PDA

View Full Version : Họ Là Ai ?



Longhai
05-28-2012, 01:41 AM
Họ Là Ai ?


Ca dao Việt-Nam có câu :

" Trai khôn tìm vợ chợ đông.
Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân."

Trong văn học của Việt-Nam, cụ Nguyễn Công Trứ cũng có để lại :

“ Ví phỏng cuộc đời bằng phẳng cả
Anh hùng hào kiệt có hơn ai ”.

Xem ra anh hùng thường chỉ xuất hiện khi có vấn đề… Nhưng trong khi cái chính danh của anh hùng vẫn còn là vấn đề của tranh luận thì những hệ luận của nó lại đặt để những câu hỏi khác xa hơn, thậm chí còn được dùng để chứng minh cho chính danh của anh hùng. Có nhiều người đã nói rằng luận anh hùng không căn cứ trên thành công hay thất bại. Nhưng chính lúc thất bại là lúc để tỏ rõ khí anh hùng – vì trong chói lòa hào quang của chiến thắng, người nào mà chẳng vỗ ngực được để xưng anh hùng ?

Các chiến binh hải quân của Việt-Nam biết sẽ thua mà vẫn đánh quyết tử để giử gìn lảnh hải của Tố Quốc Việt-Nam là vì cái gì? Vào cuối tháng Tư năm 1975, trong giờ phút hấp hối của chế độ Việt-Nam Cộng Hòa, có người biết là đã bại rồi mà nhất quyết không chịu ra đi. Có người chịu chết chứ không đầu hàng thế mà danh lưu muôn thuở thì nghĩa anh hùng nào đâu phải dựa trên thắng bại? Cựu Phó Tổng Thống VNCH Trần văn Hương từ chối không chịu di tản theo lời yêu cầu của Đại Sứ Martin để chịu chết âm thầm trên quê hương mình. Các vị tướng, tá, binh sĩ VNCH - kẻ tự tử, người chiến đấu cho đến phút cuối để đến bị xữ tử là vì cái gì? - nếu không phải vì hai chữ anh hùng mà chính họ cũng chưa bao giờ tự nhận? Có chăng là do những người còn sống, hậu thế đã dành cho họ một vị trí trang trọng trong lòng dân tộc. Nhưng tại sao phải đánh đổi bằng cả sinh mạng, không phải chỉ của một người mà có khi còn liên lụy đến cả gia đình, giòng họ nhiều đời để chỉ cho hai chữ anh hùng? - hai chữ mà đối với một số người, cho những trao đổi thiệt thòi như thế chỉ là uổng công, phung phí, thậm chí là dại dột, ngu dốt! Ngay giờ đây, có bao nhiêu người quan niệm rằng nếu có người Việt-Nam nào thấy cần phải đương đầu với Trung Cọng thì chỉ là làm anh hùng dổm, anh hùng rơm ?

Không ai phê phán những người đã bỏ đi trong những giờ phút của cuối tháng Tư 1975. Nhưng không vì thế mà những người ra đi có lý khi chỉ trích những người ở lại là dại dột, hy sinh vô ích. Đã thế, giờ đây họ còn cổ động cho những người như họ hãy quên quá khứ để trở về hợp tác với nhà cầm quyền CSVN hiện nay - như là một chứng minh cho lòng yêu nước. Và đối với thế hệ kế tiếp, những người phần lớn không kinh nghiệm gì về CSVN, là môi trường tốt nhất để họ thuyết phục hãy vì quê hương mà phục vụ cho cái chế độ phi nhân này. Những người này, nếu họ cho rằng việc tháo chạy của ngày xưa là sai lầm như là vì một sự sợ hải vô lý thì những gì họ làm ngày nay sẽ hoàn toàn có nghĩa, dù khác chính kiến. Nhưng không ! Họ vẫn mang căn cước tị nạn, vẫn sống và phát triễn trên cái căn cước này. Thật ra họ là ai ? Trong Tâm Lý Học, người ta đã phân tích rõ ràng những kẽ phạm tội thường có xu hướng kéo theo kẻ khác cũng phạm tội như mình – như một chứng minh rằng những chuyện tội lỗi ấy là chuyện bình thường của con người, không phải chỉ riêng của họ. Tệ hại hơn nữa, không hiểu ví lý do gì, những hình ảnh tội phạm có khi lại được thấy dưới lăng kính của điện ảnh, trình bày như là một hình ảnh của lòng “ can đảm ” !

