PDA

View Full Version : Một thuở dấu chân anh



Longhai
04-20-2012, 02:41 AM
Một thuở dấu chân anh

Gửi các bạn Khoá 15 SVSQ/TĐ

Ngũ Lang


“Quỳ xuống các người…!”

Tiếng hô của vị Sĩ quan điều khiển chương trình buổi lễ gắn An pha năm nào như vẫn còn vang vang quyện trong nỗi nhớ. Làm sao có thể quên được giây phút đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cả một đời người. Những năm dài mài đũng quần trên ghế nhà trường đã hầu như mờ nhạt theo những giọt mồ hôi trong cái nắng đổ lửa trên những ngọn đồi Tăng Nhơn Phú. Kể từ giây phút này tất cả cuộc sống thư sinh đã rơi rụng ở những bãi tập chiến thuật, địa hình. Nước da trắng trẻo, mái tóc bồng bềnh đã đen sạm lại cùng với mái tóc ba phân cũn cỡn.

Tôi còn nhớ tiếng người Sĩ Quan Cán Bộ nói như hét vào tai chúng tôi khi vừa bước qua khỏi cỏng trường: “Các anh hãy quên đi những chức vụ và bằng cấp của các anh ngay khi bước vào cổng quân trường này. Hãy nhớ bây giờ các anh là những người quân nhân…”

Làm sao có thể quên được khung cảnh trang nghiêm trong đêm gắn An pha. Cả một Vũ Đình Trường mênh mông không còn một âm thanh nhỏ sau tiếng hô của vị Sĩ Quan chỉ huy buổi lễ. Trong ánh sáng mờ mờ nhuộm vẻ huyền bí của những ánh đuốc quanh Vũ Đình Trường. Mọi người đều có cảm giác rờn rợn như hồn thiêng sông núi, hồn thiêng của những Niên Trưởng đã nằm xuống cho Tổ Quốc trường tồn đang lẩn khuất đâu đây. Có chăng chỉ còn lại nhịp đập xúc động của những trái tim trong lồng ngực.

Những cặp An pha sáng loáng được các Sĩ Quan Cán Bộ và các Sinh viên Sĩ quan khóa đàn anh lần lượt gắn lên cầu vai áo kèm theo những lời khuyến khích chúc tụng. Thời gian huấn nhục cam go nhất của “Tân khóa sinh” đã vượt qua.

Mới vài tháng trước còn là những chàng thư sinh với mái tóc dài thậm thượt. Những bộ cánh dạo phố nay đã được thay bằng bộ quân phục tác chiến với đôi giày sô nặng nề. Những mái tóc dài đã rơi lã tả theo đường tông đơ của người thợ hớt tóc một cách không thương tiếc. Có nhiều chàng đã ngậm ngùi khi nhìn vào trong gương thấy mình tự nhiên biến thành người xa lạ với chính mình.

Những ngày nắng cháy trên các bãi tập với những giọt mồ hôi bò dài trên mặt trên lưng biến nước da thành xạm đen rắn rỏi. Những mũi thuốc TAB đã tạo cho cơ thể chịu đựng được với những ngày tháng “giải nắng dầm mưa” nơi quân trường nắng lửa mưa giông. Tất cả là lệnh, từ miếng ăn tới giấc ngủ. Có những buổi từ bãi tập chiến thuật về chưa kịp rửa qua mặt mũi chân tay đã vội vã bước vào hàng ngũ. Một cuộc chạy marathon từ phòng ngủ xuống phòng ăn, mồ hôi đẫm ướt áo. Nhưng đã thoát nạn đâu.

Tiếng vị Sĩ Quan trực đã oang oang:

- Các anh đói chưa? Dĩ nhiên mọi người la lớn “đói…”

- Như vậy các anh phải nhớ ơn những người lo lắng cho các anh bữa ăn. Tất cả di chuyển chạy quanh phòng ăn ba, năm hay mười vòng, tuỳ lòng “hảo tâm.” để tỏ lòng cám ơn người đã chuẩn bị cho các anh bữa cơm ngon miệng này!

Mồ hôi tiếp theo những giọt mồ hôi chen chúc trên đầu trên cổ trên lưng. Vào phòng ăn rồi vẫn chưa thoát tội. Ngồi xuống đứng lên cho đến khi nào đều mới bắt đầu được ăn. Với các ngài thì biết bao giờ mới được chấp nhận là đều đây.

