PDA

View Full Version : 36 năm về trước



Longhai
04-28-2012, 12:18 PM
36 năm về trước


Tâm Hiền


Khi vị Tổng Thống cuối cùng Dương văn Minh, tổng thống ngắn ngủi nhất thế kỷ tuyên bố đầu hàng và yêu cầu toàn thể quân nhân buông súng vào ngày 29 tháng tư thì anh em chúng tôi còn đang nằm ngoài vòng tuyến Alpha của bộ tư lệnh quân đoàn 4 nên không nghe thấy gì mà chỉ biết chặc tay súng phòng thủ, trên người mang cả hai cấp số đạn dược vì phải cố giữ phòng tuyến cuối cùng để ba quân đoàn kia rút về như lệnh hành quân cho biết. Sáng ngày 30 nhìn trên trời thấy nhiều chiếc phản lực cất cánh từ phía Trà Nóc bay ngang nhưng không nghe oanh kích ngược lại xa xa tiếng tiếng pháo kích của Cộng quân lâu lâu rót vào, mãi đến trưa mới nhận được tin đầu hàng của tướng Minh, lòng bàng hoàng ngao ngán nhìn nhau không biết làm gì hơn chỉ còn biết chào nhau nói câu giả từ để mạnh ai về nhà nấy.

Trở lại nơi tạm trú cùng vợ chồng Trung úy Trí thuộc phòng CTCT Quân đoàn, một họa sĩ khóa đàn em dưới dốc cầu Tham Tướng thì thấy cửa đóng then cài hỏi thăm mới biết gia đình chạy loạn từ ngày hôm qua. Thôi thì nhân tiện ghé thăm gia đình người cậu ruột là thầy giáo Lê văn Cương, giám thị trường trung học Phan Thanh Giản để hỏi thăm tin tức gia đình nhất là tin tức của ông anh Lê ngọc Hải, trưởng nam của cậu ấy đang phục vụ ngoài Nha Trang với nhiệm vụ Đđt/CTCT không biết đã tìm đường về tới nhà hay chưa thì lại thêm một lần nữa không gặp được ai.

Thả bộ qua ngang Sân vận động Cần Thơ thì nghe tiếng gọi của một ai đó, giật mình đứng lại thì là một người bạn quen bên 219 Không quân, chuyên thả các toán Lôi Hổ ở miền Trung một thời hỏi tại sao giờ nầy còn lang thang không chịu đi di tản lại còn bận quần áo quân đội không sợ chết sao. Đành cười trừ và theo anh bạn vào SVĐ rồi leo lên trực thăng mà anh ấy đáp xuống để rước gia gia đình nhưng vô tình nhìn thấy mình nên mới chạy xuống gọi. Khi chưa leo lên thì chưa thấy sợ, nhưng chưa đầy mươi phút sau thì nhìn toàn cảnh thì mới sợ hãi vì số người trên sàn đã quá con số 30 chưa kể đeo cửa đeo càng thì con số có thể vượt hơn 50, do vậy đành làm cử chỉ tạm biệt với anh bạn rồi bước đại lên vai lên cổ người ta mà leo xuống, lòng nghỉ rằng khi xưa mình đi nhảy toán thì nhiều lắm là 15 người tính luôn phi hành đoàn nhưng luôn luôn là ít hơn, thế mà nay trực thăng lại chứa hơn 50 người thì bay sao nổi. Khi thấy trực thăng cố cất lên mà chao đảo dưới sức nặng đó lòng mình lại xốn xang không biết có tới nơi không, mà tới nơi đâu thì không biết.

Tiếp tục thả dài về nhà một người bạn họa sĩ khác trên lộ 19 thì chợt nghe tiếng thắng xe cạnh bên kèm theo tiếng hỏi phải mình đó không, quay lại nhìn mới nhận ra là một nhà thơ với cấp bậc Tr/t Không quân vẫn thường gặp mình qua các cuộc bình luận văn thơ và hội họa trong nhóm Thằng Cuội tại Cần Thơ mấy tháng trước đây, thế là thêm một màn chở lên phi trường Trà Nóc. Sau khi dặn dò mấy anh em KQ ở đó và bảo mình chờ để đương sự rước thêm vài thân nhân và bằng hữu khác rồi đi luôn, thế nhưng chờ mãi hơn hai tiếng đồng hồ không thấy đương sự trở lại, nóng ruột một phần thêm phần khác là đi đâu, và tới đâu thì mình không rõ nhất là mình bên tác chiến nên rất mù mờ về hiện tình đất nước lúc bấy giờ.

