PDA

View Full Version : Tâm sự kẻ sang Tần



chimtroi
11-11-2008, 11:38 PM
"..Đi không ai tìm xác rơi.
Lúc đất nước muốn bao người con thân yêu ra đi, hối tiếc tấm thân mà chi..."

http://hoiquanphidung.com/pics/a37.jpg

Bước chân vào Không Quân năm 1972 trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến, bao nhiêu đàn anh ra đi không trở lại như những Kinh Kha thời đại. Anh em Liên Khóa nếu nhanh chân nhất ( cho những khóa học bay quốc nội) cũng phải đến cuối năm 1973, đầu năm 1974 mới bắt đầu mọc cánh. Lần lượt kẻ trước người sau được phân phối về đơn vị trong tâm trạng sẵn sàng ứng chiến, nối tiếp đàn anh, những người đã mai mắn sống sót qua giai đoạn đẩm máu nhất của cuộc chiến mùa hè đỏ lửa với biết bao chiến tích lẫy lừng. Với không khí và tâm trạng đó, mấy ai có thể biết được số mình ra sao. Số phận phó mặc cho mỗi lần cất cánh với bao nhiêu hiểm nguy đang chờ đợi.

Cuộc đời một SVSQ được chấm dứt khi hoàn tất các khóa học quân sự và chuyên môn. Sau lễ mãn khóa tổ chức long trọng thường dưới sự chủ tọa của một vị tướng đại diện Bộ Tư Lệnh KQ, các tân Sĩ Quan sẽ tham dự buổi bốc thăm chọn đơn vị trong danh sách liệt kê sẵn, và theo thứ tự sắp hạng trong danh sách tốt nghiệp. Kể từ đây, cuộc đời của mỗi SVSQ sẽ gắn liền với con số, cả nghĩa đen lẩn nghĩa bóng, nghĩa đen là con số của Phi đoàn, nghĩa bóng tức con số nằm trong sổ của...tử thần.
Như đã biết, các phi đoàn nếu bắt đầu với số chẵn thì số chót sẽ là con số lẻ và ngược lại, thí dụ các phi đoàn quan sát bắt đầu bằng số 1 như 110, 112, 114, 116..., dân trực thăng gắn liền với anh 2 như 213, 215, 217, 219... và khu trục thì bắt đầu bằng số 5 như 520, 524, 526... Ngoài ra còn một phi đoàn chở yếu nhân chính phủ là Phi đoàn 314 và những phi đoàn vận tải mang số đầu là 4. Tuy nhiên số anh em Liên Khóa 72-73 chưa "với" đến những thứ nầy nên chỉ đếm 1,2 và 5 làm chuẩn.


http://hoiquanphidung.com/pics/U17a.jpg

Con " Đầm già "


Dưới đây là một vài tâm sự của những cánh chim Liên Khóa.

Sinh hoạt điển hình của một hoa tiêu quan sát sau khi tốt nghiệp

"Tôi ra trường khóa 42 Hoa Tiêu Quan Sát vào cuối năm 1973 và đầu năm 1974 về phục vụ tại phi đoàn ( PĐ) Thanh Xà 112 Biên Hòa. Thời xưa thì phù hiệu của PĐ tôi có hình rắn hổ phùng mang với ngôi sao trắng trên nền đỏ coi rất le lói, nhưng khi tôi về thì tất cả các PĐ quan sát trên bốn vùng đều mang một phù hiệu giống nhau. Phù hiệu nầy vẽ hình một con dơi đang bay với đôi mắt chiếu ra hai tia sáng màu vàng như ánh đèn pha xe đò đi lục tỉnh. Bởi cái hình vẽ coi không hùng dũng chi mấy, tôi không may phù hiệu vào một chiếc áo bay nào cả. Ngày về PĐ trình diện xong thì việc phải đi làm là lãnh quân trang vũ khí gồm áo bay, áo lưới, nón bay... súng P-38, dây đeo súng đạn, túi đựng mũ bay, súng bắn flare dùng cho mưu sinh thoát hiểm... Khi lên tàu, các hoa tiêu quan sát có nhiều kinh nghiệm thường mang thêm trong túi bay một bộ quần áo dân sự để phòng khi rớt tàu thì mặc vào mà chạy..."
"Loại tàu hành quân tàu tôi bay là L-19 ( hay O-1 tức Observation) do hãng Cessna làm, với 150 mã lực và hai ghế ngồi, ghế trước dành cho Hoa tiêu và phía sau dành cho Quan sát viên. Hoa tiêu mới ra trường sẽ được cắt bay với quan sát viên nhiều kinh nghiệm và ngược lại. Phi vụ thì có nhiều loại như phòng thủ vòng đai phi trường, hộ tống xa đoàn, liên
lạc cũng như hướng dẫn khu trục..."
"Trong thời gian đi bay, tôi không hề có một khái niệm gì về cái chết có thể xảy ra, dù có những Phi hành đoàn quanh tôi đi không về, hoặc thỉnh thoảng phải đi gác quan tài cho một tử sĩ nào đó trong nhà quàn. Khi thấy đại liên phòng không "nở" trắng quanh mình trong những chuyền bay ở Trảng Bàng hay Củ Chi, tôi thầm nghĩ:"Đ.M. bửa nay tụi mầy
bắn dử à nha". Có hôm đi hành quân về thấy một hoa tiêu cùng phi đoàn ngồi khóc ngoài phi đạo, tôi dừng bước hỏi xem có chuyện gì. Sau khi được biết là một phi hành đoàn bạn cùng đi hành quân bị bắn rơi trong một giờ trước đó, tôi thoáng sững sờ và phát một câu ngắn "Thế à?" rồi lại tiếp tục đi. Không phải là sự vô tình nhưng tôi biết không thể làm gì được và mọi lời nói đều vô ích trong lúc nầy, cũng chẳng thể khóc theo. Chiếc tàu xấu số đã bị bắn gẫy đôi cắm đầu xuống đất thì chắc chắn là hết thuốc chửa rồi ( Hoa tiêu L-19 cố đáp tàu khi trúng đạn chứ không nhảy dù, dù nguyên tắc an toàn bắt họ đeo dù trong chuyến bay). Đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ câu chuyện đó và dĩ nhiên không thấy vui nhưng thú thật hôm đó khi quay lưng là tôi đã quên ngay và chỉ lẵng lặng tiếp tục những công việc thường nhật, dù có hơi nặng nề ."

