PDA

View Full Version : Đêm lưu vong ngồi nhớ bạn



Longhai
04-20-2012, 02:27 AM
ĐÊM LƯU VONG NGỒI NHỚ BẠN

Gửi cho hồn TTV và NTL những người bạn ở thế giới bên kia!

Ngũ Lang

Sau ngày bước ra khỏi nhà tù Z30A, Xuân Lộc tôi lao ngay vào công việc kiếm sống. Lúc này vợ tôi còn đã nằm trong “lầu bát quái!” hơn một năm. Tôi về vừa kịp lúc để cứu bốn đứa con không bị cuốn hút vào cái xã hội thối tha của cộng sản.

Từ trong trại tù khổ sai cộng sản bước ra tôi không biết phải làm gì để sống còn. Chuẩn bị tinh thần từ trước, tôi leo lên chiếc xích lô của tên bạn đạp thử, chút nữa thì gây ra tai nạn. Nhìn thì dễ nhưng khi leo lên chiếc xích lô mới thấy thật lọng cọng. Mới bước chân ra khỏi nhà tù, thân xác như con cò ma; không đủ sức đạp khi xe lên dốc. Ngồi trên chếc xích lô cao nghễu nghện chút nữa là đụng phải một người đang đi bộ. Cũng may gặp “phe ta” nên chỉ nhìn nhau cười thông cảm!

Xoay qua đi học nghề “hàn nhựa”. Cái nghề này mới phát sinh từ ngày “cáo về thành phố”. Sau một tháng cùng đứa con trai lớn học “hàn, cạo, đánh bóng” mấy cái bửng, vè nhựa Honda ở cửa tiệm người anh họ đã thành thạo. Hai cha con “xuống núi” hành nghề.

Chạy rạc cẳng mới mướn được cái hiên nhà trên đường Trần Quốc Toản, đối diện với trại Cảnh Sát Dã Chiến hồi xưa để đóng đô. Không ngờ cái “nghề” này lại khấm khá và nhàn nhã. Lúc đầu tên “công an khu vực” tới hoạnh họe làm khó dễ. May nhờ cô con gái ông chủ nhà mau mắn nhận là anh họ nên thoát nạn, chỉ tốn cà phê thuốc lá chút ít mỗi lần nó ló mặt tới. Tội cho cô gái cứ mỗi lần tên công an khu vực tới đều tìm cách tán tỉnh Co ta hoảng quá nên mỗi lần thấy bóng “bò vàng” tới cô ta đóng cửa trốn biệt trong phòng. Cô nói “Khi nào hắn bỏ đi anh gõ cửa báo cho em biết để em xuống nhà!”

Một buổi sáng bỗng dưng có anh chàng lừng khừng trải miếng bạt dưới gốc cây sao bên lề đường bày bán mấy con ốc và xên xe đạp lộn lại (Xên-lộn). Nhìn mái tóc muối nhiều hơn tiêu, thấy quen quá mà chưa dám nhận. Tôi vẫy tay chào lại nụ cười “cầu tài” của anh chàng này rồi lúi húi lo làm việc.

Buổi trưa vắng khách ngồi hút thuốc vặt, anh chàng đặt cái bàn tọa xuống ghế phía trước, toét miệng cười:

“Ê thằng quỷ sứ mày quên tao rồi hả?”
Gặp lại bạn cũ mừng quá,

“Mày là thằng –Loan Mắt Nhung- đây mà. Mấy chục năm không gặp, sao mày tàn tạ quá vậy. Lúc đầu nhìn thấy quen quen, nhưng tao đâu nghĩ mày ra nông nổi này, vì mày là nhà văn nhớn cơ mà! Tao cứ phải giữ thế thủ. Ở trong cái xã hội chó má không tình người này lỡ miệng đụng một tên hủi thì phiền phức lắm.”
Cười méo mó Long nói:

“Thì thuở trời đất nổi cơn gió bụi mà, mày cũng đâu có khá gì hơn gì tao mà bày đặt chê!”
Hai đứa nhìn nhau cười buồn. Long khều tôi ra khu chợ phía sau mua xị đế với con khô mực nướng ngồi lai rai tiêu sầu.

