PDA

View Full Version : Tôi Cần Một Người Cha



Longhai
06-14-2012, 10:58 PM
Tôi Cần Một Người Cha

Việt Hải


Ngày lễ Cha Father's Day đã qua đi, nhưng dư âm nhẹ nhàng của tình gia đình trong tôi dường như vẫn phảng phất quanh quẩn đâu đây. Tôi nghiệm ra cái khuynh hướng sống cho mình khi mỗi năm qua hầu như khi tôi càng tăng tuổi đời thì tuổi tâm hồn lại tỉ lệ nghịch trở về tuổi thơ càng gần gũi hơn, điều này khiến các nhà phân tâm học hay tâm lý học nói tuổi trẻ hướng về tương lai và tuổi già nhìn về dĩ vãng. Tuổi trẻ có hy vọng của buổi bình minh cuộc đời, tuổi trẻ có nhiều mộng ước, tuổi già quay lại quá khứ, để nhìn lại đoạn đường dài khổ ải, nhiều gian truân hay thành tựu đã qua. Với tôi, dĩ vãng là quyễn album với bao nhiêu điều đáng nhớ, buồn có lẫn vui có và tất cả trôi qua êm đềm, từ lúc xong trung học, leo lên đại học với lý tưởng của tuổi thanh niên, với nhiều giấc mộng Kinh Kha, giấc mơ kinh bang tế thế đóng góp một phần nhỏ cho quê hương trong nổ lực xây dựng miền nam thời hậu chiến. Nhưng rồi chẳng may xứ sở bị bọn người man rợ CS từ rừng rú trở về do yếu tố may mắn " chó ngáp phải ruồi " hay do cơ hội " nước đục thả câu " như lũ mọi lạc hậu vớ được cành vàng đóa ngọc miền nam VN. Thế rồi cái ước mơ của tôi là sự thất vọng. Nhớ về chuyện ngày cũ của 75, tôi ra đến Côn Sơn lúc năm giờ chiều ngày Một tháng Năm lòng sụt sùi căm hận phe CS đã thành công thôn tính miền nam và nghẹn ngào khi nghe trên radio bọn CS ăn mừng chiến thắng thống nhất đất nước. Rồi ngày tháng qua đi, sau gần ba thập niên người CS nuốt khúc xương miền nam trả bằng cái giá khó khăn vì cả trong xứ hay bên ngoài mức chống đối họ vẫn dâng cao. Vì họ không đến với nhân dân bằng cái tình tự dân tộc, không bằng sự thu phục nhân tâm, mà người CS tượng trưng cho sự áp bức, tham ô và khát máu. Với gần ba mươi năm ly hương, xa nhà với bao nhiêu khổ ải, bao nhiêu gian truân, bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, nhưng cuối cùng cuộc đời lại lắng đọng khi có gia dình, có con cái, và chính những tuổi thơ xung quanh tôi đem tôi về tuổi hồn nhiên của những năm tháng đã mất đi.

Sáng ngày 15/06 tôi ngủ nướng vì đêm qua thức khuya mệt mỏi do việc thức khuya soạn bài viết cho ngày Quân Lực 19-06, cháu Hải Việt nhảy chồm lên giường nằm bên cạnh, cháu rót nhỏ vào tai tôi "Happy Daddy's Day, ba ơi!, hôm nay là ngày của ba mà, thức dậy đi nha!". Tôi ôm cháu hôn lên tóc. Đứa anh Hải Nam cũng nhảy tót lên giường nằm bên kia, trong khi mẹ hai cháu đã ra khỏi phòng chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị cho một ngày mới, ba cha con chúng tôi chụm đầu vào nhau tán dóc chuyện trên trời, chuyện dưới biển, những chuyện của bọn nhóc tì, những chuyện vẩn vơ lắm, và tôi cố hoà mình với hai con.
Nam nói : " Con có " prepared " cho ba bài thơ, con đọc nhen ba ". Tôi đồng ý gật đầu. Cháu đọc:

" Today is Father's Day
I am with my father
He hugs me and
tells me a good story
He’s my hero
He’s my example
I like his name
I carry his name
Our name is ocean
We like ocean
I wish him a good health
He’s always my father
And I love him.
Hải Nam "

Xong cháu trao tôi tấm thiệp vẽ tranh lập thể Picasso ngoằn ngoèo đủ thứ màu hoa mè technicolor, bức hình người cha đang nắm tay đứa con, xa xa một đứa bé khác. Cháu bảo cô giáo kêu mỗi học trò phải làm thơ tặng cha, xong cô giáo giúp sửa thơ nếu phạm lỗi chính tả. Cháu nhớ hè năm ngoái chúng tôi đi picnic hè ở biển Dana Point, tôi bảo hai cháu chữ "hải" trong tiếng Việt là "biển", là "ocean" nên cháu nhớ khi đặt thơ. Tôi nhớ ngày hôm đó ba cha con chúng tôi ngâm mình trong ánh nắng chói chan nam Cali, sóng biển tràn vào bờ nhấp nhô, chúng tôi nhảy tránh từng con sóng rì rào tràn vào bờ. Dù đã bôi kem chống nắng nhưng chúng tôi trông như những con tôm hùm lobster luộc chín và da bị khô nên cảm thấy rất rát khó chịu mấy ngày liền.

