PDA

View Full Version : Người Trong Sạch Mang Tội



Longhai
08-04-2012, 11:21 PM
Người Trong Sạch Mang Tội

Hồ Thủy


Một tia nắng sắc bén có màu hồng pha đỏ, xanh và hơi tím xuyên qua lổ hỗng nhỏ sát mái tôn soi vào căn phòng chật hẹp, như một cái xà lim – ông nghĩ thế - tia nắng chiếu một đường thẳng băng như sợi dây căng từ bên này qua tới bên kia, rồi nó di chuyển dần dần theo ánh mặt trời, chỉ còn chừng một một gang tay là chạm vào trán ông.

Ông nhích người qua chổ khác để quan sát tia nắng ấy; “đẹp quá”, ông kêu lên như vậy khi thấy có rất nhiều vật thể li ti đầy màu sắc - có lẽ là những hạt bụi - đang nhảy múa trong tia nắng của một sáng mùa Xuân xuyên qua cái lổ nhỏ đó làm sáng phía bên trong của cái xà lim nơi ông đang bị nhốt kín. Tia nắng nhỏ bé, thẳng băng, sắc bén là vật duy nhất không thể nắm được trong tay nhưng lại nối kết được ông với thế giới bên ngoài.

Mỗi ngày; vào một giờ nhất định, với một khoảng thời gian cũng nhất định, ông được tên quản giáo mở cửa cho ra ngoài một lần để làm những công việc vệ sinh cá nhân cần thiết, mặc dù trong lúc ông đang làm việc vệ sinh cho mình thì tên quản giáo vẫn đứng canh chừng ở đâu đó rất gần, tiếp đến ông bị tập họp cùng với những người tù khác để nghe “phổ biến” nọ kia, nghe giảng thuyết về chủ nghĩa xã hội, về bác và đảng…v…v...những lúc ấy ông mở to hai con mắt và dõng hai tai lên một cách chăm chú để nghe, say sưa như nuốt từng lời của tên chính trị viên, nhưng… không ai biết được rằng những lúc ấy thì mắt ông không thấy, tai ông chẳng nghe gì vì ông …đang THIỀN; đang đọc thầm trong trí những câu kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh và ông đang nghỉ về cuộc khổ nạn của Chúa JESU; để thấy rằng điều ông đang phải chịu ở đây thật chẳng thấp tháp gì so với sự khổ nạn của Đức Chúa.

Ông bị kết án với một cái tội mà khi đọc lên nó thật là kinh khủng làm ông lạnh người, đó là tội " mang nợ máu của nhân dân”. Ông không biết vì sao mình bị gán cho cái tội tày đình như vậy. Cũng bởi vì mang tội này nên ông bị nhốt vào đây, cách biệt với mọi người, với không gian bên ngoài, niềm vui duy nhất ông tự tạo lấy cho mình là chờ đợi mỗi buổi sáng để đón nhìn vệt nắng chiếu soi qua lổ hổng như ông vẫn soi chiếu lòng mình xem ông đã “nợ máu của nhân dân” như thế nào? nợ ra làm sao?. Và thêm một nguồn an ủi lớn lao cho tâm hồn ông để ông được tồn tại mà chịu đựng sự đau khổ của tinh thần lẫn thể xác hầu mong có một ngày ông được ra khỏi nơi đây; đó là những lời kinh nguyện mà ông đọc thường xuyên mỗi ngày trong tâm trí, không ngưng nghỉ.

“Nợ máu của nhân dân”. Kinh khủng quá; khi ông là người rất yêu quí con người, bất luận giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, và nhất là không cần biết người đó có ghét ông hay không.

