PDA

View Full Version : Cho Gửi Cái Đầu



Longhai
06-05-2012, 07:54 AM
Cho Gửi Cái Đầu



Thân gửi các quan hai thất trận trình diện đi tù tại Gò Công



Tôi học việt văn năm đệ Lục với Thầy Nguyễn văn Ba, cũng là người anh thứ ba của tôi, vào đầu niên học trong môn kim văn, anh thường trích giảng hai bài văn viết về ngày khai trường, một bài dịch từ bản nguyên tác chữ Pháp của nhà văn Anatole France và một bài của nhà văn Thanh Tịnh, học sinh tụi nầy phải học thuộc lòng hai bài văn nầy, cũng nhờ học thuộc lòng nên trong trí vẫn còn ghi nhớ, cũng nhờ vậy mà mỗi khi trời trở sang thu, trên trời có những đám mây bàng bạc, là lòng tôi lại nhớ tới buổi khai trường ...

..." Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường...

...Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi đi trên con đường làng dài và hẹp.Con đường nầy tôi đã quen đi lại lắm lần.Nhưng lần nầy tự nhiên tôi thấy lạ.Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi vì chính lòng tôi đang có sự đổi thay lớn: Hôm nay tôi đi học..."

Tôi lại liên tưởng đến cậu học trò nhỏ của Anatole France trên đường đi đến trường, đi ngang qua vườn Lục Xâm Bảo...có những chiếc lá vàng rơi trên những pho tượng màu trắng...

Có sống ở Gò Công vào những năm thập niên 50 - 60 mới thấy sự quan trọng của ngày khai trường đối với dân cư ngụ trong tỉnh lỵ, những khuôn mặt của phụ huynh đăm chiêu nhưng đầy tin tưởng vào triển vọng của con em mình trong ngày đầu niên học, những chiếc áo quần còn thơm mùi vải mới, Những chiếc cặp da mới tinh khôi thắm đậm ân tình của phụ huynh chăm sóc con cái...

Tôi đã từng trải qua trên 15 lần tham dự ngày khai trường từ những năm đầu đời học sinh, ba tôi chỡ tôi trên chiếc xe đạp sườn ngang đến trường Bà Phước ( thời tôi đi học chưa có trường mẫu giáo, học sinh chưa tới tuổi đến trường công thường đều đóng tiền học trường Bà Phước )...và sau nầy thường đi đến trường với chị ở bậc tiểu học..rồi một mình ở bậc trung học, bước chân đến trường mà trong lòng có biết bao niềm mơ ước cho niên học mới...Cho đến năm 28 tuổi, tôi lại có dịp được chị tôi dẫn đến trường .

Theo lệnh của Ủy ban quân quản tỉnh Gò Công, tất cả quân nhân cấp Trung Úy phải trình diện đi học tập cải tạo từ 7 giờ sáng ngày 25 tháng 6 năm 1975 tại trường Trung Học Công Lập Gò Công

Trước ngày tôi đi trình diện, ngày 24 tháng 6, người anh thứ ba của tôi, Đại Úy biệt phái giáo chức ( Khóa 16 Thủ Đức) đi trình diện “ học tập cải tạo”, Anh có qua nhà chào từ biệt cha mẹ và có bắt tay tôi từ giã trước khi đi, không khí trong nhà thật yên lặng vắng vẻ sau khi anh tôi rời khỏi nhà với hành trang là một túi bồng bột đựng dụng cụ cá nhân, ba tôi vốn ít nói, mắt người chỉ thoáng buồn, mẹ tôi thì nét u sầu thấy rõ hơn, riêng tôi, trong lòng đang có nhiều cảm giác lẫn lộn, nhiều nỗi lo lắng bồn chồn...

Buổi sáng thức dậy sớm, lòng tôi càng thấy bồn chồn lo lắng, sau khi điểm tâm xong, tôi soát lại lần cuối mớ vật dụng mang theo, mấy vĩ thuốc cảm, sốt rét, kem và bàn chải đánh răng, khăn mặt, hai bộ quần áo, thuốc hút, diêm quẹt, giấy bút...Tôi đến thắp nhang bàn thờ ông bà, từ giã ba mẹ, người chị thứ sáu, chị kế tôi, dẫn tôi đến trường...Trong đầu tôi hiện rõ cảnh khai trường trong bài văn của Thanh Tịnh, cũng con đường quen thuộc, tôi nhớ từng lá cây ngọn cỏ, từng ổ gà, từng cây dại mọc trên bờ đê...quen thuộc đến cả những màu sơn cửa của từng ngôi nhà, hôm nay, theo từng bước đi của tôi, cảnh vật quen thuộc bên đường như lạnh lùng như xa vắng, trời cuối mùa hạ mà sao trông có vẻ âm u, trời lất phất mưa, những hạt mưa rơi nhẹ như sương, những cánh cửa sổ bên đường vẫn mở mà sao lòng tôi cảm thấy như uất nghẹn im lời, nó không còn vẻ sinh động như những lần tôi từ Sài Gòn, từ Sóc Trăng, từ Huế, từ Pleiku...về phép, ngọn gió lúc tôi về phép như mơn man, đùa reo mát mẻ quá, cũng những cánh cửa mở khép hờ mà sao tôi thấy đầy nét vồn vã ân cần ...khác hẳn như buổi sáng hôm nay.Tay tôi xách túi bồng bột, chị tôi đi bên cạnh dẫn bộ theo chiếc xe đạp mi ni màu đỏ, hai chị em bước đi từng bước chậm, không một lời trao đổi; tôi vẫn biết, dù chậm bước cở nào, khi chân còn bước thì đích phải tới, rẽ sang cầu Tây Ban Nha, quán cà phê Xuân nằm bên đầu cầu, tôi thấy trong quán lưa thưa một vài người khách, một vài khuôn mặt quen thuộc, thầy Phan Thanh Sắc nguyên là Trung úy, huấn luyện viên vũ khí trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp, đương nhiệm hiệu trưởng trường Trung Học Đệ Nhị cấp quận Hòa Tân, đang ngồi quấy đều ly cà phê đen, thấy chị em tôi thầy tươi cười vui vẻ :

