PDA

View Full Version : Đứng Vững Không Lùi



Longhai
05-28-2012, 10:57 AM
ĐỨNG VỮNG KHÔNG LÙI



Có lẽ trại Tân Kỳ này trước đây đã xây dựng trên một vạt rừng. Trong sân trại còn một số cây cổ thụ còn sót lại. Ở cuối sân “ tập kết ” bên “ Tây Đức ”, trước cửa mấy lán tù có một cây đa cổ thụ. Cụ Nguyễn Du đã nói “ người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ”. Ở đây không những người buồn, ( một lũ tù nhân rạc rài đói cơm thiếu áo xác xơ như một lũ vượn người thời mông muội ) mà cây lá cũng buồn theo. Cây gì mà khẳng khiu, trơ trụi, không còn một chút màu xanh, chỉ có những rễ phụ nâu đen rũ xuống, trông giống như một ông già đầu râu tóc bạc đang đứng giơ tay chịu tội giữa trời. Xưa nay cây thường là một biểu tượng thuần hậu của thiên nhiên: cây cho lá cho hoa, cho bóng mát, cho nơi che chở, cho chim ca và gió hát. Ở đây thì ngược lại; cây đa già trơ lá trụi cành đang biểu tượng cho sự tàn bạo của con người và sự lạnh lùng của thiên nhiên khắc nghiệt. Lũ tù nhân chúng tôi ít khi dám ra chơi dưới gốc cây đa. Những cái rễ ngoằn ngoèo nổi lên sần sùi trông giống như một đàn trăn gió đang rình mồi, những hốc tối mò làm liên tưởng đến hang ổ của lũ cáo, chồn, rắn rết, nhưng điều chúng tôi ngại nhất là bên gốc cây đa này nghe nói đã có hơn một người tù treo cổ chết. Người tù treo cổ thường thiêng lắm. Tiếng bình dân gọi là “ có hương ”. Con ma treo cổ thường dẫn dụ một người nào khác kết liễu cuộc sống giống như mình để oan hồn uổng tử kia được đầu thai kiếp khác.

Hôm ấy vào khoảng cuối tháng 3 năm 1983. Trời dù đã cuối Xuân nhưng cái lạnh miền bán sơn địa vẫn còn buốt giá. Như thường lệ buổi sáng các đội ra sân tập kết ngồi xuống, đợi điểm danh xuất trại đi làm. Chợt một tiếng thét thất thanh vang dậy, phát ra từ cuối sân tập kết, phía cây đa. Mọi người nhìn lên, một bóng người đang đứng trên chạc ba của cây đa trụi lá, vươn cổ ra hò hét : “ Tộ cha bây. Bây hại dân hại nước. Bây hại con tao, hại vợ tao. Tộ cha bây, bất nhân, vô hậu...”. Cán bộ trực trại vội vàng đi lại gốc cây đa, giơ tay quát nạt “ Anh kia, anh chửi aỉ ” - “ Tao chửi bây, chưởi tộ cha tụi bây ”. Một công an bảo vệ xách carbine chạy tới, kéo “ cu lat ” loạch xoạch. “ Anh kia, xuống ngay ”. Một phát súng nổ vang lên; mọi người giật mình nhưng nhìn lại, đó chỉ là phát súng chỉ thiên, bắn dọa... Người đứng trên cây, nhìn kỹ, cổ đã quàng sẵn vào một sợi dây thừng buộc vào một cành cây cao cạnh đó. Người đó nói như thét : “ Bắn cho tao một phát đi, tao khỏi thắt cổ ”. Cán bộ trực trại giơ tay, anh công an bảo vệ hạ carbine xuống. Người đứng trên cây tiếp tục chưởi bới, tiếp tục hò hét, trong khi cán bộ trực trại hấp tấp đi ra trước sân tập kết, vội vã thổi còi ra lệnh xuất trại gấp. Tù nhân vừa xúc động vừa tê điếng trước phản ứng bất ngờ của một bạn tù. Các đội hôm nay được ra khỏi trại rất mau, rất vội. Trại không muốn các tù nhân ở lại nghe những lời chửi rủa tận từ kia. Anh em xì xào “ Ai đấy nhỉ ? ” - “ Nghe như tiếng Th. thiếu tá địa phương quân người Huế hay Quảng Bình, Quảng Trị ” - “ Đúng hắn rồi còn ai nữa, nghe đâu ít lâu nay hắn bị tâm thần ”.

