PDA

View Full Version : Đêm Cuối Cùng



Longhai
05-31-2012, 01:31 AM
Đêm Cuối Cùng

hoanghaithuy

Như mới hôm qua mà thời gian đã qua gần 30 năm. Khoảng tháng Hai, tháng Ba năm 1984 ông đàn anh của tôi là ông Cao Hữu Ðính cho tôi biết “ta” mới có Ðài Phát Thanh. Lúc đầu một số người miền Trong vô tình bắt được tiếng nói của Ðài này trên radio. Tin truyền vào Sài Gòn. Cái radio Sony sập sệ của tôi bắt được ngay Ðài này. Chúng tôi gọi đó là Ðài Phát Thanh Hoàng Cơ Minh.

Chúng tôi biết Ðài đặt ở vùng biên giới Thái-Lào. Ðài phát thanh một ngày 5 lần, mỗi lần 60 phút. Ðài dùng bande thu sẵn, hai ba ngày thay một bande, bài đọc toàn là bài bình luận, không có tin. Ðài khó bắt nhưng tiếng nghe rõ.

Nhưng chỉ thế thôi cũng làm cho nhiều người Sài Gòn – trong số có anh Cao Hữu Ðính và tôi – nức lòng, phấn khởi, hy vọng. Từ lâu chúng tôi mong đợi quân ta từ nước ngoài trở về chiếm lại đất nước. Trước khi quân ta về ít nhất quân ta phải có Ðài Phát Thanh. Nay quân ta đã có Ðài Phát Thanh, chúng tôi không mừng sao được.

Ðài Hoàng Cơ Minh phát thanh được khoảng 2 tháng thì bị bọn Cộng phá sóng. Ðài vẫn phát thanh nhưng dân Sài Gòn không còn nghe được tiếng nói của Ðài.

Năm 1987 tôi nằm phơi rốn trong Lầu Bát Giác Chí Hòa. Tù Chí Hòa được đọc hai tờ tuần báo Công An và Tuổi Trẻ. Một hôm tôi thấy tin và ảnh ông Hoàng Cơ Minh bị bắn chết đăng trên hai báo. Nhìn ảnh ông: bận quân phục xanh, nằm ngửa, có dòng máu ở thái dương, tôi ngậm ngùi nói với tên con rởm của tôi:

“Ông ấy về nước, ông ấy chết trong nước, từ nay tao gọi ông ấy bằng Ông.”

Tôi nói thêm :

“ Tao mà chạy thoát sang Mỹ, tao kiếm tiền, tao ăn chơi. Sức mấy tao về nước.”

Tháng Năm 2012, tôi đọc trong Hồi Ký “Vì Ngọn Cờ Vàng,” – Tác giả Ðinh Hùng Cường – một chương viết về “Ðêm Cuối Cùng của Ông Hoàng Cơ Minh ở Mỹ.” Tôi xúc động, tôi ngậm ngùi khi đọc những trang chuyện cũ này. Tôi mời quí vị cùng đọc.

VÌ NGỌN CỜ VÀNG. Hồi ký Ðinh Hùng Cường. Trích :

Ðêm cuối cùng với Ðô đốc Hoàng Cơ Minh..

Dù thế nào đi chăng nữa, việc ra đi bất ngờ của ông Minh cũng làm tôi choáng váng, tôi thương ông nên đã bỏ hết tị hiềm, hết lòng làm việc với Cụ Lũy để tạo một hậu phương vững chắc yểm trợ cho Ðô đốc Minh. Trong Ðại Hội Chính Nghĩa 1983 tôi đã gặp lại ông, với khí thế lúc bấy giờ, tôi chỉ có thì giờ chào hỏi, và giúp ông để lo công việc, nhưng chuyến về lần này của ông Minh, thì mọi việc đã khác, khí thế, và hào quang cuả Ðại Hội Chính Nghĩa đã không còn nữa, cả một công việc to lớn với lòng kỳ vọng của đồng bào và cô bác cho tổ chức Mặt Trận của ông Minh đã bị vẩn đục.

Ðô đốc đã về D.C. năm 1983 với biết bao huy hoàng, biết bao chào đón, tiền bạc yểm trợ, lòng thương yêu ông, thương yêu Mặt Trận lên cao dộ. Ngay cả Ðài CBS là một đài truyền hình lớn nhất, mạnh nhất của nươcù Mỹ cũng lên Evening News nói về Mặt Trận, mật khu của ông Minh.

