PDA

View Full Version : Di Sản Ngày Quân Lực



Longhai
06-17-2012, 12:48 AM
Di Sản Ngày Quân Lực

Phận gái thời chinh chiến


Giao Chỉ, San Jose


( Viết cho một người vừa nằm xuống, Cựu SVSQ Võ bị Đà Lạt 1954, Thiếu tá Nhẩy dù Nguyễn Thượng Khiêm )

Có lẽ các bạn cùng khóa võ bị Đà lạt 1954 không biết chị Lệ Diễm là ai nhưng chắc hẳn có biết Nguyễn Thượng Khiêm, bạn cùng khóa của chúng ta. Khi anh em vào trường thì ông Khiêm đã thuộc vào loại già hơn 5 tuổi. Nguyễn Thượng Khiêm mới qua đời tối Chủ Nhật 22/6/2008 tại miền Nam Cali, vùng LA hưởng thọ 79 tuổi. Anh có hai con với người vợ đầu tiên. Các cháu có gia đình còn ở Việt Nam. Tại Hoa Kỳ có mặt chị Khiêm tức chị Trần Lệ Diễm và 4 con. Xin nhắc lại một chút về tiểu sử của bạn Khiêm. Khi ra trường năm 1954 đi nhẩy dù, phục vụ tại tiểu đoàn 3 mủ đỏ. Khiêm có hai con rồi vợ chồng ly dị.

Trung úy Khiêm của chúng ta vào thời kỳ 60 đã sớm trở thành sỹ quan nhẩy dù độc thân có hai đứa con phải nuôi.

Em gái của Khiêm, quen với cô bạn nữ sinh Sài Gòn. Đem cô bạn mới 21 tuổi, dẫn về nhà ông anh chơi. Cô bé mới trưởng thành, mê lính nhảy dù lại gặp ông sĩ quan trên 30 tuổi gà trống nuôi con. Chuyện tình hết sức lãng mạn bắt đầu. Cô gái 21 lấy chàng trai khóa Cương Quyết 33 tuổi. Chàng hơn em dứt khoát là một con giáp. Anh em ta chẳng ai ngờ ông Thượng Khiêm mà lại lấy vợ trẻ như thế. Lại thêm một lần may mắn, sau khi bị thương Nguyễn Thượng Khiêm được thuyên chuyển về đơn vị 90 tiếp tế thả dù. Cấp bậc và chức vụ sau cùng là thiếu tá chỉ huy phó.

Chàng vẫn oai hùng nhưng binh nghiệp đỡ vất vả.

Trên 10 năm lập gia đình với ông nhảy dù, cô vợ nữ sinh nuôi hai đứa con chồng, sinh được thêm 3 cháu. Khi mất nước tan hàng thì người vợ trẻ lại có thêm cái bầu 6 tháng để tiễn chàng đi “cải tạo”.

Bắt đầu từ tháng 4 năm 75, nàng mới ra tay chống chọi với cuộc đời. Nuôi 6 đứa con bằng 2 bàn tay trắng. Từ công nhân hạng chót nhà máy dệt lên lãnh trách nhiệm phòng tài chánh Hợp tác xã quốc doanh trong 7 năm. Nuôi 6 con đi học và tiếp tế cho chồng từ Nam ra Bắc.

Từ cô gái thời chinh chiến đến người vợ thời cải tạo, người phụ nữ Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng vượt bực trong nỗ lực tồn tại bằng mọi giá. Và tuyệt đối trung thành với anh chàng mũ đỏ tan hàng thất cơ lỡ vận.

