PDA

View Full Version : Con Ngọc



Longhai
10-29-2012, 11:58 PM
Con Ngọc

Huy Văn

29-07-1961

Con Ngọc đứng tần ngần bên tàng cây trứng cá, thỉnh thoảng lại cuốn vạt áo phe phẩy cho đỡ nóng. Buổi trưa đứng gió, nắng dọi thẳng xuống mặt lộ bên kia hàng rào, làm mềm đi lớp nhựa đường đen xì.. Mỗi lần có xe chạy ngang là lằn bánh in xuống y như đóng dấu. Nhìn ra ngoài đường hoài cũng chán, con Ngọc nhoài mình, níu cành trứng cá rồi thoăn thoắt leo lên lưng chừng. Tựa vào một nhánh khá chắc, nó đưa mắt nhìn sang trại lính bên kia đường. Tất cả đều im lặng. Cả trại lính dường như đang ngủ trưa. Đám nhóc ngày nào cũng chạy nhảy om xòm ngoài sân cờ thì không thấy tăm hơi đứa nào. Trong đám đó, con Ngọc thích thằng Đỏ hơn ai hết. Nghĩ cũng ngộ! Con gái mà lại thân với con trai! Nhưng cũng dễ hiểu thôi. Thằng Đỏ lanh lợi, vui vẻ và ít khi từ chối làm bài dùm các bạn. Hơn nữa, thằng Đỏ chơi chuyền chuyền, nhảy dây đâu thua bọn con gái! Nghĩ tới đây con Ngọc bỗng giựt mình. Hay là thằng Đỏ giận, không ra chơi như mọi lần? Đúng rồi! Chắc tại mình xô nó té lúc chơi rượt bắt cứu bồ chiều hôm qua. Ráng chịu! Ai biểu bày đặt đi cặp bồ với đám thằng Long đầu gấu và con Phượng quắn! Tự nhiên con Ngọc thấy buồn bã. Nó nhớ lại lúc thằng Đỏ té xuống có vẻ đau lắm. Nó không chịu xin lỗi và thằng Đỏ cũng không nói gì, chỉ lẳng lặng đứng dậy, đi cà nhắc, rồi đến ngồi ở bậc thang dẫn lên cầu sắt mà lau phủi bụi đất trên đầu gối và cườm tay. Lúc đó con Ngọc cũng muốn chạy tới hỏi han, nhưng không hiểu sao nó lại tỉnh bơ chơi tiếp. Cho đến khi tàn cuộc thì không thấy thằng Đỏ đâu cả. Nghĩ đến đây, con Ngọc muốn leo xuống để chạy vào thành lính xin gặp thằng Đỏ, nhưng nhớ tới gương mặt lạnh lùng của mấy ông cầm súng đứng ngoài cổng là nó lại thôi. Vừa vén mái tóc lòa xòa, con Ngọc vừa đưa tay bứt một cọng lá vò tới vò lui. Mùi thơm và cảm giác mềm mại từ chiếc lá làm nó cảm thấy dễ chịu mặc dù hành động vừa rồi chỉ là bắt chước một cảnh trong cuốn phim nó mới coi tuần trước với cả nhà. Nó không nhớ là đã chơi thân với thằng Đỏ từ lúc nào, nhưng có một lần nó để quên bài ở nhà, mà chú Dần tài xế thì đã quay xe trở về từ lâu. Lúc đó, nó quýnh lên và gần như muốn khóc. Cũng vào lúc đó, thằng Đỏ đi tới. Nó ngạc nhiên khi thấy con Ngọc còn dáo dác ngoài cổng mà không chạy nhảy, vui đùa với bạn bè. Hỏi mấy lần con Ngọc mới nói nguyên do. Nghe xong là thằng Đỏ cười :

- Ngọc đừng lo ! Để tui về lấy cho. Trễ một chút cô Hậu không phạt đâu.

Nói là làm, con Ngọc không kịp cản thì thằng Đỏ đã chạy về hướng cầu sắt. Hôm đó thằng Đỏ không bị phạt vì nhờ Ba con Ngọc lấy xe đưa đến trường. Và cũng từ hôm đó, thằng Đỏ bắt đầu kéo một đám nhóc bên thành lính nhập vào đám con công chức trong khu hành chánh…

Con Ngọc bắt đầu sốt ruột và cảm thấy bực mình. Cả một khu hành chánh và bên thành lính đều im phăng phằc. Nó leo xuống cây trứng cá để đến bên cạnh hàng rào, bứt mấy trái mùm sụm bỏ vào miệng, vừa nhai vừa lẩm bẩm:

-Tụi bây đừng hòng kêu tao nha. Trời có sập tao cũng ra chơi đâu. Ai biểu bắt tao chờ lâu quá !

