PDA

View Full Version : Mr. John Phạm



Longhai
10-27-2012, 10:39 PM
Mr. John Phạm.

Võ Đình Tuyết.


Nước Mỹ là nước có nhiều cơ hội. Nếu không có ngày 30 tháng 04 năm 1975, tôi với thằng Á Ngố đến bây giờ chắc cao lắm là... mang lon trung sĩ Hải Quân, sống với vợ con trong các khu gia binh, chen chúc, nghèo, giữa những đời sống hằng ngày bên cạnh chiến tranh. Nếu yên thì... lành, còn không thì lên bàn thờ sớm. Mẹ! chiến tranh thì khối thằng như tôi chưa làm nên sự nghiệp đã về chầu Chúa chầu Phật, ghê bỏ mẹ! rõ chán đời, cứ như ông thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đã phải la lên: "Thi hỏng tú tài ta vuột tình yêu... Thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi... Đau lòng ta muốn khóc". Ông Phạm Duy phổ thơ cho ông con Duy Quang hát còn hít hà nhấn mạnh chổ... đau lòng ta muốn khóc hai lần... thì thiệt hết biết! đi lính mà mấy chả sợ dữ vậy sao? Nhưng dầu sao mấy thằng lính Hải Quân như tụi tôi, cái mạng sống cũng đỡ hơn các anh em binh chủng khác như: Bộ Binh,Nhảy Dù,Thủy Quân Lục Chiến, nhưng... Lính mà em! Cổ lai chính chiến kỷ nhân hồi.

Năm 1971, từ Cát Lỡ Vũng Tàu tôi đổi về căn cứ yểm trợ tiếp vận Đà Nẵng đóng ở Sơn Trà, vài tháng sau tôi gặp thằng Á Ngố cũng vừa đổi ra, thời gian chúng tôi trở thành bạn. Á Ngố, người Long An, dong dỏng cao, đẹp trai, con nhà giàu học... dốt (dốt mới đi lính làm binh nhì). Trán cao,mặt ngơ ngơ, ngáo ngáo nên tụi tôi gọi là (ngố). Á Ngố gọi tôi là: lùn mã tử vì người tôi thiếu thước tấc.

Nếu tiếp tục chiến tranh, thì tôi với Á ngố cũng tiếp tục cuối tháng lãnh tiền đi tìm vui mấy chị em... chung, cho đỡ buồn đời lính; nhưng chiến tranh về sát một bên của trời tháng Ba 75.

Trời tháng Ba như ông Cao Xuân Huy viết "Tháng Ba Gãy Súng". Từ Đà Nẵng chúng tôi “dựa lưng nỗi chết" (một tựa của nhà văn Phan Nhật Nam) chạy về Cam Ranh, từ Cam Ranh trên một chuyến tàu hàng lớn ngoại quốc hãi hùng di chuyển về tới Vũng Tàu... Ngày 27 tháng 04 năm 75, tôi làm một chuyến đi gian nan về Tân Mai, Biên Hòa thăm... em lần cuối. Á Ngố ở lại Cát Lở.

Tháng Tư mang tin buồn, rã hàng tan gánh, tưởng là xong, mỗi người một ngã đường xa ngàn trùng, tôi, hên, dựa lưng thành tàu chơi bản "Thuyền viễn xứ"... rồi gặp lại Á Ngố đang lêu bêu ở đảo Quam, bạn hữu nhìn nhau mừng rỡ.

Rời Quam với hải đảo đầy nắng, cát, hàng hàng những căn lều tị nạn, vội vã cùng lo âu mọc lên như san hô trong lòng nhiều người tị nạn. Nụ cười và nước mắt ở đâu chả có. Chia ly, tiễn biệt ở đây diễn ra mỗi ngày. Tôi và Á Ngố có chung chuyến đi Mỹ đến tiểu bang Pennsylvania. Một nơi lạ hoắc trong trí tưởng. Phi trường Harrisburg ngỡ ngàng đón tụi tôi xuống rồi leo lên xe Bus. Hai thằng đi chân đất, vào trại tị nạn mang tên Indiantown Gap, trên tay ôm chặt đồ vệ sinh cá nhân của hội Hồng Thập Tự, mang niềm xôn xao bâng khuâng vừa buồn vừa hạnh phúc của những kẻ vô sản sắp bước vào thiên đường ngà ngọc? đuổi theo đoàn lữ hành phờ phạc phía trước, chúng tôi đang dựa lưng (lại dựa lưng) vào một ngày mai chẳng biết ra làm sao ?!

Philadelphia, thành phố lịch sử Hoa Kỳ, trời vào thu lá vàng rơi đầy làm lạ mắt 35 người lính tị nạn độc thân, được bảo lãnh của hội USCC. Chúng tôi đang ngồi trên xe bus tiến về thành phố. Thành phố đó đang dang tay ngập ngừng đón sự hiện diện những kẻ lạ mặt đến từ phương đông. Đám khách không được mời mà tới. Bước xuống xe bus tôi và Á Ngố nhìn sự vĩ đại của thành phố cao ngất (sau nầy mới biết là thấp) rồi nhìn lại những khuôn mặt của chúng tôi... trông ngố thật.

Hai đứa tôi bắt đầu hành nghề rửa cầu tiêu, chùi bàn, hút thảm, đổ rác, trong một trường y khoa. Những kẻ tự xưng mang dòng máu xã hội chủ nghĩa chắc cỡ chúng tôi là cùng. Trường đại học y khoa Temple đón chúng tôi bằng... cây chổi như trong thơ Cao Tần "Ông quét nhà hay hơn bà nội trợ". Sau khi chán quét ở Temple, chúng tôi phấn khởi nhảy qua chùi rửa hãng... heo, lương gần… hai đồng một giờ, quá khỏe! chắc tương lai là đây. Á Ngố có vợ và một nhóc tì Việt mang tên Mỹ ra đời.

