PDA

View Full Version : Nhật Ký Người Điên



Longhai
09-22-2012, 03:02 AM
Nhật Ký Người Điên

Nguyễn Đồng Danh




Tốt nghiệp đại học y khoa xong, tất cả nam sinh viên đều bị động viên vào guồng máy chiến tranh khổng lồ lúc bấy giờ. Giặc đến nhà đàn bà phải đánh, huống hồ chúng tôi là nam nhi chi chí. Sau khi trình diện Quân vụ Thị trấn nằm trên đường Lê văn Duyệt và Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, chúng tôi được đưa về trường Quân y Sài gòn, để học khoá Hành chánh Quân y và khoá Cấp cứu trong chiến tranh.

Xong khoá học, chúng tôi trở thành bác sĩ quân y, với hai bông mai trắng trên cổ áo, và lên đường nhận nhiệm sở. Tôi được bổ nhiệm đến Trung tâm huấn luyện Biệt động quân ( TTHL/BDQ ) tại Dục Mỹ, nằm trên Quốc lộ 21, đi từ Ninh Hoà (tỉnh Khánh Hoà) lên Ban Mê Thuột.

TTHL/BDQ là trường đạo tào tân binh cho binh chủng Biệt động, ngoài ra còn là nơi huấn luyện các khoá đặc biệt như Rừng Núi Sình Lầy và Viễn Thám (Trinh sát) cho quân nhân các cấp, kể cả sinh viên của trường Võ bị Quốc gia Đà lạt. Ngoài cấp số sĩ quan, hạ sĩ quan và lính cơ hữu (gồm hai đại đội diễn tập và phân đội Quân cảnh 305) cùng với gia đình của họ, tổng cộng gần hai trăm người, sống trong doanh trại, nhà trường luôn luôn có hai Liên đoàn khoá sinh tân binh.

Bổn phận của tôi là trông nom trạm xá y tế với sự trợ giúp của hai y tá. Chúng tôi chăm lo sức khoẻ cho quân nhân cơ hữu, gia đình của họ và các khoá sinh đang thụ huấn tại TTHL/BDQ.

Công việc hàng ngày là khám bệnh, phát thuốc, chích thuốc ngừa TAB (TAB = Typhoid-Paratyphoid A-Paratyphoid B) cho các khoá sinh. Thỉnh thoảng cũng có các tai nạn khá trầm trọng xảy ra trong khi huấn luyện, như cướp cò nổ súng gây thương tích, đi giây tử thần bị lộn đầu xuống suối, tuột giây Thụy sĩ bị té từ trên cao (với độ cao 50 thước, dốc thẳng đứng, tuột giây xuống và chỉ được phép chạm chân vào vách hai lần).

Công việc ở trạm xá y tế chỉ khá bận rộn vào đầu các khoá học. Giữa các khoá, công việc tương đối nhàn hạ, trạm xá y tế làm công tác dân sự vụ. Chúng tôi khám bệnh, phát thuốc cho đồng bào và học sinh các trường Tiểu học quanh Dục Mỹ và các xã trong quận Ninh Hoà.

Quận Ninh Hoà khá trù phú, nhưng chưa có phòng mạch bác sỉ tư. Một nhân sĩ địa phương, có con đang phục vụ trong TTHL/BDQ, đã đề nghị cho tôi mượn một căn phòng trống trong nhà ông, để làm phòng mạch khám bệnh. Tôi làm việc ở đó vào hai ngày cuối tuần.

Trong số các bệnh nhân dân sự của tôi, có một trường hợp tôi đặc biệt quan tâm. Đó là một thanh niên trẻ, người sắc tộc, mắc bệnh tâm thần, nhà ở tại chợ Hòn Khói.

Tên anh là Khưu sì Cóng, 22 tuổi. Cha anh là người sắc tộc tên Khưu sì Ngoán, mẹ là người Việt gốc Hoa. Sinh ra Cóng xong, vài năm sau mẹ anh qua đời. Cha anh ở vậy nuôi con. Ông Ngoán là người to lớn vạm vỡ, sống bằng nghề “phá sơn lâm, đâm hà bá”. Nghĩa là mùa cá thì đi biển làm mướn cho chủ ghe, sống nghề chài lưới. Mùa chướng thì đi rừng đốn củi làm than, hoặc tìm ngải hay quế hương bán cho các tiệm thuốc Bắc.

Người dân địa phương vẫn ca ngợi tài bơi lặn của ông Ngoán. Tôi được nghe kể, có lần ông Ngoán làm thuê canh đáy hàng khơi ngoài biển. Ông đã nhào xuống nước đánh nhau với một con cá mập vướng lưới. Kết cục ông đã đâm nó chết và lấy vi cá mập bán cho tiệm thuốc Bắc. Ở Việt nam, dân miền biển thường gặp cá ông (cá voi), cá heo, cá nược, chứ không gặp cá mập, vì cá mập ít khi vào bờ. Cá mập và chó là hai loài vật có một khứu giác phi thường. Chó có thể đánh hơi ma tuý, chất nổ, mùi thân thể kẻ phạm tội. Còn cá mập thì chỉ cần một giọt máu rơi xuống biển, tất cả cá mập trong vòng 5 dặm đều lao tới kiếm ăn. Tuy nhiên, dân đi biển có cho tôi biết, cá mập chỉ nguy hiểm khi chúng đói, hoặc khi ngữi thấy mùi tanh của máu.