Tôi phê bình bức tranh lập thể vẽ ba cha con chúng tôi đang đùa với sóng biển Dana Point, tôi hỏi:

"Sao Nam vẽ ba cha con mình giống cha con Bart Simpsons quá vậy, cả ba đều có mái tóc "punky" dựng đứng, đeo cái "sun glasses" to tổ bố như cái "desert sun mask" người ta đi trong sa mạc".

Mấy lúc gần đây khi xem TV tôi thấy tội nghiệp cho đoàn quân viễn chinh Mỹ khi tiến quân từ Kuwait ở phía nam hướng về mục tiêu phía bắc là Bagdad bị cuốn vào cơn bão cát sa mạc, nên mỗi quân nhân đều đeo một cái kiếng chống cát thật to, như bức hình Bart Simpsons của Nam. Cháu cười khúc kha khúc khích.

Rồi Việt chen vào nói: " Con làm cho ba cái "special gift" nè! Ba mở thử ra đi ! ".
Tôi mở chiếc hộp do cháu tự làm bằng giấy loáng màu bạc, phía bên trong là một sâu chuỗi tràng hạt mà cháu nói là cho tôi dùng để lần chuỗi khi ngồi thiền. Cô giáo của Việt ra dự án làm quà tặng cho cha, trong khi cô giáo của Nam chủ trương làm thơ chúc. Tuy nhiên đối với tôi cái công lao và tấm lòng của các cháu là niềm vui lớn cho mình. Việt chêm xen kẽ cứ 5 viên hạt xám lợt là một viên xanh dương đậm. Nên màu sắc của xâu chuỗi rất hợp với nhau. Tôi xoay sang hôn cám ơn Việt. Nam đề nghị tôi kể một truyện về ngày Father's Day. Tôi nhớ đã lâu rồi tôi có đọc trong báo Los Angeles Times nói về chuyện rất thương tâm mang tựa đề "Tôi cần một người cha" (I want a father).

Tôi nhìn hai cháu chăm chú theo dõi lắng nghe ông bố kể chuyện. Trong thời gian chiến tranh Đệ II Thế Chiến, một người lính hải quân Hoa Kỳ tử trận theo tàu khi quân đội hoàng gia Nhật Bản bất thình lình tấn công Trân Châu Cảng hôm sáng ngày 7 tháng 12, 1941, gây tổn thất cho gần 3.600 quân nhân Hoa Kỳ. Người lính thủy mà tôi nói trong chuyện tối mấy hôm trước đó được người vợ từ California thông báo bà vừa hạ sinh bé trai cho ông, bé trai vừa chào đời mạnh khỏe và ông hẹn sau công tác hải hành thì sẽ về với vợ con. Nhưng ước mơ không bao giờ đến với ông và ông chưa bao giờ được cái hạnh phúc bồng đứa con đầu đời của mình và con ông đã bất hạnh vì thiếu người cha. Khi lớn lên người con sống trong hoàn cảnh mặc cảm thiếu bóng người cha, người con rất tủi thân và cô đơn trong lớp học khi thấy bạn bè đều có cha. Ông này khi lớn lên vẫn ấp ủ tấm hình cha ông mặc quân phục hải quân và hình hôm lễ đám cưới của cha mẹ ông tại Los Angeles. Học xong trung học ông nối gót thân phụ gia nhập vào binh chủng hải quân. Khi giải ngũ ông thường viếng thăm và ủy lạo những chiến sĩ Mỹ tham dự trận thế chiến thứ hai. Chuyện chung qui nói về hình ảnh người cha có hấp lực vô biên với người con.

