PDA

View Full Version : Thành Phố và Những Buồn Vui Ở Lai



Longhai
10-24-2012, 04:15 AM
Thành Phố và Những Buồn Vui Ở Lại


Nguyễn Lệ Ba


... Tôi đến với văn chương chỉ với mục đích duy nhất là tìm niềm vui, tìm hạnh phúc nơi những trang viết của những nhà văn, nhà thơ cả nước. Bây giờ, sống những năm tháng cuối đời, tôi muốn kể lại những câu chuyện của chính mình qua những truyện ngắn, những bài viết…

Nhân vật “tôi” trong "Ngồi lại với trăm năm" (Một truyện ngắn đã được giới thiệu trên báo Văn nghệ - VN) hay "Thành phố những buồn vui ở lại"… chính là tôi ngoài đời – “thật” đến ngây thơ . Ở tuổi 62, tôi vẫn ngồi cả ngày trên chiếc xe lăn, chờ báo về để đọc. Thú thật, chỉ cần tiền nhuận bút đủ để trang trải tiền mua báo, tiền nối mạng… như thế đã quý lắm rồi !

Xin quay lại chuyện cần nói.

Tên nhân vật “chị”, cũng là tên người tôi muốn tìm, là Công tằng Tôn nữ Kim Thoa, sinh năm 1951, người quê Hương Thủy (Huế), khoảng thời gian từ 1960 đến 1967 sống gần rạp chiếu phim Diệp Kính, đường Hoàng Diệu cũ, thị xã Pleiku.

Tôi cũng đã sống ở đó 3 năm và tình cờ gặp được chị ở Sài Gòn năm 1967. Qua thăm hỏi mới biết cả hai đã từng là láng giềng của nhau trên phố núi. Truyện bắt đầu và kết thúc trong sự gặp gỡ tình cờ ấy…

Tôi đang làm một tìm kiếm vô vọng nhưng vẫn chờ đợi một điều kỳ diệu nào đó. 44 năm qua, tôi không biết gì thêm về con người ấy. Những thông tin ít ỏi về “chị” chỉ có thế.

Về phần tôi, sau lần điều trị suốt nửa năm ở Sài Gòn, tôi vẫn không thể đứng lên trên đôi chân của chính mình. Già nua, bệnh tật và những thứ không vui khác tiếp tục đổ lên vai, thế nên bây giờ, viết là cách để tôi tạm quên mà bước tiếp.

Cảm ơn Văn nghệ đã cho tôi cơ hội để thấy mình còn đồng hành giữa cuộc đời, dù trên chiếc xe lăn.

Nguyễn Lệ Ba



Cuối năm, những bệnh nhân nằm điều trị trong khu giải phẫu chỉnh hình đã lần lượt được cho về đón Tết. Tôi nôn nao mong ngóng người thân từ miền Tây lên. Vài chục bệnh nhân còn ở lại vì nhà xa, vì một lý do nào đó. Những chiếc xe lăn, những cây nạng gỗ vẫn lọc cọc tới lui trên con đường rải sỏi băng ngang dọc trong khoảng sân rộng trồng nhiều hoa. Mùa xuân đã rơi đầy trên phố. Bên trong bức tường ngăn tiếng xe cộ ồn ào qua lại, là những dãy phòng bệnh tường vôi trắng xóa, là khu phẫu thuật đóng cửa im ỉm, là phòng vật lý trị liệu vắng người. Và trên khoảng sân với những hàng sao nháy nở hoa rực rỡ, là những bước chân khập khễnh, là tiếng bánh xe lăn lướt rào rạo trên sỏi: âm thanh của cô đơn, khắc khoải và của ngàn vạn nỗi niềm…

