PDA

View Full Version : Tháng 4 : Không thể nào quên



Longhai
04-21-2012, 08:38 AM
Tháng 4 : Không thể nào quên !

Hoa Hoàng Lan


“Ngày 28 tháng 4 năm 2001

Anh yêu dấu,

Bây giờ đã là tháng 4...

Nhưng là tháng 4 của năm 2001, chứ không còn là tháng 4 của năm 1975 nữa. Trái đất đã quay hai mươi sáu vòng quay tròn trịa chứ không đứng yên một chỗ. Vì thế con người cũng đã quay cuồng trong hai mươi sáu nhịp quay ấy với một tốc-độ kinh-hoàng và một thay đổi ghê gớm: Anh đã không còn hiện hữu trong nhịp quay ấy nữa. Và em thì quay tít như một con vụ trong tay một đứa trẻ ham chơi trò quay vụ! Em không dừng được và cũng không muốn dừng. Đành phó mặc cho quả đất quay, số phận quay, và định-mệỉnh quay. Tất cả đều quay, nhưng có một thứ không quay và may mắn thay, em đã làm chủ được nó. Đó là tình yêu của em dành cho anh, vẫn trường-tồn và bất biến trong em. Dù đã hai mươi sáu năm qua. Biết bao thay đổi, thăng trầm, biết bao điều đã xẩy ra, và biết bao nhiêu nước mắt đã tuôn rơi. Với em, những dòng nước mắt khóc anh, đã thi nhau giọt dài giọt ngắn trên gối lẻ, và những dòng nước mặn ấy một phần đã được em nuốt ngược vào tim. Bao năm rồi, hình dáng anh vẫn chói lòa trong lòng em. Hai mươi sáu năm qua, một thời-gian dài đủ để lãng quên, đủ để mọi chuyện đi vào dĩ-vãng. Nhưng với em, trái lại, càng ngày càng mới, và bóng dáng anh vẫn theo dõi em trong suốt năm tháng qua. Em không thể nào quên, lại càng không thể nguôi ngoai nhung nhớ...

Em vẫn nhớ và vẫn ân hận rằng đã không có gì để lại đời với anh. Chúng mình vẫn gần nhau trong gang tấc, nhưng em vẫn nghĩ mình vụng về quá, ngây thơ quá, để đến khi mất nhau rồi, em mới thấy mình đã dại dột quá để mất nhau vĩnh-viễn...”

Bích - Huyền đọc lại những dòng nhật-ký như một lời thủ-thỉ chân thành nhất gửi đến người yêu không còn nữa. Hai mươi sáu năm qua, hình ảnh Khoa không một phút phai nhòa trong tâm khảm Bích-Huyền.

Trong tháng 4 năm 1975 ấy, Khoa đã từ chiến-trường về với Bích-Huyền trong một tâm-trạng hoảng loạn, một thần sắc lạc hồn và một tư-tưởng bi-quan yếm-thế. Buổi tối, cả nhà quây quần quanh chiếc radio để nghe tin tức chiến-sự. Có tiếng gõ cửa - không, tiếng đập cửa thì đúng hơn - của ai đó. Mẹ Bích-Huyền thoáng lo ngại, đưa mắt nhìn mọi người, từ cha đến hai chị em Bích-Huyền. Rồi nhanh như một con sóc, bà đi ra cửa và hé mắt qua khe cửa để nhìn ra ngoài. Trời tối, ánh đèn điện mờ không đủ soi sáng mặt người, nhưng bà cũng thấy lờ mờ hình bóng một quân-nhân. Rất nhanh, bà quay vào, thì thào vừa đủ cho chồng con nghe, nhưng đôi mắt bà hướng vào khuôn mặt của Bích-Huyền đang căng ra vì hồi hộp :

“Một người lính. Có mở cửa không ?”

Mẹ chưa nói dứt câu, Bích-Huyền đã tuôn chạy ra. Tay nàng nhẹ xoay nắm cửa. Cửa mở vừa đủ cho một người lách vào. Khoa! Khoa ào vào như một cơn lốc. Thân thể tiêu điều nhưng đôi mắt sáng quắc. Vịn vai Bích-Huyền, Khoa cất tiếng chào :

“Thưa ba má. Con mới về.”