Con Ngọc lững thững quay vào nhà, vừa bước đến phòng khách thì nghe anh Nhàn của nó nói:

-Trưa nay công chúa ở nhà thật lạ quá !

Con Ngọc tức tối càu nhàu :

- Kệ em ! Nghỉ chơi tụi nó luôn! Chiều thứ bảy mà sao không có mống nào hết !

Anh Nhàn nó cười :

- Đám nhóc trong cư xá thì anh không biết, nhưng mấy đứa trong thành lính đã đi nhiều lắm rồi.

Con Ngọc trố mắt :

- Đi đâu ?! Thằng Đỏ cũng đi nữa à !?

- Thằng Đỏ nào ? À! Cái thằng chạy ma ra tông về nhà lấy sách cho công chúa đó hả? Ừ, nó đi từ sáng sớm lận.

Con Ngọc buồn hiu :

- Sao em không biết gì hết vậy?

Anh Nhàn xoa đầu nó :

- Đêm qua công chúa ngủ sớm quá. Có biết gì đâu. Thằng nhóc chắc cũng muốn từ giã em nên cứ dòm qua, dòm lại hoài. Hai mắt nó đỏ hoe. Hồi hôm Ba nó nhậu với Ba mình tới khuya lận.

- Ba nó có nói chừng nào trở lại không anh ?

- Ổng nói có dịp sẽ ghé thăm. Chỉ khi nào đi xa người ta mới nói vậy.

Con Ngọc đứng sững một hồi lâu, rồi lặng lẽ đi về phòng. Bên ngoài nắng đang đổ lửa.Trưa hè lặng gió. Không một bóng người qua lại. Tàng trứng cá im lìm. Trái chín vẫn còn đầy ắp trên cành. Con Ngọc chợt nhớ tới cuộc thi hái trứng cá mới chiều hôm qua với Long, Thành, Tuấn mập, Lễ còm, Phượng quắn, Kim Oanh, Ngọc Hiền. Không có đứa nào leo trèo và hái nhiều trứng cá như thằng Đỏ. Rồi cả đám khiêng nó lên đi lòng vòng công trường Thành Thái, vừa đi vừa tung hô “ Chánh vì Dê vạn tuế ” làm thằng Đỏ sung sướng vì được cõng nhưng lại sượng trân khi đám con gái cứ “ tung hô ” rầm trời…

Đến đây thì con Ngọc thiếp vào giấc ngủ. Bên ngoài đã có chút gió. Ngoài tiếng kêu nhè nhẹ của chiếc quạt trần, không còn tiếng động nào khác của buổi trưa hè …

31-07-1971

Người gác dan già kiên nhẫn ngồi nhìn ra ngoài cổng để quan sát thái độ và hành động của một người lính trẻ: anh ta cứ đứng nhìn chằm chặp vào khu vườn bên cạnh nhà hoặc thò tay hái mấy trái mùm sụm quanh rào. Người lính có vẻ quen thuộc nơi này. Cứ nhìn nụ cười, ánh mắt và nét mặt là đủ biết. Chắc chắn không phải là kẻ lạ, người gác dan nhủ thầm, khi nhìn dáng dấp của người lính. Có vẻ hiền mặc dù mang bộ đồ bông và chiếc mũ Nâu. Chắc là Sĩ Quan, vì có khẩu Colt bên hông. Ông định bước ra chào hỏi nhưng vẫn cố ngồi lại. Cứ từ từ xem sao. Cùng lúc đó, người lính trẻ bước lên bậc tam cấp, vào hành lang dẫn đến cửa chính của phòng Điện Tín. Ngang qua cửa sổ, anh hơi giựt mình khi chợt nhận ra gương mặt của người gác dan phía bên kia song.

Người gác dan lên tiếng trước :

- Thiếu Ú‎y cần đánh điện tín hả ?