Chuyện thứ hai trong loạt bài tôi đọc nói về một người cha hành nghề xe hàng vận tải (freight truck). Người tài xế xe hàng tại Kansas đang trên đường công tác giao hàng ban đêm tại một thành phố lân cận nhà ông, khi được tin người vợ ông chuyển bụng sắp sinh nở ông vội vã chạy gấp về sau chuyến giao hàng. Xe về đến thành phố nơi gia đình ông cư ngụ ngay tại lối rẽ từ freeway xuống exit đường quá cong cộng thêm thời tiết xấu, tối mờ của ngày 23 tháng 12 khi nhân loại nô nức đón lễ Giáng Sinh, xe ông lật bánh rơi xuống ruộng, tai nạn đã cướp mất cuộc sống của một người cha. Vì hối hả về lo cho vợ con mà ông đã đổi bằng mạng sống của mình. Cái chết của ông để lại huyền thoại về cha đối với người con gái duy nhất của người đàn ông tài xế xe vận tải. Cô con gái sau này đỗ bằng cao học y tế công cộng (MPH) và cô làm giám đốc phòng an sinh xã hội cho một viện dưỡng lão ở New York. Điều lý thú tình cờ là cô lập gia đình với người chồng luật sư thuộc liên đoàn bảo vệ các tài xế xe vận tải. Cô con gái này cả đời ước ao có được giấc mơ có một lần được cha cô hugging, ôm vào lòng. Đối nhiều người điều ước mơ đó quá đơn giản, quá tầm thường, nhưng đối với cô chỉ là ước mơ hão huyền, chẳng bao giờ có được trong cuộc sống.

Tôi kể chuyện cuối trong loạt chuyện ngày lễ Cha trên báo cho Việt và Nam nghe. Chuyện anh chàng mù giáo sư trung học về âm nhạc. Tại tiểu bang New Jersey, một gia đình hai vợ chồng bị chết cháy do sự phát hoả của đèn treo Giáng Sinh trên cây thông. Thông thường hằng năm tại Mỹ nạn hỏa hoạn hay xẩy ra do cây thông trang hoàng mùa Giáng Sinh bị khô héo và các bóng đèn treo trên cây thông để nhiều giờ làm cho nhiệt độ gia tăng và chạm vào những cành khô đưa đến sự phát hỏa. Giữa đêm khuya khi lửa trong phòng khách bị cháy. Phòng khách nằm giữa phòng cha mẹ và phòng đứa bé trai bốn tuổi, người cha can đảm băng mình qua lửa đỏ để cứu con mình. Ông đem cháu ra ngoài giao cho người láng giềng dù đứa bé bị lửa cháy áp phỏng nặng làm mù mắt và người cha quay trở vào nhà cứu giúp người vợ. Chẳng may vợ ông bị trặc chân té khi cố chạy ra ngoài, bà bị kẹt vì vết đau ở chân nên không thể đi xa hơn được. Lần trở vào cứu vợ ngọn lửa dâng to, phừng cháy dử dội nên là định mệnh oan nghiệt gây thiệt mạng cho cặp vợ chồng này. Đứa bé được người chú mang về nuôi nấng và sau trở thành một giáo sư âm nhạc bậc trung học. Ông nhiều lần tâm sự qua âm nhạc về hình ảnh can trường của cha ông khi xông vào biển lửa cứu mạng mình. Ông thèm một cảm giác của bàn tay huyền diệu, thương yêu của cha mình ôm lấy ông trong cuộc đời.

Tôi kết luận với hai con tôi là cả ba câu chuyện trên đều nói về hình ảnh người cha và những người con bất hạnh khi lớn lên cần có người cha đi bên cạnh cuộc sống.

***

Chiều hôm đó vợ tôi đề nghị đi ăn tối tại nhà hàng Todai trên đại lộ Ventura, thuộc thành phố Woodland Hills. Đây là một chi nhánh của hệ thống nhà hàng bán thức ăn Nhật kiểu "all you can eat" buffet, ăn bao bụng. Hai cháu con tôi rất vui khi đi ăn theo lối này vì cháu tha hồ lựa nhiều món ăn hợp khẩu cho mình và tháng rồi vào ngày lễ Mẹ, ngày Mother's day gia đình tôi đến ăn tại Super King Buffet, một nhà hàng Tàu "all you can eat" thuộc thành phố Simi Valley. Việt theo mẹ xếp hàng đi bên hàng seafood, tôi và Nam xếp bên hàng sushi. Nhà tôi vẫn biết rỏ tôi mê món sushi cá sống như mê văn chương, nhưng bà không nuốt nổi món sushi. Tôi ghiền sushi cá hồi salmon, cá thu tuna hay cá ngộ halibut hoặc California rolls. Mà khi ăn sushi tôi thường thích uống kèm món trà genmai, tức trà xanh có những hạt gạo rang rất thơm lừng. Nam lấy cho tôi chén soup shabu shabu, món soup truyền thống của dân Nhật có đậu nành, rong biển mang mùi seafood, Nam không quên lấy một diã wasabi và dưa gừng màu hồng, ginger pickles mà hai cha con tôi rất khoái. Việt mang về bàn cho tôi một diã cá salmon hấp và một chén salad. Tôi vẫn thường nghe nhà tôi dặn hai cháu vì "Ba đi đứng khó khăn hai con đi theo phụ giúp ba". Thật sự ít khi nào tôi nhờ đến con trừ phi vạn bất đắc dĩ mà thôi. Đây là giây phút tôi cảm thấy hạnh phúc về tình gia đình vì tôi chỉ cần nhìn hai cháu ăn ngon miệng và liên mồm nói tía lia, nhất là Hải Việt luôn hoạt bát, rất lanh lẹ như mấy chú Mỹ con. Dù là chúng tôi cố lôi kéo hai cháu về với nếp sống gia đình Việt Nam, nhưng trường học và xã hội bên ngoài đôi khi lấn áp tuổi thơ lớn lên tại đây. Giờ ăn chiều trong gia đình tôi từ lâu vốn mang không khí vui vẽ và ấm áp vì tiếng cười của trẻ thơ. Tôi tâm sự với nhà tôi ngay lúc này các cháu ở lứa tuổi 9 và 10 tuổi nên khi tụi tôi đi đâu thì hai cháu kè kè đi bén gót theo sau. Đây là giai đọan hạnh phúc nhất cho vợ chồng tôi vì các cháu đeo cha mẹ nhiều nhất. Mai kia hai cháu lớn và có bạn thân hay có bồ rồi những giây phút hạnh phúc gia đình sẽ bị loãng, mờ nhạt dần đi.