Vệt nắng đã biến mất, có nghĩa là mặt trời đã lên cao tới đỉnh đầu, trong xà lim nóng như lửa làm ông cảm thấy ngột ngạt khó thở, cảm giác này sẽ dịu dần khi buổi chiều đến để thay thế cho buổi trưa. Nền xi măng vừa mang hơi lạnh của đất, vừa hầm hập sức nóng của mặt trời. Ngày và đêm hoán đỗi cho nhau, không biết ông bị giam ở đây đến chừng nào mới được thả ra ? “nợ máu của nhân dân”…TỘI LỚN QUÁ. Ông cố…như lời yêu cầu của những kẽ giam giữ ông là phải tự kiểm điểm, ông đang tự kiểm điểm từng ngày và mỗi ngày một chút…để biết ông đã mang món “nợ máu của nhân dân” như thế nào? Và mang nó từ lúc nào?

Khi kiểm điểm tội danh mang trên người là “nợ máu của nhân dân”, ông phải bắt đầu từ trong gia đình của mình trước, ngẩm xem ông có mang tội gì với cha mẹ chị em và vợ con ông chưa ? Bởi vì gia đình là cốt lỏi, là cái nôi ru con người ta khôn lớn, là nơi con người ta sẽ phạm những tội đầu tiên, rồi sau đó mới từ từ lan ra ngoài; đến xóm làng và xã hội…

…Ông sinh ra trong một gia đình thuộc vào một dòng họ rất nổi tiếng ở Huế, đó là dòng họ HỒ ĐẮC, có câu nói truyền miệng rằng “họ Hồ làm quan, họ Đoàn làm giặc”, tuy nhà nghèo nhưng lại rất gia phong lễ giáo, ông là con trai trưởng của một đàn em bảy người vừa trai vừa gái, trên ông còn có một người chị, tất cả là chín người. Nề nếp trong gia đình ông; dù nghèo nhưng vẫn đầy lòng tự trọng, cha mẹ ông luôn luôn nhắc nhỡ các con sau mỗi buổi đọc kinh tối trước khi đi ngủ, đó là câu: “đói cho sạch, rách cho thơm”, và “giấy rách phải giữ lấy lề”. Ông chăm chỉ, siêng năng, ham học nhưng vì nhà nghèo nên thật khó khăn để được đến trường, nhờ các Frères của trường Pellerin thương tình cho ông được miễn học phí. Thông minh và chăm chỉ nên ông học rất giỏi, nhanh chóng lấy được bằng Diclompe; lúc đó ông còn nhỏ tuổi lắm. Ông được cụ Phán Đệ mời về dạy kèm cho con của cụ, nhưng ngoài việc dạy kèm con của cụ, ông phải làm thêm mấy việc lặt vặt cho nhà cụ chẳng khác gì một anh ở đợ nữa buổi…cụ Phán Đệ trả lương cho ông chỉ có một mà xữ dụng ông đến gấp đôi. Ông cam chịu vì cần có tiền phụ cha mẹ lo cho các em được đến trường.

Trong gia đình ông là một người con rất mực hiếu đạo, là người anh rất thương yêu các em. Với xóm giềng ông lại rất tốt bụng,sẵn sàng giúp đở mọi người. KHÔNG AI THÙ GHÉT ÔNG.

Năm hai mươi hai tuổi ông được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Thể Dục Thể Thao ở Thuận An, ông vui vẽ hòa nhả với tất cả các anh em đồng nghiệp và những người chung quanh cũng như các học trò. KHÔNG AI THÙ GHÉT ÔNG.

Hai mươi bốn tuổi ông lập gia đình với một cô gái xinh đẹp ở cùng làng do cha mẹ chọn, ông sống chung thủy hết mực với vợ mình. năm sau thì có đứa con trai đầu lòng, ông yêu thương con bằng tất cả tấm lòng của một người cha. KHÔNG AI THÙ GHÉT ÔNG.

Sự thông minh, bản tính chăm chỉ siêng năng, luôn hết lòng với công việc nên ông được bổ nhiệm về làm Tri Huyện ở một huyện có tên là Gio Linh. Ông đã dồn hết tình yêu thương cho những đồng bào nghèo khổ, ông giúp đỡ lo lắng cho họ hết lòng, ông đã được đền đáp lại bằng sự cảm mến kính trọng của họ dành cho ông, ông luôn giữ sự thanh liêm chính trực cho tâm hồn mình. KHÔNG AI THÙ GHÉT ÔNG.

