PDA

View Full Version : Những Mẫu Chuyện Ngắn Trên Chiến Trường QL 4



Longhai
05-31-2012, 07:15 AM
NHỮNG MẨU CHUYỆN NGẮN TRÊN CHIẾN TRƯỜNG QUỐC LỘ 4


Lời mở đầu của người viết: Hiệp định Paris được ký kết ngày 27 tháng giêng năm 1973. Sau vài tháng tạm lắng dịu để thăm dò phản ứng của Mỹ và thế giới, chiến trường trở lại sôi động khi Bộ chính trị Cộng sản Bắc Việt khẳng định rằng sẽ không có bất kỳ cuộc can thiệp trở lại nào của quân lực Mỹ tại Việt Nam, mặc dù cả thế giới đều biết quân cộng sản Bắc Việt đang ồ ạt xâm nhập bộ đội cũng như các loại vũ khí đạn dược để chuẩn bị những cuộc tấn công quy mô trong thời gian tới. Cho đến ngày miền Nam hoàn toàn sụp đổ, người ta hình như chỉ nhắc đến những địa danh tiêu biểu cho những trận đánh lớn cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam, như Phước Long, Lộc Ninh, Ban Mê Thuột, tiền đồn Rạch Bắp, tiền đồn Tống Lê Chân, Long Khánh, Xuân Lộc... Hoặc cuộc di tản đẫm máu rút bỏ Pleiku trên tỉnh lộ số 7, đưa đến cuộc sụp đổ then chuyền từ Huế vào Đà Nẵng và lần lượt các tỉnh miền Trung tạo nên một "chiếc thảm thần" đưa quân CSBV tiến vào Sài Gòn. Không ai chối bỏ đấy là những hình ảnh quá sức bi thảm mà cũng kiêu hùng ngất trời của người lính VNCH trước khi từ bỏ vũ khí, từ bỏ chiến trường.

Tuy nhiên, ngoài những địa danh mà mọi người đều biết đến kể trên, còn có những chiến trường khác tuy âm ỉ nhưng không kém phần khốc liệt, và chính những nơi này, máu của những người chiến sĩ VNCH vô danh ở mọi quân binh chủng, chủ lực quân cũng như địa phương quân, đã đổ xuống trên vùng đất mẹ, và đồng thời có biết bao cái chết oai hùng đã bị lãng quên... Đó là chiến trường Quốc Lộ 4.

***

Bóng ma tại căn cứ Long Định

Sau khi ăn Tết tại căn cứ Mỹ An trong cuộc hành quân ngăn ngừa cộng sản lấn đất dành dân trong vùng Đồng Tháp Mười trước ngày Hiệp định Paris có hiệu lực, Pháo đội tôi được lệnh rời bỏ Mỹ An, trực thăng vận về phi trường Tân Tịch tỉnh Kiến Phong. Sau đó di chuyển bằng đường bộ về quận Kiến Văn, đóng tạm trong căn cứ hỏa lực cũ của Sư đoàn 7 để yểm trợ các cuộc hành quân giải tỏa vùng Thống Linh Ngã Sáu liên ranh hai tỉnh Kiến Phong và Định Tường.

Là một Pháo đội lưu động trừ bị của Sư đoàn, việc di chuyển hành quân và chiếm đóng căn cứ dã chiến đối với pháo thủ trong Pháo đội tôi là chuyện thường tình, có khi trong một ngày di chuyển chiếm đóng hai ba vị trí dã chiến để yểm trợ quân bạn; khi thì sân banh sân trường học dọc quốc lộ, khi thì trên miếng ruộng khô vừa mới gặt xong còn trơ lại những gốc rạ lởm chởm. Nay được trú đóng trong một căn cứ hỏa lực đã được thiết lập sẵn với đầy đủ hầm hố trú ẩn, quả là điều sung sướng cho tất cả pháo thủ trong Pháo đội. Tuy nhiên sự sung sướng không kéo dài được bao lâu, vì khoảng tuần lễ sau Pháo đội tôi gặp tai nạn khi vài pháo thủ lấy các thùng kim khí đựng đầu nổ cũ đang chứa đất để làm vách xây các "bunker" ra kê làm bếp, một trong những thùng sắt đó đã phát nổ vì bên trong chứa thuốc nạp dư - thuốc cháy để tống viên đạn ra khỏi nòng - thay vì chứa đất. Thùng sắt phát nổ làm rung rinh cả căn cứ, hai binh sĩ bị phỏng nặng được chở đi bệnh viện Cao Lãnh cứu cấp. Cũng may cả hai không chết và được giải ngũ khoảng nửa năm sau. Sau khi tai nạn xảy ra, kiểm soát lại các thùng sắt chứa đất chất trong các hầm hố trong hệ thống phòng thủ, tìm ra được trên hai chục thùng chứa thuốc nạp tương tự như vậy !

Rời quận lỵ Kiến Văn, Pháo đội tôi chiếm đóng dã chiến dọc quốc lộ 4 từ Giáo Đức dài lên căn cứ Vĩnh Nhi - Bộ Tư Lệnh nhẹ của Sư đoàn 9 Bộ binh - Ngã Ba Cái Bè rồi Cai Lậy... Các đơn vị được Pháo đội tôi tăng phái yểm trợ trực tiếp như Trung đoàn 14, Thiết đoàn 2 Kỵ binh, thỉnh thoảng yểm trợ hỏa lực cho các Tiểu đoàn của Sư đoàn 7 hoạt động trong vùng.

Khoảng tháng 5/1973, Pháo đội tôi được lệnh vào chiếm đóng căn cứ hỏa lực Long Định, cách Ngã Ba Trung Lương vài cây số. Căn cứ Hỏa Lực Long Định trước kia thường xuyên do các đơn vị Pháo binh của Sư đoàn 7 chiếm đóng, cũng có thời gian được đồn trú bởi các đơn vị của các Sư đoàn 9 Bộ binh Mỹ. Nằm cạnh bờ sông gần dưới dạ cầu Long Định, phía ngoài căn cứ sát quốc lộ là một căn lầu to lớn trước kia là Quận đường và Bộ chỉ huy chi khu Long Định. Khi quận Long Định giải tán để thành lập quận Sầm Giang, căn lầu được dùng như Bộ chỉ huy hành quân của bất cứ đơn vị nào đang trách nhiệm hành quân trong vùng, khoảng đất trống bên phải nhà lầu là vị trí cố định của một Trung đội Pháo binh 155 ly của Sư đoàn 7. Căn cứ hỏa lực chánh tại Long Định là vị trí của Pháo đội 105 hiện do đơn vị tôi chiếm đóng với đầy đủ 6 ụ súng đại bác, các lô cốt vọng gác chung quanh và dọc theo bờ sông. Một dãy nhà tôn lỗ chỗ vết đạn pháo kích được sử dụng như nhà ăn và câu lạc bộ Pháo đội. Hầu hết nhân viên khẩu đội ngủ trong hầm của các khẩu đội mình, kể cả các sĩ quan Trung đội trưởng cũng làm hầm ngủ gần Trung đội để dễ dàng điều hành khi tác xạ. Riêng Ban chỉ huy Pháo đội và Đài tác xạ được đặt trong một căn hầm to lớn vững chắc xây bằng đá xanh, có lẽ được làm từ thời Pháp, bốn vách của căn hầm có các lỗ châu mai với khoảng cách có thể quan sát toàn thể căn cứ. Nóc hầm bằng bê tông cốt sắt dầy, trên nóc lại được các đơn vị đóng trước phủ thêm lên mấy lớp bao cát nữa nên cỡ hỏa tiễn 107 ly hay súng cối 82 ly trúng không hề hấn gì.

Trong hầm chỉ huy được chia làm hai ngăn, ngăn lớn được thiết trí máy móc truyền tin và Đài trung ương tác xạ, ngoài ra cũng còn là nơi thuyết trình mỗi khi có quan khách thăm viếng với đầy đủ các " briefing chart " và bản đồ hành quân. Ngăn nhỏ hơn dùng làm phòng ngủ của Pháo đội trưởng, Pháo đội phó và các Sĩ quan Tiền sát. Ngăn phòng này lúc nào cũng ồn ào, vì nếu không tụ tập trên Câu lạc bộ thì tất cả sĩ quan Pháo đội đều kéo vào phòng này để giỡn hót đấu láo. Được chiếm đóng một căn cứ hỏa lực với đầy đủ phương tiện lại gần thị trấn và thành phố chung quanh - hai ba cây số đến Ngã Ba Trung Lương và bảy tám cây số vào thành phố Mỹ Tho - các sĩ quan cứ lần lượt hỏi tôi vào Mỹ Tho để chơi hoặc hẹn hò với các " em gái hậu phương " trong đó. Riêng Mỹ Tho là nơi tôi sinh ra và lớn lên với ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu, nên đây cũng là dịp tôi được về thăm cha mẹ và các em tôi thường xuyên.

