PDA

View Full Version : Ngày 30 Tháng 4 : Không tựa



Longhai
04-26-2012, 12:57 AM
Ngày 30 Tháng 4 : Không tựa


Huyền Bùi (Sáng tác)

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là một trong những mốc thời gian lịch sử hãi hùng nhất xẩy ra trên đất Việt. Ðó là ngày mà dân tộc Việt Nam ta đã bị rơi vào cơn lốc xoáy kinh hoàng của lịch sử, gây điêu linh cho biết bao triệu người dân Việt cho đến ngày hôm nay.

Người dân miền Nam đã bị chạm tới một mối uất hận rất lớn. Mối uất hận này sẽ chẳng bao giờ nguôi đi được trong lòng muôn người dân Việt Nam. Mối uất hận nước mất, nhà tan, đọa đầy, khổ nhục. Có rất nhiều người dân đã đặt ra những câu hỏi tuy có vẻ rất đơn giản, nhưng một số lớn trong họ đã chưa bao giờ có câu trả lời thỏa mãn cho những câu hỏi đó: “Bởi đâu? Từ đâu? Do ai? Và tại sao xảy ra đến nông nỗi này? Tại sao chúng ta lại là những người phải chịu đựng tình thế bi thảm này?” Ðể có câu trả lời thỏa mãn cho những câu hỏi trên, chúng ta cần phải để phần trả lời đó cho những cha, anh chúng ta, những anh hùng của toàn dân miền Nam đã sống và nếm với giai đoạn lịch sử đó. Riêng người viết bài này chỉ nêu lên một vài khía cạnh thực tế đã và đang xảy ra mà không ai có thể từ chối được kể từ những ngày tháng còn chiến tranh cũng như sau ngày quốc hận đó.

Ðối với những người dân miền Nam Việt Nam, lòng họ đã đau như cắt khi biết được những ngày tháng tự do, hạnh phúc, ấm no của mình sẽ không còn nữa. Nhưng cùng lúc ấy, họ hiểu ra một điều, như một cách an ủi để vơi đi phần nào sự đau xót đến tột cùng trong họ. Những nỗi đau mà họ đang phải gánh chịu là những nỗi đau chung. Ðó là nỗi đau của toàn miền Nam Việt Nam phải cùng nhau gánh chịu, chứ chẳng riêng gì ai. Những tiếng than khóc của những người vợ mất chồng, của những đứa con thơ mất cha đã vang lên khi có biết bao nhiêu thân xác đã rữa nát rồi tàn vào lòng đất lạnh trong các trại tù cải tạo. Những hình ảnh bi thảm này như bừng tỉnh những người dân miền Nam Việt Nam một lần nữa về thực chất bạo tàn dã man của chế độ cộng sản độc tài quân phiệt Bắc Việt. Và nếu người dân miền Nam muốn có sự tự do và sống còn thì chỉ có một cách duy nhất để có được sự thiêng liêng cao quý đó là rời bỏ quê hương đất Việt.

Thế rồi mặc dầu chẳng muốn rời xa quê cha đất tổ, nhưng lũ lượt biết bao nhiêu người cũng đã phải dứt áo ra đi để có được sự sống còn của một đời người, dù phải để lại sau lưng biết bao người thân thương với bao kỷ niệm ngọt bùi mà có lẽ chẳng bao giờ họ có thể quên được. Sự ra đi của họ chẳng phải chỉ trả giá bởi sự lìa bỏ quê hương, gia đình thân tộc, bạn bè mà còn bằng sự nguy hiểm của sự bắt bớ giam cầm bởi công an, sự đói khát và chết chóc trên biển cả. Ðã có biết bao nhiêu thịt xương bị những cơn sóng dìm sâu trong lòng biển cả bao la sau bao lần tầu đắm. Trên con đường bỏ trốn ra đi đó, đã có biết bao gia đình phải chịu cảnh phân ly, tang tóc. Chồng mất vợ, vợ mất chồng, con mất cha hay cha mất con. Nhưng những sự mất mát đó chẳng thể nào sánh bằng cảnh những người phụ nữ bị hải tặc cưỡng hiếp, rồi bị giết hoặc bị bắt đem bán vào những nhà mãi dâm ở Thái Lan mà đại đa số không bao giờ được tìm lại. Mà tủi hờn hơn thế nữa là trong số phụ nữ không may mắn đó có rất nhiều thiếu nữ chỉ có 12 hay 13 tuổi mà thôi.

