PDA

View Full Version : Đất Nhớ Trời



Longhai
06-18-2012, 11:11 PM
Đất Nhớ Trời



Mỹ Tho ngày…tháng…năm 1993

Anh Nguyễn Khả Ái thân mến,

Khi ngồi biên thư cho anh, tôi chợt nhớ ra là trời đất đã sang mùa. Thêm một mùa xuân nữa sắp đến với quê hương nghèo đói Việt Nam tội tình mình. Điêu khác làm cho anh ngạc nhiên không ít, khi nhìn thấy địa chỉ của tôi ở Mỹ Tho thay vì Gia Định. Tôi biết chắc, từ nhiều năm nay ít nhiều anh cũng đã nghe những việc làm sái quấy to lớn của tôi. Chính những việc làm sai trái đó, nên đời tôi giờ đây phải chấp nhận cảnh sống như kẻ trôi sông lạc chợ. Chết đi cho rảnh nợ, bản ngã yếu hèn không dám hành động. Ngày qua ngày bám víu cuộc sống với bao nỗi đắng cay, cùng cực đọa đày nhứt trần gian.

Ái ơi ! Sự đói no ở quê hương mình ngày nay không chỉ có mỗi gia đình tôi, mà hầu như tất cả cùng chung số phận. Điều tôi muốn nói là nỗi đớn đau trong hồn của những con người Việt Nam không vong bản. Riêng đối với tôi, lâu nay không tài nào xóa mờ những mặc cảm tội lỗi trong hồn, cùng với sự hối hận lớn dần như năm tháng leo cao.

Nơi quê người, với đầy ắp tự do và no ấm, bạn sẽ nghĩ gì khi chính mắt bạn bắt gặp hình ảnh dưới đây Hình ảnh ấy lại diễn ra nơi xứ sở được người ta cố tình khẳng định là độc lập, tự đo và dân chủ:

Bé lom khom bưới rác
Tìm kiêm từng miệng ăn
Màu da em tái mét
Đôi mắt buồn trăm năm.
Mẹ cha em đã chết
Dưới tay " giải phóng quân "
Phố đời muôn vạn nẻo
Em lê bước âm thầm.

Cái lý tưởng mà người dân sống ở quê mình là cơm ăn. Nói như vậy có vẻ mỉa mai và sỉ nhục. Nhưng khổ thay, đó vẫn là sự thật, một sự thật đã mặc nhiên đốn ngã phần lớn những đạo đức căn bản từ ngàn xưa của cha ông chúng ta để lại. Sự đốn ngã ấy không có nghĩa là con người ở đây cố tình xóa bỏ. Tuy nhiên người ta phải vật lộn để no cơm cái đã. Người ta không khiêm nhượng, nhưng ít ai dám nghĩ đến từ ngữ song đôi "no cơm, ấm áo" bao giờ.

Ái ơi ! Sự ray rứt của tôi là sự ray rứt của những người dân ở xứ sở tang thương này. Sự tang thương ở đây không do bom đạn chiến tranh gây ra mà đến song hành với nền hòa bình, độc lập và tự do của đất nước ! Đó là lý do chánh để anh thấy tại sao những đạo đức căn bản của ông cha mình bị bôi xóa, đốn ngã ! Tôi còn mang trong hồn thứ nhục nhã đã làm tay sai cho những người cộng sản Việt Nam vong quốc, mà trước đây tôi tự cho là lý tưởng, là hướng mới, đẹp nhứt, khả dĩ xây dựng lại quê hương mình. Quê hương tội tình đã quá nhiều năm tháng bị bom đạn chiến tranh cày xé .

Hẳn anh còn nhớ, lúc anh em mình cùng học chung lớp ở trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, tôi đã có những ý tưởng khác lạ hơn số bạn bè trang lứa. Đó là lý do khiến tôi bị số người vong bản bằng đủ hình thức khuyến dụ, và cuối cùng tôi đã chạy theo họ như một gã cuồng si trước một giai nhân!

Ngày tang thương nhứt của quê hương, tôi lại cho là ngày phấn khởi hồ hởi nhứt của đời mình và của cả dân tộc ! Tôi đã mù quáng đến tội nghiệp khi lao đầu đi bên cạnh những con người tự nhận là thành phần thứ ba yêu nước, Lý Quý Chung, Lý Chánh Trung, Dương Văn Ba, Ngô Công Đức. Gia đình tôi hết sức bất nhẫn khi tôi lộ diện với những "công tác đặc biệt", chường mặt trước công chúng với "khăn quàng đỏ" mà không một chút ngượng ngùng, e ngại.

Chưa bao giờ tôi hăng say như lúc ấy Mọi công tác dầu nhỏ lớn đều có tôi tình nguyện, xung phong. Tôi ngạo nghễ nói cả với song thân là mình sẽ góp bàn tay để tìm hướng mới thật lý tưởng cho dân tộc, mà con đường tới đích chỉ còn gang tấc mà thôi. Cha tôi há hốc mồm nhìn tôi không nói. Đôi mắt ông mở to, như một kẻ bị trói cả chân tay, nhướng mắt ngạc nhiên nhìn thẳng vào mật kẻ sát nhân đang sửa soạn giết chết mình. Riêng mẹ tôi, bà ngồi trên bộ ván ôm mặt khóc nức nở. Trong tiếng khóc ai oán đó, tôi nghe được tiếng réo gọi "Trời ơi ! " .

Ái thân mến,

Sau gần nửa tháng phục vụ tích cực cho cách mạng, một ngày nọ chính cách mạng đã ra lịnh tịch biên căn phố lầu bán xe đạp của gia đình tôi ở chợ Bà Chiểu. Cha tôi đương nhiên bị cách mạng đưa vào trại "cải tạo" vì là tư sản mại bản. Còn tôi, người chiến sĩ cách mạng hết lòng với đảng và nhà nước cũng bị xóa bỏ công lao, và bị tống cổ vào tù vì quá nóng nảy lớn tiếng thóa mạ những đảng viên nhà nước có nhiệm vụ tiếp quản căn phố lầu buôn bán xe đạp của gia đình tôi.