Thỉnh thoảng từ phía Bắc căn cứ Long Định thuộc Đồng Tháp Mười, Việt cộng pháo kích hỏa tiễn 122 ly hoặc 107 ly vào khu quân sự Long Định, có một lần rớt vào Bộ chỉ huy Thiết đoàn 2 Kỵ binh làm chết một sĩ quan Tiếp liệu và bị thương một số binh sĩ Thiết giáp. Nếp sống trong một căn cứ hỏa lực vẫn sinh hoạt bình thường, ngoài những lúc tác xạ yểm trợ, nhân viên khẩu đội tu bổ đại bác hoặc sửa chữa các công sự. Đêm đến ai không phận sự trực gác, quân nhân Pháo đội thường quây quần bên chiếc TV 12" câu bằng điện bình của chiếc xe dodge truyền tin. Tới 10 giờ khi hết chương trình truyền hình, Pháo đội tập họp điểm danh lần chót trước khi đi ngủ.

Một đêm nọ, Trung úy Tòng, Pháo đội phó nằm ngủ cách ghế bố tôi vài thước bỗng la mơ và hét lên dữ dội, mọi người bật dậy đánh thức Tòng. Qua cơn mơ, Tòng lăn mình ngủ tiếp. Sáng ra hỏi Tòng chiêm bao thấy gì mà la hét dữ vậy, Tòng lơ mơ bảo có lẽ ngày qua Pháo đội tác xạ nhiều quá mệt nên nằm mơ thấy bậy bạ, vậy thôi. Tòng sau tôi 5 khóa, mới từ Pháo binh Sư đoàn 2 ở Quảng Ngãi đổi về chưa đầy năm, lớn con bặm trợn, kỹ thuật và chỉ huy giỏi nhưng cũng hay " nặng tay " với mấy tay lính trẻ nhậu vô chút đỉnh rồi hay quậy phá. Lính tráng Pháo đội gọi tôi là ông Thiện còn Tòng là ông Ác ! Bẵng đi vài hôm, một đêm khoảng 2, 3 giờ sáng, mọi người trong hầm chỉ huy đang ngủ ngon lành thì Tòng lại mơ la dữ dội hơn lần trước, và tiếng la có vẻ như bị tắt nghẽn bởi vật gì chận ngang cổ. Người hạ sĩ quan trực máy nhảy tới lay mạnh Tòng dậy. Tòng tỉnh giấc với vẻ mặt còn kinh hoàng và mồ hôi đổ ra như tắm, cả hầm mở đèn lên thức luôn tới sáng. Uống cà phê tỉnh táo xong Tòng kể, giống như lần trước, mơ thấy một bóng người to lớn mặt mày đen đúa đuổi Tòng ra khỏi hầm, trong giấc mơ Tòng thấy mình chống cự lại và cuối cùng bị bóng đen bóp cổ gần tắt thở sắp chết thì được lay tỉnh dậy.

Sáng hôm sau Tòng xếp ghế bố dọn ra lô cốt cạnh bờ sông gần Trung đội I ngủ. Sĩ quan Pháo đội chọc Tòng:

- Lớn con như Trung úy mà cũng sợ ma sao ?

- Thôi ra chỗ khác ngủ cho ăn chắc, bị nó bóp cổ vài lần có ngày tắt thở thiệt !

Sau đó vài tuần, hai sĩ quan Tiền sát nằm cạnh ghế bố tôi cũng bị y như Trung úy Tòng, cũng bị một bóng người cao lớn mặt ngăm đen răng trắng hếu xách cổ hai anh chàng đuổi ra khỏi hầm, cuối cùng cả hai sợ quá dọn xuống các hầm Khẩu đội ngủ. Còn lại mình tôi ngủ trong căn hầm cũng hơi ớn, tôi cho dời ghế bố lại kế bên vách ngăn hầm Truyền tin và Tác xạ vì lúc nào cũng có hạ sĩ quan trực ngồi tại đó. Và để cho vững bụng hơn, đêm nào nằm ngủ tôi cũng để khẩu súng colt... dưới gối! Nhớ ra từ ngày về chiếm đóng căn cứ Long Định, Pháo đội chưa tổ chức cúng kiến đất đai thổ địa như thông lệ từ trước tới giờ khi đơn vị tới đóng quân lâu dài tại một chỗ nào - cũng là một dịp để khao quân - tôi bảo ông Thường vụ ra Ngã Ba Trung Lương mua hai con heo quay bày mâm giữa sân căn cứ, tôi và các sĩ quan Pháo đội cùng vái cúng. Chuyện bóng ma trong hầm tác xạ cũng qua đi, vì chỉ còn lại một mình tôi ngủ mà không bị phá phách gì hết. Có bữa hạ sĩ quan tác xạ trực đêm giỡn :

- Đêm qua em nghe Đồng Nai mơ quá xá !

- Mơ gì vậy ?

- Đồng Nai mơ... ớ Châu... ớ Châu !

Các sĩ quan nhao nhao lên :

- Vậy là Đồng Nai bị Châu đè chớ không phải ma đè !

Độ vài tuần sau thì Đại úy Phúc - Phúc Degaule, vì anh cao gần thước tám với sóng mũi cao như tây colonial - cùng khóa với tôi,

đang làm Chỉ huy phó Pháo binh tiểu khu Định Tường ghé thăm, chuyện vãn một hồi anh kể anh bị thiệt mất một sĩ quan Trung đội trưởng tại đây:

- Mi còn nhớ ông Thượng sĩ Thạch Um lớn con người gốc Miên dạy môn Khẩu đội vụ không? Khi lên sĩ quan, ổng rời trường Pháo binh đổi về Pháo binh Sư đoàn 7, sau đó thuyên chuyển về Pháo binh tiểu khu Định Tường, làm Trung đội trưởng tại đây. Một hôm Việt cộng pháo kích vô đây dữ dội, ông đứng trong hầm này nhìn ra lỗ châu mai điều khiển phản pháo - anh chỉ ngay lỗ châu mai chỗ đang đặt bàn tác xạ - vậy mà một miễng đạn bay tạt ngang vào lỗ châu mai trúng giữa trán chết tức khắc.

Nghe xong, Trung úy Tòng bèn kể lại các lần nằm mơ vừa qua. Đại úy Phúc bảo:

- Chính ông Thạch Um đó, đã nhiều đơn vị đóng tại đây vào ngủ trong hầm này đều bị ổng bóp họng đuổi ra.

Nghe Đại úy Phúc nói, xương sống tôi hơi... lành lạnh !


***


Cuộc phản phục kích của Tiểu Đoàn 1/14 gần Ấp Bắc.

Theo thông lệ, mỗi lần nhận được "overlay" cho cuộc hành quân ngày hôm sau, tối đó tôi đặt phóng đồ lên bản đồ, xem xét địa thế và chấm các hỏa tập dự trù, cho làm yếu tố và ghi vô sổ tác xạ để khi cần thiết xử dụng ngay. Thường bản đồ để xử dụng trong các cuộc hành quân có tỷ lệ 1/50.000. Riêng xạ bản của Pháo binh vì phải được chính xác nên có tỷ lệ lớn là 1/25.000. Ngoài ra các đơn vị Pháo binh còn được cung cấp thêm các không ảnh của vùng đang hoạt động cũng có cùng tỷ lệ 1/25.000 để dễ dàng nhận diện ngoài địa thế khi tác xạ yểm trợ. Đôi lúc còn lấy không ảnh làm giấy kẻ ô vuông để tính yếu tố tác xạ.

Chiều nay tôi nhận được phóng đồ hành quân ngày mai của Tiểu đoàn 1/14. Đúng ra chỉ là cuộc hoạt động lục soát trong kế hoạch bình định vùng mật khu Ấp Bắc phía Bắc Long Định, chứ không phải là cuộc hành quân quy mô. Tiểu đoàn 1/14 đã hoạt động quanh quẩn trong vùng này đã mấy ngày rồi, Tiểu đoàn do Thiếu tá Châu Ngọc Sanh làm Tiểu đoàn trưởng. Sanh sau tôi một khóa, chúng tôi biết nhau khi Sanh còn làm Trung đội trưởng trong Đại đội Trinh sát của Trung đoàn 14, lúc đó tôi đang đi "délo" cho các Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 14. Sanh người gốc Vĩnh Bình, chững chạc ít nói, nhưng đánh giặc thì gan lì nổi tiếng, từng là con cưng của nhiều thời Trung đoàn trưởng như Trung tá Quý, Đại tá Lãm, Đại tá Năm, Đại tá Thẩm... tôi không chơi thân với Sanh lắm vì tánh nghiêm nghị ít nói đó, chỉ gặp gỡ bàn bạc trong những buổi họp hành quân bên Trung đoàn thôi.

