PDA

View Full Version : Thêm một 30 tháng 4...Thêm một lần nhớ lại....



buingocthang1965
04-25-2012, 11:54 AM
Thêm một 30 tháng 4...Thêm một lần nhớ lại....

Con Giòi…



Lại sắp cộng thêm một Tháng Tư Đen! Tôi lại thấy trong lòng như có điều gì không ổn. Lúc nào tôi cũng thấy bứt rứt và cảm thấy trống trải vô cùng. Tôi thường đứng ngồi không yên, làm việc gì cũng hay bỏ giở nửa chừng. Quả thật là tâm tôi không tịnh…

Có lẽ Tháng Tư Đen lại nhắc tôi nhớ đến một quá khứ buồn nhiều hơn vui của tôi. Quá khứ ấy giống như khí hậu theo mùa trở về mỗi năm và gắn liền với hai chữ “TỰ DO” trong tôi. Hai chữ này đã khắc sâu vào tâm khảm ngay từ khi tôi còn rất nhỏ. Nó mang theo nhiều điều không bình thường nhưng tôi cứ giữ mãi trong lòng cho đến hôm nay… Sau ba mươi bẩy năm xảy ra biến cố lịch sử đau buồn của một ngày 30-4-1975 đen tối, tôi quyết định viết lại những gì đã ám ảnh tôi hơn nửa đời người…

Năm đó, 1954, tôi còn bé lắm, chỉ vừa 5 tuổi...

Một sáng tinh mơ, tôi bị kéo ra khỏi giường lúc 2 giờ khuya để theo Bố và người chị kế trốn xuống Hải Phòng, một thành phố cạnh bờ biển, cách Hà Nội khoảng 100 cây số. Vài ngày sau, Mẹ tôi xuống theo cùng với Bà Nội, chị lớn và hai em nhỏ còn bế trên tay. Bố Mẹ tôi đã bỏ lại tất cả tài sản gồm một nhà in, những chiếc xe cho đám cưới thuê, những chiếc xe hàng chở khách và hàng hóa từ Hà Nội đi các tỉnh. Họ đã phải bỏ lại mười bảy người làm việc trong nhà in và trong dịch vụ chuyên chở thương mại. Bố Mẹ tôi đã phải bỏ Hà Nội ở lại, xuống tàu "Há Mồm" ở Hải Phòng để ra khơi và được chuyển qua tàu lớn của Mỹ. Họ đã chọn mất tất cả tài sản và sự nghiệp gầy dựng cùng thân bằng quyến thuộc để di cư vào miền Nam nước Việt. Họ đã chọn vùng đất TỰ DO cho tương lai của đàn con nhỏ…

Tàu cặp bến Bạch Đằng ở Sài Gòn. Trời nắng như đổ lửa. Người Sài Gòn thật tốt bụng vì dọc theo bờ sông có những lu nước trà để cho người di cư tha hồ mà uống.

Sau một thời gian ngắn tạm trú ở nhà họ hàng nội ngoại vùng Bàn Cờ và Tân Định, Bố Mẹ tôi sang được một căn nhà nhỏ. Nhà của chúng tôi ở xóm lao động phía sau Đình Hát Bội trên đường Trần Quang Khải,Tân Định. Đặc điểm của khu tôi ở là con ngõ mở đầu khá rộng rồi tự nhiên tóp lại chỉ còn độ một thước rộng. Sau đoạn ngõ hẹp như cái cổ chai dài khoảng ba thước, con ngõ lại phình ra để lộ những căn nhà gạch lụp xụp, trong đó có căn nhà màu xanh nhỏ nhắn của Bố Mẹ tôi.

Ngày đó, Bố Mẹ tôi nghèo lắm vì đã bỏ trốn Hà Nội với một chút tiền dấu được. Mẹ tôi bán vải ở chợ Tân Định. Bố tôi lái xe taxi. Hai chị lớn được đi học. Còn tôi thì được ở nhà chơi với hai đứa em gái, một đứa 2 tuổi, và đứa út chưa đầy một năm.