Từ Tri Huyện ông được thăng lên làm Tri Phủ Vỉnh Linh, với chúc vụ nầy, lại một lần nữa ông đã dốc hết toàn lực để lo cho dân, chức vụ càng to thì trách nhiệm càng lớn, vì thế ông càng mở rộng tấm lòng của mình mà lo cho người dân trong huyện, phủ nhiều hơn, và ông lúc nào cũng thanh liêm chính trực. Dân trong phủ ca ngợi ông vì ông đã đem đến cho họ cuộc sống yên lành no đủ. KHÔNG AI THÙ GHÉT ÔNG.

Trước ngày Đất Nước bị chia đôi, ông đã mất ăn mất ngủ để lo cho người dân trong huyện phủ được vào miền Nam theo như ý nguyện của họ, họ đã kéo nhau rất đông đến trước cửa Phủ khóc lóc năn nỉ ông cùng đi với họ vì họ lo cho ông: cái đầu của ông được treo với giá là năm trăm đồng. Nhưng ông là người ra đi sau cùng, ai cũng bịn rịn khi chia tay. KHÔNG AI THÙ GHÉT ÔNG.

Ngày Độc Lập, khi cụ Ngô Đình Diệm lên làm Tổng Thống, ông vào Quảng Trị và làm Quận Trưởng, lúc nào cũng hòa nhã, vui vẽ với mọi người, vẫn một lòng yêu mến người dân và luôn giữ cho mình được sự trong sạch, một năm sau ông phải đưa gia đình vào Huế, vì khi chính sách Điền Địa của cụ Ngô đưa dân lên lập nghiệp ở các vùng cao nguyên trung phần thì ông là người được cụ chỉ định tiên phong lên đó để lo cho những người dân di cư. Pleiku là địa điểm đầu tiên mà ông đến. Bao nhiêu gian lao khổ cực ông đều chịu đựng mà không hề chùn bước, ông xem những người di dân như là người thân của mình và họ cũng rất yêu mến quý trọng ông. Đất đai vùng cao nguyên Pleiku đầy màu mở, khi họ gặt hái được những thành quả đầu tiên trên những thửa ruộng như lúa, bắp, khoai, sắn, và các thứ đậu…v…v…thì người đầu tiên họ nghỉ đến là ông, họ đã cùng nhau mang đến ông những tặng phẩm là khoai, là bắp, đậu… mỗi thứ một bao nhỏ và họ đã ngồi lại với ông để cùng nhau bàn bạc về vụ mùa năm sau, ông cảm thấy mình thật hạnh phúc trong nỗi mừng vui và nguồn hy vọng của họ. KHÔNG AI THÙ GHÉT ÔNG.

Khi Pleiku đã trở nên trù phú sung túc thì ông được lệnh đổi lên Ban Mê Thuột, ông cũng làm việc ở Khu Dinh Điền trong các vùng sâu tận trong xa. Nơi đây ông cũng hết lòng xả thân lăn lộn với đám dân cày, ông đã là họ và họ ở trong ông. Họ yêu mến ông đến nổi khi ông đổi về Huế để được gần với mẹ già, thì chỉ mới được vài tháng, nhân kỳ bầu cử quốc hội khóa hai, dân chúng ở các khu dinh điền gởi kiến nghị vào Phủ Tổng Thống yêu cầu Tổng Thống ký công văn bắt buộc ông phải ra ứng cử dân biểu để người dân được phần nào đền đáp công ơn ông, bày tỏ tấm lòng yêu quí của họ đối với ông bằng cách mỗi người sẽ bỏ cho ông một lá phiếu. Đêm đó ông đang ngồi chơi “xam hường” với vợ và mấy người bà con thì có lịnh ông phải lên ngay Ban Mê Thuộc, Phủ Tổng Thống dành riêng một chiếc máy bay để đưa ông đi cho kịp nộp hồ sơ ứng cữ vì ngày mai là hết hạn. Ông lấy hình ảnh Con Gà Trống để làm biểu tượng cho mình với ý nghĩa: con gà trống luôn đánh thức mọi người dậy sớm để ra đồng làm việc. Ông đã đắt cữ với một số phiếu cao ngất trời. Người dân sung sướng vì có ông là người đại diện cho họ, nói lên những nguyện vọng của họ và sẽ là người thực hiện những nguyện vọng chính đáng của dân. KHÔNG AI THÙ GHÉT ÔNG.