Một đêm vừa gió lại vừa tuyết. Ngoài trời như một cái tủ lạnh khổng lồ. Nước đông đặc thành đá dưới đường. Trong hãng heo, tôi và Á Ngố miệt mài chùi rửa, miệng lẩm bẩm ca bài: năm 2000 năm, em còn lại gì? tôi còn lại gì? Xong việc, Á Ngố đi đổ rác, khi trở lại thì hỡi ơi! hắn mang bộ mặt thê thảm: mấy cái răng cửa gãy máu me tùm lum. A! thì ra hắn đã chơi một đường trượt băng bất đắc dĩ trên đá, mấy cái răng đi tàu suốt không bao giờ trở lại. Thằng cai Mỹ bèn gọi 911.

Có những kỷ niệm không quên, thì kỷ niệm trên đi theo Á Ngố suốt đời. Năm đó, chúng tôi tuổi chừng 27, 28.

Sau ngày gãy răng, Á Ngố quyết định rời tiểu bang Pennsylvania. Bầu đoàn thê tử gồm ba người trên chuyến xe bỏ Bắc xuôi Nam và bỏ Nam băng qua miền Tây, không đi tìm vàng mà tìm... điện tử. Từ đó thung lũng điện tử San José đón chào vợ con Á Ngố.

Năm 2000 năm, tức hai mươi năm sau Á Ngố trở lại Phidelphia thăm lại bạn cũ. Bạn bè vẫn như xưa. Có nghĩa vẫn lêu bêu như ngày nào, khá hơn một chút nhưng "mái tóc đầu sương điểm", cái già không gọi mời vẫn lộc cộc chạy tới, mỗi ngày chọn một niềm vui là: đi cày trả nợ áo cơm. Hòa than, Chương già, Thuận đui, Đăng sắt, Hoàng chà, Đình lùn, mặt thằng nào thằng nấy đầy vết... chân chim, chồng lên nhau theo dấu thời gian. Dưới hiên trời thu, những chiếc lá vàng rơi đầy úa sân chiều,t rên không mây bàng bạc trôi về phương trời xa làm gợi nhớ bài "Tôi đi học" của Thanh Tịnh... “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rơi rụng nhiều...”

Từ buổi ban đầu lưu luyến ấy, Philadelphia đất tạm dung. Tuổi trẻ, quên đi chiến tranh, tuổi trẻ không lên đường mà vào... quán rượu coi mấy em tóc vàng... nhảy mát mẻ cũng đủ lãng quên đời. Tuổi trẻ la cà trên những đường phố lạ hoắc... và tối về như Thanh Tâm Tuyền: Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ! Hay như Cao Tần sau một đêm nhậu la lên: Ta làm gì cho hết nửa đời sau?

Tin của San Jose Mercury New : SUCCESS FROM NOTHING. Few Vietnamiese Emigres have out done John Phạm. By: Ken Mclaughlin,Mercurry New Staff Writer.

Ông Nguyễn Bá Trạc chuyển ngữ : Từ Thuyền Nhân Đến Nhà Triệu Phú.

Tôi đọc bài chuyển ngữ của nhà báo Nguyễn Bá Trạc, không ngờ ngày nay Á Ngố trở thành... triệu phú thứ thiệt. Ông chuyển ngữ như sau :

- Ngày nay, tất cả mọi người đều gọi Phạm Văn Á với cái tên Mỹ của ông là: John Pham, và John Pham là một trong những di dân thành công nhất trong thung lũng điện tử này.

Tôi không thể viết hết những điều ông Trạc chuyển ngữ, cũng như tôi không thể nào viết hết được sự thành công và mơ ước của con người. Những con số thương vụ của công ty Acropolis Systems Inc, một công ty chuyên thiết kế các hệ thống điện toán có khả năng giảm thiểu số thời gian mà máy thường bắt buộc ngưng trệ, hàng năm gần đến... 50 triệu Mỹ kim, mà Á Ngố đang làm chủ.

Làm giấy khai tử cho người con từ mùa xuân tan tác năm 1975, cha mẹ Á Ngố còn gì sung sướng hơn khi thấy con mình vẫn sống nhăn. Á Ngố sẽ không bao giờ (ngố) nữa. Khi bước chân vào trại tị nạn Indiantown Gap, Á Ngố có nói với tôi: "Nếu không làm gì đẹp cho quê hương... thì đừng làm xấu"

Từ Washington DC thứ sáu ngày 13 tháng 10 năm 2000, John Phạm là một trong số 35 người Việt ưu tú thành công nhất tại Mỹ, được mời về dinh tổng thống, hội thảo chuyến đi thăm Việt Nam vào tháng 11 của tổng thống Bill Clinton. John Phạm, tức Á Ngố về lại nơi xưa gặp bạn bè. Người kỷ sư tài ba đang ngồi trước hiên nhà mùa thu. Á Ngố nhìn tôi hiền hòa, tôi nhìn Á Ngố xa lạ. Tôi nghĩ: “Trong chiến tranh chẳng còn gì ngoài những hư hao mất mát. Bao nhiêu nhân tài nằm xuống cho những chủ nghĩa ngoại lai vong bản. Những viên đạn ngoại quốc thi nhau cắm xuống thân thể tuổi trẻ hai miền... và nhân danh nầy nọ bao nhiều người tài năng như Á Ngố không có cơ hội được đứng dậy".

Nước Mỹ quả là nước có nhiều cơ hội.

Võ Đình Tuyết.
Cánh Đồng Nón Mùa Thu, năm 2000.