Hướng Tây Bắc của khu quân sự Long Định theo đường chim bay khoảng sáu bảy cây số là một khu cây cối sầm uất hoang vu với kinh rạch thiên nhiên chằng chịt. Càng ăn thông sâu vô Đồng Tháp Mười địa thế càng trở nên hoang dã với những cụm rừng tràm chỗ thưa chỗ dầy. Mùa nước nổi tháng 7 tháng 8 đến tháng 11 ngập nước mênh mông, đến mùa nước rút thì lại có thêm những chòm cây mới xuất hiện tạo nên một vùng vô cùng hiểm trở. Đồn bót rất khó xây dựng vì không có đường sá liên lạc tiếp tế kể cả đường thủy vì kinh rạch thiên nhiên cây cối um tùm không lưu thông được.

Từ thời đệ nhất Cộng Hòa, chính phủ đã cố gắng xây dựng một hệ thống Ấp Chiến Lược và khu Trù Mật trong vùng này để bình định. Các khu Trù Mật Hậu Mỹ, An Phước Đông, Tân Phú Trung..., Ấp Chiến Lược Bà Bèo, Tân Lợi, Ấp Bắc... được hình thành vào thời kỳ này.

Tuy nhiên những Ấp Chiến Lược này lần lượt bị phế bỏ vì quá hẻo lánh, và cũng chính tại nơi đây vào đầu thập niên 1960 đã xảy ra một trận đánh đi vào lịch sử chiến tranh Việt Nam, với sự trắc nghiệm chiến thuật Trực thăng vận của Lữ đoàn Nhảy dù phối hợp với Thiết quân vận M113. Dù thiệt hại của đôi bên ngang nhau, nhưng bộ máy tuyên truyền của Cộng sản vẫn quảng bá trận Ấp Bắc như là một chiến thắng lớn lao của họ.

Trở lại với cuộc hành quân ngày mai của Tiểu đoàn 1/14, sau khi nhận được phóng đồ, tôi và Pháo đội phó đem ra đặt lên bản đồ, đồng thời dùng viết chì mỡ kẻ đại khái trục tiến quân lên không ảnh 1/25.000. Quan sát kỹ tôi thấy lờ mờ trên không ảnh cách điểm xuất phát của tiểu đoàn khoảng 500 thước là một chòm cây mỏng chắn ngang trục tiến, đồng thời cách khoảng 300 thước bên phải trục tiến cũng có một chòm cây chạy dài song song, riêng bên trái trục tiến là đồng trống. Như một động tác thường lệ, tôi chấm lên hai hàng cây có chữ L ngược đó sáu hỏa tập tiên liệu, và rải bên trái trục tiến vài hỏa tập vì đồng trống không mấy gì nguy hiểm, ngoài ra trên các mục tiêu chính của Tiểu đoàn cũng đều có ít nhất mỗi nơi hai hỏa tập.

Sau khi chấm xong các điểm tọa độ của hỏa tập lên bản đồ và xạ bản, các yếu tố tác xạ được thiết lập, đánh tên và ghi vào sổ tác xạ tiên liệu. Sau khi công việc xong xuôi, mọi người giải tán, chỉ còn mình tôi và Hạ sĩ quan trực đang ngồi bên máy truyền tin với chiếc loa khuếch đại chạy rè rè. Tôi vẫn thường có thói quen riết thành tật, là mỗi khi làm yếu tố tác xạ tiên liệu cho các cuộc hành quân xong, hay ngồi lại hàng giờ trước các tấm bản đồ.

Đêm nay cũng giống như vậy, sau đó kiểm soát lại các hỏa tập phòng vệ tiếp cận vị trí đóng quân của Tiểu đoàn 1/14 cũng như các tác xạ quấy rối ban đêm đã phân phối cho các khẩu đội xong, tôi lên ghế bố với giấc ngủ bình thản.

Không biết ngủ được bao lâu, trong chập chờn tôi nghe văng vẳng tiếng người lay gọi :

- Đại úy ! Dậy tác xạ !

Tôi choàng tỉnh ngồi bật dậy hỏi người Hạ sĩ quan đang ngồi trực máy :

- Ai xin tác xạ vậy ?

- Dạ đâu có ai xin tác xạ đâu Đồng Nai !

Nói xong lại chúi đầu vào quyển sách đọc tiếp, tiếng rè rè của máy truyền tin phát ra từ chiếc loa với âm thanh đều đặn. Tôi nằm xuống tiếp tục dỗ giấc ngủ không một sự thắc mắc gì.

Đang chập chờn sắp sửa ngủ lại được, trong trạng thái nửa mơ nửa tỉnh, tôi lại nghe tiếng văng vẳng lay gọi tôi dậy :

- Đại úy ! Dậy tác xạ !

Choàng tỉnh dậy không thấy ai, bên tấm vách mỏng kế bên lưng người Hạ sĩ quan trực tác xạ dựa ngửa vào ghế đọc sách, và tiếng máy truyền tin vẫn tiếp tục vang lên đều đặn. Tôi cảm thấy hoàn toàn tỉnh ngủ, sau khi vệ sinh rửa mặt, tôi mở bình thủy pha một tách cà phê bước ra đài tác xạ vừa hút thuốc vừa nhìn bản đồ không ảnh.

Người Hạ sĩ quan trực hỏi tôi sao thức dậy sớm quá vậy, tôi bảo hơi khó ngủ.

- Có lẽ Đồng Nai nhuốm cảm rồi.

Tôi cười:

- Chắc vậy.

Dù vẫn đối đáp nhưng mắt tôi vẫn không rời bản đồ không ảnh. Hai hàng cây hình chữ L ngược lờ mờ trên bản đồ như nhấp nhô chuyển động trước mắt tôi, mũi tên đỏ kẻ bằng viết chì mỡ vẽ trục tiến quân của Tiểu đoàn 1/14 khi mờ khi tỏ dưới mặt giấy kính phủ ngoài bản đồ. Trong người tôi bỗng nổi lên một sự bồn chồn lo lắng, tôi bảo Hạ sĩ quan trực ra đánh thức Pháo đội phó và ông Thường vụ Pháo đội vào Đài tác xạ gặp tôi, lúc đó đồng hồ chỉ gần 5 giờ sáng.

Khi hai người vào, tôi nói cho Trung úy Tòng và Thượng sĩ Thường vụ cảm giác bất an của tôi về chuyến xuất phát hoạt động sáng nay của Tiểu đoàn 1/14 và tuyệt nhiên không kể gì về vụ có tiếng người lay gọi.

Trung úy Tòng hỏi tôi :

- Vậy Đồng Nai tính sao ?

Tôi nói :

- Đánh thức Pháo đội, cho các Khẩu đội làm đạn, ghi yếu tố lên súng và chờ lệnh.

Ông Thường vụ nhận lệnh xong đi nhanh ra ngoài đánh kiểng báo thức Pháo đội.

Tôi bảo tiếp Trung úy Tòng vừa chỉ vào không ảnh:

- Toa lấy 6 yếu tố hỏa tập ở hai chòm cây này

cho ghi lên riêng rẽ từng Khẩu đội, sơ khởi chuẩn bị Pháo đội 10 quả.

Khi các Hạ sĩ quan tác xạ Pháo đội lần lượt vào Đài tác xạ, Tòng ra khẩu lệnh tác xạ cho Pháo đội:

- Pháo đội vào chỗ bắn! 10 quả thuốc nạp 5 không nạp đạn !

- Khẩu 1 độ giạt... góc thăng bằng...

- Khẩu 2 độ giạt... góc thăng bằng...

Tòng lần lượt ra lệnh tác xạ đến khẩu 6, khi các khẩu trưởng lập lại các yếu tố của khẩu đội mình và báo cáo sẵn sàng, Tòng ra khẩu lệnh cuối cùng:

- Pháo đội nghỉ tại chỗ ! Tác xạ khi có lệnh !

Trong Pháo binh, khẩu lệnh " Nghỉ tại chỗ " có nghĩa là toàn thể nhân viên khẩu đội bắt buộc ở tại khẩu đội của mình không được đi đâu ra ngoài, để khi có lệnh là nạp đạn tác xạ tức khắc, những thành phần nhân viên khác cũng túc trực tại chỗ phần hành của mình.

Sau khi Pháo đội đã sẵn sàng, tôi gọi điện thoại sang Bộ chỉ huy Trung đoàn nhờ gọi Tiền sát viên Pháo binh Tiểu đoàn 1/14 lên máy và dặn dò thật kỹ :

- Khi Tiểu đoàn bắt đầu vượt tuyến xuất phát, đích thân Sĩ Quan Tiền sát viên giữ liên lạc chặt chẽ với Pháo đội, và khi có bất trắc khẩn cấp chỉ báo ngắn gọn để Pháo đội can thiệp kịp thời.