Thôi thì các vị tha hồ hành tỏi cho đến lúc những tên đàn em ngắc ngư lúc đó mới được tha tào. Từ cử chỉ cầm chén bát, gắp thức ăn cho đến nhai, nhất nhất đều phải khoan thai từ tốn. Vì “Tương lai các anh sẽ là những Sĩ Quan, các anh phải là những tấm gương cho thuộc cấp”

Không có một quân nhân nào xuất thân từ quân trường có thể quên được “Những tuần huấn nhục” và đêm gắn An pha để chính thức trở thành những Sinh Viên Sĩ Quan. Thoát khỏi những hình phạt quái đản trong tuần huấn nhục thì lại đến những phập phồng lo âu vì tờ giấy phép!

Trong thời gian là một Sinh Viên Sĩ Quan tờ giấy phép xuất trại vào những ngày cuối tuần mới quan trọng và quy giá làm sao! Tờ giấy phép đã trở thành tờ thông hành quan trọng cho những chàng trai tập làm lính trận có dịp trở lại với thế giới ngoài đời. Nhất là những chàng đã sớm bước chân vào ngưỡng cửa tình ái với những hẹn hò yêu đương để cùng những mái tóc thề tìm lại dấu yêu xưa trên những con đường hàng cây lá đổ. Cũng có những anh chàng “thí mạng cùi với 301”* bằng cách chui rào về thăm người yêu. Số này thì rất ít vì chẳng anh chàng nào muốn ra trường với “cánh gà” trên tay áo! Như nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đã rên rì “Anh hỏng tú tài, anh trượt tình yêu…”

Chắc các bạn trong Đại Đội tôi không thể quên bài học chiến thuật đầu đời, “Lính gác giặc.” Vị sĩ quan huấn luyện viên chiến thuật khóa tôi có Trung Úy Lư. Tôi không nhớ họ của ông. Chúng tôi đặt cho ông cái biệt danh là “Hung thần chiến thuật” cũng chẳng ngoa. Không bao giờ chúng tôi được đếm bước thong dong cả. Tất cả Sinh Viên Sĩ Quan đều phải “súng cầm tay… chạy” Có điều ông không bắt học trò của ông chạy một mình, mà chính ông cũng chạy theo.

Buổi sáng hôm đó, tôi còn nhớ, lớp học bài “Lính gác giặc” là khu đất trống vườn điều. Khu vực này những năm sau là Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia.

Lớp học bắt đầu sau khi Sinh Viên Sĩ Quan Tuần Sự Đại Đội trình diện Sĩ Quan Huấn luyện Viên. Tôi nhớ là chúng tôi vừa được phát “đạn mã tử” Vị Sĩ Quan Huấn Luyện Viên ra lệnh lấy hết đạn ra. Cũng phải nói quanh bãi học có rất nhiều cây, như một rừng chồi.

Trung Úy Lư là một Sĩ Quan Huấn Luyện Viên mặc dù rất “hắc ám” nhưng hầu như tất cả anh em đều kính trọng. Ông dạy rất lôi cuốn nên thường không có anh em nào ngủ gật. Lớp học đang sôi nổi. Nào là người lính gác giặc phải dùng mọi giác quan để phát giác địch. Mắt quan sát mọi di động trong tầm nhìn, mũi phát giác mùi lạ… Bất thần những tiếng hô “Xung phong…” vang lên tứ phía. Những tên “Việt cộng” nón cối dép râu từ dưới đất chồi lên. Cả Đại Đội bị một bữa kinh hoàng, bỏ chạy tán loạn. Có nhiều anh sợ quá “tè” cả ra quần!

Vừa lúc đó tiếng còi tập họp vang lên. Chúng tôi tập trung trở lại bãi học. Hóa ra Huấn Luyện Viên đã cho các quân nhân cơ hữu của trường ăn mặc giả Việt cộng, đào hố nằm chờ sẵn để gây bất ngờ tạo hứng thú cho lớp học.

Thời gian đã gần nửa thế kỷ qua đi, bài học năm ấy vẫn thật sinh động trong ký ức của những ngày đầu bước vào cuộc đời “giày sô áo trận”.