Khề khà mới hết nửa xị thì một tên mặt mày đen thui thủi như cột nhà cháy thẩy chiếc xe đạp bên lề đường, lừng lững bước vào. Cả hai cùng reo lên một lúc:

“Trần Thúc Vũ!”
“Tụi mày có rượu ngồi uống một mình, không mời anh em gì cả”
Tiếng Trần Thúc Vũ rổn rảng. Long quay qua hỏi:

“Ngọn gió nào đưa mày lạc tới đây vậy?”
“Gió máy cái con khỉ, tao làm nghề thồ gạo ngoài bến xe đò miền Tây kiếm cơm. Hôm nay ế độ về sớm, thấy tụi mày ngồi đây, mừng húm. Thằng nào đi đong thêm rượu cho tao uống ké với. Lâu quá rồi tụi mình chưa có dịp nào ngồi bù khú với nhau một bữa” Trần Thúc Vũ ra lệnh.
“Hai đứa lai rai đi, để tao chạy đi đong thêm đế về uống cho đả thèm. Khô cá hay mực đây?” Tôi hỏi.
“Mực, mực…Mày biết tao kỵ nhất là cá khô mà!”
Vũ la ong ỏng.

“Ê Long, mày biết biệt danh của thằng này trong tù là gì không?
Vừa ực một ngụm rượu, Vũ sấn xổ:

“Tao cấm không được đụng chạm đến nỗi đau khổ của tao trong tù”

Nhưng Vũ lại kể lể:

“Mày biết không Long, dân Bắc kít tụi mình chịu đếch nổi mùi bùn của con cá sặt. Thế mà một buổi đẹp trời bà vợ tao lên thăm nuôi tiếp tế cho tao mười con cá sặt khô. Tao biếu bạn bè chín con, giữ lại một con nướng ăn chơi. Khi móc trong bụng ra tao thấy có tờ một trăm đồng tiền hồ. Tao vội đi xin bạn bè móc bụng mấy con cá đã cho để thu hồi cái… ruột. Thế là từ đó tao chết cái biệt danh là Khô Cá Đính!”
Thấy tôi vẫn còn đứng nghe, Vũ hối thúc:

“Đi đong thêm rượu đi, tao hứa là đến khi mày về mới kể chương kế tiếp…”
Chẳng là hồi còn ở trong tù, đêm nào sau khi “vào chuồng” anh em đều tập trung lại chỗ Vũ nằm để “luyện chưởng” cho đến giờ tắt đèn đi ngủ. Ngày nào cũng phải cố chạy cho ra một lon guigơz “trà quạu” cùng mấy bi thuốc lào để cho “sư phụ” có hứng. Mấy tên “chèo” đi tuần cũng tạt vào đứng ngoài cửa sổ nghe ké. Nhiều đêm khi “tiếng kẻng chiêu hồn” báo giờ ngủ mà tên chèo cứ đòi nghe tiếp! Từ đó anh em kèo nèo mấy tên “kiến vàng” này cung cấp trà mỗi đêm.

Tên Trần Thúc Vũ có trí nhớ ghê gớm. Nó kể từng chi tiết nguyên một pho chưởng. Nó nhớ cả những thế võ của từng nhân vật uýnh lộn với nhau mới tài. Trong lúc thân xác nó như con cá mắm, khô đét gió thổi cũng ngả nghiêng, thế mà nó hùng hổ tung “chưởng nước miếng” tứ tung. Đến đoạn Lệnh Hồ Xung vừa uống rượu vừa luận về rượu nó khoái quá vỗ bụng bình bịch.

