PDA

View Full Version : Quãng đời binh nghiệp



Longhai
09-15-2012, 02:43 AM
Quãng đời binh nghiệp

Hồi ký của Nguyễn Quang Hữu


Quốc gia lâm nguy,
Thất phu hữu trách.


Nói dóc vậy cho oai, chứ cái ngày ra Cảnh sát quận ký nhận giấy nhập ngũ cũng hồn xiêu phách tán, mấy ngày mới đứng vững được nhờ hai câu Kiều : “Cũng liều nhắm mắt đưa chân, Thử xem con tạo xoay vần tới đâu”.

Khóa một kỹ sư điện ra trường vào tháng tư năm 1961, đa số về phục vụ Quốc gia Trùng tu Điện lực cuộc, mấy ông công chức cũ ở Bộ Công chánh gọi là đám kỹ sư nội hoá. Tôi được ra thực tập tại nhà máy điện Qui nhơn, một nhà máy vỏn vẹn có hai máy phát, công suất 250 kW mỗi máy và chỉ có hai trạm biến điện phân phối ở ngoài phố, phố chính là phố Gia Long.

Người xếp sòng lúc đó là cụ Cao Anh, tôi rất giữ ý, không dám sục sạo nhiều vào nhà máy và công việc điều hành của cụ, chỉ có hôm nào cụ mời đi coi gì tôi mới đi. Những chi tiết kỹ thuật để làm báo cáo tôi đều hỏi anh Quang, cũng từ Sài gòn ra. Hai căn nhà mới xây, kiểu cư xá Thủ đức loại A và một văn phòng ở cuối đường Gia Long, lúc đó đối với Qui nhơn là một nền văn minh nổi bật, so với cái thành phố nghèo mới trở về quốc gia được mấy năm. Mộng của đa số dân chúng nơi đây vẫn là một cái xe đạp mới và một cái đài chạy pin đeo ở ghi-đông. Cụ Cao Anh ở một nhà, vợ chồng anh Quang và chúng tôi, một hai người ra tập sự, ở một nhà. Đâu đó, cái ý nghĩ trung ương cho tôi ra để thay thế, đã làm cụ nhiều khi mất bình tĩnh. Đó là thời ông Nguyễn Văn Dinh và cụ Nguyễn Dần, cha của cố kỹ sư Nguyễn Cương.

Tôi được cụ Cao Anh ký sự vụ lệnh cử ra coi nhà máy điện Quảng Ngãi, quê của cụ. Nhà máy này mới lập, trang bị một máy phát điện 125 kW, 19 giờ cho máy chạy và 7giờ sáng cúp. Mỗi lần đóng máy là số Ampère vượt quá gần gấp đôi cường độ tiêu chuẩn của máy, máy gầm lên. Việc phân phối điện lúc đó là do quyền của Trưởng ty Công chánh Tiếp, rất thân với Tỉnh trưởng Tất, người đang hét ra lửa. Tôi liền làm báo cáo về cụ Cao Anh tình trạng quá tải của máy, sao gửi ông Trưởng ty Công chánh. Cụ Cao Anh sau đó điện cho tôi hay là cốt sao cho có điện vì lý do chính trị nhiều hơn. Chẳng may cho tôi, tối hôm đó mấy ông thợ cho hay là có gánh cải lương của Cậu (Cẩn) cho về Quảng ngãi hát, phải đóng điện gấp. Tôi báo cáo với Trưởng ty Công chánh là phải cúp bớt một vài nơi mới đóng được vì họ dùng những đèn chiếu cả ngàn watts. Không biết Trưởng ty Công chánh báo cáo với Tỉnh trưởng làm sao là tôi nhất định không chịu đóng điện. Tôi bàn tính với mấy người thợ, họ chạy đi cúp bớt một số tư gia ở ngoài phố, mặc dầu máy vẫn quá tải 150 phần trăm. Cuối cùng tôi đóng điện cho gánh hát và tới canh chừng luôn. Sáng hôm sau tôi nhận được điện tín từ Bộ Công chánh kèm theo điện tín của Tỉnh trưởng Quảng ngãi là cho thâu hồi đương sự về trung ương tức khắc và áp dụng biện pháp kỷ luật, sao gửi phủ Tổng thống, cùng một lúc tôi được cho hay là tất cả thợ của nhà máy, khoảng bốn người, đều bị bắt vì có lý lịch Việt cộng, chiếc máy phát điện chạy được hai ngày nữa thì máy Diesel gãy trục quay chính, lòi cả Piston ra ngoài.

Về Qui nhơn ít lâu, cụ Cao Anh báo cáo là máy hư vì lý do chế tạo (Défaut de fabrication), ông Dinh có ghé Qui nhơn và nhận ra tôi, kẻ đã làm gaffe (lỗi) ở Quảng ngãi. Tôi cũng nhận được giấy phải trình diện ngay tại tiểu khu nơi đang cư trú để chứng nhận tình trạng hợp lệ quân dịch. Thật ra là ở Quân vụ thị trấn Sài gòn, vì không hiểu kỹ nên tôi tới trình diện Tiểu khu Qui nhơn cho nó tiện, ngờ đâu vì vậy mà mang luôn số quân của Quân đoàn 1. Sau mấy tháng lang thang Qui nhơn, Ban mê thuột, Vĩnh long, v.v..., về Bộ Công chánh, tôi nhận được giấy gọi đi học khoá 14 Thủ đức. Đó là năm 1962 sang 1963. Các anh em khác vẫn được hoãn vì lý do công vụ.

Buổi trưa tôi hay ngồi ăn ở quán Thanh Bạch phía dưới nhà hàng Olympia, có một ông Bắc kỳ gầy gầy, thấy tôi liền nháy nhó “Tôi thấy ông có nhiều đặc biệt, để tôi coi chữ ký cho ông, nếu đúng, muốn đưa bao nhiêu cũng được.Tôi coi luôn chỉ tay.” Đang rỗi rảnh nên tôi cũng tò mò coi cho vui. Sau khi tôi ký, ông ta giảng : “Theo như chữ ký đây thì ông sống xa gia đình, ông có sự nghiệp, còn ký nữa, làm lớn, nhưng ông không sợ cấp trên, mất lòng đấy, nếu ông vào quân đội thì nhờ có tướng chỉ huy, ông có thể lên đến tướng, còn tá thì đương nhiên...” Nghe lời bốc láo của thằng cha này, tôi nửa tin nửa ngờ, hay là mình phát về Quân đội ? Thật ra tôi thuộc diện miễn dịch vì gia cảnh, nhà ba con trai, hai đã ở trong Quân đội và có bố già nuôi dưỡng, nhưng xin làm quái gì cho nó yếu người ra.

