PDA

View Full Version : Tình Già



Longhai
08-18-2012, 09:06 AM
Tình Già

( Chuyện ngắn có thật )



Bây giờ là gần bảy giờ tối, tiếng mõ vang đều cùng tiếng tụng kinh của bà Hiền như một nhịp điệu ăn khớp, hòa hợp với nhau. Đó là tiếng động quen thuộc xảy ra trong ngôi nhà vắng lặng và buồn tẻ của vợ chồng bà suốt gần mười năm nay. Sau một cơn stroke nặng, cách đây mấy tháng, kết quả đã để lại cho bà Hiền mắt trái nhìn một thành hai. Và nó đã được che bởi một miếng vải đen, làm bà luôn có cảm giác buồn phiền, mặc cảm vì chỉ có một mắt để nhìn đời.

Đêm nay mưa nhiều, ngồi trong nhà mà nghe tiếng gió rít lên từng hồi, hạt mưa rơi nhanh và mạnh trên mái nhà. Cây cối lao xao, chao đảo, có cảm giác tất cả sắp đổ theo chiều gió. Bà Hiền chậm chạp ra cửa sổ để kéo màn cửa xuống. Dạo này trời vào thu nên mau tối quá, đúng là “ tháng mười chưa cười đã tối ”. Lẩm bẩm như vậy rồi bà vào bếp lấy 1 ly nước lạnh uống.

Uống gần hết ly, như chợt nhớ ra điều gì bà vội để ly xuống, cầm phone lên gọi :

Yến hở ? Mẹ đây, cuối tuần nay con có đem bé An về chơi với mẹ không ? Nhưng chủ nhật thì mẹ phải lên chùa sớm con ạ. Tuần này có thày về giảng và mẹ có tu bát quan trai, nên sáng chủ nhật con đón cháu về sớm nhá.

Hai mẹ con nói chuyện một hồi, gác phone, bà lại lặng lẽ sửa soạn đi ngủ. Yến là cô con gái út, gần bà nhất vừa về tình cảm lẫn khoảng cách. Yến rất thương Mẹ, việc lớn nhỏ gì hai mẹ con cũng tâm sự với nhau. Bao lần phải đổi việc làm, nàng cũng tìm cách ở lại gần mẹ, không như người anh lớn: vì công việc đã dọn đi Washington DC, một nơi nhộn nhịp, bon chen của những người mang nhiều hoài bão trong cuộc sống. Chỉ có nàng vừa thương mẹ, vừa tính an phận, nên cảm thấy sống trong một thành phố nhỏ của Oregon cũng có nhiều thú vị lắm. Hơn nữa, nàng muốn bé An có được tình yêu thương của Ông bà ngoại như nàng ngày xưa vậy.

Hôm nay, vậy là ông Hoà đã về VN được mười ngày rồi. Hôm đến nơi, ông có gọi phone báo tin ông đến nơi bình an để bà khỏi lo lắng. Ba ngày sau, ông cũng gọi về kể một vài chuyện bên VN cho bà biết và rồi cho đến hôm nay là ngày thứ mười, mà chưa thấy ông gọi lại. Chắc là được lũ cháu đưa đi chơi nên không tiện gọi lại cho bà ? Nghĩ vậy, bà lên giường đi ngủ mà không hề bận tâm.


***

Rồi đến ngày trở về của ông Hoà, sau ba tuần lễ đi chơi VN. Đón ông ở phi trường, bà thấy ông hình như gày và đen hơn thì phải ? Ai đi VN cũng như vậy, không biết là tại khí hậu hay vì đi chơi nhiều quá mà như vậy ? Bà hỏi ông nhiều nhưng ông chỉ trả lời lấy lệ, bà cũng chẳng thắc mắc vì nghĩ đường xa ông còn mệt.

Mấy ngày sau, như đã khoẻ lại, một hôm ông ngập ngừng nhiều lần, rồi như thu hết can đảm, ông nói với bà như sau:

Bà à, vợ chồng mình ăn ở với nhau đã được hơn 40 năm rồi nhỉ ? Tôi đối với bà như thế nào, thì bà rõ hơn ai hết. Bây giờ, bên Việt Nam có một con bé, cháu nội ông bà Thành, bà biết đấy !