Thế là leo xuống rồi quá giang một chiếc xe của cánh KQ trở ra chợ Cần Thơ với ý định trở về Sài Gòn thăm nhà nhất là thăm đứa con trai mà hơn một năm nay không gặp mặt.
Yêu cầu thả mình xuống đầu lộ 19 như dự tính ban đầu, ghé thăm bạn nên hiểu thêm một chút tin tức của mấy ngày qua. Bà cụ thân sinh của bạn mình khi nghe mình có ý định đi bộ về Sài Gòn bèn khuyên nên thay đổi đồ dân sự cho tiện việc đi lại rồi bắt mình phải thay quần áo của bạn mình, chỉ kẹt là không có giày thường cho mình thay nhất là không có xách tay nào để cho mình nên đành mang giày quân đội và chiếc ba lô thân yêu để lên đường sau lời cảm ơn bà cụ cùng anh bạn với lời hứa sẽ trở lại thăm.

Qua phà Cần Thơ trực chỉ Sài Gòn, trong túi chỉ còn vài chục ngàn vì tháng lương nầy chưa lảnh nhưng điều đó không quan trọng bằng nổi nhớ con, đặt chân lên phía Vĩnh Long cùng với mọi người leo lên chiếc xe đò cũ kỷ với giá cắt cổ trả trước bước lên sau, nhưng hởi ôi chỉ chạy qua khỏi Bình Minh vài cây số thì bị lính mang băng đỏ chận đường đuổi xuống với lý do tịch thu xe, thế là mất toi mấy ngàn bạc để tiếp tục con đường thiên lý bằng cách đi bộ.

Dòng người ngược xuôi tấp nập hai bên đường, tiếng gọi nhau hỏi thăm nhau ơi ới, kẻ xách người mang, tội nghiệp nhất là các đứa trẻ trai cũng như gái có những em chỉ 7, 8 tuổi cũng khệ nệ mang hành lý cùng người lớn lê chân theo dòng người. Thế là tối hôm đó mình cùng mọi người lăn lóc vệ đường ngủ qua đêm chờ rạng sáng ngày mai đi tiếp. Gặp đình ngủ đình gặp chùa ngủ chùa ai cũng như ai, vì là Quân nhân nên mình có tấm Ponchos quấn quanh nên không đến nổi nào. Trời vừa hừng sáng là nghe tiếng người thúc dục khởi hành, mình cũng bật dậy thu dọn sơ sài rồi bước theo mọi người với hy vọng sẽ tìm gặp một quán nhỏ nào đó vào đánh răng súc miệng để ăn sáng mà quên mất rằng thời điểm đó tìm được quán xá còn khó hơn lên Trời.

Tới gần chín giờ sáng là mình tới bên nầy phà Mỹ Thuận chờ chuyến sang sông, lúc nầy mình vẫn còn ngù ngờ vì không thấy chiếc xe nào trên phà khi cập bến, chỉ toàn người là người họa hoằn lắm là xe Lam và xe máy. Khi qua được bờ bên kia, mình mừng rằng đã đi gần một phần ba đoạn đường thì bất chợt nghe tiếng gọi to “Anh kia đứng lại” rồi nhìn thấy mấy anh tay quấn băng đỏ đang lăm lăm chỉa cây 45 về phía mình ra hiệu bước qua bên ấy, lòng nhủ thầm cuộc đời tới đây chấm dứt nhưng nhìn thấy cò chết chưa lên nên cũng yên trí phần nào vì có lở bóp cò cũng không nổ hoặc anh chàng đó chưa biết xử dụng súng. Tuy nhiên khi bị lùa vào khu vực tạm giam thì mình nhìn thấy nhiều anh em Quân nhân khác cùng chung số phận đang ngồi chồm hổm và hai tay gát sau phía ót chẳng ngay hàng thẳng lối gì cả nên mình cũng xề vào một chổ trống cạnh bên, đặt tạm chiếc ba lô kế bên rồi liếc nhìn quanh, nhưng chưa đầy một phút thì chiếc ba lô bị tịch thu liệng vào một đống quân trang gần đó.