-Ê ! Vô làm ly cà phê rồi đi, còn sớm mà tụi, tính đi sớm về sớm hả ? ? ?

Đoạn đường chưa tới 100 thước từ nhà tới trường, chị em tôi còn gặp một vài người quen khác, khẻ cuối đầu chào nhau mà trong ánh mắt hầu như trao nhau hàng ngàn câu thăm hỏi.

Rồi cũng tới trường, cổng trường đối diện với cổng vào nhà xe của dinh tỉnh trưởng, hai hàng cây dái ngựa trước trường lá vẫn xanh, hạt mưa nhẹ buổi sáng làm màu xanh của lá có tươi hơn nhưng lá ướt nước ủ rủ trông buồn quá, rải rác bên đường, từng nhóm năm ba người tụm nhau nói chuyện, cũng vẫn những khuôn mặt quen thuộc của cựu học sinh trường Gò Công, mà sao tiếng cười đùa vui vẻ của những lần gặp nhau trong những ngày họp mặt, tất niên của hội cựu học sinh trường đã không còn tìm thấy sự nhộn nhịp, vui vẻ như ngày xưa nữa, trong nhiều ánh mắt thấy rõ nét e dè, nghi ngại, như sợ sệt, như lo lắng...hầu hết những người hiện diện hôm nay đều là bạn chung trường, chung xóm, chung đơn vị ngày xưa.Tôi dừng lại trước cổng trường, có chú bộ đội con ( có lẽ cách mạng 30) mặc thường phục tay cầm súng AK đứng gác, trước khi chia tay, chị tôi bùi ngùi khuyên tôi nên giữ gìn sức khỏe sớm trở về với gia đình, tôi chào chị rồi lầm lũi bước qua cổng trường...( Phải hơn 8 năm sau tôi mới thấy lại cổng trường nầy )
Một thời kỷ niệm cũ chợt sống dậy trong tôi, cũng tại ngôi trường nầy, tôi đã có 7 năm miệt mài đèn sách, cũng tại cổng trường nầy, mỗi khi bước vào, học trò chúng tôi, áo quần phải tươm tất, đủ đầy phù hiệu, hình ảnh những thầy cô giám thị như hiện ra trước mắt tôi, thầy Võ văn Đài, thầy Châu văn Giao, Cô Sáu Hồ...với quyển sổ con và cây bút trong tay, nghiêm khắc đứng rải rác từ cổng vào trường để ghi tên những học sinh lè phè vô kỷ luật...thiếu phù hiệu, áo quần xốc xếch, và không ...hạ mã khi qua cổng .

Hôm nay, tôi cũng bước ngang qua cổng nầy, nhưng không còn nhìn thấy những khuôn mặt khả kính của những vị thầy cô năm xưa, mà thay vào đó, một khuôn mặt non chọet, có lẽ phải vài năm nữa mới tròn tuổi hai mươi, áo quần luộm thuộm, tay cầm khẩu AK,cơn gió buổi sáng, hay hạt mưa trái mùa làm tôi thấy lạnh, có lẽ hai lý do trên đều đúng, cái lạnh thấm mau vào người tôi có lẽ là do màu đen của sắt thép tỏa hơi tử khí từ khẩu AK rất vô tình; trong suốt mấy năm chinh chiến, cây AK là hình ảnh đối kháng với khẩu M16 xinh xắn của quân đội Cộng Hòa...

Cũng màu tường vôi vàng, cửa sổ màu xanh, phòng giám thị, giám học, hiệu trưởng, hai dãy phòng nằm cạnh cổng, dãy lớp học im lìm năm xưa còn đó, những cây lim lúc tôi mới vào trường chỉ cao hơn thước, những cây lim nầy cũng là nguyên do để bọn học sinh chúng tôi bị thầy giám thị rầy la vì chạy giỡn tiện tay bẻ đọt ngắt lá, nay thân cây lim một người ôm không giáp, ngọn cao khỏi nóc lầu trường, tàn phủ che mát cả sân...