Nhà tôi nhắc lại việc học của hai cháu năm nay và tỏ lời gợi khen Nam được bốn giấy khen thưởng về toán, english spelling, good citizen và physical exercise (PE) môn chạy thi, cộng thêm trophy thi toán liên trường do học khu Los Angeles Unified School District tổ chức. Việt được ba awards gồm math, special project (viết bài văn ngắn, cháu chọn viết về nước Việt Nam) và PE môn hoola-hoop. Nam hỏi như vậy cháu có được thưởng đi biển picnic vào mùa nghỉ hè như năm ngoái không. Tôi đồng ý sẽ thực hiện. Tôi hỏi Việt muốn gì cho mùa hè. Việt chọn đi viếng hoặc Six Flags Magic Mountain hoặc Universal Studios. Tôi gật đầu luôn. Tôi hỏi hai cháu khi lớn lên hai cháu làm gì. Nam nói Nam muốn làm bác sĩ Gia. Tôi hỏi Việt câu tương tự, Việt bảo Việt muốn làm bác sĩ Tạo, tôi bật cười lớn xoa đầu hai cháu và nói bông đùa: " Vậy là ba có hai bác sĩ tếch ke ba tận tình nhé ! ".

Bác sĩ Gia tức bác sĩ Đoàn Gia Gia, có phòng mạch tại thành phố Alhambra, là vị ân nhân của vợ chồng chúng tôi. Chúng tôi lấy nhau sau mười năm bị hiếm muộn thì vị lương y này đã hóa phép thần thông cho chúng tôi có liền tù tì hai mụn con. Anh Đoàn Gia Gia có tâm hồn âm nhạc lắm, hồi đầu xuân Quý Mùi này tôi bắt gặp anh hát mấy bài họp ca xuân trên TV cable, đài 18 ở Los Angeles. Còn bác sĩ Tạo tức bác sĩ Dương Hồng Tạo, có phòng mạch tại thành phố Westminster, là bác sĩ tim mạch cho bà nhạc gia tôi và cả chính tôi. Bác sĩ Tạo khi đi học tại đại học Cal State Northridge, tôi có học chung với anh ấy mấy lớp vật lý và hóa học, sau này nghe anh sang học y khoa tại Harvard Medical school.

Năm trước khi có biến cố 911 xảy ra, nhà tôi có lần hỏi hai cháu lớn lên sẽ làm gì thì Nam bảo sẽ làm nhân viên cấp cứu paramedic cứu người bệnh hoạn, còn Việt bảo muốn làm lính cứu hỏa fire-fighter leo lầu xông pha vô cứu người bị kẹt lửa cháy, khi đó toàn trường mấy cháu được học về các gương anh hùng cảnh sát và nhân viên cứu hoả bên New York. Phần khác hai cháu có học thêm võ thuật thiếu lâm, nên các huấn luyện viên lúc nào cũng nhắc nhở những kỷ luật của võ sinh như giúp người, gan dạ và khiêm tốn. Tôi nghỉ đây là những yếu tố mà thanh niên rất cần cho cuộc sống. Vì học võ nên hai cháu rất thích xem loại phim võ hiệp của Hollywood do Thành Long Jackie Chan hay Jean Claude Van Damme đóng. Có lần Nam bắt chước nam tài tử Van Damme nhảy tung lên cao đá cánh cửa phòng ngủ thật tan thương, cánh cửa sút bản lề ra và gãy toạt với lổ hổng bên giưã cánh cửa ván ép. Tôi cau mày nhăn nhó nói: " Kỳ sau muốn làm Claude Van Damme con đá nhè nhẹ dùm ba, đá kiểu này ba đau bụng quá !". Cháu lâm la lâm lét xin lỗi tôi.