Đầu tiên là tới Trung tâm 3 Nhập ngũ Quang Trung để làm thủ tục. Ai cũng nhớ đó là nơi có nhiều cây bã đậu và có mấy con dê. Dãy nhà chúng tôi ở là loại dành cho sinh viên sĩ quan, sáng có cà phê “vớ” và bánh mì dai, nghịch lại dãy nhà trước mặt dành cho hạ sĩ quan, không có ăn sáng, họ thường sang nhón của tụi tôi, đa số là các anh em ở quê lên, có anh còn búi tó, thấy thương tình, anh em chúng tôi cũng cười thông cảm. Có lần tự nhiên ồn ào vì một anh bên phía nhà đó đã tự chặt ngón tay trỏ (Dùng để bóp cò súng) để được miễn dịch, nhưng sau đó Trung sĩ Lâm cho hay là anh này sẽ bị đi tù vì tội hủy hoại cơ thể... cần gì ngón trỏ, ngón giữa bóp cũng chính xác chán ! Sau đó là lần lượt leo lên xe đi Tổng y viện Cộng hòa khám sức khỏe. Ở đây tôi gặp lại nhiều bạn trung học từ Hà nội cũ. Ngày khám sức khỏe là ngày tất cả xếp hàng, trần truồng như nhộng. Có thằng thấy cái cảnh này, cười quá và rỉ tai “Ê chắc bên nữ quân nhân còn gay cấn hơn nhiều !” Khi “ắp” rồi là chờ ngày vào Quân trường.

Tới trường Thủ đức, từng toán được thả xuống các dãy nhà. Đầu tiên là nhận giường, tủ, đơn vị, xong ra xếp hàng hớt tóc. Sấy làn sóng, tóc dài beattles... đều thành móng lừa hết! Lần đầu tiên thấy cái tông đơ nó leo cao quá. Hớt tóc xong tới màn đi lãnh đồ, mỗi người lãnh một túi xắc, hai bộ đồ trận, nón sắt, xẻng, hai đôi giày, chăn mùng, mền, drap, gà mèn, v.v... những tay khỏe mang đi được, những tay yếu là lết bết, nghỉ dọc đường. Khi thay đồ xong, thấy anh nào cũng xanh mát, lính mới tò te, đôi giày “Bottes de saut” mới mang vào lợn cợn đau chân, có anh nhún nhảy uốn éo như cô gái quê lần đầu tiên đi giày cao gót, ấy thế mà khi quen rồi thì lại rất khoái vì nó giữ rất vững cái cổ chân.

Xin nhắc lại, Trường Thủ đức đào tạo Sĩ quan trừ bị, nghĩa là tới tuổi phải cưỡng bách theo học, nếu chưa có nhu cầu chiến tranh có thể sau lớp huấn luyện được trở về dân sự, theo lý thuyết. Thủ đức cùng với Nam định khởi đầu từ 1952, dưới thời Thủ tướng Xuân, khác với hiện dịch (tình nguyện) như Trường Võ bị Đà lạt. Thời gian huấn luyện là chín tháng, hai tháng được khoá đàn anh gắn alpha, sáu tháng đi ngành (mãn khóa), ba tháng sau huấn luyện chuyên môn ra cấp bậc Chuẩn úy. Nhà trường có châm ngôn “ cư an tư nguy ”, trích trong sách Minh đạo gia huấn :

Đắc vinh tư nhục
Cư an tư nguy
Đạo cao đức trọng
Bất sỉ tệ y
và có KBC 4100.

Ở trường được chừng hai tuần, bữa đó đang ở giảng đường học súng Garant M1, có nữ quân nhân bịt mắt, biểu diễn tháo và ráp súng trong một phút, lên cơ bẩm xoành xoạch, thì tôi được gọi trả quân trang. Anh em đều nghĩ tôi được hoãn dịch, nhưng khi về trung đội nhận giấy mới biết mình được gắn lon Chuẩn úy và được về phép 15 ngày, sau đó “Đáo nhậm Sư đoàn 9 Bộ binh, Quân đoàn 1”. Tá hỏa tam tinh, tờ giấy giải thích là chiếu theo việc tôi đã đậu Chuẩn úy từ năm 1956, qua lớp “PMS” quân sự học đường. Ông Thiếu uý Sanh, huấn luyện viên cười sằng sặc “Thấy bà chưa, anh cũng như chỉ có khẩu quyết mà không có nội lực, coi chừng về đơn vị đàn em nó diễu cho thắt họng”. Ấy thế mà lúc xuống kho trả quân trang, vũ khí, các Trung sĩ đều một hai “thưa Thiếu úy” (Vì tâng bốc, ai cũng kêu Chuẩn úy bằng Thiếu uý), mặt tự nhiên cũng hơi vác lên.

Về Sài gòn nghỉ phép, lò mò lại điện lực chơi, anh em cho hay là mình có tên trong danh sách được hoãn dịch vì lý do công vụ, nghe nói do ông Trần Ngọc Oành trình tận tay Tổng thống Ngô Đình Diệm, đây là các chuyên viên tối cần để hoàn thành nhà máy Đa nhim ! Xin được bản sao, kèm với sự vụ lệnh Chuẩn úy, nhờ sở chuyển trả Bộ Quốc phòng, thế là yên tâm. Lúc đó đã ra đời Chương trình Nhà máy Nhiệt điện Thủ đức và Vòng đai 66kV, tôi được sang làm với thầy Nguyễn Hữu Minh, ông Hà Văn Kha, và từ giã ông Giám đốc "đi giày cao gót" Lê Khắc Huề, tất cả thuộc Tổng cục Điện lực Việt nam, giống như “Electricité de France” (EdV), sau này CDV là tiếng Việt rồi. Mấy bữa, lại có nghị định cho đi tu nghiệp tại Pháp chín tháng của Bộ Công chánh, chương trình tu nghiệp do ông Nguyễn Khắc Nhẫn hoạch định. Cuộc đời biến đổi như vậy, nên mới đây có anh bạn Chu Văn An cùng khoá 14 Thủ đức, ở Texas, đã nói rằng “tên quái dị đó nó đang học ở Thủ đức được gọi ra rồi biến đi đâu mất tích, mới đây, bao nhiêu năm sau, thấy xuất hiện tại Bỉ !”