Tôi mê nhất những đoạn Kim Dung diễn tả tình tiết éo le của những cuộc tình trong các tác phẩm của ông ta. Hình như Kim Dung dựa vào chân lý “bên những người đàn ông siêu việt đều phải có một người phụ nữ vĩ đại…” thì phải. Cũng xin được thanh minh thanh nga với quý vị nữ nhân hai chữ “vĩ đại” ở đây tôi không ám chỉ là “dư trọng lượng” đâu, mong đừng nổi máu tam bành! Thật vậy vì tất cả những nhân vật võ công thần sầu quỷ khốc nào của Kim Dung cũng có một nàng tò tò bên cạnh. Anh chàng “trâu nước” Quách Tĩnh mà không có bóng dáng của Hoàng Dung chắc cũng chẳng làm nên cơm cháo gì. Giỏi lắm thì cũng trở thành “Trùm du côn” ở một thị trấn ngoại Mông nào đó là tối đa!

Anh chàng bét rượu Lệnh Hồ Xung cũng đến cả đời lẽo đẽo chạy theo cô con gái của tên sư phụ “ngụy quân tử Nhạc Bất Quần” để nghêu ngao “Đời tôi cô đơn” như kiếp con ve sầu là hết!. Cô nàng Nhạc Linh San bắt cá hai tay. Có tình với “Lệnh Hồ đại ca” nhưng lại chạy theo anh chàng giàu sang chỉ mong luyện cho xong môn võ công “Quỳnh hoa bảo điển” để trở thành thiên hạ vô địch. Đêm động phòng hoa chúc cô nàng cứ trăn trở thao thức chờ được đưa lên đỉnh vu sơn. Nhưng cũng tội nghiệp cho nàng vì cái tên ôn vật này đã “vung đao tự thiến” nên cô nàng chẳng còn sơ múi gì sốt cả!

Không hiểu cái anh chàng Lệnh Hồ Xung này bô trai đến mức nào mà cả tiểu ni họ Lâm cũng cứ liều mạng cầu xin bị đày xuống “chin tầng địa ngục” thay cho Lệnh Hồ sư ca được tai qua nạn khỏi! Cũng may cho tên này, nhờ tật “mê gái” nên thoát cảnh bị Nhậm cô cô vầm cho tan xác đem ngâm giấm!

Tính tình mấy cô gái cũng thật khó hiểu. Một tên bét rượu cứ khư khư ôm hình bóng của người yêu đầu đời đã lên xe bông từ khuya. Cả hai đành chịu cảnh “mỡ treo mèo nhịn!” Còn nàng tiểu thơ, con gái ma giáo “đẹp hết biết” lại cứ tò tò theo bên cạnh. Cuối cùng Kim Dung đã phán một câu xanh rờn làm Lệnh Hồ Xung hú hồn hú vía “Nếu ngày đó chàng không là một kẻ chung tình thì ta đã cho chàng một đao về bên kia thế giới rồi…!”

Có lẽ lúc đó cái anh chàng Lệnh Hồ Xung này mừng hết biết!

Cái anh bạn Trần Thúc Vũ của tôi cũng khá giống cái anh chàng đào hoa họ Lệnh này. Lúc nào cũng như kẻ mộng du, nói chuyện mây với chẳng mưa như “người ở cõi trên”. Sau này nghe giải bày tâm sự mới được “khai thông huyệt đạo…”

Vũ tức là mưa, anh chàng có người yêu tên Vân, tức là mây. Dĩ nhiên mây và mưa thì lúc nào cũng như hình với bóng. Có lần tôi chọc tức Vũ nên cắc cớ hỏi: “nêu Vân và Vũ dính chùm” thì sao? Anh chàng ngoác họng xỉ vả tôi muốn tắt bếp!

Tôi khoái nhất đoạn Kim Dung tả tình cảm mẹ con mà Nhạc mẫu dành cho Lệnh Hồ Xung. Trong một trận thư hùng bà bị đánh trọng thương, còn anh chàng mê gái Lệnh Hồ Xung ưỡn ngực chịu một gươm của người tình họ Nhạc cũng chút síu về bên kia thế giới đi “buôn muối!”. Hai thầy trò dìu nhau rời bỏ đấu trường chạy trồn. Cuối cùng dừng lại bên bờ suối, cất căn chòi lá để trị thương. Khi bà thấy vết thương càng trầm trọng nên gọi Lệnh Hồ Xung đến bên trăn trối:

“Mẹ biết không còn ở lại trên đời này với con được nữa. Xung nhi con hãy cởi chiếc áo của con đang mặc cho mẹ vá cho con lần chót như ngày xưa lúc con còn nhỏ!”
Bà đã lìa xa cõi “trần ai khoai sắn” để Lệnh Hồ Xung thui thủi một mình thọ tang sư mẫu bên bờ suối vắng!