Sau này khi gặp lại “ông thầy” vẫn còn đeo Trung Úy trong lúc học trò đã móc Đại Úy, một vài anh em đã lên Tá! Ông là Sĩ Quan cương trực, lại bị nghiện rượu nên đời binh nghiệp của ông không xuông sẻ chút nào.

Thời gian là một Sinh Viên Sĩ Quan có rất nhiều kỷ niệm để nhớ. Từ một chàng thư sinh lột xác trở nên một cấp chỉ huy Trung Đội Trưởng lúc mới ra trường. Những ngày phép trở về đô thị thật là thần tiên. Lúc trước suốt ngày lang thang trên những con đường thấy sao mà chán. Chỉ mấy tháng cách xa trở về, cũng vẫn những con đường đó, những hàng cây cao bóng đổ đó trở nên thật dễ thương và quyến rũ lạ.

Từng góc phố, những quầy sách vỉa hè; những con đường tấp nập người và xe cộ sao vui quá. Bao nhiêu chiều ngồi dựa gốc cây trên đồi 30, ôm khẩu Garant M.1 ngắm đoàn xe di chuyển trên xa lộ Sài Gòn Biên Hòa để tiếc nuối những ngày tháng cũ. Những buổi trưa dưới con nắng hừng hực lửa vẫn gân cổ hát “Lục Quân Việt Nam hành khúc” theo dòng mồ hôi bò trên lưng, trên Vũ Đình Trường.

Bây giờ chúng tôi đang quỳ trước khán đài với một mớ tình cảm thật lạ. Cả ngàn trái tim hồi hộp chờ đợi. Không gian như trầm xuống đến nỗi tiếng lá rơi nhẹ cũng có thể nghe được. Trên cầu vai đã lấp lánh cặp An pha dưới ánh đuốc bập bùng. Tiếng hô của vị Sĩ Quan chỉ huy phá tan không gian tĩnh lặng:

“Đứng giậy các Sinh Viên Sĩ Quan…” Chúng tôi chính thức vượt qua thời gian huấn nhục của một tân khóa sinh. Tiếp đến là thời gian tự do tiếp các thân nhân lên trường tham dự lễ gắn An pha.

Đoạn đời của một Sinh Viên Sĩ Quan “Tò giấy phép xuất trại” mới quí làm sao. Trưa thứ bảy hay sáng chủ nhật tập họp chờ nhận tờ giấy phép sao mà hồi hộp thế. Sĩ Quan Trung Đội Trưởng chỉ cần đứng chiếu cố trước mặt lâu một chút là coi như tờ giấy phép cháy vèo.

Từ khẩu súng Garant M.1, giường chiếu, tủ quần áo đến đôi giày sô quần thảo cả tuần cũng phải o cho càng bóng càng tốt. Tóc hơi dài, vài cọng râu cạo không sạch, chào kính không nghiêm trang… đành thay quân phục để “lau cầu, trà láng!” Đành ngậm ngùi lỡ hẹn cùng “người em gái tóc thề” để dung dăng dung dẻ đếm bước bên người tình trên từng con đường phủ bóng me xanh.

Sau khi lau cầu, chà láng xong tà tà xuống Câu Lạc bộ Diệm Song hay Hùng Vương làm bạn với ly cà phê cùng khói thuốc để mà nhớ mà thương người tình đang chờ đợi, hay giận hờn. Gan lì thì ghé xuống khu gia binh làm “chai bia con cọp” giải sầu. Cũng ngán lắm, lỡ tổ chác gặp Sĩ Quan Cán Bộ đóng đô dưới đó lại càng thêm khổ với màn “trình diện dã chiến”

Cái màn này cũng không kém hấp dẫn. Một người trong Trung Đội bị “trình diện dã chiến” đêm coi như cả Trung đội mất ngủ.

Trên người đang mặc bộ tác chiến, Sĩ Quan Trực ra lệnh

“Cho anh năm phút chạy về thay quân phục số hai lên trình diện!”

Từ văn phòng trực Đại Đội chạy về tới Trung đội có nhanh cũng mất 60 giây. Chỉ còn nước nằm dài ra cho bạn bè vừa lột vừa mặc để kịp chạy trở lên trình diện.