Năm 1978, hai Sĩ quan “Quân đội nhân dân” miền Bắc tới Sở Xây dựng Thành phố tìm nhà thầu để sửa lại câu lạc bộ Trường Bộ binh Thủ đức. Tôi được đi theo anh năm P. cán bộ tập kết coi nhà thầu anh Sáu K. cùng với hai tên có vẻ Sĩ quan cao cấp đó bằng xe command car Liên xô. Trên xe họ nói chuyện với nhau về ca sĩ này đẹp, ca sĩ kia hát hay... cười nói ngạo nghễ. Họ xuống chỗ câu lạc bộ của trường Bộ binh và giải thích với chúng tôi “Cái mái của câu lạc bộ, Mỹ nó thổi một lớp mút quá dày, có vài nơi bị nứt trông xấu quá, chúng tôi muốn các anh điều nghiên và lập cho chúng tôi một bản chiết tính công tác gỡ bỏ lớp mút và thay thế bằng ngói.” Tôi để anh năm P. vào coi chi tiết bên trong, còn mình thì đứng phía ngoài bâng khuâng nhớ lại tháng ngày cũ. Tôi xuất thân từ đây ra, mang cấp bậc Trung úy trừ bị, đang được đề nghị Đại úy, nay quân đội miền Bắc vào chiếm trường, lên mặt kẻ thắng trận, vênh váo, nếu trước đây gặp nhau thì không biết thằng nào đã “ Tử vì đạo ”!

Cũng như hôm qua dẫn con ra chơi ở bến Bạch đằng, phảng phất câu thơ Đường “ Thương nữ bất tri vong quốc hận ”, bên sông còn hát “Sài gòn đẹp lắm Sài gòn ơi, Sài gòn ơi.”

Hơn mười năm trở lại, chỉ có câu lạc bộ là sửa lại đẹp đẽ, tôi nhận ra ngay khu nhà chúng tôi ở trước, phòng tắm, bể nước vẫn vậy, chỉ có vẻ hoang tàn, trống trơn, không có hai dãy giường sắt và tủ.

Ngày 01 tháng 11, 1963, anh em Tổng thống Diệm bị giết, chúng tôi đang coi tin tức ở Toà Đại sứ Việt nam Cộng hoà tại đường Monge, Paris, chúng tôi về nước 1964, nội các chiến tranh của ông Nguyễn Cao Kỳ, Tổng Giám đốc Điện lực là ông Dương Kích Nhưỡng (Theo tuần tự trong vòng mười năm: Đinh Quang Chiêu, Dương Kích Nhưỡng, Nguyễn Hữu Minh, Nguyễn Bá Nhẫn, Bùi Hữu Tuấn, Trần An Nhàn, Nguyễn Trung Trinh, Hồ Tấn Phát), trụ sở ở số 12 đường Hồng thập tự. Tôi làm việc cho Nha Kế hoạch và Dự án do ông Lê Bá Trực làm Giám đốc. Công việc không có nhiều, lâu lâu nhận được lệnh lên Tân mai Biên hòa, xóm di cư, thống kê bao nhiêu nhà, có cần điện không, có máy móc gì xài điện không? Nhà nào cũng đều nói xin lên trình với Cha xứ. Khi gặp Cha thì hể hả, cho biết số gia đình, rồi “nếu lễ Giáng sinh mà có điện sáng trưng thì vui biết mấy”, Cha tiễn đưa ra cửa nhà thờ và cám ơn đi cám ơn lại, "xin cầu ba câu kinh cho ông".

Phải nói là sau chính phủ Ngô Đình Diệm, chính trường miền Nam mất cân bằng, liên tục đổi từ quốc trưởng Dương Văn Minh Nguyễn Ngọc Thơ, Phan Khắc Sửu Trần Văn Hương, Nguyễn Khánh (cạo râu, để râu), chủ tịch Nguyễn Văn Thiệu Nguyễn Cao Kỳ (đá gà), lòng người xốn xang, nhất là dân Bắc di cư và dân liên khu tư cũ, ít nhiều đã biết được lối cai trị của chế độ miền Bắc, xảo quyệt, tàn ác. Nếu hàng ngũ ta chia rẽ càng nặng thì cái thua càng chắc. Thượng bất chính, hạ tắc loạn, không riêng gì điện lực, các bộ khác cũng vậy, đám trẻ quậy phá, không còn kỷ luật, nên chính phủ hồi đó cho lệnh khoá 21 trừ bị, đầu cuối 1964-1965, gọi tất cả những thành phần coi như khó trị và mệnh danh là khoá Sĩ quan kỹ thuật để chuẩn bị tiếp súc với quân đội Mỹ sắp đổ bộ vào miền Nam. Tôi lại nhận được giấy gọi, lại Trung tâm 3, lại quân trường và lại rơi vào đúng Thiếu úy Sanh. Ông ta cười “Tôi đã nói anh mà, chạy đâu cho thoát, đừng có nhận chuẩn uý PMS.” Thời gian đó, tôi nhớ, sáng 5 giờ dậy là có một ngôi sao chổi rất lớn, ai cũng nói là điềm mất mùa, loạn lạc.

