PDA

View Full Version : Những chuyện Tháng Tư 2011



Longhai
04-23-2012, 02:13 AM
Những chuyện tháng Tư 2011

Thu Nga


Nhận được cú phone của anh S., tôi bàng hòang tưởng mình nghe nhầm, bèn hỏi lại: “Ông L. của mình hả?”; tiếng ông S. lập lại: “Thì L. của mình chớ L. nào?” Tôi hỏi: “Tại sao chết? Chết bất tử vậy?“. Ông S. cười: “Thì chết chớ sao!” Chắc anh cũng không biết trả lời như thế nào trước những câu hỏi lãng xẹt của tôi! Nhưng lúc đó, tôi thật bàng hòang. Trong nhóm 4 người lên chiếc tàu Anh Tuấn rời bến tàu gần kho 5 Khánh Hội ngày 29 tháng 4 năm 1975, bây giờ đã có 2 người bỏ anh em, bỏ bạn bè ra đi vĩnh viễn. Người thứ nhất là ông T., chết cách đây 4 năm vì bệnh ung thư và bây giờ là ông L., bể mạch máu não, như vậy chỉ còn 2 người ở lại là ông S. và nhà tôi! Khi báo tin với nhà tôi, đang đi công tác cho TV ở Thái Lan, anh cũng hỏi câu tương tự: “Ông L. nào? ông L. của mình hả?“; tôi đáp: “Thì ông L. của mình chứ ông L. nào!” Phải, ông L., một người bạn đồng sự trong trung tâm điện ảnh, tại Khánh Hội. Trong lúc hỗn quân, hỗn quan, Cộng Sản chờ chực pháo vào Sài Gòn, chúng tôi đã lên chung chuyến tàu Anh Tuấn đang chuẩn bị nhổ neo. Gia đình ông S. có nhiều người từ Đà Nẵng chạy vào cũng đang chuyển người lên tàu...

Mắt tôi tự nhiên thấy cay cay. Một người bạn thân nữa đã từ giã ra đi! Chừng nào tới phiên những người còn ở lại?

Chúng tôi, 4 gia đình chất lên một xe đi xuống Houston dự đám tang. Trong đó có anh chị P. tuy không đi cùng chuyến tàu Anh Tuấn - anh chị bị kẹt lại, anh đi tù và qua sau -- nhưng anh P. cũng làm việc trong trung tâm điện ảnh trước khi chúng tôi từ Pleiku về Sài Gòn, ngày chúng tôi chất nhau lên tàu lánh nạn Cộng Sản, gia đình anh P. không có mặt tại Sài Gòn. Anh P. làm tài xế chở chúng tôi đi dự đám tang anh L. Anh S. cố gắng làm cho không khí đỡ buồn: ”Ông L. sướng hơn tụi mình, chả bỏ đi trước có tụi mình đến dự, tới phiên tụi mình đi, chả đâu có tới!” Đúng vậy! người nằm xuống, xuôi tay nhắm mắt không còn vướng bận sự đời, hay sự đời cũng không làm cho họ vướng bận, chỉ có người còn sống là nhớ thương, sầu thảm mà thôi. Anh L. ra đi một cách rất nhẹ nhàng, nghe nói anh đi vào phòng tắm, có lẽ lên cơn mệt, anh ngồi rủ xuống sàn, ngủ một giấc say sưa. Chị L. kể lại: buổi tối, không thấy chồng vào phòng ngủ, chị xuống nhà dưới và tìm thấy anh nằm ngáy trong phòng tắm, điều kỳ lạ, là anh vẫn ngáy rất to, nhưng mặc cho chị lay gọi, anh không tỉnh dậy, nên phải kêu 911, thế là anh đi vào giấc ngủ thiên thu! Anh đã được 77 tuổi! Không thể tưởng tượng với tuổi đó, anh nhìn rất trẻ và khỏe mạnh, chị L. nói không hề có một dấu hiệu bệnh tật nào trước đó. Chúng tôi cùng chép miệng an ủi: “Anh L. phải tu chục kiếp mới ra đi một cách nhẹ nhàng như vậy!”

