PDA

View Full Version : Mùa Xuân của Viên Tư Lệnh



Longhai
07-17-2012, 09:23 AM
Mùa Xuân của Viên Tư Lệnh



Các trại cải tạo Sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa được lệnh di chuyển vào sâu trong nội địa, trước khi bọn Trung quốc tấn công năm 1979. Nhóm tù 34 tên tù bệnh tật, kiệt sức vẫn còn nằm thoi thóp chờ lệnh. Mọi người đều yên trí chế nào những con người khốn khổ nầy sẽ nằm lại miền núi rừng Tây Bắc này. Gọi là người cho có vẻ văn minh và khoa học một chút !

Thật ra đây chỉ là những bộ xương biết đi với thân xác gầy nhom, trơ xương, bẩn thỉu !

Các tên quản giáo VC súng ngắn súng dài, tất bật ra vào mấy căn nhà tranh, làm ban chỉ huy, trên ngọn đồi bên kia nương rẫy, thu gom được cái gì hay cái đấy ! Đừng lãng phí “của nhân dân”.

Đoàn tù hai ngàn tên, sáu tháng trước đưa vào đây khai khẩn độ một trăm mẫu rừng để giao cho hợp tác xã Văn Bàng, công việc đang dở dang phải bỏ ngang, hôm nay chỉ còn lại hơn ngàn tên. Cái đám ngụy thế mà yếu xìu ! Chịu cảnh đói rét sơ sơ thế mà đã đi đoong gần phân nửa !

- Ném tất cả những tên tù bệnh lên xe !

- Mang theo làm gì cho vất vả, vướng víu. Để chúng ở lại chốn nầy đôi khi còn có lợi !

- Tớ cũng muốn thế, nhưng các anh ở trên sợ bọn phản động Trung quốc đánh sang, nhìn thấy mấy cái xác khô nầy chúng lại bêu riếu...

Chiếc GMC cũ, sáu bánh đã mòn lòi bố bên trong, vừa nặng nhọc lăn tới doanh trại, những tên còn khỏe, khiêng nâng giúp đỡ các người đồng cảnh khốn khổ trèo lên xe, nói nhỏ :

- Tụi bây nên cảm ơn Chúa Phật đi ! Nếu không có các Ngài...Nằm đây là cái chắc !

Những dấu thánh giá cũng như câu kinh niệm được thực hiện vội vàng. Chiếc xe đi giữa, các tên tù với chiếc ba lô như kéo ngược con người ra phía sau, âm thầm bước hai bên. Thỉnh thoảng có tên không biết đang nghĩ gì , đưa tay vuốt ve thành xe, mơn man nhiều lần, hoặc gõ nhè nhẹ, giống như đang âu yếm người yêu dấu thuở nào! Nhiều tên nhìn chiếc xe khó nhọc bò qua cái dòng suối cạn, lòng dâng lên nỗi ai hoài một thời ngang dọc !

Sau ba ngày lắc lư trên con đường núi độc đạo, lỏm chỏm những đá cụi, lỗ hang, chiếc xe cà khổ cũng về được thị xã Yên Bái, nằm trên dãy Hoàng liên Sơn. Tôi và Nguyễn Tuấn được đưa về trại 7, nằm về phía tây bắc, cách Yên Bái độ 12 km. Nguyễn Tuấn là một trong những Đại Đội Trưởng nổi tiếng của tiểu khu Pleiku lúc bấy giờ. Người anh dong dỏng cao, tóc dợn sóng, đẹp trai, trực tính và hay giúp đỡ anh em tù. Tôi quen anh khi còn làm việc tại Quân khu 2.

Những ngày bị tù tại Lào Kai, anh được phân công làm tổ trưởng nhà bếp, nhưng vì không chịu nhận phần tiêu chuẩn vốn đã ít oi bị chận xén của đám coi tù, anh bị đưa ra đội cuốc, cùng đội với tôi. Tên quản giáo hành tội anh bằng cách bắt anh làm việc với chỉ tiêu gắp đôi, cho đến khi anh kiệt sức ! Tuy vậy nhưng so với tôi, anh còn khỏe chán ! Trên con đường từ thị xã Yên Bái về xã Đông An, hai chúng tôi phải lúc đi, lúc nghỉ. Mỗi lần đứng lên để tiếp tục đoạn đường còn lại, Tuấn phải giúp tôi, nâng gánh đồ tù lên vai, vì tự tôi không đứng lên được với có gánh đồ tù trên vai ! Hàng trang của tù có nhiều nhõi gì đâu: Chăn màn và vài bộ đồ rách, lon gô...Thế mà !