Tuổi thơ của tôi thật êm đềm vì không phải đi học nên có nhiều giờ rảnh lắm. Tôi thích chơi bán hàng. Hàng hóa để bày bán của tôi là những cái lá me non xanh mướt, những cái hoa dại đủ màu hái bên bờ rào trong xóm, hay mấy quả ô môi nâu sậm rụng bên ngoài bức tường cao, cồng sau của một biệt thự ở cuối ngõ. Công việc của tôi thật đơn giản: chỉ phải pha sữa cho hai em tôi bú vào buổi trưa khi hai chị đã đi học, rồi ru cho em ngủ. Khi em ngủ rồi là tôi có quyền chơi. Tôi tự bán rồi tự mua hàng một mình bằng những tờ giấy xin được từ quyển vở cũ của hai chị, cắt đều đặn dùng làm tiền. Cho đến một ngày trời không đẹp lắm...

Hôm ấy, trời mưa rả rích mãi. Buổi sáng, tôi không đi hái hoa, hái lá để dành chơi vào buổi trưa được. Buồn quá, tôi xếp mấy cái thuyền nhỏ bằng những mảnh giấy tiền của tôi. Tôi thả mấy con thuyển nhỏ xuống rãnh nước chảy trước hiên nhà và chơi cả giờ như vậy mà không biết chán. Tôi vừa chơi vừa hát ngêu ngao. Trong lúc tôi đang say sưa lấy cây tăm khẩy nhẹ vào rãnh nước để dẫn lối cho con thuyền nhỏ trôi theo dòng, tôi bất chợt thấy trên bờ đất ẩm mấy hột cơm trắng nằm gần đó. Có một điều lạ lùng lắm mà tôi chưa bao giờ trông thấy là những hột cơm này biết bò...

Thế là tôi cứ chăm chú nhìn theo “hột cơm biết bò”. Được một lúc, khi thấy một “hột cơm biết bò” sắp rơi xuống vũng nước, tôi vội vàng thò hai ngón tay, nhẹ nhàng nhặt “hột cơm biết bò” để vào lòng bàn tay trái của mình và thủ thỉ: "Tội nghiệp hột cơm quá".

Tôi chơi với “hột cơm biết bò” ấy cho đến khi nghe tiếng em tôi khóc. Tôi sợ em lật qua sẽ bị rơi xuống võng và ngã xuống đi-văng nên vội vàng thả “hột cơm biết bò” xuống một chỗ khô ráo hơn bên hiên nhà. Tôi nhanh nhẹn chùi lòng bàn tay trái hơi ươn ướt vào bên hông quần rồi tất tả chạy vào đưa võng và hát bài ru em quen thuộc...

“Trèo lên cây bưởi hái hoa,

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Em có chồng anh tiếc lắm thay…”

Tôi vừa hát líu lo, vừa đưa võng cho em ngủ, và tôi ngủ quên đi lúc nào không biết…

Chiều hôm ấy, Mẹ tôi bán hàng ở chợ về sớm hơn một chút. Nhờ đắt hàng hơn thường lệ nên Mẹ tôi có mua thêm chuối cho các con. Mẹ cho tôi một quả chuối thật to. Tôi nhanh tay đưa quả chuối vàng ươm lên mũi hít hà rồi bấu móng tay vào cuống chuối để bóc vỏ. Tôi chưa kịp kéo vỏ chuối xuống thì đã bị Mẹ tôi nắm lấy cổ tay và giữ chặt lại. Mẹ nhìn thẳng vào mắt tôi rồi dõng dạc hỏi:

- Con có nhớ mẹ dặn gì không ?

Tôi không đáp mà chỉ lắc đầu và định bóc tiếp thì Mẹ tôi giằng lấy quả chuối. Mẹ tôi bấm móng tay vào giữa, bẻ quả chuối ra làm hai, và tiếp tục nói:

- Mẹ đã dặn, là con gái, con phải bẻ quả chuối ra làm hai rồi mới được ăn, nhớ chưa?

Tôi gật đầu và nhận lấy hai nửa của quả chuối, ăn ngấu nghiến trong khi Mẹ tôi vào bếp để chuẩn bị bữa cơm tối. Tôi đi theo Mẹ xuống nhà dưới và líu lo kể chuyện...

Tôi kể cho Mẹ tôi nghe chuyện “hột cơm biết bò”. Khi nghe tôi nói đến bốn chữ "hột cơm biết bò", Mẹ tôi đã đặt nhanh con dao đang thái thịt xuống thớt. Mẹ nắm lấy cánh tay của tôi, kéo nhanh về phía lu nước và hỏi tới tấp:

- Bàn tay nào? Bàn tay nào?

Tôi mếu máo, chẳng hiểu gì cả khi thấy nét hốt hoảng trên gương mặt của Mẹ. Tôi xòe bàn tay trái đưa về trước mặt Mẹ.

