PDA

View Full Version : Liều Thuốc Hồi Sinh



Longhai
08-19-2012, 09:06 AM
Liều Thuốc Hồi Sinh


Nguyễn hữu Của



Khi tôi và gia đình đặt chân đến đất Mỹ trong diện H.O, rất nhiều người còn xa lạ. Nhiều người thắc mắc với hai chữ H.O, trước đây chính phủ Hoa Kỳ đã có nhiều chương trình dành cho Người Việt Nam Tỵ Nạn như Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự O.D.P ( Orderly Departure Program) Chương Trình Con Lai (Amerasan), Chương trình Đoàn Tụ ...và bây giờ lại là Chương Trình H.O.

Một số người giải thích hai chữ H.O theo sự suy diễn của cá nhân bằng nhiều cách. Cũng có người cho là bí số của chánh quyền Cộng Sản dành cho chương trình định cư người "tù cải tạo" tại Hoa Kỳ. Nhưng qua nhiều cuộc tìm hiểu với một số giới chức chuyên môn, theo thiển ý của tôi, ý nghĩa đúng nhất nên dành cho hai chữ H.O là Humanitarian Organization, hoặc Humanitarian Operation, Tổ Chức Nhân Đạo nhằm giúp cho người Cựu Tù Nhân Cải Tạo được định cư tại Hoa Kỳ.

Con đường đi của "Người Tù Cải Tạo" từ các trại Tập Trung rải rác trên toàn Việt Nam, từ Nam chí Bắc,từ vùng cao nguyên đèo heo hút gió, rừng sâu núi thẳm, vùng đồng lầy nước mặn đến đất nước Hoa Kỳ là con đường nhiều chông gai, được đánh đổi bằng máu và nước mắt cùng với sự chờ đợi mỏi mòn. Đôi lúc gần như tuyệt vọng.

Cuối cùng, Có những người may mắn đến được chân trời tự do. Có những ngừời kiệt sức gục ngả. Vĩnh viễn nằm lại trên quê hương để cho gia đình vợ con đến được bến bờ tự do, hầu có cơ hội tạo cho thế hệ tiếp nối một cuộc sống có đầy đủ quyền làm người. Một nén trầm hương xin dành cho Người Bạn Tù nằm lại trên quê hương.

"H.O" chính là liều thuốc hồi sinh, liều thuốc bổ, là niềm hi vọng vươn lên. Là nguồn sống, là tin vui đến trong giờ tuyệt vọng của những " Người Tù khổ sai Không Bản Án", "Những Kẻ Tội Đồ" đang kéo lê những chuỗi ngày buồn thảm, tuyệt vọng, đói ăn, thiếu mặc bị đối xử khắc nghiệt, dã man trong các trại " Tù Cải Tạo "..

H.O giúp tăng thêm sức chịu đựng, vượt qua những khó khăn đầy tủi nhục của thân phận người tù khổ sai, luôn đối diện với hận thù, nhỏ nhen ích kỷ của những kẻ say men chiến thắng, tự xem mình là "Đĩnh Cao Của Trí Tuệ" thực chất chỉ là một sự dối trá,dốt nát, trống rỗng đáng sợ.

Nơi tận cùng của địa ngục trần gian, nơi mà ranh giới tử sinh chỉ là trong gang tấc của những trại tù khổ sai được ngụy trang bằng danh từ hoa mỹ "Trại Cải Tao",từng giờ từng phút "Người Tù Cải Tạo" luôn phải đối diện với đói khát, bệnh tật, sống trong thiếu thốn triền miên với những trận đòn thù vùi dập thừa sống thiếu chết. "Người Tù" luôn bám vào niềm hi vọng tuy mong manh,đôi khi tưởng chừng như tuyệt vọng tạo sức sức chịu đựng để mà sống, để vượt qua những đau thương tủi nhục đầy oan nghiệt

Ngày còn ở trong Trại Tập Trung Cải Tạo, không biết dựa vào đâu mà hầu hết mọi người đều có một niềm tin thật vững chắc là những Người Tù Cải Tạo, những cựu quân, cán chính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa đang bị tập trung cải tạo sẽ có một ngày được sang đinh cư tại Hoa Kỳ.