Sau một thoáng ngạc nhiên, người sĩ quan trẻ bỗng tươi nét mặt. Vòng qua cửa, đến quầy điện tín, anh chồm tới ôm lấy vai người gác dan và reo lên:

- Chú Dần phải không ? Con đây mà!

Thấy ông còn ngờ ngợ, anh nói tiếp :

- Mười năm rồi. Chú không nhận ra con cũng phải. Hồi đó con chỉ cao bắng cái quầy này thôi.

Chú Dần vẫn chưa hết ngạc nhiên :Thiệt tình tui không nhớ thiếu úy là ai …

Người sĩ quan trẻ gỡ chiếc mũ nâu đặt lên quầy rồi nói:

- Con là Định. Là thằng Đỏ nè chú!

Chú Dần reo lên:

- Tui nhớ rồi ! “ Chánh vì Dê “ đây mà ! Xin lỗi, tui không nên gọi như vậy.

- Không sao ! Chú làm con nhớ hồi ở trong thành lính…

- Bây giờ là cư xá sĩ quan của Tiểu Khu.

Chú Dần chỉ tay ra phía sau, nói tiếp :

- Không khác ngày xưa là bao. Ty Bưu Điện này cũng vậy. Chỉ có máy móc tân tiến hơn mà thôi.

Định nhìn quanh như muốn tìm hình ảnh của những ngày vui với đám bạn trong đó có con của người Trưởng Ty, nhưng mọi thứ đã được sắp xếp theo thứ tự mới. Định thở dài, quay lại hỏi :

- Thưa chú, Bác Bảy…

- Ông Trưởng Ty về hưu lâu rồi. Nếu không kẹt ở đây thì tui dẫn cậu vô Tân Thuận thăm ổng.

- Còn chú, sao vẫn ở đây ?

- Tui thì khác. Lưu dụng thêm vài năm thôi. Bây giờ là gác dan kiêm điện tín viên bất đắc dĩ.

- Nghĩa là sao vậy chú ?

- Thứ bảy mà ! Trực thế cho mấy anh trẻ tuổi mà cũng là coi chừng luôn thể.

- Gia đình Bác Bảy ra sao thưa chú?

- Gom nhau trong vườn, gần trường Trung Học Tỉnh Lỵ. Mọi người mạnh khỏe chỉ có cậu Nhàn mới tử trận năm ngoái.

- Anh Nhàn … Sao vậy Chú…!

- Cậu ấy tình nguyện vào Võ Bị Đà Lạt. Ra trường được hai năm thì tử trận ngoài vùng một. Người em kế thì đang làm phó quận trên Pleiku. Còn mấy cô em thì đều là cô giáo.

- Còn các gia đình bên khu Hành Chánh. Chú có biết tin tức của ai không ?

- Họ lần lượt chuyển ngành hoặc đổi đi nơi khác. Thời buổi chụp giựt mà ! Ở miết một chỗ thì không đủ sống đâu. À quên! Cậu còn nhớ cô Ngọc không ?

- Dạ nhớ.

- Cổ tốt lắm. Tuần nào đi dạy về cũng ghé ra đây. Có mấy đám xin cưới nhưng cổ chưa ưng ai. Họ nói cổ kiêu ngạo nhưng không ai hiểu con Ngọc thùng thơ bằng vợ chồng tui đâu.

- Sao chú cũng biết biệt danh này của Ngọc ?

- Sao không ?! Hồi đó đám nhóc tụi bây. Xin lỗi ! Gọi như vậy cho thân mật nha. Đám nhóc con phá như giặc. Chơi trò gọi điện thoại nên cứ gọi nhau om xòm. Nào là Thành hiệp sĩ, Lon sữa bò, tức là con Loan chứ gì! Rồi còn Tuấn mập, Long đầu gấu gì đó nữa. Hồi đó vui quá. Bây giờ thì buồn lắm. À quên, Thượng Sĩ Đặng và bà thân của cậu thì sao?

- Dạ ba con đã giải ngũ và đang làm cho một hãng tư. Má và mấy cô em mở tiệm may ngay tại nhà.

- Còn cậu thì nối nghiệp ông già. Coi cũng bảnh lắm! Cẩn thận nghen. Mà quên, cậu ghé chơi lâu không. Hay là để tui đóng cửa sớm rồi dẫn cậu vào nhà ông Bảy. Cả nhà găp cậu chắc mừng lắm.