Tháng 11 năm 1963 Đệ Nhất Cộng Hòa của cụ Ngô Đình Diệm bị sụp đổ bởi vì sự phản bội của một số người “tham sự vinh hoa phú quí”…Đây là một đại họa cho toàn đất nước Việt Nam nói chung và gia đình ông nói riêng. Ông và hai người em trai bị bắt, bị bỏ tù với cái tội là làm kinh tài cho ông Ngô Đình Cẩn. Mẹ ông lâm trọng bịnh vì ba người con trai cùng bị vô tù, ngày bà mất không được thấy mặt các con trai của mình. nhưng cũng may; khi vừa liệm bà cụ vào trong quan tài chưa kịp đậy nắp thì ông và các em được “dẩn độ” về nhà trong một chiếc xe bít bùng, họ cho ba người vào nhìn mặt mẹ lần cuối, quái ác là họ không chịu mở còng cho ba anh em, ba người chỉ có mười lăm phút nhìn mẹ, sau đó thì phải ra xe bít bùng trở về lao Thừa Phủ. Mọi người khóc la vang trời.

Thời gian sau cuộc đảo chánh này thật là lộn xộn, hết Nguyễn Khánh lên trị vì lại đến Nguyễn Thi (hay ngược lại?) đất nước rối ren như mớ bòng bong. Ngôi nhà của vợ chồng ông trên đường Lý Thường Kiệt của thành phố Huế bị chính quyền mới tịch biên, vợ con ông thì bị đẩy lùi vào ở phía sau nhà bếp, phần lớn nhà phía trước và bên hông họ cho tờ báo Lập Trường lấy làm Tòa Soạn của báo, phần còn lại thì cấp cho một người nào đó.

Ông và hai người em ở tù ba năm bốn tháng sáu ngày, bị đưa ra côn đảo sống “thong dong” ngoài đó. Lúc này cuộc sống của vợ con ông gặp rất nhiều khó khăn, gia đình ông được các linh mục Dòng Chúa Cứa Thế giúp đở mọi bề. Vì không tìm ra chứng cứ là ba anh em Hồ Đắc có tội nên ông và hai em được tha về với dòng chử “cho tại ngoại hầu tra”.

Ông vào Sàì Gòn để kiếm việc làm, nhờ sự giới thiệu của Đức Cha Nguyễn văn Thuận là cháu kêu cụ Tổng Thống Ngô Đình Diệm bằng Cậu nên ông được nhận vào trường Lasan Tabert, dạy Pháp văn cho các lớp Đệ Nhất Cấp, ông trở thành Giaó Sư. Học trò KHÔNG AI THÙ GHÉT ÔNG.

Lương ít, không lo được cho các con ăn học nên mấy tháng sau ông nghỉ dạy về Nha Trang, ở đó có một vị linh mục DCCT mà ông quen thân, đã giới thiệu cho ông vào làm ở tòa lãnh sự Mỹ.

Ông là người cần mẫn và có trách nhiệm với công việc, vẫn luôn luôn là người hiền lành khiêm tốn, các con của ông: hai người con trai lớn đi lính, đứa con gái học Đại Học sư phạm Đà Lạt sau đó lên dạy học ở trên Pleiku, còn cậu con trai út đang học Đại Học Văn Khoa Sàigòn, gia đình ông sống hài hòa, vợ ông là người đôn hậu, chất phát, xóm giềng rất yêu quí ông. KHÔNG AI THÙ GHÉT ÔNG.