Trại 7 nằm bên cạnh con đường đất đỏ, chay ven triền núi. Toàn khu vực rộng độ hai mẫu tây. chung quanh được bao bọc bằng những dãy núi cao. Dòng suối nhỏ ôm lấy trại giống như con mãnh xà đang quấn con mồi. Trại có năm dãi nhà dài làm chỗ ăn ở cho năm đội và một toán nhà bếp. Toán coi tù nằm trên một ngọn đồi cao. Cây cầu gỗ nhỏ bằng cây rừng, bắt qua dòng suối, nối liền hai bên bờ với nhau. Nơi đây hằng ngày đã in bao nhiêu bước mỗi mệt, trĩu nặng vì những gánh nhọc nhằn theo năm tháng mịt mờ của đời tù .

Sau một tháng nằm nhà làm việc nhẹ, tôi và Nguyễn Tuấn được xếp vào đội nhà bếp. Ngày ngày, hai mươi anh en trong tổ thay phiên nhau, mười người ở nhà đun bếp, toán kia vào rừng tìm củi khô cho cả trại viên và đám cán bộ quản giáo...

Tôi nén khúc củi to xuống đánh bịt một tiếng, lấy chiếc nón lá rách tả tơi quạt liên hồi, để xua đi cái nóng hừng hực trong người. Mồi hôi thi nhau tuôn chảy trên mặt! Anh tổ trưởng Trần di An cũng vừa đến:

-Ê Phan ! Xuống suối rửa mặt, chờ tụi nó gom đủ rồi về.

Khi chúng tôi đến bờ suối, một người tù đã ngồi đấy tự bao giờ và đang trầm ngâm nhìn chăm chú xuống dòng suối, nước đang chảy ầm ầm phía dưới. Những con suối miền núi, khi vào mùa mưa, nước trên nguồn đổ xuống như thác, cuồn cuộn, mang theo không biết bao nhiêu là xác lá, cây rừng, củi khô...Một số chảy về xuôi. Số còn lại vướng những ghềnh đá, tấp vào hai bên bờ. Nhờ vậy, bọn tù chúng tôi cứ thế mà nhặt, tránh đi được nỗi vất vả chui sâu vào trong rừng săn tìm những thân cây khô, làm mồi cho muỗi rừng, sâu vắt và ruồi vàng...

Di An và tôi đến ngồi cạnh người bạn tù. Anh nhìn tôi cười cười, nụ cười thật vô tư. Nếu không nói là trẻ thơ. Anh khẻ gật đầu chào.Trong những ngày quanh quẩn trong trại làm việc nhẹ,tôi thường bắt gặp nhìn thẳng vào tôi và cũng chỉ cười thôi, chẳng nói năng gì cả! Anh cũng chả buồn bắt chuyện với tôi. Riêng tôi vì không được khỏe, nên không nhiều chuyện với ai. Người bạn tù của tôi độ 35 tuổi, dáng anh dong dỏng cao, mặt mày lúc nào cũng lem luốt, quần áo tả tơi! Riêng đôi mắt của anh, có lúc tôi bắt gặp những nét tinh anh, sáng lóe. Nhưng hầu hết đều nằm trong trạng thái ngây khờ, đờ đẫn.

Anh Di An lên tiếng hỏi tôi :

-Anh Phan có biết tên nầy chưa ?

Tôi lắc đầu thay lời đáp. Trong tôi có cái gì đó mơ hồ , gợi nhớ về người bạn tù ngồi bên cạnh, đã gặp nhau mộït lần nào đó trong đời.

-Xin giới thiệu với anh, Đây Thiếu tá Nguyễn văn Thông, Tư lệnh Thái Bình Dương !

Cho dù anh cố làm ra vẻ trịnh trọng, nhưng vẫn không dấu được nét cợt đùa trong lời nói của anh.

-Chào anh Thông. Anh Di An hay đùa. Anh đừng trách.

Thông không nói gì, chỉ cười thôi. Hình như anh đã quen với những nghịch đùa của anh em đối với anh. Thông đứng lên, bước về phía những khúc củi chất đống trên kia. Khi còn lại hai người, tôi hỏi Di An:

-Anh Thông là Thiếu tá thật à ? Hình nhưng anh ấy không vui vì những đùa cợt của anh.

Di An vừa khom người xuống vốc nước rửa mặt:

-Nó “mát” mà biết buồn cái con khỉ gì !

Tôi vẫn thắc mắc:

-Tư lệnh Thái bình Dương là gì ?

Di An hóm hỉnh vì sự khờ khạo của tôi:

-Có con mẹ gì đâu ! Chuyện như thế nấy...