Hôm vợ chồng tôi đưa hai cháu xem phim "Rush Hour 2" về, hôm sau Nam đóng vai Jackie Chan, Việt đóng vai viên thám tử Mỹ gốc phi châu Chris Tucker, tôi đi làm về nghe Nam nhái giọng Jackie Chan, Việt nhái giọng Mỹ New York gốc phi châu và tôi thật sự hoảng hồn, hú vía khi thấy hai thám tử Việt và Nam lăn nhào, lộn mèo như các tài tử movie stuntmen, con tim tôi muốn nhảy phóng ra ngoài theo những pha nhào lộn của hai đứa.

Tôi bực mình quát lên: " Thôi đủ rồi, nhào lộn kiểu này ba phải hỏi Blue Cross có trả tiền không nữa ? ".

Việt tiến lại gần hỏi khẽ: "Bộ ba hỏi hảng phim cho tụi con đi đóng phim hả ?".

"Chưa có hảng nào mướn thì ba phải trả tiền co-pay nhà thương trước cho tụi con rồi. Con nhảy từ giường xuống sàn nhà cứng như vầy là có ngày gãy cổ như chơi, con biết không ?", tôi bảo Việt như vậy.

Thật ra tôi vẫn biết mình khi lúc nhỏ bằng các cháu thì tôi thường bị gia đình "lên án" te tua vì bản tính quậy tanh bành, quậy "hết biết" của lứa tuổi tinh nghịch, phá phách. Bản tính con trai thường hiếu động, nghịch ngợm như rươi là sự thường tình. Vợ chồng tôi khi nuôi con thì cũng giống như mọi người, ai cũng mong những mơ ước hay những hy vọng tương lai mai sau cho các mầm non của mình, những giờ phút riêng tư của chúng tôi thì thường bàn về cá tính hay khả năng và sở thích từng đứa con. Tôi nhớ ngày xưa trong bàn tiệc với các anh bạn Việt Nam đồng hương tại đây, khi các bạn nói về ước mơ cha mẹ dành cho con cái, nhất là khi men bia đang ám ảnh, ve vãn tâm hồn chúng tôi, một anh bạn gốc thợ máy, tên Đức, buồn bã về cuộc đời của mình, anh buột miệng phát biểu:

"Tôi có hai thằng con trai, vợ chồng tôi ráng nuôi cho chúng nó với ước mong sau này hai cháu cố gắng học hành làm bác sĩ hay kỷ sư với người ta".

Ngồi kế bên anh Đức là một anh kỷ sư thiết kế cơ khí, tên Tài, làm cho hảng máy bay Lockheed trong vùng Burbank, anh Tài bị áp lực đè nặng của công việc lao tâm, mệt óc vì khi công tác đáo hạn mà kỷ sư chưa hoàn tất nổi thì sở thất nghiệp thật gần như lồng gang bàn tay. Anh Tài sau khi tu xong ly bia anh tự dưng phát ngôn ngông một câu tương phản ý với anh kia:

"Ai mong con người ta làm bác sĩ, kỷ sư, chứ mình chỉ ước thằng con duy nhất của mình làm thợ thầy cho đỡ mệt óc, đỡ máu cao! đỡ stress, hihihi...".

Lời nói năm xưa như những điều thật linh thiêng của vị thần tiên tri Nostradamus, mười lăm năm sau tôi khám phá ra anh bạn thợ máy có hai đứa con học ngành y khoa tại đại học John Hopkins, bên Baltimore, Maryland. Anh bạn kỷ sư toại nguyện với lời ước xưa vì cậu con trai duy nhất của anh Tài đang hành nghề thợ sửa ống nước, người con anh rất khéo tay, có năng khiếu về chân tay và có công ty plumbing thuê vài nhân công người Mễ giúp việc. Mỗi người có nếp suy nghỉ riêng tư, nhưng điều muôn thuở vẫn trúng như một chân lý là: "Mưu sự tai nhân, Thành sự tại thiên". Tuy vậy, hiếm hoi vẫn có sự ngoại lệ của cuộc sống trong kiếp nhân sinh của chúng ta vậy.