Chúng tôi ôm nhau trong nhà quàn, mắt mũi ai cũng ngu ngơ. Mau thật! tưởng như mới ngày nào, chúng tôi chân ướt chân ráo tới Mỹ, giờ nhìn lại ai cũng 6, 7 chục bó. Con cái mới năm nào còn nhỏ xíu, bồng bế trên tay, nay đứa lớn nhất đã điểm lâm râm tóc bạc.

Tháng 4 của 36 năm về trước, chúng tôi tay xách nách mang với 4 đứa con thơ, leo lên chiếc tàu Anh Tuấn đang đợi dưới bến, để mang một đòan người không biết sẽ trôi giạt nơi nào để tránh họa Cộng Sản. Dĩ nhiên những người chạy ké như chúng tôi mới không biết chiếc tàu sẽ mang mình đi đến phương nào, còn những chủ tàu chắc chắn biết nơi họ sẽ đi đến, đó là Subic Bay, Phi Luật Tân.

Với 4 đứa con thơ, hai vợ chồng và đứa em gái, chúng tôi chỉ kịp mang trên mình một túi xách áo quần nhỏ, không valise, không cặp táp, vài giấy tờ tùy thân mà lúc hỏang hốt, chúng tôi vẫn ráng mang theo. Những vật dụng kồng kềnh nhất là của đứa con mới sinh được hơn 2 tháng, nào là bình sữa, khăn lông, tã lót, bình nước nóng... 3 đứa kia, nét mặt ngơ ngác làm theo lời cha mẹ nhưng có lẽ không hiểu rõ lý do nào rõ rệt tại sao ba mẹ phải bỏ nhà, bỏ cửa, lênh đênh trên biển cả mấy ngày trời vì hai chữ “Việt Cộng tới!”

Rời bờ 1 ngày, chúng tôi nghe lệnh đầu hàng, đàn ông, đàn bà nước mắt lã chã trên gương mặt đã hằn vết suy tư. Cái sợ, cái buồn, cái đau mất nước vào tay Cộng Sản trộn lẫn với cơn mưa bão muốn đánh chìm con tàu làm người lớn mệt nhòai, con nít mất sức, thằng út của chúng tôi khát sữa nhưng khóc cũng không ra hơi. Mẹ con bị say sóng nằm la liệt. Đứa con gái 4 tuổi lại không hề hấn gì, cháu vẫn theo ba, leo lên, leo xuống dưới hầm tầu bằng 1 cái thang dựng đứng, nhìn lên, nhìn xuống đều thấy chóng mặt. Sau cơn mưa, trời lại sáng, thiên hạ đem những hình ảnh bị mưa bão làm ướt, cả những tờ giấy bạc nữa, đem phơi. Chúng tôi lúc ấy mới nghe được mình sẽ đi đến nơi nào. Những người mang quân phục và có súng ống bên mình đã quăng xuống một quãng sông khi nghe lệnh đầu hàng phát ra từ chiếc radio! Trên mình mọi người, quần áo, tóc tai đã bắt đầu khô theo nắng và gió.

Lênh đênh 7 ngày, 7 đêm chúng tôi cũng đến được Subic Bay, Phi Luật Tân. Đòan người lôi thôi, lê thê lếch thếch sắp hàng đi làm giấy tờ. Và từ đó chúng tôi nghỉ ngơi không bao lâu, lại được đưa đi đảo Guam và sau đó đến trại tị nạn đã được định trước là Fort Chaffee, Arkansas.

