PDA

View Full Version : Bài viết của một hậu duệ QLVNCH



Longhai
06-01-2012, 12:26 AM
Bài viết của một hậu duệ QLVNCH

Trà Khan



36 năm, chỉ một ước mong

Cuộc chiến Nam Bắc giữa người Quốc Gia và Cộng Sản, chúng tôi không tham dự vì tuổi đời còn nhỏ. Khi cuộc chiến chấm dứt, theo ba mẹ ra đi theo diện H.O. Nay thời gian trôi qua, chúng tôi đã trưởng thành trên đất khách.

Là một người con sống trong gia đình, cha mẹ là nạn nhân của chế độ cộng sản Việt Nam, và nhận thức học hỏi thêm đến các chú bác, ông bà, cũng như khi đọc qua báo chí điện đài, nhất là hằng năm khi 30 tháng 4 lại về, cho dầu tuổi trẻ chúng tôi cũng cảm thấy một niềm đau bất tận, khi cộng sản chiếm trọn miền Nam.

Hằng năm, mỗi lần tháng 4 đến lại nhắc nhở đến những người bỏ nước ra đi, cho dù phải trốn thoát theo con đường nào, diện nào, để đến quốc gia cưu mang xin được tạm dung, cũng phải cảm nhận rằng, mọi người chúng ta cùng đi chung trên tuyến đường tỵ nạn CSVN, kẻ trước người sau. Cho đến nay đã 35 qua, thời gian khá dài đã chiếm trọn một nửa đời người, và cũng từ 35 năm đó, người Việt tỵ nạn tại miền Nam Cali đã trưởng thành vững mạnh, về thương mại, chính trị, cũng như các chính giới truyền thanh, truyền hình, đến các nhật báo, tuần báo v.v... cả đến từng cá nhân đến cá nhân, tất cả cho 30 tháng 4, ngày đau thương nhất lịch sử dân tộc Việt.

Ðược nghe, được đọc, qua nhiều hình thức khác nhau, chúng tôi còn xem trên Internet trên online “35 năm nhìn lại, trả lại sự thật cho lịch sử,” “Nguyễn Thị Ngãi vị thánh của những đứa trẻ mồ côi” hay “hành trình tìm lại dấu tích thuyền nhân” v.v... và còn nhiều nữa nữa, đã làm cho tim tôi se thắt không ít.

Dầu trời đã về khuya, song cũng ráng thức tỉnh ngồi vào bàn computer, dùng đôi bàn tay của năm ngón tay gõ đều trên từng chữ Alphabet của keyboard, tiếng kêu lốp đốp như tiếng lòng thổn thức từ con tim của chính mình, mong góp tiếng nói vào ngày lịch sử đau thương nhất của dân tộc Việt Nam “Ba Mươi Tháng Tư.”

Dù thiển ý này, chúng tôi xem như hạt muối mặn giữa trùng dương, và “một ước mong” nếu có, chỉ là tiếng kêu lạc lõng trên một bãi sa mạc rộng mênh mông. Ðôi lúc, chúng tôi cảm thấy chùn lòng, là mình có đạt được như ý hay không, hay chỉ là một giấc “Nam Kha”

Nhưng! chúng tôi cũng tiếp tục viết theo ước vọng và an ủi của chính mình, cho dù chẳng đạt được như ý.

Chúng tôi, xin có một thiển ý gởi đến các hội đoàn, các hội đồng hương, các mạnh thường quân người Việt tỵ nạn khắp năm châu bốn bể.

Ngày đau buồn nhất, cũng là đêm đen không bao giờ sáng cho miền Nam nước Việt mến yêu của chúng ta, VNCH bị xóa sổ. Ngày của 5 vị tướng trong QLVNCH tuẫn tiết không hàng giặc, tượng trưng như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai và Phạm Văn Phú. Chúng tôi không đủ chữ để diễn tả hết nỗi lòng trong niềm thương nỗi nhớ, và hết lòng khâm phục đến cái chết đầy bất khuất của các ngài đã chọn sẵn. Tổ Quốc VNCH vấn khăn tang từ dạo ấy.