Nam đi lấy món tráng miệng cho tôi gồm thơm tươi, dâu tây strawberry và cantalope là ba loại trái cây tôi ăn hoài không chán và Việt trao ly vanilla soft ice cream khi cháu nháy mắt ra dấu: "Just eat it, I'll take care of you!". Tôi hôn lên mái tóc punky Bart Simpson của Việt và chìa lồng bàn tay mình cho cháu đập kiểu "Give me a five". Tôi muốn cám ơn những người thân đã cho tôi một cảm giác nhẹ nhàng, nhưng thật dễ thương trong tâm trí nhân ngày lễ Cha 2003.

Việt Hải Los Angeles
19-06-2003


=========

Viết cho ngày Father' s day

Chỉ còn non một tuần nữa là đến ngày lễ Cha, ba nhìn lên bàn làm việc của mình tại sở làm, cái ly "mug " bằng giấy có bài thơ Anh ngữ mà cô giáo Mason giúp con làm lấy, để tặng cho ba ngày Father's Day năm ngoái, ba vẫn còn yêu quý nó như ba yêu quý con. Những vần thơ mà cô Mason đã giải thích cho con từng ý nghĩa, mà tựu trung nó phản ảnh cái tình cha con của mình:

"I thank you on this Father's Day,
For all the love you send my way ,
The things we learn, the games we play,
The many things you do and say.

***

Of all the dads, I must confess.
I think you are very best !
So please sit down to forget your stress,
Kick up your feet and take a rest ,
Please use this mug to make a brew,
A bag of green tea also includes ,
From my heart to you with all my love !
I really love you .

Trần Phước Hải Việt.

Hải Việt con yêu của ba,

Ba rất vui mừng khi nhận được món quà, mà con đã bỏ ra nửa buổi học, để cùng cô giáo nắn nót làm tặng ba. Dù rằng con chưa có khả năng Việt ngữ, để con viết lên những dòng thơ Việt ngữ tặng ba. Nhưng đó là những điều quý báu, được âm thầm làm bằng tấm lòng của con. Mỗi buổi sáng khi vào sở làm, ba uống trà xanh, ba vẫn nhớ hai anh em con. Những gói quà tầm thường của con, là những bằng ban khen hay những tác phẩm nghệ thuật của hai làm trong lớp học mà ba đã ưng ý và chân quý nhất, và ba đã chưng bầy khắp văn phòng làm việc của ba.

Hải Việt biết không? Tháng 6 trước ngày lễ Father's Day năm 1994, mẹ con đã tặng ba một món qùa vô giá, đó là sự chào đời của con. Ba bồng con trên tay lần đầu tiên đúng vào ngày Father's Day năm đó. Là một người Việt Nam sống ở xứ Mỹ, ba vẫn nuôi những ý nghĩ cổ điển, hơn là thế hệ của các con, vì ba vẫn hay so sánh những giá trị tốt đẹp của Việt Nam và cái hay của xứ người. Người Mỹ có ngày Mother's Day vào tháng 5, và Father's Day vào tháng 6 , thì người Việt Nam mình có ngày lễ Vu Lan để tưởng nhớ đến cha mẹ vào ngày 7 tháng 7 âm lịch. Ba ao ước các con sau này sẽ tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa, và nguồn gốc Việt Nam của mình khi lớn lên. Cội nguồn dân tộc Việt Nam được bắt đầu bởi những câu đồng dao, mà ngày hôm nay con và anh con thi đua nhau ê a cả ngày. Mấy tuần trước thầy Bằng lớp Việt ngữ Văn Lang đã khuyến khích lớp học của hai con, học thuộc lòng câu đồng dao phổ thông như:

"Công cha như núi Thái Sơn .
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra,
Một lòng thờ mẹ kính cha ,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".

Thầy Bằng đã giải thích trong lớp học, cũng như mẹ giải thích cho con mỗi tối, những câu ca dao Việt ngữ mà con đã học. Cái vốn liếng tiếng Việt của con mỗi ngày, sẽ mỗi gia tăng, nếu hai con tiếp tục hoc Việt ngữ, rồi con sẽ yêu tiếng Việt hơn, văn hóa Việt hơn, và sẽ gần gủi với người Việt Nam nhiều hơn. Nước Việt Nam có nghèo nhưng sẽ không mang ý nghĩa văn hóa Việt Nam là xấu. Ðây là hai mệnh đề rất tương phản với nhau. Văn hóa Việt Nam mà ba đã hấp thụ, vẫn bàng bạc những ý tưởng rất xúc tích về chử "Hiếu " của người con đối với công ơn sinh thành và dưỡng dục của các bậc phụ mẫu.