Nguyễn thượng Khiêm đi tù cải tạo trở về sau 7 năm. Cả nhà ai cũng cho là còn may mắn, vì sớm hơn anh em. Công việc đầu tiên của chàng là đi đạp cyclo. Tù về sức yếu. Tuổi thật cũng đã già. Cuộc đời vật lộn khó khăn. Mộït năm đạp cyclo là 1 năm ác mộng. Đi không về không. Bị thiếu hụt, bị lừa gạt. Anh chàng gốc nhảy dù, dù đã cố gắng, cũng chẳng đi đến đâu. Trăm sự lại trông vào cô vợ rất tháo vát. Tuổi trẻ ngày xưa ngây thơ vô tội. Sau những năm đổi đời tôi luyện đã trở thành quán xuyến. Nuôi cả chồng con, lại còn chạy tiền cho cô em bên Mỹ lập hồ sơ đoàn tụ. Khi có lệnh cho “tù cải tạo” đi Mỹ, lại chạy giấy tờ để chuyển hồ sơ ODP qua HO. Ông Trời ngó lại. Giấy tờ HO2 đã xong. Đáng lẽ đi năm 90 nhưng kẹt hồ sơ ốm đau của anh chàng mũ đỏ nên chuyển sang năm 91.

Rồi lại kẹt 2 đứa con riêng lớn tuổi đã lập gia đình. Con rể, con dâu không được đi nên 2 cháu ở lại.

Vợ chồng thiếu tá Khiêm qua Mỹ với 4 con còn nhỏ hăm hở xây dựng cuộc sống mới. Các con đi học, hai vợ chồng đều có việc làm. Chẳng làm vương làm tướng gì. Bỏ báo. Chị vợ kể rằng chúng em còn ngây thơ, đi bỏ báo quảng cáo, lại còn xem số nhà cho đúng. Đi bộ rạc cả chân. Tay nứt nẻ. Có tháng xem ra chẳng được bao nhiêu. Khổ muốn chết. Nhưng được cái ăn mặc không đáng kể. Đâu phải đi làm công chức hay thư ký ngân hàng. Nhà cửa không phải mua nên cũng không cần lo sửa chữa và sắm bàn ghế. Hai vợ chồng sau cùng chỉ còn trông cậy vào các con. Chúng nó vừa đi học vừa đi làm. Cả nhà quây quần sống với nhau. Rồi từng đứa lấy vợ lấy chồng cứ lần lượt tách ra. Bây giờ vợ chồng ở nhà đứa con gái thứ ba.

Với 18 năm ở Mỹ, ông HO2, chỉ hoàn thành công việc vĩ đại nhất là đem 4 con nhỏ qua Mỹ rồi tự chúng xoay trở với cuộc đời để chăm sóc cho cha mẹ.

Anh Khiêm năm trước lại còn chơi ngông, một mình đi xe đò “Con Chó” qua hai ngày hai đêm từ LA đến Seatle dự lễ quân lực với đại tá mũ đỏ Phạm huy Sảnh. Thì cũng vì tình nghĩa cùng khóa, cùng đại đội 5. Khiêm kể rằng, trên đường đi thì cũng OK nhưng phải cái hơi tức thở. Hỏi tại sao tức thở. Vì ngồi bên phải là là 1 chị Mỹ đen, phía trái là 1 chị Mễ. Mỗi chị nặng hơn một tạ, ép anh chàng Khiêm suốt 1 ngày một đêm. Xoay bên trái thì hôi mùi tóc bôi dầu bóng. Xoay bên phải thì ngửi mùi hôi nách. Vì vậy anh chàng tức thở. Đó là chuyện ngày xưa. Chưa bao giờ có anh lính về già lại mê ngày quân lực như thế. Đến ngày quân lực năm nay 2008, Nguyễn thựơng Khiêm đau nặng phải vào nhà thương mổ. Cả nhà nghĩ rằng phen nầy mổ là chết. Bởi vì các bác sĩ trước khi mổ đã nhìn nhau lắc đầu.

