PDA

View Full Version : Băng Tâm, Tiếng Hát Ngọt Ngào Tình Tự Quê Hương



chimtroi
08-14-2008, 09:18 PM
Băng Tâm, Tiếng Hát Ngọt Ngào Tình Tự Quê Hương
8/11/2006

Thời gian gần đây, sau khi ở Trung Tâm Asia vừa xuất hiện một khuôn mặt mới, một giọng hát trẻ trung là Băng Tâm thì nhiều khán thính giả khắp nơi đã nhanh chóng chú ý và tìm hiểu về người ca sỹ xinh tươi duyên dáng này. Nhiều câu hỏi và thắc mắc đã được gởi đến Diễn đàn chính thức của Trung Tâm ca nhạc Asia và trang nhà của ca sỹ Băng Tâm (bangtam.com).

Thực ra, ca sỹ Băng Tâm đã được khán giả khắp nơi biết đến kể từ lần đầu tiên cô xuất hiện trên DVD của Trung Tâm Dạ Lan với chủ đề “Triệu Đóa Hoa Hồng Cho Người Phụ Nữ Việt Nam” năm 2003 qua một bài hát viết riêng cho cô là “Cái Cò”. Trong DVD đó, MC Việt Dzũng đã giới thiệu một cách trang trọng về Băng Tâm và bài hát này như sau:

“Sau ngày 30 tháng tư năm 1975, khi mà những chiến sỹ VNCH bị giặc thù đày đọa trong những trại cải tạo, khi người dân miền Nam phải chịu những thảm cảnh dời nhà, đổi tiền. CSVN đã biến những người đàn bà VN khốn khổ tay trắng bơ vơ với đàn con nheo nhóc thành những “cái cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng nước mắt nỉ non”…Những “cái cò” này đã trần lưng kéo cày để tìm cách nuôi con, thăm chồng ở các trại tù cải tạo. Tâm tình này được ghi lại trong ca khúc “Cái Cò” của Nguyệt Ánh, được trình bày qua một giọng ca mới xuất hiện lần đầu là Băng Tâm. Băng Tâm đã chọn bài hát này làm bài hát riêng để dành tặng cho mẹ, cho chị của cô; cũng như những người phụ nữ đã chịu cùng cảnh ngộ với cô. Cám ơn Nguyệt Ánh. Cám ơn Băng Tâm. Cám ơn những tấm lòng phụ nữ VN vẫn luôn trung trinh trong cuộc đời biển dâu đầy sóng gió.”

Ca sỹ Băng Tâm đã hòa nhập tiếng hát của cô vào từng lời ca điệu nhạc của bài hát này khi cô sụt sùi rơi nước mắt ở vài đoạn trong bài. Đó là sự thành công của cô mà có người khen là “rất nhập vai” của sự diễn tả “Cái Cò”. Băng Tâm cũng đã hát tứ-ca bài hát “Người con gái VN bây giờ” với Như Mai, Thục Oanh và Khánh Ngân trong cùng một chương trình, khiến cho những câu thơ của Hồ Dzếnh càng mang đầy ý nghĩa hơn:

“Cô gái Việt Nam ơi !
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng bao khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi …”

Sau đó Băng Tâm còn tiếp tục xuất hiện ở DVD tiếp theo của Trung Tâm Dạ Lan là “Cuộc khổ nạn của người Việt nam” (2004) với bài hát “Ví dầu tình bậu” do nhạc sĩ Nhật Ngân viết riêng cho cô theo âm điệu ngũ cung, phảng phất làn điệu dân ca. Cô cũng đã song ca “Chiều mưa lũ” với tiếng hát mới của Dạ Lan là Hạo Vũ trong chương trình này.