***

Rồi chính biến, ông chạy vào Sài Gòn bởi quá sợ hãi, nhớ năm xưa ông bị treo giá mấy trăm đồng vì dám che chở cho dân chạy thoát khỏi ách cs. Ông đinh ninh rằng Sài Gòn không mất. Ông đã tin vào điều này cho đến phút cuối, vì vậy khi cầm trên tay năm tấm vé máy bay của cơ quan Mỹ nơi ông làm việc; ông không đi, vợ ông đã vật vã, cằn nhằn khóc la nhưng ông không muốn rời xa quê hương xứ sở, ông cũng không muốn phải làm thân “ăn nhờ ở đậu” xứ người ta. Và nhất là ông nghỉ rằng “làm sao mà mất được miền Nam Việt Nam”, đây chỉ là một “ván bài lật ngữa”, để cho những tên nằm vùng phải lộ diện. Không đâu bằng quê hương xứ sở của mình. nhưng một điều đau đớn nhất trong ông là đứa con gái dạy học ở Pleiku…đã chết trên đường đi di tản.

… Nhớ lại trong những ngày chộn rộn thành phố Nha Trang đón đoàn người di tản, con ông vẩn chưa thấy về, ông qua các trường học tìm những người ở Pleiku đang tị nạn để hỏi thăm tin tức, gặp đứa con trai xưng là học trò của con gái ông, nó nói rằng cô giáo đã bị tan xác vì trúng đạn pháo kích. Ông đã xỉu ngay tại chổ. Sau khi tỉnh lại ông về nhà báo cho vợ biết, bà cũng xỉu như ông…

Ông đưa bà vào Sài Gòn trước, những giờ phút cuối cùng khi nghe Nha Trang sắp sửa thất thủ, ông bỏ lại ngôi nhà để bà vú trông coi còn ông thì xuống ghe đi luôn vào Sg. Ông là một trong những người cuối cùng ra đi.

May mắn thay con gái ông vẫn còn sống và trở về. Đối với ông thì đó là một giấc mơ. Con ông đã theo gia đình một người bạn dạy cùng trường, sống lẫn trốn trong rừng suốt một tháng trời. Chính phép lạ của Chúa đã đưa con gái ông về với gia đình.

Nhưng…những điều mà ông tin tưởng cũng như là niềm hy vọng của ông nó như những bọt bong bóng xà phòng…tan ra thành nước.

Niền Nam cũng bị mất vào sáng ngày 30 tháng tư năm 1975. người con trai lớn của ông là sĩ quan Quân vận bị đưa đi học tập cải tạo, sau đó bỏ trốn, bị bắt lại, một đêm khuya bị đưa ra trước hàng ngàn người sĩ quan học tập và bị xử bắn tại Long Giao, còn con trai kế chỉ là lính nên học tập ba ngày mà thôi.

Ông nhận được tin bà vú của gia đình ông đang ở lại trông coi ngôi nhà của ông, đã bị quân giải phóng đuổi ra đường để họ chiếm lấy căn nhà mà nó đã được tạo dựng từ mồ hôi nước mắt của vợ chồng ông. Ông khóc vì đau đớn.

Ông về vùng quê xa xôi hẻo lánh với gia đình người em trai, nơi đây vợ chồng ông mua một mảnh đất nhỏ, dựng một cái nhà lá con con, ngày ngày ông vác cuốc đi làm rẫy trong vườn cao su, ông trồng mấy vồng khoai lang, mỗi lần khoai lớn thì nhổ lên đem về cho vợ bán.Tháng 11 năm 1975 con gái ông đi lấy chồng, con rể rất có hiếu đã lo trang trải mọi việc chi tiêu trong nhà cho hai vợ chồng già và đứa con trai út; cũng phải vác cuốc lên vai đi làm rẩy như ông, mặc dù nó đang là sinh viên Văn Khoa năm thứ ba thì bị giải phóng. Gia cảnh thanh bần khi nhà nước đổi tiền, ông bà không có gì ngoài một mái nhà lá đơn sơ, quanh nhà treo đầy hoa phong lan.