Bất chợt một chàng mang băng đỏ chỉa súng thẳng vào mình rồi ra hiệu bước ra khỏi hàng tiến về phía anh ta, sau mấy lần gặng hỏi về binh chủng cấp bậc cùng đơn vị, mình giả vờ ấp úng khai là lao công đào binh bị đày về Ô Môn và chỉ là lính chiến đấu bình thường, có lẻ Ô Môn nơi mình vô tình khai lếu láo lại là quê quán anh ta hay sao từ quát nạt anh dịu giọng lại nhất là nghe giọng miền Nam rặt của mình nên chỉ hỏi bây giờ về đâu, thấy hơi êm mình bèn tả oán là vợ con còn kẹt ở Pleiku bây giờ không biết sống chết ra sao nên cố lội về tìm kiếm. Tuy bắt mình phải cởi đôi giày nhà binh ra nhưng khi nghe nói đường xa dịu vợi nên cho phép mang trở lại, có điều được voi thì đòi tiên, mình ỉ ôi xin lại chiếc ba lô và còn xin thêm chiếc mền, thế mà anh ta lại chấp nhận rồi tuyên bố thả mình ra.

Tiếp cuộc hành trình trong ngày, tuy có hai lần được đi bằng xe Lam nhưng không chạy quá năm cây số đều bị chặn lại và đuổi xuống xe mà không bồi hoàn tiền gì cả nhưng đó không là điều quan tâm lớn vì chỉ sợ bị bắt giử lại mà thôi nên sau khi xuống xe là vội vàng khăn gói lên đường ngay. Tối đó mình đã lội bộ theo đoàn người đến Tân Hiệp thì hai chân thiếu điều không còn nghe lệnh nữa nên đến đình Tân Hiệp liền vội đi vào tìm chổ tạm trú qua đêm. Đêm nay đở lạnh hơn vì có thêm chiếc mền mình xin được nên tương đối ấm nhất là chiếc áo mưa quân đội làm tấm trải mà mình đã mang theo trong ba lô. Trằn trọc không ngủ được, lăn qua lăn lại nhớ con, nhớ lần về thăm hồi năm ngoái ghé cư xá Nữ Quân Nhân nằm sau trường NQN nơi vợ cũ mình cùng con trú ngụ mình có gặp Nhạc sĩ Trần Trịnh nơi nầy vì vợ anh ấy là NQN như vợ cũ mình cùng phục vụ tại trường, khi đó vợ cũ đang là trưởng phòng nhân viên cấp trên của chị ấy, mình có hỏi Trần Trịnh có phải là Trịnh Lâm Ngân hay không và được giải thích cho biết đó là tên chung khi viết nhạc cùng với Trần Nhật Ngân hay Nhật Ngân (còn có tên khác là Ngân Khánh, Song An. Năm 1965 Nhật Ngân động viên gia nhập Tổng Cục CTCT/QLVNCH, làm trưởng ban nhạc, ban văn nghệ TTHL Quang Trung. Vượt biển định cư cùng gia đình tại Nam California từ 1983 mà điều nầy sau khi qua Mỹ mình mới biết). Cũng từ cái tên Ngân Khánh mình chợt nhớ lại bài hát Giả Từ Vũ Khí qua giọng ca Duy Khánh ngày nào thế rồi trong đầu văng vẳng đâu đây tiếng hát :

Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn
Anh chẳng còn chi, chẳng còn chi ngoài con tim héo em ơi
Xin trả lại đây, bỏ lại đây thép gai giăng với lũy hào sâu
Lổ châu mai với những địa lôi, đã bao phen máu anh tuôn
Cho còn lại đến mãi bây giờ.

Trả súng đạn nầy khi sạch nợ sông núi thù
Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao
Vui cùng ruộng nương cùng đàn trâu với cây đa
Khóm trúc hàng cau, với con đê có chiếc cầu tre
Đã bao năm vắng chân anh, nên trở thành hoang phế rong rêu.