Nhưng đầu năm 1987 này, Ðô đốc trở về DC trong đơn côi và buồn thảm. Những người trí thức, đã theo ông một thời, đi dự họp báo, đi đây đi đó, một điều thưa ông chủ tịch, hai điều thưa ông chủ tịch nay những vị trí thức này, tuy vẫn ở đây, nhưng đã không thấy nữa, có chăng chỉ còn anh em chúng tôi, những người một lòng thương yêu, xót xa ông.

Chúng tôi gồm Ðô đốc Hùng, Thái, Cường lớn (là tôi), Cường nhỏ chồng Diệp, Dr. Nguyệt Nga, Liêm, Long Ðinh, Tuyên, Diệp và ba chị em Phương, Quyên, và Hân, chúng tôi tụ tập đón ông Minh ở nhà Thái.

Ðô đốc Minh về đây để giải độc vụ ông Nguyễn Xuân Nghĩa, người mà ông Minh yêu mến cho là có tài viết những bài bình luận phóng về trong nước tạo rối loạn cho chế độ Cộng Sản, nay ông Nguyễn Xuân Nghĩa bị ông Phạm Văn Liễu tố cáo là cháu của Tổng bí thư VC Nguyễn Văn Linh.

Vụ cách chức ông Phạm Văn Liễu, và thay ông Liễu bằng ông Nguyễn Kim Hườn, biệt hiệu là Nguyễn Kim, làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hải ngoại. Chuyện này đã phân hoá nội bo Mặt Trận, và gây sôn sao đồng bào hải ngoại không ít.

Cuộc chuyện trò trong tình thân đến đêm thì Ðô đốc Hùng, các anh em trẻ chào từ biệt Ðô đốc Minh. Tôi ở lại nhà Thái, Thái và tôi thức suốt đêm nói chuyện với Ðô đốc Minh. Ðô đốc Minh đã tâm sư với chúng tôiï, ông nói đến những khó khăn trong việc tuyển mộ người và những tính xấu của những đoàn viên mới tuyển mộ được ở trong chiến khu. Phải mất rất nhiều thì giờ để sửa đổi, và huấn luyện họ rất chật vật trước khi có thể giao công tác cho họ.

Kế đến là chuyện đài phát thanh kháng chiến, đài đã phát thanh đều đặn về quốc nội, kêu gọi đồng bào tham gia kháng chiến chống lại bạo quyền Cộng Sản. Ông Minh đã vạch ra con đường đi trước mắt, đầy chông gai, và khó nhọc. Ông cương quyết, đã dấn thân thì phải có bổn phận làm tròn công việc.

Tôi và Thái lo ngại cho ông Minh về những chuyện trưóc đây ông Võ Ðại Tôn đã mắc phải và đã bị Việt Cộng bắt sống. Tôi thấy Ðô đốc Minh tự tin và hơi tự phụ khi bày tỏ quan điểm về trường hợp ông Võ Ðại Tôn, điều này tôi chưa bao giờ thấy ở nơi ông, một người cẩn trọng đắn đo trong mọi vấn đề.

Ông nói với tôi và Thái :

“Thật là một điều tôi không hiểu nổi. Ðã đem thân về nơi miệng cọp, mà thiếu điều nghiên, thiếu tổ chức, để cho địch bắt sống thì thôi thật là hết biết nói. Tổ chức của tôi rất thận trọng, và chắc chắn là chuyện đó sẽ không xảy ra.”

Tôi nghe ông nói mà lòng bỗng dưng nổi lên một niềm e ngại, cách phát ngôn lạ thường của ông Minh làm tôi nghĩ đến những điều chẳng lành sẽ xảy ra cho ông khi ông về nước, nhưng tôi không dám nói ra lời.

Ðêm càng khuya, ông càng thân thiện, ông mở toang cánh cửa đấu tranh khó khăn không cần dấu diếm, không dùng lý luận, bằng lời chân thật, ông đã nói nhận định của ông về Nguyễn Xuân Nghĩa, về Phạm Văn Liễu, về Nguyễn Kim, và những người chúng tôi không biết ở trong chiến khu..