Con yêu của ba, người ta đã ví công cha như trời cao vút như ngọn núi Thái Sơn, và so sánh nghĩa mẹ bao la, tràn trề như nước chảy vũ bão từ thượng nguồn. Do đó sau này con lớn lên, con sẽ có dịp học thêm, những bài học về chữ hiếu trong quan niệm đông phương, như chuyện Nhị Thập Tứ Hiếu, có thầy Mẫn Tử Lộ đã cực khổ gánh gạo nuôi mẹ già , hoặc tướng quân Nguyễn Trãi vì chữ trung hiếu, giữ ý chí quật cường của cha già là cụ Nguyễn Phi Khanh để dẹp tan giặc ngoại xâm, hoặc cụ Nguyễn Trung Trực đã tự nạp mình cho giặc Tây khi chúng bắt mẹ ông làm con tin. Ngược dòng lịch sử của dân tộc Việt Nam, dù không có ngày Father's Day hay Mother's Day chính xác, nhưng những tấm gương như thầy Mẫn Tử Lộ, hay những tấm gương của tiền nhân Việt Nam, vì chữ trung hiếu, hẳn không thiếu vắng trong sinh hoạt mỗi ngày, khi con cái lo lắng cho cha mẹ già, cho đến khi cha mẹ qua đời. Ðó chỉ là sự thường tình ở xã hội đông phương, khi mà có những người con, đã hy sinh cuộc sống riêng tư của mình để lo cho cha mẹ già. Ðó là sự kiện "nước mắt chảy ngược". Ba có người bạn thân đó là cô Mỹ Hạnh mà mẹ con biết, một lòng tận tụy với mẹ gìa, khi hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình ngay tại xa hội Mỹ này. Ba viết dòng này lên đây để tri ân, những tấm gương Việt Nam thật sáng ngời, giữ chữ hiếu với các đấng sinh thành.

Trở lại câu ca dao con đã học, nó nói lên cái đức tính cao cả về tình cha nghĩa mẹ lo lắng cho con cái, và nó mênh mông như biển Thái Bình. Một thí dụ khác chẳng hạn như chú Tình tại Việt Nam bị chính quyền Cộng sản ép buộc đi vùng kinh tế mợi Chú đã kể cho ba nghe trong thư là khi gia đình chú đi khai hoang ở một vùng hoang vu, và gia đình chú phải tự túc mọi thứ, nên cuộc sống thật khó khăn, chật vật và rất nghiệt ngã. Không đủ như cầu lương thực cho gia đình, nên chú thím phải nhịn đói, để dành những phần thức ăn cho con cái. Khi thấy con cái thiếu ăn, chú thím cũng như bao cha mẹ khác, đã nghẹn ngào nhìn đàn con ốm còm cõi. Thím Tình qua đời vì đói khát, và kiệt sức cùng với chứng bệnh sốt rét ngã nước. Ðó là trường hợp cha mẹ bất lực không đủ điều kiện lo cho con cái. Cũng như trường hợp cha mẹ thương con một cách khác mà ba đã chứng kiến tận mắt tại một văn phòng, của một bác sĩ người Việt ở Van Nuys gần nhà mình. Một cặp vợ chồng người Mỹ rất trẻ đã khóc lóc van xin bác sĩ chữa trị cho con ông bà, đứa bé trai 5 tuổi của ông bà bị té ngã tét trán. Vết thương khá sâu, nên máu chảy ra rất nhiều, vài văn phòng bác sĩ ở gần đó đã từ chối không giúp đỡ họ, vì người cha thất nghiệp không có bảo hiểm. Vị lương y người Việt đã động lòng trắc ẩn, vì tình người, nên đích thân ông đã ra tay chăm sóc cho đứa trẻ miễn phí. Ðó là những cảnh tượng, mà văn hóa Việt Nam gọi là "nước mắt chảy xuống" khi cha mẹ lo lắng vì con cái. Ba kể thêm cho con nghe một trường hợp rất thương tại xứ Nhật Bản, ba vô cùng xúc động khi đọc bản tin này. Đó là câu chuyện rất thương tạm của một bà mẹ người Nhật, 40 tuổi, đã tình nguyện hiến 2/3 lá gan của mình cho đứa con gái 10 tuổi bị bệnh gan bẩm sinh từ nhỏ . Em bé gái đã một lần nhận gan từ người cha nhưng không hợp, thường thì tỷ lệ hợp đối với người đồng dòng máu khá cao. Lần này, tình trạng sức khỏe của em bé khả quan. Nhưng sức khỏe của người mẹ bị suy sụp nặng tới độ bị hôn mê, phủ tạng rối loạn, áp huyết cao . Các bác sĩ đã cố gắng chạy chữa, ghép cả một gan người đàn ông khác 30 tuổi cho bà, nhưng sau 9 tháng chống chọi với tử thần bà đã qua đời. Người con sống bằng sự hy sinh sinh mạng của mẹ mình thật là không biết phải trả ơn ra sao. Sự hy sinh của người mẹ rất đúng như câu: "Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra".