Năm nay nó hai mươi sáu tuổi. Nó năn nỉ tôi giúp nó qua Mỹ theo diện phu –thê. Thật là chuyện ...…làm sao ấy….. phải không bà?

Bà Hiền có cảm giác không ổn, bèn cắt ngang lời ông:

Ông cũng biết là…..”làm sao ấy….”, thì có gì phải nói đến ? Thế ông trả lời sao với nó ? Mục đích ông muốn nói gì thì cứ nói ra đi. Tôi sẵn sàng nghe ông đây.

Ông Hoà tiếp:

Nó nói: nếu được qua Mỹ nó sẽ ở riêng, không phiền vợ chồng mình đâu, chỉ trên giấy tờ một thời gian thôi bà ạ. Nó năn nỉ vợ chồng mình ….làm phước, nó sẽ mang ơn suốt đời. Tôi nghĩ bà ăn chay, niệm Phật bao nhiêu năm, thôi thì….. làm phước cho nó, bà……thấy sao ?

Ở với nhau 43 năm rồi, ông Hoà thật sự là người chồng tốt, bà rất yêu quí và tin tưởng. Tính ông trầm lặng, ít nói, biết lắng nghe, sử xự đúng mực, nên được mọi người yêu mến và quí trọng. Không nói ra, nhưng bà vẫn thường hãnh diện về điều đó, ít ra hạnh phúc của bà đã được vuông tròn suốt từng đó năm chung sống. Vậy mà giờ đây , ông 71 tuổi, bà 68 tuổi, mới đi chơi ViệtNam về lần đầu mà hai ông bà đã phải đối diện với vấn đề ly dị, chia tay. Niềm đau xót cho tình nghiã vợ chồng, một thoáng như không còn ý nghĩa nào. Bà chết lặng trong giây lát rồi nói :

- Ông cho tôi vài ngày suy nghĩ

Nói rồi bà vào phòng, đóng cửa, nằm im trên giường để suy nghĩ. Nhưng nào biết phải nghĩ gì bây giờ? Chỉ biết lòng quặn đau và nước mắt cứ trào dâng ướt gối. Bà cố nén tiếng khóc và tiếng nấc nghẹn, nhưng hình như càng muốn che dấu thì nó lại càng muốn bộc phát. Nỗi tủi thân và niềm tự ái bị va chạm. Dù sao bây giờ bà vẫn chỉ là một người chưa bỏ được hoàn toàn những phiền lụy của cuộc sống. Những hỉ, nộ, ái, ố vẫn chưa hoàn toàn rũ sạch, thì làm sao bà không cảm thấy đau đớn cho được ?

Nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng qua những năm tháng chung sống, với từng đó đứa con, đứa cháu, bà vừa đau xót cho mình, vừa ngán ngẩm cho tình người bội bạc. Sao ông lại có thể quên đi những ngày bà cực khổ: quên cả bản thân mình để lo cho các con và nuôi ông trong ngục tù cộng sản hơn mười năm? Qua Mỹ, may mắn vào mùa hè, nên những ngày đầu bà đã theo chân mấy người Việt trong chung cư đi hái dâu từ bốn giờ sáng cho đến một giờ trưa thì xong. Việc này thường dành cho học sinh làm hè, bọn nhỏ vừa làm vừa nói chuyện, đùa giỡn, như đi picnic ngoài trời vậy. Còn người Việt mình thì đua nhau đi làm rất chăm chỉ. Bà nhớ có hôm bà không ăn trưa, chỉ ngừng để uống nước và cứ làm mãi cho đến lúc về.

Bao nhiêu tâm huyết lo cho chồng con đã làm người bà cằn cỗi, già nua hơn số tuổi. Bây giờ con cái đã lớn, bà chỉ còn chăm sóc cho ông và tìm vui trong câu kinh kệ. Mãi nghĩ từ chuyện này sang chuyện kia ….bà đã chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay…..

Ring…Ring…

Tiếng phone không biết ai gọi, nhưng đã đánh thức bà Hiền. Mệt mỏi, nhấc phone lên mà không cần nhìn caller ID, giọng uể oải bà nói:

-A lô, tôi : Hiền đây !

Đầu dây bên kia có tiếng:

- Mẹ ơi, con: Yến đây ! Sao hôm nay mẹ dạy trễ vậy ? Mẹ có bị cảm không mà giọng mẹ khàn vậy ? Đưa bé An đi học xong, con ghé Saigon Market, con có mua cho bố mẹ bánh cuốn, còn nóng và ngon lắm. Con về mẹ liền bây giờ nhé. Con gặp mẹ sau. Bye mẹ !

