PDA

View Full Version : Hạnh Phúc Ở Cuối Đời



Longhai
10-26-2012, 02:41 AM
Hạnh Phúc Ở Cuối Đời


Xuân Du


Con đường từ bến xe về nhà chú tôi, phải băng ngang một khu chợ. Nói là khu chợ, thực ra đây chỉ là một khu đất trống. Một số người bất chấp luật lệ, đến đây dựng lều chõng, bày bán những món hàng lặt vặt cho bà con lao động. Tôi ghé vào một quán nước, mái lợp bằng lá kè. Chủ quán là một người đàn bà đứng tuổi:

“Uống gì ?”

“Cho ngồi nghỉ chút”

Tôi vừa nói vừa ngồi xuống chiếc đôn đặt bên cạnh cái bàn nhỏ, làm bằng gỗ thông. Bà chủ quán nhìn tôi trân trân. Nét mặt bà thay đổi một cách kỳ lạ.

Từ vẻ bực bội biến thành vẻ hiếu kỳ, rồi từ vẻ hiếu kỳ biến sang vẻ đăm chiêu tư lự. Tôi lấy gói nylon vấn thuốc, bật lửa hút một cách tự nhiên, mặc cho bà chủ quán nhìn tôi đăm đăm.

“Cho xin miếng nước”

“Nước gì”

“Nước lạnh thôi”

Bà chủ quán làm một ly trà đá :

“Nè”

“Tôi không tiền”

“Cho mà”

Tôi cám ơn rồi cầm ly nước đưa lên miệng nóc một hơi dài. Nước lạnh từ miệng tuột xuống tận bao tử. Đang giữa trưa hè oi bức, ly trà đá quả là một món quà tuyệt diệu. Chờ tôi uống xong, bà chủ quán tò mò:

“Hình như ông ở tù mới về ?”

“Sao biết ?”

“Cái áo ông vá bằng bao cát”

“Ồ !”

“Chồng tôi cũng ở tù”

“Đâu ?”

“Chết rồi, chết trong tù”

“Lâu chưa ?”

“Bốn năm bảy tháng”

“Nhớ rõ thế ?”

"Không nhớ sao được. Ổng chết thảm”

“Tội nghiệp”

Tôi đứng dậy định bỏ đi. Bà chủ quán hỏi vội :

“Ông Ba Tình phải không ?”

Tôi nhìn bà chủ quán từ đầu đến chân. Một dĩ vãng xa lắc xa lơ thoáng hiện trong đầu tôi :

“Bà là bà Hoa ?”

“Đúng rồi ! Tôi là Tư Hoa, vợ Đại úy Lành đây”

Nhà bà Tư Hoa nằm trên miếng đất hoang ở cuối khu chợ. Ngoài cái lối đi và cái sân nhỏ trước nhà. Chung quanh đều là cây dại và cỏ tranh. Căn nhà nhỏ xíu, mái lợp bằng lá kè, vách chắn bằng lá buông, cửa làm bằng một tấm ván ép, có nhiều lỗ thủng, hình như do bom đạn từ thời chiến tranh để lại. Trong nhà kê một chiếc giường tre và một cái bàn với bốn chiếc ghế đẩu làm bằng gỗ tạp. Ở bức vách phía sau, kê một bàn thờ, trên bàn thờ là ảnh một người lính trẻ, mặc đồ trận, không thấy mang cấp bậc. Trước ảnh là một lư hương bằng sành, trên lư hương, vài ba chân nhang cắm xiêu quẹo. Thấy tôi còn đứng nhìn trân tấm ảnh, bà Hoa hiểu ý :

“Mời anh ngồi. Đó là ảnh thằng con đầu lòng tôi. Nó chết hồi còn chiến tranh. Chết trước ba nó đúng hai năm chín tháng. Thằng nhỏ mới ra trường Bộ Binh Long Thành được mấy tháng thì đụng trận bị thương, trực thăng chở về chưa tới bệnh viện là nó đi rồi. Tôi nghe nói vậy thì hay vậy. Chiến tranh cũng chết, hòa bình cũng chết, biết sao giờ. Cũng may nó còn tấm ảnh để thờ. Ba nó không có ảnh. Tôi có nhờ mấy người biết vẽ, bạn ổng lúc trước, vẽ dùm, nhưng chẳng có cái nào giống cả. Tôi tức mình đem đốt hết rồi”

“Chị còn cháu nào không ?”

