tôi nhờ chị ấy làm giấy tờ dịch vụ bảo lãnh anh đi du lịch qua Mỹ). Tiền tôi gửi cho anh mua vé máy bay khứ hồi, sắm sữa… Vậy thì vài chục ngàn USD anh nói: anh để trong bank, chắc cũng bị “con nào” giựt béng mất toi hết sao? Anh đem… tóm lại, tất cả mọi thứ, anh đem đi dâng cúng bất lương vào những cuộc truy hoan & ăn uống xã láng, anh cố ý dợt le với những bà Kiêm, bà Nguyêt, bà Dung, Lan…. Tóm lại, mọi vấn đề “lo lắng yêu thương của tôi về anh” không làm sao kể xiết.

-* 03.- Tất cả của cải ấy vẫn còn nằm lì ở nhà anh: từ cái máy lạnh mới cáu cạnh, nếu tôi không xuất tiền túi của tôi, thì ở đâu ra?, để ngày đêm phà ra cho anh mát mẻ? Chả lẽ “em” mua sắm ra tất cả tại nhà nầy cho anh, rồi khi vợ chồng mình giận nhau, tôi leo lên tường tháo gỡ xuống, đem đi Mỹ hết à? Bằng chứng thực tế nhất là hai hàm răng còn dính trong miệng anh đó, chẳng lẽ “em” banh miệng anh ra, mà lấy lại răng tất?. Tiền mặt dollars tôi tới tấp gửi về, hoặc tận tay đưa riêng anh trên vài chục ngàn, (không kể tiền tôi đưa ra trước mặt cho bé Khanh để trả nợ đậy dùm cho anh 5,000 US,) thì sao?

-* 04.- Dĩ nhiên tôi phải và chỉ lấy lại quần áo cá nhân của tôi khi ra đi mà thôi. Anh nói láo và lường gạt tôi và con gái mọi chuyện. Kể cả chuyện anh dám cả gan bạo phổi một mình anh tự đến nhà con gái Khanh ở HvH, anh... (nhân danh) dùng danh nghĩa tên tôi, (mượn uy tín “tên của em”), anh nói láo với con gái:
- Con ơi! Cô Mi rất cần tiền. Con cho cô ấy mượn 5.000usd. Nhưng con đưa tiền đây cho ba, ba gửi qua Mỹ cho cô gấp.
-*- Con gái tin anh nói thật, nên bé Khanh đã đưa tiền cho anh. Anh dấu diếm mẹ con chúng tôi, đem đi ăn chơi phung phí với bà Kiêm hết. Anh không hề nói cho tôi biết, là sao? Mãi đến một năm 2004, khi về VN, thì bé XuTu hỏi “em”:
- Má đã mượn tiền của chị Hai lâu rồi, vậy khi nào cô mới trả lại?
Tôi giật mình sửng sốt…“Em” khéo léo hỏi con bé cho ra lẽ:
- “Cô mượn bé Khanh sao? tiền gì? Hồi nào? Cô không bao giờ mượn tiền bé Khanh, hoặc bất cứ mượn ai một thứ gì cả. Chớ đừng nói là cô mượn tiền gì, con à.

Thì con gái bé kể lại cặn kẽ đầu đuôi, (như đã nói ở trên). Hẳn là anh còn nhớ rất rõ: Khi đó tôi giận quá, giận run, tôi đã bắt buộc anh phải chở “em” đến nhà bé Hai, để đối chứng thực hư ba mặt một lời. Trên lầu hai trong phòng khách, ở sofa nhà con gái, lúc đó có ông Cường (chồng sau của bà vợ anh) ngồi đọc báo gần cửa ra vào. Anh đã cúi mặt gục đầu trước mặt tôi, con gái, bé Hai; mà thú tội:
- Anh đã dùng uy tín của em để tự ý mượn tiền của con, tiêu xài riêng như vậy.

Đúng 100% không? Nói thật với anh nha, vì tôi quá thương bé Hai, con gái dấu nhẹm không dám cho chồng… của nó biết việc anh làm tồi tệ nầy, nên lúc đó tôi không nở làm to chuyện, sợ con gái mất hạnh phúc. Rồi tự “em” (là= tôi) móc tiền túi của tôi thêm nữa, tận tay tôi đưa cho bé Hai; trả nợ đậy cho anh (anh gian trá nói láo mượn uy tín của tôi, móc tiền các con của anh đó). Tôi hứng nợ đậy giúp anh trả tiền cho con, có nghĩa là tôi muốn để anh biết ăn năn hối cải, ngầm giúp anh vuốt lại cái mặt, bớt nhục nhã xấu hổ, ngỏ hầu anh có thể ngẫng lên nhìn ba đứa con gái, nhất là đường đường chính chính ngó con rể, họ rất đàng hoàng đứng đắn, không biết có cha vợ hèn đến thế, anh rõ hử? Lúc đó anh nói trước mặt chúng tôi:
- “Em cho anh mượn những món tiền nầy, và những món tiền trước kia, sau khi bán nhà xong, anh sẽ hoàn trả lại cho em”!

Nhớ chưa anh? Bây giờ anh bán nhà cũ đã chục năm rồi, sao anh không nói gì chuyện nợ nần vay mượn?? Nè, tôi chưa bao giờ cầm một đồng xu nào của anh cả nghe! Do đó, thư nầy tôi sẽ chuyển tới những người mà anh từng bêu rếu tôi, cho họ đọc, để xác minh.

- *5.- Có dôn dốt như tôi, thì ngày nay tôi cũng thấy, biết rất rõ chân tướng anh mà. Vì sao? Khi xưa “em yêu anh”, anh được em sơn phết lên một lớp mạ vàng quá lý tưởng, thần thánh, ảo tưởng, như người Mỹ gọi là “American Idol”. Tôi cố tình bưng bít, che đậy tật xấu xa của anh. Nay “em” và các con gái & người thân đã biết được những hành động khả ố cuả anh. Anh nói láo tàn bạo, phản bội tình, lừa gạt tiền, lì lợm trắng trợn thô bỉ nhất đời. Tôi không thể rộng lượng tha thứ cho anh thêm; Trái lại cớ sao anh ngu ngốc như vậy? Ngày nay anh cố tình khêu lên chuyện dĩ vãng đã bao năm qua làm chi? Anh là người không biết điều, mà khi qua Mỹ anh còn cố tình nối giây liên lạc phone, mail và kể với tôi:
- “Từ 5 năm qua, (2005-2010) anh nói với tôi:
- Anh đã có “vợ hờ” là bà Kiêm, để bà ta lo cho anh trong tuổi già, chớ ai lo cho anh đây?”.

Khi đó tôi đã thẳng thắng nói với anh rằng:
- Nếu anh lấy ai, thì em don’t care, nhưng anh lấy bà Kiêm làm “vợ lòi tói, hầu hạ anh trong tuổi già”, thì thật tình là em khinh bỉ anh. Vì anh biết rõ là anh đã dùng nhiều tiền bạc của em, để mua vui, truy hoan tình cảm với Kiêm mà! Ôi! Cũng như anh đã nói: Anh đã nhổ bà Kiêm ra khỏi miệng, giống như anh nhỗ bãi nước miếng xuống đất. Anh không thèm liếm lại. “Anh ở làm sao cho vợ anh thôi? Bây giờ anh khóc đứng than ngồi với ai?!”. Lần cuối cùng cách đây vào cuối năm 2009, anh đi Mỹ du lịch, anh phone và có e-mail cho “em” ; anh lại nói:
- “Bây chừ… Anh đã có “vợ hờ lòi tói” khác, một cựu nữ sinh tên “Lý Lắc”… tuyệt vời”.

- *06.- Lần nầy thì “em” thật tình có chút hơi mừng cho anh. Vì nếu quả thực “một cái bà Huế kia” sẽ sẽ … và sẽ …là người vợ thứ mấy của anh đi nữa, bà ta cũng không hẳn là người đàn bà tuyệt vời mà anh mơ tưởng đâu ạ! Vì sao? Nếu NGÀY XƯA kể từ năm 1976 đến năm 1992, khi Hoàng Năm Tony chỉ là một “thằng” đàn ông đi xe đạp lọc cọc lạch cạch, không có đồng xu dính túi, trên & trong mồm miệng mỏng dính không còn hai hàm răng, ở dưới thì áo thô quần vải, nghèo xơ nghèo xác. Sáng sáng anh ẹp mình trên chiếc xe đạp gò lưng đi làm công nhân viên quèn, với khúc bánh mì, gói xôi cất trong cái xà cột đeo bên hông.

Trong khi đó 1976 – 1996 bên cạnh anh đã có một phụ nữ tuyệt vời đúng nghĩa: Sáng tửng bưng nàng vừa nai lưng đi làm xa xôi vất vả. Buổi chiều nàng tất bật về nhà chu đáo lo cơm nước, giặt giũ (bằng tay), ủi quần áo, hầu hạ săn sóc cho “anh và hai con nhỏ dại” đâu ra đó tươm tất chu đáo đàng hoàng. “Nàng” cần cù nhẩn nhục bỏ tiền túi ngỏ hầu lo cơm nước, chịu đựng chăm lo vun xới cho gia đình NGHÈO ấy từng ly từng tí. Nàng xăn quần lên tận háng, lội lủm bủm trong nhà, hứng từng thau nước mưa khi nhà dột, vách nhà hư nát. Nền xi măng lổ chổ, ngày ngày nàng vẫn cúi qùy hai đầu gối xuống đó mà hai tay lạnh cóng với cái khăn lông lau nhà, lau cửa.

Có nhiều lần nàng quảy túi cói sau lưng, một tay nhặt những bịch ny lông đựng đầy phân rác thối tha; một tay quệt mồ hôi, con vợ hờ hững đi suốt ngày từ đường nầy qua phố nọ nhặt những thứ bọc thối tha, rồi đem về nhà, nàng dùng hai bàn tay lở lói (vì rủ và giặt thứ bẩn thĩu bám vào da thịt), giặt từng bọc ny lông. Nàng cẩn thận đem phơi khô, ngồi ngòai nắng canh chừng, vì sợ gió bay. Sau cùng nàng bưng những bọc ny lông sạch đem ra hãng ve chai bán. Lấy tiền chắt chiu dành dụm, nàng vui cười hoan hỉ, vì anh có biết không? mặc dù ở nhà con đói khát, (anh biết rõ mà), nàng vẫn đem những món quà (đối với họ là vô giá), hầu mỗi tuần đi thăm nuôi Hoàng Năm Tony bị biệt giam ở trong tù Đại Lợi, (vì anh có tội tham nhũng lường gạt của chung của xã hội chủ nghĩa; chớ không phải anh đi tù do bị "học tập cải tạo" như nhưng người trai khác mà tôi rất kính trọng).

Nàng ở nhà ngồi trên gác xép khâu vá áo cho “ông ta” từng mủi kim, luôn tay quệt hai hàng nước mắt vào ống tay áo, chỉ khóc thầm… do nàng quá “yêu ông chồng”. Khi Hoàng Năm đã ra tù, sống lây lất, ông ta bất nhẫn tiếp tục lấy đi từng món, từng món… của người vợ; kể cả “anh lén cắp lấy hết mấy bộ quần áo cuối cùng còn lại của tôi”, anh đem ra chợ trời bán, anh đi nhậu nhẹt, say túy lúy với bà Lan, bà Dung, bà... Tôi đứng ở góc bờ kinh Nhiêu Lộc nhìn anh ôm hót đú đởn với mấy con đó, mà quệt hai hàng nước mắt khóc thương chồng vô lương tâm tàn ác.

-* 07.- Trong khi đó, ngày HÔM NAY nếu anh có đào bới nặn bóp lên hình tượng một “nàng Lý Lắc”, mà anh cho là “vợ hời lòi tói tuyệt vời”! Thì tôi không lấy gì làm ngạc nhiên và kính phục xí nào. Vì sao?! bà ấy biết khôn ngoan một tay nắm mớ tóc muối tiêu, một tay nắm túi… và dùng thủ thuật của một người đàn bà quá tuổi xồn xồn từng trải, mà níu giữ lấy “cái hạnh phúc hờ loi choi” ấy, thì chứng tỏ rằng bà ta chưa hẳn có tình yêu chân chính, không quá ngu dại, và đần độn… để nắm bắt một thời cơ hiếm hoi trong tuổi già xế bóng còn lại ở XHCN!

Vì sao thế ư?! NGÀY NAY anh không còn là: “cái thằng đàn ông trần trụi”… ; mà ngày hôm nay anh đã là “thứ Ông” CÓ điều kiện ĐẦY ĐỦ, áo quần tốt đẹp, có tiền bạc phủ phê bỏ trong bank, bà ta không hề rỉ ra một xu chinh nào, không tốn với anh đồng xu cắc bạc nào, bà ta chỉ tốn có công nằm ngửa rung đùi chơi xơi nước... Nếu anh là thằng bất nhân, bất lực, bất lương, bất tài, có chết bất đắc kỳ tử, thì bà ta chả cần… vì gia tài về tay bà ta hưởng trọn: có xe cúp cỡi lên, có nhà cửa… (dù không sang, vẫn hơn cái nhà tôn nóng bức cũ kỷ xưa); bà ta có tiền rủng rỉnh đi du lịch cặp bồ đó đây…

Thì… thưa anh! Bà ta không nằm ở trong thời điểm khi anh còn là thằng áo rách khố ôm, bà ta không nếm biết cái cảnh anh rượu chè say sưa be bét, anh mặc mỗi chiếc quần xà lõn xệ xệ xuống mông, anh nghiến răng trèo trẹo chân cao chân thấp, anh cầm dao chạy rượt dân chúng chưởi bới xóm làng. Bà ta không sống trong cảnh chứng kiến anh cạy tủ con gái: anh lấy cắp của con $4,000 dollars. Hoặc anh đã lấy tiền bạc $5,000 của tôi đi với gái và ăn nhậu. Bà ta không có tài cán gì để “thông cảm, nhẫn nhục chịu đựng và thấu hiểu”... Thì ngu dại gì mà bà ta không nâng bi anh, nhỏ nhẹ vuốt ve mơn trớn anh hè??? Có mà điên! Bà ta ngu sao mà trở mặt bái bai anh… như bà Kiêm đã bye anh không thương tiếc khi anh đã giàu xụ hỉ?! “Cái đàn bà” anh cho là tuyệt vời, ngày nay dự định làm vợ hờ lòi tói ấy… Ui, xét cho cùng quá thô thiển, tầm thường thôi đấy ạ!

- *08.- Tuy nhiên, một điều cuối cùng tôi muốn thật tình khuyên anh: Kinh qua cuộc tình dai dẵng hơn 50 năm xưa ; cuộc tình của anh và bà Phùng đầu đời sau 10 năm chăn gối vợ chồng mặn nồng:
Anh nghe ai nhón gót đưa chân.
Sao không nhớ nghĩa Châu Trần ngày xưa”?
Khi anh & bà Phùng ly dị, anh đã nói xấu: Bà ta vơ vét tất cả, không chừa cho anh, dù đôi đủa cái chén bà ta cũng mang đi”. Cuộc tình 5 năm lòi tói với Kiêm khi hai người: “Anh điêu khốn gian ác… gặp chị khốn tà trổ trời”, thì bà Kiêm bỏ rơi anh, anh cũng đi nói xấu Kiêm là: “Kiêm lấy hết tất cả mọi thứ của anh”. Hoàng Năm nè, họ khác tôi, rất khác, họ có lấy đi hay không, tôi không cần biết; Nhưng chính TÔI là vị hôn thê đầu đời của anh- thì TÔI đã ĐỂ LẠI cho ANH tất cả; nha anh. Thế mà tôi vẫn không hề mở miệng than van, hoặc nói tiếng nặng tiếng nhẹ với anh! Vậy thì, trong mắt anh có phải tôi là người hôn thê tuyệt vời ấy… hay tôi là người phụ nữ xấu không, anh nhỉ???

- Tôi biết rõ anh hơn ai cả. Mong anh thức tỉnh. Không nên nhẫn tâm, bất lương mưu toan lường gạt tình cảm, tiền bạc những người nhẹ dạ khác thêm nữa; anh đã già lắm: ngoài U 70 rồi, anh cần để phúc đức lại cho con cháu bớt tủi hổ nhờ. Nhất là bà con, con cái, những bạn trai gái của anh ở hải ngoại vô tội, ai ai cũng làm việc vất vã. Chứ họ không như anh, (được tôi và bé Khanh nuôi sung túc, no đầy). Anh không vất vả làm việc, anh ngồi không an hưởng, nên không thấy giá trị cao quý từ tình bạn, tình yêu người vợ chân thật từng đầu gối tay ấp, qua đồng tiền của người khác dành dụm, chắt chiu gửi về anh đâu. Đồng tiền kiếm được qúy lắm, họ giúp những người thực sự nghèo đói, đau khổ khao khát sự sống trong lành. Nhất là những đồng tiền bạn bè quyên góp ở hải ngoại. Lẽ ra, những mớ tiền đó, nên đến tận tay các em bé mồ côi tật nguyền đáng thương, ốm yếu, những ông già bà lão mù lòa, bệnh hoạn khốn cùng, nghèo khổ đơn độc ở vùng quê xa xôi, mới phải.

Trong khi đó, anh nhận tiền của tôi, (hoặc của người khác), anh tiếp tục sống phây phây, phè phỡn đi ăn chơi trác táng với mấy bà… Tôi “nói có sách, mách có chứng, có biên nhận chữ ký của anh & CMND của anh, tiền của tôi gửi do tên anh nhận, tôi còn giữ đây rõ ràng. Ở hải ngoại bạn bè thân nhân của anh cứ tin anh bị đau nan y. Anh đã nói láo, lừa dối họ: “anh có di chứng ung thư cổ”, để họ quyên góp tiền gởi về cho anh. Tôi và các con gái ở nhà đã kiểm chứng: Anh không hề có hồ sơ bệnh lý gì, anh không uống một viên thuốc nào, anh không hề đau ốm chi cả, anh không có mặt trong bất cứ một bệnh viện nào tại VN. Anh béo phì to mập, mặt anh tròn úc núc như cái mâm. Anh khỏe mạnh hơn một việt kiều thứ thiệt bội phần.

- *09.- Để khỏi làm hậm hực phiền nhau vô ích nữa, sau năm 2013 tôi dự tính sẽ về VN > ở lại lâu năm: Trong đó, tôi sẽ giải quyết trắng đen chuyện tiền bạc anh đã vay mượn của bạn, tôi, từ xưa, và đưa ra ánh sáng cho minh bạch vụ nầy, cùng mấy vụ khác. Anh có hiểu tôi rất khổ tâm khi bao che cho anh không?: bây giờ Phụng, Thu Thủy, bà Ngọc Hương, hiện đang sống tại Mỹ, & - Kể cả gia đình ông Vinh, ông Ngọc, ông Thanh, g/đ ông Đoàn, (họ hiện ở VN) biết anh ở VN sống phây phây, anh qua Mỹ vung vít, họ bảo tôi phải chỉ cho họ biết tin về anh, vì chuyện: Năm 1977 tôi và họ đã đưa “Hoàng Năm có biệt danh Hòang Năm Tony to bị” chục lượng vàng, để anh vờ vịt lếu láo chuyện làm không tặc. Họ muốn anh sòng phẳng trả lời trước công lý.

Tôi bây giờ thật bình an, hờ hững nghe tình tàn phai. Đây là lần thư cuối cùng, xin anh hãy tha cho tôi, đừng liên lạc với tôi bất cứ phương tiện gì. Nhá!!! Anh đừng cố gắng níu kéo giằng co vô ích. Do tôi không nỡ, tôi can ngăn. Họ không còn gì để e dè sợ hãi, khi nói ra chuyện có thật, họ chỉ làm sơ sơ một lần cho tỏ. Vì danh dự và sự thật, cùi rồi không sợ lở, có chết không ân hận. Ngày ấy anh quá tàn ác đã hại chúng tôi xấc bấc xang bang bấy lâu nay không có chỗ dung thân, chỗ ở, chưa đủ sao? Anh hãy chờ ngày đối diện với những người bạn của chúng tôi (và cả anh) cần đối mặt nơi ánh sáng sự thật -thêm lần nữa, nếu anh muốn, muốn không???). Anh biết chắc chắn một điều: họ không thèm hù dọa anh.

Hẳn nhiên là anh biết tính tôi: tuy tôi ôn hòa nhân ái, thùy mị, bao dung chịu đựng và độ lượng. Nhưng anh ạ, anh đã quá nhẫn tâm, tàn ác, không có đức độ khi xử sự với một người vợ từng vì anh mà cho tất cả mọi thứ trên đời. Bao lần tôi đã muốn quên đi chuyện buồn lòng, nhưng anh vẫn nhẫn tâm, tàn ác… làm cho tôi quá đỗi đau khổ và cùng quẫn. Dù tôi nhẫn nhục, nhưng lần nầy không thể chịu đựng nỗi, Thì ngày nay, nếu thêm một lần nữa có chuyện tranh chấp giữa nhóm bạn và anh, thì anh đừng trách sao chu1ngtôi xử tệ với anh, vì chính do anh đã và đang dạy cho chúng tôi học theo từ cái sách độc ác của anh đó thôi.
Tôi mở nhạc đây: Hãy nghe Vicky cho thật kỹ nhá: APRÈS TOI của Vicky Leandros

Tu t’en vas
L’amour a pour toi.
Le sourire d’une autre
Je voudrais mains ne peux t ’en vouloir
Désormais
Tu vas m’oublier.
Ce n’est pas de la faute
Et pourtant tu dois savoir
Qu’ après toi,
Je ne pourrai plus vivre, non plus vivre
Qu’en souvenir de toi
Après toi
J’aurai les yeux humides
Les mains vides, le coeur sans joie
Avec toi
J’aurai appris a rire
Et mes rires ne viennent que par toi
Après toi
Je ne serai que l’ombre
De ton ombre - Après toi ...

Cố nhân ký tên TtTm:
(Trịnh thị Thùy Mến,
tự là Mười)
*

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
06-16-2017, 03:32 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd417/1497583591-vuot bien ditan 75 rac bua bai 10.jpg
/uploadpics/mp3_pdf417/1497583740-Sai Gon Vinh Biet Vu Khanh.mp3
Cục Đất Quê Hương


Dù không muốn cào bới dĩ vãng vùi trong đất, trong tro, trong bùn… mà mỗi lần chỉ cần khơi lại lò bếp tàn, lòng tôi cảm thấy quằn quại, đau đớn, xót xa hơn bị dao lam mài liếc, bào mòn, ghim siết, chọt thủng từng nơi mọi chỗ trên da thịt. Tóc tôi sớm bạc trước thời gian theo luống tuổi chất chồng. Tôi không biết mình đã trải qua bao đau thương thảm khốc, lòng dẫy đầy nỗi ưu phiền sầu đắng nặng trĩu! Kể từ ngày gia đình tôi bỏ tất cả mọi vinh sang sung túc phù dung ở Đà Lạt, để di tản lưu lạc chạy có cờ xuống Nha Trang, và mới bước chân tới Sài Gòn chẳng được bao ngày, lại tất tả lủi về miền Tây, đến ngày mất hẳn nước; thì bây giờ tôi lủi thủi xuống phía Thành Ông Năm, gia đình tôi ít có ngày được an thân, mà hầu như luôn khổ sở, điêu linh, chết đứng như bị trái bom Napalm dội vào cuộc đời điêu linh khốn khổ, đầy gian truân, ngậm ngùi khổ đau cho một kiếp làm người!

Từ đời tam cố đại xa xưa, dòng họ tôi giàu sang danh giá ra phết! và “nhân chi sơ tính bổn thiện” thiệt là hiền lành. Nhưng sau 1975, thì tôi “mất giá, mất dạy và mất danh”, cũng ra phết nốt. Tôi là nữ nhi hèn mọn; mà thuộc loại lì lợm, chân thật mà bướng ngầm. Chuyện gì nghe trái tai gai mắt, trái với sự công bằng và lẽ đoan chính, thì tôi cố gân cổ trợn mắt lên cãi lại. Tôi cũng như đa số người khác: trong lòng ôm ấp bao lý tưởng hoài mong, kỳ vọng. Nhưng trong cái phẳng lặng nội tâm... nào hay tôi đã âm ỉ ẩn chứa nhiều đợt sóng ngầm.

Có những sự kiện mình không thể khắng định là “trắng” hoặc “đen”, đúng hay sai. Nếu trắng ở ngoài sáng thì thấy là trắng, trắng ở trong bóng đêm có thể trông thấy trắng. Nhưng nếu “đen” mà ở trong bóng tối thì... vẫn hoàn đen! Hà tất điều gì cũng đạt đến thành công mỹ mãn! Trên đầu tôi và mỗi người đều có một khoảng trời riêng biệt, trời rộng trời hẹp đều do suy tưởng, do từng hoàn cảnh và ở trong lòng mỗi nhân sinh quan. Cho dù:
Con nhà tông không giống lông, đỡ giống khỉ.
Mình vì mọi người, mọi người coi mình như "mọi". (1)

Tôi, bẩm sinh là tuổi “cọp cái sư tử Hà Đông” mà! Như thầy bói đã vui vẻ chúc Tết:
Chúc cho tuổi Cọp... các bà.
Đừng quá lớn tiếng cửa nhà nổ tung.
Nhẹ nhàng một chút mới khôn.
Chắc chắn sẽ thấy tâm-hồn thảnh-thơi. (1)

Nói đùa cho vui tí vậy, chứ chả phải tôi tuổi Dần cao số đâu nà! Hổng dám đâu. Tuy thế, sau bao năm đói khát cơ cùng gậm nhấm bào mòn cơ thể. Nên nay tôi nghiệm ra một điều là: tập kiên nhẫn, chịu đựng, cúi đầu, cố gắng nhịn nhục, nhoẽn cười duyên ti tí với thế nhân. Vì, nếu ông Trời có cho tôi mọc thêm ba đầu sáu tay trên sợi gân cổ, thì “cái thế xã hội chủ nghĩa” tạp nham nầy, vẫn không chịu mở mắt khai hoa chia sẻ tình thương, cho con người cùng khổ như tôi bớt phần nào cơ cực đắng cay rất chi là đau khổ tột cùng! Và, vì tôi bắt buộc phải ngửa mặt lên nhìn Trời cao lồng lộng, cúi xuống đất dày cui khô cằn, nhìn hai bên giá vai có hai thánh soi xét, ghi chép: "Chứ tôi nào có tội tình chi, mà mười ngón tay già run run, tôi luôn cúi xuống đất túm chặt buị bờ để nhổ cỏ, vọc đất, vọc bùn, đã đời như ri rứa, hả"?

Thoạt nhìn phớt qua, tôi cũng như ai ai, thấy mình đang nâng niu trên tay cục đất quê hương thơm lừng mùi đất bùn: mặn nồng xương thịt tổ tiên ông bà thân nhân quá cố, ai nấy đã có từng dòng mồ hôi muối cuả người đang sống nhỏ tong tong xuống đất, hoà trộn chung với giọt mồ hôi bao người chết, xương cốt ấy trở về tro bụi... đã tạo thành đất trên những luống cày tại các nông trường, trên những công trình xây dựng kinh rạch, thủy lợi dẫn thủy nhập điền.

Cái ngữ thân thiện “ngây thơ cụ” nơi đất cát, gò mối ao bùn, kinh rạch kia… Ai nấy đều có tí hy vọng là người với người cùng chung ý niệm lý tưởng tin yêu, luyến mến thân tình, lãng mạn và đoàn kết nông dân sao đâu! Thế nên, bây chừ chẳng còn ông bà cha mẹ cuả bạn (hoặc của tôi) đứng dậy bước ra khỏi mồ, đội đất chun lên, để họ rầy la quở trách “con gái già” ưa dùng tay chân và gò lưng chơi đất, vọc bùn bê bết dơ bẩn! Biết bao người có bàn tay sần sùi, gót chân nức nẻ, bờ ngực khô héo, cuộc sống gian khổ đắng cay đầy tái tê? Chúng tôi cứ bắt chước Adam và Eva (hoặc ông bà thủy tổ loài người cổ đại tiền sử, hay ví von mình giống khỉ đột hoang sơ,) là xong ngay một đời xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi ở trong nhà hoang phế dưới tận đáy xã hội rồi, không thèm mặc gì hết. Thôi cũng đành! Vã lại… cơ khổ thân tôi:
Ngày xưa yểu điệu như tiên
Bây giờ lẹt đẹt như con vịt bầu.
Ngày xưa chum chúm núm cau,
Bây giờ lỏng thỏng như bầu trên cây.

Ngày xưa nhựa sống căng đầy,
Bây giờ vắt mãi bảy ngày cũng không.
Ngày xưa thắt đáy lưng ong,
Bây giờ to bụng còn mông phẳng lờ. (1)

Vấn đề tự-trọng. Danh dự. Sự hổ thẹn hay liêm-sỉ –Ở thời buổi 1975 * 1995 nầy– là cái quái gì! Âu chỉ là lớp sơn đỏ phù dung mỏng dính, được bọc hào nhoáng phết phủ bên ngoài, để che đậy lớp rỉ sét, khô mục thối um ở bên trong. Lòng tôi chùng xuống, hội nhập với bao phiền não chua xót đắng cay. Lo âu. Khắc-khoải. Hãi hùng về vấn đề gạo cơm, tạm trú tạm vắng, ăn đói ở lỗ, hơn là chuyện "danh với dự". Hơi sức đâu mà còn nhớ đến sĩ diện nữa không biết! “Thấp thỏm nhúc nhích” chi mà nhớ chuyện “ruồi rượn bu bên đít” í hỉ!

Tuy nhiên cái bực tức nhất của tôi bây giờ là: suốt ngày chúng tôi rất vất vả nhọc nhằn vô cùng, vẫn bị những cơn đói và khát hành hạ; tối về lo cơm canh cho gia đình con cái chưa xong, lúc nào nghỉ cũng gần tới nửa đêm, có khi "đi họp đi hành" thì ôi thôi kể như thức trắng. Nằm đặt lưng trên “giường đá” trằn trọc lo âu tìm kế sinh nhai hoài, không sao chợp mắt. Mãi đến canh ba, canh tư đang thiu thiu; bỗng làng xóm ai nấy đều giật mình bật người dựng đứng dậy, nghe loa phóng thanh rống to lên, bắt mọi người dậy... lảy đảy đi tập thể dục. Hứ, tập tành cho ai ”nghể” đây!?:
Phong trào thể dục phường ta
Có ông bà lão thở ra hít vào
Dù cho mệt nhọc thế nào
Ông bà cũng cố hít vào thở ra . . .

. . . Khi nào vĩnh biệt đi xa
Người ta mới hết thở ra hít vào
Bây giờ tôi cũng xin chào
Để tôi còn phải hít vào thở ra. (Bút Tre)

Hồi xưa còn trẻ trung, cái thời huy hoàng sung túc đầy đủ, họa may tôi còn có thì giờ tập thể dục thể thao, tự do thoải mái hít thở không khí trong lành cho buồng ngực no tròn. Nay tay cầm cuốc vai vác bừa, chân đi rã gối, phờ người để chạy ăn từng bữa một… Chưa đủ rã rời xương cốt tiêu hao sức lực sao, mà phè phỡn “dửng mỡ dục với dịch!”:
Trước đây con tưởng gặp thời
Chúa ban con được tìm người con yêu
Giờ đây thân xác tiêu điều
Đời con phải chịu rất nhiều đắng cay

Thân con chẳng khác trâu cày
Nợ nần con trả đời đời chưa xong
Con giờ như cá lòng tong
Sụt ba chục ký ốm nhong rã rời (1)

Điều duy nhất tôi phải ghi nhớ trong đầu mỗi đêm chắp tay cầu xin:

Người đâu gặp gỡ làm chi
Để cho khổ thế còn gì tuổi Xuân?
Chúa ơi! Con khổ vô ngần
Chúa mà không giúp, là thân con tàn (1)

Tôi chả dám khùng điên như ai kia, (vì tôi phải lo cho chồng tù tội “cải tạo”, lo cho mẹ già con dại bơ vơ cùng khổ). Ngày qua tôi đi làm nông trường, nghe đồng bào rỉ tai nhau đã có một thanh niên "Ngụy" đứng trước cửa chợ Bến Thành chưởi đổng:.
- Tiên sư cha nó! Chỉ vì một thằng già khốn nạn, mà cả nước khổ sở, lầm than.
Anh ta bị công an điệu ngay về đồn. Cán bộ chấp pháp thẩm vấn:
- Anh chưởi ai là thằng già khốn nạn?
- Thưa cán bộ, tôi chưởi... Dương văn Minh!
- Ý anh bảo vì Dương văn Minh đầu hàng, nên cả nước mới khổ, phải không?
Anh chàng thanh niên "Ngụy" thuộc loại lỳ đòn, nên bai bãi:
- Không phải. Tôi chưởi vì thằng chả giết Ngô Đình Diệm, nên cả nước khổ.
- Anh cho rằng Ngô Đình Diệm với giải pháp Ấp Chiến Lược đủ sức trấn áp lực lượng giải phóng chứ gì? Hay anh cho rằng Ngô Đình Nhu với chính sách Bắc tiến, có thể đánh thắng miền Bắc?
- Không phải vậy. Vì Dương văn Minh giết Ngô Đình Diệm, khiến Mỹ đổ quân vào, làm cả nước khổ sở.
- Nghe tạm được! Cả nước tuy gian khổ, nhưng rồi cũng chiến thắng vinh quang. Thôi tha cho anh về. Đừng làm ồn chỗ công cộng nữa. Tôi biết nhiều người cũng ghét Dương văn Minh, nhưng chả cần phải làm náo loạn như thế. Vả lại muốn chưởi ai, phải nêu rõ tên người ấy ra mà chưởi, kẻo lại có chuyện hiểu lầm lôi thôi. Anh nghe rõ chưa?
Anh thanh niên lễ phép đứng lên:
- Dạ tôi xin nghe lời cán bộ từ nay tôi sẽ chưởi rõ tên "thằng già Minh khốn nạn làm cho dân khổ"
Cán bộ chấp pháp vỗ bàn:
- Anh kia anh chưởi ai thế?
- Thằng già Minh. Dương văn Minh!
Cán bộ bực quá, gầm lên:
- Anh mang cái thằng già Minh khốn nạn xéo ngay! Xéo mau! {st = (Cadman)}
*

Ngày kia bá cháu mẹ con tôi lặn lội từ Hốc Môn ngồi xe chuyền từng đoạn suốt ba ngày mới có thể đi thăm nuôi cha, chồng. Con: ở trong tù “cải tạo” Z 30B Gia Rai, Xuân Lộc. Gặp nhau mừng mừng tủi tủi, chúng tôi hàn huyên tâm sự bao nỗi đắng cay nghẹn ngào tức tưởi. Luật đã hai phổ bản nhạc: “Bài Hát Chiều Thứ Bảy” :
Ta viết bài ca chiều Thứ Bảy
Trong ngục tù buồn chán chất ngất
Bao gian khó khổ đau ta đối mặt

Mắt nhạt nhoà dòng mực chua cay.
Ta mất đời ta chiều Thứ Bảy
Khi cuộc đời đầy dẫy mất mát
Nhưng ta biết ngày mai ngày Chủ Nhật

Cánh chim bằng soãi gió tung bay…
Người ơi lắng nghe chiều nay
Quả tim bốc cháy đốt cơn mê nầy
Trái tim hồng người ơi giữ lấy
Cho quê hương rồi sẽ đổi thay! –[*nhạc & lời… còn dài, (2)]

Và “Bông Hoa Tím”. Tôi trang trọng mang hai bản nhạc về nhà, con trai đánh đàn, chúng tôi chụm đầu vô líu lo ca hát, để quên đói khát:
Thấy bông hoa màu tím.
Nhớ em đang buồn phiền.
Nghe tin đời khốn khó.
Thấy lòng mình không yên.

Đứng bên trong rào kín.
Nhớ quê hương từng miền.
Quê hương còn khốn khó.
Giấc ngủ nào cho yên!

Chút gió cho cỏ mềm.
Chút nắng cho chiều êm.
Đốm sáng nầy cho đêm.
Tiếng hát nầy ru êm.

Thấy bông hoa còn thắm.
Khắc ghi sâu lời nguyền.
Ngay trong tù khốn khó.
Giữ một lòng trung kiên... (2)

Bà cháu mẹ con chúng tôi đang vui vẻ véo von ca hát, bỗng thấy tên "tay tổ" trông coi khu vực ấp láo liên dòm vô nhà, (ông ta lom lom đi lung tung quanh xóm, để ngầm ngầm điều tra gia cảnh dân tình làm ăn sinh sống). Cuối cùng ổng đến trước sân nhà tôi, sớn sác dòm ngó lung tung, rồi lân la ghé hỏi:
- Tui tưởng hôm ni lờ ngày Thứ Bưa, thì chị đi Đè Nẽng, Quảng Nôm, hay Quảng Ngỡi, hay Phủ Côm (Phủ Cam, Huế) chi rùi?
- Tôi xin giấy phép rồi, nhưng chưa có tiền mua vé xe.
- Chị cồm rồm chi cho mệt. Không có tiền đi xe hơi, thì đi xe lôm, xe độp... rồi cũng tới nơi.
- Phải.
- Chị đeng lồm cới chi rứa!?
- Ông khôn chộ răng? Tôi ngồi coi chừng ló ngoài cươi.
- Chẻng có ai thôm lôm mô. Méc chi mờ phải coi hì!?
- Ông không biết, chớ hở ra một xí, là kẻ cắp như rươi. Có ai dám duã, dám đục, dám dần bọn hắn mô! Ông nghe hỉ:
Cái xứ gì đâu lạ lắm đây
Sát nhân, trộm cướp cả một bầy
Thế mà lại gọi là lãnh đạo
Ăn trên, ngồi trước khoẻ phây phây (3)

- Úi xà... tui tưởng mình để cả cái bâu(bao) thì hén mới dớt(vát) đi chớ. Chị noái rứa, tui mứi hỉu! Thì ra lờ dư rứa hì.
- ...
- Bữa trước tui toạ đồm ở trên thèng phố, mới biết... chị tên thặc là chi?
- Tên trên giấy tờ thì ông biết rồi, còn gì mà thật với giả.
- Tôi đìu tra ra, chị còn một tên khớc nữa.
- Sao, thưa ông?

Mỗi lần nói chuyện với ông an ninh nầy, tôi phải nhìn vào một đường rãnh sâu hoắm từ cửa môi trên, ăn thông xéo lên tới lỗ mũi. Nhất là khi ông ta ho, hoặc hách xì, thì nước dãi nhớt chảy ra từ hốc mũi, trào xuống miệng, giọng nói ông ta càng ngọng nhịu, khó nghe. Tôi có cảm tưởng ông ta nói với tôi, mà cố dùng mồi giả, để nhữ cá cắn câu. Cá cắn vào sâu biết đâu mà gỡ, chỉ có nước cá nằm trên thớt dãy đành đạch, ngáp ngáp chờ chết thôi. Tôi thấy ớn ông, hơn là sợ “danh phận cao qúy” của ông:
- Noái thặc đi.
- . . .
- Cả tên thèng dôn của chị nữa?
- Tên ta hay tên tân thời!?
- Lợi có cới chiện nớ hử? Tui phải noái reng thì chị mứi hỉu ý tui nà!?
- Tại tôi ngu dốt quá.
- Nếu chị và thèng dôn của chị có hơi ba cới tên chi đó, thì chính xéc nghĩa lờ vợ chồng chị đã lồm en phi phốp, có âm mu dấu đút cới chiện chi rùi hì!
- Ông nói lạ! Tôi không hiểu.
- Khôn phải reng? bòa con lối xóm đã ngầm bấu cấu với tui rùi: vì khi say rựu, thì họ luôn luôn noái thặc.
- Họ nói thật với ông về chuyện gì?
- Thì... thèng dôn của chị ít khi en cum, mờ hén... hén ưa kiu bợn bè tới dà dậu dẹt, mờ nấu thịt rén en, lồm thịt chó en, en tơm cá tưng bừng. Rùi khi bợn nớ say rựu, lờ cả bợn nớ tụ tập, dém tính tới cới chiện đi lồm phẻn động.
- Chồng tôi nhóc tì bằng trái ớt hỉm, ảnh mới về vùng nầy chưa quen biết ai, thì bị đi học tập “cải tạo”, ảnh có biết ất giáp chi, mờ dám uống rượu, rồi bày đặt toan tính làm phản động, thưa ông, đừng chụp mũ, tội lắm.
- Không có tịt thì thôi, chớ seo chị lợi théc méc, mờ rục rịch dúc dích. Bi chừ tui hỏi lợi nà: tên thặc của chị lờ chi. Hử?
- Tên cúng cơm hồi tôi chưa có chồng là: “Ệp”. Còn tên tân thời bi chừ của tôi là: “Mít Đót”.
- Còn thèng dôn chị?
- Phần chồng tôi thì… ngày xưa ảnh có song tịch, nghĩa là ảnh có “quốc tịt” Pháp, thì ảnh phát sinh ra thêm một tên tân thời.
- Tên chi? Tôi hỏi cả hơi thứ.
- Tên cúng cơm ảnh là: Phạm Trọng Luật. Tên tân thời là: Phăng Xoa Bẹt Xon. Tiếng Tây gọi ảnh là: Francois Bergson đấy. Nick name Tây cuả ảnh là: “Ca Ca Cun”, tiếng Việt có nghĩa là: “cứt cún” đó, ông à.
- Phẹm Trọng Lựt!?
- Vâng! Bố mẹ anh ấy đặt cho anh Luật cái tên chết tiệt! Thảo nào ảnh bị đi tù “cải tạo” mút chỉ cà tha.
- Chị đừng ngoan cố như rứa. Chị phải hỉu, lồm seo mờ thèng dôn chị bị đi hặc tập cởi tậu chớ.
- ?!
- Hừ! Đểu thật. Lồm en cới chi mờ đi cởi tậu lâu rứa hỉ!?
- Vâng! Xin lỗi ông, người miền Bắc thì nói “đểu thật”. Còn người miền Nam tui thì nói “đểu giả” nà.
- Chị lụm mót ở mô ra... mờ dém chơi chữ với tui, hứ?
Tôi tủm tỉm cười:
- Xời! Tôi là bần nông có ra môn ra khoai gì mà dám chơi chữ, mí chơi hành tỏi. Ông nói y như thần y phong thấp! Tôi phục. Còn việc chồng con thì tôi nói thật, chúng tôi ví như đôi chân, nếu không tin yêu nhau, thì một trong hai bàn chân giận dữ tự nhô lên hụp xuống. Chân nầy chấm, thì chân kia phết, đi đứng lộn xộn, cứ như thế mà bò lết trong cõi đời ô trọc như bi giờ mỗi người một nẽo.
- Ừ, “chính xéc” là hai thèng thưn đã “phẻn đối” trái ớt hỉm rùi!
Tôi ngẫm nghĩ lời ông ta nói mà cười thầm. Ổng thay đổi chiến lược:
- … Chị có ngừi thân ở Mỹ, chị có thuốc đau gơn không? Cho tôi mươi viên, hì.
- Cậu tôi ở Mỹ gởi về mấy hộp thuốc. Vị thuốc nầy rất đắng, đắng bao nhiêu ở xã hội nầy cũng phải uống, dù uống vô thì trong lòng càng đắng hơn.
- Đéng bâu nhiêu mà hết bệnh, cũng uống chớ seo.
- Vậy ông chờ, tôi soạn thuốc đau gan ra cho.
Ông ấy chẳng hiểu ý ngầm của tôi, nên tươi rói nét mặt xoa hai bàn tay vui vẻ giả lả:
- Thuốc Mỹ không tốt.
- Sao lạ vậy!?
- Chị théc méc lồm chi, chớ không nghe ngừi ta noái: mua thuốc ngoại là “thuốc Tây” tốt. Chớ chẻng có ai nóai mua thuốc ngoại, lờ thuốc Phốp, thuốc Mỹ, hay lờ thuốc Ngơ tốt cả, hè!?
- Chính ra thuốc men bên Mỹ là tốt nhất, vì họ sàng lọc tinh hoa ở nước ngoài, tỷ mỹ nghiên cứu, rồi họ mới điều chế ra sau rốt, ông à.
- Tôi cần thuốc Tây.
- Vậy thì tôi không có thứ thuốc ông cần.
- ... Điêu hì! Ôi xà! Mỹ, Ngơ, với Phốp hay Tây… lờ mấy thứ. Uống tờm tợm cũng tốt.
- Ông đến đây xin thuốc, thì tôi cho. Nhưng lỡ ông có bề gì, tôi không chịu trách nhiệm nghen. Có bà con ba bên bốn bề làm chứng cho tôi. Vì ông biết đó: hàng hoá thuốc men chưng bày lơ thơ trong quầy, khi dân hỏi tới, cô bán hàng bảo: “Hàng mẫu, không bán".
- Chị nỏ khun hơn tui mô nờ! Tui cho chị mắc lửa nà. Vì răng! Vì… chị cho tui thuốc, coi như lần ni huề. Hí!
- Dạ… dạ không dám mô! Khi họ đến hỏi tôi:
- Chị xinh đẹp thế nào ấy! Thế nhưng… chồng chị đâu? Đi hoạt động hả?” Thì chỉ có nước tôi chết treo ở cửa Bắc. Hay gia đình tôi bị tập trung đi kinh tế mới mất thôi. Xin kiếu từ ông.
***

“Kinh tế mới”, thoạt nghe qua thì đầy ắp ân tình, hứa hẹn no đầy hứng khởi nơi vùng đất mới. Rồi thì “ già sinh tật, đất sinh cỏ”... e tôi sẽ điên mà sinh ra chứng:
Quanh năm hút chích ở mom sông,
Hít đủ năm phân chích một liều
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Ỉu xìu bủng bẻo buổi tuần tra,
Một duyên hai nợ âu đành phận.
Năm nắng mười mưa chẳng bỏ chơi,
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có tiền hổng chích cũng như không... (1)
*
st = sưu tầm, lượm lặt.
Bài Ca Chiều Thứ Bảy & “Bông Hoa Tím”:
Nhạc: Phạm Thiên Tứ. Lời: Lê XuânN…
3. Thơ Bùi Phạm Thành
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
06-29-2017, 02:08 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd417/1498704566-me 5 cao lua.jpg
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1397114277.mp3
Sự Hổ Thẹn của “Mít Đót”


Như đã có lần tôi hầu chuyện cùng quý vị rồi; nay tôi xin thưa tiếp: Từ đời tam cố đại xa xôi… thuở trăng sao hoa lá lao xao đong đưa còn tươi rói trên cành, thì dòng họ tôi giàu sang danh giá tri thức ra phết! Thế nên tôi đã danh chính ngôn thuận làm một “công tằng mỹ nữ” cao sang và đài cát, được yểu điệu vác cặp cầm bút ung dung tự do tự tại theo thầy học... nào là: Tam cương (vua và tôi. Cha và con. Vợ và chồng). Ngũ thường, gồm: Nhân: (lòng thương người). Lễ: (những phép tắc). Nghĩa: (có tình nghĩa, lẻ phải đạo con người). Trí: (sự hiểu biết, khôn ngoan). Tín: (không gian dối, giữ đúng lời, có uy tín). Do đời sống ở trong đại gia đình mình quá đầy đủ, nên tôi không thích:

Đeo đồng hồ hai cửa sổ không người lái,
Mở truyền hình kênh phát sóng thông tin.
Ông cán bộ đang “quy hoạch” quy trình,
Đang báo cáo tình hình năm nay tốt.

Chị “quán triệt phương án” từng chút,
Rồi xuống nhà, “hồ hởi” uống cà phê,
Kiểu cái nồi ngồi trên cái cốc chị mê,
Xong đâu đó, chị chiên con sâu mỡ. (1)

Nguyên do:
Tuy thất thoát thật to, lại được coi là cái lỗi rất nhỏ.
Vì thế VIỆT NAM ta, từ từ biến thành một đất nước nho nhỏ.
Trong cái đất nước nho nhỏ, lại có những ông lãnh đạo thật to.
Trong những ông lãnh đạo thật to, lại có những cái đầu quá nhỏ.

Những cái đầu quá nhỏ, lại có những túi tham thật to.
Những túi tham thật to, lại có những hiểu biết rất nhỏ.
Và những hiểu biết rất nhỏ, lại gây hại cho đất nước thật to. (*)

Bây chừ, trước tiên: gia đình tôi sau ngày 30-4 đã vô phúc rơi vào… “hang ổ gốc mít đót” (ám chỉ là cả nhà tôi thấp hèn chuyên nghề đi “mót… đít”), cũng do phát sinh nguyên thuỷ từ chữ: “Phú Lăng Sa A Na Mít” mà ra đấy! Số phận tôi quá vô duyên, vô phước, bạc bẽo bị lọt… vào khu 18 thôn vườn trầu làm chi, mà nay rơi tủm xuống tận đáy xã hội khốn cùng, nơi có toàn thứ dữ cán bộ nồng cốt không hà:
Cái xứ gì đâu chán gớm ghê
Thịt thà lãnh đạo đớp ê hề
Thằng dân rau cỏ và khoai sắn
Ăn để mà sống, chẳng dám chê (*)

Bằng hai bàn tay thô cứng, tôi trở thành dân ruộng vét rạch, đào kinh dẫn thủy nhập điền: Trồng thơm, trồng mía, trồng ngô, khoai, trồng dưa leo, trồng bí bầu… Ôi! đủ thứ trồng trồng trồng..., trọt trọt trọt... trỉa trỉa trỉa... hầm bà làng xí cấu, tum lum tà la vẫn không xong: mặc dù khi vất vả khó nhọc trăm bề, tôi luôn ước ao mình sẽ trở về với thời hoang dại xa xưa. Dù chỉ là mơ mộng thế thôi, vẫn không thể. Vì:
Người con gái hôm nay mặc quần đỏ
vì hôm qua đã mặc chiếc quần đen
đen và đỏ là hai màu rồi đó
cũng như đời, đường hai nẻo xuống lên

Người con gái hôm nay mặc quần trắng
vì hôm qua đã mặc chiếc quần hồng
hồng và trắng là hai màu bẽn lẽn
cũng như núi và rừng đều rất mực chênh vênh.

Người con gái hôm nay mặc quần tím
vì hôm qua đã mặc chiếc quần vàng
vàng và tím là hai màu mỉm miệng
mím môi cười và chúm chím nhe răng

Người con gái hôm nay mặc quần rách
vì hôm qua đã mặc chiếc quần lành
lành và rách đều vô cùng trong sạch
bởi vì là lành rách cũng long lanh (BG)

Tôi mới mấp mí gần tuổi "hâm mấy" mà tưởng chừng dường như mình đã già khọm tới tuổi “bảy mưi” ; nên mình chỉ muốn bước xề tới hố tử thần! Khi người ta tới tuổi 40 thấy chết còn xa, người 50 thấy chết từng năm. Qua 60 thấy chết từng tháng. 70 thấy chết từng ngày. Người thọ tới 80 nói: "chết là hết" Vậy mà tôi đang đếm cái chết từng ngày… từng tháng; khi tôi mới vừa tới tuổi "hâm đi hâm lại"?! Tôi cứ bắt chước Adam và Eva trong vườn “địa... ngục tân thời”, hoặc giống ông bà thuỷ tổ loài người cổ đại tiền sử, thiệt giống lũ khỉ đột, là xong ngay một đời thê nữ trong căn nhà hoang phế, dưới tận đáy xã hội chủ nghĩa, không thèm muốn ước ao gì hết. Thôi cũng đành!

Vấn đề: tự-trọng. Danh dự. Sự hổ thẹn hay liêm-sỉ –Ở thời buổi 1975 - 1995 nầy– là cái quái gì! Âu chỉ là lớp sơn đỏ mỏng dính, hào nhoáng phết phủ bên ngoài, để che đậy lớp rỉ sét, khô mục thối um ở bên trong. Lòng tôi chùng xuống, hội nhập với bao phiền não đắng cay. Lo âu. Khắc-khoải. Hãi hùng về vấn đề gạo cơm, tạm trú tạm vắng. Hơn là chuyện... không có ăn mà ở lỗ. Thật ra, ở nơi nầy hầu như ai ai cũng chả có “tấm mền lá chuối” như ông "Trần Minh khố chuối" thời tiền sử đã dùng lá che bụm chim. Thì; ngày nay hơi sức đâu tôi còn nhớ đến sĩ diện nữa không biết! “Thấp thỏm” chi, mà mình nhớ tới chuyện “ruồi bu bên đít” í hỉ!

Sau khi Việt Nam đã mang "ranh rự" bởi danh ngữ hoà bình, tự do, thống nhất, độc lập rồi, thì thế giới tự do dân chủ của người Việt Nam mỗi ngày một gò bó, teo tóp lại từ thời điểm 1975 – 1985 - 1995 trở đi: Việt Nam biến thành một nhà tù bao la khổng lồ, dài lê thê, dài ngoẵng. Sự tù đày trong ngục tù "cải tạo" vô cùng trắng trợn dã man, gông cùm, đói khát, chết chóc từ Ải Nam Quan xuôi miền Bắc, chạy dọc xuống miền Trung, lan tràn đến miền Nam, chạy ra tới biển cả trùng dương trên các đảo Phú Quốc. Côn Sơn… Đâu đâu cũng có muôn trại tù “học tập cải tạo” nườm nượp mọc lên như nấm.

Ai chết mặc ai! Đảng và nhà nước có công giải phóng dân miền Nam thoát khỏi nanh vuốt Mỹ, thì hoà bình, thống nhất từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau... rồi đất nước sẽ có tự do, là “nhức nhĩ”. Kế đến, đảng uốn nắn con người trong chế độ tư sản mại bản phải “đổi mới tư duy”, “cải tạo tư tưởng”, “cách mạng toàn diện” một con người mới, không phải chỉ một sớm một tối ; là xong đâu nhá. Mà phải kiên trì huấn luyện trường kỳ, dài hạn: “mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” đấy là gì! Người dân ở vòng tù ngoài chẳng hơn gì trai tráng trí thức ở tù “cải tạo” bên trong. Ở vòng ngoài nôm na gọi là “tù ngoài địa bàn xã hội chủ nghĩa" họ kiếm đủ cách đi vượt biên. Ra đi… bằng đường bộ, đường biển, tìm tự do trước cái chết, vẫn hơn sống thấp thỏm trong quê hương xiết đổi kinh hoàng:
Chung quy chỉ tại vua Hùng
Sinh ra một lũ dở khùng dở điên.
Đứa khôn thì đã vượt biên.
Những thằng ở lại chả điên cũng khùng.

Bác Hồ chết phải giờ trùng
Nên bầy con cháu dỡ khùng dỡ điên.
Thằng tỉnh thì đã vượt biên.
Những thằng ở lại nửa điên nửa khùng.

Trung kỳ có những thằng khôn,
Nó đi cửa trước nó luồn cửa sau.
Suốt ngày cứ nghĩ làm giàu
Nó đi đúng chỗ, nó thâu đúng người

Nghị quyết nó thuộc mười mươi
Nhưng chỉ xử dụng những nơi nó cần. (1)
***

Thế rồi… mấy năm sau đứa con thứ ba của tôi mới bốn tuổi, nhúm tuổi non nớt phải lăn ra đời lê lết kiếm sống, khi thùng cà rem to và cao đến ngực cháu. Bán cà rem ngày càng ế-ẩm hơn, vì chỉ có mấy bộ đội thích ăn cà rem bỏ trên cái dĩa cho chảy nước ra. Người dân “thắt lưng buộc bụng” không dám ăn thứ “cà lem xa xí phẩm” ấy. Các con tôi luôn đem bánh bò bị thiu, cà rem chảy về ăn, ăn trừ cháo. Riết rồi trong nhà chúng tôi cụt vốn. Hết sạch trơn tiền vốn, dù một thùng cà rem tiền vốn vỏn vẹn chỉ có năm đồng. Năm đồng vốn (tiền Hồ) khiêm nhường vẫn không có, thì nói gì gia đình tôi có tiền lời nhỏ nhoi, để độ nhật qua ngày! Thế là đói rã ruột:
Từ khi ta có bác Hồ.
Nhân dân chẳng được ăn no ngày nào.
Lương chồng, lương vợ, lương con.
Đi ba buổi chợ chỉ còn lương tâm.
Lương tâm đem chặt ra hầm.
Với rau muống luộc khen thầm là ngon. (*)

Mót nhặt những bọc ni lông đựng tạp uế tanh hôi thì ôi thôi: ở bên trong đựng đủ thứ tanh hôi, bẩn thỉu dơ dáy vô cùng, chỉ nghĩ lại vẫn muốn ói. Nhiều lần mấy mẹ con phơi bọc ni lông ngoài cánh đồng khô trời nắng chang chang, bị cơn gió lốc xoáy cuốn thốc mọi thứ lên trời, bọc ny lông bay tứ tán tản mác khắp nơi. Chúng tôi đứng dưới đất, dậm chân, bức tóc, vò đầu, ngửa mặt nhìn lên mà khóc rống giữa bầu trời bao la. Tôi hận trời hận đất quá “ác”: Trời sáng và trời tối không phải là đối địch nhau. Nhưng mà để toả sức sống cho nhau. Dù thế đối với cảnh khốn cùng nầy, tôi xin nói: "Trời vẫn ác làm vậy"! Ông ơi! sao không chừa cho chúng tôi một lối thoát! Ông ơi! khi ông làm mưa giông sấm sét, vô tình đánh chết ai đó, thì không ai mở miệng nói:
- “Trời ác”. Trái lại người ta chỉ đổ tội là: Do “người ấy ác”, nên mới bị Trời đánh, Trời mới hành. Bi giờ thì sao đây?

Người khôn của khó, vì miếng cơm manh áo, dần dần nơi ruộng lúa có đầy người chết đói trong khu xóm C, cũng bắt chước (mẹ già con thơ chúng tôi), họ kéo nhau ùn ùn nườm nượp lẽo đẽo đi theo bà cụ “mót” đủ thứ. Thế nên ruộng đồng ngày càng khan hiếm, không còn con cá lòng tong, chả có con cua, con cáy, con ếch, con nhái, con dế, cào cào… nào sống yên. Hạt lúa rơi, rau, củ, v.v… đều sạch trơn, chẳng còn chi, chớ nói “hạt ngọc lúa” Trời ban, mà buồn. Ngậm nhúm cháo trong miệng, ít khi chúng tôi nuốt trôi, hai hàng nước mắt không khỏi tuôn trào!

Hồi xa xưa lúc cha mẹ tôi phú qúy, vinh sang, có nhiều lần tôi theo ba tôi đi qua Lào, Miên, sang cả Thái Lan. Ba tôi là danh y thuở ấy, nên được chính phủ giới thiệu ba đi ra ngoại quốc tham quan, học hỏi thêm về y học nước ngoài, chính ba tôi đã trị bệnh cho vua quan Lào, vua Cao Mên nơi xứ người. Tuy tôi còn rất nhỏ, quá nhỏ nhưng có trí khôn, tôi đã có dịp nếm thử: Nhất điểu. Nhì ngư. Tam xà. Tứ tượng, ui chà ngon hết sẫy, ngon nhức nhĩ. Bi chừ nhớ lại tôi vẫn thèm. Ngày nay thì tôi đã già kinh nghiệm: “Nhất sĩ, nhì nông. Hết gạo chạy rông. Nhất nông nhì sĩ”! Vì:
Ai sinh ra cái củ mì?
Hỏi: Để làm gì? Đáp: Để mà ăn!
Nước nhà mãi mãi khó khăn.
Dân mình mãi mãi phải ăn củ mì.

. . . Đảng béo mà dân thì gầy.
Độn bắp, độn sắn biết ngày nào thôi?
Nhân dân thì chẳng cần lo.
Nhà nước lo sẵn bo bo mỗi ngày.

Hãy chăm tay cấy tay cầy.
Nhịn ăn nhịn mặc chờ ngày vinh quang. (*)
* * *

Mẹ già con côi làm việc bần cùng tệ mạt đến thế, đôi bàn tay, bàn chân cả nhà chúng tôi bắt đầu ngứa rần rần, sưng húp, phù to, chảy máu đỏ loét, vì mót nhặt bọc ni lông dơ bẩn! Sự dơ bẩn tầm thường nhất ở tận đáy "xã hội chủ nghĩa Việt Nam": đã ăn sâu vào da thịt, tổn thương trầm trọng đến đời sống chúng tôi quá rùng rợn. Đôi bàn tay, bàn chân của tôi sần sùi, tê nhức, bại xuội, càng cảm thấy đau đớn; đau đớn vì tuyệt vọng; hơn vì thê thiết khốn đốn, hoặc ruột gan cồn cào đói khát. Mất hết rồi thuở “trăng sao hoa lá thơ thẩn ngự trong hồn". Có chăng là còn những đêm không đèn nến ngồi ngoài trời: hai bàn tay quơ đập lia lịa, mà muỗi vẫn vo ve đốt thoả thích, sưng chù vù và ung mủ dày cui. Thú thật là do:
Đôi dép râu dẵm nát đời son trẻ.
Nón tai bèo che khuất nẽo tương lai. (*)

Vã lại, giờ đây, nơi nầy... ai có tâm trí đâu mà cho con cái đến trường, khi:
Năm đồng đổi lấy một xu.
Thằng khôn đi học, thằng ngu làm thầy (*)

Nơi vùng đất phì nhiêu màu mở xưa kia trù phú là thế, nay nghèo nàn cằn khô và nóng bức; lại là nơi có quá nhiều ruồi, gián, muỗi, rệp, rận chí... bu quanh bòn rút hút máu người khô đét, (mặc dù chúng tôi ốm tong ốm teo, chả ai có chất dinh dưỡng). Nhà nào cũng chứa nước trong cái chum đen đen không nắp đậy, những con lăng quăng lặn xuống đáy chum nhiều vô số. Bọn trẻ thường làm cái vợt vải mùng, để vớt lăng quăng cho mấy con cá bảy màu, cá ba đuôi ăn, (chúng bòn nhặt nhịn ăn dành dụm từng xu, để mua ít con cá sống mà làm trò giải trí nho nhỏ).
Cũng do trong chum còn có loại côn trùng chỉ màu đỏ huyết mình nhỏ như sợi chỉ, một đầu nó bám chặt vào chum, một đầu kia ngúc ngoắc theo nước lượn sóng nhấp nhô, thấy mà sợ! Vì thế tôi không dám xài cái chum đựng nước dự trữ lâu ngày. Muỗi lại truyền cả xóm bệnh sốt rét, mà thuốc ký ninh không có. Ai đau bệnh gì, khi đi khám bệnh cũng chỉ dùng: lá sống đời, xuyên tâm liên, hoàng bá, cắt cánh, hay cam thảo, là đại sang rùi.

Đa số dân hầm bo bo mất cả buổi lại tốn nhiều củi, vẫn ăn bo bo cứng thay cơm, vì nhà nước không bán gạo, nên đành làm "dân niên xô" (Liên Bang Xô Viết) ban đầu trên loa phóng thanh kêu cả Ấp đi mua bo bo, ai nấy đều cảm thấy hí hửng mừng rỡ như vớt được của lạ! Bởi lẽ là chưa có ai từng thấy bo bo bao giờ! Cũng không ai biết cách xử dụng, nấu nướng quá mất thì giờ. Nhưng qua nhiều lần thí nghiệm, có kinh nghiệm, thì người nầy truyền khẩu, truyền tai cho người kia biết, phải xay bo bo mà nấu nướng pha chế đủ thứ kiểu, nếu chê bỏ bo bo thì đói rã rời, chịu sao nỗi! Nhưng phải là "dân thứ xịn" cơ! nghĩa là "ta lao động tốt" mới có tem phiếu mua bo bo à nha:
Thuốc điếu phải mua bông.
. . . Hết gạo ăn bo bo.
Học trò không có tập.
Độc Lập với Tự Do .
Nằm co mà hạnh phúc! (*)

Thế là món bo bo hầm nguyên hột với muối, ăn chán & chê vì khó nuốt và không hợp khẩu vị với dân Việt Nam. Bo bo đem đi ra nhà máy xay lúa xay nhuyễn, về nhà làm thành bột, nhồi nước sôi cán bột thành từng lá mỏng, để nấu cháo bánh canh. Khi thì khuấy bột ra làm bánh xèo ăn với rau chắm nước muối, sang tí thì có nước mắm ớt tỏi đường. Có nhiều lần tôi vo viên bột bo bo, giả làm bánh bao, xíu mại là những hột đậu phụng và ít củ sắn (củ đậu). Ăn các thứ trên chán quá, tôi lại làm bánh bo bo nướng. Ăn bo bo không ngờ nó lại bị nóng kinh khủng, không như gạo nấu thành cơm, hoặc bột gạo.

Vì thế mà ai nấy đều sinh ra ghẻ lở tum lum. Hầu hết ai ai cũng bị nóng ruột nóng gan cồn cào, rôm sảy, ghẻ ngứa, lở loét, da thịt mủ nhớt nhờn chảy ra rít rít nhầy nhụa, hôi tanh kinh khủng cùng khắp thân thể. Nhất là ở mấy đầu kẽ tay, kẽ chân và mông háng thì… bầy nhầy máu mủ. Kể cả “cán bộ bạn dân” cũng cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu nhức nhối nhúc nhích đứng ngồi không yên khi "họp hành bầu bán"! Nay tôi mới hiểu tại sao trước khi tôi "bị"... thì "mấy ổng mấy bả" đã được đảng "ưu tiên" phát bo bo cho ăn trước dân, nên bi giờ họ càng "lậm", như chó thiến bị nhét mãnh chai, như đứng trên tổ kiến lửa, họ ngồi họp hành ở đâu, thì hai tay bận móc móc, gãi gãi ở chỗ ngứa đó lia lịa, quỉ tha ma bắt thiệt! Càng gãi càng ngứa rần! Hai tay liên tục đánh đờn… bùm búm bum… tằng tắng tăng... từng tứng tưng... và vỗ muỗi như vỗ cái trống cơm bộp bộp bộp riết… Từng đám da sần sùi đỏ ửng, từng cục máu mủ lầy nhầy, sưng húp. Bầy ruồi o o o… bu quanh người có ghẻ chóc tha hồ hút máu mủ, rồi "chúng lang thang tha đi khắp bốn phương trời", đem bệnh truyền nhiễm lây lang cho kẻ khác càng mau ác liệt hơn.

Nhìn thấy nhau lợm giọng muốn ói và muốn nổ con mắt. Kinh tởm quá! Hầu hết mọi người trong xóm tôi đều bị ghẻ chóc. Nạn chuột, gián, ruồi, muỗi, rệp, chí, rận: thì ôi thôi sinh sôi nẩy nở... lúc nhúc, tràn lan! Chẳng có cách gì diệt hết chúng! Ai cũng như ai “cùi” rồi không sợ “hủi”; nên “ta” hết co ro cú rú, hết biết mắc cỡ, xấu hổ, e thẹn làm gì cho mệt! Mọi người chẳng sợ lây căn bệnh gớm ghiết nầy, họ rủ nhau ra bờ sông tắm gội, rửa ráy, kỳ cọ. Họ ngâm mình trong nước cả giờ, vẫn không thấy “đã ngứa”. Rồi họ leo lên ngồi trên bờ kè, trên mấy cục đá để kỳ cọ. Họ tự nhiên lột quần dài áo cánh ra phơi trên bụi cây. Đàn ông ở trần, mặc quần đùi lỏng dây thun xề xệ. Đàn bà cũng "thổn thển" ở trần, chỉ mặc xì líp cũ mèm! Họ hong khô người dưới trời nắng như thiu đốt, ai nấy lo cúi xuống lột từng lớp vảy trên các mụt nhọt ửng đỏ. Tiện thể một công hai ba chuyện: họ giặt giũ, (giặt và tắm không có xà bong) tiêu tiểu cũng trong dòng sông đó. Chính từ nơi vừa tắm rửa, ngâm mình, họ gánh hai thùng nước về nhà, để dành uống nước mát. (!?)

Tôi hình dung họ giống những con khỉ đột trọc lóc đầu, mặt đỏ đít chai ưa gãi sột sột trong sở thú. Tôi không dám nhìn họ, phải lờ ngó lơ đi chỗ khác và lắc đầu muốn gãy cần cổ, mà ngao ngán, nhưng với trí tưởng tượng phong phú của mình, nếu tôi phì cười... thì họ tính sao đây, có lẽ họ... rượt tôi chạy có cờ?! cho tôi chạy về nhà buông gàu xuống cái giếng nước do tự mấy đứa con mới đào lên chăng? Dù cả đời tôi trọng tình. Còn cả đời “các bác ấy” không trọng chi ngoài danh dự và tiền! Vốn dĩ quá nghèo hèn, nhưng chúng tôi muốn bình lặng, an ổn kể từ khi đổi đời đi lượm lặt mót moi mọi thứ. Kể từ đó trong làng trên thôn dưới đã "thân thương" đặt cho tôi cái biệt danh thiệt (bình dân giáo dục): "mít đót”:

Ở với Hồ Chí Minh.
Cây đinh phải đăng ký.
Trái bí cũng sắp hàng.
Khoai lang cần tem phiếu. (*)
***

Khi mấy cán bộ “mượn tạm” (của dân đã trốn ra nước ngoài), họ để lại biết bao của nổi: nhà lầu xe hơi, xe honda, đất đai và của chìm còn chôn dấu kỹ trong nhà, chưa kịp đào bới moi móc lên. Công an, bộ đội, cán bộ có cần câu tà lọt điềm chỉ, rủ nhau đến nhà dân làm biên bản tịch thu gia sản. Rồi ít lâu sau nhà nước lại làm biên bản chia chác nhau bốc thăm: nhà cửa, xe cộ, ti vi, tủ lạnh, máy móc điện tử, bàn ghế, giường nệm, thậm chí cả cái quần xà lỏn cũng bị bốc thăm, hầu hưởng xái thừa của “tàn dư đế quốc” để lại. Người thân ruột thịt của tôi (và chính tôi) ở trong những ngôi nhà đồ sộ, có chút máu mặt, thì coi chừng bị chụp mũ, gài là: ở lại để phản động liên lạc làm “ăng-ten” móc nối với tư sản. Bị "đôi mắt cú vọ bạn dân" dòm ngó, lưu ý, “hỏi thăm sức khỏe”, thì dân ngu khu đen phải chìa hai tay ra, cúi đầu biếu không, cho không, dâng hiến nhà nước. Như trường hợp ông bà Tư Cóc (chị tôi) có năm người con trai đều có vợ con đùm đề, gia đình họ chả có ai đi Tây, Mỹ đi Đức gì cả. Thế mà ông bà Tư có ba cái nhà, nhà nào cũng cửa rộng nhà cao, một nhà ông bà đang ở. Một nhà cho con ở, và một nhà cho thuê. Nhưng công an phường khóm đã buộc ông Tư Cóc phải lên “Thành” làm giấy “dâng hiến” nhà nước... cho “đi đứt” hai cái nhà đang cho con ở và cho thuê.

Tất cả ông bà cha con chồng vợ cháu chắt, bây giờ đều tụ họp về ở chui rúc đông đen trong nhà ông bà Tư (nếu khán chỉ, cán bộ công an không ngại ngần tống khứ họ ra đường, hay “nhân đạo” cho xuống ở bên chuồng trại gia súc sau hông nhà). Ông bà Tư Cóc được thành ủy phát tấm giấy khen, ưu tiên hộ trong nhà họ được mua nửa ký thịt ba chỉ, một ký ruột heo, một ký gạo nếp, ký thèo lèo cứt chuột, hai mét vải nội hoá màu mè hoa lá cành. Và cũng ưu tiên lắm, nên ông bà Tư Cóc được hai (2) mét vải dù đen hoặc trắng. Trong khi đó Cán bộ Ấp ưu tiên gấp 10 thường dân Nam-bộ. Cán bộ cấp Huyện ưu tiên gấp 20 lần Ấp. Cán bộ cấp Thành thì ôi thôi… ưu đãi gấp 20 lần cán bộ Huyện. Cứ thế, mà làm tính nhân lên (tôi phải ghi rõ con số: 1, 10, 20 cho chính xác mà nhân, mà cộng, thay vì viết thành chữ: một, mười, hai mươi, không thể nhân cộng nhập nhằng).
* * *

Tình Hoài Hương

(*) Thơ sưu tầm lượm lặt đó đây.
(1) Hp-TnT

Tinh Hoai Huong
07-11-2017, 02:44 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd417/1499738971-ditan 97.jpg
/uploadpics/mp3_pdf417/1499739337-Loi Cu Ta Ve - Elvis Phuong.mp3
Mây Xám Vắt Ngang Đời


Đàn bươm bướm trắng xanh vàng nâu lí lí lắc lắc, chập chờn, nhởn nhơ, trêu trêu, ghẹo ghẹo mấy đài hoa dã qùy e lệ nép mình dọc con sông um tùm lau sậy lô nhô. Cỏ lau bông trắng bay đầy bãi ruộng lúa chỉ còn trơ gốc rạ vàng lởm chởm. Trên chiếc cầu gỗ cũ được mang tên Cầu Bông ở Nhị Tân thuộc Huyện Hốc Môn lấp loáng nhiều giọt nắng lung linh, long lanh từ mặt nước trong vắt, phản chiếu muôn tia nắng rạo rực luôn lấp lánh đổi màu. Bầu trời lơ lửng năm ba đám mây trắng dài lê thê, dài ngoẵng như sợi tơ len. Mây kéo từ thôn nầy vắt qua thôn khác, in xuống lòng sông biếc xanh. Phút chốc bóng mây trăng trắng dài lướt thướt loang tỏa ra trùm kín bầu trời, mây đổi thành màu xám đen nặng trĩu đang lững thững trôi về nơi vô định.

Tôi lặng nhìn đám mây trắng xám im sửng trên trời, dường như mây giống một dải màn sô tang trắng viền chỉ len màu lam xám đã và đang vắt ngang kiếp đời gia đình tôi cơ cực. Rồi bỗng đâu mây đen ùn ùn kéo cơn mưa dầm ào ạt trút xuống đời suốt mấy ngày đêm, làm nặng nề thêm bầu trời u ám của:
“Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý.
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do”. (1)

Chúng tôi đã rớt xuống vực thẳm sâu hun hút, úp mặt xuống tận đáy xã-hội chủ-nghĩa. Dẫu vậy, các con trai tôi học hành ưu tú, xuất sắc. Hai con lớn dưới mười tuổi, nhưng ba giờ sáng các con đã thức dậy, lo chạy bộ đến lò bánh bò, lò cà rem, xa khoảng bốn cây số. Các con ngồi co ro cúm rúm ngoài vỉa hè, để chầu chực chủ mở cửa, hy vọng con có hàng bán chạy rong mời khách. Tháng nắng ngày mưa các con đều khổ cực lầm than như nhau. Ngày ế-ẩm, bánh bò bị thiu, cà rem chảy nước. Chúng tôi lặng-lẽ ngồi ở góc nhà, nhịn khát, nhịn đói, khóc thầm. Vì chồng, cha, là lính “ngụy” bị ở tù “cải tạo” (tôi dùng chữ "cải tạo" phải có hai ngoặt kép). Ai dám giúp! Nhưng, thiệt khổ là hầu như đa số dân lành cũng không có ăn, có mặc, thì lấy gì mà ai giúp ai!?

Ba năm sau, thì con trai đầu mỗi buổi sáng con đi học, chiều con đi bán bánh bò, cà rem, tối tối con theo chủ ra tận Long Khánh, Hàm Tân, Phan Thiết…, con cùi cụi vác trấu thuê, vác bó mía thuê. Con leo lên nóc nhà dỡ tôn, dỡ nhà, (do chủ mua) và chủ tớ đem đi bán. Con làm bất cứ việc gì dù nặng nhọc, khổ sở, miễn sao con có tiền đem về cho mẹ mua gạo nuôi nhau sống lây lất qua ngày. Ngày hè không đi học, các con phải đi nông trường Nhị Xuân lo trồng thơm, trồng mía. Hoặc con làm dân công thủy lợi đi đào kênh rạch trên Lê Minh Xuân. Tối về, Đảng phát cho một tờ phiếu, dân tự vét tiền túi ra mua gạo, mua mắm (dĩ nhiên!). Ráng đi các con ôi! Mẹ mang ơn con trai quá khó nhọc vất vã khổ sở trăm bề, để lo cho gia đình mình có miếng ăn đơn sơ & đạm bạc. Con trai thứ hai đi học luôn luôn đứng đầu lớp, nhưng con vẫn đi bán cà rem phụ mẹ lo cho gia đình mình, mẹ cảm động và thương con yếu ốm biết ngần nào! Và con trai thứ ba đi học về cũng đi bán cà rem giống hai anh lớn. "Cả nhà anh em ta" đều là "dân chuyên nghiệp bán cà rem" nhưng trong Huyện nầy chẳng có ai bì kịp việc học và việc làm của các con, vì các con kiếm sống bằng một nghề lương thiện và trong sạch, chính đáng ở chỗ các con dù đã khôn lớn, nhưng các con đi bán gặp bạn "đồng môn" vẫn vui tươi, hiền hoà, thân thiện, các con chẳng hề cảm thấy xấu hổ vì một nghề "bán cà rem" là thấp hèn. Mẹ chân thành cám ơn và ghi ơn các con, rất hãnh diện vì từ thuở nhỏ các con đã nên người hữu ích. Mẹ mong rằng:
Phượng hoàng ở chốn cheo leo.
Sa cơ lỡ vận phải theo đàn gà.
Bao giờ gió thuận mưa hòa.
Thay lông đổi cánh lại ra phượng hoàng. (1)
***

Con mẹ Thân là vợ của một sĩ quan Nhảy Dù ở “chế độ cũ”, miếng thịt Thân còn nhét trong kẽ răng, ấy thế mà bà ta đã toa rập với bọn cán bộ làm trong Xã ̀phản bội, lừa thầy phản bạn. Chúng cắt bòn rút lương thực của dân đen đi làm thủy lợi biết bao nhiêu mà kể cho hết. Dân muốn chết đói mà con mẹ ấy vẫn sống nhăn răng, phè phỡn và đú đa đú đởn với bọn kia. Thật xấu hổ vì con đàn bà người chẳng giống người mà giống ngợm! Sau giờ lao động nhọc nhằn, bà con lối xóm hò nhau xách tụng chạy đi, chen lấn vô cửa hàng, mắng nhiết nhau inh ỏi, vì sợ hết giờ không có bo bo đổ vô nồi. Bà Muôn, bà Cát, bà Liêm ơi ới gọi tôi:
- Cô giáo đi mua gạo “liên xô”. Mau lên kẽo hết. Nhịn đói thì chết.
- Vâng.

Tôi lo ba chân bốn cẵng chạy theo mấy bà hàng xóm. Tôi rù rì nói nhỏ vào tai bà Cát, bà ta là người đàn bà đanh đá, chì chiết, hai hàm răng luôn nghiến lại, bà nói chuyện không hở môi. Bà luôn mồm nhắc tôi “giữ bí mật”. Ấ́y thế mà chính miệng bà ta bi bô không giữ được, và “bật mí” phun xì ra. Í dà da! Bà ta thèo lẽo, tò mò tọc mạch như con ma xó! Tôi trách chi bà.
- Sao chị dám nói là gạo Liên Xô hử?
- Chứ cô không thấy có bao giờ mình được mua gạo đàng hoàng, từ tốn đâu. Không “liên” tục chen lấn, giành giật, “xô” đẩy nhau, mà rách toạt cả quần ra, là gì!
Chị Dung cười toe:
- Ồ! Thì để cho… ông trùm sò dê Bảy De thèm một xí.
Tôi thật thà hỏi:
- Dê Bảy De là ai, hở chị Muôn?
- Là cái thằng cha mặt ngựa mỗi ngày rả rả trên “loa” phóng thanh, hắn ưa nói Dóc. Nói Dai. Nói Dở. Nói Dổm. Nói Dối. Nói Dốt… í mà.
- Ai vậy cà?
- Bộ thích ổng rồi hay sao, mà cô cứ hỏi tới dữ dậy he?!
- Hổng dám đâu.
- Bà Liêm, bà Muôn nhìn nhau nháy mắt, trêu tôi:
- À, cô giỏi văn, vậy tui nhờ ổng “nhất ngoặc, nhì thân, tam thần, tứ chế”. Ổng có thần thế, sẽ giới thiệu cô vô ngành giáo dục he.
- Hừ! Em mà giỏi cái nỗi gì.
- Cô nói láo một cây xanh dờn hén.
- Em hỏi chị chớ: Thầy cô đi dạy, ít ra cũng phải có ba bốn bộ đồ, để thay đổi. Còn em, chỉ có hai bộ dính da. Trời mưa em giặt đồ phơi không kịp khô. Thì làm ăn cái nỗi gì!
- Tại vì: “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
Áo quần bán trước, cửa nhà bán sau.
Bác Hồ khuyên ăn cơm rau.
Đừng ăn thịt cá, mà đau dạ dày” (1). Nghe ra chưa?
- Ui Trời! Chị dám rên la he. Em… hổng dám à nha.
Bà Liêm háy nguýt một cái dài lê thê, chanh chua:
- Cô nghe cho rõ nè:
Một năm hai thước vải thô.
Nếu đem may áo, cụ Hồ ló ra.
May quần thì hở lá đa.
Chị em thiếu vải, hóa ra lõa lồ.
Vội đem cất ảnh bác Hồ.
Sợ rằng bác thấy tô hô, bác thèm.
Có áo mà chẳng có quần.
Lấy gì hạnh phúc hỡi dân cụ Hồ?
Có đói mà chẳng có no.
Lấy gì độc lập, tự do hỡi người? (1)
Bà Cát:
- Mắc mớ gì mà rên la. Tui có làm nên chế độ chế đá chi. Cô hổng thấy bên Tây, người ta có thịt, cá, ê hề, đầy nhóc, nhưng mà họ chỉ thèm ăn rau toàn là rau thôi, dù rau mắc hơn thịt gà thịt heo, thịt bò... đó sao.
- Thôi. Đừng nói nữa, không khéo nói lung tung beng, mang tội chống báng chế độ, thì bị tù mọt gông đa, mấy chị ui.
- Tui có hai cái cùi chỏ. Sức mấy dám “chống” đối ai. Chống gậy đi thủy lợi, thì có. Ai không đi thủy lợi, thì không có phiếu lương thực đã đành. Còn phải lên Ấp, lên Huyện “học tập cải tạo tư tưởng”. Hứ! Học tập cái ngữ gì hổng biết, một chữ bẻ đôi không rành, không biết, dốt còn hơn con bò tót, mà đòi đi dạy dỗ những tay trí thức học tập “cải tạo” toàn tướng tá bác sĩ kỹ sư không hà, cải tạo ai hử!? Đừng nên dùng chữ cải tạo nếu không có dấu ngoặt kép à nha.
- Đúng thế!
* * *

Có lần tôi bị đau nặng không đi thủy lợi được, thì họ bắt bà mẹ già cuả Luật đi làm việc “bù” không công. Mẹ chồng hơn bảy mươi tuổi lặn lội mót lúa, mót sắn, mót khoai… Vì “lao động là vinh quang”, mẹ đi bắt ốc mò cua, tửng bưng sáng mẹ mò mẫm ra đi khi trời còn đầy bóng tối. Rồi, tối mịt mù mẹ lò mò đội lúa trên đầu, mệt mỏi trở về. Mẹ làm việc nặng nhọc, cực khổ, nhưng mẹ luôn ăn cháo, không đủ sức “lao động phấn-đấu”. Nên đặc biệt ở trong nhà tôi chỉ một mình mẹ già được ăn cơm tấm pha ít cám chấm muối mè gói trong tàu mo cau! Sự thật 100%.

Hôm sau, hai đứa con nhỏ bé nhất của tôi có bổn phận phơi lúa, trở lúa, cào quét lúa đem vào nhà, không để mất sót hạt ngọc Trời ban. Chiều chiều, mấy mẹ con tôi lo giả gạo trong cái nón cối sắt (quý phẩm độc đáo cuả “tàn dư đế quốc Mỹ & Nguỵ” ấy là mũ nón “nhà binh”). Dù quân nhân khả kính chế độ cũ nay không còn, nhưng mỗi lần xử dụng chiếc nón sắt của anh quân nhân nào đó, tôi thấy cảm động bùi ngùi và nghẹn ngào thường âm thầm trào nước mắt.

Tuy lúa tươi phơi chưa khô, nhưng vì nhiều ngày không có tí gì ở trong bụng, nên chúng tôi tốn nhiều thì giờ phải giả lúa mót được ra thành gạo. Sàng sảy thế nào vẫn bị trấu, cám, bám chặt vô hột tấm, vì lúa còn tươi, nghĩa là chưa phơi khô còn mầm sữa, thì hạt gạo đã vỡ nát. Đói quá, chúng tôi đành nấu nồi cháo tấm cám nham nhám độn củ mì rau dền, rau lang, rau đắng mọc hoang. Chúng tôi luôn luôn ăn nồi cháo độn, bữa ăn quá sức tệ; thua bầy heo mập ú của nhà “con mẹ cán bộ xu thời xu thế Thân”. Mỗi khi húp chén cháo nham nhám lẫn lộn vỏ trấu và hột tấm cám nầy, ai nấy trong gia đình tôi đều nghẹn ngào cúi mặt não nùng mà không thể khóc, nước mắt lưng tròng nhưng không trào ra khoé mi. Giòng nước mắt trẻ già đều khô cạn!?

“Nhà tôi” là một căn gia binh bỏ hoang trống-trơn từ trước ra sau, nhỏ và dài như cái hộp hình chữ nhật, mặt trước và mặt sau không có cánh cửa lớn, và mặt tiền có khung cửa sổ nhỏ, còn những cánh cửa thì bị ai đó chôm chỉa tháo gỡ hết từ bao giờ, chẳng rõ! Hoàn toàn trống trơn từ trước ra sau, không bàn, chẳng ghế, tủ, giường. Chúng tôi chỉ có: một thau giặt, một thau rửa chén, một cái rổ, hai cái nồi đem theo từ ngày ở nhà thờ Huyện Sỹ: Nồi lớn chuyên dùng để nấu cháo, họa huần lắm mới có một bữa cơm tấm pha xí cám và khoai sắn độn. Một cái nồi nhỏ dùng luộc rau, hoặc kho tí muối quẹt. Một cái bình nhôm to để nấu nước sôi. Đôi thùng thiếc gánh nước. Sáu tô nhựa lớn, sáu muỗng, sáu đôi đũa, vài cái dĩa sứt vành. Một bao quần áo mặc thường ngày. Một bao cói đựng đồ vặt, một bao cói đựng hai chiếc mùng đôi màu xanh. Cái mền làm bằng bao cát Mỹ. Một valy da sang trọng mang theo từ ngày ở Đà Lạt di tản về đây (vì hồi xưa gia đình tôi ngồi trên nhung lục giàu sang với nhà lầu ba tầng gạch đúc, có xe hơi Peugeot 404 mới toanh; Nhưng nhờ bác và "đảng ưu việt giải phóng”, nên tôi đã bỏ lại hết để... ra đi là chết trong lòng một ít! (Partir, c' est mourir un peu!). Đó là tất cả gia tài quý giá của gia đình tôi trong XHCN. Chúng tôi phải giữ bo bo chằng chằng bên người những đồ vật cũ mèm ấy bất ly thân, vì hở ra một xí là bị mất trộm chiếc nón sắt liền, kẻ cắp vờn quanh xóm nghèo như rươi!

Nằm dưới manh chiếu cũ nát láng đen và thô thiển, ngửa mặt nhìn trên nóc nhà, tôi thấy ngàn ánh sao xuyên qua lỗ tôn xi măng thủng vì bom đạn. Ngày nắng chói chang thì mặt trời soi rọi xuống vạt chiếu, khiến chiếc chiếu càng dòn đã bể nát vài chỗ, chiếu và nền xi măng hầm hập nóng muốn lột da lưng. Mùa mưa ở trong nhà thì nước lụt ngập lên gần bắp chân. Nước trên mái tôn lủng trút xuống ào ào như thác Preen, nước ngoài sân cao hơn nền nhà ở tứ phía tràn vô. Mẹ, con, bà, cháu lội lủm bủm, bì bõm, chúng tôi cùng thi nhau cúi cúi tát tát nước trong nhà ra ngoài sân, như tát ao, tát đìa. Đó cũng là môn thể dục... "dục với dịch" trong XHCN. Chúng tôi cố gắng làm tận sức, vã mồ hôi hột trong cơn mưa, vẫn không thể ngăn nỗi cơn lũ ào ạt tràn vô căn nhà bị thấp hơn mặt đường. Trong nhà nầy đã trở thành một cái ao. Nhiều lần chúng tôi đành chịu thua, bà cháu mẹ con vịn nhau, đứng dựa lưng vào tường, ngâm chân trong nước bùn hôi thối, mệt lử mà ngủ gà ngủ gục. Thế là bệnh thấp khớp cả nhà tôi "phát sinh từ khi có bác Hồ"! Sự thật quá bi đát và não nùng luôn phơi bày không thể che dấu sự nghèo nàn thảm thiết!

Mãi về sau này (1980) biết khôn hơn, năm mẹ con tôi đi tìm các nhà gia binh bỏ hoang, con trai lớn mượn cái “búa tạ tày xồi” của ông bà Hùng, con dùng búa đập tường. Mẹ con khệ nệ ì ạch bưng từng viên gạch táp lô về kê lên cao cao, để làm thành “cái giường”, hầu tránh nước lụt. Khổ nỗi, khi đã có cái giường “siêu tổ chức xã hội chủ nghiã” nầy, thì rệp, rận, gián, và muỗi núp dưới các khe hở nhiều vô số kể, chúng luôn bòn rút máu của chúng tôi. Đó là “nhà của chúng tôi” về mùa Hè luôn luôn nóng hầm hập như lò lửa. Mùa mưa ngập thành một cái ao bùn đầy nước bẩn. Đó là nơi nương thân của những kẻ không có tương lai, không có cuộc đời tươi sáng, không có ngày mai hứa hẹn hạnh phúc, tốt đẹp hơn trong xã hội đương thời 1975 > 1985.

Một hôm tửng bưng sáng mẹ già đi ruộng mò bắt được mươi con ốc, năm ba con cua, và một con cá lóc nhỏ bằng ngón chân cái. Về ngang bờ kinh, mẹ hái thêm chục dọc môn dại. Hôm đó, khi tôi đi "vá dù" về nhà, (vá dù là một nghề mới toanh của tôi sau khi "đổi đời", tôi sẽ xin hầu chuyện cùng quý vị ở một chương sau)- mẹ chồng bảo tôi:
- Con nấu nồi cháo đặc, thật đặc nhá, chứ cả nhà ta luôn luôn ăn cháo lỏng bỏng, ruột mẹ cứ cồn cào, xót xa thế nào ấy.

Vâng lời mẹ, tôi cẩn thận nấu nồi cháo: độn một bó rau muống, ba phần củ sắn mì, hai phần dáu môn, và một phần gạo tẻ (gạo là do đi lượm mót lúa ngoài đồng, con trai đội về, tôi và con nhỏ dùng cây cột bờ rào của một nhà bỏ hoang, đem về rửa sạch, dùng cây cột nầy làm thành cái chày mà giả bằng tay trong chiếc nón sắt, rất chu đáo và công phu). Các con tôi ra giếng công cộng tắm rửa xong. Các con gánh về hai thùng nước. Tôi múc ra sáu tô cháo, để xuống nền xi măng loang-lỗ vết đạn cày xới.

Sau khi mời bà nội, mời mẹ, anh em vui vẻ mời nhau ăn cháo. Các con tôi hí-hửng cười reo dưới ánh trăng tròn, (chúng tôi sống ở “trong bóng tối”, chỉ nhờ trăng soi sáng, thì dùng đèn dầu làm chi, cho hoài phí của đi! Nếu ngày nào không có trăng tỏ, thì chúng tôi lo ăn cơm sớm). Cứ thế, các con của tôi sung sướng bưng tô cháo, hí hửng đưa lên miệng, húp rột rột, (vì hôm nay đặc biệt có thêm mùi vị của con cá lóc) coi thật ngon lành. Bỗng, các con đồng thanh hét to. Đứa quăng tô xuống nền nhà. Đứa nằm lăn lộn trên nền nhà lỗ chỗ. Đứa dùng hai bàn tay cào móc cổ họn. Các con vật vã rên siết la làng, khóc lóc tru tréo inh ỏi. Mẹ già kêu rú lên quá to, bà dựa lưng vào tường, trợn trắng mắt, thở dốc và ho sặc sụa. Tôi đã húp ba bốn muỗng cháo, tự dưng cổ họng rát bỏng, ngứa cồn cào, ngứa điên cuồng, tôi cào móc khạc nhổ thế nào, cũng không bớt. Mặt, môi, lưỡi, họng, cả nhà chúng tôi đã phồng rộp, sưng vù, đỏ choét. Thì ra, chúng tôi bị dị ứng hay suýt bị ngộ độc, vì ăn phải mấy dọc môn dại hay sao!?

Tôi vội chạy ra thùng thiết dật dờ múc gáo nước, khuấy muối, vắt mấy trái chanh đưa cho mẹ già. Tôi kéo các con chạy đến thùng nước thứ nhì, cứ như thế, tôi bắt các con móc họng ói ra, súc miệng, nhổ đi nhổ lại nhiều lần. Bà cháu, mẹ con chúng tôi đều bị đau nhức cổ họng, ngứa rần rần cuống cổ và môi miệng sưng vù, đỏ hoét, kinh khủng ghê lắm. Thân thể chúng tôi đều bần thần, bụng cồn cào vì ói ra mật xanh mật vàng, và nhịn đói nên càng mệt rã rời, hầu như bại xuội rị mọ vất vưỡng lọt tọt dìu nhau đi ra giếng tắm giặt. Lòng buồn xo như xé tâm tư.

Ôi! khổ nỗi một miếng ăn độn tồi tàn hơn nồi cám (của con mẹ Thân) cho heo ăn, thế mà cả nhà chúng tôi cũng không thể nuốt trôi vô khỏi cuống họng! Ngày Tết Nguyên Đán cũng như ngày thường suốt cả tháng mười năm dài đằng đẵng, gia đình tôi nằm co ro trên cái giường táp lô, chúng tôi bị đau đớn quá độ, không tiền thuốc thang, đành vật vã ôm bụng nhịn đói. Chúng tôi không thể ăn nồi cháo đặc khổ qua con cò rị mọ làm thân con rùa. Ôi! Bài học ăn cháo đặc ấy trong tận đáy xã hội, chúng tôi ghi nhớ suốt đời. Ấy là lúc xuân xanh của tôi vừa tròn:
“Trai ba mươi tuổi còn xoan.
Gái ba mươi tuổi đã toan về già”
&
Bác Hồ chết phải giờ trùng (1)
Mẹ con chúng tớ nay khùng mai điên...
Khùng điên vì chẳng có tiền
Sống trong "chủ nghĩa"... không điên cũng khùng...
Tôi "thật thà khai báo" và bảo đảm rằng ở trong "xã hội chủ nghĩa đổi mới tư duy" nầy, thì hầu như "đốt đuốc đi khắp miền Nam Việt Nam sẽ không có "người vợ tù cải tạo" nào quá sức khổ cực đi mót bịch ny lông hôi thối, cam chịu sống cuộc đời đắng cay nghèo khổ, hèn mọn trăm bề như tôi, cùng mẹ chồng, cùng con ngược xuôi suốt bao nhiêu năm qua. Chúng tôi vẫn "thuỷ chung" cùng nhau vượt qua trở ngại căm go để vươn lên. Vậy thì... kính gửi quý anh chị... & xin thông cảm về nỗi đau của người vợ tù “cải tạo” ngày ấy. Anh thương ơi! Bây giờ (1985) anh ở tù “cải tạo” nơi nao!? Hẳn là anh thấu hiểu cho hoàn cảnh đau thương, bi đát, khốn cùng của bà cháu mẹ con em bây giờ rồi, hở anh!? Ôi! Mùa Xuân qua ngày Hạ suốt từ năm 75 - 85!!! thật trăm bề gian nan: Hoặc là anh đang giống như:

Như một người già ngồi nuối tiếc dĩ vãng xa xưa...
Như một danh tướng ôn lại những chiến tích oai hùng!
Như chim trong lồng ai oán nhìn bầu trời bao la.
Tôi mất Sài Gòn, nhưng thành phố vẫn sống mãi trong tim tôi.
Nhưng tôi không là người già, thì vẫn còn tương lai.
Tôi không là danh tướng, nên chẳng chiến công nhiều.
Tôi không là chim trời mãi mãi mất tự do.
Tôi chỉ là con bệnh trong cơn đau chung nầy.
Rồi sẽ hết, rồi sẽ hết những tháng năm đau thương trong cuộc đời!
Rồi sẽ khỏi, rồi sẽ khỏi. Hãy uống chén thuốc đắng nầy.
Rồi sẽ thấy, rồi sẽ thấy những tháng năm đau thương trong cuộc đời.
Rồi sẽ khỏi, rồi sẽ khỏi. Hãy uống chén thuốc đắng nầy. (2)
***

Tình Hoài Hương

(1) Lượm lặt sưu tầm
(2) “Uống chén đắng” Lời và nhạc: Cung Mi
*

Tinh Hoai Huong
07-24-2017, 01:46 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd417/1500860533-tu toi 14.jpg
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/mp3_pdf417/1500860594-1954-1975_Elvis Phuong.mp3
Mẹ Đi Thăm Con Ở Chốn Lưu Đày.


Từng dòng lịch sử và dòng thời gian dài lê thê vùn vụt trôi qua theo tiếng còi tàu tốc hành hú từng hồi lát gừng, giống như tiếng nấc cụt, con tàu từ từ xục xịch ục ịch rên siết, hì hục, lết lết, rọt rẹt chuyển bánh. Con tàu dường như nhão mục, rền rĩ rung chuyển, rung rinh, lắc lư thụt lui thụt tới, cạ quẹt, nghiến trên hai thanh tà vẹt hoen màu rỉ sét. Khói toả thành một lằn dài ngoẵng, khói bay mù mịt cả một góc trời, than khói đen đen xám xám kéo theo đoàn va-gông cũ kỹ, xập xệ lắc lư. Tôi nghe thật nhức óc và điếc con ráy quá chừng! Bởi do:
Có phải Đảng đã trả thù ác độc
dân miền Nam, sau khi cướp miền Nam
Nhãn "cải tạo", mác "khoan hồng, học tập"
Thực chất giết người quỷ quyệt, dã man? (Ngô Minh Hằng)

Vẫn những toa tàu chật như nêm chở đầy nhóc hàng hoá cồng kềnh ngổn ngang. Hành khách hỗn độn từ ga Sài Gòn đi về miền Nha Trang lố nhố bu đầy trên bậc cấp, trên mui trần, bên những ô cửa. Họ la hét, xô đẩy, giành giựt chỗ ngồi náo loạn. Tất cả những toa xe đều huyên náo, ồn ào kinh khủng. Nhân đó nạn sờ mó, móc túi, cướp bóc tràn lan trong toa tàu. Dù có tên công an Tiểu-đoàn đường sắt chống trộm cướp thủ củ súng và cây dùi cui lăm le trong tay, ông ta đập cây dùi cui chan chát trên ô cửa, lớn tiếng oang oang la không ngớt, tay chỉ chỏ ra lệnh đóng hết cửa tàu. Cuối cùng ổng đứng áng ngữ ở bậc thang cửa lên xuống tàu, ổng cũng không thể ra oai; mà đành ngao ngán giương mắt trơ ra nhìn.

Bà mẹ chồng, các con trai, & tôi đang ngồi trên tàu lửa chật như nêm, họ nhét chúng tôi ngồi chung với bầy súc vật ngổn ngang: Gà, vịt, ngỗng, ngan nhảy lên đầu lên cổ chúng tôi kêu quang quác, heo eng éc, chó tru; chúng đồng loạt kêu la rần trời, nghe quá đinh tai nhức óc. Không những thế, mà áo quần chúng tôi bị trét đầy phân heo, phân chó hôi thối khủng khiếp. Khổ nhất là khi chúng tôi đáp tàu chuyến, tàu chợ, xuống tàu để lên xe vô Xà Bang cách Bà Rịa 28Km về hướng Bắc Đông Bắc, xa Xã Cẩm Mỹ 6Km về hướng Nam. Xà Bang nằm cạnh Liên Tỉnh Lộ số 2, (từ Ngã ba Tân Phong, Quận Xuân Lộc, thuộc Tỉnh Long Khánh) thăm Luật.

Về sau nầy Luật bị chuyển trại ở Long Giao, vô Z 30. Không có tiền, nên nhiều lần mẹ con bà cháu trụt xuống tàu lửa, hay xuống xe tại ngả ba Ông Đồn, Xuân Lộc, rồi đi bộ ngang qua trại “tù cải tạo” Z 30 C, Gia Rai (chúng tôi phải đi ngang qua trại tù Z 30 C ở đồi Phượng Vỹ. Hồi xưa do Trung-đoàn 48, thuộc Sư-đoàn 18 Việt Nam Cộng Hoà trấn giữ.) Muốn đi vào trại tù Z 30 A – hay Z 30 B - xa rất xa. Rất xa. Mưa ào ạt đổ xuống khu rừng rậm, thế nên thiên nhiên được kỳ cọ rửa sạch cây cối, và những láng trại tù, nóc nhà tôn, nhà lá... Rừng cây trở nên dịu dàng vì vừa qua trận mưa to đã tắm mát núi rừng.

Mẹ con tôi vội vàng lẽo đẽo theo sau những chị vợ tù, mẹ con tù. Họ từng đi thăm nuôi chồng, cha, con... trên đường rừng đồi nương nầy có ngỏ tắt thì sẽ đốt giai đoạn, sớm vào láng trại tù nhanh hơn trước khi trời chuyển mưa, hay trời chóng sập tối. Mẹ con bà cháu chúng tôi cố rảo bước, chỉ sợ chậm lại thì sẽ bị lạc mất những người ấy và không thể tìm đường đi. Cỏ tranh cao lút đầu bọn trẻ đã cào xướt vô da những lằn dài đỏ tươm máu và rát bỏng. Hoa mắc cỡ và cỏ may rậm cũng cao gần đến bụng con, bông cỏ xâu vô hai ống quần, chích vào chân chúng tôi ngứa ngáy, khó chịu dường bao. Ve chó, ve đất, châu chấu, cào cào, ruồi trâu và muỗi cứ bay ào lên từng đoạn, mỗi khi chúng tôi bước qua khu đường tắt trong rừng sâu.

Trại tù Z 30 là một trong muôn vàn trại tù mọc lên đông đen nhiều vô số, ấy là thành trì cốt cán chặt chẽ, độc ác tróc khảo, lột da con người kinh khủng, do đảng và nhà nước dựng lên, để cai trị tù “cải tạo”. Tù nhân "chính kiến" bị dời đổi đi luôn luôn, xáo trộn lung tung tùng phèo lên như thế. Vì đảng, nhà nước, cán bộ rất sợ! Họ không muốn người tù ở lâu một nơi, cùng nhau ở chung một chỗ, thì tù nhân sẽ dễ dàng kết thân với nhau, sẽ bí mật “tạo phản, phục hồi danh dự, và phục quốc, phục quê”. Chả phải trai tráng đi “học tập cải tạo” (Reeducation Camp) nghe "rất kêu" như voi rống hổ gầm trong rừng sâu nước độc gì sớt! mà trăm ngàn tốp tù chuyên môn đi khổ sai “lao động là vinh quang”.

Tốp tù kia ở trong vòng rào thì lo đào ao, tốp khác phải đi gánh phân, múc nước đái tưới rau tươi để gieo trồng. Trong lều bên góc trại có dựng lên một lò rèn thô sơ bằng tay, để tù nhân vào đó rèn rựa, rèn dao. Tù phải tự làm thợ rèn dao, rựa, cuốc, xẻng, cào; để đi cuốc đất, trồng ngô khoai đem cho đảng và cán bộ ăn. Tù vác xẻng đi đào mương khai cống rãnh. Tốp tù được đi rừng, nghĩa là đi ra ngoài vùng người dân đang sinh sống, thường có phần "thong thả và tự do" hơn chút chút so với những anh tù ở trong láng trại, vì họ có thể đi ra ngoài rừng chặt cây, lấy củi, chặt tre đốn gỗ để làm nhà tù. Dĩ nhiên có mấy tên công an kè kè súng theo sau. Họ làm thành nhà tù xong thì tự nhốt mình trong những láng trại xa xôi hẽo lánh: mùa nóng thì nóng lột da, mùa lạnh thì lạnh thấu xương.

Nơi tiếp tân của trại tù: trên bàn quản giáo có chiếc hộp để “Góp ý”. Thật ra, đấy là nơi dùng để làm “cần câu”, theo dõi, đấu tố nhau, điềm chỉ “cho chắc cú thấu triệt” hơn. Muốn thăm tù thì tại đấy có nhiều thủ tục đơn từ khai báo lỉnh kỉnh, lẩm cẩm, rườm rà, và mỏi mòn chờ đợi. Chúng tôi bồn chồn nôn nóng lo âu chờ đợi vài giờ, nhón gót dáo dác nhìn quanh, mẹ con cứ đi ra lại đi vô. Trong hàng rào phân định làm thành mô hình chữ U, là bảy dãy nhà tù lợp tôn, lợp lá đối diện nhau. Phân đôi giữa những dãy tù là khoảng sân vừa đủ rộng. Đi xuống dãy nhà bếp và bốn dãy nhà tù biệt giam. Nơi đây tù nhân bị mang gông cùm lởm chởm, cornex thì ở tít sau mé xa cuối cùng trong vòng kẽm gai, nơi đó các anh bị đọa đày khổ cực, khốn cùng đắng cay, đau đớn thân xác, khổ sở vô vọng hết biết. Tù nhân bị tù không bao giờ biết ngày tuyên án, chẳng biết lúc nào ra khỏi nơi qủy khóc thần sầu!

Đến giờ "được phép thăm nuôi" khi tôi đặt những túm quà lên bàn, thì cán bộ lấy cây que tăm xe đạp thọc vào moi móc tỷ mỷ khám xét những thỏi kem đánh răng, rất lâu. Nhưng, thành thật mà nói thì mẹ con tôi sợ tên quản giáo (mà chúng tôi rỉ tai nhau: "Hắn có bộ mặt “Lucifer”) coi ở phòng khách, ai nấy đểu sợ gấp trăm lần sợ người mang bệnh cùi lở loét. Chỉ sơ suất một điều gì, thì kể như chúng tôi không được cho phép thăm viếng, không thể chuyện trò với chồng, con, cha, gì sớt. Nhưng nói cho cùng, không phải cán bộ trông coi trại giam, là ai ai cũng "ác ôn côn đồ độc ác" cả đâu. Bằng chứng là có duy nhất một cán bộ tên Nhượng biết điều, ông ta đối đãi với tù khá tôn trọng, từ-tâm, dễ dãi, có tình người hơn nhiều người cán bộ công an cộng-sản khác.

Chúng tôi nhìn qua khe hở hàng rào gỗ cao lút đầu mình, tôi thấy đoàn tù khoảng mười lăm người đang lần lượt nối gót nhau ra nhà khách. Trên mặt họ chảy dài những giọt mồ hôi hột, sau lưng và trước ngực áo ướt đẫm mồ hôi, những vệt mồ hôi trong ngày tháng cũ bạc phơ, đang sột soạt từng đám, đã bện chung với những đám hô hôi mới rịn ra hôm nay. Trong cơn bấn loạn, sợ hãi, và băn khoăn tột độ, mẹ con chúng tôi dáo dác nhìn quanh, cố tìm khuôn mặt người thân. Tôi lặng người nhìn những khuôn mặt vàng bũng, nhận ra nét cằn cỗi, già nua, hốc hác, bơ phờ và ốm đói, mỏi mệt, từ những lằn nhăn bên khóe miệng người tù, trên đuôi mắt hằn lún những đường rãnh trên vầng trán phong sương cao cao sạm nắng gió khuya chiều, mà bỗng dưng tôi cảm thấy mình chới với bủn rủn.

Nhà khách im phăng phắc nghe cán bộ đọc tên tù "cải tạo" và ông ta ấn định cho tù ngồi đúng chỗ xong, những anh tù vừa ngồi xuống dãy ghế gỗ, thì mọi nơi, mọi chỗ, mọi người đồng loạt rộ lên tiếng nói rộn ràng lao xao, ríu rít như bầy ong vỡ tổ. Người người bùi ngùi, thân thiết mừng rỡ trong nghẹn ngào, nức nở xúc động bồi hồi chào mừng nhau, rưng rưng nghẹn ngào hỏi thăm, an ủi nhau, vỗ về nhau, tay me con chúng tôi luôn quệt nước mắt, trào tuôn hai hàng nước mắt. Nhưng những anh tù "cải tạo" ngậm ngùi uất nghẹn cúi đầu mà không thể khóc, miệng họ cố mỉm cười méo mó, để che dấu nỗi chua cay xót xa, đầy đắng chát tủi nhục vô trong lòng.

Tôi và Luật có khác gì nhau, chúng tôi đều ở giữa hai vòng ngục tù quê hương. Gia đình tôi (nói riêng và đa số gia đình bạn tù nói chung, cùng đồng bào thì ở tại vòng ngục tù bao la ngoài chấn song vô hình, khổng lồ đồ sộ và vô cùng kiên cố). Tù "cải tạo" thì từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, lan ra tận Phú Quốc, Côn Sơn, đều giống nhau. Trước kia Luật đã ở các trại tù: Suối Máu - Ra Phú Quốc - Về trại Long Giao…vân vân… Sau đó chuyển tới trại Z 30 A. Rồi chuyển qua Z 30 B. Gia Rai – Xuân Lộc. Chồng tôi ở vòng tù trong địa ngục, và đôi khi anh bị cùm trong vòng tù thứ ba là nơi chuyên giam nhốt ai có “trọng tội”, bị xiềng xích hai tay hai chân, khi bọn cán bộ hành hạ tra tấn "tù" xong, thì bị nhốt vào nơi cùm gông dành riêng cho "thứ dữ".

Quả thực, hồi nhỏ ông chồng tôi, có tên cúng cơm rất là dễ sợ, do bố mẹ đã đặt cho ảnh cái tên: “Phạm Trọng Luật” thật. Nhưng khi lớn lên, Luật đi học đến lớp Nhất, thì bị thầy giáo vui tính gọi bố mẹ lên, thầy ôn tồn nói:
- Tên gì cụ không đặt, lại đặt cho con cụ có cái tên kinh khủng đến thế. Nếu cậu ấy không có "tội", thì cũng vì "phạm trọng…" mà vô tù, nghiã là đi tù ây.
Ông thầy giáo “làm phụ thầy bói" như thế mà linh! Nay ảnh đã bị “phạm trọng luật” (!, ?), mà đi tù ngót 10 năm, bị học tập "cải tạo" sao ta!? Có lần chồng tôi cười cười trêu đùa:
- Em ơi! Anh có muốn đổi tên thật phí, vẫn bị lừa như thường.
- Mắc gì đổi tên mà bị… ai lừa nào!
- Thì anh không đổi tên họ, mà vẫn phạm trọng luật, (!?) đi tù, thì xong béng đời trai là cùng chứ gì!

Chúng tôi hết sức lo lắng về tình trạng bệnh sốt rét của Luật, nhất là đôi bàn tay anh đã lở loét, bàn chân anh làm độc dạo trước, (do bị cán bộ y tế trại kêu anh vào làm thí nghiệm, ông ta lấy con dao bầu cắt rau trong nhà bếp, cứa cứa vào chỗ đau, xịt máu mủ ra. Chẳng có sát trùng, sát triết gì. Không có thuốc tê, thuốc bại gì ráo. Luật đau đến ngất thì thôi). Mặc dù Luật đã ở tù mươi năm rồi, mỗi tháng anh đều được giấy cho đi thăm nuôi, nhưng gia đình tôi quá nghèo. Một năm chúng tôi chỉ chia nhau đi thăm nuôi Luật khoảng năm bảy lần. Có năm chúng tôi không đi nỗi.

Cho đi thăm nuôi tù, thật ra nhà nước chẳng ưu ái khoan hồng, tử tế hay tốt lành gì. Cho phép người ở vòng tù ngoài đi thăm nuôi vòng tù trong, chẳng qua là đảng muốn tù ngoài gánh vác đỡ bớt gánh nặng nuôi miệng ăn ở tù trong. Mặc dù tù “cải tạo” ăn ngày non bữa, bỏm bẻm chỉ có một muỗng cơm lạt độn bo bo hoặc sắn khoai với vài hột muối. Do số lượng tù quá sức đông, nếu chiết tính sơ sơ, đảng cũng nát óc điên đầu, nhà nước khó khăn, nan giải trong vấn đề gạo thóc mắm muối của đảng, thì dù tí cơm gạo tẻo teo cho tù nhân; cũng là chuyện không thể. Luật thấy rõ hai túm quà bé tí nị, mà gia đình mang vào cho anh, nhưng quý giá gấp mười lần cá, thịt: Đó là tất cả sức cần lao, đói khát, gian khổ, từ mẹ già răng long tóc bạc. Từ những bàn tay các con gầy bé tí xíu, từ người vợ mảnh mai. Họ đã nhịn đói, nhịn khát, thiếu thốn trăm bề ngỏ hầu góp nhặt từng xu, từng đồng, họ cố gắng dành dụm, cúp nũm mang vào trại tù, cho anh ăn tạm qua cơn đói rã ruột.

Dĩ vãng vinh sang xưa, anh: xe pháo rủng rỉnh, nhà cửa đình huỳnh sung túc an vui, thình lình ồ ạt chảy về trong hiện tại đầy ứ, quá khứ phản bội khiến anh xốn xang chóng mặt đến hụt hơi. Vì, chuỗi lao tù cay cực kéo dài trước hàng chữ: “Không có gì quí hơn độc lập tự do”. Mỗi lần gặp mẹ ruột, vợ, con: mệt mỏi đến thăm, Luật chỉ ôm chúng tôi khóc ròng. Anh khóc, không vì cảnh “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Mà bởi anh rõ hơn ai hết, khi nhìn mẹ gầy trơ xương, nhìn vợ ốm yếu, nhìn đàn con nheo nhóc khẳng khiu, yếu xìu, xanh lướt kia đang rưng rưng giọt lệ mừng vui cuống quýt. Luật lặng người nhận ra nét già khú đế trên khuôn mặt mẹ xếp lớp lăn tăn. Anh đau đớn nhìn những hố mắt con thơ còn quá nhỏ trũng sâu. Và, nơi khuôn mặt cô vợ hoa hậu diễm kiều mặt hoa da phấn năm nao, bàn tay búp măng nõn nà thuở xưa quá xinh. Nay “em tôi” có từng đường gân xanh nổi cồn bên thái dương, nơi bàn chân nứt nẻ, tróc lở, ở bàn tay sần sùi của “nàng”! Luật mủi lòng chẳng sợ ai cười chê, anh đã úp mặt vô hai bàn tay nứt nẻ mà khóc tướng lên, như trẻ thơ.
***

Lui cui dọn dẹp mấy bọc ni lông đựng túm xôi đậu xanh, tôi nhồi thêm ít đậu phụng rang vào thau xôi, để lát nữa sau khi hết giờ thăm nuôi, Luật sẽ xách vô trại để cùng anh em bạn tù chia nhau tí quà, (thay vì Luật và mẹ con tôi ngồi ở đây, vừa ăn vừa nói chuyện, sẽ mất thì giờ, mà không nói được chuyện gì), thì tôi sửng sốt chợt thấy một đoàn hai chiếc xe hơi, từ ngoài con đường đất đỏ từ từ lăn bánh vào, và dừng lại ngay bên ngoài cổng trại Z 30. Trên xe lố nhố kẻ đứng người ngồi, đa số là người mặc áo tang, tôi nghe họ khóc than thảm thiết lắm. Tên cán bộ trại liền ra lệnh cho những người đang thăm nuôi dồn lại ở một cái bàn dài trong góc cùng. Tôi còn ngơ ngác và lo lắng nhìn quanh, Luật thì thầm:

- Anh Trung-úy Long, tù ở trại Z 30 B, hiện làm tại tổ than của trại tù. Anh Long được tin mẹ ở Khánh Hội đã chết. Dù có giấy báo tử, anh Long tức tốc xin phép trại trưởng, cho anh về nhà một ngày, để phục tang. Nhưng họ kiên quyết không cho. Nên hôm nay, thân nhân của anh Long đưa mẹ về quê an táng tại Phan Thiết. Trên đường đi về quê, xe tang ghé qua trước cổng trại, họ xin phép trại trưởng cho anh Long ra đứng bên trong cổng, ngay dưới hàng chữ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, để lạy chào mẹ lần cuối cùng.

Bần thần chua xót và vô cùng cay đắng, uất nghẹn đến nghẹt thở, khi tôi tận mắt chứng kiến cảnh anh Long xanh lướt, thân thể anh héo hon thất thểu ra cửa trại tù. Anh chập choạng ủ rủ như người mất trí, như người say, anh như thân cây sắp ngã. Anh Long lê từng bước thấp bước cao ra tới bàn quản giáo. Anh run run ký tên vào sổ thăm nuôi. Đôi mắt anh Long sưng chù vù, mọng đỏ. Lúc ấy người nhà mang vào cho anh Long bộ đồ tang trắng, họ quấng lên đầu anh mảnh khăn tang, anh buông thỏng hai tay, đứng bất động như trời trồng. Anh Long để mặc họ xỏ áo thả gấu xỏ quần trắng cho mình như cậu bé con. Hai người thân kè xốc anh Long ở hai bên cánh tay, dìu đưa anh bước thấp bước cao ra cỗ áo quan mẹ lạnh giá. Như cái xác không hồn, anh Long run rẩy cầm ba cây nhang quỳ xuống mặt đường đất đỏ gồ ghề. Bỗng anh Long khóc rống tướng lên. Nghe thảm thiết lắm. Anh Long sì sụp lạy mẹ và bất thần rệu xuống. Chuyện nầy ai ai trong trại tù Z 30 cũng biết, có thật 100%.

Bỗng dưng, từ thinh không rót vào tim tôi cảm giác rờn rợn, đau đau, phiền phiền uất ức, nghẹn ngào đau buốt rất vớ vẩn. Tôi để tiếng lòng ngân trong chiều Thu nhưng vẫn hầm hập nóng rần, dù gió heo may hái lá so đũa rụng đầy sân tù. Ôi! Vô vàn đau xót, chua cay và đắng chát nghẹn ngào, thương tâm dường bao! Những người đi thăm tù đang chứng kiến cảnh não nùng vĩnh biệt ly tan nầy, đều bưng mặt khóc. Nhìn mây trắng bồng bềnh trôi, như từng lọn bông gòn xôm xốp thao thức giữa hoàng hôn đượm buồn, tôi òa vỡ hàng nước mắt chảy ròng ròng xuống má. Cổng đập đã mở toang hoang, mọi nỗi niềm đau đớn được dịp tuôn trào. Tôi khóc vì quê hương lầm than. Khóc vì chồng đoạ đày khốn khổ trong ngục tù cộng sản. Khóc vì anh Long tuy xa lạ, mà có phần gần gũi do đồng cảnh ngộ và vô vàn thân thiết. Khóc vì mọi nhánh tình lưu vong bi lụy, người tù đoạ đày trên chính quê hương Việt Nam dấu yêu. Khóc mẹ chồng già nua khổ sở. Khóc các con thơ ốm yếu cơ cực đói khát. Khóc chính thân tôi rục rả ủ rủ tàn úa trước thời gian. Khóc ròng! Chuyện mẹ đến thăm con trong tù “cải tạo” cuả anh Long, đã có thật qua lời thơ của anh tù “cải tạo” Lê Xuân Nho:
Xưa mẹ đến thăm con giữa chốn lưu đày,
Thời gian leo lét cháy trên tóc bạc như mây.
Tình mẹ thiên thu. Nhưng đời mẹ chỉ còn tháng ngày.
Mẹ thường đến thăn con như mưa xuống cỏ cây.
Trưa hôm nay nắng nhiều hơn cả gió!
Có chiếc xe tang phủ đầy bụi đỏ N
Trong chiếc quan tài, mẹ lại đến đây,
Mẹ lại đến đây giữa chốn lưu đày
Dù môi mẹ không còn hơi thở!
Gió trong con nhiều hơn giông tố.
Dù tim mẹ không còn nhịp thở.
Đất lung lay, trời cũng xoay xoay.
Mắt con lệ mờ, hay sương khói xa bay?
***

Thạch sùng tróc lưỡi lỏ mắt nhìn gia đình tù dở sống dở chết, khi đất nước đổi đời. Số phận dân đen vùi dập trong bùn, sau ngày 30 tháng 4 mất nước. Đồng bào ngoài tù đói khổ lầm than. Luật ở tù trong một chế độ phi nhân, tàn bạo, dã man đáng nguyền rủa suốt kiếp. Suốt kiếp! Gây cuồng nộ triệu triệu con tim, làm kinh hoàng thế giới! Chúng tôi phải sống thầm lặng, đói nghèo, cơ cực suốt mười tám năm tẻ nhạt, hèn mọn, dưới tận đáy xã hội, giữa sự lạnh lùng, độc ác, phân biệt đối xử đầy bất công. Một sự thiếu thông cảm, không đức độ, hèn hạ trả thù dân tộc trắng trợn, chẳng vị tha và hoàn toàn không có sự đồng cảm, tương thân tương trợ trong lúc khốn cùng.

Chao! Trời cao đất dày ơi! Xin Trời ở trên cao ngó xuống. Đất ở dưới ngóng lên. Hai bên giá vai có hai thánh linh biên chép, soi xét: Chứ, chúng tôi nào làm gì nên tội, sao phải gánh chịu cảnh đoạ đày, tù tội oan nghiệt, ô nhục đến thế nầy? Quá khứ chồng chất lên dĩ vãng quá đầy, quá nặng, quá đau. Tôi không thể tom góp ít chuyện đau buồn vào từng ấy nét phác họa sơ sơ, ghi vỏn vẹn trên năm bảy trang giấy, kể hầu quý vị nghe hết nỗi cùng cực, cay đắng, khiếp đảm xiết đỗi trên chính quê hương tôi. Dạ thưa! Không thể! Vã chăng, giờ nầy tôi ghi lại dòng “lịch sử đổi đời”, không mục đích để bôi nhọ làm xấu xí thêm trang giấy. Câu chuyện TÙ “cải tạo” rành rành ra đấy, cũng chả cần phải trách móc chế diễu ai. Tuyệt nhiên tôi không muốn lên án một cá nhân, hay chế độ nào. Tôi xấu hổ khóc thầm cho số phận hẩm hiu, thân khổ-qua con cò lò mò, con rùa cơ cực bẽ bàng quá đỗi đau xót. Thế thôi!
***

Tình Hoài Hương

----

Do một số đông thân hữu khẩn thiết nhờ THH tìm anh tù “cải tạo” có tên Long, năm 1982 anh Long đã bị tù ở trại Z 30 Gia Rai – Xuân Lộc. Vâng lời bạn, THH xin post bài viết đúng sự thật nầy. Tác giả chỉ biết tên anh Long, & không thể biết “Họ” và tên đệm của anh Trung-úy Long, tù "cải tạo" ở trại Z 30 B, làm tại tổ than của trại tù. Vậy, nếu tình cờ anh Long (hoặc thân nhân của anh Long) có đọc được bài viết nầy, xin vui lòng nhắn gửi tin trên HQPD nhé anh. Có nhiều anh bạn tù “cải tạo” trong Z 30A + B vẫn ân cần nhiệt thành hỏi thăm tin tức và bệnh tình của anh Long đấy ạ.
Kính anh Long,
THH
E-mail đại diện nhóm bạn nay đã thay đổi :
honuisong@yahoo.com

Tinh Hoai Huong
08-02-2017, 07:56 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd417/1501660082-dalat 20 Pongour.jpg

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1354954411.mp3

Đà Lạt Xưa và Nay… Ôi! Niềm Đau!


Thật khó diễn tả hết nỗi lòng ưu tư cảm xúc lâng lâng luôn dày vò tâm trí tôi về nỗi bâng khuâng, xao xuyến... khi đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống khu vực Krong Pha: phong cảnh hữu tình ngút ngàn, bát ngát mênh mông, thơ mộng cận đường đèo quanh co uốn khúc gập ghềnh, nhấp nhô điệp trùng, cao tận lưng trời chót vót mây trắng ùn ùn bay bay dưới gót chân mình. Đèo Ngoạn Mục hùng vĩ thơ mộng nơi hạ giới xa xa... đã gieo vào lòng tôi bao tình khúc phong trần hoài cảm êm đềm, bâng khuâng suy tưởng mông lung. Tôi đang đứng trên vừng mây vờn sương muối quyện quanh gót chân “nơi bồng lai cao nguyên”, y hệt như trong tranh hồ thủy, tôi mơ màng nghĩ về bình nguyên và cánh đồng lúa lao xao bên dòng sông cạn xa xa ở lưng trời năm cũ.

Nhìn lại ngọn đèo cao ngút ngàn lúc xe đò hổn hển thở khói phì phò đi qua với sự luyến tiếc vô vàn; vì có thể đây là những khoảng lắng phiêu bồng: sau nầy tôi chẳng bao giờ còn cơ may quay trở về chốn nầy, dù là niềm kiêu hãnh vinh quang trong dĩ vãng, dù chỉ thêm một lần im lắng xót xa luyến lưu trong hồi tưởng! Bởi vì 30-4 gia đình tôi lê lết trở về lại thành phố núi, sau ngày mất Đà Lạt, là tôi bị “mất dạy” ; từ khi đổ̉i đời, không còn làm nghề “gõ đầu trẻ”. Thế nên bị thất nghiệp, buộc lòng tôi đưa gia đình đi Sài Gòn, xuống tại Thành Ông Năm, Hóc Môn, để rồi trở nên đói khát dài dài...

Đà Lạt cuốn hút tôi ngàn đời nhung nhớ hoài vọng ước ao. Nơi bỏ ngỏ trái tim tôi dại khờ ấp ủ mộng ngày xanh vui tươi nhí nhảnh mà lại đa tình. Đà Lạt xưa khoan dung dịu dàng mở rộng vòng tay trìu mến, nơi từng ôm trọn tôi vào vũng sương mù lả lướt, buông thả, dạt dào nỗi nhớ niềm yêu trong mỗi phím loan. Tôi nhớ da diết những cánh hoa muôn màu chen chân khoe sắc thắm trong nhiều ngôi nhà ấm áp xinh xinh, nhà nhà trên triền đồi hoặc dưới ven dốc chập chùng ẩn hiện nép mình bên vườn cây ăn quả trĩu trái. Có cây bưởi hoa trắng muốt toả mùi thơm ngào ngạt. Cây hồng mơn mởn. Cây chanh mọng nước. Cây quả mượt-mà ngày ấy cho tôi cảm giác vui vui, lâng lâng êm đềm, thi vị quá chừng!

Trên đường phố quê hương Đà Lạt thân yêu nầy, ngày xưa tôi vẫn đi lại tung tăng, hồn nhiên, vui vẻ nhởn nhơ như cánh bướm buổi sáng mai gặp nắng tươi. Tôi ươm nhiều mộng đẹp như thời son trẻ mới chớm lớn, lòng dạt dào nung nấu sự hoài mong tưởng nhớ: Xin cho tôi được một lần tìm về cội nguồn. Nơi đó mẹ dấu yêu đã à ơi ru con lớn khôn trong chiếc nôi đời ấm áp, đơn sơ hồng hoang mà trữ tình ngọt dịu thân thiết trìu mến dường bao! Tôi nhớ lắm thầy Cao Cự Phúc phổ bản nhạc: "Ngày nào dừng chân phiêu lãng. Khách tới đây khi hoa đào vương lối đi Màu hoa in dáng trời Tình hoa lưu luyến người Bồi hồi lòng lữ khách thấy chơi vơi Ngày nào đường xuân phơi phới Khách ngất ngây thấy hoa nở trên má ai Rồi yêu hoa trên má Mà ghi câu luyến nhớ thành bài thơ … Nhưng rồi mùa hoa tàn. Người hoa sao vắng mãi Bao chiều lòng mong chờ. Đường hoa sao hững hờ Để lòng lữ khách tê tái. Cất bước đi nhớ hoa đào trên má ai Màu hoa in trên má Làm khách lưu luyến mãi Đà Lạt ơi"!

Khi tôi đã thực sự đứng ở thành phố quê hương Đà Lạt ngàn đời dấu yêu nầy, thì tôi không thể nào ngờ! Đà Lạt trong không gian bảng lảng dáng thu bàng bạc trên thành phố buốt giá bây giờ sau 75 - 93 quá lạnh lẽo. Buồn thiu. Ôi! bao năm qua, nay lần đầu tiên tôi nôn nao trông ngóng xôn xao trở về quê cũ, thì... những âm thanh đơn điệu, buồn tênh dội lại lòng mình niềm tiếc thương thác lũ. Gợi lên biết bao điều đau xót, tôi ưu phiền, chán ngán, bơ vơ bàng hoàng khôn xiết. Biển cả đã hoá thành nương dâu, nước mắt bỗng dưng chảy hoài, khiến tôi trở thành một người xa lạ, lạc lõng, cô độc với chính mình. Bước chân lao xao rộn rã tìm về lối cũ đường xưa, mà một thị dân chôn nhau cắt rốn như tôi, từng đi đi về về trong thành phố thơ mộng ấy, giờ đây cảm thấy quê tôi lạ hoắc, lạnh lùng. Tôi lạc bước trên con đường cũ thân thương xưa lòng trống rổng cô độc kinh khủng. Thành phố dấu yêu xưa sao bây giờ trở thành xa lạ với tôi đến thế? Hoài phí đi những mơ tưởng đâu đâu không sát thực tế chút nào.

Quang cảnh thành phố Đà Lạt bây giờ như thành phố chết ngoài nghĩa điạ! Không giống những bộ mặt thân quen xiết đỗi mà ngày xưa tôi thân mật vẫn đi về. Đà Lạt không còn sống động, không nên thơ, chả quyến rũ... vì không có những anh Võ Bị oai phong. Những anh Chiến Tranh Chính Trị kiêu hùng. Không thấy sinh viên Viện Đại-học lịch lãm văn nhã! Không có những nam sinh choai choai, dé dé vui vẻ hân hoan vô tư lự huýt gió lúc đến trường Trung Học. Còn đâu nữ sinh hồn nhiên xinh lịch tung tăng với những tà áo dài tha thướt lượn bay, cặp ôm ngang ngực thong thả đi trên con đường mòn đất đỏ ngoằn ngoèo uốn lên uốn xuống ở đồi thông im mát.

Đà Lạt xưa có những công tư chức ngày xưa cao sang chuyên mặc áo da, áo len đan tay đắt tiền, hoặc mặc bộ veston đen tối tân, sơ mi trắng nõn lủng lẳng cà vạt màu, chiếc quần tây thẳng nếp li và đôi giày thời trang... Đâu rồi những anh lính Nhảy Dù mũ đỏ, những anh Hải-quân với bộ quần áo trắng cao sang. Những anh Biệt Động-quân mũ nâu, Thiết giáp, Thủy-quân Lục chiến, Pháo-binh, Bộ-binh oai dũng... trong những lần họ nghỉ phép, đã ghé tạt về thăm Đà Lạt? Những anh phi công bay bướm lả lướt phong trần ung dung bay lượn trên bầu trời Lâm Viên bãng lãng dáng chiều thênh thang. Họ đi đâu mất hết rồi trên thành phố huyền thoại ngày nào!?

Không gian Đà Thành phai dáng thu bàng bạc bây giờ lạnh tanh. Họ hàng thân quyến, những bạn thời sinh viên, hoặc bạn cùng dạy học với tôi, giờ đây họ lưu lạc phương nao xa hun hút, tôi đã mất tầm nhìn, có thể biền biệt chân trời xa thẳm, xa mất đất rồi chăng?! “Lối cũ ta về dường như nhỏ lại. Trời xanh xanh mãi một màu ấu thơ. Lối cũ ta về, vườn xưa có còn. Hoàng hôn buông xuống thoảng hương ngọc lan. Dù gió có trút lá úa xuống vườn chiều. Bước chân ai đem lang thang về cô liêu. Chốn xa xôi kia mang bao kỷ niệm cũ. Em đã quên hay là vẫn mang theo. Dù cho bên anh nay em không còn nữa. Biết chăng trong con tim anh luôn hằng nhớ. Người yêu ơi nay em đã bỏ anh đi. Sao em nỡ bỏ anh đi mãi…"
***

Ngày nay đàn ông Đà Thành thay bộ cánh khác đang đổ xô ra đường kiếm sống, chụp giựt bằng “lao động là vinh quang” một nghề mới toanh thoạt nghe thiệt “kêu, và lạ” : “làm người thồ”, nghề đi vá xe đạp, gánh thuê, vác mướn: Áo quần họ mặc hầu hết tơi tả, cũ mèm, ố vàng, nhàu nát. Mỗi người bạn trai đồng môn của tôi đều có một cây đòn gánh, hai chùm dây dừa cột chặt ở hai đầu gánh. Hành khách chưa kịp xuống xe đò chật như nêm, là lập tức những người đàn ông gánh thuê bu đông đen nơi thành cửa xe, họ kêu mời khách lạ. Mặc cả kỳ kèo giá tiền thuê vác xong, hành khách đi bộ về nhà, người thuê kẽo kẹt quang gánh nặng gồnh mình gánh trên vai gầy, họ im lặng chịu đựng cúi đầu rảo bước.

Toàn người đi bộ là đi bộ. Cả thành phố lác đác chỉ có một vài chiếc xe đò cọc cạch, xe chạy giới hạn từ Thị-xã Đà Lạt đi các nơi. Ở Đà Lạt là nơi nhiều đèo núi, nên ít người mua sắm xe đạp. Ai có xe đạp là chỉ có nước “làm tôi mọi” cho vật. Người ta cỡi lên xe đạp thì ít, mà vác nó lên trên lưng leo dốc cao thì nhiều. Thế nên hồi trước đa số công tư chức ai có tiền chỉ mua xe hơi, honda. Bây giờ trạm xăng không bán một giọt, thì xe với cộ, honda hôn điếc chi cũng bù trớt, nằm ù lì một đống như đống sắt vụn. Chỉ có lèo tèo mấy xe đạp làm xe thồ ọp ẹp, hoặc những “tay cua-rơ” có chiếc xe đạp loại thường thường dùng tập dượt, hầu mong tranh tài trong các chương trình thi đua thể thao toàn quốc trước kia, nay làm xe thồ.

Khu phố Hoà Bình ngày xưa nhộn nhịp, đông vui, sang trọng là thế! Nay tiệm nào cũng cửa đóng then cài im lìm. Hàng hoá đồ đạc thu dọn đâu hết. Sạch bách. Trơ lại những nhúm người ngồi trên vĩa hè, mặt mày lơ láo, họ rù rì to nhỏ, dáo dác nhìn ngược ngó xuôi, mắt mất thần. Họ tụm năm tụm ba ở góc nầy góc kia, dáo dác len lén bày bán những món đồ cũ, đơn sơ và khiêm nhường thấy tội. Đàn bà con “gái... theo thơ Lệ Khánh: "Gái Đà Lạt trời sinh đều đẹp cả”, nay một số qúy bà mặc quần áo lôi thôi lốc thốc, nghèo nàn, họ xuống đường tần tảo bán bưng thúng mẹc bên lề. Họ ngồi bệt trên những bậc tam cấp bán bòn những củ cà rốt, khoai lang, rau rợ bầm dập. Vài ba bà cải nhau om tỏi, chỉ vì những con cá ươn sình vương vãi ra trên vệt nức bên vệ đường. Ngẩn ngơ ngồi xuống mé đường lựa những trái hồng trong mẹt. Tôi nghe bạn hàng xầm xì:
Bà con toàn thể xã ta
Ðồng tâm phấn khởi trồng cà dái dê
Dái dê to mập dài ghê
Năm sau ta cứ dái dê ta trồng (2)

- Mèn ơi! Con tao bệnh, không có tiền mua thuốc uống. Ở đó mà mua phân, mua giống để trồng cà dái dê. Rồi nuôi heo, nuôi gà, tăng gia sản xuất cái nỗi gì! Nhà nước bắt mẹ con tao bưng máy đan của mình, dô trong hợp tác xã đan áo len gởi đi Liên Xô ráo trọi. Cái gì của mình là của “liên bang Xô Viết” mà mầy. Nếu mầy không có máy đan, thì tới đó dùng hai que tre, que gỗ mà đan. Rồi mầy coi, cái tập thể ni lọt dô túi bọn đó mất tiêu. Bọn mình chẳng còn con khỉ khô gì ráo trọi á. Chỉ còn trợn trắng con mắt, cúi đầu và hai bàn tay cầm que đan đan, đâm đâm, thọt thọt... Nghe.
- Thỉnh thoảng trên hợp tác xã đan móc may mặc có phân phối chút thịt heo bụng, ba chỉ, hoặc cẵng chân, đầu cánh gà mà?
- Xời. Đi gánh phân heo để tưới rau ăn, thì có. Bởi vậy nên người ta thèm thịt, nhỏ từng cục nước miếng, thì phải đi ăn trộm, ăn cắp biết nhiêu mà kể xiết, mất cắp ở trong mấy cửa hàng bách hoá như rươi. Của chung mà mầy. Ở nhà dân cũng bị cắp, trộm.
- Mầy hổng thấy sao ke! Con chó nhà tao năm nào ú nù, ú nần, tướng mập mạp đi hổng nỗi. Nay nó ốm tong ốm teo, lông lá rụng xơ xác, đầy ghẻ chóc, rụng hết răng, cũng bị bọn trộm rinh dìa làm thịt mất toi rồi. Mất chó giữ nhà, riết rồi cả xóm không còn chó sủa. Thế nên ai có chút của cải, cũng bay mất toi theo thằng ăn trộm hết. Đảng có mù, đảng cũng thấy chớ.
- Coi chừng nghe mầy. Nói tào lao, tai vách mạch rừng á.
- Bởi dậy... mới có chiện cán bộ lùng bắt người và chó. Người trộm cắp thì cho dô tù. Chó thì cho dô nồi bự. Trời quơi! Nước non chi lạ, dưới dân mất chó, mất heo gà. Trên nhiễu sinh ra đủ thứ chiện cướp cạn tham nhũng, hổng biết sao ta?
- Đừng chọc quê, tao không phải là đứa “cần câu nhân dân”. Mầy đừng lo.
- Ha ha! Tao không có tội mà trở thành có tội, vì cái miệng bép xép. Đời nay có nhiều loại công an nhân dân làm cần câu, đó nghe.
- Trời! Nói cái gì tầm bậy tầm bạ dị hợm vậy. Mầy! Dân cũng nghèo rớt mồng tơi như công an công yết. Chắc có lẽ ai làm “công an nhân dân” thì có đặc biệt nhiều tiền hơn hỉ?!
- Mẹ ui! Nếu được nhiều tiền thì công an nhân dân đâu mặc quần áo có mấy miếng ti vi to tổ chảng đắp trên đầu gối hỉ!
- "Kiểu tân thời" á mầy.

Tôi nhóm chân len lén nhìn qua khu vườn cũ. Hồi ấy tôi đã trồng nhiều hàng hoa hồng rực rỡ màu sắc thành hàng lối thẳng tưng. Những vòm cây ăn quả thắm đẵm sương đêm mọng hạt nước lung linh trên ngọn lá rung rinh. Ngôi nhà thân yêu nầy do tự sức cần lao của ba mẹ làm lụng vất vã. Và, của chính tôi khi chưa lập gia đình đã bán phổi dạy học, dành dụm mà có ngôi biệt thự Mimosa tươm tất. Qua hàng rào gạch thưa, cổng sắt đóng kín cửa có tấm bảng đề “coi chừng chó dữ”.

Đang ngơ ngáo len lén nhìn quanh, thì tôi giật nẩy người khi con chó Bìm Bìm tru hú từng tiếng rít từng cơn trong cổ. Nó mừng như điên cong đuôi chạy lui chạy tới ngoắt lia lịa. Nó chạy mấy vòng trong sân, bỗng chốc chồm hẳn hai chân trước lên ngực tôi, nó quay quắt mừng rỡ, cuống quít khi gặp lại chủ cũ. Nó thò mỏ qua khe rào gạch, cố tìm cách liếm liếm bàn tay tôi. Ngày di tản, tôi không thể mang con chó theo, nên tôi đã cho bác Tân hàng xóm nuôi, (nhà tôi sát vách tường nhà bác, chung một hàng rào xây bằng gạch song thưa). Tôi lòn tay qua song cửa cổng sắt xoa đầu nó hoài. Lúc đó, nó mới chịu đứng yên giây lát, nó rên ư ử đuôi vẫn ngoắt lia lịa. Bác Tân nghe tiếng chó sủa vang đã đi ra sân. Bác càng mừng rỡ chạy tới mở cửa cổng, bác đon đả rối rít chào hỏi tôi. Con Bìm Bìm lanh lẹ chui qua khe hở giữa hai nhà, nó cuộn tròn dưới thềm gạch, mỏ gác lên chân tôi. Mắt nó liếc qua liếc lại, hai tai vểnh lên nghe ngóng. Con chó mà thật có tình nghĩa! Ngoài những đau đớn, hụt hẫng, ngậm ngùi đáng hổ thẹn, nay tôi không còn gì! Thật chẳng còn gì để cho con vật, dù chỉ là một củ khoai tẻo teo!

Có gì đâu. Còn gì đâu nữa! Từ trên đỉnh bình yên an vui ngày hai buổi đi dạy học, nay tôi đã hụp xuống vực thẳm giữa cơn xoáy đục ngầu đen bạc. Hy vọng vỡ tan trong mối thất vọng chua cay, tổn thất dập dồn do thương tổn tình đời để lại. Tôi lặng lẽ ưu phiền ngồi điếng lặng hằng giờ trong góc tối cô đơn, suy nghĩ hết cách mong tìm kế sinh nhai. Tôi giống con chó hoang trốn vào hang hốc, mòn mỏi liếm vết thương mình. Kể từ ngày “đổi đời”, sự sống của gia đình tôi kể như "vong gia thất thổ nổi trôi theo dòng đời chảy xiết". Cuộc cách mạng 75 đã đẩy bật chúng tôi ra khỏi thành phố Đà Lạt. Xa những núi đồi thân yêu, vắng những thác nước suối nguồn mộng mơ. Tôi không còn thấy những hàng hoa anh đào thắm sắc ôm bóng dưới mặt hồ loáng bạc như tráng men.

Nhất là chẳng thể lặng yên vui vẻ nhìn những cụm mây ngà, hồng thắm bồng bềnh bay bay. Mỗi độ hoàng hôn mây óng vàng mịn mượt e ấp rủ nhau về quỳ gối bên ao hồ soi bóng. Chao! Gia đình tôi lâm vào ngỏ cụt không lối thoát, mà số phận tàn nhẫn nghiệt ngã vẫn bám riết lấy chúng tôi. Dù bằng sự can đảm phi thường mẹ trẻ con thơ dắt díu nhau chạy về Sài Gòn, cố gắng "tái thiết" cuộc đời sống lây lất thấp hèn đến độ thê lương trong trại gia binh bỏ hoang. Danh dự vẫn còn, tôi sống thanh liêm và dùng hai bàn tay không cầm ngòi viết, mà dùng làm “cây chĩa ngũ đoản thập toàn”, để tự bới móc tìm cái ăn ngoài xó xỉnh ruộng đồng!

Tôi nâng mình lên cao hơn mặt đất xí xi, hầu hòa đồng cùng những người cùng khổ không manh áo cơ hàn khác. Chúng tôi rất nghèo, đói rách tả tơi thấy thảm thiết lắm. Chính những tháng ngày âm thầm đi trong vũng tối, từ những con đường đất đen đen lên nông trường Lê Minh Xuân không đèn soi, không trăng tỏ, tôi mới có đủ thời gian suy tư kiểm nghiệm những thăng trầm chồng chất muôn vàn đắng cay đời mình dâng cao ngút. Chồng bị “đi tù cải tạo”. Các con lây lất lang thang tả tơi áo quần ngắn củn sờn rách, co ro trên vĩa hè phố Sài Gòn.

Những đứa con của tôi và tuổi thơ vô tội tự bươn bả moi móc mọi thứ để kiếm sống, con đói khát ngủ chập chờn bên hóc tối (để cho bầy con kẻ khác mặc nhiên tới chiếm ngự ngôi nhà đồ sộ của mình, họ thô thiển vui đùa dưới hàng hiên ở ngay nhà của chúng tôi đây). Tôi không hận, không nghe thấy gì, chẳng còn chút sinh khí nào ngoài nỗi điếng lặng lo sợ cồn cào đói khát, đau ốm đang dày vò ruột gan tôi và các con. Nỗi lo sợ bà nội, mẹ con bị bệnh đau, ghẻ chóc, truyền nhiễm dâng đầy ắp, mà không có tiền thuốc men- Hơn là tôi sợ hãi bất cứ thứ mất mác vật chất gì.

Lòng tôi chao đảo vì chiến tranh tương tàn, đùng đùng nổi giận vì những mất mác vô cớ, mà các con thơ mẹ già vợ yếu bỗng dưng vô tình cúi đầu gánh chịu, như tai ách mạch đời ở đâu trút ào ào xuống đầu mình. Trách nhiệm từ ai? Tại sao? Bởi vì đâu? Vì những “dày vò” của ông bà cố tổ mẹ cha chú bác? của những người có trọng trách giữ nước, giữ quê? hay là do trầm thống điêu linh tổ quốc suy tàn, chẳng còn, nên con cháu họ đã ra nông nỗi, làm bàng hoàng sụp đổ cả một chính phủ trong tích tắc thời gian!?
***

Tôi cúi đầu uất nghẹn! Đà Lạt diễm kiều quyến rũ một thuở nên thơ tràn lan thi vị, nay không còn là thành phố duyên dáng, hữu tình nữa rồi. Đâu rồi tiếng thông reo vi vu thì thầm cùng gió, sương rung rinh nhè nhẹ thở hơi mát, phả vào không gian bảng lảng dáng thu bàng bạc trên thành phố lạnh lẽo! Tôi đi giữa hai hàng cây anh đào trơ trụi, vài chiếc lá úa lững lờ chao lượn dưới làn sương mỏng là là bay, cuốn theo những hạt mưa bóng mây ẩm lạnh trong không gian ngút ngàn buốt tê. Dường như tôi cảm thấy ngu ngơ, lơ láo nhìn ngó, băn khoăn, thổn thức đớn đau dày vò và cảm thấy thất vọng kỳ lạ. Không tài nào nhấc bước chân lên khỏi mặt đường lồi lõm, tôi cứ đứng lì ở một góc phố như trời trồng, mà mất hồn mất vía. Tôi cảm thấy mình bị lún dần, lún dần vào cõi lạ. Dường như có ai ở dưới vũng bùn sình nặng nề đang giơ tay kéo lôi giật, tôi trì trệ hụp xuống cùng.

Đôi mắt tôi có hai ngấn nước lặng lờ hơi sương, mờ nhoà, mờ hẳn... giọt sương lăn tăn li ti hòa quyện cùng giọt nước mắt xót xa đã chảy xuống hai gò má. Thành phố của tôi ngày xưa ôi là xinh lịch vui tươi, truyền cảm, quyến rũ, thơ mộng là thế. Giờ đây sao quá ngao ngán buồn!? Trước mắt tôi, hiện tại với khoảng trống băng giá, cùng gánh nặng gia đình quầng siết lấy đôi vai gầy đang còng xuống những cố gắng vĩ đại, ngỏ hầu chới với quơ bàn tay gầy cố vươn lên, thấp thỏm giành lại cho mình một tí, dù một tí thôi những gì đã mất. Tôi ngồi bên lề phố Hoà Bình ngửa mặt lên trời mà khóc, mà cười, cười khẩy, vì không sao hiểu nỗi “đời”! Tâm hồn tôi hằn lên vết rạn nứt đau xót khôn tả xiết, xếp lớp lăn tăn bềnh bồng lâng lâng giữa trạng thái nửa tỉnh nửa mê theo sóng đời cơ cực. Gia đình tôi đã lầm than khốn cùng tụt xuống dưới tận đáy xã hội phù phiếm mất rồi.

Đà Lạt xa xưa tự thuở hồng hoang xinh lịch thơ mộng êm mơ là thế, rồi... có một “thời gian điêu đứng vật vã” nên quê tôi đã nghèo nàn và ê chề cũng kinh khiếp đến thế. Nhưng rồi… càng bàng hoàng thảng thốt thay khi Đà Lạt của tôi hôm nay (2016) đã biến mất các rừng thông xanh thẳm, những con suối uốn lượn quanh co dọc triền núi và thác nguồn ngày xưa hoang dã, tự nhiên và thơ mộng êm đềm, thì nay “sinh chứng dị hình xây dựng” những kiểu cách “gán ghép bắt râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Những nhà cao ốc chen chúc, chi chít chen lấn cùng những nhà bần nông lụp xụp (vì các "dịch vụ, nhu cầu sinh kế khẩn thiết" cần "triệt để khai thác" cho ngành du lịch phồn thịnh!!!); nên đâu đâu cũng "tự chế" ra phòng trọ, "mô teo, hô teo..." nườm nượp mọc lên, "lâu đài nguy nga" trên đồi trọc không còn tiếng thông reo vi vu… triền miên (vì chẳng còn cây cối nào có thể sống) không theo quy trình kiến thiết đô thị, thì Đà Lạt bây giờ vụng về và nóng ơi là nóng! Đà Lạt lộn xộn trơ trẽn như bộ mặt của con mèo vá.

Ôi Đà Lạt của tôi… không còn sinh khí hồn nhiên của mạch rừng hoang dại, dường như Đà Lạt nghẹt thở do những nét chấm phá từ bao ngôi nhà nhấp nhô to nhỏ giống "nấm men, nấm hương, nấm mốc, nấm rơm, nấm chó nấm mèo” trên bức tranh thiên nhiên đã loang lổ. Đã thế, số người tôi vừa gặp : thanh niên thiếu nữ trai trẻ, cụ già em bé ngày nay ra đường đều ồn ào, náo nhiệt chen lấn và nói năng cười đùa tự do như chỗ không người, "vui vẻ thái mái; tự nhiên như... người Hà Nội!". Thì quê tôi chìm mất nét hấp dẫn trữ tình và trìu mến trong tim mình! Thế nên tôi đành bùi ngùi, xót xa tiếc ngẩn... và nghẹn ngào ngoảnh mặt quay bước không thể trở về lối cũ đường xưa…
* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
08-16-2017, 11:32 PM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd417/1502926190-co quoc ky VNCH.jpg
/uploadpics/mp3_pdf417/1502925270-NeuCoYeuToi_ElvisPhuong.mp3
Thiên Thần Mũ Đỏ: HOÀNG NGỌC BẢO


Chiến binh Nhảy Dù Hoàng Ngọc Bảo sinh và sống tại thành phố Đà Lạt, từ nhỏ đến lớn Bảo đã học tại trường dòng A’ Dran (Tabert), sau đó Bảo đăng vô lính từ năm 1964, (khi vừa 18 tuổi). Mặc dù Bảo bị cha mẹ, và cô bồ xinh xinh phản đối kịch liệt, Bảo vẫn biết mạng sống con người rất qúy trọng và cần thiết, chiến trường thì nguy hiểm gian khổ dường bao. Nhưng Bảo vẫn hân hoan vui vẻ lao mình đến với đồng đội:
Tôi nhớ mãi nét hào hùng binh chủng
Nhớ những ngày đầu nhập trại Hoàng Hoa
Thấp thỏm chờ đợi lệnh phòng Ba
Mong cho chóng có tên đi học nhảy
Màn mở đầu là màn thi chạy
Rồi nhảy đài, hít đất kéo xà ngang.
Rồi... kéo dây, nhảy xổm thập bát ban.
Phần sức khỏe dĩ nhiên là qua thoát!!! (Mũ Đỏ 198)

Bảo dự khoá huấn luyện quân sự căn bản ba tháng ở Tiểu Đoàn Khoá-sinh Vương Mộng Hồng tại Trung-tâm Huấn-luyện Quang Trung. Trắc nghiệm thể dục cốt yếu rèn luyện thân thể khoẻ mạnh, cường tráng, đôi chân dẽo dai. Tập chạy bộ từ 800m đến 1500m, mang theo trang bị cá nhân xong. Sau đó, cán bộ khối bổ sung sẽ đưa tân binh khoá sinh đến Trung-tâm huấn-luyện Nhảy Dù Hoàng Hoa Thám để:
- Huấn luyện kỷ thuật về cách lên phi cơ nhảy dù.
- Mang dù (mặc dù) khám dù, bảo trì dù, v.v…
- Trang bị cần thiết khi hành quân.
- Học cách nhảy từ trong lòng phi cơ ra ngoài phi cơ (làm quen với phi cơ, làm quen với độ cao):
- Học điều khiển cách lái dù theo ý mình.
- Học các thế đáp (té, lăn…) tránh nguy hiểm bản thân.
- Học cách thu lượm dù nhanh, gọn.
- Học cách tránh bị dù lôi, kéo, quấn (khi trời gió, bão, bị dù lôi kéo lết… thì không thể đứng dậy).
- Học nhảy cao 11m để làm quen với độ cao không bị choáng ngợp, không có cảm giác sợ hãi (gọi là chuồng cu); chuồng cu là một cái đài giống chuồng… Cao khoảng 11,5m, trên đó có bốn sợi dây cáp dài và to.
- Học nhảy từ 12m (dây tử thần); tập đáp từ trên cao xuống khi va chạm dưới đất. Chụm hai tay ôm dây dù sát vô ngực, đầu cúi xuống thấp, khi nhảy ra khỏi lòng phi cơ thì không nguy hiểm, vì đầu bị đập ngửa ra sau ót.
- Học nhảy ngày (5 lần, + 1 lần mang trang bị cá nhân) & 1 lần ban đêm:
Màn kế tiếp ba tuần liền dưới đất
Tập chuồng cu, kéo gió, chống dù lôi
Đài mười thước, rồi nhảy, nhảy chuồng cu!
Thì... cũng kệ... nghe GO... nhắm mắt phóng...

- Học Nhảy Dù với ba loại phi cơ: C 47 - C 119 – C 123.
Tuần lễ cuối... mới là tuần gay cấn nhảy sô đầu C47 hom hem.
… Dây SOA dài thót ruột... chết cha...
Ầm ầm... rồi im lặng dù mở to
Mới sựt nhớ mình 'quên' đâu có đếm
Sô thứ hai nhảy C119
… Từ sô thứ bốn ta GO ngon ra phết
Mần sáu sô... khóa dù nào đã hết
Nghỉ một ngày... dưỡng sức nhảy sô đêm
C123 gầm thét phóng vụt lên (Mũ Đỏ 198)

Sau đó khoá sinh được trở về khối bổ sung, cán bộ khối bổ sung sẽ điều động tân khoá sinh đi các đơn vị cần. Bảo hân hoan vui vẻ hạnh phúc cùng bạn đồng khoá được vinh dự mang danh xưng “Thiên Thần Mũ Đỏ” với khẩu hiệu “Nhảy Dù sát cộng”. Bảo được chuyển đến Lữ-đoàn III Nhảy Dù, quân phục rằn ri mang phù hiệu sư đoàn Nhảy Dù bên tay áo trái, đội mũ beret màu đỏ có gắn phù hiệu Dù.

Bảo đổi đi nhiều nơi khác trong toàn miền Nam Việt Nam. Bảo từng bị thương bốn lần: Lần đầu tiên vào năm Mậu Thân khi Bảo nhảy từ trên trời xuống mục tiêu tại miền Trung, thì Bảo bị bắn lủng ruột, bị mỗ. Bảo được cứu thương nằm trong bệnh viện Cộng Hoà ba tháng. Hai năm sau, lần thứ nhì Bảo bị bắn xuyên qua phổi, may mà không vào chỗ hiểm. Bảo được cấp cứu vào bệnh viện nằm trị liệu mấy tháng. Rồi Bảo lại trở ra đơn vị Nhảy Dù, tiếp tục sống cuộc đời giang hồ phong sương qua bốn bể… mà “nhảy”. Do Bảo vẫn yêu mến binh chủng: “nơi nào cần, Nhảy Dù có. Nơi nào khó, có Nhảy Dù”: Ngang dọc đó đây, vì Bảo yêu đồng đội và tha nhân, dù bao nguy hiểm thiệt thòi có về mình, cũng thì-thầm cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,
làm chân tay cho những người què cụt,
làm đôi mắt cho ai phải đui mù,
làm lỗ tai cho những người bị điếc,

làm miệng lưỡi cho người không nói được,
làm tiếng kêu cho người chịu bất công.
Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đồng lúa,
để đem cơm cho người đói đang chờ,

và đem nước cho người họng đang khô,
đem thuốc thang cho người đang đau ốm
đem áo quần cho người đang trần trụi,
đem mền đắp cho người rét đang run. (1*)

Có nhiều đêm Bảo cùng bạn nằm lì tại Cầu Lòn, họ lần mò đi trong đêm khuya, qua nghĩa điạ Trí Bưu u ám hoang tàn hắt hiu (Quảng Trị). Bảo lom khom cúi đầu đi dưới đường Duy Tân, rồi lính Nhảy Dù phối hợp cùng anh em lính Thuỷ-quân Lục-chiến oai dũng hào hùng đánh chiếm đại thắng cổ thành Đinh Công Tráng ở Quảng Trị ngày 6-6-1972. Trong trận nầy, đây là lần thứ ba Bảo bị đạn ghim vào tay. Bảo đã nhìn sửng ngọn cờ vàng ba sọc đỏ phất phới lồng lộng trong gió tung bay trên nền trời xanh bao la. Vì đất nước quê hương và dân tộc con rồng cháu tiên. Bảo cũng như đồng bạn tận tụy hết lòng hy sinh vì Tổ Quốc, quyết bám lấy quê hương chiến đấu đến giờ phút cuối cùng.

Rồi… Lần tham chiến cuối cùng tại khu vực dưới sườn tây Bắc Yankee, và khoảng Delta hướng đông của Charlie, Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù (được thành lập ngày 1-11-1968) kẹp giữa vùng chiến tuyến nầy. Tỉnh Kon Tum có ngọn đồi mang tên Charlie; Charlie tiếp giáp giữa huyện: Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đắc Tô). Nơi đây Bảo bị thương khá nặng vì đạn pháo bọn địch lại ghim tứ tung vô thân thể mình, mất một mắt trái, một bàn chân bên phải của Bảo cụt lên tới dưới đầu gối, cộng với những vết thương mới và cũ bị nhiễm trùng, toàn thân Bảo đầy vết thẹo, đau nhức bệnh tật liên miên… Bảo phải vào nằm ở bệnh viện Cộng Hoà và được các bạn đồng đội chia máu hoài, nhưng sức khỏe vẫn chưa thể khá.

Bạn đồng ngành và Bảo bị chiến tranh vùi dập tan hoang, và đời tàn ác bỏ quên, hất hủi Bảo trong cơn hấp hối tột cùng đau. Biệt nghiệp nầy há chẳng qua Bảo vay của Đời quá nhiều, mà Đời trả chẳng là bao!!? Thế rồi, Bảo bị ném ra đường giữa ngày 1 tháng 5 năm 1975. Bảo lấm lét len lén chôm được sự sống… mà lấp ló lây lất lê lết bên nghĩa trang Phú Thọ Hòa. Người sống và kẻ chết -không phân biệt đối xử- đều bị san bằng, khai quật như nhau. Người sống nằm ngủ dưới hố mồ kẻ chết, thây ma bất động bị kẻ đói móc lên, người ốm đói tìm kiếm lấy quần áo (và mừng húm nếu có vòng vàng!!!).

Có khác chăng ở chỗ là: Thương binh ấy còn có một mắt và trái tim rực lửa, luôn bị chao đảo ray rứt, dày vò, khi Bảo tận mắt nhìn ông già, phụ nữ, trẻ con, bị tập trung đi bóp phân người, chân đạp cứt, vai gánh phân tưới rau xanh trên nông trường, mong lợi tức tăng gia, nhờ phân bón đặc biệt thu hoạch mùa màng mà có cái ăn tươi tốt, để chúng mừng thắng lợi chào đón dâng Bác và Đảng. Ngậm ngùi nhìn lại thân phận người lính khi tàn chiến chinh, Bảo và bạn cùng trang lứa đau đớn chẳng khác chi nhau:
Tôi, người lính Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù
Năm 75, 29 tháng Tư
khi đoàn tàu chở đơn vị tôi
chuẩn bị rời Vũng Tàu hướng ra Đông Hải

Thương cha mẹ già, đàn em dại
tôi bước lên bờ ở lại quê hương
nhưng cha mẹ già chưa được gặp
cũng chưa thấy mặt đàn em

các anh, những người chiến thắng
súng dí sau lưng
đẩy tôi vào trại tập trung
rồi bằng những lời dối trá

trái tim vô tình tia nhìn thù hận
các anh cướp mất của tôi
những tháng năm đẹp nhất cuộc đời (2*)
* * *

Bảo rất vui mừng khi biết tin mẹ con tôi trôi giạt về ở Hốc Môn, nghĩa là từ hốc mộ Phú Thọ Hoà nơi Bảo "tạm trú" đến nhà tôi cũng gần, đi xe đò chỉ mất khoảng hai mươi phút. Thỉnh thoảng Bảo có thể từ trên khu nghĩa trang xuống Thành Ông Năm thăm chúng tôi. Các con tôi rất qúy anh họ của chúng, bé Tuấn mừng rỡ ôm chầm lấy anh, vui vẻ nói:
- Anh có khỏe không?
- Nhìn anh, thì em biết rồi.
- Chân cẵng, ruột, và bao tử của anh, ra sao rùi?
- Một chân cụt nè. Một mắt đã đi chào bá tánh dưới lòng đất nè. Lũng ruột nè. Bao tử đau liên miên. Em còn muốn hỏi gì nữa?
- Thật khổ thân anh. Đó là cái đại nạn của anh và dân tộc mình á.
- Đời mà em.
Bé Dzũng ái ngại nhìn anh:
- Anh bỏ hút thuốc đi, là vừa!
- Sao vậy?
- Anh đã như vậy, có hại sức khỏe lắm.
- Em nói chuyện đến hay. Chỉ vài hơi thuốc lào, mà bệnh sao?
- Anh sẽ ho lao, giảm tuổi thọ nữa.
- Sống chết có số. Anh chẳng còn tin gì.
Bé Huy vít cổ anh, cười hì hì:
- Đau ốm đủ thứ như anh, phải uống sâm cao ly, mới kéo dài tuổi thọ à.
- Chuyện! Vậy chớ đứa con nít mới sanh, chẳng may nó ngoẽo, chắc tại nó ưa hút thuốc lào, và không uống sâm i,́ ha em?
- Anh nầy thiệt á.
Bé Hoàng bu vào lưng Bảo, bắt anh cõng:
- Nhà giàu họ uống sâm đầy ra đó. Anh Bảo.
- Vậy họ có thoát chết không nà?
- Anh thèm thuốc lào, nên nói tào lao vậy mà.
- À há! Bây chừ anh còn chi để thèm hơn là thèm hít. Anh mừng khi các em đã có ít hành trang: vào đời đắng cay, chua xót. Em cứ mạnh dạn tỏ bày. Có thể anh sẽ nghe lời khuyên hữu ích.
Bé Tuấn lại sà vô lòng anh. tay xoa xoa cái chân cụt:
- Anh phải nghe, không thì anh chết sớm là cái chắc!
- Anh đã trả nợ thân anh cho non sông rồi, thì còn gì nữa đâu em. Anh chả còn gì để luyến tiếc với đời mà sợ chết với chóc!

Nghe mà nghẹn đắng, xót xa, chua chát cõi lòng tôi. Thỉnh thoảng Bảo cũng như tôi, hai dì cháu có lên Sài Gòn gia nhập vào đám “Thương-Binh Du ca da cu bè” của các anh lính VNCH què cụt tổ chức lậu (của nhiều binh chủng & đơn vị cũ hợp thành). Họ đã bầu tôi: --
- Trong đám mù-chột nầy, thì chỉ có chị là có vẻ “dễ nhìn” hơn hết; mong chị làm vua cho đám “lu xu bu” kia nha. Chị Mười!

Các anh ơi! Các anh nào biết, tôi đã mang bệnh trầm-kha bất khả tri-luận, còn đau đớn gấp trăm lần phế binh nữa ấy, các anh à. Chúng tôi ca toàn những bản “nhạc vàng”, hay lúc đó "phe kia" gọi nhạc của miền Nam Việt Nam là nhạc “đồi trụy”, nhạc tù ca (khi không thấy bóng dáng bọn “công an áo vàng”). Thật tức cười, nhạc mà cũng có màu sắc: vàng, đỏ, xanh, nữa há? Thật ra mấy anh ca bè rất hay. Ca hay thì tiền càng nhiều, “bổng lộc” do dân nghèo thương mà giúp. Ông bà cô bác đi chợ khát khao nhạc thời trước, nhạc cũ… họ thường ghé lại coi chúng tôi trình diễn. Họ vui đùa có ngụ ý ám chỉ gọi chúng tôi là: “Thương phế Binh Ngũ Linh”, hoặc nhóm “Bè da cu du ca”.

Cái tên ấy do dân mến thương đặt ra, vậy mà nghe thật là chí lý! Bây giờ những thương binh ấy chỉ còn da bọc xương, trên răng dưới dái, thân thể là nơi tập họp những thứ tật nguyền: mù chột, cụt tay, cụt chân, lũng ruột, bụng còn băng đầy máu. Họ bị quăng ra khỏi y-viện, chỉ có trên răng rụng dưới teo tóp... thì, chả còn da với cu là gì! chả còn gì. Thật chẳng còn gì!

Lính chiến trận trở về (sau ngày mất nước) không tìm thấy gia đình, không thân nhân, mất tin tức không liên lạc, người ta tan tác trên mọi ngã đường. Lính lê lết chống gậy đi tìm nhau từ các vùng khỉ ho cò gáy, nơi thâm u cùng cốc: chỉ có muỗi, ruồi trâu, vắt, đĩa, hút máu người, và luôn truyền cho bệnh cấp tính sốt rét da vàng cao độ, ho lao, thổ tả, kiết lỵ triền miên. Cho đến lúc tàn hơi mà toi mạng cùi! Họ phải lê lết hành khất từ vùng kinh tế mới nơi chó ăn đá, gà ăn muối, bò lê bò la… rị mọ lặc lìa lặc lọi mò mò về tới thành phố.

Nào ngờ họ lại lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, ăn xin ở ngoài đầu đường, ngủ ở xó chợ! Những thương binh ấy đã bỏ lại một bàn chân, một cánh tay, một hai con mắt trên vùng giao chiến hung tàn. Họ trở về dưới mái nhà xưa thì biếng nói, không cười, sống lặng lẽ âm thầm nức nở, đớn đau mà nghiến chặt cục sạn giữa hai hàm răng, suốt ngày họ lầm lì, đăm chiêu, suy tư trong dòng sông chảy xiết riêng mình từng cơn đau mệt lã, dày vò ân hận và phiền muộn khôn xiết.

Nhưng, có anh lính nào may mắn còn gia đình, thì các bà mẹ, bà chị, vợ con của họ vui mừng, hớn hở lăng xăng quanh thằng con trai tật nguyền cùng khắp. Bà mẹ mủi lòng mừng con trở về mà vui hơn bắt được ngọc ngà. Lính què cụt đui mù phải đùm túm nương tựa vai vợ con, với cha mẹ già, thương mến an ủi nhau và lây lất sống. Ngày trước họ đi lính, do chiến tranh tàn nhẫn gậm nhấm hết cơ thể. Nay thì người lính chột đi đạp xích lô. Người cụt bán bánh mì, bán vé số, người mù đi xin ăn. Họ vừa rao, vừa đánh đàn, thổi sáo, gỏ trống hát dạo ngâm nga bài thơ:
Tao cụt một chân, mất một tay
Nhưng còn một tay
Để viết thơ dùm cho thằng mù hai mắt
Nghe nói ở xứ người chúng mày "cày" như trâu
Nhưng không quên đồng đội
Chia đô-la cho chúng tao, như chia máu ngày nào...
Tao cũng sớt cho mấy thằng bạn: phế binh Việt Cộng!
Chúng cũng què đui sứt mẻ như nhau
Bởi Đảng của chúng bây giờ là lũ đầu trâu... (3*)

Có những lần nhóm tôi đang hát nhạc tiền chiến, nhạc tù ca, thì thấy ba công an đi trờ tới, (công an có lệnh diệt tận gốc: “Trí, phú, địa, hào” mà)! Anh thương binh Mẫn còn một bàn tay thật và tay giả trong chiếc găng tay da, rất nhạy bén nhanh miệng anh liền chuyển tông qua bài hát tếu hài ngay. Mẫn vừa khua tay múa kiếm làm trò thật vui tai, vui mắt, ai nghe cũng nực cười:
- Bác Hồoo… cho em cây viết. Em vẽ con dao găm, em đâm thằng lính Mỹ. Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra, con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó, con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi Thanh Niên Xung Phen. Em theo chủ nghĩa siêu Việt phồn vinh cuả Móc-Cu Ra Đớp ở Liên Xô. Hỡi..oi õi… đồng bầu! Hãy đi Thanh niên xung pheng. Tùng Tùng Tùng!!! Bảo vệ tổ quốc! Bèng béng bèng!!! Từng tứng tưng… tằng tắng tăng...
- Ủa! Cổ động viên nè! Hoổ…ong có ai dỗ tay cả hé?
Thương binh Bảo nhanh nhẫu chế-biến câu ca tiếng Việt liền tiếng Pháp, (vì hồi nhỏ đến lớn khôn, Bảo đã học ở trường dòng A’ Dran, nên Bảo nói tiếng Tây, lẫn sinh ngữ Anh lưu loát), nghe như gió thật.

I've just closed my eyes again
Climbed aboard the dream weaver train
Driver take away my worries of today
And leave tomorrow behind
Ooh dream weaver
I believe you can get me through the night
Ooh dream weaver
I believe we can reach the morning light
Fly me high through the starry skies
Maybe to an astral plane
Cross the highways of fantasy
Help me to forget today's pain …

Bảo còn kêu tên các ca sĩ nổi danh ở thập niên 70 ra “ca” có âm điệu và khảy đờn trống rùm beng… từng tứng tưng…, bùm búm bum... bèn béng beng…: - À Á a... Le moi sensibe = cái tôi tình cảm. Ám sát tinh thần = assasitnat moral. Đời! C’est la vie! Tình tinh tang! C’est la mour. Thầy chùa sans cheveux. Bà xơ sans cooc xê, end sans xi-níp!! Ha ha ha!!! - Johnny Halliday… O oh ho… Sylvie Vartant… É é é… Francoise Hardy. Vicky Leandros nổi tiếng L’amour c’est pour rien… từng tứng tưng… Oh! Mon Amour. Ối ối a… Poupée de cire poupée de son. Bùm búm bum… Adieu jolie Candy…. Là lá la… Aline. Christophe. tằng tắng tăng… La vie c’est une histoire d’amour… chát chát chát… tùng tùng tung… phèng phéng phèng…

Thiệt là tầm bậy tầm bạ, dấm dớ, ú ớ ngố ngáo, ngu ngơ dật dờ, vớ vẩn... hết sức ba xàm ba láp! Thế mà khán giả bình dân thích thú, khoái trá cười rõ to; nghe "rất đễu" để trả lời cho ba tên công an đang đứng ngẩn người lỏ mắt há mồm ra vì mê mẩn..., nụ cười bằng mười thang thuốc bổ thời nay, để chưởi vô mặt bọn cán ngố (tiếng Việt một chữ bẻ đôi còn chưa rành, huống gì nghe họ hát tiếng Anh tiếng Tây) ngu như con bò tót mà. Dân vổ tay rần rần… rầm rầm rầm… bụp bụp bụp! Có đám thanh niên choai choai dé dé cho hai ngón tay vô miệng huýt lên thật kêu. Họ hể hả bỏ tiền lẻ vô chiếc mũ vải. Cứ thế, chúng tôi cúi đầu lạy tạ, san sẻ, bù qua sớt lại cho nhau mà sống trong đậm đà tình nghĩa, thành thật mến thương hèn mọn. Tôi có bổn phận vừa “ca-bè” vừa cầm mũ vải đi xin tiền quý vị khách thập phương hảo tâm. Có người nhận ra mình:
- Oai Oái! Không ngờ bà ấy ngày xưa lừng danh là một hoa hậu, giàu sang và tri thức. Nay bà ta lê lết làm kẻ ăn mày, coi kìa!

Thực ra, bây giờ trong chế độ nầy, tôi đang chìa nón đưa tay ra lạy ông đi qua, lạy bà đi lại, ngỏ hầu xin tiền bố thí, thì có hơn gì ả ăn mày nào! So sánh phận hèn tôi ở xã hội nầy, có cái gì khiến tôi mủi lòng, se se từng cơn quặn thắt nghẽn đắng trong lồng ngực cuồng quay. Có cái gì đau đau, cay cay, xót xót, đắng nghét trên bờ mi tôi vụng dại? Sao ông Trời nỡ đi chơi đâu vắng, ông không cúi xuống nhìn đời chút xíu, sao tôi không lột xác, không biếng dạng méo mó ít nhiều cho mình đỡ xấu hổ ha?

Tôi và nhóm thương binh chế độ cũ bị Đời quên lãng vẫn âm thầm lặng lẽ, nhẫn nhịn âm thầm chịu nhục mà bò lê trên đường cần cù kiếm sống. Cho đến ngày 6 tháng 2 năm 1985, tôi đang làm cỏ ngoài ruộng, thì Bảo leo xe đò xuống Thành Ông Năm cho biết tin: tại chợ Bà Chiểu đã diễn ra trận đấu đá kinh hoàng giữa “công an và phế binh đỏ”, (phế binh đỏ, chứ không phải thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà “du ca da cu bè”). Công an đã bắt đám đờn ca “phế binh đỏ”. (Vì “đỏ” là cờ máu Việt-cộng) mà họ chuyên hát toàn nhạc “vàng”. Do thời buổi nầy hát nhạc vàng mới ăn khách. Đỏ mà ca hát “nhạc vàng” tức là trắng trợn thành “Ngụy” rùi! Thành thật mà nói thì “nhóm đỏ” kia họ cũng có xí tài khảy đờn, ca hát giọng Bắc khi trầm ấm lúc véo von, tha thiết ngọt ngào; nghe cũng hay ra phết. Đồng bào đứng ngồi tám lớp vòng trong vòng ngoài, say mê thèm khát nghe “nhạc vàng”.

Công an thì như vòng siết của Kremlin, luôn vươn tỏa vòi bạch tuột ra, quấn lấy “nhóm phế binh đỏ” và rượt người dân ngu khu đen tay giơ cao cờ trắng chạy té khói. Họ có đủ quyền hành để thao túng, dân ai chậm chạp có chạy đi đâu vẫn không thoát. Ấy là tôi đang nói từ những thập niên 75- 85 í nha. Công an là ông trời con ưa tùy tiện bắt giam, khảo xét, lục soát bất kỳ nơi đâu họ muốn. Dính dáng tới họ, chỉ có nước đi tới đường cùng, chết treo trong cùm, hoặc mất tích mất tang thân thể.

Trong Điều 7 của Đạo Luật Rome đã định nghĩa: “Tội thủ tiêu mất tích Người” (Enforced Disappearance of Persons) như sau: Thủ tiêu mất tích người có nghĩa là: bắt giữ, giam giữ hay bắt cóc người ta với sự cho phép, sự hỗ trợ hoặc sự chấp thuận của một quốc gia, hoặc một tổ chức chính trị. Sau đó không nhìn nhận sự tước đoạt tự do của người ta, cũng không thông báo tin tức về số phận hoặc nơi giam giữ, với chủ tâm tước đi quyền được luật pháp bảo vệ của những người này trong một thời gian lâu dài. (Enforced disappearance of persons means the arrest, detention or abduction of persons by, or with the authorization, support or acquiescence of a State or a political organization, followed by a refusal to acknowledge that deprivation of freedom or to give information on the fate or whereabouts of those persons, with the intention of removing them from the protection of the law for a prolonged period of time.).

Thế là từ đó nhóm “Bè du ca da cu” của chúng tôi mất đất sống, tan hàng rã đám, biệt tích giang hồ! Khổ …khổ hết biết! Khi ấy nạn cướp bóc giựt dọc luôn xảy ra tại các khu thị tứ, các trạm xe bus. Người ta bị cướp trắng trợn, giật sạch, mất trắng tay chẳng còn gì. Ai có la làng, khóc lóc, có nhảy tưng tưng, thì cũng huề cả làng. Đôi khi công an đi qua đó cũng ghé lại, làm biên bản nguệch ngoạc. Người bị cướp đứng xớ rớ, công an điệu về bót cung khai lý lịch lấy lệ, rồi xù xì bỏ đi. Bù trớt (chính tôi đã từng bị mất sạch nhiều lần).

Đồng thời lúc nầy nạn thanh niên nam nữ ốm đói nghiện xì ke, chích ma túy công khai trên các con hẽm ở Bàn Cờ, bên khu Gò Vấp, Khánh Hội... ôi thôi không thể đếm hết. Có vài lần tình cờ đi qua khu nhà Phùng, tôi đã trông thấy nơi góc hẽm vào một sáng sớm: có bốn thanh niên đang dùng chung một ống chích. Tên con trai cầm cây kim tiêm thuốc xong, đưa cho một tên bạn đã ngồi bệt xuống đất, hắn lấy sợi dây lưng quần cột chặt cánh tay trái, và chụp nơi tay thằng đang cầm cây kim, tự nó lụi vào tay mình, máu từ mũi cây kim tuông ra thành một dòng dài trên cánh tay hắn, không có bông gòn và thuốc sát trùng sát triết chi. Một tên khác hình như thiếu thuốc, hay đến cơn ghiền dữ dội, đã nằm vật ra bên lề đường, hắn sùi bọt mép, tay chân co giật từng cơn vật vã. Tôi hoảng hồn mất vía, lo sợ tột cùng, vội vàng lủi đi thật nhanh.

Từ khi chộn rộn sau năm 1975 bỗng đâu lại sinh ra nhiều bọn xíu xíu, dé dé, choai choai, nho nhỏ… đi đứng le te, ỏng ẹo, giọng nói ồ ồ, râu ria lởm chởm, nhưng chúng lại mặc đồ đàn bà, mặc xú chiên giả nhồi độn ở ngực hai quả bóng nhựa ti tí. Chúng thoa son dồi phấn, kẽ lông mày, trông bọn nhỏ cũng xinh xắn ra phết. Bọn “bóng lại cái” nầy đa số là con nhà khá giả, thỉnh thoảng chúng tập trung ở Bình Triệu, chẳng hiểu sao chưng diện rất đẹp, ưa giả dạng “nữ nhi đào tặc”, để trốn không đi Thanh Niên Xung Phong, hoặc bị bắt đi Nghĩa Vụ Quân Sự.

Thế là nạn đồng tính luyến ái rần rần xảy ra, lan từ thành phố Sài Gòn về tận các miền quê. Con trai tôi ở trong ban văn nghệ cuả Huyện, mới đầu con trai tưởng bọn họ là con gái mặt hoa da phấn phè phỡn thật (khi có đoàn hát trên Sài Gòn về trong Huyện, Xã, thường có mấy “en Gay”) con cũng như ai thấy gái đẹp ngu sao không mê! xề lại, hai bên rù rì hủ hỉ ríu ra ríu rít chuyện trò vanh vách, thân mật da diết! Nhưng khi con trai bị mấy tển “bê-đê” cao lêu khêu đúng là “đĩ đực rựa”, tối đến khi tan văn nghệ, chúng cùng con ngủ chung phòng, (con lúc đó học vừa đi bán bánh bò, đi làm thuê dỡ nhà, dỡ tôn với chủ, đi xây nhà do chủ thầu mướn, con cũng có biệt tài đi đờn giỏi và hát rất hay cho ban văn nghệ Huyện, để kiếm sống). Thì nửa khuya đang say ngủ, con bị một tên đẹp nhất trong bọn cạy miệng nút lưỡi, mò cu tới tấp. Con trai hoãng sợ, la hét, tung mùng ôm quần áo chạy chạy chạy... có cờ. Nhưng, cũng thật thà mà nói có nhiều “ẻm” trông yểu điệu thục nữ, mảnh mai, duyên dáng, xinh đẹp và ca hát, múa đèn, vũ múa điệu Thái, điệu Lào rất dẽo. Giọng ca các “en” nức nở, trữ tình, nghe khá tuyệt!
* * *

Ở trên cõi đời ô trọc nầy, Bảo luôn bị những căn bệnh cũ hành hạ thân xác càng đau đớn và điêu đứng. Nay hoà bình về, dòng sông tình được thuyền đời trôi đi. Nhưng rồi cũng có khi thuyền bất ngờ bị sóng vùi dập, và lật úp thuyền! Bảo thật sự chới với điêu đứng khi bạn bè chiến đấu tri kỷ thân thuộc chỉ còn lác đác mấy người trên đầu ngón tay. Bảo không biết thổ lộ tâm sự cùng ai mong thông cảm, nên Bảo rất đau buồn! Có thêm cơn bệnh trầm kha ẩn dưới đôi lông mày khiến Bảo luôn nhíu lại... mà không có thuốc chữa.

Chuyện hồi xưa và ngày nay, Bảo mang trong trái tim cuồng nhiệt xót xa và thổn thức. Bảo biết đói khổ, đau đớn từng giờ, từng ngày. Nỗi đắng cay oan nghiệt, rền rĩ siết chặt giữa hai hàm răng khát khao nghiến lại. Sự đớn đau luôn cào xé dày vò tâm trí và thân thể Hoàng Ngọc Bảo, người lính trung thành với chính phủ Việt-Nam Cộng Hoà, đã không e dè đem thân xác mình làm bục kê, làm bàn đạp để người khác dẫm lên. Chiến sĩ ấy âm thầm lấy lưng đỡ đạn, cùng đồng đội quyết chí ở lại trên chiến tuyến đến giờ phút quê hương lâm chung, mà van lơn người đã ra đi, thống thiết van xin người bỏ nước ra đi tìm tự do:
Hãy gửi về cho chúng tao vũ khí
Thằng cụt tay sẽ chỉ cho thằng mù mắt bấm cò
Thằng còn chân sẽ cõng thằng què quặt
Trận chiến sau cùng này sẽ không có Dương Văn Minh (3*)

Dù tật nguyền cùng khắp thân thể, nhưng mặt mày Bảo vẫn đẹp trai, ăn nói tao nhã duyên dáng, nhất là Bảo có tài kể chuyện đời lính “oai hùng, hùng hồn và mất hồn” đó đây rất hấp dẫn. Bảo kể chuyện tiếu lâm khá có duyên, khiến người nghe say sưa, thỉnh thoảng Bảo ha hả cười rất thoải mái, mà quên tiệt bụng co thắt từng cơn đau bao tử và đang cồn cào đói kha1 vẫn như thế. Ở gần bên tôi không còn người cháu thân thiết hiền lành vui vẻ và cùng nhau chia xẻ ngọt bùi! Tôi đã xa Bảo, Bảo về Phan Rang rồi, tôi lại càng nhớ đến cháu Bảo thân yêu vô cùng! Sau năm 1998 cuộc sống gia đình Bảo rất đạm bạc, bần hàn, nếu không nói là quá nghèo khổ nơi xứ chó ăn đá gà ăn muối. Bảo dựng tạm một căn chòi bé nhỏ lụp xụp ngay sát khu nghĩa địa tại Phan Rang, một góc nhà bên hướng phải đã kê lên trên mấy ngôi cổ mộ. Chung quanh nhà Bảo toàn là mồ, đúng là một bãi tha ma u ám đầy bóng tối và kinh dị. Ấy thế mà Bảo và vợ con họ không hề sợ ma. Có phải chăng từ khi đổi đời thì họ “sống” giữa “người chết”, coi bộ “âm ty địa tào” còn hiền lành hơn trăm lần sống trên trần thế?! Hay là bởi tự cái số kiếp oái uăm, bắt Bảo phải sống “tử thủ” với mồ mã ông bà cha cố người đã chết; kể từ khi Bảo lột khỏi thân thể bộ áo lính Dù, để đổi đời!!?

Bảo lui về quê vợ ở Phan Rang, sống ẩn dật (mãi về sau nầy khi gia đình tôi đi Mỹ, tôi có chuyển cho Bảo vài ngàn, nên Bảo đã mua một chiếc xe cúp, Bảo làm nghề “xe ôm” bằng một chân giả, một chân thật, cộng với một mắt thật trông chừng con mắt giả, để nhìn rõ đời không bị giả tạo thêm)!!! Năm 2005 Bảo lâm trọng bệnh, Bảo có em trai là Thịnh và vợ là Hạnh ở Mỹ liên tục chuyển tiền hậu hỉ về nhà, để một thằng em trai nữa tên Toàn đem Bảo đi ra đi vô Sài Gòn - Phan Rang không biết bao nhiêu lần.

Căn bệnh trầm kha từ ngày chinh chiến ấy đã gậm nhấm, đào xới, bào mòn, tướt đoạt đi của Bảo nhiều miếng thịt: trong phổi, trong tim, trong chân tay… bây giờ hoạn nạn bệnh tật đã đối mặt lây lan khắp thân thể Bảo, nó hoành hành ăn tươi nuốt sống Bảo mất rồi. Bảo bị mù cả hai mắt, không còn nhìn thấy Đời. Toàn thân và tay chân Bảo sưng phù, nhớt nhau nước nhờn chảy ra trên lưng Toàn (em trai là sĩ quan VNCH bị tù "cải tạo" bốn năm), Toàn thương anh tật nguyền, em không nở ra đi, mà em tình nguyện ở lại Việt Nam ngày ngày em vẫn cùi cụi cõng Bảo đi ra đi vô bệnh viện). Bảo “nằm lì” trên tấm lưng thằng em ruột, rầu rĩ đọc bài thơ:
Tao bị thương hai chân
Ngày "giải phóng miền Nam"
Vợ tao "ẳm" tao như một đứa trẻ sơ sanh...!
Ngậm ngùi rời "Quân-Y-Viện"
Trong lòng tao chết điếng,
. . . Vợ tao: như "thiên thần" từ trên trời rơi xuống...
Nhìn hai đứa con ngồi trong căn chòi gió cuốn, bụi đất đỏ mù bay!
Tao thương vợ tao yếu đuối chỉ có hai tay
Làm sao "ôm" nỗi bốn con người trong cơn gió lốc.
Cái hay là: Vợ tao dấu đi đâu tiếng khóc.
Còn an ủi cho tao, một thằng lính què!
Tao đóng hai cái ghế thấp, nhỏ bằng tre,
Làm "đôi chân" ngày ngày đi lại
Đời lính gian nan sá gì chuyện gió sương... (Trang Y Hạ)

Bảo lặng lẽ âm thầm nghiến cục sạn giữa hai hàm răng mà không hề oán trách số phận quá tàn ác! Một ngày kia Bảo đã không thể chịu đựng cơn đau đớn hành hạ thể xác lẫn tinh thần hơn, Bảo từ trần vào ngày 19 tháng 8 năm 2005. Trước khi lìa đời, trong cơn đớn đau kinh hoàng chới với mê sãng, Bảo vẫn luôn miệng nhắc tới tên những vị chỉ huy, nhắc tới vị tướng Trần Quốc Lịch mà Bảo tôn kính, miệng Bảo kêu tên những đồng bạn, họ vì tổ quốc và quê hương đã ra đi khỏi tầm mắt của Bảo.