Khi mọi sự chuẩn bị xong xuôi, đồng hồ chỉ gần 6 giờ sáng. Ngoại trừ các Sĩ quan Trung đội trưởng đang túc trực ở vị trí của Trung đội mình, trong Đài tác xạ, tôi, Trung úy Tòng, ông Thường vụ và các Hạ sĩ quan Tác xạ đang đứng ngồi rải rác chung quanh xạ bản và máy truyền tin, kẻ uống cà phê người hút thuốc. Trời bên ngoài vẫn chưa sáng hẳn, xa xa bên kia bờ sông Long Định, sương mù vẫn còn lãng đãng trên những ngọn cỏ chòm cây. Ngoài Quốc lộ 4 dưới dốc cầu Long Định về hướng Trung Lương, những chiếc xe đò xe hàng đang đậu thành hàng dài cả cây số chờ lực lượng mở đường hướng dẫn cho phép qua cầu.

Tôi biết cả Pháo đội rất thắc mắc trước quyết định cho cả Pháo đội đặt trong tình trạng chuẩn bị tác xạ khẩn cấp, vì hôm nay không phải là cuộc hành quân quy mô, chỉ có mỗi một Tiểu đoàn 1/14 đã hoạt động trong vùng này đã mấy ngày qua cùng với vài Đại đội Địa phương quân án ngữ, riêng Chi đoàn 3/2 Thiết quân vận hoạt động sát quốc lộ để mở đường giống như thường lệ.

Để giải tỏa một phần nào thắc mắc đó, tôi nói với anh em:

- Vùng này Việt cộng nó hỗn lắm, ít đồn bót nằm sâu trong vùng nên nó dễ bám theo mình, nhất là khi vừa rời tuyến xuất phát, với lại hai hàng cây phía trước và bên phải trục tiến quân rất đáng ngại, chuẩn bị sẵn cho chắc ăn.

Tôi cũng không muốn kể dài dòng với anh em về những tiếng văng vẳng lay gọi trong đêm cũng như một lần tôi thoát chết hồi đi "délo" cho Tiểu đoàn 2/13, khi Tiểu đoàn bị phục kích gần ngã ba Lai Vung quận Đức Thành bởi những chòm cây hình chữ L như vậy.

Đúng 7 giờ, Tiền sát viên gọi máy báo Tiểu đoàn bắt đầu di chuyển, tôi dặn dò lại phải thật cẩn thận giữ liên lạc với Pháo đội. Điện thoại bên Trung đoàn cũng gọi cho biết Tiểu đoàn rời tuyến xuất phát. Mọi người trong Đài tác xạ vẫn cười nói đùa giỡn bình thường, riêng tôi trong người có một cảm giác như lửa đốt, tôi cố trấn tĩnh bằng cách vừa uống cà phê vừa nói vài câu góp vui với anh em. Tiếng máy truyền tin vẫn phát tiếng rè rè đều đặn, Tiền sát viên của Chi đoàn 3/2 nằm trên Quốc lộ nên cũng không có gì để báo cáo, các Đại đội Địa phương quân thì không có Tiền sát viên, họ chỉ liên lạc trên tần số bộ binh của Trung đoàn. Ngoài vị trí Khẩn đội, các nhân viên quanh quẩn bên trong ụ súng nói cười vui vẻ.

Bỗng trong loa máy truyền tin, tiếng "combiné" bấm đứt quãng, sau đó giọng nói của Chuẩn úy Tâm, Tiền sát viên Tiểu đoàn 1/14 hét lên:

- Đồng Nai ! Đồng Nai ! Gia đình em bị lọt ổ rồi... ! Tụi nó đông lắm !...

Chuẩn úy Tâm nói được bao nhiêu đó rồi im bặt. Tôi chụp ống liên hợp gọi lại Tiền sát viên 1/14:

- 41 ! Đây Đồng Nai ! 41 ! Đây Đồng Nai !

Vẫn im bặt không có tiếng trả lời.

Tôi biết ngay Tiểu đoàn 1/14 có biến rồi, chạy vọt ra cửa hầm Đài tác xạ, tôi ra lệnh thật lớn:

- Pháo đội 3 quả ! Bắn khi sẵn sàng !

Ầm ! Ầm ! Ầm !... 18 quả đạn từ 6 khẩu đại bác 105 ly của Pháo đội trong tích tắc xé không gian tĩnh mịch của buổi sáng sớm bay thẳng vào mục tiêu đã tiên liệu.

Tiếng điện thoại bên Trung đoàn reo vang, tôi chụp ống điện thoại, giọng nói của Đại úy Trưởng ban 3 Trung đoàn vang vang :

- Pháo đội bắn cái gì vậy Sơn ?

- Thằng Sanh bị lọt ổ rồi ! Liên lạc với nó đi, để tao bắn cho Tiền sát viên !

Bỏ điện thoại nhanh xuống, tôi chụp ống liên hợp máy truyền tin gọi lại Tiền sát viên 1/14:

- 41 đây Đồng Nai ! 41 đây Đồng Nai !

Vẫn không có tiếng đáp lại của Chuẩn úy Tâm, tôi và cả Đài tác xạ muốn đứng tim, tôi vụt ra cửa Đài tác xạ ra lệnh kế tiếp:

- Pháo đội yếu tố cũ 3 quả ! Bắn khi sẵn sàng !

Tiếng đạn đi ầm ầm tiếp tục, bỗng tiếng Chuẩn úy Tâm, Tiền sát viên 1/14 hét lên trong máy:

- Đồng Nai ! Đồng Nai ! Đây 41 ! Trúng ngay tụi nó rồi ! Đông lắm ! Kéo gần vô nữa Đồng Nai !

Trong loa máy truyền tin, tiếng của Chuẩn úy Tâm hòa lẫn với tiếng nổ dòn dã của hàng trăm vũ khí ngoài chiến trường. Dù không điều chỉnh theo đúng kỹ thuật Pháo binh, nhưng trong Đài tác xạ ai cũng biết là Tiền sát viên muốn đạn nổ gần hơn nữa, có lẽ địch đã tiến sát quân mình. Trung úy Tòng nhanh nhẹn cắm một kim mục tiêu vào gần trục tiến quân của Tiểu đoàn 1/14 trên xạ bản, đồng thời di chuyển thước đo độ giạt vào cạnh kim mục tiêu, đọc lớn độ giạt mới với tầm xa không thay đổi.

Tôi chuyển lệnh lớn ra Pháo đội:

- Pháo đội 5 quả! Độ giạt...! Góc thăng bằng cũ ! Bắn khi sẵn sàng !

Vài giây sau Pháo đội tiếp tục bắn 30 quả đạn vào mục tiêu. Bỗng trên máy Thiếu tá Sanh gọi hòa lẫn với tiếng đạn nổ lụp bụp trong máy:

- Đồng Nai ! Tao Sơn Tây đây ! Tốt lắm, đã chận đứng được tụi nó rồi ! Mày rải thêm phía Bắc giúp tao, trên đó còn nặng lắm !

- Okedo ! Đừng lo ! Có ngay cho mày, Sơn Tây !

Tòng đọc ngay yếu tố các chòm cây chắn ngang phía Bắc trục tiến quân cho Trung đội 1 và 2:

- Trung đội 1, 2 Pháo đội 5 quả ! Độ giạt... Góc thăng bằng...

- Trung đội 3 yếu tố cũ 5 quả !

- Tất cả bắn khi sẵn sàng !

Tiếng đạn đi tiếp tục nổ dồn dập, khói thuốc nạp phủ mờ mịt cả căn cứ hỏa lực Long Định.

Khoảng 15 phút sau, trực thăng C&C (CNC) và hai chiếc trực thăng võ trang từ Bộ tư lệnh nhẹ Sư đoàn tại căn cứ Vĩnh Nhi bay đến chở Đại tá Trung đoàn trưởng bay lên vùng.

Tiếng ông trên hệ thống truyền tin Pháo đội:

- Đồng Nai đây Bạch Hổ ! Sẽ bay tránh "đường tên" của em ! Cứ tiếp tục nuôi ăn cho Sơn Tây, khi đến vùng sẽ báo !

- Đáp nhận Bạch Hổ !

Tôi trả lời ông trên máy.

Pháo đội tiếp tục tác xạ cho Tiểu đoàn 1/14 với sự điều chỉnh của Chuẩn úy Tâm, Tiền sát viên 1/14 đã lên máy liên lạc đều đặn.