- Dạ không được. Con đang trên đường vào vùng hành quân. Đoàn quân tạm dừng lại thôi. Nhớ quá nên con qua đây thăm lại cảnh cũ một chút rồi đi ngay.

- Đúng là nhà binh! Hồi đầu năm cậu Thành cũng ghé qua một chút là đi liền.

- Thành ròm hả chú ?

- Chính là thằng hiệp sĩ chứ ai ! Tụi bây coi bộ hiền từ vậy mà đứa nào cũng chọn thứ dữ. Nó đi Thủy Quân Lục Chiến. Cậu Thành may mắn gặp ngay hai chị em cô Ngọc ở đây nên bọn trẻ hàn huyện thật là cảm động. Cũng là thứ bảy, mà sao bữa nay không thấy cô Ngọc ghé ra đây.

Định nhìn qua phía bên kia sông :

- Thôi ! Con phải đi ngay. Hy vọng bận về sẽ có cơ hội ghé lại nữa.

- Vậy cậu ghi địa chỉ để có gì còn liên lạc nhau. Có nhắn gì cô Ngọc không?

- Chú nói dùm là con nhớ bạn xưa lắm. Không quên ai hết.

Nói xong, Định bắt tay người gác dan rồi bước nhanh ra cửa.

Buổi trưa nhạt nắng. Gió lộng và mát. Con đường đi ngược lại hướng cầu quay vẫn như xưa, không có gì thay đổi ngọai trừ những bụi mùm sụm đã không còn, thay vào đó là một số cây rậm mát được trồng dọc bờ sông. Định bùi ngùi đứng lại khi lên đến bậc thang cuối cùng trên cầu. Thiên đàng tuổi thơ đang trải dài phía dưới. Hạnh phúc hồn nhiên – của những lần lội sông, leo trứng cá, rượt bắt cứu bồ, bắn chim, năm mười – vẫn còn đây, và vẫn như mới hôm qua mà thôi. Thành lính và Ty Bưu Điện giống như khối vuông trong một bức tranh tổng thể, được bao quanh bởi dòng sông, và chiếc cầu quay, cũng là trục lộ chính nối liền khu hành chánh và trung thị xã.

- Ê ! Giờ này còn đứng đó làm thơ sao ?!

Định quay lại và nhận ra Chánh cùng vài sĩ quan khác trên xe Jeep.

- Có lịnh di chuyển. Biết ông thả bộ qua đây nên tụi này vọt đi tìm. Thôi lên lẹ đi. Trễ rồi.

Định vừa leo lên xe thì Chánh phóng ngay, suýt chút nữa đã tông vào một tà áo dài trên chiếc Honda đang trờ tới. Định chỉ thấy dáng người con gái lảo đảo nhưng vẫn giữ được thăng bằng cho xe tiếp tục chạy. Hình ảnh sau cùng của thị xã chỉ có thế: một mái tóc dài trong chiều nhạt nắng. Định chợt nhớ đến mái tóc "bum bê" và nụ cười dòn tan trong Ty Bưu Điện ngày nào, Ngọc "thùng thơ" bây giờ có lẽ cũng ở vào trang lứa của cô gái khi nãy. Định nghiêng người nhìn lại phía sau. Ty Bưu Điện và thành lính đã khuất. Chỉ còn chiếc cầu sừng sững nối hai bờ sông. Dòng sông của tuổi thơ vẫn hăm hở đón đưa đám lục bình xuôi ngược. Và dòng đời thì đang dẫn vào chốn mịt mù lửa đạn. Định thở dài, thầm nhủ sẽ trở lại nơi này một ngày không xa lắm.

29-04-1975

- Bây giờ Ngọc có ý định gì không ?

- Còn tính gì được chứ! Cả hai chục triệu người đang phải bó tay.

- Không ngờ gặp lại nhau chẳng có gì vui. Đã vậy…

- Sao anh không nói tiếp ?

- Chỉ sợ Ngọc buồn thêm mà thôi.

Người đàn bà ngồi im lặng nhìn ly cà phê. Ngọc "thùng thơ" sau gần 15 năm đã thành một chinh phụ đi tìm chồng giữa sự hỗn loạn cùng cực nhất nên không dấu được sự rã rời và vẻ mệt mỏi trong dáng điệu.