Ngay lúc đó tiếng hát Băng Tâm đã được nhiều Trung Tâm sản xuất nhạc chú ý và mời cô cộng tác hoặc mời về VN quay video-clips cho các phim nhạc MTV của họ. Nhưng Băng Tâm đã từ chối tất cả và chỉ nhận lời ký hợp đồng độc quyền cho Trung Tâm Asia Entertainment sau khi mãn hạn giao kèo với bên Dạ Lan.

Băng Tâm đã xuất hiện lần đầu trên sân khấu của Trung Tâm Asia trong chương trình Đại nhạc hội thâu hình trực tiếp cho DVD Asia 47 qua bài hát “Truyện Kiều” do nhạc sĩ Anh Bằng viết riêng cho cô và Mạnh Đình. Băng Tâm đã ra mắt khán giả của Asia trong “Mùa Hè Rực Rỡ 2005” với cái hào quang sáng chói của một chương trình được dàn dựng thật công phu và tốn kém, mà lần đầu tiên cô được tham gia. Sau đó Băng Tâm trở nên nổi tiếng hơn ở chương trình Asia 48 với liên khúc “Gõ Cửa-Căn Nhà Ngoại Ô” (song ca với Mạnh Đình) và Asia 49 với liên khúc “Trăng tàn trên hè phố-Những ngày xưa thân ái” (song ca với Đặng Thế Luân). Khán thính giả của đài truyền hình SBTN cũng đã được xem Giáng Ngọc phỏng vấn Băng Tâm trong một chương trình của đài này. Nhưng hầu như những khán giả ở khắp nơi trên thế giới, kể cả ở Việt Nam vẫn chưa được biết nhiều về “lý lịch” của người ca sỹ trẻ đẹp này. Có rất nhiều ý kiến, đề nghị đã gởi lên trang mạng diễn đàn của Trung Tâm Asia để nêu lên thắc mắc này.

Ca sỹ Băng Tâm tên thật là Trần Thị Băng Trinh. Cô là người con gái út trong một gia đình đông anh chị em. Thân phụ của cô từng là một sỹ quan trong Quân lực Việt Nam Cộng Hoà với chức vụ sau cùng là Đại Úy. Cũng như bao nhiêu sỹ quan khác của chế độ cũ, ông đã phải trải qua những tháng năm bị đày ải trong các trại tập trung cải tạo của cộng sản ngay trên chính quê hương của mình. Ông đã được thả về với tâm trạng như “ta về cúi mái đầu sương điểm, nghe nặng từ tâm lượng đất trời, cám ơn hoa đã vì ta nở, thế giới vui vì nổi lẽ loi ”(thơ Tô Thùy Yên). Với tâm trạng cô đơn lạc lõng giữa thành phố cũ nay đã thay tên, người sỹ quan này vẫn còn một mái ấm gia đình với người hiền phụ chờ chồng cùng bầy con nheo nhóc. Ông đã cảm thấy như “ ta về như lá rơi về cội, bếp lửa nhân quần ấm tối nay, chút rượu hồng đây xin rưới xuống, giải oan cho cuộc biển dâu này ”. Nhưng khi nhìn lại “cái cò” thì ông mới giựt mình, đau xót, đâu còn nữa cái dáng dấp cao sang, đài các của người hiền phụ ngày xưa:

“Thương em dạ sắt lòng son
Một thân đơn chiếc nuôi con thăm chồng
Bàn tay ai tốt vàng ròng
Bàn tay em nứt máu hồng tuôn rơi
Nhìn nhau muốn nói vạn lời
Mà tim se thắt rối bời tâm can…(bài hát “Cái Cò”)

Chủ Nhựt đầu tiên cả nhà lại được dự thánh lễ tổ chức âm thầm trong khu xóm nhỏ, sau khi bị đánh thức bởi những cái loa phóng thanh tuyên truyền om xòm ở ngoài đầu đường. Có những lúc giữa đêm khuya, một mình thức giấc, người cựu sỹ quan này đã cảm thấy cỏi lòng mình tan nát khi nghĩ đến những người đồng đội cũ từng chiến đấu bên nhau:

“Buồn như người lính vừa thua trận
Nằm giữa sa trường nát gió mưa
Chợt nghe từ đáy hồn thương tích
Vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa ”
(thơ Thanh Nam,1978)

Trong hoàn cảnh đau thương bi đát đó cô bé Trần Thị Băng Trinh đã được chào đời vào ngày 3 tháng hai năm 1981. Rồi thì cuộc sống của gia đình càng cơ cực hơn khi có thêm một nhân khẩu trong “sổ gạo” của phường. Gia đình cũng phải dời đổi chổ ở nhiều lần. Cô bé Băng Trinh càng lớn càng xinh đẹp thêm ra và ở những ngày còn học tiểu học cô đã theo lớp dạy múa hát cho thiếu nhi thành phố. Với năng khiếu đặc biệt này cô đã từng biểu diễn ở các kỳ lễ hội Sea Games (Vận Động Hội Đông Nam Á) được tổ chức vào các năm 1989, 1993 ở trung tâm thể dục thể thao đường Phan Đình Phùng, SG. Cô cũng từng xuất hiện nhiều lần trên đài truyền hình thành phố và lưu diễn tận Nha Trang trong các chương trình ca múa. Tháng Sáu năm 1994 toàn thể gia đình gồm ba mẹ và các anh chị của Băng Trinh rời Việt Nam qua Mỹ định cư theo diện H.O lúc cô vừa tròn 13 tuổi.

Tuy cái đam mê ca múa từ hồi nhỏ vẫn còn chảy trong mạch máu của cô bé Băng Trinh, nhưng gia đình bắt cô hằng ngày phải cắp sách đến trường để tiếp tục con đường học vấn. Ngày tháng trôi nhanh, cô bé Băng Trinh giờ đây đã trở thành một thiếu nữ trưởng thành ở ngay tại Quận Cam, thủ phủ của người Việt tự do. Trong những năm qua, ngoài giờ học ở trường, cô nữ sinh Băng Trinh vẫn tiếp tục trao dồi, luyện tập thêm tiếng hát của mình. Cô đã từng được các bậc thầy tài giỏi như Duy Khánh, Nhật Ngân, Chí Tâm và ca sĩ Hương Lan trực tiếp hướng dẫn và giảng dạy về thanh nhạc cho cô trong nhiều năm. Cũng từ đây cô đã chọn nghệ danh là Băng Tâm. Đây là lối đặt tên theo câu thành ngữ Hán văn “Nhất phiến băng tâm” nghĩa là một tấm lòng trong trắng, trong sạch (chớ không phải là một trái tim lạnh lẽo, giá băng); nghĩa bóng là một người hiền từ có tấm lòng nhân hậu. Thi sỹ Hàn Mặc Tử cũng có câu :”thơ trong trắng như một khối băng tâm”.

Trong một lần phỏng vấn, khi được hỏi vì sao cô qua Mỹ từ nhỏ mà nay lại chuyên hát loại nhạc tình cảm quê hương, ca sỹ Băng Tâm đã đáp: “Đáng lẽ là em theo nghề múa đó chứ, vì em nhớ hồi còn nhỏ ở Sài Gòn, sau giờ học ở trường là em đi học múa. Có những bửa học xong là thấy có một nhóm chuyên viên của đài truyền hình tới quay phim tụi em. Có khi em được ra các công viên hay vô trong sở thú quay những video-clips cho chương trình của đài. Rồi lại được đi trình diễn ở nhiều nơi. Cũng vui lắm và có nhiều kỷ niệm thật đáng nhớ, hơn mười mấy năm rồi còn gì ? Nhưng em nhớ nhứt là những lần về chơi quê ngoại ở miền sông nước Hậu Giang, với những đồng ruộng bao la và những vườn cây ăn trái xum xuê. Vì vậy lớn lên, xa quê hương em lại càng yêu thích những giòng nhạc tình cảm êm đềm của làng quê mình.”