Thì ra, Thông là người vùng Phú Bổn. Trong lúc di tản trên đường 7 B, tháng 3 năm 1975, anh đến được thị xã Tuy Hòa. Sau một đêm ngủ vùi vì mệt và lạnh, trong ngôi chợ của thị xã, ngổn ngang những hàng hóa, súng đạn, quần áo nhà binh. Thông bị VC bắt với chiếc áo có cặp lon Thiếu tá màu đen, được may dính vào bâu. Anh không có giấy tờ trong người. Thông khai là dân thường theo đoàn người chạy loạn, vừa đến được nơi đây...Chiếc áo đã hại anh ! Bọn CS cho anh là sĩ quan ngụy ngoan cố, không thành thật khai báo. Chúng tra khảo anh đến chết đi, sống lại nhiều lần...Nhưng Thông có biết gì khác đâu mà khai với báo ! Lần sau cùng, chúng đánh anh ói máu và ngất đi khá lâu, khi tỉnh lại, bị tiếp tục hỏi cung, anh khai:

- Tôi, Nguyễn văn Thông, Thiếu tá Tư lệnh Thái Bình Dương.

Không hiểu sao bọn VC lại tin vào lời khai nầy Chúng hớn hở vì bắt được sĩ quan cao cấp quan trọng . Anh bị giam cầm một thời gian tại Cung Sơn và sau đó bị đưa ra miền Bắc....Mãi hai năm sau, câu chuyện của Thông mới được sáng tỏ. Thôi thì bắt lầm hơn tha sót, chủ trương của đảng là như vậy kia mà !

Từ khi nghe câu chuyện về Thông, mọi người bạn tù, đều vui gọi anh là “viên Tư Lệnh” , để cảm thông về những oan khiên mà anh đã phải gánh chịu, cũng như cười cợt cái “ đỉnh cao trí tuệ” của những tên người không ra người, ngợm chẳng giống ngợm ! Dưới mắt bọn quản giáo và các bạn tù khác, Thông là người khờ khạo, ngây dại, nửa điên, nửa tỉnh. Nhưng riêng tôi nhận xét, đây là chuyện giả vờ của Thông để che dấu một việc gì đó.

Và quả nhiên, trong một lần đi lấy củi, tôi và anh chui vào cùng một khu rừng. Sau khi tìm đủ chỉ tiêu cho một ngày, tôi rủ Thông đi xuống con suối phía dưới, rửa mặt và ngồi chờ cho đủ mặt mọi người tập trung lại, rồi mang củi về trại. Thông vẫn để gương mặt lem luốc, không buồn lau rửa. Anh nhặt nhánh cây khô gần đó, bẻ từng que nhỏ, nén xuống cho trôi theo dòng nước, đôi mắt u ẩn, xa xăm. Tôi muốn gợi chuyện cùng anh, nhưng chưa kịp mở lời, Thông đã lên tiếng trước:

- Trước năm 75, anh Phan làm việc tại Phú Yên phải không ?

Tôi ngạc nhiên đáp:

- Vâng ! Trước đây tôi có phục vục tại tiểu khu nầy. Chắc anh cũng đã từng làm việc tại đây chứ gì ?..Anh ở đơn vị nào ?

Thông không nhìn tôi, tiếp tục ném những que củi khô xuống suối. Hình như dòng nước đang cuồn cuộn dưới kia đã gợi trong anh những nỗi niềm gì đó ray rức lắm thì phải:

- Tôi đã gặp anh ở Tuy Hòa lúc di tản từ Phú Bổn về.

Tôi sung sướng vì mình đã có nhận xét đúng về Thông. Tôi đến ngồi sát bên anh:

- Hình như anh Thông có tâm sự buồn phải không ?

Anh nắm chặt tay tôi, nhưng mắt vẫn không rời dòng nước đang chảy nhanh bên dưới. Anh kể cho tôi nghe câu chuyện đầy nước mắt của anh...

Thông là trung sĩ ĐPQ của tiểu khu Phú Bổn, đơn vị đóng tại quận Phú Túc gần quận Sơn Hòa của Phú Yên. Sau khi hai tiểu khu Kontum và Pleiku rút bỏ, di tản theo đường 7B. Dân quân Phú Bổn cũng phải ra đi. Gia đình anh gồm mẹ già 70 tuổi, vợ mang bầu gần ngày sanh, cùng thằng con trai năm tuổi. Sau bao ngày cõng mẹ, dùi vợ con, băng rừng vượt suối, lên dốc xuống ghềnh, với biết bao là gian nan vất vả, hiểm nguy giữa hai lằn đạn, gia đình anh cũng đến được bờ sông Ba.

Vào mùa nầy, những cơn mưa rừng triền miên làm cho mực nước dâng cao và chảy xiết. Tuy Trời đã vào Xuân, những cơn gió mạnh mang theo khí lạnh từ trong núi thổi tới, làm cho không khí đã lạnh lùng, càng thêm giá rét, cắt da !