Nhưng họ không ra khỏi lòng Bảo một giây phút nào; dù đôi mắt Bảo mù lòa vĩnh viễn khép lại từ lâu, và lòng Bảo đã đóng chặt cửa. Nhất là Bảo chẳng khi nào có ý ngoảnh mặt phản bội quê hương, để đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam có hình chữ S dấu yêu. Quê hương đã ôm trọn Hoàng Ngọc Bảo vào lòng. Đất mẹ không từ bỏ hất hủi Bảo bao giờ (khi mộng ước của Hoàng Ngọc Bảo đã không thành!) như Nguyễn Trường Tộ đã nói:
“Nhất thất túc thành thiên cổ hận.
Tái hồi đầu thị bách niên thân” .
(Một bước lỡ để nghìn năm mang hận.
Ngoảnh đầu trông lại đã trăm năm)(*)
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh(**) (*)

Bảo dư biết ý đó nghĩa là:
(*) Từ xưa đến nay hỏi rằng ai không chết? Hãy để lòng son chiếu sử xanh. Đây là hai câu thơ tiếng Hán của một tướng lãnh Trung Hoa, tên Văn Thiên Tường.
(**) Hai câu thơ sau của Nguyễn Công Trứ. Hoàng Ngọc Bảo cũng biết ý tác giả là: “người ta chưa chắc ai hơn ai, mà chỉ biết ai anh hùng sau khi thời thế đã xảy ra”.

Giống như bài thơ “Chiến Mã Ca” của anh tù học tập “cải tạo” Lê Xuân Nho trầm uất ai oán được anh tù “cải tạo” Trần Lê Việt phổ thành nhạc rất tuyệt vời, (vì có mấy lần Bảo đã về Hốc Môn ở lại nhà tôi sáu tháng). Bảo nghe nhóm “Tù ca Xuân Lộc Z 30 A” bạn chúng tôi, khi ra tù mỗi tháng họ đều hẹn hò họp bạn tại nhà tôi, để đàn ca. Bản nhạc nầy Bảo rất thích và đã thuộc lòng. Trước lúc vĩnh viễn từ bỏ cuộc đời đành buông thỏng hai tay, bất chấp những dày vò trong tâm tư, cùng những cơn đau thể xác triền miên hành hạ, Bảo chấp nhận số phận mình đã “thua cuộc chơi” (chứ chẳng phải mình là người lính “thua cuộc chiến”). Bảo đã não nuột cầm cây đàn mà ca rất hay:
Vàng phai trên thanh gươm.
Người mái tóc điểm sương.
Ngựa tung vó trong mưa buồn trên quê hương sầu thương.
Đường mây vỡ tan thành mộng cô đơn còn mơ sa trường.
Bóng xô nghiêng hoàng hôn.
Mài gươm trong cô đơn người nuốt những hờn căm.
Ngựa nuôi móng non thay bờm trên quê hương cuồng phong.
Đường xa dẫu xa muôn trùng trong đêm nay
Ngựa phi sa trường bóng dõi bóng quê hương.
Chiến mã tiến đến sát dòng sông
đêm quê hương mênh mông sao chưa hừng đông?
Chiến mã rất khát nước trong trên quê hương tang thương.
Ai qua trường giang !!! ??? (4*)
*

(1*) TP
(2*) Phạm Đức Nhì
(3*) Nguyễn Cung Thương
(4*) Trần Lê Việt & Lê Xuân Nho...
***

Tình HOÀI HƯƠNG
(dì HH tưởng nhớ cháu Bảo:
19 tháng 8 từ giã cuộc đời…)

Tinh Hoai Huong
11-30-2017, 02:02 AM
Từ khi Việt Nam rơi vào ngày “mất nước” 30 tháng Tư 1975, thì hầu như tất cả trường, lớp, chẳng có giờ học về môn: Công Dân Giáo Dục & Sử Ký & lịch sử Việt Nam nữa (1975 – 1993…)
Hôm nay, tôi xin mạn phép cùng quý vị độc giả… kể những chiến tích oai hùng, những kỳ công anh dũng, và quật cường của tổ tiên ông cha của chúng ta. Họ đã dày công xây dựng, giữ gìn non sông gấm vóc Việt Nam hưng thịnh trường tồn đến bây giờ.

* Tiếp theo chuyện hai bà Trưng Trắc Trưng Nhị - chuyện bà Triệu Thị Chinh - Đức HƯNG ĐẠO Vương TRẦN QUỐC TUẤN - Danh Nhân Kiệt Xuất: NGUYỄN TRÃI đã ghi.
Nay tôi xin kể hầu tiếp quý vị về - Anh Tài Nghĩa Dũng: MAI THÚC LOAN -
*
{THH xin trân trọng cám ơn giảng sư Nguyễn Văn Trung … đã dạy tôi học môn Sử, (Địa) VIỆT NAM.
* THH biên soạn bài viết theo lịch sử Việt Nam, từ:
* ít sách trong Bộ Giáo Dục V N C H
* Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim).
* Nam Hải Dị Nhân (Phan Kế Bính).
* Đại Cương Lịch sử Việt Nam (Nguyễn Khắc Thuần).
* Notion d’ Histoire d’ Annam, par Maybon et Ruissier.
* Abrégé de l’ Histoire d’ Annam, par Shreiner.
* ít nghiên cứu từ Wikipedia}
Tình Hoài Hương
***

https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1512006629-phgc 7.jpg
/uploadpics/mp3_pdf1017/1512006813-DoiMatNguoiSonTay-HaThanh_4fw5d.mp3
Anh Tài Nghĩa Dũng: MAI THÚC LOAN


Tương truyền thì nguyên gốc bà mẹ của ông Mai Thúc Loan, rằng: bà sinh sống tại Thạch hà, Hà Tĩnh. Bà mang thai con (nhưng không có chồng), nên bà di dời gia đình đi sống ở vùng Nam Đàn, Nghệ An. Bà đã sinh ra ông Mai Thúc Loan. (Không ghi ngày sinh. Chỉ có ghi ngày tử: năm 772).

Theo (Wikipedia) thì Mai Thúc Loan sinh tại làng Hương Lãm, Huyện Nam Đường. Nam Đàn. Tỉnh Nghệ An. (1) & theo truyền thuyết: ông Mai Thúc Loan sinh tại thôn Ngọc Trừng, Hoan Châu. Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (2). Nhưng theo “Việt Nam Sử Lược” của Trần Trọng Kim quyển 1, trang 64, thì Mai Thúc Loan là người huyện Thiên Lộc, (Can Lộc) Tỉnh Hà Tĩnh … {(1), (2), (3) "mỗi nơi một ý thì... biết đâu mà… mò”, !!!}

Mẹ con bà nhà nghèo ở gần biển, làm nghề muối, con trai lên rừng mót củi, chăn trâu. Thuở nhỏ khi ông mới mười tuổi, thì mẹ mất sớm, ông lam lũ làm thuê mướn khá vất vả, khổ sở, nhưng ông vẫn không hề quản ngại. Ít lâu sau ông được dưỡng phụ Đinh Thế nhận nuôi. Dù mặt mũi ông đen sì, nhưng vóc dáng to cao, rất khoẻ mạnh. Đặc biệt tính tình đôn hậu, hiền lành, ông chuyên cần, chăm chỉ, học hành khá giỏi, lại có ý chí cao. Sau khi trưởng thành, ông được dưỡng phụ gã con gái cưng là Ngọc Tô tính tình đoan trang, dịu hiền và đảm đang, vì nàng Ngọc Tô có:
Cổ tay em trắng như ngà
Con mắt em liếc như là hoa cau
Nụ cười chúm chím hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen (ca dao)

Tuy "con mắt em liếc"... và có "nụ cười chúm chím"... duyên ơi là duyên như thế, nhưng quả thật nàng đoan trang, nết na và thuỳ mị! Nhờ vợ có tài tháo vát đảm đang trong gia đình, chăm chỉ làm ăn, vã chăng bà là con nhà gia giáo, biết được tâm ý chồng muốn làm những việc hữu ích cho giang sơn, giúp dân bớt lầm than điêu đứng:
Con quốc kêu khắc khoải mùa hè
Làm thân con gái phải nghe lời chồng
Sách có chữ rằng: Phu xướng phụ tuỳ
Làm thân con gái lấy chồng xuất gia... (ca dao)
Khi gặp thời vận tốt bà hăng hái động viên khuyến khích chồng nên tuỳ cơ ứng biến.
- Tháng Tư năm 713, ông Mai Thúc Loan, và phu phen vất vả nhọc nhằn băng rừng vượt dốc để gánh quả, vải, thóc lúa v.v… vì họ phải lo đem đi nộp cho quân Đường (thời thịnh trị của Huyền Tông Đường Minh Hoàng). Nhưng quân tướng bọn nhà Đường chúng quá ác ôn, dã man, côn đồ, chúng luôn hống hách đánh đập dân ta không hề thương xót.

Thuở ấy bọn quan quân nhà Đường lại bạo ngược, tàn ác, bắt dân An Nam (Việt Nam) nộp siêu cao thuế nặng; khiến dân chúng điêu đứng, khốn khổ điêu linh trăm bề, vẫn không dám ca thán. Thế mà dân ta vẫn không có miếng ăn, đói khát và nhục nhằn triền miên, áo quần họ tả tơi rách rưới như xơ mướp... Nhục nhã xấu hổ và lầm than trăm bề thân trâu ngựa! Thời đó đã có bài hát chầu văn trong dân gian:
Nhớ khi nội thuộc Đường triều
Giang sơn cố quốc nhiều điều ghê gai
Sâu quả vải vì ai vạch lá
Ngựa hồng trần kể đã héo hon.

Ông Mai Thúc Loan luôn luôn sống trong nỗi uẩn ức muộn phiền, trong lòng ông canh cánh mối lo âu dày vò sâu lắng, vì con cờ thế cuộc là nỗi ám ảnh ray rứt trong tim, khiến ông bối rối và trăn trở khôn nguôi. Bất bình vì bọn Tàu độc ác tham tàn, ông Mai Thúc Loan thường kết thân với các bậc anh tài nghĩa dũng trong nước, kết tâm giao với các bạn chung chí hướng. Người người yêu thương nhau trong tình huynh đệ sắt son, chung chí hướng nghĩa đồng bào tương thân tương trợ nhau như tri ngộ tri kỷ.

Mọi người quan, tướng, dân chúng, các phường săn và phu phen… đều đồng tâm hợp lực (có sự yểm trợ của ngoại bang Chân Lạp, Cham Pa, & Lâm Ấp, Malaysia). Họ đã giúp ông thành công trong việc chiêu mộ binh sĩ lên tới vài ba chục vạn người tại các châu: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá... cộng chung tất cả có 32 châu. Thế lực càng lúc càng mạnh & vững vàng hơn, ngày ngày quân dân lo làm vườn làm ruộng, sau giờ lao động chân tay, họ chuyên cần hăng say ráo riết rèn luyện võ nghệ tại núi Rú Rậm, là vùng đất hiểm trở gần sông Lam. Họ một lòng nuôi dưỡng mối phục hưng, quân dân đóng trại ở Vệ Sơn, xây thành đắp luỹ đài kiên cố dài hơn ngàn mét dọc bờ sông Lam. Nơi đây là chỗ tích lũy vũ khí, lương thực, và nơi huấn luyện quân sự an toàn trong việc chỉ huy của hai đạo quân: Thủy-quân và Bộ-binh từ quanh vùng: Vệ Sơn, Biểu Sơn, Ngọc Đoái Sơn, Liêu Sơn.

Một ngày kia họ đồng tâm hiệp trí, quyết chí đứng lên mưu cầu việc đánh đuổi bọn nhà Đường ra khỏi đất nước. Họ đã nổ ra vụ khởi nghĩa kháng chiến quyết liệt, ấy là lần đầu tiên xuất phát từ Rú Đụn:
Anh em cốt nhục đồng bào
Kẻ sau người trước phải hầu cho vui
Lọ là ăn thịt ăn xôi
Qúy hồ ở nết tới lui bằng lòng (ca dao)

- Năm Giáp Dần (714), đoàn quân Mai Thúc Loan thừa thắng xông lên, sau trận ấy ông Mai Thúc Loan lên ngôi vua, lấy hiệu là Mai Hắc Đế. Vua, quan, và nghĩa quân đi đánh quân nhà Đường đang đóng tại thành Tống Binh (Hà Nội bây giờ). Bọn giặc Tàu và chủ tướng Quang Sở Khách không chống cự nỗi, phải bỏ thành Tổng Binh co giò rút cổ chạy thục mạng về nước Tàu. Quân dân ta chiến thắng vẻ vang, lúc bấy giờ :
Ngang lưng thì thắt bao vàng
Một tay thì cắp hỏa mai
Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền
Thùng thùng trống đánh ngũ liên (ca dao).
***
Năm Khai Nguyên I đời Đường, vua Huyền Tông của Trung Hoa bèn sai Dương Tư Húc, (còn có tên là Dương Tư Miễn) & Dương Sở Khách đem một đạo quân đông gấp mười lần quân ta, chúng theo đường biển đi trở lại xâm lăng nước ta. Tại thành Tống Binh, nhiều phen từ sông Hồng tới sông Lam hai bên đánh nhau ác liệt. Bên Tàu ỷ thế mạnh hiếp người, chúng coi mạng sống con người như rơm như rác, hết lớp nầy gục ngã xuống, thì lớp người khác xông lên. Cuối cùng Mai Hắc Đế không thể đương đầu với chiến dịch biển người của Tàu, (lấy thịt đè người). Phe ta đành thua trận, đàn quân tan rã, thành Vạn An mất vào tay giặc. Còn lại số ít quan, tướng, vua, và binh sĩ phải rút về vào rừng sâu, quyết nuôi ý chí phục thù diệt bọn xâm lăng.

Thuở ấy quân sĩ ta cầm cung, kiếm, gươm, dao, cờ lịnh để đánh giặc, vũ khí mộc mạc thô sơ, khiêm tốn... và không dồi dào lương thực như bây giờ, nhưng họ không hèn nhác, mà anh dũng chiến đấu. Một thời gian khá dài... do eo hẹp thiếu thốn thực phẩm, thuốc men, và cuộc sống lầm than lao tâm lao lực khổ cực trăm bề, không bao lâu vua Mai Hắc Đế bị đau nặng, và sau đó ông mất vào năm 772. Tại đền thờ xã Diên Vân, huyện Nam Đàn có bài thơ ghi công đức của vua Mai Hắc Đế:
Hùng cứ Châu Hoan đất một vùng
Vạn An thành lũy khói hương xông
Bốn phương Mai Đế lừng uy đức
Trăm trận Lý Đường phục võ công

Lam Thủy trăng in tăm ngạc lặn
Hung Sơn gió lặng, khói lang không
Đường đi cống vải từ đây dứt
Dân nước đời đời hưởng phước chung

Khi xưng vua, ông Mai Hắc Đế rất có công cho xây thành đắp luỹ, lập kinh đô tại Vạn An. Sau mười năm dựng nước và giữ nước, ông đã đem đến cho toàn dân sự an bình, độc lập, có một thời hưng thịnh ấm êm, sung túc.
***

Ngày xưa quân sĩ cầm gươm, dáo, búa, rìu, quần áo đơn sơ, chân trần chỉ chạy bộ… đi diệt quân thù. Ngày nay, ước chi toàn dân Việt Nam đều đồng lòng hiệp lực cầm súng dài, súng ngắn, lựu đạn, bom… leo lên xe hơi, xe tăng, máy bay chiến đấu, phi cơ phản lực… văn minh tiến bộ và tinh vi; chúng ta sẽ hiên ngang oai dũng đứng lên đánh đuổi bọn Tàu chệt có mộng bá chủ toàn cầu, chuyên đi xâm lăng; cướp đất giành biển Đông nói chung, và thôn tính đất nước Việt Nam nói riêng.

Phải chi giờ đây chúng co giò, cong lưng, cúi đầu, te cò cút ra khỏi bờ cõi Việt Nam thân yêu, để đất Việt hoàn toàn độc lập, thanh bình, và yên vui như thuở xưa, khi “Việt Nam chưa bị mất nước vào tay giặc”… thì tuyệt vời biết bao!: (Như anh tài nghĩa dũng Mai Thúc Loan và toàn quân sĩ đã oanh liệt cầm cung, tên, dáo, mác, họ thô sơ… quyết chống ngoại xâm quan quân nhà Đường bạo ngược, tàn ác thời bấy giờ).

Thì ngày nay bắt chước tiền nhân, chúng ta buộc chúng phải:
Trả lại đây núi non xa…
VIỆT NAM vang bóng sử ca nghìn đời.
Từ ngày “người lạ” đổi thời.
HOÀNG SA độn thổ rã rời quắt quay.

Bên ngoài thế giới có hay?
NAM QUAN ẢI mất; đọa đày lắm thay!
Xế chiều tuổi đã vàng bay...
Núi sông ngậm đắng nuốt cay ai đòi?!

Ngàn Thu nỗi hận đầy vơi.
Ước mơ sông núi cuối đời về TA.
Đồng bào hỡi! Khắp gần xa.
Đứng lên giành lại sơn hà VIỆT NAM. (*).

Vô cùng khát khao ước muốn quê hương mình thực sự có độc lập, tự do, thanh bình và vinh sang; để người người hân hoan thoải mái, vui vẻ nhìn nhau nở nụ cười rạng rỡ đoàn viên hạnh ngộ; không còn cảnh chua xót đắng cay bẽ bàng:
Nhìn nhau lệ ứa thấm bâu
Nỗi thương chưa dứt nỗi buồn lại vương
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng. (ca dao).

Dường như ông Huỳnh Thúc Kháng sau thời loạn, cũng muốn nhắn nhủ cùng hậu thế bài thơ:
Non sông ấy còn chờ ta thêu dệt
Kìa tụ tán chẳng qua là tiểu biệt
Ngựa Tái Ông hoạ phúc biết về đâu!
Một mai kia con tạo khéo cơ cầu
Thảy bốn bể cũng trong bầu trời đất cả
Ư bách niên trung tu hữu ngã
Dẫu đến lúc núi sụp, biển dời, trời nghiêng đất ngã
Tấm lòng vàng tạc đá vẫn chưa mòn
Trăng khuya khuyết đó lại tròn.
***

(*) Thơ Tình Hoài Hương.

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
12-20-2017, 04:24 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1513743222-co 170.jpg
/uploadpics/mp3_pdf1017/1513743334-Da Lat hoang hon.mp3
Đêm NOEL và Những Phím Loan


Đêm Noel về thật sâu lắng, sương muối hạt to to, mòng mọng tròn tròn lung linh là đà rơi đầy trên thành phố Đà Lạt trầm lặng nên thơ, thi vị và mơ mộng mà huyễn hoặc. Từng bè mây trắng phiêu lãng thấp thoáng sau những vũng sương mù tan loãng bay bay về cuối rừng, mây cuộn thành từng lọn trắng bồng bềnh nhấp nhô lờ lững trôi trên không trung nhợt nhạt. Gió lồng lộng lũ lượt thổi qua vườn thông sau đồi nhà ba má tôi, nhạc thông reo vi vu nghe lao xao, rì rào và bất diệt. Mùi thơm muôn hoa trong vườn quyện lẫn mùi nhựa thông thoang thoảng đưa vào phòng, bất giác lòng tôi se lại qua khe rèm hở giữa hai cánh cửa chớp. Bầu trời tỏa lạnh cùng khắp mạch núi rừng hoang dại, cái lạnh buốt giá se se xoáy vô thịt da, ăn sâu vào lòng người, nhưng đầy thi vị và hữu tình biết bao!

Sau khi các bạn đã đi rồi, tôi tỉnh ngủ nhưng vẫn leo lên giường nằm đắp mền kín cổ, nhìn mấy con thạch sùng cắn đuôi nhau chạy quanh ánh đèn néon. Lòng cảm thấy trống trải, ưu phiền, bâng khuâng vô ngần, chen lẫn nỗi buồn chán tiếc nhớ vẩn vơ, nghẹn ngào muốn ứa lệ. Tôi hồi tưởng không biết bao nhiêu buồn vui xếp lớp lăn tăn, và nhịp tim dập dồn đập mạnh, cuồng quay trong những phím loan. Tôi không thể hiểu tôi cần gì, muốn gì!? Bây giờ… Có thể người ta đang tưng bừng rộn rã đón mừng đêm Noel, đang hoà mình vào làn sóng người lượn trên phố như trẫy hội. Chứ chả ai ngu dại trầm mình vào nỗi cô quạnh như tôi. Tôi hiểu rằng: Từng nầy cảm xúc, buồn phiền, tủi hờn, có thể quật ngã một con người khỏe mạnh, vui tươi nhanh chóng như vậy!

Ừ nhỉ! Lẽ ra mình không nên “ác” với Phú trước mặt các bạn. Không nên diễu cợt tình cảm với Nam đến thế! Để làm gì? Tất cả những thứ đó chỉ là đùa trò trẻ con và lố bịch. Vì những tha thiết mặn nồng yêu thương chân thật, tôi có thể tìm thấy ở Phú (nếu không phải là người xưa, hay là ai khác). Thế nhưng, tại sao tôi lại chối từ Phú? Sao tôi nỡ lòng quay lưng ngoảnh mặt, “tự dày vò và làm khổ nhau” đến vậy không biết?! Tại sao? Hay chả còn bao lâu nữa, tôi sẽ lạnh lùng quay mặt về hướng khác, vứt bỏ sau lưng quãng đời dài thân thiết nhất? Dù những chuyện đó sâu thẳm như thung lũng tình yêu, hấp dẫn đầy ắp như chân trời hứa hẹn một tương lai tươi sáng đang bừng tỉnh?

Bỗng chú kiến lửa cắn vào cổ tôi nhức nhối đau nhói. Tôi nhăn mặt xuýt xoa, vụt ngồi dậy. Tung mền ra, tôi quay quắt chà xát vào chỗ sưng vù và đau nhiều lần. Sợi dây chuyền vướng vít vào ngón tay đã bị đứt lìa ra hai đoạn. Sợi dây chuyền nầy vào dịp Noel năm xưa cố nhân trao tặng, anh ta đã ưu ái đeo vào cổ tôi, ân cần nói những lời âu yếm nồng nhiệt yêu thương xiết đỗi. Kỷ vật đó suốt tháng năm tôi mang trong cổ, dù thời gian đã trải qua bao giông tố, ấy thế mà tôi vẫn không rời. Sợi dây chuyền vàng có chữ H, là quà tặng đính ước của hôn phu đã nói với tôi điều gì!? Trước mắt tôi là những đợt sóng ngầm lạnh lùng vùi dập, làm tan biến hình ảnh người yêu, nó đã mất hút tầm nhìn vào vùng kỷ niệm tháng ngày qua.

Nay, dù đã xa rồi nhưng chẳng hiểu sao bừng sống lại, khiến tim tôi đau thắt và sợ hãi kinh khủng. Tôi ngẩn người cầm hai đoạn dây chuyền đưa ra ánh đèn xem xét, lòng cảm thấy tiếc ngẩn tiếc ngơ. Dường như tôi vừa đánh mất một cái gì quý giá nhất đời: mất một cánh tay, một bàn chân, một nhịp thở lỗi nhịp, một mãnh tim vỡ, một chéo mộng quan hoài khiến vết thương lòng thêm héo hắt hơn. Bởi vì chuyện chia xa nầy rất phi lý là: do chính tôi đoạn tuyệt mối tình nên thơ êm đẹp rất trong sáng, đứng đắn đàng hoàng; cả hai người đối với nhau chẳng hề có lỗi lầm nho nhỏ nào (nhưng chỉ vì anh ta ưa có thói buông thả tình cảm lả lơi đùa cợt tíu tít với mấy cô! Do lỗi tại tôi quá ghen, tức bực, nên tự ý giã biệt, mà ra nông nỗi)! Tôi đã muốn như thế, thì lẽ ra tôi đừng khêu to đống tro tàn bên lò sưỡi, đừng đốt thêm ngọn bạch lạp nơi góc phòng xưa.

Bản tính muôn thuở của tôi vốn dĩ không thích thay đổi, tôi rất mến yêu kỷ niệm, thủy chung. Dư vị quá khứ đắng cay đọng trên lệ nến nầy: Khung ảnh gỗ xinh xinh lồng tấm ảnh anh ta ngày ấy, nay còn trống chỗ vẫn ở trên mặt bàn lạnh từ bao năm, kỷ vật đã yên ổn an vui trong vị trí tôi đặt để: Lọ hoa màu huyết dụ còn cánh nhung hồng đơn lẽ héo úa gục đầu. Bàn viết, ghế dựa, sách vở, bút viết, tạp chí, giấy trắng với bình mực tím vơi cạn. Những phong thư bạn bốn phương nằm im trong hộp đựng. Tủ quần áo, giường nệm độc thân y nguyên chỗ cũ. Chúng lẵng lặng nhìn chân dung tôi có nét ủ dột thẩn thờ đã treo trên bức tường vàng lạnh lẽo. Tôi tin rằng mình không sai lầm khi con búp bê biết cười nói đặt trên giá sách do anh Phong gởi từ Mỹ về. Cạnh ô cửa là chú mèo lông xù của Thắng. Bên đàn gà mẹ gà con lít chít của Đan. Phía dưới là chú nai tơ xinh xắn của Phú ngơ ngác nhìn tôi buồn rầu đau đớn. Cạnh đó là gấu đen của Nam bừng giận lúc tôi chán chê cuộc đời. Mấy cành hoa giấy đỏ của Yến Nga cúi đầu rơi lệ khi tôi khóc. Còn đây, gần khung cửa sổ là những kỷ vật của “người xưa”.

Những món quà vô tri vô giác nhưng thiết tha trìu mến vô ngần: Chúng từng theo gót chân tôi phong trần đi đó đây suốt quãng đời dài, lẵng lặng đồng cảm cùng tôi vui buồn thương giận, yêu và đau khổ, mà không thốt nên lời chăng!? Sáng, trưa, khuya, chiều, sớm, tối; “chúng” lặng câm chia sẻ nỗi niềm. Tôi yêu chúng, vì chúng đã tận hiến cho tôi bao kỷ niệm đắm say yêu kiều dịu ngọt lẫn vò xé nỗi đớn đau tận cùng. Chúng trọn vẹn tận hiến cho tôi một lần duy nhất trong cuộc đời vô tri, rồi lặng lẽ xếp mình vào niềm vui kỷ vật. Chúng trân trân nhìn tôi đắm chìm trong cơn mê, như muốn nhắn nhủ tôi điều gì!? Gợi lên lòng mình những bài học xót xa đã bị vùi quên vào dĩ vãng lăn lăn sóng gợn. Chúng nhìn tôi như thầm trách bao điều không thể nói được. Vì thế, chúng lạnh lùng câm nín giận dỗi giương đôi mắt nai tơ chối từ thân thiện.

Cùng với sự giận dữ vô cớ bừng bừng dâng cao, phản ứng tuy vô tình nhưng chớp nhoáng, nhanh hơn nhịp đập tim co giật trong lồng ngực cuồng quay, tôi nhảy phóc xuống giường, chạy đến mở cửa sổ, mạnh tay quăng hai khúc dây chuyền lủng lẳng chữ H vào đêm tối, xa thật xa khu vườn thông rợp bóng đêm. Gió lạnh ùa vào phòng tê buốt, khiến toàn thân tôi co ro, cúm rúm, mặt mày dúm dó, tái xanh, tay chân nổi ốc trâu sần sùi, hai hàm răng lập cập va vào nhau lộp cộp. Tôi bàng hoàng, xúc động, run rẩy ngẩn ngơ tựa lưng vào tường, đăm đăm nhìn giá sách mập mờ đong đưa kỷ niệm vàng son một thuở. Tại sao thế nhỉ?! Nhất cử nhất động hôm nay, là bước lại những bước chân quá thuộc lối trên nẽo đường mòn hôm qua. Ở mỗi lối ngoặt trong cơn lốc đều hiện rõ từng nét mặt thân thiết, ân cần mời gọi, nhớ nhung, mơ hồ, và tuyệt vọng!? Cho dù sóng thần có cuốn phăng đi chân dung người tình và gió bão uà về xua mây mù che khuất nẽo tương lai. Thì cái thế trong tôi vẫn không nao núng! Kỷ niệm xa xưa về cuốn phim tình ẩn hiện chập chờn trên sóng nhấp nhô, bừng sống trong lòng tôi dù trong khoảnh khắc, nhưng rõ đến nỗi tôi nhìn trân trân vào bóng tối, mà hình dung bước tình xưa rón rén bên hiên nhà, có tiếng thì thầm rất khẽ lời tỏ tình vụng dại giữa đêm đông!

Bầy dế quay cuồng bay lượn reo hoan ca hát trong đêm muôn trùng, rồi bu quanh trên những ngọn đèn đường vàng vọt trước cổng nhà, vòng bay mỗi lúc một nhanh, khi chúng bay toả rộng ra, khi thu nhỏ lại, rồi hình như chóng mặt, bất thần chúng rơi phịch xuống đất. Trên lầu ngay chỗ tôi đứng, một con cánh cam có lớp vỏ cứng, bóng láng, ánh lên màu biếc xanh, trông rất đẹp, nó xòe đôi cánh cứng, bên trong lộ ra hai cánh màu nâu mỏng te, có nhiều sợi gân nổi trên lớp cánh thưa mềm mại như tấm voan xinh xinh. Nó khéo léo uyển chuyển khép dần bốn cánh, coi thật gọn ơ. Nó lại bay vù vù và bỗng dưng đập đầu vào ô cửa kính kêu cái cộp. Tôi mở cửa sổ ra, len lén thò tay nhón bắt con cánh cam, cúi xuống nâng niu trong hai bàn tay khẽ khàng bụm lại. Con cánh cam thừa lúc tôi sơ hở không bụm chặt tay, nó vuột ra khỏi lòng bàn tay tôi, bay đi mất dạng.

- Ngân Thụy! Làm gì mà ngẩn ngơ ra vậy? Em?

Giật bắn người, tôi bàng hoàng nhìn xuống đường, ngơ ngác ngó kỹ, tìm kiếm trong bóng đêm khi ngờ ngợ nghe Cảnh gọi. Tôi cứ tưởng người đứng thấp thoáng dưới cánh cổng cao dày kia, là kẻ trộm định leo tường vô nhà mà run run. Những giọt sao đêm Noel qua ô cửa lấp lánh nghiêng mình vẫy gọi tôi vui mừng hân hoan bước xuống lầu. Tôi đi dọc theo khu vườn hoa đã thấm đẵm sương đêm, đôi dép da nghiến lạo xạo trên lớp sỏi trắng, con đường rộng dẫn ra cánh cổng sắt rất to dày và cao lút đầu người. Tôi tới gần cổng ngoài, lách cách mở ổ khoá, tôi do dự có chút ngỡ ngàng giây lát rồi chào Cảnh, nhìn anh chằm chằm, rồi né qua một bên cho anh vào. Cảnh đóng cánh cửa, bấm ổ khóa xong, anh quay nhìn tôi mỉm cười, e dè hỏi:

- Trong nhà đi lễ hết rồi sao? Em!?
- Dạ vâng. Chẳng còn ai.
- Anh đến bất ngờ. Xin lỗi em.
- Ư hừ…
- Em dám ở nhà một mình?
- Sao lại không.
- Ghê ha.
- Lẽ là người và ma quỷ thì sợ em, chẳng dám tới đây quậy phá.
- “Yên hùng” hơn anh rồi.

Cười tít mắt, tôi đi trước dẫn đường, anh bước vào phòng khách, tôi trêu ghẹo Cảnh:
- Anh không sợ gì bằng sợ bị ký củ ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật. Nên anh thấy em “yên hùng” hơn anh. Ha!?
- Em nhảy dô trong tim đen của anh rồi còn gì…
Tôi cười, nụ cười ngọt hơn mía lùi. Tôi nói:
- Mời anh ngồi tạm, để Thụy đi “pha chút ấm áp” nha.

Cảnh ngồi vào chiếc ghế bành da cười hì hì. Tôi loay hoay dưới bếp cắm điện, pha cho anh ly cà phê sữa bốc hơi thơm phức. Bưng ly cà phê ra đặt trên bàn, tôi mỉm cười thân thiện mời anh. Cảnh mồi diêm hút thuốc, anh nhả khói thuốc thành từng vòng chữ O uốn khúc bay lượn lên trần nhà. Dường như anh gắn chúng với dòng suy nghĩ, đắn đo nào đó. Tôi lại trở vào bếp làm cho anh bốn miếng French Baguette kẹp thịt nguội quẹt bơ và ba tê. Khệ nệ bưng dĩa bánh ra, tôi vui vẻ ngồi xuống ghế đối diện Cảnh. Chúng tôi nhìn nhau mỉm nụ cười vu vơ. Tôi cũng hồn nhiên ăn lát bánh lạt phết bơ và rắt chút đường. Bất ngờ tôi nghe anh nói:

- Ngày lễ trọng đại vui vẻ vậy, mà em không đi chơi đâu sao?
- Biết đi đâu bi giờ! Anh!
- … Anh được trường cho phép đi ra phố. Cố ý đến thăm em, nhưng anh cứ do dự, lo lo, thắc mắc riết. Anh đi qua đi lại ngoài đại lộ mấy vòng rồi. Anh thấy nhà tối đen, tưởng là không có ai ở nhà. Nào ngờ có em. Vui quá và may mắn thiệt.

Bây giờ tôi mới để ý thấy trên góc kệ cạnh cái bàn tròn có gói quà nho nhỏ thắt nơ hồng. Cảnh để xuống đó từ lúc nào.
- Anh có món quà mọn nầy gởi tặng em.
- Anh đến thăm em, dù bất ngờ... nhưng vui rồi, quà bánh làm gì, anh.
- Em vui là anh mừng húm.

Tôi mỉm cười nhìn Cảnh giả vờ trợn mắt lên, rồi nheo nheo chớp chớp. Cảnh cũng không vừa, anh đá lông nheo kịch kịch. Chúng tôi cười to.
- Thụy nghĩ sao về việc chúng ta được quen biết nhau?
- “Được” quen biết nhau?!
- Chính vậy.
- Nếu anh nói “được”, thì em trả lời “rất hân hạnh”. Còn anh nói “bị”, thì em trả lời “không có chi”.
- Một câu đáp lễ sâu sắc.
- Còn anh nghĩ sao khi hỏi em câu đó?
- Sau bóng mây đen cùng cơn gió lộng, sẽ có trận mưa dầm ấm áp mát mẻ, giống như trời Đà Lạt luôn trong lành, thoáng mát, thi vị ấy em à.
- Chưa hẳn thích.
- Bởi vì chưa quen. À... Ngày mừng Tết Dương Lịch, anh có nhã ý mời em vào trường Võ Bị dự buổi dạ tiệc. Hen!
- Sao anh mời em? Em thiết nghĩ chị Dung thân anh hơn em nhiều.
- Thân không có nghĩa là thương. Thương lại chưa hẳn là yêu say đắm. Nhất là Dung kia không phải là Ngân Thụy nầy.
- Em chịu thua.
- Có nghĩa là em từ chối khéo ha?
Tôi cười cười, vui vui nhìn Cảnh giả lả:
- Anh nghĩ sao về việc kia?
- Dễ thương đến thế là cùng.

“Dễ thương” theo nghĩa của Cảnh vừa vang lên, nghe hay hay thế nào ấy! Nó ẩn chứa cái gì đó vừa hờn mát, trách yêu lẫn dịu ngọt, hóm hỉnh ân cần vẫy gọi nhau thân thiết, như nước suối rì rào giao hoà, se sẻ chảy qua bờ bụi lau lách. Giống vết điêu khắc thần tiên sống động của nghệ nhân tài ba tạt trên đá. Không có nét dễ thương, thì bức vẽ sẽ không linh động, vô cảm, vô hồn. Tôi biết rằng người thanh niên lịch lãm đối diện với tôi đang thành tâm thật lòng yêu tôi, (chứ chưa hẳn là người tôi yêu). Tuy thế tôi không thể dễ dàng tự do, nhanh chóng, đường đột nhận lời Cảnh đi vào trường Võ Bị ngay. Vì; đây là lần đầu tiên tôi trực diện Cảnh, (trong căn nhà vắng lặng đến rùng rợn, mà "chỉ có hai người ú ớ dật dờ" và… khuya khoắt thế nầy). Tôi dám mời “người ta” vô nhà, trao đổi chuyện trò với một thanh niên mới quen biết vài tháng trước, cũng là điều quá đáng lắm rồi.

Chúng tôi ngồi nói chuyện về gia đình cha mẹ, bầy em của anh, Cảnh là anh Hai, trai trưởng mà! Tôi cũng nói về gia đình cha mẹ, anh chị, các cháu của tôi. Chúng tôi tếu tếu dí dỏm vui đùa cười nói với nhau những câu vớ vẩn, không thân mà chẳng nhạt, đôi khi đắt ý qua vài vấn đề nào đó, chúng tôi lại nhìn nhau đá lông nheo kịch kịch và khúc khích cười. Thế rồi không ngờ trong “tâm đầu ý hợp” vô tình và vu vơ, pha chút thi vị lãng mạn hữu duyên thật tình cờ kia, chúng tôi chụm đầu vào nhau, luyến lưu viết thành bài thơ: Tình Sương Cỏ

Muôn thuở tình anh sương về bên cỏ.
Thao thức đêm trường chuyện ảo không thôi.
Cọng cỏ rung rinh môi hứng sương rơi.
Thời gian lắng đọng sương giao tình đó.

Bẽn lẽn thẹn thùng cùng sương nói nhỏ.
Trăng tàn sao rụng sương giọt tinh mơ.
Sương rơi lốt đốp lá cỏ đợi chờ.
Cỏ ẩn vào sương bên bờ sông ướt.

Đào Nguyên thơ mộng cỏ non xanh mướt.
Đà Lạt ru đời hòa nhịp hoan ca.
Cọng Cỏ dầm sương kết lá đơm hoa.
Dãi dầu mưa gió giao tình muôn ngả.

Mộng ước đêm dài luyến thương nhánh cỏ.
Nhạc sương gieo tình cọng cỏ tơ vương.
Nhún nhảy dưới trăng hoa cỏ ngậm sương
Sương rơi rụng ướt cỏ vườn đêm vắng.

Bông cỏ ngậm sương nở hoa trăng trắng.
Tình yêu thiên nhiên quyện lẫn cỏ cây.
Nghê Thường luân vũ tấu khúc đêm nầy.
Sương tưới cỏ đời ngạt ngào hương ngát... (*)

Chuông giáo đường rộn ràng ngân vang báo hiệu giờ tan lễ nửa đêm Noel. Biết anh chị Tuế đi lễ sắp về, Cảnh từ giã tôi đi ra phố, anh đến tạm nghỉ ở nhà của anh chị bạn ngoài đường Phan Đình Phùng.
*
(*) Thơ Tình Hoài Hương
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
01-01-2018, 12:10 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1514764191-b.linh 22 hanhquan tructhg.jpg
/uploadpics/mp3_pdf1017/1514764300-Tinh Anh Linh Chien - Truong Vu.mp3
Hiền Huynh Vui Tính Trong Thời Loạn


Anh Toàn Thắng hiên ngang oai hùng đẹp trai trong bộ quân phục màu vàng ka ki, cà vạt đen, găng tay trắng, mũ két cầm tay, giày đen, dây biểu chương tam hợp móc bên trái, gù vai đỏ. Anh đến nhà đón Hoà đi dự lễ mừng QLVNCH đã chiến thắng diệt tàn quân việt cộng phương Bắc lẽn vô quậy phá miền Nam, trận đánh diễn ra ác liệt tại vùng Tiên Phước, Trà My. (Đà Nẵng, Quảng Nam). Nhân đây cũng là dịp chào đón ngày mồng một Tết Dương Lịch.

Không phải là chờ xem buổi đại lễ long trọng, mà Hoà cùng dân chúng dám bất bình la ó om sòm, khi trải qua ba giờ chầu chực mỏi mệt, khó chịu dưới ánh mặt trời nắng chang chang. Thì thật là hỗn láo, kỳ thị và bất công! Nhất là có ông Mỹ tên Timothy làm trưởng đoàn cố vấn. Đại tá Tư Lệnh Sư Đoàn II là cố vấn William làm quan khách ngoại quốc danh dự đầu tiên đến Việt Nam, được ông Tỉnh-thị Trưởng kiêm Tiểu-khu Trưởng lo hành chánh và quân sự mời tham dự. Hầu thực hiện việc yểm trợ, tiếp liệu các nhu yếu của Mỹ Quốc Viện Trợ (trong việc thực hiện chương trình tay bắt tay hoà hảo mật thiết. Cờ Mỹ năm mươi ngôi sao lấp lánh, có mười ba sọc gồm sáu trắng bảy đỏ, nền xanh biển in trên hầu hết các nhu yếu phẩm từ Mỹ chuyển về xứ ta). Đó là những kinh viện và quân viện; một nhu cầu chính trị khôn khéo để thực hiện giai đoạn "hoà hảo thân thiện" then chốt đầu tiên. Mỹ giàu thật! Họ đã bay đi viện trợ khắp bốn phương trời! Kể cả nước nghèo và chậm tiến ở bên bờ đại dương nầy, cũng được Mỹ ưu ái đặt mắt nhìn ngắm đến. Không hiểu họ có muốn đổi chác, nghiên cứu, dòm ngó gì tới Việt Nam, hay không kỳ vọng mơ tưởng mảy may... mà họ muốn hào phóng cho đi tất cả (?!).

Các vị hành pháp, tư pháp (“mũ mão cân đai” chỉnh tề) đi sau vị chủ toạ, những “ôn” quyền uy bệ vệ khệnh khạng đủng đỉnh lên khán đài chính. Quý phu-quân kiêu hùng oai dũng hiên ngang với chiến thắng tài danh lẫy lừng, đã đành thế! Nhưng kèm bên qúy phu nhân thủng thỉnh kiêu sa, đài các qua mái tóc búi quá cao đã làm kỹ ở ngoài tiệm, quần là áo lụa chưng diện sang trọng rực rỡ và thơm tho, theo mốt cổ áo hở toẹt ra vai toác hoác xề xệ như bà Nhu, cốt yếu khoe yết hầu và xệ tới gần hai đường khe của bộ ngực thổn thện đung đưa. Đây cũng là dịp để quý bà phô trương thân hình úc núc giàu bơ sữa, khoe vòng vàng rườm rà từng xâu, từng chùm sáng chói.
Qúy phu nhân không làm gì, ngoài dựa hơi hám vai vế của chồng, một bước các bà ta nhảy tót lên sàng danh vọng, bộ mặt vênh váo tô trét diêm dúa phấn son dày cui, ưỡn cặp vú bơm silicon, có bà sữa mắt hai mí to to đã lồi và trợn lên như mắt ếch, mũi hếch độn nòng, bơm thừ lừ cặp môi mỏng dính thành “cằm đôi môi chẽ” trề ra. Họ dương dương tự đắt nhoi nhoi lắc lư cái đít sung túc béo bở phì nhiêu lên... coi "khêu gợi khiêu khích" ... sự lả lơi thèm khát "biết nhiu" mà kể!!! thì bố ai chịu cho nỗi hỡi quý “phu nhân”!

Mặc sức cho đám phu phen, dân ngu khu đen đứng dưới khán đài nầy trơ mắt ếch, há hốc miệng, ngẩn ngơ thộn ra nhìn quý bà chằm chằm; thiệt đã con mắt quá đi, các "ôn thần" chớp chớp mắt nhìn suốt... từ trên xuống dưới bộ quần áo mỏng dính; như kỳ lân đá ngày đêm nhìn trời nhìn đất không hề chớp mắt. Khán giả... đứng chầu ở dưới tha hồ lỏ trăm ngàn con mắt nhìn lên "quý mệ" mà chỉ chỏ, họ nói đủ chuyện: nào là bà nầy vú to, bà kia mắt lộ, bà nọ ỏng ẹo nhoi nhoi cái đít vịt. Ôi thôi… họ bàn tán lộ liễu, trắng trợn và bất lịch sự quá chừng, lấn át tiếng người xướng ngôn viên gào lên trong máy phóng thanh 100 watl đặt trên nhiều cột điện cao thế. Hoà cũng không trách đám "phu phen bình dân giáo dục như mình" làm chi, bởi vì ai ai cũng được coi chùa, tội chi không ngó cho đã! Thì tha hồ dòm ngó cho đã... cái con... mắt nghe!

Từng đôi một tiến lên khán đài trịnh trọng khệnh khạng và trang nghiêm. Người xướng ngôn viên xướng danh các vị, thì trên khán đài vụt đứng dậy vỗ tay chào đón hoài. Khi quốc thiều và quốc kỳ kéo lên, họ mới chịu im lặng đứng yên. Riêng đám dân gian mãi lo đứng thộn ra ngắm nhìn những cặp vú trái bưởi ưỡn ra trước, những cặp mông diêu nhô phía sau như cái thúng úp vô đít, thì dân gian cũng có vỗ tay đấy, vài ba nơi vang lên lẻ tẻ, nhưng quá rời rạc, lổng chổng. Họ vỗ tay không nhiệt tình hưởng ứng, mà do “bổn phận, miễn cưỡng” của kẻ thấp cổ bé họng, thì đúng hơn. Buổi lễ long trọng càng kéo dài giống như bất cứ buổi lễ nào khác. Gió lộng xô đầu bù tóc rối, áo quần ai nấy đều bám bụi vàng, mặt mày bơ phờ mệt mỏi hốc hác; đồng bào chán ngán thở phào, như trút xong gánh nặng đè vai, họ vội vã tuông về trên các ngả đường nghẹt cứng ứ nghẽn người tất bật lo chạy ngược xuôi kiếm sống.

Tiện cùng trên một đường đi, nên Thắng mời Hoà rẽ qua nhà anh cho biết. Thắng ở chung với ba anh bạn độc thân vui tính (và một anh vừa cưới vợ còn ở xa). Căn nhà thuê bao đủ tiện nghi, vui vẻ đầy tiếng cười rộn rã. Thảo nào ngày cuối năm ngoái hai anh ấy đi sắm đồ dùng cho bạn: thứ gì cũng có năm màu sắc phân biệt khác nhau, (mà lúc ấy Hoà nghĩ là hai ông khách nầy ưa làm đỏm, chải chuốt mà khó tính).

Họ đang bàn tán về những lần đảo chánh năm ngoái năm kia: Lần thứ nhất ngày 11-11-1960, do Đại-Tá Nguyễn Chánh Thi, Chỉ-Huy-Trưởng Nhảy Dù + Trung-Tá Nguyễn Triệu Hồng, Vương Văn Đông, các Thiếu-Tá Phan Trọng Chinh, Phạm Văn Liễu, Đại-Úy Phan Lạc Tuyên, Bác-Sĩ Phan Quang Đán... Lần thứ nhì gần nhất do hai phi công Việt Nam: Trung-úy Phạm Phú Quốc và Thiếu-úy Nguyễn văn Cử đã ném bom bắn cháy dinh Độc Lập vào hôm 27 tháng 2 năm l962. Một quả bom không nổ rơi trúng phòng đọc sách của Tổng-thống Diệm, khi cụ đang ngồi đọc sách, thế mà Tổng thống chả việc gì. Bà Nhu bị gãy một cánh tay. Một quả bom khác rơi ra ngoài sân dinh. Một lúc sau phòng-không mới bắn trả lên. Phi cơ ông Quốc bị trúng đạn, nên ông nhảy dù ra, và rớt xuống Nhà Bè. Ông Quốc bị bắt tại trận và cho vô tù. Còn ông Cử bay mút qua bên Nam Vang, nhưng nghe đâu dân chúng bàn tán: ổng cũng bị chính phủ ở bển bắt nhốt vô tù rùi!
Chuyện dội bom đang gây xôn xao, rúng động dư luận trong nước và ngoại quốc, ảnh hưởng khá nhiều về mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, nhất là đời sống dân cư đang an lành; bỗng chốc ngơ ngáo kinh dị bàng hoàng thêm. Chả hiểu vì sao!? Gia đình Ngô Tổng Thống phải dời sang Dinh Gia Long an vị, chờ kiến thiết lại. Bản vẽ dinh Độc Lập sẽ tu chỉnh do đồ án của kiến trúc sư đô thị gia Ngô Viết Thụ, người đã đoạt giải Khôi Nguyên La Mã đảm nhận.

Thấy Thắng về với bạn, họ tế nhị chuyển đề tài, niềm nở tiếp chào Hoà. Sau khi giới thiệu nàng với bạn bè ở chung nhà, Thắng nói:
- Mời Hoà ngồi, anh vào thay bộ quần áo nặng nề nầy, rồi ra ngay. Xin lỗi em!
- Dạ vâng, anh cứ tự nhiên.
Bốn chàng còn độc thân, có anh Lê Tiến là đỉnh đạt nhất về tuổi tác cũng như binh nghiệp: Thiếu tá Nhảy Dù, ba mươi hai tuổi. Tuy thế Hoà trông anh còn nét trẻ trung, vui tính. Anh Nguyễn Kháng Chiến: Đại úy Biệt Động Quân. Anh Đào Ngũ Quang: Trung úy Hải-quân. Kế đến là Thiếu úy Đinh Toàn Thắng hai mươi hai tuổi, Bộ-binh. Sau rốt là anh Vương Quốc Tùng: Trung-úy Y sĩ Quân Y vừa có gia đình.
Anh Tiến nhìn Hoà nháy mắt, để trêu chọc anh Tùng:
- Hoà biết không! Anh thích làm nghề mỗ xẻ tim gan phèo phổi. Không phải như bác sĩ Tùng đâu. Mà anh í hả! Anh thích mỗ thịt bò, thịt heo, thịt ngựa, thịt dê... cơ!
- Để làm gì cha nội?
- Lấy bao tử, ruột non, ruột già làm phá lấu, ăn ngon nhứt nhĩ à nha.
- Ngưởi thì hôi, nhìn lại ghê quá.
- Ấy. Sao toa nóng quá vậy, hở Quang? Để yên moa nói tiếp nào. Chưa gì nó đã nhảy phóc dô miệng mình. Còn hứng thú đâu mà kể chuyện tiếp. Moa không thèm nói, thì Quang có bổn-phận-sự, trách-nhiệm-vụ trình bày cho các bạn nghe: Tại sao toa đi lính!? Sao mỗi lần nhận thư nhà, là toa khóc ré như mưa thế?
Quang (Quang là người đã chở Thắng đi mua sắm Tết, lượn phố Tết, mà Hoà biết mặt) pha ly chanh đá bưng ra mời Hoà. Ngồi trên ghế nệm, anh tủm tỉm cười đùa:
- Á à a! Chả vì lúc đó tôi lười học, ăn chơi lêu lổng, hoang đàng chi điạ, đếch có tấm bằng nào, dù tuổi mình gần hai mươi. Vẫn ưa ở nhà bu theo bố mẹ, tôi trốn chui trốn nhủi như con dế mèn trong cái lu, lu dấu kín nơi góc phòng tối để luyện "tịch tà kiếm phổ", coi thật chẳng giống con giáp nào. Bao giờ đói, tôi kêu re re ré… inh ỏi. Đã bảo là con dế mèn mà không re re ré sao nhỉ? Thế là có người nhà bưng cơm canh vào hầu tận chỗ hầu. Đã nhe. Ngon lành nhe. Le lói nhe. Mẹ kiếp! Tôi chả trốn được bao lâu, thì cảnh sát đến nhà lục soát. Họ nắm tóc tôi, lôi giật lên, mang tôi về đồn bót. Họ hỏi cung tới tấp:
- Anh có yêu đồng bào, yêu nước, yêu gia đình không?
- Yêu.
- Yêu lính tráng không?
- Có.
- Anh sẵn sàng đoàn kết, hy sinh không?
- Rất sẵn sàng.
- Hãy chuẩn bị đi lính.
- Không.
- Tại sao? Anh nói rằng: anh yêu nước. Anh sẵn sàng hy sinh mà?
- ... Tôi lỡ dại vãi vào đấy bao nhiêu nước ...tiểu, khiến tôi thân bại danh liệt rồi. Ngài coi tôi bước đi nè: có phải một chân là dấu chấm, một chân chấm phết, lê lết, te tua, tàn tạ, tiều tụy, tả tơi, hay không hì.
- Đừng có gà mờ, ấm ớ hội tề mí tôi, không được đa. Tôi hỏi anh có yêu Nước không? Chữ "Nước" viết hoa. Có nghĩa là Tổ Quốc. Đất Nước. Quê Hương, chớ không phải là nước uống hay nước đái. Anh nghe ra chưa?
Lỡ vênh váo rồi, tôi cho tới luôn, tiến lên, dọt lên, hứng lên, chứ có gì mà sợ! mà rét… mà run hì! Có sức chơi, thì có sức chịu, cứ liệu mà chơi:
- Ô! Ông nói nghe hay đáo để! Tôi mà không yêu Nước à!
- Anh nầy giỏi quá ta.
- Có điều tôi chán ghét họ không đùm bọc yêu thương nhau, mà gây thù hận, giết chóc, máu huyết thổ ra có vòi, coi chóng mặt kinh hồn lắm. Tôi không thích tham dự. Thế thôi.
- Bây giờ, tôi mời anh đi.
- Đi đâu?
- Đi lính.
- Đi thì đi. Chứ sợ gì ai!
- Họ nghĩ tôi ngông cuồng, hay thần kinh bất ổn bấn loạn, khùng điên, nên có anh kia cho ngay con số tám vào hai cườm tay tôi, kêu cái cộp. Ui cha ơi là đau điếng thấy tới tổ tiên ông bà ông vãi, khiến tôi tỉnh hẳn người. Bố kiếp! Thiên la địa võng ơi, phen nầy mình hết giả đò thương tật, chân không cần đi điệu tango, bì bộp, cha cha cha... nhún nhảy nữa rồi. Cũng may là họ chưa tống cổ tôi vô nhà thương Biên Hoà, nếu bị chích cho vài mũi thuốc, chắc có lẽ tôi ngoẽo thì chết cha đời trai! Bây chừ nghĩ lại tôi còn sung sướng chán. Hơn cả Đường Minh Hoàng bên Tàu, hơn Gia Long, Tự Đức bên ta. Các cậu có biết tại sao không nà!? Giờ ăn cơm tù vẫn có người đem tận chỗ. Giờ đi cầu có lính ôm súng gác lom lom dòm tôi. Lỡ tôi trốn chui trốn nhũi như con nòng nọc lặn sâu tít xuống hồ, thì sao! Giờ ngủ có lính đổi canh. Đó chính là Đào Ngũ Quang, mà bố mẹ ưu ái đặt tên cho ta.
Ah! Nè các bạn! “Ngũ quang” là có năm con đường tươi sáng rạng rỡ í. Cơ khổ! vì cái họ của tôi trót lỡ là “Đào” do ông cụ lẩm cà lẩm cẩm lại đặt tên đệm là “Ngũ”; thành thử vô tình tôi trở thành tên “đào ngũ” . Cha chả! nó ám ảnh tôi cho tới ngày ra khỏi lu, mà ca những “đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt...”. Ấy mà… sau nầy tôi đi lính thì nghiêm trang, đàng hoàng, sự thực “ta” đếch cần đào ngũ đâu nhe. Bởi lẽ là tôi rất yêu mến đồng đội, đoàn kết chiến đấu, một lòng trung quân ái quốc. Tôi mong thăng cấp như thằng Chiến, bạn nối khố nè. Còn về việc khóc hu hu, thì đơn giản thôi, tôi đa tình, lãng mạn, nhớ quê hương, nhớ bố mẹ anh em, và da diết yêu cô bồ nho nhỏ ở phương xa. Tôi không được khóc đấy phổng?

Họ cười ha ha ha... hả hả hả... hí hí hí... khà… Quang muốn nhảy dựng lên chơi giựt nổi với đời, anh muốn mình là cái đinh, là cái rốn của vũ trụ. Anh thích lên mặt lấy hên dợt le xí, phừng phưng nổ những pha mê ly ghê hồn, nếu không bùi tai, không đẹp mắt, không lé mắt, không dẹo chân ẹo người mà cười vang, thì không ăn tiền. Quang không nổi, thì đời trai kém vui đi. Lạ lùng thay, đến nay anh Đào Ngũ Quang: Trung úy Hải-quân đã thành nhân chi mỹ, khi xong cử nhân văn chương, anh đi lính và anh "sống" ở dưới nước non bồng bềnh nhiều ngày tháng hơn anh đi ở trên bờ, điều mà Hoà rất ngạc nhiên, tưởng anh chỉ lè phè là một võ biền, về mặt giao tế, miệng mồm nhanh nhẫu (“đoãn”), Quang càng lịch lãm, thì khỏi nói rùi.

Tùng chuyền gói thuốc Quân Tiếp Vụ đến các bạn, anh thở từng hơi thuốc vặt:
- Quang chọc quê anh đó, khi uống rượu thì phải biết, rất chì. Rượu xịn mà “vô mỏ, vô cơ”, ui đã điếu rồi, hắn nói hết sẫy. Hoà đừng tin hắn, có ngày em vô “ngũ tử” à nha.
- Dạ. Em biết ảnh có tới năm cửa tử, thì tiêu tùng! Ảnh lém lắm.
Trong phòng bỗng chốc lặng như tờ. Quang có cảm tưởng các bạn đang nghĩ về chuyện chàng kể, nửa đúng nửa vừa sai. Quang biết hối hận về ngày cũ lêu lổng. Lẽ ra bây giờ anh đã là Thiếu tá hoặc ít ra là Đại-úy rồi. Thời buổi nầy không còn hàn sinh áo mão gánh gạo lên Tỉnh thi Hội, thi Đình. Người trai hôm nay phải có hoài bão, ý chí, lập trường, kiên cường, có lý tưởng cùng vốn kiến thức sâu rộng, để tự vươn lên với đời đích thực hơn. Thắng bước ra phòng trong bộ pirama màu kem viền sọc xanh, Hoà thấy anh trẻ trung tươi mát, coi anh lại giống như một bạch diện thư sinh ngày ngày đi lượn phố Tết hôm nào. Anh cười nói:
- Trời ơi! Đoàn kết... kiểu thằng Quang á hả; đoàn kết là “đết còn” ấy.
- Đừng có dốc tổ nghe. Ỷ ta đây “đẹp giai, con nhà ràu, học rỏi” ứ hử! Báo cho mà biết: có chịu đèn chưa, thì bảo!

Ôi! anh Quang mập mờ lơ lửng lí lắc vu vơ… mà ngụ ý muốn “nhắc khéo ai” vậy cà? Những anh lính chiến phong sương nhuốm bụi trần, mỗi anh một cung cách: dí dỏm, duyên dáng, hóm hỉnh riêng đang hoan hỉ cười vang. Họ vui vẻ, trẻ trung hoà ái vô ngần. Đó là những hiền huynh vui tính trong thời loạn; mà em có cảm tình nồng hậu & rất hân hạnh khi Hoà đã có một thời vàng son vinh dự từng thân quen quý anh. Dù cho… Nếu Anh Là...
Nếu anh: lính Nhảy-Dù.
Em cố thành ưu tú.
Sánh vai ta vui bước.
Thủy-Quân mình nguyện ước.

Nếu anh là Binh-Bộ,
Ngao du giữa sông hồ.
Ngát hương đời dịu ngọt.
Pháo-Binh súng đề thơ.

Trao về nhau tình mơ.
Nếu anh là cánh buồm.
Em làm áng mây trôi.
Thiết Giáp vượt ngàn non.

Nếu anh là Phi-công.
Lả lướt trên thinh không.
Em sẽ là nắng lụa.
Đàn rung ngân phím loan

Nếu anh lính Hải Quân.
Em mơ mình nữ hoàng.
Nối nhịp cầu tao ngộ.
Tình yêu xuyên đại dương.

Nếu anh gieo tình thương.
Cùng chung một chí hướng.
Em nguyện làm nữ tì.
Hương trầm toả khói sương… (*)
*
(*) thơ Tình Hoài Hương

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
01-12-2018, 03:55 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1515728708-QuangNgai 12 nuiAn, sgTra.jpg
/uploadpics/mp3_pdf1017/1515729125-Quan Nua Khuya - Truong Vu.mp3
Tháng Giêng và Anh lính chiến

Hoà ráng bện-đơm vào trong tâm chút hương hoa nồng ấm tình quê ở ngay trước mặt, mà xem ra như dật dờ, vời vợi, vò võ, lặng lờ, mênh mông, im lắng mọi thứ đang rời xa khỏi tầm tay mình. Bởi, từ nơi đây là cảnh vật và con người đã thay đổi khác hơn xưa mất rồi! Hoà như con le le tan tác đàn, chấp chới, chờn vờn lạc lối bay giữa vùng trời bao la, lòng hoang dại và đôi cánh mệt mỏi rã rời… Hoà nhìn khu ấp chiến lược dưới chân đồi bây giờ đã khác hẳn, thật buồn bã, vô cùng đơn độc khi nắng mới vừa ươm (hay chiều tà phai nắng lả lơi vắt mình trên đọt tre la ngà). Dù rằng quê hương trọn đời thủy chung không bao giờ phản bội con người; mà chính con người ngoảnh mặt quay lưng lìa xa nơi chôn nhau cắt rốn, và ai đó đành đoạn vô Nam gây ra cảnh chinh chiến tang thương khổ sầu trong lòng đất mẹ Việt dấu yêu?

Bóng chòi canh gỗ cao chót vót có người lính phong sương đầu đội nón sắt đang trấn giữ biên phòng suốt từ tháng Giêng đến tháng Chạp chẳng hề nghỉ ngơi, bổn phận anh đang trông coi một vòng cung trách nhiệm, trông anh đơn điệu, im lặng, chơ vơ trên vọng gác nơi phòng tuyến lồng lộng gió, tay anh luôn ghìm chặt bá súng. Mắt anh chăm chú quan sát tứ phía, anh gìn giữ nhiều chặng đường lầy lội, gập ghềnh, lồi lõm bởi xe tăng, xe GMC, xe thiết giáp cày xới, đất đỏ ngợp trời mù bay, khói thuốc súng dày phủ một góc núi. Bụi cây bờ cỏ bị đốt trụi đen thủi đen thui bên sườn dốc, với hàng thép gai nhiều lớp bao bọc ngọn đồi, dẫn đến doanh trại Việt Nam Cộng Hòa chưa chắc hứa hẹn yên ổn, an vui gì. Hoả châu luôn bừng nở trong không gian đẫm sương mù. Sau loạt B 40 và bê ta, nhiều hoả tiễn xè xè vút vút bay, từng chuỗi nổ dồn dập rền rền ngân vọng. Buồn ơi là buồn biết bao! Địa pháo tới tấp rót xuống vùng giao tranh ác liệt, đạn rít bên mang tai rú rền, trời long đất lở điêu tàn đổ nát, mắt anh lính Bô-binh nhòa đi bởi nhiều khối lửa rạch không khí tiến nhanh vun vút về phía nội thù: Xi xi xì... Tạch tạch tạch… Pằng pằng pằng…. Uỳnh. Oằng. Ùm. Đạch đạch… cắc bụp, cắc cắc bụp xè...

Sau khi bị pháo kích và quân ta đã phản pháo khá lâu, đầu choáng váng đinh tai nhức óc, leo lên mấy bậc cấp làm bằng bao cát, Hoà lấm lét nhìn ra lổ châu mai: Trên trời luôn có những chiếc phi cơ vun vút bay đi bay lại, ầm ầm hú động quái dị điếc tai, và bay vút vào vùng khói lửa thảm khốc không chút ngại ngần. Theo đà lướt từ mấy chiếc phi cơ có mang theo những quả bom chúi mũi bay xuống tọa độ ấn định khá chính xác. Những cây nấm lửa cuồn cuộn khổng lồ đùn lên, đùn lên cao. Khiến địch im hơi lặng tiếng nhiều giờ.

Tàu bay thả lính Dù xuống xa xa, rất xa dưới chân đồi, cuộc tổng tấn công quy mô của quân-nhân Cộng Hòa Việt Nam do Trung Tá Trần Quốc Lịch đích thân chỉ huy. Chân chưa bén đất, lính Dù đã hét vang, sôi bỏng cơn uất giận bùng vỡ. Dường như mắt họ nổi đom đóm, ngực tức đến độ muốn ói máu, những chòm râu tua tủa quanh cằm đựng đứng, hai hàm răng nghiến trèo trẹo, kẽ răng rít lên tiếng thở hổn hển dập dồn. Họ phối hợp cùng quân bạn dưới đất mặc áo giáp, quần áo màu xanh lính nai nịt gọn gàng, thân dắt đầy lá cây, mang giày botte de saut, đầu đội mũ lưới sắt, họ lăm le ghì khẩu súng cổ lỗ sĩ trong tay, từng hàng nịt da đầy băng đạn, vài trái na dắt hai bên mạn sườn, hoặc trên ngực áo thò ra lúc lắc. Lưng chiến sĩ cong cong, cõng ba lô ghi những bài thơ tình nặng trĩu quân hành căng phồng hết cỡ: một tuần lương khô cá nhân gạo sấy mỗi ngày, vài bộ quân phục, chiếu mền, linh tinh... (hoặc anh dùng ba lô để chứa thêm đạn dược? Hoà có bao giờ dám lục lọi đồ dùng cá nhân của ai, nên không rõ). Bổn phận làm trai thời loạn dập vùi men đắng rượu cay đi hái thú đau thương: Trả nợ non sông thật hết sẫy.

Thân hình họ cong còng xuống dưới sức nặng kinh khủng của gánh đời nghiệt ngã. Họ đang tiến về cuối làng tiếp cận dãy trường sơn (truy tìm địch đang lén lút về phá hoại an ninh bình yên thôn làng). Chẳng bao giờ họ chịu bó tay chờ chết, cho đến lúc tai tái người gây gây rét từng cơn ớn lạnh luồn vào tủy sống mà chấp nhận thương đau. Chính nhân quân tử hiên ngang anh dũng đi tiêu diệt địch. Nếu lỡ trên đường sạn đạo có lạc vào cửa tử thần (bao trùm cả vùng chiến sử ca). Hoà thấy họ không tỏ lộ nét sợ hãi, băn khoăn lo lắng trên những khuôn mặt cương nghị đượm phong trần nắng gió mưa sương. Mắt họ bừng bừng đỏ từng đường gân máu co giật tóe lửa, cục xương yết hầu mắc họng oan gia suốt bao kiếp, đưa lên đưa xuống đâm vào cuống cổ khát khô bỏng họng. Họ trợn trừng hai con mắt trắng dã, hàm răng nghiến chặt, bắp thịt cuồn cuộn, đôi chân dũng mãnh vững chãi đạp trên đất phù sa, đạp lên gai góc, cát đá; cả nơi bì bõm sình lầy đồng chua nước mặn. Họ chụm đầu cúi mặt chia nhau vụn thuốc nhỏ, hít hít từng hơi thuốc vặt cho bớt lạnh, hai bàn tay khum khum che đóm lửa, không cho ánh sáng le lói thoát ra ngoài. Người lính Bô-binh thì luôn nằm gai nếm mật, ăn bờ ngủ bụi. Nếu họ có được cái giao thông hào ẩm ướt trú chân, là may. Tình đồng đội vào những giây phút tột cùng hiểm nguy, thật vô cùng trân quý. Cảm động đến bàng hoàng cúi mặt lăn chảy giòng nước mắt mằn mặn cay cay.

Họ cực khổ quá chừng! Ôi! Đời lính vô cùng xót xa và khốn khó vô vàn! Họ luôn bị đời vô tình lãng quên! Cuộc sống người lính chiến nằm gai nếm mật là thế! Là những ngọn nến trong muôn triệu ngọn nến đời do tự bàn tay người lính âm thầm đốt lên. Và, cuộc sống gian truân phải là sự hy sinh, chấp nhận vẹn toàn gian khổ để bảo vệ quê hương, tổ quốc, tha nhân. Chấp nhận vẹn toàn! Có điều gì linh thiêng, thần bí và cường điệu thôi-thúc họ từ bỏ tất cả: xa hoa quyến rũ trong cuộc đời phù phiếm? mà họ không chút e ngại rụt rè, do dự? như đó là nghề của chàng mà! Thật cảm động đến bàng hoàng thảng thốt ngẩn ngơ. Tại sao người lính xông vào vùng chiến địa tàn khốc điêu linh nầy, thế hử!? Tại sao!? Nếu không phải vì các anh thiết tha yêu thân nhân, yêu đồng đội, yêu đồng bào, yêu đất nước quê hương mình??? & cầu mong ước ao giữ gìn non sông gấm vóc và dân tộc an lành trường tồn đến thế? Phải không, thưa qúy anh rất đáng ngưỡng trọng và kính phục!?
* * *

Có lẽ đang bắn nhau gần khu nầy lắm hay sao, mà cả ngọn đồi kêu ục ục và rung lên dữ dội. Các cô gái chân ướt chân ráo vừa đứng chưa vững trên sân của bộ chỉ huy hành quân, đã khiếp sợ xính vính lo âu đến tột cùng. Các cô giật mình quýnh quáng hét to, đồng loạt cúi cong người, tay bịt hai tai, vụt chạy vào căn hầm gần nhất, họ chui tọt xuống hầm trú sâu lút đầu người. Các cô chui nhanh vào gầm bàn, gầm giường, họ bò lê bò la, nằm úp mặt xuống nền đất ẩm lạnh, miệng không ngớt kêu gào, thảng thốt, rên rỉ. Như có ai vừa thọc con dao găm sâu lút cán ngoáy ngoáy vô bụng.
Trái tim Hoà đập điên loạn trong lồng ngực cuồng quay, đau nhói, co thắt từng hồi muốn nghẹt thở. Dường như có bàn tay vô hình nào đó bấu móng nhọn cắm phụp vào trái tim mình, buồng phổi bóp chặt, làm ứ nghẹt hơi thở muốn bật máu tươi. Hoà tưởng mình mang trong người cơn bệnh trầm kha thoái hóa thần kinh, tế bào thần kinh tiết ra chất dopamine thành bệnh parkinson, làm cho thân thể co siết, dúm dó, tay chân bủn rủn, run lẩy bẩy, lập cập, run rẩy kinh niên, thật đáng ghê sợ. Các cô la ó kêu gào từng hồi thất thanh, giống như con heo bị chọc tiết. Các cô chưa kịp hoàn hồn, đã bị bồi thêm mấy vố nổ kinh dị khác, nhiều đợt chấn động tột cùng khủng khiếp ngân rền. Mặt đất rung rinh chuyển động u u… u ục ục…, như ở trong cơn động thổ bảy tám chấm.

Sau loạt đạn chi chi đó xé gió cỡ mươi quả bay đi, súng lớn giới hạn tầm bắn dường như bay ngang đầu, xuyên qua tường ghi sắt chắn bao cát nứt nẽ, khiến gạch vôi vữa, đá dăm, bụi hồ cùng mảnh bể trên mái hầm bị sụp một bên, đã rắt đầy lên đầu lên cổ các cô. Cột sắt bị chạm điện kêu lanh canh, lửa vàng lóe chớp trắng đỏ đỏ kêu xẹt xẹt xẹt, nổ lốp bốp. Bóng đèn bể bụp rơi loảng xoảng. Căn hầm bỗng dưng tối mờ. Gió lùa khói đen cay khét lẹt, quyện lẫn mùi hỗn hợp cuốn thốc bụi đất lẫn lộn tàn tro mù bay tứ phương. Trong bóng tối mờ mờ từ lỗ châu mai dọi xuống, năm cô gái nhìn nhau, ánh mắt xao động hãi hùng, chua cay, xen lẫn chút hào khí đầy phẫn nộ ở lưng tròng mắt.

Vừa gù gù đáy thắt lưng ong, nhấp nhô đầu nón sắt sụp xuống quá lông mày, mấy cô dùng hai tay vịn lên góc hầm, lò mò bò bò, thụt thụt thò thò, nhấp nhổm tính leo ra khỏi cửa miệng hầm, sẽ chạy đi tìm nơi an toàn khác; thì một tràng đạn lại ria qua. Lạnh buốt xương sống, họ thất thanh kêu rú, hét tướng lên như con bò rống. Mấy cô lại vội vàng cúi hụp người chui tọt xuống hầm sâu, giống con nhái bén lặn kỹ dưới đáy ao mút mùa lệ thủy. Cả khu đồi sục sôi kêu ục ục, ọc ọc... bụp bụp, ùm ùm, lòng đất nhấp nhô. Nhà cửa phía trên hầm dường như động thổ nên nhấp nhô rung rinh, nghiêng bên nầy, xiêu bên kia. Thật quá dễ sợ dưới đống mưa chì bão lửa. Bao mái tóc một sớm một chiều đã bạc nhanh trong giờ phút đẫm máu kinh hoàng!

Nhiều giờ sau, bình nguyên lắng dịu dần dần. Thỉnh thoảng chỉ còn năm ba tiếng súng nổ lẻ tẻ... từ từ nhỏ dần, nhỏ dần, xa dần, xa dần và im bặt. Khi tiếng súng hoàn toàn im bặt, nhưng không gian còn bao trùm mùi khét nồng, oi ả. Khói lửa điêu linh trôi qua khá lâu, các cô mới lóp ngóp rều rệu bò dậy, họ đi không nỗi chẳng phải do quá đói, mà vì còn khiếp sợ. Trúc là cô gái ưa quậy tưng trời mà bây giờ cũng im thin thít, xép re, cô lù đù ngồi bó gối ở một góc! Từng người một rụt rè len lén khum người, chổng mông bò bò bằng hai bàn tay và hai đầu gối… lên khỏi miệng hầm rồi, các cô tự động ngồi phệt ngay xuống đất, duỗi đôi chân ra, họ thừ người ngẩn ngơ, ngố ngáo, ngơ ngơ ngác ngác. Họ chẳng thể cử động trên nền đất khô cứng nham nhở gạch đá bừa bộn, thủy tinh lộn xộn với tro bụi đất cát. Họ không kêu la, không nói, không khóc. Vì sự khiếp sợ hãi hùng đã dâng đầy cổ họng khô bỏng. Mặt mày ai nấy đều tái xanh tái xám như nhuộm chàm. Mặc dù trước đó cô nào cô nấy ỏn à ỏn ẻn, yểu điệu thắt đáy lưng ong, chăm chút tỉa tót tóc tai, họ cẩn thận tỉa lông mày lá liễu, đôi mắt kẻ viền lá răm, mặt hoa da phấn, môi trái tim thoa son tía, nụ cười rõ tươi tuyệt đẹp, làm mát lòng người. Giờ phút thập tử nhất sinh nầy họ đã chà mặt xuống đất; bây chừ trông “qúy ẻm” lem luốc dị hợm, bộ dạng ai nấy giống như con mèo vá. Mồ hôi, bụi bặm, đất cát, khói khét, đã "trổ đồi mồi" màu da “công nương qúy phái đài các diễm lệ” mất rùi. Mà bọn con gái ni không ai thèm nhìn nhau cười nhạo nhau nửa lời.

Thấy phái đoàn dừng lại trước cửa hầm quá bất ngờ, các nữ quân nhân xộc xệch quần áo đang ngồi soãi chân, giạng háng, vội vàng đứng phắt dậy nghiêm chào. Đại Tá Phát nhìn thần sắc các cô nhợt nhạt, tái xám, lem luốc, đầu bù tóc rối xù to như tò vò ổ rơm, thân thể dúm dó, co ro cúm rúm, run run như người bị bệnh thần kinh ngố ngáo nặng. Thì ông quay sang Trung Tá Lịch và các sĩ quan tùy tùng... Họ nhìn nhau khẽ nhún vai, nhích cặp lông mày lên một chút, rồi qúy sỹ quan từng trải giàu kinh nghiệm lừ mắt, mím môi dấu nụ cười tươi, họ quay lại nhìn nhìn... mấy cô binh nhì dưới quyền non đời, và hơi nhếch mép thân mến mỉm mỉm gật gù. Chao ôi! Thật thảm thương cho các em! đâu rồi nữ tướng hào kiệt anh tài. (giống như Hoa Mộc Lan thuở xưa!? Có lẽ các nàng lo dông tuốt… chạy bán mạng về bên Tàu mất tiêu). Quê xệ hết sức ha.
* * *

Vài ba lần khi Đoàn 5 ở Trà Phong, thì Trúc thích rủ Hoà đi tắm đêm ở sông Trà Khúc. Phía xa kia là núi Thiên Ấn ở huyện Sơn Tịnh ẩn hiện dưới vầng trăng lúc tỏ lúc mờ. Từ chân núi có đường xoắn ốc lên trên tóp đỉnh rợp bóng thùy dương xanh mát. Đỉnh núi tà tà rộng rãi và bằng phẳng, nên ta có thể lên đó cắm trại. Dọc ven những bờ sông có nhiều guồng xe nước quay bằng gỗ (hay làm bằng những bè tre già) do nghệ nhân khéo tay đan kín, trám trát lớp dầu ráy, dầu hắc rất công phu, cẩn thận. Xe quay nước mang nghệ thuật độc đáo dẫn thủy nhập điền: từ dòng sông Trà Khúc nước chảy xuống các mương gỗ, rồi nước từ từ luồn lách chảy đi theo từng khe lạch, nước dẫn vào rất nhiều ruộng lúa xanh rì, phì nhiêu. Trúc rất thích ngắm những guồng xe nước nhân tạo độc đáo ở Tỉnh nầy.

Tiếng cá vẫy đuôi khỏi mặt sông, cá tung mình nhảy lên đùa giỡn dưới đêm huyền ảo. Trời se lạnh giữa lưng trời gom từng phiến mây bạc phơi phới bay. Chị hằng nga dọi ánh sáng xuống những lượn sóng bạc đầu cuồng nộ, lượn sóng khi trồi lên khi trụt xuống, nhấp nhô theo dòng nước huyền phù; làm vỡ nát ánh trăng soi đôi thân hình trắng nõn ngâm trong nước. Trăng rằm sáng vằng vặc rớt trên đầu, trên vai, và xô sóng nơi bờ ngực trần ẩn dưới nước nỗi hoang vu, sầu lắng. Ánh trăng xanh xao lung linh nhảy nhót và chảy xuống thân thể đã đắm mình trong dòng nước mát, khiến Hoà càng buồn và thất vọng (trước chút riêng tư ngại ngần, e ấp che dấu tấm thân gầy, bỗng oà vỡ tan tành giữa lòng sông lụa trắng). Cuộc đời và cuộc tình chắc rồi sẽ vỡ tan, như bong bóng nước trôi trên dòng sông gợn sóng nầy ư!?

Ngâm mình trong dòng sông Trà Khúc khiến Hòa nhớ ơi là nhớ... ôi chao. Ơi... Huế trữ tình với núi Ngự sông Hương! Hòa đã xa Huế mấy mùa hoa Phượng nở rồi hi?:
Lâu chưa về thăm… Nhớ Huế
Nắng hồng vương Vĩ Dạ ấp hàng cau
Áo màu sim em khép nép qua cầu
Tay giữ nón ngang Phú Vân Lâu phượng đỏ.
Núi Ngự chiều dâng chim kiếm tổ
Sông Hương trăng luyến khách đưa đò
Nắng ngày xưa nay trôi giạt nơi mô?
Đường phố cũ và cơn mưa dầm Thượng Tứ.
Làn gió thoảng hồi chuông từ cổ tự
Ngả bên sông tháp Thiên Mụ in dòng
Hương Giang sóng vỗ trong lòng
Xa nhau từ đó hết Đông lại Hè
Nhớ sao phượng đỏ lời ve... (*)

Hòa nhớ cả Nha Trang thành phố biển tuyệt đẹp với hàng dừa rũ lá ven bờ. Đà Nẵng phồn vinh tấp nập những chàng Hải-quân, Không-quân hào hùng! An Khê, Vũng Tàu luyến nhớ, Bamêthuột rợp bóng tình quê. Thành đô Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông hẳn là vẫn yên ổn! Giờ nầy ở xứ Lâm Viên thơ mộng ngàn đời quyến rũ du khách ra sao nhỉ? Đà Lạt vẫn như một nơi chốn bình an đầy mộng mơ, quyến rũ, mời gọi bước Hoà muốn tất tả xôn xao quay về. Cầu xin cho tất cả mọi người trên quê hương sống thái hòa, êm ấm, an vui và trường tồn.

Chú tài xế sau khi tắm rửa, và lo chuyển nước nôi vào cistern đầy đủ. Chú bồng súng đứng gác trên góc kín, nơi xa xa. Chú chở hai cô đi lấy nước, mặc dù sợ trưởng phòng la khi xe đi ra khỏi doanh trại, và trở về quá giờ ấn định, nhất là lo sợ vùng tranh sáng tranh tối xôi đậu lộn xộn nhập nhằng. Nhưng chú phải chở hai cô đi nhiều chuyến và nhiều lần. Mấy ngày tháng ở vùng hành quân, nếu có một bi đông nước cũng quý như vàng, chớ lấy đâu ra mà có nước tắm thoải mái. Hoà và Trúc đi tắm xong, lúc về còn mang theo vài cistern nước cho anh chị em xài, cũng là đi công tác cho Sư Đoàn 2 rồi. Chú tài xế ngại ngùng, lo lắng, thỉnh thoảng nhìn quanh, kêu nho nhỏ:
- Hai cô ơi! lẹ lẹ lên, mau mau đi về, kẽo bị đóng cổng bi giờ. Chết đa. Trời à!
Bởi chàng rất sợ: mất một dòng sông...
* * *

(*) Thơ Tình Hoài Hương

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
01-14-2018, 02:24 AM
Kính thưa độc giả rất quý mến,

Dạ, Tết Nguyên Đán chẳng còn bao lâu nữa... sẽ đến.
HH xin gởi đến quý vị một câu chuyện có thật về hai người bạn.
Mong rằng đây là món quà vui xuân, và quý vị nở "một nụ cười... bằng mười thang thuốc bổ", ngỏ hầu quên đi những năm tháng tha hương tần tảo ở xứ người.
Thân quý,
HH
*

https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1515896193-CO 65.jpg
/uploadpics/mp3_pdf1017/1513811757-Xon Dem _TTMD.mp3
***
Xóm Đêm
Nhạc và lời: Phạm Đình Chương
Giọng hát: TTMD
*

TÌNH chàng MẠC KÍU & nàng A MUốI


Trong phòng làm việc Tâm Lý Chiến có anh Mạc Kíu là người hiền lương chân thật đến mức thật thà, ngây ngô, mà rất dễ thương chịu không nỗi. Kíu thích uống nước đá thật lạnh, nhai nước đá cục rốp rốp. Trong lúc Kíu ăn cơm nóng sốt vừa thổi phù phù vừa húp canh cua rốc rột rột rột. Kíu lại uống ừng ực ly nước đá lạnh ngắt. Răng vẫu thích dừa một ngày anh nạo vài trái, nên hàm răng trên càng nhô ra thành mái hiên, khiến ảnh tức chịu không thấu, Kíu phải quay qua hỏi thăm thằng bạn “loa mồm” về chuyện “răng riết”, hắn cho nhiều ý kiến ý cò, để dựa dẫm nhau mà sống còn trong xã hội văn minh với đời.

Quả thật bỗng dưng răng vẫu ấm ức dỗi hờn sưng vếu lên, nó xìu xìu ễn ễn lạnh lùng bỏ “chàng” mà đi. Kíu tức mình quá chừng khi thấy bộ dạng mình coi vếu váo, xấu xí, chàng hăng hái nghe lời thằng bạn loa kia đi bọc chiếc răng vàng, để trám vô ở lỗ trống. Thế là hai hàm răng cũ thấy cái răng vàng khè giàu có, lóng lánh “đẹp giai” kia, so với mình sao xa lạ quá, chúng càng bực bội dỗi hờn thêm, bèn rù rì từ từ rủ nhau xa lánh “anh răng dàng”. Chúng hè nhau a dua tiến lên a chu, khiến răng Kíu rụng gần hết cả hàm dưới. Dù “em răng vàng” cô độc giữa rừng răng sợ một phép chẳng dám lên mặt trêu ngươi! Răng hở thì môi lạnh, môi buồn, môi chán, môi đau... nên mỗi lần ăn cơm, ăn cháo, Kíu cố nhẹ nhàng cho hàm răng trên thân ái đi gặp hàm niếu dưới, ngỏ hầu thăm hỏi xã giao nhau tí chút. Nhưng chúng nó đã thất lạc trong cuộc đời “răng với riết” mất toi rùi. Một chiếc răng vàng cô đơn độc mã không hiểu nhau, thì còn răng mô mà dám cười! Hỉ!?

Hàm răng mệt, cái mồm mệt, chàng Kíu không thể nhai thức ăn; cơ thể mệt, bộ óc của chàng cũng dần dà mệt lã theo. Thiệt là phiền toái đa! Cả hàm răng tất nhiên là có nhiều hơn “hai bờ môi tê tái”, nên “cái bè đảng răng” nó rủ nhau “xông pha biểu tình biểu tọt”... lang thang đi tìm trẻ lạc mất răng. Hàm răng bây giờ cái sún, cái bọc vàng, cái ...chỗ nào cũng lổn chổn. Thật dị hợm, khó coi, khó chịu quá chừng chừng à. Kíu không nhớ gì hơn ngoài việc lo lắng cho "cái bộ gió" của mình. Vì “cái răng cái tóc, là gốc con người” mà! Vì và... vì... Kíu còn phải lo canh tân o bế dợt le cho “răng với riết” thành: một hàm răng trắng trẻo cộng một hàm răng vàng le lói, để:
Một trà, một rượu, một đàn bà,
Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta,
Chừa được thứ nào hay thứ ấy…
Có chăng chừa rượu với chừa trà!
Tú Xương xa xưa có bài thơ bất hủ trên, còn đào hoa thanh lịch như thế, huống hồ gì ta là trai thời thế tạo yên hùng thì phải:
Rượu nào là rượu chẳng nồng.
Trai nào chẳng khoái: Lan, Hồng, Cúc, Mai... (cd)
Thằng bạn “loa mồm” vui tính kia còn tỏ vẻ ta đây sành đời, khuyên Kíu:
Lấy vợ xin lấy vợ sún răng.
Đỡ tiền nha sĩ ngại sâu ăn.
Sáng, trưa, chiều, tối em ăn cháo.
Khỏi phải mua bàn chải đánh răng.
Lấy vợ xin anh lấy vợ hô.
Lỡ sau mà có gặp côn đồ.
Em cười, chúng tưởng Chung Vô Diệm.
Hồn xiêu phách lạc cõi hư vô. (*)
Còn Kíu thì chả dại... nghe lời hắn, trái lại chàng sâu sắc hơn, nghĩ khác xa thằng bạn thời “khố rách áo ôm, mồm loa mép dãi kia”:
Lấy vợ nên kiêng vợ sún răng.
Giận con lè lưỡi tựa bà chằng.
Tiệc tùng rủi gặp bò xào giấm.
Mắc nghẹn có ngày té ngã lăn.
Lấy vợ nên kiêng lấy vợ hô.
Hàm răng lởm chởm nói bô bô.
Rủi khi bả giận ôm chồng cắn
Ưá máu phu quân chạy thấy mồ (*) thì sao nà???
*

Một hôm được trưởng đoàn phân công, Kíu (là âm thoại viên) cùng bạn công tác tại xóm Nghĩa Hành. Bạn Bé, Châu đi nhanh quá, Kíu có phần bệ vệ vì cái bụng lỡ mang thùng nước lèo khá lớn, (so với chiều cao). Kíu ì à ì ạch leo lên dốc, chàng che tay nhìn ngang nhìn dọc, không thấy hai bạn đâu. Mất hồn mất vía, Kíu ngồi phịch xuống trên gò mối, nghỉ mệt. Đã lo sợ lạc đường, tự dưng cái bụng phệ của Kíu sôi ọc ọc... ục ục, đau bụng thấy mồ... như muốn biểu tình, phản đối giờ cơm đến trễ. Kíu lom khom đứng lên, bỗng máy PRC-25 phát tín hiệu. Kíu lại ngồi vật ra, duỗi hai chân chụp lấy máy mở tầng số liên lạc. Nghe xong, “anh ta ca”:
- Cái lày ngộ xin lại ý dui loòng chỉ cho. À, tụi ló lại tẩy chai ngộ, dì cái pụng ngộ ló sôi lọc ọc, pị lau cái pụng quá chời, bạn ngộ lể cho ngộ lứng ở lây, ló li lâu mắc dồi, ló bỏ em lứng dứi gót cay phựng, ngộ li da ngoài duộng mà. Bạn ló hỗng biéc liều a. Em hỏn biéc chỗ lào lễ li dề à. Lần lầu tiên mới dề qua lay, thấy cây cối dzụng hư hại diều lắm. Em hỏn béc dớ cái lường lể đi dề qua a.
Thọ, Đan, và Nhã phì cười. Nhã trêu chọc:
- Em đi mau mới kịp bạn. Phải biết "giác ngộ" cho tiêu bụng mỡ chứ.
- Ngộ béc dát ngộ mờ. Có gì ngộ ngộ, thì ngộ dát dề cho a.
Có trời biết làm cách nào Kíu trở về an toàn, khi lưng đeo máy truyền tin, vai đeo ba lô cá nhân, vai kia thêm lưỡi cày, chả biết chàng nhặt ở đâu. Kíu nói:
- Nó “giác ngộ” quá, thì “ngộ dát” dề a.
Thọ vừa tức vừa vui, anh hóm hỉnh thông báo trên loa phóng thanh: ai mất lưỡi cày, xin cho biết. Phòng mang trả lại ngay.
Lần thứ hai khi Kíu đi công tác trong thôn Sơn Hà xong, Trung úy Đan cần kiểm chứng chút việc, đã hỏi Kíu:
- Em chỉ cho tôi nhà của ông bà Hai (mà em đã làm việc hôm kia) nhe.
- Dạ, Trung úy đi trên đê, thì thấy nhà họ ở trong xóm.
- Em không ghi ông Hai đó tên tộc là gì!?
- Xin lỗi Trung úy, tại em không ngờ...
- Nhà ở xóm ấy đông. Vã lại trong xóm có ba người: “tên thứ là Hai”.
- Dạ... vậy sao!?
- Em có nhớ đường tới nhà ông bà Hai không?
- ... Ơ... Trung úy tới cái nhà có đụn rơm nhỏ xíu, có con trâu nằm đó.
- Nhà nào cũng như thế cả. Không có số nhà, không có gì đặc sắc.
- Nghĩa là sao!? Trung úy?
- Tôi đến mấy nhà em tả. Con trâu ăn bó rơm mà em nói là “đụn rơm nhỏ xíu” xong, nó đã đi mất. Nầy em, đừng đứng đó vò đầu bứt tóc. Chả lẽ em sẽ đi hỏi con trâu hử!?
Một lần khác trong phòng đang ăn cơm, thì Chỉ-Huy-trưởng gọi máy dã chiến xuống, bắt anh em nộp bảng: "Dự trù Kế Hoạch A. Tối cần".
Kíu quên chưa cúp máy, anh ta láu táu báo trình với Đan:
- Xin báo thựng cấp tối cần, “bạng” dự trù kế hạch A, chớ sáng hỏng cần.

Ngờ đâu Chỉ-huy-trưởng đã nghe được. Trời ơi! Hậu quả ăn với nói lầm lẫn và hiểu sai nghiã. Kíu bị “an nghỉ” cả tuần trong chuồng cọp. Kíu “được” muỗi đốt thỏa thích. Chàng nằm co rúm chèo queo vỗ bụng “đau đói” bình bịch, để chờ Phòng Nhì điều tra. Toàn Phòng 5 đều gửi “thỉnh nguyện thư” lên Chỉ-huy-trưởng bảo đảm hạnh kiểm, hành vi của Kíu. Sau khi Kíu làm mọi thủ tục tường trình, chàng được tha khỏi chuồng cọp. Từ đó, chàng im re câm như hến, không dám thèo lẻo bép xép cái miệng ăn mắm, ăn muối nữa. Kíu tình nguyện “xuống cấp” để làm hoả đầu quân ở trong Sư-đoàn, cho chắc cú. Kíu nấu ăn thì ngon tuyệt, y như Tàu Hồng Kông vậy. Kíu ưa vỗ vỗ vào cái bụng phệ mà cười ha ha ha: Giàu chủ kho. No nhà bếp rồi thì… chóng chết là vì quản voi he!
*

Nghe tin Lính Phòng 5 được về hậu cứ sớm hơn dự định, Kíu nổi tiếng là trùm sò chuyên môn cho anh em "ăn mắm mút dòi". Nay chàng là người hào phóng nhất, trước tiên Kíu vác cái bụng phệ đi quăng mùng mền quần áo cá nhân. Kíu cần cho ba lô cá nhân nhẹ bớt ký xí mà. Rồi chàng lấy ly, tô, chén, son, chảo, nồi… ở trong thùng của đoàn 5 ra, trả thù tình và trả thù đời, anh đập bể hết! Kíu xán cho bằng thích hai bàn tay mập ú. Các anh khác cũng bắt chước Kíu làm theo, họ lôi tô chén trong ba lô cá nhân ra, xán bôm bốp xuống nền gạch. Nghe “đã” thiệt ta!
Đùng một cái Trưởng-phòng đi họp về báo tin Phòng 5 phải ở lại thêm bốn ngày. Kíu ngồi thộn ra nhăn nhúm, méo mặt như cái nồi son. Lấy gì xào nấu cho anh em ăn đây hở Trời! Thật chán mớ đời. Mấy ngày đó, anh em chịu trận giữa cơn rét rừng luồng vào tủy sống. Các anh chẳng dám mở miệng kêu than nửa lời. Ngày ngày Kíu xin phép Trung úy Đan cho ra nấu ăn nhờ ở nhà dân, chàng đi bắt ốc mò cua, đào măng, hái rau núi, hái rau sam, rau dền, rau đắng mọc hoang, luộc cho anh em ăn tạm với thịt hộp xin của đồng đội bạn đỡ lòng. Thật may vừa có lệnh trên ban hành cho anh em leo lên xe về nghỉ ở hậu cứ. Mấy anh mừng húm.
Tất cả câu chuyện về bạn bè thân thiết, cùng hoàn cảnh, không gian và thời gian, thoáng hiện ra trong tư tưởng Đan, dưới ánh sáng màu thiên thanh kỳ diệu. Đan mỉm cười về vài mẫu chuyện vui vui tương tự như thế; hầu quên đi nỗi nhọc nhằn trong đời lính chiến phong sương. Tạm quên bao khổ đau cuộc sống đùn lên trong đời Đan và tất cả quân nhân khác.
***

Kíu kể chuyện tình của anh với cô bồ ruột ở Chợ Lớn, vui và cũng buồn hết biết: Kíu đã “phải lòng thật dạ” một cô trông ngồ ngộ kha khá bảnh tỏn ở gần nhà:
Năm canh ngớ ngẩn buồn rầu.
Nhớ người nhân nghĩa gan sầu ruột đau. (cd)
Sau khi Kíu vào nha sĩ bọc thêm những chiếc răng vàng oai vệ đáng bậc “răng nhi” le lói kia xong xuôi. Thế là chàng thong thả đi la cà đó đây làm quen nàng Đào A Muối. Ai ngờ “ẻm” cũng “chịu đèn” mình quá sá cỡ thợ rèn! Thiệt là mừng húm!
Nắm tay em tròn như ống chỉ.
Lòng dạ anh đây phỉ chí muốn kết duyên.
Ngày nay hỏi thiệt bạn hiền: “thương không!?”.
Nàng ỏng ẹo “cừi cừi”:
Anh ăn ở có lòng, em phải gắng công.
Một trăm năm em cũng để phòng không, đợi chờ... (cd)
Thế là nhân một ngày gió sớm nhè nhẹ đong đưa lá vàng mùa thu bay bay, để kỷ niệm cách đấy một năm về cái ngày đầu tiên Anh và Em yêu nhau say đắm, hai anh chị vui vẻ hẹn hò đi ăn ở nhà hàng Arc Enciel. Kíu bảo nàng:
- Ai đi đợi với tôi cùng.
Tôi còn dỡ mối tơ hồng chưa xe.
Có nghe nín lặng mà nghe.
Những lời em nói như xe vào lòng. (cd)
- Em ui, em là Ba Chệt, thì em cứ hiên ngang, can đảm vui vẻ nhận mình là Ba Chệt. Sợ gì ai mà ba má giữ rịt em ru rú ở trong nhà he? Hay em sợ mắc cỡ sẽ ló cái đuôi sam ra ha!? Em hãy mặc áo Thượng Hải, hở ngực, hở nách, xẻ hai bên đùi lên sát bắp vế, thì coi em càng khêu gợi chớ sao! Cho anh sung sướng dẫn em đi dợt le xí. Anh muốn tụi mình nên đi cà nhỏng, cà nhãnh, cà rịch, cà tàng chút xíu. Mình lên mặt làm dáng, làm dóc, làm le, làm tàng nha. Em cứ giựt nổi, chơi trội đi khoe với đời. Em không nổi như cái rốn của trung tâm vũ trụ em kià, thì đời mình mất vui, kém hạnh phúc đi. Nha cưng.

“Ẻm” nghe chàng miệng lưỡi ngọt xớt như mía lùi, thì ai mà không mê tít thò lò chớ́. Thế là nàng trẻ người non dạ, õng ẹo đi qua đi lại trước gương soi mà ngắm nghía, và toe toét cười. Đúng là coi mình cũng ngon lành ra phết, như miếng thịt mỡ treo trước mõm mèo. Ngu sao mình không chờ thời cơ, thiếu giống gì mấy chàng trai trẻ sẽ nườm nượp liếc mắt đưa tình he! Nàng lóc chóc hí hửng thích thú mặc xiêm y, thân hình chưa phì lũ lắm, chàng trông nàng ngon lành, coi cũng đẹp hết sẫy í chớ.
Kíu vui vẻ "phỉnh" nhẹ nàng thôi, chứ nếu chàng gallant trắng trợn, thì còn ra cái thể thống gì bậc mày râu! Kíu thì mặc bộ áo quần vía veston xám pha sọc đen hồ ủi thẳng nếp li láng cón, đầu chàng chải brillantine bóng mướt, con ruồi đậu trên tóc cũng phải té trợt cà. Kíu mang đôi giày đen nhọn mũi hoắt gót cao.
Con cò đi uống rượu đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao!
Còn anh chẳng uống hụm nào ...
Cũng say ngây ngất ngã vào lòng em!!! (cd)
Chèng đét quơi! Cô nàng biết tông ti họ hàng thứ bậc từng gốc to ngọn nhỏ bề thế cuả Kíu là: hậu duệ cháu chiếc đích tôn đích tướng của ông chủ nhà hàng Nhất Dạ Đế Vương như vậy. Nay chính mắt nàng nhìn thấy người hùng lý tưởng diện bộ đồ vía lên, trông chàng càng đẹp ra phết, thì nàng đã nghệch mặt ra, hết dám xí xọn, đỏng đảnh! "Anh em ta” hăng hái leo lên taxi “cho... tới luôn bác tài”.

Hai người cười hi hí đủng đỉnh xuống xe, cầm tay nhau dung dăng dung dẽ, cười cười liếc liếc, lí lí lắc lắc… họ ung dung tà tà đi diễu dạo khắp nơi, coi “thái mái” lắm. Lúc họ bước lên cầu thang thì cái bóp đầm của nàng lủng la lủng lẳng đung đưa, có đựng hộp phấn thỏi son và vài đồng bạc lẽ, bỗng bị "bàn tay anh tài” cướp giựt mất, lẹ như chớp. Bị bất ngờ, nên nàng trợt chân té chúi nhũi, chiếc giày cao gót văng lông lốc tuốt dưới chân thang lầu. Đau quá là đau, nàng nghiến răng trèo trẹo ngồi chò hỏ nơi bậc thang, mặt tái xanh không còn chút máu. Mồ hôi hột rịn vã ra ở hai bên thái dương, "ẻm" bủn rủn tay chân, Muối thầm nghĩ:
- "Chắc là ma nó xô cho mình bong gân, lọi giò đây. Chứ cái thằng ma-cô cướp cạn, nó ốm nhom ốm nhách: như đồ xì ke, đuổi ruồi còn không thèm bay. Làm gì xô mình lọi giò được ha?". Nàng mơ màng nghĩ đến vần thơ:
Em xa mình hổng chết cũng đau.
Thuốc bạc trăm không mạnh, mặt nhìn nhau mạnh liền.
Thương anh nên mới đi đêm.
Té xuống bờ ruộng đất mềm hổng đau.
May đất mềm nên mới hổng đau.
Phải mà đất cứng, ắt xa nhau phen này. (cd)

Vô tình nàng "để quên sự đời em ra". Thây kệ mặc khách tao nhân đi lên, đi xuống cầu thang; họ cứ quay lại liếc liếc nhìn nhìn, cười hi hí, và ngó sững "chỗ nớ" đã đời. Chàng thanh niên choai choai dé dé non đời lóc chóc đã nén giận, Kíu cắn môi chạy xuống chân cầu thang lượm giúp nàng chiếc giày. Kíu đứng xớ rớ dưới chân thang chờ mặc khách tao nhân đã choáng hết lối đi, họ cứ đứng ù lì chen lấn đi lại đông đúc ở cuối bậc thang. Chàng vô tình nhìn lên. Bỗng Kíu thấy “em thân yêu” oăặn… oằn vặn vẹo cả thân người, và “chỗ nớ” hớ hênh chìa ra coi tổn hổn, tển hển, rõ mồn một. Kíu giật thót mình, trái tim co xiết túi bụi, mặt đanh lạI, đỏ tía, tai nóng rần rần như bị ong chích, rắn cắn, hai bên thái dương chàng giật tưng tưng. Kíu mắc cỡ xấu hổ muốn độn thổ, Kíu cầm chiếc giày cao gót sút đế, vụt xô mấy ông vạm vỡ giạt qua một bên, chàng nhảy lên một lần hai ba bậc cấp. Kíu ném chiếc giày vào bụng nàng, kêu cái "biịcch"… Chàng trợn mắt nghiến răng trèo trẹo, kéo giật cánh tay nàng, cằn nhằn:
- Đứng lên mau! Con gái, con nai gì không có ý tứ, lại mặc cái "xì níp" rách háng coi trơ trẽn quá. Có thấy thiên hạ đang dòm ngó em không? Hứ! Lại còn ngồi thộn ra… xí xọn, nhí nha nhí nhảnh cừi cừi. Ghê quá ta.

Nàng sửng sốt tức giận lên cực điểm, đến tím mặt bầm gan. Đã không dỗ dành khi người ta đau điếng, thì thôi. Còn lên mặt la mắng tui cái nỗi gì giữa chỗ ba quân, hử? Nàng nghiến răng trèo trẹo, liền xổ một tràng tiếng "Háng" văng cả nước bọt khiếm nhã ra:
- Ai biểu... tại vì lị lói mí ngộ: là lị thít ngộ đem li phe ra le lói với đời mờ. Ngộ không bét. Ba trợn á. Ay da dà! Cái đồ tồi, dóc tổ a... Oái! cái cẵng chân của lị ló dzụng mất toi dồi. Tô chè a. Xiía...

Tự ái dồn dập mà! Tuy nhiên, chàng thấy nàng tái tím xù ra như lông nhím thật sự, Kíu cũng biết điều, lòng chàng dịu hẳn xuống, Kíu nâng cánh tay nàng lên, chàng liền hạ mình hạ giọng, năn nỉ ỉ ôi. Nàng được trớn, càng lên mặt vênh váo, lì lợm, làm le, làm dóc, làm tới, làm tàng, làm liền… không thèm hòa. Nàng xù bộ mặt rất ư dễ ghét coi cà chớn quá ta. Xách chiếc giày sút đế lủng lẳng, nàng vung cùi chỏ thoi vô hông chàng kêu cái “ự” . Nàng chưa đã nư, bồi thêm cú chưởng “độc thủ” hất mạnh tay “người iêu”. Nàng cà niễng cà giật cà thọt một chân cao chân thấp, nàng nhoi nhoi cái đít vịt đi điệu bì bộp, xô-lô-rốc chấm phẩy. “Ẻm” nguýt xéo chàng một cái thiệt dài, đôi môi cong cớn trề ra như mỏm con dê, mà leo lên taxi... cho tới luôn bác tài. Bác ta rồ máy chạy cái vù giữa đám thị dân đang kinh ngạc nhìn theo.

Chàng mới té ngửa ra là nàng chẳng phải là thứ vừa, thứ dễ bảo mô nà, trông nàng bây chừ thiệt ngứa mắt quá chừng chừng! Đúng là “thứ Tình Cà”. Thế là Mạc Kíu nổi máu anh hùng lên: bỏ đi một nước, giang hồ biệt tích. Kíu leo lên xe “đi quân dịch là thương nòi giống”:
Năm xưa em bảo đợi chờ.
Năm nay em lại hững hờ với anh (cd)
Thời gian trôi qua, chàng dần dần nguôi ngoai nỗi “sầu đời”, Kíu đã vui vẻ hát điệu… tẩu mã rất linh hoạt của dân ca Huế.
Bây giờ tình nghĩa làm sao.
Cho chuông chẳng bén bồ lao chẳng bền?! (cd)
Thôi! Hãy thả tình trôi theo giòng thời gian... Chả còn gì cho “Anh và Em”. Thật chả còn gì cho mối tình mà chàng nghĩ từ nay đúng là: Thứ cà tửng, cà tàng, cà khịa, cà ná, cà chớn, cà pháo, cà chua... cà dái dê... Khi nàng ù té chạy làng, lê bước chân què để leo lên con đò, ca bài “Sang Ngang” của Đỗ Lễ, cho mối tình xưa đi đứt theo đuôi con nòng nọc, mất toi.
Năm nay em phải lấy chồng.
Không vui thì cũng bằng lòng mẹ cha. (cd)

Ba Tàu style Mạc Kíu đã chạy tới thằng bạn “loa mồm” thở than:
Nếu piết rằng lị đã có chồng.
Ngộ dề ngộ pán nốt Hồng Kông
Mang tiền ngộ đổ vào Chợ Lớn
Lời vốn đầu tư ngộ mát lòng! (*)
Kíu dứt khoát mọi điều khẳng định là “ngộ” phải quên “lị”. Như đinh đóng cột vào vách. Như ngôi nhà quay mặt về núi. Muôn đời không thèm đối diện với biển cả. Chàng rung đùi, dùng rượu đổ vào cái bụng phệ:
Nếu biết rằng em sắp lấy chồng.
Anh về bắt vịt nhổ sạch lông.
Tiết canh làm được vài ba đĩa.
Mượn rượu cho nguôi vết thương lòng. (1)
Dù chàng là “ba Tàu” chính cống thứ thiệt, nhưng mình chả phải là thứ tay vừa trong mục “Thơ Tình Cà Tửng Cà Khiạ cuả chàng và nàng”: Em hãy nghe nè Muối:
Anh cà ghim sáng tối uống cà phê.
Tình cà nhỏng vi vu hết chỗ chê.
Củ cà nông thất nghiệp không cà pháo.
Thấy cà dại sao giống cà dái dê.

Tình cà rem le lưỡi liếm cà rề!
Đời cà gai chàng ràng anh cà tong.
Khuya cà giựt cà lơ xịch cà đụi.
Em cà ri nị chê anh cà khỏng.

Ôi tình cà tàng cà kê dê ngỗng!
Em lù đù cà lơ thân cà cuống!
Chân cà thọt anh lên xe cà xóc.
Em đòi đeo cà rá coi cà tửng

Anh cà chớn như mấy con cà cưỡng!
Em cà khổ không biết anh cà rỡn.
Tình cà khịa mình giận nhau từ đó.
Bỏ cà mèn anh len lén húp phở.

Em cà rốt ngó anh đi cà nhắc.
Đau cổ họng anh cà lăm cà lắp.
Khêu đủ chuyện kể cà riềng cà tỏi.
Em cà chớn cà dừa đi Cà Mau

Anh quá sợ mũi em giống cà chua.
Về Cà Ná vất cà vạt vô chùa.
Ăn cà bát cà chua lẫn cà tím.
Củ cà rốt teo dần… cứ mặc ta!

Anh hận tình lên núi choàng cà sa.
Chân cà niễng anh y đúc cà kheo!
Em cà rề cà tang nằm chèo queo.
Kể từ đó đôi ta đã... cà dẹo…

Mắt em cay vì có anh cà cuống
Bởi thế cho nên tình ta nở muộn.
Thành cà tửng tình cà chớn sớm khuya
Hạnh phúc mất lúc đời ta cà tàn! (2)
*

Cd = ca dao
(*) Thơ sưu tầm, lượm lặt đó đây; không phải thơ của tác giả.
(2) Thơ Vui Tình Hoài Hương

_ * _


Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
01-26-2018, 03:36 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1516937245-me Hg Hcanh 1.jpg
/uploadpics/mp3_pdf1017/1516937595-Nguoi Em Vy Da - Quang Le.mp3

Nỗi Yêu Thương Dày Vò LÍNH


Trên ngọn đồi nhìn xuống thung lũng trước mặt là: bãi phù sa và cồn cát vàng mịn nổi lên mặt nước cù lao rồng giữa dòng sông xanh mênh mông. Mặt sông bồng bềnh có khúc uốn cong đầy bèo, lục bình, lá khô, rác rưới trôi đi trôi về mỗi khi nước xuống, nước lên, nước đứng, nước rút. Con sông xanh nối hai bờ có chiếc cầu gỗ sơn trắng dài ngót một cây số. Cây cầu móc từ bờ nầy sang bờ kia xa thật xa mờ xa mang tên cầu Cộng Hoà… cuốn theo bao mộng ước vui say thời Trọng mới lớn, anh thả mặc tình yêu lững lờ trôi vùi đau đau giữa giòng thác lũ. Trọng xã láng cuộc đời trai trẻ như canh bạc về khuya trên những mưu toan đen đỏ thời cuộc, và rủi may do số phận bọt bèo phiêu lãng đẩy đưa.

Trọng ghét ông chú ruột kinh khủng, ghét đến nỗi anh nhập tâm, làm gì đi đâu hay ngủ nghỉ, Trọng vẫn nghĩ tới những trò hề ông chú làm, mà giựt chắt. Trọng khinh thường chú, không phải vì chú ruột có mặt mày bặm trợn, trông cô hồn các đẵng, chuyên “bá đạo” làm thầy cúng, thầy bói, huyện đề đâu... Chỉ vì Trọng nghe ông ta ưa cười gằn, hắng giọng nói:
- Tổ choa mi, nói cho bưa cái chi bậy bọa rứa hỉ? Coi mi khờ câm rứa thê! "Đa nghề thì dễ bề hoạt động". Nghen mậy!

Câu nói ngụ ý chẳng lành khiến Trọng điên tiết, anh không láu cá hỗn láo, ngang tàng, hay ỷ mình có chút kiến thức mô nà. Bởi, Trọng biết "cái tẩy" ác ôn, lưu manh gian trá của chú, nhưng miệng lưỡi chú ngọt xớt như mía lùi. Bề ngoài con người biểu kiến ấy, không ai đoán biết ông ta thực sự nghĩ gì, trong lòng ông ghim gút rất phức tạp, lại ích kỷ hại nhân, quá qủy sứ. Kiến thức hẹp hòi tâm tư nhỏ nhen, khả năng tầm thường, học chẳng biết “chữ cu chữ cò, mà viết như rồng như rắn”. Ông qua mặt dân hiền "hoạ hổ hoạ bì, nan họa cốt. Tri nhân tri diện, bất tri tâm". Chú mượn cớ là: ta đã "tu nghiệp đa nghề", nay lân la đầu trên xóm dưới nghe ngóng, thu lượm tin tức.

Ông (mang nạn gỗ, khi vó nhựa bị sút ra, thì tiếng kêu khô khan lạch cạch lọc cọc, nghe thật chướng, thật chướng tai), ông giả vờ nhậu không say, không xĩn, không về. Việc a dua thọc gậy bánh xe, thì ông lại rành mạch, châm chọc nhiều pha gay cấn, ghê hồn hơn. Thế nhưng, ông không thể qua mắt Trọng bất cứ điều gì. Anh quyết chí phản đối ông kịch liệt. Tội ông chú hãm hại người khác là không thể dung tha, dù hại người hay giết người vì bất cứ lý do gì, trong vùng đang chiến tranh liên miên, cũng là sai. Sinh mạng con người bình đẳng, đầy nhân phẩm, tự do cao qúy, đáng trân trọng như nhau. Không ai có quyền hủy diệt, tước đoạt sự sống hay diệt tự do tư tưởng cuả người khác. Dù ổng bất đồng chính kiến, hay đổ lỗi do liên đới chiến tranh; cũng thế thôi.

Ông Sáu rỉ tai phao tin các vườn rau trong làng, xã, bị ai đó rải chất hoá học độc hại, nên rau ở chợ ế ẩm không ai mua, sình thúi. Ông còn phao tin nước ven sông bị bỏ thuốc, khiến cá chết và lũ chuột chù, chuột chũi, chuột cống, chuột hôi, chuột đồng, chuột lang, chuột nhắt chết la liệt. Ông phải làm phước đem đi chôn hết, không có dấu vết. Khiến bà con sợ hãi, không tin tưởng bất cứ kẻ lạ người thân, ông vội vàng đào giếng làm nắp giếng và khoá chặt, không cho người ngoài được ghé tới xài chung, và rỉ tai… "hãy đến nhà tui chia sẻ". Vã chăng bây chừ muốn đào một cái giếng thì tốn bộn tiền. Do cơ hội ấy ông trúng thầu về việc đào giếng đã có lợi một vố kha khá. Nhưng Trọng biết là chú chỉ ba xạo, nói láo, để người khác mang ơn mỗi khi họ quảy đôi thùng tới nhà ông mua nước giếng.

Ông Sáu sống sung túc, no đầy phủ phê nhờ bà con làng nước nhẹ dạ, ù ù cạc cạc âm âm u u mê tín dị đoan, chẳng biết răn rứa mô tê chi, khi nghe giọng lưỡi ổng ngọt xớt như mía lùi. Ông Sáu với bộ mặt trơ trán bóng nhẵn thín trổ tài “khuyển mã” khá lưu loát, nên có mấy ai biết mình bị lừa đâu. Nhặt ba thứ lá tầm phào đem về, ông cho tà lọt xắt nhỏ rồi trộn lẫn vào nhau, phơi vài ba nắng. Nếu ai cần, ổng bán với giá cắt cổ. Trọng nghĩ câu ca dao: “Chổi cùn cắp nách khăng khăng. Hễ ai hỏi tới, thì văng nghìn vàng”. Thật đúng cho ông chú nhà mình quá sá. Nắng gió trở trời, ai đau đầu, đau bụng, hắt hơi nhảy mũi, họ chạy đến ông nhờ coi mạch. Lúc đó “phồng mang thầy nổ" lên mặt luyện phù chú: chuyện nhỏ mà! Ai đau ốm nặng nhẹ mặc lòng, ổng bắt đàn bà thắt bín đuôi sam. Đàn ông húi cua, ông Sáu nói:
- Để tóc dài che mặt, thần linh không thấy tóc "chọt" vô mắt, đỏ mắt, không còn “đôi méc là cửa lộ” của tâm hồn cho thần linh rọi vào.

Bà con làng nước nghe “văn chương" của ông thật bùi tai, sao mà thiệt hay đáo để! Đúng là tóc chọt vô mắt, thì tất nhiên phải đỏ mắt rùi, thần linh chắc chả có mắt làm sao mò vô! Có nhiều nông dân bị đau răng, ông Sáu đủng đỉnh đi xe sợi chỉ, ông quấn một đầu chỉ vào cây đinh mười, (đã đóng sẵn trên cột nhà); đầu kia ông cột sợi chỉ vào chiếc răng. Cứ thế, ông Sáu lôi họ ra bẻ răng. Mặc cho họ dùng cả sức mạnh hai bàn tay mình chổng mông để đẫy cái cột nhà. Chẳng hề có thuốc tê thuốc bại cầm máu cầm mủ chi. Họ ré lên eng éc... é..ec..., như con heo bị thọc tiết, máu miệng phun có vòi.
- Bựt!
Ông Sáu tự hào vỗ ngực:
- Xong rồi! Đồ iả cái rẹt! Sơn Đông Mãi Võ nhổ răng còn thua tui hì!

Bị ngất xĩu, ông Sáu cho con Nụ gỉa tép sả, bắt thằng cu Út rặn ít nước tiểu, ổng hoà tí muối, và cho bệnh nhân uống. Bị chảy máu cam, ông ta nhét đầy cục tóc rụng vô hai mũi. Bà con muốn ngộp thở. Không còn tóc rụng, ông Sáu thản nhiên kêu con Mót vô sau hè nhà, ổng cắt túm tóc đuôi gà nhu nhú. Tóc con nhỏ càng ngày càng sát da đầu. Nó tức mình chột dạ nhảy đành đạch khóc ngất... Thiệt chịu thua ông thầy chạy! Vì mấy thằng con trai trong xóm cứ đưa ngón tay trỏ quệt quệt vào má lêu lêu chọc quê nó là:
- Ê! Hổ ngươi. Cái đồ bóng lại cái... ái nam không có cu, ái nữ không có húm.
Thế là con bé khi lớn lên nó mang đầy mặc cảm và:
Mặc cho cha đánh mẹ treo.
Đứt dây rớt xuống cũng theo chung tình. (1)
Bị ghẻ hờm do vắt, đỉa cắn, ký sinh trùng gây ra ngứa ngáy, đau nhức khó chịu, bưng mủ sưng tấy. Thầy Sáu nổ:
- Rứa là, do ăn ở không có đức, mà gây ra.
Người ấy thẳng thắng lý sự lại:
- Ồ, có bốn thứ: Lé, lùn, hô, sún, thì thầy chiếm hết ba rồi. E là do rứa hì?
Mắc cỡ và tức mình, không trả lời được, ông để bụng thâm thù. Ông qua mắt đa số dân quê chất phác, gạt họ tin ông như điếu đỗ. Ông nói voi, họ tin voi. Ông vẽ vượn họ tin vượn. Người giàu có hậu tạ xứng đáng, thôi cũng đành. Còn người nghèo khổ bần hàn thì cố sức bán chát, moi móc chạy vạy, mua thức ngon vật lạ, kết cỏ ngậm vành dâng biếu ông xôi chè, lương đăng trà quả. Nhà giàu thêm gà luộc, heo quay, bò tái, bê thui. Sau khi cúng xong, chủ nhà còn biếu thầy hậu hĩ, kèm theo tiền bạc phủ phê rủng rỉnh dằn túi.
Chập chập thôi lại cheng cheng.
Có con gà trống đem lên hầu thầy. (1)

Ông ngồi trong mát ăn bát vàng, moi tiền bạc của dân bằng thích. Tiền họ đưa ông làm ma chay đình đám, ông ngắt nhéo chỗ nầy một ít, chỗ nọ một ít, nhét đầy vào túi quần. Cất tiền trong bóp ông cứ nơm nớp lo sợ. Nằm ngủ trên võng, một mắt ông nhắm, một mắt mở trừng trừng đề phòng mất cắp. Có tật gian trá thì ổng hay giật mình à. Y như rằng có một lần ông mãi chen lấn vào đám Sơn Đông Mãi Võ coi mê tơi, coi say sưa con khỉ cởi xe đạp. Khỉ ăn cắp bánh bao, thì ông bị mất bóp tiền thật, tiền bạc không cánh mà bay vèo đi lúc nào, ở đâu chả rõ. Ông Sáu lạch bạch đi quét dọn, moi móc khắp mọi xó xỉnh. Tiếc của ngẩn ngơ, ông đi kiểu tăng gô xì lô bộp, cha cha cha nửa mùa đau thương với cây chổi cùn luân vũ. Ông hùng hục đi tìm, vừa chửơi đổng. Nghe dễ mất lòng. Dễ đỗ quạu. Dễ xa nhau. Dễ giận nhau. Dễ ghét nhau. Dễ tức nhau. Dễ đánh nhau. Dễ chém nhau! Khổ ghê đi.

Chó là điều ông Sáu đại kỵ, vì ông ta đi đến đâu nó sủa rần trời đến đó. Hình như nó đánh hơi biết được ông ta có “lòng lang dạ thú”, giống đồng loài chó sói không như chó nhà, nên “chó nhà má vườn” không tiếc "lời" gâu… gâu… gâu… tố giác? Tiếc thay! Ít ai hiểu bầy chó muốn "nói" gì. Ông Sáu khóc hụ hụ hụ. Đàn chó trong vườn, nghe tiếng chủ la rống, chẳng những hôm đó chúng không sợ chủ đánh đập tàn nhẫn như mọi ngày. Chúng bắt chước đàn chó hùa theo chủ, tru tréo hú họa từng hồi inh ỏi vang làng vang xóm. Thật kinh sợ hết biết cái đời ông thầy dõm, ông thầy cà chớn. Ai khuyên lơn chi, ông cũng lì lợm ù ù cạc cạc ừ hử, như đàn gải tai trâu, ông Sáu khoái chí biết danh ta nổi như cồn ngoài nhà bà Ba Cu. Bà Ba chịu đèn mê ông ta tít thò lò. Bà có nuôi ba con cu, nên họ gọi bà là “bà Ba Cu”. Ừ, thì quả thật bà điệu nghệ có nuôi chim cu hưởng nhàn. Ai muốn hiểu sao thì hiểu. Chả là cũng có mớ đàn ông xồm xoàm buông lời trêu ghẹo đó chớ:
Cầm tay, anh nắm cổ tay.
Em đừng hô hoán sự nầy mà to...
Nhưng mà bà Ba ỏn ẻn có giả vờ ngúng nguẩy hất tay ông kia ra:
Bữa cơm múc nước rửa râu.
Hầu cơm, hầu rượu, hầu trầu, hầu tăm.
Đêm đêm dắt “cụ” đi nằm.
Than thân phận gái ôm lưng lão già.
Ông ơi ông buông tôi ra.
Kẽo người trông thấy người ta chê cười. (1).
Thì ông Sáu liền “túm” ba Ba lại:
Chỉ đâu mà bịt ngang trời?
Tay đâu mà bịt miệng người thế gian. (1)

Tuần sau, ông Sáu có dịp "tạo vốn" khác, tiền lời to gấp ba lần số tiền đã mất. Sung sướng quá, lúc ăn cơm, khề khà tợp ngụm rượu đế, ông ta nói nhỏ với người nhà (Trọng ngồi ở trong phòng riêng), nghe:
- Mình lồm en với cái bợn đàn bòa, dưới đất chun ra, ngu như con bò tót ni, rứa mà khá dữ đa! Thật sướng rơn người. Nghe mậy! Tiền bạc nẫu lo cho tau đều chi. Không thiếu một hào, một trự. Đôi khi tau bốc phét lên, làm việc ni thầy lo không xuễ. Phải lo cho cấp sư phụ của thầy. Thì Nẫu tin như điếu đỗ đưa tiền cho tau hậu hĩ. Rứa là tau giả đò mẹc áo, rồi ra nhà bà Cu ở lại mấy bữa. Lại ăn chặn bên ni bên tê một ít, có thêm một mớ. Thiệt sướng rơn người. Nghe mậy. Tha hồ cho mạ con chúng bây và tau nỏ sướng run thì thôi:
Cái cò là cái cò kỳ.
Ăn cơm nhà dì uống nước nhà cô,
Đềm nằm lại ngáy o o.
Chưa đi đến chợ đã lo ăn quà! (1)

Thượng cẵng tay, hạ cẵng chân, cứ thế, ông vơ vét của dân làng hiền hậu ở nơi thâm u cùng cốc, kể cả bà con ruột thịt, không chừa một ai. Trọng nghe ông nói, lòng bỗng dâng lên nỗi yêu thương ruột thịt và nỗi hận dày vò khôn ta, anh càng khinh ghét chú. Trọng muốn đi ra dộng vô mặt ông ta một cái thẳng cánh, và chưởi ông chú một trận. Tới đâu thì tới. Nhưng… nghĩ đi nghĩ lại bứt dây động rừng, vì Trọng thương cha mẹ già quá. Bạn Trọng đã nói:
- Đó là thứ tà lọt tò le mách lẻo, hầu đưa xóm làng đến tận cùng bằng số. Không có gì quý hơn chết chóc, điêu linh mút chỉ cà tha.
*

Trúc suy nghĩ liên miên khi nhìn xuống chóp mái ngói đỏ au của nhà Trọng, cô lại sựt nhớ tới ông Sáu Linh ở trong Xã nầy. Trúc nghe Trọng than thở, cô cảm thấy càng khinh ghét ông thầy hơn Trọng nữa. Hai tâm hồn: Trúc và Trọng đồng điệu, thu hút quyện mắc vào nhau sít sao như cục nam châm trước bối cảnh lịch sử đối nghịch, bất đồng chính kiến trăm phần trăm. Thì làm sao họ yêu nhau, xe tơ kết tóc, xây dựng tình yêu trên quê mình hoang tàn rách nát tơi tả. Từ trong gia đình ra tới làng mạc, quê hương. Làm sao họ yêu nhau đến cuối cuộc đời? Cay đắng - đau xót dường bao! Thôi thì cứ ước mơ:
Anh mong ngóng thật sao?
Hay là nói tào lao!
Thế mà... em cứ ngỡ…
Ta "kháo" chuyện hôm nào.
Khiến mình thấy nao nao.
* Thâu canh hờn, áo não.
Trong dạ nghe xôn xao.
Đời “nó” chỉ năm hào.
Có gì phải… gầy hao.
* Nếu yêu, anh cứ bảo.
Thẳng thắng như hôm nào.
Anh cùng em tâm sự.
Tình yêu trao ngọt ngào.
* Sạch trong không hư ảo.
Thành thật không điêu ngoa.
Hai ta chung mái nhà.
Tình đẹp như hằng nga. (2)

Bỗng đâu, một con khỉ khá lớn, từ trên nhánh cây rừng to nhảy xuống cái độp. Khiến Trúc giật bắn người. Cô chưa kịp hoàn hồn, thì con khỉ xô Trúc ngả lăn ra đất. Nó vội chộp lấy cái nón sắt thoăn thoắt leo lên cây cao. Nó kêu chí choé, khò khè gãi đầu gãi mông tứ tung, nó trắng trợn lỏ mắt nhìn xuống chỗ Trúc đang ngồi, khoan khoái tè ra xè xè, nó chẳng kiên nễ ai. Đội mũ sắt vào, nó ngồi chồm hỗm trên cây, lại chu mỏ kêu chí choé, nó hí hoáy nhảy nhót, chỉ chỏ xuống đất. Trúc điên tiết, không có cách gì dụ con khỉ quăng mũ xuống, dù cô đã mỏi nhừ hai tay lui cui ném đá xuống đất. Con khỉ chả thèm bắt chước. Ở trong vùng chiến tranh con khỉ “nó ma lanh” còn thua ông chú Sáu. Khỉ ta đội nón lính biến mất tiêu trên những tàng cây rậm trong rừng sâu. Ra chiến trường, Trúc không khôn ngoan, không có mũ sắt. Kể như thua rồi.

(1) ca = ca dao
(2) Thơ vui Tình Hoài Hương
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
01-28-2018, 03:15 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1517108220-a linh 01 balo.jpg
/uploadpics/mp3_pdf1017/1517109129-Bai Ca Mua Xuan_ DanTruong.mp3
Lời Tỏ Tình Ở Góc Đường Thiên Lý…
Thân tặng anh BĐ & qúy quân nhân QLVNCH đã một thời vang bóng trên quê hương chinh chiến.
Nhất là vùng: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Mộ Đức, Sa Huỳnh, Minh Long… v.v…
THH
***


Sau ngày Hiền Hoà hân hạnh đạt danh hiệu rực rỡ: Hoa hậu Cây Mùa Xuân tại Sơn Trà – Đà Nẵng, thì Hoà được mời vào làm việc tại Sư-đoàn 2. Phòng 5. Do đó Hoà quen với Thắng, và khi cả phòng đi công tác lên các vùng điạ đầu giới tuyến, Hoà quen biết thêm nhiều anh chị khác tận miền Quảng Ngãi, Mộ Đức, Sa Huỳnh, Tà Biên, vân vân… Hoà đã quen thân một vị sĩ quan đang trú đóng ở tiền đồn Minh Long xa xôi heo hút, giá lạnh, khói lửa liên miên và buồn vô cùng. Anh ấy là Bửu Đan, tính tình Đan trầm lặng, buồn vui ẩn trong nhiều ý nghĩ sâu sắc, và chắc chắn một điều là Đan... cân nhắc thận trọng khi thổ lộ cùng em qua những trang thư gởi từ chiến trường KBC... nghe dễ thương làm sao: “Anh đã bị em ăn trộm trái tim và khối óc từ lúc anh chính thức biết rằng: anh yêu em rất nhiều và chân thật… Hiền Hòa à ”.

Thiệt tình! Một người đã bị mất trộm cả khối óc và trái tim trên chiến trường, ấy thế mà vẫn sống can trường và dũng cảm oanh liệt trong binh đao khói lửa! Thế mới lạ. Hoà ngây ngất với niềm vui & nỗi nhớ nhung vời vợi... dù anh & em chưa một lần tay nắm bàn tay nhau. Chi lạ rưá!? Rồi thì… dưới bóng mát ven khu rừng già, phía trước mặt là ruộng lúa mênh mông đã gặt hái. Lúc trước có vài lần Hoà đến nơi nầy thì ruộng lúa rợp trời, thân lúa kết quả đơm bông vàng rực, óng ánh dưới nắng, lúa oằng cong ngọn nằm ngã mình lả lơi lên nhau, trĩu hạt no tròn mum múp trông quá dễ thương. Nhờ màu xanh cây lá bên bìa rừng cành cây không rậm lá, lộ ra khoảng trời xanh êm mát mênh mông, lọt nắng vàng tươi qua kẽ cành đong đưa theo gió rì rào lao xao, mà cảnh vật trong vùng chiến tranh đỡ tiêu điều, hoang vu và cô quạnh biết mấy.

Một chiều xuân bất ngờ, Đan tìm đến Hoà khi em đọc quyển "Một Lần Gặp Nhau" của Châu Trang Long. Anh đưa hoa sen lên môi hôn, rồi ân cần tặng Hoà cánh sen còn tươi rói làn môi. Có lẽ Đan vừa hái ở đâu đó, cuống hoa và cánh hoa mọng nước, sắc hồng điểm màu trắng nhạt ven cánh. Trông tuyệt diệu dưới ráng chiều dắt vàng chan hòa trên cỏ cây nơi vùng hoang dã.
Hoa sen ở miền Trung và tại Huế trồng dồi dào nhất. Người ta ưa thích nó về nhiều mặt: Cánh sen ướp với trà uống vào có hương vị thật đặc biệt, trong trà lúc đó có vị chát, vị đắng cuả tim sen, khổ qua. Hoa sen cắm vào lọ chưng bày trên bàn thờ lâu tàn hơn các loài hoa khác. Hạt sen nấu chè thật bùi, hoặc hầm các món ăn, hạt sen còn làm bánh mứt. Thân non làm gỏi ngó sen, lá sen dùng gói hàng. Hầu như sen không bỏ phí đi một thứ gì mà trời đã ban tặng. Sen là loại thực phẩm vừa ngon, vừa đắt, tận dụng, tiện dụng và hiếm quý. Việt Câu Tiễn dâng nàng Tây Thi, cô gái nước Việt sắc nước hương trời, đẹp tuyệt trần sang Tàu triều cống Ngô Phù Sai thâm độc kinh khủng, mục đích làm cho Ngô Vương say mê đắm đuối Tây Thi; khi hoa sen cùng người đẹp Tây Thi xuất thân đến xứ người, thì dân Đế Đô ngàn năm cổ kính đất Thần Kinh càng yêu thích, luyến thương hoài nhớ Tây Thi, nên họ ưa trồng nhiều sen hơn. Thì phải!?

Hoà sững sờ nhưng mà vui mừng bỏ quyển sách xuống nệm cỏ xanh, hỏi Đan:
- Ồ. Chào anh. Anh đến… có việc gì gấp không? Anh!

Đan lắc đầu, anh hóm hỉnh mỉm cười không đáp, anh ngồi xuống bên cạnh Hoà, Đan lấy gói Pallall ra gài điếu thuốc lá lên môi, mồi lửa, Đan chỉ ghiền hút thuốc lá không đầu lọc và uống cà phê đen đậm không đường mà! Anh nheo mắt thở ngụm khói nhỏ, khuôn mặt trầm tư nén bớt vẻ khắc khổ, màu đen trên mái tóc pha màu khói lam, đôi mắt Đan hai mí to đẹp, sáng long lanh nép dưới hàng mi dài dày cong vút rung nhè nhẹ. Vì cặp mắt hai mí to đẹp ấy, mà lần đầu tiên vừa trông thấy anh, Hòa tưởng anh là "lai người Ấn Độ".
Hoà thắc mắc nhìn Đan mỉm cười, dò hỏi:
- Sao anh biết em ở đây, mà tìm thấy vậy?
- Nơi thanh vắng thế nầy hợp với em. Cũng như chỉ có Hoà, mới quyến rũ bước chân hồ hải của anh thôi.
Đan mỉm cười, nghiêng đầu ung dung ca nho nhỏ: (…) Thư của lính không xanh màu trời như mơ ước đâu em. Thư của lính không thơm nồng hương, không nét hoa đa tình. Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay. Nhưng thư của lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy. (1)

Vẻ thanh lịch của Đan, có thể nói toát ra từ cử chỉ, dáng dấp ung dung, thư thái, vô hình trung tác động đến Hoà. Tim Hoà bỗng nhiên đập rộn ràng trong lồng ngực, vui vui, say say, và mơ mơ. Đan cầm quyển sách của Hoà đang đọc lên. Vô tình phong thư Hoà viết chưa kịp gởi cho Thắng, rơi xuống nệm cỏ giưã hai người. Có một vài giây, trái tim Hoà co xiết cuồng quay dường như ngừng đập. Hoà e dè dõi mắt liếc nhìn từng cử chỉ Đan thế nào, hầu xác định mối liên lạc tương lai, giữa Hoà và..."ba anh bạn, (bạn đúng nghĩa): Phú. Thắng, & Đan". Hoà ấp úng:
- Anh nầy… có nghĩa là anh... anh trai… của Hoà…
Đan nhìn phong thư ghi KBC, anh nheo nheo mắt, mỉm mỉm, cười cười, hóm hỉnh rất dễ... ghét:
- Lính kèn hả? Hay là lính kiểng?
- O… Ô!... Em không hiểu anh muốn nói gì?
- ...
- Vả lại em hỏi điều nầy, anh đừng trợn mắt lên à nha "lính kèn, lính kiểng" là thế nào, anh ha?
- À, là lính thành phố thổi vào tim em bản tình ca muôn thuở. Là lính cảnh, đưa em đi dạo phố phường trước sự chiêm ngưỡng mến phục của mọi người. Đó em!
- Ơ... Cái anh nầy.
- Coi em kìa: sao em bẽn lẽn, rụt rè, ngập ngừng khiếp vậy?
- Anh không làm việc sao, lại đến nơi nầy?
- Làm gì nỗi bây giờ? Em!
- Vậy sao?
- Anh buồn và nhớ... lạ lùng.

Tất cả quá khứ thoáng chốc trở về như tia chớp sáng lòa làm choáng ngợp đầu óc Hoà. Chân trời nầy sẽ trở lại rạng rỡ vui tươi, mời mọc, chào đón; Hay thê thảm buồn tênh hơn? Em biết rằng: Tình yêu thật kỳ diệu, nó đang mang hương nồng mới đến. Và, có thể xóa nhòa đi tất cả dĩ vãng ưu phiền lui xa. Hoà chợt nhớ đến chùm hoa “Forget Me Not” màu tím nhạt âm thầm rụt rè khoe sắc trước mùa xuân xưa cũ. “Ai đó” đã cài đoá hoa bẽn lẽn lên mái tóc em?. “Anh ta” nói câu gì ấy nhỉ? Hoà quên bẵng, quên phứt theo tháng ngày mệt nhọc buồn bã cơ khổ niềm nhớ bâng khuâng, lao đao theo chiến cuộc nơi chốn tha phương, ở xứ lạ quê người, rồi sao?

Hai người nhìn nhau không chớp mắt. Bỗng Hoà phì cười. Tiếng cười trong veo như mạch suối rừng hoang dại. Đan khẽ mỉm cười, lắc đầu nhè nhẹ, anh kín đáo thở dài. Dụi tắt điếu thuốc trên thân cây, rồi vứt đi. Đan nói:
- Em còn trẻ con không chịu được. Anh nói anh buồn, anh nhớ... Mà em cười ngạo anh. Hở?
- . . .
- Ngày đầu tiên, khi anh lội qua sông Nghĩa Phú, là anh mong ước làm quen với em. Em còn nhớ không?
Hoà nhớ “anh lính ấy” vô cùng. Nhớ đến nỗi em e dè cúi mặt xuống, vì bẽn lẽn, thẹn thùng, bối rối. Anh Đan xoay Hiền Hoà như xoay dế thế kia, Hoà không bối rối sao được chứ. Bởi vì, điều êm ái mới lạ đã xảy ra, rộn ràng mở hội trong trái tim muốn bừng lên hơi thở ngất ngây, say nồng lẫn dịu ngọt, trìu mến lạ thường.

- Bây giờ cũng vậy. Có khác chăng là ngày ấy anh lội qua sông sâu nước lạnh, dò tìm... Giờ đây, anh băng rừng vượt dốc, để đến bên Hoà. Anh sẵn sàng trả giá cao, để được sống giờ phút êm dịu, ngọt ngào, thi vị, mà anh đã chọn. Em có hiểu không. Hở em?
- . . .
- Em... Hoà thấy thế nào?
- Dạ... Chỉ sợ em không có diễm phúc đạt được ước mơ. Làm sao em biết được, ước mơ nầy sẽ có thật, đến mức độ nào... Anh à.
- Vấn đề là còn tùy... ở em đó.

Khu rừng bảng lảng ánh hoàng hôn. Gió thì thào trên đầu ngọn cây phong, như ươm vàng dưới ánh chiều nhợt nhạt buông lơi. Từng bè mây xám đục chen lẫn màu huỳnh tía, rồi ngả sang màu hoàng hôn ven đêm. Bầu trời lấp lánh vì sao hôm và những vì sao lác đác trong cảnh hoang tàn còn tươi nguyên dấu vết. Có một cái gì rờn rợn, lành lạnh, lồ lộ, ơn ớn vàng phai trên bình nguyên đang in lằn đạn tai biến. Hai người thu xếp túi xách, về phố nhỏ ăn cơm. Ráng chiều theo dòng men bia 33 rót vào lòng ly của anh. Hôm nay Đan có vẻ ưu tư hơn mọi ngày. Thỉnh thoảng vầng trán rộng in nếp nhăn. Hoà bắt gặp nhiều lần anh kín đáo thở dài nhè nhẹ. Hoà dè dặt liếc liếc nhìn Đan dò hỏi:
- Trông anh có vẻ buồn?
- Một vài tuần nữa thì chúng ta chia tay. Không biết bao giờ mới gặp lại. Anh muốn xin đổi về hậu cứ, không đi tác chiến nữa... để được gần em.

Hoà không biết trả lời sao cho phải, chỉ lặng lẽ nhìn Đan trìu mến, trên môi Hoà nở nụ cười nguyên vẹn tình nồng. Đan dè dặt xin Hoà tấm ảnh. Hoà được anh tặng lại hai tấm ảnh, Đan kèm theo một phong thư dày, (mà anh đã viết sẵn từ hồi nào không rõ):
- Lát nữa về trong Đoàn, em hãy đọc nhé.
- Không. Em đọc ngay... bi giờ kia.

Tính mở ra đọc thật, nhưng em thấy mặt Đan đỏ bừng, như người uống rượu quá say. Cô quân nhân binh nhì, lính mới tò te vừa nhập ngũ, thấy thương thương anh sĩ quan từng trải, nên Hoà không nở trêu phá anh. Hoà tủm tỉm cười thầm nghĩ: [Một anh chàng phong trần, dũng cảm xông pha ngoài chiến trường, không hề sợ súng đạn "diệt" giữa chốn giang đầu, mà chỉ sợ con muỗi Anopheles (như em) đốt cho bị sốt rét rừng, mà sinh bệnh "tương tư", thì khốn!]. Hoà cất thư Đan vào quyển sách, nơi đã có phong thư Hoà định gởi đi cho bạn.

Ngồi đối diện với Hoà, Đan chống một tay lên cằm, anh kín đáo nhìn Hoà nói:
- Em hãy đọc thư anh một lần. Anh mong chúng mình sẽ mang đến cho nhau niềm vui tràn ngập…
- Em biết nói gì bây giờ?
- Anh không muốn em nói gì cả, khi em chưa đọc thư anh.

Hoà nhìn rõ đâu đây trong quá khứ xa xôi nhạt nhòa niềm hạnh phúc, đau khổ, buồn rầu nào, qua bóng dáng “người xưa” lung linh trong khói thuốc vờn bay tản mạn vào không trung. Tuy buổi chiều đầu mùa xuân nhưng không khí cuối đông còn vương sót lại trên đầu cây ngọn cỏ, nên nắng yếu ớt chiếu xiên, hắt lên tường hai cái bóng cuả Hoà và Đan mờ mờ, chập chờn rung rinh, nhúc nhích. Hoà bỗng thấy lòng trào dâng lên nỗi buồn lâng lâng, man mác, lẫn dịu cảm ngọt ngào. Bởi tại đâu? Hay tại tiếng tơ lòng băn khoăn, xao xuyến, vấn vương do dự chút hạnh phúc từ những con sóng xô về, xếp lớp lăn tăn uốn lên uốn xuống, cùng con nước chảy trên giòng đời dạt dào giao động theo từng phím tơ rung?

Trở về phòng, chưa kịp thay quần áo, Hoà vội vàng ngồi xuống ghế bố, tay run hơn bao lần khi mở thư bạn ra đọc. Hai bàn tay Hoà lạnh toát ra mồ hôi. Trái tim đập thình thịch trong lồng ngực, toàn thân em nóng ran, dường như bị lửa đốt. Hiền Hoà đọc đi đọc lại lá thư màu xanh, có nét chữ nghiêng nghiêng, đều đặn rõ ràng và khá đẹp của Đan. Trong căn phòng ngủ vắng lạnh, em đi đi lại lại nhiều lần. Cuối cùng Hoà ngồi phịch xuống ghế bố, nhắm mắt hồi lâu. Có lẽ cánh thư đầy ắp ân tình trìu mến của Đan vừa qua, là cả một sức mạnh đích thực... làm cán cân tình cảm nghiêng hẳn về một phía, mà trước đó Hoà do dự giữa ngả ba đường: Phú. Đan. Thắng.

Hoà bối rối, băn khoăn, ray rứt giữa ba hình ảnh đó thật. Nói rằng em "có số đào hoa". Có đúng không!? Nhưng lúc nầy Hoà như cánh hoa rừng vừa chớm nở, không nhiều thì ít, vẫn có hương vị mùa xuân đằm thắm ngọt ngào, quyến rũ, chân thật, dịu êm, mà ai ai cũng trải qua một vài lần: trong thời kỳ mới chớm lớn khôn. Không sững sờ run rẩy sao được! Khi chính Đan viết thư tỏ tình như thế nầy: ... & ... "Nếu Hiền Hoà đồng ý, không từ chối, thì anh về phép vào tháng tới. Anh sẽ bàn tính cùng gia đình xin cưới hỏi Hoà trong dịp Tết năm nay. Em à. Chúng ta sẽ là: Vũng Nắng Ươm Tình nghen:
Vũng nắng mây vàng hanh.
Đan trong biển nước xanh.
Tơ trời bay lác đác.
Cành lá reo dịu dàng.

Chiều nhớ thương mơ màng.
Hoàng hôn ươm hồng hơn.
Ráng hà gieo bảng lảng.
Chiếu xuống bàn chân son.

Da trời áo xanh nhạt.
Chắp tay xin nguyện cầu.
Hai ta chung làm một.
Xây cuộc tình bền lâu.

Dẫu mai sau bạc đầu.
Mình thủy chung trước sau.
Cánh tơ trời có mỏi.
Dù thời gian qua mau.

Tình yêu lên tiếng gọi.
Chiều lặng yên nơi nơi.
Thời gian ta vẫn đợi.
Khải hoàn ca tuyệt vời… (2)

Ôi! Thật sự như thế sao? Hoà như con chim bị thương nhốt trong lồng, bỗng nhiên được trả tự do, đâm ra choáng váng ngỡ ngàng, lúng túng, rụt rè do dự nhìn lại ô cửa quá khứ. Hoà quên mình có đôi cánh tung bay, tự do giữa biển trời lồng lộng! Cách xử thế khác nhau của mỗi một người trai đoan chính thân quen, họ đã cho đời sống và tình yêu của Hoà hạnh phúc ít hay nhiều. Hoà đã sống trong âu lo, run sợ, đau khổ do chiến tranh tàn khốc, chết chóc gần kề miệng vực giữa hai lằn đạn diệt vong. Nay Hiền Hoà nhận nơi Đan nụ cười ấm dịu, tha thiết, thân mật, tình yêu đằm thắm, ngọt ngào, êm ái, ngất ngây. Dù giữa Đan và Hoà hề chưa có một lần tay nắm nhẹ bàn tay ân tình trìu mến. Đan chưa hề hôn lên mái tóc phiêu bồng gợn sóng của Hiền Hoà. Nhưng... Hoà hạnh phúc xiết bao!

Mùa xuân nơi đây không nắng gắt oi nồng từng đợt gió chiều thoảng nhẹ, gợi lên trong lòng Hoà nhiều nhớ nhớ. Thương thương. Mến mến. Rưng rưng. Say say dấu tình hoang dại… Hoà nghĩ nhiều đến Đan, và cảm thấy lòng trầm lắng xuống nỗi xúc động dịu êm, ngọt ngào trong bình yên, đỡ quạnh hiu hay buồn vu vơ biết mấy!
* * *

Đan lái chiếc xe jeep dã chiến bạc phếch bụi đỏ đường hành quân chạy chầm chậm, trên quốc lộ 24B ra một bãi biển cách Quảng Ngãi độ chừng 15 km, thuộc vùng Cổ Lũy thôn. Xe lùa bụi đất mù bay dưới hàng thùy dương lộng gió làm nghiêng ngã lá cành. Ba anh lính ngồi đằng sau ghế quay lưng lại phía Hoà, bá vai vít cổ nhau khoái chí vui vẻ cười to. Đại dương bao la rì rào gió biển. Đường thiên lý dường như ở tận chân trời quang rạng những viền chỉ bạc lóng lánh, ngời sáng tít dặm ngàn hải lý. Nắng chiều hây hây thoi thóp và phe phẩy, nhè nhẹ rơi xuống mặt biển hờ hững. Biển ngủ quên trong niềm thống khổ, trên bao mái nhà ưu phiền đớn nghèo nơi quê hương.

Họ xuống xe, nhàn hạ tản bộ trên bãi cát mịn, độ dốc thoải, phía sau lưng là rừng dương bạt ngàn xanh thẳm. Các anh chọn tảng đá nâu vàng nhô mình ra góc biển. Phía xa, làng chài với những tấm lưới Đăng, lưới Rút, lưới Rồng, lưới Rê, lưới Rẽo, lưới Văng, phơi chằng chịt trên bãi cát vàng. Thấp thoáng xa xa có dăm bảy ụ muối trắng, mấy ngư dân đang lúp xúp làm việc: “Chồng chài. Vợ lưới. Con câu. Thằng rể đóng đáy. Con dâu đi mò”. Bức tranh đồng quê hiền hoà lặng lẽ chất phác, quả là tuyệt vời an phận, mà vui.

Dưới bãi cát vàng óng, các bạn đang chạy nhảy, nô đùa bơi lội dưới sóng nước. Đan bóc quả cam, tách ra từng múi rồi đưa cho Hoà. Hoà lí nhí nói lời cám ơn, e dè nhón lấy múi cam. Làm như sợ đụng tay chàng trai mà cô em đã phải lòng. Một cảm giác thật êm đềm ấm áp gợn lăn tăn trong lòng anh. Đan nghĩ mãi không ra, quả thật anh ngạc nhiên về chính mình: Anh đã từng trải chuyện yêu đương giữa trai và gái thuở xưa, chứ nào phải anh yêu Hoà là người tình đầu đâu, mà mình vẫn ngại? Tại sao một anh lính phong trần gan lì dũng cảm như Đan, ngồi bên người đẹp cũng có cử chỉ rụt rè, chết nhát, khi diện kiến cùng Hoà? Hay có lẽ tại vì Hoà quá bẽn lẽn, thơ ngây, và xinh đẹp nét tinh khôi, khiến mình e ngại!? Mỉm cười ý nhị, anh lặng nhìn vóc dáng đan thanh của Hoà, Đan đằm thắm nói:
- Em có chịu về ở Đà Nẵng, chờ đợi anh về thưa chuyện chúng mình với ba me anh không em?

Cúi đầu gật nhẹ mấy cái, Hoà chịu, chịu đến nỗi hai má hồng thắm hây hây như nhấp men say. Bóng dáng thon gọn, nhưng dường như tâm Hoà chứa đựng cả một lòng đại dương gào sóng xao động mạnh. Mắt Hoà ánh lên tia hy vọng mừng rỡ, nụ cười xinh tươi làm ngời sáng khuôn mặt, nhưng em áy náy:
- Có điều… sự mong ước và thành tựu, là hai việc khác nhau. Anh Đan à.
- Anh biết. Anh nói vấn đề là... còn tuỳ ở em thôi.
- Mai em xin đi lên Tà Noát cho anh coi. Tùy em mà.
- Bắt đền anh cái gì cũng được. Nhưng cho anh xin. Em đừng đi đâu hết. Em về nhà, chờ anh đôi ba tháng nhe.
- Không. Em cứ đi.
- Chà. Em tôi cứng đầu, lì lợm ghê à nha. Anh sợ em rồi đó.

Biết nói thế nào cho trung thực với lòng Hoà nhỉ! Khi ánh mắt anh thiết tha, nụ cười mời mọc, giọng nói ngọt ngào đầy ắp ân tình, qua cung cách Đan ung dung, điềm đạm, đứng đắn và chân thật đến vậy! Có phải cư xử như thế là anh đang tỏ tình không? Nhưng Đan chẳng làm gì hết. Lạ thật! Sao mà anh ấy đứng đắn quá đi, khiến Hoà cứ tưởng là anh ấy nhút nhát không tha thiết mấy chuyện yêu thương. Anh lính chiến chỉ nói đùa giỡn ngoài miệng cho vui mà thôi. Nào ngờ bây giờ đúng là chuyện thật.
Ngập ngừng do dự, Đan mở lời:
- Còn hai ngày nữa là mình chia tay. Việc anh ngỏ ý trước đó... là muốn em có thời gian suy nghĩ, trước khi quyết định việc hôn nhân. Hôm nay, em có thể cho anh biết, để anh liệu, rồi anh sẽ về thưa với ba me vào dịp anh nghỉ phép sắp đến không em?
- Anh thấy ngôi nhà lai xinh đẹp có tường cao, rào chắn kỹ càng, bên kia đường chứ? Gần kia là căn nhà đất mái tranh xiêu vẹo. Giữa hai nhà, có con đường tráng nhựa rộng thênh thang. Nhà ngói không thể xích lại, ở cạnh chung nhà tranh. Đan à. Anh và Em, có thể bị ngăn cách bởi lý do giản dị, gần như vậy.
- Em có ý tưởng lạ lùng. Anh yêu em, và tin rằng: Ba me anh hoàn toàn không phản đối. Các cụ tôn trọng sự tự do lựa chọn của anh. Họ không môn đăng hộ đối, (mặc dù thuộc dòng dõi quý tộc). Anh chị, ba cô em gái, cậu em trai của anh, càng không phản đối. Hoà à.
- Em thấy khó khăn, chứ không giản dị như vậy đâu. Anh và em không cùng tôn giáo. Chắc là không... gia đình anh không chịu em đâu.
- Điều ấy anh bảo đảm: Không có gì rắc rối.
- Còn một việc nữa, em thấy không xứng với anh: Hẳn hai bác không thích có con dâu "xướng ca vô loài".

Đan dụi tắt điếu thuốc nửa ngọn không đầu lọc vào gốc cây, rồi vứt xuống cát. Anh hơi phật ý. Đổi tư thế ngồi đối diện với Hoà, nhìn thẳng Hoà, Đan nói:
- Ngày chúng mình gặp nhau trên Ô Chai, anh đã nói về việc đó thế nào. Em quên rồi ư? Em không nhớ gì ráo trọi lời anh nói ha? Em ưu phiền đặt nặng vấn đề ấy, khi anh tin yêu em. Hở? Tại sao Hoà?
- Anh là... Pháo-binh có cánh lá ngọc... giát vàng bay giữa trời. Em vươn tay ra đón anh. Nhưng, muộn mất rồi. Xin ngã mũ kính chào.
- Đừng đùa dai như vậy. Cưng. Đau khổ lắm. Em nói đàng hoàng cho anh nghe. Em nghĩ sao về đề nghị đó?
- Em băn khoăn là mình còn quá trẻ, liệu em có mang lại hạnh phúc cho anh? Cho chính mình đi đến bến bờ hạnh phúc dài lâu? Vả lại, em còn xin... lĩnh hội ý kiến của gia đình em nữa.

Câu chuyện tình tứ ở một góc đường thiên lý, về giấc mộng vàng bên dãy thùy dương rủ bóng kia reo vui men hạnh phúc, vừa hé mở đã phũ phàng đóng ập lại ngay, làm rung khẽ cánh buồm ước mơ chân thật, mê đắm trong lòng mỗi người. Hoà băn khoăn lo lắng. Băn khoăn thật sự. Mười bảy tuổi đầu, hai bàn tay trắng, ít kiến thức khiêm nhường, hạn hẹp. Cuộc sống là con số không vĩ đại, mà có gia đình? Mỉa mai làm sao!
Phần Đan, anh muốn tiến tới việc hôn nhân, lẽ là anh yêu Hiền Hoà chân thành, Đan mong Hoà sống an ổn bình lặng, anh có quyền lo sợ, săn sóc em về mọi mặt. Anh có đầy đủ mọi yếu tố, dồi dào điều kiện thuận tiện... để xây dựng một gia đình hạnh phúc thật sự.
Cảm động vô cùng.
***

(1) “Tình Thư cuả Lính”: Trần Thiện Thanh
(2) Thơ Tình Hoài Hương
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
01-31-2018, 08:53 PM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1517431762-Tet VN 2.jpg
/uploadpics/mp3_pdf1017/1517431419-Xuan Hop Mat_ TrishThuyTrang, DaNhatYen, JaquelineThuyTram.mp3
Dáng Xuân tại Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt


* * Trường "Võ Bị Liên Quân Viễn Đông Đặc Biệt" của Pháp thành lập tháng 7-1946 tại Đà Lạt. Trường Sĩ Quan Hiện Dịch thành lập năm 1948 bắt đầu ở Huế, khóa 1 tháng 12. & Khóa 2 tháng 9-1949 tại Đập Đá.
* Tháng 4 năm 1949 có một hội-nghị đồng thuận bãi bỏ chế độ thuộc địa (do Pháp cai trị ở nước Việt Nam).
* Tháng 5 năm 1950 quốc hội Pháp thông qua dự luật: Cho phép thành lập một đội quân Việt Nam.Thế nên bước khởi đầu thì Thủ Hiến Phan Văn Giáo cho một số trường quân đội Việt Nam ra đời.
* Sau ngày 20-07-1954 khi hiệp định đình chiến ký kết tại Genève, Thụy Sĩ; thì trường Sĩ Quan Việt Nam ở Huế; đã được chuyển lên Đà Lạt, bắt đầu Khóa 3, và gọi là École Militaire Inter-Armes de Dalat. (Sát nhập vào trường Võ Bị Liên Quân Đặc Biệt của Pháp. Ngôi trường Võ Bị Liên Quân Đặc Biệt của Pháp, nay đương nhiên phải trao trả lại cho Việt Nam). Trường chánh thức đổi lại thành Trường Võ Bị Liên Quân (sau khi người Pháp rời Việt Nam năm 1955).
* Đầu tiên ngôi trường nầy lấy tên là: "Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt". Cuối cùng Trường sĩ quan hiện dịch nầy chính thức đổi tên thành: "Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt Việt Nam" theo sắc Lệnh số 325-QP ngày 10.4.1963.

Đất và trường rộng mênh mông tọa lạc giữa vùng khu ấp Chi Lăng và khu Thái Phiên. Gần cổng trường là doanh trại sinh viên, khu Văn Học, khu Bộ Chỉ Huy... Cổng trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt Việt Nam còn có tên là cổng "Nam Quan", nơi nầy luôn náo nhiệt trong những ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật, ngày hội, ngày lễ... Những lúc ấy tại Cổng Nam Quan trở nên vui vẻ náo nhiệt như ngày hội lớn, hân hoan tưng bừng hơn với những chàng sinh viên sĩ quan phong trần, cùng bao tà áo dài tha thướt e ấp tung bay trong gió lộng. Thỉnh thoảng ở phòng trực trong trường gọi tên sinh viên sĩ quan (được phát ra từ loa phóng thanh vang vang lên), thì sinh viên sĩ quan nào có tên gọi, hớn hở vui vẻ rảo bước ra Cổng Nam Quan: Đấy là nơi "gặp gỡ của tình thương".

Khu doanh trại sinh viên ở gồm: bốn dãy ba-ti-măng có ba tầng lầu. Mỗi ba-ti-măng có hai đại đội sinh viên sĩ quan cư trú. Hai bên nầy là sân cỏ của Trung Ðoàn. Gần dưới thung lũng là khu vườn luôn luôn đầy hoa đẹp và cây cối xanh tươi, do những sinh viên sĩ quan chung vui tay trong tay góp công sức làm nên, tạo thành một khu vườn thật ngoạn mục.

Muốn gia nhập vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, thanh niên phải có:
- Học lực tú tài.
- Có sức khỏe tráng kiện.
Ban đầu thì sinh viên thụ huấn hai năm (sau nầy trường Võ Bị Đà Lạt đã tăng thời gian cho sinh viên sĩ quan thụ huấn lên bốn năm học). Bao gồm các bộ môn học như: Văn Học. Quân Sự. Thể Chất. Chương trình sinh viên sĩ-quan học gắt gao, rất nặng, ấn định có quy củ rõ ràng.
Mỗi ngày, sau giờ học đầy căng thẳng trí óc; và sau bữa cơm chiều, là sinh viên có hai giờ: > từ 6 giờ tối đến > 8 giờ tối, thì sinh viên sĩ quan tự do đi những nơi giải trí tùy thích như: Bên trái là Hội-quán sinh viên có nhiều sofa và bàn ghế tươm tất, để cho mọi người ngồi với nhau thoải mái hàn huyên tâm sự; nghe nhạc sống do ban văn nghệ sinh viên sĩ quan đảm nhận, hay tập dượt văn nghệ. Hoặc giả sinh viên sĩ-quan vào Thư-viện đọc sách. Hay có sinh viên khác đi Câu Lạc Bộ ăn uống. Nhóm sinh viên đến Hội-quán thụt bi-da, uống cà-phê. Có người đi tới sân sau để chơi bóng rổ, bóng chuyền, bóng tròn, bóng bàn, vân vân… Sau đó là giờ tự học. Tiếng kèn 10 giờ đêm là giờ báo đi ngủ. Một số sinh viên lo chuẩn bị đi gác. Trường có tám đại đội sẽ luân phiên nhau canh gác mỗi đêm.

Sinh viên sĩ quan đi bộ leo núi, luyện tập quân sự, chinh phục đỉnh Lâm Viên cao 2.163m, nơi luôn luôn có gió lồng lộng và sương mù che khuất dưới chân núi và rất lạnh giá. Đây là nơi rèn luyện sinh viên sĩ quan dũng cảm kiên cường vượt thắng gian truân và chông gai.
Khi các sinh viên sĩ quan đi tới đỉnh Lâm Viên học và thực hành xong, họ trở về trường; ấy là lúc chuẩn bị ngày lễ gắn Alpha cho tân khóa sinh. Các cán bộ đến tại phòng của tân khóa sinh để trao: mũ cát kết, đai lưng màu đỏ, thắt lưng đại lễ, đôi găng tay trắng. Tân sinh viên sĩ-quan sẽ đọc lời hứa:
- Tôn trọng lá cờ của Trung Ðoàn sinh viên sĩ quan. Bảo vệ danh dự cuả Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam: "Tổ Quốc. Danh Dự. Trách Nhiệm".
... Thì khoá sinh ấy mới được chấp nhận đúng là sinh viên sĩ-quan của Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, Việt Nam.
***

Hôm nay là ngày tất niên của trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt - Việt Nam. Tôi cùng Vân, Lan, Tâm, Mai… bao chiếc taxi chạy thẳng vào gần gần ngoài cổng Nam Quan, thăm bạn thân. Đúng lúc đó, tôi gặp Oanh cùng Biên. Hồng cặp tay Đáo. Thúy Mai và Tấn ở Phạn Xá đi ra, (còn gọi là nhà ăn). Chúng tôi hân hoan khôn xiết, nói cười tíu tít biết bao chuyện buồn vui xếp lớp lăn tăn. Chưa dứt câu nầy, bạn đã hỏi câu kia dồn dập. Oanh chỉ vào bạn trai của cô:
- Oanh (Nguyễn) đã hứa hôn với Biên rồi.
- Hồng sắp làm đám cưới với Đáo.
- Cả Lê Oanh và Thuận nữa. Ôi thật là vui quá vui.
Oanh mở miệng:
- Nầy, còn Ngân Thụy thì sao?
Tôi cười buồn:
- Oanh có bao giờ ghé qua ngỏ nhà thăm tui đâu, mà biết hỉ!
- Xin lỗi nha. Tại Biên hết đó.
- Thì phải mà. Bạn có bồ, hổng đi đâu là đúng. Thụy chúc các anh chị sớm thành đạt trong tất cả ý nguyện. Nghen.

Họ cười tươi, cám ơn tôi với hạnh phúc hân hoan ùa về. Tôi đến điểm hẹn hò với Cảnh. Thấy tôi, anh nở nụ cười hồng rõ tươi, Cảnh hớn hở đón tôi nồng nhiệt lắm. Trên khuôn mặt và ánh mắt Cảnh hiện rõ sự mãn nguyện khi anh giới thiệu tôi với bạn. Cảnh hãnh diện vì có bạn gái xinh tươi, hồn nhiên mộc mạc, duyên dáng không thua những bông hồng biết nói khác trong đêm hội tưng bừng nầy. Cảnh nhẹ nhàng nắm bàn tay tôi nóng hổi, tôi run run như con chim gãy cánh. Nửa ngập ngừng ưng chịu siết tay anh, nửa tôi toan muốn rút tay về. Đây là cái “nắm tay thân tình đầu tiên”, từ khi chúng tôi quen biết nhau. Cảnh tinh ý nhìn thấy sự vô cớ dằng co và trầm mặc nơi tôi, anh kín đáo cố tìm hiểu nguyên nhân vì sao có sự thay đổi kia. Nhưng, tôi sẽ không kể cho Cảnh nghe, (kể cả những người thân yêu ruột thịt) về nỗi buồn đau vô hạn của mình.

Dù tôi rất muốn ngỏ lời tâm sự với ai đó, hầu vơi đi nỗi niềm dày vò, cay đắng ấy đang bóp thắt trái tim tôi. Sung sướng xiết bao, nếu tôi có thể viết lên trời tất cả suy tư của mình, mà có người khác đọc và thông cảm nhỉ! ít ra trong giai đoạn ngắn ngủi nầy, Cảnh là người xứng đáng nắm bàn tay tôi (đang run rẩy vì… "sương gió & giá rét"?!). Khoảng thời gian quen biết qua, anh có hiểu phần nào về tâm tư, nguyện vọng, tình yêu của tôi không? Cảnh có thể lấp được khoảng trống ráo hoảnh trong tâm hồn rét mướt, mà tôi hằng ngất ngây mong đợi cùng "ai đó" xe mộng tương phùng hay chăng?

Dọc hai bên đường dẫn lối vào chính điện, và rải rác khắp nơi có những cây thông được trang trí cho mình những "bộ áo" lấp lánh ánh đèn, và "mặc" cho mình những dây kim tuyến, khi gió lùa về thì cành thông và dây kim tuyến đều hoà nhịp lung linh lóng lánh reo vui vi vu, nghe thật hay và trông đẹp ơi là đẹp! Cạnh đó là những sinh viên sĩ quan ứng chiến đứng gác rải rác dưới những chòm cây thông cao ngất và tối đen. Họ đội mũ lưỡi trai, mặc áo jacket, quần treillis màu xanh lá cây sậm, áo quần hồ ủi thẳng nếp, giày đinh cao cổ ôm hai ống quần thon gọn. Họ nhìn thẳng về phía trước đứng nghiêm trang không cử động. Tôi có cảm tưởng họ là những "người máy nhưng... đặc biệt có linh hồn". Trên sân hội, những sinh viên sĩ quan thân hình thẳng tắp, mặc quân phục dạ hội mùa đông, nổi bậc đôi găn tay trắng nõn, gù vai màu đỏ, dây biểu chương màu vàng nghệ pha kim tuyến đỏ, súng dài bồng lên tay, tạo ra âm thanh do sắt thép khua vào nhau, nghe rập ràng đều đặn và chuẩn mực. Súng lại được vài phen kêu lên đều đặn, rập khuôn nhịp nhàng lúc bắt chào, cũng như hạ súng xuống; khi nào có những qúy khách đi vào khu đại lễ.

Đến giờ khai mạc đại hội, thì buổi lễ long trọng được diễn ra tuần tự từng nghi thức bắt đầu và thủ tục cuối đã xong. Trước mặt các khán đài đang trình diễn các phân binh chủng: Nhảy Dù, Bộ Binh, Thủy Quân Lục Chiến. Biệt Động Quân. Thiết Giáp. Pháo Binh, xe tăng, thiết giáp, vân vân... diễn hành các xe hoa… Thỉnh thoảng vọt lên trời những ngọn pháo bông đủ màu sắc rực rỡ, đủ hình thể khác nhau. Trông rất đẹp khi có mục biểu diễn nhảy dù tiếp theo. Bao cánh dù hoa bung nở, đủ màu bay lơ lửng trên không trung, lủng lẳng nhiều anh chàng Nhảy Dù lả lướt, bay bướm, trông quá tuyệt vời trên cao tít lưng trời bàng bạc hơi sương, gió rét căm căm cùng tiếng thông rì rào reo vi vu thoảng lại.

Không Quân Việt Nam Cộng Hòa biểu diễn những đường bay quá điệu nghệ với dáng vẽ oai dũng riêng biệt: Bay solo, bay ba, bay năm… bay vòng cung, bay vút lên và bay lộn ngược đầu… Ôi! Đủ thứ đường bay oai dũng vẽ những hình ảnh lạ mắt, quá tuyệt vời. Sau đuôi phi cơ kéo theo những làn khói dài lê thê, có đủ màu, rồi từng làn khói tỏa rộng trong bầu trời đêm lấp lánh ánh sao. Trông vô cùng hứng khởi, duyên dáng và ngoạn mục hết biết. Mọi người ngẩng đầu nhìn lên trời cao, mắt họ mở lớn, miệng xuýt xoa trầm trồ vui vẻ không tiếc lời khen ngợi.

Những hàng ghế ở khu khán đài B kêu răn rắc, suýt gãy dưới sức nặng của khách ngồi xem mê mãi. Giàn quân nhạc sống vang lên rộn ràng, làm huyên náo góc trời u tịch và giá rét. Giàn nhạc đánh những bản nhạc hùng tráng, cùng tiếng hợp xướng, tiếng đơn ca, đồng ca… vang dậy làm cho người đứng tuổi nghĩ nhiều về mình, đồng thời hồi tưởng lại quá khứ oanh liệt vàng son một thuở. Làm cho người vào độ tuổi tráng niên tạm lãng quên phiền nhọc, bực bội, lo toan, để ôn tồn thoải mái, vui vẻ hoà đồng với đám thanh niên trẻ trung tuấn tú, phong lưu hào hoa phong nhã và lịch lãm trong ngày hội lớn.

Một số sĩ quan lão luyện tuổi tác họ khác nhau tay bắt mặt mừng chào hỏi, họ ung dung đi rải rác từng điểm hội. Đa số đàn ông có khuôn mặt đượm phong trần sương khuya gió chiều, khiến mái tóc lấm tấm muối tiêu và thân thể rắn rỏi hơn. Họ mặc quân phục đại lễ mùa đông trông khác nhau, ai nấy đều lịch lãm oai hùng, phong độ theo mỗi dáng kiểu quân phục của từng binh chủng riêng. Nam nhân có những bộ râu quai hàm, râu mép, kính trắng đạo mạo tô điểm cho vầng trán cao, tạo thành khuôn mặt rắn rỏi thêm phần trí thức và trang trọng. Miệng nhiều ông ngậm thuốc lá thơm, hút xì gà, hay bập bập ống điếu.

Đó là những cấp lãnh đạo, những cấp chỉ huy có đôi mắt sắc sảo tinh tường. Họ giàu kinh nghiệm, bản lĩnh để hướng dẫn thuộc quyền. Kiểu dáng họ coi ung dung thong dong thư thả pha chút cao ngạo, đôi khi cũng bình dị để hoà đồng vào cuộc vui chung. Họ biệt lập, từng trải về kinh nghiệm chiến trường, và cách điều binh khiển tướng khi xung trận. Bên cạnh bao quân nhân là những mệnh phụ phu nhân kiểu dáng chưng diện quần là áo lụa “đỏm đáng kiêu sa đài các” nom khác người. Cùng phụ huynh của sinh viên sĩ quan đa số thanh lịch, phục sức trông đoan trang mềm mại mà giản dị, không có mấy ai chưng diện loè loẹt hợm hĩnh và lố bịch. Nhìn chung đa số quan khách cao sang, uyển chuyển qua nhiều kiểu cách hợp thời khác nhau.

Bỗng nhiên một tiếng nổ giòn tan xé màn đêm, nghe như tiếng lọ thủy tinh gián mạnh xuống nền gạch, rồi nhiều tiếng súng cối bắn đi đâu đó, khiến tôi giật nẫy người, nép sát vào lòng Cảnh. Anh nhìn quanh cũng thảng thốt giây lát, vòng tay Cảnh vội ôm qua thân thể tôi lúc nào, không nhớ. Mọi người nồng nhiệt đứng lên đồng loạt vỗ tay cười vang, có nhiều tiếng hét và la to:
- Ấy dá dà…
- Tuyệt vời quá!
- Giao thừa.
- Tiễn biệt năm cũ, chào mừng năm mới.
- Chúc mừng năm mới.
- Mừng xuân đến.
- Tết Nguyên Đán đến rồi.
- Happy new year.

Giờ phút linh thiêng nầy thật trang nghiêm, trân trọng. Họ nhìn lên bầu trời sáng rực pháo bông đủ mọi màu sắc và hình dáng. Ồ! Thì ra bây chừ đúng là giờ giao thừa: Súng lớn bắn đi để đón chào dáng xuân hồng thắm ngự trên vạn vật. Chỉ có rứa mà cũng khiến tôi giật mình mất hồn mất vía, run rẩy à! Chuyện trò râm rang ồn ào náo nhiệt khắp nơi.

Mươi phút sau thì bắt đầu thủ tục khai hội dạ tiệc trong đại sãnh sang trọng. Những thức ăn bốc khói nóng sốt thơm ngon. Những chú bồi bàn vui vẻ, họ đều mặc quần áo trắng, mang giày đen, đầu đội mũ trắng mang táp dề màu đỏ, một tay họ nâng dĩa thức ăn to giơ lên cao, còn một tay họ để sau lưng, họ cẩn thận đặt những dĩa thức ăn trên những dãy bàn dài phủ khăn trắng có nhiều bình hoa lys . Cuối góc phòng treo lơ lửng một con bê thui vàng rộm còn nóng và toả mùi thơm quá hấp dẫn, một cái bàn dài có những chồng dĩa trắng với những dao, nĩa...

Đêm dạ vũ tưng bừng và long trọng đã khai mạc. Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt khoản đãi mọi người đến dự tiệc tất niên tống cựu nghinh tân vui vẻ náo nhiệt tưng bừng biết chừng nào. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được diễm phúc đến trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt nầy, để chia vui cùng tất cả mọi người, với lòng cảm mến và trang trọng biết ơn. Chẳng hiểu sau nầy tôi còn có được diễm phúc đi tham dự những buổi lễ long trọng ấm áp tình người như thế nầy nữa, hay không!?

Chúng tôi dìu nhau đi trong đêm giao thừa rộn ràng những tiếng pháo nổ rền vang khắp mọi nơi. Người người hứng khởi đón chào năm mới vui ơi là vui quá chừng chừng. Lòng tôi vui thích, say say theo cung đàn yêu thương, ngất ngây với nỗi ngọt ngào dịu êm lâng lâng từ đâu ập đến. Một giao thừa và năm mới bắt đầu tuyệt vời nhất đời mình. Dù mai tôi sau có xa ơi là xa trong sự già thật là già cỗi vì phong sương gió bụi, tôi vẫn trân trọng và mãi nhớ về lần đầu tiên tôi vinh dự vô Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, để tiễn năm cũ và hân hoan đón chào năm mới, vui vẻ đón xuân cùng với thế nhân.

Chúng tôi dìu nhau đi thật chậm giữa khuya chỉ có ánh sao muôn trùng rơi rụng, bên tai tôi vẫn nghe tiếng pháo rộn rã nghinh xuân tưng bừng trong thành phố đang thức thâu đêm. Lòng tôi cảm thấy bình yên vui vẻ kỳ lạ... khi bước chân hai người líu ríu đặt lên từng bậc cấp để vào nhà tôi. Trước thềm năm mới, Cảnh êm đềm trao tặng tôi nụ hôn nho nhỏ phơn phớt trên mái tóc nồng ấm hương xuân đầu năm, rồi anh lại lên taxi trở về trường.

Tôi cảm thấy hạnh phúc nhè nhẹ len lén lâng lâng đến trong chân tơ kẽ tóc, và đậu lại trong đời sống riêng mình. Tình cảm ấy tuy nhẹ nhàng, đơn sơ, mà trĩu nặng ân tình trìu mến, thiết tha vẫy gọi nhau biết mấy! Niềm vui thật ngọt ngào trong sáng, cùng sự liên đới kỳ diệu của Trời cao giao hoà tuyệt vời với Đất thấp gợi tình, có muôn hoa ngát hương, cỏ cây hoa lá đâm chồi nẩy lộc giữa thiên nhiên cẩm tú. Đà Lạt thoáng mát, thi vị, nên thơ, lãng mạn, mơ mộng, tuyệt diệu ươm mộng xuân tình từ: trên đỉnh Lâm Viên êm đềm rót xuống lòng thế nhân niềm vui chất ngất xiết bao mặn nồng và ấm áp!

_ * _


Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
02-08-2018, 11:05 PM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1518130645-EM BE 24jpg.jpg
/uploadpics/mp3_pdf1017/1518130765-Mua xuan la kho - Tuan Vu.mp3
Năm TUẤT, Nói Chuyện Con Cún Chung Tình


Ba tôi có một “ngón nghề” tuyệt vời: huấn luyện nuôi dạy chó đưa thư, loại giống chó berger khôn thế nầy:

1./ Đại cương về cách chọn giống chó: Không chọn giống chó chấm lông ở ngay chính giữa trán, và bị chấm lọ (bất cứ màu gì) ở đuôi, thì ta không nuôi giống ấy. Nhưng phía trên, gần hai mắt ở cạnh lông mày của chó, nếu có hai chấm tròn, lông xoáy (vàng, đen, hoặc trắng… khác với màu lông của thân thể chó), là giống tốt “đốm đầu thì nuôi, nhưng đốm ở đuôi thì thịt”. Đặc điểm cần chọn giống chó tốt: Đuôi chó luôn ở bên trái. Lưỡi chó có đốm đen dài. Bốn chân cứng cáp trên thân hình chó vạm vỡ. Có nghĩa là ngực nở to, nhưng phần bụng "eo" phải thon gọn. Hai tai chó luôn đứng thẳng, chó thính tai nghe rõ (tai chó không cụp qua một bên). Muốn hai lỗ tai chó thẳng đứng và tinh khôn, (vì hai tai chó đứng thẳng, thì nó nghe rất thính) một tuần vài lần, ta nên cho chó ăn trứng gà tươi trộn với phổi bò.

2./ Chọn giống chó: Nên chọn chó mõ dài. “bạch cẩu hoàng đầu lưng bối nguyệt” = Thân có lông trắng, đầu lông vàng, lưng chó có lông như hình trăng rằm, mắt to đen láy, mũi hồng, lưỡi dài có đốm đen, tứ túc huyền đề. Giống chó nầy đặc biệt rất quý hiếm, ít thấy.

3./ Thân chó lông màu đen, bốn chân lông màu trắng, giống như ở chân chó mang đôi vớ trắng (tất), gọi là = “hắc cẩu tứ bạch”.
- Toàn thân chó có màu lông vàng óng ả, gọi là = “hoàng cẩu”.
- Lông xoáy ở trên lưng chó mọc xuôi từ đầu chạy về đầu đuôi, gọi là = “Bối kiếm cẩu”.

a./ Ngoài bốn chân chó, có thêm bốn cái móng đeo nhỏ lủng lẳng ở mỗi chân, gọi là = “Tứ túc huyền đề”.
b./Bốn chân chó, có thêm hai đeo nhỏ ở mỗi chân trước, và một đeo ở mỗi chân sau. Gọi là = “Lục hợp cẩu”.
c./Bốn chân chó, mỗi chân chó có thêm hai móng đeo nhỏ. Có 8 móng đeo ở bốn chân, gọi là = “bát long cẩu”.
d./ “Lưỡng cẩu” = là bốn chân chó chỉ có hai móng đeo ở hai chân.

4./ Ta thân thiện với “chó nhí” từ khi chúng còn nhỏ. – Biết tính nết chó – Đặt tên chó & gọi tên nó mỗi ngày nhiều lần, cho chó quen biết tên của nó - Huấn luyện chó nhí từ việc nhỏ nhất, ví dụ: thường xuyên dạy chó đứng – ngồi – nằm - bắt tay mình – dạy chó ăn, uống khi nào được cho phép – cùng chó đá banh - ném banh, ném lon ra xa, ta và chó đi nhặt về, nhiều lần. Sau đó để chó tự đi nhặt về đưa cho mình. Mỗi lần chó “làm việc giỏi”, ta thưởng cho chó món ăn mà nó ưa thích.

5./ Sau đó ta dần dần huấn luyện thêm những việc khó hơn, ví dụ: dạy chó giữ nhà. Chó biết phân biệt người thân và khách lạ, (chó thông minh, chính vì thế mà chó ưa sủa rần trời, mỗi khi có người lạ, hoặc nhà có kẻ trộm rình). Dạy chó phân biệt gia súc của nhà mình nuôi, khác với gia súc của hàng xóm. Dẫn chó đi săn bắt: chuột, chim, gà rừng, vân vân… Dạy chó đi nhận thư ở nhà nầy đưa đến nhà khác: Ta cùng chó đi gởi thư ở bưu điện nhiều lần, cho chó quen hơi người lạ ấy, ta gọi tên của ông ấy hoài, cho chó ngưởi mùi người ấy, sẽ quen hơi. Nó biết nơi chỗ cần đến. Sau đó, một mình ta cột thư ở cổ chó, và dẫn chó đến cho người sẽ nhận thư (người mà chó quen hơi biết mặt trước kia), ta vỗ vỗ vào đầu chó, thân thiện vuốt ve và gọi tên chó: “To Bi… hãy để ông (tên X…) mở túi xách ở cổ ra, nhận thư”. Nhiều lần như thế, tất nhiên con chó thông minh, tinh khôn, và hiểu ra ngay.
Ba tôi kiên nhẫn dạy chó, chim (tận tụy, giống như ba tôi đã kiên cường trong việc chữa trị cho bệnh nhân), nên ba tôi rất thành công trong việc nuôi dạy chim & chó.
***

Lúc rảnh rỗi, khi có thể nhìn về dĩ vãng qua bao lần hồi tưởng òa vỡ cơn vui chất ngất, thì ngày nay trong tôi đã vụt tắt biến nụ cười trên đôi môi khô héo. Từ những đoạn đường quanh co gập ghềnh, với thân phận thấp hèn, nghèo khó, tôi đi tìm miền đất mới mà níu kéo sự sống; cũng làm bùng vỡ trong tim trong óc mình từng cơn phẫn nộ sôi sục trong thể chất yếu đuối. Nhưng tôi trở nên mạnh mẽ, có khí phách ở ý chí, trí óc, và tinh thần quá nôn nao, tôi hằng mong sớm kiếm tìm một cuộc “đào thoát” ra khỏi cảnh đời tăm tối, ủ dột, khi:
Bần cư náo thị vô nhân vấn.
Phú tại thâm sơn hữu viễn than.
(nghèo ở đô thị không ai thăm,
giàu ở trong núi thẳm, vẫn đi tìm. (cd)

Càng ngày tôi càng tỏ ra ú ớ “đần độn” ngu dốt, cứ tưởng tên “Ngả Năm Chuồng Chó” dị hợm kia, là nơi “chị em ta” ăn chơi sa đọa. Nhưng bây giờ tôi mới hiểu, thật ra nơi đó là một trại huấn luyện “Quân Khuyển” rất độc đáo. Cũng giống như tôi đã nuôi một con chó có bốn mắt, nghĩa là ở nơi hai con mắt thật của nó, lại có hai đốm lông tròn vo, (mà khác màu lông toàn thân của nó). Nó có tứ túc huyền đề. Tôi đặt tên nó là: Jacky (nó là “cháu nội” cuả con Tobi mà ba tôi đã huấn luyện). Jacky cũng có tên Việt mà mấy đứa con tôi rất thương, đã đặt tên là "Ẻm Cún"!

Con Jacky là nguồn an ủi của kẻ bần cố nông, cả nhà tôi đều rất qúy nó, chân thật thương nó vô cùng! Ngoài giờ đi học, đi làm, đi bán ra, đa số giờ còn lại các con về nhà ôm chó, nựng chó, vuốt ve hun hít, nói chuyện chơi với chó. Chó ra sức vẫy đuôi mừng rỡ, chồm lên liếm mặt người. Con Jacky không cần phải đi thực tập huấn luyện chu đáo ở trại quân khuyển, nó vẫn rất ngoan khôn, thính, giữ nhà thì khỏi chê. Nó biết phân biệt gia súc của nhà tôi nuôi, với gà vịt của hàng xóm rõ ràng. Nếu khi các con tôi vãi lúa ra sân cho gà vịt ăn, mà gà vịt nhà ai chạy tới mỗ, thì con Jacky phân biệt được ngay, nó sủa rân trời để cảnh cáo, sau đó nó nhào vô sân dùng hai chân trước đẫy gà vịt lạ ra liền. Mâm cơm tôi dọn ra để ở dưới nền xi măng, không cần ai coi ngó, vì đã có con Jacky nằm gần manh chiếu mà trông chừng dùm; thì đố có con mèo, con gà con vịt nào dám vô tha mỗ thức ăn mang đi. Cả nhà ăn cơm xong, nó mới chạy tới bên chỗ cái tộ của nó ở góc cửa lớn, con Jacky nằm đó chờ đến phiên mình ăn. Con Jacky khét tiếng tinh khôn ở khu C nầy, không một kẻ cắp ăn trộm nào dám đi ngang qua nhà tôi.

Jacky biết nghe tiếng chủ sai khiến, con tôi vỗ vỗ vô lưng: bảo nó đi ra quán (từ nhà ra quán xa chừng hai mười ba thước), trông coi quán, thì nó lia lịa ngoắt đuôi chạy đi ra, và nó nằm ngay ở cửa để giữ quán, không một ai dám héo lánh tới gần. Có lần con Jacky và các con tôi nô đùa chạy quanh khu nghĩa trang, chẳng may con Jacky bị sụp té xuống cái giếng khô bỏ hoang lâu năm, nhưng giếng sâu khoảng mười mấy thước. Nó tru hú sủa vang, trong khi các con tôi cuống cuồng mất hồn mất vía, lo lắng lăng xăng chạy lui chạy tới la làng.

Cả nhà vội vã chạy ra khom lưng cúi nhìn xuống giếng sâu. Con trai lớn là bé Dzũng và bé Huy liền tìm cách leo xuống giếng. Nhưng vì đây là cái giếng khô không có nước, sâu hun hút 16 mét, nên hai bên cỏ dại chằng chịt mọc um tùm. Các con chỉ có thể leo xuống giếng chừng ba thước, thì bị ngộp thở, chịu không nổi, con phải lo bò lên, mặt mày hai con xanh lét! Con Jacky ở dưới đáy giếng sâu nó cào rột rột, hình như các gàu nước rơi từ lâu đã rỉ sét, tạo tiếng khua động leng keng rột rạt. Jacky chồm chồm hai chân trước lên hông giếng, nó cố gắng trèo lên trụt xuống hoài, vẫn tru hú sên siết, thấy thương quá! Sau đó bé Huy chạy vô nhà lấy cái gàu nhôm thường múc nước giếng. Trở ra, con tháo sợi dây dừa làm nút thắt ở mấy đoạn, hai thằng con nằm sấp xuống đất, nó thòng sợi dây dừa dài xuống giếng, con nói với chó mà không ngượng:
- Ẻm Cún, nghe anh nè: Cắn sợi dây, để anh kéo em lên, nghen.

Con Jacky chẳng hiểu có biết không, nhưng nó ngoặm vô một đầu sợi dây dừa. Hai thằng con tôi liền từ từ kéo nó lên khoảng chừng nửa cái giếng. Nhưng có lẽ do nó khá nặng, hoặc là con Jacky mỏi miệng hay sao, nó hả mõm ra, liền bị rớt tủm xuống, nghe tiếng “bịch”, với tiếng khua động rổn rảng của những chiếc gàu cũ đã rớt ở đáy giếng, cùng tiếng con Jacky rên la sủa om sòm, do đau đớn nó rít rít kêu la ẵng ẵng hoài...

Xót ruột và thương nó quá, các con ngồi đó khóc rống lên, một sự... lạ mà tôi chưa từng nghe các con khóc bao giờ! Vẫn không chịu thua, các con cùng nghĩ ra kế khác: Bé Dzũng chạy vô nhà lấy đèn pin đưa cho tôi, con nói mẹ rọi đèn pin xuống giếng. Con đi lấy thêm một sợi dây dừa nữa, làm thành một cái vòng tròn, cột chặt ở mấy nút thắt. Hai con nằm sấp xuống khỏi miệng giếng, Bé Tuấn, bé Hoàng thì ngồi bệt xuống đất mà nắm hai chân mấy đứa anh kia, rị lại (cho hai sợi dây dừa có thể trải thòng sát xuống dáy giếng). Dzũng dụ con Jacky:
- Jacky nghe anh nói nè: em bước hai chân vô sợi dây đi. Jacky... bước vô.
Nhưng con chó cứ xoay quanh mà rên rỉ, Jacky sợ hãi không nhìn thấy, không nghe gì hoặc bị ngộp thở chăng! (có lẽ nó bị đau vì cú té từ trên cao xuống khi ngoạm vô sợi dây?), thì một chân sau con chó vướng vô sợi dây của bé Huy đang cầm. Lập tức Huy kéo sợi dây căng lên, cho sợi dây siết vô chân con chó. Mấy anh em reo to:
- Được rồi. Em giữ chặt sợi dây, không để nó sút ra nghen.
- Dạ nhớ.
Bé Dzũng nhắc lại:
- Jacky... bước hai chân vô sợi dây mau. Jacky.

Thằng anh Hai nằm soãi dưới đất và chồm đầu xuống giếng chờ... rất lâu khoảng hơn nửa giờ, khi con Jacky loay hoay bước hai chân vô cái vòng xong, thì bé Dzũng và Tuấn lanh tay kéo sợi dây, cho thắt lại ở đoạn ngực của nó. Bé Dzũng bảo con chó:
- Jacky, im, không nhúc nhích. Anh sẽ kéo em lên nghen.