Trung đội tôi có Phạm Hữu Bình, trung đội khác có Phạm Văn Quan và trung đội khác nữa có Trần Háo Đức... dân điện lực có thể còn nữa mà tôi không được biết. Người nằm giường trên tôi là một giáo sư, tên Hưng, cách tôi mấy giường là Đoàn Trọng Bào (Chu Văn An), ngang giường tôi có một anh người Gò công, da trắng như trứng gà bóc, gầy gò nhưng mặt lúc nào cũng diễu, mỗi lần đi tập về mặt anh ta đỏ ửng lên và anh em mệnh danh ngay là “gà say” (Chicken drunk). Giáo sư Hưng, nằm giường trên tôi, những ngày đầu mỗi lần lên xuống giường đều lịch sự mỉm cười xin lỗi, cho tới ngày được đi phép mang vào một chai Johnnie Walker, mấy thằng xuống câu lạc bộ làm hết, tối hôm đó anh ta hết leo lên lại leo xuống, cả chục lần, như thằn lằn, miệng thì luôn luôn đù mẹ, mê man tưới sượi, đọc những khẩu quyết đã học được : “Đi vào cái chết tìm sự sống, tuer ou être tué, cách phòng thủ hay nhất là tấn công”, vừa nói vừa múa may.

Một anh ở phía bên kia thấy vậy :

- Ê, giáo sư, có nhớ câu “anh hôn môi em nhiều hơi dài” không ?

- Nhớ chứ, Ánh sáng, Hình thể, Màu sắc, Mùi hôi... há há !

Trung đội Phạm Văn Quan có nhạc sĩ Cung Tiến, phét lác bị đì, phạt quấn poncho giữa trưa nắng, hết phạt, chiều đến hắn lại lên chơi với Tướng Nam, Chỉ huy trưởng. Vui nhất là có anh tới tập họp trễ bị Thiếu uý huấn luyện viên phạt :

- Tôi cho anh hai phút phải ăn hết đĩa cơm ở câu lạc bộ.

Chưa tới hai phút, tên này chạy ra :

- Thưa Thiếu úy trả tiền giùm !

Trung đội Trần Háo Đức có giáo sư toán Đinh Tiến Lãng, mặt dài như Fernandel, lúc nào cũng quay trái quay phải y như đang đánh xì bịp. Có buổi chiều ra giữa sân, thấy tôi, anh ta nháy nháy rồi ròm người xuống : “Đ. mẹ thằng H!” Lại thêm một tên nữa lùn tịt có cái răng cửa bị mẻ ra phụ họa, đọc thơ chế biến bậy bạ : “Vua Lê Thánh Tôn có răn dạy rằng 'đàn bà goá không được chứa những đứa trai trẻ ở trong nhà, nói dối là con nuôi để ám hành những việc gian dâm', mày có biết không hở cái thằng H.mặt dày kia !” Ông tướng này cũng là giáo sư, hình như tên là Quý, cái áo thung quân đội phát, anh ta mặc tới đầu gối thành ra lúc nào cũng như một thằng nhỏ mặc áo ngủ, buổi chiều canh lúc có con nhỏ con ông Trung sĩ hay xuống lấy đồ giặt thì anh ra đứng tựa cửa, nhìn trời xỉa răng, phía dưới kéo quần đùi xuống cho ló khỏi áo thung. Con nhỏ đi qua, một anh khác “Ê” rồi chỉ xuống cái quần xà lỏn gần tới mắt cá của tên Quý, con nhỏ hét. Thế là lại kéo quần lên, khoái chí.

Còn một thành tích của trung đội này là “Chưa ra trường đã bắt được địch”. Hôm đó ra bãi sớm, trong lúc chờ Trung úy huấn luyện viên tới, anh em thấy một thằng nhỏ cỡ mười ba, mười bốn đang lượm vỏ đạn. Nó đang tính len lén lỉnh đi thì một anh gọi lại :

- Ê, đứng lại.

Cũng ở trong đám của Đinh Tiến Lãng, thằng nhỏ đứng yên :

- Lại đây, coi cái bao đeo ở vai.

Thằng nhỏ chìa cái bao :

- Thưa cháu lượm vỏ đạn bán đồng cho ve chai, mua gạo nuôi má cháu bịnh, nếu các chú không cho thì cháu xin trả lại. - Mày nói dóc, cái này mày nộp cho Mặt trận giải phóng miền Nam ra khu thay cái kích hỏa, cho thuốc nổ và gắn đầu đạn vào là bắn chúng tao chết tươi. Mỗi viên đạn là một sinh viên Sĩ quan. Thằng nhỏ đứng xớ rớ im lặng. Một đám người bao quanh, mỗi người một ý kiến.

- Im, im, tao hỏi mày, mày có phải là Việt cộng không, nếu mày ngoan cố chúng tao đem về trường, có máy điện tử đo óc mày coi nói dối hay nói thật. Sau đó nếu mày vẫn chưa nhận thì có giật điện, treo tòng teng, hay mò tôm... là những biện pháp mà chúng tao không muốn làm. Bây giờ mày có nhận không ?

Thằng nhỏ bắt đầu run, hai đầu gối lắc lư :

- Dạ có.

- Thế chứ, nhiệm vụ của mày là gì ?

- Dạ, cháu chỉ có báo cáo, khóa mấy, bao nhiêu người.

- Làm sao mày biết ?

- Nghe lén các chú nói chuyện.

- Mày báo cáo với ai ?

- Dạ, chỉ có người tới một tối rồi đi liền.

Vừa lúc sĩ quan huấn luyện viên tới, anh em trình diện thằng nhỏ và báo cáo lời khai của nó. Trung úy có vẻ suy nghĩ rồi cho lệnh cho nó theo xe về giao cho ban an ninh trường khai thác.

Đa số thời gian ở trường là đi bãi, vùng Tăng nhơn phú, sáng sớm hai hàng sinh viên ra khỏi cổng trường, theo hai mép đường, hôm đó Trung uý Đại đội trưởng lắc lắc đầu :

- Không được, mình đi như thế này có ngày nó cho hai quả mìn Claymore là mình lãnh đủ.

Quả thật một khóa sau này lãnh Claymore, chết và bị thương khá nhiều.

Học ở bãi, trên ngọn đồi trọc, nóng như thiêu, mồ hôi nhỏ ròng ròng trong áo. “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu !” Nghỉ trưa là có các cô bán chè lấp ló sau các rặng cây khuynh diệp, đậu đỏ bánh lọc, chè bột khoai, xương sa đá bào, v.v... Những ngày tập bắn là khoái nhất, một thằng xạ thủ, một thằng phụ, thay phiên và xếp hàng hai lần lãnh hai phần đạn, nện cho đã. Trời đang nắng, đổ mưa sầm sập, nằm ướt nhẹt như trâu đằm mà không hề cảm cúm, có lẽ nhờ chích thuốc TAB.