Từ niềm hi vọng mong manh nầy, một số người nhiều tưởng tượng thêu dệt thêm rất nhiều câu chuyện lý thú tưởng chừng như hoang tưởng :

Nào là phái đoàn Hoa Kỳ sẻ vào từng trại tập trung lập danh sách Tù Nhân Cải Tạo rồi đưa thẳng ra phi trường sang Mỹ. Vợ con và gia đình sẻ được rước đi sau.

Nào là các tù nhân cải tạo sẻ được tập trung vào một khu "Kinh Tế Mới" riêng biệt được săn sóc, bồi bổ chu đáo hơn để Phái Đoàn Mỹ lần lượt đến bốc đi....

Thậm chí còn thêu dệt thêm : khi sang Mỹ chánh phủ Hoa Kỳ sẽ trả tiền "truy lãnh" từ ngày 30 tháng 4 năm 75. Cấp nhà cửa khang trang, xe cộ đời mới, bóng loáng, thậm chí sẽ tặng cho mỗi gia đình 30.000 đô la như một sự đền bù cho những thiệt thòi mà người Tù Nhân Cải Tạo phải chịu dựng trong những tháng năm lao tù nghiệt ngã ....v....v...

Đại loại có rất nhiều tin đồn, đôi khi không biết xuất xứ từ đâu, nhưng chung quy là sẽ được Mỹ rước sang định cư tại Hoa Kỳ với một cuộc sống vật chất sung túc. Đến bù cho những tháng ngày gian lao, tù đày khổ nhục, đói khát bệnh tật triền miên, bị đối xử phân biệt bởi những kẻ cùng màu da chủng tộc, thiếu vắng tình người nhưng dư thừa thù hận.

Những tin đồn, hoặc những tin phóng đại sau khi người nhà nghe lén được từ các đài phát thanh BBC, VOA ..được gia đình lén lút chuyển đến trong các buổi thăm nuôi ngắn ngũi làm nức lòng Người Tù Cải Tạo, ít ra cũng được một vài ngày. Mặc sức cho các "Thầy bàn" bất đắc dĩ có dịp bàn ra tán vào, thêm chút mắm, thêm chút muối để cho tin đồn thêm phần lý thú dễ tin hơn.

Mà quả thật, có rất nhiều người đặt hết lòng tin vào những tin đồn, những câu chuyện kể. Lúc nào cũng chuẩn bị trong tư thế sẵn sàng để trường hợp phái đoàn Hoa Kỳ bốc đi thình lình. Lại còn căn dặn vợ con trong những kỳ thăm nuôi, khi về nhà phải chuẩn bị đầy đủ, lúc nào cũng phải sẵn sàng để chờ đợi " Mỹ rước ".

Đôi lúc, có những tin đồn "Mỹ Rước" trong tuần tới ,trong tháng tới, hoặc trễ lắm là đến cuối năm ....mọi việc thương lượng đã xong ....Mỗi Người Tù Cải tạo ra đi chính phủ Hoa Kỳ trả cho chính quyền Cộng Sản một chiếc máy cày, hoặc mười ngàn đô la cho mỗi đầu người .......Khi đến Mỹ sẽ được phái đoàn chính phủ Hoa Kỳ và những đồng hương đến trước dành cho sự tiếp đón trang trọng như tiếp đón các vị anh hùng trở về từ vùng đất chết... ...Một khu vực rộng lớn với những ngôi nhà khang trang, xây cất cùng một khuôn mẫu đúng theo tiêu chuẩn Mỹ đang sẵn sàng chờ đón những anh hùng Việt Nam Cộng Hòa và gia đình sang ở.....Người Cựu Tù Cải Tạo sẽ có một cuộc sống sung túc cả tinh thần lẩn vật chất đền bù cho những tháng năm chịu đựng, gian lao tủi nhục trong cảnh lao lung.

Thế rồi tuần tới qua đi, tháng tới cũng qua đi. Đến cuối năm nhìn lại vẫn còn thân phận " Áo vá vai, ngày cơm độn, tay lon "gô", tay xẻng cuốc" ... "Quả bóng hi vọng" từ từ xẹp xuống để nhường chỗ cho những bộ mặt buồn thiu.........Từ hi vọng trở thành thất vọng. Và rồi niềm hy vọng lại tràn đầy khi có được những nguồn tin mới....từ những người thăm nuôi.