Thông cởi áo ngoài choàng quanh mẹ già đang ôm thằng cháu nội trong lòng. Anh mặc thêm cho vợ chiếc áo lót màu trắng đã ngả màu vàng của mình:

- Mình ngồi sát vào mẹ cho đỡ lạnh. Anh sẽ cõng mọi người qua sông.

Anh tháo giày, lội ra giữa dòng thăm dò... " Cũng không đến nỗi lạnh lắm.” Anh nói thầm, rồi bơi trở lại bờ, bước đến chỗ mẹ ngồi:

- Xin mẹ ôm cổ của con, con đưa mẹ qua sông trước, rồi sẽ lần lượt đến vợ con của con. Bên kia bờ là Quận Hiếu Xương, thị xã Tuy Hòa cũng gần đó thôi. Mình thoát được rồi mẹ ơi !

Thông quì xuống quay lưng trước mặt mẹ chờ đợi. Mẹ anh mệt mỏi nói:

- Con hãy đưa vợ, con qua sông trước đi, rồi trở lại đón mẹ sau.

- Dạ ! Như vậy cũng được.

Anh lần lượt ngụp lặn đem vợ con qua bên kia bờ, đưa đến ngồi tránh mưa dưới một thân cây to, dặn dò:

- Em và con ngồi đây, che mưa cho con. Anh trở lại bên kia cõng mẹ sang, rồi cùng đi.
Mưa càng to thêm. Những hạt nước trĩu nặng quất vào mặt, vào lưng anh rát rạt ! Tuy đã thấm mệt, nhưng anh lo lắng cho mẹ, nên phóng mình xuống dòng nước đục ngầu...Thông cố bơi thật nhanh. Anh cố gắng tránh nhũng thân cây đang bị nước cuốn phăng phăng. Không khéo va vào người bỏ mạng như không ! Anh vừa muốn nôm ọe vì một xác người trương phình tấp vào anh. Thông vội đẩy cái tha ma ra xa, thì một thân cây to va mạnh vào đầu, làm anh chới với chìm xuống, ngộp nước ho sặc sụa, nổi lên chìm xuống mấy đợt! Cuối cùng rồi anh cũng bơi sang được bên kia bờ. Thông vội vàng đến quì bên mẹ đang tung rẩy:

- Xin mẹ ôm cứng cổ con, để con đưa mẹ sang bên kia.

Bà cụ buồn rầu nhìn mưa bão xua tay:

- Mẹ đã già rồi com ơi ! Mẹ sợ làm vướng bận tay con. Thôi con trở qua bên đó đưa vợ con đi về Tuy Hòa...Để mẹ nằm nơi đây...bao giờ yên ổn rồi, con lên đây, mang xương cốt mẹ về Phú Túc chôn cạnh cha con...

Thông ôm mẹ van xin, này nỉ :

- Mẹ ơi ! Làm sao con có thể để mẹ lại được. Mẹ cho con cõng mẹ qua sông mẹ ơi ! Nhanh lên đi mẹ ! Chậm trễ , nước trên nguồn sẽ đổ xuống nhiều, dòng sông sẽ chảy xiết, lòng sông sẽ rộng và sâu hơn... nguy hiểm càng nhiều !.. Nếu mẹ không chịu qua sông, con cùng ở lại bên nầy với mẹ !

Mưa gió vẫn thét gào.Dòng sông đục ngầu, cuồn cuộn chảy...Thông vẫn quì trước mặt mẹ, van nài. Nhưng bà cụ vẫn chần chừ. Anh khẩn khoản thưa với mẹ:

- Xin mẹ thương các con và cháu nội của mẹ ! Đi với tụi con đi mẹ! Con lạy mẹ !

Bà cụ thều thào :

- Mẹ sợ con đã yếu sức, có mẹ trên lưng con sẽ không bơi nhanh được. Nước sẽ dìm chết cả hai. ... Chi bằng con bơi qua một mình đi !

- Không ! Không ! Con còn khỏe lắm !

Nói xong, anh quì sát vào người mẹ, cầm lấy hai tay của cụ đặt lên vai mình:

- Mẹ nhớ ôm chặt người con. Nước có lạnh chút đỉnh...Nhưng mẹ đừng lo, con sẽ lội nhanh hơn....

Thông cõng mẹ bước ra xa bờ. Anh dự trù sẽ thả cho trôi xuôi dòng qua bời bên kia. Anh nhắc nhở mẹ :

- Mẹ ôm chặt nghe ! Con thả trôi đây...