Trong mỗi phi vụ hành quân, phi hành đoàn gồm một hoa tiêu và một quan sát viên (QSV). Quan sát viên sẽ nhận chỉ thị, liên lạc với các đơn vị bạn, hướng dẫn khu trục đánh khi họ lên vùng. Nhiệm vụ của hoa tiên là mang tàu lên vùng, bắn trái khói chỉ dẫn mục tiêu và bay theo lời QSV yêu cầu. Những phi vụ của L-19 giới hạn trong thời gian 2 tiếng đồng hồ, cao độ bay hướng dẫn khu trục từ 1500 tới 3000 bộ trên mục tiêu hành quân nhưng vì tàu bay chậm mà phòng không bắn rát nên thường bay khoảng 4000 bộ trong những tháng sau cùng của cuộc chiến. Tài nghệ cùa pilot L-19 thể hiện rõ nhất qua cách bắn rocket khói chỉ dẫn mục tiêu, không có gì buồn hơn cho pilot khi nghe quan sát viên ngồi sau bảo khu trục "đánh dài 300 thước ( tức 300m sau trái khói ) hay " 300 m về hướng Bắc"... trên đường họ bay xuống mục tiêu. Nhiệm vụ của QSV rất quan trọng, họ phải nắm vững tình hình bạn ở đâu, địch ở đâu, địch có những loại vũ khí gì. Trước khi đánh họ phải cho khu trục biết những chi tiết nầy căn cứ vào vị trí của trái khói. Ngoải ra khu trục thường quẹo trái trở ra sau khi xuống đánh nên L-19 bay về phía bên phải dường xuống của khu trục. Trước khi khu trục lên vùng, địch quân ít khi bắn L-19 vì sợ lộ mục tiêu. Khi khu trục lên vùng rồi là lúc địch sẽ bắn nên sau khi bắn trái khói xong là ...em dzọt ra xa xa một tí. Ngay khi khu trục chúi xuống đánh, địch cũng ít khi bắn vì dể ăn bom, lúc bắn thuận tiện nhất là khi các đại bàng vẩy cánh cất lên. Vì vậy khu trục thường đánh một lúc 2 chiếc, chiếc vào bắn cover cho chiếc đang bay ra. Vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, phòng không địch tăng cường thừa thải, chúng bắn như rải hoa trắng trên trời, không biết đường đâu mà tránh, quả thực "trời kêu ai nấy dạ"...