Nguồn hy vọng đã trở thành hiện thực như một giấc mơ khi chuyến H.O đầu tiên ra đi vào đầu năm 1990. Tôi may mắn được cùng gia đình lên đường trong chuyến đi đầu tiên nầy H.O 1.

Bước lên phi cơ giã từ quê hương mà cứ ngỡ như còn nằm trong mơ. Tôi dụi mắt nhiều lần, nhìn vợ, nhìn con nhìn những người chung quanh để xem mình đang sống trong mộng hay thực. Cảm giác lâng lâng buồn, bùi ngùi, tiếc nuối nhìn lại quê hương lần cuối trong tâm trạng "Một lần ra đi là vĩnh biệt ".

Giã từ, giã từ tất cả những kỷ niệm thân thương của tuổi học trò, giã từ những gót chân của người chinh chiến trên khắp bốn vùng chiến thuật, giã từ bạn bè còn ở lại hay đã vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất quê hương. Tất cả đang lùi dần vào quá khứ, bánh xe thời gian rồi sẽ nghiền nát ra từng mảnh vụn để chỉ còn lưu lại trong ký ức.. Giã từ những tháng năm tủi nhục đầy oan nghiệt của thân phận người tù khổ sai. Giã từ những lọc lừa giả dối của những con người giả nhân giả nghỉa tự nhận là "Đỉnh Cao của Trí Tuệ" nhưng luôn hành động trong gian dối lọc lừa.

Người H.O thực sự có mặt tại Hoa Kỳ vào khoảng tháng Giêng, đầu năm 1990. Khi tôi và gia đình đặt chân lên dất Hoa Kỳ hầu hết không ai biết đến hai chữ H.O kể cả cơ quan thiện nguyện. Họ chỉ biết chúng tôi như những người Cựu Tù Nhân được Mỹ bốc sang định cư tại Hoa Kỳ trong chương trình đinh cư nhân đạo.

Thế rồi những Người Cựu Tù Cải Tạo lần lượt sang định cư tại Hoa Kỳ ngày một đông. Cho đến nay có trên 300 ngàn người tức là vào khoảng gần 100 ngàn gia đình định cư rải rác trên toàn nước Mỹ. Từ những tiểu bang lạnh giá xa xôi, tuyết phủ quanh năm, những tiểu bang nóng cháy da người đến tiểu bang khí hậu ôn hòa không khác gì trên quê hương Việt Nam.

Một số đông những người H.O đến Hoa Kỳ đều nhiều tuổi, hom hem, bệnh hoạn, già yếu sau bao tháng năm bị đọa đày, tra tấn,hành hạ, khổ sai trong những trại tù cải tạo. Họ đến Hoa Kỳ với một trái tim đầy ấp ân nghĩa dành cho những ân nhân có trái tim rộng mở và hai bàn tay trắng, vì tiền của dành dụm được bao nhiêu năm trời đã tiêu hao vào những giỏ thức ăn, thuốc men, nuôi người trong cảnh lao lung.

Dù đối diện bao nhiêu khó khăn, trở ngại trong việc hội nhập vào đời sống mới, từ sức khỏe, ngôn ngữ, phong tục, tập quán ....Bên cạnh đó còn có những sự "kỳ thị", phân biệt đối xử, xem thường kẻ đến sau của một số ít "Người Đồng Hương nhiều may mắn nhưng thiếu tình người ", không vướng bận trong giờ phút cuối của cuộc chiến, nhanh chân di tản vào những ngày cuối tháng tư 1975, ăn nên làm ra đang là những chủ nhân ông của những cơ sở thương mại lắm tiền, nhiều của ....Những người H.Oï vẫn luôn an phận chấp nhận an vui với hoàn cảnh đang có, tự phấn đấu để vươn lên. Không mảy may buồn cho thân phận " Trâu chậm uống nước đục "

Còn gì hạnh phúc hơn, còn gì sung sướng hơn đang trong cảnh bất hạnh từ " địa ngục trần gian" được nhiều bàn tay nhân đạo rộng mở cứu vớt lên mảnh đất "Thiên Đàng" nơi mà biết bao nhiêu người luôn ấp ủ giấc mơ được đặt chân đến.