Tôi thấy trong sân trường đã khá đông người,dưới gốc cây lim sát phòng giám thị, một nhóm giáo sư của trường đang chuyện gẩu, tôi thấy thầy Huỳnh Thạch Sơn là giáo sư văn chương và là đương nhiệm hiệu trưởng trường, vẻ mặt trầm ngâm đang lắng nghe chuyện, khoảng 8 giờ sáng, một tên cán bộ Cộng Sản ra lệnh tập họp các quan hai lại ,tất cả anh em xếp thành hàng tư trên sân xi măn trước dãy trường lầu hướng tây trường, tôi nhẩm đếm khoảng trên 200 Trung úy,trong đó có 3 nữ sĩ quan là Nguyễn thị Hương Hoa ( Phòng điện cơ kế toán bộ Tổng Tham Mưu, cũng là cựu học sinh trường) Nguyễn Thị Anh ( Phòng xã Hội Tiểu Khu Gò Công) Nê A Sang ( Không rõ đơn vị )...Tôi còn nhớ chị Võ Thị Cảnh là giáo sư Trung Học Gò Công với gương mặt đầy lo lắng bước vội vô cổng trường, chị trình diện thế cho người em trai là Hải Quân Trung Úy Võ Văn Tý, Tý đi Mỹ Tho thăm ghệ trên đường đi bị bắt ở Chợ Gạo.Thế mới biết, chính sách hà khắc dân chúng sợ hơn hùm beo rắn độc, mọi lệnh giặc cờ đỏ ban ra đều được tuân hành răm rắp, bởi trong thời điểm giao mùa, ai ai cũng sợ bản án tử hình làm gương ...!

Tôi nhìn tổng quát thành phần sĩ quan tại hàng hôm nay, đa số là cựu học sinh trung học Gò Công đã phục vụ quân đội trên 4 vùng chiến thuật, một số sĩ quan thuộc các tỉnh khác phục vụ tại tiểu khu Gò Công.Có anh ăn mặc như đi dự tiệc, áo quần thẳng nếp, dày da đánh bóng, xe honda dựng bên lề; tôi thầm nghĩ, các anh nầy tưởng dễ ăn với Việt Cộng, trình diện rồi được cấp giấy ra về như chính sách ...khoan dùi nhân đạo mà chúng thường rêu rao khi mới cưỡng chiếm miền Nam.

Sau khi được nghe " giảng " về chính sách khoan dùi của đảng đối với sĩ quan ngụy quân và ngụy quyền; tất cả tan hàng tự do đi lại trong vòng rào trường dưới sự canh gác của vệ binh võ trang ở bốn góc trường.

Tuy bầu không khí có vẻ nằng nặng, sự im lặng rồi cũng bị phá tan bởi tiếng chào mừng của bè bạn lâu ngày mới gặp lại, những nụ cười gượng gạo cố vui trong chốc lát, vui làm sao được khi trong lòng ngập đầy lo lắng, số phận của mình rồi sẽ ra sao, bao nỗi nhớ thương, tình chiến hữu năm nào nay tản lạc muôn phương, rồi cha mẹ, rồi vợ con ...! !

Khuôn viên trường khá rộng rãi mà gần 10 năm tôi mới có dịp gần gủi lâu dài, tôi lặng lẽ đi chầm chậm tìm những phòng học cũ, trường chỉ còn lại hai dãy ngang từng trệt là dấu vết của thời tôi đi học, ba dãy lầu nới cất sau khoảng thời gian tôi rời trường, tôi lặng lẽ đi vào từng phòng học, cố tìm lại chút vết tích của thời còn mài đủng quần trên ghế...Với một thời gian tương đối khá dài, mười năm rồi còn gì ...Cũng vẫn những nét vẽ nguệch ngoạc, những dòng chữ li ti, những hình vẽ, nhưng không phải của thời tôi đi học mà là của các lớp đàn em sau nầy...Mắt tôi như mờ lại, hình ảnh thầy cô cũ hiện ra sao rõ nét quá, Cô Giang Thị Hạnh, cô Trần Thành Mỹ, Cô Lê Kim Xuyến, thầy Đoàn Huy Oánh, Thầy Ngô Đình Thu,Thầy Nguyễn Tiến Đức, thầy Đinh Đức Vượng …, rồi những tà áo dài trắng tha thướt của các bạn đồng song ...Hứa thị Vĩnh Thu, Nguyễn Thị Kim Kiều, Phan thị Lệ Sương, Lê Kim Hoa, Đồng Thị Ái, Nguyễn thị Bạch Mai...lòng tôi như se thắt lại...!

Tôi thử điểm danh một số anh em cựu học sinh, khóa 1 có Tô Vĩnh Thái ( Giáo chức biệt phái = GCBP), Anh Tôn ( Pháo Binh Dù GCBP ) Anh Chánh ( GCBP)…Khóa 2 Có Lê Văn Bình ( CTCT tiểu khu GC, GCBP ), Hồ Văn Sơn ( Khóa 3/69 Quân Nhu) Anh Ánh ( Biệt Phái Tòa hành Chánh)…, Khóa 3 có Nguyễn Văn Xã ( Cựu khóa sinh Rừng Núi Sình Lầy Mã Lai, GCBP), Võ Huỳnh Long ( GCBP) ,Lê Ngọc Phước (GCBP) ,Anh Trang (GCBP) ,Anh Chấn ( GCBP )…, Khóa 4 có Phạm Bá Niên ( Phân chi khu trưởng)…, Khóa 5 có Đặng văn Vui ( Trưởng G Vũng Tàu), Lê Văn Nay ( Đại Đội Trưởng ĐPQ), Trần Công Thu ( Công Binh)…, Khóa 6 có Lê Bích Lâu ( An Ninh Quân Đội), Nguyễn Ngọc Bá ( Trưởng ban 1 TĐ Pháo Binh ) Nguyễn Thành Nghiêm ( Trưởng ban Chính Huấn SĐ 18), Trần Ngọc Sáng ( Phòng 2 Quân Đoàn 4 )…Khóa 7 có Lê văn Liệt ( Trưởng cuộc Cảnh Sát Long An) Nguyễn văn Tỷ ( Thiết Giáp )…, Khóa 8 có Phạm Đăng Trắc ( Pháo Binh Quân đoàn 2) ….Và còn mấy khóa tiếp nữa, tôi không nhớ hết…