Mẹ tôi im lặng múc nước dội lên bàn tay nhỏ bé của tôi. Mẹ lấy miếng xà phòng xanh hiệu "Cây Đàn" thơm mùi chanh xiết mạnh vào lòng bàn tay đỏ ửng của tôi rồi rửa đi rửa lại nhiều lần. Tôi vừa khóc vừa la oai oái "Đau quá mẹ ơi". Mẹ tôi không trả lời, tiếp tục rửa như vậy thêm hai lần nữa. Xong xuôi, Mẹ dẫn tôi lên nhà trên, gian phòng duy nhất trong căn nhà này, vừa là phòng khách, phòng ăn, và phòng ngủ. Mẹ tôi mệt mỏi ngồi xuống đi-văng và ôm mặt khóc. Tôi sợ quá, khóc thút thít và đến bên ôm tay Mẹ mếu máo:

- Mẹ ơi, con không dám nữa.

Bấy giờ Mẹ tôi mới ngửng mặt lên, vuốt mái tóc đẫm mồ hôi của tôi và nức nở:


- Con có biết "hột cơm biết bò" ấy là gì không?


Tôi sợ lắm khi thấy Mẹ tôi khóc nhưng vẫn nũng nịu trả lời:

- Mẹ ơi, con không biết, thưa Mẹ.


Mẹ tôi nước mắt đầm đìa, nhìn thẳng vào đôi mắt ngơ ngác của tôi và nói chậm từng chữ một:

- Là con giòi từ những bãi phân người ta đi bậy bên ngoài cái nhà cầu công cộng ở phía sau nhà mình đó. Con giòi bẩn lắm. Con giòi bò từ đống phân qua đây mà con đã cầm trên tay chơi suốt cả buổi trưa đó. Con cầm con giòi để chơi rồi đi pha sữa cho em bú, rồi nhúng cả bàn tay vào lu nước để ngâm cho sữa nguội. Bây giờ Mẹ phải làm sao đây?

Nhìn thấy Mẹ khóc, tôi cũng khóc theo nhưng không hiểu gì lắm về con giòi mà mẹ tôi nói cả… Cả buổi tối hôm ấy, thỉnh thoảng Mẹ lại vuốt tóc tôi như hối hận là đã chà sát bàn tay tôi mạnh quá. Tôi còn nhớ Mẹ tôi đã thủ thỉ bên tai cho đến khi tôi ngủ thiếp đi:

- Thật là tội nghiệp cho con tôi, đang sống sung sướng, yên ổn ở Hà Nội, có vú em chăm sóc, bây giờ mới năm tuổi đã phải ở nhà trông em, pha sữa cho em để Bố Mẹ đi làm kiếm cơm…

Sáng sớm hôm sau, Mẹ tôi cầm cái bô bằng nhôm mà hai em đi cầu lúc tối và bảo tôi đi theo Mẹ qua dãy cầu tiêu công cộng. Chưa đến nơi thì Mẹ đã chỉ cho tôi thấy những “hột cơm biết bò” lúc nhúc chung quanh những đống phân dọc hai bên lối đi… Tôi phải bịt mũi vì mùi phân thối bốc lên nồng nặc. Tôi lắc đầu lia lịa vì đám ruồi nhặng to tướng cứ vo ve bay tứ tung chạm vào môi, vào mắt, vào tai tôi. Tôi rùng mình, thấy xương sống ớn lạnh như có những “hột cơm biết bò” đang bò dưới lưng áo. Chung quanh tôi, nhìn đâu cũng thấy “hột cơm biết bò” trắng, vàng, nâu... bò lổm ngổm. Tôi sợ quá, khóc ré lên và nhất định đòi Mẹ dẫn trở về nhà… Chân tay tôi co rúm lại vì sợ, ghê tởm và khủng khiếp quá…

Từ sau ngày hôm đó, mỗi lần trời mưa, tôi leo lên đi-văng ngồi chứ không dám lần ra hàng hiên để thả thuyền chơi như trước nữa. Tôi bắt đầu biết sợ “hột cơm biết bò” vì chính mắt tôi đã trông thấy chúng chui ra từ những đống phân trên đường đi tới dãy nhà cầu công cộng ở mé sông rạch sau lưng nhà tôi một quãng đường trong ngõ.