Gần hai năm nay, vì quá bận rộn với những chương trình thu thanh, thu hình và tập luyện những bài hát mới, nên Băng Tâm đã tạm thời từ giả bạn bè trường lớp để chính thức bước chân vào một thế giới đầy mới lạ và rất quyến rũ đối với cô. Nhưng Băng Tâm vẫn mong mõi khi nào có dịp rãnh rang hơn trong tương lai cô sẽ quay trở lại với những giảng đường yêu dấu ngày xưa.

Về việc lập gia đình thì được biết là hiện nay Băng Tâm vẫn chưa nghĩ tới. Trong thời gian này cô chỉ muốn dành tất cả thì giờ và sức lực vào việc luyện tập và trao dồi nghề nghiệp để khỏi phụ lòng tin tưởng của rất nhiều khán thính giả đã và đang mong đợi nơi cô. Tuy hiện giờ Băng Tâm đang ký độc quyền với Trung Tâm Asia để thu thanh và thu hình trong các sản phẩm băng nhạc của họ nhưng cô vẫn có quyền nhận lời trình diễn (live-show) trong các chương trình đại nhạc hội, dạ vũ hoặc hát thiện nguyện khắp nơi. Tuy rất bận bịu với nghề nghiệp, nhưng vì là một thiếu nữ ngoan đạo, nên Chủ Nhựt nào mà không có show lưu diễn xa nhà là Băng Tâm cũng ráng dậy thật sớm để cùng ba mẹ và anh chị đến nhà thờ gần nhà để tham gia thánh lễ. Đó chính là những lúc Băng Tâm cảm thấy mình được hưởng thật trọn vẹn sự bình an trong tâm hồn, với niềm hạnh phúc nhỏ bé bên cạnh những người thân.

Ngoài những lần xuất hiện trên các DVD của Trung Tâm Dạ Lan và Asia, ca sỹ Băng Tâm cũng đã góp tiếng trong các CD ca nhạc mang tựa đề “Triệu đóa hồng cho người phụ nữ Việt Nam” (Dạ Lan, 2004) và CD “Liên Khúc Gõ cửa” (Asia, 2005). Vào ngày 24 tháng 3 năm 2006 tại vũ trường Majestic. Khu phố Bolsa, Trung Tâm Asia đã tổ chức một đêm ra mắt CD nhạc chủ đề “Liên khúc Chuyện Hoa Sim” do nhạc sĩ Trúc Sinh hòa âm và sản xuất. Trong cuộc phỏng vấn ngắn ngũi với đài Radio VNCR xem được trên mạng internet, ca sỹ Băng Tâm đã tâm sự cùng khán thính giả khắp nơi như sau: “Lần đầu tiên Băng Tâm được có cơ hội hát chung với các anh chị Tuấn Vũ, Ngọc Huyền ở các liên khúc trong CD này, nên Băng Tâm rất là hồi hộp và luôn luôn cố gắng luyện tập nhiều hơn.” Qua đoạn video-clip phỏng vấn này, chúng ta cũng được biết thêm là ở đêm ra mắt CD này, nhạc sĩ Trúc Sinh đã cho dàn dựng những hoạt cảnh, những màn vũ rất qui mô, linh động dựa theo từng bài hát. Sau đó ca sỹ Băng Tâm cũng đã góp tiếng trong một CD khác của Trung Tâm Asia là “Trăng tàn trên hè phố” được phát hành vào tháng năm 2006.