Từ đồng bằng tôi theo mẹ lên thành phố, nắm níu hy vọng mong manh là được bước đi trên chính đôi chân của mình. Hai lần lên bàn mổ và gần ba tháng điều trị, da tôi xanh mướt như quả bầu non. Tôi gầy gò ốm yếu ngồi hàng giờ trên xe lăn trong vườn hoa bệnh viện ngắm nhìn hàng trăm người lính cụt tay, cụt chân từ mặt trận đổ về… Họ học nghề, họ làm chân tay giả và chuẩn bị những thứ cần thiết trước khi bước qua cánh cổng sắt cao ngang mái nhà, bước vào cuộc đời bất trắc, trên những đôi chân khập khễnh hay những chiếc xe lăn mệt mỏi... Tôi lăn xe thơ thẩn trong khu hướng nghiệp, nhìn những người đã bỏ một phần thân thể ở chiến trường; họ chơi vơi, hụt hẫng trong trong sự khởi đầu khó khăn quá sức chịu đựng. Tôi cười với những người không quen. Dẫu gì điều đó cũng làm tôi ấm lòng, bởi tôi và những người ấy đều có cái giống nhau ở trước mặt: nỗi đau thân phận và một tương lai mù mờ, vô định. Khoảng thời gian còn lại trong ngày, tôi ngồi nhiều giờ dưới giàn hoa giấy che ngang một khoảng sân, bên nầy dành cho bệnh nhân nam, bên kia cho nữ. Đó là không gian phía trước một phòng mổ, kính mờ nhiều ô, đêm ngày rì rầm tiếng máy lạnh. Che kín bên trên những băng đá kê xen trong những luống hoa vàng, là tán cây bã đậu cao vợi, xòe rộng cành lá phủ rợp con đường và một khoảng cỏ xanh non…

Lần đầu tôi gặp chị là lúc chị đứng chờ đợi ở khu chỉnh hình. Chị xoay người về phía khác nên tôi không nhận ra cánh tay trái của chị rũ dọc theo thân thể, bất động. Mấy ngày sau, tôi lại gặp chị trong khu dành cho bệnh nhân nữ; vẫn lặng lẽ, buồn buồn và thăm thẳm nỗi đau trong ánh mắt... Đa phần bệnh nhân vào đây đều bị tật ở chân. Chị liệt một tay; cánh tay còn lại vẫn đủ sức đẩy cô bạn cùng phòng trên chiếc xe lăn, thơ thẩn dạo chơi trong khuôn viên bệnh viện hay cầm cây lược nhỏ nghiêng đầu chải tóc dưới giàn hoa giấy. Hình ảnh đó làm tôi xao xuyến. Tôi gặp chị gần như mỗi chiều. Chị đi chầm chậm trên đường Bà Huyện Thanh Quan, mắt ngước nhìn những tàng cây cao vút… Đôi khi ánh mắt tôi, chị chạm nhau, chị cười ấm áp. “Chị tìm gì trên ngọn cây cao đó?” - Tôi hỏi. “Nhớ thông, nhớ phố quá chừng!”. Vẫn giọng Huế nhẹ nhàng, những thanh sắc gần như thanh nặng: dịu dàng, đầm ấm. Tôi tò mò: “Chị ở Huế à?” “Không, Pleiku. Quê mạ mới ở Huế”. Tôi bất chợt bắt được niềm vui. “Lúc trước tôi từng ở Hội Thương, trên đường 14 rẽ vào thành phố Pleiku”. Mắt chị sáng lên: “A, chị ở đường Hoàng Diệu, gần ciné Diệp Kính!”. Chị vẫn xưng “chị” với ngôi thứ hai bỏ trống lúc nói chuyện cùng tôi, mắt chị long lanh hạnh phúc, bàn tay phải đưa ra chực đặt lên tay tôi rồi rụt rè thu lại. Tóc chị thoang thoảng mùi nhựa thông: “ở gần nhau mà, thích thật!”. Và chị hỏi, chị nói, líu lo như con chim lạc bầy vừa tìm lại được tổ. Tôi nói về quê tôi, một vùng quê ở đồng bằng sông Cửu Long, chị lắc đầu không biết. Phải, làm sao chị biết được quê tôi khi chưa một lần đến, cũng như tôi làm sao biết được Hương Thủy quê chị. Chúng tôi chỉ có hai cái chung, đó là nỗi đau tật nguyền và một thành phố cao nguyên với những buồn vui còn sót lại trong ký ức.