“Con từ đơn-vị về à ? Tình hình ra sao con ? Coi bộ có bề gì không ?”. Ba của Bích-Huyền lo lắng hỏi Khoa, người Sĩ-quan mới vào làm rể nhà ông - chồng của Bích-Huyền - đúng chín tháng.

“Tình hình căng lắm ba ạ ! Binh lính rã ngũ nhiều lắm. Chúng con có muốn chiến-đấu nữa cũng rất khó khăn, vì các cấp chỉ-huy đã di-tản rồi. Không biết cấp lãnh-đạo như thế nào ? Không ai ra lệnh cho ai nữa hết. Con về đây như một người đào-ngũ !”

Ba của Bích-Huyền nhíu mày :

“Như thế nghĩa là thế nào ? Sao đài BBC vẫn bảo tình hình chiến-sự không đến nỗi nào. Bắc quân không tràn ngập miền Nam được. Quân-đội ta vẫn làm chủ tình hình.”

“Đó là đài ngoại-quốc họ loan tin. Theo con thì chẳng sớm thì muộn, Saigon cũng mất thôi.” Khoa nói vội.

“Nghĩa là chúng ta phải di-tản, nếu không muốn sống với Cộng-Sản ?”. Ba của Bích-Huyền gặng hỏi.

Chàng rể lắc đầu chán nản :

“Theo con thì đúng như thế. Con e rằng nếu không nhanh chân thì không kịp. Chúng ta không còn thì giờ lựa chọn nữa.”

Có tiếng khóc òa và tiếng mẹ của Bích-Huyền thổn-thức :

“Di-tản ? Trời ơi, di-tản ? Mà đi đâu mới được chứ? Mẹ sợ lắm các con ơi !”

Bích-Huyền vịn vai mẹ, nói lời trấn-an mẹ nhưng cũng trấn-an luôn cả nàng :

“Không sao, mẹ ơi ! Người ta sao mình vậy. Hàng triệu người. Mẹ lo gì.”

Có tiếng nổ long trời lở đất. Khoa kinh-ngạc la lên :

“Pháo-kích ! Việt-cộng pháo-kích !”

Mọi người không ai bảo ai, đều chui xuống gầm giường, gầm bàn và nín thở nghe ngóng. Có tiếng nổ tiếp theo. Và tiếng xe chạy vội vã trong đêm tối. Khoa ấn vội đôi vai Bích-Huyền và phủ chụp mình lên người vợ như một hành-động che chở, bảo-vệ. Bích-Huyền nép mình trong tay chồng, nghe hơi thở Khoa gấp rút trong lồng ngực chàng. Cùng với tiếng tim đập rộn ràng của mình. Không-gian im vắng bất thường. Mọi người đều nghe tiếng thở của chính mình. Ba của Bích-Huyền bò vội ra ngoài, đem vào chiếc radio. Ông cố bắt làn sóng của một đài ngoại-quốc, nhưng không được, chỉ nghe những tiếng động xa vời. Ông lắc đầu chán nản. Khoa thì thào :

“Chúng đã pháo-kích vào tới Saigon, như vậy là nguy ngập lắm rồi. Chắc vòng đai an-ninh của mình đã bị bỏ ngỏ.”

Mẹ của Bích-Huyền run giọng hỏi :

“Có khi nào chúng tràn vào thành-phố và tàn sát như Tết Mậu-Thân ở Huế không con?”

Giọng ba của Bích-Huyền cáu kỉnh :

“Bà hỏi thế, làm sao thằng Khoa biết mà trả lời ? Với Cộng-sản thì cái gì mà chúng không dám làm ?”

Lại có tiếng thút thít của bà mẹ. Đêm tối trở nên im lặng đáng sợ. Có tiếng sột soạt trên nóc nhà tôn. Mấy đôi tai căng ra nghe ngóng và sợ hãi. Một con mèo hoang đi kiếm ăn ban đêm và tiếng kêu tìm đực nghe nổi da gà. Mọi người im lặng lên giường đi ngủ.

Đêm ấy, thật dài. Có thể dài vô tận, vì không ai dám ngủ. Ai cũng thức và trăn trở trên giường, lo cho vận nước, lo cho mình và lo cho người thân.