May gặp Sĩ Quan hiền một chút thì chừng hai phùa là được tha. Chẳng may gặp “kiến lửa” thì bốn năm phùa là chuyện nhỏ. Lại còn bị dậm chân tại chỗ hát… rồi bò, nhẩy xổm, xoay nòng. Thôi thì đủ sáu món ăn chơi. Sau màn quần thảo về đến phòng ngủ cơ thể rã rời, tơi tả như cái mền rách!

Vừa gắn An Pha, đi phép được vài lần tới thời gian cúp phép triền miên vì Sài Gòn lên cơn sốt vì bệnh dịch hạch. Những ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật đành ôm súng gác trên chòi cao để tưởng nhớ về đô thị. Tôi thuộc nhóm anh em mang danh “Con bà phước” nghĩa là chẳng ai thăm nom trong suốt khóa học. Những hôm không đúng phiên trực cũng lang thang ra khu Tiếp Tân để coi “những cặp tình nhân… tụi nó mi nhau!” Buồn. ghé câu lạc bộ kêu ly trà đá nhâm nhi một mình cho quên “nỗi sầu biết tỏ cùng ai”.

Gặp ngày trực sẵn sàng tình nguyện “đứng trên chòi cao” gác cả buổi hay nguyên ngày cho bạn bè “hú hí” với người thương người nhớ thả dàn. Những ngày đó được bạn bè o bế tiếp tế không thiếu món gì. Nếu không thỏa mãn nhu cầu thì “… Mày lên gác, tao đi chơi” Tiếp theo là một màn năn nỉ ỉ ôi mới làm bộ “tội nghiệp tụi nó” ngồi lại với đủ bộ cà phê thuốc lá.

Phải thú nhận thời gian là Sinh Viên Sĩ Quan thật cực nhọc nhưng lại là đoạn đời không thể quên của những chàng trai chấp nhận cuộc đời “:giày sô áo trận”

Kể chuyện vừa đi vừa ăn, hay vừa ngủ thì các bạn bè “sơ mi cổ cồn” lại gân cổ “tụi mày nói phét!” Nhưng đó là chuyện thực một trăm phần trăm. Trong lần di hành từ trường dọc theo xa lộ, rẽ vào Giồng Ông Tố trở về trường bằng cổng số 8. Đoạn đường khá dài và phải di chuyển giới hạn thời gian nên không được nghỉ dọc đường. Chúng tôi dùng nón sắt nhận phần ăn trên đường di hành. Khổ nỗi hôm đó gặp buổi chiều mưa lớn lúc vừa vượt qua Giồng Ông Tố. Đành xử dụng “bàn tay năm ngón ôi bàn tay năm ngón” lùa cơm trộn nước mưa nhét đầy cái bao tử đang lên tiếng phản đối. Sau đó chàng đi sau vịn ba lô chàng đi trước bước thấp bước cao… ngủ!

Những ngày “thao trường đổ mồ hôi…” cũng trôi qua mau. Anh em ai cũng nôn nóng chờ đợi ngày “khai hoa nở nhụy”. Theo truyền thống trước khi rời trường mẹ cho những cánh chim bay về khắp bốn vùng chiến thuật là cuộc hành quân cuối khoá.

Buổi sáng ngày 31 tháng 10 năm 1963, tất cả các Đại Đội di chuyển tới điểm xuất phát trên Quốc Lộ I trong địa phận Quận Dĩ An. Một Đại Đội Biệt Động Quân đã nhảy vào khu vực từ những ngày hôm trước để “clear vùng”. Thời gian này binh chủng Biệt Động Quân đang thành lập cấp Tiểu Đoàn.

Mặc dù là cuộc hành quân cuối khóa của Sinh Viên Sĩ Quan nhưng đi thẳng vào vùng địch, ven biên mật khu Rừng Cò My. Vũ khí đạn dược được trang bị như những người lính tác chiến thực sự. Khi các Đại Đội vừa tiến vào khu rừng thì những tiếng nổ vang lên. Trong hệ thống vô tuyến báo cáo một Tiểu Đội rơi vào bãi mìn của cộng sản gài sẵn. Có những Sinh Viên Sĩ Quan tử thương và bị thương! Từ lúc đó cuộc tiến quân chậm hẳn lại.