Do đã có kinh nghiệm hơn lần đầu, thế là cả bốn anh em đều túm sợi dây dừa, kéo con chó lên khỏi giếng khá nhanh. Lên được khỏi mặt giếng rồi, con Jacky mừng rỡ vừa chạy cà nhắc vừa sủa, vừa rít vang, Jacky chồm lên liếm hết mặt mấy anh em. Đây là sự thật 100% về con chó “tình cảm” và khôn ngoan của nhà tôi. Nó là loại chó săn chuyên nghiệp, chuyên săn bắt chim cút, chim đa đa, cò, ếch, và chuột ngoài đồng, mà đặc biệt nó không hề ăn, con Jacky chỉ tha chim về cho chủ làm thịt; nhờ đó mà thỉnh thoảng trong gia đình tôi có miếng thịt tươi. Cám ơn Jacky.
***
Lúng túng hoài tôi không thể xoay trở đi dâu chút nào, chỉ vì:
CÁI HỘ khẩu bày, CỐ HẠI dân.
HỘ KHẨU từ nay HẬU KHỔ dần.
HỠI HỒ chủ tặc, khi HỒ HỞI.
ÐỘNG CƠ bốc lột ÐỢ CÔNG nhân.
CÁN MẠCH nhân quyền, nào CÁCH MẠNG.
CHỈ TRÙ dân tộc, CHỦ TRÌ bàn.
THƯỢNG THỜI bán nước, ngay THỜI THƯỢNG.
CHẤT LƯỢNG bạo quyền, CHƯỚNG LẬT gian. (st)

Một hôm có tên cán bộ Tin đi qua nhà, nghe, thấy, và biết con chó Jacky của chúng tôi nuôi rất khôn ngoan [giống “bẹc-rê” (berger) mà]! Trông tướng tá chó săn ngon lành oai dũng, hắn ta mê tít thò lò con chó. Hắn chui qua hàng dây phơi áo quần ướt đang sà xuống mặt đất. Hắn vờ lảng vảng thăm viếng dân, cho ra vẻ chí tình, thân dân, cán bộ ghé vai gánh đỡ khổ nạn người dân. Đó là ưu việt của xã hội chủ nghĩa í mà. Hắn ta vào năn-nỉ mẹ chồng tôi bán con chó cưng.

Hòa bình rồi thì phải đem lại nền cộng hòa tự do, công bằng, hạnh phúc, chân lý thật sự cho dân tộc giảm bớt cùng cực, gian truân cay đắng quá đỗi đau thương, hầu như suốt bốn nghìn năm lịch sử; thì tôi cũng nên vui sống tí hòa bình! Chứ sao lại… khổ sở trăm bề; quần mẹ con bà cháu rách như xơ mướp, trong nhà tôi hết sạch tiền mua gạo, mua mắm muối đã hai ba ngày nay. Mẹ tôi vừa mừng vừa gạt nước mắt, trút nửa chén cơm nguội vô cái tộ chó, đổ chút nước muối lỏng bỏng, để dụ khị con chó ăn. Bà run run chìa tay ra lấy hai trăm bạc của ông ta. Các con tôi thì chạy lui chạy tới, lấp ló giật áo bà nội, giằng co bấm béo, cằn nhằn bà nội, con dậm chân dậm cẵng nhăn nhó không chịu để bà bán chó, cháu chẳng thà nhịn đói, chứ nhất định không chịu bán Jacky. Cháu rất thương chó, nên các cháu đâm ra giận hờn bà nội, cả đám các cháu nằm vật ra nền đất mà lảy đảy đập gót chân xuống đất, cháu vừa hỉ mũi rột rột, vừa rống lên la khóc hụ hụ hụ...

Cán bộ Tin vùng vằng làu bàu trong miệng, tay run run móc túi quần lấy sợi dây lòi tói ra, rình lúc con chó đang cúi mõm vô tộ cơm, ông ta rành nghề vội vã cột cổ con Jacky siết chặt, khóa mõm chó và bỏ vô bao bố, rồi túm gọn miệng bao và cột chặt đầu miệng bao cũng từ ở một đầu sợi dây kia. Cán bộ Tin cẩn thận bưng con chó ra xe hon da, ông cài thật kỹ, đặt chó vào hai đùi trước, ông kẹp chặt bao bố chó, rồi ông ung dung rú xe honda chạy vù đi.

Mẹ chồng và tôi vội vàng xách hai cái giỏ cói to tướng le te đi chợ. Đúng là “buồn ngủ gặp chiếu manh”. Dù sao cũng mừng rơn trong bụng vì có tiền mua gạo và thức ăn, gia đình sẽ không bị đói rã rời, ít ra cũng có những bữa cháo lót lòng. Tôi phải tính toán so đo chi ly từng chút, dè xẻn kho thịt, kho cá sao cho mằn mặn, chứ nào dám “phung phí”. Hôm nay ăn cho ngon miệng, rồi khi hết tiền chúng tôi không thể “xoáy” đâu ra tiền, sẽ đói meo, thì khốn! Mẹ và tôi khệ nệ tay bưng tay xách vô nhà. Mấy ngày đầu thì các con dỗi hờn không chịu ăn uống gì, chúng chỉ ngồi ở xó nhà rù rì với nhau, ôm nhau mà khóc. Tôi phải năn nĩ dỗ dành và hứa hẹn (lèo) sẽ đi tìm con Jacky về cho chúng hoài.

Tôi mua đủ thứ: Gạo. Mắm tôm, mắm tép. Rau muống, cà chua, cá khô, một ký cá nục tươi. Tôi sẽ kho nồi cá với củ cải trắng, (do mẹ đi mót hôm qua). Tôi rẽ qua hàng thịt, mà chỉ dám mua nửa kí lô lòng heo tạp nham, nửa ký thịt heo bụng, cho rẽ. Qua ngày thứ ba thì các con tôi do quá đói và mệt lã, quên chuyện giận bà nội bán chó, các cháu mừng rỡ ùa ra đón hai nải chuối trên tay bà. Chuối là loại trái cây rẽ tiền nhất và bổ dưỡng, ấy thế mà hiếm khi các con tôi được thưởng thức. Các con vừa ăn chuối, vừa ngồi bệt xuống nền đất lổm chổm, viết bài, học bài. Bàn học của các con là những cục táp lô nhặt ở ngoài doanh trại hoang phế về. Các con vui vẻ hỏi đố nhau:
- Anh đố các em nè: Nước gì không có cá. Cây gì không lá. Lửa gì không khói. Bông gì không cành?
Mãi lâu, tôi nghe bé Tuấn trả lời (Tuấn là con thứ nhì ưa bắt chuồn chuồn trâu, cột sợi chỉ ở đuôi, con ví nó như chiếc máy bay, cho em chơi):
- Nước giếng không có cá. Cây chết khô thì không còn lá. Con đom đóm có lửa, mà không xịt ra khói. Cây bông tuyết thì không có cành. Phải không anh?
- Ừa… Em giỏi quá. Hèn chi em cứ đứng nhất lớp Mười hoài.

Mẹ chồng vội đun bình nước sôi, bà ra sau hè rửa bó trà lá xanh, nấu nước uống. Tôi đặt cái nồi nước to lên bếp lửa, dặn bé Dzũng vừa học, vừa trông chừng giúp mẹ nồi nước. Chờ nước sôi, thì con sẽ gọi tôi, để tôi rang gạo nấu cháo. Tôi lo làm sạch lòng heo. Thịt bụng ba chỉ lèo nhèo, thì tôi xắt nhỏ, để xào thịt với sả, ớt, ruốt, mắm đường; cho thật khô. Món nầy, tôi cất vào cái hủ ni lông to, có dĩa nước lạnh lót dưới đít cho khỏi bị kiến bu, để dành làm món mặn, ăn dần.

Năm tháng sau, bỗng dưng cán bộ Tin dẫn công an đến nhà, bắt mẹ tôi lên Ấp Dân Thắng tra hỏi. Rồi họ chuyển bà lên Huyện Hóc Môn. Bà “hầu” về hai tội danh:
- Đã bán chó, mà còn “rình mò”, đi “dụ-dỗ” chó về nhà.
- Hay bà làm thịt chó, bán rồi?
Mặc dù chúng tôi chả biết ông ta mang chó đi đâu, nhà cửa ông ở đâu. Thật là oan hơn oan Thị Kính! Họ lục soát căn nhà trống hoác, lục hết đầu trên xóm dưới, chả thấy chó mèo gì! Thế nhưng, muốn gì… thì hạ hồi phân giải sau, “tội AI đó” làm mất chó ở chỗ nào không biết rành rành ra đấy, nhưng tôi phải chạy đôn chạy đáo lên nhóm anh em “da cu Du-Ca-Bè” hồi xưa, mượn tạm một ngàn đồng, để đóng tiền phạt vạ “thế-chân-chó” trước cái đã, cho mẹ già được tại ngoại, để hầu tra sau. Mẹ tôi đi tới cửa quan khóc lóc van vỉ kêu xin “Tòa”, cho tui về với con cháu. Quan tòa hể-hả cười cười, coi như “xí xóa chuyện chó má nha”!
Thời điểm đó đồng tiền Việt Nam được tính như sau:
* 1.000$ ! Số tiền khá lớn. Khi hối xuất lúc 1978 bấy giờ là:
* 103$ Việt Nam, so với ngoại tệ Mỹ là chỉ ăn = 1$ usd
* 1 bảng Anh là = 130$,64 Việt Nam.
* 1 quan Pháp là = 12$,64 Việt Nam.
- Giá vàng 24k = 1 chỉ, từ 13.000$ đến gần 16.000$.
***

Đang quá đau đớn buồn rầu vì chuyện “tiền mất tật mang” oan ơi ông địa, xui xẽo từ đâu ập đến gia đình mình. Bỗng dưng vào buổi đêm hôm khuya khoắt, dưới ngọn đèn dầu leo lét, khi tôi đang lui cui dọn dẹp, bỗng nghe tiếng chó rít rít… tru rú rất quen thuộc, nó cào cào tấm liếp sau lưng nhà. Dè dặt và có chút lo sợ khi mở cửa ra, tôi thấy con Jacky ốm tong ốm teo, gầy nhom nhô bộ xương cách trí lên cao. Nó mừng rỡ, cuống-quít vẫy đuôi chạy quanh nhà.

Các con tôi đang nằm ngủ trên những “tấm giường táp lô”, nghe tiếng chó sủa lát gừng, các con ú ớ dụi mắt nhìn quanh. Thế rồi chúng liền chồm dậy, đồng loạt ré lên. Các con mừng rỡ ôm chầm lấy chó. Con Jacky rít rít tru hú và chồm lên liếm liếm vào mặt các con. Nó ngoắt đuôi lia lịa, liếm liếm lung tung tới tấp vô mặt vô tay chúng tôi, nó không ngớt rít rít trong cổ họng, đuôi ngắc tới tấp. Con Jacky nhìn ra phiá cửa rít rít và cào cào xuống đất, thì ra… con Jacky muốn kêu “vợ của nó” đang khép nép lấp ló ngoài tấm vách, nó kêu con kia vô nhà “trình diện”. Cả nhà tôi lỏ mắt há hốc miệng ra mà ... “hả”???

Bỗng nhiên "hai đứa nó" dừng lại ngơ ngáo nhìn quanh, rồi chạy xộc ra cửa. Chúng tôi chưa hết bàng hoàng ngơ ngác nhìn nhau không biết nói gì. Lát sau, “vợ chồng chúng nó" cúp đuôi quỵt quỵt bò bò hai chân trước lết lết vô nhà, như tạ lỗi. Xa xa là bầy cún sáu con lút chút nho nhỏ, ăng-ẳng loăng quăng quờ quạng chạy theo sau con mẹ. Chúng tôi vừa mừng vừa sợ, cùng ngồi hụp xuống quanh bầy chó ốm đói, thấy thảm! Các con vui vẻ ôm bầy cún vào lòng hun hít chụt chụt, con mừng rỡ như tìm lại bạn cố tri. Bầy cún tuy ốm nhom nhưng thơm mùi chó con chi lạ, những cái lưỡi nhỏ thò ra, lông con giống màu lông cha, mẹ... nó, nhưng bóng mướt với những bàn chân mum múp, mềm mại, hồng hồng, coi dễ thương quá chừng!

Hai hàm răng đi tìm gặp va vô nhau nghe lanh canh lập cập, tôi ngơ ngác lo sợ mà run, vui mừng tột độ làm tôi tịnh khẩu luôn! Tôi vội đi nấu cho bầy cún nồi cháo loãng pha chút muối, tôi đỗ ra cái chảo, luôn tay khuấy cháo, chờ cháo nguội. Tôi vừa để xuống đất, bầy cún xộc vào liếm láp, chỉ trong phút chốc đã hết sạch. Con chó mẹ chạy quanh bầy con, vẫy đuôi lia lịa. Chó cha nằm xuống đứng lên, nước dãi chảy ròng ròng. Tôi đưa tô cháo vào mõm con chó mẹ màu vàng vá những đốm trắng nho nhỏ. Nó chỉ táp táp vài miếng, rồi ve vẫy đuôi, hoan hỉ rít lên, hình như nó muốn nhường phần ăn cho đàn con. Và, nó ve vẫy đuôi rồi chồm lên ngực tôi, như thể hứa sẽ trung thành và biết ơn người chủ mới.

Bây giờ thì có lẽ tôi đã hiểu: Dạo trước tên cán bộ chạy tới nhà tôi, là do con Jacky đã bỏ nhà ông chủ mới của nó, để “đi theo gái”. Hoặc là nó đã “phụ” ông chủ nầy, khi biết tin “bạn gái của mình” đã mang bầu, hai đứa nó bèn len lén bỏ nhà ông cán bộ ra đi. Ra đi... còn dẫn theo “vợ” đi hoang núp lén ở đâu đó, sống lây lất qua ngày ở đầu dường xó chợ. Chờ cho “mẹ tròn con vuông” khi mấy đứa con nhí đã mở mắt ra thấy đường đi, thì “vợ chồng con cái” dắt díu nhau trở về “mái nhà xưa”, để tạ tội chúng tôi, con Jacky không quên mang những món quà “hồn nhiên đặc biệt” về cho gia đình chủ cũ, nơi mà nó luôn thương nhớ, vì nó là một con chó trung thành và có nghiã, có tình. Cứ nghĩ xa nghĩ gần như thế, và tôi "phiệu ra" về chuyện con Jacky, mà vui!
Bé Tuấn hỏi:
- Ông Toà có đến đây bắt bầy cún đi không? Hở mẹ?
- Mẹ nghĩ là không đâu, con à.
- Thì mình đã đền cho họ một số bạc quá lớn rồi em.
- Ổng cán bộ đưa cho nội chỉ hai trăm bạc mua chó, còn mình thì bị mất chó, lại phải đền bạc ngàn, mà em.
- Nếu bộ đội Tin đến đây gây sự nữa, đòi chó, thì ổng chơi với chuột, chớ chơi với ai?!
- Lần nầy thì anh không nhịn đâu. Em. Anh cà lơ phất phơ sẽ cầm “chơm, đục”, đi thí cô hồn với tên lừa dân cho coi.
- Chẳng thà em nhịn đói, chớ không bán chó, để cho ổng lừa mình.
- À há. Bán chó cho ông ta, thì con Jacky chỉ có nước là:
Nghe vẻ nghe ve…
Nghe vè thịt chó.
Đứa nào chịu khó.
Nấu nước cạo lông.
Con chó chút xíu.
Chín mười thằng ăn.
Đừng có xỉa răng.
Sau khi ăn chó.
Thịt chó ăn tối.
Mát bụng ngủ ngon. (2)
* * *

Tôi chỉ biết khắc khoải hy vọng và trông chờ; trông chờ và hy vọng… Ngày nào cũng như ngày nấy... khiến lòng tin yêu hy vọng trông chờ đã trổi dậy trong tất cả khát vọng. Tôi nghĩ hết cách, tìm kế sinh nhai vẫn không ra thể thống gì, sau nhờ ông cậu Cương ở ngoại quốc gởi về cho năm trăm dollars. Tôi trở nghề nuôi heo nái, non một năm sau, heo mẹ “sản-xuất” ra bầy con lít chit kêu ụt ịt, tôi mừng rỡ, mình nuôi năm sáu tháng sau sẽ bán heo con, kiếm tiền độ nhật. Nuôi heo nái là một kỳ công, khổ cực trăm bề, khiến tôi đâm ra giận cá chém thớt. Tôi đổ ụp bao bèo ra giữa sân, vô ý cùi chỏ vung mạnh, đã trúng cạnh bàn táp lô đá, đau điếng. Bực dọc, tôi đưa chân đá mạnh chiếc ghế sắt què chân lặt lìa lặt lọi. Chiếc ghế dập ngược lại, phang ngay vào ống quyển mình sưng vù, bầm tím. Tôi co chân xoay mấy vòng, xuýt xoa, đau điếng.

Mẹ con tôi vừa lội ngoài mé sông Cầu Bông, vớt bèo ngoài trời nắng chang chang về, mệt rũ người. Tôi ngồi dạng háng giữa lề đường, (nhà nhà cả khu xóm nầy quá chật chội, nên ai ai cũng lấn chiếm của chung ra ngoài lộ, hầu mong có chút sân cỏn con, để xử dụng công việc vặt). Tôi vơ lấy vơ để đống bèo, cứ thế, tôi giáng mạnh con dao phay cùn trên tấm thớt mỏng, tấm thớt nhảy tưng tưng theo từng câu chưởi:
- Con đường nào cũng dẫn đến La Mã. Nếu vùng La Mã có treo câu: “Không có gì quý hơn độc lập tự do thật” thì hay lắm. Tiếc thay!

Hàng khẩu hiệu trên, há chăng đã treo đầy trên mọi ngỏ ngách, lại đóng cao trên cột cổng trại tù. Ôi! Mỉa mai thay! Từ ngày có câu nầy, đời sống biết bao người và gia đình tôi bị chà đạp, cướp đoạt, bóc lột hết mọi thứ. Bỗng dưng dân tụt xuống đáy vực, không có gì quí hơn sự trần truồng, trụi lủi ban-sơ như thuở đầu mới lọt lòng mẹ là gì! Ấy thế mà, cuộc đời tôi dù lắm bon chen, trải qua muôn vàn trái trở đắng cay, bầy heo con lọt lòng chưa được ba tuần, qua “cơn gió chướng”, bầy heo rũ nhau ra đi theo tam tứ đại họ hàng ông bà ông vải dòng họ giống heo Yorkshire mất tiêu. Chúng tôi chỉ biết ngồi bên nhau khóc ròng.
Bà Nga thủ thỉ bên tai tôi:
- Nói chung mọi người ở hai miền Nam Bắc đều có ruộng vườn, bạn bè thôn xóm; có mái nhà chui ra chui vào ấm áp, có gia đình vợ con anh em như chúng ta. Nhưng mà… Cô cậu có ăn học cao như thế, sao hồi ấy vợ chồng cô không chịu đào tẩu, dzọt lẹ theo thuyền bè mà ra khơi, cho bầy trẻ nó nhờ. Trụ lại làm gì cái nơi thổ tả nầy, không biết!
- Em đâu có ngờ…
- Ừa phải! Sao tôi dốt nát quê mùa tệ! Ngay khi đi xếp hàng mua vải vóc, hay thực phẩm, tôi bị lừa. Hàng lậu hàng dỏm từ biên giới vùng chợ trời Tây Ninh chuyển về, mà đám chóp bu cũng bị tráo, bị lừa, nữa là tôi.
Các con tôi càu nhàu:
- Bà trưởng Ấp nói mẹ con mình lao động cho tốt, thì ba sẽ về hoài, sao mình cứ xách đồ ăn, đi thăm nuôi ba mãi như vậy, hở mẹ?
- Ở trường cô giáo cũng nói: Con phải học xuất sắc, tiên tiến, thì ba mau được tha về. Tám chín năm nay, con đứng nhất lớp hoài. Mà sao ba chưa về?

Lời nói của các con chẳng khác nào như xô nước bẩn tạt vào mặt tôi, tôi giận run cúi đầu im lặng mà vuốt mặt không xuể. Nhưng giận ai? giận gì? Giận mình đã lừa dối các con thơ ư? Tôi chỉ biết ậm-ự, giả lả chờ ngày mai đến! Ngày mai không bao giờ giết chết niềm hy vọng! Dù nỗi đớn đau dày vò, tâm trí lao đao, mệt nhoài, nhức buốt những suy nghĩ nặng trĩu trong đầu mình. Năm bảy tháng có khi hơn cả năm, mẹ con tôi mới có dịp đi thăm Luật một lần. Trong trại tù, con tôi đã hỏi ba:
- Ba nói ba chỉ đi “cải tạo” hai tuần. Nhưng mấy trăm lần hai tuần, rồi cả chín mười năm nay. Ba mẹ lại nói láo với tụi con: “mai mốt ba về”.
Tôi nín lặng. Làm sao có thể hứa suông mãi:
- Ừ. Hãy ngoan, học giỏi con nhé. Ba sắp về mà.
Đi thăm tù. Đi hoài, chỉ có đi mà không có về. Ồ, mà về, về đâu? Về đâu rồi cũng sẽ... chả ra cái thể thống gì! Thân xác anh chồng bây giờ lúc nóng lúc lạnh, váng vất vật vờ theo cơn sốt rét da vàng cao độ, với giấc mơ hãi hùng trôi lềnh bềnh như con sóng vỗ mạnh. Luật giơ những ngón tay gầy quơ cào chới với vào khoảng không, anh oằn người cố hét lên, để thoát ra khỏi giấc mộng dị kỳ. Thân xác anh vã mồ hôi hột, anh đau rất nặng như bị tảng đá đè lên, hai mắt anh mở không ra, ở trại tù không hề cho một viên thuốc, anh càng chìm lún vào vũng tối mê hoảng mênh mông. Vì:

Mùa mưa trở lại sao anh không về?
Hay đã đi rồi là xa mãi mãi?
Chỉ một lần thôi đi dưới mưa khuya.
Ai bảo bên nầy thương nhớ bên kia.
*
Mùa mưa trở lại anh đi không về.
Mong tóc anh chừ màu đen vẫn thắm.
Chập chờn từng đêm nỗi nhớ lê thê.
Tóc vắt ngang trời mưa đẫm cơn mê.
*
Sợi tóc em vương áo anh ngày cũ.
Màu tóc thật đen, đen đến bây giờ.
Chờ đã bao lâu, bao mùa mưa lũ.
Bạc cả cơn mơ lẫn tóc người chờ.
*
Giờ thì tóc đen bện cùng tóc trắng.
Bắc làm sao qua biết mấy sông hồ!
Mùa mưa trở lại giăng trên lối vắng.
Ướt cả trong ngoài mà lòng vẫn khô.
*
Mùa mưa trở lại anh đi không về.
Mong tóc anh chừ màu đen vẫn thắm.
Chập chùng từng đêm, nỗi nhớ lê thê.
Tóc vắt ngang trời, mưa đẫm cơn mê. (2)
***

Mười năm sau… khi Luật ra tù "cải tạo", chúng tôi tằn tiện cố dành dụm ít tiền còm, có mở cái quán bé tẻo teo, chiều dài và rộng chỉ có 3m x 2m, bốn bề quây bằng liếp phên ọp ẹp, trên mái lợp lá dừa che nắng che mưa, quán mở nhờ nơi trước sân đất bất hợp pháp của nhà ông bà Ngôn. Trong quán đặt tấm ván ép, vừa dùng là nơi tối Luật nằm ngủ, để canh giữ quán, cũng là nơi đặt một cái máy may cũ, nhận may quần áo lẹt xẹt, ngỏ hầu kiếm miếng cháo sống lây lất qua ngày. Trước cửa sổ rộng toang hoác treo tòn ten những nhánh chuối, bánh ú, bọc kẹo, bánh đa,... vân vân... Dưới gầm tấm ván ép có đóng hàng kệ dùng để chao, mắm, muối, dầu đậu phụng, ớt, hành, ngò, bột ngọt, linh tinh... Tóm lại quán xá chi nghèo nàn leo teo và trống trơn, thấy thảm. Nhưng chúng tôi cố kiên nhẫn chịu đựng để lây lất sống qua ngày.
Suy cho cùng, thì gia đình tôi sống trong xã hội chủ nghĩa, thật không có gì quý bằng... nghĩa chó!
*

Sau nầy, tình cờ tôi đọc được nhiều bài viết về CHÓ rất hay - Thật tình tôi vẫn nhớ thương và tiếc nuối bầy chó nhà tôi, vì tôi không thể mang chúng nó đi Mỹ cùng gia đình. Đồng thời khi tôi đọc bài viết của: Luật Sư George Graham West đã thắng kiện với bài biện luận được coi là bài diễn văn hay nhất thế kỷ, khiến tôi lại càng nhớ thương con Jacky, vì chúng tôi quý nó vô vàn: Luật Sư George Graham West đã nói:
... Thưa quý ngài Hội Thẩm,
Người bạn tốt nhất mà con người có được trên thế giới này, có thể một ngày nào đó hóa ra kẻ thù và quay ra chống lại ta. Con cái mà ta nuôi dưỡng với tình yêu thương hết mực, rồi ra có thể là một lũ vô ơn. Những người gần gũi thân thiết ta nhất, những người ta gửi gấm hạnh phúc và danh dự, có thể trở thành kẻ phản bội, phụ bạc lòng tin cậy và sự trung thành. Tiền bạc mà con người có được, rồi sẽ mất đi. Nó mất đi đúng vào lúc ta cần đến nó nhất. Tiếng tăm của con người cũng có thể tiêu tan trong phút chốc bởi hành động dại một giờ. Những kẻ phủ phục tôn vinh khi ta thành đạt có thể sẽ là những kẻ đầu tiên ném đá vào ta khi ta sa cơ.

Duy có một người bạn hoàn toàn không vụ lợi mà con người có được trong thế giới ích kỷ này, người bạn không bao giờ bỏ rơi ta, không bao giờ tỏ ra vô ơn hay tráo trở, đó là con chó của ta. Con chó của ta luôn ở bên cạnh ta trong phú qúy, cũng như trong lúc bần hàn, khi khoẻ mạnh lẫn ốm đau. Nó ngủ trên nền đất lạnh dù gió đông cắt da cắt thịt, hay bão tuyết lấp vùi, miễn sao được cận kề bên chủ là được. Nó hôn bàn tay ta, dù không còn thức ăn gì cho nó. Nó canh gác giấc ngủ của ta như thể ta là một ông hoàng, dù ta có là một gã ăn mày. Dù khi ta tán gia bại sản, thân tàn danh liệt, thì vẫn còn con chó trung thành với tình yêu nó dành cho ta như thái dương trên bầu trời.

Nếu chẳng may số phận đá ta ra rìa xã hội, không bạn bè, vô gia cư, thì con chó trung thành chỉ xin ta một ân huệ là cho nó được đồng hành, cho được làm kẻ bảo vệ ta trước hiểm nguy, giúp ta chống lại kẻ thù. Và khi trò đời hạ màn, thần chết đến rước linh hồn ta đi, để lại thân xác ta trong lòng đất lạnh, thì khi ấy, khi tất cả thân bằng quyến thuộc đã phủi tay sau nắm đất cuối cùng và quay đi để sống tiếp cuộc đời của họ, thì khi ấy vẫn còn bên nấm mộ ta con chó cao thượng của ta, nằm gục mõm giữa hai chân trước, đôi mắt ướt buồn vẫn mở to cảnh giác, chân thành và chân thực ngay khi ta đã chết rồi.
***

Tình Hoài Hương

(1) - ca dao
(2) (sưu tầm)
(3) “Tóc Vắt Ngang Trời” :
Thơ Lê XuânN. Phổ nhạc: Đoàn Khôi.
*

Tinh Hoai Huong
02-13-2018, 09:38 PM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1518554842-dalat Domain de Maria.jpg

/uploadpics/mp3_pdf1017/1518554906-Co Bay Tren CoThanh Quang Tri.mp3
Tết Mậu Tuất (2018) nhớ về Tết Mậu Thân (1968)


Muôn ngàn chim én líu lo, xôn xao tưng bừng, ríu rít chao lượn từng đàn đông nghẹt trên mái ngói lầu cao. Từng chòm thông tươi tốt mọc thẳng lên cao vút, xòe táng lá xanh mướt, um tùm, trông cao lớn, phơi phới, mát mẻ lạ thường. Tiết trời quang đãng, trong thanh, ấm dịu, vừa xua tan đêm trừ tịch nơi thành phố Đà Lạt an hòa, thi vị có lắm mộng nhiều mơ. Tự lúc nào không biết gió xuân về mát rượi, khiến tôi cảm thấy trong lòng dâng lên nỗi an thư ngọt ngào lâng lâng, xao xuyến ngất ngây vô vàn. Niềm vui đọng lại trên non ngàn những giọt sương long lanh, rưng rưng nơi cánh hoa anh đào, hoa lan, hoa hồng… và nơi đài hoa mai chúm chím e ấp buổi giao mùa.

Kể từ ngày 23 tháng Chạp, mọi người nôn nao đưa Ông Táo về Trời, nhờ ông tấu trình với Ngọc Hoàng công việc làm ăn ở trần thế. Thì, ngày xưa ở cung điện hoàng gia vua chúa nước ta, từ nhất phẩm đến cửu phẩm sắp hàng thứ tự trước điện rồng, để làm lễ bái tạ Trời. Đất. Vua, quan, viên chức uy quyền trong triều đình sắp tới hàng dân dã, ai nấy đều làm lễ trừ tịch, tống cựu nghinh tân. Các lễ trong triều thần quan trọng là: Nguyên Đán. Phất thức. Tịch điền rước thần nông. Tế xuân. Du xuân (hưởng: Xuân, Hạ, Thu, Đông). Cúng tam sinh: Trâu (hoặc, bò, dê). Ngoài ra còn có lễ tế cờ: Có ba bài vị gồm: một viên tướng cờ đi đầu. Sáu vị tướng cờ đi giữa. Năm vị thần cờ đi hai bên.

Toàn dân đón xuân náo nhiệt, tưng bừng vui vẻ, linh đình. Người ta bày hương án, bánh trái hoa quả cúng gia tiên, mâm cổ đầy nhóc trên bàn: nào là xôi, gà, vịt, heo, bánh trái, vân vân... Sau đó họ đi thăm mồ mả. Đi lễ chùa hái lộc đầu năm, thăm đình đài lăng miếu. Dân gian được tự do chơi bài Chòi. Tam cúc. Cờ tướng. Xóc dĩa. Bài tây: xì lát, đánh xì tố, xóc bầu cua, vân vân... Sau ngày hạ cây nêu, thì có lễ hoá vàng, đốt vàng giấy, lúc giấy gần tàn, họ đổ ly rượu cúng vào lò đốt, là chấm dứt ngày Tết.

Nay thì nghi thức nghinh xuân ấy được đơn giản rất nhiều. Nhưng vẫn theo phong tục cổ truyền Việt Nam, dù bận rộn, đa đoan với muôn vàn công việc chất chồng. Dù cách trở xa xôi đến đâu, thì ba ngày Tết người ta vẫn quay trở về mái nhà xưa, trước tiên mừng ngày trọng đại của cả dân tộc, cùng cúng giỗ thờ kính tổ tiên, sau là ngày sum họp mật thiết rất quan trọng, ngỏ hầu gặp gỡ người thân trong gia đình… tay bắt mặt mừng hân hoan vui vẻ chúc tụng nhau bao ý lành, vui hưởng Tết Nguyên Đán linh thiêng đầm ấm, thong dong đi thăm viếng mọi người. Ngày Tết là ngày hưởng lộc đầu năm, ngày linh thiêng, thế nên ai ai cũng trân trọng, kiêng cữ, không làm điều sai quấy, nói năng bậy bạ.

Ngày mồng Một Tết, Mậu Thân. Gia đình tôi đi chúc tết ông bà Cương, và bà con thân nhân bên nội ở trong Hà Đông. Ai nấy chúc nhau:
Năm mới Tết đến
Rước hên vào nhà
Quà cáp bao la
Mọi nhà no đủ

Vàng bạc đầy hủ
Gia chủ phát tài
Già trẻ gái trai
Sum vầy hạnh phúc

Cầu tài chúc phúc
Lộc đến quanh năm
An khang thịnh vượng.
Đong cho đầy hạnh phúc

Gói cho trọn lộc tài
Giữ cho mãi an khang
Thắt cho chặt phú quý…
Cung chúc tân niên,

Sức khỏe vô biên,
Thành công liên miên,
Hạnh phúc triền miên,
Túi luôn đầy tiền,
Sung sướng như tiên. (*)

Xế trưa vợ chồng tôi chạy xe lên trên Couvent thăm hai gia đình anh chị Thái, Thiệu, bạn bè xóm làng thân thương, rồi đến khu nhà Bò (Đào Duy Từ), qua bên Nhà Chung gần nhà thờ con gà thăm anh chị bên họ ngoại. Chúng tôi lại ra phố thăm hỏi gia đình anh chi Lê. Đâu đâu pháo cũng nổ dòn: đùng... đùng... đùng... thật vui vẻ rộn rã tưng bừng. Người người hớn hở tay bắt mặt mừng, muôn câu chúc tụng hân hoan ấm nồng luyến thương hoài nhớ. Nhà nhà người nào người nấy tụm lại gây sòng đánh xì phé, đánh chắn, xóc dĩa. Trẻ con chơi lắc bầu cua ở góc hiên nhà. Thanh niên nam nữ và tráng niên lại chúc:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Phúc lộc đưa nhau đến từng nhà
Vài lời cung chúc tân niên mới
Vạn sự an khang vạn sự lành.

Đầu xuân năm mới chúc BÌNH AN,
Chúc luôn TUỔI TRẺ chúc AN KHANG.
Chúc sang năm mới nhiều TÀI LỘC
Công thành danh toại chúc VINH QUANG. (*)

Cận khuya chúng tôi mới lò mò trở về nhà. Nhà tôi ở tại ngả Tư Trần Bình Trọng và Mai Hắc Đế, cạnh bên trái hông nhà tôi là khu Dân Y Viện Đà Lạt, ngược về hướng dòng Domain De Marie (là đi xuống trường Đa Nghiã và Khu số Bốn). Trong tận cùng im vắng của đêm trường đầu xuân mát rượi lẫn ngọt ngào hương vị ngày Tết nồng ấm xiết bao!
Bỗng nhiên tôi nghe từ nơi xa xa đạn réo vù vù trên không trung. Súng lớn súng nhỏ đồng loạt khạc đạn, làm rung chuyển mặt đất, tung tóe lửa dữ dội. Khu đồi Domain de Marie yên tĩnh ở phía bên kia vực thẳm, sau lưng nhà tôi dội lại tiếng gầm thét dị kỳ: xì xì, xẹt xẹt… ùm… ùm…, pằng… pằng…, tạch tạch…, cắt bụp, cắt bụp… xè…! Đạn rạch đêm tối vút vút bay qua bay lại, đan chéo qua chéo lại. Những đóm mắt sáng đục hỏa châu lơ lửng trên không trung nở vàng bầu trời khuya. Trái sáng tụt nhanh xuống mặt đất và tắt đột ngột, trả lại bóng đêm tối thui, như khi nó chưa nở rực ra trên bầu trời khuya quạnh vắng đẫm ướt sương mù. Trong màn đêm đầy sương trắng xoá dày đặc bị xé rách bởi lằn đạn tóe lửa. Mặt đất phả ra làn hơi sương nhút nhát, e dè lởn vởn bay bên mấy bụi cây.

Ban đầu Lâm ngỡ là mình nằm mơ ngoài trời đốt pháo Tết, nhưng sau khi anh thấy trái sáng rợp trời, súng đạn rạch không khí bay chíu chíu… xịt... xịt, có cả thứ súng “cắt, bụp, xè”; nên anh tỉnh hẳn người. Lâm gọi mẹ, vợ con dậy ngay. Nhanh như chớp, vụt thoáng trong giây lát tôi và Lâm kéo nệm xuống gầm giường, hai chúng tôi lò mò trong bóng tối để giăng mùng cẩn thận, rồi Lâm bế hai đứa con mắt nhắm mắt mở chui vào mùng. Chúng tôi nằm sát bên vách gỗ, đắp kín mền mà tôi vẫn cảm thấy toàn thân lạnh giá vì vã mồ hôi hột, hai hàm răng va vào nhau lụp cụp, tay chân bủn rủn run cầm cập. Tôi sợ hãi gần như nghẹt thở. Súng nổ dập dồn không lúc nào ngơi hung hăng tống vào ngọn đồi thưa, nơi có mấy công xưởng, ty Hiến Binh hồi xưa (nay là chi nhánh của Ty Công An, nằm về phiá tay phải nhà tôi).

Lâm bấm bấm vô cánh tay tôi, để ngón tay trỏ lên miệng anh, khoèo vào hông tôi và ra dấu cho tôi bò theo. Chúng tôi mò mẫm lồm cồm bò bò từ phòng ngủ ra phòng khách tối. Lâm nhón người nhẹ vén bức màn voan, nhìn ra đường quan sát. Đường phố im lìm vắng lạnh. Nhà nhà đều cửa đóng then cài cẩn thận. Tuy vậy, tôi thấy nhiều tấm màn bên những ngôi nhà ấy khẽ lay động. Hỏa châu đỏ nở rộ trên trời như những đôi mắt hung thần, soi rõ cảnh vật. Trên trời liên tục bừng sáng và hoả châu rơi xuống, chìm lẫn vào bóng đêm.

Do tôi mãi nhìn đường phố vắng lạnh, thì Lâm vội bụm miệng tôi, anh kéo tay vợ nép vào góc tường. Khi ấy tôi thấy khoảng năm sáu tên đội nón cối, mặc đồ đen, đồ xanh rêu cháo lòng, hay mặc đồ lộn xộn, ống quần rộng thùng thình, lụng thụng cột túm vô mắt cá chân. Tay họ cầm súng, lưng đeo đạn. Quanh thân dắt cành lá, họ cúi đầu lom khom lủi lủi gần sát bên hiên nhà của nhà tôi. Họ mò mò cúi khom lủi chạy đi về phía đồn Công-an trên đồi. Họ đêm thành thạo, hình như họ thích hợp, quen thuộc với bóng tối, hay do ý tất thắng chiếm đoạt, muốn vượt qua trở ngại, hầu đạt đến khát vọng xâm lăng điên cuồng? Tiếng kêu lách tách lạch cạch do súng đạn cặp bên hông va đập vào nhau lộp độp theo mỗi bước đi cử động của họ, tôi nghe rõ, rùng rợn, hoảng sợ mà sởn ốc trâu và ớn lạnh! Chúng tôi đã bật ngữa ra: Việt Cộng đang xâm lăng lãnh thổ Đà Lạt, khiến tôi càng rợn người kinh khủng.
Giây lát sau tôi nghe ở cửa cổng đồn Công An (rất gần khu nhà dân) có tiếng quát hỏi:
- Ai đó???... Đứng lại.
- Đứng lại, không tôi bắn.

Không trả lời, lập tức đạn nhỏ súng lớn đồng loạt bay vèo vèo Pằng… pằng… pằng… Đùng… Đùng… Đùng… Oằng… Ùm… vút vút bay tới tấp trên đầu người dân. Thành phố Cao Nguyên Lâm Viên truyền cảm xiết bao đã bị xâm lăng, thành phố Đà Lạt nổi danh là thành phố thơ mộng, hiền hoà, một thành phố duyên dáng duy nhất không có đèn xanh đèn đỏ ngăn cản bước chân người, và chận dòng xe lớn nhỏ đều tuần tự nhịp nhàng chuyển động, đã thực sự đã đi vào binh đao, và bùng lên ngọn lửa chiến tranh hung tàn rồi! Đạn nổ lốp đốp, rơi rào rào, loảng xoảng, ào ạt rớt xuống mái tôn nhiều nhà lân cận, nghe sắt và lạnh. Khi chiến cuộc bước vào con đường an cư hòa ái của xứ lạnh hiền hậu nầy, dân cư ngơ ngơ ngáo ngáo và bàng hoàng lo sợ ghê lắm (vì ở nơi nầy yên bình ít khi có chiến tranh).

Vài phút sau đó trong xóm tôi kêu gọi nhau chui xuống gầm giường, gầm bàn trốn đạn inh ỏi. Tiếng kêu rú khóc la, xen lẫn tiếng súng bắn, mìn nổ thật gần, nghe rợn xương sống, đinh tai nhức óc, tức ngực quá chừng. Ôi lạy Chúa! Trẻ con bên hàng xóm cứ khóc thét toáng lên từng hồi, giống như có người nào ngắt nhéo chúng, hay cắt tay chặt chân chúng nó vậy. Còn đàn ông con trai thì im thin thít. Bây giờ nếu có tiếng la giọng nói của đàn ông, là càng làm người khác lo sợ gấp ngàn lần. Người ta lo sợ sự giao tranh súng đạn ngoài kia, và tiếng đàn ông núp ở trong xó nhà lắm. Có khác nào mấy ông tự tố cáo "lạy ông tui ở bụi nầy". Việt-cộng sẽ chĩa súng vào ngực họ, mà bắt đàn ông thanh niên đi làm bia đỡ đạn, hay bị bắn cái đùng. Thì khốn.

Khi căn nhà gỗ của bác Thao bị sập một bên, càng khiến cư dân trong khu xóm hoảng hốt la to, kêu rống, hét tướng lên… réo gọi tên nhau, kêu khóc ồn ào huyên náo bội phần. Bảy căn nhà vách ván đơn sơ ở xóm nầy đã đứng chênh vênh bất lợi từ mọi phía, lẻ loi, trống trải, cô độc trong địa bàn giao tranh, không ai có một tấc sắt để tự vệ. Biết lấy gì chống đỡ! Họ vẫn phơi bộ mặt cơ hàn, giơ cái bụng lép xẹp ra trước thời gian ở nơi lằn đạn mũi tên thế! Trốn tránh thế nào được! Khu xóm cao chênh chếch như một cù lao đứng giữa hai lằn đạn thì... có mà chạy trốn lên đằng trời. Chưa việc gì mà! Phải! Phải! Nhưng lạy Chúa! Sao tôi run lẩy bẩy, lo sợ tột cùng, miệng lưỡi co cứng, cổ họng đắng chát, khô khốc, hai bờ môi khô lông lốc dính chặt vào niếu, không một giọt nước miếng, không thốt được một âm!

Bầu trời đầy sương mù sau sáu giờ sáng bỗng dưng lặng ngắt như tờ, im ắng bao trùm còn đe dọa rùng rợn hơn cả nghe tiếng súng, hoặc có sự chết chóc. Sương mù và bóng tối không đồng loã với bình yên, nó bốc đồng và phản bội con người lúc nào. Chẳng rõ. Bây giờ không còn dòng suối mát, không ao hồ, thác nước thơ mộng đầy quyến rũ mang vẻ duyên dáng nên thơ Đà Lạt với danh lam thắng cảnh xứ hoa đào rồi. Biết đâu sẽ diễn ra “u mê ám chướng chiến tranh”, những lằn đạn chằn chịt theo khói lửa bay về thành phố nổi danh quyến rũ mơ màng! Đạn vèo vèo bay, xoắn tít hình trôn ốc ghim vào lòng đất, khiến địa hình Đà Lạt thi vị trở nên xấu xí, nhăn nhúm, biến dạng lởm chởm hẳn đi. Nhìn thấy nó mình mất cả hồn cả vía, chứ thơ mộng duyên dáng, gợi cảm cái nỗi gì nữa không biết.

* * *

Ánh nắng rực rỡ bừng lên, lớp sương mù dày đặc đọng lại trên các cành hoa anh đào, chạy suốt con suối cạn gần khu Domain de Marie mọc đầy lùm dã qùy to lá, nhụy nâu vàng hoa nở dọc theo bờ đất lỡ cuối vườn nhà tôi. Nước rỉ rả chảy xuống hố, rồi uốn lượn quanh co trong nhiều đám sậy nhấp nhô. Một ngày mới lại bắt đầu trong cuộc sống bất trắc âu lo. Phiền muộn. Hãi hùng âm thầm mà đau, đầy băng giá, mang mùi vị tởm lợm chết chóc và chiến chinh. Cái chết đe dọa từng giờ trên đầu mỗi người, ở trong thành phố Đà Lạt nổi tiếng hiền hòa thơ mộng xinh đẹp đang bị vây hãm. Súng đạn khiêu khích từng ngày, từng đêm, từng giờ, tệ mạt hơn là người dân phải chịu đựng những cơn xoáy lốc bốc lửa rít lạnh tê người khôn nguôi. Tim mọi người đập thình thịch không ngừng, không vì trận gió từ đỉnh đồi Lâm Viên thổi về. Mà vì nhiều loạt súng của kẻ xâm lăng đùng đùng đùng… Cắt bụp cắt bụp… Xè xè… và loại súng bắn trả: Pằng pằng pằng… Tạch tạch tạch… vang lên tứ phía liên tục luôn mãi, nhức nhối tai.

Từ ngày mồng Hai Tết Mậu Thân đến nay, mỗi ngày khoảng ba giờ chiều, bà con cô bác từ các đường: Hoàng Diệu, Trần Bình Trọng, Mai Hắc Đế, Yết Kiêu, Số Bốn, Số Sáu, Hai Bà Trưng, vân vân… lại ùn ùn chạy lên nhà thờ Domain, xin các bà dòng tu cho tạm trú dưới từng hầm. Họ mong tìm đến với nhau cho vơi sợ hãi và quên âu lo. Họ mong xích lại gần nhau tìm chút hơi ấm qua đêm. Sáng sáng họ lại lục tục kéo nhau ra đi, ai về nhà nấy. Từ trên dòng Domain về nhà, tôi nhìn trước ngó sau dáo dác như kẻ trộm. Căn nhà đêm trước bỏ hoang mở toang hoác cửa ngõ, chẳng cần cửa đóng then cài làm chi! Vì đã có súng đạn giữ gìn hộ rồi, chả lo gì mất của cải! Thời buổi nầy, lo giữ gìn bản thân chưa xong, chả an toàn, hơi sức đâu ai thèm đi giữ gìn của chìm của nổi, và hôi của người khác nữa không biết.

Tôi nấu vội nồi cơm thật lớn cho cả nhà ăn một hoặc hai ngày, rồi thấp thỏm tất tả chạy ra chợ xép ở đường Hoàng Diệu bòn mót đủ thứ đồ uống thức ăn cho có chất rau tươi. Tôi giành giật ở ngoài chợ mua nhặt từng chục trứng vịt, vài bó rau. Thịt, cá, thì mắc như vàng! (còn khu chợ lầu Đà Lạt to lớn là thế, mà nay leo teo mươi hàng rau đậu héo uá, dập nát). Có bao giờ người dân phố núi nghĩ ra: nơi thành phố thơ mộng quyến rũ nầy, lại có bộ mặt độc ác cuả kẻ xâm lăng vô Nam khuấy nhiễu, gây ra chiến tranh, ngỏ hầu người dân tích trữ thực phẩm khô, trong mùa xuân dồi dào nhựa sống chứ!
Các tay đầu tư thì cất dấu thực phẩm thật kỹ, cửa đóng then cài kín mít. Thỉnh thoảng có vài tiệm buôn lớn chỉ he hé cửa ra, họ “bố thí” nhỏ giọt từng ký gạo cho đồng bào, than ôi mình rớ vào muốn phỏng tay với giá tiền cao cắt cổ kinh khủng. Đại lý gạo Sơn Hà lớn nhất thành phố, tuyệt nhiên không thấy xuất đầu lộ diện, không có một hột gạo nào thoát ra khỏi khe cửa. Người ta đồn tiệm nầy là chỗ “kinh tài” cho Việt Cộng (!?) Ô ô hô... gạo thơm để nuôi dân lành cần cù lam lũ làm ăn, hay “nuôi ong tay áo, nuôi khỉ đốt nhà” hử!?

Mấy ngày đầu năm mới (trong cuộc chiến Mậu Thân), người ta mang theo vào tầng hầm trú ẩn nào là: bánh chưng, bánh tét, xôi, thịt, cơm gà cá gỏi. Đủ loại mứt, trái cây, hạt dưa, vân vân... Hương vị ba ngày Tết chưa kịp ăn. Nhà nhà đều dư thừa thức ăn ê hề, không thiếu món gì! Sau đó thực phẩm ứ đọng, thiu thối, hư hại sạch. Mọi người hồi hộp lo sợ, băn khoăn ngao ngán, nên chẳng ai nuốt trôi, họ nhịn đói mà khóc, không thể ăn uống bất cứ thứ gì. Họ đem ra đồ ăn vứt sau sườn đồi của nhà thờ Domain cạnh khu trường học, tha hồ cho lũ chuột cống, ruồi bọ tranh nhau lúc nhúc loi nhoi giành ăn.

Bất kể lúc nào, hễ nghe tiếng súng dồn dập, xa xa, về hướng Cam Ly. Khu Số 6. Khu Số 4. Dòng Chúa Cứu Thế. Lạc Dương…. Là bà con trong xóm tôi tê tái, hoảng hốt, ơi ới gọi nhau, sẵn sàng tay ôm tay xách, cổ đìu lưng cõng con cháu vụt chạy nhanh lên ngôi nhà thờ kiên cố trên đỉnh đồi, cần sự xích lại tương thân tương trợ ấm áp. Chúng tôi mong xích lại gần nhau, tìm chút an tựa, cần sự lân mẫn tự nhiên của người đồng cảnh ngộ. Khoảng ba giờ chiều, người người lục tục kéo nhau đi đến các nơi kiên cố và đông đúc. Tại khu hầm trú thì mỗi gia đình "xí phần" một góc vừa đủ trải vuông chiếu để ngả lưng sơ sài. Trên manh chiếu nương thân, họ dùng làm chỗ ngồi, ngã lưng nằm, cả nhà ăn uống qua loa chén cơm để cầm hơi. Cũng tại trên vuông chiếu nầy, người ta chồng chất đủ thứ lặt vặt cần thiết đã vội vàng mang theo.

Giống như những ngày hôm trước, sáng sáng tản mác mỗi người về mỗi nhà. Họ gồm đủ mọi thành phần trong xã hội, đủ khuôn mặt già trẻ lớn bé, xấu đẹp, ốm mập, đen trắng. Đặc biệt giữa đa số khuôn mặt bình dân thảng thốt ưu phiền, lo sợ, thì có bảy tám thanh niên thiếu nữ choai choai dé dé xinh tươi ở đâu tập họp lại, ưa náo nhiệt. Trước đó quần áo các cô cậu coi hợp thời trang, họ ung dung lượn quanh hầm, vui vẻ cười nói huyên thuyên, móng tay móng chân các cô đỏ chót. Vài ngày sau tôi dòm họ xộc xệch, túi vải lịu địu máng trên vai có tô thêm đất bùn lem luốc. Họ mệt mỏi cố vơ vét tất cả gia tài nhét trong xách da căng cứng bung hết dây kéo. Họ luôn mang kè kè bên hông, họ không khóc được, vì sự kinh sợ đã kéo dài khá lâu, vượt quá tầm mức chịu đựng của con người. Họ hãi hùng kêu tên nhau, i ỉ thút thít, nước mắt cạn khô, ráo hoảnh, ngơ ngáo bất động thì thôi.

Riết rồi ngày ngày chung đụng, người ta biết mặt, biết tên nhau, biết biết, quen quen, thân thân, hỏi hỏi, nói nói, ồn ào như vỡ chợ, nhưng nét mặt mọi người mỏi mệt bần thần băn khoăn đầy ngao ngán buồn thiu. Người ta mất ăn từng ngày, mất ngủ từng đêm âu lo tột độ. Sự đông đúc đầy dị hợm bắt đầu tẻ ngắt trong căn phòng chen chúc chật cứng, ngột ngạt như lò hồ quang, thiếu ánh sáng, thiếu không khí, thiếu mọi tiện nghi. Cảnh di tản có đủ thứ chuyện vui buồn. Tin tức nóng bỏng nhất được truyền khẩu trong ngày, trong tuần lan từ đầu nầy đến đầu kia, nhanh như chớp. Không gian và thời gian im lặng tẻ ngắt, đầy ghê rợn suốt buổi trong căn phòng chứa khoảng hơn ba ngàn người. Họ chen chúc ở nơi ngột ngạt, thiếu không khí, thiếu ánh sáng. Đôi lúc trên đầu loé lên tia lửa rạch không khí, bay vù vù trong không gian. Lằn đạn xẹt qua. Hai ba chiếc phi cơ không nhìn thấy rõ bay vút trong bầu trời, qua khung kính trên vòm mái cao. Giây lát sau tiếng rền rú uồm uồm uồm… ghê rợn. Hàng loạt đại bác trút xuống đỉnh đồi, vào khe suối xa xa…

Tôi xiết bao kinh hoàng lo lắng, và bồn chồn sợ hãi, vì Lâm đi trực về báo tin nhà ba mẹ tôi ở tại một Villa trên số 2 đường Pasteur, đối diện với Tiểu Khu Đà Lạt bị đốt cháy mất ¼. Ngôi nhà đồ sộ nay chỉ còn bức tường gạch (ở mặt trước đường Yersin), và bên mặt tiền phiá phải cuả ngôi nhà về hướng Pasteur) còn mấy hàng cột trơ trẽn (!?). Sau tiếng súng cắt, bụp, xè… thì mọi thứ bị đốt tan tành. Phố xá hỗn độn, khói lửa hừng hực bốc cao, khét lẹt bao ngày chưa dập tắt, kể từ khi cơn binh biến hùng hổ đến vỗ mãi những âm buồn. Nghe mà thật đau đớn bàng hoàng hốt hoảng và lo âu xiết đỗi. Một ngày kia tôi vội vã chạy về nhà. Đứng trên một góc tầng lầu nhà của ba má tôi đã bị sập gần hết một phần tư, trong nhà tối om, vắng tanh, đồ đạc ngổn ngang hư nát. Ba má và anh chị tôi đi đâu hết rồi? Họ có an toàn không?! Tôi lo lắng, bồn chồn, lấp ló thụt thò, dáo dác len lén nhìn sang phía bên kia đại lộ Pasteur, (đối diện nhà ba má tôi là cổng Tiểu Khu Đà Lạt/Tuyên Đức), hai mặt tiền nhà ba má tôi và Tiểu Khu chỉ cách một đại lộ, gần xịt.

Những anh lính trong doanh trại Tiểu-khu vội vã chạy lui chạy tới, lăng xăng, bồn chồn làm cái gì đó, xem có vẻ cấp bách, cần thiết lắm. Việt Cộng đã dùng bangalore phá một góc rào cuả Tiểu Khu. Một chiếc xe thiết giáp bị trúng ba quả B40 vẫn bốc cháy ngay trên đường Pasteur (sát cuối hông vườn sau nhà ba má tôi). Việt Cộng lẻn vào khu nhà xây gần Viện Pasteur để bắn vào Tiểu-khu. Nhưng xem ra không mấy thiệt hại. Kho Quân Tiếp Vụ bốc cháy, sáng rực cả một góc trại. Ty Cảnh Sát Đà Lạt sát bên nhà thờ Chánh Toà cũng bị hư hỏng nặng. Khẩu đại liên 30 đặt đâu đó, có thể là ở khu Quân Cụ thỉnh thoảng quạt một hồi vài tràng bâng quơ, tôi nghe rát bỏng, sợ hãi và điếc ù hai tai.

Trên bức rào cuả Tiểu Khu tôi thấy có ba thân thể cháy đen, mà rải rác gần đấy có vài cánh tay, bàn chân lủng lẳng quai dép râu. Những núm ruột người trắng hếu, dài lòng thòng còn lắc lẻo, đung đưa lắc lư vắt trên hàng rào gạch kiêm hàng rào B 40 rung rinh. Ruồi bọ lúc nhúc bu đông đen, rồi vụt ù ù bay lên đáp xuống. Khi ấy có vài người rảo bước liếc nhìn vội vã đi qua. Úi trời ơi! Mùi thúi thì thật hôi ơi là hôi kinh khủng. Khiến tôi bịt hai lỗ mũi, vẫn cảm thấy chịu không nỗi mùi thum thủm thúi hoắt, khiến mình không muốn vẫn nôn ọe ra.
Có con chó lài hoang ốm tong ốm teo, lông lá lưa thưa nhô cao bộ xương sườn, từ góc đường Yersin + Pasteur nó rón rén lủi đi kiếm ăn, con chó rụt rè ngơ ngác nhìn quanh, nó vội cụp đuôi vô trong háng, cúi đầu cắm cổ chạy đến bên mấy xác Việt Cộng. Nó liếm liếm khúc ống quyển đen thui, và nó dỏng tai hếch mỏ lên... Trời ơi! Khúc ruột chỗ trắng chỗ đen vắt vẻo trên hàng rào gạch đong đưa, bầy ruồi bay lên, lộ ra khúc ruột dài ngoẵng chui thật nhanh vào hai hàm răng con chó gầm gừ nhe ra.

Tôi sợ dựng tóc gáy, xớn rớn, chao đảo, giao động mạnh, dày vò, và đau đớn cào xé con tim, hãi hùng tột cùng muốn xỉu. Hai đầu gối tôi run rẩy va đập vào nhau lộp cộp, như người mắc bệnh parkinson luôn tiết ra chất dopamine, khiến mình bại hoại rã rời tứ chi, lồng ngực tôi nhô lên hụp xuống sâu hơn. Tôi run bần bật ngồi bệt xuống dưới góc balcon, chẳng hiểu sao tôi cứ ói ra nước, rồi ói ra hoài, toàn thân muốn rệu xuống. Mấy tháng trước bà chị của tôi đã làm thịt chó, chị nấu đủ thứ, nào là: Rựa mận. Nướng. Hon. Thui. Thịt tái chanh. Thịt luộc. Xào lăn, vân vân... Hôm ấy có mấy gia đình anh chị em vui vẻ “xơi” thịt chó thơm phức ngon lành, chúng tôi ăn từ đầu chó tới đuôi chó, thậm chí cả bốn móng cẵng chân giò, xương chó cũng chặt ra làm nồi nước lèo xúp chó hầm ngon nhức nhĩ! Sao lúc ấy tôi chẳng thấy nôn oẹ, sợ hãi như bây giờ!?

Bỗng dưng tôi sực nhớ tới chuyện rùng rợn ở Tây Tạng, nơi thủ phủ Lhasa đến một vùng hẽo lánh kia, có tục lệ rất kinh dị khủng khiếp. Họ thường làm nghi thức tiễn người chết rùng rợn từ lúc rạng đông: Họ từ tốn lấy dao lóc từng miếng thịt người chết ra miếng nhỏ, rồi để trên những tảng đá cho kênh kênh ăn. Lại có nơi lóc thịt người chết vất xuống nước cho cá ăn. Hoặc họ vạc một phần trên sọ, chẻ sọ người chết ra, dùng sọ người làm chén ăn. Họ nghĩ: hoả táng tốn kém than củi và tăng oxide carbone (CO) thì uổng. Thủy tang hại nguồn nước môi sinh, mất công uống cả xác tro người chết vô bụng. Chi bằng cho loài kênh kênh xực, cá ăn, cho chắc ăn! Do nghĩ như vậy, thịt chó và thịt người chết treo lủng lẵng nơi góc hàng rào kia; khiến tôi càng tởm lợm và nôn ọe ra mật xanh mật vàng!

Chiến cuộc từ thời kỳ giặc giã đã tàn phá biết nhiêu mà kể xiết trong đất nước nầy, chiến tranh gây hận thù và chết chóc, bao đau khổ người dân còn kẹt lại trong cái thế trên đe dưới búa. Làm gì được lúc con người gây ra chiến tranh thật phi nhân, phi đạo đức. Làm chi được hỉ với con cáo, con hồ, con cọp, con chó sói, thậm chí cả con chó nhà đang nhe hai hàm răng nhọn, hoặc giống như loài bò sát rắn độc?: nếu ta không biết “thời thế thế thời thời phải thế” khôn ngoan trầm tĩnh thu mình dẽo dai chịu đựng! Mặc dù loài vật hung ác, nhưng nó biết đối xử tốt và bênh đỡ đồng loại. Tuy beo, cọp, chó sói: là giống ăn thịt sống chẳng hạng; nhưng đối với đồng loại chúng vẫn hiền lành lui về hang ổ (nơi an tựa ấm áp, thân tình), chúng biết yêu quý hổ con, sói con cuả mình. Càng hơn nưã chúng nhận biết đồng bọn, luôn trấn giữ bảo vệ bè-đàn cuả mình, không để tên “dị chủng” khác chủng loại xâm phạm.

Nhưng khi có “những kẻ” vượt lằn biên qua vĩ tuyến: táo tợn xâm lăng thành phố thơ mộng, chúng ngang nhiên đặt chân vào miền đất hiền hòa, cẩu thả dùng súng đạn bay vèo vèo, ầm ầm, đùng đùng trút trên đầu nhân thế đang vui hưởng ngày Tết, lúc mọi người tưng bừng nôn nao rước tổ tiên ông bà về chung vui với con cháu, và thưởng lãm dáng xuân huy hoàng êm đềm ngự trị trên thế trần. Thì tôi xin mạn phép cho hỏi:
- Kẻ đi xâm lăng và xâm phạm tới người khác, tàn ác gây ra cảnh đau thương tang tóc; thì những kẻ ấy thuộc về “hạng gì”?

Lo lắng rón rén bò bò trên hành lang nhà, và tụt xuống những bậc cấp, tôi tất tả chạy rõ nhanh về nhà mình, vừa chạy vừa thở hồng hộc, khiến tôi mệt kinh khủng! Từ nhà ba má ở đại lộ Pasteur, tôi cắm đầu cắm cổ chạy bán sống bán chết xuống đường Bà Triệu, tới Cầu Bá Hộ Chúc, qua góc Cường Để và vòng ngược lên đường Thành Thái, chạy qua rạp ciné Ngọc Lan. Tôi thở hổn hển, mệt lử ngơ ngác đi ra phố Hòa Bình: Hai chiếc xe jeep (ở khu Hòa Bình) bị Việt Cộng núp đâu đó bắn mấy quả B40, hai xe nầy cháy rụi. Tất nhiên là có người chết thảm rồi. Tiệm Hồng Châu (ở sát bên cây cầu xi măng cuả Chợ Mới) cũng cháy rụi, đen thui. Mấy tiệm lân cận ở quanh khu Hoà Bình, đường Phan Bội Châu cháy khét, khói lửa mịt mù, mùi hôi kỳ lạ tỏa ra cùng khắp. Phố xá buồn thiu, vắng hoe, tan hoang, lạnh lẽo như một thành phố chết.

Lác đác có mấy bộ hành tất ta tất tưởi, dáo dác lấm lét nhìn quanh, rồi dọt lẹ! Bốn người Thượng già: một người vạm vỡ đóng khố sọc rằn ri. Một đàn ông trung niên thân quàng tấm mền len cũ. Một phụ nữ ở trần giơ bộ ngực no tròn có núm vú đen đen ra giữa lộ thiên, và một thằng bé con khoảng ba tuổi trần truồng, khí trời lạnh đến thế mà hình như họ chẳng thấy lạnh, là sao nhỉ? Họ thường bán hoa lan ở trên góc phố, tôi thấy mấy người lớn đang khóc hụ hụ, họ hỉ mũi sột rột, họ bập bập cần tẩu cong cong như chữ S, mùi thuốc lá hăng hắc nồng nồng phả vào không trung mù khói đen xám, quyện lẫn làn sương núi mờ mờ vật vờ bay bay dưới nắng xuân chan hoà. Ông ta khạc nhổ bãi nước miếng văng xuống đất, coi gọn ơ:
- Khu Du Sinh trên cuối đường Huyền Trân Công Chúa, đã bị lửa cháy rụi hết, khiến nhà cửa tui tiêu tan. Mất hết! Kể cả gà, chó, ngựa, heo… và con người. Hụ hụ hụ... Các ôn ơi!

Thì ra họ bị “các con cháu bác” tớI đây bóc lột hết, chứ chả phải họ không biết lạnh! Tôi phiền não chạy riết về đường Minh Mạng, qua hướng Cẩm Đô, leo lên dốc ở nhà xác cạnh nhà thương. Chạy tắt trên đồi cỏ sau bệnh viện để về nhà. Tôi nằm vật ra giường, thở hổn hển, mắt trợn ngược mở trừng trừng nhìn lên trần nhà, ngao ngán thở dài và lo lắng sầu khổ biết bao!
*

Tình Hoài Hương
(*) Sưu tầm đó đây

Tinh Hoai Huong
02-27-2018, 07:49 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1519717330-1Dalat 76.jpg
/uploadpics/mp3_pdf1017/1519717534-Bai Tho Hoa Dao - Khanh Ly.mp3
Cuối Tháng Hai Bi Thương Huyết Lệ


Mấy con kiến dương, con cánh cam từ đâu bay vù vào tầng hầm đã bị bể những ô kính, chúng liệng đi liệng lại vài vòng, rồi đâm sầm vào vách tường đá, nghe cái "cộp", lớp vỏ cứng bóng láng ánh lên màu xanh biếc, lẫn màu cánh cam lóng lánh xoè ra, che phủ hai cánh bên trong mỏng te rất duyên dáng hài hòa có nhiều sợi gân nổi trên lớp vỏ mềm mại khép dần. Thế rồi chúng loay hoay cố tìm chỗ thoát ra ngoài, nên bò đi bò lại trên vuông cửa bể.
Tôi chợt nhớ ngày xưa ấy, tôi ưa ngồi dựa lưng vào cây thông chạc hai, chạc ba, tôi đong đưa đôi chân trên cây thông lùn tách chẽ thân ra làm đôi, để rình bắt cho bằng được con cánh cam, và bụm nó ở trong hai bàn tay, khum khum mà nương nhẹ, nâng niu. Lúc ấy tôi ngó lên bầu trời xanh lồng lộng gió, nhìn chiếc máy bay lượn trên cao, tôi hy vọng hão huyền, vui vẻ hát nho nhỏ những bài tình ca, khi hai bàn tay tôi thoăng thoắt đan áo thật đều, sợi len lướt nhanh và thành thạo trên cây kim mà tôi chẳng thèm nhìn.

Ngày nay, tại tụ điểm lánh nạn có nhiều phi cơ không nhìn thấy rõ vụt bay trên bầu trời, qua khung kính bể dưới vòm mái cao. Thì, câu chuyện hứng khởi về các kỳ công, thành tích của chiến binh giàu kinh nghiệm chiến trường, thường là đề tài bàn thảo đầy hấp dẫn, hứng thú, nuôi dưỡng trong lòng người dân đen niềm sung sướng, hứng khởi và kiêu hãnh khác thường. Chúng tôi đang ăn không ngồi rỗi ở dưới tầng hầm của nhà thờ Domain de Marie nầy. Những chiếc phi cơ thi nhau gào rú trên bầu trời, khẩu minigun sáu nòng có bốn ngàn viên đạn nhấp nháy chỉ vài phút đã khạc lửa ra khỏi nòng đang vút bay đến mục tiêu, khiến lòng tôi càng nôn nao, bồn chồn, cuống quít, lo lắng, sợ hãi xiết bao.

Đời có lắm chuyện tôi không hiểu, không thể hiểu nỗi. Từ lúc có “bọn giặc đỏ” về, mỗi ngày chúng tôi phải bồng bế con đội nắng mưa mà đi, vì căn hầm của nhà thờ Domain sẽ đóng khoá cửa. Mấy người trong xóm và gia đình tôi cùng nhau đi ngang qua Tiểu-đoàn lính trấn thủ Thị Xã Đà Lạt, tôi ngẩng nhìn anh hiệu thính viên giữ máy truyền tin AN/PRC 25 đang liên lạc giữa Tiểu-đoàn và Đại-đội. Các chiến sĩ có người cài lựu đạn M 26, mang súng colt 45, có người mặc áo poncho ướt đang mở nắp bi đông uống nước, anh vác khẩu M 16. Bên chiến xa M 48 trọng pháo cơ động, mấy quân nhân nằm lăn lóc trên các nẽo đường, dưới ngọn đồi chiếm đóng, trên cành cây còn ngái ngủ. Người choàng áo ca pốt ngồi sưởi lửa trong cái chốt dựng tạm vài hôm nay, mấy anh hong đôi bàn tay sạm nắng trên bếp than hồng, từ những trái thông khô xẹt tia lửa ly ti nổ tí tách. Cành lá thông tươi chất thêm vào lửa, tỏa khói mù mịt và phả ra mùi nhựa thông thơm hăng hắc, nhưng thật dễ chịu. Họ hong lửa mong xua tan bớt gió rét vì cơn mưa trái mùa. Giá lạnh ban mai làm tê cóng người lính phong sương dãi dầu mưa nắng.

Tôi rất quý mến và kính trọng những người lính không quản ngại gian khổ, vì bản tính chiến sĩ đa số thích phóng khoáng, tự do, hăng hái, nhiệt thành, nhất là trọng danh dự lo bổn phận có trách nhiệm. Thời gian lạnh lùng nghiệt ngã trôi qua, họ không tính bằng gian lao cay cực, khó nhọc, hạnh phúc hay hoài bão, ước vọng. Khi mùa hạ tới, thu đi, đông về, xuân đến... đời chiến sĩ phong sương, dãi dầu nắng gió khuya chiều, không gian bàng quan chả nương nhẹ đôi tay: dù phũ phàng, cay nghiệt, và buốt giá. Niềm nhớ thương da diết mỗi lúc một hao gầy trong đớn đau thầm lặng. Khóe mắt lính choáng đọng huyết lệ bi ai cảnh chiến tranh quyết liệt. Chiến sĩ ấy chấp nhận chết ngoài sa trường vì quê hương, vì dân tộc, thì có sá gì cái lạnh rét run run ngoài da và gió buốt vã vô mặt. Nhưng chiến sĩ ấy đã chết lịm trong lòng, vì cảnh huyết nhục tương tàn thật vô nghĩa trước tiên do bọn khát máu “đều têu” gây ra. Họ phải dấn thân, vì rằng:
Bất dâng cao sơn, bất tri thiên chi cao.
Bất lâm thâm cốc, bất tri điạ chi hậu
(không lên núi cao, không biết trời cao đến mức nào.
Không xuống hang sâu thì không biết đất dày ra sao) (tục ngữ)

Lần đầu tiên vấp phải sức kháng cự không tương xứng với đối phương, các chiến binh không dám ra tay càn quét cộng quân. Bởi vì, nơi vùng sẽ giao tranh tại khu Số 6 và khu Số 4 nầy, còn kẹt lại khá nhiều người dân vô tội trong tầm tay kềm tỏa. Khiến anh lính chiến có chiếc nón sắt rộng, thỉnh thoảng úp xuống tận sóng mũi, che cả cằm đến nồng ngộp nghẹt thở, hơi mỏi mệt, ngỡ ngàng, và bồn chồn xôn xao bâng khuâng làm sao ấy. Lính nằm ngửa trên đám cỏ bồng chờ đợi quyết định của chính phủ, anh bực tức, vác súng đi lui đi tới, bồn chồn đứng ngồi không yên. Người lính chiến biết nghe đạn xoáy rít bên mang tai ù ù, mà không có mũ sắt đội đầu thì e rằng đời đi đon. Anh biết bổn phận làm trai phải trả nợ núi sông. Lính gồm đủ mọi thành phần phong tục khác nhau, đã sống trên miền đất quê hương khác nhau, với hoàn cảnh gia phong và ước muốn càng khác xa nhau hơn.

Khung trời Đà Lạt se lạnh giữa lưng núi gom từng phiến mây bạc ùn ùn trôi dưới nắng vàng tươi rói. Mây phơi phới hào phóng bay bay khắp đỉnh đồi thông vẫn reo vi vu, quyện lẫn mùi hương hoa ngâu, hoa lý, hoa lài, hoa bưởi tỏa ra thơm thơm. Gió lồng lộng vỗ vào hàng hiên bên giại nứa sau hè nhà, phối hợp cùng bầy chim én lý lắc ríu rít vút vút bay lên bay xuống. Nắng và gió vô tình lùa tới, thi nhau đẩy khói lửa bốc cao vào cuộc chiến. Cho đến lúc chết vẫn tranh chấp kịch liệt những con đường nhấp nhô trồng nhiều hàng hoa anh đào, hoa xá lị, hoa mimosa óng ả lả lơi uốn khúc, lượn sóng vòng vòng quanh co ven đồi núi Đà Lạt. Khiến ta thèm những đồng bằng ruộng dâu, vườn bông cải su hào, những vườn mận, những đồi trà bạt ngàn đất đai phì nhiêu, cả những luống hoa muôn màu tươi đẹp, bao đồi thông ngút ngàn xanh um bóng mát.
Thế nên ta phải giành lại những gì đúng thuộc về riêng ta. Lính VNCH lũ lượt kéo nhau lên đây quyết giữ gìn thành phố Đà Lạt nho nhỏ; nhưng nổi tiếng xinh lịch quyến rũ nên thơ, nơi có những ông già bà lão chất phác thật thà, hiền hậu chăm chỉ làm việc. Nơi ươm nhiều mộng đèn sách chuyên cần và hải hồ phong sương của những chàng trai đơn sơ ôn nhu chớm lớn. Những nữ sinh nề nếp ngoan hiền “một dạ hai thưa”... thùy mị và đặc biệt đa số các cô hồn nhiên với… nụ cười duyên nồng nàn chúm chím, với… đôi mắt hồ thu long lanh tia nhìn trìu mến, với… "hai má nở hoa đào” có lúm đồng tiền rất xinh. Những em bé mủm mỉm ngoan ngoãn hiền lành dễ thương, tay chân mềm mại, các em có đôi mắt đen lay láy, hàng mi cong dài lưa thưa như đôi mắt nai, hai má em phúng phính trắng hồng. Nhìn thấy các em bé, không mấy ai mà chẳng có cảm tình với người Đà Lạt.
***

Ngày cuối tháng Hai, cả nhà tôi dù lo lắng sợ hãi trăm bề, nhưng phải lò mò đến chân khu nghĩa trang số 4, vì bị bọn Việt+ lẽn về thành phố quậy phá, nên chúng tôi không thể đi viếng nghiã trang. (Không cứ gì riêng chúng tôi lo sợ, mà phải kể như toàn miền Nam Việt Nam ai nấy đều bàng hoàng thảng thốt lo lắng, khi người dân đang vui vẻ sum họp gia đình để đón Tết). Luật lúi húi đốt hương trầm trên những nấm mồ tổ tiên; nào ngờ có nơi đã phơi ra thi hài lõa lồ lắc lẽo, rửa nát, tanh hôi, sình bủng, không trọn vẹn hình dáng ai rải rác bên vệ đường ở thành phố cao nguyên Lâm Viên, chưa có người kịp nhặt đi chôn. Bỗng nhiên tiếng súng bên kia rau ráu ầm vang nhức nhối nổ thật rát tai, quá kinh thiên động địa, tạo thành một chiến trường bi phẫn, bạt ngàn khói lửa tuông về, chết chóc, rùng rợn, thê thảm sẽ ập đến nữa mà thôi! Chiến tranh ngang nhiên ngốn đi biết bao thanh niên trai tráng, và ông già bà lão trẻ thơ vô tội; kể cả động vật có hai chân, bốn chân, hoặc không có chân nào như giun, rắn... và bất động vật. Bất kể “chủng loại” nào, thế mà “bọn chúng nó” cũng chẳng từ nan. Chiến sự không tốt đẹp gì.

Phía Việt Nam Cộng Hòa chưa thể ra tay! Nếu có đề phòng trước, không bị bất ngờ, và có quyền quyết định như người xưa “tiền trảm hậu tấu”, vị tất bên phe ở miền Nam chẳng nhường cho “kẻ dị tộc” tràn vô Nam xâm lăng một tất đất. Lẽ nào chính phủ Việt Nam Cộng Hoà để “người lạ phương xa” tự do ra vào tung hoành, tranh phần lãnh thổ của riêng ta, mặc cho nó thao túng!? Vì chính bọn họ đã ngang nhiên vi phạm quy ước hiệp định “The 1954 Geneva Cease-fire Agreements” đã ấn định: chia đôi đất nước Việt Nam ra làm hai phần: miền Bắc – miền Nam tách bạch (riêng rẽ chủ quyền lãnh thổ). Lấy cầu Hiền Lương, vĩ tuyến 17, con sông Gianh làm mốc chuẩn mực. Dù phải chia lìa quê hương, xa nơi chôn nhau cắt rốn - Ngăn cách đôi bờ xót xa, tủi nhục, một sự tủi hờn điếng lặng đớn đau muôn đời khắc in vết chàm, không bao giờ kỳ cọ gột rửa sạch! Chính phủ miền Nam Việt Nam Cộng Hoà vẫn tôn trọng quy ước, tuyệt nhiên không xâm phạm lãnh thổ của ai. Cũng không so đo chịu chút “lép vế” do đã “nhường & nhịn”… là rõ có lòng nhân đạo tuyệt vời ra sao! Ấy vậy mà, những tên “bố tổ cha bác kia” đã làm động mồ động mả, động những ngôi cổ mộ tôn kính từ lăng Nguyễn Hữu Hào xa tít trên triền núi Cam Ly Thượng, chạy dài xuống nghĩa trang… động cả thánh thần muốn yên nghỉ giấc nghìn thu ngoài nghiã trang khu số 4. Ngay trên bàn thờ mọi gia đình cũng bị lật tung, ông bà tổ tiên bị dựng đứng dậy! Nhất là hương hoa đèn nến nghi ngút toả ra tại các chùa chiền linh thiêng, am tự, nhà thờ, nơi đình đám hội hè, mọi nhà cư dân yên ấm vui vẻ ba ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền, đâu đâu cũng bị bốc cháy, rụi tàn.

Thảng thốt. Bàng hoàng tột độ. Thật phi đạo đức! Tôi thương những người chân thật, mềm yếu rụt rè, phần nữa là họ cùng tôi có những nét tương giao đồng cảnh ngộ. Mặc dù sự phòng tránh bom đạn ở trong nhà tôi chẳng chắc chắn chu đáo gì, Luật đã kê ở bốn chân giường lên những cục táp lô, rồi chất bao đất cát ở bốn phiá chung quanh giường đôi, làm thành căn hầm tạm trú. Nền xi măng lạnh lẽo được quét sạch và lau đi lau lại bằng khăn lông vắt khô nước. Tôi trải tấm nệm xuống nền nhà để ngả lưng. Mới bốn giờ chiều mà cả nhà lo chui vô “hầm trú” nầy. Buồn không nói nên lời! Ở thời buổi chiến tranh không biết nghỉ mệt, làm sao bây giờ? Không sáng tối nào mà tôi khỏi thấy đầu đạn mới, mìn cày xới trong vườn hoa trước sân nhà, trong phòng ngủ, phòng ăn. Có nhiều hôm đạn ghim vào nệm, vào gối. Dễ sợ chưa! Đầu đạn ghim vào vách ván thì không kể xiết. Tất cả cửa kính bể nát, tha hồ cho gió lạnh lộng hành rít vù vù, lật tung hết mọi trật tự trong gia đình. Mấy cái phuy chứa đầy nước uống đạn xuyên qua, nước chảy cạn xuống đáy thùng. Sáu bóng đèn điện trong nhà cứ vài hôm bị đạn "xơi tái" đi. Riết rồi trong nhà tôi, ngoài ngỏ, nơi đường cái tối thui, không còn một bóng đèn nào, Đà Lạt bấy giờ gần giống như "thành phố chết" ở nghĩa trang buồn khu số 4. Không ai có thì giờ nghĩ đến chuyện dọn dẹp nhà cửa khang trang tươm tất hơn.

Thế rồi chúng tôi không thể nằm lì ở nhà, mà phải bồng bế nhau chạy lên khu nhà dòng Domain lánh nạn, vì đạn nổ réo rát tai, tức lồng ngực kinh khủng, cư dân trong thành phố tôi ai ai cũng đi đi về về lánh nạn (người dân ở vùng nào, thì tạm lánh ở những cao ốc an toàn nhất của vùng đó, (ví dụ khu ở nhà Chung, nhà Bò… họ sẽ chạy vô núp trong nhà thờ Chánh Toà). Dưới khu Điạ Dư thì dân vô ngủ nhờ ở trường Grand Lyce’), vân vân... Bảy gia đình ở khu Mai Hắc Đế cuả chúng tôi cư ngụ gần dòng tu Domain de Marie (dòng tu có biệt hiệu là: “dòng Bác Ái của Bà Xơ áo Xanh”, còn có tên là “dòng Nữ Tu Mai Anh”, vì trên khu đồi nầy trồng toàn hoa Mai Anh Đào”). Sau vài ngày sửng sốt bàng hoàng dáo dác lấp ló nhìn nhau; thì mấy ông mồ côi (con nuôi của các Bà Mẹ dòng) không cho “cánh đàn ông ở ngoài Đời” (đây là “từ” mà các con nuôi cuả bà mẹ dòng Domain muốn ám chỉ về: -Những người ngoài đời ấy không phải là con nuôi, con mồ côi “thuộc quyền cai trị” của các bà mẹ dòng tu-). Mấy “ông mồ côi” không cho mấy “ông ở ngoài đời”, vào ngủ nhờ dưới tầng hầm.
Mấy “tướng mồ côi” nầy được các bà mẹ dòng Domain đi nhặt nhạnh ở đâu đó trong thành phố, hoặc vài nơi: Tỉnh, Thành nào… đã bị cha mẹ họ dã tâm bỏ rơi con. Rồi các bà dòng bác ái ấy cưu mang, ra tay làm phúc, gây đức, lụm khụm tay bồng tay dắt đùm túm tha nhặt mang trẻ không cha mẹ, tứ cố vô thân về nhà dòng, mà nuôi dạy cho nên người hữu dụng. Khi các bà có “cục cưng” thì ôi thôi họ lo nuôi nấng, ấp ủ cho “đàn con côi cút” có cơm ăn áo ấm mặc, học hành tử tế. Dĩ nhiên “các cưng” được các bà cho ăn cơm ngon và không khỏi với… ăn đòn (khi các con ưa quậy tưng trời)! Đàn con nuôi dần dà lớn lên thành nhân, thành tài, các mẹ dòng lại đứng ra dựng vợ gã chồng “hợp tác” cho con mồ côi có tổ ấm riêng. Các bà dòng làm một dãy nhà gỗ, hoặc nhà xây ở tít dưới thung lũng (khu đất rộng trong khuôn viên dòng). Các bà mong họ sống ấm no thoải mái, sanh con đẻ cháu ở đó cho tới già, tới chết. Khi họ lìa đời, mẹ dòng lại bưng họ đi chôn trong một góc tư điền tư thổ xa xa dòng Domain nầy. Đúng là nhà dòng bác ái Mai Anh!

Trở lại chuyện mấy ông: Mặc dù “mấy ông tướng mồ côi” dư biết bảy gia trưởng “ở ngoài đời” là những cư dân sống đàng hoàng, lương thiện, có công ăn việc làm cố định, có nhà cửa, đồng thời họ là hàng xóm láng giềng thân cận với khu đất dòng Domain. Ngày ngày mấy “tướng gia mồ côi” thường lui tới, ra vào nhà mấy ông “láng giềng bạn dân” ngoài kia; đôi bên vui vẻ la cà tưng bừng ăn nhậu lai rai. Chưa say, không đã, không xỉn, không quên nghêu ngao ca hát, đưa lui đưa tới: “anh hân hoan đưa em về, rồi thì em lại dùng dằng chẳng chịu chia tay, lôi kéo nhau… em đưa anh ra”. Họ “khắng khít” với đàn anh ngoài đời thắm thiết, chả chịu bò lết trở về nhà.
Thế mà hôm nay lúc bên ngoài súng đạn bay vèo vèo, nhưng “bạn mồ côi ấy” phớt lờ khoá chặt cửa nẽo, bình thản và tàn nhẫn đứng ở trong cửa hầm, vô tư lự nhìn ra nhóm đàn ông ở ngoài cửa. Dù mấy tay đàn ông đứng ở ngoài cửa hết hơi năn nỉ ba ông mồ côi thân quen gác cửa muốn gãy lưỡi, họ vẫn không cho mấy ông ở ngoài trời vào.
Luật giận run đã chưởi họ một trận. Anh nổi cộc dùng tay không đấm rõ mạnh vào một ô cửa kính, khiến nó bể nát, mảnh kính ghim vô bàn tay Luật, máu tươi chảy ròng ròng. Tôi xanh mặt, ớn lạnh và run lẩy bẩy không thốt nên lời. Luật xỉ tay vào bên trong cửa kính vừa bể, hét to:
- Không cho chúng tôi vào. Hãy mở cửa cho vợ con tôi ra ngay.
Bác Hải chống hai tay lên sườn:
- Ông không sợ lũ hèn nhát chúng mày. Nhớ nhá!
Báu rung mạnh cánh cửa bể:
- Bà dòng cho mọi người vào đó ở tạm. Chứ nào phải nơi nầy là của riêng bố tổ ...tổ cha chúng mầy, mà không cho ông vào. Hử?
- Chúng mầy là loài liu điu, nở ra dòng liu điu, mà cứ tưởng mình là chó sói, nên thị oai ở rừng ha. Có ngon, thì chúng mầy mở cửa ra đây. Sẽ biết tay ta.

May mà mấy cha nội mồ côi đứng lấp ló ở bên trong hầm. Chứ nếu họ đứng gần cánh cửa bể, thể nào cũng bị Luật thộp ngực áo lôi sát tới ngoài tầng hầm, thì... thể nào họ cũng bị “các ông ngoài đời” thẳng tay "nện, dần, đục, tộn" cho một trận nên thân. Kẹt lại bên trong hầm không ra được, mẹ con tôi thấy cảnh tượng Luật bị máu chảy ruột mềm, thì tôi đã chưởi vu vơ nhoi trời đất. Tôi bắt họ mở cửa lớn cho mấy gia đình chúng tôi (ở chung dưới xóm) đi ra. Nhưng tên giữ chìa khóa cửa lớn đã lủi trốn đi đâu, lúc nào không rõ.
Đêm đó, bác Hải, Báu và Luật nằm tơ hơ trống huếch trống hoác ngoài trời mà co quắp dưới chân bàn thờ bên hang đá Đức Mẹ, không mền chiếu. Vì có thiết quân luật sau 7giờ tối là không ai được phép đi loạng quạng ra ngoài đường. Trời Đà Lạt lạnh vào khoảng 10/o C. Họ cứng đơ như bị ướp đá. Luật giơ tay vuốt bầy muỗi rơi khỏi khuôn mặt sưng vù, dày cộm, muỗi tha hồ hút máu đông. Họ không còn cảm giác, gần như chết cóng. Dù cuống họng, lưỡi và môi không mấp máy trỗi nhạc, mà hai hàm răng va lộp cộp từng cơn run. Họ thức trắng đêm thì thầm cầu nguyện, mong bình an và cầu trời mau sáng. Nhìn chiến trường bốc lửa từ phía Khu Số 4. Khu Số 6, họ lo sợ kinh khủng!

Thỉnh thoảng hoả châu đỏ rực bầu trời suốt từ chập tối đến rạng sáng. Cứ mươi lăm phút thì súng lớn từ hướng Bắc câu đi đâu đó vút vút ầm ầm ầm. Súng nhỏ gần gần trong địa bàn thành phố lại nổ từng hồi pằng pằng pằng… Tạch tạch tạch… đùng đùng đùng. Ầm! Oành! Bầu trời rực sáng màu đỏ tía, do trực thăng bay vòng vòng rất gần đỉnh đầu chúng tôi đã khạc ra những tràng lửa đỏ lòm, những tia đạn dài ngoẵng vút vút lao xuống dưới, rồi bầu trời bỗng tối đen như đêm ba mươi. Trong đêm tối mà chứng kiến tận mắt những tia lửa từ nòng súng khạc ra, mới cảm thấy sự vô tri bạo tàn không kém phần oai dũng cuả súng ống lạnh tanh tua tủa bắn ra, để trừ kẻ gian đi xâm lăng. Khói bay toả trên tít tầng mây xám, không trung quyện lẫn màu khói pha sương mù mịt mùng. Mùi hôi theo gió lùa về khét lẹt, chua chua, thum thủm, hôi chịu không nỗi.
Suốt thời gian chiến cuộc, sau vụ Luật đã đấm bể ô kính cửa ở nhà dòng Domain, dù bàn tay anh băng bó rồi, nhưng máu vẫn rỉ ra, ban ngày Lâm đi làm việc, chiều chiều một mình anh đến nhà bác Chiểu ở đường Phan đình Phùng ngủ nhờ. Khi nào không có phiên trực ở Tiểu khu, choạng vạng tối Luật ghé tạt về nhà thăm chừng mẹ con chút xiú, là đi. Nơi chốn nầy khá hẻo lánh, ai nấy đều cảm thấy sợ.
* * *

Hôm nay thì chúng tôi bồng bế nhau lên ngủ nhờ trong dãy hành lang của Dân Y Viện Đà Lạt. Vào bệnh viện ngưởi thấy mùi nồng nồng, hôi hôi, tanh tanh, mùi thuốc sát trùng thật khó chịu, hầu như ai nấy muốn nôn ọe. Nhưng gia đình chúng tôi phải ráng chịu đựng. Mẹ chồng, tôi và hai con trai nằm đất ẩm ướt lạnh lẽo luôn luôn. Các con bị ho, sỗ mũi, nóng lạnh. Nhất là bé Tuấn ọc sữa thường xuyên. Mặc dù tôi đã mặc cho bé Dzũng và bé Tuấn áo lót, áo cánh, hai áo ấm, quần nỉ dày, mũ len, bít tất, mền bông ủ kín cả người. Nhưng các con bé bỏng đã chịu cảnh gió sương, lạnh lẽo quá chừng không thể ấm hơn, vì hiên ngoài lồng lộng gió và sương muối đặc sệt giăng mắc. Tôi quá đổi buồn phiền, thương các con, lo lắng vô cùng. Tôi thương bé Tuấn chưa tròn hai tháng, con nhỏ xíu còn đỏ hỏn mà ngày ngày tôi bế con đi ngủ nhờ ngoài hành lang lạnh lẽo lắm. Sáng sáng tôi lại bế con về nhà, giữa nắng mưa sương gió khuya chiều lạnh buốt xương sống.
Đêm đêm súng đạn vang rền, tại bệnh viện tôi vẫn chứng kiến quá nhiều cảnh đau đớn, rên siết, chết chóc của người già có, trẻ có, đang mang bệnh tật, kể cả thương binh trào máu tươi. Cảnh nào cũng đau đớn khổ sở, đắng cay như nhau. Tôi cảm thấy sợ kinh khủng khi ngủ gần người bệnh đang dẫy đùng đùng vặn mình chờ chết, ngủ gần nhà xác. Khi nghe tiếng súng, mọi người với phản ứng tự vệ tự nhiên, ai ai cũng ngồi bật dậy, lao xuống đất và chui vào gầm giường, gầm bàn. Trước muôn vàn chinh chiến điêu linh tang tóc, khổ sở đã vỡ bung ra trên mọi miền đất nước thân yêu, không một ai vô tình trong cơn quặn đau thắt ruột lịch sử dân tộc Việt Nam, là nỗi nhục nhã ê chề, đớn đau gớm ghiết, tủi hổ tột cùng. Triệu triệu người từng chứng kiến qua nhiều góc cạnh cuộc đời khác nhau, nơi bề trái lịch sử: Tham tàn, cuồng loạn vụng về núp bóng dưới lớp mây đen u tối nghịt trời, đang tỏa sức sống trên vòm trần kính.

Thời gian thấm thoát trôi qua… bé Tuấn vừa được ba tháng, con biết lật vào một buổi tối nằm ngủ nhờ ở góc hiên ngoài bệnh viện. Mẹ chồng, tôi và bé Dzũng vui mừng sảng khoái cười la thật to, vỗ tay reo vui hoan hỉ. Đó là niềm vui mừng trong veo, duy nhất có tiếng cười hồn nhiên thoải mái kể từ hôm chạy giặc! Tôi vui mừng hết sức. Tôi cầu mong cho các con hay ăn chóng lớn, gia đình an mạnh một phần. Phần lớn nữa là mong quê hương sớm yên ổn, để chúng tôi và mọi người trở về ngủ dưới căn nhà bé nhỏ đơn sơ, tránh khỏi cảnh ăn đậu ở nhờ nơi đầu đường, xó xỉnh bẩn thỉu và buồn da diết thế nầy. Do vui mừng cười to khi bé Tuấn biết lật, chúng tôi đã quên chuyện đi ngủ nhờ ngoài hành lang bệnh viện, khiến mấy cô y tá trực bệnh viện không hiểu chuyện gì, họ lo sợ mở cửa dáo dác nhìn quanh. Mẹ con bà cháu im bặt, chúng tôi sợ họ bực mình, sẽ đuổi chúng tôi đi không cho tá túc ở xó góc nầy, thì biết trông cậy nương nhờ vào đâu!

Kẻ xâm lăng thành phố Đà Lạt như thế đã chiếm tới cuối tháng Hai ròng rã trôi qua… Chiến cuộc cứ thế bên thủ bên nằm, đôi khi quân lực Việt Nam Cộng Hoà tiến lên từng bước, từng bước tiến vào cửa ngỏ loạn ly. Dù lính có kế hoạch quy mô, có sách lược điều quân, và nguyên tắc phối hợp hành quân từ lăng kính thuần tuý quân sự. Nói nôm na hơn là sự tranh giành đất đai, quyền lực “với nhau”, việc nầy không phải đỗ lỗi là vì do chiến tranh, hay không chiến tranh! Phía nào không củng cố, không bảo vệ, không cẩn trọng, là mất! Nói một cách thẳng thắng lạnh lùng hơn: nếu không có bổn phận trách nhiệm, mất cảnh giác– thì sẽ mất tất cả! Nhưng bắt buộc quân nhân Việt Nam Cộng Hoà phải uể oải nằm ù lì phơi nắng phơi sương, dầm mưa nướng mình trên đất cỏ, để chờ đợi lệnh trên ban xuống. Lính ngao ngán mỏi mòn chờ đợi… rồi đợi chờ… lệnh tổng tấn công. “Trò đánh giặc” nầy tương tự như “trò chơi đánh bạc”, ta cay cú vì thua mất tiền trong ván bài ấy, do ta không đoán biết trong lòng cuả cái tô úp trên diã đặt ở manh chiếu kia là: chẵn hay lẻ!? Thì khi ta thua, ta phải nghỉ vài ván, để tìm “đối sách”. Tất nhiên người cầm cái tuyệt đối không muốn nghỉ, (nghỉ là đồng nghiã với thua). Họ nghỉ tức là buông mất cơ hội tốt lành vơ vét tiền khi “con bạc” đang say nước cờ đen đỏ!

Lính nằm dưỡng sức trên đám cỏ bồng cũng thế! Muốn thắng địch quân, người Lính TRUNG, TRÍ, NHÂN, DŨNG không những cần có vũ khí, mà còn cần: Kiên nhẫn, dũng khí và ý chí. Từng đường máu cộm phồng co giật bên mang tai người lính phong sương dãi dầu mưa nắng, có một sự kiên định và vững chãi. Một số Lính Thủy Quân Lục Chiến các vùng khác biệt phái, Bộ-Binh, Biệt Động Quân nằm ép bụng sát đất, họ xã láng cuộc đời trên những thăng trầm đen đỏ số phận, xây dựng tình yêu nơi hoang tàn quê hương đổ nát. Mặc bao mưu toan đen đỏ trong cơn lốc chính trị lịch sử dùng dằng đẩy đưa, đầy cay đắng.
Về phần dân thị thành Đà Lạt thì bị cô lập mọi mặt, mọi ngã đường ở nơi “khỉ ho cò gáy” chỉ có thông reo triền miên, có một đường “lả lướt lên đào nguyên” thơ và mộng, mà khi muốn về… thành phố, ngộ lỡ như con đường “độc đạo cách trở mấy nhịp cầu bị gãy”, thì kể như thành phố Đà Lạt đã “bế quan”, thì coi như sẽ đói dài dài… vì "ngăn sông cách núi" chẳng có các vựa lúa, xa biển cả đầy cá tôm, không có lối đi tiếp tế lương thực! Cả bầu trời Đà lạt dường như thu gọn lại trong chiếc máy xay sinh tố cũ khô khan kêu cót két, rít rít, ù ù rột rột quay lông lốc, nghe điếc ù cả tai, xốn xang, nghẽn nghẹt buồng tim lá phổi. Ưu điểm của Đà Lạt là thành phố thơ mộng kiều diễm đầy quyến rũ du khách, thành phố núi có không khí trong lành thanh thoáng mát mẻ. Người dân Đà Lạt thân thiện, niềm nở, hiếu khách, vui vẻ an hoà. Yếu điểm của Đà Lạt là chỉ có con đường “độc đạo” -đi và về- một lối quanh co uốn lượn lên chóp đỉnh đào nguyên trong vũng sương mù... Đặc biệt thành phố của tôi mặc dù có ngã ba ngã tư... nhưng không có những cột đèn đường màu vàng màu đỏ màu xanh!

Bầu trời bao la càng trống trải, trực thăng bay lừ đừ như con chuồn chuồn ốm, dễ làm mục tiêu cho các họng súng cối ở nơi xa xa dựng đứng dưới đất chĩa thẳng lên trời, súng bắn từng phát (nghe dường như về hướng khu Số 6 hay Tùng Lâm thì phải). Suốt hai ngày đêm, loa phóng thanh trên phi cơ chĩa xuống đất, kêu gọi người dân ai còn mắc kẹt giữa hai lằn đạn, hãy cố gắng di tản ra khỏi mục tiêu sẽ quầng thảo. Họ (Việt Cộng) tự động tổ chức nhân sự bị kẹt lại ở đây, thành từng tổ tam tam. Họ vừa xoa, vừa tuyên truyền, vừa đánh đập, để kích động tâm lý trong lòng “kẻ bại”!? Trong khu Số 4, Số 6 đó, đa số dân lành còn bị kẹt lại vô tình làm bình phong, làm mấu chốt đỡ đạn. Họ bắt dân đen khiêng vác đất đá, đào hầm hố trú ẩn, rất cực khổ, ngỏ hầu trốn bom đạn, mà dân bị nhịn ăn. Vã lại ở trong vùng tạm chiếm nầy, làm gì có họp hành chợ búa, không ai có thể mua lương thực ăn uống!

Trời đổ mưa tầm tã, mưa trái mùa suốt từ trưa tới chiều, hạt mưa xiên xiên to tròn nặng hạt rơi lộp độp trên mái ngói mãi hoài không dứt, gió lồng lộng thổi vun vút theo dọc hai hàng hiên. Non vài giờ sau là cả đỉnh núi Lâm Viên tuyệt diệu xứ hoa đào thơ mộng cũng không được chú ý bằng mỏm đồi khu Số 4. “Khu Số Bốn”! Đại danh ngữ ấy mới thoảng nghe qua thiệt “quê quê”, nhưng đầy nồng ấm ngọt ngào mật thiết tình quê hương, dịu dàng êm ả thân mến, chất phác, mộc mạc, đơn sơ gần gũi như tính ngữ danh xưng. Thân & thương làm sao! Nồng thắm trìu mến dường bao! Ấy thế mà suốt bao ngày qua chiến tranh tàn ác đang bám riết lấy nó. “Kẻ lạ” nhanh như sóc, lủi như chuột chù, chuột hôi len lỏi vào mọi ngóc ngách, họ ở lì trong nhiều nhà. Bắt dân đào hầm hố, len lén trèo qua những hàng rào, lủi sâu vào vườn tượt nhà dân. Họ leo trèo lên cây quả, vụng trộm thập thò rình mò dáo dác dòm ngó, coi rất gian, rù rì to nhỏ, nhìn trước ngó sau, lấm la lấm lét như kẻ cướp cạn. Chiến tranh không tốt đẹp gì. Chưa thể phân định đâu đúng đâu sai, đâu là điều hay lẽ phải. Chưa thể, chứ không phải là không thể. Nhưng chắc chắn một điều chính xác là “bên kia” đã hoàn toàn sai trái luật -do vi phạm hiệp định công ước quốc tế-, họ đã cố tình loang vết nhơ, sóng thần cào cuộn từng dòng máu chảy ruột mềm.

Trực thăng bay lượn chậm chạp, từ trong lòng phi cơ tung thả vô số truyền đơn xuống đất, che mờ một góc trời miền núi. Thỉnh thoảng có nhiều tiếng súng rời rạc. Ùm… ùm… Ầm ầm… cắt… bụp… xè… rào rạo. Thật chói tai dễ sợ. Thế mà đằng góc trời nầy, mấy chú chuồn chuồn sắt cứ điềm nhiên, tỉnh bơ lượn qua lượn lại trên đầu chúng tôi. Dường như họ coi đó là chuyện nhỏ, chả có gì quan trọng khi cơn binh lửa bừng bừng thổi về! Vì, phi vụ của họ là ủy lạo đồng bào, dùng truyền đơn từ trong lòng phi cơ vừa rải xuống đất, ngỏ hầu chỉ dẫn dân về cách di tản. Ấy là những tấm giấy phép có uy tín, hiệu lực, để mọi người dân còn mắc kẹt trong khu vực Số 4, Số 6, Tùng Lâm... vân vân… bị tạm chiếm, “dân ta” có thể đi ra an toàn khỏi vùng phong tỏa. Đồng thời loa trên trực thăng vẫn kêu gọi “hàng binh” ra đầu thú, thì sẽ được chính phủ Việt Nam Cộng Hoà khoan hồng ưu đãi. Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà luôn khuyên "Vi ci":
- Hãy buông tha người dân vô tội đi.
* * *

Quê hương đầm ấm dịu ngọt đầy chất thơ và nhạc thông trữ tình reo vi vu cuả tôi đó, cũng như nhiều nơi khác trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam đã không thoát khỏi cảnh xâm lược nghịch lý hung tàn của bè lũ Việt+. Khi vấn đề chiến tranh thật sự phức tạp, làm điên đầu các vị nguyên thủ quốc gia. Người khôn ngoan (của người khôn ngoan nhất), bình tĩnh sáng suốt, có lập trường dứt khoát, kiên định, cần giành lại từng tất đất, từng thành phố. Tất nhiên họ nhanh chóng đánh đuổi “bè lũ khát máu” đi khuất dạng (mỉa mai thay người dân da vàng mũi tẹt, đầu đen máu đỏ, sống từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau), từ phương Bắc họ chuyên mò mẫm đi đêm, xâm phạm qua vĩ tuyến 17, để xâm lăng phần đất của miền Nam Việt Nam. Gây nên cảnh chiến tranh tàn khốc, chém giết, nồi da xáo thịt quá kinh hoàng thế nầy ư!? Dân chúng nhìn chiến cuộc xảy ra rất gần, với vẻ tò mò nhút nhát, hiếu kỳ không chịu nỗi. Phải! Bên muôn nấm mồ tàn rụi hương nhang, là sự gặp gỡ giữa trùng trùng lớp lớp khuôn mặt lạ xa, hiện diện trong cuộc chiến phức tạp quá cay đắng. Lính miền Nam Việt Nam Cộng-hoà mang đến cho ta sự hy vọng và niềm tin tưởng bừng sáng, nụ cười rộng mở, ước mong an bình, thư thái, ôn hòa, từng ngày, từng giờ, lẫn trong chung cuộc sớm kết thúc. Dù chắc chắc cuộc sống không hứa hẹn an thư dễ chịu chút nào.

Ngoài dãy hành lang của khu bệnh viện Đà Lạt, người người tới tấp tha bùn sình, bê bết đất đỏ bẩn thỉu lê vào trên thềm nhà thương, nền xi măng ướt nhẹp nước mưa bì bỏm, lủng bủng, tanh tanh. Chúng tôi không thể ngủ nhờ ở góc hành lang nầy như mấy ngày qua, nên gia đình tôi đành phải “làm mặt mo” xách chiếu mền lết bết, lội đồi cỏ trũng nước mưa băng qua đường Trần Bình Trọng, để xin vô ngủ nhờ. Vừa chân ướt chân ráo lọt vào được trong khu tầng hầm, tôi mệt mỏi đứng thẫn thờ nhìn quanh. Chưa tìm thấy có chỗ nào còn trống, thì hai cánh cửa lớn kiên cố dẫn vào hội trường sau lưng tôi bị ai đó đóng ập nhanh, khóa chặt. Người giữ chìa khóa đã lủi vào trốn núp trong nhà dòng. Ông ta chẳng bao giờ nở nụ cười thân thiện với người chung quanh, có lẽ do ông nhát hơn cáy! Hoặc không muốn chứa thêm người lạ, sợ "bọn lạ" trà trộn vào ẩn nấp, sẽ thừa cơ hoạt động bí mật chăng?

Ba khu tầng lầu của nhà dòng Domain: tất cả cửa sổ nhà thờ có những bức ảnh kính màu thủy tinh trang trí hình các thánh xưa tuyệt đẹp, đều vỡ nát, rơi loảng xoảng khắp mọi nơi, rơi xuống tận khu tầng hầm. Từ dưới mặt đất của tầng hầm khu Domain ngó lên hàng cửa kính, (cao khoảng chừng bốn mét), tường đá phẳng lì, không có thể với tay lên hàng cửa sổ nhỏ ở tít chóp trần trên cao. Dù mấy tay đàn ông to lớn kia đã chồng chất hai cái bàn, họ hy vọng trèo lên đó, dáo dác nhìn ngó lung tung ra bên ngoài, thăm chừng. Người ta, nhất là tôi cảm thấy vô cùng hối hận, vì tại sao ta không tìm nơi thuận tiện; hay mình tự đào hầm đào hố ở nhà riêng, mà ẩn nấp cho an toàn? Hoặc trốn núp tại tư gia nhà ai có hầm hào kiên cố. Có phải là hơn không, mà dồn cục một chỗ đông người như kiến thế nầy. Mình tự chui vào cái hầm nhốt người kín bưng, to khổng lồ, chẳng khác chi tự đem thân vô cửa tử.

Dưới tầng hầm thì người đạo Thiên Chúa đang lâm râm đọc kinh cầu nguyện, sám hối, đấm ngực ăn năn tội thống thiết. Đạo Tin Lành úp mặt trên hai bàn tay, run rẩy đọc kinh thánh. Phật Giáo niệm Phật, tụng kinh cầu khẩn Đức Phật Thích Mô Ni Ca rất chân thành. Cao Đài, Hòa Hảo bi thiết gọi tên Trời Phật, gọi tên các giáo chủ. Trong nguy cơ bị hủy diệt tập thể thì lành ít dữ nhiều, người ta không phân biệt giàu nghèo, đảng phái, tôn giáo. Vì tôn giáo nào cũng khuyên con người hướng thiện, luôn làm lành lánh dữ, chia sẻ, dùm bọc, bác ái, yêu thương. Tôn giáo cũng như gia đình là nền tảng của xã hội: có nề nếp gia phong, có tôn ty trật tự, biết tôn trọng tự do và nhân phẩm. Giờ phút thập tử nhất sinh gần kề cửa tử thần, họ tự động mở rộng vòng tay thân ái, ngỏ hầu chia sẻ, tìm đến với nhau, mong vơi hận sầu, thân thiết ôm chặt nhau, tựa vào nhau vỗ về an ủi. Họ thành tâm khẩn cầu van vái xin bình an rót xuống mọi nơi, nồng nhiệt kêu xin ơn Trên hãy ra tay cứu giúp tất cả mọi người.

Bây giờ là mười hai giờ trưa, trên trời trực thăng luôn bay lượn ì ầm, loa phóng thanh liên tục gọi đồng bào nhanh chóng tìm nơi ẩn nấp an toàn, vì tụ điểm giao chiến kịch liệt sẽ là chung quanh khu vực nhà thờ Domain de Marie. Ôi Trời ơi! Vậy chết là cái chắc rồi! Non giờ sau… Không thể tưởng tượng nỗi khi lựu đạn ì ì ầm ầm nổ, súng lớn, súng nhỏ rào rạo bay. Đạn vun vút vèo vèo bay xuống, bay lên, bay qua, bay lại: Đùng đùng đùng… Pằng pằng pằng… Róc róc róc… Ùm ùm ùm… Oằng ùm… bay tới tấp trên đỉnh đầu người dân đang ẩn nấp dưới tầng hầm cuả ngôi giáo đường kiên cố, ép lồng ngực mọi người như vỡ tan ra từng mãnh. Ngoài sân nhà thờ đã có tàn quân “Vi ci” nép bên hông trên nhà thờ đang cố tìm đường trốn chạy tháo thân về khu Số Bốn.

Thỉnh thoảng mấy tay Việt+ chĩa súng lên trời bắn vài chiếc phi cơ trực thăng, bắn lép tép cắt cắt… bụp bụp… xè xè… từng phát súng nhát gừng nổ vu vơ. Qua những trần kính bể tôi thấy rõ trực thăng bay ầm ầm, tràng đại liên tóe lửa nổ rền rất to. Phi cơ lượn qua lượn lại vòng vòng quanh nóc nhà thờ Domain. Những viên xạ thủ đeo mặt nạ mặc áo giáp ngồi trên ghế chiã họng súng xuống đất, khạc từng tràng rocket róc róc róc… xíu xíu… xít xịt… Nghe tiếng đạn nổ ta có thể phân biệt tiếng súng "phe ta", hoặc tiếng súng "kẻ thù". Dù ban ngày mà toé lửa qua họng súng đỏ lòm, đạn vùn vụt bay xuống hông nhà thờ. Vô cùng chát tai rùng rợn kinh khủng!

Thế là trong tầng hầm người ta đồng loạt nhốn nháo, hỗn độn, bừng bừng dâng cao nỗi lo sợ tột cùng: Già trẻ lớn bé không chừa một ai đều rú to, khóc inh ỏi, kêu cứu, rên rú, hét tướng lên to hết biết. Người ta dồn chặt cứng vào một góc chật như nêm, rồi đùn lại với nhau ở cuối tường hầm nhà đá. Họ dày xéo lên nhau, dẫm đạp lên nhau, bất kể người khác tắt thở, chết ngạt. Vài ngàn người tránh những ô cửa bể, nên dồn cục trong góc kẹt xó vách tường đá cho chắc ăn, họ đè nhau bẹp dí thành một đống, chồng chất lên nhau tại một chỗ. Người ta không còn liêm sĩ, chả cư xử nhã nhặn làm gì. Mặc xác! Người nào đang đứng ở bên ngoài, thì cố dằng kéo người đứng ở giữa ra, để họ chui tọt vào đám đông mà ẩn nấp, cho an toàn chính thân, cần riêng bản thân ta an toàn thôi. Nơi xó xỉnh ngột ngạt tối mờ khói thuốc súng, họ không muốn súng đạn nhìn thấy, chỉ cần súng đạn và Việt-cộng trên kia đừng nhìn thấy mình. Bản năng tự phát cần tự bảo vệ sinh tồn là điều tiên quyết, nếu có ai đối xử với đồng loại tàn nhẫn, có tỏ ra thô lỗ, hỗn loạn đến bàng hoàng, âu đó là tất nhiên, cũng đành. Mặc kệ. Ai ai cũng sợ súng đạn hơn cả mọi thứ trên đời! Là đủ.
Lạy Trời xin tha thứ. Ấy thế mà súng đạn vô tình cứ bắn càng lúc càng rát bỏng, tai ù ù, điếc đặc. Rồi đạn cay, đạn ói, đạn khói, đạn mữa, khói thuốc súng, lựu đạn hoả mù tuông theo các khung cửa sổ bể tới tấp bay vào dưới tầng hầm. Tại tầng hầm nầy không có người nào có kinh nghiệm trong chiến tranh để hướng dẫn, vã lại giờ nầy không ai chịu nghe ai chỉ huy, mạnh ai nấy bon chen, hầu mong sống còn với đời. Đoàn người tị nạn hỗn độn hết biết (như bầy gà vịt nhốn nháo, bay lung tung, kêu quang quác khi con sói đến cửa chuồng). Nước mắt nước mũi ai ai cũng chảy tùm lum tà la. Họ ói mửa nôn ọe, hỉ mũi sột sột lên đầu lên cổ nhau. Thật kinh khủng và kinh tởm vô cùng.

Tôi thật giận Luật, vì hôm ấy tự dưng anh nổi sùng đấm bể một ô khung cửa kính làm chi, (khi anh không được mấy ông mồ côi cuả mẹ dòng Bác Ái Mai Anh cho Luật vô trong hầm trú ẩn), anh trét máu cục đông cứng trên miếng kính bể, máu còn đó; vô tình anh đã làm “đầu têu” làm gì, mà bây giờ mọi cửa kính cuả nhà dòng Domain đã vỡ toang, mùi khét cuốn theo chiều gió bay vào, càng hôi kinh khủng vậy!? Cạnh đống đồ đạc ngổn ngang trong tầng hầm có từng dòng máu tươi của ai đó trây trét bừa bãi; cũng do những bàn chân ai đó vừa đạp lên mãnh kính vỡ, họ tha lê lết đi khắp mọi xó, máu tươi loang ra, loang ra... trộn với nước đái và phân trẻ con ị vãi ra bừa bãi. Người ta lớn giọng la hét, tru hú, rú rên, khóc hụ hụ hụ từng cơn. Nghe rùng mình dựng đứng tóc gáy.

Bỗng cánh cửa chính (khu nhà hầm có hai lớp cửa sắt chắc chắn) là cửa ngoài của khu từng hầm bằng sắt dày cui, vừa bị ai đó gài mìn ở phía bên ngoài, đã nổ tung. Toà nhà thờ đồ sộ rung rinh, tiếng rền rền âm âm nghe rất hãi hùng, mái ngói nhô lên hụp xuống rêm rêm, gầm gừ tha hồ rớt xuống rào rạo, loảng xoảng. Gạch đá vôi vữa rơi rào rào, dường như ngôi nhà đồ sộ đang tự đào hố để chôn vùi tập thể dân lành di trú xuống đáy mồ!? Thế nhưng sao tôi thấy cánh cửa sắt trong lớp thứ hai nầy vẫn chưa chịu bung ra? Cảnh ồn ào huyên náo, càng sôi sục, nhốn nháo cồn cào, náo loạn gấp ngàn lần trước. Kinh khủng! Kinh khủng trầm trọng! Người ta lại dày xéo lên nhau, dẫm đạp lên nhau, lôi kéo, giành giựt chỗ trốn, nên họ húc bừa vào nhau. Họ xô nhau chạy qua bên góc tường phía trái của căn hầm, nơi chưa bị rớt gạch và ngói, có cánh cửa phụ. Cửa hông nầy cũng làm bằng sắt dày kín mít. Tự dưng họ lại ùn ùn kéo nhau chạy qua bên phải. Họ cứ huà nhau chạy qua, rồi ùn ùn chạy lại. Xô nhau chạy theo sau lưng nhau, bất kể đàn bà trẻ con ốm yếu chết ngạt dưới chân. Bất kể tiếng la khóc, gào thét vang lên chát chúa. Tôi nghe thật hãi hùng, rùng rợn như nghe con dê, con heo, con bò, con trâu, con cừu bị chọc tiết, đang trợn mắt le lưỡi, rống rú man dại trong khu lò mổ ở ba toa.

Gia đình tôi (và mấy gia đình bạn cùng xóm) biết khôn hơn, chúng tôi không chen lấn đến chỗ đông người, nhưng trong lòng cảm thấy rất ân hận, vì mấy mẹ con tôi hôm nay xui rủi làm sao, tự dưng... do nền nhà ở bệnh viện ướt nhẹp, nên chúng tôi lại chui vào ẩn núp trong hầm nầy. Thế mới đau khổ. Chúng tôi ngồi bệt dưới gầm bàn, lỏ hai con mắt ra thật to, miệng há hốc, hai hàm răng va vô nhau lộp cộp, hai đầu gối nhịp nhàng run rẩy, mà thấp thỏm nhìn người đàn ông đang nhảy lên cái bàn khác để đánh trống, tiếng trống dù làm chúng tôi điếc tai nhức óc và choáng váng. Nhưng chúng tôi tránh được cảnh tượng xô đẩy vùi dập nhau đằng kia vô cùng dã man và ác ôn. Đó là người đàn ông trung niên sĩ khí dáng vóc khỏe mạnh, mặc áo sọc xanh, quần tây đen, dù qua nhiều đêm âu lo thức trắng, mái tóc nhuốm bạc. Ông ta thấy cảnh xô xát cuồng nộ thật đáng xấu hổ, nên ông ta bèn nhảy lên mấy cái bàn gỗ chất đầy ghế dựa. Ông ta cầm trên tay một cái vồ, và đánh rất mạnh vào chiếc trống trường học đang treo lơ lửng trên đà ngang. Tiếng trống nghe rất tức ngực và điếc con ráy. Mọi người đứng ở góc tường quay lại, trợn mắt, im bặt, lo sợ rợn tóc gáy, sửng sốt ngó quanh. Họ không biết chuyện gì xảy ra. Ở đâu? Ông ta kêu gọi mọi người cố giữ trật tự, im lặng ngồi xuống tại chỗ, không ồn ào chen lấn. Ông giải thích về sự lâm nguy:
- Trước khi chui vô đây, tui đã thấy có người chết cháy đen thùi lùi ở trển. Khi qúy ông bà anh chị em ở trong khu hầm trú dồn nén xô đẩy, dẫm đạp lên nhau, ồn ào. Ta không nghe được động tĩnh bên ngoài kia, thì chẳng khác nào: "lạy ông tui ở bụi nầy", sẽ tạo cơ hội thuận tiện cho Việt-cộng đã đứng rải rác trên sân nhà thờ, họ sẽ phá một cánh cửa nữa, là tràn vô đây. Họ sẽ lấy dân làm bình phong mà đỡ đạn. Thì chết hết cả đám.

Nghe thế, mọi người càng nhốn nháo, xì xào, dáo dác, tiếng ồn ào đồng loạt rộ to. Bỗng im bặt như ngọn đèn dầu phụt tắt trước gió. Mặt mày ai nấy xanh lè, tay chân run rẩy, họ cố bám bíu vào nhau… lết nhè nhẹ đến gần chỗ khuất kín hơn, và im thin thít. Đúng là chỉ cần nghe tên "Việt+" là... là mọi người muốn té đái! Khi đó, tôi nghe bên dãy nhà của các mẹ dòng đọc đoạn kinh lạy cha, rồi nhiều tiếng hát nhạc thánh ca cầu xin bình an vang lên. Sự im lặng bao trùm cả căn hầm kéo dài dường như rất lâu, lâu lắm.

Ba giờ chiều, trên trời L19 và trực thăng luôn vù vù bay lượn, dưới đất lính Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và Thuỷ Quân Lục Chiến mặc quân phục, chân đi giày botte de saut, đầu đội nón sắt, lưng đeo đầy đạn, ngực móc hai quả lựu đạn. Họ mang súng máy lên đạn trên nòng, lăm le chĩa mũi súng về đằng trước, ngón trỏ đặt trong nòng. Đoàn quân nhanh chóng leo lên từ hướng nhà Thương, từ hướng Mai Hắc Đế, đường Hai Bà Trưng và Ngô Quyền. Họ tràn lên khu đồi Domain, chia ra bọc hết toàn diện khuôn viên nhà thờ Domain. Sau cùng họ vào hầm trú đang chứa lương dân, đi một vòng lục soát mọi cửa nẽo, ngỏ ngách, xó xỉnh. Rồi lính giàn ra thành hai hàng ngang, một toán lính khác súng vẫn chỉa về hướng chúng tôi, bạn của họ cấp tốc cứu nguy những người bị thương, chết nghẹt, hoặc đã chết. Họ làm việc gọn gàng và nhanh thoăng thoắt.
Tất cả dân chúng ở trong căn hầm nầy đều im phăng phắc. Chả bù cho lúc nãy căn hầm ồn ào hơn ong vỡ tổ muốn đinh tai nhức óc. Vị sĩ quan chỉ huy dõng dạc kêu từng gia đình ở trong hầm hãy xếp thành hàng dọc, từ từ từng tốp một, từng người bước chầm chậm ra ở ngoài khu chỗ trống, ngay tại trong tầng hầm của nhà thờ. Khi vị sĩ quan đã đếm tất cả đầu người trong hầm xong, ông ta bảo cánh đàn ông, thanh niên, thiếu nữ, tuần tự đi qua bên góc trái căn hầm. Từng người một riu ríu trình báo giấy tờ tuỳ thân xong, thì làm ơn vui lòng lấy hai tay đan lại, giơ cao để trên đầu, ôm ra sau cổ. Ông già bà lão lụm khụm đàn bà và trẻ con: thì đứng qua bên phía phải, theo hướng chỉ của anh lính phụ tá. Lính yêu cầu những ông bà có con thơ bận rộn ở trong hầm của nhà thờ, sau khi trình diện, từng người một đi ra khỏi tầng hầm của khu nhà thờ Domain.

Đồng bào đông đúc đi giữa hai hàng quân lính nghiêm trang đứng bồng súng gác ở ngoài sân. Mọi người tay xách tay mang. Tay bế tay bồng. Họ lục tục ríu rít và trật tự kéo nhau ra cửa. Họ chạy xuống ngồi bên cạnh hang đá Đức Mẹ. Hoặc dân bò từ từ xuống chân nhà thờ, lủi nhanh về hướng Cẩm Đô. Họ chạy qua lối bệnh viện Đà Lạt. Một tay bế con trai Tuấn ba tháng tuổi, khuỷu tay tôi lại kẹp chặt cánh tay bé Dzũng lôi con xềnh xệch theo mình!?, ba mẹ con chạy ra ngoài sân sao nhanh đến thế! Quả thật tôi tự khen tôi tài tình khi quắp hai đứa con nhỏ vào lòng, và cả "gánh” thức ăn, đồ dùng nữa. Từ trên dốc đồi cỏ Domain cao gần như thẳng đứng, tôi ngồi thụp xuống, hai chân chuồi thẳng về trước, lết và tuôn xuống như khúc cây tròn.
Trước khi tuột dốc, đầu tôi trùm khăn, với áo len lông xù, áo manto, nên mới thoạt nhìn ai cũng có thể nghĩ là tôi mập ú tét. Toàn thân tôi toát mồ hôi hột giữa nắng xế oi ả, (nhưng tôi lạnh run vì sợ hãi). Chân tôi mang bít tất, chiếc giày thấp run lẩy bẩy trong cổ chân. Còn chiếc kia bay mất lúc nào không rõ. Tôi mặc cả thảy năm chiếc quần mỏng, bị vướng móc vào thép gai, đã rách toạt ra tự bao giờ không biết. Khi cùng những người khác ngồi yên ổn dưới hang đá, lúc đó tôi cảm thấy đau nhức rần rần ở hai mông. Rờ tay vào, tôi mới biết là mông tôi bị chảy máu khá nhiều. Một bàn chân rơi mất chiếc giày, thì ra lúc nãy tôi đã đạp lên xác chết ở trên sân nhà thờ. Chiếc tất trắng nõn dính đầy máu tươi. Ui trời ơi! Tôi sợ mất hồn, mất vía. Tôi đã thấy hai xác người trợn mắt phơi thây mà. Có một ông co quắp. Một ông nằm ngửa tênh hênh trên vũng máu. Chiếc áo màu cải úa chỗ thâm đỏ, chỗ tím bầm. Khô đọng. Ruồi bu đen nghịt trên thân thể họ. Cạnh đấy có hai cây khiêng bằng tầm dông luồng qua lớp võng vải bố, (loại vải bố của bao gạo). Họ dùng mấy thứ nầy làm đòn tải thương. Có lẽ khi vừa đến đây họ bị đại liên trên trực thăng nả cho, nên chết tươi.

Bà nội (của các con tôi), mặt mày hốc hác, bà đờ đẫn, mắt đã lạc thần. Bà muốn chết đứng, tay chân bà lắc lư đung đưa run rẩy như cầy sấy. Tay bà ôm bình thủy đựng đầy nước sôi dùng để pha sữa cho cháu, hoặc để trụng mì gói, bà chạy theo đoàn người sơ tán. Chiếc bình thủy vỏ mây mà bà đang ôm trên ngực, bị bể tan, nước sôi chảy ra, hơi nóng bốc lên từ đám cỏ hoa vàng không tên, tàn úa héo dần. Ấy vậy, thật may mắn vì bà không bị phỏng nước sôi. Bà sợ Việt-cộng kinh khủng. Bà đã bỏ quê hương tận ngoài miền Bắc, bỏ làng xóm thân quyến, bà vất hết của cải, bà chạy bán sống thừa chết từ Bắc vào Nam. Bà trốn tránh họ bao năm nay, bà sống hiu hiu mong an vui nhàn hạ đôi chút cho qua kiếp già:
“Tân niên vạn phúc bình an đến.
Xuân nhật vinh hoa, phú quý lai”, cho khỏi bỏ những ngày lao đao lận đận nơi quê xưa. Bà tưởng thoát nạn, tưởng đã yên ổn tấm thân còm, bà sẽ hạnh phúc nhờ “phước thâm tự hải, lộc cao như sơn”, do ông cha cố tổ của bà ưu ái để lại. Nào ngờ... giờ đây họ đùng đùng xách súng đến bên đít, đuổi bà vắt giò lên cổ mà chạy có cờ! Bà ngồi thụp xuống đất, giống như em bé lên sáu tuổi chơi trò cầu tuột. Bà xoạt hai chân lướt phom phom trên đồi cỏ. Bà bị té nhào hai ba vòng, đầu bù tóc rối xổ ra trải dài lết thết trên đất cỏ. Tôi sợ thắt họng, tưởng bà sẽ bị u đầu bể trán chảy máu, hay ít ra cũng gãy cần cổ, lặt lìa lặt lọi tay chân. Thế mà bà tỉnh bơ không việc gì. Bà chỉ hốt hoảng dáo dác nhìn quanh, đau khổ lo sợ tột cùng, không sao chịu thấu:
“Sông sâu có thể bắc cầu.
Lòng người nham hiểm, biết đâu mà mò”.
Vì, “Thà rằng chả biết cho xong.
Biết ra, như xúc, như đong lấy sầu”.

Bà than như thế! Tôi phải kính phục bà mẹ chồng vô biên, vì bà thuộc về lớp người từ đầu thế kỷ thứ 19, ở nơi vùng quê Hưng Hiền tận ngoài Yên Mô miền Bắc, thuở xưa ấy mà bà được đi học chữ quốc ngữ thông thạo, đọc chữ làu làu, đúng là mẹ chồng tôi có “văn hay chữ tốt”. Bà nói những câu văn hoa tinh tế. Nhất là bà hát những câu ca đồng dao, quan họ trữ tình luyến nhớ quê hương, thì hay hết biết.
Nếu không lầm, thì hơn ba tuần sau ngày bé Tuấn biết lật, Quân đoàn II gởi một Tiểu Ðoàn Biệt Ðộng Quân. Tiểu Ðoàn của Trung Ðoàn 53 Bộ Binh tăng cường cho Thị-xã Ðà Lạt, để tiêu diệt tàn quân Việt Cộng ẩn nấp trong Khu Số 4. Khu số 6. Tùng Lâm, v.v… Kể từ sau vụ “càng quét” đó, mọi người đã yên ổn bình an. Toàn dân ở Đà Lạt Tuyên Đức nói chung, và riêng khu xóm cùng gia đình tôi nói riêng trân trọng cám ơn qúy quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Sau khi bà cháu mẹ con chúng tôi an toàn tuột dốc Domain De Marie nầy, cùng đồng bào trong Thị-Xã Đà Lạt bỏ lại sau lưng những gì quý giá nhất, hầu thoát thân mưu cuộc sống còn. Dù cùng cực đắng cay, lo toan, đớn hèn, đau khổ đối mặt với nỗi cô quạnh muộn phiền bất ngờ không lường trước được, hãi hùng giữa cuộc đời muôn mặt. Nhưng xin cám ơn Trời đã cho thoát khỏi nanh vuốt "cái người" tôi không muốn xác nhận, mà đành phải coi như quân thù.

Quá khứ rồi sẽ giống như cánh cửa sắt đóng chặt lại sau lưng tôi. Rồi cũng giống như thau nước hứng mưa dột dưới góc nhà vừa bị sập, tôi đã cong cong lưng bưng thau nước đầy sóng sánh bóng mình trong thau, nhanh nhẹn bước ra hiên nhà, tôi hắt mạnh thau nước vào màn mưa đục ngầu, cho nước hoà tan trong mưa, mất hút, như hắt cả hiện tại và tương lai lui về với quá khứ muộn phiền đắng chát chua cay đau xót vô ngần.
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
03-10-2018, 02:11 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1520647319-vuot bien tau T Tin.jpg
/uploadpics/mp3_pdf1017/1520647460-1954-1975_Elvis Phuong.mp3
Từ Tháng Ba & Những Người Đà Lạt Cuối Cùng Vỡ Tổ Tan Hàng


Con đường dốc đứng bên cạnh rừng đầy lá thông khô được sương chiều rửa sạch, trơn bóng láng mướt ve vuốt đôi chân êm ái mát lạnh khi mình dẫm lên. Khiến Luật muốn ngã lưng nằm trên thảm nhung màu nâu nâu, mượt mà, anh mơ màng nhìn lên trời cao, xao xuyến nghĩ về… đất nước còn, thì người lính có thể là một phần tử của con cờ thí thân trong chiến tranh. Họ gánh trên vai nhiều trọng trách, nhiệm vụ, và bổn phận nặng nề đầy phức tạp; dù biết bao cơ cực lầm than, nhọc nhằn, khổ sở, chua xót, đắng cay, trăm bề o ép. Trước đám sương dày đặc kia là tương lai xa xăm mù mịt, là con đường tiến thân để giành lại, giữ lại từng tất đất, từng ngôi nhà, từng dòng sông... không biết sẽ bắt đầu từ mấu chốt nơi đâu?! Lúc nầy, tình hình chính trị ở miền Nam Việt Nam xoay quanh cơn lốc chính trị dâng cao tột độ lẫn kinh hoàng vô cùng, giống như hai giòng nước ngược đục ngàu xô vào nhau, toé lên thành những cơn triều cường sóng thần dâng cao vút và đảo điên nhất. Họ chẳng thể chí tình thiết tha yêu thương ôm trọn quê hương ở trong lòng, khi Trọng Luật cùng hầu hết quân nhân đã vâng lời nghe lệnh cấp trên ban ra rành rành là:
- Quân nhân, cán bộ các ban ngành, thanh niên nòng cốt, tuổi trẻ phải ở lại “tử thủ” tại mỗi đơn vị: từ đầu tháng Ba năm 1975 tới giờ phút cuối cùng, (còn ông già bà cả, trẻ con phụ nữ… thì cho di tản ra khỏi Đà Lạt/Tuyên Đức. Gấp).

Tin như thế loan ra nhiều ngày, nhiều ngày... hầu hết ai ai nghe cũng cả tin chắp bắp và khá an tâm, "chúng ta" cùng vững chí đồng lòng cương quyết trụ ở lại 24/24 giờ nơi những tuyến phòng thủ. Té ra, ôi mà ngờ đâu... có một nhóm người cao cấp đã làm cuộc tình lờ, len lén tình vờ lo cao chạy xa bay chuồn đi từ lâu, (từ khuya rồi anh ơi)! Họ tụ tập dòng dõi và "bay" nhiều lần từ Đà Lạt về Phan Rang, gom thêm "một mớ... rồi dzọt dề" thủ đô Sài Gòn. Có nguồn tin đáng tín cẩn cho Luật hay số ít cao cấp ở Sài Gòn cùng vợ con họ đã dọt đi ra nước ngoài! "Bản thân cao cấp"... và... "vợ con cấp cao" cần bảo vệ an toàn, là cái chắc. Còn vợ con lính là "thứ loại" gì nhỉ?

Hẳn là đã lâu lắm rồi khi vừa ra "thượng lệnh"; họ chỉ biết rũ bỏ sau lưng sự đau khổ tang thương cùng khó ấy: đành tâm cho người khác âm thầm ở lại chịu trận, gánh gồnh gian nan, khổ đau. Đám sĩ quan hạ giới nầy nào có hay, thì lính tráng binh nhứt, binh nhì bẹt dem cùi bắp làm sao biết! Bây chừ đạn pháo đang nổ dậy khung trời miền núi Lâm Viên! Tưởng chừng như hai phe quốc nội giàn quân ngoài mặt trận đánh nhau một phen chí tử. Thật tình phía Việt Nam Cộng Hoà "đã bị" có lệnh rút lui, bỏ ngỏ, chứ nào có sòng phẳng thẳng thừng đánh đấm gì cho cam. Nếu đường hoàng sòng phẳng quân tử chính nhân, mà oai dũng chơi nhau một trận quyến liệt trên bàn cờ chiến cuộc, thì chưa chắc ai thắng ai à. Tức giận và uất ức điên người.

Đài phát thanh Đà Lạt dấu nhẹm chuyện các nơi khác lo cho quân đội và dân triệt thoái, đài chỉ phát ra những mục bình thường tẻ nhạt trong chương trình hằng tuần & vớ vẩn, đài phát thanh chẳng hề toan báo một tin tức thời sự nóng bỏng nào! Họ cũng chẳng tiếp vận đài phát thanh Sài Gòn như trước, cho người dân Đà Lạt được nghe. Không hiểu tình cờ thế cuộc ra sao, nên mọi người bình chân như vại lo làm vườn tưới hoa. Lúc biết ra cớ sự, thì nhiều quan, lính và dân không tìm thấy đường đi lối về nơi đâu, họ đi tới thì mắc thác, mắc hồ, đi lui mắc núi, mắc đèo.

Tai biến đến sau ngày 17 tháng Ba, khi cấp trên ban lệnh tử thủ, khẩu lệnh chỉ rò rỉ ra, tức là láo pháo rỉ tai nhau về việc quân nhân triệt thoái rút bỏ Đà Lạt; họ chỉ biết tin vài giờ rất ngắn ngủi vào phút chót mong manh và hối hả. Từ đó đến nay đã ngót tháng ròng rã rồi, nhưng quân nhân thanh niên tráng niên nầy không hề biết. Vì thế họ đã chưng hửng bàng hoàng, nên trở tay không kịp. Sau ngày 21 tháng Ba năm 1975, Luật và “nhóm tình nghĩa tử thủ bất diệt" quyết giữ gìn quê hương ấy, mới biết tin tức triệt thoái chậm chạp, trể tràng vì bị người ta dấu nhẹm, kín bưng. Chẳng đặng đừng... Luật đến toà Tỉnh Trưởng cùng các đại diện những phái đoàn: quân, cán, chính và cảnh sát nổi, cảnh sát chìm (cảnh sát đặc biệt, xâm nhập), ... đã tham dự buổi họp đặc biệt thượng khẩn:

Về việc triệt thoái được ấn định phân chia như sau: Tất cả quân nhân, sĩ quan của trường Võ Bị, và sinh viên sĩ quan toàn khoá ở trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam có số lượng người hùng hậu đông đúc, thì họ sẽ chỉ huy ở vòng bên trong, để kẹp cho đồng bào tuần tự đi ở hàng giữa dân là đội ngũ lộn xộn không có súng ống, họ toàn gánh gồnh đồ đạc, cồng kềnh lộn xộn của cải linh tinh...). Nghĩa là trường sĩ quan Võ Bị Đà Lạt sẽ dàn quân dọc hai bên quốc lộ 20, vừa từ từ rút, vừa giữ an ninh và có trật tự, bảo vệ tối đa cho đồng bảo tuần tự đi, bằng mọi giá họ cẩn thận chăm sóc giúp đỡ đồng bào. Dân phải tuân lệnh quân nhân đi về lối Phan Rang, đi Phan Thiết... v.v... Đồng thời trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt là những đoàn người bọc hậu cuối cùng đành phải rời bỏ thành phố. Những cảnh sát và quân nhân ở các binh chủng khác sẽ cặp đi song song một bên với trường Võ Bị ở vòng ngoài xa xa.

Các cửa ngỏ hậu phương, kho lương thực, ngân hàng, ngân khố, quân trang quân cụ, khu nầy, sở nọ, ty kia mở toang hoang, kể cả nhà thường dân vắng chủ đều bị cướp bóc, đốt phá cháy rụi. Một phần do trước khi ra đi, những người có trách nhiệm với công sở của mình phải hủy diệt hồ sơ mật. Một phần do nhóm tự xưng là “cách mạng 75” khích động kẻ gian thừa nước đục thả câu, chúng mặc sức tha hồ thao túng, càn quét vơ vét tung hoành mọi mặt. Đà Lạt như rắn mất đầu, như đàn gà con mất mẹ. Tất cả mọi tầng lớp di chuyển từ Đà Lạt xuống đèo Ngoạn Mục cao chất ngất và ngoằn ngoèo tới Sông Pha, rồi tới Phan Rang, dưới sự điều khiển của Đại-tá Quỳnh đều nhịp nhàng, ăn khớp, chu đáo, rất có trật tự lớp lang trước sau đều đặn an toàn;
Cho đến khi xuống quá Phan Rang qua ngã Phan Thiết thì an ninh trật tự không còn toàn vẹn như cũ. Bởi do Quân Đoàn II đã triệt thoái về hướng nầy rất đông, quá đông... Hai bên dân quân từ trên hướng Pleiku, Bamethuot, Kontum về, và hướng Đà Lạt xuống đã bất ngờ... "gặp nhau ở tụ điểm son đồng tâm"... nhiều đến nỗi không thể nào tưởng tượng. Tất cả mọi người đụng nhau tại đây. Khi đó thì quốc lộ chính đã tràn ngập người và người đông lắm, nhiều vô số kể! Hiện trạng bấy giờ đã lộn xộn kinh khủng rất bàng hoàng.

Thế là "những người Đà Lạt cuối cùng bị vỡ tổ tan hàng" từ đó. Luật coi quân đội là một tổ ấm lý tưởng quan trọng linh thiêng quý giá, vô cùng cần thiết; vì đó là nơi an tựa vững vàng trong đời sống của người trai có lý tưởng có hoài bão có lập trường trong thời loạn. Tổ quốc ấy, dường như Luật muốn ví là một tổ ấm mật thiết, quan trọng không kém gì gia đình riêng mình: đã có mẹ già thân yêu, có vợ hiền con ngoan. Nhưng hôm nay cái tổ ấm quốc gia linh thiêng ấy sụp đỗ rồi chăng? Nghĩ tới điều đó, Luật đã bật khóc, khiến bạn đi cùng xe ái ngại và sửng sốt đăm đăm ngoái nhìn, họ nghĩ thầm:
- "Có lẽ anh ta đau buồn vì chuyện riêng tư tang gia bối rối gì đây".

Gần tới vòng ngoài của tỉnh thành Phan Thiết đầy bụi bặm và gió cát thổi vù vù, bỗng có nhiều tràng súng từ đoàn xe sau ria xẹt tới phía hai chiếc xe ngân khố (không biết xe tiền ấy của nơi nào, Tỉnh Kontum, Pleiku, Ba Mê Thuột, hoặc Thị-xã Đà Lạt ?). Xe chở những bao bố tiền to khổng lồ, tiền ơi là tiền rơi kín một góc phố, và bay tá lã theo gió lồng lộng như đàm bươm bướm chập chờn trên không trung. Khi đó thì... không thể nào diễn tả nỗi cảnh kinh dị lúc mọi người khum xuống nhặt tiền dưới cơn mưa chì bão lửa, nơi xe cộ gầm rú đó. Cảnh thương tật, khóc than, thét mắng, đói khát, chết chóc, lẫn trong tiếng súng đạn gầm rú xa gần, khiến mọi người bị hút vào điệu quay chóng mặt, bàng hoàng đến rợn người. Luật ngồi trên xe thấy những pha cướp giật, hò hét, chưởi rủa, đánh đập nhau dã man và trắng trợn ven đường... tùm lum, Luật cảm thấy chua xót đắng cay, nhục là ở chỗ đó. Tệ là ở chỗ đó. Đau quặn thắt lòng ở chỗ khúc ruột thừa.

Luật cùng sáu anh khác cùng bảo nhau nên thay bộ đồ tác chiến, mặc bộ đồ dân sự vẫn cầm theo mấy hôm nay để dễ bề đi đứng, anh vứt bỏ hết tất cả lon lá mũ mão hành trang rối rắm trên đầu, trên vai. Luật mang đôi giày ba ta cũ, áo lạnh, mấy chục ngàn tiền vợ để trong tủ, một chiếc đồng hồ Omega, chiếc nhẫn cưới, sợi dây chuyền, cái nón thường dân đội đầu, và một khẩu súng lục mang kè kè bên nách, để phòng thân. Nhóm Luật là những người lính chiến đấu dũng cảm cuối cùng đau đớn lột bỏ áo quần lon lá, lìa quân ngũ, bỏ đơn vị, xót xa, chua cay, bàng hoàng ngao ngán tự lo cứu chính bản thân trong cơn biến loạn ngặt nghèo lâm nguy, hấp hối.

Lúc bây giờ không có người chỉ huy, thì nhóm nầy quan cũng như lính có nhiều ý kiến, ý cò, tự vạch ra cho mình con đường sống mới. Mạnh ai nấy dọt, họ luống cuống, hốt hoảng băng đèo vượt đồi cát chạy tan tác. Không còn cảnh tình đồng đội keo sơn như cá với nước, như cây cần đất, cần rễ bám vào đất cho cây liền cành. Mà thân ai nấy lo, hồn ai nấy giữ, mạnh ai nấy chạy thiếu sống bán chết, tự lo thoát thân. Họ đi chuyền từng đoạn xe đò, xe tải, xe GMC hết xăng, họ chạy bộ chen lấn nhau mà xéo bước, họ thở dồn dập, gò lưng chạy thục mạng từng đoạn ngắn, người chạy đi kẻ chạy lại, người đi lánh cư đông kinh khủng bất ngờ gặp gỡ nhau giữa trùng trùng lớp lớp, trên bước đường chạy loạn những kẻ sống còn mong vượt qua gian nguy khổ ải. Rồi nhóm Luật đã bị lạc mất nhau.

Ngày chạy bộ với những người dân tay xách tay mang đùm đề vợ con, chân thấp chân cao khổ ải mệt nhoài, đến những nơi lạ cái lạ nước chưa bao giờ anh biết tới. Đêm đêm ngủ với người thoi thóp, nằm với những xác chết cứng đơ giữa đồng không mông quạnh. Luật mong tìm làn hơi ấm bên người lân cận, hầu hổ trợ an ủi tinh thần, nương nhờ lẫn nhau. Nào ngờ, khi hoàn hồn, bừng mở mắt ra ngoảnh nhìn lại sờ mó người bên cạnh, anh mới biết đó chỉ là những thây ma. Luật mệt lả người phải bật dậy ra đi, vì sợ và cảm thấy bơ vơ lạc lõng hơn vì đói, khát.
Phải! Giữa cảnh màn trời chiếu đất, trong tay những người dân không có một cây que để phòng thân tự vệ. Mà cuộc sống vẫn vô cùng mong manh và hối hả. Con người phút chốc trở thành da bọc xương, bối rối, ngơ ngơ ngáo ngáo, ngố ngố ngờ nghệch. Nhìn họ, anh không khỏi nghẹn ngào bàng hoàng xúc động và cảm thấy họ rất đáng thương. Nhìn thấy đồng bào di tản đông đúc ngược xuôi bần thần như kẻ mất hồn, Luật luôn bồn chồn lo lắng nghĩ tới mẹ, vợ và các con, chẳng biết bây giờ họ ra sao? lưu lạc phương nào rồi! Ngày đêm Luật vẫn cầu nguyện cho gia đình mình, và cả những người đang chạy loạn được bình an toàn vẹn.

Anh chưa biết mò mò đi đâu, đầu óc trống rỗng và không tri thức giữa những nấm mồ đắp sơ sài tươi màu đất mới. Màn đêm tiếp nối bóng tối và đồng lỏa với mọi tội ác. Đã thế, đêm đêm từng đàn chó hoang ốm đói tong teo gầm gừ cắn xé nhau, tranh giành xương cốt, thi thể thối nát của người di tản nào đó. Thì chó cũng biết đói như con người, càng đói chúng càng ôm quắp thây người mà nhai ngấu nghiến. Luật nghe tiếng kêu rào rạo từ mấy thây ma cứng đơ thum thủm. Bầy chó nhe răng tru hú lên từng hồi hoang dại, dã man, Luật cảm thấy rợn tóc gáy mà nôn oẹ nhớt dãi, khi đối mặt với tận cùng bi thiết thảm sầu, cay cực. Chiến tranh tàn ác đã lột da con người vô cùng trần trụi, thô thiển đến tận xương tủy. Và, những vết thương hoác miệng từ dĩ vãng, hiện tại, có thể trong tương lai… đã để lại trong lòng Luật những vết thương mãi nóng sốt sôi bỏng, bừng bừng nhói buốt rung lên từng cơn quặn lòng, đau khủng khiếp.

Luật đang nằm thẳng đơ mất hết ý niệm về không gian lẫn thời gian bên mấy người chết kia, quả thật bây giờ trông mình vô cảm vô hồn thiệt giống những xác chết. Giữa lúc khốn đốn đau buồn chán nãn và tuyệt vọng nhất, Luật nghe có tiếng người ngồi trong bóng tối rù rì gì đó, có lẽ họ ở đâu vừa mới đến đây thôi. Luật uể oải hé mở mắt ra nhìn quanh, thì nghe họ nói với nhau:
- Hai đứa mình vô trong Tiểu Khu, may ra còn có xe chạy về Nha Trang chăng?
- Ông ơi! biết đâu ở ngoải cũng bị mất rồi.
- Còn nước còn tát, chưa đi làm sao biết.
- Nhưng ra Nha Trang... có phải là mình lại đi xa hơn... nữa à?
- Làm sao bây giờ! Phải đi ra hướng ấy thôi.
- Ông điên à? từ Phan Thiết về Sài Gòn gần hơn.
- Không nghe hồi nãy dân họ nói hướng đi Long Khánh gần như tiêu rồi sao!?
Hai người đó im lặng một lúc, có tiếng nói tiếp:
- Vậy nên đi Nha Trang, dù sao ở đó cũng có tàu, thuyền, hoặc máy bay. Tôi có bà con ở đó.
Luật vui mừng như đã gặp đồng hương, anh ngồi bật dậy:
- Anh bạn nói phải.

Hai người đàn ông kia sửng sốt giật mình, toan đứng lên vùng chạy, vì họ nghĩ Luật cũng là một xác chết cứng đơ, hoặc ít ra là một người lạ, có thể là "dân cướp cạn" cũng nên. Luật bò bò qua bên kia góc tối trong căn nhà hoang, thì ra anh nhận diện được một người quen sơ giao trong lúc đoàn quân Đà Lạt triệt thoát. Thế là ba người đàn ông chạy vô Tiểu khu, cũng may họ xin đi ké xe GMC ra Nha Trang. Tới Nha Trang, trước tiên Luật ghé qua nhà Oanh, thì anh rất vui mừng được biết mẹ, vợ con mình đã an toàn lên máy bay vô Sài Gòn rồi. Luật hỏi tại sao Oanh và gia đình không di tản? Oanh đã trả lời giống y như nàng đã nói với bạn. "Không thể đi đâu hết vì ở nhà còn ông bà ngoại già hơn 90t, còn cha mẹ và... không biết bỏ nhà cửa mà đi đâu!" Oanh gói cho Luật một bịch xôi đậu xanh to, và chai nước lọc. Luật e ngại cầm mà bùi ngùi bỏ trong túi xách nhỏ.

Hai ông bạn mới quen đứng bên góc đường Hồng Bàng chờ Luật trong giây lát. Thấy nhau rồi, họ đi từ nhà Oanh ra mé biển chưa đầy năm phút. Thành phố Nha Trang càng đông người kinh khủng. Quan sát khắp nơi, biết tình trạng nầy nếu chờ tàu lớn, hoặc máy bay quân sự hay dân sự gì cũng không xong, nên họ bàn tính với nhau hồi lâu, họ quyết định thuê ghe buôn của thường dân đi vô Vũng Tàu, cho chắc ăn. Ba người đi rảo quanh bãi biển Nha Trang tìm thêm người có thể chung nhau tiền lộ phí, lại rủ thêm được mấy người nữa, kiểm tiền cá nhân rồi, sau đó họ ra xóm Bóng mướn ghe đánh cá nhỏ, ghe nầy đang chuẩn bị chuyển hàng về Bà Rịa hôm nay. Đi Bà Rịa cũng tốt, miễn sao về gần thủ đô là mừng. Mặc cả giá tiền cho tám người đàn ông cũ và mới chung chuyến đi, ai nấy tự động móc tiền túi ra đóng cho chủ ghe xong xuôi, họ mừng rỡ lên ghe. Đúng là may mắn!
Sợ chủ ghe ra đi bất ngờ, nên không có ai kịp mua gì phòng hờ, may mà có chai nước và bọc xôi đậu xanh chắm muối mè Oanh đưa cho Luật, anh lấy ra chia cho tám người đồng hành, mỗi người chỉ nhón một ít xôi cỡ bằng trái chanh mà e dè ăn ngấu nghiến. Họ còn đói, (nhất là Luật đã chưa có hột cơm nào từ hơn hai ngày qua) và khát kinh khủng, nhưng tám người bó tay chịu trận. Trên ghe bây giờ cộng thêm cha con chủ ghe là ba người, thì có tất cả mười một người đàn ông. Khi ghe đã êm ái bình an ra khỏi cửa biển Nha Trang, và lướt xuôi về hướng Phan Rí cửa, qua Hàm Thuận Bắc, Bình Lâm rồi tới gần Mũi Né khoảng 20 hải lý, thì chủ ghe dỡ chứng trở quẻ, ông ta viện cớ:
- Tui sợ ngoải cũng lộn xộn, chẳng ai mua hàng, tui muốn quay ghe về Nha Trang.
Mọi người chưng hửng! Đức, người đi trong nhóm nói:
- Ông giỡn chơi à! Ông muốn gì?... Nói.
- Tui không đủ xăng chạy tới bển.
Tâm cười gằn:
- Ông muốn chúng tôi đóng thêm tiền, để ông mua thêm xăng chớ gì?
- Phải.

Mấy người đàn ông thuê bao ghe nhìn nhau, rất bực tức nhưng "đã lỡ đò rồi"... nên họ hí húi móc tiền ra, kẻ nhiều người ít, gom tất cả thêm 185.000 ngàn đồng nữa, nộp cho chủ ghe. Thế mà tên nầy vẫn không chịu. Bình (là người quen đã đi chung với Luật từ Đà Lạt) định móc thêm tiền ở túi kia, để "dâng" cho tên chủ ghe. Nhưng Luật ngăn lại, thì thầm bằng tiếng Anh với mấy "anh bạn vừa quen":
- Anh điên à. Từ đây đến Sài Gòn... còn nhiều đoạn phải có tiền chi trả, chớ vàng thì không ai muốn... vì họ sợ vàng giả. Để đó.

Luật lột đồng hồ Omega, để xuống sàn, anh lấy lại đống tiền vừa để trên sàn ghe, ai nộp bao nhiêu tiền, thì anh đưa trả lại xong xuôi. Luật móc củ súng colt 45 đeo ở nách ra, cầm lên:
- Chúng tôi mặc cả sòng phẳng và rõ ràng với anh trước khi lên ghe rồi. Chúng tôi đã hào phóng tặng thêm cho anh rất nhiều, nhiều tiền hơn số tiền mà anh đã định giá. Từng ấy... anh chưa hài lòng sao? Thế thì, bây giờ chúng tôi cần số tiền 185.000 nầy để làm lộ phí khi rời khỏi ghe của anh. Vậy, anh có muốn nhận thêm chiếc đồng hồ có sợi dây làm bằng vàng thật 18K hai lượng của tôi. Hay là anh thích nhận khẩu súng lục có những viên đạn thật nầy, mới hả dạ. Hở?

Tất nhiên... tên "cướp cạn" kia không thể ngờ là trong người Luật còn có "củ súng chết người" đang bị cái áo lạnh che phủ bên ngoài. Hắn lại nhìn lom lom sợi dây chuyền hai lượng vàng y chói lói lấp lánh ánh mặt trời rọi lại, nó đang lung linh lủng lẳng trên ngực trần của Luật, mà thèm... ứa nước miếng.
Thanh nói như hét:
- Ông là một thằng hèn hạ, không có tình đồng loại, bộ ông muốn chết tiệt vì hám của hả!
Đức nhếch mép:
- Ông hãy cám ơn Trời đã cứu mạng ông, khi ông may mắn gặp những quân nhân như chúng tôi đó.

Chủ ghe không dám nhìn ai mà cúi cúi liếc liếc, riu ríu len lén run run lượm cái đồng hồ, theo lệnh của Luật:
- Anh phải cầm lấy chiếc đồng hồ của tôi, giữ làm kỷ niệm, mà nhớ đời. Nha.
* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
03-22-2018, 01:51 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1521683368-2 hue 3 cau truong tien.jpg
/uploadpics/mp3_pdf1017/1521682341-Hue buon - Nhu Quynh.mp3
Từ Góc Vàng Phai


Mặt trời yếu ớt đã tắt hẳn ở phương Tây, bầu trời dìu dịu, vàng ửng, nhàng nhạt. Những cơn gió từ dãy Ngũ Hoành Sơn lùa về ngây ngất và ớn lạnh. Thời gian len lén đến lấy thêm những tháng những ngày nữa trong đời người. Một ngày lặng lẽ tàn, chậm rãi trôi qua không buồn quay đầu nhìn lại, tạo thành dĩ vãng trong cuộc sống. Một năm thầm lặng cô đơn và u buồn lặng lẽ trôi đi trong đời Thương Mười… khi em ở lại quê nhà với ba má khoảng thời gian dài. Sau đó từ Huế, lên xe đò Mười vô Đà Nẵng.

Chị Huyền mừng rỡ đưa cho em năm lá thư của Nam. Có thư cách đây ba tháng, hai tháng, v.v… Mỗi lá thư đều có hình phong cảnh, đoá hoa ép khô, vài cánh bướm rực rỡ mà ngày tháng đã điểm lên dung nhan thầm lặng nét ưu buồn héo hắt, tàn phai ít nhiều gợn lên trong quá khứ, nay chúng trở thành khác sắc, phôi pha, kém duyên đi. Tuy thế, nhìn kỷ vật đó, em thấy lòng mình vụt bay về khoảng trời xanh trong vắt mênh mông. Kỷ niệm êm ả một thời trẻ dại nào đó xôn xao đắm say cũ do chính em tàn nhẫn bóp chết bất ngờ, vô tội vạ. Hôm nay tình cờ mở lại tần số đúng nhịp tim, gợi về chuỗi ngày cũ quá bâng khuâng, yêu dấu, khiến Mười luyến thương thầm nhớ vô vàn.

Đôi khi quá nhớ và còn yêu anh say đắm, Mười thầm ước mong: "phải chi mình có đủ tiền xe, tiền ăn ở, đi và về thoải mái. Hoặc nhà anh ở gần bên, thì Mười đã len lén... đến thăm". Lòng dạt dào trìu mến, đối với người cầm bút viết nhiều lá thư, ân cần nồng nhiệt thăm hỏi, lo lắng cho sức khoẻ, tương lai và hạnh phúc của cô. Lá thư sau cùng lời lẽ anh bộc lộ sự ray rứt chân thành, săn sóc, nhưng xa cách buồn bã lời chia biệt. Vì cứ như thư em viết năm cũ, thì anh ngỡ là mình đã có chồng. Những lá thư màu xanh êm êm dìu dịu kia, dường như tỏa ra khắp căn phòng mùi hương kỷ niệm đậm đà đằm thắm, như chứa đựng cả đại dương nhớ nhung âu yếm tình hồng.

Mười ấp những lá thư cuả Nam vào ngực, nhắm mắt lại hồi lâu, mặc những giọt nước mắt lăn dài trên má. Niềm xúc cảm, rung cảm, thương cảm bùng lên, rồi từ từ lắng dần, lắng dần... dưới đôi hàng lệ âm thầm tuôn chảy tự lúc nào! Được dịp khơi lại đống tro tàn, tìm phiến than hồng héo hon, Mười đã khóc nhiều, cánh cửa ngăn tuyến nước mắt vỡ vụn, bao đau thương buồn nhớ bấy lâu, được dịp tuôn trào. Đầu óc cô là một môi trường đặc biệt, các suy nghĩ xuyên qua đó trở thành hỗn tạp, & mất niềm tin tưởng. Con đường xa thẳm từ Hội An, Đà Nẵng, đi Sài Gòn ngút ngàn hơn chín trăm cây số qua bao núi, đèo, sông, biển; thì tình đôi ta cũng xa xăm ngút ngàn dịu vợi thế thôi. Hạnh phúc bé nhỏ ngắn ngủi vút xa bay, không thể làm tim cô hồi sinh duyên tình ấm nồng trở lại. Thì ra tận đáy lòng Mười vẫn yêu Nam say đắm! Bài ca "Lá thư" của Đoàn Chuẩn Từ Linh có câu nầy Mười rất thích... "Anh quay về đây đốt tờ thư, quên đi niềm ân ái ngàn xưa... Tình người nghệ sỹ phai rồi...
Tình người nghệ sỹ phai rồi! Nhưng tình em đối với anh chưa tàn phai theo thời gian. Nhất là những buổi chiều trời mưa vần vũ, đầu đường đại lộ Phan Chu Trinh xám ngắt, như cuộc đời của người con gái vẫn nhớ người yêu. Mười nhớ Nam, yêu anh, lòng cô cố gắng gượng để khỏi thổn thức giữa cơn buồn. Nay, chúng ta đã chia xa thật rồi, không còn gì cho nhau, đã hết, dù tình chưa tàn phai, mối tình đã chết đột ngột, đầy vô cớ cất tiếng chào vĩnh biệt, xé rách tấm màn yêu thương dĩ vãng, phai mờ dấu chân kỷ niệm một thời gắn bó nồng say trên lối cũ. Cuộc đời thương đau trôi đi một lần nữa không chứng thực lời anh nói (trong hoàn cảnh tế nhị, đắng cay nầy). Mười không hy vọng có thể đến với anh, đành phải chấm dứt với Nam. Thôi. Đã tự quyết định dứt khoát, thì cố quên đi tình đầu nồng thắm tuổi hoa niên, quên kỷ niệm vàng son một thời non dại. Quên tất cả. Hai ta như hai hố mắt của chiếc gáo dừa lăn lóc ghi khắc lại mối tình sâu xa, một đời gắn bó; nay đã mất vẻ nhìn ấm áp, trìu mến và trân trọng. Sẽ mãi hững hờ, xa xăm... luyến thương thầm nhớ vô vàn mà thôi.
***
Hôm nay gia đình anh chị Thương Huyền đang vui vẻ quây quần bên mâm cơm nóng sốt, thì lúc đó có một em bé trai, trạc độ mười hai mười ba tuổi, em đi vào trước cửa nhà:
- Cho cháu hỏi thăm nhà cô Thương Mười ở đây, phải không bác?
Thương Mười vội đứng lên đi ra ngoài sân, mỉm cười trả lời cậu bé:
- Chị là đây. Có việc gì vậy em?
- Anh Hoàng Nam gởi cho chị tấm giấy nầy.

Nhiều lần bị người lạ không quen ưa viết thư ái mộ bằng cách nầy, hoặc gởi thư theo đường bưu điện. Thế nên nhìn em bé, cô mỉm cười ôn tồn:
- Chị không quen người ấy, em ui.
- Có anh Hoàng Nam ở ngoài bến xe gởi giấy nầy thiệt đó chị.
- Trời đất! anh nào ở bến xe?
- Quen chị... ở bến xe mà. Ớ... Dạ, à … dạ…
Sự thật Mười quên tiệt “cái họ Hoàng” của Phương Nam, vì em bé không nói anh “Phương Nam”, mà chỉ nói anh Hoàng Nam; nên Mười tưởng là ai khác.
- Anh ấy nói thân quen chị mà.
- Trời đất. Cái gì! Ai vậy, hở em?
- Em không biết.

Em bé trai vội đưa cho Thương Mười một miếng vỏ của bao thuốc lá Salem, mặt trong của bao thuốc có mấy chữ vắn tắt ghi sau: "anh Hoàng Ph Nam ở Sài Gòn đã ra Huế. Nếu có thể, (Biển Nhớ ơi) cho anh biết tin bằng điện tín. Anh sẽ vào thăm em sau. H P N". Phía dưới bao thuốc là ngày tháng, chữ ký, địa chỉ của Nam ở Huế.

Trời ơi! Như sét đánh mang tai, cô nhìn đi nhìn lại, nhìn tới nhìn lui chữ viết và chữ ký, đúng là "cố nhân" rồi. Tự nhiên Mười tối tăm mặt mũi, run rẩy như chạm phải dòng điện trong hồ nước buốt giá khiến cô giật bắn người, lảo đảo dựa lưng vào vách nhà, nhìn trừng trừng ra đường xe cộ tấp nập chạy qua lại chạy đông đúc, cô chận hai bàn tay bủn rủn run run lên ngực. Dạo nầy trái tim Mười nhảy lung tung, bất thường quặn thắt trong bờ ngực nhỏ, e sợ mình đau tim thật sự. Mắt như có màn lệ mỏng, cô nào thấy gì, kể cả việc không nhớ cám ơn, hoặc cho em nhỏ vừa trao miếng giấy kia tí tiền, em đã bỏ đi từ lúc nào.

Chưa bao giờ Mười run rẩy, bàng hoàng, rối rắm, xúc động, kỳ diệu, run rẩy và bối rối lo sợ kinh khủng như bây giờ. Không lầm vào đâu được. Có thể như thế sao? Trời ơi! Thật sao? Anh đã ra Huế, chỉ cách mình ngót một trăm cây số đường xa. Hoàng Phương Nam đã ra Huế. Phải. Anh vừa đến xa xa xa... Mười, một khoảng cách gần gần... thật gần em! Phải! Nhưng... bây giờ Hoàng Phương Nam đã về tìm Mười sao? Quả thật là định mệnh đã chừa cho hai người một kẽ hở, khi từ trên cao ngài đang cúi xuống ưu ái thân thiện ngó chúng mình đó, anh yêu! Mười nhớ Nam nhiều, cô nghĩ đến tháng ngày xa xưa từng yêu nhau say đắm, ngọt ngào, êm đềm hạnh phúc và buồn rầu đau khổ tận cùng. Mười nhớ rõ mồn một từ ngày anh trao tặng mình đóa nhung hồng in môi hôn tươi rói, hơi thở anh nồng nàn lẫn vào những cánh hoa hồng thơm ngát hương, mặc dù cành hoa có đầy gai nhọn đâm vào mấy ngón tay rĩ máu, Mười vẫn không cảm thấy đau. Cũng từ mấy cánh nhung hồng ấy, chị Khánh đã cấm đoán em không được yêu Nam, chị đánh em trong buổi tiệc ly ra sao. Mười nhớ tháng năm sống trong nhà chị Khánh với tình yêu Nam ngọt lịm “lén lút, sợ sệt” nhưng Mười vẫn ôm nỗi nhớ khư khư canh cánh bên lòng. Rồi thì chị buộc em phải bỏ Nam, bỏ học để đi về Huế với ba má. Thế là vô tình Mười bị gián đoạn sự học, chỉ vì em yêu anh! Buồn lắm mà không thể nào thổ lộ cùng ai.

Mười nhớ thác Cam Ly, Prenn, Liên Khương, Gougah, Pongour, Datalania… vô vàn. Mười nhớ hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Hải Thượng Lãng Ông, nhớ suối Vàng, suối Bạc, suối Cát Tiên, suối Bồng Lai; nỗi nhớ nhung mỏi mòn và bất tận. Mười nhớ buổi chiều nắng ươm vàng trên đồi Cù, vạt cỏ úa dưới chân vụt qua trí mình, gió lạnh thổi lá vàng bay là là xuống hồ Xuân Hương gợn sóng nước lăn tăn, sương mù rơi thật thấp, dày đặc ẩm ướt, làm mờ nhòa thành phố núi mộng mơ. Nơi chốn ấy Mười đã vui, buồn, cười, khóc, như điên dại khi anh chia tay mình, để anh tư lự ray rứt trở về Sài Gòn; và Mười "bị" về Huế, vì bà chị nói anh là:
- “Hắn là con nhà giàu, lêu lỗng, ham ăn chơi, không lo học hành. Nếu lấy hắn thì đời mi sẽ đau khổ” (!?).

Từ đó riêng mình âm thầm sống trong ngậm ngùi cô độc, buồn nhớ, xót xa, ray rứt, vì một góc vàng phai theo gió chướng, mất hẳn tình tri ngộ đằm thắm, Mười lặng lẽ chia biệt anh vì một bà chị khó chịu, chuyên lấy “quyền huynh thế phụ” ưa cấm cản em út, bắt em phải vĩnh biệt tình yêu, và đành phải bỏ học. Mười âm thầm chịu đựng bao đau đớn xót xa... dù biết chị hoàn toàn phi lý. Sự chia tay không hề do lỗi từ hai trẻ đã yêu nhau rất chân thật, thanh cao và trong sáng, khiến Nam bàng hoàng sửng sốt! Nhưng khi Mười về ở Huế, rồi ra ở nơi núi rừng Mỹ Chánh “chó ăn đá gà ăn muối” , chỉ có “khỉ ho cò gáy” làm gì có trường Trung Học dạy tiếng Việt, chớ nói chi có trường cuả ông Tây bà đầm! Nhưng cô chẳng hề than phiền với bất cứ người thân nào, nhất là không hề báo cho Nam biết, cũng chẳng cần đỗ lỗi do ai.

Dù sao, giữa anh và em đã có nhiều sự song hành về tình yêu dài lâu, say đắm, chân thật, thương nhớ nồng say. Tình yêu nẩy lộc không ngừng, chỉ chia xa ở bước ngoặt lớn đột ngột bất ngờ, như con sông chảy mãi đến lúc nào đó, tách rời hai nhánh, bị bỏ quên. Nay bỗng dưng hai nhánh sông tình cờ gặp nhau ở gần cửa biển, không kém phần hào phóng và lãng mạn, tạo thành cơn xoáy cuộn sóng ba đào đầy hoan ca. Dù sao đi chăng nữa thì Mười cần phải gặp lại Nam, dù có vài giờ ngắn ngủi, dù mai nầy Mười đi giữa phong ba bão tố giữa mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, hay mùa đông. Dù sao chăng nữa em phải gặp anh phút chốc, trước khi bước lên con đường đầy khói lửa và bụi đỏ. Mười cần gặp Nam dù bất cứ giá nào, dù mai đây đi Trà Khúc, Minh Long, Mộ Đức, Nghĩa Phú hay Tà Biên, ở mãi mãi nơi sơn lâm cùng cốc, cũng được. Phải gặp lại Hoàng Phương Nam! Phải gặp Nam! Lời đó như sự thúc giục, hối hả, cần thiết, khẩn cấp, như nhịp chân dồn dập điệp khúc vang rền: "Phải gặp Nam... Phải gặp Nam".

Mười nhớ rõ chàng trai đã gieo vào tâm tư mình tình yêu trinh nguyên trong sáng, say đắm và đậm sâu, khiến cô nhớ nhung, đau đớn quá nhiều. Và, Nam đã bị hấp dẫn, dằn vặt, níu kéo, đầy yêu thương nhớ nhung khổ sở vì cô cũng không kém. Thực ra, vết thương lòng chưa lành, Mười tha thiết mong gặp anh, hầu giải bày nỗi niềm đau đớn đang bóp thắt trái tim. Đúng rồi! Mười phải gặp Nam, dù tang thương, cay đắng, chia xa và ưu phiền thắt họng. Dù thách đố đầy nước mắt, phân ly, tuyệt vọng, dù ôm mối hận ngàn đời vì quyết định nầy, thì cô cần gặp anh hơn tất cả, để chân thành nói rõ sự thật nguyên nhân tại sao chị Khánh cấm em không được phép yêu Nam. Tại sao khi ở Mỹ Chánh Mười quyết định chia ly anh. Rồi khi nào Nam vô Đà Nẵng, thì cô sẽ nói lời từ biệt anh đằm thắm, ngọt ngào, minh bạch, thấu hiểu, và chân tình hơn thuở trước. Vì cô nghĩ bây giờ cô đang sống trong một hoàn cảnh tế nhị nhưng phức tạp…

Đúng là định mệnh éo le, xỏ lá, ba trợn lôi cô ra vui đùa, trêu ghẹo, chớt nhã, nhạo báng; khi Mười bắt đầu quên... Nam; ngỏ hầu cô sẽ vui say duyên mới, dù Mười chưa dứt khoát sẽ đến với người nào, hoặc là cô sẽ thuộc về riêng ai? cô đã bình lặng trong tâm hồn, vui tươi... thì bất ngờ Nam lồ lộ xuất hiện, để nối lại giòng liên lạc, ngỏ hầu tự ràng buộc nhau bởi mối thâm tình từ quá khứ mật thiết, đậm sâu không ai hủy diệt nỗi. Mình yêu Nam thiết tha trên từng trang thư trao gởi, trên khát khao thèm muốn ước nguyện chia sẻ vào giòng đời thấm đẫm hương hoa, hòa với nắng lưng đồi quyện hơi sương giọt từng phiến tơ rung xuống cỏ cây.

Hạnh phúc được yêu là chuỗi hành trình bóng bẫy dài dằng dặc, lúc nào cũng là bước khởi đầu hy vọng; để đôi ta can trường dấn bước tới tương lai, và tìm ra đích thực tình yêu trong hạnh phúc cuối cùng ngọt ngào! Trong thẳm sâu ký ức và tri thức cuả cô: người con trai văn nhã đó vẫn vẫy gọi em, đầy ắp ân tình, ngọt ngào, thu hút quyến rũ mình dường bao! Mười chấp nhận cái vô thường lớn nhất là: sẽ đơn côi đi tìm, tìm đến người đang thiết tha gọi mời, và trìu mến yêu thương vẫy gọi mình. Mười quyết định chèo chiếc thuyền cũ, thô sơ, mong manh để cỡi trên con sóng đầy phong ba bão táp, vượt thác ghềnh, đồi núi cheo leo, hầu vút vút lướt lướt tới bến mơ... Nếu mai kia… vì lý do bẽ bàng chua xót đắng cay nào, mà hai ta phụ tình nhau… Thôi cũng đành suốt đời ôm mối hận về chín suối vì quyết định nầy. Thế là chỉ trong khoảng khắc thời gian ngắn, Mười chạy vòng qua mé giếng sát bên hông nhà, cô vào nhà bếp, hồi hộp lôi xe đạp ra dựng bên hè. Mười với tay vô song cửa sổ phòng ngủ lấy tiền trong túi xách, tay cô run đến nỗi lúng túng nhét mãi mấy chục bạc, cô mới thấy cái túi áo nằm ở chỗ nào.

Bức điện thượng khẩn do Mười len lén anh chị gởi đi có mấy chữ: "Vào ngay, Thứ Bảy nầy, em đi xa". Và, khi đã quyết định gặp anh trước ngày Thứ Bảy, thì bỗng nhiên -ngày Thứ Bảy chạy như bay, xa cô kinh khủng- Mười có cảm tưởng hôm nay là Thứ Tư đến Thứ Bảy, nó xa, xa hơn cả mấy năm, xa như ngày xưa vàng phai trong buổi hoàng hôn xa lắc xa lơ. Anh như cánh bướm ươm tình chập chờn bay vào tuổi mộng mơ. Cô bé ngây ngô ấy đâu ngờ rằng cánh bướm trao tình đó đã thổi vào giòng đời mình quá nhiều yêu thương, chua xót, bất ngờ, éo le, đắng cay, đau khổ, tê tái suốt cả cuộc đời. Mười thơ thẩn đạp xe về nhà như người mất hồn, chung quanh cô trở nên mơ hồ, xa lạ, đối trá và thù nghịch đối với niềm vui tuyệt vời trong trí tưởng tượng đa cảm, phong phú nét lãng mạn đa tình của cô bé chớm lớn. Mười hình dung đến nụ cười hoan hỉ, mừng rỡ đến độ nào khi chúng mình bàng hoàng gặp lại nhau.

Thương Mười lo lắng, buồn phiền ray rứt, suốt đêm thở dài không ngủ, thao thức, trằn trọc mãi. Gần sáng Mười mệt mỏi chợp mắt một lát, mi còn đẫm lệ. Ngày Thứ Năm, cô ngồi bất động ở góc phòng, mặt mày hốc hác, ngơ ngẩn, lo sợ như kẻ mất hồn. Mười dấu kín không cho anh chị Huyền biết chuyện mình đã lén lút đi gởi cho Nam bức điện tín. Ôi! Bức điện tín dễ thương biết ngần nào! Nó là cái gạch nối, là nhịp cầu tri âm mang đến tin lành cho hai người; hay báo hiệu mưa gió giông tố trong đời đây? Nào biết được ra sao! Mười gậm nhấm nỗi muộn phiền, lo lắng muốn cháy lòng, bồn chồn, run rẩy, băn khoăn trăm ngàn câu hỏi, khiến cô mệt nhoài. Mệt kinh khủng! Buổi cơm trưa ngày Thứ Sáu với môi son má phấn, áo quần tươm tất, đầu tóc vén khéo; một điều mà gia đình anh chị không bao giờ thấy khi em nghỉ ở nhà. Họ tưởng em đi ăn cơm khách. Sao Mười làm như vậy? Nam rất ghét đánh phấn, tô môi son mà. Mười nhớ có một lần mình muốn “làm ra cái dáng thanh lịch đài các đỏm đáng” nên có đánh chút phấn, tô nhạt môi hồng, bối tóc cao, em đi chơi với anh. Ngồi trên sân Cù, Hoàng Nam cười trìu mến lấy khăn tay lau hết phấn son trên mặt, anh ung dung thả mái tóc em xỏa dài ra, đằm thắm nói:
- Da em mịn màng, đã xinh đẹp và dễ thương rồi, em để tự nhiên coi ngộ hơn, nhe em.

Lúc ba giờ chiều, Mười thay áo quần, đạp xe ra phố đi vòng vòng trên bến Bạch Đằng, quán Bambo nhìn ra hai bờ sông Hàn lặng lờ nước chảy dưới bến Hà Thân, những khoan đò trôi lênh đênh trên sóng nước, kéo theo từng vệt khói dài do họ nấu thổi cơm chiều. Sao Mười thấy lòng phiền muộn, buồn bã, lo lắng, băn khoăn theo những đóm lửa bập bùng trong bếp lò kia quá chừng! Mười ghé tiệm lấy mấy áo dài đã may, rồi vội vàng về nhà. Ruột gan cô bắt đầu nóng rang như lửa đốt, cồn cào, xót xa như có ai lấy cào sắt mà cào vào người. Mười đi ra đi vào, đi tới đi lui, đi lên đi xuống, đi ra sân ngóng nhìn suốt hai hàng phố. Trở vào nhà, rồi lại ra bờ giếng, Mười ngồi dưới gốc me, ngóng về đầu ngả tư Hùng Vương và Phan Chu Trinh. Mười đi đi lại lại trong sự lo lắng, gần như tuyệt vọng. Đứng trước bàn thờ, Mười thành khẩn chắp hai tay lên ngực, với niềm tin tưởng tuyệt đối và hy vọng, cô thì thầm cầu xin Chúa ban cho mình có ước mơ tốt đẹp. Việc cầu xin nầy, đúng hay sai đây?

Mười thầm xin Thượng Đế đừng giết thêm niềm hy vọng cuối cùng còn đọng lại trên khoé mắt người con gái trước ngưỡng đời hụt hơi nhiều giông tố hôm nay. Mười kính cẩn chấp hai tay trước ngực, ngước nhìn lên bàn thờ xin ơn trên hãy dừng bão tố, thổi về đây những ước mơ tốt đẹp, với niềm tin yêu và hy vọng tràn đầy. Mười vẫn cầu xin, dù niềm hy vọng mong manh dần tắt theo buổi chiều phai nắng. Cô suy nghĩ: "có thể hôm kia trong lúc quá bối rối, run rẩy, bàng hoàng, âu lo, mình đã viết sai địa chỉ, nên bức điện tín kia không đến tay anh chăng!? Ôi bức điện tín oan nghiệt ơi! Giờ đây mi ở nơi nào? Vui lòng giúp ta đến đúng chỗ nha. Ta có viết đúng nơi Nam ở tạm hay không? Ước gì mình có đôi hia bảy dặm vút bay, hoá thân thành cánh chim bằng lướt gió tung mây đi báo tin vui chính xác lúc nầy ha".

Ngày mai... dù cho trước bình minh rạng rỡ, lóe lên ánh hào quang nơi đường chân trời, hay hoàng hôn phai nắng có dắt phấn thông vàng thấp thoáng dưới hàng cây im mát. Mười phải đi vào vùng trời quê hương khói lửa, bên bụi bờ lau lách mịt mùng, dưới nắng gió khuya chiều nơi cuối núi đầu ghềnh, giữa hai lằn đạn nội thù giao tranh khốc liệt bên con suối bạc, nơi ngàn chốn sơn khê hải hà, nơi gần vùng biên cương quyết chiến một mất một còn. Nơi khói lửa chiến chinh phủ chụp kín góc trời mù mịt tang thương. Hoàng Phương Nam sẽ chẳng bao giờ gặp lại người xưa đâu.

Mười gần như tuyệt vọng lúc kim đồng hồ treo trên tường chỉ sáu giờ tối. Thời gian chậm chạp trôi qua, niềm hy vọng mong manh tắt dần theo buổi chiều phai nắng trên đỉnh me xanh. Bỗng, có mấy tiếng gõ cửa bên nhà cô Thuận, kèm theo giọng thanh niên hỏi:
- Xin lỗi bác, làm ơn cho tôi hỏi thăm: có phải nhà cô Thương Mười, ở gần đây?
Cô Thuận chưa kịp trả lời, Mười quay phắt lại, vội vàng chạy ra mở tung cánh cửa lớn. Hai người sửng sốt, nghẹn ngào, xúc động mất vài phút khi nhìn nhau không chớp mắt. Nam đứng chết trân trước cô em, anh gỡ kính mát ra, thở dài. Chiếc valy da màu xám trĩu nặng hành trang bám bụi đường xa, áo sơ mi màu vàng nhạt, ô ca rô nhỏ, quần tây gabardin, đôi giày da màu trắng. Trải qua năm tháng ray rứt, dằn vật, tức tưởi, lẫn khổ đau vì cuộc tình gãy đổ rất vô cớ, đã rèn luyện, biến đổi anh trở thành một chàng trai trầm lặng thoáng ưu phiền, trên vầng trán anh in vài nếp nhăn, nét rắn rỏi kiên nghị, trầm tỉnh hơn. Chỉ riêng đôi mắt; đôi mắt Hoàng Phương Nam vẫn như xưa, đôi mắt ánh lên ngọn lửa tình long lanh, nồng nhiệt, đôi mắt đó không giống bất cứ ai mà cô đã gặp, đôi mắt ánh lên ngọn lửa trìu mến, thiết tha, không có gì có thể dập tắt được! Ký ức tưởng đã nhạt nhòa, tưởng đã lãng quên theo tháng năm, chợt bừng lên từ đôi mắt, dĩ vãng xa xôi một thời vàng son, trong sáng từ quá khứ đó, là hành trang cuộc sống, tràn đầy ân tình.
Như sựt tỉnh trong vị trí xác định gia chủ, Mười run rẩy nép mình qua một bên, giọng nói yếu ớt, lạc hẳn đi:
- Mời anh... vào nhà.

Mười lảo đảo đi xuống nhà bếp như người say rượu, cô lấy hai cái tách để pha nước trà. Tay cô run rẩy, lập cập, run đến nỗi dĩa và tách va chạm nhau kêu lanh canh, lách cách hoài, những giọt nước sóng sánh văng tứ tung. Đôi bàn tay lạnh giá cố ghì chặt lấy tách trà. Mười lảo đảo lờ đờ, ngu ngơ bưng trà lên phòng khách, cô đặt tách nước trước mặt anh. Cách nhau một cái bàn vuông nho nhỏ, Mười ngồi đó, Nam ngồi đây hoàn toàn im lặng và bất động. Mãi lâu, anh lại thở dài, lấy điếu thuốc Salem gài lên môi, quẹt lửa, anh thả từng ngụm khói lam mong manh, khói thuốc vờn quanh trước mặt hai người. Điếu thuốc thứ hai tàn, lại điếu thuốc thứ ba bắt đầu.

Mười biết anh rất đau đớn mới hút nhiều thuốc đến thế, hút chết bỏ mà! Nhưng anh không hề rời mắt khỏi khuôn mặt người xưa. Anh nghĩ là Mười đã thay đổi, ít ra là trên má phấn môi son coi “già giặn, tra trắn” kia. Còn Mười chống tay lên cằm, cúi nhìn đăm đăm gói thuốc đặt trên bàn, đầu óc cô hoàn toàn rổng tuếch, tê liệt, hụt hẫng. Mười không thể chịu đựng sự lặng thinh đầy thách đố, sự giận hờn làm kiệt lực, nỗi bi thương tràn lên khóe mắt, làm trào hủ mật đắng lên miệng cô, lời lẽ vì thế cũng đắng cay theo:
- Anh còn về đây tìm gặp em, làm gì nữa?
- Em đã thay đổi, không còn như ngày xưa rồi ư?
- Chuyện ngày xưa. Ôi, ngày xưa...
- Anh nào... có tội tình gì đâu!
- Trời! Em quá buồn và đau đớn quá!
- Chưa biết ai đau đớn, hơn ai.
- Biết vậy, sao anh về tìm em làm gì?
- Anh xin lỗi, vì ngỡ rằng em còn nhớ đến anh.
- Nếu không còn gì, thì sao?
- Anh muốn trả lại em tất cả thư từ, hình ảnh của chúng mình.
- Em không có gì trả lại anh. Tình cảm cho đi, chẳng bao giờ đòi lại được.
- Về phần anh, anh muốn trao trả lại em.
- Anh trả lầm người rồi. Không phải là kỷ vật của em.
- Vậy thì giữa anh và em không còn gì để nói nữa. Chào em...

Câu nói đột ngột của Hoàng Phương Nam, cũng như sự gặp gỡ bất ngờ, làm xót xa, ân hận, quặn thắt lòng Thương Mười xiết bao! Nét diễm kiều, duyên dáng của một hoa hậu trên vùng trời Đà Nẵng biến mất, khiến anh không thể nhận thấy con ong xinh đẹp kia, đã dấu cái nọc độc ở đâu quá đỗi tài tình. Nam xô ghế đứng bật dậy, trong khi cô nhìn thẳng vào mặt anh, nói gần như hét to:
- Anh ngồi xuống. Không đi đâu hết.

Sau một lúc lưỡng lự, Nam chậm rãi ngồi phịch xuống ghế, tay chống lên cằm, anh lặng lẽ thở dài, nhìn cô đăm đăm. Có cái gì níu giữ anh chịu khó ngồi lại thế nầy? Có lẽ anh vẫn còn yêu em say đắm. Có lẽ anh còn nhớ nhung, đau khổ, dày vò, ray rứt bởi những nguyên cớ rối rắm, không chút lý do chính đáng? Hết sức phi lý khi cuộc tình hai người quá đẹp (như quỳnh hoa sớm nở lại chóng tàn). Hay có thể, trong anh còn sót lại ít tức tưởi, băn khoăn, ưu phiền, ngại ngần, anh chần chờ muốn ngồi lại, để tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân tại sao một hai Mười đòi giã biệt anh? Nếu anh bỏ đi ngay khi câu chuyện chưa ngả ngũ ra sao, chưa rõ ra môn ra khoai (tại làm sao đang yêu nhau tha thiết, đùng một cái lại vĩnh biệt nhau, không thể có lời từ giã, giống hai người xa lạ), thì ra cái điều... anh trở về đây tìm cô, chỉ vì... chuyện nhỏ mà!
- Anh tàn nhẫn lắm!

Sau câu nói trên, như có bàn tay vô hình vừa cất đi khối đá đè lên tuyến nước mắt Mười đã từ lâu ngăn giữ, đè nén lại, cổng đập đau thương đã mở toang cho hàng nước mắt trào lên mi, Mười úp mặt lên đôi cánh tay trần vòng đặt trên bàn. Mười khóc, khóc, khóc... như chưa bao giờ được khóc. Cô biết mình quá vô lý khi nói: “anh tàn nhẫn lắm”!
- Ủa, vậy chứ anh tàn nhẫn ở điểm nào vậy?
- . . .
- Anh có làm gì nên tội trong chuyện tình nầy?
- . . .
- Thật là rối rắm.
- Anh đã đánh cắp trái tim em, và… anh bỏ nó ở nơi nào lâu vậy? Rồi thì do em cãi lệnh chị Khánh, vì em cứ yêu anh, nên em đã bị chị đánh, và bắt em phải về Huế để xa anh. Khiến từ đó đến nay em phải thất học, em mù chữ nè!

Hoàng Phương Nam ngồi im sững không thốt nên lời vì bật ngưã ra... bây giờ anh mới biết tại sao cô đi về Huế và bặt tin. Nhưng Nam còn thắc mắc phân vân không hiểu anh tàn nhẫn ở chỗ nào trong thời gian chia biệt đã qua? Lúc đó, chị Huyền ở trong phòng đã nghe hết những mẫu đối thoại của hai người. Chị biết rõ chuyện từ ngày cô em theo má về Huế, nên chị chẳng ngạc nhiên khi cậu ta trở về tìm gặp em. Thương em, chị ung dung bước ra phòng khách, Nam vội đứng dậy chào. Chị chào lại Nam, rồi nhẹ nhàng đặt tay lên vai em, vỗ về:
- Em làm gì mà ồn ào vậy! Việc gì cũng vậy, em hãy từ từ, bình tĩnh nói chuyện. Em vô nhà rửa mặt cho tỉnh táo đi, rồi ra đây. Nào. Đi đi.
Mười vâng lời chị đứng dậy lui xuống bếp, lấy khăn rửa mặt. Chị ngồi tiếp chuyện Nam khá lâu. Sau đó, chị gọi em lên nhà, ôn tồn nói:
- Hai em nói chuyện vui vẻ nghen, để chị xuống bếp biểu cái Tí làm cơm.
Chị mời Nam ở lại dùng cơm tối, nhưng anh nhất định từ chối, xin hẹn dịp khác. Chị cười cười:
- Không sao! Còn nhiều dịp mà em. Cứ tự nhiên.
Ngồi vào ghế cũ, cô đã bình tĩnh đôi chút. Thẳng thắng nhìn vào khuôn mặt anh, Mười nhỏ nhẹ:
- Anh định về đây đòi lại thư từ, hình ảnh của anh. Phải không?

Nam chống tay lên cằm, đăm đăm nhìn vào khuôn mặt Mười đã xóa hết phấn son. Anh nhẹ lắc đầu, tủm tỉm mỉm nụ cười duyên không nói. Lòng Mười dịu hẳn đi, cô ngẩn người giây lát, nước mắt trào quanh mi, rồi run run nói tiếp:
- Bây giờ, em không nên lưu giữ kỷ niệm cũ, phải trả lại anh. Là đúng.
Mười nhớm người toan bước đi, nhưng anh đưa hai tay ra phía trước ôm giữ cánh tay Mười. Lắc đầu quầy quậy, anh vội vàng nói:
- Thương Mười à! thật ra anh về tìm em, không phải vì lý do đó.
- Vậy, anh đi tìm em… có việc gì cần báo nữa?
- Anh tìm em, để thỏa lòng nhớ nhung. Để biết rõ là... anh chẳng còn hy vọng gì. Để khẳng định một điều là em đã có chồng: Niềm đắng cay đã trào lên bờ môi anh. Để bị em xua đuổi.
- Chưa biết là ai phụ ai. Anh ác thật.
- Hãy tìm câu nào nặng hơn, để nói cho anh nghe đi. Tuy nhiên, anh không thể biết được: anh đã tàn nhẫn, và ác với em ở điểm nào?

Bỗng dưng, Mười úp mặt xuống hai tay, òa khóc thật to như trẻ thơ đòi bánh. Nam vòng qua bên mép bàn, anh lặng lẽ đặt tay lên vai em, nhẹ nhàng vuốt mái tóc bồng bềnh quá dài đã xõa trên bàn, tóc phủ kín khuôn mặt. Anh biết Mười rất đau khổ khi gặp lại mình, nhưng Nam không thể hiểu vì sao? Anh lấy chiếc mouchoir trong túi quần, nhẹ nâng cằm Mười lên, từ tốn lau hai hàng lệ tuôn trào ướt đẫm cánh tay trần.
- Xin lỗi anh. Đừng buồn vì những lời em nói.
- Có nghĩa là Mười vẫn là... em yêu của anh?
- Với Hoàng Phương Nam, em còn quá khứ, hiện tại, cả tương lai cuộc đời đang ở phía trước.
- Ôi! Em Thương Mười cuả anh.

Đúng lúc nầy, Trúc dừng xe jeep trước sân, cô chạy xộc vào nhà, miệng la ơi ới:
- Mai tụi mình đi theo phái đoàn ra Quảng Ngãi nè Mười.

