PDA

View Full Version : 30 Năm Tỵ Nạn



Longhai
04-25-2012, 07:21 AM
30 Năm Tỵ Nạn

( Hồi Ký )


Trường Giang


Lời nói đầu : ( Tôi là người tỵ nạn theo chương trình H.O., đến định cư tại Mỹ. Tôi cũng là người chứng kiến cảnh sụp đổ tại Sài Gòn khi tướng Minh bị bắt đưa lên xe Jeep để đi đến đài phát thanh đọc lời đầu hàng ).


Chiếc xe thiết giáp vượt đường mòn Hồ Chí Minh theo quân Bắc Việt vào Nam phá sập cổng Dinh Ðộc Lập, sau 6 tháng bộ đội đã được học tập tiếp thu các thành phố Miền Nam, đánh dấu lời của tướng Dương văn Minh, Tổng thống chỉ định ra lệnh quân sĩ Việt Nam Cộng Hòa buông súng đầu hàng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Nhưng trên xe thiết giáp, đầu ngọn antena phất phới lá cờ của Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Ðó là mối chốt của sự lật ngược lá bài do Kissinger giúp cho quân Bắc Việt tiến chiếm Miền Nam. Suốt trong cuộc chiến, trên 300 ngàn tấn bom trút xuống Bắc Việt, với pháo đài bay B52 thả bom trải thảm, liệu Bắc Việt có thể chiếm được miền Nam nếu Mỹ không rút quân và không ngưng cấp quân viên cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa?

Cảnh đau thương xẩy ra ngay sau khi lệnh đầu hàng được ban hành, nhiều cấp tướng lãnh, sĩ quan quân đội, cảnh sát cũng như hàng ngũ quân nhân nhảy dù, thủy quân lục chiến bằng mọi cách đã tự sát để không lọt vào tay Cộng sản. Những hành động anh hùng này, gây rất nhiều xúc động, trong quần chúng, và tạo nhiều suy nghĩ trong quân đội cũng như cảnh sát.

Saigon, trở nên xáo trộn, người người ngơ ngác, bang hoàng, cảnh hỗn loạn tại các bến tàu gia tăng của đoàn người trốn chạy. Xe cộ của người bám theo tàu thủy, bỏ ngổn ngang hai bên lề đường. Khám lớn Chí Hòa, tù phá khám vượt rào vì không còn lính canh giữ. Các kho gạo tại quận 4, bị dân phá tung cửa để hôi gạo. Các quận ven Ðô chạm địch kêu thất thanh trên máy vô tuyến. Các căn hộ Mỹ thuê cũng như tòa Ðại sứ Mỹ, bị dân chúng đập phá để hôi của. Càng về chiều xe cộ cũng như người bộ hành thưa thớt lần, chỉ có những xe Jeep chở quân cách mạng 30 tháng 4 chạy bóp còi inh ỏi, hù dọa dân chúng.

Ngày 1 tháng 5 năm 1975, lễ quốc tế lao động, người Tàu Chợ Lớn treo cờ sao vàng và cờ Trung cộng, ăn mừng, nhưng chỉ vài phút sau là bị triệt hạ hết, lý do là chưa được phép treo loại cờ này.

Trở lại vấn đề tại sao quân Bắc Việt chiếm các thành phố mà phải núp dưới ngọn cờ của Mặt trận giải phóng Miền Nam.

Vào năm 1973, tại Thượng Hải đã diễn ra một hội nghị tay ba giữa, Lê đức Thọ - Kissinger và Chu Ân Lai để thảo luận về việc quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam. Cuộc hội nghị được kết thúc với sự chấp thuận của Trung Cộng, Việt Nam vẩn duy trì là một nước chia đôi 2 miền Nam Bắc. Miền Bắc theo chế độ Cộng sản, và miền Nam là một nước Trung lập.

Ðể chứng minh sự kiện trên, Quân Bắc Việt khi tiến vào các thành phố đều cầm cờ Giải phóng Miền Nam đi đầu, chứng minh rằng quân Giải phóng nổi dậy, chứ không phải quân Bắc Việt xâm lăng. Sau khi quân Bắc Việt chiếm các thành phố Miền Nam họ bắt tay vào việc thành lập các Ủy ban quân quản, là khởi đầu cho một nhà nước sơ khai để điểu hành việc cai trị miền Nam, trên các văn thư hành chánh tiêu đề có ghi :

“Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam - Ðộc Lập - Dân Chủ - Hòa Bình - Trung Lập.”

Người ta cũng được biết sau khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, Kissinger và Lê đức Thọ đã nhận được giải Nobel Hòa Bình. Ðây là hai nhân vật có công trong việc thống nhứt nước Việt Nam và nhuộm đỏ xứ sở này, nhưng Hòa bình và Tự do chưa ló dạng.