Trong phim Hồng Kông cái đoạn hay hết biết này này lại bị lướt qua, thật uổng.

Nằm trong tù đã hơn tám niên nghe kể tới đoạn này tôi chạnh nhớ Mẹ già, nhớ vợ con, phải “thú nhận trước bình mình” là tôi đã khóc thầm vì nhớ quá. Nhớ người Mẹ cả đời thương yêu tôi, vì tôi là đứa con út của Mẹ! Và tôi cũng nhớ “con mẹ đĩ” rã rời vì phải lẽo đẽo theo nàng tới gần sáu niên mới “rước được nàng dzề dzinh…”

Đến mối tình của anh chàng Dương Qua và sư phụ Tiểu Long Nữ cũng thật thơ mộng. Có lẽ đây cũng là mối tình trò yêu thầy đầu tiên trong lịch sử ái tình gây cảm hứng cho Nguyễn Thị Hoàng viết “Vòng tay học trò” sau này chăng?

Anh chàng Dương Qua cũng bị thần ái tình hành hạ vất vả đến ngất ngư. Mấy chục năm trời lê bước chân giang hồ đi tìm người yêu. Tới đoạn này tôi lại chọc Trần Thúc Vũ nổi cơn thịnh nộ:

“Nếu Dương Qua là mày chắc mày đã bỏ quách nàng Tiểu Long Nữ kiều mỵ để đánh đu tình ái với mấy cô gái Bình Định thơm như mít tố nữ rồi phải không? Lỡ gặp lại nàng Tiểu Long Nữ mày lại vén môi cười cầu tài… thế là hòa cả làng”
“Mày chuyên môn nói xấu bạn bè, tao là kẻ trung tình hết ý, mày quên rồi à!” Rồi Vũ hạ giọng nói nhỏ “Nhưng hình như mày nói đúng ý tao!”
Tôi không nhắc lại những kỷ niệm lòng thòng của chúng tôi trong những ngày chinh chiến cũ, e làm mất thì giờ, quý vị sẽ thét lên “Biết rồi, khổ lắm nói mãi…”

Một buổi chiều Trần Thúc Vũ mặt mày phờ phạc sau một ngày kiếm sống ghé lại oang oang:

“Ê hai đứa đi về nhà tao nhậu một bữa coi” Tôi tiếc hùi hụi vì lúc đó tôi đã bắt đầu “vô giáo dục” nên phải từ chối:
“Hai đứa đi nhậu đi, tao lo kiếm cơm. Tao bỏ đi nhậu với tụi mày lỡ tao bi -mất dạy- là treo niêu luôn!”
Nhóm 3 đứa tụi tôi lại thất tán mỗi đứa một phương. Lần cuối cùng tôi gặp Nguyễn Thụy Long khi chàng du dương với người tình lạc về Gò Vấp trên một chiếc Honda. Y khoe đã kiếm được job mới trông coi mấy cái hồ cá gần nhà. Long cười hể hả,

“Mày đến khu tao ở cứ hỏi nhà -ông già coi hồ cả- tất cả nam phụ lão ấu đều biết danh tao” Còn Trần Thúc Vũ cũng đổi nghề mất biến luôn. Đi buôn gạo chắc không khá.
Cuối năm 1992 nghe tin Vũ bị bắt trở lại cùng thời gian với ông Nguyễn Lý Tưởng vì hoạt động trong một tổ chức nào đó. Bạn bè lại thất lạc nhau một lần nữa, có ngờ đâu là ba đứa không bao giờ còn gặp lại nhau nữa trên cõi trần gian này! Lúc đó tôi đang “thoi thóp” chờ chuyến bay đi xứ cờ hoa tái định cư theo diện tỵ nạn.