Tuy nhiên nhờ Trời Phật, ca mổ coi như thành công. Ung thư ruột già quá nặng nhưng đã cắt hết. Thực phẩm từ nay tống thẳng ra ngoài bằng 1 túi bên hông. Ngày xưa nhảy dù, có cả dù bụng lẫn dù lưng. Bây giờ về già ông nhảy dù Nguyễn thượng Khiêm đeo dù dưới đáy quần. Bác sĩ cho về nursing home ở khu có người trông nom 24/24. Lúc đó vào 9 giờ tối chủ nhật. Vợ chồng nói chuyện tâm sự về gia đình. Ngày xưa, khi em lấy anh hoàn toàn không biết gì về quân đội và cuộc đời. Chỉ thấy ông sĩ quan mũ đỏ nghêng ngang mà lại độc thân. Thương xót vô cùng. Lại thấy mấy đứa con không có mẹ nên tình thương thêm rào rạt. Bèn nhảy vào thay thế người xưa đã bỏ đi.

Cuộc sống từ cô vợ Trung Úy lên được bà chỉ huy phó đơn vị 90 quân nhu nhảy dù, có cư xá trong trại coi như hạnh phúc. Tháng 4 năm 75 chợt đến như Trời xập. Chồng đi tù, vợ trẻ dẫn 6 đứa con ra khỏi trại. Từ đó là hơn 15 năm bươn trải với chế độ mới. Từ chồng Thiếu tá đến chồng đạp cyclo. Rồi HO qua Mỹ trở thành vợ chồng đi bỏ báo.

Ngày quân lực năm 2005, anh chồng nhớ tiếng kèn quân đội bèn đi xe Bus lên dự lễ năm thứ 40. Qua năm 2008, quân lực kỷ niệm lần thứ 43 thì chàng đã yếu lắm rồi. Lúc 9 giờ đêm chủ nhật, cô vợ nói với chồng. Đến tháng 8 nầy là em được 65 tuổi, sẽ ăn tiền già. Nhà ta lại có thêm lương. Bác Khiêm cao niên nghe cô vợ trẻ nói sẽ lãnh tiền già bèn khục khặc gật đầu nhưng chẳng trả lời. Thế là chàng ra đi. Rất thanh thản và nhẹ như sương khói.. Chẳng hề trăn trối một lời. Thôi nhé từ nay là quên hết. Từ nỗi buồn mối tình đầu không muốn nhắc lại, buồn về 7 năm tù cải tạo, buồn vì một năm đạp cyclo, buồn vì một năm đi bỏ báo ở LA. Làm cái gì mà đạp cyclo, bỏ báo cũng không xong. Phải chờ đến khi vợ báo tin lãnh tiền già mới yên tâm ra đi. Phải chăng cuộc đời là bể khổ. Không đâu, chị Trần Lệ Diễm nói lại. Chúng em có gần 40 năm hạnh phúc. Em phải lấy chồng lúc đó mới thấy trong tình yêu có sự hy sinh. Phải đổi đời 75 mới có cơ hội ra tay quán xuyến, xoay sở, nỗ lực nuôi con, nuôi chồng. Phải có qua Mỹ mới hiểu được giá trị của cần lao và cần kiệm. Suốt đời ở Mỹ chúng em không mua nhà, nên không phải lo mua sắm. Phải thất nghiệp mới biết có con hiếu thảo lo cho cha mẹ. Anh Khiêm chết đêm Chủ Nhật. Đêm thứ hai tôi nói chuyện với vợ Khiêm mới biết đầu đuôi cuộc đời của chàng và nàng. Hai đứa con lớn ở Việt Nam đã biết tin bố nhưng chắc không qua được. Đám tang sẽ tổ chức cuối tuần này. Hai đứa con ở miền Đông đã bay về. Hai đứa con miền Tây đã túc trực tại Cali. Ông bố HO đem thân già làm vé đưa 4 đứa con vào Mỹ đã xong nhiệm vụ. Chỉ còn bà mẹ trẻ 21 tuổi ngày xưa, nay mới sắp lãnh tiền già.