Các đội tù xuất trại hết rồi. Sân tập kết trở lại vắng người, im vắng. Tiếng chưởi rủa của thiếu tá Địa Phương quân Th. vẫn còn róng rả : “ Tộ cha bây, bây giết con tao ”. Mấy tên làm việc trong trại như đội “ nhà cầu ” tụi tôi vẫn tiếp tục làm việc nhưng không ngớt băn khoăn, lo lắng cho người bạn tù đang nổi cơn điên loạn. Ông bạn đồng nghiệp nhà cầu, Đại Đức Như L. cho hay “ Tội cho anh ta lắm. Anh ta đi tù cải tạo mà con trai mới lớn lên ở nhà lại phải đi ‘ nghĩa vụ ’ sang Campuchia. Anh vừa nhận tin con trai anh mới chết; chết mà không mang được xác về. Vợ anh ta là cô giáo, nghèo sát ván, ngất đi khi nhận được tin con và từ đó bịnh luôn. Đi làm lương không đủ nuôi con, làm gì có quà cáp cho chồng nữa. Th. lâu nay là con bà phước. Ở nhà vợ anh ta ốm nặng, đứa con gái phải nghỉ học ở nhà nuôi mẹ, nuôi em. Đứa em trai út khốn thay lại bị bệnh tâm thần ngớ ngẩn. Cả nhà bây giờ trông vào một cô con gái mới đâu 15, 16 tuổi. Đêm nằm anh Th. thường ú ớ gọi vợ, gọi con... Anh ta vẫn đi làm được, không ngờ sáng nay anh ta lại phản ứng bất thường như vậỵ..”

Anh Th. vẫn đứng trên cây, vẫn chửi bới, hò hét. Nhưng tiếng chửi bới, hò hét thưa dần vì không còn “ đối tượng ”. Vào khoảng 9 giờ sáng, trại trưởng Trung tá công an T. mới từ từ đi tới gốc cây đa nói : “ Anh Th., có chuyện gì xuống đây tôi giải quyết ”. - “ Bắn cho tôi một phát đi, tôi không xuống ”. Thấy không xong, trại trưởng liền đi vào trong lán tù. Hình như y đi tìm một người nào đó. Tôi được nghe nói là Trung tá công an đi tìm đại úy Biệt Kích Dù Nguyễn Hữu Luyện. Trời đã gần đứng bóng. Anh bạn tù nổi cơn điên vẫn đứng trên cây, cổ quàng sẵn vào một vòng dây thừng oan nghiệt. Chợt có một bóng người cao lênh khênh đi ra đứng dưới gốc cây đa. Đó là Nguyễn Hữu Luyện. Hai người đứng nói chuyện gì với nhau không rõ. Nhưng sau đó người tù nổi cơn điên Th. tháo bỏ cái vòng dây oan nghiệt ra khỏi cổ, và từ từ trèo xuống. Nguyễn Hữu Luyện đỡ người bạn tù bước xuống đất và dìu anh ta vào trong lán. Không biết người thủ lãnh Biệt Kích Dù đã nói những gì, đã làm thế nào để cho người tù khốn khổ kia trở lại với cuộc đời.


o0o


Những ngày tiếp theo đó cả trại Tân Kỳ nín thở theo dõi hậu quả đến với người tù cựu Thiếu tá Địa Phương Quân. Hậu quả đầu tiên là biên chế lại. Tù đội này đổi sang đội kia, từ lán này sang lán khác. Giản bớt khu “ Tây Đức ”. Cho một số đội sang khu “ Đông Đức ”. Mỗi lần biên chế là mỗi lần trại phá bỏ những khuôn sinh hoạt tinh thần cũng như vật chất của tù gây dựng được trong những tháng ngày qua. Đội mới, chỗ mới, bạn mới. Cái thân quen vừa tạo lập đã mất đi. Chủ trương của trại tù là luôn luôn bắt tù nhân ăn ở trong một tình trạng tạm thời, nghi ngờ, bất trắc.