Anh một tay nắm tay mẹ để đề phòng bất trắc, anh còn có thể kéo mẹ lại được. Thông bơi bằng một tay phải ra giữa sông. Càng xa bờ, đến giữa dòng, nước càng chảy xiết , cuốn hai mẹ trôi phăng phăng, nhận chìm họ nhiều lần. Bà cụ ho liên hồi vì uống nước. Thông cũng không khá gì hơn. Anh cả thấy sức khỏe mất dần vì lạnh. Nước đẩy hai mẹ con càng xa bờ xuất phát. Anh cố hết sức dùng cánh tay còn lại để mong băng ngang dòng nước mạnh...Hai người lại chìm xuống... trồi lên nhiều lần ! Lần nầy Thông trồi lên, cảm thấy như có ai đã đẩy mạnh anh vào bờ. Người Thông nhẹ bổng ! Anh kinh ngạc đôi giây...và chợt hiểu ra !... Thông gào lên :

- Mẹ ơi ! Mẹ ơi ! Sao mẹ lại bỏ tụi con...

Anh vừa kêu than, vừa bơi nhanh vào bờ , chạy xuôi theo dòng sông với hy vọng, nước sẽ đưa mẹ tắp vào một nơi nào đó... Tiếng anh thét gào như muốn át cả tiếng mưa rừng:

-Mẹ ơi ! Mẹ ơi !

Đáp lời anh chỉ có tiếng trực thăng quần quật xa xa, tiếng rít của đủ loại đạn pháo bay qua đầu và những tràng AK của VC bắn đuổi theo anh...Mưa rừng vẫn lạnh lùng gào thét...Đất trời tối sầm như đêm đen !..

Nước mắt chảy dầm dề trên gương mặt lem luốt của Thông. Tôi xoa nhẹ vào vai anh, an ủi:

- Tội nghiệp cụ quá ! Người mẹ nào suốt đời cũng hy sinh cho con cháu....

Không tìm được mẹ, Thông đành phải quay lại đưa vợ con anh, tiếp tục hành trình, tìm đường về Tuy hòa. Anh đã nhập được vào đoàn dân chạy nạn. Trong thâm tâm mỗi người đều hí hửng vì mình đã thoát vùng nguy hiểm ! Nhưng không ai ngờ, khi họ vừa đến được Hòn Kén, bị bọn VC phục kích, bắn xối xả vào đám thường dân vô tội! Xác người chết nằm la liệt. Trong nhóm người bất hạnh đó có vợ con anh ! Thông bị thương và ngất đi...Lúc tỉnh lại mới biết là mình đang nằm trong bệnh viện Phú Yên. Từ đó, anh như người mất, trí lang thang ngoài chợ cho đến khi Tuy Hòa bỏ ngõ...

Tội nghiệp cho anh đã trải qua sự mất mát, đau buồn quá lớn lao !

Sau những phút giây tâm sự trong trạng thái tỉnh táo với tôi...Thông lại rơi về tình huống ngờ nghệch như trước. Anh vẫn âm thầm nhìn mọi người với nụ cười trẻ thơ và đôi mắt vô hồn !

Đoạn suối nằm sát bên nhà bếp là nơi dành cho toán anh nuôi rửa rau, đãi gạo, tắm giặt. Thoạt đầu, khi tắm giặt, bọn tù còn giữ kẽ với nhau, người thì mặc quần lót, kẻ lấy tay che dấu phần phải giữ kín, rồi ngồi xuống nước.. Về sau quen rồi, thì bố nào cũng “trăm phầm trăm” cho nó dễ chịu cái sự đời !

Mọi sinh hoạt lớn nhỏ của bọn tù, không làm sao thoát được những cặp mắt cú vọ của đám cai tù trên đỉnh đồi cao. Từ trên ban chỉ huy trại chúng nhìn rõ không sót “một ly ông cụ” nào ! Mỗi buổi chiều về, sau khi ném cây củi nặng trịch trên vai, cả tổ ùa xuống suối, tắm giặt và đùa giỡn với nhau. Anh Di An thường chỉ trỏ:

- Người ta nói “ Tốt dây, xấu củ”, thế mà tên tư lệnh lại tốt cả dây lẫn củ.!

Tên khác lại thêm vào :

- “Lù khù có thần đù họ mạng” kia mà ! Cổ nhân đã bảo không nghe sao !

- Tớ bảo đảm với các cậu là khi ra khỏi tu,ø thằng tư lệnh sẽ không bao giờ đói !

Thông biết anh anh em đang cười cợt về mình, anh cứ ra điều “ba không”, không nghe, không thấy, không biết !

