PDA

View Full Version : Ba Tôi



Longhai
06-02-2012, 02:16 AM
Ba tôi


Lúc còn nhỏ, tôi khoảng năm hay sáu tuổi gì đấy, tôi chỉ gặp được Ba trong những lần ngắn ngủi của ký ức mà thôi.

Khi ấy ba tôi đang ở đâu, đang làm gì thì tôi không nhớ rõ, chỉ nhớ mườn tượng trong đầu - hiếm khi ba tôi ở nhà, lúc đó thì ba tôi ngồi viết chữ Nho lên các tờ giấy mỏng gọi là giấy pelure, lúc thì viết đơn kê thuốc theo sách Tàu trị các bệnh phổ thông, lúc thì vẽ hình người rồi ghi các huyệt của cơ thể… Lúc đọc sách thì ba tôi đeo cặp kính trắng giống như ông thầy giáo trường làng.

Có lúc tôi hỏi mẹ là ba đang ở đâu, thì mẹ tôi nói cho qua việc để tôi không còn hỏi nữa.

- À, ba con đang… ở tù gì đấy, chắc một tháng nữa ba sẽ về thôi.

- Ở tù là làm gì hở mẹ, ở tù thì ở với ai ?

Mẹ tôi chợt nhìn ra chổ khác và nói bâng quơ :

- Ở tù làm nhiều chuyện lắm, có nhiều người nữa…

Nhưng ba ở tù thì nhiều lắm, có lúc gần Tết thì ba lại vào tù không ăn tết ở nhà , tôi cũng không hiểu vì sao !

Một lần tôi đang chơi với các bạn trước nhà thì bổng gặp ba bước vào như ông tiên ở đâu hiện ra vậy. Trên tay ba ôm cái mềm cũ được xếp gọn, rồi ba cất tạm nó trên bờ rào gần nhà, xong chạy đến ôm tôi, ba xoa đầu các bạn trong xóm cùng chơi với tôi, rồi ba hòa nhập trò chơi với chúng tôi thật là kỳ diệu.

Ba đặt tên cho các bạn như: bạn Ưng là con chim xanh, chị Thắng là con bướm vàng, bạn Đê là con cừu non…thế là ba ẳm tôi lên làm con khỉ con cùng các loài thú rừng và chim bướm kêu hú rất vui…

Ôi, sao ba lại hoạt bát như vậy nhỉ, ba đã đóng vai trẻ nhỏ ngang bằng với chúng tôi từ lúc nào vậy ? Ba mới ở tù ra - ở tù rồi về nhà là một công việc gì đó cũng bình thường phải không ba ?
Sau này tôi còn biết thêm, ba tôi ở tù và… ra tù là chuyện thường xuyên trong cuộc đời ngăn ngủi của ba vậy !

Có lần ba tôi lại được ra tù. Ba tôi về nhà lúc ban đêm, vừa đến nhà thì ba nói ba đói bụng và thèm được ăn rau lang luộc lắm, mẹ tôi vội thắp đèn ra nhà sau để nhóm bếp, rau lang thì ra vườn sau để cắt dây khoai mà mẹ tôi trồng trên vài luống đất. Ba tôi nói với để mẹ tôi ở dưới bếp nghe được :

- Luộc rau không phải lặt lá già …vì lá già vẩn là chất rau, bỏ đi uổng lắm !

Ba ở trong tù không được ăn rau tươi nên mới nói như vậy. Và bữa ăn đó ba tôi nói ăn rau rất ngon, giống như ba đang khẳng định cuộc đời là ăn cơm nước mắm chấm với rau lang luộc, đó là hạnh phúc nhất và không có gì sánh bằng !

Tôi nhớ lại có vài lần tôi được ở gần ba nhất, có thể đếm trên đầu ngón tay, vì ba tôi thường đi mà không có ở nhà.