Ấy vậy mà Ðảng và Nhà Nước vẫn luôn miệng huênh hoang rằng họ đã anh dũng giải phóng đồng bào ruột thịt miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ. Chẳng hiểu họ có thấy hoặc nghe, hay có thấy mà quay mặt làm ngơ, có tai mà không muốn nghe. Người dân miền Nam bao năm qua sống trong cơm no áo ấm, hạnh phúc thanh bình trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 đó. Và có lẽ họ sẽ còn sống trong thanh bình nhiều hơn nữa nếu không có cuộc chiến tranh xâm lược đó của Bác và Ðảng từ miền Bắc. Có người dân miền Nam nào có thể quên được hình ảnh chôn tập thể của hàng ngàn người dân vô tội đã bị cộng sản Bắc Việt giết vào đúng đầu năm Mậu Thân 1968 nơi cổ thành Huế? Có người dân miền Nam nào quên được hình ảnh các trẻ thơ trong trường học Cai Lậy bị cộng sản Bắc Việt pháo kích giết. Có người dân miền Nam nào quên được hình ảnh kinh hoàng của các quốc lộ miền Tây mùa Hè đổ lửa ở An Lộc.

Trước tháng 4 năm 1975 người dân miền Nam có gần như tất cả, nhưng sau ngày quốc hận đó thì họ chẳng còn gì. Họ chẳng còn cơm no áo mặc, chẳng còn mái nhà che thân. Họ bị tước đoạt tài sản nhà cửa và bị lùa về cái gọi là “vùng kinh tế mới” mà thực chất chỉ là nhà tù không vách, địa ngục của trần gian. Nơi mà ngày đói đêm lạnh, thủ phủ của bệnh sốt rét rừng. Nơi mà nhiều người tới nhưng đã không quay về được. Mà nếu có quay về được thì cũng chẳng có mấy ai lành lặn, và rồi khi trở về thành phố thì cũng chẳng có chỗ mà dung thân vì không còn hộ khẩu. Một số may mắn có họ hàng giúp đỡ che dấu nơi nhà họ, còn ai không may mắn thì ra lề đường hay công viên mà ở. Tệ hơn thế nữa là có không biết bao nhiêu thiếu nữ nhỏ đến tuổi 13,14 vì cha đã chết trong trại cải tạo, nên đã phải đem thân làm đĩ điếm để phụ mẹ nuôi nấng đàn em vì nhà quá nghèo. Cũng đừng quên là có biết bao phụ nữ đã bị bán rẻ qua Trung Quốc, Ðài Loan dưới hình thức làm vợ, nhưng thực chất là làm nô lệ lao động và nô lệ tình dục cho đôi khi tới 4 hoặc 5 người đàn ông trong một gia đình. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến vài năm gần nay và càng ngày càng tệ. Nhưng Ðảng và Nhà Nước có màng chi tới những thiếu nữ không may mắn đó. Vì nếu họ quan tâm đến thì chuyện đó đã chẳng bao giờ xảy ra. Nhưng thưa không, Ðảng và Nhà Nước còn đang lo mình sẽ ngồi đâu trong chính trị đảng, hay phải bè phái với ai để có thể tham ô bóc lột toàn dân mà không bị truy tố, để ăn trên ngồi trước sống trong nhung lụa.

Phải chăng tất cả những “thành quả” đau thương trên đây của người dân miền Nam là mục tiêu của Ðảng và Nhà Nước khi họ hô hào nhân dân miền Bắc thắt lưng buộc bụng và đổ xương máu để tiến hành một cuộc chiến tranh đẫm máu lâu dài 20 năm để giải phóng miền Nam? Phải chăng “giải phóng miền Nam” chỉ là một danh từ mỹ miều bên ngoài để che đậy cái thực chất xấu xa bên trong của nó? Câu hỏi này thật thừa thãi với người dân Nam Việt, nhưng cần phải nêu lên để cho người dân Bắc Việt thấy được đâu là bộ mặt thật của đảng Cộng Sản Việt Nam. Cái gọi là “giải phóng miền Nam” thực chất chỉ là cuộc chiến tranh để cướp đoạt miền Nam trong âm mưu bành trướng chế độ Cộng Sản của quan thầy Cộng Sản đàn anh. Thương thay cho người dân miền Bắc đã không thấy được bộ mặt thật của Bác và Ðảng nên đã thắt lưng buộc bụng, hy sinh biết bao xương máu để cả hàng trăm ngàn thanh niên hai miền Nam Bắc cũng như bao ngàn người dân vô tội phải chết một cách tức tưởi cho cuộc chiến tranh phi nghĩa đó. Người dân miền Bắc đã bị lừa để ước mơ của Bác và Ðảng được thành tụ. Vâng, đó là ước mơ của Bác và Ðảng, chứ không phải là ước mơ của toàn dân. Người dân miền Nam không bao giờ ước mơ mong thấy Bác và Ðảng, còn người dân miền Bắc cũng chẳng bao giờ ước mơ họ phải đổ máu suốt 20 năm để rồi cuối cùng biết rằng mình đã bị lừa cho cái tham vọng của Ðảng và Nhà Nước cũng như của đảng cộng sản thế giới. Thật thương thay cho người dân miền Bắc. Vì tình yêu thương đồng bào ruột thịt nên họ đã nhẹ dạ để cho Ðảng và Nhà Nước lừa lọc, để rồi biết bao thanh niên sinh Bắc tử Nam. Họ đã chết bờ chết bụi trên con đường mòn của bác từ Bắc vào Nam.