Một số đông may mắn có điều kiện về tuổi tác, sức khỏe, trình độ học vấn và nhứt là một ý chí cầu tiến vững chắc, đã đạt được đỉnh cao của con đường học vấn và sự nghiệp. Sớm hội nhập vào mọi lãnh vực sinh hoạt từ khoa học, văn hóa ,y tế, kỷ thuật, chính trị và xã hội. Đặc biệt hơn nửa thế hệ thứ hai, con cháu, đã không ngừng học hỏi phát huy về mọi mặt, tạo nhiều thành quả học vấn xuất sắc đáng hãnh diện, hiên ngang đi vào dòng chính trong mọi sinh hoạt xã hội Hoa Kỳ góp bàn tay xây dựng và bảo vệ cho Quê Hương Thứ Hai.

Hầu hết xóa bỏ được mặc cảm tự ti, nhanh chóng hòa đồng cùng cộng đồng Người Việt hải ngoại, hội nhập vào sinh hoạt của người bản xứ. Tạo cái nhìn nhiều thiện cảm cho những người trước đây đã giang rộng cánh tay chào đón thân phận lạc loài của kiếp người tỵ nạn.

Cách đây không lâu tôi có đọc một bài viết với đề tựa " Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh Thù Dai". Khi Dương Nguyệt Ánh chân ướt chân ráo đặt lên đất nước Hoa Kỳ, nữ ký giả Shana Alexander trong một bài viết trên báo Newsweeks đã tỏ ý miệt thị, khinh khi những con người bất hạnh đến từ đất nước nhược tiểu mang thân phận tỵ nạn. Xem người tỵ nạn Việt Nam như những con người bán khai chưa hề tiếp cận với thế giới văn minh.

Hơn hai mươi năm sau cũng chính trên trang báo của tờ báo nầy, một bài viết của ký giả Georde Will đã hết lời ca tụng người đàn bà tỵ nạn Việt Nam được vinh danh, được trao tặng huy chương cao quý nhất của Hoa Kỳ từ những thành quả tuyệt vời trong lãnh vực quốc phòng cống hiến cho đất nước Hoa Ky, quê hương thứ hai.

"Bomb Lady " biệt danh của Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh, trong lời phát biểu đã xin được dành Vinh Dự nầy cho hơn 58.000 chiến sĩ Hoa Kỳ đã anh dũng hy sinh trên chiến trường Việt Nam cùng với tất cả những ai đã và đang sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng tự do, đồng thời cũng để trả món nợ cho quê hương thứ hai, đền đáp lại cho người bản xứ đã mở rộng vòng tay cưu mang người tỵ nạn Việt Nam trong những bước chân tập tễnh thuở ban đầu. Thật cao quý thay, hãnh diện thay.

Người H.O giờ đây sau thời gian dài sinh sống trên quê hương thứ hai, cũng với sự chịu đựng phấn đấu không ngừng, cuộc sống tinh thần lẩn vật chất đã ổn định nhưng tâm hồn vẩn luôn khắc khoải nhớ về quê Mẹ thân yêu với nổi uất nghẹn của thân phận nhỏ bé trong một đất nước nhược tiểu. Những con người sinh bất phùng thời đã sống, đã hi sinh cho lý tưởng tự do, chấp nhận gian khổ cho sự an bình của quê mẹ thân yêu, nhưng mỉa may thay ....được quyền hi sinh nhưng...không được quyền chiến thắng.

Hơn ba mươi năm kể từ ngày đất nước bị bức tử, thời gian dài sống trong đau thương tủi nhục nhìn bọn người cuồng tín dìm đất nước vào vũng lầy tăm tối, nổi uất nghẹn luôn dâng trào trong tâm thức. Máu cùng với mồ hôi và nước mắt của Người H.O và đồng đội đã chan hòa trên từng tấc đất của quê Mẹ thân yêu, từ những chiến trường khốc liệt đến những nhà tù khổ sai. Thử hỏi làm sao Người H.O không xót xa ?, Làm sao Người H.O có thể đứng yên nhìn quê Mẹ bị dày xéo dưới gót giày của bọn người cuống tín ?.