Đó là lúc nhà tôi ở gần chợ Chiều, Mân Quang. Hôm đó ba tôi đang ngồi viết chữ nho lên các hình người, chắc đó là hình các ông bà tiên, vì tôi thấy ba vẽ các hình người rất uyển chuyển, tha thiết bằng bút lông. Tôi ngồi sát bên ba để xem ba vẽ tranh lên các tờ giấy. Bàn tay ba thật mềm mại tài hoa, ba chỉ lấy ngón cái và ngón trỏ để nắm phần đầu cây bút, ba ngón tay còn lại thì xòe thẳng ra, và rung động liên tục khi vẽ, ba chỉ cần vẽ vài nét bút mực là tôi thấy các người tiên bổng hiện lên với vầng mây bay trên cao hay nước cuốn dưới chân rồi. Và tôi đã bắt chước ba nhưng không vẽ hình tiên được, nên tôi lại vẽ hai đồng xu hình tròn lên tờ giấy, rồi tôi đố ba :

- Biết con vẽ cái gì đây không ba ?

Một lát sau ba tôi mới hiểu, đó là hai đồng tiền xu ! và ba lấy trong túi cho tôi hai xu như hình vẽ đã yêu cầu. Tôi rất mừng vì có hai xu nhưng để làm gì thì chính tôi cũng không biết, vì lúc đó tôi không biết tiêu tiền !

Có một lần ba chở tôi và chị Thắng về quê bằng xe đạp. Quê nội của tôi là làng Cẩm Thanh, quê ngoại là làng Cẩm Nam , thị xã Hội An.

Từ chợ Chiều, Mân Quang mà về quê phải trên 40 cây số đường dài. Tôi được ngồi yên sau chiếc xe, còn chị Thắng thì phải ngồi trên thanh sườn ngang xe đạp. Đi được một đoạn đường thì chị Thắng kêu đau chân và mỏi lưng nên không thể ngồi được. Ba tôi mới suy nghĩ cách chở mới, đó là ba chở tôi đi trước một đoạn đường rồi thả tôi đứng chờ để ba quay lại đón chị Thắng. Nhưng đến khi ba chở chị Thắng thì phải vượt lên chổ tôi đứng chờ một đoạn, thì ba mới quay lại đón tôi - nên tôi thấy rất lâu.

Đoạn đường từ Sơn trà qua Đà Nẵng thì có người qua lại khá đông đúc, nhưng càng về gần quê thì đường làng vắng người dần. Khi ba tôi bỏ tôi đứng chờ dưới hàng cây tre rợp bóng, tôi cảm thấy bây giờ là buổi trưa vắng vẽ, hơi gió mát từ con sông thổi vào làm hàng tre đu đưa và chạm nhau kêu kin kít, đường làng thì vắng lặng không bóng người, và tôi bắt đầu … khóc, vì nghĩ rằng ba đã bị con cọp dữ chặn đường rồi nhai thịt , giống như mẹ đã kể cho tôi nghe truyện Thạch Sanh lần nào đấy, chứ quá lâu rồi mà không thấy ba quay trở lại nữa…

Đến khi ba quay lại chở tôi thì tôi càng khóc to lên, không biết tôi khóc to khi bắt gặp ba vì tôi bổng mừng hay vì tức tưởi nữa ?

Đi dọc theo đường làng quanh co, ba vừa đạp xe ba vừa chỉ các mực nước lũ đã qua bằng các vạch ngang trên hàng cây bờ rào, còn lại một vài mái nhà bị tróc mái… Ba nói mùa lũ vừa qua ở thôn quê bị nước ngập ngang mái nhà tranh , đổ siêu quẹo, cơn mưa lũ vừa rồi thật là kinh khủng. Thỉnh thoảng ba với gọi một vài người ở đầu làng để hỏi thăm :

- Đợt lũ vừa rồi có sao không anh Sáu, nước lên tới mô hả anh ?..

- Chu cha, nước ngập mênh mông trắng xóa cả hàng cây tre đó anh Tư.

Tôi thấy ba thường chắc lưỡi khi nghe các bác kể chuyện nước dâng lên trong đợt lũ vừa qua.

Đây là quê nội của tôi, còn quê ngoại thì cách quê nội một con sông, chỉ cần đi rẽ vào hai hướng đường làng thì tôi sẽ đến được hai quê - quê nội và quê ngoại !

Đường về quê nội thì nghèo khổ và cơ cực hơn, tôi không thấy ruộng lúa hay trồng cây ăn trái gì cả. Dọc theo bờ sông lạch thì ngút ngàn cây dừa nước.