Trúc đứng khựng lại trước mặt Nam. Mười lúng túng đứng dậy, giới thiệu Trúc với anh. Trúc “À” lên một tiếng, cô cười rất xinh. Do Mười đã tâm sự, nên Trúc biết khá rõ về mối tình của hai người. Trúc biết nỗi đớn đau của Mười khi tự ý chia-biệt anh. Trúc thoải mái, líu lo nói chuyện với anh tự nhiên như đã từng quen biết với anh từ thuở nào. Trúc vội, vì sắp hết giờ làm việc, tài xế đang chờ ngoài đường. Trúc nói:
- Thôi. Anh Nam về tìm bạn là phải. Nên hòa nhau đi. Mười ở nhà kỳ nầy, để mình xin phép anh Phi cho bạn nghỉ một tuần. Nha.
- Hòa gì nỗi. Mình phải đi làm việc.
- Đừng có trở chứng lên thế. Nên hòa với anh ấy đi. Bấy lâu nay mi khóc sưng cả mắt vì yêu anh Nam rồi, bộ không biết sao?
- Ớ, anh Bửu sắp đi đám hỏi mình rồi. Hòa với hiếc gì!
- Mình tin rằng “cô cậu” vẫn còn yêu nhau da diết. Nhất là giữa mi và anh Bửu chưa có một ràng buộc mật thiết nào, kể cả chưa có một lần tay nắm bàn tay nhau. Vậy mi hãy bỏ cái chuyện lấy chồng lẩm cẩm cù lần và dấm dớ kia đi. Nha.
- Sao hôm trước chính Trúc bảo với mình: Nên nhận lời lấy anh Bửu đi, hở khỉ!
- May chứ hôm đó mi mà gật đầu một cái là... “chết lúa tui” rồi!
Nam hỏi dồn:
- Em cùng đi với Trúc sao?
- Đời nào. Trúc cho phép nó ở nhà đó anh.
Trúc lại cười tít mắt, nói xong Trúc vụt chạy ra ngoài sân. Trúc nhảy lên xe jeep, xe lao đi cuốn theo lớp bụi khói bay theo gió rì rào.
Nam thì thầm bên tai cô:
- Em ở nhà, ngày mai đi ra Huế, với anh. Em nhen.

Mười muốn từ chối lời đề nghị đó. Nhưng, thật là khó chối từ nỗi trước ánh mắt thiết tha, nụ cười khả ái, lời nói chân tình, lôi cuốn của “người ấy”. Trước sự quyến rũ dường bao của Nam, mà tuổi đời, trình độ kiến thức, tri thức, cung cách tao nhã, lịch thiệp, sự cao sang, đều hơn hẳn Mười, người mà cô đã yêu say đắm, yêu rất nhiều, khi người ấy đã y lời hẹn ước năm xư: "Anh sẽ trở về miền Trung, tìm lại em. Dù bất cứ giá nào, dù trước chông gai và thách đố" - như anh đã hứa. Cảm ơn anh yêu. Bởi vì cô muốn: ANH là tất cả riêng EM:
Em muốn viết tên anh.
Thân như cây liền cành.
Tên em tình sim tím.
Ta chim én song hành.

Yêu anh người khí phách.
Tình đôi ta liền mạch.
Vượt chiếc cầu Bến Ngân
Qua gian lao thử thách.

Dù trời xa cách đất.
Tình yêu mình có thật.
Gió mưa rừng lặng yên.
Non cao mây hồng ấp.

Anh đến trong tâm thức.
Đôi ta càng náo nức.
Tình son sao ngập ngừng.
Nụ hôn đầu rạo rực.

Buổi giao tình thứ nhất.
Con tim yêu chất ngất.
Giờ còn ai cấm nhau.
Mỗi ngày là trăng mật.

Đời ta vương hạt bụi.
Gió mưa chẳng dập vùi.
Đường tình quyện sớm tối.
Hoa đời nở đóa vui..

Trên phiến lá đong đưa.
Gió thu bay đầu mùa.
Con tim ta mềm nhũn.
Tình nồng mộng sớm trưa. (*)
*

(*) Thơ Tình Hoài Hương

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
03-30-2018, 09:18 PM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1522443906-30-4 baygio 3.jpg

https://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1361483299.mp3

Tình... Đời Chất Ngất Niềm Đau


Trên con đường hẽm hầm hập nóng và bẩn thỉu, bước tới đụng người bước lui đụng người chen lấn nhau, vì ngay ngoài hiên nhà nầy là chỗ người khác xin ngồi nhờ, để ồn ào náo nhiệt bán mua sát chợ Nghĩa Hoà. Bà cháu mẹ con tôi đùm túm dắt díu nhau trụt xuống hai chiếc xích lô rẽ vô nhà anh chị Tạo (anh cùng cha khác mẹ của chồng tôi). Mọi người ở trong nhà sửng sốt, nhốn nháo giây lát, rồi họ hét lên, ríu rít mừng rỡ chào đón chúng tôi. Chuyện trò xôn xao hỏi han nhau đủ mọi thứ nghe rôm rã. Phút chốc buổi cơm chiều đơn sơ dọn ra.

Nhà anh chị Tạo chật như nêm, căn nhà rất tối tăm, lụp xụp, chen chân không lọt trong một chu vi quá hẹp: 3m x 9m, ngoài trời đã nóng trong nhà càng nóng hầm hập, quá khó chịu. Bếp sát bên một cầu tiêu nhỏ xíu đang bị nghẹt ứ cứt đái trôi lềnh bềnh, xông lên mùi hôi kinh khủng. Trong nhà, vợ chồng con cái họ đã là mười hai người. Cộng thêm bảy người em họ là chú Hồng di tản từ Ba Mê Thuột về đây cả tuần. Nay có thêm sáu người chúng tôi về tá túc nữa. Thật đông hết biết. Chúng tôi trải chiếu nằm xếp lớp bên nhau ngổn ngang như cá mòi trên gác xép tối om, thấp lè tè nóng như trong lò lửa. Anh Tạo chia cho bà nội ngủ với chị Tạo ở nhà dưới.

Ngay hôm sau gởi cháu cho bà nội trông coi, tôi đi xe bus xuống đường Trần Cao Vân vào trình diện Nha Học Chánh. Giờ cao điểm thì có hàng chục ngàn xe đạp, xe Honda… chạy thành giòng không bao giờ dứt, trên những con đường luôn luôn đông như nêm đến công sở, đến trường học, hay tan trường sở. Trên lề đường chen lấn cả ngàn người đi bộ, với kẻ gồng người gánh bán hàng rong, họ lấn chiếm ra lòng lề đường vô số kể người là người! Trình diện tại phòng Giáo-dục, tại đây tôi gặp lại hầu hết bạn bè ở Đà Lạt. Không ngờ họ lanh tay lẹ chân đến trình diện trước tôi cả tháng, họ hay hơn tôi nhiều.

Tôi làm giấy tờ chờ truy lãnh mấy tháng lương tại chỗ. Thế là, ngày ngày tôi phải đến phòng nhân viên trình diện có mặt, và chờ đợi mọi tin tức cập nhật. Nếu ngày nào tôi không đi trình diện, thì coi như tôi bỏ nhiệm sở và bị sa thải. Tôi làm đơn xin về dạy một trường nào đó gần khu Ông Tạ. Nhưng hầu như không ai có thì giờ để lo cho đám giáo chức lao nhao khổng lồ ùn ùn kéo về Sài Gòn lánh cư nầy cả. Tình hình chung trong cư dân Sài Gòn xét ra rất phức tạp, hỗn độn, rối loạn lắm.

Mang tiền lương về nhà, tôi liền đưa chị Tạo ba chục ngàn đồng, để đóng góp chung vào với họ tiền chi phí ăn uống. Chúng tôi ở nhà anh chị Tạo chỉ được ba ngày vui vẻ thôi. Mấy đứa con tôi lạ người lạ chỗ, đi ra vấp người đi vô đụng ngưởi, đêm cũng như ngày không biết làm gì, các con cứ đứng quanh quẩn bên bà, liền bị anh Tạo quát mắng la rầy, đuổi chúng đi ra xa bà, không được quấy rầy bà nội. Anh Tạo không biết rằng các con tôi quyến luyến yêu thương bà nội, ưa gần gũi bà nội còn hơn cha mẹ nó. Ở Đà Lạt suốt ngày các cháu chơi đùa với nhau, quanh quẩn bên bà nội, nay họ đuổi chúng đi không cho đứng gần bà nội.

Đuổi chúng đi! chúng đi đâu bây giờ! ở trong nhà nóng kinh khủng và chật chội, đứng thôi cũng chạm người khác. Đi ra ngoài hiên nắng và nóng, càng không có chỗ chen chân, những thúng mẹc chất đầy hàng hoá và người bán ngồi trên vĩa hè nhà chị. Anh chị không nghĩ đến điều đó ư? Ở nhà anh Tạo con cái tôi cũng không yên thân. Anh ta bắt tôi phải bế bé Tồ đi xe bus đi trình diện ở Nha Học Chánh đông nghẹt người. Nơi đây chỉ có người lớn, đàn ông đàn bà. Tuyệt nhiên không có một đứa trẻ nào có thể giam mình trong những căn phòng chật cứng người to lớn đi lại. Thế nên, tôi bế con đi trình diện Ty được ba ngày. Hôm sau, tôi đành để bé Tồ ở nhà. Hôm ấy từ Nha Học Vụ trở về nhà, đứa lớn chưa đầy 6 tuổi đón tôi ở ngoài đường:

- Mẹ ơi! Ở nhà bé Tồ đói bụng, em đòi ăn cơm. Bác không cho em ăn. Bác lấy roi mây đánh mấy anh em con. Bác nói:
- “Tụi bây phải dắt em đi chỗ khác, phải cõng em đi chỗ khác, không được về nhà. Khi nào con mẹ mày về, thì cõng nó về. Nó quấy bà”. Con bị đòn, đau quá mẹ ơi!
Trời! Chị Tạo có đứa con mười tháng tuổi, chị vẫn bế nó suốt ngày nằm trên võng, mà hễ ngưng đu đưa võng, là nó khóc thét lên, vì nóng đó. Thì sao? Tôi vạch lưng mấy đứa con ra, quả thật có lằn ngang lằn dọc đỏ bầm trên lưng và mông đít con. Tôi hầm hầm về nhà, ôn tồn hỏi bà nội, me đáp:
- Phải. Me tính xới cơm cho bé Tồ ăn trước, vì nó đói. Nhưng bác la me:
- “Bà cứ chìu, cho chúng nó hư. Đánh bỏ mẹ chúng nó đi”.

Tôi nghe mà vuốt giận chịu nhục, tôi có ý muốn cố ở nhờ trong nhà họ, thì tiện cho việc đi trình diện Nha Học Vụ. Tôi biết anh chị Tạo lòng dạ hẹp hòi, ích kỹ, nhỏ mọn, họ ghen ghét mẹ con tôi (vì mẹ ân cần săn sóc thương yêu các con tôi). Dĩ nhiên là bà nội phải thương các cháu nầy, hơn các cháu con của họ, bà sống với chúng tôi bao năm nay có sự quyến luyến yêu thương nhau. Trong khi vợ chồng họ chẳng chăm sóc yêu thương gì bà mẹ ghẻ, họ không ở với mẹ kế ngày nào. Tại sao ganh ghét lạ vậy? Chỉ một chuyện nhỏ nầy: khi thấy tôi ủi áo dài để đi trình diện, thì hôm sau anh chị dấu cất cái bàn ủi trong tủ, khoá lại, sợ hao tốn điện. Tôi hỏi mượn bàn ủi, chị nói:
- “Xím” ủi xong là phải cất đi. Nên mất rồi.
Tôi nhìn mấy đứa con anh chị, là biết ngay chị nói dối. Nhưng chị cứ buộc tội là tôi để bàn ủi hớ hênh, nên mất rồi. Nghĩ thật tức cười! Ủi đồ trên gác xép kín như bưng thế nầy, chỉ có vài cửa sổ nhỏ xíu, có lưới mắc cáo và chấn song sắt bọc ngoài dày cui, trên gác không có cửa lớn ra ngoài, trần nhà lợp tôn. Con chuột lủi vô nhà e còn chưa lọt. Còn tên trộm có muốn ăn cắp, ăn trộm... thì phải vào nhà dưới, rồi nó mới leo lên cái thang dựng đứng đặt sát bên chiếc giường rộng, là nơi chị ta nằm đưa võng, cũng là nơi tụ tập thường xuyên không dưới mười người. Tên ăn trộm có giỏi cỡ nào, có tài thánh gì hoá thân mà bay, cũng không thể lọt qua ba bên bốn bề trong nhà!

Sau ngày bị vu khống tôi làm mất bàn ủi, thì hôm nào đi trình diện tôi cũng mặc quần áo nhàu nát. Thật xấu hổ cho một giáo chức “chỉnh tề”. Hể tôi đi vắng thì thôi, về nhà là có đủ thứ bực mình: Bác Tạo hết đánh đứa nầy, phạt quỳ đứa nọ, giam đói đứa cháu khác, tôi không ngờ “tình khúc ruột thừa thịt dư” nầy, thua xa gia đình ông bà Niềm, cô Thúy Lan, cô Oanh ngày cũ ở Nha Trang, khiến tôi bực tức không thể nào chịu nỗi. Một buổi trưa trời nóng như thiu đốt, nắng chói chang từ trên xe bus trụt xuống, tôi đã thấy bé Dzũng, bé Huy, bé Tuấn cõng bé Tồ (Hoàng) cùng đứng ở trạm xe. Dưới đất, bé Bi đang ăn củ khoai lang còn dính đất. Sợ mất hồn mất vía, sợ các con đi lạc, hay bị bắt cóc, tôi vội chạy tới bế bé Tồ. Mấy đứa con mặt mày lem luốt, đều khóc:
- Bác Tạo đuổi tụi con đi. Bác nói:
- “Chúng mày chỉ giống con mẹ mày. Lo cút xéo đi cho rãnh mắt tao”.
Con đã trả lời:
- Con thì phải giống cha mẹ.
Bác Tạo ông liền lấy cái roi da cá đuối treo trên tường, bác quất vào lưng con. Bác nói con dám “trả treo”. Em Tuấn thấy bác đánh con, chạy tới can. Bác cũng quất túi bụi vào em nữa. Hụ hụ hụ...
Nói xong, hai con lớn oà khóc và vạch lưng, tụt quần xà lõn ra cho tôi xem. Nào lằn ngang, nào lằn dọc từ trên lưng xuống mông, bầm tím hơn lần con bị bác cho ăn roi vọt trước kia. Bác đánh cháu nhỏ còn hơn tra tấn quân thù.
Tôi hỏi bé Tồ:
- Tại sao con khóc, để anh bị đòn oan.
Con chỉ vào bụng và bập bẹ nói:
- ...ói… b…ụng.

Tôi giận run và nghĩ: “Yêu nhau yêu cả đường đi. Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng”. Các con quá đói khổ rồi, chẳng lẽ cứ bị khổ sở, đánh đập vô cớ hoài sao. Có lẽ mình nên dời đi chỗ khác sống thì hơn. Tôi ẳm bé Tồ, tay dắt bé Bi về nhà. Các con sợ sệt lẽo đẽo theo sau, len lén núp sau lưng mẹ. Thấy họ, trong lòng tôi tức giận sôi lên. Chẳng thà họ cứ thẳng thắng nói “không cho gia đình tôi ở nhờ”, tôi có lòng tự trọng, sẽ dọn đi ngay. Họ không nên kiếm cớ nầy cớ nọ, mà đánh đập chưởi đuổi chúng tôi đi, làm cái ngữ nầy, ai chịu cho thấu! Tôi đã mất tiền đưa cho họ rộng rãi thoả đáng, ăn ở chưa trót sáu ngày. Chứ có phải chúng tôi ăn chực ở chùa đâu. Chắc họ muốn “vòi” thêm tiền? Họ nghĩ xưa kia gia đình mình nổi tiếng giàu có, mà quả thật trước khi chạy giặc, tôi có xe hơi nhà lầu, hôm nay tôi keo kiệt “trùm sò” không chịu rỉ thêm tiền ra hậu hỉ! Họ đối xử không tốt, quá tệ là đằng khác, thế mà chúng tôi phải mang ơn mang nghĩa.
Con cháu mới lên ba lên năm, nếu có lầm lỗi, thì bắt nó nằm xuống, răn dạy nhịp nhịp cái roi vô mông, cũng đủ cho chúng sợ mất hồn mất vía rồi. Tôi cám ơn không hết, chớ cần chi phải lấy cái roi loại da cá đuối mà thẳng tay quất cháu bị đòn vọt đau đớn, như đang tra tấn cháu?! Chỉ vì: “chúng mày giống con mẹ mày”. Con không giống cha giống mẹ, chẳng lẽ giống ông bà hàng xóm à?

Về nhà đặt bé Tồ xuống thềm, tôi nói luôn một hơi:
- Mấy đứa con em, nếu không đúng, không phải, thì anh chị bắt chúng nó nằm xuống giường mà răn dạy, nếu anh chị dùng bàn tay đánh vài cái vào mông, cũng khiến cháu sợ và đau rồi. Em phục, cám ơn anh chị, không dám nói gì. Nhưng tại sao anh lại lấy cái roi cá đuối quất túi bụi vào lưng, vào cổ cháu vậy? Em hỏi anh: Các cháu có tội gì nặng không, mà anh nỡ lòng hành hạ chúng? Loại roi da cá đuối, nếu ai bị đòn chảy máu, sẽ bị thúi thịt, anh có biết không? Anh chị đánh đập cháu dã man, chỉ vì nó đói, xin ăn cơm. Anh chị coi nè, có được không?

Tôi lôi hai đứa: bé Dzũng và bé Tuấn tới trước mặt họ, tôi khóc và vạch lưng, vạch mông, hai cánh tay con lên, cho cả nhà xem. Bà nội lúng túng nói:
- Thằng Tồ đói bụng. Bác mày chưa nấu cơm. Tao bế nó dỗ cháu tị, nó nín í mà.
Anh Tạo đốp ngay:
- Bà không việc gì phải thí dỗ cho chúng hư đốn, quen đi. Quấy không ai chịu nỗi. Lúc nào mặt mũi cũng đỏ kè, sãy sài, khóc nhè mãi. Bố ai chịu nỗi sự ồn ào hư đốn, hử!?
Khi đó, tôi không thể nhịn anh ta, tôi vừa khóc vừa gào lên:
- “Lời nói không mất tiền mua.
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Ngoài miệng thì nói nam mô.
Trong lòng thì chứa ba bồ dao găm”. Một ngày anh biết say sưa ăn ba bữa đàng hoàng với rượu đế, thức nhắm ngon lành. Có ngày nào anh không ăn nhậu hử! Cháu anh đói, đòi ăn, anh cấm không cho cháu ăn. Là sao!? Anh đừng ác ôn... như đối với quân thù vậy nhen.
- Bà về đây là để bà nghỉ ngơi. Không phải làm gì sớt.
- Sao anh quá nhỏ mọn vậy? Chẳng lẽ từ xưa đến giờ thấy cháu đói, mà bà không cho cháu ăn. Vã lại, anh chị không nên hẹp hòi vì miếng ăn, tôi đã gởi anh chị tiền cơm nước đàng hoàng, hậu hỉ và đầy đủ. Tôi lầm tưởng mình có bà con ruột thịt, nên về nhà anh chị ở, mong nương tựa lẫn nhau lúc khốn cùng, cho có anh chị, có em, có mẹ có con. Nay anh chị muốn đuổi, thì anh nói. Tôi sẽ đi ngay. Chứ anh chị không được hành hạ các con tôi tàn nhẫn, vô cớ đến thế nha.

Nói xong tôi chạy đùng đùng rầm rầm leo lên thang gác vơ quần áo của các con, tộng vào túi vải cũ, tôi hầm hầm kéo xềnh xệch ba túi vải xuống thang gác. Tôi dặn mấy đứa con đứng chờ ngoài hè, rồi chạy ra ngoài ngả ba Ông Tạ, gọi chiếc xe ngựa vô hẽm, xe ngựa đậu trước cửa nhà. Tôi chất đồ, các con liền leo lên xe. Tôi nói với bà nội:
- Me cứ ở đây cho khoẻ. Chúng con phải đi, không thể ở đây, để người ta hành hạ tàn nhẫn cháu bà như thế được.
Bà nội chưng hửng, ú ớ, ngại ngần, bà không biết tính toán làm sao cho phải phép. Một bên là mẹ ghẻ con chồng, một bên là con dâu cháu nội ruột của bà. Tôi đưa cho bà mười ngàn đồng dằn túi ăn quà vặt. Rồi tôi giận run quay lại, trừng mắt nói với họ, như hét:

- Anh chị tưởng là: nếu chúng tôi không có anh chị, thì chúng tôi không có chỗ nương thân, sẽ chết bờ, chết bụi hay sao? Anh chị nè, mẹ hôm nay và sắp tới có ở lại đây, thì me cũng không phải ăn bám, ăn chực cơm canh nhờ ở nhà anh chị đâu. Khi tôi có tiền, thì anh anh chị chị em em ngọt xớt. Bây giờ tôi sa cơ lỡ vận, thì anh chị muốn trở mặt dở dóc đủ điều, tệ mạt, khốn nạn hết chỗ nói. Người dưng thật ra còn tốt hơn anh chị. Anh chị cư xử thua kém gia đình bà Niềm xa lạ ở Nha Trang, họ đối với chúng tôi rất tốt. Không tin, anh cứ hỏi me, thì rõ. Phần mẹ, mẹ cứ yêm tâm ở lại nhà nầy ăn uống thoải mái, vì con đã trả tiền cơm cho nhà mình ăn no cả tháng. Anh chị không phải nuôi me nhá. Sau nầy anh chị đừng kể công là: khi tôi ra đi, đã để mẹ
lại, là gánh nặng cho nhà anh chị lo.

Vừa nói, tôi giận dữ móc túi quăng ra thêm nắm tiền vung lên trên giường, ngay dưới chân chị Tạo (chị đang nằm ru con trên võng móc ngang giường). Tôi chỉ ném ít tiền lẻ khoảng hai ba ngàn thôi, chứ ngu gì tôi móc cục tiền lương vay trước ba tháng thật to ra quăng vào mặt họ. Bộ điên mà ném tiền hết, để mẹ con tôi lưu lạc bị chết đói! Cứ chưởi một trận cho đã, rồi từ nhau là vừa. Chính tôi cũng không ngờ tại sao tôi trở nên hung dữ đanh đá như thế! Tính nết tôi bình thường biết giữ thể diện, sợ xấu hổ không mấy khi to tiếng. Nhưng nay đụng chuyện “quá độ”, quá trí khôn rồi, thì tôi cóc cần, cóc sợ ai. Có phải do tôi thấy các con đít bị rỉ máu, lưng sưng húp bầm thâm thì… “máu chảy ruột mềm” chăng? Nếu biết tình nghĩa “bà con lạt hơn nước ốc” như thế nầy, chẳng thà chúng tôi ăn ngủ ở đầu đường xó chợ cho xong, chẳng phiền ai, các con không bị hành hạ khổ sở thế nầy. Mỗi khi tôi thò mặt về nhà nầy, thì tôi nghe đủ thứ chuyện đinh tai nhức óc, muốn điên đầu. Nay, tôi đùng đùng túm đồ đạc dẫn các con ra đi họ ngẩn tò te và im phăng phắc. Có lẽ họ không ngờ là tôi dám làm chuyện động trời như thế. Họ cũng mắc cỡ với hàng xóm láng giềng đang bu lại đông đúc xem tuồng chăng?

Con ngựa hí vang, nó đứng ngoài trời nắng chang chang, bốn vó nhịp nhàng dậm trên mặt đường kêu lóc cóc. Tôi leo lên xe ngựa, năm mẹ con ra bến xe đi Hóc Môn. Các con tôi hí hửng mừng rỡ reo vui khi lần đầu tiên được ngồi xe ngựa. Cũng như được thoát ra khỏi căn nhà nóng hầm hập, chật chội và nhất là luôn bị bác Tạo của chúng nó trù dập, tra khảo, đánh đòn cháu tươm máu đít, vì những chuyện không nguyên cớ chính xác. Dẫu chúng chưa biết rồi đây miền đất mới sẽ cho chúng ấm no, hay đói lạnh thế nào. Nhưng chúng biết chắc chắn rằng đã thoát ra nơi tột cùng kinh dị, là các con vui mừng rồi.

Tôi thương các con lắm! Khi mấy mẹ con trụt xuống xe đò Sài Gòn Hốc Môn, thì tôi thấy hai cháu Sơn, Nhân đang đứng chơi ở ngoài ngả ba trại Lam Sơn (Thành ông Năm). Chúng tôi mừng rỡ ôm nhau mà khóc ở ngoài đường. Tại nhà chị Sáu (chị mẹ goá con côi có năm người con: ba đứa con trai lớn đi lính. Hai đứa nhỏ dưới mười lăm tuổi đi học). Trong nhà nầy có gia đình chú Ri (là em ruột chồng chị, gồm mười hai người từ trên Tây Ninh chạy loạn về đây tá túc. Nay có thêm sáu người chúng tôi, vị chi trong nhà chị Sáu có tất cả là hai mươi bốn người lớn bé đông đúc, ngày đêm chui ra chui vào ở một căn nhà nho nhỏ của trại gia binh.
Tối tối mọi người cùng trải chiếu ra nằm la liệt trên nền xi măng đã lau chùi sạch sẽ, hoặc nằm ra ở ngoài mái hiên mà ngủ. Tôi góp tiền với hai gia đình kia đi chợ nấu ăn chung. Mỗi bữa ăn chia ra làm hai mâm to: Một mâm người lớn. Một mâm trẻ nhỏ đông đúc, nhất là bầy con của chú thím Ri lút chút lít chít nheo nhóc la khóc suốt ngày đêm.

Mặc dù góp gạo nấu cơm chung, nhưng phần ăn thì họ chia không công bằng. Ví dụ như các con tôi họ xới chén cơm rời rời xôm xốp, nhưng con chú thím Ri thì họ (tự tay thím Ri phân phát) xới chén cơm ém thật chặt xuống đáy chén, ở bên trên họ chêm cho rời rời, và múc nhiều thức ăn cho các con họ thứ nào ngon. Miếng ăn là miếng tồi tàn mà, chấp nhứt làm chi! Tuy biết vậy đầu óc tôi không căng thẳng, mà có phần thảnh thơi được ít ngày. Tôi ăn cơm ngon nhưng luôn mất ngủ, vì kể từ khi rời Đà Lạt di tản đến nay, tôi sống trong cảnh màn trời chiếu đất, nằm lăn lóc ở bụi bờ, không giường nệm êm mền ấm như ở Đà Lạt. Vì thế, khi đặt lưng xuống chiếu là toàn thân đau nhức rần rần. Những đau khổ kể trên, khiến cho tôi nhớ lại thuở còn ở Đà lạt... mà khóc ròng!
Mỗi ngày tôi bế con ra ngoài ngả ba Lam-Sơn Hóc-Môn, thì thấy xe GMC từ ngả Trảng Bàng– Tây Ninh chở binh lính đầy nhóc trên xe, xe nườm nượp chạy đi chạy về trên quốc lộ nầy tấp nập. Thỉnh thoảng súng lớn đạn nhỏ từ trong Thành Ông Năm câu đi đâu đó uỳnh uỳnh uỳnh… làm rung động cả góc trời.
***

Tôi ở nhà nầy một tuần, thì Luật ở Đà Lạt đã chạy thoát về Sài Gòn, ở nhà anh Tạo hai hôm Luật mới đến nhà chị Sáu, mặt anh hầm hầm coi hung dữ như muốn ăn tươi nuốt sống tôi. Dĩ nhiên Luật ghé nhà anh chị Tạo ở Sài Gòn trước, và anh đã nghe họ “tả oán” về mẹ con tôi đủ thứ chuyện xấu, (người ta nói sau lưng mình, dĩ nhiên mình xấu, họ tốt; trước khi Luật nghe vợ con phân bày phải trái). Luật là người đàn ông độc đoán, gia trưởng, kẻ cả, ít khi anh lắng nghe điều hay lẽ phải, anh không nhìn các dữ kiện, mà chỉ nhìn sự kiện đã xảy ra, rồi vội vàng kết luận. Tôi vừa mừng rỡ vừa sợ. Phải! Thú thật là tôi rất sợ chồng. Luật có “cái uy” để anh “trị” tôi. Luật tức giận ngồi phịch xuống sofa, anh nói như hét trước mặt mẹ con chị Sáu, gia đình chú Ri, và mẹ con tôi. Anh khóc hụ hụ:

- Em tưởng là tôi bị kẹt lại Đà Lạt, thì tôi không thể thoát đi được, hay tôi đã chết rồi. Em làm kẻ tình lờ không bao giờ gặp lại tôi hay sao!? Nên em lo từ bỏ họ hàng của tôi cho sớm. Hử?

Thím Ri tỏ vẻ khoái chí, lết đít xích lại gần Luật để nghe rõ cho biết chuyện riêng tư. Đại loại là thím tưởng giữa tôi và Luật có “sứt mẻ” vợ chồng gì đó. Thím là hạng đàn bà ưa tò le mách lẽo, tọc mạch tò mò nghe ngóng chuyện người khác, ưa đưa chuyện. Chị Sáu thì chưng hửng, ngạc nhiên không hiểu chuyện gì xảy ra. Nhưng chị tôi ôn tồn, khéo léo an ủi vỗ về Luật:
Cây khô nghe sấm nứt chồi.
Đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương.
Cãi nhau là chuyện bình thường.
Cãi xong tâm sự trên giường cả đêm. (cd)

Khi bình tĩnh đôi chút, Luật từ tốn kể lại chuyện anh chạy nạn từ Đà Lạt về Cam Ranh, Nha Trang, anh đi bộ nhiều ngày rất khổ sở điêu đứng gian truân không tả xiết vô Sài Gòn, những điều rùng rợn không sao tả hết vào giờ phút cuối. Ở lại nhà chị Sáu hai ngày, sau đó Luật thu xếp cho vợ con lên Sài Gòn. Chúng tôi đến ăn ở tạm tại nhà dân biểu Tony Tẻh. Bởi Luật thường đi công tác với ông bà dân biểu Thượng-Viện, Hạ-viện, Nghị-viên, Luật về hội họp. Nói chung, Luật chí tình nhiệt tâm với bạn, không quản ngại bỏ tiền túi ra, bao cho bạn đến bến đến bờ.
Nhất là Luật đã chu toàn, ráo riết lo vận động cho anh bạn thiểu số Toneh Tẻh đắc cử dân biểu vào quốc hội, làm tôi mệt lắm. Trong thời gian Toneh Tẻh vận động tranh cử, tôi luôn “hầu bạn” cơm ngon canh ngọt, cá tươi chiên dòn, thịt heo kho trứng vịt, thịt bò lúc lắc, bún bò giò heo, bánh xèo, phá lấu, xôi thập cẩm tự nấu, vân vân... Các thức ăn để trên bàn có lồng bàn đậy kín hẳn hoi, (hoặc chờ họ về mới hâm nóng). Mẹ con tôi ăn cơm trước, họ không bị mẹ con nheo nhóc nầy quậy phá ồn ào. Khi nào “hai ba bốn ông tướng” ấy về, thì họ vui vẻ ung dung rỉ rả ăn uống no say, nói chuyện thời sự, chuyện chiến tranh, chuyện thế giới, kể cả chuyện tiếu lâm.

Đôi khi Tẻh ở dưới quê tại Đơn Dương bất ngờ vào nhà tôi nghỉ ngủ. Dù sớm hay muộn, thế mà tôi phải bò dậy ra vườn rượt bắt con gà, (con vịt), vô bếp cắt cổ, mổ bụng con gà (hoặc con vịt), làm thức ăn hầu tiếp bạn của Luật, tôi lo cho bạn vài năm như thế. Gia đình Tẻh nghèo lắm, không thể có tiền đi vận động đây đó xã giao. Thế là Luật đứng ra làm đầu tàu (trong một nhóm bạn thân nhiệt tình lo cho Tẻh đầy đủ hết biết, dĩ nhiên họ cũng có "hậu ý" là khi nào Tẻh đắc cử, thì hy vọng "mình" cũng có chút "hư danh" hoặc "lợi lộc")!
Họ lo cho cá nhân Tẻh lên danh phận có chức có quyền đã đành. Ấy thế mà cả gia đình vợ con của Tẻh (đông đúc những mười bốn mạng), thì nhóm Luật xoay xở đi xin tiền các nhà hảo tâm, ân nhân, xin ở trại cưa, chủ đồn điền… đâu đó, hầu cung ứng cho gia đình Tẻh mỗi tháng. Tẻh hứa hẹn chắc chắn khi đắc cử thì anh sẽ… “chu đáo lo cho dân”. Nhiều tháng qua nhóm người nầy (Luật, Ngọc, Minh, Trí, Cương, Tâm), không đi xin ai được, họ cùng nhau ứng tiền túi ra đưa cho Tẻh. Rồi như “thông lệ” cứ đến tháng thì bà vợ của Tẻh đến nhà tôi lấy tiền. Bà chị nói:

- Chị ui! Ông Tẻh ra đi, có nói tui đến nhờ bà chị giúp tiền mua cơm gạo. Nhà tui hết sạch mọi thứ rồi.
Ông bà Tẻh làm y như tôi là ngân khố, kho gạo, vựa lúa, tôi có bổn-phận-sự, trách-nhiệm-vụ lo cho gia đình họ ấm no!? Nói với chị Tẻh thiểu số nầy hoài, thật mệt. Vì chị ngu ngơ dấm dớ mà khôn vặt không chịu thông cảm, chị cứ đứng ù lì… ù ù cạc cạc ranh ma, ì thộn ra đứng chần dần cả buổi trước cửa, chị không dám hay không chịu vô nhà. Nói nào ngay nhà tôi “nom rất bề thế” ở mặt tiền đường Đoàn Thị Điểm ba tầng lầu đúc bê tông cốt sắt, nền láng gạch bông bóng lưỡng, đầy đủ tiện nghi, rộng 5m sâu (dài) 45m phủ bì, còn dư 10m cho sân sau rợp bóng cây. Chị Tẻh cứ đứng hoài đứng hủy chờ đến khi nào tôi văng tiền, văng gạo (hoặc văng “cái nhu cầu của chị”) ra, thì chị mới chịu đi.
Tôi mắc cỡ xấu hổ khi chị đứng hoài ngoài cửa, vì sợ hàng xóm láng giềng tưởng là tôi bị mắc nợ thiếu tiền bà nầy! Lối xóm người quen đi qua nhà tôi, họ ưa thắc mắc cứ tưởng tôi mắc nợ ù lì không chịu trả cho bà ta. Thật là mất mặt của “nợ oan gia” ngàn kiếp vì Luật mê bạn hơn mê vợ con. Chị Tẻh chả hiểu rằng “anh chị Tẻh” đối với riêng tôi không là cái đinh, cái thá gì. Vậy mà, tôi phải cắn môi bặm miệng nghiến răng trèo trẹo để “giao hảo” vì danh dự và “lệnh lạc” của đức ông chồng quá hảo tâm!
Có nhiều lần, Luật về nhà nói tôi đưa tiền cho Tẻh “mượn”, để anh ta đi lo công chuyện: áp phe áp phẩy chi chi đó. Vài ba lần đầu, tôi bấm bụng lấy tiền lương của gia đình trích ra đưa cho Tẻh mượn. Nhưng hôm nay, tôi biết là trong tủ chỉ còn đủ tiền đi chợ cho nửa tháng. Nếu đưa cho Tẻh mượn nữa, thì có lẽ nhà mình nhịn đói vào tuần cuối tháng mất (đưa cho Tẻh mượn hoài, coi như chả bao giờ ảnh nhớ trả nợ)̣. Tôi làu bàu:
- Làm như nhà mình là kho bạc, hay có tiền núi sao?
Tôi không chịu xì tiền ra, thì Luật cự nự, mắng nhiếc tôi:
-“Lên chùa thấy bụt muốn tu.
Về nhà ngó vợ muốn xù em ngay.
Bấy lâu vắng mặt khát khao.
Bây giờ thấy mặt muốn cào mặt ra” (1)

- Người gì mà ngu lạ, chỉ biết tham tiền, phải thả con tép mới câu được con tôm hùm. Em có tiền là mờ mắt, chả biết giúp người hoạn nạn lâm nguy.
Úi cha! trong lòng tôi ức lắm, giận sôi lên. Tôi đi dạy về mệt đừ, vì lo làm cơm và giặt quần áo dưới bếp, nghe anh nói mà hai tai lùng bùng, mắt tóe lửa, giận run. Bỗng dưng ở đâu Luật vất vả mời, rước, cõng, tha “cái nợ đời bạn với bè” về nhà nầy! Đã một thời tôi khốn đốn bơ phờ vì anh Trí mượn tiền của mình ở Cam Ranh, đến nay coi như anh ta xù độ rồi. Luật chưa tởn mà, anh vẫn bận tâm vì bạn, làm điêu đứng vợ con quá sá vậy hổng biết!? Tôi chưa kịp phản ứng, thì Luật nhảy tót một lần hai bậc cấp lên lầu, vào phòng ngủ, anh móc túi quần lấy chìa khoá mở tủ rột rột, Luật gom tiền và hầm hầm đùng đùng bỏ đi một nước. Bạn là trên hết, bạn là số một của đời Luật mà.

Tôi đứng dậy vội lau khô tay, lật đật leo lên cầu thang, chạy vô phòng, mở tủ ra kiểm: trong tủ vòng vàng xuyến nhẫn còn nguyên, duy chỉ còn vài ngàn đồng thì có thấm vào đâu so với nửa tháng chợ!? (không kể nếu có những bất trắc, ốm đau, thuốc men, mua sữa cho các con, hay những chi tiêu vặt cần trong gia đình, thì đào đâu ra đây hở trời!?). Tôi khổ hết biết, tức quá tôi đập tay xuống nệm bộp bộp, nằm úp mặt xuống gối, gào lên và bật khóc hù hụ. Luật vẫn luôn vô tình đến cái độ ấy: “Ai lo mặc ai. Ráng mà xoay xở. Ai chết mặc ai. Tiền nầy tao đem cho bạn bỏ túi”. Thật tình là tháng đó mình ên tôi vắt giò lên cổ chạy ngược chạy xuôi, chạy đi mượn tiền cô bạn, mượn anh chị Tư, để bù đắp vào khoảng tiền Luật đã “xoáy” cho bằng được, mà đem đi cho bạn gây dựng sự nghiệp! Tức cành hông, điên tiết. Ấy thế mà tôi không đành “tình vờ bỏ anh”. Vì sao!?:
Dao phay kề cổ, máu đổ không màng.
Chết thì chịu chết, buông chàng không buông.
Phòng loan trải chiếu rộng thình.
Lăn qua đụng cái gối tưởng bạn mình, anh ơi! (cd)

Nhất là Luật nhiều lần ngọt ngào, đằm thắm nỉ non ngâm những câu thơ trữ tình (vã chăng do tôi mê thơ, mê đàn, mê anh đánh đàn, mê anh hát, và anh đánh trúng yếu điểm tim đen của vợ) từ hồi trẻ dại anh theo bén gót chân tôi, bám riết không hề “xa” nửa bước; Vì:

Cho tôi hỏi đàn bà là chi rứa?
Là những gì rung động trái tim ta.
Làm cho ta cảm thấy nổi da gà.
Là gặp gỡ, xốn xang, là tiếng sét...

Là hợp “gu” vì cùng chung tính nết (!?)
Là âm thầm nhung nhớ lúc chia xa.
Là nụ hôn. Ôi rợn cả thịt da.
Là ẻo lả vòng tay nhưng rất chắc. (2)

Hoặc có nhiều khi Luật đã âu yếm ôm tôi vào lòng hun hít hú hí, khiến tôi “khoái”:
Tôi xa mình ông trời nắng tôi nói mưa.
Canh ba tôi nói sáng, giữa trưa tôi nói chiều.
Trời xanh bông trắng nhụy huỳnh.
Đội ơn bà ngoại đẻ má, má đẻ mình... dễ thương (cd).

Vậy nên tôi đã "trút hết" vì chồng! Khi Toneh Tẻh đã thành công trên con đường danh vọng rồi, thì anh ta không nhớ những ngày cơ hàn cũ, chẳng nhớ về bạn xưa gì ráo. Tẻh có những “cái ngu lỏi đời đáng sợ” là không nhớ ai đã nhiệt tâm trong những cuộc vận động ráo riết ấy, do ân nhân, thân nhân âm thầm ưu ái đóng góp sức lực, tiền bạc giúp anh? Những người đã hy sinh hạnh phúc, gia đình và có thể nói là cả tính mạng nữa.
Tẻh quên hết chuyện nợ nần gia đình vợ con ở Đà Lạt, mặc ai lo gì thì lo. Ra sao thì ra. Tới đâu thì tới. Tony Tẻh ở Sài Gòn làm dân biểu mới chỉ bốn năm tháng đầu, Tẻh đã “quơ” ngay một cô “Ba Tàu tình hờ”, dẫu sao thì cô nầy cũng trắng da dài tóc, mập ú nà ú nần, mắt híp, tươi tắn trẻ trung; (hơn bà vợ Thượng già đen dòn quê mùa cũ mèm của Tẻh). Trong bữa ăn đầu tiên ở nhà hàng Nhất Dạ Đế Vương, Tẻh đã chọc ghẹo nàng tiếp viên:
Trúc xinh trúc mọc đầu đình.
Em xinh em hút thuốc lào cũng xinh.
Nếu mà không lấy đặng em
Anh về đóng cửa cài rèm đi tu (1)
Nàng đi học trường Tàu đã đành, lại biết đọc biết viết tiếng Việt kha khá, liền đối đáp:
Tu đâu cho em tu cùng.
May ra thành Phật thờ chung một chùa.
Phải chi cắt ruột đừng đau.
Để em cắt ruột em trao anh mang về (1)

Tuyệt vú mèo chưa! mây mưa nước nôi “hữu duyên thiên lý tương năng ngộ” nhỉ! Thế là Tẻh mê em tít thò lò, mê em híp mắt, si mê “ẻm” ngay từ “thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Tẻh thèm “ẻm tình hờ” quá cỡ thợ rèn. Cá đã cắn câu do mấy anh xì thẩu cố gài độ,̣ muốn câu móc anh chàng xứ núi già còn “dại gái” tòn ten tỏn tẻn với cô ả ỏn ẻn, ngỏ hầu bọn tài phiệt dễ bề móc nối, xí xa xí xô “làm ăn chuyện lớn” ở nhiều mặt thiết thực khác.

Tẻh híp mắt với danh vọng, lạm dụng tình thân, an nhàn sung sướng riêng bản thân, anh về quê xây một căn nhà đồ sộ, mua nhiều hecta đất, mua đàn bò, và mua một căn nhà gạch xây sang trọng ở cuối đường Hoàng Diệu. Ở Sài Gòn Tẻh mua sắm cho bà bé nầy không thiếu thứ gì sang trọng trong một ngôi nhà thuê bao rộng rãi tiện nghi tại Hoà Hưng. Đầy đủ. Trọn vẹn, Tẻh càng vinh thân phì da sung sướng tê người. Bà vợ bé của Tẻh béo ơi là béo phì, còn trẻ, nói tiếng Việt trọ trẹ, nhưng hiểu nhiều, nói nhiều nói luôn mồm nghe thật tức cười. Hạnh phúc ào ào trút xuống lưng, trút xuống vai anh ta:
Trẻ em thường thích ở trần.
Nhưng mà người lớn muôn phần thích hơn.
Nhớ hôm bụi chuối sau hè.
Giỡn chơi chút xíu ai dè có con. (2)

Năm sau “con đĩ Ba Chệt*” (-từ nầy- là do bà vợ lớn của Tẻh dám trịch thượng ám chỉ bà nhỏ kia thôi. Còn tôi... có đánh chết tôi, tôi chả dám nào), đã “sản xuất” cho anh ta một con bé ngo ngoe bụ bẫm. Trong khi chúng tôi muốn khuynh gia bại sản. Mỗi lần nghe tin Tẻh về quê, Ngọc, Luật lái xe jeep đến nhà. Tẻh tiếp bạn nhạt nhẽo, gượng gạo, lãnh đạm, ú ớ ù ơ, lầm lì. Nhiều khi Tẻh né tránh không giáp mặt. Người gì mà quá đổi tệ bạc vô ơn đến thế không biết. Hầu như chuyện nợ nần, đền ơn đáp nghĩa những ân nhân, thân nhân Tẻh coi như pha. Chức phận của Tẻh chỉ là hư danh, thực tế Tẻh chưa giúp ích thiết thực cho cư dân ở Tỉnh nầy và cho đời (nói chung), và anh chả trả nợ ân tình và nợ bạc tiền cho nhóm tôi. Tôi quên nói là sau khi “Tẻh hiền lành” (trên vài khía cạnh nào đó) với tư cách là đồng viên ở pháp nhiệm I và II đắc cử dân biểu, thì bao nhiêu lời hứa hẹn, (nợ nần tiền bạc xưa của Tẻn chưa trả cho tôi), đều bay theo bà vợ bé nầy. Gia đình tôi và các bạn đã gieo lúa trên đá rồi.

Tại nơi nhà Tẻh ở Hòa Hưng hôm nay vừa có thêm gia đình bà vợ lớn và năm đứa con Tẻh gùi những cái gùi to lớn đến lánh nạn. Mỗi buổi sáng bà bé ngủ dậy sau chín giờ, bà ta ẳm con nhỏ hơn một tuổi, (và có cái bụng bầu năm tháng nữa) đi chợ xong, bà bé về nhà quăng giỏ xách cái bạch xuống nền gạch, giống như bố thí. Thì tôi và bà vợ lớn của Tẻn lo xúm lại nấu nấu, xào xào, chiên chiên vài món ăn. Rồi hai gia đình chúng tôi xúm xít ngồi ăn với nhau. Bà bé không hề ăn, bà chỉ ngồi trên võng ôm con đong đưa, và nhìn ngó chúng tôi chằm chằm, mà nói nói nói... Ăn uống đạm bạc như thế, khiến bà vợ lớn tức giận. Hầm hầm mặt, bà nói nhỏ với tôi:
- “Ớt nào mà ớt chẳng cay. Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng”. Con đĩ Ba Chệt*” nầy đã cướp chồng tôi. Nó cướp hết tiền của trong gia đình tôi. Vậy mà nó cho cả nhà mình ăn uống tầm thường hí. Trong khi ngày ngày nó đi chợ ăn quà, chiều chiều nó đợi ổng về, là nó tót đít đu lên sau xe honda, ôm siết, bu ổng như đỉa, bắt ổng chở đi ăn tiệm sang hà, không phải à, nè:
Bồ hay mơ mộng mông lung.
Vợ rất thực tế vô cùng đáng yêu.
Bồ luôn đòi hỏi đủ điều.
Vợ lo cơm sáng cơm chiều quanh năm.

Bồ chỉ lo chuyện ăn nằm.
Vợ thường chịu đựng cả năm mới tài.
Bồ nào nghĩ đến tương lai.
Vợ lo tính toán chuyện dài mai sau. (2)

Tôi khuyên can hoài, năn nỉ mong bà có thể hòa thuận đôi đàng thân ái xí, nên bà lớn chưa nổi sùng, nguôi ngoa nhẫn nhịn đôi chút. Nhưng tối tối, khi “hai ông già bà trẻ phong lưu” hú hí du dương đi ăn cơm tiệm về, thì ông Tẻh ỏn ẻn chào hỏi bà lớn xí, nói lí nhí vài ba câu tiếng Thượng xã giao qua loa lạt lẽo. Rồi ông lật đật lẽn vô phòng bà bé, khóa chặt cửa và ở riết, cho đến sáng hôm sau ông vội vàng ra đi. Chỉ vì ông trót:
- “Trồng trầu thì phải khai mương.
Làm trai nhiều vợ biết thương vợ nào”? (2)

Điều kém tế nhị, trắng trợn và không biết cách xử trí nầy, khiến vợ lớn cáu tiết, bà nỗi cơn ghen bốc lửa tam bành lục tặc, không thể ngậm câm nhìn cảnh chướng tai gai mắt, cố làm ngơ hoài, nổi sùng lên bà tức giận không thể tả, vợ Thượng ngồi chờ sẵn ở phòng khách, (nơi gia đình bà lớn đang trải manh chiếu ra sàn gạch, để ngủ mỗi đêm, cạnh ngoài cửa phòng ngủ của họ, thiệt là không công bằng!). Khi hai anh chị “Thượng-thư và Tàu ú nù đĩ-ba-chệt*” (*bà vợ lớn vẫn trịch thượng thẳng thừng ù ơ như thế, có lẽ không chua ngoa lắm hì) ung dung vui vẻ trở về sau buổi ăn cơm ngon lành ngoài tiệm. Bà bé vừa bế con nhỏ tọt vào phòng ngủ, thì bà lớn không thể nín câm nữa, bà túm ngay cổ áo đức ông chồng, khiến ông lớn bị bất ngờ, chao đảo chới với tay chân. Bà lôi giật ông xềnh xệch quay ngược ra phòng khách, bà lớn trợn trừng tráo trưng, nghiến răng chưởi chồng một tràng dài, như bắn súng đại liên thanh bằng tiếng Thượng pha tiếng Việt, lẫn tiếng Tây, chêm chút chút tiếng Anh. (bà có học ở trường Domain De Maria đàng hoàng, ngu sao bà không xổ cả chùm... nho ra, cho con nhỏ kia nể sợ mà khiếp vía, hì).

- Nè ông Tẻh đừng tưởng bở nhá, tuy tui là người Thượng, nhưng theo học trường đạo do soeur đầm Tây dạy đàng hoàng. Tui biết ông chê tui già, quê mùa, xấu xí, có thể không xứng với một dân biểu, (tui rành ba bốn ngôn ngữ mà ông chê, là lầm đấy)! Ông sinh ra ở chế độ mẫu hệ, mà có cái tội tày trời là ngang nhiên “tự tiện” dấu nhẹm tui con mụ kia, con riêng, và giờ đây “con đĩ” mang thêm một cái bầu bốn tháng. Úi Trời! đầu năm một đứa, cuối năm một đứa:
“Trứng rồng lại nở ra rồng.
Liu điu lại nở ra dòng liu điu” (cd).
“Đồng vợ đồng chồng, con đông mệt quá”! Chẳng lẽ tui để cho ông mang tiếng sở khanh quất ngựa truy phong: “Yêu em mấy núi cũng trèo. Đến khi em chửa mấy đèo anh cũng dông” sao cho đành! Ha!

Ông lớn đứng như trời trồng cúi đầu im lặng chịu trận làm tình vờ! Thôi thì... ráng nhịn nhục ngoảnh mặt làm kẻ tình lờ. Bà lớn thấy thế cũng nén giận. Nếu bà biết trước hoàn cảnh éo le và “nghịch đồ” như thế, bà lớn sẽ nằm lì tại Đà Lạt, không thèm vô ở cái nhà đầy dẫy chuyện buồn, xáo trộn đủ thứ kỷ cương, không có “tôn ti trật tự phân giai cấp lớn bé” chi cả. Bây giờ bà lớn nằn nặc đòi ông lớn một hai là:

- Tui nói cho ông Tẻh biết, ông phải đưa ngay tiền của, đưa hết tiền bạc vòng vàng xuyến nhẫn tay hòm chìa khóa ra, để tui quán xuyến. Người ta nói: “có tiền mua tiên cũng đặng”, thì nhằm nhò gì chuyện ông Tẻh có con qủy cái ú nần lùn xủn mắt ti hí kia! Tui sống với ông có giá thú hẳn hoi, còn con kia nếu ông khai gian làm giá thú giả với nó, thì tui cho cả lũ vô tù mút chỉ cà tha. Tin đi, rồi một mai lá rụng về cội, ông chẳng tiếc cái tình vờ ấy, mà ông sẽ quay về “cây đa bến cũ con đò năm xưa” cho coi! Ông và nó không có một đồng xu dằn túi, thì mẹ con tình lờ đĩ ba chệt ấy phải ra đi khỏi đời ông, ông xa nơi trơ trẽn hắc ám đầy chướng tai gai mắt. Coi ai chết nhăn răng, cho biết mùi đời cái tình hờ mà ông cho tôi nếm hôm nay. Há...

Tôi ngạc nhiên và thừa nhận là bà lớn tuy ở chung một nhà với bà bé, dù bất bình và rất ghen lẫn yêu thương chồng con lắm. Nhưng bà lớn khá biết điều, bà chỉ béo, ngắt, cú đầu ông chút xí, bà cằn nhằn lải nhải dày vò ông chồng biết cúi đầu hổ ngươi, đỏ mặt tía tai ti tí... khi có các đứa con Thượng của mình, vá có vợ chồng con của chúng tôi chứng kiến. Bà lớn có bản lĩnh, lịch sự nghiến răng trèo trẹo, ghé môi vào sát bên mang tai chồng, nhưng khiến ông lớn thật sự run sợ. Bà biết giữ danh dự cho ông chồng dân biểu! Khâm phục.
*

Bà mẹ Ngọc và hai cô Quy, Cúc, ung dung dẫn nhau đi từ hotel Hưng Đạo 2 tà tà qua chợ Đũi, xuống chợ Thái Bình dạo chơi, rồi ba mẹ con tấp vào ăn bún ốc, bún thịt nướng, ăn xoài, dưa hấu, thơm. Họ ăn xã láng... ăn đã đời. Mấy tháng trước lo lánh nạn từ Cam Ranh chạy riết dài dài về đây, họ ăn uống có phần tiết kiệm khổ sở. Bây giờ yên ổn nơi thành phố vinh sang giàu có, họ cũng sẵn tiền dư bạc rủng rỉnh như ai, ngày ngày ở không trong phòng ngủ không biết làm gì, chẳng lẽ có bộn tiền có vàng leng keng trong túi, mà phải nhịn thèm “ăn mì ngóng cháo ngó” sao. Thế là ngày ngày họ đem con cháu đi ăn hàng xã láng cho đã. Lúc nào về phòng ngủ cô Cúc cũng khệ nệ bưng thêm: Khi thì quày chuối già hương to bự sư, mít ướt, mít ráo, hoặc một chục xoài cát thơm lựng. Do mấy bà vợ thừa nước đục thả câu, được đằng chân lần lên đằng đầu, cô Cúc cô Quy tha hồ leo lên đầu lên cổ đức ông chồng nhẫn nhịn hiền lành, tha hồ ăn hiếp chồng. Cánh đàn ông yêu quá thì hóa sợ mấy mụ vợ một phép, mặc “bà” muốn làm gì thì làm, lớp đàn ông im re xép ve:
Lỗ mũi mười tám gánh lông.
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.
Đêm nằm thì ngáy o o.
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Đi chợ thì hay ăn quà.
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.
Trên đầu những rác cùng rơm.
Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu. (1)

Sau vài ba ngày no say ăn uống, thì bà cụ Tài đau bụng, trên ói dưới té re, thổ tả thổ te tá lả hoài! Bà cụ Tài tái phát bệnh đau bao tử ói ra máu tươi, máu bầm, máu loãng, rồi ói ra mật xanh mật vàng. Bà ôm bụng gò lưng quằn quại rên la dữ dội. Anh Ngọc vội vàng thuê xích lô chở bà đi cấp cứu tại bệnh viện Sài Gòn. Đã biết là bà cụ đau bao tử kinh niên, mà còn dám “tộn” mấy thức ăn mát mẻ thế, nếu bà không đau bao tử, cũng bị té re là cái chắc! Không biết bà cụ trúng độc do ăn bún ốc, hay cụ ăn quá nhiều thứ mà “trúng thực”?
Ngày ngày chúng tôi ghé vô bệnh viện thăm, thấy bà cụ có phần thuyên giảm. Ngọc bảo cô Cúc ở lại bệnh viện trông coi mẹ. Còn anh sẽ đưa vợ con, gia đình cô em gái là Quy, cùng chúng tôi đi xuống miền Tây trước. Lúc nào bà mẹ khoẻ hẳn, thì cô Cúc sẽ đưa mẹ đi xuống Bạc Liêu. Nghe thế, bà mẹ Ngọc dù rất yếu, bà lắc đầu quầy quậy, giẫy nẩy lên, chồm dậy khăng khăng nhất định đòi trở về hotel. Nếu có đi đâu, mà bà đi không nỗi, thì cõng bà đi cùng, chớ không trước không sau gì cả. Bà rất sợ con trai bỏ rơi. Bà thất kinh hồn vía, không dám kêu rêu con dâu bắt bà nhịn đói, không rên siết trước mặt Ngọc, bà không dám ăn uống bậy bạ nữa.

Ngọc đành chìu ý mẹ già, anh đưa mẹ về nghỉ tại hotel Hưng Đạo 2. Thật kinh hồn, chúng tôi chỉ sợ lây lan hết cả đám, thì khốn. Bà phải ở cách ly mình ên. Ngọc đi rước bác sĩ tư đến khám bệnh ghi toa, anh liền đi mua thuốc về cho bà uống. Anh Bàn phụ Quy, Luật, khiêng những tấm nệm chuyển qua phòng của tôi, đặt nệm ở giữa nền gạch cùng nằm xếp lớp với nhau. Bốn gia đình ngủ chung hai phòng cho ấm áp tình người. Chúng tôi cảm thấy vui vui, cũng đỡ lo sợ và buồn. Do thế, chuyện dự tính cả nhóm về miền Tây trước ngày 30-4 đã không thành. Phần vợ chồng tôi, khi thấy tình hình bất an, thì Luật chạy đến nhà anh Tạo rước bà mẹ anh xuống ở phòng ngủ.
Tôi đến nhà Yến Nga để hỏi thăm tin tức. Ở nhà, bốn đứa con của tôi tự trông coi nhau. Chẳng may bé Tồ (Hoàng) bị đau bụng ỉa chảy té re. Bé Tuấn thay đồ cho em, giặt giũ áo quần, lau chùi phòng sạch sẽ. Bé DZũng tắm rửa cho em, cõng em và dỗ em ngủ. Bé Bi (Huy) sợ hãi chui vào gầm bàn trốn, và ngủ quên trong xó góc. Khi trở về phòng trọ, nghe các con nói lại, tôi sợ hết hồn. May mắn là bé Tồ chỉ đi cầu hai lần. Tôi cho con uống thuốc, (tôi đã mua sẵn đầy đủ mọi thứ thuốc dự trữ phòng hờ). Ngày hôm sau con đã thuyên giảm nhiều. Tôi lo sợ là con bị lây chứng thổ tả từ bà cụ mẹ của Ngọc thì khốn!
Chỉ trừ những đứa trẻ ngây thơ vô tội là ngủ chập chờn trong bóng tối mờ mờ. Còn mọi người lớn thì tắt hết đèn đóm, ngồi tụ vòng tròn lại một góc phòng, nơm nớp lo sợ và mong trời mau sáng. Ngoài đường vắng ngắt đến ghê rợn, khuya Sài Gòn càng khuya càng hoang vắng lạnh lẽo, bầu trời vần vũ mây đen báo hiệu cơn mưa đầu mùa. Đến năm giờ sáng thì quả thật trời đổ cơn mưa rả rích, kéo dài hơn ba giờ, trông thật ngao ngán. Cánh đàn bà lo chuẩn bị làm mì gói cho cả nhóm ăn, uống nước suối Vĩnh Hảo. Bốn người đàn ông bàn tính với nhau là: để tránh tai mắt người khác tò mò dòm ngó, và không biết tông tích của mình làm gì, ra sao, đi đâu, thì bốn anh sẽ đưa từng nhóm ra đi.

Điểm hẹn là ở nhà thờ Ngã Sáu (nhà thờ thánh Jeanne D’ Arc, trong khu nghĩa trang Huê kiều, do người Pháp gọi là Plaine Des Tombeaux, ở 116b Hùng Vương, phường 9 quận 5). Luật hướng dẫn lộ trình chu đáo, anh nhắc đi nhắc lại: ai không nhớ, thì ghi vào sổ tay, kẽo nơi xứ lạ không thuộc đường, lớ quớ sẽ lạc nhau. Cứ mươi phút là có một nhóm rời phòng ngủ. (Làm như chúng tôi đi quỵt nợ, trốn nợ tiền phòng không bằng. Mặc dù chúng tôi đã chi trả tiền hết tất cả ba phòng nầy, và đặt cọc tiền phòng thêm trước mười ngày). Anh Bàn không có vợ con gia đình bận bịu lu bu bên cạnh, nên anh rảnh tay dìu bà cụ Tài bệnh hoạn, cùng cô Cúc ẵm đứa con gái ba tuổi ra đi đầu tiên. Kế đến là gia đình Quy. Gia đình Ngọc, sau rốt là gia đình tôi gồm bảy mạng lủi thủi ra khỏi hotel. Tôi cảm thấy thật buồn khi đứng trên cửa sổ tầng hai nhìn mấy anh chị lạ nước lạ cái cúi đầu lầm lủi ra đi, nhất là những đứa trẻ yếu ốm xanh xao, ngây thơ, hồn nhiên vô tội. Sao ai nỡ lòng để con em sớm bơ phờ nếm mùi đau khổ, gánh lấy nỗi ưu phiền, cơ cực đắng cay cuộc đời làm vậy!

Bốn nhóm gặp nhau ở nhà thờ ngã sáu rồi, lúc đó đã có nhiều người đi bộ, đi xe đạp, xe honda, xích lô qua lại trên đường đông đúc hơn. Tuyệt nhiên không thấy xe nhà, taxi hoặc xe bus. Chúng tôi ngoắt mãi vẫn không có chiếc xích lô máy, hay xích lô đạp nào chịu ngừng. Chẳng biết họ vội vã chạy đi đâu! Mãi về sau lâu thật lâu mới có hai chiếc xe ba gác trờ tới. Luật mặc cả giá xong, liền cho hai bà cụ cùng bầy nhóc ngồi lố nhố trên xe. Bốn anh kia phụ hai ông ba gác đẫy xe đi tà tà. Chúng tôi dắt díu nhau lẽo đẽo đi xuống khu Chợ Lớn. Quang cảnh ở Chợ Lớn khác hẳn ở khu Sài Gòn. Nơi đây ồn ào náo nhiệt đông đúc, người ta tụm năm tụm mười đông đen trên đường phố xí xa xí xô đi đi, nói nói, la la mắng chưởi om sòm, buôn buôn bán bán đủ mọi thứ.

Thỉnh thoảng mới có chiếc xe bus khác tuyến đường chật như nêm vút qua, chạy về hướng xa cảng miền Tây. Ngọc vào nhà bạn thân cùng làm việc ở gần chợ Tam Biên, để dò hỏi tin tức cập nhật. Luật cũng có bạn Thành ở đường Nguyễn Tri Phương. Lúc bạn hai đến nhà đó, mọi người trong nhóm ngồi bệt ngoài vĩa hè nghỉ mệt chờ đợi Luật, Ngọc vào hỏi thăm tin tức. Kiểm chứng lại những tin nghe ngóng suốt dọc mấy lộ trình, thì mỗi người nghe một cách khác hẳn, người nói thế nầy, người nói thế nọ; càng hoang mang, băn khoăn, bồn chồn, lo lắng, rối tung rối mù, không phân định được điều gì xác thật là đúng, điều gì sai. Toàn nghe những tin vu vơ mù mờ như vịt nghe sấm.

Chúng tôi không rành đường dưới khu Chợ Lớn, nên cứ đi lo lắng sợ sệt đi lung tung loanh quanh đường nọ qua đường kia, đi vòng vòng khá xa Chợ Lớn. Chẳng biết tại sao đi hoài đi mãi sau cùng chúng tôi quay trở về ngã Bảy? Khùng thiệt. Cuộc ra đi nầy thật vô duyên ngớ ngẩn hết chỗ nói. Thế là chúng tôi mò mẫm tìm về nhà thờ Huyện Sĩ, vì chúng tôi đã quen chỗ nầy. Tôi bàn với Luật để tôi đến khách sạn Hưng Đạo 2 lấy lại những valy áo quần và đồ dùng cần thiết. Luật quát mắng tôi:
- Coi chừng tiếc của mà toi mạng. Bỏ hết em ơi.
Tôi tiu nghĩu buồn xo theo các bạn vào cha chánh xứ xin cho ở nhờ ngoài vĩa hè trong khuôn viên nhà thờ Huyện Sĩ. Nhà thờ hình cung nhọn oai dũng với công trình thiết kế quy mô, đặc thù, tinh xảo, khang trang xinh lịch, còn được gọi là nhà thờ Chợ Đũi xây năm 1902. Thiết kế giáo đường do đức cha Bouttier kiến trúc theo phong cách gothique tuyệt tác tinh vi, cao sang với vật liệu đá granit. Do ông bà Huyện Sĩ Lê Phát Đạt giàu có nhất thời ấy bỏ tiền ra xây dựng. Sau khi tạ thế hai ông bà có mộ xây bằng đá cẩm thạch ở hậu cung.
Hầu hết mọi người quá mỏi mệt ngao ngán chán chường, chẳng thiết tha sự gì ngồi bó gối ủ rũ buồn chán nơi xó góc trong một lớp học bỏ trống. Ông trùm họ đạo nầy đi lễ về ngang chỗ chúng tôi đang ngồi co rúm một xó, thấy chúng tôi hốc hác, trẻ con bơ phờ lem luốc nằm la liệt lăn lóc trên vĩa hè nóng và hanh nắng. Ông vào tận nơi tôi ngồi, ân cần hỏi thăm qua loa, rồi ông bảo tôi cử đại diện vài người đến nhà ông, để ông tiếp tế cho ít thức ăn, hoặc đồ dùng cần thiết.

Cô Quy, Cúc và tôi lẽo đẽo theo sau lưng ông, đến bên hai cánh cổng sắt màu xanh kín mít to cao lút đầu người. Mở ổ khoá cánh cửa sắt nhỏ phụ kế bên, ông mời ba chị em vào nhà ba tầng lầu có vườn cây trước sân mát mẻ, rộng rãi, ngôi nhà bề thế sang trọng xây đá hoa cương lát gạch men bóng láng. Ông mời chúng tôi ngồi ở sofa da nhung đỏ. Ông đi xuống nhà bếp. Chúng tôi chưa kịp quan sát kỹ lối trang trí tân thời trang nhã vinh sang trong phòng khách, thì bà vợ ông trùm và mấy con cháu gì đó từ phòng bên cạnh, xách ra ba bốn tụng đồ ăn thức uống đầy nhóc, nhiều nhất là mì gói, bánh mì khô, cá khô, tôm khô, khoai lang, dưa leo và củ sắn. Thêm mấy tụng khá to quần áo trẻ con, một tụng nhỏ hơn bốn tụng kia đựng độ năm bảy lít gạo, (bà vợ chu đáo lo đầy đủ, hình như bà đã nghe ông chồng kể lại, hoặc là gia đình họ đã từng làm việc thiện nầy, tôi không biết).

Ba chị em tôi cảm động ứa nước mắt, rối rít cảm ơn lòng từ bi thiện nguyện của ông bà trùm họ đạo Huyện Sỹ. Khệ nệ bưng các giỏ xách về lại góc trường học, chúng tôi cảm thấy có phần vui vẻ an tâm. Cô Quy, Cúc và chị Ngọc xúm lại chia nhau áo quần con trẻ. Còn tôi không nhận (vì đang có, tôi đã vứt bỏ lại ở hotel nhiều lắm, chỉ mang đi những bộ quần áo cần thiết, vậy mà các con mang vác còn không nỗi, nữa là tham lam chi mà quơ vô thêm sao). Mấy chị em rủ nhau đi ra chợ Đũi mua hai cái nồi lớn, mua tô chén, muỗng, đũa, rổ, rá, củi, ba bó rau muống, mắm muối, chút bột ngọt, chuối cau, mua bình để nấu nước, mấy chai ni lông đựng nước (vã chăng thấy ăn uống tầm bậy tầm bạ ở ngoài chợ, sợ trúng nước đi “ị” té re như bà cụ Tài, thì khốn; chúng tôi không dám uống nước trà đá bán sẵn). Có tiền là có của tươi rau ngon.

Về lại chỗ cũ, Ngọc xin bà từ trông coi nhà thờ cho mượn hai cái lò để nấu ăn. Bà từ vui vẻ bảo chúng tôi cứ vào trong bếp tự tiện nấu nướng, khỏi mua củi hay mượn lò làm gì mất công. Nhưng chúng tôi không lấy củi của bà. Phụ nữ xăn tay áo lên lo làm bếp. Đàn ông đi tắm rửa cho con cháu, và tắm rửa chính họ ở ngoài giếng hay ở vòi nước. Chẳng mấy chốc nồi cơm trắng, canh mì gói nấu kèm với rau muống, trái bầu xắt nhỏ, khô cá sặc nướng, mọi thứ đã chín. Sau một ngày nhịn đói nhịn khát, kéo nhau đi thất thểu lang thang cầu bơ cầu bất ở ngoài đường mệt mỏi rã rời. Giờ đây cả nhóm ngồi bệt dưới nền xi măng, quây quần quanh hai mâm cơm nóng sốt. Một mâm dành cho trẻ con được cho ăn trước. Một mân cơm của người lớn thì ăn sau. Đây là buổi cơm tối thanh đạm, nhưng quả thật lần đầu tiên trong những ngày xa xứ, kể từ khi tôi về Sài Gòn ăn bữa cơm nầy cảm thấy rất ngon miệng. Thiệt đúng:
Đầu tôm nấu với canh bầu
Chồng chan, vợ ngó lắc đầu “ham ăn.”
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Mai sau có lúc nấu chung một nồi! (1)

Lúc đó có hai gia đình ở Huế, Đà Nẵng di tản vào Sài Gòn, họ cũng tay xách tay mang, con cái đùm đề, vừa vào xin ở nhờ kế bên lớp học cạnh chúng tôi. Luật, Ngọc qua bắt chuyện hỏi thăm, rồi mời sáu người ấy qua bên lớp học nầy, vì chúng tôi nấu cơm và canh thật nhiều, nên nhân tiện mời họ dùng cơm. Hai người đàn bà tỏ vẻ e dè khách sáo hơn hai ông kia. Nhưng khi thấy chúng tôi thành thật chứ không qua loa mời lơi, họ cũng vui vẻ nhập vào nhóm. Cô Cúc đi lấy chén đũa của bọn trẻ vừa ăn xong, chạy ra vòi nước rửa sạch và đem vô. Chúng tôi vừa ăn vừa tỉ tê trò chuyện.
Chỉ vài giờ ngắn ngủi, chúng tôi đã thông cảm và hiểu thấu những gian khổ, cơ cực trên bước đường gian truân lưu lạc, đồng hội đồng thuyền thật hợp ý nhau. Được biết hai gia đình Tâm và Phương có ý muốn về Phú Quốc, vì hồi xưa họ đã sinh sống ở đó. Nghe bạn mới tâm tình, chúng tôi hoan hỉ vui mừng như mở được tấc lòng. Vì quả thực chúng tôi rất muốn đi Phú Quốc, mà ngại một nỗi không rành đường, không biết lối mô tê, sợ lạc vào “mê cung Vẹm”, nên quá ngại ngùng. Tâm nói:

- Năm giờ sáng ngày mai phải ra bến xe bus Sài Gòn, đón xe đi một lèo tới xa cảng miền Tây, xe không ngừng ở mấy trạm phụ. Một ngày chỉ có ba chuyến xe bus đông nghẹt thôi.
- Thì ra bây giờ tôi mới hiểu: nguyên ngày nay chúng tôi đón xe bus lẻ tẻ dọc đường tới Chợ Lớn, mà chả thấy chiếc nào ghé trạm, là do vậy.

Thế là mọi người bảo nhau đi ngủ sớm. Phụ nữ rửa dọn nồi son chén bát, lau chùi chỗ nằm dưới nền xi măng (vừa dùng nơi ăn cơm). Đàn ông lo lùa bọn trẻ về lớp học bên hông nhà thờ, để dỗ con cái ngủ. Chị em phụ nữ xin đi tắm nhờ ở nhà bà từ. Cũng may là ở trong miền Nam lúa gạo dồi dào cò bay thẳng cánh, hầu kịp thời cung ứng cho cư dân ở miền Cao Nguyên và miền Trung, sau mỗi khi thấp kém mùa màng hay thiên tai lũ lụt. Chúng tôi mò tìm về miền Tây là phải lắm. Thật cám ơn nông dân và cư dân ở miền Tây Việt Nam hết sức.

Những giọt buồn lê thê xin gác lưng mây bay bay sau triền đồi Đà Lạt xa mờ xa nhé! Dù gần hay xa xôi muôn trùng sóng vỗ, thời khắc quý giá nầy vẫn mãi hoài ghi nhớ, chiếm ngữ trong hồn tôi giông bão. Chiến tranh biêu riếu đã hạ bức màn đen trong chung cuộc đầy bi kịch rồi chăng? Ví dù như thế thì họ và tôi hoàn toàn tin tưởng vào cấp lãnh đạo tối cao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tin các cấp chỉ huy đã và đang dấn thân từ các nơi còn trụ lại, rải rác khắp nơi… có thể là:
- Vùng I : Quảng Nam. Quảng Trị. Thừa Thiên.
- Vùng II : Dakto. Kontum. Pleiku. Đà Lạt. Khánh Dương.
- Vùng III : Bình Long. An Lộc. Long Khánh.
- Vùng IV : Nhất là hy vọng từ Long An về Miền Tây, vẫn còn… trấn giữ.

"Quốc hữu phân tắc thực" (nước có người giỏi, thì nước mới vững chắc). Mặc dù giàu sự dũng cảm hào hùng của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa: từ tất cả các binh chủng đang ở lại rải rác trên quê hương nầy; họ có kiên cường bất khuất anh dũng và oanh liệt quyết chiến đấu tại các chiến trường sôi động khói lửa, hay tại các địa phương, Tỉnh, Thành, nào... Nhưng nếu họ không còn những vị “thủ lĩnh”, họ đã mất cấp lãnh đạo. Hoặc giả họ không có những vị chỉ huy nữa. E là thua chắc!
“Nghĩ thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê!” (3)
***
(1) = ca dao.
(2) thơ tiếu lâm & sưu tầm lượm lặt đó đây.
(3) câu thơ của Nguyễn Gia Thiều.
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
04-11-2018, 06:00 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1523425703-Song Vam Co.jpg
/uploadpics/mp3_pdf1017/1523425796-Vien Du - Mai Huong.mp3
Những Ngày Loạn Ly Trung Tuần Tháng Tư


Khổng Tử đã nói:
"Kẻ sĩ lo trước cái lo của thiên hạ. Vui sau cái vui của thiên hạ”.
Cũng như cổ nhân Nguyễn Trường Tộ đã nói:
“Nhất thất túc thành thiên cổ hận.
Tái hồi đầu thị bách niên thân”.
(Một bước lỡ để nghìn năm mang hận.
Ngoảnh đầu trông lại đã trăm năm).

Quả thực như thế. Những người lính oằn vai nặng gánh, lưng gồnh mối thù oan nghiệt từ phân chia hai miền Bắc. Nam; buộc họ phải làm viên gạch lót đường cho danh vọng, tham tàn, bạo lực: Nay người lính đem xương máu ra chiến trường đã là, đang là… vẫn là những viên gạch lót đường, dài dài… từ vĩ tuyến 17, nơi con sông Bến Hải có cầu Hiền Lương nghẹn ngào đớn đau tạm thời phân giới hai miền Nam + Bắc của nước Việt Nam “con rồng cháu tiên”. Họ quyết ở lại miền Nam Việt Nam dựng nước và giữ nước. Một thời gắn bó keo sơn, mặc dù biết mình vô tình làm ván bài mưu lược chính trị sục sôi. Họ vẫn chia nhau ra trấn giữ đất nước, cố duy trì sự tồn-hưng một quốc gia trong thời chiến tranh: Giống như Mã Viện xưa đã nói: - “Làm trai, nên chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thây mà chôn, mới đáng qúy. Chớ chết trong tay lũ trẻ nâng đỡ. Nào có hay gì"!

Phân chia là thế! Nhưng lòng yêu nước thiết tha, lý tưởng, lập trường và hoài bão mong ước tự do an bình, ấm no cho toàn dân, thì “Quan, Tướng và Lính” đều có ước vọng, lập trường kiên định và hoài bão giống nhau. Hôm nay nếu trải qua chung cuộc ngậm ngùi trong cơn xoáy đục ngầu, tưởng đã chia phần đều nhau: là vậy. Ngày đêm kề cận sự chết, chiến tranh tàn khốc xảy ra trên từng đoạn đường giao tranh, trên những bước ngắn bước dài, bước thấp bước cao. Lòng lính càng quặn từng cơn đau buốt, khi họ đi kè kè hai bên lề đường: để hộ tống từng đoàn dân di tản tất tả chạy dọc theo ven những quốc lộ trên triền dốc quê hương Việt Nam thân yêu.

Bỗng dưng tình hình chính trị quyết liệt căng thẳng, vận nước đột biến cuồng loạn từ góc 45/o, chỉ trong vài ba tuần ngắn ngủi, vụt nhảy tọt lên 360/o nhanh như chớp. Khiến tôi vô cùng hoang mang, bàng hoàng sửng sốt, lo lắng, buồn phiền, bối rối tột cùng. Trở lui mắc núi, đi tới mắc sông, xoay quanh mắc vòng lẩn quẩn đủ mọi thủ thuật rối rắm. Sau 21 giờ thì thiết quân luật bắt đầu 100%, màn đêm đã sớm về đến khi khuya lắc khuya lơ, chúng tôi vẫn đứng thấp thỏm, thập thò từ trong cửa sổ ở phòng ngủ Hotel Hưng Đạo 2 đã tắt hết đèn đóm, tôi nhìn xuống đại lộ Trần Hưng Đạo, thì thấy lố nhố hàng hàng lớp lớp lính tráng: Tôi âm thầm quan sát “những tình thương và sự hy sinh cao cả bên lề cuộc sống”: Nào là: Thủy-quân Lục-chiến. Nhảy Dù. Biệt Động Quân. Bộ-Binh, vân vân... (không kể đã có ba Lữ đoàn Dù. Ba Liên đoàn Biệt Động Quân đóng tại Hóc Môn. Gò Vấp. Bình Chánh. Nhà Bè. Tân Sơn Nhứt).
Quân đội đã đặt những ụ súng cối, súng máy, do các chiến hữu Sư-đoàn 5 – 18 – 22 – 25, ngỏ hầu chu tất việc bảo vệ an toàn lãnh thổ Việt Nam, Thủ-đô, và lương dân vô tội. Cứ một giờ, tốp lính nầy đến gác, là tốp kia lầm lũi âm thầm ra đi... Súng dài gác bên nhau, mũi súng chụm vào chỉa lên trời, báng súng dựng dưới mặt đường nhựa. Họ nói rất khẽ hay chỉ lặng lẽ ra hiệu lệnh. Họ là những quân nhân Quân-lực Việt Nam Cộng Hòa đã và đang anh dũng quyết chiến đấu, hy sinh đến giờ phút cuối cùng. Súng lại đeo lên vai nòng chĩa xuống đất, họ lặng lẽ và tuyệt đối vâng lời thượng cấp, từ từ rút lui có quy củ, trật tự tôn nghiêm trong hàng quân ngũ. Họ nhìn nhau lặng lẽ nhếch miệng cười qua cái bắt tay giã từ vừa đủ chặt, dường như âm thầm nói lên niềm đắng cay trào dâng trên sóng mắt tiếc thương, quặn đau trong lòng họ sự hy sinh vô vụ lợi, không điều kiện.

Từng tốp lính mười tốp bảy người, nhiều vô số đang nằm gối đầu trên vĩa hè, tay gác lên trán tư lự. Có người đứng hoặc ngồi bên đường. Dù ở trên vĩa hè, quân nhân đều có trật tự, nhịp nhàng, kỷ cương. Họ chia nhau ra canh giữ quê hương trong giờ phút lâm nguy khốn cùng. Những đóm lửa nhỏ lập loè loé lên trên bờ môi khô. Những đôi mắt dường như đọng ngấn lệ tủi hận đầy bi ai. Có người đang mặc áo giáp, đăm chiêu suy tư, bơ phờ, hốc hác. Có người đội mũ sắt, hất ngược mũ ra sau gáy, sợi quai mũ cứa vào cục yết hầu oan gia nhô cao, nó cay đắng chạy lên chạy xuống cuống cổ. Có người đội mũ sụp che xuống gần tới mí mắt. Có người đội mũ lệch qua một bên. Họ mang giày đinh lấm lem bụi đỏ, lưng đeo ba lô nặng trĩu đường hành quân, râu ria lởm chởm, tóc tai không mấy chỉnh tề. Những bàn tay anh tài vẫn đưa lên ngang tầm mắt, nghiêm nghị đứng thẳng, ngực ưỡn ra oai vệ khi chào thượng cấp.

Sài Gòn chóa mắt vì đèn điện thắp sáng rực thâu đêm. Tiết trời quang rạng, gió hiu hiu nhè nhẹ phe phẩy mơn man trên đầu cây ngọn cỏ, không gian se lạnh khi màn sương nhợt nhòa buông lơi. Rồi bình minh ló dạng sau những toà cao ốc tráng lệ, oai sang đứng sừng sững trên các thổ cư: vẫn rạng danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Tôi sống tạm bợ nơi Sài Gòn xa hoa, nhộn nhịp, và lắm xô bồ trong những ngày cuối tháng Ba và đầu tháng 4 năm 1975, với ngàn lo âu, run sợ hãi hùng đầy cay đắng, băn khoăn lo lắng trăm mối tơ vò. Tin dữ loan ra thì có, tin lành về lại không. Nhìn xuống lòng đại lộ của khách sạn Hưng Đạo 2, tôi càng run rẩy nghĩ rằng: “Trận chiến nầy, hẳn là sẽ đến hồi quyết liệt để giành thắng. Nay mai sẽ có giao tranh trên cùng khắp các nẽo đường. Chạy đi đâu cho thoát ra khỏi con ngỏ sâu hun hút, đầy đạn bom đây! Hở Trời!? Tôi vô cùng hối hận khi đưa gia đình về đô thành. Chạy đi đâu, cũng không thể thoát khỏi nanh vuốt bạo tàn khi kẻ ác gieo tang thương cùng khắp. Thì thà rằng cứ ở yên lại Đà Lạt, có lẽ gia đình tôi không đến nỗi nào khổ sở đến thế”!

Trên những con đường lớn nhỏ tại Sài Gòn đều đông nghẹt người đi bộ, người ta đông hơn kiến tràn ra ngoài lòng lề đường, chen lấn nhau đi kẹt cứng. Mặc cho từng hàng xe hơi đủ loại, xe gắn máy, xe đạp, xe xích lô, xe ba gác vân vân… chồng chất đủ mọi thứ lỉnh kỉnh lên xe. Họ ùn ùn hối hả đi đi, về về! Đi đâu?! Về đâu?! Hầu hết các doanh trại ven đô, các công sở ty mỏ, và thường dân lo đào hầm hố cá nhân. Những đại công sở và cao ốc, cũng như ngoài những đại lộ, gần trung tâm Sài Gòn đều ráo riết chuẩn bị. Mặc dù các bạn trong nhóm cuả tôi có nhiều sáng kiến, có nhận thức thời cuộc chính xác và quyết định đúng đắn, nhưng dẫu sao họ ở nơi xứ lạ quê người ồn ào náo nhiệt, tột cùng hổn loạn thế nầy, năm anh ấy giống chú khỉ bị nhốt trong chuồng kín ở hotel Hưng Đạo 2: lòng và trí nóng như lò lửa, thì ai có tài giỏi đến mấy, họ cũng không biết đâu mà mò. Tuần trước, họ chờ đợi bầy trẻ nhỏ ngủ yên, liền khều mấy bà qua phòng tôi, để bàn tính chuyện lủi xuống miền Tây. Vì, nghe nói tại miền Tây bây giờ hoàn toàn bình yên tĩnh mịch. Ngọc đã cho ba của anh đi xuống miền Tây dò đường đi nước bước trước rùi. Ngọc dặn dò ông ba nếu thấy tình hình bất ổn, thì ông lo tìm đường đi ra Phú Quốc. Ngọc ấn định ngày giờ sẽ gặp ông ba ở điạ điểm chính xác ở miền Tây, hoặc Phú Quốc; có nghĩa là Ngọc sẽ đưa bầu đoàn thê tử, và “hò” bạn bè cùng nhau phải sáng suốt dứt khoát ra đi, khi thấy Quân-lực Việt Nam Cộng Hòa đã triệt thoái hết về miền Nam, thì ở miền Tây ắt sẽ còn là nơi vững chắc như đinh đóng cột.

Hầu như cánh phụ nữ thức suốt đêm để may những túi vải nhỏ có dây đeo trên vai cho mọi người, trong đó có vài bộ áo quần và giấy tờ tuỳ thân. Bốn giờ khuya chị Ngọc và tôi nấu nước sôi chờ nguội, để đổ vô bốn chai ni lông to. Tôi nấu ba lít gạo, rang đậu phụng làm muối mè. Chị Ngọc nấu canh mì gói trộn chung với rau muống, và chiên khô cá. Cơm chín, hai chị em lấy khăn ướt mỏng để nhồi cơm nóng thành từng nắm cơm vắt, xắt lát vừa vừa, tôi bỏ cơm vô hộp ni lông mang theo cho mọi người ăn ở dọc đường. Tôi gọi bọn trẻ dậy sớm, cho con cháu ăn chút canh mì gói. Các con cháu còn ngái ngủ, nên chúng ăn rất uể oải. Có lẽ do hôm qua đi bộ nguyên ngày giữa trời mưa, rồi trời nắng chang chang nóng như thiêu đốt, nên bọn trẻ thấm mệt, rã rời, lừ đừ thân xác chăng? Sau đó phụ nữ quét dọn, rửa chén bát nồi niêu sạch sẽ, bỏ vào mấy cái bao cói (hôm trước ông bà trùm đã cho quà). Cô Quy và tôi bưng xách mấy giỏ mùng, quần áo linh tin nhờ ở nhà bà từ, xin cất dùm. Bà từ nói:
- Chị cứ để ở bên vĩa hè, không có ai lấy lầm đâu”.

Chúng tôi ra đi. Luật một tay dắt bé Bi, tay kia anh xách giỏ cơm vắt, muối mè, khô cá. Bà mẹ Luật mang túi vải bỏ thêm hai chai nước. Tôi bế bé Tồ, một khuỷu tay kia móc thêm hai túi xách quần áo (của tôi và bé Tồ). Năm gia đình bạn thân là: gia đình tôi, Ngọc. Quy. Cúc. Bàn; cùng nhập với hai gia đình mới quen là Phương, Tâm; tất cả hăng hái nôn nao lên đường. Chúng tôi lặc lè đến trạm xe Sài Gòn, kịp lúc có chừng năm chiếc xe bus từ các hướng đi khác nhau, vừa trờ tới. Các anh nhanh nhẹn lùa đám trẻ, đàn bà, lên xe bus đi ra Xa Cảng. Trên xe lác đác có ba người khách. Nhóm chúng tôi ngồi sát gần nhau, người lớn cho trẻ con ngồi trên đùi mình yên ổn xong. Nhìn lui nhìn tới chỉ thoáng chốc thì người và người ở đâu túa ra đông nghẹt, chỉ có người lên xe, không có người bước xuống. Hai hàng ghế kín mít không còn chỗ ngồi, hành khách đứng chật cứng trên lối đi lại. Thật là may, nếu chỉ chậm trể mươi phút nữa, kể như nhóm chúng tôi không bao giờ chen chân lên xe bus nỗi.
Quang cảnh tại bến Xa Cảng miền Tây lúc tửng bưng sáng vô cùng náo nhiệt, hổn độn kinh khủng. Những trạm bán vé đông nghẹt người chen lấn ồn ào hơn vỡ chợ. Thế là nạn ăn trộm, cướp bóc, giật giỏ xách, móc túi, bấm dây chuyền, giựt bông tai, bốc hốt, mò mẫm bóp vú... loạn xạ. Dưới đất thì bọn du thủ du thực rượt đuổi nhau huyên náo, đánh lộn, chửi bới inh ỏi cả một vùng. Đàn bà trẻ con nhóm tôi ngồi xép nép, chò hỏ ở một góc kín sát ngoài cửa bến, gần bức tường gạch, (tạo thành một vòng đai tròn sát bên nhau cho bọn trẻ con ngồi ở giữa), các con cháu đứa ngồi đứa nằm gối đầu lên những túi đồ đạc hèn mọn lỉnh kỉnh mang theo. Những người khách đi tới đi lui tò mò đứng lại lỏ mắt nhìn ngó lom lom bầy trẻ bị cái nóng Sài Gòn thiêu đốt, khiến mồ hôi chảy ra như tắm. Mặt mày con trẻ xứ Đà Lạt đa số xinh xắn, hai má đỏ au như dồi phấn, mắt to sáng môi tươi (tuy suốt hai tháng nay bọn chúng sống lăn lóc, cực khổ, cù bơ cù bất, thiếu ăn thiếu ngủ, mà còn xinh như vậy!). Nhìn những đôi mắt phượng long lanh phảng phất mặt hồ thu Đà Lạt mơ màng, hai gò má phinh phính nõn nà màu hồng phấn của các cháu bé, khiến ai cũng thèm cắn một cái ghê! Họ trầm trồ khen bầy nhỏ xinh đẹp là phải! Chúng tôi giữ bọn trẻ chằng chằng, chỉ sợ mình sơ ý, bọn trẻ sẽ bị bắt cóc, thì chết!

Bà sương phụ háy một cái thiệt dài, oang oang nói:
- Những đoàn xe hiện đang chờ đợi lấy tài. Hôm nay “hết vé” rồi!!!
Mới tửng bưng sáng mà “hết vé” sao? Úi Trời! Cả nhóm bàn nhau là nên ngủ đêm tại nơi nầy. Nếu chúng tôi quay trở về nhà thờ Huyện Sỹ, cả “bầu đoàn thê tử” đùm đề lôi thôi lốc thốc toàn trẻ con nheo nhóc, người già yếu đuối và đau ốm, đàn bà lụ khụ, thì quá bất tiện. E rằng ngày mai chúng tôi không thể đến đây. Không thể chen chân với hành khách để leo lên xe bus đi về Xa Cảng, chớ nói gì đi miền Tây!? Quyết định như thế thật đúng. Mấy ông trong nhóm tôi cứ kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ đợi mua vé. Họ đứng mỏi rã rời chân từ chín giờ sáng, mà mãi tới bảy giờ tối mới mua được vé xe đi Rạch Giá cho ngày mai. Thế là bao nhiêu vé đều tộn ra ngoài bán giá chợ đen, họ chả sợ bể mánh bể mung giữa chợ đời bát nháo! Mém chút nữa thì chả còn vé để mua.
Nhóm phụ nữ yên ổn ngồi trong lòng xe đò cũ kỹ chật như nêm xong, thì đa số đàn ông phải leo lên ngồi trên mui xe, chẳng thể phản đối, hay càu nhàu cằn nhằn la mắng gì! Ai có vé mà không chịu đi chuyến nầy, thì chủ xe lập tức hoàn trả tiền vé lại cho cố chủ. Sẽ có người khác (không ngủ qua đêm ở trạm bán vé) vui vẻ mua vé chợ đen, cao gấp năm bảy lần tiền vé chính thức. Sao không ham. Tự mình muốn cần đi đó đi đây, chớ ai bắt. Thế nên lớp trai tráng ép bụng chịu thiệt thòi ngồi bó gối chút, hoặc ngồi lắt lẻo phơi đầu ngoài trời mưa tầm tã, hoặc trời nắng chang chang một xí. Cũng đành!

Ông tài xế bảo tất cả mọi người xuống xe, chỉ trừ những ông bà già yếu ốm và trẻ con thì được ngồi trên xe. Còn mọi người khỏe mạnh phải đi bộ xuống phà Bắc Mỹ Thuận. Cô Cúc mua cho nhóm mỗi người một trứng hột vịt lộn ủ ở rổ trấu nóng hổi. Các con tôi thấy con vịt chết nằm trong quả trứng, thì quá sợ lắc đầu lia lịa không dám ăn. Tôi mua cho cả nhóm bánh mì thịt, trái cây đủ loại, nào là mận, đào, chôm chôm. Bánh trái, kẹo mứt bán nhiều vô số; mà thật rẻ. Thú vị nhất là các em bé bán chim cút lanh lẹ vui vẻ rao hàng:
. . . Ăn chim em đi anh.
Nè chim em mập lắm.
Nè chim em ít lông.
Chim em vừa mới lớn.

Anh ăn chim em không.
Chim em toàn những nạc.
Chim em chẳng có xương.
Anh sờ đi: toàn thịt.

Lại to hơn chim thường.
Lại to hơn chim thường.
"Ừ, chim em bự lắm.
Nhưng anh cũng... có rồi.

Anh dừng lại xem thôi.
Để anh đi, em nhé".
Xe chuyển bánh nhè nhẹ.
Cô em còn ghé theo.

Chim em, chim rất nhiều.
Lần sau anh mua nhé.
Nay qua sông Mỹ Thuận.
Gặp cây cầu ước mơ.

Thương cô em mười tám.
Biết tìm đâu bây giờ?... (1)

Đoàn xe lại bon bon lên đường xuôi về hướng Rạch Giá. Trùng dương sóng vỗ mênh mông, bạt ngàn nước cuồn cuộn nhấp nhô bên mạn phà to tướng, êm êm. Lần đầu tiên xuôi về miền Nam phồn vinh trù phú, tôi cứ tưởng chỉ có phà Bắc Mỹ Thuận là to lớn sầm uất thôi. Nào dè, một lần nữa tài xế gọi mọi người xuống xe, để qua phà, thì tôi càng sửng sốt mở rộng tầm mắt nhìn phà Bắc Cần Thơ bao la, bát ngát, mênh mông sông nước rộng kinh khủng! Bờ nầy và bờ kia xa tít mờ xa ngàn trùng. Đúng là:
“đi cho biết đó biết đây.
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”.

Đặc sản nổi tiếng nhất vùng nầy là “bưởi Năm Roi” múi to nhiều nước và ngọt lịm. “Vú sữa Lò Rèn” vỏ mỏng hột nhỏ, khi trái vú sữa chín thì vỏ giống màu cẩm thạch, ruột trắng sữa. Có “Dừa Sáp Cầu Kè”̀ nhiều nước và cũng ngọt lịm. Mít ruột đỏ múi dày giòn thơm ngon, và cả “Dưa Bồn Bồn”. Vân vân… như câu ca dao:
Bánh tráng Mỹ Lồng. Bánh phồng Sơn Đốc.
Măng cụt Hàm Luông.
Vỏ ngoài nâu trong trắng như bông gòn.
Anh đây nói thiệt sao em còn so đo! (2)

Ôi! Bao nhiêu là quà bánh đặc sản tươi rói ngon lành ở miền quê đều tập trung ở hai bến phà đông đúc, vui vẻ nhộn nhịp, tưng bừng nầy. Chị em chúng tôi chọn mỗi người mua một loại trái cây khác nhau, để mọi người trong đoàn ăn nếm, cho biết vị ngon của lạ trên quê hương.
Bến Tre giàu mía Mỏ Cày.
Giàu nghiêu Thạnh Phú, giàu xoài Cái Mơn.
Bến Tre biển cá sông tôm.
Ba Trì muối mặn Giồng Trôm lúa vàng.
Biên Hòa có bưởi Thanh Trà.
Thủ Đức nem nướng Điện Bà Tây Ninh. (2)

Xe vun vút chạy qua bao nhiêu cầu, bao nhiêu phố xá, ruộng lúa vừa gặt xong còn trơ cuống rạ, vô số cò diệt, le le, bay thẳng cánh ngút ngàn. Vườn tượt kinh rạch làng mạc sông nước hai bên chập chùng. Quê hương mình muôn màu muôn sắc, mỗi nơi có một vẻ đẹp tuyệt vời riêng với mạng lưới kênh rạch chằng chịt. Trên ghe thuyền thương hồ mái chèo tung tăng quẫy nước, vẵng tiếng hò câu ca vọng cổ đó đây, chen lẫn với những cây đàn cò, đàn guitar cùng tiếng trống bập bùng, rộn rịp, bồng bềnh, nhấp nhô trôi theo ghe thuyền sông nước mây trời.

Có sông chợ nổi lớn và các mặt hàng hóa treo lên một cây sào cao, hoặc bỏ trong nhiều giỏ cần xế to. Nào là Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ, chợ nổi Phụng Hiệp bán rùa, chim, sóc, kỳ đà… rắn đủ loại quanh năm, chợ nầy rất lớn là nơi tuyệt vời đầy đủ các thứ nhất, và chợ nổi Cái Bè. Những chợ nổi ở miền Nam ...ôi bán mua bạt ngàn đủ loại trái cây, dừa, dưa hấu, gạo củi, rau, tôm cá, áo quần, mùng mền gối chiếu, kể cả các mặt hàng ăn uống nhậu nhẹt như: Bánh cuốn, phở gà, cháo vịt, cơm, bún, vân vân... và vân vân... đều được bán trên sông ròng nước lớn.

Lòng tôi cảm thấy nao nao cảm xúc ngọt ngào, dịu nhẹ, lâng lâng, dạt dào, ngẩn ngơ. Hạnh phúc lang thang trong lòng tôi rót tơ vàng trôi theo dáng hoàng hôn hây hây, lung linh, huyền ảo với sóng trường giang rộn ràng đập bên mạn thuyền luyến thương nhiều thao thức. Cảnh vật huyên náo vui nhộn không kém phần đặc biệt thi vị thơ mộng: đã thể hiện vào câu hò, điệu lý, được lưu truyền từ xưa đến nay:
Dòng sông thì rộng mênh mông.
Áo em lại thắt lưng ong làm gì?
Anh từ Xà No đến.
Em từ Ba Láng sang.
Sợi tình yêu ai dệt.
Trên mặt nước mênh mang.
Bảy sông dồn nước cuồn cuộn nước.
Phù sa lớp lớp quyện phù sa... (2)
***

Chiếc xe đò cà tàng, thổ tả, lọc cọc, rệu rạo lăn bánh trên những cục đá dăm khi hoàng hôn nhè nhẹ quệt đường nắng yếu ớt, sóng sánh trên dòng sông mờ mờ, thì chúng tôi thực sự đặt chân về miền Tây. Bỗng trời mưa thật lớn. Nhóm tôi đã trải qua một đoạn lãng du dài dằng dặc giữa trời đất tĩnh lặng bao la, hoang sơ, lãng mạn trên nẽo đường gió bụi trôi về xứ lạ, nơi vừa cũ vừa mới, vừa họa, vừa phúc, vừa lương thiện, từ bi… lẫn tội ác quyện bện vào nhau, mà tôi không ngờ! Nhưng lòng trí ai nấy đều nôn nao, bồn chồn, lo âu thấp thỏm: vì xứ lạ phương xa mà đa số bạn của tôi và tôi; chỉ biết ngao du qua sách vở, chứ tôi chưa hề thú vị chứng kiến sông nước ruộng đồng bao la, vườn tượt xanh um bóng mát, như thi sĩ Bùi Giáng đã nói:
Chào Lục Tỉnh thu về xuân nức nở.
Ở trong cây trong lá ở bên sông.
Dòng nước chậm chần chờ con sóng chở.
Còn không em? kỷ niệm ở bên lòng!
Và:
Chưa đi chưa biết Bến Tre.
Đi rồi mới biết toàn tre với dừa.
Dừa to dừa nhỏ dừa vừa.
Trèo lên tụt xuống nước dừa đầy tay. (2)

Xuống đến Rạch Giá cảnh vật thôn quê êm đềm tĩnh mịch không kém phần thơ mộng, nhưng đa phần nhà cửa cư dân vắng vẻ, xóm làng quạnh hiu vô cùng, thì nhóm tôi hoàn toàn bị lạc lõng, xa lạ, đơn độc buồn thiu đến độ nào. Chúng tôi líu ríu dắt díu nhau đi tới chỗ lạ cái lạ nước, lạ hoắc, thật lúng túng bất tiện trăm bề. Nhóm người già trẻ lớn bé nầy chẳng hiểu sao lòng cảm thấy bất an, lo sợ, e dè, lấp ló thập thò, kín đáo dè dặt ngó quanh, nhìn trước ngó sau lén lút như kẻ gian, kẻ trộm. Hết cả đám có miệng mà như câm, không ai dám hỏi thăm khi dân địa phương nhìn chúng tôi chằm chằm, xoi mói. Không có bản đồ địa phương, không rành phong thổ cũng như tập quán nơi đây, không thấy xe xích lô, không tìm ra khách sạn hay phòng trọ nào. Thế nên đã nhiều giờ nhóm tôi đi lạc lung tung. Sau đó:
Hỏi em, em đã đi rồi.
Hỏi chim, chim chỉ mỉm cười bay đi,
Hỏi cha, cha chẳng biết gì.
Hỏi sư, sư bận vội về tụng kinh.
Hỏi cô hàng xóm làm thinh.
Hỏi nàng bán bánh cười tình không hay.
Nhìn trời một đám chim bay... (2)

Mấy anh dấm dớ dò dẫm qua một chiếc cầu gỗ cũ, tới trạm mua vé tàu thủy, dự định ngày mai cả nhóm sẽ đi Phú Quốc. Chiều tà ở tại Rạch Giá từ bước chân khách lạ cô đơn trên đường chiều, khiến lòng tôi buồn vô hạn, đứng trên cầu gỗ nhìn về phía góc vườn dừa rợp bóng nhà ai sông nước chập chùng. Có chút tâm hồn đa cảm, nhạy cảm và hơi lãng mạn... khiến tôi cảm thấy nơi đây thật sự kỳ diệu thanh bình êm ả lắm. Lòng tôi càng xúc cảm vấn vương nỗi buồn thê thiết, khi thấy mấy giang thuyền lạnh lẽo lắc lư nằm im ỉm, trơ trọi bên những cầu tàu quạnh vắng, làm thức dậy trong tâm trí tôi hình ảnh dĩ vãng lãng đãng mộng mơ thiết tha thật gần... Nhưng bây giờ đã rời xa... xa mờ xa nơi chân trời mê-hoặc, xao xuyến mông lung bao tiếc nhớ, bâng khuâng lặng lờ nỗi đau sâu thẳm:
Đâu rồi những anh thủy thủ phong trần trẻ trung vui tính ưa huýt gió, vui vẻ, xinh lịch oai hùng hào hoa trong bộ quân phục Hải Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trắng tinh? Họ mặc bộ quân phục với niềm kiêu hãnh vinh quang hào hùng trong dĩ vãng? Mặt nước có còn in bóng chàng trai phong sương đa cảm, đa tình đứng trên bon tàu vu vơ nhìn mây trời quyện bện vào nhau trải dài màu xanh bát ngát? Dưới đáy thuyền sóng cả cuồng phong thịnh nộ ngày ấy vỗ nước bồm bộp vào mạn thuyền, đẫy đưa anh lính Hải-quân có cuộc sống hào hoa phong nhã lang bạt bồng bềnh vui tươi đi xây mộng giang hồ tứ xứ!? Ý chí của bạn và tôi bây giờ chỉ còn là ảo ảnh: trăng tròn giữa dòng sông lắc léo có giòng chảy trên luống đời điệp trùng bóng tối. Tiềm ẩn trong tâm ta hình ảnh đường chiều nâng ước vọng dâng cao ngút ngàn. Các anh có biết không: "hở hoàng hạc ơi! tiếng xưa"
Thì thầm lặng lẽ thưa rằng
Mai kia nếu lỡ đời càng quạnh hiu
Thuyền đà tách bến khuya chiều
Bùi ngùi ấp cánh thư điều* nhớ mong

Chong đèn lóng ngóng
Nghe thông reo trầm bổng… tình biển cạn
Cánh chim hư huyển cất tiếng gọi đàn
Ngọt ngào ước hẹn văng vẳng lời… có trăng ngà dõi bóng

Thuở ấy triền non chung giấc mộng
Ngờ đâu nước lũ cuốn mưa sa

Phù dung đoá hồng sớm nở mặn mà
Mây phiêu lãng nhạt nhòa vương… đứt đoạn
Thôi nhé gió tạt lạnh ơi mãnh trăng gầy vừa khuất dạng
"Bến không thuyền" hoàng hạc bẵng tin sương
Ánh sao lấp lánh sau vườn
Hương xưa thoang thoảng tưởng nhạn tới đây
Thấu chăng niềm nhớ thương nầy!? (3)

Đến gần chân cầu sắt dày cui lót gỗ bên kia trạm vé, thì có một khu nhà tôn chen lẫn nhà lá tồi tàn, nhưng đã đem lại lòng tôi sự ấm áp rộn ràng rạo rực niềm vui, chen lẫn sự xót xa chân thật: khi tôi nhìn cư dân địa phương vất vả, thiếu thốn, nghèo nàn. Các anh vào thuê mấy chỗ trọ. Không phải là phòng trọ như ở nơi khác có phòng riêng sạch sẽ tươm tất, mà lán trọ ở đây giống như khu nhà trống, hoàn toàn không có cửa nẽo, chỉ là những hàng ghế bố cũ mèm nối dài, mái lợp lá dừa trống trơn, hơi giống patio bốn bề lộng gió. Nước mưa lộp độp trên mái lá, bùn đen sền sệt dưới chân ghế bố luôn luôn ướt nhẹp, mốc xì, đen thui, ghế bố có nhiều gián, rận, rệp hôi rình, thậm chí có cả chí mén, chí cồ bò lổm ngổm trên gối. Thế nhưng người ra kẻ vào lội nước lủm bủm vẫn tấp nập ồn ào ngược xuôi đông đúc lắm.

Chị Ngọc, Cúc, tôi vội vàng xẹt ra khu chợ xép nhỏ gần xịch một bên, chị em tôi chẳng buồn hỏi khu chợ nầy có tên gọi là chợ gì. Mỗi quầy hàng là một cái chòi bằng tre lợp lá dừa, giống túp lều nho nhỏ luôn kêu kẽo kẹt, nước bùn đen đen đọng dưới chân cột và trên đường nhựa. Quán xá lộn xộn, họ bán đủ thứ: cá, tôm, sò ốc, rùa, ếch... Úi trời! có nhiều con rắn còn sống đang uốn éo thân, cái lưỡi chẽ đôi thò ta thụt vô, cả những chú chuột đồng lông lá lưa thưa có móng nhọn dài to bự sư. Coi thật gớm à! Chị em tôi mua nhiều tôm tươi, cá trê vàng, cá sặc bướm, cá sặc rằn. Rồi day qua hàng khô mua gạo, mua một trái thơm, rau sống, cà chua, mua củi. Họ thật thà hào phóng bán trái cây tươi rói, tính một chục là 16 trái xoài bóng láng, mập ú, thơm ngon. Họ không nói thách, không làm hàng màu mè: không chất thứ to bỏ làm hàng mặt ở trên, trái nhỏ chêm ở dưới thúng. Mà có sao họ bán vậy. Dân quê và dân chợ đa số khá hiền lành chất phác, vui vẻ, chăm chỉ, thật thà. Họ nói ở đây cái gì cũng tươi và rẻ nhất là: cá, tôm... Nhưng họ khó kiếm ra tiền, vì nhà nhà ai ai cũng có cá, có tôm. Thịt ếch và các loại cá ở miệt nầy càng rẻ rề, thì đem bán cho ai đây, để có tiền xây xài? Chúng tôi xin bà chủ nhà trọ cho mượn mấy cái son nồi, để nấu nhờ bữa cơm tối. Bà chủ nhà vui vẻ dễ dãi nhận lời. Chị em tôi xúm lại người nấu cơm, người làm cá. Lớp kho, lớp nấu, chiên xào... Đây là bữa cơm đặc biệt đầu tiên, có thể cũng là bữa cơm cuối cùng tại Rạch Giá. Nhóm chúng tôi ăn uống no nê, dư dả và rất ngon miệng. Sau đó chị em bưng nồi niêu son chảo ra bờ kè rửa ráy, rồi trả lại cho bà chủ nhà tốt bụng. Chị em cho các con ra sông tắm gội sạch sẽ.

Khi màn đêm buông xuống, tôi nhìn bên kia kinh lạch tối om vì không có điện, bên nầy ngọn đèn đường tù mù hắt ánh sáng yếu ớt vàng vọt, giống như đèn đêm lốm đốm lập lòe ở khu nghĩa trang. Thiệt cảm thấy quá nãn. Đêm buồn nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên lá, gió lồng lộng rít rít từng cơn, thổi bay tấm mùng vải cũ ố vàng đen đen, khiến cái lạnh càng về khuya càng ngấm xuyên qua da thịt tôi thêm dúm dó và rùng rợn. Bầy trẻ suốt ngày đi đường quá vất vả, nên tắm gội xong, vừa đặt lưng xuống ghế bố, là chúng đã “phè cánh nhạn” ngủ say. Riêng bọn già nầy thì bồn chồn, băn khoăn, lo lắng, không sao chợp mắt, dù chỉ vài phút.
***

Tình Hoài Hương
*
(1) sưu tầm
(2) ca dao
(3) thơ tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
04-14-2018, 03:18 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1523675458-alinh 5 VNCH.jpg
/uploadpics/mp3_pdf1017/1523675556-Sai Gon Oi Vinh Biet SiPhu.mp3
Bách Niên Thương Hải Biến Vi Tang Điền
(43 năm đớn đau buồn thảm)


Thật tình tôi không thể nào hiểu nỗi tại sao vận nước Việt Nam lại trở nên quá đen tối: sau khi hiệp định Genève 1954 diễn ra kể từ ngày 26 tháng 4 năm 1954 - rồi bản Hiệp Định được ký kết và kết thúc cùng ngày 21 tháng 7 năm 1954. Thành phần tham dự: Anh, Mỹ, Liên Xô, Pháp, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, Laos, Cambodia, Quốc Gia Việt Nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Phía Quốc Gia Việt Nam ban đầu do ông Nguyễn Quốc Định làm Trưởng Đoàn. Sau, ông Trần Văn Đổ thay thế. Đáng chú ý: Ông Trần Văn Đổ, Trưởng Đoàn Quốc Gia Việt Nam đã lên tiếng phản đối sự chia cắt đất nước. Chính phủ Quốc Gia Việt Nam (miền Nam Việt Nam) không ký Hiệp Định. Phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (miền Bắc Việt Nam) do Phạm Văn Đồng làm Trưởng Đoàn. Phái đoàn Hoa Kỳ từ chối công nhận Hiệp định Genève.

** Kể từ ngày 21-7-1954 – khi miền Bắc Việt Nam ký Hiệp-định Genève xé đôi lãnh thổ Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 và cầu Hiền Lương Bến Hải làm ranh giới, để chia lìa tách bạch hai miền Bắc Việt Nam và miền Nam Việt Nam ra đôi ngã phân ly nghẹn ngào:
- Ngày 11-11-1960 – Đại-tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu cuộc đảo chánh cùng Trung-tá Vương Văn Đông ở Liên-đoàn Dù, và Thiếu Tá Nguyễn Triệu Hồng, Đại-úy Phan Lạc Tuyên: đã đảo chánh nền Đệ-Nhất Cộng-Hoà hụt; thì “chiến tranh nội bộ” bắt đầu manh nha quyết liệt vì cốt nhục tương tàn, nồi da xáo thịt rối rắm bùng nổ liên miên. Từ xưa tới nay, sự thôn tính đất đai, tranh giành quyền lực, thế lực, vinh hoa, là mạng lưới quyến rũ dẽo dai và khổng lồ. Nước càng trong thì không có cá, dù lòng người đơn giản, phước thiện, trong sáng và cao cả; ấy mà nếu du nhập vào hệ thống chính trị, sau khi bị cuốn hút vào cung cầu đó, thì thật khó lòng ít có ai rứt ra được. Tiền tài là vật ngoài thân, đi lại về, về rồi lại đi, nhưng danh dự, địa vị và danh vọng khi đã mất rồi, chẳng thể tìm lại. Cần có uy quyền địa vị và thế lực trong tay, thì không ai có thể chèn ép. Nhưng đôi khi ta có đủ mọi quyền thế thì chính “nó” cũng có thể hại chết mình. Quyền lực giống như một toà lâu đài sang trọng rất rộng lớn và quá cao, ta phải biết cách xây dựng, bão tồn và duy trì cho vững bền. Nếu một khi bức tường rạn nứt, thì có ngày không xa toà nhà sẽ sụp đỗ, họ chỉ có thể đứng ở dưới mà ngước nhìn mình ở trên cao.

* Ngày 27-2-1962 - Có 2 chiếc khu trục A1 Skyraider dội bom dinh Độc Lập, do Trung-úy Phạm Phú Quốc và Thiếu-úy Nguyễn văn Cử ném bom bắn cháy dinh Độc Lập. Phi cơ của ông Phạm Phú Quốc bị bắn rớt trên sông Sài Gòn, ổng đã vô tù, tất cả bom đạn còn nguyên, nghĩa là ông ta chưa kịp thả trái bom nào. Ông Cử đào thoát bay mút qua hướng Nam Vang, dân chúng bàn tán là ổng bị chính phủ ở bển bắt nhốt vô tù rùi!?
- Sau biến cố 02-11-1963 – Tổng-thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu bị thảm sát. Trải qua bao thăng trầm chính trị sục sôi… thì nền Đệ II Cộng Hòa có Tổng-thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu lên ngôi.

* Ngày 8-3-1965 - Kể từ khi có đoàn Thủy-quân Lục-chiến Mỹ tiên khởi, đông đúc khoảng 3.500 người rầm rộ đổ bộ lên đất liền tại Đà Nẵng, Mỹ viện cớ muốn giữ “an ninh cứ địa”. Do tướng Maxwell Taylor, thỉnh thoảng hút xì gà Schimmelpennick làm đại sứ Sài Gòn, ông dẫn đầu một cuộc phô trương cường quốc Mỹ, để thị oai với các nước tụt hậu, chậm tiến, đang có chiến tranh. Rồi…

* Ngày 16-8-1965 - Chính phủ Nguyễn Khánh chủ trương thành lập Hiến Chương Vũng Tàu. Trong nước loạn xạ bởi nhiều phe phái chính trị phản đối chính quyền đã hoạt động ráo riết. Sau đó có nhiều bất đồng ý kiến, các đảng phái, sinh viên lục đục nội bộ, nên tan đàn rẽ đám. Hội-đồng Quân-lực Cách-mạng truất phế ông Nguyễn Khánh, cho ông lưu vong ra ngoại quốc làm đại sứ.

* Ngày 9-5-1969 - Hạ-sĩ Henry Kissinger đi lính trong Đệ-nhị Thế-chiến, sau lên làm cố-vấn an ninh quốc gia cho Tổng-thống Richard Nixon. Về sau tiến sĩ Henry Kissinger khai mạc hoà đàm Ba Lê (không có chính phủ miền Nam hay Quân-lực miền Nam). Suốt thời gian hoà đàm dưới sự giám sát chặt chẽ của Nixon, ngoại trưởng Kissinger “ráo riết đi đêm” với quân Bắc Việt.
- Người dân luôn dán mắt nhìn vô ti vi trắng đen, theo dõi công ty Pecten Việt Nam (là chi nhánh của Shell) đã sản xuất khoảng 1.500 thùng dầu thô/ngày, trong giếng dầu mang tên Pioncer sâu 4.500 feet dưới lòng biển. Hoan hô đại thắng!
- Một phái đoàn Mỹ có tên Project Concern, và phái đoàn Thanh-Thương-Hội Việt Nam do ông Lê Bá Công làm hội trưởng, hướng dẫn phái đoàn săn sóc y tế cho đồng bào Thượng tại miền Nam Việt Nam. Phái đoàn nầy được đồng bào kính trọng và hoan hô nồng nhiệt.

* Ngày 27-1-1973 – Trong chương 2 điều 2 tại nhiều năm hội nghị, sau đó Hiệp định Ba Lê đã ký kết đình chiến: Ngưng bắn. Ấy thế mà vào ngày 9 Tháng Ba năm 1974 Việt-cộng câu súng 81ly vào trường Tiểu-học Nhị Quý, Cai-Lậy, Tỉnh Định Tường, giết 32 em học sinh nhỏ, và hơn 50 em học sinh khác đã bị trọng thương nằm ngồi la liệt và trầm trọng. Một số trẻ em bị chết oan, thật đau đớn vô cùng thảm thiết.
* * *

* Ngày 11 - 3 - 1975 - Mất Ba Mê Thuột. Thiếu-tướng Phạm Văn Phú, Tư-lệnh Quân-đoàn II/Quân-khu 2, ra lệnh quân đội triệt thoái khỏi Pleiku – Kontum (do chỉ thị của TT Nguyễn Văn Thiệu).
- Di tản miền Trung: 13 - 3 -1975. & Di tản Cao Nguyên: 14 - 3 - 1975 & 15 - 3-1975: Khánh Dương.
- Quân đoàn II triệt thoái: 16 - 3 -1975. * Mất các nơi: Tuy Hoà: 17 - 3 - 1975 *.- Phú Yên: 18 - 3 - 1975 *

* Ngày 19-3-1975 – Một Tiểu-đoàn của Trung-đoàn 43 Bộ-binh đóng chốt phòng ngự tại Định Quán, quanh vùng phụ cận núi Chứa Chan. Gia Rai, Tiểu-đoàn nầy anh dũng đánh trả đối phương rất phi thường. Khi mất Đèo Ải Vân: 21 - 3 -1975 thì ngày N+5, 21-3-1975 triệt thoái cuối cùng Lực-lượng Quân-đoàn II khỏi Cao Nguyên, trên tuyến đường Liên-tỉnh lộ B.

* Ngày 22-3-1975 - Tỉnh Quảng Đức thất thủ. * Ngày 23-3-1975 – Công-binh VNCH làm xong chiếc cầu dã chiến. Lực-lượng Quân-đoàn 2 cuối cùng vượt qua sông Ba, triệt thoái về Phú Yên.
* Ngày 25-3-1975 – Các đơn vị Quân-đoàn I/Quân-khu 1 (Việt Nam Cộng-Hoà) triệt thoái ra khỏi Huế & * Đà Nẵng: 25 - 3 - 1975.
- Quảng Nam: 28 -3-1975. *.- * Đêm 28 - 3 - 1975 - Lực Lượng hùng hậu của Quân-đoàn I do tướng Ngô Quang Trưởng lãnh đạo, đã triệt thoái khỏi Đà Nẵng. * Bình Định: 27 - 3 -1975 *.- Sau đó là Lâm Đồng: 29 - 3 - 1975 * Quy Nhơn: 30 - 3 - 1975 * Bình Định: 31 - 3 - 1975.

Hết tháng Ba. Qua đầu tháng Tư: Mất các nơi: * Nha Trang: 2 - 4 - 1975 * Phan Thiết: 3 - 4 - 1975 *

Các phi trường Tân Sơn Nhất. Cần Thơ. Biên Hoà, có nhiều chiến đấu cơ F 5 – oanh tạc cơ A 37. Không một ai mà không nghe đồn ầm lên là: từ Lâm Đồng dọc theo rặng trường sơn, sông La Ngà chảy từ khu Tánh Linh, qua phía nam Định Quán, Rừng Sát ra cửa biển Cần Giờ: Đang bị đe doạ trầm trọng. Người ta lại đồn máy bay oanh tạc dinh độc lập hụt hay sao đó? Bây giờ thì chuyện không nói có, chuyện có nói không. Chả ai có thể đi đâu kiểm chứng, vì mọi ngã đường đông nghịt người không thể chen chân. Nhưng than ôi! Đúng thế thật, Trung úy Nguyễn Thành Trung, quê ở Bến Tre, đã bay chiếc F5 cất cánh từ Biên Hoà về thả bom xuống dinh Độc Lập. Phi cơ mang bốn quả bom. Y thả hai quả bom trước bị rơi ra ngoài sân dinh.

* Việt Nam Cộng Hoà có Sư-đoàn 18 tăng cường Lữ Kỵ-binh: Sư-đoàn 5 Thiết-giáp. Các Liên-đoàn Biệt Động Quân từ Quân-khu I, chuyển về Quân-khu II để bảo vệ Xuân-Lộc, Long Khánh, Dầu Giây; do Chuẩn-tướng Lê Minh Đảo là Sư-đoàn-trưởng Sư-đoàn 18 đảm nhiệm. Từ ngày 8 - 4 đến ngày 19 - 4 ; trận đánh vô cùng ác liệt bắt đầu xảy ra giữa quân đội miền Nam Việt Nam, với Quân-đoàn 4 và Sư-đoàn 6 Chủ-lực Quân-khu 7 của Cộng-sản Bắc Việt.

* Từ ngày 10 - 4 - 1975 – Hai Trung-đoàn 43 và 48 (của Sư-đoàn 18 Việt Nam Cộng Hoà) và một Lữ-đoàn Dù. Lữ-đoàn 3 Kỵ-binh, từ Biên Hoà ra Xuân Lộc tiếp ứng. Giao tranh ác liệt dữ dội mạnh mẽ. Đường 12 bị cắt đứt là: Xuân Lộc > Biên Hoà. & Xuân Lộc > Bà Rịa. Cho đến ngày 20 - 4 - 1975 thì Xuân Lộc triệt thoái : 20 - 4 - 1975 * Long Khánh: 22 - 4 - 1975.

* Ngày 18-4-1975 - Mất thị xã Phan Thiết và toàn tỉnh Bình Thuận. Thành phần chính phủ do Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu lãnh đạo đã xảy ra đột biến. Mặc dù vậy tổng thống Thiệu họp báo, lên Truyền-thanh, Truyền-hình đọc hiệu triệu vấn an quốc dân đồng bào. Đài phát thanh cho nhai đi nhai lại bản tin nầy suốt cả tuần.

* Ngày 19-4-1975 – Bình Tuy sống trong sôi động. Giao tranh ở tuyến đường số 1, từ phía Đông và Đông-Bắc Sài Gòn, tới Trà Võ. Bàu Nâu. Gò Dầu Hạ.
* Ngày 20-4-1975 – Khu Rừng Lá, (cách Xuân Lộc độ 20km) coi như mất liên lạc: Bộ Tổng Tham Mưu. Sân Bay Tân Sơn Nhứt. Bộ Tư-lệnh Biệt-khu Thủ-đô. Tổng Nha Cảnh-sát, vân vân… (Thủ đô Sài Gòn có 12 Quận Nội-thành: Bình Thạnh. Phú Nhuận. Tân Bình. Gò Vấp. 6 quận ngoại thành: Hóc Môn. Củ Chi. Thủ Đức. Bình Chánh. Nhà Bè. Duyên Hải) > Đều báo động đèn đỏ 100%.
* Bộ Giáo Dục ra lệnh đóng cửa không thời hạn tất cả các trường: Tiểu-học. Trung-học. Đại-học trong toàn lãnh thổ tại miền Nam Việt Nam.

* Ngày 21-4-1975 - Hằng triệu triệu người già trẻ lớn bé ở miền Nam Việt Nam chồm tới bu quanh nhìn sững vào vô tuyến truyền hình. Toàn dân lắng nghe miết mãi. Khoảng nửa giờ sau vị nguyên thủ quốc gia: Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu chính thức tuyên bố từ chức, ông trở về với quân đội Việt Nam Cộng-Hoà. Ôi! Bàng hoàng sững sốt. Vì; hằng triệu trai trẻ lính tráng, quân đội và dân tộc Nam Việt Nam (có bốn nghìn năm văn hiến quyết chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng trên chiến trường) tin vào chính phủ Nguyễn Văn Thiệu mà. Từ khi nền Đệ Nhứt Cộng Hoà sụp đỗ, thì tất cả mọi thứ trên đời, trật tự xã hội bị đảo lộn tùng phèo sao?

Hồi xưa, nhà bác học lẫy lừng Pierre Curie khám phá ra chất phóng xạ radium vào năm 1900. Và, trước khi ông Mc Robert Namara cho trắc nghiệm khai quang hằng loạt chất độc màu da cam (Agent Orange), để tiêu diệt cỏ, hay tiêu diệt đối phương (?!). Thì ngày nay, Tổng thống Thiệu đã lưu lại danh thiên cổ gì cho núi sông? Khi mà ông Trạng Trình đã nói: “Bắc hữu kim thành tráng. Nam hữu ngọc bích thành”. Cố mà gìn giữ Việt Nam keo sơn gắn bó.
Thật ra, Tổng-thống Thiệu làm tổng thống hai nhiệm kỳ, đã thành lập đảng Dân Chủ. Nhiều lần Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu lên đài truyền thanh và truyền hình mạnh mẽ đọc diễn văn; trong đó có những câu tuyệt vời bất hủ:
- Đừng nghe những gì Cộng-sản nói, hãy nhìn kỹ những gì Cộng-sản làm!
- ... Ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng-sản.
- Công đức ngàn đời con tố mẹ, tình nghĩa trăm năm vợ tố chồng.
- Đất nước còn, còn tất cả; Cộng-sản thắng, mất tất cả.
- Tôi mà tham nhũng, thì cái chính phủ này sẽ sụp đổ chỉ trong ba ngày!
- Nếu Hoa Kỳ không viện trợ cho chúng tôi nữa, thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm, mà chỉ sau 3 giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi dinh Độc Lập!
- Làm kẻ thù của Mỹ thì dễ, làm bạn với Mỹ thì rất khó.
- Sống không có tự do là đã chết.
- Mỹ còn viện trợ, thì chúng ta còn chống Cộng-sản.

TT Nguyễn Văn Thiệu hùng hồn khẳng định tuyên bố “bốn không” rất chí lý:
1.- Không thừa nhận Cộng-sản.
2.- Không lập chính phủ liên-hiệp.
3.- Không trung-lập-hoá miền Nam Việt Nam.
4.- Không nhường một tấc đất cho Cộng-sản.

* - Tin đồn đã rùm beng:
1.- Việt Nam trung lập.
2.- Chính phủ Việt Nam có ba thành phần.
3.- Miền Nam Việt Nam bị miền Bắc “giải phóng” lan nhanh (chứ chả phải như lời Phó Tổng-thống Nguyễn Cao Kỳ hô hào: “Xung phong > Bắc Tiến”
- Tổng thống Thiệu đã ủng hộ chương trình “Người cày có ruộng”, rầm rộ khuyến khích nông dân, củng cố lúa Thần Nông IR 3 và AR 8. Nhờ thế kho vựa miền Nam dư thừa lúa gạo. Việt Nam sản xuất gạo đi các nước. Sau năm 1967 - do sự quậy phá của Cộng-sản Bắc Việt, nên nông dân thuộc các tỉnh miền Nam, miền Trung, Cao Nguyên, không thể cày cấy, gieo trồng nhiều. Do đó miền Nam Việt Nam bị khan hiếm lúa. Kinh tế hạn hẹp, Cộng thêm an ninh không an toàn yên ổn. Chính trị, kinh tế, tham nhũng, bè phái, bị đe doạ - khiến miền Nam suy thoái trầm trọng. Bây giờ miền Nam Việt Nam phải nhập cảng gạo và “binh khí”, xin viện trợ tiền bạc vào miền Nam Việt Nam. Là vậy!

* Tổng-thống Việt Nam Cộng-Hoà Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Phó Tổng-thống Trần Văn Hương lên thay thế! Thành phần nội-các do cụ Trần Văn Hương đảm nhận được mấy ngày vắn vỏi.
- Ngày 22-4-1975 – Đường quốc lộ 4 nối liền Sài Gòn > Cần Thơ. Các hướng Tây Bắc. Đông Đông Bắc. Đông Đông Nam. Tây Tây Nam bị cô lập với Sài Gòn.

* Thứ Tư, ngày 23-4-1975 - Đô Đốc Noel Gayler Chỉ-huy-trưởng Hạm-đội Thái Bình Dương, đã lập cầu không vận Sài Gòn > Đệ Thất Hạm Đội (trong chương trình di tản người Mỹ và người Việt Nam ra đi), đang đậu ngoài khơi Vũng Tàu, người ta nghe & phao tin sẽ di tản khoảng vài trăm ngàn người Hoa Kỳ và người Việt Nam. (!?)

Bảy Ngày Đen Tối Nhất: * Thứ Sáu, ngày 25-4-1975

Đêm 24 - 4 - 1975 – Khói lửa bạo tàn đã gây đau khổ quá sức, hằng triệu dân đen lầm than khốn đốn, cơ cực. Miền Nam Việt Nam dỡ sống tức tưởi, dỡ chết không kịp nhắm mắt, không thể há miệng than Trời! Chắc chắn là chính phủ Nguyễn Văn Thiệu & thành phần nội-các đều nghe bùi tai; khi tướng cố vấn Lục-quân Mỹ Weyand gián tiếp khuyên chính phủ Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Quân-đội miền Nam Việt Nam -bằng mọi giá phải tử thủ!- Toàn thể nam nữ thanh niên trai trẻ, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã vâng lời, họ ở lại giữ gìn từng pháo đài bị vây hãm, giành lại từng tấc đất quê hương ta, quyết phục vụ dân tộc và tử thủ vì dân tộc Việt Nam!

Thì, tin đồn chuyện Tổng-thống Thiệu bỏ rơi dân tộc, bỏ quê hương đất nước, chỉ là tin đồn nhảm nhí! Khi chung cuộc kết thúc trong bi thương thế ấy, ai nở ra đi -phản bội dân tộc-, ai lìa bỏ quê hương cẩm tú giàu đẹp sao? Ai đành cao chạy xa bay mưu tìm cho chính mình sự sống riêng, phủi tay trong thau men nước người- cho đành?! Nơi chốn xa lạ đó, ai có dịp lắng nghe tiếng nói của hiền dân vô tội gào than kêu khóc? Ai tận mắt xem đồng bào đau thương bị cấp lãnh đạo bỏ rơi, dân đang sống quằn quại trong cơn lốc chính trị kinh hoàng vỡ vụn? Toàn dân sẽ chết thảm dưới cơn sóng thần cuồng phong bão táp dữ dội nhất lịch sử Việt Nam nầy. Họ làm sao đành đoạn phủi tay bỏ lại quê hương và dân tộc cho đành?!

– Sáng sớm bạn Tonny Tơh từ Hạ Nghị Viện tất tả chạy về nhà, đã khẳng định với chúng tôi về việc Tổng-thống Thiệu và đoàn tùy tùng thân tín đã "bôn tẩu bỏ nước ra đi"!!! Người ta lại đồn ầm lên là ông Thiệu chở theo mấy chục tấn vàng của quốc gia (?!). Làm sao cõng cho nỗi hỉ?! Chuyện ấy rất khó tin, không bao giờ tin! Bỏ của chạy lấy người, "may ra còn kịp... sống". Chúng tôi dám khẳng định một điều chuyện "chở theo vàng" là láo khoét. [(1), mời xem trích dẫn thêm dưới bài viết nầy)]
Nhưng... khuya Thứ Sáu, ngày 25-4-1975 đương kim Tổng-thống Trần Văn Hương lên đài Truyền-thanh Truyền-hình chính thức xác nhận, ông tuyên bố:
- “Gia đình Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu, và một số thân tín trong chính quyền đương thời đã chính thức rời khỏi Việt Nam, bay đi ngoại quốc ngày 24-4-1975”.

Ôi! Sự đau đớn ấy có thật ở phi trường Tân Sơn Nhứt là: Tướng Timmes, Đại-sứ Martin, một số đoàn tùy tùng đông đảo “viên chức lừng danh cao cấp nhất” của chính phủ miền Nam Việt Nam Cộng Hoà đang làm cuộc “tẩu tướng”. Họ nôn nao lo âu đứng xớ rớ ở đó từ rất lâu, chờ đợi sẵn sàng -để dọt đi. Một chiếc xe Mercedes chở ông Nguyễn Văn Thiệu từ bến Bạch Đằng, chạy nhanh vào phi trường Tân Sơn Nhứt lúc 21 giờ 30 đêm 24 tháng 4 năm 1975. Chung quanh “các ngài” có đông đúc thân tín nôn nao "ung dung" ra đi, có lính Thủy-quân Lục-chiến Mỹ đứng dàn ngang dàn dọc bu quanh, để bảo vệ phái đoàn “các ngài” tống lên chiếc phi cơ C-118 lịch sử của Không-quân Hoa Kỳ. Ông Thiệu, Tướng Khiêm và đoàn tùy tùng lẹ làng tót lên máy bay, không hề ngoảnh lại. Hỡi Ôi! là Trời ơi Đất ơi!!!

* Thứ Bảy, ngày 26-4-1975 – Ông Khiêu Samphan dẫn một phái đoàn Trung Quốc từ Mimót Nam Vang, đi qua ngả Xa Cam. Tại đó có một Đại-tá Không-quân người Pháp, một Thiếu-tá Pháp, {họ trực thuộc Nha An Ninh Tình-báo hải ngoại Pháp (SDECE)}. Họ đưa phái đoàn Trung Quốc nầy vào ở trong toà Đại-sứ Pháp tại Sài Gòn (!?)

Mất thật rồi các nơi:
* Vẫn ngày 26-4-1975 - Bão lửa chiến tranh xâm lược đã ùa vào xâm chiếm các khu sau đây: Long Khánh từ hướng Đông-Bắc đi Sài Gòn xa khoảng 80km. Long Khánh nằm giữa hai quốc lộ: 1 và 20- 105 kinh độ đông- 11 vĩ độ bắc, ở múi giờ 17 GMT – Giáp giới mặt Đông hướng Đông Đông Nam về Sài Gòn. Long Khánh có đỉnh núi Gia Ray cao 916 mét, là tấm bình phong che chắn thuận lợi cho toàn vùng. Muốn đi từ miền Cao Nguyên, hay từ miền Trung vào Sài Gòn xuống miền Tây, tất cả loại xe đều phải đi ngang qua vùng Long Khánh.

* Sông Ray từ phía Nam của núi Gia Ray có đường đi qua Xuyên Mộc. Trảng Bom. Hố Nai. Biên Hoà. Long Thành. Nước Trong. Đức Thạnh (Bà Rịa). Lang qua vùng Phước Tuy. Xuyên Mộc. Đất Đỏ. Về hướng Tây Tây Nam > Bến Lức. Tân An. Trung Lương. Tân Hiệp. Long Định. Giao lộ 4. Cai Lậy đi An Hữu. Xuống tới Lộc Giang. Vàm Cỏ Đông qua Tây Vĩnh Lộc. Mỹ Hạnh. Hướng Bắc thì các đoạn đường 16 Phú Lợi. Thủ Dầu Một. Tây Bắc về Đồng Dù. Hóc Môn. Bình Dương, Long An: 25 - 4 - 1975 – Bà Rịa: 26 - 4 - 1975.

* Bắt đầu từ ngày Chủ Nhật 27 - 4 - 1975 đến hết ngày 29 - 4 - 1975, * Tân Cảng – Sài Gòn : người ta rỉ tai nhau lo tìm đường thoát thân "đào tẩu" ra khỏi Sải Gòn. * ngày 27-4-1975 - Bà Rịa. Phước Tuy. Nước Trong. Trảng Bom. Suối Đĩa. Cầu Rạch Chiếc. Rạch Cát. Cầu Bình Phước. Quán Tre lan ra tận xa lộ Đại Hàn.

* Vẫn ngày 27-04-1975 – Người ta bịa đặt ra: Caritas. Usaid. Usom. Juspao. Cords. The Asia Foundation. IUS, chỉ là những thành phần ấy vào cầm đầu trá hình vô miền Nam Việt Nam do CIA. Nay họ lo đóng cửa và chuồn bay đi hết rồi! Tất cả mọi liên lạc trong nội thành Sài Gòn với ngoại thành, đi các Tỉnh, hầu như tê liệt, trục giao thông chính dẫn đến phi trường, hải cảng, các bến xe miền Đông, miền Tây, miền Trung, hoàn toàn ứ đọng và “bế quang tắc lộ”. Chao! Lúc đó thì người người tụm trăm tụm ngàn ở các nẽo đường chính, để nghe ngóng thăm dò tin tức. Toàn là những giả thiết, những tin đồn gây hoang mang. Người ta nhốn nháo, ồn cả lên, chèn ép nhau, xô đẩy nhau mong tìm đường chạy thoát thân, mong khỏi bị trụ lại nơi thành phố đông nghẹt người, từ các nơi dồn về Thủ-đô Sài Gòn hối hả, ngột ngạt, nghẹt hơi. Mọi tiếng động đều đinh tai nhức óc nổi hoài thâu đêm suốt sáng, không bao giờ ngưng. Người ta muốn điên vì đủ thứ chuyện thay đổi liên tục xảy ra từng giờ trên tivi, tin đã xấu càng xấu thảm xấu tệ biết bao! Toàn là những tin chả lạc quan vui vẻ gì!

* Thứ Hai, 28-4-1975 – Sân bay Tân Sơn Nhứt to lớn đồ sộ sầm uất nhất miền Nam Việt Nam đến thế, có F5, hoặc A 15, A 37, C 130. Mà nay chỉ còn có một số ít bom Daisy Cutters, và những phi cơ dân sự thường dùng trong nội địa, có phi cơ dân sự cũ từ thời Pháp để lại dùng bay ra ngoại quốc (không kể những phi cơ quân sự hiện có).

* Ngày 28-4-1975 Phi công Nguyễn Thành Trung (y thả bom hai lần, lần đầu y thả ở dinh Độc lập bằng F5, y cất cánh từ phi trường Biên Hoà). Lần sau vào chiều 28/04/1975: Một tốp phi cơ Dragonfly A 37 (phi đội Quyết Thắng) do phi công Nguyễn Thành Trung & Nguyễn Văn Lục dẫn đường, ép Trần Văn On & Nguyễn Văn Xanh bay cùng mấy tên “giặc lái” Từ Đề, Mai Vượng, Hán Văn Quang, họ xuất phát từ phi trường Phan Rang bay về thả bom ở phi trường Tân Sơn Nhứt. Nhiều tiếng nổ long trời lở đất đâu đó vang rền, khói lửa ngùn ngụt bốc cháy, đen nghịt thành phố.

* Ngày 28-04-1975 – Tổng thống Trần Văn Hương lên nắm chính quyền quốc gia Việt Nam được (7) bảy ngày ; thì tuyên bố rút lui. Theo yêu cầu của Lưỡng-viện Quốc-hội Việt Nam Cộng-Hoà, cụ Trần Văn Hương sữa “hiến pháp, hiến dâng” chức “tổng thống không dân cử” cho Đại-tướng Dương Văn Minh. Chả hiểu sao cụ Hương tụt lẹ xuống, nhường cho ông tướng Dương Văn Minh trồi lên nắm chính quyền nhanh như chớp!? Việt Nam như quả bóng tròn, khi thì đá dưới gót chân, khi đội đầu, khi quay giò lái đá qua đá lại rồi “sút” bóng lăn xuống vũng bùn. Một chính phủ sắp đến ngày diệt vong rồi hay sao, mà suy tàn đến độ xót xa thảm thiết tột cùng!

Làm gì… thì cần ngồi lại thân thiện bên nhau, và chia sẻ mọi quyền lực. Cần một lòng trung dũng đoàn kết vì nước vì dân. Thì toàn dân và toàn quân sẽ đứng vững như kiềng ba chân. Miền Nam Việt Nam sẽ không bị sụp đỗ toàn diện đâu. Lúc nầy Tổng thống Dương Văn Minh nói rất hùng hồn:
- “Không bao giờ đưa miền Nam Việt Nam cho Việt-cộng”.
Câu nói thiệt là "ăn tiền hốt bạc".

* Thứ Ba, Ngày 29 - 04 - 1975 – Tổng-thống Dương Văn Minh ra lệnh trục xuất những người Mỹ cuối cùng phải đi ra khỏi đất nước Việt Nam. Chính lúc đó mất thật rồi: Nhơn Trạch. Thành Tuy Hạ. Cát Lái. Cầu Sông Buông. Long Bình. Biên Hoà. Phú Lợi. Lai Khê. Bến Cát. Bình Dương. Tân Uyên. Lái Thiêu. Gò Vấp. Hướng Tây Bắc: Đồng Dù. Củ Chi. Hướng Tây Tây Nam: Hậu Nghĩa. Tân Túc. Tân Hoà. Phú Lâm.

Tin tức mỗi ngày mỗi giờ một xấu hẳn đi. Thế là trong thành phố Sài Gòn vốn dĩ ồn ào náo nhiệt, bon chen sợ hãi, càng tăng thêm nhốn nháo, xôn xao, xớn rớn hãi hùng hơn. Sài Gòn chìm trong biển tình đau thương tràn ngập mịt mùng. Sài Gòn như rắn mất đầu, người người xớn rớn ồn ào như núi lở, như động đất, như triều cường sóng thần vùi dập. Sài Gòn đã mất đi vẽ hào nhoáng thanh lịch sang trọng xa hoa của hòn ngọc viễn đông xưa. Thành phố ấy giờ đây ồn ào náo nhiệt hỗn loạn, bụi bặm và rác rưỡi ụ từng đống to tướng. Sài Gòn càng hổn loạn, hoang mang lo sợ bùng lên dữ dội. Nhất là những gia đình giàu sang quyền qúy ở Sài Gòn, cư dân gốc Trung Hoa đã và đang sinh sống ở Chợ Lớn hãi hùng huyên náo loạn cả lên.

Lúc xưa hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc dội bom đã cháy Dinh Độc Lập, (vào tháng 2 năm l962), làm hư hại dinh. Tổng-Thống Ngô Đình Diệm cho xây lại dinh Độc Lập. Gia đình Ngô Tổng Thống phải dời sang dinh Gia Long an vị, chờ kiến thiết lại. Bản vẽ Dinh Độc Lập do đồ án của kiến trúc sư đô thị gia Ngô Viết Thụ (đoạt giải Khôi Nguyên La Mã) đảm nhiệm. Theo thiết đồ của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, thì có hai vị Công-binh chính là: Đại-tá Nguyễn Văn Quý, Đại-tá Điển điều động một đoàn Công-binh Việt Nam xây dựng. Sau đó hoàn tất tốt đẹp. Tiền đình dinh Độc Lập có quảng trường Pigneau De Béhaine, có đại lộ rộng thênh thang rợp bóng cây, có tượng Đức Mẹ ngự ở trước công viên Hoà Bình làm bằng đá hoa trắc.

Thuở còn Tây cai trị nước ta, con đường có tên là Norodom chạy từ dinh Độc Lập suốt tới khu Thảo Cầm Viên. Trong đó có Viện Bảo Tàng tên gọi là Blanchard de la Bross, do Pháp xây dựng năm 1929. Ấy thế mà… Hết rồi vẽ sạch sẽ bóng loáng thanh lịch cao sang rộng rãi trên những phố Catina, đại lộ sang trọng Norodom xa xưa, nào là đường Công Lý, Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt. Trần Hưng Đạo. Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ, vân vân… thậm chí cả đường Duy Tân cây dài bóng mát đang có từng tốp mười tốp hai ba trăm người tụ tập lo lắng, bồn chồn xôn xao, hốc hác, băn khoăn đứng ngồi không yên, kể từ khi phi trường Tân Sơn Nhứt bị pháo kích.

* Ngày Thứ Tư hắc ám 30 tháng 4 đen tối năm 1975.
Sài Gòn nóng như một hoả lò. Càng ghê rợn hơn, tin từ đài phát thanh Sài Gòn loan báo kể từ giờ phút nầy: Thiết quân luật 24/24. Tình hình thủ đô Sài Gòn từ sáng tinh mơ vắng lặng như tờ, không giống một thành phố chết, là gì!? Cho đến ngày hãi-hùng. Ngày đớn-hèn bi thảm. Ngày tối đen hắc-ám nhất lịch sử Việt Nam, ngày đánh dấu than trầm-uất, thống-hận:
*.- 8 giờ:00 ngày 30-4-1975 - Sáng sớm, Tổng-thống Dương Văn Minh lên Truyền-thanh Truyền-hình ra lệnh buộc các tuyến phòng thủ của Lữ-đoàn Liên-binh Phòng-vệ Phủ Tổng-thống không được nổ súng.
*.- 9 giờ:00 ngày 30-4-1975 - Ông Dương Văn Minh đọc diễn văn trên đài Truyền-thanh: Yêu cầu toà Đại sứ Mỹ và văn phòng tùy viên DAO Hoa Kỳ, phải rời khỏi Việt Nam ngay lập tức.
*.- 10 giờ:00 ngày 30-4-1975: Ông Dương Văn Minh leo lên làm "tổng thống" được ba ngày! (3), ông liền “mở cửa khẩu” kêu gọi Quân-lực Việt Nam Cộng Hoà:
- “Ở đâu, hãy giữ nguyên vị trí ở đó”.
- “Ngưng chiến".
- Chờ bàn giao chính quyền miền Nam Việt Nam cho lực lượng Mặt Trận Giải Phóng vào chiếm”.
“Chuẩn bị giao nạp vũ khí cho đối phương”

* Ngày 30 tháng 4 năm 1975 - Khi Trịnh Công Sơn hát lui hát tới bài “Nối Vòng Tay Lớn”, không có nhạc đệm trên đài phát thanh Sài Gòn. Không những là ngày uất hận “nối vòng tay tang chế lớn”, mà còn là ngày co giật từng cơn run kinh phong nhăn nhúm rúm ró teo tóp lại. Ôi! Quả đúng là có một phép lạ như điềm dự báo trước kia, khi con chim bồ câu đã đậu trên bàn thờ Đức Mẹ Fatima, ở trên khu vực giáo dân Đà Lạt, nơi thường cung nghinh rước ảnh tượng Đức Mẹ đến từng nóc nhà vào đầu năm 1974. Thì người ta nói:
- “Con chim bồ câu tượng trưng cho sự hoà bình”.
Nay “hoà bình” đã đến thật rồi sao?!

Dinh Độc Lập, vương cung Đức Bà và con đường Norodom độc đáo nầy, ấy vậy mà hôm nay đã do tướng Trần Văn Trà cầm đầu mặt trận Cách-mạng Lâm-thời 75 (!) tại Sài Gòn, cùng đoàn xe molotova rền rú ì ầm chạy đến cổng dinh cổng dinh Độc Lập lúc 11 giờ sáng. Khi ấy đại sứ Pháp tại Việt Nam là Jean Marie Mérilon, còn ở trong toà đại sứ ở trên "con đường có tên Thống Nhứt”; (thống nhứt! Ui trời! Chao ôi! Sụp đỗ toàn diện một chế độ). Bàng hoàng cả một dân tộc Việt Nam.

Chiến tranh -hai miền Nam Bắc- đưa con người bải hoải lết lết tới đường cùng cuối bờ vực sâu. Khi có những chiếc xe tăng ì ầm chạy trên các đại lộ chính, chở đầy bộ đội đầu đội nón cối, chân mang dép râu, cổ quàng khăn lau mặt, thân hình dắt đầy cành cây. Đoàn xe vượt qua... cán nát- chôn vùi nền Đệ Nhị Cộng Hòa do Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu bôn tẩu lánh cư, do cụ Trần Văn Hương lãnh đạo bảy ngày, cuối cùng trao cho "ông Tổng-thống" (không hề có dân cử) - ông Dương Văn Minh ngồi trên ngai vàng lãnh đạo miền Nam Việt Nam vỏn vẹn chỉ có ba ngày!!!

- Quân Bắc Việt được sự hổ trợ tối đa của Nga và Tàu-cộng cung cấp đầy đủ đạn dược, súng ống và xe tăng.
- Trong khi miền Nam Việt Nam bị Mỹ hứa lèo hứa cuội, rồi trở mặt lừa lọc phản bội, lãnh đạm bỏ rơi. Mỹ từ chối hết thảy, kể cả chính phủ miền Nam chỉ xin chi viện 300 triệu đồng. Cũng không! Toàn Quân miền Nam thiếu thốn đủ mọi thứ. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phải tự anh hùng oai dũng kiên cường chiến đấu, quyết liệt chống trả đến viên đạn cuối cùng, trong sự cô độc, vô cùng đắng cay chua xót và tuyệt vọng dường bao!!! Những Người Lính dũng cảm ấy chưa hề buông súng bỏ cuộc, họ không hề thua cuộc chiến, (hoạ chăng do... "sẩy thua cuộc cờ"...) Họ không bao giờ phản bội dân tộc và cương quyết ở lại giữ gìn quê hương Việt Nam dấu yêu -đến giờ phút cuối cùng-.

Cho đến ngày Thứ Tư: 30-04-1975: Họ phải cúi gầm đầu -bật khóc- ; vì buộc lòng phải tuân phục thượng-lệnh. Đời sống ấy phơi bày cuốn phim cay nghiệt, có cảnh-tượng kém thanh-lịch, bóc trần những điều quá thật, làm tan nát đời nhau. Chẳng bao giờ xóa nhòa, tàn phai trong ký-ức mọi người. Tan hoang kinh khủng. Đau đớn tột độ!
“Hạnh phúc Hòa Bình” đến, vội-vã chợt đi... ; giật theo tấm áo đơn bạc. Lộ ra quá-khứ trần trụi. Hiện tại đọa-đày, tương lai đen tối mịt mù.
Vẫn hay, vô cùng nghẹn ngào cay đắng!!! Thiệt đúng là "bách niên thương hải biến vi tang điền"!
***

Tình HOÀI HƯƠNG

(2) - Nguồn TỪ > Wikipedia, & THH sưu tầm đó đây.

- "Bách niên thương hải biến vi tang điền" là câu gồm 8 chữ, không phải là thơ Đường Luật, có thể là loại thơ Cổ Phong, nghĩa là thơ Cổ trước khi có thơ Luật của Đời Đường ra đời. Cổ Phong có thể gồm thơ 3 chữ, 5 chữ, 6 và 8, không theo Luật Thi. Thơ Đường Luật thường gồm thơ 5 chữ và thơ 7 chữ theo Luật Bằng Trắc và Đối Ngẫu.

Bốn cuốn sách tham khảo gồm: Tự Điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh.
1. Tự điển Từ, & Ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân.
2. Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Tự Điển của GS Trịnh Văn Thanh.
3. Nguyễn Du Toàn Tập Quyển 1 Thơ Quốc Âm Truyện Kiều của Nguyễn Thạch Giang.

4. Theo cuốn Tự Điển Truyện Kiều (trang 68) & cuốn Tự Điển Từ & Ngữ VN (trang 1797) thì đa phần giống nhau trong sự giải thích: "Thương hải biến vi tang điền, mà viết tắt là 'Thương hải tang điền" nghĩa đen là "Biển xanh biến thành ruộng dâu", nghĩa bóng là những cuộc thay đổi lớn lao. Nhưng không ghi xuất xứ điển này từ đâu ra.

*5.- Theo cuốn Nguyễn Du Toàn Tập Quyển 1 Thơ quốc Âm Truyện Kiều của Nguyễn Thạch Giang thì điển Thương Hải Tang Điền, xuất xứ từ Thần Tiên Truyện vào thời Đông Hán. Tiên nhân Vương Phương Bình xưa đỗ Hiếu Liêm, làm quan chức Trung Tán Đại Phu, rồi bỏ quan đi tu tiên đắc đạo, giáng xuống nhà Thái Kinh (người đời Hậu Hán), cho mời tiên nữ Ma Cô đến. Ma Cô bảo Phương Bình rằng: "Tiếp thị dĩ lai, dĩ kiến Đông Hải tam vi tang điền." Nghĩa là: "Từ khi được tiếp hầu ông đến nay, tôi thấy bể Đông đã ba lần biến thành ruộng dâu."

6.- Cuốn Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Tự Điển của Trịnh Văn Thanh nói giống như cuốn Thơ Quốc Âm Truyện Kiều của Nguyễn Thạch Giang, nhưng đơn giản hơn một chút. (*)
*
Tình Hoài Hương

[(1), mời xem trích dẫn thêm dưới bài viết nầy)] Trích dẫn nguyên văn từ Facebook Quoc Gia Nguyen

Quoc Gia Nguyen
April 5 at 6:08am ·
- Ngu ngốc & hèn hạ -
Nguyễn Văn Hảo sinh năm 1942, là người được học hành đến nơi đến chốn từ trường ta cho tới trường Tây. Hắn có bằng cấp Tiến Sĩ Kinh Tế từ thập niên 1960.
Với trình độ học vấn như vậy, Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hảo đã được Chánh Phủ mời ra nắm giữ những chức vụ quan trọng như Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam - Tổng Trưởng Bộ Canh Nông và Kỹ Nghệ, cuối cùng đến năm 1974 thì được cử giữ chức Phó Thủ Tướng.
Thời làm Thống Đốc NHQGVN, hắn biết rõ ngoài ngoại tệ và giấy bạc nội tệ thì thứ có giá trị lớn nhất được cất giữ trong tầng hầm của Ngân Hàng chính là số vàng dự trữ lên tới 16 tấn gồm hơn 1.200 thỏi, mỗi thỏi nặng 13 kg.
Đây chính là tài sản quốc gia hay chính xác hơn là tài sản của toàn thể người dân miền Nam đã đổ mồ hôi và cả máu qua nhiều thế hệ mới tích trữ được.
Ngày 29/4/1975 khi Cộng Sản Bắc Việt đã áp sát Thủ Đô, tàu Việt Nam Thương Tín chuẩn bị rời Bến Bạch Đằng, Dương Văn Minh cho lệnh đem tất cả số vàng này xuống tàu đưa ra ngoại quốc.
Hảo biết được chuyện đó liền chạy đến Ngân Hàng túc trực và cản trở không cho nhân viên thừa hành đụng tới số vàng này với lý do muốn đưa tài sản quốc gia ra khỏi đất nước thì phải được lưỡng viện Quốc Hội chuẩn thuận.
Hắn thừa biết trong tình cảnh rối ren hỗn loạn như vậy thì việc đó là không thể.
12g 30 trưa ngày 30/4/1975, khi Dương Văn Minh và toàn bộ nội các bị giam lỏng trong Dinh Độc Lập thì Hảo đến xưng tên tuổi, chức vụ và xin lính Cộng Sản gác cổng cho hắn vào để "báo một việc quan trọng". Sau khi vào trong, hắn nói với Dương Văn Minh về số vàng còn giữ lại nhưng ông ta tỏ vẻ không quan tâm làm Hảo mất hứng.
Đến ngày 2/5, Cộng Sản thả tất cả mọi người ra khỏi Dinh thì Hảo nài nỉ xin được ở lại để "gặp lãnh đạo Ủy Ban Quân Quản vì có việc quan trọng cần báo cáo". Khi Trần Văn Trà đồng ý gặp, hắn đã dâng số vàng của quốc gia và người dân Việt Nam Cộng Hòa cho giặc để tâng công.
Không được xơ múi gì từ bọn cướp, năm 1982 hắn lủi thủi đi Pháp định cư và suốt bao nhiêu năm, để mặc những lời chửi bới, nghi oan cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Hảo ngậm tăm không dám nói ra sự thật..
Thằng Tiến Sĩ - Phó Thủ Tướng khốn nạn !

(hình ông Nguyễn Văn Hảo)

Tinh Hoai Huong
04-27-2018, 01:29 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1524791976-THIEU TA TRUONG PHUNG.jpg

/uploadpics/mp3_pdf1017/1524792120-Tuyet Trang - Sy Phu.mp3 Cố Thiếu Tá Không Quân: TRƯƠNG PHÙNG
(tưởng niệm 43 năm Thiếu Tá KQ TRƯƠNG PHÙNG: 29/4/1975 -> 29/4/2018)
***


Chiều ngày 28/4/1975 - khoảng 5:45’ trong phi vụ hộ tống Trung-tá Nguyễn Văn Mạnh SĐ3 KQ và toán chuyên viên Vũ-khí & Đạn-dược đặt chất nổ, để phá hủy các cơ sở của Bộ Chỉ Huy Kỹ-Thuật & Tiếp-vận KQ (Biên–Hoà). Tôi, (Trần Văn Phúc) và Trung-úy Nguyễn Thành Bá, bay từ Dốc Sỏi ngang qua Cầu Mới Biên Hòa. Tôi vừa quẹo trái từ hướng Tây sang hướng Đông, đột nhiên tôi thấy bốn chiếc A37 với đầy đủ bom đạn trong một đội hình dị thường; nghĩa là không giống ai, phi diễn không ra phi diễn, chiến đấu không ra chiến đấu, phi cơ đang từ hướng Đông Bắc lao tới cùng một cao độ với chúng tôi. Tôi cứ lầm tưởng là phi cơ của các phi đoàn bạn đang bay hành quân (từ miền Trung di tản về Tân Sơn Nhứt tháng trước), nên tôi vội vã kéo cần lái, cho phi cơ mình bốc vọt lên cao, để tránh hai bên đụng nhau trong gang tấc. Đồng thời tôi hét trong vô tuyến để lưu ý anh Bá, (bay chiếc số 2 theo tôi trong đội hình chiến đấu):
- Hai theo một! Coi chừng bốn A37 hướng 10 giờ!

Rồi tôi bay đảo lại và nhìn theo bốn chiếc A37 bay xa dần, tôi ngạc nhiên, thông thường một phi tuần khu trục đi bay hành quân chỉ có hai chiếc, hôm nay là ngoại lệ, đặc biệt vì có tới bốn chiếc. Tôi nói tiếp với Bá:
- Giờ nầy mà mấy thằng "ma gà" A37 còn mang bom đạn đi lang thang kìa!
Chúng tôi đã suýt đụng nhau với chúng nó trên sông Đồng Nai, mà không thể nào ngờ đó là bọn phản tặc! Trời lúc đó vẫn còn sáng tỏ, tôi chúi mũi cho phi cơ xuống thấp, bay dọc theo quốc lộ 1 đến Thủ Đức, tôi quẹo trái theo xa lộ Biên Hòa đến Long Bình rồi về Biên Hòa đọc theo Quốc Lộ 1. Nhìn xuống dưới, tôi thấy dọc suốt lề đường có rất nhiều xe thiết giáp đậu cách nhau từng trăm thước một. Muốn khích lệ tinh thần cho các chiến hữu Bộ Binh, nên tôi bay rất thấp, vì vậy khi bọn phản tặc dội bom ở Tân Sơn Nhứt, tôi đã không trông thấy. Nếu tôi bay ở cao độ 5.000 bộ, chắc chắn tôi sẽ thấy những cột khói đen bốc lên từ Tân Sơn Nhứt (TSN). Chừng 20 phút sau, Chuẩn-tướng Huỳnh Bá Tính Sư–Đoàn-Trưởng SĐ3KQ báo cho chúng tôi biết:
- Có một phi tuần ba chiếc A37 vừa dội bom Tân Sơn Nhứt!
Tôi điếng hồn nghĩ ngay đến phi tuần A37 mà mình vừa gặp, nên tôi “chỉnh“ lại ông trên tần số:

- Như vậy phải là bốn chiếc A37, vì chúng tôi đã gặp bọn chúng cách đây không lâu! (mãi về sau nầy, khi tôi kiểm chứng với nhà nghiên cứu sử Nguyễn Hùng Kiệt, anh đã xác nhận: phi tuần của đám phản tặc nầy có tất cả bốn chiếc A-37, nhưng không biết vì lý do gì chỉ có ba chiếc dội bom Tân Sơn Nhứt mà thôi !?). Vào thời điểm Tân Sơn Nhứt bị dội bom, chiếc trực thăng của Tướng Tính chuẩn bị đáp xuống TSN, nên ông đã chứng kiến toàn bộ sự việc. Đối chiếu với thông tin của sử gia Nguyễn Hùng Kiệt, cả hai người (Tướng Tính & tôi) đều nói đúng sự thật!
Chúng tôi vội vã bay trở về Tân Sơn Nhứt, thì bọn phản tặc đã chuồn đi mất tăm biệt tích. Khi bay trên không phận TSN, Đài Kiểm-soát Không-lưu (Sài Gòn Control Tower) báo cho chúng tôi biết: “phi trường chỉ bị thiệt hại nhẹ. Vài chiếc C-47 bị trúng bom (một chiếc gần phi đạo đang cháy như chúng tôi thấy), vài cơ sở bị hư hại như hậu trạm cũ, nơi trước đây chứa các phi cơ A-1, mới vừa dời về khu Tây lúc 1 giờ trưa, cạnh bãi đậu của A-37. Nhưng thật may mắn hai phi đạo không hề bị trúng bom”.

Sau mấy vòng bay quanh Tân Sơn Nhứt, chúng tôi biết chắc chắn phi trường và nhất là hai phi đạo vẫn an toàn, không cần thiết phải bay đi Cần Thơ. Nên tôi yên tâm bay trở lại Biên Hòa, để tiếp tục thi hành phi vụ hộ tống Trung-Tá Mạnh và toán chuyên viên vũ khí. Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ hộ tống Trung-tá Mạnh qua khỏi cầu Bình Triệu an toàn, chúng tôi mang đầy đủ bom đạn về hạ cánh lúc 8 giờ tối. Tôi gặp các anh bay F5 ; họ cho biết là:
- Đang chờ lệnh đi ném bom trả đũa ở phi trường Phan Rang.
…Nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra -không biết vì lý do gì- !? Tôi thấy nhiều anh em trong Tân Sơn Nhứt có phần giao động tinh thần, vì cuộc dội bom vừa qua. Do Radar không thể phát hiện nếu bọn phản tặc bay thấp như lần vừa rồi, nên nhiều người lo sợ chẳng biết có thêm lần dội bom kế tiếp nào nữa hay không? …Khi trở vào biệt đội khu trục lúc nửa đêm, tôi thấy các anh em thuộc PĐ 514 và 518 đang nằm sắp lớp như cá mòi ngay trên nền nhà. Tôi lặng lẽ nằm xuống một chỗ trống còn lại bên cạnh cái điện thoại dã chiến mới vừa móc dây.

Tôi nằm đó, nghiêng qua trở lại rất lâu, không thể nào ngủ được, vì trong lòng ngổn ngang những tiếc nuối & hối hận, cắn rứt tim tôi: khi nhớ lại cơ hội ngàn năm có một. Tôi vô tình để nó trượt thoát khỏi tay, tiếc thay! lúc ban chiều tôi đã không bấm cò đại bác bắn thẳng vào lũ phản tặc A37. (Sau nầy, khi biết tên Nguyễn Thành Trung chính là kẻ đã “rước giặc vào nhà“, bay dẫn đường cho đám phản tặc A37 đó, tôi lại càng hối hận & tiếc nuối nhiều hơn nữa!).

Quá mệt mỏi tinh thần và rã rời thân thể, tôi vừa chợp mắt tí xíu, đã phải choàng tỉnh ngay lập tức, vì những tiếng nổ vang trời. Phi trường bị pháo kích! Hàng loạt hỏa tiễn 122ly điên loạn lao xuống rít xé bầu trời, nổ tung lên cùng khắp trong căn cứ & phi trường TSN, nơi đang tập trung dày đặc những quân nhân KQ, và gia đình của họ mới vừa đổ dồn từ ngoài vùng I, vùng II di tản về. Điện bị cúp. Nhưng cho dù điện không cúp, thì tất cả vẫn chìm trong bóng tối như địa ngục, vì sức ép nổ của những quả hỏa tiễn rơi quá gần, làm vỡ tung những bóng đèn trong biệt đội khu trục chúng tôi... Thật là may mắn đến kỳ lạ khi mọi người đang nằm sát nhau dưới nền nhà đều bình an vô sự!

Điện thoại reo! Do nằm sát gần điện thoại, tôi bốc máy lên nghe, và chuyển lệnh điều động cất cánh khẩn cấp đến Thiếu-tá Lê Văn Sang, Trưởng Phòng Hành Quân PĐ Phi Long 518. Trong bóng tối dày đặc, không nhìn thấy mặt bất cứ ai, mà chỉ nghe tiếng nói của tôi vừa chuyển lệnh. Thiếu-Tá Sang hỏi luôn:
- Phúc đó hả, Phúc đi bay được không?

Theo đúng Huấn Thị Khu Trục, tôi vừa mới bay xong phi vụ yểm trợ rút quân hồi đầu hôm, nên tôi có quyền từ chối đề nghị này của Thiếu-Tá Sang. Nhưng hình như cái “mặc cảm tội lỗi “của tôi, (vì thiếu cảnh giác, đã để bọn phản tặc A37 vượt thoát) đang chờ có một cơ hội “chuộc lại lỗi lầm“, tôi đã bật lên tiếng nói:
- Đương nhiên là được, nhưng wingman (phi tuần viên) là ai?
Chưa có ai kịp lên tiếng, thì từ trong bóng tối cuối phòng, tiếng Thiếu Tá Trương Phùng vang lên:
- Trâu đạp cũng chết, chó đạp cũng chết. Tao đi với mi, xem coi có chết thằng Tây nào không!?

Phi trường đang bị pháo kích dữ dội, nên lúc đó không có xe đưa đón Phi Hành Đoàn. Không thể chậm trễ, anh Phùng gọi tôi leo lên chiếc xe Jeep dân sự. Anh Phùng lái xe như bay phóng ra khỏi bãi đậu, nhìn anh lái xe vun vút như bay, tôi thầm cảm phục người đàn anh gan lỳ, quả cảm, người hùng của mặt trận Quảng Trị 1972 với chiến tích lẫy lừng đã “nướng sống" 15 chiếc xe Tăng T-54 của bọn Cộng Phỉ!:
-… Mẹ nó! Tao chưa hề thấy tụi nó pháo dữ dằn như hôm nay! Tụi nó định “dứt điểm” mình bữa nay sao cà?
Rồi anh nói tiếp:
- Bất cứ giá nào, mình cũng phải lên (cất cánh), hy vọng có thể bảo vệ bao nhiêu người vô tội ở đây. Nếu như mình bị hy sinh, âu cũng là dịp để mình đền ơn Tổ Quốc.

Đến bãi đậu A-1, các anh em phi đạo đã ứng trực sẵn sàng, anh Phùng hét lớn trong tiếng nổ vang rền của đạn pháo:
- Nổ máy là “chock out” ngay (rút những khúc gỗ chận bánh xe phi cơ ra) rồi các bạn tìm chỗ núp! Mặc kệ chúng tôi, đừng để chết chùm hết cả đám đấy!

Máy vừa quay tròn vòng, thì có nhiều tiếng nổ long trời ở bãi đậu A-37 kề bên, nhiều quần lửa như cây nấm khổng lồ cuồn cuộn bốc phụt lên cao. Không chần chờ, tôi cho phi cơ di chuyển ra khỏi ụ. Anh Phùng vẫn còn đứng cạnh máy bay, anh ra dấu cho tôi biết là bình điện của phi cơ anh bị hư. Vì vậy, tôi quyết định cất cánh một mình, như đã Briefing trước đó. Tôi ra hiệu cho anh Phùng biết, và gọi Đài Saigon Ground Control (Đài Kiểm Soát Diện Địa Sài Gòn) để xin di chuyển ra phi đạo, đài trả lời ngay:
- Phi Long 51 (PL51)! Phi đạo sử dụng 25, gió hướng Nam 4 knotts, áp suất 29.92…

Nhận thấy gió ngang gần như thẳng góc với phi đạo và rất nhẹ (4 knotts), tôi có thể cất cánh bất cứ hướng nào. Nhưng tôi không thể dùng PĐ25 sẽ vô cùng nguy hiểm; vì khi bay lên, sẽ chui ngay vào đạn đạo của địch đang pháo kích. Nếu cất cánh PĐ 07, tôi quẹo trái để đến đầu PĐ 07, thì phải di chuyển ngang qua bãi đậu A37 đang cháy rực lửa, cũng rất nguy hiểm. Vì vậy, tôi có ý định quẹo phải theo Taxi way #3, để cất cánh PĐ 07, nghĩa là ngược chiều PĐ sử dụng. Tôi chỉ có thể dùng ½ chiều dài phi đạo còn lại. Cứu binh như cứu lửa, không còn phương cách nào khác, tôi quyết định gọi:
- Saigon Ground Control! PL51 request taxi ra Whisky number three và cất cánh PĐ 07.

Ngay khi được phép, tôi di chuyển nhanh ra phi đạo 07 R, miệng lẩm bẩm: "Người đẹp của tôi ơi! Em ráng giúp anh thêm một lần nữa! Đừng ho hen nha cưng"! (Pilot chúng tôi xem chiếc máy bay mình lái như là người vợ, người tình muôn thuở, đặc biệt là em Skyraider tuổi già sức yếu, nên đôi khi em ưa “nũng nịu, nhỏng nhẽo" ). Sau khi thử máy (dù biết chưa nóng máy), tôi xin đài Saigon Tower cho phép cất cánh khẩn cấp. Vì chỉ còn lại ½ phi đạo, nên tôi phải dùng phương cách “Maximun Peformance Take Off" , và cất cánh lúc 04 giờ 25 phút sáng ngày 29/4/1975. Vừa rời khỏi phi đạo, lòng tôi rộn rã một niềm vui mừng khó tả, và cảm tạ ơn Trên cho tôi cơ hội cứu nguy cho mọi người trong Tân Sơn Nhứt. Sang tần số Paris (đài Kiểm Báo Sài Gòn) tôi báo:
- Paris! PL 51 vừa cất cánh một chiếc A1 với 10 trái MK 81. Xin nhận chỉ thị.
Đài Paris chưa kịp trả lời, tôi đã nghe:
- PL 51! Đây Tinh Long 06 (TL06), bạn đến Phú Lâm ngay! Chỗ có nhiều trái sáng. Bao lâu bạn tới?
- TL06! PL 51 mang 10 trái MK 81, sẽ có mặt trong 5 phút và request Random Attact! OK!

Khi lên tới Phú Lâm, tôi được Trung-úy Trần Văn Bảo, Trưởng Phi Cơ của chiếc AC-119K hướng dẫn oanh kích: mục tiêu là hai làn khói của hai giàn pháo 122 ly. Tôi rất ngạc nhiên, mục tiêu chỉ cách đài Radar Phú Lâm hơn 500 mét về hướng Tây. Nhờ lặng gió, nên hai làn khói này vẫn còn la đà trên mặt đất. Lập tức, tôi vừa lao xuống vừa gọi:
- PL51 in hot và thả từng trái một!
Sau khi thả trái bom xuống mục tiêu thứ nhì, tôi ngưng lại và chờ đợi. Trong thời gian nầy, tôi nghe giọng Tướng Kỳ trong vô tuyến:
- Phi Long 51 trút hết bom đạn xuống target! Tối nay ghé nhà tôi nhậu!
Tôi hỏi lại:
- Giới chức vừa ra lệnh cho Phi Long 51, xin cho biết danh hiệu.
- Tôi Thần Phong 01, Thiếu Tướng Kỳ đây!
- Thần Phong 01! PL51 lên một mình với 10 trái bom 250 cân Anh, tôi có kinh nghiệm chống pháo kích. Thần Phong 01 an tâm. Tôi có thể ở đây thêm ba giờ nữa.
Khoảng 15 ; 20 phút sau, có lẽ bọn cộng-phỉ nghĩ tôi đã hết bom, nên chúng bắt đầu pháo trở lại. Tôi nhìn thấy rõ nhiều giàn pháo, mỗi giàn 4 khẩu 122 ly liên tục phóng lên. Liếc nhìn về hướng Tân Sơn Nhứt, và Sài Gòn có nhiều quầng sáng nháng lên, tôi liền lao xuống thả bom và thầm gọi: "Anh Phùng ơi! anh ở đâu, sao không lên tiếp tay với tôi? Một mình tôi làm không xuể đâu! Anh Phùng ơi"! Năm phút sau, khi định nhào xuống thả bom, tôi thấy có vài đám nổ dưới mục tiêu, tôi tưởng lầm là rocket của trực thăng võ trang bắn xuống, tôi liền cự nự Trung-úy Bảo:
- TL06! Bạn cho tôi đánh random attack, sao bạn lại cho gunship (trực thăng võ trang) vào “ăn có”? Nó bay cao độ thấp, lỡ tôi không thấy, nện ngay trên đầu nó, thì phiền lắm!
Anh Bảo liền cãi chánh:
- Không phải đâu PL51, tôi đã đuổi tụi nó qua bên Quốc Lộ 4 rồi. Để tôi quan sát kỹ lại.

Lúc đó có khoảng ba bốn chiếc trực thăng quây quần phía Đông Bắc Phú Lâm. Sắp nhào xuống thả bom lần kế tiếp, tôi lại thấy có ánh lửa nổ tung và tiếng anh Bảo la lên:
- Ê ...PL 51! Tôi thấy có một chiếc dường như là A-1 vào đánh phụ với bạn đó! Chắc chắn không phải là gunship đâu!
Tôi liền nghĩ ngay tới anh Phùng, nên trả lời anh Bảo:
- TL06! chắc là Thiếu Tá Phùng! Có thể anh Phùng bị trục trặc về vô tuyến! Bạn an tâm, monkey see monkey do (thấy tôi thả bom ở đâu, anh ấy sẽ thả bom ở đó).
Nhờ sự yểm trợ hỏa châu của TL-06, chúng tôi dễ dàng “lượm” những giàn pháo như lấy kẹo trong túi. Thanh toán xong các giàn pháo nầy, thì tôi cũng vừa hết bom.
- TL06, tất cả giàn pháo đã “clear“ (bị hủy diệt sạch) tôi giao ở đây cho bạn, PL 51 để dành 800 viên 20ly phòng thủ phi trường. Vì muốn biết người phụ tôi diệt pháo vừa rồi, có đúng là anh Phùng không? nên tôi sang tần số của Đài Sài Gòn:
- Saigon Tower! Đây PL51. Bạn cho tôi biết: sau tôi còn có chiếc A1 nào cất cánh không?
Tôi được trả lời:
- Tụi nó pháo quá, chúng tôi núp dưới hầm trú ẩn, vừa lên nên không biết gì hết bạn à!

Khoảng 5:25’ sáng tôi về tới Tân Sơn Nhứt, trời vẫn còn tối đen như mực, ngoại trừ những ánh đèn phi đạo và taxi way, còn có hai đám cháy: một đám ở bãi đậu A37 (như đã nói ở trên), còn đám cháy thứ hai... dù tôi đã đảo nhiều vòng, nhưng vẫn không nhận ra chính xác là nơi nào. Nhưng sau ít phút nhờ ánh sáng lờ mờ bập bùng còn lại của đám cháy, tôi vừa nhận ra là ở phía Nam của dinh Tướng Kỳ độ chừng trăm mét. Tự nhiên trán tôi rịn mồ hôi, tay run lẫy bẫy, tim đập dồn dập, và ứ nghẽn lồng ngực muốn nghẹt thở, vì hình như đám cháy là ở khu cư xá C-7, là nơi vợ con tôi tạm trú. Miệng tôi không ngớt cầu nguyện: "Cầu xin ơn Trên che chở cho vợ con của con, và những người khác được bình yên".
Ngay lúc đó, trong lòng lòng tôi bùng lên một cơn giận dữ & căm thù đám cộng-phỉ trong trại Davis, nếu vợ con tôi có mệnh hệ nào, tôi thề sẽ thí mạng với bọn chúng!

Mươi phút sau, tôi thấy chiếc TL07 cất cánh lên, để thay thế chiếc TL06 về đáp. Tôi tiếp tục bao vùng trên không phận Tân Sơn Nhứt, cho đến khi bình minh có ánh sáng lờ mờ, tôi nhận ra đám cháy chính là cư xá Nữ Quân Nhân. Tôi nóng lòng muốn đáp xuống, nhưng chưa có phi tuần nào lên thay thế. Vài phút sau, tôi nhìn sang cánh phải: thấy có một chiếc AD-5 còn treo hai trái bom, cứ bám sát theo phi cơ tôi. Tôi sang tần số và gọi đài Saigon Tower một lần nữa, để xác định chiếc AD-5: “có phải là của anh Phùng không”. Câu trả lời vẫn là “Không biết”. Vừa lúc đó, “anh bạn dễ ghét” như muốn chơi trò trốn tìm “ú tim” với tôi, nên anh ấy cho phi cơ hết lòn sang trái, lại chui qua phải. Tôi bất ngờ cắt bán kính, quẹo vòng thật gắt, định ra sau chiếc phi cơ nầy. Nhưng anh bạn “dễ ghét” là một cao thủ tuyệt đỉnh, lúc nào anh cũng bám riết theo sau, khi sang trái khi sang phải, cố ý trêu đùa tôi. Nếu là dog fight (không chiến) thì tôi bị tay lão luyện nầy “dớt rụng càng” rồi!

Trên tần số Paris, tôi nghe giọng của Thiếu-tá Hồ Ngọc Ấn, Phi Đoàn Phượng Hoàng 514 liên lạc với TL07, cho biết: “phi tuần hai chiếc A1 của anh đang ở Long An, trên đường tiến về Sài Gòn. Đại-uý Nguyễn Tiến Thuỵ bay chiếc số 2. Khoảng mười phút sau, Trung-uý Trang Văn Thành, Trưởng Phi Cơ của TL07 gọi trên tần số:
- Phượng Hoàng 11, tôi nghi ngờ có một toán đặc công độ năm bảy tên, định cắt hàng rào kẽm gai phía Bắc phi trường, chỗ miếng đất trống hình tam giác ở An Nhơn. Bạn cho một trái ngoài hàng rào, đánh trục Đông sang Tây. Tôi giữ cao độ 5.000.

Vì biết phi tuần anh Ấn chưa đến nơi, nếu cần thiết tôi có thể dùng bốn cây đại bác 20 ly bắn dọc theo vòng rào. Tôi bay tới đó, mặt trời vừa ló dạng, trời tỏ hơn nhưng ở độ cao 4.000 bộ, nên tôi không thấy gì cả. Thình lình anh Phùng lao xuống thả một trái bom. Thì có tiếng anh Thành hốt hoảng la lên:
- Số 1 thả bom “như để“ . Số 2 đánh dài hơn vài mươi thước.
Trái thứ nhì rơi dài hơn năm chục thước. Anh Thành hoảng hốt:
- Phượng Hoàng 11 Hold High and Dry (ngưng thả bom). Số 2 của bạn đánh gần nhà dân quá!
Thiếu tá Ấn liền lên tiếng:
- TL07! Ai khác đánh đó, chớ không phải Phượng Hoàng 11! Tôi chỉ mới tới Bến Lức, làm sao thả bom ở đó được!
Thì ra anh Thành lầm lẫn phi tuần của tôi- là phi tuần anh Ấn. Tôi vội lên tiếng:
- TL07! Đây PL 51. Đó là Phi Long 52 (chiếc số 2 của PL51) nó hư vô tuyến, chỉ còn hai trái, vừa thả hết rồi. Còn tôi đã “Empty” (hết bom).
Nhận ra tiếng của tôi, Đại-uý Thụy (người bạn cố tri cùng PĐ Thái Dương 530 với tôi ở Pleiku) gọi tôi:
- Ê Phúc! Mày về Cần Thơ đi, đáp ở đó (TSN) nguy hiểm lắm!
Nhìn đồng hồ xăng có 800 lbs, vừa đủ để bay đi Cần Thơ, nhưng tôi đã có quyết định đáp Tân Sơn Nhứt từ trước, nên trả lời:
- Vợ con tao còn kẹt lại đây, giá nào cũng phải đáp Tân Sơn Nhứt. Tình hình ở đây chưa đến nỗi nào đâu.
Đột nhiên anh Phùng gọi tôi:
- Ê ...PL51, đi Cần Thơ nha! Bay với mi gần 3 tiếng, chừ mới liên lạc được một xí. Tao nghe được, nhưng bị câm. Bực mình quá!
Tôi vội bấm máy trả lời:
- Không! Tôi chỉ còn 600 pounds xăng, vả lại vợ con tôi kẹt ở đây. Anh đi Cần Thơ một mình trước nghen!

Lúc bấy giờ TL07 đang bay 5.000 bộ, nên anh Thành muốn xuống thấp để dễ quan sát, và nhìn thấy rõ hơn, nên anh báo cho chúng tôi biết:
- PL51! TL07 xuống cao độ để nhìn rõ hơn. Tôi không muốn đánh lầm vào nhà dân, tội họ lắm!
Không ngờ mấy phút sau, khi chúng tôi bay trên Lăng Cha Cả, ở cao độ 1.500 bộ, anh Phùng gọi tôi:
- Ê một! Mình đáp xuống Tân Sơn Nhứt đi!
Lo ngại vô tuyến bất thường của anh hư, nên tôi nhường cho anh Phùng đáp trước. Nhưng trước khi Touch Down (chạm bánh), anh Phùng lại gọi tôi:
- Một! Mi đáp trước đi, tao Go Around (bay lên lại). Mi chờ ít phút, tao về chở mi vô!
Nóng lòng vì vợ con ở kế bên đám cháy (cư xá Nữ Quân Nhân), nên tôi không bay theo anh Phùng như thông lệ. Tôi tiếp tục vào Final (cận tiến), thì Sài Gòn Tower báo cho chúng tôi:
- PL51, có SA7 bắn lên. Tôi thấy mấy cục lửa bằng cườm tay bay lên!
Vì tôi đã chứng kiến SA-7 bắn ở Kiến Đức vào cuối năm 1973, nên tôi có ý nghi ngờ:
- Saigon Tower, SA-7 bắn lên lúc đầu: là một vùng lửa to màu cam, sau đó đổi sang màu trắng xanh, và bay lên rất nhanh. Bạn quan sát kỹ chưa?
Anh bạn nầy có vẻ bất bình trả lời:
- PL51, tôi báo cho bạn biết, mà bạn không tin, nếu bị bắn, bạn ráng chịu nha!
Tự nhiên tôi nhớ đến Trung-tá Phạm Văn Thặng Fulro khi ông "xỉn", ông thường ngâm nga... nên tôi nghêu ngao trên tần số: "Làm sao giết được người trong mộng …1 …2 …3…touch down"!

Di chuyển về bãi đậu lúc 6 giờ 55 phút, các anh em phi đạo reo mừng, công kênh tôi như đón một một vị cứu tinh! Rồi chúng tôi cùng nhau theo dõi chiếc TL07 đang nghiêng cánh trái ở cao độ chừng vài ngàn bộ, và xạ kích xuống mục tiêu. Từng tràng đại bác 20 ly (Minigun 6 nòng) nã xuống như mưa, tiếng kêu như bò rống. Tôi trấn an các anh em:
- Target đó ở ngoài vòng rào, chỉ là tình nghi thôi! Ông Trung-uý Thành muốn biểu diễn cho mọi người coi chơi cho vui vậy mà!
Tôi vừa dứt lời, thì đột nhiên chiếc TL07 trúng hoả tiễn tầm nhiệt SA-7, đuôi phải gãy lìa. Có một vật màu đen đen rớt xuống(*), động cơ bên phải phát hoả và nổ tung, cánh phải gãy xuống, đồng thời phòng lái bốc cháy. Phi cơ ngoặc đầu qua trái, lao xuống và rơi vào spin (xoay tròn như bông vụ). Tất cả mọi người xung quanh tôi hoảng hốt hét lớn:
- Nhảy dù đi…
- Nhảy dù…
- Nhảy dù nhanh lên…

Nhưng quá trễ, tôi không thấy cánh dù nào kịp bung ra, chiếc phi cơ đã cắm phụp đầu xoáy xuống đất rất nhanh. Những cột khói đen lửa đỏ cuồn cuộn bốc phụt lên cao hàng trăm mét. Toàn bộ phi hành đoàn đều hy sinh. Tất cả anh em chúng tôi bàng hoàng sửng sốt, đứng chết lặng mà nước mắt tự dưng tuôn trào. Một lúc sau, mọi người cúi đầu lặng lẽ trở về làm nhiệm vụ của mình. Từ giờ phút nầy phi trường TSN thật sự không còn an toàn nữa, vì sự xuất hiện của SA-7 khắc tinh của tất cả các loại máy bay.

Riêng tôi, ngồi bệt xuống bãi cỏ bên lề phi đạo, mắt vẫn hướng về những cột khói đen bốc lên cao, như anh linh của Phi Hành Đoàn TL07 đang siêu thoát. Tôi hy vọng Thiếu-tá Trương Phùng bay đi Cần Thơ, tuy nhiên tôi vẫn có ý trông đợi anh Phùng trở về. Tôi chờ mãi… tới khi anh tài xế xe bồn tiếp xăng giục tôi lên xe, để trở vô biệt đội khu trục. Trong lòng tôi thầm nghĩ:
- Đúng rồi, anh Phùng nên bay đi Cần Thơ là hợp lý nhất!
Sau 9:30’ giờ sáng ngày 29/4/75 bọn chúng bắt đầu nã đì đùng bằng đại pháo 130 ly, đặt ở Nhơn Trạch gần Thành Tuy Hạ - Cát Lái. Nhưng lúc bấy giờ không ai thèm màng tới việc diệt pháo nhỏ giọt vào Tân Sơn Nhứt nữa. Trong phi trường thỉnh thoảng đạn 130 rơi rớt đâu đó, may mắn sao không trúng tôi. (ha ha ha...) Cả căn cứ Tân Sơn Nhứt không một bóng người, bầu trời vô cùng u ám, một phần vì thời tiết chuyển mưa, một phần vì những làn khói đen lan toả la đà từ chiếc TL-07 đang bốc cháy. Tôi có cảm tưởng như mình lạc vào trong bãi tha ma lúc hoàng hôn.

Sau khi quân cảnh không cho tôi ra cổng (Phi Long), không được nói một lời gì với vợ con (họ theo gia đình Vân về nhà), tôi trở vào trung tâm hành quân Không Quân chờ lịnh. Nữa giờ sau, tôi định đi ra ngoài bằng cổng trại Hoàng Hoa Thám; nhưng khi đến cuối sân banh, tôi gặp ba Thiếu-tá: Sơn, Bản, Liêu PĐ 530, họ đang chạy ngược chiều và kêu tôi:
- Ê Phúc! được lệnh đi Cần Thơ. Nhanh lên.
Tôi chạy theo họ ra bãi đậu, chiếc AD-5 của Thiếu-tá Hồ Văn Hiển PĐ 514 đang chờ. Tôi là hành khách bất ngờ bất đắt dĩ và cuối cùng thứ 20. Chúng tôi rời Tân Sơn Nhứt lúc 11 giờ trưa. Lúc bấy giờ trong Tân Sơn Nhứt có lẽ không còn phi cơ nữa (sau khi yểm trợ quân bạn ở Bến Cát xong, trên đường về Cần Thơ, Thiếu-tá Hiển đáp xuống, để rước chúng tôi). Khi đến Cần Thơ, tôi vội vã đi tìm anh Trương Phùng khắp nơi, nhưng tìm hoài không thấy anh Phùng đâu cả!

Ôi! Thì ra… thật vô cùng đau đớn, xót xa, nghẹn ngào không sao tả xiết, vì một cánh chim oai dũng phi thường oanh liệt đã một mình một bóng sớm xa tổ lìa đàn, ông thênh thang bay về cõi vĩnh hằng miên viễn... để lại trong lòng anh em bao tiếc thương vô tận. Đó là: cố Thiếu Tá Không Quân TRƯƠNG PHÙNG... sinh năm 1943 tại Thừa Thiên. Ông oanh liệt hy sinh ngày 29 tháng 4 năm 1975 tại Bình Điền, Long An. (Sài Gòn).
*
Trần Hoài Hương

***
Ghi chú thêm: trước 30/4/1975 và sau... 2010:


*.- Thiếu-tá Không-quân Hồ Ngọc Ấn Phi Đoàn Phượng Hoàng 514 (hiện ở Dallas).
*- Đại-uý Không–quân Nguyễn Tiến Thuỵ bay chiếc số 2, hiện ở Houston.
*Đại-úy Không-quân Trần Văn Phúc - Phi-tuần Trưởng PT Khu-trục Phi-Long 51, hiện ở Cali :

1.- Mãi đến tận ngày hôm nay, tôi... (Trần Văn Phúc) vẫn cảm thấy hối tiếc: vì Trời đã cho tôi một cơ hội ngàn vàng, để tôi có thể bắn hạ bọn phản tặc ác ôn A37 Nguyễn Thành Trung (tôi đã học kỷ thuật không chiến Dogfight trong khoá Phi Tuần Trưởng với Trung-tá Nguyễn Văn Huynh PĐP PĐ 518), mà tôi lại vô tình để vuột mất cơ hội ngàn năm một thuở! Trong trường hợp “tao ngộ chiến" hy hữu đó, bọn chúng không trông thấy chúng tôi, vì bị chói ánh mặt trời chiều, nên không có phản ứng né tránh nào, mà chúng vẫn ung dung bay thẳng tới.
Hoặc chúng tôi chỉ cần lách sang một bên, bật nút ARM - ON và bóp cò súng, bắn ngang hông ở phía sau bọn chúng, thì 800 viên đại bác 20 ly trên mỗi chiếc A1 của chúng tôi sẽ không tha bọn chúng. Hoặc lúc đó tôi gọi Paris (đài Kiểm Báo Không Lưu TSN) để báo động khẩn cấp. Các phi cơ F5-E đang ứng trực ở đầu phi đạo TSN, sẽ tức tốc cất cánh lên xơi tái bọn chúng, thì bọn chúng chẳng còn mạng, để sau nầy vung vít mà “bốc phét”! Đây có phải là vận mệnh thảm khốc đau buồn của đất nước Việt Nam đã an bài phải là ngày 30/4/1975 !?