Gần đây nhất bọn bá quyền phương Bắc chưa từ bỏ ý đồ xâm lược đã ngang ngược lấn chiếm biên giới, hải đảo hòa cùng sự hèn yếu khiếp nhược của nhà cầm quyền Cộng Sản dâng đất dâng biển cho ngoại bang tạo làn sóng căm phẫn trong mọi tầng lớp dân Việt từ trong nước ra đến hải ngoại. Người H.O lại dấn thân cùng sát cánh với những người trẻ hải ngoại, nhiều tâm huyết xuống đường gào thét,đấu tranh, mặc cho mưa gió, mặc cho thời tiết giá lạnh căm căm của những ngày mùa Đông, của những ngày mưa gió bão bùng.

Nhìn những mái tóc điểm sương với nét mặt đăm chiêu, hằn nét giận dữ,chầm chậm bước đi trong cái lạnh của thành phố mùa Đông, những gương mặt nhăn nheo sạm nắng biểu lộ một ý bất khuất, sắt đá lên án tham vọng bá quyền của bọn xâm lược phương Bắc cùng với sự khiếp nhược của nhà cầm quyền Cộng Sản hèn nhát dâng đất dâng biển để mưu cầu sự an bình cho Đảng lãnh đạo. Không ai không cảm thấy xúc động thầm phục cho những con người nhiều tâm huyết dù nơi tha hương vẫn không quên được nỗi oan khiên đang ngày đêm dày xéo trên quê Mẹ.

Trước đây không lâu một người được xem là khoa bảng, con của một vị mục sư khả kính, trong một phút giây nông nổi qua bài viết đã công khai tỏ ra miệt thị Người H,O, Những người đã hi sinh hạnh phúc cá nhân, hi sinh cả mạng sống để gìn giữ và bảo vệ sự an bình cho cá nhân anh ta cùng với gia đình. để cho anh ta có cơ hội đeo đuỗi con đường học vấn trở thành người khoa bảng. Anh ta đâu biết rằng trong khi anh ta và gia đình đang trong cảnh chăn êm nệm ấm thì "Người H.O" từng giờ từng phút phải đối diện với tử thần. Chịu đựng biết bao oan khiên nghiệt ngã của người trai trong thời chinh chiến... để rồi trở thành những "Người Tù Khổ Sai không bản án"chịu đựng biết bao đau thương, tủi nhục cả tinh thần lẩn thể xác, Và giờ đây, trong chốn yên bình trên Quê Hương thứ hai, Người H.O vẫn tiếp tục giữ vững ý chí bất khuất gương cao ngọn cờ chính nghĩa mà biết bao đồng đội đã ngả xuống để bảo vệ, " Người Trẻ Khoa Bảng " có bao giờ sống trong nỗi đau thương tủi nhục để cảm thông được nỗi xót xa khi thấy quê Mẹ bị dày xéo ? Có bao giờ sống giữa lằn ranh sinh tử để suy ngẫm về thân phận con người trong một đất nước chiến tranh mà lằn ranh sinh tử chỉ là trong gang tấc? Có bao giờ nhìn thấy những vành tang trắng quấn vội lên đầu những thiếu phụ nửa chừng Xuân hay những đứa trẻ ngây thơ vô tội đầy nghiệt ngã? hoặc nhìn thấy những bà Mẹ Già hom hem trong cảnh tre già khóc măng, sụt sùi ôm lấy xác con không toàn v ẹn trở về từ chiến trận?

Rất may, " Người Trẻ" đã hồi tâm, sớm nhận ra được những sai lầm đáng tiếc.

H.O liều thuốc hồi sinh cho người " Cựu Tù Nhân Cải Tạo "

Quả thật không sai. Liều thuốc hồi sinh đã đưa những mảnh đời tối tăm đầy tủi nhục từ một một chế độ khắc nghiệt,phân biệt đối xử, đầy ấp hận thù đến cuộc sống thăng hoa cả tinh thần lẩn vật chất. Đất nước của cơ hội, cũng như những cánh tay giang rộng của người bản xứ đã giúp cho những người "Cựu Tù" nhiều bất hạnh tìm lại được nguồn hi vọng của một cuộc sống đầy đủ ý nghĩa xứng đáng của con người.