Tù binh Mỹ được Bắc Việt thả ngay và cho hồi hương.

Dân miền Bắc vui mừng đáp tàu vào miền Nam tìm lại thân nhân bao nhiêu năm xa cách, và cũng muốn tận mắt xem đờI sống khổ cực của dân miền Nam như thế nào, có như những bài đã được học tập, đoàn kết để chiến đấu giải phóng miền Nam nghèo đói và bị bốc lột?. Nhứt là bộ đội đã vào từng nhà để xem dân miền Nam sống khổ sở đến mức nào. Nhưng thực tế đã trà lời sự tuyên truyền láo khoét của nhà nước miền Bắc, cuối cùng họ đành nói sự thực và xin vật dụng nhiều gia đình để mang về Bắc cho thân nhân đang đói rách và thống khổ.

Chiếm được miền Nam quận Bắc Việt bắt tay ngay vào việc xé nát xã hội Miền Nam, chiếm độc tôn cai trị theo sách lược độc tài, không tình dân tộc, và muốn lột sạch tài sản của quần chúng cũng như nhà cửa ruộng vườn.

Quân chiếm đống vào Quân y viện Cộng hòa tại Saigon, đuổi tất cả thương binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đang nằm điều trị, bất chấp nặng nhẹ phải rời khỏi quân y viện. Những ngôi mộ của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa an nghĩ tại nghĩa trang Biên hòa, cũng bị trả thù, bị đào xới một cách vô nhân đạo. Tại các tỉnh và thành phố, do sự điềm chỉ của dân chúng, quân bắc Việt đã mang người ra bắn ngay giữa chợ.

Ðiều chính yếu trong cảnh tranh tối tranh sáng, Bắc Việt cho giải thể ngay Chánh phủ lầm thời giải phóng miền Nam và quân đội giải phóng miền Nam. Không còn vương vấn chút tình đồng đội, đồng chí nữa. Ai cũng biết suốt trong cuộc chiến, song song chánh phủ Bắc Việt, Cộng sản thành lập chánh phủ Lâm thời giải phóng miền Nam Việt Nam. Gồm những người yêu nước Miền Nam, những thành phần bất mãn, và cán bộ cộng sản đội lốt quốc gia. để rêu rao với thế giới rằng Bắc Việt không phải là quân xâm lăng, mà miền Nam có sự tranh chấp giữa hai chánh phủ. Sự lợi dụng này suốt chiều dài của cuộc kháng chiến với những thành phần sinh viên thanh niên Miền nam tập kết ra Bắc, gia đình của lực lượng này trở thành một chỗ dựa vững chắc để nuôi quân Bắc Việt xâm nhập miền Nam, đồng thời là mối chốt cho các đường dây liên lạc của những kẻ phản bội nằm trong chánh quyền Miền Nam làm nội tuyến. Quân Mỹ rút bỏ miền Nam trong thế bỏ ngỏ cho quân Bắc Việt tiến quân xâm nhập, và kết hợp với cơ sỏ của Mặt trận giải phóng Miền Nam nổi dậy, nhưng khi hoàn thành việc chiếm lĩnh các thành phố và dựng được một nền cai trị tai Miền nam, thì... Mặt trận giải phóng Miền Nam cũng như Chánh phủ Lâm thời Miền Nam âm thầm bị khai tử, và lần hồi các cán bộ Miền Nam trong các cơ quan cũng không còn có mặt.

Tất cả các công sở của chánh phủ Miền Nam cũng như những tư gia công chức, quân chiếm đống chia nhau vào chiếm ngụ, và từ đó tiến hành việc tịch thu phẩm vật mang về Bắc. Nhiều đoàn xe chạy suốt ngày đêm chuyên chở máy lạnh, trang thiết bi nội thất, xe ôtô du lịch và hàng tấn vàng trong ngân khố Saigon... một cuộc hôi của nhộn nhịp vô tiền khoán hậu.

Ðồng thời Ủy Ban quân quản, kêu gọi tất cả quân cán chính Miền Nam đăng ký trình diện đi học tập chánh sách mới của Nhà nước trong vòng 3 tháng, song song cho cán bộ lùng sục để bắt nhưng người không chịu ra trình diện. Nhưng nghiệt ngã thay, cuộc di tản của Mỹ tổ chức, lại được sắp xếp chỉ bốc các giới chức đứng đầu cơ quan và tướng lãnh, nhưng cố thuyết phục các vị phụ tá ở lại để duy trì sự sinh hoạt các công sở được bình thường. Bởi lẽ đó mà hồ sơ các công sở không bị thiêu hủy. Cuối cùng tất cả các vị phụ tá cũng như nhân viên và quân nhân các cấp còn lại đều phải vào tù. Rất nhiều trại tù ở miền Bắc cũng như ở miền Nam được thiết lập, và mỗi trại có một chế độ khắc nghiệt khác nhau, mục đích duy nhứt là lấy lao động cật lực và đói khát để đưa người tù mau đến cõi chết.