Bên cạnh những mập mờ trong hành động, họ mập mờ trong danh xưng để đồng hóa họ với những người tị nạn chân chính. Không đấu tranh trực diện, CS và tay sai bám vào người Việt hải ngoại như là một loại “ Ký Sinh Trùng ”. “Việt kiều ” theo định nghĩa giáo khoa là những kiều bào người Việt, những người Việt sống ở nước ngoài. Những người Việt tị nạn nhập quốc tịch Hoa Kỳ không còn là “ Việt Kiều ” nữa. Có chăng là vì trong lòng của những người Việt tị nạn, chính họ vẫn tự coi mình là người Việt. Đó là cái đẹp, cái cao quí của những người Việt tị nạn tha phương chứ không phải là người Việt cần được che chở bởi nghị quyết 36 của Bộ Chính Trị CSVN. Cái danh từ “ người Mỹ gốc Việt ” lại càng mù mờ hơn nữa. Trên phương diện pháp lý, không có gì khác biệt giữa người Việt tị nạn và cán bộ CS nằm vùng có cùng quốc tịch Hoa Kỳ. Vậy thì làm sao phân biệt được ai là CS? Vấn đề là người Việt tự do đang đứng ở vị trí nào ? Người CS lợi dụng tất cả những lảo đảo của người Việt Quốc Gia như là hoạt động có lợi cho họ thì người Việt tị nạn muốn đấu tranh cho một Việt-Nam tự do cũng phải hiểu những hoạt động nào có hại cho phong trào đấu tranh nói chung. Còn nếu như họ không thấy được thì dù với giải thích gì, chúng ta cuối cùng vẫn chưa đủ trình độ để đấu tranh với CS mà thôi. Một tổ chức mạnh là một tổ chức có đường lối hoạt động và cương lĩnh rõ ràng, có cán bộ trung kiên và dám hy sinh vì lý tưởng. Một đám đông rời rạc, phân hóa thì cũng chỉ như một bức tường xiêu vẹo mà lại mục nát bên trong, chỉ cần đạp nhẹ là đổ ngay lập tức. Trên mạng BBC, chương trình tiếng Việt tôi cũng có dịp đọc được một bài nói về một hoạt động có tên là Hiệp Hội Doanh Nhân Người Việt? Nếu những vị chủ tịch (vùng) của Hiệp Hội này quả là những người đã chụp hình chung với Thủ Tướng Việt-Cộng Nguyễn Tấn Dũng trong lần ông công du Hoa Kỳ năm rồi mà tấm hình đã được phát tán rộng rãi trên Internet thì những hoạt động của hội cho những “Người Mỹ gốc Việt ”, dù là phù hợp với cương lĩnh đã được giới thiệu, cũng cần được kiễm nghiệm bởi những “Người Mỹ gốc Việt” còn lại? Ván bài cũ, ván bài “vàng thau lẫn lộn” CSVN đem ra đánh lại mà vẫn còn hiệu nghiệm thì xướng máu của hơn 30 năm qua quả là vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh những người Việt mù lòa…