Cũng như mọi người di tản, chúng tôi phải hòa nhập vào cuộc sống tập thể trong các barack, mỗi gia đình tuy có khỏang không gian riêng, nhưng phải chia chung phương tiện vệ sinh tắm rửa công cộng. Trẻ con vẫn vô tư chạy nhảy, còn người lớn bề ngòai, tuy vẫn sinh họat chung với mọi người nhưng trong tâm trí, ai cũng lo âu, không biết tương lai sẽ về đâu? Việc gì đang xảy ra ở quê hương đang xa cả nửa vòng trái đất? Cha mẹ, anh em, bà con, bạn bè thân thuộc giờ ra sao? Có người còn kẹt lại vợ con, có người chạy theo đòan người di tản, chồng thì vẫn còn kẹt trong một chiến trận nào đó!? Nói làm sao hết những tâm sự ngổn ngang! Bà T. vẫn khóc rấm rứt mỗi đêm về vì đứa con gái thứ 2 bị kẹt lại! Bà Lân với 5 đứa con, gia đình ông S. cũng tạm trú trong một barack không xa mấy.
Chúng tôi, những người đi cùng chuyến tàu vẫn gặp gỡ nhau hàng ngày và cùng tự hỏi, đời mình rồi sẽ ra sao? Ngòai nhóm bạn bè hàng xóm trong cư xá điện ảnh truyền tin, cùng chạy trên chiếc tàu Anh Tuấn, chúng tôi còn gặp được nhiều bạn bè khác, có người học chung trường với tôi, hoặc học cùng khóa Võ Bị với nhà tôi. Ngày ngày trong khi chờ sponsor bảo lãnh, chúng tôi cùng đi sắp hàng lãnh cơm, sắp hàng chờ cà phê, bánh ngọt, hay rủ nhau đi xem phim giải trí. Khi bóng đêm phủ xuống, chúng tôi lại đi vào bên trong, khi thì phòng người này, khi thì phòng người kia, bàn tán nghe ngóng tin tức của đài BBC hoặc VOA. Buổi tối, trong không gian im lặng, chúng tôi lại nghe một tiếng hát thật buồn: “Rồi có một ngày, có một ngày chinh chiến tàn, anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao...”, đó là tiếng hát của một người lính đã bỏ lại vợ con, vì anh đã không còn đường trở về nhà trong một trận đánh. Tiếng hát của anh làm nhiều người mủi lòng. Rồi hàng đêm, chúng tôi cũng nghe được những lời bàn cãi ồn ào về việc nhiều người, vì những lý do khác nhau, có người vì gia đình, có người có thể nhẹ dạ, tin theo lời đường mật của những tên Cộng Sản đã len lỏi trong đòan người tị nạn, ghi danh đi về trên chiếc tàu Việt Nam Thương Tín! Những người đã trải qua cuộc di cư 54, có kinh nghiệm với chế độ sắt máu của Cộng Sản đã lên tiếng khuyên can, nói rằng về là mắc bẫy Cộng Sản. Trong số người trở về ấy có người lính lạc mất vợ con kia, với tiếng hát não nùng mỗi đêm. Họ đã trở về lại Việt Nam, sự trở về của họ không được trả bằng sự đòan tụ, những lời hứa láo khóet, mà họ đã bị Cộng Sản bỏ ngay vào tù! Đây không phải là lần đầu tiên Cộng Sản lừa dối vì bịp bợm, hung ác là bản chất của Cộng Sản, chúng lập đi lập lại trò gian manh không biết bao nhiêu lần, và lần nào chúng cũng câu được một số người nhẹ dạ, mau quên!

Trong tháng Tư của năm thứ 36, tin tức từ Việt Nam đưa sang cho thấy từ lúc Cộng Sản xua quân xâm chiếm miền Nam cho tới nay, chính sách của chúng vẫn không hề thay đổi, vẫn gian ác, xảo quyệt... qua hành động bắt bớ trả thù vẫn tiếp tục đối với những người không cùng chính kiến. Bản chất độc ác, độc tài không hề thay đổi trong chính sách độc đảng. Vụ xử án luật sư Cù Huy Hà Vũ đúng là một thứ luật pháp rừng đã làm cho cả thế giới lên tiếng cảnh cáo chế độ cai trị của Cộng Sản. Cũng trong tháng Tư, lòng người dân trong và ngòai nước vẫn còn hy vọng một cuộc cách mạng tòan dân sẽ diễn ra như cuộc cách mạng Hoa Lài tại Trung Đông. Tuy có nhiều người bi quan nói rằng ở các nước Bắc Phi, Trung Đông chỉ có 1 kẻ độc tài, còn ở Việt Nam có cả một đảng cầm đầu khó mà lật đổ được, nhưng ở đời khó có thể biết được việc gì sẽ xảy ra vì khi sự cùng khổ của dân chúng đã chạm xuống đáy vực, khi con giun xéo lắm cũng phải quằ... Tại Trung Đông chỉ có một bó đuốc của một sinh viên tự tử chỉ vì không tìm ra việc làm trong một đất nước độc tài, tham nhũng mà tạo nên một cuộc cách mạng để đời, huống chi nếu mỗi người dân trong nước Việt Nam sẽ là một bó đuốc thì chế độ Cộng Sản phi nhân phải bị thiêu rụi mà thôi. Vấn đề chỉ là thời gian.