“Còn, còn một đứa con gái. Nó lấy chồng tuốt dưới miệt lục tỉnh. Năm, nửa năm mới về một lần”

“Chị ở nhà này một mình ?”

“Chớ sao giờ”

Tôi không hỏi gì thêm vì sợ gợi lại nỗi đau lòng của người đàn bà đơn chiếc. Bà Hoa thấy tôi có vẻ ngập ngừng, nên lảng sang chuyện khác :

“Nói nãy giờ mà quên hỏi chị Tình có khỏe không? Anh đang ở với chỉ chớ ?”

Tôi buồn buồn :

“Vợ tôi có chồng khác rồi chị à. Bà ấy lấy chồng khác khi tôi còn trong tù”

“Ủa, thiệt vậy à. Hồi còn ngoài quê, tôi có nghe người ta đồn vậy, mà tôi đâu có tin. Giờ anh ở đâu ?”

“Ở tạm nhà ông chú, cũng gần đây thôi”

“Sao anh không ở ngoài quê lại vô đây ?”

“Ở nơi cảnh cũ người xưa buồn lắm chị à !”

“Vậy cũng phải”

Từ đó, đôi ba ngày tôi lại ra quán nước một lần, và những lần như vậy, bà Hoa đều mời tôi bằng một chai cam, một chai xá xị, hoặc một ly cà phê sữa. Tôi trả tiền thì bà gạt ngang :

“Anh đến chơi là đủ rồi, cần gì tiền bạc”

Tôi không hiểu câu nói bà có hàm ý gì. Nhưng tôi biết chắc một điều là bà rất vui mỗi lần tôi ghé quán.

Bầu trời đen nghịt, gió bắt đầu thổi mạnh. Tôi cố đi thật nhanh, nhưng vừa tới gần khu chợ thì cơn mưa đổ ụp xuống. Tôi đành tạt vào nhà bà Tư Hoa trú tạm. Cơn mưa giông đầu mùa thật dữ tợn, gió giật từng cơn. Một vài tấm lá trên nóc bị tróc. Nước đổ xuống đọng thành vũng nhỏ trên nền nhà. Bà Tư Hoa ngồi ở mép giường, nét mặt buồn buồn :

“Nhà không có đàn ông, mưa to gió lớn cũng sợ”

“Chiến tranh qua rồi, nhưng hậu quả của nó thật ghê gớm. Kẻ mất vợ, người mất chồng. Tôi và chị gần như cùng cảnh ngộ, kiếp này chúng ta trả quá nhiều. Những ngày còn lại không biết rồi sẽ ra sao?”

Tôi buồn thật sự. Những lời tôi nói ra đều xuất phát tự đáy lòng. Bà Hoa không nói gì và tôi cũng không biết bà đang nghĩ gì.

Cơn giông chấm dứt, nhưng trận mưa vẫn kéo dài. Trời đã tối hẳn, không còn nhìn rõ cảnh vật bên ngoài. Bà Hoa bước đến đốt cây đèn trên bàn thờ. Ánh sáng từ ngọn đèn chao đảo, khi tỏ khi mờ, chiếu lên khuôn mặt đầy đặn, còn phảng phất nét diễm kiều của một thời con gái. Tôi nhìn bà đăm đăm… Cái cảm giác tự nhiên của một người đàn ông vắng vợ lâu ngày thôi thúc khiến tôi không còn tự chủ được. Bà Hoa cũng chỉ phản ứng lấy lệ… Ngoài trời, mưa vẫn còn nặng hột, thỉnh thoảng một vài ánh chớp lóe lên rồi tắt ngúm. Căn nhà bà Hoa chìm trong một đêm mưa đầu mùa dai dẳng, cho đến khi bình minh ló dạng, bắt đầu cho một ngày mới và cũng bắt đầu cho một cuộc tình muộn màng nhưng đầy hạnh phúc.


Xuân Du