Sáng hôm sau, người ta biết tin khách-sạn Majectic bị trúng đạn pháo-kích. Và khu Chi-Lăng, góc Ngô-Tùng-Châu, Phú-Nhuận cũng bị, có người chết. Rồi hình như có giao tranh ở Lăng Cha Cả, Ngã Tư Bẩy-Hiền, trại dù Hoàng-Hoa-Thám.

Một đêm. Hai đêm. Rồi ba đêm. Đêm thứ tư, Khoa có quyết định sáng mai sẽ bung ra ngoài tìm đường thoát thân. Chàng ân cần dặn dò Bích-Huyền thật kỹ. Bích-Huyền run lên trong vòng tay của Khoa. Cô gái mới lấy chồng được chín tháng, đã linh-cảm được sự chia lìa sắp đến, cố khắc ghi lời dặn dò của chồng vào lòng. Đã ba đêm qua, họ nằm bên nhau như những người bạn, thể xác không một chút rung cảm, và đòi hỏi ái-ân đã lịm tắt theo tiếng đạn pháo-kích nổ ngoài kia. Hôn lên mái tóc dài của Bích-Huyền, người lính chiến đã dặn dò vợ :

“Chắc anh phải đi trước, vì lệnh của ông Thiệu không cho đàn ông con trai cỡ tuổi anh ra khỏi nước. Anh đi rồi, khi có lệnh di-tản, ba mẹ và hai em sẽ đi dễ dàng theo họ. Rồi mình sẽ gặp nhau bên ấy. Mỹ hay Úc, hay gì cũng được. Kể cả Thái-Lan hay Phi-Luật-Tân, miễn là ra khỏi nước. Em nhớ điều ấy.”

Bích-Huyền nghẹn ngào :

“Lỡ lạc nhau?”

Khoa cương quyết :

“Đi đâu mà lạc ? Chắc chắn chính-quyền phải di-tản dân như miền Bắc đã di-cư năm 1954. Khi ấy, cả nhà sẽ gặp nhau. Anh sẽ tìm đường đi thoát, hoặc ra biên-giới với đám quân-đội còn lại. Cuối cùng, mình cũng sẽ gặp nhau.”

Rồi ngập ngừng, Bích-Huyền đòi hỏi :

“Em muốn anh cho em đứa con. Hôm nay, thời-kỳ an toàn của em đã hết. Em có thể có mang. Em muốn...”

Nỗi rạo rực chợt đến với Bích-Huyền. Người vợ trẻ ghì chặt thân hình chồng. Khoa âu yếm ôm sát vợ vào lòng và khẽ khàng nói :

“Anh cũng định thế. Nếu được, hơn chín tháng sau, chúng ta đã là cha mẹ và anh cũng yên tâm hơn, phải không ?”

Bích-Huyền nũng nịu :

“Anh đặt tên cho con đi !”

Vuốt ve tấm lưng của Bích-Huyền, Khoa mơ màng :

“Anh đã có tên rồi. Nếu là con trai, anh sẽ đặt là Bích-Lâm. Nếu con gái, sẽ là Bích-Ngọc. Trai hay gái, cũng lấy chữ lót của em làm chữ lót cho con.. Được không ?”

Rúc đầu vào ngực Khoa, Bích-Huyền hài lòng :

“Anh đặt sao thì em giữ nguyên như thế.”

Chợt một tiếng “ành” chát chúa của đạn pháo-kích 122 ly của Việt-cộng vang lên, rung động hết cả mọi thứ: tường vách rung lên, giường chiếu cũng rung lên và mái nhà thì rào rào như mưa cát. Có tiếng la thất thanh ở thật xa. Bích-Huyền nghe tiếng hét của mẹ nàng và tiếng chạy tất bật của cha cùng em gái. Nàng cũng cùng Khoa lăn vội xuống đất. Sau tiếng nổ long trời lở đất ấy, thì mọi người đều tỉnh hẳn, không ai còn ngái ngủ nữa. Những con mắt căng tròn vì lo lắng, mong cho trời mau sáng. Khoảng nửa đêm, mọi người lại bảo nhau lên giường tìm chút giấc ngủ để ngày mai có sức mà lo toan công việc. Khoa và Bích-Huyền mệt mỏi, thiếp đi trong một giấc mơ đẹp, không có chia ly và chết chóc.