Chiều Sài Gòn rớt hạt nắng cuối cùng vội vã. Tôi chợt tỉnh khi giọng chị lay nhẹ: “Mình về hỉ?”. Đó là lần đầu tiên tim tôi thổn thức. Đó là lúc mặt hồ phẳng lặng trong tôi lao xao gợn sóng. Thằng bé con tuổi mười bảy trong tôi lớn phổng lên khi sau lưng là hương tóc thiếu nữ thoang thoảng mùi nhựa thông phố núi và những bước chân nhẹ như sương khói của chị.

***

Chị vẫn thường ra ngồi một mình trên băng đá dưới giàn hoa giấy khi chiều tắt nắng. Lúc ấy, bọn con trai con gái nói cười vui vẻ trong những phòng bệnh, những hành lang đông người qua lại. Chỉ khi ở đây, những người như tôi và chị mới sống thật với mình, mới hạnh phúc và thoát ra khỏi lớp vỏ mặc cảm. Tôi tự hỏi còn bao nhiêu người như tôi đang giấu mình trong những ngôi nhà, đang tự tách mình ra khỏi dòng chảy cuộc đời, nhất là những cô gái tật nguyền như chị? Họ đợi ngày tháng trôi qua, đợi bệnh tật, cô đơn và đau khổ giằng xé, dày vò đến cùng kiệt và họ sẽ kết thúc một kiếp người lặng lẽ như thể thế gian nầy chưa từng có mặt họ. Bệnh viện bỗng biến thành một góc thiên đàng, nơi những con người bất hạnh tìm thấy một khoảng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi, bỏ lại phía sau và quên đi phía trước chuỗi ngày đằng đẵng cô đơn, trống vắng…

Chị chờ tôi? Có thể. Trong mắt chị ánh lên cái nhìn hạnh phúc, bàn tay còn lại lúng túng vân vê trên bìa cuốn tiểu thuyết đọc dở khi tôi bất ngờ lăn xe đến bên chị. Tôi bỏ đám bạn trai và tiếng đàn guitar bập bùng trong phòng bệnh, ra ngoài hành lang tối rồi lần theo con đường rải sỏi đến khoảng sân có giàn hoa giấy. Chị ngồi một mình ở đó với quyển sách, ly nước và hình như chị chẳng nhìn vào những trang chữ. Chị nắm tay tôi, lay lay:

- Ừ nầy, lúc ra ngoài nớ, đường Hoàng Diệu vẫn còn nhiều thông, phải không?

- Phải, cả phượng nữa. Phượng đỏ rực trên phố trong gió tây nam đầu mùa.

Chị mơ màng:

- Răng mình lại không biết nhau hỉ?

Tôi để yên bàn tay dưới những ngón tay thon dài xanh mướt:

- Sao mà biết nhau được !

Tôi nói chỉ đủ mình nghe. Bốn năm ở Pleiku, tôi lầm lũi sống, âm thầm quẩn quanh trong căn nhà gỗ nằm lưng chừng đồi ở phía Nam thành phố. Tôi đu bám hai tay trên lan can trước nhà, nhìn những quả đồi xanh biếc cỏ tranh khi mùa mưa về, nhìn núi Hàm Rồng nhô lên mờ mờ đơn độc giữa điệp trùng đồi trọc. Quê tôi xa tít phía trời Nam, về theo quốc lộ 14 với những chuyến xe lẻ loi bò chậm chạp cùng làn bụi đỏ tung mù phía sau. Tôi chưa được đi hết các nơi của thị xã vùng cao. Pleiku với tôi chỉ là vài trục đường chính trườn mình trên nhiều quả đồi với những hàng thông cao vút, là những con đường đất nhỏ xẻ dọc ngang từ trên đỉnh đồi xuống thung lũng, đỏ quạch bụi đường hay nhão nhoẹt bùn đất. Pleiku là tiếng những chiếc xe Jeep tải thương hối hả rú còi thê thiết giữa phố trưa yên tĩnh, là tiếng máy bay phản lực cất cánh từ phi trường Cù Hanh, gầm rú xé nát bầu trời thị xã, là hàng ngàn người lính từ khắp nơi đổ về, trong đó có ba tôi, ba chị cùng bao nhiêu con người mà chiến tranh và số phận đã mang họ đến với nhau, cùng chia nhau những khổ đau và hạnh phúc trong một thị xã đi chưa mỏi chân đã qua hết phố. Chính trong không gian vừa ngột ngạt vừa ấm áp ấy, có mặt tôi và chị, sống rất gần nhau nhưng không ai biết ai, để rồi tình cờ gặp gỡ ở một nơi cách đó rất xa mới nhận ra mình đã từng là láng giềng của nhau.