*2.- Trên không phận Sài Gòn lúc bấy giờ (29/04/75) chỉ có ba chiếc phi cơ là: TL-07, phi cơ anh Phùng và phi cơ của Phúc. (TL 07 chỉ xuất hiện sau 6 giờ sáng. Phi tuần hai chiếc A-1: của Thiếu-tá Ấn & Đại–úy Thụy trên đường về Sài Gòn).

*3.- Có lẽ vì sợ SA-7 nên ông Đại Sứ Martin phải nói dối trước Quốc Hội Mỹ là: “Hai phi đạo bị trúng pháo kích, hư hại nặng nề, và ông ra lịnh di tản người Mỹ bằng trực thăng”?

*4.- ... đột nhiên chiếc TL07 trúng hoả tiễn tầm nhiệt SA-7, đuôi phải gãy lìa. Có một vật màu đen đen rớt xuống(*)... Mãi đến năm 2010, khi vừa mới cải táng cho PHĐ TL07 xong, chúng tôi mới liên lạc được với Th/Sĩ I Nguyễn Văn Chín tự “Chín Dơi“, Gunner của TL07, là người duy nhất nhảy dù ra sống sót, anh chính là “vật” (hi hi)… màu đen rơi xuống từ chiếc TL 07, mà anh em ở trong phi trường TSN đều thấy.

*5.- Vì Phi Hành Đoàn TL07 có nhiều người tình nguyện đi bay trong lúc khẩn cấp, nên hầu hết nhân viên trong PHĐ không ghi đúng tên trong phi lệnh. Tôi chỉ biết có:
- Trung-uý Trang Văn Thành (Trưởng phi cơ), xuất thân từ Thiếu Sinh Quân, nhập ngũ ngày 12/9/1967, khoá 68A TTHLKQ Nha Trang. Anh Thành là cháu rể của cố Thiếu-Tướng Võ Xuân Lành, TLPKQ. Anh Thành có hai biệt danh: ở quân trường Nha Trang anh có tên “Thành Thụt”, vì đôi mắt sâu thẳm, tánh tình anh rất cương trực, hăng say, năng nổ trong mọi công việc. Khi về PĐ C119 anh Thành có thêm một biệt danh: “Thành Kampuchia” (vì màu da ngâm ngâm của anh). Đêm 28/4/75 anh Trung uý Trang Văn Thành tình nguyện bay thêm phi vụ Extra TL 07, mặc dù trước đó anh đã bay phi vụ TL01 hồi đầu hôm rồi. - Trung uý Tào Thuận, hoa tiêu phụ. - Thiếu uý Phạm Tấn Đức. Họ vĩnh viễn ra đi... nhưng để lại sự thương tiếc kính phục vô cùng của hàng vạn người trong và ngoài Tân Sơn Nhứt.

*6.- Sau ba năm ba tháng phục vụ trong PĐ Thái Dương 530 – Pleiku trấn thủ Cao Nguyên, tháng 4 năm 1974 tôi trở lại Biên Hoà, được đưa về PĐ Phượng Hoàng 518, KĐ 23 Chiến Thuật, SĐ3KQ. Sau đó tôi thường đi biệt phái ở Biệt Đội Khu Trục tại Tân Sơn Nhứt, cho đến tháng 9 năm 1974, tất cả phi cơ A1 bị “đình động” (vì uống xăng!?). Vì vậy thời gian tôi quen biết, chuyện trò cùng Thiếu-tá Trương Phùng không nhiều. Tôi chỉ nhớ:

*7.- Th/tá Trương Phùng sanh năm 1943 tại Thừa Thiên, anh gia nhập Không Quân vào đầu năm 1964, khóa 64B SVSQKQ Nha Trang, tốt nghiệp khóa L- 5 Quan Sát. Sau đó anh được tuyển chọn xuyên huấn T28 và A-1 Skyraider tại Hoa Kỳ. Trở về nước, anh phục vụ tại Phi Đoàn 110 Quan Sát. Sau cùng là Phi Đoàn 518 Phi Long - Khu Trục A-1, KĐ 23CT, SĐ3 KQ Biên Hòa. Anh là mẫu người hùng KQ từng tham dự hầu hết các chiến trường khắp bốn vùng chiến thuật, là người hùng diệt 15 xe tăng cộng-quân trong hai tuần lễ vào đầu tháng 4 năm 72 ở Quảng Trị. Anh là một người đầy nhiệt huyết, không bao giờ từ chối bất cứ một phi vụ nào, dù nguy hiểm. Anh là một phi tuần trưởng sĩ quan gương mẫu, lấy phương châm: Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm lên hàng đầu.

Tôi được hân hạnh cùng bay chung với NT Th/tá Trương Phùngvào tháng 8/1974, khi CSBV vi phạm Hiệp Định Ba Lê, chúng pháo kích vào phi trường Biên Hòa. Để trả đũa hành động nầy, Đại Tá Hoàng Thanh Nhã, KĐT KĐ23CT, SĐ 3 KQ chỉ thị hai phi tuần, mỗi phi tuần hai chiếc Khu Trục A-1 Skyraider, mỗi chiếc mang 6 trái bom CBU-25, dùng bom CBU - 25 là loại bom dùng để chống chiến thuật biển người, phá giao thông hào, mỗi trái cân nặng 500 cân Anh (lbs), gồm 7 ống thẳng, dài độ 4 mét, buộc lại thành một khối tam giác, mỗi ống chứa 25 quả bom nhỏ như trái lựu đạn, có loại nổ trên mặt đất, có loại nổ chậm. Muốn đạt hiệu quả tối đa, nên thả bom nầy theo cách Skip bom, nghĩa là bay thật thấp, các trái bom nhỏ nầy được phóng xuống đất. Nếu thả bom từ trên cao thì không thể chính xác, càng cao các quả bom nhỏ nầy càng rải rộng ra, nếu thêm sức gió có thể thổi bay đi xa cách mục tiêu hàng ngàn mét).

Phi tuần số 1 do Thiếu-tá Phùng và Trung-uý Đinh văn Đức. Phi tuần thứ hai do tôi (Đại úy Trần Văn Phúc) và Trung-uý Nguyễn Tứ Đức thi hành một nhiệm vụ đặc biệt: oanh tạc Tổng Hành Dinh của MTGPMN ở đồn điền cao su Lộc Ninh. Để bảo vệ vùng trời Lộc Ninh, nơi bọn CSBV trá hình MTGPMN đặt Bộ Tổng Hành Dinh. Ngoài hoả tiễn tầm nhiệt SA-7, bọn CSBV đặt rất nhiều khẩu đại bác phòng không 37 ly, hay 57 ly, điều khiển bằng radar. Nếu bay dưới 11 ngàn bộ, chúng tôi sẽ trở thành những “target sống”, để bọn cộng-phỉ tha hồ thực tập tác xạ. Vì tầm quan trọng của phi vụ nầy, là cảnh cáo cho bọn cộng-phỉ biết: Không có bất cứ nơi nào trên lãnh thổ VNCH, là bất khả xâm phạm đối với Không Lực Việt Nam Cộng Hoà. Quân Đội VNCH sẵn sàng trả đũa những vi phạm Hiệp Định Ba lê của chúng. Vì vậy sau khi thảo luận, đồng ý chọn lối đánh mạo hiểm nhất (nhưng an toàn nhất), chúng tôi xin Đại-tá Nhã:

- Đại-tá ra lịnh chúng tôi đi dội bom ở đó, thì xin Đại-tá cho phép chúng tôi được chọn cao độ bay. Nếu như bay cao 12 hay 13 ngàn bộ, để tránh phòng không, thì thả bom không thể nào chính xác được, coi như không. Vì vậy chúng tôi xin chọn lối đánh "truy kích".
Ông đồng ý và nhấn mạnh thêm về tầm nguy hiểm:
- Nếu có ai gặp phải bất trắc, các bạn chịu khó trốn tránh qua đêm cho đến sáng mai, mới có phi vụ rescue. Các bạn khác lập tức bay về đáp, không được ở lại cover.

Sau cơm trưa sớm hơn thường lệ (11 giờ), chúng tôi bắt đầu nghiên cứu những tấm không ảnh (chụp những cơ sở nguỵ trang dưới hàng cây cao su) thảo kế hoạch, tính toán giờ giấc, hướng bay một cách rất cẩn thận từng chặn đường. Để giảm thiểu sự nguy hiểm cho phi tuần thứ nhì (bay sau) của tôi. Thiếu-tá Phùng đề nghị nhập hai phi tuần thành một hợp đoàn bốn chiếc; dùng chiến thuật truy kích với yếu tố bất ngờ, chớp nhoáng, bay lướt trên ngọn cây. Khi bọn chúng thấy, thì chúng tôi đã bay mất rồi, không kịp bắn. Với lối bay nầy, đòi hỏi người Leader phải có một khả năng, kinh nghiệm, bình tĩnh, sáng suốt, cũng như gan dạ. Vì thỉnh thoảng một mình anh Phùng (Leader) phải “trồi lên lặn xuống” năm ba trăm bộ, để nhận dạng những "check point" (điểm chuẩn) để tránh bay lạc. Anh Phùng phân chia nhiệm vụ cho từng người, lập lại nhiều lần: “mỗi chiếc phi cơ chỉ thả một lần, và chiếc kế nối tiếp với nhau”.

Theo phi lịnh, chúng tôi cất cánh đúng 2 giờ trưa, nhưng bắt đầu 1 giờ, bỗng dưng trời mưa như trút nước (có thể ông trời giúp chúng tôi?) tưởng chừng như phi vụ bị huỷ bỏ, cho đến sau 5 giờ chiều, cơn mưa tạnh hẳn. Chúng tôi được lịnh cất cánh khẩn cấp, anh Phùng nhắc lại:
- Phi vụ của chúng ta rất quan trọng, rất nguy hiểm, nhưng tôi (anh Phùng) tin tưởng vào chiến thuật mình đã thảo ra. Như các bạn đã biết: Tụi mình không bay thẳng tới đó, mà mình bay vòng về hướng Bắc. Các bạn bớt căng thẳng đi! Có thể ông trời đã giúp mình hôm nay, nên đổ mưa mấy tiếng đồng hồ, vì vậy khi mình tới target mặt trời cũng sắp lặn, bảo đảm tụi nó không ngờ mình tới đâu! Chắc chắn mình phải bay đêm, các bạn cẩn thận coi lại tất cả các đèn phi cụ.

Như trong phi trình đã hoạch định, chúng tôi “joint up” ở 2.000 bộ, với hợp đoàn chiến đấu (Tactical Formation), tất cả phi cơ bay bên cánh phải của anh Phùng, lấy Lai Khê làm điểm xuất phát, bay thật thấp về hướng Bắc, bên phải Quốc Lộ 13, qua khỏi Tống Lê Chân 5 dặm, thì đổi sang hướng Tây. Như dự đoán, tôi bắt đầu lướt trên nhiều ổ phòng không, nhìn xuống tôi thấy từng cụm năm ba tên cộng-phỉ cố quay vòng những họng súng, để bắn vói theo phi cơ chúng tôi. Tôi gặp ít nhất năm khẩu phòng không trên đoạn đường dài chừng 20 dặm nầy. Khi thấy Lộc Ninh bên phải, và nhận định mục tiêu, anh Phùng ra lịnh:
- Tất cả Phi Long coi lại Mills (độ của máy ngắm) lên cao độ 1.500 bộ, target 1 dặm, hướng 10 giờ (quẹo trái về hướng Nam, để thả bom vào bên hông địch).

Lần lượt: "số 1 Rolling Hot”, rồi số 2, số 3 và số 4 Rolling Hot khi ánh sáng vàng nhạt cuối cùng trong ngày. Chúng tôi đã vượt qua rất nhiều hàng rào phòng không dày đặc, trên đường đi ngay cả đường về, rất nhiều lần chúng tôi lướt trên những ổ cao xạ, nhìn thấy bọn chúng quay vòng những họng súng, để bắn vói theo (quá trể rồi! lúc đó chúng tôi đã khuất dạng). Khi chúng tôi bay về gần tới Tây Ninh, thì trời đã tối hẳn. Nhờ vào sự can đảm phi thường, nhờ sự thông thạo địa hình, đầy kinh nghiệm của Thiếu-tá Phùng, chúng tôi đã hoàn thành sứ mạng, an toàn về đáp lúc 8 giờ tối. Cám ơn ông trời ban cho chúng tôi một cơn mưa, giúp chúng tôi hoàn thành phi vụ một cách tốt đẹp. Khi đáp xong, tôi ghi nhận thêm: Thiếu-tá Phùng thà ngậm đèn bấm soi sáng những phi cụ để bay, nhưng nhứt định không chịu hủy bỏ phi vụ, dù rằng trong phiên họp buổi trưa Đại-tá Nhã đã lưu ý hai lần:
- Nếu có gì bất trắc, các bạn rán chịu đựng qua đêm, sáng mai mới có trực thăng rescue.
Anh Phùng cười, rằng:
- Mấy chuyện lẻ tẻ làm sao làm khó dễ tao được. Ngày mai tụi mình đi gặp Đại-tá Nhã, xin ông cho tụi mình bay lên đó diệt phòng không, ít nhất mình cũng “lượm” hàng tá cao xạ 37, hay 57 ly. Đứa nào bay với tao, thì theo tao tới câu lạc bộ Trần Thế Vinh.

*8.- Để nhớ ơn người anh hùng vị quốc vong thân: cố Thiếu-Tá Không-quân Trương Phùng, có nhiều thân hữu quân dân góp sức truy tìm tung tích anh Phùng. Sau gần bao năm lặn lội tìm kiếm... Trong cơ duyên nhờ anh linh của cố Thiếu-tá Trương Phùng dẫn dắt, ngày 2 tháng 12 năm 2008, cựu KQ Nguyễn Toại Chí đã mang hài cốt Thiếu-Tá Không-quân Trương Phùng (vùi sâu dưới năm thước đất, gần cầu Bình Điền, Long An; trở về với gia đình). Hài cốt của cố Thiếu-tá Trương Phùng được hoả táng, đem về thờ phượng tại chùa Bữu Quang. Theo nhân chứng là cụ H. (cụ còn ở Việt Nam, 90 tuổi, xin tạm dấu tên) kể rõ rằng: “Động cơ của chiếc máy bay bị ra khói, buộc lòng anh Phùng phải đáp khẩn cấp xuống ruộng, gần cầu Bình Điền. Anh Phùng bị bắt khoảng 7 giờ sáng ngày 29/4/74. Ngay tối hôm đó bọn Cộng-phỉ khát máu đã hành quyết anh Phùng cạnh giao thông hào”.

*9.- Cũng sau nhiều năm tháng vất vã ngược xuôi tìm kiếm, ngày 21-7- 2010 có một nhóm thân hữu Dân Quân Chánh, gia đình Thiếu-uý Phạm Tấn Đức, cùng cựu Không-quân Nguyễn Toại Chí đã tìm được nhiều hài cốt của PHĐ 07 trong vòng đai của căn cứ Tân Sơn Nhứt. Họ đã mang hài cốt qúy vị ấy về an vị tại nghĩa trang An Khánh - Thủ Thiêm. (KQ NTC phụ trang).

*10.- Cư xá Nữ Quân Nhân ở kế bên chưa đầy mươi mét, đã biến thành tro. Tôi (Phúc) vội vã lái xe Honda phóng nhanh trở về cư xá C-7 thăm vợ con. Vào phòng cư xá C-7 thì không thấy ai, hoảng hốt tôi đi vòng theo sidewalk để tới hầm trú pháo. Vô cùng may mắn khi tôi thấy một trái 122 ly không nổ, đã cắm sâu xuống nền ciment, cách phòng của vợ con tôi chừng ba thước, (nơi đó vợ con tôi & gia đình Trung-uý Phạm Trung Vân PĐ C7- 431; là em rễ vợ tôi). Trước kia tôi thấy cái hầm nầy, đã bỏ hoang lâu năm, bên trên chỉ có vài lớp bao cát mục nát, tôi nghĩ chúng tôi không nên ở lâu, vả lại tôi không quen “đường sá” trong khu Tân Sơn Nhứt. Vì vậy bất đắt dĩ tôi phải dời gia đình qua dinh Tướng Kỳ lánh tạm, dù sao ở đó cũng kiên cố hơn...

11.- Tôi chứng kiến chiếc trực thăng đáp xuống (khoảng sau 9 giờ sáng) Trưởng phi cơ là Thiếu-tá Quí, anh em Trung-tá Nguyễn Quốc Hưng & Trung-tá Nguyễn Quốc Thành, mỗi người cầm một cây M16. Tướng Kỳ vào nhà, ông cứ đi ra đi vô phòng làm việc nhiều lần. Khi ông bước ngang chỗ tôi đứng, tôi mạo muội hỏi:

- Thưa Thiếu Tướng, Thiếu-Tướng định làm gì bây giờ?
Ý của tôi hỏi Tướng Kỳ, là tôi muốn biết có di tản về Cần Thơ, (như lời ông kêu gọi tại đây đêm 25/4/75 là: “cần đánh một trận oai hùng cuối cùng”)? Chẳng biết ông có nhận ra tôi hay không, ông lắc đầu than:
- Anh em đã bỏ đi hết rồi, lấy ai mà đánh, hở?!

Tôi đồng ý với Tướng Kỳ về việc nầy, vì sau khi tôi đáp xuống Tân Sơn Nhứt chừng 20 phút, tôi nghe rất nhiều tiếng phi cơ đủ loại ào ào cất cánh bay lên... Khoảng 9 giờ 30 phút Tướng Kỳ từ phòng làm việc bước ra, khi đi ngang tôi, Tướng Kỳ nói:
- Mỹ đã từ chối cho tôi (Tướng Kỳ) một chiếc C-141. Nhờ cậu thông báo các thân hữu của tôi tự tìm đường thoát thân sang DAO, hay xuống bến Bạch Đằng.

- Bây giờ tôi đi rước Tướng Trưởng bên Tổng Tham Mưu.
Tướng Kỳ lên máy bay, tôi liền đi chuyển lời của ông cho một số người ở trong nhà nầy, lúc bấy giờ tôi mới biết: có hàng trăm người khác đang “tá túc” trên lầu, trong số đó có cựu Dân Biểu Nguyễn Văn Cử. Điều may mắn là mọi người đã thoát khỏi nguy hiểm, dù có rất nhiều trái pháo rơi xung quanh dinh, nhưng không quả nào lọt vô dinh Tướng Kỳ.
* * *
Tình Hoài Hương

Tác giả chân thành cám ơn Đại úy Không Quân Trần Văn Phúc {(Phi-tuần Trưởng PT Khu-trục Phi-Long 51) và quý vị Không-quân đã có tên trong bài viết} đã cho tôi mạn phép chuyển tải sự thật về ngày 28 & 29 tháng Tư năm 1975: trung thực, chính xác, nóng bỏng, & vô cùng đen tối, hắc ám của lịch sử Việt Nam.
* Đồng thời THH xin phép cám ơn quý vị nhiếp ảnh gia đã post những tấm hình đầy nhân bản lên internet, cho tôi có thể copy vô bài viết, ngỏ hầu phong phú hoá hình ảnh sống động và tài đức & nghệ thuật của quý vị.
*

Tình Hoài Hương

Nguyen Huu Thien
04-28-2018, 10:58 PM
...Vào khoảng 5 giờ sáng 29/4/1975, chiếc AC-119K danh hiệu Tinh Long 7, do Trung-úy Trang Văn Thành làm trưởng phi cơ, cất cánh từ Tân Sơn Nhất để thay thế Tinh Long 6 trong nhiệm vụ bảo vệ căn cứ. Khi trời bắt đầu sáng, Tinh Long 7 đã bất chấp mọi hiểm nguy do hỏa lực phòng không của địch, trong đó có hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7, xuống thấp để tận dụng các khẩu mingun và đại bác 20 ly tấn công địch quân đang tiến về vòng đai phi trường.

Khoảng 7 giờ 30 sáng, chiếc AC-119K bị trúng một hỏa tiễn SA-7 của địch, bốc cháy rồi phát nổ, gẫy làm đôi và đâm xuống đất. Hàng ngàn đồng bào đang chờ di tản ở phi trường Tân Sơn Nhất, và một số phóng viên ngoại quốc đã chứng kiến tận mắt tấm gương can trường bất khuất và sự hy sinh cao cả của Tinh Long 7. Trong phi hành đoàn 9 người chỉ có một người duy nhất sống sót nhưng bị trọng thương là Thượng sĩ xạ thủ Nguyễn Văn Chín.

Cùng khoảng thời gian, chiếc A-1 Skyraider của Thiếu tá Trương Phùng, danh hiệu Phi Long 2, thuộc Phi đoàn khu trục 518 (lúc đó đã rời Biên Hòa về trú đóng tại Tân Sơn Nhất), bay lên chặn địch ở Phú Lâm cũng bị phòng không của địch bắn hạ. Tinh Long 7 và Phi Long 2 được chính thức ghi nhận là hai phi hành đoàn cuối cùng của Không Lực VNCH hy sinh trong nhiệm vụ Bảo Quốc – Trấn Không. (trích Quân Sử Không Quân VNCH)


LEST WE FORGET

https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1524956265-philong2tinhlong7.jpg

(minh họa của Họa sĩ VŨ KHAI CƠ, tức CoHuong)

Tinh Hoai Huong
05-02-2018, 10:37 PM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1525299783-TUONG.jpg

/uploadpics/mp3_pdf1017/1525299925-giua long dat me - truong vu.mp3
Anh hùng Tử Khí Hùng Bất Tử
(43 năm… tưởng niệm quý vị anh dũng hy sinh: Sinh vi tướng, tử vi thần)
Tình HOÀI HƯƠNG
*

Lòng tôi bỗng nhói buốt lên từng cơn rúng động đau điếng, xót xa, bàng hoàng run rẩy khôn tả xiết. Tôi rụng rời, bi phẩn đến cực điểm, điếng lặng, dại khờ, đắng cay, nghẹn ngào, không thể thốt lên tiếng thở dài hoặc nói câu nào. Chúng tôi: trên bước đường ly tán là những lữ hành đơn độc mệt lã, nay xa lạ từ lãnh thổ của chính quê hương mình, đã ôm mặt khóc ròng, hai hàng nước mắt tôi và các bạn đều tuôn chảy. Tôi khóc vì vong gia thất thổ, khóc thân phận con người đớn hèn bọt bèo trôi nổi. Và; bởi chúng tôi ra đi về miền Tây là: Quá hy vọng tin tưởng vào các vị tướng, tá, sĩ quan, các vị quân nhân binh lính oai dũng: vẫn còn đóng chốt kiên cố ở miền Tây, còn giữ vững non sông và dân tộc trong giờ thứ 25.

Nào ngờ… tôi đã mất đất dung thân trên quê hương, nỗi đau đớn ấy nén dưới chiều sâu tâm hồn đã vọt lên tim, lên óc, lên cổ tôi những cục nấc nghẹn ngào tức tưởi theo dòng thời gian chảy về. Bây chừ chúng tôi đã quá tuyệt vọng... vì… máu, nước mắt, và tóc của những vị anh hùng đã vắt xỏa lơ lửng ngang lưng trời -mãi hoài không tan biến. Từ đó bầu trời vần vũ mây xám và tạo thành những cơn mưa triền miên đẫm ướt sông hồ sơn khê Việt Nam!!! Ngờ đâu nay càng thương sầu nuối tiếc những vị anh hùng tuấn kiệt bất hủ đã oanh liệt tuẫn tiết. Chúng tôi thương họ hơn cả sự đau khổ cơ cực, đọa đày, biệt xứ vào những ngày ly tán trong tháng 4: Chúng tôi đã sửng sốt, rụng rời, vì nhiều lần trên đường loạn lạc, tai nghe tin khủng khiếp rõ mồn một từ miệng rất nhiều người tất tả xuôi ngược chạy về nơi nầy, chạy đi nơi khác: Tin tức sốt dẽo nhất là do người dân ngang nhiên xôn xao bàn tán ở hai bến phà: Cần Thơ, và Mỹ Thuận. Người ta nói như một lời khẳng định về vấn nạn miền Nam Việt Nam Cộng Hoà ; rằng:
- Không còn “Tướng, Tá” gì ráo.
- Đừng hòng mà có ý định “mưu đồ” chiếm lại Sài Gòn. Nghe.
- Các vị tướng, tá, úy, thậm chí cả hạ sĩ quan, binh lính, đã hy sinh. Họ cương quyết không chịu khuất phục vô tay bọn cướp nước, nên họ đã tuẫn tiết tự sát kìa. Chết thật rồi...

Khi từ Rạch Giá tìm đường trở lại thủ đô Sài Gòn, chúng tôi lật đật đến thăm những người bạn thân, (họ đang làm lớn trong chính phủ miền Nam Sài Gòn). Các anh bạn của gia đình tôi đã xác nhận rõ ràng: Những vị anh hùng trung liệt bất khuất lừng danh rất đáng kính trọng, đáng ngợi ca ngàn đời, lưu danh thơm thiên cổ ấy, là những vị anh hùng tử khí hùng bất tử. Những vị sinh vi tướng tử vi thần mà sử sách đã vĩnh viễn ghi sau:

*1.- Thiếu Tướng Phạm Văn Phú (1929) Tư Lệnh Quân Ðoàn 2, Quân Khu 2. Tướng Phạm Văn Phú tuần tự giữ các chức vụ chỉ huy:
- 1953.- Ông tốt nghiệp khóa 8 - Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, sau đó phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù.
- 1954.- Đại úy Phạm Văn Phú Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù.
- 7/5/1954, Điện Biên Phủ thất thủ, đại úy Phú bị bắt giam. Sau Hiệp định Genève, ông được thả ra; tiếp tục phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. - 1962 Thiếu Tá Liên-Đoàn-Trưởng Liên-Đoàn Quan-Sát 77 Lực-Lượng Đặc Biệt.
- 1963 Tư Lệnh Phó Sư Ðoàn 2 Bộ-binh Quảng Ngãi.
- 5/1964.- Trung Tá Tham Mưu trưởng Lực Lượng Đặc biệt. - 1966.- Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 1 Bộ Binh.
- 1968.- Chuẩn-tướng Biệt Khu 44 Đồng Tháp Mười, miền Tây.
- 1969.- Chuẩn Tướng Tư Lệnh Lực Lượng Đặc biệt.
- 1970.- Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh - Tư Lệnh Quân Đoàn 4.
- 1973.- 10/1974 - Chỉ-huy-trưởng Trung-Tâm Huấn-luyện Quang Trung.
- 1974.- Tư Lệnh Quân Đoàn 2 và Quân Khu 2 - Tư Lệnh Vùng II Chiến Thuật, Bộ Chỉ Huy đóng tại Pleiku, vùng Cao Nguyên miền Trung.
- 29/4/1975.- Thiếu tướng Trần Văn Phú uống thuốc độc tự tử tại nhà riêng ở đường Gia Long. Ông đã tạ thế ngày 30-4-1975.

*2.- Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam.- (23-09-1927) Tư-lệnh Quân Ðoàn 4. Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam tuần tự giữ các chức vụ chỉ huy:
- 1953.- ông Nguyễn Khoa Nam nhập ngũ Khóa III Thủ Đức - gia nhập binh chủng Nhảy Dù. - - 1965.- Thiếu tá Tiểu-đoàn-trưởng Tiểu đoàn 5 Nhảy dù.
- 1967.- Trung Tá Lữ-đoàn-trưởng Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù. - 1969.- Tư lệnh Sư Đoàn 7 Bộ-binh kiêm Tư lệnh Khu Chiến thuật Tiền Giang. - 1974.- Th/Tg Nguyễn Khoa Nam Tư lệnh Quân-đoàn IV & Vùng IV Chiến thuật.
- Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam dùng súng browning tự sát 01-5-1975.

*3.- Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng.- (27-3-1933 Hốc Môn) Tư-lệnh-phó Quân-đoàn 4.
Ông Lê Văn Hưng: khóa 5 Sĩ quan Trừ bị Thủ Ðức.
Tướng Lê Văn Hưng tuần tự giữ các chức vụ chỉ huy: Ra trường sau đó chỉ huy từ cấp Đại-đội. Tiểu-đoàn. Trung-đoàn thuộc Sư-đoàn 21 Bộ-binh.
- 1966.- Thiếu-tá Tiểu-đoàn-trưởng Tiểu-đoàn 2/Trung-đoàn 31 Bộ-binh.
-1968.- Trung tá Lê Văn Hưng Trung-đoàn-trưởng Trung-đoàn 31 Bộ Binh tại Hậu Giang & thăng Đại-tá Tư-lệnh Sư-đoàn 5 Bộ-binh.
- 6/1971.- Tư lệnh Sư đoàn 5.
- 1972.- Chuẩn-tướng Tư-lệnh-phó Quân-khu 3.
- 1973.- Chuẩn-tướng Tư-lệnh Sư-đoàn 21 Bộ-binh.
- 1974.- Tư-lệnh-phó Quân-đoàn 4.
Chuẩn-tướng Lê Văn Hưng đã tự sát bằng súng lục vào lúc 20g 45’, ngày 30.04.75.

*4.- Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ - (22-8-1933 Sơn Tây). Tư-lệnh Sư- đoàn 5 Bộ-binh. Chuẩn-tướng Lê Nguyên Vỹ tuần tự giữ các chức vụ chỉ huy:
- 1951.- Ông học khóa 2 (Lê Lợi) trường Võ Bị Địa phương Huế. Tốt nghiệp Ðại Học Chỉ Huy Cao Cấp & Tham Mưu tại Mỹ.
- Đại úy Quận-trưởng Bến Cát (Bình Dương). - Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 8 thuộc Sư Ðoàn 5.
- 1965.- Thiếu tá Vỹ tham gia trong chiến trường An Lộc. Thiếu-tá Tư-lệnh-Phó Sư-đoàn 21 Bộ-binh.
- 1972.- Đại Tá Lê Nguyên Vỹ, Phó Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh tại An Lộc.
- 1973.- Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 21 Bộ-binh.
- 1974.- Chuẩn-tướng Tư-lệnh Sư-đoàn 5 Bộ-binh căn cứ Lai Khê (Bình Dương)
- 30-4-1975.- Chuẩn-tướng Lê Nguyên Vỹ tự sát tại Bộ Tư Lệnh Lai Khê.

*5.- Chuẩn-tướng Trần Văn Hai.- (1929 Cần Thơ). Tư-lệnh Sư-đoàn 7 Bộ-binh. Chuẩn-tướng Trần Văn Hai đã tuần tự giữ các chức vụ Chỉ-huy:
- 1951.- Sinh viên Sĩ quan Trường Võ Bị Đà Lạt.
- 1960.- Thụ Huấn Khóa Chỉ-huy Tham-mưu tại Hoa Kỳ.
- 1963.- Thiếu-tá Chỉ-huy-trưởng TT Huấn-luyện Dục-Mỹ.
- 1965.- Trung tá Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng Tỉnh Phú Yên, Chỉ huy các lực lượng Quân Cán Chính. - Tư-lệnh-phó Quân-đoàn 2; Quân-khu 2.
- 1968.- Tổng-giám-đốc Cảnh-sát Quốc-gia. Tết Mậu Thân, đại tá Hai có mặt ở Liên đoàn 5 Biệt Động Quân trong những giờ giao tranh đầu tiên tại Thị Nghè - Hàng Xanh, phụ trách mặt trận Chợ Lớn, Phú Thọ.
- 1970.- Chuẩn-tướng Tư-lệnh Biệt Khu 44.
- 1971.- Chuẩn-tướng Chỉ-huy-trưởng Binh-chủng Biệt-Động-quân.
- 1972.- Chuẩn-tướng Tư-lệnh-Phó Quân-đoàn 2 & Quân-khu 2 Đặc Trách Biên-phòng. - Chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Lam-Sơn, kiêm Chỉ huy trưởng Huấn Khu Dục-Mỹ.
- 1974.- Tư-lệnh Sư-đoàn 7 Bộ-binh, căn cứ Đồng Tâm Tỉnh Định Tường.
Chiều 30.04.1975.- Chuẩn-tướng Hai đã uống thuốc độc tự tử tại văn phòng Tư-lệnh, Ðồng Tâm. Mỹ Tho. Nơi Bộ-tư-lệnh Sư-đoàn 7 Bộ-binh.

*6.- Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn .- (24-3–1938 Vĩnh Thanh Vân. Rạch Giá). Đại Tá Tỉnh Trưởng Chương Thiện. Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn đã tuần tự giữ các chức vụ Chỉ-huy:
- 1947.- Ông gia nhập vào trường Thiếu Sinh Quân.
- 1957.- Liên trường Võ Khoa Thủ Đức. Học chuyên môn: CC1 & CC2 Vũ Khí. Sau 9 tháng thụ huấn ưu hạng, ông làm huấn luyện viên tại trường VKTĐ.
- 1962.- TSQ Hồ Ngọc Cẩn vào trường sĩ quan hiện dịch, Đồng Đế. & thuyên chuyển về Biệt Động Quân vùng 4 Chiến Thuật: Trung-đội-trưởng Tiểu-đoàn 42 Biệt Động Quân. Ông tuần tự phục vụ tại các binh chủng: Dù. Thủy-quân Lục-chiến. Biệt-động-quân. Quân-báo. An-ninh Quân-đội. Lực-lượng Đặc-biệt: Tại các tỉnh Cần-Thơ (Phong-Dinh). Chương-Thiện. Sóc-Trăng (Ba-Xuyên). Bạc-Liêu. Cà-Mau (An-Xuyên).
- Tiểu-đoàn số 42, Tiểu-đoàn Cọp Ba-đầu-Rằn.
- Tiểu-đoàn số 44 Cọp Xám U-Minh Hạ). 1973.
- Đại Tá Tỉnh trưởng Tỉnh Chương Thiện.
- 30-4-1975.- Trong BCH hết đạn dược, ông đã bị bắt tại nơi đồn trú. - 14-8-1975.- Đại tá Hồ Ngọc Cẩn đã bị kết án, xử bắn ở sân vận động tỉnh Cần Thơ, trước sự chứng kiến của đồng bào.

*7.- Ðại-tá Ðặng Sĩ Vinh.- Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia. Lúc 2 giờ ngày 30.04.75, Ðại-tá Vinh, cùng gia đình gồm: Vợ và Bảy người con, đã tự tử bằng súng lục!!! (chồng+Vợ + 7người con= 9 nhân mạng, - xin vui lòng xem phụ trang sau ở dưới bài viết).

*8.- Đại-tá Nguyễn Hữu Thông.- Trung-đoàn-trưởng 42 Bộ Binh, Sư Đoàn 22Bộ Binh - Khóa 16 sĩ quan Võ Bị Đà Lạt. 31/3/1975, tự sát tại Quy Nhơn.

*9.- Đại-tá Lê Cầu.- Trung-đoàn-trưởng 47 Bộ Binh (* mời xem phụ chú dưới bài viết)

*10.- Trung-tá Vũ Đình Duy, Trưởng Đoàn 66 Đơn Vị 101/QLVNCH, tự sát bằng độc dược ngày 30-4-75.
*11.- Trung-tá Nguyễn Văn Hoàn, Trưởng Đoàn 67 Đơn Vị 101/QLVNCH, tự sát bằng súng lục ngày 30-4-1975.

*12.- Trung Tá Đường, & Đại úy Bé... Chỉ huy lực lượng Thám-báo, chết ở chân cầu Vị Thanh 30-4-75.

*13.- Trung-tá Nguyễn Đình Chi.- Cục An Ninh Quân-đội. Tự sát 30-4-75.

*14.- Trung-tá Hà Ngọc Lương.- TT Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang. Tự sát 30-4-75 (cùng vợ, 2 con, 1 cháu).

*15.- Trung-tá Phạm Đức Lợi.- Khóa 5, Thủ Đức. Phụ tá Trưởng Khối Không Ảnh P2/ Bộ TTM; là học giả, văn, thơ, soạn kịch… (bút danh: Phạm Việt Châu), cựu giảng viên SNQĐ, trưởng phái đoàn VNCH Hiệp Định Paris tại Hà Nội. Tự sát tại tư gia ngày 5/5/1975.

*16.- Trung-tá Nguyễn Văn Long.- Sanh năm 1919 tại Gia Hội. Huế.
Ông đã tuần tự giữ các chức vụ: Chỉ-huy Trưởng Phòng. - Chủ Sự. - Ty Cảnh Sát. - Ty Công An. - Khu 1 Đà Nẵng. Chánh Sở Ty Cảnh Sát Quốc Gia Đà Nẵng.
- Ngày 28-3-1975.- Trung-Tá Nguyễn Văn Long được lệnh phải rời Đà Nẵng vào Sài Gòn. Tính tình ông trầm lặng, ít nói, cương trực, mẫu mực, tận tụy, thanh liêm; nên gia đình ông sống rất thanh bạch. Trung tá Long có biệt danh là “Long lý” ; có nghĩa là không thiên vị ai, cứ công lý minh bạch lẽ phải mà thi hành. Khi nghe "tân tổng thống 3 ngày không dân cử", Dương Văn Minh ra lệnh tất cả quân đội: "ở đâu phải ở đó, buông súng, không được kháng cự", để ông Minh bàn giao chính phủ cho ban tiếp quản miền Nam.
- 30-4-1975.- Trung Tá Nguyễn Văn Long đã rút súng tự bắn vào đầu, tuẩn tiết dưới tượng đài Thủy Quân Lục Chiến. Trước trụ sở Quốc Hội. Sài Gòn.

*17.- Trung Tá Nguyễn Xuân Trân.- Khoá 5 Thủ Đức, Ban Ước Tình Tình Báo P2/Bộ TTM. Tự tử ngày 1/5/75.

*18.- Trung-tá Phạm Thế Phiệt.- 30-4-75.

*19.- Thiếu tá Trịnh Tấn Tiếp.- Quận-trưởng Kiến Thiện là một sĩ quan xuất sắc, trí dũng song toàn. Ngày 14-8-1975, Ông đã bị VC xử bắn tại sân vận động Cần Thơ.

*20.- Thiếu-tá Không-quân Nguyễn Gia Tập.- (25-12-1943). Phi-đoàn 514-518, Khu-trục Biên-Hoà. Ông thụ huấn khoá 64D, năm 1964.
- Tốt nghiệp T 28 - ở Randolph AFB – TX. Hoa Kỳ.
- Tốt nghiệp TopGun – Khóa A 1e - tại Hurburt Field, Florida.
- Sĩ quan Liên-lạc trường Huấn-luyện Keesler Hoa Kỳ.
- Làm việc tại: Phi-đoàn Khu-trục 514 - 518 – Biên Hoà.
- Làm việc tại phòng Đặc-trách Khu-trục, Bộ Tư-lệnh Không-quân.
Thiếu tá Nguyễn Gia Tập tự sát bằng súng lục trước sân cờ, trong căn cứ Bộ Tư-lệnh Không-quân.
Thân nhân của Th/tá Nguyễn Gia Tập, đã đem thi thể Th/tá Tập về chôn cất tại Long Khánh. Thiếu tá Nguyễn Gia Tập là vị anh hùng phi công Khu-trục A 1 Skyraider.

*21.- Thiếu-tá Lương Bông.- Phó Ty An Ninh Cần Thơ. Tự sát 30-4-75.

*22.- Thiếu-tá Mã Thành Liên (Nghiã).- Tiểu-đoàn-trưởng 411ĐP, TK Bạc Liêu - khoá 10 Đà Lạt. Tự sát cùng vợ ngày 30-4-75.

*23.- Thiếu-tá Nguyễn Văn Phúc.- Tiểu-đoàn-trưởng, Tiểu Khu Hậu Nghĩa. Tự sát 29/4/1975.

*24.- Thiếu-tá Hải Quân Lê Anh Tuấn.- (1943 – 1975). Xuất thân Khóa 14 Sĩ Quan Hải Quân.
Ông là Chỉ Huy Trưởng Giang Ðoàn 43 phục vụ trên chiến hạm của Hạm Ðội. Duyên Ðoàn 27. Duyên Ðoàn 23. Phòng Tâm Lý Chiến Bộ Tư Lệnh Hải Quân.
Khi nghe lệnh từ ông Dương Văn Minh bắt buộc quân nhân buông vũ khí, giao đất nước Việt Nam vào tay giặc, thì Thiếu-tá Tuấn đứng trên chiếc soái đỉnh dùng súng colt bắn vào đầu tự sát, ông gục ngay trên tấm bản đồ hành quân.

*25.- Thiếu-tá Đỗ văn Phát: Quận Trưởng (kiêm Chi Khu Thạnh Trị Ba Xuyên. Đại Đội Trưởng Đại Đội 1 Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 33, Sư Đoàn 21 Bộ Binh), đã tuẫn tiết ngày 1/5/1975.

*26.- Thiếu-tá Trần Thế Anh.- Đơn vị 101. Tự sát ngày 30/4/75

*27.- Thiếu tá Trần Đình Tự.- Tiểu-đoàn-trưởng Tiểu đoàn 38 Biệt Động Quân.
11 giờ sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975.- tại trung tâm hành quân của Liên Đoàn 32 BĐQ, Trung-tá Liên Đoàn-trưởng Lê Bảo Toàn nhận được lệnh từ cấp chỉ huy Quân Đoàn: “Hãy ngưng bắn ngay lập tức, ở yên tại chỗ, để đợi phía bên kia đến bàn giao khu vực.”- Lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng trong đời Th/t Trần Đình Tự đã cưỡng lệnh cấp chỉ huy. Sau khi nhận lệnh buông súng, ông nói: "Tôi sẽ ở lại đánh nữa, tôi không đầu hàng. Tôi không thể nào để lọt vào tay tụi nó lần nữa"...
Nhưng anh Tự không còn nữa, đã tử trận. Tên giặc Cộng rút con dao găm của anh Tự đeo bên hông, nó đâm mạnh vào bụng Trần Đình Tự, rọc mạnh xuống phía dưới. Ruột anh Tự lòi tuột ra ngoài. Chưa hả, nó còn ngoáy mạnh mũi dao vào tận trong bụng anh Tự. Anh Tự hét lên bi ai và nghẹn uất, đổ sụm xuống oằn mình giật từng cơn trong vũng máu đỏ. (xin xem phụ trang ở dưới).

*28.- Đại-úy Vũ Khắc Cẩn.- Ban 3 Tiểu-khu Quảng Ngãi. Tự sát 30-4-75.

*29.- Đại-úy Tạ Hữu Di.- Tiểu Đoàn Phó 211 Tỉnh Chương Thiện. Tự sát 30-4-75.

*30.- Đại Úy Nguyễn Văn Hựu, Trưởng ban văn khố P2/Bộ TTM. Tự sát sáng 30/4/75 tại P2/Bộ TTM.

*31.- Đại-úy Nguyễn Hòa Dương.- Trường Quân-Cảnh Vũng Tàu. Tự sát 30-4-75 tại trường.

*32.- Trung-úy Đặng Trần Vinh.- Phòng 2, Bộ TTM. (con của Thiếu-tá Đặng Sĩ Vinh). Tự sát cùng vợ con 30/4/1975.

*33.- Trung-úy Nghiêm Viết Thảo.- Khóa 1/70 Thủ Đức. An Ninh Quân đội. Tự tử tại Kiến Hòa.

*34.- Trung-úy Nguyễn Văn Cảnh.- CSQG Trưởng-cuộc Vân Đồn. Quận 8. Tự sát 30-4075.

*35.- Thiếu-úy Không-quân Nguyễn Thanh Quan.- Khóa 1/70. PĐ 110 Quan-sát. Tự tử 30-4-75 tại Kiến Hòa.

*36.- Thiếu-úy Nguyễn Phụng.- Cảnh Sát ĐB. Tự sát 30-4-75 , tại Thanh Đa.

*37.- Thiếu úy Nhảy Dù Hoàng Văn Thái.- Khóa 5/69 Thủ Đức. Tại một bùng binh ở ngã 6 Chợ Lớn, Thiếu uý Thái và một nhóm 7 người bạn, mỗi người một quả lựu đạn, họ cùng mở chốt, để tự kết liễu đời mình vào ngày 30-4-1975.
Họ là một toán Nhảy Dù về bảo vệ Đài-phát-thanh. Đài Truyền-hình Việt Nam.

*38.- Chuẩn-úy Đỗ Công Chính.- TĐ 12 Nhảy Dù. Tự sát tại cầu Phan Thanh Giản.

*39.- Thượng Sĩ Phạm Xuân Thanh.- Trường Truyền-tin Vũng Tàu. Tự sát 30-4-75 tại sân trường.

*40.- Thượng sĩ Bùi Quang Bộ.- Trường Truyền Tin Vũng Tàu. Tự sát ngày 30/4/1975 cùng gia đình 9 người tại Vũng Tàu.

*41.- Trung sĩ I Trần Minh.- Quân Cảnh, ông gác ở Bộ TTM. Tự sát 30.4-75.

*42.- Trung-sĩ Nhất Vũ Tiến Quang.- (10-9-1956 Kiên Hưng, Tỉnh Chương Thiện). 2-9-1969.- Vũ Tiến Quang vào trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam.
- 1972.- Ông Vũ Tiến Quang có chứng chỉ 1 Bộ Binh. Phục vụ tại Trung-đội Trinh-sát của Trung-đoàn 31 (Cà Mau).
Trung sĩ Vũ Tiến Quang làm thông dịch viên (cho cố vấn thiếu úy Hummer).
- 1972.- Vũ Tiến Quang có chứng chỉ 1 Bộ Binh.
- 1974.- Sau khi có chứng chỉ 2 Bộ Binh, Trung-sĩ Quang về sư đoàn 21 Bộ Binh Tiểu-đoàn Ngạc Thần (tiểu đoàn 2 Trung đoàn 31 Bộ Binh đóng tại Chương Thiện. (xin xem phụ trang sau)

*43.- Nguyễn Xuân Trân.- Khóa 5 Thủ Đức. Tự sát 01-5-75.

*44.- Binh Nhì Hồ Chí Tâm.- TĐ 490. ĐP. (Mãnh Sư) Tiểu Khu Ba Xuyên. Cà Mau. Dùng súng M 16 tự sát ngày 30-4-75 tại Đầm Cùn, Cà Mau.

*45.- Luật sư Trần Chánh Thành.- Cựu Bộ-trưởng Thông-tin Đệ Nhất Cộng Hòa- Nguyên Thượng-nghị-sĩ đệ II Cộng Hòa. Tự sát ngày 3/5/75.

*46.- 6 toán thám sát của LĐ.81/Biệt Cách Nhảy Dù trong chiến khu D... 6 toán thám sát LĐ.81/Biệt Cách Nhảy Dù được trực thăng thả sâu trong mật khu VC. (xin xem phụ trang sau)

*47.- Qúy Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa: Địa Phương Quân. Nghĩa Quân... & ... vô danh ẩn tích. Và còn nhiều!... Rất nhiều chiến sĩ anh hùng vô danh ẩn tích khác.
Và còn nhiều!... Rất nhiều chiến sĩ anh hùng vô danh ẩn tích khác. Họ là những anh hùng vị quốc vong thân. Những bậc anh tài sinh vi tướng, tử vi thần. Là những vị anh hùng tử khí hùng bất tử! Họ là những anh hùng kiện tướng, đầy nhiệt huyết, yêu đồng đội, hy sinh vì dân, vì đất nước quê hương. Nhất là vì danh dự của một quân nhân Vịêt Nam Cộng Hoà. Họ rất anh dũng tự quyết định mạng sống mình, họ không chịu khuất phục địch.
Giống như chí sĩ Trần Hữu Lực thời xưa đã có câu tuyệt mệnh:
“Non sông đã chết. Ta há lại sống thừa. Từ mười năm giũa kiếm, mài dao. Chí mạnh, những mong phò tổ quốc. Lông cánh chưa thành. Việc bỗng đâu hoá hỏng. Dưới chín suối điều binh khiển tướng, hồn nhiên ngầm giúp bọn thiếu niên…”

Đó là sự trả giá tuyệt vời rất đáng kính trọng của một con người coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, qua nhân cách sống của một quân nhân QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ - HỌ đặt tổ quốc - trách nhiệm - danh dự - lên hàng đầu-. Một sự tuẫn tiết vô cùng quan trọng, rất đắt giá về sự: Vinh quang. Chiến thắng. Bi lụy. Can trường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng; cho đến khi thủ đô Sài Gòn hòn ngọc viễn đông hùng tráng bi phẫn đã đớn đau vỡ vụn! Họ không hề đầu hàng "thua cuộc"! HỌ vì lý tưởng tự do ưu trội thật cao vời. Và, vì sự bất tử cao cả, hiên ngang đầy oanh liệt. Kiên cường. Bất khuất của người lính Việt Nam Cộng Hoà quá dũng khí, oai phong lẫm liệt. Ôi! Họ đã lưu danh thơm lẫy lừng thiên cổ.

Qúy ông ấy đã anh dũng, hiên ngang đứng vững giữa non sông gấm vóc trong quê cha đất tổ. Họ vĩnh viễn nằm lại trên dãi đất hình chữ S cong cong. Máu của họ đã chan hòa chảy ra - nhào trộn với đất phù sa đẫm ướt cả lòng quê. Hai tay họ thân ái ôm trọn quê hương ghì siết ở trong lòng. Họ đã bất khuất và vẻ vang sống mãi trong dòng lịch sử dân tộc Việt Nam có bốn ngàn năm văn hiến. Lão Tử đã có câu:
“Để thân mình lại sau. Thế mà thân mình đứng trước. Gác thân mình ra ngoài. Thế mà thân mình vẫn còn".
Trân trọng lắm thay!
*

Tình Hoài Hương

* * *

Phần phụ chú quan trọng:

*.- Thiếu tướng Phạm Văn Phú.- 10-3-1975.-
Trận chiến Ban Mê Thuột bùng nổ. Ngày 14/3/1975, có cuộc họp đặc biệt tại Cam Ranh. Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú triệt thoái toàn bộ Quân Đoàn 2 ra khỏi Cao nguyên.
- 1 giờ 45’ – 2/4/1975, Quân Khu 2 được lệnh sát nhập vào Quân Khu 3. Bấy giờ Thiếu tướng Phú đã có ý định tự tử, nhưng bất thành.
- 15/4/1975: Tướng Phú lâm bệnh, phải điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Sau đó về tư gia. 29/4/1975. Thiếu tướng Trần Văn Phú đã uống thuốc độc tự tử tại nhà riêng ở đường Gia Long. Thân nhân đưa ông vào bệnh viện Grall (Đồn Đất) Sài Gòn, nhưng không cứu kịp. Ông đã tạ thế ngày 30-4-1975.

*.- Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam: là một quân nhân đức độ, hiền hòa giản dị; không hề bị tai tiếng tham nhũng, ông thương yêu thuộc quyền như em cháu, được hầu hết binh sĩ kính trọng yêu mến. Khi nghe tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh tất cả quân đội buông súng, Thiếu Tướng Nam đi vào Quân Y Viện Phan Thanh Giản, ở Cần Thơ, thăm chiến hữu thương binh an ủi họ lần cuối cùng. Ông trở về dinh Tư Lệnh ở Cái Khế, Thiếu Tướng Nam đưa khẩu Browning lên bắn vào màng tang lúc 7:00 giờ sáng ngày 1-5-1975’.
Lúc đó VC đã tiến vào Cần Thơ. Nhưng anh em tham mưu đã cố gắng lo chôn cất tử tế... Rồi anh em chạy về dấu hết súng, và xoi một cái lỗ nhỏ, để nhìn vào phòng của Tướng Nguyễn Khoa Nam. Nhưng không ngờ... trong ngăn kéo của Tướng Nam còn cây súng nhỏ. Các sĩ quan tự lo chôn cất ông, họ trân trọng kính cẩn nghiêm chào thi thể ông trong Nghĩa Trang Quân Đội Cần Thơ.

*.- Anh Phong cũng kể sự nhân đức của Tướng Nam: Lúc Tướng Trương Dành Oai, đem mấy người ở Cần Thơ xuống tàu, chạy ra biển. Thì Tướng Nam ra lệnh:
- Phải quay trở lại. Nếu không sẽ bị pháo dập.
Tất cả chờ lệnh của Tướng Nam. Khi con tàu sắp vượt ra biển. Tướng Nam buồn bã nói:
- Để họ đi...
... Và Tướng Nam thở dài buông điện thoại xuống.

*- Tôi; (đại úy Không-Quân Trần Văn Phúc) có một kỷ niệm khó quên với Tướng Nguyễn Khoa Nam:
Năm giờ sáng ngày 11/4/75 tôi nhấc điện thoại, nghe từ đầu dây:
- Tôi, Tướng Nam Tư lệnh Quân Đoàn 4, cho tôi gặp phi tuần trưởng phi vụ Phi Long 71.
Đang mớ ngủ, nhưng hồn phi phách tán, tôi vội trả lời.
- Dạ thưa Thiếu Tướng, là tôi…
- Anh cho tôi biết tên tuổi, cấp bậc, số quân?

Tôi thầm nghĩ: (bụng làm dạ chịu, phen nầy chắc chắn là mình "ngồi trong hộp" ít nhất 30 ngày, (như trong số tử vi đã nói. Chẳng lẽ đêm hôm ấy tôi thả bom lầm vào quân bạn sao đây ha!? Lạy trời đừng chết ai nha).
Ngừng giây lát, ông Tư Lệnh QĐ4 hỏi thêm tên phi hành đoàn của tôi, và phi hành đoàn bay trước đó. Tôi vừa đánh thức anh em dậy, vừa suy nghĩ: “Ui ! Có đại sự gì đây? Không lẽ cả hai phi tuần đều ném bom lầm vào quân bạn hay sao? Chắc là có to chuyện gì rồi!!! Không. Không... không đâu”.

Cuối cùng Tướng Nam nhân danh Tư lệnh QĐ4 tuyên dương công trạng năm anh em chúng tôi trước Quân Đoàn với ngôi sao vàng; và thay mặt đồng bào Thị xã Cần Thơ, Tướng Tư Lệnh cảm tạ chúng tôi đã lấy lại 2 khẩu đại bác 105 ly (bị mất ở quận Bình Minh), và dân chúng Cần Thơ đã tránh được một cuộc đổ máu kinh dị. Nghe xong cả người tôi nhẹ lâng lâng như muốn bay lên Trời, may quá, suýt chút xíu nữa thì tôi vọt miệng thưa:
- Dạ thưa Thiếu Tướng "rượu đậu nành" thả bom, chớ không phải do tôi ạ!!!
Có thể ông Tư Lệnh QĐ4 đã biết vận mệnh miền Nam Việt Nam sẽ đi về đâu; nên ông tướng khả kính mới phá lệ gắn huy chương qua điện thoại chăng??

- *Anh Ó Đen: Lúc còn ở tù, tôi, (Oden03) nằm sát bên Trung Tá Trưởng-phòng 2/ Q.Đ.4, là anh Nguyễn Đạt Phong có kể:
Lúc nghe phu nhân của Tướng Lê Hưng gọi, anh em tham mưu QĐ chạy qua, thì thấy 2 người nằm dưới nền nhà đầy máu, nên anh em đều tưởng cả 2 người chết. Nhưng phu nhân chỉ ôm Tướng Hưng, và yêu cầu cho chôn cất theo lễ nghi quân cách.

* Chuẩn-tướng Lê Nguyên Vỹ.- Bao lần Cộng-quân phía ở Đông Bắc không thể vượt qua căn cứ Lai Khê, mặc dù lực lượng họ đông gấp bội. Ông tận tâm làm việc, lo xây dựng tu bổ hệ thống phòng thủ kiên cố, và nhiệt tâm huấn luyện binh sĩ. Chuẩn-tướng Lê Nguyên Vỹ là một sĩ quan mẫn cán, quả cảm, có tài tham mưu. Một cấp chỉ huy thanh liêm, nổi tiếng về tinh thần dũng cảm, cương quyết chống cộng, bài trừ tham nhũng. Ông có cá tính trung trực dũng cảm và nóng như lửa.
- Ngày 30-4-1975 - khi nghe "Tổng thống ba ngày" Dương Văn Minh ra lệnh: "quân đội VNCH buông súng đầu hàng".
Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ cho binh sĩ treo cờ trắng trên hành dinh. Chuẩn tướng Vỹ liền triệu tập sĩ quan và binh sĩ dưới quyền, Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ dõng dạc tuyên bố:
- “Tôi không thể thi hành lệnh này. Tôi cần chọn riêng cho tôi con đường phải đi".
Ông oai dũng bình tĩnh nghiêm trang đứng dưới cột cờ của Bộ Tư Lệnh. Chuẩn-tướng Lê Nguyên Vỹ rút khẩu súng beretta 6.35 giơ lên tự bắn vào đầu, để tuẫn tiết vì quê hương. Ông tự sát lúc 11 giờ, ngày 30.04.75, tại Tổng-hành-dinh Lai Khê. Thi thể Chuẩn-tướng Lê Nguyên Vỹ an táng trong rừng cao su, (gần doanh trại Bộ Tư Lệnh). Lâu năm sau đó thân nhân cải táng về ở Hạnh Thông Tây, Gò Vấp.

*.- Chuẩn tướng Trần Văn Hai là một sĩ quan trong sạch, dũng cảm, đúng tư cách của một quân nhân. Trước khi đi Pleiku, làm Tư Lịnh Phó Quân Đoàn 2, (tháng 5/72) Ch/tg Trần Văn Hai đặt điều kiện với Tổng Thống Thiệu:
- "Khi nào giải toả núi Chupao, và 3 Quận phía Bắc Bình Định xong. Tôi sẽ rời chức vụ".
Khoảng ba tháng sau, ông hoàn thành nhiệm vụ, & về làm Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bô-binh.
Vì ông không thể làm việc được với Tướng Toàn. Sau khi nhậm chức, ông không ở Pleiku, mà đặt Bộ-Chỉ-Huy Tham Mưu Tiền Phương tại Plei Mrong. Xa khoảng 10 dặm Tây Bắc Pleiku, cùng với Liên Đoàn 2 Biệt-Động-Quân.
- 1969, lúc đó còn là Đại tá Trần Văn Hai trở lại Phú Yên. Trong thời gian làm tỉnh trưởng Phú Yên, tướng Hai đã đối xử với dân khá tốt và hiền đức, nên được dân vô cùng quí trọng. Đại tá Hai tuy giữ chức vụ cao cấp nhứt trong ngành cảnh sát, khi lên tướng, ông Hai vẫn thường xuyên ghé thăm các thuộc cấp cũ trong Biệt Động Quân. Một điều mà những ai ở vào địa vị của ông, rất ít khi làm. Năm 1965 thì được bổ nhiệm vào chức vụ Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng Phú Yên. Trong thời gian tại chức, ông đã chỉ huy các lực lượng Quân Cán Chính trong Tỉnh, bẻ gẫy những cuộc tấn công của Việt Cộng xuất phát từ mật khu Vũng Rô. Quân đội ta nhiều khi còn tổ chức những cuộc hành quân vào tận sào huyệt này. (THH trích dẫn từ Wikipedia).
Đầu năm 1966, phu nhơn của Thiếu tướng Vĩnh Lộc, Tư lệnh Quân Đoàn II và Quân khu 2 - ( nữ ca sĩ Minh Hiếu) tới Phú Yên có việc riêng, và lệnh của tướng Vĩnh Lộc là: "phải đón tiếp chu đáo".
Thiếu tá Hai lúc đó đã được thăng cấp Trung-tá quyết định: dùng tiền riêng thuê xe dân sự đưa đón bà, thay vì dùng công xa.
Vì chuyện này, mà Trung-tá Hai mất chức Tỉnh-trưởng, với lý do: "không hoàn tất chu đáo nhiệm vụ". Ngày ông ra phi trường đi đáo nhậm đơn vị mới, quân dân cán chính ra tiễn đưa rất đông. Không ít người đã nhỏ lệ tiễn đưa ông.
- Năm 1969, Đại tá Trần Văn Hai trở lại Phú Yên, để xem xét việc thực thi một số kế hoạch trong chiến dịch Phượng Hoàng, đã đem theo rất nhiều quà để tặng dân chúng. Ông được quân dân tiếp đón hơn cả một thượng khách cao quý, và như một người ruột thịt - khiến cho một trong những người tháp tùng ông lúc đó là Trung-tá Lê Xuân Nhuận, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Đặc Biệt Khu II đã ngạc nhiên. Và sau này có thuật lại trong cuốn hồi ký "Cảnh Sát Hoá, Quốc Sách Yểu Tử của Việt Nam Cộng Hoà" rằng: "chắc hẳn là trong thời gian làm Tỉnh- trưởng Phú Yên, Tướng Hai đã đối xử với dân chúng tốt hết mực, nên mới được quí trọng làm vậy". (trích nguyên văn trong QT.ĐĐ.THSQ.QLVNCH & THH trích dẫn từ Wikipedia).

* Đại tá Hồ Ngọc Cẩn.- Trước ngày 30-4-1975, Đại tá Tỉnh Trưởng Hồ Ngọc Cẩn và một nhóm sĩ quan, binh sĩ... ở trong Tiểu Khu Chương Thiện, họ vẫn nhịn đói nhịn khát, chiến đấu quyết liệt, đến ngày 30-4-75 khi trong Tiểu khu không còn một viên đạn nào, và thức ăn nước uống không có một giọt! Ðại-tá Hồ Ngọc Cẩn & một tốp sĩ quan binh sĩ vẫn quyết tử thủ, để bảo vệ đồn bót. Sau cùng khi ông nghe tin muộn là tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh quân đội buông súng, Đại Tá Cẩn cho thuộc cấp tan hàng, chỉ còn một tướng, một binh, một chốt trong hầm. Họ đã bị Cộng-sản bắt tại hầm chỉ huy. 14-8-1975.- Đại tá Hồ Ngọc Cẩn bị lên án, Việt Cộng làm pháp trường đem ông ra xử bắn trước đồng bào.
Trước khi bị xử tử ông chính khí nói to:
- “Tôi chỉ có một mình, trong tay tôi không có súng. Tôi không đầu hàng ai. Muốn bắn cứ bắn đi. “Ninh Thọ tử bất ninh thọ nhục” (thà chết không chịu nhục). Nhưng, trước khi bắn tôi, hãy cho tôi mặc bộ quân phục và chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa. Cũng như các anh không cần phải bịt mắt tôi, để cho tôi nhìn thấy rõ quê hương và đồng bào lần cuối cùng. Việt Nam Cộng Hòa muôn năm. Đả đảo Cộng sản... (trích dẫn trong Wikipedia).
Tất nhiên là người công giáo thì ông không được phép tự tử - (cho dù tuẫn tiết), nhưng chuyện xử bắn một vị anh hùng suốt đời thanh liêm, tận tụy vì quê hương và dân tộc, thì dường như Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn đã chết vì “đạo - Tổ Quốc & Quê Hương” trên hết. Lời đề nghị của Đại-tá Hồ Ngọc Cẩn chỉ được một phần: là “không bịt mắt”, để ông thân ái mở to đôi mắt nhìn rõ đời, trước lúc Đại tá Cẩn hiên ngang anh dũng đi thẳng vào họng súng... vĩnh biệt thế gian, ông cất cánh bay về thiên đàng, (nơi miền đất hứa trên chốn bồng lai tiên cảnh: bác ái, vị tha, yêu thương & tự do muôn năm...)

*.- Major Dang Si Vinh.- He moved in our neighborhood sometime in early 1974. His family - wife and seven children - soon earned sympathy from people along the paved alley of a Saigon suburb where most inhabitants were in lower middle class. His eldest son was about thirty years old and a first lieutenant in the Army Medical branch after graduated pharmacist from the Medical School. The youngest was a 15-year-old pretty girl. It would have been a happy family if Saigon had not fallen to the hands of the Communist North Vietnam army.
That was what people in the neighborhood said about the middle-aged RVN Army Major Dang Si Vinh, who was holding a job in the National Police Headquarters in Saigon. At about 2:00 PM on April 30, 1975, almost two hours after RVN President Duong Van Minh surrendered to the Communists, people near by heard several pistol reports from his home. After hesitating for safety, his neighbors got into his home to find Major Vinh, his wife and his seven children lying each on a single mattress, all dead, each by one .45 caliber bullet that gushed pools of blood from the horrible holes at their temples.
On a long dining table, decent meals had been served and eaten as if in an usual and peaceful dinner. There were nine small glasses, all had traces of a pink powder left at their bottoms. Apparently, Maj. Vinh and his relatives had taken the drug - probably sleeping pills - before Vinh gave each a finishing stroke with his .45 pistol. In an open small safe he left some hundreds of thousands South Vietnam piasters, rated about 500 dollars at the time, an indication of his poor circumstances as an army major. On the note along with the money, Vinh wrote: "Dear neighbors," "Forgive us. Because our family would not live under the Communist regime, we have to end our lives this way that might be bothering you. Please inform my only sibling, a sister named ... at... and use this money to help her bury us anywhere. "
Thank you, Dang Si Vinh.

*.- Anh Hoàng Hùng KQ2 dịch từ Major Dang Si Vinh : Vào khoảng đầu năm 1974, Th/Tá Vinh, vợ và 7 người con dọn về sinh sống ở một khu bình dân, ngoài ngoại ô vùng Sài Gòn. Theo một người hàng xóm cho biết. Và sau một thời gian rất ngắn, gia đình của Th/Tá Vinh được sự thông cảm, và quí mến của bà con lối xóm. Người con trai đầu lòng (của Th/Tá Vinh chừng 30 tuổi), Tr/Uy Quân Y, sau khi tốt nghiệp trường Dược (Pharmacist Of medical School), và người con gái út khoảng 15 tuổi.
Gia Đình của Th/Tá Vinh là một gia đình sung sướng, hạnh phúc, nếu Sài Gòn đừng có rơi vào tay bọn Cộng-sản miền Bắc. Theo lời kể lại của hàng xóm về chuyện Th/Tá Vinh, người nắm một chức vụ trong Bộ Cảnh Sát Quốc Gia tại Sài Gòn. Chừng 2 giờ chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh buông súng đầu hàng, thì bà con xung quanh kề cận với gia đình Th/Tá Vinh, nghe vài tiếng súng nổ, xuất phát từ trong nhà của Th/Tá Vinh. Sau khi thấy không còn nguy hiểm, thì những người lối xóm bước vô trong nhà của Th/Tá Vinh. Họ đã chứng kiến Th/Tá Vinh, vợ, và 7 người con nằm kế bên nhau, trên một chiếc giường, tất cả đều đã chết, do thương tích từ viên đạn xuyên qua thái dương. Kế bên là bàn ăn, là bữa ăn rất tươm tất. Kế đó là 9 cái ly uống nước trên bàn, mối cái ly đều có dấu vết tích để lại một chất bột màu hồng, đọng lại dưới đáy mỗi cái ly.
Có lẽ đây là thuốc ngủ, mà trước đó Th/Tá Vinh đã cho mỗi người trong gia đình uống. Sau đó tử tự bằng súng lục Colt45. Một cái tủ sắt đã mở sẵn, Th/Tá Vinh đã để lại vài trăm ngàn đồng tiền mặt, tương đương chừng $500 US dollars, cùng với một bức thư ngắn, do chính tay Th/Tá Vinh viết:
- “Bà Con mến, Mong Bà Con niệm tình tha thứ cho gia đình chúng tôi, bởi vì chúng tôi không muốn sống dưới chế độ Cộng-sản này. Nên chúng tôi đã chọn cái chết, và chính cái chết đó, có thể đem lại sự buồn phiền đến với bà con. Xin nhờ bà con báo tin này đến người chị (em) của tôi tên là ..., ở ..., và dùng số tiền này, để lo chôn cất cho gia đình chúng tôi. Xin đa tạ Đặng Sĩ Vinh”.

* Thiếu tá Trần Đình Tự Tiểu-đoàn-trưởng Tiểu-đoàn 38 Biệt Động Quân.
- 11giờ sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975, tại trung tâm hành quân của Liên Đoàn 32 BĐQ, Trung tá Liên Đoàn-trưởng Lê Bảo Toàn nhận được lệnh từ cấp chỉ huy Quân Đoàn:
- “Hãy ngưng bắn ngay lập tức, ở yên tại chỗ - để đợi phía bên kia đến bàn giao khu vực.”
Trung tá Toàn chết sững, buông cái ống liên hợp máy truyền tin rớt xuống đầu người lính truyền tin đang ngồi dưới chân. Ông đổ vật xuống chiếc ghế như cây chuối bị đốn ngang. Ông gượng dậy để lấy lại bản lãnh. Sau cú “Sốc”, Trung tá Lê Bảo Toàn đã điềm tĩnh trở lại, ông cầm máy gọi lần lượt từng Tiểu-đoàn-Trưởng:
- Tiểu-đoàn 30 Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Khoan.
- Tiểu đoàn 33 Thiếu tá Đinh Trọng Cường.
- Tiểu đoàn 38 Thiếu Tá Trần Đình Tự.
Lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng trong đời Th/t Trần Đình Tự đã cưỡng lệnh cấp chỉ huy. Sau khi nhận lệnh buông súng và lời chào của Trung-tá Liên-đoàn-trưởng, anh quay qua Đại-úy Tiểu-đoàn-phó Xường:
- Anh Xường, tôi vừa nhận lệnh mình phải buông súng đầu hàng. Đây là lần chót, tôi yêu cầu anh và cũng là lệnh:
- Anh nói cho các đại đội trưởng và thay tôi dẫn đơn vị ra điểm tập trung. Tôi sẽ ở lại, đánh nữa, tôi không đầu hàng, anh hiểu cho! Tôi không khi nào để lọt vào tay tụi nó lần nữa". Tiếp đó, anh cho tập trung Bộ Chỉ Huy, trung đội thám báo, nói với họ đã có lệnh quy hàng, các anh em sẽ theo lệnh của đại úy Tiểu-đoàn-phó, còn ai muốn ở lại với anh đến giờ chót, thì đứng riêng một bên.
- Lần lượt số người tách khỏi hàng được gần 40 chiến sĩ. Trần Đình Tự đưa tay chào Đại úy Xường và các quân nhân dưới quyền, rồi anh dẫn những người quyết tử tiến vào khu vực vườn khoai mì để tiếp tục “Ăn thua đủ” với địch. Tên chỉ huy của giặc Cộng tiến về phía anh Tự, lớn tiếng lăng nhục QLVNCH, và chỉ ngay mặt anh Tự thóa mạ thậm tệ, rồi bắt anh cởi áo quần (Lon Thiếu-tá may dính trên cổ áo). Anh Tự đứng yên nhất định không chịu.
Tên chỉ huy VC mắt nổi gân máu, tiến đến sát Tự, tay giật mạnh bung hai hàng nút từ cổ xuống đến bụng. Tên giặc Cộng rút luôn con dao găm anh Tự đeo bên hông, nó đâm mạnh vào bụng anh Trần Đình Tự, rọc mạnh xuống phía dưới. Ruột anh Tự lòi tuột ra ngoài. Chưa hả, nó còn ngoáy mạnh mũi dao vào tận trong bụng anh Tự. Anh Tự hét lên bi ai và nghẹn uất, đổ sụm xuống oằn mình giật từng cơn trong vũng máu. Đồng thời với hành động dã thú ấy, tên giặc nghiêng đầu nhìn anh Tự rồi nói gọn:
- “Đem những thằng này bắn hết đi! Toàn là thứ ác ôn cả đấy”!

*.- Tám quân nhân còn lại bị dẫn ra phía sau trường đễ chúng bắn xối xả mấy loạt AK 47. Xác họ bị quăng xuống cái đìa gần đó. Bọn VC dẫn nhau đi. Sự đền nợ nước của Th/t Trần Đình Tự là do lời thuật lại của Đại-úy Xường, Tiểu đoàn-phó Tiểu-đoàn 38 BĐQ. (nay anh Xường đã hy sinh trong trại tù CS Nghệ Tĩnh, năm 1979). Tôi gặp anh Xường lúc ở trại 8 Yên Bái năm 1997. Anh Xường bị VC bóp cổ chết trong ngục thất, vì sau nhiều lần trốn trại anh đều bị bắt. Xường xuất thân khóa 22 A Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

Người thứ hai thuật lại những giờ phút sau cùng của cố Thiếu-tá Trần Đình Tự là người lính Mũ Nâu mang máy truyền tin cho Th/t Tự – cũng bị tàn sát chiều ngày 30 04 75 một lượt với Tự và các anh em khác. - May mắn, chỉ có Đức Trọc (tên anh ta) bị thương giả chết, chờ VC đi xa rồi, anh ráng bò vào nhà dân, được dân dấu diếm băng bó, rồi thuê xe Lam chở anh về Saigòn. Đức ráng sống, ráng tìm cách vượt biên sang Mỹ, để sau đó, kể lại cái chết đau buồn của thiếu tá Tự và đồng đội cho mọi người nghe. ( trích từ Cánh Thép do baotri sưu tầm & Reply ghi lại: May-02-11 22:40)

*.- Trung-sĩ Nhất Vũ Tiến Quang.- (10-9-1956 Kiên Hưng, tỉnh Chương Thiện). 2-9-1969.-
1975.- Vũ Tiến Quang thăng Trung-sĩ-nhất. Ngày 1-2-1975.- Ông Quang nổi tiếng trong trận đánh tại Thới Lai, Cờ Đỏ. Trung-sĩ Nhất Quang được tuyên dương trước quân đội, gắn huy chương Anh Dũng. Đơn vị Quang theo là trung đội trinh sát của trung đoàn 31 (Cà Mau).
30 tháng 4 năm 1975.- Vì tất cả đạn dược, lựu đạn, đạn M79 đã hết. Cuối cùng chỉ còn một ổ súng trong hầm chiến đấu cũng hết đạn.
- Do có một quả lựu đạn cay ném vào trong hầm Cộng Sản vào hầm lôi ra hai người: Đó là Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu khu trưởng; và Trung-sĩ Nhất 19 tuổi: Vũ Tiến Quang. Họ đã anh dũng chiến đấu tới khi không còn một viên đạn cuối cùng, không chịu khuất phục đầu hàng. Trung-sĩ Nhất Vũ Tiến Quang bị Cộng-sản bắn ngay tại chỗ chết lúc 15 giờ, ngày 30-4-1975.

* 6 toán thám sát của LĐ.81/Biệt Cách Nhảy Dù trong chiến khu D... 6 toán thám sát LĐ.81/Biệt Cách Nhảy Dù được trực thăng thả sâu trong mật khu VC. Toán nầy làm việc bằng máy PRC25, UHF-1, nên phải qua hệ thống trạm chuyển tiếp (Radio Relay Station) bằng phi cơ L-19, hoặc các đài tiếp vận truyền tin ở các núi cao.
Sau ngày 29 /4/75; họ đã hoàn toàn mất liên lạc bằng truyền tin với bộ chỉ huy LĐ81/BCND. Vì những đài yểm trợ tiếp vận truyền tin không còn, đã bỏ cửa trống không hoạt động. Các đài nầy cũng không hề thông báo cho những cộng tác viên thám sát biết tình trạng đất nước Việt Nam vào những ngày cuối cùng dầu sôi lửa bỏng ra sao!? Ôi! Đau khổ là các toán thám sát không hề hay biết lệnh buông súng đầu hàng ác ôn của T.T Dương văn Minh ngày 30/4/75.
Nên Mười tám (18) anh em thám sát của LĐ.81/BCND của 3 toán thám sát nầy, khi đó lương khô 5 ngày đã cạn, họ đã phải nhịn đói, mưu sinh thoát hiểm, lặn lội từ rừng sâu về đến một làng thuộc quận Tân Uyên, cạnh sông Đồng Nai, gần thác Trị An. Thì bị Việt Cộng bắt giam, bị bỏ đói, bị bắn chết, rồi thả xác lềnh bềnh trôi sông. Những xác của anh em thám sát bị sình thối. Việt Cộng liền bắt dân vớt lên, đem chôn dọc theo bờ sông Đồng Nai.
* Xác anh em thám sát của LĐ.81/BCND khác đã chôn tập thể trong một cái giếng bỏ hoang. Phần mộ sĩ quan toán trưởng là anh Tuấn đã được gia đình đến bốc cốt từ năm 1993.
- Toán viên tên Nguyễn Văn Một đã chết rất thảm thiết.
- Anh Nguyễn Văn Sơn và t/s Võ Văn Hiệp đã chết, do bị giam giữ tra tấn vô cùng kinh khiếp ở quận Tân Uyên.

* Do dân làng cho biết: có anh Đức còn ngáp ngáp chưa chết, được hai vợ chồng cụ già trong làng đem dấu anh Đức, và cứu sống. Hàng năm mỗi khi Tết đến, anh Đức đều trở lại chốn cũ ân cần chăm sóc hai cụ, để đền đáp ơn cao đức dày của họ, (như cha mẹ tái sinh ra mình, tạ ơn cứu tử của ân nhân).
* Các anh trong toán thám sát của LĐ.81/BCND ấy đã bị VC đánh đập, tra tấn rất dã man đến chết. Đó là những vị anh hùng của LĐ81/BCND âm thầm; sa cơ trong thảm cảnh tháng Tư ở Đại An, họ đã nhận lãnh những viên đạn oan nghiệt vào sau cái ngày 30-4-1975 kia! Qúy Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa: Địa Phương Quân. Nghĩa Quân... & ... vô danh ẩn tích. (do anh Tâm888 kể lại & THH trích dẫn trong Wikipedia)

*.- Bổ túc khác về: Đại tá Lê Cầu.

Trọng kính thưa độc giả thân quý,
Trải qua 43 năm, (khi miền Nam Việt Nam “bị mất nước” từ 1975 đến ngày nay -2018) - hầu như mỗi năm vào khoảng tháng Tư - thì hầu hết trên các diễn đàn, báo chí, … ở hải ngoại thường đăng “bảng DANH SÁCH & tưởng niệm các vị anh hùng miền Nam Việt Nam đã tuẫn tiết”. Nhưng, ... mãi đến nay, thể theo diễn đàn: {“BẢO VỆ CỜ VÀNG” 2013 thì:

- Đại tá Lê Cầu - Trung-đoàn Trưởng 47 Bộ Binh, Sư Đoàn 22 Bộ Binh, ông đã KHÔNG TỰ SÁT ngày 10/3/1975”. (! , ?)
= Và theo bà Hàn Giang Trần Lệ Tuyền thì:
- “Đại tá Lê Cầu đã bị vào tù, ở “Trại Cải tạo T.154”, - “Trại cải tạo Đá Trắng”, tại xã Phước Lãnh, quân Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Sau đó Đại-tá Lê Cầu lần lượt bị chuyển tiếp các trại: “Trại Cải tạo Tiên Lãnh”. - “Trại biệt giam Đồng Mộ”. Trại “Biệt giam Nhà Trắng”. –“Trại 1”, tức “Trại chính”. (trích dẫn ít đoạn ngắn từ BVCV)}

- Trung-tá Vũ Đình Duy, Trưởng Đoàn 66 Đơn Vị 101/QLVNCH, tự sát bằng độc dược ngày 30-4-75.
- Trung-tá Nguyễn Văn Hoàn, Trưởng Đoàn 67 Đơn Vị 101/QLVNCH, tự sát bằng súng lục ngày 30-4

Tình Hoài Hương

-----

Tôi, (tác giả bài viết) trân trọng cám ơn qúy vị, qua: vài chi tiết nhỏ do các anh cho tin:
- Đại-Úy KQ Trần Văn Phúc.
- KQ thanbaokimnguu.
- Anh KQ Vũ Ngô Khánh Truất.
- Anh Hoàng Hùng KQ2
- & GĐ81/BCND do anh Tâm1888.
- Anh Ó Đen 3.
- Anh Phạm Phong Dinh . . .
- & . . . do Tình Hoài Hương sưu tầm lượm lặt ít chi tiết trên internet.

Trân trọng
Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
05-14-2018, 01:15 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1526260458-HONG TRANG.jpg http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1399368341.mp3
"Bông Hồng Cài Áo"
Nhạc: Phạm Thế Mỹ. Lời: Thích Nhất Hạnh
Giọng ca: Thu Hoài Nguyễn
***


Mẹ... Ôi! Mẹ !!!
Chúng con đau đớn kính gởi mẹ đóa hoa hồng trắng.
Tình Hoài Hương
***


Tôi cố gắng giằng co, níu kéo, quyết giành lại chiếc áo gấm sờn nhàu nát cũ mèm với định mệnh. Dù thời gian dài dằng dặc lặng lẽ đơn điệu dần dần trôi qua, đã khiến chiếc áo hư hao, phai mòn, sờn úa mục nát ít nhiều. Và không gian trôi dần, trôi dần về phía tương lai mù xa tách bạch ra đôi bờ cuộc sống. Không ai có cách gì ngăn chận tuổi già héo hắt đến trước thời gian. Vâng! Có lẽ nay tinh thần lẫn thể chất tôi đã già cỗi! Và, chiếc áo gấm năm xưa còn đây, mà ngón tay gầy run run tôi cài hoài mấy nút áo cũ, vẫn chưa xong. Thời gian đã cướp dần đi tất cả. Vẫn biết thế, nhưng tôi mong muốn níu kéo, âu yếm dùng-dằng ngắm nhìn lại chiếc áo gấm. Nếu tôi được nhìn nhiều lần càng tốt.

Ngày ấy, chúng tôi vui vẻ dừng chân trên con đường mòn vòng vo gãy khúc uốn lên uốn xuống, quanh co ven đồi thông rì rào ru tình tại Đà Lạt. Chúng tôi chỉ nhìn vài con chim lí lí lắc lắc, rù rì, bay qua bay lại trên những cành cây mảnh dẻ, là cảm thấy hay hay, vui vui. Lần đó, tôi liếc liếc, lí lắc ghé ghé nghiêng nghiêng đầu thẹn thùng e ấp cười, tôi dùng hai ngón tay quệt nhè nhẹ vào một bên má mà lêu lêu Luật, để trêu chọc chàng, và say đắm nhìn Luật. Hai bàn tay tôi nhẹ nhàng, khéo léo khép vạt áo veston của chàng, rồi cài hộ Luật mấy nút áo, cho chàng bớt bị gió lạnh lùa vào cơ thể.

Giờ nầy, Luật cùng muôn ngàn người trai trẻ khác đã bị tập trung đi “cải tạo” trong tù rồi! Chàng đã ra đi. Nhưng Luật không ra khỏi đời tôi. Còn mỗi mình tôi đứng lại bơ vơ, lạc lõng, muộn phiền giữa chợ đời sóng sánh muôn mặt, với sợi tơ hồng quá mong manh cứ rung lên bần bật giữa lưng trời. Tôi lặng lẽ chua chát đối mặt với cuộc sống, ấp ủ kỷ niệm thời chớm lớn, những tủi hổ tiếc xót vô vàn, và những đắng cay thăng trầm tột độ trào lên bờ mi mọng từng chuỗi giọt sầu. Ngày bị vào tù “cải tạo”, Luật đã bỏ chiếc áo vét (veston) nầy lại, trên chiếc áo vét đã dính hai ba sợi tóc đen mướt khá dài cuả tôi, và một hai sợi tóc ngắn cuả chàng, cùng với những lá thư tình đầy ắp yêu thương do chàng viết dày cui, còn trang trọng cất trong túi áo. Thư của Luật viết có văn phong gợi cảm, là những bức tranh phác thảo duyên dáng về câu chuyện gia đình, tình yêu, phúng dụ, vỗ về, hứa hẹn, an ủi, mang tính cách gia đình đầm ấm yêu thương, hạnh phúc bền lâu. Đó cũng là chiếc áo gấm lý tưởng thiêng liêng tinh tuyền muôn thuở, có dấu vết đậm đà khắc sâu vào tim rất thân yêu, quen thuộc duy nhất từ buổi thiếu thời. Dù qua phong sương sáng khuya trưa chiều mưa gió… chiếc áo của chàng đã cũ. Thư tình Luật viết ngả màu vàng úa đọng bụi phấn thời gian, cùng năm ba sợi tóc cuả hai chúng tôi vẫn bóng mướt đen tuyền còn duyên tình mãi đến tận bây giờ.

Tôi nâng niu giữ gìn những sợi tóc, phong thư, cùng tấm áo từ hồi chưa cưới nhau. Ngày còn trẻ, tôi chưa lo nghĩ đến tuổi xế chiều phôi pha rồi sẽ ra sao. Bởi tình yêu chúng tôi đó, giống dòng sông chảy qua bao dãi đất: Phù sa phì nhiêu có, cằn cỗi có, tươi tốt có, băng giá hoang tàn lẫn đau khổ buồn xo cũng có. Rồi dòng sông xô sóng sau dồn sóng trước, cuồng nộ đập vào gờ đá, hay lặng lờ êm ả, thong dong xuôi chảy ra biển cả. Mỗi khi chạm trán với thực tế bẽ bàng đắng cay, trong lòng ngút ngàn đau thương, lúc đó tôi lặng lẽ vuốt từng nếp nhăn trên tấm áo, và trang trọng nâng mấy sợi tóc trên hai bàn tay khẽ khàng khum khum bụm lại. Tôi sợ gió từ đâu vô tình lướt qua, tóc sẽ cuốn theo chiều gió bay mất hút, thì biết đâu mà tìm? Đó là những kỷ vật ưu ái đã theo tôi trên muôn dặm đường đời cay cực, để xoa dịu nỗi hãi hùng và bàng hoàng rất kinh ngạc trong cuộc đời phù du. Tôi ấp ủ tình luyến nhớ, thút thít, bùi ngùi khi soi bóng mình trên gương, cảm thấy lòng nao nao nỗi buồn da diết. Vì đến nay tôi chẳng thể giữ lại kỷ niệm nào thân thiết nhất về chàng, khi mái tóc mình thấp thoáng những sợi tóc bạc quyện-bện cùng bao sợi tóc chẳng còn đen mướt? ngoài mấy di vật bé tí ti như đã kể. Thế nhưng, ngọn nguồn óng ả tình trần hiện nay có mất đi chăng? Khi thời gian khẳng định ngàn mối lo âu, đói khát cơ cực run rẩy dâng tràn!? Không thể chối quanh từ sau ngày mất nước, thì lòng trí tôi luôn ray rứt, thương-xót hồi tưởng về quá khứ buồn vui lao xao, dẫu đời xáo trộn, chao đảo.

Nay tôi đang mặc chiếc áo cũ của chàng, mà lẽ loi đơn côi ghê gớm, tôi âm thầm đi một mình, buồn bã trên con đường xám ngắt thuở xa xưa. Hai bàn tay lạnh giá run rẩy, run lẩy bẩy, tôi không làm sao cài nỗi nút áo bạc phếch thời gian và cũ mèm nầy. Thì ra… giờ đây tôi quá yếu kém và đã già! Kỷ niệm bây giờ chả là gì! Không quan trọng! Chỉ là những chương đã viết trong pho sách tình, xếp lớp lớp trên kệ sách, ít khi được mở ra xem đã phủ lăn tăn bụi vàng. Pho sách cuộc đời từ đây phải đóng lại. Trang giấy đã lật qua quyển mới, thì hồi tưởng nhớ nhung kỷ niệm; chỉ như chiếc lá úa lắc lẽo đong đưa trên cành cao, chờ cơn gió lay để chao đi. Như những áng mây xám lưng đồi lững lờ bay qua bầu trời mùa thu. Như côn trùng biến dạng vào lòng đất mà thôi. Tôi thấy rõ tính chất phù phiếm của quá khứ mang đầy kỷ niệm lãng mạn rồi. Sau ngày “đổi đời”, tôi muốn sống một cuộc sống khác hẳn: Thực tế sung mãn hơn. Nhưng, chả hiểu có thực hiện nỗi không, là còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và ý chí: Trước tiên, tôi muốn cho đàn con phải nên người hữu dụng, kiên cường dù bụng đói cồn cào, để vượt qua mọi chông gai thử thách, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ ngất ngư mà. Ý nghĩ nầy như viên sỏi ném xuống mặt hồ phẳng lặng, tạo thành những vòng tròn đồng tâm, ám ảnh tâm thức tôi bồn chồn, băn khoăn, co siết mãi trong lồng ngực quắt quay.
***
Tôi vô cùng nhớ Mẹ thân yêu, dù đa đoan với công việc bề bộn, tôi cũng cố tìm giấy bút để nặn lên vần thơ về Mẹ. Ngày mồng 5 tháng 5 năm 1980 âm lịch, anh Chín Dzoãn báo tin sét đánh: Mẹ tôi đã chết ở trong Ta In (khu đất thuộc cuối vùng Tỉnh Tuyên Đức Đà Lạt). Ta In là cuối địa đầu quận Đức Trọng, giáp ranh giới vùng Di Linh. Nơi tít tót đèo heo hút gió, thâm u cùng cốc lạnh lẽo, vô cùng hiểm trở, có đi mà ít có ai về nguyên vẹn. Nơi chó ăn đá gà ăn muối, nơi khốn cùng của vùng “kinh tế mới” khô cằn toàn sỏi đá. Chỉ nhiều rắn, rết; vô số muỗi, vắt, đỉa, ruồi trâu, bò cạp rừng to và độc kinh khủng. Chúng chuyên bu bám vào người để hút máu. Nơi có nhiều mụt măng le, tre rừng, ta ăn vào cho đỡ đói, thì sẽ bị sốt rét ngã nước, mà lăn ra chết toi.

Cầm tờ điện tín, tôi lặng người rất lâu, không thể khóc thành tiếng. Nước mắt u uẩn tự động quằn quại tuôn chảy từng dòng rồi dội ngược vào tim mình đau điếng. Hình như tôi nghẹt thở, chết dần chết mòn, không còn cảm giác nào khác, ngoài sự dày vò, ân hận, đớn đau dâng lên tột đỉnh. Vì, giá như trước ngày 30-4-1975, nếu có chiến tranh, có đánh nhau dữ dội, tôi cũng còn chiếc xe hơi riêng mới toanh mang hiệu Peugeot 404 chạy đi... Hay là tôi có thể mua vé máy bay khứ hồi cấp tốc bay về với mẹ, tôi qùy xuống bên mép giường, cầm tay mẹ, ôm chặt mẹ lúc mẹ hấp hối. Ôi! Giờ đây tôi không thể đến bên xác mẹ già yêu dấu, để nhìn mẹ một lần chót trong giờ phút mẹ lâm chung. Tôi không thể nào xin tấm giấy phép đi đường. Tôi cũng không thể chen lấn ra bến xe đông nghẹt người có giấy phép ưu tiên. Vì, tôi là kẻ “ưu tiên u đầu” thì có. Tôi không thể đứng ngày nầy qua đêm khác ngoài bến xe, nhịn đói nhịn khát, mà chẳng dễ dàng gì chờ mua vé xe từ Sài Gòn đi Đà Lạt. Biết tin mẹ chết, cũng đành chịu! Dù từ Hốc Môn đi Ta In, chỉ hơn 300 cây số.

Thế là hết thật rồi! Một thân xác héo hon đã thực sự trở về với cát bụi phù dung. Tôi không lẽo đẽo đi sau quan tài mẹ, vật vã khóc than mà tiễn đưa mẹ về nơi an nghỉ nghìn thu. Má con chúng tôi không biết làm gì hơn, ngoài việc quây quần bên nhau, gùy dưới nền đất, bồn chồn lo âu, sụt sùi, băn khoăn, suy niệm lời Chúa, lâm râm dâng lời cầu nguyện. Tôi ứa nước mắt nhìn mẹ trong hồi tưởng:

Mẹ tôi sanh tại làng Thuận Nhơn. Nhà ông bà ngoại ở quê (tức ông bà cố ngoại của con tôi. Làng ở bên con sông rợp bóng hai hàng dừa và lũy tre xanh um bóng mát thuộc Tổng Cù Hoan, Phủ Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị. Mẹ lớn lên trong một gia đình bế thế, phong lưu giàu có, ruộng vườn của ông bà ngoại cò bay thẳng cánh, lúa gạo trâu bò nhiều nhất trong vùng thời bấy giờ. Ông cố ngoại là một võ quan rất giỏi ở triều đình vua Khải Định, Huế). Mẹ có dáng dấp thon thả, làn da bánh mật, răng hạt huyền nho nhỏ đều đặn, miệng cười chúm chím, mắt phượng mày ngài, mũi cao, mái tóc dài láy đen bối thành một búi to sau gáy. Áo quần mẹ luôn trang nhã, sạch sẽ và tươm tất. Mẹ đi ra ngoài đường, ở trong nhà, hay đi ngủ, mẹ đều thay đổi quần áo đâu ra đó hẳn hoi. Dù đi khỏi xóm, đi chợ, hay đi bán, mẹ luôn mặc áo dài đoan trang kín đáo che thân. Đặc biệt mẹ sống cuộc đời bình dị đạo đức, chất phác lương thiện, dịu hiền phúc hậu. Mẹ siêng năng tần tảo đầu tắt mặt tối, long đong bán buôn xuôi ngược.
Mẹ nhẫn nhục lao khó giúp chồng, nuôi đàn con mười mạng nên người. Vất vã vì chồng vì con nheo nhóc, mẹ không hề tỏ lộ bất bình, hay nặng lời to tiếng. Trời mưa tháng gió ở nhà rảnh rỗi, mẹ siêng năng cần mẫn khéo tay tự chằm nón lá. Mẹ may áo quần cho chồng, con. Đôi khi mẹ cũng may biếu cho bạn mẹ, và người thân. Đó là việc vặt trong nhiều hy sinh to lớn khác. Phải nói là hầu như suốt cuộc đời mẹ, chưa có lúc nào an nhàn thảnh thơi, ngưng nghỉ tay chân. Cái số mẹ cực thân đến thế mà! Đồng thời mẹ xứng hợp với đức tính bác ái khoan dung của chồng. Mẹ dễ dãi cả tin khi ai nói điều gì xuôi tai “nịnh” mẹ, thì có bao nhiêu tiền của, mẹ nhẹ dạ trút cho người ấy hết. Dù sau đó biết mình bị lừa, nhưng mẹ không giận lâu, mẹ “hờn mát” một chút, rồi quên ngay.

Mẹ chân chất hiền lương đến độ thật thà như đếm. Mẹ tính tiền cũ từ thời vua Bảo Đại ra tiền cụ Ngô, đến thời đổi tiền ở chế độ Sài Gòn, ra tiền mới sau ngày mất nước 75, thì mẹ giống thầy bói mù sờ con voi. Mẹ luôn bị kẻ chợ ăn lường. Thế nên, dẫu bị mất hết tất cả tiền bạc, nhà cửa villa, biệt thự tan hoang, mẹ không thèm tiếc. Mà mẹ chỉ ôm khư khư bình vôi đồng đen nhỏ như cái chén kiểu, nhưng khá nặng, và rất có giá trị, chiếc bình vôi nầy có mấy tiệm vàng như Kim Khánh hoặc Kim Ngọc trả giá 5 cây vàng bốn số 9, nhưng gia đình chẳng ai chịu cho mẹ bán! Thân bình vôi tròn vo, đít vôi bằng phẳng, có quai xách đồng xinh xinh bên tai vôi. Mỗi lần ăn trầu, mẹ khéo léo lấy cây chìa vôi têm vào mấy lá trầu xong, còn dư vôi trên cây que chìa, mẹ quệt quệt lên trên miệng bình, cho “bình vôi hưởng tí xái”. Thế là miệng “bình vôi vui vẻ” nhô cao, còn lỗ miệng bình vôi thì teo tóp dần nhỏ xíu; trông nó hô, loe, vẩu ra, hơi giống miệng con heo nái, coi ngộ nghĩnh sao đâu. Hồi ấy tôi nói với mẹ:
- Tại mẹ ưa mời bình vôi ăn trầu, nên cái miệng nó mới loe ra dị hợm kinh khủng nè.

Mẹ cười vui vẻ. Mẹ rất thích bình vôi đồng đen nầy, nó đã theo mẹ suốt từ thời mẹ về nhà chồng, đến tận ngày nay. Ấy vậy mà bây giờ mẹ cũng buông thỏng hai từ bỏ hết. Kể cả chồng, con, cháu, chắt, dấu yêu. Mẹ bỏ hết của cải vật chất vinh sang xưa. Một mình mẹ lặng lẽ chết đói ra đi âm thầm, mẹ về bên kia cuộc sống mới.
Bà chị dâu của tôi đã kể lại rằng:

- Hôm mẹ vĩnh viễn từ bỏ con, cháu, ấy là một buổi sáng trời ốm nắng, lất phất từng đợt mưa phùn, trong nhà ai ai cũng lo đi rẫy, đi rừng rất xa, xa ghê lắm; để kiếm sống. Tửng bưng sáng, anh Dzoãn đi bộ từ trong Ta In ra Tùng Nghĩa (xa xôi khoảng hơn hai mươi cây số); anh chạy đi vay tiền, để mua thuốc cảm về cho mẹ. Ở nhà chỉ có một mình chị vợ loay hoay dọn dẹp nhà cửa. Mẹ nằm im trên giường không động đậy nhúc nhích. Chị (chị dâu) thấy mẹ không dậy ăn trưa như mọi ngày, nên chị bước qua gian liếp bên cạnh, chị đến bên giường tre lạnh lẽo, không nệm ấm chăn êm. (Nhà anh chị quá nghèo, sau 30/4 anh đi tù 5 năm, vừa được tha về, khi cả nhà bị đi kinh tế mới. Họ chỉ có mấy nhúm quần áo tẻo teo, vài bao bố: son nồi chén bát, guốc, dép, linh tinh… Ít mùng mền đơn bạc, và những bàn tay trắng. Con dâu dắt díu mẹ già tám mươi tuổi lom khom leo núi chùng chập, vượt đồi trùng điệp. Chồng đau bao tử cùng bầy nhỏ lút chút tám chín đứa con, đứa lớn nhất mười ba tuổi trở xuống đứa non tháng tuổi, thì lấy đâu ra những thứ xa xỉ ấy trong thời buổi gạo châu củi quế như ri).

Mẹ trùm chiếc khăn màu nâu, mặc áo dài nỉ dạ đen, quần đen, áo len nâu khoát bên ngoài, và mang đôi tất đen. Mẹ nằm nghiêng, quay mặt vô phía ván vách bằng bìa gỗ. Mẹ chập chờn thiêm thiếp trong giấc ngủ muộn phiền.
Chị e dè hỏi thăm:
- Mệ ơi! Mệ có khoẻ không?
Chị Ngọ không thấy mẹ trả lời, chị liền cúi sát xuống bên mẹ, nhè nhẹ lay lay đập đập vào cánh tay mẹ:
- Mệ ơi! Con nấu cháo cho mệ ăn nghen.

Mẹ tôi lừ đừ mở đôi mắt nhiều ánh đục, dường như đã bất thần ra, mẹ cố gắng quay ngoái cần cổ yếu ớt về phía con dâu, thều thào:
- Hôm ni có… cháo ăn… hả con.
- Dạ. Mệ đau, không ăn được măng luộc hầm mềm như mọi ngày đâu. Để con chạy ra chợ xép, mua chút gạo, con về nấu xí cháo.
- Có gạo là mừng hì.
- Mệ ráng chờ nghe. Chợ hơi xa. Con sẽ đi về ngay, nấu mau lắm.
- Thôi con. Để dành gạo nấu… cho thằng Cu Nâu… có chút nước hồ mà uống, thay cho sữa mẹ không có… Con à.
- Thằng bé con không đến nỗi nào đâu. Mệ.

Thế rồi, mẹ tôi ư hữ… ú ớ… mệt nhọc rên khe khẽ, mẹ lại lừ đừ, khó khăn mệt nhọc khi quay mặt vào trong vách. Hơn giờ sau, khi chị dâu bưng chén cháo tới gần giường mẹ. Mẹ mỉm nụ cười méo mó, từ từ nhắm mắt, và dần dần lịm thiếp vào giấc ngủ nghìn thu êm đềm không muộn phiền. Chị không hề nghe tiếng mẹ thở, tiếng nấc, chị cứ ngỡ là mẹ mệt muốn ngủ chút xíu như mọi ngày. Mẹ đã đói khát thiếu thốn năm năm rồi, và trước khi lìa đời, mẹ vẫn nhịn đói. Mẹ không đành lòng ăn chén cháo trắng lỏng bỏng với tí muối hột. Nay mẹ không nói một lời từ giã, không một lời trăn trối. Mẹ muốn im lìm sớm ra đi, ngỏ hầu trút bỏ gánh nợ đời, khỏi làm phiền con cháu khó nghèo đông đúc. Con cháu không phải cưu mang “nuôi người vô dụng” thêm một miệng ăn. Mẹ muốn rũ bỏ từ trên vai anh chị tôi, và các cháu nhỏ nỗi âu lo phiền muộn vì bổn phận và trách nhiệm nặng nề. Ôi Mẹ! Mẹ muốn nhịn phần ăn hiếm hoi ít ỏi qúy báu cuối cùng, để chia sẻ cho đứa cháu nhỏ chưa tròn hai tháng. Mẹ đã chết đói. Mẹ âm thầm lặng lẽ êm ái ra đi đúng vào ngày Tết Đoan Ngọ.

Lẽ ra, như Tết Đoan Ngọ từ những năm xa xưa, thì mẹ tôi ưa đi chợ mua đầy thức ăn, hoa quả bánh trái. Mẹ làm bánh tro, bánh nếp, bánh bèo, bánh ít, bánh nậm, vân vân... Mẹ làm cả cơm rượu nếp cẩm, nếp than. Mẹ nấu cơm gạo thơm với nhiều thức ăn thịnh soạn, nóng hổi, linh đình, để cho con cháu từ xa trở về nhà thăm cha mẹ. Cha mẹ con cháu hân hoan sum họp gia đình vui vẻ ăn uống. Mẹ nói:
- Các con, cháu, ăn bánh tro, ăn cơm rượu, uống chút nước cơm rượu, thì sẽ diệt giun sán trong bụng. Hì.

Hầu như cả xóm Trong xóm Ngoài ở Ta In đều thương cảm mẹ của chúng tôi, họ đã cùng nhau đến nhà anh chị Dzoãn, tận tình lo cho mẹ chúng tôi chu đáo. Mỗi người một việc tươm tất từ đầu đến cuối gọn gàng. Trước khi đậy nắp áo quan, họ vẫn để nguyên bộ quần áo cũ, khăn, tất, lúc mẹ chưa đành-đoạn bỏ đi. Và họ mặc lồng thêm cho mẹ chiếc áo gấm, nền áo màu nâu non điểm rải rác những bông hoa cúc đại đóa vàng nghệ. Chiếc áo gấm xưa kia mẹ tôi đã mặc trong ngày trọng đại nhất của đời con gái, khi họ nhà trai hân hoan tưng bừng đến rước dâu. Nay thì những người khác đã thay ba tôi mặc chiếc áo gấm (của ba đã ưu ái trao tặng mẹ). Họ đặt xâu tràng hạt Mân Côi vào bàn tay mẹ lạnh giá, và họ nhớ để bình vôi đồng đen bên cạnh mẹ. Sau rốt, họ choàng thêm cổ áo quan dày cui thô sơ thơm mủ ngo ra bên ngoài toàn thân mẹ.

Mọi người tiễn đưa mẹ về an nghỉ nơi nghĩa trang quạnh quẽ. Không một vòng hoa cườm đen cườm tím cùng lời thành kính phân ưu. Không có cỗ áo quan sang trọng đắt tiền, mà chỉ là sáu tấm ván thông đơn sơ hèn mọn thơm lựng mùi nhựa mới. Không hề có bát nhang đèn nến, rườm rà nghi lễ. Không có gì, không còn gì tất cả ngoài nỗi đớn đau kinh hoàng phủ chụp xuống đời lặng lẽ. Ấy thế mà người dân cùng đinh đến thăm viếng mẹ đứng lố nhố đông đúc, từ ngoài ngỏ đầy kín người cho đến trong nhà tranh lụp xụp đìu hiu chật chội nầy. Họ chia buồn, ân cần giúp đỡ gia đình anh chị tôi nhiệt tình. Họ nghỉ đi rừng ngày hôm ấy, không đi rẫy, nghỉ đi làm dù một ngày, là họ nhịn đói nhịn khát và có thể càng thêm đau ốm xanh xao. Họ cùng nhau lặng lẽ khiêng quan tài mẹ tôi băng rừng, leo qua một triền núi thấp, vượt đốc, qua bãi đầm, đi trong thung lũng sình lầy. Rồi họ leo lên ngọn đồi toàn đá ong lởm chởm, đi trên núi cao chót vót và đơn điệu, nơi đây chỉ toàn sỏi đá và gió lồng lộng hú rít, thổi đám bông lau xoay xoay trắng cả lòng quê, và từng cơn gió kéo dài lê thê lạnh thấu xương. Mẹ tôi nằm xuống, vĩnh viễn ở lại nơi rừng núi bạt ngàn hoang vu lạnh lẽo, đơn điệu chơ vơ với cây thánh giá gỗ lắc lư theo gió rì rào. Tấm bia mộ gỗ đơn sơ ghi khắc nơi an giấc nghìn thu đạm bạc và đớn hèn: Mattha Ngô thị Cúc, sanh năm: 1895 >> 1980. Thọ 85 t. Thật đông nghẹt người đói khát nghèo nàn lại lủi thủi buồn xo trở về lối cũ, trên con đường đất đỏ gồ ghề, nơi mẹ đã nhờ người sống thút thít ngáp ngáp mang mẹ đi qua. Khi tôi có thể đến với mẹ… thì nấm mồ mẹ đã lút cỏ xanh. Tôi luôn đau đớn, tủi hổ, dày vò và khóc sưng mắt khi nghĩ về mẹ.

Thời gian lật đật buồn bã chán chường qua đi, tôi tất bật, bồn chồn, âu lo với công việc cơm áo khốn đốn mỗi ngày, nhưng gia đình vẫn không đủ sống, nghĩa là thường xuyên đói khát cơ cực. Ngoảnh nhìn lại, mới đó mà đến ngày giỗ đầu của mẹ. Tôi bươn bả đi mót khoai lang, sắn mì, dưa leo và đậu đũa ngoài ruộng Nhị Tân (Hốc Môn). Tôi hớn hở đem mấy thứ ấy về nhà, làm sạch, chu đáo xào nấu xong. Tôi bày thức ăn lên chiếc bàn cũ kỹ xiêu vẹo, bàn chỉ có ba chân rung rinh như răng rụng. Còn một góc bàn thì kê tấm táp lô sứt mẻ, để thay thế một chân bàn què.

Bà Nga hàng xóm là người thân cận nhất bây giờ đã nói:
- Xời! Việc gì cô phải nhọc lòng! Chứ cô không thấy giờ nầy trời đang mưa xối xả, nhà thì dột và rách nát như ổ chuột. Ơ! cô lại bắt mẹ mặc áo gấm lội nước lụt, trong nhà y như cái ao. Cô làm gì có bàn ghế cho mẹ ngồi chò hỏ chơi, xơi cơm độn với nước. Mẹ cô chưa kịp về ăn chút xí, thì bầy ruồi ốm đói trốn mưa đã trúng mánh, bu lên mấy dĩa thức ăn tám lớp, và o o o… xơi tuốt rồi. Giỗ mí chạp cho mệt! Khéo vẽ!

Bà Nga chẳng ngại mất lòng, líu lo nói huyên thuyên, và cười sảng khoái. Tôi lắng nghe mãi, mới hiểu được thâm ý của bà. Thiệt dễ ghét quá đi. Tôi ngẩn ngơ nhìn bà Nga. Những giọt nước mắt nóng hổi đang lăn dài dài xuống má. Giọt khóc quê hương. Giọt hờn tủi khóc ông bà ông vãi cha mẹ khuất mặt khuất mày. Giọt khóc chồng sống đoạ đày ở trong tù “cải tạo”. Giọt khóc bầy con lút chút lù đù, vất vưỡng long đong cơ cực ở vòng ngoài, (tù trong và tù ngoài xêm xêm như nhau, có khác chi, như cá mè một lứa). Giọt đắng cay khóc cho chính bản thân tôi lầm than khốn cùng. Khổ đến nỗi tôi không thể đào đâu ra tiền, chẳng có cắt bạc để mua cặp nến đỏ, bình hoa tươi, không hương nhang cắm trên bàn. Tôi không thể mua bột về làm bánh cúng mẹ dĩa bánh bèo, bánh ít, bánh nậm: thứ bánh mà mẹ thích ăn lúc sinh tiền! Tôi không thể kéo mẹ về trong hương khói, để má con chúng tôi quỳ dưới đất, sì sụp lạy tạ lỗi cùng mẹ, cùng bà ngoại! Sợi dây tơ rung quá mong manh, tơ trời nhẹ tênh thiêng liêng kia đang run bần bật giữa lưng trời mưa trắng. Niềm ước mong nối liền tình yêu thương ngút ngàn giữa mẹ -với má con chúng tôi- đã đứt lìa trong khói hương.

Một kỷ niệm bất ngờ về những cơn mưa không sao giải thích nỗi, tâm trí tôi vụt quay về dĩ vãng xa lắc xa lơ: có một thuở nào hình như xa xôi, xa xa lắm… gia đình ba mẹ tôi đang từ trên đỉnh cao sung túc, phù vinh, giàu sang… bỗng rớt tụt xuống vực thẳm, vì ba tôi làm chủ nhà máy cưa cây, bị nó hại cho khánh tận, đã khuynh gia bại sản. "Của rừng, rưng rưng nước mắt thật" mà! Bao nhiêu tiền ba làm thầy thuốc đỗ vô cây cối, cũng như nước đỗ lá khoai. Hồi ấy có màn mưa xám đục buông suốt ngày đêm, rất bé thơ tôi đứng trong khung cửa sổ, nhón chân xem mưa đập lộp bộp vào cửa kính, những dòng nước nhỏ ngoằn ngoèo chảy xuống tấm kính mờ đục, tôi háo hức chờ đợi mẹ về nhà.
“Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa.
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương” (cd).
Mẹ đi chân đất, đầu đội nón lá cũ ướt nhẹp, toàn thân mẹ dầm dề nước mưa, chiếc đòn gánh uốn cong đang kẽo kẹt trên vai mẹ, còng xuống hai thùng nước cơm trĩu nặng. Mẹ đã đấu thầu được cơm thừa canh cặn từ ngoài mấy đồn lính, tự mẹ đến gánh về: Một thùng rất sạch đậy kín đựng cơm nóng, có mấy ngăn cào mên đựng thức ăn, còn nguyên trong chảo, (mà chú quản đội vừa múc ra cho mẹ, chưa có người ăn, thì để cả nhà tôi ăn buổi tối). Thùng kia đủ thứ hỗn tạp, là nuôi bầy heo vài chục con. Mỗi buổi nhọc nhằn trở về nhà, mẹ thường dúi cho tôi khi thì vài cái bánh ngọt, khi có miếng chocolate, hay trái chuối, trái bắp. Tôi thèm ăn nhất là lát bánh mì cứng hấp trong nồi nước sôi, bánh mì nóng mà chắm với nước mắm ớt, nước cá hoặc nước thịt, tôi ngấu nghiến ăn cảm thấy ngon hết sẫy.
“Thương con tần tảo sớm hôm.
Cơm đùm chéo áo, cháo đùm lá môn”. (cd)
***

Một lần kia, mẹ kêu chủ thầu các trường học nội trú trong địa phương đến nhà, mẹ bán mão bầy heo thịt. Mẹ và các con cháu trong nhà dẫn bà đầm, cùng phu cai xuống chuồng nuôi heo, cách xa nhà bốn mươi mét. Ngả giá xong xuôi, phu cai trói bầy heo cho vào rọ, họ khiêng những rọ heo lên trên đường cái, và vất vào ba chiếc xe ngựa. Bà đầm cầm cái áo veste của bà (đã máng vào càng xe ngựa đậu trên đường cái), bà ta móc túi lấy tiền, thì đồng tiền không cánh mà bay?! Bà đầm tri hô mất ba trăm sáu chục đồng Đông Dương. Bà ta quyết một quyết hai bảo là:
- “Người trong nhà nầy đã ăn cắp”. (!!?)

Bà ta tri hô lên làm hung dữ, bà kêu lính hộ tống chạy đi gọi hiến binh, phú lít tới. Hiến binh không cần biết luật lệ phải trái, không cần biết bà ta có mất tiền thật trong túi áo, máng bên sườn xe kéo, để bên lề đường cái; hay không?! Họ còng tay mẹ tôi và xô dụi mẹ lên chiếc xe ngựa. Mẹ nằm với mấy chục con heo kêu la rần trời. Mặc kệ gia đình tôi kêu khóc, phản đối inh ỏi. Chúng hăm doạ:
- Nếu lộn xộn làm mất an ninh, sẽ bị bắt - nhốt hết cả đám.

Quân cướp cạn hùng hổ, quất ngựa phóng nước đại chạy như bay. Họ tống giam mẹ vào nhà lao. Hơn nửa tháng bặt tin, sau đó chúng thả mẹ ra. Mẹ về như cái xác không hồn, trông mẹ quá tiều tụy thảm thương. Ba tôi, con cháu xúm xít ngồi chung quanh mẹ, lo lắng hỏi thăm. Mẹ im lặng mà rấm rức khóc sưng húp mắt. Mãi lâu mẹ hổn hển kể lại: Suốt bao ngày mẹ bị nhốt, chúng cho mẹ ăn ngày một bữa nửa chén cơm khô, với ít muối hột. Đêm đêm bọn lính Tây lôi mẹ ra tra điện, chúng độc ác tra khảo, chích điện vào người bắt mẹ phải nhận tội, dù mẹ không hề làm. Mỗi lần mẹ bị bọn tà lọt gian ác tra điện, thì mẹ sợ hãi kinh khủng, dòng nước ấm chảy ra ướt dầm thân thể mẹ. Mẹ không thể nén mồ hôi hột lạnh toát, không thể nín lại cơn buồn đái. Mẹ không đủ sức chịu đựng cơn đau, mẹ đau đến ngất xỉu, thì chúng lôi chân mẹ kéo xềnh xệt về phòng giam trống không giường chiếu. Chúng tạt nước lạnh cho mẹ tỉnh lại, mẹ bị chảy máu mũi, máu đầu. Mẹ run rẩy, mặt mày xây xát, sưng húp, bầm tím.
Mẹ thật chịu oan ức tột cùng, mà tiền mất tật mang. Suốt từ đó đến nay mẹ luôn luôn sợ hãi và yếu hẳn người. Mẹ bị đau tim và thường xâm xoàng, ngất xỉu vì quá hãi hùng. Bọn Tây thời đó đầy quyền uy, hống hách, ác độc hơn loài hổ sói, người dân thấp cổ hé họng chỉ câm miệng cúi đầu, điếng lặng cắn cỏ ngậm vành, không dám hó hé than van. Vậy đó, mẹ chịu đủ mọi oan ức, khổ sở cay đắng nhọc nhằn, tủi cực trăm bề, để lo nuôi dạy đàn con nên người.

Một lần kia, sau thời gian bị tra khảo đánh đập tù đày oan đó khá xa, mẹ vẫn lặn lội đi gánh nước cơm về nhà, mẹ đã thay bộ áo quần ướt sủng nước mưa. Mẹ ngồi bên bếp lò giơ đôi bàn tay nhăn nheo sạm nắng chai cứng, tóp teo vì thấm lạnh ra, để sưởi ấm. Mẹ âu yếm nhìn tôi ngồi kế bên bỏm bẻm ngấu nghiến nhai bánh mì. Bỗng mẹ nhìn tôi sửng sốt, lạnh lùng hỏi:
- Đôi guốc mới, con mang đó. Mô rứa?
- Dạ... Của con... con... l..a...
- Mẹ đã nói rồi, đợi bán heo, mẹ sẽ mua cho con quần áo, dép guốc cho con đi học. Mẹ biết con mau lớn, giày dép cũ con mang không vừa, mà đi chân không thì lạnh lắm. Mẹ lo sợ con đau. Ngặt nỗi, bi chừ chưa có tiền. Mà răn con dám cả gan, đi ăn cắp, của ai rứa?

Tôi cúi gầm đầu, một tay túm mái tóc bum bê, nhìn đôi guốc mới mang vừa vặn ở chân mình. Đôi guốc màu đỏ đầy hấp dẫn, có hai quai cánh cam in đủ màu sắc hoa lá. Tôi thấy nó quyến rũ, ước ao vô vàn từ lâu. Khi chị Tư sai tôi vào quán chị Thế mua trứng vịt, tôm khô. Thừa lúc quán xá bận rộn người mua kẻ bán, tôi lấm lét ngó trước nhìn sau, rồi vội thò tay chộp đôi guốc kẹp chặt vào nách, (đã che kín bằng chiếc áo mưa lụng thụng). Trống ngực tôi đánh rất mạnh, mặt mày tái mét, tôi run như cầy sấy, tôi liền lẽn ra và co giò chạy. Vừa chạy tôi vừa ngoái cổ lại nhìn chị Thế, là bà chị dâu của tôi, chị ấy không biết gì hơn, ngoài việc chị thu nhiều tiền đầy nhóc vào tủ sắt.

Mẹ già nua trước tháng năm đang gục đầu trên hai đầu gối ướt lạnh, run rẩy, mệt nhọc - và khóc. Mẹ khóc vì tội lỗi của con thơ. Mẹ khóc vì cảnh thăng trầm không thể ngờ, vì mẹ chưa mua nỗi đôi guốc cho con, (chỉ đáng vài xu trong khi tiền ba tôi làm chủ trại cưa cây, thì bạc trăm, bạc ngàn, kể như ba đỗ xuống biển. Và, tiền bán hai chục con heo, mẹ bị bọn chúng trấn lột hết). Trong đêm trường thanh vắng, khuya lắc khuya lơ, tôi nghe rất khẽ nhưng rõ ràng tiếng mẹ đọc kinh cầu nguyện đều đều. Thỉnh thoảng kèm theo vài tiếng thở dài nho nhỏ, lời mẹ nguyện xin cho con cháu bình an, mạnh khỏe.

Tối hôm đó mẹ thức rất khuya, ngồi một mình dưới gian bếp đèn dầu leo lét, mẹ đã cắt khúc vải nhung màu vỏ măng cụt, để may áo cho tôi mặc ấm. Chiếc áo ấm gồm ba lớp: lớp nhung ở ngoài, mẹ bọc thêm một lớp gòn rất mịn ở giữa, và may chằn thêm một lớp lụa sa tanh mới lót ở bên trong. Tôi leo lên giường từ lâu, trằn trọc mãi không làm sao ngủ được, tôi rất sợ và lo âu, không dám nhúc nhích. Tôi cứ mở mắt nhìn mẹ chăm chú làm việc. Khá khuya, mẹ lê đôi dép lẹp xẹp lần mò từng bước, mẹ nhẹ nhàng đi trong bóng tối mờ mờ. Mẹ vặn ngọn đèn dầu hột vịt thật lu, mẹ cố không khua động giấc ngủ của mọi người. Trong bóng tối, tôi hé mắt nhìn mẹ ngồi đọc kinh, sau đó mẹ ngả lưng xuống đệm theo tiếng thở dài. Tôi nằm im giả vờ ngủ say. Bàn tay mẹ lạnh ngắt run run sờ soạn tìm con. Mẹ đặt đầu tôi nằm ngay ngắn trên gối mỏng. Mẹ kéo hai chân tôi thẳng ra, và đắp mềm lên tận cổ tôi. Mẹ ôm tôi vào lòng và hôn lên mái tóc tôi khét nắng. Nước mắt mẹ thấm lạnh da đầu tôi.
“Nuôi con chẳng quản chi thân.
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”. (cd)

Thì ra mẹ đã khóc. Khóc âm thầm lặng lẽ trong bóng tối. Mẹ giống người chèo đò đơn độc ra tay chống chèo trên dòng nước ngược đầy sóng gió, khi đàn con nhỏ sợ sệt, la khóc, run rẩy bám chặt vào mạn thuyền. Mẹ cố sức chịu đựng giông bão, gian truân âm thầm và câm lặng dai dẵng; miễn sao cho con, cháu, bình yên, no ấm. Mẹ là một trong vạn triệu người Mẹ Việt Nam tần tảo, phúc hậu, ôn hoà cao cả, hy sinh xiết bao suốt đời mình. Bốn tuần sau, mẹ bán bầy heo thịt khác. Ba tôi vượt núi băng rừng khổ cực trăm bề làm cúp cây, nay đã hoàn toàn ổn định. Gia đình chúng tôi lại bắt đầu khá giả, vinh sang hơn năm cũ. Nhờ mẹ tôi quáng xuyến, đảm đang, siêng năng, tháo vát. Ba tôi giàu kinh nghiệm và liêm chính đàng hoàng trong việc làm chủ trại cưa, nên ít lâu sau gia đình tôi thoát khỏi cảnh bần hàn.

Nhưng dẫu có sung túc giàu có hơn xưa nhiều, rất nhiều, thì vết thương đầu tiên về bài học giáo dục đạo đức trong lòng mẹ và con, hẳn không có cách gì lấp đầy, phôi pha được. Kể từ ngày xa xưa đó, mỗi khi tôi có ý muốn lấy cắp cái gì của ai, thì hình ảnh mẹ tôi ngồi bó gối bên bếp than hồng; nước mắt mẹ chảy ướt thấm vào da đầu tôi, vẫn hiện lên rõ nét. Khiến tôi quắt quay và lặng người, vì hối hận không hề dám tái phạm. Đó là nốt “nghịch phách” đầu tiên trong đời vào chiều mưa giông giá lạnh năm xưa. Ước gì nay tôi được chìm trong dòng sông đã chảy qua thời ấu thơ, nơi mái gia đình êm ấm của tôi ở buổi thiếu thời kia, để tôi có thể nói thật nhỏ:
- Mẹ ơi! Cho con xin lỗi.

Ôi! Chỉ cần trở về ngày ấy và biết nói câu nầy, thì tôi sẽ sống lại và chỗi dậy trong tâm tư tôi cả quá khứ ngọt ngào, say đắm, êm đềm, nồng nàn, sung sướng xiết bao! Và, bây giờ tôi biết đằm thắm, khôn ngoan gấp bội lần. Người đàn bà còn quá trẻ bỗng co nhói lên từng cơn đau tim nghẹt ứ, xót xa đắng cay khôn tả xiết. Vốn bị nghị lực mài dũa, cọ liếc mỏng tanh, tôi nghẹn ngào, đắng cay, hơn sự cơ cực đọa đày chịu đựng dài lâu. Sự trầm uất nén dưới chiều sâu tâm hồn đã vọt lên tim, lên óc, lên cổ tôi những cục nấc nghẹn ngào tức tưởi. Tôi đứng giữa trời mà khóc, mà cười. Cười khẩy. Tôi không sao hiểu nỗi “đời”! Tâm hồn tôi hằn lên vết rạn, xếp lớp lăn tăn theo sóng đời cơ cực. Gia đình nhỏ chúng tôi lầm than khốn cùng đã rớt dưới tận đáy xã hội phù phiếm.

Nơi con đường cũ mà cha mẹ tôi xưa kia rất vinh sang đã từng đi qua đó, và chính gia đình nhỏ cuả tôi từng lả lướt, rộn ràng líu lo ca hát trên đại lộ mỗi độ hoàng hôn… Ngày nay mẹ con chúng tôi dắt díu nhau lọt tọt, líu ríu bước thấp bước cao, lần mò đi từ ngày nầy qua tháng nọ. Đi từ hừng đông đến hoàng hôn không ngơi nghỉ. Những đôi môi khô nứt nẻ run run nếm đủ cay đắng, ngọt bùi xính vính tình đời còn mấp máy và thút thít, như nghiến chặt hai hàm răng, nghiền nát hiện-tại rát bỏng phừng phựt cháy trong lòng. Sau đám sương mù dày đặc ngoài trời kia, là tương lai tối thui và con đường gồ ghề, lởm chởn sỏi đá lẫn lộn bùn tro bầy nhầy. Con đường tiến thân của mẹ con chúng tôi đó, hình như có tiếng âm vọng não nề. Chúng tôi không biết nên bắt đầu từ hướng nào cho phải! Đôi bàn tay tôi khô cứng, chai sạn sần sùi nứt nẻ, hợp lực với những bàn tay các con thơ yếu gầy tong teo bé tí xíu, vẫn quơ quơ về phía trước. Cùng lòng can đảm, tận tụy, chịu đựng gian lao, nghèo khổ siết chặt, thì không có cách gì lay chuyển.

Trời bao la xanh xanh trong trong, không có một vắt mây trắng, nhưng sao đôi mắt tôi mù mây xám giăng mắc!? Giống như những sợi tơ tóc ngày xưa đen tuyền óng ả quyện cùng chùm tóc bạc trước thời gian đã phủ khắp nẽo đi lối về? Tôi đang mặc chiếc áo gấm của Lụât để lại, tôi tưởng tượng chiếc áo dù cũ, nhưng có phần nào che gió chắn mưa. Thì hy vọng là tôi bớt cảm thấy cô độc, ấm áp và ít lạnh. Ngỏ hầu tôi sẽ đương đầu, chạm trán, chơi những canh bạc đen đỏ với định mệnh. Đành phải như thế thôi. Nếu định mệnh không thách đố gạt gẫm chúng tôi: Xỏ lá sát phạt, chơi khăm chúng tôi trắng tay –và đểu giả lật ngửa quân bài ra– Khi trận đấu chưa bất phân thắng bại. Thưa ông!

_ * _


Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
06-18-2018, 01:13 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1529283818-A hong 9.jpg
/uploadpics/mp3_pdf1017/1529284085-Tieng Song Huong - Mai Thien Van.mp3
CHA Tôi
Happy Father' Day. Happy. Happy...
THH xin cống hiến quý độc giả bài viết về CHA
Thân quý,
***

“Tinh thần gia đình là gì?
Đó là: Pha trộn tình mến sợ cha. Tình âu yếm sợ mẹ. Kính trọng cả hai. Thán phục nhân đức của cha lẫn mẹ. Bỏ qua các lỗi lầm. Ghi nhớ công ơn. Thông cảm đau khổ. Cảm kích các hy sinh của cha lẫn mẹ” (P. Janet).

Ba tôi là người con thứ tư sinh trưởng trong một gia đình bề thế, giàu có, ở Làng Hưng Nhơn, thuộc Tổng An Thơ, Phủ Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị. Ba làm nghề thầy thuốc Đông Y, lương thiện, ân cần và đạo đức, chu đáo tận tụy trị bệnh nhân khá mát tay. Đúng là “lương y như từ mẫu”. Ngoài ra, ba tôi còn có vài ba nghề tay trái nữa là: nghề cưa xẻ cây gỗ, làm nông, và mở một trang trại ươm cây giống rất to lớn. Dĩ nhiên, mọi công việc nặng nhọc về vườn tượt, đồng áng, ba tôi có nhờ lực điền, tá điền & quản gia phụ việc.

Nhắc về ba, tất nhiên tôi phải nói lướt sơ sơ ti tí về má. Má tôi sanh ở Làng Thuận Nhơn rợp bóng hai hàng cây, sát bên con sông xanh êm đềm uốn khúc, nước sông rất trong, ngon và ngọt. Làng nầy thuộc Tổng Cù Hoan, Huyện Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị. Ông ngoại là một võ quan rất giỏi trong triều đình Huế thời xưa. Gia đình ông bà ngoại khá giàu có, ruộng lúa cò bay thẳng cánh. Má tôi lớn lên công dung ngôn hạnh vẹn toàn và hiếu học, biết chữ. Má sinh ra trong một gia đình đông con, nhưng rồi ông bà ngoại tôi chỉ may mắn còn lại cậu Cửu Ổn và má, mà thôi. Má tôi luôn tôn trọng chồng, nhỏ nhẹ, đôn hậu, hòa nhã yêu thương chồng con hết lòng.

Ba Má tôi rất hiền, đạo đức và giống nhau là lòng nhân ái, phúc hậu, (mà các con ưa nói ba má có tính tào lao: ăn cơm nhà vác ngà voi). Ba má tôi sống cuộc đời khá hoàn thiện, ngày nào họ cũng xem là ngày cuối cuộc đời trước mặt Chúa: Họ không gian dối, không thất đức, không lừa gạt ai, họ chỉ biết sống bác ái, ôn nhu, an lành, yêu tha nhân, tận tình giúp đỡ người cùng khốn, cần mẫn tận tụy làm việc. Ba tôi có hẹn với đại gia đình anh chị em tôi khi ba ở Đà Lạt là: “ba sẽ ra Huế để lo thu xếp công chuyện, chuyển giao việc trại ươm cây và đồng áng lại cho người thân. Sau đó ba má sẽ vào sống yên ổn ấm no ở Đà Lạt với các con, cháu”. Ấy thế mà… đâu vẫn hoàn đó, ba má chưa rứt ra nỗi. Điển hình nhất là ba má bị quật ngã biết bao phen trong cuộc đời thăng trầm sướng khổ, cay cực, mà không chịu lùi bước. Ba má tôi khi đã đắn đo suy nghĩ quyết chí làm một việc gì, thì họ đồng tâm hiệp sức phải thực hiện tạo thành cơ nghiệp ấy cho kỳ được. Dù gian truân đến đâu mặc lòng.

Ở quê nhà nay chỉ còn hai ông bà cụ lom khom lui cui đi ra đi vào thui thủi. Tôi cảm thấy ba má sống thật neo đơn, vắng vẻ buồn rầu không ít. Thế mà hầu như ba má không lấy đó làm phiền bên ngọn đèn dầu hột vịt tù mù tỏa sáng, đầu ba tôi luôn suy tư cúi xuống quyển sổ bệnh nhân dày cộm, mà cuộc sống của ba má vẫn cùng khó, đạm bạc, khiêm nhường… là sao thế hở ba? Cuộc đời ba má hầu như cắm rễ khá sâu vào miếng đất gia tiên; gắn liền với ruộng nương, vườn sắn, ao bèo, gốc tre, bụi chuối. Chúng tôi chưa có cách gì gỡ ba má ra nỗi trong cái “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” nầy. Dù chỉ một phần điền tẻo teo, bé tí nị, mà ba má vẫn trìu mến ưa thích nén lại chân quê. Nơi mái nhà xiêu vẹo mà ba má đang ở đó, tôi thiết nghĩ đó là chân trời mở ra một cửa ngỏ buồn thảm, không hứa hẹn vui vẻ, tươi sáng, bình an gì hơn lúc thời kỳ bắt đầu có chiến tranh.

Dù có những viên đạn xoáy tít trong không gian tối đen, tạo thành những luồng vàng sáng, loé ánh lửa rực đỏ xẹt xẹt bay vút qua vút lại trên đầu. Thì sự sụp đỗ của một gia đình bề thế do chiến tranh đã bị uốn cong gập, như con đại bàng gãy cánh trên những đống hoang tàn. Mặc cho mặt trời pha máu lửa đỏ chói từ phương Đông lan qua phương Tây. Mặc súng đạn gieo tang tóc lầm than, khốn đốn dày xéo đến bao gia đình, rồi tàn bạo kéo nhau đi nơi khác. Mặc bệnh tật đói rách ở lại, đau thương và khốn nạn trăm điều điêu đứng vẫn còn đây. Ấy vậy mà ba tôi vẫn điềm nhiên ngồi bốc thuốc, vẫn cầm cuốc, cuốc lại từng lát cuốc trên đất cứng pha sỏi đá khô cằn nứt nẻ, với hy vọng bừng lên.

Cũng thế, ba má tôi luôn đắn đo, chần chờ, do dự mãi; nếu họ dọn đi ra khỏi vùng Mỹ Chánh, nơi chó ăn đá gà ăn muối, thì ba má thấy thương quá là thương những người dân quê cần cù lao động quá nhọc nhằn, quanh năm cư dân vẫn đói khổ, rách rưới triền miên. Ốm đau bệnh nạn, họ chỉ có nước nằm đó ngáp ngáp quằn quại chịu trận, mà chờ chết. Nếu họ có ba tôi thường lui tới, đi lại an ủi vỗ về, chăm lo, giúp đỡ, săn sóc, thuốc men (có nhiều lần ba tôi làm việc thiện, bỏ công sức và tiền của hoàn toàn không tính toán), thì tình trạng khốn khổ của từng bao nhiêu người đã được vỗ về, an ủi, họ cũng giảm bớt nỗi đau rất nhiều. Họ không có gì đền trả… ngoài sự tận tụy làm việc kiếm sống, niềm tin tưởng, tấm chân tình cưu mang ơn trọng nghĩa cao với ba tôi, bằng cách chia sẻ ngọt bùi, nụ cười thân thiện ấm nồng trìu mến tình quê.

Ngoài nghề chính là nghề thầy thuốc, những thì-giờ còn lại, ba tôi muốn vận động cơ thể khỏe mạnh xí, nhưng trên hết là do ba tôi rất yêu đất, mến vườn; nên ba tôi thích đi làm việc bằng tay chân, tùy theo tháng năm chất chồng, chiếc áo cần lao của ba ngày trước còn mịn và mới, do thời gian đã bào mòn sức lực con người, mà những chiếc áo ấy trở thành vá chằn vá đụp, dày cui, khô và cứng đơ. Mỗi lần ba tôi cử động, tấm áo cũ nó kêu sột soạt như mo cau cọ siết rít vào nhau, tiếng kêu hãnh diện, đắc thắng của người dạn dày kinh nghiệm làm đất đai phải thuần thục.

Ba chế ngự mọi thử thách gian khó bằng hai bàn tay “thư sinh lẫn cần lao” cần cù, cùng sự từng trải, thấu hiểu. Hai tay làm việc thoăn thoắt, vất vả ấy vậy vì ba má bận tất bật, chân nầy chưa kịp đặt xuống, chưa kịp bén đất thì chân kia đã nhấc lên. Nhiều lần mãi mê làm việc, ba má tôi quên cả ăn uống. Việc đồng áng nhờ có kiến thức và giàu kinh nghiệm, nên ba tôi có thể truyền đạt lại cho những bạn bè thân hữu nông dân cùng quê khá tốt. Đó là kết quả một đời ba má lao lực, suốt ngày đêm phơi mình giữa nắng mưa khuya chiều, cuốc cuốc cày cày đất cứng khô cằn nứt nẻ không ngơi tay. Ba má tôi thật vất vả nhọc nhằn quá chừng. Khiến một người tao nhã, khôn ngoan, dạn dày kinh nghiệm, trí thức như ba, đôi khi trở thành trầm lặng, lầm lì, cáu gắt, nghiêm nghị và khó tính. Đã một đời ba vì đất vì đai, vì dân quê làng xã, vì bệnh nhân cùng đinh nghèo khổ đói rách tả tơi rồi. Từng ấy nhọc nhằn khốn đốn, mà ba tôi chưa thất kinh, vẫn không chịu ngồi yên. Nay ba lại bươn bả đi mở đất khai hoang, mong đem bình an ấm no cho bao nhiêu người thất nghiệp, ba tận tình giúp cho họ từ vật chất đến tinh thần và kinh nghiệm ở những tháng đầu tiên, lúc nào họ có thể tự lập, thì thôi. Vì thế túi tiền của ba má không lúc nào đầy, mà hao hụt khá nhiều, dù ba "có nhiều nghề để lập thân, mà vẫn nghèo". Đó là niềm tự hào dân tộc, là niềm vui duy nhất còn sót lại trong đời, khi ba tôi tuổi già sức cạn.

Tôi nghe quá đắng cay chua xót trong lòng. Làm sao mà ba có thể mang hết cuộc đời, cả gia tài khiêm nhường dành dụm gần suốt đời người, để lo cho bá tánh nghèo khổ quá đông đúc, cho nỗi hỉ!? Hở ba? Khi tôi tận mắt nhìn thấy ba má xắn tay áo lên, lo cho người thương tật, ốm đau, những người cùng khổ, mà ba má không cảm thấy gớm, ghê, không một lời thở than. Niềm vui đó có phải do ba tôi đã vắt cạn kiệt ra từ chất xám, trầy trụa trên tấm lưng cong, ở bờ vai trần, để ba chia sẻ ban tặng cho đời thụ hưởng!?

Ba tôi thường lấy câu của bậc tiền bối, thánh hiền, để răn dạy con cái. Ví dụ như: “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên. Trạch kỳ thiện giả, nhi tòng chi. Bất kỳ thiện giả, nhi cải chi”. (Ba người cùng đi, tất nhiên có người là thầy ta. Hãy theo đó mà bắt chước, từ thiện. Nhìn người xấu, nên tự sửa mình). Hoặc những câu: “Lễ. Nghĩa. Liêm. Sỉ: là bốn rường cột để duy trì, giữ vững quốc gia. Bốn rường cột ấy nếu không căng được lên, có nghĩa là người trong nước mà vô lễ, vô nghĩa, vô liêm sỉ - thì quốc gia phải sụp đổ, và diệt vong mất. (Quan Tử).

Đôi khi mộc mạc đơn sơ bình dân hơn: “Tiên học lễ, hậu học văn”. “Nhân bất học bất tri lý, ấu bất học lão hà vi”. “Sĩ phu mà ba ngày không đọc sách, thì soi gương mặt mũi đáng ghét. Nói chuyện nhạt nhẽo, khó nghe”. (Hoàng Đình Kiên).
Ba tôi ưa nói câu của cổ nhân để gián tiếp răn dạy con cái:
- “Nếu ta có đứa con phải giáo dục. Ta sẽ lo cho nó cái gì? Tạo cho nó thành thiện nhân, hay vĩ nhân?” Ta tự đáp:
- “Phải tạo cho nó thành thiện nhân”.
***

Có một lần, tôi và anh trai ngồi học bài ở phòng bên, hai anh em nói chuyện lung tung về việc học hành trong lớp. Sau đó tôi to tiếng phê bình giáo sư của mình thế nầy:
- “Ông ta đã thiên vị, và trắng trợn có tình ý riêng tư, thân mật đặc biệt với một con nữ sinh nọ, nó có bầu rùi”.

Thế là hai anh em say sưa hí hửng, vui vẻ thao thao bất tuyệt nói xấu, chế nhạo “con nhỏ kia, và vị giáo sư khả kính”. Chúng tôi không ngờ ba tôi đang làm việc ở phòng kế bên, đã nghe rõ mồn một. Lúc khá lâu, ba tôi gọi:
- Hai đứa con: Dzoãn và Tuyết Thụy mau qua bên nầy, ba biểu.

Chúng tôi chưa biết ba gọi các con qua phòng tiếp bệnh nhân của ba để làm gì, nhưng hai anh em vâng dạ rõ to, và vui tươi hí hửng dắt nhau đi qua phòng ba, vừa đi anh em khúc khích tươi cười về chuyện “ông giáo và con nhỏ” ấy. Ở trong phòng làm việc của ba đã vắng khách, ba tôi cúi xuống trên quyển sổ bệnh nhân một hồi lâu. Ba còn cặm cụi làm việc, dường như ba không quan tâm về sự hiện hữu của con cái. Chúng tôi đứng xớ rớ gần cửa sổ, anh Dzoãn xích lại sát bên em, khều khều vào tay tôi, thì thầm:
- Chắc là ba sẽ thưởng cho anh em mình ha… vì anh và em đều có tên trong bảng danh dự tháng nầy đó em.
- Dạ… phải.

Một lúc sau, ba tôi xếp quyển sổ dày cui và cất trong hộc tủ. Ba tằng hắng vài cái, rồi ba tháo mắt kính xệ xuống ; (vì cái kính lão bị bể mất một bên tròng, khiến bên có mắt kính bị nặng, cọng kính lỏng lẽo kéo xệ xuống, bên trống lổng không có mắt kính thì treo lên cao, nhẹ hẩng, coi thật tức cười). Ba tôi ngẩng lên nhìn hai con:
- Hai đứa ngồi xuống đó.
- Dạ, thưa ba.
- Hồi nãy có khách ở đây, nên ba không tiện kêu hai đứa vô nói chuyện. Bây giờ, hai đứa kể lại việc “ông thầy giáo” cho ba nghe rõ coi nà.

Hai anh em liếc nhìn nhau, tôi len lén thò tay qua cào béo vào đùi anh mấy cái, cảm thấy phập phồng, hồi hộp… không biết có chuyện gì đây! Như thế, chắc chắn là chẳng phải do anh trai em gái học giỏi, sẽ được ba “thưởng” cho rồi. Anh ấp úng:
- Dạ, thưa ba, con… con…
- Sao? Hồi nãy hai đứa ngồi bên phòng, không lo học, mà chuyên nói xấu người thứ ba, nói xấu người vắng mặt. Hừ… Khách và ba đã nghe rõ mồn một mà. Tại sao bây giờ tụi bây lại im re, hả?
Anh em chúng tôi lo lắng cúi gầm đầu, anh Dzoãn lí nhí:
- Dạ, con… biết lỗi.
- Biết lỗi sao!?
- Dạ, … thưa ba.
- Vậy tốt. Con… (ba chỉ vào anh trai) đi ra ngoài chuồng vịt, bắt con vịt mái, nhớ là bắt con vịt mái thôi nghe, đem vô đây. Còn con Thụy xuống dưới bếp lấy muối, cây đèn, cái rổ, con dao, rồi đem lên đây luôn. Mau.

Chúng tôi vâng vâng, dạ dạ… dù có băn khoăn, bỡ ngỡ, ngạc nhiên, thắc mắc… nhưng anh em hí hửng chạy đi làm việc ba sai. Lòng tôi cảm thấy vui vẻ lạ thường, vì nghĩ ba đã bỏ qua chuyện “nói xấu”, ba tha lỗi cho “con dại… cái mang”. Ba sẽ du di xí xóa chuyện con nói hành nói tỏi, nói xấu… và ba sẽ “khao” cho hai anh em đã học giỏi, nên được ba cho ăn thịt vịt, mà ăn thịt vịt mái tơ… thì có trứng non, trứng già, có bộ lòng mềm cùng cái “dồi trường” thơm ngon bá cháy! Khi hai anh em lí lắc cười reo khệ nệ bưng các thứ vô phòng làm việc của ba, con vịt bị anh Dzoãn xách cánh, xách chân, thì nó luôn dẫy dụa kêu la inh ỏi. Thiệt là điếc con ráy quá đi! Ba ra lệnh:
- Con Thụy cắt cổ con vịt.
- Ôi, dạ… con không thể cắ… cắt… cổ vịt… Con sợ…
- Vậy cứ để con vịt sống như vậy, mặc kệ nó kêu la, hai đứa ngồi xuống nhổ lông (khi con vịt còn sống). Sau khi nhổ lông vịt xong, thì thả con vịt ra, cho nó chạy về chuồng, mặc nó bị trọc lóc thân thể, mà đau đớn kêu la, và bị đồng bọn vịt bu lại đấu đá, cắn xé, vì con vật ấy bây giờ không cùng chủng loại, coi dị hợm. Thì tụi bây bỏ lông vịt trong cái rổ nầy, đem lông vịt đi vất ra ngoài trời, cho lông vịt bay đi mọi nơi. Sau đó, hai đứa bây đi lượm lại đầy đủ, lượm sạch lông vịt, đem về đây. Ba sẽ thưởng công cho.

Tôi kinh ngạc, làm sao có thể đi lượm lại đầy đủ lông vịt khô? Anh Dzoãn chưng hửng vì nghĩ rằng: “Chắc ba đã già, nên khù khờ, lù đù, lẩm cẩm rồi chăng. Vậy mà ba cũng làm ông thầy thuốc, chắc là ba sẽ cà tửng “bóp cổ, diệt” hết bệnh nhân chết queo, ngoẽo không kịp ngáp rùi. Anh “trả treo” :
- Muốn nhổ lông con vịt, thì phải cắt cổ vịt, cho nó chết, và trụng nước sôi. Nếu để vịt sống mà nhổ lông, thì không thể nào! Ba nói con đem lông vịt khô ráo, thả ra ngoài trời, thì lông bị gió cuốn bay đi hết, làm sao con đi lượm lặt lại được. Ba!?
- Không làm được như ba đã nói, hay sao?
- Dạ phải.
- À… Vậy thì… hai đứa bây đã biết có lỗi gì chưa?
- Lỗi… ?
- Vẫn không biết mình đã phạm lỗi gì à?
- Dạ… thưa ba không.
- Hừ… Hứ!... Tụi bây xúm lại a dua nói xấu người ta khi họ vắng mặt, mà không cảm thấy xấu hổ nhục nhã hay sao? Lời nói vọt ra từ cửa miệng, bay xa… ai ai cũng nghe, cũng biết; thì giống như con vịt bị trọc lóc, lõa lồ, không còn lông… đang quang quác kêu la đó. Lời nói xấu thoát ra khỏi miệng, cũng giống như những cái lông vịt khô bay đi, thì tụi bây có lượm lại được không? Hả!?
Câu nói như mủi tên, không nên bắn bậy. Tên đã lọt vô tai ai, thì không tài nào rút ra được, chỉ có chết. Về việc “muối” và “cây đèn”, thì... Thịt. Cá, nếu không ướp muối, thì thịt, cá sẽ bị ươn, thúi. Cây đèn khi đốt lửa là cho ta ánh sáng, (tượng trưng cho sự thông minh của trí tuệ). Nếu các con không thấm nhuần nền giáo dục chu đáo, có căn bản từ gia đình, học đường, xã hội, không có đức dục và rèn luyện trí dục. Không tri thức, không có ánh sáng, thì các con sẽ hư đốn, như cá không ăn muối, như cây đèn không tỏa sáng vậy.

Chúng tôi cúi gầm đầu im re. Dạ, con hiểu rồi! Hai anh em đã bị ba phạt một ngày. Anh Dzoãn lớn hơn tôi, nên anh đi cuốc đất làm vườn trà. Ba “đì” tôi đi nhổ cỏ cú, cỏ chỉ, cỏ ống, cỏ tranh. Thiệt là quá nhọc nhằn, mệt muốn đứt hơi, tôi quá thất kinh vì cái tội vạ miệng “ăn mắm ăn muối, nói bậy bạ” nên phải ngồi buồn hiu vất vả “lam lũ” ở ngoài nắng, dù chỉ "lao động" có một ngày, mà không thể chịu nỗi cái nắng cháy da, cái khát khô bỏng cổ họng! Đáng kiếp! Ôi! Cái chuyện “nhổ lông vịt” muôn đời đáng ghi nhớ ấy… là bài học quý giá hơn trăm ngàn vàng, chẳng thể quên! Anh, chị, em chúng tôi đã được sự giáo dục rất mực tôn nghiêm và chu đáo của mẹ cha. Tôi học hỏi nhiều điều bổ ích từ ơn cha nghĩa mẹ sinh thành dưỡng dục. Con xin trân trọng cảm ơn cha mẹ vô vàn. Tôi nguyện muôn đời ghi nhớ, sau nầy tôi hy vọng… sẽ truyền đạt kinh nghiệm sống và hữu ích lại cho con cháu mình noi theo gương lành.

Lòng buồn khi bước về phố cũ
Con ra đi đời lãng tử mộng trăng thềm
Mơ hồng trần theo sông nước cảnh chiều êm
Con nhớ lắm khi trăng lên xóm nhỏ

Chân bước ngại ngần mây tím đổ
Chiều về khắc khoải áo hồng vương
Mẫu thân bên xoan đỏ phía sau vườn
Cha dạy: Lý. Văn. Cửu chương. Hóa. Sử cũ

Giờ đất khách tri ân mẹ cha trên phím chữ
Hiển đạt đời con, ấp ủ mẫu phụ thân
Vinh sang hạnh phúc bội phần
Công cha dưỡng dục muôn vàn khắc sâu
Nghĩa mẹ ngàn thuở bền lâu… (THH)
* * *

Ngôi nhà ngói ba má tôi đã sinh sống cao năm bậc cấp, có ba gian hai chái, thềm sân rộng lát gạch tàu, bên một gian chái là giàn hoa thiên lý treo chiếc lồng cu gáy sơn son thiếp vàng, chúng đang gù gáy bạn đời, nghe thật hay. Lồng bên cặp cưỡng đen tuyền đang nhảy nhót, chim hót don dỏn "giọng tiếng Việt" do ba dạy nó, nghe líu lo. Ngoài những giờ bận rộn, ba tôi có thú tiêu khiển điền viên tao nhã, tri thức mỗi khi trà dư tửu hậu; ấy là lúc ba cùng vài bạn tri âm ngồi dưới giàn hoa thiên lý cạnh hàng hiên bên giại nứa, họ đầm ấm hiền hòa ngâm thơ, vịnh nguyệt, trồng cây kiểng, nuôi sáo, nuôi cưỡng, huấn luyện bồ câu đưa thư, và nuôi chó quý. Họ bàn thảo với nhau về kinh nghiệm nuôi, chọn chim, chó...:

Nào là: Chim mà có mỏ quắp, là chim hung dữ, đáng sợ . “Chim hồng chim hộc cất cánh bay cao, là nhờ lông cánh. Lông to dưới bụng, lông nhỏ trên lưng, mọc thêm một nắm, bay chẳng cao hơn, Rụng mất một nắm, bay chẳng thấp hơn”. (Hàn thi ngoại truyện).
Ba tôi có biệt tài nuôi chim và giàu kinh nghiệm khi huấn luyện loại chim bồ câu đưa thư, cũng như nuôi dạy chó khôn đưa tin đi xa.
Trước khi muốn nuôi chim bồ câu, ba tôi rất có "hoa tay" tự cưa cây, bào gỗ làm một cái chuồng xinh xắn khá to lớn, chuồng sơn xanh sơn đỏ, vẽ hoa lá cành, nóc lợp ngói, có hành lang song gỗ tròn chạy chung quanh chuồng chim, ba nói:
- Chim bồ câu rất thích ở chuồng đẹp và sạch sẽ, cao ráo.
Ba làm việc gì cũng khéo tay, coi thật cầu kỳ, đẹp lạ thường. Chuồng chim núp dưới bóng mát của những tàng cây rợp lá, chuồng đặt trên một cây cột cao, có rào kẽm gai ở dưới cột (đề phòng mèo rừng rình bắt chim con). Chuồng có những “ngăn phòng” riêng biệt đóng kín, chỉ có một cửa ra vào hình tròn, mỗi “phòng chim” rộng khoảng 20cm, mỗi bề mặt của các ô cửa có tấm màn lưới mỏng treo lơ lửng.

1./ Chọn mua vài ba cặp bồ câu có chân đỏ, mỏ đỏ, mắt đỏ, bộ lông mịn trắng (cũng có khi chọn bồ câu lông màu nâu, màu xám). Khi tôi vãi lúa, bắp khô đã xay bể ba bể tư ra sân rộng, nhìn cảnh gia súc: gà, vịt, ngỗng, ngan… vui vẻ nhộn nhịp “tưng bừng nhậu nhẹt”, coi thật thú vị lắm. Đặc biệt ở cạnh trên bốn góc chuồng bồ câu cao, loài chim thông minh nầy được ăn thêm: đậu xanh cà hột giả dập dập, rồi nhào trộn với cám hơi nhão, (có tẩm xíu nước, để các thứ ấy dính với nhau). Sau khi từng cặp chim bồ câu lớn lên, trở thành “có đôi có cặp”, (việc chọn và biết con chim nào là con trống, con chim nào là chim mái, cũng công phu, phải hiểu biết và có kinh nghiệm). Chim đẻ trứng, ấp trứng nở ra con.

2./ Có nhiều cách huấn luyện bồ câu đưa thư: Khi bồ câu đã có con, và “bồ câu nhí” mở mắt, ra ràng, ta để cho bồ câu nhí làm quen và thân thiết với ổ của mình, thì sau đó thả cặp “bồ câu cha mẹ” ra ngoài ổ.

3./ Kéo tấm lưới ngăn lại (cho bồ câu nhí không thể bay ra khỏi chuồng, chúng chỉ quanh quẩn ở trong tổ). Bồ câu cha mẹ sẽ đứng ở ngoài tấm lưới mắt cáo, để chúng có thể thò mỏ vô mớm mồi cho hai con nhỏ ăn, uống, dễ dàng.

4./ Đem nhốt một trong hai con chim nầy (bồ câu cha, hoặc bồ câu mẹ) ở một cái lồng khác. Chừa lại một con chim ở ngoài trời, Vì cha (hoặc mẹ) không được ở gần con, nên nó luôn luôn quyến luyến, nhớ thương (vợ, hoặc chồng, và con) mà con chim ấy sẽ quanh quẩn bên chuồng, bên con.

5./ Đem bồ câu cha đã nhốt trong lồng mới, xách lồng đi thật xa (xa chuồng cũ sơn son thiếp vàng kia), để lồng chim ở đó một ngày đêm. Ngày hôm sau, thả con bồ câu nầy ra. Bồ câu cha (hoặc mẹ) lập tức bay về chuồng cũ, và chung thủy “tìm vợ, tìm con”. Ta sẽ thay đổi vị trí, kiên nhẫn làm lại y như thế nhiều lần (với bồ câu cha, hoặc mẹ kia).

6./ Từ đó, ta sẽ kéo đường dài (kéo cây số) đi một khoảng cách khá xa xa. Ví dụ trước kia khoảng cách giữa chuồng chim ở nhà, và lồng chim là 50 mét, nay bồ câu đã quen bay lui bay tới chuồng, thì tuần lễ sau, ta sẽ kéo dài khoảng cách thêm xa xa thành 100 mét. Ở góc khuất rất xa đó, ta thả bồ câu ra, cho nó tìm đường bay về tổ. Vân vân…

7./ Cặp bồ câu nhí không nên thả ra cùng một lúc, vì cả hai con nhí nầy khi đã được bay nhảy, thì tung tăng ngoài bầu trời thênh thang và tự do, chúng sẽ hẹn nhau bay đi xây tổ ấm “mút mùa lệ thủy”, chim bay đi… một bay không trở lại.

8./ Hai con nhí đã trưởng thành, (mọc đủ lông cánh) thì ta kéo tấm lưới sắt lên, cho “cha mẹ con cái” sống chung một nhà, để cha mẹ chúng huấn luyện con cái tập bay chuyền, bay bổng, và nhập đàn với bạn trong một thời gian dài.

9./ Cách phân ly khác: Tách bồ câu trống ra khỏi chuồng, đem một con bồ câu trống cũ nầy thả cho nó bay ra ngoài trời. Ta nhốt một con bồ câu trống xa lạ khác vô trong chuồng, cho nó ở chung với “con vợ cũ”. “Thằng chồng bồ câu cũ” đang cảm thấy mình bị phản bội, bị kẻ khác ve vãn và sẽ cướp đoạt mất vợ, nên nó điên cuồng nổi cơn ghen, cứ lẩn quẩn bên chuồng chim. Ta vẫn làm “cái sách cũ”, nghĩa là cột một cái ống trúc khô, nhẹ, nhỏ, ở cổ chân chim, sau đó nhốt con trống (hoặc mái) vô trong lồng bịt kín, đem lồng chim đi thật xa, xa hẳn chuồng. Ở địa điểm mới, ta thả bồ câu ra, nó sẽ tung cánh lên cao, liền vội vã bay về tổ ấm. Thế là thành công. Ba tôi còn bẫy chim sáo, nhồng, cưỡng… cho chim ăn ớt, ăn bắp xay, lúa… nuôi dạy chúng biết nói tiếng người. Nghe líu lo hay lắm.

Ba tôi còn có một “ngón nghề” tuyệt vời nữa là: cách huấn luyện nuôi dạy chó đưa thư, loại giống chó berger khôn thế nầy:

1./ Đại cương về cách chọn giống chó: Không chọn giống chó chấm lông ở ngay chính giữa trán, và bị chấm lọ (bất cứ màu gì) ở đuôi, thì không nuôi giống ấy. Nhưng phía trên, gần hai mắt ở cạnh lông mày của chó, nếu có hai chấm tròn, lông xoáy (vàng, đen, hoặc trắng… khác với màu lông của thân thể chó), là giống tốt “đốm đầu thì nuôi, nhưng đốm ở đuôi thì thịt”. Đặc điểm cần chọn của giống chó tốt: Đuôi chó luôn ở bên trái. Lưỡi chó có đốm đen dài. Bốn chân chó cứng cáp trên thân hình chó vạm vỡ. Có nghĩa là ngực nở to, nhưng phần bụng phải thon gọn. Hai tai chó luôn đứng thẳng, chó thính tai nghe rõ (tai chó không cụp qua một bên). Muốn hai lỗ tai chó thẳng đứng và tinh khôn, (vì hai tai chó đứng thẳng, thì nó nghe rất thính) một tuần vài lần, ta nên cho chó ăn trứng gà tươi trộn phổi bò.

2./ Chọn giống chó: Nên chọn chó mõm dài. “bạch cẩu hoàng đầu lưng bối nguyệt” = Thân có lông trắng, đầu lông vàng, lưng chó có lông như hình trăng rằm, mắt to đen láy, mũi hồng, lưỡi dài có đốm đen, tứ túc huyền đề. Giống chó nầy đặc biệt rất quý hiếm, ít thấy.

3./ Thân chó lông màu đen, bốn chân lông màu trắng, giống như ở chân chó mang đôi vớ trắng (tất), gọi là = “hắc cẩu tứ bạch”.
- Toàn thân chó có màu lông vàng óng ả, gọi là = “hoàng cẩu”.
- Lông xoáy ở trên lưng chó mọc xuôi từ đầu chạy về đầu đuôi, gọi là = “Bối kiếm cẩu”.

a./ Ngoài bốn chân chó, có thêm bốn cái móng đeo nhỏ lủng lẳng ở mỗi chân, gọi là = “Tứ túc huyền đề”.
b./ Ngoài bốn chân chó, có thêm hai đeo nhỏ ở mỗi chân trước, và một đeo ở mỗi chân sau. Gọi là = “Lục hợp cẩu”.
c./ Ngoài bốn chân chó, mỗi chân chó có thêm hai móng đeo nhỏ. Có 8 móng đeo ở bốn chân, gọi là = “bát long cẩu”.
d./ “Lưỡng cẩu” = là bốn chân chó chỉ có hai móng đeo ở hai chân.

4./ Ta thân thiện với “chó nhí” từ khi chúng còn nhỏ. – Biết tính nết chó – Đặt tên chó & gọi tên nó mỗi ngày nhiều lần, cho chó quen biết tên của nó - Huấn luyện chó nhí từ việc nhỏ nhất, ví dụ: thường xuyên dạy chó đứng – ngồi – nằm - bắt tay mình – dạy chó ăn, uống khi nào được cho phép – cùng chó đá banh - ném banh, ném lon ra xa, ta và chó đi nhặt về, nhiều lần. Sau đó để chó tự đi nhặt về đưa cho mình. Mỗi lần chó “làm việc giỏi”, ta thưởng cho chó món ăn mà nó ưa thích.

5./ Sau đó ta dần dần huấn luyện thêm những việc khó hơn, ví dụ: dạy chó giữ nhà. Chó biết phân biệt người thân và khách lạ, (chó thông minh, chính vì thế mà chó ưa sủa rần trời, mỗi khi có người lạ, hoặc nhà có kẻ trộm rình). Dạy chó phân biệt gia súc của nhà mình nuôi, khác với gia súc của hàng xóm. Dẫn chó đi săn bắt: chuột, chim, gà rừng, vân vân… Dạy chó đi nhận thư ở nhà nầy đến nhà khác: Ta cùng chó đi gửi thư ở bưu điện nhiều lần, cho chó quen hơi người lạ ấy, ta gọi tên của ông ấy hoài, cho chó ngửi mùi người ấy, sẽ quen hơi. Nó biết nơi chỗ cần đến. Sau đó, một mình ta cột thư ở cổ chó, và dẫn chó đến cho người sẽ nhận thư (người mà chó quen hơi biết mặt trước kia), ta vỗ vỗ vào đầu chó, thân thiện vuốt ve và gọi tên chó: “To Bi… hãy để ông (tên X…) mở túi xách ở cổ ra, nhận thư”. Nhiều lần như thế, tất nhiên con chó thông minh, tinh khôn, và hiểu ra ngay.
Ba tôi kiên nhẫn dạy chó, chim (tận tụy, giống như ba tôi đã kiên cường trong việc chữa trị bệnh nhân), nên ba tôi rất thành công trong việc nuôi dạy chim & chó.
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
07-02-2018, 09:11 PM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1530564132-a b do VIET Nam.jpg

/uploadpics/mp3_pdf1017/1530564227-Viet nam Viet nam by Pham Duy - Viet Nam Viet Nam.mp3 Hãy trả lại ta: Sơn Hà VIỆT NAM


Gần cuối tháng 4-1975, Hoàng Năm lấy xe Van của bà bồ già tên Tư Râu Rậm để đi làm một cái bản đồ, trong đó Năm ghi rõ tất cả địa chỉ, nơi mà nhân viên Mỹ đã, đang ở tại Sài Gòn và các Tỉnh phụ cận ở miền Nam Việt Nam. Thường thường người Mỹ ở tập trung, họ thuê bao nguyên một building nhỏ. Nếu ai có bồ bịch ở Việt nam, hay ai có vợ con đem qua Việt Nam, họ mới ở riêng, ở cách xa nhau. Khi hoàn thành xong công việc, và giao cho “xếp”, cũng là lúc Năm đã biết về chiến dịch “White Christmas” – Nghĩa đen là “Chiến dịch di-tản người Mỹ”.
Năm vẫn ung dung và dửng dưng vì Năm chỉ thích sống tại Việt Nam! Ngày cuối cùng trước khi ra đi, ông “xếp” gọi Năm:
- Tôi sẽ ra đi về Mỹ gấp đây. Bây giờ, cái công ty nầy là thuộc về anh.
Năm chỉ cây dù cuả ông xếp lớn dựng ở cuối văn phòng, cười cười:
- Tôi không có ý định đó. Nếu ông cho… tôi chỉ xin ông “cây dù đen” kia, để làm kỷ niệm…
Năm giống như:
Thằng Bờm có cái quạt mo.
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu…
Phú ông xin đổi một xâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đồi một bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi… nắm xôi. Bờm cười… Ha ha ha!
*

Ừ thì… trước năm 1975, “Bờm” cứ thoải mái vui vẻ cười ha ha ha đi, để rồi… nếu sau ngày 30 tháng 4 mất nước, mà Bờm không biết lo giữ gìn đất nước quê hương Việt Nam cẩm tú trường cửu và vĩnh thịnh trong độc lập tự do, đó là hòn ngọc viễn đông vô cùng trân quý, và Côn Sơn (Côn Đảo POULO CONDOR) thơ mộng tuyệt vời đầy rung cảm; “nếu” bị lọt vô bàn tay khát máu của Tàu Cộng… Thì, Bờm không còn cười ha hả nữa, mà Bờm sẽ hối hận ôm mặt khóc hu hu hu, thì đã muộn mất rồi! Khi đất nước Việt Nam thân yêu nhuộm máu Trung Quốc, chúng trắng trợn ngang ngược vi phạm luật pháp quốc tế, dùng mọi thủ đoạn, vũ lực thô bạo cưỡng đoạt & thủ thuật cướp đoạt chủ quyền cuả Việt Nam, để chiếm đoạt Hoàng Sa - Trường Sa - đấy là hải đảo huyết mạch nằm trên tuyến đường chiến lược quan trọng; rồi Đèo Ngang, Hà Tĩnh… cũng đi đon!

Thế nên Trung Quốc chủ trương bá quyền độc chiếm (từ eo biển Malacca đến các nước Đông Bắc Á, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản…). Lại thêm những vụ: dân Trung-quốc “núp bóng” người Việt bằng cách đưa tiền tỷ cho người Việt có điều kiện đứng tên mua nhà ở ven biển, sông ngòi, hải đảo… Họ mua hơn 246 lô đất ở Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, cụm đất rộng lớn nầy có thể chứa hơn 100.000 người, làm đặc khu cho người Trung-quốc ở. Đây cũng là kế sách di dân tuyệt hảo cuả Trung Quốc chuyển sang Việt Nam; (chính phủ Trung Quốc đỡ mang vác gánh nặng hơn một tỷ ba con dân nước họ). Thế mà số ít người Việt “chỉ đứng trên danh nghiã “hợp tác, hợp te, làm quản lý hờ”, còn mọi vấn đề khác đều do Trung-quốc sở hữu làm chủ; xây khách sạn, lập công ty thương mại nầy, công ty sản xuất, hoặc nhà hàng ăn uống, du lịch nọ! Đó là vấn đề chính yếu đáng sợ nhất!

Bây giờ nhà nước Việt Nam còn “làm” vụ động trời khác -đề xuất lập ba đặt khu “thuê đất” 99 năm- Hiện nay Trung-quốc đã “lọt thỏm” vô những yếu điểm quan trọng như Đà Nẵng, Nha Trang, Vân Đồn, Quảng Ninh, Bắc Vân Phong, đảo Phú Quốc… vẫn là điều phi pháp! Đê hèn. Ôi! máu sẽ chảy từ chân núi Bayan Har qua các dòng sông: Yanguoxia, Bapanxia, Daxia, Qinglongxia, v.v… (Tây Tạng, Trung Hoa), máu ngoại bang thắt bím đuôi sam tuôn trào khắp mọi nơi, trôi về trên non sông gấm vóc quê ta, là máu thấm đẫm đến từng chân tơ kẽ tóc dân Việt! là chúng nuốt chửng, nuốt trọn Việt Nam rồi – thì từ đây sẽ “sụp đổ & tàn lụi suốt bao thế hệ, từ đời chúng ta và hậu duệ sẽ đau khổ, ngậm ngùi cay đắng, xót xa cùng quẫn dài dài. Vậy thì người Việt (chúng ta) sẽ ngao ngán cúi gầm mặt, đớn đau lủi thủi quay trở lại trang sử buồn… trên những con đường đất nhuộm đỏ máu tươi rất gập ghềnh, hoang phế… (mà tổ tiên đã từng trải qua đầy gian truân khổ ải, lẫn chông gai. Ngỏ hầu cho Việt Nam “sống” vững mạnh tới bây giờ… mới có chúng ta).
Cớ sao đảng và nhà nước (thay thằng Bờm hiện tại? hay thằng Bờm có cái quạt mo ngày xưa?) lại dẫm chân lên vết xe cũ, trùng lặp một 1.000 năm đô hộ giặc Tàu lần nữa, mà không sáng con mắt ra? – hay vẫn do chủ nghiã: “100 năm trồng người”? Lúc đó “dân nước ta” sẽ bị ngoại lai đô hộ, thống trị trong xiềng xích nô lệ khổ ải suốt kiếp! Đã mất Hoàng Sa và Trường Sa rồi, không chóng thì chày đảo Phú Quốc, Côn Đảo, vịnh cảng quân sự Cam Ranh… thuộc lãnh hải và lãnh thổ Việt Nam; là “những yếu điểm quan trọng nhất, và là pháo đài khó công nhưng dễ thủ”, cũng tương tự na ná -sẽ rơi vô tay bè lũ khát máu Tàu cộng cho mà coi- Thế thôi!

Người Việt Nam từ bé chí lớn không thể hết nguôi từng cơn rúng động choáng váng, rụng rời, bàng hoàng rơi lệ, vì kẻ tội đồ bán đất nước – (từ vụ Hoàng Sa, Trường Sa, Bauxite Tây Nguyên, di dời cột mốc Ải Nam Quan, Formosa, v.v… Nga Sô và Tàu chệt đã tràn ngập trên những vùng đất quan trọng ở khu phố Tây sầm uất, (thuộc thành phố Nha Trang). Tôi đến Nha Trang vào tháng 10 năm 2017 mà tưởng chừng như đang đi lạc trên đất nước Tàu đông đúc náo nhiệt ồn ào kinh khủng! Trong nhà ngoài phố đều xuất hiện người Tàu, chữ viết trên tiệm ghi toàn tiếng Tàu & khu Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Trung – Thiệt tình!
Cho đến bây giờ mà Đảng và Nhà Nước không có những “nhân sỹ trí thức” có thể chế, có ý thức trách nhiệm và tinh thần tự tôn dân tộc sao? vẫn “tập trung phá thối” không chịu mở mắt ra!? Trời ơi! Giờ phút lâm nguy nầy, mà đảng còn ru ngủ dân Việt trong chiêu bài mị dân bán nước: “Không có gì quý hơn độc lập tự do và hạnh phúc” sao ta? Hãy tỉnh táo lại đi. Chuyện đó “xưa rồi Diễm” …!!!

Tại sao đảng và nhà nước XHCNVN không noi theo gương của những vĩ nhân anh hùng thuở trước, như ba vị nữ lưu mặc dù "chân yếu tay mềm, quần thoa áo lụa, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu" nhưng tuyệt vời như: Hai bà: Trưng Trắc, Trưng Nhị & bà Triệu Thị Chinh? Oanh liệt từ thời Trần Bình Trọng "thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vua đất Bắc"; Những tấm gương can trường dũng khí: MAI THÚC LOAN - Đức TRẦN HƯNG ĐẠO Vương (TRẦN QUỐC TUẤN) hào kiệt anh tài nghĩa dũng qua những chiến trận lẫy lừng vang bóng. Danh nhân kiệt xuất: NGUYỄN TRÃI – Vua Quang Trung NGUYỄN HUỆ lừng lẫy trong chiến thắng trận Đống Đa. Vân vân... thật nhiều, nhiều lắm... không làm sao kể xiết!
Nói làm chi cái thuở hồng hoang nguyên thuỷ gần như lúc "tạo thiên lập... quốc" của vua Hùng Vương xa xưa như trái đất, cho mệt! mà hãy ôn cổ tri tân những vị tướng anh hùng tử khí hùng bất tử: Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam. Thiếu Tướng Phạm Văn Phú. Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng. Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ. Chuẩn-tướng Trần Văn Hai. Các Ðại Tá, Úy..., Hạ sĩ quan, và binh sĩ... sau ngày 30 tháng 4 của miền Nam Việt Nam Cộng Hoà... có rất nhiều chiến sĩ anh hùng vô danh ẩn tích khác. Họ là những anh hùng vị quốc vong thân. Những bậc anh tài sinh vi tướng, tử vi thần đều có một lòng trung quân ái quốc, thà chết chứ không chịu nhục dưới chế độ độc tài đảng trị, nơi không có tự do dân chủ và nhân quyền; mà chỉ có "bá quyền" đàn áp tôn giáo, xúc phạm lương dân lam lũ vô tội. Họ chẳng hề “tham sinh úy tử”. Do sĩ khí từ ông Lê Lai cao cả hy sinh liều mình chịu chết, để cứu chuá Lê Lợi !?! Vậy thì, tại sao XHCNVN không "học hỏi" những tấm gương ái quốc yêu người từ cổ chí kim, mà hành xử cho phải đạo làm người. Mình cũng có thể học từ điển tích của quân Tàu, "mặc dù khát giống, nhưng cùng chung lý tưởng "thâm diệu", có mục đích diệt cường quyền bá đạo". Thế thôi :

Hán Vương thấy Hạng Vương (nước Sở) cử đại binh bao vây thành Huỳnh Dương rất chặt chẻ. Lúc đó, lại có thêm tin cấp báo: “Hạng Vương ra lịnh ngăn hạ lưu sông Vinh, để cho nước chảy ngập thành Huỳnh Dương”.
Khiến Hán Vương càng lo sợ, đã kêu các tướng, Trương Lương và Trần Bình vào nghị kế với các quan. Vua nói:
- Hàn Tín chưa về. Trong thành không có ai có đủ sức đánh lại Hạng Vương. Ai có kế gì hay để giải vây bây giờ?
Trần Bình tâu:
- Tôi có một kế phá vòng vây cuả giặc, nhưng ở đây không có một trung thần nào dám hy sinh thay cho đại vương.
Chu Bột và các tướng nghe thế, tỏ ý bất bình. Trần Bình lại tâu:
- Kế đó rất thâm diệu, các ông chưa hiểu ý tôi… nên giận là phải đấy thôi.
Trần Bình lại ghé vào tai Hán Vương nói nhỏ mấy câu. Hán Vương liền tươi ngay nét mặt:
- Kế đó hay lắm! Giao cho Trương Lương thực hiện mới được.
Trương Lương nhận lệnh về dinh cuả mình mở tiệc mời tất cả các tướng đến dự. Trương Lương dụng ý treo một bức tranh vẻ chiếc xe có một người ngồi, sau xe có hằng vạn kỵ binh tới tấp đuổi theo xe. Phiá trước xe là khu rừng rậm có một người đang ẩn nấp. Trương Lương giải thích với mọi người:
- Xưa, vua Cảnh Công nước Tề đánh với quân Tấn. Vua Tề thua to, quân chết như rạ, lớp quân khác trốn hết, họ bỏ vua ngồi một mình trong xe. May thay lúc đó có một nông dân xin vua cỡi áo bào cho mình mặc, giả làm vua- còn vua thì mặc quần áo cuả nông dân ấy, mà ra đi. Cảnh Công không chịu, vì để mình sống mà người khác chết thay sao đành. Nông dân ấy thúc giục:
- Tôi chết, chẳng khác nào trong rừng rậm chỉ mất một cây. Ngược lại, nếu chúa công chết, thì mất cả giang sơn.
Sau đó, quân giặc bắt được “Cảnh Công giả” đem về nạp cho vua Tấn, vua Tấn biết đó không phải là vua Cảnh Công, cũng ra lệnh giết chết. Nông dân ấy nói:
- Tôi dám thay mạng sống mình cho chúa công cuả tôi, thì tôi không sợ chết. Chỉ tiếc một điều: Nếu chuá công giết tôi, sau nầy người dân Tấn nào muốn chết thay mạng cho vua, họ cũng không dám, vì họ sợ cũng bị giết như tôi.
Nhờ câu nói đó mà nông dân ấy thoát chết. Các tướng hiểu được dụng ý của Trương Lương khi cho treo bức tranh giữa phòng tiệc, nên đồng thanh nói:
- Chúng tôi xin đem mạng thay cho Hán Vương, giúp vua thoát khỏi vòng vây.
Trương Lương nói:
- Lòng trung nghiã của các tướng rất đáng biểu dương, nhưng ta chỉ cần một người có diện mạo hơi giống vua; đó là Kỷ Tín. Không biết Kỷ Tín nghĩ sao?
Kỷ Tín bằng lòng. Trương Lương và Trần Bình đưa Kỷ Tín vào ra mắt Hán Vương. Hán Vương không chịu để Kỷ Tín chết thay mình. Vì “hại người mà lợi cho mình” là việc vua không chấp nhận. Kỷ Tín doạ tự tử, khi ấy Hán Vương mới bằng lòng. Hán Vương biết Kỷ Tín thế nào cũng bị giết, nên hỏi kỹ hoàn cảnh gia đình Kỷ Tín ra sao, thì được tâu:
- Thần còn một mẹ già, vợ và một con còn rất nhỏ.
Hán Vương ngậm ngùi nhận nuôi dưỡng họ suốt đời. Sau đó Trương Lương, Trần Bình thảo hàng thư, sai sứ giả đem trao cho quân Sở, trong thư hẹn lúc cận tối, Hán Vương sẽ ra hàng. Trời vừa tối, thì mở cửa thành phiá Đông, quân Sở thấy một đoàn mỹ nữ vài ngàn người ung dung chậm rãi thong dong chậm chạp bước ra nhảy múa, nên quân Sở rối loạn hàng ngũ, họ rần rần kéo nhau ùa đến cửa đông xem cho thoả mãn! Nhờ đó Hán Vương và các tướng thoát ra cửa Tây an toàn. Cuối đoạn cuả đoàn mỹ nữ mới thấy đội nghi vệ bao quanh chiếc long xa. Hạng Vương mừng rỡ vì tưởng là Hán Vương thật, nên cho ngựa chạy tới. Kỷ Tín liền trợn mắt, hét:
- Ta đây là Kỷ Tín, chớ không phải vua Hán Vương. Hán Vương đã kéo đại binh ra khỏi thành Huỳnh Dương từ lâu. Ngươi không biết hay sao?
Hạng Vương nghe thế, giận lắm, nhưng trong lòng cảm phục khen ngợi người chí sĩ có lòng trung nghĩa. Ông sai Qúy Bố đến dụ Kỷ Tín về hàng. Nhưng Kỷ Tín thà chết, chứ không hèn mà hàng giặc.
*
Vậy nên, từ những sở vọng kiên cường ấy, các ngươi hãy trả lại cho ta địa danh gấm vóc sơn hà VIỆT NAM
VIỆT NAM cẩm tú sơn hà.
Địa danh giới phận nước Ta với Tàu.
Nghìn năm có trước ghi sau.
Bảng vàng lưu Sử ấy câu tựa là:

Từ NAM QUAN Ải mình qua
Trường Sơn chữ S mặn mà VIỆT quê.
HÀ NỘI NGHỆ AN phố Huế.
QUẢNG ĐÀ BÌNH ĐỊNH ta về NHA TRANG.

GIA LAI PHAN THIẾT PHAN RANG.
VŨNG TÀU ĐÀ LẠT TRÃNG BÀNG TÂY NINH.
SÀI GÒN ĐỒNG THÁP LONG BÌNH.
KIÊN GIANG HỒNG NGỰ TRÀ VINH NHÀ BÈ.

CẦN THƠ CHÂU ĐỐC BẾN TRE.
GÒ QUAU nghìn dặm AN KHÊ chập chùng.
BẠC LIÊU nhớ miệt TÚC TRƯNG.
LONG AN BẾN LỨC thương hung KIẾN TƯỜNG.

Ô MÔN CAO LÃNH CẦU NGANG.
U MINH RẠCH GIÁ VĨNH LONG một nhà.
HÀ TIÊN QUẢNG TRỊ TRƯỜNG SA.
CÀ MAU PHÚ QUỐC vẫn là của Ta:
*
Trả lại đây núi non xa…
VIỆT NAM vang bóng sử ca nghìn đời.
Từ ngày “người lạ” đổi thời.
"HOÀNG SA độn thổ" biến đời quắt quay.

Bên ngoài thế giới có hay?
NAM QUAN ẢI mất; đọa đày lắm thay!
Xế chiều tuổi đã vàng bay...
Núi sông ngậm đắng nuốt cay ai đòi?!

Nghìn thu nỗi hận đầy vơi.
Ước mơ sông núi cuối đời về TA.
Đồng Bào hỡi! Khắp gần xa.
Đứng lên giành lại sơn hà VIỆT NAM.
*

Tình Hoài Hương

(*) Ít trích dẫn trong Việt Nam Quê Huong Cẩm Tú của Tình Hoài Hương)

Tinh Hoai Huong
09-09-2018, 04:10 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1536463514-gia 2.jpg
/uploadpics/mp3_pdf1017/1536463341-Em - Vu Khanh.mp3
Tình Già “ẩn” Nơi Nao!?

Bà Lý Lùn đọc mấy chuyện khôi hài in trên tờ nhật báo đã ghi:
- Người tuổi Sửu hợp với người tuổi Ngọ, theo quẻ gieo: “đầu trâu mặt ngựa”. Người hai tuổi này mà cưới nhau chắc chắn sẽ thành công, tấn tới, nếu cả hai vợ chồng cùng làm việc trong lĩnh vực “xã hội... đen” (đâm thuê, chém mướn).
- Người tuổi Tỵ rất khắc với người tuổi Dậu, theo quẻ gieo là: “cõng rắn cắn gà nhà”. Nếu hai người này cưới nhau về, thế nào người tuổi gà cũng bị người tuổi rắn cắn chết, không loại trừ trong lúc yêu đương bị đương sự cắn lầm.
- Người tuổi Mùi hợp với người tuổi Tuất, theo quẻ gieo: “treo đầu dê, bán thịt chó”. Hai vợ chồng tuổi này chắn chắc sẽ làm ăn phát đạt, thịnh vượng, đặc biệt là trong lĩnh vực… buôn gian bán lận, lừa đảo.

Bà Lùn vui vẻ mỉm cười hân hoan nghĩ tới vị ân nhân cứu độ sẽ xuất hiện trong đời mình lần nữa. Dù sao năm nay mình mới “bốn chín nem mưi” tuổi. Sau một lần Lùn leo lên thuyền hoa cùng anh chồng trẻ làm tại nhà máy đường ở Cầu Ngang, vợ chồng đã có hai mặt con. Một ngày u ám kia, anh chồng bỗng nhiên đột quỵ và ngoẽo. Ôi! Từ đó… thì cuộc đời Lùn chỉ sống trong bóng tối triền miên. Sau những tháng năm đất nước bị đổi đời, ngày ngày Lùn lội bì bõm ra kinh lạch bắt cua bắt còng; mồ hôi nhỏ tong tong xuống đầm lầy nương rẫy. Nhọc nhằn biết mấy mà kể! Nay có người chú họ ở Mỹ muốn mai mối cho mình một “đức lang quân”. Tuy rằng chuyện ông ta phức tạp chút xí, khi chú thím (người đã làm mai mối) gọi phone méc, rồi hỏi ý bà Lùn:
- Cô có nên tiến tới với người xa lạ hay không, có sợ không, nếu cô đã nghe câu chuyện thật của một ông người Việt, đã xảy ra trên nước Mỹ cách đây mười ba năm như vầy:
- Trong một buổi lễ làm phép xác tại giáo đường Ontario, ông kia xấp xỉ 70 tuổi đã đứng trước quan tài của bà vợ quá cố; khi có đầy đủ “bá quan” thương tiếc đi tiễn đưa bà vợ đến nơi an nghĩ cuối cùng. Thì ông ta cầm tờ giấy hôn thú (của hai ông bà). Ông ta giơ lên cao, phe phẩy mấy lần, cốt cho tất cả mọi người trong giáo đường chú ý nhìn, lắng nghe. Tự tay ông xé toạt tờ “giá thú” ra, rồi dường như giận dữ ông quăng mạnh xuống trên đầu áo quan, ông ta hân hoan dõng dạc tuyên bố:
- Kể từ hôm nay, tôi chính là người sung sướng tìm lại được sự tự do, hạnh phúc và an nhàn sống đời độc thân đích thực.
Khiến mọi người xôn xao, xớn rớn ngơ ngác sượng sùng nhìn ông, họ tím mặt vì cái: {“giá” của hôn thú muôn năm}.

Bà Lùn ngồi tần ngần hầu như bất động trên ghế dựa, bà nghĩ đến ông Phùng xa lạ trên xứ sở tột đỉnh văn minh, nghĩ lại thân phận hẩm hiu của mình, bà suy nghĩ miên man về việc nọ, việc kia… Ồ việc gì thì việc, mình cứ thuận theo lẽ tự nhiên, có duyên sẽ gặp, tới đâu hay tới đó, miễn sao mình thoát ra cái xứ sở buồn nãn khốn khổ nầy, và có thể sửa đổi tính nết kỳ quái khi hành động một việc dị hợm kia, nếu đúng là ông nào đó làm vậy, mình sẽ trị. Nhưng hy vọng rằng ông "ác ôn côn đồ" kia, không phải là người mà chú thím Tân chọn cho mình, thì còn gì bằng!
* * *

Số là như thế nầy: Ông Năm Phùng, hồi xưa ổng ở Sài Gòn, gần nhà chú thím họ của bà Lùn; lúc ấy ông Phùng đã có gia đình, sinh một bầy con. Thế rồi... sau một năm vật vờ ốm đau, thì bà vợ của ông Phùng từ trần, để lại cho ông Phùng gánh nặng là bầy con lút chút lít chít... đứa con út mới tròn mười tháng. Ngày ngày ông Phùng cùi cụi tần tảo đi làm ở sở Nhà Đèn, để nuôi bầy con nheo nhóc. Thời gian năm tháng dài thấm thoát trôi qua, nay chúng đã lớn khôn và nên người... Điều đáng nói là mặc dù vợ ông chết. Thời trai tráng sung sức phong độ đến thế mà... lúc đó “anh ta” chẳng màn tơ tưởng tới chuyện vợ bé vợ lẽ gì cả! Thật là ngộ! Bởi vì bà vợ cả có đầy đủ công dung ngôn hạnh:
Không cắc cớ
Chửi chồng con
Không phấn son
Không nhiều chuyện

Không hà tiện
Không càm ràm
Phải siêng năng
Không lười biếng

Nói nhỏ tiếng
Biết chiều chồng
Giỏi nữ công
Và gia chánh.

Biết làm bánh
Nấu ăn ngon
Biết dạy con
Ứng xử tốt … (1)

Cho đến… sau ngày 30 tháng Tư đổi đời, thì ông Phùng cho ba đứa con lớn vượt biên qua Mỹ. Năm 1994 ba thằng con có khả năng bảo lãnh cho cha cùng ít anh chị em ở quê nhà đến đoàn tụ trên đất Mỹ. Ông Phùng qua Mỹ dù tiếng Anh tiếng U cũng kha khá, thế nhưng ông muốn làm việc tay chân, tự do không gò bó trong văn phòng hay công xưỡng, việc “gò bó” ông đã từng trải, là điều ông đại ghét. Nên ngày ngày ông Phùng cặm cụi quần quật làm chủ trại gà nho nhỏ ở Ontario, và cắt cỏ tại mấy trường trung học... ông dành dụm tiền dư, phụ với mấy đứa con lớn, hầu bảo lãnh thêm những đứa con còn kẹt lại ở Việt Nam đến đoàn tụ trên đất Mỹ..

Khi con cháu qua hết bên xứ tự do nầy... thì ông Phùng “xuân xanh” đã héo úa gần 70t. Ấy thế mà trông ông vẫn phong độ, to con "phốp pháp" khỏe mạnh... như ai! Ngặt một nỗi cho dù ông Phùng có cả bầy con trai gái đông đúc, sinh sôi nẫy nở dâu và rể ra thành mười sáu đứa con, cộng vớinăm đứa cháu nội ngoại. Ấy dà! chúng nó nào có hơi sức đâu để lo cho cha. Gia đình riêng của chúng ăn chưa no lo chưa tới, vẫn chưa xong nữa là hiếu với thảo. Thành thử chúng không thể sớm hôm lo cơm nước chu đáo cho ông Phùng. Chúng nó bèn họp nhau lại, bàn rằng:

- Ba nên về Việt Nam mà cưới bà vợ bé, trước là để bà dì nâng khăn sửa túi, sớm tối hầu hạ cho ba chén cơm ly nước. Sau nữa là có chỗ để ba và dì an ủi chia xẻ khi xế bóng về già lụm cụm, thì hai cụ bớt cô đơn, quạnh quẽ. Còn chúng con dù rất thương ba, nhưng khi chưa có dâu hay rể… thì khác. Nay ai ai cũng có gia đình riêng, có nhiều ý kiến khác nhau như ba thấy đó. Chúng con mong ba thông cảm, vì không có thì giờ chăm sóc ba cho xuễ.