Tôi nói chuyện với chị Trần Lệ Diễm, tiếng nói bình tĩnh vẫn ngọt ngào như cô nữ sinh Sài Gòn thuở xưa. Hỏi sao chị có vẻ bình tĩnh như vậy. Thưa rằng chúng em tin ở Thượng đế. Bao nhiêu năm nay sinh hoạt với Hội Thánh Tin Lành. Tất cả đều do Chúa an bài. Vì vậy anh Khiêm đi ngay trước mắt em. Lúc giờ 9 tối Chủ Nhật. Chỉ có mình em bên giường. Vợ chồng trò chuyện. Chuyện quá khứ, chuyện tương lai, rồi anh đi. Không có điều gì gọi là di chúc. Chẳng có vốn liếng nào bỏ lại, mà phải lo lắng. Chẳng có gia tài để làm chúc thư. Lại hỏi rằng sao cuộc sống của anh chị, có vẻ êm đềm như vậy.Thưa rằng, em là con gái gốc Hoa, bố Tàu, mẹ Việt. Làm ăn hay hôn nhân đều phải giữ chữ Tín. Tên em Việt Nam là Trần Lệ Diễm nhưng tên Tàu là Tran Dimlay. (Giọt lệ kiều diễm của họ Trần) Lại hỏi thêm, thế còn nói được tiếng Tàu không? Có, em nói tiếng Quảng. Sao nói tiếng Việt rành thế? Tại em học Nguyễn Bá Tòng,rồi qua Bổ Đề, học tú tài trườngTrung Thu. Bạn bè toàn Việt Nam, và anh Khiêm thì chỉ biết tiếng Việt chứ không biết tiếng Tàu.

Và bây giờ cô Diễm nói tiếng gì thì bác Khiêm của tôi cũng chẳng còn nghe được nữa. Chỉ còn cầu nguyện thôi. Cầu nguyện để thấy rằng dù Trung úy tình duyên dang dở. Dù Thiếu tá phải đi cải tạo. Tù về phải đạp cyclo. HO qua Hoa kỳ đi bỏ báo nhưng cũng vẫn còn hạnh phúc, nếu người ta có được một cô Trần Diemlay như Bác Nguyễn Thượng Khiêm.

Còn nhớ ba năm trước, dự ngày quân lực của mũ đỏ Phạm Huy Sảnh tổ chức ở tiểu bang Whasington, anh em cùng khóa lên ủng hộ. Chúng tôi đi máy bay rồi thuê xe hơi lái đến hội trường. Phần lớn anh em ta đều có đồng ra đồng vào. Rủng ra rủng rỉnh. Đi lễ Quân Lực như đi vacation.

Riêng Nguyễn Thượng Khiêm vẫn còn nghèo nhưng chẳng sợ ai. Chàng đi xe đò hãng Greyhound, trải qua 2 ngày 2 đêm cũng đến dự ngày quân lực thứ 40. Bạn cùng khóa là Phạm Huy Sảnh điện thoại tán tỉnh cụ Thượng Khiêm là kỳ này tổ chức có biểu diễn nhẩy dù. Nghe nói nhảy dù là cặp mắt kèm nhèm của ông Khiêm sáng lên. Phạm huy Sảnh còn bắt nhẩy dù Ngô Lê Tĩnh phải mặc đồ hoa, mua thêm huy chương đeo cho đỏ ngực.

Phần ông Khiêm nghe bùi tai, hành quân đường bộ, đến được bãi đáp, người nát như tương. Nhưng qua một đêm lại sức, ông già bắt đầu đấu láo. Anh em nhắc lại ngày quân lực diễn binh ở Saigon. Nhẩy dù luôn luôn được hâm mộ nhất. Còn nhớ năm xưa, chúng tôi ngồi khán đài. Nhảy dù Nguyễn Thế Nhã dẫn đầu một đơn vị mũ đỏ diễn hành. Cậu này vừa cao vừa đẹp trai, dáng đi lại oai hùng. Có được bức hình đăng trên báo Saigon thời đó. Bây giờ thì đại tá gốc nhẩy dù Nguyễn Thế Nhã chết đã lâu rồi. Nhẩy dù Nguyễn Thượng Khiêm mới chết tuần qua. Trẻ cũng chết, già cũng chết. Đại tá ra đi, Thiếu tá cũng ra đi.