Nếu không có được liều thuốc hồi sinh, thử hỏi những thân phận lạc loài tủi nhục của người Cựu Tù và gia đình rồi sẽ ra sao? Con cái họ có tránh khỏi được cuộc sống vất vưởng bên cạnh những đống rác thối tha, nhầy nhụa. Lấy gầm cầu làm nhà, dùng hè phố làm nơi nương tựa? hay phải lê la từng bước chân nhỏ bé đi bán từng tấm vé số nuôi mẹ nuôi em? Và chính bản thân người H.O âm thầm gục ngã vì lực mòn sức kiệt trong nỗi đau thương tủi nhục trên chính quê Mẹ thân yêu với thân phận của kẻ tội đồ.

Nói đến H.O, chúng ta không thể không nhắc đến người đàn bà có tâm hồn vĩ đại, vị ân nhân của các gia đình Cựu Tù Nhân được ra đi định cư tại Hoa Kỳ, người đã góp phần mang liều thuốc hồi sinh đến cho từng gia đình " Người Tù Cải Tao "

Người đó chính là Bà Khúc Minh Thơ, một tên tuổi đã hằn sâu vào ký ức của từng Cựu Tù Nhân Cải Tạo trong hơn ba mươi năm qua.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 bà Khúc Minh Thơ đã âm thầm, đơn độc đấu tranh không mệt mỏi, không ngừng nghỉ để bênh vực cho số phận của những con người không may mắn, chịu nhiều thiệt thòi nhất với những tháng năm dài trải qua những trại lao tù khổ sai từ nam chí Bắc,từ đồng bằng đến vùng cao nguyên sỏi đá quanh năm thời tiết khắc nghiệt.

Tôi được hân hạnh gặp và tiếp chuyện với bà Khúc Minh Thơ khi bà từ Virginia về Hungtington Beach, Orange County, California để chịu tang người Cậu chồng, bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc nguyên Giám Đốc bệnh viện Đa Khoa Cần Thơ. Bà Khúc Minh Thơ với dáng người phúc hậu, tuổi đời trên lục tuần, giọng nói nhỏ nhẹ, cởi mở đã dành cho tôi buổi nói chuyện hơn 15 phút trong giờ giải lao.

Với giọng nói trầm ấm, chậm rãi bà bày tỏ sự cảm thông với nỗi bất hạnh của những người đã trải qua những năm tháng đọa đày, tủi nhục trong các trại tù cải tạo. Cảm thông với gánh nặng gia đình nặng trĩu trên đôi vai của những người vợ trẻ thay chồng gánh vác gia đình. Thay chồng nuối nấng đàn con. Vừa nuôi chồng trong chốn lao lung vừa chăm sóc các con thơ mà tương lai thì luôn mịt mù,đen tối. Vừa phải đấu tranh với những khó khăn nhục nhằn, những cám dỗ vật chất để hy vọng, chờ đợi một ngày đoàn tụ thật mong manh.

Bà Khúc Minh Thơ đã mang lấy nổi bất hạnh khi tuổi đời vừa tròn 23.

Phu quân bà, Đại Úy Nguyễn Đình Phúc hy sinh vì tổ quốc vào năm 1961. Trong một chuyến công tác tại quận Bình Minh tỉnh Vĩnh Long Đại Úy Phúc bị Việt Cộng phục kích, tử trận. Sáng sớm hôm sau được tin báo bà Khúc Minh Thơ vội vã lên đường đi nhận xác chồng. Lê thê, lếch thếch, tả tơi, tóc tai rũ rượi, bà ôm thi thể chồng khóc lóc thảm thiết.