Nhưng hổ thẹn nhứt, vào nhưng năm 1977-1979, chánh quyền Bắc Việt đưa ra một dự án thành lập một trại định cư để gom tất cả những người tù đang cải tạo cùng với gia đình đang cư ngụ ở các thành phố đến một địa điểm tập trung gọi là trại Thanh Phong để sinh sống, và cử Tướng Nguyễn Hữu Có đứng ra thành lập trại. Vị Tướng này, huy động các sĩ quan công binh tạo tác, nằm rải rác ở các trại tù miền Bắc để vẽ sơ đồ xây dựng trại.

Ðịa điểm trại này nằm ở vùng núi thuộc tỉnh Thanh Hóa giáp biên giới Lào. Nhưng... đến năm 1979 Trung Quốc cho Việt Nam một bài học, đã xua 2 Lộ quân tiến chiếm 6 tỉnh biên giới Bắc Việt, sang bằng tất cả nhà cửa, ruộng vườn, hoa màu, giết sạch súc vật trong suốt 29 ngày đêm. Sau đó tất cả các trại tù tại miền bắc được chuyển về miền Nam, và trại Thanh Phong không thực hiện được.

Nhà tù càng ngày càng mở rộng, thì tại các tỉnh thành tiến hành việc đổi tiền cũ lấy tiền mới, cứ năm đồng cũ ăn một đồng mới. Mọi gia đình lại gặp thêm sự thống khổ mất tiền, cảnh nhà điêu đứng vì việc làm ăn ngưng trệ, lương tiền hằng tháng của chồng không còn, lại thêm cha con phải đi tù, nhà lại vắng bóng đàn ông, một sức lao động đang cần trong giai đoạn này. Hoàn cảnh mọi người đều bị xáo trộn, đói rách cận kề. Tiếp đến công an phường đến từng nhà đuổi vợ con đi lên vùng kinh tế mới sinh sống để cướp nhà. Lại xẩy ra chuyện đâu co với nhân viên công lực, nhưng cuối cùng ai gan lì thì không bị mất nhà.

Nhưng chưa yên, một chánh sách kiểm kê tài sản được ban hành để truy lục hết tài sản của những thương gia để tịch thu và chỉ để lại một phần nhỏ để sinh sống. Dưới danh từ đánh tư sản mại bản. Hành động cướp của này, đã có nhiều thương gia nhảy lầu tự vận chết. Riêng các người Tàu ở Chợ Lớn, tài sản bị tịch thu mạnh, đã phải bỏ nhà chạy về Trung quốc tỵ nạn qua cửa Hữu nghị quan ở bắc Việt.

Tất cả những hành động giết người, cướp của này đã làm cho toàn dân Miền Nam khiếp sợ và phong trào bỏ nước ra đi tìm tự do liều chết đã mang lại nhiều đau thương chết chóc, hãm hiếp trên biển cả. Hình ảnh này khó mà làm lu mờ trong ký ức của thuyền nhân tỵ nạn. Những người bi bắt về tội bỏ nước ra đi bằng đường bộ hay đường biển đều bị bỏ tù về tội phản quốc.

Phong trào tịch thu nhà cửa được phát động mạnh, không những đối với người bỏ nhà ra đi vượt biên, mà những người ra đi chính thức cũng bị mất nhà nếu không có người cùng hộ khẩu ở lại giữ nhà. Cán bộ, công an, bộ đội một sớm một chiều đã trở thành chủ nhân ông.