Tôi bước lên dãy lầu ngang, nhìn thẳng ra cột cờ, trên hành lang, tôi đi lần đến cuối dãy, nhìn qua khoảng trống giữa hai hàng rào kẽm gai, bên kia rào là khám đường Gò Công, ôi định mệnh sao cai nghiệt quá, trường học nằm cạnh kề khám đường, thì học sinh xong học đường lại chui vào khám. Trước mắt tôi, một khoảng trống nhỏ đủ nhìn thấy người, tôi thấy một vài khuôn mặt quen thuộc từ bên khám đường tò mò nhìn sang trường, kìa là thằng Nguyễn Kim Giai, thiếu úy An Ninh Quân Đội, tôi vẫy tay chào nó, nó dùng tay chụm miệng hỏi lớn:
-Thằng Chí đâu rồi ? ( Đại úy Nguyễn Duy Chí Đại Đội Trưởng trinh sát trung đoàn 11, bạn chung lớp, cùng khóa 8 với Giai).Tôi vội đáp lại trong sự vui mừng gặp lại bạn cũ, dù trong hoàn cảnh có hơi quá khắc nghiệt : - Nó chuyển đi hôm qua rồi, không biết đi đâu..tôi chụm tay làm loa trả lời Giai.

Bên cạnh Giai là anh Năm Địa, hạ sĩ quan cảnh sát đặc biệt, Cò Hên, tiểu đội trưởng quân cảnh tư pháp và nhiều người khác tôi không nhớ hết tên, tất cả đều vẫy tay chào tôi.

Tôi đi ngược trở lại hành lang thì gặp một nhóm khá đông đang vây quanh một bàn cờ tướng, hai đấu thủ là anh Trung Úy Sinh Đại đội trưởng ĐPQ và anh Võ Huỳnh Long, trung úy biệt phái giáo chức, cả hai đều là cựu học sinh khóa 3 trung học Gò Công, tôi khen thầm, Anh Sinh nầy mang theo bàn cờ quá hay, vừa tạm giết thời giờ vừa quên đi sự thế; khuôn viên trường khá rộng, có nhiều nhóm nhỏ tụ năm, tụ ba, dù không đến gần nhưng tôi cũng hiểu rõ phần nào nội dung câu chuyện...đại khái là những lời than thân trách phận, những lời ưu tư lo lắng cho tương lai...bởi vì ngày mai chỉ là một dấu hỏi lớn...trong đầu mọi người !

Tôi và một vài bạn thân thời trung học cũng tụm lại với nhau, kể cho nhau nghe về những ngày sau cùng của cuộc chiến, những oan khuất nhục nhằn phải chịu đựng trong buổi tàn cờ, Thằng Quang Đèo ( Phân chi khu trưởng xã Vĩnh Bình) Thằng Ba Lém ( Trung Đội Trưởng Pháo Binh) hai thằng bạn mà khá lâu không gặp mặt...mặt thằng nào thằng nấy trông buồn so, nhất là thằng đèo vợ vừa mới sinh đứa con đầu lòng...

Không cơm, không nước, đứng tán gẩu, hút thuốc đắng cả miệng, cũng có người không trò chuyện với ai mà đứng tựa bao lơn, mắt buồn xa xôi ...nhìn trời hiu quạnh...đã gần 12 giờ mà mặt trời vẫn chưa xuất hiện, trên trời có nhiều đám mây đen vần vũ, thỉnh thoảng một vài cơn gió nhẹ thổi qua tạo nên cảm giác lành lạnh...cảnh trời âm u như báo hiệu sẽ có một cơn mưa lớn...

Tôi thử quan sát toàn thể các anh chị hiện diện hôm nay tại trường, Đa số là cựu học sinh trường Trung Học Công Lập Gò Công, từ khóa 1 đến khóa 10, các vị sĩ quan biệt phái giáo chức có phần tươi tỉnh hơn, có lẽ họ tự nghĩ nghề giáo thời nào cũng là nghề cao quý, không có tội với nhân dân, một số sĩ quan biệt phái về hành chánh, một số sĩ quan người tỉnh khác làm việc tại tiểu khu.... đặc biệt có Anh Huỳnh Văn Hoa, cựu học sinh khóa 3 Trường Gò Công, cựu sinh viên sĩ quan khóa 23 Đà Lạt., lúc nào tay cũng cầm 1 cái radio nhỏ kề bên tai nghe,con đường trước trường hôm nay vắng lặng một cách lạ, thỉnh thoảng mới thấy có chiếc xe đạp chạy nhanh qua, người đi bộ cúi đầu rảo bước, lén gửi một cái liếc vội vàng vào sân trường...

Trước khung cảnh âm u của trời đất, trước những khuôn mặt thất thần lơ láo, tôi thấy trong tôi có một nỗi buồn khó tả, tôi linh cảm có một điều gì không ổn cho cuốc sống của tôi ngày mai...Ở trong hoàn cảnh mà tự mình không chủ động được, tôi thầm lẩm nhẩm 2 câu kiều

"Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Thử xem con tạo xoay vần tới đâu ....."