Chị ngẩn ngơ lẩm bẩm :

- Sao mình lại không biết nhau hỉ ?

Tôi cười buồn và lặp lại câu chị nói.

Ngày đó chị ở đâu trong những căn nhà ngăn cách bởi hàng rào dã quỳ của ngoại ô thành phố? Ước gì tôi biết chị để cùng ngồi trốn nắng dưới giàn su su, nghe gió Lào quật xơ xác trên những mái nhà nhuốm đầy bụi đỏ. Ước gì tôi biết chị để cùng ngồi co ro nghe gió mùa đông bắc tràn về, lạnh cắt da thịt; nhìn mưa bụi bay len vào cả bàn học và giăng mù thung lũng phía dưới xa. Ước gì tôi biết chị để được nhìn thấy chị áo dài trắng học trò, đi về trên đường Hoàng Diệu cũ, băng đô tím cài trên tóc và tà áo bay lồng lộng trong nắng gió cao nguyên… Tôi nói với chị về những cái “ước gì” và bất chợt, chị rụt những ngón tay vô tình đang đặt ấm áp và bình yên trên bàn tay tôi… Chị đỏ mặt nhìn những chiếc lá bã đậu rơi bối rối trên cỏ …

Tôi và chị thường trốn bệnh viện vào những buổi trưa, cả hai đi dọc theo những con đường rợp bóng cây. Những tà áo trắng nữ sinh Sài Gòn loáng thoáng bay trên phố làm tôi thấy nhớ trường. Tôi bỏ dở năm học khi mới tựu trường vài tháng. Học hành khi được khi mất nên mười bảy tuổi tôi mới vào Đệ Tứ, chị học hơn tôi hai lớp. Có phải vì thế mà chị xưng “chị” với tôi tự nhiên quá đỗi? Bằng tuổi nhau, tôi to xác, ngu ngơ; còn chị lại đằm thắm, dịu dàng. Tôi chưa bước qua khỏi ranh giới của trẻ con và người lớn, còn chị lúc nào cũng là bóng râm phủ rợp trên đầu tôi. Chúng tôi đi suốt con đường xanh rợn bóng cây; đi mải, đi miết đến một ngã tư mà không hay biết. Chị giật mình chữa thẹn bằng câu nói chẳng ăn nhập vào đâu: “Nhớ trường, nhớ bạn quá chừng !”

Ghé vào quán bên đường, chị mời tôi ly nước. Chị mời tôi cùng nhớ Pleiku mùa nầy lộng lẫy trong sắc dã quỳ vàng. Tôi lơ đãng cắn chiếc muỗng nhôm trong miệng, nhìn cái miệng xinh xinh của chị và tự hỏi, nước chanh đường hay môi chị ngọt ?

Trên đường về bệnh viện, chị đi sát phía sau xe lăn, tựa một phần ngực ấm áp lên yên dựa để đẩy xe về phía trước. Tôi cứ để những vòng quay bánh xe reo vui lào xào trên đường nhựa. Nắng đổ vàng lấp lánh và trời Sài Gòn đã bao giờ xanh hơn thế!

***

Buổi sáng trời trở lạnh. Thêm một đợt gió tràn về từ phương Bắc, lùa xao xác những chiếc lá bã đậu trên cao. Bên dưới tán cây ấy, chị ngồi một mình với quyển sách đặt hờ trên tay. Tôi ngồi nhìn chị từ thật xa, cứ sợ làm vỡ chị như làm vỡ chiếc bình pha lê mỏng manh. Hôm qua, tôi đã lỡ lời:

- Chị cho tôi xin chiếc băng đô đang cài, nghe chị ?