Sau vài năm ở xóm nhỏ Đình Hát Bội, gia đình tôi dọn lên Phú Nhuận. Ở đây, căn nhà lá nền đất có cái sân chơi lớn hơn và dẫy cầu tiêu công cộng được xây bằng xi-măng sạch sẽ hơn nhiều. Tuy vậy, tôi vẫn bị hình ảnh của “hột cơm biết bò” ám ảnh nên tôi vẫn không dám chơi thả thuyền trước hiên nhà vào những lúc trời mưa.

Và cũng từ ngày đó, tôi không bao giờ ăn mắm tôm vì đã có một lần tôi trông thấy những “hột cơm biết bò” leo lên từ cái bát mắm tôm Mẹ tôi mua ở chợ về. Mỗi khi ở nhà ăn mắm tôm chưng với thịt ba chỉ và dưa leo, cho dù mùi mắm tôm thơm đến nghẹt mũi, cho dù tất cả nhà cố thuyết phục nhiều lần, tôi vẫn không chịu ăn mắm tôm. Vì thết chị tôi bảo:

- Con bé này không phải là người Việt Nam. Ăn bún riêu với đậu rán mà không có mắm tôm sống vắt chanh tươi vào thì không còn là bún riêu nữa.

Tôi không đôi co mà chỉ rùng mình vì lại nghĩ đến “hột cơm biết bò”. Tôi sợ “hột cơm biết bò” đến độ mỗi lần nhà ăn mắm tôm thì Mẹ tôi cho tôi ăn cơm với ruốc tức là thịt chà bông và tôi lấy tô cơm, đi ra khỏi bàn ăn, ngồi ăn một mình ở góc nhà.

Khi tôi lớn hơn, khoảng 13 tuổi… Gia đình tôi lại dọn nhà một lần nữa. Lần này tôi ở ngoài phố vì Bố Mẹ tôi thuê được một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Có một ngày kia, giữa bữa cơm Mẹ tôi gọi ra phụ gói hàng vì đông khách quá. Tôi đặt tô cơm xuống bậc thang lên lầu rồi chạy ra phụ Mẹ. Khi xong việc, tôi quay vào, cầm tô cơm lên, lùa nhanh phần cơm còn lại vào miệng, nhưng khi tôi chỉ mới vừa bắt đầu nhai, thì tôi tung cả tô cơm lên trời, miệng thổi phì phì, nước mắt ưá ra. Tôi hét lên như cháy nhà và mồ hôi vã ra như tắm. Cả nhà chồm đứng dậy, ra khỏi bàn ăn dưới bếp, tuôn về phía thang lầu. Bố tôi hốt hoảng hỏi to:

- Chuyện gì vậy? Chuyện gì vậy?
Tôi sợ đến độ không nói được một lời nào thì cả nhà nhìn thấy mấy miếng mắm tôm văng ra ngoài cùng với cái tô bị vỡ, mảnh vụn văng tứ tung. Bố tôi quay về phía các chị em tôi quát to:

- Đứa nào chơi nhét mắm tôm vào bát cơm này?

Đồng loạt có nhiều tiếng trả lời:

- Không phải con, không phải con…

Riêng đứa em trai thứ sáu của tôi đứng yên. Bố tôi quay qua tát nó một cái thật mạnh rồi chỉ ngón tay vào mặt nó và nói to với sự tức giận cùng cực:

- Chị mày có thể chết được vì sợ, có biết không?


Thế là hôm đó tôi bỏ cả bữa cơm trưa và bữa cơm chiều vì sợ quá. Tôi đánh răng, súc miệng bao nhiêu lần cũng vẫn thấy “hột cơm biết bò” lởn vởn trước mắt và có cảm giác còn dính ở trong miệng của tôi… Tôi sợ đến độ không còn làm được gì cả. Và cũng từ đó, mọi người trong nhà ý thức được thêm là không phải tôi sợ mắm tôm mà là tôi sợ con giòi trong mắm tôm sống mà tôi đã có lần nhìn thấy.

Hai mươi lăm năm sau, 1979, tôi đã trưởng thành, ở 30 tuổi…

Đúng ngày 30 tháng 4, tôi đi vượt biên… Sau những ngày lênh đênh trên biển và gặp nhiều tàu cướp, đám cướp cuối cùng đã húc lũng tàu của chúng tôi. Chúng tôi được tàu Đức cứu và đưa đến trạm dừng chân đầu tiên, Mersing. Đây là khu tạm trú của những người vượt biên trước khi được cứu xét và đưa qua đảo tị nạn ở Mã Lai.