Thúy Nga vừa cho in DVD chiếu hình cả 2 cuộc diễn binh 1971 và 1973 nhân ngày quân lực ở Saigon. Tài liệu gốc của điện ảnh quân đội Việt Nam Cộng Hòa, in thành phim 16 ly gởi cho các tòa đại sứ Việt Nam. Những cuốn phim của một thuở huy hoàng lưu lạc bốn phương trời, nay đã nằm trong vĩnh cửu với đĩa DVD tung ra khắp thế giới.

Thêm một lần nữa thương vụ đã trở thành lịch sử.

Hình ảnh của anh em chúng tôi với Nguyễn Thế Nhã, Nguyễn Thượng Khiêm hết sức huy hoàng trong tiếng nhạc quân hành. Anh em cùng khóa chúng tôi đi dưới màu áo bộ binh, Dù và Thủy quân lục chiến.

Những chàng trai và những cô gái trong đạo quân đẹp đẽ đó bây giờ ở đâu.

Chỉ còn lại cô nữ sinh Sài Gòn, mang danh hiệu giot lệ của họ Trần, liều lĩnh lấy chồng chiến binh năm 21 tuổi. Cuộc đời trưởng thành của nàng chia làm 3 giai đoạn. Đoạn đầu làm vợ trong doanh trại, nuôi 6 con. Đoạn thứ thứ hai là chủ gia đình có chồng cải tạo, bôn ba giữa Saigon trong chế độ Cộng sản. Đoạn thứ ba ở xứ thần tiên, chỉ biết bỏ báo và làm nội trợ. Quanh quẩn bên ông chồng già, lớn hơn một giáp. Cuộc đời bình thản của ông chiến binh nhẩy dù Nguyễn Thượng Khiêm. Có người đàn bà bỏ ông ra đi từ sáng sớm, lúc còn Trung úy mũ đỏ hiên ngang. Có người đàn bà trẻ bước vào thay thế, ở lại với ông đến phút cuối cùng.

Nguyễn Thượng Khiêm với 7 năm tù cải tạo, đem thân làm vé tàu cho vợ và 4 con vào đất Mỹ. Những đứa con của ông bà có đời sống hết sức trung bình. Hai gia đình còn ở Việt Nam. Hai gia đình miền Đông Hoa Kỳ. Hai con ở Cali. Chuyện nhà của ông chẳng khác gì chuyện mọi người. Ra đi sau ngày quân lực thứ 43, mũ đỏ Nguyễn Thượng Khiêm chẳng cần để lại tài sản, hay sự nghiệp huy hoàng. Ông chỉ yên tâm khi cô nữ sinh 21 tuổi ngày xưa của chàng, báo tin sẽ lãnh tiền già.

Cuộc sống từ Saigon đến LA suốt 30 năm qua xem chừng hết sức vất vả và một đời tần tiện, nhưng sao tân góa phụ Trần Lệ Diễm của hội chúng tôi cứ quả quyết là chúng em rất hạnh phúc.

Vì đây chính là hình ảnh của phận gái Việt Nam thời chinh chiến.

Mũ đỏ Nguyễn thượng Khiêm ra đi ở Hà Nội 1954 chưa từng biết yêu. Mối tình đầu ở Saigon tan vỡ như mây trời giông bão. Mối tình bền chặt một đời cho đến giây phút cuối lại là người đẹp di cư từ xứ Hải Phòng, biết nói tiếng Quảng Đông. Giọt lệ kiều diễm của họ Trần, Tran Dimlay.

Ngàn thu vĩnh biệt Nguyễn thượng Khiêm.

Giao Chỉ, San Jose