Ái là một trong những người bạn học đã hiểu và gần gũi gia đình tôi nhiều nhứt. Với sức cần lao mềm dẻo của cha mẹ, anh em tôi trong nhiều năm, để biến không thành có. Như vậy là có tội với nhà nước, là bóc lột nhân dân đó sao? Thú thật, lúc nằm co trong nhà tù như con mắm, tôi mới chợt thắm thía, và nghĩ rằng "những con người cộng sản Việt Nam chính là những đào kép hát đóng rất tròn trịa vai trò trên sân khấu đời, mà thực tế của gia đình và cá nhân tôi lại xảy ra từ sau khi cánh màn nhung khép lại !" Có lẽ để hợp thức hóa trước việc cướp đoạt tài sản của gia đình tôi, bọn họ còn gán ghép cho cha tôi là một trong những tên tư sản âm mưu phá hoại tuyên truyền nói xấu cách mạng. Còn tôi, ngoài tội danh vừa kể còn thêm một tội khác là cố ý len lỏi vào hàng ngũ cách mạng nhằm hủ hóa cán bộ và phá rối nhà nước với nhóm đàn em sau lưng.

Tôi chấp nhận sự đắng cay đến với đời mình, tuy rằng hơi ngỡ ngùng trước những sự trở tráo quá ư máy móc và tàn nhẫn của họ. Tôi bị họ gán ghép và chụp mũ, nhưng cảm thấy ít đau khổ hơn lời nói êm nhẹ nhưng chở nhiều âm hưởng chua cay của Thùy, vợ tôi: "Bây giờ chắc anh đã thỏa mãn, trước sự đền bù xứng đáng của nhà nước cách mạng dành cho anh rồi chứ? "

Tôi nghe lùng bùng lỗ tai trước những lời nói dịu dàng, êm nhẹ của Thùy. Như tâm trạng của kẻ vừa đặt chân tới nơi này từ một hành tinh khác, tôi nhìn mọi người bằng ánh mắt ngơ ngác đến cùng độ Tôi nhìn vợ con mình và bà mẹ già vừa bị xua đuổi ra khỏi cửa tiệm xe đạp và thấy thương họ vô chừng. Tôi muốn dang rộng đôi tay ôm lấy bà mẹ già và nói lên lời xin lỗi. Nhưng ái ơi, lúc đó đôi tay tôi đã thật sự bị còng?

Anh Nguyễn Khả Ái thân mến,

Mọi sự hối tiếc đến với con người bao giờ cũng chậm chạp, trễ tràng. Đáng tội nghiệp nhất và cũng đáng nguyền rủa nhứt vì chính tôi là kẻ mang tâm trạng khổ đau, thù hận và hối tiếc nhiêu nhứt. Hối tiếc cho hành động dại dột đã qua, cho tư tưởng thoái hóa ngu muội, vậy mà trước đó vẫn tự hào là thành phần tiến bộ và yêu nước. Tôi hối hận khi nhớ đến mẹ già vợ dại con thơ bị tống ra khỏi nhà, phải kéo lê cuộc sống như kiếp đời du mục. Ai đã gây ra thảm trạng này, lẽ dĩ nhiên, trong đó có bàn tay của chính tôi !

Oán hận ai đây ? Cuối cùng người gây ra tội lỗi, kẻ đáng bị khinh bỉ không ai khác hơn là mình. Đến lúc tôi nhìn kỹ và thấy rõ bộ mặt đáng thù ghét của bọn người vong bản, thì cũng là lúc tôi đã chịu cảnh khoanh tay, bó gối ở trong tù. Đôi lúc mình thèm được khóc, khóc như đứa trẻ thơ vừa lạc mẹ giữa chợ nhóm đông người. Những giọt nước mắt hối hận lẫn đau thương hy vọng sẽ làm vơi bớt phần nào những nỗi ray rứt đang bủa vây tâm hồn, như những tên ác quỷ ngày đêm đeo đẳng làm phiền não tâm tư ! Nhưng khổ nỗi, tôi không còn có đến một giọt nước mắt để khóc cho chính nỗi đau đớn ấy của đời mình.

Nguyễn Khả ái, tôi là tên lạc đường đáng tội nghiệp, là kẻ về muộn lắm bẽ bàng. Sự bẽ bàng kia như lời thơ của ông Phạm Công Thiện.

Mở chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khê đồi cao trổ hết bông.

Tôi là kẻ về muộn để phải hứng lấy những đắng cay chua chát nhứt. Bao sự hãnh diện mù quáng trước đó là nỗi xấu hổ gậm nhắm làm cho tôi cơ hồ muốn đứt từng đoạn ruột, muốn cắn lưỡi từng cơn, khi thâu đêm thao thức với bao nỗi buồn trong khám lạnh.

Ái ơi tôi xấu hổ với bạn bè và xấu hổ cả với Thùy nứa. Ngược dòng thời gian, hẳn ái không quên Thùy là cô gái đẹp có hạng ở Mỹ Tho, cô gái mà không ít tên học sinh Nguyễn Đình Chiểu đã si dại, thất tình. Tôi cũng là kẻ không thoát khỏi sức lôi kéo mãnh liệt của đôi mắt tình tứ chứa đựng cả biển sầu ở Thùy. Nhưng vì là tên học trò nghèo, tôi chỉ dám lén nhìn bước ai đi để thương nhớ vu vơ cho trái tim nghèo của mình có thêm đôi chút tình thơ trang điểm...

***

Mỗi ngày sau giờ học, tôi phải xuống bến đò Rạch Miếu để khiêng thuê vác mướn cho những khách bộ hành sang sông, hầu giúp ích cho gia đình, cho cá nhân tôi không bị trở ngại việc học. Tuy cơ cực như vậy nhưng trong lòng vẫn cứ dệt mộng thêu mơ, dầu dư biết mộng mơ kia là thứ gió thoảng, chiêm bao, là nước trôi, sóng vỗ, là những điệu buồn dâng cao trong tim đắng từng đêm ! Tâm linh luôn nghĩ như thế, nhưng từng đêm bản ngã vẫn trói buộc con tim ngồi thảo những bức tình thư tuyệt vời. Những bức thư tình viết ra chỉ để mình đọc cho chính mình nghe, để rồi sau đó âm thầm buồn cho thân phận bọt bèo, mặc cảm thua thiệt. Những bức thư tình thật dài, thật hay sau khi thảo xong là trang trọng đặt nằm dưới đáy rương, như nỗi mặc cảm u buồn của chính kẻ thảo ra nó. Tôi đã đọc đi đọc lại những bức thư tình kia đến độ thuộc lòng, thuộc như người tín đồ ngoan đạo nằm lòng những câu Thánh Kinh.