Giờ đây đã 30 năm sau cái gọi là “ngày giải phóng miền Nam”, Ðảng và Nhà Nước đã làm được gì cho người dân miền Nam nói riêng và cho toàn dân Việt nói chung? Có lẽ sẽ chẳng có mực giấy nào đủ để có thể kê ra hết những tội lỗi mà họ đã giáng trên quê hương yêu dấu thân thương của chúng ta. Sẽ chẳng bao giờ chúng ta biết được chính xác con số những người tù chết trong những trại cải tạo, những người chết sâu trong lòng đại dương khi tìm đường tự do và sống còn, những phụ nữ bị hiếp dâm rồi bị giết trên biển cả hay bị bán cho các nhà mãi dâm ở Thái Lan, và những phụ nữ bị bán qua các nước Trung Cộng hay Ðài Loan. Có ai có thể biết được bao nhiêu tài sản nhà cửa của người dân miền Nam đã khổ công đổ mồ hôi gần suốt cuộc đời họ mới có được, bị đảng và nhà nước tịch thu sau ngày quốc hận đó? Có ai biết được bao trẻ thơ đã trở thành mồ côi hay bao nhiêu thiếu phụ trở thành góa phụ vì cha, chồng mình chết trong trại cải tạo? Có ai biết được chính xác bao nhiêu trẻ thơ nhọc nhằn ngày đêm trên đường phố buôn thúng bán bưng, hay bao nhiêu gái thơ tuổi từ chỉ 13, 14 đã phải bán thân xác mình trên các lề đường để nuôi thân và gia đình? Còn cảnh nước mất nhà tan nào đau thương tủi nhục hơn thế đó hỡi người dân Việt? Phải chăng đó là những “công trạng mỹ mãn” mà Ðảng và Nhà Nước, những người tự xưng là “đỉnh cao trí tuệ loài người - vì dân mà chiến đấu, vì nước mà hy sinh”, đã “cố gắng” đem lại cho người dân miền Nam suốt 30 năm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975?

Người dân miền Nam nói riêng, và tổ quốc Việt Nam nói chung sẽ không bao giờ tha thứ được những tội lỗi tầy trời đối với dân tộc của tập đoàn Hồ Chí Minh cùng bè lũ tay sai cộng sản quốc tế.

Dù khôn ngoan quỷ quyệt đến đâu, với tội ác tầy trời đó, không sớm thì muộn đảng cộng sản Việt Nam sẽ bị dân tộc Việt Nam đưa lên đoạn đầu đài cũng như bao đảng cộng sản khác trên thế giới đã bị chính người dân họ đưa lên đoạn đầu đài trong suốt 2 thập niên qua. Ðó sẽ là sự thật phũ phàng cho đảng cộng sản Việt Nam, vì rằng bất cứ một thể chế nào đi ngược lại trào lưu tiến hóa tự do dân chủ của nhân loại cuối cùng cũng sẽ bị tiêu diệt. Người dân Việt tỵ nạn dù đang sống trong hạnh phúc ấm no nhưng sẽ không bao giờ quên nỗi khổ cực của đồng bào quốc nội, và sẽ luôn sát cánh cùng toàn dân Việt để đưa bè lũ Hồ Chí Minh lên đoạn đầu đài trong một ngày không xa nếu chúng vẫn còn ngoan cố. Không ai có thể xóa bỏ được những trang sử viết bằng máu và nước mắt, vì thế đừng để tổ quốc phải chép lên thêm một trang sử buồn không cần thiết bằng máu đổ thịt rơi của anh em mình. Hỡi những người cộng sản Bắc Việt hãy mau ăn năn quay về với dân tộc để cùng nhau xây dựng lại một nước Việt Nam thật sự tự do, dân chủ, công bằng, hạnh phúc và ấm no trước khi quá trễ.

Chú thích: Bài dự thi của tác giả Huyền Bùi được gởi đến tòa soạn bằng thư tay, không có tựa bài. Tôn trọng bài dự thi của tác giả, tòa soạn quyết định giữ nguyên hình thức đã được gởi đến.