- Để chi ? – Chị nghiêng đầu thắc mắc.

- Thì thích nên xin, vậy thôi.

Không hiểu sao chị bỗng hốt hoảng. Lát sau, chị bảo :

- Không được. Không được mô !

- Sao vậy?

Chị lúng túng quay đi giấu câu trả lời. Mãi sau này tôi mới hiểu phong tục quê chị chỉ cho con gái phép trao khăn áo, đồ dùng riêng cho người mình muốn trao thân.

Chị lặng lẽ rời khỏi chỗ ngồi khi thấy tôi quanh quẩn đâu đó. Tôi lăn xe một mình trên con đường vắng ngoài bệnh viện. Đêm đẫm sương. Mai tôi về Sa Đéc, chị có biết không? Thôi cũng đành. Chắc tôi và chị đến với nhau chỉ là chừng ấy – chỉ là những hoài niệm về một thành phố qua ký ức lãng đãng trong nhau. Ước gì chị biết ngày mai tôi về quê, để tôi ngồi với chị trọn đêm nay dưới giàn hoa giấy tím rồi nhớ về một thành phố không phải là quê tôi, cũng không là quê chị. Đó chỉ là nơi đã gắn một phần đời tôi và có thể là cả đời chị bằng những kỷ niệm lộng lẫy thời niên thiếu và những gặp gỡ tình cờ tưởng như chỉ có trong cổ tích.

Tôi đi qua một ngã tư, thêm vài ngã tư nữa. Đến lúc trước mắt tôi là phố xá rực rỡ đèn màu, ồn ào tiếng xe cộ, tôi mới giật mình quay lại. Và, chị đã đứng sẵn sau lưng tôi tự lúc nào! Chúng tôi đi suốt một đoạn đường dài mà không nói với nhau lời nào. Đêm Sài Gòn se lạnh. Thỉnh thoảng một chiếc xe ngược chiều chiếu đèn sáng lóa lướt qua mặt tôi rồi mất hút đằng xa, bỏ lại trên đường những khoảng lặng tả tơi. Chị vẫn đẩy sau xe bằng cánh tay còn lại. Tôi mơ hồ cảm nhận được hơi ấm của chị vuốt nhẹ sau lưng. Đến một khoảng sáng đèn, chị quay mặt đi giấu cái gì đó khi tôi bất chợt nhìn lên. “Mai tôi về Sa Đéc, chị biết không?”. Chị bặm môi, gật đầu. “Chị không có gì nói với tôi sao?”. Chị lắc đầu, răng cắn chặt lấy môi để cố giữ những giọt nước long lanh không trào ra khỏi hai mắt đỏ hoe….Gần đến cổng bệnh viện, chị vẫn áp sát người vào sau lưng tôi và không bước nữa. Tôi ngước lên. Một cơn gió lạnh bất chợt ào qua, cuốn lăn lóc những chiếc lá vàng dưới đường. Gió lùa tóc chị từ sau lưng bay ngược ra phía trước, lòa xòa và vướng víu trên mặt tôi… Tôi bám hai tay vào vành lăn bánh xe, cố bám thật chặt để hai cánh tay ấy không đưa lên… quàng ngang cổ chị mà kéo xuống !

***

Đêm ngả về sáng. Chị ngồi thu mình tránh rét nhưng vẫn để mặc sương rơi xuống tóc. Tôi và chị vẫn im lặng ngồi đối diện dưới ánh đèn xuyên qua giàn hoa giấy. Những ngón tay gầy và xanh vẫn nằm chết sững trên gói quà chị định gởi cho tôi. Tôi muốn nắm bàn tay ấy - bàn tay côi cút tội nghiệp - để truyền thêm chút hơi ấm, nhưng tôi không thể. Cuối cùng, tôi lên tiếng để tôi và chị khỏi chết chìm :

- Chị nhớ chú Tuấn gù bán bánh mì không ?