Sáng nào tôi cũng dậy sớm, đứng dựa bờ tường nhà người để dõi bước em đi cho thỏa lòng thương nhớ. Thứ thương nhớ dại khờ nhất của tuổi trẻ, thứ thương nhớ của tình yêu đơn phương ngây ngô tội nghiệp làm sao.

Bình minh tiễn gót em đi
Chở theo cả khối tình si đến trường
Thân tôi đứng dựa bên tường
Đếm mòn nỗi nhớ cuối đường tình yêu
Tan trường mình vẫn quạnh hiu
Riêng em lắm kẻ nướng chiều gót son
Uớc gì có được một đêm
Chiêm bao bắt gặp đáng em tươi cười
Đời tôi đã mãn nguyện rồi
Trái tim ngọt giấc mộng đời đêm qua.

Những chiêu cuối tuần, Thùy thường rời Mỹ Tho lên Sài gòn để thăm bà dì. Tôi lại len lén lang thang đến gần sân ga nhỏ như tâm trạng kẻ tiễn đưa người tình, rồi rưng rưng chép những vần thơ ướt lệ của Kim Tuấn vào trang nhật ký u buồn của riêng mình, cho cánh tay tình mơn nhẹ giấc chiêm bao.

Chiều mưa em lên tàu
Mưa sao bằng nước mắt
Em khóc chiều hôm nay
Tầ u đi, người ở lại
buồn rưng rưng phương này
Tàu đi, sầu để lại
Ga nhỏ còn mưa bay

Lần nọ tôi đang lui cui làm việc ở bến đò Rạch Miếu, bất ngờ Thùy xuất hiện cùng với cô em gái của tôi. Không như những lần trước chỉ chào hỏi qua loa rồi bỏ đi. lần này Thùy tỏ vẻ rất vui và nói năng cũng nhiều. Nàng đưa ánh mắt vốn rất đa tình nhìn sóng nước chiều hôm, rồi bất ngờ lên tiếng: Nếu cuộc đời mình biến thành con đò, có lẽ sẽ vui hơn nhiều anh Tiến nhỉ? Tôi vừa sung sướng, vừa lúng túng hồi hộp nên không hiểu phải trả lời sao. Tuy vậy, vẫn lên tiếng ừ è cho Thùy vui.

Thùy tươi cười nhìn thẳng vào ánh mắt nhát gan của tôi, nàng chậm rãi :

Làm con đò có khi cũng gây phiền muộn vì chia cách tình kẻ khác Nhưng Thùy nghĩ, con đò bao giờ cũng tạo sự nối liền, gần gũi cho mọi người nhiều hơn.

Tôi đắm đuối nhìn nàng rồi nở nụ cười không thành tiếng. Nàng cười đáp lại. Với nụ cười kia, tôi đã đọc ở đâu đó trong văn chương Việt Nam "nụ cười làm héo trăm hoa nở - Say cả non sông, đắm cả trời ". Tâm hồn tôi đã đắm đuối về nàng từ lâu, và giờ đây tôi mới thật sự "chết chìm" trong hồ mắt giai nhân ! Đêm hôm đó khi về nhà, tôi là kẻ hạnh phúc nhất trần gian. Mệt lả và đói vô cùng, nhưng khi về tới nhà tôi lại quên ăn uống. Công tác hàng đầu của tôi là òn ỷ, van nài để con nhỏ em tôi tiết lộ chút gì bí mật vè Thùy. Nguyên do nào nàng rủ em gái tôi cùng đến bến đò Rạch Miếu? Vì sao nàng biết tôi làm công nhân khuân vác ở đó ? Nàng biết được việc làm cơ cực nhất của tôi, liệu nàng có coi thường tôi không? Tại sao nàng đột biến thay đổi tâm tính, từ nghiêm trang ít nói, trở thành vui tính gần gũi và v.v...? Hàng trăm câu hỏi, hàng ngàn nghi vấn vây hãm đầu óc tôi. Vì thế, cô em gái tôi từ thái độ vui vẻ bỗng đổi sang quạu cọ khi bị tôi điều tra" lôi thôi quá !

Đến khoảng chín mười giờ đêm, cô em gái tôi thấy tôi ngồi bên bàn học mà tâm trí gởi đâu đâu, có lẽ thương hại ông anh nhát gái của mình, nên cô thỏ thẻ: "Người ta để ý tới anh rồi đó anh Hai ơi. Đừng có rầu rĩ nữa ! " . Tôi đứng lên nắm chặt tay cô em gái hét lớn, lớn lắm. Tiếng la hét bất thường của tôi đã khiến mẹ cha tôi cũng mất hồn, từ nhà sau túa chạy lên nhà trước. Khi vỡ lẽ ra, mẹ tôi mắng yêu: " Đồ cái thằng chó, có bồ mà làm như bị cọp bởi không bằng ". Nói xong, má tôi đưa mắt nhìn ba tôi nở nụ cười hiền hòa. ông già cười mím chi cọp, rồi khều nhẹ bà già, cả hai êm ái cùng đi ra nhà sau.

Đêm đó tôi trằn trọc thâu canh. Hễ nhắm mắt lại là nghe rõ mồn một tiếng nói của Thùy rót nhẹ bên tai, nhìn thấy "nụ cười làm héo trăm hoa nở" của nàng. Tâm trạng tôi là tâm trạng của gã nông dân nghèo nàn nào đó, được bà tiên giáng trần cứu giúp trong truyện cổ tích xa xưa. Tuy nhiên trong niềm vui ngất trời ấy, bỗng dưng tôi cảm thấy sự âu lo đến với mình thật đột ngột. "Cô em gái mình liệu có thật thà nói về Thùy không, hay chỉ là cách nói đề an ủi anh mình mà thôi ? " Sự lo âu ấy biến thành rầu rĩ và buồn lo to lớn.

Ái thân, thú thật với anh sáng đêm đó tôi như một thằng điên, hết nằm lại ngồi, hết ngồi lại đi tới lui trong nhà, đợi trời sáng. Tôi tự nhủ, sáng ra cố tình chạm mặt Thùy trên đường đi học và nhất định sẽ thố lộ tâm sự với nàng.