Như cảm thương cho người vợ tuổi thanh xuân sớm trở thành quả phụ, máu từ miệng Đại Úy Nguyễn Đình Phúc bỗng nhiên tuôn trào xối xã. Bà ghì chặt xác chồng mặc cho chiếc bào thai 6 tháng đang cựa quậy trong bụng mẹ. Hai bàn tay đẫm máu, bà đưa tay khẻ vuốt đôi mắt đang mở trừng của chồng với lời thầm khấn nguyện sẻ cố nuôi dưỡng các con nên người hữu dụng. Như cảm thông được lời khấn nguyện, đôi mắt đại úy Nguyễn Đình Phúc từ từ, vĩnh viễn khép lại cùng với dòng máu tươi từ miệng, từ mũi chảy dài xuống .

Trước năm 1975 bà Khúc Minh Thơ làm công chức Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa tại Phi Luật Tân. Sau năm 1975, bà tiếp tục làm việc tại Manila để có phương tiện nuôi nấng các con.

Sau khi Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử. Mặc dù cuộc sống tạm ổn định về vật chất nhưng bà vẩn luôn mang trong lòng nổi ray rức về số phận của những quân, cán, chính đã phục vụ trong trong chế độ Việt Nam Cộng Hoà, và hiện đang bị đày ải trong các trại tập trung cải tạo. Bà quyết tâm, đấu tranh không ngừng nghỉ để tranh giành quyền lợi cho những kẻ bất hạnh đang trong cảnh lao lung.

Cuộc đấu tranh thật cam go với biết bao thử thách. Nhiều lúc bà cảm thấy thật chán nản muốn bỏ cuộc . Nhưng rất may còn có những người tâm huyết luôn an ủi khuyến khích và nâng đỡ tinh thần cho bà. Người đó chính là ông Robert Funseth, ông bà Shep Lowman. Trước sự ủng hộ nhiệt tình cuả những người nhiều tâm huyết, những đồng nghiệp cùng làm việc tại Bộ ngoại giao Hoa Kỳ và cũng là người bạn thân thiết với Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam do bà là Chủ Tịch sáng lập. Bà tự nguyện quyết tâm giữ vững tinh thần vượt qua mọi khó khăn trở ngại đeo đuỗi cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ

Năm 1989 tổng thống George Bush – Bush cha - người kế nhiệm tổng thống Ronald Reagan giữ lời hứa tiếp tục giúp đỡ cho các tù nhân chính trị Việt Nam, bà Khúc Minh Thơ càng lên tinh thần tiếp tục lao vào cuộc đấu tranh không mệt mỏi.

Ngày 30 tháng 7 năm 1989, ngày lịch sử đáng ghi nhớ của các Cựu Tù Chính Trị Việt Nam. Ông Robert Funseth chính thức bay sang Hà Nội ký kết văn kiện đầu tiên cho ba ngàn cựu Tù Nhân Chính Trị và gia đình được đi đợt đầu tiên định cư tại Hoa Kỳ vào mùa Giáng Sinh 1989.

Chuyến H.O đầu tiên đặt chân xuống đất Hoa Kỳ vào tháng giêng năm 1990.

Trong thời gian đấu tranh của bà Khúc Minh Thơ, một sự kiện làm xúc động không ít. Ngày 8 tháng 12 năm 1988, bà Khúc Minh Thơ là một trong hai người khách cuối cùng được tổng thống Ronald Reagan tiếp kiến vào những ngày cuối của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai tại Tòa Bạch Ốc Washington D.C . Người kia là ông Govbachev Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Liên Xô.

Trong buổi tiếp kiến, bà Khúc Minh Thơ đã nhân danh Chủ Tịch Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam đến ngỏ lời cám ơn Tổng thống Ronald Reagan đã chấp thuận quyết định cho Cựu Tù Nhân được sang định cư tại Hoa Kỳ.

Bà Khúc Minh Thơ bày tỏ nỗi lo âu trước sự ra đi của tổng thống Reagan vì mãn nhiệm kỳ. Bà lo sợ rằng chương trình cứu giúp cựu Tù Nhân Chính Trị Việt nam bị hủy bỏ bởi vị tổng thống kế nhiệm. Bà nhìn tổng thống Reagan với đôi mắt đẫm lệ, tha thiết:

- Xin tổng thống và nước Mỹ đừng bỏ rơi những Tù Nhân Chính Trị Việt Nam Cộng Hòa. Tổng thống Reagan nhìn bà bằng cặp mắt cảm thông đầy xúc động. Ông tiến đến đặt nhẹ bàn tay lên bờ vai mảnh mai của bà rồi chậm rãi nói:

- Những người anh hùng Việt Nam sẽ không bao giờ bị bỏ quên.