Trở lại với giọng hát ngọt ngào, thắm đượm tình quê hương đất nước của ca sỹ khả ái Băng Tâm. Trong chương trình live show của Trung Tâm Asia chủ đề “Nhật Trường-Trần Thiện Thanh: cuộc đời, tình yêu và sự nghiệp – Anh không chết đâu anh” được phát hành thành DVD Asia 50, khán giả khắp nơi trên thế giới lại được dịp thưởng thức tiếng hát của ca sỹ Băng Tâm qua bài hát “Từ Đó Em Buồn” của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh khi cô cùng trình diễn với ca sỹ lừng danh Phương Dung trong một liên khúc rất đặc sắc (“Tạ từ trong đêm & Từ đó em buồn”). Một lần nữa, ca sỹ Băng Tâm đã làm cho nhiều khán giả ngậm ngùi rơi lệ khi nhớ về khung trời cũ ngày xưa ở quê hương vào thời chinh chiến, với những chia lìa ngăn cách của biết bao đôi trai gái yêu nhau mà chẳng được gần nhau.

Mới đây, ở chương trình đại nhạc hội live-show của Trung Tâm Asia thực hiện tại Dallas (ngày 10 tháng 6 năm 2006) để trực tiếp thu hình cho DVD Asia 51 với chủ đề: “Nhạc vàng 30 năm: Những tình khúc sau cuộc chiến”, một lần nữa Băng Tâm đã trình bày ca khúc “Cái Cò” thể theo lời yêu cầu của rất nhiều khán thính giả khắp nơi. Trong chương trình này, Trung Tâm Asia đã dàn dựng một hoạt cảnh rất công phu và tốn kém cho bài hát “Cái Cò”. Đó là hình ảnh của một trại tù cải tạo do Cộng sản dựng lên sau năm 1975 để giam giữ những sỹ quan của chế độ VNCH cũ bị bắt đi trình diện cải tạo tư tưởng, nhưng thực chất là đày đọa và trả thù. Băng Tâm đã đóng vai một người vợ của tù nhân cải tạo, đứng bên ngoài hàng rào kẽm gai mà diễn tả những khổ đau chất ngất tột cùng như những lời ca bi thiết sau đây:

“Chồng em chết giữa ngục tù
Khổ sai đói rét cộng thù giết đi
Cái cò một thân lên vùng đất lạ
Đến trại tù tóc quấn vành tang
Đếm từng mồ hoang máu lệ hai hàng
Đau xót cho chồng: không mộ phần, không khói, không nhang !!!”

Băng Tâm đã làm cho khán giả rơi lệ ở hoạt cảnh này khi hồi tưởng lại dĩ vãng đau thương của đúng ba mươi năm về trước. Những hình ảnh trước mắt hòa lẫn với từng lời ca tiếng nhạc và những giọt nước mắt của Băng Tâm đang chảy dài, như đưa mọi người trở về cái quá khứ đau buồn khi nhớ lại những người thân trong gia đình mình từng bị đọa đày. Một lần nữa, bài hát “Cái Cò” đã gắn liền với tiếng hát ngọt ngào của ca sỹ Băng Tâm và hy vọng khán thính giả khắp nơi sẽ nghe lại bài hát này qua phần hòa âm mới trong dĩa nhạc CD và DVD của Trung Tâm Asia sắp phát hành một ngày gần đây.

Với những thành công trong vài năm gần đây, tiếng hát Băng Tâm sẽ còn hứa hẹn đem đến cho khán thính giả khắp nơi những bài hát tình tự quê hương và những sáng tác mới qua những cố gắng trao dồi luyện tập không ngừng của cô.
Được biết hiện nay Trung Tâm Asia đang thực hiện cho Băng Tâm một Album CD solo tiếng hát của cô và một Album CD khác do cô song ca cùng Đặng Thế Luân. Cả hai CD này sẽ được phát hành trong thời gian sắp tới.

Duy-Khiêm (06-2006)

( nguồn http://www.bangtam.com )





Cái Cò

<object width="425" height="344"><param name="movie" value="http://www.youtube.com/v/E_6fk6F0yVQ&hl=en&fs=1"></param><param name="allowFullScreen" value="true"></param><embed src="http://www.youtube.com/v/E_6fk6F0yVQ&hl=en&fs=1" type="application/x-shockwave-flash" allowfullscreen="true" width="425" height="344"></embed></object>