PDA

View Full Version : thơ Phạm Thiên Thư



saorơi
11-16-2008, 11:56 PM
Vết chim bay

Ngày xưa anh đón em
Nơi gác chuông chùa nọ
Con chim nào qua đó
Còn để dấu chân in
Anh một mình gọi nhỏ
Chim ơi biết đâu tìm

Mười năm anh qua đó
Còn vẫn dấu chân chim
Anh một mình gọi nhỏ
Em ơi biết đâu tìm

Ngày xưa anh đón em
Trên gác chuông chùa nọ
Bây giờ anh qua đó
Còn thấy chữ trong chuông

Anh khoác áo nâu sồng
Em chân trời biền biệt
Tên ai còn tha thiết
Trong tiếng chuông chiều đưa

Ngày xưa em qua đây
Cho tình anh chớm nở
Như chân chim muôn thuở
In mãi bực thềm rêu

Cõi người có bao nhiêu
Mà tình sầu vô lượng
Còn chi trong giả tướng
Hay một vết chim bay.

(Phạm Thiên Thư)

saorơi
11-18-2008, 04:30 PM
Guốc Tía

con đường hoàng hoa
em mang hài lục

con đường bạch cúc
em mang hài hồng

con đường sầu đông
em đi guốc tía

anh ngồi thấm thía
cội sầu trổ bông

(Phạm Thiên Thư)

chimtroi
11-18-2008, 10:47 PM
Thân ái chào mừng Saoroi. Cám ơn Saoroi đã sưu tầm và post những bài thơ thật hay của nhà thơ nổi tiếng Phạm Thiên Thư.
Vào những năm trước và sau 1972, "Tìm động hoa vàng" hay "Ngày xưa Hòang Thị"... như một hiện tượng Phạm Thiên Thư, một mode không chỉ riêng cho giới trẻ thời bấy giờ. Phạm Thiên Thư như một dấu kỷ niệm của nhiều anh em trong HQPD, những người đang vào tuổi muốn "đưa em tìm động hoa vàng".
Xin trích một đọan viết về nhà thơ Phạm Thiên Thư của HÀ THI để nhớ lại một thời:


http://hoiquanphidung.com/pics/phamthienthu.jpg

PHẠM THIÊN THƯ tên thật Phạm Kim Long, sinh ngày 1-1-1940 xuất thân trong một gia đình Đông y. Quê cha: xã Đình Phùng, Kiên Xương, Thái Bình. Quê mẹ: xã Trung Mẫu, Từ Sơn, Bắc Ninh. Sinh quán: Lạc Viên, Hải Phòng. Trú quán: Trang trại Đá Trắng, Chi Ngãi, Hải Dương (1943-1951), Sài Gòn (1954- nay)

Từ 1964-1973: Tu sĩ PG, làm thơ. Năm 1973, đoạt giải nhất văn chương toàn quốc với tác phẩm Hậu Kiều - Đoạn trường Vô Thanh. Năm 1973 -2000: Nghiên cứu, sáng lập và truyền bá môn dưỡng sinh Điện công Phathata (viết tắt chữ Pháp -Thân - Tâm)

Tác phẩm đã in: Thơ Phạm Thiên Thư (1968); Kinh Ngọc (Thi hoá Kinh Kim Cương); Động Hoa Vàng (Thơ) 1971); Đạo ca (Nhạc Phạm Duy); Hậu Kiều - Đoạn Trường Vô Thanh, 1972; Kinh thơ (Thi hoá Kinh Pháp Cú); Quyên Từ Độ Bỏ Thôn Đoài (Thơ); Kinh Hiếu; Kinh Hiền (Thi hoá Kinh Hiền Ngu) gồm 12.000 câu lục bát; Ngày xưa người tinh (thơ); Trại Hoa Đỉnh Đồi (thơ) 1975.