Chinh chiến tàn rồi thật sao ? Có lẻ là thế, bởi vì mình lúc nầy đã thật sự buông súng, mình thật sự giả từ vũ khí và đang thật sự trở về quê để làm lại cuộc đời khi tuổi mới ngoài 30 còn trẻ chán, không chừng mình sẽ hoàn thành ước vọng mà bấy lâu nay vướng bận đời binh nghiệp không thể thực hiện được, dùng đôi tay tô điểm màu sắc cho tương lai, tô điểm cho căn nhà mới như lời nhạc của bài “Một Mai Giã Từ Vũ Khí” nhạc và lời của Nhật Ngân (Ngân Khánh) sáng tác năm 1972.

Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa
Rồi anh sẽ đón cha mẹ về
Rồi anh sẽ sang thăm nhà em
Với miếng cau với miếng trầu ta làm lại từ đầu

Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm
Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn
Bạn anh đó đang say ngủ yên
Xin cám ơn, xin cám ơn người nằm xuống.

***

Để có một ngày, có một ngày cho chúng mình
Ta lại gặp ta, còn vòng tay mở rộng thương mến bao la
Chuông chùa làng xa chiều lại vang biết ai lên khói ấm tình thương
Bát cơm rau thắm mối tình quê, có con trâu, có nương dâu
Thiên đường nầy mơ ước bao lâu...

Mơ màng đến thiên đường mơ ước mình lại thiếp đi vào với giấc mộng đẹp, quên nổi nhọc nhằn hai ngày qua trên con đường thiên lý với đôi chân rã rời. Giậc mình thức dậy khi nghe gà gáy sớm, tiếng chân đã dồn dập chung quanh, tìm một chút nước rửa mặt rồi nối gót cùng mọi người khởi hành, quơ vội một khúc cây dọc đường làm gậy để chống chọi cho chiếc thân mệt nhoài hai ngày qua chỉ được một khúc nhỏ bánh tét chia lại với mấy người đồng hành. Vừa đi vừa lẩm nhẩm bài hát mà mình cảm thấy thấm ý đêm qua, để ta lại gặp ta, còn vòng tay mở rộng thương mến bao la, để nói câu nói mình phải cám ơn, xin cám ơn người nằm xuống.

Về tới Xa cảng Miền Tây thì trời chạng vạng tối, đôi chân đã thật sự rã rời, chiếc ba lô trên vai trở nên nặng trĩu, chợt một chiếc xe Honda ôm vụt ngang, mừng rở ngoắc lại ngả giá, chỉ một đoạn đường ngắn ngủi từ Xa cảng về Thoại ngọc Hầu khoảng trường NQN chỉ cốt ý thăm con mà phải tốn mười ngàn đồng cho một cuốc xe ôm trong khi trong túi vỏn vẹn không tới năm ngàn, mặc cả mãi mà không được đành lủi thủi cuốc bộ tiếp, cứ nửa tiếng lại dừng chân 15 phút. Cuối cùng gần hai giờ sáng cũng tới nhà vợ cũ, nhưng nhìn ba ổ khóa chằng chịt lên nhau thì biết rằng chẳng còn ai trong nhà, cái ký hiệu nầy chính mình đề ra khi xưa mà, không biết bây giờ bà ấy và con trai đi về đâu, có theo chân gia đình di tản ra khỏi nước không ? Câu hỏi ấy lởn vởn trong đầu mà chưa có câu trả lời, thôi thì tiếp tục lê chân về nhà Ngoại vậy, chỉ cách vài cây số nữa là tới mà.

Bước chân vào ngưởng cửa nhà Ngoại thì trời vừa sáng hẳn, quăng chiếc ba lô ngay thềm gạch dựa lưng vào cánh cửa trước mà đánh một giấc không biết trời trăng gì nữa, kết thúc chuyến về nhà ba ngày ba đêm từ Cần Thơ đến Sài Gòn nhớ đời.

Viết để ghi lại một kỷ niệm của 36 năm về trước.


Tâm Hiền 28 tháng 4 năm 2011
Năm Lưu Vong thứ 36 của người Việt tha hương.