30 tháng 4, dù trăng, sao, trời đêm, có tắt lịm, thì những cánh sao trắng của năm vị tướng miền Nam cũng đủ sọi sáng khắp muôn phương, cho muôn dân miền Nam VN nhận thấy cái khí tiết hào hùng của 5 vị tướng nêu trên. Tên các ngài sẽ được đời “lưu danh thiên cổ.” Các ngài đã theo bước tiền nhân của một Hoàng Diệu, của Nguyễn Tri Phương, của Phan Thanh Giản. Các ngài đã xác định được vị trí đứng của một vị tướng lãnh, “chết vinh hơn sống nhục” lấy sự tân trung để đền đáp ơn sơn hà xã tắc, lấy sự tận hiếu để bồi tình thê nhi gia tộc. Các ngài thật xứng đáng với câu nói của tiền nhân ta để lại “sống vi tướng, tử vi thần, anh hùng tử khí thiên bất tử.”

Các ngài chọn cái chết uy dũng không để lọt vào tay kẻ thù, là một điểm son sáng ngời, tô thắm cho sắc áo màu cờ của quân dân cán chính VNCH. Cái chết của năm vị tướng đã viết lên trang sử cận đai thật hào hùng của quân dân miền Nam ở thế kỷ 20.

Các ngài xứng đáng để cho QLVNCH nói riêng và muôn dân miền Nam VN nói chung, vinh danh các ngài là những vị thánh.

Dầu chúng ta là kẻ chiến bại, nhưng chúng ta vẫn có quyền hãnh diện, là trong QLVNCH còn có những người con của tổ quốc, biết sống trọn thủy trọn chung đến giờ thứ 25 khi đất nước rơi vào tay giặc. Các thế hệ mai sau, khi đọc đến những trang sử nầy, phải kính cẩn nghiêng mình mà bái phục.

Cuộc chiến chấm dứt, nhà miền Nam tang thương đổ vỡ, ai chết để chúng ta được sống, chúng ta cần phải biết ơn đến những người lính nằm xuống, bằng lời nói cũng chưa đủ, phải thể hiện bằng hành động và việc làm.

30 tháng 4 mỗi năm lại về, năm nào trên các nhật báo, cũng có dành mỗi đầu trang của một tờ báo, hay các đài truyền thanh, truyền hình ở mỗi đầu giờ, đọc qua từng tiểu sử tên tuổi các ngài, thêm vào đó là những khúc nhạc buồn, chiêu hồn tử sĩ, kéo dài đến cả tuần lễ hay nhiều hơn nữa, làm cho kẻ bỏ nước ra đi phải rơi lệ. Không ngoài mục đích là nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quên những chiến sĩ vì nước quên mình, phải luôn luôn nhớ ơn đến họ.

Những việc làm của giới truyền thanh báo chí nói trên, chúng tôi muôn vàn biết ơn đến các người lãnh đạo và các nhân viên điều hành, trong các tòa soạn, trong các đài phát thanh, truyền hình, đã góp tiếng nói vô cùng quan trọng cho 30 tháng 4 ngày đau buồn nhất của quân dân cán chính VNCH.

Song chúng tôi vẫn thấy chưa đủ, cần phải thể hiện cung cách to lớn nghiêm trang hơn nữa, là cần nên thành lập một Ðền Thờ 5 vị tướng không thể thiếu trên đất khách, nơi mà người Việt Nam tỵ nạn đang sống, nhất là tại Little Sài Gòn còn cần thiết hơn nữa.

Chúng ta không thể trở về nơi quê hương thực thu, để lập Lăng Miếu Ðền Thờ mà thờ cúng các ngài, vì nơi đó kẻ thắng còn đang ngự trị. Song, chúng ta đã từng nói, bỏ nước ra đi là mang theo cả quê hương. Vậy thì, chúng ta chọn nơi này làm quê hương thứ hai, thì chờ đợi gì mà không lập được đền thờ cho các ngài. Nhất là nơi miền Nam Cali, nơi có trên 300 ngàn người Việt tỵ nạn, được mang cái tên khá hãnh diện cho những người VN sống lưu vong nơi đây “thủ đô tinh thần của người Việt tỵ nạn” Nơi đây, chúng ta đã có tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ, có đền thờ Hùng Vương, có Thư Viên Việt Nam, thì sao lại thiếu đền thờ của các vị tướng lãnh tuẫn tiết.