Tới hơn 2 giờ trưa, có hai ba tên VC, mặc thường phục, vai mang xắc cốt đến trường ra lệnh tập họp anh em lại, một khối tù hàng binh đứng xếp hàng ngay ngắn, một tên cán bộ ra lệnh:

-Các anh chị chuẩn bị di chuyển sang trường trung học bán công.

Không khí trở lại ồn ào sau lệnh của tên cán bộ, những lời bàn tán, những ánh mắt nhìn nhau ... chẳng có một đáp số nào chính xác cả, tay tôi vẫn xách cái túi bồng bột, gia tài hiện hữu, lẫn trong đám đông, ai sao mình vậy, mặc cho dòng đời đưa đẩy, theo sự chỉ dẫn của tên cán bộ, anh em chúng tôi lần lượt bước ra khỏi cổng trường, cũng có bộ đội cầm súng AK dẫn đường và mấy tên đoạn hậu, thì ra xuống ngựa rồi mà ra đường vẫn còn có lính cầm súng theo bảo vệ ?!Trường công lập cách trường bán công khoảng non 100 mét, ngang qua cổng sân vận động tỉnh, tôi nhớ tới hai xe nước đá của Anh Chơi và Anh Nhạn, hai anh vẫn thường xuyên đậu xe trước cổng sân vận động nầy suốt thời gian tôi còn học, từ đệ thất tới đệ nhất, tôi nhớ tới thầy năm Răng ( thầy đã qua đời tại Bình Ân, Gò Công) , giáo sư thể dục, tôi học thể dục với thầy từ khi tôi còn học lớp nhì A với thầy Nguyễn Văn Huệ ( Thầy Huệ đã qua đời tại Pháp)thầy Răng cũng là thầy dạy thể dục tôi năm đệ nhất,thầy hơi thấp người ( so với tôi) nhưng dáng người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thường tới giờ thầy dạy, thầy hướng dẫn lớp ra sân vận động, thầy đi đầu, tay cặp trái banh, Con trai của thầy, Trò Ngọc Quang vào học đệ tam chung với tôi ...Qua sân vận động, chúng tôi đi ngang qua tòa án, hình ảnh người đẹp năm xưa chợt hiện đến với tôi, chị Phan thị Lệ Sương là con gái Ông Thẩm Phán,chị học cùng đợt với tôi( tam B2 rồi nhị B2),năm thi tú tài phần hai, tôi ngồi chung phòng với chị,Lệ Sương có nét đẹp ngoan hiền, thoáng nhìn rất dễ có cảm tình, khi rời trường lên học trên Sài Gòn,thỉnh thoảng vào thương xá Crystal Palace, tôi có nhìn thấy chị, chị đứng bán mỹ phẩm trong một cửa hàng đối diện với tiệm bán băng nhạc Tú Quỳnh; đồng dãy với tòa án là khuôn viên giáo đường tỉnh, đối diện với tòa án là mặt sau khám đường Gò Công, một bên khám là một con đường trải đá tiếp giáp với trường trung học, một bên là một con hẻm nhỏ nối liền ra bờ sông, có khoảng 10 nóc gia ngụ trên con hẻm nầy,tôi nhớ tới bầu Thọai ( Nguyễn bá Thoại),bạn học từ trung học, đá banh rất hay, đứng vị trí trung ứng, là cầu thủ xuất sắc của hội tuyển trường, sau nầy là hội tuyển tỉnh, trong quân đội, Thoại là trung ứng của đội tuyển quân đoàn 4, sực nhớ tới Thoại, tôi đảo mắt tìm Thoại,nó đồng cấp với mình mà sao không thấy trong đoàn tù nầy ( Thọai nhập ngũ trể , khóa 5/69 Thủ Đức) ( Một năm sau,Ở trại tù Mỹ Phước Tây, tôi đang trên đường ra hiện trường đào kinh, đang di chuyển trên tỉnh lộ thì thấy Thoại trong nhóm tù thuộc trại Vườn Đào, hai cái len đào đất trên tay hai đứa đồng loạt dơ cao lên, một lối chào cho dễ nhận, thoáng vui trên nét mặt khi bất ngờ gặp lại bạn học cũ, dù trong hoàn cảnh có phần khắc nghiệt ...!

Đầu con hẻm nầy là nhà của thiếu tá Nguyễn duy Sự ( khóa 16 ĐL, quận trưởng Hòa Tân) anh của Tuyết Nga bạn học cùng lớp với tôi, mẹ Anh Sự có nghề làm bánh vá nổi tiếng chợ Gò Công, cũng là truyền nhân của bánh giá Vĩnh Lợi,cạnh bên, nhà ông Đốc học Võ Văn Giáp, một vị hiệu trưởng rất có uy tín ở tỉnh nhà, Thằng Tý, con trai út của Ông bị bắt ở Chợ Gạo nên không có trong đoàn quân chiến bại nầy, kế bên là nhà Thầy Giáo Trần Văn Hai, Thầy dạy ở trường làng Tân Niên Trung, sau đổi về dạy tại tỉnh, rảnh rỗi thầy dạy thêm Pháp văn, lớp tại gia của thầy học sinh khá đông, chị Trần thị Gương, con gái của Thầy cũng là bạn chung lớp với tôi, tôi đi lần lần qua nhà Thầy Trung, cựu học sinh khóa 1, là giám thị trường, anh của Thằng Đạt vẫn ngồi cạnh tôi năm đệ tam, Đạt Trung úy không quân( khóa 2/69TĐ), nhà chú hai Vũ Đình Lân, quân nhân giải ngũ, chú xin vào trường làm lao công, sau nhiều năm lên làm giám thị trường, có thằng con trưởng nam là Vũ Đình Chương cũng là bạn chung lớp( dãy nhà nầy là phố mới cất trên cuộc đất của thầy giáo Lý)...Tất cả những nhà quen, cửa đều mở nhưng không thấy bóng dáng người nào cả,có lẽ những đôi mắt thương cảm của người trong nhà vẫn đang nhìn ra đường trong một vị thế kín đáo...