Anh Cóng to con vạm vỡ, và cái tài bơi lặn của anh không thua gì bố. Trước khi bị bệnh, anh cũng làm đủ nghề, canh đáy, theo tàu đánh cá và đi rừng. Những lúc rảnh rổi, anh thường đến tiệm hủ tiếu chú Wòng ngồi uống cà phê và xem ké ti vi. Đây cũng là thú tiêu khiển của đa số người dân sống quanh chợ Hòn Khói. Chiều tối, quán chú Wòng đông khách không thua gì buổi sáng. Dân địa phương đến quán, vừa nhâm nhi tách cà phê, vừa xem các chương trình cải lương trên ti vi.

Mỹ Lan con gái lớn của chú Wòng được cho đi học đến hết bậc Tiểu học, rồi ở nhà phụ cha mẹ coi cửa hàng. Không biết từ bao giờ, Cóng thả dê cô Lan và hình như hai người có tình ý với nhau. Ngày không đi biển, Cóng diện láng và trồng cây si ở quán cà phê cho đến tối mịt, đôi khi còn ra tay nghĩa hiệp phụ giúp Mỹ Lan đóng cửa tiệm. Gia đình chú Wòng và cha con ông Ngoán đều là thân chủ phòng mạch tư của tôi, nên thỉnh thoảng tôi cũng được nghe tâm sự của khách quen.

Mặc dù không vui lòng lắm, nhưng vợ chồng chú Wòng cũng không ngăn cấm con gái giao thiệp với Cóng. Bởi lẽ Cóng là con một trong gia đình, được hoản miển dịch, không phải đi lính. Mẹ Cóng cũng đã qua đời, có cưới nhau, Lan cũng khỏi gặp cảnh mẹ chồng nàng dâu.

Nhưng, ở đời có lắm cái bất ngờ. Chuyện tình giữa Lan và Cóng (chứ không phải Lan và Điệp) đang êm đẹp bỗng có đệ tam nhân xuất hiện. Đó là Cường, một thanh niên đẹp trai, làm sở Mỹ, từ Nha Trang về Hòn Khói chơi. Anh mang theo nhiều bịch thuốc lá ngoại như Palmal, Salem bán rẻ cho chú Wòng. Từ đó tuần nào anh cũng về, luôn mang theo hàng Mỹ bán cho chú. Cuộc mua bán này đôi bên đều có lợi và anh chàng cũng đá long nheo cô con gái lớn của chú Wòng.

So với Cường, Cóng là người quê mùa thô kệch. Từ đó tình người và tình đời cũng đổi thay. Cường rũ rê cô Mỹ Lan đi chơi. Khi thì đèo nhau bằng Honda về Nha Trang. Khi thì đưa nhau lên lầu ông Hoàng (sở Thương chánh Hòn Khói, xây cất từ thời Tây, một địa điểm du lịch và hẹn hò của nam thanh nữ tú).

Cóng đau khổ vì bị tình phụ, từ từ rút lui vào bóng tối, để cho đôi trai tài gái sắc ngụp lặn trong hạnh phúc.

Bỗng một hôm tôi nghe tin sét đánh, cô Mỹ Lan chết vì tai nạn giao thông. Đêm thứ Bảy, Cường chở Mỹ Lan bằng xe Honda 90 phân khối, từ Hòn Khói về Nha Trang chơi. Dọc đường gặp tai nạn, Cường bị thương nặng, Lan chết tức khắc.

Đám ma Mỹ Lan, tôi có tham dự. Chú Wòng kể lại, Honda đang chạy ngon trớn trên quốc lộ 21 hướng về Nha Trang, bỗng sụp ổ gà, bánh xe trước văng ra, cả xe và người lao vào một chiếc quân xa chạy ngược chiều. Mỹ Lan chết tại hiện trường.

Rồi cũng như mọi việc trên cõi đời này, chuyện tình Cường-Cóng-Mỹ Lan chìm vào quên lảng. Cuộc sống tất bật trong thời buổi chiến tranh ly loạn, đã khiến con người theo chủ nghĩa hiện sinh. Sống ngày nào biết ngày nấy. Quá khứ chỉ còn là kỷ niệm. Tương lai thì vô định !.

Sau đám tang Mỹ Lan vài tháng, Cóng tự nhiên quẩn trí. Anh hay nói nhảm và có thái độ của người mắc bệnh trầm cảm. Tại quận Ninh Hoà và ngay cả tỉnh Nha Trang, không có bệnh viện tâm thần. Chỉ khi nào bệnh nhân trở thành mối đe doạ cho xã hội hoặc do yêu cầu của gia đình, người bệnh mới được nhập viện “nhà thương Chợ Quán”. Từ đó Cóng là thân chủ thường xuyên của tôi. Ai cũng cho là Cóng thất tình và thương nhớ Mỹ Lan mà lâm trọng bệnh.