Định tính hỏi thì Ngọc đã mở lời trước :

- 15 năm! Nhanh quá !

- Nhanh thật ! Mới hôm nào…

- Không ngờ anh và anh Thành cùng ở Đà Nẵng.

- Nhờ lúc đó tụi này về dưỡng quân nên mới gặp lại nhau, và…

- Và không biết là Ngọc đã nhận lời lấy ảnh phải không ?

- Hai người bí mật quá !

- Chỉ có Ngọc thôi, vì lúc đó mình đã liên lạc với nhau rồi.

- Thì ra Ngọc liên lạc với cả hai cùng một lúc.

- Không phải! Anh Thành trước. Ảnh có về thăm cả nhà Ngọc trước anh vài tháng.

- Hôm nhận thiệp cưới anh mới biết là mình đã chậm chân.

- Mọi sự đều do duyên phận thôi. Khi nhận lời làm vợ anh Thành, Ngọc cũng còn phân vân,không hiểu mình yêu người lính trẻ hay trân trọng người bạn thời thơ ấu. Có điều …Anh Thành siêng viết thư hơn anh, và tận dụng mọi cơ hội để về thăm Ngọc cho nên…

- Cho nên đến bây giờ mình vẫn còn là hàng xóm.

Ngọc cưởi buồn :

- Người ta rầu thúi ruột mà anh cứ mỉa mai hoài hà.

- Xin lỗi đã diễu cợt không đúng lúc.

Im lặng một hồi lâu, Ngọc hỏi tiếp :

- Chân anh còn đau nhức lắm không ?

- May mà không bị cưa. Cũng nhờ người bạn Trợ Y và một Bác Sĩ trên tàu Hải Quân chăm sóc kỹ lưỡng nên đã bớt nhiều rồi. Nghĩ lại thì thấy mình vẫn may mắn hơn các đồng đội còn kẹt ngoài vùng Một. Không biết bây giờ họ đã ra sao ?

- Các anh thật không may. Đơn vị của anh Thành có tàu đón cũng đỡ.

Nhưng Ngọc cũng chưa gặp được chồng. Vừa tìm đến hậu cứ là họ cho biết cả Lữ Đoàn chỉ có một ngày tập trung rồi đi ngay ra phòng tuyến mới ở Long Khánh.

- Mấy hôm nay tin tức rộn ràng quá. Không biết ngày mai sẽ ra sao. Nhưng mà…

- Sao anh lại ngập ngừng..?

- Không dám nói, vì sợ bị hiểu lầm.

- Thì anh cứ nói xem sao.

- Người em rể làm trong Bộ Tư Lịnh Hải Quân có ghé nhà cho biết trưa ngày mai sẽ có chuyến tàu đi ngay tại bến Hải Quân Công Xưởng. Ngọc có muốn đi không?

- Anh cũng định bỏ đi thật sao ?

- Không biết! Nhưng còn gì nữa mà luyến tiếc. Xếp lớn, xếp nhỏ đều biến mất tiêu. Họ bỏ mình thì mình phải tự lo liệu thôi. Vả lại anh đã là thương phế binh rồi.

- Chỉ vì gãy xương chân nên còn ngồi nhà. Nếu không anh cũng chạy ngược, chạy xuôi như đám người ngoài kia chứ gì ?

- Đến phiên Ngọc mỉa mai anh rồi đó.

- Không phải! Chọc anh cho đỡ buồn thôi. Cám ơn ý đẹp của anh. Ngọc không thể đi được.

- Vậy…Ngọc cứ tá túc bên nhà cô em chồng hoài sao ?

- Ngọc không biết ! Nhưng phải có tin tức gì của Anh Thành cái đã.

- Nhưng nếu lỡ …

- Không đâu ! Thế nào ảnh cũng tìm cách liên lạc cho xem. Chưa biết chừng gia đình ảnh dưới Sa Đéc đã có tin rồi. Chắc là phải về dưới đó mới được.