Tới lô cốt nằm bên trái ngã tư, đối diện với nhà Thầy Giáo Lý, đoàn tàn binh quẹo trái hướng về phía giáo đường, đối diện nhà thờ là một xóm nhà .... xóm nhà nầy với tôi có rất nhiều kỷ niệm, ngay đầu góc đường là nhà của trò Ngô Hoàn Toàn, trò nầy vừa là bạn học vừa là họ hàng chung Ông Cố với tôi, Toàn ( khóa 4/68 Đồng Đế) tử trận năm 1970 tại vùng 4 trong màu áo Địa Phương Quân, ngôi nhà ngói cổ xưa, nhà của trò Đặng văn Đỉnh và em gái là Đặng Kim Định, đều là bạn học cùng cấp với tôi, Đỉnh tử trận năm 71, Cạnh nhà Đỉnh là nhà của chú mười Trọng, có lúc người con rể chú Mười là anh Quý râu mở quán nhậu tại đây rất đông khách, con chú Mười có Châu, cô bé nữ sinh duyên dáng của khóa 7 Trường Gò Công và Chị Liễu, vợ anh Quý, cũng là bạn học với tôi, thời tôi vào lính mỗi lần về phép tôi thường cùng với Nguyễn văn Nha, Anh Ba Thương , Anh Tư Ảnh là cán bộ Xây dựng nông thôn, Dương Quốc Bình ( Khóa 26 TĐ giải ngũ)… nhậu suốt ngày, nhiều hôm tới hơn nửa khuya tại quán nầy; hai tiệm billard, một của Yến, Linh, một của Thiếu Tá Ngọc, tôi đã cùng bạn bè cầm cơ chắc cũng phải non ngàn giờ ở đây...một thời tuổi trẻ, một thời chiến chinh, một thời sống vội vàng ăn chơi bạt mạng...từng kỷ niệm hiện đến, chân tôi bước ngang qua xóm nhà nầy mà lòng tôi không khỏi không ngậm ngùi...,trong đầu tôi hiện ra một câu hát, trong lúc lòng buồn se lại, tôi cảm khái hát nho nhỏ..."Giữa hàng tù binh, có anh đi hàng đầu..."

Tốp đi đầu đã bắt đầu rẽ vào trường trung học bán công, ngôi trường nầy dù rất quen thuộc, nhưng tôi chỉ vào trường chỉ duy nhất một lần, năm tôi làm báo cho trường Gò Công, Thầy Lê Quang Hậu hướng dẫn nhóm báo chí đến trường bán Công bán báo, tờ Định Hướng vào mùa xuân năm 1966. Khi người cuối cùng bước qua cổng trường ...thì chú bộ đội võ trang AK cũng vừa khép cổng, anh em được lệnh tự do đi lại trong vòng rào trường và ngủ qua đêm tại đây.
Trường Bán Công, khuôn viên nhỏ hẹp, chỉ có 2 dãy lớp khoảng 10 phòng, trường xây trên một miếng ruộng, nền trường thấp so với mặt đường, để xây trường phải đào một cái ao khá rộng để lấy đất đấp nền trường, tôi cùng Quang đèo và Ba lém chọn phòng học đầu tiên làm nơi tạm ngụ

- Ở phòng đầu có gì chạy cho dễ, tầm quan sát rộng hơn;tôi khẻ nói với thằng Đèo, trong phòng học bàn ghế còn nguyên, cần phải xê dịch bàn ghế mới đủ chỗ trải tấm nylon nằm ngủ.

Tôi nhìn hai thằng Quang và Ba , hành trang cả hai chỉ là cái...đít không

- Ê, bộ tụi bây được mời đi du ngọan, có chủ lo cơm nước, chỗ ngủ nên xách đít không đi ? ? ?Tôi mỉa hai thằng.

Chưa kịp yên vị thì trời đã đổ cơn mưa lớn, mưa như trút nước, cơn mưa kéo dài cả giờ, ao nước tràn bờ, sân trường ngập nước lênh láng, tất cả anh em đều ở trong phòng tránh mưa, dọn dẹp tìm chỗ để tối nằm, tôi nhìn qua dãy ngang hình như chỉ có 3 phòng sát rào sân vận động, tôi nhìn thấy 3 chiến hữu nữ chọn phòng cuối cùng của dãy nầy, mưa bắt đầu nhẹ dần, rồi tạnh hẳn, bây giờ cũng khoảng hơn 5 giờ chiều...tôi nhìn ra cổng trường thấy có nhiều thân nhân xách giỏ xin bộ đội gác cổng nhờ gửi giỏ thức ăn cho thân nhân.