Nghe xong câu nầy bà Khúc Minh Thơ không nén được xúc động, bùi ngùi nước mắt tự dưng chảy dài ...

Tổng thống Reagan nhìn vào mắt bà với vẻ mặt cương quyết, bước tới sát bên đặt hai tay lên hai bờ vai nói:

- Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ quên những người anh hùng Việt Nam.

Nghe xong câu nầy bà Khúc Minh Thơ nước mắt giàn giụa, chân run run đứng không vững. Tổng thống Reagan đỡ bà ngồi vào chiếc ghế đối diện, rồi nhìn bà bằng cặp mắt thật hiền từ nhận hậu, chậm rãi nói tiếp:

- Dù tôi không còn tại chức nhưng những người kế nhiệm tôi sẽ tiếp tục lo cho các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, sẽ đấu tranh liên tục để họ được đối xử công bằng và hợp lý.

Gương mặt bà Khúc Minh Thơ trở nên vui, bà nhìn tổng thống Reagan với đôi mắt tràn đầy hy vọng như thầm nói lên lời cảm ơn chân thành. Và thời gian không lâu lời hứa của tổng thống Reagan đã trở thành hiện thực.

Người H.O luôn mang trong lòng niềm tri ân sâu sắc đối với bà Khúc Minh Thơ, ông Robert Funsett, ông bà Shep Lowman cùng những con người quả cảm, có tấm lòng vĩ đại chấp nhận đấu tranh không mệt mỏi, kiên trì không ngừng nghỉ cho tương lai những con người nhiều bất hạnh,Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. Đặc biệt, tổng thống Ronald Reagan.

H.O, Liều Thuốc Hồi Sinh, đưa những mảnh đời tăm tối, ngụp lặn trong vũng lầy nhầy nhụa của chế độ sắt máu bạo tàn kể từ sau ngày đất nước bị bức tử đến với xã hội văn minh loài người.

Gần hai mươi năm trôi qua, người "cựu tù cải tạo", người cựu tù nhân chính trị của chế độ Cộng Sản dù đã thoát ra khỏi những đau thương tủi nhục của một chế độ độ cai trị sắt máu,thiển cận, đã nhanh chóng hội nhập vào quê hương thứ hai, nhưng nỗi xót xa vẫn chưa nhạt nhòa trong tâm thức, vì hơn tám mươi triệu đồng bào vẩn còn đang rên xiết dưới bao đau thương tủi nhục,áp bức, bất công của một thiểu số người cai trị cuồng tín giáo điều.

Sự nhu nhược hèn yếu của nhà Cầm Quyền Cộng Sản trước mưu đồ xâm lược và chủ nghĩa bá quyền của bọn xâm lược phương Bắc đã tỏ rõ sự yếu kém cố hữu nhằm mưu cầu sự an bình cho một thiểu số lãnh đạo.

Ngọn lửa uất hận trước đau thương tủi nhục âm ỉ từ hơn ba mươi năm qua đã bùng cháy mãnh liệt trên nhiều nơi, trong nhiều lãnh vực, dưới nhiều hình thức từ trong nước với sự hỗ trợ tích cực của hải ngoại.

Tuổi trẻ đã chấp nhận dấn thân, hăng hái vào cuộc. Nhiều thế hệ già trẻ cùng sát cánh bên nhau hướng về mục tiêu quang phục quê hương, giải thể chế độ bạo tàn Cộng Sản.

Người H.O vẫn mang trái tim rực lửa đấu tranh, sát cánh với những con người nhiều tâm huyết. Dù tuổi đời cao, bệnh tật triền miên do ảnh hưởng của những trận đòn thù cùng những tháng năm lao động khổ sai đôi khi có làm trở ngại bước chân. Nhưng ý chí sắt đá cho ngày quang phục quê hương vẫn không lay chuyển.



Nguyễn hữu Của