Tuy đang tòng ngòng tắm táp, nhưng mỗi khi thấy đám cán bộ coi tù đi ngang qua, chúng tôi đều ngồi xuống, dấu mình trong nước. Riêng Thông vẫn cứ tỉnh bơ, kỳ cọ coi như không có ai...Đến nỗi, tên cán bộ cái làm y tá của ban chỉ huy trại, tập hợp cả tổ lên lớp về “quốc văn giáo khoa thư”, rồi phán:

- Từ nay khi tắm giặt các anh phải mặc quần đùi ! Cứ để trơ trơ ra, trông...phát khiếp !

Đứng trong hàng đám tù cố nín cười. Riêng người cán bộ cái, vốn đã thuộc loại “hồng diện”, khi đề cập đến chuyện nầy, mặt cứ đỏ lên như toa phấn !

Tưởng cũng cần phải ghi vài nét về giống cái độc nhất giữa “ rừng gươm” nầy. Không biết nàng tên là chi. Bọn tù chúng tôi đặt cho nàng một biệt danh rất ư là kiếm hiệp, võ thuật, kỳ tình: “Kim Hoa Bà Bà”. Nhan sắc của nàng thì cũng thuộc loại trung bình. Nhưng ở chốn khỉ ho cò gáy, trai quá thừa, gái lại quá hiếm hoi nầy, trông nàng cũng rực rỡ, ra gì lắm lắm ! Khổ người mảnh mai, cao dong dỏng, dáng đi uốn éo như rắn bò. Đôi mắt nàng to , dài và ướt. Lông mày dầy, mi mắt rậm và cong. Khoa tướng mệnh về phụ nữ có ghi : “ Đa mi thì đa mao”. Diễn nôm là “ mày rậm thì nhiều lông.”. Các Cụ nhà ta ngày xưa rõ cắc cớ! Đã diễm nôm thì nói trắng ra luôn đi! Cứ lửng lơ con cá vàng làm cho đám tù vinh vào đó mà “tam quốc diễn nghĩa”,suy nghĩ lung tung đau nhức cả đầu !

Nàng là y tá của trại, trông coi luôn trạm xá của tù. Mỗi khi Bà Bà xuống khám bệnh thì y như rằng, tù bệnh đâu mà nhiều thế ! Bệnh thật cần chữa chạy thì ít, giả vờ để được “ngắm” thì nhiều !

Mà kể ra cũng tội tình cho đám tù “đói khát” đủ thứ, mỗi khi nàng đến, không hiểu vô tình hay cố ý, Bà Bà không cần nai nịt gì cả, cái cúc áo trên cùng lại quên cài, làm cho bộ ngực vốn đã đồ sộ, lại được tự do, mặc sức làm khổ đám tù! Nhiều tên ấm ớ:

- Ước chi mình biến thành đứa con bé nhỏ của Bà Bà ! Chắc chắn sẽ được... sổ sữa !

Sau vụ Bà Bà lên lớp, Tư lệnh Thái Bình Dương không còn đi vác củi với bọn tôi nữa. Anh được Bà Bà điều lên trên ban chỉ huy trại, quét dọn và làm vệ sinh cho trạm y tế của chúng. Sáng anh đi làm và tối đến trở về với chúng tôi. Lúc nầy trông anh tươi tỉnh đôi chút, nhưng mặt mũi có vẻ không được hồng hào, nếu không nói là gầy đi. Bộ đồ tù sạch sẽ hơn trước. Mỗi khi gặp tôi, anh cũng vẫn chỉ có cười cười không nói câu nào. Lâu Lâu anh chìa ra cho tôi điếu Sa Pa, loại thuốc thơm chỉ dành cho cán bộ mới được cấp, thơm hết ý ! Thông bảo là Bà Bà bồi dưỡng cho anh.

Mọi người cũng ngạc nhiên không ít khi thấy Thông càng ngày có vẻ bệnh hoạn. Thông thường, khi được ăn no, lao động nhẹ, anh phải mập ra mới đúng...Tôi cho là anh đã bị đau ốm gì đó, nên hỏi :

- Anh Thông có bị bệnh gì không ? Sao dạo nầy trông anh gầy đi !

Thông không đáp vẫn cười cười, ngây thơ như ngày nào...Anh em cũng quên đi về anh. Cuộc sống trong trại tù có nhiều thứ đang trũi nặng trên vai, trong tâm hồn của những con người đang chịu cảnh lưu dày khổ sai, quên được gì thì cứ quên, cho đầu óc có chút thảnh thơi...