Sau khi chánh thức có lệnh cho tiếp tế, thân nhân lần lượt đến khá đông, dĩ nhiên trong số đông nầy phải có mẹ của tôi, người mẹ đã gắn bó suốt cả cuộc đời tôi, suốt thời gian đi học, tôi sống cạnh mẹ, tôi vào Thủ Đức, mẹ thăm đủ 12 tuần huấn nhục, những lần tôi về phép, chưa kịp thay quần áo tắm rửa là mâm cơm mẹ đã dọn sẵn, tôi ngồi ăn thì mẹ ngồi kề bên, chén cơm vừa hết là mẹ dành lấy xúc đầy, mẹ muốn nhìn thấy tôi ăn thật nhiều, mẹ muốn tôi cạnh kề bên mẹ như ngày xưa còn bé, nhưng mẹ không giữ tôi ở nhà được lâu, mẹ tôi biết vậy nên thường ép tôi ăn, và mẹ tôi vẫn biết trước sau gì bạn tôi cũng đến nhà rủ tôi đi nhậu.

Vừa nhìn thấy dáng mẹ từ hướng cầu Tây Ban Nha đi tới, tôi đi vội ra cổng đứng chờ bên hàng rào kẽm gai... Mẹ tôi trong dáng đi vội vã, người khẻ cười khi nhìn thấy tôi, lần đầu tiên trong đời tôi gặp mẹ trong hoàn cảnh khắc nghiệt nầy, ngăn cách giữa hai mẹ con là hàng rèo kẽm gai...!, tôi thấy lòng tôi nghèn nghẹn xa xót, mắt mẹ buồn rười rượi nhìn tôi hỏi đủ điều dù tôi chỉ mới rời nhà từ sáng hôm nay, giọng nói của mẹ nhỏ lại vừa đủ cho tôi nghe, giọng nói vẫn ấp ủ đầy tính săn sóc thân thương ...Mẹ vừa trao giỏ cho tôi vừa nói:

- Mẹ không dám mang thức ăn nhiều cho con, mẹ sợ người ta "dòm ngó" mẹ đem cho con nửa con cá chẻm chiên tươi, có hủ chao đựng nước mắm tỏi ớt, có trái xoài sống con bầm ra ăn kèm với cá, có chai và ly uống nước, nước mẹ nấu chín rồi, uống nước xong nhớ cất ly vào bao ny lon cho sạch sẽ...

Tôi nghĩ thầm ... Mẹ ơi ! Con của mẹ đã ăn cơm lính 7 năm trời, đã từng vào sinh ra tử, hăm mươi lăm tuổi bước chân thằng út của mẹ đã đi qua khắp 4 vùng chiến thuật, Tăng phái cho nhiều sư đoàn, nhiều tiểu khu, từng có mặt ở Huế trong mùa hè đỏ lửa, từng trở về từ Kon tum trên con lộ máu 7B, những ngày cuối cuộc chiến, con của mẹ tăng phái cho sư đoàn 22, hậu cứ đang đóng tại trại Lam Sơn Phước Tuy, con băng biển Vũng Tàu về với mẹ ngày 28 tháng tư, thay vì những người lính khác đi thẳng ra tàu Mỹ, Con về với mẹ, con về với vùng 4 chiến thuật, con về với tướng Nguyễn Khoa Nam, con tin tưởng rằng dù trong bất cứ tình huống xấu nào vị tướng tài ba nầy cũng sẽ không bao giờ đầu hàng Cộng Sản, Nhưng con của mẹ không nghĩ đến việc Tướng chết theo thành..., con vẫn còn ra biển kịp thời nhưng mẹ ơi khi đã về tới nhà, có ba, có mẹ có anh chị.. lòng con mềm lại ... bước nào con nỡ ra đi...

Trước mặt mẹ, tôi chỉ là thằng con trai út, vẫn còn được hưởng những sự săn sóc trìu mến ân cần của mẹ, mẹ cũng nhắc có mua cho tôi một gói thuốc hút, rồi cũng không quên dặn dò đừng hút nhiều mà có hại cho sức khỏe. Tôi rất dễ xúc động nên chỉ nói với mẹ bằng những lời ngắn gọn

- Mẹ yên tâm, con lớn rồi mà mẹ

Bầu trời, mây đen vần vũ, mưa rắc hột nhẹ, mẹ tôi trìu mến vịn lấy tay tôi, người từ giã ra về, tôi nhìn theo bước chân mẹ, tôi thấy bước đi của mẹ nặng và chậm trên đường...

Tôi ngồi trên bàn học mang cơm ra ăn, dù từ sáng tới giờ không có ăn trưa mà tôi vẫn không thấy đói lắm, cá chiên tươi, nước mắm ớt ăn với xoài sống là món ruột của tôi, vậy mà buổi cơm hôm nay tôi nuốt sao trậm trầy...Trời vẫn tiếp tục mưa, tôi đứng trên thềm hứng nước rửa chén đủa, lòng buồn rười rượi, cho vô bao tất cả vật dụng ,tôi ngồi trên một bàn học hút thuốc nhìn trời mưa, con đường nhựa trước trường đã vắng người qua lại; hơn 8 giờ tối mưa mới bắt đầu ngớt hột, tôi dọn bải để chuẩn bị ngủ, tôi trải tấm nylon trước hành lang phòng học đầu, tôi căng chiếc mùng nhà binh lên, thằng Đèo xin ngủ chung vì nó không có mang theo dụng cụ cá nhân, thằng ba Lém nằm cạnh sát mùng.Tuy gió đêm lồng lộng mà muổi vẫn bay như trấu, vo ve từng bầy, ... Không khí trong các phòng đã bắt đầu yên ắng, tôi nằm bên thằng Đèo mà tâm trí trôi về Sài Gòn, nơi cầu chữ Y, gần lò heo Chánh Hưng, có con bé mắt màu nâu, gốc người Tiều Sóc Trăng, bạn học chung lớp suốt 3 năm liền ở Văn Khoa, cũng là bạn hồng nhan tri kỷ mà cả đôi bên gia đình đều rõ biết..., Tôi nhớ tới cảnh hãi hùng trên gần hai mươi ngày băng rừng về Nam theo tỉnh lộ 7B từ KonTum, tôi nhớ tới chiếc tàu khách tôi quá giang từ Bến Đình Vũng Tàu về Vàm Láng,tàu chỡ quá tải lại gặp sóng lớn súyt chìm mấy lần...