Gác phone, nhìn đồng hồ, bà thầm nhủ :

Ờ nhỉ, bây giờ đã hơn chín giờ rồi à ? Và tự hỏi: “Không hiểu hôm qua mình đã ngủ được lúc mấy giờ ? “

Ra đến bếp, thấy ông Hoà ngồi chăm chú đọc báo, bà cố giữ giọng bình thản và nói :

Ông đã ăn gì chưa ? Yến nó nói sẽ đem bánh cuốn về đấy.

Ông Hoà trả lời :

Tôi dạy sớm, đã ăn đỡ miếng bánh mì nướng rồi. Bà không khoẻ thì cứ nghỉ ngơi đi. Tôi chạy ra chợ mua mấy tờ báo Việt Nam về đọc. Hai mẹ con cứ ăn trước đi, không phải đợi tôi đâu.

Nói rồi ông ra xe đi, khoảng mười lăm phút sau thì Yến đến. Lăng xăng nói chuyện vớ vẩn một hồi với mẹ, Yến mới để ý: hình như hôm nay mẹ không tập trung trong những câu chuyện nàng nói ? Một lúc, bà Hiền kể câu chuyện mà ông Hoà đã nói với bà hôm qua. Nghe xong, Yến nói :

Con biết mẹ thương bố lắm. Thế mẹ đã có giải pháp nào chưa ? Tụi con lúc nào cũng Support mẹ hết.

Bà Hiền nói :

Mày biết đấy, đến tuổi này mẹ còn mong ước gì hơn? Cả cuộc đời chỉ biết sống cho Bố và chúng mày…

Nói đến đây, không cầm được sự xúc động, bà nấc lên, rồi gục đầu lên thành ghế sofa mà khóc nức nở. Yến phải ôm, xoa lưng bà, nàng cố an ủi, vỗ về mẹ với giọng thật nghẹn ngào :

- Mẹ ơi, con biết mẹ buồn lắm. Mẹ có muốn con ngăn bố đừng làm chuyện này hay không ?

Bà Hiền từ từ ngước lên, mặt đầy nước mắt nói :

- Đừng ngăn ông ấy con ạ. Mẹ đã nghĩ suốt đêm qua rồi. Một khi ông ấy thốt lên được những lời ấy với mẹ tức là người ta đã quên hết tình nghĩa. Vậy thì còn gì để ràng buộc nhau ? Nếu có tiếp tục sống với nhau thì cũng chỉ là những ngày chịu đựng mà thôi. Mày nghĩ có phải thế không hở Yến ?

Yến thật sự không biết phải trả lời mẹ như thế nào. Nàng nói :

- Nếu Mẹ đã định như vậy thì mình cứ cho là…làm phước như bố nói đi mẹ. Bố năm nay cũng hơn bảy mươi tuổi rồi, đâu có….làm ăn gì nữa hở mẹ ? Con biết bố thương mẹ lắm, chắc bố cũng chỉ muốn ….làm phước thôi. Mình cứ nghĩ như vậy cho tâm hồn đựơc thảnh thơi, phải không mẹ ?

- Ừ thì có làm được gì hơn đâu con ? Mày lo thủ tục bán nhà này cho Mẹ đi. Mẹ nghe nói ly dị là phải chia đôi hết hở con ?

Nghe bà đòi bán nhà, Yến mới thật sự thấy mọi chuyện như không còn cứu vãn. Dù rằng cô gái kia nói sẽ ở riêng, không phiền đến bố mẹ, nhưng sao cảm giác gia đình tan vỡ đang lớn mạnh trong nàng…


***

Ông Hòa cầm trên tay cái check hơn bảy mươi ngàn đô la, là số tiền bà Hiền đã xin văn phòng Escrow chia đôi và đưa thẳng cho ông sau khi bán căn nhà. Cả đời ông chưa bao giờ nghĩ sẽ có số tiền lớn đến như vậy. Bao nhiêu năm trước, vợ chồng con cái gom góp tất cả tiền bạc để mua căn nhà cũ này, tưởng rằng sẽ sống chết với nó, nhưng đâu ngờ có ngày phải rời xa nó sớm như hôm nay ? Một chút luyến lưu….nhưng thôi, ông không muốn nghĩ gì hơn, chỉ còn hơn ba tháng nữa là đến ngày “nàng” qua với ông rồi……