Cây dừa có thân mọc lên từ trong nước, nhưng các tán lá thì vượt lên mặt nước và mọc ra từng cành lá cao vút lên trên , bộ rễ cây đâm tua tủa xung quanh thân dừa trông như cái nôm bắt cá, nó đâm sâu vào lớp đất bùn rất chắc chắn.

Cây dừa mọc lên san sát từ sông lạch, khi nước thủy triều dâng lên thì cây dừa được ngụp lặn trong nước để khoe tán cây rợp lá. Rồi đến khi thủy triều rút xuống, thì cây dừa để lộ bộ rễ cắm xuống nước giống như con vật đang cuối xuống hì hục tìm ăn.

Lá dừa thì che mát hết dòng sông, không để cho ánh nắng chen chúc chiếu vào trong rừng dừa được. Người dân quê tôi cắt lá dừa để lợp nhà, làm thành phên che mưa nắng, còn quả dừa thì nhỏ bằng nắm tay, mọc từng chùm trên tán lá, đến khi quả chín thì chuyển sang màu vàng hay màu đỏ ửng.

Các bạn trong quê thì mặc quần đùi đi chân đất, các bạn lên xuống con sông lạch như loài rái cá, tôi thì ở trên bờ để xem các bạn đu đưa lên cây dừa nước, lựa chùm trái chín đỏ thì mới hái, rồi vứt chùm trái lên bờ để tôi giữ.

Khi ăn quả dừa nước thì phải dùng dao bửa củi để chặt, đặt quả dừa nằm dưới đất, rồi nhắm chính xác ở giữa quả chặt xuống để tách vỏ ra làm hai, bợn cơm dừa chỉ nhỏ bằng ngón chân cái của tôi thôi, nhưng ăn sực sực béo béo rất ngon. Các bạn lớn hơn tôi mới làm được việc chặt dừa kỳ công này để chiêu đãi tôi, một người từ thành phố về quê cơ đấy !

Đến khi ba tôi nhắc thật to, để tôi đang chơi ở đâu đó nghe rằng, hãy đến chào các ông bà, cô chú để còn thăm các nhà khác nữa, nhưng lúc đó thì tôi không còn chơi trên bờ sông để hái quả dừa nước, mà được các chị dẫn tôi xuống nhà bếp, rang hạt đậu phụng mùi thơm phức !

Các chị bỏ một nắm đậu phụng còn nguyên vỏ vào trong cái nồi đất, cộng một nắm hạt muối sống để rang chung với nhau. Rang hạt đậu với muối sống sẽ làm cộng hưởng độ nóng của bếp lửa, hơi mặn của muối lên vỏ đậu, và thấm vào hạt đậu. Chị lấy hai chiếc đũa bếp, khuấy hạt đều lên đến khi vỏ đậu ngã màu vàng đậm, chín thơm thì đổ ra để rang tiếp nắm đậu khác. Tôi phải kéo rộng cái áo đang mặc ra để làm bao đựng các hạt đậu chín nóng hổi, thơm lừng…

Đường về quê ngoại thì gió mát lồng lộng, có con sông lượn quanh bao phủ cả thôn làng.

Ba tôi dẫn chúng tôi bước xuống bến đò để qua sông. Chỉ có một chiếc thuyền đưa khách qua sông thôi, người chèo đò khi cập bến nói rằng phải chờ hai người nữa mới qua sông hỉ !

Có nghĩa các người đi đò đều quen biết trong làng, không có khách vãng lai, họ xuống đò và đi về lúc nào thì người chèo đò tự biết mà chờ khách, cũng không có ai phải hối hả vì sự chờ đợi . Sự nóng lòng hay sự bon chen không có mặt ở đây, ngay cả người chèo đò đưa đón khách. Ở thôn quê muôn đời là vậy, hạnh phúc bình an đâu cần phải giàu có văn minh !