Các nhạc bản: Ngày Xưa Hoàng Thị, Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đóa hoa sầu, Em lễ chùa này, Huyền thoại trên một vùng biển, Loài chim bỏ xứ (Nhạc Phạm Duy), Như cánh chim nay (Nhạc Cung Tiến), Guốc tía, Đôi mắt thuyền độc mộc (Nhạc Võ Tá Hân); Độc Huyền (Nhạc Nguyễn Tuấn), Động Hoa vàng (Nhạc Trần Quang LOng)....

Tác phẩm dự định xuất bản: Hát ru lịch sử (Trường ca lục bát); Bốn chục ngàn câu châm ngôn; Tự điển cười (24.000 bài tứ tuyệt - tiếu liệu pháp); Huyền ngôn tâm bút; Điện cong Phathata dưỡng sinh, Vua núi vua nước (Sơn Tinh Thủy Tinh)


NHÀ THƠ PHẠM THIÊN THƯ : Người thi hoá kinh Phật

Nhà thơ Phạm Thiên Thư xuất hiện như một đạo sĩ xuống núi, ông trở thành người rao giảng về những Kinh Ngọc, Kinh Hiền, Kinh Thơ..., ông đã thi hóa Kinh Kim Cương Bát - Nhã của Phật giáo.

Trong lịch sử văn học, những nhà thơ Phật giáo, những thiền sư Việt Nam như Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Khuông Việt, Không Lộ, Mãn Giác... đã góp phần không nhỏ làm phong phú, nâng cao giá trị cho văn học VN với những nét chấm phá ở mỗi thời điểm lịch sử tôn giáo và lịch sử dân tộc.

Bất ngờ xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng 1969 "Đoạn Trường Vô Thanh" của nhà thơ Phạm Thiên Thư với 3254 câu thơ được tác giả viết như là “hậu Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều)” của thi hào Nguyễn Du. Những năm tiếp theo, Nguyễn Du có Văn Chiêu Hồn thì Phạm Thiên Thư có Chiêu Hồn Ca. Phật giáo có Kinh Kim Cương, Kinh Hiền Ngu thì Phạm Thiên Thư cũng có Kinh Ngọc, Kinh Hiền, Kinh Thơ...

Nhà thơ họ Phạm này tuy xuất hiện khá muộn nhưng cũng đã đóng góp vào văn học khá nhiều tác phẩm, đặc biệt là những thi phẩm ở dạng khá độc đáo: thơ đạo! Một trong những tác phẩm ấy của Phạm Thiên Thư đã được giải thưởng Văn Học Toàn Quốc (miền Nam VN) vào năm 1971. Một số thơ của ông được phổ thành ca khúc đã mang lại một số đông công chúng yêu thích thơ ông: “Em lễ chùa này”, "Ngày Xưa Hoàng Thị", "Động Hoa Vàng", “Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu”....

... Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng, ngủ say...
Ừ, thì mình ngại mưa mau
Cũng đưa anh đến bên cầu, nước xuôi
Sông này chảy một dòng thôi
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông...

... Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan...

... Thì thôi! Tóc ấy phù vân
Thì thôi! lệ ấy còn ngần giang sương

... Mai anh chết dưới cội đào
Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu...
(Động Hoa Vàng)


Thơ Phạm Thiên Thư cứ vấn vít nửa đời nửa đạo thật khác thường, làm cho độc giả ngẩn ngơ, bất ngờ. Nhân vật chính trong thơ là một ông sư lãng mạn như những chàng trai mới biết yêu:

...Em làm trang tôn kinh
Anh làm nhà sư buồn
Đêm đêm buồn tụng đọc
Lòng chợt nhớ vương vương
Đợi nhau từ mấy thuở
Tìm nhau cõi vô thường
Anh hóa thân làm mực
Cho vừa giấy yêu đương...
(Pháp Thân)

Tình yêu trong thơ Phạm Thiên Thư là những cảm xúc thánh thiện, kín đáo với một chút bẽn lẽn: yêu nhau mà không dám tay trong tay, vì sợ tình sẽ tan biến thành khói sương:


... Anh trao vội vàng
Chùm hoa mới nở
Ép vào cuối vở
Muôn thuở còn vương...