Ðến nay đã 30 năm qua người Việt tỵ nạn khắp năm châu, đã kết hợp nhau lại thành những cộng đồng lớn mạnh, dưới nhiều hình thức hội đoàn, đảng phái cũng đều hướng về mục đích đấu tranh, để mang lại cho Việt Nam tư do và dân chủ. Tại Hoa kỳ chúng ta có thể hãnh diện sự thành đạt của con em gia đình tỵ nạn, ngày nay là những khoa hoc gia, những bác sĩ, kỹ sư đóng góp đáng kể cho xã hội Hoa kỳ cũng như tham dự vào nguồn máy chính trị của Mỹ. Về thương trường, ngoài Cali mệnh danh là thủ đô của người Việt tỵ nạn, còn có nhiều thành phố khác, người Việt Tỵ nạn thành công vượt bực. Mãi lực càng ngày càng phát triển, và khu phố của người Việt càng ngày càng mở rộng. Ðặc biệt cộng đồng Việt Nam, đã vận động thành công các Tiểu bang để công nhận cờ vàng ba sọc đỏ là ngọn cờ của Cộng đồng người Việt Quốc gia. Cũng suốt 30 năm qua, cờ vàng ba sọc đỏ luôn luôn xuất hiện tất cả nẻo đường trên khắp năm châu qua các cuộc biêu tình cũng như tham gia vào lễ hội văn hóa của Liên Hiệp Quốc tổ chức hàng năm tại New York. Lễ hội này chỉ dành cho các quốc gia trên thế giới có tòa đại sứ tại Mỹ, nhưng riêng Việt Nam, cộng đồng Việt Nam là đại diện cho quốc gia Việt Nam, vì Việt Nam XHCN không có người dân nào sinh sống ở hải ngoại để dựng ngọn cờ sao vàng. Ðây là một giá trị tinh thần không thể đảo ngược được, bởi lẽ đó suốt 30 năm qua không có một ngọn cờ sao vàng nào xuất hiện trên đường phố ở bất cứ một quốc gia nào.

Chúng ta đang mơ ước có một anh tài làm lãnh tụ, đứng ra đại diện cho toàn thể người Việt Ty nạn trên thế giới, phát khởi một tinh thần đoàn kết để có một tiếng nói duy nhứt. Vì sau 30 năm cần cù làm việc và học hành, chúng ta có một đội ngũ chuyên gia đáng kể và một nền tài chánh không nhỏ mà trong nước không sánh được, đó là một tài nguyên vô giá mà chúng ta đã thủ đắc được.

Sau khi ghi lại những biến đổi đã xảy ra trong 30 năm qua trong nước, những đau thương mà chế độ cộng sản đã xé nát xã hội miền Nam, lôi kéo cả miền Bắc đói nghèo, Việt Nam trở nên kiệt huệ, cuối cùng Cộng sản đành phải xoay chiều từ bao cấp đến đổi mới. Ðổi mới để tồn tại, chế độ hợp tác xã mất chỗ đứng, thực phẩm bán theo hộ khẩu cũng mất lần. Nhưng các công ty quốc doanh vẩn duy trì, cũng như các cơ quan nhà nước đứng ra kinh doanh để lấy lời vẩn được nuôi dưỡng. Từ đó phát sinh ra nạn tham nhũng, đảng viên trở nên thối nát. Nhưng Cộng sản vẫn cố bám víu vào sức mạnh mỏng manh của các đảng viên trung kiên để tồn tại, nên đã dung túng việc tham nhung để khống chế và dùng làm đòn bảy để trừng trị.

Nhìn chung đảng Cộng sản ngày một suy yếu, nhiều đảng viên lão thành bỏ đảng, đòi thực thi dân chủ, và trực diện chỉ trích thành phần lãnh đạo nước. Chánh sách thù địch đối với những người bỏ nước ra đi được chuyển hướng thành “Việt kiều yêu nước” được nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam kêu gọi về nước bỏ vốn đầu tư. Ðã đến lúc Cộng sản thấy kinh tế phát triển là cần yếu cho sự sinh tồn của Ðảng trong trào lưu thế giới hôm nay.

Ngày nay trước trào lưu kinh tế phát triển của thế giới, nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam phải thẳng thắn nhìn nhận lỗi lầm của chánh sách đã xóa bỏ chế độ tư sản Miền Nam là một sai lầm, làm đất nước bị tụt hâu suốt trong 30 năm qua, cần thiết cho một hành dộng kiểm thảo đáng thực hiện. Hiện nay, đất nước Việt Nam lại bước vào một xã hội không khác gì xã hội Miền Nam 30 năm về trước, một Xã Hội Tư Sản đang hình thành, mà Cộng sản đang mưu cầu thế giới tư bản tiếp tay thực hiện.

(1) “30 Năm Tỵ Nạn” nhìn lại đất nước còn nhiều loang lổ, còn nhiều điều đáng sửa sai, để Việt Nam được trưởng thành theo kịp các nước phát triển trong vùng Ðông Nam Á, đồng thời mang lại cho đồng bào một đời sống sung túc. Ðó là ưu tư của tất cả người Việt tỵ nạn hiện đang định cư khắp năm châu. Sự trốn chạy khỏi ách cộng sản, 30 năm qua Thượng Ðế đã ban cho chúng ta nhiều hạnh phúc trong đời sống ly hương, nhứt là đàn con cái của chúng ta ham học, ham làm, không mấy chốc đã trở thành những tài năng làm cho thế giới kính nể. Ðó là những hạt giống tốt hứa hẹn sẽ gieo trồng trong tương lai trên mảnh đất Việt Nam tự do.



Trường Giang