Các con của ông Phùng cứ nheo nhéo nói hoài nói hũy, nói mãi chuyện lập “phòng nhì” nầy… Ban đầu nghe con cái “xúi dại” ông Phùng có ngượng ngùng chút xíu. Nhưng rồi suy đi nghĩ lại có lý quá đi chứ, cũng phải! Ông cảm thấy trong lòng thinh thích và “hưng phấn” hẳn lên! Ông Phùng nghe con "tụng" về chuyện "nâng khăn sữa túi" cho mình khi về già sống trên đất Mỹ cô độc, ông càng bùi tai và thấm thía cái cảnh cô đơn, phòng không gối chiếc lạnh lẽo suốt bao năm dài lê thê, cũng thật da diết buồn.
Họ rủ rỉ bàn tán, cốt cho cha già nghe:. . .
Lấy vợ nên kiêng vợ móm răng
Giận con lè lưởi tựa bà chằng
Tiệc tùng rủi gặp bò nhúng giấm
Mắc nghẹn có ngày té ngã lăn
. . .
Lấy vợ nên kiêng lấy vợ hô
Hàm răng lởm chởm nói bô bô
Rủi khi bà giận ôm chồng cắn
Đổ máu phu quân chạy thấy mồ (1)
* * *

Thế là ông Phùng “trăn qua trở lại” xôn xao biết nhiêu mà kể cho xiết, ông băn khoăn hoài. Cuối cùng ông đồng ý để các con chọn cho cha một mụ vợ. Ông cùng "phái đoàn" con, dâu, rể, cháu... dắt díu nhau lên đường quay gót về Việt Nam. Ông diện bộ áo quần láng cón, tươm tất. Thế rồi một ngày đẹp trời... các con và "cụ nhà ta" đã chọn được một "công nương ỏn ẻn" tuổi “năm mưi mí” xuân... thu (chưa nhị tì). Ông Phùng khi ấy suýt soát “song thất lục bát” cập kê... qua “bà mai non” môi giới là con bé Hà, thì đám cưới ở làng quê trên kinh Tư kinh Tám đã linh đình nổ ra ba đêm bốn ngày... Náo nhiệt vui vẻ ồn ào tưng bừng hết biết... Họ quan niệm: sống trên đất Mỹ, có sức chơi thì có sức chịu, có tiền bạc, là có hạnh phúc, chứ về tuổi tác chênh lệch quá xa tầm tay; thì cha hay con cháu... ai... "ai đông ke". Sau đó "phái đoàn cha con chồng vợ" từ giã làng trên thôn dưới nơi kinh Tám lặn lội qua kinh Tư, hai họ lưu luyến ôm chầm lấy nhau hôn hôn hít hít. Họ nhà gái ngồi trên mạn thuyền bùi ngùi trào lệ, giọt ngắn giọt dài rơi tủm tủm xuống dưới sông đào kinh lạch... để tiễn đưa “bà dâu” lỡ thời tới nơi đất khách tha phương cầu thực!

Bà vợ trẻ tên Lý Lùn của ông Năm Phùng đã ở một nơi "sông nước triền miên" sóng vỗ bập bùng bên mạn thuyền; Ngày nay một bước bà leo tọt lên xe hoa, bàn chân nứt nẻ còn ướt nhẹp chưa ráo hơi mùi bùn, bà Lùn cảm thấy “hãi” e dè chấp chới đôi tay như mọc cánh, bàn chân run run khi tụt xuống máy bay ở Los, bà đã tới nơi chốn văn minh giàu sang tột đỉnh của xứ "cờ Hoa" ngợp trời! Bà ta lõ mắt nhìn xứ Mỹ mà ngẩn ngơ! Thật sung sướng và mở toác hoác cả tất lòng! Trong lòng bà cũng cảm thấy áy náy hoang mang lo lắng, buồn phiền. Bà chỉ biết dựa vào vai vế chồng và bầy con ghẻ. Ngày ngày bà ta ríu rít chăm chỉ phụng sự đức ông chồng già chu đáo như con lo cho cha… Bà "hầu hạ nâng khăn sửa túi" cho đức ông chồng lý tưởng... tuyệt vời của mình. Dĩ nhiên ông Phùng hãnh diện vui mừng đem bà vợ trẻ đi đây đi đó (bà nhỏ hơn ông những mười mấy tuổi chớ bộ! Bà ta chỉ lớn hơn con đầu lòng của ông ba bốn tuổi). Ông cho bà đi để biết xứ Mỹ bao la giàu sang văn minh tự do và rộng lớn thế nào... Đi đâu ông Phùng cũng sung sướng hớn hở khoe với bà con bạn bè về bà vợ quý! Cả hai vợ chồng một già một trẻ sướng rơn người vì những lời hoan hỉ chúc tụng của bạn hữu, thân nhân trên đất Mỹ tự do. Thiệt là đúng:
Vợ là chỗ dựa cho chồng
Nhiều ông dám bảo vợ không là gì!?
Khoan khoan hãy nghĩ lại đi
Vợ quan trọng lắm không gì hơn đâu.

Việc nhà vợ có công đầu
Nấu cơm, nấu nước, rửa rau, pha trà.
Vợ là máy giặt trong nhà
Vợ là Cát-sét Vợ là Tivi. … (1)

Ở Mỹ hai vợ chồng trẻ già khi đầm ấm cũng như nhiều phen có sóng gió hơn sáu năm, thì bà Năm (người ta vẫn gọi bà Lý Lùn qua tên thứ của chồng, thay vì gọi tên cúng cơm)... bà Năm sớm mở trí tuệ ra để học đòi “văn minh tiến bộ của loài người” rằng thì là… dù sinh ngữ chưa thông thạo cho mấy, nhưng bà luôn tự hào mình “có học” chả kém ai. Bà cương quyết đòi đi thi quốc tịch. Ông Phùng lắc đầu:
- Tôi xét thấy về khả năng và trình độ sinh ngữ cuả em hiện nay, thì em chưa nên đi thi quốc tịch bây giờ, là tốt.
- Ông ngăn cản tui hoài. Tui cứ đi thi, không lần nầy được thì lần sau, lần sau nữa… Chớ ông muốn để tui ru rú trong nhà mà cơm bưng nước dâng, hầu hạ từng món cho ông hoài à?
Ông Phùng lắc đầu xua tay im lặng không thể thốt nên lời. Thì ra “tình nghiã đôi ta” là thế. Ông đành lủi thủi leo lên xe taxi đưa bà đi thi. Bước vô phòng sát hạch bà Lùn đứng xớ rớ nhìn quanh, vị giám khảo nhìn bà chưa kịp chào hỏi, thì bà Lùn láu táu lên tiếng:
- Gút... Gút mo ninh.
- Vị giám khảo mỉm cười gật đầu đáp lễ, đưa tay ra dấu mời bà ngồi xuống ghế:
- Hi.
- Tui không phải là “Hai”. Tui là “Năm” Lùn.
Giám khảo ngẩn ngơ nhìn bà giây lát, rồi ngần ngừ:
- I D.
- Tui đi.
- I D, please.
- Tui nói lại: Tui đi... là họ “Lý” ("please").
Vị giám khảo đành đứng dậy bước ra mở cửa:
- Go, please.
Bà Năm liền đi ra chỗ ông chồng đang ngồi đợi:
- Sao rồi em?
- Thì “gô” chớ sao!
Bị rớt cái đụi khi thi quốc tịch nay đã là lần thứ tư rồi, thì bà hậm hực uất ức lắm. Về nhà, bà Lùn nằn nặc đòi ông cho bà ra ngoài xã hội làm việc, để mở mang kiến thức & phụ thêm các khoảng bills (khi tái hôn thì vợ chồng ông ra riêng, không ở chung với con cháu). Vì tiền chính phủ Mỹ cung cấp cho người hưởng SSI của ông sít sao, vừa vặn. Nói trắng ra phần tiền già của ông bây giờ bị Liên Bang, rồi bị Tiểu Bang thâm thủng ngân sách trầm trọng, đã cắt xén của người già khá nhiều. Đã vậy nay ông phải “bao” thêm cái ở, cái ăn, cái mặc cho bà Lùn, thì ông Phùng càng cần kiệm, sẻn so lắm là cái chắc, mới đủ chi dùng cho hai người. Ông nghiến hai hàm răng giả mà không dám hở môi, e thiên hạ chê cười. Giấy rách phải giữ lấy lề mà! Và... và nếu bà có đi làm việc, thì bà sẽ có tí đỉnh tiền còm mà gởi về Việt Nam cho con riêng của bà chứ! Dù gì bà cũng là vợ của ông Phùng có quốc tịch Mỹ mà!

Thế là... ngày ngày đêm đêm ông Phùng nghe bà vợ “ra rả tụng” bên mang tai suốt, dẫu có nặng tai lễnh lãng cách mấy, ổng nghe hoài cũng muốn điếc con ráy; thiệt là chịu hổng nỗi. Thật tình mà nói thì ông không muốn cho vợ đi làm thêm... Nhưng không muốn cũng không xong với bà cứ lẽo đẽo bu ở sau lưng ông ì xèo nói dai, nói dẽo, nói khéo ơi là khéo... khiến ông Năm xiêu lòng (vã lại ông Phùng đã xiêu lòng mát dạ, mát ruột mát gan lên chín từng mây từ khuya, khi ổng hăng hái rước bà dìa dinh rùi mà). Ông Năm Phùng và bà vợ xồn xồn đủng đỉnh leo lên mấy trạm xe bus, đích thân ông Phùng đi xin cho bà ta một chân phụ việc trong bếp của một nhà hàng ăn Việt Nam. Kể từ ngày bà Năm hớn hở đi làm việc, bà rất xông xáo, vui vẻ, hoạt bát và "cởi mở" hẳn lên. Ban đầu, khi đi ra ngoài xã hội hầu gánh vác bớt phần trách nhiệm gia đình, thì bà Năm còn "vén khéo" chu tất cái “bổn-phận-sự” và cái “trách-nhiệm-vụ” là về nhà bà vẫn nâng khăn sữa túi, cơm nước giặt giũ, săn sóc đấm bóp cho ông chồng lão đâu ra đó hẳn hoi.

Và, và... chưa tới bốn tháng sau, kể từ ngày bà Năm "rứt áo ra đi” lăn lóc ngoài xã hội với bạn với bè, thì quỷ thiệt chớ! tất cả suy nghĩ, trí óc bà “phát triển theo kiễu bình đẳng tự do Mỹ”, thì thì… mọi chuyện trong gia đình nầy đã “chuyển hệ; chuyển tông” quay ngược lại 100%. Bây giờ… Đêm đêm ông Phùng trằn trọc trăn qua trở lại trên giường ấm nệm êm, êm mà như gai đang đâm vô lưng. Tuy trùm kín thân thể, nhưng sao từ đầu đến chân ông vẫn cảm thấy lạnh lẽo lạ thường; vì bà vợ “nhọc nhằn” tần tảo kia nằm ngủ đã gác hai cái giò bự sư co lên gần chạm ngực ông, mà bà ta vô tư lự ngáy o o… to hết biết. Ông không thính tai lắm, nhưng “cái loa kèn” nó chĩa ngay vào bên mang tai thế nầy, thì làm sao ngủ ngáy gì cho vô được. Hỉ?

Đêm không mấy khi yên giấc, sáng sáng ông dậy rất sớm tập thể dục (ông ráng đi bộ tập tí thể thao, cho tráng kiện và giữ gìn sức khỏe chớ). Thú vui tao nhã duy nhất của ông Phùng là coi ti vi, coi bóng đá và nghe tin tức đó đây. Vậy mà ông đành khất lần khất hồi... vì ba cái chuyện nhà lu bu bận bịu không tên, nó đang từ từ lấn chiếm mất thì giờ ít ỏi quý báu còn lại rồi! Ông Phùng trầm ngâm lủi thủi cô quạnh đi ra đi vô trong nhà lo hút bụi, giặt giũ, làm vườn. Sau đó ông Phùng lúi húi vô bếp nấu nấu, chiên chiên, xào xào, chu tất việc “nội tướng”. Phần ăn nào ông để lại nhà cho chính mình dùng bữa trưa và tối. Phần ăn nào ông để dành cho "vợ trẻ yêu gấu", thì mỗi buổi sáng ông lo cơm lồng nước xách, đem ra tận xe người kia. Bà Năm đi nhờ xe hơi cũ của ông bà hàng xóm, ông kia chở bà Năm đi làm từ tửng bưng sáng, đến tối mịt tối mù thì ông Phùng lại khập khễnh, lò mò ra đầu ngỏ, để rước bà Năm lững thững uể oải về. Về đến nhà, bà Năm vội tắm rữa và leo lên giường, trước khi ngủ, bà luôn nhờ ông dùng dầu nóng của Tàu, hay icy Hot Cream để thoa tay chân, đấm lưng bà. Ông Năm bóp hai chân vợ, hai tay vợ đều chi, dù bàn tay ông gân guốc đã mỏi rã rời… như muốn rụng từng lóng. Vì, bà Năm làm việc khá vất vả, nên khi trở về trong gia đình bà luôn mồm than:
- Tui quá đau nhức xương sống, mỏi chân mỏi tay, mệt vô cùng!

Chuyện rước nàng dìa dinh để BÀ "hầu hạ, nâng khăn sữa túi" cho ông ấy, ngày nay thì xưa rồi Dĩm... Diễm ui …á à ông bà Lý Lùn & Phùng ui. Hồi trước khi bà vợ chính vừa chết, khi ông Năm Phùng còn “độc thân nơi đất khách quê người”, ông sống ở Mỹ phơi phới, khỏe mạnh, tươi sáng, ông cảm thấy mình trẻ trung vui vẻ với con cháu biết ngần nào. Nay thì ông Phùng thấm thiá nghĩ lại lời nói của một người bạn thân đã khuyên:
- Tôi thành thật mong anh nên suy nghĩ chính chắn, chúng mình đã từng ấy tuổi rồi, nên an nhàn ung dung hưởng phước với con, cháu. Hơn là “đèo bồng” bước thêm bước nữa, rồi sẽ “mang nợ” vô thân cho coi.
Ông Phùng nghĩ lại lời của bạn già sao mà quá chí lý, lúc đó không nghe, bây giờ “nghe ra” thì quá muộn! Ông Phùng ôm cái đầu hói lơ thơ vài cụm tóc bạc mà rầu rầu đọc thơ:
… Lời nói không mất tiền mua.
Nên anh... ngọt lại cho vừa lòng nhau.
Bây giờ chẳng hiểu vì đâu.
Nàng mang chứng bệnh cứng đầu lặng câm.

Còn mặt thì cứ hầm hầm.
Nàng trợn một cái, ta... bầm mấy hôm.
Việc nhà chẳng chịu trông nom.
Shopping một bận, ba hôm mới về.

Nhà thì đang ở nhà thuê.
Phòng ốc chật hẹp, bốn bề ngổn ngang.
Muốn tìm đôi vớ mà mang.
Phải mất cả tiếng bươi ngang đồ nàng … (1)
***

Một ngày kia, có mấy bạn đi New York mở nhà hàng, bà Lùn cương quyết đi theo, vì họ cần có người phụ bếp hoặc “bồi bếp”. Ông không thể ngăn cản bà. Vài ba tháng sau ông trầm ngâm ngồi trước bàn viết:

Em quý mến

Hiện nay em thế nào, vẫn bình an và khoẻ mạnh nhỉ? Được như vậy thì tôi rất mừng. Hôm nay tôi sẽ giải bày tâm tư tình cảm và nguyên nhân vì sao tôi muốn chúng mình sống bên nhau, cũng như phương hướng tương lai về cuộc sống sau này của đôi ta. Em đọc kỹ, có thắc mắc gì cứ thẳng thắn cho biết. Tôi sẽ giải đáp rõ ràng.

Thứ nhất: Cuộc sống của tôi trước khi gặp em, thì hai vợ chồng tôi vui vẻ thuận hoà “chồng bảo vợ ừa” thật sự hạnh phúc. Sau khi mất người vợ cũ, qua đây tôi sống cô đơn một mình. Lúc ấy, có người bạn định giới thiệu một bà 63 tuổi, có nhà tại Virginia, bà ấy có tài sản, bà còn đi làm Part time có lương $1400.00 một tháng. Lý do ở xứ lạnh xa xôi & tôi không hợp. Tôi không liên lạc, vì biết có trở ngại trong việc chung sống. Nếu lấy nhau thì tôi sẽ bị cắt tiền già, và Housing, (vì bà ấy có căn nhà, và một tiệm bán hoa). Do đó tôi vẫn sống một mình khá lâu năm cho tới khi “rộn ràng” gặp em.

Thứ hai: Tài chánh: Mọi chi tiêu tôi đều dựa vào số tiền già ít ỏi ($845.00 một tháng) và những món quà chi viện của hai bà chị, các cháu, (đặc biệt cháu Khôi là bác sĩ đang tập sự năm thứ tư). Cháu Khôi (gọi tôi là bác ruột) thường cho tiền đóng bảo hiểm xe mỗi năm hai đợt, và tiền xài lai rai cộng chung cháu cho khoảng tám chín trăm. Tôi không có số nhờ con, chỉ có cậu con trai lâu lâu cho tôi vài trăm vào ngày Father Day, Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán...

Thứ ba: Trước khi gặp em, những năm tháng gần đây tôi trải qua một vài trận cảm cúm, có khi phải nằm bẹp trong nhà vài ngày, không có người nấu cho chén cháo để ăn. Tôi bắt đầu suy nghĩ rằng: mình cần có một người vợ sống chung để săn sóc lẫn nhau, khi trái gió trở trời trong cái tuổi hoàng hôn. Người này phải có tiền già căn bản, nếu già quá thì thiếu sức khỏe, trẻ hơn thì chưa đủ tuổi hưởng tiền già. Lúc đó tôi nghĩ: Người tôi chọn phải biết làm thơ, có học vấn ít nhất đã bước chân qua ngưỡng cửa đại học, có sức khỏe, sắc đẹp trên trung bình (good looking) tánh tình thành thật, biết cư xử, yêu thương và quý trọng lẫn nhau, có tiền già làm căn bản. Ngoài ra cần hạp nhau về sinh lý. Em đừng cười nhạo tôi vẫn có tính đa tình và giàu tình cảm (dù đã già nhen, tôi tuy già nhưng tâm hồn trẻ trung như thuở còn xanh mái tóc, em ạ). Mặc dù đến tuổi này thì không ai có thể đạt tới, tôi sai rồi, không phải đó là một nhu cầu thường xuyên.
Thứ tư: Tình cờ tôi gặp một người khác tại buổi họp bạn, qua trao đổi một số câu chuyện về chiến tranh VN, về cuộc sống của lính thời chinh chiến, cảm thấy mình rất thích TN và dễ nói chuyện thân tình. Tôi nhận ra rằng hai người tâm đồng ý hợp với “nàng thơ” mà mình rất quý và hợp ý, nên hai người càng gần gũi nhau hơn. Lại nữa nàng khá hồn nhiên vui tính, hóm hỉnh. Em hãy nghe nàng có ý trêu ghẹo tôi nè:
Nguyễn Nâu Năm! Nhài nói nho nhỏ nhé:
“Nhài ngụ Nam-Ninh - Nam nương náu North”.
Nhớ nhung Nam, Nhài ngắt nõn ngâu nè.
Nam nhận nơi Nhài nguồn ngực no nê.

Nghìn núi ngàn non nỏ ngắm nhìn nhau!!!
Nhiều năm ngun ngút Nam ngụ nước ngoài.
Ngoại ngữ nẩy nở nơi người ngai ngái
Nghề nông nghề nĩa nom Nam nghí ngoáy

Nhá nhem người Nam ngai ngái nhừ nhẩn
Nỗi niềm nhớ nhung nhẫn nhịn ngày nao...
Năm não năm nao Nam ngụ nước ngoài.
Nặng nợ “nhà Nước” nên Nam nặc nô (2)

Tôi suy nghĩ rất nhiều, thấy rằng người ấy chính là người vợ mình cần có, để chung sống hết phần đời còn lại. Về mặt kinh tế gia đình nếu chúng tôi sống chung với hai đầu lương tiền già, cộng thêm sự chi viện lai rai của con, họ hàng, tôi nghĩ tần tiện cũng đủ sống. Đó là chưa kể về mặt chi viện tài chánh phía bên người ấy, nếu có thêm càng tốt. Qua những thảo luận gần đây, chúng tôi phải đương đầu với một thực tế khó khăn, đó là vấn đề của nàng, muốn đi đến chỗ sống chung, việc trước hết là cả hai bên phải tự do, khi tuổi đời ngày thêm chồng chất. Lòng tôi luôn có một phương hướng tương lai là chúng tôi cần có nhau suốt cuộc đời này. Chúng tôi cần gặp nhau thảo luận và tìm giải pháp giải quyết mọi nan đề đang gặp. Lòng tôi vẫn tràn đầy, dường như chưa nói lên được hết những gì muốn nói với nhau. Thế nhưng, do cơn bạo bệnh người ấy đã ra đi khỏi cuộc đời tôi.
Để rồi… có thể do duyên số hoặc có định mệnh ràng buộc đời mình, nên tôi đã gặp em. Còn chuyện đến với nhau, bình tâm mà nói là do cả hai chúng ta, không thể nói là hoàn toàn do em chủ động. Phải không nào! Em thương, xin lỗi em vì những dòng thư vừa qua, đã làm em buồn và gây tổn thương. Trong những lần chúng ta tranh cãi, cả hai bên mỗi người một tính ý rất khác biệt nhau, nên cũng có lúc quá lời. “I am so sorry about that”! Mong em đừng buồn. Tôi không bao giờ có ý định muốn xa em, mà rất vui khi thấy em "chưa bao giờ mình có ý vĩnh biệt nhau". Tôi nghĩ chúng ta cứ dành thêm thời gian để suy ngẫm, sắp xếp công việc rất khó khăn, tế nhị đang phải đương đầu với thực tại. Tạm thời cứ giữ tình cảm nguyên như vậy. Sau này sẽ tùy theo sự diễn biến công việc, rồi chúng ta sẽ thay đổi đường lối, nhen.

Cám ơn em đã lo lắng cho tôi về cái bệnh quái ác này. Thật không ngờ cuối đời lại gặp phải tai ương hiểm nghèo như thế. Cách chích thuốc cho vi trùng cancer ngủ yên, tôi thấy có người đã làm và sống cho đến giờ được 5 năm, mà cũng đi lại được, dù làm sức đề kháng yếu đi, nên dễ bị cảm cúm, đau nhức không tránh khỏi. Cách này vẫn tốt hơn là "mổ". Nhiều người cao niên mổ xong người yếu hẳn đi, có khi phải nằm một chỗ nhờ gia đình săn sóc, sau vài năm thì qua đời. Tôi cũng bị nhức khớp xương đầu gối bên trái. Nhiều khi đi đứng rất trở ngại. Bác sĩ nói bệnh già phải chịu thôi. Sau này nếu đau quá, thì phải thay khớp đầu gối bằng thứ kim loại. Thứ này có người hạp, có người chỉ dùng được một thời gian mấy năm thôi. Nghe bác sĩ nói nhiều mà chán ngán cuộc đời. Tới đâu hay đó, biết đâu mà tính trước em à. Trời kêu ai người ấy dạ. Già rồi, đành vậy thôi.

Medicare, MediCal dạo nào cắt nhiều thứ, nên các hãng bảo hiểm gây khó khăn cho người thụ hưởng. Tiền già đã cắt giảm hai lần, thuốc men chữa bệnh thì không cho Brand Name, thay bằng thuốc Generic kém công hiệu hơn. Không cover chữa răng, không cho làm kính như trước đây nữa. Đủ thứ nhức đầu. Việc tôi giải phẫu mắt nay tạm ổn, chờ ngày 12 tháng 1 tái khám. Phải tháng Ba tôi mới làm kính đọc sách. Bây giờ chỉ mang tạm kính lái xe thôi. Phần tôi bệnh tật nay tạm thời nằm yên vì thuốc men điều trị còn hiệu lực. Chưa biết ngày nào nó lại tái phát.

Chuyện tuổi già là quy luật của tạo hóa có sinh thì có lão, có lão thì có bịnh, có bịnh thì có tử. Chúng ta không sợ chết. Chỉ mong sao được trút hơi thở cuối cùng một cách nhẹ nhàng, không đau đớn, không làm vướng bận đến người thân. An bình về nước Chúa. Có một điều mình không níu kéo lại được, đó là tuổi già sức yếu mỗi ngày xuống rất nhanh. Cứ sau mỗi trận đau ốm, thì sức phục hồi chẳng được bao nhiêu. Vấn đề Prostate vần còn là nan y đang tiếp tục Xạ Trị (Radiation), có lẽ cuối tháng 2 sang năm, bác sĩ mới cho biết kết quả. Nếu xạ trị không hết, thì phải chích thứ thuốc mới làm cho chỗ cancer "ngủ yên", không hoạt động một thời gian. Sau đó tiếp tục theo dõi, khi nào thấy nó sắp "thức dậy", thì chích tiếp cho nó ngủ lại. Đây là phương pháp điều trị cancer mới nhất, các bệnh viện đang áp dụng cách điều trị này. Tôi chỉ mong sức khỏe phục hồi được 70% của hôm trước, cũng mừng lắm rồi. Tôi nay đã vào tuổi yếu thật sự.

Cám ơn em trước đây đã chia sẻ tâm tình ngọt lạt bùi đắng với tôi trong khoảng thời gian khá dài, được bình an mỗi ngày thấy ánh mặt trời và trò chuyện với em cũng đủ vui thôi. Ở đời chuyện hợp tan, tan hợp, gặp rồi lại xa không tránh khỏi. Vì cuộc sống của các con cháu của em tại Việt Nam, em đành phải xa tôi, đó là ý của Thượng Đế an bài. Chúng ta nên dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa ban phước lành cho các con cháu có cuộc sống tốt đẹp hơn, trong tình thương của Ngài. Sống tạm hay về cõi vĩnh hằng cũng là theo ý Thiên Chúa. Những ngày còn lại chúng ta nên sống tốt, an bình theo lời Chúa dạy thương yêu và vị tha, cuộc đời sẽ có ý nghĩa hơn.
Tôi nghĩ mấy năm nữa tình hình kinh tế tại Hoa Kỳ sẽ thoát khỏi tình trạng suy thoái và đi lên. Lúc đó thì có các con tôi sẽ lo bảo lãnh cho con cháu của em, (theo mọi điều kiện hoặc hình thức nào, như chúng đã hứa). Con em các cháu sẽ có thể sống bên đại gia đình mình, như mong ước. Như vậy tuổi già của chúng ta sẽ vui vẻ và hạnh phúc. Chuyên đời thật khó mà tính trước, luôn có những biến cố xảy ra bất ngờ, làm cản trở con đường tính sẵn. Tuy nhiên nếu ta vạch một con đường cho hướng đi, thì có vòng vèo rồi cũng sẽ đi tới La Mã. Phải không nào!

Em nói đi xem lễ cùng anh chị Lộc thì xe bể bánh, là xe nhỏ hay xe trailer? Thay bánh xe mà sao lâu thế nhỉ. Cho tôi gởi lời chia xẻ cùng anh chị Lộc nhé. Cám ơn em đã thăm hỏi và chia sẻ về việc tôi mất xe tuần trước. Xe tôi đậu ở Parking của Building các bác sĩ bên cạnh nhà thương Garden Grove. Xe có khóa alarm, nhưng chỉ sau một tiếng rưỡi đồng hồ khám bệnh là mất xe. Nay thì cảnh sát đã tìm được nó vất ở Orange County. Bảo hiểm đã tow xe về Shop sửa chữa và sẽ trả hết mọi chi phí về chuyện sửa xe và mướn xe mỗi ngày cho tôi đi lại. Hôm qua tôi bận chạy đi tow xe về Repair Shop, và nói chuyện với Police ký giấy nhận xe. Deal với bảo hiểm về chuyện sửa xe. Chuyện trộm cướp tại xứ này xảy ra hoài. Những tên trộm đầy kinh nghiệm và chuyên nghiệp tránh được camera và alarm rất tài tình. Đó cũng là chuyện buồn xảy đến với mình.
Chiều nay tôi đi gặp Housing Specialist tại văn phòng, bà này gốc Mexico già, không đẹp nhưng khá tử tế. Bà ấy ngạc nhiên thấy tôi copy sẵn các thứ giấy tờ, và kèm theo bản chính để đối chiếu, xếp mỗi thứ một folder riêng. Bà ta chỉ việc lấy bản copy là xong. Vừa làm bà vừa nói chuyện vui vẻ. Chuẩn bị thì lâu, nhưng khi làm việc thì chừng 20 phút là hoàn tất mọi việc. Như thế kể như xong Step 1. Ngày 22 tháng 9 là Step 2 inspection nhà nữa là xong, thường công việc này do một cán sự khác làm.

Tôi thích nhà chỗ anh Đồng đang ở có tiện nghi với những ưu điểm: mát mẻ, khang trang, an toàn, gần sát chợ và khu trung tâm Litle Saigon, tiện đi bác sĩ, mua đồ và đón xe bus. Rất thuận tiện cho các vị nội trợ giỏi về gia chánh thích nấu nướng như em. Tuy nhiên, tôi sẽ dọn nhà đi để đón em về chứ, như là món quà mừng em trở về muộn. Vấn đề Deposit thì ở đâu chẳng có, tôi đang deposit $1.500.00. Tôi phải coi lại nhà nầy vài lần, coi mấy cái Bills về tiền Gas, Điện, nước, phone xem sao, chưa kể có nơi đòi tiền Rác và Landscape nữa. Đây là khu Apartment chứ không phải MobileHome. Tôi tính ngoài Tết Tây sẽ move, tôi chỉ tiếc bộ máy giặt và sấy ở nhà cũ còn quá tốt.

Tôi cảm thấy buồn khi em sức khỏe không được tốt như ngày em ở Cali. Có lẽ đổi về nơi nắng ấm may ra giúp em bớt phần đau nhức, hơn là nơi xứ lạnh em đang ở. Nếu em về VN cưới vợ cho con, em nên lợi dụng dịp này tìm thầy Lang Đông Y danh tiếng, nhờ trị bệnh đau nhức, phước chủ lộc thầy; may ra em khỏi bệnh. Tôi nghe nói có mấy người bệnh đau nhức khá nặng bên Mỹ chữa không khỏi, thế mà về VN uống thuốc Bắc mà lành bệnh. Gặp cơ hội, em cứ thử xem nha. Vấn đề đau nhức xương có lẽ em bị "rỗng xương". Em cần uống Calcium hàng ngày, ăn những thứ có calcium như sò biển, tôm cua, ốc v. v... Nhớ em đừng bao giờ để bị té. Vì té dễ bị gẫy xương lắm. Tôi luôn cầu chúc em luôn được bằng an trong sự che chở của Thượng đế. Mong em có sức khỏe để trở về bên tôi, sớm hưởng phước cùng con cháu, bình an trong tâm hồn cũng như trong cuộc sống. Một lần nữa tôi cám ơn em đã quan tâm tới sức khỏe của tôi, chia sẻ tâm tình cùng tôi.

Công việc nhà hàng bận rộn thật tội em quá. Hy vọng mai này tôi sẽ không để em vất vả nữa đâu. Tôi rất nhớ em, có biết không cưng? từ ngày chúng mình có nhau, tôi như kẻ mất hồn, lúc nào cũng nhớ tới em và tơ tưởng đến em đáng yêu. Nhiều lúc thấy cũng buồn! Tại sao cuối đời mình lại cô đơn thế này! Không lẽ ông trời bắt chúng ta cứ sống cái cảnh xa nhau như vầy mãi sao? Ngày mai… em tính hộ tôi xem có giải pháp nào tìm lối thoát không em nhé? Bây giờ để em đi nghỉ sớm, cả ngày em vất vả rồi. Vì, em phải tự tin rằng em có nhiều ưu điểm làm tôi yêu em, và em có bản lĩnh cột chân tôi lại. Hạnh phúc nằm trong tầm tay em, do những thứ chất phác bình dị riêng em có, mà người phụ nữ khác không có. Em là người tuyệt đối trong ngôi vị nữ hoàng tình yêu trong lòng tôi. Em thật sự rất xứng đáng là người tôi chọn. Đừng ủy mị và chán nản, đừng bao giờ bỏ cuộc nha em. Hãy tin chính mình, tin người mình yêu.
Xin em đừng cười nhạo tôi đã già mà vẫn đa tình, lãng mạn, giàu tình cảm nghe.
Hôm nay tôi ngồi ăn cơm một mình, nghe gió chớm Thu đưa cành lá rì rào, mà lòng bỗng bâng khuâng nhớ em thật nhiều... Ước gì có em bên mình lúc đó... Cuối mùa Hạ tuy buồn, nhưng chớm Thu hôm nay trời dịu mát thật đẹp em ạ... vậy sao lòng tôi cứ nhớ thương ray rứt, như những kẻ yêu nhau mà chưa được gần nhau...
Hôm nay Thu lại về
Nắng nhuộm vàng trên đê
Làn mây bay nhè nhẹ
Chiếc lá rơi bên hè.

Anh ngồi đợi tin sương
Tà áo ai trên đường
Bỗng dâng lên nỗi nhớ
Gọi tên nàng hoài thương...

Em thương, Trước khi ra khỏi nhà, tôi quên không tắt máy computer, cứ online hoài, phần tôi gõ mail nầy từ lúc 9:00AM mãi tới 1:30PM mới có thể gởi thư đi. Tối nay em về trễ, lúc đó có lẽ tôi tắt máy đi ngủ rồi, vì hai nơi cách xa khác biệt múi giờ. Chúc em ngủ ngon.
Chồng của em.
Trọng Phùng
*

Tình Hoài Hương

(1) Thơ lượm lặt
(2) Thơ Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
11-04-2018, 04:32 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/pics2018/1541305522-tong thong NGODINHDIEM 2.jpg

/uploadpics/mp3pdf_2018/1541305670-Viet nam Viet nam by Pham Duy - Viet Nam Viet Nam.mp3
Chứng Nhân Một Sự Kiện Lịch Sử
(Về Ngày 2 tháng 11 năm 1963)


Sau những chấn động kinh khủng xảy từ vụ hăng say hoạt động cách mạng, chống đối, xuống đường biểu tình biểu tọt liên miên bùng nổ, thì lúc nầy tình hình chính trị tại miền Nam Việt Nam như chiếc ghế cũ, chỉ còn ba chân gập ghềnh càng ở vào giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng”. Vì Dân tôi nghiệm thấy đằng sau hậu trường có bóng dáng của những tay “mưu đồ chính trị chuyên nghiệp”, họ đã giựt dây, ngầm tạo ra sự vô tổ chức về những đợt sóng bạo loạn.

Có tình trạng những kẻ "trẻ người non dạ rất hỗn”, hầu lợi dụng thời cơ… vênh váo thừa nước đục thả câu, điều nầy sẽ rất nguy hiểm khi họ có quyền lực trong tay, mà không biết ôn nhu, khoan hoà, khiêm tốn, khôn ngoan, nhất là phải tri thức và trung dung. Nói chung, tình hình chính phủ lúc đó quả thật là một xã hội rối rắm như mớ bòng bong, đang trôi bồng bềnh trên biển cả, giống như một chiếc tàu không người lái. Mặc ai muốn làm gì thì làm. Luật pháp bị xô ngã, nhường bước cho sức mạnh bạo lực hổn độn lên nắm chính quyền điều hành.

Dạo ấy, các bạn sinh viên năm thứ hai Văn Khoa, cùng Vì Dân tuy còn rất trẻ, nhưng nàng có nhiều băn khoăn, đắn đo, bâng khuâng suy nghĩ về khả năng, tài đức… của những vị “lãnh đạo cách mạng” nầy. Thêm vào đó, dựa vào một vài dữ kiện đáng ghi nhớ đã xảy ra về sự kiện lịch sử: cay đắng đến xót xa bàng hoàng, khiến nó mất đi tất cả lý-tưởng, tín-trung vào cuộc đấu tranh trung-dũng. Vì Dân cảm thấy cách mạng nhạt nhẽo, mù mờ, vô bổ từ đó. Hơn nữa, chính lúc nầy chuyện bè phái chính trị hoàn toàn không phù hợp với quan niệm, hoài bão, lập trường của Vì Dân.

Vì Dân muốn tìm riêng cho mình sự thảnh thơi, bình lặng trong đời sống, nàng quyết giữ tinh thần ôn nhu, trong sáng, tìm một cuộc sống vô-tư-lự, thanh thản, hữu hiệu, thật sự đáng sống; để mình có thể góp phần nho nhỏ giúp ích trong cuộc đời, một cuộc đời thực sự bình dị, mến thương nhau, ôn hoà, an lành, có nghĩa có tình như mọi công dân hiền hậu khác: Không oán ghét, chẳng vò xé hận thù. Không vướng mắc mọi ưu tư trong lòng.

Do một tuần lễ công tác trong Tổng-hội sinh-viên Việt Nam ở Huế, đã gây cho Vì Dân bao điều băn khoăn, nghẹn ngào, xót xa quá cay đắng. Vì, khi cùng làm việc với Vì Dân trong tuần lễ đó, có một anh sinh viên sống tại Huế rất qúy mến các bạn từ Sài Gòn, Đà Lạt... Anh ta ngầm ngầm báo với Vì Dân là:
- Hãy hết sức cẩn thận. Đề phòng. Tính mạng của các anh chị hiện đang nằm gọn trong tay “họ”.

Thú thật, nàng Vì Dân không hiểu nỗi mình đã làm gì sai? Và, khi anh ta nhấn mạnh ở điều nầy, thì nàng chẳng thể biết ra sao. Nàng không hình dung chữ “họ” ở đây, là anh ta muốn “ám chỉ” về ai? Ai? Bởi vậy, ban ngày Vì Dân và các bạn ghi tên ở khách sạn, nhưng ban đêm cùng nhau lo đi ẩn nấp, chui rúc nơi bờ bụi như lũ chuột, khi các bạn ngủ chỗ nầy, khi ngủ dưới ghe bà Nẫm, đến khuya các bạn lại cho ghe neo đi chỗ khác, lúc thì lên gần gầm cầu Bạch Hổ, khi chạy về khu Gia Hội. Vân vân... Đồng thời, Vì Dân rất buồn vì chuyện tình yêu giữa “chàng và nàng” bị đổ vỡ vô cớ. Kèm theo chuyện chính trị náo loạn dị kỳ. Dân quá chán ngán không muốn mọi thứ ấy luôn thọc mũi dùi vào đời sống sinh viên, quấy rối lòng mình nữa! Bởi vì; (tất nhiên trong đó có cả các anh chị bạn, và... nhất là có người yêu dấu của Vì Dân):

Vì Dân cảm nhận ra rằng ở tại miền Trung bấy giờ hoàn toàn do nhóm sinh viên sừng sỏ hùng hậu chi phối chính quyền địa phương. Đấy là dấu hiệu “loạn” đã lên cao độ rồi. Cái nền độc lập tự do dân chủ vừa mới sơ sinh, mà manh nha nhiều thủ đoạn “rối” như thế nầy, thì… tương lai đất nước sẽ tối đen như đêm ba mươi Tết. Theo thiển ý cuả Vì Dân: nếu tham gia làm cách mạng (vì thực sự yêu nước, muốn cùng nhau xây dựng một quốc gia hùng cường, một đất nước tự do hưng thịnh, vinh sang và trường tồn); thì ta không chỉ chìm đắm bới móc quá khứ, và ôm hận thù. Điều cần thiết và cấp bách là muốn thực thi cách mạng, trước tiên ta cần phải an-nội. Thế nhưng… giờ đây thanh niên là rường cột của quốc gia, đang giống như con dao hai lưỡi. Rồi mọi chuyện sẽ đến đâu? đi đâu? về đâu? Vì Dân cảm thấy buồn bã, chán nản lên tột đỉnh. Cúi đầu nhanh nhẹn quay gót, lo thụt lùi lui xa chính trường, Vì Dân không hề dám ngoảnh lại len lén liếc nhìn…
***

Bởi, Vì Dân còn nhớ rất rõ: Buổi chiều đó, một buổi chiều có mây trắng bồng bềnh bay bay trên lưng trời, có nắng nhạt nhè nhẹ rót xuống thế trần, có gió mơn man trên đầu cây ngọn cỏ, cảnh vật êm ả bình thường như bao buổi chiều khác. Có khác chăng là một tí nữa đây Vì Dân và hai ba anh bạn sẽ được vinh dự trở thành số ít người hiếm hoi, tận mắt chứng kiến một sự việc đặt biệt ghi đậm nét như một dấu ấn lịch sử: Từ đầu đến cuối sự kiện trọng đại nầy: đã có nhiều dư luận, có nhiều lý thuyết, có nhiều phán đoán, có nhiều nghi vấn. Nhưng “trăm nghe không bằng mắt thấy” về những nhân vật trọng đại, liên hệ đến lịch sử. Đó là một buổi chiều định mệnh… vô cùng đớn đau bi thảm vào đầu tháng 11 năm 1963.

Đúng hơn là buổi sáng ngày 02 tháng 11 năm 1963, ông Trần Trung Dung (nguyên Bộ Trưởng Quốc Phòng, dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm). Ông Dung đã gọi phone đến nhà Năm. Trong nhà có thêm bạn: Trung, Thạch, và Vì Dân ngồi gần bàn làm việc. Năm bắt phone và chuyển sang cho ông Ba chủ trại hòm Tobia. Sau một hồi trao đổi, giọng ông Ba trở nên lo lắng. Bối rối. Quắt quay. Bồn chồn. Như có điều gì bức bách lắm. Cuối cùng ông Ba thở dài, buông phone xuống, e dè nhìn mọi người hiện diện, đôi mắt ông rướm lệ rồi ngập ngừng nói nhỏ:
- Tổng thống, và ông cố vấn đã chết trong chiếc thiết vận xa M113 mang số 80.989, bởi lệnh của ông Dương văn Minh, do sát thủ là Nguyễn văn Nhung giết hại rùi.

Sửng sốt, bàng hoàng. Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, tất cả vội túc trực trong phòng khách, mở radio lên lắng nghe. Hội đồng tướng lãnh do Trung-tướng Dương Văn Minh đứng đầu đảo chánh đã thành công. Ông Minh tuyên bố: “Tôi tạm thờ lãnh đạo quốc gia”. Đài Phát Thanh Sài Gòn chỉ mở nhạc hoà tấu, nhưng luôn luôn nói đi nói lại là: “Anh em ông Diệm đang ẩn nấp, hoặc tẩu thoát đâu đó”…

Chẳng nói chẳng rằng, ông Ba vội vã kiếm người đi gọi đạo tỳ đến xưởng hòm, để chuẩn bị “hậu sự” cho Tổng Thống Diệm và ông cố-vấn Nhu. Ở nhà kho của ông Ba có nhiều hòm tuy đẹp, đắt tiền. Nhưng không mấy xuất sắc. Chỉ còn một cái hòm tốt nhất bằng gỗ gia tỵ rất quý hiếm, có bọc sẵn thêm cái hòm kẽm ở bên trong. Ý ông Ba muốn để cái hòm nầy cho ông cố vấn Nhu. Ngoài ra, còn một cái hòm nhôm mới toanh láng cón của quân đội Mỹ. Chiếc quan tài nầy rất đẹp, làm bằng nhôm nhẹ, có hai lớp. Bên ngoài mạ lớp sơn bóng loáng, bên trong bọc một lớp đệm nhung mỏng, êm ái như tấm đệm giường ngủ, có thể mở nắp ra đóng vào bằng kính dễ dàng, lộ cả khuôn mặt người quá cố, cho mình nhìn tiễn biệt phút cuối cùng, hòm có chốt cài bên hông. Nếu là xác đã ướp lạnh, có thể để lộ hẳn ra ngoài. Ở Việt Nam chưa xuất hiện loại hòm tân thời như thế.

Lẽ ra là chiếc hòm rất sang trọng đẹp đẽ qúy hiếm nầy sẽ đựng thi hài của một viên Tá người Mỹ đã từ trần tại Việt Nam. Nhưng không hiểu sao họ lại mang vứt bỏ chiếc quan tài ấy ở bên hông nhà ướp lạnh trong phi trường Tân Sơn Nhất!?. Tình cờ ông Ba đi làm việc đã thấy. Tiếc quá nên ông Ba nài nỉ, thương lượng với tên quản lý nhà xác, và ông đã mua lại. Ông Ba đem về trưng bày trong tiệm cuả mình, coi chơi. Ai đến mua giá cao cỡ nào, ông cũng không bán. Thế là ông Ba quyết định:
- Chỉ có Tổng Thống Ngô Đình Diệm mới xứng đáng nằm an nghỉ trong đó thôi.
Cả hai khuôn hòm được mang ra lau chùi bóng loáng, sát trùng sạch sẽ, họ chuẩn bị sẵn sàng; chờ lệnh. Gần 11 giờ trưa, phone của ông Trần Trung Dung gọi báo:
- Nhờ ông vui lòng mang khuôn hòm đến nhà xác bệnh viện Saint Paul. Ở đường Tú Xương. Tuyệt đối không cho đông người đi, và người lạ tháp tùng. Xe chỉ chở đến đó… mỗi lần một quan tài mà thôi.
Ông Ba nêu ý kiến:
- Có nên lấy thêm một xe nữa. Đi theo phía sau xa xa xe kia. Hay không?
- Không. Chở từng cái một, mỗi xe đi cách xa nhau khoảng nửa giờ. Mang cái “đầu tiên” đi trước.

Ông Ba tuân lệnh. Đem cái hòm đặc biệt “đầu tiên” đi. (ý họ muốn nói đến “cái đầu tiên”: là khuôn hòm của Tổng-thống Diệm, người sẽ liệm trước tiên). Chiếc xe tang từ từ lăn bánh. Trên xe có bà chủ tiệm hòm, Năm, Vì Dân, Thạch, Trung, cộng thêm bốn người đạo tỳ. Xe lao vào đường phố vắng tanh như đi trong thành phố chết, hoặc đang vào giờ giới nghiêm, thiết quân luật vậy. Đến đường Tú Xương, Vì Dân mới thấy phe cách mạng lật đổ chính phủ đã cho cảnh sát, quân cảnh đứng canh gác ở các chốt. Xe jeep chận ngang ngỏ vào nhà xác.

Ngoài các anh: Năm, Thạch, Trung, Vì Dân, bà chủ tiệm và bốn đạo tỳ ra, còn có hai soeur có lẽ ở bệnh viện nầy. Thêm vợ chồng cháu rể của tổng thống đang lăm le chiếc máy ảnh trong tay. Khi xe tang vào tới bên trong, thì một soeur rón rén, lấp ló, len lén nhìn trước ngó sau, coi soeur có vẻ gian, sợ sệt lén lút, như người làm chuyện mờ ám gì, chả biết. Hình như soeur có lệnh trước, đã vội vàng kéo cánh cửa đóng ập lại liền. Trong nhà xác chỉ có một ngọn đèn vàng lù mù, leo lét, treo lơ lửng tòn ten trên trần.

Bốn đạo tỳ mang quan tài đặt trên bệ đá cẩm thạch trong nhà xác. Họ đợi khoảng hai mươi phút sau, thì có một chiếc xe hồng thập tự kiểu Dodge nhà binh (màu cứt ngựa) thắng lết bánh, đỗ xịch lại. Bà soeur canh cổng kia lật đật mở cánh cửa nhà xác ra. Từ trên xe có bốn quân nhân nhảy phóc xuống, họ vội vội vàng vàng khiêng chiếc băng ca lắc lư nhún nhảy. Trên đó có một người nằm cũng nhún nhảy lắc lư theo nhịp bước mau. Họ mang băng ca vào hẳn phía trong, để xuống dưới đất. Họ chả buồn nhìn ai hay nói câu nào, họ cúi đầu vội vã quay trở ra, leo tọt lên xe. Chiếc xe Dodge rít lên nghe rợn tóc gáy vút đi trong sự im lặng hãi hùng…

Lúc bấy giờ cả nhóm đông trong phòng liền bước tới đứng sát bên băng ca. Người nằm trên băng ca là vị tổng thống kính mến của nền Đệ Nhất Cộ̣ng Hòa miền Nam Việt Nam: Ngô Đình Diệm (1901-1963). Ngài mặc bộ veston màu xanh rêu, thắt cà vạt xanh đậm có chấm trắng. Dưới chân ngài mang một chiếc giày màu đen, bên chân kia chỉ có một chiếc tất trắng. Cả bộ comple chìm trong màu máu, trên đầu tổng thống có một vết thương sâu từ dưới ót trổ lên đỉnh đầu, bê bết máu. Ngài nằm đó thản nhiên im lặng, dường như tổng thống say chìm trong giấc ngủ ngàn thu bình an không muộn phiền, chẳng khổ đau…

Ánh sáng vụt loé lên. Thì ra ông cháu rể ngoại quốc kia đã bấm được vài ba tấm ảnh. Chả hiểu ông cháu nầy lúng túng, run rẩy, sợ hãi, lo lắng hay sao, mà ông lại vội cất dấu máy hình, không chụp thêm mà lại ngưng? Hay ông thấy cảnh máu me lan tràn như thế, thật hãi hùng và đau lòng. Nên ông không cầm nỗi cơn nghẹn ngào xúc động đau đớn dâng tràn bờ mi?!
Đạo tỳ khiêng xác ngài lên, đặt trên một bệ đá cẩm thạch có lót hai lớp vải trắng. Bà chủ tiệm nói với Năm, Thạch, Trung, Vì Dân, và hai soeur:
- Nhờ lấy bông gòn và compresse nhúng đầy alcohol, lau nhẹ nhàng, lau sạch sẽ, lau rất cẩn thận các vết máu cho tổng thống giúp tôi.

Họ lộ vẻ kính cẩn, ân cần, chu đáo sửa sang áo quần Tổng-thống Diệm chỉnh tề, ngay ngắn. Bốn đạo tỳ chăm chỉ cắm cúi lo tẫn liệm ngài đàng hoàng. Bà chủ tiệm hòm lâm râm đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn người quá cố. Bà nhét vào tay tổng thống xâu chuỗi hột mân côi. Hình như Tổng Thống Diệm vừa mới chết, cho nên hai bàn tay ông đã nhẹ nhàng khép lại dễ dàng giữ xâu chuỗi, như ông đang lim dim đọc kinh lần hạt. Mọi người hiện diện nín thở, có cảm tưởng tim đập thiếu nhịp, thở hụt hơi: Nghẹn ngào. Ngậm ngùi. Cay đắng. Bẽ bàng xao động. Đau xót kinh khủng. Thương tiếc sâu sa. Buồn mênh mông cho kiếp phù sinh bạc mệnh. Ngắn ngủi!

Họ chưa kịp đậy nắp hòm, thì chiếc xe hồng thập tự lúc nãy đã trờ đến. Cánh cửa lớn do bà soeur kia lum khum hé mở ra. Đám lính lật đật bưng cái xác thứ hai vào. Bà soeur vội vàng khép nhanh cánh cửa ngay. Đó là ông Cố-vấn Ngô đình Nhu mặc áo sơ mi trắng cụt tay ngực đẫm máu. Áo bỏ trong quần màu nâu hơi xộc xệch, thắt dây lưng da, chân mang đôi giày màu kem. Gương mặt ông Nhu có vẻ oán hận, bất bình điều gì, vầng trán thật cao cau lại với nhiều nếp nhăn. Đôi môi ông mím chặt nghiêm nghị. Không thấy ông Nhu có nét thanh thản bình an (như gương mặt thản nhiên của người anh). Ông nằm hơi nghiêng qua một bên. Họ thấy ông bị nhiều vết đâm sau lưng, loại dao bayonet của quân đội. Máu vẫn ứa ra từ các vết thương đó. Trên đầu, ngay thái dương có hai vết thủng. Đó là dấu đạn đi từ bên nầy xuyên sang bên kia.

Công việc tẫn liệm cũng tuần tự diễn ra. Cẩn thận, nhưng hơi vội vàng như lần trước. Không khí lúc nầy quả thực nặng nề kinh khủng! Im lặng hoàn toàn. Hình như ai ai cũng thở rất nhẹ. Vì họ sợ mỗi tiếng động làm dấy lên từ đáy lòng mình tiếng nấc, mà họ đã kềm sâu trong lòng, để khóc thương một kiếp người phù sinh: khi họ đứng trên tột đỉnh danh vọng cao sang dường bao, ấy thế mà lúc họ lìa đời thì quá ư bẽ bàng, bạc phận!? Hoặc sẽ làm hỏng không khí kính cẩn tôn nghiêm; nơi con người thực sự đã bước chân vào cõi vô cùng hư vô? Quả đúng là phân giới giữa sự sống và cõi chết: chỉ ngăn cách bằng một sợi tóc dài lê thê và mỏng tanh, bởi một bức màn sô vô hình tầm thường mà mong manh như sương khói. Nhưng, kiếp người ở hai phân giới ấy đã không thể làm gì khác hơn. Người ở biên giới nầy không thể va mặt, chạm tay vào biên giới vô hình kinh khủng bên kia, và càng không thể biết thêm gì nhau hơn!

Đó là hình ảnh nhỏ nhoi tầm thường rất cô độc của con người hiện hữu đối mặt trước sự siêu hình, cao cả của sự sống và sự chết. Quả thật không là gì cả khi thân xác ấy trở thành bất động, lung linh như ảo ảnh hư vô mà vô cùng sống động, thực tế và quá đỗi thương tâm. Vì Dân sẽ không bao giờ quên, không bao giờ phai mờ hình ảnh bi thương ấy trong trí óc. Vì, rất thật. Quá thật tình cờ… vô tình mình làm chứng nhân một sự kiện lịch sử trong thế kỷ. Ý thức nhận rõ ràng: Cuộc sống sao quá mỏng manh như một bóng mây trắng hờ hững bay giữa lưng trời rám bạc. Như cành cây oằn thân trong bão khi gió muốn lặng, mà dễ đâu nào!

Vì Dân cảm thấy mệt lả, nhịp tim rung lên từng cơn run rẩy, nghẹn nghẽn nỗi đau trong cổ, nàng vội kéo Năm, Thạch, Trung, bước ra thềm nhà xác, đi về hướng Phan Thanh Giản, là mong cho dễ thở hơn. Ngay lúc đó, Vì Dân thấy một đoàn biểu tình náo nhiệt rầm rộ kéo nhau xuống đường. Họ vừa đi vừa giơ nắm tay hò la, hét tướng lên: đả đảo “chế độ gia đình trị họ Ngô”. Họ đi thẳng tới biệt thự đường Phan Thanh Giản của ông Bộ-trưởng Bộ Nội Vụ Bùi Văn Lương, (người đã từng nắm giữ chức vụ Tổng Ủy-trưởng, Tổng Ủy Di Cư năm 1954).

Họ lao vào nhà ông Lương đập phá, hôi của. Tất cả mọi thứ trong nhà thoáng chốc “biết đi” biến sạch hết ra ngoài đường. Thậm chí Vì Dân còn thấy có mấy người bưng hai con chó Nhật sợ hãi nhìn quanh, như nó đang muốn tìm cố chủ. Đám biểu tình nhốn nháo bắt đầu xúm lại nổi lửa trong sân. Rất may, lúc đó có toán Cảnh-sát Dã-chiến đến. Họ can ngăn kịp thời. Ôi! Cuộc Cách Mạng phừng phưng thành công rồi đó. Toàn dân bấy giờ đã thoát ra khỏi chế độ “gia đình trị Họ Ngô”. Nhưng, rồi đây sẽ đến phiên ai đi tới đi lui, đi lên và đi xuống, đi qua và đi lại? Sẽ ra sao? Xin nhường câu trả lời cho lịch sử từ bây giờ và những tháng năm sau nầy phán xét.

Nghe tiếng bà chủ gọi, các anh, chị, vội chạy trở về nhà xác: khi hai chiếc xe hồng thập tự đã đến lấy quan tài hai anh em họ Ngô. Họ nói với tài xế: “Vô Bộ Tổng Tham Mưu”. (Vì lý do an ninh, nên Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng chuyển hai xác anh em tổng thống vào Bộ Tổng Tham Mưu, an táng trong khuôn viên trại Trần Hưng Đạo, cạnh chùa An Quốc). Hiện diện, làm việc cấp tốc trong đêm khuya có vị linh mục người Pháp, ông bà Trần Trung Dung, Trung-tá Nguyễn Văn Luông (trưởng ban mai táng), một số ít quân nhân ở Tổng Tham Mưu.

Thế rồi tiếp theo sau mấy cuộc đảo chánh. Chỉnh lý. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đương nhiệm nghe lời ông thầy địa lý phán một câu xanh dờn:
- Vì hai huyệt mộ kia đã chôn nhằm “long huyệt”. Cho nên đất nước Việt Nam đã xảy ra lộn xộn liên tục. Muốn cho yên ổn. Phải cho dời ngay đi.

Thế là sau ngày đảo chánh ít lâu, bên phòng mai táng ở quân đội miền Nam Việt Nam Cộng Hòa lại cho mời ông Ba đến, họ bàn trước tính sau cặn kẽ. Họ nhờ ông Ba làm hai cái kim tĩnh xây gạch, tráng xi măng trước. Ông Ba lại cho người lên bộ Tổng Tham Mưu lén lút, hì hục đào bới cả hai anh em cố Tổng Thống vào ban đêm. Đạo tỳ làm việc bù đầu suốt canh thâu; từ choạng vạng tối đến tờ mờ sáng mới xong. Ông Ba đem hai thi thể: ông Diệm và ông Nhu về chôn ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.

Khi hạ rồng rồi, ông Ba có lệnh chỉ được phép lóng cát phủ lên bề mặt hai ngôi mộ bằng phẳng cho đầy. Bên trên mặt chỉ được lấp ba tấm ván sơ sài. Trông hai ngôi mộ rất hèn mọn, quá tầm thường. Tuyệt đối ông Ba không được phép ghi tên tuổi, ngày tháng trên bia mộ gì cả. Dù chung quanh đó có những ngôi mộ cẩm thạch bóng loáng, vinh sang hào nhoáng lộng lẫy khác. Vì nền Đệ Nhị Cộng Hoà “họ” sợ dân biết tin hai vị ấy nằm đó, dân sẽ đến cầu nguyện và ngưỡng mộ (!?). Nhưng làm sao mà che được tai mắt dân lành!? Không biết do đâu “rò rỉ ra” nguồn tin:
- Chính hai ngôi mộ đơn sơ không tên không tuổi, không hình bóng nầy: là mộ phần của anh em Tổng-thống Ngô Đình Diệm.

Thế là từ đó, mỗi khi ai ai có dịp vào thăm nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Họ liền đi vào cổng chính, đến đoạn giữa “hai ngôi mộ Anh Em”, nằm đối diện với cái tháp tưởng niệm, và ngôi mộ cố Thống Tướng Lê Văn Tỵ to lớn nguy nga, “hoành tráng” nhìn sang “hai anh em: Gioan Baotixita Huynh ; Giacobe Đệ”. Có một điều rất khác biệt với những ngôi mộ lộng lẫy sang trọng kia, thì trên hai ngôi mộ đơn sơ đạm bạc đớn hèn khiêm tốn nầy, luôn luôn có những bó nhang trầm nghi ngút khói, có đóa hoa tươi màu thay đổi mỗi ngày, có bốn ngọn nến sáng lung linh thắp suốt đêm. Hình như người dân dù sợ hãi người khác thanh trừng, nên chỉ âm thầm lén lút đi thắp nến đốt nhang cầu nguyện. Họ luôn tưởng niệm cho “Ngày dài nhất thế kỷ, buổi chiều định mệnh đó”. Họ là những người dân hiền lương ẩn danh nghèo hèn như thầm nói:

- Vĩnh biệt Tổng Thống Diệm. Vĩnh biệt ông Cố-vấn Nhu. Xin các ngài cứ bình thản an nghỉ. Vì, đất nước Việt Nam vẫn còn là đất nước Việt Nam. Có thay đổi chăng, chỉ là đổi mới những sự kiện, và những con người lãnh đạo quốc gia mà thôi. Nguyện cầu nhị vị an nhàn bình thản ra đi… hạnh phúc phiêu lãng ngao du sơn thủy, đi khắp trên mọi miền đất nước Việt Nam, và xin quý ngài phù hộ cho dân lành được ấm no, bình an hạnh phúc thật sự, như qúy vị hằng đợi mong. Xin qúy vị lãng quên cuộc đời bạc bẽo. Quên con người hết sức trắng trợn độc ác tham tàn và… xin hãy tha thứ cho con người rối rắm hèn kém suy nghĩ kia, những kẻ đã tàn nhẫn hại mình. Kiếp người ô trọc đảo điên và phù du rồi sẽ khép lại sau đôi mắt hờ hững lặng nhìn. Vì Dân tôi, một chứng nhân vô tình hèn mọn trong bóng tối lịch sử buông tiếng thở dài sâu lắng, trầm buồn và ngậm ngùi trên mỗi phím loan: Ối ôi ồi!!! …
***

Mãi về những năm gần đây sau nầy thôi, thì hài cốt "hai huynh - đệ: Gioan Baotixita Huynh ; Giacobe Đệ" (trên bia mộ vẫn không ghi tên thật, ngày tháng năm gì cả) lần thứ ba, họ lại được thân nhân đào lên, cải táng cho nhị vị về an nghỉ tại "Nghĩa-trang số 6", ấp Đông An, xã An Bình, huyện Dĩ An. Lần nầy, Vì Dân khẩn thiết cầu xin cho quý vị "Huynh-Đệ" thật sự bình an, yên nghỉ vĩnh viễn dưới lòng đất quê hương Việt Nam.
* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
11-22-2018, 03:05 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/pics2018/1542855646-Happy Thanksgiving 3.png

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1374981586.mp3
Tạ Ơn Đời


Nắng lung linh xuyên qua song cửa rót lên nền nhà, tạo thành những vệt sáng lấp lánh nhảy múa trên bàn, trên những tấm vải treo khắp đó đây trong tiệm may vắng như chùa bà Đanh, khiến Hoa càng buồn và thất vọng dường bao! Suốt mấy tháng không có khách hàng tới may vá gì, buồn chán lắm, nên cô nhỏ cứ bỏ tiệm may ra đứng thẩn thờ trước trường đánh máy chữ. Hoa nhìn vào bên trong lớp học mà mơ ước mình được sung sướng đi học như họ, thì hạnh phúc biết ngần nào!

Một hôm, Hoa mơ màng đăm chiêu, phiền muộn lấp ló nhìn vô trường học nghề như thế, thì có một bàn tay nhẹ ôm vai Hoa:
- Ê bồ! sao ngày nào cũng đứng đây vậy?

Hoa kinh ngạc nhìn người con gái xa lạ ăn mặc hợp thời trang, nàng cao to hơn Hoa một chút, nàng không đẹp không xinh, nhưng ai nhìn nàng cũng cảm thấy dường như từ nơi nàng tỏa ra một sự quyến rũ, có hấp lực thu hút cái duyên ngầm kỳ lạ. Hoa nhìn lại thân phận mình quần thô áo vải, nên mắc cỡ bỏ chạy. Người ấy vội chụp cánh tay áo Hoa lại, đầu Hoa chúi vào vai người ấy. Chẳng hiểu sao Hoa oà khóc vì xấu hổ và tủi thân. Cô gái ân cần vỗ vỗ vào lưng Hoa, tự giới thiệu tên:
- Mình tên Bích Thuỷ. Còn bồ tên gì? Ở đâu vậy?

Thủy hỏi thăm Hoa ở nơi nào ư? Hoa nghẹn ngào không nói, đưa tay chỉ tiệm may. Thủy gật đầu tươi cười bước vô lớp. Hết giờ học đánh máy, Thuỷ ghé lại tiệm may, nàng muốn làm thân kết bạn cùng Hoa:
- Có thích học đánh máy không, mà ngày nào tui cũng thấy bạn đứng dòm chằm chằm vô lớp học hoài rứa?
- Ồ, mình rất thích. Nhưng nhà nghèo lắm, không thể có tiền đóng học phí, cùng các chuyện linh tinh khác.
- Bạn đừng lo chuyện ấy. Tiền bạc, ăn uống, học phí để tui lo cho, đến khi nào bạn học thành tài, mới thôi nghe.

Ồ! Làm sao mà có chuyện “động trời” thế nầy được!? Hoa lắc đầu trố mắt nhìn cô gái, chẳng thốt nên lời, không thể tin vào tai mình. Nhưng mỗi ngày sau giờ học đánh máy, Bích Thuỷ đều ghé lại tiệm may của Hoa, Thủy vui vẻ ân cần “mớm mồi” vài câu “nhắc khéo” với Hoa về “chuyện ấy”. Nghĩa là Thủy đi sâu vào vấn đề muốn tận tâm giúp đỡ bạn học một nghề có căn bản cho tương lai, đại khái là nghề thư ký đánh máy. Hoa mủi lòng chỉ biết khóc... và khóc vì thân phận nghèo thôi. Bích Thuỷ mở lời tâm sự:
- Hoa biết không, ở đời không phải ai ai cũng hoàn toàn sung sướng, như ta nhìn phiến diện về một ai đó. Nè bạn, họ không khổ sở vì vật chất, thì cũng đau đớn, dằn vặt, cô đơn về tinh thần. Ví dụ như mình đây: Ba mình là Quận Trưởng, mình có hai người anh đã thành đạt trên đường đời, nhưng rất buồn và cô độc do chúng tôi mồ côi mẹ lúc còn nhỏ. Ba mình có phải là gà trống nuôi con độc thân tại chỗ không, chuyện ấy xét lại, bây giờ ông có nhiều đào! Mình sống giàu sang nhưng rất trống vắng. Là vậy đó.

Thì ra là như thế. Bích Thủy ân cần năn nỉ Hoa cho phép mình đi thăm nhà mạ và các em của Hoa. Ngần ngại hết sức, nhưng cuối cùng Hoa mềm lòng đã dẫn Thủy về nhà mạ. Nhìn cảnh nghèo nàn xơ xác khó khăn của bạn phơi bày, Thuỷ bùi ngùi cảm động xót xa quay mặt đi len lén chùi nước mắt. Thuỷ hết lời năn nỉ xin mạ cho Hoa đi học đánh máy, Thủy hứa khi Hoa học thành nghề, Thuỷ sẽ xin việc làm cho Hoa, để bạn có điều kiện dồi dào hơn về khoản tiền nong, mà nuôi mạ và em út.

Mạ chẳng hiểu đầu đuôi chi hết, nên nỏ ừ chẳng hử. Hoa kinh ngạc nhìn cô bạn mới ấy đăm đăm, chỉ tưởng là cô gái lạ kia trêu chọc nói đùa cho vui. Ai ngờ… có nàng tiên thật trong đời của Hoa đã giáng thế! Bích Thủy hoàn toàn xa lạ, không bà con thân tộc, không hề quen biết Hoa, nhưng Thủy chẳng toan tính đắn đo suy nghĩ gì, nàng đã hậu ái lo đầy đủ chu đáo hết mọi thứ, dìu dắt Hoa đến nơi đến chốn: nào là Thủy đóng trọn khóa tiền học đánh máy. Bích Thủy đưa Hoa đi mua sắm mấy bộ áo quần. Thủy lo lót ở một trường tư thục ngoài Đà Nẵng cho Hoa có một chứng chỉ học trình lớp Đệ Tứ. Thủy đóng hết mọi chi phí. Thủy đưa Hoa đi làm giấy thế vì khai sinh, tên “Trương Thị Thu Huyền” khai sinh chào đời, lột xác Hoa từ nấc thang thấp nhất, tên cũ xì và quê mùa "Chắt" đã lùi về quá khứ, tên mới của Hoa lâng lâng bay lên… bay lên cao vút từ nơi đó.

Lý Thị Bích Thủy: Đó là một người thầy thứ hai trong đời đáng kính và quý trọng của Hoa (sau cậu Phú): Lúc ở Tam Kỳ, Chu Lai, muốn đốt giai đoạn, nên Thủy dịu dàng dạy Hoa học thêm đánh máy cho thật mau và chóng nhớ, bằng cách Thủy lấy sơn màu viết 24 chữ cái lên tấm carton những mặt chữ cái, làm giống y như trên bàn phím của máy đánh chữ thật. Đúng là có kết quả nhanh chóng tốt đẹp và vô cùng khả quan. Ôi! Hạnh phúc biết dường nào khi ở trường học đánh máy: mỗi lần Hoa ấn tay lên bàn phím, những con chữ vô tư lự vui vẻ gõ lóc cóc, nhảy tưng tưng như rộn ràng reo hò mời gọi, thì nhịp tim Hoa cũng lâng lâng hòa điệu tương ca.

Hoa có ý chí, tự rèn luyện đức tính kiên cường, ngày đêm cố gắng học chữ, học Anh-văn, học đánh máy chữ. Ngày đó Thuỷ bảo vệ Hoa lắm, dù những bạn học của Thuỷ có vẽ xem thường Hoa một tí, là Thủy từ bỏ họ luôn, đôi khi Hoa thấy ngại quá, khuyên Thuỷ hãy để em sang một bên, Thủy hãy tiếp tục chơi với bạn học. Thuỷ lắc đầu bảo rằng:
- Mấy con đó thiếu sự hiểu biết, không có đạo đức, không thèm chơi với chúng nó.

Ngoài giờ học đánh máy, Bích Thủy còn dạy Hoa nói tiếng Anh với Thủy, để Thủy biết chỗ sai hay đúng, mà sửa. Thật tình thì Hoa thích nói tiếng Việt hơn, nghe thân thiện, tha thiết nồng nàn, ấm áp ngọt lịm sao đâu. Bởi hằng ngày Hoa nói chuyện với người Việt thân thiết quen rồi, nay học thêm tiếng Anh, Hoa bị lớ quớ lộn xộn ngỡ ngàng và và… dị dạng nói lắp bắp, líu cả lưỡi. Hoa cảm thấy ngượng ngùng không tự nhiên khi phát âm. Thủy sợ Hoa không hiểu, Thủy giải thích dông dài rất cặn kẽ. Chẳng biết Thủy sưu tầm lượm lặt đó đây một lô thơ lục bát ghép chữ Việt và Anh-ngữ rất hay, thực dụng và dễ hiểu vô cùng, Hoa rất thích học những câu, có nhiều lúc Thủy vừa hỏi tới bài học, thì Hoa trả lời những câu đã thuộc làu:

Cằm CHIN có BEARD là râu
RAZOR dao cạo, HEAD đầu, da SKIN
THOUSAND thì gọi là nghìn
BILLION là tỷ, LOOK nhìn , rồi THEN

LOVE MONEY quý đồng tiền
Đầu tư INVEST, có quyền RIGHTFUL
WINDY RAIN STORM bão bùng
MID NIGHT bán dạ, anh hùng HERO

COME ON xin cứ nhào vô
NO FEAR hổng sợ, các cô LADIES
Con cò STORKE, FLY bay
Mây CLOUD, AT ở, BLUE SKY xanh trời

OH! MY GOD...! Ối! Trời ơi
MIND YOU. Lưu ý WORD lời nói say
HERE AND THERE, đó cùng đây
TRAVEL du lịch, FULL đầy, SMART khôn

Cô đơn ta dịch ALONE
Anh văn ENGLISH , nổi buồn SORROW
Muốn yêu là WANT TO LOVE
OLDMAN ông lão, bắt đầu BEGIN

EAT ăn, LEARN học, LOOK nhìn
EASY TO FORGET dễ quên
BECAUSE là bởi, cho nên, DUMP đần
VIETNAMESE, người Việt Nam

NEED TO KNOW... biết nó cần lắm thay
SINCE từ, BEFORE trước, NOW nay
Đèn LAMP, sách BOOK, đêm NIGHT, SIT ngồi
SORRY thương xót, ME tôi

PLEASE DON"T LAUGH đừng cười, làm ơn
FAR Xa, NEAR gọi là gần
WEDDING lễ cưới, DIAMOND kim cương
SO CUTE là quá dễ thương

SHOPPING mua sắm, có sương FOGGY
SKINNY ốm nhách, FAT: phì
FIGHTING: chiến đấu, quá lỳ STUBBORN
COTTON ta dịch bông gòn

A WELL là giếng, đường mòn là TRAIL
POEM có nghĩa làm thơ,
POET thi sĩ nên mơ mộng nhiều.
ONEWAY nghĩa nó một chiều, (*= sưu tầm)

Có lần Thủy nói: văn chương không cần trau chuốt hoa mỹ, chỉ cần xác thực, trung thực, có chút tỷ mỹ trong sự uyển chuyển hài hòa, thì sẽ thành công. Thế là Thuỷ vừa dạy Hoa học đánh máy vừa dạy Hoa tiếng Mỹ. Thuỷ xin với chị Toàn (là chị của Thuỷ) cho Hoa ở trọ cùng Thuỷ, tiền ăn & ở Thuỷ lo hết cho Hoa mấy tháng đầu. Khi vững vàng chuyện học rồi, tại nơi phồn hoa đô hội đó không ai biết mình là ai, nên Hoa không để lộ tông tích “đi ở đợ hèn mọn” của mình ra làm chi nữa. Hoa luôn mặc cảm về dĩ vãng bất đắc dĩ, buồn tủi đen tối và thấp hèn ấy.

Một ngày kia có hai ba ông Mỹ bước vào trường dạy đánh máy chữ nói chuyện với cô giáo Xuân. Khi họ về rồi, cô Xuân cho cả trường biết là họ muốn tuyển nhiều thư ký đánh máy, ai thích đi làm thơ ký cho bộ Hải Quân Mỹ thì đơn đây, điền vào. Thế là Hoa cùng một số bạn trai gái ghi tên đi làm. Sáng thứ Hai người ta tập họp nhân viên ở trung tâm dạy Anh-văn tại Tam Kỳ, nơi nầy có xe bus chở họ đi Chu Lai làm việc đến chiều, thì xe bus trả về chỗ cũ, mạnh ai đi về nhà đó.

Ngày đầu tiên Hoa vô phòng dự thi của Mỹ, có ban giám khảo cho thí sinh thi ngành thư ký đánh máy: Tuyển sinh phải trình bày và đánh máy một văn bản hai tờ giấy bằng tiếng Anh khá dài– phải đánh nhanh và không sai lỗi chính tả: gồm 41 chữ trong một phút. Thời gian thi là nửa giờ! Ối Trời ơi là Trời!!! Hoa rợn người lo sợ bủn rủn cả tay chân. Chỉ 1 phút mà phải nuốt trọn 41 chữ, nhanh hơn tên bay sao xẹt sao? Đúng là đánh máy tốc ký! Văn chương Việt-ngữ là ngôn ngữ mẹ đẻ, Hoa còn hạn hẹp chưa thông thạo, huống gì tiếng Anh tiếng U. Hoa lại càng mù mịt như thầy bói rờ con voi. Làm sao bây giờ!

Hoa choáng váng không thể nào đoạt được kỷ lục thư ký tốc hành 41 chữ trong một phút đó. Mơ làm thư ký đánh máy là một việc cao sang quá tầm tay với làm gì, mà bây giờ từ trên đỉnh cao chót vót, Hoa đã vỡ mộng tan tành… bị rớt cái đụi. Tủi thân Hoa ngồi bệt xuống nền nhà khóc hụ hụ… ngon lành không hề biết xấu hổ! (giống như một đứa trẻ thơ lúc không nhận được quà theo ý muốn, nó đã phụng phịu ngồi phệt xuống đất chà hai chân giãy giụa và khóc ngất).

Nhưng may thay, ở đây họ cũng đang cần người làm việc trong Warehouse clothing, nên Hoa được “lọt mắt xanh” ban giám đốc IRO, họ tuyển chọn Hoa và mấy người nữa vô đó làm việc. Hoa suy nghĩ: “trước tiên mình nên nhận công việc tàm tạm nầy đã, khi ngồi vững trong IRO rồi, mình sẽ tính tiếp. Nếu Hoa không nhận công việc nầy, e rằng sẽ không còn cơ hội may mắn tiến thân”.

Hoa là người chân thật, giản dị, đơn sơ và rất bình dân giáo dục, không biết nói những câu văn hoa bóng bẩy, không biết thêu dệt những ý tình đẹp đẽ thơ mộng, nên tự đáy lòng Hoa chỉ muốn nói lời khẩn thiết cảm ơn, biết ơn, và tạ ơn: Trước tiên là Hoa ghi ơn ôn mệ nội, ngoại đôi bên. Tiếp theo là tri ân cha mạ sinh ra con. Ôn mệ, chị Thùy Mến, họ là người dưng khác Họ mà thương Hoa vô cùng. Kế đến là chị Lộc. Ông bà Trương Nguyên Thảo. Anh Đoàn Mùi, anh Thái Nghệ Quân, Võ Hải Triều. Thầy Phú dạy Hoa học chữ quốc ngữ. Nhất là Hoa vô cùng biết ơn và tạ ơn Lý thị Bích Thủy, một người bạn tình cờ chỉ gặp gỡ một ngày, mà trọn kiếp tri ân người đã nâng vực Hoa: cô bé lọ lem từ nấc thang thấp hèn trong xã hội được leo lên làm người hữu dụng. Tạ ơn đại diện hãng IRO thuộc đất nước Hoa Kỳ đã đến Việt Nam & tuyển chọn Hoa vô làm việc trong ban ngành của họ.
Hoa hạnh phúc xiết bao, hôm nay xin ghi lời tạ ơn đời ưu ái ban cho mình những hồng ân trân quý.

***

{Thời gian quen biết nhau không lâu, thì Thủy cùng chồng đi Mỹ ở Fort Lauderdate, Florida. Thế là hai đứa mình xa cách nhau cuối năm 1967. Tại Hoa Kỳ, Thuỷ hào phóng giúp ai cần giúp, mặc dầu có nhiều người ruột thịt của Thủy cản ngăn, nhưng Thủy vẫn đi theo lý lẽ của con tim, đến nỗi người chồng thứ hai, rồi tới người chồng thứ ba và Bích Thủy cũng đổ vỡ nốt. Chỉ vì một hôm có cơn bão đến, Thủy vội vàng chạy xe ra đường, lật đật chở những người vô gia cư nào là "đen, trắng, già, trẻ, Lào, Miên, Phi, Tàu…” ; tất cả… chẳng kể số, Thủy đem họ về nhà, cho họ áo quần, ăn, ở tạm trú một thời gian dài, kể cả chó, mèo, nai, thỏ, chim, sóc…, tất cả mọi thứ… thứ gì Thủy cũng tha vô nhà đầy nhóc. Ồn ào, bừa bộn, hỗn độn, lộn xộn hết biết.

Ông chồng thứ ba thấy ở trong nhà mình giống như một… sở thú của “thảo cầm viên và cầm… người” thật quá kinh hoàng, chồng Thủy chẳng thể nào chịu đựng thêm “cố tật bẩm sinh” của cô vợ ngày ngày thích làm chuyện bác ái, từ thiện, hảo tâm: càng chất chồng lên cao ngút. Ông đã nổi cơn điên, cả hai người thường xung khắc, bất đồng ngôn ngữ và không cùng chung chí hướng & “lý tưởng”. Họ đã đi đến chuyện không thể dừng, không thể cảm thông, đành lôi nhau ra tòa ly dị.

Từ đó Thủy không lập gia đình nữa, nàng hái ra tiền dễ dàng, nhưng cũng dễ bị người khác phỉnh gạt tình và tiền… Bích Thủy sống cuộc đời độc thân, làm những gì mình muốn, tự do du lịch dó đây khi mình thích, khỏi bận bịu vì ai hết}.

* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
12-27-2018, 05:17 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/pics2018/1545853191-1 Merry Christmas .gif

/uploadpics/mp3pdf_2018/1545853324-Hai Mua Noel Pham Hanh.mp3 "Hai Mùa NOEL"
Giọng ca Phiêu Bồng
***
Dạ Khúc Đêm NOEL Đà Lạt


Noel xưa anh nhớ
"Khi hãy còn yêu nhau
Nhà thờ nơi cuối phố
Thấp thoáng sau ngàn dâu
Anh chờ em đi lễ
Chung dâng lời nguyện cầu...
Mimosa mimosa bừng nở
Đẹp như tình ban đầu" (NT)

Đêm Noel Đà Lạt khai sinh Mười với tuổi xuân hồng phới phới rót mật vàng từ thinh không xuống lòng phố nở hoa mùa Đông. Gió cuối Đông lồng lộng thổi về làn hơi buốt giá tê người. Bầu trời ướt đẫm sương đêm, một Noel tuyệt vời ngọt ngào ngây ngất, đầy hương vị tình yêu miền núi. Từng hồi chuông dài ngân nga giữa đỉnh đồi bay qua các sườn dốc, các khe thung: tiếng chuông mừng vui réo gọi hoan hỉ reo vang cùng thế nhân. Một đêm hội lịch sử đón chào Chúa Giáng Sinh 24 tháng 12: là đêm lạnh lẽo buốt giá hạnh phúc vui vẻ tưng bừng rất mùa Xuân. Mười chợt bừng tỉnh giấc ngủ nồng say. Sau mùa Thu héo úa, rồi mùa Đông buốt giá gần tàn. Thỉnh thoảng gió thổi qua mát rượi khiến lòng cô em xôn xao, đủ làm cho da cuả người con gái xứ lạnh càng thêm thắm hồng, dấy động từng thoáng nhớ đắm say, vấn vương, ngọt ngào mãi không rời, qua tiếng tơ lòng dìu dịu rung ngân trên mỗi phím loan.

Hàng cây tối mờ trong lớp sương mù dày bao bọc vòm trời ẩn hiện ánh đèn vàng vọt mờ nhạt ở đầu phố, tạo thành nhiều đóm sáng bất động. Các mái nhà dưới thấp trên cao chênh vênh bên sườn đồi thoai thoải. Những con đường mòn chạy dài xuống thung lũng âm u, văng vẳng đâu đây tiếng lao xao cười nói ồn ào. Nhiều tốp nam nữ trẻ trung thoáng chốc tấp nập ra phố đêm đi dự lễ. Trên các nẻo đường lớn trong thành phố, người đi kẻ lại đông vô số kể. Họ khoác bộ cánh rực rỡ, áo lạnh khăn quàng, găng tay, mũ len đủ mọi màu sắc. Phố phường tưng bừng rộn rã hoan ca, khác hẳn ngày đầu Đông ở xứ lạnh. Người người vui vẻ cười đùa chuyện trò ríu rít, họ đi lại ngược xuôi chen lấn nhau trên đại lộ. Không chiếc xe nào có thể qua lọt giữa rừng người đang bách bộ đông như kiến. Người ta vui vẻ nói cười, không cần biết những ông cảnh sát đang vất vả làm việc lưu thông không ngưng nghỉ.

Ở trong nhà: Bảo, Quốc Toàn, Thịnh, Trình loay hoay trang hoàng cây thông cao, đọt đụng trần nhà bị cong hẳn lại, Bảo phải cưa bớt một đoạn dài dưới gốc cây. Sau đó các cháu móc đầy dây kim tuyến, ngôi sao, quả cầu đủ màu sắc, thiệp Noel, thiên thần, ông già Noel, và giăng nhiều đèn màu chớp tắt. Dưới gốc thông có những gói quà nho nhỏ, xinh xinh, gói bánh, kẹo, đồ chơi linh tinh... Nhạc giáng sinh trỗi lên tưng bừng nhộn nhịp, hoan hỉ vui vẻ trong căn nhà ấm áp. Tiếng cười con cháu vang khắp nơi, ngôi nhà bây giờ vui như mở hội. Sau nhà ngang: chị Khánh, bà bếp chiên xào nấu nướng các món ăn thơm phức. Họ chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, lát nữa đi lễ về, là gia đình thưởng thức réveillon. Ăn cơm tối xong, Mười quét dọn, lau chùi nhà cửa sạch sẽ tươm tất. Mười ủi áo quần cho gia đình, Mai vừa lau bụi trên các kệ sách, nó nói:
- Hồi chiều, có anh Phú, Lễ, Tài, Vinh, đến nhà mời chị em mình, chín giờ rưỡi họ lên Couvent xem lễ, chứ ở nhà thờ con gà đông lắm! Rồi cùng kéo nhau về nhà họ ăn réveillon, mở party... Em chưa kịp nói gì, thì anh Nam đến.
Ngạc nhiên, Mười ngừng ủi áo, ngẩng nhìn em, hỏi:
- Anh Nam gặp Phú? Họ nói chuyện vui vẻ há?
- Coi chừng cháy áo. Chị "táp pi" em tới tấp à? Họ chào hỏi nhau, vui vẻ cả làng.

Hồi chiều Mười bất ngờ thấy Nam ngoài phố, lòng Mười đã rộn ràng, xao xuyến, mừng rỡ. Về nhà Mười dấu kín niềm vui, giả vờ như chưa biết gì. Phần các cháu muốn Mười có chút bất ngờ thú vị, nên chúng cũng không nói Nam từ Sài Gòn đã lên Đà Lạt. Tâm trạng Mười lúc này thật kỳ, vừa mừng vừa lo, quắt quay với nỗi xao xuyến mong chờ. Bây giờ nghe em vừa nói, lòng cô nao nao, băn khoăn bồi hồi. Lãng mạn không? Nhắc đến Nam, Mười quên hết mọi sự, tươi vui nét mặt ngay, mọi thứ bỏ sang một bên. Khi tình yêu đến, có khác gì cây khô gặp mưa thuận gió hòa trở nên xanh tốt. Muốn sớm gặp người yêu, Mười nôn nao, vui mừng, thấp thỏm, không yên ổn ấy mà.
- Chị cũng đi lễ với các anh kia chứ?
- Đi sao được!
- Đến nhà Phú xí, rồi chị về đi lễ với anh Nam. Không có chị, chẳng vui.
- Đủ rồi. Em không chuẩn bị gặp người yêu sao?

Mai cười hì hì, nó mặc sẵn áo dài mới màu xanh nhạt, điểm cánh hoa vàng nhỏ rải rác trên tà, quần áo tuy lèng xèng giản dị, nhưng tươm tất, Mai quàng chiếc manto đen. Từ khi có "bồ", thì vấn đề ăn mặc trở nên cần thiết với Mai. Mai nghĩ: Dù sao nên "giữ kẽ" một tí, diện một tí, xuềnh xoàng quá coi cũng mất mặt bầu cua. "Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần" mà!

Mười đi lên, đi xuống con dốc mờ tối năm bảy lần, chờ đón, ngóng trông Nam kinh khủng. Ruột nóng như lửa đốt. Dưới ánh đèn vàng vọt đầu phố, hàng cây thông tối mờ bên những bụi dã qùy cánh lá xòe to nham nhám, thấp thoáng nhiều bông hoa màu nghệ, nhụy nâu nở hết cánh trông vui mắt, chúng nép mình dưới chân vách đá. Các mái nhà dưới thấp, trên cao, chênh vênh bên sườn đồi thoai thoải, chạy dài xuống thung lũng âm u, có ánh đèn mờ nhạt chiếu ra, tạo thành nhiều đóm sáng bất động, lớp sương mù dày bao bọc cả vòm trời. Cuối sân sau trường kỹ thuật Lasan, bờ khe nhỏ ăn xuống phiá dưới, khe mương nước chảy một bên đường. Thỉnh thoảng có vài hòn đá lăn trên khe cao rơi xuống, nghe rõ to. Mười dừng lại, nhìn về phía đó đăm đăm, văng vẳng đâu đây tiếng lao xao cười nói ồn ào, thoáng chốc đến nhanh. Tốp nam nữ tấp nập
đi dự lễ đêm, hình như có tiếng ai nói gì trong bóng tối, nơi ánh đèn đường không dọi tới. Ai nói gì vậy!? Coi vậy mà cô nhác gan ghê! Có cái gì khiến Mười nhìn ra đầu đại lộ Yersin? Năm ba cây anh đào hoa nở rộ trên cành trơ trụi lá. Đồi thông rì rào trò chuyện dưới thung lũng, khu đất nhà ông Nguyễn Đệ rộng mênh mông, thì có gì phải đăm đăm nhìn về hướng đó, khiến lòng thấp thỏm bồn chồn âu lo quá đỗi?

Chiếc taxi ngừng lại ở đầu dốc, Nam bước xuống, anh mặc bộ veston mùa đông màu đen, cà vạt màu nâu non ôm kín cổ áo sơ mi vàng nhạt, áo pardessuis màu kem vắt trên vai như khách lữ hành ngày xưa khi Mười mới gặp. Nam mang đôi giày da thời trang cùng màu với bộ veste. Mười cười rạng rỡ, rảo bước về phía Nam. Dưới cột đèn đường khi Nam nhìn thấy Mười, anh âu yếm trao cô nụ cười tươi thắm, Nam nhận tình em yêu bằng cách tìm bàn tay Mười trong bóng tối, ánh mắt tha thiết nồng nàn hơn. Nam im lặng nắm tay Mười đi xuống dốc. Cô líu lo:
- Sao anh không viết thư báo tin trước. Em sẽ đi đón?
Nam đưa Mười quyển album, hộp bánh, quyển "Trau Dồi Ý Chí" của Claude Maillard, một hộp nho nhỏ bao giấy kính vàng, cột nơ hồng (quà gia đình các anh chị, các cháu, thì Nam đã đem đến hồi chiều).
- Anh lên đây hồi nào vậy. Hở Nam?
Nam siết chặt tay cô, khẽ thở dài, Nam không nói. Mặc cho Mười ríu rít hỏi chuyện, Nam chỉ cười cười siết chặt tay Mười im lặng. Dừng lại dưới ánh đèn, Mười giựt tay mình ra khỏi tay Nam, ngẩng lên, hỏi:
- Giận em à, phải không anh?
- Mười đi đâu, từ sáng sớm đến tối mịt vậy em?
- À, bây giờ anh mới chịu mở miệng hỏi em câu đó. Em đi xuống Cầu Đất với mấy nhỏ bạn, làm chuyện tào lao, ngu ngốc. Anh lên đây, em rất mừng, anh à.
- Hứ. Biết có "họ", thì anh hổng thèm lặn lội từ Sài Gòn lên Đà Lạt để dự lễ Noel đầu tiên của chúng mình đâu. Mười có vài chàng trồng cây si, cây mơ, cây mê. "Các bồ ấy" đã chờ em suốt buổi chiều đó. Thì… em nhớ gì đến anh, mà mừng vui, hé.
- Tự họ qúy mến cả nhà. Chẳng riêng ai. Không vì ai, anh ơi!
- Chưa chắc à.
Hai người tiếp tục đi xuống con dốc nhà:
- Anh thấy Nghi “là bà con xa xa" đồng hương đồng... tình của em đã đến đây.
- . . .
- Ủa! không bà con sao? Vậy không lẽ… họ là “bạn yêu” của chị Hạc?
- Mỉa mai gì ác thế? Em yêu anh nhiều mà.

Cảm động trước câu nói bất ngờ, Nam nhận tình em yêu bằng cách tìm bàn tay Mười trong bóng tối, ánh mắt anh tha thiết nồng nàn hơn. Nam không nỡ trêu chọc cô, sợ Mười hờn dỗi, thì mất vui. Họ sợ chị Tư "nom thấy" nên vội buông tay nhau khi đứng trên thềm nhà. Nam, Mười, cùng các cháu đi lễ đêm Noel. Họ đi trong lòng phố giá băng buốt lạnh, mang trong lòng niềm hân hoan yêu đời, vui vẻ hạnh phúc, bình an, tuyệt vời nhất. Thỉnh thoảng gió thổi qua mát rượi, đủ làm cho da người con gái xứ lạnh càng thêm thắm hồng. Noel khai sinh tuổi xuân hồng phới phới đang rót mật vàng từ thinh không xuống. Lòng phố nở hoa trên đỉnh đồi mù mịt sương muối và trong cánh đồng thương yêu của Nam và Mười. Một Noel tuyệt vời ngọt ngào ngây ngất, đầy hương vị tình yêu miền núi. Từng hồi chuông dài ngân nga trong không trung, giữa đỉnh đồi, qua các sườn dốc, các khe thung đều có tiếng chuông mừng vui réo gọi, hoan hỉ reo vang cùng thế nhân, để đón chào ngày Chúa giáng trần.

Hai vì sao sáng nhất thân ái quỳ gối bên nhau trò chuyện trên bến Ngân Hà. Vành trăng khuyết lơ lửng như chiếc thuyền con trôi đi trôi về giữa các tầng mây. Noel năm nay là một lễ giáng sinh tuyệt diệu, hạnh phúc nhất của đời cô gái mười sáu tuổi chớm lớn. Và, có lẽ là một Noel tươi đẹp thú vị nhất của một chàng trai mười chín tuổi. Lòng Nam và Mười xôn xao dấy động, họ vui không thể tả, đôi mái đầu xanh chụm lại, cùng dạo bước bên nhau quanh khu trường học, tay trong tay tình nồng trong mắt biếc trao đưa.

Các cháu vào hội trường xem học sinh trường trình diễn văn nghệ. Triển lãm tranh ảnh. Bích báo. Tuần san. Máng cỏ. Riêng “hai anh chi”̣ ngồi ngoài băng ghế đá, cạnh vườn hoa trước nhà thờ Dòng, anh lấy trong túi áo veste ra hộp sơn mài nhỏ, có sợi dây chuyền vàng l8k, mặt chữ NM. Anh đeo sợi dây chuyền vào cổ Mười, âu yếm nói:
- Kỷ niệm dù bé nhỏ, vẫn có giá trị về hạnh phúc một đời. Ta cảm ơn Chúa cho chúng mình gặp nhau, yêu nhau. Em nhe.
- Dạ phải.
Vuốt lọn tóc buông dài trên bờ vai Mười:
- Mái tóc em dài, anh rất thích, đừng cắt ngắn nghen.
- Anh khen quá, em bể lỗ mũi, chết à.
- Ơ kìa! Ai khen em đâu, mà bể mũi. Mắc cỡ chưa!
- À há. Chi mà dị dạng rứa hè. Anh là khách lữ hành, dù đất lành chim vẫn chưa đậu. Rồi chốn phồn hoa đô hội cũ sẽ gọi anh quay về thôi. Có gì mà không bể mũi em chứ.
- Phượng hoàng đã gãy cánh trên đôi vai nầy rồi.

Vỗ vỗ trên vai Mười, Nam nói lời dịu ngọt, Nam nâng niu lọn tóc dài xõa bên má và đưa lên môi hôn. Mười cắn nhẹ làn môi, đầu nghiêng hẳn lên vai anh. Hơi thở Nam ấm nồng, phả nhẹ vào mái tóc Mười như làn hơi sương nhút nhát mà ấm áp. Ngón tay thư sinh Nam mềm mại truyền qua làn tóc mỏng xõa trên vai Mười cảm giác đằm thắm, lâng lâng ngọt ngào dễ chịu. Nam biết, nếu anh cúi xuống đặt lên môi Mười nụ hôn đầu tiên, có thể cô không phản đối; Nam đắm mình trong hạnh phúc bất tận, ngây ngất niềm vui dạt dào. Nam nâng niu, trân trọng mối tình nên thơ, hồn nhiên nở hết cánh trong đôi trái tim chân thật. Sao lạ quá! Cũng như lần Nam gặp gỡ Mười trước kia, ý nghĩ về việc Nam muốn ôm ghì Mười vào lòng mà hôn, cho thoả những nỗi niềm nhớ nhung bấy lâu Nam vẫn nung nấu trong lòng. Nhưng rồi… Nam nhìn Mười hồn nhiên, giản dị và ngây thơ, thì Nam cố gắng “đè nén” xúc cảm rạo rực… chìm xuống xí. Cứ vẩn vơ nghĩ đến... là Nam cảm thấy người mình nóng rang trong trạng thái lâng lâng dật dờ rất khó chịu.

Lúc dứt tiếng chuông báo hiệu nửa đêm ngân dài giữa biển sương mù trắng xóa ở vùng núi đồi chập chùng trùng điệp, thì hai người dìu nhau vào giáo đường xem lễ. Nam và Thương Mười dâng cuộc đời, tình yêu nầy và tương lai cho Chúa Hài Đồng gìn giữ. Sau lễ Nam về nhà chị Khánh ăn mừng, không khí gia đình ấm cúng, thân mật. Ba giờ khuya, anh từ giã Mười, để về nhà Tuấn ở cuối đường Hoàng Diệu. Nam sẽ không bao giờ quên kỷ niệm vàng son một thuở yêu nhau, không thể nào quên… dù mai đây thời gian trôi chảy mãi, đời mỗi người trong hai chúng ta sẽ xa cách, phai mờ đi. Cuối cùng tình yêu nầy vẫn sống mãi trong tiềm thức, trong tư tưởng mỗi người.

Một mình Nam đi trên lòng phố vắng hồi lâu, anh nghe rõ tiếng gót giày cô đơn thong thả gõ lóc cóc lộp cộp đều đặn trên mặt nhựa đẫm sương khuya, giống như Nam đang đi trên dòng nước long lanh vừa tráng thêm lớp men bạc. Từng đợt sương dày rơi lốp đốp trên cành, hạt sương mọng tròn long lanh như ngấn lệ đọng, sương đậu lại đầu ngọn lá rung rinh long lanh dưới ánh trăng khuyết nhạt nhòa. Sương mù phủ trên thân Nam tê buốt thịt da. Nam dừng lại giữa lòng thế kỷ, anh lần tay tìm trong túi quần gói thuốc, hai lòng bàn tay Nam lạnh lẽo khum khum che đốm lửa lập loè, anh gài điếu thuốc lên môi. Nam ngửa mặt lên trời thả ngụm khói tròn như chữ O, làn khói tản mạn trong không trung quyện lẫn hơi sương ngút ngàn bay bay.

Nam cảm thấy đơn điệu cô độc đang choàng vô cái khuya buốt lạnh lạ thường, giá băng, im ngắt đến ghê rợn. Đường về khuya tại thành phố Đà Lạt trữ tình càng hiu hắt hoang vu, khuya thăm thẳm, sắc bén ăn sâu vào lòng du khách, khuya lạnh lùng vây bọc nhận chìm Nam trong đam mê ngút ngàn phong thổ. Ngàn đời xứ Cao Nguyên Lâm Viên vẫn không thể nào mất đi vẻ yên tĩnh thơ mộng, hữu tình, tràn lan quyến rũ, trọn vẹn những tấu ca hương trầm dạ khúc, qua cung đàn trong đêm trường đầy đắm say ở trần thế: Thôi thì anh xin hưá: Anh là Sương, em là Cỏ: chúng ta sẽ vĩnh hằng nhen em:
Mây lang thang tình chẳng nhạt phai
Cỏ tàn rồi sương rớt với ai?
Mọi chuyện từ nay sương xin hứa
Đến cùng nhau, thôi nói chuyện dông dài.

Tuy vui tính nhưng ta chưa hề
Đến với ai kết mối duyên thề
Đem ân tình gửi theo sương gió
Nếu không tin: Cọng cỏ đã nghe.

Lời hẹn hò từ thuở bến mê
Có lần quên mất lối sương về
Nay trao nghĩa cỏ ân tình trọn
Đào nở Đà Lạt cảnh suối khe.

Anh và em vui tình nước non
Câu thơ tiếng nhạc mảnh trăng tròn
Tha phương vẫn giữ lòng chung thủy
Ấp ủ suốt đời một tấm son.

Đôi kẻ dìu nhau dưới bóng trăng
Rì rào sóng vỗ cuối trường giang
Yêu anh em kính, luôn trân trọng
Sương muộn trong tim cỏ vĩnh hằng. (*)
*
(*) Thơ Tình Hoài Hương
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
01-09-2019, 06:33 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/pics2018/1547014258-37.jpg


/uploadpics/mp3pdf_2018/1547014400-Co Hang Nuoc - Vu Khanh.mp3
Đôi Bạn Ân Tình

CHAT

11:02 PM ngk: Hi Ánh Huyền. Còn đó không? H, à, hôm nay you ra sao rồi? hy vọng là bạn vẫn khoẻ mạnh, cười vui suốt ngày. Đọc bài thơ bạn, lòng dạ mình xốn xang, nhưng tâm không an, nên Kh cũng chẳng làm thơ được, thông cảm cho lúc có nhiều chuyện bận rộn, tâm trạng rối tung theo, cho nên ý tứ chữ nghĩa theo gió theo mây bay mất hết.
Huyền có gì vui, có điều gì buồn phiền? gia đình? hạnh phúc? hay lo âu chuyện gì, mà tâm không an? kể cho tôi nghe với nhe. Bình thường bạn đau bên ngực trái là đau TIM, là đúng rồi...
Đau từng đêm… và nghe nhói từng cơn.
Ta cũng như người… nhưng ai đau hơn?
Ta mãi đau khi người còn biền biệt.
Nước mắt rơi dài, vắn tủi hờn... (*)
Mong thư bạn. Chúc vui mỗi ngày: từ lúc thức dậy cho tới lúc đi ngủ nha.
11:15 PM me: Ui trời! Khang đó sao? khỏe không Kh ơi!
11:17 PM ngk: Mừng lắm khi gặp bạn ở đây. Kh vào check mail, thấy bạn online, H có mặt đây, cũng mừng, nên vội nói đôi lời. Chao ơi, sao mà lẹ vậy, vừa thấy –“người xưa”- ở đây, nên vội gõ ít chữ cho Ánh Huyền. Khang có gởi thư cho You đó, vậy mà Me vẫn gởi chậm sau H mấy giây ha. Cũng mừng khi thấy You PM cho mình liền liền, (khi vừa thấy mình xuất hiện). Chứng tỏ bạn vẫn còn nhớ đến mình, dù đã lâu không gặp. Rất cảm động, thật lòng mà nói vậy. Chân thành cám ơn -người bạn thơ năm cũ của Khang. Chúc H vui và nhiều sức khoẻ.
11:19 PM me: Huyền cũng vậy, Kh bị đau nặng mà thức khuya ha? Đi ngủ đi nhe.
11:20 PM ngk: Cám ơn H có lời thăm hỏi sức khỏe, cảm động lắm, tôi mới đọc e-mail của bạn xong. Còn sức khỏe của Huyền, như H nói thì chắc là đau cơ, đau bắp thịt (muscle) thôi, có lẽ do tư thế lúc nằm, từ từ sẽ hết. Nhiều khi nằm ngủ một mình... cũng bị đau nữa đó, hi hi, chớ không phải đau trong tim vì ai đâu. H nói: “...nên càng nhớ ai” hơn là là… “ai nhớ”? chắc có một điều là không phải nhớ tôi rồi! Chúc H mau bình phục, để khỏi vô bệnh viện nằm đó trằn trọc, trông mong, đợi chờ tâm trí càng mệt thêm. Vậy đó, bạn thấy không? thấy mình có nhớ chuyện xưa không? Thật là cảm động khi you giữ gìn và nhớ những gì me viết vào những ngày xa đó.
11:22 PM me: Bây giờ bớt đau chưa? hồi nãy, thấy You ở trong khung chát nè, Me giựt mình và ngạc nhiên chút. Đặc biệt do chỉ có một mình Y (you) lồng hình vào trong đó, còn những người khác trong chat không có. Y giỏi ha.
11:29 PM ngk: Sức khỏe không khả quan lắm, nhưng đời sẽ còn dài... sao mà Y giựt mình hở H?
11:30 PM me: Anh ở vùng nào trong trái đất nầy thế? Giựt mình là tôi không open chat, mà tự nhiên có hình của Y nhảy vào nè.
11:32 PM ngk: Ở Vũng Tàu. Ngạc nhiên gì vậy bạn hiền? Oh vậy à? có thấy cái hình tôi đội mũ không? … Bạn đâu mất tiêu rồi, tôi không thấy nữa!!!
11:34 PM me: Thưa ông tướng, có tôi đây. Kỳ lạ, vừa thấy hình Y nhưng chớp mắt, là nó biến hết toàn bộ inbox của tôi nè: Chỗ khung chat của Y bên phía trái cũng mất, với toàn bộ inbox bạn bè anh em, đều biến hết rồi. Còn ở dưới khung nầy, bên phải, dưới cùng, thì nó RE: thư của Y đề chữ “bình an”, ấy là thư đã viết cách đây mấy hôm, khi Y ở trong bệnh viện mới về. Khang đâu rồi!? Hình cũ của Y cũng mất tiêu rồi, mất hết bên khung gần invite a friend đó. Nó đề như vầy nè: “ngk is off online. Messages you send will be delivered when ngk comes online”. Hổng biết, H bắt đền Y, H dốt về comp mù trớt rồi.
11:42 PM ngk: Trời! tôi có làm gì đâu? H coi lại laptop của bạn đó. Gì mà kỳ zậy? thư tôi gởi hôm đó, bây giờ bạn mới nhận? Nó đề câu đó, vì internet tự dưng bị mất (drop). Còn hình tôi bị mất trong comp của H, thì không hiểu? vì tôi thấy hình của mình vẫn còn ở trong khung chat của tôi mà. Nếu biến mất, thì chắc tại bạn click vô cái gì đó, bởi data của máy bạn, thì chỉ một mình Huyền set nó mà thôi, người khác không làm mất data của bạn được. Bây giờ H làm theo tôi chỉ nha: - H nhìn bên trái thấy theo thứ tự có Inbox, starred, chat... dưới cùng là Trash, dưới Trash sẽ là chữ Contact; đúng không? - dưới contact là tên Ánh Huyền, đúng không? - trước Ánh Huyền có mũi tên, đúng không?
11:58 PM me: đúng hết. Gì mà quái lạ thế không biết. Chắc là có con ma nó chọc mình đó, Khang á.
12:00 AM ngk: click vô mũi tên đi - được chưa? - Tại Ánh Huyền táy máy đó thôi (tay chân táy máy) thì mới mất, chứ ma quỷ nào dám chọc. Huyền click vô đó, nên nó disappear. Bởi vì không có ai có thể thay đổi dữ liệu của mình hết, nhớ cho như vậy nhe. Chỉ do Huyền click vô nó mới vậy. Không tin bây giờ dưới chữ: contact, sẽ thấy chữ Chat. Nếu Huyền click vô mũi tên chỉ xuống kế bên chữ chat, thì sẽ mất, như hồi nãy. Ánh Huyền làm thử đi.
12:12 AM me: Nhưng mà, còn câu messages dưới chữ tên ngk nó vẫn hiện lên đó, Y chỉ dùm tôi dập tắt nó đi, ghét quá hà. Í dà, Kh nói tôi tay chân táy máy há. Vậy chứ không phải vì Y gởi cái hình đội mũ, thì Thư, chat, Thơ của tôi bay với gió mà mất theo cái mũ sao, còn đỗ thừa hả. Bây giờ dưới chữ ngk vẫn có RE: “bình an” đó kìa. Vậy là Y nhảy dô bên máy của tui mà phá dàng trời mây khói, chứ còn ai vô đây? Thôi. You ngủ đi.
12:55 AM ngk: Trời! Sao cứ bắt người ta đi ngủ hoài zậy?
1:07 AM me: Ô hô! Nó đã xuất hiện bài thơ của Y nè. Cám ơn Y bài thơ vừa gởi đến me. Tuyệt vời. Ui Trời ơi! Giờ nầy Y còn thức đó sao? Làm ơn đi ngủ dùm nhe. Ngk có nghe tôi nói không? Bây giờ là 2g46' rồi. Giờ nầy mà Khang còn mò mò cái gì ở đây vậy?
1:17 AM ngk: Trời! Ánh Huyền lại xuất hiện... mới trả lời e-mail cho "cô thơ" đó, cô hỏi một hơi, mình trả lời ná thở luôn á à. Có “mò" gì đâu… trời...
1:18 AM me: Ná thở cái gì, vì You đau nặng, cần đi ngủ. You bớt đau tí nào không? Tức quá mà, tôi đã đi ngủ rồi, nhưng không biết tại sao, đã dậy, vào đây gởi thư cho cháu, lại thấy Y. Ở VN tôi có một cháu trai đang đau nặng. H không ngủ được, vì đang lo lắng cho người đau ốm. Đọc THƠ nầy xong, bây giờ Y đi ngủ chưa nào?
1:20 AM ngk: Cứ lần nào Huyền vô đây, “để gặp cháu”, thì cũng gặp luôn “CHÁU” này, hi hi... Không khỏe, thì “mới wo.a” lại đó.
1:21 AM me: Hổng dám đâu, lần trước H vô mail cho cháu gái ở Đà Lạt. Lần nầy là cháu trai ở Phan Rang. You không phải là cháu của tôi. Đừng có viết hoa chữ “cháu” như vậy nhe.
1:23 AM ngk: Thì nói chung cũng là CHÁU. Mùa này đổi lại một giờ, thấy còn sớm, nên chắc người thơ không ngủ được? nhớ ai chăng? NHỚ AI ai nhớ, bây giờ NHỚ AI!? Huyền đang lo cho cháu trai đau ốm đó hở? Cháu kêu bạn bằng gì?

1:25 AM me: Lo. Phải. Cháu năm nay 52t, cháu bệnh rất nặng có lẽ cháu không thoát khỏi tử thần. Cháu ở bệnh viện Sùng Chinh cũ. Nhà ở Phan Rang, cháu vô Sài Gòn điều trị ngoài 10 ngày rồi, tốn hơn 15 triệu VN, (là mấy tiền USD vậy? H không biết). Cháu mới về nhà hôm qua vì ung thư phổi, cháu bị móc hết hai mắt, bị lũng ruột, 2 lần mỗ ruột, (do hồi xưa cháu đi lính Nhảy Dù nhiều lần bị thương. Cháu đẹp trai vui tính và hiền lắm). Cháu kêu Me bằng dì ruột. Y có hút thuốc không?
1:27 AM ngk: Nè cho hỏi chút nha, Ánh Huyền có cháu tới 52t kêu bằng dì? Vậy chắc là dì Út? chắc Dì hơn cháu ít tuổi ha. Tôi à? không hút thuốc đã 20 năm nay, không uống rượu, (bia thì thỉnh thoảng có “nhâm nhi” chút chút khi tiệc tùng) ít uống cafe'. Không biết nhậu, cờ bạc cũng không... yêu đương thì me chẳng có ai ưa! Phải chi cũng có "Ai Ưa Me"! Rốt cuộc tôi khổ trăm bề dật dờ rung rinh... 15 triệu là khoảng $900 USD ở thời điểm 2005 nầy.
1:29 AM me: Phải, tôi còn có vài ba đứa cháu còn lớn tuổi hơn mình nữa, hoặc bằng tuổi tôi. Huyền là con út. Tôi mất hết song thân từ hơn 25 năm nay. Vậy, Y có từng yêu chưa mà hỏi! Dám nói xạo là “chưa” lắm à. (Xì... Khang đừng xạo câu: “yêu đương thì chẳng có ai ưa” nhe). Y người Bắc, người Trung, hay người Nam vậy? Phần tôi là người Đà Lạt hiền lành, chân thật, xấu xí và già nua, nhưng vui tính và lẩm cẩm yêu… (suỵt suỵt) Thơ… thẩn.
1:30 AM ngk: Xin chia nỗi buồn mất mẹ cha của bạn, thật lòng nói vậy. Huumm!!! Thấy chưa, me đoán biết Ánh Huyền là Út mà. Tôi ở Vũng tàu – còn Mẹ, (có phước là còn mẹ), mất Cha. Bây giờ tôi “tép tẹp”, ha ha. Huyền là con gái Đà Lạt! thì tôi đoán đúng vậy từ khuya rồi há! Tôi có đọc truyện ngắn của H (yêu ông “võ bí” nào đó? Nhưng... lại im lìm lìa xa… chi đó)!
1:32 AM me: Cám ơn Kh, mấy hôm nay sao không thấy bóng dáng Kh, bị ốm yếu hay trở bệnh nặng, hở? vết thương thế nào? nói mau mau mà đi ngủ á. "tịnh khẩu" rồi phải không? bại liệt tay, không gõ được nữa phải không nào?
1:33 AM ngk: Không mấy khỏe, kém vui, mệt muốn nhắm mắt mấy hôm nay, H à.
1:33 AM me: Hãy cố gắng vươn lên, thì sẽ vui. Ồ! Khang đau trở lại hay sao? Tôi là út, nên thích có em trai (em như Khang nè) hay tôi muốn có em gái lắm.
1:34 AM ngk: Thằng em trai này cũng rất muốn có "CHị" lắm đây.
1:34 AM me: OK, gụt gụt ve ry gụt! Vậy nhé. Nhưng... “em” phải nghe lời… không thì bị “chị” mắng cho, xấu hổ á. Em nhớ uống thuốc, ăn uống điều độ, ngủ nghỉ đúng giờ, nhen em.
1:35 AM ngk: Hớ… Ngày xưa khi tôi còn mài đũng quần trong trường Anh ngữ tại quân trường huấn luyện Không-quân Nha Trang, ngày ngày tôi chăm lo rèn luyện sách đèn, không hề biết mỏi mệt. Hôm ấy có phép xuất trường, tôi nhẩn nha tà tà ung dung đi dạo phố với mấy bạn, thì tình cờ tôi thấy một cô gái tươi như hoa, xinh như mộng óng ả duyên dáng ghê lắm! Cô ấy học trường Couvent... tu viện những con chim trên Đà Lạt đó. Sao cô ta không đi tu luôn, cho tôi nhờ, cho tôi rãnh… mắt! mà cô ta còn muốn “bay-nhảy theo chim” mò mò tìm xuống vùng biển Nha Trang (“nóng bỏng” như trái tim chàng trai lãng tử phiêu bồng nầy) làm chi, để bắt hồn thằng sinh viên sĩ quan cà? Tôi mê cô gái tóc demi garcon ở Đà Lạt xuống dạo chơi biển Nha Trang liền, mê tít thò lò.
Thế là tôi bèn theo cô bén gót vui tươi liếc mắt đưa tình để làm quen ráo riết. Thật thú vị là đôi mắt cô đã tình cờ dừng lại bất động trong giếng mắt bờ mi tôi. Chúng tôi có vẽ tâm đầu ý hợp ngay từ “thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Tôi vui vẻ dung dăng dung dẻ lượn bước theo mái tóc chou chou. Sau khi ân cần trao cho nhau địa chỉ, mỗi người đi một nẽo. Trên Đà Lạt ngày nào cô cũng biên thư sụt sùi nhớ nhung như khung trời Đà Lạt mưa dầm! Hai người: Một người xứ nóng miền cát biển có gió mát trăng treo trên đầu, một người xứ lạnh thơ mộng diễm tình mà buốt giá sương sa theo đồi thông triền miên reo vi vu: Chúng tôi cùng nhau thắm thiết, hiền hòa, ấm áp, thoải mái trao đổi tâm tình khắng khít, nhờ những con… “Des Oiseaux” mang thư bay lên bay xuống đều đặn khá lâu. Ồ… "em yêu" đã gởi cho tôi một lá thư đẫm nước mắt: (câu này tại hạ đây có chết cũng còn nhớ: “Em sẽ yêu anh đến cuối đời, có bị đánh gần chết vẫn còn yêu anh, không hề xa anh”).

Ánh Huyền à, nhưng rồi ngày tháng chóng qua, thì tình đã MẤT THIỆT! Lúc đó tôi cũng chẳng biết mình là ai. Hồi đó tôi thấy “ẻm" thần tượng lắm, cái gì cũng hay, cũng đẹp. Cho nên tôi bị gục ngã trước thần tượng lúc nào, hổng hay. Tới khi yêu say đắm tưởng không thể rời nhau, tôi càng thấy ẻm là số 1. Tôi mơ mình phải đi Khu-trục mới OAI với Em… là đủ rồi, tôi nhớ bóng dáng yêu kiều của ẻm vô vàn. Nhưng… ở đời thường có những cái bất ngờ! Lẽ là sau khi học hết Tú Tài II, cô ấy từ Đà Lạt vô Sài Gòn học năm thứ nhất Văn-khoa, thì tình em và tôi như lá me ly ti, như hoa sao bay bay lả tả trên đường Duy Tân... sợi tơ nhện đứt phựt... Buồn tình quá... Buồn thiệt! Một hôm, từ Nha Trang đi phép về Sài Gòn, tôi tình cờ gặp lại..."ẻm".
Thật bất ngờ! Có lẽ do định mệnh an bài sắp đặt cho cuộc trùng phùng tình cờ nầy chăng? Chẳng hiểu sao bỗng dưng bàng hoàng mà không do dự, “cố nhân và thằng nhỏ” thảng thốt nhìn nhau… say đắm và trìu mến. Rồi như chẳng đặng đừng, không thể cưỡng lại lòng thiết tha ấp ủ nhớ thương bấy lâu hằng mong đợi, nhìn “dung nhan tình yêu trong mối tình đầu của hai đứa", chúng tôi tự động ôm chầm lấy nhau lúc nào chẳng rõ. Hai đứa hân hoan tha thiết say đắm và hạnh phúc dung dăng ráo riết nối lại tình xưa. Ấy thế mà… tình qua nhanh chỉ được năm bảy con trăng gì đó, bỗng nhiên chúng tôi lại tan đàn rẻ nghé, tình đứt nhẹ nhàng... dù tình đẹp như bài thơ, bồng bềnh như sợi tơ trời... Hai chúng tôi cố bước nhẹ mấy, cũng đứt... lại vĩnh viễn lìa xa nhau. Sau đó “thằng em nầy” học địa-huấn ở trường bay, rồi bị đì đi học Trực-thăng bay thấp lè tè dưới đất...
2:41 AM me: Vậy à!? Tại sao cả hai người không tìm cách “NỐI lại tình xưa” hỉ? Bây giờ You lớn rồi, tôi nghĩ Y không còn bay bướm như hồi trẻ con ấy nữa, ha.
2:45 AM ngk: Úi Trời! Huyền bảo tôi “nối lại” sợi dây dừa, hay sợi dây lòi tói à? Mỗi người đã có một đời riêng! Nhưng có lẽ tôi mãi ghi canh cánh bên lòng & luôn nhớ lại “trong đời tôi từng có lần đã yêu một người… nhớ hoài nhớ mãi mối tình đầu cho tận đến cuối ngỏ đời.
CHỊ à! Chị ơi! Chị đâu rồi? Mai đây, biết đâu cái cầu vồng bảy màu cong cong đó nó không cong nữa, mà thành đường thẳng bảy màu, thì chắc có ngày THẰNG EM chạy một mạch tới thăm CHỊ... Út nhe.
2:50 AM me: Hứ! không dám đâu em trai. Tôi đã có “quốc doanh”. Như “cậu em Khang” đã nói Quốc= nước, doanh= bán, tức là tôi đã có ông “Bán Nước Đá” đó. Ha ha! Hôm nay bạn không bị đau và mệt hay sao, mà có hứng kể chuyện dông dài, nghe cảm động, hay quá vậy?
2:55 AM ngk: Tại do EM cũng tâm trạng với CHỊ Út mà, hi hi... vì Chị Út nói chị là CHỊ... thì cứ làm chị em đi... biết đâu có lúc chị sẽ khóc vì thằng em già nua mà xí xọn này!!
3:00 AM me: Hồi xưa ai biểu em phản bội làm chi, em gieo gió thì gặt bão. Nói trước, em chơi dao phay, có ngày cụt tay, (chứ đừng nói đứt tay nha). Bây giờ em đi ngủ nhe, nhớ uống thuốc, ngủ nghỉ có chừng mực điều độ, em trai đừng lang bang như hồi nhỏ xíu, không tốt đâu.
3:10 AM ngk: Xí. Có ai nói gì đâu, mà chị la đông đổng lên hả! Ủa, CHỊ có TÌNH...Ý ...Hả? Bộ già, thì chị hổng biết yêu sao? hổng có tình ý hả? Mà thôi! một tháng chị vô đây một lần cũng được! Trời trời! cái gì có dao phay nữa đây? biết rồi, CHỊ có ông “quốc doanh” mà! Tui biết rùi! Tui hổng chọc gì tới ông “quốc doanh” à. “Quốc-doanh= Bán nước”! đúng vậy! Bên Viet Nam nói quốc doanh có nghĩa là: thuộc về nhà nước, mà thuộc nhà nước thì “cha chôn không ai khóc”. Tui một thân làm sao chống lại “nhà nước… đá” của chị ha. Đời TUI mệt THÂN nhiều rồi, hổng ngán! có ngán rồi cũng chết!
2:50 AM me: Bây giờ EM ngồi lì ra đó mà cãi tay đôi với CHỊ Út sao ta? Có cậu em như vậy, là hổng được rồi, chắc phải nhốt em vô Biên Hòa quá. Ối giời ơi! Biết nhau từ bao nhiêu năm nay, bi giờ Me mới thấu hiểu, vì đã cố tình chọc cho you thực sự nổi giận ha. Nay You “nổi trận lôi đình” với Me, chắc là coi You “hình sự” lắm ha! Thôi thì … Me vụt đứng dậy, chạy có cờ… vô nhà pha cho You một ly cối to bự sư nước chanh đường, kèm “hòn đá cục quốc doanh” mát lạnh, để You nhai rào rạo, cho đã cơn tức. Hen. Nếu You có gãy cái răng nào, Me len lén xịt thuốc mê, thuốc tê, thuốc… ngủ, me nhổ răng và đền
"cái răng dàng khè le lói" cho You! Nhân tiện khi You đang ngửa cổ nhắm mắt uống nước chanh ừng ực, thì Me sẽ nhỏ nhẹ nói líu riú “cho Me xin nỗi You nần lữa nhen”. Vẫn không chịu hở! Người gì mà “lì” coi thiệt dễ sợ và dễ ghét quá đi thôi. Vậy chứ… Me bủn rủn …vậy chứ You, ồ ngộ ghê You nhìn me cười toe toét đó. Thôi, hổng nói nữa, Me phải “im lặng là dàng”…
3:18 AM ngk: Sau lần nói chuyện này, TUI đóng cửa, tắt máy nằm im một tháng, sau đó mới turn on máy lại! khi đó chị đừng khóc rống lên là: “Tui làm em mà ác” nghe. Coi như tui nhảy dù mà dù không bung, nên bị lọi tay, trặc gân, què giò phải "dưỡng thương". Tui đứng im ngó chị thôi, chị đừng hăm he tui cụt tay, tội nghiệp, chị không giết thì tui cũng “cụt mà chết”!
3:27 AM me: biết vậy, thì đừng trèo cao té nặng.
3:58 AM ngk: Tui trèo đâu mà trèo, bộ chị thấy tui trèo hả? tui đứng xớ rớ gần chị, có ngày tui bị cụt tay, gãy giò. Tui đang đứng một chỗ, chị bắt tui leo xuống, thì tui xuống tới đáy âm phủ không lâu đâu. Nói thiệt, tui đang bị đau ghê lắm, chị Út à.
4:10 AM me: Cứ nói bậy bạ hoài! Tự em muốn đi... xuống âm phủ chớ ai bắt nà. “Ngu” thì thôi, (so sorry) chị không có đứa em hư như dzậy. Làm gì đứng xớ rớ... bộ muốn ăn cắp ăn trộm dao phay sao? Khi khổng khi không em đứng xớ rớ ở bờ vực, lại còn đòi tụt xuống âm phủ. Chị không tức điên người cho em ăn dao phay, cũng uổng! Mắc cừi quá đi, “thằng em” gì ngổ ngáo hết sức à. Chị Út đây tượng trưng cho sư tử Hà Đông đó em à. Chị không thể dịu hiền thuỳ mị với “thứ em” ngổ ngáo, để cho em “được đằng chân lân tới đằng đầu”, mà xỏ mũi chị nà. Em “ngu” thì thôi, đừng khờ dại trèo lên cao, rồi đòi tụt xuống vực thẳm nhe cưng, hổng ai thèm thương xót mô cà.
4:25 AM ngk: Chắc phải vô Biên Hòa mà xin điều trị cho rồi, điên hết cả tam tứ đại họ hàng. Nhìn chị, khiến tui bỗng muốn chị ỏn ẻn tủm tỉm “cừì cừi” nhỏ nhẹ... Trời! Sao chị Út lôi cả họ hàng tui vô nữa? họ hàng chỉ có tui yêu CHỊ thôi, không có ai hư như tui. Kệ tui! CHỊ Út không biết con đường xuống địa ngục, là con đường dễ đi nhất hay sao?
4:47 AM me: À há, có “kệ” treo trên tường đó. Có điên mới nghĩ như vậy. Chị đây dù có anh "bán nước đá" cũng không ngu gì đi vào con đường độc nhất vô nhị, có đi xuống âm ty mà không có về trần thế, đừng xúi dại em ui. Chị còn ham sống sợ chết, chết rồi để anh “bán nước… đá” trên đời lại cho nhiều người cua sao. Ngu gì vậy.
Nè, nãy giờ Chat hơn 5 giờ rồi, em mệt chưa, cần đi ngủ chưa, hay còn ngồi lì ra đó? Nói trước với em: chị Út thì còn lâu mới dịu dàng dỗ ngọt (“thằng” em lếu láo) à nha. Đừng hòng đem nước mắt cá sấu ra mà hù dọa chị. Nhớ ăn uống điều độ- uống thuốc đúng giờ – ngủ nghỉ chừng mực - chứ như hôm nay là không được nghe. Trai tráng gì như mít ướt! Khóc nhè ra xấu hổ. Ráng chịu, không ai dỗ đâu. Em lo đi ngủ, đừng hòng chị dỗ hay ru em. Em có "nằm vạ" ra đó, cũng mặc, kệ.
5:10 AM ngk: Chị đi ngủ đi, đừng nhọc vì EM. Never... già rồi, nước mắt còn ít lắm, chỉ để lại khóc cho mình. Bởi em cũng muốn khóc cho riêng em thôi CHỊ à. CHỊ ngủ đi, không thôi anh ấy buồn và lo... yes my dear sister. You ơi, đôi khi người già hờn giận còn hơn là trẻ con nữa đó! Trẻ con giận là do bản năng, thấy mình còn nhỏ, mà còn nhỏ thì thích được chìu, nên thường hờn. Người già hờn giận bởi biết suy gẫm, cho nên một khi đã hờn giận, thì cái giận cái hờn của người già khác với con nít nhiều lắm.
5:25 AM me: Nói thật nhé, hôm nay nói tào lao mà vui quá đi, thank you. Thôi, bây giờ tôi nói đàng hoàng nè: Khang nhớ uống thuốc nhé, ăn uống nhiều vào cho có sức đề kháng, ngủ nghỉ đúng giờ. Kh nhớ đi bộ vận động cơ thể nhe. Ở bên nầy tôi sẽ cầu nguyện cho Y chóng bình phục. Ráng khỏe nhiều và tôi hết giận bạn rồi, tôi sẽ về VN trả lại cho Khang món nợ. Me muốn biết khi “You hờn giận Me”, thì khác với trẻ con ít nhiều ra sao? (để Me dè dặt đề phòng, không khéo sẽ làm “mất thiệt” vì hờn giận nữa, thì nguy)! Chắc là Me chịu thua, không thể dỗ dành You.
5:49 AM ngk: Bạn còn mắc NỢ mình à? nợ gì vậy ha? Mình không nhớ ai giận ai, vì sao lại giận nữa! nhắc lại giùm nha, Me đi qua thời gian nhiều năm, thì đôi khi không nhớ rõ chi tiết lắm. Dù vậy Kh này vẫn có nhớ tới một Ánh Huyền, đúng là chưa quên hoặc không khi nào quên.
5:52 AM me: Trời! sáng rồi! Coi như hôm nay tôi và you thức trọn 1 đêm đó nhe. Anh hãy đi ngủ xí nhe. Coi chừng trở bệnh nặng nữa bây giờ.
6:15 AM ngk: Thôi bye. Tôi đi thiệt đây. Mong người năm xưa vui và có sức khoẻ.
7:05 AM me: Huyền tạm biệt Khang nhé.

***

Ngày... Tháng... Năm...

Ánh Huyền thân chào Khang,


Ôi là là… bạn qúy mến, Kh đã gởi mail cho H vào ngày 30 tháng 6 năm 2008, trước lúc ấy chúng mình liên lạc mails, chats… qua một khoảng thời gian thân ái tâm tình vui vẻ rất dài, dài gần bằng tóc cuả Me + You nối lại. (Ồ, nhưng mà H quên tiệt Kh là đàn ông con trai thích “húi đầu đinh cụt ngủn”, thì có tóc mô mà nối, hỉ. Hi hi…). Thế rồi chẳng hiểu do Trời xui đất khiến, gió chướng mưa gào, phong ba bão táp ra làm sao? H không biết do đâu mà sợi dây (dừa) liên lạc ngày càng mong manh lỏng lẻo… rời rạc, bỗng dưng đứt phựt, chia lià!?
Tuy trên thực tế không có mối hảo cảm tốt đẹp giao tình trong sáng và thanh khiết, nhưng không gian và thời gian trôi chảy mãi… đến bây giờ hơn sáu năm rồi, H vẫn còn lưu giữ nơi đây những lời tâm tình cuả bạn… Kh thấy H có khùng lắm không, khi mình cố níu giữ lại những ân tình đã trôi tuột ra khỏi kẽ tay, và nhẹ nhàng rơi xuống đất, hoặc đã… trôi theo gió lên mây ngàn bay đi tứ phương? Chuyện đó đã thuộc về dĩ vãng, xa xăm… xa thật xa từ sáu năm rồi, Kh ơi! Hẳn là Kh giận mình vì lâu rồi H không gởi thư cho Kh. Phải không bạn? Có một điều hôm nay Huyền biết chắc chắn Khang chính là người có những câu nói bông đùa vui vẻ & hóm hỉnh, đã ghi tạt trong lòng H những vui thích, ưu tư, phiền muộn đến bẽ bàng xót xa: Phảỉ vậy không Khang? người bạn năm xưa cuả… ai đó.
Gởi gió phiêu bồng thư mấy nỗi
Giấc Nam Kha giận dỗi thế? Chàng thơ!
Hờn chi… em nắn nót mấy đường tơ
Từng phiến đợi đêm chờ vào canh vắng
Dỗi thế anh! tình em nhuộm nắng
Buồn bao nỗi lệ nhỏ không khô
Tình hoài hương đêm thao thức đứng bên hồ
Nghe gió rít xót xa sầu mắt ướt
Phút nghẹn ngào não nùng thâu canh rét mướt
Móng cầu vồng nhờ Ô Thước nối qua sông
Mình thôi giận nhé! hờn không.
Ngọt ngào đổi ánh mắt nồng môi say
Nguồn thơ chan chứa phơi bày…

Người bạn năm xưa của năm cũ ấy đã từng là một người Huyềnquý trọng, thân mến, mang trong tâm tư nhiều vấn vương phiền muộn từ giọt nắng bỗng dưng phai tàn, thảng thốt mà H đâu có ngờ! Nhưng thật tình thì tự trong thâm tâm H vẫn nhớ đến một người bạn ân tình thân thiết, dễ mến, mà H đã được học hỏi từ nơi người ấy những điều bổ ích và thú vị & có những bài thơ tình tuyệt vời. Hiện giờ thì… Khang không còn “của ngày xưa đó ư” đối với H nữa. Thực tế là thế đấy! Mà Kh phiêu bồng trên lối ngỏ có nhiều con đường ngập hoa hồng lý thú, là chí phải! H chắc chắn một điều là You không thể nhớ những gì đã viết đâu nhỉ! Ngược lại… H nhớ tất cả những gì bạn trao gởi còn nguyên trong ngăn kéo kỷ niệm, không hề xê dịch. Đấy là do Huyền không những tôn trọng, mà trân trọng và quý mến nhiều về tình bạn thâm-giao chân thành tình nghiã cuả hai ta. Tính H giàu tình cảm, đa sầu đa cảm (nếu không muốn nói là đa tình (do mình ưa thương vay khóc mướn giúp người dưng, giống y đúc như Khang vậy). Thiệt lãng xẹt, Kh nhỉ! Bây chừ H phải ráng chừa bỏ cái tính quỷ-quái ấy đi. Khi cả hai người, nghiã là có cả bạn, chứ chả phải một mình H “mắc nợ tha nhân” cần trả đâu… Phải hông?
“NỢ”. Vâng! Nói đúng ra, hai đứa mình, xin phép bạn cho Huyền không khách sáo khi nói chữ “hai đứa mình” nha! Mình đã nợ nhau một món quà đặc biệt! H vẫn nhớ và hứa với lòng là sẽ tìm Kh & trả nợ. Quả thật, H đã tìm bạn khắp nơi… tìm dịp nào thuận tiện để trao gởi món nợ. Nhưng bạn không nhớ, và có lẽ H chả cần! Vậy thì H nhắc lại làm gì chuyện “nợ-nần” không đúng lúc, thật vô duyên phải không nào. Khang ơi, vậy mình xí xoá, rút về “cái nợ không vay” đó & từ nay thông qua nhé. H không biết nên diễn tả sự trung thực như thế nào cho phải phép, sau khi H đọc đi dọc lại thư Kh!

Bởi, nó giống như ngày tháng xưa cũ rồi cũng dần qua, dần qua… cho đến một sớm mai nào đó trong tình cờ H thức dậy với nỗi xôn xao cuống quít, chợt thấy những hân hoan vui thích cuả một thời trẻ dại chợt quay về qua những hàng thư Khang khéo mô tả ấy! Nói tới đây… bỗng dưng H cảm thấy tức tức… (mà chẳng biết nên tức bạn, hay tức mình (!?), khi lá thư hồi âm cuả bạn tả về cảnh nhà, nơi có người thân tay bưng chén trà Ô Long mời “người bạn xưa”. Đã hơn sáu tháng qua, hôm nay H rất vui mừng khi nhận được tin Khang. Cám ơn bạn đã hồi âm. H vẫn xúc động, ngẩn ngơ, lòng nghẽn đắng từng cơn buồn, H muốn khóc hết sức khi đọc thư bạn. Về việc vĩnh viễn ra đi của một người thân yêu, H biết cho dù bây giờ H, (thân nhân, bạn hữu... xóm làng) có nói gì với Kh chăng nữa, thì "cái thế" trong bạn vẫn chưa thể một sớm một chiều sẽ dần phôi pha, nguôi ngoa, tan nhạt từng cơn đớn đau đầy ắp trong lòng Kh & g/đ.

Huyền biết thế, tuy đôi khi tự trong tâm H không thể cưỡng lại đã muốn gọi phone thăm hỏi, gởi đến bạn đôi hàng vấn an, ngỏ hầu vỗ về an ủi bạn... H chỉ sợ những cuồng sóng đầy ắp xô giạt từng ngày, từng tháng... âm thầm dật dờ trôi qua trên kẽ tay... sẽ khiến bạn thêm võ vàng, héo hắt, trầm cảm trong cơn bệnh trầm kha hơn! "chúng mình" là những "thi-sĩ", là người giàu tình cảm hơn ai hết, đa tình, đa cảm, lòng càng chất ngất nỗi buồn thương vô hạn. Phải không nào!?
Nói đến đây, H xin lỗi, không phải là Me chê You đa sầu đa cảm đâu, vì chính H tuy chẳng thân thiết với gia đình Kh là bao, nhưng H đã lặng buồn không thốt nên lời, bàng hoàng khi đột ngột nhận tin rất buồn. Thật sự là H rã rời, vật vờ, bâng khuâng, băn khoăn lo lắng... càng thông cảm thấu hiểu bạn mình đang sống trong từng cơn đau cao ngút, khi "lá vàng còn ở trên cây. Lá xanh rụng xuống, Trời ơi là Trời".
Khang thân mến! Đây là lời khuyên thật lòng đến với bạn. Nếu Kh không cho là H ngố ngáo, vô duyên và dư thừa, thì H xin Kh cố gắng hội-nhập với những người chung quanh. Bạn hãy hòa đồng trong môi trường hữu ích, lành mạnh. Ngỏ hầu bạn có thể tạm quên những đớn đau mất mác to lớn. Bạn hãy lắng nghe những lời bạn-hữu tâm tình, an ủi, đôi khi có những câu "vớ vẩn, ngớ ngẩn". Nhưng có thể Kh sẽ khoan dung mỉm cười tha thứ, nụ cười tuy chưa phải là mười thang thuốc bổ, nhưng ví như tiếng rền cuả loài thú lui về hang ổ, để trầm ngâm liếm lại vết thương cần khép miệng. Kh không nên co mình khép kín và lặng im trầm cảm ngồi trong bóng đêm như thế đã bao tháng ngày rồi. "Thà thắp một ngọn nến nhỏ, còn hơn ngồi đó mà nguyền rũa bóng tối". Phải không Khang?

Không thể nào ngờ khi nhận được tin buồn cuả gia đình Kh, thật sự H sửng sốt, bàng hoàng, băn khoăn, bồn chồn, buồn rầu (lo lắng… cho bạn). Kh à. Hôm ấy H muốn gọi phone cho Kh, để chia sẻ đôi lời, nhưng rồi H băn khoăn, ngần ngại cầm phone lên, rồi bỏ xuống, lòng bối rối lạ thường. H biết lòng Kh đau đớn tột cùng, tim đã tan ra trăm ngàn mãnh. Thì lúc bấy giờ nếu H có nói câu an-ủi để chia sớt nỗi đau gì, Kh cũng chẳng thể nghe và biết. Kh sẽ không thể nào thốt lên câu… Cuối cùng H nghẹn ngào ngồi trầm tư trước màn hình, nhìn bàn phím, mà thông cảm với bạn và gia đình.

Cũng thấu hiểu về nỗi đau của bạn, vì cách đây mấy năm, H đã mất đứa cháu gái tên Huy Thơ (cháu ruột gọi mình bằng cô; con của ông anh thứ 7). Cháu còn độc thân ở độ tuổi thanh xuân mơn mởn, cháu khá ngoan hiền xinh đẹp, học rất giỏi ra trường thủ khoa Nông Lâm Súc năm 1974 tại Huế. Do nhà anh chị đông con, cháu Thơ là con đầu, đi làm việc và ngày nghỉ cháu về nhà lo làm ăn buôn bán thêm phụ giúp gia đình. Mấy ngày cận Tết năm 2009 khi gia đình bận rộn chuyện bán buôn - cháu ở trong Tain bị cảm, cứ tưởng là nhẹ, nên cháu uống thuốc qua loa. Muốn đi bác sĩ nhưng lúc đó họ đã nghỉ để ăn Tết. Ai ngờ… cháu về nhà cha mẹ nằm nghỉ và ngủ luôn một giấc dài, cháu không một lời than tiếng khóc. Ôi chao, khi nghe tin cháu, ở Mỹ H bật khóc thật to. Suốt mấy tháng sau, H thẩn thờ như người mất trí.

Cho nên, nay biết gia đình Kh gánh chịu nỗi đau đớn vô cùng to lớn trọng đại nầy, H rất thông cảm & thấu hiểu. Vậy, H xin Kh cứ đọc thư nầy coi như lời chia sẻ, đọc để thấy có một người ở phương xa đang, vẫn… thường xuyên nghĩ tới Kh. H đi xem lễ mỗi ngày sẽ âm thầm cầu nguyện cho gia đình Kh… Hãy nhớ sau lưng bạn, còn có người thân, bạn bữu gần xa - và H luôn nhớ đến gia đình bạn bình lặng trong tâm hồn, (mặc dù H biết điều ấy khó khăn). Ngoài ra, thật tình là H nghẹn ngào không biết nói gì hơn ngoài lời chân tình ngậm ngùi chia sẻ nỗi đau với bạn.

H đếm từng ngày, mong sao thời gian và không gian sẽ là liều thuốc thần kỳ, để xoa dịu đi tất cả những vết thương đậm sâu trong lòng Kh, một người bạn mà tự bao giờ, lúc nào không biết, H không nhớ nỗi suốt 10 năm qua: tự trong đáy lòng H rất trang trọng và quý mến bạn. Tựu trung về mọi mặt, nếu H không muốn nói là H thương bạn hiền nhiều. Và, có thể một ngày nào đó mình sẽ đứng xớ rớ trước cửa nhà Kh chụp hình, nhón chân liếc nhìn vô nhà Kh len lén hái trộm hoa, không sợ bị bạn bắt gặp, xin phép đại gia cho vào nhà thăm hỏi, và uống tách trà! Cũng thú vị.

Thời gian ấy H thường lặng lẽ trở về VN nhiều lần, đi rất nhiều nơi… từ Bến Hải tới Cà Mau. Huế - Sài Gòn – Đà Lạt – Vũng Tàu – Nha Trang – v.v… (chỉ trừ H chưa đi ra Bắc), đâu đâu trong miền Nam Việt Nam cũng có gót chân mình buồn bã dẫm lên trên lối mòn. Tiếc thật! Vậy, một ngày đẹp trời nào đó, nếu có dịp nào trở lại quê nhà, Kh cho phép H ghé qua nhà thăm hỏi người mà tự thuở xa xăm… đã nhiều lần H nhỏ những giọt nước mắt thương cảm (khi bạn báo tin cho mình biết Kh đã lâm trọng bệnh, có lẽ không thể qua khỏi). Mặc dù chính lúc ấy H chẳng hề biết bạn là ai! Bây giờ Kh nhắc lại câu trên, quả thật là mình cảm thấy nỗi buồn sâu thẳm trỗi dậy! H không biết, tui bắt đền bạn phải trả lại những gì mà Kh đã làm khô mất những giọt nước mắt cuả H lúc nầy. Hi hi… Huyền nói thì nói cho vui vậy thôi, chứ có lẽ bây giờ mình chẳng muốn trở lại thời xa xăm, nơi đã làm cho H có nhiều muối xát kim châm, khiến mình xót xa chua xót đau thương ủ rủ. H không muốn bị hất lại ở lòng mình nỗi buồn và thất vọng, không muốn từng cơn gió mưa tạt mạnh vào đời. (à, cái chuyện bi thương ủ rủ trong tình yêu của mình với cố nhân, hoàn toàn không có Khang dự phần à nhen, bạn đừng băn khoăn lo lắng làm gì cho mệt nhé). Thôi, mình đóng chuyện nầy nha.
Bye.

***

Ngày... Tháng... Năm

Bạn Khang thân ái,

Huyền đã nhận được thư Khang hôm nay, vui rất là vui đã có một dịp cười vô cùng thoải mái. Ôi! Hỡi Kh là ơi là hỡi! Để lần lượt tôi nói rõ ràng cho bạn nghe nhen. Hôm qua H gởi trước một tin ngắn cho Kh, ban đầu H rất đổi kinh ngạc, bàng hoàng khi đọc một đoạn thư cuả Kh bằng tiếng Anh… Me tưởng là ai (ông Mỹ nào) gởi mail cho H bị wrong. Nhưng khi nhìn lên điạ chỉ usrename “nghile”, thì H yên trí mail đó chính là Khang gởi, (chứ chả phải ông Mỹ nào khác “tỏ tình”, hê hê hê)!
Nhưng H băn khoăn, suy nghĩ hoài, vẫn không thể hiểu ra, nên H tưởng là desktop cuả mình lại “làm nũng”, không chịu đọc tiếng Việt. Vì thế H mới báo với bạn là “computer cuả mình mấy hôm nay bị trục-trặc nữa, để tối nay H hồi âm cho bạn”. Lúc nào cũng thế, nếu H muốn gõ thư cho bạn, thì mình phải viết ở ngoài Microsoft Word (có font tiếng Việt), rồi từ đó copy, & edit… compose, chứ không thể gõ trực tiếp vô compose.

Ngộ lắm Kh à, rõ ràng là mình thấy thư ấy (chỉ hoàn toàn bằng tiếng Anh, không có một chữ tiếng Việt nào ngoài chữ Trọng Khang ở cuối thư). Tối qua, H cứ nghiền ngẫm hoài lời thư Anh-văn đó, tự nghĩ “hay là bây giờ khả năng sinh ngữ của mình tụt xuống vực sâu, nên ngu rồi hay sao”. Tuy nhiên, H cố moi óc ra hiểu vắn tắt nội dung lời “nhắn nhủ” bằng tiếng Anh của bạn, đại khái là mail ấy muốn nói về lời cuả bản nhạc “Cánh Hoa Tương Phùng” và nhạc sĩ LTG, như vầy: “... & ... Me and problem you talk to each other in the mail a few this is only between you and me, from that day to now me absolutely nothing to the team members are talking about issues related songs Also Petals Phung all, do not! (Though that between me and the team members are occasionally a word occasionally visit each other)... & ...

Thế rồi, ngày hôm nay H nhận được thư mới nhất cuả Kh, (new: Oct-20-) H bật ngữa ra và cười rũ rượi nè. H cười đến nỗi muốn đứng tim, nghẹt thở, chảy nước mắt… chỉ vì “hiểu lầm tiếng Anh “phải gió” mà vui quá đi”- H rất đồng ý với bạn về thư Khang đã viết:
- “Khang không viết cho Huyền bằng thứ tiếng “lẩm cẩm” ấy, bởi thật vô lý khi tại sao mình không viết cho Huyền bằng tiếng mẹ đẻ cuả chúng ta?! Theo Kh thì viết tiếng Anh làm sao diễn đạt cho trọn nghiã và diễn đạt hết được tâm tư, xao xuyến rung động tình cảm, suy nghĩ chính chắn bằng tiếng Việt của chúng ta! Phải vậy không Huyền?
Vậy cái thư tiếng Anh kỳ quái này từ đâu mà ra, chẳng lẽ Yahoo tự động dịch ra? mà dịch kiểu này, thì có những chỗ đọc không biết nó nói cái gì! vì sao có những chỗ dịch từ chữ "Like Phung Petals", hoặc Petals General Phung, hoặc songs Also Petals Phung, hoặc"Hoa Tuong Phung Wing" hoặc Poems "petals tuong leper "= là ý nói " Cánh Hoa Tương Phùng!? Rồi nữa: thousands, several thousand = mayngan…

* Nói chung Khang đọc thư tiếng Anh mà H quote trong thư, mình điên cái đầu! Tiếng Anh phải gió này ở đâu ra, H tìm hiểu giúp Kh, nếu từ Yahoo mà ra, thì có lẽ Kh phải bỏ Yahoo thôi! Chuyện là như vậy đó, không hiểu sao lại có cái thư bằng tiếng Anh, từ trời thần đất thánh nào gởi cho H, mà nội dung là từ địa chỉ username nơi cái thư của Khang vậy!

Huyền lò mò đi tìm tòi lục lọi ở Mỹ xem nó phát xuất ra lá thư tiếng Anh ấy ở từ nơi ngỏ ngách nào? – thì ra do Yahoo ở tại Việt Nam chuyển qua Mỹ cho Huyền đó, Khang ơi. Chứ bên gmail của mình không hề bị wrong! Máy (computer) & laptop cuả H không thể nhận làm việc ấy, vì nguyên bản gốc trong my computer không có tiếng Việt, không đọc tiếng Việt, nên không dịch ra thứ tiếng “thổ tả” kia! Cho đến giờ phút này H không biết Kh có nhận được mấy cái thư tiếng Việt, có cùng một nội dung nói trên đây không, vì Kh chỉ nói cái thư bằng tiếng Anh, mà Huyền nói là: “You viết tiếng Anh giỏi quá nhỉ”! hê hê hê...

Nói tóm lại: hoàn toàn không nhận được thư nào cuả Kh nói về chuyện “cánh Hoa Tương Phùng” (mà Kh vừa đính kèm ở mail nầy, tức-thì thôi). H nhớ Kh có một username ở Gmail mà. Kh vẫn thường viết thư or chat cùng mình ở điạ chỉ gmail (chỉ trong thân tình thôi, H mời số bạn rất hạn chế). Mong thư Kh, hy vọng tối nay chúng ta sẽ họp mặt cùng nhau ở giờ N, chat mà cười vui vẻ nha. H hy vọng là sau khi gởi thư nầy đi, thì ở bên quê nhà Kh được an lạc hạnh phúc, nhớ cho H biết qua sức khoẻ bạn hiện nay ra sao nhe, cho mình thăm hỏi gia đình bạn luôn bình an, vui vẻ hạnh phúc.
***
Huyền có mấy gia đình anh, chị, và cháu Dũng có xe hơi riêng, loại xe 5 hoặc 7 chỗ ngồi, và có ông anh ở Đà Lạt có năm chiếc xe đò chở khách chạy tuyến đường Đà Lạt – Hà Nội & Sài Gòn - Hà Nội. Khi Huyền về VN thường bao xe loại 50 chỗ ngồi, để đưa thân nhân đi khắp “bốn vùng chiến thuật”, trước là thưởng lãm phong cảnh hữu tình, sau là chở nhiều thực phẩm, cũng như tiền bạc để biếu tặng tận tay những người già cả nghèo khổ ở cuối đất cùng trời xa xôi heo hút. Có đến những nơi “thâm sâu quỷ cốc” đó, thì mình mới nhận ra cảnh túng quẫn cơ hàn, đói rách nghèo khổ của đa số người dân ở thôn quê cơ cùng đến cỡ nào. Sự hào nhoáng vinh sang nơi ánh sáng kinh thành hoa lệ xa hoa đông đúc kia, không hề rót tí mật nào về những vùng xa xôi cách trở ấy. Trông đa số họ quá thảm thương tội nghiệp biết chừng nào, dù người khô khan đến đâu nếu nhìn thấy họ run rẩy tả tơi trong manh áo rách, thì bạn cũng như mình và người khác có cẩm được nước mắt, mà ngoảnh mặt đi không hở Kh? (Nếu lúc nào xe các cháu kẹt không đi, thì H bao xe khách người khác để đi đó đây.
Mình ít khi đi xe đò theo tour cuả đoàn du lịch hướng dẫn, vì đi như thế tuy cũng vui vui, nhưng có phần lệ thuộc, gò bó thời gian đi về quá chật vật eo hẹp, ta cứ vắt giò lên cổ mệt hụt hơi mà chạy theo đoàn, thành ra đi du lãm thường vội vã, sẽ mệt đừ, nên không còn cảm thấy thoải mát thú vị bao nhiêu, cũng chả coi ngó cảnh kiết chi!
Đôi hàng thăm bạn hiền, thân chúc Kh và gia đình có mọi sự tốt lành & như ý nhen.
Mến,
Á H
***

Nov. 14...

Trọng Khang quý mến,

Ái Huyền cám ơn Khang nhiều, H thật xúc động và nghẹn ngào khi H muốn nói chữ “chịu khó ngồi đây”, nhưng sợ Kh mắng Huyền, nên thôi… Kh đã chỉ-bày rõ ràng, tường tận về Folder Protection Download Process thế nầy. Ôi chao! thiệt dễ thương xiết bao! Nhưng sao mà “mình ghét mình NGU” đến thế không biết! Tuy nhiên mình phải nói thật lòng là có đôi lần H xót xa khóc thầm (thương vay khóc mướn, như Kh đã nói). Tại sao Kh có biết không? Bởi chính vì lúc đó “bạn dộng cho H” mấy lá thư… Kh nói bạn bị bệnh rất nặng, bệnh ngặt nghèo, trầm trọng… có thể Kh không qua khỏi… Kh sẽ vĩnh viễn rời khỏi cuộc đời nầy. Nên H bàng hoàng thảng thốt lo lắng và rơi nước mắt, vì thương tình người trai trẻ sao có tuổi đời ngắn ngủi và “bạc bẽo” làm sao. Thế nên H mới có câu: “Dạ vâng! Người năm xưa cuả …năm cũ ấy, đã từng hoạ thơ với H, đó là một người H rất quý trọng, thân mến, mang trong tâm tư nhiều vấn vương phiền muộn từ giọt nắng bỗng dưng phai tàn, thảng thốt mà H đâu có ngờ”!

Ối giời ơi! Biết nhau từ bao nhiêu năm nay, bi giờ tôi mới thấu hiểu, vì đã cố tình chọc cho bạn thực sự nổi giận ha. Vô vàn so sorry nhe ông tướng. Kh còn giận H không nào!? Mặt mày Kh “oai nghiêm đạo mạo” giống đúc ông cụ như thế, mà nay Kh “nổi trận lôi đình” với H, chắc là coi Kh “hình sự” lắm ha! Tiếc là lúc nầy không có H ở đó, tiếc quá! Thôi thì … Dù H bị “xốc”, nhưng để H vụt đứng dậy chạy có cờ vô nhà pha cho bạn một ly cối to bự sư nước chanh đường, kèm theo những “hòn đá cục” mát lạnh, để bạn nhai rào rạo, cho đã cơn tức. Hen. Nếu Kh có gãy cái răng nào, để H len lén xịt thuốc mê, thuốc tê, thuốc… ngủ, H nhổ răng mà đền cho Kh cái “răng dàng le lói" khác! Nhân tiện khi bạn ngửa cổ nhắm mắt uống nước chanh ừng ực, thì H nói líu riú bằng tiếng Việt: “cho H xin lỗi Kh lần nữa nhen".
Vẫn không chịu hở! Người gì mà “lì” coi thiệt dễ sợ và dễ ghét quá đi thôi. Vậy chứ H cầm ly cối chanh đường đá nặng muốn bủn rủn… Vậy chứ Kh… Vậy mà… Thôi, hổng nói nữa, H phải “im lặng là dàng”… Nếu nói nữa sẽ “lộ tẩy” ra… Kh lại dộng cho H thêm (một cái “meo” thì… “méo” xiểng liểng làm sao). H làm gì đây, Kh biết không, bị bạn la những lỗi rất đúng, H không hề giận bạn kià! Ồ ngộ ghê bạn ơi… tôi cứ nhìn bạn mà cười toe toét đó. Nhưng… H cám ơn Kh vì xét ra bạn hiền, nhân hậu và nhẹ nhàng ưu ái với mình nhiều. Chứ nếu có ai mà trêu mình kiểu như H đã trêu Kh, thì chắc chắn kẻ ấy sẽ bị H… ít ra cũng nghiến răng trèo trẹo, mà cú cho họ lủng cái sọ, trơ cái “đầu lâu” nà).

Bây chừ Kh có còn hơi bực mình khi đọc như vậy nữa không? Cho mình năn nỉ ỉ ôi và… thút thít xí nhe. Để tỏ lòng “hối hận, ăn năn”, H gởi tặng bạn mấy tấm hình… kèm bản nhạc H thích (chẳng biết bạn có thích không). Nhất là H cám ơn bạn đã hồi âm liền, H thật sự mong tin Kh vài tuần nay (giống như ngày xưa vậy). Nhận tin Kh mừng và vui như lữ khách gặp đồng hương. À… có một dạo vắng bặt tin Kh dài lâu, H có ý muốn nhắn tin ở các báo, đài..., (như tìm trẻ em bị lạc), nhưng H suy nghĩ rất kỹ, bẻn không chôc bạn nữa.

Sau khi đi VN về, hôm nay H đã khoẻ lại, tuy rằng thời tiết tại đây đã lạnh, gió lùa mạnh kinh khủng. Thật kỳ: “Gió mưa là bệnh của Trời. Ốm đau là bệnh của tôi nhớ người”. Hi hi… câu: “Ốm đau là bệnh của tôi nhớ người”, là H nói thật với bạn. Phải… dù đã ở Việt Nam, ở Mỹ, hoặc nơi đâu, H thường nhớ đến “người ấy”, hằng ngày cầu nguyện cho họ và gia đình họ bình an, vui vẻ, hạnh phúc. H mừng. Thế mà chẳng hiểu sao H không liên lạc với bất cứ ai. Có lẽ H sợ tiếng nói của mình sẽ bay vào hoang địa, không lời đối thoại, thì sẽ dội lại lòng mình những nỗi xót xa buồn bã ngút ngàn. Nhưng liên lạc rồi, thì sẽ ra sao nữa đây, khi kẻ chân trời người góc biển, đâu lại hoàn đó. Ôi là buồn. Kh có thấy H lãng mạn, vu vơ vớ vẩn quá không? Thiệt tầm bậy tầm bạ ha. Xin lỗi bạn, tôi thường có những khi lẩm cẩm rắc rối ba xàm ba láp như vậy. Tha lỗi cho H nha. Khang biết không, hôm nay H mở thư Kh ra đọc, bỗng dưng cảm thấy vô vàn tiếc nhớ, quay quắt kỳ lạ. Vì khi nghe Kh nói:
- “Khang đã email hỏi lại Huyền lần nữa, hy vọng nếu bạn còn ở VN, thì tôi sẽ tìm gặp để thăm H. Nhưng rồi mình chờ hoài mà không thấy bạn hồi âm... Huyền biền biệt bóng chim tăm cá! Nay H nói vậy, Khang nghe rất buồn mà không ngần ngại trách rằng Huyền tệ với Khang nhiều lắm”!
Khang ơi! Không phải như vậy đâu, ngược lại... H không muốn bạn buồn chút nào hết. Thôi thì bạn cứ trách mắng H cho hả giận, cũng đáng đời đáng kiếp H lắm. Quả thật là mình rất tệ. H xin lỗi bạn nhiều nhen. Mặc dù do H lu bu bận rộn quá, H hối hận, cứ dày vò mãi. Tại sao ngày ấy chúng mình gần nhau đến thế, mà mình không nhắc phone lên gọi Kh, hỏi thăm hoặc vỏn vẹn nói vài tiếng Hello bạn... H sợ! Vậy thì, nếu lần sau H về VN lần nữa, bạn (gia đình, nội tướng) có làm hướng dẫn viên dẫn đại gia đình chúng tôi đi chỗ nầy chỗ nọ không nào? Tuy nghĩ vậy, nhưng H (nói nhỏ chỉ mình Kh nghe thôi nhen)… H nghĩ bạn khó thực hành khi Kh “ở nhà” bị “kềm kẹp” liên miên. Ha ha… Mình mời toàn gia đình bạn và đại gia đình mình “nhập cuộc” du hành với thiên nhiên, thăm tha nhân, lo gì bạn bị ngắc nhéo hổng biết. Lần trước, sau 10 năm H không về quê cũ, nay nhiều nơi hoàn toàn thay đổi, có lần H đi một mình, đi đây đi đó, có một lần H đã bị lạc đường, cho nên các anh chị ở VN la mình quá chừng. Vậy là mấy lần sau họ cho các cháu đi kè kè một bên, như canh giữ em bé còn bú ti. Tức cười ghê.
Phần H, suốt từ tháng Tư năm ngoái đến đầu tháng Giêng năm nầy: H mệt mỏi đủ mọi thứ chuyện chẳng vui, vì giấy tờ hai cái nhà, tiệm tùng... việc làm và chuyện cơm áo mỗi ngày. Dù chỉ vài hàng ngắn ngủi cũng chẳng viết nỗi tin cho bạn... Quả đúng như Huyền nói:
- “Dạo gần đây tâm H không hề an, sức khỏe không được ổn, cách đây đúng ba tuần thân nhân chở mình vào cấp cứu ở BV – H nằm lại nguyên một ngày, qua các thủ tục và đủ thứ khám nghiệm, chả có ăn uống thuốc men gì, ấy vậy mà tốn hết $1,856 cho cái chi chi đó!!!
H thật quá mừng, vì H không hề bị đau tim, (mà đau bên ngực trái kinh khủng, do đau cơ bắp thịt không thể chịu nỗi). Bây giờ vẫn H còn đau đau mỗi lần thở mạnh, hay nằm yên ngủ một đêm tới sáng, không trở mình, là bị đau.

Cám ơn bạn đã đến thăm mình. Kh có khỏe không? Lẽ ra H hồi âm thư bạn khuya hôm qua, nhưng không thấy tiện, chỉ vì tính H ưa vui dzai, thích đùa nghịch xí, nghĩa là: H tính gởi hình vài cô bạn, để “đố” Kh, và mời hãy kết bạn với họ, cho vui cửa vui nhà xí mà. Có ai ngờ điều ấy làm bạn nghĩ ngợi cả tuần, mà không chịu “hồi... tưởng”. Bởi, nói thật là mình quý mến Kh & không muốn phiền lòng bạn đâu. Mình chưa bao giờ nói “tặng ai” tấm hình mà. Chứ khi tặng hình ai, thì dĩ nhiên là khác với “đố ai”, phải không nhỉ? Coi như H có lỗi về v/đ kém tế nhị nầy nhe. OK? Bây giờ H thực sự hiểu bạn chính là "ông cụ non" không thích kiểu ưa đùa dai hỉ! Từ nay H không giỡn hớt bố láo bố lếu, tự làm mình nhức bưng cái đầu! Về chuyện hình bóng Ngọc Vân mà mình gởi cho bạn, Khang nói:
- “Tôi trân trọng người gởi hình cho mình, dù người đó là ai, lớn hay nhỏ tuổi. Kh nghĩ thích hay không thích một người, không phải từ một tấm hình, Kh không quá đặt nặng hình thức bên ngoài của một con người, Kh mến một ai đó, không vì vóc dáng xinh tươi bên ngoài, bởi những cái hình thức bên ngoài ấy, nó không giúp tâm hồn Kh giàu hơn lên bằng cá tính của một con người. Kh là người vốn sống bằng nội tâm, cho nên tâm hồn tư tưởng của một con người, là điều Kh thấy qúy trọng và cần thiết hơn”.

Điều bạn nói trên kia là hoàn toàn phù hợp với H. Tuy nhiên xin lỗi bạn trước nhe: Bởi H giới thiệu cô bạn thân quen mình cho một người khác (mà H biết chắc chắn làm điều ấy thừa, vì "người ta" có đủ bản lĩnh và khả năng tự chọn, tự đi tìm... kiếm mẫu người họ ưa thích, chả cần giới thiệu môi giới kiểu "ruồi bu"...). Khiến "người ta" không ưng, không thích; mà còn xì nẹc mình, cũng đáng lắm. Chí phải! "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân"; Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi... mọi đàng.

* Thì bạn cũng nhận thấy niềm cảm mến dù H dấu trong lòng, không nói ra cũng thể hiện: “bằng chứng H mến Kh từ ngày biết nhau, mà không cần biết mặt mũi ra sao, rồi mới khóc và mến đâu! Bởi H cần có những người bạn có chiều sâu tâm hồn: để an ủi, tâm sự, chứ hình thức bên ngoài là một yếu tố bổ sung cho một con người... Điều đó nói lên H rất trân quý tháng ngày chúng ta đã quen biết nhau, H gìn giữ riêng biệt như một kỷ niệm quý giá cuối đời. Từng đó thấu hiểu & thông cảm đã đủ nhiều.
Quá lâu rồi không gặp nhau trên mail hỉ, Kh và gia đình có khỏe không vậy? Có gì vui không, kể cho mình nghe với nhen, & để đọc lại mấy vần thơ mà chúng mình đã làm nè. Bản nhạc "Tiếc Thu" đó Kh hát rất hay, nghe thích lắm. Nhưng bản nhạc hôm qua Kh hát trên Facebook đó, nghe sao mà... chán phèo! Dỡ quá! Dỡ không phải do giọng ca Kh không hấp dẫn, mà do bạn chọn bản nhạc đó không hợp với giọng ca trầm ấm của mình, đồng thời nhạc và lời của bản nhạc đó không xuất sắc, cung bậc nghèo nàn, tiết tấu không hài hòa... nên không thể quyện hút & gợi cảm đến người nghe. Xin lỗi, tính H nói thẳng, mong bạn đừng lấy đó làm buồn mà giận mình nhen. Bắt đền H cái gì cũng được, nhưng đừng buồn vì lời mình nói thẳng nhen. Quá khứ ơi! hãy trôi đi, đừng gợn lại làm gì. Nếu H có lỡ lời làm bạn buồn đến thế.
Tạm biệt nhau (ở thư nầy) được chưa bạn? Chúc Kh có những ngày vui... hy vọng là thư nầy sẽ đến bạn sớm nhất sau khi Kh đi đánh tennis về, và… Kh sẽ nở nụ cười thư giản. Vài hàng thăm bạn, H muốn gởi theo thư nầy một lời chúc tốt đẹp đến người bạn thân: Cầu mong Kh và gia đình luôn dồi dào sức khoẻ, an lành, hạnh phúc và như ý nhe.
Qúy mến,
Á H

* * *

Ngày... Tháng... Năm...

Ánh Huyền thân ái,

Sorry vì reply too late. Hôm nay mới open mail box nên nhận và hồi âm trể. Vui lòng bỏ qua. You à, Me chúc happy new year thì chắc có lẽ sẽ có; nhưng Merry Giáng sinh thì không, bởi You viết như vầy "Merry ChIRstmas” thì làm sao merry được!!! Cái này thì chắc cũng đáng đánh đòn, sao không là: ChRIstmas ?
Không biết nhớ ai mà viết lộn như vậy? Kh thì lúc này tâm không an, dù rằng sức khỏe ổn. Vì sao "run... run", mà tim có đập mạnh không, hay chỉ run run thôi?? You gởi gì đó, mà Me có open được đâu! view thôi cũng không được nữa! nói chung gmail của mình có vấn đề gì đó, cảm mạo thương nàng ý ý!! thương hàn gì đó, nên file gởi tới cứ bị error hoài. Lần sau gởi thì nhớ CC qua bên yahoo cho mình luôn, để bên này bị error, thì có bên kia nhen. Hôm rồi Me có nhận được tấm hình cô bạn (cuả Huyền), cô chỉ có tấm hình thôi mà không có bất cứ chữ nào. Me phân vân lắm, nghĩ ngợi nhiều vì sao mà cái mail không có dù chỉ một lời, mà vỏn vẹn tấm hình! dù vậy, sau đó Kh cũng e-mail cho bạn ấy, nhưng... không thấy gì! thôi thì cứ coi như mình gởi gió cho mây ngàn bay... ngại làm phiền người khác, nên cũng không dám hỏi. Me chỉ nói vậy thôi, You nên quên chuyện này đi, đừng hỏi tới hỏi lui gì cô bạn ấy nha.

Lâu rồi mới trở lại với một bài thơ, H thấy Me làm thơ giống say xỉn quá phải không? Mình vẫn nhớ những ngày chúng ta mới biết nhau, đó là những ngày đẹp đối với Kh, và chắc mình sẽ không quên những ngày tháng đó... Sau cùng, nói gì thì nói You vẫn nợ Me! cho tới chết cũng không quên món nợ khó đòi này. Khi nào buồn đời thì cứ mail tâm sự với Kh nha, nhưng đừng khóc, vì tui không chịu nổi nước mắt của ai cả. Tức quá cho nên Me vô đề liền nghe: Ngày 29 Oct, mình cảm tác bài “Eo biển manche” và gởi mail bài đó cho bạn, cũng ngay hôm đó You Re: lại cho Me, và trong mail có bài “Tình hào quang cầu vồng”. Trong mail cũng nói: "Me thích tấm hình ở trong chat, tấm hình cũ ấy. Nhưng sao You ưa... "nhìn đời bằng hai mãnh ve chai" vậy? Không muốn cho ai thấy "đôi mắt đẹp anh nhìn"... hay là: "em nhìn anh đôi mắt đẹp... ha ha.
Chuyện mới đây thôi, mà You không nhớ sao, lại nhớ chuyện hồi trước năm 75? nhớ trường Võ Bị có cái gì gì? nhớ Tết Mậu Thân đạn bay ì xèo... Vậy đó, người ta gởi hình cho mình, mà mình thì im re, không "đáp lễ" – như vậy không unfair là gì? mà cũng phải! để ý chi cái ông này! chuyện hình ảnh là chuyện như con kiến mà...

Nói tới chuyện này lại ức và ức... là “tới đâu”, có khi một tháng một lá thư, mà nó TỚI thì nó vẫn cứ TỚI à nghen. Bởi viết tràng giang đại hải, nói trời nói mây, thiên lôi sấm chớp thì cũng như… không hà. Cũng như ngày xưa pháo kích bằng đại pháo hay hoả tiển 122 ly hàng loạt mấy chục trái, mà rớt tầm bậy tầm bạ, thì ăn thua gì. Còn chỉ cần 1 trái mọot chê 81 ly thôi, mà bắn trúng, là ăn tiền à nghen. Mà You nói: “lâu lâu Me dúi cho You ba chữ cái, bốn chữ con”, là không đúng à nghe, coi lại đi! Vậy chứ, nói tới mới nhớ, H đã viết thế nầy: (Huyền viết cho bạn hai ba lá thư, thì Khang chỉ "RỈ RA" chỉ có vài chữ, thì đã sao)?

Khang nhớ hổng có nợ Huyền cái mail nào à, có lần Me nói vậy rồi, mình reply mỗi lần nhận được thư, chỉ có trể chút thôi bạn à, sao mà nói quá vậy ta. Lại còn viết: “Với lại, Me hoàn toàn không được biết rõ về bạn đang ở đâu, phương trời nào, vợ mấy người, con mấy đứa, thì làm sao mà dám tự tiện trao Bóng với Hình!). Phải không nào!? Nhất là... Thực tế mình hoàn toàn không phải là kiều nữ như ai miêu tả về mình, càng buồn thay là mình quá xấu”. Nói vậy cũng không xong đâu, chuyện gởi hình để biết nhau, thì không dính dáng gì tới chuyện ở đâu, con mấy đứa, vợ mấy người hết á. Huyền đừng đem lý do đó ra nói, là không ổn đâu, ở trời Đông hay trời Tây thì cũng ở trên quả địa cầu này mà thôi, máy bay bay 500 knots/giờ, cầm boarding pass trên tay, thì đâu cũng tới, có khi ở gần kế bên, mà lạnh như cục nước đá, thì cũng cầm bằng không.

Còn vợ con mấy "đứa" thì từng tuổi này ai cũng có cuộc đời riêng, và hệ luỵ của đời mình! Như vậy, chỉ trừ chuyện một người ở dương gian còn một người ở âm phủ, thì mới nói không cần biết hình bóng của nhau. Còn chuyện xấu đẹp, thì đâu phải lúc nào con người cũng cần hình thức bên ngoài của một người nào đó? Tâm hồn của một con người cần thiết hơn bạn à, nhất là những người không còn trẻ như chúng ta, thì hình thức bên ngoài là điều có cần thiết lắm không? Bạn trả lời đi. Nầy nhé, bạn viết cho Khang:
- Người khác mỗi ngày viết ít ra cho mình một lần thư, hay mỗi đêm 1 vài giờ chat. (mà còn chưa tới đâu) Còn Kh; đằng nầy... năm thì mười họa mới "dúi" cho người ta ba chữ cái, bốn chữ con bé tí tẹo! Xí.
- "Người khác"… viết "CHO MÌNH" mỗi ngày hay Chat, thì kệ người khác, chưa tới đâu, hay tới đâu thì đằng ấy biết, mà đâu cứ phải mỗi ngày một lá thư hay chat: 5,7 giờ là TỚI ĐÂU… Có khi một tháng một lá thư mà nó TỚI, thì nó vẫn cứ TỚI à nghen. Bởi viết tràng giang đại hải, nói trời nói mây thiên lôi, sấm chớp thì cũng như… không hà, cũng như ngày xưa pháo kích bằng đại pháo hay hoả tiển 122 ly, hàng loạt mấy chục trái, mà rớt tầm bậy tầm bạ thì ăn thua gì. Chỉ cần 1 trái mọot chê 81 ly thôi mà bắn trúng, là ăn tiền à nghen. Mà nói lâu lâu dúi cho ba chữ cái, bốn chữ con, là không đúng à nghe, coi lại đi.

- Chuyện nhận Ái Huyền và cô bạn kia làm đệ tử: thì tôi không dám, vì có khi rồi trò dạy thầy viết mail ngày mấy cái, thì chết! Cũng cám ơn You đã chuyển thư của tôi cho “ai đó”, cám ơn nhiều nghe. Cô bạn cuả You muốn theo làm đệ tử tôi, thì chỉ khổ thôi, tôi chẳng bao giờ và chưa bao giờ cưng nữ đệ tử cả, trái lại còn nặng nhẹ, hành hạ đủ điều nữa, và sẽ phải khóc nhiều vì tôi. Chẳng lẽ hôm nay mồng 3 còn Tết Dương Lịch mà nhăn, thì không được, nên mình phải cười đây bồ tèo. Hơn nữa bạn chúc Tết cho mình dài cả cây số như vậy, thì làm sao mà nhăn nhó? You chúc vậy cho nên Me chẳng biết phải chúc lại bạn cái gì! khổ thiệt! Sau cùng chúc bạn và ai đó cùng "bán nước đá" vui hỉ. Chuyển lời thăm hỏi của tôi tới cô gái con ông đốc phủ sứ quê xứ Nam kỳ nghen. Thư nào cuả Me cũng dài cả mile, mà nói "RỈ RA" chỉ có vài chữ! thiệt là phụ nữ muốn nói sao cũng được! chỉ biết thở dài đây!
Bạn à, xin lỗi thêm lần nữa vì chậm trả lời cho đúng dịp đầu năm. Nhưng chắc bạn cũng hiểu Già rồi nên chậm, chứ Già thì không quên, mà không quên nhau là được rồi phải không? ông gì đó nói: “Thuở đợi chờ ôi thời gian rét mướt”. Nhưng nhiều khi phải đợi chờ một cái gì đó, khiến cuộc sống thêm thú vị, như chờ đợi tin ai đó chẳng hạn, nhiều khi mình phải đi vô, đi ra, thơ thẫn, thẫn thờ... khiến lòng mình chơi vơi. Có đúng không nào? mà bạn có lần nào như vậy chưa? chắc không thể không có.
Có thể nào cho mình biết vì sao mà “Tâm” của Huyền không hề an không? băn khoăn, xao xuyến là vì sao? Chữ muscle là cơ bắp, là bắp thịt thì tiếng Anh viết vậy. Ngủ một mình nhiều khi bị đau tim... là vì có thể không ôm ai, mà cũng do nằm nghiêng và nằm vị thế đó hoài, nên mới bị đau... tim. Còn nếu nằm nghiêng mà có ai bên cạnh, để vịn vai hay quàng lưng bá cổ, thì sẽ không bị đau tim đâu há!

Huyền ơi, hôm nay thì Me trọn tình hồi đáp rồi nhé, Me không nợ You cái mail nào phải hông? Chúc H nhiều niềm vui, hãy cố giữ tâm cho ổn để khỏi "băn khoăn, xao xuyến" hãy đi bộ đôi chút, hít thở thật đầy khí trời trong lồng ngực, để đêm về có giấc ngủ sâu, là Tâm sẽ an thôi à. Kh vẫn nhớ tất cả những gì đã có trong đời mình, nhớ những ngày xa xưa thật xa, và nhớ những ngày đã vừa qua với You đây thôi. Hôm nay bên VN trời đang mưa, trời xám xịt âm u xám tối, vì trưa hoặc tối nay sẽ có một cơn bão sắp vào đất liền ở miền Nam thổi ở Cần Thơ, Cà Mau, chắc chắn ở Vũng Tàu Bà Rịa cũng bị ảnh hưởng. Giờ này bên đó chắc you chuẩn bị đi lễ. You nhớ cầu nguyện cho mọi người trong quê hương mình luôn bình an, nhất là an toàn trước cơn bão nhe.
Tạm biệt
NTKh
***

Huyền thân ái,

Đọc thư Huyền, Khang mới biết thêm những điều mà trước nay Kh không hề biết, hoặc có biết thì biết không tường tận. Cũng nói thêm là nếu mình có chậm trể trả lời thư, thì H thông cảm, mà không lấy đó làm phiền trách, hoặc thất vọng mỗi khi mail box không có thư của Kh, như H vẫn nghĩ nha. Kh bất ngờ lắm khi biết H đã nhiều lần lặng lẽ trở về quê hương, và đi nhiều nơi! Thời gian ấy, những lần H về, có lẽ vì vô tình mà Kh không biết, hoặc do H không cho Kh biết (thay đổi username chẳng hạn). Hay nói đúng hơn bắt đầu từ ngày xa xôi ấy, chúng ta chưa có cái duyên diện kiến để hàn huyên, sau một thời gian biết nhau khá dài.
Quả đất tròn như người ta thường nói sẽ mãi vẫn tròn, nên biết đâu có ngày Kh gặp H ở đâu đó, nếu trời còn cho Kh có đôi chân vững mạnh. Hoặc trên hết là nếu chúng ta có duyên gặp gỡ. Phải không Huyền? Ôi chao sau bao nhiêu năm dài đăng đẵng! nói thêm ra một chút cho "não nề" thì một thập niên, tức là gần 1/10 thế kỷ kể từ khi hai đứa mình biết nhau, đến nay Kh mới thấy được dung nhan của H, người mà trước đây hình như có lần nói với Kh rằng:
- “Có lần H nhỏ lệ khóc thương Kh”, (khi Kh lâm trọng bịnh, tưởng chừng Kh không qua khỏi). Người đã than rằng: “Kh và H đã mất liên lạc bỗng dưng tàn phai”! Người đã nói câu chân tình: “H vẫn nhớ và hứa với lòng là sẽ đi tìm thăm bạn”. Quả thật, H đã tìm Kh khắp nơi… người đã hỏi mình rằng: “Trọng Khang …cuả ngày xưa đó ư”? Người đã nghĩ đến Kh: “Người năm xưa cuả …năm cũ ấy, đã từng hoạ thơ với nhau, đó là một người mình rất quý trọng, mang trong tâm tư nhiều vấn vương, phiền muộn từ giọt nắng bỗng dưng phai tàn, thảng thốt mà H đâu có ngờ”! Người đã nhận ra chính Khang & Huyền là đôi bạn ân tình của ngày nay.
Huyền ơi! những phiền muộn, bẽ bàng xót xa là do câu chữ nào? mà H ghi tạc trong lòng vậy Huyền? Rồi bây giờ, sau bao năm dâu bể gặp lại nhau, “người” như trách thầm: “Anh ngày xưa (của mấy... dấu chấm bỏ lững đó) không biết bây giờ lòng dạ ra sao, nhưng chắc anh ta không khỏi bồi hồi và “tình yêu dấu” (nếu có) ẩn chốn nơi nao, mà H hỏi (có cả dấu chấm than nữa. Cái dấu chấm than đó đủ làm cho những người nhạy cảm, sẽ cảm thấy có những vấn vương bùi ngùi) làm sao biết!

Huyền ơi, đôi khi người già, thì sự hờn giận còn hơn là trẻ con nữa đó! Trẻ con giận là do bản năng ngây thơ, thấy mình còn nhỏ, mà còn nhỏ thì thích được âu yếm cưng chìu, nên thường phụng phịu hờn dỗi. Người già giận bởi biết suy gẫm cân nhắc. Cho nên một khi “già” đã giận, thì cái giận cái hờn của người già khác với con nít nhiều lắm. Kh muốn biết khi “H hờn giận Kh”, thì khác với trẻ con ít nhiều ra sao? (để Kh dè dặt đề phòng, không khéo sẽ làm “mất nhau” vì hờn giận nữa, thì nguy to)! Lúc đó chắc là Kh chịu thua, không thể dỗ dành H. Kh hy vọng hôm nay sau khi mình thức dậy, sẽ có niềm vui mới và bầu trời Sài Gòn quang rạng, trong trẻo hoà ái hơn. Bây giờ Kh chỉ biết nhìn hình H, mà cảm thấy như là chúng ta thân quen, gần gủi lắm. Bởi từ chốn nao xa xưa, dường như mới hôm qua diện kiến dung nhan (dù rằng hôm nay mới lần đầu Kh nhìn thấy bạn, mà Kh đã đồng cảm về câu thơ: “Sương trên ngàn lả lả men nồng nhiều”. hi hi hi…

Kh trả lời liền liền nè, Thanks a lot đã làm theo yêu cầu, "nể chút tình với người xưa", H làm Kh cảm động! Hổng phải Kh sợ nàng nào đâu, mà chỉ vì mấy ông bạn ngắt véo hù doạ mình hơi nhiều. Ha ha ha. Cám ơn H đã gởi cho xem dung nhan hôm nay của "người xưa". Huyền làm Kh bỗng dưng muốn hỏi câu cuối trong những lời hoạ thơ ngẫu hứng, mà căn nguyên là do từ tấm lòng của H vẫn còn nhớ đến Kh suốt một thời gian quá dài đằng đẵng trôi đi, trôi đi… khi Khang nằm liệt giường. Kh vốn không trách, hay cố chấp với một ai, vì những chuyện không quá hệ trọng bởi tình thân, mối giao hảo luôn có thể vượt trên tất cả những chấp nhất. Nếu đặt sự cẩn trọng trung tín và cảm thông lên hàng đầu. Vậy thì H đừng quá suy nghĩ chuyện này mà ray rứt, hoặc xem đó là một nỗi buồn muôn thuở nhe.

Cám ơn bạn đã lắng nghe Kh hát, Kh biết mình ca không hay, nhưng thỉnh thoảng cũng lên youtube líu lo nghêu ngao chút đỉnh, để còn cảm thấy làn hơi, âm vực, tiếng nói của mình, có thể diễn tả điều gì đó trong tâm tư đầy diễn cảm. Cũng như qua đó, lượng được sức khoẻ của mình trong hiện tại. Thỉnh thoảng Kh làm thơ, hoặc hát hò chút đỉnh, chẳng qua chỉ có trong những lúc thấy cảm hứng, mà H biết cảm hứng thì bất chợt, có thể kéo dài hay đứt đoạn thật lâu, phụ thuộc bởi nhiều yếu tố nội tâm, hay những tác động bên ngoài. H có lắng nghe Kh hát, thì đó quả là một niềm vui đối với mình. Về bản nhạc “hiu hắt kia” thì tuỳ người nghe, mỗi người có cảm nhận riêng, nhạc cảm và tâm trạng riêng; cho nên không bao giờ me buồn (vì một nhận xét hay phê bình của ai), người ta nghe là tốt rồi, đôi khi mình hát giùm cho tâm trạng một ai đó, hoặc cho mình, cho một hoàn cảnh, một mối nhân duyên không vẹn nào đó đã qua trong đời, vì lời nhạc có những tương đồng, (chứ không phải hát cho mọi người). Ở ca khúc ấy có khi cho mình, hoặc cho ai đó gợi nhớ về thời xa xăm, mà cả hai có những dại khờ, cố chấp, để rồi vỡ tan tình cảm. Cũng như làm thơ đôi khi cho mình, đôi khi khơi khơi kiểu thương vay khóc mướn, Huyền có đông ý vậy không?

Cám ơn you về chuyện thơ được bạn you ngâm và ai cũng khen hay, nghe nói khen hay, me mắc cỡ vì những câu thơ ngẫu hứng đó không có gì xuất sắc, mà lại được bạn cuả you ưu ái ngâm trên tivi. Nhưng dù sao thì chuyện đó đã làm you vui và "thích lắm", nên me cũng vui và thích lắm lây. Còn việc you hãnh diện khi có “một người như ai", thì you coi lại nghe, me không được như you nghĩ đâu, you càng hãnh diện thì có khi càng thất vọng đó. Lâu nay me không có thơ thẩn gì hết you ạ, đầu óc rỗng tuếch gần như không có cảm hứng gì, để có thể ghi thành lời. You có tiếc bao nhiêu đi nữa, thì chuyện “thơ thẩn” đã rồi! Làm sao quay lại thời gian? Cũng như chúng mình nên an ủi nhau duyên gặp gỡ trên tao đàn tri ngộ chưa có, nên chưa gần kề. Nhưng mà cũng như xa cách một đại dương như đang cách trở bây giờ vậy. You về Việt Nam quá vội vì việc riêng, không cho me biết, không gọi me, thì làm sao you biết Me "không lời đối thoại" hở? Me không muốn you suy nghĩ giùm me, không muốn nói giùm me, nhe! Nhưng Kh có chút bất bình khi đọc câu Huyền viết:
- “Rất chân thành cám ơn bạn đã còn nhớ tới kẻ hèn và chịu khó hồi âm”.

Khang thật sự không thích khi Huyền nói như vậy, chúng ta có một mối thâm giao từ rất xưa, dù không được liên tục trong những năm qua, nhưng không vì thế mà có những suy nghĩ có vẻ lạt lẽo xa cách, và khách sáo đến vậy. Đọc hết cuối thư Huyền xong, thấy lòng mình bùi ngùi vì những lời chân tình, mà như có chút trách hờn trong đó. Kh cũng xao xuyến cảm động khi đọc đến những chữ sau cùng trong thư ấy, rồi Kh lẩm nhẩm một mình hai tiếng: “thời gian, thời gian...”.
Kh dừng nơi đây Huyền nhé. Thân chúc H và gia đình luôn an hoà, như ý và hạnh phúc.
Thân ái,
NTKh

***

Tháng Mười Một năm 2008

Ánh Huyền thân mến,

À, về việc khóa cái USB. Thật ra Kh không thường dùng mấy vụ này, nhưng theo những gì H nói, thì Kh hiểu H muốn dùng software để cất mấy cái files, hay Folder nào đó, để bảo đảm là không ai thấy, coi hay đọc được. Kh thấy bạn muốn xử dụng Folder Protect 5.5 (version). Khang không biết bạn đã install cái software đó vô computer của bạn, gởi file đó dưới dạng Zip chưa? Như vậy H phải extract nó, để thấy được file, sau đó install nó vô máy của H nha. Trong trường hợp H không bung cái Zip file đó ra được, thì H vô link này, rồi download nó direct vô computer của you. Vì muốn biết nó sẽ processing như thế nào, nên Kh cũng download để dùng thử, và qua đó mới biết, mà chỉ dẫn cho H nhe.
- H vô link này. http://en.softonic.com/s/folder-lock-5.5.7
- Khi web này hiện ra, H thấy nó có ghi Folder Lock 5.5.7 (140 program).
- H bấm vào dòng chữ Folder Protection (biểu tượng là cái chìa khoá), nó sẽ hiện ra bảng menu Free Download.
- H bấm vô đó, nó xuất hiện cửa sổ download, H chỉ cần bấm vào nút có chữ Start Download.
- Một menu khác sẽ hiện ra, you bấm vào nút OPEN. Lúc đó sẽ có menu Folder Protection Download Process xuất hiện, và you chỉ cần bấm vào nút Accept.
- Bảng menu Default TAB xuất hiện, you bấm vào nút Custom (nếu you không bấm vào Custom, mà để nguyên nút Express, thì khi installing, nó sẽ tự động install thêm mấy cái search homepage không cần thiết vào máy, sẽ làm “mệt” You thêm hi hi). Bấm nút Custom xong, đừng bấm vô 3 cái ô vuông bên dưới làm gì (skip mấy cái nút đó), mà chỉ cần bấm Next.
- Một bảng menu mới có tên Softonic xuất hiện, you bấm gỡ bỏ cái mark mà nó default trong cái ô vuông, có chữ Download and Install Softonic, xong chỉ việc bấm tiếp Next. Chương trình sẽ install cái software Folder Protec cho you.
- You chờ mấy giây, sẽ thấy một bảng có tên Folder Protector hiện ra. Phía dưới cái khung màu vàng, bên tay phải, you sẽ thấy một cái icon như cái hộp mở nắp, đưa con chuột vào đó, you sẽ thấy có chữ : Select Folder To Protect, you bấm vào cái icon đó, để nó hiện ra tất cả thư mục, trong các hard disk xong, you bấm chọn cái folder nào, hay disk nào, hay USB mà you muốn protect nó.
- Tiếp theo là you cho password vào 2 cái window (với 2 giòng Password và Re-type, cái này thì you rành rồi) xong You bấm vào ô chữ Protect.
- Một bảng menu có câu hỏi Do you want to Protect? lúc đó thì chắc chắn you phải bấm chữ OK rồi, phải hông? He he. Như vậy là xong.
- Lúc này trên màn hình desktop của you sẽ có một biểu tượng Lockdir với cái ổ khoá bự chảng! Sau đó, khi cần xài, thì you bấm vào cái ổ khoá đó, nó sẽ hỏi password, you điền pass vào, phía dưới có 3 nút theo thứ tự: Virtual. Drive. Temperory. Complete mà trong đó tác dụng của nó là:
- Virtual Disk: Khi bấm chọn ở nút này rồi, bấm Unprotect ở phía dưới, nó sẽ cho you thấy dữ liệu đã được protect, để you làm việc với dữ liệu đó (nó như một disk ảo, để you làm việc) do đó khi bấm tắt chương trình, thì dữ liệu vẫn được khóa như ban đầu. Lúc này những folder, hoặc file nào mà you chọn protect, và có để shortcut folder, hay files đó trên màn hình destop, thì những files và folder đó sẽ ẩn luôn, không ai thấy được.
- Temporary: nút này sẽ có một menu xuất hiện, nếu để nguyên menu này, là you có thể làm việc với dữ liệu đã khóa, nếu tắt menu này, folder sẽ tự động khóa lại như ban đầu, nếu click Cancel Protection, lúc đó các folder sẽ được mở khóa hoàn toàn, vô hiệu việc protect! Cũng vậy, lúc này những folder hoặc file nào mà you chọn protect, và có để shortcut folder, hay files đó trên màn hình destop, thì những files và folder đó sẽ ẩn luôn, không ai thấy được, giống như đã nói trên.
- Complete: Khi you chọn nút này, và bấm nút Unprotect, nghĩa là you đã hoàn toàn mở khóa các folder, vô hiệu việc protect. Nếu vẫn có những rắc rối về password, hay cần hiểu thêm thì you vô link này, để xem. http://www.kakasoft.com/folder-protect/how-to.html
- Me hy vọng với những chỉ dẫn này, you sẽ làm được.

* Vấn đề không phải là window 10 hay 9 - hay 8. Win nào cũng được. Có điều you thao tác có đúng không, có chọn đúng software để install hay không. Trong đó có ba mục. Chọn cái như Me đã chỉ cho you. Trên trang giấy cũng có ghi software đó. Nếu you không làm được thì nhờ ai đó biết rành về computer và cài đặt software, để nhờ họ làm giúp. Me không thể chỉ dẫn gì thêm được vì không nhìn thấy. Sorry.