Những năm sau này nghe tin Vũ đã thoát bàn tay của cộng sản và định cư tại nam Cali. Tôi cố gắng liên lạc với Vũ nhưng lúc đó tôi đang “cày” vã mồ hôi để có đủ tiền thanh toán các thứ bill hàng tháng. Tôi nghĩ quanh quẩn ở xứ Mỹ này thế nào cũng có lúc gặp lại mhau.

Một hôm nhận được cuốn DVD tường thuật “Cuộc đối luận của Hải Triều với Nguyễn Hữu Nghĩa ở Lousiana” tôi gặp Vũ trong đó. Cũng mừng vì thấy tên này vẫn còn rất phong độ, giọng nói vẫn rổn rảng như ngày nào.

Một tên “Cư an tư nguy” ở tận San Diago cho số điện thoại nhà Vũ cũng là lúc được tin Vũ đang nằm nhà thương vì mắc phải căn bệnh ngặt nghèo.

Tôi vội bấm số điện thoại mong liên lạc lại với Vũ. Người trả lời lại là em của Vũ:

“Chị em vào nhà thương rồi, anh Đính đang hấp hối!” Tôi buông rơi điện thoại! Một thằng bạn lại rủ áo ra đi!
Trần Thúc Vũ chỉ là bút hiệu còn tên khai sinh của nó là Trần Kim Đính. Tôi đã gặp lại Trần Thúc Vũ trong một cái snack bar ở An Khê. Lúc đó nó đang phục vụ ở Tiểu Khu Bình Định. Vài lần say khướt bên nhau ở đâu đó và cuối cùng tái ngộ ở trại tù Z.30A Xuân Lộc vào năm 82.

Tôi đã tới để thắp nhang cho Vũ hai lần tại nhà, và tôi đã gặp vợ của Vũ lần đầu tiên. Tôi đã không kịp tới thăm bạn bè khi Vũ còn sống. Nhìn tấm ảnh của Vũ phảng phất trong màn khói nhang nhạt nhòa để thấy lòng thật buồn.

Một ngày đep trời đọc trên Khởi Hành mới biết Long được chọn trao giải thưởng. Tôi vội gửi tí tiền còm đóng góp. Mấy năm sau cũng tình cờ trên tờ Khởi Hành báo tin Nguyễn Thụy Long cũng đã giã từ “cõi tạm” theo Trần Thúc Vũ!

Vẫn biết cuộc đời có sinh phải có diệt, nhưng sao những người hiền lành lại cứ rủ nhau đi sớm quá. Trần Thúc Vũ cũng như Nguyễn Thụy Long vẫn còn phong độ sung mãn mà đã vội vã rủ áo ra đi bỏ lại bạn bè. “Những tên Bắc Kỳ cục chính gốc” chỉ bô bô cái miệng nhưng lại hiền khô. Bao nhiêu bạn bè quen biết nhau sau ngày giã từ đất Bắc xuống tàu há mồm vào Nam chạy trốn cộng sản cứ rủ rê nhau đi sạch.

Thời buổi chiến tranh những lần gặp nhau cũng không tàn một cuộc rượu. Một lần tôi gặp ông anh ruột ở phi trường Ái Tử Quảng Trị đầu năm 1971 sau những năm dài anh em mỗi người một góc trời. Ông rủ ra chợ Đông Hà ăn tô phở, nhưng tên Mỹ đã gọi lên tàu để bay vào Khe Sanh. Tôi chỉ kịp biếu ông anh cái túi ngủ tên cố vấn mới đưa cho.

Có những tên bạn mới ngồi bên nhau mà một giờ sau, cuộc rượu chưa tàn đã nghe tin nó chết. Đứa nào cũng chảy nước mắt, rót rượu ra đất để tiễn thằng bạn vừa giã từ cuộc chiến!

Đêm nay nhớ bạn bè, viết đồi giòng kỷ niệm về những tên đã vội rủ rê nhau biến mất khỏi cuộc sống hôm.

Bao giờ sẽ tới phiên mình đây!