Nói về độc ác thì không có một chế độ nào độc ác hơn chế độ Cộng Sản, mà điển hình là những vụ đánh đập dã man của công an, cảnh sát, công cụ áp chế của đảng đối với dân chúng. Họ đánh đập từ cụ già đáng tuổi ông, tuổi cha của họ cho đến những thanh thiếu niên vô tội, chúng cũng không từ nan phụ nữ hay trẻ em. Máu và nước mắt của người dân trong những cuộc đàn áp giành nhà cửa đất đai của dân, của nhà thờ, của chùa..., máu và nước mắt của người dân vô tội tiếp tục rơi. Điển hình là 55 giáo dân Cồn Dầu đang trốn tránh chế độ Cộng Sản. Phái đòan truyền thanh hệ thống Sài Gòn Houston/Dallas, đài truyền hình SBTN Dallas Fort Worth cùng một vài luật sư đại diện cho ủy ban Cứu Người Vượt Biển đã đi thăm những giáo dân, những người đấu tranh dân chủ phải trốn chạy sự trả thù dã man của Cộng Sản, đang nuôi hy vọng được Liên Hiệp Quốc cứu xét cho họ đến bến bờ tự do.

Sau năm 75, dân Việt đã nghe câu “nếu cột đèn biết đi, nó cũng đi”, tới 36 năm sau, cột đèn không chạy được nhưng người dân vẫn tiếp tục phải bỏ mồ mả ông cha để ra đi vì chế độ bất nhân của Cộng Sản.

Tháng Tư cũng đánh dấu một tháng sau trận động đất và sóng thần dữ dội tại Nhật Bản. Dân Phù Tang tiếp tục khốn đốn với những trận hậu chấn liên tiếp và phải đối phó với sự rò rỉ phóng xạ đe dọa sức khỏe, mạng sống của người dân. Một điểm cũng làm cho lòng cảm thấy ấm cúng đôi chút trong việc cùng nhau góp một bàn tay giữa nhóm bạn bè thân hữu và những tấm lòng vàng của các mạnh thường quân, số tiền thu được lên cao hơn mức dự trù!

Tháng Tư năm nay có quá nhiều điều để nhớ. Tháng Tư của 36 năm lưu lạc xứ người, 36 năm lúc nào cũng quay quắt với những kỷ niệm dấu yêu nơi đất Mẹ. Tháng Tư tại Dallas là lúc bầu trời dễ chịu, có thể ngồi ngòai sân nhìn ngắm đất trời với lòng nhung nhớ mang mang và cố gắng vượt cơn buồn để cho mình một vài hy vọng, vì sống là hy vọng, không có hy vọng con người không thể nào đương đầu với những bất trắc khó khăn của cuộc đời. Và ai trong chúng ta không mơ có một ngày về nhìn lại quê hương thân yêu khi chế độ phi nhân của Cộng Sản sụp đổ?! Tuy nhiên, biết bao nhiêu kẻ “chí còn mong tiến bước, nhưng sức không kham nổi đọan đường” như anh T., anh L. chẳng hạn. Vì vậy chúng ta “cần được dắt dìu” (như lời thiết tha trong bài truy điệu Truyền Thống Võ Bị), chúng ta nguyện cầu hồn thiêng sông núi, nguyện cầu chiến sĩ Vô Danh, phù trì cho cộng đồng hải ngọai có một sức mạnh đòan kết yểm trợ cho cuộc đấu tranh tại quốc nội, sẽ lật đổ chế độ độc ác của Cộng Sản trong một tháng Tư nào đó, không xa, và trang sử nước Việt sẽ đánh dấu một cuộc cách mạng Hoa Lài trên quê hương hình cong chữ S!

Thu Nga