Tiếng hô nhát gừng của huấn luyện viên trên chòi cao :

- Tám viên nạp đạn, mở chốt an toàn, nhắm súng vào bia...

Đùng, đùng, đoành !

- Chưa chi đã ra rồi ! bắn !

Ngày thi bắn lấy bằng thiện xạ, súng Garant M1, khoảng cách hai trăm thước, trong trung đội, chỉ còn tôi với Nguyễn Hà Đoàn (Công nghệ); sau đó tôi thiếu một điểm, Nguyễn Hà Đoàn có cái mề đay thiện xạ.

Di hành hay dạ hành là những đêm ra đóng quân ngoài bãi. Buổi chiều, về phía Tây mặt trời vừa lặn, chân trời một màu vàng ửng, toán quân trang bị, hàng một, cắt bóng sẫm lên nền trời vàng, một hình ảnh âm thầm lặng lẽ mà thật tuyệt đẹp. Trong khi đi, truyền tai nhau mật mã “Quang Trung Đống Đa”. Nếu đụng một bóng người phải nói ngay “Quang Trung”, nếu bên kia nó im không trả lời là nó sắp quơ mã tấu chặt mình đấy, phơ liền. Đêm đó tôi được gác dưới chân đồi, cách tôi chừng hai chục thước có một trạm nữa. Nửa đêm thấy một nhóm người lố nhố trong ánh sáng trăng lờ mờ đi tới. Tên trước tôi hô “Quang Trung”. Toán người kia không trả lời vẫn cứ tiến. Tôi đã chĩa súng về phía đó, nếu thằng kia nổ là tôi nổ phụ, thế nào đại đội cũng tới cứu. Thằng kia lại hô, giọng hơi run run “Đứng lại không tôi bắn!” Có tiếng cười hà hà rồi: “Trung sĩ T. nhà trường đây, đi coi lại cách sắp xếp các trạm gác.” Nghe giọng nói quen quen nên thở ra.

Cũng tối đó, tôi mãn gác về nằm gần Trung uý Đại đội trưởng chừng nửa tiếng thì có tiếng la thất thanh ở Radio PRC 10:

- Báo cáo Trung úy, có một bóng người vừa chạy qua, không xa lắm, hô đứng lại nó không đứng.

- Sao anh không bắn thị oai ?

- Dạ em giữ gà cồ, không biết bắn.

- Nó có súng không ?

- Không, hình như nó vác một cái bao ở lưng.

- Được rồi, không sao đâu.

Trung úy quay lại nói với tụi tôi : “Sợ nó có súng là du kích, đó chắc là mấy tên về thâu thuế. Hồi xưa tụi tôi đi kích tóm được mấy tên này là có tiền đấy.”

Những ngày mệt mỏi nhất là ra sân đi đều, quay trước quay sau, nghiêm nghỉ, bồng súng chào. Đánh tay cao lên... đường trường xa... Tôi còn nhớ có một anh hễ cơ bản thao diễn là anh ta không biết chân nào trái, chân nào phải, anh ta hay bị gọi ra khỏi hàng và mỗi lúc như vậy hai chân lính quýnh như gà mắc rợ, ai cũng phì cười. Một hôm ra bãi, tôi thấy một đống, súng ba lô và quần áo, anh em cho hay là tên đó lợi dụng lúc nghỉ trưa đào ngũ rồi. Sau này nghe tin là địa phương báo cáo anh ta đã dùng giấy tờ giả để vào học trường Thủ đức.

Sau thời gian huấn nhục, nghĩa là khoá đàn anh (20) có quyền hành hạ khoá đàn em, bắt làm gì cũng phải chịu, nhưng khóa này lâu lâu có gặp đàn anh ở Câu lạc bộ, họ khúm núm : "Thầy ạ !" Chúng tôi được khoá đàn anh gắn alpha và có quyền đi phép, đời thấy oai, nhưng Trung đội nào được đi phép phải bị khám quần áo thẳng nếp, giày thật bóng, dây nịt sáng loáng và hớn hở ra cổng, làm lơ luôn mấy anh bị nhốt vì kỷ luật ở F301 đang thò đầu ra la ơi ới.

Tôi khoái nhất là về ngõ Pasteur ăn phở gà, xong lang thang ra chợ giời Huỳnh Thúc Kháng coi máy móc rồi làm một vòng vào cái hẻm Catinat tìm sách báo Mỹ họ lượm, bán lại. Có hôm đang đi trên đường Catinat, thấy thằng lính Mẽo kính cẩn giơ tay chào, vì hồi đó còn bận đồ vàng, nón cát kết, chắc là nó chào mình. Từ đó quả thật, GI chào là chào lại, thấy Sĩ quan Mỹ là chào và nó chào lại, văn minh ra phết.

Tuần tới không được đi phép là trực trung đội. Xe hơi mới, áo dài muôn màu, như là đi trẩy hội, đó là dân đi thăm sinh viên Sĩ quan Thủ đức. Bãi cỏ ngoài cổng cứ từng nhóm, một sinh viên vây quanh bởi một nhóm thân nhân. Trung đội tôi có giáo sư vừa có vợ và con nhỏ tới thăm, một lúc lại có một cô tới thăm, đúng tên và Trung đội. Trường hợp này xẩy ra đều chi. Thằng trực vào hỏi tôi :

- Thấy mẹ rồi, anh H., anh T. có một người nữa tới thăm.

- Hỏi, cô đây là (Kéo dài và chờ một chút như cải lương ấy), nếu là em ruột, học trò, thì mày cho người ra gọi vào, nói Trung úy hỏi có việc gấp, tới chỗ khuất mày hỏi có đúng không ? có nhận không ? Nếu nó nói không nhận thì về trả lời là anh T. bị đau bụng phải nằm bệnh xá, xin cô viết cho vài chữ chúng tôi chuyển giao lại.

- Nếu cô ấy bất ngờ thấy ở ngoài chỗ tiếp tân thì sao ?

- Nó được thông báo rồi, chắc đang vẽ mày vẽ mặt, che lá ngụy trang, thoát hiểm mưu sinh ngay tức khắc, chứ còn đợi gì nữa.