Gần đây, trước hiểm họa xâm lăng của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Quốc, một số người đã khéo léo lèo lái lòng yêu nước với thuyết phục người Việt-Nam hãy đứng sau lưng đảng CSVN để chống lại hiểm họa xâm lăng này. Họ cho rằng người Việt vẫn chưa trưởng thành để chấp nhận tiếp tục hà hơi tiếp sức cho sự cai trị độc tài và ngu xuẩn này? Lịch sử Việt-Nam đã chứng minh rõ ràng rằng, vì là một nước nhỏ và yếu, những cuộc chống xâm lăng từ phương Bắc của người Việt là cuộc chiến của một dân tộc phải biết bất khuất và phải cần sự đồng thuận của toàn dân. Trước những khiếp nhược đến độ hèn hạ của lảnh đạo CSVN mà chứng cớ còn cho thấy là cả một sự bán đứng tổ quốc thì CSVN không có và không thể tập hợp được sức mạnh nào. Trong ngấm ngầm, Trung Cộng đang lũng đoạn lảnh đạo CSVN để thao túng xã hội Việt-Nam. Trong lảnh đạo cho chính Việt-Nam, CSVN đang hủy hoại tất cả các sức mạnh của dân tộc như là nguy cơ chống lại chế độ của họ…Cho nên CSVN không còn là đại diện cho người Việt-Nam nữa. Ngược lại, chính họ là mầm mống của tại họa và để đủ sức chống lại xâm lăng của phương Bắc, việc làm trước tiên hết cả là phải thay đổi cái chế độ độc tài, phá hoại nhưng vô dụng và hèn nhác này.

Cũng gần đây thôi, khi chính phủ Hoa Kỳ chính thức những họat động để trở lại Đông Nam Á thì một số(?) chính trị gia tỏ ra đã thấy ngay cơ hội khuyến khích cọng đồng tị nạn hợp tác với nhà cầm quyền CSVN, nhất là mượn danh cho cơ hội để thúc đẩy dân chủ tại đây… Người Mỹ đã nói họ trở lại Châu Á là vì quyền lợi của họ. Tuần trước, cựu Tổng Thống Hoa Kỳ đến Hà Nội tuyên bố hợp tác Mỹ -Việt là một kế hoạch lâu dài... là hợp tác với ai? Diễn dịch khác đi là tự lừa dối mình rồi có ngày lại hờn oán người Mỹ không giữ lời hứa? Những hồ hởi và hoạt động cho sự trở lại này tại Việt-Nam, nếu chỉ vì quyền lợi của Hoa Kỳ thì cũng đã tạo thêm niềm tin cho lảnh đạo CSVN về uy tín và sự thừa nhận đó để họ thẳng tay đàn áp các hoạt động đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Việt-Nam - một hậu quả tức thì trái ngược với suy diễn của những người ủng hộ khuynh hướng này. Một số người khác, dù là nạn nhân của chế độ, chống đối nhà cầm quyền nhưng cuối cùng vẫn tin tưởng vào chủ nghĩa và lý tưởng cộng sản. Có một ông Tướng, một người hùng được dựng lên trong chế độ CSVN sau một trận đánh nổi tiếng đã để lại trong tự điển tiếng Pháp một động từ mới có tên là “Dienbienfuser”. Sau “Đại Thắng Mùa Xuân” năm 1975, ông này đã được sắp xếp để quản lý chương trình kiễm soát Sinh Đẻ Có Kế Hoạch của chính phủ Cộng Sản Việt-Nam, Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc! Có ai còn hoài nghi về sự hạ nhục lộ liểu này? Dù chỉ được đánh bóng để lợi dụng, huyền thoại về giá trị của người hùng Điện Biên Phủ này trở thành nghi vấn trong chính những đồng chí của ông ta về thái độ không mấy tự tin vào sự thành công của cuộc tiến công vào Nam. Và khi mà CSVN đã thật sự đặc chân lên được những bậc thềm của dinh Độc Lập ở Sài Gòn thì những ai đã không quả quyết từ đầu còn có giá trị gì? Một anh hùng, dĩ nhiên vẫn có thể bị bôi nhọ như tất cả mọi người khác. Vấn đề là thái độ của người đó đối với những bôi nhọ này: ông vẫn cung cúc tận tụy đóng góp ý kiến để mong đảng sữa đổi. Ông không muốn mất những huyền thoại mình đã có hay ông thật tin vào những tốt đẹp của chế độ mà mình đã lỡ hiến thân phục vụ cả một đời người ?