* Mỗi cellphone chỉ được xài một số cho viber thôi. Khi you về VN you unlock cái phone của you, để có thể xài sim VN, sau đó you cài viber vào phone của you với số phone cái sim của VN.vi. Vậy bây giờ you đi tới đâu đi nữa, thì khi you dùng viber để liên lạc với mọi người, thì cái sim VN vẫn active, vì viber đã lưu số đó. Bây giờ nếu you muốn bỏ viber mang số VN, thì you phải uninstall viber, bỏ hẳn ứng dụng viber trong phone của you. Khi đã gỡ bỏ viber xong rồi you install viber trở lại. Lúc cài ứng dụng viber lại, thì viber sẽ register với số phone của you tại Mỹ. Sau đó you dùng viber mới là chính số của you tại Mỹ. Chỉ có vậy thôi you. Viber thì bên Vietnam xài lâu lắm rồi, và gần như ai cũng biết xài mấy cái free này như Viber, Zalo, Tango, WhatsApp, Messenger (của Facebook) v..v... nếu có smartphone, để gọi hay gởi message thoải mái.

* Me rất đồng ý với You ở điểm nầy, có chút hợp nhau hỉ! Chúc mừng you đi chơi đây đó ở Pháp, Thụy Sĩ, Rome, Phần Lan, Thái Lan. Mã Lai và VN… Thấy ảnh you chụp các địa danh mà thèm! Nay H đã về nhà bình an. Cũng có phần nào ngạc nhiên khi thấy thư đi khá lâu, mà không có hồi âm từ you. Me nghĩ rằng chắc you không được khỏe, thì ra you bận lên xe xuống ngựa, lên tàu xuống máy bay... do You bận lữ hành đi du hí... Về chuyện vé máy bay của VietNam Airlines đi Mỹ 990 USD/khứ hồi (chưa bao gồm thuế và phụ phí).
* You thấy đó chỉ là giá vé quảng cáo để bán, mà chưa bao gồm thuế và các phí. Khi cộng các thứ đó vào thì giá vé sẽ trên dưới hơn $1,300.00 you ạ. Cũng như các hãng Hàng Không giá rẻ tại Vietnam rao bán giá vé từ Saigon đi Nha Trang hay Đà Lạt chỉ khoảng 280.000 đến 300.000 đồng/một chiều, nhưng khi mua vé thì cộng thuế và các loại phí vào, lúc đó giá vé sẽ khoảng 600.000 đến 700.000 đồng cho một chiều đi.
Do vậy khi thấy giá vé rẻ, vào đặt vé online sẽ thấy giá cuối cùng phải trả không như họ quảng cáo. Me thường mua vé cho ngươi nhà đi Nha Trang, Huế... có khi Me đi, cho nên Me rành về việc giá chưa bao gồm thuế và các loại phí. Me chưa nghĩ đến chuyện đi thăm "đất khách quê người " vì dù vé may bay có rẻ, thì cũng không có ngân khoản để đi, hi hi… vì đâu phải chỉ mỗi tiền vé máy bay không thôi, mà còn những thứ khác nữa, đúng không You? khi nào có dịp thì Me sẽ đến thăm You nhé!

Cám ơn đã có thư thăm me và gia đình, me vẫn bình yên tuy rằng cuộc sống đôi khi cũng không được vui, nhưng đã là cuộc sống, thì khó mà toại nguyện mọi điều. Bây giờ thì lòng dạ me ngỗn ngang không biết viết gì đây! Kh sẽ viết cho H khi bình tâm trở lại nhen. Nhưng có một điều để nói ngay lúc này là: tình thân giữa bạn và Kh vẫn như năm cũ... Hy vọng là thư nầy sẽ đến You sớm nhất sau khi me đi đánh tennis về, và… You sẽ nở nụ cười bình an thư giản. Mình vẫn nhớ bạn dài dài từ thuở trước đến… hôm nay và ngày mai trong tương lai bền lâu. Vài hàng thăm bạn, Me muốn gởi theo thư nầy một lời chúc tốt đẹp đến người bạn xưa: Chúc You và gia đình có những tháng năm vui vẻ, hạnh phúc, dồi dào sức khoẻ, có những việc thường nhật mà you an vui lành mạnh đã kể. Huyền chú ý giữ gìn sức khoẻ và giữ tâm an, thanh thản với mọi điều ước mơ trong cuộc sống nhen.
Hẹn gặp lại you.
Thân ái,
Ngô Trọng Khang
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
04-14-2019, 01:59 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1361943899.jpg
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1361944166.mp3
Chia Sẻ Ngọt Bùi


Chiến tranh đang vỡ bung ra… nhiều cột khói lửa đỏ rực khắp nơi trên đất nước. Tuy nhắm mắt lại, Đan vẫn thấy đóm mắt hỏa châu thả xuống đỏ rực góc đồi. Giao tranh càng bi thiết, bàng hoàng kinh dị. Nơi nầy cường độ hung hăng chém giết lên tột đỉnh. Tàn ác xâu xé cuồng loạn nhất (ghê gớm hơn cả cảnh Mục Liên Thanh Đề đi thăm điạ ngục). Tiếng mưa trái muà đỗ trên lá rào rào không thể xóa hình ảnh anh Nguyễn văn Năm, lính Thủy Quân gục xuống hố cá nhân, anh giống thân cây kiền kiền bị đốn ngã, khi đại liên 12 ly 7 quạt rát bỏng ù tai, làm tan nát đớn đau lòng người. Đấy là lần đầu tiên trên đường binh nghiệp Đan giương to đôi mắt kinh hoàng chứng kiến đồng bạn kêu gào, co giật từng cơn hấp hối.

Đan cảm thấy toàn thân nóng rang, phừng phưng luồng khí nóng phẫn nộ dồn lên mặt, nước mắt tiếc thương bạn ứa ra khoé mi lúc hai hàm răng Đan nghiến lại. Trước khi chết chẳng hiểu tại sao họ ngáp rất nhiều, ngáp hoài ngáp mãi, sau đó họ ngáp chậm lại, từ từ chậm lại, vài phút ngáp một lần, và rồi năm bảy phút họ mới uể oải ngáp một lần, ngáp nấc nấc lên thưa dần, lâu dần và tắt lặng, yên ắng hẳn. Họ đã xuôi tay vĩnh biệt chấm dứt cuộc sống. Ấy là lúc mà ranh giới thiêng liêng cuả sự sống và cõi chết đã thực sự đối diện, khốc liệt, tàn nhẫn, lạnh lùng chạm trán nhau chỉ trong vắn vỏi tích tắt thời gian, hầu phân định rõ ràng biên giới âm dương về một mạng người.

Hai thế giới kinh khủng của một kiếp người đã hoàn toàn đóng ập lại. Hai phân giới vô hình nhưng minh định rõ ràng không thể chạm vào nhau, dù chỉ qua một lằn ranh vô cùng mong manh như sợi tóc! Hằng ngày Đan chạm trán, va mặt với tận cùng chiến tranh gian nguy, cường độ đớn đau tăng mãi trong đời, Đan cúi đầu đón nhận tang thương người khác vò xé, nghiền nát cục sạn đắng cay trong hai kẽ răng, Đan cố nuốt vào lòng. Dần dần rồi quen với bối cảnh tàn khốc ở hiện tại, nhưng cục sạn không trôi vào bao tử, mà dội ngược vào tim anh, chạy lên đầu óc đau buốt đầy thống khổ, như xác định mình hiện hữu. Đan tha thiết mong đóng góp một phần đời bé nhỏ, cho người thân quen vui sống chút tháng ngày an thư. Chứ anh nào muốn phải làm chứng nhân lù đù để chứng kiến cảnh cuồng nộ, thống khổ, bi lụy khốn cùng đang trào máu mắt!

Sáng hôm sau, bầu trời Minh Long ấm áp đang quang rạnh bỗng chốc vần vũ mây đen, và cơn mưa Xuân trái mùa bất ngờ ập đến, mang theo làn gió rét căm căm. Thật là “gió mưa là bệnh của Trời!”. Mặc dù thế đơn vị tác chiến nơi biên thùy vẫn ăn mừng chiến công anh dũng của quân nhân Cộng Hòa Việt Nam. Giống như J. César sau trận Pharsale, như Napoléon sau trận Austerliz vậy. Nơi nầy giàn nhạc trỗi dậy âm giai tuyệt diệu bổng trầm ve vuốt, mong xoá nhòa mọi bi thương đau khổ cuộc đời qua các tiết mục: Tuyên dương. Liên hoan. Văn nghệ cho người lính quên đi gian khổ nhọc nhằn, có khi chết chóc đang gần kề sự sống.

Giữa lúc chiến tranh thực sự dày xéo lên quê hương. Ngoài xa thật xa xa kia, từng hồi đạn và trái phá rền vang ầm ầm bùm bùm bùm… Oằng oằng oằng… Pằng pằng pằng… Tạch tạch tạch… làm rung chuyển dãy nhà tôn kêu rè rè. Khói lửa cuồn cuộn bốc lên từ góc biên cương không xa lắm. Thế mà nơi đây người ta cất cao tiếng hát: "Ngựa phi, ngựa phi đường xa. Tiến lên đường cát trắng trắng xoá..." Hoặc hát bài ca than khóc tình yêu..."yêu ai yêu cả một đời... Lòng vẫn biết nếu yêu rồi một ngày sẽ đến với đớn đau..." Thật chả ra làm sao cả!

Hoà tựa đầu vào góc tường nhìn thiên hạ hoan ca, một tay chống lên bàn kê dưới cằm. Đan mơ màng ngồi kề bên với khói thuốc không đầu lọc. Hai người hợp nhau ở chỗ ít nói, trầm tư giữa nơi đông người. Mãi lâu, Hoà hơi nghiêng đầu về bên vai anh, khe khẽ:
- Trông anh có vẻ buồn.
- Vương Tích đời Đường nói: "Mặt nhìn ai nấy đều say cả. Còn một mình ta nở tỉnh sao". Anh buồn vì anh say. Hoà biết anh say gì không?...
- . . .
- Không hả? Anh say men đời đó em.

Hoà kính trọng Đan, một cảm tình thân ái, rụt rè, bẽn lẽn. Anh có phong thái ung dung, điềm đạm, trầm tư và sao mà nhã nhặn quá dỗi. Sau giờ liên hoan, Hoà chia tay anh về nghỉ bên lều trại của mình. Hoà đã nhận lời cùng Đan chiều nay sẽ cùng nhau đi ngắm hoàng hôn lặn bên bờ suối nơi miền núi ngút ngàn thâm u.
Đến giờ hẹn, Đan vào cổng trại kịp lúc Hoà vừa bước ra. Hai người chầm chậm dạo bước bên nhau. Ráng chiều lượn khúc giữa hai bờ lau sậy lô nhô. Dòng suối lặng lẽ trôi, lấp lánh, êm đềm uốn mình trong nắng vàng hanh. Cảnh vật nơi đây thật đẹp như trong bức tranh vân thủy. Núi cao chót vót. Mây trắng bay bay từng đám dày (giống đàn cừu nhấp nhô cúi đầu lủi thủi gặm cỏ trên núi). Họ vòng theo con đường mòn đất đỏ ngoằn ngoèo, dọc những hàng cây sim tim tím mọc chằng chịt, có trái sim chín xinh xinh, mòng mọng và tròn úc núc. Có con đường dẫn đến một bờ đất là nệm cỏ xanh um, mấy tảng đá to thoai thoải nhô mình lên khỏi mặt nước. Phiá trời Tây trần mây thấp giăng tơ mờ mờ là trại giam hình sự kiên cố, lao tù lạnh lẽo, nhìn như hoang phế trầm mặc, cô liêu và u ám nầy đã có lâu đời từ thời Pháp thuộc.

Gần đấy là trường sơn xa tít tắp, núi tiếp núi trùng trùng điệp điệp chập chùng, đồi tiếp đồi mù mịt sau những bè mây xám bềnh bồng, chen cánh những đài mây ngà lướt thướt lả lơi bay bay về nơi vô định. Trời nắng gắt đã phủ trong lòng rừng cây rậm rịt màu đen xám, rừng chạy dài xa tít tắp về chân trường sơn, độ dày lá mục ở rừng già quá dày, có những trảng tranh sắt cạnh càng rậm rạp cao gần tới đầu Hoà. Rừng cây cổ thụ chen lẫn mấy rừng mai vàng óng ả. Trời chớm bắt đầu chuyển sang mùa Hạ, tuy vậy rừng mai nở rộ pha nét chấm phá diệu kỳ đan bện trong rừng cây xanh lục. Tạo hóa trớ trêu đã tạt vào thiên nhiên hữu tình những ngọn đồi đá sắc. Vực sâu thăm thẳm, hoang vu. Dây leo chằn chịt những thân cổ thụ sần sùi, tuy già nua sần sùi mà sum suê. Chim hót lảnh lót, vượn hú kêu đàn đìu hiu. Bầy sóc tung tăng. Khỉ nhí nhảnh chí chóe líu riú gọi nhau. Quạ nhốn nháo đập cánh đen, vụt bay đi, kêu: Quạ! quạ!

Ngồi xuống trên một mỏm đá rất sạch, gần bên tàng cây cổ thụ rợp bóng mát, hai anh em trao đổi với nhau về sở thích, sở trường, cùng lập trường, hoài bão. Hoà nói lên cảm tưởng của mình khi quen Đan:
- Anh Đan à! Em thấy quý mến người lính lội qua sông Nghĩa Phú ghê nơi… Bởi vì "ảnh" chỉ đơn thuần là người lính. Thấy em, ảnh nhớ người yêu rất xa.
- Thời vàng son ấy chỉ âm vang trong ngăn kéo kỷ niệm.
- . . .
- Em còn muốn hỏi anh điều gì nữa! Hở Hiếu Hoà?
- Thật ra, em muốn hỏi nhiều về anh. Để làm gì, em không biết, nhưng vẫn thắc mắc tự hỏi: “Giờ nầy ở bên Tây, chị Đan và cậu tí hon làm gì nhỉ”?
- Cám ơn em. Em chu đáo quá. Rất tiếc bây chừ anh vẫn độc thân.
- Chưa chắc ạ!
- Nè em… Anh kể em nghe câu chuyện nầy nhe: có ông vua Midas là vị Hoàng Đế oai phong, được muôn dân qúy trọng. Buồn một nỗi là vua có dị tướng. Không ai biết. Chỉ có anh thợ hớt tóc biết dị tật nhà vua mà thôi. Sợ mất đầu, không dám nói điều ấy với ai, anh thợ bứt rứt khó chịu tìm chỗ vắng đào hố sâu ghé miệng nói:
- "Vua có tai bò".
- Rồi anh ta cười khoái chí, nghĩ rằng không ai biết. Ngờ đâu, ít lâu sau, tại đó mọc lên bụi tre, hễ có gió là phát ra tiếng "Vua có tai bò". Chẳng bao lâu, khắp cả nước đều biết điều bí mật của Vua.
- Anh nói có sách mách có chứng. Em phục.
- Còn từ nào hay hơn. Em cứ đem ra tán tụng anh đi.
- Anh cho phép?
- Bởi vì... anh thích nghe em nói chuyện.
- Tại sao?
- Có trời mà biết.
- Em hỏi anh: Anh chưa biết anh, thì làm sao em biết chuyện vua Midas có tai lừa, tai bò hỉ? Cũng như chuyện anh còn độc thân, mồ côi vợ đầm, chưa có con tây. Em phải xét lại à nha.
- Anh chịu phục là em thông minh, khôn ngoan đáo để. Em cứ cho anh vào tròng, rồi trêu ghẹo hoài. Vậy mà đôi khi thân nhân của em có thể lo lắng, sợ em sẽ đánh mất cung cách truyền thống gia phong. Nhưng anh tin em đủ khôn ngoan. Anh mừng cho em.
- Bây giờ em thành thật cám ơn anh nhiều.

Đan vui tươi khẽ ca bài: Bạn ơi, quan hà xin cạn chén ly bôi! Ngày mai tôi đã đã đi xa rồi... & Rồi đây mai ngày ai hỏi đến tên tôi. Bạn ơi, hãy nói "khoác chiến y"rồi. Người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên, giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền, có về là khi nước non vui bình yên. & ... Bạn ơi, khi nào ai hỏi đến tên tôi. Đời tôi lính chiến cánh chim tung trời. Ngày nào khi đất nước hết binh đao giữa đoàn hùng binh có tôi đi hàng đầu, trở về thành đô nắm tay ta mừng nhau.

Hoà thích thú vỗ tay tán thưởng, Đan nhìn cô đá lông nheo kịch kịch, anh nghỉ giây lát rồi vui vẻ ca tiếp bài “Quán Nửa Khuya”: Trong đó, anh thích nhất những câu:... Anh là người quân nhân vui gió sương. Câu chuyện tâm tình theo khói sương, tay cầm tay... Dĩ vãng tìm đâu thấy. Như bóng mây chiều, lững lờ theo khói bay. Muốn nhắn cùng thời gian, ai mãi phong trần đi tìm hương cố nhân...
- Trời ơi! Anh hát hay như vậy, sao không "xung pheng" vô ban Tâm Lý Chiến giúp bọn em, anh lại đi làm "pháo thủ trường sơn" hỉ!
- Tại anh muốn câu cả giàn trọng pháo diệt bọn hung tàn.
Anh ngắt nụ hoa vàng không tên bên con suối bạc lấp lánh ánh hoàng hôn xoay xoay, lảo đảo dưới lòng suối ôm bờ lau sậy lưa thưa, Đan ân cần trao về Hoà, kèm nụ cười dịu nhẹ, và hàng lông mi dày cong cong có đôi mắt buồn như mùa Thu êm đềm, xao xuyến sâu lắng của anh. Hoà e dè rón rén giơ hai ngón tay ra, cẩn thận nhón lấy cánh hoa mềm mại, dường như Hoà sợ đụng phải tay anh. Hoà đặt cánh hoa dại be bé trong bàn tay khum khum, dường như nương nhẹ vỗ về.
- Em có chịu... cho anh xin bàn tay đeo nhẫn, xin nốt ruồi duyên trên mặt bé không nào?
- Dạ, dạ... Í dà dá da... dạ…

Hoà đỏ mặt, mỉm mỉm ỏn ẻn cười cười, im im cúi nghiêng nghiêng đầu, nàng lí lí lắc lắc làm bộ nguýt anh một cái thật tình. Ôi! Trời ơi là Trời! Không gian, thời gian, cuộc sống và con người - của giờ phút ngồi bên suối ngày xưa - không phải là - không gian, thời gian, cuộc sống và con người - của giờ phút ngồi bên suối bây giờ. Nhưng sao họ có cử chỉ đằm thắm, ánh mắt dịu ngọt, đầy xao xuyến, đằm thắm giống nhau quá chừng! Hoà và cả Đan nữa, đều cảm thấy choáng váng, như vừa uống chung rượu ngất ngây nồng say. Hai anh chị liếc nhìn nhau mỉm cười ỏn ẻn… hình như bẽn lẽn, trìu mến, lâng lâng ấm áp chút hạnh phúc nhuộm hường trên má ửng… Trong lòng ai nấy cảm thấy đang pha chất men nồng say đắm, ngọt ngào lẫn niềm hân hoan trào dâng lên sóng mắt bờ môi.

Cụm núi xa xa chập chùng tiếp núi gần gần đã ngả màu tối thẩm, mặc dù coi như "đã thân đến thế", nhưng Đan là một quân nhân lịch lãm, tri thức, chững chạc, đứng đắn, đàng hoàng và có tư cách, Đan tôn trọng Hòa và quý mến tình cảm về "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên". Đan đứng lên đưa Hoà trở về ăn cơm ở Câu Lạc Bộ. Anh nói về gia đình mình, nói về thời niên thiếu, hiện tại và tương lai. Tuy dè dặt mà chân thành cởi mở. Sau đó anh tiễn Hoà đến cửa doanh trại khi tiếng kèn tập họp gọi quân nhân điểm danh trước giờ đổi phiên gác đầu hôm. Một hồi súng lớn ùm ùm ùm... pằng pằng pằng... tạch đùng… bất chợt ngân vang xuống lòng thung lũng, tiếng rền rền âm vọng kéo dài mãi. Hai người dõi mắt nhìn về phía chân trời xa hừng hực đám cháy đen nghịt, rồi phút chốc khói lửa phụt lên bung to thành nhiều cây nấm khổng lồ đỏ chói. Thế nhưng ta chả sợ... vì mình đã... "Mình Hứa Bạc Đầu Yêu Nhau Nha":
Em quen biết anh từ mùa xuân sang.
Dẫu mến nhau ngày tháng muộn màng.
Sao cảm thấy như đôi mình rất hạp.
Chung ngắm hoàng hôn, say đêm tĩnh lặng.

Chuyện trò trao đổi dưới bóng hoàng lan.
Nhiều lần mình ngước mắt nhìn ánh trăng.
Hòa hợp chân mây thắm tình hoa phượng.
Nghê thường tấu khúc quyện chung một hướng.

Bóng ngã hôn hoàng tình đẫm yêu thương…
Đôi chân hoan ca gõ nhịp trên đường.
Hai hướng chân trời dù xa cách ấy.
Xuân qua đông lại thu không quạnh vắng.

Tình thương vời vợi giếng mắt hồng hoang
Chiều ân sũng mưa ngàn lả tả tuôn.
Góc trời xanh ta chung tình hạnh phúc.
Hứa bạc đầu yêu mái tóc phiêu bồng… (*)
***

Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng, ngoài mưa khuya lê thê, qua ngàn chốn sơn khê. Non nước ơi, hồn thiêng của núi sông kết trong lòng thế hệ, nghìn sau nối nghìn xưa. Như giấc mơ giữa khung trời phiêu lãng, chờ mùa Xuân tươi sang, nhưng mùa thắm chưa sang. Anh đến đây, rồi anh như bóng mây, chốn phương trời ấm lạnh hòa chung mái nhà tranh. Anh như ngàn gió ngược xuôi, theo đường mây, tóc tơi bời lộng gió bốn phương, nước non còn đó một tấc lòng, không mờ xóa cùng năm tháng... (N V Đông)

Hiếu Hoà hát bài "Mấy Dặm Sơn Khê" xong và trở vô hậu trường thay đổi y phục, cất áo váy vào túi xách, Hoà ôm túi xách vải ra phiá sau hậu trường thì gặp Trúc, Trọng và Đan. Sự có mặt bất ngờ của Đan dần tan biến nỗi u hoài trên sóng mắt cô, như rạng đông làm tan biến chân trời đêm. Đôi mắt ấy, nụ cười ấy đã âm thầm quyến rũ thu hút Đan xích lại gần cô một cách lạ lùng lúc nào chẳng biết. Trong tâm hồn hoang dại, Hoà vui mừng chào đón anh bằng đuôi mắt nheo một đường dài thật lẵng, đẩy đưa nụ cười duyên mời gọi thân thiết, làm xinh thêm khuôn mặt rạng rỡ thân tình:
- Ô! Em không ngờ... gặp anh ở đây.
- Biết các em lên đây từ sáng. Anh cứ đi tìm… mà không thấy em đâu.
Nhanh nhẹn láu táu ngắt lời Đan, bàn tay trái Trúc nắm chặt, có ngón tay trỏ giơ lên xỉ xỉ về phiá Hoà, cô xí xọn cười cười:
- Hoà trốn khi biết có ngọn suối Thần ở bản doanh nè. Còn em hi hi... có hẹn.

Trúc nói và cười híp mắt, cô đi xuống mấy bậc thang gỗ phía sau sân khấu, và đến câu lạc bộ với Trọng. Hoà ngồi lại trên góc cầu thang gỗ, choáng lối đi lên đi xuống. Đan đứng kề bên, một chân anh gác lên bậc tam cấp, đôi giày botte de saut mờ bụi đỏ. Áo quần treillis màu xanh của lính phong sương bỏ trong thùng nai nịt cẩn thận. Một tay Đan ôm nón sắt, một tay chống lên sườn, miệng phì phà điếu thuốc lá không đầu lọc. Hoà nhận thấy hầu như ít khi anh bỏ điếu thuốc ra khỏi bờ môi, Đan “ghiền” rùi ha. Ngoài ra, anh không mang huy hiệu, cấp bậc gì. Nhìn nhau giây lát, biểu lộ niềm khát vọng kỳ phùng, đơn sơ mà chân thật. Hoà mỉm cười nheo nheo mắt ướt trêu ghẹo:
- Anh ở đây coi chừng chết hết mấy đoá hoa rừng à nha. Đừng có léng phéng nghen anh. Thần Núi, thần Hồ, sẽ không buông tha anh đâu.
- Em muốn hỏi anh điều gì nào?
- . . .
Mấy bạn anh nói: “Em xinh đẹp. Ngoan, hiền”. Và, sao... dễ thương vậy!?
- Bạn anh có cho em đi tàu bay giấy không. Hở Đan?
- Anh tin Hoà có đủ thông minh, để lĩnh hội các khía cạnh khác.

Hai tâm hồn nhạy cảm đồng điệu gặp nhau ở tần số cảm thông, thấu hiểu, dễ dàng trở thành đôi bạn chân tình, hầu ngỏ lời tâm sự với nhau. Sau khi biết sơ lượt về Đan, nhìn lại thân phận áo ngắn quần thô vải cứng, giày sờn, Hoà không hơn cô bé lọ lem là mấy. Ngạc nhiên e dè ngẩng nhìn anh, giọng nói Hoà pha chút buồn rầu:
- Không ngờ anh là con nhà giàu sang, ở Huế.
- Con của nhà giàu, chứ có phải tự anh giàu đâu.
- Lại không ngờ anh là... sĩ quan thế nầy.
- Vậy, em ngỡ anh là gì nào!
- Em thích người lính trẻ có đôi mắt u sầu, đã lội qua sông Nghĩa Phú ngày nọ. Trên cầu vai anh ấy không đính cánh mai vàng, mai bạc nào.
- Đó là những danh xưng phù du...
- Em thích bình dị khi nói chuyện với anh.
- Ơ! Anh nói chuyện với em đây, không được bình dị sao?
- Em là lính mới tò te. Còn anh là sĩ quan đã từng trải. Con nhà giàu, lại ở Pháp mới về Việt Nam.
- Sĩ quan hay lính mới, thì dính dấp gì đến chuyện mình quen nhau? Có biết nhau lâu ngày, em sẽ hiểu. Anh không thiết tha, trọng vọng điều đó. Một lần nữa anh mời em vô Câu Lạc Bộ gần đây. Ở đó, em có thể biết ít nhiều về môi trường các anh đang sống.

Hoà e ấp rảo bước bên anh bạn tình cờ đã dẫn đến cho mình niềm vui lâng lâng thú vị, Hoà cố tránh trong lòng mọi huyễn tượng như muốn bừng lên, theo ánh mắt ngời sáng của chàng trai phong sương, và văn nhã nầy. Một tình bạn dù chưa ủ đúng độ nồng như hủ rượu qúy chôn bách niên. Nhưng đủ ân cần ấm áp nồng say, đủ đánh bóng tình tri kỷ thân thương nơi biên cương ngàn dặm quan hà.
Câu Lạc Bộ vừa đủ rộng, các bàn hầu như kín chỗ, Đan dẫn Hoà vào ngồi bên các bạn. Mấy cô nữ quân nhân lạ liếc mắt xéo nửa con ngươi, trề môi dưới ra thật dài, nét mặt “các nàng” hầm hầm, xù xù. Họ vùng vằng, miễn cưỡng, thô thiển kéo chiếc ghế dựa rột rột rột, để né dịch xa xa xa…, dời ghế đi chỗ khác. Đó là mấy cô quân nhân y tá, hay ở ban tiếp liệu: Huyền Nữ, Thúy, Vân, Liên: nhìn bọn xướng ca với đôi mắt vô loại thị dân, miệt đời khinh dể. Hoà không hiểu trong hoàn cảnh hiện tại giống nhau: Cùng một lý tưởng, hoài bão, môi trường chung, quan điểm chung và lập trường cùng ý chí đó, nhất là ta có khối óc và hai bàn tay có thể làm nên mọi chuyện, từ “đôi tay tự tin” nầy có thể thành công; và “đôi tay cao cách kia” có thể thất bại! Ai biết đâu! Ta có khác gì nhau mà "hách xì xằng" quá vậy, hở bồ?
Chưa chắc ai có tư cách, đạo đức, tế nhị, khôn ngoan, thấu hiểu. Ai hơn thua ai. Có cục ghèn ở ngay mắt mình mà không hề thấy, lại cố ý đi khêu tí ghèn trong mắt người khác! Một con mắt buồn cụp xuống, một con mắt giận hờn ngó lên vu vơ… thành đôi mắt lé! Đừng vì cái lon mới cũ to nhỏ... mà nhìn đời bằng nửa con mắt! Bạn ơi! Quan trọng nhất cuả “lính cũ chỉ huy lính mới” là sáng suốt, biết nhận định về một con người, có tấm lòng cao cả, biết hy sinh, nhẫn nhục, chịu đựng gian khổ, và yêu đồng loại. Cũng như bàn tiệc hôm nay đây: có người sảng khoái vui mừng mà uống rượu, cũng có người vì sự thất bại chua cay trong đời, đau xót trong tình yêu, đắng cay, khổ sở vì đời sống không như ý), vân vân...; họ cũng ngồi hàn huyên tâm sự, nhấp chung rượu và chia sẻ nỗi niềm đấy! Bạn à!

Trong buổi tiệc hội nhập nầy, Hoà thấy mấy anh quân nhân bình dị, dù không có sơn hào hải vị, chẳng nem công chả phượng; nhưng đối với anh em bạn, thì họ trao nhau tận tình nhất. Những quý vị do “thời thế tạo anh hùng” như thời Nguyễn Huệ vào Nam, Nam tĩnh; ra Bắc, Bắc yên… coi họ ngồi có cung cách và thứ bậc khác hẳn! Có tên dựa vai dựa vế chú bác ông cha đã thượng đội hạ đạp, văn dốt võ nhát, lại ưa đội trên đạp dưới, bắt lính về nhà cung phụng làm “gia đinh” hầu hạ cho vợ con không chút ngượng ngùng! “Giả nhân cách” và “thật tình cảm” trong đối xử trừu tượng! Bạn hãy xem cái “giả” phong cách ta đây dợt le đang chưng bày nhan nhãn trên huy chương, mề đay… Và coi cái “thật trừu tượng” từ nơi anh lính sạm phong sương với bộ quần áo tác chiến sờn úa, tay lăm le cây súng, họ xông ra ngoài trận tuyến, là: họ luôn chạy ở hàng đầu! Những anh lính đó giống như một giòng nước cuả con nước trống: sẽ thay đổi vận mạng họ nơi giòng xoáy ầm vang khói lửa chỉ vài canh giờ trong chiến trường! Lính “đơ dem cùi bắp” trắng trơn không có một tấm mề đay nào, ấy thế mà họ tự tin quyết chiến, và có trái tim đập nhanh trong lồng ngực quắt quay như ai vậy! Chính vì suy nghĩ thế, nên Hoà rất mến thích & có cảm tình với Đan (khi lần đầu tiên cô thấy Đan không đeo lon ở ngực, hay trên ve áo cấp bậc gì)! Hoà nghĩ anh “chỉ là người lính” đơn sơ rất đáng quý trọng và ngưỡng phục, khiến trái tim Hoà quắt quay lo sợ tột cùng đập nhanh, vì ngộ lỡ khi “chàng” gặp chông gai, thử thách ở chiến trường sôi động. Thì tiếc xót lắm thế thôi!

Ngồi bên trưởng Phòng 5, là anh Trung Uý Phước bạn đồng môn của Đan, Đan gọi thêm ít món ăn nhẹ hợp khẩu vị, rồi nói với các bạn:
- Ưu Thiên đã nói câu nầy: "Ái ưu, cũng có khi nhàn. Thì tiêu khiển trong tiệc rượu, cung đàn, coi cũng nhã". Có phải không các cậu? Hôm nay, tôi hân hạnh mời cô cậu ngồi chung bàn ở đây một phen. Gọi là có chút tình tri kỷ với bạn bè nơi thâm sơn cùng cốc. Các bạn đồng ý chứ!
- Có điên mới không đồng ý.
- Gọi chị Sa tính tiền, ghi sổ. Dứt điểm chỗ nầy cái đã.
- Ơ! Anh Đan mời bạn bên bàn đó. Chứ chúng tôi ngồi bên nầy không phải bạn sao? Nhất là có người đẹp Huyền Nữ nè.
- Phải quá đi chứ.
- Ây. Các anh chị ơi! Chúng mình tự động kéo bàn nầy, nhập chung với bàn bển đi. Bển "dui góa" mà hổng nhập bọn. Thì... cù lần ơi là cù lần. Há.
- Mau lên, kẽo anh Đan đổi ý. Thì buồn năm phút.
- Hay. Nam vô tửu như kỳ vô phong mà!
- Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm.
- Tửu nhập tâm xuất khẩu thành thơ.
- Tửu nhập tâm cữu cuồng tạ thị.

Các cô “quý nương cao sang đài các kiêu sa” kia... lại ồn ào lôi bàn kéo ghế rồn rột mà di dời qua bàn của Đan, họ vồn vã tự nhiên ăn uống nói cười vui vẻ. Dường như họ chưa từng có chuyện bĩu môi, phồng má trợn con mắt lé con mắt nheo đã lườm liếc. Coi như chẳng có chuyện các cô vừa lúc nãy đã vùng vằng kéo mấy cái ghế ồn ào sột sột, soạt soạt, rạc rạc xê dịch ra chỗ khác. Hoà thấy tư cách mỗi con người đã thể hiện trước đám đông, cô có thể đánh giá họ thuộc về hạng người nào! Hoà tương đắc liếc xéo mấy nàng kia, lí lí lắc lắc đá lông nheo gật gù nhếch miệng mỉm cười với họ. Mắc cười thiệt, có lẽ các cô ấy không thể hiểu và chẳng bao giờ hiểu nỗi trong lòng Hoà nghĩ gì: khi ném về họ cái “liếc mắt và nụ cười tình” í hỉ!

Hoà quay lại nhìn Đan e dè lơ qua chuyện khác:
- Ở đây không bị cấm uống rượu à! Anh?
- Không hạn chế, nhưng họ tự biết mình phải thế nào. Khí phách nam nhi không cho phép "tửu nhập tâm như cữu cuồng tạ thị". Em đừng lo! Trong hương hoa đôi khi cũng có chất làm cho mình say hơn rượu đó em. Vài ly bia, hoặc tất cả anh em đây dùng chung một chai rượu ngon hiếm qúy, thì đã sao!

Thế là, “các công nương kiêu sa đài các và qúy anh bạn” tự nhiên vui đùa bên nhau. Đan liếc thấy Hoà có vẻ nhút nhát e dè, coi bộ hơi khó chịu do “nễ hay ớn” mấy cô lạ kia há, Đan trìu mến mỉm cười, giọng nói thì thầm bên tai em dường như anh có ý thức sâu sắc về nỗi khổ tâm:
- Theo anh nghĩ: Vì lý do đặc biệt nào đó, em phải lặn lội với cuộc sống một cách miễn cưỡng. Ở lứa tuổi nầy, lẽ ra em phải là con chim én, nếu không là con sáo lém lĩnh ha.
- Cám ơn anh. Ít ra, có anh nghĩ... đôi chút về em.
- Tình yêu và đời sống. Hai từ nầy dù khác biệt, nhưng ràng buộc mật thiết với nhau. Em à. Không nên thất vọng, có hy vọng mới nuôi sống mình trên đường đời buồn ít hơn vui. Đó, Hoà thấy không? Anh lạc quan ha! Anh muốn gởi đến em lời chúc thế nầy nhé: Dù trong thách đố, trở ngại nào. Em nhớ bình tĩnh, sáng suốt, có nhiều nghị lực để vượt qua. Anh ở phương nầy sẽ cầu nguyện cho em mãi.
- Em không nói cảm ơn anh. Có lẽ khách sáo và dư thừa.
- ... Tuy anh mới gặp em đôi ba lần, nhưng sao anh cảm thấy thân, thương... và gần gũi em lạ lùng! Anh mong tâm tình với em ít phút. Việc anh vừa nói trên kia về rượu: em à, một chai rượu ngon và qúy hiếm, cũng giống như tình yêu ngọt ngào vậy... Khi biến chất (do nút chai đậy không kỹ chẳng hạn) thì rượu trở thành dấm, chua lòm, nhạt phèo. Ta có đỗ bỏ hay đập nát chai rượu, chai rượu bể nát không thể hàn gắn nguyên vẹn trở lại; nếu sơ ý thì những mãnh thủy tinh vụn cứa đứt tay, chảy máu, đau ghê lắm, và để lại vết sẹo suốt đời. Thế nên mình cẩn trọng và giữ gìn... Khi đã mất đi những điều hiếm qúy, ta không nên tiếc nuối làm gì, hãy quên đi và vui sống nha em.

Hoà cúi đầu suy nghĩ câu Đan nói, nụ cười mỉm chi nở trên bờ môi vụng dại. Đan trìu mến trao cho cô đôi mắt mùa Thu êm đềm. Tất cả rời khỏi Câu Lạc Bộ khi kèn vang vọng báo hiệu nửa đêm. Trăng lá mít mảnh dẻ, nhẹ nhàng trôi giữa muôn cuộn mây xám đục. Như con thuyền bồng bềnh, nhấp nhô trong tảng băng nức nẻ trên không trung ướt át sương mù buông lã. Mưa rừng ngày hôm trước ào ạt đổ xuống khu trường sơn rậm rạp, vô tình cây lá được thiên nhiên kỳ cọ rửa sạch trơn, đã bóng mướt dưới ánh trăng bàng bạc lung linh. Tiết trời miền núi buốt giá, sương muối rơi lộp độp trên ngọn lá lóng lánh ướt sũng ánh trăng, khiến ai nấy đều bị nứt môi, lạnh nổi da gà, run lập cập, họ xuýt xoa hà hơi chà đôi bàn tay vào nhau cho ấm chút xíu.

Đan cầm những khúc bánh mì kẹp thịt, mấy bi đông nước trà nóng, anh đi một vòng thị sát đến từng điểm gác di động kép. Cứ hai người đi lui đi tới gác chung ở một phần tư khu doanh trại. Thành ra góc nào cũng có lính bồng súng gác đêm, họ giăng rộng đôi chân ra, giữ thăng bằng thân mình trên đôi giày đinh sờn cũ. Cấp chỉ huy đối với lính lúc nào cũng cần có sự dung dị, hoà ái, tha thứ, yêu thương, tận tình hướng dẫn, đồng thời cấp chỉ huy nghiêm minh thi hành quân kỷ, (nếu thuộc cấp phạm kỷ luật)! Đan đưa quà tận tay mấy chú lính. Thật vô cùng khổ cho người lính cơ cực, ngày họ đi xuyên rừng lội suối, leo đồi, vượt núi; đêm đêm họ phải chia nhau ra canh gác cẩn mật ít nhất là vài ba giờ. Cơm không kịp ăn, không có nước uống, ngủ không tròn giấc, khỏi nhìn đồng hồ họ chỉ nhìn trăng lên, trăng lặn, nhìn sao hôm, sao bắc đẩu, sao băng, sao mai.

Từng giờ. Từng đêm, họ khều nhau đổi phiên gác canh thâu. Dẫu vậy họ hân hoan, vui vẻ với niềm hãnh diện được làm anh lính miền Nam Cộng Hòa Việt Nam. Thân thể họ rạo rực dưới sức lôi cuốn tình đồng đội an hòa. Nhịp bước họ nhún nhảy coi vô-tư-lự tươi trẻ hồn nhiên như cái resort, dù ba lô trĩu nặng hành trang đầy bụi đỏ dặm trường. Những người lính trực chiến trên chiến trường không ai khác hơn là chính họ đương đầu với chiến cuộc! Cho dù danh nghĩa “đơ dem cùi bắp” nghe vừa tức cười trong cái quê mùa cục mịch nông thôn, đồng ruộng, lại càng có vẻ như giễu cợt người lính cà tàng thấp cổ bé họng; thật tội nghiệp làm sao ấy. Họ là những con tốt thí thân trong cuộc cờ chiến tranh. Cấp trên cũng không thể đoan chắc rằng không có người lính nào bị thương, hoặc tử thương khi xung trận. Vậy thì để bảo vệ chính thân và đồng đội, thì chính quân đội ấy phải xã thân - vì quê hương và dân tộc- mình hiên ngang oai dũng bước thẳng tới trước. Họ vẫn biết rằng: thân phận một người lính khi trở thành thương phế binh; thì ví như đôi giày đinh đã bị hư nát mất một chiếc, chiếc còn lại người lính sẽ phải tiếc nuối phế thải vứt giày đinh đi. Thế là không còn lính hợp quần gây sức mạnh, dù danh tướng có tài ba cách mấy, nếu không có quân, chắc chắn chưa thể làm nên đại sự!

Mỗi đêm dài hiu hắt nơi rừng sâu nước độc, Đan đến với họ lúc người lính cô đơn ôm súng gác giữa khuya muôn trùng lạnh lẽo giá rét. Anh ân cần sẻ chia chút ngọt bùi ấm áp tình người. Không phải họ qúy mến Đan vì khúc bánh mì, vì ca nước nóng. Mà, do phát xuất tận đáy lòng họ sự kính yêu Đan có tư cách, bao dung, từ tâm, và độ lượng. Do Đan chí tình thương yêu cảm mến lính, và anh tự xích lại thân thiết với thuộc quyền, không phân biệt giai cấp, nên đã tạo cho nhau niềm cảm thông sâu sắc, thấu hiểu, gần gũi, gắn bó, chia sẻ, an ủi và thắt chặt tình đồng đội càng thắm thiết hơn.

_ * _

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
06-20-2019, 03:36 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/pics2018/1561001367-1 ho 69.jpg

/uploadpics/mp3pdf_2018/1561001475-Da Lat hoang hon.mp3
Thắng Cảnh ĐÀ LẠT Thương Yêu
(Từ Đà Lạt đến Krong Pha)


Đây! Thành phố Đà Lạt tuyệt diệu luôn mờ mờ ảo ảo lả lơi buông bức rèm thiên nhiên diễm kiều, ẩn hiện nhạt nhòa sau làn sương ẻo lả, mỏng manh. Khúc xạ ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua lớp khí quyển ướt ẩm, khô, lạnh, đã tỏa bảy tia quan phổ: đỏ, vàng, lam, chàm, lục, cam, tím. Mưa phùn phản chiếu tia nắng ở góc nhọn 42 độ, tạo thành chiếc cầu vồng ánh đẹp rất rõ. Đám mây mọng nước nũng nịu ẻo lả giăng tơ trời kéo lê thê sau lưng ngôi trường Grand Lycée Yersin.
Tôi thơ thẩn thả gót phiêu bồng đi mãi miết trong lòng đô thị tĩnh mịch, cho đến khi phố đêm len lén tràn về, ướt sũng từng cơn mưa phùn đậu trên mái tóc bện quyện lại với nhau, thì về khuya dường như bầu trời càng lắng đọng im ru bất tận, yên ắng lạ lùng đến ghê rợn; dù thế cảnh vật trở nên thơ mộng giữa khí lạnh tê tê, buốt buốt, dịu dàng mơn man vuốt ve da thịt. Những thứ đó đã trìu mến quấn quýt ăn sâu vào lòng người. Đà Lạt càng dễ yêu, thi vị, duyên dáng, thơ mộng và quyến rũ xiết bao bừng dậy nơi nơi!

Đà Lạt an ngự ở miền Cao Nguyên Trung-phần trên độ cao 1.475m (nếu Đà Lạt trên cao độ 2.163m > tính từ mặt biển lên chóp đỉnh núi Lâm Viên). Đà Lạt ở tọa độ 11/o 48’ 36” – 12/o 01’ 07” vĩ độ Bắc và 108/o 19’ 22” đến 108/o 36’ 27” kinh độ Đông. Đà Lạt: Bắc giáp Lạc Dương. Đông & Nam giáp Đơn Dương. Tây Nam giáp Đức Trọng. Đà Lạt là vùng khí hậu Á Ôn, nhiệt độ trung bình một ngày khoảng: 17/oC > 20/oC, thấp nhất là 11/oC. Khí hậu Đà Lạt rất thoáng mát, trong lành dễ chịu, nên ưu đãi nhất đối với phụ nữ và trẻ em da dẻ họ luôn trắng trẻo hồng hào mịn mượt. Ngoài cư dân tứ phương quy tụ về vùng “hoàng triều cương thổ” Lâm Viên nầy, còn có sắc dân: Thái - Thổ - Nùng – Tày – Mường – Mán - Hoa (Tàu) - Thượng (Thiểu số) K’Ho - Mạ - Chu Ru – M’ Nông.

Thị xã Đà Lạt nằm trong Tỉnh Tuyên Đức bao la rộng lớn, gồm có ba Quận: Đức Trọng. Đơn Dương. Lạc Dương. Đà Lạt là vùng đất đỏ bazan và nâu-vàng; tụ bồi phù sa phì nhiêu từ suối, hồ, thác. Không những Đà Lạt là thắng cảnh thiên nhiên thơ mộng rất ngoạn mục, diễm lệ, trữ tình… mỗi khi du khách ghé tạt về thăm, mà Đà Lạt giàu về tài nguyên quốc gia quý như: Gụ, cẩm lai, sao, tre, nứa, lồ ô… nhiều rừng thông bạt ngàn hai lá, ba lá cao ngút, rừng hỗn giao lá rộng, rừng lá kim, rừng tre nứa... Toàn tỉnh Tuyên Đức có độ 20 loại khoáng sản: cao lanh, than nâu, boxit, than bùn, sắt, rubi, saphia, opan, bentonit, diatonit, vonfram, đất sét, núi đá, thiếc, chì, kẽm, vàng, thạch anh tinh thể, v.v… Kể cả các vùng núi rừng có rất nhiều vàng non... nhất là vàng ở vùng núi đồi hiểm trở ở Taing xa hun hút.

Đà Lạt có hai mùa rõ rệt: nắng và mưa. Mùa mưa dầm từ cuối tháng Năm kéo dài đến tháng Mười Một. Mùa gió thịnh hành nhất vào mùa Đông lại là gió từ hướng Tây. Tuy thế khí hậu vùng Cao Nguyên Lâm Viên nầy khá dễ chịu xen lẫn độ ẩm. Mùa ráo khô từ tháng 12 đến đầu tháng 5, bầu trời thanh thoáng mát rượi, luôn có nắng ấm độ ẩm chan hòa. Thương làm sao thành phố Đà Lạt chập chùng uốn lượn quanh những đồi thấp núi cao luôn mờ mờ ảo ảo, nhạt nhòa ẩn hiện sau làn sương ẻo lả, mỏng manh.

Mùa Xuân ấm áp và rực rỡ với những đồi hoa Anh Đào, những con đường đầy hoa Mai nở rộ, tới những ruộng hoa muôn sắc muôn màu. Mọi người vui vẻ tưng bừng hẹn nhau lên chùa hái lộc, đi du xuân, chúc Tết, tiệc tùng, v.v... Nước ban mai ở các khe đá, suối, hồ, khe, chưa chảy kịp, thì nước buổi chiều đã dâng lên cao; chảy xối xã suốt tháng năm về bao con thác ở cuối nguồn. Cơn say gió bão dật dờ muà Đông cũ đã qua mà còn luyến tiếc, len lén mang khí lạnh ào ào bay về, nắng lấp ló ve vuốt bên thềm năm mới; như trêu nghẹo nàng Xuân se sẻ ỏn ẻn chúm chím nụ tình.
Mùa Hè là đầu mùa mưa, mưa đêm nầy qua ngày tháng khác trên núi đồi cao ngất, ngút ngàn. Muôn triệu hạt mưa nặng trĩu, to tròn rơi bồm bộp trên mái tôn, mái ngói. Tôi yêu tháng ngày mưa dầm không biết mệt, bầu trời luôn ảm đạm, dù mưa nhưng khí hậu ấm áp. Thỉnh thoảng lâu thật lâu có kèm theo mưa đá hột to hột nhỏ. Dì cháu tôi thích thú nhặt mưa đá bỏ vào ly (trong khi những người làm vườn thấy mưa đá, là họ lo buồn rầu rĩ; vì nó hủy hoại hoa màu tan nát, hư hỏng rất nhiều loại hoa trái và rau.
Mùa Thu bên những triền đồi rưng rưng lá vàng lắt lẻo đong đưa cài trên cành cây cổ thụ. Màu vàng cuả rừng cây gỗ quý quyện lẫn màu xanh và nhạc thông rì rào reo trong gió. Lá rừng hợp với màu vàng sáng từ bình minh len lỏi dọi xuống, hoặc nơi ráng chiều hiu hiu hửng lên trong kẽ lá. Những cơn mưa phùn lăn tăn vào độ cuối Thu chuyển hạt nhỏ li ti như bụi phấn, nhẹ tênh, âm thầm lả lơi đậu trên mái tóc lữ hành. Khiến lòng mình cảm thấy xao xuyến mấy nỗi bâng khuâng man mác, dìu dặt đường tơ mênh mang rung lên từng hồi trên những phím loan.
Tôi thương mỗi chiều gió mùa Đông Bắc lồng lộng vút trên đỉnh núi cao, sấm sét chớp lia lịa ở góc trời lúc choạng vạng, gió uốn cong cành cây mimosa nghiêng ngả, thân cây đau đớn rên rĩ vặn mình kêu rắc rắc, dường như muốn gãy. Chùm hoa mimosa ướt sủng nước rên rĩ quật lui quật tới đã tả tơi, hòa với tiếng sấm chớp gầm thét dữ dội, thấy mà thương. Gió hú từng hồi kinh dị trên sườn đồi, gió lọt qua khe cửa rít lên vút vút nghe ớn lạnh, buồn bã đơn điệu vô cùng. Gần về cuối Đông trời vần vũ mây xám, từng cuộn mây nặng trĩu ùn ùn bay ngang đầu, khiến núi đồi mất hết rồi bộ cánh rừng xanh tươi ngày vui khoe sắc lá. Những cơn mưa lăn tăn chuyển thành triệu triệu hạt nhỏ, nhẹ tênh như bụi phấn, đó là những cơn mưa phùn đơn điệu âm thầm lả lơi, cố níu giữ thời gian ngừng trôi mà đậu trên mái tóc lữ hành.
***
HỒ : Đà Lạt! Thắng cảnh tuyệt vời có nhiều hồ dễ thương, thi vị, hữu tình. Nào là: hồ Lãng Ông nho nhỏ be bé xinh xinh và khiêm nhường ở đầu góc đường Cộng Hoà & đường Võ Tánh. Hồ Mê Linh (còn gọi là Cité Saint Benoit, ở Phường 9). Hồ Vạn Kiếp (ở Phường 7) an tọa bên đồi thông ngút ngàn. Hồ Chi Lăng tuy nhỏ nhưng mơ màng không kém thơ mộng. Tại Phường Ba có hồ Tuyền Lâm thường mệnh danh “Nam thiên đệ nhất hồ” (xa Đà Lạt 7km, qua thác Datanlania 2km là tới hồ Tuyền Lâm). Hồ ông Phỉ ở hướng Dinh Ba đi vào khu đất mã thánh, (xưa gọi là “Ba Le”). Mỗi hồ mang một dáng vẻ kiêu sa & vinh sang riêng làm sao kể cho xiết... Nhưng có mấy hồ rộng mênh mông và thơ mộng mơ màng đáng kể nhất là:
Hồ Xuân Hương quyến rũ là do hồ an lạc ngay trung tâm thị tứ, là “cái rốn” của thành phố, nổi bật sự duyên dáng hài hoà, thơ mộng, đặc biệt và độc đáo (thời Pháp thuộc gọi hồ nầy là Grand Lac). Hồ rộng khoảng 25hecta. Thuở xưa hồ Xuân Hương chỉ là một đầm trũng mọc đầy cây năn, lát… nước mưa từ các triền đồi, nước chảy từ nhiều hướng tới hồ, sau đó nước chảy ngang qua cây cầu gỗ có tên gọi cầu Ông Đạo, (do phiá ở gần đầu cầu là tư dinh của ông quản đạo Phan Khắc Hòe), nước chảy qua cầu Bá Hộ Chúc rồi chảy về thác Cam Ly. Hình dáng mặt hồ phẳng và rộng rãi. Nhưng càng về cuối hồ (phía Bích Câu Kỳ Ngộ, vườn hoa…) thì đuôi hồ trở nên eo hẹp, nhỏ dần dần… hầu như co thắt tới bên cây cầu Đúc. Rải rác trên chung quanh bờ hồ có những gốc tùng rợp bóng rất đẹp.
Ven hồ có con đường tráng nhựa 6km chạy vòng quanh hồ, tính từ đầu cầu Ông Đạo (hướng đi lên khu phố Hoà Bình hoặc vô khu chợ Mới), đi tới phía nhà hàng Thanh Thủy, sân Cù, vườn hoa Đà Lạt, vòng quanh hồ qua cầu Đúc, tới thao trường Lam Sơn… rồi tới khu Thủy Tạ và quay về cầu ông Đạo (hướng lên dốc nhà thờ con gà). Hồ Xuân Hương càng thi vị quyến rũ nhờ sân Cù (sân Golf có tiêu chuẩn 18 lỗ), sân Cù thoai thoải nệm thảm cỏ xanh tươi và khá rộng, thấp thoáng đó đây những chòm thông ba lá, hai lá bóng mướt màu lục vẫn soi mình xuống mặt hồ xanh biếc. Gần cuối sân Cù là vườn Bích Câu Kỳ Ngộ trồng muôn hoa thơm ngát và xinh tươi, mỗi hoa mang một dáng vẻ đặc thù riêng, không hoa nào giống hoa nào. Nơi Bích Câu kỳ ngộ tương phùng nên-thơ, lý tưởng dập dìu nam thanh nữ tú hò hẹn trao đổi chuyện văn thơ và tình tự.

Hồ Than Thở (thời Pháp xưa gọi là Lac des Soupirs) từ khu Hoà Bình về qua cầu ông Đạo, đi lối thao trường và phiá Thủy Tạ, xuống đường Quang Trung. Hồ Than Thở cách xa trung tâm thành phố khoảng 6km ở trong thung lũng khu ấp Chi Lăng + xã Thái Phiên. Hồ tĩnh mịch trầm lắng u buồn suốt tháng năm, bởi đêm nầy qua ngày tháng năm khác… chỉ thoảng nghe ba bên bốn bề tiếng nhạc thông reo vi vu không ngừng nghỉ. Hồ mơ màng với mặt nước im ả bóng loáng như tráng lớp men bạc. Nơi đây, thuở xa xưa đã có chuyện tình buồn có thật (không phải truyền thuyết). Tôi xin kể vắn tắt về một thiếu nữ phiền muộn tình duyên trắc trở, đã trầm mình xuống hồ Than Thở. Từ ngoài đường đi vào hồ bên hướng tay trái, bấy giờ đường vào ngôi mộ phủ đầy cỏ dại cao lút bụng, muốn tìm mộ nàng thật khó khăn, ta phải chịu khó vạch tranh cao tới ngực, vạch cỏ may, và giạt hoa mắc cỡ chằng chịt ra để tìm lối đi. Khi đi vô bià rừng khá xa, (xa con đường nhựa bên hồ), tôi thấy một ngôi mộ xây bình thường, coi khiêm nhường đơn điệu phủ đầy rêu phong phai úa nước vôi khá nhiều. Trên đầu tấm bia mộ hoen màu có hình trái tim tô xi măng cũ kỹ, đã khắc ghi hai câu thơ gởi người thiên cổ:
Dù cho non sông thay đổi mãi
Ngàn năm Thảo vẫn sống trong Tâm…

Suối: Từ núi Lang Biang (hoặc tên Việt Nam là Lâm Viên, còn gọi là núi Ông, núí Bà ở tại Xã Lát, Huyện Lạc Dương, cách xa thành phố Đà Lạt 12km), có thác nước trắng xoá chảy xuống hồ Ankroet & Đankia, tạo thành Suối Vàng, Suối Bạc trải dài dọc theo ven chân núi Lâm Viên rất đẹp. Nơi rừng thông ngút ngàn tươi xanh rợp bóng hữu tình soi dáng trên mặt hồ rộng mênh mông, lấp lánh ánh bạc sáng ngần như phiên gương sáng loáng, hồ phẳng lặng mơ màng, nước trong vắt xanh um, luôn luôn lấp lánh long lanh giống như mặt hồ được tráng thủy ngân.
Huyện Lạc Dương có dân tộc thiểu số gốc Lát, Chil, Cơ Ho sinh sống đông đúc. Nơi đây hoàn toàn tĩnh mịch, không tấp nập đông vui như hồ Xuân Hương. Hai dòng suối tọa lạc tại Lạc Dương uốn éo quanh co nào là thác, hồ, rồi biến thành suối, thành sông Đạ Đờn, nghe rắc rối phức tạp không ít. Tại đây có nhà máy Thủy Điện Ankroet & nhà máy lọc nước ở hướng Bắc.

Chùa: Chùa Linh Quang xây năm 1931 an tọa tại 133 Hai Bà Trưng (Đà Lạt) là ngôi chùa cổ kính lâu đời đầu tiên tạo lập trên đất “Hoàng triều cương thổ”. Chùa chạm trổ những hình chim phượng trên mái rất tinh xảo, công phu, tuyệt tác; do hoà thượng Thích Nhân Thứ trụ trì.
Chùa Linh Sơn xây năm 1938 – (1940 khánh thành), chùa an ngự ở một ngả ba cách trung tâm chợ Mới Đà Lạt khoảng 700 – 800m – Chùa nằm trên ngọn đồi đa phần là trồng thông ba lá, dương liễu, bạch đàn. Chùa có tượng Phật Thích Ca đúc 1952 bằng đồng nặng 1250kgs. Chùa nhìn chéo xuống phố Phan Đình Phùng. Đứng trên góc sân chùa, ta có thể nhìn thấy khu “thành phố buồn nghĩa trang Số 4” chi chít bia mộ!

Chùa Phong Linh xây 1944, (chùa chỉ có nữ tu, nên dân điạ phương thường gọi là chùa Sư Nữ). Chùa an tọa trên ngọn đồi thông cao thơ mộng ở đường Hoàng Hoa Thám, Trại Hầm, nơi nổi tiếng có trái mận vàng óng giòn, ngọt, ngon. Chùa xa khu chợ Đà Lạt khoảng 4km. Chùa Phong Linh xây mái kép cong: long, lân, quy, phụng. Chùa thờ Đức Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát. Bồ Tát Đại Thế Chi. Đứng trên sân chùa Sư Nữ, nhìn tổng thể xuống làng mạc dưới chân đồi ẩn hiện mờ ảo, thì không có bức tranh nào linh động, đẹp bằng cảnh sắc nước hương trời xanh xanh chập chùng, nhà mái ngói, mái tôn vật vờ bay lên làn khói ẻo lả uốn éo từ dưới thung lũng thấp chập chùng… Lồng trong tiếng thông bốn mùa nhã nhạc reo vi vu, êm êm, hòa điệu nhịp nhàng, là tiếng chuông mõ gõ nhịp đều đều, xen lẫn tiếng tụng kinh niệm Phật khi trầm bổng lúc lanh lãnh thanh thanh trong gió sớm khuya chiều vang vọng xa xa! Cư dân thấp thoáng đi lại trong sương, gió chiều nhè nhẹ phe phẩy mơm man vồng hoa đồi mận chập chùng.

Chùa Tàu… (Thiện Vương Cổ Sát, còn gọi chùa Phật Trầm) do hoà thượng Trung Hoa tên Thọ Dã đứng ra xây 1958. Chùa gồm có ba toà nhà cao đẹp tô màu vàng, mỗi toà nhà có thờ tượng: Tây Phương Nam Thánh. Phật Thích Ca. Quan Âm Bồ Tát. Đại Thế Chi Bồ Tát. tất cả tượng bằng đồng cao 4m, nặng 1,5 tấn. Riêng tượng Tứ Thiên Vương cao 2,6m đúc xi măng. Chùa Tàu phong cảnh hữu tình ngày đêm chìm khuất trong đồi thông rất đẹp, ở chùa Tàu có mâm quay lực cơ học tiếp tuyến đường tròn quay.

Nhà Thờ: An tọa trên đường Ngô Quyền phía Tây Nam cách trung tâm phố Đà Lạt 1/km là nhà thờ Domain de Marie, xây năm 1930, rộng 11m dài 33m, trên tổng diện tích đất 12 hecta. Tiền đình nhà thờ có hai đường vòng cung, bước lên từng bậc tam cấp, tụ hợp lại ở hành lang cửa chính hình vòm tròn. Mặt tiền nhà thờ kiến trúc thành hình tam giác cân, trên đỉnh tam giác là cây thánh giá. Trên tả hữu mỗi nóc mái nhà xuôi thẳng đứng lát ngói hồng đậm, mỗi mái ngói ở tả hữu có ba cửa sổ tam giác cân nho nhỏ ráp kính nhiều màu. Ngoài và trong nhà thờ đều trang trí hài hoà độc đáo, trong nhà thờ là tượng Đức Mẹ đứng trên quả cầu, nặng 1 tấn, cao 3 mét. Nhà thờ và nhà dòng nữ tu, trường học đều tô màu hồng đậm.
Domain de Marie tức là nữ Tu Viện nữ Bác Ái Vinh Sơn (nhà thờ & dòng tu nữ còn có tên gọi là Tu viện Mai Anh, vì tu viện nằm trên một ngọn đồi cao, nơi đây tuyệt đẹp với đồi hoa anh đào (dân điạ phương nôm na gọi là hoa Mai, nghe khiêm nhường, (thay vì hoa Anh Đào nghe qúy phái sang trọng quá). Trên, dưới, chung quanh đồi: trồng toàn hoa Mai. Dưới những chòm cây xanh chen lá nâu rung rinh, nắng lung linh đùa giỡn nơi kẽ lá cánh hoa mai hồng hồng lả lướt phất phơ lung lay trong gió. Có trường Tiểu học & nam nữ sinh ngoại và nội trú (kể cả con mồ côi) nhiều ma soeur mặc áo dòng màu xanh dương, đội mũ lúp cánh én trắng rộng vành (như cánh chim bay), nhịp nhàng nhấp nhô theo mỗi bước chân. Họ chuyên nuôi trẻ mồ côi. Hằng năm dòng nầy tổ chức hội chợ từ thiện, lấy tiền làm qũy giúp người nghèo khó, soeur đi tới bệnh viện làm việc, giúp người đau yếu, bệnh nạn. Trên ngọn đồi nên thơ họ đi ra đi vào cầu nguyện kinh, xem lễ, làm việc bác ái: Thuỷ thổ, nhân hoà an cư phong cảnh càng trở nên êm đềm thơ mộng. Đứng bên phía Lữ quán Thanh Niên (ở đường Hàm Nghi) nhìn qua nhà thờ Domain thì quả thật khu đồi mai anh đào nầy tuyệt đẹp.

Nhà thờ chính tòa Đà Lạt bắt đầu xây từ 19.7.1931 và khánh thành ngày 25.02.1942 do linh mục Céleste Nicolas thiết kế. Trên chóp đỉnh một tháp to nhất (tháp chính) đã gắn hình cây thánh giá, và con gà bằng đồng cao 0,58m, dài 0,66. Con gà đứng trên một trục bạc đạn có thể xoay mình quanh bốn hướng theo chiều gió thổi. Ngôi nhà thờ chính, cung thánh, gian giữa và hai gian cánh phụ, hậu tẩm, giáp vòng và tít trên gần nóc trần nhà có 70 cửa kính màu. Tổng cộng chiều rộng nhà thờ: 14m, cao 47m, dài 65m. Gác chuông nhà thờ (ở phía góc trái của cửa chính toà), là những nấc thang hình xoắn ốc trôn đi lên lầu cao. Tháp chuông chính cao 16m, hai bên có hai tháp chuông phụ hài hòa xinh xắn. Trong tháp chính có bốn quả chuông to, mỗi sáng trưa chiều đúng giờ ấn định, thì từng hồi chuông lắc lư, rung ngân… vang lên bốn âm tần thánh thót trầm bổng lảnh lót khác nhau.

Trường học: Nổi tiếng “bề thế & sang trọng” và lâu đời nhất tại Đà Lạt: Trường Grand Lycée Yersin (1927) thiết kế trên một đồi bằng phẳng, trường hình vòng cung xây thành ba tầng lầu, quét vôi hồng, gồm hai mươi bốn lớp học. Trường có tháp chuông cao 54 m, từ tháp chuông tính tới đuôi trường là 167m.
Couvent des Oisaux (còn gọi Đức Bà Lâm Viên; Notre Dame du Langbian. hoặc gọi: “Đức Bà Nữ Kinh Sĩ Thánh Âu-Tinh”), trường xây dựng 1935, an tọa tại số 2 Huyền Trân Công Chúa, Phường 4. Bên phải khuôn viên khu rào gạch là đất nhà thờ, dòng & trường, đất rộng mênh mông gần lối dẫn vô thác Cam Ly. Đây là trường nữ trung học đầu tiên dạy chương trình Pháp, nữ sinh trường Couvent mặc đồng phục sơ mi cổ bẻ trắng, tay phồng bên trong, ở ngoài khoác thêm áo lạnh dày đan tay màu xanh biển (xanh dương đậm), áo manto, áo ấm dạ, áo len loại dày màu xanh dương, màu đen, hoặc trắng. Mặc ríp đầm (skirt) có nhiều xếp ly màu xanh biển, váy lót underskit, petticoat). Chân mang sandal có bít tất trắng cao lên tới đầu gối, hoặc giày trắng hay đen, bata, sport: màu trắng (hoặc đen). Đầu đội mũ len có vành che nắng to rất khéo (như kiểu nón công chúa Bạch Tuyết, riêng về mũ có thể có những màu khác nhau).

Le Petit Lycée (1937 là trường Tiểu học đầu tiên của Pháp ở Đà Lạt, nằm trên cuối đường Yesrin, & cuối đường Duy Tân. Trường hoạt động cho tới năm 1952 thì ngưng.

Trường D’ Adran (còn gọi Lasan Adran) thành lập năm 1941. Từ ngoài đường Yersin qua ngã ba Bá Đa Lộc (và góc hotel Palace), là đường Bá Đa Lộc. Trường D’ Adran nằm ở thung lũng sâu cuối đường Bá Đa Lộc, & gần ở dưới chân đồi của khu rừng Ái Ân hoang vu. Trường do các sư huynh dòng La San điều hành.

Trường dòng Franciscaines Missionaires de Marie (mở khoảng năm 1940), ở đường Hùng Vương, trường nằm kề quốc lộ lối đi về hướng Cầu Đất phiá đi Đơn Dương. Các nữ sinh mặc váy màu da bò (nâu đậm) đó là do các em ở bên trường Franciancaine gởi qua bên Couvent des Oiseaux học, vì ở bên dòng Franciancaine chỉ có từ lớp Năm tới lớp Nhứt (bây giờ gọi là: lớp Một tới lớp Năm). Do vậy nhiều khi nữ sinh Couvent vẫn phải mặc đồng phục áo trắng, áo len xanh, chỉ thay đổi váy xếp ly màu da bò (màu nâu, giống như trường Dòng Missionaires de Marie ở Trại Mát.

Đã lỡ nói về trường Pháp, trường Tây, thì tôi không quên hướng dẫn họ đi đến các trường Việt chính và thành lập lâu nhất: - Trường nam trung học công lập Trần Hưng Đạo (1956) ở khu Ấp Hà Đông, nam sinh mặc sơ mi trắng quần xanh học trò (trước kia tên là trường Bảo Long). - Trường nữ trung học công lập Bùi thị Xuân (1957) (trước kia tên trường là Phương Mai). Nữ sinh Bùi Thị Xuân duyên dáng e ấp tha thướt trong tà áo màu xanh biển đậm đà, quần trắng, áo len xanh biển hoặc áo len đen, mang giày hoặc guốc, đầu đội nón lá chao nghiêng, tay ôm cặp. Sau những buổi học tan, thì tốp năm tốp mười tỏa về các nẽo đường trong thành phố, hoặc từng nhóm bạn dạo ra sân Cù ngắm cảnh, học bài cả nhóm, làm bài, làm thơ.
Trường trung học Việt Anh trên đường Hải Thượng Lãng Ông, nữ sinh mặc đồng phục áo dài màu tím hoa sim, quàng khăn tím (rất ư là thơ mộng), họ mang guốc, quần trắng, đội nón lá có tua nón màu tím. Nam sinh mặc quần đen, áo sơ mi trắng, áo len màu da bò. - Trường trung học Bồ Đề nữ sinh mặc áo lam, hoặc áo trắng. Nam sinh áo sơ mi trắng, quần màu xanh. - Trường Trí Đức nữ sinh mặc đồng phục trắng (và hồng nhạt). Nam sinh mặc sơ mi trắng quần đen. Sau nầy có thêm trường trung học Hiếu Học...

Nhìn chung và thật thà mà nói, thì có trường A’ Dran và trường Grand Lycée Yersin là mặc đồng phục rất sang đẹp & nổi: toàn sơ mi trắng, bên ngoài mặc veston đen hoặc xanh đậm, thắc cà vạt đỏ, hoặc cà vạt sọc nâu đẹp mắt, mang giày thời trang (họ là những nam nữ sinh con ông cháu cha, nhà giàu, ưa đóng áo vét tân thời cao sang).

Các trường Đại học và chuyên nghiệp: - Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt Việt Nam (1950). Viện Đại học Đà Lạt 1957 (Thụ Nhân). Dòng Chúa Cứu Thế (1962). Trung Tâm Nguyên Tử Lực Cuộc (1963). Đại học Chiến Tranh Chính Trị (1966). Trường Chỉ Huy Tham Mưu (1967). Thiền viện Trúc Lâm và vô số trường Tiểu Học Công Lập & Tư Thục khác.

Chợ: Chợ Mới Đà Lạt khởi xây 1958 khánh thành 1960, có ba tầng lầu rất rộng rãi, nguy nga đồ sộ, tại Việt Nam bấy giờ chưa có chợ nào sánh bằng. (chợ Cũ Đà Lạt có từ lâu đời ấy là Khu Hoà Bình) – Chợ Mới ở lầu 2 bán các mặt hàng: vải, áo quần, len, nón, giày dép, đồ dùng gia đình thuộc về tơ lụa, mỹ phẩm… Nơi đây có cầu thang đúc bê tông cốt sắt rộng nối liền chợ với khu phố Hoà Bình. Tầng trệt của mặt tiền là nơi bán đầy hoa tươi, dâu, mứt, bánh trái, v.v… Trong lòng chợ bán các loại thịt, hai bên hông bán hàng khô. Cuối lòng chợ bán cá, tôm, gà, vịt, v.v… Phiá sau tầng trệt đã làm thêm khu chợ mới loại ván gỗ, lợp tôn, cùng đặt những hàng dù đủ màu quanh chợ bán rau tươi, và là nơi có những quầy bán hàng ăn uống.
Cầu ông Đạo là điểm nối tiếp đường lên trên phố Hòa Bình và đường bằng vô mặt tiền chợ Mới Đà Lạt. Phía gần cầu ông Đạo và nhà hàng Thanh Thủy, sân Cù… Nhà hàng Thủy Tạ sơn trắng có ba phần nổi trên mặt nước, một phần nhà hàng xây trên bờ, có cột thu lôi cao chất ngất, có lancan chìa ra giữa hồ. Tầng trên sân thượng của nhà hàng Thủy Tạ có những nấc thang, ta có thể lên cầu thang nhảy xuống hồ bơi lội thoả thích.
Đứng trên tiền sãnh Hotel Palace du khách có thể nhìn chủng viện Giáo Hoàng, dòng Don Bosco, Dinh I, trường Grand Lycée, v.v... Ba dinh thự rộng lớn sang trọng huy hoàng bậc nhất thời bấy giờ dành cho gia đình vua an ngự: Dinh I: cuả ông tây triệu phú Robert Clément Bourgery mua miếng đất rộng 40hecta và xây dinh thự năm 1940. Sau ông về Pháp và bán lại cho vua Bảo Đại. Dinh II: Trên đường Trần Hưng Đạo về hướng Đông Nam có ông Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux ở tại VN. (người Pháp) đã xây một dinh thự có 25 phòng khang trang, phong cảnh thi vị. Ông dùng dinh nầy để cho gia đình và thân nhân đến nghỉ hè. Dinh III: đi trên đường Pasteur thẳng vô lối nghiã trang Ba Le là Dinh III. Dinh Ba xây 1933 đến năm 1939 hoàn tất. Dinh có tầng trệt và tầng lầu. Tầng trệt rộng rãi trang nhã tươm tất đầy đủ tiện nghi, dùng: tiếp tân, yến tiệc khoản đãi cần thiết, hội họp, phòng làm việc của vua, phòng đọc sách. Tầng hai là nơi sum họp ấm cúng riêng tư của gia đình vua, gồm: Phòng ngủ vua Bảo Đại. Phòng hoàng hậu Nam Phương. Phòng hoàng tử Bảo Long. Phòng công chúa Phương Mai, Phương Liên. Phòng hoàng tử Bảo Thắng. Dinh Ba khá đẹp nhờ hai khu vườn hoa rực rỡ, do tay người làm vườn có nghề trồng tiả chuyên môn, có sáng kiến, ý thức chăm bón hòa hợp từng gốc hoa cành lá, trồng trọt tiả tót công phu ở tiền đình và hậu đình. Dinh III thường là nơi gia đình vua Bảo Đại nghỉ hè.
Thành phố Đà Lạt có vườn tượt quanh năm xanh màu tốt tươi, dồi dào hoa quả cây trái trĩu cành, nông sản, trà, cà phê, artichaud, mận, hạt điều, nấm, dâu (nuôi tằm) các loại rau, trăm ngàn bông hoa khoe sắc trong các thổ gia. Nhiều ngôi biệt thự xinh lịch đa dạng có đường nét kiến trúc độc đáo. Nhà nhà ở dưới thấp lẫn trên cao chen chân nơi những con đường mòn đất đỏ uốn lượn trên ngọn đồi lồi lõm bên suối, bên hồ, nơi thác ghềnh xa xa. Ánh đèn mọi nhà thấp thoáng lung linh, mờ mờ trong sương, nhấp nhô cao thấp ẩn mình dưới bóng cây thông triền miên reo vi vu thật nên thơ, thi vị và vô vàn quyến rũ.
***
Nhà ba má tôi ở đầu ngã tư Pasteur và Yersin, khuôn viên đất khá rộng, giáp ranh bên trái là nhà thờ Tin Lành (bỏ hoang). Kế bên nhà thờ Tin Lành là tòa án và đầu đường Phạm Phú Thứ. Nhìn chéo xuống là nhà thờ Tịnh Tâm, cũng là Trung Tâm Công Giáo Tiến Hành nằm trên góc đường Yersin + Đoàn thị Điểm. Lên trên đồi cao (sau lưng nhà ba má), là đường Phạm Phú Quốc và đường Huỳnh Thúc Kháng. Cuối đường Pasteur cũng là viện Pasteur đồ sộ, viện Pasteur Đà Lạt nổi tiếng được bác sỹ Alexandre Yersin thành lập năm 1932. Rẻ ra một con đường đá đỏ lởm chởm là lên Dinh III an tọa trên ngọn đồi cao.
Đứng trên lầu nhà ba má, tôi có thể nhìn thấy gác chuông nhà thờ chính tòa cao ngất in hình con gà ở chóp đỉnh. Mỗi sáng, trưa, chiều, tối, tôi vẵng nghe tiếng chuông chơi vơi ngân nga giữa núi đồi, báo hiệu hừng đông hay hoàng hôn trong bầu trời thinh lặng đầy rung cảm. Nhà ba má tôi ngó mặt qua bên Tiểu Khu Đà Lạt/Tuyên Đức. Gần trường Trung học Kỷ Thuật Lasan (Lasan là chi nhánh của trường A' Dran, số 25 đại lộ Yerin) và góc đầu đường Đào Duy Từ (nhà Bò). Các Freres đảm nhận dạy học nghề rất nổi tiếng. Từ trường Kỷ thuật Lasan thẳng tới hướng Ty Cảnh Sát, nhà thờ con Gà là trường Trí Đức (phía sau nhà thờ), rồi Bưu Điện và hotel Du Parc ở trên đường Yersin.
***
Mùa Xuân năm ấy hoa anh đào tươi nắng rộ nở trên ngàn cây ngọn lá, gió lả lơi đùa với nội cỏ, thì các bạn: Phú, Du, Hạ, Lễ, Tài… ở Sài Gòn lên Đà Lạt ăn Tết, (do nhà ba má tôi rộng và dư nhiều phòng, họ xin ở nhờ). Chúng tôi hồn nhiên vui vẻ lạ thường. Dưới bầu trời cao nguyên Lâm Viên có áng mây bạc pha hồng thắm lững lờ trôi. Lạnh! Lạnh buốt giá kinh khủng, tê cóng nhức nhối muốn bại liệt cơ thể, muốn điếng cả hồn lẫn xác và ăn sâu vào lòng người. Hai hàm răng ai nấy tự động run rẩy va vào nhau lộp cộp, toàn thân run lập cập, thở không đều nhịp, làn hơi từ cổ họng mọi người bay ra như trêu đùa, chọc ghẹo. Các bạn trai chưa đến Đà Lạt lần nào, ai cũng ngạc nhiên vui thích cười ha hả khi thấy mình thở ra thành hơi khói. Đêm đêm ở nhà, mấy bạn pha cà phê, ăn bánh ngọt, cắn hạt dưa, ăn bánh chưng, bánh tét, uống nước trà, thật vui vẻ. Họ ngồi nói chuyện phiếm, thi vị vui vẻ sao đâu trong phòng khách đến tận khuya. Có ngày không biết làm gì hơn, họ bày trò “thi nhau nhìn vào mắt”. Hể ai chớp mắt, nhấp nháy mắt trước, hay cười, là bị phạt uống một ly đá lạnh. Eo ơi! Ở xứ nầy giữa đêm khuya mà uống đá lạnh, thì lạnh hết biết. Lạnh nổi da gà! Trò chơi gì trẻ con lạ! Họ chơi đỗ cá ngựa, cờ duyên khóc, duyên cười, quẹt lọ nồi. Vui thật vui.
Vài lần trong đêm mấy bạn cùng dì cháu chúng tôi dạo phố đêm, họ mua thuốc lá, kẹo, bánh, chewing gum, bắp nướng, cùng nhau đi tà tà nói chuyện tếu, đi bộ giáp một vòng bờ hồ Xuân Hương dài ngót sáu cây số. Có khi họ vòng lên trường Grand Lycée Yersin ngắm trăng lá lúa ẩn mình trong đài mây. Đường về khuya lạnh lẽo càng thêm hoang vắng, cảnh vật huyền ảo mơ màng đẹp lạ lùng.
Rồi một ngày nắng tươi, có tôi, Mai, Thơ, Vân, và các cháu làm hướng dẫn viên du lịch cho các bạn đi qua bao thắng cảnh duyên thơ hữu tình, qua bao núi rừng suối hồ mộng mơ. Cả nhóm bao taxi đi picnic, thì tình thân hữu nhờ thế lan dần. Trước tiên họ đi thác Cam Ly xa khu Hòa Bình độ 2,5km về hướng Tây, thác Cam Ly rất gần, thác nằm trong nách thị xã, (nên du khách có thể dễ dàng tà tà đi bộ, nếu muốn). Từ đại lộ Yersin xe chạy thẳng tắp tới ngả ba Huyền Trân Công Chúa, thì xe rẻ sang hướng phải một quảng ngắn, hơn 1km là tới thác Cam Ly).
Còn một con đường khác là: từ dốc Minh Mạng (xe chạy một chiều) xuống ngã ba Phan Đình Phùng, qua cầu Cẩm Đô là đường Hai Bà Trưng (và khu đồi Dân Y Viện Đà Lạt). Xe tới đầu hông sân trường Việt Anh, ta đi theo đường Hoàng Diệu, thì du khách đi hoài đến cuối đường, sẽ tới đầu ngọn thác của vùng Cam Ly Hạ (Cam Ly Hạ là vùng đất thấp, nơi có thác nước chảy xuống lòng suối). Thác Cam-Ly vào một ngày êm đềm khi mặt trời bơi lên khoảng trời xanh mênh mông, tươi thắm, mát rượi, dìu dịu, an hòa, bình thản đến hững hờ. Lớp sương mù ẻo lả vật vờ bay lơ lững rồi tan dần, lộ ra vài ba con đường mòn đất đỏ từ từ bốc hơi, rồi khô từng mảng một. Con dốc mòn đã có vài người Thượng gùi măng và lan, củi đi bán ngoài chợ sớm. Ở đây quang cảnh thinh lặng êm đềm, tiếng nước róc rách len lỏi theo bờ đá chảy xuôi xuống thác.
Trên ngọn đồi thông rợp bóng nằm về hướng Đông Bắc, là lăng Quận Công Long Mỹ Pierre Nguyễn Hữu Hào (nhà đại điền chủ người Gò Công, chủ nhiều đồn điền cao su, trà, ở một số Tỉnh, Đà Lạt, và một số đất vùng Cao Nguyên Trung Phần. Ông Nguyễn Hữu Hào là thân sinh của Nam Phương hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại. Ông Lê Phát Đạt Philippe Huyện Sĩ giàu có bậc nhất thời bấy giờ, là ông ngoại của hoàng hậu Nam Phương). Lăng Quận công Nguyễn Hữu Hào an tọa trên một khu rừng thông hùng vĩ cao vút, làng mạc ngút ngàn dưới chân đồi mờ mờ hơi sương. Từ dưới đường cái lên tới lăng có 20 tầng cấp lát đá vuông, mỗi tầng có khoảng 10 bậc cấp. Cộng chung lăng nầy có tất cả 102 bậc cấp. Đứng trên sân lăng du khách có thể nhìn thấy một phần tư góc thành phố Đà Lạt ẩn hiện, thấp thoáng xa xa dưới mỗi chòm thông reo luôn nhã nhạc vi vu. Sau lăng chập chùng những đồi sim tím và rừng trái mác mác xa xa, thì có một phi trường nhỏ ở vùng đất nầy cao, thoáng, và bằng phẳng, nên gọi là: Cam Ly Thượng.
Sau khi leo trèo ở những mô đá trên lòng suối, chụp hình, vọc nước lạnh chán chê, họ lên xe đi thác Datanlania xa thành phố Đà Lạt 5km. Chín giờ sáng xe dừng ở bên thác Datanlania chìm khuất dưới những đồi thông dựng đứng, thác sâu hoắm, sâu hút tầm nhìn. Từ trên đường cái muốn đi xuống thác, chỉ có một đường dốc nhỏ nhấp nhô, những bậc cấp nện đất cứng len lỏi trong rừng thông bạc ngàn (thỉnh thoảng có vài cục táp lô kê trên mỗi bậc chận cho đất khỏi bị chuồi). Họ lần mò đi từng bậc cấp ngoằn ngoèo trơn như mỡ, bờ vực cheo leo để xuống chân thác.
Mặt trời ở dưới thác hầu như còn ngái ngủ chưa thức giấc (vì dưới những vòm cây âm-u rậm-rạp, um-tùm, cây chen cây lá chen lá, thì mặt trời lười nằm lim dim ngủ nướng trong rừng, không thèm tỏa ánh sáng). Nước từ trên ba tầng khe đá cao ngất chảy ầm ầm, dội xuống lòng thung lũng, vỡ ra muôn triệu bụi phấn trắng xóa, quyện với từng mảng sương mờ đục phủ kín bầu trời ban mai mờ mờ nhàn nhạt màu sữa. Thác Datanlania thâm u cheo leo hiểm trở là thế, mà họ quyết leo qua bên kia chân thác. Từ từ họ leo lên ngọn thác thứ nhì, đứng chênh vênh bên hốc đá chốc lát, thở hổn hển... Rồi các cậu bạn và hai ba cô nàng tìm cách leo lên đỉnh thác thứ nhất ở tít mù trên cao, cao ngất. Mặt mình úp sát vào vách đá, lưng quay ra phía vực sâu, hai tay bám chặt bờ cây, bụi cỏ, không ai dám ngoái cổ nhìn ra phía ngoài, hoặc nhìn xuống vực thẳm. Một trời giông bão hầu như quay cuồng đến chóng mặt tít dưới chân ta. Qua muôn ngàn cây đại thụ, gỗ tạp, gỗ lá rộng, lá kim quý như: cẩm lai, sao, thông hai lá, thông ba lá, chen cánh với mộc lan, tre, nứa, lồ ồ, le, dẻ, lùm cây um tùm gai góc, bờ bụi tróc lở rong rêu ẩm ướt rất trơn.
Cổ thụ cằn cỗi già nua không biết bao tháng năm chi chít muôn sợi dây rễ dài lòng thòng, rễ to hơn cườm tay. Loại dây dẽo, dai, chắc chắn, xù xì. Thỉnh thoảng cây có gai quấn quýt trên thân cao xuống lòng thung lũng mờ mờ, sâu hoắm. Họ bám chặt vào sợi dây rễ cứng và dẽo dai nầy mà di chuyển. Tiếc rằng họ chưa đủ kinh nghiệm sống, chưa dám đu dây rừng y như nữ chúa rừng xanh. Leo lên hết chóp đỉnh nhú ra ngực thác Datanlania khúc khuỷu cuối lòng khe đá, thì biến thành đầu ngọn thác thứ nhất. Phía bên nầy khe đá có những ụ đất sét (có đá cao lanh, đá quý, quặng boxit, than nâu, giống như ở gần vùng Đạ Đờn, Đạ Tẻh, Đạ Hoai). Hai bờ suối dần dần nở rộng ra; dẫn đến cánh đồng cỏ non xanh mướt trải dài, nhìn mút tầm mắt, thảm cỏ ướt đẫm sương mai còn nhiều giọt mọng tròn, long lanh ngấn thủy tinh dưới ánh mặt trời yếu ớt bắt đầu vươn mình ló dạng, đỉnh núi nhọn hoắt muốn chọc thủng từng áng mây bay ngang đầu. Từ ngọn lá non tỏa ra như lọng dù ở trên cao, vẫn còn nhiều giọt sương mọng to rơi lốp đốp xuống cành lá mềm mại ở dưới thấp.
Sau bao tàng cây cổ thụ mọc gần khe suối, là rừng lau bạt ngàn với hoa dã qùy chen cánh cùng loài hoa sim tím, hoa mắc cỡ màu tím lá xanh đầy gai nhọn. Thiên nhiên cẩm tú đẹp thế mà hoa mắc cỡ vẫn e ấp thẹn thùng khép chặt hàng mi khi có người vô tình đụng phải. Bạn cảm thấy thú vị vô cùng khi tận mắt nhìn những thắng cảnh thiên nhiên tuyệt vời, chưa chắc bạn sẽ hân hạnh ngắm nhìn thêm lần thứ hai.
Bạn Hòa tìm cách leo lên mấy cây gỗ qúy để hái nhiều loại lan, mỗi loài hoa có một sắc đặc biệt riêng. Mấy chú sóc đuôi xòe ra như chiếc chổi lông mềm mại, sóc leo trèo trên cây quả chín đỏ. Bầy khỉ lí lắc nhi nhô kêu chí chóe, chúng chuyền chỗ nầy chỗ nọ nhanh nhẹn, gọn gàng. Hình như chúng phản đối sự có mặt của con người không mời mà đến trong giang sơn cẩm tú, đầy bình yên riêng tư của chúng? Chim hót líu lo đủ mọi giọng điệu trầm bổng véo von lẫn tiếng nhịp nhàng của bầy chim gỏ kiến đang đập mõ dài cứng ngắt vào thân cây, hòa cùng tiếng thác đổ từ nơi xa xa vọng lại.
Thỉnh thoảng tiếng vượn hú kêu đàn. Cú nấc cụt từng tiếng. Dơi trong hang thấy động rừng, đã bay vù ra kêu "xít...xì" tất cả đơi vút bay về bên trái. Bầy chồn lủi nhanh vào bụi rậm. Thỏ rừng tung tăng nhảy nhót thảnh thơi trên cánh đồng cỏ non. Tất cả âm thanh và hình ảnh sống động ấy tạo thành bản rừng ca thiên nhiên bất hủ muôn điệu. Bạn Lễ đưa máy ảnh bấm liên tục, những hoạt cảnh tươi nguyên núi rừng hoang dã hồn nhiên, đầy tình tự quê hương hữu ái mà anh hằng yêu thích. Phía trên đỉnh thác khá lạnh (nhưng không lạnh bằng lòng thác lúc nãy, vì nơi đó ít thấy ánh dương). Bạn Du ngẩn ngơ xuýt xoa trầm trồ khen ngợi phong cảnh nên thơ, bạn nhìn trời nhìn đất, sau một lúc thật lâu mới tìm chỗ đặt mấy giỏ thức ăn xuống. Các bạn ngồi trên tấm ni lông đã mang theo. Họ nói chuyện cười đùa huyên thuyên.
Bỗng Phú thở hổn hển từ đằng xa chạy đến và khựng lại im bặt, nhưng tay anh chỉ chỉ về hướng rừng, khiến các bạn ngẩng nhìn và chạy theo Phú: Có những dấu chân loài voi, cọp, dấu chân khổng lồ cạnh khúc xương ống, một đầu lâu (mình cứ nên nghĩ có lẽ của khỉ), cách chỗ các bạn ngồi không xa. Thế là ý định bạn nằm lăn ra bãi cỏ non mềm chợt tiêu tan ngay. Đi núi, họ không mang theo bất cứ một dụng cụ đề phòng nào, lỡ mà có bị rắn, rết… cắn bất tử, thì thật nguy to (chứ đừng nói là bị cọp vồ!). Bây giờ cả nhóm mới thấy lời Hoà đề nghị leo lên thám sát thác và núi lúc nãy, là điều dại dột, bất lợi quá.
Lòng chẳng hẹn lòng, nhưng ai ai cũng nơm nớp lo sợ sự bất an quanh quẩn đâu đây. Nỗi lo sợ ớn lạnh cùng khắp. Khí trời ban mai đã lạnh lẽo, càng thêm buốt giá kinh khủng! Họ vội vàng xếp đồ đạc vào ba lô, giỏ xách, vác trở xuống chân thác. Khi leo lên núi đã khó, lúc tụt xuống bờ vực càng khó gấp bội. Bạn cẩn thận lần mò nhích đi từng bước một. Tay bám vào gờ đá, thân cây hoặc dây leo, gốc rễ, mà tụt tụt từ từ, hoặc bò thụt lùi, bám riết từng tất đất thật vô cùng nguy hiểm khó khăn. Nhìn xuống vực thẳm ai cũng thấy tối tăm mặt mũi, hoa cả mắt, sợ mất hồn mất vía.
Cuối cùng, cả nhóm trở về được dưới chân thác, mất hơn hai giờ họ mới có thể lần mò trở xuống dưới chân thác. Mặt mày chân tay ai nấy đều bị rách, xây xát, thân thể mệt mỏi rã rời, quần áo xốc xếch, lấm lem. Tuy vậy, mấy anh thanh niên tính không khỏi reo lên, cười ha hả vì họ đã tận hưởng giờ phút vui thú nhất qua danh lam thắng cảnh tuyệt vời. Thể hiện tính kiên cường, bất chấp gian nguy, thỏa trí tò mò, dù họ quá mệt mỏi và lòng lo sợ.
Trở lên đường cái ai nấy đều mệt nhoài, từ thác Datanlania trổ xuống cuối đèo cách đó 2km là thác Prenn nằm bên quốc lộ 20. Thác Prenn rất đẹp có chiếc cầu gỗ lòn quanh bên trong khe thác, đứng trong cầu du khách có thể tưởng tượng là: ta đang đứng trong nhà, nhìn mưa xối xả tuông chảy xuống mái hiên. Thác Prenn ngoài phong cảnh hữu tình nên thơ ra, có khu thảo cầm viên kha khá, nuôi nhiều loại: rắn, khỉ, chim, công, cọp, beo, voi, ngựa, vân vân... Ở chơi và ăn trưa tại đây xong, họ đi tới thác Liên Khương (ở quận Đức Trọng xa Đà Lạt 30km), từ dọc ven suối Prenn chạy về suối Bồng Lai (sát bên vệ đường, phía trái, trên quốc lộ 20) tạo thành thác Liên Khương. Thác Liên Khương không mấy đẹp.
Thác Gougah (Ổ Gà) còn có tên gọi “Nam Phương đệ nhất thác” ở xã Phú Hội, Huyện Đức Trọng, xa Đà Lạt độ 28km, thác nầy hùng vĩ, âm u, hoang vắng. Từ quốc lộ 20 đi theo con đường mòn rậm rạp và âm u, ta rẽ vào phía trái thì tới nơi. Thác đẹp. Trời xanh bát ngát giao hòa với đất uy nghi lẫm liệt và phong cảnh tuyệt vời thơ mộng vô cùng. Nhưng đẹp nhất là thác Pongour xa Đà Lạt 45km, ở Tân Hội, hướng Nam. Từ quốc lộ 20 đi vô thác xa 7 km, ngoằn ngoèo, quanh co, rậm rạp. Khi đến thác Pongour có 7 tầng đá trải rộng từ bờ nầy qua bờ kia. Ngày đêm nước tuông xối xã ầm vang miết mãi, nước tung bọt trắng xóa cuồn cuộn đổ xuống những mô đá to cao nhấp nhô chôn sâu trong lòng suối. Đứng trước thiên nhiên cẩm tú và hùng vĩ, mình cảm thấy con người thật bé nhỏ tầm thường.
Hôm đó, khi nhảy qua mấy hòn đá trơn ở thác Gougah, suýt tí nữa Thơ bị nguy hiểm tính mạng, nếu Phú không nhanh tay kéo nàng ngã dúi vào lòng anh. Mất thăng bằng, cả hai người ngã lăn trên dòng suối ấm dưới chân thác. Hương hoa núi rừng mộc mạc, kèm với sự sợ hãi chợt đến, chợt đau lúc tay chân bị đập vào đá tím bầm, khiến nàng quên nỗi bẽn lẽn thẹn thùng. Áo quần ướt sũng nước, hai người nắm chặt tay nhau từ từ lội lõm bõm vào bờ, và lóp ngóp bò lên ngồi trên tảng đá. Chỉ còn hai người, nên nàng cảm thấy ngượng ngùng, e thẹn, vì áo quần dính chặt vào da. Không ai nói với ai lời nào “anh chị” loay hoay hong khô người dưới ánh nắng. Thoáng chốc quần áo khô nhanh. Phú, và nàng cùng nhìn theo các bạn. Các bạn khác không bị “té suối”, thì hân hoan lò dò đi các nơi chụp ảnh.
Bạn hữu hăng hái vui vẻ trở về lối cũ đi thác Hang Cọp thuộc địa bàn thôn Túy Sơn, xã Xuân Thọ, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 15km về phía đông bắc (qua phía Trại Mát). Thác Hang Cọp cũng hiểm trở ngoằn ngoèo rậm rịt, thăm thẳm núi rừng với dốc đứng cao ngất lưng trời, thác hơi giống thác Datanlania sâu thẳm & âm u. Đặc điểm: Xung quanh thác có rừng thông đặc chủng, rừng hỗn giao khá xanh tốt, thích hợp cho các chuyến du lịch dã ngoại.
Chiều về, họ đi “đồi thông hai mộ” (khu Chi Lăng), đi vô thăm trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam nằm ở khu Chi Lăng (và góc Thái Phiên). Tôi kể sơ sơ cho bạn nghe: Tháng 10/1950 vua Bảo Đại cho dời trường sĩ quan Hiện Dịch tại Đập Đá Huế, về Đà Lạt, và gọi là École Militaire Inter-Armes de Dalat. Trường nầy sát nhập vào trường Võ Bị Liên Quân đặc biệt của Pháp (ngôi trường Võ Bị Liên Quân Đặc Biệt của Pháp, nay đương nhiên phải trao trả lại cho Việt Nam). Đầu tiên ngôi trường lấy tên là: Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Cuối cùng Trường sĩ quan hiện dịch nầy chính thức đổi tên thành: Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt Việt Nam theo sắc Lệnh số 325-QP ngày 10.4.1963. Đất và Trường rộng mênh mông, tọa lạc giữa vùng khu ấp Chi Lăng và khu Thái Phiên. (Tôi hẹn bạn sẽ cùng nhau nói nhiều về trường Võ Bị trong dịp khác nhé).
Các bạn lên xe trở về thành phố thăm di tích xưa từ thời vua Bảo Đại đã đặt tên là Thung Lũng Hoà Bình. Bây giờ là Thung lũng Tình Yêu (thời Pháp thuộc gọi đây là Vallée D’ Amour) ở trong khu Ấp Đa Thiện, xa phố Hòa Bình 4,6km, nơi đây phong cảnh khá hữu tình, những rừng bạt ngàn cao vút thông nhấp nhô soi mình trên mặt hồ im ắng, nước trong xanh thỉnh thoảng gợn lăn tăn dưới pedalo.
*****
Tôi đã mời các bạn cùng tôi ghé thăm Đà Lạt (bằng đường bộ), chúng tôi đi qua hai ngả chính: 1.- Từ hướng Sài Gòn xe chạy về miệt Biên Hoà, Long Khánh, rồi xe bon bon tách qua hướng đi Định Quán, đến đèo Marigui, xe qua đèo Bảo Lộc quanh co ngút ngàn núi tiếp núi rừng tiếp rừng, chen với những đồi trà, những đồi cà phê. Lúc xe chạy trên quốc lộ 20 giáp ranh với Di Linh, là khu núi rừng thuộc Tỉnh Tuyên Đức. Taing, nơi đây người dân có thể vào tít tót trong rừng núi xa xôi hiểm trở sâu hun hút, họ đào sâu xuống lòng đất, sàng đất cát trên chi nhánh các dòng suối (thuộc vùng suối của thác Preen, Pongour, Gougah…) để đãi lấy vàng. Xe lên tới vùng đầu Đại Ninh, Đức Trọng qua thác Liên Khương, thác Prenn, Datanlania là thuộc về phong thổ mát rượi của Đà Lạt. Cộng chung dưới 300km
2.- Từ miền Nha Trang, Phan Rang xa xôi muốn đi lên Thị-xã Đà Lạt, xe hơi phải đi về hướng núi toàn rừng tre, nứa, lồ ô, rừng hỗn giao lá kim, lá rộng, dẻ, rừng cây quý đủ loại với bạt ngàn thông chen chúc trong vùng núi. Kể từ lối Krong Pha, xe hơi leo lên càng lúc càng cao… dưới những ngọn núi cao ngất ngút ngàn, gập ghềnh, khúc khuỷu, quanh co và những eo đèo chênh vênh dựng đứng, ngặt nghèo ngóc ngách, khúc khuỷu co rúm như cùi chỏ ôm vô ngực, rất hiểm nghèo khi len lỏi qua rừng rậm, âm-u um-tùm, đó là đèo Ngoạn Mục cách xa thành phố Đà Lạt 40km. Cộng chung quảng đường dài Đà Lạt – Nha Trang 230km.
Rời xa Đà Lạt, xe đò chở các bạn chạy xa dần đền Sofnadronhay, xa từng đầu cây ngọn cỏ. Xe bon bon chạy về hướng Cầu Đất. Những ruộng dâu, những luống hoa, những đồi trà, đồi cà phê rợp bóng, vườn lá dâu (nuôi tằm) giăng mắc nơi nơi. Mỗi khi vào mùa hoa nở, cả vùng trời sương mù đầy hoa thơm ngát tỏa mùi thơm ngào ngạt, ngây ngất. Đỗ đèo Đơn Dương khi bình minh len lỏi trong những vầng mây hồng thắm, gợn từng sóng mây viền bạc long lanh, xen lẫn màu vàng sáng, dần dần ló lên bên triền núi thấp có nhiều đoạn gấp khúc. Từng cuộn mây trắng nõn không hiểu từ đâu quyện với hơi sương, tạo thành những chùm bông gòn xôm xốp, lênh đênh bồng bềnh trôi về đầu núi. Xe chạy trên con đường ngoằn ngoèo mờ mờ bóng râm trơn ướt nước sương đọng thành từng dòng, con đường nhựa bóng láng như da lươn, đầu xe luôn chúi nhủi xuống mãi, có nhiều khúc ngoặt hiểm nghèo như cùi chỏ co quặp. Trên cao chót vót đỉnh đèo nhìn xuống chân núi, từng mảng sương dày và dài như dải lụa đang tản mạn trong bầu trời, hoặc vắt vẻo trên thân cổ thụ trùng trùng điệp điệp. Mặt trời chiếu xiên qua rừng cây tỏa muôn ngàn ánh hào quang rực rỡ, bảy sắc cầu vồng lấp lánh trên những ngọn lá mọng nước lung linh diễm ảo nét thiên đường ngự trên thế trần.

Dọc theo những sườn đồi của đèo Ngoạn Mục, có hai ống nước khổng lồ chạy từ đập Đanhim xuống chân đèo, trông ống nước giống như cặp rắn song sinh giát bạc, hai ống nước long lanh quái dị suốt tháng năm vắt mình treo lơ lửng trong khu rừng xanh um đầy bí hiểm. Tôi rất kính phục các kỹ sư tài ba lỗi lạc, những người thợ kiên cường đã "tạc" cặp rắn thần kỳ" vào không gian, thời gian thành bức tranh tuyệt hảo một công trình vĩ đại, phong phú, họ không ngại gian khổ, sức lực, chỉ âm thầm lặn lội vào rừng sâu, núi thẳm. Họ đầy can đảm có khả năng chinh phục thiên nhiên, để xây dựng, kiến thiết quê hương Việt Nam ngày thêm tiện nghi, giàu đẹp, hùng cường. Hai ống bạc nầy đã, đang, và vẫn cung cấp nước cho vùng phụ cận miền Đông Trung Phần, nguồn nước vô tận trong mát ngọt ngào.
Nơi đây có đường sắt xe lửa Đà Lạt – nối liền Phan Rang. (Tháp Chàm) dài ngót 84km. Xe lửa vận chuyển thường xuyên, khi ta nhìn "con tàu lửa" mệt nhọc leo lên từng nấc, từng nấc trên những ngọn đồi cong cong và thẳng đứng, tàu lừ đừ lắc lư rên hừ hự leo lên tít trên núi cao, cao vút... xe lửa thong thả cố leo lên cao mà không tuột dốc, là bởi do xe lửa có lắp những đoạn móc sắt tinh vi dưới lườn xe. Mình cảm thấy kỳ diệu thay óc sáng tạo của con người (tàu lửa chạy tuyến đường Đà Lạt Phan Rang từ năm 1928 mãi đến năm 1964, mới ngưng hoạt động).
Krông Pha an lạc dưới chân đèo Ngoạn Mục, có nhiều hàng quán tấp nập kẻ ra người vào. Cơm canh nóng hổi, thơm phức mùi chiên xào nấu nướng, khiến khách thập phương cảm thấy đói lòng, họ ghé lại nghỉ mệt và dùng bữa, họ nhâm nhi tách cà phê thơm loại thượng hảo hạng của: cà phê moka, mít, chồn. Hoặc họ uống ly trà bốc khói thơm lừng mùi nỏn trà La Ba, Bạch Mao. Cầu Đất, Đơn Dương, Blao, vân vân... Xe chạy qua gần vùng quốc lộ 1A và 27, thì triền núi từ từ thấp dần xuống đồng bằng và vùng ven biển, xuôi về Đông Nam. Gần cạnh vùng nầy là suối Vĩnh Hảo, nơi cung cấp nước nóng 30/độ C, tinh khiết ngọt ngon. Hòn Lao Câu, Giành Sơn, nằm trên đường xuyên Việt, tiếp giáp Ninh Thuận.
***

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
08-23-2019, 01:36 AM
Photo by Hoài Hương

https://hoiquanphidung.com/uploadpics/pics2018/1566524044-HH 143 A.jpg
/uploadpics/mp3pdf_2018/1566523339-An Tinh Khoi Sương 1_Thuy Duong.mp3
Vua Quang Trung NGUYỄN HUỆ (1753 – 1792)
Nhà chính trị lỗi lạc & quân sự tài ba kiệt xuất.


Phần I. Phân tranh giữa Nam Triều & Bắc Triều
(theo thiên-niên-kỷ)
* Quân Trịnh tiến vô Đàng Trong.
* Tây Sơn đi đánh thành Gia Định.
* Trận đánh oanh liệt ở Rạch Gầm & Xoài Mút.
* Tây Sơn & đoàn quân viễn chinh: Pháp + Miên + Tiêm La.
* Sự rùng rợn dã man khi "người thắng cuộc" trả thù.
***

* Năm 1771, nhân lúc Trương Phúc Loan chuyên chế nắm hết mọi quyền lực, tàn ác, tham lam, làm những điều rất xằn bậy, không lo cho cuộc sống người dân, ông chỉ vơ vét làm giàu riêng mình, khiến dân chúng vô cùng cực khổ, oán thán kêu trời không thấu. Bấy giờ anh em Tây Sơn văn võ đã song toàn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, ở Huyện Phù Ly (nay là Phù Cát, Qui Nhơn) liền lợi dụng "thời thế & cơ hội ấy thế thời phải thế", họ lấy danh nghĩa: “chống lại Quốc-phó Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương” (là cháu đích tôn của Vũ-vương Nguyễn Phúc Khoát). Họ đường đường chính chính ráo riết xây dựng chiến khu, tuyển dụng quân binh, ngày đêm lo luyện tập quân bị, chủ yếu ban đầu là cùng đứng lên phất cờ kháng chiến khởi nghiã. Bởi vì Tây Sơn mang danh nghĩa ủng hộ Hoàng Tôn Dương, nên ai ai cũng mến thích. Khi đánh trận quân binh ưa rầm rộ la ó tung hô ầm ĩ, nên dân gian có câu thơ nghe vui & hay hay:
“Binh Triều là binh Quốc-phó
Binh Ó là binh Hoàng-tôn”.
* Nguyễn Nhạc & nghĩa quân Tây Sơn quyết định đi đánh chiếm thành Quy Nhơn là trung tâm căn bản của khu vực Nam-Trung-bộ, nếu Tây Sơn làm chủ đất Quy Nhơn, tất nhiên là bá chủ toàn khu vực rộng lớn ở vùng này, làm căn cứ địa rất thuận tiện từ đường bộ đến đường thủy khi tiến công, đây là một trọng trấn của Đàng Trong, (xưa Qui Nhơn là kinh thành Đồ Bàn của nước Chiêm Thành). Muốn đánh chiếm thành Qui Nhơn, Nguyễn Nhạc lập mưu kế rất táo bạo, ông tự ngồi vô cũi, giả bộ để quân lính (phe ta) đã phản lại Tây Sơn về đầu hàng với chúa Nguyễn, họ bắt được tướng Nguyễn Nhạc thì khiêng ông tới thành Quy Nhơn để lập công, nộp "giặc ngụy tặc Nguyễn Nhạc" cho tướng giữ thành là Nguyễn Khắc Tuyên.
Tuyên không hề nghi ngờ, trái lại mừng rỡ hớn hở như nhặt được vàng ký! Tuyên tin chắp bắp như điếu đổ điều nầy là thật, y cho quân áp giải Nguyễn Nhạc vô thành giam. Nửa đêm, quân Tây Sơn trá hàng ấy mở cũi cho Nguyễn Nhạc ra, ông cùng binh lính (phe ta) đã ở bên trong thành, phối hợp với quân ngoại viện từ ngoài thành nổi dậy ào ạt ùa vô đánh chiếm thành Quy Nhơn. Nguyễn Khắc Tuyên quá sửng sốt, vội bỏ gia đình, ấn tín, mà run rẩy chạy trốn. Thắng thế vẻ vang trong chớp mắt, từ Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc kéo đại binh tiến ra đánh chiếm Quảng Ngãi. Đến cuối năm 1773, quân Tây Sơn mau chóng chiếm được Phú Yên, Diên Khánh, Bình Khang, Bình Thuận, rồi làm chủ vùng đất từ Qui Nhơn dài dài tới Quảng Ngãi. Quân Nguyễn co rút vô Nam-bộ.
Nhớ em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm (cd)
Truông nhà Hồ là vùng đất rộng lớn ở Huyện Vĩnh Linh, thuộc Tỉnh Quảng Trị hoang vu, cỏ mọc um tùm chằn chịt. Phá Tam Giang ở phía Tây Nam có ba con sông Hữu Giang, Tả Giang và Trung Giang, là những lạch lớn có nước ở Huyện Quảng Điền chảy ra biển Thuận An, Tỉnh Thừa Thiên (bây giờ phá Tam Giang đã cạn nước). Giữa năm 1774, chúa Nguyễn cử Tống Phúc Hiệp đem quân từ Gia Định đi theo hai đường thuỷ, bộ ra đánh Nam-Trung-bộ, quân chúa Nguyễn mau chóng lấy lại Bình Thuận, Diên Khánh, Bình Khang. Nguyễn Nhạc chỉ làm chủ từ Phú Yên ra Quảng Ngãi.
* Nhân lúc "Đàng Trong" rối ren do Tây Sơn vừa mất Bình Khang, thì phía phương Bắc có biến, tháng 10 năm Giáp Ngọ 1774, chúa Trịnh Sâm cử Bình-nam Thượng-tướng-quân Việp là Hoàng Ngũ Phúc, & Hoàng Phùng Cơ, Hoàng Đình Thể, Hoàng Đình Hảo đem ba vạn quân vượt sông Gianh, mà Nam tiến vô đất Bố Chính đánh họ Nguyễn, (nhưng quân Trịnh giả đò lấy lý do trừ khử Trương Phúc Loan). Nhờ có nội ứng, quân Trịnh lần lượt chiếm Bố Chính, Đồng Hới, Thuận Hoá. Hoàng Đình Hảo chiếm được lũy Trấn Ninh. Trịnh Sâm nhận được tin kia, tuy e dè ngần ngại nhưng quyết định đem đại binh tiếp ứng. Vậy là tháng Chạp năm ấy, Hoàng Ngũ Phúc tiến lên đóng quân ở Hồ Xá (Huyện Minh Linh, Quảng Trị), Ngũ Phúc truyền hịch rằng:
- Quân Bắc chỉ đi đánh Trương Phúc Loan mà thôi, ngoài ra không có ý gì khác.
Tuy bề ngoài Phúc dẽo miệng thơn thớt nói vậy, nhưng nào có phải như vậy. Chúng trở mặt đem quân binh đi đánh chúa Nguyễn. Quân chúa Nguyễn yếu thế, phải trói Trương Phúc Loan nộp cho quân Trịnh. "Nhặt được" Trương Phúc Loan rồi, chúng tiến binh tới Huyện Đăng Xương, lại sai người vô Phú Xuân "lếu láo" dụ rằng:
- Tuy Phúc Loan đã được trừ khử, nhưng Tây Sơn hãy còn. Vậy xin đem binh tới tụ tại Phú Xuân, để cùng nhau đánh giặc.
Chúa Nguyễn biết bọn Ngũ Phúc chỉ lừa dối, để âm mưu chiếm đoạt kinh thành, chúa Nguyễn bèn sai Tôn Thất Tiệp, Nguyễn Văn Chỉnh đem quân thủy, bộ tới án ngữ ở sông Bái Đáp (nay là Phu Lệ, Huyện Quảng Điền). Hoàng Đình Thể đem binh tiến hai mặt đánh ập tới, khiến quân chúa Nguyễn thua to. Đầu năm 1775, Hoàng Ngũ Phúc tiến quân đánh chiếm Phú Xuân, chúa Nguyễn không chống nỗi, đã bỏ Phú Xuân chạy vô Quảng Nam đóng quân ở Bến Vám.
* Nguyễn Nhạc nhân thời cơ đó, đem hai đạo quân đi đường thuỷ & bộ ra đánh Quảng Nam. Nguyễn Phúc Thuần vội bỏ Quảng Nam theo đường biển trốn vô Gia Định, ông phong cho Nguyễn Phúc Dương làm thế tử Đông Cung, & bảo thế tử ở lại trù trì Quảng Nam. Tháng 2 năm 1775, quân Trịnh tiến vô Quảng Nam, quân Tây Sơn sai Lý Tài rước Đông Cung Nguyễn Phúc Dương về Hội An (Faifo, Quảng Nam). Quân Trịnh vượt đèo Hải Vân đánh chiếm lấy được đồn Trung Sơn, và đồn Câu Để ở Huyện Hoà Vinh.
* Nguyễn Nhạc cử hai tướng người Hoa là Tập Đình làm tiên phong, Lý Tài làm trung quân mà đánh Trịnh. Họ đầu đội khăn đỏ, cởi trần, vai đeo khiên, tay cầm phang quyết đánh quân Trịnh hung hăng. Quân tiền đội của Ngũ Phúc chống cự không nỗi, Phúc bèn sai Hoàng Phùng Cơ, Hoàng Đình Thể đưa kỵ binh và bộ binh tràn vô xông trận. Hoàng Ngũ Phúc đánh bại quân Tây Sơn ở Cẩm Sa. Nguyễn Nhạc rút quân về bến Bản, sau đó đưa Đông Cung Nguyễn Phúc Dương về Quy Nhơn.
Như vậy việc nắm giữ địa bàn của Nguyễn Nhạc nay chỉ còn Quy Nhơn và Quảng Ngãi. Nguyễn Nhạc biết Tập Đình là người bạo ngược, ý Nhạc muốn nhân cơ hội Đình thua trận thì giết Đình, nhưng Tập Đình rõ dụng ý cuả Nhạc, Tập Đình ba hồn chín viá chạy trốn về Quảng Đông, (Trung-Hoa). Ai ngờ khi Đình về tới đó thì bị chém chết.
Từ khi ngoài Bắc vô Nam thì quân Trịnh luôn ở thế chiến thắng, Nguyễn Nhạc thấy tiềm lực Bắc Hà lớn mạnh như voi, còn mình giống con châu chấu, lẽ nào châu chấu cứ giương càng bé tí teo lên mà sừng sộ đá "ông voi"? Có khác chi lấy trứng chọi đá? Tất nhiên không thể đương đầu rồi, nên ông quyết định xin hoà với chúa Trịnh. Cũng do Nguyễn Nhạc muốn tập trung toàn bộ lực lượng nơi chiến trường phía Nam, ông sai Phan Văn Tuế đem thư, vàng bạc châu báu, và xin nộp đất Qui Nhơn, Phú Yên, Quảng Nghiã, "dâng" đến Hoàng Ngũ Phúc. Nhạc khôn khéo xin Phúc cho làm tiên phong đi đánh chúa Nguyễn.
Hoàng Ngũ Phúc thấy quân Trịnh đi đường xa đã bơ phờ, rời rã, ốm đau, mệt mỏi, vã lại Hoàng Ngũ Phúc muốn mượn sức từ tay Tây Sơn, để diệt họ Nguyễn, "trai cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi" mà. Nên Ngũ Phúc xin chúa Trịnh cho Nguyễn Nhạc đầu hàng, lại phong Nguyễn Nhạc làm "Tây Sơn Trưởng-hiệu Tráng-tiết Tướng-quân", Phúc sai Nguyễn Hữu Chỉnh trao cờ và ấn kiếm cho Nhạc. Dù thế, quận Việp không lui quân, cứ "giả vờ ngây thơ cụ" ngồi chơi xơi nước lân la chờ đợi rung đùi mà đóng quân sát địa giới Quảng Ngãi: nếu Tây Sơn bại trận, thì quân Trịnh sẽ tiến vô đánh chiếm "Đàng Trong". Tống Phúc Hiệp sai sứ bắt Nguyễn Nhạc trả lại thế tử Nguyễn Phúc Dương.
* Nguyễn Nhạc biết rõ ý đồ bất chính ấy, ông giả vờ phục lệnh vâng vâng dạ dạ nhận lời, rồi Nguyễn Nhạc bí mật đưa thế tử Đông Cung Phúc Dương ra Hà Liêu. Tạm yên mặt Bắc, nhưng "ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục", ý định Nguyễn Nhạc thì bất cứ giá nào... phải chiếm lại cho kỳ được Phú Yên từ tay quân giặc. Nên Nguyễn Nhạc làm cuộc giao hảo thân tình gả con gái cho Phúc Dương. Nhạc sai người vô Phú Yên điều đình với Tống Phúc Hiệp về việc lập Phúc Dương làm chúa, việc khôi phục đất nước, nhất là việc cần gieo niềm tin để an lòng xã tắc, mà "hợp tác" đánh Trịnh.
Việc đàm phán đang "đi hàng hai" nửa chừng dang dở, thì Nguyễn Nhạc quyết định lập lại thế cờ, ông cử Nguyễn Huệ đột ngột kéo quân khi "thuận buồm xuôi gió" tới đánh Phú Yên, khiến Hiệp choáng váng ngỡ ngàng không kịp trở tay, quân binh tướng sĩ sợ hãi cùng hè nhau bỏ chạy tán loạn. Nguyễn Huệ bắt sống Nguyễn Khoa Kiên, giết Nguyễn Văn Hiền. Tướng Nguyễn đem quân ra cứu, bị Nguyễn Huệ bắt sống. Tướng Tống Văn Khôi ở Khánh Hoà cấp tốc cầm quân ra đến Phú Yên, cũng bị Nguyễn Huệ giết tại trận.
* Lúc bấy giờ đất Thuận Hoá kể từ Nam Bố Chính trở vô có hai Phủ: Quảng Bình có ba Huyện & 1 Châu. & Triệu Phong có 5 Huyện (Quảng Trị). Để tăng thêm uy danh & thanh thế, Nguyễn Nhạc yêu cầu quân Việp phong chức cho Nguyễn Huệ làm "Tây Sơn Hiệu-tiền Tướng-quân". Nhân lúc quân Trịnh rút khỏi Quảng Nam, các tướng họ Nguyễn bèn nổi dậy chiếm lại nơi này. Nguyễn Nhạc phải điều động Nguyễn Huệ từ Phú Yên chạy ra Quảng Nam đánh tan quân Nguyễn, lấy lại đất Quảng Nam. Chẳng bao lâu quân Tây Sơn đã chiến thắng vinh quang.
* Hoàng Ngũ Phúc nhân lúc Tây Sơn đem quân vô "Đàng Trong", liền xâm lấn tới đóng quân ở Châu Ổ đất giáp Quảng Nghĩa. Nhưng sau nghe tin Nguyễn Huệ thắng trận khải hoàn, Ngũ Phúc nằm trụ lại một chỗ co vòi rút cẵng, không dám tiến quân đi đâu nữa. Năm Ất Tỵ nơi vùng nầy bị dịch trầm trọng người ta nằm la liệt trong cơn hấp hối, chết rất nhiều, Ngũ Phúc gởi thư xin chuá Trịnh cho rút quân về Thuận Hoá, Trịnh Sâm đồng ý. Ít lâu sau vì tuổi già sức yếu, quá mỏi mệt rã rời nơi chiến trường, quân Việp bỏ Quảng Nam về tới Phú Xuân, Việp giao thành lại cho tướng dưới quyền trấn giữ, còn mình rục rịch dẫn đại quân rút lui về Bắc, đang đi dọc đường thì quân Việp bị bệnh chết.
* Nguyễn Huệ ngày đêm thân chinh ra Bắc, để tướng người Hoa là Lý Tài giữ thành Phú Yên. Tài bất mãn dị ứng với anh em Tây Sơn, vì chức Chánh-tướng của Tài bị mất, (đã về tay Nguyễn Huệ), nên hắn nghe lời dụ dỗ của Tống Phúc Hiệp, y quay ra đầu hàng chúa Nguyễn. Phen nầy Tây Sơn lại mất Phú Yên.
***
Tây Sơn đi đánh thành Gia Định.

Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về (cd)
Hoặc là:
Nhà Bè nước chảy trong ngần
Buồm nâu buồm trắng chạy gần chạy xa
Thon thon hai mái chèo hoa
Lướt qua lướt lại như là gấm thêu (cd)
Nhà Bè là một vùng đất hữu tình nằm ở hướng Đông Nam thành phố Sài Côn (Sài Gòn), hợp lưu của sông Đồng Nai & sông Sài Gòn luôn có gió mát lồng lộng thổi trên những lọng dừa xanh tươi. Từ thế kỷ 16 thì cuộc "rỉ tai Nam tiến" của người dân từ "đàng ngoài" ngày càng đông đúc, rầm rộ tấp nập đi vô "đàng trong" lập nghiệp "nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc" mà cùng nhau vui vẻ làm ăn sinh sống. Họ chuyên cần chăm chỉ khai khẩn vùng đất hoang sơ rộng mênh mông, nhưng phì nhiêu trù phú, màu mỡ, đầy phù sa bồi đắp, có đàn cò chấp chới thẳng cánh bay trên ruộng lúa bạt ngàn xa tắp đến tận chân trời, nơi có quá nhiều trái ngọt cây tươi oằn ngọn, nơi có lắm cá bống dừa, nhiều tôm càng to, cá lóc, cua, cáy, tôm rằn, tép gạo, ngao, sò, ốc, hến, ếch, rắn, rùa... ê hề. Mỏi mệt đếm hủy hủy hoài hoài chẳng bao giờ đếm hết chuồng heo ủn ỉn mập ú, làm sao kể xiết từng bầy gà, từng đàn vịt thả trứng đầy nhóc trên cánh đồng bao la rộng mênh mông. Nơi nông dân có làm lụng đó nhưng thảnh thơi nhàn hạ, làm chơi mà ung dung ăn thiệt. Thật là đất đãi người như ca dao:
Ơn trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn nơi thì cày sâu
Công lênh chẳng quản bao lâu
Ngày nay nước bạc ngày sau cơm vàng
Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tất đất tất vàng bấy nhiêu (cd)
Ở "Đàng Trong" thuộc Nam Kỳ từ thời rất xa xưa đã lập ra lục tỉnh quan trọng: Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Các vùng nầy đất rộng dân thưa, thời đó phương tiện di chuyển còn rất lạc hậu, đường bộ khó khăn thâm u cheo leo, đất đai gập ghềnh lồi lõm, sông ngòi cách trở. Đi ghe thuyền thô sơ, không khỏi có nhiều bá đạo hoặc "lục lâm thảo khấu" tha hồ hoành hành! Tất nhiên dân gian những miệt nầy đã có câu vè nghe ớn lạnh, nổi da gà: "muỗi bay như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh". Hoặc là câu:
U Minh, Rạch Giá, Thị Quá, Sơn Trường
Dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua (cd)
Thế nhưng, cũng trong ca dao (cd) lại có câu hữu lý tình thân, khi nói về một trong những vùng đất trù phú dồi dào ở miệt nầy, như sau:
Biên Hoà xứ bưởi thanh thanh
Có cô bán bưởi xinh xinh hữu tình
Anh đây lên thác xuống ghềnh
Đá mòn sông cạn quyết chung tình với em
Nhưng, tả làm sao cho xuể khi đất nước ta muôn thuở tự nhiên vốn dĩ là "hòn ngọc viễn đông", miền Nam phong cảnh hữu tình, khí hậu ôn hoà mát mẻ nhờ có mạng lưới sông ngòi kinh rạch nối liền nhau chằn chịt. Con kinh Ba Lai nối với sông Tiền Giang đậm đà hương sắc rì rào tình tự quê hương. Lạ lùng thay là mỗi năm sông Ba Lai chỉ ba tháng có nước ngọt mà thôi. Còn kinh Điều ở vùng sông Hậu dù mang "cái danh Điều", mà quanh năm kỳ diệu thay nước luôn trong xanh có thể nhìn thấu xuống đáy sông, và nước khá ngọt:
Con kinh anh nói kinh Điều
Nó không màu đỏ lại nhiều màu xanh
Ở đây trái ngọt dân lành
Kinh Điều nước ngọt chảy quanh bốn mùa
Từ thành Gia Định Sài Côn (Sài Gòn) về miền Tây đi qua phà Mỹ Thuận, nếu rẽ hướng phải, theo đường lộ dọc sông Tiền Giang (đúng ra chỉ đi dọc một nhánh sông nhỏ song song với Tiền Giang), là đi về hướng Sa Đéc. Đi được bốn năm cây số, thì đến Huyện Cái-Tàu-Hạ, con lộ ngang qua quận đường nằm về bên phải có tên Quận là Đức Tôn. Từ thị trấn Đức Tôn đi tiếp trên đường lộ ấy, độ 15 cây số, là đến thành phố Sa Đéc. Sau khi đi ngang qua Xã Nha Mân, nổi tiếng có nhiều thiếu nữ đẹp, duyên dáng xinh tươi ngoan hiền và vui vẻ hồn nhiên, nơi có nhiều vườn dâu da, măng cụt, chôm chôm... v.v... sầm uất, sai trái trĩu cành ngon ngọt, chắc có lẽ vì Nha Mân được trời ưu đãi ban cho miền đất trù phú nằm trên cù lao lớn, phù sa màu mỡ hội tụ bồi đắp trên sông Tiền Giang. Nơi đây có câu ca dao truyền tụng:
Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”.
Rồi thì: bao năm qua anh chỉ quanh quẩn bên mái lá khiêm nhường đơn sơ, bờ ao êm ả nhìn "đàn vịt nằm bờ miá rỉa lông", anh cùng xóm giềng vui tươi thụ hưởng thú thanh bình an lạc nơi quê nhà yên ấm, anh chưa từng rời khỏi thôn xóm để đi xa bao giờ. Giờ đây anh lâm vào cảnh khi "đất nước lâm nguy thất phu hữu trách", anh lính thú phải lên đường tòng quân diệt giặc, ít nhiều chi anh cũng "thấm" được nỗi bùi ngùi bịn rịn, khi anh tần ngần ngó từng lũy tre cọ xát vào nhau kêu kẽo kẹt lúc gió về, anh nhìn gốc sắn, ao bèo... nương khoai, và mẹ già vợ dại con thơ dễ thương ôi là thương quá thể, vậy mà anh phải đành đoạn bùi ngùi rứt áo ra đi:
Trong lưng thì dắt bao vàng
Đầu đội nón dấu vai mang súng dài
Một tay thì cắp hoả mai
Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền
Tùng tùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa ... (cd)
Anh nhìn lui ngó tới:
Mây trên trời bủa giăng tứ phía
Nước ngoài biển sóng gợn tứ bề (cd)

* Thì... buồn ơi là buồn, đau ơi là đau, nhớ thương ơi là thương nhớ, thiệt phải! Từ thành Gia Định đi về miền Tây qua phà Mỹ Thuận, nếu rẽ hướng trái, sẽ đi về thành phố Vĩnh Long. Sông Hậu Giang chảy ngang quận Trà Ôn rất rộng, sông chạy dài chừng hai cây số, kể cả Cù Lao Mây ở giữa dòng sông, đã chia Hậu Giang thành hai nhánh sông nên thơ êm ả và trù phú. Thế nên rất nhiều người từ các nơi tấp nập đi theo đường bộ nhấp nhô lồi lõm, hoặc dập dìu lên ghe thuyền bồng bềnh trôi lênh đênh trên sông nước miền Nam mà lập nghiệp tại miền đồng bằng Cửu Long. Ba Thắc, là nơi đặc biệt có gạo thơm khá ngon, ngon hơn gạo "nàng Hương", chả thế mà trong dân gian đã có câu:
Gạo cơm Ba Thắc thơm ngon
Chan nước mắm Hòn ăn chẳng muốn thôi. (cd)
Hoặc:
Đất Cần Thơ nam thanh nữ tú
Đất Rạch Giá vượn hú chim kêu
Quản chi nắng sớm mưa chiều
Lên doi xuống vịnh cũng chèo thăm em (ca dao)
***
* Đầu năm 1776, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Lữ đem quân theo đường thuỷ vô đánh thành Gia Định, họ Nguyễn không có quân trong tay nên không thể chống trả, họ chạy vô Trấn Biên, chạy về Bà Rịa. Nguyễn Lữ chiếm được Gia Định, các tướng cuả chuá Nguyễn: Đỗ Thanh Nhân, Mạc Thiên Tứ, Tống Phúc Hiệp, Lý Tài… tụ tập về Nam Bộ. Quân Tây Sơn đại thắng, Nguyễn Lữ thu gom hết kho tàng của chúa Nguyễn & rút quân về Quy Nhơn. Tháng 6 năm 1776, không lâu sau Tống Phước Hiệp qua đời, Đỗ Thanh Nhân, thủ lĩnh quân Đông Sơn hiềm khích với Lý Tài, đem quân đến đánh Quy Nhơn. Nguyễn Phúc Dương lúc đó từ Quy Nhơn trốn về Gia Định, ông ra lệnh cho Lý Tài rút quân. Tài tranh công với Đỗ Thanh Nhân, hai bên đánh nhau, Nhân thua bỏ Gia Định về Ba Giòng. Tài ép Thuần nhường ngôi cho Dương làm Tân-chính-vương, còn Thuần làm Thái-thượng-vương.
* Lần thứ nhứt - Tháng Ba năm 1777, Tây Sơn đi đánh thành Gia Định .
Nguyễn Nhạc cử Nguyễn Huệ làm tướng đem quân thuỷ vô Đàng Trong đi đánh Gia Định (khu vực Tham Lương). Nguyễn Phúc Thuần theo Nhân giữ Tranh Giang, Dương theo tướng Nguyễn Phúc Thuần giữ Tài Phụ. Nguyễn Huệ chia quân ra mấy đường, đi đánh bại cả hai cánh quân Nguyễn. Thuần và Nhân bỏ chạy về Bến Tre, qua tới Cần Thơ cầu viện Mạc Thiên Tứ (tướng người Hoa). Còn Dương bỏ chạy về Ba Việt (Bến Tre). Nguyễn Huệ đánh bại Mạc Thiên Tứ. Thuần sai Nhân lẻn ra Bình Thuận cầu cứu Chu Văn Tiếp, Trần Văn Thức. Lý Tài thua trận thảm bại bỏ chạy khỏi thành, y đưa chúa Nguyễn về Hóc Môn. Sau Tài rút ra khỏi Hóc Môn, rồi đi rạch Chanh, Tân An, thì bị Đỗ Thanh Nhân đón đường giết Tài chết.
* Nguyễn Nhạc nhân lúc Nguyễn Huệ thắng trận ở Nam-bộ, cũng cử binh đi đánh Phú Yên, Bình Thuận. Một cánh quân Tây Sơn ở Biên Hoà chặn đánh giết chết Trần Văn Thức. Chu Văn Tiếp bỏ chạy. Nguyễn Nhạc chiếm lại đất và dân từ Phú Yên đến Bình Thuận.
* Lần thứ hai - 1782- -
Nguyễn Huệ, quân tướng và binh sĩ Tây Sơn vô cửa Cần Giờ, họ xông tới ngã Bảy, đánh phá quân chúa Nguyễn Ánh. Tên Mạn Hòe (Manuel) bị tử trận khi chỉ huy một chiếc thuyền chở mười đại bác, thuyền hắn bị đốt cháy. Chúa Nguyễn Ánh phải chạy về Ba Giồng (Định Tường). Sau một thời gian chỉnh đốn quân binh, chúa Nguyễn Ánh trở lại đánh Bến Nghé, thì bị Nguyễn Huệ chận đánh tại cầu Bình Điền (nơi dựa lưng vô mé sông gần ngã tư cây cầu nầy). Cùng năm 1782 chúa Nguyễn Ánh đã đánh một trận oanh liệt và chiếm lại nơi vừa mất.
Lần thứ ba, tháng 9 năm 1777 * 1783-, đoàn quân Nguyễn Huệ trở vô đánh vùng Bến Nghé, rồi vô Cần Giờ- Sau khi hạ hai đồn Rạch Bàng & Cá Trê, quân Tây Sơn đại thắng vẻ vang, trận nầy ở gần cầu Tân Thuận bây giờ. Nguyễn Huệ đem quân bao vây tấn công Ba Việt, bắt sống Nguyễn Phúc Dương và toàn bộ quân tướng. Dương và 18 tướng tùy tùng bị đưa về Gia Định xử tử tại chùa Kim Chương tháng 9 năm 1777. Nguyễn Phúc Thuần bại trận, bỏ Cần Thơ chạy tới Long Xuyên. Thuần định tâm chờ Mạc Thiên Tứ lấy tàu thủy chạy qua Trung Quốc cầu viện nhà Thanh. Nhưng bị quân Tây Sơn rượt đuổi đến nơi, bắt được Thuần đem về Gia Định xử tử tháng 10 năm 1777. Chúa Nguyễn Ánh, Đỗ Thanh Nhân và Mạc Thiên Tứ mau lẹ trốn thoát, mỗi người một nơi, kẻ đi Bến Trà (thuộc Định Tường), người chạy về Ba Vát (Vĩnh Long), hoặc Long Xuyên.
* Tháng 10 năm Tân Sửu (1781) Trịnh Quốc Anh (vua nước Tiêm La) sai tướng Chất Trí (Chakkri) và So Si đi đánh Chân Lạp. Nguyễn Ánh sai quan chưởng cơ Nguyễn Hữu Thoại, Hồ Văn Lân đem 3.000 quân qua Chân Lạp tiếp cứu. Vua Tiêm La ở Vọng Các bắt giáo sĩ So Si & Chakkri. Vì thế hai tướng ấy liền giao kết thề hứa với Nguyễn Hữu Thoại sẽ cứu nhau, giúp nhau trong cơn hoạn nạn xong, Chakkri đem quân về Tiêm La khi giặc ở đó nổi lên, vua Tiêm La bị bọn Phan Văn Sản cướp ngôi, đuổi vua đi. Chakkri về Vọng Các tìm giết vua Trịnh Quốc Anh, giết Phan Văn Sản. Chất Trí (Chakkri) xưng là Phật Vương, tự lên làm vua. Hắn phong cho em So Si làm đệ nhị vương, cháu Ma Lạc là đệ tam vương. (Dòng họ Chakkri vẫn tiếp nối nhau làm vua xưng là Rama đến tận bây giờ)!
* Lần thứ bốn 1785-.
Chúa Nguyễn Ánh đã chiếm lại Bến Nghé, thành Gia Định (thành Sài Côn). Chúa Nguyễn bèn sai Lê Văn Quân đem binh ra lấy thành Diên Khánh & Bình Thuận. Nguyễn Nhạc sai các tướng đi đánh chúa Nguyễn Ánh, nhưng quân Tây Sơn bị thua trận thảm bại và mất thêm Bình Thuận.
* Tháng 3 năm 1782, vua Thái Đức và Nguyễn Huệ đem quân thuỷ, bộ... Nam tiến, đánh nhau ở Thất Kỳ Giang (tức ngả Bảy), trận nầy quân chúa Nguyễn thua to, Tây Sơn giết chết cai cơ người Pháp là Manuel (Mạn Hoè). Nguyễn Ánh bỏ thành Sài Côn (Sài Gòn bây giờ) chạy về Tam Phụ. Chu Văn Tiếp từ Bình Thuận chạy vô cứu, cũng bị đánh bại. Chân Lạp chia quân đón bắt được đoàn cầu viện Xiêm, suýt bắt được Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh phải trốn ra đảo Phú Quốc. Năm 1782, một tướng Bắc Hà là Nguyễn Hữu Chỉnh (thủ hạ cũ của Hoàng Ngũ Phúc) không hợp tác với Trịnh Tông, ông ta bỏ vô Nam đầu hàng quân Tây Sơn, được vua Thái Đức tin dùng.
Nguyên do khi Chu văn Tiếp thua trận ở Sài Côn, tướng Chu Văn Tiếp dùng hỏa công chống ngăn, nhưng không được. Thua trận, chúa Nguyễn Ánh phải chạy xuống Ba Giồng (Định Tường), Chu Văn Tiếp men theo đường núi qua Cao Miên, rồi y chạy qua Xiêm cầu viện. Nước Xiêm La bấy giờ thịnh vượng, hắn nuôi tham vọng mở rộng bờ cõi chiếm Cao Miên và Gia Định. Khi nghe bề tôi thân tín của chúa Nguyễn là Chu Văn Tiếp đến cầu cứu, vua Xiêm là Rama I liền đồng ý. Chu Văn Tiếp gởi mật thư báo tin cho chúa Nguyễn biết. Vua Tiêm La sai tướng Chất Si Đa qua Hà Tiên mời Nguyễn Ánh vương đi Tiêm La bàn việc nước. Nguyễn Ánh & ít quân sĩ cùng tướng nước Tiêm đi Vọng Các xin binh cứu viện. Tiêm vương tiếp đãi Nguyễn Ánh nồng hậu, lại sai hai tướng là Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem hai vạn quân cùng 300 chiếc thuyền giúp Nguyễn Vương đánh Tây Sơn. Trận nầy đã lấy được Ba Thắc, Rạch Giá, Trà Ôn, Sa Đéc, Mân Thít... đánh chiếm được Gia Định, họ đi Tiêm La đón Nguyễn Ánh trở về.
* Tháng 2 Quý Mão năm 1783 >> Tháng 8 năm 1783, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đem quân Nam tiến. Nguyễn Ánh lập tuyến phòng thủ kiên cố từ trước, nhưng vẫn bị quân Tây Sơn phá tan. Nguyễn Ánh bỏ thành chạy về Giếng Ngự, Bãi Ngự, mũi Ông Đội, xóm Cạnh Dền, cho tới rạch Chanh, Gò Quao, Thầy Quơn, Bà Cụm, Bà Rài, Trà Ôn, Mân Thích, U minh Thượng, U Minh Hạ, Đồng Tuyên. Khi Nguyễn Huệ đánh phá Đồng Tuyên, Ánh chạy ra Hà Tiên, sau đó ra đảo Phú Quốc. Nguyễn Huệ ra đánh Phú Quốc, Nguyễn Vương lại chạy về Côn Lôn, may nhờ có cơn bão lớn đánh tan một số thuyền Tây Sơn, Nguyễn Ánh chạy ra đảo Cổ Long, Cổ Cốt. Bảy ngày đêm lênh đênh trên biển bị quân Tây Sơn vây đánh, Nguyễn Ánh phải chạy ra đảo Thổ Chu rất cách xa đất liền.
Nhiều phen chúa Nguyễn Ánh và tướng sĩ quân binh "chạy giặc" họ thường đói khát, thương tích, phải giả dạng thường dân xin làm phu phen, để đi thật xa tới hòn Cổ Trọn (Poulo Dâm, hòn Thổ Chấu (Poulo Panjang) v.v... Họ vất vả trăm bề, nhọc nhằn khổ cực đào giếng tìm nước ngọt uống, đào củ chuối rừng, kiếm ốc biển, mò bắt cua, cá biển... ăn qua loa mỗi ngày mà lây lất sống, thật thảm thương. Họ khổ cực chẳng khác chi nông dân chân lấm tay bùn:
Trời mưa trời gió đùng đùng
Cha con chú lùn đi gánh cứt trâu
Đem về trồng bí trồng bầu
Trồng hoa trồng quả trồng cau trồng dừa (cd)
* Tháng 3 năm Giáp Thìn (1784), chúa Nguyễn phải chạy trở qua Xiêm sống lưu vong, chúa Nguyễn đi đến thành Vọng Các hội kiến với vua Xiêm, được tiếp đãi tử tế và giúp đỡ. Chúa Nguyễn tổ chức lại lực lượng. Tháng 4 năm 1784, vua Xiêm Rama I phái tướng Lục Côn, Sa Uyên, Chiêu Thùy Biện, Chao Phraya Abhaya Bhubet đem hai đạo Bộ-binh gồm khoảng ba vạn quân bộ tiến sang Chân Lạp. Xiêm hơn một vạn người, 5.000 đi đường thủy, trên dưới 1 vạn quân đi đường bộ. Quân bộ do Phraya Wichinarong chỉ huy (được tăng viện bởi quân Chân Lạp gồm 5.000 quân của Chao Phraya Abhaya Bhubet, là người Chân Lạp mà làm quan cho Xiêm). Hai cánh quân Phraya Rachasetthi, Phraya Thatsada. Quân thủy do Chaofa Kromluang Thepharirak chỉ huy, được tăng viện bởi quân bản bộ của chúa Nguyễn đi từ Xiêm La về, cộng với các cánh quân khác nằm sẵn trong nước. Ước tính lực lượng liên quân Xiêm, quân Nguyễn, quân Chân Lạp, cộng lại có quân số khoảng hơn ba vạn người.
***
* Tháng 7 năm 1784, Binh thuyền Tây Sơn đến nơi đóng quân ở Mỹ Tho, tướng Nguyễn Huệ trầm ngâm nghiên cứu, cẩn thận xem xét địa hình, ông đi thăm dò lòng dân, tìm hiểu điểm mạnh, điểm yếu. Ông mở những cuộc tập kích nho nhỏ lẻ tẻ, rải rác, để thăm dò tình hình đối phương. Quân Xiêm ngang ngược hống hách tham tàn, ỷ mình đã ra tay cứu giúp chúa Nguyễn Ánh, nên chúng lộng hành, đàn áp, cướp bóc, dã man đánh đập dân ta không có lý do chính đáng, chúng tỏ ra khinh rẻ, ngạo mạn, làm vô số điều chướng tai gai mắt, nhất là coi chúa Nguyễn lẫn tướng, quân, dân chúng không ra gì. Biết được điều đó, Nguyễn Huệ cho người đưa tiền của mua chuộc Xiêm, cốt làm cho tướng Xiêm chủ quan. Thế là lòng hắn tăng sự kiêu ngạo, thêm mối hoài nghi chia rẽ chúa Nguyễn Ánh đối với quân Xiêm. Thành thử mâu thuẫn giữa quân chúa Nguyễn, quân Xiêm, và dân Việt càng trở nên trầm trọng, phức tạp, nhiêu khê.
Khi thủy quân Xiêm đổ bộ lên đánh chiếm Rạch Giá (Kiên Giang), rồi tiến đánh quân Tây Sơn của Đô đốc Nguyễn Hóa ở Trấn Giang (Cần Thơ), sau đó tiến chiếm các miền Ba Thắc (Srok Pra-sak, Sóc Trăng), Trà Ôn, Sa Đéc, Mân Thít (hay Mang thít, Man Thiết). Tướng Tây Sơn là Trương Văn Đa liền đem quân thủy từ Gia Định tiến xuống Long Hồ (Vĩnh Long) để ngăn cản. Dân gian ở thời buổi nầy vô cùng khốn đốn vì bạo nạn chiến tranh hãi hùng, có lời thở than cao ngất lưng trời:
Gốc tre già đẽo ra đòn gánh
Chồng đi lính vợ khóc hi hi
Trời ơi sinh giặc làm chi
Cho tôi phải trẩy ra đi chiến trường (cd)

Trận đánh oanh liệt ở RẠCH GẦM & XOÀI MÚT .

* Trận thủy chiến giữa quân Tây Sơn & quân Xiêm xảy ra trên sông Tiền Giang, khúc sông này gọi là sông Mỹ Tho dài rộng, cồn Thới Sơn ở giữa, có hai con sông Rạch Gầm và Xoài Mút từ Cai Lậy đổ ra hợp lực với nhau, làm nước thêm óng ả mơ màng lênh láng tràn đầy dâng cao. Có những ngày nước thủy triều lên cao nhất trong năm. Khi thủy triều lên hết mức, thì nước "vui vẻ" tự đứng lặng yên, ngừng nghỉ độ bốn năm giờ, rồi thủy triều bắt đầu từ từ rút xuống. Khoảng thời gian nước ngưng nghỉ giữa lên và xuống "thư giản" kéo dài đó, thì Nguyễn Huệ quyết định chọn khúc sông Mỹ Tho, đặt đại bản doanh quân Tây Sơn (từ Rạch Gầm đến Xoài Mút cách Mỹ Tho khoảng 12 km), làm trận địa thư hùng quyết chiến.
Dân gian thời đó đã có câu cao dao:
Rạch Gầm – Xoài Mút tăm tăm
Xê xuống chút nữa tới Vàm Mỹ Tho
Bần Gie đóm đậu sáng trời
Rạch Gầm – Xoài Mút muôn đời oai linh (cd)

* Ngày 30 tháng 11 năm 1784, đại đô đốc Chu Văn Tiếp thông thạo địa hình, dẫn quân đi trước vô sông Mân Thít, Chu Văn Tiếp bị tiền quân Tây Sơn là Chưởng Tiền Bảo vây đánh, Chu Văn Tiếp bị thương nặng và qua đời. Mất đại tướng, chúa Nguyễn Ánh cho quân cứu viện, chém chết Chưởng Tiền Bảo và nhiều quân Tây Sơn. Phò mã Tây Sơn Trương Văn Đa lui quân về giữ Long Hồ. Tại đây quân Xiêm cướp bóc phá hoại dân ta kinh khủng, Nguyễn Ánh tuy thấy hành động bạo tàn dã man của chúng, thì rất bất bình, nhưng chúa Ánh lo sợ không dám can thiệp, vì chúa Ánh đã mất người liên lạc giữa hai bên Xiêm - Nguyễn (Chu Văn Tiếp tử trận). Lê Văn Quân thay Tiếp cho quân tiến đánh lũy Ba Lai (Bến Tre), & Trà Tân (Định Tường). Bến Tre là nơi tạo ra những tấm lòng chân chất, thật thà, thân thiện, hiền hoà, cũng là nơi sản xuất ra những món ăn hấp dẫn luôn lưu truyền trong ca dao:
Bánh Tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc
Măng cụt Hàm Luông vỏ ngoài nâu trong trắng như bông gòn
Anh đây nói thiệt sao em còn so đo.
Trong trận Ba Lai, Chưởng-cơ quân Nguyễn là Đặng Văn Lượng bị tướng Tây Sơn Nguyễn Văn Kim chém chết, tướng Kim cũng bị Lê Văn Kế chém trọng thương.
* Cuối năm 1784, Trương Văn Đa sai Đô-úy Đặng Văn Trấn về Quy Nhơn báo rõ tình hình nguy cấp ở phía Nam, vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) liền cử Nguyễn Huệ làm tổng chỉ huy đem đại binh ào ào đi vô Nam. Trước ngày 20 Giêng năm 1785, Nguyễn Huệ bí mật cho quân và tàu chiến ẩn náu ở các nơi hiểm yếu.
Vua Xiêm sai cháu là Chiêu Tăng làm chủ tướng, Chiêu Sương làm tướng tiên phong, thống lĩnh hai vạn quân Thủy, 300 chiến thuyền, từ Vọng Các vượt vịnh Xiêm La, qua ngả Kiên Giang để giúp chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Ánh cũng tập hợp được một số quân khoảng 3, 4 ngàn người, chúa Nguyễn cho Chu Văn Tiếp chỉ huy với chức Bình-Tây Đại-đô-đốc, Mạc Tử Sanh làm tham tướng dẫn đường. Chiêu Tăng giao Sạ Uyển ở lại giữ đại bản doanh, cử Lục Cổn dẫn Bộ-binh mom men theo tả ngạn sông Tiền.
Nguyễn Huệ cùng tướng tiên phong dẫn trăm thuyền chiến tiến xuống Mỹ Tho bày binh bố trận với sự lựa chọn thời điểm 4 giờ tuyệt vời (thời gian nước đứng yên ngưng nghỉ không lên không xuống, ngưng chảy). Nguyễn Huệ lựa chọn khúc sông rất rộng, vua dùng thuyền Đại Hiệu di chuyển quân binh, thời ấy có giàn đại bác đặt trên cồn Thới Sơn tuy thô kệch dềnh dàng, đơn sơ nặng nề, nhưng cũng là bề thế oai phong lẫm liệt, sáng tạo & hữu hiệu lắm, khiến đối phương nhìn thấy nó đã rùng mình khiếp sợ lo lắng vô cùng. Phục binh Tây Sơn nằm chờ từ hai sông Rạch Gầm –Xoài Mút, Nguyễn Huệ ra lệnh cho quân binh đến khiêu khích địch, "dụ khị" hai mươi ngàn quân Xiêm "ngổ ngáo" lọt bẫy vô chỗ nước ngưng chảy, đồng thời cũng có nhiều mặt tấn công khác cuả quân Tây Sơn chung vai sát cánh rầm rộ ập vô tràn ngập ở chiến trường nầy.
Quân địch bị dụ đến ổ phục kích giữa liên quân "Xiêm - Nguyễn - Tây Sơn" tại khúc sông Rạch Gầm - Xoài Mút, (khi đó thuộc dinh Trấn Định, xứ Đàng Trong; về sau đổi thành Tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc Tỉnh Tiền Giang). Khi con nước đang xuôi, cả hai đạo thủy bộ quân Xiêm hăng hái rầm rộ tấn công Tây Sơn. Đầu canh năm ngày 19 tháng 1 năm 1785, pháo lệnh tấn công của Tây Sơn nổ vang ở Rạch Gầm, Xoài Mút, đoàn thuyền chiến địch lọt vô trận địa mai phục của quân Tây Sơn, hai đội thủy binh Tây Sơn từ Rạch Gầm, Xoài Mút lao ra chặn đánh hai đầu, dồn quân địch vô vòng vây đã phục kích. Hai bên bờ sông Tiền từ đoạn Rạch Gầm, Xoài Mút, dọc cù lao Thới Sơn, bãi Tôn, cồn Bà Kiểu, Rừng Dừa... từ những nhánh rạch nhỏ chảy quanh các cồn bãi, quân Tây Sơn ào ào kéo ra chặn đánh bọc đầu quân địch.
Một đoàn thuyền Tây Sơn khác có đặt đại bác, pháo hỏa hổ Bộ-binh Tây Sơn bắn dữ dội vào đoàn thuyền địch. Số thuyền khác ẩn náu sau cù lao Thới Sơn xông ra đánh mạnh vô hông địch, nhằm chặn đứng đường lui. Quân Tây Sơn cho những thuyền nhẹ chở đầy vật liệu dễ cháy đâm thẳng vô những chiến thuyền địch, khiến chúng rối loạn, sợ hãi hốt hoảng khi thấy trong chốc lát có một số thuyền bị chìm, một số khác bị bốc cháy ngọn lửa càng lúc càng phừng phựt dâng cao. Thuyền địch đang bị dồn đống ùn ụ lại một chỗ đông đen kín mít.
Dưới sự chỉ huy tinh tường linh hoạt và tốc chiến của Nguyễn Huệ, Thủy-quân & Bộ-binh quân Tây Sơn phối hợp nhịp nhàng với nhau, ráo riết khép chặt vòng vây mà quyết liệt chiến đấu, nên đã tiêu diệt quân địch mau chóng. Kết quả không đầy một ngày thì 300 chiến thuyền, hai vạn Thủy-binh Xiêm, một số đông quân chúa Nguyễn Ánh đã bị quân Tây Sơn phá tan. Hai tướng Chiêu Tăng, Chiêu Sương với số tàn quân sống sót khoảng vài nghìn người chạy trốn trối chết lên bờ Bắc sông Mỹ Tho, họ liều chết thở hổn hển mở đường máu co giò chạy một mạch lên Quang Hóa, chạy qua đất Chân Lạp rồi tức tốc lủi về Xiêm.
Tại Long Hồ, quân bản bộ chúa Nguyễn tan tác, chúa Nguyễn Ánh không thể chống nổi quân Tây Sơn, ông cùng đoàn tùy tùng vội vã rút chạy theo sông Trà Luật, ra sông Tiền tìm đường đi Trấn Giang (Cần Thơ). Sông Hậu Giang chảy ngang Quận Trà Ôn chính là con đường vua Gia Long (chúa Nguyễn Ánh) tẩu quốc, chạy trốn cuộc rượt đuổi của quân Tây Sơn vậy. Mạc Tử Sinh đưa ba chiếc thuyền đón chúa Nguyễn chạy đi Hà Tiên. Cai cơ chỉ huy quân thủy là Nguyễn Văn Oai chết tại trận.
Trong lần chạy tháo thân này, Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng lại lâm vào hoàn cảnh khốn cùng rất khổ sở, có lúc cạn hết lương thực, tướng Nguyễn Văn Thành đi ăn cướp, bị dân đánh trọng thương, suýt chết. Tôn Thất Huy, Nguyễn Văn Thành, Tôn Thất Hội mỗi người còn năm ba chục quân. Số quân bản bộ của Nguyễn Ánh khoảng bốn nghìn người, nay chỉ còn hơn 800 người chạy thoát thân sang Xiêm, trong đó có 200 người chạy trốn theo Nguyễn Ánh, sáu trăm người chạy theo Lê Văn Quân.
* Ngày 25 tháng 1 năm 1785, Nguyễn Ánh sai Mạc Tử Sanh và Chánh-cơ Trung qua Xiêm báo tin thất trận. Biết không thể trông cậy nhờ vã người Xiêm giúp đỡ bất cứ điều gì. Khi các tướng dẫn tàn quân tìm đến, thì cả đoàn Nguyễn Ánh mới kéo nhau ra sống lây lất ở đảo Thổ Chu. Sáu ngày sau trận Rạch Gầm - Xoài Mút, Nguyễn Ánh gởi bức thư cho giáo sĩ Li-ô đại ý kể rằng: “… Chúng tôi vừa thua trận, tất cả quân lính đều bị tan vỡ”.
* Ngày 4 tháng 2 năm 1785, vua Xiêm nhận được tin bại trận, vội phái Phi-Nhã Xuân đem mười thiếc thuyền đi cứu tàn quân chạy trốn bằng đường biển. Khi gặp nhau, tàn quân Nguyễn trả lời Phi-Nhã Xuân:
- Chiêu Tăng đại bại, theo đường bộ chạy trốn qua Cao Miên thoát nạn, phía sau chúng tôi bị thua, không biết đường bộ thập tử thất sinh thế nào, may mắn cướp được một số thuyền của dân, đã chạy trốn về đây.
Vua Xiêm Chakri I gọi lũ Chiêu Tăng, Chiêu Sương là:
- Lũ ngu hèn, kiêu căng, hung hãn đến nỗi bại trận, làm bại binh, thật nhục quốc.
Sau đó, Nguyễn Phúc Ánh xin vua Xiêm cho ra ngoại thành Vọng Các ở Đồng Khoai. Tại đây, đoàn chúa Nguyễn lo khai khẩn đất đai, làm ruộng, chăn nuôi, trồng trọt, đốn củi... khổ cực điêu đứng trăm bề để tự nuôi nhau. Thật thảm thương trong cơn hoạn nạn.
***

Quân Tây Sơn & đoàn viễn chinh: Pháp + Miên + Tiêm La
Năm 1786, khi tình hình phía Nam tạm yên, Hữu Chỉnh khuyên vua Thái Đức đánh Phú Xuân, khôi phục đất đai của chúa Nguyễn. Vua Thái Đức đồng ý, cử Nguyễn Huệ chỉ huy, tướng Nguyễn Hữu Chỉnh, với Vũ Văn Nhậm (phò mã vua Thái Đức). Tháng 5 năm 1786, Nguyễn Huệ nghe theo kế của Nguyễn Hữu Chỉnh, (do Chỉnh muốn trả thù Trịnh Tông), Nguyễn Huệ quyết định đi đánh Thăng Long với khẩu hiệu "phù Lê diệt Trịnh". Trong vòng một tháng, quân Nguyễn Huệ đã đánh bại quân Trịnh, Nguyễn Huệ tôn phò nhà Lê. Vua Lê Hiển Tông gả công chúa Lê Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Trịnh Tông tự sát. Vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) nghe tin, tự mình cầm quân, thay đổi hết nhân sự, vội vã ra Bắc gọi Nguyễn Huệ về. Thái Đức gặp vua Lê Chiêu Thống. Vua Lê Chiêu Thống xin cắt đất Nghệ An cho Tây Sơn. Nguyễn Nhạc khẳng khái trả lời:
- Tôi tức giận vì họ Trịnh áp chế họ Lê. Nếu đất đai không phải của họ Lê, thì một tấc đất tôi không để. Nếu là của họ Lê, một tấc đất tôi cũng không lấy.
Đêm 17 tháng 8 năm 1786, Thái Đức cùng Nguyễn Huệ bí mật rút quân về Nam. Nguyễn Hữu Chỉnh vội vã chạy theo, Nguyễn Nhạc cho Hữu Chỉnh làm quan ở Nghệ An. Tháng 7 năm 1787, ở phía Bắc, họ Trịnh ngóc đầu lên, thì Nguyễn Hữu Chỉnh ra sức hoành hành. Ở phía Nam, năm Ðinh Mùi 1787 Nguyễn Phúc Ánh còn ở Xiêm La, đất Gia Định nằm trong tay nhà Tây Sơn, do Nguyễn Lữ trấn thủ. Nguyễn Ánh nhân cơ hội lực lượng Tây Sơn do anh em bị chia rẽ, (tác giả sẽ nói ở phần Ba) chúa Nguyễn Ánh quay trở về Gia Định mùa Thu năm Ðinh Mùi, Nguyễn Phúc Ánh lo chống cự với Nguyễn Lữ. Đông Định vương chưa đánh nhau với địch, đã bỏ chạy về Biên Hoà, rồi chạy một mạch chạy về Quy Nhơn, Định bị đau nặng và qua đời.
Tháng 10 năm 1787, Thái Đức (Nguyễn Nhạc) điều động Nguyễn Văn Hưng tiếp viện cho Phạm Văn Tham, quân của hai người bao vây đánh Nguyễn Ánh ở Mỹ Lung không hạ được, Hưng tự ý rút quân về Quy Nhơn, nhưng Thái Đức không trừng phạt tướng Hưng. Lực lượng của vua Thái Đức dần dà hao mòn, quân binh mất hết nhuệ khí, mà Thái Đức không có cách nào vực dậy. Không có người hợp sức, Phạm Văn Tham bị lẻ loi đơn độc, dần dần yếu thế trước lực lượng từ từ lớn mạnh lên của Nguyễn Ánh. Tháng 8 năm 1788, thành Gia Định mất về tay quân vương Nguyễn Ánh, Phạm Văn Tham chạy ra ngoài tiếp tục chiến đấu bền bỉ đến đầu năm 1789, nhưng bị Nguyễn Ánh chặn đường biển, vây kín lối về Quy Nhơn, buộc lòng tướng Tham phải đầu hàng. Chúa Nguyễn Ánh và quân binh tướng sĩ triều Nguyễn toàn thắng.
*
Trong khi đó ở Bắc Hà liên tiếp xảy ra nhiều chuyện không hay, từ họ Trịnh, Nguyễn Hữu Chỉnh, và Vũ Văn Nhậm, cả vụ vua Lê Chiêu Thống dẫn quân Thanh về nhà, nguy cơ mất nước không phải nhỏ, nên Nguyễn Huệ quyết đi chinh phục phía Bắc. [Đọc sử, ai cũng biết Nguyễn Hữu Chỉnh là một kẻ "mưu thần chước qủi" ghê gớm! Chỉnh chạy trốn Trịnh Khải đi vô "đầu thú" Tây Sơn, Nguyễn Nhạc tin dùng cho Chỉnh làm quan ở Nghệ An. Ngày 11 năm Bính Ngọ, theo chiếu chỉ triệu hồi cuả vua Lê, Chỉnh kéo quân ra Bắc dẹp tan được họ Trịnh. Chỉnh lấn áp vua Lê đủ điều, lại trở lòng đối phó với quân Tây Sơn. Sự phản trắc ấy đã khiến Nguyễn Huệ đùng đùng nổi giận, Nguyễn Huệ nói với sứ bộ Bắc Hà:
- Năm xưa ta đem quân ra Bắc vô thành Thăng Long, chỉ đánh một trận, là tiêu diệt họ Trịnh. Thử coi, nếu ta tuyên bố xưng vương, thì thần dân Bắc Hà có ngăn cản ta nỗi không? Chỉ vì ta kính mến tiên đế, không tơ hào đất đai, lập lại trật tự trong ngoài đâu vào đấy yên ổn. Khi tiên đế băng hà, chính ta lo cho Lê Chiêu Thống lên ngôi. Nhà Lê chưa đền ơn đáp nghĩa cho ta, lại dùng phản thần Nguyễn Hữu Chỉnh tranh giành xứ Nghệ với ta. Vua Lê xử sự với ta luôn thiếu thành thật. Thử hỏi: Ở vào địa vị của ta, các ngươi có nhịn mãi được không? Nói cho các ngươi biết, ta cho hai vạn quân ra lấy đầu cha con thằng Chỉnh rồi đó.
Thật thế, lời nói như đinh đóng cột, Nguyễn Huệ sai Phan Văn Lân, Ngô Văn Sở phối hợp cùng Vũ Văn Nhậm đi bắt Nguyễn Hữu Chỉnh. Ngày 15 tháng Giêng năm 1788 tại Hoàng Thành Chỉnh bị phanh thây.
Vì vậy, trong Nam, Nguyễn Ánh được người Pháp hỗ trợ kéo ra đánh Bình Thuận, Bình Khang, Diên Khánh, quân của Tây Sơn Nguyễn Nhạc liên tiếp bại trận, mất mấy thành nầy năm 1791, Nguyễn Nhạc chỉ còn cai quản Quy Nhơn, Phú Yên và Quảng Ngãi.
Sau khi ổn định tình hình Bắc Hà, vua Quang Trung quyết tâm về tiêu diệt Nguyễn Ánh. Ông ra sức trấn an Nguyễn Nhạc, và dân trong vùng do vua anh cai quản. Để chuẩn bị Nam tiến, Quang Trung sai Vũ Văn Dũng đi "xin" Càn Long đất Quảng Đông, Quảng Tây. Thật ra đây chỉ là một cái cớ, một thủ thuật khôn khéo về ngoại giao lẫn chính trị, vì vua Quang Trung biết thực lực quân ta không thể, hay ít ra lúc đó chưa thể làm một việc chẳng hợp với "sức vóc" mình. Hơn nữa, hiện tại vua đang thu dụng quân lục lâm "Tàu ô", sai họ đi đánh phá biên giới Trung Quốc, cốt ý để nhà Thanh bị cuốn vô chuyện lo chống giặc cướp, để vua Quang Trung có thời gian hỗ trợ Nguyễn Nhạc dồn lực lượng ở chiến trường Đàng Trong mà thôi.