Tôi chỉ chờ có vợ cái thằng giáo sư hay chửi tôi mà tới và tôi muốn phá là chỉ việc làm bộ thắc mắc : “Chị là vợ ảnh ? Lạ nhỉ, thế cái cô tuần trước, mặc áo dài đỏ, cao cao tóc dài, cũng nói là vợ ảnh mà còn cười duyên nữa thì là ai ?” Nhà nó là cứ cháy thành tro bụi !

Tết năm 65 là Tết Ất Tỵ, ba năm trước Tết Mậu thân, chúng tôi đa số dù về ăn Tết, cứ dúi hai trăm là có đường qua ngả thiết giáp ra ngoài, lúc vào không quan trọng vì thật sớm sinh viên hay lính nhà trường gác cổng cũng làm lơ.

Năm đó đang ở Sài gòn thì đài phát thanh quân đội kêu gọi các sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, sinh viên Sĩ quan thuộc Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ đức, có phép hay không có phép, phải về trình diện gấp tối nay, mồng hai Tết. Tối hôm đó tất cả sinh viên ra trực quanh hàng rào nhà trường. Tới hai giờ sáng thì súng nổ liên hồi. Thiếu úy coi chúng tôi đến rỉ tai :

- Chuẩn bị, chúng nó tấn công đấy !

- Mình tập hay là thật ?

- Có mật báo là “tụi nó” đánh trường tối nay.

Nghe xong thấy ớn lạnh, cái này là đụng trận đấy. Nghiêm chỉnh chĩa ngay Garant ra ngoài, Phạm Văn Quan nằm gần tôi, hốt hoảng : “H.ơi, tớ mất súng rồi !”. Sau mới hiểu ra là trước khi ngủ anh ta để súng bên tay phải, ba lô tay trái, lúc nghe chúng tấn công, quýnh quá, quay một vòng rồi mới ngồi dậy, sờ không thấy súng. Súng vẫn nổ, có tiếng gà cồ lẫn với những tràng AK chát chúa, đạn bay trên đầu chíu chíu. Sinh viên ngồi gác trên cái chòi tôn la : - Thiếu úy ơi, em xuống hay là cứ ngồi trên này, nguy hiểm quá. Mỗi lần thấy nó bắn là nháng lửa.

- Cứ ngồi đó đi, không sao đâu.

Tiếng súng thưa dần và tắt hẳn, trời bắt đầu sáng, không biết chuyện gì đã xảy ra. Anh em rút về doanh trại. Tin cho hay là chúng tấn công trường Thiết giáp bên cạnh, cướp M113, may có những hạ sĩ quan ở đơn vị về học, họ đánh xáp lá cà với địch, hơn nữa các xe đều khoá và không có xăng. Chúng lấy được hai cái, một chạy về tới ngã ba Cây Thị Gia định thì hết xăng, một chạy thẳng ra chợ Thủ đức nằm ụ luôn. Ta khai thác được biết đặc công đã được huấn luyện lái xe M113 từ Trung quốc, mục đích lấy xe về phá Sài gòn và chợ Thủ đức, gây tiếng vang, trong số các xác chết có một số đang làm việc trong trường, như thợ hớt tóc, nhà bếp...

Hôm sau nhà trường vẫn sinh hoạt như không có gì xảy ra.

Trung đội tôi đã có dịp tổ chức đêm tiễn đưa Trung úy Đại đội trưởng xuất ngũ về hưu. Trung úy cũng là giáo sư, động viên từ hồi còn ngoài Bắc, không hiểu sao Trung úy muôn năm, vì những người xuất thân Nam định đều đã làm tới tướng cả. Trung úy có cái phong cách nhẫn nại, khắc khổ, chịu đựng của một huấn luyện viên, y như Louis Gosset Jr. trong phim Gentleman and Officer. Để kỷ niệm, Trung úy họp anh em lên đầu nhà chụp hình bằng cái máy cũ Telka 2 của Tây. Sau này tôi có về thăm Trung úy tại Bộ Giáo dục, Trung úy tiếp tôi bình thản qua hai câu hỏi thăm rồi ngồi yên. Bàn làm việc của Trung úy không một tờ giấy và tất nhiên không thấy có ly nước. Trung úy ngồi chơi, suy ngẫm. Đêm mãn khoá đã tới, nhà trường chuẩn bị cả tuần lễ trước, chúng tôi tập cơ bản thao diễn mệt nghỉ. Tôi, Phạm Hữu Bình, Nguyễn Hà Đoàn được gọi lên Trung đội trình diện và Thiếu uý lắc đầu “Không có anh nào ra hồn”, hóa ra định chọn trong số kỹ sư để cho ra thủ khoa. Khoá 21 kết thúc, nhạc sĩ Cung Tiến, thủ khoa, người lanh lẹ và có danh tiếng, tác giả các bản nhạc nổi tiếng : Thu vàng, Nguyệt cầm, Hoài cảm v.v... Đêm mãn khoá có thân nhân tới thăm, nhà trường mở bal tiếp tân. Tôi chỉ nhớ câu hô “Quỳ xuống các người, đứng lên các tân sĩ quan!” Nhiều anh em cảm động và tất cả đồng ca Đường trường xa... con chó nó tha con mèo. Anh nào cũng mua một cuốn an-bum nhỏ Thủ-Đức, có hình sinh viên giơ kiếm chào để tặng người thân.

Sau đó được đi phép và chờ đi ngành. Nguyễn Hà Đoàn và tôi về Trường Công binh Bình dương. Phạm Hữu Bình đi Hải quân và Phạm Văn Quan đi Truyền tin. Nhớ những ngày nằm chờ tin đi ngành, còn hơn chờ coi bảng thi đậu. Một buổi trưa con nhỏ hay xuống lấy đồ giặt cầm hai ba tờ giấy, đi từng nhà : “Các chú có tên phải trả tiền liền.” Nó bắt đầu đọc. Anh em lúc đầu hơi lấy làm lạ. Một thằng tự nhiên hô “danh sách đi ngành”, thế là nhào tới giựt ngay mấy tờ giấy. Con nhỏ khóc quá xá. Bố nó là Trung sĩ đã đánh bản danh sách này ở văn phòng và chưa được chính thức công bố !