Sau vụ biên chế này, tôi vẫn làm công tác nhà cầu nhưng không ở cùng lán với Nguyễn Hữu Luyện nữa. Ba ngày sau, một chuyến xe GMC ( lấy được của miền Nam ) chở một số tù mới đến trại Tân Kỳ. Tôi vội chạy ra xem có gặp lại người quen ? Tưởng bạn tù nào xa lạ, hóa ra toàn là bạn cũ. Đây là chuyến xe chở một số các linh mục tuyên úy Công giáo từ trại Bình Đà ngoài Bắc đổi trại vào miền Trung. Các bạn tù linh mục này năm ngoái tháng 4, 1982 đã từ biệt tụi tôi ở trại Thanh Phong ra Bắc. Tôi gặp lại bạn cũ, đội trưởng đội rau kiêm đội trưởng văn nghệ nghiệp dư, linh mục Nguyễn Quốc T. Chúng tôi ôm lấy nhau, linh mục Nguyễn Quốc T. nói “ Xã hội tù xoay chuyển vòng tròn. Mình lại gặp nhau ở đây, mừng quá ”.

Nhưng cái mừng của người bạn cũ không được lâu. Ngày hôm sau ( tôi nhớ là ngày 23 tháng 3, 1983 ), chuyến xe GMC lại chở một số tù từ trại Tân Kỳ đi nơi khác. Trong số 33 người tù di chuyển kỳ này có tên tôi. Chuyến xe đi vội vã. Ngồi trên xe chật cứng, tôi giơ một bàn tay vẫy vẫy. Từ biệt trại Tân Kỳ, từ biệt những người bạn tù đã cùng tôi trải qua một thời kỳ gian khổ. Tôi nhìn thấy trong lán tù ở lại có những bàn tay vẫy theo. Trong số những bàn tay tiễn biệt kia, biết đâu chẳng có bàn tay của người tù kiệt xuất Nguyễn Hữu Luyện. Tôi không được gặp lại các anh từ ngày ấy, đến nay thấm thoát đã 12 năm rồi. Xin những anh em tù cải tạo nào từng có mặt tại trại Tân Kỳ đầu năm 1983, hiện giờ ở hải ngoại tình cờ đọc đến những dòng này, nếu các anh được biết tin gì về người bạn tù khốn khổ của chúng ta Thiếu tá Th. Địa Phương Quân xin các anh vui lòng cho tôi được biết.

Đặc biệt về người tù kiệt xuất Nguyễn Hữu Luyện tôi lúc nào cũng nhớ anh, cũng cảm phục anh, nhưng có một điều tôi hứa với anh mà tôi không giữ được tròn. Một buổi sau khi anh cho tôi xem tấm hình con gái anh bữa lấy chồng, đang cúi lạy trước chân dung người cha đã khuất ( là anh ) tôi mới nói với anh rằng “ Sau này nếu có dịp tôi sẽ kể, sẽ viết ra chuyện này ”. Anh nắm tay tôi mà nói : “ Thôi đừng anh ạ, mình xét ra cũng chỉ làm nhiệm vụ của một người lính tình nguyện gia nhập cuộc chiến tranh bí mật. Quy luật của nó là thế thì mình đành phải chịu, thưa anh”. Nhớ lời nhắn nhủ của anh, nên mấy năm nay ở nước ngoài, có dịp viết đôi ba bài báo tôi đã muốn lắm, muốn được kể chuyện người tù kiệt xuất là anh và đồng đội của anh, những anh em Biệt Kích Dù bất khuất. Nhưng tôi cứ đắn đo e ngại mãi. Bây giờ tôi được biết rõ là anh đã tới Hoa Kỳ được một thời gian và anh đang đứng ra lo lắng cho một số anh em Biệt Kích Dù đồng đội của anh làm thủ tục xuất ngoại. Chuyện Biệt Kích Dù trên 30 năm cũ tưởng đã nằm im trong cát bụi lãng quên bây giờ đang được mở lại hồ sơ. Cho nên bữa nay tôi mới dám viết ít dòng này với tư cách của một người bạn tù cùng trại nói ra những điều tai nghe mắt thấỵ...

Phan Lạc Phúc