Khi ba tôi đưa chúng tôi xuống thuyền thì người chèo đò cất giọng hỏi rất thân quen :

- Anh Tư dẫn mấy đứa nhỏ qua thăm bên ngoại hả, chu cha ơi, lâu quá hỉ…

Chiếc thuyền đi trên sông có mực nước sông xấp xỉ với mạn thuyền, tôi cảm thấy lo sợ nên ngồi ở giữa, chị Thắng thì dạn dĩ hơn nên thả tay xuống thuyền để khuấy nước đùa nghịch, vài người khách quay lại nói chuyện với ba tôi, trong khi một tay cầm chiếc gàu múc nước tràn vào thuyền rồi đổ nước ra sông …

Nhà ông bà ngoại trông thật giống như bức tranh vẽ làm sao: một con đường mòn ở giữa, hai bên vườn là các hàng cau đang nở hoa thơm ngát hương cau ! Hàng dâm bụt thì chạy dọc từ bờ sông đến đầu nhà như con rồng bay lượn, tia nắng nhạt và hơi nước mát còn đọng lại trên dãy hàng cây !

Tôi đi dưới các loài cây nở hoa thơm ngát và thấy mình cũng nhỏ bé ngát hương như loài cây trong vườn ngoại. Phải chăng quê hương là ánh nắng với hương cau mà ông bà ngoại tôi đã vun xới bón phân để hôm nay nó trổ bông thơm ngát !

Nhà ngoại có ba gian, gian nhà giữa có hai cánh cửa chính bằng phên tre, được chống lên bằng cây tre già, đưa hai cánh cửa lên cao, còn gian nhà bếp thì cánh cửa được chống nghiêng lên một nữa.

Ông bà ngoại tôi đang trồng cây ở ngoài vườn, nhưng trong nhà vẩn có một rổ khoai lang đã luộc chín, như để ăn dặm lúc gần trưa. Thế là tôi lấy một cũ khoai lang bột có màu trắng mịn, một cũ khoai lang màu tím với vị ngọt của mật đường, rồi chạy ra sau vườn ăn thỏa thích, và có lúc tôi bị mắc nghẹn khi nuốt củ khoai ngọt bùi mà… không uống nước.

***

Một lần ba tôi cũng được ra tù, nhưng lần này có thể nói, đó là định mệnh của đời ba.

Ba vừa về nhà khoảng buổi trưa thì ba nói mẹ tôi dọn cơm ăn vì ba đang đói bụng. Tôi còn nhớ ba tôi vừa ngồi xuống chiếc chiếu trải dưới đất, ở giữa là mâm cơm vừa dọn xong, tôi lại được ngồi gần ba để ăn cơm. Khi ba vừa cầm đũa lên thì có một chiếc xe díp thắng xịch trước nhà, cả nhà tôi đều ngước nhìn lên nhà trên : có hai người đàn ông, mặc quần áo sơ mi bước xuống rồi vào nhà nói rằng – “ mời anh lên xe để đến bộ chỉ huy hỏi thăm một số việc, rồi về ăn cơm sau ”


Thế là hết phải không ba !

Cuộc đời là cuộn phim không thể báo trước đã đành, nhưng đoạn phim này lại rẽ ngang thật đột ngột và tàn nhẩn nữa. Người ta thường nói : trời đánh tránh bữa ăn ! Vậy mà con người ta lại ác độc hơn trời đến thế !

Mẹ tôi thì xót xa ứa nước mắt vì thương ba bụng đói, mới được ra tù rồi về nhà mà không được ăn cơm, còn tôi thì vẩn cứ tin hai người vào bắt ba lên xe díp đã hứa rằng “ anh hãy lên xe … lát nữa về ăn cơm sau ”, có nghĩa là ba phải làm công việc gì đó với các chú thật là bận rộn chăng !

Đó là năm 1962, chế độ độc tài của Ngô Đình Diệm đã lùng sục bắt mọi người hoạt động cho Phật giáo và các Đảng phái đối lập khác.

Đảng Cần Lao Nhân Vị của họ Ngô đã giăng các mật vụ khắp nơi để bắt người, nhốt tù và chém giết mọi người dân mà không cần buộc tội theo đạo luật 10/59, dưới thời Đệ Nhất Công Hòa ở miền Nam.