Sáng ra, tôi tắm rửa sạch sẽ và thay vào bộ đồ mới như đi ăn giỗ. Ra đứng bên tường vôi cạnh hàng rào bông bụp thường khi để chờ Thùy Bao nhiêu câu nói tình tứ nhứt, ngọt ngào nhất đã được sắp xếp đâu đó hết sức ngăn nắp. Nhưng khi Thùy hiện ra, bỗng dưng đôi chân tôi như bị chôn cứng tại chỗ. Bao lần tôi định bước tới gặp nàng hầu bày tỏ chuyện lòng, nhưng chẳng những không bước nổi mà mồ hôi mồ kê lại tươm ra ướt cả lưng áo. Khi cô em gái tôi biết được chuyện này, cô ấy nhíu mày "chết nhát vừa vừa thôi chớ. Ai biểu cù lần thì ráng mà chịu cho quen !"

Anh Nguyễn Khả ái thân mến,

Chiều hôm đó trời mưa rỉ rả, không gian ảm đạm làm cho kẻ mang tâm trạng như tôi càng thêm buồn. Một người khách từ bên kia sông về từ hướng Bến Tre mướn tôi vác mấy quầy dừa xuống phà. Tôi vừa đặt quầy dừa thứ nhất lên vai bước được vài ba bước, bỗng nghe tiếng bà khách quýnh lên: - Nề cô ơi, mấy quầy dừa đó của tôi mà... Tiếng người con gái trả lời rất tự nhiên: - Thì tôi tiếp chồng tôi vác xuống phà cho bà đây nề. Nghe giọng nói quen quen tôi nhìn lại, thi ra người con gái tự nhận tôi là chồng, ấy chính là Thùy ! Như người vừa choàng tỉnh cơn mê, tôi đứng sững người lại nhìn Thùy không chớp mắt. Thùy cũng nhìn tôi bằng ánh mắt tình tứ buồn buồn cố hữu. Tôi tìm thấy nụ cười thật tươi, thật rực rỡ trong ánh mắt nàng, nụ cười có tác dụng xóa tan cả bầu trời ảm đạm buồn tênh trên bến đò Rạch Miếu chiều nay...

Tôi lắp bắp: - ủa, em a...

Thùy. Thùy không hề tỏ ra khó chịu khi nghe tôi phát ra tiếng em ngọt ngào, mà ngược lại. Nàng cúi mặt bước tới với quầy dừa khá nặng trên vai. Chiếc áo bà ba vải trắng tấm tấm nước mưa bó sát hơn vào cơ thể, tạo cho những đường cong, lối rẽ trên cơ thể Thùy tuyệt vời hơn. Đôi má bầu bĩnh của người con gái phần vì e thẹn, phần khuân vác nặng, ửng hồng lên, màu hồng tình tứ dễ thương làm sao. Màu hồng ngọt lịm của những trái mận hồng đào ở quê mình.

Tình yêu đã thật sự đến với tôi vào chiều hôm đó, một chiều mưa buồn ảm đạm nhưng tôi đã nghe pháo nổ trong lòng. Một buổi chiều mà cả đời tôi không phút nào quên được.

Sau hôm đó, tôi không côn đứng bên tường nhìn theo bước ai đi. Chúng tôi đã sánh vai nhau đạp trên từng hông nắng sớm cho rực rỡ lối đi về. Trong lúc tâm sự với nhau, Thùy cho biết bao nhiêu bức thư tình của tôi viết đều lọt hết về tay nàng. Chừng đó tôi mới vỡ lẽ, cô em gái tôi từ lâu đã làm gián điệp nhị trùng trong cuộc tình đơn phương này. Thùy xin phép gởi trả lại những bức tình thư tuyệt vời đó và chỉ xin giữ lại bài thơ: "Bình minh tiễn gót em đi". Và không biết có điềm không may nào mà Thùy đã gởi tặng tôi một bài thơ rất buồn:

Ngày xưa đi coi hát
Anh khe khẽ nắm tay
Dặn về nhà đừng méc
Sợ bị má em rầy.
Đường về khi tan hát
Anh giả đò nhát ma
Em nhảy lên ôm cổ
Anh trộ hoài người ta.
Bây giờ đi coi hát
Ngồi cô đơn một mình
Đường về trông ma nhát
Mà cũng vẫn vô tình !

Anh Ái thân,

Tôi phải dài dòng như vậy, để anh thấy sự tan vỡ của tình yêu chúng tôi như một điềm báo trước qua bài thơ vừa kể. Tôi không hiểu tại sao Thùy tìm tới và trao cho cậu học trò nghèo như tôi thứ tình yêu cao quý, hiếm hoi đó. Thùy là cô gái mà hằng trăm cậu học sinh của trường Nguyễn Đình Chiểu thời đó đua nhau săn đuổi. Đến lúc họ biết hai chúng tôi đã thật sự yêu nhau mà nhiều cậu vẫn chưa chịu thua. Nói ra điều đó để anh thấy, Thùy là cô gái sống bằng con tim rất chân chính, không hề nuông chiều bản ngã để chạy theo vật chất tầm thường. Thùy cao quý bao nhiêu thì tôi lại tầm thường, tồi tệ bấy nhiêu.

Nghĩ thật đáng buồn! Không phải buồn cho tôi, mà buồn cho Thùy! Hẳn anh còn nhớ, ngày chúng tôi kết hôn, Thùy đã dõng dạc nói trước mặt một số bạn bè ngay trong bàn tiệc: "Tôi biết cô nhiều bạn chẳng những ngạc nhiên mà còn khó chịu, chê bai về hành động của tôi . Hôm nay ngày trọng đại nhất trong đời, tôi muôn nói với các bạn rằng, con tim khác hơn trái cam và ngược lại! Vả lại mỗi con người đều có một định số riêng. Biết đâu từ sau ngày hôm nay, đời tôi hoàn toàn hứng chịu gian nan khổ sở không chừng. Nếu quả thật định mệnh an bày như vậy thì cũng đành thôi ! . . . “

Anh Nguyễn Khả ái thân mến

Trở lại những lỗi lầm và những ngày tháng ngục tù của tôi. Như tôi đã kể với anh, chỉ bằng tội danh tưởng tượng, gán ghép, thế mà họ vẫn tống tôi vào trại biệt giam. Mặt trái của con người cộng sản làm cho tôi chán ngán đến độ. Như một tên điên, hễ gặp mặt bọn họ là tôi hết lời nguyền rủa bằng những lời lẽ hết sức nặng nề, hài tất cả những tội lỗi mà bọn cán bộ khi nghe tưởng chừng như sắp bị nổ lỗ tai.