http://hoiquanphidung.com/pics/UH_1.jpg

Và đây là tâm sự một Hoa tiêu Trực Thăng

"Khi bắt đầu bay hành quân chính là khi thử lửa. Đây là lúc anh nào mau "lạnh cẳng" thì sẽ lòi ra ngay. Mà không lạnh cẳng sao được kia chứ. Ngày xưa dù chiếc skyraider kềnh càng chậm chạp cũng đã từng vang bóng một thời, nhưng lúc nầy bay mau như phản lực vẫn bị phiền vì hỏa tiễn SA-7. Loại L-19 tuy chậm chạp nhưng không phải vô sát vùng nên đỡ, hơn nữa địch ít khi bắn L-19 vì sợ lộ vì anh chàng nầy chuyên tìm kiếm mục tiêu. A-37 thì lên vùng "đánh đại rồi về" (nói theo kiểu móc mỉa của dân bay trực thăng). Còn lại bao nhiêu thì trực thăng phải gánh. Những anh chàng hoa tiêu trực thăng Liên Khóa mới ra trường làm co-pilot là những thằng đau khổ, vì khi lên vùng thì chỉ được Trưởng Phi cơ dặn dò : "Nếu tôi bị thì anh cứ theo hướng bao nhiêu độ mà bay ra" rồi cho ngồi chơi xơi nước. Phần bay bổng và liên lạc thì pilot lo hết. Bởi vậy những phi vụ đi theo tháp tùng của co-pilot được gọi đùa là "tháp tùng tử"......
Không giống như những anh em bên fixed wings được chính thức chịu tránh nhiệm và làm chủ con tàu của mình ngay sau ngày ra trường như được tự mình cất cánh, hạ cánh hay bấm nút thả bom trên đầu giặc, pilots trực thăng thì chịu thiệt thòi không it vì khi mới tham dư hành quân chỉ có function là hoa tiêu phó. Tất cả quyền sinh sát nằm trong tay trưởng phi cơ, còn mình thì "trong nhờ đục chịu" giống như thân gái về nhà chồng. Mãi sau một thời gian có thêm nhiều giờ bay và kinh nghiệm thì co-pilot mới có thể được đề bạt lên hoa tiêu chánh bởi các staff trong phi đoàn rồi được check flight bởi Sĩ Quan (SQ) huấn luyện hay SQ hành quân phi đoàn. Còn lên làm trưởng phi cơ thì cần thêm nhiều kinh nghiệm trong nghề..."

Thực ra, sự tự thán như trên không hẳn là đúng. Sau bao nhiêu năm gác cánh, giờ nghĩ lại, tất cả đàn anh đều phải trãi qua đoạn đường như thế. Khi nắm trong tay sinh mạng của phi hành đoàn, người trưởng phi cơ ít nhất cũng phải có bản lĩnh và kinh nghiệm thực tế. Mọi phi công sau khi tốt nghiệp đều có thể điều khiển con tàu nhưng bay an toàn khi
hành quân là một chuyện đòi hỏi không chỉ kỷ thuật bay mà còn kinh nghiệm chiến trường. Một người lái xe mới lấy bằng lái thì không thể sánh với một người lái xe lâu năm. Huống chi, nghề bay bổng đòi hỏi nhiều kỷ thuật phức tạp hơn.

Phi hành đoàn một chiếc UH-1 gồm có bốn người, hai hoa tiêu một chánh một phụ, một cơ phi (cơ khí phi hành, mavor) và một xạ thủ. Khi sửa soạn cho một phi vụ hành quân thì co-pilot có nhiệm vụ ra tàu sớm, ký nhận tàu từ cơ trưởng, sau đó làm tiền phi (check tàu) tức kiểm soát dầu mỡ xăng nhớt, cánh quạt chính, quạt đuôi, xem xét nút chốt an toàn... Anh cơ phi thì lo châm dầu mỡ và bảo trì tổng quát. Anh xa thủ lo đi lãnh hai cây đại liên M-60 từ kho ráp vô càng nếu là tàu slick. Hai ghế trước thì hoa tiêu chính ngồi ghế phải, hoa tiêu phụ ngồi ghế trái. Phi vụ lệnh cho mỗi ngày được nhận từ tối hôm trước bởi SQ trực. Nhiệm vụ của SQ trực là điều hành tổng quát cho Phi đoàn. Hàng ngày cứ khoảng 9-10 giờ tối là SQ trực nhận được phi vụ lệnh từ Không đoàn ghi vào bảng phi vụ lệnh, các phi hành đoàn thì đã được SQ Hành Quân chỉ định và đã lên bảng từ trước. Thường các hoa tiêu mới về phi đoàn được "ưu tiên" thay phiên nhau làm SQ trực, một công việc hơi kém thoải mái vì phải túc trực ngày và đêm tại phòng trực phi đoàn.

Không ít các Hoa tiêu thuộc Liên Khóa 72-72 đã hy sinh trong cuộc chiến, khi huấn luyện và cả sau cuộc chiến vì tù tội, còn số bị thương tích trong khi hành quân thì nhiều. Vì thiếu thốn nhiên liệu nên các phi vụ cũng giảm thiểu dần. Trực thăng từ khoảng năm 1974 trở đi đa số đảm trách các phi vụ tiếp tế, tản thương, đổi quân cho các tiền đồn bộ binh, đổ toán, chở VIP... Không còn các hợp đoàn lớn đổ quân ào ạt như trước.

Ôi, có lẽ đó cũng là dấu hiệu suy thoái trong thế bị động của cuộc chiến để cuối cùng đành ôm hận buông súng ra đi vào năm 1975.


http://hoiquanphidung.com/pics/f5.jpg

(Một phần tài liệu viết theo đặc san 72A "Không Gian Hằn Nỗi Nhớ" )