Cũng có trường hợp, các bậc cha mẹ là những tấm gương hy sinh cao cả vì con cái, họ đã can đảm bảo vệ con cái trong những hoàn cảnh hiểm nghèo, dù là loài vật hay nhân loại. Ba đã xúc động khi theo dõi một chương trình truyền hình bên Uùc châu về một người cha đã xả thân tử chiến với con cá sấu to lớn để bảo toàn tính mạng cho đứa con trai 7 tuổi của ông. Hậu quả là cá sáu đã đớp gẫy mất một chân của ông. Một chương trình khác về thiên nhiên và thú vật, ống kính truyền hình đã ghi nhận được khúc phim thật xúc động, khi một con gà mái can đảm chống chọi với con diều hâu ác độc, đang đe dọa tính mạng của đàn gà con. Gà mái đã chiến đấu tới cùng với diều hâu, nhưng cuối cùng gà mái đã thua cuộc, và bị diều hâu xé xác. Bởi vậy con à, tình cha nghĩa mẹ rất là thắm thiết, có thể đơn giản qua những mẫu chuyện ba đã chia sẻ với con, và rất đậm đà như người đàn ông Úc châu tử chiến với cá sấu hay ngứời mẹ Nhật Bản sẵn lòng hy sinh tính mạng mình cho người con gái, hoặc con gà mái kia quyết sống chết để bảo vệ con mình. Ðó là những tấm gương cao quý rất đáng được ngưỡng mộ, đề cao, hầu có thể tiếp diễn từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Hải Việt con yêu dấu,

Khi con và anh Nam còn nhỏ, những đêm khuya các con bị nóng sốt, thì ba mẹ thay phiên nhau chăm sóc hai con. Mỗi khi nhiệt độ của các con lên cao, là hầu như ba chỉ thức trắng đêm, lo đo thân nhiệt, lo thuốc men, đắp nước đá, và có khi ba phải tắm nước thật lạnh, để ba ôm các con vào lòng, hầu làm hạ nhiệt độ trong người của con hoặc anh Nam. Có lần con bị tiêu chẩy vào giữa đêm khuya, ba đã chạy rong ở ngoài phố lúc 1 giờ sáng để tìm mua nước pedialyte cho con uống. Nói ra những điều này để con biết, những ngày con còn nhỏ, ba mẹ đã chia sẻ cuộc sống với các con như thế nào. Cái ngày mà anh Nam con, bị té từ ghế xích đu, trán của Nam bị chẩy máu, ba vừa băng bó để cầm máu, mà lòng ba đau buốt. Ba có cảm tưởng cái đau đớn của Nam là cái đau đớn của chính ba, khi nhìn máu cứ tiếp tục tuôn ra. Khi anh Nam 3 tuổi, Nam bị rớt xuống hồ tắm nhà mình, bác Thu bạn ba đã kịp thời nhảy xuống hồ tắm cứu sống Nam, mẹ con ôm Nam vào lòng mà oà khóc thê thảm như tưởng rằng đã mất con của mình. Ba đã nói với mẹ, nếu có mệnh hệ gì xẩy ra cho các con, ba chỉ xin đấng tối cao cho ba ra đi thay thế. Vì các con còn quá trẻ, ba nhìn cuộc sống của hai con như ánh bình minh vào buổi ban mai, với những tia sáng đầy hy vọng của ba. Ba không muốn là nguồn hy vọng của ba sẽ chợt tắt. Ngược lại ba nhìn những buổi sáng đưa các con tung tăng đến trường, ba thấy cuộc sống của ba rất có ý nghĩa, và đó chính là cái lẽ sống của ba, và rằng ba phải hy sinh cho các con nhiều hơn nữa.

Tất cả điều này ba tâm sự với con và anh Nam, khi tuổi đời của hai con chưa hiểu hết những lời ba nói ra đây. Ba cầu mong một khi các con khôn lớn, hai con vẫn tiếp tục học thêm tiếng Việt, để đọc hết những lá thư, mà ba có thói quen viết theo từng giai đoạn cho các con. Viết cho con nhân ngày sinh nhật, con tròn 7 tuổi và cũng sắp đến ngày Father 's Day, cô giáo Mason đã thông báo cho ba mẹ biết, con sẽ được phần thưởng " The best student in the class ". Con à, nếu như mẹ đã cho ba món quà Hải Việt yêu quý của ba, cách đây 7 năm và ngày lễ Father's Day này, con đã cho ba món quà quý gía, đó là sự chuyên cần học giỏi của con, một giọt máu yêu quý của ba. Ba cám ơn con nhiều lắm.

Việt Hải, Los Angele