Chuyện của viên tư lệnh được hâm nóng trở lại khi Nguyễn Tuấn, vì cãi cọ và đánh nhau với tên tù giữa kho. Hắn đã chơi khăm anh bằng cách phát cho anh chiếc dao cùn, không cán. dụng cụ như thế làm sao đốn được củi ! Anh không chịu nhận, và to tiếng...Anh bị xử ép, chịu cùm giam trong nhà đá ba ngày, bớt phân nữa tiêu chuẩn ăn ...Khi được tha trở về láng, anh kể :

- Có một lần vào buổi trưa, tao đang nằm trong nhà đá, nghe tiếng Bà Bà sai bảo tên tư lệnh quét dọn bên ngoài...Một lúc sau, tao nghe có tiếng mở cửa gian nhà giam bên cạnh, tiếng chổi quét dọn , rồi tiếng cửa được đóng lại... Và rồi ...“Ngoan...cưng ! Không ! Đừng cán bộ !...Ngoan...ngoan ! không...không ! Tiếng quần áo sột soạt. Tiếng kẽo kẹt của chiếc sạp tre...Tiếng hơi thở dồn dập ! “Nầy... cho chết nầy!...cho chết nầy! cho chết ! ...Ối giời ơi !...Ối giời ơi ! ...ới Thông ơi ! ới... cưng ơi !”. Cả tổ chợt hiểu ra !..

Mùa Xuân lại về trên núi rừng. Đã bao mùa Xuân đỏ lòm và thê lương trong cuộc đời tù và trên quê hương! Mỗi buổi sáng phải ra khỏi trại lao động khổ sai, nhìn đất trời đang sang mùa, sương mai bàng bạc, giá rét căm căm, tâm tình của tù không khỏi xốn xao, vương vấn, nhớ thương... Những rừng bồ đề, ngút ngàn, những đồi nối đồi tre nứa, những nông trường chè với bao bãi nương hình trôn ốc, im lìm trong cái sắt se của tiết trời, dường như chúng cũng cảm thông được nổi lòng của những kẻ bị lưu đày ngay chính trên quê hương mình, bị hành hạ tàn bạo bởi ngay chính những con người gọi là đồng bào của mình !

Núi rừng Hoàng Liên Sơn không có Mai vàng như cao nguyên Trung phần, để báo cho người lính trận năm xưa, người tù khổ sai ngày nay biết Xuân đã về. Nơi đây chỉ có một loài chim, mỗi khi cất tiếng kêu lên, âm thanh giống như “ quyết tâm... khắc phục ”! Nghe sao mà não nùng !..

Hôm nay trại phát động đợt chuẩn bị đón Tết: nào là tăng chỉ tiêu mừng năm mới! Thi đua lập thành tích tiến bộ dâng “bác” cho dù hắn đã bị “lộng kiếng” lâu rồi !...Tù được viết thêm một lá thư cho gia đình. Các đội cuốc phải tranh thủ ngoài chỉ tiêu, thông tầm đi tìm lá vông để gói bánh. Đội khác đi lên liên trại, cố gồng mình mang thêm trọng lượng gấp đôi trên đôi vai trơ xương của mình, để có chút ít thực phẩm tươi cho ngày Tết.

Đối với tù, có được hai ngày không phải trả “nợ máu xương”, lại có chút thịt thà và cơm trắng bồi dưỡng, được no lòng, cho nên tên nào cũng mừng húm ! Đám cán bộ trại càng “khẩn trương” hơn. Nào là lo quan hệ để có văn nghệ hoặc chiếu phim cho dân chúng cư ngụ quanh vùng vào xem để “nói như vẹt” về chính sách của chúng và cũng để có dịp “ thương tí” với mấy em ở nông trường trà vừa xinh đẹp, vừa dễ tính! Đã có câu “ gái nông trường như giường bệnh viện” ai muốn “nên” thì “neo nên ”!

Đám tù cố tạm quên những nhọc nhằn, dọn xếp lại chỗ ăn ở, tìm một vài cành hoa dại cắn lên đầu vách, xem lại chiếc túi “hành trang” gồm những bộ quần áo rách, lỉnh kỉnh những thứ không ra gì cả, nhưng rất cần cho tù như cây kim cúc , miếng nhôm, cái nút phén, vài ba miếng giẻ rách, đôi tờ giấy vụng, đặt đâu vào đấy cho có ngăn nắp hơn, để mừng năm mới... hoặc chùi lại chiếc lon gô đa dụng, người bạn thân thiết của tù, giống như cây súng M 16, người tình dấu yêu của lính chiến ngày xưa...Tất cả mọi người, cho dù biết rằng cuộc đời tù rất mong manh, nhưng ai ai cũng nuôi một chút hy vọng nhỏ nhoi: năm mới may ra...