Năm xưa tôi đã sống thân tình với ông, cận kề bên ông ngày đêm, năm tháng, trao đổi đủ thứ chuyện, đời tư, đời công, toan tính, và mưu cầu đại cuộc cùng ông. Chưa bao giờ tôi thấy ông thân mật, cởi mở như đêm nay. Phải chăng ông đã nhìn thấy con người tôi, yêu ông và trung thành với ông. Tôi đã xả thân giúp ông gây dựng hai lực lượng đáng kể là Quân Nhân Việt Nam Hải Ngoại và Quân Dân Việt Nam Hải Ngoại để làm bàn đạp cho ông bước lên thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Rồi tiếp theo, ông đã về lại đây vùng D.C. (1983) này với bao huy hoàng rực rỡ.

Tôi không gia nhập tổ chức của ông, nhưng sau lưng ông tôi vẫn âm thầm làm việc xâm mình chết bỏ, giúp cho Ðại Hội Chính Nghĩa Thành Công vượt bực. Với vị trí của ông lúc đó, thì bao nhiêu việc lớn của ông, ông không cần nhờ cũng có nhiều người tình nguyện giúp, như tìm gặp Dan Rather, người Anchor Số Một của Ðài CBS để Dan Rather phỏng vấn ông.. và nhiều chuyện khác nữa.

Thế nhưng có những chuyện nhỏ của ông, ông không thể nhờ ai được ngoài tôi, ông vẫn điện thoại cho tôi làm tí này, làm tí khác, như chuyện ông cần làm bằng khen thưởng cho anh Huỳnh Lương Thiện, trong lúc đó máy vi tính còn quá thô sơ không thể in được, phải mua giấy căn-ke có chữ sẵn, dặt sấp, cà từng chữ, công việc rất chậm và kiên nhẫn này đã nhờ anh Nguyện hoàn thành, khi xong nó cũng thành cái bằng khen với chữ to, chữ bé như là in vậy, ông Minh trao bằng khen đó cho Huỳnh Lương Thiện, và nói bằng khen này được làm ở chiến khu.

Chưa hết, ông Trần Minh Công nửa đêm gọi phone cho tôi, nói là chiến hữu chủ tịch nhờ tôi vô phòng triển lãm lấy bộ đồ kháng chiến cho ông để ngày mai ông mặc đi họp, và ngay cả việc vợ con gia đình ông, ông cũng hỏi tôi, và tôi ío lần nói cho ông biết là người ông tìm kiếm đang ngồi nói chuyện với vợ tôi, và tôi đã đưa phone cho bà Minh để bà nói chuyện với ông vài câu. Vì bận công việc qúa ông không biết tìm vợ con ông ở đâu. Phải chăng ông đã nhìn thấy tấm lòng chân thật của tôi, khi ông trở lại sau đại hội chính nghĩa, không còn kèn trống nhưng vẫn còn nguời thương ông. Hay ông đã ngộ ra, đấu tranh phải giãi bày tấm lòng thành thật, mới thu hút được lòng người bền lâu mà ông thay đổi chăng ?.

Ðêm càng về sáng, tôi càng thấy ông Minh nói chuyện với chúng tôi thắm thiết, thành thật, ấm tình người. Tôi thấy gần gũi ông nhiều hơn, và tất cả những xung đột chính kiến giữa tôi và ông có từ nhiều năm trước hầu như tan biến trong đêm cuối cùng ấy, tôi không cần một cốc cà phê nào, mà tâm hồn tôi thoải mái, tỉnh táo hầu chuyện ông suốt một đêm dài. Tôi trộm nghĩ, nếu ông Minh chọn cách sinh hoạt như hiện thời với tôi, mà dùng trong nhiều năm trước, tôi tin rằng sẽ có rất nhiều anh em theo ông, theo đến cùng, trong đó có cả tôi.

Một chuyện lý thú mà Ðô đốc kể cho tôi và Thái nghe vào lúc gần sáng:

“ Nước Nam Hàn tổ chức một Hội nghị Phi Liên Kết, ban tổ chức mời nhiều nhân vật quốc gia tham dự, trong đó họ có mời ông Nguyễn Cao Kỳ, ông Phạm Văn Liễu và Ðô đốc Minh. Từ Thái Lan, ông Minh lên đường phó hội. Khi đến Hồng Kông, máy bay tạm ngừng tại đây, thì không hiểu sao Quan Thuế của Hồng Kông biết được, họ lên phi cơ xét passport của ông. Họ hỏi ông là “ passport ” của ông do quốc gia nào cấp ?

Ông Minh trả lời :

“Nước tôi. Việt Nam Tự Do.”