Chưa đầy 10 phút sau, Đại tá Trung đoàn trưởng yêu cầu ngưng tác xạ để hai chiếc gunship bắn yểm trợ. Đồng thời ngoài Quốc lộ 4, Chi đoàn 3/2 Thiết quân vận cũng đang làm " capstan " vượt con rạch cạnh đường cái để tiến vào vùng, Tiền sát viên liên lạc vô tuyến rất tốt với Pháo đội. Tôi cho Pháo đội tạm ngưng tác xạ và nghỉ giải lao.

Trên vùng trời xa tít, 2 chiếc trực thăng võ trang đang quần thảo, Chuẩn úy Tâm gọi máy báo cáo Tiểu đoàn đang cho bung các đứa con lên các chòm cây để lục soát, kết quả sơ khởi lấy khá nhiều súng, bên mình dĩ nhiên Tiểu đoàn 1/14 không tránh khỏi thiệt hại vì bị phục kích tấn công trước bằng chiến thuật "đội mồ" của Việt cộng.

Sau khi có trực thăng võ trang yểm trợ và Chi đoàn 3/2 Thiết quân vận vào vùng tiếp ứng cho Tiểu đoàn 1/14, Pháo đội không còn tác xạ cho Tiền sát viên nữa mà chỉ còn thi hành các tác xạ ngăn chặn và truy kích trên các con đường tình nghi rút lui của Việt cộng do Ban 3 Trung đoàn yêu cầu. Khoảng trưa Chi đoàn 3/2 chở Tiểu đoàn 1/14 cùng các binh sĩ tử thương ra quốc lộ, riêng các thương binh đã được các trực thăng tản thương từ sáng. Cùng di chuyển ra đường với Tiểu đoàn 1/14 là trên 20 xác Việt cộng bỏ lại chiến trường cùng mấy chục vũ khí các loại.

Khi các trực thăng CNC và võ trang trở về Bộ chỉ huy Trung đoàn, Thiếu tướng Tư lệnh cùng Đại tá Trung đoàn trưởng qua căn cứ gặp tôi và anh em Pháo đội.

Thiếu tướng Tư lệnh nói:

- Pháo đội các em yểm trợ lẹ làng lắm, Sư đoàn sẽ ban thưởng cho các em.

Riêng Đại tá Trung đoàn trưởng bắt tay tôi:

- Anh cám ơn Sơn và các anh em lắm! Pháo binh các em đã giúp Thiếu tá Sanh làm cuộc phản kích tuyệt đẹp này !

Thực ra thì Thiếu tướng Tư lệnh và Đại tá Trung đoàn trưởng cứ đinh ninh một cách thông thường là Pháo đội bắn yểm trợ khi có lời yêu cầu của Tiền sát viên Tiểu đoàn sau khi đã bị phục kích, chớ hai ông đâu có biết cả Pháo đội đã thức dậy từ năm giờ sáng để chuẩn bị trước cho trận đánh phủ đầu này.

Chiều đó Thiếu tá Sanh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/14 lái xe vào căn cứ gặp tôi:

- Cám ơn mày lắm Sơn, mày và anh em đã cứu tao, cứu Tiểu đoàn, chiều nay bận quá không làm gì kịp, để trưa mai Tiểu đoàn sẽ đãi mày và anh em một bữa ăn trưa.

Sau đó Sanh hỏi tôi làm sao bắn nhanh quá vậy khi chưa có lời yêu cầu tác xạ, tôi chỉ nói vắn tắt:

- Tao có linh cảm Tiểu đoàn sẽ bị bất trắc nên chuẩn bị trước.

Riêng Chuẩn úy Tâm Tiền sát viên Tiểu đoàn sau khi theo Tiểu đoàn về điểm đóng quân tại trường tiểu học Long Định, đã tạt vào căn cứ gặp tôi và anh em Pháo đội, Tâm nói:

- Không có Pháo binh mình là tiêu hết rồi !

Tâm kể tiếp với anh em:

- Sau khi đã lấp hầm hố chỗ đóng quân đêm, Tiểu đoàn bắt đầu di chuyển theo kế hoạch. Vì được Đồng Nai căn dặn trước nên tôi đích thân mang máy 25 để liên lạc thay vì để cho đệ tử mang như thường lệ. Khi xuất phát được chừng nửa tiếng khoảng hai ba trăm thước thì từ phía ven cây tay phải hàng chục loạt B40 phóng thẳng vào Tiểu đoàn rồi hai đầu đại liên Đông Đức quạt chéo góc với lửa đạn xanh rờn, đồng thời ngoài ruộng tụi Việt cộng tốc rơm đứng dậy vừa quét AK vừa hô xung phong. Tôi bóp máy gọi Pháo đội trong lúc nhảy xuống bờ mẩu nằm, bên trên còn nghe tiếng la vang trời của tụi nó. Rồi thình lình tôi nghe tiếng " départ " đạn đi liên tục của Pháo đội mình ngoài này, trong tích tắc mấy chục quả đạn nổ ngay hàng cây bên phải và phía trước, Việt cộng dội ngược liền! Tôi biết Đồng Nai đã chuẩn bị trước nên mới có đạn đi ngay tức khắc trên đầu tụi nó như vậy. Khi thấy có Pháo binh bắn chận, Thiếu tá Sanh liền cho Đại đội đi cánh phải xung phong ngược vô điểm kích của tụi nó, lính Tiểu đoàn phải xài lựu đạn vì quá gần. Vì bị đạn Pháo binh mình bất thình lình chụp ngay trên đầu và phía sau lưng nên đội hình tụi nó tan nát, thối lui rồi chạy tứ tán...

Trưa hôm sau Sanh cho chiếc xe dodge tiền cứ chở vào Pháo đội tôi mấy con heo quay, bánh hỏi, bánh mì cộngvới bia, nước ngọt để khoản đãi anh em.

Đến bây giờ, tôi cũng không biết vì giác quan thứ sáu bén nhạy hay chính Trung úy Thạch Um - bóng ma trong căn cứ Long Định - đã giục tôi có những hành động kịp thời để cứu quân bạn. Nhưng có một điều chắc chắn là Việt cộng đã chọn lầm địch thủ để tổ chức cuộc phục kích "đội mồ" này. Tiểu đoàn 1/14 không phải mới đây mà cách đây cả chục năm về trước đã là Tiểu đoàn số 1 của Sư đoàn, được mang giây biểu chương màu đỏ "Bảo Quốc Huân Chương" đầu tiên. Rồi bây giờ dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Châu Ngọc Sanh, một sĩ quan dày dạn chiến trường, gan lì dũng cảm, cũng như cộng với sự bất ngờ của Pháo binh, thì quả là đơn vị Việt cộng này đã chọn cho mình một tử địa. Nhưng thường có những cái không may đến cho những bậc anh hùng, khi tôi rời đơn vị để đi học khóa Pháo binh Cao cấp, được tin Châu Ngọc Sanh đã hy sinh trên chiến trường Long Khốt Mộc Hóa.


***

Bộ Chỉ huy Chiến thuật Tiền Giang

Đó là danh xưng của một Bộ chỉ huy Hành quân Lưu động do Tiểu khu Định Tường thành lập và cung cấp nhân sự cũng như phương tiện trang bị. Với một danh xưng như vậy thì chắc chắn quyền hạn của Bộ chỉ huy này không phải nhỏ, vì nó không còn giới hạn trong một tỉnh nữa mà gồm nhiều tỉnh thuộc khu chiến thuật Tiền Giang gồm các tỉnh Định Tường, Kiến Hòa, Gò Công và Kiến Tường. Trách nhiệm của Bộ chỉ huy Chiến thuật này là tổ chức các cuộc hành quân bình định lãnh thổ trong những khu vực liên ranh các tỉnh cần sự phối hợp các đơn vị tham chiến khác Tiểu khu.

Nguyên tắc và lý thuyết thì như vậy, nhưng thực tế đây là hình ảnh của một Bộ chỉ huy Hành quân tôi chưa lần nào gặp. Ngoài ông Chỉ huy trưởng cấp bậc Đại tá hoặc Trung tá, một ông Trung úy hoặc Thiếu úy gọi là Sĩ quan Hành quân và vài anh Trung sĩ hay hạ sĩ trực máy, chỉ có vậy thôi ! Không Chỉ huy phó cũng không có bất kỳ một Sĩ quan Tham mưu nào khác. Bộ chỉ huy cũng được trang bị một anten dù 292 và hai máy PRC25 cho có vẻ, cùng hai máy điện thoại TA43, một để liên lạc các đơn vị đồn trú tại khu quân sự Long Định và một để liên lạc về Tiểu khu Định Tường và ra bên ngoài. Ông Chỉ huy trưởng cũng được một chiếc xe jeep cà tàng, còn các quân nhân khác nếu có di chuyển Bộ chỉ huy đi hành quân thì mới được phòng 4 Tiểu khu cho xe đến đón.