Không phải là một bác sĩ chuyên khoa tâm thần, nhưng tôi cũng cố gắng tìm tòi trên cách sách báo chuyên ngành, để học hỏi thêm về căn bệnh quái ác. Theo báo cáo của WHO (World Health Organisation của Liên hiệp quốc) thì bệnh trầm cảm hàng năm cướp đi mạng sống gần một triệu người. Bệnh này có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là từ 18 đến 45. Hội chứng này có tỷ lệ rất cao ở những người thất tình, ly thân, ly dị và thất nghiệp. Người bệnh luôn có ý nghĩ tiêu cực về bản thân, mang cảm giác tuyệt vọng không lối thoát. Kém ăn, mất ngủ, tăng hay giảm trọng lượng bất thường. Trong tài liệu y khoa, hoạ sĩ nổi danh Vincent Van Gogh, người Hoà Lan, theo trường phái lập thể, đã mắc chứng bệnh này và dẫn đến việc ông tự sát.

Gia đình ông Ngoán trở nên sa sút sau ngày Cóng quẩn trí. Cha già phải nuôi con bệnh, có đi làm thuê làm mướn gì thì cũng sáng đi chiều về, để lo cho con. Nhu cầu thuốc men cũng là một gánh nặng. Thậm chí tôi không lấy tiền khám bệnh, nhưng ông Ngoán cũng thưa dần việc đem Cóng đến phòng mạch tư của tôi. Do đó, mỗi khi có thời giờ, tôi thường ghé qua nhà ông để theo dõi bệnh tình và chăm sóc cho Cóng. Tôi vẫn nghĩ tâm bệnh phải lấy tâm mà trị, nhưng những lời khuyên bảo, thăm hỏi của tôi biết có hiệu lực gì trong việc chạy chữa hay không ?.

Khoảng hai năm sau ngày Mỹ Lan chết vì tai nạn, Cóng cũng qua đời. Hôm đó, ông Cóng đi làm bình thường, khi trở về nhà, mới hay Cóng đã treo cổ tự vẫn. Dân cư quanh chợ Hòn Khói đều đau buồn, và mọi người, kể cả tôi, đã tham dự tang lễ của Cóng.

Sau lễ tang vài hôm, ông Ngoán đến thăm tôi tại phòng mạch tư. Ông rụt rè trao cho tôi một quyển sổ tay, ngoài bìa ghi nguệch ngoạc mấy chữ: kính gởi Đại uý Bác sĩ Nguyễn. Ông khẻ nói “con tôi gởi cái này cho Bác sĩ, tôi xin làm theo ý muốn của nó”.

Bên trong là các trang nhật ký mà Cóng đã ghi theo thứ tự ngày tháng, kể từ ngày quen và yêu Mỹ Lan cho đến ngày Mỹ Lan qua đời. Chuyện không có gì hấp dẫn và văn chương của Cóng đôi chỗ lũng cũng. Duy chỉ có hai đoạn dưới đây là đáng kể:

Ngày … tháng … năm 1967 : Tối nay ra quán hủ tiếu, thấy thằng Cường ngồi trong quán. Xe Honda nó dựng vô vách, chỗ hơi tối. Đi qua lại thấy cả quán đang mê cải lương. Lấy cái mỏ lết tháo lỏng hai con ốc ở bánh xe trước. Phen này thế nào mầy cũng chết, Cường ơi.

Ngày … tháng … năm 1967 : Trời hại con rồi, sao Trời xui khiến Lan đi chơi với thằng Cường đêm qua. Trời ơi, Lan chết mà thằng Cường không chết. Làm sao con sống được hở Trời !!!.

Đọc đến đó tôi nổi da gà. Thì ra, Cóng đã vô tình giết chết Mỹ Lan. Đây là tâm sự của một thân chủ gởi riêng cho bác sĩ gia đình hay là lời thú tội của kẻ giết người?. Tôi phải giữ kín chuyện này hay là phải đưa nó ra ánh sáng?. Trao quyển nhật ký này cho Cảnh sát hay là im lặng?. Tôi liên tưởng đến một kẻ sát nhân chạy vào lánh nạn trong tu viện, hay một tội phạm đi xưng tội với vị chủ chăn. Các vị này có đưa kẻ phạm tội ra trước Công lý hay không?. Mà kẻ phạm tội ở đây là Cóng cũng đã tự kết liễu đời mình rồi, bạch hoá vấn đề sẽ đem lại công bằng cho ai ?. Cuối cùng tôi quyết định làm theo cách riêng của tôi.

Đứng trước ngôi mộ mới đắp của Cóng, tôi bật lửa đốt quyển Nhật ký thành tro bụi. Sau đó tôi đến trước phần mộ Mỹ Lan, thay Cóng nói lời xin lỗi. Và theo thói quen của một Phật tử, cả hai nơi này, tôi đọc thầm bài Bát nhả Ba la mật đa Tâm kinh, hi vọng hương linh hai người được siêu thoát về cõi an lành.

Nguyễn Đồng Danh