Suýt nữa chị đứng bật dậy ôm chầm lấy tôi :

- Răng mà không nhớ! Người chi mà khổ !

Bỗng chốc trước mặt tôi, chị hóa thân thành một người khác. Mắt chị long lanh, nụ cười thắm lại trên bờ môi nhợt nhạt cùng hơi thở ấm áp và giọng nói như reo. Chị huyên thuyên kể về chú Tuấn, người đàn ông tật nguyền với bao bánh mì trên vai đi lên đi xuống trong những ngõ ngách ngoại ô, mặc nắng hè cháy da hay gió đông cắt thịt. Chị lan man kể về những người đàn ông Ba Na da đen mốc, ở trần đóng khố, đi theo sau là những người đàn bà và trẻ con… Họ đi len lỏi trong những vạt cỏ tranh, những nương ngô bên kia đồi. Họ đi thành hàng, lúc ẩn, lúc hiện; mất hút dưới khe suối rồi bất ngờ hiện ra trên con đường băng qua trước nhà chị. Niềm vui trong chị vỡ òa. Họ mang theo củi và măng, cả chuối lẫn mít về thị xã để đổi áo, đổi muối… Họ đi từng nhóm, mỏi chân thì ngồi bệt trên vệ cỏ, nhồi thuốc lá vào tẩu, châm lửa hút say sưa và thả khói mịt mù… “Thích không ?” - chị hỏi. Tôi trả lời hào hứng: “Thích chứ! Những người ấy đi qua nhà chị rồi sẽ đi qua nhà tôi. Chắc vậy. Khu ấy chỉ có một con đường, nhà chị cách nhà tôi hơn trăm mét chứ mấy!” “ừ hỉ?”. Chị lại rơi xuống vực, lại thẫn thờ lẩm bẩm: “Sao ngày đó mình lại không quen biết nhau?”. Tôi muốn hỏi, nếu quen biết nhau thì đã sao? Có thể chị im lặng tiếc nuối, nhưng tôi tin chắc trong tôi và trong chị đang rộn ràng một thứ tình cảm ngọt ngào, một thứ gì đó không phải là hạnh phúc nhưng êm ái như một buổi sớm mai mở cửa nhìn xuống đồi, hoa dã quỳ bỗng nở vàng cả thung lũng…

- Chú Tuấn hỉ? Chú mất mấy ngày sau người ta mới biết. Sống một mình khổ lắm !

- Sau đó chị ăn bánh mì của ai ?

- Không ăn nữa !

Và chị cười, nụ cười ngây thơ, trong suốt như trẻ nhỏ. Bất chợt bàn tay chị nhẹ nhàng đặt lên tay tôi:

- Chị hỏi nì, có thích thả diều không ?

- Thích lắm, nhưng…

- …

Tôi và chị lặng im. Nỗi đau lại cồn lên âm ỉ. Có những buổi chiều trên cao nguyên, tôi ngồi hằng giờ trước hiên nhà nhìn xuống đồi, mắt dõi theo những cánh diều chao liệng trong nắng với bao nhiêu khát khao và mơ ước. Tôi muốn được như lũ trẻ cùng tuổi, lội qua con suối nhỏ dưới thung lũng, đến bên kia đồi chơi trốn tìm hay len lỏi trong những bụi cây thấp ngang đầu hái về những quả nhỏ ngọt chua tím đen mọng nước. Tôi đã ngồi hằng giờ đợi những cơn gió qua, chờ thả con diều tự mình làm và cuối cùng là buồn bã xé vụn nó trong tay… Tôi nhìn một cách thèm thuồng lũ trẻ con cởi truồng tắm mưa và nghịch bùn trên con đường trước nhà. Chúng chạy đuổi, la hét, lăn lộn trong những vũng nước khi trên đầu là những hạt mưa to nặng tuôn xối xả xoáy rát da thịt. Chúng nó hưởng được tất cả niềm vui tuổi thơ vì chúng có được đôi chân lành lặn… Tôi xấu hổ nói với chị, ngày đó… tôi đã khóc! Chị lại cắn môi, gật đầu thông cảm...