Tiến vào sâu hơn là khu rừng tre gai. Những hầm trú ẩn, cả bếp nấu ăn của Việt cộng vẫn còn nguyên, chúng không kịp xóa dấu vết trước khi rút đi.

Cả một đêm những chàng Sinh Viên Sĩ Quan hườm súng chờ một cuộc tấn công. Pháo binh bắn gây rối xung quanh địa điểm đóng quân suốt đêm. Hỏa châu soi không đủ sáng trong khu rừng chồi. Vị trí Trung Đội tôi nằm cạnh một khu mộ cổ. Hầm hố được hoàn chỉnh trước khi trời xụp tối. Khẩu trung liên BAR của tôi đạn dược sẵn sàng nhả đạn bất cứ lúc nào.

Anh chàng phụ xạ thủ khá nhát gan. Màn đêm vừa xuống mồ mả vây xung quanh, chàng ta không dám gác một mình nên tôi phải nằm bên cạnh. Đang mơ mơ màng màng tôi bị kéo bật dậy bởi một tràng tiếng nổ chát chúa bên tai.

-Mày thấy cái gì mà bắn loạn lên vậy?

-Tao nghe tiếng sột doạt ngay phía trước. Tao tưởng tụi đặc công bò vào. Tên bạn phụ xạ thủ trả lời.

Trên hệ thống truyền tin Tiểu Đoàn Sinh Viên yêu cầu báo cáo về nguyên nhân nổ súng. Tôi báo cáo lại nguyên văn tình hình.

“Lục soát phía trước” Lệnh của cán bộ Đại Đội Trưởng.

Chỉ cách vị trí khẩu trung liên khoảng 10 thước một con chó chết nhăn răng! Con chó xấu số mò vào vị trí đóng quân kiếm ăn, nhưng lại đi ngay vào họng khẩu trung liên, nó cũng hên không bị tan xác trong bãi mìn.

Sáng ngày 1 tháng 11 chúng tôi được lệnh di chuyển trở về trường với khẩu lệnh rõ ràng: Khi ra tới Quốc Lộ 1 tất cả súng phải tháo đạn trong tư thế súng đeo vai. Tất cả đều ngạc nhiên với cái lệnh có vẻ “quái đản” này. Chúng tôi được lệnh tập trung trong một rừng cao su gần chợ Thủ Đức. Sau đó được lện di chuyển về trường. Vũ khí trong tư thế “súng cầm tay chỉ địa!”

Khi di chuyển ngang qua chợ Thủ Đức, đồng bào đứng hai bên đường rất đông vẫy tay chào vui vẻ. Có vài người còn “Hoan hô đoàn quân giải phóng thủ đô Sài Gòn” và những tiếng thì thầm “Đoàn quân số 8 về Sài Gòn…” Chẳng là chúng tôi lúc đó đeo An pha một gạch nên dân chúng lầm tưởng là số 8.

Tới lúc đó anh em mới té ngửa là có đảo chánh ở Sài Gòn nhờ cái radio transitor của tên ĐVN lúc nào cũng để trong ba lô.

Tại ngã tư Xa Lộ có hai khẩu đại bác 105 ly hướng về Sài Gòn. Những người lính Sư Đoàn 5 gườm súng quan sát tụi tôi với cặp mắt không mấy thân thiện.

Cuối cùng cả khóa cũng qua cổng trường an toàn. Một dãy xe GMC đậu dọc theo những con đường nhỏ quanh Vũ Đình Trường như đang chờ đợi. Chúng tôi nghe hai cái lệnh trái ngược: Ra vị trí phòng thủ và lên xe về Sài Gòn. Cuối cùng, sau bữa cơm chiều vội vã các Đại Đội được lệnh bố trí quanh hàng rào phòng thủ.

Màn đêm vừa xuống chúng tôi nhận được tin tức từ những chiếc radio nhỏ: “Trường Bộ Binh Thủ Đức đang bị lực lượng Sư Đoàn 5 bao vây vì chưa lên tiéng ủng hộ cuộc cách mạng?” Liên tiếp các Sư Đoàn, các Quân Đoàn lên tiếng cùng những đơn vị chuyên môn khác. Trong khi đó Trường Thủ Đức vẫn “im lặng vô tuyến…!”

Có tiếng càu nhàu,

-Kiểu này chắc Sư Đoàn 5 làm cỏ tụi mình quá. Lấy trứng trọi đá chắc tiêu.