- Nguy hiểm lắm! Đừng liều mạng. Tình hình coi bộ không ổn chút nào cả. Ngày mai ghé lại đây rồi mình tính tiếp. Nếu vẫn bặt tin của Thành thì…

- Đã nói rồi, Ngọc không đi đâu hết. Ai sao thì mình vậy kia mà …

Cả hai cùng im lặng một lượt. Bên ngoài có tiếng phi cơ vần vũ trên trời, tiếng súng lớn, tiếng xe cộ và mọi thứ tiếng động khác hòa lẫn vào nhau thành một thứ hòa âm hỗn tạp, vội vã. Một lát sau Ngọc đứng dậy:

- Thôi Ngọc về nha. Nhớ nói lại với hai bác là Ngọc có ghé thăm.

- Ba Má anh chắc còn ở bên nhà cô em để bàn chuyện đi đứng không chừng.

Định với tay lấy cặp nạng dợm đứng lên thì Ngọc cản lại:

- Thôi anh đừng tiễn. Lo cho cái chân đi. Coi bộ còn đau lắm phải không?

- Chỉ là đau thể xác thôi. Còn…

- Ngọc hiểu! Dù là tình nhà hay nợ nước, thì xin anh hãy giữ nỗi đau ấy trong lòng nha. Dù sao cũng cám ơn buổi hội ngộ hôm nay.

- Đúng là "thùng thơ". Những gì trong đầu anh, Ngọc đều đọc được hết.

- Thôi đừng nịnh đầm. Anh nên giữ gìn sức khỏe để có một chỗ chống nạng trên tàu Hải Quân.

- Ngọc đừng quên là có chỗ cho mình nữa. Nếu thay đổi ý định thì đến đây trước 12 giờ trưa ngày mai …

- Còn nếu không thì chờ thư của anh từ ngoại quốc gởi về chứ gì?!

- Thôi đừng đùa nữa mà. Anh sẽ chờ Ngọc …

- Anh đừng chờ mất công. Lo cho anh mới phải. Đừng quên là anh còn bộ quân phục trên người kia kìa. Bây giờ thì tạm biệt anh. Chúc mọi sự an lành và may mắn cho cả nhà …

Định ngồi nhìn theo người thiếu phụ cho đến khi bóng dáng nhỏ bé khuất hẳn sau góc phố. Rốt cuộc sau 15 năm gặp lại nhau cũng chưa đủ để giải đáp câu hỏi trong lòng tôi. Tình bạn, tình yêu, hay tình người? Mọi thứ đều bị cuốn hút vào cơn lốc của cuộc chiến. Và đêm nay có lẽ là đêm dài nhất trong đời Định, cũng có lẽ là đêm dài nhất của Sài Gòn.

27-07-1991

- Cuối cùng mình cũng gặp nhau.

- Đúng là trái đất tròn!

- Không ngờ mày còn hát hay quá !

- Cám ơn ! Chỉ là giúp vui văn nghệ thôi.

- Không có tiệc cưới của đứa cháu, chắc là không có dịp gặp mày.

- Nên cám ơn đám ban nhạc thì đúng hơn. Tụi nó lôi tao đi cho bằng được. Lấy lý do là có mấy người lớn tuổi muốn nghe nhạc tiền chiến. Thì ra tiền chiến ở bên này là thập niên 60,70.

- Trước 75 mới đúng.

- Đồng ý !

- Đêm nay mày phải ngủ lại đây với tao.

- Còn vợ mày …

- Bạn bè lâu năm mới gặp nhau, bả thông cảm thôi.

- Để coi cái đã.

- Để coi cái gì nữa. Gần 2 giờ sáng rồi. Vả lại, đêm thứ bảy mà.

- Ở lại đây chỉ có nước thức trắng đêm chứ ngủ nghê gì được.

- Dĩ nhiên là phải thức. Tụi mình có quá nhiều chuyện để nói với nhau.

- Đã 30 năm! Ba lần thay đổi trong đời của tao.

- Cả tao cũng vậy. Hồi nhỏ cứ mơ làm hiệp sĩ, bắt thằng Tuấn mập làm ngựa cõng mệt nghỉ. Lớn lên hăng hái đăng vào Võ Bị đánh đấm khắp nơi, và bây giờ thì an phận.

-Nói thật, đừng giận tao nha! Mày vẫn có phước hơn tao nhiều.

- Tao biết. Tụi bây kẹt lại, chịu khổ cực đủ điều. Tao hiểu lắm.

IM LẶNG…

- Ê Định!

- Tao còn thức đây.

- Có gặp Ngọc thường xuyên không?

- Em mày không có nói gì sao?!