Pháo đội tôi hai lần về chiếm đóng căn cứ Long Định,lần đầu sau khi được trực thăng vận từ quận Mỹ An trong Đồng Tháp Mười ra Cao Lãnh rồi hành quân dài dài dọc Quốc lộ 4 rồi ngừng lại đóng quân tại căn cứ Long Định. Sau đó Pháo đội tăng phái cho Sư đoàn 7 vài tháng hành quân tại Kiến Hòa, Gò Công, Chợ Gạo... Pháo đội lại trở về Long Định chiếm đóng lần thứ hai.

Lần đầu, vị Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Chiến thuật Tiền Giang lúc đó là Đại tá Biết. Trong binh chủng Biệt động quân có lẽ không ai không nghe danh Đại tá Biết, một trong những con cọp lẫy lừng của Biệt động quân vùng 4 chiến thuật - Trung tá Dần, Trung tá Huy, Đại tá Hiệp, Đại tá Biết, Đại tá Sơn Thương - từng là Tiểu đoàn trưởng rồi Liên đoàn trưởng Biệt động quân, từng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 32 của Sư đoàn 21 Bộ binh khét tiếng Hậu Giang... giờ về đây chỉ huy lèo tèo năm ba quân nhân trong Bộ chỉ huy Chiến thuật, đôi lúc trong vùng hoạt động không có lấy một Đại đội Địa phương quân để có dịp "xỉ" đi chỗ này chỗ kia hành quân !

Lần thứ hai trở lại chiếm đóng Long Định, Chỉ huy trưởng là Trung tá Tri, ông này cũng từng là một sĩ quan tiếng tăm của Sư đoàn 7, từng làm Tiểu đoàn trưởng rồi Quận trưởng và Tiểu khu phó Tiểu khu Kiến Tường (Mộc Hóa), trong tay ông có biết bao nhiêu Trại Lực lượng Đặc biệt Biên phòng, biết bao Liên đội và Tiểu đoàn Địa phương quân hành quân dọc theo biên giới Miên Việt, giờ đây thất sủng về ngồi đây bó tay.

Trở lại thời gian Đại tá Biết làm Chỉ huy trưởng, khi Pháo đội tôi đến chiếm đóng căn cứ hỏa lực Long Định, ngay ngày hôm sau ông lái chiếc xe jeep cà tàng qua gặp tôi:

- Tụi bây đến đây tao mừng quá, cho Long Định này có lính tráng đông đông, chớ cả ngày mấy thầy trò tao không biết nói chuyện với ai, mấy thằng 155 ly của Pháo binh Sư đoàn 7 tối ngày cứ rút trong vị trí không thấy đứa nào ra ngoài cà phê cà pháo gì hết.

Đại tá Biết đánh giặc thì lừng danh như vậy, nhưng tánh tình thì vui vẻ cởi mở theo kiểu người Nam, ông kêu tụi tôi bằng mày tao thân mật như bậc đàn anh đàn chú. Ngày nào ông cũng gọi điện thoại kêu sĩ quan Pháo đội tôi ra ăn sáng với ông bên kia cầu Long Định và lần nào ông cũng dành trả tiền, tôi không cho ông trả, ông cự nự:

- Bộ tụi bây tưởng lương Đại tá không đủ tiền bao tụi bây ăn sáng hả ?

Không biết lấy tin ở đâu Đại tá Biết có con gái gả cho một Sĩ quan Pháo binh Sư đoàn 21, mấy sĩ quan trong Pháo đội tôi trong một bữa ăn sáng nói với ông:

- Trời ơi! Papa có con gái mà không gả cho tụi con, Papa coi, sĩ quan Pháo binh Sư đoàn 9 tụi con thằng nào thằng nấy đẹp trai quá mạng, Pháo binh Sư đoàn 21 sao bì nổi Papa!

Ông cười:

- Tụi bây cứ "chém vè" miệt trên này không thằng nào chịu xuống vùng dưới làm sao gả con cho tụi bây được !

Một hôm sau khi ăn sáng xong, ông bảo riêng tôi ghé vô Bộ chỉ huy của ông một chút, tới nơi Đại tá Biết hỏi tôi:

- Đạn dược mầy còn khá không ?

Tôi trả lời :

- Dạ nhiều lắm Đại tá, Pháo đội có gần ba cấp số khởi thủy lận !

Ông thích lắm:

- Để dành đó cho tao. Nếu ở trên OK, tao sẽ mở một trận lớn quét tụi nó lùa vô trong sâu, tao sẽ xin tụi bây yểm trợ trực tiếp cho tao nguyên một tuần.

Nhắc tới vụ đạn dược pháo binh, tôi còn nhớ hồi Tết Mậu Thân ở quận Minh Đức, Vĩnh Long cả hai ông Quận trưởng và Chi khu phó đều bị thương được di tản, trong quận chỉ còn hai Trung úy là tôi và Trung úy Thạch Liên đội trưởng Địa phương quân hơi "mát mát", giữa người "mát" và người "tỉnh" đương nhiên tôi được Trung tá Dương Hiếu Nghĩa tân Tỉnh trưởng chỉ định làm Quyền Chi khu trưởng. Trong lúc các nơi khác la ơi ới vì hết đạn, riêng tôi ở Minh Đức còn gần 3000 quả đạn trong kho mặc sức bắn yểm trợ cũng như tác xạ "hù" tụi Việt cộng, vậy mà cuối cùng đánh lấy lại được hai xã đã mất và giữ nguyên vẹn quận Minh Đức, được vậy cũng nhờ báo cáo đạn dược ăn gian.

Bây giờ cũng giống như vậy, sau hiệp định đình chiến mỗi ngày tiêu chuẩn tác xạ cho mỗi khẩu 105 ly chỉ có 3 quả bất kể trận lớn nhỏ, nên ngày nào không bắn cũng báo cáo để được phòng 4 Sư đoàn bồi hoàn. Hồi trước ngày đình chiến, đụng trận lớn vài tiếng đồng hồ cả ngàn quả đạn rót vào mục tiêu một cách dễ dàng, bây giờ thì phải " tích đạn phòng cơ ".

Đúng như Đại tá Biết nói, khoảng tuần lễ sau thì kế hoạch hành quân của ông được chấp thuận, tôi nhận được một công điện của Pháo binh Sư đoàn xác nhận Pháo đội được đặt dưới sự điều động của Bộ chỉ huy Chiến thuật Tiền Giang trong suốt cuộc hành quân với nhiệm vụ yểm trợ trực tiếp và Trung đội 155 ly của Tiểu đoàn 70 Pháo binh yểm trợ tăng cường.

Theo kế hoạch của ông, tôi cho một Trung đội di chuyển chiếm đóng vị trí dã chiến tại một nơi khỏi Tân Hiệp đi sâu vào con đường đất đỏ mấy cây số để yểm trợ cạnh sườn cuộc hành quân. Riêng Pháo đội (-) còn lại 4 khẩu đại bác di chuyển ngược về hướng Cai Lậy để lấy được thêm tầm xa yểm trợ, còn Trung đội 155 ly vẫn ở tại vị trí Long Định để tăng cường hỏa lực khi cần.

Về Bộ binh tham chiến, thực ra chỉ toàn là các đơn vị Địa phương quân gồm một Tiểu đoàn Địa phương quân thuộc Tiểu khu Định Tường, các Đại đội Địa phương quân của các quận Chân Thành, Bến Tranh, Cai Lậy (Tiểu khu Định Tường), Kiến Bình (Tiểu khu Mộc Hóa) và các Trung đội Nghĩa quân án ngữ. Cùng làm nổ lực chính với Tiểu đoàn Địa phương quân là Chi đoàn 3/2 Thiết quân vận của Thiết đoàn 2 Kỵ binh, và cuối cùng ông cũng ráng "chạy" được một đơn vị trừ bị phòng khi bất trắc là một Tiểu đoàn của Trung đoàn 14 Bộ binh.

Với "tay nghề" của Đại tá Biết quả đây là một cuộc hành quân phối hợp nhịp nhàng. Hôm cuộc hành quân khai diễn, cái hùng khí uy dũng của một Liên đoàn trưởng Biệt động quân, của một Trung đoàn trưởng trở lại xuất hiện trên gương mặt ông trong giọng nói của ông, oai phong lẫm liệt, lệnh lạc chắc nịch gọn gàng. Và đơn vị Pháo binh của tôi, với một thâm tình đặc biệt đã hết lòng yểm trợ cho cuộc hành quân này, tất cả các mục tiêu và dọc theo các trục tiến quân đều được anh em chúng tôi đặt các hỏa tập tiên liệu, làm yếu tố tác xạ sẵn sàng, riêng về đạn dược cũng được Pháo đội chuẩn bị tối đa.