***

Dạo này ông Hòa bận nhưng vui vẻ hẳn lên. Này nhé, ông suốt ngày phải đi mua sắm, nào là quần áo, giày dép mới, nào là khăn trải giường, khăn bông tắm mới, nước hoa vài lọ thật đắt tiền cho ông và cả cho “nàng” nữa. Thôi thì …đủ thứ phải mua. Hôm qua ông mới gửi về cho Hồng năm ngàn đồng. Thế là tổng cộng ông gửi cho nàng cũng gần hai mươi lăm ngàn rồi còn gì. Ông không thể từ chối mỗi khi nghe lời nói ngọt ngào của Hồng qua phone : “Anh gửi về cho em năm ngàn đi, để em thanh toán những chuyện lặt vặt trước khi em qua với anh, anh nhé !” Lời nói nhỏ nhẹ, dịu dàng của Hồng luôn ám ảnh trong đầu óc, làm ông cảm thấy cuộc đời thật hạnh phúc, đãi ngộ ông quá khi tuổi đã về chiều.

Từ ngày ly dị bà Hiền, ông và Hồng đã đổi cách xưng hô với nhau. Bây giờ hai tiếng “Anh, Em” ngọt ngào làm cho ông như sống lại tuổi thanh niên, khi mới yêu lần đầu. Tốn bao nhiêu tiền đi đi về về giữa Mỹ & Việt Nam. Tiền cho Hồng & gia đình nàng, tiền sắm sửa tổ ấm…ông đều không tiếc, vì nghĩ sau khi mọi chuyện được ổn định rồi thì đâu cũng vào đấy. Ông sẽ có một mái ấm, một hạnh phúc tuyệt vời với người vợ trẻ…


***

Hôm nay là ngày ông Hoà ra phi trường đón Hồng từ Việt Nam sang. Hồng đến phi trường Los Angeles, California của hãng China Airlines vào khoảng năm giờ chiều, chờ gần bốn tiếng thì lên máy bay đi đến phi trường Portland, Oregon. Thể là ông sắp được gặp “Người vợ bé bỏng” của mình khoảng hơn mười một giờ tối hôm nay. Tuy chờ đợi hơi khuya, nhưng nghĩ miên man đến hạnh phúc sắp được hưởng, thời gian chờ đợi như ngừng lại đối với ông…..

Ông Hoà thấy sốt ruột lắm, bây giờ đã gần mười hai giờ đêm mà sao vẫn chưa thấy bóng dáng Hồng đi ra? Rõ ràng chuyến bay của Hồng đã Arrived như trên Computer đã báo mà. Chờ thêm mười phút nữa, vẫn không thấy Hồng, ông Hòa bèn ra quày vé hỏi thăm thì được biết không có ai tên Hồng trên chuyến bay đó. Thật ngỡ ngàng, ông lôi tờ giấy đã ghi chi tiết về chuyến bay rời Việt Nam của Hồng ra xem, rồi nhờ người ở quày vé hỏi thăm dùm. Một lúc sau, cô nhân viên hãng máy bay cho biết: Hồng thật sự có rời Việt Nam trên chuyến bay của hãng hàng không China và đến phi trường Los Angeles đúng giờ , nhưng họ không có boarding pass của Hồng trên chuyến phi cơ của hãng Alaska đến Portland. Thế này là thế nào nhỉ? Ông Hòa thật sự là không thể hiểu được. Hai ngày trước, Hồng còn nói qua phone với ông: “ Anh nhớ đón em đúng giờ nhé ! ” Vậy mà…..thật là bực mình ! Ông Hoà lẩm bẩm như vậy. Thôi thì về nhà, rồi gọi về Việt Nam xem có tin tức gì không ?

Vừa quay số phone, ông Hoà vừa bực mình, vừa lo lắng…Có chuyện gì thì cũng phải gọi phone cho ông chứ. Ông đã dặn đi, dặn lại nàng cách gọi phone cho ông rồi kia mà. Bên kia đầu dây, tiếng Mẹ của Hồng, sau khi nghe ông xưng tên, bà nói :

- Hồng nó qua đó với ông rồi mà. Tôi chưa nghe nó gọi về. Có tin gì thì ông báo cho tôi biết nhé !