Có tin từ Nha Trang báo vào cho biết ông đang bị truy lùng, người tố cáo ông với ban quân quản là một thằng nát rượu ở sau nhà ông. Ông nhớ thằng này là một đứa con bất hiếu, một thằng chồng bất nhân, một thằng anh bất nghĩa, nó đã nhiều lần mắng cha má nó, đánh đập vợ con, hành hung anh em nó mỗi khi nó uống rượu rồi say xỉn hoặc những lần nó vòi tiền đi uống rượu mà không có. Ông đã nhiều lần can ngăn, nhiều lần cho vợ con nó trốn nhờ, nhiều lần che chở cha má nó, hàng xóm láng giềng tránh nó như tránh hủi vì nó cũng từng nhiều lần phá làng phá xóm… Đọc truyện Nam Cao để đánh giá được rằng nó còn tệ hơn cả Chí Phèo, con gái ông phong cho nó là “sư phụ của Chí Phèo”.

Ông nhận được một lá thư tay gởi vào khuyên ông hãy đi trốn, vì “sư phụ của Chí Phèo” tố cáo ông là người có tội với nhân dân, mà hắn vổ ngực xưng mình chính là nhân dân, nhân dân “sư phụ của Chí Phèo” tố cáo rằng “đã nhiều lần bị ông ức hiếp”.

Ngày đó khi miền Nam mới vừa bị giải phóng, vc khuyến khích người ta tố cáo nhau, càng nhiều càng tốt, tội nhỏ như hạt cát cũng ráng thổi phồng cho thật to bằng quả núi. Phải vắt óc nặn đầu làm sao mà moi cho ra tội của một ai đó để đấu tố, những đêm diễn ra cuộc đấu tố thật là kinh khủng: phải sát khí đằng đằng, mắt phải quắc thật to và tay phải vung lên thật cao…, càng tỏ ra căm thù bao nhiêu càng thể hiện được mình bấy nhiêu.

Ông đã trốn, đã âm thầm lặng lẻ làm người thủ kho cho một nhà thầu xây dựng ở bên Thủ Thiêm. Được sáu tháng thấy tình hình êm ắng, ông trở về nhà tiếp tục vác cuốc lên vai đi làm rẫy. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn “họ” đã vào tận nhà bắt ông, còng hai tay ông lại và dẫn lên xe đi mất biệt, gia đình ông chưa nhận được tin tức gì về ông.

Đây là lần thứ hai ông đi tù.

Ông giật mình khi một tia chớp lóa sáng lên trong đầu ông, soi sáng trí óc để ông có được câu trã lời cho câu hỏi : tại sao, vì lẽ gì mà ông mang cái tội khủng khiếp “nợ máu của nhân dân”. Thật đơn giãn chỉ vì ông bị thằng “sư phụ của Chí Phèo” thù ghét.

Suy xét kỷ lưỡng thì từ lúc ông còn nhỏ cho đến khi lớn lên, từ lúc ông làm quan cho tới khi ông vào tù vì cụ Ngô Đình Diệm bị giết, rồi từ khi ông là Giaó sư của trường Lasan Tabert rồi sau đó làm việc ở tòa lãnh sự Mỹ cho tới ngày đất nước bị giải phóng, ông chưa hề làm hại một ai và cũng chưa hề bị ai thù ghét.

Chỉ có “sư phụ của Chí Phèo”, một cái thằng “người không ra người, ngợm không ra ngợm” là ghét ông vì ông luôn binh vực cha má, vợ con, anh em nó: những người thường bị nó hành hạ hiếp đáp mỗi khi nó say xỉn, ông đã dám chọc tức nó, ông đã dám phê phán nó mỗi lần nó quậy phá gia đình và làng xóm chung quanh.

