PDA

View Full Version : Khủng hoảng tài chính



Thuyduong
10-19-2008, 02:14 AM
Mỹ mất ngôi siêu cường hay chăng?

Việt Long, phóng viên RFA
2008-10-17

Giữa cơn sóng thần khủng hoảng tài chính ở Mỹ và châu Âu, khắp thế giới rộ lên những phán quyết rằng Hoa Kỳ đã chấm dứt thời hoàng kim của một siêu cường kinh tế tài chính, quân sự và nhiều mặt khác.
Nhìêu nhà kinh tế và nhà bình luận của Mỹ cũng than thở trong cùng một điệu buồn như thế. Nhưng vẫn có nhiều ý kiến khác hẳn, điển hình là một bài báo của The Wall Street Journal ra ngày 14 tháng này.

Ngôi bá chủ thị trường của Mỹ còn rất vững

Phải mất hơn 2 thế kỷ và 11 trận bao vây, thủ đô Constantinople của các đế quốc Thiên chúa giáo thay nhau trị vì từ năm 330 mới rơi vào tay đế quốc Thổ Nhĩ kỳ vào năm 1453.

Phải hai cuộc chiến tranh thế giới, một trận suy thoái kinh tế toàn cầu và một phần cuộc chiến tranh lạnh, vương quốc Anh mới chịu xuống khỏi bệ vàng đế quốc hàng đầu.

Vậy thì nên cá một ăn mười là kỷ nguyên bá chủ thị trường của nước Mỹ không thể chấm dứt chỉ vì một cuộc khủng hoảng tài chính.

Nhưng nhiều nước khác vẫn nghĩ ngược lại. Các nhà lãnh đạo thế giới của Đức, Nga và Iran đồng thanh tiên đoán điều gọi là kỷ nguyên bá quyền tài chính và bá quyền nhiều mặt khác của Hoa Kỳ đã chấm dứt. Báo chí châu Âu đã đành, mà cả báo Mỹ cũng than thở không khác.

Tuy nhiên anh khổng lồ có té ngồi thì vẫn còn cao hơn nhiều so với các ông lùn khác, dù đó là các đầu tàu kinh tế trên thế giới.

Kinh tế thế giới suy trầm không chắc đã bất lợi cho Mỹ

Lúc tệ hại nhất ở Hoa Kỳ là lúc chỉ số Dow Jones mất 25% trong ba tháng, vào hôm thứ hai 13 tháng 10. Thì khi đó chỉ số chứng khoán của Đức mất 28%, của Thượng hải Trung Quốc mất 30%, Nhật 37% và Nga 61%. Mỹ mất, nhưng cũng chẳng ai hái được cái lợi ấy.
Kinh tế thế giới suy trầm cũng không chắc đã bất lợi cho Mỹ. Xứ mỏ dầu Venezuela chống Mỹ đang bắt đầu phá sản khi dầu thô xuống dưới 80 đô la một thùng. Hệt như vậy, là hai cường quốc dầu khí Nga và Iran, những nước ghét Mỹ không kém gì Venezuela, còn khốn khổ hơn vì lạm phát và mất niềm tin của giới đầu tư. Nga không chừng sắp cạn sạch 550 tỉ dự trữ ngoại tệ nhanh hơn dự kiến.

Món tiền cứu nguy tài chính của Mỹ so ra cũng vậy. 700 tỉ đô la xem ra quá lớn, nhưng chỉ là hơn 5% GDP của Mỹ. Quỹ cứu nguy của Đức từ 400 tỉ đến 536 tỉ đô la đã chiếm từ 12% đến 16% GDP, của Anh 835 tỉ chiếm tới 30% GDP của vương quốc.

Tất nhiên Mỹ cần hơn 700 tỉ để hồi phục thị trường, nhưng hãy lưu ý rằng tỉ lệ nợ của chính phủ Mỹ trên GDP là khoảng 62%, còn ở khu vực sử dụng đồng Euro thì tỉ lệ đó là 75%, ở Nhật là 180%.

Mỹ vẫn là nơi thu hút đầu tư trực tiếp FDI mạnh nhất thế giới, và là môi trường đầu tư tốt hàng thứ ba sau Singapore và New Zealand, theo số liệu của Ngân hàng Thế Giới.

Vài tuần qua Mỹ còn bị mạnh mẽ chỉ trích một cách bất công về sự minh bạch trong nền tài chính. Thị trường tài chính Mỹ đã không tuyệt đối minh bạch trong một lúc một nơi nào đó, đúng. Nhưng dù sao Mỹ vẫn là một nước luôn luôn đòi hỏi sự phổ biến những thông tin kịp thời và chính xác về tài chính, và một nước như vậy thì phải bền sức hơn, dẻo dai hơn về tài chính so với những nước không đòi hỏi như thế.

Nếu gọi những công ty tài chính lớn Fannie Mae và Freddi Mac của Mỹ là những quả bom nổ chậm, đã nổ, thì hệ thống xí nghiệp quốc doanh của Trung Quốc sẽ nổ mạnh hơn biết bao nhiêu lần trong tưong lai không xa. Bị gọi là kém minh bạch, nhưng người ta quên rằng khuyết điểm của hệ thống tài chính Mỹ bị lộ ra truớc tới mấy tháng so với khi những yếu kém của đầu máy kinh tế châu Âu bị hiện nguyên hình. Vì thế mà đô la lên giá trong mấy tháng nay. Và cũng nhờ thế mà Hoa Kỳ sẽ vượt qua khủng hoảng nhanh hơn nhiều so với một đầu máy kinh tế khác như Nhật Bản, đã phải ôm chặt mà che kín lấy cuộc khủng hoảng ngân hàng trong hơn nửa thập niên 1990.

Hoa Kỳ sẽ vượt qua cơn sóng dữ này cách nào, và nhanh chóng ra sao, thì mọi người đã biết. Suy trầm là một dữ kiện định kỳ của đòi sống kinh tế, kéo dài khoảng từ 6 đến 16 tháng. Suy thoái kinh tế nặng nề thì về căn bản lại là sự kiện chính trị có thể kéo dài cả 10 năm hay lâu hơn thế.

Nếu nền hành pháp trong nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới của Mỹ mà khôn ngoan, thì họ sẽ làm tất cả những gì có thể làm, để giúp cho thị trường tài chính không còn gì mờ ám, cứ để cho suy trầm diễn tiến, trong khi làm mọi điều khả dĩ để bảo vệ vững chắc cho một hệ thống tài chính có thể giúp ích cho người dân một cách tuyệt hảo. Nếu hành pháp Mỹ sắp tới mà không đủ khôn để làm được như vậy, thì họ sẽ lao đầu vào những cuộc thử nghiệm to lớn kéo dài nhiều năm.

Nhưng đằng nào thì nước Mỹ rốt cuộc cũng sẽ hồi phục được tầm vóc kinh tế xứng đáng của mình, và giữ vững thứ hạng xưa nay trên trường quốc tế.

( nguồn http://www.rfa.org )