Thiền tâm biểu lộ bằng ngôn ngữ im lặng:

... Đôi mày là Phượng cất cao
đôi môi chín ửng khóe đào rừng mơ
tiếng nàng vỡ bạc thành thơ
tụng dòng Kinh tuệ trên tờ khói mây

... Dù mai lều cỏ chân trời
khói hương lò cũ khóc người trong thơ
em còn ửng má đào tơ
tóc xưa dù có bây giờ sương bay...

Đôi khi tình yêu nồng nàn đến nỗi “con vạc đậu bờ kinh” cũng ghẹo nhà sư ỡm ờ trần tục:

...Hỏi con vạc đậu bờ kinh
Cớ sao lận đận cái hình không hư
Vạc rằng: Thưa bác Thiên Thư
Mặc chi cái áo Thiền Sư ỡm ờ...
(Động Hoa Vàng)

Thế giới thi ca Phạm Thiên Thư giúp chúng ta khám phá thêm những cửa ngõ mới lạ, phong phú về tôn giáo, tình yêu và thiên nhiên....Từ năm 1976 đến 1981, Phạm thi sĩ không “lên non tìm động hoa vàng” như Nguyễn Đức Sơn mà nhà thơ mở quán hớt tóc ở Lăng Cha Cả. Từ 1981 – 1983 ông bán tạp hoá, rượu thuốc, trà đá… ở đường Lý Chính Thắng....

HÀ THI

Ps: Nghe nói Cà-phê Động Hoa Vàng của nhà thơ Phạm Thiên Thư, nằm trong cư xá Bắc Hải (ngày xưa là cư xá Sĩ quan Chí Hòa), không nhớ rõ đường gì, hình như là đường Hồng Lĩnh (sau này những con đường nội bộ trong cư xá đều có tên).

saorơi
11-19-2008, 09:59 AM
Lời Ru Đông Phương

Ru con bằng vòng tay ấm
Cho con âu yếm dịu dàng
Ru con bằng dòng sữa thơm
Cho con biết tình biết ơn
Ru con bằng câu hát ngắn
Cho con mến nhạc và thơ
Ru con bằng mây bằng gió
Cho con lòng chẳng vực bờ
Ru con bằng non bằng đá
Như con giãi nắng dầu mưa
Dạy con không oán không thù
Ru con bằng hoa bằng cỏ
Kết trăng sao làm nôi thơ
Cho mười phương làm máu mủ
Mai sau chẳng sớm bơ vơ.

Tim em là vừng đông sớm
Cho muôn dòng máu căng hồng
Lời ru em dài mật đượm
Cho đời con ngát mười phương
Mắt em là viền nhật nguyệt
Đưa con vào lẽ chân thường
Môi em là hoa vi diệu
Cho hồn con mở chiêu dương
Cho đời chẳng còn chia biệt
Cho đời thường giữa vô thường
Em nhớ ru cho con biết
Đường trần như áng mây vương
Em nhớ ru cho con biết
Yêu thương là tiếng đầu lòng
Tâm con là trời vô hạn
Tình yêu là cõi địa đường
Tiếng ru ngàn năm tha thiết
Khơi nên mạch sống Đông phương.

(Phạm thiên Thư)

saorơi
11-20-2008, 10:51 AM
Độc Huyền

Khép mắt - ta nhìn em
Thấy hình hài diễm lệ
Đứng trên ngàn sóng bể
Trấn át làn phong ba.
Tà áo trắng kiêu sa
Đôi mắt huyền như ngọc
Đôi môi thuyền độc mộc
Chở thơm khoang đào hoa
Mái tóc dài thướt tha
Cài đóa hồng tuệ nhật
Phải em - là sự thật
Từ một ngày rất xa.