Việt Nam Tự Do không có trong danh sách quốc gia trên thế giới. Sổ Thông hành của ông do chính ông làm ra. Làm sao mà hợp pháp. Quan thuế Hồng Kông rất thông cảm và không tạo rắc rối. Họ nói với ông Minh là điểm đến của ông là Nam Hàn, họ sẽ không làm phiền gì ông cả, nếu ông không xuống đất, cứ ngồi trên tàu bay, cho đến khi máy bay cất cánh. Ông Minh là người nghiêm trang, ít khi đùa bỡn thế mà trong câu chuyện này ông đã kể cho tôi và Thái nghe với nét mặt vui tươi, thú vị. Không hiểu làm sao, tình báo của Cộng Sản Việt Nam biết được chuyện này. Bọn nó đã phản ứng dữ dội với chính phủ Nam Hàn. Áp lực mạnh mẽ của Cộng Sản Việt Nam đã gây trở ngại lớn cho ông Minh. Cảnh sát phi trường Nam Hàn không cho ông Minh xuống máy bay, họ giữ ông ở phi trường để tống xuất ông Minh về Thái Lan. Khổ nối, vì ông tự làm lấy sổ thông hành, mà sổ thông hành này không được quốc tế công nhận. Bây giờ ông Minh cũng không có giấy nhập cảnh Thái Lan, và chắc chắn, khi về đến Thái Lan thì tình trạng ông Minh cũng sẽ vẫn như thế này, không xuống đất được, vì không có giấy nhập cảnh Thái Lan.

Ông Minh cho biết, trong khi ông bị giam lỏng trên máy bay, thì ông Liễu, Tổng Vụ Trưởng của ông đến Nam Hàn từ nước Mỹ, không gặp trở ngại giấy tờ, và là nhân vật hợp pháp trong đại hội quốc tế này. Ôâng Liễu đã không hề đả động, hay thăm hỏi ông Minh lấy một lời, ông cứ lo vui chơi và đọc diễn văn, không quan tâm một tí nào về tình trạng của ông Minh. Trong khi đó thì ông Nguyễn Kim chạy đôn chạy đáo, vận động với chính phủ Thái để xin thủ tục nhập cảnh trở lại Thái Lan cho ông Minh. Rồi việc ông Minh ăn uống trên tàu bay cũng do ông Kim lo lắng và cung cấp. Ông Minh rất căm hận ông Liễu đã bỏ rơi ông, trong khi ông bị muôn vàn khó khăn về thủ tục giấy tờ.

Trời đã sáng rõ, chúng tôi đưa ông Minh ra phi trường, ông sẽ đến một vùng nghe như Oklahoma để giải độc anh em về những nứt rạn của Mặt Trận.

Lúc đó ông Minh đã ở trên tuổi ngũ tuần (55 -56) gì đó, tôi thấy ông thật là một con người can đảm và chịu đựng, đổ vỡ không sờn, quyết chí và quyết tâm làm việc. Cả ngày hôm trước tôi không biết ông làm gì, nhưng buổi chiều hôm qua, và suốt đêm ông đã thức với tôi và Thái. Trưa nay, ông gặp một số anh em khác. Lại giải thích, lại nói chuyện hàn gắn một tổ chức, mà từ lúc mới hinh thành đã có nhiều khó khăn, lủng củng.

Ông Minh lạc lõng trong phi trường National nằm sát D.C. Hôm ấy ông bận bộ đồ đen, bộ râu trên khuôn mặt Á Ðông làm ông trông giống một nhà truyền giáo nhiều hơn là một lãnh tụ cuả một tổ chức lên đường đi Giải Phóng Quốc Gia Việt Nam khỏi chế độ tham tàn Cộng Sản.
Vừa đến Phi trường thì Ðô đốc sờ túi và hoảng hốt nói là ông quên mất cái kính trắng ở nhà Thái, thế là Thái phải lái xe về nhà lấy kính cho ông, trong khi tôi ở lại phi trường giúp ông đổi vé, chờ chuyến phi cơ sau, và ngồi ăn sáng với ông. Thái trở lại, chúng tôi ngồi thêm một lúc nữa rồi tiễn ông đi trong cái bắt tay thật chặt, nồng ấm và buồn khi phải xa ông.

Ðó là lần chót tôi gặp ông Hoàng Cơ Minh – đầu năm 1987 – và sau đó tôi nghe tin ông chết.


Ngưng trích VÌ NGỌN CỜ VÀNG.