Không còn cách nào khác, bọn họ phải áp dụng đòn bọng để diệt khẩu tôi Những trận đòn tập thể đã khiến tôi chết lên chết xuống. Nhưng chúng lầm, càng đánh tôi càng la hét dậy trời, làm náo động cả khám đường, tạo thêm sự phẫn uất trong những anh em tù nhân.

Để trả thù, bọn họ thường bỏ đói bỏ khát và không cho bất cứ ai đến gặp mặt tôi ròng rã gần hai năm trời đằng đẵng. Mãi đến khi tôi gần bị liệt cả cặp giò, bọn họ mới cho tôi ra khỏi phòng biệt giam và cho phép người nhà tiếp xúc thăm nuôi.

Bữa nọ Thùy một mình đến thăm tôi. Khi gặp, nàng hạ thấp giọng: "Anh dư biết tôi là người đàn bà giàu tình cảm, và không đến nỗi thiếu đạo đức. Dầu vậy, hôm nay tôi đến đây trong lòng không hề mang theo chút tình cảm mà cũng không có chút bổn phận nào. Trước đây khi vỡ lẽ, tôi khuyên anh đủ điều, nhưng anh cương quyết cho rằng anh không thể nào bỏ được lý tưởng của mình... . “

Vừa nói tới đó, Thùy trao cho tôi một giỏ đồ được gói kỹ bằng bao giấy:

- Tôi xin tặng anh món quà sau cùng. Hãy mỡ ra mà xem ngay đi...

Tôi đau đớn lần tay mở gói giấy ra, bên trong là lá cờ cộng sản, một gói muối và bài thơ mà hai mươi lăm năm trước tôi đã tặng cho nàng. Tôi đang ngỡ ngàng, Thùy lên tiếng:

-Tôi gởi tặng lá cờ đỏ lý tưởng nhất để anh chiêm ngưỡng. Nói tới đây, Thùy đưa tay quẹt nhanh những giọt nước mắt, đoạn tằng hắng lấy giọng, tiếp:

- Gói muối này là của gia đình dành dụm từ lâu mới có tiền mua được Thân phận không nhà không cửa, mà còn có tiền mua muối để thăm chồng, không cần nói chắc anh dư biết chúng tôi đã hy sinh không ít.

Tâm tư tôi chan lượng như kẻ mất hồn, khổ sở hết sức. Tôi định mở miệng nói lời hối hận để xin lỗi Thùy và gia đình, nhưng Thùy đã chặn lời:

- Bây giờ anh đã có màu cờ đỏ trong tay để chiêm ngưỡng. Vậy tôi cũng bắt đầu đi tìm con đường lý tưởng cho riêng tôi và các con. Vì lẽ "con tim khác hơn trái cam và không ngờ tôi đã chọn lầm .

Vừa dứt câu, Thùy đứng lên ra về mặc tình cho tôi kêu réo thảm thiết.

Nhìn theo dáng đi của Thùy, khiến đầu óc tôi nhớ lại bao kỷ niệm ngọc ngà thời học sinh ở Mỹ Tho. Dầu nàng đã quay lưng biện biệt, nhưng giọng nói trong như pha lê, tình như tiếng suối chảy vẫn còn vang động đâu đây. Tôi nhớ từng lời từng câu mà tôi đã viết cho Thùy và ngược lại. Tôi lưu luyến cái thuở ban đầu lưu luyến ấy trên bến đò Rạch Miếu khi nắng xế chiều hôm. Nơi đó hơn một lần Thùy ao ước mình trở thành con đò. Bây giờ giữa tôi và Thùy, không biết ai là con đò để tiễn biệt ai đây?

Ái ơi tôi cay đắng và khổ đau không hiểu sao tôi dại khờ chạy theo ảo ảnh để bây giờ phải mất tất cả . Tình của Thùy dành cho tôi đẹp như chuyện nàng tiên giáng thế giúp cho gã nông dân trong truyện cổ ngày xưa. Khổ thay, anh chàng nông dân đáng thương, đáng được hưởng hạnh phúc kia, một sớm một chiều đã trở thành kẻ đáng ghét nhứt ! Một lá cờ màu máu, một gói muối mặn đắng thay cho những cánh thư tình màu xanh đẹp và rực rỡ trong tôi như ánh sao trời. làm sao tôi có lại những phút giây tuyệt trần nhất đời mình như đã có với Thùy trên bến đò Rạch Miếu. Hạnh phúc quá mật ngọt làm sao, xanh mơ như những vần thơ trữ tình của ông Du Tử Lê, khiến người nghe không khỏi bâng khuâng cảm xúc.

Tình tôi là thảm xin em bước
Rất khẽ mà nghe đất nhớ trời.

Tình của tôi cũng đã là thảm cho em bước từ lâu. Khổ thay, bây giờ Thùy đã bỏ đi với những lời lẽ úp mở tuyệt vọng làm cho lòng kẻ cô đơn trong tù mang tâm trạng. . . đất nhớ trời làm sao? Tôi không muốn bó tay trước định mệnh, nhưng tôi phải làm sao đây khi chân tay bị cùm kẹp thảm thương. Anh Ái thân,

Giá đau thương mà tôi phải trả không thể nào tả nổi. Trời như cố dành cho đời tôi những trái ngang, bẽ bàng nhứt, không phải để thử thách mà là điều phải trả, trả cho đủ những tội lỗi tày trời, những lỗi lầm ngút ngàn mà chính tôi đã gây ra từ bấy lâu nay. Những khổ đau trong tim, hoang tàn như một trận mạc hãi hùng chưa thu dọn, bỗng tôi nhận thêm tin đau đớn khác trong đời: mẹ tôi đã đột ngột lìa đời !