Khi còn đối diện với kẻ thù, chúng ta là người lính, không ít thì nhiều, hoặc gián tiếp hay trực tiếp nằm cùng một “trướng” nhận cùng một lời “hịch” từ tay các ngài ban xuống. Nay! chúng ta còn có nơi đây, cả trăm nghìn gia đình HO đang sống trên một đất nước có nhiều cơ hội không làm được điều nói trên ư ?

Thưa các bậc thân hào, nhân sĩ! các bậc cao niên ! Các bậc đàn anh ! Và những anh em cùng chung chiến tuyến !

Chúng tôi không dám “múa rìu qua mắt thợ” vì cạn hẹp kiến thức, và cạn hẹp mọi thứ mọi điều, chúng tôi như là những người đang dùng tay tát nước biển, thì sẽ không bao giờ cạn. Nhưng chúng tôi chỉ có tấm lòng chân thành, và mong rằng, chúng ta cùng chung nhau góp một bàn tay thì vỗ nên kêu. Nơi đây, chúng ta đã có nhiều hội đoàn, có nhiều tổ chức, có nhiều trung tâm băng nhạc ca kịch múa hát, đã từng gây quỹ, gây tiệc thành công, từng làm thiện nguyện viên đi quyên góp, giúp đỡ nan nhân Katrina, Tsunami, Haiti, giúp đỡ nạn nhân bão lụt quê nhà v.v.. Chúng tôi xin tôn vinh và luôn biết ơn những việc làm từ tâm, đến các vị lãnh đạo đoàn thể, đến các tổ chức bất vụ lợi, đến các mạnh thường quân, cứu giúp đến những nạn nhân bất hạnh, trong tiếng kêu than “một đồng lúc túng cũng so bằng nghìn.”

Nếu việc gây quỹ giống như thế này, chúng tôi tin chắc rằng, đền thờ các vị tướng vị quốc vong thân, không sớm thì muộn cũng sẽ thành công và xây dựng được tại Little Sài Gòn, Thủ Ðô Tinh Thần của người Việt tỵ nạn tại Nam Cali.

Rồi mai kia, đền thờ nếu được thành công như ý muốn, điều đó chứng minh rằng người Việt bỏ nước ra đi sẽ không bao giờ quên ơn các ngài, đó cũng là nguồn an ủi to lớn đến các gia đình vợ con, và người thân tộc có liên hệ đến các ngài hiện đang sống còn. Rồi nơi đây, Little Sài Gòn sẽ tạo thêm cuộc sống hùng, sống mạnh, làm tăng thêm sức mạnh về tinh thần, hồn thiêng sông núi sẽ phù hộ cho chúng ta, đầy đủ sức khỏe, biết đoàn kết và thương yêu nhau hơn.

Khách du lịch nào từ tiểu bang khác trên nước Mỹ, hay từ Âu Châu, Úc Châu đến Nam Cali, chắc chắn rằng họ không quên đến Bolsa viếng thăm đền thờ các ngài cũng như họ đã từng viếng thăm tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ trong mấy năm qua.

Nếu được như ý muốn, chúng ta sẽ chiêu mộ các điêu khắc gia Việt Nam đang tỵ nạn trên đất Mỹ, tạc tượng hay đúc tượng bán thân cho các ngài (chỉ ý kiến thôi) và nơi đó, có để một cuốn sổ vàng lưu niệm vài trăm trang giấy, và còn nhiều dự thảo khác nữa, khách viếng thăm đền thờ có thể viết vào đó vài lời, để nói lên cảm tưởng của chính mình.

Ðoạn kết của bài viết này, chúng tôi chỉ có thiện ý trong kiến thức cạn hẹp, chắc chắn rằng có nhiều lỗi lầm sơ sót, chúng tôi mong sự bao dung tha thứ từ người đọc. Và ước mong việc xây dựng đền thờ sẽ có thật, và đừng để ước mong của chúng tôi nó trở thành một giấc “Nam Kha.”