Đi từ Sài gòn về Bình dương, trước khi tới tỉnh lỵ, nhìn về phía tay phải hơi hơi cao, thấy dãy nhà sắt màu xám, lợp ngói, kiểu trại lính Tây hồi xưa, đó là Trường Công binh. Tại Trường Công binh chúng tôi học về gài và gỡ mìn, có trái mìn có thể canh cả năm sau mới cho nổ, còn chuyện mở công tắc xe mà mìn nổ là quá thường. Chúng tôi học ráp cầu Bailey, lập cầu nổi như chiếc cầu tạm ở Huế hồi Mậu thân, có những vũng nước mà chúng tôi ném thuốc nổ C4, cả cây nước dâng lên. Trong khóa chúng tôi có rất nhiều dân địa chánh, công chánh, có nhiều anh đã đi Mỹ, Pháp. Anh Thiếu úy Quốc, dạy môn thử đất, là dân Công chánh, hôm đầu anh ta giảng về các phương pháp thử đất có một tiếng Đức hay Anh gì, hình như là “AASHTOT” mà tôi và Nguyễn Hà Đoàn rất khoái, về sau cứ tới giờ anh ta và anh ta hỏi gì chúng tôi cũng chỉ trả lời bằng cái tiếng này. Mỗi lần như vậy, mặt anh ta tím lại. Cuối khóa, tôi và Nguyễn Hà Đoàn được zéro về thử đất, Trung úy phụ trách khóa cho hay là nhà trường đã phải cho mỗi anh 3 điểm, nếu không sẽ ra Trung sĩ !

Những ngày ở Trường Công binh Bình dương không cực lắm, những buổi bắc cầu Bailey, được tắm sông lặn hụp, y như hồi còn ở quê mỗi chiều tắm trâu, bịt mũi lặn xuống ngòi, cái chính là nước đong đưa chiếc cầu, phải rình đóng được cái chốt ngang là xong. Cũng như ở Trường Thủ đức, chúng tôi lại bị một cuộc địch tấn công bốt Gò Dầu, cách trường không tới một cây số. Tối hôm đó cũng lúc hai ba giờ sáng, súng nổ liên hồi, cũng tiếng AK bốp bốp, chúng tôi được thông báo ngay là địch đánh đồn Gò Dầu, anh em chuẩn bị sẵn sàng ứng chiến. Trong trung đội có tên Công, giọng nói the thé, hôm đó vừa lúc đạn lửa và đạn thật bay vào trường, xẹt vào sắt xoang xoảng, tên Công lăn ra, thò tay vào ngực “Trời, cái đầu đạn, trời, tôi lãnh cái đầu đạn”, anh em bán tín bán nghi, tới lúc nó xuống giọng xàng xê “than ôi cái đầu đạn vô tình này đã giết chết một đời trai đang độ á oai à hùng”, thì ở phòng bên kia có tiếng vọng sang “Công, ngủ đi.”

- Đù mẹ thằng nào nói nữa, tao bộp thật đấy.

Sáng hôm sau, một Đại úy Thiết giáp vào trường tường thuật trận đánh. “Một chiếc xe Jeep vào đồn, có bốn Sĩ quan xin gặp một Sĩ quan trong đồn, nói tên đàng hoàng, lính gác cổng coi giấy và cho vào, vừa vào tới trong họ rút ngay AK ra và đi từng phòng ngủ quạt lên các giường nằm, cũng may không có ai hết vì đi coi cải lương ráo trọi chưa về.Số trực trại thì đang binh xập xám ở dưới bếp, ấy nhờ đám đó lấy súng chống trả mà địch bị bất ngờ. Đám cảm tử của địch xông vào cướp xe tăng, tụi nó lấy được có một chiếc, Sĩ quan đi coi cải lương lúc đó mới chạy về kêu cứu đơn vị thiết giáp tụi tôi, lúc tụi tôi chạy lên, giữa đường thấy một xe tăng của mình đang đi về hướng chiến khu D, theo quy ước thì khi gặp bạn xe phải quay mũi đại bác ra phía ngoài đường, tụi tôi quay, nó cũng quay nhưng nó quay luôn, khi thấy chúng nó chĩa vào xe mình thì hoảng hồn, chắc là súng bị khóa không bắn được, tụi tôi tình nghi, liền cho một xe đuổi theo, số còn lại về cứu đồn. Chúng tôi án ngữ phía ngoài, bọn nó liều mạng mở đường rút lui, trong đó có một Trung úy Thủ đức ở đơn vị về phép, cộng với ba tên sĩ quan giả dạng. Đồng bào cho hay là hồi đêm họ về bán giấy, 500 đồng mỗi người, đi theo họ, lên đồn, xung phong vào cướp xe rồi chở lên chợ Bình dương, giải phóng, đồng bào ai muốn lấy gì thì lấy, vải vóc, vàng bạc, mặc sức... đâu có ai dám đi. Chiếc xe tăng chạy vào rừng, hôm nay trực thăng thấy được rồi, đang nằm ụ một chỗ.”

Hết khóa, Nguyễn Hà Đoàn và tôi được về Căn cứ 40 Công binh, góc Trần Quốc Toản và Lê Văn Duyệt, cùng khóa còn có tên Công và trước đó có Thiếu úy Xuân cũng Phú thọ ra. Tôi coi hai xưởng Điện và Lạnh, Nguyễn Hà Đoàn Máy cày và Tiện nguội. Những chiếc máy phát điện của Mỹ mang tới sửa, công suất 100 kwatts mà chỉ lớn hơn cái máy điều hoà không khí, tôi bật cười nhớ tới chiếc máy 125 kW ở Quảng ngãi. Thời đó là đợt đầu xe Honda đỏ quân đội về, sau nữa tôi mua được chiếc SS67, bọn thợ dân chánh người Hoa, mỗi ngày lại lôi xe tôi vào xưởng thay một món, dây Bougie bằng Inox, mấy dây phanh, ga cũng bọc Inox hết, chiếc xe sáng trưng. Đi làm, lúc đầu còn bận quân phục vàng, sau là quân phục ứng chiến nhưng chúng tôi đã mua đồ Mỹ ở chợ giời, mặc vừa nhẹ và bóng.