Nỗi lo lắng qua, tụi tôi thở phào như trút được gánh nặng khi tiếng nói phát ra từ máy phát thanh: “Đại Tá Lam Sơn Chỉ Huy Trưởng Trường Bộ Binh Thủ Đức lên tiếng ủng hộ cuộc cách mạng của các Tướng Lãnh lật đổ chế độ gia đình trị của Ngô Đình Diệm…”

Chúng tôi vẫn phải nằm bẹp ở vị trí phòng thủ tới sáng hôm sau mới được lệnh về phòng.

Tin tức Tổng Thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu bị giết chết được loan đi! Nhật lệnh của Tổng Tham Mưu và các Tướng Lãnh phát đi suốt ngày kèm theo những bản nhạc hùng ca.

Khoảng một tuần sau Đại Tá Lam Sơn ra đi, được thay thế bằng Thiếu Tướng Trần Ngọc Tám về thay thế. Bài diễn văn của Thiếu Tướng Tám nói trước các Sinh Viên Sĩ Quan tại Đại Giảng Đường làm nhiều người bụm miệng không dám cười lớn.

Hình như Thiếu Tướng Tám muốn chứng minh tính bình dân của mình nên đã phát biểu trước các Sinh Viên Sĩ Quan: “Tôi chơi với Sĩ Quan, tôi chơi với Hạ Sĩ Quan, tôi chơi với Binh Sĩ và tôi… chơi luôn các… Nữ Quân Nhân!”

Phải thú nhận lúc đó Đại Tá Lam Sơn vẫn là hình ảnh lý tưởng của những tên lính mới tò te như tụi tôi. Với thành tích chiến đấu và với cả thành tích đánh cố vân Mỹ, khi duyệt hàng quân lúc bàn giao Đại Tá Lam Sơn oai phong như một con sư tử đi bên cạnh Thiếu Tướng Trần Ngọc Tám, không sao so sánh bằng. Rất tiếc hình ảnh oai phong đó đã không còn sau thời gian ông được gắn một sao!

Những cánh chim đã rời tổ Mẹ bay về bốn phương trời vào ngày 27 tháng 11 năm 1963 với tên khóa: “Cách Mạng 1 tháng 11”. Khóa đàn anh vẫn còn mang tên “Nhân Trí Dũng Ghi Ơn Ngô Tổng Thống…!” Đời này thay đổi sao nhanh qua!

Bốn mươi bảy năm trôi qua, những mái đầu xanh năm nào với hừng hực lửa cuộc sống tới nay đã bạc mái đầu. Biết bao bạn bè đã yên nghỉ nơi nào đó trên quê hương trong cuộc chiến chống lại kẻ bạo tàn, đó là đảng cộng sản Việt Nam và bè lũ xâm lược phương bắc. Và bao nhiêu đồng đội đã vùi thây nơi những trại tù heo hút vùng núi rừng biên giới trong chính sách trả thù ti tiện của tập đoàn bán nước Bắc bộ phủ!

Mùa xuân Canh Dần trở về trong niềm đau mất quê hương, trong cuộc sống lưu vong. Chắc hẳn bạn và tôi, chúng ta cùng mong mỏi ngày trở về trong vòng tay yêu thương của dân tộc Việt Nam.

Chúng ta vẫn là những người lính chưa một lần giải ngũ. Lời thệ nguyện đêm Vũ Đình Trường nơi trường Mẹ năm xưa vẫn còn vang vọng. Chúng ta làm gì để xứng đáng với lời thề “Tổ Quốc Danh Dự và Trách Nhiệm” của người lính, đó là câu trả lời của riêng mỗi chúng ta.

“Tổ Quốc lâm nguy thất phu hữu trách” Tiếng kêu đau thương của dân tộc Việt đang vang lên thiết tha lời kêu gọi diệt cộng cứu nước.

Xin hãy san bằng những di biệt, những bất đồng, xiết chặt tay nhau theo tiếng gọi của Diên Hồng. Trống trận Quang Trung đã điểm, mùa xuân diệt quân thù đang chờ đợi những tấm lòng của những người con yêu của Tổ Quốc Việt Nam.

Ngũ Lang
*Phân Đội 301 Quân Cảnh.*