Là bạn thân, chắc anh còn nhớ mẹ tôi bị bịnh yếu tim từ thuở thiếu thời. Cái chết đột ngột của bà, không cần nói chắc anh đã dư biết vì sao mà ra. Mẹ tôi âm thầm lìa đời ở Mỹ Tho, nơi căn nhà tối tăm ọp ẹp, mà cả gia đình tôi tạm tá túc với bà dì nghèo khổ, mù lòa. Mẹ tôi nhắm mắt, có lẽ bà sẽ ít đau khổ hơn ? Chỉ có lúc đó bà mới hết nhục nhã vì đứa con mà lâu nay bà thường hãnh diện là khôn ngoan nhứt, lại chính là đứa tồi tệ nhứt. Cái nhục đã giết chết mẹ tôi là cái nhục là bà có một đứa con tự dưng trở thành tên phản quốc !

Ái không phải dài dòng kể lể về nỗi khổ trong tôi chắc anh đã đoán được Nằm trong khám lạnh tôi chợt thương cho thân phận mẹ tôi, người mẹ hiến trọn đời lam lũ, nhưng phải nhắm mắt lìa đời trong trạng huống nhục nhã đau buồn. Có nỗi đau đớn nào hơn sự đau đớn của một đám ma nghèo. Đám ma mà đứa con đầu lòng cũng không được phép trở về để quỳ bên quan tài của người mẹ thân yêu.

Chỉ mới là tội danh tưởng tượng thôi, thế mà tôi phải "cải tạo" những sáu năm, mười một tháng và bốn ngày. ý là đã được "cách mạng" ân giảm, đối xử nhân đạo lắm rồi đó. Vì lẽ khi tôi được trả tự do, họ phát cho tôi một tờ giấy như sự mang ơn lớn lao: "cách mạng tha cho về " . Đối với bất cứ người tù nào, khi được trả tự do đều vui sướng mừng rỡ, ngoại trừ tôi ! Như đã nói, dầu rất muốn chết, nhưng tôi không đủ can đảm tự hủy diệt đời mình. Thế nên khi tấm thân tàn rời khỏi khám, tôi lang thang như kẻ mất hồn.

Như đã nói, gia đình tôi phải về tá túc với gia đình người dì mù lòa ở dưới Mỹ Tho. Đôi mắt của dì tôi bị mù nguyên do bởi đạn pháo kích bừa bãi vào Mỹ Tho hồi tết Mậu Thân 1968, thế nên khi biết tôi chạy theo bọn họ, dì tôi đau đớn vô ngần. Có lần bà đã nhỏ nhẹ nhưng hết sức cay đắng "Trước đây dì cứ ngỡ rằng tụi Việt Cộng trong rừng trong rú làm cho đôi mắt của dì mù. Ai ngờ, trong số những người tàn ác đó lại có cả đứa cháu thân yêu của mình...! Anh nghĩ coi tuy dì tôi không mắng chửi, đánh đập nhưng lời lẽ kia đã bóp nghẽn tim tôi từng cơn.

Anh ái thân,

Khi vừa bước chân tới ngạch cửa nhà ở khu Chợ Nhỏ Mỹ Tho, tôi chỉ mới tằng hắng là bà dì tôi đã nhận ra. Bà lần mò đến gần tôi và nói: - Thằng Tiến mới về đó hả con ? May cho mẹ con hết sức, nếu con về đây sớm hơn thì mẹ con sẽ ân hận không ít!

Tôi ngạc nhiên hỏi lớn:

- Sao vậy, thưa dì?

Dì tôi cười chua chát tiếp:

- Vì lẽ nếu có con ở nhà, lúc chị ấy nhắm mắt thế nào con cũng vuất mặt. Cái khổ của chị ấy là rất sợ bàn tay... cán bộ của đứa con mình.

Thú thiệt với ái, nghe xong câu ấy nếu độn thổ được, chắc tôi đã biến mất tức thì...

Ngay khi đó, cha tôi với thân hình tiêu tụy bịnh hoạn hiện ra. Ông không nói nhiều, chỉ vỏn vẹn một câu ngắn gọn: "Được tha" rồi đó hả Tiến ? . Chữ tha, không hiểu vô tình hay cố ý đã được cha tôi kéo dài ra, làm cho tôi đau nhói ở tim.

Sau khi nói vài câu với cha già, tôi tiến tới bên bàn thờ ở góc nhà với ý định đốt cho mẹ mình nén nhang. Đứng trước bàn thờ, tôi sững sờ như vừa bị trời trồng. Nỗi đau đớn làm tôi nhớ lại hai câu thơ thật chua chát:

Trên bàn thờ mắt mẹ buồn hơn trước
Bởi thiếu nhang đèn, người chết không vui !

Hình ảnh chiếc lư hương buồn hiu không nhang khói trên bàn thờ mẹ tôi đã xoáy vào hồn tôi bao nỗi khổ đau, nhục nhã và thù hận. Đau khổ và nhục nhã là sự đương nhiên, còn thù hận dĩ nhiên không phải thiếu đối tượng, nhưng tôi không thể làm gì được, với đôi tay của một tên tù vừa rời khỏi trại giam. Hay hơn cả, hãy dồn tất cả hận thù ấy về cho chính mình !

Bao nhiêu biến thiên dồn dập chạy về bên chiếc bàn thờ mẹ già nhang tàn khói lạnh ! Dì tôi nói rất đúng. Bàn tay tôi tuy nhỏ bé nhưng rất đáng sợ, đáng ghê tởm làm sao.

Trong khi tâm tư đang lặn hụp giữa giống nước khổ đau và có lẽ sẽ không bao lâu nữa sẽ chìm sâu vào đáy đau khổ này, bất thần có giọng nói ôn tồn và rất buồn, buồn như tiếng thở dài nhè nhẹ của cha tôi:

- Con Thùy đã dắt mấy đứa con mày đi rồi, nó đi đâu cũng không ai biết. Nó có để lại cho tao và má mày mấy chữ "Ba má hãy ráng lo gìn giữ sức khỏe. Con bắt đắc dĩ phải ra đi, đi để lo tương lai cho hai đứa nhỏ... "

Tôi vẫn đứng trước bàn thờ mẹ tôi như một tên tội phạm, mà cha tôi là vị chánh án đang công bố bản án dành cho mình. Dầu đã đoán trước được phút giây xa cách này ngay tử lúc côn trong tù, từ lúc Thùy lạnh lùng trao tặng tôi lá cờ đỏ quái ác. Tuy nhiên lời cha tôi thông báo vẫn y nguyên vết chém đau thương tàn nhẫn rơi xuống hồn mình !