- Có. Nhưng chỉ nhắc sơ sài về Ngọc mỗi lần viết thư cho tao.

- Hình như nhỏ Lan không hợp với Ngọc.

- Tao cũng không rõ lắm. Biết nhau từ hồi nhỏ mà …

- Lớn lên thì khác.

- Có lẽ vậy. Mày chưa nói chuyện về Ngọc cho tao nghe.

- Hôm ghé Lan để hỏi tin tức của mày trước khi cải tạo thì có gặp Ngọc ở đó. Nàng mới ở Sa Đéc lên. Có ở với Ba Má mày một thời gian rồi sau đó về ở luôn dưới quê với Má nàng, ngay sau khi bác Bảy mất.

- Nhắc tới ba của Ngọc làm tao nhớ thời tuổi nhỏ quá chừng.

- Thành à ! Tại sao mày không nghĩ gì đến Ngọc vậy ?

- Có chứ !

- Nếu có thì sao không liên lạc ?

- Tao kẹt nên nhờ nhỏ Lan giải bày dùm.

- Mày tệ quá! Thủy Quân Lục Chiến mà sao yếu xìu vậy ?

- Đánh giặc thì dễ. Gặp chuyện này thật là rắc rối. Mày nghĩ coi. Trong lúc ai nấy tưởng tao đã chết thì tao lại được tàu kéo ra khơi. Qua đây thì có người lo cho đi ăn học. Vừa buồn, vừa cô đơn. Thử hỏi còn làm được gì nữa chứ.

- Tao không trách mày về chuyện này. Cả Ngọc cũng vậy. Chỉ trách tại sao mày không viết thư cho biết để mọi người yên tâm.

- Lúc đầu thì sợ tụi nó làm khó dễ gia đình. Tới khi bà xã sanh con đầu lòng thì tao bối rối hơn. Bả tuy hiền nhưng cứng cỏi lắm. Lúc tao thú nhận là đã có vợ và vợ còn kẹt lại thì bả chỉ im lặng đi vô phòng. Hôm sau nói thẳng là tùy tao quyết đinh. Sao cũng được.

- Và mày quyết định chọn bà này !?

- Đúng vậy! Tao không có cách nào khác. Mày cũng biết đó: tiền học, tiền nhà, tiền này, tiền kia không có người chia sẻ, phụ giúp thì mệt lắm. Huống chi bả chịu khó lo cho tao ngay từ lúc mới từ trong trại tị nạn ra lận.

- Ngọc có dặn tao là nếu qua được bên này thì cố tìm mày bằng mọi cách.

- Chắc là để trách tao bạc bẽo.

- Không đúng ! Chỉ để hỏi mày tại sao lại im hơi lặng tiếng bấy lâu.

- Tao biết mình có lỗi nhưng..

- Đừng tự trách mình nữa. Tao nghĩ là Ngọc đã hiểu, nhưng chỉ muốn mày tự giải bày. Đàn bà mà!

-Tao quên hỏi là mày qua đây lâu chưa.

-Vừa đúng 2 năm không kể gần 2 năm thanh lọc và 6 tháng ở bên Phi để học sinh ngữ.

- Tao không hiểu. Sao lại thanh lọc? Mày là mũ Nâu thứ thiệt mà!

- Nhưng họ không tin một gã cận thị như tao đủ sức băng rừng qua ngõ Nam Vang rồi sau đó vượt sông Mêkông. Đã vậy lại không có giấy tờ gì trong người ngoại trừ một tấm giấy của công an “mời" đi kinh tế mới, và một mảnh giấy ra trại cải tạo không dán ảnh.

- Nhưng vì sao phải mất tới 2 năm mới xong thủ tục ?

- Vì phải chờ điều tra, phối kiểm số quân, số căn cước quân sự ngày xưa. Họ cẩn thận cũng phải, vì mày học đâu đó vài con số và chỉ cần trả bài suông sẻ là mày từ Trung Sĩ lên Đại Úy mấy hồi! Rất may là tao không bị hỏi vặn vẹo về mấy thứ lắt nhắt như là tầm bắn của M-16, tốc độ và sức nóng của M-72 là bao nhiêu. Ông nội tao cũng không nhớ.

- Kể ra thì mày khổ thật.