Đêm sau, giặc lại pháo kích vào khu Phi-trường Tân-Sơn-Nhất . Rồi ông Vũ-Văn-Mẫu đuổi DAO về nước và Mỹ đã rút ra hạm-đội, bỏ mặc cho quân-đội Việt-Nam với mớ bòng-bong của đất nước.

Buổi sáng, không có ly cà-phê như thường lệ, ba của Bích-Huyền đăm-chiêu khác thường. Tình-hình chiến-sự cùng những quả đạn pháo-kích trong thành-phố khiến ông không một chút hy-vọng tươi sáng ở quân-lực hùng hậu của đất nước ông. Ông biết Khoa đã từ-giã vợ và chào cha mẹ vợ, rồi theo đoàn người hốt hoảng nhào ra bến Bạch-Đằng để tìm đường ra khơi. Bích-Huyền như ngây dại khi nhớ đến lời hứa “cho con” của Khoa chưa kịp, thì đạn pháo-kích đã rơi xuống thành-phố, khiến cho kế-hoạch của Khoa và Bích-Huyền đành bỏ dở. Bích-Huyền càng hốt hoảng khi đêm đến, không thấy Khoa trở về. Nàng không tin Khoa đã ra khơi di-tản dễ dàng như thế. Nhưng nàng nghe kể cứ tràn ra bến Bạch-Đằng, thế nào cũng đi được. Đa số là đàn ông con trai, chứ phụ-nữ như Bích-Huyền ai mà dám liều lĩnh. Có người dặn cha mẹ đi một lát về, rồi xuống tầu đi luôn. Có người bán xôi, theo chân người ta bán xôi ở bến tầu, cũng tràn lên tầu và đi lọt. Bích-Huyền nghe chuyện, ngẩn ngơ hỏi :

“Thế tại sao Khoa lại không dẫn nàng đi theo nhỉ ?”. Đặt câu hỏi, nhưng Bích-Huyền không thể trả lời được. Nhưng kể từ đấy, Bích-Huyền đã mất tin tức của Khoa. Không ai gặp chàng đâu nữa. Nhiều người biết rằng Khoa đã chết. Và Bích-Huyền đơn côi kể từ ngày ấy của tháng 4.

Tháng 4 : Bích-Huyền không thể nào quên được cái nhục của ông tướng hèn hạ Dương-Văn-Minh - con cháu của Lê-Chiêu-Thống “Cõng rắn về cắn gà nhà” mà sử sách đã ghi - đã vội trao “ấn kiếm” cho phe bên kia vào chiếm thành-phố, khiến cho những tướng tài-ba, Anh-hùng như Tướng Nguyễn-Khoa-Nam, Tướng Lê-Văn-Hưng, Tướng Lê-Nguyên-Vỹ, Tướng Trần-Văn-Hai, Tướng Phạm-Văn-Phú và Tá Hồ-Ngọc-Cẩn đã chết theo thành, để khỏi sa vào tay giặc. Bích-Huyền cũng không thể nào quên được cảnh đói khổ của toàn dân Saigon, vựa lúa của miền Nam mà nay phải ăn độn kinh-hoàng. Bích-Huyền cũng không thể nào quên được bao nhiêu tinh-hoa của đất nước đã kéo nhau vượt trùng-dương, ra nước ngoài và số còn lại mang thân lưu đầy trên rừng núi. Năm tháng qua, thời-gian lạnh lùng trôi, nhiều người đã nằm xuống, thôi không còn trăn trở với hiện tình đất nước và nỗi mất quê-hương không còn khiến họ quên ăn mất ngủ.

Tháng 4 : Bích-Huyền không thể nào quên Khoa muốn để lại cho nàng một đứa con. Nhưng đêm cuối cùng, anh đã quên thi-hành nghĩa-vụ làm chồng và Bích-Huyền đã quên không đòi hỏi Khoa phải thực hiện công-tác truyền giống ấy trước khi Khoa đi vào nơi gió bụi. Để bây giờ, dù muốn dù không, Khoa đã không còn gì để lưu lại với đời. Bích-Huyền không nguôi ân hận và Bích-Huyền không thể nào quên những ngày tháng không thể nào quên ấy.

Tháng 4 !
Không thể nào quên !


Hoa Hoàng Lan