Khi đó ba tôi là Khuôn hội trưởng Phật giáo của Niệm Phật Đường chùa Sơn Quang, chợ Chiều . Tôi có cảm giác rằng ba tôi là người rất được mọi người ái mộ và kính mến. Có lần ba dẫn tôi xuống chùa thì tôi được nô đùa xung quanh chùa, rồi chơi rồng rắn lên mây tại cột cờ, còn các anh chị Phật tử lớn tuổi hơn đang ngồi sinh hoạt, các anh chị cùng vỗ tay hát bài Ánh đạo vàng mà trẻ nhỏ như tôi cũng thuộc làu, rồi các anh chị chia ra để đánh mọt thật là hay, trong khi đó thì ba tôi đang họp với người lớn tuổi hơn, ba ngồi trên ghế tựa, có cái bàn để ba ghi chép các điều gì chắc là quan trọng, và cùng nhau uống trà thật là bình an.

Sau này mẹ tôi nói rằng ông Thụ sát bên nhà mình chính là ông mật vụ của họ Ngô, cho nên ba tôi làm gì cho giáo hội thì ông Thụ đều theo dõi hết. Tôi nhớ lúc đó mẹ tôi kể chuyện này với anh tôi bằng giọng nói rất nhỏ, nói sát lỗ tai, vì sợ người khác nghe được …

Nhà ông Thụ ở sát vách nhà tôi, mỗi khi đi làm việc, ông được lái xe chở đi và chở về. Ông Thụ thì không chơi với người hàng xóm giống như ba tôi, nhất là đùa giỡn với trẻ con.

Từ hôm đó, ba tôi lại tiếp tục vào tù.

Đến khi ra tù là năm 1963, vì ba tôi bị bệnh sơ gan cổ trướng ở trong tù nên người ta mới thả ra, đến lúc này mẹ tôi phải đưa ba tôi vào bệnh viện Đà Nẵng để trị bệnh.

Bệnh sơ gan và ung thư của ba tôi đang ở giai đoạn cuối rồi, khó sống được nhưng các bác sĩ phải làm theo cách còn nước thì còn tát ! Tôi nhớ một hôm mẹ tôi về nhà để lấy thêm áo quần và các vật dụng của ba, và nói cho gia đình biết rằng mẹ đã ký vào giấy cam đoan của bệnh viện để ba được mổ, bác sỹ nói rằng phải lấy nước trong bụng to chướng của ba thì ba sẽ không còn mệt nữa.

Vậy là ngày mai bệnh viện sẽ đưa ba tôi lên phòng mổ.

Những ngày sau khi mổ thì ba tôi có hồi sinh lại, ba ăn được một tô cháo và khuôn mặt có tươi tỉnh hơn, bụng của ba đã nhỏ lại rồi.

Tôi thì không được qua bệnh viên vì còn nhỏ, từ nhà mà đến bệnh viện phải hơn mười cây số. Vài ngày gia đình tôi phải cử người thay phiên trực cho ba, tất cả là đi bộ chứ không có phương tiện nhiều như bây giờ.

Rồi một hôm ba tôi được chở về nhà. Bác sỹ có nói với mẹ tôi rằng, ông ấy có thèm ăn thứ gì cũng được, cứ mua cho ông ấy ăn, không phải kiêng cữ nữa.

Những bệnh nhân thường chờ cho bác sỹ nói như vậy vì cũng có nghĩa rằng bệnh nhân đã hết bệnh, nhưng ba tôi thì phải hiểu khác, đó là câu nói mà bác sỹ muốn chia sẻ với mẹ tôi rằng, xin chia buồn với bà, một người phụ nữ vì chồng con mà đã chịu nhiều gian khổ !

Sau đó, tôi nghe các anh tôi học dưới trường học Bồ Đề kể lại rằng, mấy hôm sau khi ba tôi chết, dưới chùa Sơn Trà có một tờ báo Phật giáo đăng tin ông N.T.K đã từ trần lúc 46 tuổi, vì chế độ họ Ngô đã bắt tù, đánh đập tàn nhẫn …!

***

Cuộc đời của ba tôi thật là ngắn ngủi, nhưng ba đã cho tôi những kỷ niệm bền chặt với quê hương, với thời thơ ấu của tôi..

Được ăn bợn cơm của trái dừa nước, được ăn hạt đậu phụng rang nóng hổi…và được ăn củ khoai lang ngọt bùi dễ bị mắc nghẹn … là những món quà vô giá mà quê hương đã dành tặng cho tôi ./.

( Rằm tháng giêng, năm Nhâm Thìn 2012 )
Nguyễn Thanh Phương.