Ông chảy nước mắt khóc cho mình, cho đời, cho cái tội khủng khiếp mà ông không bao giờ có. Ông lúc nào cũng là người hết lòng thương dân, là người đã sống và lo cho dân hết mực, là người nặng tình nặng nghĩa với người dân. Thế mà chỉ vì lời tố cáo của “sư phụ Chí Phèo”, ông đã bị gán vào mình một cái tội thật kinh khủng: nợ máu của nhân dân. Với tội danh đó không biết chừng nào ông mới được thả ra ?.

***

Sau gần bốn năm bị giam cầm thì sức khỏe của ông suy kiệt nặng nề, một buổi sáng như thường lệ, tên quản giáo mở cửa để đưa ông ra ngoài nhưng y ta hoảng hồn khi thấy ông nằm đó và bị ngất xỉu từ lúc nào. Ông được đưa vào trạm xá của nhà tù và được cấp cứu hồi sức. Hai ngày sau họ thả ông ra và cho ông về nơi nào ông muốn, với mấy đồng tiền lẻ tên quản giáo cho, ông đi xích lô về xóm bóng; tới nhà thờ Vĩnh Phước ông tìm nhà người quen để xin nghỉ lại vài ngày vì ông còn yếu ghê lắm. Những người quen còn sót lại vì chưa đi vượt biên đã rất mừng rỡ đón ông vào nhà và chăm sóc ông tận tình, bà vú của gia đình ông đang giúp việc cho một gia đình ngoài chợ hay tin ông được thả, chạy đến mừng khóc sưng cả mắt. mấy ngày đó ông được những người xóm giềng quen biết đem tới mời ông những thức ăn ngon…người y tá quen ngày nào cũng chích thuốc bổ cho ông được mau khỏe.

Người ta đến thăm ông đông lắm, kể cho ông nghe rất nhiều chuyện, trong đó có chuyện thằng “sư phụ của Chí Phèo” ( họ cũng cho biết chính nó là người đã tố cáo ông mang “nợ máu của nhân dân” ) đã bị công an bắt nhốt vì tội quậy phá làng xóm, hành hung vợ con…

Ông khóc ròng khi nhìn qua bên kia đường là ngôi nhà của ông; nay họ đã bị chiếm và giao cho Công ty Hải Sản. Kỷ niệm của gia đình ông trong ngôi nhà này nhiều lắm.

Bốn ngày sau sức khỏe của ông đã khá, ông ngỏ ý muốn về Trãng Bom, xã Quảng Biên để tìm gia đình. Mỗi người láng giềng nhét vào tay ông một ít tiền làm lộ phí đi đường, bà vú khóc lóc tiễn ông ra ga.

Xe lửa ngừng lại ở ga xép Quảng Biên, ông bước xuống, lòng dạ thì bồi hồi và đôi chân thì run rẫy. Với một giỏ đệm nhỏ nhoi trên tay, trong đó chỉ có một bộ áo quần và mấy gói khô cá là quà tặng của xóm giềng Vĩnh Phước; ông mò mẵm từng bước chân xiêu vẹo đi tìm nhà mình. Căn nhà tre lá ngày đó vợ ông đã bán rồi, bà lên Sài Gòn sống với vợ chồng đứa con gái, con trai út cưới vợ, hai vợ chồng nó đang ở nhờ trong cái chòi lá trên rẫy bắp của người quen. Ông lần hồi từng bước chân yếu ớt tìm ra rẫy bắp…con trai ông ôm lấy cha và cả hai cùng khóc nức nở vì tủi, vì thương và vì đau đớn. Con dâu ông đang chiên bánh cam cho chồng đội ra chợ bán, đứa cháu nội đang lẫm chẫm tập đi.

Gia đình ông tan nát, sa vào cảnh “tận cùng bằng số” chỉ vì một cái tội mà ông không hề phạm; bởi sự tố cáo của một thằng nát rượu tệ hơn cả Chí Phèo.

Ông ấy chính là “cha của tôi”.

Hồ Thủy