-----

Lần đầu tiên tôi biết đến ông Cao Quang Ánh là vào một buổi sáng ngay tại sở làm việc, khi khung hình nhỏ (một windows) của trang chính Yahoo.com đưa tin ông thắng cử Dân Biểu tại Tiểu Bang Louisiana. Dù hiểu được những khó khăn mà ông Ánh phải đương đầu tại một địa phương như vậy, tôi cũng không khỏi khó chịu khi nghe những lời bình luận nặng phần ác ý của giới truyền thông trước chiến thắng đột ngột nhưng không ngạc nhiên khi người ta so sánh ông với đối thủ Dân Chủ của ông. Những khó khăn cho ông có lẻ còn sâu xa hơn khi ông phát biểu (?) ông chấp nhận hy sinh sự nghiệp chính trị cho tiếng nói của lương tâm mình . Trong thực tế, ông đã biểu quyết ngược lại với khuynh hướng của chính đảng mình. Để minh bạch thế đứng của mình, ông đến hòa đồng với những người biểu tình chống chiến dịch văn công ở hải ngoại của cộng sản Việt-Nam, ngay sau vụ ông Lý Tống xịt hơi cay vào mặt một ca sĩ Việt-Cộng tại San José. Khi được yêu cầu làm trung gian để “hòa giải” những “ngộ nhận” của cọng đồng tị nạn, thái độ bất hợp tác, dứt khoát, gần như tạt gáo nước lạnh vào mặt những dụ dỗ của CSVN, ông đã không làm hài lòng với chính cái chính quyền và những ai đang muốn bắt tay với chế độ này. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi hai năm mà thường thì những chính trị gia đã phải bắt tay, ngay từ ngày đầu thắng cử, cho những quỷ vận động tranh cử nhiệm kỳ kế tiếp, ông lại dành quá nhiều thì giờ cho những hoạt động ngoại tiểu bang của mình mà cụ thể là những hoạt động cho người tị nạn chống cộng. Không mấy ngạc nhiên khi ông bị bỏ rơi bởi chính đảng của mình. Và rồi trong những tuần cuối cùng trong chức vụ, ông vẫn nỗ lực thúc đẩy hai dự luật nhân quyền cho Việt-Nam tự do, mạnh mẽ hơn trong những biện pháp chế tài. Ông chứng minh ông đã tận sức mình ngay với những kẻ có thể còn cho ông là … dại.

Luận về anh hùng có lẽ có nhiều tiêu chuẩn để xét đoán. Có những nhân vật dù nổi tiếng trên thế giới hình như vẫn chưa bao giờ được mang tiếng anh hùng, như Hitler, Stalin? Ngược lại, có thể nào không cần phải nỗi tiếng mà vẫn được ca tụng là anh hùng?. Những người lính Hải Quân bình thường của Việt-Nam vẫn đã để lại những gương anh hùng cho muôn đời hậu thế. Thuở còn là một học sinh Trung Học Đệ Nhất Cấp tôi đã học tiếng Pháp qua những bài học luân lý và có lần người thầy đã chọn một bài nói về cuộc sống can đãm của người thợ rèn làm việc bên ánh lữa hồng với mồ hôi nhuể nhại toàn thân… Rồi thầy hỏi cả lớp tại sao người thợ rèn này là can đãm? - Thôi thì các triết gia tí hon này, bao gồm cả tôi, trổ hết tài giải thích, tranh luận, thậm chí có bạn còn cho rằng can đãm là vì làm việc mệt nhọc, nguy hiễm đến thế mà vẫn không sợ hãi…. Cho đến bây giờ dù tóc đã 2 màu tôi hiễu được bao nhiêu về lòng can đãm, tính anh hùng của những con người, dù gian khổ đến đâu cũng phải sống một cuộc đời có khí phách, lương thiện? – rồi nhìn lại quanh mình, tôi thấy lòng ấm áp và thêm tự tin hơn khi hiểu được xung quanh tôi thật ra đã có lắm anh hùng.