Tuy nhiên, trong suốt 4 ngày hành quân, các đơn vị tham chiến chỉ đụng độ lẻ tẻ với du kích, vớt "vịt đẹt" cùng khoảng được chục tên với bốn năm khẩu CKC bá đỏ.

Sau khi cuộc hành quân chấm dứt, gặp anh em tôi ông than:

- Số tao chưa hết xui, mở được cuộc hành quân thì tụi Huyện đội với Tỉnh đội trốn đâu mất biệt!

Vài tuần sau thì Pháo đội tôi được lệnh tăng phái cho Sư đoàn 7 sang Kiến Hòa, Mỏ Cày hành quân, rồi xuống quận Hòa Đồng, chợ Gạo... Vài tháng sau trở lại căn cứ Long Định thì Đại tá Biết đã rời nơi này, nghe nói ông trở về binh chủng Biệt động quân làm Liên đoàn trưởng.


***


Em trai tôi và Tiểu đoàn 424 Địa phương quân

Khi Pháo đội trở lại chiếm đóng căn cứ Long Định lần thứ hai thì Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Chiến thuật Tiền Giang là Trung trá Tri. Dù tên tuổi ông cũng vang lừng, tuy nhiên ông không được cái tướng oai phong như Đại tá Biết, ốm yếu hơn, hiền hậu hơn, trông ông có vẻ nho nhã như một nhà giáo. Khi được biết tôi là dân Mỹ Tho và ba tôi là Chủ tịch Hội đồng tỉnh Định Tường, ông vui vẻ xưng anh với tôi và gọi tôi bằng tên:

- Thỉnh thoảng anh hay ghé thăm bác Học - ba tôi - Bác có kể về Sơn, hôm nay anh mới biết em, mấy lần bác Bửu về Mỹ Tho anh cũng có đến thăm (ông Trần Quốc Bửu, Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam).

Cũng giống như trước đây, bộ chỉ huy của Trung tá Tri cũng buồn tẻ vắng tanh, riêng Trung tá Tri thì lại không vui vẻ ồn ào như Đại tá Biết, nên không khí còn có vẻ ảm đạm hơn.

Một hôm lái xe qua thăm ông, ông cho biết đang trông coi một thằng con lớn đang hoạt động trong vùng do sự điều động của Tiểu khu Định Tường: Tiểu đoàn 424 Địa phương quân.

Ông có vẻ bực bội:

- Thả quân vào cả hai ngày rồi mới giao lại cho Bộ chỉ huy Chiến thuật trông coi, giống như trên trời rớt xuống !

Nghe tên Tiểu đoàn Địa phương quân, tôi hỏi lại ông cho rõ:

- Trung tá nói Tiểu đoàn 424 phải không ?

- Đúng 424 đóng ở bót Phủ Phát Chợ Cũ.

Lòng tôi rộn lên một chút lo âu:

- Tiểu đoàn của thằng em tôi đó Trung tá, nó là đại đội trưởng Đại đội 2.

- Có phải thằng gì ở Sư đoàn 5 mới đổi về không ?

- Dạ đúng Trung tá, tên nó là Tốt em trai kế tôi.

- Anh có nghe bác Học nói về cậu đó, cũng lì lắm !

Em trai tôi sinh năm 1945, lúc gia đình tôi rời thành phố Mỹ Tho tản cư vô xã Đạo Thạnh bên kia rạch Bảo Định - khi đó còn có tên Arroyome de la Poste - để tránh máy bay Đồng minh oanh tạc các căn cứ Nhật chung quanh thành phố và tàu bè Nhật trên sông Cửu Long. Khi Tốt sinh được vài ngày thì ba tôi từ giã gia đình theo tiếng gọi của Phong Trào Thanh Niên Tiền Phong vô bưng theo kháng chiến. Chính vì sinh ra trong thời điểm đó nên Tốt không có được những cái may mắn như những anh chị em khác, nội cái tên thôi cũng đã là một cái thua thiệt rồi. Má tôi kể lại, chưa đầy tháng Tốt đã lên cơn cử sốt rét, rên ư ử như con chó con trong nôi, không có sữa nên uống toàn nước cháo quậy với bột "ký ninh"...

Tôi không nhớ em tôi đi khóa mấy Thủ Đức, chỉ biết lúc đó Thủ Đức chật cứng nên chuyển một số sinh viên sĩ quan ra Nha Trang học. Ra trường, Tốt về Sư đoàn 5 Bộ binh, ngày Tốt lập gia đình với một cô giáo người Huế tại Phước Long chỉ có ba má tôi và một đứa em gái đi máy bay vô thị xã Phước Bình để lo đám cưới, ngoài ra anh em bà con họ hàng không có lấy một ai.

Khi thuyên chuyển về Tiểu khu Định Tường, vì biết Tốt là con của ba tôi - Chủ tịch Hội Đồng Tỉnh - nên Tiểu khu giữ lại làm Sĩ quan Phụ tá phòng 4, chưa được hơn tháng thì Tốt xin ra tác chiến lại, làm Đại đội trưởng Đại đội 2 Tiểu đoàn 424 mà trong gia đình không ai hay biết...

Sau khi nghe Trung tá Tri nói có Tiểu đoàn của em tôi hoạt động bình định trong vùng, tôi lại bản đồ phối trí hành quân treo trên tường thấy vùng hoạt động của Tiểu đoàn 424 ngoài tầm tác xạ pháo binh tại căn cứ Long Định, kể cả tầm 15 cây số của Trung đội 155 ly Tiểu đoàn 70 Pháo binh.

Tôi nói với Trung tá Tri:

- Sao để Tiểu đoàn này hoạt động xa quá vậy Trung tá, ngoài tầm tác xạ pháo binh, lỡ bị chạm địch lấy gì yểm trợ hỏa lực.

- Tiểu khu chỉ nó đi đó chớ có phải anh đâu !

Tôi ngao ngán và lo âu.

Đêm đó tình hình trong đêm các nơi đều vô sự.

Sáng hôm sau tôi lại lái xe qua Bộ chỉ Huy Chiến thuật để theo dõi Tiểu đoàn 424 hoạt động, tới gần trưa thì Tiểu đoàn báo cáo bắt đầu chạm địch lai rai. Tiếng của Thiếu tá Tường Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 424 nói với Trung tá Tri đại khái:

- Có dấu hiệu địch đang bám sát và bao vây, xin Bộ chỉ huy Chiến thuật báo cáo với Tiểu khu Định Tường để xin không yểm.

Trung tá Tri dùng điện thoại nói chuyện với

Trung tâm hành quân Tiểu khu để xin yểm trợ, Tiểu khu nói sẽ trình lên Quân đoàn.

Khoảng giữa trưa thì Tiểu đoàn báo chạm địch mạnh ở nhiều hướng và chắc chắn đang bị bao vây, xin yểm trợ và tiếp viện gấp. Tiếng báo cáo xen lẫn với tiếng súng nổ vang dội trong máy truyền tin làm tôi muốn run lên, tôi lo cho em trai tôi đang lọt trong vòng lửa đạn, trong khi trong tay tôi đang chỉ huy một căn cứ hỏa lực hùng hậu mà đành bó tay không yểm trợ được cho em mình.

Nhìn lên bản đồ tôi thấy căn cứ Pháo binh Cai Lậy hiện do một Pháo đội của Tiểu đoàn 93 Pháo binh chiếm đóng có thể bắn với tới vị trí của Tiểu đoàn thằng em tôi, một ý nghĩ lóe sáng trong đầu, tôi cầm điện thoại xin tổng đài Sư đoàn, rồi xin Bộ chỉ huy Trung đoàn 14 Hành quân và xin nói chuyện với Đại tá Lê Trung Thành, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 14. Thật may mắn lúc đó ông có mặt tại Bộ chỉ huy Hành quân, tôi trình bày với ông là em ruột tôi đang làm Đại đội trưởng của Tiểu đoàn 424 mà Tiểu đoàn đang đụng địch mạnh mà ngoài tầm tác xạ của căn cứ Long Định, xin ông giúp cho Pháo đội 93 Pháo binh tại Cai Lậy (đang yểm trợ trực tiếp Trung đoàn 14) tác xạ yểm trợ giúp Tiểu đoàn 424 vì còn trong tầm. Vẫn với giọng nói ngọt ngào lịch sự cố hữu, ông vui vẻ chấp thuận liền và bảo sẽ ra lệnh Sĩ quan Liên lạc báo cho Pháo đội 93 Pháo binh lên máy yểm trợ ngay cho Tiểu đoàn 424 Địa phương quân.

Sau đó tôi dùng máy truyền tin của Trung tá Tri nói chuyện với Thiếu tá Tường, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 424 báo sẽ có Pháo binh tại Cai Lậy yểm trợ ngay cho anh, và tôi cho biết tần số và chỉ danh của Pháo binh Cai Lậy để hai bên liên lạc trực tiếp.