Ngay buổi chiều đầu tiên đến đây, tôi đã bị trúng độc thức ăn. Có lẽ sau hơn cả tuần bị đói khát khi tàu bị cướp và bị bão, bữa cơm đầu tiên từ ngày rời bỏ gia đình, chung với mười người trong nhóm, tôi được chia với mọi người những hạt cơm trắng nấu chung với cá trong một cái hộp thiếc đựng bánh ngọt. Vừa ăn xong mấy miếng cơm thì tôi bị đau bụng. Tôi phải chạy vào nhà vệ sinh công cộng, lộ thiên, và không xa bãi cỏ mọi người sẽ nghỉ ngơi là mấy. Khi vừa bước gần đến nơi, tôi vội chùn chân lại. Tôi không có dép vì sau nhiều lần bị cướp biển Thái Lan, tôi chỉ còn đúng một bộ quần áo mặc trên người, và trước mắt tôi, không phải là những “hột cơm biết bò” nhỏ nhắn trắng phau mà là những con vật không xương sống, to bằng đầu đũa đang lúc nhúc chung quanh nhiều đống phân dẫn vào nhà vệ sinh. Tôi sợ quá nhưng không dám đi ra ngoài khu vực ấy vì sợ mọi người nhìn thấy và sợ bị lính Mã Lai đánh như đã được cảnh cáo từ lúc bước chân lên mảnh đất này.

Cuối cùng, tôi nhắm mắt nhưng vẫn còn mở hi hí để thấy đường đi. Tôi cố đặt bàn chân không dép, men theo chỗ nào có ít con giòi để vào nhà cầu. Nước mắt tôi dàn dụa. Chân tay tôi run lên cầm cập, răng tôi đánh vào nhau. Một phần vì đau bụng, vì lạnh, một phần vì sợ. Khi vào đến nơi, may quá, tôi nhìn thấy hai thanh gỗ bắc ngang để ngồi không có giòi bò. Sau khi ngồi xuống, tôi nhắm chặt mắt lại, cố đi cho nhanh, nhưng tôi đau bụng quá. Cuối cùng, khi ra khỏi cái nhà cầu ấy, mồ hôi trên trán, trên tóc, trên đầu vã ra như tắm. Tôi thấy cả người lạnh run lên. Tôi vội vàng đi nhanh về phía cuối bãi trong khu đất này. Tôi di chân nhiều lần xuống đám cỏ khô cằn như để gạt đi, chùi sạch tất cả những gì bám vào chân vì ở đây không có nước để rửa. Tôi có cảm tưởng như chân tôi rướm máu, nhưng tôi không dám nhìn chính hai bàn chân của mình vì nếu lỡ tôi trông thấy con giòi bám vào chân thì chắc là tôi sẽ đứng tim mà chết mất. Từ đó cho đến ba ngày sau, những người đi cùng tàu xin được người chung quanh cho tôi mấy miếng gừng, tôi chỉ nhai gừng và nhấp nước nóng chứ không dám ăn uống gì cả.

Ở Mersing được gần một tuần, thì nửa đêm của một ngày oi bức, khi tôi đang ngủ say, bỗng nghe có tiếng hét thất thanh, thật to, đánh thức mọi người trong gian phòng tạm trú dậy. Tôi ngồi bật dậy như cái lò so, đưa mắt hướng về chỗ có tiếng hét. Đèn trong phòng được bật sáng, tôi nhìn thấy một người đàn ông ở cuối gian nhà này đang nhẩy lên thụp xuống như điên loạn. Hai tay ông không ngừng móc vào hai lỗ tai và miệng thì hét liên tục không ngừng nghỉ:

- Con giòi, con giòi, con giòi chui vào lỗ tai tui.

Vừa nghe xong hai chữ “con giòi” thoát ra từ tiếng thét hãi hùng ấy, tôi đưa tay bịt chặt mắt lại. Tôi mất bình tĩnh ngay lập tức và sợ đến độ không còn biết phải làm gì hơn ngoài bịt chặt mắt lại. Nước mắt tôi lại ứa ra. Tôi sợ đến độ không dám nằm xuống ngủ tiếp vì biết đâu chẳng có những con giòi đang bò lổm ngổm quanh gian phòng tôi được lính Mã Lai cho phép ở vì bị trúng độc tuần trước...

Năm nay, 2012, tôi đã già rồi, ở tuổi sắp về hưu trí...