“ Nổi tiếng ” và “ anh hùng ” là hai giá trị rất chênh lệch. Như Thành Cát Tư Hản trong Anh Hùng Xạ Điêu có phải là một anh hùng hay không thì Kim Dung để dành cho đọc giả tự phán xét. Nhưng có một danh từ rất gần “anh hùng” mà người ta có thể lèo lái để ngộ nhận đó là danh từ “ Gian Hùng ”. Dù cố gắng thế nào thì những người như Hồ Chí Minh, Tào Tháo cùng lắm cũng chỉ đạt được đến mức độ này mà thôi là tại sao? Có thể nào một Việt gian, một Hán gian, một … “Mỹ gian” trở thành anh hùng ? Đối với một số người, hai chữ anh hùng dĩ nhiên là quá xa vời vì ngay cả hai chữ liêm sĩ cơ bản cũng đã không hề nằm trong một cảm nhận nào cả của chính họ.

Những người theo đóm ăn tàn thì dĩ nhiên sẽ không bao giờ xứng đáng để được đề cử trong danh sách những anh hùng. Những kẻ theo “cơ hội chủ nghĩa” thì cùng lắm cũng chỉ thành tựu ở mức độ của một Tôn Thọ Tường. Với sự trở lại của Mỹ tại Đông Nam Á, trong tình hình chính trị hiện nay, từ nhiều góc độ, người ta vẫn nhận ra một khuynh hướng thuyết phục người Việt hợp tác với chính quyền CSVN. Họ thuộc thành phần nào thì mọi người đều có thể biết. Chỉ có họ là không có cam đảm tự nhận mình là ai đó thôi. Xa hơn nữa, cái giá trị của những anh hùng, của thắng bại thật ra không nằm trong tầm tay của cả những người đương cuộc vì đó là một giá trị ngoại hạng của lương tâm loài người - như bản chất trong sáng của một viên ngọc và những bôi nhọ, bịp bợm là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt. Khi đấu tranh vì một lý tưởng, người ta khởi đầu và hy sinh vì cái lý tưởng ấy chứ không vì một sự thành công phải được thấy trước . Chính niềm tin, dù là mù quáng, đã giúp cho những nhà lảnh đạo CSVN thành công trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ. Giờ đây, khi Chủ Nghĩa Xã Hội đã hiện rõ trong những biểu hiện cực kỳ phản động và không tưởng thì tuổi trẻ Việt-Nam, những người “quốc gia” đã trang bị được cho mình lý tưởng gì trong hành trình đầy chông gai này ? – vì ngày trước người cọng sản hiểu rõ họ phải ca tụng những lý tưởng độc lập, tự chủ và công bằng, giàu mạnh cho thế hệ thanh niên Việt-Nam, trong đó có cả cha của tôi, như là sức mạnh của cách mạng thì ngày nay, hơn ai hết, họ phải triệt tiêu mọi lý tưởng ngoại trừ lý tưởng phục vụ cho đảng để bảo vệ chế độ này.

Sống vì lý tưởng tự do nhân bản, giải phóng và khai phóng con người là cuộc sống đẹp. Trước những cám dổ của tham vọng, nhất là trước những khó khăn của đời sống hiện nay, đấu tranh cho một lý tưởng không phải dễ dàng. Nhưng chính tại cái quốc gia dư ăn dư mặc như tại Hoa Kỳ này, người ta vẫn thấy những bế tắc và thao thức về một đời sống tâm linh, hướng thượng cho con người. Tùy vào vị trí của mỗi người mà bước khởi hành và thành tựu có thể khác nhau. Nhưng đừng tuyệt vọng. Hãy nuôi cái tâm nguyện vì đời mà cũng là vì mình, dù chỉ là ánh sáng của một ngọn nến trong bóng đêm nhưng sẽ dẫn dắt chúng ta qua bao trầm luân của kiếp người - như lời đại nguyện cứu độ chúng sinh của đức Phật, ngay từ đáy của địa ngục.

Trang Hien Vo