Riêng Thông, anh có vẻ trầm ngâm, tư lự, u buồn. Anh không viết thư, nếu có viết, anh cũng không biết viết cho ai ! Còn ai nữa đâu mà viết! Nụ cười trẻ thơ cũng ít thấy trên môi ! Một lần Thông tìm gặp tôi, sau khi tôi vừa tắm táp xong, anh chìa cho tôi nguyên một gói Tam Đảo (Một loại thuốc thơm đặc biệt dành cho cán bộ mới được chu cấp) và một bộ quần áo tù còn mới nguyên:

- Anh Phan giữ lấy mà mặc. Tôi không cần nữa ! Khi cần tôi sẽ có cái khác.

Tôi nói thầm: “Ông lại “tới” nữa rồi ! Thôi hãy cất lại cho hắn, khi nào hắn “tỉnh” sẽ tính sau!”. Thông cầm tay tôi nói khẽ :

- Anh ăn Tết cho vui. Cố giữ gìn sức khỏe, để còn về với vợ con. Đêm nay tụi nó tổ chức liên hoan trước mình. Bà Bà lệnh cho tôi và một số anh em ở lại phục vụ cho chúng nó...Một mai, nếu có về thăm lại Tuy Hòa, thắp hộ tôi nén hương cho mẹ. Hồn Bà chắc còn lẩn khuất đâu đó nơi cửa sông Đà Rằng. Nếu có lên Hòn Kén, chôn giùm tôi những kẻ tội tình...Thằng nhỏ chưa chào đời có tội gì đâu !...

Hai dòng lệ chạy dài trên má Thông. Tôi biết anh đang sống về quá khứ, không lời khuyên nào có thể làm vơi được nỗi đau lòng trong anh. Nhưng tôi không thể im lặng:

- Cố quên đi Thông ! Mọi chuyện cũng đã qua...

Thông cúi đầu, âm thầm bỏ đi lên ban chỉ huy trại.Đêm rừng đổ xuống thật mau! Đèn tù trong láng sáng lập lòe. Tiếng nõ điếu thuốc lào rít lên thân quen. Trên ban chỉ huy trại, đèn điện sáng trưng. Tiếng nói cười vang vang. Tôi đang nằm suy nghĩ về thái độ bất thường của Thông ban chiều. Có cái gì không ổn đây! Bỗng dưng hắn thốt lên những lời như trăng trối...Lạ thật !...Chợt có tiếng “Ầm !” nghe rõ như bên tai! Hình như là tiếng lựu đạn loại tấn công...tiếp theo là những tràn đạn AK nổ giòn giã, xé nát sự tĩnh mịch của đêm rừng âm u ! Trong láng mọi người đều tỉnh giấc, nhưng vẫn không dám động tĩnh gì và không biết chuyện gì đang xảy ra ?. Có tiếng chân người chạy rầm rập bên ngoài, bọn coi tù quát :

- Có phản động ! Có phản động ! Tất cả nằm im ! Ai cử động sẽ bị bắn bỏ !..

Trên ban chỉ huy, đám cán bộ ơi ới gọi nhau. Tiếng quát tháo truyền lệnh phòng thủ...Đám tù nghe được tiếng kêu khóc, rên la...Mãi đến nửa đêm trại tù mới trở lại cái im vắng thường ngày....Chỉ khác một điều: mỗi láng có hai tên tên bội đội cầmsúng, đạn đã lên nòng, sát khí đằng đằng, sẵn sàng nã đạn bất cứ lúc nào, đứng chắn hai cửa ra vào! Mọi người vừa lo sợ, vừa mừng thầm: “quân ta vẫn còn đây !”

Sáng hôm sau, các anh em tù làm việc đêm qua đã bị giam trong nhà đá, được “hộ tống” về láng lấy đồ đoàn để “chuyển trại” ! Nghe hai tiếng “chuyển trại”, mọi người đều cảm thấy ái ngại cho số phận của những anh em đồng cảnh...Một đi không về ! Tôi cố nhìn theo nhưng không thấy viên tư lệnh ở đâu cả...

Tin tức lọt ra cho biết: Đêm qua có người đã ném trái lựu đạn vào bàn tiệc, làm chết tại chỗ năm người, trong đó có tên trưởng trại, Bà Bà và ba người bị thương nặng.

Đám CS xua nhau đi tìm cho bằng được thằng tư lệnh Thái bình Dương.Nhưng Thông vẫn biền biệt...

Sau vài tháng, chúng tuyên bố đã bắt được anh và đã xử bắn anh và đồng bọn tại chỗ. Và cũng có tin Thông đã vượt thoát được đến Thái Lan. Cho dù tình huống ra sao, với tôi: Tuy một con én không làm nỗi mùa Xuân, nhưng Thông đã là con chim én báo hiệu mùa Xuân sẽ về với quê hương Việt Nam dấu yêu.

Dương Phan