Tôi viết lại truyện “hột cơm biết bò” khi tôi còn bé xíu và “con giòi” khi tôi đã trường thành gắn bó như thế nào với cuộc đời tôi... Hình như định mệnh đã sắp đặt sẵn cho tôi với cùng một nguyên nhân, có cùng những diễn biến tương tự, những địa điểm tôi tìm đến, và hậu quả để lại cứ ám ảnh tôi mãi...

Năm 1954, tôi vừa 5 tuổi:

Năm 1979, tôi đúng 30 tuổi:

· trốn từ Hà Nội xuống Hải Phòng bằng xe vận tải,

· xuống tàu “Há Mồm” của Mỹ để được chở ra khơi an toàn,

· chuyển qua tàu lớn của Mỹ ,

· chở đến bến Bạch Đằng - di cư vào SàiGòn, miền Nam VN

· đi tìm TỰ DO,

· thấy “hột cơm biết bò” và sợ cho đến bây giờ...

· trốn từ Sài Gòn xuống Rạch Giá bằng xe đò,

· xuống tàu VNKG 0602 ra khơi, bị tàu cướp húc lũng lỗ, sắp chìm,

· được cứu vớt bởi tàu của Đức,

· chở đến Mersing - chuyển qua trại tị nạn Pulau Tanga, Mã Lai,

· đi tìm TỰ DO,

· thấy “con giòi” và sợ cho đến bây giờ...


Hai lần trong đời ngồi trên tàu không phải của người bản xứ (Mỹ-1954 và Đức-1979) để tìm đến vùng đất TỰ DO (Sài Gòn-1954 và Mã Lai-1979). Trên hai vùng đất TỰ DO này, tôi đã thấy “hột cơm biết bò” hay “con giòi”. Hình ảnh ấy đã ăn sâu vào tâm khảm và đã làm tôi sợ đến có thể chết đi được nhưng tôi vẫn ở lại nơi đó vì chỉ có ở đó mới có nhân quyền hay nói rõ hơn là tôi mới có được TỰ DO để sống như một con người...

Như thế thì lý do để cho tôi phải rời bỏ nơi tôi được sinh ra là Hà Nội-1954 và nơi tôi đã trưởng thành là Sài Gòn-1979... để trốn chạy, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, chắc chắn phải ghê sợ, phải khủng khiếp, và phải kinh tởm hơn cả “hột cơm biết bò” tôi gặp khi vừa năm tuổi hay “con giòi” tôi phải dẫm bàn chân trần không guốc dép lên nó lúc đã trưởng thành ở tuổi ba mươi!

Và cho đến hôm nay, lại sắp đến ngày 30 tháng 4 lịch sử, Tháng Tư Đen trở về, hình ảnh “hột cơm biết bò” hay “con giòi” lại hiện lên thật rõ ràng trong trí nhớ của tôi... và lý do tại sao tôi có mặt trên quê hương xứ người xa lạ này... sau hai lần chạy trốn để tìm đến một nơi cho tôi quyền sống của một con người đúng nghĩa...

Tôi rùng mình... Tôi không thể nào tưởng tượng được trên đời này lại có “một thứ” khác... đáng sợ, và kinh tởm hơn “hột cơm biết bò” hay “con giòi”. “Một thứ” đã khiến tôi khiếp sợ phải bỏ chạy và tìm đường trốn đi vì không muốn trở thành người mang trái tim không thật... Ra đi là đồng nghĩa với chọn con đường mất tất cả... mất tuổi thơ ngây, mất tuổi thanh xuân, mất niềm tin, mất ngôn ngữ, mất khả năng chuyên môn, mất tình yêu, mất tình thân ruột thịt, và mất cả cơ hội đóng góp cho mảnh đất tôi thương yêu nhất trong đời là quê hương tôi, nói chung, để đổi lấy quyền TỰ DO được sống đúng đắn theo Chân, Thiện, Mỹ... như một con người đúng nghĩa, nói riêng...!

Cho đến bao giờ thì tôi quên được “hột cơm biết bò” hay “con giòi” trong ký ức của tôi?!

Cho đến bao giờ thì tôi quên được “cái” đã làm tôi ghê sợ hơn cả “hột cơm biết bò” hay “con giòi” đến độ phải bỏ quê hương trốn đi và chấp nhận mất tất cả để đổi lấy hai chữ TỰ DO - quyền làm người?!

Thiên-Thu