Nghe giọng bà Thành cũng có vẻ hốt hoảng lắm. Thôi thì đành chờ Hồng liên lạc chứ còn biết làm gì hơn ? Chẳng lẽ ông đi khai Hồng mất tích khi chưa đầy 24 giờ ?


***

Ba ngày trôi qua như ba thế kỷ đối với ông Hoà. Nỗi lo lắng đã trở thành tức giận. Ông không buồn ra khỏi nhà, ngay cả việc ăn uống ông cũng không màng. Nhìn cái phone, chờ đợi tiếng reo của nó, rồi nhìn những thứ ông mua sắm cho Hồng, bất giác ông thở dài và thốt : “Mình phải làm gì bây giờ ? ”…Thời gian cứ thế trôi đi…ông Hoà sống với sự thất vọng lớn dần. Ông nhất quyết vì tự ái không hỏi thăm tin tức về Hồng nữa, dù rằng ông rất nhớ đến tiếng nói nhẹ nhàng , ngọt ngào của nàng…Trong lúc không còn hy vọng gì thì tiếng phone reng , bên kia đầu giây, giọng Hồng vui vẻ nói :

- Thưa ông, em rất cám ơn ông đã giúp em qua được bên đây. Trước đây, em đã nói nếu qua được Mỹ em sẽ ở riêng và không phiền đến Ông Bà. Hôm em đến Phi trường ở Los Angeles thì người bạn trai ngày xưa của em đã đón em về nhà anh ấy. Em biết ông đợi em, nhưng vì mới đến, em còn chưa quen nhiều việc, nên hôm nay em mới gọi cho ông được.

Chỉ mới nghe như vậy, lòng ông Hoà đã như tan nát. Đầu giây bên kia, Hồng vẫn tiếp tục nói, nhưng ông Hoà đã cúp phone, không còn muốn nghe nữa. Ông thật sự không còn kìm hãm được sự tức giận và tất cả những vật trên bàn ăn đã trở thành “nạn nhân”, bị văng tung toé trên sàn nhà…..


***

Suốt mấy tháng qua, ông Hoà sống mà như đã chết, nhìn ông thật tiều tụy. Nghĩ đến Hồng, nghĩ đến bà Hiền, ông cảm thấy buồn và hối hận vô tả. Cầm phone gọi cho Yến, sau vài câu thăm hỏi con và cháu, ông ngập ngừng nói :

- Yến à, lần này con cố gắng xin Mẹ cho Bố gặp mặt được không ?

Từ ngày chính thức ly dị, cầm số tiền đã chia đôi với ông Hoà, bà Hiền đã cúng hết vào chùa. Ngôi chùa nhỏ này thỉnh thoảng mới có thày hay sư cô ở xa về giảng, còn bình thường thì ban quản trị của chùa cũng cần có người ở lại để chăm sóc vườn tược, thắp cây nến, nén nhang trên bàn thờ Phật… Bà Hiền đã được mọi người vừa tín nhiệm, vừa thông cảm cho hoàn cảnh của bà, nên họ đã bằng lòng để bà ở lại săn sóc ngôi chùa.

Bà Hiền thật sự muốn rũ bỏ chuyện đời, nên dù không còn hờn giận gì ông Hoà, bà cũng quyết định không bao giờ muốn gặp lại hay muốn nghe tin tức gì về ông nữa. Bà chỉ chú tâm tụng kinh, niệm Phật, siêng năng làm việc : từ trong ra đến ngoài chùa, không để phí phạm giờ phút nào. Bà đã thấu hiểu được nguyên nhân gây nên những ràng buộc, những đưa đẩy dẫn con người đến sự nô lệ vật chất và những khổ luỵ tinh thần. Đọc Kinh Pháp Hoa, một bộ Kinh Đại Thừa dạy chúng sinh thức tỉnh, tìm về với tánh Phật sẵn có nơi mỗi con người để tu hành mà giác ngộ. Bà thật sự thấy thế gian này chỉ là một huyển hiện nhất thời, như Đức Phật đã nói :

“ Giáo Pháp của ta thuần một vị, đó là vị giải thoát “. Và có lẽ tâm hồn bà, giờ đây đang thật sự được giải thoát……….



Phan Tuyết Anh