-Ê, cho tao gửi cái đầu vô mùng. Muổi cắn quá...!

Tiếng thằng ba Lém, nó cũng không chờ tôi trả lời mà tự động vạch mùng đút đầu vô, thôi thì huynh đệ chi binh, chia ngọt xẽ bùi là lúc nầy đây.

Tôi đâu có ngờ đêm đầu trong tù tôi đã ngủ chung với con rắn độc, thằng Quang đèo là bạn chung lớp khóa 5 trường Gò Công lại là thằng bạn thân từ nhỏ, thời đệ nhất cấp nó trọ học nhà ông Huyện Đạt, cách nhà ông Thân Bính là tới nhà tôi,nó cùng ngồi chung bàn nhất với tôi, thằng Chung, Thằng Ẩn, Thằng Xuân, thời đệ nhị cấp tôi với nó làm thơ chung nhóm thơ 20 Gò Công ...Thời đi lính, tôi và nó học chung khóa 13 Đại Đội phó, tại trường Cán Bộ Chiến Tranh Chính Trị... vào đây gặp lại nó tôi rất mừng, nhưng mà trong cảnh khó mới thấy rõ lòng người, khi chuyển lên trại tù Huyện Tây, Quang đèo làm toán trưởng coi 3 tổ, cùng với Đại úy Hỉ , cũng toán trưởng, phản lại chiến hữu năm xưa, hợp tác với cán bộ trại hạch tội, phê bình báo cáo ngầm anh em trong trai, Quang và Hỉ là cặp Hắc Phong Song Sát Của Trại tù ": Trại cải tạo Sĩ Quan Ngụy Quân và Ngụy Quyền Gò Công " Chiến hữu từng ở trại nầy chắc có lẽ không bao giờ quên hai tên nầy.

Tiếng ngái to dần của thằng Lém làm tôi khó chịu, mùng nhà binh ngủ hai thằng đã chật chội, nếu là người khác phái tuy có chật mà dễ chịu lắm, nằm gần thằng đực rựa khó chịu vô cùng, bây giờ thêm một cái đầu, lại cái đầu biết ngái mới chết., nằm đã không xoay trở được, nó lại ngái như Trương Phi, giọng ngái lại không được đều đặn, thường xài tông cao, ai có mất ngủ bên người ngủ ngái mới hiểu tình cảnh của tôi. Tôi rủa thầm :

- Đụng nhằm máy cưa thứ tốt rồi, thằng chủ trại cưa mua trúng cây ở Bình Giã, Bình Long, Đắc Tô...Thân cây đầy đạn, lưởi cưa chạm phải tạo âm thanh khó chịu quá, tôi không chịu thấu, thỉnh thoảng lay thằng Lém, nó hử hả vài tiếng rồi lại tiếp tục cưa…

Mắt tôi ráo quảnh, Thằng Đèo nhỏ con, ngủ nằm khoanh như con mèo,không ảnh hưởng lắm, chỉ có cái đầu, cái đầu thằng pháo binh nầy được gắn pin tốt quá, âm thanh rờn rợn, ken két như cưa chạm sắt, một vài anh em thức giấc đi tiểu đêm, ngang qua mùng tôi trầm trồ :

- Cha nào ngủ ngáy quá đã

Quả đúng vậy, thằng ngáy dữ thiệt, đôi mắt màu nâu của những ngày Sài Gòn tha thiết, những buổi nhậu quên đời tại câu lạc bộ Gió Ngàn Khơi bên dòng sông Thị Nghè trong doanh trại Nguyễn Bỉnh Khiêm, hình ảnh những xác chết đầy bi thãm, của người chiến sĩ Cộng Hòa trên con lộ máu 7B, hình ảnh thân thương của mẹ mới chiều nay....tất cả đều tan loãng trước tiếng ngáy quá dữ của thằng Lém...Tôi lay nó dậy khoảng 5 lần trong đêm thì trời cũng bắt đầu rựng sáng...

Thức trắng một đêm, tai bị tra tấn trước âm thanh khuyếch đại của máy cưa thằng Ba Lém, tôi uể oải ngồi dậy tốc mùng, tay rút điếu thuốc châm lửa hút một hơi dài....

Trời còn mờ tối, buổi sáng hơi lành lạnh, sau một cơn mưa lớn, mặt nước ao cao tận bờ phẳng lặng, con lộ trước trường còn vắng hoe, chú bộ đội ngồi co ro ôm súng AK trước cổng trường.Sau cơn mưa, trời lại sáng, còn tôi và các chiến hữu không biết ngày mai sẽ ra sao ...!

THỦY LAN VY
( Viết tại Kỳ Đà Động 1994 )