Ở phía Tây, Trần Quang Diệu mau chóng diệt Trần Phương Bính tại ven núi Hồng Lĩnh. Tới tháng 6 năm 1791, Quang Diệu đem ba vạn quân qua Trấn Ninh, bắt được các tù trưởng Thiệu Kiểu, Thiệu Đế. Tháng 8 năm đó, Quang Diệu đánh bại Quy Hợp. Tháng 10, quân Tây Sơn tiến qua Vạn Tượng. Vua Vạn Tượng là Chao Nan (Chao Nanthasen) không chống nổi, phải bỏ trốn qua Xiêm. Quang Diệu tiến vô Viên-chăn, đến biên giới Xiêm, các tướng tả Vạn Tượng là Phan Dung, hữu là Phan Siêu tử trận.
Tháng 10/1791, Tây Sơn chiếm xong Vạn Tượng. Nguyễn Ánh ở Gia Định không dám ra quân. Chân Lạp là đồng minh của Tây Sơn chuẩn bị lực lượng để phối hợp, (nếu quân Tây Sơn vượt biên giới Vạn Tượng tiến vô Xiêm, hoặc Gia Định), khiến các giáo sĩ ở Gia Định lo sợ chuẩn bị tìm đường chạy. Nhưng Trần Quang Diệu đi đánh xa lâu ngày, được lệnh rút về. Đầu năm 1792, quân Tây Sơn trở về Đại Việt. Không lâu mấy, lực lượng phù Lê của Trần Quang Châu ở Kinh Bắc cũng bị tiêu diệt.
Giữa năm 1792, Quang Trung đã gởi thư đến Càn Long xin cầu hôn công chúa Thanh triều, Quang Trung sai đô đốc Vũ Văn Dũng làm chánh sứ qua triều kiến vua Càn Long, đồng thời "xin" hai Tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Quang Trung chiếm Vạn Tượng chỉ trong mấy tháng, đã làm rung động cả ba bốn thế lực: Pháp + Xiêm + Cao Miên + Nguyễn Ánh. Tháng 4/1792, vua Xiêm viết thư đề nghị Nguyễn Ánh chung sức chống Tây Sơn, lại đòi Nguyễn Ánh cắt đất Long Xuyên, Kiên Giang và Ba Xắc, để làm điều kiện.
Thư Nguyễn Ánh trả lời vua Xiêm:
- Không nhường đất, nhưng chấp nhận đề nghị của vua Xiêm là hợp lực đánh Tây Sơn. Vương (vua Xiêm) đem trọng binh đánh Nghệ An, vương đánh ngả trước, quả nhân (Nguyễn Ánh) đánh ngả sau; nếu giặc giữ Phú Xuân, thì vương quấy rối ở ngả sau, quả nhân đánh ngả trước, đầu đuôi quyết liệt giáp đánh, thì giặc không còn đi đâu được nữa".
*
V/v đối nội, đối ngoại. Ngay sau chiến thắng năm Kỷ Dậu, Quang Trung trao binh quyền lại cho Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm. Một mặt vua lo chống thù trong diệt giặc ngoài, mặt khác vua Quang Trung rất quan tâm tới việc xây dựng mở mang đất nước. Vua khuyến khích người hiền tài ra giúp nước, phân phối đất đai cho những nông dân nghèo, thúc đẩy dân làm thủ công nghiệp, cho phép dân tự do tôn giáo, cho phép mở cửa ngoại thương với quốc tế, bỏ chữ Hán chính thức chọn chữ Nôm. Về ngoại giao, ngay từ trước khi giao chiến với quân Thanh, Quang Trung đã tính đến chiến lược ngoại giao với nhà Thanh. Theo phương lược vạch sẵn, với tài ngoại giao khéo léo nhã nhặn uyển chuyển của Ngô Thì Nhậm, nên Tây Sơn sẽ mau chóng bình thường hóa bang giao thiện hữu với nhà Thanh.
Về ngoại giao, ngay từ trước khi giao chiến với quân Thanh, Quang Trung đã tính đến chiến lược ngoại giao với nhà Thanh. Theo phương lược vạch sẵn, với tài ngoại giao khéo léo của Ngô Thì Nhậm, nên Tây Sơn muốn mau chóng bình thường hóa bang giao với nhà Thanh.
Sau chiến thắng quân Thanh, quyết định đầu tiên là vua Quang Trung chọn địa thế tốt mà lập kinh đô, phía trước có sông Cồn Mộc, sông Lam, có núi Quyết, hào sâu & có nền cao ba bậc ở phần Bắc, giữa là thành trong, là đất Nghệ An để lập Trung Đô, tức Phượng Hoàng Trung Đô, ở khoảng giữa núi Mèo (núi Kỳ Lân) và núi Quyết. Đó là chỗ Quang Trung ngự triều khi tạm nghỉ ở Nghệ An.
Sau khi Nguyễn Ánh tấn công chớp nhoáng tiêu diệt thuỷ quân của Nguyễn Nhạc ở Thị Nại tháng 7-8-1792, Quang Trung quyết định thực hiện một chiến dịch lớn nhằm tiêu diệt tận gốc thế lực của Nguyễn Ánh. Quang Trung truyền hịch cho dân hai miền Quảng Ngãi, Quy Nhơn, trước khi hành quân đánh vô Gia Định là: Điều động 20 - 30 mươi vạn quân thuỷ, bộ; bộ binh theo đường núi qua Lào, đánh xuống Cao Miên, chiếm mặt sau Sài Gòn. Thuỷ binh vô cửa bể Hà Tiên, đánh lên Long Xuyên, Kiên Giang, chiếm mặt trước Sài Gòn. Kẹp quân Nguyễn Ánh bị bao vây tiêu diệt ở giữa, không cho đối phương có đường trốn thoát.
Lúc trước Nguyễn Ánh có quen với một người Pháp tên Peirre Piguneau de Béhaine, évêquie d'Adran (Bá Đa Lộc) Nguyễn Ánh sai người đến Bá Đa Lộc bàn việc nước trong cơn nguy khốn, thì Bá Đa Lộc nói:
- "Nên qua nước Pháp cầu cứu, nhưng phải đem hoàng tử đi theo làm tin, mới được".
Nguyễn Ánh bèn giao quốc ấn cho Bá Đa Lộc, đi cùng hoàng tử Cảnh (bấy giờ mới 4 tuổi), vương làm tờ quốc thư gồm có 14 khoản, cho Bá Đa Lộc trọn quyền thương nghị với chính phủ Pháp, để xin viện binh. Đại khái quốc thư nói:
- "Xin Pháp giúp 1.500 quân và tàu bè, súng, thuốc đạn, v.v... thì Nguyễn Vương xin nhường cho Pháp cửa Faifo (Hội An), đảo Côn Lôn, và ưu tiên cho Pháp có đặc quyền vô buôn bán ở nước Nam".
Tất cả đã xếp đặt xong xuôi, nhưng vì trái mùa gió nên Bá Đa Lộc chưa thể đi Pháp. Nguyễn Vương lại viết thư riêng, ông sai quan phó vệ úy Phạm Văn Nhân dâng cho vua nước Pháp. (Tờ quốc thư và thư riêng gởi cho vua nước Pháp hiện nay còn ở bộ ngoại giao tại Paris). Pháp đã cho viện binh đầy đủ như trong thỉnh nguyện thư cuả chuá Nguyễn. Ngược lại Pháp sẽ có đặt quyền nhận "yêu sách" như trong thư chuá Nguyễn đã hứa nêu trên. Nào ngờ khi đoàn quân viễn chinh từ Pháp đến nước An Nam thì tình hình chiến sự lúc bấy giờ rất cấp bách, họ bị đánh một trận te tua tơi bời, khiến quan quân Nguyễn Ánh, Bá Đa Lộc, các sĩ quan Pháp chống đỡ không nỗi, họ tính chuyện nhanh chân bỏ trốn. Trong thư gởi M. Létondal ngày 14/9/1791, Giám-mục Bá Đa Lộc viết:
- … Nhà vua không biết lợi dụng cơ hội ông ta có được, mà đánh bại kẻ thù, để chúng có thì giờ hoàn hồn, chúng thấy rõ những đồn đại về việc người Âu đến giúp, chỉ là chuyện hão. Ông ta (Nguyễn Ánh) bắt dân đóng thuế, làm dịch vụ nặng nề. Lúc nầy, dân chúng bị nạn đói đe dọa, họ mong quân Tây Sơn đến. Tình trạng hiện thời, nếu chúng quả quyết tấn công, thì nhà vua khó có thể đương đầu được... Tôi rất sợ không đi kịp trước khi tai họa xảy ra cho nhà vua, nếu có sự ấy.
Năm 1792, chuẩn bị phối hợp với Quang Trung, Nguyễn Nhạc đóng nhiều tàu thuyền ở cửa Thi Nại, để Nam tiến. Nhưng lúc đó là mùa gió nồm, chỉ thuận cho quân Nam ra, nếu muốn đánh, phải đợi đến mùa Đông mới thuận gió cho quân Tây Sơn vô. Nguyễn Ánh thừa dịp có quân Pháp, Bồ Đào Nha đã yểm trợ, chúa Nguyễn đánh úp ở cửa Thi Nại, đốt cháy nhiều thuyền chiến của Tây Sơn. Tây Sơn không kịp phòng bị, phải thu quân về Quy Nhơn.
Để báo thù trận đó, vua Quang Trung dự định phát động chiến dịch rất lớn, huy động hơn hai mươi vạn quân Thuỷ, Bộ, chia làm ba đường: - Nguyễn Nhạc và quân "Tàu ô" cùng theo đường Bộ từ Phú Yên đi đánh Gia Định. - Quân Bộ của Quang Trung từ Phú Xuân đi thẳng qua lãnh thổ Vạn Tượng tới Nam Vang (Chân Lạp), từ đó cùng quân Chân Lạp kéo về Gia Định, bao bọc đường chạy đi của Nguyễn Ánh không cho qua Xiêm. - Quân thuỷ của Quang Trung sẽ tiến đón họ ở Hà Tiên, đổ bộ lên đất liền ngăn cản Nguyễn Ánh chạy ra biển. Chính các giáo sĩ Pháp giúp Nguyễn Ánh lúc đó rất lo lắng, họ dự liệu Nguyễn Ánh khó lòng chống cự quân Tây Sơn. Miền đất nầy chịu đựng ròng rã suốt bao năm chiến tranh tương tàn vì "Gia Long tẩu quốc"... một thời gian dài, rồi thì trở lại "Gia Long phục quốc". Coi thật gian truân điêu linh, thảm não, ngao ngán và bẽ bàng! (Trải qua một thời gian dài lâu dai dẵng, chúa Nguyễn Ánh & quân binh họ Nguyễn chiếm lại các nơi thành công vẻ vang xong, thì một quảng thời gian khá dài quân binh tướng sĩ triều Nguyễn dẫn nhau đi chiếm Huế).
Thì... bất ngờ vua Quang Trung Nguyễn Huệ bị bất tỉnh đột ngột, có lẽ do tai biến mạch máu não, hoặc tăng áp huyết. Vua Quang Trung băng hà vào mùa Thu năm Nhâm Tí ở tuổi 39 (tháng 9 năm 1792), khiến kế hoạch Nam tiến của anh em vua Quang Trung không bao giờ trở thành sự thật. Sách “Tây Sơn thực lục” ghi: "Huệ mắc bệnh nặng, chữa không khỏi… Năm ấy Nguyễn Huệ mất, tóc của Huệ thì quăn, mặt thì đầy mụt, có một con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu…".
Quang Trung an táng chu đáo ở cung điện Đan Dương ngay tại Phú Xuân. Đô đốc Vũ Văn Dũng làm bài thơ viếng vua:
Năm năm dấy nghiệp tự thân nông
Thời trước thời sau khó sánh cùng
Trời để vua ta thêm chục tuổi
Anh hùng Đường, Tống hết khoe hùng.
***
Sự rùng rợn dã man khi "người thắng cuộc" trả thù

Ngó lên trời thấy mây giăng tứ diện
Ngó xuống biển thấy chim liệng cá đua
Anh về lập miễu thờ vua
Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha (cd)
Xưa và nay ai ai cũng có lòng trung quân ái quốc hiếu lễ kính cha thờ mẹ vẹn toàn. Ấy thế mà, việc "ác ôn côn đồ, độc ác dã man" khi kẻ thắng cuộc trả thù... thì ở thời nào, đất nước nào, nơi đâu cũng có sự thanh trừng đẫm máu kinh khủng xảy ra. Hãy xem một hoàng hậu cao qúy mặt hoa da phấn xinh đẹp nước Kim bên Tàu: Vua nước Kim có hai phi tần mà vua hết mực cưng chìu yêu thương, vì họ rất đẹp lại ưa ỏng ẹo lả lơi cợt nhã với vua trong thú tính trước mặt mọi người. Hoàng hậu thấy điều đó rất bực bội, quá ghen tức, bà muốn diệt trừ hai ả, mà chưa có dịp. Khi hoàng đế bịnh nặng, đã trăn trối lại với hoàng hậu, hai phi tần cùng bá quan:
- "Trẫm muốn ở suối vàng có người để sủng ái, vậy hoàng hậu hãy chôn sống hai nàng cùng với ta".
Khi vua chết thì hoàng hậu liền cho vua "toại nguyện điều trăn trối", nhưng bà nghĩ:
- "Nếu cho hai ả chết nguyên vẹn như thế, thì chúng lại sung sướng dưới suối vàng nốt. Ta phải cho lóc thịt chúng, thì vua không còn có thân thể đẹp cuả hai ả, mà ôm ấp". Thế là hai phi tần bị banh da lóc thịt rất đau đớn. Nhưng hoàng hậu chưa nguôi cơn ghen và tức giận, vì khi vua còn sống trước mắt ta, hai ả dám "diễu cợt phỉ nhổ" buông tuồng lố bịch làm chi, cho ta thấy đau khổ bị ruồng bỏ, và thật chướng tai gai mắt. Chẳng hả dạ chút nào, hoàng hậu nghĩ: "còn xương, là chúng có thể biến được thành hình người". Nên bà ta ra lệnh binh lính bằm xương hai ả, rồi bỏ vô cối xay nghiền cho nát vụn, sau đó đem "thi hài vụn cuả hai ả" ngâm dấm cho tiêu ra nước!
Lịch sử nước ta ghi về các vụ xử tử "phạm nhân" hay "kẻ đối lập, phản quốc" như tra tấn, tùng xẽo, cho "ngựa xé voi chà" thì nhiều vô số, không làm sao kể xiết, chẳng khác chi hoàng hậu kia, là một trong nhiều vụ dã nan tàn độc nhất. Điển hình là vụ Gia Long ngay sau khi lên ngôi, vua đã cho xử vị vua trẻ của Tây Sơn là Quang Toản năm 1802 & gia đình tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu. Lẽ ra Quang Diệu bị khép vô tội "voi chà". Nhưng Gia Long khen Quang Diệu rất hiếu thảo với mẹ, vã lại Gia Long cảm khái Quang Diệu khi đánh thành Qui Nhơn, thì hứa sẽ không giết hại bất cứ binh sĩ nào của Nguyễn Ánh. Thế nên vua Gia Long gia ân cho Trần Quang Diệu "được ân phúc chặt đầu".
Riêng về nữ tướng tài ba Bùi thị Xuân (vợ Trần Quang Diệu), bị vua Gia Long cho voi chà. Nữ tướng cuả quân Tây Sơn bị đem ra pháp trường thấy con voi tiến tới mình, thì bà chỉ tay vô mặt voi mà hét to, mặt bà không hề biến sắc. Con voi khựng lại rồi qùy mọp xuống đất. Điều đó khiến Gia Long & quần thần và quan khách phương Tây rất lấy làm kính nể và bội phục. Bọn lính liền lấy dáo đâm thọc vô yếu huyệt con voi, nó đau quá bật đứng dậy, dùng vòi quấn lấy thân bà quật mạnh xuống đất, rồi lấy chân chà lui chà tới cho đến khi thi thể bà nát bấy xương máu quyện lẫn trong bụi đất.
Về chuyện Quang Toản, vua Gia Long trị tội bằng cách cho Quang Toản nằm dài xuống đất, bọn lính cột chặt hai tay hai chân Toản vô bốn sợi dây dừa, và nối bốn đầu sợi dây ấy vô bốn chân con ngựa, siết thật chặt, rồi bọn lính đánh mạnh vô đít ngựa, cho bốn ngựa chạy đi bốn hướng khác nhau, để phanh thây xé xác Quang Toản ra. Thật kinh khủng, quá độc địa và tàn ác vô nhân đạo tột cùng!
Nguyễn Nhạc lên ngôi vua từ năm 1778 đến năm 1788, xưng là Thái Đức hoàng đế. Từ năm 1789 - 1793, do quyền lực của em trai Nguyễn Huệ ngày càng vượt trội hơn anh, ông đành chấp nhận giao lại quyền lãnh đạo cho em trai là Nguyễn Huệ, còn ông chỉ xưng là Tây Sơn vương, lui về ẩn ở tại thành Quy Nhơn. Năm 1793, ông bị các tướng của vua cháu là Quang Toản nhân cơ hội đã chiếm lấy thành Quy Nhơn, ông uất ức đột tử mà chết).
Nguyễn Ánh từ phòng ngự chuyển sang tấn công (bị tướng sĩ Nguyễn Lữ đánh liên tiếp mãi đến năm Kỷ Dậu 1789 mới lấy lại được Gia Ðịnh). Khởi nghĩa Tây Sơn có khí phách tuyệt luân đã thật sự chấm dứt cuộc nội chiến phân tranh Trịnh ở phía Bắc - Nguyễn ở phía Nam, khi Đàng Trong – Đàng Ngoài quyết chiến suốt hai thế kỷ. Và, đánh bại quân Đại Việt, Xiêm La từ phía Nam ; của Đại Thanh từ phía Bắc.
Thế mà khi chiến thắng vinh quang rồi, Nguyễn Ánh sai người đào lăng mộ toàn thể gia phong Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, tất cả bị san bằng, không cho để lại dấu tích ở địa điểm nào, các lăng mộ của gia tộc Tây Sơn ở Nghệ An và Quy Nhơn đều bị khai quật, hủy phá hết huyệt sâu, khiến người đời sau gọi những chỗ ấy là "giếng huyệt". Bài thơ của người sống dưới thời ấy viết: "Kiến Quang Trung linh cữu" của Lê Triệu (1771-1846) ghi sau:
"Bao năm thét mắng át phong vân
Đủ thấy anh hùng - bậc vĩ nhân
Hàm Đan hận vùi muôn vạn xác
"Khuân Sơn" phần mộ hoạ trăm năm
Ngậm hờn chỉ trích ngàn thu hận
Nỡ phụ đường đường tám thước thân
Quang cảnh thảy đều thành cát bụi
Khiến đời muôn thuở cợt Doanh Tần!"
***
Tình Hoài Hương

Phần 2: Đoạn vua Quang Trung “Bắc-Tiến” mời độc giả xem ở các trận đánh: Đống Đa & Ngọc Hồi, sẽ đăng vô trang kế tiếp.
***

* THH biên soạn bài viết theo lịch sử Việt Nam, từ:
* ít sách trong Bộ Giáo Dục V N C H
* Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim).
* Nam Hải Dị Nhân (Phan Kế Bính).
* Đại Cương Lịch sử Việt Nam (Nguyễn Khắc Thuần).
* Notion d’ Histoire d’ Annam, par Maybon et Ruissier.
* Abrégé de l’ Histoire d’ Annam, par Shreiner.
* L'Empire d' Annam, par Goselin.
* L'ínurrection de Gia Dinh, par J. Silvestre.
* ít nghiên cứu từ Wikipedia.
- Sử quán triều Nguyễn, "Đại Nam thực lục".
- Sách “Tây Sơn thực lục”.
- Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ...
(Đại Nam chính biên liệt truyện).
***
Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
11-02-2019, 05:59 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/pics2019/1572674040-tong thong NGO DINH DIEM.jpg
/uploadpics/mp3pdf_2019/1572673698-Viet nam Viet nam by Pham Duy - Viet Nam Viet Nam.mp3
Chứng Nhân Một Sự Kiện Lịch Sử
(Về ngày 2 tháng 11 năm 1963, - đã bổ túc 1-11-19)


Sau những chấn động kinh khủng xảy từ vụ hăng say hoạt động cách mạng, chống đối, xuống đường biểu tình biểu tọt liên miên bùng nổ, thì lúc nầy tình hình chính trị tại miền Nam Việt Nam (như chiếc ghế cũ, chỉ còn ba chân gập ghềnh), càng ở vào giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng”. Thụy Mi nghiệm thấy đằng sau hậu trường có bóng dáng của những tay “mưu đồ chính trị chuyên nghiệp”, họ đã giựt dây ngầm tạo ra sự vô tổ chức về những đợt sóng bạo loạn. Có tình trạng những kẻ "trẻ người non dạ rất hỗn”, hầu lợi dụng thời cơ… vênh váo thừa nước đục thả câu, điều nầy sẽ rất nguy hiểm khi họ có quyền lực trong tay, mà không biết ôn nhu, khoan hoà, khiêm tốn, khôn ngoan, nhất là phải tri thức và trung dung. Nói chung, tình hình chính phủ lúc đó quả thật là một xã hội rối rắm như mớ bòng bong, đang trôi bồng bềnh trên biển cả, giống như một chiếc tàu không người lái. Mặc ai muốn làm gì thì làm. Luật pháp bị xô ngã, nhường bước cho sức mạnh bạo lực hổn độn lên nắm chính quyền điều hành.
Dạo ấy, các bạn sinh viên năm thứ hai Văn Khoa, cùng Thụy Mi, Vì Dân... tuy còn rất trẻ, nhưng có nhiều băn khoăn, đắn đo, bâng khuâng suy nghĩ về khả năng, tài đức… của những vị “lãnh đạo cách mạng” nầy. Thêm vào đó, dựa vào một vài dữ kiện đáng ghi nhớ đã xảy ra về sự kiện lịch sử: cay đắng đến xót xa chua chát bàng hoàng, khiến nó mất đi tất cả lý-tưởng cao trọng trong "cuộc lãnh đạo kháng chiến", tín-trung vào lề lối đấu tranh trung-dũng. Vì Dân cảm thấy "sự cách mạng" lạt lẽo, mù mờ, vô bổ từ đó. Hơn nữa, chính lúc nầy chuyện bè phái chính trị hoàn toàn không phù hợp với quan niệm, hoài bão, lập trường của Dân và Mi. Hai cô muốn tìm riêng cho mình sự thảnh thơi, bình lặng trong đời sống, quyết giữ tinh thần ôn nhu, trong sáng, tìm một cuộc sống vô-tư-lự, thanh thản, hữu hiệu, thật sự đáng sống; để mình có thể góp phần nho nhỏ giúp ích trong cuộc đời, một cuộc đời thực sự bình dị, mến thương nhau, ôn hoà, an lành, có nghĩa có tình như mọi công dân hiền hậu khác: Không oán ghét, chẳng vò xé hận thù. Không vướng mắc mọi ưu tư ray rứt dày vò ở trong lòng. Do một tuần lễ công tác trong tổng-hội sinh-viên Việt Nam ở Huế, đã gây cho Mi & Dân bao điều băn khoăn, nghẹn ngào, xót xa quá cay đắng. Vì, khi làm việc với nhau trong tuần lễ đó, có một anh sinh viên sống tại Huế rất qúy mến các bạn từ Sài Gòn, Đà Lạt... đến Huế, anh ta ngầm ngầm báo với họ là:
- Hãy hết sức cẩn thận. Đề phòng. Tính mạng của các anh chị hiện đang nằm gọn trong tay “họ”.
Thú thật, các bạn trong nhóm Mi & Dân không hiểu nỗi mình làm thiện nguyện bổ ích cho đời thì đã có gì sai? Và, khi anh ta nhấn mạnh ở điểm nầy, thì hai cô chẳng thể biết ra sao, không hình dung chữ “họ” ở đây, là anh ta muốn “ám chỉ” về ai? Ai? Bởi vậy, ban ngày Mi, Dân, và các bạn ghi tên ở khách sạn, nhưng ban đêm cùng nhau lo đi ẩn nấp, chui rúc nơi bờ bụi như lũ chuột, khi các bạn ngủ chỗ nầy, khi ngủ dưới ghe bà Nẫm, đến khuya các bạn lại cho ghe neo đi chỗ khác, lúc thì lên gần gầm cầu Bạch Hổ, khi chạy về khu Gia Hội. Vân vân... Đồng thời, Thụy Mi rất buồn vì chuyện tình yêu giữa “chàng và nàng” bị đổ vỡ vô cớ. Kèm theo chuyện chính trị náo loạn dị kỳ, cô quá chán ngán, không muốn mọi thứ ấy luôn thọc mũi dùi vào đời sống sinh viên, quấy rối lòng mình nữa! Bởi vì; (tất nhiên trong đó có cả các anh chị bạn, và... nhất là có người yêu dấu của cô):
Cô cảm nhận ra rằng ở tại miền Trung bấy giờ hoàn toàn do nhóm sinh viên sừng sỏ hùng hậu chi phối chính quyền địa phương. Đấy là dấu hiệu “loạn” đã lên cao độ rồi. Cái nền độc lập tự do dân chủ vừa mới sơ sinh, mà manh nha nhiều thủ đoạn “rối” như thế nầy, thì… tương lai đất nước sẽ tối đen như đêm ba mươi Tết. Theo thiển ý của Thụy Mi: nếu tham gia làm cách mạng (vì thực sự yêu nước, muốn cùng nhau xây dựng một quốc gia hùng cường, một đất nước tự do hưng thịnh, vinh sang và trường tồn); thì ta không chỉ chìm đắm bới móc quá khứ, mà ôm hận thù. Điều cần thiết và cấp bách là muốn thực thi cách mạng, trước tiên ta cần phải an-nội.
Thế nhưng… giờ đây thanh niên là rường cột của quốc gia, đang giống như con dao hai lưỡi. Rồi mọi chuyện sẽ đến đâu? đi đâu? về đâu? Thật ra đám sinh viên thiện nguyện đi Huế công tác bây chừ cảm thấy buồn bã, chán nản lên tột đỉnh. Có thể nhận thức của họ về vài vấn đề nào đó còn eo hẹp, khiếm khuyết, nông cạn, không hữu hiệu, phiến diện và ít sắc bén trong suy nghĩ, nên không thể đạt được sự cảm thông và khuyến khích với "những vị có hào quang chói lọi trên đài danh vọng khi đi kháng chiến cứu... bồ chăng". Thế nhưng khi Mi nghe: Albert Einstein (1879-1955) đã nói: “The world is a dangerous place to live, not because of the people who are evil but because of the people who don’t do anything about it”. (Thế giới là nơi nguy hiểm để sống, không phải chỉ vì bọn cùng cực hung ác, mà còn vì những người ù lỳ, không làm bất cứ một điều gì, để trừ khử cái ác ấy). Hoặc giả như Napoléon Bonaparte (1769-1821) đã trầm ngâm suy tư: “Le monde souffre enormément, non pas à cause de la violence des gens malsains mais à cause du silence des gens braves”. (Thế giới chìm đắm trong đau khổ, không phải chỉ vì bạo lực của bọn ác, mà còn vì sự im lặng của người tử tế).
Thế thì ta có nên nên cúi đầu lanh lẹ quay gót, lo thụt lùi lui xa chính trường, không hề dám ngoảnh lại len lén liếc nhìn… hay không nhỉ? Bởi, Vì Dân còn nhớ rất rõ: Buổi chiều đó, một buổi chiều có mây trắng bồng bềnh bay bay trên lưng trời, có nắng nhạt nhè nhẹ rót xuống thế trần, có gió mơn man trên đầu cây ngọn cỏ, cảnh vật êm ả bình thường như bao buổi chiều khác. Có khác chăng là một tí nữa đây Vì Dân, Thụy Mi và hai ba anh bạn sẽ được vinh dự trở thành số ít người hiếm hoi, tận mắt chứng kiến một sự việc đặt biệt ghi đậm nét như một dấu ấn lịch sử: Từ đầu đến cuối sự kiện trọng đại nầy: đã có nhiều dư luận, có nhiều lý thuyết, có nhiều phán đoán, có nhiều nghi vấn. Nhưng “trăm nghe không bằng mắt thấy” về những nhân vật trọng đại, liên hệ đến lịch sử.
Đó là một buổi chiều định mệnh… vô cùng đớn đau bi thảm vào đầu tháng 11 năm 1963. Đúng hơn là buổi sáng ngày 02 tháng 11 năm 1963, ông Trần Trung Dung (nguyên Bộ Trưởng Quốc Phòng, dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm). Ông Dung đã gọi phone đến nhà Năm Tony. Trong nhà Năm có thêm bạn: Trung, Thạch, Thụy Mi và Vì Dân ngồi gần bàn làm việc. Năm bắt phone và chuyển sang cho ông Ba chủ trại hòm Tobia. Sau một hồi trao đổi, giọng ông Ba trở nên lo lắng. Bối rối. Quắt quay. Bồn chồn. Như có điều gì bức bách lắm. Cuối cùng ông Ba thở dài, buông phone xuống, e dè nhìn mọi người hiện diện, đôi mắt ông rướm lệ rồi ngập ngừng nói nhỏ:
- Tổng thống, và ông cố vấn đã chết trong chiếc thiết vận xa M113 mang số 80.989, bởi lệnh của ông Dương văn Minh, do sát thủ là Nguyễn văn Nhung giết hại rùi.
Sửng sốt, bàng hoàng. Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, tất cả vội túc trực trong phòng khách, mở radio lên lắng nghe. Hội đồng tướng lãnh do Trung-tướng Dương Văn Minh đứng đầu đảo chánh đã thành công. Ông Minh tuyên bố: “Tôi tạm thời lãnh đạo quốc gia”. Đài Phát Thanh Sài Gòn chỉ mở nhạc hoà tấu, nhưng luôn luôn nói đi nói lại là: “Anh em ông Diệm đang ẩn nấp, hoặc... tẩu thoát đâu đó”…
Chẳng nói chẳng rằng, ông Ba vội vã kiếm người đi gọi đạo tỳ đến xưởng hòm, để chuẩn bị “hậu sự” cho Tổng Thống Diệm và ông cố-vấn Nhu. Ở nhà kho của ông Ba có nhiều hòm tuy đẹp, đắt tiền. Nhưng không mấy xuất sắc. Chỉ còn một cái hòm tốt nhất bằng gỗ gia tỵ rất quý hiếm, có bọc sẵn thêm cái hòm kẽm ở bên trong. Ý ông Ba muốn để cái hòm nầy cho ông cố vấn Nhu. Ngoài ra, còn một cái hòm nhôm mới toanh láng cón của quân đội Mỹ. Chiếc quan tài nầy rất đẹp, làm bằng nhôm nhẹ, có hai lớp. Bên ngoài mạ lớp sơn bóng loáng, bên trong bọc một lớp đệm nhung mỏng, êm ái như tấm đệm giường ngủ, có thể mở nắp ra đóng vào bằng kính dễ dàng, lộ cả khuôn mặt người quá cố, cho mình nhìn tiễn biệt phút cuối cùng, hòm có chốt cài bên hông. Nếu là xác đã ướp lạnh, có thể để lộ hẳn ra ngoài. Ở Việt Nam chưa xuất hiện loại hòm tân thời như thế.
Lẽ ra là chiếc hòm rất sang trọng đẹp đẽ qúy hiếm nầy sẽ đựng thi hài của một viên Tá người Mỹ đã từ trần tại Việt Nam. Nhưng không hiểu sao họ lại mang vất bỏ chiếc quan tài ấy ở bên hông nhà ướp lạnh trong phi trường Tân Sơn Nhứt!?. Tình cờ ông Ba đi làm việc đã thấy. Tiếc quá nên ông Ba nài nỉ, thương lượng với tên quản lý nhà xác, và ông đã mua lại. Ông Ba đem về trưng bày trong tiệm cuả mình, coi chơi. Ai đến mua giá cao cỡ nào, ông cũng không bán. Thế là ông Ba quyết định:
- Chỉ có Tổng Thống Ngô Đình Diệm mới xứng đáng nằm an nghỉ trong đó thôi.
Cả hai khuôn hòm được mang ra lau chùi bóng loáng, sát trùng sạch sẽ, họ chuẩn bị sẵn sàng; chờ lệnh. Gần 11 giờ trưa, phone của ông Trần Trung Dung gọi báo:
- Nhờ ông vui lòng mang khuôn hòm đến nhà xác bệnh viện Saint Paul. Ở đường Tú Xương. Tuyệt đối không cho đông người đi, và người lạ tháp tùng. Xe chỉ chở đến đó… mỗi lần một quan tài mà thôi.
Ông Ba nêu ý kiến:
- Có nên lấy thêm một xe nữa. Đi theo phía sau xa xa xe kia. Hay không?
- Không. Chở từng cái một, mỗi xe đi cách xa nhau khoảng nửa giờ. Mang cái “đầu tiên” đi trước.
Ông Ba tuân lệnh. Đem cái hòm đặc biệt “đầu tiên” đi. (ý họ muốn nói đến “cái đầu tiên”: là khuôn hòm của Tổng-thống Diệm, người sẽ liệm trước tiên). Chiếc xe tang từ từ lăn bánh. Trên xe có bà chủ tiệm hòm, Năm, Mi & Dân, Thạch, Trung, cộng thêm bốn người đạo tỳ. Xe lao vào đường phố vắng tanh như đi trong thành phố chết, hoặc đang vào giờ giới nghiêm, thiết quân luật vậy. Đến đường Tú Xương, Vì Dân mới thấy phe cách mạng lật đổ chính phủ đã cho cảnh sát, quân cảnh đứng canh gác ở các chốt. Xe jeep chận ngang ngỏ vào nhà xác.
Ngoài các anh: Năm, Thạch, Trung, Mi, Dân, bà chủ tiệm và bốn đạo tỳ ra, còn có hai soeur có lẽ ở bệnh viện nầy. Thêm vợ chồng cháu rể của tổng thống đang lăm le chiếc máy ảnh trong tay. Khi xe tang vào tới bên trong, thì một soeur rón rén, lấp ló, len lén nhìn trước ngó sau, coi soeur có vẻ gian, sợ sệt lén lút, như người làm chuyện mờ ám gì, chả biết. Hình như soeur có lệnh trước, đã vội vàng kéo cánh cửa đóng ập lại liền. Trong nhà xác chỉ có một ngọn đèn vàng lù mù, leo lét, treo lơ lửng tòn ten trên trần.
Bốn đạo tỳ mang quan tài đặt trên bệ đá cẩm thạch trong nhà xác. Họ đợi khoảng hai mươi phút sau, thì có một chiếc xe hồng thập tự kiểu Dodge nhà binh (màu cứt ngựa) thắng lết bánh, đỗ xịch lại. Bà soeur canh cổng kia lật đật mở cánh cửa nhà xác ra. Từ trên xe có bốn quân nhân nhảy phóc xuống, họ vội vội vàng vàng khiêng chiếc băng ca lắc lư nhún nhảy. Trên đó có một người nằm cũng nhún nhảy lắc lư theo nhịp bước mau. Họ mang băng ca vào hẳn phía trong, để xuống dưới đất. Họ chả buồn nhìn ai hay nói câu nào, họ cúi đầu vội vã quay trở ra, leo tọt lên xe. Chiếc xe Dodge rít lên nghe rợn tóc gáy vút đi trong sự im lặng hãi hùng…
Lúc bấy giờ cả nhóm đông trong phòng liền bước tới đứng sát bên băng ca. Người nằm trên băng ca là vị tổng thống kính mến của nền Đệ Nhất Cộ̣ng Hòa miền Nam Việt Nam: Ngô Đình Diệm (1901-1963). Ngài mặc bộ veston màu xanh rêu, thắt cà vạt xanh đậm có chấm trắng. Dưới chân ngài mang một chiếc giày màu đen, bên chân kia chỉ có một chiếc tất trắng. Cả bộ comple chìm trong màu máu, trên đầu tổng thống có một vết thương sâu từ dưới ót trổ lên đỉnh đầu, bê bết máu. Ngài nằm đó thản nhiên im lặng, dường như tổng thống say chìm trong giấc ngủ ngàn thu bình an không muộn phiền, chẳng khổ đau…
Ánh sáng vụt loé lên. Thì ra ông cháu rể ngoại quốc kia đã bấm được vài ba tấm ảnh. Chả hiểu ông cháu nầy lúng túng, run rẩy, sợ hãi, lo lắng hay sao, mà ông lại vội cất dấu máy hình, không chụp thêm mà lại ngưng? Hay ông thấy cảnh máu me lan tràn như thế, thật hãi hùng và đau lòng. Nên ông không cầm nỗi cơn nghẹn ngào xúc động đau đớn dâng tràn bờ mi?!
Đạo tỳ khiêng xác ngài lên, đặt trên một bệ đá cẩm thạch có lót hai lớp vải trắng. Bà chủ tiệm nói với Năm, Thạch, Trung, Vì Dân, và hai soeur:
- Nhờ lấy bông gòn và compresse nhúng đầy alcohol, lau nhẹ nhàng, lau sạch sẽ, lau rất cẩn thận các vết máu cho tổng thống giúp tôi.
Họ lộ vẻ kính cẩn, ân cần, chu đáo sửa sang áo quần Tổng-thống Diệm chỉnh tề, ngay ngắn. Bốn đạo tỳ chăm chỉ cắm cúi lo tẫn liệm ngài đàng hoàng. Bà chủ tiệm hòm lâm râm đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn người quá cố. Bà nhét vào tay tổng thống xâu chuỗi hột mân côi. Hình như Tổng Thống Diệm vừa mới chết, cho nên hai bàn tay ông đã nhẹ nhàng khép lại dễ dàng giữ xâu chuỗi, như ông đang lim dim đọc kinh lần hạt. Mọi người hiện diện nín thở, có cảm tưởng tim đập thiếu nhịp, thở hụt hơi: Nghẹn ngào. Ngậm ngùi. Cay đắng. Bẽ bàng xao động. Đau xót kinh khủng. Thương tiếc sâu sa. Buồn mênh mông cho kiếp phù sinh bạc mệnh. Ngắn ngủi!
Họ chưa kịp đậy nắp hòm, thì chiếc xe hồng thập tự lúc nãy đã trờ đến. Cánh cửa lớn do bà soeur kia lum khum hé mở ra. Đám lính lật đật bưng cái xác thứ hai vào. Bà soeur vội vàng khép nhanh cánh cửa ngay. Đó là ông Cố-vấn Ngô đình Nhu mặc áo sơ mi trắng cụt tay ngực đẫm máu. Áo bỏ trong quần màu nâu hơi xộc xệch, thắt dây lưng da, chân mang đôi giày màu kem. Gương mặt ông Nhu có vẻ oán hận, bất bình điều gì, vầng trán thật cao cau lại với nhiều nếp nhăn. Đôi môi ông mím chặt nghiêm nghị. Không thấy ông Nhu có nét thanh thản bình an (như gương mặt thản nhiên của người anh). Ông nằm hơi nghiêng qua một bên. Họ thấy ông bị nhiều vết đâm sau lưng, loại dao bayonet của quân đội. Máu vẫn ứa ra từ các vết thương đó. Trên đầu, ngay thái dương có hai vết thủng. Đó là dấu đạn đi từ bên nầy xuyên sang bên kia.
Công việc tẫn liệm cũng tuần tự diễn ra. Cẩn thận, nhưng hơi vội vàng như lần trước. Không khí lúc nầy quả thực nặng nề kinh khủng! Im lặng hoàn toàn. Hình như ai ai cũng thở rất nhẹ. Vì họ sợ mỗi tiếng động làm dấy lên từ đáy lòng mình tiếng nấc, mà họ đã kềm sâu trong lòng, để khóc thương một kiếp người phù sinh: khi họ đứng trên tột đỉnh danh vọng cao sang dường bao, ấy thế mà lúc họ lìa đời thì quá ư bẽ bàng, bạc phận!? Hoặc sẽ làm hỏng không khí kính cẩn tôn nghiêm; nơi con người thực sự đã bước chân vào cõi vô cùng hư vô? Quả đúng là phân giới giữa sự sống và cõi chết: chỉ ngăn cách bằng một sợi tóc dài lê thê và mỏng tanh, bởi một bức màn sô vô hình tầm thường mà mong manh như sương khói. Nhưng, kiếp người ở hai phân giới ấy đã không thể làm gì khác hơn. Người ở biên giới nầy không thể va mặt, chạm tay vào biên giới vô hình kinh khủng bên kia, và càng không thể biết thêm gì nhau hơn!
Đó là hình ảnh nhỏ nhoi tầm thường rất cô độc của con người hiện hữu đối mặt trước sự siêu hình, cao cả của sự sống và sự chết. Quả thật không là gì cả khi thân xác ấy trở thành bất động, lung linh như ảo ảnh hư vô mà vô cùng sống động, thực tế và quá đỗi thương tâm. Các bạn: Mi, Dân, Năm Tony, Thạch, Trung sẽ không bao giờ quên, không bao giờ phai mờ hình ảnh bi thương ấy trong trí óc. Vì, rất thật. Quá thật tình cờ… vô tình mình làm chứng nhân một sự kiện lịch sử trong thế kỷ. Ý thức nhận rõ ràng: Cuộc sống sao quá mỏng manh như một bóng mây trắng hờ hững bay giữa lưng trời rám bạc. Như cành cây oằn thân trong bão khi gió muốn lặng, mà dễ đâu nào!
Vì Dân cảm thấy mệt lả, nhịp tim rung lên từng cơn run rẩy, nghẹn nghẽn nỗi đau trong cổ, nàng vội kéo Năm, Thạch, Trung, bước ra thềm nhà xác, đi về hướng Phan Thanh Giản, là mong cho dễ thở hơn. Ngay lúc đó, Mi thấy một đoàn biểu tình náo nhiệt rầm rộ kéo nhau xuống đường. Họ vừa đi vừa giơ nắm tay hò la, hét tướng lên: đả đảo “chế độ gia đình trị họ Ngô”. Họ đi thẳng tới biệt thự đường Phan Thanh Giản của ông Bộ-trưởng Bộ Nội Vụ Bùi Văn Lương, (người đã từng nắm giữ chức vụ Tổng Ủy-trưởng, Tổng Ủy Di Cư năm 1954).
Họ lao vào nhà ông Lương đập phá, hôi của. Tất cả mọi thứ trong nhà thoáng chốc “biết đi” biến sạch hết ra ngoài đường. Thậm chí Vì Dân còn thấy có mấy người bưng hai con chó Nhật sợ hãi nhìn quanh, như nó đang muốn tìm cố chủ. Đám biểu tình nhốn nháo bắt đầu xúm lại nổi lửa trong sân. Rất may, lúc đó có toán Cảnh-sát Dã-chiến đến. Họ can ngăn kịp thời. Ôi! Cuộc Cách Mạng phừng phưng thành công rồi đó. Toàn dân bấy giờ đã thoát ra khỏi chế độ “gia đình trị họ Ngô”. Nhưng, rồi đây sẽ đến phiên ai đi tới đi lui, đi lên và đi xuống, đi qua và đi lại? Sẽ ra sao? Xin nhường câu trả lời cho lịch sử từ bây giờ, và những tháng năm sau nầy phán xét.
Nghe tiếng bà chủ gọi, các anh, chị, vội chạy trở về nhà xác: khi hai chiếc xe hồng thập tự đã đến lấy quan tài hai anh em họ Ngô. Họ nói với tài xế: “Vô Bộ Tổng Tham Mưu”. (Vì lý do an ninh, nên Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng chuyển hai xác anh em tổng thống vào Bộ Tổng Tham Mưu, an táng trong khuôn viên trại Trần Hưng Đạo, cạnh chùa An Quốc). Hiện diện, làm việc cấp tốc trong đêm khuya có vị linh mục người Pháp, ông bà Trần Trung Dung, Trung-tá Nguyễn Văn Luông (trưởng ban mai táng), một số ít quân nhân ở Tổng Tham Mưu.
Thế rồi tiếp theo sau mấy cuộc đảo chánh. Chỉnh lý. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đương nhiệm nghe lời ông thầy địa lý phán một câu xanh dờn:
- Vì hai huyệt mộ kia đã chôn nhằm “long huyệt”. Cho nên đất nước Việt Nam đã xảy ra lộn xộn liên tục. Muốn cho yên ổn. Phải cho dời đi ngay.
Thế là sau ngày đảo chánh ít lâu, bên phòng mai táng ở quân đội miền Nam Việt Nam Cộng Hòa lại cho mời ông Ba đến, họ bàn trước tính sau cặn kẽ, nhờ ông Ba làm hai cái kim tĩnh xây gạch, tráng xi măng trước. Ông Ba lại cho người lên bộ Tổng Tham Mưu lén lút, hì hục đào bới cả hai anh em cố Tổng Thống vào ban đêm. Đạo tỳ làm việc bù đầu suốt canh thâu không ngưng nghỉ; từ choạng vạng tối đến tờ mờ sáng mới xong. Ông Ba đem hai thi thể: ông Diệm và ông Nhu về chôn ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.
Khi hạ rồng rồi, ông Ba có lệnh chỉ được phép lóng cát phủ lên bề mặt hai ngôi mộ bằng phẳng cho đầy. Bên trên mặt chỉ được lấp ba tấm ván sơ sài. Trông hai ngôi mộ rất hèn mọn, quá tầm thường. Tuyệt đối ông Ba không được phép ghi tên tuổi, ngày tháng trên bia mộ gì cả. Dù chung quanh đó có những ngôi mộ cẩm thạch bóng loáng, vinh sang hào nhoáng lộng lẫy khác. Vì nền Đệ Nhị Cộng Hoà “họ” sợ dân biết tin hai vị ấy nằm đó, dân sẽ đến cầu nguyện và ngưỡng mộ (!?). Nhưng làm sao mà che được tai mắt dân lành!? Không biết do đâu “rò rỉ ra” nguồn tin:
- Chính hai ngôi mộ đơn sơ không tên không tuổi, không hình bóng nầy: là mộ phần của anh em Tổng-thống Ngô Đình Diệm.
Thế là từ đó, mỗi khi ai ai có dịp vào thăm nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, họ liền đi vào cổng chính, đến đoạn giữa “hai ngôi mộ Anh Em”, nằm đối diện với cái tháp tưởng niệm, và ngôi mộ cố Thống Tướng Lê Văn Tỵ to lớn nguy nga, tráng lệ nhìn sang “hai anh em: Gioan Baotixita Huynh ; Giacobe Đệ”. Có một điều rất khác biệt với những ngôi mộ lộng lẫy sang trọng kia, thì trên hai ngôi mộ đơn sơ đạm bạc đớn hèn khiêm tốn nầy, luôn luôn có những bó nhang trầm nghi ngút khói, có đóa hoa tươi màu thay đổi mỗi ngày, có bốn ngọn nến sáng lung linh thắp suốt đêm. Hình như người dân dù sợ hãi người khác thanh trừng, nên chỉ âm thầm lén lút đi thắp nến đốt nhang cầu nguyện. Họ luôn tưởng niệm cho “Ngày dài nhất thế kỷ, buổi chiều định mệnh đó”. Họ là những người dân hiền lương ẩn danh nghèo hèn như thầm nói:
- Vĩnh biệt Tổng Thống Diệm. Vĩnh biệt ông Cố-vấn Nhu. Xin các ngài cứ bình thản an nghỉ. Vì, đất nước Việt Nam vẫn còn là đất nước Việt Nam. Có thay đổi chăng, chỉ là đổi mới những sự kiện, và những con người lãnh đạo quốc gia mà thôi. Nguyện cầu nhị vị an nhàn bình thản ra đi… hạnh phúc phiêu lãng ngao du sơn thủy, đi khắp trên mọi miền đất nước Việt Nam, và xin quý ngài phù hộ cho dân lành được ấm no, bình an hạnh phúc thật sự, như qúy vị hằng đợi mong. Xin qúy vị lãng quên cuộc đời bạc bẽo. Quên con người hết sức trắng trợn độc ác tham tàn và… xin hãy tha thứ cho con người rối rắm hèn kém suy nghĩ kia, những kẻ đã tàn nhẫn hại mình. Kiếp người ô trọc đảo điên và phù du rồi sẽ khép lại sau đôi mắt hờ hững lặng nhìn. Vì Dân tôi, một chứng nhân vô tình hèn mọn trong bóng tối lịch sử buông tiếng thở dài sâu lắng, trầm buồn và ngậm ngùi trên mỗi phím loan: Ối ôi ồi!!! …
***
Mãi về những năm gần đây, sau nầy thôi, thì hài cốt "hai huynh - đệ: Gioan Baotixita Huynh ; Giacobe Đệ" (trên bia mộ vẫn không ghi tên thật, ngày tháng năm gì cả) lần thứ ba, họ lại được thân nhân đào lên, cải táng cho nhị vị về an nghỉ tại "Nghĩa-trang số 6", ấp Đông An, xã An Bình, huyện Dĩ An. Lần nầy, Thụy Mi Vì Dân chấp đôi tay khẩn thiết cầu xin Thiên Chúa cho quý "Huynh-Đệ" thật sự bình an, yên nghỉ vĩnh viễn dưới lòng đất quê hương Việt Nam. Xin đừng "bới móc thi hài người quá cố" lên thêm lần thứ bốn làm chi nữa! Đã quá đủ thảm thương rồi!
* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
11-14-2019, 09:35 PM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/pics2019/1573767198-linh 52 vac dong doi.jpg
/uploadpics/mp3pdf_2019/1573766721-bac mau ao tran - truong vu.mp3
Vũ Hải Triều
Tình Hoài Hương
***


Cơn gió heo may rít lên vô tình lùa qua cửa lớn kêu kẽo kẹt, mang theo ít khí lạnh đầu mùa Thu hiu hắt và đơn điệu, càng buồn hơn khi chiếc lá vàng nghiêng mình chao cánh, cài lên mái tóc thề buông lơi xỏa trên tấm thân Hoa thon thon và mảnh khảnh. Bất chợt Hoa cảm thấy ớn lạnh khẽ rùng mình. Hoa đưa tay kéo hai nẹp áo bung một hột nút để cài kín bờ ngực nhỏ, cô đứng dậy ra cửa lớn định đóng cánh cửa kính của tiệm, nơi Hoa đang học may.
Hoa bỗng nghe: “Gió bay từ muôn phía tới đây ngập hồn anh, rồi tình lên chơi vơi. Thuyền anh một lá ra khơi, về em phong kín như mây trời, đêm đêm ngồi chờ sáng mơ ai. Mộng nữa cũng là không… Ta quen nhau mùa Thu, ta thương nhau mùa Đông, ta yêu nhau mùa Xuân, để rồi tàn theo mùa Xuân. Người về lặng lẽ sao đành” …!
- Ồ… Hoan hô anh Hải Triều hát hay quá.
- Anh hát cho tụi em nghe nữa đi.
- Anh Triều hát đi.
- Anh mắc cỡ sao?
- Ừa… Để anh hát cho các em nghe nha, có gì mà mắc cỡ ha... “Chiều nao áo tím nhiều quá, lòng thấy rộn ràng nhớ người. Đường về miền Bắc bao cách xa. Nhìn về đường lối bao khó khăn: Đây núi cao, đây suối sâu, đây lá hoa reo như ngàn xưa. Đường về ngập gió tha phương, tiếc đời gấm hoa ta đành quên màu sắc núi rừng. Qua bao rừng núi anh về đây, nhớ nhau từng phút yêu từng giây"… Ah! Anh ca từng đó đủ rồi. Bây giờ đến lượt các em ca hát cho anh nghe, mới công bằng và đúng điệu chứ. Ha!
Úi ui! Hoa ngạc nhiên, ngẩn ngơ, chúm đôi môi hồng khe khẽ xuýt xoa, chen lẫn chút mến phục, cô liền thò đầu ra khỏi cửa lớn, dáo dác tò mò nhìn quanh khu xóm nhỏ, dường như Hoa muốn kiếm tìm chàng thanh niên ấy là ai, mà anh ta ưa thích ca nhạc tiền chiến, anh có giọng ca trầm ấm, trữ tình, ngọt ngào cuốn hút làm sao, y như giọng ca Sĩ Phú trong ca khúc “Tà Áo Xanh”, và “Đường Về Miền Bắc” ; nhạc và lời của Đoàn Chuẩn Từ Linh vậy hổng biết!
A ha! Ở mé góc đường cái quan trong làng Phú Nông, nơi ngôi nhà lai ba gian khang trang rộng rãi, và hai chái ghép ở hai đầu hồi, mái lợp ngói gạch nâu nung, tường quét vôi vàng, trong khu vườn cây ăn quả (đối diện với tiệm may) có một thanh niên trẻ tuổi đã nhìn bầy nhóc và tủm tỉm cười, anh cùng bốn năm em nhỏ đứng bên chiếc bàn trên góc sân, nơi có tàng lá vú sữa rợp bóng. Họ vui vẻ chuyện trò vừa ca hát vừa lúi húi vót nan tre, dán giấy bóng màu, giấy bóng kiếng: để làm lồng đèn kéo quân, đèn ngôi sao năm cánh kép. Người ấy mặc quần tây đen, áo màu xám, vóc dáng cao gầy, mái tóc cắt ngắn lộ ra khuôn mặt chữ điền, mũi cao, miệng rộng, mắt hai mí to và đẹp, cằm đôi. À, thì ra… Hoa nghe chị Tâm (chủ tiệm may) thường nói:
- Bà Tố có cậu con trai cả đã đi “lính… tàu bay” trong Sài Gòn. Cậu ấy thiệt dễ thương, vui tính, chưa vợ con gì!
Nhìn anh “lính tàu bay” vui vẻ ca hát và dán lồng đèn cùng em cháu trong xóm, anh ta vô tình không biết Hoa đang nhìn trộm. Tự nhiên Hoa có thiện cảm với người lạ, cô hồn nhiên nở nụ cười vu vơ mà nhẹ nhàng đóng hai cánh cửa kính. Hoa trở lại ngồi vô bàn máy cắm cúi làm việc. Hoa đang theo chị Tâm học nghề may, Hoa học thì ít mà “ma lanh” ăn cắp nghề học lóm thì nhiều. Như chị Thùy Mến đã nhận xét về mình: “Hoa khôn ngoan, dịu hiền, khá thông minh, em học một mà biết mười, giỏi lắm”.
Hôm sau, khi chị Tâm đã xách giỏ đi chợ vắng, ở dưới bếp Hoa quạt lò, gắp than hồng bỏ vô trong bàn ủi làm việc. Nghe tiếng chó sũa, Hoa bỗng nhớ đến chuyện mình về ở làng Trường Sanh, một hôm Hoa đi trên đường, bỗng bị con chó nhà ai ở đâu trong bụi sim xồ ra cắn, đau kinh khủng. Hoa hét to lật đật chạy về nhà, máu chảy ròng ròng mà không hề có thuốc men chữa trị. May sao Hoa không bị điên dại như người ta thường nói. Ngày ngày mạ chỉ biết rửa nước nóng pha chút muối, xong rồi lấy lá ngãi cứu đắp vô vết cắn. Chân của Hoa bắt đầu sưng tấy lên to ú nù, làm độc, nhứt nhối vô cùng. Ruồi ngưởi thấy mùi máu tanh, đã bu đến, Hoa rên siết bần thần đau đớn, và mỏi tay xua đuổi ruồi vẫn không xuể.
Rồi một ngày kia Hoa không thể ngồi đó mà đuổi ruồi hoài, càng không thể bước đi đâu, chân Hoa bị dòi lúc nhúc ăn sâu vô xương tủy. Sự đau đớn tột cùng nầy có lẽ chết mất. Thật kinh khủng! Mạ lật đật tất tả đi khắp xóm vay mượn ít tiền, mạ thuê người cõng con chạy vô bệnh viện cấp cứu. Chờ đợi không lâu, bác sĩ khám rất kỹ những vết thương sưng tím, hôi hám lầy lụa, ông đã buồn phiền lắc đầu ngao ngán họp ban giám đốc, cuối cùng họ bảo muốn cứu sống con bé, chỉ có nước cưa chân. Thật là: Phúc bất trùng lai. Họa vô đơn chí. Đời mình chi mà đau khổ lạ lùng rủi nhiều hơn may! Làm con gái bị cụt chân sao!? Chẳng thà chết quách đi cho rãnh nợ, hơn là sống lê lết trên đời. Nhưng mệ ngọai cương quyết không cho họ cưa chân. Mệ nói:
- Vì cháu là con gái, mệ không thể thấy cháu sống tàn tật. Tội quá!
Mệ mang Hoa về nhà nuôi, mỗi ngày mệ ra đồng bắt con đĩa về, để Hoa ngồi trên ghế, ở ngoài sân mệ cho đĩa đeo vô vết thương mà hút máu độc. Ui chao ơi! Hoa sợ mất hồn mất vía. Hết con đĩa nầy đến con đĩa khác hút máu mũ. Hoa nắm con đĩa để giựt rứt nó ra, nếu nó hút máu mũ chưa đủ thì nó vẫn (đeo dai như đĩa) bu bám cứng ngắt, nó không phải là con đĩa mà… hình như nó đã biến thành xương thịt của mình! Hoa không thể rứt nó ra khỏi người mình, vì khi cầm con đĩa giựt ra, thì chân Hoa đau đến tột cùng! bị đau thấy mấy ông trời. Nhưng khi nó hút máu no nê, thân thể mập ú thù lù vì no, thì nó mở miệng tự động lăn kềnh ra đất thành một cục to to đen thùi lùi nằm ngay đơ y như chết. Thế là chân Hoa lành. Hoa tạ ơn mệ ngoại! thời đó mà mệ thật kiên nhẫn chịu khó vì cháu, mệ văn minh, thông minh… mệ đã nghĩ ra được cái kế như vậy nhỉ? Chớ không có mệ ngoại thì “đã tàn đời Hoa” !
Bỗng nghe có tiếng gõ cửa ở nhà trên, Hoa vội chạy lên mở cửa ra, cô sửng sốt:
- Ô! Chào anh Hải Triều!
- Ơ hơ! làm sao em… em… biết tên anh vậy?
Hoa toét miệng cười:
- Dạ… em biết mà.
- Anh mới ở Sài Gòn về đây chưa đi thăm ai trong xóm. Vậy, em cũng là người lạ. Phải không?
Hoa tủm tỉm gật gật đầu mời Triều vào nhà, cô né qua một bên nhường lối cho Triều bước vô tiệm may. Triều ngồi xuống ghế dựa cạnh chiếc bàn to đang bày nhiều vải vóc, thước dây, kéo và quyển sổ dày:
- Tại sao em biết tên anh. Hở?
- Hi hi, chuyện nầy có chút bí mật. không bật mí cho anh biết đâu. Nhưng anh tới đây hỏi ai rứa?
- Anh hỏi em chớ hỏi ai.
- Không phải.
- Úi Trời! Tức thì thôi.
- Nếu anh muốn hết tức, anh trả lời câu em hỏi, em sẽ nói tại sao em biết tên anh nà.
- Anh chịu thua em, thì… anh hỏi chị Tâm thợ may.
- Dạ, chị chủ tiệm đi vắng ạ.
- Vậy sao!?
- Dạ. Lát nữa anh trở lại nghen.
- Em không muốn tiếp anh à?
- Em không dám.
Triều ngạc nhiên nhìn Hoa chằm chằm, cô liếc nhìn Triều, bốn mắt chạm nhau, Triều hóm hỉnh đá lông nheo mấy cái kịch kịch, khiến Hoa mắc cỡ, liền e dè cúi mặt xuống nói lãng:
- Vậy thì mời anh ngồi đây đợi chị chủ về nghen. Em xuống nhà bếp.
- Em không sợ anh khiêng hết đồ đạc… đem đi bán à?
- Em nghĩ anh không làm chuyện nớ mô.
- Em cứ vắng mặt nơi đây, thử coi anh có dám hay không nà.
- Em sợ anh rồi.
- Mà em nè… cho anh biết: em tên gì?
- Dạ, anh biết tên rồi còn hỏi.
- Em… ui! Em nói đi.
- Em tên “Em”.
- À… cô bé nầy khôn ghê nơi. Vậy anh đoán nghen, nếu sai, thì anh không rinh hết vải vóc, bàn ghế, máy may đi về nhà anh. Mà nếu anh đoán trúng, thì em phải chịu nghe điều kiện anh đưa ra. Nghe: Lan. Mai. Hồng. Cúc.
- Sai anh ơi.
- Vậy thì: Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh
Thân tui thui thủi một mình
Đêm đêm lạnh lẽo buồn tình lang thang
Nếu ai nghĩ chuyện đá vàng
Tôi xin được dạo cung đàn tình chung
Hoa lắc đầu cười tươi. Triều hơi nhíu mày:
- Cổ tay em trắng như ngà
Con mắt em liếc như là dao cau
Miệng cười như thể hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen
Triều vui vẻ cười ha ha ha giơ ngón tay xỉ xỉ về phía Hoa, ngâm tiếp:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không (*) Có phải em có một trong các tên: Trúc, Cau, Xuân, Ngâu, Sen... không?
Thốt nhiên Hoa giật mình le lưỡi xuýt xoa, trợn mắt, co rúm người lại, vì trong mấy bài thơ có chữ “hoa”. Hoa chỉ sợ Triều đoán ra tên mình, thì phiền. Triều ngẩn ngơ bần thần nhìn Hoa giây lát, lòng anh đột nhiên… Phải! phải, đột nhiên anh cảm thấy lâng lâng tràn ngập niềm vui xao xuyến dật dờ khó tả, nỗi dịu dàng ấm áp trong sự hồn nhiên ngây thơ đầy thi vị của “nàng”. Phần Hoa thật lúng túng bẽn lẽn hồi hộp làm sao!
Kịp lúc đó, từ đằng xa vừa bước xuống xe xích lô, chị chủ tiệm may đã ơi ới gọi tên em:
- Hoa ơi! phụ chị ra sân bưng đồ vô nhà. Em.
Hoa vụt đứng dậy bước ra sân chào chị Tâm, cô lanh lẹ xách giỏ thức ăn rảo bước vô sau bếp, lúc ấy Triều cũng trờ tới giơ tay xách quầy chuối nặng trĩu. Chị Tâm thấy Triều, vội đon đả chào:
- Chào cậu. Cậu mới về thăm cha mạ hả.
- Dạ, em về khuya hôm kia chị à. Chị khoẻ không.
- Chị mạnh cùi cụi nì. Cậu về phép được bao lâu?
- Mười bốn ngày, mà em mất hai ngày đi đường rồi. Tiếc ha chị.
Triều nói xong, nhìn chị chủ tiệm cười cười, anh hất hàm ra dấu về phía Hoa, như ngầm ngụ ý: mất hai ngày thì “chàng tiếc vì nàng”. Chị chủ là tay từng trải chuyện yêu đương bồ bịch, có lý nào lại không biết! Chị Tâm toét miệng cười, nói nho nhỏ với Triều khi Hoa xách giỏ đi khuất xuống bếp:
- Em thích không!?
- Thích gì… chị ha!?
- Gớm! Còn làm bộ làm tịch.
- Chị đi guốc trong tim em rồi còn gì! Chắc em phải xin nghỉ phép dài dài, ở lì nơi đây quá, chị à.
- Thì ai cấm em. Cô ấy còn rất trẻ, hiền lành, nết na, cần cù, giỏi, xinh xắn mà đoan trang. Bỏ qua cơ hội ngàn vàng, rất uổng.
- Vâng… Em qua đây để nhờ chị lựa vải, may cho cha mạ, mấy đứa em… mỗi người ít là ba bốn bộ đồ vía. Cũng sắp đến Tết rồi còn gì. Em thúc giục hoài, mà mạ không chịu đi mua sắm. Mạ em nói “già rồi không muốn may áo mới”. Chị coi, bộ già rồi thì không thích mặc áo mới sao!?
- Ừ. Các cụ tiếc của, vã lại áo quần các cụ thì mặc làm sao cho xuể.
- Em xách quầy chuối xuống bếp, nhân tiện chào Hoa. Nhờ chị mà em biết tên cô ấy. Chớ Hoa không chịu nói tên.
- Phải.
Triều dựng quầy chuối cạnh tủ đứng, Hoa quay lui thấy Triều, liền nói:
- Cám ơn anh giúp em mang quầy chuối, cho em đỡ bị vác nặng…
- Vậy… em còn mắc nợ anh đó nghe.
- Nợ anh!?
- Chẳng phải anh đã biết tên em là Hoa rồi sao!
- Anh ăn gian thấy mồ.
- Ha ha… bây giờ anh phải đi với chị Tâm ra chợ lựa vải cho cha mạ và mấy đứa em. Hẹn gặp em sau nghe.
- Dạ, dạ…
Ngay xế trưa hôm ấy, chị Tâm muốn cố ý cho “hai anh chị nhỏ” có dịp thân tình làm quen, nên chị biểu Hoa mang quyển sổ may, viết Bis, thước dây, cùng chị đi qua nhà Triều, đo kích thước của họ, để may áo quần cho gia đình anh. Đến phòng khách thoáng mát, rộng rãi, tranh sơn mài trang nhã và lịch sự treo trên tường không rườm rà, gian giữa là tủ đứng đồ sộ và bàn thờ ông bà tổ tiên. Hoa thấy ông Tố đang nằm trên võng đọc tờ báo. Bà Tố ngồi ngoáy trầu trên bộ ván gõ cẩm lai, mấy em cùng Triều xúm xít bên nhau đánh cờ tướng ở bộ bàn gỗ sao hình chữ nhật bóng láng có mười ghế dựa bọc da.
Chị Tâm đon đả chào hỏi ông bà. Hoa mở miệng lí nhí chào ông bà Tố, thì nhận ra Hải Triều đã đến bên cha, anh dìu ông rời khỏi võng, để chị Tâm đo kích thước cho ông. Hoa lúi húi ghi chép từng người xong, hai ông bà ngồi trên sofa đối diện với Hoa, họ tủm tỉm cười, thì thầm to nhỏ những gì Hoa không nghe rõ, nhưng ông bà vẫn chằm chằm nhìn Hoa ghi chép. Sau khi đo cho các em ấy xong, chị Tâm và Hoa chào gia đình ông bà Tố ra về, thì Hải Triều cười:
- Ớ… còn phần em nữa chớ. Chị Tâm.
- Vậy sao?
- Ở bên tiệm may của chị có mặt hàng vải kia, em thích may một áo sơ mi giống loại đó.
- Vải đó là của khách hàng đem tới may. Không phải của chị bán.
- Thì em… muốn may một áo sơ mi giống như vậy, để kỷ niệm mà. Em nhờ chị…
Thế là ba người kéo nhau trở về tiệm may. Chị Tâm bắt Hoa thực tập và thực hành “ca may” bằng cách tự Hoa đo đạc, cắt, may tấm áo đầu tiên hoàn toàn độc lập, tự tin, không có sự trợ giúp của chị. Ban đầu Hoa cảm thấy e ngại, rụt rè, lúng túng… càng ngượng ngùng nhất là khi Hoa đo ở vòng ngực, vòng cổ Hải Triều, thì Hoa phải đứng đối diện với Triều, lấy cái thước dây choàng từ ngực Triều qua lưng anh ta, rồi vòng trở lại phía trước, coi như bụng, ngực Hoa và Triều phải “ôm sát” vô nhau, (thì mình đã ôm trọn anh ta rồi còn gì)!
Kinh khủng hơn lúc Hoa đo ở vòng cổ… eo ơi! Thiệt “hãi hùng” khi Triều quá cao, anh mỉm cười cúi xuống, Hoa thấp bé lại phải nhón gót ngửng đầu lên. Mắt chạm mắt… xao xuyến, rung động, ngẩn ngơ nhìn... muốn nổ con ngươi! ngực nầy bám riết vào ngực kia, hơi thở dập dồn, ấm áp và bờ môi run run vụng về nở nụ cười coi ngây ngô vụng dại! Thiệt tình mắc cỡ hết biết! Nghề thợ may có lắm chiêu bất hủ, độc đáo và tình dễ sợ ha! Kể từ lúc đó, lúc đó đó… họ đã phải lòng nhau đậm sâu khi nào, chẳng rõ. Suốt tám chín ngày Hải Triều quanh quẩn bên Hoa nhìn em đi lại, nhìn Hoa nói, nhìn Hoa cười. Triều nhận thấy Hoa run rẩy ngại ngùng bẽn lẽn may một cái áo cho mình mãi vẫn không xong:
- Anh về nhà nghỉ đi. Có anh ngồi ở đây, em không may vá gì được.
- Tại sao?
- Anh nhìn em chằm chằm, khiến em ốt dột, run rẩy cả tay chân nà.
- Thì anh đã nói thiệt:
Anh nói em hủy hủy hoài hoài
Biểu em đừng kết ngãi với ai
Xin em kết ngãi lâu dài với anh. (*)
Hoa cảm thấy lòng ngất ngây hạnh phúc mừng vui bất chợt ùa về, cô nhớ đến những câu ca dao... mình cần nhắn nhủ với Triều:
Anh có thương em thì thương cho trót
Có trục trặc thì trục trặc cho luôn
Đừng làm theo thói ghe buôn
Nay về mai ở cho buồn dạ em
Anh ơi làm sao phải phải phân phân
Thì em mới dám trao thân gởi mình
- Hoa à: Anh lấy em đồng cheo đồng cưới
Đủ mặt họ hàng xóm dưới làng trên. Vì em là “mối tình sấm sét” của anh nờ.
- Cái gì là sấm sét?
- Tạo nên sấm sét là do nhiệt độ trong không khí xung quanh tia chớp bị mặt trời hâm nóng đột ngột, khiến không khí nở ra mau hơn tốc độ của âm thanh, không khí xung quanh bị nén lại, tạo nên shock wave, ta nghe như tiếng sấm. Anh thấy em… thì từ giờ phút đó tình cảm từ anh cũng hâm nóng điên lên như vậy thôi.
***
Hoa chỉ tưởng một thanh niên trẻ trung, hào hoa đẹp người và đức độ ấy chỉ nói câu bông đùa chốc lát, cho vui cửa vui nhà. Mai kia mốt nọ khi anh hết những ngày nghỉ phép, Triều sẽ bay đi biền biệt như cánh chim trời phiêu lãng, anh chẳng buồn quay lại chốn cũ đồi xưa, nơi miền quê nghèo khó mà nhớ chi cô học làm thợ may nghèo nàn đang nép mình bên lũy tre xanh!
Nào ngờ… Hải Triều đã thưa cùng cha mẹ, họ hàng thân hữu, anh quyết đưa gia đình về xóm Sen cách xa nhà anh chừng ba cây số, anh khẩn khoản cầu hôn Hoa. Trước bàn thờ tổ tiên ông bà nội ngoại hai bên, có sự chứng kiến đông đủ mọi người… cha mạ Hoa đã rưng rưng ứa nước mắt nhận sính lễ từ chàng trai phong trần. Đó là một ngày tuy trời không lạnh lắm, nhưng Triều cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc hân hoan cùng niềm tin yêu trỗi dậy dâng cao trên mỗi bước chân. Bây giờ thì anh không phàn nàn gì chuyện thay đổi đơn vị, trái lại Triều cảm thấy sung sướng được biệt phái đi về ở Quảng Ngãi, vì nơi nầy anh sẽ gần vị hiền thê một đoạn đường khá dài.
Kể từ lúc Hoa mới hơn mười lăm tuổi non nớt, Triều ngoài hai mươi tuổi, hai cô cậu ríu rít quen biết mến thương và yêu nhau, hạnh phúc nhận món quà -"tình sét đánh"- làm sính lễ đầu tiên, -vị chi vỏn vẹn chỉ có mười ngày. Trước khi Hoa bịn rịn khóc lóc nức nở nói lời chia tay, để Hải Triều lặng buồn ra đi, Triều âu yếm hôn vị hôn thê trẻ, anh cho Hoa biết địa chỉ KBC rõ ràng, hướng dẫn cho Hoa biết nơi anh sẽ trú đóng một thời gian dài trong quân ngũ. Triều hy vọng một ngày đẹp trời nào đó Hoa sẽ lặn lội lên tận miền gió núi mây ngàn quanh năm quạnh hiu, Triều không có gì vui bằng nhận thư người yêu, nhớ thương người anh sẽ âu yếm gọi em là vợ mãi mãi! Hoa sẽ thăm người lính chiến ở chốn giang đầu. Hai người sẽ nồng nhiệt trao nhau trọn trái chín ân tình bấy lâu hằng ấp ủ. Thời gian xa cách dài lâu, thỉnh thoảng hai người vẫn liên lạc thư từ trao đổi. Tuy không thường xuyên, nhưng biết tin nhau, là Triều vui mừng như bắt được viên ngọc quý.
Khoảng hơn một năm sau, gia đình mạ và các em Hoa thu dọn nhà cửa tươm tất, giao các thứ lại cho mệ ngoại nhờ trông coi, mạ, Hoa, các em cùng lên đường vô Tam Kỳ sống với cha... Yên ổn gia đình cha mạ con cái đoàn tụ đâu vào đó xong, một hôm Hoa nhận được thư Hải Triều, ấy là lúc Hoa giật thót mình, chua xót nhận ra rằng: Hoa bồng bột, nông nỗi vô cùng, Hoa trẻ người non dạ ăn chưa no lo chưa tới, Hoa chỉ thương vớ thương vẩn, vu vơ… chứ Hoa không hề nhớ nhung thương yêu Triều thật tình, nhất là không phải trong lòng cô có người khác thay thế Triều, chẳng hề có ai. Hoa càng không thể lấy chồng bây giờ, vì do mình còn rất trẻ, (như anh hẹn sáu tháng sau anh sẽ về phép, xin cưới Hoa, mang vợ đi cùng anh qua khắp nẽo đường quê hương, nơi nào có gót giày đinh dẫm lên, là chốn ấy sẽ có bước chân ngà ngọc của vợ sánh vai cùng chồng)! Ui chao ôi! Lúc đó, trong lòng Hoa dậy sóng, lo lắng, bồn chồn, sợ hãi… Hoa không biết làm sao, có cách nào êm đẹp để hồi hôn. Khi xưa lúc nhận sính lễ, trước mặt quan viên hai họ, mạ đã hỏi Hoa:
- “Con quá trẻ, có suy nghĩ kỹ càng chưa! Nếu đã ưng rồi, không được thay đổi. Nghe không!?
Chính lúc ấy Hoa lia lịa gật đầu không do dự, Hoa còn thộn mặt nhíu mày, bặm môi, tỏ ra có chút bất bình, vì mạ hỏi chi ngớ ngẩn trong ngày vui. Bây giờ, nếu mạ biết chuyện con từ hôn, tính mạ đàng hoàng, không muốn mất mặt mất mũi với họ hàng, xuôi gia, (chữ “xuôi gia” có nghĩa là "xuôi chèo nhà mát mái", chớ không có chuyện “xui xẻo" từ hôn từ hiếc tréo cẳng ngỗng)! Lời hứa như đinh đóng cột: một là một hai là hai, không nói lui nói tới… thì mạ sẽ đánh Hoa nhừ tử; vì tội bất tín, bất trung, bất nghĩa, bất nhân, phản bội.
Suốt nửa tháng cô bất thần sửng sờ như người mất hồn, tâm trí bay lên đọt cây, lo lắng, bồn chồn, sợ hãi, Hoa suy nghĩ nát óc, bị dằn vặt, dày vò kinh khủng giữa "trao nhận và từ chối"! Phải chọn… thiệt chết mất thôi. Một buổi sáng không thể nào im, Hoa khèo em Chiến ra ngoài bờ đê, phải thổ lộ hết tâm sự với em, Hoa nói trong hai hàng nước mắt lăn tròn trên má:
- Em ơi! Chắc là chị phải nhờ em nói giúp với cha mạ.
- Em làm răn dám quyết định chuyện to tát nớ. Hay chị đi gặp anh Hải Triều, nói hết với anh ấy. May ra…
- Phải… phải! Em có ý kiến rất hay. Chắc phải như rứa thôi.
Chị em Hoa lật đật trở về nhà, Hoa lấy hết can đảm xin mạ cho phép đi thăm Hải Triều. Mạ nhìn Hoa, chỉ nói:
- Nếu con biết chỗ hắn ở chắc chắn, thì liệu đi mau về sớm.
Hoa không ngờ mạ lại dễ dàng đồng ý, chẳng vặn vẹo hỏi nguyên do làm sao Hoa cần đi gặp Triều để làm gì! Có lẽ mạ đã từng lặng lẽ sống xa cha, mạ thông cảm thế nào là sự âm thầm nhớ thương chồng lúc xa vắng. Thật vui mừng thoát nạn, Hoa liền túm một bộ áo quần, chạy ra chợ mua ít quà vặt cần thiết để tặng Triều, dẫu sao không có tình cũng có nghĩa. Từ bến xe lam ở Tam Kỳ, Hoa đón hãng xe Phi Long chạy từ Đà Nẵng đi Qui Nhơn, Nha Trang… hoặc xe chạy đường trường chẳng hạn, dĩ nhiên xe đò ấy chạy càng mau và thuận tiện, nếu Hoa đi xe đò chuyến chỉ tới bến Quảng Ngãi, e rằng phải chờ rước khách xe thụt lui thụt tới lâu lắc, phiền phức.
Hoa nôn nao nóng ruột như ngồi trên đống lửa. Hoa tụt xuống xe tìm lối vào Nghĩa Phú đúng hai giờ chiều, chẳng hiểu sao lúc đó Hoa cảm thấy rã rời, hai chân nặng như đeo tảng đá, không thể cất bước, bụng dạ không có hột cơm miếng nước nào, nhưng cứ như ứ hơi no nê, lòng trí Hoa nặng trĩu, bồn chồn, lo lắng, đầy ắp âu sầu. Hai hàng nước mắt tự động lăn dài trên má, khi Hoa ngỡ ngàng nhìn Triều mừng rỡ hân hoan ôm eo Hoa bước vô văn phòng trại. Không thể nào diễn tả được nỗi vui mừng rạng rỡ hiện ra trên nét mặt phong sương rắn rõi kiên cường của anh. So với lúc trước Triều mặc âu phục, trông anh bình thường như một thư sinh bạch diện. Nay Hoa nhìn Triều mặc bộ quân phục, tuy anh sạm đen, gầy ốm, cao, nhưng anh có dáng oai hùng đỉnh đạt phong trần! Có một lúc Hoa mềm lòng nhũn chí, không thể thốt nên lời ngăn cản khi Triều vui vẻ nói:
- Em chịu khó ngồi đợi đây chút nhe. Anh lấy phép xuất trại, mình đi Quảng Ngãi, nơi đó đầy đủ tiện nghi ăn nghỉ. Ôi là mừng biết mấy.
Nói xong, Triều vui vẻ huýt gió nhanh nhẹn bước ra khỏi văn phòng. Hoa ngồi điếng lặng khoảng hơn nửa giờ, sững sờ suy nghĩ: “mình đến đây mục đích chính là gì?! Phải cương quyết lựa lời bày tỏ dứt khoát nói với anh, cho dù khó khăn, bẽ bàng”! Khi Triều đã có giấy phép xuất trại ngày thứ Bảy cuối tuần, Triều mặc bộ thường phục chiếc áo sơ mi màu xanh có sọc đen nhỏ li ti, mà Hoa đã tập may cho anh ngày ấy, quần tây màu đen, mang giày da, Triều ung dung bỏ ít đồ dùng cá nhân vô ba lô, anh khoát tay Hoa rời khỏi doanh trại. Không để Hoa kịp nói gì, Triều kéo tay Hoa tót lên một xe jeep của bạn, anh vui vẻ tươi cười liếng thoắng nói đủ chuyện ở chốn biên thuỳ. Đến thành phố Quảng Ngãi, Triều vẫy tay chào bạn, âu yếm ôm vai Hoa cùng bước vô tiệm ăn. Triều nhìn Hoa:
- Em dạo nầy… rất lạ nghe. Tự dưng ít nói ghê ta.
Hoa liếc nhìn anh, nụ cười méo xệch, nghẹn ngào ấp úng:
- Anh thấy vậy sao!?
- Phải. Sắp làm vợ anh, còn lạ nỗi gì!
- Rồi em sẽ còn xấu hổ gấp ngàn lần.
- Là con gái ngoan hiền, ai mà chẳng vậy, hả em.
Hoa nghe anh nói, trong lòng càng cảm thấy ngột ngạt hổ ngươi biết bao vì sư hèn hạ của mình! Triều vui vẻ gọi các món Hoa đã thích ăn, (khi ở quê nhà lúc sắp làm đám hỏi có lần họ đã cùng nhau đi ăn). Muốn để cho Triều thoải mái ăn uống, vui vẻ được phút nào hay phút đó, hay là… Hoa không đủ can đảm thốt lên những câu mà Hoa biết sẽ quá tàn nhẫn, ác độc, khiến giấc mộng xây dựng lâu đài tình ái của anh đang huy hoàng, phải sụp đỗ trong chớp mắt!? Quả thật, ít ra lúc nầy Hoa không nỡ! Triều nhìn dĩa thức ăn của Hoa:
- Em mệt sao, hoặc là thức ăn không vừa ý em nào!
- Dạ, dạ… do em có chút mệt mỏi thôi.
- Bậy bạ quá, anh thật vô tình không nhớ là em vừa đi đoạn đường xa. Xin lỗi em.
- Không có chi anh.
- Mình vô phòng trọ trên lầu, em đi tắm, sẽ cảm thấy khỏe ngay thôi.
- Đừng anh ạ. Không cần tốn kém vậy đâu anh. Mình ngồi đây nói chuyện riêng xí, cũng được mà.
Triều nhất định không chịu, vì ở đây có khách ra vô ăn uống ồn ào, đông nghẹt, làm sao có thể nói chuyện riêng tư! Anh dìu Hoa đứng dậy bước lên lầu, Hoa riu ríu đi theo, tâm trí trống rỗng. Khi Hoa thay bộ đồ ngủ từ phòng tắm bước ra ngoài, thì đúng thật là Hoa cảm thấy có phần dễ chịu, bình tĩnh và bớt căng thẳng. Hai người ngồi đối diện bên chiếc bàn vuông nhỏ kê cạnh cửa sổ. Triều nhìn Hoa âu yếm mỉm cười, cô vội vàng cụp mắt nhìn xuống hai bàn tay lạnh cóng buông trên đùi, Hoa buột miệng nói một hơi dài:
- Anh Hải Triều ôi! Em van xin anh bình tĩnh ngồi yên lặng nghe em nói, anh đừng ngắt lời. Em nói liền kẽo không còn cơ hội. Dạ, ý em là là… dạ, em xin được từ hôn với anh. Em không thể lấy anh. Đó chỉ là một phút bồng bột của tuổi trẻ. Xin anh tha thứ lỗi lầm nầy.
Ban đầu Triều ngỡ Hoa nói đùa, nhưng nhìn kỹ lại, anh thấy mặt Hoa nhợt nhạt, lúng túng, chẳng có ý đùa cợt, trái lại rất thật tình. Hoa vẫn cúi gầm mặt xuống nhìn mấy giọt nước đá vo viên ngoài ly thủy tinh, giống như những giọt nước mắt long lanh chực trào ra từ khóe mắt mình.
Tái xanh mặt, Triều bàng hoàng ngẩn ngơ, không thể tin ở mắt thấy tai nghe, anh xô ghế đứng bật dậy, một tay vịn song cửa sổ, một tay Triều chống ngang hông, mọi thứ trước mắt anh hầu như mờ nhòa và sụm xuống. Triều nghẹn cứng cổ họng, miệng mồm đắng chát, khô lông lốc không thể thốt nên lời. Hai người im lặng như thế rất lâu. Lâu lắm, Triều nói nhỏ :
- Muốn từ hôn, cần gì đến đây cho bẽ bàng. Em viết ít chữ gởi anh, cũng được mà.
- Dạ, nếu em nói với mạ chuyện từ hôn: là do em, thì mạ rất giận, mạ sẽ giết em chết thiệt.
- Hừ… Vậy em muốn gì ở anh nào!?
- Xin anh cứu em… ngày mai anh cùng về với em, anh nói với mạ: "từ hôn là do anh lỡ lấy người khác có bầu".
- Úi Trời đất ơi!
Triều kinh ngạc trợn mắt bàng hoàng đăm đăm nhìn Hoa. Rất lâu. Cuối cùng Triều uể oải buông mình ngồi phịch xuống ghế:
- Em có biết không, anh yêu em nhiều lắm…
- Dạ… thưa anh, em rất xấu hổ, nhục nhã, và hèn hạ, em không xứng đáng.
- Làm sao bây giờ!?
Bỗng nhiên Triều bước tới bên Hoa, anh quỳ xuống sàn nhà, úp mặt anh vô hai bàn tay mình mà buông thỏng trên đùi Hoa. Triều đã khóc. Hoa cũng ôm chầm lấy đầu Triều òa khóc to như đứa trẻ vừa bị đánh cắp món đồ quý giá. Cũng lâu rất lâu, không biết đêm khuya và gió lạnh đã tràn vô phòng lúc nào, lạnh như những giọt nước mắt thấm ướt da đầu anh. Triều thở dài từ từ gỡ hai bàn tay Hoa ra, anh đứng dậy nhìn Hoa:
- Bây giờ trời đã khuya, mình về Tam Kỳ không kịp rồi. Đành phải ở lại đây. Em nằm nghỉ trên giường. Anh sẽ nằm ở sofa kia. Chúc em ngủ ngon.
Triều thản nhiên đi tắt hết đèn đóm, và quay ra sofa nằm gác tay lên trán, Hoa trông anh bình thản đến độ lạnh lùng. Hoa ái ngại lấm lét nhìn anh, hết sức ốt dột, xấu hổ lịm người. Hoa rón rén mò mò đến bên giường len lén vật mình nằm lì im re bên trong xó góc, không dám nhúc nhích. Sáng hôm sau Triều vẫn mời Hoa đi ăn sáng bình thường, anh lên xe đò đi Tam Kỳ cùng Hoa, làm y như giữa họ không hề xảy ra chuyện đáng tiếc. Hai người vô nhà lúc mạ vừa đi chợ về. Triều nói mạ vui lòng ngồi xuống ghế, cho anh thưa chuyện. Triều ngồi bên chân mạ:
- Con xin mạ tha lỗi khi con từ hôn: Hồi hôn với em Hoa, là do con đã lỡ lấy người khác có bầu.
Vừa nghe xong, mạ giận quá, đã mắng nhiếc Triều đủ điều xấu xa, nhục nhã ê chề, mạ thẳng chân đạp Triều một cái vô ngực anh thật mạnh. Bất ngờ, khiến Triều té ngửa ra sàn nhà, đầu đập vô chân tủ, lỏa máu. Hải Triều đứng dậy lặng lẽ cúi đầu bước ra khỏi nhà. Các em của Hoa khóc lóc thảm thiết rống to hụ hụ hụ... vì biết rõ phần lỗi về ai, mà tụi em không hề dám lên tiếng bênh vực anh. Họ thương Triều bị oan ức mà anh không hề than van trách móc. Thật là một người quá cao cả, vô cùng hy sinh vì người mình yêu, anh Hải Triều ơi! anh rất cao thượng.
***
Năm 1993 Hoa và các em trở về quê Trường Sanh, Phú Nông, Lương Điền, xóm Sen: cô xây mấy nhà thờ tổ của dòng họ Trương; bên nội, cũng như bên dòng họ ngoại. Nhờ xây nhà thờ to lớn, sầm uất, cúng tổ linh đình, Hoa đã làm một việc nở mày nở mặt hai họ biết bao. Hoa làm cơm đãi họ hàng thôn xóm, rồi theo các em đi thắp nhang hầu hết những ngôi mộ trong làng. Khi dợm bước lên xe hơi, thì có một cô gái đến bên Hoa dịu dàng bảo:
- Em cần dẫn chị đến nơi nầy.
Hoa lưỡng lự ngỡ ngàng băn khoăn nhìn cô gái có ý dò hỏi, nhưng cô ấy không nói gì, hai chị em Hoa và cô gái lặng lẽ đi trước dẫn đường khá xa. Lúc đến gần cuối bức tường rêu phong, cô ấy nhìn Hoa e dè nói:
- Có lẽ chị quên em, nhưng chắc hẳn chị chưa quên anh trai của em. Anh ấy đã có vợ và hai đứa con trai còn nhỏ. Vì khi xa người mà anh ấy rất yêu, thì lâu lắm, mãi về sau nầy anh ấy mới lấy vợ. Em không hiểu vì sao, có thể cũng do buồn, nên thay vì được trở về đơn vị cũ trong ngành điều hành không lưu, nhưng anh ấy muốn ở lại phục vụ tại Quảng Ngãi. Năm 1972 nhân một hôm nghỉ việc, anh ấy không làm ở phi trường quân sự Quảng Ngãi, mà anh ấy đi chơi theo mấy bạn Bộ Binh, để phát lương ở Minh Long, anh trai của em đã bị mìn, anh chết vô cùng tội nghiệp.
Cô em vạch đám cỏ may cao lút đầu gối giạt qua một bên, Hoa thấy ngôi mộ hoang phế vôi gạch rữa nát, trên bia mộ lờ mờ mấy hàng chữ: Võ Hải Triều sinh ngày 10 tháng Giêng -1940. Từ trần ngày 06-12-1972.
Hoa chết sững ngồi hụp xuống đám cỏ may vàng òa lên khóc nức nở, y như hồi nào đó trong quá khứ Hoa đã khóc rống lên trước những cơn đau khổ đầy chua xót bẽ bàng của chàng. Nỗi đớn đau và dày vò chua xót đó, cho đến mãi tận hôm nay mới thấm đẫm sự ân hận trong trái tim Hoa khô héo. Hoa không biết nói gì hơn là lẽo đẽo theo cô em đi về trên đường nhựa dẫn tới khu xóm cũ, nơi Hoa đã từng học nghề may. Hoa vô ngôi nhà lai ba gian hai chái thuở xưa, nước mắt lưng tròng Hoa đặt một phong thư dày cộm lên bàn thờ có cha mạ và Hải Triều, cô thắp mấy cây nhang cắm vô lọ sứ, ánh lửa lập lòe lung linh hơi khói phảng phất bay bay trên khuôn mặt cố nhân. Hoa nghiến chặt hai hàm răng cúi đầu lâm râm khấn vái, mắt long lanh:
- Anh Hải Triều ôi! Tuy em biết rằng món tiền nầy không thể nào chuộc lại sự đau đớn nhức nhối, do từ em đã dường như vô tâm phạm tội ác tày trời, khiến anh đau đớn. Em xin anh hãy nhận cho tấm lòng em tan nát, dày vò. Em biết ơn và trân trọng anh vô vàn. Mong anh tha lỗi cho em.
Dĩ vãng đầy ắp đang lừ đừ trôi về trên hiện tại não nề bi đát, không kém muộn phiền chua xót làm sao!
***
Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
11-20-2019, 09:08 PM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/pics2019/1574285245-thanks 3.jpg
/uploadpics/mp3pdf_2019/1574285457-Cam On Em - Elvis Phuong.mp3
Tạ Ơn Đời. Ân Nhân & Bạn Hiền.
Tình Hoài Hương
***


Nắng lung linh xuyên qua song cửa rót lên nền nhà, tạo thành những vệt sáng lấp lánh nhảy múa trên bàn, trên những tấm vải treo khắp đó đây trong tiệm may vắng như chùa bà Đanh, khiến Hoa càng buồn và thất vọng dường bao! Suốt mấy tháng không có khách hàng tới may vá gì, buồn chán lắm, nên cô nhỏ cứ bỏ tiệm may ra đứng thẩn thờ trước trường đánh máy chữ. Hoa nhìn vô bên trong lớp học mà mơ ước mình được sung sướng đi học như họ, thì hạnh phúc biết ngần nào!
Một hôm, Hoa đang mơ màng đăm chiêu, lấp ló phiền muộn nhìn vô trường học nghề như thế, thì có một bàn tay nhẹ ôm vai Hoa:
- Ê bồ! sao ngày nào cũng đứng đây vậy?
Hoa kinh ngạc nhìn người con gái xa lạ ăn mặc hợp thời trang, nàng cao to hơn Hoa một chút, nàng không đẹp không xinh, nhưng ai nhìn nàng cũng cảm thấy dường như từ nơi nàng tỏa ra một sự quyến rũ, có hấp lực thu hút cái duyên ngầm ngầm một cách kỳ lạ. Hoa nhìn lại thân phận mình quần thô áo vải, nên cô mắc cỡ bỏ chạy. Người ấy vội chụp cánh tay áo Hoa lại, đầu Hoa chúi vào vai người ấy. Chẳng hiểu sao Hoa oà khóc, có lẽ vì xấu hổ và tủi thân. Cô gái ân cần vỗ vỗ vô lưng Hoa, niềm nở vui vẻ tự giới thiệu tên:
- Mình tên Bích Thuỷ. Còn bồ tên gì? Ở đâu vậy?
Thủy hỏi thăm Hoa ở nơi nào ư? Hoa nghẹn ngào không nói, đưa tay chỉ vô tiệm may. Thủy gật đầu tươi cười bước vô lớp. Hết giờ học đánh máy, Thuỷ ghé lại tiệm may, nàng muốn làm thân kết bạn cùng Hoa:
- Có thích học đánh máy không, mà ngày nào tui cũng thấy bạn đứng dòm chằm chằm vô lớp học hoài rứa?
- Ồ, mình rất thích. Nhưng nhà nghèo lắm, không thể có tiền đóng học phí, cùng các chuyện linh tinh khác.
- Bạn đừng lo chuyện ấy. Tiền bạc, ăn uống, học phí để tui lo cho, đến khi nào bạn học thành tài, mới thôi nghe.
Ồ! Kinh ngạc quá! làm sao mà có chuyện “động trời” thế nầy được!? Hoa lắc đầu trố mắt nhìn cô gái, chẳng thốt nên lời, không thể tin vào tai mình. Nhưng mỗi ngày sau giờ học đánh máy, Bích Thuỷ đều ghé lại tiệm may của Hoa, nàng vui vẻ ân cần Thủy “mớm mồi” một vài câu “nhắc khéo” với Hoa về “chuyện ấy”. Nghĩa là Thủy đi sâu vào vấn đề muốn tận tâm giúp đỡ bạn học một nghề có căn bản cho tương lai, đại khái là nghề thư ký đánh máy. Hoa mủi lòng chỉ biết khóc... và khóc vì thân phận nghèo thôi. Bích Thuỷ mở lời tâm sự:
- Hoa biết không, ở đời không phải ai ai cũng hoàn toàn sung sướng, như ta nhìn phiến diện về một ai đó đâu. Nè bạn, họ không khổ sở vì vật chất, thì cũng đau đớn, dằn vặt, cô đơn... về tinh thần chẳng hạn. Ví dụ như mình đây: Ba mình là Quận Trưởng, mình có hai người anh đã thành đạt trên đường đời, nhưng rất buồn và cô độc do chúng tôi mồ côi mẹ lúc còn nhỏ. Ba mình có phải là gà trống nuôi con độc thân tại chỗ không, chuyện ấy xét lại, bây giờ ông có nhiều đào! Mình sống giàu sang nhưng rất cô đơn và trống vắng. Là vậy đó.
Thì ra là như thế. Bích Thủy ân cần năn nỉ Hoa cho phép mình đi thăm nhà mạ và các em của Hoa. Ngần ngại hết sức, nhưng cuối cùng Hoa mềm lòng đã dẫn Thủy về nhà mạ. Nhìn cảnh nghèo nàn xơ xác khó khăn của bạn phơi bày, Thuỷ bùi ngùi cảm động xót xa quay mặt đi len lén chùi nước mắt. Thuỷ hết lời năn nỉ xin mạ cho Hoa đi học đánh máy, Thủy hứa khi Hoa học thành nghề, Thuỷ sẽ xin việc làm cho Hoa, để bạn có điều kiện dồi dào hơn về khoản tiền nong, mà nuôi mạ và em út.
Mạ chẳng hiểu đầu đuôi chi hết, nên nỏ ừ chẳng hử. Hoa kinh ngạc nhìn cô bạn mới ấy đăm đăm, chỉ tưởng là cô gái lạ kia trêu chọc nói đùa với mình cho vui. Ai ngờ… có nàng tiên thật trong đời của Hoa đã giáng thế! Bích Thủy hoàn toàn xa lạ, không bà con thân tộc, không hề quen biết Hoa, nhưng Thủy chẳng toan tính đắn đo suy nghĩ gì, nàng đã hậu ái lo đầy đủ chu đáo hết mọi thứ, dìu dắt Hoa đến nơi đến chốn: nào là Thủy đóng trọn khóa tiền học đánh máy, nào là Bích Thủy đưa Hoa đi mua sắm mấy bộ áo quần, chẳng những cho riêng Hoa, mà cô còn lo cho mạ và bầy em nhỏ của Hoa nữa. Thủy lo lót ở một trường tư thục ngoài Đà Nẵng cho Hoa có một chứng chỉ học trình lớp Đệ Tứ. Tóm lại Thủy lo hết mọi chi phí. Thủy đưa Hoa đi làm giấy thế vì khai sinh, tên “Trương Thị Thu Huyền” khai sinh chào đời, lột xác Hoa từ nấc thang thấp nhất, tên cũ xì và quê mùa "Chắt" đã lùi về quá khứ, tên mới của Hoa lâng lâng bay lên… bay lên cao vút... kể từ từ nơi đó.
Lý Thị Bích Thủy: Đó là một người thầy thứ hai trong đời đáng kính và quý trọng của Hoa (sau cậu Phú): Lúc ở Tam Kỳ Chu Lai, muốn đốt giai đoạn, nên Thủy dịu dàng dạy Hoa học thêm đánh máy cho thật nhanh và mau chóng nhớ, bằng cách Thủy có sáng kiến rất hay: nàng lấy sơn màu viết 24 chữ cái lên tấm carton, những mặt chữ cái làm giống y như trên bàn phím của máy đánh chữ thật. Đúng là có kết quả mau chóng tốt đẹp và vô cùng khả quan. Ôi! Hạnh phúc biết dường nào khi ở trường học đánh máy: mỗi lần Hoa ấn tay lên bàn phím, thì những con chữ vô tư lự vui vẻ gõ lóc cóc, nhảy tưng tưng như rộn ràng reo hò mời gọi Hoa vào đời, thì nhịp tim Hoa cũng lâng lâng hòa điệu tương ca.
Hoa có ý chí, tự rèn luyện đức tính kiên cường, ngày đêm cố gắng học Anh-văn, học đánh máy chữ. Ngày đó Thuỷ bảo vệ Hoa lắm, dù những bạn học của Thuỷ có vẽ xem thường Hoa một tí, là Thủy từ bỏ họ luôn, đôi khi Hoa thấy ngại quá, khuyên Thuỷ hãy để em sang một bên, Thủy hãy tiếp tục chơi với bạn học. Thuỷ lắc đầu bảo rằng:
- Mấy con đó thiếu sự hiểu biết, không có đạo đức và từ tâm, mình không thèm chơi với chúng nó.
Ngoài giờ học đánh máy, Bích Thủy còn dạy Hoa nói tiếng Anh với Thủy, để Thủy biết chỗ sai hay đúng, mà sửa. Thật tình thì Hoa thích nói tiếng Việt hơn, nghe thân thiện, tha thiết nồng nàn, ấm áp ngọt lịm sao đâu. Bởi hằng ngày Hoa nói chuyện với người Việt thân thiết quen rồi, nay học thêm tiếng Anh, Hoa bị lớ quớ, lộn xộn ngỡ ngàng và và… dị dạng nói lắp bắp, líu cả lưỡi. Hoa cảm thấy ngượng ngùng không tự nhiên khi phát âm. Thủy sợ Hoa không hiểu, Thủy giải thích dông dài rất cặn kẽ. Chẳng biết Thủy sưu tầm lượm lặt đó đây một lô thơ lục bát ghép chữ Việt và Anh-ngữ rất hay, thực dụng và dễ hiểu vô cùng, Hoa rất thích học những câu thơ ấy, có nhiều lúc Thủy vừa hỏi tới bài học, thì Hoa trả lời những câu đã thuộc làu:
Cằm CHIN có BEARD là râu
RAZOR dao cạo, HEAD đầu, da SKIN
THOUSAND thì gọi là nghìn
BILLION là tỷ, LOOK nhìn , rồi THEN

LOVE MONEY quý đồng tiền
Đầu tư INVEST, có quyền RIGHTFUL
WINDY RAIN STORM bão bùng
MID NIGHT bán dạ, anh hùng HERO

COME ON xin cứ nhào vô
NO FEAR hổng sợ, các cô LADIES
Con cò STORKE, FLY bay
Mây CLOUD, AT ở, BLUE SKY xanh trời

OH! MY GOD...! Ối! Trời ơi
MIND YOU. Lưu ý WORD lời nói say
HERE AND THERE, đó cùng đây
TRAVEL du lịch, FULL đầy, SMART khôn

Cô đơn ta dịch ALONE
Anh văn ENGLISH , nổi buồn SORROW
Muốn yêu là WANT TO LOVE
OLDMAN ông lão, bắt đầu BEGIN

EAT ăn, LEARN học, LOOK nhìn
EASY TO FORGET dễ quên
BECAUSE là bởi, cho nên, DUMP đần
VIETNAMESE, người Việt Nam

NEED TO KNOW... biết nó cần lắm thay
SINCE từ, BEFORE trước, NOW nay
Đèn LAMP, sách BOOK, đêm NIGHT, SIT ngồi
SORRY thương xót, ME tôi

PLEASE DON"T LAUGH đừng cười, làm ơn
FAR Xa, NEAR gọi là gần
WEDDING lễ cưới, DIAMOND kim cương
SO CUTE là quá dễ thương

SHOPPING mua sắm, có sương FOGGY
SKINNY ốm nhách, FAT: phì
FIGHTING: chiến đấu, quá lỳ STUBBORN
COTTON ta dịch bông gòn

A WELL là giếng, đường mòn là TRAIL
POEM có nghĩa làm thơ,
POET thi sĩ nên mơ mộng nhiều.
ONEWAY nghĩa nó một chiều, (*= sưu tầm)

Có lần Thủy nói:
- Văn chương không cần trau chuốt hoa mỹ, chỉ cần xác thực, trung thực, có chút tỷ mỹ trong sự uyển chuyển hài hòa, thì mình cố gắng sẽ thành công.
Thế là Thuỷ vừa dạy Hoa học đánh máy vừa dạy Hoa tiếng Mỹ. Thuỷ xin với chị Toàn (là chị của Thuỷ) cho Hoa ở trọ cùng Thuỷ, tiền ăn ở Thuỷ lo hết cho Hoa mấy tháng đầu. Khi vững vàng chững chạc các chuyện học tập rồi, tại nơi phồn hoa đô hội đó không ai biết mình là ai, nên Hoa không cần để lộ tông tích “sự đi ở đợ hèn mọn” của mình ra làm chi nữa. Hoa luôn mặc cảm về dĩ vãng bất đắc dĩ, buồn tủi đen tối và thấp hèn ấy. Nay có bàn tay cô tiên Bích Thuỷ đã đưa ra để thay đổi vận mạng đời mình, thì còn lo gì không dám ngẩng cao đầu!
Một ngày kia có hai ba ông Mỹ bước vô trường dạy đánh máy chữ nói chuyện với cô giáo Xuân. Khi họ về rồi, cô Xuân cho cả trường biết là:
- Họ muốn tuyển nhiều thư ký đánh máy, ai thích đi làm thơ ký cho bộ Hải Quân Mỹ thì đơn đây, điền vào.
Thế là Hoa & một số bạn trai gái ghi tên đi làm. Sáng thứ Hai người ta tập họp nhân viên ở trung tâm dạy Anh-văn tại Tam Kỳ, nơi nầy có xe bus chở họ đi Chu Lai làm việc, đến chiều xe bus trả về chỗ cũ, mạnh ai đi về nhà đó.
Ngày đầu tiên Hoa vô phòng dự thi của Mỹ, có ban giám khảo cho thí sinh thi ngành thư ký đánh máy: Tuyển sinh phải trình bày và đánh máy một văn bản hai tờ giấy bằng tiếng Anh khá dài– phải đánh nhanh và không sai lỗi chính tả: gồm 41 chữ trong một phút. Thời gian thi là nửa giờ! Ối Trời ơi là Trời!!! Hoa rợn người lo sợ bủn rủn cả tay chân. Chỉ 1 phút mà phải nuốt trọn 41 chữ, nhanh hơn tên bay sao xẹt thôi sao? Đúng là đánh máy tốc ký! Văn chương Việt-ngữ là ngôn ngữ mẹ đẻ, Hoa còn hạn hẹp chưa thông thạo, huống gì tiếng Anh tiếng U. Hoa lại càng mù mịt như thầy bói rờ con voi. Làm sao bây giờ!
Hoa choáng váng không thể nào đoạt được kỷ lục thư ký tốc hành 41 chữ trong một phút đó. Mơ làm thư ký đánh máy là một việc cao sang quá tầm tay với làm gì, mà bây giờ từ trên đỉnh cao chót vót, Hoa đã vỡ mộng tan tành… bị rớt cái đụi. Tủi thân Hoa ngồi bệt xuống nền nhà khóc hụ hụ… ngon lành không hề biết xấu hổ! (giống như một đứa trẻ thơ lúc không nhận được quà theo ý muốn, nó đã phụng phịu ngồi phệt xuống đất chà hai chân giãy giụa và khóc ngất).
Nhưng may thay, ở đây họ cũng đang cần người làm việc trong Warehouse clothing, nên Hoa được “lọt mắt xanh” ban giám đốc IRO, họ tuyển chọn Hoa và mấy người nữa vô đó làm việc. Hoa suy nghĩ: “trước tiên mình nên nhận công việc tàm tạm nầy đã, khi ngồi vững trong IRO rồi, mình sẽ tính tiếp. Nếu Hoa không nhận công việc nầy, e rằng sẽ không bao giờ còn cơ hội may mắn tiến thân”.
Hoa là người chân thật, giản dị, đơn sơ và bình dân giáo dục, không biết nói những câu văn hoa bóng bẩy, không biết thêu dệt những ý tình đẹp đẽ thơ mộng, nên tự đáy lòng Hoa chỉ muốn nói lời khẩn thiết cảm ơn, biết ơn, và tạ ơn:
- Trước tiên là Hoa ghi ơn ôn mệ nội, ôn mệ ngoại đôi bên. Tiếp theo là tri ân cha mạ sinh ra con. Ôn mệ, chị Thùy Mến là người dưng khác họ, mà thương Hoa vô cùng. Kế đến là chị Lộc. Ông bà Trương Nguyên Thảo. Anh Đoàn Mùi, anh Thái Nghệ Quân, Võ Hải Triều. Thầy Phú dạy Hoa học chữ quốc ngữ. Nhất là Hoa vô cùng biết ơn và tạ ơn Lý thị Bích Thủy, một người bạn tình cờ chỉ gặp gỡ một ngày, mà trọn kiếp tri ân người đã nâng vực Hoa đứng dậy bằng chính đôi chân của mình: từ khi cô bé lọ lem ở nấc thang thấp hèn trong xã hội, nay Hoa được leo lên làm người hữu dụng. Tạ ơn đại diện hãng IRO thuộc đất nước Hoa Kỳ đã đến Việt Nam & tuyển chọn Hoa vô làm việc trong ban ngành của họ.
Hoa hạnh phúc xiết bao, hôm nay xin ghi lời tạ ơn đời ưu ái ban cho mình những hồng ân trân quý.
***
{Thời gian quen biết nhau không lâu, thì Thủy cùng chồng đi Mỹ ở Fort Lauderdate, Florida. Thế là hai đứa mình xa cách nhau cuối năm 1967. Tại Hoa Kỳ, Thuỷ tính nào tật đó vẫn hào phóng giúp ai cần giúp, mặc dầu có nhiều người ruột thịt của Thủy cản ngăn, nhưng Thủy vẫn đi theo lý lẽ của con tim, đến nỗi người chồng thứ hai, rồi tới người chồng thứ ba và Bích Thủy cũng đổ vỡ nốt. Chỉ vì một hôm có cơn bão đến, Thủy vội vàng chạy xe ra đường, lật đật chở những người vô gia cư nào là "đen, trắng, già, trẻ, Lào, Miên, Phi, Tàu…” ; tất cả… chẳng kể số, Thủy đem họ về nhà, cho họ áo quần, ăn, ở tạm trú một thời gian dài, kể cả chó, mèo, nai, thỏ, chim, sóc…, tất cả mọi thứ… thứ gì Thủy cũng tha vô nhà đầy nhóc. Ồn ào, bừa bộn, hỗn độn, lộn xộn hết biết.
Ông chồng thứ ba thấy ở trong nhà mình giống như một… sở thú của “thảo cầm viên và cầm… người” thật quá kinh hoàng, chồng Thủy chẳng thể nào chịu đựng thêm “cố tật bẩm sinh” của cô vợ ngày ngày thích làm chuyện bác ái, từ thiện, hảo tâm: càng chất chồng lên cao ngút. Ông đã nổi cơn điên, cả hai người thường xung khắc, bất đồng ngôn ngữ và không cùng chung chí hướng & “lý tưởng”. Họ đã đi đến chuyện không thể dừng, không thể cảm thông, đành lôi nhau ra tòa ly dị. Từ đó Thủy không lập gia đình nữa, nàng hái ra tiền dễ dàng, nhưng cũng dễ bị đàn ông phỉnh gạt tình và tiền… Bích Thủy sống cuộc đời độc thân, làm những gì mình muốn, tự do du lịch dó đây khi mình thích, khỏi bận bịu vì ai hết}.
* * *

Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
12-11-2019, 07:30 PM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/pics2019/1576091771-107.JPG

/uploadpics/mp3pdf_2019/1576092099-DaLatLapDong_TheHien_QuangDung.mp3

Từ Góc Vàng Phai


Mặt trời yếu ớt đã tắt hẳn ở phương Tây, bầu trời dìu dịu, vàng ửng, nhàng nhạt. Những cơn gió từ dãy Ngũ Hoành Sơn lùa về ngây ngất và ớn lạnh. Thời gian len lén đến lấy thêm những tháng những ngày nữa trong đời người. Một ngày lặng lẽ tàn, chậm rãi trôi qua không buồn quay đầu nhìn lại, tạo thành dĩ vãng trong cuộc sống. Một năm thầm lặng cô đơn và u buồn lặng lẽ trôi đi trong đời Hồng Hạnh.
Gia đình anh Thương chị Huyền các cháu đang ăn cơm trưa, thấy em đến thăm, thì cả nhà vui vẻ chào hỏi. Hạnh xuống bếp lấy thêm chén đũa và ngồi vô bàn ăn qua loa chén cơm. Xong, em lấy quà ba má gởi cho gia đình chị ruột. Em kể tình cảnh cha mẹ già ở chốn đèo heo hút gió cho anh chị nghe, rồi nói:
- Theo em thấy, với số vốn liếng ba má đã bỏ ra lâu nay để: phá đồi vỡ đất mà làm mấy trại ương cây giống rất quy mô và đồ sộ đó, đã tốn tiền bạc và sức lực nhiều quá. Chi bằng ba má mua một cái nhà nhỏ, con cái nếu ai hiếu thảo, mỗi tháng tài trợ cho ba má thêm một vài ngàn. Ba má sẽ sống nhàn hạ yên ổn, không quá khổ cực thân xác như ở nhà quê. (Nếu ba má không thích ở với ai, thì như vậy). Chứ "giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố". Ba má già rồi, mà khổ cực với ruộng vườn vất vả làm việc quên ăn quên ngủ, vẫn không hết việc. Suốt đời ba má cơ cực. Dù có tri thức, nhiều tiền thật, nhưng chẳng mấy khi thân tấm thân ba má an nhàn. Tháng trước ba bị đau một trận cũng nặng, coi như ba yếu hẳn, cần nghỉ ngơi vài tuần, nên ba đã giao mọi việc cho mấy người bà con ở dưới làng lên trông coi. Ba má quá mệt mỏi không muốn gì nữa vì vật chất của cải phù vân. Thú vui duy nhất của ba là thích mở mang đất đai. Quy tụ bà con, cháu chắt, xóm làng, ai không có công ăn việc làm, thì ba gom họ về ở một chỗ. Ba lo cho họ có cuộc sống khá hơn, là niềm ước mong canh cánh bên long ba. Với ý chí kiên cường, bác ái, ba đã đưa hai mươi lăm gia đình từ dưới làng xa xôi lên vùng nầy làm ăn sinh sống thoải mái, đầm ấm và thành công. Ở lại giữa cảnh đồng quê, hoang vắng buồn tênh, ba má đã sống đớn hèn, thầm lặng trong bốn mùa thương khó thăng trầm, trĩu nặng hai vai gánh gồng, còm cõi, vất vả ngược xuôi, cùng tháng năm trầm thống loạn ly trên con đò quê hương từ Thành xuôi về Tỉnh, về Xã, Ấp.
Khi nghe em góp ý bàn tính về ba má, thì anh Thương, chị Huyền, đồng ý với em điểm nầy, họ hẹn đầu tháng nầy sẽ ra Mỹ Chánh thăm ba má, và bàn chuyện đó. Chị Huyền cười, nói với anh:
- Nhiều khi thấy ba má quá tội. Cha mẹ nuôi mười con, nhưng mười con không nuôi nỗi cha mẹ là vậy. Mình cứ mua một căn nhà nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi cho ôn mệ an cư, tự do. Có lẽ tốt hì.
- Em nói phải.
Sống cùng anh chị và các cháu, Hạnh cắp sách đi học lại, cô bận túi bụi với bài vở khó, do mình quá dốt và nghỉ học đã lâu, nơi khỉ ho cò gáy không có cơ hội ôn tập, nên chữ nghĩa không cánh mà bay, chẳng còn có ai ở bên cạnh chỉ dạy cho? Trường lạ, lớp mới, không có một người bạn, dù câu chào hỏi xã giao lạt lẽo ngắn nhất, cũng không. Thật buồn, chẳng có gì vui. Hạnh tự đóng khung cuộc đời mình giữa bốn bức vách, khép kín nụ cười, đóng cửa trái tim đau thương vào cuối ngăn kéo vô hình. Hồng Hạnh buồn bã xếp thư từ hình ảnh, tặng vật lưu niệm của Hoàng Phương Nam và niêm phong vô một túi xách vải, rồi lặng lẽ cất dưới đáy va ly, chờ lúc nào có dịp thuận tiện thì chính tay mình sẽ hoàn lại cố chủ. Cuộc chia biệt dẫu không hề có lý do nào, thì dù sao ít nhiều chi cũng đã phụ tình nhau rồi. Hơn nữa thời gian cách ly quá lâu không thư từ liên lạc gắn bó, không gian vời vợi cách trở xa xôi biền biệt, có thể tình cảm cũng lạt phai trong lòng mỗi người. Hạnh muốn trở thành cánh chim hạc bay thẳng về miền Nam, đậu im trên cành cây sao xa xa, mà nhìn thấy Nam hạnh phúc. Thầm nhớ anh, yêu mến anh như người thân quen nhất. Thua thiệt có về mình, cô xin nhận chịu.
Các cháu Châu, Trân, Vân, đã đi học trường dòng Tabert. Sơn đi nhà trẻ. Anh chị Thương đang sống tại Hội An được năm tháng, nay anh phải đổi về làm việc ở Tiểu đoàn 52 Công Binh Kiến tạo ở Đà Nẵng, trong nhà anh chị có tất cả là chín người, nhưng chỉ mỗi mình anh đi làm việc, đồng lương Thượng-sĩ Nhứt không thiếu hụt, nhưng không dư dả! Khi anh Thương đổi ra Đà Nẵng thì cả nhà lại dọn đi, đời lính nay đi mai ở, vợ con lính chẳng mấy khi yên ổn sinh sống một nơi, sự học của con em đời lính vì thế ít nhiều chi cũng bị gián đoạn dang dở.
Chị Huyền đã sanh thêm một cháu trai. Vị chi anh chị có tất cả năm cu cậu! Chị rất kỵ vì người ta nói: “Có năm thằng con trai liền một dây là ngũ qủy, sẽ quậy tưng trời”. Anh chị có bốn cháu trai đứa nào đứa nấy mặt mày xinh đẹp, đẹp nhất là cháu Vân và Sơn, họ hài lòng về bốn thằng con rồi. Bây giờ anh chị đều mong kỳ nầy có một "công nương".Nhưng khi thấy mặt bé sơ sinh khôi ngô tuấn tú lạ thường, thì anh chị không muốn gì hơn. Về nhà, chị lo xông hơ rất kỹ: nào gừng, muối, nghệ, riềng, giã nhỏ, mỗi loại một hũ, ngâm rượu chôn dưới đất bách nhật, xong chị đào lên. Thứ thoa mặt, thứ thoa thân thể. Chị nằm trên vạt giường tre, ở dưới gầm giường thì đốt hai lò lửa, chị lăn qua trở lại như con cá nướng. Chị luôn xức dầu gió, gội đầu bồ kết, trùm kín mền, xông nước lá hương nhu, lá sả, lá bưởi, lá cam, quít, ổi, vân vân...
Căn nhà nhỏ lúc nào cũng tối mù, luôn luôn thiếu ánh sáng, không có gió và không khí, chị kiên cử nằm trong phòng kín, khiến cả nhà ngột ngạt, vì mùi hỗn hợp trên toả ra muốn nghẹt thở. Thật khó ngưởi. Thấy chị ở cử, em sợ đến rùng mình. Bà mẹ chồng của chị chịu thương chịu khó, bà lo cho con dâu và cháu nội chu đáo, mặc dù nay cụ gần chín mươi tuổi. Do chẳng có ánh sáng, mắt không tỏ, cụ sơ ý chưa lau sạch nước tắm, cụ lại bôi nước bả trầu vô cuống rốn cháu nên bị lở. Khi chị phát hiện ra cuống rốn cháu lở loét, thì đã muộn. Từ bác sĩ công, tư, bất cứ nghe ai mách bảo thầy hay thuốc giỏi, anh chị đều đi chữa trị cho cháu. Có người bày tìm con gà ác, họăc con cóc đen còn sống, mổ bụng chúng, úp con vật lên ngực cháu trong bảy ngày, họ cũng làm. Anh chị tốn tiền kinh khủng.
Sau cùng cháu nằm trong Tổng Y Viện Duy Tân suốt hai tháng hè. Tại đây Trung-úy y-sĩ Ngọc độ ba mươi tuổi, ở Sài Gòn mới đổi ra làm việc, ông rất tận tâm, chu đáo. Ông ngồi hằng giờ bên giường bệnh nhân, để theo dõi từng diễn biến nhỏ nhặt. Có lẽ sự nghiêm nghị, đứng đắn và lo lắng, khiến khuôn mặt trắng trẻo có in thêm nếp nhăn, ông đeo kính cận, mắt đỏ hoe trân trân nhìn từng cử động cuả cháu, ông giàu lòng nhân ái, chứng kiến nhiều cảnh thương tâm bi lụy, nước mắt ông sẽ tuôn chảy nhiều. Mỗi lần lên cơn động kinh uốn ván, cháu khóc thét, tay chân co giật, bụng ưỡn ra, đầu ngửa về sau lưng, mắt dại thần sắc. Cháu càng ngày càng gầy trơ xương, trông quá thảm. Y sĩ Trung-úy viết giấy cho cháu về nhà thì hai giờ sau cháu tắt thở. Cháu ra đi êm ái như ru đời vào giấc mộng tiên, cháu không vặn mình la khóc, không làm kinh như khi cháu còn sống. Cháu nằm giữa hai hàng bạch lạp sáng ngời. Chính tay cha đóng quan tài cho con, mà mắt như anh rể lạc thần.
Người ta nói khi văn thi sĩ tả chuyện đau buồn, ai oán, chia ly, họ ưa thêm thắt tạo trời mưa gió bão bùng, lụt lội tơi bời, cho ly kỳ hấp dẫn. Nhưng tháng nầy là mùa mưa, vài hôm nay đã mưa lớn. Mưa ngoài trời thật, mưa cả trong lòng. Nhiều người đến thăm viếng, chia buồn. Chị Huyền phân công mấy đứa con canh chừng xác của cháu Hải từ tám giờ tối đến mười giờ đêm. Anh chị thức từ mười giờ đến ba giờ sáng. Hạnh và con bé người làm coi chừng xác cháu từ ba giờ đến sáu giờ sáng. Ba giờ sáng! Hai phụ nữ non đời chết nhác, tim đập thình thịch, quặn thắt từng cơn đau điếng trong lồng ngực nghẹt thở, họ ngồi co ro nơi góc ghế. Nhắm mắt lại cô sợ ma, mở mắt ra nhìn cháu nằm trơ trọi trên giường lạnh lẽo, nước mắt Hạnh tuôn trào. Cô len lén nhìn chung quanh đâu đâu cũng chỉ toàn bóng tối bao trùm thì sợ ma kinh khủng! Hạnh lạnh toát cả thân run sợ đi vặn đồng hồ báo thức, cả nhà dậy lúc bốn giờ. Hạnh không dám vô phòng ngủ, sợ ma đi theo mình.
Cô em bị chị Huyền la cho một trận, vì tội lếu láo vặn đồng hồ lên. Chị Huyền không biết khi anh Tư bị tai nạn xe hơi khá nặng, phải chở vào cấp cứu. Chị Khánh gọi em lên bệnh viện coi chừng anh (cho chị ngủ trưa một chút). Thấy anh Tư đầu băng trắng, trán và hàm dưới bị bể, mặt mũi sưng húp, tím bầm méo mó, tay chân anh đầy máu, mỗi lần anh thở phì phò khó nhọc thì phun máu mũi. Cô sợ đứng tim, ngất xỉu đủ ba lần Hạnh đến thăm anh rể là xỉu, khiến chị Khánh phải gọi y tá, mời bác sĩ đến chích thuốc cho em. Chị Khánh tức bực vô cùng, đã mắng nhiếc đứa em yếu bóng vía một trận nên thân, khi đụng chuyện cần nhờ em giúp đỡ một tay. Chẳng những em không làm nên trò trống gì, mà khiến chị thêm lo lắng, vất vả mệt nhọc hơn. Các chị không biết rằng: Hồng Hạnh rất nhạy cảm, thương cảm, đầy xúc động trước cảnh thương tâm, (cho dù bất cứ ai) không thể cầm nỗi lòng trước những đớn đau của người khác.
Trời mưa gió và từng cơn bão ùa về suốt tuần, lê thê áo não không lúc nào tạnh, khi mưa nặng hạt, khi mưa phùn gió bấc. Mặc dù thế, lúc đưa cháu đến nơi an nghỉ cuối cùng, bạn bè thân nhân đi tiễn biệt rất đông. Ba má, anh chị ở Huế đã vào Đà Nẵng trước đám tang cháu vài ngày, toàn gia đình chụp chung vài tấm ảnh lưu niệm. Chị Huyền kêu khóc thảm thiết, thân thể chị mềm nhũn như cọng bún, dù hai người kèm hai bên nách nhưng chị vẫn đi không vững. Kể từ khi chị mang bầu cháu đến bây giờ, chị tốn rất nhiều tiền, nhất là sức lực chị đã cạn kiệt hết.
***
Chị Huyền mừng rỡ đưa cho em năm lá thư của Nam, có thư cách đây ba tháng, hai tháng, v.v… mỗi lá thư đều có hình phong cảnh, đoá hoa ép khô, vài cánh bướm rực rỡ mà ngày tháng đã điểm lên dung nhan thầm lặng nét ưu buồn héo hắt tàn phai ít nhiều gợn lên trong quá khứ, nay chúng trở thành khác sắc, phôi pha, kém duyên đi. Tuy thế, nhìn kỷ vật đó, em thấy lòng mình vụt bay về khoảng trời xanh trong vắt mênh mông. Kỷ niệm êm ả một thời trẻ dại xôn xao đắm say cũ do chính em tàn nhẫn bóp chết, quá bất ngờ và vô tội vạ. Hôm nay tình cờ mở lại tần số đúng nhịp tim, gợi về chuỗi ngày cũ quá bâng khuâng, yêu dấu, khiến Hạnh luyến thương thầm nhớ vô vàn.
Đôi khi quá nhớ và còn yêu anh say đắm, Hạnh thầm ước mong: "phải chi mình có đủ tiền xe, tiền ăn ở, đi và về thoải mái. Hoặc nhà anh ở gần bên, thì cô đã len lén... đến thăm". Lòng dạt dào trìu mến đối với người cầm bút viết nhiều lá thư, ân cần nồng nhiệt thăm hỏi, lo lắng cho sức khoẻ, tương lai và hạnh phúc của cô. Lá thư sau cùng lời lẽ anh bộc lộ sự ray rứt chân thành, săn sóc, nhưng xa cách buồn bã lời chia biệt. Vì cứ như thư Hạnh viết năm cũ, thì anh ngỡ là mình đã có chồng. Những lá thư màu xanh êm êm dìu dịu kia, dường như tỏa ra khắp căn phòng mùi hương kỷ niệm đậm đà đằm thắm, như chứa đựng cả đại dương nhớ nhung âu yếm tình hồng.
Hồng Hạnh ấp những lá thư cuả Nam vô ngực, cô nhắm mắt lại hồi lâu, để mặc những giọt nước mắt lăn dài trên má. Niềm xúc cảm, rung cảm, thương cảm bùng lên, rồi từ từ lắng dần, lắng dần... dưới đôi hàng lệ âm thầm tuôn chảy tự lúc nào! Được dịp khơi lại đống tro tàn tìm phiến than hồng héo hon, cô đã khóc nhiều, cánh cửa ngăn tuyến nước mắt vỡ vụn, bao đau thương buồn nhớ bấy lâu, được dịp tuôn trào. Đầu óc cô là một môi trường đặc biệt, các suy nghĩ xuyên qua đó trở thành hỗn tạp & mất niềm tin tưởng. Con đường xa thẳm từ Hội An, Đà Nẵng, đi Sài Gòn ngút ngàn hơn chín trăm cây số, qua bao núi, đèo, sông, biển; thì tình đôi ta cũng xa xăm ngút ngàn dịu vợi thế thôi. Hạnh phúc bé nhỏ ngắn ngủi vút xa bay, không thể làm tim cô hồi sinh duyên tình ấm nồng trở lại.
Thì ra tận đáy lòng Hạnh vẫn yêu Nam say đắm! Bài ca "Lá thư" của Đoàn Chuẩn Từ Linh có câu nầy cô rất thích... "Anh quay về đây đốt tờ thư, quên đi niềm ân ái ngàn xưa... Tình người nghệ sỹ phai rồi... Tình người nghệ sỹ phai rồi! Nhưng tình em đối với anh chưa tàn phai theo thời gian. Nhất là những buổi chiều trời mưa vần vũ, đầu đường đại lộ Phan Chu Trinh xám ngắt như cuộc đời của người con gái vẫn nhớ người yêu. Hạnh nhớ Nam, yêu anh lòng cô cố gắng gượng để khỏi thổn thức giữa cơn buồn. Nay, chúng ta đã chia xa thật rồi, không còn gì cho nhau, đã hết, dù tình chưa tàn phai mối tình đã chết đột ngột, đầy vô cớ cất tiếng chào vĩnh biệt, xé rách tấm màn yêu thương dĩ vãng, phai mờ dấu chân kỷ niệm một thời gắn bó nồng say trên lối cũ. Cuộc đời thương đau trôi đi một lần nữa không chứng thực lời anh nói (trong hoàn cảnh tế nhị, đắng cay nầy). Cô không hy vọng có thể đến với anh, thì đành phải chấm dứt với Nam. Thôi. Đã tự quyết định dứt khoát, thì cố quên đi tình đầu nồng thắm tuổi hoa niên, quên kỷ niệm vàng son một thời non dại. Quên tất cả. Hai ta như hai hố mắt của chiếc gáo dừa lăn lóc ghi khắc lại mối tình sâu xa, một đời gắn bó; nay đã mất vẻ nhìn ấm áp, trìu mến và trân trọng. Sẽ mãi hững hờ, xa xăm... luyến thương thầm nhớ vô vàn mà thôi.
***
Hôm nay gia đình anh chị Thương Huyền đang vui vẻ quây quần bên mâm cơm nóng sốt, thì lúc đó có một em bé trai, trạc độ mười hai mười ba tuổi, em đi vô trước cửa nhà:
- Cho cháu hỏi thăm nhà cô Hồng Hạnh ở đây, phải không bác?
Hạnh vội đứng lên đi ra ngoài sân, mỉm cười trả lời cậu bé:
- Chị là đây. Có việc gì vậy em?
- Anh Hoàng Nam gởi cho chị tấm giấy nầy.
Nhiều lần bị người lạ không quen ưa viết thư ái mộ bằng cách nầy, hoặc gởi thư theo đường bưu điện. Thế nên nhìn em bé, cô mỉm cười ôn tồn:
- Chị không quen người ấy, em ui.
- Có anh Hoàng Nam ở ngoài bến xe gởi giấy nầy thiệt đó chị.
- Trời đất! anh nào ở bến xe?
- Quen chị... ở bến xe mà. Ớ... Dạ, à … dạ…
Sự thật Hạnh quên tiệt “cái họ Hoàng” của Phương Nam, vì em bé không nói anh “Phương Nam”, mà chỉ nói anh Hoàng Nam; nên cô tưởng là ai khác.
- Anh ấy nói thân quen chị mà.
- Trời đất. Cái gì! Ai vậy, hở em?
- Em không biết.
Em bé trai bán vé số và thuốc lá đựng trên cái khay em đeo ở trước ngực vội đưa cho cô một miếng giấy vỏ của bao thuốc lá Salem, mặt trong của bao thuốc có mấy chữ vắn tắt ghi sau: "anh Hoàng Ph Nam ở Sài Gòn đã ra Huế. Nếu có thể, (Biển Nhớ ơi) cho anh biết tin bằng điện tín. Anh sẽ vô thăm em sau. H P N". Phía dưới bao thuốc là ngày tháng, chữ ký, địa chỉ của Nam ở Huế.
Trời ơi! Như sét đánh mang tai, cô nhìn đi nhìn lại, nhìn tới nhìn lui chữ viết và chữ ký, đúng là "cố nhân" rồi. Tự nhiên Hạnh tối tăm mặt mũi, run rẩy như chạm phải dòng điện trong hồ nước buốt giá, khiến cô giật bắn người, lảo đảo dựa lưng vô vách nhà, nhìn trừng trừng ra đường xe cộ tấp nập chạy qua lại chạy đông đúc, cô chận hai bàn tay bủn rủn run run lên ngực. Dạo nầy trái tim cô nhảy lung tung, bất thường quặn thắt trong bờ ngực nhỏ, e sợ mình đau tim thật sự. Mắt như có màn lệ mỏng, cô nào thấy gì, kể cả việc không nhớ cám ơn, hoặc cho em nhỏ vừa trao miếng giấy kia tí tiền, em ấy đã bỏ đi từ lúc nào.
Chưa bao giờ Hồng Hạnh run rẩy, bàng hoàng, rối rắm, xúc động, kỳ diệu, run rẩy và bối rối lo sợ kinh khủng như bây giờ. Không lầm vào đâu được. Có thể như thế sao? Trời ơi! Thật sao? Anh đã ra Huế, chỉ cách mình ngót một trăm cây số đường xa. Hoàng Phương Nam đã ra Huế. Phải. Anh vừa đến xa xa xa... em một khoảng cách gần gần... thật gần em! Phải! Nhưng... bây giờ Hoàng Phương Nam đã về tìm Hạnh sao? Quả thật là định mệnh đã chừa cho hai người một kẽ hở, khi từ trên cao ngài đang cúi xuống ưu ái thân thiện ngó chúng mình đó, anh yêu! Hạnh nhớ Nam nhiều, cô nghĩ đến tháng ngày xa xưa từng yêu nhau say đắm, ngọt ngào, êm đềm hạnh phúc và buồn rầu đau khổ tận cùng. Cô nhớ rõ mồn một từ ngày anh trao tặng mình đóa nhung hồng in môi hôn tươi rói, hơi thở anh nồng nàn lẫn vào những cánh hoa hồng thơm ngát hương, mặc dù cành hoa có đầy gai nhọn đâm vô mấy ngón tay rĩ máu, cô vẫn không cảm thấy đau. Cũng từ mấy cánh nhung hồng ấy, chị Khánh đã cấm đoán em không được yêu Nam, chị đánh em trong buổi tiệc ly ra sao. Em nhớ tháng năm sống trong nhà chị Khánh với tình yêu Nam ngọt lịm “lén lút, sợ sệt” nhưng em vẫn ôm nỗi nhớ khư khư canh cánh bên lòng. Rồi thì chị buộc em phải bỏ Nam, bỏ học để đi về Huế với ba má. Thế là vô tình em bị gián đoạn sự học, chỉ vì em yêu anh! Buồn lắm mà không thể nào thổ lộ cùng ai.
Hạnh nhớ thác Cam Ly, Prenn, Liên Khương, Gougah, Pongour, Datalania… vô vàn. Cô nhớ hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Hải Thượng Lãng Ông, nhớ suối Vàng, suối Bạc, suối Cát Tiên, suối Bồng Lai; nỗi nhớ nhung mỏi mòn và bất tận, nhớ buổi chiều nắng ươm vàng trên đồi Cù, vạt cỏ úa đầy bôngcỏ may xâu vô bốn ống quần của hai người dưới chân vụt qua trí mình, gió lạnh thổi lá vàng bay là là xuống hồ Xuân Hương gợn sóng nước lăn tăn, sương mù rơi thật thấp, dày đặc, ẩm ướt, làm mờ nhòa thành phố núi mộng mơ. Nơi chốn ấy cô đã vui, buồn, cười, khóc, như điên dại khi anh chia tay mình, để anh tư lự ray rứt trở về Sài Gòn; và cô "bị" về Huế, vì bà chị nói anh là:
- “Hắn là con nhà giàu, lêu lỗng, ham ăn chơi, không lo học hành. Nếu lấy hắn thì đời mi sẽ đau khổ” (!?).
Từ đó riêng mình âm thầm sống trong ngậm ngùi cô độc, buồn nhớ, xót xa, ray rứt, vì một góc vàng phai theo gió chướng, mất hẳn tình tri ngộ đằm thắm, cô lặng lẽ chia biệt anh vì một bà chị khó chịu, chuyên lấy “quyền huynh thế phụ” ưa cấm cản em út, bắt em phải vĩnh biệt tình yêu, và đành phải bỏ học. Hạnh âm thầm chịu đựng bao đau đớn xót xa... dù biết chị hoàn toàn phi lý. Sự chia tay không hề do lỗi từ hai trẻ đã yêu nhau rất chân thật, thanh cao và trong sáng, khiến Nam bàng hoàng sửng sốt! Nhưng khi cô về ở Huế, rồi ra ở vùng núi rừng Mỹ Chánh nơi “chó ăn đá gà ăn muối” , chỉ có “khỉ ho cò gáy” làm gì có trường Trung Học dạy tiếng Việt, chớ nói chi có trường cuả ông Tây bà đầm! Đau buồn là thế nhưng cô chẳng hề than phiền với bất cứ người thân nào, nhất là không hề báo cho Nam biết, cũng chẳng cần đỗ lỗi do ai. Dù sao, giữa anh và em đã có nhiều sự song hành về tình yêu dài lâu, say đắm, chân thật, thương nhớ nồng say. Tình yêu nẩy lộc không ngừng, chỉ chia xa ở bước ngoặt lớn đột ngột bất ngờ, như con sông chảy ngoằn ngoèo quanh co mãi đến lúc nào đó, cũng tách rời hai nay bỗng dưng hai nhánh sông tình cờ gặp nhau ở gần cửa biển, không kém phần hào phóng và lãng mạn, tạo thành cơn xoáy cuộn sóng ba đào lẫn hoan ca.
Dù sao đi chăng nữa thì Hạnh cần phải gặp lại Nam, dù có vài giờ ngắn ngủi, dù mai nầy cô đi giữa phong ba bão tố giữa mùa Xuân, mùa Hạ, mùa Thu, hay mùa Đông. Dù sao chăng nữa em phải gặp anh phút chốc, trước khi bước lên con đường đầy khói lửa và bụi đỏ. Hạnh cần gặp Nam dù bất cứ giá nào, dù mai đây đi Trà Khúc, Minh Long, Mộ Đức, Nghĩa Phú hay Tà Biên, ở mãi mãi nơi sơn lâm cùng cốc, cũng được. Phải gặp lại Hoàng Phương Nam! Phải gặp Nam! Lời đó như sự thúc giục, hối hả, cần thiết, khẩn cấp, như nhịp chân dồn dập điệp khúc vang rền: "Phải gặp Nam... Phải gặp Nam".
Hồng Hạnh nhớ rõ chàng trai đã gieo vào tâm tư mình một tình yêu trinh nguyên trong sáng, say đắm và đậm sâu, khiến cô nhớ nhung, đau đớn quá nhiều. Và, Nam đã bị hấp dẫn, dằn vặt, níu kéo, đầy yêu thương nhớ nhung khổ sở vì cô cũng không kém. Thực ra, vết thương lòng chưa lành, cô tha thiết mong gặp anh, hầu giải bày nỗi niềm đau đớn đang bóp thắt trái tim. Đúng rồi! cô phải gặp Nam dù tang thương, cay đắng, chia xa và ưu phiền thắt họng. Dù thách đố đầy nước mắt, phân ly, tuyệt vọng, dù ôm mối hận ngàn đời vì quyết định nầy, thì cô cần gặp anh hơn tất cả, để chân thành nói rõ sự thật nguyên nhân tại sao chị Khánh cấm em không được phép yêu Nam. Tại sao khi ở Mỹ Chánh cô quyết định chia ly anh. Khi nào Nam vô Đà Nẵng, thì cô sẽ nói lời từ biệt anh đằm thắm, ngọt ngào, minh bạch, thấu hiểu, và chân tình hơn thuở trước. Vì cô nghĩ bây giờ cô đang sống trong một hoàn cảnh tế nhị nhưng nhiêu khê phức tạp…
Đúng là định mệnh éo le, xỏ lá, ba trợn lôi cô ra vui đùa, trêu ghẹo, chớt nhã, nhạo báng; khi cô bắt đầu quên... Nam; ngỏ hầu cô sẽ vui say duyên mới, dù cô chưa dứt khoát sẽ đến với người nào, hoặc là cô sẽ thuộc về riêng ai? cô đã bình lặng trong tâm hồn, vui tươi... thì bất ngờ Nam lồ lộ xuất hiện để nối lại giòng liên lạc, ngỏ hầu tự ràng buộc nhau bởi mối thâm tình từ quá khứ mật thiết, đậm sâu không ai hủy diệt nỗi. Mình yêu Nam thiết tha trên từng trang thư trao gởi, trên khát khao thèm muốn ước nguyện chia sẻ vào giòng đời thấm đẫm hương hoa, hòa với nắng lưng đồi quyện hơi sương giọt từng phiến tơ rung xuống cỏ cây.
Hạnh phúc được yêu là chuỗi hành trình bóng bẫy dài dằng dặc, lúc nào cũng là bước khởi đầu hy vọng; để đôi ta can trường dấn bước tới tương lai, và tìm ra đích thực tình yêu trong hạnh phúc cuối cùng ngọt ngào! Trong thẳm sâu ký ức và tri thức cuả Hồng Hạnh: người con trai văn nhã đó vẫn vẫy gọi em, đầy ắp ân tình, ngọt ngào, thu hút quyến rũ mình dường bao! cô chấp nhận cái vô thường lớn nhất là: sẽ đơn côi đi tìm, tìm đến người đang thiết tha gọi mời, và trìu mến yêu thương vẫy gọi mình. Hạnh quyết định chèo chiếc thuyền cũ, thô sơ, mong manh để cỡi trên con sóng đầy phong ba bão táp, vượt thác ghềnh, đồi núi cheo leo, hầu vút vút lướt lướt tới bến mơ... Nếu mai kia… vì lý do bẽ bàng chua xót đắng cay nào, mà hai ta phụ tình nhau… Thôi cũng đành suốt đời ôm mối hận về chín suối vì quyết định nầy. Thế là chỉ trong khoảng khắc thời gian ngắn, Hanh chạy vòng qua mé giếng sát bên hông nhà, cô vô nhà bếp, hồi hộp lôi xe đạp ra dựng bên hè. Hạnh với tay vô song cửa sổ phòng ngủ lấy tiền trong túi xách, tay cô run đến nỗi lúng túng nhét mãi mấy chục bạc, cô mới thấy cái túi áo nằm ở chỗ nào.
Bức điện thượng khẩn do Hạnh len lén anh chị Huyền gởi đi có mấy chữ: "Vô ngay, Thứ Bảy nầy, em đi xa". Và, khi đã quyết định gặp anh trước ngày Thứ Bảy, thì bỗng nhiên -ngày Thứ Bảy chạy như bay, xa cô kinh khủng- Hạnh có cảm tưởng hôm nay là Thứ Tư đến Thứ Bảy, nó xa, xa hơn cả mấy năm, xa như ngày xưa vàng phai trong buổi hoàng hôn xa lắc xa lơ. Anh như cánh bướm ươm tình chập chờn bay vào tuổi mộng mơ. Cô bé ngây ngô ấy đâu ngờ rằng cánh bướm trao tình đó đã thổi vô giòng đời mình quá nhiều yêu thương, chua xót, bất ngờ, éo le, đắng cay, đau khổ, tê tái suốt cả cuộc đời.
Hồng Hạnh thơ thẩn đạp xe về nhà như người mất hồn, chung quanh cô trở nên mơ hồ, xa lạ, đối trá và thù nghịch đối với niềm vui tuyệt vời trong trí tưởng tượng đa cảm, phong phú nét lãng mạn đa tình của cô bé chớm lớn. Hạnh hình dung đến nụ cười hoan hỉ, mừng rỡ đến độ nào khi chúng mình bàng hoàng gặp lại nhau, lẫn lo lắng, buồn phiền ray rứt, suốt đêm cô thở dài không ngủ, thao thức, trằn trọc mãi. Gần sáng cô mệt mỏi chợp mắt một lát, mi còn đẫm lệ. Ngày Thứ Năm, cô ngồi bất động ở góc phòng, mặt mày hốc hác, ngơ ngẩn, lo sợ như kẻ mất hồn. Hạnh dấu kín không cho anh chị Huyền biết chuyện mình đã lén lút đi gởi cho Nam bức điện tín. Ôi! Bức điện tín dễ thương biết ngần nào! Nó là cái gạch nối, là nhịp cầu tri âm mang đến tin lành cho hai người; hay báo hiệu mưa gió giông tố trong đời đây? Nào biết được ra sao! Cô gậm nhấm nỗi muộn phiền, lo lắng nôn nao, ưu tư muốn cháy lòng, bồn chồn, run rẩy, băn khoăn trăm ngàn câu hỏi, khiến cô mệt nhoài.
Mệt kinh khủng! Buổi cơm trưa ngày Thứ Sáu với môi son nhẹ, má phấn mỏng, áo quần tươm tất, đầu tóc vén khéo; một điều mà gia đình anh chị không bao giờ thấy khi em nghỉ ở nhà. Họ tưởng em đi ăn cơm khách. Sao cô làm như vậy? Nam rất ghét đánh phấn, tô môi son mà. Cô nhớ có một lần mình muốn “làm ra cái dáng thanh lịch đài các đỏm đáng” nên có đánh chút phấn, tô nhạt môi hồng, bối tóc cao, cô đi chơi với Nam. Ngồi trên sân Cù, Nam cười trìu mến lấy khăn tay lau hết phấn son trên mặt, anh ung dung thả mái tóc em xỏa dài ra, đằm thắm nói:
- Da em mịn màng, em khá xinh đẹp và dễ thương rồi, em để tự nhiên coi ngộ hơn. Hạnh đánh phấn, anh nhìn em… dị ghê!
Lúc đó cô mắc cỡ muốn độn thổ, có lẽ vì khuôn mặt mình lem luốc, sự ngố ngáo dị hợm vụng về không biết cách tô tréc ấy.
Lúc ba giờ chiều, Hạnh thay áo quần, đạp xe ra phố đi vòng vòng trên bến Bạch Đằng, quán Bambo nhìn ra hai bờ sông Hàn lặng lờ nước chảy dưới bến Hà Thân, những khoan đò trôi lênh đênh trên sóng nước, kéo theo từng vệt khói dài do họ nấu thổi cơm chiều. Sao cô cảm thấy lòng phiền muộn, buồn bã, lo lắng, băn khoăn theo những đóm lửa bập bùng trong bếp lò kia quá chừng! Hạnh ghé tiệm lấy mấy áo dài đã may, rồi vội vàng về nhà. Ruột gan cô bắt đầu nóng rang như lửa đốt, cồn cào, xót xa như có ai lấy cào sắt mà cào vô người. Hạnh đi ra đi vào, đi tới đi lui, đi lên đi xuống, đi ra sân ngóng nhìn suốt hai hàng phố. Trở vô nhà, rồi lại ra bờ giếng, cô ngồi dưới gốc me, ngóng về đầu ngả tư Hùng Vương và Phan Chu Trinh, cô đi đi lại lại trong sự lo lắng, gần như tuyệt vọng. Đứng trước bàn thờ, Hạnh thành khẩn chắp hai tay lên ngực, với niềm tin tưởng tuyệt đối và hy vọng, cô thì thầm cầu xin Chúa ban cho mình có ước mơ tốt đẹp. Việc cầu xin nầy, đúng hay sai đây? Hạnh thầm xin Thượng Đế đừng giết thêm niềm hy vọng cuối cùng còn đọng lại trên khoé mắt người con gái trước ngưỡng đời hụt hơi, nhiều giông tố hôm nay. Hạnh xin ơn trên hãy dừng bão tố, thổi về đây những ước mơ tốt đẹp, với niềm tin yêu và hy vọng tràn đầy. Cô vẫn cầu xin, dù niềm hy vọng mong manh dần tắt theo buổi chiều phai nắng. Cô suy nghĩ: "có thể hôm kia trong lúc quá bối rối, run rẩy, bàng hoàng, âu lo, mình đã viết sai địa chỉ, nên bức điện tín kia không đến tay anh chăng!? Ôi bức điện tín “oan nghiệt” ơi! Giờ đây mi ở nơi nào? Vui lòng giúp ta đến đúng chỗ Nam nha. Ta có viết đúng nơi Nam ở tạm hay không? Ước gì mình có đôi hia bảy dặm vút bay, hoá thân thành cánh chim bằng lướt gió tung mây đi báo tin vui chính xác lúc nầy ha".
Ngày mai... dù cho trước bình minh rạng rỡ, lóe lên ánh hào quang nơi đường chân trời, hay hoàng hôn phai nắng có dắt phấn thông vàng thấp thoáng dưới hàng cây im mát, cô phải đi vào vùng trời quê hương khói lửa, bên bụi bờ lau lách mịt mùng, dưới nắng gió khuya chiều nơi cuối núi đầu ghềnh, giữa hai lằn đạn nội thù giao tranh khốc liệt bên con suối bạc, nơi ngàn chốn sơn khê hải hà, nơi gần vùng biên cương quyết chiến một mất một còn. Nơi khói lửa chiến chinh phủ chụp kín góc trời mù mịt tang thương. Hoàng Phương Nam sẽ chẳng bao giờ gặp lại người xưa đâu. Hạnh gần như tuyệt vọng lúc kim đồng hồ treo trên tường chỉ sáu giờ tối. Thời gian chậm chạp trôi qua, niềm hy vọng mong manh tắt dần theo buổi chiều phai nắng trên đỉnh me xanh. Bỗng, có mấy tiếng gõ cửa bên nhà cô Thuận, kèm theo giọng thanh niên hỏi:
- Xin lỗi bác, làm ơn cho tôi hỏi thăm: có phải nhà cô Hồng Hạnh, ở gần đây?
Cô Thuận chưa kịp trả lời, Hạnh quay phắt lại, vội vàng chạy ra mở tung cánh cửa lớn. Hai người sửng sốt, nghẹn ngào, xúc động mất vài phút khi nhìn nhau không chớp mắt. Nam đứng chết trân trước cô, anh gỡ kính mát ra, thở dài. Chiếc valy da màu xám trĩu nặng hành trang bám bụi đường xa, áo sơ mi màu vàng nhạt, ô ca rô nhỏ, quần tây gabardin, đôi giày da màu trắng. Trải qua năm tháng ray rứt, dằn vật, tức tưởi, lẫn khổ đau vì cuộc tình gãy đổ rất vô cớ, đã rèn luyện, biến đổi anh trở thành một chàng trai trầm lặng thoáng ưu phiền, trên vầng trán anh in vài nếp nhăn, nét rắn rỏi kiên nghị, trầm tỉnh hơn. Chỉ riêng đôi mắt; đôi mắt Hoàng Phương Nam vẫn như xưa, đôi mắt ánh lên ngọn lửa tình long lanh, nồng nhiệt, đôi mắt đó không giống bất cứ ai mà cô đã gặp, đôi mắt ánh lên niềm trìu mến, thiết tha, không có gì có thể dập tắt được! Ký ức tưởng đã nhạt nhòa, tưởng đã lãng quên theo tháng năm, chợt bừng lên từ đôi mắt, dĩ vãng xa xôi một thời vàng son, trong sáng từ quá khứ đó, là hành trang cuộc sống, tràn đầy ân tình.
Như sựt tỉnh trong vị trí xác định gia chủ, Hạnh run rẩy nép mình qua một bên, giọng nói yếu ớt, lạc hẳn đi:
- Mời anh... vô nhà.
Hạnh lảo đảo lập cập đi xuống nhà bếp như người say rượu, cô lấy hai cái tách để pha nước trà. Tay cô run rẩy, run đến nỗi dĩa và tách va chạm nhau kêu lanh canh, lách cách hoài, những giọt nước sóng sánh văng tứ tung. Đôi bàn tay lạnh giá cố ghì chặt lấy tách trà. Hạnh lảo đảo lờ đờ, ngu ngơ bưng trà lên phòng khách, cô đặt tách nước trước mặt anh. Cách nhau một cái bàn vuông nho nhỏ, Hạnh ngồi đó, Nam ngồi đây hoàn toàn im lặng và bất động. Mãi lâu, anh lại thở dài, lấy điếu thuốc Salem gài lên môi, quẹt lửa, anh thả từng ngụm khói lam mong manh, khói thuốc vờn quanh trước mặt hai người. Điếu thuốc thứ hai tàn, lại điếu thuốc thứ ba bắt đầu.
Hạnh biết anh rất đau đớn mới hút nhiều thuốc đến thế, hút chết bỏ mà! Nhưng anh không hề rời mắt khỏi khuôn mặt người xưa. Anh nghĩ là cô đã thay đổi, ít ra là trên má phấn môi son coi “già giặn, tra trắn” kia. Còn cô chống tay lên cằm, cúi nhìn đăm đăm gói thuốc đặt trên bàn, đầu óc cô hoàn toàn rổng tuếch, tê liệt, hụt hẫng. Không thể chịu đựng sự lặng thinh đầy thách đố, sự giận hờn làm kiệt lực, nỗi bi thương tràn lên khóe mắt, làm trào hủ mật đắng lên miệng cô, lời lẽ vì thế cũng đắng cay theo:
- Anh còn về đây tìm gặp em, làm gì nữa?
- Em đã thay đổi, không còn như ngày xưa rồi ư?
- Chuyện ngày xưa. Ôi, ngày xưa...
- Anh nào... có tội tình gì đâu!
- Trời! Em buồn và đau đớn quá!
- Chưa biết ai đau đớn, hơn ai.
- Biết vậy, sao anh về tìm em làm gì?
- Anh xin lỗi, vì ngỡ rằng em còn nhớ đến anh.
- Nếu không còn gì, thì sao?
- Anh muốn trả lại em tất cả thư từ, hình ảnh của chúng mình.
- Em không có gì trả lại anh. Tình cảm cho đi, chẳng bao giờ đòi lại được.
- Về phần anh, anh muốn trao trả lại em.
- Anh trả lầm người rồi. Không phải là kỷ vật của em.
- Vậy thì giữa anh và em không còn gì để nói nữa. Chào em...
Câu nói đột ngột của Hoàng Phương Nam, cũng như sự gặp gỡ bất ngờ, làm xót xa, ân hận, quặn thắt lòng Hạnh xiết bao! Nét diễm kiều, duyên dáng của một hoa hậu trên vùng trời Đà Nẵng biến mất, khiến anh không thể nhận thấy con ong xinh đẹp kia, đã dấu cái nọc độc ở đâu quá đỗi tài tình. Nam xô ghế đứng bật dậy, trong khi cô nhìn thẳng vào mặt anh, nói gần như hét to:
- Anh ngồi xuống. Không đi đâu hết.

Sau một lúc lưỡng lự, Nam chậm rãi ngồi phịch xuống ghế, tay chống lên cằm, anh lặng lẽ thở dài, nhìn cô đăm đăm. Có cái gì níu giữ anh chịu khó ngồi lại thế nầy? Có lẽ anh vẫn còn yêu em say đắm. Có lẽ anh còn nhớ nhung, đau khổ, dày vò, ray rứt bởi những nguyên cớ rối rắm, không chút lý do chính đáng? Hết sức phi lý khi cuộc tình hai người quá đẹp (như quỳnh hoa sớm nở lại chóng tàn). Hay có thể, trong anh còn sót lại ít tức tưởi, băn khoăn, ưu phiền, ngại ngần, nên anh chần chờ muốn ngồi lại, để tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân tại sao một hai cô đòi giã biệt anh? Nếu anh bỏ đi ngay khi câu chuyện chưa ngả ngũ ra sao, chưa rõ ra môn ra khoai (tại sao đang yêu nhau tha thiết, đùng một cái lại vĩnh biệt nhau, không thể có lời từ giã, giống hai người xa lạ), thì ra cái điều... anh trở về đây tìm cô, chỉ vì... chuyện nhỏ mà!
- Anh tàn nhẫn lắm!
Sau câu nói trên, như có bàn tay vô hình vừa cất đi khối đá đè lên tuyến nước mắt cô đã từ lâu ngăn giữ, đè nén lại, cổng đập đau thương đã mở toang cho hàng nước mắt trào lên mi, Hạnh úp mặt lên đôi cánh tay trần vòng đặt trên bàn, cô khóc, khóc, khóc... như chưa bao giờ được khóc. Cô biết mình quá vô lý khi nói: “anh tàn nhẫn lắm”!
- Ủa, vậy chứ anh tàn nhẫn ở điểm nào vậy?
- . . .
- Anh có làm gì nên tội trong chuyện tình nầy?
- . . .
- Thật là rối rắm.
- Anh đã đánh cắp trái tim em, và… anh bỏ nó ở nơi nào lâu vậy? Rồi thì do em cãi lệnh chị Khánh, vì em cứ yêu anh, nên em đã bị chị đánh, và bắt em phải về Huế, để xa anh. Khiến từ đó đến nay em phải thất học, em mù chữ nè!
Hoàng Phương Nam ngồi im sững không thốt nên lời vì bật ngưã ra... bây giờ anh mới biết tại sao cô đi về Huế, và bặt tin. Nhưng Nam còn thắc mắc phân vân không hiểu anh tàn nhẫn ở chỗ nào trong thời gian chia biệt đã qua? Lúc đó, chị Huyền ở trong phòng đã nghe hết những mẫu đối thoại của hai người. Chị biết rõ chuyện từ ngày cô em theo má về Huế, nên chị chẳng ngạc nhiên khi “cậu ta” trở về tìm gặp em. Thương em, chị ung dung bước ra phòng khách, Nam vội đứng dậy chào. Chị chào lại Nam, rồi nhẹ nhàng đặt tay lên vai em gái, vỗ về:
- Em làm gì mà ồn ào vậy! Việc gì cũng vậy, em hãy từ từ, bình tĩnh nói chuyện. Em vô nhà rửa mặt cho tỉnh táo, rồi ra đây. Nào. Đi đi.
Hạnh vâng lời chị đứng dậy lui xuống bếp, lấy khăn rửa mặt. Chị ngồi tiếp chuyện Nam khá lâu. Sau đó, chị gọi em lên nhà, ôn tồn nói:
- Hai em nói chuyện vui vẻ nghen, để chị xuống bếp biểu cái Tí nấu cơm. Chị mời Nam ở lại dùng cơm tối với gia đình.
Nam nhất định từ chối, xin hẹn dịp khác. Chị cười cười:
- Không sao! Còn nhiều dịp mà em. Cứ tự nhiên.
Ngồi xuống ghế cũ, cô đã bình tĩnh đôi chút. Thẳng thắng nhìn vào khuôn mặt anh, Hạnh nhỏ nhẹ:
- Anh định về đây đòi lại thư từ, hình ảnh của anh. Phải không?
Nam chống tay lên cằm, đăm đăm nhìn khuôn mặt cô đã xóa hết phấn son. Anh nhẹ lắc đầu, tủm tỉm mỉm nụ cười duyên không nói. Lòng Hạnh dịu hẳn đi, cô ngẩn người giây lát, nước mắt trào quanh mi, rồi run run nói tiếp:
- Em không nên lưu giữ kỷ niệm cũ, phải trả lại anh. Là đúng.
Hạnh nhớm người toan bước đi, nhưng anh đưa hai tay ra phía trước ôm giữ cánh tay cô. Lắc đầu quầy quậy, anh vội vàng nói:
- Hạnh à! thật ra anh về tìm em, không phải vì lý do đó.
- Vậy, anh đi tìm em… có việc gì cần báo nữa?
- Anh tìm em, để thỏa lòng nhớ nhung. Để biết rõ là... anh chẳng còn hy vọng gì. Để khẳng định một điều là em đã có chồng: Niềm đắng cay ấy đã trào lên bờ môi anh. Để bị em xua đuổi.
- Chưa biết là ai phụ ai. Anh ác thật.
- Em tìm câu nào nặng hơn la anh đi. Tuy nhiên, anh không thể biết: anh đã tàn nhẫn, và ác với em ở điểm nào?
Bỗng dưng, Hạnh úp mặt xuống hai tay, òa khóc thật to như trẻ thơ đòi bánh. Nam vòng qua bên mép bàn, anh lặng lẽ đặt tay lên vai em, nhẹ nhàng vuốt mái tóc bồng bềnh quá dài đã xõa kín khuôn mặt. Anh biết cô rất đau khổ khi gặp lại mình, nhưng Nam không thể hiểu vì sao? Anh lấy chiếc mouchoir trong túi quần, nhẹ nâng cằm cô lên, từ tốn lau hai hàng lệ tuôn trào ướt đẫm cánh tay trần.
- Xin lỗi anh. Đừng buồn vì những lời em nói.
- Có nghĩa là Hạnh vẫn là... em yêu của anh?
- Với Hoàng Phương Nam, em còn quá khứ, hiện tại, cả tương lai cuộc đời đang ở phía trước.
- Ôi! Hồng Hạnh cuả anh.
Đúng lúc nầy, Trúc dừng xe jeep trước sân, cô chạy xộc vào nhà, miệng la ơi ới:
- Mai tụi mình đi theo phái đoàn ra Quảng Ngãi nè Hạnh.
Trúc đứng khựng lại trước mặt Nam. Hạnh lúng túng đứng dậy, giới thiệu Trúc với anh. Trúc “À” lên một tiếng, cô ta cười rất xinh. Do Hạnh đã tâm sự, nên Trúc biết khá rõ về mối tình của hai người. Trúc biết nỗi đớn đau khi Hạnh tự ý chia-biệt anh. Trúc thoải mái, líu lo nói chuyện với anh tự nhiên như đã từng quen biết với Nam từ thuở nào. Trúc vội, vì sắp hết giờ làm việc, tài xế đang chờ ngoài đường. Trúc nói:
- Thôi. Anh Nam về tìm bạn là phải. Nên hòa nhau đi. Hạnh ở nhà kỳ nầy, để mình xin phép anh Phi cho bạn nghỉ một tuần.
- Hòa gì nỗi. Mình phải đi làm việc.
- Đừng có trở chứng lên thế. Nên hòa với anh ấy đi. Bấy lâu nay mi khóc sưng cả mắt vì yêu anh Nam rồi, bộ không biết sao?
- Ớ, anh Bửu sắp làm đám hỏi mình rồi. Hòa với hiếc gì!
- Mình tin rằng “cô cậu” còn yêu nhau da diết. Nhất là giữa mi và anh Bửu chưa có một ràng buộc mật thiết nào, kể cả chưa có một lần tay nắm bàn tay. Vậy mi hãy bỏ cái chuyện lấy chồng lẩm cẩm cù lần và dấm dớ kia đi. Nha.
- Sao hôm trước chính Trúc nói với mình: “Nên nhận lời lấy anh Bửu đi”, hở khỉ!
- May chứ hôm đó mi mà gật đầu một cái là... “chết lúa tui” rồi!
Nam hỏi dồn:
- Em cùng đi với Trúc sao?
- Đời nào. Trúc cho phép nó ở nhà đó anh.
Trúc lại cười tít mắt, nói xong Trúc vụt chạy ra ngoài sân. Trúc nhảy lên xe jeep, xe lao đi cuốn theo lớp bụi khói bay theo gió rì rào.
Nam thì thầm bên tai cô:
- Em ở nhà, ngày mai đi ra Huế, với anh. Em nhen.
Hạnh muốn từ chối lời đề nghị đó. Nhưng, thật là khó chối từ nỗi trước ánh mắt thiết tha, nụ cười khả ái, lời nói chân tình, lôi cuốn của “người ấy”. Trước sự quyến rũ dường bao của Nam, mà tuổi đời, trình độ kiến thức, tri thức, cung cách tao nhã, lịch thiệp, sự cao sang, đều hơn hẳn Hạnh, người mà cô yêu say đắm, yêu rất nhiều, khi người ấy đã y lời hẹn ước năm xư: "Anh sẽ trở về miền Trung, tìm lại em. Dù bất cứ giá nào, dù chông gai và thách đố" - như anh đã hứa. Cảm ơn anh yêu. Bởi vì cô muốn: "ANH là tất cả riêng EM":
Em muốn viết tên anh.
Thân như cây liền cành.
Tên em tình sim tím.
Ta chim én song hành.
Yêu anh người khí phách.
Tình đôi ta liền mạch.
Vượt chiếc cầu Bến Ngân
Qua gian lao thử thách.
Dù trời xa cách đất.
Tình yêu mình có thật.
Gió mưa rừng lặng yên.
Non cao mây hồng ấp.
Anh đến trong tâm thức.
Đôi ta càng náo nức.
Tình son sao ngập ngừng.
Nụ hôn đầu rạo rực.
Buổi giao tình thứ nhất.
Con tim yêu chất ngất.
Giờ còn ai cấm nhau.
Mỗi ngày là trăng mật.
Đời ta vương hạt bụi.
Gió mưa chẳng dập vùi.
Đường tình quyện sớm tối.
Hoa đời nở đóa vui..
Trên phiến lá đong đưa.
Gió Thu bay đầu mùa.
Con tim ta mềm nhũn.
Tình nồng mộng sớm trưa. (*)
***
Tình Hoài Hương

Tinh Hoai Huong
01-19-2020, 12:51 AM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/pics2019/1579394362-2.jpg
/uploadpics/mp3pdf_2019/1579393992-Mua Xuan Tren Dinh Binh Yen - Khanh Ly.mp3
Khát Khao Tìm Về Hoài Niệm của Bạn & Tôi


Nền trời phơn phớt xanh lơ điểm những lọn mây vàng sáng lơ lững trôi về nơi vô định. Xa xa xuất hiện đàn chim én bay qua kẽ mây trôi từ phương Bắc về. Tiết trời giá lạnh run rẩy đang yên ắng lạ thường, bỗng nhiên tiếng đàn, tiếng trống, tiếng kèn và phèn la vọng ra từ căn nhà xinh xinh bên sườn dốc (do ban nhạc đánh rất hay), ngón đàn điêu luyện chơi vơi trong bầu trời đẫm sương mù, vươn lên đỉnh thông, rồi lặng lẽ tan đi trong ráng chiều dần dần phai nắng: “Trời hôm nay thanh thanh, gió đưa cành mơn man tà áo. Làn mây xanh vây quanh ánh vừng hồng chiếu xuống niềm tin. Đàn chim non tung tăng như đón chào niềm vui thế gian, chúc ai vừa tìm được bến mơ… Mừng cho đôi uyên ương sớm sum vầy vui trong hạnh phúc…” (LP)
Vào giờ phân giới giữa ánh rạng rỡ của ngày đầu năm mới và bóng tối Xuân về, thốt nhiên Anh Thư cảm thấy ngập tràn niềm vui, như cỡi trên con thuyền hoa hạnh phúc bất tận:
Bấy lâu em còn nghi còn ngại.
Bữa nay em kêu đại bằng “mình”
Phụ mẫu hay được, không lẽ đánh mình giết em! (cd)
Do bởi... í a ... là cũng tại cái bà Nguyệt, ông Tơ mà ra cả, chỉ vì... từ hồi xửa hồi xưa kia cà: Thuở đó chàng Vi Cố ngọan cảnh đêm trăng, thì gặp ông Nguyệt Lão râu tóc bạc phơ đang ngồi mân mê mớ chỉ hồng, mà ông ngồi làm chi trước tòa cổ miếu trầm ngâm suy tư hỉ!? Chàng Vi Cố lân la gợi chuyện làm quen ông lão, rồi khẩn khỏan hỏi thăm ông Lão Nguyệt: “người vợ sau nầy của mình là ai?”. Thì chàng được ông lão cho biết: “vợ của chàng sau nầy là một cô bé bán rau nghèo khổ”. Quả thật đúng y bon thật như vậy. Rằng thì là... cũng do từ đấy mà ra, chàng đã mạnh dạn ướm lời:
Cái quạt mười tám cái nan
Ở giữa phất giấy hai nan hai đầu
Quạt nầy anh để che đầu
Đêm đêm đi ngủ chung nhau quạt nầy
Ước gì chung mẹ chung thầy
Để em giữ lấy quạt nầy làm thân
Rồi ta chung gối chung chăn
Chung quần chung áo chung khăn đội đầu
Nằm thời chung cái giường Tàu
Dậy thời chung cả hộp trầu ống vôi
Ăn cơm chung cả một nồi
Gội đầu chung cả dầu hồi nước hoa
Chải đầu chung cái lược ngà
Soi gương chung cả ngành hoa giắt đầu (cd)
Thế là Anh Thư đã dám bạo gan bạo phổi:
Ai về bà Điểm Hóc Môn
Hỏi thăm người ấy có còn hay không?
Để tôi kiếm sợi chỉ hồng.
Nhờ ông Tơ bà Nguyệt kết vợ chồng đôi ta. (cd)
Giờ đây chúng mình mới có chuyện vui vẻ nè... cũng phải thôi:
Ấy ai dắt mối tơ mành
Cho thuyền quen bến cho anh quen nàng
Tơ tằm đã vấn thì vương
Đã trót dang díu thì thương nhau cùng.
Hai anh chị ấy đã quyết chí hẹn thề với nhau:
Anh đừng thấy “đăng” mà phụ “đó”
Đừng chê em nghèo khó mà vội phụ phàng
Anh coi đồng tiền sớm mai còn chiều mất
Chớ nhân nghĩa bạn vàng vững chắc thiên kim (cd)
Cho nên, mai chính thức là ngày hai Họ nhà trai và nhà gái làm đám cưới cho Anh Thư và Bửu Bảo! Anh Thư là con gái đầu lòng, ba me cô tuy gốc gác miền Trung nhưng rời quê hương khá lâu, gia đình lên Đà Lạt làm việc với hãng rượu Lafaro lừng danh, nên mọi việc từ trong ra ngoài, họ lo cho con gái chu tất toàn vẹn theo lối phương Tây. Bảo, con trưởng nam dòng họ vương tôn, giàu có và thanh lịch. Gia đình đôi bên có đủ yếu tố xây dựng gia thất cho con, để dòng họ thêm rộn ràng hoan hỉ, nở mày nở mặt.
Ngoài kia, họ nhà gái huyên náo lạ thường, đàn ca, nhạc sống vui vẻ hết biết. Suốt đêm Anh Thư không dám nằm ngủ, vì cô sợ xẹp mái tóc đánh rối bới cao sẽ bù xù, mất thẩm mỹ đi, càng bực mình vì đôi giày cao gót cô chọn lầm, da giày cứng dày như da voi, cô vừa mang đi lui đi tới mấy vòng, thì gót giày tàn nhẫn “xơi tái” mấy miếng da chân, nên bi chừ rát bỏng, đau điếng. Mỗi lần cử động, nó đau lên thấu tim, dù Anh Thư se sẽ lê tấm thân phì lũ, đi nhè nhẹ, cà nhắc, cà nhót. Mấy phù dâu xúm lại trang điểm cho Thư, vì nước da của Anh Thư ngăm ngăm đen, ai ai cũng nói có làn da như vậy, thì có duyên. Nhưng cô bực tức khi có bạn đã chế nhạo:
“Chưa đi chưa biết Bà Đen,
Đi rồi mới thấy đen hơn bà nhà,
Bà nhà tuy có hơi già.
Nhưng mà vẫn... trắng hơn là Bà Đen”! (st)
Chín giờ sáng! Nhà trai đã có mặt trước sân hồng: Hai gánh đi đầu là cặp ngỗng trắng nhốt trong lồng mây, nó luôn hoác mỏ khàn khàn khọt khẹt kêu réo inh ỏi. Tiếp theo là con heo mọi mập ú, ụt ịt quay lui quay tới trong cái cũi sơn đỏ, cột nơ hồng. Gánh thứ ba là vò rượu cẩm chôn bách nhật xủi tăm. Tiếp theo là tám khay mâm quả phủ nhiễu đỏ, viền tua vàng, do những chàng trai mặc áo xanh đỏ, đội nón lá mười vành khệ nệ trang-trọng bưng. Hai bên có những người đồng cổ phục cầm cán lọng dài màu vàng che nắng. Chàng rể mặc áo dài thụng màu xanh biển, chữ Phước, đầu chít khăn đóng, quần dạ trắng, mang giày thô đen. Chú tiểu-đồng lon ton xách theo bộ đồ “tuxedo” nữa. Chàng rể (tay ôm bó hoa của cô phù dâu) đi trước giữa hàng thân quyến cùng quý ông bà mệnh phụ phu nhân, bạn bè, bà con gia tộc nhà trai đi sau lưng.
Tất cả dừng lại chờ, hai người mai mối bên họ nhà trai bưng khay trầu rượu tới trước sân hồng ra mắt quan viên hai họ. Ông mai bà mối xin họ nhà gái cho nhập gia tùy tục. Đại diện họ nhà gái đứng trên thềm hoa, xoa xoa bàn tay, vui vẻ thân thiện nhận lời. Mọi người hoan hỉ tươi cười trang trọng lục tục kéo nhau vô phòng nghinh tân. Ông mai bà mối nói năng lưu loát, vui vẻ cả làng. Các mâm sính lễ đặt trên chiếc bàn dài, cặp ngỗng và “chú hợi” đều được cột nơ đỏ v ô cổ, hai cái lồng để gần cửa chính.
Ngày xửa ngày xưa muốn cưới hỏi, phải có đủ 6 lễ vật:
Lễ thái nạp (đính ước giữa trai gái).
Lễ vấn danh: (hỏi tên tuổi cô gái).
Lễ nạp cát: (nhà trai trả lời bằng lòng).
Lễ nạp lệ: (ăn hỏi).
Lễ thinh ký: (lễ xin cưới).
Lễ than nghinh: (Lễ cưới).
Bi chừ là thời buổi văn minh tiến bộ nên giản dị nhiều thứ, nhưng lễ vật nhà trai vẫn sang trọng lắm: nào vòng xuyến, dây chuyền, bông tai, nhẫn, toàn nhận kim cương, còn kiềng chạm, dây chuyền trên năm lượng vàng y 24k (không kể quà bà con chú bác). Nghi thức diễn tiến tốt đẹp, đến lúc Anh Thư hồi hộp, rụt rè, được me vén bức màn nhung, dìu con gái rón rén e ấp thẹn thùng bước ra phòng nghinh-tân. Trong lòng cô ngổn ngang trăm mối, giờ phút chót Thư vẫn lo sợ nhà chồng chê “mình ú na ú nần”, nên cô rỉ tai anh:
“Lấy vợ xin anh lấy vợ ù.
Tay em đầy đặn, tối em ru.
Kê đầu anh ngủ êm hơn gối.
Mộng đẹp, hiên ngoài gió vi vu”. (st)
Bỗng chốc bên phía nhà trai có vài mệnh phụ đài các chụm đầu vô nhau xì xào, chỉ chỏ bộ cánh “xê-rê” trắng, có tấm voan mỏng che mặt, đuôi áo dài lê thê sau gót chân, găng tay trắng dài lên tới cánh, cô đội vương miện lóng lánh kiễu nữ hoàng Anh qúy phái cao sang. Nhưng có người bên nhà trai nói trổng:
- Trắng toát y như con ma da chết trôi, ớn lạnh hè. Thiệt là...
Nhà gái tái mặt, vội xuề xòa:
- Đồ trắng tượng trưng cho sự trinh bạch mà chị. Ngày cưới xin, ăn nói chi bậy bạ quá!
- Ui xà! “Ở có nhân, mười phân chẳng khốn. Ở có đức, mặc sức mà ăn”.
- Ở Huế thiếu chi O thiệt chảu, thằng Bảo mò lên núi làm răng mà bưng về một đứa bệ xệ dư rứa hì!
Ai ơi chớ vội cười nhau
Ngắm mình cho tỏ trước sau hãy cười (cd)
- Phải. “Chỉ đâu mà buộc ngang trời.
Tay đâu mà bịt miệng người thế gian”. (cd)
Họ xầm xì to nhỏ:
- Để rồi chị em dòm coi nghe: thứ nớ trước sau chi sẽ giống như:
Nhà tôi vô duyên lấy phải dâu dại.
Việc làm thì trái, chỉ tưởng miếng ăn.
Hễ bảo quét sân đánh chết ba gà.
Bảo đi quét nhà đánh chết ba chó.
Có mâm giỗ họ, miếng ra miếng vào.
Rửa bát cầu ao liếm dĩa quèn quẹt. (cd)
Lời qua tiếng lại nghe chói tai nhức nhối con tim, thật khổ hết biết! Nhưng có lẽ khổ nhất là ông Tơ cứ chạy qua bên nầy, thì bà Nguyệt lo chạy lăn xăn về bên kia năn nỉ ỉ ôi khi hai họ cứ đốp chát châm biếm và thộn mặt ra, coi thiệt dễ mích lòng dễ xa nhau ghê nơi, thấy sợ. Trong khi ngoài sân pháo bắt đầu nổ rền trời, nổ dai dẵng... Tôi đi phù dâu thường nghe chuyện cãi cọ, đôi co, hay hai họ có làm gì, tôi cũng chả cần lo chuyện ruồi bu của người khác. Tôi chỉ sợ pháo văng trúng, sẽ cháy áo quần, mà bộ đồ vía nầy là do đồng tiền cần cù lao khó của mình làm ra, nên có mà diện lấy le chút với thiên hạ, chứ cô dâu chú rể chả ai lo cho! Tôi vén váy áo ngồi thụp xuống nền nhà, nhắm mắt bưng đầu vì pháo tống pháo đại nổ muốn điếc con ráy.
Khi nghe nhiều tiếng kêu rú thất thanh vang lên, tôi đứng phắt dậy ngơ ngác nhìn quanh: Hai con ngỗng nghe pháo đì đùng nổ hoài, “nổ dai nhách” văng trúng nó, nên chúng hoảng sợ tống cửa lồng, một con bay lên bàn đạp đỗ bình hoa, lễ vật, ly tách, bánh rượu, trái cây. Khi người nào đó túm bắt được con ngỗng đực, ông ta vặn ngược cổ nó lui sau lưng, thì trên bàn lộn xộn không còn gì ráo. Con ngỗng kia cứ nhướng cổ, quạt cánh nhắm mấy khuê nữ đài các mặc áo dài màu vàng, màu xanh, đỏ chói mà te te rượt theo họ. Khiến mọi người xô đẩy đạp lên nhau né chạy... chạy tá lả. Con heo mọi ụt ịt càng hoảng sợ, nó hất chiếc lồng cũi ngã lăn cù cù, nó hét tướng lên kêu eng éc, éc éc... rồi nó cạp nắp đậy, sổng cũi, nó trợn trừng hai mắt vừa chạy vừa ị ị ị ra mấy cục phân vương vãi lung tung, nhão nhoẹt, thúi um.
Hầu hết mọi người sửng sốt, chết trân ngơ ngác nhìn cảnh tượng khá bất ngờ. Nhưng người đau khổ nhất là Anh Thư, cô đứng chịu trận hơn một giờ (do những thủ tục nhập-gia rườm rà), nên đôi chân Anh Thư càng lúc càng sưng húp, vì mấy vết thương cọ xát từ đôi giày mới, thành ra mạch máu giật tưng tưng từng cơn đau nhói. Cô mệt đừ, mồ hôi vã ra như tắm, mặt mày cô tróc dần phấn son, trông cô lem luốc trổ đồi mồi như con mèo vá. Tự dưng bụng đói cồn cào, cô hoa mắt, chóng mặt, và bất thình lình Anh Thư lăn cù ra như con heo mọi kia mà bất tỉnh nhân sự.
Hai cô phù dâu hoảng hốt, luống cuống vội vàng nâng Anh Thư dậy, Trầm Mây và tôi đều thon thả gầy ốm, (so với biệt danh “Thư tán phẩm ú nù”), chúng tôi vẫn cố sức làm tròn nghĩa vụ phù dâu, mỗi người kéo một cánh tay của Anh Thư để quặp vô cổ mình kẹp cô dâu ở giữa, chúng tôi ra sức kéo lôi Anh Thư xềnh xệch đi vô “the-phòng”. Các bạn gái khác thì không ngớt xoa dầu gió cho Anh Thư, cạo gió, giật tóc mai cô dâu.
Dần dà thì Anh Thư cũng hồi tỉnh lại. Thật uổng công mái tóc “búp Ănglê” mà Anh Thư sợ hư đã ngủ ngồi suốt đêm qua, giờ đây tóc bù xù như tổ quạ. Anh Thư vội bảo Mây ra phòng khách lấy hộp quần áo sính hôn, vì giờ đi xem lễ sắp đến. Các bạn gái mỗi người một tay xúm lại lo chải chuốt, trang điểm cho Anh Thư. Ba me của cô muốn Anh Thư diện bộ cánh thời trang “xê rê” lộng lẫy nhất. Nhưng… Mặc! Về nhà chồng thì cô dâu cần phải lấy lòng bên họ nhà chồng đã may áo quần cho con dâu chứ. “Thuyền theo lái, gái theo chồng. Chồng đi hang rắn, hang rồng, vợ cũng phải theo” mà! Nhất là:
Ai chèo ghe bí qua sông
Đạo nghĩa vợ chồng nặng lắm ai ơi! (cd)
Phải rứa không nà en Bảo! Anh Thư đội khăn đóng vành dây đỏ mạ vàng cao chín tầng quá rộng, nên nó tự động sụp xuống tận mắt. Thỉnh thoảng Anh Thư phải lấy tay đẩy “cái khăn hoàng hậu” lên. Vì mạ chàng rể không ngờ bây giờ cô dâu ốm hơn ngày trước, khi mạ đi lên Đà Lạt làm đám hỏi cô. Phần Anh Thư do lo lắng chuyện cưới hỏi, nên ngày nay cô đã sút mất bảy tám cân! Thành ra áo quần mạ may từ năm trước, nay rộng thùng thình! Cô mặc áo dài nhung đỏ may tà Bắc, quần sa tanh trắng “rô-đê” dưới gấu, khoát ngự uyển bên ngoài. Chuyện áo quần rộng không thành vấn đề, cô chỉ buồn buồn khi đội khăn đóng, và đôi hài đỏ. Hồi ấy do hai họ trai gái ở “ngăn sông cách núi” xa xôi ngàn trùng, chuyện đi lại gặp gỡ bàn tính với nhau bất tiện trăm bề, họ chỉ liên lạc bằng thư gởi đi cả tuần mới bắt được tin. Bảo viết thư về cho mạ, ghi số đo để mạ may áo quần, và đo số chân của Anh Thư, mạ đi đặt đôi hài cườm có thêu con rồng vàng uốn khúc hai bên mép hia. Mạ thích tự ý diện cho con dâu í mà! Mạ lẩm bẩm:
- Viết cái chi lem dem nhỏ xí ri hè? Viết không rõ ràng nơi, số 40 hay 46 hỉ? À... suy ra con dâu mình có da, có thịt, phúc hậu như rứa, thì ta cứ đặt cho con số 46 hỉ! Số lớn số nhỏ chi cũng từng nớ tiền. Chi bằng, cứ đóng số lớn xí, thì rẻ, mình có lợi được giày to, mà không bù trả thêm tiền ở khoảng to nớ. Cho tiệm giày hắn lỗ chổng khu luôn.
Thành thử đôi hài rộng rinh, ẻo qua, ẻo lại càng khó khăn khi Anh Thư cất bước đi. Tuy được một điều là đôi hài rộng không cứa vô chỗ đau ở mấy vết thương rát bỏng dưới gót chân cô. Mọi xáo trộn rồi cũng dần qua. Thay vì cho đám rước đi bộ trên đoạn đường ngắn làm lé mắt mọi người, để thiên hạ tha hồ ngắm nhìn, trầm trồ khen ngợi đám cưới cao sang, long trọng, & lom lom dòm đoàn người hộ tống cô dâu che tán vàng, tán tía như cha mạ chú rể ước mơ dự tính. Cha mạ chồng sợ cô dâu lại lăng đùng ra một lần nữa như khi nãy, thì nguy to. Nên họ nhà trai đồng ý gấp với họ nhà gái, cùng nhau leo lên những chiếc xe hoa nối đuôi chạy dài dài đến giáo đường con gà đứng trên tháp chuông cao ngất. Dưới những chòm thông xanh reo vi vu, giáo đường Chính Tòa Đà Lạt tô màu gạch viền trắng uy nghi, sừng sững, nhà thờ tọa lạc trên vùng đất phóng khoáng, vươn lên trời xanh mênh mông. Hàng xe hơi khoảng mười lăm chiếc đã đậu đúng hàng lối trước sân giáo đường.
Nếu đi trên mặt bằng, Anh Thư có thể kéo lê “đôi hia một dặm” lết lết theo bàn chân co cứng đau nhức tê tê, cô cố dí sát mấy ngón chân vô đầu mũi hia, cô dồn toàn lực bấm mười đầu ngón chân ngỏ hầu cố giữ đôi hia không rơi. Nhưng, khi cô muốn giở hai chân cao hơn để bước lên những bậc cấp, thì lực bất tòng tâm. Mười đầu ngón chân Anh Thư mỏi mệt, ương ngạnh, xuội lơ, tê cứng... nó không tuân phục theo ý muốn của cô. Thế là chiếc hài rời chân, ung dung rơi lông lốc xuống cuối những bậc cấp nhà thờ chính tòa cao ngất.
Trầm Mây ngẩn ngơ giây lát rồi vội vàng xắn quần áo đẹp, chạy xuống lượm hia lên, Trầm Mây đưa hia vô tận chân cô dâu. Anh Thư vịn tay vô vai của tôi, Thư xỏ được chiếc hài nầy thì chiếc hài khác lỏng lẻo lăn đi. Anh Thư cúi đầu nhìn xuống, để xỏ chân vô hia. Báo hại thay chiếc khăn đóng rộng vành che sụp xuống tận mũi. Thư không thấy đường, nên cô đạp lên vạt áo dài lụng thụng lết bết trên bậc cấp. Áo dài Thư đứt hàng khuy nút bóp, nên bị lòi vú mớm ra. Cô hổ thẹn, luống cuống vội vàng quơ quơ tay kéo ngự uyển đậy lại.
Trong lúc tình cờ lây lan sự dị hợm nầy, tôi mắc cỡ muốn độn thổ, lúng túng lo lắng nhìn chằm chằm vô mặt Anh Thư, vừa bối rối và lúng túng không biết làm sao, làm gì… ngỏ hầu ráng chăm sóc tốt cho bạn, nên tôi bị hụt bước chân trên bậc cấp. Thế là tôi ôm bạn té lăn cù cù xuống đủ hai vòng. Chu choa ơi! Bộ giò cô dâu lặt lìa lặt lọi, bị trặc mất toi rồi! Còn tôi thì tím bầm ở hai đầu gối, sưng to như đầu gối voi, đau kinh khủng! Hai phù dâu lại một phen nữa mệt toát mồ hôi hột, tôi cà dẹo cùng Trầm Mây xốc nách Anh Thư dựng cô lên! Chúng tôi quàng cánh tay Anh Thư vắt qua cổ mình, liếc nhìn nhau mà hổn hển hô to: “một... hai... ba...” để lôi Anh Thư, và cả tôi lặc lìa lặc lọi một chân chấm một chân phết lết lết từng bước lên những bậc cấp cao, cho chắc ăn, cho chắc cú. Chớ cái kiểu nầy tôi mệt muốn ngủm! muốn ngoẻo!
Sự việc xảy ra đột ngột quá nhanh, dù Bửu Bảo đang đứng gần chúng tôi, ấy thế mà chàng rể thừ người trơ trơ lỏ mắt dòm, không kịp phản ứng gì! Lúc đó mặt mày cô dâu, chú rể đỏ bừng như con gà lôi, chuyển sang tái méc. Mà người tiếp nhận tái méc mau nhất là mạ chồng! Hai họ đứng chết trân dường như tê liệt, họ kinh ngạc há hốc miệng. Bỗng chốc mọi người xôn xao đồng loạt cất tiếng cười ngất (trước nỗi đau của người khác). Họ quên lửng “bộ đồ vía” gây ra nông nỗi tệ hại kia, là do chính Họ nhà trai cất công đi mua sắm. Lúc nầy, hai phù dâu quá mệt, đi đứng như kiểu cà thọt tango, hay cha cha cha không còn hơi sức đâu mà cười. Cười, cười… cái gì? mà buồn cười nhỉ!
Tất cả mọi người đã vô an tọa trong nhà thờ, chỗ nào ra chỗ đó có thứ tự lớp lang hẳn hoi. Nhưng ai ai cũng lo ra, khi thấy tôi đi kiểu cà dẹo thì có hai mệnh phụ đài các tỏ vẻ quan tâm tới tôi. Họ cũng lăng xăng chạy lên nơi an ngự cô dâu chú rể mà to nhỏ rù rì, rồi lấy dầu gió xoa xoa, nắn nắn bóp bóp bàn chân, ống chân của Anh Thư. Điều nầy vô tình gợi nhớ tới “tích xưa”; nên thỉnh thoảng có nhiều tiếng cười cười khúc khích nổi lên đây đó. Khiến cha chủ tế ngoại quốc đứng trên bục giảng ngạc nhiên ngỡ ngàng lắm. Cha Gérard Gagnon ung dung nhìn mọi người vui vẻ, từ tốn mở lời:
- Hôm nay, hân hạnh "dứng" trước "quỷ" ôn bà, anh chị em, và “co dau chú rẻ”, tôi xin "cào" chúc anh chị trăm năm "hạn phút", răng "lông" tóc bạc suốt đời. Nào: "quỷ" ông bà anh chị em hãy nhìn xem: trên bàn thờ đã có hoa mai, hoa lan, “hoa hòng, hoa hệ và hoa cút””...
Nhiều tiếng cười đồng loạt bùng vỡ, vang dậy khắp đó đây từng hồi. Cha chủ tế ngạc nhiên, sững sốt nhìn xuống khắp lượt trong nhà thờ, ngài không hiểu chuyện gì, tại sao giáo dân lại cười trong giờ làm lễ uy nghiêm trang trọng thế nầy!? Rất vô tư lự, ngài dõng dạc tiếp:
- Ơ hơ! Anh chị em sao lại không nghiêm trang trong giờ Lễ vậy!? Anh chị đang "cưới" ai, “cưới” cái gì vậy? Anh chị em có muốn thích "cưới nhau", thì xin hãy ra ngoài sân mà “cưới”. Ở trong nhà thờ nầy thì chỉ làm "lễ cười". Mà "lễ cười", thì có gì mà "cưới" chứ?!
Ụi! Trời đất quỷ thần thiên địa tổ tông ông bà cô bác anh em cháu chắt ới! Cả nhà thờ ai ai cũng ôm bụng bò lăn bò càng ra mà cười vang. Cười thật to, cười ngất, cười nắc nẻ, cười ra nước mắt, cười mệt xỉu. Chịu không thấu. Cái điệu nầy chắc mọi người bị bễ bụng mà chết nhăn hai hàm răng vẫn cười hi hi ha ha quá! Rất may, có một vị trung niên bước lên bục giảng chúm chím cười cười duyên ơi là duyên. Ông ta dõng dạc dùng ngôn ngữ tiếng Pháp nghe mạch lạc để xin lỗi cha. Ông giải thích về việc ngài phát âm hơi lệch lạc, “méo mó nghề nghiệp âm tần” xí. Thế nên từ ngữ bị sai sót chi chi đó.
Á, thì ra...! Sau khi cha Gagnon hiểu nguyên nghĩa, hiểu từ trước khi họ nhà trai tới nhà gái, lúc chúng tôi đến ở ngoài sân nhà thờ, và ở trong nhà thờ lúc nầy; mọi việc đã xảy ra tuần tự ra sao. Tại sao mọi người trong nhà thờ “đều thích cưới nhau”. Vị linh mục không ngớt xin lỗi, và đã cười rõ tươi, cha vui vẻ thoải mái quá chừng chừng! Phải hơn hai mươi phút sau thánh lễ mới bắt đầu trong sự “lo ra”. Cả cha chủ tế vẫn tủm tỉm cười khi dâng lễ!
Sau giờ lễ, hai hàng xe hơi dài chạy lên sát cửa chính điện của nhà thờ chính tòa, chứ xe không đậu ở giữa sân, dưới những bậc tam cấp như hồi nãy nữa. Tất cả mọi người mệt đừ, vì kiệt sức, mỏi nhừ hay vì cười ngất? Chả biết. Hai họ nhà gái, nhà trai, đều quên chuyện giận hờn, xoi tì xoi tướng nhau, họ đã thân mật xiết bao, ôn nhu hoà ái vui vẻ cả làng. Thượng khách ngồi vô bàn, nhâm nhi sơn hào hải vị: Nấm đông cô, tóc tiên, mực khô, bát trân, bào ngư, vi cá, yến xào, đùi heo, tôm hùm, do đầu bếp số một bên Thượng Hải qua Việt Nam đảm nhận ở nhà hàng Nam Sơn. Họ nâng ly chúc tụng nhau vui vẻ, nét mặt rạng rỡ, hân hoan. Bác phó nhòm Châu thừa thắng xông lên tha hồ chụp ảnh... lia chia khi dưới giàn thiên lý em đã...
Trên giàn thiên lý
Bướm tìm hoa hút nhụy vẩn vơ bay.
Cánh chuồn chuồn giỡn nước bến sông mây.
Xuân thấp thoáng trên hàng cây mai trắng.
Buồm gió ngư ông về xóm vắng.
Tiếng tiêu mục tử vọng sông dài.
Dưới hàng cây thiếu nữ nhẹ chân hài.
Trong đám ấy có người ngày mai tách bến.
Mộng xuân đó ai không về lỗi hẹn.
Cho người buồn khi bến vắng không.
Thuyền hoa em đã theo chồng! (*)
***
Nay, mùa Xuân lại về, nhớ ơi là nhớ kỷ niệm ngày xưa, tôi xin cung-hiến độc giả thân mến chuyện Tết và một đám cưới chỉ có một, (không thể nào xảy ra y chang như vậy lần hai, hoặc với bất cứ ai) do: “Một cành dâu, năm bảy cành dâu. Bên tài bên sắc lấy nhau cũng vừa” (chàng là sinh viên sĩ quan Võ Bị. Nàng xinh xinh là cô thợ chính của một tiệm uốn tóc nổi tiếng) đã khiến tôi rất mệt, nhưng thiệt vui và có thật, mới chết. Nhiều người cử tưởng trong ngày cưới mà “lộn xộn” như vậy, ắt không chóng thì chày sau nầy thế nào cũng có sự “lôi thôi to”. Dạ thưa, không phải ạ! một cảm tình trân qúy đã xảy ra trong đời tôi & anh chị Bảo Thư thiệt vui hết biết, khi họ đã có bảy nhóc tì ngoan hiền xinh đẹp, họ thật sung sướng trong hạnh phúc ngút ngàn: “Màn hoa lại trải chiếu hoa. Bát ngọc lại phải đũa ngà mâm son”. Năm mươi năm rồi đó, Trầm Mây và Anh Thư nhỉ! Mặc dù chúng ta ít có cơ may gặp lại nhau, nhưng, mỗi lần mở tập album ra, thì trong lòng Hoài Hương dậy lên ngọn sóng dạt dào tình luyến nhớ, hoài mong, ngây ngất nỗi khát khao tìm về thời niên thiếu tươi trẻ xa mờ xa, với giấc mộng quan hoài vụt bay cao trong tầm tay với, khi tuổi đời mình đã nhuộm vàng hanh mái tóc phong sương trên dòng đời phai nắng...
*
(*) Thơ Tình Hoài Hương

Tình Hoài Hương
Ngày vui tuổi đôi mươi

Tinh Hoai Huong
02-14-2020, 05:50 PM
https://hoiquanphidung.com/uploadpics/pics2019/1581701781-22 tt.jpg

/uploadpics/mp3pdf_2019/1581701847-Bai Ca Mua Xuan_ DanTruong.mp3
Chiếc Nhẫn Cỏ Len Lén Gợi Tình


Ánh bình minh êm êm tươi vui hé mắt chiếu tia hào quang rạng rỡ trên đồi hoa mimosa vàng óng lóng lánh xuyên qua lá cành. Mùa Xuân đã ríu rít xôn xao đến sau lưng đồi cỏ ở khách sạn Palace. Trên chóp đỉnh hàng thông rét mướt và ngái ngủ, đã chuyển mình triền miên reo vi vu. Đà Lạt ướt đẫm sương mai, xứ Đà mọng nước giăng mắc các mạng nhện đó đây, con nhện lắc lư đưa qua đưa lại, thoăng thoắt dệt muôn sợi tơ mỏng dính. Những con chim én lảnh lót líu lo ríu rít cất tiếng chào đàn, nghe vui tai quá chừng.

Dưới gốc thông già, có hai mái đầu xanh dựa lưng vô thân cây. Kế bên chỗ hai người có nhiều bụi cỏ chỉ, cỏ ống đã nở hoa trắng, hoa nâu nho nhỏ. Họ ngồi bên nhau tíu ta tíu tít hân hoan nói chuyện tình yêu, tay cô e dè bứt những cọng cỏ chỉ sợi nhỏ dẽo dai, và cỏ ống xanh xanh thân lá giẹp. Họ cùng chụm đầu vào nhau lúi húi làm chiếc vòng ngọc, vòng chuỗi dắt đầy chùm hoa vàng. Cuối cùng, họ làm xong hai chiếc nhẫn cỏ nho nhỏ quá xinh. Anh đeo chiếc nhẫn cỏ (do anh làm) vào ngón tay đeo nhẫn cho em, và đeo dây chuyền cỏ xanh cài hoa mimosa lên ngực cô gái. Rồi anh đeo chiếc vòng “ngọc cỏ ống” vô cườm tay cho cô. Cô gái chỉ đeo chiếc nhẫn cỏ vô ngón tay chàng trai phong trần. Cả hai anh chị thích thú giơ bàn tay đeo đầy “châu báu ngọc ngà” lên cao lắc lắc, hai người hồn nhiên hớn hở vui vẻ cười tươi!
Người con trai từng trải, chững chạc, dạn dày kinh nghiệm, lả lướt phong sương mưa gió, ấy thế mà hôm nay coi anh hơi bối rối, e dè, lúng túng, băn khoăn nhìn trước ngó sau, rồi e dè thò tay vào túi áo, anh lấy cái hộp hồng thắt nơ đỏ nho nhỏ xinh xinh mở ra, anh từ tốn nhón chiếc nhẫn Võ Bị lên, bằng cử chỉ tình si, anh khẽ khàng mà trang trọng lồng chiếc nhẫn vô ngón tay trỏ của người con gái (vì chiếc nhẫn quá rộng).

Cô gái thảng thốt và bẽn lẽn muốn lên tiếng hỏi, nhưng bờ môi mím chặt, lưỡi líu lại, ngập ngừng do dự, cô chúm chím cười, e lệ cúi đầu đón nhận ân tình trao đưa. Tuy nhiên cô cũng lanh trí đã tháo chiếc nhẫn vàng 18K có hột xanh lục của mình đang đeo trên ngón tay, nhút nhát rụt rè bẽn lẽn cô đeo vào... ngón tay út của người ấy. Sứ giả len lén gợi tình yêu thì-thầm vẫy gọi chào mời... Họ xác nhận tình yêu đến trên mười ngón tay khe khẽ run run lồng vô nhau, “anh và em” đằm thắm siết nhẹ, ấm áp, trữ tình, dìu dặt nốt nhạc rung trên mỗi phím loan; như lời tình tự lúc trao nhẫn cỏ, tuy đơn sơ mà sắt son hứa hẹn nồng thắm duyên sau bền lâu:
Biển rộng sông dài thuở anh đi
Người rong mỏi gối ước mơ gì?
Buồn trong ánh mắt đau niềm nhớ
Đường đời uốn khúc chưa buồn nhỉ!

Trời tím hoàng hôn chẳng hẹn kỳ.
Ráng chiều câu bóng góc tường vy.
Dắt nhau về tương lai đã hứa.
Đôi cánh én dệt mùa Xuân nữa.

Từ đấy màu mây tóc thuở xưa
Ưu tư sầu muộn mấy cho vừa
Khung trời tím ngắt trông chim nhạn
Đường đi gập ghềnh sao chẳng ngán!?

Ta cùng hẹn trao nhẫn cỏ đưa
Nắng hồng e ấp nhánh cây thưa
Đong đầy nỗi nhớ buồn vời vợi.
Vòng nhẫn cỏ, nhắc mình mơ nữa

Sanh tình ấp ủ nhớ chuyện xưa.
Thẹn thùng tố nữ trong chiều mưa
Vì anh hứa: - “Một đời miên viễn
Cung nghinh em về liếp tranh thưa...”

Ôm mộng ngày xanh tóc rối bời
Người đi muôn dặm áng mây trôi
Nhớ vòng nhẫn cỏ nơi xưa hẹn
Xuân mộng đôi mình én sánh đôi. (*)

Cảnh cử xử thanh nhã kèm theo những lời tình tự âu yếm, anh phân tích các vấn đề về: đời sống, kinh tế, xã hội, công việc làm của tôi: khá mạch lạc, thực tế và tiết độ. Xét chung chung về Cảnh, tôi thấy thể hình anh cân đối, vừa vặn, được trai, cũng giống như các bạn trai khác (bạn nguyên nghĩa), lúc đầu tôi cứ nghĩ là họ đẹp trai mà tôi mến. Nhưng kỳ thực sau nầy tôi nghiệm ra: không hẳn tôi mến thích họ, là do họ đẹp trai đâu. Vì, họ đều là “người hùng mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. Ai cũng có những yếu điểm, phát huy những cái tốt có giá trị cao về ưu điểm đáng yêu và ngưỡng phục khác.
Vấn đề cần chính ở tình yêu lứa đôi là sự thấu hiểu nhau, thông cảm sâu sắc, tế nhị, bao dung, độ lượng, ân cần chia sẻ, chân thật, tri thức, và thủy chung tin yêu nhau rất mực. Chứ nếu tôi chỉ phiến diện nhìn “cái mã” bên ngoài, nếu “ai” cứ đẹp trai cho lắm vào, mà “hắn ta” dùng thủ thuật ấy, để chuyên môn đi: lừa phỉnh, dối trá, dùng đủ thủ thuật lừa gạt người khác, nếu “ai” không đẹp nết, thì cũng hoài của, vứt bỏ cuộc đời uổng mạng: cho thân nhân, chúng bạn chưởi bới; thì hắn chỉ chuốc thêm nhục nhã, xấu hổ, nhơ danh riêng hắn và cả dòng họ hắn thôi.
Vòng tay rắn chắc, Cảnh đa tình đầm ấm chủ động ôm ghì lấy tôi, và đằm thắm đặt nụ hôn lần đầu tiên rất dài, ngọt dịu, nồng nàn, đắm đuối lên bờ môi tôi mát lạnh. Những nụ hôn nhẹ nhàng, ân cần ngọt ngào mà không vồ vập, không lộ liễu, khiến tôi rất vừa ý. Cảnh cư xử với mọi người trong gia đình tôi chừng mực và tế nhị, tính tình Cảnh thành thật ôn nhu vui vẻ, đơn sơ. Ít khi anh quá trớn vui đùa, hay nói chuyện (tiếu lâm) thô tục ba xàm ba láp. Anh ưa đi thẳng vô vấn đề chính: có mạch lạc, khúc chiết, khôn ngoan và tinh tế. Mặc dù đôi khi anh cũng ưa hờn mát, nổi nóng chút (khi có “người khác” nháy mắt nheo mày lả lướt hoặc buông lời… “làm quen tôi”). Tuy nhiên, khi buồn, Cảnh không la lối gắt gỏng ồn ào, không nhăn nhó. Anh chỉ lặng lẽ mặc áo ra về, hay đi đâu đó một mình cho khuây khoả xí.
Tôi nhận thấy anh có thể là một người bạn đời biết đủ mọi lịch lãm, khôn ngoan, một người bạn đường vẹn toàn tin cẩn. Một người yêu khả dĩ đem lại hạnh phúc lứa đôi. Bến bờ nầy, có phải là “hạnh phúc cuả hiến chương tình yêu đích thực riêng tôi"? Hạnh phúc! Là mình ở trong trạng thái sung sướng hoàn toàn, thấm đẫm sự tuyệt vời, vì cảm thấy "hai mình" tâm đầu ý hợp toại nguyện chăng? Tôi không muốn sa vào cái định nghĩa có vẽ như trừu tượng, mơn man, mơ hồ, như vừa ảo lại vừa có thật ấy. Chỉ biết là bây giờ tôi rất vui, hãnh diện, hân hạnh, bằng lòng, mãn nguyện khi có Cảnh trong đời. Và, tôi chưa thể nghĩ đến ngày mai… con sóng tình có còn vỗ mãi những âm thanh thân thiết, thật đầm ấm ngọt ngào nầy không? Vì chẳng thể biết ngay mai chúng tôi sẽ ra sao!?
* * *

Chỉ có ngày nghỉ cuối tuần vào chiều Thứ Bảy, hoặc nguyên ngày Chủ Nhật, Cảnh mới được phép xuất trường. Có tuần anh phải “ở nhà” ứng chiến, trực ban. Nên khi anh có phép, chúng tôi hay đi đây đi đó chơi, cho anh khuây khỏa, ước mong anh khỏi căng thẳng đầu óc mệt nhoài vì học tập. Hoặc anh luôn bị tù túng trong bốn bức tường, do kỷ luật sắt ở quân trường Võ Bị bó buộc chân tay Cảnh quá nhiều. Chúng tôi thường lên taxi đi thăm các thắng cảnh. Không nơi nào mà không có bước chân đôi trẻ dẫm lên. Chúng tôi ưa dạo phố ngày Chủ Nhật, cùng đi thưởng ngoạn các thắng cảnh Đà Lạt, vô rạp xem ciné. Đôi khi chúng tôi lượn vài vòng phố, ghé tiệm chà và, tiệm sách mua sắm vài thứ cần thiết. Ít khi Cảnh muốn làm phiền ai, nên anh không ăn cơm ở nhà chị Tuế, chúng tôi vào ăn hủ tiếu Nam Vang ở đường Minh Mạng. Đi ăn trưa, ăn tối ở các tiệm Nam Sơn. Phở Bằng. Phở Tùng. Nhà hàng Mé Kông. Tiệm ăn Như Ý. Cảnh thích nhất là vô phê Tùng, nơi nầy thanh lịch, đa số khách sành điệu ưa ngồi trong khung cảnh huyền hoặc, nên thơ, nhạc êm dịu mở vừa đủ nghe. Khách im lắng thả hồn vào những dòng nhạc trữ tình, họ luôn trầm tư, mơ màng trong khói thuốc, bên ly cà phê sánh đen nhỏ từng giọt, từng giọt đen tròn, lóng lánh từ chiếc ly thủy tinh trong suốt phả hơi nóng hổi. Khách nói chuyện nho nhỏ, ung dung tự tại nhâm nhi cà phê, mà không bị làm phiền bởi bất cứ ai tò mò. Nhất là anh Tùng chỉ cho mấy cậu bồi tí hon bưng cà phê, thì hết ý, (đặc biệt tiệm cà phê Tùng không hề có nữ tiếp viên ỏng ẹo ưa nhoi nhoi cái đít vịt).

Đó là những nơi chúng tôi thường “la cà phè phỡn” lui tới ăn uống lai rai. Có nhiều lần anh quên không đưa tiền trước cho tôi. Khi đã ăn uống xong, Cảnh cười hì hì, nháy mắt nheo mày, anh dúi tiền dưới gầm bàn cho tôi cầm. Cảnh ra dấu có ý bảo tôi đi tính tiền. Chả vì lúc nào đi ăn, thường thường anh cũng trả. Anh e ngại người ta chê tôi: "chỉ biết lợi dụng người khác dẫn đi ăn uống chùa, cho đã đời chăng"? Anh muốn giữ thể diện cho người yêu đấy hở!? Vã lại đa số nam nữ đi ăn, tôi thường thấy “người nam hãnh diện” đi làm “nhiệm vụ” đó mà. Thật ra, tôi không mấy khi tự nguyện đi làm chuyện trả tiền. Không phải là tôi nhỏ mọn, keo kiệt, bần tiện, không dám xì tiền ra, (vì tôi đi làm việc trong công sở, tôi có nhiều tiền mà!) hoặc tôi ưa bu bám đàn ông hút chất ngon ngọt của người nam như loài ong bướm!!! hay muốn bòn xoáy rút rỉa cái hầu bao của anh đâu. Hoặc giả là tôi bủn xỉn không có tiền để bao anh. Nhưng nếu tôi cứ “bao anh” như vậy, tôi cảm thấy kỳ kỳ dị dị... vì “anh hùng hảo hớn” ngồi ì ra coi cũng mất mặt Cảnh sao ấy. Cầm tiền của anh đưa, tôi cũng cảm thấy áy náy nhột nhạt và mắc cỡ thẹn thùng sao đâu! (chứ tôi không thấy việc ấy là hãnh diện cho mình, như anh đã dúi tiền đưa tôi đi trả. Chi lạ rứa).

Những ngày nhàn du thư thái, chúng tôi thường cặp kè bên nhau thả bước trên những con đường mòn vắng khuất. Dìu nhau đi vô rừng hái trái mác mác ở các suối mộng hồ mơ. Chúng tôi trải tấm nhựa trắng xuống nệm cỏ xanh mướt, để thức ăn nhẹ như bánh mì nhồi thịt, trái cây mua sẵn đặt ở trên những tờ báo. Tôi thích đi nhặt trái thông xếp thành từng hàng to nhỏ. Vui vẻ kể cho nhau nghe nhiều chuyện tự hồi tóc tôi còn để chỏm. Tôi hỏi anh:
- Anh thích vô học trong trường Võ Bị Đà Lạt lắm. Phải không nào?
- Ừa. Hồi nhỏ anh rất thích chơi súng, chơi dao găm. Anh chuyên làm trưởng toán, cầm đầu tụi con trai, cầm cây, cầm ná, chạy xuống xóm dưới. Tụi anh đánh nhau với bọn trai cùng trang lứa. Lần nào nhóm anh cũng chiến thắng vẻ vang, khoái lắm. Hì hì…
- Em lại sợ súng ống đạn bom, mới chết chứ.
- Chẳng cứ gì em. Ai ai trong nhà anh cũng vậy, nhất là má anh. Anh nhớ hồi anh còn nhỏ xíu, độ bốn năm tuổi gì đó, anh bị má đánh đòn hoài. Vì anh cứ thích lấy cái chổi quét nhà, ôm trong bụng để làm súng, nằm lăn ra đất bùn, bờ bụi. Má đánh anh vì cái tội: áo quần anh rách tả tơi như xơ mướp. Vì tội anh đầu bù tóc rối, bò càng xuống ruộng, xuống đất, nhảy bừa xuống ao, má sợ anh chết ngợp nước. Anh hăng hái đánh kiếm, bắn ná, bắn bi... vọc đất, chơi dơ kinh khiếp.
- Hẳn là hồi nhỏ anh nghịch lắm ha?
- Phá khỏi chê rồi em. Có một lần anh trèo lên cây mít, hái dái mít ăn, chẳng may bị té. Bụng anh xóc vô một cành cây. Máu chảy ròng ròng. May mà chưa lòi ruột. Má anh lật đật kêu xe ngựa, chở anh vô bệnh viện Biên Hoà cấp cứu. Còn vết sẹo to tướng nè em.

Cảnh vén áo lên cho tôi xem vết thẹo dài, láng cón. Thật là kinh hồn.
- Nhưng được một cái là anh ham học. Anh học rất giỏi. Tháng nào anh cũng đứng đầu lớp, từ lớp Năm cho đến lớp Đệ Nhứt. Anh thi đậu tú tài toàn một phát một là anh dong vô Võ Bị liền. Má thương anh lắm. Gia đình anh dù nghèo, nhưng ba má cố gắng tần tảo bán buôn cho mấy anh em ăn học. Anh thương má nhiều, hơn thương ba.
- Ngộ ha anh. Hầu như ai ai cũng thương má nhiều.
Cảnh cười gật gật đầu đồng ý:
- Phải. Sau khi anh đậu tú tài toàn phần xong. Ba muốn anh đi học ngành Y. Nhưng anh thích vào trường Võ Bị Đà Lạt. Má nói:
- Con học ở Sài Gòn thì gần. Chớ con học ở Đà Lạt, xa xôi quá. Vã lại con đi lính, má cũng lo sợ, không mấy ưa.
- Chắc là anh phải uốn ba tấc lưỡi đấu tranh dữ lắm he.
- Trời. Má chìu ý anh thôi. Má khóc sưng mắt. Nhưng má đành đưa anh lên Đà Lạt. Ba ở nhà trông coi tiệm ăn và mấy em nhỏ. Má nói để má cùng đi với anh, cho biết nơi biết chỗ. Khi nào huỡn, ba má có thể đi thăm anh. Không sợ lạc đường.

Cảnh thích ngắm nhìn người yêu nổi bật trong đám đông. Anh bảo tôi cắt tóc theo kiễu Sulvie Vartan, mặc đồ đầm thời trang xứng hợp với dáng vóc thanh tân cuả cô gái chớm lớn. Nhiều khi tôi mặc áo dài thật dài, thân áo ôm sát vòng eo năm mươi cetimets, nẩy nở vòng ngực chín mươi. Trên thân đuôi những chiếc áo dài đen, áo dài tím, áo dài vỏ măng cụt, màu vàng, tự tôi kết hoa, kết lá giả. Coi tôi ỏn ẻn cũng có chút xí “đài các thanh cao” có mỹ thuật, và xinh xắn ra phết... như ai ai đấy chứ! Cảnh nói:
- Em có đôi mắt rất linh động, sáng ngời, tình tứ, nụ cười xinh tươi và duyên dáng. Dáng vóc đan thanh thon gọn. Trông em thật yêu kiều, thướt tha biết mấy. Em rất đẹp.

Tôi cười ỏn ẻn. Tôi không bao giờ nói cho Cảnh biết: hồi xưa tôi là một hoa hậu. Vâng! Ngân Thụy đúng là đã đoạt ngôi vị hoa hậu, không hề sữa mắt sữa mũi, chẳng biết dùng phấn son. Tôi là hoa hậu tự nhiên, đơn sơ, thật sự trăm phần trăm ở ngoài Đà Nẵng năm 1962. Chứ không phải chỉ là á hậu, á hiếc, á hoè, á... hợi ba láp bá vơ lơ tơ mơ chi cả. Nói làm gì! Hương thơm chả phải cầu, tự nó hồn nhiên toả ra. Hoa hậu, hoa dậu, hoa chậu gì gì cũng thế thôi. Con người ta hơn thua nhau ở chỗ có đạo đức tốt, có tấm lòng rộng mở, bác ái, nhân hậu, thành thật mến yêu, thấu hiểu thông cảm giúp đỡ tha nhân cùng khốn. Không dối gạt ai. Tự biết mình và biết người, là trân qúy mà thôi. Ngày tôi thăng “lên chức” hoa hậu, có anh bạn Thắng đã tặng tôi bài thơ: Xinh đóa hồng gai
Gió sớm mây chiều vờn quanh môi thắm.
"Dạ thưa". Tình thương cô gái ngoan hiền.
Tóc thề dáng nhỏ nón lá chao nghiêng.
E ấp ngập ngừng phím loan bẽn lẽn.

Khao khát trao tình em như vẫn hẹn.
Ngày anh đi mây xám lướt bên thềm.
Tiếng sáo buồn nhè nhẹ buổi chiều êm.
Chim hoàng hạc ngủ yên trên đỉnh núi.

Đời trống vắng, tình phương xa tiếc nuối.
Em đi rồi biết bao nỗi tương tư.
Đóa hồng gai sao lãng chuyện cầm, thư.
Môi nhạt thắm, sầu gió thu trút lá.

Buồn da diết, ôi những chiều nắng đổ.
Tắt nụ cười em gái nhỏ đoan trang.
Khóe thu ba giòng lệ chảy đôi hàng
Ai có thấu nét đài trang nỗi nhớ?

Tha thiết lắm ôi tình cô gái nhỏ.
Biết bao giờ mới hết khổ chia phôi.
Anh của em dù góc bể chân trời.
Thuyền trở lại sẽ tìm người năm cũ. (*)

Trời mùa Xuân bàng bạc ấm áp phơi phới phả vào không gian mát rượi trong xanh… dường như pha lẫn chất men tháng hạ ấm áp nồng say, quyện tiết mùa Thu êm êm thanh thanh, man mác bãng lãng đó đây. Gió Xuân bơi bơi theo con sóng tình dìu dập bốn mùa hòa nhập, vỗ mạnh vào đôi bờ đông-xuân, khiến toàn thân tôi chợt nóng bừng bừng, rồi chợt lạnh rét run run. Chúng tôi hòa tan lòng mình theo cơn vui trong từng nhịp tim dập dồn đập mạnh. Tôi cảm thấy ngất ngây toàn thân, phập phồng, bồng bềnh, trôi trôi, bơi bơi trên dòng đời đong đưa, có Cảnh dìu dắt bên cạnh.
Hôm nay cơn giông từ đâu ập đến, gió rít trên những cành thông, kéo theo từng đám mây đen nghịt vần vũ khung trời Đà Lạt. Báo hiệu trời sắp trút nước xuống vùng trời hoa đào nầy. Khi chúng tôi cùng nhau lửng thửng đi ra phố, trời bỗng đỗ mưa. Chúng tôi chạy rõ mau vô quán Hạnh Tâm gần bên hồ Xuân Hương, tìm chút không khí thân thương và ấm áp về chiều.
*

(*) Thơ Tình Hoài Hương