Vì Tiểu đoàn Địa Phương Quân không có Tiền sát viên Pháo binh đi theo nên đích thân Thiếu tá Tường vừa chỉ huy các đứa con mình vừa điều chỉnh tác xạ Pháo binh. Khi Pháo binh căn cứ Cai Lậy bắt đầu tác xạ yểm trợ, lòng tôi rộn lên một niềm vui khôn tả, hy vọng em trai tôi sẽ được an toàn.

Độ một tiếng đồng hồ sau, Tiểu khu Định Tường cho Trung tá Tri biết đã xin được Chi đoàn 3/2 Thiết quân vận vào vùng để tiếp ứng cho Tiểu đoàn 424 Địa phương quân, đồng thời mấy phi tuần khu trục cũng sắp sửa vào vùng để yểm trợ, tôi muốn rớt nước mắt trước những tin vui trên.

Khoảng 3 giờ chiều, trước hỏa lực yểm trợ của Pháo binh căn cứ Cai Lậy và các phi tuần khu trục, Việt cộng bắt đầu đoạn chiến và rút lui khi thấy Chi đoàn 3/2 Thiết quân vận hùng hổ tiếp ứng vào chiến trường.

Đến 6 giờ chiều Chi đoàn 3/2 với Tiểu đoàn 424 tùng thiết ra đến Quốc lộ gần Cai Lậy, từ Long Định tôi lái xe lên đón em trai tôi, anh em gặp nhau mừng vui trong nước mắt. Dù được yểm trợ và tiếp ứng kịp thời, Tiểu đoàn 424 cũng thiệt mất một Đại đội trưởng và mười mấy binh sĩ.

Tối đó tôi chở Tốt về thẳng hậu cứ Tiểu đoàn 424 dưới chợ cũ Mỹ Tho, sau khi sắp xếp công việc Đại đội, tôi cùng Tốt quành về nhà ba má tôi ở đường Đinh Bộ Lĩnh. Sau đó tôi gọi máy về Pháo đội ở Long Định bảo làm Công điện về Tiểu đoàn báo tôi đi phép đặc biệt 4 ngày, giao công việc Pháo đội cho Trung úy Tòng, Pháo đội phó, đồng thời tôi gọi máy về hậu cứ Vĩnh Long nhờ chở bà xã tôi cùng các con qua Mỹ Tho thăm ông bà nội ngay ngày hôm sau.

Cả nhà mở tiệc ăn mừng em trai tôi thoát nạn, tuy nhiên nhìn khuôn mặt của Tốt có một vẻ gì làm tôi không yên tâm. Tôi đem điều đó nói cho nhà tôi biết, bà xã tôi trấn an:

- Tại anh thương Tốt rồi lo vậy thôi, chớ không có gì đâu. Gia đình mình ăn ở hiền lành cả tỉnh ai cũng thương, Trời Phật ông bà sẽ phù hộ che chở cho tất cả.

Khi hai anh em gặp riêng, tôi nói với Tốt:

- Vùng này Việt cộng nó đánh hỗn lắm, nhất là địa thế chằng chịt ruộng vườn kinh rạch, em phải thật cẩn thận khi đi hành quân.

Tốt cười nhẹ:

- Đừng lo anh, hồi ở Sư đoàn 5, em đối đầu với tụi chính quy Bắc Việt hung dữ gấp nhiều lần còn chưa sao. Có điều ở Địa phương quân thì phương tiện yểm trợ yếu quá, kỳ này cũng may có anh lo nên Pháo binh Cai Lậy tác xạ yểm trợ kịp thời cho Tiểu đoàn em.


***


Mấy ngày phép ngắn ngủi qua mau, tôi trở lại căn cứ Long Định với những cuộc hành quân khác, tháng 9/73 khi Pháo đội vào đóng trong căn cứ khu Trù mật Hậu Mỹ, tôi được lệnh bàn giao Pháo đội cho Tòng vừa thăng cấp Đại úy để đi học khóa Pháo binh Cao cấp.

Đang học giữa khóa, một hôm được điện thoại của anh tôi đang là Liên đoàn trưởng Liên đoàn Khóa sinh của Trung tâm Huấn luyện Không quân Nha Trang gọi vào báo Tốt đã tử trận! Những gì tôi lo sợ đã đến với em trai tôi.

Được biết Tiểu đoàn 424 đi giải cứu một đồn Nghĩa quân cấp Trung đội đang bị Việt cộng bao vây tấn công tại Ấp Bắc Sơn gần Ngã Ba Cái Bè, Tiểu đoàn 424 đã đánh tan Đại đội Việt cộng này, giải tỏa được đồn Nghĩa quân thu được nhiều vũ khí. Số vũ khí tịch thu đã được trực thăng đến chở về triển lãm ở Mỹ Tho cho đồng bào xem, Tiểu đoàn tiếp tục ở lại để xây dựng lại đồn bị hư hại nặng. Hai đêm sau khoảng một Trung đoàn Việt cộng đến tấn công vị trí đóng quân của Tiểu đoàn 424, đến sáng thì Tiểu đoàn tan rã, riêng vị trí Đại đội 2 của em trai tôi cùng Bộ chỉ huy Tiểu đoàn đóng bên trong vòng đai đồn, cuối cùng cũng bị đánh bứt, Thiếu tá Tường tử trận, em trai tôi đã ở lại dùng đại liên M60 bắn cản hậu cho những người lính cuối cùng chạy thoát khỏi vòng vây, sau đó đã bắn vào đầu tự sát.

Ngày hôm sau, Sư đoàn 7 Bộ binh mở cuộc hành quân vào giải tỏa, Hương, em dâu tôi, cô giáo Huế ở tỉnh Phước Long ngày nào đã lặn lội theo toán quân vào lấy xác, tìm được em trai tôi đang gục đầu dưới giao thông hào ngập đầy vỏ đạn đại liên, tay phải còn nắm chặt khẩu colt 45...


***


Chiến tranh đã chấm dứt gần ba mươi năm, nhưng những hình ảnh bi thảm lẫn kiêu hùng của cuộc chiến đâu dễ gì nguôi ngoai. Làm sao tôi quên được khuôn mặt rắn rỏi của Thiếu tá Châu Ngọc Sanh, sau trận phản kích tuyệt vời vào căn cứ Long Định thăm Pháo đội tôi, để rồi mấy tháng sau đó vĩnh viễn ra đi bỏ lại chiến hữu bỏ lại bạn bè.

Làm sao tôi quên được nụ cười gắng gượng của em trai tôi sau cuộc hành quân ở Ấp Bắc, lần gặp gỡ sau cùng của hai anh em, để rồi mãi mãi chia lìa, mãi mãi em tôi trở thành người của thiên cổ.

Sanh và em trai tôi chỉ là muôn một trong hàng trăm ngàn anh hùng đã ngã xuống trên mảnh đất thân yêu.

Hỡi những người còn sống sót trong cuộc chiến khốc liệt đã qua, nếu không còn nhớ đến những người đã nằm xuống, những người đã giúp tô thêm sao, đã giúp nở thêm mai vàng mai bạc trên cổ áo, thì cũng xin đừng phản lại họ, đừng phản lại bạn bè, đừng phản lại chiến hữu anh em, đừng phản lại với lý tưởng tự do đã canh cánh mang theo cả một đời người.

Uyên Sơn

Lập Đông 2004
( Trích tuyển tập Cái Chết Của Một Dòng Sông - Xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2009 )

KQ_NT
05-31-2012, 01:50 PM
"...Mấy ngày phép ngắn ngủi qua mau, tôi trở lại căn cứ Long Định với những cuộc hành quân khác, tháng 9/73 khi Pháo đội vào đóng trong căn cứ khu Trù mật Hậu Mỹ, tôi được lệnh bàn giao Pháo đội cho Tòng vừa thăng cấp Đại úy để đi học khóa Pháo binh Cao cấp.

Đang học giữa khóa, một hôm được điện thoại của anh tôi đang là Liên đoàn trưởng Liên đoàn Khóa sinh của Trung tâm Huấn luyện Không quân Nha Trang gọi vào báo Tốt đã tử trận! Những gì tôi lo sợ đã đến với em trai tôi.>>>"

Thời điểm này (1973) Liên đoàn trưởng Liên đoàn Khoá sinh ở TTHLKQ là Tr/t Tôn Thất Lăng. Tác giả là em Tr/t Lăng ?

Longhai
05-31-2012, 02:04 PM
Cám ơn KQ_NT
Năm 1971 ( lúc tôi đang hoc ) Liên Đoàn Khóa Sinh, thuộc TTHLKQ/NT là
Đại Úy ẨN. Sau này tôi không biết