Đặc biệt ở Căn cứ là chúng tôi thường xuyên phải đi tuần, chiều nào trước giờ về mà thấy chiếc mobylette của Trung sĩ An ninh phạch phạch tới là : “Thiếu uý H. Quân vụ thị trấn.” Trung sĩ Căn cứ lái xe GMC và tôi, quân phục ứng chiến, súng colt 12, qua lãnh toán tuần tiễu gồm có hai Quân cảnh, hai Nhảy dù, hai Thủy quân lục chiến. Có một hôm rút thăm trúng Quận 5, lúc lên xe, ông Trung sĩ nói với tôi :

- Hồi nãy tụi nó hỏi tôi là cái ông này có chịu chơi không? Tôi bảo, trời, độc thân, bất cần đời mà, chắc ăn.

- Có gì vậy ?

- Hôm nay trúng Chợ lớn, Thiếu úy cứ ngồi yên, tụi nó làm tiền mấy thằng các chú trốn quân dịch là tối về ông già Cây keo nhậu chết thôi.

Xe sập xuống trước chợ An đông. Trong đám ngồi nhậu, tự nhiên có mấy thanh niên đứng lên và lảng lảng ra phía sau là gặp ngay Quân cảnh mời sáu bảy mạng lên xe. Xe bắt đầu chạy vòng vòng và mặc cả, rồi lần lượt từng người được thả xuống. Ông Trung sĩ lái xe của tôi cho hay: “Cũng ớn lắm Thiếu-uý ạ, bất thần gặp xe kiểm soát của Quân vụ Thị trấn là thầy trò bị quân kỷ hết đấy.”

- Tại sao quân kỷ ? lúc đó mấy thằng chệt này đi lính luôn !

Tuần tiễu xong cũng gần khuya, họ hỏi tôi có đi nhậu không, tôi từ chối.

Đi tuần nhiều khi cũng gặp nhiều chuyện gây cấn, thí dụ có lần một Đại úy Nhảy dù đứng đái giữa Ngã sáu Sài gòn, ông ta không trình giấy và còn đòi bắn nhau, chúng tôi phải xin sĩ quan trực của Quân vụ thị trấn tới giải quyết. Ngoài chuyện đi tuần, chúng tôi còn đi gác xác, nghĩa là bận đồ lễ đến đứng hai bên đầu quan tài. Tôi còn nhớ có lần tới, ông bố của sĩ quan hy sinh đã không cho chúng tôi đứng. Ông ta nói “Gia đình tôi, đây là thằng thứ ba, các anh cứ ngồi chơi, không cần đứng. Tôi biết là lễ nghi nhưng chúng tôi không cần, các anh cứ ngồi.” Chúng tôi phải ngồi trà nước hai tiếng đồng hồ. Người cha đau đớn, rượu say, cũng cứ ngồi đăm chiêu, không nói một lời.

Có lần ở xóm đạo khu Lê Văn Duyệt, Nguyễn Hà Đoàn và tôi, đứng nghiêm trước quan tài một Trung úy Thiết giáp, trông hình còn trẻ và đầy nét thư sinh. Chúng tôi bận lễ phục quân đội, thắt cà vạt đen, giây chiến thắng, nón lưỡi trai Sĩ quan, mặt nghiêm trang. Một lúc lại có một nhóm các em xóm đạo tới cầu kinh. Tôi để ý, cứ sau tiếng Amen thì lại có mấy cô vừa vén tóc mai vừa liếc nhanh lên hai chúng tôi. Nguyễn Hà Đoàn có vẻ muốn cười tủm lắm rồi nhưng đang rán nhịn.

Em ơi, vẫn muốn quấn vội vành khăn tang hay sao?

Khi đường về khuya vắng vẻ và mưa lâm râm, tự nhiên có ba thằng nhỏ phất phơ ở đâu tới trước nhà. Một thằng nói lớn : “Tao nói tụi bay là người thiệt mà.” Nói rồi nó lượm mấy cục đá cuội nhắm chúng tôi chọi. Hai thằng kia cũng chọi theo, may mà có người nhà ra đuổi nếu không tụi tôi sưng mày, sưng mặt.

Năm 1967 là năm mãn hạn khế ước của công ty Tây, CEE, phân phối điện ở Việt nam, tôi có giấy được biệt phái về Sài gòn Điện lực Công ty để tham gia tiếp thâu CEE. Tôi và một số anh em về trình diện Bộ trưởng Công chánh Bửu Đôn và cũng là thầy học cũ. Tới phiên tôi, ông ta nói : “Cái anh H. ba gai này mà cũng xin cho về làm gì !” Tôi chỉ biết cười cầu tài và trong đầu thì đang nghĩ tới anh Trần Thành Tôn không được về, cái tên Tôn có cùng vần với tên thầy, nhớ cái thằng “Bồn lừa” của Duyên Anh, cái vần này nói lái là dzui lắm.

Được chỉ định về Khu Phú-nhuận thay thế anh Tây Tomasin, anh này chỉ làm việc với tôi có mấy ngày rồi trốn biệt, tôi làm việc với các Thầy cai rất tận tuỵ là Ông Cai Thạch, Ông Ba Chung, Ông Hai Nguyễn v.v... với tư-cách Sĩ-quan biệt-phái, vẫn trực thuộc Bộ Quốc phòng, vẫn được đề nghị thăng cấp nhưng không có đơn vị. Lúc nào muốn bận đồ nhà binh cũng được nhưng không có súng. Lơ mơ bị trả về Bộ quốc phòng dễ ợt.

So với bao nhiêu Sĩ quan Thủ đức đã hy sinh trong cuộc chiến Quốc Cộng, người trẻ nhất là Thiếu úy Nguyễn Quốc Trụ, khoá 72 đã bị xử bắn trong trại cải tạo vì ngang nhiên giải thích tại hội trường là chủ nghĩa Mác Lê không còn đúng với xã hội ngày nay nữa (Xin nhắc lại Thủ đức chỉ tới khoá 27, sau Mậu thân 1968 ( khoá 25 ) là đổi qua hình thức chín tuần, cấp tốc) v.v... thời gian binh nghiệp của tôi thật không có gì đáng để hãnh diện cả.


Nguyễn Quang Hữu