Lần đầu kể từ ngày quen biết chị, tôi nhận thấy ở chị sự yếu đuối và dịu dàng đến nao lòng. Bàn tay chị nắm lấy tay tôi, run run, chới với... Chị chìm nghỉm, ngụp lặn rồi tự ngoi lên trong chính những hồi ức của chị. Chị bỗng xa xăm như một người đến từ thế giới khác rồi bất chợt lao về thực tại với giọng nói reo vui và hơi thở ấm áp lạ lùng khi nhắc về thành phố cao nguyên nơi chị ở.

- Đằng nớ có nghe tiếng chuông chùa bên đồi không hỉ ?

- Có, nghe gần lắm. Chị thường qua bên đó à ?

Chị gật đầu. Từ nhà, chị men theo con đường nhỏ quanh co, qua những căn nhà tranh vách đất cất rải rác lưng chừng đồi rồi ngược lên một quãng để đến ngôi chùa cách đó khá xa. Chị vào trong khoảng sân gạch đầy rêu ẩm, ngồi khuất dưới bóng hoàng lan và… khóc một mình! Tôi cũng đã nghe tiếng chuông chùa vang âm u từ nơi ấy, âm thanh lan xuống thung lũng, khỏa đầy con suối nhỏ rồi ngân nga vọng lên bên phía đồi đối diện, nơi có nhà tôi và nhà chị. Tôi không bao giờ quên được cảm giác yên bình và ấm áp khi nghe tiếng chuông chùa ấy mỗi chiều hay mỗi sáng khi mặt trời chưa nhô lên phía đông, nhất là những đêm trăng phố núi.

- Chị có muốn về sống ở chùa không ?

- Có, định học xong trung học sẽ xin mạ vào chùa. ở đó vui !.

Tôi biết chị nói dối. Làm sao vui khi chị đến chùa chỉ để ngồi một mình và khóc? Những ngón tay gầy xanh của chị vẫn vô tư đùa nghịch trên bàn tay tôi. Bỗng chốc những ngón tay ấy sững lại khi vô tình tôi buột miệng:

- Chị không định lấy chồng sao ?

Chị nhìn tôi hờn trách. Bão giông và mưa lũ dậy lên trong mắt chị. Tôi bối rối cúi đầu nhìn bóng chị đổ dài dưới đất với đôi vai gầy guộc run run. Những ngón tay chị bấu càng lúc càng đau vào tay tôi. Và khi tôi có đủ can đảm nhìn lên, vài giọt nước mắt nóng ấm của chị đã rơi xuống tay tôi. Chị lắc đầu và đứng bật dậy, bước nhanh qua mặt tôi như chạy trốn. Tôi ngơ ngác nhìn theo, không hiểu điều gì đã xảy ra trong chị...

***

Buổi sáng khi lên taxi ra bến xe miền Tây, trong đám trai gái vẫy tay tiễn đưa, tôi không thấy chị. Lúc xe đến ngã tư đầu tiên, tôi nhác thấy dáng ai mảnh mai như dáng chị trong màu áo trắng, tóc dài xõa ra hai bên ngực, đứng nép mình sau một gốc me già…

Qua phà Mỹ Thuận, tôi mới mở gói quà của chị. Đó là một ít mè xửng, đặc sản quê mẹ chị, là chiếc băng đô màu tím ép trong quyển nhật ký chỉ có mấy chữ ghi ở trang đầu:

Sài Gòn 1967.

“Đừng quên chị !”.

Tôi đã không viết gì thêm vào những trang sau đó, bởi những gì đã có giữa tôi với chị chỉ là những trang giấy trắng.

Pleiku mùa nầy sụt sùi mưa. Nếu chị còn sống, còn ở trong căn nhà nhỏ bên đồi và tình cờ đọc được những dòng nầy, chị sẽ biết bao năm qua rồi, tôi đã quên hay tôi vẫn nhớ…


Nguyễn Lệ Ba