Tôi đau đớn quỳ trước mặt cha tôi chưa kịp lên tiếng nói thì ông đã buông lời, và có lẽ đây là lần đầu tiên cha tôi nói với tôi nhiều nhứt, kể từ sau ngày quê hương lâm cảnh khổ đau, cùng cực, nhưng lại được mang một thứ danh xưng tốt đẹp nhứt "giải phóng": "Trễ hết rồi Tiên ơi! Nếu những ngày đầu mất nước, con nghe lời mẹ cha khuyên giải thì gia đình mình có lẽ không đến nỗi phải tan nát toàn diện như ngày nay. . . "

Dầu đã bị hành hạ, đày ải ở trong tù, nhưng những thứ đó không đáng chút nào so với lời lẽ cha tôi vừa nói. Những lời nói kia như có sức mạnh ngàn cân đè nặng, làm vỡ tan lông ngực, bầm dập trái tim tôi, từ bây giờ và ngàn đời sau vẫn còn là mây khói u buồn !

Mất quê hương, mất mẹ già, mất vợ mất con, mất nhà cửa, mất cả tương lai đời mình. Ái ơi, anh thử nghĩ như hoàn cảnh tôi phải sống sao đây? Còn nỗi hối hận nào bằng, khi cha tôi nhắc lại lời trăn trối của mẹ tôi trước phút lâm chung "Tôi không ngờ, vợ chồng mình có đứa con tội lỗi như thằng Tiến ".

Anh Ái thân mến, Tôi không phải là mẫu người lý tưởng toàn diện nhưng là bạn học với nhau nhiều năm, hẳn anh đã hiểu nhiều về tâm tánh tôi. Điều làm tôi khổ tầm không nhỏ, không hiểu tại sao ngay từ lúc ở học đường tôi đã coi chế độ cộng sản là thiên đường !

Anh đâu ngờ rằng, tôi là một trong những tên cán bộ nằm vùng lợi hại có bổn phận tuyên truyền về "đức tính" anh hùng của cậu thanh niên thợ máy tên Nguyễn Văn Trổi, người đã mưu toan đặt mìn dưới gầm cầu Công Lý Sài gòn để giết ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ McNamara. Tôi rất đau khổ phải trở trái làm mặt về cậu thanh niên thợ máy đảng viên này. Sau khi nghe giọng điệu tuyên truyền láo xược của tụi tôi, thằng Ngh. bạn cùng học với chúng mình ở Mỹ Tho đã bực bội nói lên sự thật:

- Khi đưa ra xử bắn ở sân khám Chí Hòa, Nguyễn Văn Trổi đã khóc sướt mướt và kêu than trời ơi, con không phải là Việt Cộng. Con chỉ là người thợ máy mà thôi. Tại sao lại bắn... em ? "

Anh Ngh. kể thêm là Nguyễn Văn Trổi mặt mày cắt không còn chút máu, được hai người quân cảnh kè ra địa điểm hành quyết, cậu ta hết xưng con rồi lại xưng em. Thái độ khóc lóc kể lể như vậy là anh hùng, là vĩ đại của đảng và nhà nước cộng sản đấy !

Điều mỉa mai nhứt, Trổi đã khóc và lớn tiếng không nhận mình là cộng sản, nhưng khi tiểu đội quân cảnh được lịnh quỳ xuống sửa soạn nổ súng, thì chú thợ máy bắt đầu vừa khóc vừa hô đả đảo Nguyễn Khánh, Hô Chí Minh muôn năm ( lúc đó vào thập niên 60, ông Nguyễn Khánh đang nắm quyền hành trong nước )

Tuy biết là Nguyễn Văn Trổi hèn nhát, đảng và nhà nước bịa đặt hoàn toàn vè một thần tượng anh hùng, thế mà tôi vẫn cứ khờ dại thi hành lịnh trên như chiếc máy.

Ái ơi, tôi cứ đinh ninh rằng lý tưởng của mình là sẽ canh tân được quê hương xứ sở. Chắc anh cũng không thể chối bỏ, thời Việt Nam Cộng Hòa quê hương mình đã rơi vào vũng lầy tham nhũng quá mức tưởng tượng. Nhưng khi "độc lập trở về với quê hương, sự tham nhũng thối nát lại . . . vượt chỉ tiêu nghĩa là hàng triệu lần hơn so với trước đây !

Có quốc gia nào mà những sòng cờ bạc diễn ra công khai trên hè phố, gái mãi dâm không ngần ngại hành lạc với khách ngay trên băng ghế công viên. Sách báo phim ảnh khiêu dâm thì được coi là nghiệp vụ lớn để cán bộ làm ăn kiếm lời. Những nơi giải trí. . . thanh lịch là những quán cà phê, vi-đi-ô nhộng v v nhằm bứt phá tương lai tuổi trẻ, xô chúng vào hố trụy lạc tàn tệ gấp triệu lần hơn thứ trụy lạc và tội lỗi mà "cách mạng" thường hay lên án là thối tha tàn độc đã xảy ra trong thời chiến nơi quê hương mình. Có người đã lớn tiếng nguyền rủa "cách mạng' bằng lời lẽ ngọt ngào rằng: "Con đường trong sáng của cách mạng khởi hành vào... đêm ba mươi. Hướng đi lên cao nhất của đỉnh cao trí tuệ là bàn thờ!"

Chuyện rất khó tin, đối với số người làm nghề khuân thuê vác mướn trên bến đò Rạch Miếu vẫn phải nằm trong sự kềm kẹp rất khoa học của bọn công an đầu nậu. Cá nhân tôi, sau những ngày tù tội trở lại bến đò xưa để tìm miếng sống hàng ngày, và luôn luôn bị phiền muộn rắc rối. Cuối cùng, tôi phải lo lót cho bọn công an mọi việc mới êm xuôi.