Mở mắt - ta nhìn ra
Thấy em là nốt nhạc
Trên dây tình ngơ ngác
Em là một điểm âm
Em nạm vàng chữ Tâm
Trên nền đêm biêng biếc
Em là con cá diếc
Trong tim ta dòng sông.
Ẩn trong sợi tơ đồng
Ngân lên từng cung điệu
Năm ngón hồng kỳ diệu
Anh rung thành tiếng tim.

Mở mắt - ta nhìn thêm
Thấy chúng mình vô ngã
Thấy em xanh thảm mạ
Anh xoè cánh hạc bay .
Ta tình cờ ra đây
Cũng như là tất cả
Ơi! Dây tình kỳ lạ
Hội tròn một điểm ngân.

(Phạm Thiên Thư)

chimtroi
11-21-2008, 07:47 PM
Cám ơn bạn Saoroi. Càng đọc càng tưởng như đang nhập vào một thế giới huyền diệu mênh mông. Quả thật nửa tiên nưả tục mà khả năng ngôn ngữ có hạn nên không dám lạm bàn...

Một thắc mắc Saoroi ui,
Bài "guốc tía" mà các nhac sĩ phổ nhạc hình như còn một đọan dài không thấy trong bài thơ trên, có phải cũng là của PTT hôn?

Con đường hoàng hoa
Em mang hài lục
Con đường bạch cúc
Em mang hài hồng
Con đường sầu đông
Em mang guốc tía
Anh ngồi thấm thía
Cội sầu trổ bông

Em qua dòng sông
Áo em màu nắng
Em qua đồi vắng
Áo tím như sim
Có một tiếng chim
Rơi vào suối tóc
Mắt em độc mộc
Buông nhẹ con thuyền

Lòng anh băng nguyên
Tình em mong manh
Em là hoa chúa
Anh là rừng xanh
Màu mắt long lanh
Gót hồng khép nép
Áo bay huyền diệu
Dáng em yêu kiều

link nghe bài "Guốc tía" (http://hanvota.com/nhac/Frame_Indices/index_CD.htm)

http://hoiquanphidung.com/nhac/nhacnen.mp3

saorơi
11-22-2008, 10:48 AM
thưa anh chimtroi,
theo như em biết thì bài thơ Guốc tía chỉ có 8 câu. Có thể khi phổ nhạc thì nhạc sĩ lấy bài thơ làm ý chính rồi thêm thắt sao đó thì em không được rõ.
Kính anh
saorơi

saorơi
01-30-2009, 09:04 PM
Ðầu xuân em lễ chùa này
Có búp lan vàng khép nép
Vườn trong thoáng làn hương bay
Bãi sông lạc con bướm đẹp

Vào hạ em lễ chùa này
Trên đồi trái mơ ửng chín
Lò hương có làn trầm bay
Vờn trên bờ tóc bịn rịn

Giữa thu em lễ chùa này
Lầu chuông có con chim hót
Tiếng ca theo làn gió may
Lá vàng sương gieo nhẹ hạt

Sang đông em lễ chùa này
Ngoài sân có mưa bụi bay
Hắt hiu trong cành gió bấc
Vườn chùa rụng cánh lan gầy

Cuối đông đưa em tới đây
Trong lòng áo quan gỗ trắng
Tóc em tợ óng làn mây
Cội hoa tưởng ai trầm lặng

Em vừa nằm xuống đất này
Vườn trong có bông đào nở
Con bướm chập chờn hương bay
Quơ sợi râu vàng bỡ ngỡ

Nắm đất nào vừa lấp mộ
Có con chim hót đầu cành
Tiếng tan trên giòng suối xanh
Nước ơi sao buồn nức nở

Bây giờ tôi biết em đâu
Cuối vườn nụ mai nhiệm mầu
Vừa thoát làn hương trinh bạch
Em ơi ! Mây đã qua cầu…

(Phạm Thiên Thư)

(Bài thơ do Phạm Duy phổ nhạc với tên " Em Lễ Chùa Này (http://hoiquanphidung.com/showthread.php?p=2070#post2070)"