- Ăn nhằm gì so với biết bao nhiêu người khác, trong đó có Ngọc. Đau khổ trong lòng cứ như vết thương không lành da. Ngọc chọn mày nên âm thầm chịu đựng. Mày chọn Ngọc nhưng lại từ chối sự thật.

- Tao có nhờ nhỏ Lan khuyên Ngọc tái giá.

- Khuyên cái gì chớ! Tánh của Ngọc mày đâu có lạ gì. Tờ hôn thú hiện nay đã không còn giá trị nhưng mày và Ngọc vẫn là chồng vợ chính thức.

- Thật tình thì tao rối lắm. Vừa đau lại vừa sợ. Rất may là chưa có con với nàng. Nếu không…

- Nếu có con với nhau thì mày càng rối hơn nữa.

- Mày hiểu lầm rồi. Nếu có con với nhau thì tao sẽ tìm cách đem hai mẹ con qua đây rồi tính tiếp. Tương lai của đứa trẻ là trên hết.

- Rốt cuộc đường nào mày cũng bí.

- Mày biểu tao phải làm gì đây?!

- Câu này tự mày trả lời đi. Tao không dám có ý kiến. Nhưng tao sẽ viết thư cho Ngọc biết là đã gặp mày. Vậy thôi. Mọi chuyện sau đó là do nàng tính.

- Định à. Mày cũng yêu Ngọc. Tại sao …

- Tầm bậy. Ngọc chọn mày. Tao là bạn của cả hai. Ngọc vẫn chờ mày và rất thất vọng về sự im lặng của mày bấy lâu nay. Tao tôn trọng tình bạn của tụi mình và nhứt là sự cứng rắn của Ngọc nên không muốn lợi dụng hoàn cảnh. Mày hiểu không?

- Phải chi hồi đó tao bỏ xác ở Đà Nẵng cho rồi! Còn hơn bây giờ vừa xấu hổ vừa đau lòng vì không biết phải làm sao cho vẹn toàn. Thành ra cứ hy vọng là qua tin tức của gia đình và qua lời xác nhận của nhỏ Lan thì Ngọc quên tao và làm lại cuộc đời… với mày càng tốt. Nhưng không ngờ Ngọc vẫn tự coi mình là dâu nhà này và ở vậy luôn. Ở vào cương vị của tao thì mày làm sao?

- Mày đi hỏi mấy ông một kiểng hai quê mới đúng. Bên này thiếu gì những người ở vào hoàn cảnh như mày.

- Thôi mà. Cứ ngạo tao hoài.

- Thì mày cứ nói cho Ngọc biết sự thật đi. Ngày xưa không sợ chết sao bây giờ nhát gan quá vậy? Chỉ cần mình thật lòng thì không sợ xấu hổ với lương tâm. Nàng chờ mày đó. Chỉ là vấn đề tâm l‎ý thôi mà!

- Biết vậy, nhưng mà tao vẫn ngại quá …

IM LẶNG…

- Thôi, tao về đây !

- Cái gì ?!

- Tao về. Có dịp khác sẽ xuống thăm vợ chồng mày.

- Mày có biết là mấy giờ rồi không? Đường xa. Lái xe 3, 4 tiếng đồng hồ chớ phải chơi đâu.

- Tao quen rồi. Đi một mình trong đêm cũng thích thú lắm. Đường vắng, tha hồ phóng. Vả lại, tao chuyên sống về đêm.

- Đêm cái con khỉ ! Trời sáng rồi. Phải nghỉ ngơi một chút. Hay là ăn trưa với vợ chồng tao rồi về cũng chưa muộn.

Định không đáp lại. Chỉ ngồi nhìn trời đang dần sáng. Một dải mây trắng trải ngang quãng trời hừng đông, đẹp như một dòng sông. Dòng sông tinh khôi của tuổi thơ chuyển nguồn qua dòng đời đầy biến động. Chàng và Thành cùng ngồi đó để cùng nhớ dòng sông, cầu sắt và khung trời tuổi nhỏ cùng gương mặt u hoài của người thiếu phụ tỉnh lẻ. Đêm tâm tình chỉ là khởi đầu của những sinh hoạt nội tại sau này. Câu chuyện không dừng ở đây vì còn đầy ắp những gì chưa nói hết. Vì vậy hai người ngồi đó, nhìn ra ngoài khung cửa sổ, đón bình minh trong suy tư và… im lặng.

Huy Văn