Anh ái ơi, còn gì đắng cay bằng khi mình trở lại con sông xưa bến đò cũ mà người xưa thì biền biệt nơi nào. Lần nào đó, Thùy đã ước mơ trở thành con đò, và chính sự mơ ước ấy nàng vĩnh biệt tình tôi ! Trong những phút giây đơn lẻ đứng một mình trên chiếc phà làm nhiệm vụ tiễn khách sang sông, tôi nhớ mãi mấy câu thơ dễ thương của thi sĩ Viên Linh:

Em ơi từ lúc phôi pha
Mặt trăng càng tỏ sân ga càng gần
Con tầu lặng lẽ vào sân
Anh là hành lý gởi lầm đến đây.

Tôi đau khổ vì bị mất Thùy đã đành. Tội cho Thùy, khi đã xa tôi chắc đâu nàng đã hết bực mình vì đã " nhận tâm hành lý " !

Sự khổ đau của đồng bào, nhục nhã của mình là vết thương rưng mủ triền miền. Như tâm trạng của Nguyễn Tất Nhiên, nhưng cần sửa lại một vài vần điệu cho hợp với con người đáng ghét của tôi:

"Em bắt đầu thấy ân hận chưa em.
Vì lỡ nói thương anh, cái thằng gian ngoa phản quốc

Sự mất mát của tôi sẽ mãi mãi dài lâu và khổ đau sẽ đày ải trọn đời: "Mỗi cuộc sống phải mua bằng nhục nhã.- Mỗi mặt trời phải trả giá một hoàng hồn.- Đêm chẳng còn cách khác tôi tăm hơn.- Nên mặt mũi ta đây, bùn cứ tạt !". Nếu Thùy đã tạt bùn vào mặt tôi như Tất Nhiên đã trải tâm tư lên giấy, có lẽ tôi sẽ ít đau khổ hơn nhiều, phải thế không anh ?

Ái thân mến,

Chiều ba mươi Tết, cha tôi tỏ ý thèm tô canh sườn heo nấu với củ cải. Tôi dồn nỗ lực vác mướn, nhín bớt tiền mua gạo, để mua ít trăm cà-ram thịt sườn về nấu một nồi canh. Khổ nỗi, nếu tôi dùng hết số sườn ấy để nấu canh thì không còn cục nào để ram mặn. Nghĩ tới nghĩ lui tôi đành phải bỏ mấy cục sườn vào nồi nấu lấy nước, sau đó vớt sườn ra xào mặn, để cả nhà có được hai món ăn. Dì tôi thắp nhang trước bàn thờ rồi lớn tiếng van vái " Tô canh sườn heo nấu với củ cải nhưng không có sườn là sự mơ ước khá lâu của anh Hai và của em đó chị... ". Chiêu cuối năm cúng quảy rước ông bà là như vậy đó Ái. Một chiều cuối năm, như bao nhiêu chiều cuối năm đã trải qua trong những trận mưa buồn làm tràn nước mắt trên quê hương tội tình đau khổ này.

Thưa anh,

Tôi chấp nhận cuộc sống của tên vác mướn, tuy rất cơ cực từng ngày. Nhưng điều cay đắng nhứt dành cho tôi là mỗi khi có dịp gặp bạn bè sang sông, họ cố tình né tránh, làm ngơ. Tôi hiểu rõ lắm về tôi nên cố nén cơn đau. Tôi cố chịu đựng như chính cha mẹ tôi đã đau đớn chịu đựng về tôi trước đây ! .

Ái ơi !

Tôi giờ đây khác nào thân cây mục nát. Giá đau khổ mà tôi phải trả hiện tại là do chính tôi tạo ra. Tôi không hề than trời, trách đất hay đổ thừa cho định số đời mình.

Là bạn bè với nhau, những mong anh giúp tôi một lần, một lần này thôi. Nếu trên vạn nẻo đường đời đất khách, có dịp gặp lại Thùy, xin anh nói với nàng giùm tôi một câu, một câu duy nhứt: "Cho kẻ săn đuổi ảo ảnh này xin lỗi nàng và hai con yêu quý của tôi , Giờ đây, Thùy và hai con tôi như những cánh chim cuối trời, chắc không bao giờ xoay cánh trở về ! Hãy để cho nàng sống với chuỗi ngày bình yên, đừng buộc Thùy phải nhìn tôi như chính tôi đã nhìn tôi hiện tại !

Ngồi biên thư cho anh, bỗng từ phía nhà anh Quý, người con trai đã một thời say mê Thùy, tiếng nhạc từ máy "cát-xét" vọng lại nho nhỏ. Tiếng nhạc phát xuất từ băng nhạc vàng mang về ở hải ngoại, loại nhạc mà mấy ông cán bộ cộng sản rất say mê. Lời thơ trong bản nhạc của ông Du Tử Lê được người ca sĩ diễn tả như từng tiếng thở dài tội nghiệp trong tôi: "Hãy nói về cuộc đời - Tình yêu như lưỡi dao - Tình yêu như mũi nhọn - êm ái và ngọt ngào - Cắt đứt cuộc tình đầu - Thùy bây giờ về đâu " Trong lời nhạc, tên người con gái mà ông Du Tử Lê muốn nhắc là Thụy, còn hình ảnh, và hành trang mà tôi mang theo trên vạn nẻo đường đời là Thùy. Dầu Thụy hay Thùy thì lối rẽ tình buồn cũng giống như nhau thôi ! Tim tôi muốn trốn chạy lời tình ca xé lòng ấy, nhưng tai tôi vẫn cứ lắng nghe, nghe từng điệp khúc trữ tình trong cay đắng ngập hồn.

Chính tôi là lưỡi đao, là mũi nhọn, nên Thùy đã mang đến cho tôi lá cờ đỏ ngập máu da vàng, trước phút biệt ly nhau ! Quãng đời còn lại, tôi hết hy vọng "làm thảm cho em bước", tuy rằng trong tim tôi luôn luôn có hình ảnh Thùy và những nụ cười vô tư đáng thương của các con tôi. Như nỗi buồn Trương Chi và chuyện lòng Mỹ Nương, tôi vẫn cứ âm thầm gìn giữ trong hồn thứ tình yêu đẹp nhất, tình yêu của Thùy, dầu tình yêu đó đã thật sự xa xôi, để từng đêm trong hồn tôi: rất khẽ mà nghe đất nhớ trời " !

Thân ái,

Người bạn học cũ của anh

Phùng Phước Tiến

Hải Bằng